text
stringlengths 82
354k
|
---|
Dương Chí Liệt (chữ Hán: 杨志烈, ? – ?) là thủ lĩnh người Giao Châu khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của nhà Đường.
Ông quê quán ở Long Biên, Giao Châu, tổ tiên vốn là dòng dõi hào trưởng lâu đời. Cha của ông là Dương Thanh được nhà Đường cử làm Thứ sử Hoan Châu. Năm 819, nhân được giao 3.000 quân đi đánh người Tày, Nùng, Tráng ở Hoàng Động (nay thuộc vùng Tây Bắc Việt Nam), ông cùng cha mình và thủ hạ thân tín là Đỗ Sĩ Giao đồng mưu kêu gọi binh sĩ không nên đi đánh người Hoàng Động mà phản lại Lý Tượng Cổ. Được các binh sĩ ủng hộ, hai cha con bèn mang quân về đánh chiếm phủ thành Tống Bình, giết chết quan đô hộ Lý Tượng Cổ, vợ con cùng hàng nghìn quan lại và thuộc hạ trong phủ. Rồi phát binh đánh chiếm toàn cõi Giao Châu khiến An Nam đô hộ phủ của nhà Đường bị rúng động.
Dương Thanh về sau bị tướng nhà Đường Quế Trọng Vũ đánh bại, con trai là Dương Chí Trinh bị bắt và xử tử vào năm 820. Tuy vậy Đỗ Sĩ Giao vẫn ủng hộ lập Dương Chí Liệt lên làm thủ lĩnh nghĩa quân và rút lui về Tao Khê ở Trường Châu (nay thuộc tỉnh Ninh Bình, Việt Nam) hòng bảo toàn lực lượng tiếp tục cuộc chiến chống lại nhà Đường. Nhưng chẳng được bao lâu vì thế lực suy yếu, quân lương cạn kiệt nên ông đành dẫn toàn quân ra đầu hàng triều đình nhà Đường. Không rõ số phận lúc cuối đời của ông ra sao. |
Dương Tư Húc (chữ Hán: 楊思勗, 654 – 740) là hoạn quan và tướng lĩnh thời Đường.
Thân thế và binh nghiệp.
Dương Tư Húc quê ở Thạch Thành, La Châu, vốn họ Tô về sau lấy theo họ cha nuôi. Thời trẻ ông làm Cấp sự ở Nội thị sảnh, từng theo Đường Trung Tông đánh dẹp thái tử Lý Trọng Tuấn năm 707, từng tháp tùng Đường Duệ Tông dẹp nội loạn Vi hậu năm 710, từng tháp tùng Đường Huyền Tông dẹp nội loạn Thái Bình công chúa năm 713, có công được thăng Tả Giám môn Vệ Tướng quân trở thành kẻ thân tín của Hoàng đế.
Trấn áp khởi nghĩa Mai Thúc Loan.
Đầu những năm Khai Nguyên (713 – 722), Mai Thúc Loan bên An Nam khởi binh chống lại nhà Đường, xưng hiệu là Mai Hắc Đế, đem quân ba mươi hai châu, bên ngoài giao kết với các nước Lâm Ấp, Chân Lạp, Kim Lân, chiếm cứ Hải Nam, phao tin mình đến bốn mươi vạn quân. Ông hay tin bèn dâng chiếu thư thỉnh cầu Hoàng đế cho cầm quân đánh dẹp, triều đình ưng thuận liền ban chiếu chỉ chiêu mộ con em các thủ lĩnh lên tới mười vạn người, cùng An Nam Đại đô hộ Quang Sở Khách theo đường cũ của Mã Viện thời Đông Hán tiến đánh bất ngờ khiến Mai Hắc Đế không kịp trở tay, toàn quân đại bại. Quan quân nhà Đường cho thu xác tàn binh bại tướng của Mai Hắc Đế chôn đắp thành gò Kinh quán rồi rút về nước.
Cầm quân dẹp loạn man tộc các nơi.
Năm Khai Nguyên thứ mười hai (724), thủ lĩnh vùng Ngũ Khê tên là Đàm Hạnh Chương khởi binh dấy loạn, triều đình bèn cử ông làm Kiềm Trung Chiêu thảo sứ chỉ huy sáu vạn quân đến thảo phạt loạn binh, bắt được Hạnh Chương rồi đem chém ba vạn thủ cấp, nhờ vậy mà được thăng Phụ quốc Đại tướng quân kèm theo bổng lộc và ban cho quân phòng gác. Ít lâu sau, Tư Húc lại theo Hoàng đế làm lễ phong thiện ở núi Thái Sơn, sau khi về triều được thăng làm Phiêu kỵ Đại tướng quân cùng tước vị Quắc quốc công.
Có tên Người Lạo ở Phong Lăng, Ung Châu là Lương Đại Hải làm phản triều đình, tụ tập binh mã kéo tới đánh phá các châu Tân, Hoành. Tư Húc lại cất quân dẹp yên, bắt được nhóm Đại Hải lên đến ba ngàn người bèn giết sạch để trừ hậu họa.
Người man ở Lung Châu là Trần Hạnh Phạm tự xưng Thiên tử, bộ hạ là Hà Du Lỗ xưng Định quốc Đại tướng quân, Phùng Lân xưng Nam Việt vương, đánh phá bốn mươi châu huyện. Tư Húc phụng mệnh triều đình thống lĩnh quân ba châu Vĩnh, Đạo, Liên cùng mười vạn nỏ binh vùng Hoài Nam, tập kích chém được Du Lỗ và Lân tại trận. Hạnh Phạm thấy đại thế đã mất bèn bỏ chạy vào các động núi Bàn Liêu, Tư Húc dốc quân đuổi đến cùng quyết một trận sống mái với địch, sau cùng bắt giữ và chôn sống tặc đảng sáu vạn người, thu hồi chiến lợi phẩm gồm ngựa cùng vàng bạc kể hàng vạn. Ông qua đời lúc về già, thọ hơn tám mươi tuổi.
Dương Tư Húc vốn bản tính tàn nhẫn cùng thói quen chém giết đến cùng. Tù binh nào rơi vào tay ông đều bị lột da mặt chỉ còn lại sọ rồi đem da ấy cho mọi người xem, tướng sĩ khiếp sợ đến nỗi không ai dám nhìn, nhờ vậy mà ông mới có thể lập công trên chiến trường. Nội cấp sự Ngưu Tiên Đồng vì nhận hối lộ của Trương Thủ Khuê nên triều đình xuống chiếu giao lại Tư Húc xử tử. Ông bèn đem trói Tiên Đồng vào cột rồi lấy roi đánh đến thê thảm không gượng nổi nữa, xong bèn moi tim, chặt chân tay rồi cắt thịt mà ăn đến hết thịt mới được chết. |
Lưu Diên Hựu (chữ Hán: 劉延祐, ? – 687) là nhân vật chính trị thời Đường, quê huyện Bành Thành, Từ Châu.
Lưu Diên Hựu là con của người em trai Lưu Dận Chi, từ nhỏ ông đã có chí học tập, cùng Tôn Vạn Thọ, Lý Bách Dược rất thân thiết với nhau. Những năm Vũ Đức, Bác của ông được Đỗ Yêm tiến cử làm Tín Đô lệnh, thi hành chính sự rất có ân uy với dân. Đầu những năm Vĩnh Huy, khi đang làm Trước tác lang, Hoằng Văn quán học sĩ, ông có cùng nhóm Lệnh Hồ Đức Phân, Dương Nhân Khanh biên soạn "Quốc sử" và "Thực lục", nhờ công lao này mà được phong Dương Thành huyện nam. Sau làm Thứ sử Sở Châu cho đến cuối đời.
Diên Hựu được lấy đậu tiến sĩ, được triều đình bổ nhiệm làm Vị Nam úy, rất có tài làm quan, chính trị đứng đầu. Lý Tích than rằng: "Túc hạ tuổi tác còn trẻ đã có tiếng tốt, nên ghìm bớt lại một chút, chớ để vượt hơn mọi người". Diên Hựu kính cẩn nghe theo. Sau làm Hữu ty lang trung, Kiểm hiệu ty tân thiếu khanh, phong Tiết huyện nam.
Cháu của Lý Tích là Từ Kính Nghiệp khởi binh chống lại việc Võ hậu lâm triều thất bại, triều đình bèn ban chiếu cho Diên Hựu cầm phù tiết đến quân. Khi ấy quan lại trong triều nghị luận rằng những quan ngũ phẩm của Kính Nghiệp đặt ra nên xử tội chết còn lục phẩm thì phải lưu đày. Diên Hựu cho là họ bị vu cáo hoặc ép phải theo giặc thì nên lấy tình mà xét, chủ trương kẻ nhận quan ngũ phẩm thì lưu đày còn lục phẩm trở xuống thì xóa tên nhờ vậy mà cứu được rất nhiều người. Triều đình luận công ban thưởng bèn thăng làm Thứ sử Cơ Châu rồi sau chuyển làm An Nam Đô hộ.
Năm Thùy Củng thứ ba (687), các hộ người Lái vùng Lĩnh Nam xưa nay chỉ nộp một nửa thuế hàng năm, Lưu Diên Hựu liền bắt phải nộp đủ, khiến người Lái vùng Lĩnh Nam oán hận bèn mưu đồ chống đối. Ông cho giết thủ lĩnh của họ là Lý Tự Tiên nhưng bộ hạ của Lý Tự Tiên là Đinh Kiến và Lý Tư Thận lại dấy loạn, tụ tập lực lượng bao vây phủ An Nam. Trong thành quân ít, không thể chống đỡ nổi, chỉ biết cố thủ đợi cứu viện. Có hào tộc ở Quảng Châu là Phùng Tử Du muốn lập công to bèn án binh bất động không chịu tới cứu giúp khiến Diên Hựu bị quân của Đinh Kiến giết chết. Tư mã Quế Châu Tào Huyền Tĩnh tiến quân vây đánh, phá tan quân người Lái, bắt sống Đinh Kiến rồi đem chém đầu. |
Triệu Xương (chữ Hán: 趙昌, 730 – 814) tự Hồng Tộ, là quan lại thời Đường.
Triệu Xương vốn là người Cổ Thành, Định Châu (nay là Tấn Châu, Hà Bắc), quê gốc ở Thiên Thủy, con của Triệu Cư Trinh, cháu của Triệu Bất Khí. Ban đầu ông vào làm thuộc lại trong phủ của Chiêu Nghĩa tiết độ sứ Lý Thừa Chiêu sau thăng dần đến Thứ sử Kiền Châu.
Năm Trinh Nguyên thứ 7 đời Đường Đức Tông (791), tù trưởng người Lạo ở An Nam là Đỗ Anh Hàn làm phản, đô hộ Cao Chính Bình lo lắng mà chết, triều đình cho Xương làm An Nam Đô hộ trong suốt mười năm, các tộc người man di bèn cùng hướng theo giáo hóa không dám hung hãn nữa. Năm Trinh Nguyên thứ 10 (794), ông bị bệnh ở chân xin về triều nghỉ ngơi nên triều đình bèn cử Binh bộ lang trung Bùi Thái sang thay làm An Nam Đô hộ, cho Xương về làm Quốc tử Tế tửu. Chưa được bao lâu thì tướng trong châu đuổi Thái đi, Đường Đức Tông vời Xương vào triều hỏi han sự tình, khi ấy ông đã hơn bảy mươi tuổi rồi mà vẫn đối đáp đâu ra đó khiến Hoàng đế ngạc nhiên, lại phong làm An Nam Đô hộ. Chiếu thư tới nơi, dân chúng đều chúc mừng lẫn nhau, phản binh cũng yên.
Đường Hiến Tông mới nối ngôi, cho Xương làm Kiểm hiệu Hộ bộ Thượng thư, đổi làm Lĩnh Nam tiết độ sứ. Năm Nguyên Hòa thứ 3 (808), Xương hàng phụ được cõi xa xôi, có công lao nên triều đình đổi làm Kinh Nam tiết độ sứ. Hoàng đế lại triệu ông về triều phong là Thái tử tân khách rồi đổi làm Công bộ Thượng thư kiêm Đại lý khanh. Năm Nguyên Hòa thứ 6 (811), ra làm Thứ sử Hoa Châu. Lúc đó Xương đã hơn tám mươi tuổi đến trước điện Lân Đức tiến lại quỳ bái vô cùng khỏe mạnh, Hoàng đế còn hỏi thăm ông về thuật di dưỡng như thế nào. Ông ở Hoa Châu được ba năm rồi sau về triều làm Thái tử Thiếu bảo.
Năm Nguyên Hòa thứ 9 (814), ông qua đời năm 85 tuổi, triều đình truy tặng Đại đô đốc Dương Châu, thụy hiệu là Thành. |
Sangir Besar, thường gọi là đảo Sangir (các dạng chính tả khác "Sangihe", "Sanghir" hoặc "Sangi"), là một đảo thuộc quần đảo Sangir. Tên tiếng Indonesia của đảo có nghĩa là " Sangir Lớn", chỉ đến thực tế đây là đảo chính của quần đảo. Đảo thuộc về tỉnh Bắc Sulawesi. Ngôn ngữ chính trên đảo là tiếng Sangir.
Đây là hiện trường vụ phun trào dữ dội của núi lửa Gunung Awu vào ngày 2 tháng 3 năm 1856. Ngọn núi hiện tại đã được định hình lại do vụ phun trào và ngập lụt lan rộng. Số người chết được ước tính vượt quá hai nghìn, có thể lên tới 6.000. Các vụ phun trào lớn khác xảy ra vào năm 1966 và 2004.
Các loài đớp ruồi lan sẫm và sáo Sangihe cực kỳ nguy cấp là loài đặc hữu của đảo Sangir. |
Quần đảo Sangihe (còn viết là "Sangir", "Sanghir" hoặc "Sangi") – – là một nhóm đảo gồm hai huyện của tỉnh Bắc Sulawesi, tại phía bắc Indonesia, là huyện Quần đảo Sangihe ("Kabupaten Kepulauan Sangihe") và huyện Quần đảo Sitaro ("Kabupaten Siau Tagulandang Biaro"). Hai huyện này nằm ở phía đông bắc của Sulawesi giữa biển Celebes và biển Molucca, gần như nằm giữa Sulawesi và đảo Mindanao của Philippines; quần đảo Sangihe tạo thành giới hạn phía đông của biển Celebes. Quần đảo có tổng diện tích , với nhiều đảo là các núi lửa hoạt động tích cực với đất và núi màu mỡ.
Các đảo chính của nhóm, từ bắc xuống nam, là Sangir Besar (hay đảo Sangir), Siau (hay Siao), Tahulandang và Biaro. Đảo lớn nhất là Sangir Besar và có một ngọn núi lửa đang hoạt động là Núi Awu (1.320 m). Tahuna là thị trấn và hải cảng chính, cũng là nơi có sân bay duy nhất của quần đảo là Sân bay Naha.
Khu vực này nằm dưới sự kiểm soát của Hà Lan vào năm 1677, và trở thành một phần của Indonesia khi nước này tuyên bố độc lập khỏi Hà Lan vào năm 1945.
Ngôn ngữ Sangir được nói trên các đảo; ngôn ngữ Nam Đảo này cũng được nói ở một số hòn đảo ở Philippines và ở phần cực bắc của đảo Sulawesi.
Mảng kiến tạo Sangihe được đặt tên theo vòng cung đảo và hoạt động rất tích cực.
Năm 2007, Quần đảo Sitaro (được đặt tên theo ba hòn đảo lớn nhất - đảo SIau, đảo TAgulandang và đảo BiaRO) trở thành một huyện mới sau khi tách khỏi Quần đảo Sangihe. Dân số của nhóm đảo này là 189.676 theo điều tra dân số năm 2010, bao gồm 126.133 ở Quần đảo Sangihe và 63.543 ở Quần đảo Sitaro.
Đảo Marore là một trong những điểm tọa độ thuộc Quần đảo Sangihe được sử dụng để xác định đường cơ sở của Indonesia. Nhiều năm trước, hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp đã làm hỏng hệ sinh thái san hô và rừng ngập mặn. Năm 2012, san hô được phục hồi nhưng rừng ngập mặn thì chưa. |
"Kashmir" là ca khúc của ban nhạc rock người Anh Led Zeppelin, được phát hành trong album "Physical Graffiti" (1975). Ca khúc này được sáng tác và sản xuất trong vòng 3 năm bởi Jimmy Page và Robert Plant với sự hỗ trợ từ John Bonham.
"Kashmir" là ca khúc trình diễn trực tiếp tiêu biểu và thường xuyên được thể hiện trong các chương trình hòa nhạc của ban nhạc. Cùng với "Stairway to Heaven", đây thường được coi là một trong những ca khúc mang âm hưởng progressive nhất của Led Zeppelin.
"Kashmir" được nhiều tạp chí nổi tiếng trên thế giới xếp hạng: |
Lactophrys trigonus là một loài cá biển thuộc chi "Lactophrys" trong họ Cá nóc hòm. Loài này được mô tả lần đầu tiên vào năm 1758.
Từ định danh "trigonus" được ghép bởi hai âm tiết trong tiếng Latinh: "tri" (“ba”) và "gonus" (“góc”), hàm ý đề cập đến hình dạng tam giác của loài này khi nhìn từ phía trước.
Phân bố và môi trường sống.
"L. trigonus" có phân bố rộng rãi ở Tây Đại Tây Dương, từ bang Massachusetts (Hoa Kỳ) và Bermuda trải dài về phía nam, băng qua vịnh México và biển Caribe đến Brasil (bao gồm quần đảo Fernando de Noronha ngoài khơi).
"L. trigonus" thường sống trên các rạn san hô và thảm cỏ biển, được tìm thấy ở độ sâu đến ít nhất là 50 m.
Chiều dài cơ thể lớn nhất được ghi nhận ở "L. trigonus" là 55 cm. Thân màu xanh lục nâu hoặc nâu tanin. Một mảng hoa văn tổ ong viền sẫm sau gốc vây ngực và giữa thân. Những cá thể lớn mất đi các đốm lục giác này, đồng thời phát triển hoa văn dạng lưới trên toàn bộ cơ thể. Cá con màu vàng lục hoặc cam, rải rác những đốm sẫm viền trắng.
Thức ăn của "L. trigonus" là hải miên, hải tiêu, động vật thân mềm, động vật giáp xác và giun nhiều tơ, đôi khi là cả cỏ biển.
"L. trigonus" là một loại thực phẩm chất lượng ở vùng Caribe; còn ở Brasil, chúng được khai thác trong hoạt động thương mại cá cảnh. |
Anggara Wicita Sastroamidjojo (sinh ngày 16 tháng 5 năm 1989) là một chính trị gia người Indonesia, ông là đại biểu của Hội đồng Đại diện Nhân dân Khu vực Jakarta thuộc Đảng Đoàn kết Indonesia. Ông được bầu vào hội đồng vào năm 2019.
Anggara sinh ngày 16 tháng 5 năm 1989 tại Jakarta. Ông tốt nghiệp trung học phổ thông #đổi vào năm 2007 sau đó tiếp tục theo học ngành quảng cáo. Trước khi bắt đầu sự nghiệp chính trị, ông từng làm quản lý dự án, người khảo sát địa hình và giám đốc sáng tạo.
Về chính trị, Anggara gia nhập Đảng Đoàn kết Indonesia (PSI) và trở thành chủ tịch chi nhánh của đảng ở Nam Jakarta. Ông được bầu vào Hội đồng Đại diện Nhân dân Khu vực Jakarta sau cuộc bầu cử năm 2019 với tư cách là một trong tám nhà lập pháp của PSI. Ông tranh cử tại khu vực bầu cử số 7 của Jakarta và giành được 9.027 phiếu bầu. Trong hội đồng, ông được bổ nhiệm làm phó chủ tịch Ủy ban E phụ trách phúc lợi.
Ông được bổ nhiệm vị trí lãnh đạo phe PSI trong cơ quan lập pháp vào tháng 4 năm 2022. Ông chỉ trích ủy ban trung ương của PSI về các cuộc công kích của đảng chống lại thống đốc Anies Baswedan, điều mà ông cho là quá "cá nhân". Ông tỏ ra nghi vấn về lý do tài chính đằng sau việc Jakarta tổ chức giải đua xe #đổi , với phí cam kết lớn (560 tỷ Rupiah) so với lợi nhuận hoạt động được công bố từ sự kiện (5 tỷ Rupiah). Năm 2023, ông đề xuất tăng lương cho nhân viên y tế thành phố ở Jakarta để cạnh tranh với các bệnh viện tư nhân.
Anggara là cháu nội của cựu Thủ tướng Indonesia Ali Sastroamidjojo. Ông nhận được sự chú ý của giới truyền thông vào tháng 4 năm 2022 khi mang theo đứa con bảy tháng tuổi của mình vào phòng lập pháp. |
Otto le Roi (28 tháng 11 năm 1878 – 11 tháng 10 năm 1916) là một nhà tự nhiên học người Đức gốc Pháp. Ông từng làm việc tại Bảo tàng Koenig, chuyên môn về các loài chim. Bên cạnh đó ông cũng quan tâm đến các loài chuồn chuồn, động vật lưỡng cư và động vật thân mềm.
Ông sinh ra ở Zweibrücken. Tổ tiên của ông là người Pháp và đã phụng sự các hoàng đế Pháp. Ông học chuyên ngành nhân văn học tại Apostle Gymnasium ở Cologne, và sau đó học Dược tại Đại học Bonn. Ông đã vượt qua kỳ thi "Staatsexamen" vào năm 1904 nhưng quyết định theo đuổi sở thích của mình với ngành động vật học. Ông nhận bằng tiến sĩ vào năm 1906 cho các nghiên cứu về hà biển. Ông tiếp tục các cuộc thám hiểm để sưu tầm các loài sinh vật vào các năm 1907 và 1908 đến Spitzbergen. Năm 1910, ông đến thăm thung lũng sông Nile. |
Nguyễn Hồng Nghi (19 tháng 12 năm 1918 – 20 tháng 2 năm 1991) là một trong những nhà nhiếp ảnh, đạo diễn điện ảnh tiên phong của điện ảnh cách mạng Việt Nam, nguyên Phó Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, Tổng thư ký đầu tiên của Hội Điện ảnh Việt Nam. Bắt đầu với sự nghiệp nhiếp ảnh từ trước Cách mạng Tháng Tám, ông để lại nhiều dấu ấn với các tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như các cuộc chiến đấu của nhân dân Hà Nội và được truy tặng Giải thưởng Nhà nước cho lĩnh vực nhiếp ảnh. Chuyển dần sang lĩnh vực điện ảnh, ông tiếp tục là một trong những nhà làm phim tài liệu tiên phong và đã tham gia nhiều bộ phim được đánh giá cao cũng như giành được nhiều giải thưởng.
Về sau, ông bắt đầu sự nghiệp phim truyện với vai trò đạo diễn của "Chung một dòng sông", phim truyện đầu tiên của miền Bắc Việt Nam sau năm 1954 và cũng là bộ phim truyện đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Là tác giả của nhiều bộ phim tài liệu và phim truyện được đánh giá cao, Nguyễn Hồng Nghi được nhà nước Việt Nam lần lượt truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú và Nghệ sĩ nhân dân. Gắn bó với nền điện ảnh cách mạng từ những ngày đầu thành lập, ông được xem là một trong những đạo diễn thuộc thế hệ vàng của điện ảnh Việt Nam bên cạnh các Nghệ sĩ nhân dân như Phạm Văn Khoa, Phạm Kỳ Nam, Hồng Sến, Đặng Nhật Minh.
Nguyễn Hồng Nghi sinh ngày 19 tháng 12 năm 1918 trong một gia đình Nho học có truyền thống văn học tại xã Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định (nay là phường Vị Xuyên, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định). Khi còn ở Nam Định, ông từng là bạn bè thân thiết với một số văn nghệ sĩ cùng quê như nhà thơ Nguyễn Bính, nhà nghiên cứu Vũ Khiêu. Về sau khi trở thành một trong những nhà nhiếp ảnh được làm việc với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nguyễn Hồng Nghi được Hồ Chủ tịch tặng một chiếc máy ảnh cỡ 6x6 hiệu Zeiss Ikon. Ông đã tặng lại chiếc máy ảnh này cho Vũ Khiêu.
Khởi nghiệp với hiệu ảnh.
Từ sớm, ông đã cùng người anh đồng hao là Trần Văn Lưu tự mày mò học nghề nhiếp ảnh, mở hiệu ảnh "Á Đông ảnh quán" (Asie Photo) ở Nam Định. Năm 1942, ông mang tác phẩm về Hà Nội cùng tổ chức một triển lãm ảnh với các nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hồng Tranh, Vũ Năng An. Không chỉ nhận được sử chú ý của các nhà nghệ thuật trong nước mà còn được nhắc đến trên báo chí Pháp, rất nhiều bài báo đã giành tặng lời khen cho các tác phẩm của ông. Từ đó Nguyễn Hồng Nghi bắt đầu nổi tiếng trong giới nhiếp ảnh nghệ thuật ở Thủ đô. Một thời gian sau, hai anh em Nguyễn Hồng Nghi chính thức lập nghiệp ở Hà Nội với hiệu ảnh "Hà Nội ảnh quán" (Photo Atelier) tại số 2 phố Cột Cờ (bấy giờ có tên là Avenue Puginier, nay là phố Điện Biên Phủ). Tháng 2 năm 1944, ông tham gia cuộc thi nhiếp ảnh do báo Indochine tổ chức và giành được giải 5. Cũng trong năm 1944, ông bắt đầu tham gia cách mạng và hoạt động trong Hội Truyền bá Quốc ngữ. Để có kinh phí quỹ cho hội hoạt động, Nguyễn Hồng Nghi từng cùng nhà thơ Bùi Hạnh Cẩn tổ chức biểu diễn kịch của Nguyễn Bính.
Cách mạng Tháng Tám và ATK.
Đến năm 1945 khi Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, Nguyễn Hồng Nghi cũng như nhiều nhà nhiếp ảnh có tiếng đương thời đã hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận Việt Minh, tham gia vào công tác ghi lại hình ảnh các cuộc đấu tranh của nhân Thủ đô. Trong tình trạng thiếu máy móc và trang thiết bị nhiếp ảnh của miền Bắc Việt Nam lúc bấy giờ, cùng các nhà nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản, Vũ Năng An, Đinh Đăng Định, Nguyễn Hồng Nghi đã góp phần lưu lại những bức ảnh, thước phim tư liệu quý về Tổng khởi nghĩa Hà Nội, Ngày Quốc khánh 2 tháng 9 năm 1945, cũng như các sự kiện lịch sử khác gắn liền với chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn non trẻ.
Nguyễn Hồng Nghi được xem là một trong những nhà nhiếp ảnh tiên phong gắn liền với Hà Nội vào nửa đầu thế kỷ 20, một trong những nghệ sĩ đóng vai trò chủ chốt của nền nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam, là những nhân chứng của lịch sử. Những bức ảnh của ông về Chủ tịch Hồ Chí Minh sau Cách mạng Tháng Tám nhận được rất nhiều sự yêu mến. Cuối năm 1946, đầu năm 1947, toàn quốc kháng chiến bùng nổ, Nguyễn Hồng Nghi lên ATK Việt Bắc và tiếp tục sự nghiệp nhiếp ảnh tại đây. Năm 1947, một triển lãm ảnh đã diễn ra tại Việt Bắc, các tác phẩm của Nguyễn Hồng Nghi một lần nữa được dư luận chú ý và đánh giá cao, trở thành một cột mốc trong sự nghiệp của ông.
Không chỉ là một trong những nhà quay phim đầu tiên ở Việt Bắc, Nguyễn Hồng Nghi còn là một trong số ít nhà quay phim được ghi hình Hồ Chủ tịch khi ông còn ở ATK này. Năm 1950, tập ảnh kháng chiến của Nguyễn Hồng Nghi bao gồm hình ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều đề tài khác như bình dân học vụ, rào làng kháng chiến, phá đường kháng địch, được trưng bày tài Ðại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ nhất họp tại Việt Bắc. Đây là triển lãm ảnh đầu tiên được tổ chức ở tiền phương trong giai đoạn chiến tranh này. Năm 2004, sách ảnh "Chủ tịch Hồ Chí Minh" được Bảo tàng Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Thông tấn giới thiếu đến độc giả. Cuốn sách chứa hơn 350 bức ảnh quý Chủ tịch Hồ Chí Minh được tuyển chọn từ hàng vạn tác phẩm được lưu trữ tại bảo tàng, trong đó có các tác phẩm của Nguyễn Hồng Nghi. Năm 2007, bộ ảnh về Hồ Chủ tịch và bộ ảnh bình dân học vụ đã giúp ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật cho nhiếp ảnh.
Nhà làm phim tài liệu.
Năm 1951, ngay sau khi đạo diễn Phan Nghiêm thực hiện thành công bộ phim "Trận Đông Khê", Nguyễn Hồng Nghi được giao nhiệm vụ cùng bộ đội tham gia chiến dịch Hoàng Hoa Thám và thực hiện bộ phim tài liệu "Dân công phục vụ tiền tuyến". Ông đã mở đầu sự nghiệp điện ảnh của mình bằng bộ phim tài liệu 16mm này. Lúc bấy giờ, Chiến tranh Đông Dương là một chủ đề nóng trong dư luận quốc tế, nhiều nước đã cử các đoàn quay phim đến Việt Nam. Nguyễn Hồng Nghi là một trong những nhà quay phim tham gia các bộ phim hợp tác sản xuất trong thời gian này. Trong những bộ phim ông tham gia quay, có "Việt Nam kháng chiến" của đạo diễn người Trung Quốc Xướng Hạc Linh () – bộ phim hợp tác quốc tế đầu tiên của Việt Nam. Sau khi bộ phim Việt Nam kháng chiến hoàn thành, ông tham gia đoàn làm phim của đạo diễn Mai Lộc ghi lại những thước phim về "Chiến thắng Tây Bắc". Đây là bộ phim tài liệu đầu tiên quay bằng phim nhựa 35mm, có độ dài 8 cuốn. So với nhiều phim tài liệu theo phong cách phóng sự ngắn trước đây, "Chiến thắng Tây Bắc" đã có độ dài tương đối của một tác phẩm tài liệu có giá trị về nội dung và nghệ thuật.
Năm 1952, phòng Điện ảnh – Nhiếp ảnh chuyển từ Tuyên Quang về Đồi Cọ. Cơ quan điện ảnh tại Đồi Cọ của chiến khu Việt Bắc lúc bấy giờ chính là nơi khai sinh của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Nguyễn Hồng Nghi thuộc ban Nhiếp ảnh cùng với một số nhà làm phim khác như Nguyễn Tiến Lợi, Phan Nghiêm, Phạm Văn Khoa. Đồng thời, ông cùng Phan Nghiêm chịu trách nhiệm trực tiếp bộ phận kỹ thuật. Ngày 15 tháng 3 năm 1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 147/SL quyết định đặt phòng Điện - Nhiếp ảnh thuộc Nha Tuyên truyền và Văn nghệ thành một doanh nghiệp Quốc gia lấy tên Doanh nghiệp quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam, chính thức khai sinh ngành Điện ảnh Việt Nam.
"Chiến thắng Điện Biên Phủ".
Cũng trong khoảng thời gian này, khi quân dân Việt Nam đang ráo riết chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ thì ngành điện ảnh Việt Nam cũng chuẩn bị lực lượng để ghi lại cuộc chiến này. Để có được bộ phim tài liệu hoàn chỉnh và cái nhìn tổng quan về chiến dịch, rất nhiều nhà làm phim tài liệu Việt Nam đã tham gia quay phim ở nhiều nơi khác nhau, đặc biệt là 2 tổ quay đã theo đoàn quân tiến sâu vào Điện Biên Phủ. Tổ thứ nhất bao gồm Nguyễn Ngọc Quỳnh, Nguyễn Quý Lục và Nguyễn Văn Sinh do Nguyễn Tiến lợi làm đội trưởng và đảm nhiệm quay phim chính. Tổ thứ hai bao gồm Nguyễn Hồng Nghi, Nguyễn Thụ, Nguyễn Phu Cấn, Nguyễn Như Ái và Nguyễn Đăng Bảy. Những thước phim chiến đấu ròng rã suốt nhiều tháng trời, kết hợp với những thước phim về sự chuẩn bị ở hậu phương, các công việc chuẩn bị ở hậu cần, tất cả được tổng hợp và biên tập nên bộ phim tài liệu "Điện Biên Phủ" (hay thường gọi là "Chiến thắng Điện Biên Phủ").
Sau khi hoàn thành, bộ phim đã được công chiếu rộng rãi ở nhiều quốc gia trên thế giới và được sự đón nhận mạnh mẽ của khán giả. Bộ phim không chỉ được xem là tác phẩm đánh dấu sự trưởng thành của nền điện ảnh cách mạng, mà còn là tác phẩm gây tiếng vang đầu tiên đánh dấu sự ra đời của điện ảnh Việt Nam. Trong sơ thảo Lịch sử điện ảnh cách mạng Việt Nam xuất bản năm 1983 của Cục Điện ảnh đã đánh giá: "Chiến thắng Điện Biên Phủ là tác phẩm tổng kết cả một giai đoạn phát triển đầu tiên của điện ảnh dân tộc Việt Nam trưởng thành trong chiến đấu". Cả hai bộ phim Nguyễn Hồng Nghi cùng hợp tác với đạo diễn Nguyễn Tiến Lợi là "Chiến thắng Tây Bắc" và "Chiến thắng Điện Biên Phủ" đều nhận được Bông sen vàng cho phim tài liệu nhân 20 năm thành lập ngành điện ảnh Việt Nam (1953–1973). Riêng bộ phim tài liệu "Chiến thắng Điện Biên Phủ" đã giúp đạo diễn Nguyễn Tiến Lợi được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật cho lĩnh vực điện ảnh.
"Việt Nam trên đường thắng lợi".
Ngay sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, một đoàn làm phim của Liên Xô bao gồm các nhà làm phim tài liệu Roman Lazarevich Karmen, #đổi và Evgeny Mukhin đã sang Việt Nam để quay bộ phim tài liệu mang tên Việt Nam. Ngoài đoàn làm phim đến từ Liên Xô, có các nhà làm phim Việt Nam đã tham gia vào công tác kỹ thuật, trong đó có Hồng Nghi cùng Phạm Văn Khoa và Nguyễn Tiến Lợi. Bên cạnh những thước phim được quay bằng cách dàn dựng lại bối cảnh, bộ phim còn sử dụng những thước phim được quay trong thời gian chiến dịch diễn ra của Hồng Nghi cũng như các nhà quay phim Mai Lộc, Nguyễn Tiến Lợi. Bản gốc của bộ phim vốn dĩ là phim màu. Sau khi hoàn thành bộ phim, đạo diễn Roman Karmen đã gửi tặng lại một bản cho các cộng sự người Việt Nam. Nhưng vì điều kiện kỹ thuật làm phim của Việt Nam tại những năm thập niên 50 còn thô sơ, không thể tráng được phim màu, nên khán giả Việt Nam chỉ biết đến bộ phim dưới dạng trắng đen cùng lời bình của nhà văn Nguyễn Đình Thi cùng tên gọi "Việt Nam trên đường thắng lợi". Năm 2004, Đài Truyền hình Việt Nam đã mua bản quyền bản phim màu từ Viện Lưu trữ phim ảnh - tài liệu quốc gia Liên bang Nga. Đến tháng 4, phiên bản màu với cái tên chính thức mới được phát sóng ở Việt Nam.
Một phần tư liệu từ đoàn làm phim "Việt Nam" đặc biệt là những cảnh quay vào ngày 1 tháng 1 năm 1955 khi nhân dân đón Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ từ chiến khu Việt Bắc trở về Thủ đô, và toàn văn bài phát biểu của Hồ Chủ tịch tại Quảng trường Ba Đình, đã được biên tập lại trở thành bộ phim "Ngày lịch sử". Được hoàn thành từ năm 1955 nhưng bộ phim này mãi đến năm 2005 mới được phát sóng lần đầu tiên ở Việt Nam. Những thước phim này được đánh giá là có tầm quan trọng lớn về mặt xã hội và chính trị, không chỉ đối với người Việt Nam mà còn đối với hàng trăm nghìn khán giả Liên Xô cũng như Trung Quốc và các nước dân chủ nhân dân khác.
Năm 1954, hòa bình lập lại ở miền Bắc Việt Nam, chính phủ chuyển từ Việt Bắc về Hà Nội, Nguyễn Hồng Nghi cũng theo đó ghi lại những thước phim lịch sử như "Đón Trung ương Đảng và Bác Hồ về thủ đô", "Mùa xuân trên khu tập kết Pathet Lào". Năm 1960, Nguyễn Hồng Nghi trở thành một trong những đạo diễn của bộ phim tài liệu "Vài hình ảnh về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch" – tác phẩm tài liệu dài đầu tiên về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cũng như hai bộ phim hợp tác cùng đạo diễn Nguyễn Tiến Lợi, bộ phim tài liệu về Hồ Chủ tịch của Nguyễn Hồng Nghi đã nhận được Bông sen vàng cho phim tài liệu nhân 20 năm thành lập ngành điện ảnh Việt Nam (1953–1973) tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 2. Đây được xem là thành công đầu tiên của điện ảnh tài liệu Việt Nam trong việc xây dựng hình tượng Hồ Chủ tịch trên màn ảnh. Những năm sau đó, ông lần lượt thực hiện nhiều bộ phim tài liệu khác như "Ngọn cờ giải phóng" (1965 – kỷ niệm 20 năm cách mạng Lào); "Tiếng gọi Mùa" "Xuân" (1968 – phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh) và là đồng đạo diễn phim về lễ tang Hồ Chủ tịch (1969).
Sau năm 1968, ông giành phần lớn thời gian cho công việc quản lý ở Hội Điện ảnh Việt Nam nên không có điều kiện sáng tác các bộ phim hoàn chỉnh. Nhưng ông vẫn tìm cách tự khắc phục bằng cách một mình một máy quay ghi lại nhiều thước phim tư liệu, trong đó có hình ảnh Hồ Chủ tịch với Tết trồng cây cuối cùng vào đầu năm 1969 tại xã Vật Lại. Ông còn phối hợp với tỉnh Lai Châu làm bộ phim tài liệu "Lai Châu mùa gặt" giúp đẩy mạnh phong trào sáng tác văn nghệ tỉnh biên giới này.
Đạo diễn phim truyện.
Năm 1956, Doanh nghiệp quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam được tách làm 2 bộ phận là Xưởng phim Việt Nam và Quốc doanh phát hành phim và chiếu bóng Việt Nam (nay là FAFIM Việt Nam). Năm 1959 là năm ngành điện ảnh Việt Nam bắt đầu có những bước ngoặt phát triển mạnh mẽ với sự ra đời của Trường Điện ảnh Việt Nam, Nhà máy cơ khí điện ảnh, và Xưởng phim Việt Nam được tách thành Xưởng Phim truyện Việt Nam, Xưởng phim Hoạt họa và búp bê, Xưởng phim Thời sự, tài liệu Trung ương. Trong giai đoạn này, Nguyễn Hồng Nghi bắt đầu tham gia vào mảng phim truyện.
"Chung một dòng sông".
Năm 1958, kịch bản phim "Chung một dòng sông" được Xưởng phim truyện Việt Nam đưa vào sản xuất. Đây là phim truyện đầu tiên của miền Bắc Việt Nam sau năm 1954 và là bộ phim truyện đầu tiên của nền Điện ảnh cách mạng Việt Nam. Cùng với Phạm Kỳ Nam vừa tốt nghiệp từ trường điện ảnh Pháp, Nguyễn Hồng Nghi bắt đầu nghiên cứu kịch bản của Cao Đình Báu và Đào Xuân Tùng. Bộ phim tiến hành quay trong vòng 4 tháng kể từ tháng 2 năm 1959, do Hồng Nghi và Phạm Kỳ Nam cùng đảm nhiệm vai trò đạo diễn, Nguyễn Đắc là quay phim chính và Đào Đức đảm nhiệm vai trò họa sĩ thiết kế. Thời điểm này, Phạm Kỳ Nam mới học ở Học viện Điện ảnh Pháp về và là đạo diễn duy nhất của miền Bắc khi ấy được đào tạo bài bản, còn lại toàn bộ đoàn làm phim bao gồm Nguyễn Hồng Nghi đều từ chiến khu Việt Bắc và chủ yếu mới có kinh nghiệm sản xuất phim tài liệu, thời sự.
Bộ phim lấy bối cảnh sông Bến Hải sau hiệp định Genève này chính thức được công chiếu tại Việt Nam vào ngày 20 tháng 7 năm 1959, đúng vào dịp kỷ niệm 5 năm ngày ký kết hiệp định. Không chỉ được chiếu tại Liên hoan phim quốc tế Moskva lần thứ nhất cùng năm, bộ phim còn được lồng tiếng thuyết minh tiếng Trung, ra mắt trong Tuần phim Việt Nam tổ chức bởi Hội Hữu nghị Trung-Việt ở nhiều thành phố như Trường Xuân, Nam Ninh. Tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 2 năm 1973, "Chung một dòng sông" đã nhận được Bông sen vàng cho phim truyện điện ảnh kỷ niệm 20 năm điện ảnh cách mạng Việt Nam. Mặc dù bộ phim đạt được sự chú ý và thành công nhất định, nhưng bản thân đạo diễn Nguyễn Hồng Nghi vẫn tự phê bình "tính tư tưởng của tác phẩm thì khá phong phú, nhưng tính nghệ thuật thì lại chưa đủ". Tuy vậy với "Chung một dòng sông", loại hình phim truyện Việt Nam ra đời.
Sau khi hoàn thành "Chung một dòng sông", Nguyễn Hồng Nghi tiếp tục hợp tác với đạo diễn Phạm Kỳ Nam thực hiện bộ phim "Vật kỷ niệm" do Hồng Lực và Đào Xuân Tùng viết kịch bản dựa trên truyện ngắn "Vật kỷ niệm của người đã khuất" của tác giả Cường Tráng và Văn Ngữ. Bộ phim còn có sự tham gia của nhà quay phim Nguyễn Đắc, nhạc sĩ Doãn Nho cùng các diễn viên Phi Nga, Trung Tín, Minh Trị. Khi công chiếu, "Vật kỷ niệm" đã gây xúc động mạnh cho người xem và rất được khán giả hoan nghênh. Đạo diễn Huy Thành lúc bấy giờ đang theo học khóa 1 Trường Điện ảnh Việt Nam đã viết một bài phê bình đăng lên Tạp chí Văn nghệ tháng 4 năm 1961; trong đó có một đoạn:
Ngoài "Vật kỷ niệm", điện ảnh cách mạng Việt Nam chỉ sản xuất được 2 phim khác trong năm 1960 là "Cô gái nông trường" của đạo diễn Nguyễn Tiến Lợi và "Vườn cam" của đạo diễn Phạm Văn Khoa. Mặc dù bộ phim truyện thứ hai của Nguyễn Hồng Nghi đã được đánh giá cao hơn 2 bộ phim còn lại nhưng vẫn có nhiều khuyết điểm so với "Chung một dòng sông". Sau khi công chiếu tại Việt Nam, bộ phim tiếp tục ra mắt khán giả Liên Xô với tên . Năm 1962, bộ phim được lồng tiếng, thêm phụ đề và công chiếu cho khán giả Trung Quốc với tên .
Các công tác khác.
Năm 1949, Nha Thông tin (tiền thân của Bộ Văn hóa) và Sở Nhiếp ảnh Trung ương (tiền thân của Ban Biên tập ảnh Thông tấn xã Việt Nam) phối hợp mở lớp đào tạo phóng viên ảnh cho cán bộ Ty văn hóa các tỉnh miền bắc. Nguyễn Hồng Nghi – lúc bấy giờ là chuyên viên của Nha Thông tin – được giám đốc Nguyễn Tấn Gi Trọng giao cho việc đứng lớp. Ông cũng là một trong những giảng viên của lớp đào tạo phóng viên ảnh đầu tiên này cùng với nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hồng Tranh, họa sĩ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tư Nghiêm. Những năm đầu của thập niên 1960, Hoa Kỳ mở rộng chiến tranh ra toàn Đông Dương, việc bổ sung lực lượng quay phim trên các chiến trường trở thành yêu cầu cấp bách của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam. Năm 1965, Trường Điện ảnh Việt Nam và Xưởng phim Thời sự tài liệu khai giảng khóa quay phim "chống Mỹ cứu nước" do Nguyễn Hồng Nghi trực tiếp phục trách. Nhiều học sinh của khóa quay phim năm 1965 đã trừng thành lực lượng nòng cốt của điện ảnh cách mạng Việt Nam như các nhà quay phim, đạo diễn Thanh An, Trần Văn Thủy, Đào Trọng Khánh, Nguyễn Văn Nẫm, Xuân Sơn, Sỹ Chung.
Năm 1966, Nguyễn Hồng Nghi được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc phụ trách nghệ thuật của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương. Đến tháng 11 năm 1969, với tư cách là sáng lập viên, ông đóng vai trò chủ chốt trong việc tổ chức thành công đại hội thành lập Hội Điện ảnh Việt Nam. Ông trở thành Tổng thư ký đầu tiên của hội và đảm nhiệm vai trò này trong suốt 9 năm cho đến khi bàn giao lại công việc cho ban thứ ký khóa 2 vào năm 1978. Ban thường trực chỉ có 3 người, Nguyễn Hồng Nghi đã phải bắt tay xây dựng Hội Điện ảnh với nhiều khó khăn trong hoàn cảnh chiến sự lan rộng khắp cả nước. Ông dành phần lớn thời gian của mình để tham dự các hội thảo, đi thực tế, triển lãm, chiếu phim học tập, bình chọn và khen thưởng các tác phẩm có giá trị. Trong bối cảnh chiến tranh thiếu thốn về kinh phí và thiết bị, ông đã đề ra và triển khai nhiều phương án để tạo nguồn kinh phí, tạo tiền đề cho việc xuất bản Tạp chí Điện ảnh và các tài liệu nghiên cứu của hội.
Toàn bộ thời gian vốn dĩ dành cho việc làm phim của bàn thân được ông dành hết cho công việc của hội. Trong thời gian phải sơ tán theo đơn vị, ông còn tổ chức biên soạn và in ấn hai cuốn sách "Điện ảnh Miền Nam – Điện ảnh Cách mạng" và "Văn kiện Đại hội thành lập Hội", một công việc tưởng chừng không thể thực hiện trong thời gian này. Nguyễn Hồng Nghi là người đề ra sáng kiến ký kết hợp tác với Hội Điện ảnh nhiều nước, cũng là người đã vận động Điện ảnh Liên Xô và Bulgaria tặng Hội Điện ảnh Việt Nam bộ ống kính quay phim màn ảnh rộng đầu tiên trong nước và những hộp phim màu – những loại vật tư điện ảnh quý hiếm thời bấy giờ – để đoàn làm phim "Thành phố lúc rạng đông" thực hiện bộ phim tài liệu này và mang về cho điện ảnh Việt Nam giải Bồ câu vàng tại #đổi . Năm 1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh bùng nổ. Dù đã ở tuổi 60 những Nguyễn Hồng Nghi vẫn cùng các đồng nghiệp Hội Điện ảnh lên đường cùng các đơn vị bộ đội dọc theo Trường Sơn để chụp ảnh, quay phim và triển khai các công tác hội.
Qua đời và vinh danh.
Nguyễn Hồng Nghi qua đời vào ngày 20 tháng 2 năm 1991. Mặc dù là một trong những nhà làm phim gắn bó với điện ảnh Việt Nam từ những ngày đầu thành lập và để lại những dấu ấn nhất định nhưng Nguyễn Hồng Nghi không được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ trong hai đợt đầu khi ông còn sống. Hai năm sau khi qua đời, ông mới được nhà nước Việt Nam truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú trong đợt phong tặng danh hiệu lần thứ 3. Năm 2010, ông cùng các cố nghệ sĩ Phạm Văn Khoa, Khương Mễ, Mai Lộc được vinh danh tại Giải cánh diều 2009. Và hai năm sau, ông tiếp tục được truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân trong đợt trao tặng danh hiệu thứ 7. Năm 2017, ông được truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất, trở thành 1 trong 3 nghệ sĩ điện ảnh đầu tiên được nhận huân chương này. Trước đó, ông đã từng nhận được nhiều huân chương khác cũng như tước hiệu Nghệ sĩ nhiếp ảnh có cống hiến đặc biệt xuất sắc của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, và cúp Thành tựu trọn đời vì những cống hiến xuất sắc cho nền điện ảnh dân tộc của Hội Điện ảnh Việt Nam. |
Speak Now (Taylor's Version)
Speak Now (Taylor's Version) là album tái thu âm thứ ba của nữ ca sĩ kiêm nhạc sĩ người Mỹ Taylor Swift được phát hành vào ngày 7 tháng 7 năm 2023 bởi Republic Records. Thu âm lại từ album phòng thu thứ ba của cô "Speak Now" (2010) và là album tái thu âm tiếp theo sau hai bản tái thu âm vào năm 2021 là "Fearless (Taylor's Version)" và "Red (Taylor's Version)". Việc tái thu âm cũng chính là một phần trong sự phản đối của cô khi bị lấy tác quyền các sáng tác cho album gốc vào năm 2019. Album đã được Swift thông báo trong chuyến lưu diễn hòa nhạc năm 2023 The Eras Tour của cô tại Nashville, Tennessee.
Tổng cộng 22 ca khúc trong album được sáng tác bởi Swift kiêm vai trò đồng sản xuất với Christopher Rowe. Trong số đó có 16 ca khúc được tái thu âm từ bản gốc và 6 ca khúc "From the Vault" vốn chưa được phát hành trước đó. Album cũng là thành quả hợp tác giữa cô và các nhạc sĩ như Aaron Dessner và Jack Antonoff. Album có sự góp mặt của hai nghệ sĩ bao gồm Fall Out Boy và Hayley Williams. Là một album country pop, "Speak Now (Taylor's Version)" có phong cách âm nhạc khá đa dạng khi chịu ảnh hưởng từ các thể loại nhạc rock và pop-punk pha trộn với phong cách emo, pop, gothic và alt-rock. Những ca khúc trong album đều được đặc trưng bởi nhiều tiếng guitar khác nhau như guitar điện và guitar acoustic, những nhịp trống nặng nề và những nốt dây đậm chất giao hưởng. Nhìn chung, album khá lỏng lẻo về mặt chủ đề khi nó kể về những lời tỏ tình mơ màng, những dấu hiệu thay đổi của cảm xúc thường xảy ra trong thời niên thiếu của Swift.
Album đã nhận được nhiều đánh giá tích cực từ các nhà phê bình âm nhạc, họ ca ngợi phần sáng tác khá hấp dẫn về mặt cảm xúc và thể hiện giọng hát rõ khỏe khoắn trong album, trong khi một số người coi phần lời bị tranh cãi đã được chỉnh sửa lại trong bài "Better than Revenge" là không cần thiết. Ngoài ra, album cũng gặt hái được nhiều thành công về mặt thương mại khi phá kỷ lục trên Spotify toàn cầu về album có số lượt phát trực tuyến trong một ngày nhiều nhất năm 2023 cũng như đạt vị trí quán quân ở các bảng xếp hạng tại Hoa Kỳ, Úc, Canada, Vlaanderen, Ireland, Hà Lan, New Zealand, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh.
Với hơn nửa triệu bản được bán ra trong ngày đầu tiên, "Speak Now (Taylor's Version)" đánh dấu album quán quân lần thứ 12 của Swift trên bảng xếp hạng "Billboard" 200, phá vỡ kỷ lục của Barbra Streisand về nhiều album quán quân nhất của một nghệ sĩ nữ. Toàn bộ 22 bài hát của album đều ra mắt trên bảng xếp hạng "Billboard" Hot 100, trong số đó có ca khúc "I Can See You" đứng ở vị trí thứ 5.
Vào ngày 25 tháng 10 năm 2010, Taylor Swift đã chính thức ra mắt album phòng thu thứ ba, "Speak Now" do hãng thu âm Big Machine Records phát hành. Là một album country pop và pop rock cũng như phần lớn đều được sáng tác bởi Swift, "Speak Now" đã nhận được nhiều đánh giá tích cực từ các nhà phê bình âm nhạc đồng thời cũng được công chúng đón nhận rộng rãi. Album đã bán được hơn 1 triệu bản chỉ trong tuần đầu tiên phát hành tại Hoa Kỳ, trở thành album bán chạy nhất trong tuần đầu tiên đối với một nữ nghệ sĩ nhạc country, đây cũng là album có tuần bán triệu bản đầu tiên trong sự nghiệp của Swift, một kỳ tích mà cô có thể sẽ tiếp tục lặp lại thêm bốn lần nữa. "Speak Now" đã đạt "kỷ lục Guinness thế giới" khi trở thành album bán chạy nhất Hoa Kỳ của một nữ nghệ sĩ đồng quê. Tại Giải Grammy lần thứ 54 (2012), đĩa đơn "Mean" trong album đã giành được giải với hạng mục Trình diễn đơn ca đồng quê xuất sắc nhất và Bài hát đồng quê hay nhất.
Trong khoảng thời gian từ năm 2006 đến năm 2017, Taylor Swift đã phát hành tổng cộng sáu album phòng thu dưới hãng thu âm Big Machine. Vào tháng 11 năm 2018, hợp đồng với hãng đã chính thức hết hạn. Cô đã rời khỏi Big Machine và đã ký hợp đồng với hãng thu âm mới Republic Records, công ty đã đảm bảo cho cô rằng là sẽ bảo vệ cho quyền sở hữu bản gốc từ những bài hát mới mà cô sẽ phát hành. Vào năm 2019, một doanh nhân người Mỹ tên là Scooter Braun đã mua lại hãng thu âm Big Machine. Sau khi mua lại hãng, quyền sở hữu bản gốc đối với tất cả sáu album phòng thu đầu tiên của Swift, bao gồm cả album "Speak Now" cũng đã được Braun mua lại. Vào tháng 8 năm 2019, Swift đã tố cáo việc Braun mua lại cả sáu album trên đồng thời cũng thông báo rằng cô sẽ thu âm lại cả sáu album phòng thu đầu tiên để tự mình sở hữu các bản gốc của chúng. Vào tháng 11 năm 2020, Braun đã bán lại các bản gốc cho công ty Shamrock Holdings, một công ty cổ phần tư nhân của Mỹ thuộc sở hữu của di sản của Disney, đồng thời cũng thêm một điều kiện rằng Braun và Ithaca Holdings sẽ tiếp tục thu lại lợi nhuận tài chính từ các album trên. Swift đã bắt đầu thu âm lại album từ tháng 11 năm 2020.
"Fearless (Taylor's Version)," album tái thu âm đầu tiên của cô đã chính thức được phát hành vào ngày 9 tháng 4 năm 2021. Chỉ 7 tháng sau, album "Red (Taylor's Version)" đã được phát hành vào ngày 12 tháng 11 năm 2021. Cả hai album đều đã gặt hái được nhiều thành công từ cả mặt thương mại lẫn giới phê bình khi đều đứng đầu bảng xếp hạng "Billboard" 200. "Fearless (Taylor's Version)" trở thành album tái thu âm đầu tiên trong lịch sử đứng đầu bảng xếp hạng trong khi toàn bộ đĩa đơn trong album đều đã lọt vào top 10 trong bảng xếp hạng "Billboard" Hot Country Songs, với đĩa đơn quán quân là "Love Story (Taylor's Version)". Phiên bản dài 10 phút từ ca khúc "All Too Well" đã được tái thu âm trên album "Red (Taylor's Version)" trở thành ca khúc đứng đầu bảng xếp hạng với thời lượng lâu nhất trong lịch sử "Billboard" Hot 100 đồng thời ca khúc đã làm ra một do chính Swift đạo diễn, bộ phim đã giành giải Grammy cho Video âm nhạc xuất sắc nhất tại lễ trao giải lần thứ 65.
Những tin đồn về việc cô sẽ tiếp tục tái thu âm cho album phòng thu "Speak Now" đã xuất hiện trong khoảng thời gian từ khoảng tháng 11 năm 2021, sau khi cô phát hành bản tái thu âm "Red (Taylor's Version)", khi album đã đề cập đến các từ khóa từ kỷ nguyên 2010 và trên các bài đăng trên mạng xã hội. Những video âm nhạc cho ca khúc "Bejeweled" và "Lavender Haze" từ album Midnights phát hành vào năm 2022 và 2023 có chứa nhiều ẩn ý tương ứng với Trứng phục sinh nhằm ám chỉ đến album "Speak Now". Các giả thuyết trên từ những người hâm mộ ngày càng được củng cố sau khi chuyến lưu diễn năm 2023 The Eras Tour bắt đầu. Từ những chiếc vòng tay nhiều màu nhấp nháy ánh tím mà những người tham dự đã nhận được ở cuối mỗi buổi biểu diễn, trong một bài đăng về buổi biểu diễn cho ca khúc "Speak Now", cô đã sử dụng biểu tượng cảm xúc hình trái tim màu tím trên mạng xã hội truyền thông chỉ vài ngày trước khi công bố. Trong một chương trình truyền hình vào tháng 4 năm 2023, Swift đã khẳng định rằng trước đây cô đã từng suy nghĩ về một album cụ thể khi cô nói "một trong những album của tôi đã ở trong tâm trí tôi rất nhiề".
Vào ngày 5 tháng 5 năm 2023, tại buổi biểu diễn Nashville đầu tiên trong chuyến lưu diễn The Eras Tour, Swift đã chính thức thông báo về album tái thu âm tiếp theo là "Speak Now (Taylor's Version)", đồng thời cô cũng thông báo về ngày phát hành của album là ngày 7 tháng 7 năm 2023, Thông báo trên của cô nhằm để tạo thêm tiền đề cho việc cô bắt đầu chơi một "bài hát bất ngờ", một bản acoustic của ca khúc thứ hai trong album gốc là "Sparks Fly"; đồng thời, nhiều ngọn đèn dọc theo cây cầu John Seigenthaler bắt đầu chuyển sang màu tím. Vào ngày hôm sau, cô đã đăng một bài đăng nói về album này trên mọi nền tảng mạng xã hội, viết rằng "Tôi yêu album này bởi vì nó kể câu chuyện về quá trình trưởng thành, lúng túng, bay bổng, đâm sầm vào tình yê". Swift nhấn mạnh những khó khăn mà cô đã từng phải đối mặt trong cuộc sống của mình trong thời gian mà cô viết bản ghi, trong đó có "sự trung thực tàn nhẫn, những lời thổ lộ mơ hồ và sự bâng khuâng hoang dại".
Album có tổng cộng 22 bài hát, trong số đó có 16 bài hát được tái thu âm từ bản album gốc (14 bài hát từ bản tiêu chuẩn, 2 bài hát từ bản cao cấp là ca khúc "Ours" và "Superman"). Sáu bài hát còn lại của album có thêm nhan đề "from the Vault", sáu bài hát này đã chưa được phát hành trước đó mặc dù đã được viết từ album "Speak Now" nhưng lại không thể vượt qua vòng kiểm duyệt để cho vào danh sách ca khúc vào năm 2010. Để thể hiện tính nghệ thuật chính trực của mình, cô đã sáng tác và thu âm cho toàn bộ ca khúc trong album.
Christopher Rowe chịu trách nhiệm sản xuất cho 16 ca khúc, 6 ca khúc "From the Vault" còn lại đều được sản xuất bởi Swift cùng với những cộng tác viên lâu năm là Aaron Dessner và Jack Antonoff. Hai ca khúc vault là "Electric Touch" và "Castles Crumbling" đều có sự góp mặt của ban nhạc rock Mỹ Fall Out Boy và ca sĩ kiêm nhạc sĩ người Mỹ Hayley Williams, trưởng nhóm của ban nhạc Paramore. Album phần lớn vẫn giữ nguyên toàn bộ lời gốc, ngoại trừ một câu trong đoạn điệp khúc của bài hát "Better Than Revenge":""She's better known for the things / That she does on the mattress" đã bị thay thế bằng câu "He was a moth to the flame / She was holding the matches"" gây ra nhiều sự tranh cãi. Nhiều hãng tin tức và các nhà báo âm nhạc trong buổi ra mắt nghe thử đã khẳng định album có chất lượng âm thanh tốt hơn, chất lượng guitar "dày hơn" và toàn bộ âm thanh đều được nâng cao nhiều hơn so với bản gốc.
Là sản phẩm nhạc rock có một không hai của Swift, album có phong cách âm nhạc khá đa dạng khi mang âm hưởng từ thể loại nhạc đồng quê đặc trưng, pop rock và chịu ảnh hưởng từ các thể loại nhạc pop punk, emo, gothic rock và alt-rock. Ngoài ra, nhà phê bình Alex Berry từ tạp chí "Clash" đã gọi album là thành quả của sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa nhạc rock, đồng quê và nhạc pop. Với các giai điệu được đặc trưng bởi những tiếng guitar điện đầy sôi động pha trộn với nhịp trống dồn dập, những yếu tố giao hưởng và những đoạn điệp khúc bùng nổ. Một album khá lỏng lẻo về mặt chủ đề, "Speak Now (Taylor's Version)" phần lớn kể về "những lời thổ lộ hoang dại". Được lấy cảm hứng từ cuộc sống của Swift trong độ tuổi từ 18 đến 20, album như một cuốn tự truyện khai thác về những nỗi lo lắng trong giai đoạn thanh thiếu niên và các quan điểm của cô về cuộc sống, sự lãng mạn và sự nghiệp sau này.
Nhiều nhà phê bình đều khẳng định sáu bài hát vault trong album gần như phù hợp với bối cảnh "sơ khai" của nhạc pop-rock trong album gốc "Speak Now". Nhạc phẩm "Electric Touch", kết hợp với Fall Out Boy là một bài hát đậm vị pop-punk với những nốt cao vút đậm chất điện ảnh (Cinematic) và tiếng guitar nặng nề không rõ ràng kết hợp với những nhịp trống theo kỹ thuật crescendo. Giọng ca "mềm mại" của Swift hòa lẫn với giọng hát sắc bén của Patrick Stump. Ca khúc kể về những nỗi lo lắng, bi quan khi lần đầu hẹn hò. Bài hát "When Emma Falls in Love" được dẫn dắt từ những dòng dương cầm khá êm dịu kèm theo các nốt đàn băng cầm bắt tai, ca khúc theo chân về cuộc sống của một người bạn của Swift, nữ diễn viên người Mỹ Emma Stone có thể là nguồn cảm hứng để cô sáng tác ca khúc. Được pha trộn từ những bản ballad piano đầy nghiêm trang và mang âm hưởng từ những bản đồng quê. Các đặc điểm trong bài hát đã được so sánh cùng tương đồng với những album mang tính hư cấu như "Folklore" và "Evermore".
"I Can See You" là một bài hát mang chất liệu indie rock có phong cách nhạc funk và surf rock. Mở đầu là một đoạn riff guitar đầy nứt động ("choppy") với tiếng khúc khuỷu đầy sắc sảo của cây guitar bass. Lời bài hát đa số ám chỉ bóng gió hoặc mang tính Khiêu gợi tình dục. "Castles Crumbling" là một bản song ca giữa Swift và Williams, với kết cấu lời hát trong ca khúc "Nothing New" từ album Red (Taylor's Version), ca khúc mô tả phải đối mặt với những suy nghĩ ảo tưởng nếu đánh mất đi sự quan tâm của người hâm mộ, những cảm xúc lo lắng được khai thác triệt để qua sự kiểm soát được xây dựng khi Swift và Williams còn ở tuổi thanh thiếu niên và có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. "Foolish One" mô tả Swift đang tự trừng phạt bản thân vì sự ngây thơ của chính mình và đối mặt với khía cạnh "lãng mạn vô vọng" của cô với thực tế tàn nhẫn, bài hát buồn ngản này chứa những đoạn guitar acoustic và những nhịp đập điện tử đầy mê hoặc. Nhạc phẩm ballad cuối cùng, "Timeless" mô tả Swift tìm thấy những bức ảnh cũ của các cặp đôi trong một cửa hàng đồ cổ và tự đặt mình trong thế giới của những cặp đôi đó. Bài hát chứa những tiếng organ rả rích kèm thêm tiếng acoustic trầm tĩnh pha trộn với sự bồi hồi và vui vẻ từ tiếng sáo với ukulele.
"Speak Now (Taylor's Version)" được phát hành vào ngày 7 tháng 7 năm 2023, đánh dấu album tái thu âm lần thứ ba của Swift. Để bảo đảm cho album sẽ hoàn toàn do chính cô sáng tác, ca khúc tái thu âm "If This Was a Movie", một bài hát đã từng nằm trong bản album cao cấp nhưng lại phát hành dưới dạng đĩa đơn quảng bá đồng thời được đưa vào EP tổng hợp độc quyền "The More Fearless (Taylor's Version) Chapter" vào ngày 17 tháng 3 năm 2023. Phiên bản đĩa than tiêu chuẩn của album "Speak Now (Taylor's Version)" đã được xác nhận sẽ là một bộ ba LP màu tím cẩm thạch. Ngoài ra, hai phiên bản đĩa than màu hoa cà cẩm thạch và đĩa than màu lan tím cẩm thạch độc quyền cũng đã công bố là sẽ được phát hành.
Vào ngày 5 tháng 6, danh sách bài hát trong album đã chính thức được công bố. Trong danh sách có hé lộ những nghệ sĩ nổi tiếng như ban nhạc Fall Out Boy và ca sĩ Hayley Williams sẽ cùng hợp tác với album lần này, Swift đã từng trả lời rằng hai nghệ sĩ trên đã ảnh hưởng "mạnh mẽ" đến chất trữ tình của cô khi viết cho album này, chính vì vậy nên lần này cô đã yêu cầu họ góp mặt trong phiên bản tái thu âm. Vào ngày 24 tháng 6, Swift đăng tải một đoạn video chia sẻ có ca khúc "Mine (Taylor's Version)" trên mạng xã hội nhằm để thông báo 13 ngày trước khi phát hành album. Trong đoạn trailer của loạt phim "Mùa Hè Tôi Trở Nên Xinh Đẹp" mùa thứ 2 được công bố vào ngày 29 tháng 6 có xuất hiện một vài đoạn của ca khúc "Back to December (Taylor's Version)".
Trong chuyến lưu diễn Eras Tour tại thành phố Kansas, Swift đã công chiếu cho video âm nhạc của bài hát I Can See You vào ngày 7 tháng 7 năm 2023. Video sau đó đã được đăng trên kênh YouTube của cô vào ngày hôm sau. Được chỉ đạo và viết kịch bản bởi Swift, video có sự tham gia của cô cùng nhiều diễn viên như Presley Cash và hai diễn viên đã từng xuất hiện trước đó trong video ca nhạc của bài "Mean" là Taylor Lautner và Joey King. Vào ngày 13 tháng 7 năm 2023, Swift đã phát hành phiên bản cao cấp của "Speak Now (Taylor's Version)" dưới dạng kỹ thuật số, trong phiên bản có các bản ghi âm trực tiếp từ bài "Dear John" và bài "Last Kiss" trong chuyến biểu diễn tại Eras Tour.
Đánh cắp bản sao.
Vào ngày 9 tháng 6 năm 2023, một nhà bán lẻ tạm thời đến từ Le Mans, Pháp đã bị bắt sau khi phát hiện đối tượng đã đánh cắp 10 bản đĩa than của "Speak Now (Taylor's Version)" từ nhà kho và đã bán chúng trên Leboncoin với giá €50 mỗi bản. Đối tượng trước đó đã từng bị kết án 8 tháng tù giam với 24 tội về trộm cắp, phá hoại, buôn bán ma túy, gian lận và nhiều tội danh khác. Công tố viên sau đó đã công bố rằng chỉ còn có tám bản chưa được bán trong khi họ không biết rõ tung tích của hai bản còn lại. Trước khi Swift công bố tựa đề của những ca khúc trong album, toàn bộ thông tin về bìa sau của album đã bị rò rỉ trực tuyến.
Đánh giá chuyên môn.
"Speak Now (Taylor's Version)" nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía các nhà phê bình âm nhạc. Trên Metacritic, một trang mạng tổng hợp điểm đánh giá trung bình của các nhà phê bình với thang điểm 100, album nhận được 80 điểm dựa trên 14 bài đánh giá. Mark Sutherland từ tạp chí "Rolling Stone" UK đã chấm cho album 5/5 sao và cho rằng "những sức mạnh từ các nguyên tố và những nỗi đau âm ỉ đã khiến cho "Speak Now" có thể trở thành một kỷ lục đáng nổi bật mà vẫn giữ nguyên bản chất một cách đáng kinh ngạc". Maura Johnston thì lại khẳng định, "Speak Now (Taylor's Version)" có cái nhìn mở rộng và khai thác hình ảnh về một album mang tính bước ngoặt khi chất lượng sản xuất của album đỡ hơn bản gốc.
Nhiều độc giả từ nhiều phương tiện khác nhau như Annabel Nugent từ tờ báo "The Independent", Poppie Platt từ tờ "The Daily Telegraph", Will Hodgkinson từ tờ "The Times" Rachel Caroll từ trang "PopMatters" và Stephen Erlewine từ trang AllMusic, đều phong tặng cho album 4/5 sao và ca ngợi về quá trình sản xuất và kỹ thuật phối nhạc của album trở nên sắc nét hơn, giọng hát của Swift có thêm sắc thái và đè nặng cảm xúc, trữ tình và mạnh mẽ hơn so với bản gốc.
