text
stringlengths 0
512k
|
---|
Wikipedia tiếng Việt là phiên bản tiếng Việt của Wikipedia. Website lần đầu kích hoạt vào tháng 11 năm 2002 và chỉ có bài viết đầu tiên của dự án là bài Internet Society. Wikipedia tiếng Việt không có thêm bài viết nào cho đến tháng 10 năm 2003 khi Trang Chính ra mắt. Tiếp theo đó là bài Alexandre De Rhodes, sau đó là các bài Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Nha Trang...
Vào tháng 7 năm 2003 đã có thành viên Wikipedia tiếng Việt yêu cầu về hỗ trợ Unicode cho tiếng Việt. Website này đã nâng cấp qua phần mềm wiki Phase III sau đó là MediaWiki vào ngày 12 tháng 11 năm 2003. Phiên bản MediaWiki nào đó có hỗ trợ Unicode hỗ trợ viết tiếng Việt.
Phiên bản này không hỗ trợ gõ chữ Việt trực tiếp trong trang web mà cần thông qua bộ gõ từ bên ngoài. Vào tháng 9 năm 2005, để giải quyết vấn đề này, có những thành viên đã cộng tác để cài đặt bộ gõ JavaScript HIM (nay là AVIM) vào website. Tại Wikipedia tiếng Việt từng xuất hiện việc đặt quy tắc về cách bỏ dấu, tên gọi các quốc gia, dùng cách chuyển tự từ ngôn ngữ gốc cho các tên riêng hay địa danh thay vì phiên âm, cách viết ngày tháng, cách viết hoa.
Thống kê
Wikipedia tiếng Việt có bài viết và tập tin phương tiện. Từ khi dự án bắt đầu đi vào hoạt động lại tại 1 thời điểm vào năm 2003 cho đến tháng 2 năm 2005, có thống kê cho thấy Wikipedia tiếng Việt phát triển chậm hơn là từ tháng 3 năm 2005.
Năm 2008, lần nữa dự án có bước nhảy về tốc độ: có thêm bài viết khi có những thành viên tập trung vào viết 1 số lượng bài về các địa danh còn thiếu. Wikipedia tiếng Việt vượt từ vị trí thứ 43 về số lượng bài viết trong số các phiên bản của Wikipedia vào tháng 1 năm 2008 đạt vị thứ 11 vào tháng 5 năm 2014. Đa số bài viết của Wikipedia tiếng Việt xuất bản bằng cách dịch (thủ công hoặc tự động) bài viết của các dự án Wikipedia ngôn ngữ khác trong đó dịch từ Wikipedia tiếng Anh nhiều nhất.
Đồng thời, Wikipedia tiếng Việt nằm trong 50 wiki "lớn nhất" toàn cầu sử dụng phần mềm MediaWiki. Đầu tháng 2 năm 2013, Wikipedia tiếng Việt đã có hơn 10.000.000 sửa đổi và đạt hơn 750.000 bài viết trong đó vào khoảng nửa là do bot tạo ra.
Vào ngày 15 tháng 6 năm 2014, Wikipedia tiếng Việt đạt mốc 1 triệu bài viết.
Lịch sử
Cùng với sự thay đổi của Wikipedia tiếng Việt, cộng đồng những thành viên đóng góp cho dự án dần thay hình. Trong thời gian từ một thời điểm năm 2003 đến một thời điểm năm 2005, xây dựng cho phiên bản ngôn ngữ này của Wikipedia này có thể đa phần là những người Việt sống ở nước ngoài và người nước ngoài sống ở Việt Nam (thành viên Joakim Löfkvist), các thảo luận thời kỳ này đa phần là bằng tiếng Anh.
Có thể chưa có ai sử dụng khái niệm Bách khoa toàn thư mở để định nghĩa về Wikipedia tiếng Việt. Lúc đó, cộng đồng có thể mới chỉ dùng khái niệm Bách khoa tự do. Các quy tắc và hướng dẫn đầu tiên của cộng đồng cũng như việc bầu các bảo quản viên đầu tiên diễn ra vào thời gian này (Nguyễn Xuân Minh, Nguyễn Hữu Dụng và Joakim Löfkvist đắc cử quyền bảo quản viên từ cuối năm 2003). Đến tháng 2 năm 2005, Nguyễn Xuân Minh nhận được tín nhiệm để trở thành hành chính viên đầu tiên của dự án (khi đó Minh chưa đầy 18 tuổi và vẫn là học sinh phổ thông trung học).
Báo chí Việt Nam cũng có bài viết giới thiệu Wikipedia tiếng Việt. Điều này có thể tăng thêm lượng người sử dụng tiếng Việt biết đến dự án. Từ đó đến nay cộng đồng đã phát triển góp phần giúp Wikipedia góp mặt trong 30 trang web có số lượng truy cập nhiều nhất tại Việt Nam theo bảng xếp hạng của Alexa. Báo chí còn đăng và truyền bá giúp Wikipedia quyên tiền để Wikipedia và các dự án con của nó có thể tiếp tục thay đổi để phục vụ cộng đồng miễn phí, không cần phải kiếm tiền từ quảng cáo.
Họp mặt giữa các thành viên ngoài đời thật ghi nhận từng diễn ra vào tháng 7 năm 2006 tại Hà Nội.
Ngày 23 tháng 6 năm 2014, đã có đồng thuận chấp nhận việc tạo bài hàng loạt bằng tài khoản bot.
Phá hoại nội dung
Vì tính mở cho tất cả mọi người đều có thể chỉnh sửa nội dung, Wikipedia có thể có phá hoại nhiều hơn một số trang không có tính mở như vậy.
Có trang báo đưa tin về việc Wikipedia tiếng Việt chịu phá hoại nội dung chủ yếu là các bài về ca sĩ, diễn viên hay các nhân vật.
Phá hoại từng nhắm đến Hồ Ngọc Hà, Bảo Thy, Nguyễn Cao Kỳ Duyên và hoa hậu trùng tên Kỳ Duyên hay Isaac Newton và những chủ đề khác. Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh cũng có trong vòng xoáy trùng tên tương tự sự kiện trùng tên Kỳ Duyên năm 2014.
Tác động
Đối tượng nghiên cứu
Wikipedia tiếng Việt là một đối tượng nghiên cứu khoa học, trong đó có các chuyên ngành như web ngữ nghĩa và xử lý ngôn ngữ tự nhiên.
Nguồn tham khảo
Wikipedia tiếng Việt là nguồn tham khảo không chính thức, đôi khi chính quyền còn sử dụng nó làm tư liệu để "xây dựng hoạch định chính sách".
Quảng cáo
Có những trang web chuyên về SEO cũng xem Wikipedia tiếng Việt là đối tượng để quảng cáo, chèn link có thể nhằm thăng hạng website của khách hàng, đối tác hay cá nhân. Vì lý do Google ưu tiên các đề mục bài viết của Wikipedia đứng ở các vị trí đầu trong các kết quả tìm kiếm (chỉ đối với các bài viết có chất lượng nhất định), có ý kiến cho rằng chèn link ở các bài viết Wikipedia có thể thăng thứ hạng website. |
Nghiệp trong Phật giáo (zh. yè 業, sa. karma, pi. kamma, ja. gō), là một thuật ngữ từ tiếng Phạn mang ý nghĩa là "hành động" hoặc "việc thực hiện". Trong truyền thống Phật giáo, nghiệp chỉ đến hành động mà được dẫn dắt bởi ý định (cetanā) là cái dẫn dắt đến những kết quả trong tương lai. Những ý định được xem là nhân tố quyết định về cảnh giới tái sinh trong luân hồi (samsara).
Từ nguyên học
Từ nghiệp (karma) được trích xuất từ gốc của động từ kṛ, mà nó mang nghĩa là "làm, tạo, thực hiện, hoàn tất."
Từ Karmaphala (Tib. rgyu 'bras) mang nghĩa là "trái, quả", là "hậu quả" hoặc là "kết quả" của nghiệp. Một thuật ngữ tương tự là từ karmavipaka, là "quá trình trưởng thành" hay là "sự chín muồi" của nghiệp:
Một ví dụ ẩn dụ được lấy từ nông nghiệp:
Karma được dịch ý là Nghiệp và cũng được phiên âm là Yết-ma, và đặc biệt có sự phân biệt giữa cách dùng (xem Yết-ma 羯磨). Nghiệp là nguyên nhân đưa tới Quả báo, cả hai tạo thành luật nhân quả tuần hoàn không dứt suốt cõi Luân hồi.
Ý nghĩa
Nghiệp mang những ý sau:
Hành vi, hành động, hoạt động, cách cư xử, tư cách, bao gồm 3 hành vi thuộc ý, miệng, và thân;Yết-ma
Dấu tích, kết quả lưu lại từ 3 hành vi của nghiệp; năng lực vận hành tiềm tàng - nhân duyên tạo thành từ những hành vi mà cuối cùng sẽ tạo ra các kết quả khác;
Hành vi xấu ác, tai hại, mê muội;
Hạnh thanh tịnh (sa. anubhāva);
Nỗ lực, tinh tiến, phấn đấu (sa. vyāyama).
Khái niệm nghiệp rất quan trọng trong đạo Phật, dùng chỉ quy luật chung nhất về quan hệ nhân quả. Theo đạo Phật, mỗi tác động (nghiệp) - dưới một điều kiện nhất định - sẽ tạo thành một quả (sa. phala). Một khi quả đó chín, nó sẽ rơi trở lại chúng sinh tạo ra nó. Muốn thành quả, một nghiệp phải là tốt (thiện, sa. kuśala) hay xấu (bất thiện, sa. akuśala) và là một hành động cố ý. Vì sự cố ý đó, một nghiệp để lại một dấu vết nơi tâm thức của chúng sinh tạo nghiệp và tâm thức đó sẽ hướng theo những sự tạo tác của chính mình. Thời gian để một quả chín muồi có thể kéo dài rất lâu và chính nó tác động lên sự tái sinh và làm loài hữu tình, trong đó có con người, cứ lưu mãi trong Luân hồi (sa. saṃsāra).
Nguồn gốc
Một nghiệp được gây ra hoặc bằng một hành động thuộc thân, thuộc tâm hay ngôn ngữ. Như thế khi chúng sinh có ý làm cái gì thì đã tạo nghiệp, không nhất thiết việc làm đó có xảy ra hay không. Chính tư tưởng đã tạo tác nghiệp. Một hành động sẽ không gây nghiệp nếu nó được thực hiện mà không xuất phát từ tham, sân, si. Một nghiệp tốt có thể mang lại kết quả tốt trong một sự tái sinh. Tạo nghiệp tốt không có nghĩa là chấm dứt tái sinh. Muốn thoát khỏi luân hồi, chúng sinh phải từ bỏ nghiệp tốt lẫn nghiệp xấu. Cần phải hiểu nghiệp và nghiệp lực không đồng nghĩa với thuyết cho rằng mọi sự đều được quyết định sẵn (thuyết định mệnh).
Nghiệp tạo ra quả báo trong tương lai. Quả báo khi đủ nhân duyên sẽ làm chúng sinh tái sinh vào một cuộc đời, một hoàn cảnh nhất định, một điều kiện sống cụ thể, nhưng hành động của chúng sinh trong cuộc đời đó vẫn có sự tự do và dựa theo nhận thức của chúng sinh đó. Hành động do chúng sinh lựa chọn thực hiện sẽ tạo ra nghiệp mới và quả báo mới. Phật dạy: "Ác nghiệp chính do mình tạo, tự mình sinh ra. Ác nghiệp làm hại kẻ ngu dễ dàng như kim cương phá hoại bảo thạch... Làm dữ bởi ta, mà nhiễm ô cũng bởi ta; làm lành bởi ta, mà thanh tịnh cũng bởi ta. Tịnh hay không tịnh đều bởi ta, chứ không ai có thể làm cho ai thanh tịnh được." |
Vi Diệu Pháp (zh. 阿毗達磨, sa. abhidharma, pi. abhidhamma, bo. chos mngon pa), là những giáo lý cao siêu, vi diệu, vì nó vượt (abhi) trên các Pháp (dhamma), giải thích Trí tuệ. Chữ đầu Abhi dùng để diễn đạt sự tinh tế, sâu xa. Danh từ Dhamma dịch là Pháp, một Phạn ngữ có nhiều nghĩa, ở đây nó có nghĩa là lời dạy của Ðức Bụt. Vậy Vi Diệu Pháp là những Giáo lý tinh hoa của Ðức Bụt, Giáo lý này có tính chất đặc thù hơn Kinh tạng và Luật tạng.
Theo lịch sử Đạo Bụt thì Vi Diệu Pháp được Bụt Gotama nói giảng vào mùa hạ thứ bảy tại cung trời Tāvatimsa với mục đích là tế độ cho người mẹ sinh ra Ngài, bà Maya.