Alex Hopper từ tờ "American Songwriter" và Kelsey Barnes từ trang "The Line of Best Fit" đều ca ngợi album có tính xúc tác và thể hiện đúng phong cách tuổi teen. Nhà phê bình Bobby Olivier từ tạp chí "Spin" khẳng định rằng, anh thích cái phong cách "chất rock sang trọng" trong album và "giọng ca có diện mạo trưởng thành" của Swift.
Tuy vậy, vấn đề về lời ca của bài "Better Than Revenge" vẫn còn là chủ đề bàn tán. Một số độc giả không đồng ý và cho hành động đó là không cần thiết, một số độc giả lại đánh giá cao và cho rằng nó phù hợp với quan điểm hiện tại của Swift với tư cách là một người phụ nữ trưởng thành. Laura Snapes từ tờ "The Guardian" và Vrinda Jagota từ trang "Pitchfork" lại cho giọng hát của Swift mặc dù có vẻ nhiều tính "đậm đà" hơn so với bản gốc nhưng lại mất đi "sự trẻ trung" dù được coi là chất giọng "nhất quán" ấn tượng của album.
Diễn biến thương mại.
Trong ngày đầu tiên phát hành, "Speak Now (Taylor's Version)" nhanh chóng đạt vị trí đầu bảng trên bảng xếp hạng iTunes ở 125 quốc gia, phá vỡ mọi kỷ lục về album quán quân nhiều nhất trên lịch sử nền tảng này. Trên Spotify, album đã phá kỷ lục về số lượt phát trực tuyến nhiều nhất trong năm 2023 với 126,3 triệu lượt phát chỉ trong một ngày. Trở thành album được phát trực tuyến nhiều thứ hai của một nữ nghệ sĩ chỉ trong một ngày, đứng sau album "Midnights" của chính cô vào năm 2022.
Tại Hoa Kỳ, "Speak Now (Taylor's Version)" đứng đầu bảng xếp hạng "Billboard" 200 trong hai tuần đầu tiên phát hành. Album cũng đã kiếm được hơn 575,000 đơn vị album tương đương tại Hoa Kỳ chỉ trong bốn ngày đầu tiên ra mắt, bao gồm hơn 400,000 bản album đã bán (trong đó có 225,000 là bản đĩa than LP), đánh dấu tuần tiêu thụ album cao nhất trong năm 2023 cũng như là tuần bán đĩa than lớn thứ hai trong lịch sử Hoa Kỳ, chỉ đứng sau album "Midnights". Album cũng ra mắt ở vị trí quán quân trên bảng xếp hạng "Billboard" 200 với hơn 716,000 đơn vị album tương đương, trong số đó có 507,000 bản được tiêu thụ, album đạt ngưỡng doanh thu trong tuần lớn nhất của một album nhạc đồng quê kể từ tháng 12 năm 2014, giúp Swift lập kỷ lục mới trong số các nghệ sĩ nữ có nhiều album quán quân nhất trong lịch sử với 12 album và nhiều năm liên tiếp có album quán quân mới với 5 album đồng thời cũng vượt mặt qua Barbra Streisand và Miley Cyrus để trở thành nghệ sĩ nữ đầu tiên có 4 album lọt vào top 10 cùng một lúc, album cũng giúp cô trở thành nghệ sĩ nữ và cũng là nghệ sĩ còn sống đầu tiên lọt vào bảng xếp hạng "Billboard" 200 với 11 album cùng một lúc (chỉ đứng sau The Beatles và Prince), và là nghệ sĩ đầu tiên có 9 album tiêu thụ được ít nhất 500,000 bản chỉ trong vòng một tuần. Tất cả 22 bài hát từ "Speak Now (Taylor's Version)" đều ra mắt trên bảng xếp hạng "Billboard" Hot 100, khiến Swift vượt mặt cả "Glee" để trở thành nghệ sĩ có số bài hát nhiều nhất trên bảng xếp hạng Hot 100 với 212 bài. "Speak Now (Taylor's Version)" cũng giúp Swift có được album thứ tám đạt ngôi quán quân trên bảng xếp hạng Top Country Albums của Billboard cũng như toàn bộ bài hát trong album đã lọt vào bảng xếp hạng Hot Country Songs với 7 bài nằm trong top 10.
Tại Vương quốc Anh, "Speak Now (Taylor's Version)" ra mắt ở ngôi đầu bảng xếp hạng UK Albums Chart với 67,000 bản được bán ra, vượt qua cả album gốc khi đứng ở vị trí thứ sáu và doanh số gấp đôi với doanh số trong tuần đầu tiên phát hành. Album đã giúp Swift vượt mặt Madonna để trở thành nữ nghệ sĩ đầu tiên có 10 album quán quân tại nhanh nhất. Tại Úc, album đã đạt ngôi quán quân trên bảng xếp hạng ARIA Albums Chart, thay thế "Midnights" khỏi vị trí đầu bảng và trở thành album quán quân thứ 11 của Swift khiến cô trở thành nghệ sĩ đầu tiên tự thay thế chính mình ở vị trí quán quân. 15 bài hát trong album cũng đã lọt vào bảng xếp hạng ARIA Singles Chart với ba ca khúc lọt vào top 10.
Vào ngày 7 tháng 7 năm 2023, công ty Dairy Queen đã phát hành một loại kem với hương vị "Blizzard" được lấy cảm hứng từ màu sắc trong album "Speak Now (Taylor's Version)". Vào ngày 10 tháng 7 năm 2023, nhiều chi nhánh của Cục Điều tra Liên bang (FBI) trên khắp thủ đô Washington, D.C. đã phát hành một tấm áp phích theo phong cách của "Speak Now (Taylor's Version)" với mục đích khuyến khích những người dùng mạng xã hội nên chia sẻ những lời khuyên liên quan đến nhiều hoạt động tội phạm có thể xảy ra, thay thế cho danh sách bài hát bằng các hành vi tội phạm như khủng bố, tội phạm ảo, phản gián, quyền công dân, tham nhũng công, vũ khí hủy diệt hàng loạt, tội phạm có tổ chức, tội phạm bạo lực và tội phạm cổ cồn trắng.
Danh sách ca khúc.
Đội ngũ thực hiện.
Đội ngũ tham gia sản xuất cho album "Speak Now (Taylor's Version)" được điều chỉnh trên ghi chú trên bìa đĩa. |
Jack Douglas Teixeira (sinh tháng 12 năm 2001) là một phi công người Mỹ gốc Bồ Đào Nha thuộc Đơn vị tình báo 102 của Lực lượng Phòng không Quốc gia Không quân Massachusetts. Anh bị cáo buộc khi đã phát tán rò rỉ tài liệu mật quân sự của Lầu Năm Góc vào đầu tháng 4 năm 2023.
Teixeira sinh vào tháng 12 năm 2001 là người Mỹ gốc Bồ Đào Nha. Cha mẹ của Teixeira ly hôn khi anh mới 9 tuổi. Cha dượng của Teixeira là một sĩ quan đã nghỉ hưu trong Lực lượng Không quân Hoa Kỳ. Mẹ anh làm việc cho một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ các cựu quân nhân.
Teixeira lớn lên ở vùng ngoại ô Providence, Rhode Island. Khi còn học trung học, Teixeira đã bị đình chỉ sau khi một bạn cùng lớp tình cờ nghe được anh ta "nhận xét về vũ khí, bao gồm cocktail Molotov, súng ở trường và các mối đe dọa chủng tộc". Anh ấy khẳng định nhận xét của mình liên quan đến trò chơi điện tử, nhưng các sinh viên khác cho biết nhận xét đó không liên quan đến bất kỳ cuộc trò chuyện nào liên quan đến trò chơi điện tử.
Khi còn học trung học, Teixeira đã từng nộp đơn xin thẻ nhận dạng súng và bị từ chối vì cảnh sát lo ngại về những nhận xét dẫn đến việc anh bị đình chỉ học. Anh ấy đã nộp đơn một lần nữa vào năm 2019. Năm 2020, anh ấy đã viết một lá thư trình bày việc anh ấy đã phục vụ cho Lực lượng Không quân Hoa Kỳ và coi "thông quan Tối mật" của mình là bằng chứng cho thấy "Tôi đã trưởng thành như một con người" và tự cho rằng anh ấy có trách nhiệm hơn.
Năm 2020, Teixeira tốt nghiệp trường trung học khu vực Dayton-Rehoboth, nhưng đã bỏ lỡ lễ tốt nghiệp do cam kết huấn luyện tại Căn cứ Không quân Lakeland ở Texas.
Theo hồ sơ của tòa án liên bang, Teixeira gia nhập Lực lượng Vệ binh Quốc gia Không quân Massachusetts, đóng quân tại Căn cứ Vệ binh Quốc gia Không quân Otis ở Cape Cod vào tháng 9 năm 2019. Anh ta đã được cấp giấy chứng nhận an ninh Tối mật vào năm 2021, theo một bản khai có tuyên thệ của một đặc vụ FBI. Teixeira cũng được cấp quyền truy cập có ngăn nhạy cảm, hay còn gọi là "SCI" đối với các chương trình được phân loại cao khác.
Kể từ tháng 5 năm 2022, anh ta phục vụ với tư cách là Phi công hạng nhất E-3, đóng quân tại Căn cứ Lực lượng Vệ binh Quốc gia Không quân Otis ở Massachusetts.
"Bài chi tiết: Vụ rò rỉ tài liệu quân sự Hoa Kỳ 2023"
Bị cáo buộc rò rỉ tài liệu mật.
Đầu tháng 4 năm 2023, Teixeira bị FBI cáo buộc đã thường xuyên chia sẻ thông tin mật lên một nhóm trò chuyện có tên "Thug Shaker Central" trên dịch vụ trò chuyện trực tuyến Discord. Theo báo cáo điều tra bắt đầu ít nhất là vào tháng 10 năm 2022, hai tài liệu mật liên quan đến Ukraina đều được sao chép từ các tài liệu anh ấy đã đọc và từ các bản in được lấy ra khỏi văn phòng của anh ấy trên cơ sở. Các thành viên phòng trò chuyện được cho là đã nói chuyện và chơi trò chơi điện tử cùng nhau về các vấn đề về Chiến tranh Nga - Ukraina; theo "The New York Times", Teixeira được xác định là quản trị viên phòng chat. Các báo cáo về quy mô nhóm trò chuyện từ khoảng hai mươi đến khoảng năm mươi thành viên.
Vào ngày 28 tháng 2 năm 2023, một thành viên nhóm trò chuyện được cho là đã đăng hàng chục bức ảnh về các tài liệu mật lên một máy chủ Discord khác. Từ đó, một người dùng khác đã cáo buộc rằng họ đã đăng các hình ảnh được tìm thấy trên máy chủ đó lên máy chủ Discord được liên kết với trò chơi điện tử "Minecraft." Sau khi các tài liệu mật bắt đầu xuất hiện trên các kênh Telegram tiếng Nga, "The New York Times" lần đầu tiên đưa tin về vụ rò rỉ. Vào ngày 21 tháng 4, "Thời báo New York" báo cáo rằng một tài khoản Discord có đặc điểm tương tự như hồ sơ trực tuyến của Teixeira đã chia sẻ các bản tóm tắt bằng văn bản về thông tin mật và có khả năng chia sẻ ảnh chụp tài liệu cho một nhóm trò chuyện Discord với khoảng 600 thành viên từ khoảng tháng 2 năm 2022 đến khoảng tháng 3 năm 2023.
Bị bắt giữ và xét xử.
Sáng ngày 13 tháng 4 năm 2023, Cục Điều tra Liên bang (FBI) bắt giữ Teixeira tại nhà riêng ở Dighton, nơi Teixeira sống cùng mẹ và cha dượng. Khi khám xét bên trong nhà của anh ta, các nhà điều tra tìm thấy kho vũ khí của Teixeira, bao gồm súng ngắn, súng trường bắn tỉa, một khẩu súng trường kiểu AK với băng đạn dung lượng lớn, mặt nạ phòng độc và các vũ khí khác.
Đến hôm sau, Teixeira xuất hiện lần đầu tiên tại Tòa án Hoa Kỳ ở Boston trước một Thẩm phán Sơ thẩm Hoa Kỳ, và tài liệu buộc tội chính thức chưa được niêm phong. Qua xét xử Teixeira bị tòa án cáo buộc vi phạm Đạo luật gián điệp năm 1917 và việc loại bỏ và lưu giữ trái phép các tài liệu mật. Anh ta bị cáo buộc thêm về việc đã xóa hàng trăm tài liệu mật và công khai chúng trên máy chủ Discord. Kèm theo đơn kiện hình sự là một bản khai có tuyên thệ hỗ trợ từ một đặc vụ của Bộ phận Phản gián FBI.
Tại tòa án liên bang ở Boston hôm 14/4, Jack Teixeira đã bị buộc tội với hai tội danh: Lưu trữ và lan truyền trái phép thông tin quốc phòng; Thu thập và lưu trữ trái phép tài liệu mật. Mỗi tội danh sẽ bị phạt tiền hoặc phạt tù tối đa 10 năm, hoặc cả hai.
Trong phiên điều trần, công tố viên Nadine Pellegrini nói rằng chính phủ sẽ tìm bằng chứng để Jack Teixeira chịu khung phạt tù cao nhất, đồng nghĩa với việc anh có thể chịu án tù lên đến 20 năm.
Liên kết trang Web. |
Nhà vịt di cư
Nhà vịt di cư (tên tiếng Anh: Migration) là một bộ phim điện ảnh hoạt hình máy tính thuộc thể loại hài phiêu lưu của Mỹ ra mắt vào năm 2023 được Universal Pictures và Illumination phối hợp sản xuất. Phim do Benjamin Renner làm đạo diễn, với sự tham gia lồng tiếng của các diễn viên gồm Kumail Nanjiani, Elizabeth Banks, Caspar Jennings, Tresi Gazal, Keegan-Michael Key, Awkwafina và Danny DeVito.
"Nhà vịt di cư" có buổi công chiếu lần đầu tại VIEW Conference ở Turin, Ý vào ngày 19 tháng 10 năm 2023, và được Universal Pictures ra mắt tại Mỹ vào ngày 22 tháng 12 năm 2023, tại Việt Nam vào ngày 29 tháng 12 cùng năm và tại Anh vào ngày 2 tháng 2 năm 2024. Tác phẩm nhìn chung nhận về những lời khen ngợi từ giới chuyên môn.
Câu chuyện theo chân một gia đình vịt trời gồm vịt bố Mack, vịt mẹ Pam, vịt cả Dax và vịt út Gwen trong lần đầu tiên trải nghiệm chuyến di cư tiến về phía Nam để trú đông. Thế nhưng, niềm vui vẻ sự háo hức kéo dài chưa lâu thì gia đình vịt nhận ra họ đang bay ngược chiều với tất cả các đàn vịt khác. Không kịp quay đầu, họ bất ngờ gặp phải loạt “chướng ngại vật” là những tòa nhà cao tầng của thành phố hiện đại. Từ đây, những hiểm nguy đang chờ rình rập họ trong hành trình khám phá đô thị mới.
Ngày 18 tháng 2, 2022. Illumination đã thông báo về bộ phim mới của họ có tựa đề là "Nhà vịt di cư" với vị trí đạo diễn sẽ do họa sĩ diễn hoạt kiêm tác giả truyện tranh người Pháp là Benjamin Renner đảm nhận cùng với Guylo Homsy trong vai trò đồng đạo diễn và kịch bản do Mike White chấp bút. Trước đây, Renner đã có kinh nghiệm chỉ đạo hai bộ phim hoạt hình truyền thống là "Ernest Celestine" (2012) và "The Big Bad Fox and Other T" (2017).
Vào ngày 26 tháng 4 năm 2023, Kumail Nanjiani, Elizabeth Banks, Keegan-Michael Key, Awkwafina, Danny DeVito, Caspar Jennings, Tresi Gazal, David Mitchell và Carol Kane được công bố sẽ tham gia vào dàn diễn viên lồng tiếng chính của phim. Trong khi, một số người tham gia vào đoàn làm phim như đồng đạo diễn Guylo Homsy, nhà dựng phim Christian Gazal và nhà thiết kế sản xuất Colin Stimpson cũng được tiết lộ.
"Nhà vịt di cư" được dự kiến sẽ công chiếu vào ngày 22 tháng 12, 2023. Ban đầu, phim được dự kiến sẽ ra mắt vào ngày 30 tháng 4, 2023.
Phim cũng sẽ là một phần trong thỏa thuận kéo dài 18 tháng với nền tảng Netflix, phim sẽ được tiếp tục chiếu trên Peacock trong bốn tháng đầu tiên của dịch vụ có trả tiền, tiếp theo chuyển sang chiếu trên Netflix trong mười tháng tiếp theo và cuối cùng là trở về nền tảng Peacock trong bốn tháng còn lại.
Đoạn quảng cáo của phim được phát hành vào ngày 5 tháng 4, 2023 và được chiếu kèm với các suất chiếu của "Phim anh em Super Mario" tại Mỹ. |
Supiori là một đảo thuộc quần đảo Schouten trên vịnh Cenderawasih, ngay phía tây của đảo Biak thuộc tỉnh Papua, Tây New Guinea, Indonesia.
Đảo có địa hình hiểm trở, rừng mưa nhiệt đới bao phủ phần lớn đảo. Đảo dài khoảng 40 km và rộng 25 km, có tổng diện tích 514,49 km² (bao gồm các đảo nhỏ ngoài khơi như Rani nhưng không bao gồm quần đảo Aruri lân cận). Điểm cao nhất của đảo có độ cao 1.034 m.
Các khu định cư chính bao gồm Korido trên bờ biển phía nam và Yenggarbun trên bờ biển phía bắc. Phía nam Supiori là các đảo san hô nhỏ Aruri (Insumbabi) và Rani. Trước năm 1963, hòn đảo này là một phần của New Guinea thuộc Hà Lan. Đảo bao gồm huyện Supiori của tỉnh Papua.
Hòn đảo được người châu Âu nhìn thấy lần đầu tiên khi một người Bồ Đào Nha là Jorge de Menezes đến vào năm 1526. Menezes đổ bộ lên quần đảo Biak, là nơi ông buộc phải trú đông. Một trong những lần nhìn thấy đầu tiên thuộc về nhà hàng hải người Tây Ban Nha Álvaro de Saavedra vào ngày 24 tháng 6 năm 1528, khi cố gắng từ Tidore trở về Tân Tây Ban Nha. Quần đảo Schouten được ghi là Islas de Oro (Quần đảo Vàng trong tiếng Tây Ban Nha).
Đảo được nhìn thấy một lần nữa bởi nhà hàng hải Tây Ban Nha Íñigo Órtiz de Retes vào năm 1545. Đảo được người Tây Ban Nha ghi vào bản đồ là Los Martires, có thể vì đó là nơi nhà hàng hải Tây Ban Nha Hernando de Grijalva bị thủy thủ đoàn nổi loạn của ông sát hại. |
Bí mật nghiệt ngã
Bí mật nghiệt ngã là một bộ phim truyền hình được thực hiện bởi Hãng phim AquaBlue do Huỳnh Đông làm đạo diễn. Phim phát sóng vào lúc 21h00 thứ 2, 3 hàng tuần bắt đầu từ ngày 1 tháng 11 năm 2022 và kết thúc vào ngày 15 tháng 5 năm 2023 trên kênh THVL1.
Phiên bản 45 phút/tập của bộ phim có độ dài 29 tập được phát sóng trên ứng dụng website của FPT Play.
"Bí mật nghiệt ngã" là câu chuyện về cuộc đời của hai anh em cùng cha khác mẹ là Duy (Nguyễn Quốc Trường Thịnh) và Hải Đăng (Khắc Minh). Hoàn cảnh éo le đã khiến hai anh em phải sống chung một nhà. Nhưng thay vì yêu thương và đùm bọc nhau vì mối quan hệ ruột rà, Duy và Hải Đăng liên tục trải qua nhiều sóng gió, gay cấn từ đầu đến cuối.
Cùng một số diễn viên khá
Ca khúc trong phim.
Bài hát trong phim là ca khúc "Vì sao" do Văn Tứ Quý sáng tác và ca sĩ Quốc Anh thể hiện. |
Killnet là một nhóm tin tặc Nga được biết tới với các cuộc tấn công DoS (từ chối dịch vụ) và DDoS (từ chối dịch vụ phân tán) nhằm vào các tổ chức chính phủ và công ty tư nhân ở một số quốc gia trong cuộc xâm lược Ukraine năm 2022 của Nga. Nhóm được cho là đã thành lập vào khoảng tháng 3 năm 2022.
Cảnh báo Five Eyes.
Vào tháng 4 năm 2022, Liên minh tình báo Five Eyes đã đưa ra cảnh báo về các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng quan trọng của các nhóm liên kết với Nga, bao gồm cả Killnet.
Các cuộc tấn công.
Killnet là tổ chức đứng sau tất cả các cuộc tấn công vào các trang web của chính phủ Romania từ ngày 29 tháng 4 năm 2022 đến ngày 1 tháng 5 năm 2022.
Sau các vụ nổ tại quốc gia không được công nhận Transnistria, Cục Thông tin và An ninh Dịch vụ của Cộng hòa Moldova đã thông báo rằng nhóm tin tặc chuyên nghiệp Killnet đã thực hiện hàng loạt các cuộc tấn công mạng khác từ nước ngoài nhằm vào các trang web của các cơ quan và tổ chức chính thức Moldovan. Cuộc tấn công này được thực hiện chỉ vài ngày sau cuộc tấn công vào các trang web của Rumani.
Tháng 4 năm 2022, Killnet đã nhận toàn bộ trách nhiệm về các cuộc tấn công vào các trang web của tổ chức nhà nước Séc.
Vào thứ sáu, ngày 14 tháng 5 năm 2022, các trang web của Istituto Superiore di Sanità và Câu lạc bộ ô tô của Ý đã bị Killnet tấn công. Cũng trong cuộc tấn công này, trang web của Thượng viện Ý cũng đã bị Killnet tấn công và bị chặn trong vòng một giờ. Ngày 29 tháng 5 năm 2022, Killnet tuyên bố sẽ mở một cuộc tấn công mạng "thiệt hại không thể khắc phục được" vào Ý và lên kế hoạch thực hiện trong ngày hôm sau. Ngày 30 tháng 5 năm 2022, nhóm tin tặc này đã tấn công và chặn được một số trang web của Ý, nhưng cuộc tấn công vào trang CSIRT không thành công như kế hoạch. Cuộc tấn công không có sức tàn phá như dự đoán. Killnet sau đó đã khen ngợi CSIRT về bộ máy phòng thủ của họ và chế giễu chính phủ đã quyên góp vài nghìn USD cho nhóm vì công lao của CSIRT.
Tấn công Eurovision 2022.
Nhóm hacker Killnet bị nghi ngờ là đã cố gắng chặn trang web Eurovision Song Contest trong khi phần trình diễn của Ukraine đang diễn ra tại cuộc thi năm 2022 bằng một cuộc tấn công DDoS, cuộc tấn công đó đã bị cảnh sát Ý chặn lại. Tuy nhiên, Killnet đã phủ nhận trên kênh Telegram của họ rằng cuộc tấn công đã thất bại. Sau đó, Killnet đã tấn công trang web của cảnh sát tiểu bang và nhấn mạnh rằng cách họ chặn cuộc tấn công vào Eurovision và cuộc tấn công này không giống nhau. Sau cuộc tấn công này, họ đe dọa sẽ tấn công 10 quốc gia châu Âu, trong đó có Ý.
Killnet đã nhận trách nhiệm về các cuộc tấn công DDoS nhằm vào các cơ sở hạ tầng mạng của Litva. Họ nói rằng cuộc tấn công mạng vào Litva là để trả đũa việc nước này ngừng vận chuyển hàng hóa đến vùng ngoại ô Kaliningrad của Nga.
Nhóm hacker Killnet đã nhắm mục tiêu vào các tổ chức của Na Uy thông qua nhiều cuộc tấn công DDoS khác nhau vào ngày 28 tháng 6 năm 2022. Cơ quan An ninh Quốc gia Na Uy tin rằng không có dữ liệu cá nhân nào bị xâm phạm.
Killnet đã nhắm mục tiêu là Đài truyền hình Công cộng Latvia trong cuộc tấn công mạng lớn nhất trong lịch sử của nước này. Đài truyền hình này cũng cho biết cuộc tấn công đã bị chặn lại.
Ngày 1 tháng 8 năm 2022, nhóm và người sáng lập có tên "Killmilk" đã nhận trách nhiệm về cuộc tấn công mạng vào tập đoàn quốc phòng Hoa Kỳ Lockheed Martin, như một cách trả đũa đối với các hệ thống HIMARS do Hoa Kỳ cung cấp cho Ukraine. Killnet cho rằng Lockheed Martin “là nhà tài trợ chính cho chủ nghĩa khủng bố trên thế giới” và “phải chịu trách nhiệm cho hàng nghìn, hàng nghìn cái chết của con người.” Ngay trước khi cuộc tấn công diễn ra, nhóm đã tuyên bố sẽ thực hiện một kiểu tấn công mạng mới, khác với các cuộc tấn công mạng DoS và DDoS mà họ đã thực hiện trước đó. Killmilk cho biết cuộc tấn công nhắm vào các hệ thống sản xuất của Lockheed Martin cũng như thông tin về nhân viên của công ty để họ “bị hành hạ và bị trừ khử trên khắp thế giới! ”.
Vào ngày 10 tháng 10 năm 2022 một số trang web của sân bay Hoa Kỳ đã bị tấn công.
Vào ngày 6 tháng 9 năm 2022, Killnet thông báo rằng họ đã tấn công 23 trang web của bốn bộ và cơ quan, bao gồm e-Gov, một trang web cung cấp thông tin hành chính do Cơ quan kỹ thuật số quản lý và eLTAX, một trang web thuế địa phương do Bộ Nội vụ và Truyền thông quản lý, cũng như dịch vụ mạng xã hội "mixi". Ngày 7 tháng 9, nhóm hacker này cũng đã đăng một video tuyên chiến với chính phủ Nhật Bản và thông báo rằng họ đã tấn công Tàu điện ngầm Tokyo và Tàu điện ngầm Osaka. Tại buổi họp báo cùng ngày, Chánh thư ký nội các Hirokazu Matsuno cho biết không có thông tin nào bị rò rỉ từ cuộc tấn công vào thời điểm đó. Về sự tham gia của Killnet, ông tuyên bố: "Chúng tôi biết rằng họ đang ám chỉ một hành động phạm tội, nhưng chúng tôi vẫn đang xác minh nguyên nhân thất bại, bao gồm cả các bên liên quan."
Theo bài đăng trên Twitter do công ty nghiên cứu mối đe dọa CyberKnow công bố, Killnet và người sáng lập của họ, Killmilk đã đe dọa rằng họ sẽ tấn công chính phủ Georgia nếu còn tiếp tục hoạt động chống lại Liên bang Nga.
Vào ngày 26 tháng 1 năm 2023, Văn phòng Bảo mật Thông tin Liên bang (BSI) của Đức thông báo rằng một cuộc tấn công DDoS trên diện rộng nhằm vào nhiều cơ quan và công ty khác nhau ở Đức đã diễn ra từ đêm hôm trước. Theo BSI, các trang web từ các sân bay đều đặc biệt bị ảnh hưởng, đồng thời các trang web của các công ty trong lĩnh vực tài chính và các trang web của chính quyền liên bang và tiểu bang cũng bị ảnh hưởng bởi cuộc tấn công này. Killnet trước đó đã thông báo thực hiện các cuộc tấn công này, được cho là để trả đũa quyết định của chính phủ Đức khi gửi xe tăng chiến đấu Leopard 2 tới Ukraine. |
Họ Sẻ Tân Thế giới
Họ Sẻ Tân Thế giới (danh pháp khoa học: Passerellidae) là một họ chủ yếu gồm các loài chim Tân Thế giới thuộc bộ Sẻ (Passeriformes). Chúng là loài chim ăn hạt màu nâu hoặc xám, có mỏ hình nón và nhiều loài có kiểu đầu đặc biệt. Họ này quan hệ gần gũi với Họ Sẻ đồng (Emberizidae). Sẻ Tân Thế giới có vẻ ngoài và thói quen tương tự với sẻ thông, nên đôi khi chúng từng được phân loại chung họ.
Hiệp hội Nhà điểu học Quốc tế (IOU) công nhận 138 loài thuộc họ này, chia thành 30 chi:
Đây là một đổi hướng từ một trang đó đã được . Trang này được giữ lại dưới dạng một trang đổi hướng để tránh phá vỡ các liên kết, cả bên trong và bên ngoài, có thể đã được liên kết tới tên trang cũ.
Dưới đây là sơ đồ phát sinh chủng loại họ Passerellidae, dựa trên nhiên cứu năm 2016 của Robert Bryson và đồng nghiệp. |
VK 4501(P) là một dự án xe tăng hạng nặng của hãng Porsche của Đức thiết kế để sản xuất hàng loạt vào thế chiến thứ hai.Tuy nhiên nó không trở thành hiện thực do dự án xe tăng của hãng Hensche được chọn và sản xuất với chiếc Tiger 1.Về sau, các bộ phận của xe tăng này đã được dùng làm tháp pháo tự hành chống tăng Elefant.
Vào ngày 26 tháng 5 năm 1941, Henschel và Porsche được yêu cầu đệ trình thiết kế xe tăng hạng nặng 45 tấn có khả năng lắp súng 8,8 cm Kwk 36 L/56 tốc độ cao vốn lấy từ súng phòng không 88 mm Flak 37 của Đức. Cả xe tăng Henschel và Porsche đều được trang bị cùng một tháp pháo do Krupp cung cấp. Công ty Porsche đã làm việc để chỉnh sửa xe tăng hạng trung VK 30.01 (P) , nguyên mẫu xe tăng hạng trung của Porsche và các bộ phận chỉnh sửa được sử dụng trên nó cho xe tăng mới.
Bình xăng mới của Porsche, được chỉ định là VK 45.01 (P) sẽ được cung cấp năng lượng bởi động cơ xăng Porsche Type 101 làm mát bằng không khí V-10 kép được gắn ở phía sau bình xăng. Sau đó, mỗi động cơ đôi sẽ dẫn động một máy phát điện riêng biệt, một máy phát điện cho hai bên thùng, sau đó sẽ cung cấp năng lượng cho mỗi động cơ trong số hai động cơ điện, một động cơ cung cấp năng lượng cho mỗi đường ray từ đĩa xích truyền động phía sau. Nhưng động cơ và bộ truyền động nói chung là những thiết kế mới và không chính thống cho xe tăng (ngoài một số thử nghiệm ngắn trong những năm đầu tiên), và do kém phát triển nên dễ bị hỏng hóc hoặc phải bảo trì thường xuyên. Đức Quốc xã cũng gặp khó khăn trong việc kiếm thêm lượng đồng chất lượng cao để chế tạo các đội phương tiện hoàn toàn mới chạy bằng điện bên cạnh nhu cầu ngày càng tăng của đội tàu U-boat (vốn sử dụng hộp số diesel-điện rất giống nhau, hoạt động hoàn hảo tốt). Những vấn đề này và thực tế là các cuộc thử nghiệm đã chứng minh rằng chiếc xe tăng này kém cơ động hơn so với đối thủ cạnh tranh của nó, là lý do tại sao nguyên mẫu VK 45.01 (H) H1 được trang bị vũ khí giống hệt và thông thường hơn của Henschel, trở thành Tiger I, đã được thông qua để sản xuất thay thế.
Khung gầm VK 45.01 (P) sau đó được chọn làm cơ sở cho một chiếc Jagdpanzer hạng nặng mới (mặc dù được chỉ định là Panzerjäger) mà cuối cùng sẽ được gọi là Ferdinand và lắp loại Pak 43/2 88 mm mới, dài hơn.
Chỉ có một xe tăng được đưa vào phục vụ với tư cách là xe tăng chỉ huy trong đơn vị Ferdinand (Elefant), và phục vụ trong Panzerjäger Abteilung 653. Nó được triển khai vào tháng 4 năm 1944 và bị phá hủy vào tháng 7 sau đó.
Khung gầm của VK 45.01 (P) và nhiều bộ phận của Elefant sau đó được sử dụng để phát triển nguyên mẫu xe tăng hạng nặng VK 45.02 (P)
Danh sách xe tăng |
Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Tự trị Tajik
Đây là một đổi hướng từ một trang đó đã được . Trang này được giữ lại dưới dạng một trang đổi hướng để tránh phá vỡ các liên kết, cả bên trong và bên ngoài, có thể đã được liên kết tới tên trang cũ.
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết tự trị Tajikistan (tiếng Nga: Таджикская Автономная Социалистическая Советская Республика, Tadzhikskaya Avtonomnaya Sots ialisticheskaya Respublika) hoặc đôi khi là Tajik ASSR một nước cộng hòa tự trị trong Uzbek SSR ở Liên Xô. Nó được tạo ra vào tháng 10 năm 1924 bởi một loạt các hành vi pháp lý phân chia ba thực thể khu vực hiện có ở Trung Á – Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết tự trị Turkestan, Cộng hòa Xô viết Nhân dân Bukharan và Cộng hòa Xô viết Nhân dân Khorezm – thành năm thực thể mới dựa trên các nguyên tắc dân tộc: Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết Uzbek, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết Turkmen, Tajik ASSR (trong Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết Uzbek), Khu tự trị Kara-Kirghiz (là một tỉnh của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết Nga), và Khu vực tự trị Karakalpak (là một tỉnh của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết Kazakh).
Thủ đô của Tajik ASSR là ở Dyushambe (ngày nay được gọi là Dushanbe). Vào tháng 10 năm 1929, theo sáng kiến của Shirinsho Shotemur, Tajik ASSR được chuyển đổi thành Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết chính thức và trở thành Tajik Xô viết, cộng thêm vùng Khujand (tỉnh Sughd ngày nay ở miền bắc Tajikistan) từ Uzbek Xô viết. Thủ đô Dyushambe được đổi tên thành Stalinabad để vinh danh Joseph Stalin.
Giống như ở các nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết khác, quá trình công nghiệp hóa và tập thể hóa bắt đầu vào năm 1927 và tiếp tục cho đến cuối những năm 1930. Khủng bố thường được sử dụng để ép buộc nông dân tham gia tập thể hóa cưỡng bức, và điều này đã dẫn đến sự phản kháng chống chính phủ trong những năm kéo dài từ 1930 đến 1936. Các cuộc thanh trừng của chủ nghĩa Stalin đã ảnh hưởng đến nhiều thành viên của Đảng Cộng sản Tajikistan, và điều này đã dẫn đến việc loại bỏ khoảng 10.000 người (70% Đảng viên). Người dân Tajikistan cũng phải chịu cảnh buộc phải di dời: trong những năm 1950-1960, cư dân ở các vùng núi của đất nước bị trục xuất đến các trung tâm đô thị do cần lực lượng lao động, trong khi vào năm 1951–1952, 3.000 người Basmachi bị trục xuất đến Siberia. |
MP3008 là súng tiểu liên do Đức sản xuất vào cuối thế chiến hai để thay thế khẩu MP40 do tình trạng thiếu nguyên liệu để sản xuất. Nó có thiết kế giống hệt Sten (Do Đức sao chép từ khẩu Sten) trừ việc băng đạn để dọc chứ không để ngang như bản gốc.
MP 3008 sử dụng phương thức nạp đạn bằng phản lực bắn đơn giản hoạt động từ khóa nòng mở. Nó được sản xuất thô sơ trong các cửa hàng máy móc nhỏ và các biến thể là phổ biến. MP3008 có băng đạn được gắn phía dưới chứ không giống như Sten gắn băng đạn phía bên trái. Ban đầu súng được làm hoàn toàn bằng thép không có báng cầm tay, báng bằng dây được hàn vào khung và thường có hình tam giác, tuy nhiên thiết kế đã thay đổi khi điều kiện bên trong nước Đức trở nên tồi tệ hơn và trên những khẩu súng cuối cùng, người ta tìm thấy các báng súng bằng gỗ và các biến thể khác.
Gerät Potsdam , một phiên bản khác của Sten Mk II do Mauser sản xuất năm 1944, là bản sao chính xác của Sten gốc. Khoảng 28.000 chiếc được cho là đã được sản xuất, nhưng các cuộc thẩm vấn sau chiến tranh của các nhân viên cấp cao của Mauser không đưa ra được bằng chứng rằng có hơn 10.000 chiếc đã được sản xuất.
Trong Văn Hóa Đại Chúng.
Nó không được nhiều người biết cho đến hiện tại so với khẩu Sten của Anh và nó có thể nhìn thấy trong tựa game Enlisted hoặc các tựa game thế chiến hai khác (tuy nhiên rất ít game thế chiến hai có khẩu MP3008)
Ngày nay, một bản sao bán tự động của MP3008, BD3008, được sản xuất bởi HZA Kulmbach GmbH ở Đức.
Các Quốc Gia Sử Dụng.
Tiệp Khắc Dùng sau chiến tranh thế giới thứ 2 |
Eldar Moldozhunusov (; ; sinh ngày 15 tháng 9 năm 1995) là một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp người Kyrgyzstan hiện đang thi đấu ở vị trí tiền đạo cho câu lạc bộ Neftchi Kochkor-Ata và Đội tuyển bóng đá quốc gia Kyrgyzstan.
Sự nghiệp thi đấu.
Tháng 1 năm 2023, Moldozhunusov đến Ấn Độ, ký hợp đồng với đội đương kim vô địch I-League Gokulam Kerala.
"Tỷ số và kết quả liệt kê bàn thắng đầu tiên của Kyrgyzstan, cột điểm cho biết điểm số sau mỗi bàn thắng của Moldozhunusov." |
Santiago Peña Palacios ([sanˈtjaɣo ˈpeɲa paˈlasjos]; sinh ngày 16 tháng 11 năm 1978) là một chính trị gia và nhà kinh tế người Paraguay, hiện đang là Tổng thống đắc cử của Paraguay sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2023. Ông từng là thành viên của Hội đồng quản trị của Ngân hàng Trung ương Paraguay, và từng là Bộ trưởng Tài chính của Paraguay. Ông trước đó đã đứng ra tranh cử trong cuộc bầu cử sơ bộ tổng thống của Đảng Colorado vào năm 2018, trong đó ông thua Mario Abdo Benítez, người sau đó đã được bầu làm tổng thống trong bầu cử tổng thống năm 2018. Peña từng là thành viên của Đảng Tự do cấp tiến đích thực từ năm 1996 đến năm 2016, khi ông chuyển sang tham gia Đảng Colorado.
Ngoài sự nghiệp chính trị, Peña còn là thành viên của hội đồng lãnh đạo của Ngân hàng Trung ương Paraguay và Banco Amambay. Ông cũng từng giảng dạy kinh tế tại Đại học Công giáo Asunción, và đã xuất bản các bài nghiên cứu về chính sách tiền tệ và tài chính.
Peña đã được bầu làm Tổng thống Paraguay thứ 70, sau khi giành chiến thắng với 43,9% phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống 2023 vào tháng 4. Ông đã được chúc mừng bởi Tổng thống Mario Abdo Benítez, cũng như các Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva của Brazil và Alberto Fernández của Argentina. Peña kêu gọi đoàn kết để giải quyết các thách thức kinh tế mà đất nước đang đối mặt. Peña sẽ nhậm chức vào ngày 15 tháng 8 năm 2023. |
Độ vuông (deg2) là một đơn vị đo góc khối không thuộc hệ đo lường quốc tế. Các ký hiệu khác bao gồm "sq. deg." và (°)2. Giống như độ được sử dụng để đo các phần của đường tròn, độ vuông được sử dụng để đo các phần của mặt cầu. Tương tự với một độ bằng radian, một độ vuông bằng ()2 steradian (sr), hoặc khoảng sr hoặc #đổi
Đây là một đổi hướng từ một trang đó đã được . Trang này được giữ lại dưới dạng một trang đổi hướng để tránh phá vỡ các liên kết, cả bên trong và bên ngoài, có thể đã được liên kết tới tên trang cũ.
Đây là một đổi hướng từ một trang đó đã được . Trang này được giữ lại dưới dạng một trang đổi hướng để tránh phá vỡ các liên kết, cả bên trong và bên ngoài, có thể đã được liên kết tới tên trang cũ.
khi nhìn từ bề mặt Trái Đất. Mặt Trăng thay đổi từ 0,188 đến #đổi
Đây là một đổi hướng từ một trang đó đã được . Trang này được giữ lại dưới dạng một trang đổi hướng để tránh phá vỡ các liên kết, cả bên trong và bên ngoài, có thể đã được liên kết tới tên trang cũ.
tùy thuộc vào khoảng cách giữa Mặt Trăng và Trái Đất.
Đây là một đổi hướng từ một trang đó đã được . Trang này được giữ lại dưới dạng một trang đổi hướng để tránh phá vỡ các liên kết, cả bên trong và bên ngoài, có thể đã được liên kết tới tên trang cũ.
(giống như trăng tròn).
Đây là một đổi hướng từ một trang đó đã được . Trang này được giữ lại dưới dạng một trang đổi hướng để tránh phá vỡ các liên kết, cả bên trong và bên ngoài, có thể đã được liên kết tới tên trang cũ.
, trong khi chòm sao nhỏ nhất, Nam Thập Tự, chỉ có diện tích khoảng #đổi
Đây là một đổi hướng từ một trang đó đã được . Trang này được giữ lại dưới dạng một trang đổi hướng để tránh phá vỡ các liên kết, cả bên trong và bên ngoài, có thể đã được liên kết tới tên trang cũ. |
Đây là một đổi hướng từ một trang đó đã được . Trang này được giữ lại dưới dạng một trang đổi hướng để tránh phá vỡ các liên kết, cả bên trong và bên ngoài, có thể đã được liên kết tới tên trang cũ.
Borio là một loại bánh quy có nguồn gốc xuất xứ từ Ai Cập tương tự với Oreo. Nó bao gồm hai chiếc bánh quy socola kẹp với nhân kem ở giữa.
Trong khi Oreo được phát minh tại Hoa Kỳ vào năm 1912 bởi Nabisco, Borio được sản xuất và phân phối tại Ai Cập bởi Family Nutrition.
Kraft Foods Inc. mua lại Nabisco năm 2000 và Family Nutrition năm 2003 để cả hai sản phẩm đều thuộc sở hữu của cùng một công ty. Năm 2012, Kraft Foods trở thành Mondelez International. |
Giải đua ô tô Công thức 1 Miami 2023
Giải đua ô tô Công thức 1 Miami 2023 (tên chính thức là Formula 1 C) là một chặng đua Công thức 1 được tổ chức vào ngày 7 tháng 5 năm 2023 tại Trường đua Quốc tế Miami ở Miami Gardens, Florida và là chặng đua thứ năm của giải đua xe Công thức 1 2023.
Bảng xếp hạng trước cuộc đua.
Sau giải đua ô tô Công thức 1 Azerbaijan, Max Verstappen dẫn đầu bảng xếp hạng các tay đua với 87 điểm, hơn đồng đội Sergio Pérez 6 điểm ở vị trí thứ hai và hơn 27 điểm so với Fernando Alonso ở vị trí thứ ba. Red Bull Racing dẫn đầu trong bảng xếp hạng các đội đua trước Aston Martin (87 điểm) và Mercedes (76 điểm) với 180 điểm.
Lựa chọn bộ lốp.
Nhà cung cấp lốp xe Pirelli cung cấp các bộ lốp hạng C2, C3 và C4 (được chỉ định lần lượt là cứng, trung bình và mềm) để các đội sử dụng tại sự kiện này.
Thay đổi trên đường đua.
Điểm kích hoạt DRS thứ nhất và thứ hai được di chuyển xa hơn 75 m về phía trước và được đặt 105 m sau góc cua số 9 và 525 m sau góc cua số 16.
Trong buổi tập đầu tiên, George Russell lập thời gian nhanh nhất với 1:30,125 phút trước đồng đội Lewis Hamilton và Charles Leclerc.
Trong buổi tập thứ hai, Max Verstappen lập thời gian nhanh nhất với 1:27,930 phút trước Leclerc và Carlos Sainz Jr.
Trong buổi tập thứ ba, Verstappen lập thời gian nhanh nhất với 1:27,535 phút trước Leclerc và Sergio Pérez.
Vòng phân hạng bao gồm ba phần với thời gian chạy 45 phút. Trong phần đầu tiên (Q1), các tay đua có 18 phút để tiếp tục tham gia phần thứ hai vòng phân hạng. Tất cả các tay đua đạt được thời gian trong phần đầu tiên với thời gian tối đa 107% thời gian nhanh nhất được phép tham gia cuộc đua. 15 tay đua dẫn đầu lọt vào phần tiếp theo. Verstappen là tay đua nhanh nhất trong phần này. Trong phần này, cả hai tay đua của McLaren, Yuki Tsunoda, Lance Stroll và Logan Sargeant bị loại.
Phần thứ hai (Q2) kéo dài 15 phút và mười tay đua nhanh nhất của phần này đi tiếp vào phần thứ ba của vòng phân hạng. Verstappen là tay đua nhanh nhất trong phần này và sau khi phần này kết thúc, Alexander Albon, Nico Hülkenberg, Lewis Hamilton, Chu Quán Vũ và Nyck de Vries bị loại.
Phần cuối cùng (Q3) kéo dài mười hai phút, trong đó mười vị trí xuất phát đầu tiên được xác định sẵn. Với thời gian là 1:26.841, Pérez lập thời gian nhanh nhất trước Fernando Alonso và Carlos Sainz Jr. Đó là vị trí pole thứ ba trong sự nghiệp của Pérez và cũng là vị trí pole đầu tiên của anh tại giải đua ô tô Công thức 1 Miami. Trong phần này, Leclerc lao vào hàng rào ở góc cua số 7 khiến tất cả các tay đua không thể cải thiện thời gian. Max Verstappen và Valtteri Bottas, tay đua lần đầu tiên tham gia Q3 cho Alfa Romeo trong mùa giải này, không thể lập thời gian vì vụ va chạm này và họ xuất phát từ vị trí thứ 9 (Verstappen) và thứ 10 (Bottas).
Sau khi cuộc đua bắt đầu, Pérez có thể bảo vệ vị trí dẫn đầu ngay từ đầu trước Alonso và Sainz. Tại các vị trí phía cuối, de Vries phanh nhầm khi đến góc cua đầu tiên và đâm vào đuôi chiếc xe McLaren của Lando Norris. Vì vụ va chạm này, de Vries phải vào làn pit để thay mũi xe. Verstappen, xuất phát với bộ lốp cứng cố gắng vượt qua nhiều tay đua ở vị trí phía trước và ở vòng đua thứ 15, anh đã đứng ở vị trí thứ 2 sau đồng đội Pérez của mình. Vì Pérez xuất phát với bộ lốp trung bình nên phải vào làn pit để thay bộ lốp ở vòng 19 và để Verstappen dẫn đầu. Tuy nhiên, trái ngược với Pérez, Verstappen đã có thể bỏ xa các tay đua khác. Tại vòng đua thứ 45, Verstappen vào làn pit để thay lốp, chuyển sang bộ lốp trung bình và trở lại đường đua ngay sau Pérez. Sau khi vòng đua thứ 46 kết thúc, Verstappen đã vượt qua được Pérez và giữ vị trí dẫn đầu cho đến khi cuộc đua kết thúc.
Verstappen giành chiến thắng cuộc đua này trước đồng đội Pérez và Alonso và đây cũng là chiến thắng thứ 38 trong sự nghiệp Công thức 1 của anh và cho đội đua của anh, Red Bull Racing. Do đó, anh ngang bằng được kỷ lục của Sebastian Vettel. Ngoài ra, Verstappen cũng lập vòng đua nhanh nhất với thời gian là 1:29,708 phút và giúp anh ghi thêm một điểm. Các tay đua còn lại ghi điểm trong cuộc đua này là George Russell, Sainz, Hamilton, Leclerc, Pierre Gasly, Esteban Ocon và Kevin Magnussen. Sau cuộc đua, Sainz nhận một án phạt 5 giây vì chạy quá tốc độ trong làn pit nhưng án phạt này không thay đổi vị trí về đích của anh. |
Đường cao tốc Khai Viễn – Hà Khẩu
Đường cao tốc Khai Viễn – Hà Khẩu (tiếng Trung: 开远-河口高速公路, bính âm: "Kāiyuǎn - Hékǒu Gāosù gōnglù", Hán Việt: "Khai Viễn - Hà Khẩu Cao tốc công lộ") thường được gọi với cái tên Đường cao tốc Khai Hà (tiếng Trung: 开河高速公路, bính âm: "Kāihé Gāosù gōnglù", Hán Việt: "Khai Hà Cao tốc công lộ") kí hiệu toàn tuyến G8011 là đường cao tốc kết nối Khai Viễn với Hà Khẩu thuộc châu tự trị Hồng Hà của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Đường cao tốc này hiện là 1 nhánh phụ của đường cao tốc Quảng Châu–Côn Minh (G80) (tiếng Trung: 广州—昆明高速公路)
Đường cao tốc được khánh thành vào năm 2018 .
Hà Khẩu, điểm cuối phía nam của đường cao tốc, nằm trên biên giới Trung Quốc – Việt Nam và có Cửa khẩu quốc tế Lào Cai hiện hữu. Đây cũng là điểm cuối của Đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai trên lãnh thổ Việt Nam. |
Trong toán học, Công thức Legendre là biểu thức tính số mũ của lũy thừa lớn nhất của số nguyên tố "p" mà là ước của "n"!. Công thức được đặt tên theo nhà toán học Adrien-Marie Legendre. Đôi khi nó cũng được gọi là công thức de Polignac, theo tên của Alphonse de Polignac.
Cho số nguyên tố "p" và bất kỳ số tự nhiên "n", gọi formula_1 là số mũ của lũy thừa lớn nhất "p" mà là ước của "n" (tức là định giá "p"-adic của "n"). Khi đó
trong đó formula_3 là hàm lấy phần nguyên. Mặc dù tổng ở vế phải có vô hạn số phần tử, cho bất kỳ giá trị của "n" và "p", nó vẫn chỉ có hữu hạn số phần tử khác không, lý do như sau: lấy các giá trị "i" đủ lớn sao cho formula_4, ta có formula_5. Nhờ đó, rút gọn công thức trên thành
Xét "n" = 6, ta có formula_8. Các số mũ formula_9 và formula_10 có thể tính bằng công thức Legendre như sau:
Bởi formula_12 là tích của các số nguyên dương từ 1 đến "n", ta thu được ít nhất một "p" trong formula_12 cho mỗi bội của "p" trpng formula_14, tổng cộng có formula_15. Mỗi bội của formula_16 cho thêm một nhân tử "p", và tương tự như vậy, mỗi bội của formula_17 cho thêm một nhân tử "p", tiếp diễn như vậy cho các lũy thừa sau. Cộng tất cả số này sẽ thu về được công thức tổng vô hạn cho formula_18.
Ta cũng có thể viết lại công thức Legendre thành khai triển cơ số "p" của "n". Gọi formula_19 là tổng các chữ số trong khai triển cơ số "p" của "n" thì
Ví dụ chẳng hạn, "n" = 6 trong hệ nhị phân được viết là 610 = 1102, ta có formula_21 nên
Tương tự, "n" = 6 trong hệ tam phân được viết là 610 = 203, ta có formula_23 nên
Viết formula_25 trong hệ cơ số "p". Vì formula_26, và do vậy
Công thức Legendre được dùng để chứng minh định lý Kummer. Dưới trường hợp đặc biệt, nó có thể dùng để chứng minh rằng nếu "n" là số nguyên dương thì formula_28 chia hết cho 4 khi và chỉ khi "n" không phải lũy thừa của 2.
Suy ra được từ công thức Legendre rằng hàm mũ "p"-adic có bán kính hội tụ bằng với formula_29. |
Quần đảo Schouten (, còn gọi là quần đảo Biak hoặc quần đảo Geelvink) là một nhóm đảo thuộc tỉnh Papua, phía đông Indonesia. Quần đảo nằm trong vịnh Cenderawasih (hay vịnh Geelvink), cách 50 km ngoài khơi bờ biển tây bắc của đảo New Guinea. Nhóm gồm các đảo chính Biak, Supiori và Numfor, và nhiều đảo nhỏ, hầu hết diện tích có rừng nhiệt đới bao phủ.
Những người châu Âu đầu tiên được ghi nhận là trông thấy quần đảo Schouten là nhà hàng hải người Bồ Đào Nha Jorge de Menezes vào năm 1526. Trên hành trình từ Malacca đến Maluku, qua miền bắc Borneo, ông đi xa hơn về phía đông vì gặp bão và gió mạnh. Jorge de Menezes đổ bộ lên đảo Biak, và phải trú ở đó. Lấy cảm hứng từ các tên gọi tiếng Malay, Molucca hoặc Papua bản địa, ông đặt tên cho quần đảo, và cuối cùng bờ biển phía tây Papua là "quần đảo Papua". Biak do đó được gọi trong bản đồ tiếng Bồ Đào Nha là hoặc , và .
Quần đảo cũng từng được nhà hàng hải người Tây Ban Nha Álvaro de Saavedra trông thấy, ông đổ bộ lên đảo Yapen vào ngày 24 tháng 6 năm 1528, khi cố gắng trở về từ Tidore đến Tân Tây Ban Nha. Quần đảo được đặt tên là (Quần đảo Vàng). Năm 1545, quần đảo được Íñigo Órtiz de Retes viếng thăm trên thuyền buồm "San Juan".
Quần đảo lần đầu tiên được vẽ trên bản đồ của Bồ Đào Nha bởi Gaspar Viegas (khoảng năm 1537), một bản đồ vô danh năm 1540, và trên bản đồ của João de Lisboa và Bartolomeu Velho (khoảng năm 1560), và trong các bản đồ khác của Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Hà Lan.
Quần đảo Schouten cuối cùng được đặt theo tên của nhà thám hiểm người Hà Lan Willem Schouten, ông khám phá quần đảo này vào năm 1615.
Vương quốc Hồi giáo Tidore có quan hệ triều cống với quần đảo. Những người đi biển trong khu vực thường xuyên bày tỏ lòng kính trọng đối với quốc vương.
Quần đảo Schouten là một trong những khu vực có mật độ dân cư dày đặc nhất của tỉnh Papua.
Những đảo nhỏ này được xác định là rừng mưa Biak–Numfoor. Chúng có khu hệ chim đặc hữu ở mức độ cao nhất so với bất kỳ khu vực nào ở New Guinea. Khu rừng bao gồm các loại cây tương tự như trên đại lục New Guinea.
Có hơn 100 loài chim trên các đảo, trong đó có 11 đến 16 loài đặc hữu, tức là chỉ giới hạn ở nhóm đảo nhỏ này. Chúng bao gồm: vẹt lory cánh đen ("Eos cyanogenia"); vẹt lùn Geelvink leo cây nhỏ ("Micropsitta geelvinkiana"); gà bụi rậm Biak ("Megapodius geelvinkianus"); bồ cầu đế quốc Geelvink ("Ducula geelvinkiana"); bồ câu quả Geelvink ("Ptilinopus speciosus"); bìm bịp Biak ("Centropus chalybeus"); hai loài sả là sả thiên đường Biak ("Tanysiptera riedelii") và sả thiên đường Numfor ("Tanysiptera carolinae"); gerygone Biak ("Gerygone hypoxantha"); quân chủ Biak ("Monarcha brehmii"); đớp ruồi Biak ("Myiagra atra"); sáo đuôi dài ("Aplonis magna"); và mắt trắng Biak ("Zosterops mysorensis").
Cũng như các loài chim, có một số loài động vật có vú đặc hữu, dù chỉ có 29 loài động vật có vú trên đảo. Các loài đặc hữu bao gồm: dơi ăn quả lưng trần Biak ("Dobsonia emersaa") là một dơi có đôi cánh gắn vào lưng chứ không gắn vào hai bên, khiến loại dơi này có hình dạng khác với hầu hết các loài; tàu lượn Biak có túi ("Petaurus biacensis"); chuột Japen ("Rattus jobiensis"); và hai loài chuột lưng trần khổng lồ là "Uromys boeadii" và "Uromys emmae".
Quần đảo cũng có một số loài bướm đặc hữu và một loài nhện đặc hữu "Diolenius angustipes".
Phần lớn diện tích rừng đã bị chặt hạ để khai thác gỗ hoặc lấy đất trồng trọt, đặc biệt là trên đảo Biak, nơi đông dân nhất trong khu vực, mặc dù việc khai thác gỗ đã chậm lại. Có hai khu bảo tồn nằm gần nhau: Khu bảo tồn thiên nhiên Pulau Supiori chiếm phần lớn đảo Supiori; và Khu bảo tồn Thiên nhiên Biak Utara là một khu vực trên đảo Biak ngay bên kia cầu từ Supiori. Tuy nhiên, ngành khai thác gỗ có thể quay trở lại, trong khi các loài chim dễ bị tổn thương bởi những người săn bắt và cũng do chúng có phạm vi sinh sống hạn chế trên những hòn đảo nhỏ này. Khu vực cần nghiên cứu thêm.
Các vùng biển xung quanh quần đảo Schouten là một phần của Tam giác San hô, một vùng biển có sự đa dạng lớn nhất thế giới về các loài rạn san hô. Lặn biển ở vùng biển ngoài khơi Biak là một hoạt động phổ biến đối với khách du lịch.
Quần đảo có hai khu bảo tồn biển. Khu vực biển do địa phương quản lý Biak Numfor, được thành lập vào năm 2015, bảo vệ bờ biển phía đông của đảo Numfor và bờ biển phía nam của đảo Biak. Công viên giải trí biển Padaido, được thành lập vào năm 2009, bảo vệ vùng biển xung quanh quần đảo Padaido, một nhóm đảo nhỏ nằm ở phía nam và đông nam của Biak. |
Đây là một đổi hướng từ một trang đó đã được . Trang này được giữ lại dưới dạng một trang đổi hướng để tránh phá vỡ các liên kết, cả bên trong và bên ngoài, có thể đã được liên kết tới tên trang cũ.
Alphonse de Polignac (1826–1863) là nhà toán học người Pháp thuộc lớp quý tộc. Ông được biết tới bởi giả thuyết Polignac
Cha ông, Jules de Polignac (1780-1847) giữ chức thủ tướng dưới Charles X cho tới khi triều Bourbon bị lật đổ trong cuộc cách mạng tháng bảy năm 1830. Alphonse được sinh tại Luân Đôn trong thời gian bố của ông vẫn còn đang làm thủ tướng cho Anh. Trong 1849, ông nhập học trường Polytechnique và sau đó làm sĩ quan bắn pháo trong chiến tranh Krym, cuối cùng lên chức đội trưởng.
Ngoài ra, ông còn là lịch sử gia, nhà thơ, nhạc sĩ, và là người dịch bản kịch Faust của Goethe.
Các công trình toán học của ông chủ yếu nằm trong lý thuyết số và ông chủ yếu làm việc với các số nguyên tố.
Trong năm đầu tiên của ông tại Polytechnique, Polignac viết giả thuyết sau:
Cho bất kỳ số nguyên dương "k", có vô số khoảng cách số nguyên tố có độ dài 2"k".
Công trình khác trong toán học.
Polignac ngoài ra còn viết giả thuyết Romanov, phát biểu rằng: Mọi số lẻ lớn hơn 3 có thể viết thành tổng của một số nguyên tố lẻ và một luỹ thừa của 2Trong cùng năm đó, ông viết ra hai giả thuyết nổi tiếng nhất. Ngoài ra Polignac có phỏng đoán sai một giả thuyết khi trình bày cho Viện Hàn lâm Khoa học Pháp. Giả thuyết phỏng đoán sai rằng mọi số lẻ đều có thể viết thành tổng của một luỹ thừa của hai với một số nguyên tố (trường hợp 1). |
Đồng Khởi (giao hưởng)
Sáng tác và biểu diễn.
Nguyễn Văn Thương sáng tác bản giao hưởng thơ "Đồng Khởi" trong những năm tháng ông đi tu nghiệp tại . Tác phẩm được hoàn thành năm 1971 và được Dàn nhạc Giao hưởng Leipzig trình diễn cùng năm. Do được viết để đề tặng người dân tỉnh Bến Tre đã qua đời trong phong trào Đồng Khởi nên ông lấy tên Đồng Khởi đặt cho tác phẩm.
Sau đó Đồng Khởi được trình diễn tại Liên hoan Âm nhạc Giao hưởng thế giới do Dàn nhạc Giao hưởng Litva biểu diễn ở Litva. Năm Nguyễn Văn Thương 60 tuổi, tác phẩm tiếp tục được Trọng Bằng làm chỉ huy trưởng tại Nhà hát lớn Hà Nội. Năm 1996, nhân kỷ niệm 60 năm sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Văn Thương và năm 1999 nhân dịp mừng thọ ông 80 tuổi, Đồng Khởi được Nguyễn Thiếu Hoa chỉ huy do Dàn nhạc Giao hưởng của Nhạc viện Hà Nội thể hiện. Bản giao hưởng tiếp tục có tên trong danh sách tác phẩm biểu diễn đêm nhạc kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông.
Bằng âm thanh của dàn nhạc giao hưởng, Nguyễn Văn Thương đã miêu tả phong trào đấu tranh Đồng Khởi trong những ngày tháng chính quyền Việt Nam Cộng hòa mang máy chém khắp nơi để sát hại những người theo chủ nghĩa Cộng sản và chiến sĩ Việt Cộng.
Tác phẩm có cấu trúc gồm 3 phần được sáng tác ở hình thức sonata, thậm chí là được so sánh với 3 chương của liên khúc sonata giao hưởng. Mở đầu tác phẩm gồm 2 chủ đề. Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Thị Nhung, chủ đề 1 diễn tả tiếng "rên xiết đau khổ" của nhân dân Việt Nam bằng nét nhạc của cello với tốc độ Adagio (chậm), tiếp theo là kèn fagotte, kèn cor và trở lại ở bè dây. Chủ đề 2 tương phản với chủ đề 1, bà cho rằng nét nhạc chuyển sang tốc độ Moderato (vừa phải) để thể hiện "sự tàn bạo" của chính quyền Việt Nam Cộng hòa.
Phần trình bày của tác phẩm tiếp tục được phát triển trên hai chủ đề của phần mở đầu. Chủ đề chính viết ở giọng Sol thứ, âm nhạc mang tính chất "bi thương" ở bè violin I và tiếp tục chuyển sang bộ kèn gỗ và các bè nhạc cụ khác. Phạm Tú Hương cho rằng đây là một sự xuất hiện không hoàn chỉnh mà "xé lẻ" đưa lên dần từ nhạc cụ này sang nhạc cụ khác. Từ ô nhịp 62, chủ đề 1 và chủ đề 2, nhịp nhạc chuyển liên tục giữa và nhằm tạo "tính căng thẳng". Từ ô nhịp 82 là sự nhắc lại các nhân tố trên nhưng được thay đổi và mở rộng. Âm điệu của chủ đề 2 được miêu tả là "quân xâm lược dữ dằn", thể hiện bằng nét nhạc có nhiều biến âm, nghịch phách ở tiết tấu và bị chia nhỏ bởi các dấu lặng. Để tăng cường kịch tính, ông sử dụng bộ gõ. Chủ đề kết quay lại giọng Sol thứ với giai điệu chủ yếu ở quãng 2 thứ và 3 thứ.
Phần giữa tác phẩm được xác định ở ô nhịp 151, được mô tả như "khúc đưa tang, đau thương". Giai điệu vang lên chậm rãi ở kèn cor, tiếp đó đến oboe và được nhắc lại ở violin I. Âm thanh các bè được tăng cường dần như thể hiện sự "kiên nghị", "bất khuất". Ông muốn diễn tả âm hình tượng quần chúng nhân dân Việt Nam đi sau tiễn đưa các bà mẹ anh hùng Việt Nam qua đời trong khi ra trận với âm hưởng của kèn cor.
Phần cuối bắt đầu từ ô nhịp 252, bắt đầu ở tốc độ Allegro (nhanh) nhằm tạo cao trào của giai điệu. Ông còn gọi phần này là "Nổi dậy". Nguyễn Văn Thương chỉ sử dụng chủ đề 1 của phần mở đầu và trình bày nhưng bằng sự thay đổi âm hình tiết tấu, đây trở thành những nét nhạc mang tính "kêu gọi", "quật khởi". Ông mô tả những bước chân của chiến sĩ Cộng sản tại Miền nam Việt Nam xuống đường phá ấp trong phong trào Đồng Khởi thông qua cách phát triển triển chất liệu chủ đề. Chủ đề "quân địch" đã dần biến mất, chỉ còn lại âm hưởng chủ đề "nhân dân" với dụng ý khẳng định "sức mạnh và sự chiến thắng của chân lý".
Phần coda là một đoạn nhạc "hoành tráng" với sự tham gia của tất cả nhạc cụ trong dàn nhạc, mang tính ca ngợi chiến thắng của quần chúng nhân dân Việt Nam.
Đồng Khởi được nhận định là một trong những thơ giao hưởng thành công của âm nhạc giao hưởng Việt Nam tại thời điểm ra mắt. Theo Nguyễn Thị Nhung, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương đã "sáng tạo với một ngôn ngữ âm nhạc mới mang đậm tính dân tộc". Nguyễn Văn Thương cũng đã khai thác các âm điệu, tiết tấu đặc trưng như chùm ba, chùm bốn và sử dụng nhạc khí dân gian Việt Nam như mõ, cồng chiêng để biểu hiện hình tượng âm nhạc. Cuốn sách "Văn hóa dân gian" nhận định nhịp trống liên ba vốn quen thuộc với người Việt trong các hội làng đã trở thành nhân tố chủ chốt làm nên "Đồng Khởi."
"Đồng Khởi" có tên trong mục số 1335 của cuốn sách Thư mục quốc gia Việt Nam năm 2006. Tiến sĩ Nguyễn Bách đã đưa tên bản giao hưởng thơ này vào mục "Một số thơ giao hưởng nổi tiếng" trong cuốn sách thuật ngữ âm nhạc của mình. |
Bảo tàng văn hóa Phật giáo
Đây là một đổi hướng từ một trang đó đã được . Trang này được giữ lại dưới dạng một trang đổi hướng để tránh phá vỡ các liên kết, cả bên trong và bên ngoài, có thể đã được liên kết tới tên trang cũ.
Bảo tàng Văn hóa Phật giáo nằm trên tầng 2 khu chánh điện của Chùa Quán Thế Âm (Đà Nẵng), có diện tích khoảng 7.000m, được UBND TP Đà Nẵng cấp phép thành lập cuối năm 2014, khánh thành 24/12/2015, được coi là bảo tàng văn hóa Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam.
Bảo tàng trưng bày hơn 500 cổ vật Phật giáo. Trong hoưn 20 năm, ba đời trụ trì của chùa đã dày công sưu tầm các cổ vật phản ánh nghệ thuật Phật giáo Việt Nam và một số quốc gia Châu Á bao gồm đồ thờ cúng, tranh, tượng chư Phật, Bồ tát, tổ sư; mộc bản kinh Phật; nhạc khí … từ thế kỷ VII đến đầu thế kỷ XX. Nhiều hiện vật như tượng Phật Quan âm làm bằng ngọc tỷ; bộ 8 tượng Phật Mật tông chất liệu đồng xanh và đồng đỏ; hai bức tượng Phật bằng hổ phách quý hiế, Bảo tàng Lịch sử quốc gia và một số ủy viên Hội đồng giám định cổ vật thuộc Bộ VH-TTDL
Đây cũng là nơi hiện nắm kỷ lục lá cờ Phật giáo lớn nhất Việt Nam (dài hơn 26 m, rộng hơn 18 m) được xác lập năm 2018. |
Phân thứ bộ Gõ kiến
Phân thứ bộ Gõ kiến (danh pháp khoa học: Picides) là một phân thứ bộ của bộ Gõ kiến (Piciformes), bao gồm họ Gõ kiến và họ Indicatoridae. Các loài trong họ Indicatoridae được cho là có liên quan chặt chẽ với các loài trong phân thứ bộ Ramphastides, vì cách bay trên không và tiếng kêu của chúng giống nhau hơn so với chim gõ kiến. Tuy nhiên, các phân tích phát sinh loài đã chỉ ra rằng họ Indicatoridae và chim gõ kiến thực sự là đơn vị phân loại chị em.
Hệ thống phân loại.
Mặc dù chỉ có hai họ, Picides là một nhóm cực kỳ phổ biến. Họ Picidae là họ lớn nhất và phân bố rộng rãi nhất trong bộ Piciformes, chứa hơn 200 loài trong ba phân họ và được tìm thấy ở tất cả các lục địa ngoại trừ Úc và Nam Cực. |
Diệp Đức Huy (; 1864 – 11 tháng 4 năm 1927) tự Hoán Bân () hay Ngư Thủy (), hiệu Trực Sơn () là một nhà văn và chủ bút người Trung Quốc hoạt động trong triều đại nhà Thanh và Trung Hoa Dân Quốc. Phân vân giữa học thuật, buôn bán và công vụ trong những năm đầu sự nghiệp, ông trở thành một nhà sưu tầm sách và văn học hàng đầu. Trong học thuật, Diệp Đức Huy cùng #đổi cùng được xưng ""Trường Sa Vương Diệp", lại cùng #đổi được xưng "Tương Đàm Vương Diệp"". Ông bị chính phủ Cộng sản tử hình vì cáo buộc phản cách mạng.
Diệp Đức Huy sinh năm 1864 tại Trường Sa, Hồ Nam, là con trai của Diệp Vũ Thôn (). Vào những năm Thái Bình Thiên Quốc, Diệp Vũ Thôn dời nhà từ huyện Ngô của Giang Tô đến Trường Sa của Hồ Nam. Diệp Vũ Thôn khi còn ở huyện Ngô đã hành nghề buôn bán, là một ông chủ vựa trái cây nhỏ. Sau khi chuyển đến Trường Sa, ông tiếp tục kinh doanh muối và tơ sống, dần trở thành một thương nhân phát đạt.