Theo một vài học giả thì Vi Diệu Pháp không phải do chính Ðức Bụt thuyết mà là do các vị Sư uyên bác soạn thảo ra sau này. Ðại Ðức Nārada đã viết: "Ðúng theo truyền thống thì chính Ðức Bụt đã dạy phần chính yếu của Tạng này. Những đoạn ấy được gọi là Ðầu đề (Mātikā) hay nồng cốt nguyên thủy của Giáo lý như Pháp Thiện (Kusalā Dhammā), hay Pháp Bất Thiện (Akusalā Dhammā), Pháp Vô-Ký (Abyākatā Dhammā)."
Abhidhamma là thành phần tập hợp nên Luận tạng, tạng thứ ba trong Tam tạng. Tạng này chứa đựng các bài giảng của Đức Bụt và các học trò với các bài phân tích về Tâm và hiện tượng của tâm, hiện tượng pháp các Pháp. Abhidhamma là gốc của mọi trường phái và người ta dùng nó để luận giảng các bài Kinh (sa. sūtra, pi. sutta), xem như được thành hình giữa thế kỷ 3 TCN và thế kỷ 3. Lần kết tập cuối cùng của Abhidhamma là khoảng giữa năm 400 và 450. Có nhiều dạng Abhidhamma như dạng của Thượng tọa bộ (pi. theravāda), của Thuyết nhất thiết hữu bộ (sa. sarvāstivāda)...
Abhidhamma của Thượng toạ bộ được Bụt Âm (zh. 佛音, sa. buddhaghoṣa) hoàn chỉnh, được viết bằng văn hệ Pali và bao gồm bảy bộ:
Pháp tập luận (zh. 法集論, pi. dhammasaṅgaṇi): nói về các tâm pháp, sắp xếp theo từng cách thiền định khác nhau và các pháp bên ngoài, sắp xếp theo nhóm;
Phân biệt luận (zh. 分別論, pi. vibhaṅga): nêu và giảng nghĩa, phân biệt những thuật ngữ như Ngũ uẩn (zh. 五蘊, pi. pañcakhandha), Xứ (zh. 處, sa., pi. āyatana), Căn (zh. 根, sa., pi. indriya) v.v.;
Luận sự (zh. 論事, pi. kathāvatthu): nêu 219 quan điểm được tranh luận nhiều nhất và đóng góp nhiều cho nền triết lý Đạo Bụt;
Nhân thi thiết luận (zh. 人施設論, pi. puggalapaññati): nói về các hạng người và Thánh nhân;
Giới thuyết luận (zh. 界說論, pi. dhātukathā): nói về các Giới (zh. 界, sa., pi. dhātu);
Song luận (zh. 雙論, pi. yamaka): luận về các câu hỏi bằng hai cách, phủ định và xác định;
Phát thú luận (zh. 發趣論, pi. paṭṭhāna hoặc mahāprakaraṇa): nói về những mối liên hệ giữa các pháp (pi. dhamma).
Abhidhamma của Thuyết nhất thiết hữu bộ (sa. sarvāstivāda) được viết bằng Phạn ngữ và Thế Thân (zh. 世親, sa. vasubandhu) là người tổng hợp. Abhidhamma này cũng bao gồm bảy bộ khác nhau, cụ thể là:
Tập dị môn túc luận (zh. 集異門足論, sa. saṅgītiparyāya): bao gồm những bài giảng theo hệ thống số, tương tự như Tăng chi bộ kinh;
Pháp uẩn túc luận (zh. 法蘊足論, sa. dharmaskandha): gần giống như Phân biệt luận trong Abhidhamma của Thượng toạ bộ;
Thi thiết túc luận (zh. 施設足論, sa. prajñaptiśāstra): trình bày dưới dạng Kệ những bằng chứng cho những sự việc siêu nhiên, thần bí;
Thức thân túc luận (zh. 識身足論, sa. vijñānakāya): nói về các vấn đề nhận thức. Có vài chương nói về những điểm tranh luận giống Luận sự (pi. kathāvatthu), Giới luận (pi. dhātukathā) và Phát thú luận (zh. paṭṭhāna) trong Abhidhamma của Thượng toạ bộ;
Giới thân túc luận (zh. 界身足論, sa. dhātukāya): gần giống Giới thuyết luận (pi. dhātukathā) của Thượng toạ bộ;
Phẩm loại túc luận (zh. 品類足論, sa. prakaraṇa): bao gồm cách xác định những thành phần được giảng dạy và sự phân loại của chúng;
Phát trí luận (zh. 發智論, sa. jñānaprasthāna): xử lý những khía cạnh tâm lý của Pháp Bụt như Tuỳ miên (zh. 隨眠, sa. anuśaya), Trí (智, sa. jñāna), Thiền (禪, sa. dhyāna) v.v… (xem thêm Tâm sở). |
Mật mã lượng tử là một ngành khoa học nghiên cứu về bảo mật thông tin dựa trên các tính chất của vật lý lượng tử. Trong khi mật mã truyền thống khai thác chủ yếu các kết quả toán học của ngành độ phức tạp tính toán nhằm vô hiệu hoá kẻ tấn công thì mật mã lượng tử khai thác chính bản chất vật lý của các đối tượng mang thông tin mà ở đây là các trạng thái lượng tử, ví dụ như các photon ánh sáng.
Mật mã lượng tử cho phép bảo mật thông tin truyền đi bằng truyền thông quang, qua quang sợi cũng như qua không gian (FSO - Free Space Optical communications). Nó cho phép thông tin được bảo mật "tuyệt đối", không phụ thuộc vào độ mạnh của máy tính, độ tối tân của dụng cụ hay sự xảo quyệt của hacker. Sự bảo mật của mật mã lượng tử bắt nguồn từ những quy luật không thể phá bỏ của tự nhiên, do đó nó được xem như là một sự bảo vệ mạnh mẽ nhất có thể cho dữ liệu.
Lịch sử của mật mã lượng tử
Nguồn gốc của mật mã lượng tử được đưa ra bởi Stephen Weisner, gọi là "Conjugate Coding" từ đầu những năm 70, sau đó được công bố vào năm 1983 trên tạp chí Sigact News bởi Bennett và Brassard, những người đã nghiên cứu những ý tưởng của Weisner và phát triển chúng theo cách riêng của mình. Họ cho ra "BB84", thể thức mật mã lượng tử đầu tiên vào năm 1984, nhưng mãi đến tận năm 1991, thí nghiệm đầu tiên về thể thức này mới được thực hiện thành công qua một đường truyền 32 cm. Những hệ thống ngày nay đã được thử nghiệm thành công trên quang sợi ở độ dài hàng trăm km.
Truyền khoá bí mật lượng tử
Ứng dụng trực tiếp nhất của mật mã lượng tử là quá trình truyền chìa khóa bí mật. Tại sao không dùng đường truyền lượng tử để truyền trực tiếp thông tin cần truyền đi? Bởi vì lượng thông tin trong một đường truyền lượng tử không nhiều và tốc độ không cao. Nhờ vào quá trình mã hóa mà sự truyền thông tin này có thể đưa đến sự bảo mật cao cho đường truyền khác có tốc độ trao đổi thông tin cao hơn rất nhiều.
Nguyên lý của sự trao đổi thông tin lượng tử này dựa vào sự quan sát các trạng thái lượng tử. Những photon truyền đi được đặt trong một trạng thái riêng biệt bởi người gửi và sau đó được quan sát bởi người nhận. Những trạng thái lượng tử liên hợp không thể được quan sát cùng một lúc. Tùy theo cách quan sát, giá trị của hệ đo được sẽ khác nhau, nhưng trong một hệ các trạng thái liên hợp duy nhất; ví dụ như phân cực của photon được mô tả bởi một trong ba hệ khác nhau: phân cực phẳng, phân cực cầu hay phân cực elip . Như vậy, nếu người gửi và người nhận không thỏa thuận trước về hệ quan sát được sử dụng, người nhận có thể tình cờ hủy thông tin của người nhận mà không nhận được gì có ích.
Như vậy, sự tiếp cận đơn giản nhất về đường truyền lượng tử là: người gửi mã hóa thông tin bởi các trạng thái lượng tử, người nhận quan sát các trạng thái đó, sau đó nhờ vào thỏa thuận từ trước về hệ quan sát, người gửi và người nhận trao đổi thông tin một cách đúng đắn. Sự trao đổi thông tin của họ có thể bị lỗi, do nhiễu hay do người nghe lén thứ ba, nhưng những lỗi này sẽ được nhận biết và giải quyết dễ dàng.
Sự an toàn đối với việc ăn cắp thông tin
Nếu ta xét trường hợp một kênh truyền bảo mật thông thường và có "người tấn công ở giữa" (man-in-the-middle attack). Trong trường hợp này, người nghe lén (Eve) được cho là có khả năng điều khiển kênh truyền, có thể đưa thông tin vào và lấy thông tin ra không có thiếu sót nào hay độ trễ nào. Khi Alice(người gửi) cố gắng thiết lập chìa khóa bí mật cùng Bob(người nhận), Eve tham gia vào và trả lời tin theo cả hai hướng, làm cho Alice và Bob tưởng rằng họ đang nói chuyện với nhau. Khi chìa khóa bí mật được thiết lập, Eve nhận, sao chép và gửi lại thông tin để đảm bảo Alice và Bob nói chuyện với nhau bình thường. Giả sử rằng thời gian xử lý tín hiệu là đủ nhanh, Eve có thể nhận được toàn bộ chìa khóa bí mật và do đó nhận được tất cả thông tin được truyền đi giữa Alice và Bob với không một phát hiện nào.
Nhưng khi mật mã lượng tử được áp dụng (hình), trong các quy luật lượng tử trạng thái lượng tử của photon không thể được sao chép. Như vậy, một cách tự nhiên, khi Eve cố gắng lấy thông tin mã hóa bởi một photon, sự nghe lén này sẽ gây lỗi ở phía Bob. Điều này sẽ cho phép Alice và Bob nhận biết được khi nào đường truyền của họ bị tác động bởi người nghe lén thứ ba, khi đó họ có thể chuyển qua kênh truyền khác, hay đơn giản hơn là làm trễ đường truyền lại với các chìa khóa được thay đổi liên tục.
Mật mã lượng tử có thể bị bẻ khoá?
Ngày 27/4/2007, trang nature.com có đăng một tít lớn Quantum cryptography is hacked. Theo lời tóm tắt thì công nghệ mật mã lượng tử đã bị bẻ khoá bởi một nhóm nghiên cứu ở MIT. Họ sử dụng cái gọi là đường dây nghe trộm lượng tử (quantum-mechanical wiretap) để lấy được 50 % dữ liệu mà không bị phát hiện.
Cho dù vậy, trên chính forum của nature có rất nhiều ý kiến phản hồi tỏ ý bất bình sau khi đọc bài này.
Hiện tại, chưa có một chứng minh nào có thể chứng tỏ khả năng bị bẻ khoá của mật mã lượng tử. Do đó mật mã lượng tử là hệ mã an toàn nhất cho đến thời điểm hiện tại. |
Thiên hà (chữ Hán: 天河, nghĩa mặt chữ là "sông ở trên trời") là một hệ thống lớn các thiên thể và vật chất liên kết với nhau bằng lực hấp dẫn, bao gồm sao, tàn dư sao, môi trường liên sao chứa khí, bụi vũ trụ và vật chất tối, một loại thành phần quan trọng nhưng chưa được hiểu rõ. Các thiên hà có nhiều đặc điểm đa dạng từ các thiên hà lùn chứa vài trăm triệu (108) sao đến những thiên hà khổng lồ chứa hàng trăm nghìn tỷ (1014) sao, mỗi ngôi sao đều quay quanh khối tâm của thiên hà chứa nó.
Thiên hà chứa rất nhiều hành tinh, hệ sao, quần tinh và các loại đám mây liên sao. Ở giữa những thiên thể này là môi trường liên sao bao gồm khí, bụi và tia vũ trụ. Các lỗ đen siêu khối lượng nằm tại trung tâm của hầu hết các thiên hà. Chúng có thể là nguồn gốc cho những nhân thiên hà hoạt động được tìm thấy tại tâm ở một số thiên hà. Các nhà thiên văn cũng biết rằng tại tâm của Ngân Hà có ít nhất một trong những lỗ đen khổng lồ này.