Từ năm 8 tuổi, Diệp Đức Huy bắt đầu việc học với những sách cổ như "Tứ thư", "Thuyết văn giải tự", "Tư trị thông giám" và "Ghi chép về ngôn hành của danh thần 5 triều" của Chu Hi. Năm 15 tuổi, ông từng theo cha học nghề buôn bán nhưng thời gian rất ngắn, chưa đến 3 tháng ông đã quay lại việc đọc sách. Đến năm 17 tuổi, ông bắt đầu theo học tại thư viện Nhạc Lộc. Diệp Đức Huy vốn không có hộ tịch huyện ở Hồ Nam, nhà họ Diệp không chỉ quyên tiền để lấy được hộ tịch huyện Tương Đàm, mà Diệp Vũ Thôn cũng được ban quan hàm "Hậu tuyển Trực Lệ châu Tri châu, nhị phẩm Phong điển". Năm 1885 dưới triều Quang Tự, Diệp Đức Huy thi đỗ cử nhân. Đến năm 1892, ông tiếp tục đỗ học vị tiến sĩ, được bổ nhiệm làm chủ sự tại Bộ Lại nhưng cảm thấy không hài lòng với chức vị này và rời khỏi sau vài tháng.
Khi là chủ bút và nhà xuất bản, Diệp Đức Huy được biết đến với tác phẩm "Song mai cảnh yểm tùng thư" (; tạm dịch "Tuyển tập bóng của hai cây mai"), sưu tầm bốn tác phẩm kinh điển y học Trung Quốc về thực hành tình dục được bảo tồn một phần trong "Ishinpō": "Tố nữ kinh"; "Ngọc phòng bí quyết"; "Ngọc phòng chi dao"; và "Đông tuyển tử". Được xuất bản lần đầu vào năm 1907, tuyển tập của Diệp gây "phẫn nộ" công chúng Trung Quốc, mặc dù sau đó nó được Joseph Needham mô tả vào những năm 1950 là "bộ sưu tập tình dục học lớn nhất Trung Quốc".
Diệp Đức Huy là một trong những nhà sưu tầm sách viết nhiều tác phẩm và bản thảo quý hiếm nhiều nhất ở Trung Quốc. Năm 1910, ông xuất bản sách hướng dẫn sưu tầm sách và năm 1915, ông phát hành danh mục gồm 350.000 tập lẻ trong bộ sưu tập cá nhân của mình. Ông thỉnh thoảng thử sức ở lĩnh vực văn xuôi và thơ ca. Sau khi ông qua đời, một bộ sưu tập "cuối cùng" các tác phẩm của Diệp Đức Huy đã được con trai ông công bố vào năm 1935.
Trái ngược với những nhà văn cùng thời như Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu, Diệp Đức Huy kịch liệt phản đối chủ nghĩa trí thức phương Tây và cho rằng sự suy tàn của Trung Quốc cận đại là do dân chúng "sai lệch truyền thống". Ông coi Cơ Đốc giáo thấp kém hơn Nho giáo; ông cho là có "rất nhiều điều phi lý" trong Cựu Ước và "tôn giáo của Chúa Giê" Năm 1900, ông bị bắt giữ và cầm tù một thời gian ngắn vì tình nghi có liên quan đến Phong trào Nghĩa Hòa Đoàn chống người nước ngoài và chống Cơ Đốc giáo. Cùng với Vương Tiên Nhiễm (), Diệp Đức Huy là một trong những người phản đối biến pháp duy tân, ủng hộ việc khôi phục lại chế độ quân chủ. Tháng 8 năm 1915, khi Trù An hội khởi xướng thảo luận thay đổi chính thể quốc gia, Diệp Đức Huy đã trở thành hội trưởng phân hội mới thành lập tại Hồ Nam, ủng hộ việc khôi phục đế chế. Ông có 2 tác phẩm truyện ký, trong tác phẩm đầu tiên được đặt tên là "Diệp Hề Viên sự lược" () ông đã nói thẳng về chính trị của Trung Hoa Dân Quốc và ám chỉ nhiều điều bất mãn.
Diệp Đức Huy là người kiên định chống cộng. Khi Hiệp hội Nông dân của Đảng Cộng sản Trung Quốc họp tại Trường Sa vào năm 1927, ông đã soạn câu đối:
templatestyles src="Verse transliteration-translation/" /
cùng với câu viết trên bức hoành "Bân tiêm tạp quý" (). Đây là một câu nói theo tiếng địa phương Trường Sa mang nghĩa không văn không võ, không nhỏ không lớn, không trên không dưới, không phải người cũng chẳng phải quỷ. Câu đối này thể hiện bất bình của Diệp Đức Huy với tác phong làm việc giày xéo nhân dân của hiệp hội, và được xem là sự xúc phạm ám chỉ những người cộng sản là "súc sinh" và "tạp chủng". Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ông ra xét xử vào ngày 1 tháng 4 năm 1927. Mười ngày sau, vào ngày 11 tháng 4 năm 1927, ông cùng một số người khác được coi là phản cách mạng bị hành hình. Đây là một trong những sự kiện gây chấn động toàn quốc thời điểm bấy giờ. Tại phiên bế mạc Hội nghị toàn thể lần thứ 12 của Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 10 năm 1968, Mao Trạch Đông đã có phát biểu liên quan đến cái chết của Diệp Đức Huy: "Người giữ gìn Khổng Phu Tử, phản đối Khang Hữu Vi này, gọi là Diệp Đức Huy. Về sau #đổi từng hỏi tôi chuyện này có thực không? Tôi nói là có chuyện này, nhưng tôi không chắc lắm, vì lúc đấy tôi không ở Hồ Nam. Đối với phần tử tri thức lớn này, vốn không nên giết. Lúc đó giết Diệp Đức Huy, tôi cảm thấy không thỏa đáng". |
Ngày phát hành chính thức của trò chơi vẫn chưa được tiết lộ, và nhà phát triển cho biết rằng Unrecord "dự kiến sẽ không phát hành" trong năm 2023.
Theo mô tả của nhà phát triển, "Unrecord" là một tựa game bắn súng góc nhìn thứ nhất mang tính "chiến thuật và kịch tính" dành cho người chơi đơn, kết hợp giữa trò chơi phiêu lưu Firewatch và tựa game bắn súng chiến thuật Ready or Not. Mặc dù độ chân thực là "một phần không thể thiếu", nhưng nhà phát triển nhấn mạnh rằng Unrecord không nhằm mục đích trở thành một trò chơi mô phỏng.
Thông qua góc nhìn từ body-cam, người chơi sẽ vào vai một cảnh sát viên đặc nhiệm (tương tự như SWAT) và chống lại các phần tử khủng bố. Theo mô tả trên Steam, lối chơi của "Unrecord" sẽ "kết hợp giữa truyện trinh thám hoặc phim giật gân". Trong trò chơi, người chơi sẽ tham gia điều tra nhiều vụ án hình sự khác nhau và giao tiếp với các nhân vật thông qua hệ thống đối thoại.
Để tránh trường hợp người chơi bị say giả lập ("simulator sickness"), nhà phát triển sẽ bổ sung các tùy chọn trợ năng và cho phép người chơi điều chỉnh cài đặt góc nhìn nhằm tối ưu hóa trải nghiệm của người chơi.
Quá trình phát triển.
Unrecord hiện đang được phát triển bởi DRAMA Studios, một studio quy mô nhỏ được đồng sáng lập bởi nhạc sĩ người Pháp Théo Hiribarne (nghệ danh Foda C) và nhà lập trình Unreal Engine nghiệp dư Alexandre Spindler. Sau này, Michele Evangelista đã tham gia vào dự án với tư cách là người thiết kế các cấu trúc và bố cục, cảnh quan địa hình trong trò chơi.
Ngày 12 tháng 10 năm 2022, Alexandre Spindler đã chia sẻ những hình ảnh đầu tiên của dự án game lên Twitter. Video nhanh chóng trở thành hiện tượng mạng, giúp DRAMA Studios đẩy nhanh phát triển và công bố trò chơi sớm hơn dự kiến.
Ngày 19 tháng 4 năm 2023, DRAMA chính thức đăng tải trailer gameplay "Unrecord" lên YouTube. Trailer mô phỏng quá trình nhân vật chính tiến vào một tòa nhà bỏ hoang, sau đó đụng độ với những người có vũ trang. Trong quá trình di chuyển, người chơi sẽ gặp một người đàn ông đang cố đầu hàng, nhưng bị một vụ nổ lớn làm gián đoạn. |
Cơ quan liên bang về Cộng đồng các quốc gia độc lập, đồng bào sống ở nước ngoài và hợp tác nhân văn quốc tế (), hay còn được gọi là Rossotrudnichestvo () là một cơ quan liên bang của chính phủ Liên bang Nga thuộc thẩm quyền của Bộ Ngoại giao Nga. Đây là cơ quan chủ yếu chịu trách nhiệm quản lí người dân Nga ở nước ngoài, viện trợ nước ngoài và thực hiện việc trao đổi văn hoá Nga với nước ngoài. Rossotrudnichestvo hoạt động ở Trung Á, Mĩ La-tinh, các nước Đông Âu (nhưng chủ yếu ở Cộng đồng các quốc gia độc lập - SNG) và ở Việt Nam.
Cơ quan này được thành lập từ cơ quan tiền nhiệm theo sắc lệnh của Tổng thống, được kí bởi tổng thống Nga Dmitry Medvedev vào ngày 6 tháng 9 năm 2008, với mục đích chủ yếu nhằm duy trì sự ảnh hưởng của Nga đối Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) và góp phần thúc đẩy mối quan hệ thân thiện vì sự tiến bộ của lợi ích chính trị và kinh tế của Nga ở các quốc gia nước ngoài.
Theo ước tính của OECD, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức năm 2019 của Nga tăng lên 1,2 tỉ Đô la Mĩ.
Rossotrudnichestvo được các chuyên gia quan sát phương Tây đánh giá rằng cơ quan này đã tổ chức các cuộc mít-tinh, dàn dựng hàng loạt các cuộc biểu tình và công khai truyền bá ủng hộ Nga trong cuộc chiến tranh xâm lược U-crai-na năm 2022 của Nga. Các cuộc biểu tình tiêu biểu diễn ra đồng loạt ở một số nơi như Dublin (Ireland), Béc-lin, Hanover, Frankfurt (Cộng hoà Liên bang Đức), Limassol (Cộng hoà Síp), và ở Athens (Hy Lạp).
Ở Việt Nam, cơ quan này mang tên Trung tâm Khoa học và Văn hoá Nga tại Hà Nội với địa chỉ tại số 501, phố Kim Mã, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.
Vào tháng 2 năm 2022, Liên minh châu Âu (EU) đã giáng các lệnh trừng phạt đối với Rossotrudnichestvo vì liên quan tới cuộc chiến tranh xâm lược U-crai-na năm 2022 của Nga. |
Graeme Lee Torrilla (sinh ngày 3 tháng 9 năm 1997) là một cầu thủ bóng đá người Gibraltar hiện đang thi đấu ở vị trí tiền vệ cho câu lạc bộ Lincoln Red Imps và Đội tuyển bóng đá quốc gia Gibraltar.
Sự nghiệp thi đấu.
Torrilla gia nhập Lincoln Red Imps vào tháng 1 năm 2020.
Sự nghiệp thi đấu quốc tế.
Torrilla ra mắt quốc tế cho Gibraltar vào ngày 5 tháng 9 năm 2020 trong 1 trận đấu thuộc khuôn khổ UEFA Nations League gặp San Marino. Anh ta ghi bàn thắng duy nhất đem về chiến thắng 1–0 trên sân nhà.
"Tính đến 27 tháng 3 năm 2023" |
Schwarzburg-Sondershausen là một nhà nước nhỏ thuộc Đế chế La Mã Thần thánh, được thành lập vào năm 1599, dưới hình thức là một Bá quốc, cai trị bởi Nhà Schwarzburg. Năm 1697, bá quốc này được nâng lên thành Thân vương quốc và nó tồn tại cho đến khi chế độ quân chủ được bãi bỏ ở Đức vào năm 1918.
Schwarzburg-Sondershausen ngày nay nằm trong bang Thuringia của Đức. Diên tích của nó rất khiêm tốn, chỉ rộng 862 km2 và dân số 85.000 người (1905).
Đây là một đổi hướng từ một trang đó đã được . Trang này được giữ lại dưới dạng một trang đổi hướng để tránh phá vỡ các liên kết, cả bên trong và bên ngoài, có thể đã được liên kết tới tên trang cũ. |
Sự nghiệp câu lạc bộ.
Demme sinh ra tại Herford, Đức và đã bắt đầu chơi bóng đá từ khi còn nhỏ. Anh đã thi đấu cho nhiều đội trẻ khác nhau, bao gồm SpVg Hiddenhausen, SV Sundern, SV Enger-Westerenger và JSG Kirchlengern Stift Quernheim trước khi gia nhập Arminia Bielefeld để bắt đầu sự nghiệp chuyên nghiệp của mình. Năm 2008, Demme đã ký hợp đồng với Arminia Bielefeld. |
Thân vương quốc Schaumburg-Lippe
Schaumburg-Lippe, còn được gọi là Lippe-Schaumburg, là một nhà nước nhỏ thuộc Đế chế La Mã Thần thánh, được thành lập vào năm 1647 dưới hình thức là một Bá quốc. Năm 1807 nó được nâng lên thành Thân vương quốc sau khi tham gia Liên bang Rhein và trở thành chư hầu của Hoàng đế Napoleon.
Thân vương quốc Schaumburg-Lippe trở thành một nhà nước trong Đế quốc Đức và nó là bang nhỏ nhất trong đế chế này, với diện tích chỉ 340 km2 và dân số hơn 40.000 người. Lãnh thổ của cựu Thân vương quốc Schaumburg-Lippe hiện nay nằm trong bang Hạ Sachsen của Cộng hòa Liên bang Đức. |
Luca Brecel (]; sinh ngày 8 tháng 3 năm 1995) là một vận động viên bi-a chuyên nghiệp người Bỉ. Với 4 lần giành chiến thắng tại các sự kiện bảng xếp hạng, Brecel hiện là nhà vô địch Giải vô địch bi-a thế giới 2023, sau khi anh giành chiến thắng 18-15 trước cơ thủ 4 lần vô địch thế giới Mark Selby trong trận chung kết của Giải vô địch bi-a thế giới 2023.
Anh trở thành cơ thủ đầu tiên đến từ Châu Âu lục địa giành chiến thắng trong một sự kiện bảng xếp hạng khi anh vô địch tại Giải vô địch Trung Quốc 2017, sau đó anh tiếp tục giành chiến thắng ở các giải đấu khác: Giải Scotland mở rộng 2021 và Giải Championship League 2022. Anh là cơ thủ trẻ tuổi nhất tham gia giải đấu Giải vô địch bi-a thế giới, khi anh ra mắt tại giải đấu vào năm 2012, lúc đó anh chỉ mới 17 tuổi và 45 ngày, và là người đầu tiên đến từ Châu Âu lục địa giành chiến thắng tại giải đấu này.
Brecel giành chức vô địch Giải vô địch trẻ châu Âu dành cho người dưới 19 tuổi vào năm 2011 khi anh mới 14 tuổi, và trở thành cơ thủ chuyên nghiệp vào tháng tiếp theo. Anh đạt top 16 trong bảng xếp hạng thế giới vào năm 2017 và đến được vào trận chung kết Triple Crown đầu tiên của mình tại Giải vô địch Anh 2021, nhưng thất bại với tỷ số 5-10 trước Zhao Xintong. Một tuần sau, anh đánh bại John Higgins với tỷ số 9-5 để giành chức vô địch Giải Scotland mở rộng năm 2021. |
Lactophrys là một chi cá biển trong họ Cá nóc hòm. Chi này được lập ra bởi Swainson vào năm 1839. Đây là một chi cá bản địa của Đại Tây Dương.
Tên gọi của chi được ghép bởi hai âm tiết: "lactoria" (biến thể của "lactarius" trong tiếng Latinh mang nghĩa là "sữa", ở đây chỉ đến bò sữa) và "ophrū́s" (ὀφρύς trong tiếng Hy Lạp cổ đại; "lông mày"), hàm ý đề cập đến cặp ngạnh trên mỗi mắt giống như cặp sừng của bò sữa.
Chi này có 3 loài được công nhận:
"L. bicaudalis" và "L. triqueter" từng được đặt trong chi "Rhinesomus", nhưng sau đó đã được dời lại sang chi "Lactophrys" này.
"Lactophrys" có tuyến nọc độc dưới da, đặc biệt là quanh vùng miệng, sẽ sản xuất độc tố pahutoxin (trước đây còn gọi là ostracitoxin), và lượng độc này tiết nhiều nhất khi cá rơi vào tình trạng bị đe dọa. Chất độc này có thể giết chết những loài cá xung quanh, và cả chính chúng, ngay cả khi chúng rời đi thì chất độc vẫn còn tồn tại trong nước. Một số loài có thể kháng độc tố này là họ Cá lịch biển, cá mú lớn và một số loài cá nóc hòm khác. |
Hofgeismar (]#đổi ) là một thị trấn ở Kassel, phía bắc Hessen, Đức. Nó nằm 25 km về phía bắc của Kassel trên Đường khung gỗ Đức. Vào năm 1978 và 2015, nơi đây đã tổ chức lễ hội cấp bang "Hessentag" lần thứ 18.
Văn bản đầu tiên đề cập đến Hofgeismar có từ năm 1082. |
Sérigné Faye (sinh ngày 5 tháng 4 năm 2004) là một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp người Sénégal hiện đang thi đấu ở vị trí tiền đạo cho câu lạc bộ Montpellier.
Sự nghiệp thi đấu.
Là 1 sản phẩm của lò đào tạo trẻ KAF, Faye gia nhập Montpellier vào tháng 9 năm 2022. Ngày 12 tháng 11 năm 2022, Faye ký hợp đồng 1,5 năm với Montpellier. Ban đầu, anh ta được xếp vào đội dự bị, trước khi thi đấu cho đội 1 vào tháng 12 năm 2022. Anh ta ra mắt đội 1 trong chiến thắng 2–0 tại Ligue 1 trước AJ Auxerre vào ngày 29 tháng 1 năm 2023. |
Cuộc đua xe đạp tranh Cúp truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh 2007
Cuộc đua xe đạp toàn quốc tranh Cúp truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh 2007 là cuộc đua lần thứ 19 của Cuộc đua xe đạp toàn quốc tranh Cúp truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh do Ban Thể dục - Thể thao, Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh và Tổng cục Thể dục - Thể thao Việt Nam phối hợp tổ chức, diễn ra từ ngày 18 tháng 4 đến ngày 30 tháng 4 năm 2007. Cuộc đua gồm 13 chặng, tổng lộ trình 1470 km, đi từ Thành phố Hồ Chí Minh đến thành phố Phan Rang (Ninh Thuận), xuống Bình Dương, Tây Ninh, đi qua 4 chặng tại Campuchia và về lại Thành phố Hồ Chí Minh. Tổng cộng có 17 đội đua tham gia cuộc đua lần này, bao gồm 14 đội trong nước và 3 đội quốc tế.
Lần thứ hai liên tiếp, giải có lộ trình quốc tế với các chặng đua tại Campuchia.
Thông tin về Cuộc đua xe đạp toàn quốc tranh Cúp Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh 2007 được công bố vào đầu tháng 4 năm 2007 trong một cuộc họp báo trước khi khởi tranh giải. Ban tổ chức đã công bố lộ trình cuộc đua với tổng lộ trình dài 1470 km và mở rộng lộ trình sang Campuchia.
Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh cho biết việc tổ chức này nằm trong kế hoạch mở rộng quy mô của giải sang ba nước Đông Dương cho đến năm 2008, lần thứ 20 tổ chức cuộc đua; đồng thời hướng tới kỷ niệm 32 năm ngày Giải phóng miền Nam - Thống nhất đất nước, 121 năm ngày Quốc tế Lao động, 117 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Danh sách tham dự.
Cuộc đua lần thứ 19 quy tụ các đội đua:templatestyles src="Div col/"/
Các chặng đua được truyền hình trực tiếp trên các kênh HTV9, VTV3 và HTV2. |
Chonthicha Chaimanee (tiếng Thái Lan: ชลธิชา ไชยมณี), được biết đến với nghệ danh Am Chonthicha (tiếng Thái Lan: แอ้ม ชลธิชา), sinh ngày 28 tháng 03 năm 2005, là một nữ ca sĩ người Thái Lan. Cô nổi tiếng trên toàn quốc với đĩa đơn thứ hai "Lời hứa tại Chanuman" (คำสัญญาที่ชานุมาน), được phát hành vào tháng 10 năm 2022.
Chonthicha sinh ngày 28 tháng 03 năm 2005 tại tỉnh Amnat Charoen, Thái Lan. Hiện nay đang cô học tại sinh trung học Chanumanwittayakhom. Cô thú vị với Luk thung từ năm 9 năm và Siriporn Ampaipong là nguồn cảm hứng của cô.
2022–nay: Sự nghiệp âm nhạc.
Chonthicha từng phát hành đĩa đơn đầu tiên "Nong Ma Lar" (น้องมาลา) vào ngày 12 tháng 02 năm 2022.
Chonthicha bắt đầu sự nghiệp của mình trong chương trình truyền hình Thái "Dual Phleng Ching Thun" được phát sóng trên kênh One 31. Cô trở thành nghệ sĩ của nhà hãng đĩa GMM Grammy theo gợi ý của Sala Khunnawut. Đĩa đơn đầu tay của bà, "Lời hứa tại Chanuman" (คำสัญญาที่ชานุมาน), phát hành ngày 12 tháng 10 năm 2022 và khúc đạt 17.105.950 lượt xem trên YouTube tính đến tháng 5 năm 2023. |
Tên lửa chống tăng 9M133M Kornet-M (phiên bản xuất khẩu được định danh 9M133 Kornet-EM) là một loại tên lửa chống tăng có điều khiển của Nga. Nó là loại tên lửa được nâng cấp từ ATGM 9M133 Kornet, với tầm bắn được mở rộng và trang bị đầu đạn cải tiến.
Tên lửa Kornet-EM phần lớn được sử dụng trong hệ thống vũ khí chống tăng Kornet-D. Kornet-M cũng sử dụng được trên hệ thống phóng tên lửa giá ba chân cá nhân.#đổi
Tên lửa được giới thiệu vào năm 2012, phiên bản sử dụng trên xe thiết giáp sẽ được bổ sung thêm hệ thống tự bắt bám mục tiêu. Thay vì phải di chuyển điểm ngắm bằng tay theo mục tiêu, thì pháo thủ sẽ bắt bám mục tiêu chỉ một lần và máy tính sẽ tiếp tục bắt bám mục tiêu cho tên lửa. Bằng cách lái tên lửa theo chùm tia, cũng giúp cho xe thiết giáp có khả năng bắn tên lửa vào hai mục tiêu khác nhau từ hai bệ phóng khác nhau, giúp tăng tốc độ bắn, giảm số lượng xe thiết giáp cần để thực hiện nhiệm vụ, và có thể vô hiệu hoá xe thiết giáp trang bị Hệ thống bảo vệ chủ động bằng cách bắn liên tiếp hai tên lửa vào một mục tiêu. Hệ thống theo dõi mục tiêu tự động cho phép tên lửa giao chiến được với cả mục tiêu bay thấp như máy bay trực thăng và phương tiện bay không người lái. Tương tự như ATGM Kornet, ATGM Kornet-M được thiết kế để tiêu diệt xe thiết giáp trang bị giáp phản ứng nổ nhờ đầu đạn lượng nổ nối tiếp. Tên lửa Kornet-M cũng được trang bị đầu đạn nhiệt áp. Nga hiện nay đang phát triển loại tên lửa có điều khiển mới để trang bị trên X-UAV mới.
Các bên sử dụng.
(sản xuất theo li xăng)
(sản xuất theo li xăng)
(trang bị từ năm 2021) |
Ironheart (Riri Williams) là một nhân vật siêu anh hùng xuất hiện trong các truyện tranh Mỹ do Marvel Comics phát hành. Nhân vật được tạo ra bởi nhà văn Brian Michael Bendis và họa sĩ Mike Deodato, và lần đầu tiên xuất hiện trong "Invincible Iron Man" Tập 3 số 7 (Tháng 5 năm 2016).
Dominique Thorne thủ vai Williams trong Vũ trụ Điện ảnh Marvel (MCU), lần đầu tiên xuất hiện trong bộ phim "" (2022) và được lên lịch đóng vai chính trong loạt phim truyền hình của Disney+ mang tên "Ironheart" (2023).
Lịch sử Xuất bản.
Riri Williams ra mắt trong Invincible Iron Man Tập 3 số 7 (Tháng 5 năm 2016), được tạo ra bởi nhà văn Brian Michael Bendis và họa sĩ Mike Deodato. Cô được truyền cảm hứng từ nữ diễn viên Mỹ Skai Jackson. Sau đó, cô xuất hiện với tên mã Ironheart trong loạt truyện Invincible Iron Man năm 2017, do Brian Michael Bendis và Stefano Caselli sáng tác. Cô xuất hiện trong loạt truyện Infinity Countdown: Champions năm 2018, do Jim Zub và Emilio Laiso thực hiện. Cô xuất hiện trong loạt truyện Ironheart năm 2018, đây là loạt truyện tranh đầu tiên của cô, do Eve Ewing và Kevin Libranda thực hiện. Cô xuất hiện trong loạt truyện Champions năm 2019, do Jim Zub và Steven Cummings sáng tác. Cô xuất hiện trong loạt truyện Ironheart năm 2020, đây là loạt truyện tranh thứ hai của cô, do Vita Ayala, Danny Lore và David Messina thực hiện. |
Nguyễn Thanh Nhàn (sinh 28 tháng 7 năm 2003) là một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp người Việt Nam hiện đang thi đấu ở vị trí tiền đạo cho câu lạc bộ PVF-CAND tại V.League 2 và đội tuyển U-23 Việt Nam.
Nguyễn Thanh Nhàn bắt đầu sự nghiệp bóng đá tại các giải thiếu nhi tại Tây Ninh. Năm 2013, khi mới 10 tuổi, Thanh Nhàn đã trúng tuyển vào Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF nhưng vì còn quá nhỏ, cha mẹ không muốn cho anh đi xa nên đã từ chối cho anh gia nhập PVF. Chỉ sau đó 1 năm, Thanh Nhàn đã trúng tuyển vào lớp năng khiếu bóng đá của tỉnh Tây Ninh. Sau màn trình diễn tại giải U-17 Quốc gia 2019 cùng U-17 Tây Ninh, anh được giám đốc kỹ thuật của PVF là Philippe Troussier để ý và anh đã gia nhập PVF ngay sau đó.Đầu tiên là vô địch u17 cúp quốc gia 2020 tại PVF,cá nhân anh cũng có 5 bàn thắng cho riêng mình. Thanh Nhàn cùng PVF đã có được 2 chức vô địch giải Vô địch U-19 Quốc gia liên tiếp, cá nhân anh cũng đạt được danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất giải vào năm 2021 với 7 bàn thắng.
Sự nghiệp câu lạc bộ.
Năm 2022, Nguyễn Thanh Nhàn được ban huấn luyện Phố Hiến điền tên vào danh sách tham dự Giải bóng đá Hạng Nhất Quốc gia 2022. Ngay mùa giải đầu tiên khoác áo đội một, Thanh Nhàn đã có được 10 bàn thắng sau 20 lần ra sân, trở thành vua phá lưới giải đấu, là nhân tố chính giúp câu lạc bộ giành vị trí thứ 5.
Sự nghiệp quốc tế.
Năm 2023, Thanh Nhàn được triệu tập vào đội tuyển U-20 Việt Nam tham dự Cúp bóng đá U-20 châu Á. Anh không có được bàn thắng nào sau 3 trận đấu và thất bại trong việc giúp U-20 Việt Nam vượt qua vòng bảng. Chỉ sau đó 3 tháng, Thanh Nhàn đã được triệu tập vào đội tuyển U-22 Việt Nam tham dự Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2023. Thanh Nhàn cũng không ghi được bàn thắng nào và cùng U-22 Việt Nam giành huy chương đồng.
Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF
Vô địch u17 cúp quốc gia 2020
HCĐ u15 quốc gia 2017
HCĐ u21 quốc gia 2021 |
Thuyết ưu sinh ở Đức Quốc Xã
Đây là một đổi hướng từ một trang đó đã được . Trang này được giữ lại dưới dạng một trang đổi hướng để tránh phá vỡ các liên kết, cả bên trong và bên ngoài, có thể đã được liên kết tới tên trang cũ.
Thuyết ưu sinh tại Đức Quốc xã đề cập đến các chính sách ưu sinh tại Đức Quốc Xã, bao gồm những quan điểm ngụy khoa học về di truyền học. Học thuyết chủng tộc của chủ nghĩa quốc xã ưu tiên vào việc cải thiện di truyền sinh học của người Đức bằng cách áp dụng chọn lọc nhân tạo các đặc tính của các chủng tộc "Bắc Âu" và "Arya". Dựa trên học thuyết này, chính phủ Đức Quốc Xã đã thi hành chính sách triệt sản bắt buộc và tiêu diệt hàng loạt những người bị coi là "không mong muốn" (những người không phù hợp với tiêu chuẩn).
Thuyết ưu sinh tại Đức trước và trong thời kỳ Quốc xã có nhiều nét tương đồng với thuyết ưu sinh tại Hoa Kỳ (đặc biệt ở California), nơi đã là nguồn cảm hứng cho thuyết sinh học của Đức. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Adolf Hitler, vai trò của ưu sinh học trở nên quan trọng hơn rất nhiều khi giới thượng lưu giàu có (thân Quốc xã) bắt đầu đổ nhiều vốn vào lĩnh vực này. Sau đó, các chương trình ưu sinh học được phát triển nhằm hỗ trợ và bổ sung cho các chính sách chủng tộc của chủ nghĩa Quốc xã.
Những người bị nhắm đến để loại bỏ chủ yếu là những người sinh sống trong các cơ sở tư nhân và nhà nước. Họ bao gồm tù nhân, người suy đồi, chống đối chính quyền và những người có khiếm khuyết trí tuệ và thể chất bẩm sinh ()#đổi những cá nhân bị coi là có trí tuệ kém. Trên thực tế, việc bị chẩn đoán mắc "kém thông minh" () là nguyên nhân chính được xem xét để tiến hành triệt sản bắt buộc, bao gồm những người mà bác sĩ chẩn đoán hoặc có dấu hiệu:
Tất cả những người có dấu hiệu trên đều bị coi là mục tiêu để loại trừ khỏi chuỗi di truyền. Hơn 400.000 người bị ép buộc phải triệt sản và khoảng 300.000 người bị giết trong chương trình tử thần "Aktion T4." Hàng nghìn người khác đã tử vong do biến chứng của các ca phẫu thuật bắt buộc, phần lớn nạn nhân là phụ nữ phải trải qua phẫu thuật cắt ống dẫn trứng.
Vào tháng 6 năm 1935, Hitler và nội các chính phủ Quốc Xã công bố danh sách bảy sắc lệnh mới, trong đó sắc lệnh số 5 đề ra mục tiêu đẩy nhanh quá trình điều tra liên quan đến các trường hợp triệt sản.
Ở Đức, khái niệm "ưu sinh học" chủ yếu được biết đến dưới tên gọi "Rassenhygiene" hoặc "thanh lọc chủng tộc".
Mối quan hệ với phong trào ưu sinh tại Hoa Kỳ.
Phong trào ưu sinh học ở Đức ban đầu do Wilhelm Schallmayer và Alfred Ploetz tiên phong. Theo Henry Friedlander, dù phong trào ưu sinh học của Đức và Mỹ có nhiều nét tương đồng, nhưng phong trào ở Đức lại được quản lý chặt chẽ hơn và không có nhiều ý tưởng phong phú như ở Mỹ. Ở Đức, các nhà ưu sinh học và các hoạt động liên quan đến ưu sinh học được quản lý bởi một tổ chức duy nhất - Hiệp hội Thanh lọc Chủng tộc Đức.
Edwin Black cho biết sau khi phong trào ưu sinh học được thành lập và phát triển mạnh mẽ tại Hoa Kỳ, phong trào này đã lan sang Đức. Các nhà ưu sinh học ở California bắt đầu xuất bản các tài liệu về ưu sinh học và triệt sản, sau đó gửi chúng cho các nhà khoa học và chuyên gia y tế Đức. Đến năm 1933, số người bị triệt sản bắt buộc tại California vượt quá tổng số người ở tất cả các bang còn lại của Hoa Kỳ. Chương trình triệt sản bắt buộc do Đức Quốc xã thi hành một phần được lấy cảm hứng từ chương trình triệt sản ở California.
Vào năm 1927, Viện Kaiser Wilhelm (KWIA) được thành lập tại Berlin, chuyên nghiên cứu về nhân học thể chất, xã hội học và di truyền học loài người. Trong quá trình thành lập Viện nhận được sự hỗ trợ tài chính đáng kể từ Quỹ Rockefeller . Giáo sư người Đức Eugen Fischer là giám đốc của tổ chức này, người đã xây dựng nền móng khoa học cho các chính sách ưu sinh học của Đức Quốc Xã. Quỹ Rockefeller thậm chí đã tài trợ cho một số nghiên cứu do Josef Mengele thực hiện trước khi ông đến trại tập trung Auschwitz.
Nhà nghiên cứu về ưu sinh học Harry H. Laughlin thường tự hào rằng đạo luật Triệt sản Ưu sinh Hóa mà ông đề xuất đã được đưa vào Đạo luật thanh lọc chủng tộc Nuremberg năm 1935. Năm 1936, ông được mời đến lễ trao giải tại Đại học Heidelberg, Đức (dự kiến tổ chức vào ngày kỷ niệm cuộc thanh trừng người Do Thái trong đội ngũ giảng viên của trường), để nhận bằng tiến sĩ danh dự cho công trình nghiên cứu của ông về "khoa học thanh lọc chủng tộc". Do hạn chế về tài chính, Laughlin không thể tham dự buổi lễ và phải nhận giải thưởng từ Viện Rockefeller. Sau đó, ông tự hào chia sẻ giải thưởng với các đồng nghiệp và gọi giải thưởng này là biểu tượng cho "kiến thúc chung của các nhà khoa học Đức và Mỹ về bản chất của ưu sinh học".
Quan điểm của Hitler về ưu sinh học.
Adolf Hitler đã nghiên cứu về thanh lọc chủng tộc trong thời gian bị giam giữ tại nhà tù Landsberg.
Hitler tin rằng quốc gia Đức đã trở nên yếu đuối, bị suy thoái do những yếu tố thoái hóa đang dần hòa nhập vào dòng máu của dân tộc, làm giảm chất lượng di truyền và sức mạnh của đất nước.
Chủ nghĩa dân tộc và khái niệm về sự cạnh tranh giữa các các thể, hay còn được gọi là chủ nghĩa Darwin xã hội vào năm 1944. Các nhà khoa học châu Âu và báo chí Vienna đã thảo luận về những khái niệm này trong những năm 1920. Không rõ Hitler tiếp nhận được những khái niệm này từ đâu. Lý thuyết tiến hóa đã được công nhận ở Đức vào thời điểm đó, nhưng hình thức cực đoan như vậy lại không phổ biến.
Trong cuốn "Zweites Buch" ("Quyển sách thứ hai"), (chưa được xuất bản trong thời kỳ quốc xã), Hitler ca ngợi thành bang Sparta (Hitler có thể lấy cảm hứng từ những tư tưởng của nhà sinh vật học Ernst Haeckel), và cho rằng Sparta là "nhà nước Völkisch" đầu tiên. Hitler tán thành và ủng hộ việc áp dụng những phương pháp (mà ông cho là) dựa trên nguyên tắc ưu sinh (khoa học về việc cải thiện chất lượng di truyền của con người) trong việc đối xử với trẻ em bị dị dạng:
Chương trình ưu sinh của Đảng Quốc xã.
Trong việc tổ chức chương trình ưu sinh của mình, Đảng Quốc xã đã lấy cảm hứng từ các chương trình thực hiện thủ tục triệt sản bắt buộc của Hoa Kỳ, đặc biệt tập trung vào các đạo luật ưu sinh được ban hành tại California.
Đạo luật Triệt sản được ban hành vào ngày 14 tháng 7 năm 1933 cho phép triệt sản bắt buộc đối với bất kỳ công dân nào được cho là "bị ảnh hưởng" bởi các rối loạn di truyền (theo quan điểm của "Tòa án Sức khỏe Di truyền" () Các bác sĩ được yêu cầu ghi lại mọi trường hợp bệnh di truyền mà họ biết, trừ phụ nữ trên 45 tuổi. Các bác sĩ có thể bị phạt nếu không tuân thủ.
Vào năm 1934, năm đầu tiên Luật này có hiệu lực, gần 4.000 người đã kháng cáo chống lại các quyết định của cơ quan triệt sản. Tuy nhiên, có tới 3.559 vụ kháng cáo bất thành. Đến khi chế độ Quốc xã kết thúc, hơn 200 Tòa án Sức khỏe Di truyền được thành lập. Thông qua các phán quyết của Tòa, trên 400.000 người bị triệt sản không tự nguyện.
Các cơ sở ưu sinh.
Bệnh viện tâm thần Hadamar là một bệnh viện tâm thần tại thị trấn Hadamar của Đức, được chính phủ Quốc xã sử dụng làm địa điểm thực hiện chương trình tử thần "Aktion T4". Viện Kaiser Wilhelm về Nhân chủng học, Di truyền học con người và Di truyền học được thành lập vào năm 1927. Cơ sở giết người Hartheim cũng là một phần của chương trình "Aktion T4," nơi chính quyền giết những cá nhân mà họ cho là tàn tật. Ban đầu, các bệnh nhân được chuyên chở bằng xe hơi ngạt, nơi hành khách bị đầu độc hoặc bị ngạt do khí thải động cơ trong quá trình di chuyển. Sau này các phòng hơi ngạt được phát triển và thay thế dần cho xe hơi ngạt, phòng hơi ngạt sử dụng khí cacbon monoxit nguyên chất để giết chết các bệnh nhân.
Trong giai đoạn đầu và suốt thời kỳ Quốc xã, Viện Kaiser Wilhelm có mối quan hệ mật thiết với các học thuyết về di truyền học và thanh lọc chủng tộc, được các nhà lý thuyết nổi tiếng như Fritz Lenz, Eugen Fischer và giám đốc Otmar von Verschuer ủng hộ. Dưới sự lãnh đạo của Fischer, việc triệt sản cho những người "Rheinlandbastard" (con hoang Rheinland) đã được tiến hành. Lâu đài Grafeneck từng là một trong những trung tâm giết chóc của Đức Quốc xã (dừng hoạt động vào năm 1940), hiện nay nơi đây đã trở thành địa điểm tưởng niệm dành riêng cho các nạn nhân của Chiến dịch T4.
"Phân loại" bệnh nhân.
Nhiều cơ quan chức năng y tế được thành lập nhờ Đạo luật Đơn giản hóa Hệ thống Y tế được thông qua vào tháng 7 năm 1934. Đạo luật này đề ra các quy trình "báo cáo" và "đánh giá" người dân, sau đó đưa họ đến Tòa án Sức khỏe Di truyền để xét duyệt việc thực hiện triệt sản.
Thông tin nhằm xác định những người được coi là "bệnh tật di truyền" được thu thập từ dữ liệu do người dân cung cấp cho các phòng khám và cơ quan chức năng. Chính quyền phát xít Đức đã hợp tác cùng công ty Dehomag (công ty con thuộc tập đoàn IBM vào những năm thập niên 30) nhằm đẩy nhanh quá trình lưu trữ thông tin bệnh nhân vào thẻ đục Hollerith, đồng thời tối ưu hóa quá trình phân loại.
Các bác sĩ sẽ cung cấp thông tin cho Hệ thống Lưu trữ Hộ chiếu Sức khỏe Trung ương (#đổi ), nhằm giám sát chặt chẽ các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Hồ sơ này không chỉ lưu trữ các báo cáo từ chính các bác sĩ, mà còn từ nhiều nguồn khác như tòa án, công ty bảo hiểm, Đoàn Thanh niên Hitler, quân đội, Sở Lao động, các trường đại học và nhiều tổ chức khác. Các tổ chức tham gia cung cấp thông tin sẽ trao đổi thông tin lẫn nhau. Đến năm 1940, Bộ Nội vụ đã cố gắng mở rộng và triển khai hệ thống dựa trên mô hình Hamburg ra khắp lãnh thổ Đại Đức.
Các tổ chức Do Thái, phong trào kháng chiến quốc gia và tổ chức ngầm Ba Lan đã bắt đầu thu thập bằng chứng và lưu trữ tài liệu liên quan đến hành vi tội ác của Đức Quốc xã. Theo đề xuất của 9 chính phủ lưu vong (Ba Lan, Bỉ, Tiệp Khắc, Đan Mạch, Pháp, Hy Lạp, Luxembourg, Hà Lan và Na Uy) tại London vào năm 1943, Ủy ban Tội ác Chiến tranh Liên Hợp Quốc (UNWCC) được thành lập. Nhiệm vụ của Ủy ban gồm việc thu thập chứng cứ, lập danh sách các tội phạm, báo cáo cho các chính phủ và tiến hành chuẩn bị cho việc xét xử tội ác chiến tranh, nhằm mục đích xác định mức độ trừng phạt phù hợp và ngăn chặn hành vi tương tự. Tại Hiệp ước London vào ngày 8 tháng 8 năm 1945, các cá nhân được xét xử tại phiên tòa Nuremberg được phân loại thành các hạng mục chính. Các hạng mục bao gồm:
Bên cạnh phiên tòa chính Nuremberg, những phiên tòa tiếp theo của các nước Đồng minh chủ yếu tập trung xử lý các cá nhân liên quan đến ưu sinh học:
Tài liệu tham khảo.
templatestyles src="Bản mẫu:Đầu tham khảo/" /
Tập san học thuật.
templatestyles src="Bản mẫu:Đầu tham khảo/" /
Bảo tàng Tưởng niệm Holocaust Hoa Kỳ |
Chiến dịch Pedestal (, Trận chiến giữa tháng Tám), được người dân Malta gọi là (, Đoàn vận tải Santa Maria), là một chiến dịch tiếp vận đảo Malta của Hải quân Hoàng gia Anh vào tháng 8 năm 1942 trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Malta là một căn cứ tiền tiêu quan trọng của người Anh tại khu vực Địa Trung Hải, cung cấp bàn đạp cho các đơn vị tàu mặt nước, tàu ngầm và máy bay Anh để tấn công, đánh phá các tuyến vận tải trọng yếu của Đức-Ý tới Libya, nơi nhận tiếp tế cho các đơn vị phe Trục chiến đấu tại Bắc Phi. Nên từ năm 1940 tới năm 1942, quân đội phe Trục đã cố gắng bao vây phong tỏa Malta bằng không quân và hải quân. Dù gặp nhiều tổn thất nặng nề, người Anh đã thành công trong việc cung cấp đủ nguồn tiếp tế cho người dân và quân đồn trú ở Malta để tiếp tục kháng cự trong giai đoạn cuối của năm 1942. Mặt hàng tiếp tế quan trọng nhất của Chiến dịch Pedestal là nhiên liệu, chủ yếu được vận chuyển trên tàu SS "Ohio" - một tàu chở dầu của Hoa Kỳ nhưng được vận hành bởi thủy thủ đoàn của Anh. Đoàn vận tải khởi hành từ Anh vào ngày 3 tháng 8 năm 1942, và đi qua Eo biển Glbraltar vào Địa Trung Hải vào đêm ngày 10 tháng 8.
Phe Trục đã nỗ lực ngăn chặn đoàn vận tải hơn 50 tàu này bằng việc sử dụng thủy lôi, máy bay ném bom, xuồng E-Boat của Đức, xuồng MS và MAS của Ý, và cho tàu ngầm phục kích. Hơn 500 thủy thủ Thương gia, Hải quân Hoàng gia và phi công Anh thiệt mạng trong chiến dịch, và chỉ có năm trong tổng số 14 tàu vận tải ban đầu cập bến Grand Harbour ở Malta. Đây là một chiến thắng chiến lược, nhưng đắt giá, đối với người Anh. Việc tàu SS "Ohio" đã mang đến nguồn nhiên liệu quý giá, các tàu ngầm Anh cập bến thành công và các máy bay Supermarine Spitfire bổ sung từ hàng không mẫu hạm "Furious" đã giúp tăng cường khả năng chiến đấu của Malta để chống lại các đoàn vận tải của phe Trục trong những tháng tiếp theo. Người Ý buộc phải điều chỉnh lại lộ trình vận tải của họ ra xa khỏi Malta, giúp người Anh có thêm thời gian để thực hiện các cuộc tấn công bằng không quân và hải quân. Nỗ lực phong tỏa Malta của Đức và Ý nhanh chóng sụp đổ sau thắng lợi của Anh ở El Alamein (23 tháng 10 - 11 tháng 11 năm 1942) và quân Đồng Minh đổ bộ vào Bắc Phi (8-16 tháng 11 năm 1942), giúp quân Đồng Minh thiết lập thêm nhiều căn cứ trên bộ cho máy bay để hộ tống các đoàn vận tải của họ ở Địa Trung Hải.
Các chiến dịch của phe Đồng Minh.
Tháng 6 năm 1940, quân đội Đồng Minh mở Chiến dịch Sa mạc Tây kéo dài gần ba năm nhằm chống lại các lực lượng của Ý được hỗ trợ bởi Quân đoàn Phi Châu và các đơn vị không quân của Đức Quốc Xã. Đến cuối năm 1940, 21 tàu vận tải với hơn hàng hóa được chuyển đến Malta mà không gặp tổn thất, và cung cấp đủ nguồn tiếp tế cho hòn đảo này trong vòng bảy tháng. Từ tháng 1 năm 1941 tới tháng 8 năm 1942, 46 tàu vận tải chuyên chở đã cập bến Malta, với 25 tàu đã bị đánh chìm, và có tổng cộng 31 đợt tiếp tế bằng tàu ngầm. Khi Đức và Ý bắt đầu chuỗi chiến dịch phong tỏa Malta, người Anh đã cho tiến hành 19 chiến dịch chuyên chở máy bay bằng hàng không mẫu hạm tới Malta. Từ tháng 8 năm 1940 tới cuối tháng 8 năm 1942, 670 máy bay Hawker Hurricane và Supermarine Spitfire đã cất cánh từ các hàng không mẫu hạm Anh ở phía tây Địa Trung Hải và bay đến Malta để bổ sung sức chiến đấu cho hòn đảo. Nhiều đơn vị bay của Không lực Sa Mạc Tây (DAF) đã dùng Malta làm điểm dừng chân cho các chiến dịch ở Bắc Phi.
Malta là một căn cứ tiền tiêu quan trọng của không quân, hải quân và tàu ngầm Anh trong các chiến dịch đánh chặn đoàn vận tải Phát xít. Từ ngày 1 tháng 6 tới ngày 31 tháng 10 năm 1941, quân đội Anh đã đánh chìm khoảng hàng hóa của Đức và Ý trên Địa Trung Hải, với hàng hóa bị đánh chìm bởi Hải quân Hoàng gia Anh, và hàng hóa được đánh chìm bởi Không quân Hoàng gia (RAF) và Không lực Hải quân Anh (FAA). Các tàu chở hàng đi đến châu Phi chiếm 90% số tàu bị đánh chìm tại Địa Trung Hải và các đơn vị đóng quân ở Malta chịu trách nhiệm cho khoảng 75% số tàu hàng bị máy bay đánh chìm. Trước mối đe dọa này, quân đội Đức-Ý đã tiến hành bao vây, đánh phá và phong tỏa hòn đảo bằng không quân vào năm 1941 và 1942. Đến cuối tháng 7 năm 1941, mức thiệt hại về máy bay của Anh tại Malta đã tăng lên 17 chiếc/tuần, và số nhiên liệu còn lại trên đảo chỉ đủ cho máy bay tiêm kích hoạt động, nên việc điều động các đội bay ném bom và phóng lôi cho các chiến dịch tấn công là một khó khăn đáng kể.
Chiến dịch Julius, một kế hoạch tiếp tế cho Malta bằng hai đoàn tàu vận tải song song (một đoàn xuất phát từ Gibraltar trong Chiến dịch Harpoon và từ Alexandria trong Chiến dịch Vigorous) đã gặp thất bại. Chỉ có hai tàu vận tải của Harpoon cập bến Malta thành công, trong khi đoàn Vigorous buộc phải hủy bỏ chiến dịch. Vào tháng 8, khẩu phần hai tuần ở Malta cho một người là 400 gam đường, 200 gam chất béo, 300 gam bánh mì và 400 gam thịt bò muối. Một công nhân nam trưởng thành có lượng calo tiêu thụ hàng ngày là 1.690 calo, trong khi đó phụ nữ và trẻ em là 1.500 calo. Để giải quyết vấn đề lương thực, cư dân Malta đã đồng loạt giết mổ gia súc trên đảo để giảm nhu cầu nhập khẩu thức ăn gia súc và chuyển đổi đất chăn nuôi thành đất trồng trọt; hệ thống Victory Kitchens đã được lập ra để phân phối thịt cho cư dân trên đảo.
Malta sẽ buộc phải đầu hàng nếu nguồn nhiên liệu, thực phẩm và trang thiết bị không được giao đến trước tháng 9. Thiếu tướng Keith Park - tư lệnh các đơn vị không quân ở Malta từ tháng 7, đã gửi tin cảnh báo về Anh rằng nguồn nhiên liệu cho máy bay trên đảo chỉ đủ để sử dụng trong vài tuần. Bộ Hải quân Anh đã điều động nhiều tàu ngầm cho các nhiệm vụ vận chuyển nhiên liệu máy bay, đạn phòng không và ngư lôi qua các hành lang phong tỏa vào Malta như một phương án tạm thời để giải quyết vấn đề hoạt động bay trên đảo. Đệ nhất Đại thần Hải quân Albert Alexander và Thủy sư Đô đốc Dudley Pound - Tư lệnh Hải quân Hoàng gia, đã họp bàn với Thủ tướng Winston Churchill về vấn đề sống còn của Malta rằng:#đổi ... và đề xuất chuẩn bị một chiến dịch vận tải mới từ Gibraltar, với một số lượng tàu hộ tống lớn chưa từng có được điều động từ Hạm đội Viễn Đông và Hạm đội Nhà, vốn đã có sẵn các tàu dự phòng kể từ khi tuyến vận tải Bắc Cực bị dừng hoạt động sau thảm họa PQ 17.
Bộ tư lệnh phe Trục.
Cơ cấu chỉ huy của phe Trục tại Địa Trung Hải được tập trung ở cấp trên và bị phân nhỏ ở các cấp thấp hơn. Benito Mussolini đã độc chiếm quyền lãnh đạo các lực lượng vũ trang Ý từ năm 1933 bằng cách tự mình nắm giữ các chức vụ Bộ trưởng Bộ Chiến tranh, Bộ trưởng Bộ Hải quân và Bộ trưởng Bộ Không quân của Ý. Thống chế Không quân Đức Quốc Xã Albert Kesselring, Tư lệnh Tối cao Không quân phía Nam ("Oberbefehlshaber Süd") và dù là toàn quyền chỉ huy lực lượng mặt đất Đức tại Mặt trận Địa Trung Hải, Kesselring không hề có thẩm quyền trong các chiến dịch của phe Trục ở Bắc Phi hoặc trong hoạt động tổ chức các đoàn tàu vận tải đến Libya. Từ tháng 11 năm 1941, Kesselring đã dùng thẩm quyền của mình để tiến hành một số chiến dịch hải quân ở Đại Trung Hải với tư cách là Chỉ huy trên danh nghĩa của Bộ Tư lệnh Hải quân Ý. Nhưng do Bộ Tư lệnh Hải quân Ý nằm trong bộ máy chỉ huy của Hải quân Đức Quốc Xã, và mối quan hệ đầy mâu thuẫn giữa bộ chỉ huy Không quân Đức Quốc Xã ("Luftwaffe") và Hải quân Đức Quốc Xã ("Kriegsmarine"), đã cản trở các chiến dịch phối hợp hiệu quả của Đức và Ý ở Địa Trung Hải. Kesselring thực tế chỉ có quyền điều phối trong việc lên kế hoạch cho các chiến dịch liên quân Đức-Ý và có quyền sử dụng Không quân Hoàng gia Ý ("Regia Aeronautica") để bảo vệ các đoàn vận tải tới Bắc Phi. Trong khi đó, Hải quân Hoàng gia Ý ("Regia Marina") lại cố gắng ngăn chặn và không cho phép người Đức can thiệp vào các chiến dịch của họ.
Kế hoạch và sự chuẩn bị của hai bên.
Kế hoạch của phe Đồng Minh.
Việc lên kế hoạch cho Chiến dịch Pedestal bắt đầu được Bộ Hải quân Anh tiến hành vào cuối tháng 7 năm 1942, dưới sự chỉ đạo của Phó Đô đốc Neville Syfret, các Chuẩn Đô đốc Lumley Lyster và Harold Burrough, và Ban tham mưu Hải quân. Sau khi thiết giáp hạm "Nelson" và "Rodney" quay trở về Scapa Flow từ Freetown, Tây Phi, Syfret đã chọn "Nelson" làm soái hạm của ông cho Chiến dịch Pedestal, và Syfret đã tổ chức một cuộc họp phổ biến chiến dịch tới toàn bộ các sĩ quan cấp cao và thuyền trưởng các tàu vào ngày 29. Ngoài Pedestal, một vài chiến dịch nhỏ khác đã được chuẩn bị để tiến hành đồng thời với Pedestal. Theo kế hoạch, 14 tàu vận tải các lại sẽ được huy động vào chiến dịch, với nhân tố quan trọng nhất là tàu chở dầu SS "Ohio" - tàu chở dầu nhanh và lớn duy nhất hiện có, được phía Hoa Kỳ cho mượn và vận hành bởi thủy thủ đoàn người Anh. Phòng trường hợp "Ohio" bị đánh chìm cùng 12.000 tấn dầu, 13 tàu vận tải còn lại đã được bổ sung thêm các thùng phuy dầu. Đoàn vận tải được bảo vệ bởi ba hàng không mẫu hạm, hai thiết giáp hạm, bảy tuần dương hạm, 32 khu trục hạm, bảy tàu ngầm, lực lượng hộ tống lớn nhất từng được tập hợp.
Hàng không mẫu hạm "Victorious" được biên chế tổng cộng 16 máy bay Fairey Fulmar của Phi đoàn 809 và 884, và sáu máy bay Sea Hurricane của Phi đoàn 885; "Indomitable" mang tổng cộng mười máy bay Grumman Martlet của Phi đoàn 806, 24 máy bay Sea Hurricane của Phi đoàn 800 và 880, và 14 máy bay Fairey Albacore của Phi đoàn 831 và 827; "Eagle" mang theo 16 máy bay Sea Hurricane của Phi đoàn 801 và 813. Malta có tổng cộng năm máy bay Martin Baltimore, sáu máy bay PRU Spitfire và năm máy bay trinh sát Wellington Mk VIII. Nhiều đội bay đã được điều động tạm thời về Ai Cập để gia tăng quân số hỗ trợ, nâng tổng số máy bay của Anh trong khu vực lên hơn 100 chiếc Spitfire, 36 chiếc Beaufighter, 30 chiếc Beaufort, ba chiếc Wellington, hai chiếc Liberator, hai chiếc Baltimore và ba máy bay Albacore và Swordfish của Không lực Hải quân Anh.
Sau buổi họp thông thường, Chuẩn Đô đốc Burrough đã gặp A. G. Venables - chỉ huy trưởng đoàn tàu vận tải và các thuyền trưởng tàu vận tải trên soái hạm của ông, HMS "Nigeria", để thông báo riêng cho họ. Một cuộc họp tương tự đã được tổ chức với các chuyên viên điện đài của các tàu vận tải để giải thích về các quy trình thủ tục thông tin liên lạc của hạm đội. Đoàn vận tải gồm 14 tàu được định danh là WS.21S, và mỗi thuyền trưởng các tàu trong đoàn được nhận một phong bì đề bên ngoài là "Không được mở cho đến 08:00 giờ ngày 10 tháng 8", đi kèm với một tờ thông điệp cá nhân được đích thân Đệ nhất Đại thần Hải quân Albert Alexander đề rằng "Chúc may mắn." Đoàn vận tải bắt đầu khởi hành từ Sông Clyder vào đêm ngày 2/3 tháng 8, được hộ tống bởi tuần dương hạm "Nigeria", "Kenya" và các khu trục hạm, đến điểm tập kết với các nhóm tàu khác vào buổi sáng hôm sau.
Đoàn vận tải WS.21S bao gồm các tàu sau:
Không lâu trước khi khởi hành từ Scapa Flow, hàng không mẫu hạm "Furious" được Bộ Hải quân chọn để tiến hành Chiến dịch Bellows, có nhiệm vụ tiếp vận máy bay cho Malta (được gọi không chính thức là Club Run), song song với Chiến dịch Pedestal. Tuy nhiên, việc khởi hành của Furious đã bị trì hoãn hai ngày do gặp vấn đề kỹ thuật. Sau vấn đề được khắc phục, "Furious" khởi hành về Malta với 38 máy bay Spitfire và tuần dương hạm "Manchester". Nhóm của "Furious" tập hợp cùng đoàn vận tải chính vào ngày 1 tháng 8 năm 1943, ba ngày trước khi Chiến dịch Pedestal được bắt đầu.
Chiến dịch Berserk và Ascendant.
Ngày 31 tháng 7, thiết giáp hạm "Nelson" và "Rodney", hàng không mẫu hạm "Victorious" và "Argus", tuần dương hạm Sirius và các khu trục hạm rời Scapa Flow và tập hợp với nhóm tác chiến của "Eagle" từ Gibraltar và nhóm tác chiến của "Indomitable" từ Freetown, để tiến hành buổi tập trận có mật danh là Chiến dịch Berserk. Chiến dịch được tổ chức tại khu vực nằm giữa Quần đảo Azore và Gibraltar từ ngày 6 tới ngày 9 tháng 8, bao gồm hoạt động huấn luyện phòng không cho tàu vận tải, đổi hướng di chuyển khẩn cấp, thay đổi đội hình di chuyển, liên lạc bằng cờ hiệu và hệ thống điện báo không dây tầm ngắn (W/T). Nguy cơ an ninh về việc liên lạc trực tiếp qua hệ thống W/T đã được các chỉ huy Đồng Minh chấp nhận và theo Đô đốc Andrew Cunningham, đoàn vận tải đã đạt được nhiều hiệu quả "tương đương với hiệu quả của một đơn vị hạm đội." Các đơn vị máy bay được huấn luyện tiến hành các đợt không kích mô phỏng vào chiều ngày 8 tháng 8, để giúp các nhóm vận hành radar hoạt động hiệu quả và tăng cường nhận biết ngoại hình máy bay cho các tổ đội phòng không. Trong buổi tập này, Phi đoàn 804 của hàng không mẫu hạm "Argus" được đánh giá là chưa đủ khả năng chiến đấu, nên phi đoàn cùng "Argus" được lệnh quay trở về Anh.
Cùng thời điểm với Chiến dịch Pedestal, Chiến dịch Ascendant cũng được tiến hành, với nhiệm vụ chính là đưa tàu "Troilus" và "Orari", hai tàu vận tải duy nhất cập bến Malta trong Chiến dịch Harpoon vào tháng 6 cùng năm, từ Malta về Gibraltar dưới sự hộ tống của khu trục hạm "Badsworth" và "Matchless" (Lực lượng Y). Các tàu sẽ được ngụy trang bằng ký hiệu sàn tiêu chuẩn của Hải quân Hoàng gia Ý và sẽ khởi hành từ Malta vào đêm ngày 2/3 tháng 8 về phía nam Lampedusa, đi qua bán đảo Cap Bon, bám sát bờ biển Tunisia về Kênh Galita và từ đó đi đến Gibraltar.
Kế hoạch và sự chuẩn bị của phe Trục.
Người Đức và Ý đã chuẩn bị các kế hoạch một cách độc lập, nhưng vẫn có sự hợp tác ở một mức độ nhất định, ví dụ như Quân đoàn Không lực II ("Fliegerkorps II") của "Luftwaffe" ở Sicily đã phối hợp với bộ tư lệnh Không quân Hoàng gia địa phương trong việc lập kế hoạch, nhưng họ lại tiến hành cuộc tấn công một cách riêng biệt.
Trong khi đó, Bộ Tư lệnh Hải quân Ý ("Supermarina") đã cân nhắc đến bốn trường hợp về một chiến dịch hộ tống sắp tới của Anh là:
Không quân Hoàng gia Ý có tổng cộng 328 máy bay (90 máy bay phóng lôi, 62 máy bay ném bom, 25 máy bay ném bom bổ nhào và 151 máy bay tiêm kích) và "Luftwaffe" có 456 máy bay (328 máy bay bổ nhào, 32 máy bay ném bom hạng trung và 96 máy bay tiêm kích). Người Đức đã huy động thêm 20 máy bay Junkers Ju 88 của Quân đoàn Không lực X ("Fliegerkorps X") đóng ở Crete về Sicily vào ngày 11 tháng 8, và tám chiếc Ju 88 nữa từ Crete trong cùng ngày sau khi chúng hoàn thành nhiệm vụ hộ tống ở Aegean.
Hải quân Hoàng gia Ý có bốn thiết giáp hạm, 13 tuần dương hạm, 21 khu trục hạm, 28 xuồng cao tốc phóng lôi và 64 tàu ngầm, nhưng hầu hết các tàu chủ lực đều không được hoạt động vì thiếu nhiên liệu và không lực hỗ trợ. Hải quân Ý chỉ được cung cấp 12.000 tấn nhiên liệu vào tháng 6, tương đương với 20% mức tiêu thụ nhiên liệu của các đoàn tàu vận tải, và các thiết giáp hạm Ý phải tiếp nhiên liệu cho các tàu nhỏ hơn. Vì thiếu nhiên liệu, Mussolini đã nói với Hitler rằng họ chỉ có thể đánh chặn đoàn tàu vận tải Malta bằng tàu ngầm và máy bay trên bộ. "Supermarina" đã điều động Hải đội Tuần dương hạm số 3 của Phó Đô đốc Angelo Paroma, bao gồm tuần dương hạm "Gorizia", "Bolzano","Trieste" và bảy khu trục hạm, và Hải đội Tuần dương hạm số 7 của Phó Đô đốc Luigi Sansonetti, bao gồm tuần dương hạm "Eugenio di Savoia", "Raimondo Montecuccoli" và "Muzio Attendolo" và năm khu trục hạm, cộng thêm 18 tàu ngầm, 19 xuồng cao tốc phóng lôi (sáu xuồng MS và 13 xuồng MAS); trong khi đó người Đức có ba tàu ngầm và bốn xuồng S-boat. Do bị thiếu hụt máy bay tiêm kích để hộ tống tàu mặt nước, máy bay ném bom và máy bay phóng lôi, Mussolini đã ưu tiên sử dụng máy bay chiến đấu làm máy bay ném bom hộ tống và hỗ trợ lực lượng mặt nước. Thống chế Kesselring từ chối yêu cầu cung cấp máy bay hỗ trợ cho hạm đội Ý, vì bản thân họ cũng không đủ máy bay tiêm kích.
Kesselring nghi ngờ về việc các tuần dương hạm hạng nặng của Ý có thể đạt được thành công ngay cả khi có không quân yểm hộ và cho rằng người Ý đã lấy cớ thiếu nhiên liệu. Chuẩn Đô đốc Eberhard Weichold, tùy viên quân sự Hải quân Đức Quốc Xã tại Rome, đã gửi kiến nghị rằng "Luftwaffe" nên cung cấp máy bay yểm trợ trên không cho tàu chiến Ý. Nguyên soái Ugo Cavallero, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Ý, cũng mong muốn các tàu mặt nước Ý có cơ hội tham gia vào chiến dịch, nhưng "Supermarina" không muốn tung các tàu chủ lực của họ vào trận chiến mà không có máy bay hỗ trợ. Chiến thuật đánh chặn của phe Trục sẽ tương tự như chiến thuật từng được họ áp dụng trong Chiến dịch Harpoon của người Anh vào tháng 6 năm 1942; họ sẽ mở một đợt trinh sát đường không phối hợp diện rộng ở phía tây Địa Trung Hải vào ngày 11 và 12 tháng 8, máy bay tấn công của phe Trục sẽ trực chiến sẵn ở Sicily và Sardinia; tàu ngầm Ý-Đức, tàu phóng lôi và thủy lôi được phe Trục sử dụng triệt để để tạo thành một lớp hàng rào phòng thủ liên tiếp. Bốn lớp phòng thủ này sẽ gây phân tán đoàn vận tải của người Anh và sau đó sẽ bị lực lượng tuần dương hạm và khu trục hạm Ý tấn công tiêu diệt. 22 máy bay ném bom phóng lôi, khoảng 125 máy bay nhém bom bổ nhào và tiêm kích hộ tống, và 40 máy bay ném bom hạng trung sẽ được sử dụng trong một cuộc tấn công đồng bộ. Người Ý ưu tiên máy bay cho việc tiêu diệt các hàng không mẫu hạm Anh đầu tiên, để ngăn chặn chúng tung máy bay can thiệt khi đội tàu mặt nước của Ý áp sát đoàn vận tải của Anh. Hải quân phe Trục có 19 tàu ngầm ở phía tây Địa Trung Hải, chín chiếc trong số đó đóng quân ở phía bắc Algeria; 10 tàu khác sẽ chờ sẵn ở khu vực giữa Fratelli Rocks và cửa eo biển Skerki, một vài chiếc sẽ dàn trận ở phía tây bắc Cap Bon để phối hợp với máy bay tấn công. Một tàu ngầm của Ý sẽ tuần tra sẵn ở phía tây Malta, một chiếc ngoài khơi Navarino của Hy Lạp và ba chiếc nữa cách đảo Crete khoảng 161 km về phía tây-tây nam.
Từ tháng 6 năm 1940 tới tháng 4 năm 1942, Hải quân Hoàng gia Ý đã rải khoảng 2.320 quả thủy lôi tại khu vực giữa Cap Granitola, nằm ở cuối phía tây nam Sicily và Pantelleria, 1.020 quả giữa Pantelleria và Ras el Mustafa, Tunisia, 6.880 quả tại khu vực giữa Quần đảo Aegadian và Cap Bon, và 1.040 quả ở giữa vùng biển Bizerte và Keith Rock. Người Ý dự tính sẽ rải thêm một bãi thủy lôi nữa ở ngoài khơi Cap Bon vào đêm ngày 11/12 tháng 8, ngay trước khi đoàn vận tải Anh đi qua khu vực này. Đêm ngày 12/13 tháng 8, 13 xuồng MAS, sáu xuồng MS và bốn xuồng S-boat đã trực chiến sẵn ở phía nam Marettimo và ngoài khơi Cap Bon, và sau đó di chuyển về Pantelleria. Hải đội Tuần dương hạm số 3 và 7 sẽ đóng cách Pantelleria khoảng 120 dặm về phía bắc vào buổi chiều ngày 12 tháng 8, sau đó di chuyển trong đêm về phía nam Pantelleria để tấn công những gì còn lại của đoàn tàu Anh trước bình minh. Các sĩ quan phe Trục tin rằng họ sẽ có đủ máy bay để áp đảo hoàn toàn các đơn vị bay của người Anh ở Malta. Nếu có một đoàn tàu vận tải Đồng Minh khởi hành từ Ai Cập, chúng sẽ bị đánh chặn bởi Hải đội Tuần dương hạm số 8 đóng ở Navarino, Hy Lạp, nhưng Hải đội 8 đã được lệnh di chuyển vào Biển Ionian vào ngày 12 tháng 8 để hỗ trợ cho Hải đội 3.
Các nhà hoạch định phe Trục hoàn toàn không có đủ thông tin về kế hoạch của người Anh, nhưng họ có kiến thức khá rõ ràng về đội hình và lộ trình di chuyển của phe Đồng Minh ở Địa Trung Hải. Cơ quan tình báo "Abwher" đã gửi báo cáo cho Kesselring vào ngày 5 tháng 8 rằng phe Đồng Minh đang chuẩn bị cho một chiến dịch tiếp vận Malta lớn từ phía tây, phối hợp đồng thời với cuộc tấn công ở Mersa Matruh, Ai Cập của họ. Máy bay ném bom Đồng Minh ở Malta được cho là sẽ tấn công tàu chiến Ý, trong khi các đơn vị tiêm kích sẽ làm nhiệm vụ không yểm cho đoàn vận tải đi qua Eo biển Sicily. Người Đức cũng coi đó sẽ là một mối đe dọa với Crete nếu đoàn vận tải cập bến Malta, nên Kesselring đã cho tăng cường các đơn vị không quân Đức đóng ở Sicily và Crete, và cho điều chuyển máy bay từ Crete về Sardinia and Sicily. "Fliegerkorps II" đã cắt giảm hoạt động bay của họ và thiết lập căn cứ mới ở Elmas, Sardinia để tiếp nhận các đợt tiếp viện của "Fliegerkorps X" ở phía đông Địa Trung Hải. Vào sáng ngày 8 tháng 8, một báo cáo được gửi đến với nội dung là một hàng không mẫu hạm lớp Argus và bốn khu trục hạm đã cập bến Gibraltar và các đặc vụ của Abwher liên tục ghi nhận rằng có rất nhiều hoạt động vận tải diễn ra ở Eo biển Gibraltar vào đêm ngày 8/9 tháng 8. Đến ngày 10 tháng 8, 220 máy bay của "Luftwaffe" đã có mặt ở Sicily cùng với 300 máy bay của Không quân Hoàng gia Ý và 150 máy bay Ý khác được tập hợp ở Sardinia.