Vì lý do lịch sử mà thiên hà được phân loại theo hình dáng bề ngoài của chúng, thường được nhắc tới như là hình thái học biểu kiến của chúng. Một dạng thường gặp là thiên hà elip, mà hình dáng tổng thể của nó giống như hình elip (hay dạng khối elipsodid 3 chiều). Thiên hà xoắn ốc có dạng đĩa với những nhánh bụi xoắn ốc chứa các sao và những thiên thể khác. Những thiên hà có hình dạng bất thường được xếp thành thiên hà vô định hình và phần lớn chúng có nguồn gốc từ sự hỗn loạn trong tương tác hấp dẫn với những thiên hà lân cận. Những tương tác kiểu này giữa các thiên hà gần nhau, mà cuối cùng dẫn đến sự sáp nhập giữa chúng, đôi khi có một ý nghĩa quan trọng làm tăng xác suất trong sự hình thành các ngôi sao dẫn tới khái niệm thiên hà bùng nổ sao. Các thiên hà nhỏ mà thiếu đi những cấu trúc đồng bộ cũng được xếp vào kiểu thiên hà vô định hình.
Có xấp xỉ 170 tỷ, hay nghiên cứu gần đây ước tính con số này là 2 nghìn tỷ thiên hà trong vũ trụ quan sát được. Đa số có đường kính từ 1.000 đến 100.000 parsec và hai thiên hà lân cận thường nằm cách nhau vài triệu parsec (hay megaparsec). Không gian liên thiên hà (không gian giữa các thiên hà) chứa khí rất loãng với mật độ trung bình ít hơn 1 nguyên tử trên 1 m³. Phần lớn các thiên hà hoặc là phân bố ngẫu nhiên hoặc nằm trong những tập hợp không hoàn toàn tất định gọi là nhóm thiên hà và đám thiên hà, ở cấu trúc lớn hơn nữa là các siêu đám thiên hà. Trên quy mô lớn nhất, những tập hợp này thường sắp xếp lại thành các sợi và lớp thiên hà với xung quanh là khoảng không khổng lồ.
Từ nguyên
Từ thiên hà trong tiếng Việt bắt nguồn từ từ tiếng Hán 天漢. Từ này có nghĩa gốc giống với nghĩa gốc của từ ngân hà, cả hai từ đều vốn là tên gọi của dải sáng trên bầu trời vào ban đêm do ánh sáng từ nhiều định tinh hợp thành. Người Trung Quốc thời xưa hình dung dải sáng đó giống như là một con sông chảy ở trên trời nên đã đặt ra một số tên gọi có liên quan đến sông cho dải sáng như 天漢 Thiên Hán (nghĩa mặt chữ là "sông Hán Thủy ở trên trời"), 雲漢 Vân Hán ("sông Hán Thủy bằng mây"), 天河 Thiên Hà ("sông Hoàng Hà ở trên trời"), 銀河 Ngân Hà ("sông Hoàng Hà màu bạc"), vân vân. Từ 河 Hà trong 天河 Thiên Hà và 銀河 Ngân Hà là tên gọi cổ của sông Hoàng Hà.
Từ thiên hà nay có thêm hai nghĩa mới là:
Chỉ tập hợp gồm rất nhiều định tinh, khí và bụi tụ lại với nhau
Chỉ thiên hà (thiên hà hiểu theo nghĩa mới thứ nhất) có chứa thái dương hệ. Từ thiên hà khi dùng theo nghĩa mới thứ hai được viết hoa thành Thiên Hà.
Tiếng Hán hiện vẫn dùng từ 天河 Thiên Hà và 銀河 Ngân Hà theo nghĩa gốc. Trong tiếng Hán đương đại, thiên hà được gọi là 星系 tinh hệ, thiên hà chứa thái dương hệ được gọi là 銀河系 Ngân Hà hệ.
Trong tiếng Anh, thiên hà được gọi là galaxy. Từ tiếng Anh này được dùng để chỉ cả thiên hà lẫn Thiên Hà. Từ galaxy bắt nguồn từ từ tiếng Hy Lạp chỉ Ngân Hà, galaxias (γαλαξίας) hay kyklos galaktikos có nghĩa "vòng sữa" theo hình dáng biểu thị của nó trên bầu trời. Trong Thần thoại Hy Lạp, thần Zeus đã đặt cậu con trai mới sinh với một người phụ nữ bình thường-Alcmene của mình là Hercules lên trên bầu vú của Hera khi bà đang ngủ, nhờ thế cậu bé bú được dòng sữa thần thánh của bà và trở thành bất tử. Hera thức dậy và nhận ra rằng cậu bé không phải con của bà: bà đẩy đứa trẻ ra và một dòng sữa từ bầu ngực bà phun lên bầu trời đêm.
Từ 'Galaxy' chỉ Ngân Hà thường được viết hoa để phân biệt nó với hàng tỷ thiên hà khác. Khi William Herschel thực hiện bảng phân loại danh mục các thiên thể xa xôi trên bầu trời vào năm 1786, ông đã dùng tên gọi các tinh vân xoắn ốc cho một số thiên thể nhất định như M31. Sau này, các nhà thiên văn nhận ra những thiên thể này chứa vô vàn các ngôi sao, và khi khoảng cách đến chúng được xác định một cách tốt hơn, họ đã gọi chúng là những đảo vũ trụ. Tuy nhiên, người ta hiểu từ Vũ trụ có nghĩa là toàn bộ thực thể tồn tại, do vậy từ đảo vũ trụ dần ít sử dụng hơn và ngày nay các nhà thiên văn học thống nhất gọi là các thiên hà.
Danh pháp
Cho tới nay các nhà thiên văn đã phân loại hàng chục nghìn các thiên hà vào nhiều danh mục khác nhau. Chỉ có một số là có tên gọi cụ thể, như thiên hà Tiên Nữ, đám mây Magellan, thiên hà Xoáy Nước và thiên hà Mũ Vành. Có một số danh mục thường gặp như danh mục Messier, danh mục NGC (New General Catalogue), danh mục IC (Danh mục Chỉ số), danh mục CGCG, (Danh mục Thiên hà và Đám thiên hà), danh mục MCG (Danh mục Hình thái thiên hà) và danh mục UGC (Danh mục tổng quan các thiên hà Uppsala). Mọi thiên hà nổi tiếng đều xuất hiện trong một hoặc nhiều danh mục ở trên những dưới những ký hiệu khác nhau.
Ví như thiên hà Messier 109, một thiên hà xoắn ốc được đánh số 109 trong danh lục của Messier cũng có mã hiệu là NCG3992, UGC6937, CGCG 269-023, MCG +09-20-044 và PGC 37617.