Các tàu ngầm Ý được lệnh tập hợp thành ba hàng rào tuần tra để đánh chặn đoàn vận tải. Vào ngày 12 tháng 8, Kesselring bắt đầu thảo luận với Bộ tư lệnh cấp cao của Ý ("Comando Supremo") về việc phối hợp lực lượng phe Trục cho chiến dịch sắp tới. Trong buổi sáng, Kesselring báo cáo rằng "Luftwaffe" hoàn toàn cam kết sẽ thực hiện việc hộ tống cho máy bay ném bom, nhưng không thể hỗ trợ cho các tàu Ý, và đề nghị hỗ trợ rải thủy lôi nhưng việc này đã được Hải quân Hoàng gia Ý tiến hành từ trước. Việc Không quân Đức Quốc Xã không thể cung cấp máy bay yểm trợ trên không cho hạm đội Ý đã làm giả đáng kể cơ hội đánh chặn hạm đội người Anh.
Trong cuộc họp vào buổi chiều cùng ngày, vấn đề hạm đội mặt nước tiếp tục được đưa ra để thảo luận. Do mối đe dọa bị máy bay Anh đóng ở Malta tấn công là rất lớn, Nguyên soái Cavallero đã đi đến quyết định rằng ông không thể mạo hiểm toàn bộ hạm đội Ý nếu không có sự hỗ trợ đầy đủ của máy bay Đức. Buổi họp đã thống nhất rằng, tàu ngầm Ý sẽ tấn công đón đầu đoàn vận tải tại khu vực Quần đảo Algier và Balearic, xuồng phóng lôi sẽ phục kích tại khu vực Cap Bon và Pantelleria, và những gì còn lại của hạm đội vận tải sẽ được Hải đội Tuần dương hạm số 3 và 7 kết liễu. Trung tướng Rino Corso Fougier, Tham mưu trưởng Không quân Hoàng gia Ý, đã báo cáo rằng ông có 40 máy bay chiến đấu và máy bay ném bom hiện đại và ngày hôm trước (ngày 11 tháng 8), 101 máy bay đã được chuyển từ Ý đến Sardinia và Sicily, nâng tổng số máy bay trực chiến lên của người Ý lên 247 chiếc, nhưng Fougier không bắt đầu các cuộc tấn công cho đến ngày 13 tháng 8. Ngoài ra, có thêm 20 máy bay ném bom tầm xa từ Crete, 10 máy bay phóng lôi từ Grosseto đã được huy động về Sardinia. Tại Sicily, 15 đội bay đang nghỉ ngơi sau các chiến dịch trước đó đã được báo động và tiếp nhận thêm sáu máy bay tiêm kích tầm xa Bf 110 từ Châu Phi.
Ngày 9/10 tháng 8.
Lực lượng R rời Gibraltar vào ngày 9 tháng 8, chuẩn bị hội quân với đoàn vận tải ở phía nam Majorca; Lực lượng F đi qua Eo biển Gibraltar trong đêm không trăng và nhiều sương mù vào đêm ngày 10 tháng 8. Dù thời tiết xấu như vậy, hạm đội Anh vẫn bị các đặc vụ "Abwher" ở bờ biển Gibraltar và Ceuta phát hiện. Tình báo Anh nhanh chóng giải mã được các đoạn tin được đặc vụ "Abwher" gửi về sở chỉ huy, và nẵm rõ được cách phía Đức-Ý tiếp nhận thông tin và kế hoạch đánh chặn đoàn vận tải của họ. Vào khoảng 08:00 ngày 10 tháng 8, máy bay trinh sát của Đức phát hiện ra đoàn vận tải, và báo cáo lúc 12:45 rằng đoàn tàu đang cách Algiers khoảng 130 km về phía bắc.
Lúc 17:00, máy bay trinh sát của Vichy Pháp báo cáo phát hiện ra hai hàng không mẫu hạm, hai thiết giáp hạm, hai tuần dương hạm, 14 khu trục hạm và 12 tàu vận tải cách Oran 93 km về phía bắc. Máy bay trinh sát của Đức báo cáo lúc 19:00 rằng có một đoàn vận tải gồm hai thiết giáp hạm, hai hàng không mẫu hạm, hai tuần dương hạm, 14 khu trục hạm và 12 tàu vận tải đang di chuyển theo hướng đông, cách Oran 102 km về phía bắc-đông bắc. Cuối chiều ngày 10 tháng 8, Kesselring và "Supermarina" được thông tin rằng có một hạm đội gồm 40-50 tàu, có thể có hai hàng không mẫu hạm và 19 tàu vận tải, đang ở phía tây Địa Trung Hải, di chuyển về hướng đông với tốc độ khoảng . Đoàn tàu này được cho là sẽ ở phía nam Majorca lúc 06:00 ngày 11 tháng 8 và cùng thời điểm đó ở phía nam Sardinia vào ngày 12. "Fliegerkorps II" được đặt vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu và "Fliegerkorps X" được lệnh tiến hành bay do thám ở phía đông Địa Trung Hải sau bình minh ngày 11 tháng 8.
Ngày 11 tháng 8.
Dù có nguy cơ bị tàu ngầm Đức-Ý tấn công, ba tuần dương hạm và 26 khu trục hạm đã hoàn thành việc tiếp dầu từ tàu chở dầu "Dingledale" và "Brown Ranger" vào bình minh ngày 11 tháng 8. Đoàn vận tải hiện đang ở phía nam Quần đảo Balearic, trên lộ trình đi về Cap Bon, và vào khoảng 06:20, đoàn vận tải bị một tàu ngầm U-boat phát hiện. Lúc 08:15, máy bay trinh sát của "Luftwaffe" báo cáo vị trí đoàn vận tải đang cách Algiers khoảng 176 km về phía tây bắc; 15 phút sau, một chiếc Ju 88 được lệnh bám đuôi đoàn vận tải ở độ cao 6.100–7.300 m và tiến hành nhiệm vụ đó đến cuối ngày. Đến trưa, đoàn vận tải cách Majorca khoảng 139 km về phía nam, di chuyển về phía đông theo đội hình zigzag. "Furious" bắt đầu phóng máy bay từ khoảng 12:30 đến 15:15, với 38 chiếc Spitfire thực hiện chuyến bay dài tới Malta, rồi con tàu quay trở về Gibraltar cùng đội hộ tống.
Giải mã Enigma cho biết vào lúc 11:55, các tuần dương hạm hạng nhẹ "Eugenio di Savoia", "Raimondo Montecuccoli", "Muzio Attendolo" thuộc Hải đội Tuần dương hạm số 7 ở Cagliari đã được "Supermarina" ra lệnh có mặt tại vị trí chiến đấu trước hai giờ từ 18:00, cùng với các tuần dương hạm hạng nặng "Gorizia", "Bolzano" và "Trieste" thuộc Hải đội Tuần dương hạm số 3 ở Messina, và tàu ngầm Ý đã trực chiến ở phía bắc Bizerte lúc 13:00. Ba tàu ngầm của phe Trục được nhìn thấy rời Cagliari lúc 20:45, và người Anh được thông tin rằng lúc 18:00, Hải đội Tuần dương hạm số 7 cùng 17 khu trục hạm, đã di chuyển về phía đông, và Hải đội Tuần dương hạm số 3 đã khởi hành từ Messina và Napoli. Tình báo Đồng Minh còn bắt được thông tin rằng sự xuất hiện của đoàn vận tải được Tập đoàn quân thiết giáp Châu Phi ("Panzerarmee Afrika") cho là mối đe dọa lớn tới Tobruk. Kesselring tin rằng sẽ có một cuộc đổ bộ ở bờ biển Bắc Phi và ông đã ra lệnh sẵn sàng ngăn chặn một cuộc đổ bộ tiềm tàng của Đồng Minh vào ngày 12. Không quận Châu Phi ("Luftgau Afrika") dự đoán sẽ có một cuộc đổ bộ ở Tripoli vào ngày 13 hoặc 14 tháng 8. Lúc 08:00, tàu ngầm "U-83" phát hiện ra hạm đội của Anh ở ngoài tầm bắn, được theo sau bởi một nhóm tàu khác có hàng không mẫu hạm "Eagle". "U-83" thu hẹp khoảng cách còn khoảng 370 m và bắn bốn quả ngư lôi về phía "Eagle". Eagle trúng trọn bốn quả ngư lôi vào lúc 13:15 và bị chìm cách phía nam Mũi Salinas 130 km, 150 km về phía bắc Algiers, chỉ trong vòng bốn phút sau khi bị bắn trúng. Khu trục hạm "Lookout", "Laforey" và tàu kéo Jaunty đã cứu được 929 người, 231 người cùng 16 chiếc Sea Hurricane đã chìm theo con tàu. Lúc 14:30, một chiếc Ju 88 thuộc Liên đoàn Trinh sát 122 ("Aufklärungsgruppe" 122), đã thực hiện phi vụ bay trinh sát và theo dõi hạm đội người Anh ở độ cao quá mức độ cao chiếc Sea Hurricane có thể đánh chặn. 27 máy bay ném bom Ju 88 và ba máy bay phóng lôi He 111 của "Luftwaffe" bắt đầu tấn công lúc 20:56, khi đoàn vận tải đang cách Sardinia khoảng 370 km. Cuộc tấn công thất bại khi không con tàu Anh nào bị hư hại và hai chiếc Ju 88 bị bắn hạ. Trong đêm ngày 11, các sân bay dã chiến của Đức ở Sardinia đã bị không kích bởi các đơn vị bay B-24 Liberator và Beaufighter, phá hủy một nhà chứa và nhiều máy bay khác.
Đêm, ngày 11/12 tháng 8.
Đêm ngày 11/12 tháng 8, Hải đội Tuần dương hạm số 3 và 7, cùng 17 khu trục hạm của Ý đã rời cảng Cagliari, Messina và Napoli để giao chiến với hạm đội Anh. Bộ chỉ huy Malta sau đó đã gửi một mệnh lệnh tới một chiếc máy bay ném bom Wellington đang làm nhiệm vụ rải pháo sáng về việc dẫn đường cho một đội ném bom B-24 Liberator, thực chất là để đánh lừa hạm đội Ý. Tuy nhiên, "Supermarina" đã hủy bỏ chiến dịch đánh chặn trước khi người Anh kịp gửi mệnh lệnh đi vì họ không có không lực hỗ trợ.
Lúc 00:20, thông qua giải mã Enigma, tình báo Anh nắm bắt được thông tin rầng tình báo Ý đã phát hiện ra bốn tuần dương hạm và 10 khu trục hạm Anh và nghĩ rằng một phần của đoàn tàu vận tải có thể đang tiến đến phía đông Địa Trung Hải. Enigma cũng cho biết rằng "Fliegerkorps II" đã gửi mệnh lệnh tới các đơn vị các máy bay tiêm kích của "Jagdgeschwader" 77 (JG 77 - Không đoàn Tiêm kích 77) tại Elmas, Sardinia, về việc chuẩn bị tấn công một đoàn tàu vận tải tại khu vực Eo biển Sicily vào rạng sáng ngày 12 tháng 8. "Fliegerkorps" "II" được lệnh phối hợp với các máy bay của "Regia Aeronautica" ở Sicily và Sardinia, tung ra các đợt máy bay tiêm kích hỗ trợ tấn công đoàn tàu vận tải.
Tình báo Anh kết luận rằng đoàn vận tải và lực lượng hộ tống hùng mạnh của chúng đã khiến bộ chỉ huy phe Trục lo sợ về một cuộc đổ bộ bất ngờ ở đâu đó tại Bắc Phi hoặc Crete. Phe Trục đã giả định rằng nếu đảo Crete là mục tiêu, thì cuộc đổ bộ sẽ diễn ra trước ngày 14 tháng 8. Ngoài ra, họ đã cho tăng cường bố phòng ở khu vực Benghazi–Tripoli của Libya, và một phi đội Messerschmitt Bf 109 và máy bay ném bom tầm xa đóng tại Derna đã được lệnh sẵn sàng di chuyển tới Benghazi hoặc Tripoli dưới sự hỗ trợ của máy bay vận tải Ju-52. Tập đoàn quân thiết giáp Châu Phi đã tổ chức sẵn nhiều phân đội nhỏ để chống lại cuộc đổ bộ và đã cho di chuyển lực lượng đến đóng quân ở Sollum–Mersa Matruh để bảo vệ bờ biển phía đông Tobruk. Lúc 07:00, toàn bộ tuyến vận tải đi từ Bắc Phi đến Ý và Aegean đều được cho ngừng hoạt động và đến chiều muộn cùng ngày, tình báo Anh được biết rằng "Luftwaffe" đoán sẽ có cuộc đổ bộ vào Tripoli vào ngày 13 hoặc 14 tháng 8. Máy bay tiêm kích và máy bay ném bom đã được tiếp viện từ Sicily và thông qua Enigma, người Anh đã thu được một bức điện từ Thống chế Đế chế ("Reichsmarschall") Hermann Göring, Tổng tư lệnh của "Luftwaffe", rằng "Luftwaffe" #đổi và các cuộc tấn công sẽ nhằm thẳng vào các hàng không mẫu hạm và tàu vận tải của người Anh. Lúc 00:54, khu trục hạm "Wolverine", cùng bốn khu trục hạm khác, đã tách ra khỏi nhóm hộ tống "Furious" để tiến hành nhiệm vụ săn ngầm. Radar của "Wolverine" phát hiện ra một tàu ngầm đối phương cách vị trí hiện tại khoảng cách . Đội khu trục hạm tăng tốc và hoa tiêu của "Wolverine" phát hiện ra tàu ngầm "Dagabur" của Ý ở khoảng cách tầm . "Wolverine" tông thẳng vào con tàu ngầm đang nổi trên mặt nước với tốc độ , khiến "Dagabur" gãy đôi và chìm với toàn bộ thủy thủ đoàn.
Ngày 12 tháng 8.
Máy bay Ju 88 của Đức tiếp tục bám đuôi đoàn vận tải Anh lúc 05:00 và vào 06:10, "Indomitable" đã phóng máy bay Martlet để bắn hạ chiếc trinh sát này, với bốn chiếc Sea Hurricane và Fulmar được phóng từ "Victorious" và "Furious", nhưng chúng không thể leo lên độ cao và bắt kịp tốc độ của Ju 88. Lúc 09:15, khi đoàn vận tải đang cách Sardinia khoảng 240 km về phía nam-tây nam, thì phát hiện ra 19 máy bay ném bom Ju 88 của Không đoàn Đa nhiệm số 1 ("Lehrgeschwader" 1 - "LG" 1) ở khoảng cách 46 km. Bốn chiếc bị máy bay Anh đánh chặn và bắn rơi, và hai chiếc khác được hỏa lực phòng không tuyên bố bắn hạ, đổi lại Không lực Hải quân Anh mất một máy bay. Đội bay Đức sau đó báo cáo đã gây thiệt hại nặng cho đoàn vận tải Anh, nhưng thực tế không một tàu hàng nào của Anh bị trúng bom, và thêm ba máy bay trinh sát của Ý cũng bị bắn hạ trong cuộc tấn công. Cùng thời điểm đó, một nhóm máy bay ném bom Beaufighter đang tiến hành nhiệm vụ không kích ở Sardinia thì phát hiện ra Hải đội Tuần dương số 7 của Ý đang neo đậu trong khu vực và đã gửi thông tin đến hạm đội Anh. Hải đội 7 đã khởi hành từ Cagliari qua biển Tyrrhenian lúc 08:10 ngày 11 tháng 8, được hộ tống bởi khu trục hạm "Maestrale", "Oriani" và "Gioberti", đến điểm hẹn với tuần dương hạm "Attendolo" từ Napoli.
Cũng trong sáng ngày 12, tuần dương hạm "Trieste" khởi hành từ Genoa về Napoli với khu trục hạm "Fuciliere" và tàu phóng lôi "Ardito" để hội quân với Hải đội 3. Phó Đô đốc Angelo Paroma đã cho Hải đội 3 đã rời Messina sớm cùng với tuần dương hạm "Gorizia", "Bolzano" và sáu khu trục hạm sau khi nhận được tín hiệu từ "U-83" rằng bốn tuần dương hạm và mười khu trục hạm của Anh (MG 3) đã được phát hiện ở gần đảo Crete. Đội tàu Ý tập trung ở ngoài khơi Palermon, cách Ustica 110 km về phía bắc, và di chuyển về phía nam theo hai hải đoàn riêng biệt, dẫn đầu bởi hai tàu phóng lôi "Climene" và "Centauro". Mọi động tĩnh trên đều được các máy bay trinh sát Anh phát hiện và vào lúc 18:54, một chiếc Martin Baltimore báo cáo thấy tàu chiến Ý tập kết tại Napoli. Dù vậy, Thiếu tướng Keith Park ở Malta vẫn không hề lo lắng và không cho máy bay của ông xuất kích tới khi đoàn vận tải Anh bắt đầu chịu những tổn thất đầu tiên; năm máy bay ném bom Wellington đã được cử đi truy tìm hạm đội Ý, 15 máy bay phóng lôi Beaufort và 15 máy bay tiêm kích Beaufighter được đặt vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu.
Đợt tấn công quy mô nhất nhằm vào hạm đội Anh diễn ra vào tầm trưa bởi các máy bay cất cánh từ Sardinia:
Hai đợt tấn công đầu tiên không đạt được nhiều hiệu quả do vấp phải hỏa lực phòng không mạnh mẽ của người Anh, với không một quả bom và quả ngư lôi nào được ném trúng mục tiêu. Trong đợt tấn công thứ ba, chiếc SM.79 bị đứt sóng kết nối với chiếc Z1007 của tướng Raffaelli và đâm vào Mũi Khenchela ở Algeria, thay vì đâm vào hàng không mẫu hạm Anh như kế hoạch. Đội "Sezione Speciale", do bị nhận dạng nhầm là máy bay Sea Hurricane, đã áp sát tàu chiến Anh thành công và cắt trúng hai quả bom vào hàng không mẫu hạm "Victorious", một quả trong số nó phát nổ khiến sáu thủy thủ thiệt mạng và hai người khác bị thương.
Phối hợp với đợt hai và đợt ba của người Ý là 37 máy bay ném bom Ju 88 thuộc "Kampfgeschwader" 54 (KG 54 - Không đoàn Ném bom 54) và "Kampfgeschwader" 77 (KG 77 - Không đoàn Ném bom 77), cất cánh từ Sicily và được hộ tống bởi 21 chiếc Bf 109. Người Đức đã làm nhiễu radar của người Anh ở Malta nên toàn bộ đội bay Đức, trừ bốn chiếc phải quay trở lại do lỗi kỹ thuật, đã qua mặt thành công bốn chiếc Fulmar làm nhiệm vụ đánh chặn. Đội bay này đã làm hư hại nặng tàu vận tải "Deucalion", buộc con tàu phải tách ra khỏi đoàn vận tải với sự hộ tống của khu trục hạm HMS "Bramham". Dù đã tung một số lượng lớn máy bay vào cuộc tấn công, bao gồm 117 máy bay Ý và 58 máy bay Đức, họ chỉ làm hư hại nhẹ hàng không mẫu hạm "Victorious" và tàu vận tải "Deucalion". Hỏa lực phòng không của Anh đã khiến nhiều đội bay Ý phải cắt bom và ngư lôi sớm, nhưng chúng có thể quay trở lại Sardinia để tiếp tế, bổ sung nhiên liệu để chuẩn bị tấn công lần nữa. Một chiếc Cant Z1007 và vài máy bay khác của "Luftwaffe" tiếp tục bám đuôi theo dõi đoàn vận tải Anh.
Giải mã Enigma của người Anh cho biết vào lúc 18:30 ngày 12 tháng 8, một nhóm S-boat đã khởi hành từ Porto Empedocle ở Sicily đến Cap Bon và sẽ hoạt động trong khu vực cho đến khoảng 04:30 ngày 13 tháng 8. Lúc 21:45, tình báo Anh thu được bản báo cáo của "Fliegerkorps II" có tiết lộ rằng các chỉ huy phe Trục nghĩ có 51 tàu Anh ở Địa Trung Hải, bao gồm hai hàng không mẫu hạm, hai thiết giáp hạm, bảy tuần dương hạm và 20 khu trục hạm, Người Đức lầm tưởng rằng hạm đội này có một hàng không mẫu hạm lớp Yorktown của Hoa Kỳ, nhưng họ đã xác định chính xác hai thiết giáp hạm "Rodney" và "Nelson". Đoàn vận tải được cho là có 13 tàu vận tải, chở theo và được bảo vệ bởi 10-16 máy bay chiến đấu và có hệ thống phòng không đáng kể. Tàu ngầm Ý, "Brin", khi đang cố gắng áp sát đoàn vận tải thì bị lực lượng khu trục hạm tấn công và phải rút lui. Lúc 09:30, tàu ngầm "Giada" bị máy bay ném bom Short Sunderland tấn công khiến con tàu bị hư hại nhẹ ở ngoài khơi Algiers, và bị hư hại nặng hơn bởi cuộc tấn công của một chiếc Sunderland khác lúc 13:34.
Lúc 16:30, tàu ngầm "Emo" của Ý tiếp cận đoàn vận tải và vào vị trí để tấn công hàng không mẫu hạm của người Anh. Khi còn cách mục tiêu khoảng , đoàn vận tải bất ngờ đổi hướng khiến "Emo" phải chuyển mục tiêu, bắn bốn quả ngư lôi và lặn xuống. Đoàn vận tải tiếp tục đổi hướng khiến bốn quả ngư lôi đều trượt, và "Emo" bị hoa tiêu từ khu trục hạm "Tartar" phát hiện. Khu trục hạm "Lookout" tách khỏi đoàn và nhanh chóng tiến về vị trí có kính tiềm vọng trồi lên, nhưng thực chất đó là kính tiềm vọng của tàu ngầm "Avorio" và "Avorio" phải lặn khẩn cấp để tránh "Lookout"; đến 17:40, "Lookout" quay trở về đội hình chính. Lúc 16:49, tàu ngầm "Cobalto" bị khu trục hạm "Ithuriel" tấn công bằng mìn chống ngầm, buộc con tàu phải nổi lên và bị "Ithuriel" húc chìm lúc 17:02. "Ithuriel" mất hai thủy thủ sau khi hai người này trèo vào trong chiếc tàu ngầm để giữ cho tàu nổi, hai thủy thủ Ý mất tích và những người còn lại đã được người Anh cứu sống. Do chịu hư hỏng nặng bởi cú đâm và mất hệ thống Asdic trong quá trình đó, "Ithuriel" được lệnh quay trở về Gibraltar để sửa chữa. Để làm giảm thiểu mối đe dọa của tàu ngầm Ý, Đô đốc Syfret đã ra lệnh cho hai khu trục hạm ở hai bên cánh đoàn vận tải, cứ mười phút thì thả bom chìm một lần để tàu ngầm Ý không dám tiếp cận hạm đội của ông.
Các đơn vị bay của Regia Aeronautica ở Sardinia đã tập hợp được đội bay tấn công gồm tám máy bay ném bom bổ nhào Cr.42, chín máy bay hộ tống Re.2001 và thêm chín chiếc SM.79 xuất phát từ Decimomannu. Đội SM.79 không tìm thấy mục tiêu và một chiếc Re.2001 bị máy bay của Phi đoàn 806 bắn hạ. Khi đoàn vận tải đi qua vĩ tuyến 10, 105 máy bay ở Sicily được lệnh sẵn sàng xuất kích theo ba đợt khác nhau. Tuy nhiên, họ không có máy bay hộ tống, do toàn bộ số máy bay Re.2001 thuộc Liên đoàn Tiêm kích số 2 (2° "Gruppo CT") đã rời Sicily để hộ tống các đội bay từ Sardinia và đã hạ cánh ở Sardinia. Do đó, các đội bay ném bom và phóng lôi được lệnh bay về Pantelleria để phối hợp với Liên đoàn Ném bom 51. Tại thời điểm đó, đội bay Fulmar từ hàng không mẫu hạm "Victorious" đã đánh chặn và bắn hạ thành công một chiếc SM.79 của Ý đang theo dõi hạm đội Anh, nhưng không tìm ra chiếc Cant Z1007 còn lại. "Fliegerkorps" II dù được lệnh phối hợp với không quân Ý, nhưng cả hai bên đều hoạt động độc lập. Liên đoàn I của Không đoàn Ném bom Bổ nhào số 3 (I "Gruppe", "Sturzkampfgeschwader" 3), đã được điều động từ Trapani đến Elmas, với tổng cộng 20 máy bay ném bom bổ nhào Ju 87 được hộ tống bởi máy bay tiêm kích Bf 109.
Lúc 18:35, mây bắt đầu tan và những chiếc Ju 87 của Ý thuộc Liên đoàn Ném bom 102 bắt đầu tấn công hạm đội Anh. Nhóm Ju 87 này đã bị radar của Anh phát hiện ở khoảng cách , và ba chiếc Martlet, 12 chiếc Sea Hurricane và ba chiếc Fulmar được lệnh xuất kích đánh chặn, nhưng chúng vấp phải đợt kháng cự của các đội bay tiêm kích hộ tống MC.202 và Bf 109. Đội ném bom/phóng lôi khéo léo lách qua các tốp máy bay Anh và tấn công một cách bài bản, những chiếc Ju 87 lần lượt bổ nhào vào từng con tàu trong khi đội máy bay phóng lôi tổ chức tấn công thành ba đợt. Một quả bom được ném suýt trúng thiết giáp hạm "Nelson", trong khi đó hàng không mẫu hạm "Indomitable" trúng hai quả bom vào cuối đường băng, khiến 50 thủy thủ thiệt mạng và 59 người bị thương, và làm con tàu thất tốc xuống còn . Đến 20:30 cùng ngày, thủy thủ đoàn của "Indomitable" đã khắc phục được về vận tốc , nhưng đường băng của tàu đã bị hỏng quá nặng nên toàn bộ số máy bay phải hạ cánh xuống chiếc "Victorious".
Trong khi "Indomitable" đang quằn quại thì con tàu tiếp tục bị các tốp máy bay phóng lôi SM.79 của Ý tấn công. Tuy nhiên, chúng vấp phải hỏa lực phòng không dữ dội của tàu "Charybdis", "Lookout", "Lightning" và "Somali". Chỉ có 12 chiếc SM.79 cắt được ngư lôi thành công ở khoảng cách ; một quả trong số đó ném trúng đuôi của khu trục hạm "Foresight", vô hiệu hóa con tàu và "Foresight" được đánh đắm vào ngày hôm sau. Đợt tấn công cuối cùng được tiến hành bởi 12 chiếc SM.79 và 28 chiếc Ju 87, nhưng không gây được bất kỳ thiệt hại nào cho đội tàu Anh, đổi lại họ mất hai chiếc Ju 87 và hai chiếc khác bị hư hại. Sau khi máy bay Ý quay trở về Pantelleria, chúng bị tấn công đánh phá bởi ba máy bay Beaufighter. Cuộc tấn công đã phá hủy một kho nhiên liệu của "Luftwaffe", bắn cháy một chiếc Ju 52, làm hỏng hai chiếc SM.79 và một chiếc SM.84, và khiến một phi công Ý tử trận. Các đội bay Đức-Ý báo cáo rằng họ đã gây thiệt hại cho một hàng không mẫu hạm, một tuần dương hạm, một khu trục hạm và một tàu vận tải cỡ lớn, trong khi đó người Anh tuyên bố đã bắn hạ 39 máy bay Đức-Ý.
Việc mất "Eagle" cùng 16 máy bay và "Indomitable" hư hại nặng khiến 47 máy bay của tàu không thể xuất kích, đã làm giảm số lượng máy bay trực chiến của Anh xuống còn tám chiếc Sea Hurricane, ba chiếc Martlet và mười chiếc Fulmar. Đô đốc Syfret quyết định sẽ cho Lực lượng Z đổi hướng về phía tây và tiến về Eo biển Skerki lúc 19:15, nhưng đã cho tiến hành lúc 18:55 để kịp đưa "Indomitable" ra khỏi tầm hoạt động của máy bay đối phương. Thiết giáp hạm "Rodney" sau đó gặp trục trặc về nồi hơi nên toàn bộ Lực lượng Z phải giảm tốc độ xuống còn để "Rodney" có thể bắt kịp. Dựa vào báo cáo về số máy bay Đức-Ý tham gia tấn công trong ngày, Syfret tin rằng sẽ không còn một đợt tấn công nào khác ở Eo biển Skerki từ trước nửa đêm đến muộn nhất là sau bình minh. 40 phút sau khi Lực lượng Z đổi hướng, một máy bay trinh sát của Luftwaffe đã phát hiện ra hạm đội của Burrough, lúc này đang cách Malta khoảng và không có máy bay hỗ trợ. Bốn chiếc Fulmar làm nhiệm vụ hỗ trợ đã quay trở về căn cứ để tiếp liệu, với một chiếc bị bắn hạ và một chiếc khác bị máy bay Đức bắn hỏng nhẹ. Lúc 18:55, đội tàu còn lại, dưới sự chỉ huy của Đô đốc Burrough tiếp tục lộ trình về Malta với sự hỗ trợ của Lực lượng X (xuất phát từ Malta); Lực lượng R đổi hướng di chuyển về phía tây Địa Trung Hải và sẽ hỗ trợ khi cần thiết, tới khi được lệnh quay trở về Gibraltar.
Đêm, ngày 12/13 tháng 8.
Khoảng 20:00, đoàn vận tải xếp thành đội hình hai hàng dọc để đi qua Eo biển Skerki, hàng bên phải do tuần dương hạm "Kenya" dẫn đầu và "Manchester" di chuyển ở giữa, hàng bên trái được tuần dương hạm "Nigeria" dẫn đầu và "Cairo" ở giữa, với mười khu trục hạm di chuyển ở vòng ngoài và xung quanh hai hàng. Năm tàu ngầm Ý đã phục sẵn và vào lúc 19:38, tàu ngầm "Dessiè" bắn bốn quả ngư lôi về phía một tàu vận tải ở khoảng cách 1.800 m và nghe thấy ba tiếng nổ lớn. Tiếng nổ này thực chất xuất phát từ những quả ngư lôi được tàu ngầm "Axum" bắn trúng tuần dương hạm "Nigeria", "Cairo" và tàu chở dầu "Ohio". "Ohio" bị thủng một lỗ lớn có diện tích 7,0 m × 7,9 m ở bên mạn phải, tạo đám cháy lớn; thủy thủ đoàn nhanh chóng dập tắt đám cháy và đưa con tàu về vận tốc . Do "Nigeria" bị hư hại rất nặng, Đô đốc Burrough phải chuyển cờ hạm sang khu trục hạm "Ashanti", và cho bốn khu trục hạm ở lại để bảo vệ các con tàu bị hỏng, khiến hạm đội vận tải mất đi một nửa số tàu hộ tống. Đô đốc Syfret sau đó cho tách tuần dương hạm "Charybdis" và hai khu trục hạm "Eskimo" và "Somali" từ Lực lượng Z về hỗ trợ cho Lực lượng X. Tuần dương hạm "Cairo" bị đánh đắm bởi khu trục hạm "Derwent" do bị hỏng nặng đến mức không thể cứu tàu, và "Nigeria" được lệnh quay trở về Gibraltar với các khu trục hạm "Derwent", "Wilton" và "Bicester".
Lúc 20:35, radar của Anh phát hiện ra 30 máy bay ném bom Ju 88 của "KG" 54 và "KG" 77, bảy máy bay He 111 từ "KG" 26 và được hộ tống bởi sáu máy bay tiêm kích Bf 110 thuộc "ZG" 26 ("Zerstörergeschwader" 26 - Không đoàn Tiêm kích Hạng nặng 26), đang tiến thẳng về vị trí của hạm đội Anh. Sáu máy bay Beaufighter thuộc Phi đoàn 248 xuất hiện để đánh chặn nhưng bị bắn nhầm bởi các tổ đội phòng không Anh. Khu trục hạm "Ashanti" và "Penn" xả khói bảo vệ mạn tây của đoàn vận tải, và dù mặt trời đã lặn lúc 20:10, điều đó cũng không ngăn chặn được đợt tấn công của máy bay Đức. Tàu vận tải "Brisbane Star" trúng một quả ngư lôi vào mũi tàu, khiến nó chững lại giữa biển, và khôi phục được về vận tốc . Tàu vận tải "Clan Ferguson" trúng ngư lôi và chìm sau khi hầm chứa đạn của tàu phát nổ, tàu vận tải "Rochester Castle" bị hư hại nhẹ và tàu "Empire Hope" bị đánh đắm bởi một khu trục hạm Anh do thiệt hại nặng vượt quá khả năng sửa chữa. Lúc 21:05, tàu ngầm Ý "Alagi" bắn bốn quả ngư lôi về phía tuần dương hạm "Kenya", một quả trong số đó phát nổ ở phần đuôi bên phải của "Kenya" dù con tàu đã đánh lái hết cỡ. Dù "Kenya" vẫn đủ khả năng bắt kịp đoàn vận tải, nhưng Lực lượng Z chỉ còn duy nhất chiếc "Manchester" chưa bị hư hại. Tàu ngầm Ý "Bronzo" báo cáo rằng họ đã bắn chìm tàu vận tải "Deucalion", thuyền trưởng của tàu ngầm "Alagi" báo cáo bắn hạ tàu vận tải "Empire Hope", làm hư hại chiếc "Kenya" và nói thêm rằng#đổi Lúc 23:56, đoàn vận tải vòng về phía nam Quần đảo Zembra và hướng về Kelibia để tránh các bãi thủy lôi, với đội hình vẫn còn lộn xộn. Ba khu trục hạm làm nhiệm vụ quét mìn dẫn đầu đoàn, theo sau là hai tuần dương hạm "Kenya", "Manchester" và hai tàu chở hàng. Tuần dương hạm "Charybdis" và hai khu trục hạm "Eskimo" và "Somali" vẫn còn cách đoàn vận tải khoảng vài giờ di chuyển, và khu trục hạm "Ashanti" được lệnh tăng tốc lên bảo vệ khu vực trung tâm đoàn vận tải. Ba khu trục hạm còn lại phụ trách chín tàu vận tải còn sống sót, và khu trục hạm "Bramham" được lệnh quay trở lại bảo vệ đoàn tàu sau khi tàu vận tải "Deucalion" bị bắn chìm. Vào 00:40, đoàn vận tải bị tấn công bởi bốn xuồng cao tốc phóng lôi thuộc Hải đoàn III của Đức và 13 xuồng cao tốc phóng lôi thuộc Chi hạm đội 18° "MAS", 2° "MS" và 20° "MAS" của Ý, trong 15 đợt liên tục. Radar của các xuồng thuộc Chi hạm đội 18° "MAS" phát hiện ra đoàn vận tải Anh ở phía đông nam Pantelleria. Ban đầu, các xuồng Ý tấn công vào đội tàu dẫn đầu đoàn vận tải, nhưng bị bắn trả ác liệt và không quả ngư lôi nào được phóng trúng. Sau đó họ chuyển sang tấn công các tàu vận tải.
Đoàn vận tải Anh nhanh chóng bị ngọn hải đăng ở Cap Bon chiếu sáng làm lộ vị trí, lúc đó đang cách bờ biển khoảng . Xuồng "S-58" và "S-59" của Đức phát hiện ra con tàu đầu tiên lúc 00:20 và tấn công. "S-58" bị hư hại và phải rút về Port Empedocle, trong khi đó "S-59" tuyên bố bắn chìm một tàu vận tải ở vị trí cách Cap Bon khoảng về phía đông bắc, nhưng không có tàu nào bắn chìm ở vị trí đó theo báo cáo của Anh. Lúc 01:02, gần Ras Mustafa, xuồng "MS 16" và "MS 22" tấn công và bắn trúng một quả ngư lôi vào tuần dương hạm "Manchester". Quả ngư lôi bắn trúng khoang nồi hơi, khoang chứa nhiên liệu và hầm đạn của tàu, làm hỏng hẳn ba trong số bốn trục động cơ và khiến "Manchester" nghiêng 12°, sau đó được thủy thủ đoàn khắc phục xuống còn 5°. Tàu vận tải Waimarama, Almeria Lykes và "Glenorchy" đi vòng qua "Manchester" và nhanh chóng tụt khỏi đội hình. Dù hệ thống điện của "Manchester" đã được phục hồi và khoảng 170 người bị thương đã được chuyển qua khu trục hạm "Pathfinder", nhưng vào lúc 05:00, Đại tá Harold Drew - thuyền trưởng của "Manchester", đã quyết định đánh đắm tàu và cho người của ông bơi vào bờ biển Tunisia.
Từ 03:15 đến 04:30, xuồng phóng lôi Ý đã phục kích và bắn chìm các tàu vận tải "Wairangi", "Almeria Lykes", "Santa Elisa" và "Glenorchy" khi những tàu này đang đi đường tắt để bắt kịp với nhóm chính. "Rochester Castle" cũng bị trúng ngư lôi nhưng may mắn trốn thoát với vận tốc và bắt kịp đoàn tàu chính lúc 05:30 cùng với tuần dương hạm "Charybdis" và khu trục hạm "Eskimo", "Somali", nâng tổng số tàu hộ tống lên hai tuần dương hạm và bảy khu trục hạm xung quanh ba tàu vận tải "Rochester Castle", "Waimarama" và "Melbourne Star". Tàu chở dầu "Ohio" và đội hộ tống riêng di chuyển cách đó không xa với tốc độ chậm, cách đó xa hơn là tàu vận tải "Port Chalmers" cùng hai khu trục hạm. Tàu "Dorset" di chuyển độc lập và "Brisbane Star" thì bám sát bờ biển Tunisia, sẵn sàng di chuyển hết tốc lực về Malta khi trời tối. Khi cuộc tấn công kết thúc vào lúc 07:30, Đô đốc Burrough đã cho khu trục hạm "Eskimo" và "Somali" đi hỗ trợ chiếc "Manchester" nhưng đã quá muộn, chúng chỉ kịp cứu vớt những người sống sót chưa kịp bơi vào bờ và sau đó quay trở về Gibraltar.
Ngày 13 tháng 8.
Vào cuối chiều ngày 12, máy bay trinh sát Anh phát hiện ra một nhóm tuần dương hạm của Ý áp sát hạm đội Anh từ hướng nam, cách điểm cực tây Sicily khoảng . Đến 01:30 ngày 13, nhóm này đã quay về hướng đông và di chuyển dọc đường bờ biển phía bắc Sicily. Một số tàu trong nhóm này đã được lệnh quay trở lại cảng và số còn lại tiếp tục đi qua eo biển Messina để gia nhập Hải đội Tuần dương hạm số 8. Vào lúc 07:25, tàu ngầm Anh "Unbroken" phát hiện ra các tuần dương hạm Ý của Hải đội 8 qua kính tiềm vọng, đang đi về phía bắc các đảo Filicudi và Panarea. Chúng di chuyển với tốc độ , được tám khu trục hạm hộ tống và hai máy bay CANT Z.506 không trợ. "Unbroken" chỉ nâng kính tiềm vọng trong thời gian ngắn để tránh bị tàu chiến Ý phát hiện, rồi hạ kính xuống để vào vị trí chiến đấu.
Lúc 08:05, đội tuần dương hạm Ý giảm tốc độ xuống để "Gorizia" phóng thủy phi cơ của tàu, và sau đó khu trục hạm "Fuciliere" báo cáo đã nã đạn vào một kính tiềm vọng trồi lên cách vị trí của họ . Các khu trục hạm của Ý bắt đầu săn tìm tàu ngầm đối phương theo các tín hiệu mà máy Asdic thu được, và ba chiếc trong số đó đã đi vào phạm vi của "Unbroken". Sau khi đợi các khu trục hạm đi qua, "Unbroken" bắn bốn quả ngư lôi và cho lặn xuống độ sâu ; sau khoảng hai phút, thủy thủ đoàn của "Unbroken" nghe thấy ba vụ nổ lớn, mỗi cái cách nhau khoảng 15 giây. Hoa tiêu của tuần dương hạm "Gorizia" và "Bolzano" phát hiện ra vệt ngư lôi và cho cơ động né tránh khẩn cấp. "Gorizia" né kịp nhưng "Bolzano" thì không, và "Bolzano" trúng một quả ngư lôi vào phần mũi tàu. Thủy thủ đoàn của tuần dương hạm "Muzio Attendolo" không hề hay biết về cảnh báo của "Gorizia" và "Bolzano", và hoa tiêu của họ cũng không nhìn thấy vệt ngư lôi. Chỉ khi phát hiện ra "Bolzano" trúng ngư lôi thì "Muzio Attendolo" mới bắt đầu cơ động, nhưng đã quá muộn; một quả ngư lôi bắn trúng phần trên của "Muzio Attendolo" và suýt làm đứt phần mũi tàu ra khỏi thân. "Unbroken" tiếp tục lặn sâu xuống và tiến hành chạy thầm, trong khi đó các khu trục hạm "Fuciliere" và "Camica Nera" cố gắng tiếp cận con tàu ngầm. Vào 08:45, "Unbroken" bị phát hiện và bị tấn công bở 105 quả bom chìm được thả từ hai khu trục hạm trong suốt 45 phút, nhưng những quả bom được cài độ sâu quá nông nên không gây thiệt hại đáng kể cho "Unbroken". Tuần dương hạm "Gorizia" và "Trieste" sau đó được hai khu trục hạm hộ tống về Messina, và năm chiếc ở lại để bảo vệ "Bolzano" và "Muzio Attendolo" bằng cách thả bom chìm một cách định kỳ.
Dù phần mũi bị bắn gần rời khỏi thân, nhưng "Muzio Attendolo" không chịu thương vong về nhân mạng. Con tàu sau đó được kéo về Messina với tốc độ ổn định , nhưng phần mũi tàu đã bị đứt ra trên đường đi, và cập bến lúc 18:54. "Bolzano" trúng ngư lôi vào giữa thân tàu, vô hiệu hóa sáu động cơ ở phòng máy, làm ngập khoang chứa đạn và bốc cháy dữ dội. "Bolzano" được ủi mắc cạn ở Panarea và lửa cháy đến hết ngày tiếp theo. Sau hơn một tháng sửa chữa, nó được kéo về Napoli. Sau hơn 10 tiếng lặn dưới biển, "Unbroken" nổi lên và trở về Malta an toàn.
Lúc 07:00, đoàn vận tải còn cách Malta và được các máy bay trinh sát Đức-Ý theo dõi sát sao. Di chuyển một đoạn phía sau nhóm chính là hai tàu vận tải "Dorset" và "Port Chalmers" với hai khu trục hạm và hai chiếc khác ở phía tây. "Brisbane Star" di chuyển về Vịnh Hammamet ở phía nam Pantelleria và được bảo vệ bởi sáu tàu ngầm Anh. Đến 09:15, "Fliegerkorps" II huy động 26 máy bay ném bom Ju 88, 16 máy bay Ju 87 cùng tám máy bay Bf 109 và tám chiếc Bf 110 hộ tống, tấn công đoàn tàu Anh theo nhiều đợt riêng lẻ. Mười chiếc Ju 88 thuộc Liên đoàn II của "LG" 1 đã ném bom suýt trúng chiếc tàu chở dầu "Ohio" và đánh trúng chiếc "Waimarama", tạo ra một vụ nổ dữ dội đến mức đã bắn hạ một chiếc Ju 88. Khu trục hạm "Ledbury" chỉ giải cứu được 27 người giữa biển lửa tràn ngập khói, trong tổng số 107 thành viên của tàu. Chiếc "Waimarama" cháy tàn khốc đến mức các mảnh vụn cháy đã lan sang chiếc "Melbourne Star" gần đó, khiến nhiều thủy thủ của "Melbourne Star" hoảng sợ mà bỏ tàu nhảy xuống biển, và đã được khu trục hạm "Ledbury" cứu sống. Lúc 09:23, tám chiếc Ju 87 "Stuka" của Ý và mười chiếc MC.202 hộ tống đã tấn công đoàn vận tải. Một chiếc Stuka bị bắn rơi và đâm trúng tàu chở dầu "Ohio", một chiếc khác bị bắn rơi xuống biển và người Anh mất một chiếc Spitfire. "Rochester Castle" gặp thiệt hại nhẹ bởi một bom ném suýt trúng, "Dorset" hỏng nặng nên thủy thủ đoàn đã phải bỏ tàu. "Port Chalmers" cũng bị trúng bom trong cuộc tấn công và vào 11:25, năm máy bay phóng lôi SM.79 hộ tống bởi 14 chiếc MC.202 đã tấn công "Port Chalmers" và đánh trúng một quả ngư lôi vào máy cắt dây mìn ngầm ở mạn phải tàu. Một chiếc SM.79 cũng bị bắn hạ trong cuộc tấn công và hai khu trục hạm được lệnh ở lại để hỗ trợ các con tàu bị hỏng nặng.
Những thành phần còn lại của đoàn vận tải hội quân được với bốn tàu quét mìn và bảy xuồng motor quét mìn thuộc Chi hạm đội Quét mìn 17 của Lực lượng Hộ tống Malta lúc 14:30. "Melbourne Star", "Port Chalmers" và "Rochester Castle" cập bến Grand Harbour (Cảng Valletta) lúc 16:30 và hàng hóa nhanh chóng được tháo dỡ xuống bến. Một cuộc không kích khác được tiến hành vào lúc chạng vạng bởi 14 chiếc Ju 87, đánh chìm tàu vận tải "Dorset" nhưng buộc phải rút lui khi hạm đội Anh đã đi vào bán kính bảo vệ ở Malta. Khu trục hạm "Penn" cố gắng kéo "Ohio" vào cảng nhưng do "Ohio" bị nghiêng quá nặng, nên dây cáp kéo đã bị đứt, và "Ohio" tiếp tục trúng thêm một quả bom khác vào đúng khu vực bị hư hỏng nặng bởi ngư lôi trước đó, làm hỏng hoàn toàn phần sống tàu của "Ohio". Trong khi đó "Brisbane Star" đã thoát khỏi sự săn lùng của tàu ngầm Đức và tiếp cận vùng biển Malta thành công với phần mũi tàu đã bị hỏng nặng. Lực lượng X được lệnh quay về Gibraltar lúc 16:00 cùng với tuần dương hạm "Charybdis", "Kenya" và năm khu trục hạm; "Fliegerkorps" II đã cố gắng hết sức tối đa để ngăn chặn hạm đội quay trở về căn cứ, thành ra khiến đội tàu vận tải cập bến thành công. Lực lượng X bị tấn công bởi 35 chiếc Ju 88 và 13 chiếc Ju 87, nhưng chỉ có một quả bom được ném suýt trúng chiếc "Kenya". Không quân Hoàng gia Ý tổ chức tấn công với 15 máy bay ném bom và 20 máy bay phóng lôi vào cuối chiều, nhưng không thu lại kết quả gì. Lực lượng X tập kết cùng Lực lượng Z và cập bến Gibraltar an toàn. Khu trục hạm "Eskimo" và "Somali", cùng với những người sống sót của tuần dương hạm "Manchester", là hai tàu cuối cùng cập bến Malta, vào 17:30 ngày 15 tháng 8.
Chiến dịch MG 3 và MG 4.
Ở phía đông Địa Trung Hải, người Anh đã cho tiến hành chiến dịch mồi nhử có định danh là MG 3, khi đoàn vận tải MW 12 gồm ba tàu vận tải đã rời Port Said lúc chạng vạng ngày 10 tháng 8. Các tàu vận tải được hộ tống bởi hai tuần dương hạm, mười khu trục hạm và hai tàu hộ tống cỡ nhỏ. Thêm một tàu vận tải nữa được hộ tống bởi hai tuần dương hạm và ba khu trục hạm, đã rời Haifa vào 03:00 ngày 11 tháng 8. Hai lực lượng này tập hợp vào sáng sớm ngày 11 và di chuyển theo hướng tây về Alexandria, rồi quay ngược lại. Tàu ngầm Đức "U-83" báo cáo đã thấy bốn tuần dương hạm và mười khu trục hạm Anh đang hiện diện ở vùng biển Crete, và đoạn tin này đã được một thủy phi cơ Sunderland của Anh chặn được. "Supermarina" tin rằng người Anh đang tiến hành một chiến dịch hành quân lớn ở phía đông Địa Trung Hải và đã cho tăng cường Hải đội Tuần dương hạm số 8 về Navarino.
Rạng sáng ngày 12 tháng 8, máy bay Đức phát hiện ra động tĩnh trên của người Anh, Kesselring gửi thông báo về Sở chỉ huy "Fliegerkorps" X rằng có bốn tàu vận tải, sáu tuần dương hạm và một số lượng khu trục hạm ở tọa độ 33°40' Bắc, 28°34' Đông, di chuyển theo hướng đông bắc ở vận tốc . Kesselring cho rằng đoàn vận tải này có thể là trò lừa bịp của tình báo Anh, nhưng ông không loại trừ khả năng đây là một đoàn tiếp vận Malta thật, nên "Fliegerkorps" X đã được lệnh bay trinh sát toàn bộ khu vực đông Địa Trung Hải vào sáng ngày 12 tháng 8, do đó người Đức không còn máy bay để hỗ trợ cho tàu chiến Ý. Vào đêm ngày 12/13 tháng 8, tuần dương hạm "Arethusa", "Cleopatra" và bốn khu trục hạm đã tiến hành Chiến dịch MG 4, chiến dịch pháo kích các sân bay dã chiến ở Maritsa, và một toán lính đặc công Anh đã được tàu ngầm Anh thả vào khu vực cửa sông Simeto ở Catania tại vùng duyên hải phía đông Sicily, để làm nhiệm vụ phá hoại hệ thống cột điện cao thế. Hải đội Tuần dương hạm số 8 vẫn lưu lại cảng và người Đức đã điều một khu trục hạm về khu vực để hỗ trợ người Ý. Chiến dịch MG 4 đã làm trì hoãn tuyến vận tải giữa Ý và Hy Lạp, nhưng Chiến dịch MG 3 đã không thành công trong việc thu hút sự chú ý của Đức-Ý khỏi Chiến dịch Pedestal.
Ngày 14-15 tháng 8.
Chiều ngày 14 tháng 8, "Brisbane Star" cập cảng Valletta với sự không trợ của các đội bay Spitfire. Tàu chở dầu "Ohio" được một đội tàu kẹp xung quanh và đẩy vào Grand Harbour, và các thủy thủ của tàu "Santa Eliza" đã tình nguyện vận hành các khẩu đội phòng không trong khi thủy thủ của "Ohio" hỗ trợ đưa tàu vào cảng. Sức nặng của "Ohio" liên tục khiến cáp kéo bị đứt; trong đó con tàu liên tục bị 20 máy bay Đức ném bom tấn công, làm hỏng bánh lái, tạo một lỗ hổng ở đuôi tàu và sàn tàu của "Ohio" bị hư hại nặng. "Ohio" sau được hai khu trục hạm "Ledbury" và "Penn" kẹp hai bên, tàu quét mìn "Rye" đẩy "Ohio" từ phía sau và giúp phần đuôi tàu đựoc ổn định. Các cuộc không kích khiến quá trình kéo gặp nhiều gián đoạn, nhưng nhanh chóng được thiết lập lại với và khu trục hạm "Bramham" thay thế "Ledbury" làm nhiệm vụ hỗ trợ trong suốt quá trình còn lại. Ohio cập bến Grand Harbour lúc 09:30 ngày 15 tháng 8 trong sự hò reo của người dân Malta. Dầu từ "Ohio" đuợc bơm vào hai tàu chở dầu cỡ nhỏ hơn là "Boxall" và "Plumleaf", và đồng thời, nước cũng được bơm vào "Ohio" để giúp tàu không bị hỏng kết cấu. Ngay sau khi những lít dầu cuối cùng được bơm khỏi "Ohio", con tàu chở dầu chìm xuống đáy biển nông.Hàng hóa từ những tàu vận tải còn lại được tháo dỡ với sự trợ giúp của hơn 3.000 binh sĩ đồn trú và sau đó được vận chuyển tới các kho lưu trữ. Trong quá trình tháo dỡ và vận chuyển, nhiều hàng hóa đã bị các binh sĩ Anh, nhân viên cầu cảng, cảnh sát và người dân Malta lấy cắp.
Báo cáo của Đức vào ngày 17 tháng 8 ghi rằng toàn bộ tàu vận tải qua Địa Trung Hải đều đã bị đánh chìm và không chiếc nào đến được đích của chúng (được cho là ở Ai Cập). Người Anh dù mất 13 tàu các loại, bao gồm chín tàu vận tải, một hàng không mẫu hạm ("Eagle"), hai tuần dương hạm ("Manchester" và "Cairo") và một khu trục hạm ("Foresight"), nhưng số tàu còn lại đã cứu sống Malta. Sự xuất hiện của hơn 29.000 tấn hàng hóa tổng hợp cùng xăng dầu, dầu hỏa và nhiên liệu diesel, đã cung cấp cho Malta đủ nguồn lực để tiếp tục chiến đấu trong hơn mười tuần. Trong khi bộ máy tuyên truyền của phe Trục liên tục đưa ra những tuyên bố sai sự thật về kết quả của họ trong trận đánh, thì các báo cáo của "Kriegsmarine" lại nói khác. Việc để bốn tàu vận tải và một tàu chở dầu cập bến Malta được Hải quân Đức Quốc Xã cho là "không thỏa đáng," vì chúng đã giúp tăng cường khả năng chiến đấu của Malta và điều này sẽ ảnh hưởng đến các tuyến tiếp tế của phe Trục trong "giai đoạn quyết định của cuộc chiến giành lấy Bắc Phi." "Supermarina" cũng đưa ra kết luận tuơng tự và Đại tướng Giuseppe Santoro, phó tham mưu trưởng của "Regia Aeronautica", đã viết rằng người Anh đã đạt được thành công chiến lược khi đưa Malta đi vào hoạt động trở lại "trong giai đoạn cuối của cuộc chiến ở Ai Cập."
Cuối năm 1942, Chuẩn Đô đốc Eberhard Weichold đã tóm lược được quan điểm của "Kriegsmarine" rằng,#đổi Năm 1994, nhà sử học James Sadko cho rằng Pedestal là một thảm họa về mặt chiến thuật đối với người Anh và có quy mô tuơng đương với thảm họa của Đoàn vận tải PQ 17. Vào năm 2000, Richard Woodman nhận xét Pedestal là một thắng lợi chiến lược, giúp nâng cao tinh thần của người dân và binh sĩ đồn trú ở Malta, giúp tránh được một nạn đói và một thất bại không thể tránh khỏi. Đến năm 2002, nhà nghiên cứu người Ý Giorgio Giorgerini viết rằng người Ý đã đạt được những thành công nhất định trong Pedestal; tàu ngầm Ý đã áp dụng được những chiến thuật tấn công hiệu quả hơn và điều đó giúp họ đánh chìm đựoc một tuần dương hạm và hai tàu vận tải, bắn hỏng hai tuần dương hạm và tàu chở dầu "Ohio". Cũng trong năm 2002, Jack Greene và Alessandro Massignani kết luận đây là chiến thắng cuối cùng của phe Trục ở Địa Trung Hải, nhưng là về mặt chiến thuật chứ không phải về mặt chiến lược. Hoạt động vận tải của phe Trục đã phải hoãn lại trong thời gian diễn ra Chiến dịch Pedestal, một phần là do tàu chở quân "Ogaden" bị tàu ngầm Anh "Porpoise" bắn chìm ở ngoài khơi Derna vào ngày 12 tháng 8. Sau Pedestal, tàu vận tải Đức-Ý buộc phải thực hiện những chuyển hải trình xa và lâu hơn vì họ phải mở rộng khoảng cách khỏi Malta.
Năm 2003, Ian Malcolm đưa ra con số thương vong về nhân mạng là 160 thủy thủ trên "Eagle", 132 thủy thủ của "Manchester", 52 thủy thủ của "Nigeria", 50 của "Indomitable", "Cairo" có 24, "Foresight" mất năm thủy thủ và "Kenya" mất ba người. Hải quân Thương gia mất 83 người trên "Waimarama", 18 người trên "Clan Ferguson", bảy người trên "Glenorchy", "Melbourne Star" mất năm người, "Santa Elisa" mất bốn, và "Deucalion", "Ohio", "Brisbane Star" đều mất một người. Năm 2010, Milan Vego ước tính có khoảng 350 thủy thủ Anh tử trận, hai tuần dưong hạm của Ý ("Bolzano" và "Muzio Attendolo") bị vô hiệu hóa tới hết chiến tranh, hai tàu ngầm Ý ("Cobalto" và "Dagabur") bị bắn chìm, tàu ngầm Ý "Giada" và tàu E-Boat "S-58" của Đức bị hư hại.
"Fliegerkorps" II đã thực hiện tổng cộng 650 phi vụ bay trong Chiến dịch Pedestal từ ngày 11 tới ngày 14 tháng 8, tuyên bố bắn hạ 12 máy bay Anh và thiệt hại 18 máy bay. Tổng thiệt hại của phe Trục là 62 máy bay, 42 máy bay Ý và 19 máy bay Đức, bao gồm cả những chiếc bị phá hủy trên mặt đất hoặc bị bắn nhầm. Hải quân Hoàng gia và Không lực Hải quân Hoàng gia Anh tuyên bố bắn hạ 74 máy bay đối phương, nhưng thực tế họ đã bắn hạ 42 máy bay, trong đó có 26 máy bay của Ý và 16 máy bay của Đức. Không lực Hải quân Hoàng gia Anh mất 13 máy bay trong chiến đấu và 16 chiếc Sea Hurricane chìm theo hàng không mẫu hạm "Eagle", Không quân Hoàng gia mất một chiếc Beaufighter, năm chiếc Spitfire và một thủy phi cơ Sunderland. Thiệt hại quá lớn đã khiến phe Đồng Minh không dám mạo hiểm tung ra một đợt tiếp vận lớn tới Malta cho đến tháng 11 năm 1942, sau khi người Anh tái chiếm thành công các sân bay ở Ai Cập và Libya.
Diễn biến tiếp theo.
Từ ngày 16 tới ngày 18 tháng 8, hàng không mẫu hạm HMS "Furious" tiếp tục tiến hành các đợt vận chuyển máy bay từ Gibraltar và đã cho 29 chiếc Spitfires cất cánh về Malta (Chiến dịch Baritone). Trong tháng 9 và tháng 10, nhiệm vụ tiếp tế được giao cho các đơn vị tàu ngầm Anh. Trong tháng 8, dù Malta vẫn bị bao vây, 35% tổng số hàng hóa được tàu vận tải Đức-Ý chuyển qua Địa Trung Hải đến Bắc Phi đã bị mất; khi Malta được phá vây vào cuối tháng 9, lực lượng Đồng Minh đã phá hủy thành công hàng hóa của phe Trục trên Địa Trung Hải, trong đó có khoảng nhiên liệu quý giá cho Rommel, khiến các đơn vị Đức-Ý chiến đấu ở Ai Cập rơi vào tình trạng khan hiếm tiếp tế, và góp phần dẫn đến sự thành công của Trận El Alamein lần hai (23 tháng 10 đến 11 tháng 11) và Chiến dịch Torch (8-16 tháng 11). Tàu ngầm Anh và các đơn vị máy bay phóng lôi Bristol Beaufort, với sự trợ giúp của các đội bay Bristol Beaufighter, đã thường xuyên bắn phá các đoàn vận tải của phe Trục, đặc biệt là tàu chở dầu. Cuối tháng 11 năm 1942, người Anh tiến hành Chiến dịch Stoneage, một đoàn tàu gồm bốn tàu vận tải khởi hành từ Alexandria tới Malta mà không gặp thiệt hại đáng kể (ngoại trừ tuần dưong hạm "Arethusa" bị trúng ngư lôi, khiến 155 thủy thủ thiệt mạng và được kéo quay trở về cảng). Lực lượng K được tái lập ở Malta, và năm tàu đã được cử đi làm nhiệm vụ hộ tống trong Chiến dịch Portcullis và đoàn vận tải đã cập bến Malta bình an vô sự. Các đơn vị ngư lôi có người lái Chariot sau đó đã được xuất kích từ Malta và từ cuối tháng 12 năm 1942 tới tháng 1 năm 1943, bốn đoàn vận tải, Quadrangle A, B, C và D, đã vận chuyển thành công hơn hàng hóa tới Malta.
Để vinh danh sự dũng cảm của nhân dân Malta trong những năm tháng bị bao vây cũng nhue bị không kích trong suốt quãng thời gian diễn ra cuộc chiến ở Địa Trung Hải, Malta đã được Vua George VI trao thưởng Huân chương Chữ Thập George vào ngày 15 tháng 4 năm 1942, bốn tháng trước Chiến dịch Pedestal. Phó Đô đốc Syfret trao thưởng Huân chương Bath Đệ nhị Đẳng (Knight Commander of the Order of the Bath) vì "sự dũng cảm và quyết tâm trong việc dẫn dắt một đoàn vận tải quan trọng tới Malta trước các cuộc tấn công không ngừng nghỉ cả ngày lẫn đêm của tàu ngầm, máy bay và tàu mặt nước của đối phương." Thuyền trưởng tàu SS "Ohio", Dudley Mason, được trao thưởng Huân chương Chữ Thập George, vì đã thể hiện "sự chuyên nghiệp và dũng cảm ở mức cao nhất, và nhờ vào lòng quyết tâm của ông, bất chấp sự đánh trả dữ dội và dai dẳng nhất của kẻ thù, con tàu cùng với loại hàng hóa giá trị nhất, đã đến được Malta an toàn." Nhiều sĩ quan, thủy thủ và các thuyền trưởng của Hải quân Hoàng gia và Hải quân Thương gia, được trao thưởng các huân chương khác nhau, từ Huân chương Phục vụ Xuất sắc đến Bằng khen, vì sự dũng cảm trong việc hộ tống các tàu vận tải tới Malta. Hai thành viên của Hải quân Thương gia Hoa Kỳ, Frederick August Larsen, Jr. và Francis A. Dales, được trao thưởng Huân chương Phục vụ Xuất sắc Hải quân Thương gia vì sự dũng cảm "vượt quá những gì được yêu cầu" khi đang làm nhiệm vụ trên tàu "Santa Elisa" và "Ohio". Chiến dịch Pedestal là đề tài của bộ phim trắng đen năm 1953 của Anh, "Malta Story", bao gồm các cảnh quay xen kẽ về "Ohio" trong chiến dịch thực với các cảnh quay được dựng theo kịch bản. |
Hồ Văn Cường (cầu thủ bóng đá)
Hồ Văn Cường (sinh 15 tháng 1 năm 2003) là một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp người Việt Nam hiện đang thi đấu ở vị trí hậu vệ cánh phải cho câu lạc bộ Công an Hà Nội và đội tuyển U-23 Việt Nam.
Sự nghiệp câu lạc bộ.
Gia nhập lò đào tạo trẻ của đội bóng quê huơng Sông Lam Nghệ An vào năm 2019 sau khi bị PVF thanh lý, Văn Cường nhanh chóng chứng minh được năng lực của bản thân và nhanh chóng có được một chỗ đứng vững chắc tại các cấp độ trẻ của đội bóng xứ Nghệ. Sau màn thể hiện ấn tượng tại Giải Vô địch U-19 Quốc gia 2021, Văn Cường có tên trong danh sách của đội 1 Sông Lam Nghệ An tham dự V.League 2022. Ngay ở mùa giải đầu tiên ở cấp độ chuyên nghiệp, Văn Cường nhanh chóng chiếm được xuất đá chính tại câu lạc bộ tại vị trí hậu vệ cánh phải và giúp đội bóng của anh cán đích ở vị trí thứ 5 của giải đấu vào cuối mùa giải.
Sự nghiệp quốc tế.
Văn Cường có tên trong danh sách của đội tuyển U-23 Việt Nam tham dự giải U-23 Đông Nam Á 2022. Anh chỉ có lần duy nhất ra sân trong giải đấu trước khi bị thay thế do sau khi anh được xét nghiệm duơng tính với Covid-19. Bất chấp khó khăn gặp phải sau khi hàng loạt cầu thủ phải bỏ giải do bị nhiệm Covid, U-23 Việt Nam vẫn thành công lên ngôi vô địch.
Năm 2023, Văn Cường được triệu tập lên đội tuyển U-20 Việt Nam để tham dự giải U-20 Châu Á 2023 và góp mặt tại cả 3 trận vòng bảng trước khi U-20 Việt Nam dừng bước. Vào cùng năm đó, Văn Cường góp mặt cùng U-22 Việt Nam tham dự Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2023. |
Mái ấm gia đình Việt
Mái ấm gia đình Việt là chương trình truyền hình thực tế được phát sóng trên kênh HTV7 từ ngày 5 tháng 10 năm 2022. Chương trình này ban đầu hướng đến những gia đình bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, sau mở rộng ra để hướng tới những gia đình có hoàn cảnh khó khăn khác. Quyền Linh là MC của chương trình này, cùng với các khách mời thay đổi theo từng tập phát sóng.
Ba đội chơi là ba gia đình có hoàn cảnh khó khăn sẽ trải qua hai vòng thử thách tính giờ. Gia đình có tổng thời gian hoàn thành qua hai vòng thấp nhất sẽ được bước vào vòng rút logo.
Hai vòng tính giờ.
Vòng tính giờ gồm hai thử thách (vòng 1 và vòng 2). Các thử thách trong chương trình sẽ thay đổi theo từng tập phát sóng. Trước khi bắt đầu thử thách, hai khách mời sẽ phải thực hiện một thử thách phụ của chương trình. Nếu cả hai hoàn thành thử thách trong thời gian quy định, cả ba gia đình sẽ nhận được một quyền ưu tiên để làm giảm độ khó thử thách chính.
Các gia đình sau đó sẽ thực hiện thử thách chính của chương trình, lần lượt từng gia đình sẽ thực hiện hoặc cả ba gia đình sẽ cùng thực hiện tùy từng thử thách. Thời gian được tính từ thời điểm gia đình bắt đầu thực hiện thử thách và kết thúc khi gia đình đã hoàn thành yêu cầu thử thách đưa ra (và cộng thêm thời gian phạt nếu gia đình phạm luật); thời gian của hai vòng sẽ được cộng lại để xét kết quả cuối cùng. Gia đình có tổng thời gian hoàn thành thấp nhất sẽ được bước vào vòng 3 (vòng rút logo), gia đình có tổng thời gian hoàn thành thấp thứ 2 nhận được sẽ dừng lại với phần thưởng 20 triệu đồng, gia đình còn lại sẽ dừng lại với phần thưởng 15 triệu đồng (trong ba tập đầu, gia đình về nhì nhận 16 triệu đồng, gia đình về ba nhận 14 triệu đồng). Nếu hai hay nhiều gia đình có tổng thời gian hoàn thành như nhau, họ sẽ cùng thực hiện thêm một thử thách nữa để phân định kết quả.
Gia đình góp mặt tại vòng này sẽ phải thực hiện một thử thách tính giờ với thời gian được tính như vòng tính giờ. Có 8 logo với các mệnh giá khác nhau. Gia đình hoàn thành thử thách trong 1 phút 30 giây sẽ được rút cả 8 logo, đồng nghĩa với việc sẽ nhận được giải thưởng tối đa của chương trình. Hoàn thành thử thách càng lâu thì số logo được rút càng giảm. Nếu gia đình không thể hoàn thành thử thách trong 10 phút, gia đình sẽ không được rút thêm logo nào.
Xuất phát từ mong muốn rằng những hoàn cảnh trẻ em khó khăn do đại dịch rất cần một điểm tựa vững chắc, cần sự chung tay của cộng đồng để không bị bỏ lại phía sau, chương trình truyền hình thực tế "Mái ấm gia đình Việt" đã ra đời. Đây là chương trình dành riêng cho các gia đình bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 tại Việt Nam nhằm giúp đỡ phần nào khó khăn cũng như mang tới một sân chơi lành mạnh với hy vọng xoa dịu những khó khăn mà các em gặp phải. Chương trình còn mong muốn trở thành cầu nối giữa các hoàn cảnh khó khăn với những đơn vị hỗ trợ để giúp họ hướng về một tương lai tốt đẹp hơn.
Nghệ sĩ Quyền Linh được chọn để dẫn chương trình này. Anh còn trở thành cầu nối góp phần xoa dịu tổn thương cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Chia sẻ với truyền thông, anh cho rằng những thử thách mà chương trình đưa ra cho các gia đình cùng sự giúp sức, hỗ trợ của các khách mời sẽ mang đến cho người xem một trải nghiệm tràn ngập yêu thương và sự chia sẻ. Anh cũng cho biết, những nhân vật mà chương trình hướng đến là những em nhỏ không may mất đi cha mẹ vì đại dịch, và chương trình mong muốn chia sẻ, hỗ trợ cho các em vượt qua khó khăn và hướng đến cuộc sống tươi sáng hơn. Chiếc đồng hồ bấm giờ - món đồ gắn liền với anh suốt 20 năm khi làm chương trình dành cho người nghèo - cũng sẽ xuất hiện trở lại trong chương trình này. Chia sẻ về chiếc đồng hồ bấm giờ, anh tâm sự rằng đây không chỉ là thanh xuân của riêng anh mà còn là của hàng nghìn người.