Bởi vì theo thông lệ đặt tên trong khoa học cho hầu hết các đối tượng nghiên cứu, ngay cả đối với những thứ nhỏ nhất, nhà thiên văn vật lý Gerard Bodifee và nhà phân loại học Michel Berger đã khởi xướng một loại danh mục mới (CNG-Catalogue of Named Galaxies) trong đấy hàng nghìn thiên hà nổi tiếng được đặt những tên gọi có ý nghĩa, miêu tả bằng tiếng Latin (hoặc Latin hóa Hy Lạp) tuân theo cách định danh hai phương thức được sử dụng trong các ngành khoa học khác như sinh học, giải phẫu học, cổ sinh vật học và những ngành khác của thiên văn học như địa lý Sao Hỏa.
Một trong những lý do khiến Bodifee và Berger đưa ra danh mục này là những thiên hà ấn tượng xứng đáng được nhận tên gọi hơn là những mã hiệu khô khan, ví dụ hai ông gọi thiên hà Messier 109 trong chòm sao Đại Hùng là "Callimorphus Ursae Majoris".
Lịch sử quan sát
Quá trình nhận thức rằng chúng ta sống trong một thiên hà, và ngoài vũ trụ còn rất nhiều thiên hà khác, được dần hé lộ qua những khám phá về Ngân Hà và những tinh vân khác trong bầu trời đêm.
Ngân hà
Nhà triết học Hy Lạp Democritus (450–370 TCN) cho rằng dải sáng trên bầu trời đêm gọi là "Con đường sữa" có thể chứa những ngôi sao ở xa.
Tuy nhiên Aristotle (384–322 TCN), tin rằng dải sáng này có thể là do "ngọn lửa đốt từ nhiều ngôi sao lớn nằm gần nhau" tỏa ra và "sự đốt này diễn ra ở tầng bên trên khí quyển, bên trong vùng liên tục của Thế giới với chuyển động của thiên đàng." Nhà triết học theo trường phái Plato mới, Olympiodorus Trẻ (495–570), đã phê bình quan điểm này dựa trên căn cứ khoa học khi ông cho rằng nếu Con đường sữa nằm dưới Mặt Trăng (nằm giữa Trái Đất và Mặt Trăng) thì nó sẽ xuất hiện dưới hình dáng khác nhau ở nhiều thời điểm và vị trí khác nhau trên Trái Đất, hay thể hiện đặc tính thị sai, mặc dù điều này đã không xảy ra. Theo quan điểm của ông, Ngân hà là thiên đàng. Quan niệm này đã có tầm ảnh hưởng về sau đối với thế giới Hồi giáo.
Theo Mohani Mohamed, nhà thiên văn Ả Rập Alhazen (965–1037) đã lần đầu tiên cố gắng đo được thị sai của Ngân Hà, và do đó ông có thể "xác định được rằng bởi vì Ngân Hà không có thị sai, nó sẽ phải nằm rất xa Trái Đất và không thuộc vào khí quyển Trái Đất." Nhà thiên văn Ba Tư al-Bīrūnī (973–1048) đề xuất ý nghĩ Ngân Hà là "tập hợp các mảnh không đếm được của các sao trong tinh vân trong tự nhiên." Nhà thiên văn vùng Al-Andalus Ibn Bajjah ("Avempace", mất 1138) cho là Ngân Hà cấu thành từ nhiều ngôi sao mà hầu hết chúng chạm vào nhau và hiện ra như một hình ảnh liên tục do hiệu ứng khúc xạ bởi môi trường khí quyển, dẫn chứng bởi quan sát của ông về hiện tượng giao hội của Sao Mộc và Sao Hỏa cho thấy hai thiên thể này có thể ở gần nhau. Trong thế kỷ 14, Ibn Qayyim sinh ở Syria cho rằng Ngân Hà "là tập hợp vô vàn các ngôi sao nhỏ nằm gần nhau trong một mặt cầu của những ngôi sao cố định."
Bằng chứng thực sự cho việc Ngân Hà chứa rất nhiều ngôi sao đến vào năm 1610 khi nhà bác học Galileo Galilei sử dụng một kính thiên văn để nghiên cứu Ngân Hà và ông phát hiện ra nó chứa rất nhiều các sao mờ. Năm 1750 nhà thiên văn Anh Thomas Wright viết trong cuốn An original theory or new hypothesis of the Universe, khi ông đoán rằng (và đã đúng) thiên hà phải là một vật thể quay chứa vô số các sao được giữ bởi tương tác hấp dẫn, tương tự như sự hoạt động của Hệ Mặt Trời nhưng trên phạm vi lớn hơn. Đĩa các vì sao có thể nhìn thành một dải sáng mờ trên bầu trời đêm khi quan sát từ Trái Đất. Trong một chuyên luận năm 1755, Immanuel Kant phát triển ý tưởng của Wright cho cấu trúc Ngân Hà.
William Herschel là người đầu tiên cố gắng miêu tả hình dáng của Ngân Hà và vị trí của Mặt Trời trong nó vào năm 1785 bằng cách đếm một cách cẩn thận từng ngôi sao ở nhiều vùng khác nhau trong bầu trời. Ông tạo ra hình vẽ Ngân Hà với Hệ Mặt Trời nằm gần ở tâm của nó. Sử dụng cách tiếp cận tốt hơn, năm 1920 Jacobus Kapteyn đã thu được bức tranh của một thiên hà elipxoit nhỏ (đường kính vào khoảng 15 kiloparsec) với Mặt Trời nằm gần ở tâm. Một phương pháp khác do Harlow Shapley đề xuất dựa trên danh mục các cụm sao cầu lại đưa tới một hình ảnh khác hoàn toàn: đó là đĩa phẳng với đường kính xấp xỉ 70 kiloparsec và Mặt Trời nằm cách xa tâm của đĩa này. Các phương pháp này chưa tính tới hiệu ứng bụi liên sao trong mặt phẳng Ngân Hà hấp thụ ánh sáng, nhưng sau đó Robert Julius Trumpler đã lượng hóa được hiệu ứng này vào năm 1930 dựa trên nghiên cứu về các cụm sao phân tán, và ông đã đưa ra được bức tranh hiện tại chính xác hơn về Ngân Hà.