Chương trình do Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Công ty Truyền thông Bee (Công ty Golden Moon ở 58 tập đầu) thực hiện, với sự đồng hành của thương hiệu Hoa Sen Home (thuộc Tập đoàn Hoa Sen) và Hội bảo vệ Quyền trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh.
Bài hát chủ đề.
Bài hát chủ đề của chương trình là bài hát cùng tên do nhạc sĩ Đỗ Thụy Khanh sáng tác và thể hiện cùng bé Bảo Ngư. Với cảm xúc còn lưu lại trong lòng từ những hoạt động thiện nguyện, cô mong muốn được viết những ca khúc mang ý nghĩa nhân văn nhằm lan toả những thông điệp tốt đẹp đến cuộc sống. Trong một dịp biểu diễn tại công ty, cô được mời viết ca khúc chủ đề chính của thương hiệu tôn Hoa Sen, và lời 1 của ca khúc này được ra đời vào năm 2015. Bài hát sử dụng lời 2, được viết với nhiều cảm xúc mà cô chứng kiến từ những hoàn cảnh thật sau đại dịch vừa qua.
Phiên bản MV của bài hát này được phát hành vào ngày 8 tháng 8 năm 2023 với sự xuất hiện của Quyền Linh, Quang Hà, Đại Nghĩa, Lâm Vỹ Dạ và nhiều nghệ sĩ khác.
"Mái ấm gia đình Việt" lên sóng chính thức vào ngày 5 tháng 10 năm 2022, tiếp nối tập cuối của chương trình "Siêu tài năng nhí" mùa 3. Chương trình ban đầu được phát sóng vào 20:30 thứ 4 hàng tuần trên kênh HTV7, công chiếu lúc 21:00 cùng ngày trên kênh YouTube chính thức của nhà sản xuất (Golden Moon Network). Bắt đầu từ tập 28, chương trình chuyển sang phát sóng thứ 6 hàng tuần, giữ nguyên khung giờ. Từ tập 31, do sự điều chỉnh khung giờ giải trí trên kênh HTV7, chương trình chuyển sang phát sóng 20:20 thứ 6 hàng tuần trên kênh HTV7, công chiếu lúc 20:45 cùng ngày trên kênh YouTube chính thức của nhà sản xuất. Chương trình còn được phát lại trên kênh HTV9 và kênh NTV (Nghệ An).
Tạm ngừng ghi hình và phát sóng.
Mái ấm gia đình Việt đã có một số lần phải tạm ngừng hoặc thay đổi kế hoạch ghi hình và phát sóng theo kế hoạch, chủ yếu là khung giờ phát lại, do trùng với thời điểm diễn ra sự kiện đặc biệt. Các chương trình bị hoãn đã được phát sóng trở lại sau đó 1 tuần, cụ thể:
Các tập phát sóng.
Bài viết trên Báo điện tử VTV nhận định chương trình "Mái ấm gia đình Việt" đã và đang trở thành nơi chở che cho hàng ngàn gia đình và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên cả nước, đúng với ý nghĩa nhân văn xuất phát từ chính tên gọi gắn kết cộng đồng của chương trình. Một bài viết đánh giá trên báo Thanh Niên cho rằng, qua những thử thách trong chương trình, các gia đình nhận được những khoản tiền có giá trị để giúp cuộc sống của họ đỡ vất vả hơn. Bài viết đó khẳng định việc khai thác nội dung hướng tới một vấn đề mang tính thời sự như đại dịch COVID-19 đã giúp chương trình tạo nên những dấu ấn khác biệt.
Một bài viết khác trên Báo Dân tộc và Phát triển nhận định rằng thông qua mỗi tập phát sóng, khán giả truyền hình đã không thể kiềm được nước mắt khi xem những tư liệu chân thực về hoàn cảnh của các em nhỏ - những người thiếu cha, thiếu mẹ vì đại dịch COVID-19. Chương trình đã và đang xoa dịu nỗi đau, hong khô những giọt nước mắt mồ côi và hỗ trợ cho các hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn. Bài viết đánh giá của tác giả Thùy Trang trên báo Người lao động cho biết thêm, sự xuất hiện của các nghệ sĩ với vai trò đồng hành, trợ giúp các gia đình hoàn thành thử thách cũng mang đến nhiều cảm xúc đặc biệt cho khán giả. Đã có rất nhiều nghệ sĩ xuất hiện trong chương trình để lắng nghe, đồng cảm và sẻ chia cùng câu chuyện của những em nhỏ thiếu vắng cả chỗ dựa kinh tế lẫn tình cảm. Nhiều nghệ sĩ thông qua chương trình còn tặng thêm tiền cho các gia đình như một hành động "nhường cơm sẻ áo", giúp họ sớm ổn định cuộc sống. Tác giả khẳng định, những nỗ lực của các gia đình và bản thân các em nhỏ xuất hiện trong chương trình chính là yếu tố chạm đến trái tim của khán giả cũng như các nghệ sĩ tham gia.
Báo điện tử VTV khẳng định hành trình "mang hạnh phúc sẻ chia cùng cộng đồng" của chương trình "Mái ấm gia đình Việt" cũng như của đơn vị đồng hành đã và đang truyền tải, lan tỏa thành công những giá trị nhân văn sâu sắc đến cộng đồng; là yếu tố giúp cho chương trình được khán giả cả nước đón nhận và dành nhiều tình cảm yêu mến. |
Louise Alexandra Marie Irene Mountbatten (khai sinh Princess Louise xứ Battenberg; 13 tháng 7, 1889 – 7 tháng 3, 1965) là Vương hậu Thụy Điển từ ngày 29 tháng 10 năm 1950 đến khi mất với tư cách là vợ thứ hai của Quốc vương Gustaf VI Adolf. Thuộc Vương tộc Battenberg gốc Đức, Louise có huyết thống gần với Vương thất Anh (chắt ngoại của Nữ vương Victoria) và Hoàng thất Nga (cháu gái của Hoàng hậu Alexandra Feodorovna). Trong Thế chiến I, Louise là y tá của Hội Chữ thập Đỏ. Bà kết hôn với Thái tử Gustaf Adolf của Thụy Điển năm 1923 và đảm nhận vị trí first lady của Thụy Điển, dẫu đến 1950 bà mới trở thành Vương hậu. Vương hậu Louise được ghi nhận là lập dị và có nhiều quan điểm cấp tiến.
Princess Louise xứ Battenberg chào đời ở Schloss Heiligenberg, Seeheim-Jugenheim, Đại Công quốc Hessen. Cha của bà, Louis xứ Battenberg, Đô đốc Hải quân Anh, từ bỏ tước vị Vương thân Đức của mình trong Chiến tranh thế giới thứ nhất và chọn phiên bản Anh hóa của "Battenberg" là "Mountbatten" làm họ mới theo mệnh lệnh của Vua George V. Sau đó ông được phong là Hầu tước thứ nhất của Milford Haven thuộc hàng khanh tướng của Vương quốc Anh. Do đó, từ sau 1917, bà chỉ còn được biết đến là "Lady Louise Mountbatten". Mẹ của bà là Đại Công nữ Victoria xứ Hessen, cháu ngoại của Nữ vương Victoria. Louise là chị ruột của Louis Mountbatten, Bá tước thứ nhất của Miến Điện, và em ruột của Vương tử phi Andreas của Hy Lạp (mẹ của Philip, Công tước xứ Edinburgh). Bà cũng là cháu của Sa hậu Alexandra Feodorovna.
Năm 1909, Manuel II của Bồ Đào Nha cầu hôn Louise nhưng bị từ chối bởi bà mong muốn được kết hôn vì tình yêu. Năm 25 tuổi, Louise bí mật đính hôn với Vương tử Christopher của Hy Lạp, nhưng phải từ bỏ vì lý do tài chính. Trước Thế chiến I, bà yêu 1 người và được cha mẹ chấp thuận nhưng người này sau đó mất trong chiến tranh. Trong Thế chiến I, Louise hẹn hò Alexander Stuart-Hill, người mà gia đình bà gọi là "Shakespeare" vì ngoại hình kỳ quái và tính cách "lập dị", "giả tạo". Năm 1918, cha của Louise giải thích với bà rằng Stuart-Hill có khả năng là người đồng tính rất cao, một lần nữa hôn sự của bà bị hủy.
Năm 1923, Vương Thái tử Gustaf Adolf của Thụy Điển, người đã góa vợ ba năm (vợ ông là Margaret xứ Connaught, em họ của mẹ Louise), đến thăm London và bắt đầu theo đuổi Louise. Mặc dù Gustaf Adolf vừa là người thừa kế ngai vàng vừa là một người góa vợ, Louise đã chấp nhận lời cầu hôn của ông (ngày trẻ bà từng nói rằng sẽ không kết hôn với một vị vua hoặc người góa vợ). Khi tin đính hôn của hai người được công bố, đã có nhiều cuộc thảo luận liệu Louise có đủ tư cách trở thành Vương hậu tương lai của Thụy Điển, bởi khi ấy bà không còn là "Princess Louise" mà chỉ là "Lady Louise", và Vương thất Thụy Điển cần kết hôn đăng đối để bảo toàn quyền kế vị. Bộ Ngoại giao của Thụy Điển đã tuyên bố rằng chính phủ Thụy Điển "yêu cầu Chính phủ Anh giải trình về địa vị của Lady Louise Mountbatten". Sau phản hồi từ Chính phủ Anh, Bộ Ngoại giao Thụy Điển tuyên bố rằng lựa chọn của Vương Thái tử là hoàn toàn đúng với luật thừa kế, chấm dứt tranh cãi về cuộc hôn nhân.
Ngày 3 tháng 11 năm 1923, ở tuổi 34, Louise kết hôn với Thái tử Gustaf Adolf tại Nhà nguyện Vương thất, Điện Thánh James, dưới sự chứng kiến của Quốc vương George V và các thành viên của gia đình Vương thất hai bên.
Giữa Louise và Gustaf Adolf là hôn nhân vì tình yêu và được mô tả là vô cùng viên mãn. Bà cũng được yêu thích bởi mẹ chồng mình vì tính cách thân thiện dù họ ít khi gặp nhau. Vì Vương hậu Victoria dành phần lớn thời gian ở Ý, Thái tử phi Louise ngay từ đầu đã đảm nhận nhiều trọng trách Vương thất, điều đó lúc đầu hơi khó khăn với bà vì ở thời điểm này bà được miêu tả là còn khá rụt rè.
Người con duy nhất của Louise và Gustaf Adolf là một bé gái chết non ngày 30 tháng 5 năm 1925.
Vương hậu Louise mất ngày 7 tháng 3 năm 1965 ở Bệnh viện Thánh Göran, Stockholm, hậu phẫu thuật khẩn cấp sau 1 thời gian bệnh nặng. Lần xuất hiện công khai cuối cùng của bà là Lễ Trao giải Nobel tháng 12 năm 1964. Vương hậu được chôn cất cạnh chồng bà và người vợ đầu của ông, Thái tử phi Margaret trong khu Nghĩa địa Vương thất ở bắc Solna, Stockholm.
Vương hậu Louise là con thứ hai trong số bốn người con của Louis xứ Battenberg và vợ là Đại Công nữ Victoria xứ Hessen. Cả Louise và những người con riêng của chồng bà đều là chắt của Victoria của Anh. |
Giải Cánh diều 2007
Giải Cánh Diều 2007 là lần thứ 6 giải Cánh Diều được tổ chức và là lần đầu tiên sự kiện này diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh. Lễ trao giải diễn ra tối 9 tháng 3 năm 2008. Trước đấy, Hội Điện ảnh Việt Nam còn tổ chức hệ thống Giải Cánh diều dành riêng cho dạng phim ngắn diễn ra vào cuối năm 2007.
Sự kiện lần này được bảo trợ bởi Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Với tiêu chí đề cao hiệu quả tìm tòi, sáng tạo, kỹ năng chuyên nghiệp của nghệ sĩ và tác động tích cực của tác phẩm đối với công chúng. Đêm trao giải được đạo diễn bới Đinh Anh Dũng, buổi lễ được xã hội hóa và do Công ty truyền thông Mekong dàn dựng.
Hội Điện ảnh Việt Nam bắt đầu nhận tác phẩm đăng ký dự thi từ ngày 14 đến 31 tháng 1, riêng thời hạn nhận phim truyện nhựa kéo dài đến ngày 20 tháng 2 năm 2008.
Lễ trao giải và bế mạc được tổ chức vào tối ngày 9 tháng 3 năm 2008 tại Nhà hát Hòa Bình, Thành phố Hồ Chí Minh. Chương trình được truyền hình trực tiếp chính trên kênh VTV3, dẫn chương trình trong lễ trao giải là MC Minh Quân và diễn viên Hồng Ánh; cùng với các tiết mục biểu diễn của Đức Tuấn, Đoan Trang, Hoàng Bách, Ngô Thanh Vân, nhóm Năm dòng kẻ, Vũ đoàn ABC và một dàn nhạc giao hưởng gồm 24 nhạc công.
Ban giám khảo đã trao tổng cộng 4 giải Cánh diều vàng cho tập thể, 13 giải thưởng cá nhân xuất sắc, 12 giải Cánh diều bạc và 16 giải khuyến khích.
Hội Điện ảnh Việt Nam cũng nhân lễ trao giải năm nay vinh danh những đóng góp của NSND Trà Giang đối với điện ảnh nước nhà.
Sự kiện bên lề.
Sau lễ trao giải là buổi họp báo tổng kết vào sáng ngày 10 tháng 3, các đạo diễn của những tác phẩm giành giải đến đông đủ, tuy nhiên Ban giáo khảo hạng mục phim điện ảnh lại vắng mặt. Buổi tọa đàm ""Đề tài, nhân vật và các xu hướng thể hiện trong sáng tác điện ảnh Việt Nam đương đại"” được tổ chức vào sáng ngày 3 tháng 3, tại khách sạn Kim Đô.
Cơ cấu và đề cử.
Cơ cấu của Giải gồm: Cánh diều vàng, Cánh diều bạc và Giải Khuyến khích trao cho 8 hạng mục phim; giải thưởng cho công trình nghiên cứu, lý luận - phê bình điện ảnh - truyền hình xuất sắc. Giải Báo chí trao cho phim truyện nhựa xuất sắc nhất trong năm, do đại diện các báo là thành viên Câu lạc bộ Báo chí - phê bình điện ảnh bình chọn; giải thưởng này có trị giá 20 triệu đồng do Vidotour tài trợ. Giải này độc lập với Ban giám khảo phim truyện nhựa. Hạng mục phim truyện điện ảnh và phim truyền hình ngắn tập đều có 11 đề cử; phim truyền hình dài tập có 8 đề cử, phim tài liệu nhựa có 6 đề cử, phim khoa học video có 12 đề cử, phim tài liệu video có 32 đề cử và phim hoạt hình có 4 đề cử. Cùng với đó là các đề cử cho cá nhân tham gia sản xuất các bộ phim.
Có 7 Ban giám khảo thẩm định cho các hạng mục phim, công trình, các tác giả và người làm phim dự giải. Phim truyện điện ảnh đạt giải vàng phải có điểm số trung bình từ 9,1 đến 10, giải bạc từ 8,1 đến 9,0 và giải khuyến khích từ 7,1 đến 8,0.
Những tranh cãi về bộ phim "Mười" được chọn vào để cử khi thành phần chính sản xuất bộ phim là người Hàn Quốc, đại diện Ban tổ chức cho biết khi so với bộ phim đạt giải Cánh diều vàng năm trước là "Hà Nội - Hà Nội", thì cả hai phim có lượng người nước ngoài tham gia sản xuất là ngang nhau nên "Mười" được Ban Tổ chức cho vào đề cử. Một ngoại lệ khác là phim "Sài Gòn tình ca" được sản xuất năm 2005, nhưng lần đầu được công chiếu tại Việt Nam và chưa từng tham gia các giải thưởng trong nước nên cũng được đặc cách vào đề cử.
Hạng mục phim truyện điện ảnh "Trái tim bé bỏng" và "Nụ hôn thần chết" cùng giành giải Cánh diều Bạc với kết quả chênh nhau 0.1 điểm. Vì số điểm của "Trái tim bé bỏng" cao hơn nên hạng mục này được phân ra giải "Cánh diều Bạc 1" và "Cánh diều Bạc 2".
Nhận xét về giải.
Ở hạng mục phim truyện điện ảnh, không có bộ phim nào đạt được mức điểm 9,1 nên không có giải Cánh diều Vàng. Cánh diều Bạc thuộc về "Trái tim bé bỏng" và "Nụ hôn thần chết" với điểm sít sao, nhưng hai bộ phim không được nhận giải một lượt; ban tổ chức cho một phim lên nhận giải trước khiến cơ số khán thắc mắc. Một thành viên Ban giám khảo cho rằng nên gọi tên giải là Giải Cánh diều thay vì Giải Cánh diều Vàng, vì một số lần tổ chức trước đấy cũng không có phim đạt giải Vàng, cũng như một số giải thưởng điện ảnh lớn cũng chỉ có giải Vàng, không có cơ cấu giải Bạc hay Khuyến khích như ở Việt Nam. Đạo diễn của chương trình, ông Đinh Anh Dũng cho rằng cơ cấu giải quá cứng nhắc và dù không có tác phẩm đủ xuất sắc thì một lễ trao giải luôn phải có giải vàng.
Một giám khảo cho rằng cơ cấu giải vẫn mang tính "cào bằng", giải thưởng chia đều giữa tư nhân và nhà nước, đại diện miền Nam và miền Bắc.
Lễ trao giải diễn ra có phần gây gò bó với những người tham gia, một số nghệ sĩ sau khi nhận giải cho biết họ muốn phát biểu hài hước, vui vẻ một chút nhưng không khí buổi lễ quá nghiêm trọng. Là một sự kiện trang trọng nhưng một số nghệ sĩ đạt giải lại xuất hiện với trang phục "tuềnh toàng", dù ban tổ chức có sẵn âu phục cho các nghệ sĩ mượn. |
Bạo lực sắc tộc ở Manipur 2023
Bạo lực sắc tộc ở Manipur 2023 là một cuộc xung đột sắc tộc đang diễn ra giữa những người Meitei không thuộc bộ tộc và những người Kuki bộ tộc Kitô giáo tại Bang Manipur ở miền Đông Bắc Ấn Độ. Bạo lực bùng phát vào ngày 3 tháng 5 năm 2023, đã làm ít nhất 54 người thiệt mạng. Bạo lực bắt đầu tại huyện Churachandpur trong "Cuộc diễu hành đoàn kết các bộ tộc" do Tổng hội sinh viên bộ tộc Manipur (ATSUM) tổ chức để phản đối việc chính phủ trao đặc quyền cho cộng đồng đa số Người Meitei.
Lực lượng từ Assam Rifles và Quân đội Ấn Độ đã được triển khai tại bang để phục hồi trật tự. Dịch vụ Internet tại bang đã bị đình chỉ trong 5 ngày và Điều 144 của Bộ luật Hình sự Ấn Độ đã được áp dụng. Quân đội Ấn Độ được ban hành lệnh "bắn tại chỗ" để thi hành lệnh giới nghiêm.
Vào tháng 2 năm 2023, chính quyền Đảng BJP đã bắt đầu một chiến dịch di dời ở các huyện Churachandpur, Kangpokpi và Tengnoupal, tuyên bố những người dân sống trong rừng là người xâm chiếm đất đai, điều này bị coi là chống lại các bộ tộc. Vào tháng 3 năm 2023, 5 người bị thương trong một cuộc xung đột bạo lực tại Thomas Ground ở huyện Kangpokpi, nơi các người biểu tình tập hợp để tổ chức một cuộc biểu tình chống lại "xâm chiếm đất đai của các bộ tộc dưới danh nghĩa rừng dự trữ, rừng bảo vệ và khu bảo tồn động vật hoang dã". Trong cùng tháng, Hội đồng bộ trưởng Manipur đã rút khỏi thỏa thuận đình chỉ hoạt động ngừng bắn với Quân đội Quốc gia Kuki và Quân đội Cách mạng Zomi. Hội đồng bộ trưởng bang tuyên bố rằng chính quyền sẽ không nhượng bộ đối với "những bước đi nhằm bảo vệ tài nguyên rừng của chính quyền bang và tiêu diệt nạn trồng thuốc phiện".
Vào ngày 11 tháng 4 năm 2023, tại khu định cư bộ tộc của Imphal, ba nhà thờ đã bị phá hủy vì bị cho là "công trình vi phạm pháp luật" trên đất của chính quyền, điều này dẫn đến sự bất mãn và kích thích thêm căng thẳng giữa hai bên.
Vào ngày 20 tháng 4 năm 2023, một thẩm phán đơn độc của Tòa án cao nhất Manipur đã yêu cầu chính quyền bang "xem xét yêu cầu của cộng đồng Meitei để được bao gồm trong danh sách các bộ tộc được lên lịch (ST)". Người Kuki lo sợ rằng việc cấp tình trạng ST sẽ cho phép người Meitei mua đất ở các khu vực núi cấm.
Người Meitei, chủ yếu theo đạo Hindu và chiếm 53% dân số, bị cấm định cư ở các khu vực đồi núi của bang theo Đạo luật Cải cách đất đai của Manipur, giới hạn họ sống tại Thung lũng Imphal, chiếm 10% diện tích đất của bang. Dân tộc, bao gồm người Kuki và người Naga, chiếm khoảng 40% trong tổng số 3,5 triệu dân của bang, sống trong các khu vực đồi núi được bảo tồn và bảo vệ chiếm 90% còn lại của bang. Dân tộc không bị cấm định cư ở vùng thung lũng.
Người Meitei ở bang nghi ngờ rằng có sự gia tăng đáng kể về dân tộc bản địa trong bang không thể giải thích bằng sinh tự nhiên. Họ đã yêu cầu áp dụng Quốc gia Đăng ký Cư trú (NRC) trong bang để xác định nhập cư bất hợp pháp từ Myanmar. Người Kuki nói rằng nhập cư bất hợp pháp là một cái cớ dưới đó dân Meitei muốn đuổi dân tộc khỏi đất đai của họ. Trong khi người Kuki chiếm đa số quyền sở hữu đất đai, người Meitei chiếm ưu thế về quyền lực chính trị trong Đại hội đại biểu dân cử Manipur, nơi họ kiểm soát 40/60 ghế.
Những tranh chấp về đất đai và nhập cư bất hợp pháp đã là nguyên nhân chính gây căng thẳng trong nhiều thập kỷ. Theo chuyên gia phân tích xung đột Jaideep Saikia, sự Công giáo hoá nhanh chóng của dân tộc bản địa Manipur đã đóng góp vào khoảng cách văn hóa xã hội giữa hai nhóm dân tộc trong bang.
Thủ hiến bang Manipur, ông N. Biren Singh, đã có kế hoạch đến thăm Churachandpur và khai trương một phòng tập thể dục công cộng vào ngày 28 tháng 4. Trước khi lễ khai trương diễn ra, vào ngày 27 tháng 4, người biểu tình đã đốt cháy phòng tập thể dục. Điều 144 của Luật hình sự Ấn Độ được áp dụng trong 5 ngày và cảnh sát đã xảy ra va chạm với người biểu tình vào ngày 28 tháng 4. Tại Manipur, lệnh giới nghiêm đã được áp dụng trên tám huyện, bao gồm cả huyện Imphal West không thuộc địa bàn của dân tộc và các huyện Kakching, Thoubal, Jiribam và Bishnupur, cũng như các huyện Churachandpur, Kangpokpi và Tengnoupal thuộc vùng địa bàn của dân tộc.
Trong bối cảnh căng thẳng kéo dài giữa người Meitei và người Kuki, một tổ chức Kuki có tên Liên hiệp Sinh viên tộc người Manipur (ATSUM), phản đối quyết định của Tòa án cao nhất Manipur, đã kêu gọi một cuộc diễu hành mang tên "Cuộc diễu hành đoàn kết dân tộc" vào ngày 3 tháng 5, đã leo thang thành bạo động tại huyện Churachandpur. Theo báo cáo, hơn 60.000 người biểu tình đã tham gia cuộc diễu hành này.
Trong lúc bạo lực xảy ra vào ngày 3 tháng 5, các căn nhà và nhà thờ của người dân thuộc dân tộc Kuki ở khu vực phi thổ tộc bị tấn công. Theo cảnh sát, nhiều ngôi nhà của dân tộc ở Imphal đã bị tấn công và 500 người dân phải tạm trú tại Lamphelpat. Khoảng 1.000 người Meitei bị ảnh hưởng bởi bạo lực cũng đã phải trốn khỏi khu vực và tạm trú tại Bishnupur. Hai mươi căn nhà đã bị thiêu rụi tại thành phố Kangpokpi. Bạo lực đã diễn ra ở Churachandpura, Kakching, Canchipur, Soibam Leikai, Tenugopal, Langol, Kangpokpi và Moreh trong khi chủ yếu tập trung ở thung lũng Imphal, trong đó có nhiều nhà, địa điểm tôn giáo và tài sản bị đốt cháy và phá hủy.
Vào ngày 4 tháng 5, đã có thêm những vụ bạo lực được báo cáo. Lực lượng cảnh sát đã phải bắn nhiều loạt đạn hơi cay để kiểm soát những kẻ bạo động. Kuki MLA Vunzjagin Valte (BJP), người đại diện cho trụ sở bộ tộc Churachandpur, bị tấn công trong cuộc bạo động khi ông trở về từ toà nhà bí mật của bang. Tình trạng của ông được cho là nguy kịch vào ngày 5 tháng 5, trong khi một người đi cùng ông đã tử vong. Kuldeep Singh, cố vấn an ninh cho Chính quyền Manipur, cho biết hơn 500 căn nhà và nhiều phương tiện đã bị đốt cháy trong cuộc bạo loạn.
Triển khai quân sự và sơ tán.
Chính quyền Manipur ban hành lệnh bắn ngay tại chỗ vào ngày 4 tháng 5. Đến cuối ngày 3 tháng 5, 55 đại đội của Lực lượng Assam và Quân đội Ấn Độ đã được triển khai trong khu vực, và đến ngày 4 tháng 5, hơn 9.000 người đã được di tản đến các địa điểm an toàn. Đến ngày 5 tháng 5, khoảng 20.000 người và đến ngày 6 tháng 5, 23.000 người đã được di tản đến các địa điểm an toàn dưới sự giám sát của quân đội. Chính phủ trung ương đã cử 5 đơn vị của Lực lượng Hành động Nhanh đến khu vực bằng đường hàng không. Gần 10.000 quân đội, lực lượng bảo vệ và Lực lượng Cảnh sát Vũ trang Trung ương đã được triển khai tại Manipur. Vào ngày 4 tháng 5, Chính phủ Liên bang đã áp đặt Điều 355, quy định bảo đảm an ninh của Hiến pháp Ấn Độ, và đảm nhiệm tình hình an ninh tại Manipur.
Nhiều tay súng chiến đấu dựa trên các khu vực đồi núi đã tấn công đơn vị Bộ đội dự bị Ấn Độ, trong đó có 5 tay súng bị tiêu diệt. Trong một cuộc đụng độ riêng biệt, 4 tay súng đã bị tiêu diệt. Theo nhà báo Moses Lianzachin, ít nhất 27 nhà thờ đã bị phá hoại hoặc đốt cháy.
Các máy bay không người lái đã được triển khai tại tiểu bang để thực hiện nhiệm vụ giám sát không gian trong khi lệnh giới nghiêm đã được nới lỏng trong một khoảng thời gian hạn chế vào sáng ngày 7 tháng 5.
Cho đến ngày 7 tháng 5, số người chết chính thức được báo cáo là 54.
Thủ hiến bang Manipur, ông N. Biren Singh cho biết rằng các cuộc bạo loạn được kích động bởi "hiểu lầm đang tồn tại giữa hai cộng đồng" và kêu gọi khôi phục trật tự bình thường.
Shashi Tharoor, một Thượng nghị sĩ, đã kêu gọi áp đặt quyền của Tổng thống và chỉ trích chính phủ được lãnh đạo bởi đảng BJP, cho rằng họ đã thất bại trong việc quản lý bang.
Peter Machado, Tổng Giám mục Đô thị Bangalore, đã bày tỏ sự quan tâm rằng cộng đồng Kitô giáo đang phải cảm thấy bất an, thêm vào đó là "mười bảy nhà thờ đã bị phá hoại, xúc phạm hoặc bị làm ô uế".
Vận động viên đoạt huy chương Olympic Mary Kom, người gốc Manipur, đã đăng một thông điệp trên Twitter kêu gọi sự giúp đỡ cho quê hương của mình. Bộ trưởng Nội vụ Amit Shah của Chính phủ Liên minh đã hủy các chương trình chiến dịch của mình cho cuộc bầu cử Karnataka và tổ chức các cuộc họp với Biren Singh để theo dõi tình hình ở Manipur.
Một nghị viên Đảng BJP, Dinganglung Gangmei, đã kiện Tòa án Tối cao của Ấn Độ đối với đề nghị của Tòa án Cao nhất cho chính quyền bang thêm người Meitei vào danh sách ST. |
Liên đoàn Karatedo thành phố Hà Nội
Liên đoàn Karatedo thành phố Hà Nội (tiếng Anh: "HaNoi Karatedo Federation" hay HKF) là tổ chức xã hội nghề nghiệp; tô chức và hoạt động theo Điều lệ được ƯBND thành phố Hà Nội phê duyệt thành lập theo Quyết định số 1150/QĐ-UBND ngày 22/02/2023. Theo đó, Liên đoàn Karatedo Hà Nội là một tổ chức xã hội nghề nghiệp tự nguyện, với mục đich tổ chức đào tạo, tuyên truyền, vận động hướng dẫn quần chúng nhân dân tham gia tập luyện môn thể thao võ thuật Karatedo.
Lịch sử hình thành (History).
Ngày 9/4, tại Hà Nội, Liên đoàn Karatedo Hà Nội tổ chức Đại hội lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2023-2028. Tại đại hội, tượng đài làng võ Việt Nam – võ sư Đoàn Đình Long đã được bổ nhiệm làm Chủ tịch của liên đoàn.
Võ sư Đoàn Đình Long là người đặt nền móng để truyền bá và phát triển môn Karatedo tại Việt Nam. Ông từng là HLV trưởng đội tuyển Karatedo Việt Nam, HLV trưởng đội tuyển Karatedo thành phố Hà Nội và đội Karatedo Công an nhân dân.
Võ sư Đoàn Đình Long cho biết, với việc thành lập Liên đoàn Karatedo Hà Nội, ông mong muốn bộ môn Karatedo của Thủ đô sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đóng góp vào sự phát triển và thành tích chung của Karatedo Việt Nam trên đấu trường quốc tế.
Liên đoàn Karatedo Hà Nội cũng là một tổ chức xã hội nghề nghiệp tự nguyện, với mục đich tổ chức đào tạo, tuyên truyền, vận động hướng dẫn quần chúng nhân dân tham gia tập luyện môn thể thao võ thuật Karatedo. |
Sophie Friederike của Áo
Sophie Friederike của Áo (tiếng Đức: Sophie Friederike von Österreich; 5 tháng 3 năm 1855 – 29 tháng 5 năm 1857) là con đầu lòng của Franz Joseph I của Áo và Elisabeth xứ Bayern.
Trong vòng hai tháng kể từ khi kết hôn với Franz Joseph I của Áo, Elisabeth đã hoài thai. Vào ngày 5 tháng 3 năm 1855, vị Hoàng hậu 17 tuổi đã hạ sinh một hoàng nữ. Đứa trẻ được rửa tội cùng ngày và được đặt tên là "Sophie Friederike Dorothea Maria Josepha" (theo tên mẹ của Franz Joseph I) mà Elisabeth không hề hay biết. Xét cả dòng dõi từ cha lẫn mẹ của Sophie thì vị hoàng nữ nhỏ là hậu duệ của Quốc vương Maximilian I Joseph của Bayern vì cha mẹ của Sophie là anh em họ. Xét riêng dòng dõi của cha thì Sophielà hậu duệ của Hoàng đế La Mã Thần thánh cuối cùng, Franz II. Trong năm kế tiếp, Hoàng hậu Elisabeth đã hạ sinh một cô con gái khác tên là Gisela. Mặc dù cả hai chị em không cần phải được nhận sự giáo dục dành cho một vị quân chủ, nhưng Sophie và Gisela đã bị buộc rời xa Elisabeth ngay sau khi rửa tội bởi bà nội là Đại vương công phu nhân Sophie, xuất thân là Vương nữ Bayern, lấy lý do là kể Hoàng hậu còn quá trẻ để nuôi dạy hai vị hoàng nữ. Elisabeth sau đó cảm thán rằng:
Dù Elisabeth đã cầu xin Franz Joseph I thảo luận vấn đề này với mẹ chồng nhiều lần nhưng đều không thành công. Cuối cùng, Franz Joseph I cũng đã lên tiếng giúp vợ và Elisabeth cuối cùng đã bày tỏ mong muốn của mình với mẹ chồng một cách cởi mở và thậm chí còn được đưa các cô con gái đi cùng mỗi khi Elisabeth đi công du.
Hoàng hậu Elisabeth có một lòng yêu mến đất nước Hungary và người dân nơi đây, thậm chí còn đề xuất với chồng rằng cả hai nên thực hiện một chuyến đi đến Hungary. Franz Joseph I chấp nhận lời đề nghị của vợ và hai vợ chồng rời đi vào đầu mùa xuân năm 1857. Khi ở Budapest, cả Sophie và em gái là Gisela đều bị bệnh tiêu chảy và sốt rất cao . Trong khi em gái Gisela 10 tháng tuổi hồi phục nhanh chóng thì Sophie hai tuổi đã qua đời trong vòng tay của mẹ vào lúc 21 tối, sau mười một giờ vật lộn với cơn bạo bệnh, nguyên nhân có thể là do mất nước vì tiêu chảy hoặc do co giật vì cơn sốt cao. Sau đó Hoàng nữ Sophie được cho là đã qua đời vì sốt phát ban, nhưng điều này vẫn cho đến nay vẫn chưa được xác thực.
Thi thể của Sophie được đưa trở lại Viên và được chôn cất trong ở Ferdinandsgruft ("Hầm mộ của Ferdinand") trong Hầm mộ Hoàng gia.
Cái chết của Hoàng nữ Sophie đã ám ảnh Elisabeth đến suốt đời. Elisabeth bị mẹ chồng Sophie cho rằng phải chịu trách nhiệm gián tiếp về cái chết của Sophie. Elisabeth bị suy nhược và thường nhốt mình trong phòng nhiều ngày liền hoặc cưỡi ngựa cho đến khi kiệt sức, chỉ để tránh phải suy nghĩ. Cái chết của Sophie cũng dẫn đến quyết định ai là người sẽ bảo hộ những đứa trẻ và Đại vương công phu nhân Sophie đã giám hộ những người con còn lại của Elisabeth ngay khi chúng được sinh ra. Bản thân Elisabeth cũng bắt đầu bỏ bê Gisela và mối quan hệ của hai mẹ con không còn thân thiết như trước. Một trong những thị tùng của Elisabeth, Marie Festetic, đã ghi lại trong nhật ký của mình rằng Hoàng hậu thậm chí còn không dành thời gian để tham dự công việc chuẩn bị cho đám cưới của Nữ Đại vương công Gisela. Elisabeth cũng thờ ơ với người con trai duy nhất của mình, Rudolf, Thái tử nước Áo . Cho đến khi qua đời, Elisabeth luôn đeo một chiếc vòng tay có hình Sophie và giữ một bức chân dung của hoàng nữ nhỏ xấu số trong phòng của bà. |
Urraca của Bồ Đào Nha
Urraca của Bồ Đào Nha (]; tiếng Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha: "Urraca de Portugal"; 1148 – 1211) là Vương hậu León từ năm 1165 cho đến năm 1171/1172 với tư cách là vợ của Fernando II của León. Urraca con gái của Quốc vương đầu tiên của Bồ Đào Nha, Afonso I và là mẹ của Quốc vương Alfonso IX của León. Sau khi cuộc hôn nhân của Urraca với Fernando II bị xóa bỏ, cựu Vương hậu quyết định trở thành một nữ tu.
Urraca được sinh ra ở Coimbra năm 1148, là con gái của Afonso I, Quốc vương đầu tiên của Bồ Đào Nha, và Matilde của Savoia. Vào tháng 5 hoặc tháng 6 năm 1165, Urraca kết hôn với Fernando II của León. Hai vợ chồng có với nhau một người con là Alfonso IX, sinh ra ở Zamora vào ngày 15 tháng 8 năm 1171. Khoảng năm 1171/1172, Giáo hoàng Alexanđê III đã tiêu hủy cuộc hôn nhân của Fernando II và Urraca với lý do hai người là anh em họ bốn đời, cùng chung một ông cố là Alfonso VI của León và Castilla.
Đời sống tu viện.
Sau khi tiêu hôn, Urraca quyết định trở thành một nữ tu và gia nhập Dòng Thánh Gioan của Jerusalem. Urraca lui về sống trong các lãnh địa mà chồng cũ đã tặng cho bà ở Carta de Arras, Zamora. Sau đó, bà cư trú tại Tu viện Santa María de Wamba của Dòng Thánh Gioan.
Ngày 25 tháng 5 năm 1176, Vương hậu Urraca đã hiến tặng đất đai và biệt thự cho Dòng Thánh Gioan, bao gồm Castroverde de Campos và Mansilla ở León, và Salas và San Andrés ở Asturias. Urraca có mặt tại lễ đăng quang của con trai là Alfonso IX, người kế vị cha mình là Fernando II vào ngày 22 tháng 1 năm 1188. Ngày 4 tháng 5 cùng năm, Urraca và con trai xác nhận các đặc quyền do Fernando II ban cho Dòng Santiago. Sự hiện diện cuối cùng của Urraca được ghi nhận lại trong một hiến chương năm 1211, khi Urraca trao tặng ngôi làng Castrotoraf mà bà đã nhận được từ Fernando II vào năm 1165 như một món quà cưới cho Nhà thờ Zamora.
Urraca của Bồ Đào Nha qua đời ở Wamba, Valladolid, vào năm 1211. Bà được chôn cất tại Tu viện Santa María de Wamba, nơi ngày nay thuộc tỉnh Valladolid. Nhà thờ St. Mary, một nhà thờ cũ và là phần duy nhất còn lại của tu viện cổ còn lưu lại Nhà nguyện của Vương hậu: một tấm bảng được đặt ở đó đề cập rằng Vương hậu Urraca đã được an táng tại đây. |
Giải Cánh diều cho phim ngắn
Giải Cánh diều cho phim ngắn là một hạng mục trao giải của Giải Cánh diều, hạng mục này ban đầu là sự kiện riêng biệt tổ chức thường niên vào dịp cuối năm với tên gọi Cuộc thi phim ngắn toàn quốc, do Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức. Nhằm ủng hộ các sáng tạo và thể nghiệm của các tác giả trẻ. Giải thưởng của cuộc thi được trao cho các bộ phim tham gia, không có giải cho các cá nhân nên mỗi đạo diễn có thể dự thi với nhiều tác phẩm.
Từ năm 2006, cuộc thi đổi tên thành Giải Cánh diều dành cho phim ngắn, đồng nhất với hệ thống giải Cánh diều với phân hạng giải thưởng cùng tên gọi Cánh diều Vàng, Cánh diều Bạc, giải khuyến khích và Bằng khen.
Từ Giải Cánh diều 2010, "Giải Cánh diều dành cho phim ngắn" được gộp và trở thành một hạng mục chính thức của Giải Cánh diều.
Cuộc thi phim ngắn toàn quốc 2002 - 2003 được tổ chức vào tháng 8 năm 2003 do Hội Điện ảnh Việt Nam và Cục Điện ảnh Việt Nam phối hợp tổ chức. Cuộc thi có 72 tác phẩm dự giải, sau đó chọn ra 12 tác phẩm xuất sắc nhất; với giải nhất trị giá 20 triệu đồng, mỗi giải nhì 10 triệu đồng, mỗi giải ba 5 triệu đồng và mỗi giải khuyến khích 3 triệu đồng. Lễ trao giải được tổ chức vào ngày 2 tháng 9 năm 2003 tại Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đánh giá của Ban Giám khảo, những tác phẩm giành giải có sự sáng tạo, giải quyết và thể hiện ý tưởng một cách sinh động, sâu sắc, hình thức thể hiện độc đáo.
Cuộc thi phim ngắn toàn quốc 2004 diễn ra từ ngày 21 đến 23 tháng 12 năm 2004, tại Thành phố Hồ Chí Minh. Cuộc thi lần này có 39 tác phẩm của 39 tác giả.
Chất lượng các tác phẩm tham gia cuộc thi lần bị đánh giá là không đồng đều, đề tài được chọn vượt ngoài khả năng của các đạo diễn, tác phẩm không được làm đến nơi đến chốn. Riêng các phim hoạt hình lại là điểm sáng của cuộc thi. Cùng với chất lượng các tác phẩm thì giải thưởng lần này hầu như chỉ mang tính cổ vũ, khuyến khích các tác giả.
Hội đồng giám khảo gồm: nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát (phó trưởng Ban giám khảo), đạo diễn Lê Hoàng, nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấ
Cuộc thi phim ngắn toàn quốc 2005 diễn ra từ ngày 4 đến ngày 6 tháng 1 năm 2006 tại Nhà văn hóa điện ảnh, Thành phố Hồ Chí Minh. Cuộc thi lần này 51 phim tham dự, đến từ các cá nhân, các trường sân khấu điện ảnh và các hãng phim, đài truyền hình.
Trưởng ban giám khảo là đạo diễn Trần Thế Dân, các phim tham dự gồm 44 phim truyện, 5 phim tài liệu và 2 phi hoạt hình; 10 bộ phim xuất sắc nhất của cuộc thi được trình chiếu miễn phí cho khán giả trong 1 ngày trước lễ trao giải. Lễ trao giải có sự tham gia của ca sĩ Quang Dũng, Thanh Thúy, nhóm ACM, nghệ sĩ Mai Đình Tới và vũ đoàn Những ngôi sao nhỏ.
Từ năm này Cuộc thi phim ngắn toàn quốc được đổi tên thành Giải Cánh diều dành cho phim ngắn, phân cấp giải cũng đổi từ Giải nhất thành Cánh diều Vàng và Giải nhì thành Cánh diều Bạc.
Giải năm 2006 thu hút 53 phim tham dự, trong đó có 42 phim truyện, 10 phim tài liệu và 01 phim hoạt hình. Các tác phẩm này đến từ Đại học Sân khấu - điện ảnh Hà Nội, Cao đẳng Sân khấu - điện ảnh TP.HCM, Hãng phim Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Phát triển tài năng TPD, Đài truyền hình Hà Nội, Hãng phim K5, Đài Truyền hình Việt Nam, Hãng phim truyền thông, Công ty tư vấn T.A.C và các cá nhân. Từ các phim tham dự sẽ chọn ra 12 phim xuất sắc nhất để trình chiếu miễn phí, lễ trao giải và bế mạc diễn ra tối 15 tháng 12 năm 2006 tại Nhà văn hóa Điện ảnh Tân Sơn Nhất, Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh. Buổi lễ có sự góp mặt của ca sĩ Ngô Thanh Vân, Đức Tuấn, nhóm Năm Dòng Kẻ, nhóm múa Những Ngôi Sao Nhỏ.
Cơ cấu giải thưởng dự kiến gồm: 1 Cánh diều Vàng, 1 Cánh diều Bạc và 2 giải Khuyến khích; các thể loại sẽ được chấm điểm chung. Các tác phẩm dự giải lần này có chất lượng không tốt khiến cuộc thi bị đánh giá
là "So bó đũa chọn cột cờ" tương tự cuộc thi năm 2004. Trưởng ban giám khảo là nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát.
"Quỳnh" là tác phẩm nổi bật nhất cuộc thi nhưng không được giải thưởng vì bộ phim vượt quá thời lượng quy định.
Giải Cánh diều dành cho phim ngắn 2007 được tổ chức từ ngày 17 đến 22 tháng 12 năm 2007, với khoảng 63 bộ phim ngắn của các sinh viên điện ảnh và các nhà làm phim trẻ tham gia. Trong đó có 51 phim truyện, 10 phim tài liệu và 2 phim hoạt hình.
Lễ trao giải diễn ra tối 22 tháng 12 tại Nhà văn hóa điện ảnh Tân Sơn Nhất, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh. Ban giám khảo cuộc thi gồm trưởng ban là đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cùng các thành viên: nhà quay phim Phạm Hoàng Nam, đạo diễn Đào Bá Sơn, đạo diễn Ngô Quang Hải, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, nhà lý luận phê bình điện ảnh Thanh Tùng.
Giải Cánh diều cho phim ngắn 2008 diễn ra từ ngày 4 đến ngày 12 tháng 12 năm 2008, có 55 phim dự thi, trong đó có 41 phim truyện ngắn, 10 phim tài liệu và 1 phim hoạt hình. Lễ trao giải diễn ra tại rạp Tân Sơn Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh.
Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội có 6 phim dự thi, Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh có 21 phim dự thi (18 phim truyện và 3 phim tài liệu); công ty TNHH truyền thông giải trí Việt Hà với cặp tác giả Não Thu Hoài và Lê Hồ Lan dự thi với 6 phim truyện. Saigon Media có 2 phim tài liệu; Hãng phim Giải Phóng và Công ty Fanatic Film có chung 1 phim dự thi cũng là phim hoạt hình duy nhất được gửi tới.
Cũng như những lần tổ chức trước, giải lần này vẫn chọn ra 12 phim hay nhất để chiếu miễn phí trong ngày cuối cùng của giải. Tuy nhiên giải lần này thiếu tính chuyên môn khi toàn bộ Ban giám khảo đều là thuộc lĩnh vực phim truyện. Ban giám khảo bao gồm: đạo diễn Phạm Nhuệ Giang (trưởng ban), đạo diễn Quốc Hưng, đạo diễn Võ Tấn Bình, nhà biên kịch Đoàn Tuấn, nhà quay phim Nguyễn Viện.
Giải Cánh diều dành cho phim ngắn 2009 với lễ trao giải được tổ chức ngày 13 tháng 11 năm 2009 tại rạp Tân Sơn Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh.
Giải lần này có có 90 phim dự thi cho cả ba thể loại bao gồm: 62 phim truyện ngắn, 22 phim tài liệu và 6 phim hoạt hình. 9 bộ phim hoạt hình, trong đó có tới 5 phim hoạt hình được sản xuất theo công nghệ 3D.
Có 26 tác giả gửi phim với tư cách cá nhân, trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội có số tác phẩm dự thi nhiều nhất là 22 phim, tiếp theo đó là Đại học Sân khấu - Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh với 17 tác phẩm và một số công ty, đài truyền hình khác. Vì không có hội đồng sơ khảo nên Ban giám khảo đã phải xem toàn bộ 90 tác phẩm được gửi đến.; 12 phim xuất sắc nhất được trình chiếu miễn phí vài ngày cuối cùng của cuộc thi; trưởng ban Giám khảo là nhà biên kịch Nguyễn Hồ cùng các tác giả trẻ như đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, đạo diễn Lê Bảo Trung, nhà thơ - đạo diễn Phan Huyền Thư. 12 phim chung cuộc gồm: 8 phim truyện, 2 tài liệu và 2 hoạt hình.
Giải Cánh diều cho phim ngắn chính thức trở thành hạng mục của Giải Cánh diều. |
Vụ án Louis Holdings thao túng thị trường chứng khoán
Vụ án Louis Holdings là vụ chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Louis Holdings và tổng giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán Trí Việt (mã TVB), chủ tịch hội đồng quản trị Công ty chứng khoán Trí Việt - cùng 5 bị cáo khác bị đưa ra xét xử về tội thao túng thị trường chứng khoán.
Từ năm 2020 đến cuối năm 2021, ông Đỗ Thành Nhân mua lại Công ty CP Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Bảo Thư - doanh nghiệp có nguy cơ bị huỷ niêm yết mã chứng khoán, đổi tên thành Công ty Louis Land (mã cổ phiếu BII). Ông Nhân sau đó mua thêm Công ty Đầu tư và Xây dựng Trường Giang, đổi tên thành Công ty Louis Capital (mã cổ phiếu TGG). Từ đây, ông tạo ra hệ sinh thái Louis Holdings.
Sau đó ông Nhân và ông Ðỗ Ðức Nam (Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Trí Việt) lên kế hoạch thao túng thị trường chứng khoán đối với cổ phiếu mã BII và TGG nhằm thu lợi bất chính. Ông Nhân nhờ người thân, nhân viên mở hàng loạt tài khoản tại Công ty CP chứng khoán Trí Việt. Nguồn tiền để thực hiện mua bán, ông Nam đề xuất và được Phạm Thanh Tùng đồng ý để Công ty CP Tập đoàn quản lý tài sản Trí Việt cho ông Nhân vay hơn 748 tỉ đồng. Rồi ông Đỗ Đức Nam chỉ đạo cho nhân viên thao tác mua, bán nội bộ, mua bán chéo, mua bán thỏa thuậ, tạo cung cầu giả tạ"thổi giá" cổ phiếu BII, TGG lên cao gấp 42 lần. Ðể thu hút nhà đầu tư tham gia mua 2 mã cổ phiếu, bị cáo Nhân còn lập nhóm Facebook "Louis Family" với hơn 10.000 thành viên. Hành vi thao túng chứng khoán của ông Nhân và đồng phạm bị xác định đã thu lợi bất chính hơn 154 tỷ đồng, theo cáo trạng.
Trong 154 tỉ đồng thu lời bất chính, Đỗ Thành Nhân sử dụng hơn 14 tỉ đồng trả lãi vay cho Công ty CP Tập đoàn Quản lý tài sản Trí Việt.
Bản thân Đỗ Đức Nam được ông Nhân trả cho 500 triệu đồng lãi vay ngoài hợp đồng và thu phí hoa hồng bất hợp pháp hơn 1,6 tỷ đồng.
Ngày 20-4-2023, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án "thao túng thị trường chứng khoán" xảy ra tại Công ty CP chứng khoán Trí Việt (Trí Việt), Công ty CP Louis Holdings, Công ty CP Louis Capital, Công ty CP Louis Land và các đơn vị liên quan.
Ngày 8.5.2023, Ông Đỗ Thành Nhân, Chủ tịch Louis Holdings bị xét xử tại Tòa án Nhân dân Hà Nội trong vụ án thao túng thị trường chứng khoán, thu lợi hơn 152 tỷ đồng.
Cùng tội danh và khung truy tố, 3 bị cáo khác cũng thuộc Louis Holdings: Vũ Ngọc Long (cựu Tổng giám đốc Louis Holding), Trịnh Thị Thúy Linh (Giám đốc hành chính Louis Holding) và Ngô Ngọc Vũ (Tổng giám đốc Công ty CP Louis Capital) và 4 bị cáo của Công ty CP Chứng khoán Trí Việt: Phạm Thanh Tùng (Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Trí Việt), Đỗ Đức Nam (Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Trí Việt); Lê Thị Thu Hương (Phó tổng giám đốc Chứng khoán Trí Việt) và Lê Thị Thùy Liên (nhân viên dịch vụ tài chính Chứng khoán Trí Việt).
Theo Kết luận giám định của UBCKNN, nhóm tài khoản giao dịch của Nhân và 17 tài khoản liên quan đã thực hiện các hành vi: Sử dụng nhiều tài khoản giao dịch liên tục mua, bán cổ phiếu BII, TGG tạo ra cung, cầu giả tạo; Liên tục mua cổ phiếu BII, TGG với khối lượng chi phối vào thời điểm đóng cửa thị trường, tạo ra mức giá đóng cửa mới cho hai mã chứng khoán này.
TAND Hà Nội công bố chiều 12/5, sau 5 ngày xét xử:
Cùng bị truy tố tội Thao túng thị trường chứng khoán, 7 đồng phạm của ông Nhân gồm:
Ngoài án tù, toà tuyên cấm các bị cáo làm việc trong lĩnh vực chứng khoán, tài chính một năm sau khi chấp hành xong án tù.
Về dân sự, toà tuyên thu hồi 154 tỷ đồng là thiệt hại vụ án, để sung công quỹ Nhà nước. Cụ thể, công ty quản lý tài sản Trí Việt đã khắc phục đủ 14 tỷ đồng. Ông Nhân và Louis Holdings phải nộp 140 tỷ đồng.
Năm 2021, Công ty cổ phần Louis Holdings nổi lên khi từ một công ty gạo lại đứng ra thâu tóm nhiều doanh nghiệp đa ngành, tạo dựng hệ sinh thái "họ Louis". Chỉ trong một năm, doanh nghiệp của ông Đỗ Thành Nhân đã trở thành cổ đông lớn của 5 đơn vị gồm Công ty cổ phần Louis Capital (TGG), Công ty cổ phần Louis Land (BII), Công ty cổ phần Dược Lâm Đồng (Ladophar - LDP), Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex - AGM) và Công ty cổ phần Sametel (SMT).
Giữa tháng 3 năm 2023, Ủy ban Chứng khoán nhà nước ban hành quyết định xử phạt hành chính Louis Holdings hơn 161,2 triệu đồng và áp dụng hình phạt bổ sung đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán trong 2 tháng. Nguyên nhân là doanh nghiệp này đã giao dịch cổ phiếu TGG của Công ty cổ phần Louis Capital vượt quá giá trị đăng ký. Theo đó, ngày 11-11-2021, Louis Holdings của ông Đỗ Thành Nhân đăng ký giao dịch mua 3,6 triệu cổ phiếu TGG. Tuy nhiên, doanh nghiệp này đã mua hơn 4,6 triệu cổ phiếu, vượt hơn 1 triệu cổ phiếu so với đăng ký.,
Đầu năm 2023, Louis Capital thuộc hệ sinh thái "họ Louis", cũng bị phạt 232,5 triệu đồng với nhiều lỗi như vi phạm công bố thông tin, không đảm bảo cơ cấu và số thành viên hội đồng quản trị độc lập, không bổ nhiệm người phụ trách quản trị công ty theo quy định…
Ngày 22/03, CTCP Louis Capital (HOSE: TGG) đã đổi tên thành CTCP The Golden Group, thay đổi trụ sở chính công ty.
Chứng khoán Trí Việt.
Sau khi ông Phạm Thanh Tùng, chủ tịch hội đồng quản trị chứng khoán Trí Việt, bị khởi tố về tội danh "thao túng chứng khoán", Bà Nguyễn Thị Hằng - giám đốc điều hành Công ty cổ phần Tập đoàn quản lý tài sản Trí Việt – cho biết, vụ việc liên quan đến ông Tùng là trách nhiệm cá nhân. Ông Phạm Thanh Tùng mới ngồi vào ghế chủ tịch nhiệm kỳ 2022 - 2024 của Chứng khoán Trí Việt vào đầu tháng 12.2022. Lúc đang giữ chức phó chủ tịch Chứng khoán Trí Việt) đã đăng ký bán 2 triệu cổ phiếu TVB. Thời gian dự kiến thực hiện giao dịch từ ngày 29-11 đến ngày 18-12-2022, với mục đích đáp ứng nhu cầu tài chính cá nhân.
Hồi cuối tháng 1 năm 2023, Công ty chứng khoán Trí Việt (TVB, do bị can Đỗ Đức Nam làm tổng giám đốc) cũng bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định phạt tổng cộng 310 triệu đồng và đình chỉ dịch vụ ứng trước tiền bán trong hai tháng vì vi phạm nhiều lỗi. |
Bóng rổ tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2023 - 3x3 Nữ
Giải bóng rổ 3x3 nữ tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2023 sẽ được tổ chức tại Khu liên hợp thể thao quốc gia Morodok Techo, Phnôm Pênh, Campuchia từ ngày 6 đến ngày 7 tháng 5 năm 2023. Giải đấu này sẽ có 8 đội tham dự.
Quốc gia tham dự.
Bóng rổ tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2023 – 3x3 Nam
Bóng rổ 3x3 tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2023 |
Đây là một đổi hướng từ một trang đó đã được . Trang này được giữ lại dưới dạng một trang đổi hướng để tránh phá vỡ các liên kết, cả bên trong và bên ngoài, có thể đã được liên kết tới tên trang cũ.
Platyzoa () là một liên ngành động vật không phân đốt trong đơn vị phân loại động vật miệng nguyên sinh (Protostomia) đề xuất bởi Thomas Cavalier-Smith vào năm 1998. Platyzoa bao gồm ngành Platyhelminthes (giun dẹp), và một số ngành mới, Acanthognatha. Trong đó, ông đã tập hợp một số ngành động vật có kích thước hiển vi đã mô tả trước đây. Sau đó nó được mô tả như là một cận ngành, chứa hai nhóm Rouphozoa và Gnathifera.
Một sơ đồ bao gồm các ngành đã phân loại vào liên ngành Platyzoa:
Họ hàng gần nhất của Platyzoa là Lophotrochozoa, chúng tạo thành Spiralia.
Syndermata là một nhánh được đề xuất để bao gồm 2 ngành Acanthocephala và Rotifera, nhưng có vẻ nó không phải là nhóm chị em, một nhánh đã bị loại bỏ.
Một sơ đồ phân nhánh có khả thi gần đây đã cho thấy Lophotrochozoa xuất hiện trong Platyzoa và là một nhóm chị em của Rouphozoa (Gastrotricha và Platyhelminthes). Lophotrochozoa và Rouphozoa sau đó đã được đặt vào nhóm Platytrochozoa. Và vì vậy, Platyzoa trở thành một nhóm cận ngành.#đổi
Không một nhóm nào của liên ngành Platyzoa có hệ hô hấp và hệ tuần hoàn bởi vì có kích thước nhỏ, cơ thể dẹp hoặc có lối sống ký sinh. Platyhelminthes và Gastrotricha là động vật không khoang (acoelomate). Còn các ngành khác là động vật có khoang giả (pseudocoelomate), có chung đặc điểm các cấu trúc như hàm và hầu, mặc dù chúng đã mất đi lần thứ hai đối với ngành kí sinh Acanthocephala. Chúng tạo nên một phân nhóm đơn ngành là Gnathifera.
Tên "Platyzoa" được sử dụng bởi vì hầu hết các ngành đều có thân dẹp, còn Rotifera thì không.
[[Thể loại:Động vật miệng nguyên sinh]] |
Đurica Jurica Ribar (Đakovo, 26 tháng 3 năm 1918 - Trebaljevo, gần Kolašin, 3 tháng 10 năm 1943) là một luật sư, họa sĩ, nhà cách mạng và tham gia Chiến tranh nhân dân giải phóng Nam Tư.
Jurica là con trai của chủ tịch Ivan Ribar, em trai của nhà cách mạng và Anh hùng Dân tộc Nam Tư Ivo Lola Ribar. Anh lớn lên và theo học trường tiểu học Vua Peter I và Trung học Beograd số 2 tại Beograd. Tháng 3 năm 1941, Jurica tốt nghiệp Luật khoa Beograd. Trong thời gian học, anh tích cực tham gia phong trào sinh viên cách mạng đồng thời là đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Nam Tư ( - SKOJ) khi ấy hoạt động bất hợp pháp. Jurica thích chơi thể thao và các môn nghệ thuật, chủ yếu là hội họa, rồi theo học trường họa của Jovan Bijelić. Năm 1938, Jurica là thành viên nhóm "Desetorica" (10) gồm nhiều họa sĩ nổi tiếng sau này như Ljubica Cuca Sokić, Aleksa Čelebonović, Nikola Graovac,
Sau khi Nam Tư bị chiếm đóng, tháng 5 năm 1941, Jurica được kết nạp vào Đảng Cộng sản Nam Tư ( - KPJ). Đầu tiên anh hoạt động tại Beograd. Đến mùa thu, Jurica gia nhập lực lượng Partizan và thực hiện công tác xuất bản báo chí thanh niên và lôi kéo giới trẻ tham gia đấu tranh tại vùng giải phóng Užice. Jurica cũng làm việc trong xưởng vẽ Partizan tại Užice. Sau đó được chuyển qua vùng giải phóng Foča. Từ tháng 6 năm 1942, Jurica thuộc bộ phận chính trị (Politodel) Lữ đoàn vô sản xung kích Montenegro số 4. Jurica cũng là người tham gia Đại hội lần thứ nhất Liên minh thanh niên Nam Tư chống phát xít ( - USAOJ).
Jurica dự nhiều trận đánh trong chiến dịch Bosna Krajina, cũng như những trận lớn trên sông Neretva và Sutjeska. Tháng 10 năm 1943, Jurica bị trọng thương trong trong trận bảo vệ vùng giải phóng Kolašin trước quân Četnik và quân Ý, cùng ngày qua đời trong bệnh viện dã chiến ở làng Trebaljevo gần đó và được chôn cất tạm thời. Sau chiến tranh, hài cốt Jurica được chuyển về Nghĩa trang Mới tại Beograd.
Đurica sinh ngày 26 tháng 3 năm 1918 tại Đakovo, là con trai của chính trị gia nổi tiếng người Croat và Nam Tư tiến sĩ Ivan Ribar (1881—1968) với người vợ đầu Antonija—Tonica, nhũ danh Petrić (1882—1944). Đurica có một anh trai hơn 2 tuổi là Ivo Lola, các anh chị cùng mẹ khác cha là Božena, Mira và Žarko. Ngày 14 tháng 4, Jurica được rửa tội với tên đăng ký là Đurica. Vì ở nhà vẫn gọi là Jurica nên anh vẫn giữ tên đó về sau. Trong đời mình, anh đều ký tên bằng chữ Kirin là Ђурица (Đurica), Ђура (Đura) và Ђуро (Đuro), nhưng khi bằng chữ Latinh thì lại ký là Jurica. Anh cũng ký tên Jurica trên các hình chụp mình. Đurica lớn lên tại quê hương Đakovo cho đến năm 1923 thì cả nhà chuyển đến Beograd.
Năm 1924, giống như anh trai Lola, Jurica nhập trường tiểu học Vua Petar I (trường này giai đoạn 1952-1993 được đổi tên Braća Ribar để vinh danh hai anh em nhà Ribar). Là học sinh xuất sắc, đến năm 1928, Jurica đăng ký học Trung học nam sinh số 2 (từ 1959-1991, trường mang tên Ivo Lola Ribar là anh trai Jurica). Kết quả trung học cũng xuất sắc, Jurica đặc biệt thích nghệ thuật và thể thao. Jurica cùng bạn học là Aleksa Čelebonović và Milovan Matić chơi cho đội bóng đá của trường. Vào kỳ nghỉ đông, hai anh em Ribar đi trượt tuyết và học ngoại ngữ tại học viện Montreux, Thụy Sĩ. Tại đây, họ được đọc những tác phẩm văn học thế giới kinh điển đồng thời cũng tiếp xúc với văn học cánh tả. Vào kỳ nghỉ hè, hai anh em đi biển ở quê ngoại Sušak. Ngoài bơi lội, anh em Ribar còn chơi quần vợt và bóng bàn. Họ cũng tham gia hội Sokol nơi Jurica luyện tập thể dục dụng cụ. Cha của Jurica cũng là hội viên Sokol khi còn trẻ và từng là thư ký hội ở Đakovo trước Thế chiến I. Năm 1929, dưới chế độ độc tài 6 tháng 1, tổ chức Soko của Vương quốc Nam Tư được thành lập, anh em Ribar liền rời khỏi Sokol.
Ngoài thể thao, Jurica còn quan tâm đến văn học nghệ thuật và âm nhạc, nhưng chủ yếu nhất vẫn là hội họa. Những tác phẩm đầu tay không mang dấu ấn mỹ thuật đặc biệt nào. Nhưng năm 1931, Jurica gặp họa sĩ Nikola Bešević và học được những kỹ năng vẽ đầu tiên. Sau đó, anh theo học trường họa của họa sĩ Jovan Bijelić. Năm 1932, Jurica cùng các bạn học thành lập nhóm văn học "Relit" (văn học hiện thực). Từ năm 1928 đến 1936, Jurica theo học Trường nhạc Stanković (Belgrade) dưới sự dạy dỗ của giáo sư Emil Hayek. Jurica biểu diễn đánh dương cầm trong các sự kiện mà trường tổ chức bên ngoài. Jurica cúng tham gia câu lạc bộ nghiên cứu triết học ở trung học, về sau tập trung vào chủ nghĩa Mác-Lê. Khi ấy sách về chủ nghĩa Mác bị cấm nhưng hai anh em vẫn có điều kiện nghiền ngẫm nhờ tủ sách phong phú của cha. Năm 1934, người bạn học Jaša Almuli chấp nhận cho Jurica và Ranko Mitić gia nhập tổ chức do mình thành lập. Từ đó, Jurica là thành viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Nam Tư khi ấy nằm ngoài vòng pháp luật.
Hoạt động thời đại học.
Tháng 1 năm 1934, Jurica tham gia trưng bày cùng ba họa sĩ trẻ khác cũng học hội họa với Jovan Bijelić là Danica Antić, Nikola Graovac và Aleksa Čelebonović. Triển lãm được tổ chức trong khuôn viên Hiệp hội thân hữu Pháp và đã thu hút được lượng khán giả quan tâm đáng kể. Năm 1936, kết thúc trung học với thành tích xuất sắc, Jurica được miễn thi đại học. Dù khi ấy muốn theo đuổi nghiệp họa sĩ nhưng Jurica đã ghi danh vào Luật Khoa Beograd như cha mẹ mong muốn. Hè năm ấy, Jurica đến Pháp gặp họa sĩ Marko Čelebonović, rồi đi thăm Saint-Tropez và Paris. Ngồi trên ghế đại học, Jurica tham gia phong trào sinh viên cách mạng, một trong những thủ lĩnh là anh trai Ivo Lola Ribar khi ấy cũng là sinh viên luật.
Với tư cách họa sĩ, Jurica gia nhập rồi trở thành chủ tịch Ủy ban Văn hóa tại trường. Hoạt động văn hóa giáo dục trong trường diễn ra sôi nổi, tổ chức nhiều buổi thuyết trình, triển lãm, sân khấ(nay là Hội trường Anh hùng), khoa Luật (nay là tòa Khoa Ngữ văn) và các khoa khác. Hội sinh viên cũng góp phần và những hoạt động văn hóa. Jurica tích cực xây dựng cho Sân khấu Học thuật từ năm 1936, đến năm 1937 được bầu vào hội đồng quản trị, năm 1938 giữ chức phó chủ tịch. Sân khấu này đã dàn dựng thành công một số vở kịch như vở "Mati" của Karel Čapek diễn tại Tòa nhà di sản của Kolarac.
Jurica là đại biểu khoa Luật trong Hội đồng Hiệp hội Văn hóa và Thể thao Sinh viên và trở thành chủ tịch hội đồng giai đoạn 1938-1941. Các thành viên hội đồng khác còn có Dora Frejdenfeld, Dušan Kostić, Ivanka Ćuković và Ratomir Žurić. Hiệp hội đã cho xuất bản tạp chí sinh viên "Student" và tổ chức các sự kiện buổi tối cho sinh viên, ngoài giải trí còn tuyên truyền chính trị. Một trong những buổi văn nghệ thành công nhất là tại ký túc xá Kraljica Marija (nay là ký túc xá Vera Blagojević) nhân ngày 8 tháng 3 năm 1940 với khẩu hiệu "Bảo vệ quyền tự chủ của trường đại học". Hội đồng đã xuất bản một số báo chí như "Zora", "Novi srednojalca" và "Mladost" cũng như tạp chí "Mlada kultura" từ tháng 3 năm 1939 với tổng biên tập Aleksa Čelebonović là bạn Jurica. Jurica ở trong ban biên tập và cộng sự viết bài. Những sinh viên góp bài khi ấy có Cvijetin Mijatović, Mihailo Lalić, Puniša Perović, Avdo Humo và một số người khác. Tạp chí ra được 6 số cho đến tháng 1 năm 1940. Jurica viết nhiều bài khác nhau, chủ yếu tường thuật về các sự kiện văn hóa đang diễn ra. Jurica cũng cộng tác với "Student" và "Mladost".
Hầu hết những hoạt động văn hóa giáo dục đều mang tính chất chính trị, đặc biệt giai đoạn Nội chiến Tây Ban Nha với mục đích gây quỹ hỗ trợ tình nguyện viên quốc tế. Ngoài ra, sinh viên cũng nhận thức về mối nguy hiểm của chủ nghĩa phát xít cũng như phải đoàn kết lực lượng để bảo vệ đất nước. Năm 1937, một số hoạt động tập trung vào biểu tình như khi tổng thống Tiệp Khắc Edvard Beneš đến thăm Beograd ngày 5 tháng 4. Hơn hai nghìn sinh viên tham gia, đồng thời trường đại học tổ chức Đêm Văn hóa Tiệp Khắc. Một sự kiện tương tự là khi Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Yvon Delbos tới Beograd ngày 12 tháng 12 năm 1937. Sinh viên tổ chức buổi gặp mắt bày tỏ tình hữu nghị với nhân dân cần lao Pháp tại Hội trường Thể chất. Bộ trưởng Nội vụ Anton Korošec đánh giá hoạt động tập trung tiếp đón Bộ trưởng Pháp Delbos là do cộng sản tổ chức biểu tình nên lệnh cho cảnh sát và hiến binh ngăn chặn. Jurica và một số sinh viên bị bắt và tạm giữ. Sau khi Đức chiếm đóng Tiệp Khắc năm 1938, tiểu đoàn sinh viên tình nguyện được thành lập tại Ký túc xá sinh viên, trang bị đồng phục và vũ khí. Jurica Ribar cũng tham gia biểu tình lớn vào ngày 14 tháng 12 năm 1939 tại Beograd, va chạm xung đột với hiến binh. Khi hiến binh nổ súng vào đoàn biểu tình khiến nhiều người bị thương, Jurica được giao nhiệm vụ chuyển người bị thương đến viện điều dưỡng Živković để cấp cứu. Bác sĩ Drago Smiljanić là đồng chí của Ivan Ribar đứng ra điều trị. Jurica lại bị tống giam vào Glavnjač cùng anh trai và một số người khác. Jurica sớm được trả tự do, trong khi Lola bị giam tại Bileća đến tháng 1 năm 1940.