Phân biệt với tinh vân
Một số thiên hà chúng ta có thể nhìn thấy trên bầu trời đêm bằng mắt thường. Sớm nhất vào thế kỷ 10, nhà thiên văn học Ba Tư Al-Sufi đã ghi lại các quan sát về Thiên hà Tiên Nữ và miêu tả nó như là một "đám mây nhỏ". Al-Sufi công bố công trình của ông trong cuốn Sách các định tinh năm 964, và trong cuốn này ông cũng ghi chép đến Đám mây Magellan lớn mà có thể nhìn thấy từ Yemen chứ không phải là từ Isfahan; người châu Âu biết đến các đám mây này khi Ferdinand Magellan thực hiện chyến hành trình vòng quanh thế giới vào thế kỷ 16. Simon Marius cũng độc lập phát hiện lại thiên hà Andromeda vào năm 1612. Đây là những thiên hà duy nhất bên ngoài Ngân Hà có thể dễ dàng quan sát bằng mắt thường, do vậy chúng là những thiên hà đầu tiên được quan sát từ Trái Đất.
Năm 1750 Thomas Wright, trong tác phẩm Lý thuyết nguồn gốc hay giả thuyết mới về Vũ trụ, phỏng đoán là (và đã đúng) Ngân Hà là một đĩa phẳng chứa các sao, và một số tinh vân hiện lên trên bầu trời đêm có thể không nằm trong Ngân Hà. Năm 1755, Immanuel Kant đã sử dụng thuật ngữ "đảo Vũ trụ" để miêu tả những tinh vân ở xa này.
Đến cuối thế kỷ 18, Charles Messier biên soạn danh mục bao gồm 109 tinh vân sáng nhất (gồm cả những thiên thể hiện ra giống như tinh vân), và sau đó William Herschel soạn ra một danh mục lớn hơn gồm 5.000 tinh vân. Năm 1845, Huân tước Rosse cho xây dựng một kính thiên văn mới cho phép ông có thể phân biệt được tinh vân hình xoắn ốc và tinh vân hình elip. Ông cũng nhận ra từng nguồn sáng trong một số tinh vân này, và ủng hộ cho phỏng đoán trước đó của Kant.
Năm 1912, Vesto Slipher nghiên cứu quang phổ của những tinh vân sáng nhất nhằm xác định xem các thành phần hóa học trong chúng có xuất hiện trong hệ hành tinh hay không. Tuy nhiên, Slipher phát hiện ra rằng các tinh vân xoắn ốc có độ dịch chuyển đỏ cao ám chỉ chúng đang chuyển động ra xa ở một vận tốc lớn hơn vận tốc thoát của Ngân Hà. Do vậy chúng không liên kết hấp dẫn với Ngân Hà, và rõ ràng không thuộc về thiên hà này.
Năm 1917, Heber Curtis thực hiện quan sát sao mới S Andromedae bên trong "Đại Tinh vân Andromeda" (ngày nay là thiên hà Tiên nữ, hay M31). Khi lục lại các ảnh chụp tinh vân này, ông tìm thấy thêm 11 sao mới khác. Curtis nhận thấy rằng trên trung bình những sao mới này mờ hơn 10 lần so với những sao mới nằm trong thiên hà của chúng ta. Từ đây ông có thể ước lượng khoảng cách đến chúng trong phạm vi 150.000 parsec. Ông trở thành người đề xướng cho giả thuyết "đảo vũ trụ"; giả thuyết này cho rằng các tinh vân xoắn ốc thực sự là những thiên hà độc lập.
Vào năm 1920 đã nổ ra một cuộc tranh cãi lớn trong thiên văn học giữa Harlow Shapley và Heber Curtis về bản chất của Ngân Hà, các tinh vân xoắn ốc, và kích thước của Vũ trụ. Để biện giải cho quan điểm của mình rằng Đại tinh vân Andromeda là một thiên hà nằm ở bên ngoài, Curtis chỉ ra sự xuất hiện của những làn tối giống như những đám mây bụi trong Ngân Hà, cũng như giá trị dịch chuyển Doppler lớn đo được từ quang phổ của tinh vân Tiên Nữ.
Vấn đề này đã đi đến hồi kết vào đầu thập niên 1920. Năm 1922, nhà thiên văn học người Estonia Ernst Öpik đo được khoảng cách đến tinh vân Tiên Nữ dẫn đến sự ủng hộ lý thuyết cho rằng nó quả thực là một thiên hà ở xa. Sử dụng kính thiên văn 2,5m trên núi Wilson, Edwin Hubble đã có thể thấy rõ được chi tiết một số tinh vân xoắn ốc như là tập hợp của các ngôi sao và phát hiện ra một vài sao biến đổi Cepheid, cho phép ông ước lượng được khoảng cách đến những tinh vân này và ông kết luận rằng chúng ở quá xa để có thể thuộc về Ngân Hà. Năm 1936 Hubble lập ra hệ thống phân loại thiên hà còn được sử dụng cho đến ngày nay, còn gọi là dãy Hubble.
Nghiên cứu hiện đại
Năm 1944, Hendrik van de Hulst tiên đoán bức xạ vi ba tại buóc sóng 21 cm phát ra từ khí nguyên tử hiđrô có thể phát hiện được ở vị trí trung gian giữa các ngôi sao; và nó đã được quan sát thấy vào năm 1951. Bức xạ này cho phép các nhà thiên văn nâng cao khả năng nghiên cứu thiên hà Ngân Hà do nó không bị ảnh hưởng bởi khí bụi liên sao và hiệu ứng dịch chuyển Doppler được ứng dụng để vẽ ra bản đồ chuyển động của khí bụi trong thiên hà. Những quan sát này dẫn đến phỏng đoán về cấu trúc đường thẳng đi qua tâm Ngân Hà. Với các kính thiên văn vô tuyến có độ phân giải tốt hơn, khí hiđrô cũng phát hiện thấy tồn tại ở các thiên hà khác.
Trong thập niên 1970, Vera Rubin đã phát hiện ra tốc độ quay của các khí trong thiên hà vượt quá tốc độ quay tính toán dựa trên tổng khối lượng quan sát của thiên hà (gồm các ngôi sao và khí). Vấn đề tốc độ quay của thiên hà được cho là có thể giải thích được bằng sự có mặt của một lượng lớn vật chất tối không nhìn thấy được.