Thời sinh viên Đại học Beograd, Jurica tham gia cách mạng bằng tư cách cá nhân, đồng thời cũng thông qua cha và anh trai để giao du với nhiều nhà cách mạng cộng sản nổi tiếng khác như Ivan Milutinović, Milovan Đilas, Mitra Mitrović, Veselin Masleša, Moša Pijade, Veljko Vlahović, Vladimir Popović. Nhà Ribar ở số 32 đường Francaška trở thành nơi tụ tập của các nghệ sĩ trẻ và những nhà cách mạng. Năm 1937, tổng thư ký KPJ Josip Broz Tito cũng trú tại đây. Tháng 5 năm 1941, Jurica được kết nạp vào Đảng Cộng sản Nam Tư (KPJ).
Họa phẩm và nhóm "Desetorica".
Tôi nhận thấy Jurica trẻ tuổi bị ảnh hưởng mạnh mẽ trong thời gian ở Paristừ năm 1936 đến năm 1938 và liên hệ với các họa sĩ tại đó, cũng như thường xuyên đi xem trưng bày và triển lãm. Vì vậy, tại triển lãm mùa xuân Beograd, trước thềm Thế chiến thứ hai, tác phẩm của Jurica đã được các nhà phê bình khen ngợi, xác nhận sự độc đáo của họa sĩ trẻ Beograd.
— Petar Lubarda bàn về tranh của Jurica Ribar
Hoạt động hội họa của Jurica Ribar chỉ kéo dài bảy năm, tính từ triển lãm đầu tiên sau khi tốt nghiệp trường vẽ Jovan Bijelić tháng 1 năm 1934 cho đến khi bùng nổ Chiến tranh thế giới thứ hai ở Nam Tư, thời điểm anh gia nhập Partizan tháng 9 năm 1941. Jurica chủ yếu vẽ phong cảnh, nhân vật, tĩnh vật, chân dung, hoa, đồng ruộng và công viên. Sau triển lãm chung với Danica Antić, Nikola Graovac và Aleksa Čelebonović, Jurica tiếp tục tích cực vẽ tranh nhiều hơn. Jurica đặc biệt chú ý đến màu sắc, thể hiện trong các bức "Bình hoa trắng nền xanh" và "Tĩnh vật với cá". Tranh Jurica chịu ảnh hưởng nhiều về phong cách khi đến Pháp các năm 1936-1938. Jurica học hỏi từ họa sĩ Marko Čelebonović là anh trai bạn cùng trường phái Aleksa Čelebonović. Quãng thời gian dài ở lại Saint-Tropez và Paris ảnh hưởng đáng kể đến tài năng hội họa của Jurcia, anh từ bỏ chủ nghĩa biểu hiện và bắt đầu tìm kiếm cách thể hiện nghệ thuật phong phú liên hệ trực tiếp với thiên nhiên. Giai đoạn này có nhiều tranh phong cảnh với mô típ cảnh quan màu xanh lá chủ đạo, thể hiện qua "Phong cảnh nước Pháp" và "Bệnh viện ở Saint Tropez". "Giai đoạn xanh" của Jurica dựa hoàn toàn vào thiên nhiên, cũng tương đồng với họa sĩ Marko Čelebonović khi ấy. Các tác phẩm về sau của Jurica cho thấy sự tiếp cận chủ nghĩa hiện thực, giai đoạn này thể hiện từ năm 1937 đến 1941. Suốt những năm đó, Jurica vẽ tranh trong xưởng nhỏ của mình đặt tại một nhà trẻ ở Beograd bên bờ Danube.
Năm 1938, Jurica cùng nhóm các họa sĩ trẻ lập nhóm "Desetorica" (Mười) gồm Ljubica Sokić, Danica Antić, Bogdan Šuput, Stojan Trumić, Aleksa Čelebonović, Nikola Graovac, Dušan Vlajić, Bora Grujić và Milivoj Nikolajević. Thành phần nhóm, trình độ và tầng lớp khác nhau nhưng đều theo học Jovan Bijelić. Trừ một số người thiệt mạng trong Thế chiến thứ hai, những người sống sót đều là họa sĩ quan trọng thời hậu chiến. Tháng 2 năm 1940, nhóm ra mắt triển lãm đầu tiên, Jurica góp 9 tác phẩm: 2 phong cảnh Pháp, 5 tĩnh vật, một vẽ hoa và bức "Trong công viên". Trước đó, năm 1939, Jurica cũng trưng bày hai bức "Phong cảnh nước Pháp" và "Phong cảnh sông Danube" tại triển lãm Xuân Beograd, còn đến triển lãm Thu là bức chân dung tự họa lớn "Chàng thanh niên đeo ruy băng xanh".
Các họa phẩm tiêu biểu của Jurica Ribar sáng tác từ năm 1933 đến 1941 có thể kể đến "Người mặc áo cổ cứng", "Trong quán rượu", "Hoa trong lọ xanh", "Hoa trong bình trắng", "Hoa", "Tĩnh vật", "Tĩnh vật với cá", "Tĩnh vật với máy đếm nhịp", "Phong cảnh Saint Tropez", "Người phụ nữ trước gương", "Phong cảnh Dedinja", "Tĩnh vật với con gà", "Bệnh viện ở Saint Tropez", "Những ngôi nhà ở Saint-Tropez", "Phong cảnh Saint-Tropez", "Khu vườn ở Saint-Tropez," "Biển Saint Tropez", "Bố cục", "Chàng thanh niên đeo ruy băng màu xanh" (chân dung tự họa), "Chân dung cô gái", "Tĩnh vật với thiên thần", "Phong cảnh sông Danube", "Phong cảnh Petrovac na moru", "Sân thượng ở Petrovac na moru", "Từ xưởng vẽ", "Trong công viên", "Phong cảnh Bileća" và những bức tranh khác.
Thời chiến ở Beograd và Užice.
Tháng 3 năm 1941, ngay trước khi Thế chiến II bùng nổ ở Nam Tư, Jurica Ribar tốt nghiệp Luật khoa Beograd. Các sự kiện lịch sử cuối tháng 3 ảnh hưởng đáng kể đến tương lai Jurica. Chính phủ Cvetković-Maček ký kết đưa Vương quốc Nam Tư gia nhập Liên minh quân sự Hiệp ước Bộ ba của phe Trục. Ngày 27 tháng 3 nổ ra đảo chính quân sự lật đổ chính phủ và phế truất hoàng thân nhiếp chính Pavle Karađorđević. Tại Beograd diễn ra hàng loạt phong trào chống phát xít, ủng hộ đảo chính. Jurica tham gia hoạt động này, còn anh trai Lola là một trong những người đại diện cho phong trào. Ngày 6 tháng 4 năm 1941, phe Trục tấn công Nam Tư mà không tuyên chiến, Không quân Đức ném bom Beograd. Nhà Ribar trên phố Francaška bị bom làm hư hại nên họ thuê một căn nhà ở Dedinje, nơi góc Phố General Šturm và Đại lộ Knez Aleksandar Karađorđević (gần sân vận động Partizan).
Sau khi Đức tấn công Liên Xô ngày 22 tháng 6, quân chiếm đóng Đức và Đặc cảnh bắt đầu bắt giữ và tra tấn đảng viên hoặc có những ai cảm tình với cộng sản. Nhà Ribar bị coi là bất hợp pháp và phải chạy trốn. Lola trú trong nhà Vladislav Ribnikar gần đó, còn Jurica náu tại nhà bạn gái Ivanka Ćuković trên phố Rumunska (nay là Phố Užička). Jurica chỉ ở lại vài đêm vì nhà này cũng không an toàn. Jara Ribnikar dùng tên giả của mẹ cố nhà báo "Politika" Aleksandar Vidaković để thuê cho Jurica một phòng trên phố Maglajska. Jurica ở tại đó cho đến khi gia nhập Partizan.
Hè 1941 nổ ra nổi dậy vũ trang tại tây Serbia thành lập khu tự do. Giữa tháng 9, thành viên Ủy ban Trung ương KPJ và Bộ tổng tham mưu NOP trong đó có Lola Ribar liền rời Beograd. Ngay sau đó là quá trình chuyển đổi quyền lực đảng từ Beograd tới khu tự do, hoạt động rút xuống bên dưới việc thành lập các biệt đội Partizan mới. Đầu tháng 10 năm 1941, trước khi rời Beograd, Jurica đính hôn với bạn gái nhiều năm là sinh viên Khoa Ngữ văn Ivanka Ćuković. Một thời gian sau, cô và em gái Olivera dự định đi cùng tiến sĩ Ribar từ Beograd đến Užice. Nhưng Užice bị tấn công và thất thủ nên kế hoạch di chuyển thất bại. Kể từ đó, hai người không bao giờ gặp lại nhau nữa.
Trong thời gian Užice được giải phóng với tên gọi Cộng hòa Užice, Jurica đến gặp lại anh trai rồi tiếp tục cộng tác với Dobrivoj Vidić, Slobodan Penezić Krcun, Želja Đurić. Anh phụ trách công việc tại Agitprop (viết tắt của "Agitacija i propaganda": Kích động và Tuyên truyền) của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Nam Tư. Trong đó, Jurica giữ vai trò biên tập viên báo "Omladinska Borba". Tờ này trực thuộc Ủy ban Trung ương SKOJ dùng để nhắm vào thanh niên, là bản sao của tờ "Borba" thuộc Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Serbia được in ở Užice. Số đầu tiên ra mắt vào ngày 17 tháng 11 do Jurica và Lola Ribar biên tập, còn Jovan Marjanović hỗ trợ ra mắt số thứ hai ngày 24 tháng 11. Văn phòng biên tập tờ báo đặt tại khách sạn "Palas", cũng là xưởng vẽ Partizan do họa sĩ Dragoljub Vuksanović thành lập và quản lý. Jurica cùng hoạt động hội họa với các họa sĩ Bora Baruch, Pivo Karamatijević, Čedomir Jevtović và Đorđe Marinković. Vuksanović và Jurica đều là thành viên Agitprop hỗ trợ nhau từ ngày đầu lập xưởng. Xưởng vẽ đã ra nhiều áp phích, tranh tuyên truyền chiến đấu, chân dung lính Partizan hy sinh cùng chân dung lãnh tụ cộng sản Liên Xô. Ngày 7 tháng 11 năm 1941, nhân kỷ niệm 24 năm Cách mạng Tháng Mười, tại Užice diễn ra triển lãm tranh nhỏ trong sảnh tòa Sokolski dom, trong đó có các tác phẩm của Jurica Ribar, nhưng hiện không còn giữ được bức nào.
Chiến đấu từ Užice đến Kolašin.
Ngay trước khi Užice thất thủ, Jurica tham gia vào việc tẩu tán tài liệu, chôn giấu tại Zlatibor. Đầu tháng 12 năm 1941, theo chân phần lớn lực lượng Partizan và lãnh đạo phong trào, Jurica cùng rút lui về Sandžak. Anh làm chỉ huy Nova Varoš và cho in ấn tin tức. Anh tham gia tập hợp các chiến sĩ còn lại và thương bệnh binh. Sau đó, Jurica cùng lực lượng chính di chuyển đến miền đông Bosnia, rồi ở lại Romania và Jahorina. Cuối tháng 1 năm 1942, đi theo Tổng hành dinh và Ủy ban trung ương KPJ, ông đến vùng giải phóng Foča. Tại đây, Jurica ở chung phòng với Marijan Stilinović và Vladimir Dedijer trong khách sạn "Gerstl", còn anh trai Lola Ribar được đặc phái tới Zagreb đang bị chiếm đóng. Hầu như ngày nào Jurica cũng đi thăm các khu lân cận và thuyết trình vận động thanh niên gia nhập Partizan. Đồng thời, anh cũng viết bài và vẽ tranh cho báo "Narodni borac".
Theo điều động của Ủy ban Trung ương SKOJ, Jurica tạm thời tham gia Ủy ban SKOJ cấp tỉnh cho Bosna và Hercegovina, và chịu trách nhiệm báo cáo cho Lola Ribar khi ấy là thư ký Ủy ban Trung ương SKOJ. Giai đoạn này khắp nơi đang tích cực thành lập Liên minh Thanh niên Giải phóng Dân tộc Bosna và Hercegovina là tổ chức tập hợp tất cả thanh niên chống phát xít. Jurica phụ trách mảng này tại Foča, Čajnič và các làng xung quanh. Đồng thời họ thành lập các đại đội thanh niên, về sau nằm trong Tiểu đoàn Kragujevac thứ ba thuộc Lữ đoàn vô sản xung kích số 1. Khi đối phương sắp sửa tấn công, việc thành lập tổ chức Hiệp hội Thanh niên Giải phóng Dân tộc Bosna và Hercegovina bị trì hoãn đến tận cuối năm khi Đại hội Thanh niên Chống phát xít được tổ chức tại Bihać. Sau khi Lola trở về Foča, đã diễn ra "Thế vận hội Foča" vào cuối tháng 4 năm 1942, tập trung các thành viên Partizan thi đấu thể thao các môn điền kinh, bóng chuyền, cờ vua, bóng đá... Thu hút được nhiều chú ý nhất là các trận bóng đá mà Jurica tham gia, phát huy khả năng chơi bóng từ thời trung học. Jurica chơi trong màu áo tuyển quốc gia Tổng hành dinh.
Sau khi rời Foča, Jurica vẫn nằm trong Bộ Tổng tham mưu phụ trách các vấn đề thanh thiếu niên. Giữa tháng 5 năm 1942, cùng với Mileva Lula Planojević, ông được cử đến hỗ trợ các tổ chức thanh niên Montenegro. Khi ấy đang ở giai đoạn kẻ thù công kích lần thứ ba, phần lớn Partizan rút khỏi Montenegro. Đến tháng 6 năm 1942, lực lượng này tái phối trí trong Lữ đoàn vô sản xung kích số 4 và số 5. Khi còn ở Foča, Jurica đề nghị chỉ huy Agitprop của Ủy ban Trung ương KPJ Milovan Đilas phân mình về đơn vị thực chiến. Chỉ đến khi các lữ đoàn mới được thành lập, yêu cầu này mới được đáp ứng, Jurica được phân về Politodel (bộ phận chính trị) của Lữ đoàn vô sản xung kích Montenegro số 4. Chỉ huy lữ đoàn là Peko Dapčević và chính ủy là Mitar Bakić. Ngay sau khi thành lập, dưới sự chỉ huy của Bộ Tổng tham mưu NOP và DVJ, các lữ đoàn mở chiến dịch Krajina Bosna, thắng lợi các trận quanh Gornji Vakuf và Bugojno, tham gia tấn công Kupres và Jajce, cũng như giải phóng Mrkonjić Grad.
Đến Krajina Bosna, ngoài công việc chính trị tại lữ đoàn, Jurica còn cống hiến cho công tác thanh niên trước đây, tích cực tham gia tổ chức Đại hội thanh niên chống phát xít Nam Tư lần thứ nhất tháng 12 năm 1942 tại Bihać, tại đó thành lập Liên minh Thanh niên chống Phát xít Nam Tư. Tháng 9 năm 1942, tại vùng giải phóng Jajce, Jurica được gặp cha mình Ivan Ribar cũng trong hàng ngũ Partizan. Cuối tháng 12 năm 1942 và đầu tháng 1 năm 1943, Sở chỉ huy và Politodel của Lữ đoàn vô sản số 4 đặt cơ sở đầu tiên ở Tomislavgrad sau chuyển sang Bosansko Grahovo, nơi Jurica tích cực viết bài và vẽ tranh để xuất bản tờ báo "Za pobeda" của lữ đoàn. Cùng hợp tác với anh là các thành viên Politodel trong lữ đoàn Stan Tomašević và Veselin Masleša.
Đầu năm 1943, mở màn Trận Neretva, Jurica Ribar đang ở làng Stipanjići, Duvanjsko polje để chuẩn bị cho tờ "Za pobeda". Do kiệt sức và mùa đông khắc nghiệt, anh bị viêm phổi, rồi biểu hiện sốt phát ban. Được đi điều trị một thời gian ngắn, Jurica nhanh chóng trở lại lữ đoàn. Đầu tháng 3 năm 1943, ông tham chiến trận Vilića Guvna, thượng Prozor. Sau khi hoàn thành tấn công, Lữ đoàn vô sản số 4 phối hợp với các đơn vị thuộc Sư đoàn xung kích thứ 3 tham gia đánh bại quân Četnik ở Hercegovina. Giải phóng Nevesinje, Gacko và Avtovac, lữ đoàn hành quân tới Montenegro để đánh quân Ý và Četnik gần Nikšić và Morača - Kolašin. Giữa hai đợt tấn công của kẻ thù, Jurica cùng Stan Tomašević và Veselin Masleša tích cực viết báo, vẽ tranh, báo cáo chiến sự, trở thành những tài liệu chính về lữ đoàn về sau. Ngoài ra, cùng với Stan Tomašević, ông tích cực tham gia tổ chức họp mặt Partizan và SKOJ các cấp, đồng thời đặc biệt chú ý chiến sĩ trẻ. Giúp cho công tác chính trị hiệu quả, Jurica tổ chức các khóa học cho chỉ huy tiểu đoàn SKOJ tại Politodel song song với công tác văn hóa giáo dục, đồng thời lấy tin từ Đài phát thanh Nam Tư Tự do phục vụ chiến sĩ.
Trong cuộc công kích thứ năm của kẻ thù, lữ đoàn giao tranh ác liệt với các lực lượng mạnh của Đức, bị đẩy về phía sông Sutjeska, tiếp tục đụng độ mãnh liệt tại Zelengora và đặc biệt trên đèo Ljubin Grob. Từ Zelengora, lữ đoàn với phần lớn quân lực tiến vào miền đông Bosna, giao chiến với Četnik và quân Đức vào tháng 7 và tháng 8. Sau đó, lữ đoàn tiến về phía Montenegro và vào cuối tháng 9 di chuyển tới Kolašin, giải phóng hoàn toàn nơi này vào ngày 27 tháng 9 năm 1943.
Qua đời tại Kolašin.
Tháng 9 năm 1943, sau khi biết Ý đầu hàng, theo mệnh lệnh Tổng hành dinh tối cao NOV và POJ, Sư đoàn vô sản số 2 dưới sự chỉ huy của Peko Dapčević đã di chuyển từ phía đông Bosnia đến thung lũng Drina, từ đó bắt đầu hành quân về phía Sandžak và Montenegro. Lữ đoàn vô sản xung kích Montenegro số 4 thuộc biên chế Sư đoàn vô sản số 2 đã thâm nhập Kolašin. Ngày 26 tháng 9 bắt đầu diễn ra trận đánh nhằm giải phóng Kolašin từ quân Ý và Četnik. Vì Kolašin là một trong những thành trì chính của quân Četnik tại Montenegro nên họ ra sức bảo vệ, được Ý hỗ trợ pháo binh và súng cối từ Tiểu đoàn 2, Trung đoàn bộ binh 83, Sư đoàn "Venize". Sau những trận giao tranh ác liệt, rạng sáng 27 tháng 9 năm 1943, Partizan đẩy lùi quân Četnik và một phần quân Ý về phía Mateševo, chiếm được Kolašin. Một phần quân Ý vẫn bị bao vây ở Bašanje brdo, nên cần phải đàm phán ngưng chiến. Jurica Ribar và Niko Strugar dẫn đầu đoàn đến gặp đại úy Mario Riva bên Ý để đàm phán. Ngôn ngữ chính sử dụng khi đàm phán là tiếng Pháp, Jurica kêu gọi Đại úy Riva đầu hàng vì Ý đã đầu hàng để binh lính không phải thiệt mạng vô ích. Riva khước từ việc đầu hàng, mà tuyên bố binh lính dưới quyền đều chống phát xít, nên phải được tiếp tục chiến đấu chống chủ nghĩa phát xít dưới cờ Partizan. Jurica và Niko Strugar không có quyền quyết định nên phải trình báo về lữ đoàn và sư đoàn. Yêu cầu được chấp thuận, binh lính dưới quyền Đại úy Riva gia nhập Quân đội Giải phóng Nhân dân Nam Tư ( - NOVJ).
Việc quân lực Partizan mạnh hiện diện tại Montenegro và chiếm Kolašin vốn là "thủ đô" không chính thức của Četnik Montenegro đã giáng đón chí mạng vào Četnik. Četnik liền huy động toàn bộ lực lượng từ Vasojević, Morača, Kuča và Brskut nhằm tái chiếm Kolašin. Ngày 30 tháng 9, được tiểu đoàn Ý hỗ trợ, Četnik tổng tấn công Kolašin. Trận này chứng kiến sự đối đầu giữa quân Ý đứng về phía Partizan với lực lượng Ý tiếp tục sát cánh với Četnik. Với mục tiêu tái chiếm Kolašin bằng bất cứ giá nào, liên quân Četnik-Ý công kích mạnh từ hướng Mateševo, đẩy lui quân Partizan trở lại thành phố. Ngày 1 tháng 10, Partizan để mất các vị quan trọng ở Šljivovica, cũng như Ključ và Tivran. Bộ chỉ huy Sư đoàn vô sản số 2 liền cử Lữ đoàn Dalmatia số 2 cũng như một phần Lữ đoàn vô sản xung kích số 2 và Sandžak số 3 tham chiến bảo vệ Kolašin.
Tham gia phòng vệ Kolašin, Jurica Ribar và Niko Strugar đóng tại Sở chỉ huy Tiểu đoàn 1, chốt giữ chiến hào gần Barutana trên đồi Vilića. Đêm 2 rạng sáng 3 tháng 10 năm 1943, Tiểu đoàn 1 tổ chức phản kích nhưng bị pháo và súng cối đối phương gây áp lực buộc phải quay về. Sau đó, Četnik được pháo binh Ý yểm trợ ồ ạt tấn công. Một quả đạn cối phát nổ ngay sau lưng khiến Jurica bị thương nặng mất nhiều máu. Jurica được đảng viên Jasna Bulatović kéo khỏi vị trí chiến đấu để y sĩ sơ cứu băng bó vết thương. Sau đó, Jurica được chuyển về Kolašin, rồi đưa tiếp tới làng Trebaljevo gần đó, trong bệnh viện dã chiến Partizan đặt tại nhà giáo sư Khoa Kỹ thuật Beograd Stevan Rakočević. Vì đã đầy thương binh nên Jurica được đưa sang nhà Jokan Rakočević. Do vết thương nặng ở lưng, Jurica không thể nằm được. Chiến sĩ Stevo Dobrković giúp đặt Jurica nằm vào lòng để giây phút cuối đời được thoải mái hơn. Jurica mất vào khoảng 11 giờ ngày 3 tháng 10 năm 1943.
Ngay trong ngày, Jurica Ribar cùng các đồng đội tử thương trong bệnh viện dã chiến được chôn cất tại nghĩa trang làng, bên cạnh thầy giáo Milo Lubard (1917-1943) và học sinh Miroje Žarić (1917-1943) cũng chết vì pháo kích. Cho đến ngày 5 tháng 10, khoảng 30 lính Lữ đoàn vô sản Montenegro số 4 đã hy sinh quyết tử bảo vệ Kolašin. Ngày 10 tháng 10, Tổng chỉ huy tối cao Josip Broz Tito đưa lời khen ngợi chỉ huy và chiến sĩ Lữ đoàn vô sản số 4:
"Họ nói dù chưa chắc chắn nhưng con linh cảm khi viết những dòng chữ này thì Jurica thân yêu tốt bụng của chúng ta đã không còn nữa. Giống như bao người khác, em ấy đã ngã xuống khi chiến đấu cho quê hương tự do, đâu đó gần Kolašin của Montenegro. Cha thân yêu ơi, mọi lời cũng không thể lột tả hết cú đánh này giáng xuống chúng ta. Con ước hàng trăm lần mong cho những người tốt hơn con, cho tất cả chúng ta rằng con được thế vào vị trí em. Tiếc rằng, thực tế đã khác. Vết thương này sẽ không bao giờ là, mà nó vẫn đang ở ngưỡng cửa cuộc đờ"
— Trích thư Lola Ribar gửi cha báo tin Jurica qua đời.
Tin Jurica hy sinh bay nhanh về Bộ chỉ huy tối cao, anh trai Lola Ribar nhận tin khi đang ở Jajce. Vốn ngay trước đó đã có đặc lệnh yêu cầu Jurica đến Jajce với nhiệm vụ thu hút thanh niên cho Phong trào Giải phóng dân tộc. Nhưng Jurica không muốn rời lữ đoàn khi tất cả đang quyết tâm đánh Četnik bảo vệ Kolašin. Bên cạnh đó, vào tháng 12 năm 1942, sau Đại hội Thanh niên chống phát xít Nam Tư lần thứ nhất tại Bihać, Lola Ribar tỏ ý muốn điều em mình về Ủy ban Trung ương SKOJ để chuyên tâm công tác thanh niên. Nhưng Jurica đã từ chối vì không muốn rời đồng đội đang chiến đấu. Tin Juriča hy sinh ảnh hưởng mạnh đến Lola, anh phải giấu không cho cha biết. Ngày 24 tháng 11 năm 1943, khi chuẩn bị lên đường tới Cairo với tư cách dẫn đầu phái đoàn quân sự NOVJ đầu tiên tới Bộ Tư lệnh Đồng minh ở Trung Đông, Lola mới viết thư cho cha báo tin Jurica đã hy sinh. Vì không thể tự chuyển thư, Lola gửi lại nhờ Josip Broz Tito đưa cho cho Ivan Ribar sau khi mình lên đường. Ngày 27 tháng 11 năm 1943, trong quá trình cất cánh từ Glamočki polje đến điểm trung chuyển Bari, máy bay chở Lola bị phi cơ Đức tấn công. Lola Ribar và một số đồng chí hy sinh. Ngày 30 tháng 11, ngay sau khi bế mạc phiên họp thứ hai của AVNOJ, trước sự chứng kiến của Ivan Milutinović, Tito báo tin Lola hy sinh cho Ivan Ribar. Nhận ra Ivan cũng chưa hề hay biết, Tito cũng báo tin Jurica đã hy sinh trước đó. Ngay sau đó, Tito gửi thư tới chỉ huy Sư đoàn xung kích số 2 Peko Dapčević yêu cầu trông giữ hài cốt Jurica Ribar để có thể cải táng sang nơi khác theo nguyện vọng gia đình sau chiến tranh.
Bà mẹ Tonica Ribar khi ấy cùng con gái Bozena chạy trốn tới các làng Srem gần Zemun. Họ dùng tên giả "Dì Vida" và "Branka" trong vùng chiếm đóng. Hai người bị giấu không được báo tin người thân hy sinh. Phải đến khi ở Jakov, bà nghe Đài Nam Tư tự do mới hay tin Lola đã chết, nhưng vẫn không biết về Jurica. Tháng 7 năm 1944, Volksdeutsche từ Ruma đã phong tỏa làng Kupinovo và đưa tất cả dân làng đến nhà thờ để thẩm vấn. Một người đã khai rằng Tonica là yếu nhân trong Phong trào Giải phóng Dân tộc (NOP). Đau khổ vì cái chết của con trai, Tonica không chịu cung khai danh tính thực sự của mình và bị bắn chết. Chỉ sau khi bắn, quân Đức mới biết bà là vợ chủ tịch AVNOJ nên đã đưa con gái Božena vào trại tập trung.
Tháng 4 năm 1945, ngay trước khi chiến tranh kết thúc, tiến sĩ Ivan Ribar đến Montenegro và nhân cơ hội đến thăm mộ con mình Jurica. Sau tháng 3 năm 1948, hài cốt Lola Ribar được chuyển từ Jajce đến Beograd và được an táng chung với Ivan Milutinović trong Lăng mộ Anh hùng Dân tộc ở Kalemegdan. Ivan Ribar cũng quyết định chuyển hài cốt Jurica về Beograd. Đầu tháng 11 năm 1949, Thượng tá Tổng cục An ninh Nhà nước Petar Vojvodić tổ chức khai quật và chuyển hài cốt Jurica về Titograd rồi đi tiếp tới Beograd. Tang lễ được tổ chức ngày 12 tháng 11 năm 1949 tại Nghĩa trang Mới, Jurica được an táng cùng mẹ Tonica (chị gái cùng mẹ khác cha Bozena Badnjević cũng được chôn tại đây vào năm 1977). Các đồng đội thời chiến từ từ Lữ đoàn vô sản số 4, thành viên Hiệp hội Nghệ sĩ Mỹ thuật Serbia (ULUS), đại diện Hiệp hội Chiến sĩ NOR, đại diện Đoàn Thanh niên Dân tộc Serbia và Nam Tư cùng nhiều đoàn thể khác tham gia tang lễ. Sĩ quan quân đội Nam Tư Aco Nikolić, cựu lãnh đạo Skojev trong Lữ đoàn vô sản số 4 thay mặt đồng đội nói lời vĩnh biệt với Jurica.
Ngày 5 tháng 4 năm 1945, nhân kỷ niệm 4 năm bắt đầu Chiến tranh thế giới thứ hai ở Nam Tư, tại Beograd đã diễn ra triển lãm tưởng niệm các họa sĩ hy sinh trong Chiến tranh Giải phóng dân tộc (NOR), trong đó có các tác phẩm còn lưu giữ được của Jurica Ribar. Những tác phẩm này về sau được trưng bày tại Moskva tại triển lãm nghệ thuật dân tộc Nam Tư thế kỷ 19 và 20. Năm 1953, các tranh của Jurica lại có mặt trong triển lãm kỷ niệm ở Phòng trưng bày của Hiệp hội Họa sĩ Serbia rồi đi Novi Sad, Zagreb, Skopje và Banja Luka. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập Đảng Cộng sản Nam Tư (SKJ) năm 1959, Bảo tàng Quốc gia Beograd tổ chức triển lãm về năm họa sĩ hy sinh trong Thế chiến II là Sava Šumanović, Bora Baruh, Dušan Vlajić, Bogdan Šuput và Jurica Ribar. Tháng 5 năm 1965, nhân kỷ niệm 20 năm giải phóng Zagreb, Phòng trưng bày LIKUM diễn ra triển lãm tưởng niệm Jurica Ribar, sau đó có triển lãm tương tự tại Osijek. Năm 1983, nhân kỷ niệm 40 năm ngày mất Jurica Ribar, Đại học Lao động Moša Pijade ở Zagreb cũng triển lãm tranh ông, nằm trong chuỗi sự kiện "Những ngày Moša".
Vào thời Cộng hòa Liên bang Xã hội chủ nghĩa Nam Tư (SFRJ), Lola Ribar được coi là anh hùng dân tộc. Với vai trò lãnh đạo Đoàn Thanh niên Cộng sản Nam Tư, Lola được đánh giá cao là nhà cách mạng thanh niên chống phát xít. Nhiều đường phố và quảng trường, trường tiểu học, hiệp hội thanh niên, đoàn thanh niên và nhiều tổ chức mang tên Lola Ribar. Bên cạnh các sự kiện tưởng niệm Lola Ribar cũng lồng ghép Jurica Ribar là họa sĩ trẻ và nhà cách mạng, nên cũng được đặt tên cho một số đường phố và tổ chức thanh niên. Nhưng cái tên tưởng niệm chung phổ biến nhất là Braća Ribar (Anh em Ribar). Trường tiểu học Vua Petar Đệ nhất được đổi tên Braća Ribar trong giai đoạn 1952-1993. Các trường khác mang tên Braća Ribar như ở Zagreb (1960-1992, nay là Trường tiểu học Horvati), Virovitica (1974-1992, nay là Trường tiểu học Ivane Brlić Mažuranić), Osijek (1964-1992, nay là Trường tiểu học Franje Krežme), Tuzla (từ 1960 là Trường tiểu học Ivo Lola Ribar rồi đổi thành Braća Ribar cho đến 1993, nay là Trường tiểu học Novi grad). Các trường vẫn mang tên Braće Ribar là ở Nikšić (từ năm 1964), Sisak (1962); Zaton, gần Bijelo Polje; Donja Borina, gần Mali Zvornik (1996); Posedarje, gần Zadar và Tabanovac gần Kumanovo. Một số đường phố tại Čukarica ở Beograd, Veliki Crljeni, Vrčin, Lazarevac, Paraćin, Ralja và Podgorica mang tên Braća Ribar. Riêng tên Jurica Ribar được đặt cho đường phố tại Beograd, Vranje, Kragujevac và Kraljevo. |
Đặng Thanh Ngân (sinh ngày 3 tháng 9 năm 1999) là một Á hậu, người mẫu người Việt Nam. Cô từng đạt được thành tích Á hậu 2 Hoa hậu Đại dương Việt Nam 2017. Cô được chỉ định làm đại diện Việt Nam tại Hoa hậu Siêu quốc gia 2023 và xuất sắc đạt được danh hiệu Á hậu 4 của cuộc thi.
Đặng Thanh Ngân sinh ngày 3 tháng 9 năm 1999 tại Sóc Trăng, cô từng theo học tại trường Đại học Cần Thơ nhưng cô đã tạm gác lại. Ngoài ra, cô từng tham gia khóa đào tạo diễn viên sân khấu chuyên nghiệp tại sân khấu kịch Hồng Vân. Cô từng đăng quang danh vị Hoa khôi Sinh viên Thanh lịch TP Cần Thơ 2017.
Hoa hậu Đại dương Việt Nam 2017.
Thanh Ngân lần đầu tham gia cuộc thi sắc đẹp vào năm 2017 với cuộc thi Hoa hậu Đại dương Việt Nam 2017. Vào đêm chung kết cô đã đăng quang với vị trí Á hậu 2.
Cô từng đoạt giải Ngôi sao danh vọng Leading Star 2018. Với đam mê học kịch, cô đã tham gia vào một khóa đào tạo diễn viên sân khấu chuyên nghiệp tại sân khấu kịch Hồng Vân. Năm 2022, cô đã có cho mình vai diễn kịch đầu tiên.
Hoa hậu Siêu quốc gia 2023.
Năm 2023, cô được thông báo bổ nhiệm thành đại diện Việt Nam tại Hoa hậu Siêu quốc gia được tổ chức tại Ba Lan vào ngày 14 tháng 7 năm 2023. Vào đêm chung kết của cuộc thi, cô đã đạt được danh hiệu Á hậu 4 cùng giải phụ Supra Fan-Vote.
Đây là một đổi hướng từ một trang đó đã được . Trang này được giữ lại dưới dạng một trang đổi hướng để tránh phá vỡ các liên kết, cả bên trong và bên ngoài, có thể đã được liên kết tới tên trang cũ. |
Eremogone ali-gulii là loài thực vật có hoa thuộc họ Cẩm chướng. Loài này được Murat Koç và Ergin Hamzaoğlu mô tả khoa học đầu tiên năm 2016.
Tính từ định danh "ali-gulii" là để vinh danh nhà thủy sinh vật học người Thổ Nhĩ Kỳ là Ali Gül ở Đại học Gazi, Ankara.
Mẫu định danh "Koç Hamzaoğlu 1723", thu thập ngày 24-6-2014 ở cao độ 2.150 m trên các sườn dốc đá serpentine, tọa độ #đổi , núi Kop, nằm giữa Bayburt và Aşkale trong tỉnh Erzurum, Thổ Nhĩ Kỳ. Mẫu holotype lưu giữ tại Đại học Ankara (ANK), các mẫu isotype lưu giữ tại phòng mẫu cây Đại học Bozok, Đại học Ankara (ANK) và Đại học Ganzi (GAZI).
Cây thân thảo sống lâu năm, mọc thành búi. Thân thẳng đứng hoặc hướng lên, dài 10–18 cm và đường kính 0,7–0,9 mm, nhẵn nhụi ở phần dưới, có lông tuyến ở phần trên. Các lá trên nơ lá dạng lông cứng, 1,5–2,5 cm, tụ thành chùm; các lá trên thân thẳng-dạng lông cứng, 0,6–15 × 0,5–0,8 mm, nhẵn, nhẵn nhụi, 3–5 cặp, đỉnh nhọn đến nhọn thon, bẹ lá dạng màng, 0,1–0,2 mm, nhẵn nhụi. Lá bắc thuôn dài-hình mác, 2,5–5 × 0,8–1,2 mm, có lông tuyến, 3 gân mờ, đỉnh nhọn đến nhọn thon. Cụm hoa thường ở đầu cành, 3–10 hoa, là chùy hoa, các cuống cụm hoa và cuống hoa từ thưa đến dày lông tuyến; lá bắc thuôn dài-hình mác, 4–6 × 0,5–0,8 mm, đỉnh dạng lông cứng-nhọn thon, mép khô xác không trải dài đến tận chóp ngọn; cuống dài 1–4 mm. Lá đài thuôn dài-hình mác, 2,8–4,5 × 1,2–1,7 mm, nhẵn nhụi, gân mờ, màng ở đáy, khô xác ở trên, đỉnh tù tới nhọn; cánh hoa màu trắng, thẳng-thuôn dài, 3–5 × 0,8–1,2 mm, dài hơn lá đài một chút, đỉnh tù tới nhọn; nhị hoa 10, chỉ nhị dài 2–3,5 mm; vòi nhụy 3, thẳng đứng ít hay nhiều, dài 1,5–2 mm; các tuyến nhị chia nhánh đôi và sâu, xuất hiện như là 10 tuyến, khác biệt, so le với các nhị hoa. Quả nang 2,5–4 × 0,8–1,2 mm, hình trứng đến thuôn dài-hình trứng, nhẵn nhụi, mở bởi 6 răng cong, chứa vài hạt. Hạt dài 1,9–2,4 mm, thuôn dài, có mấu ở gờ mép và hai bên với các mấu thấp, thuôn dài, màu đen đến nâu sẫm. Ra hoa tháng 6-7.
Loài bản địa đông bắc Thổ Nhĩ Kỳ. |
Công quốc Brittany (tiếng Latin: "Britannia Ducatus"; tiếng Breton: "Dugelezh Breizh"; tiếng Pháp: "Duché de Bretagne") là một quốc gia phong kiến thời trung cổ tồn tại từ khoảng năm 939 đến năm 1547. Lãnh thổ của nó bao phủ toàn bộ bán đảo Brittany, giáp với Đại Tây Dương ở phía Tây và Eo biển Anh ở phía Bắc. Nó cũng tiếp giáp một đoạn ngắn với sông Loire ở phía Nam, Normandy và các tỉnh khác của Pháp ở phía Đông. Công quốc được thành lập sau khi quân đội Người Viking bị trục xuất khỏi khu vực vào khoảng năm 939. Vào thế kỷ thứ X và XI, công quốc không ổn định về chính trị, với các công tước chỉ nắm giữ quyền lực hạn chế bên ngoài vùng đất cá nhân của họ. Công quốc có mối quan hệ hỗn hợp với Công quốc Normandy láng giềng, đôi khi liên minh với Normandy, và vào những thời điểm khác, chẳng hạn như Chiến tranh Breton-Norman, dẫn đến xung đột công khai.
Henry II của Anh đã xâm lược Brittany vào giữa thế kỷ XII và trở thành Bá tước xứ Nantes vào năm 1158 theo một hiệp ước với Công tước Conan IV của Brittany. Con trai của Henry là Vương tử Geoffrey, trở thành Công tước sau cuộc hôn nhân với Constance, Nữ công tước xứ Brittany. Các Vua Angevin của Anh vẫn nắm quyền kiểm soát cho đến khi đế chế của họ ở miền Bắc nước Pháp sụp đổ vào năm 1204. Hoàng gia Pháp duy trì ảnh hưởng của mình đối với Công quốc trong phần còn lại của thế kỷ XIII. Các dòng tu được hỗ trợ bởi tầng lớp quý tộc Breton đã lan rộng khắp Công quốc vào thế kỷ XI và XII, và vào thế kỷ XIII, dòng hành khất đầu tiên đã thành lập tại các thị trấn lớn của Brittany. Nội chiến nổ ra vào thế kỷ XIV, khi các đối thủ tranh giành Công quốc đã tiến hành đấu đá nhau trong Chiến tranh Kế vị Breton, với các phe phái khác nhau được Anh và Pháp ủng hộ.
Chủ quyền và độc lập của Công quốc bắt đầu chấm dứt sau cái chết của Francis II, Công tước xứ Brittany vào năm 1488. Công quốc được thừa kế bởi con gái của ông là Công nữ Anne, nhưng Vua Charles VIII của Pháp đã hủy bỏ cuộc hôn nhân hiện tại Anne và sau đó tự mình kết hôn với cô ấy. Kết quả là, Vua Pháp đã có được tước hiệu Công tước xứ Brittany – "jure uxoris". Vương miện của Công tước được hợp nhất với vương miện của Pháp vào năm 1532 thông qua một cuộc bỏ phiếu của Điền trang Brittany, sau cái chết của Vương hậu Claude của Pháp, nữ công tước có chủ quyền cuối cùng. Các con trai của bà là Francis III, Công tước xứ Brittany và sau đó là Henry II của Pháp trong mọi trường hợp sẽ tạo ra một liên minh cá nhân sau cái chết của cha họ.
Sau Cách mạng Pháp, và là kết quả của các hình thức chính phủ cộng hòa khác nhau của Pháp kể từ năm 1792, công quốc được thay thế bằng hệ thống các "département" (hoặc các tỉnh) của Pháp tiếp tục tồn tại dưới thời Cộng hòa thứ năm của Pháp. Trong thời hiện đại, các "département" cũng đã tham gia vào các Vùng hành chính mặc dù Vùng hành chính của Brittany không bao gồm toàn bộ công quốc thời trung cổ.
Công quốc Brittany nổi lên vào đầu thế kỷ thứ X, chịu ảnh hưởng của một số chính thể trước đó. Trước khi Đế chế La Mã bành trướng vào khu vực này, các bộ lạc Gallic đã chiếm bán đảo Armorica, chia bán đảo này thành 5 khu vực, sau đó hình thành cơ sở cho chính quyền La Mã đối với khu vực này và tồn tại cho đến thời kỳ Công quốc. Những bộ lạc Gallic này – được gọi là Armorici trong tiếng Latinh – có mối quan hệ chặt chẽ với các bộ lạc Britonnes ở Anh thuộc La Mã. Giữa cuối thế kỷ thứ IV và đầu thế kỷ thứ VII, nhiều người Anh trong số này đã di cư đến bán đảo Armorica, hòa nhập với người dân địa phương để tạo thành những người Anh sau này, những người cuối cùng trở thành người Breton. Lý do cho những cuộc di cư này vẫn chưa chắc chắn. Những cuộc di cư từ Anh này đã góp phần tạo nên tên gọi của Brittany.
Brittany bị chia cắt thành các vương quốc nhỏ, đầy xung đột, các vương quốc tranh giành tài nguyên. Đế chế Carolingian của người Frank đã chinh phục khu vực này trong thế kỷ thứ VIII, bắt đầu từ khoảng năm 748, chiếm toàn bộ Brittany vào năm 799. Người Carolingian đã cố gắng tạo ra một chính quyền đơn nhất xung quanh các trung tâm Rennes, Nantes và Vannes bằng cách sử dụng những người cai trị bản địa, nhưng quyền kiểm soát của các vị vua Brittany đối với khu vực này vẫn rất mong manh. Công nghệ và văn hóa Carolingian bắt đầu ảnh hưởng đến Brittany, và nhà thờ ở Brittany cũng bắt đầu mô phỏng theo mô hình của người Frank.
Tuy nhiên, ảnh hưởng lớn nhất đối với Công quốc sau này là sự hình thành một vương quốc Brittany đơn nhất vào thế kỷ thứ IX. Năm 831, Louis Mộ đạo bổ nhiệm Nominoe, Bá tước xứ Vannes, người cai trị Breton, sứ thần của lãnh chúa ("Missus dominicus"), tại Ingelheim vào năm 831. Sau cái chết của Louis vào năm 840, Nominoe đứng lên thách thức vị hoàng đế mới, Charles Hói, được khuyến khích một phần bởi các cuộc tấn công mới của người Viking vào đế chế. Charles Hói đã tạo ra Phiên hầu quốc Neustria để bảo vệ Tây Francia khỏi Breton và Viking. Erispoe đã chiến đấu với Charles the Bald, người cảm thấy rằng một cuộc tấn công nhanh chóng sẽ thách thức thành công nhà lãnh đạo mới của Breton. Erispoe đã giành được chiến thắng trong Trận Jengland và theo Hiệp ước Angers năm 851, nền độc lập của Brittany đã được đảm bảo.
Vương quốc mới được thành lập tỏ ra mong manh và sụp đổ nhanh chóng trước sự tấn công của người Viking. Năm 853, tàu Viking Godfried rời sông Seine cùng hạm đội của mình, đi vòng quanh bán đảo Breton và cướp phá Nantes. Erispoe liên minh với thủ lĩnh của một hạm đội Viking khác, Sidroc, người đã phản bội ông, dẫn đến việc Erispoe thất bại dưới tay người Viking. Một Erispoe đã suy yếu, tiếp tục cai trị cho đến năm 857, khi ông bị ám sát và sau đó người cai trị Breton tiếp theo cũng là người anh em họ và đối thủ của ông, Salomon, Bá tước xứ Rennes và Nantes. Các cuộc đột kích của người Viking vẫn tiếp tục. Alan I đã đánh bại thành công một làn sóng người Viking vào khoảng năm 900, mở rộng vương quốc để bao gồm không chỉ các lãnh thổ của người Breton là Tử quốc Léon, Domnonée, Cornouaille và Vannetais, mà còn cả các bá quốc của người Frank là Bá quốc Rennes, Bá quốc Nantes, Coutances và Avranches, cũng như các phần phía Tây của Poitou và Bá quốc Anjou.#đổi Thành công quân sự của Alan I cần có trong thời kỳ hòa bình khỏi các cuộc xâm lược của người Viking và một số cuộc tấn công của người Viking đã được ghi nhận từ năm 900 đến năm 907.
Sau cái chết của Alan I vào năm 907, Brittany một lần nữa bị người Viking tràn ngập. Fulk Đỏ, Bá tước xứ Anjou, được cho là đã chiếm đóng Nantes từ năm 907 đến năm 919 khi ông giao nó cho những người Viking xâm lược. Năm 919, hạm đội Rognvaldr vĩ đại của người Viking đổ bộ vào Nantes, nhanh chóng thống trị khu vực. Cuộc xâm lược này đã đẩy nhanh cuộc di cư của người Breton, bao gồm cả cuộc di cư của machtierns, "các quan chức cha truyền con nối địa phương mà chính quyền dân sự phụ thuộc vào". Trong số những người tị nạn có Mathuedoï, Bá tước xứ Poher, và con trai ông ta Alan Barbetorte, cháu trai của Alan I; họ trốn sang Anh và sống lưu vong trong triều đình của Edward trưởng giả và con trai và người kế vị của Edward là Æthelstan. Người Viking chiếm đóng Brittany kéo dài đến khoảng năm 936. Lịch sử ghi lại rất ít về thời kỳ này cho đến khi Alan Barbetorte trở lại vào năm 937 để trục xuất người Viking và thiết lập lại một phiên bản của vương quốc Carolingian trước đây.
Phần phía Bắc và phía Tây của lãnh thổ công quốc dựa vào nền kinh tế nông nghiệp mục vụ; vùng Đông Nam được hưởng thời tiết ấm áp hơn và tiến hành canh tác chăn nuôi và trồng trọt hỗn hợp, dựa trên các khu điền trang nhỏ. Khu vực này có một nền kinh tế hàng hải mạnh mẽ và đa dạng bao gồm các cảng thương mại và đánh cá. Vào thời của Công quốc, nhiều loại tiền tệ đã xuất hiện và các Công tước xứ Brittany đôi khi đúc tiền của riêng họ. Vàng và bạc cũng được sử dụng để trao đổi.
Vai trò của Giáo hội Công giáo.
Công quốc bị ảnh hưởng bởi sự phát triển của các dòng tu lớn sau những Cải cách Gregory vào thế kỷ XI. Được hỗ trợ bởi tầng lớp quý tộc Breton, các nhà thờ và tu viện mới được xây dựng và việc quản lý Giáo hội trở nên tích cực hơn. Vào thế kỷ XIII, các dòng khất sĩ mới lan rộng khắp các thị trấn của Công quốc, một lần nữa với sự hỗ trợ của các lãnh chúa kiểm soát các trung tâm đô thị. Những mệnh lệnh khất thực này rất phổ biến và trở nên phổ biến hơn vào thế kỷ XV. Di tích của các vị thánh địa phương vẫn còn phổ biến, nhưng di tích gắn liền với các nhân vật Công giáo tối cao như Đức mẹ đồng trinh Mary và John Tông đồ ngày càng trở nên phổ biến trong thế kỷ XIII và XIV.
Công quốc hình thành vào thế kỷ thứ X và XI là một xã hội phong kiến, với luật lệ và phong tục được điều hành thông qua hệ thống phân cấp của các lãnh chúa Breton, từ vô số người nắm giữ các lâu đài địa phương cho đến một số ít bá tước và Công tước ở các trung tâm đô thị. Sự phụ thuộc vào số lượng lớn các lãnh chúa địa phương này là một sự đoạn tuyệt với các chính thể Celtic và Carolingian trước đây trong khu vực. Tầng lớp quý tộc ở Breton, như các nhà sử học Galliou và Jones đã mô tả, "bảo thủ và ngoan cường" trong quan điểm của họ, nhưng chịu ảnh hưởng nặng nề của xã hội và văn hóa Pháp, đôi khi tạo ra căng thẳng với các truyền thống và phong tục địa phương lâu đời hơn.
Công quốc Brittany nổi lên sau khi Alan Barbetorte trở về vùng này từ Anh vào năm 936. Barbetorte tuyên bố sở hữu tước hiệu Bá tước xứ Cornouaille và Nantes, đồng thời với bản thân lấy hiệu là Alan II, trị vì với tư cách là Công quốc Brittany mới ("Brittonum dux."). Sử dụng một mạng lưới các thị trấn nhỏ được bảo vệ và các địa điểm tu viện, Alan đã đẩy lùi các bước tiến của người Viking. Vào ngày 1 tháng 8 năm 939, với sự trợ giúp của Judicael Berengar, Bá tước xứ Rennes và Hugh I, Bá tước xứ Maine, ông đã đánh bại người Viking trong Trận Trans-la-Forêt, hoàn thành việc trục xuất họ khỏi Brittany. Công quốc của Alan nhỏ hơn Vương quốc Brittany trước đây, vì mặc dù giành được Magues và Tiffauges ở phía Nam, các công tước không còn cai trị các vùng Bán đảo Cotentin, Avranchin và Mayenne. Alan tỏ lòng tôn kính Louis IV của Pháp vào năm 942. Bất chấp một số ảnh hưởng của người Celt lâu đời hơn, công quốc mới về nhiều mặt tương tự như các quốc gia hậu Carolingian khác hình thành trên khắp khu vực. Trong những thập kỷ tới, một mạng lưới các lãnh chúa địa phương hùng mạnh đã nổi lên khắp Brittany, chiếm giữ các Lâu đài Motte và bailey và có lòng trung thành phong kiến lỏng lẻo đối với công tước. Miền Đông Brittany là nơi thay đổi đầu tiên, nhưng các tập tục này đã lan rộng trong 50 năm tiếp theo đến các vùng xa xôi hơn ở phía Bắc và Tây Nam.
Alan II cũng liên minh với Theobald I, Bá tước xứ Blois. Alan II đã kết hôn với em gái của Theobald là Adelaide, khiến Theobald có ảnh hưởng đến tận Rennes. Tuy nhiên, cái chết của Alan II đã để lại một khoảng trống ở Brittany khiến nó dễ bị xâm lấn bởi người Norman hoặc người Angevins. Đến lượt Fulk II, Bá tước xứ Anjou mới góa vợ, đồng minh của Theobald, kết hôn với góa phụ của Alan II. Sau khi ông qua đời, Alan II được kế vị bởi con trai ông là Công tử Drogo. Quy tắc của Drogo đặt tiền lệ cho vai trò nhiếp chính trong thời kỳ người thừa kế công tước còn nhỏ. Trong suốt triều đại của mình, Drogo nằm dưới quyền nhiếp chính chung của chú mình là Bá tước xứ Blois, Theobald I (người đã giao quyền quản lý công quốc cho Wicohen, Tổng giám mục Dol, và Bá tước xứ Rennes Juhel Berengar làm quản lý), và cha dượng của ông, Fulk II, Bá tước xứ Anjou.
Dưới thời Drogo, công quốc tiếp tục trải qua bất ổn chính trị và ông không thể duy trì đường lối cai trị của mình. Drogo qua đời vào năm 958. Hai trong số những người con ngoài giá thú của Alan II, Hoël và Guerich, đã cố gắng nắm giữ quyền Bá tước xứ Nantes và bảo vệ yêu sách của họ đối ngai vàng của công quốc nhưng cuối cùng không thành công. Năm 990, con trai của Juhel Berengar là Conan I xứ Rennes, cháu trai của Pascweten, trở thành Công tước và tước hiệu được chuyển cho Nhà Rennes. Conan I cai trị chỉ trong 2 năm và chết khi chiến đấu chống lại anh rể Fulk III, Bá tước xứ Anjou trong Trận Chinh phục vào ngày 27 tháng 6 năm 992. Con trai cả của ông là Geoffrey I, kế vị ông. Blois đe dọa quyền kế vị của Conan. Công tước Geoffrey I, một thành viên của Nhà Nantes, đã tham gia vào một liên minh triều đại với Richard II, Công tước xứ Normandy trong một cuộc hôn nhân ngoại giao giữa hai nhà. Các nghi lễ kết hôn do nhà thờ chấp thuận được tổ chức tại Mont-Saint-Michel. Geoffrey I kết hôn với Hawise xứ Normandy, em gái của Richard II; và Richard II kết hôn với Judith xứ Brittany, em gái của Geoffrey I và là con gái của Conan I. |
Jonathan Jacob Meijer (1981/1982) là một nghệ sĩ người Hà Lan và một người hiến tinh trùng, hiện đang sinh sống tại Kenya vào năm 2023. Cho đến tháng 4 năm 2023, ước tính anh đã là cha đẻ của từ 500 đến 600 đứa trẻ.
Hiến tặng tinh trùng.
Meijer bắt đầu hiến tinh trùng từ năm 2007.
Năm 2017, Meijer bị cấm hiến tinh trùng cho các phòng khám Hà Lan sau khi Hội đồng Sản khoa và Phụ khoa Hà Lan tiết lộ anh là cha của hơn 100 đứa trẻ tại 11 phòng khám khác nhau. Quỹ Trẻ em Sinh ra từ Người hiến tinh trùng Hà Lan xác định rằng, ngoài 102 đứa trẻ được sinh ra từ các phòng khám, ít nhất 80 đứa trẻ khác ở Hà Lan cũng là con của anh thông qua các thỏa thuận riêng tư.
Sau khi bị cấm ở Hà Lan, Meijer tiếp tục hiến tinh trùng cho các phòng khám quốc tế như Cryos International, cũng như các trang web tư nhân.
Năm 2023, Tổ chức Donorkind đã khởi kiện Meijer, yêu cầu hành động từ tòa án do lo ngại về việc các em bé có thể không biết mình có quan hệ huyết thống với nhau và vi phạm giới hạn 25 đứa trẻ của Hà Lan. Bào chữa của Meijer cho rằng anh ta chỉ muốn giúp đỡ cho những cặp vợ chồng vô sinh, và một quyết định chống lại anh ta sẽ tương đương với sự cắt bỏ bộ phận sinh dục. Meijer cho biết trước tòa rằng hiện tại anh chỉ hiến tặng tinh trùng cho các bậc cha mẹ đã sinh được một đứa con với anh. Vào tháng 4 năm 2023, tòa án Hà Lan đã ra lệnh cho Meijer dừng việc hiến tặng tinh trùng và áp đặt một khoản phạt 100.000 Euro cho mỗi hành vi vi phạm trong tương lai. Ngoài ra, tòa cũng yêu cầu Meijer yêu cầu phá hủy tinh trùng được lưu trữ bởi các phòng khám, trừ khi chúng được giữ dành cho cha mẹ của trẻ em được thụ thai bởi tinh trùng của anh. Tòa án đã xác định rằng Meijer đã "cố ý cung cấp thông tin sai lệch" về số lượng trẻ em mà anh đã là cha đẻ cho các người nhận tặng tinh trùng. Tòa án nhận thấy rằng điều này đã tạo ra một "mạng lưới họ hàng lớn, với hàng trăm anh em ruột bán thân" và rằng "điều này có khả năng gây ra tổn thương tâm lý đủ mạnh" cho trẻ em. |
Iida Jumpei (飯田 淳平 (Phạn Điền Thuần Bình), "Iida Junpei", sinh ngày 14 tháng 8 năm 1981 tại Odawara, Kanagawa) là một trọng tài bóng đá người Nhật Bản. Ông đã cầm còi trong nhiều giải đấu quốc tế, bao gồm Cúp bóng đá Đông Á và Cúp AFC. Ông cũng thường xuyên bắt chính các trận đấu tại J. League. Năm 2012, ông từng làm nhiệm vụ tại FA Cup và Professional Development League ở Anh.
Ông đã lập kỷ lục thế giới về chiếc thẻ đỏ nhanh nhất trong một trận bóng chuyên nghiệp vào ngày 15 tháng 4 năm 2009, khi ông truất quyền thi đấu của trung vệ đội Tokyo Verdy Tomo Sugawara chỉ 9 giây sau khi bắt đầu trận cầu giữa Tokyo Verdy và Sagan Tosu.
Iida cũng cầm còi trong trận giao hữu trước mùa giải giữa Melbourne Victory và Liverpool tại sân vận động Melbourne Cricket Ground năm 2013 trước sự chứng kiến của hơn 95.000 khán giả.
Ông từng làm nhiệm vụ trong nhiều trận đấu có các đội tuyển của Việt Nam thi đấu, ví dụ như trận thắng 1-0 của đội tuyển bóng đá Việt Nam trước UAE ở vòng loại thứ 2 World Cup 2022 khu vực châu Á diễn ra hôm 14/11/2019 hoặc trận chung kết lượt về AFF Cup 2022 giữa Thái Lan và Việt Nam ngày 16/01/2023. Ông Iida cũng từng bắt chính một số trận đấu quan trọng tại V-League. |
Cuộc đua xe đạp tranh Cúp truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh 2008
Cuộc đua xe đạp toàn quốc tranh Cúp truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh 2008 là cuộc đua lần thứ 20 của Cuộc đua xe đạp toàn quốc tranh Cúp truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh do Ban Thể dục - Thể thao, Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh và Tổng cục Thể dục - Thể thao Việt Nam phối hợp tổ chức, diễn ra từ ngày 12 tháng 4 đến ngày 30 tháng 4 năm 2008. Cuộc đua gồm 18 chặng, tổng lộ trình 2237 km, bắt đầu với chặng đua vòng quanh hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) và kết thúc tại Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh). Tổng cộng có 16 đội đua tham gia cuộc đua lần này, bao gồm 12 đội trong nước và 4 đội quốc tế.
Từ cuộc đua lần này, giải quay trở lại lộ trình trong nước. Lần đầu tiên, cuộc đua có lộ trình sang các tỉnh còn lại của Tây Nguyên như Gia Lai, Đắk Lắk.
Thông tin về Cuộc đua xe đạp toàn quốc tranh Cúp Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh 2008 được công bố vào đầu tháng 4 năm 2008 trong một cuộc họp báo trước khi khởi tranh giải. Theo kế hoạch ban đầu, Ban tổ chức sẽ tổ chức cuộc đua lần này qua ba nước Đông Dương để đánh dấu cột mốc 20 năm tổ chức cuộc đua, tuy nhiên về sau đã thay đổi thành lộ trình trong nước.Ban tổ chức đã công bố lộ trình cuộc đua với tổng lộ trình dài 2237 km.
Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh cho biết việc tổ chức này nhằm kỷ niệm 20 năm cuộc đua ra đời; đồng thời hướng tới kỷ niệm 33 năm ngày Giải phóng miền Nam - Thống nhất đất nước, 122 năm ngày Quốc tế Lao động, 118 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Danh sách tham dự.
Cuộc đua lần thứ 20 quy tụ các đội đua:templatestyles src="Div col/"/
Các chặng đua được truyền hình trực tiếp trên các kênh HTV9, VTV3 và HTV2. |
Lễ Thượng điền là một trong những lễ hội nông nghiệp truyền thống một số nước nông nghiệp Châu Á, được tổ chức vào thời điểm mà người dân đã hoàn thành vụ mùa và chuẩn bị cho vụ mùa mới. Theo tín ngưỡng dân gian, đây là một nghi thức tâm linh quan trọng để người nông dân bày tỏ lòng biết ơn đến Thần Nông và các thánh vị đã ban phước cho vụ mùa và cầu mong mùa màng bội thu trong năm tới. Chữ Thượng trong lễ Thượng điền mang ý nghĩa là bước lên khỏi ruộng, kết thúc một mùa vụ. Lễ Thượng điền còn được coi là cơ hội để người dân tri ân ông bà tổ tiên và các thế hệ đi trước đã cống hiến cho đất nước và cho cộng đồng. Nó cũng là dịp để chuyển giao văn hóa và truyền thống cho thế hệ sau. |
Trong lý thuyết số, một nhánh của toán học, giả thuyết Dickson là một giả thuyết được phát biểu bởi nhà toán học #đổi như sau: cho tập hữu hạn các dạng tuyến tính (các đa thức bậc một) "a"1 + "b"1"n", "a"2 + "b"2"n", ..., "a""k" + "b""k""n" thỏa mãn "b""i" ≥ 1 với mọi "i", có vô số số nguyên n sao cho các giá trị của chúng đều là số nguyên tố, trừ khi có điều kiện đồng dư ngăn nó . Trường hợp "k" = 1 là định lý Dirichlet.
Có hai trường hợp đặc biệt hiện đang được quan tâm tới: liệu có vô số số nguyên tố sinh đôi ("n" và 2 + "n" đều là số nguyên tố), và liệu có vô số số nguyên tố Sophie Germain ("n" và 1 + 2"n" đều là nguyên tố).
Giả thuyết Dickson mở rộng thêm bằng phỏng đoán H của Schinzel.
Giả thuyết Dickson tổng quát.
Cho "n" đa thức có bậc dương và hệ số nguyên ("n" là số tự nhiên tùy ý) trong đó mỗi đa thức đều thỏa mãn ba điều kiện nằm trong giả thuyết Bunyakovsky, và cho bất kỳ số nguyên tố "p", tồn tại số nguyên "x" sao cho giá trị của tất cả "n" đa thức tại "x" đều không chia hết cho "p", khi đó, có vô số số nguyên dương "x" sao cho các giá trị của "n" đa thức đó tại "x" đều là số nguyên tố. Lấy ví dụ, nếu đa thức đúng thì sẽ có vô số số nguyên dương "x" sao cho "x"2 + 1, 3"x" - 1, và "x"2 + "x" + 53 đều là số nguyên tố. Khi các đa thức đều có bậc 1 thì bài toán quay trở về giả thuyết Dickson gốc.
Giả thuyết này tổng quát này tương đương với giả thuyết Bunyakovsky tổng quát. |
Lễ Hạ điền là một lễ hội truyền thống mang tính đặc trưng của xã hội nông nghiệp ở một số nước châu Á, đặc biệt là ở Trung Quốc, Việt Nam, Campuchia, Thái L, bao gồm cả Thần Nông - vị thần của nông nghiệp. Tại lễ Hạ điền, người ta cầu nguyện cho một mùa vụ thuận lợi với mưa thuận gió hòa, con người khỏe mạnh, thạo việc và hạnh phúc. Chữ "Hạ" trong tên lễ hội có nghĩa là bước xuống ruộng, bắt đầu một vụ mùa mới.
Lễ Hạ điền gồm lễ cúng và lễ hội, thay đổi tùy theo quốc gia và khu vực. Lưu ý là Lễ Hạ điền khác với lễ Kỳ Yên, Lễ tịch điền dù nhiều hơi hay gom lại để tổ chức chung. |
A Đạt Lễ (chữ Hán: , #đổi , chuyển tả: Adali, 7 tháng 11 năm 1624 – 30 tháng 9 năm 1643) là một tông thất của triều đại nhà Thanh trong lịch sử Trung Quốc. Ông là tằng tôn của Nỗ Nhĩ Cáp Xích, từng được phong tước Đa La Quận vương nhưng vì âm mưu ủng hộ Đa Nhĩ Cổn lên ngôi mà bị cách tước và xử tử.
A Đạt Lễ hay một số tài liệu phiên âm thành A Đạt Lý (chữ Hán: ) họ Ái Tân Giác La, sinh giờ Sửu ngày 11 tháng 9 (âm lịch) năm Thiên Mệnh thứ 9 (1624), là con trai trưởng của Dĩnh Thân vương Tát Cáp Lân – con thứ ba của Lễ Thân vương Đại Thiện. Mẹ ông là Đích phúc tấn Nạp Lạt thị, con gái của Ô Lạp Bối lặc Bố Chiếm Thái.
Năm Sùng Đức đầu tiên (1636), Hoàng Thái Cực tiến hành phong tước vị lần đầu tiên sau khi lên ngôi hoàng đế trong đó có 7 tước vị Hòa Thạc Thân vương bao gồm Lễ Thân vương Đại Thiện, Duệ Thân vương Đa Nhĩ Cổn, Dự Thân vương Đa Đạc, Trịnh Thân vương Tế Nhĩ Cáp Lãng, Túc Thân vương Hào Cách, Dĩnh Thân vương Tát Cáp Lân và Thành Thân vương Nhạc Thác. Tuy nhiên Tát Cáp Lân đã qua đời vào đầu năm nên được truy phong tước thân vương, A Đạt Lễ được phong làm Dĩnh Quận vương. Đây là 7 tông thất có tước vị cao nhất trong suốt những năm Sùng Đức cho đến khi Hoàng Thái Cực qua đời.
Cũng như nhiều tông thất khác thời kỳ này, ông thường xuyên cùng đại quân nhà Thanh xuất quân chinh phạt ở nhiều nơi. Tháng 2 năm 1638, thiếu niên A Đạt Lễ chỉ vừa 15 tuổi lần đầu tiên theo Hoàng Thái Cực thảo phạt Khách Nhĩ Khách, Tra Khắc Đồ hãn của Khách Nhĩ Khách bỏ trốn. Tháng 5 hai năm sau lại cùng Tế Nhĩ Cáp Lãng đóng giữ ở Nghĩa Châu, nghênh đón Đa La Đặc bộ của Mông Cổ đến quy thuận, lại xuất quân đánh bại quân Minh tại Cẩm Châu và Tùng Sơn. Sau khi rút quân về triều, A Đạt Lễ được ban thưởng một con ngựa quý.
Năm 1641, A Đạt Lễ cùng đại quân nhà Thanh tham gia trận Tùng Cẩm. Ông theo Trịnh Thân vương Tế Nhĩ Cáp Lãng dẫn binh đóng quân ở thành Nghĩa Châu, vây khốn thành Cẩm Châu, buộc các Đài cát Mông Cổ trong thành Cẩm Châu như Nặc Mộc Tề, Ngô Ba phải đầu hàng. Tổng đốc Hồng Thừa Trù cùng Ngô Tam Quế dẫn theo 13 vạn đại quân tập kết tại Ninh Viễn, tiến quân cứu viện Cẩm Châu. Tháng 8, Hoàng Thái Cực cũng đích thân dẫn quân từ Thịnh Kinh đến, đánh chiếm khu vực giữa Tùng Sơn và Hạnh Sơn, chặt đứt đường lui của Hồng Thừa Trù, vây khốn quân đội nhà Minh ở Tùng Sơn. Ngô Tam Quế ở Hạnh Sơn bị quân Thanh truy kích, toàn quân gần như bị diệt. Chiến trận gần như ngả ngũ, Hoàng Thái Cực hồi kinh, lệnh Đa Đạc và A Đạt Lễ tiếp tục vây công.
A Đạt Lễ cùng các vương khác luân phiên vây thành Tùng Sơn, nhiều lần thắng trận, giết hơn 1400 người. Năm 1642, quân Minh tiếp tục gửi viện quân từ vùng duyên hải, quân Thanh nhanh chóng tiến đến áp sát dưới thành Tùng Sơn, tiêu diệt đoàn viện quân này. Thành bị vây khốn, lại hết quân lương, một phó tướng trong thành là Hạ Thừa Đức () xin quy thuận nhà Thanh, giúp quân Thanh thành công vào thành. A Đạt Lễ cùng Hào Cách, Đa Đạc và La Lạc Hoành dẫn quân đánh hạ thành Tùng Sơn. Tùng Sơn thất thủ, 3000 quân Minh đầu hàng, Hồng Thừa Trù cùng nhiều tướng lĩnh khác bị bắt sống. Khi luận công ban thưởng cho chiến thắng ở thành Tùng Sơn, A Đạt Lễ được ban thưởng một yên ngựa và 90 cuộn vải may Mãng phục. Tháng 7, A Đạt Lễ được giao nhiệm vụ quản lý Lễ bộ, đứng vào hàng nghị chính. Khi Bối lặc A Ba Thái dẫn quân thảo phạt Kế Châu, A Đạt Lễ cùng Đa Đạc nhận lệnh đóng quân tại Ninh Viễn để ngăn trở quân Minh.
Năm 1643, Hoàng Thái Cực qua đời, nội bộ hoàng tộc xuất hiện mâu thuẫn về người được chọn kế vị. Sau nhiều suy xét, Đa Nhĩ Cổn và Tế Nhĩ Cáp Lãng đã thống nhất việc lập Phúc Lâm lên ngôi, do hai người cùng nhau nhiếp chính. Nhưng một số tông thất không đồng tình với quyết định này. A Đạt Lễ cùng một người con trai khác của Đại Thiện là Thạc Thác ủng hộ Đa Nhĩ Cổn lên ngôi. Thạc Thác cùng anh trai Nhạc Thác vốn là con trai do nguyên phối của Đại Thiện sinh nhưng bị mẹ kế đối xử cay nghiệt. Sau khi Nỗ Nhĩ Cáp Xích biết chuyện đã chia Tương Hồng kỳ vốn do Đại Thiện quản lý cho hai anh em, Đại thiện chỉ giữ lại Chính Hồng kỳ. Ngoại trừ hai Hoàng kỳ vốn do Hoàng Thái Cực nắm giữ, hai Bạch kỳ là lực lượng của ba anh em A Tế Cách, Đa Nhĩ Cổn, Đa Đạc, chỉ còn là hai Hồng kỳ của nhà Đại Thiện, Chính Lam kỳ của Hào Cách và Tương Lam kỳ của Tế Nhĩ Cáp Lãng. Bác cháu Đa Đạt Lễ muốn dùng lực lượng của Tương Hồng kỳ ủng hộ Đa Nhĩ Cổn lên ngôi.
Chỉ 2 ngày sau khi Phúc Lâm được chọn làm người kế vị, Đại Thiện và Đa Nhĩ Cổn vạch trần sự kiện này, khép cả hai vào tội "nhiễu loạn quốc chính" rồi xử tử. Vợ của Thạc Thác và mẹ của A Đạt Lễ đều là con gái của Bố Chiếm Thái cũng bị cùng bị xử chết, gia sản bị tịch thu. Tuy nhiên, một số tài liệu đã chỉ ra nhiều điểm nghi vấn về tội danh "nhiễu loạn quốc chính" được gán cho A Đạt Lễ và Thạc Thác, cho rằng hai người chỉ là "vật hy sinh" trong cuộc chiến tranh giành quyền lực này. A Đạt Lễ bị xử tử vào ngày 18 tháng 8 (âm lịch) năm Sùng Đức thứ 8 (1643) khi chỉ mới 20 tuổi. Con trai duy nhất của ông là Đỗ Nhĩ Hồn () bị đoạt đi tư cách tông thất, mãi đến những năm Khang Hi mới được ban cho Hồng đái tử, khôi phục thân phận hoàng tộc. |
Động đất Tulbagh 1969
Động đất Tulbagh 1969 là trận động đất xảy ra vào lúc 20:03 (theo giờ Nam Phi), ngày 29 tháng 9 năm 1969. Trận động đất có cường độ 6,3 richter, tâm chấn độ sâu khoảng 15 km tại Tulbagh, Nam Phi. Trận động đất trên là kết quả của Đứt gãy trượt ngang dọc theo hướng Tây Bắc–Đông Nam gần mặt phẳng đứt gãy thẳng đứng.
Hậu quả trận động đất đã làm 12 người thiệt mạng, các công trình nhà cửa, đường xá bị thiệt hại nặng nề ở các thị trấn Ceres, Tulbagh và Wolseley, Nam Phi. |
Vương Ngọc Văn (; sinh ngày 28 tháng 5 năm 1997) là một nữ diễn viên và vũ công người Trung Quốc. Cô được biết đến qua vai diễn "Cố Hề Hề" trong "Chỉ là quan hệ hôn nhân" và "Mẫn Tuệ " trong "Tình yêu anh dành cho em".
Vương Ngọc Văn là một trong những nữ diễn viên trẻ và đầy tiềm năng của giới giải trí xứ Trung. Bắt đầu hoạt động nghệ thuật từ năm 19 tuổi, cô nàng đã sở hữu cho mình một gia tài phim đồ sộ từ phim truyền hình đến điện ảnh.
Vương Ngọc Văn được học khiêu vũ từ khi còn bé, không tự tin khi đóng phim, nhưng sau một nỗ lực dũng cảm, cô thấy rằng mình có vẻ thích nó: "Điểm của tôi ở trường trung bình, và việc quay phim mang lại cho tôi cảm giác thành tựu." Cô luôn cảm thấy mình rất may mắn, những tác phẩm cô tham gia cũng được đón nhận nồng nhiệt, ban đầu cô chỉ coi đóng phim là một công việc nhưng khi phát hiện ra niềm vui trong đó, cô trân trọng tất cả những gì mình gặp được như bây giờ: "Mỗi vai diễn khác nhau đều có thể làm cho tôi tràn đầy mong muốn tạo ra." Ngọc Văn học múa ba lê tại khoa ca múa hát của trường trung học cơ sở trực thuộc Beiwu. Năm 2015, đã thi nghệ thuật và đỗ hạng 3 chuyên ngành sân khấu nhạc kịch của học viện múa Bắc Kinh và hạng 4 khoa biểu diễn của học viện nghệ thuật quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, và cuối cùng cô học học viện múa Bắc Kinh.
Năm 2015, đóng vai chính trong bộ phim tình cảm thanh xuân "Thông số tình yêu" vai Khả Di và chính thức bước chân vào showbiz. Năm 2016, đóng vai chính trong bộ phim truyền hình mạng siêu năng lực dành cho giới trẻ " Siêu tinh tinh học viện "vai Trình Chi Nhi; cùng năm đó, tham gia bộ phim thần tượng dành cho giới trẻ "Hạ chí chưa tới " chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Quách Kính Minh. Năm 2017, tham gia bộ phim thanh niên " Cửu châu hải thượng mục vân ký " của đạo diễn Gu Changwei. Vào ngày 27 tháng 3 năm 2018, bộ phim cổ trang có chủ đề Tam Quốc " Tam quốc cơ mật " đã được ra mắt trên Tencent Video và cô đóng vai Tào Tiết, con gái của Tào Tháo. Năm 2019, đóng vai chính trong bộ phim hài thanh niên cổ trang " Trường An thiếu niên hành "
2015: Bắt đầu bước chân vào showbiz.
Nhờ học khiêu vũ từ khi còn nhỏ, cô đã trúng tuyển vào chuyên ngành kịch nghệ của Học viện Múa Bắc Kinh vào năm 2015. Đó cũng là kỳ nghỉ hè sau khi tham gia kỳ thi nghệ thuật, cô đã nhận được lời mời tham gia bộ phim đầu tiên thời gian trong đời và tham gia một bộ phim vi đề tài thanh xuân do Lý Dịch Phong đóng chính. Cô chia sẻ:"Điểm số của tôi ở trường luôn ở mức tầm thường. Dường như không có gì đặc biệt nổi bật về ca hát, vũ đạo, diễn xuất và lời thoại. Vì vậy, tôi có cơ hội như vậy và tôi nghĩ sẽ rất tốt nếu thử.". Lần đầu tiên nhận công việc này, cô đã rất lo lắng và không thể ngủ ngon trong hai hoặc ba ngày. như không thể khóc, hoặc không thể vượt qua, và phải liên tục hét lên. Kết quả là sau khi bắt đầu quay phim, cô thấy rằng quá trình quay phim diễn ra rất suôn sẻ, về cơ bản đã quay được 1-2 cảnh, điều này đã mang lại cho cô ấy rất nhiều của sự tự tin, và cô ấy cũng tìm thấy cảm giác thành tựu từ nó. "Quay phim xong, bố mẹ cũng rất vui. Họ cảm thấy có thể nhìn thấy con gái mình trên TV và trên Internet."
Vương Ngọc Văn học múa ba lê tại khoa ca múa hát của trường trung học cơ sở trực thuộc Beiwu. Năm 2015, đã thi nghệ thuật và đỗ hạng 3 chuyên ngành sân khấu nhạc kịch của học viện múa Bắc Kinh và hạng 4 khoa biểu diễn của học viện nghệ thuật quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, và cuối cùng cô học học viện múa Bắc Kinh.
Cũng trong năm nay cô tham gia đóng bộ phim: Thông số tình yêu, đóng cùng Lý Dịch Phong và chính thức bước chân vào showbiz.
2016:Bước tiến mới trong sự nghiệp.
Năm 2016, cô nàng bén duyên với diễn xuất qua vai diễn Trình Chi Nhi kết hợp cùng dàn diễn viên trẻ của X Cửu Thiếu niên Đoàn đã tham gia vào Drama “ Siêu Tinh Tinh học viện” . Đây cũng là bộ phim đầu tiên đánh dấu sự ra mắt của nam thần hot nhất nhì showbiz Trung hiện nay Tiêu Chiến. Sự kết hợp vô cùng ăn ý giữa hai diễn viên, cùng với vẻ đẹp trong sáng của mình, cô nàng Vương Ngọc Văn đã gây dấu ấn mạnh trong lần đầu ra mắt. Được khởi chiếu từ năm 2016, bộ phim khoa học viễn tưởng Trung Quốc này đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng. Đặc biệt phải nhắc đến sự ủng hộ nhiệt tình của giới trẻ.
Phim Siêu Tinh Tinh Học Viện 2016 nội dung bộ phim kể về một thế giới song song dựa theo thực lực của các chòm sao hoàng đạo làm tiêu chuẩn cao nhất để phân chia. Trình Chi Nhi từlúc nhỏ bị mọi người tẩy chay, xa lánh đột nhiên được “Siêu Tinh Tinh Học Viện” tuyển nhận nhập học, lúc đó, siêu năng lực của chòm sao trong người cô cũng bừng tỉnh, cũng nảy sinh một đoạn quan hệ kì diệu với những người thừa kế chòm sao trong thế giới này.
Ngày 1 tháng 8 cùng năm tham gia quay bộ phim truyền hình thần tượng “ Hạ chí chưa tới” do Quách Kính Minh làm đạo diễn được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên. Hôm họp báo Hạ chí chưa tới, nhờ diện trang phục trắng tinh khiết, nên đã gây sự chú ý cho truyền thông.
2017-2018: Tiếp tục đóng phim.
Năm 2017, bộ phim "Cửu châu hải thượng mục vân ký " được phát sóng. Lấy bối cảnh là đại lục Cửu Châu thời thượng cổ, xoay quanh câu chuyện tranh đoạt quyền lực hoàng gia của lục hoàng tử Mục Vân Sênh, công tử Mục Như Hàn Giang và Thạc Phong Hòa Diệp.
Khi được phát sóng, phim đã chia rõ khán giả thành hai luồng ý kiến. Một bên nhận xét phim là tác phẩm đấu đá tranh giành quyền lực hấp dẫn nhất những năm gần đây. Cảnh quay đẹp, tạo hình chân thực, quá trình sản xuất được đầu tư tinh tế đã mang đến cảm giác chân thật, hấp dẫn cho người xem. Tuy nhiên, nửa còn lại cho rằng diễn biếnCửu châu hải thượng mục vân kýquá chậm rãi và dài dòng, khiến họ mệt mỏi không muốn theo dõi.
Tiếp theo đó,cô tham gia bộ phim “GẶP ĐƯỢC CẬU THẬT TỐT - NICE TO MEET YOU” với vai nữ thần của trường Lăng Thái Thái
Cô nàng tiếp thục thử sức khi thủ vai Lý Yên Nhiên trong bộ phim thanh xuân vườn trường nổi đình đám một thời là tác phẩm Hạ Chí Chưa Tới. Du chỉ là một vai phụ nho nhỏ, song cô nàng xuất hiện không hề mờ nhạt, từ đây đã có một số khán giả dành tình cảm yêu mến cho cô nàng diễn viên trẻ.
Bộ phim kể về câu chuyện thiếu nữ Hạ Ương Ương tràn đầy sức sống, sau khi bắt gặp chồng sắp cưới ngoại tình với em gái cùng mẹ khác cha thì đã dứt khoát chia tay. Nhưng tình huống bất ngờ xảy ra, cô đánh bậy đánh bạ đi lãnh chứng nhận kết hôn với chủ tịch bá đạo Cố Kỳ Thâm. Hạ Ương Ương lo lắng mình sẽ "lên dĩa" nhưng không ngờ lại được Cố Kỳ Thâm nuông chiều quá đỗi, hai người chung sống ngọt ngào tình cảm cũng dần ấm lên. Nhưng tất cả những điều tốt đẹp này đã dừng lại khi crush của Cố Kỳ Sâm về nước, Hạ Ương Ương dám yêu dám hận, Cố Kỳ Thâm tính tình âm trầm lặng lẽ, tình cảm của hai người rồi sẽ đi về đâu.
16/2/2018 movie tâm lý “Chú voi ngồi trong tĩnh lặng” của đạo diễn Hồ Sóng được chiếu ở Liên Hoan phim Beclin. Vương Ngọc Văn trong vai Hoàng Linh.
Tháng 10/2018, tham gia bộ phim “Cửu Châu Thiên Không Thành 2”
Tháng 3, tham gia ghi hình bộ phim thanh xuân vườn trường hài cổ đại “Trường An Thiếu Niên Hành” với vai diễn Thẩm Y Y với sự tham gia của các diễn viên chính gồm những gương mặt trong ngành giải trí mới như Ngô Hy Trạch, Lưu Dịch Sướng, Tạ Lâm Lâ
2019-2020: Thành công ở lình vực diễn xuất, trở nên nổi tiếng hơn.
Tuy nhiên, mãi đến khi bộ phim Thiếu Niên Phái, Vương Ngọc Văn mới thật sự được một lần nữa tỏa sáng và được công chúng biết đến rộng rãi hơn. Vai diễn cô nàng Đặng Tiểu Kỳ, cô tiểu thư giàu có kiêu sa, được yêu chiều từ bé nhưng cũng chật vật vì chưa thích nghi được với môi trường, hoàn cảnh và thầy cô, bạn bè mới.
Năm 2020, bộ phim cổ trang Trường An Thiếu Niên Hành do Vương Ngọc Văn và Ngô Hy Trạch đóng chính cũng được lên sóng sau bao ngày chờ đợi. Dàn diễn viên đẹp, kịch bản tốt, có ý nghĩa bộ phim đã nhận được nhiều lời khen của khán giả trong và ngoài nước. Trong phim, Vương Ngọc Văn vào vai Thẩm Y Y một cô đầu bếp tính tình thẳng thắn, thông minh, lanh lợi. Không xây dựng hình tượng nữ chính theo phong cách yếu đuối như những bộ cổ trang ngôn tình khác vì thế vai diễn này được khán giả vô cùng yêu thích.
2021: Thành công với bộ phim Chỉ Là Quan Hệ Hôn Nhân.
Nối gót những thành công trước đó, năm 2021 Vương Ngọc Văn tiếp tục quay trở lại màn ảnh nhỏ với dự án phim ngôn tình hiện đại với tác phẩm Chỉ Là Quan Hệ Hôn Nhân. Trong dự án này, cô nàng đã có cơ hội bén duyên cùng nam thần thế hệ mới, anh chàng soái ca Vương Tử Kỳ. Cặp đôi cùng họ Vương đã mang lại cho khán giả những thước phim thật sự ngọt ngào, đáng yêu đến thòng tim.
Tuy rằng kịch bản phim không quá mới mẻ, cũng là lấy chủ đề cưới trước, yêu sau đã cũ của phim ngôn tình Trung Quốc nhưng với diễn xuất tinh tế của dàn diễn viên vẫn đủ khiến khán giả chết mê, chết mệt.
Vương Ngọc Văn là một nữ diễn viên trẻ đầy tiềm năng của làng giải trí truyền hình Hoa ngữ. Mặc dù cô nàng đã từng góp mặt vào nhiều dự án phim truyền hình và điện ảnh trước đó, nhưng đến khi đóng vai chính trong Chỉ Là Quan Hệ Hôn Nhân thì mới thật sự giúp nàng gây được ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả.
Thoạt nhìn qua từ bên ngoài, bộ phim Chỉ Là Quan Hệ Hôn Nhân mang đến cho khán giả một chuyện tình công tử nhà giàu lạnh lùng cùng vô Lọ Lem nhà nghèo nhưng xinh đẹp quen thuộc. Họ gặp phải nhau, “ghim” kỹ nhau như kẻ thù từ giây phút đầu tiên rồi lại bị trói buộc bởi tình yêu định mệnh. |
Đây là một đổi hướng từ một trang đó đã được . Trang này được giữ lại dưới dạng một trang đổi hướng để tránh phá vỡ các liên kết, cả bên trong và bên ngoài, có thể đã được liên kết tới tên trang cũ.
Yokoi Kumiko (横井久美子 (Hoành Tỉnh Cửu Mỹ Tử), Yokoi Kumiko, 1944 - 14 tháng 1 năm 2021) là một nữ ca sĩ kiêm sáng tác nhạc người Nhật Bản trú tại thành phố Kunitachi, Tokyo. Bà nổi danh với các bài hát về đề tài ô nhiễm và phân biệt đối xử, chẳng hạn như "No More Sumon No Uta" (ノーモア スモンの歌, Nōmoa sumon no uta).
Xuất thân và sự nghiệp.
Sinh ra ở thành phố Nagoya, tỉnh Aichi, Kumiko tốt nghiệp trường trung học Kikusato thành phố Nagoya và khoa thanh nhạc trường đại học âm nhạc Kunitachi. Bà tham gia nhóm đồng ca "Voice Angelica" từ lúc học đại học. Nữ nghệ sĩ bắt đầu hoạt động làm ca sĩ solo vào năm 1969. Bà thành lập nhóm nhạc "Mugibue no Kai" và biểu diễn khắp đất nước. Năm 1998, bà du học tại Đại học Limerick ở Ireland với tư cách nhà nghiên cứu do Cục Văn hóa dành cho Nghệ sĩ mới nổi tiến cử.
Hoạt động từ thiện.
Hàng năm bà thường đến thăm Việt Nam và Ireland. Đặc biệt tại Việt Nam, trong chiến tranh Việt Nam, ngoài việc biểu diễn trực tiếp và tổ chức một buổi hòa nhạc giúp đỡ trẻ em bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, bà còn đến thăm các cơ sở nuôi dạy trẻ em bị ảnh hưởng bởi chất rụng lá của Quân đội Hoa Kỳ. Cụ thể vào cuối năm 1973, bà đã đến miền bắc Việt Nam trong vòng hai tuần để hát cổ động các bộ đội và nhân dân Việt Nam ở rạp Hồng Hà, Bệnh viện Bạch Mai, trận địa pháo Quảng Bình. Trong đó nổi bật là ca khúc "Sensha wa ugokenai" (, Sensha wa ugokenai, Hãy dừng chiến xa lại) thường xuyên được Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh Hà Nội thu âm và phát thanh nhiều lần lúc bấy giờ. Năm 1994, Yokoi Kumiko quay lại Việt Nam, thực hiện buổi hòa nhạc đầu tiên tại Hà Nội để gây quỹ cho các trẻ em nghèo và dị tật vì chất độc da cam. Năm 2007, Yokoi Kumiko cùng đoàn thiện nguyện Nhật Bản đến thăm và giao lưu với các em có hoàn cảnh đặc biệt ở làng Hòa Bình, Thành phố Huế. Tháng 5 năm 2008, nhân sự kiện kỷ niệm 35 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, Yokoi Kumiko tiếp tục đến Huế biểu diễn, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam, giao lưu với học sinh.
Bà còn tổ chức một buổi hòa nhạc hòa bình ở Hiroshima vào tháng 8 hàng năm, đồng thời tổ chức các buổi hòa nhạc tại Nhà hát Thiếu nhi và Nhà hát Oyako. Nữ nghệ sĩ từng tham gia nhiều lễ hội Akahata và cuộc họp Kujo.
Ngày 14 tháng 1 năm 2021, Kumiko mất vì ung thư thận, thọ 76 tuổi.
Năm 2005, bà được chính phủ Việt Nam trao tặng "Huân chương Hòa bình và Hữu nghị Quốc tế" với tư cách một người bạn quốc tế đã dẫn dắt chiến tranh Việt Nam đi đến thắng lợi. Năm 2014, Kumiko nhận được "giải thưởng Công dân Hữu nghị Quốc tế" từ Bắc Ireland.
Danh sách nhạc phẩm.
Các tác phẩm của bà gồm có: |
Lactoria là một chi cá biển trong họ Cá nóc hòm. Chi này được lập ra bởi Jordan và Fowler vào năm 1902.
Tên gọi của chi bắt nguồn từ tính từ "lactarius" trong tiếng Latinh với nghĩa là "như sữa", ở đây chỉ đến bò sữa, hàm ý đề cập đến cặp ngạnh trên mỗi mắt giống như cặp sừng của loài bò.
Chi này có 3 loài được công nhận:
Một loài là "L. paschae" (Rendahl, 1921), mẫu thu thập ở đảo Phục Sinh, được xem là đồng nghĩa của "L. diaphana" theo Catalog of Fishes, nhưng FishBase vẫn còn xem là một loài hợp lệ. |
María Teresa Rafaela của Tây Ban Nha
María Teresa Antonia Rafaela của Tây Ban Nha, Trữ phi nước Pháp (tiếng Tây Ban Nha: "María Teresa Rafaela de España"; 11 tháng 6 năm 1726 – 22 tháng 7 năm 1746), là con gái thứ hai của Quốc vương Felipe V của Tây Ban Nha và Vương hậu Elisabetta Farnese cũng như là vợ của Louis Ferdinand, Trữ quân nước Pháp, con trai của Quốc vương Louis XV của Pháp và Maria của Ba Lan.
Vương nữ Tây Ban Nha.
María Teresa Antonia Rafaela ra đời tại Lâu đài Vương thất Alcazar của Madrid, là con gái thứ hai của Felipe V của Tây Ban Nha và Elisabetta Farnese. Vương nữ thường được biết đến với cái tên María Teresa Rafaela, tuy nhiên đôi khi chỉ được gọi là María Teresa.
Trước cuộc hôn nhân của María Teresa Rafaela, triều đình Tây Ban Nha và Pháp có quan hệ không mấy tốt đẹp: mối quan hệ giữa hai bên bị tổn hại nặng nề khi hôn ước giữa Louis XV của Pháp và Vương nữMariana Victoria của Tây Ban Nha, chị gái của Maria Teresa bị hủy bỏ vào năm 1725. Thay vào đó, Louis XV đã kết hôn với Maria của Ba Lan. Lễ kết hôn của María Teresa Rafaela và Thái tử nước Pháp lúc bấy giờ, Louis Ferdinand (con trai của Louis XV của Pháp và Maria của Ba Lan) được công bố vào tháng 8 năm 1739 sau lễ cưới của Vương nữ Louise Élisabeth của Pháp (chị gái của Trữ quân Pháp) và Vương tử Felipe của Tây Ban Nha (anh trai của María Teresa Rafaela) diễn ra cùng tháng. Dưới ảnh hưởng của mẹ là Elisabetta Farnese, María Teresa Rafaela không đến Pháp cho đến khi trưởng thành hơn.
Thái tử phi nước Pháp.
María Teresa Rafaela đã kết hôn ủy nhiệm với Louis Ferdinand của Pháp, ngài Trữ quân tại Madrid vào ngày 18 tháng 12 năm 1744, rời Tây Ban Nha vào tháng 1 năm 1745 và đến Versailles vào ngày 21 tháng 2 năm 1745. Hôn lễ chính thức diễn ra tại Cung điện Versailles vào ngày 23 tháng 2 năm 1745 và được cử hành bởi Hồng y Rohan. Ở Pháp, María Teresa Rafaela được biết đến với cái tên "Marie Thérèse Raphaëlle d'Espagne" (Marie Thérèse Raphaëlle của Tây Ban Nha")" hoặc "de Bourbon" (của Borbón). Ngoài ra, María Teresa Rafaela còn được gọi là "Madame la Dauphine" (Đức bà Trữ phi) tại Versailles, ltrở thành người phụ nữ có địa vị cao nhất trong Vương quốc Pháp, chỉ sau Vương hậu Maria. María Teresa Rafaela là vị Trữ phi đầu tiên kể từ Maria Adelaide của Savoia. Vào ngày 24 tháng 2, lễ hội ""Ball of the Clipped Yew" " được tổ chức để vinh danh các cặp đôi mới cưới. Sự kiện này cũng đánh dấu sự xuất hiện của Jeanne Antoinette, Nữ Hầu tước xứ Pompadour tại Versailles. Vũ hội có sự tham dự của Quốc vương, Vương hậu, Vương nữ Henriette, Vương nữ Adélaïde; Công tước phu nhân xứ Chartres, Vương thái phi xứ Conti và Công tước phu nhân xứ Modena cùng với các nữ Tông thất Pháp khác.
Cuộc hôn nhân không có khởi đầu thuận lợi vì không được hoàn thiện trong đêm đầu tiên. Đây là một sự xấu hổ lớn đối với vị Vương trữ trẻ tuổi và kết quả là vị trí của María Teresa Rafaela tại triều đình Pháp bị suy giảm. Mặc dù vậy, vị Trữ phi lại có mối quan hệ tốt với Quốc vương và Vương hậu, và Louis Ferdinand nhanh chóng yêu María Teresa. Mặc dù được mô tả là xinh đẹp, đức hạnh, ngoan đạo và được giáo dục tốt, nhưng María Teresa Rafaela vẫn gặp những lời nhận xét tiêu cực vì mái tóc đỏ của mình. Bên cạnh đó, bản tính nhút nhát còn khiến Thái tử phi bị cô lập khỏi triều đình và María Teresa Rafaela còn công khai thù địch với Louis XV vì mối quan hệ của ông với Jeanne Antoinette, Nữ Hầu tước Pompadour. Cả hai vợ chồng Thái tử đều không thích Jeanne Antoinette vì bà khiến cho Vương hậu Maria bị mất đi sự chú ý. Sau cùng, cuộc hôn nhân của hai vợ chồng đã được hoàn thiện vào tháng 9 năm 1745, chấm dứt những lời đàm tiếu của triều đình. Louis Ferdinand và María Teresa Rafaela trở nên rất thân thiết và dành phần lớn thời gian cho nhau. Vào ngày 19 tháng 7 năm 1746 tại Versailles, María Teresa Rafaela sinh hạ một người con gái, được rửa tội "Marie Thérèse" và được phong là "Madame Royale" (Đức nữ Vương thất) nhưng qua đời tại Versailles năm 1748. Bản thân María Teresa Rafaela nhanh chóng qua đời vào ngày 22 tháng 7 năm 1746, điều này đã gây ra nỗi buồn sâu sắc cho Louis Ferdinand, kéo dài cho đến tận cuộc hôn nhân thứ hai của vị Trữ quân. Louis XV đã phải kéo con trai mình ra khỏi giường bệnh của María Teresa Rafaela. Tệ hơn nữa, cha của María Teresa Rafaela là Quốc vương Felipe V của Tây Ban Nha đã qua đời chỉ 13 ngày trước con gái vào ngày 9 tháng 7.
María Teresa Rafaela được chôn cất tại Vương cung thánh đường Thánh Denis, tại khu nghĩa trang của Vương thất Pháp Paris vào ngày 6 tháng 8 năm 1746. Sau khi María qua đời, người anh trai cùng cha khác mẹ là Fernando VI của Tây Ban Nha đã đề nghị Louis Ferdinand tái hôn với em gá là María Antonia Fernanda nhưng bị Louis XV từ chối. Sau cùng, Louis Ferdinand đã tái hôn với Vương nữ Maria Józefa của Ba Lan, con gái của Quốc vương August III của Ba Lan và Maria Josepha Benedikta của Áo. Hai vợ chồng có với nhau 7 người con, trong đó có Quốc vương Louis XVI của Pháp. Khi Louis Ferdinand qua đời vào năm 1765, vị Thái tử Pháp đã yêu cầu đặt trái tim của mình bên cạnh mộ của María Teresa Rafaela.
Tư liệu liên quan tới |
Đây là một đổi hướng từ một trang đó đã được . Trang này được giữ lại dưới dạng một trang đổi hướng để tránh phá vỡ các liên kết, cả bên trong và bên ngoài, có thể đã được liên kết tới tên trang cũ.
Trochozoa là một nhánh Lophotrochozoa được đề xuất là một nhánh chị em của Bryozoa. Nhánh này sẽ bao gồm các loài động vật trong sáu ngành: Nemertea, Annelida, Cycliophora, Mollusca và hai ngành của ngánh Brachiozoa, Brachiopoda và Phoronida. |
Nghề nhiếp ảnh Lai Xá
Lai Xá là một làng thuộc xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội. Ngôi làng này nổi tiếng với nghề nhiếp ảnh, là nơi khởi nguồn của nghệ thuật nhiếp ảnh tại Việt Nam, đồng thời là nơi bảo tàng nhiếp ảnh đầu tiên của Hà Nội được đi vào hoạt động.
Ông tổ làng nghề.
Lịch sử của làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá được xem là bắt nguồn từ Nguyễn Đình Khánh, một người có dòng dõi vốn là nông thôn ở làng Lai Xá. Khi Nguyễn Đình Khánh mới 16 tuổi, ông ra trung tâm Hà Nội và làm phụ bếp nấu ăn cho một cửa hàng ảnh của người Hoa tên Du Trương trên phố Hàng Bồ. Ra Hà Nội làm giúp việc, nhưng Nguyễn Đình Khánh lại tỏ ra say mê với nhiếp ảnh. Nhận thấy lòng say nghề và khéo léo ở ông, chủ hiệu ảnh đã dạy nghề cho Khánh. Chỉ 2 năm sau, ông trở thành một tay nghề nhiếp ảnh đáng chú ý ở Hà Nội, thậm chí là nổi bật hơn cả người chủ. Ông cũng đã mở hiệu ảnh Khánh Ký tại phố Hàng Da. Với vốn kinh nghiệm của mình, thương hiệu Khánh Ký đã nhanh chóng nổi tiếng và là nơi đào tạo ra đội ngũ những người thợ ảnh đầu tiên của làng Lai Xá. Ông từng đến Pháp để kinh doanh hiệu ảnh và chụp ảnh Hồ Chí Minh trong nhiều năm.
Nghề nhiếp ảnh của Lai Xá còn gắn liền với Đặng Huy Trứ, là người đầu tiên du nhập nghề nhiếp ảnh vào Việt Nam. Cả ông và Nguyễn Đình Khánh đều là người làng Lai Xá nhưng Nguyễn Đình Khánh mới chính là ông tổ của làng nghề nhiếp ảnh.
Sau Nguyễn Đình Khánh, người làng Lai Xá đã truyền nhau bí quyết làm nghề từ kỹ thuật chụp, rửa ảnh cho đến chỉnh ảnh thế. Năm 1892, nhiều nam thanh niên làng Lai theo nhau lên phố Hàng Da học nghề tại hiệu ảnh đầu tiên của Nguyễn Khánh Ký mở. Khi đã thạo nghề, ông còn bố trí cho việc làm kiếm ăn. Không ít học trò đã tự mở được hiệu ảnh làm riêng. Do đó về sau, dân làng đã đề nghị và được chấp thuận lấy năm 1892 là năm ra đời của Làng nghề Nhiếp ảnh Lai Xá. Những năm đầu thế kỷ 20, thợ ảnh Lai Xá đều dùng các máy ảnh gỗ chụp bằng phim kính của hãng Lumière nhập từ Pháp. Phim kính có kích cỡ từ 4x6 đến 18x24. Thời điểm này cũng chưa có công nghệ ảnh màu, khách hàng có nhu cầu làm ảnh màu thì thợ ngoài buồng sáng sẽ dùng bút lông, chấm vào nước sau đó chấm vào màu giấy (tờ giấy nhuộm màu) và tô lên ảnh.
Khoảng thập niên 40 và 50 của thế kỉ 20 được xem là thời kì hoàng kim trong sự phát triển của làng nghề Lai Xá. Có gần 2.000 người trong làng làm trong hơn 150 hiệu ảnh trong và ngoài Việt Nam. Riêng tại Hà Nội có 33 cửa hiệu, Sài Gòn có 34 cửa hiệu, Hải Phòng có 13 cửa hiệu. Tại nhiều tỉnh từ trong Nam, ngoài Bắc, hay miền núi đều có cửa hiệu ảnh người Lai Xá. Thậm chí, có giai đoạn theo thống kê, tới 80% số hiệu ảnh ở Sài Gòn là do người Lai Xá làm chủ. Không tính các hiệu ảnh của ông Nguyễn Đình Khánh (Khánh Ký) ban đầu, đã có khoảng 32 hiệu ảnh của người Lai Xá mở tại Sài Gòn từ thập niên 1930 – 1940. Và hiện vẫn còn hoạt động 9 hiệu ảnh thống kế được trong năm 2016.
Đầu năm 2000, làng Lai Xá đã tổ chức một cuộc triển lãm mang tên “Làng nghề nhiếp ảnh truyền thống Lai Xá” trưng bày hàng trăm bức ảnh của các nghệ nhân làng. Triển lãm đã thu hút được hàng nghìn lượt khách đến tham quan, tìm hiểu, nhất là giới nhiếp ảnh trong cả Việt Nam. Đây là bước khởi đầu cho việc lập ra một Ban thường trực Hội làng nghề. Năm 2005, Triển lãm ảnh của làng Lai Xá được mở tại số 45 phố Tràng Tiền với hình ảnh lưu giữ lịch sử hơn trăm năm của làng nghề. Những người dân Lai Xá coi tài nhiếp ảnh của mình như là "gen", từ đời trước để lại. Tháng 8 năm 2010, làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá được kết nạp vào Hiệp hội Làng nghề Việt Nam.
Người làng Lai Xá mở hiệu ảnh kinh doanh ở khắp mọi nơi, tên cửa hiệu của họ thường mang thêm chữ "Lai" hoặc chữ "Ký" như là sự ghi dấu về quê hương và vị tổ nghề của mình. Nơi đây có số lượng hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam nhiều hơn so với các làng khác. Cho dù vậy, việc theo kịp xu hướng vẫn là điều tất yếu. Nhiều người trẻ theo nghề của làng Lai Xá không chỉ kế thừa tiền bối đi khắp các vùng, miền chụp ảnh theo kinh nghiệm truyền thống mà còn tự khám phá và tham gia những khóa học ngắn hạn về xu hướng nhiếp ảnh hiện đại, đầu tư thiết bị, công nghệ mới, đáp ứng nhu cầu của xã hội hiện đại.
Vấn đề mai một.
Có trên 300 người thợ tỏa đi khắp nơi thủy chung với nghề, nhưng tại chính nơi khởi nguồn của nghề nhiếp ảnh Việt Nam, năm 1992 chỉ còn một ban nhỏ để lưu giữ những nét văn hóa của làng nghề truyền thống. Nghề nhiếp ảnh Lai Xá đứng trước những khó khăn không nhỏ. Đối diện với những thách thức đó, năm 2002, những người Lai Xá đã thành lập Câu lạc bộ Nghệ thuật nhiếp ảnh Nguyễn Đình Khánh, gồm 30 người.
Dù thế kỷ 21 đã có những thiết bị hiện đại để chụp ảnh thì một người đàn ông trong làng tên Đặng Văn Tích vẫn khẳng định: "Người Lai Xá vẫn có thể sửa những tấm ảnh cũ trở nên sắc nét và mọng ảnh, đẹp hơn rất nhiều những bức ảnh được xử lý qua kỹ thuật số". Đó không chỉ là bí quyết riêng của người làm nghề, mà là sản phẩm thủ công của người dân trong làng. Nghề nhiếp ảnh dịch vụ bùng phát một cách nhanh chóng cùng sự phát triển của công nghệ thông tin, nên nghề ảnh làng Lai Xá không còn thể đứng vững. Tới cuối thập niên 2000, người dân trong làng dù vẫn còn số đông làm nghề ảnh, nhưng duy trì kiểu gia truyền không còn đáng kể, các thế hệ cháu con đã chuyển sang làm nhiều nghề khác. Một người đàn ông làm nghề nhiếp ảnh đáng chú ý trong làng đã từng tham gia làm thầy ở hai lớp dạy nghề ảnh cho khoảng hơn 50 trẻ em trong làng, nhưng đã tỏ ra thất vọng bởi ông cho rằng "thế hệ trẻ bây giờ thiếu sự đam mê, chỉ học thực dụng cho biết rồi đi làm kiếm tiền". Dẫu vậy, một số trẻ em cho đến người cao tuổi trong làng, có nhiều người vẫn thành thạo công việc chụp ảnh.
Làng Lai Xá ngày trước còn nổi tiếng về nghề làm màn. Nghề làm màn đã thất truyền, nghề nhiếp ảnh vẫn còn nhưng không phát triển đáng kể. Những việc làm của các bậc cao niên, nghệ nhân trong làng chỉ đạt được mục đích là "khơi lại, giữ lại" quá khứ hoàng kim, gần như không thể làm làng nghề trở lại như xưa. Theo thống kê cuối năm 2022, tổng số lao động trong làng làm nghề chụp ảnh chiếm tới hơn 40%.
Để lưu giữ những nét truyền thống của nghề nhiếp ảnh qua nhiều năm, người dân làng Lai Xá đã cùng nhau góp tiền xây dựng Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá. Bảo tàng được dự kiến khánh thành ngày 15 tháng 5 năm 2017 (là ngày giỗ ông tổ làng nghề Nguyễn Đình Khánh năm đó). Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam, người dân một thôn làng tự nguyện quyên góp tiền để xây dựng bảo tàng nhiếp ảnh. Bảo tàng là một toà nhà ở giữa làng có không gian gần 300m2. Nơi đây tập trung kể câu chuyện về nghề nhiếp ảnh ở Lai Xá và và giải đáp những thắc mắc về cách làm thế nào ông tổ nghề ảnh của làng và những học trò của ông có thể làm cho làng trở thành một làng nghề, dân làng có thể kiếm sống được bằng nghề ảnh, cũng như việc họ đã xây dựng thương hiệu ảnh của mình như thế nào và những người Lai Xá đã đóng góp như thế nào vào sự phát triển văn hoá ảnh ở Việt Nam.
Kỹ thuật chụp ảnh của nghệ nhân làng Lai Xá được nhận định là "khéo léo". Bí quyết pha thuốc hãm pha để đủ độ sáng cho ảnh do người xưa truyền dạy, các tay ảnh của Lai Xá có thể chụp nhiều cuộn phim trong điều kiện thời tiết không thuận lợi mà độ bắt sáng vẫn đều, đẹp. Theo báo "Đảng Cộng Sản Việt Nam", hiệu ảnh của người Lai Xá còn thể hiện "đẳng cấp vượt trội" so với các hiệu ảnh khác ngày xưa khi có thể đảm nhận được tất cả các công đoạn như chụp, làm buồng tối, chấm sửa, đến in, phóng ảnh. Dù không phát triển như trước, cũng không nhộn nhịp và không mang những dấu hiệu đặc trưng riêng như những làng nghề hiện đại nhưng Lai Xá vẫn được xem là "độc đáo, trường tồn trong hàng ngàn làng nghề truyền thống ở Việt Nam." Báo "Lao động" cho rằng những bức ảnh được người thợ ở Lai Xá chụp luôn có "nét độc đáo riêng và mang giá trị của thời gian, cầu kỳ trong từng công đoạn."
Nhà thơ Tố Hữu trong một dịp tới thăm làng Lai Xá đã từng nhận xét: "Về mảnh đất này, gặp một em bé hay một cụ già râu trắng, chỉ cần đưa máy ảnh cho họ là đã có thể có ngay một tấm hình đẹp".
Làng nghề nhiếp ảnh Lai xá được xem là nơi khởi nguồn của nhiếp ảnh Việt Nam. Ước tính vào năm 2009, có tới 60 – 70% thợ ảnh Việt Nam xuất xứ từ làng Lai Xá. Dù làm việc và sinh sống trên mọi miền đất nước, nhưng ngày 15 tháng 2 âm lịch hàng năm, họ lại tụ về quê để rước Thành hoàng làng và vào ngày 20 tháng 4 âm lịch hàng năm, họ lại tổ chức giỗ ông tổ nghề ảnh Nguyễn Đình Khánh. Với bề dày lịch sử hơn 125 năm, người dân làng Lai Xá đã phát huy được nét độc đáo nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam. Theo báo VOV, nghệ thuật nhiếp ảnh làng Lai Xá đã "vươn tới đỉnh cao của nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam, là niềm tự bào của người dân làng Lai Xá". Việc khánh thành và đưa vào hoạt động Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá cùng với một số bảo tàng trưng bày nhiếp ảnh khác ở trên địa bàn làng Lai Xá, làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá được "hứa hẹn" trở thành một điểm du lịch mới đối với du khách trong và ngoài Việt Nam.
Ngày 9 tháng 7 năm 2003, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tây ra quyết định công nhận làng nghề nhiếp ảnh truyền thống thôn Lai Xá đạt danh hiệu “Làng nghề công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp” của tỉnh. Cũng trong năm đó, Làng nghề Lai Xá được Nhà nước Việt Nam trao tặng nhận danh hiệu làng nghề truyền thống, và là làng nghề nhiếp ảnh truyền thống duy nhất ở Việt Nam. Năm 2020, một cuốn sách mang tên "Có một làng nghề nhiếp ảnh" đã được công bố nhằm giới thiệu về truyền thống nhiếp ảnh của làng Lai Xá.
Năm 2021, một chuỗi các hoạt động của nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế sẽ giới thiệu những cách tiếp cận khác biệt trong sáng tạo nhiếp ảnh. Trong khuôn khổ hoạt động, Giám đốc Viện Pháp tại Hà Nội Thierry Vergon cho biết sẽ có hoạt động tìm hiểu làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá, khóa học in ảnh và làm ấn phẩm nhỏ từ ảnh. Sáng ngày 20 tháng 5 năm 2022, làng Lai Xá đã tổ chức lễ kỷ niệm 130 năm Làng nghề nhiếp ảnh. Tới dự có đại diện Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và nhiều hội nhiếp ảnh các tỉnh, thành… |
Đường cong học tập
Đường cong học tập là một biểu đồ về mối quan hệ giữa mức độ thành thạo của một người trong một nhiệm vụ và lượng kinh nghiệm họ có. Mức độ thành thạo (được đo trên trục tung - Oy) thường tăng lên cùng với kinh nghiệm gia tăng (trục hoành - Ox), nghĩa là, càng nhiều người, nhóm, công ty hoặc ngành thực hiện một nhiệm vụ thì hiệu suất của họ trong nhiệm vụ càng cao.
Cách diễn đạt phổ biến rằng "đường cong học tập dốc" là một cách gọi sai cho thấy rằng một hoạt động khó học và việc bỏ ra nhiều nỗ lực không làm tăng trình độ thành thạo lên bao nhiêu, mặc dù đường cong học tập với điểm khởi đầu dốc thực sự thể hiện sự tiến bộ nhanh chóng. Trên thực tế, độ dốc của đường cong không liên quan gì đến độ khó tổng thể của một hoạt động, mà thể hiện tốc độ thay đổi dự kiến của tốc độ học theo thời gian. Một hoạt động dễ học những điều cơ bản nhưng khó đạt được thành thạo, có thể được mô tả là có "đường cong học tập dốc".
Đường cong học tập có thể đề cập đến một nhiệm vụ cụ thể hoặc một khối kiến thức. Hermann Ebbinghaus lần đầu tiên mô tả đường cong học tập vào năm 1885 trong lĩnh vực tâm lý học, mặc dù cái tên này không được sử dụng cho đến năm 1903. Năm 1936, Theodore Paul Wright đã mô tả ảnh hưởng của việc học tập đối với chi phí sản xuất trong công nghiệp máy bay. Hình thức này, trong đó chi phí đơn vị được vẽ trên tổng sản lượng, đôi khi được gọi là đường cong kinh nghiệm.
Mô hình toán học và ví dụ.
Đường cong học tập là một đồ thị thể hiện mối liên hệ của học tập (sự thành thạo hoặc tiến tới một giới hạn) với kinh nghiệm.
Khi kết quả của một số lượng lớn các thử nghiệm riêng lẻ được lấy trung bình thì kết quả là một đường cong trơn, thường có thể được mô tả bằng một hàm toán học.
Một số chức năng chính đã dùng:
Trường hợp cụ thể của biểu đồ Chi phí đơn vị so với Tổng sản lượng với quy luật lũy thừa được đặt tên là đường cong kinh nghiệm, mô tả bởi hàm toán học, gọi là Định luật Henderson. Dạng đường cong học tập này được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp để dự đoán chi phí.
Các bài kiểm tra của Hermann Ebbinghaus liên quan đến việc ghi nhớ hàng loạt âm tiết vô nghĩa và ghi lại thành công qua một số lần thử nghiệm. Bản dịch không sử dụng thuật ngữ 'đường cong học tập' - nhưng ông đã trình bày sơ đồ học hỏi so với số thử nghiệm. Ông cũng lưu ý rằng điểm số có thể giảm hoặc thậm chí dao động.
Lần đầu tiên sử dụng thuật ngữ 'đường cong học tập' được biết đến là từ năm 1903: "Bryan và Harter đã tìm thấy trong nghiên cứu của họ về việc tiếp thu ngôn ngữ điện báo, một đường cong học tập có tốc độ tăng nhanh lúc đầu, sau đó là một khoảng thời gian chậm hơn. Do đó, đồ thị lồi với trục thẳng đứng."
Nhà tâm lý học Arthur Bills đã mô tả chi tiết hơn về các đường cong học tập vào năm 1934. Ông cũng thảo luận về các đặc tính của các loại đường cong học tập khác nhau, chẳng hạn như gia tốc âm, gia tốc dương, đường bình nguyên và đường cong ogive.
Năm 1936, Theodore Paul Wright đã mô tả tác động của việc học đối với chi phí sản xuất trong ngành công nghiệp máy bay và đề xuất một mô hình toán học của đường cong học tập.
Năm 1968, Bruce Henderson của Boston Consulting Group (BCG) (Tập đoàn tư vấn Boston) đã khái quát hóa mô hình Chi phí đơn vị do Wright tiên phong và đặc biệt sử dụng Luật lũy thừa, đôi khi được gọi là Luật Henderson. Ông đặt tên cho phiên bản cụ thể này là "đường cong kinh nghiệm". Nghiên cứu của BCG trong những năm 1970 đã quan sát thấy hiệu ứng đường cong kinh nghiệm đối với các ngành công nghiệp khác nhau dao động từ 10 đến 25 phần trăm.
Các lô/mảnh liên quan đến hiệu suất để trải nghiệm được sử dụng rộng rãi trong học máy. Hiệu suất là tỷ lệ lỗi hoặc độ chính xác của hệ thống học tập, trong khi kinh nghiệm có thể là số ví dụ đào tạo được sử dụng để học hoặc số lần lặp lại được sử dụng để tối ưu hóa các tham số mô hình hệ thống. Đường cong máy học hữu ích cho nhiều mục đích bao gồm so sánh các thuật toán khác nhau, chọn tham số mô hình trong quá trình thiết kế, điều chỉnh tối ưu hóa để cải thiện sự hội tụ và xác định lượng dữ liệu được sử dụng để đào tạo.
Trò chơi điện tử.
Trong trò chơi điện tử, "đường cong học tập" là "đường cong độ khó", mô tả mức độ khó của trò chơi khi người chơi tiến bộ trong trò chơi và yêu cầu người chơi trở nên thành thạo hơn với trò chơi, hiểu rõ hơn về cơ chế của trò chơi và/hoặc dành thời gian "mài giũa" để cải thiện nhân vật của mình.
Đối với nhà sản xuất, việc thiết lập đường cong độ khó phù hợp là một phần để đạt được sự cân bằng trò chơi trong một tựa game. Đối với các đường cong học tập trong môi trường giáo dục, các đường cong độ khó có thể có vô số hình dạng và các trò chơi thường có thể cung cấp nhiều mức độ khó khác nhau làm thay đổi hình dạng của đường cong này so với hình dạng mặc định của nó để làm cho trò chơi khó hơn hoặc dễ dàng hơn.
Về mặt tối ưu, độ khó của trò chơi điện tử tăng tương ứng với khả năng của người chơi. Các trò chơi không được quá thách thức, không quá tầm thường và cũng không quá ngẫu nhiên. Người chơi sẽ tiếp tục chơi miễn là trò chơi được coi là có thể thắng được. Do đó, điều này được gọi là "ảo tưởng về khả năng chiến thắng". Để tạo ảo giác về khả năng chiến thắng của trò chơi có thể bao gồm: giá trị bên trong (cảm giác hướng tới mục tiêu và được khen thưởng vì mục tiêu đó) do xung đột có thể tạo ra bởi môi trường đối kháng và sự hồi hộp do câu chuyện dẫn dắt dưới hình thức xây dựng thế giới.
Ban đầu, thuật ngữ này được giới thiệu trong tâm lý học giáo dục và hành vi. Theo thời gian, thuật ngữ này đã được giải thích rộng hơn qua các thuật ngữ như "đường cong kinh nghiệm", "đường cong cải thiện", "đường cong cải thiện chi phí", "đường cong tiến độ", "hàm tiến trình", "khởi nghiệp cong" và "đường cong hiệu quả", có thể thay thế cho nhau trong một số trường hợp. Trong kinh tế học, chủ đề là tỷ lệ "phát triển", vì sự phát triển đề cập đến toàn bộ quá trình học tập của hệ thống với các tỷ lệ tiến triển khác nhau. Nói chung, tất cả quá trình học tập đều thể hiện sự thay đổi gia tăng theo thời gian, nhưng mô tả một đường cong chữ "S" có hình dạng khác nhau tùy thuộc vào thang thời gian quan sát, trạng thái cân bằng và các loại thay đổi mang tính cách mạng khác trong các hệ thống phức tạp nói chung, liên quan đến đổi mới, hành vi tổ chức và quản lý học tập nhóm, và nhiều lĩnh vực khác. Các quá trình của dạng mới xuất hiện nhanh chóng này dường như diễn ra bằng cách học phức tạp trong chính các hệ thống, khi có thể quan sát được, hiển thị các đường cong tốc độ thay đổi tăng tốc và giảm tốc.
Văn hóa sử dụng.
Thuật ngữ "đường cong học tập dốc" thường được sử dụng với ý nghĩa ngược lại. Thuật ngữ này thường được sử dụng trong tiếng Anh thông dụng với nghĩa chỉ quá trình học tập khó khăn ban đầu.
Thuật ngữ 'đường cong học tập' với nghĩa 'dễ' và 'khó' có thể được mô tả bằng các tính từ như 'ngắn' và 'dài' hơn là 'dốc' và 'nông'. Nếu hai sản phẩm có chức năng tương tự nhau thì sản phẩm có đường cong "dốc" có lẽ tốt hơn, vì có thể học được trong thời gian ngắn hơn. Mặt khác, nếu hai sản phẩm có chức năng khác nhau, thì sản phẩm có đường cong ngắn (thời gian tìm hiểu ngắn) và chức năng hạn chế có thể không tốt bằng sản phẩm có đường cong dài (thời gian tìm hiểu lâu) và chức năng lớn hơn. |
Bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá
Bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá là bảo tàng nhiếp ảnh đầu tiên tại Hà Nội, đồng thời được xem là bảo tàng làng nghề đầu tiên tại Việt Nam. Bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá trưng bày những hiện vật cổ về nghề nhiếp ảnh tại Việt Nam trong nhiều năm và được nhiều cá nhân cũng như các tổ chức đứng ra quyên góp, sưu tầm, thiết kế và xây dựng.
Năm 2013, nhằm lưu giữ và trưng bày những truyền thống của nghề nhiếp ảnh có lịch sử hơn trăm năm, người dân làng Lai Xá (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội) đã đứng ra góp chung tài chính xây dựng bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá. Trước đó, vào những năm 2008 – 2009, khi làng Lai Xá được công nhận là làng nghề nhiếp ảnh, các bậc cao niên trong làng đã thảo luận về việc xây dựng một phòng truyền thống để lưu giữ ký ức cho thế hệ mai sau. Tuy vậy khi đó làng chưa đủ điều kiện xây dựng. Đến năm 2013, khi đời sống của người dân đã có cải thiện đáng kể, việc xây dựng nhà truyền thống lại được đưa ra bàn luận. Khi các ý kiến vẫn chưa thống nhất thì Phó giáo sư Nguyễn Văn Huy, nguyên phó giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã tư vấn cho người dân Lai Xá không nên làm nhà truyền thống mà nên xây dựng bảo tàng. Khi người dân làng Lai Xá đã cùng quyết tâm xây dựng bảo tàng cấp làng đầu tiên tại Việt Nam, Nguyễn Văn Huy đã mời các chuyên gia di sản văn hoá và hai chuyên gia Pháp về thiết kế bảo tàng và trưng bày – đồ họa sang tư vấn. Những chú thích ảnh và hiện vật tại bảo tàng bằng tiếng Anh đều được Nguyễn Văn Huy nhờ các chuyên gia Đại học Cambridge (Anh) thẩm định và biên tập lại một cách kĩ càng.
Ý tưởng xây dựng bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá được người dân trong làng tuyên truyền cho nhau vào Thành phố Hồ Chí Minh và ra tới nước ngoài. Những người trong làng nhưng đang làm việc tại nước ngoài khi cũng trợ giúp tài chính, gửi hiện vật về quyên góp. Vì vậy, người trong làng chỉ mất tiền xây dựng, còn các hiện vật trưng bày trong bảo tàng đều do người Lai Xá ở mọi nơi quyên tặng, trong đó có cả những chiếc máy ảnh cổ nhất đều được tặng bởi một hợp tác xã. Ông Đặng Văn Tích, từng là chiến sĩ tham gia chiến đấu trận Hà Nội năm 1946, là một trong những người đóng góp nhiều nhất cho bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá. Ông Tích cho biết các tác giả quyên góp sản phẩm phải tự bỏ tiền của bản thân để in ảnh cỡ lớn, tự mua khung treo những bức ảnh, đồng thời những tác phẩm cũng sẽ không được treo vĩnh viễn mà sẽ được thay thế khi bảo tàng nhận thêm những bức ảnh mới "đẹp hơn".
Khởi công và khánh thành.
Bảo tàng khởi công từ tháng 6 năm 2015 với dự kiến ban đầu là 3 tầng cùng tổng số vốn khoảng 3 tỉ Việt Nam đồng. Trong quá trình xây dựng, vì vừa xây dựng vừa vận động tài chính nên bảo tàng chỉ mới xây được 2 tầng và phải đợi đủ tài chính để hoàn thiện tầng 3. Bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá có vị trí nằm ở giữa làng, cạnh đình Đụn với không gian trưng bày gần 300m2. Bảo tàng được khánh thành ngày 15 tháng 5 năm 2017, tức ngày 20 tháng 4 âm lịch, là ngày giỗ Khánh Ký.
Bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá tập trung kể lại những câu chuyện về nghề nhiếp ảnh ở làng Lai Xá và với mong muốn giải đáp những thắc mắc của người tham quan là cách Nguyễn Đình Khánh và những học trò của ông đưa ngôi làng này trở thành một làng nghề, cách dân làng có thể kiếm sống được bằng nghề ảnh hay việc những người ở làng Lai Xá đã đóng góp như thế nào vào sự phát triển văn hoá nhiếp ảnh tại Việt Nam.
Bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá trưng bày khoảng 150 bức ảnh, 25 bảng pano chứa thông tin và gần 15 tủ kính với khoảng 150 hiện vật. Bảo tàng sử dụng ánh sáng đèn là chính, ngôn ngữ sử dụng trong các thuyết minh là tiếng Việt và tiếng Anh. Việc trưng bày được thực hiện trong khoảng thời gian 2 năm kể từ ngày bắt đầu nghiên cứu tìm kiếm tư liệu. Những người chịu trách nhiệm nội dung và trưng bày có Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học và Veronique Dollfus, một nữ chuyên gia tư vấn thiết kế bảo tàng người Pháp.
Lãnh đạo làng và câu lạc bộ nhiếp ảnh Khánh Ký đã tổ chức cuộc vận động cộng đồng nhiếp ảnh Lai Xá hiến tặng các hiện vật, tư liệu về nghề ảnh hoặc có liên quan. Cuộc vận động ngay lập tức đã được sự hưởng ứng, ủng hộ nhiệt tình của những thợ ảnh, nhà nhiếp ảnh, các chủ hiệu ảnh. Trong thời gian ngắn, bảo tàng nhận được về các hiện vật cổ như sản phẩm ảnh, máy ảnh cổ, máy ảnh hộp gỗ chụp phim kính, bộ chấm sửa ảnh, bao đựng ảnh có in tên hiệu ảnh từ những năm 1940 – 1950, dập dấu nổ
Việc thiết kế nhà bảo tàng do công ty cổ phần đầu tư và tư vấn xây dựng Phúc Linh đảm nhiệm. Thiết kế nội thất trưng bày của bảo tàng do nhóm chuyên gia Pháp, Veronique Dolfus và Patrick Hoarau chủ trì. Họa sĩ nội thất Đam Ca triển khai thiết kế chi tiết. Quỹ đất để xây dựng bảo tàng là một căn nhà gỗ, 3 gian, mái ngói, xung quanh có vườn nhỏ nhưng đã bị bỏ hoang. Khuôn viên của căn nhà này rộng khoảng hơn 100m2. Khi quyết định lấy mảnh đất này làm bảo tàng, lãnh đạo làng quyết định dành một không gian trong toà nhà bảo tàng sẽ xây là phòng thờ và đặt bia tưởng niệm.
Tầng 1 có diện tích 140m2, không gian đầu tiên là một phòng thờ những bậc tiền bối trong làng. Ở đây có quầy lưu niệm, bàn thông tin và góc tái hiện một không gian mang tính sắp đặt về một phòng chụp ảnh xưa, đồng thời có một máy ảnh gỗ 3 chân với một phông nền phong cảnh vẽ tay làm nền để chụp ảnh. Tầng này cũng được sử dụng để trưng bày những bức ảnh do nghệ nhân trong làng đạt giải cao trong các kỳ liên hoan nhiếp ảnh.
Tầng 2 có diện tích 125m2 để dành toàn bộ cho nội dung trưng bày chính. Hệ thống ánh sáng ở tầng 2 sử dụng ánh sáng đèn điện chủ đạo kết hợp với một phần ánh sáng tự nhiên. Không gian "Tổ nghề nhiếp ảnh Lai Xá" cũng được giới thiệu về cuộc đời Nguyễn Đình Khánh với dấu mốc mở hiệu ảnh mang tên Khánh Ký đầu tiên vào năm 1892 ở phố Hàng Da. Một số không gian khác giới thiệu những sản phẩm ảnh của các bậc tiền bối được sắp xếp theo chuyên đề (chân dung, nghệ thuật ảnh sáng, ảnh ghép, ảnh tô màu thủ công). Nhiều bức ảnh cổ ghi lại khoảnh khắc của các vĩ nhân, người nổi tiếng, các nghệ sĩ tên tuổi như ban hợp ca Thăng Long, Chế Linh, Thanh Nga, Thẩm Thuý Hằ, một căn phòng cũng được xây dựng để tái hiện lại không gian in phóng ảnh thời xưa, trong đó phải là căn phòng hẹp dùng ánh sáng đỏ của buồng tối tráng phim, rửa ảnh với các loại thuốc rửa, lên màu, lên phim.
Theo Đỗ Văn Trụ – Phó Chủ tịch và Tổng thư ký Hội Di sản văn hóa Việt Nam, việc bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá khánh thành được xem là sự kiện có "ý nghĩa quan trọng" về nhiều mặt trong đời sống của nhân dân Lai Xá, trong đó thể hiện việc ghi nhớ công ơn quá khứ của nhân dân Lai Xá trong công cuộc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của người dân địa phương. Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm nhận định rằng "Có thể đọc nhiều về câu chuyện nhiếp ảnh ở đây. Đây có lẽ là bảo tàng làng nghề đầu tiên ở nước ta [Việt Nam]". Một trang báo nhận định khi ra về, du khách lại một lần nữa xem những tác phẩm ảnh nghệ thuật của người Lai Xá được treo dọc cầu thang với một cảm giác và "nhận thức khác" với lúc đến ban đầu chưa thăm bảo tàng.
Dù bảo tàng mở cửa hoàn toàn miễn phí nhưng trong vài năm đầu mở cửa, nơi này chỉ đón những đợt khách quốc tế đơn lẻ thông qua Facebook, thi thoảng có lượng học sinh, sinh viên trong nước tới thăm mà chưa có một lượng khách thường xuyên.
Sự ra đời của Bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá đã giúp mở thêm một điểm tham quan khác trong làng Lai Xá. Bên cạnh đó là vài bảo tàng và nơi trưng bày ảnh khác cùng các hiệu ảnh trong làng. Điều này tạo ra một hệ thống liên kết giới thiệu về di sản văn hóa truyền thống của làng, qua đó hướng tới việc làng Lai Xá được kì vọng trở thành một điểm tham quan du lịch – làng nghề mới của Hà Nội. Theo một số báo nhận định, bảo tàng nhiếp ảnh này là bảo tàng đầu tiên của người dân trong một làng xây dựng nhằm bảo tồn và giới thiệu một di sản truyền thống của mình, cũng là bảo tàng đầu tiên về một làng nghề ở Hà Nội. Theo báo "Tuổi trẻ" đưa tin, đây là lần đầu tiên ở Việt Nam mà người dân của một làng tự nguyện quyên góp tiền để xây dựng bảo tàng nhiếp ảnh. |
Di sản văn hóa.
Nhà ga cũ được bảo tồn tốt và là một trong những ví dụ điển hình nhất còn sót lại về phong cách kiến trúc của thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng. Mái nhà màu xanh lam đặc trưng của các nhà ga xe lửa thời kỳ đầu ở Hàn Quốc và vì lý do này, nó được chỉ định là tài sản văn hóa quốc gia. Tòa nhà ga cũ hiện nằm liền kề với nhà ga mới được cải tạo (hoàn thành năm 2007) và là một ví dụ nổi bật về cách đường sắt Hàn Quốc đã phát triển nhanh chóng như thế nào trong một khoảng thời gian tương đối ngắn.
Nhiều cư dân gần nhà ga đi lại đến Seoul hàng ngày, nhưng dịch vụ tàu chở khách không thường xuyên trước đây khiến khu vực này tương đối cô lập. Để khắc phục vấn đề này, người dân đã kiến nghị với chính quyền địa phương và Bộ Xây dựng. Đáp lại, các ga Dosim Paldang đã được đưa vào hệ thống đường sắt đi lại của Tuyến Jungang sớm hơn so với kế hoạch ban đầu. Việc mở dịch vụ này đã giảm thời gian đi lại hơn 30 phút. |
Tinh Tế (nhà Thanh)
Tinh Tế (, #đổi , chuyển tả: Jingji, 14 tháng 1 năm 1645 – 22 tháng 6 năm 1649) là một Quận vương nhà Thanh trong lịch sử Trung Quốc.
Tinh Tế sinh vào giờ Sửu ngày 17 tháng 12 (âm lịch) năm Thuận Trị đầu tiên (1644) trong gia tộc Ái Tân Giác La. Ông là con trai thứ 2 của Trấn Quốc công Hỗ Tắc – con trai thứ tám của Lễ Thân vương Đại Thiện. Mẹ ông là Đích phúc tấn Bác Nhĩ Tế Cát Đặc thị, con gái của Tang A Nhĩ Tái – một Đài cát của Khoa Nhĩ Thấm. Năm 1646, Hỗ Tắc qua đời khi Tinh Tế chỉ vừa 2 tuổi. Dù là con trai thứ nhưng là là người con lớn nhất do Đích thê sinh ra, Tinh Tế được tập tước Phụng ân Trấn quốc công vào tháng 6 cùng năm, không lâu sau thì được thăng làm Đa La Quận vương. Nhưng chỉ 3 năm sau, Tinh Tế qua đời ngày 13 tháng 5 (âm lịch) năm 1649, được truy thụy "Hoài Mẫn" (). Em trai cùng mẹ của ông là Kiệt Thư thừa kế tước vị Quận vương. |
Công quốc Cornwall (tiếng Cornwall: "Duketh Kernow") là một trong hai công quốc hoàng gia ở Anh, công quốc còn lại là Lancaster. Con trai cả của đương kim quốc vương Anh có được quyền sở hữu công quốc và tước hiệu "Công tước xứ Cornwall" khi mới sinh hoặc khi cha mẹ của anh ta kế vị ngai vàng, nhưng không được bán tài sản vì lợi ích cá nhân và bị hạn chế quyền lợi cũng như thu nhập khi còn vị thành niên.
Công tước hiện tại của xứ Cornwal là Vương tử William. Khi quốc vương không có con trai, các quyền và trách nhiệm của công quốc được trao lại cho Vương quyền.
Hội đồng Công quốc, được gọi là Hội đồng Vương tử, họp 2 lần mỗi năm và do công tước làm chủ tịch. Hội đồng Vương tử là một cơ quan không điều hành cung cấp lời cố vấn cho công tước liên quan đến việc quản lý công quốc. Công quốc cũng thực hiện một số quyền và đặc quyền hợp pháp trên khắp Cornwall và Quần đảo Scilly, bao gồm một số quyền và đặc quyền ở những nơi khác ở Anh thuộc về Vương quyền. Công tước bổ nhiệm một số quan chức trong địa hạt và đóng vai trò là cơ quan quản lý cảng cho bến cảng chính của Quần đảo Scilly.
Chính phủ coi công quốc là một cơ quan vương quyền và do đó được miễn nộp thuế doanh nghiệp. Tình trạng miễn thuế của công quốc đã bị thách thức.
Công quốc sở hữu 531,3 km2 (205,1 dặm vuông), chiếm 0,2% diện tích đất của Vương quốc Anh, với các phần lãnh thổ tách rời trải dài tại hơn 23 hạt hành chính, chứ không nằm dính với nhau, bao gồm các tài sản nông nghiệp, dân cư và thương mại, cũng như danh mục đầu tư.
Tài chính và kinh doanh.
Hoạt động chính của công quốc là quản lý các khu bất động sản ở Anh với diện tích 135.000 mẫu Anh hay 55.000 ha. Điều này bao gồm 7.571 ha hoặc 18.710 mẫu đất ở chính Cornwall, chiếm 13% toàn bộ điền trang công quốc. Một nửa bất động sản nằm trên Dartmoor ở Devon, với các mảnh lớn khác ở Herefordshire, Somerset và gần như toàn bộ Quần đảo Scilly. Công quốc cũng có một danh mục đầu tư tài chính.
Việc quản lý công quốc được quy định bởi Đạo luật (Tài khoản) của Công quốc Lancaster và Cornwall 1838, đạo luật này yêu cầu sự giám sát của Bộ Tài chính và các tài khoản phải được trình lên cả hai viện của Quốc hội Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland.
Công quốc có các quyền hợp pháp đặc biệt, chẳng hạn như các quy tắc về quyền lợi của Tài sản vô chủ. Quyền đối với tài sản không có chủ sở hữu này hoạt động có lợi cho công quốc hơn là Vương quyền, chẳng hạn như tài sản của bất kỳ ai chết ở hạt Cornwall mà không có di chúc hoặc người thừa kế có thể xác định danh tính hoặc những tài sản thuộc về các công ty đã giải thể có trụ sở đăng ký ở Cornwall, đều được thuộc quyền sở hữu của công quốc. Vào năm 2007, công quốc đã nhận tổng cộng 130.000 bảng Anh từ nguồn này và được trao cho một quỹ từ thiện.
Công quốc được thành lập với mục đích rõ ràng là cung cấp thu nhập cho người thừa kế ngai vàng; tuy nhiên, các điều khoản ban đầu giới hạn tước hiệu Công tước xứ Cornwall cho con trai cả của quốc vương nếu và chỉ khi, con trai đó cũng là người thừa kế rõ ràng; kể từ năm 2015, con cả (bất kể giới tính) của quốc vương thường sẽ là người thừa kế rõ ràng, nhưng không có thay đổi nào được thực hiện để cho phép con gái cả nhận tước hiệu Nữ công tước xứ Cornwall. Công tước xứ Cornwall có 'quyền sở hữu' đối với tài sản của công quốc (chẳng hạn như bất động sản), có nghĩa là họ được hưởng thu nhập ròng, không có quyền sở hữu hoàn toàn và không có quyền bán tài sản vì lợi ích của cá nhân mình.
Năm 1913, các quan chức tư pháp của chính phủ đưa ra ý kiến rằng Công tước xứ Cornwall không phải chịu thuế đối với thu nhập từ Công quốc. Tuy nhiên, từ năm 1993 đến khi lên ngôi vào năm 2022, Thái tử Charles đã tự nguyện nộp thuế thu nhập ở mức thông thường (xem Tài chính của Hoàng gia Anh).
Kể từ khi Đạo luật trợ cấp có chủ quyền 2011 có hiệu lực, doanh thu của Công quốc Cornwall sẽ được chuyển cho người thừa kế ngai vàng, bất kể người thừa kế đó có phải là Công tước xứ Cornwall hay không. Trong trường hợp người thừa kế là trẻ vị thành niên, 10% doanh thu sẽ được chuyển cho người thừa kế, phần còn lại được chuyển cho Vương quyền.
Công quốc đã tạo ra thu nhập 21,7 triệu bảng Anh trong năm 2017–2018. Số tiền này chi trả cho hầu hết các hoạt động chính thức và từ thiện của Thân vương xứ Wales và Công tước phu nhân xứ Cornwall, cũng như các văn phòng chính thức của Công tước và Công tước phu nhân xứ Cambridge, cũng như Vương tử Harry, Công tước xứ Sussex.
Công quốc được Vua Edward III thành lập vào ngày 17 tháng 3 năm 1337 theo Đại Hiến chương Hoàng gia, dựa trên tài sản và điền trang của cựu Lãnh địa Bá tước xứ Cornwall và địa vị này đã được trao cho con trai của nhà vua là Edward, Thân vương xứ Wales (với biệt danh Hoàng tử Đen\Black Prince), người đã trở thành Công tước xứ Cornwall đầu tiên.
Hiến chương quy định rằng Công tước xứ Cornwall phải là con trai cả còn sống của quốc vương đương nhiệm và là người thừa kế ngai vàng. Điều lệ bổ sung đã được ban hành sau đó bởi Edward III. Công quốc bao gồm tước hiệu và danh dự, và các vùng đất hỗ trợ tài chính cho nó. Điều lệ trao cho công tước một số quyền và trách nhiệm trong địa hạt, bao gồm quyền bổ nhiệm cảnh sát trưởng của địa hạt và lợi nhuận từ các tòa án địa hạt, đồn điền và cảng. Bất động sản của công tước, dựa trên tài sản của các Bá tước xứ Cornwall trước đó, không bao gồm toàn bộ địa hạt, và phần lớn nằm bên ngoài Cornwall. Phạm vi của bất động sản đã thay đổi khi nhiều cổ phần đã được bán và mua lại trong nhiều năm, cả ở Cornwall và các địa hạt khác.
Theo điều lệ, các trang viên của Bá tước xứ Cornwall được chuyển cho công tước. 17 trang viên ban đầu, tất cả đều ở Cornwall, được gọi là "Antiqua maneria (trang viên cổ xưa)". Những điền trang bên ngoài Cornwall được trao cho công quốc khi nó được thành lập được gọi là "forinseca maneria" (trang viên nước ngoài), với các điền trang được hợp nhất sau này được biết đến với tên gọi "Anneata maneria".
Vị công tước đầu tiên đã ra lệnh tiến hành một cuộc khảo sát có tên là "Chú thích Seisin của Công tước xứ Cornwall" ("The Caption of Seisin of the Duchy of Cornwall") vào tháng 5 năm 1337 để xác định mức độ nắm giữ của các công tước đối với vùng đất Cornwall bao gồm các trang viên, lâu đài và lệ phí hiệp sĩ, lợi nhuận từ các tòa án quân đội và quyền hạn của Cornwall, và các khoản thu khác.
Một hiến chương tiếp theo được ban hành bởi Vua Henry IV dành cho Công tước đời thứ 5 của xứ Cornwall đã viết rằng:
Với cái chết của Vương tử Arthur vào năm 1502, Hội đồng Hoàng tử không còn tồn tại. Từ năm 1547 đến năm 1603, không có người thừa kế nam nào của hoàng gia giữ tước hiệu Công tước xứ Cornwall, và công quốc được trao lại cho Vương quyền, trên thực tế trở thành một bộ phận của Exchequer. Hội đồng đã được cho phục hồi vào năm 1611 để đối phó với cuộc khủng hoảng lương thực.
Công quốc giai đoạn 1649–1660.
Sau cái chết của Vua Charles I, các vùng đất tích hợp vào Vương quyền nằm dưới sự kiểm soát của Quốc hội; điều này kéo dài cho đến khi Vua Charles II thực hiện thành công Trung hưng quân chủ Anh vào năm 1660.
Năm 1830, Đảng Whigs lập luận rằng doanh thu từ hai công tước Cornwall và Lancaster nên thuộc về thần dân nước Anh, nhưng để đảm bảo sự ủng hộ của Vua William IV đối với Đạo luật Cải cách 1832, cuối cùng họ đã phê chuẩn danh sách dân sự và để các công quốc thuộc quyền sở hữu của hoàng gia. Quốc hội đã nhiều lần tranh luận về quyền sở hữu của hai công quốc, kể cả dưới thời trị vì của Nữ hoàng Victoria và Vua Edward VII. Năm 1936, lãnh đạo phe đối lập Clement Attlee đưa ra một bản sửa đổi đối với dự luật danh sách dân sự, theo đó các công quốc phải chấp nhận để đổi lấy một khoản tiền hàng năm được điều chỉnh gắn với chi phí thực tế của các chức năng hoàng gia, nhưng bản sửa đổi đã bị thất bại. Năm 1971, dự luật quốc hữu hóa công quốc của một thành viên tư nhân cũng thất bại, nhưng đã có hơn 100 nghị sĩ đã ủng hộ nó.
Sau khi Nữ vương Elizabeth II lên ngôi, Thái tử Charles khi đó bắt đầu nhận được 209.000 bảng Anh từ công quốc, với chính quyền công quốc tuyên bố rằng số tiền đó được chi cho việc "nuôi dưỡng và giáo dục" của ông. Năm 1969, chính phủ thừa nhận rằng thu nhập từ tước vị công tước của ông "vượt quá đáng kể so với chi tiêu hiện tại".
Năm 1975, Thái tử Charles thành lập Quỹ từ thiện của Công tước xứ Cornwall để mang lại lợi ích cho các cộng đồng phía Tây Nam, với doanh thu đến từ số tiền thu được từ tài sản vô chủ ở Cornwall. Vào tháng 8 năm 1980, bất động sản Highgrove được Công tước xứ Cornwall mua với giá được cho là từ 800.000 đến 1.000.000 bảng Anh, với số tiền huy động được để mua nó bằng cách bán ba bất động sản từ tài sản của công tước, bao gồm một phần của làng Daglingworth ở Gloucestershire.
Năm 1988, Hội đồng quận Tây Dorset giao đất trong điền trang công tước, phía Tây Dorchester, để phát triển nhà ở, nơi được gọi là Poundbury. Công ty Duchy Originals được thành lập vào năm 1992 để sử dụng sản phẩm từ các trang trại trong khu đất của công tước, với một số tiền thu được sẽ được dùng cho các tổ chức từ thiện của ông. Duchy Originals đã được cấp phép cho Waitrose vào năm 2009 sau khi thua lỗ vào năm 2008. Năm 2006, Llwynywermod được Công quốc mua làm nơi ở cho Công tước ở Wales.
Năm 1995, công quốc đã cấp hợp đồng thuê 99 năm các đảo nhỏ không có người ở của Quần đảo Scilly, cộng với vùng đất không có người sở hữu ở trên 5 hòn đảo có người ở, cho Isles of Scilly Wildlife Trust với khoản thanh toán hàng năm bằng một bông thủy tiên. Vào ngày 7 tháng 2 năm 2005, tài chính của Công quốc Cornwall được Ủy ban Tài khoản Công của Hạ viện giám sát công khai.
Theo Đạo luật đăng ký đất đai năm 2002, Công quốc được yêu cầu vào tháng 10 năm 2013 phải nộp cho Cơ quan đăng ký đất đai các quyền khoáng sản được trao cho Công quốc vào năm 1337. Một số chủ sở hữu đất đai của Talskiddy đã ngạc nhiên rằng các quyền này sẽ được đưa vào sổ đăng ký quyền sở hữu của họ một cách rõ ràng khi được thông báo về việc nộp đơn vào tháng 2 năm 2012.
Vào tháng 1 năm 2012, Công quốc đã mua một nhà kho tại Milton Keynes từ Waitrose. Công quốc đã tham gia vào dự án Truro Eastern District Center (TEDC). Dự án TEDC sẽ xây dựng một công viên và bãi xe, một trung tâm tái chế, 110 ngôi nhà và một Waitrose ở giao lộ của Union Hill và Newquay Road. Dự án đã nhận được sự chấp thuận của Hội đồng Cornwall vào tháng 3 năm 2012, nhưng Hội đồng Truro đã phản đối nó trước triều đình. Điều này đặt ra câu hỏi về mối quan hệ giữa Công quốc và Waitrose.
Vào năm 2013, việc xây dựng Nansledan đã được cấp phép, một phần mở rộng đô thị cho Newquay ở Cornwall, mà Công quốc đã lên kế hoạch từ đầu những năm 2000. Việc xây dựng bắt đầu vài tháng sau đó.
Năm 2013, văn phòng của Công tước ở Cornwall chuyển từ Liskeard đến các tòa nhà trang trại cũ của Trang viên Lâu đài Restormel. Vào năm 2014, Công quốc đã mua nửa phía Nam của điền trang Port Eliot từ Lãnh chúa xứ St Germans. Đến năm 2015, Thái tử William bắt đầu tham dự Hội đồng Công quốc hai lần một năm. Năm 2017, Paradise Papers tiết lộ rằng Công quốc đã đầu tư vào các quỹ và công ty nước ngoài. Sau đó, cung điện tuyên bố rằng các khoản đầu tư ra nước ngoài đã bị loại bỏ vào năm 2019.
Công quốc sở hữu 531,3 km2 (205,1 dặm vuông) – 0,2% diện tích đất của Vương quốc Anh – nằm rải rác tại hơn 23 địa hạt, bao gồm các tài sản nông nghiệp, dân cư và thương mại, cũng như danh mục đầu tư.
Đến thế kỷ XVII, các điền trang của công tước được xếp vào một trong ba nhóm:
Các bất động sản là nguồn gốc của công việc quản lý đất đai cho bảy văn phòng:
Hầu hết tài sản được cho thuê, đặc biệt là đất nông nghiệp, trong khi đất rừng và các ngôi nhà nghỉ mát do Công quốc trực tiếp quản lý. Hoạt động kinh doanh nhà nghỉ dưỡng của điền trang tập trung ở Restormel Manor, gần Lostwithiel.
Công quốc sở hữu sân cricket The Oval ở London, được xây dựng trên mảnh đất ở Kennington, nơi tạo thành một phần của khu đất Công quốc ban đầu. Công quốc đã mạo hiểm phát triển theo kế hoạch với Poundbury, gần Dorchester ở Dorset.
Kế hoạch phát triển.
Bên cạnh Poundbury, công quốc còn tham gia vào dự án ở Nansledan, một phần mở rộng 540 mẫu Anh đến thị trấn ven biển Newquay, Cornwall. Năm 2012, công việc bắt đầu phát triển, 174 ngôi nhà tại Đồi Tregunnel, phía Tây Nam Newquay, được người dân địa phương gọi là "Surfbury", theo tên dự án Poundbury ở Dorset. Các kế hoạch đã được phê duyệt vào tháng 12 năm 2013 bao gồm 800 ngôi nhà, cửa hàng, siêu thị và trường tiểu học. Mục đích là Nansledan sẽ phát triển thành một cộng đồng gồm hơn 4.000 ngôi nhà hỗ trợ số lượng công việc tương tự.
Tình trạng pháp lý và quyền bổ sung.
Cả Công quốc Cornwall và Công quốc Lancaster — kể từ năm 1399 do quốc vương Anh nắm giữ với tư cách cá nhân — đều có các quyền pháp lý đặc biệt mà các điền trang trên đất liền khác không có: ví dụ, các quy tắc về quyền sở hữu ngay từ đầu, quyền đối với tài sản vô chủ, có hiệu lực và ủng hộ những người nắm giữ các công quốc hơn là Vương quyền, chẳng hạn như tài sản của bất kỳ ai chết ở địa hạt Cornwall mà không có di chúc hoặc người thừa kế (tài sản vô chủ), cũng như tài sản của các công ty đã giải thể có trụ sở đăng ký ở Cornwall, được chuyển cho công quốc.
Vào năm 2007, đã có 130.000 bảng Anh được chuyển cho ngân quỹ của công quốc từ nguồn tài sản vô chủ và được trao cho một quỹ từ thiện. Công tước sở hữu khoảng 3/5 bờ biển Cornish và 'đáy', hay lòng sông, của những con sông có thể đi lại được và có quyền khai thác hoặc trục vớt các xác tàu bị đắm trên bờ biển Cornish, bao gồm cả những con tàu nổi ngoài khơi, và cả các loài cá hoàng gia chiếu theo luật của Vương quốc Anh — tức là cá voi, cá heo và cá tầm. Công quốc Cornwall là cơ quan quản lý bến cảng của Cảng St Mary. Có tổng chưởng lý riêng cho công quốc. Cảnh sát trưởng cấp cao của Cornwall được bổ nhiệm bởi Công tước xứ Cornwall, chứ không phải quốc vương, trái ngược với các đơn vị hành chính khác của Anh và xứ Wales. Công tước có một vai trò nghi lễ trong việc triệu tập Nghị viện Cornish Stannary. |
Đảng Mao Trạch Đông Cộng sản chủ nghĩa Trung Quốc
Đảng được thành lập năm 2008 với ý nghĩa chống lại cải cách kinh tế năm 80 được tiến hành bởi Đảng Cộng sản Trung Quốc. Các thành viên của đảng cho rằng cuộc cải tổ này đã "tái thiết lập các tính chất của một xã hội tư bản chủ nghĩa". Vì lẽ đó, đảng chủ trương lật đổ "Phe cánh phản động theo chủ nghĩa xét lại đang cầm quyền bên trong Đảng Cộng sản trung Quốc" bằng cách khởi xướng một "cuộc cách mạng vô sản lần hai" để thiết lập lại chế độ chuyên chính vô sản. Muc tiêu cuối cùng của đảng là đi lên chủ nghĩa cộng sản.
Một trong những người sáng lập đảng là Mã Hầu Chi đã bị chính quyền Trung Quốc bắt vào năm 2009 khi đang chuẩn bị tổ chức một cuộc họp Đảng tại Trùng Khánh. Ông bị kết án 10 năm tù và mãn hạn vào năm 2019. |
Nguyễn Đình Khánh (còn có tên hiệu là Khánh Ký, 1874–1946) là một nhiếp ảnh gia người Việt Nam. Ông được xem là người có công phát triển nghệ thuật nhiếp ảnh tại Việt Nam, và là ông tổ nghề nhiếp ảnh tại làng Lai Xá, làng nghề nhiếp ảnh duy nhất tại Việt Nam.
Nguyễn Đình Khánh có tên khai sinh là Nguyễn Văn Xuân. Ông sinh năm 1874 tại xóm Dộc, làng Lai Xá, tổng Kim Thìa, xưa là huyện Đan Phượng, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay thuộc xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội). Cha của Nguyễn Đình Khánh là Nguyễn Hữu Phong và mẹ là Phạm Thị Tít. Hai người đều đã mất khi Nguyễn Đình Khánh còn nhỏ tuổi.
Ra Hà Nội lập nghiệp.
Năm 1890, khi Nguyễn Đình Khánh mới 16 tuổi, ông ra Hà Nội làm việc làm phụ bếp nấu ăn cho cửa hàng ảnh của một Hoa kiều tên là Du Trương trên phố Hàng Bồ. Ông còn được người chú Nguyễn Văn Tạo cho học nghề ảnh tại hiệu ảnh này. Nhận thấy lòng say nghề và có chút khéo léo, chủ hiệu ảnh đã dạy nghề cho ông. Chỉ sau 2 năm, ông đã trở thành một tay nhiếp ảnh đáng chú ý ở Hà Nội, thậm chí tay nghề còn được nhận xét là hơn cả người chủ hiệu ảnh.
Sau 2 năm theo học ở hiệu ảnh người Hoa, Nguyễn Đình Khánh đã tìm tòi, học hỏi được những kinh nghiệm, kỹ thuật chụp ảnh, kỹ thuật chụp "buồng tối" để mở hiệu ảnh Khánh Ký tại phố Hàng Da, cạnh tranh với cửa hiệu Chu Dương. Không chỉ mưu sinh bằng nghề ảnh, ông đã về quê truyền nghề cho cả làng. Với vốn kinh nghiệm trong tay nghề của mình, thương hiệu Khánh Ký đã nhanh chóng nổi tiếng và là nơi đào tạo ra đội ngũ những người thợ ảnh đầu tiên của làng Lai Xá. Toàn bộ trang thiết bị máy móc, nguyên vật liệu, phim, giấy ảnh đề hành nghề đều được đặt mua từ Pháp hoặc Hồng Kông để phù hợp với điều kiện kinh tế thời điểm đó.
Năm 1907, ông chuyển đến Sài Gòn, thành lập các ảnh viện và thành công ngang tầm với nhiếp ảnh gia người Armenia . Khi hành nghề ảnh tại Hà Nội, Nguyễn Đình Khánh tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục nhưng phong trào bị bại lộ nên vào năm 1911, ông phải lánh nạn sang Pháp mở hiệu ảnh ở Toulouse mang tên Khánh Ký. Tiệm ảnh của ông cũng là nơi những người yêu nước của Việt Nam hoạt động cách mạng và những học sinh Việt Nam du học. Trước đó vào năm 1909, Nguyễn Đình Khánh cũng đã mở thêm được một số hiệu ảnh khác ở Hà Nội và Nam Định. Theo báo điện tử VTV đưa tin, nét riêng trong những bức ảnh chụp chân dung mang thương hiệu Khánh Ký thời bấy giờ là chụp toàn thân, mặt hướng thẳng, ngồi ghế, hai tay đặt lên đầu gối xoè 10 ngón tay và ngón chân. Thậm chí, việc sở hữu những bức ảnh chân dung theo phong cách hiệu ảnh Khánh Ký khi ấy đã trở thành một trào lưu.
Cuộc sống tại Pháp.
Năm 1913, khi Raymond Poincaré trúng cử Tổng thống Pháp, lễ nhậm chức của ông có hàng trăm người chụp ảnh, nhưng Nguyễn Đình Khánh (khi ấy là chủ ảnh viện ở đại lộ Malesherbes) đã chụp được một tấm ảnh và được tờ "" chọn đưa lên trang bìa. Nhờ đó, Khánh Ký càng nổi tiếng và kinh doanh khá giả. Nhưng ông không chỉ là một doanh nhân nhiếp ảnh mà còn là một người theo chủ nghĩa yêu nước. Nhiều tư liệu cho thấy, đầu những năm 20 thế kỉ 20, Khánh Ký đã giúp đỡ Nguyễn Ái Quốc (về sau là Hồ Chí Minh) khi ông hoạt động ở Pháp. Ông còn là cộng tác và là mạnh thường quân của nhóm người yêu nước tại .
Giai đoạn đầu sang Pháp, Hồ Chí Minh đã được Khánh Ký, Phan Châu Trinh… trợ giúp về mặt tài chính, nơi ở và truyền dạy cho Hồ Chí Minh nghề ảnh để có tiền hoạt động. Cũng từng có thời điểm năm 1916, sau khi Phan Văn Trường về nhận việc ở Toulouse thì Nguyễn Đình Khánh đã xin phép Bộ thuộc địa mở quán cơm An Nam vì cho rằng nghề ảnh bị ế ẩm.
Những năm tiếp theo, hiệu ảnh mang tên Khánh Ký được thành lập ở các thành phố lớn như Frankfurt am Main (Đức), Quảng Châu (Trung Quốc). Tháng 7 năm 1921, Nguyễn Đình Khánh về nước và mở hàng loạt hiệu ảnh ở các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng. Trong chuyến đi trở về này, ông đi trên chiếc tàu thủy mang tên "Amiral Nielly" và mang theo 400 kg vật liệu về nhiếp ảnh. Từ hiệu ảnh Khánh Ký về sau đã được phát triển và hình thành đến hơn 150 hiệu ảnh khắp Việt Nam với khoảng hơn 2.000 thợ ảnh; tập trung nhiều nhất ở Hà Nội có 35 hiệu ảnh, Sài Gòn và các tỉnh phía Nam có 35 hiệu ảnh. Năm 1932, Nguyễn Đình Khánh từng bị bắt vì bị tình nghi làm "thủ quỹ" cho một hội kín nhưng ông khẳng định "không dính dáng đến hội kín" và luôn mến người Pháp. Nguyên nhân được cho là sự tình nghi ông theo hội của Trotsky và hay liên lạc với Kinh, một nhà tri thức. Năm 1934, Nguyễn Đình Khánh Ký trở lại Pháp để tiếp tục kinh doanh nghề nhiếp ảnh.
Qua đời và tưởng nhớ.
Sau sự kiện Cách mạng Tháng Tám, tháng 5 năm 1946, Nguyễn Đình Khánh viết thư cho Hồ Chí Minh ngỏ ý muốn về nước nhưng mắc trọng bệnh rồi qua đời ở Paris vào ngày 31 tháng 5 năm 1946. Ngày 25 tháng 6 cùng năm, trong chuyến công du sang Pháp trên cương vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chí Minh đã đến viếng mộ Nguyễn Đình Khánh, người mà ông cho là "người bạn vong niên", người đã từng truyền dạy nghề nhiếp ảnh và giúp đỡ Hồ Chí Minh rất nhiều những lúc ông hoạt động cách mạng ở Pháp.
Từ hiệu ảnh Khánh Ký, những hiệu ảnh của người làng Lai Xá sau này thường được đi kèm chữ: “Ký” hoặc “Lai” như một cách tôn vinh và khẳng định vị thế của Nguyễn Đình Khánh – người được công nhận là ông tổ làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá. Lai Xá về sau đã được Nhà nước Việt Nam công nhận là Làng nghề nhiếp ảnh truyền thống duy nhất ở Việt Nam. Tuy Đặng Huy Trứ là người đầu tiên du nhập nghề nhiếp ảnh vào Việt Nam nhưng Nguyễn Đình Khánh mới là người có công phát triển nghề nhiếp ảnh và được tôn vinh là ông tổ. Ước tính vào năm 2009, có tới 60 – 70% thợ ảnh Việt Nam xuất xứ từ làng Lai Xá. Dù làm việc và sinh sống trên mọi miền đất nước, nhưng ngày 20 tháng 4 âm lịch hàng năm, họ lại tổ chức giỗ Nguyễn Đình Khánh.
Vào tháng 5 năm 2017, nhân kỷ niệm 125 năm Nguyễn Đình Khánh mở hiệu ảnh, người dân trong làng Lai Xá đã tổ chức khánh thành và khánh thành bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá. Hiện nay bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá đang trưng bày chiếc máy ảnh đầu tiên từng Nguyễn Đình Khánh sử dụng. Với công lao đưa một nghề ngoại nhập phương Tây trở thành nghề truyền thống và đưa nghề nhiếp ảnh tới khắp nơi trên Việt Nam, Nguyễn Đình Khánh trở thành một trong bốn danh nhân nhiếp ảnh có tên trong Từ điển Bách khoa Việt Nam, ngoài ra còn có thêm Đặng Huy Trứ, Võ An Ninh và Đinh Đăng Định. |
Kōshin'etsu (甲信越, Kōshin'etsu) nó là một trong ba tiểu vùng của khu vực Chūbu ở Nhật Bản bao gồm các tỉnh Yamanashi, Nagano và Niigata.
Tên Kōshin'etsu là một từ ghép được hình thành từ tên của các tỉnh cũ liền kề nhau - Kai (nay là Yamanashi), Shinano (nay là Nagano) và Echigo (nay là Niigata). Khu vực này được bao quanh bởi Biển Nhật Bản ở phía tây bắc, vùng Hokuriku ở phía tây, vùng Tōkai ở phía tây nam, vùng Kantō ở phía đông nam và vùng Tōhoku ở phía đông bắc. Tên của khu vực địa lý này thường được kết hợp với vùng Kantō (như trong "Kantō-Kōshin'etsu"); và đôi khi nó được kết hợp với vùng Hokuriku (như trong "Kantō-Kōshin'etsu-Hokuriku" hoặc "Hokuriku-Kōshin'etsu")
Nền kinh tế của tiểu vùng Kōshin'etsu lớn và rất đa dạng, tập trung mạnh vào đồ bạc, điện tử, công nghệ thông tin, cơ khí chính xác, nông nghiệp, thực phẩm, và du lịch. Nơi đây cũng sản xuất dầu thô. Cho đến năm 1989, tiểu vùng Kōshin'etsu cũng tham gia khai thác vàng, đặc biệt là tại đảo Sado.
Theo dữ liệu điều tra dân số của Nhật Bản, tiểu vùng Kōshin'etsu đã có mức tăng trưởng dân số âm kể từ năm 2000
Tư liệu liên quan tới |
Khu tự trị đặc biệt Đông Sát Cáp Nhĩ
Khu tự trị đặc biệt Đông Sát Cáp Nhĩ còn gọi là Khu tự trị đặc biệt Sát Đông () là chính quyền bù nhìn do Đế quốc Nhật Bản thành lập ở phía đông tỉnh Sát Cáp Nhĩ thuộc Trung Hoa Dân Quốc từ năm 1933 đến năm 1936.
Tháng 3 năm 1933, quân đội Nhật chiếm được toàn bộ lãnh thổ của tỉnh Nhiệt Hà và sáp nhập tỉnh này vào Mãn Châu Quốc, bắt đầu "Hoạt động Nội Mông" của quân Quan Đông. Ngay sau đó, quân đội Nhật liền tấn công tỉnh Sát Cáp Nhĩ. Lý Thủ Tín thuộc Lữ đoàn Thôi Hưng Vũ của Quân Biên phòng Đông Bắc đã đầu hàng quân đội Nhật và được người Nhật bổ nhiệm làm tư lệnh du kích Nhiệt Hà, với tư cách là "bộ đội chiến lược quân Quan Đông".
Ngày 28 tháng 4 năm 1933, quân Nhật ra lệnh cho Lý Thủ Tín điều động lực lượng tấn công tỉnh Sát Cáp Nhĩ tiếp giáp với tỉnh Nhiệt Hà, và chiếm được thị trấn quan trọng của tỉnh Sát Cáp Nhĩ là Đa Luân vào ngày 29 tháng 4. Ngày 12 tháng 7, Cát Hồng Xương và các đơn vị khác thuộc Quân Đồng Minh chống Nhật dân chúng Sát Cáp Nhĩ đã giành lại Đa Luân sau trận kịch chiến với đạo quân của Lý Thủ Tín.
Tháng 8 năm 1933, quân Quan Đông yểm trợ quân đội của Lý Thủ Tín tái chiếm Đa Luân. Ngày 22 tháng 9 năm 1933, người Nhật thiết lập Khu tự trị đặc biệt Sát Đông và bổ nhiệm Lý Thủ Tín làm trưởng quan hành chính. Cùng ngày, Lý Thủ Tín nhậm chức qua điện tín.
Ngày 12 tháng 5 năm 1936, Đức Vương thành lập Chính phủ Quân Mông Cổ mới tại thành phố Đức Hóa (nay là huyện Hóa Đức, thành phố Ô Lan Sát Bố, Nội Mông), và Khu tự trị đặc biệt Sát Đông biến mất.
Ngày 11 tháng 6 năm 1933, cơ quan đặc vụ Đa Luân được thành lập và sau khi lập ra khu tự trị đặc biệt Sát Đông thì cơ quan này trở thành Văn phòng chính quyền huyện Đa Luân. Khu tự trị nằm dưới ảnh hưởng của Mãn Châu Quốc và có chính quyền cấp tỉnh tương tự như Mãn Châu Quốc, cố vấn Anzai Kinji nắm quyền chỉ đạo chính quyền huyện và cử đại diện làm khách mời tham dự hội nghị cố vấn và hội nghị huyện trưởng tỉnh Nhiệt Hà, Mãn Châu Quốc. Cơ cấu hành chính của Văn phòng chính quyền huyện Đa Luân bao gồm bốn bộ phận: phòng tổng vụ, phòng nội vụ, phòng tài vụ, phòng cảnh vụ và hai bộ phận là ban phê duyệt và ban giám ngục. Đơn vị hành chính được chia thành bốn vùng, ngoài ra còn lập thêm một văn phòng số 6 lớn. Thứ Tư hàng tuần, một cuộc họp của chính quyền huyện được tổ chức với sự tham dự của các nhân viên từ cơ quan đặc vụ và dinh trưởng quan khu tự trị. Mỗi trưởng phòng ban đều lần lượt trình trước các đề án phải qua sự kiểm duyệt của huyện trưởng và cố vấn, sau đó thảo luận tại các cuộc họp, rồi biên bản cuộc họp sẽ được gửi đến từng phòng ban. Ngoài ra, các cơ quan đặc vụ và dinh trưởng quan có thể chủ trì họp bất thường về những vấn đề đặc biệt.
Nhiều tổ chức của Mãn Châu Quốc đã tiến vào trong khu tự trị đặc biệt Sát Đông bao gồm Cục Diêm vụ Xích Phong, Thuế quan Thừa Đức, Cục Bưu chính Mãn Châu, Hãng Điện báo và Điện thoại Mãn Châu, Đường sắt Mãn Châu, Công ty Vận tải Quốc tế và Ngân hàng Trung ương Mãn Châu đã thành lập các văn phòng chi nhánh địa phương tại đây.
Sau khi khu tự trị này hình thành, Đội Du kích Hưng An được tổ chức lại thành Đội Vệ binh Sát Đông, với hai đội quân người Hán làm lực lượng nòng cốt cùng với một đơn vị pháo binh, một đơn vị truyền tin và hiến binh. Nhóm sĩ quan chính yếu trong đội quân này bao gồm Tư lệnh Lý Thủ Tín, Tham mưu trưởng Trần Bảo Tuyền, Tham mưu Chủ nhiệm tác chiến Lưu Tinh Hàn, Sư đoàn trưởng thứ nhất Lưu Kế Quảng, Sư đoàn trưởng thứ hai Lư Bảo Sơn và Đội trưởng pháo binh Đinh Kỳ Xương. Chỉ có tư lệnh Lý Thủ Tín là người Mông Cổ còn lại tất cả sĩ quan và binh lính đều là người Hán.
Khi tái chiếm Đa Luân vào ngày 13 tháng 8 năm 1933, khoảng 4.600 quân của Lý Thủ Tín đã tiến vào thành, nhưng do thiếu nguồn tài chính nên quân đội được tổ chức lại vào tháng 5 năm sau, và quân số giảm xuống còn 3.500 quân. Đến lúc Hoạt động Nội Mông đạt tới quy mô toàn diện, Bộ Quân chính Mãn Châu Quốc đã gánh vác phần chi phí quân sự này kể từ tháng 7 năm 1935 trở đi.
Số liệu thống kê quan trọng cho dân số các năm 1922 (72.200), 1928 (49.044), 1931 (20.944), 1933 (10.460) và 1935 cho thấy có 7.600 hộ gia đình và tổng dân số Khu tự trị đặc biệt Sát Đông là 31.600 người (20.500 nam, 11.100 nữ). Trước tháng 4 năm 1935, có chưa đến 30 người Nhật sống ở Đa Luân, nhưng con số này đã tăng lên hơn 100 người sau khi nhóm đặc thù đến đây vào tháng 4, và quân đội Nhật bèn cho lập Hiệp hội Cư dân Nhật Bản vào ngày 12 tháng 5 năm 1935. Trưởng chi nhánh Nội Mông Hiệp hội Zenrin là Fujinaka Bensuke làm hội trưởng, cố vấn Anzai Kinji làm phó hội trưởng, trung tá Shimonaga Kenji và kỹ sư trưởng Asami Kikuo đảm nhận chức cố vấn. Sau đó, các quan chức chính phủ, công ty nước ngoài và geisha đều đổ xô vào đây và đến cuối năm đó, tổng số cư dân Nhật Bản đã tăng lên hơn 150 người. |
Chính phủ tự trị Nam Sát Cáp Nhĩ
Chính phủ tự trị Nam Sát Cáp Nhĩ còn gọi là Chính phủ tự trị Sát Nam () là quốc gia bù nhìn của Đế quốc Nhật Bản, đồng thời là một thành phần tự trị về mặt hành chính của Mông Cương từ khi thành lập vào năm 1937 cho đến khi sáp nhập hoàn toàn vào năm 1939. Sau khi Nhật Bản xâm lược Trung Quốc vào tháng 7 năm 1937, các chính quyền khu vực được thành lập tại những vùng lãnh thổ do quân đội Nhật chiếm đóng. Từ sau chiến dịch Sát Cáp Nhĩ vào tháng 9 năm 1937, giúp mở rộng ách thống trị của Nhật Bản đến khu vực phía bắc Sơn Tây, quyền kiểm soát chính thức hơn đối với khu vực này được thiết lập thông qua việc thành lập Chính phủ tự trị Bắc Sơn Tây, cũng như Chính phủ tự trị Nam Sát Cáp Nhĩ ở phía đông Sơn Tây.
Ngày 27 tháng 8 năm 1937, Đạo quân Quan Đông cùng quân Mông Cổ đánh chiếm Trương Gia Khẩu, thủ phủ tỉnh Sát Cáp Nhĩ của Trung Hoa Dân Quốc. Cựu điều hành viên của Thương hội Trương Gia Khẩu là Vu Phẩm Khanh đã đầu hàng quân đội Nhật và được họ bổ nhiệm làm thành viên Hội Duy trì Trị an Trương Gia Khẩu đóng trụ sở tại đây. Ngày 4 tháng 9 cùng năm, Hội Duy trì Trị an Trương Gia Khẩu dưới sự thao túng của quân Quan Đông đã lập nên Chính phủ tự trị Nam Sát Cáp Nhĩ. Trương Gia Khẩu được chọn làm thủ đô và 10 huyện ở phía nam của tỉnh Sát Cáp Nhĩ với dân số khoảng 2 triệu người. Mười huyện trực thuộc chính thể này bao gồm Tuyên Hóa, Vạn Toàn, Hoài An, Trác Lộc, Uất, Dương Nguyên, Xích Thành, Long Quan, Diên Khánh và Hoài Lai.
Ngoài Chính phủ tự trị Nam Sát Cáp Nhĩ, Chính phủ tự trị Thống nhất Mông Cổ và Chính phủ tự trị Bắc Sơn Tây được thành lập tại khu vực Mông Cương cùng một lúc. Ba chính phủ tự trị này đã lập ra Ủy ban Liên hợp Mông Cổ để tạo điều kiện cho sự hội nhập của nhau. Tuy vậy, ủy ban này hoạt động không được tốt cho lắm. Do đó, vào tháng 9 năm 1939, ba chính phủ đều hợp nhất thành Chính phủ tự trị Thống nhất Mông Cương mới lập. Đồng thời, Chính phủ tự trị Nam Sát Cáp Nhĩ được tổ chức lại thành Văn phòng Chính phủ Nam Sát Cáp Nhĩ và sáp nhập vào các đơn vị hành chính của chính phủ mới, và Văn phòng Chính phủ Nam Sát Cáp Nhĩ được đổi tên thành tỉnh Tuyên Hóa vào năm 1943.
Trong Chính phủ tự trị Nam Sát Cáp Nhĩ, hai thành viên tối cao được bầu từ ủy ban chính vụ đóng vai trò lãnh đạo hành chính. Ngoài ra, còn có các phòng ban gồm Văn phòng Tổng vụ, Cục Dân chính, Cục Tài chính, Cục Bảo an và Cục Dân sinh, và vị cục trưởng được bổ nhiệm làm người đứng đầu mỗi cơ quan này. Ngoài ra, người Nhật còn được cử đến từng bộ phận của chính phủ tự trị với tư cách là cố vấn để họ có thể can thiệp vào việc điều hành đất nước, củng cố hơn nữa địa vị của nước này như một quốc gia bù nhìn của Nhật Bản.
Những nhân vật chủ chốt trong chính phủ Sát Cáp Nhĩ như sau: |
Đấu trường siêu việt
Đấu trường siêu việt (hay Đấu trường siêu Việt, tiếng Anh: Domination) là một chương trình trò chơi truyền hình được phát sóng trên kênh VTV3 từ ngày 7 tháng 7 năm 2022. Đây là phiên bản quốc tế đầu tiên của chương trình truyền hình "Domination" đến từ Israel. Thành Trung là người dẫn chương trình trong suốt thời gian phát sóng.
Trong mỗi tập phát sóng, 1 người chơi sẽ đối đầu với 50 nhóm người chơi thuộc nhiều ngành nghề và sở thích khác nhau tham gia trả lời một danh sách câu hỏi theo các chủ đề của chương trình. Hệ thống lựa chọn ngẫu nhiên 10 nhóm người chơi (mỗi nhóm gồm 50 người) để người chơi lựa chọn thách đấu. Có 8 chủ đề mà người chơi lần lượt phải vượt qua, trong đó 7 chủ đề được cung cấp cho người chơi ngay từ đầu, còn chủ đề thứ 8 được giấu đi cho đến khi người chơi vượt qua được 7 chủ đề này. Ở mỗi chủ đề, người chơi lựa chọn một nhóm người để đối đầu trong một bộ câu hỏi gồm 10 câu liên quan đến chủ đề đó, với ba đáp án chung cho tất cả các câu hỏi trong bộ. Hệ thống sẽ tính toán tỷ lệ trả lời đúng trung bình trong 10 câu của nhóm người này (chính xác đến số thập phân thứ nhất). Để đánh bại nhóm người mà người chơi đã lựa chọn, người chơi cần trả lời đúng nhiều câu hỏi hơn tỷ lệ trả lời trung bình của nhóm người chơi đó trong thời gian quy định. Người chơi có thể đưa ra đáp án cho mỗi câu hỏi bất cứ lúc nào (kể cả khi MC chưa đọc xong câu hỏi) bằng cách đọc đáp án của mình (chỉ đáp án đầu tiên mà người chơi đưa ra được ghi nhận). Nếu thành công, người chơi sẽ có được số tiền thưởng ứng với mốc tiền thưởng của chương trình (xem bên dưới) và tiếp tục đến chủ đề tiếp theo. Nếu thua (hết giờ mà vẫn chưa cán mốc mục tiêu hoặc trả lời sai quá nhiều câu dẫn đến không thể đạt đủ mục tiêu tối thiểu để vượt qua nhóm người đó), người chơi sẽ phải dừng cuộc chơi của mình và ra về mà không có tiền thưởng. Nếu vượt qua cả 8 chủ đề, người chơi sẽ thắng và có giải thưởng cao nhất là 300 triệu đồng.
Người chơi có một lần sử dụng quyền "đổi nhóm" trong 5 chủ đề đầu tiên. Khi người chơi thấy rằng một nhóm người có tỷ lệ trả lời đúng trung bình quá cao, người chơi có thể sử dụng quyền này để xem qua tỷ lệ trả lời đúng trung bình của một nhóm người khác và có thể chọn nhóm người đó nếu thấy tỷ lệ trả lời đúng trung bình của họ thấp hơn.
Đây là các mốc tiền thưởng hiện tại của chương trình. Các mốc thứ 3 và thứ 6 là các mốc an toàn, người chơi sau khi vượt qua các mốc này có thể dừng cuộc chơi để ra về với số tiền thưởng tương ứng.
"Đấu trường siêu việt" được thông báo phát sóng cuối tháng 6 năm 2022 với 15 tập phát sóng. Tại thời điểm phát sóng, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới mua bản quyền và sản xuất định dạng chương trình "Domination". Phiên bản gốc này từng là một trong những sự kiện truyền hình tương tác lớn chưa từng có trên đài truyền hình tại Israel. Thành Trung chia sẻ với báo điện tử VTC News rằng anh rất hào hứng khi được trở thành MC tại chương trình và đánh giá nó có lợi cho bản thân anh cũng như những khán giả ham học hỏi.
Chương trình nhận được sự hưởng ứng của hàng nghìn người chơi, trong đó có những người chơi nổi tiếng như Hà Việt Hoàng, Thục Nữ, Nguyên Khang, Hoàng Oanh, Trịnh Minh Q
Theo báo "Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh", điểm đặc biệt của chương trình này là có khả năng kết nối với khán giả cả nước. Để có thể làm được điều này, gần 4.000 lượt khảo sát được gửi đi đến khán giả cả nước để trả lời các câu hỏi thuộc nhiều chủ đề khác nhau. Những khán giả may mắn được lựa chọn ngẫu nhiên vào 50 nhóm người khác nhau sẽ trả lời gián tiếp tại nhà và kết quả sẽ được tổng hợp lại để thử thách những người chơi tham gia tại chương trình.
Chương trình do Trung tâm phim tài liệu (trước ngày 1 tháng 10 năm 2022 là Ban Thanh thiếu niên), Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Công ty truyền thông Bee sản xuất.
Báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh nhận xét sân khấu của chương trình được thiết kế cao hơn các chương trình kiến thức thông thường, người chơi phải đứng trên bục cao và đối diện với màn hình LED lớn cũng như nhiều màn hình LED nhỏ bao quanh khu vực sân khấu. Tác giả Nhật Linh của báo khẳng định thiết kế này chính là điểm mới tạo nên màu sắc cho chương trình sau hơn 2 năm ảnh hưởng bởi đại dịch.
"Đấu trường siêu việt" lên sóng lần đầu vào ngày 7 tháng 7 năm 2022. Mùa đầu tiên được phát sóng trên kênh VTV3 lúc 20:30 thứ 5 hàng tuần. Các tập đã phát sóng được công chiếu lại trên kênh YouTube chính thức của nhà sản xuất lúc 21:30 cùng ngày.
Một bài viết trên "Báo Hậu Giang" nhận xét, mặc dù luật chơi gần giống như "Ai là triệu phú", nhưng chương trình "Đấu trường siêu việt" có sự tương tác lớn hơn, câu hỏi bao quát nhiều chủ đề và bởi vậy, sự cạnh tranh, tính toán sẽ khó khăn hơn. Tác giả Thảo Hương nhận xét rằng, qua từng tập phát sóng, chương trình giúp khán giả nhận ra rằng, người chơi tham gia không chỉ cần có mỗi kiến thức mà còn cần phải có sự may mắn thì mới có thể giành chiến thắng. Bài viết nhận xét rằng đây chính là những nhân tố giúp chương trình thu hút được sự quan tâm của khán giả truyền hình và dần tìm được chỗ đứng riêng trong số các chương trình giải trí được phát sóng trên sóng truyền hình hiện nay.
Hoạt động thiện nguyện.
Bên cạnh ý nghĩa chung của chương trình, một số người chơi còn sử dụng số tiền này vào các hoạt động từ thiện. Chẳng hạn, cặp người chơi Bảo Hoàng – Hoàng My đã sử dụng số tiền có được để cùng ê-kíp thực hiện chương trình trao quà và tặng học bổng cho học sinh khó khăn tại xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An nhân mùa khai trường. |
Lethrinus genivittatus là một loài cá biển thuộc chi "Lethrinus" trong họ Cá hè. Loài này được mô tả lần đầu tiên vào năm 1830.
Loài này trước đây được công nhận với danh pháp "L. nematacanthus", còn "L. genivitatus" lại bị định danh nhầm cho nhiều loài khác.
Từ định danh được ghép bởi hai âm tiết trong tiếng Latinh: "gena" (“má”) và "vittatus" (“có sọc”), hàm ý đề cập đến các vệt sọc màu nâu đỏ thi thoảng xuất hiện trên má của loài cá này.
Phân bố và môi trường sống.
"L. genivittatus" có phân bố tương đối rộng ở vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, từ Indonesia trải dài về phía đông đến quần đảo Caroline và New Ireland, ngược lên phía bắc đến Nhật Bản và Hàn Quốc, giới hạn phía nam đến Úc và Nouvelle-Calédonie. "L. genivittatus" cũng xuất hiện tại hòn Cau (Bình Thuận, Việt Nam).
"L. genivittatus" sống ở vùng nước nông có độ sâu khoảng 5–25 m, tập trung trên các thảm cỏ biển, bãi cát, đầm lầy ngập mặn và gần rạn san hô, cũng có thể tiến vào các dòng sông.
Chiều dài cơ thể lớn nhất được ghi nhận ở "L. genivittatus" là 25 cm, thường bắt gặp ở kích thước 15 cm. Thân màu nâu tanin hoặc thân trên nâu, thân dưới trắng với ba sọc nâu. Hai bên lườn thường có các vệt đen rải rác và một đốm đen vuông nằm trên thân, cao hơn vây ngực. Đầu có khi xuất hiện có một số vạch sọc mờ. Vây nhạt, lốm đốm những chấm trắng.
Số gai ở vây lưng: 10 (gai thứ hai dài nhất); Số tia vây ở vây lưng: 9; Số gai ở vây hậu môn: 3; Số tia vây ở vây hậu môn: 8; Số tia vây ở vây ngực: 13; Số vảy đường bên: 46–47.
"L. genivittatus" là loài lưỡng tính tiền nữ và chuyển đổi giới tính khi cá cái được đạt tổng chiều dài là 18 cm. Cá cái nhỏ hơn và có số lượng nhiều hơn hẳn so với cá đực đã được xác nhận trong quần thể ở Úc. Độ tuổi thọ lớn nhất được biết đến ở "L. genivittatus" là 7 năm.
Thức ăn của "L. genivittatus" bao gồm động vật giáp xác và cá nhỏ.
"L. genivittatus" ít có giá trị thương mại do kích thước khá nhỏ. |
Chùa Bốn Mặt, hay còn gọi là Preah Buone Preah Phek, Wat Nei Rei, Wat Ba Rai, Wat Prha Buông Mút, Wat Buôl - Pres - Phek, hoặc Wat Prés on Prés Buôl Prés Phék theo tiếng Khmer, là một ngôi chùa cổ trong hệ thống chùa Khmer tại tỉnh Sóc Trăng. Được xây dựng vào đầu thế kỷ 16 và đã tồn tại gần 500 năm, chùa đến nay tổng thể vẫn còn nguyên vẹn các công trình cổng Tam Quan, Chánh điện, nhà Sala, khu mai táng, trai đường, tăng đường, với phong cách kiến trúc Angkor-Khmer đặc trưng ở miền Tây Nam Bộ Việt Nam.
Nơi đây là một điểm đến văn hóa của Sóc Trăng với các thiết kế đặc trưng và các hoạt động tu tập, văn hóa, dạy học cho con em địa phương và giải trí hàng tháng. Hằng năm, khuôn viên chùa cũng tổ chức nhiều lễ hội truyền thống của người Khmer tại Sóc Trăng.
Đến nay vẫn có nhiều tranh cãi về lịch sử của việc thành lập chùa. Tuy nhiên, một trong những phiên bản được truyền lại phổ biến đó là đầu thế kỷ 16, trong lúc khai khẩn đất hoang để làm nương rẫy canh tác và phát triển nông nghiệp, người dân địa phương tình cờ phát hiện ra một bức tượng Phật bằng đá có bốn mặt quay về bốn hướng, mỗi hướng lại có Năm vị Phật khác. Người ta tin rằng đây là một điềm lành nên năm 1537, người dân trong vùng đã cùng nhau xây dựng ngôi chùa để thờ phượng tượng Phật Bốn Mặt này. Ban đầu, ngôi chùa có kiến trúc bằng tre, lá; sau đó được tu bổ và xây dựng kiên cố dần dần cho đến khi trở nên như hiện nay.
Khuôn viên và chánh điện.
Chùa Bốn Mặt được xây dựng trên một khu đất rộng 6,5 ha, tọa lạc tại ấp Phước Thuận, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng. Nằm cách trung tâm thành phố Sóc Trăng khoảng 6 km về hướng Tây Bắc (huyện Kế Sách).
Cổng Tam Quan là công trình đầu tiên của chùa Bốn Mặt, được thiết kế với ba ngọn tháp tròn cao năm tầng. Các tháp được đắp nổi với các hình tượng của nhân vật quan trọng trong tín ngưỡng Khmer, bao gồm thần gió Reahu, rắn thần Naga và chim thần Garuda. Trong khuôn viên của chùa, có một hình tượng đôi rắn thần Naga chín đầu, dài hơn 20 mét. Theo truyền thuyết Phật giáo, rắn thần Naga đã che mưa cho Phật Thích-ca-mâu-ni và trong văn hóa Khmer được xem như biểu tượng của sự an khang, thịnh vượng, xua đuổi tà khí và dẫn lối đến thiên giới. Các hành lang, mái chùa và lối đi trong chùa đều có hình ảnh rắn thần Naga, thể hiện sự kết nối giữa văn hóa Khmer và Phật giáo.
Chánh điện chùa Bốn Mặt Sóc Trăng có diện tích 225m2, được xây từ chất liệu truyền thống của người Khmer là đắp rơm, cát, đất sét rồi sơn vàng ánh kim trang trí, chất liệu này tạo âm thanh đặc biệt khi gõ vào tường. Mái chánh điện thiết kế tam cấp, trung tâm có đỉnh tháp nhọn, có tôn thần tượng bốn mặt Maha Prum - sáng thế thần của đạo Bà-la-môn. Chánh điện được mở hai gian thành bốn mặt hướng đông, tây, nam, bắc, đây là lối bố trí kiến trúc nhìn ra bốn hướng vũ trụ theo Ấn Độ giáo.
Viền và góc cạnh mái điêu khắc hình tượng rồng Khmer, dưới là tiên nữ Keynor mình chim. Tượng chim thần Garuda miệng ngậm hồng ngọc đứng dưới chỗ tiếp giáp mái và trụ cột, biểu tượng sức mạnh nâng đỡ Chính điện. Bên trong, bức tượng Phật Bốn Mặt bằng đá gắn liền với truyền thuyết hình thành chùa, tồn tại 500 năm, thờ trong gian trước chánh điện hướng về hướng Tây. Sau gian trước là khu vực thờ 40 tượng Phật khác. Năm 2020, một pho tượng cổ làm bằng đá được cho là của thần Vishnu được phát hiện trong khu đất Giếng Tiên gần chùa Bốn Mặt, sau đó tượng này được người dân rước vào chùa để thờ tự.
Các công trình phụ.
Chùa Bốn Mặt Sóc Trăng đã được tu bổ và xây dựng thêm nhiều công trình theo thời gian. Đáng chú ý nhất là ao Mách Cha Linh với tháp cao 20m, bên trong có tượng Phật Thích Ca ngồi trên rắn thần Naga cuộn tròn và xòe mang che chở cho Phật. Xung quanh ao là điêu khắc tượng Phật Bốn Mặt và Mười hai con giáp Khmer: 10 con giống của người Việt và hai con khác là con mèo, con trâu được thay bằng con thỏ, con bò của người Khmer. Đây là các biểu tượng nổi bật của Phật giáo Nam tông Khmer. Xung quanh chùa là hệ thống gồm đầy đủ các công trình phụ trợ cho việc tu tập: nhà sala, khu hỏa táng, tháp cốt, trai đường, tăng đường, nhà thọ
Ngoài ra, chùa Bốn Mặt nổi tiếng bởi hai Giếng Tiên (Giếng Ông phía trước và Giếng Bà phía sau chùa), liên quan đến truyền thuyết về tục đào giếng giữa người con trai và con gái trong làng ngày xưa, gần giếng có một bàn Tế thiên, là một nơi thờ cúng quen thuộc của người dân địa phương.
Hoạt động hiện tại.
Theo đúng truyền thống của người Khmer, chùa Bốn Mặt không chỉ là nơi tu tập Phật giáo mà còn là trung tâm văn hóa đặc trưng với các thiết kế độc đáo như thư đường, phòng trưng bày hiện vật. Ngoài ra chùa Bốn Mặt còn là địa điểm dạy học cho trẻ em, hoạt động từ thiện cộng đồng, giải quyết một số mâu thuẫn phát sinh trong cư dân địa phương, cũng như nơi tụ tập hoạt động, tập luyện của các nhóm nhạc ngũ âm, đội ca múa nhạc truyền thống, múa Shdăm, và là nơi sinh hoạt của câu lạc bộ ghe Ngo của nhà chùa. Hàng tháng vào ngày rằm, chùa Bốn Mặt thường có tổ chức nhiều hoạt động văn hóa và lễ hội khác nhau.
Hằng năm, người Khmer tại Sóc Trăng tụ họp tại Chùa Bốn Mặt để tham dự các lễ hội truyền thống như Lễ Phật đản, lễ dâng áo cà sa, lễ đặt cơm vắt, lễ dâng bông, cũng như các lễ hội dân gian như Lễ mừng năm mới (Chol Chnam Thmay), lễ cúng trăng (Ok Om Bok), lễ cúng ông bà (Sene Dolta), lễ cúng dừa (Thac Kon)...
Di tích cấp tỉnh.
Ngày 11 tháng 8 năm 2017, UBND tỉnh Sóc Trăng ban hành Quyết định số 1935/QĐ-UBND xếp hạng Chùa Buôl Pres Phek là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh.
Ngày 20 tháng 9 năm 2017, chùa Bốn Mặt đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh. |
Biểu tình Moldova 2022
Biểu tình Moldova 2022 (tiếng România: "Protestele din Republica Moldova"), (tiếng Nga: "Протесты в Молдавии") là cuộc biểu tình bắt đầu từ ngày 18 tháng 9 năm 2022. Diễn ra trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng khiến giá khí đốt tự nhiên tăng cao, lạm phát nghiêm trọng và Nga xâm lược Ukraina 2022. Nhằm mục đích yêu cầu tổng thống Maia Sandu từ chức, đòi giải tán quốc hội.
Các cuộc biểu tình chủ yếu do thân Nga tổ chức. Đảng đã thanh toán tiền mặt cho những người tham gia biểu tình, cung cấp phương tiện di chuyển miễn phí đến thủ đô Chişinău cho những người tham gia biểu tình. Số tiền trên được cung cấp cho người biểu tình bởi Ilan Shor, nhà tài phiệt và lãnh đạo Đảng Șor. |
Học viện bóng đá JMG
Học viện bóng đá JMG là một tổ chức và đào tạo thể thao được thành lập bởi cầu thủ bóng đá người Pháp Jean-Marc Guillou vào năm 2002.
Guillou đã thành lập Académie de Sol Beni tại Abidjan vào năm 1994 thông qua quan hệ đối tác với câu lạc bộ ASEC Mimosas. Học viện JMG được thành lập vào năm 2002 sau sự bất đồng giữa Guillou và ASEC về quyền kiểm soát học viện.
Sự thành công của học viện tại Abidjan đã cho thấy JMG mở rộng ra các nơi khác trên thế giới.
Công ty bao gồm 9 học viện trên toàn thế giới: Bờ Biển Ngà từ năm 1994; Madagascar từ năm 2000; Thái Lan từ năm 2005; Mali từ năm 2006; Algérie (cộng tác với câu lạc bộ Paradou AC), Ai Cập và Việt Nam từ năm 2007; Ghana từ năm 2008.
Các dự án tại Ai Cập, Thái Lan và Việt Nam đều được hỗ trợ bởi câu lạc bộ Arsenal.
Những cầu thủ nổi tiếng.
Đây là một đổi hướng từ một trang đó đã được . Trang này được giữ lại dưới dạng một trang đổi hướng để tránh phá vỡ các liên kết, cả bên trong và bên ngoài, có thể đã được liên kết tới tên trang cũ.
Đây là một đổi hướng từ một trang đó đã được . Trang này được giữ lại dưới dạng một trang đổi hướng để tránh phá vỡ các liên kết, cả bên trong và bên ngoài, có thể đã được liên kết tới tên trang cũ.
Đây là một đổi hướng từ một trang đó đã được . Trang này được giữ lại dưới dạng một trang đổi hướng để tránh phá vỡ các liên kết, cả bên trong và bên ngoài, có thể đã được liên kết tới tên trang cũ.
Đây là một đổi hướng từ một trang đó đã được . Trang này được giữ lại dưới dạng một trang đổi hướng để tránh phá vỡ các liên kết, cả bên trong và bên ngoài, có thể đã được liên kết tới tên trang cũ.
Đây là một đổi hướng từ một trang đó đã được . Trang này được giữ lại dưới dạng một trang đổi hướng để tránh phá vỡ các liên kết, cả bên trong và bên ngoài, có thể đã được liên kết tới tên trang cũ.
Đây là một đổi hướng từ một trang đó đã được . Trang này được giữ lại dưới dạng một trang đổi hướng để tránh phá vỡ các liên kết, cả bên trong và bên ngoài, có thể đã được liên kết tới tên trang cũ.
Đây là một đổi hướng từ một trang đó đã được . Trang này được giữ lại dưới dạng một trang đổi hướng để tránh phá vỡ các liên kết, cả bên trong và bên ngoài, có thể đã được liên kết tới tên trang cũ. |
Jean Bernard Jauréguiberry (]; ngày 26 tháng 8 năm 1815 – ngày 21 tháng 10 năm 1887) là sĩ quan hải quân, phó đô đốc và chính khách người Pháp.
Thân thế và binh nghiệp.
Quê quán ở Bayonne, Jauréguiberry gia nhập Hải quân Pháp năm 1831. Ông trở thành trung úy năm 1845, hải quân trung tá năm 1856 và thuyền trưởng năm 1860. Từng hoạt động chiến sự tại bán đảo Krym và Trung Quốc từ năm 1855 đến năm 1858. Cũng có lúc ông được chính phủ Pháp phái sang Đông Dương làm Quyền Thống đốc Nam Kỳ trong khoảng thời gian ngắn từ tháng 3 năm 1859 cho đến tháng 4 năm 1860. Ít lâu sau, ông sang Tây Phi nhậm chức thống đốc thuộc địa Sénégal vào tháng 10 năm 1861 cho đến ngày 13 tháng 5 năm 1863 thì trở về Pháp lần lượt nắm quyền chỉ huy các khinh hạm bọc thép "Normandy" (1863–1865) và "Revanche" (1867). Năm 1869, Bộ Hải quân quyết định thăng cấp chuẩn đô đốc cho ông.
Ông từng tham gia chiến tranh Krym trên cương vị là chỉ huy pháo hạm "Grenade", nổi bật khi tiến quân đánh chiếm Kinburn vào ngày 17 tháng 10 năm 1855. Quân đội hai lần tuyên dương tên tuổi ông vì có công thực hiện các quân lệnh trong ngày.
Jauréguiberry còn tác chiến trên đất liền trong phần thứ hai của cuộc chiến tranh Pháp–Phổ với cấp bậc tướng phụ trợ sư đoàn. Ông góp mặt tại các trận đánh với quân Phổ ở Coulmiers, Villepion và Loigny-Poupry, làm tư lệnh sư đoàn, và trong cuộc rút lui ngang qua thành phố Le Mans của Tướng Chanzy và trận giáp chiến tại nơi đây lúc đang chỉ huy quân đoàn.
Sự nghiệp hải quân sau này.
Jauréguiberry từng là một trong những sĩ quan hải quân Pháp xuất sắc nhất trong các chiến dịch quân sự thời kỳ đó. Ngày 9 tháng 12 năm 1871, Bộ Hải quân tấn phong ông làm phó đô đốc kiêm nắm quyền chỉ huy hạm đội tại Toulon; năm 1875, ông là thành viên của hội đồng đô đốc; và vào tháng 10 năm 1876, ông được bổ nhiệm hạm trưởng hải đội tiên phong ở Địa Trung Hải.
Tháng 2 năm 1879, ông trở thành Bộ trưởng Bộ Hải quân trong nội các Waddington, và vào ngày 27 tháng 5 sau đó được bầu làm thượng nghị sĩ suốt đời. Ông lại làm Bộ trưởng Bộ Hải quân trong nội các Freycinet vào năm 1880. Jaureguiberry qua đời tại thủ đô Paris vào tháng 10 năm 1887 và được gia đình chôn cất tại Nghĩa trang Montparnasse.
Hai tàu chiến Pháp được đặt tên nhằm vinh danh đô đốc là chiếc thiết giáp hạm tiền-dreadnought "Jauréguiberry", phục vụ từ năm 1897 đến năm 1919, và hạm đội hộ tống (tàu khu trục lớp T 53) "Jauréguiberry", phục vụ từ năm 1958 đến năm 1977. |
Jules François Émile Krantz
Jules François Émile Krantz (ngày 29 tháng 12 năm 1821 – ngày 25 tháng 2 năm 1914) là sĩ quan hải quân và chính khách người Pháp. Sử nhà Nguyễn gọi ông bằng cái tên "Ca Răng" (哥𪘵).
Jules François Émile Krantz chào đời 29 tháng 12 năm 1821 tại Givet, yêu thích hàng hải nên nhập học trường hải quân và tốt nghiệp vào năm 1837, ban đầu là lính thủy phục vụ ngoài khơi bờ biển phía tây châu Phi rồi sau chuyển sang Địa Trung Hải và Brasil. Sau trở thành chuyên viên hàng hải trên tàu "Borda" (1852). Ông làm thuyền trưởng tàu "Ténare" trong chiến tranh Krym, tham gia các cuộc tấn công vào Sebastopol và bán đảo Kinbourn. Sau đó, ông được chính phủ Pháp cử đến Nam Kỳ (1858–1859) và Biển Hoa Nam cùng Nhật Bản (1862–1864, tại đây ông từng tham gia cuộc pháo kích Bành Hồ). Về sau ông lên làm chỉ huy pháo hạm "Louis XIV" tại Cherbourg vào năm 1869.
Ông chỉ huy sư đoàn hải quân trên Biển Đông năm 1873 và trở thành quyền Thống đốc Nam Kỳ từ ngày 16 tháng 3 đến ngày 30 tháng 11 năm 1874. Ông còn tham gia Chiến tranh Pháp–Phổ, lãnh đạo lực lượng thủy quân lục chiến tại pháo đài d'Ivry. Năm 1877, ông được thăng chức Phó Đô đốc rồi sau trở thành trưởng quan hàng hải Toulon vào tháng 10 năm 1879. Ít lâu sau, ông nhậm chức tham mưu trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Hải quân và Thuộc địa từ ngày 5 tháng 1 năm 1888 đến ngày 22 tháng 2 năm 1889, sau đó là Bộ trưởng Bộ Hải quân từ ngày 19 tháng 3 năm 1889 đến ngày 17 tháng 3 năm 1890.
Jules François Émile Krantz qua đời ngày 25 tháng 2 năm 1914 ở gần Toulon. |
Ga Hanti (Tiếng Hàn: 한티역, Hanja: 한티驛) là ga tàu điện ngầm trên Tuyến Suin-Bundang nằm ở Seolleung-ro, Gangnam-gu, Seoul.
Nguồn gốc của tên ga.
Tên của nhà ga này được lấy từ tên của một ngôi làng cũ ở vùng lân cận và có nghĩa là "ngọn đồi lớn" trong ngôn ngữ bản địa của Hàn Quốc. Daechi (大峙), khu phố nơi đặt nhà ga, là bản dịch tiếng Trung của tên này. Trước khi khai trương, nhà ga này có tên tạm thời là Ga Yeongdong . Tên hiện tại "Ga Hanti" đã được chọn để tránh nhầm lẫn với ga Yeongdong hiện có (ở Yeongdong-gun) trên Tuyến Gyeongbu. |
Nhật Bản xâm chiếm vùng vịnh Lamon
Cuộc hành quân xâm lược vùng vịnh Lamon của Nhật Bản (Tiếng Philippines: Paglusob ng mga Hapones sa Look ng Lamon) là nhiệm vụ thứ hai trong cuộc hành quân xâm lược vùng vịnh Lingayen trong Chiến dịch xâm lược Philippines của Nhật Bản. Việc bảo vệ thành công bờ biển phía đông nam Manila sẽ giúp quân Nhật trong việc bao vây hoàn toàn thủ đô Manila và sẽ tiến hành một cuộc tấn công nghi binh từ lực lượng đổ bộ chính của Nhật Bản từ phía bắc.
Bố trí lực lượng.
Vịnh Lamon là một vịnh lớn trên bờ biển phía đông cuả Luzon, phía nam Manila. Tuy nhiên, vào tháng 12, những cơn gió to nổi lên đã khiến nó trở thành một bãi đáp nghèo nàn và nó bị cô lập với Manila bởi eo đất Tayabas.
Lực lượng xâm lược vịnh Lamon được chỉ huy bởi Trung tướng Susumu Morioka, bao gồm 7,000 người thuộc Sư đoàn Bộ binh 16 Nhật Bản. Morioka kêu gọi một cuộc đổ bộ gồm 3 mũi nhọn lên Mauban, Atimonan, và Siain, với lực lượng của mình để tiến lên ngay lập tức khi đổ bộ dọc theo Đường 1 về phía Laguna de Bay mà không cần chờ đợi để bảo vệ địa điểm đổ bộ hẹp.
Lực lượng đổ bộ khởi hành từ Amami Ōshima vào ngày 17 tháng 12 gồm 24 tàu vận tải chỉ sáu giờ sau khi lực lượng đổ bộ vịnh Lingayen khởi hành từ Đài Loan. Lực lượng đổ bộ vịnh Lamon chỉ được hộ tống bởi 4 khu trục hạm và 4 tàu quét mìn, nhưng trên đường đi, chúng được Chuẩn Đô đốc Kyuji Kubo gia nhập với một tuần dương hạm hạng nhẹ, 2 khu trục hạm, 2 tàu quét mìn và 1 tàu rải mìn từ Chiến dịch Legazpi. Vào ngày 23 tháng 12, đoàn tàu vận tải bị phát hiện bởi USS "Sculpin" (SS-191), nhưng tàu ngầm Mỹ không thể gây ra bất kỳ thiệt hại nào. Sáng ngày 24 tháng 12, đoàn tàu vận tải đi đến vịnh Lamon.
Sự phản kháng của Mỹ đối với các cuộc đổ bộ này rất vô tổ chức. Khu vực này trên danh nghĩa nằm dưới sự kiểm soát của Thiếu tướng George M. Parker và Lực lượng Nam Luzon với Sư đoàn 41 Philippines và một phần của Sư đoàn 51. Phần lớn Sư đoàn 51 đã được di chuyển về phía nam để chống lại cuộc hành quân xâm lược Legazpi của Nhật Bản. Các đội quân khác vẫn đang trong quá trình di chuyển vào vị trí khi quân Nhật đổ bộ, và bị thiếu pháo. Những khẩu pháo nhỏ mà Lực lượng Nam Luzon sở hữu đều dựa trên bờ biển phía tây và MacArthur từ chối yêu cầu bổ sung súng ống của Tướng Parker nhiều lần.
Lực lượng đổ bộ vịnh Lamon bao gồm các tàu chiến sau:
Đơn vị Nhật đầu tiên đổ bộ là Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn Bộ binh 20 dưới quyền Trung tá Nariyoshi Tsunehiro tại Mauban. Lên bờ lúc rạng sáng ngày 24 tháng 12 dưới sự yểm trợ của máy bay do tàu chở thuỷ phi cơ "Mizuho" yểm trợ, quân Nhật ngay lập tức bị Sư đoàn Bộ binh 1 Philippines tấn công, vốn đang đào chiến hào trên bãi biển. Máy bay Mỹ cũng tấn công đoàn tàu vận tải. Tuy nhiên, đến 08:00, quân đội Philippines đã bị đẩy ra khỏi bãi biển và đến 08:30, thị trấn Mauban đã rơi vào tay người Nhật. Quân đội Philippines rút lui 5 dặm về phía tây, nhằm ngăn chặn bước tiến của quân Nhật về phía Lucban và bờ phía nam của Laguna de Bay vào lúc 14:30.
Biệt đội thứ hai, với Tiểu đoàn 1 thuộc Trung đoàn Bộ binh 20 đổ bộ mà không gặp phải sức kháng cự nào tại Sianin để yểm trợ cho sườn trái của lực lượng xâm lược chính, và hoạt động như một lực lượng dự bị. Một đại đội được phái đến dọc theo Đường sắt Manila đến vịnh Tayabas và lực lượng chính di chuyển về phía đông nam để gia nhập với Biệt đội Kimura, đang di chuyển về phía tây bắc từ Legazpi. Các đội quân gia nhập vào ngày 27 tháng 12, cắt đứt tuyến đường rút lui của những người sống sót thuộc Sư đoàn 51 Philippines vẫn đang rút lui khỏi Legazpi.
Lực lượng chính của Morioka đổ bộ lên bờ cách Atimonan 2 dặm về phía nam. Điều này bao gồm phần lớn Trung đoàn Bộ binh 20, Trung đoàn Trinh sát 16, và Trung đoàn Pháo dã chiến 22. Trung đoàn Bộ binh 20 chiếm đóng Atimonan vào lúc 11:00 bất chấp sự kháng cự dữ dội từ Quân đội Philippines, trong khi Trung đoàn Trinh sát 16 bỏ qua thị trấn và vượt qua những ngọn núi đến Malicbuy, nơi Tiểu đoàn 2 thuộc Sư đoàn Bộ binh 52 Philippines vẫn đang trong quá trình thiết lập phòng thủ. Với sự hỗ trợ của các máy bay ném bom thuộc Trung đoàn Khôg quân 8 Nhật Bản, Trung đoàn Trinh sát 16 nhanh chóng áp đảo các lực lượng phòng thủ.
Tuyến phòng thủ tiếp theo của người Mỹ được thiết lập tại một con sông gần Binahaan, khoảng 4 dặm về phía tây của Malicbuy. Tuy nhiên, đến cuối buổi chiều, lực lượng chính của Tướng Morioka đã hoàn thành trong việc tiến hành các hoạt động càn quét ở Atimonan, và do đó người Nhật đã có thể đưa toàn bộ lực lượng của họ chống lại các vị trí của người Mỹ tại Binahaan. Người Mỹ rút lui vào ban đêm dọc theo Đường số 1 đến Pagbilao, cùng với việc bị quân Nhật truy kích.
Đến tối ngày 24 tháng 12, quân Nhật đã đổ bộ thành công lên vịnh Lamon, với cái giá phải trả chỉ có 84 người chết và 184 người bị thương đã hoàn thành việc bao vây các lối tiếp cận Manila từ phía nam. Ở phía bắc, các lực lượng xâm lược vịnh Lingayen cũng đạt được mục tiêu tương tự trong việc bảo vệ các lối tiếp cận phía bắc và phía đông đến Manila. Tướng Masaharu Homma, người có ý kiến không tốt về khả năng chiến của Sư đoàn Bộ binh 16 Nhật Bản dựa trên thành tích chiến đấu ở Trung Quốc, đã bày tỏ sự ngạc nhiên đáng kể về thành công này. Đến tối ngày 24 tháng 12, Tướng Homma chuyển bộ tham mưu của mình lên bờ tại Bauang, nơi ông thiết lập Sở chỉ huy Tập đoàn quân 14 Nhật Bản để chuẩn bị cho cuộc tấn công cuối cùng vào Manila. |
Subsets and Splits
No saved queries yet
Save your SQL queries to embed, download, and access them later. Queries will appear here once saved.