Bước vào thập niên 1990, kính thiên văn không gian Hubble bắt đầu thực hiện sứ mệnh quan sát các thiên thể trong bước sóng khả kiến. Một trong những kết luận quan trọng thu được từ các bức ảnh Hubble đó là lượng vật chất tối không nhìn thấy được không thể chỉ gán cho khối lượng những ngôi sao nhỏ và mờ. Vùng Sâu Hubble, một miền nhỏ tương đối trống trải trên bầu trời được quan sát nhiều lần bởi kính Hubble, mang lại số liệu làm căn cứ ước lượng có khoảng 125 tỷ () thiên hà trong Vũ trụ quan sát được. Những tiến bộ về công nghệ thu tín hiệu điện từ ngoài miền khả kiến (kính thiên văn vô tuyến, camera hồng ngoại, kính thiên văn tia X) cho phép các nhà thiên văn phát hiện và nghiên cứu những thiên hà khác nằm ngoài khả năng của Hubble. Đặc biệt, dự án khảo sát thiên hà trong vùng bị che khuất (Zone of Avoidance - vùng bầu trời bị các làn bụi trong mặt phẳng Ngân Hà che khuất) cho thấy có thêm nhiều thiên hà trong những vùng chưa được nghiên cứu kỹ này.
Trong một nghiên cứu công bố trên tạp chí The Astrophysical Journal năm 2016, các nhà khoa học ở Đại học Nottingham sử dụng mô hình 3D xây dựng từ các ảnh chụp thu thập trên 20 năm từ Kính thiên văn Không gian Hubble đi đến kết luận rằng có ít nhất 2 nghìn tỷ thiên hà trong Vũ trụ quan sát được.
Các loại và hình thái
Các thiên hà có ba kiểu hình thái chính: elip, xoắn ốc, và dị thường. Ngoài ra cách miêu tả chi tiết hơn cấu trúc thiên hà dựa trên hình dáng của chúng được Hubble nêu trong dãy phân loại của ông. Vì dãy này hoàn toàn dựa trên hình thái biểu kiến của thiên hà, cách phân loại này không thể hiện được một số đặc tính quan trọng của thiên hà như tốc độ hình thành sao (trong các thiên hà bùng nổ sao) và sự hoạt động tại trung tâm (trong thiên hà hoạt động).
Thiên hà elip
Hệ thống phân loại Hubble đánh giá thiên hà elip dựa trên cơ sở hình dáng elip của chúng, đi từ E0, với thiên hà có dạng gần hình cầu, cho đến E7, với hình dáng thuôn dài. Những thiên hà này giống với khối ellipsoid khiến cho chúng hiện ra như là hình elip khi nhìn dưới một góc. Hình thái này thể hiện rất ít đặc điểm về cấu trúc và thường có tương đối ít vật chất liên sao trong thiên hà elip. Hệ quả là những thiên hà này có ít các cụm sao phân tán và tốc độ sản sinh các ngôi sao mới là thấp. Thay vào đó trong các thiên hà này chứa phần lớn các ngôi sao già trong giai đoạn cuối của quá trình tiến hóa, quay xung quanh khối tâm hấp dẫn chung theo những hướng ngẫu nhiên. Các ngôi sao này chứa lượng nhỏ các nguyên tố nặng bởi vì sự hình thành sao giảm đi sau quá trình bùng nổ ban đầu. Trong khía cạnh này các thiên hà elip có tính chất tương tự như các cụm sao cầu nhỏ hơn rất nhiều.
Các thiên hà lớn nhất trong vũ trụ quan sát được là các thiên hà elip. Các nhà thiên văn học tin rằng nhiều thiên hà elip hình thành từ quá trình tương tác giữa các thiên hà, kết quả của sự va chạm hay sáp nhập thiên hà. Dẫn tới chúng có thể lớn đến một kích thước khổng lồ (so với các thiên hà xoắn ốc chẳng hạn), và các thiên hà elip khổng lồ thường nằm gần trung tâm của các đám thiên hà lớn. Thiên hà bùng nổ sao hình thành từ va chạm thiên hà và theo thời gian có thể hình thành lên thiên hà elip.
Thiên hà xoắn ốc
Thiên hà xoắn ốc là loại thiên hà mà các ngôi sao phân bố theo hình xoắn ốc về phía tâm. Mặc dù các ngôi sao và đa số những vật chất khả kiến khác trong thiên hà loại này nằm trên một mặt phẳng, khối lượng chủ yếu của thiên hà xoắn ốc tập trung tại miền hình cầu của vật chất tối mở rộng bao lấy vật chất khả kiến.
Các thiên hà xoắn ốc có cấu trúc một đĩa phẳng quay gồm các sao và môi trường liên sao, cùng với miền phình to ở trung tâm chứa chủ yếu các ngôi sao già cỗi. Mở rộng ra bên ngoài khu vực phình này là những nhánh xoắn ốc tương đối sáng. Trong biểu đồ phân loại của Hubble, thiên hà xoắn ốc được ký hiệu bằng chữ S, tiếp sau bởi các chữ (a, b, hay c) cho biết mức độ xếp chặt của các nhánh xoắn ốc và kích thước của miền phình trung tâm. Thiên hà kiểu Sa có các nhánh xoắn ốc xếp khít với nhau và không hiện lên rõ ràng giữa hai nhánh cũng như thiên hà có một vùng phình lớn ở trung tâm. Ở kiểu Sc thiên hà xoắn ốc có các nhánh xếp thưa và rõ ràng, trong khi miền phình không quá lớn ở trung tâm. Thiên hà với các nhánh xoắn ốc xếp chặt đôi khi còn được các nhà thiên văn gọi là "thiên hà xoắn ốc kết bông"; ngược lại với kiểu "thiên hà xoắn ốc thiết kế lớn" mà có những nhánh xoắn ốc rõ ràng và lớn.
Dường như lý do ở một số thiên hà xoắn ốc có miền phình lớn và một số thì dạng cấu trúc giống đĩa phẳng là ở chỗ tốc độ tự quay của thiên hà nhanh hay chậm.
Các nhánh xoắn ốc có hình dáng xấp xỉ với đường xoắn ốc loga, một đường cong toán học có thể chứng minh bằng lý thuyết rằng nó là kết quả từ sự nhiễu loạn trong chuyển động quay đều của các ngôi sao quanh trung tâm thiên hà. Giống như những ngôi sao, các nhánh xoắn ốc quay quanh trung tâm nhưng với vận tốc góc khá đều nhau. Các nhà thiên văn học cho rằng nhánh xoắn ốc là những vùng tập trung vật chất mật độ cao miêu tả trong "lý thuyết sóng mật độ". Khi những ngôi sao chuyển động trong nhánh, vận tốc của mỗi hệ sao được điều chỉnh bởi lực hấp dẫn từ những vùng có mật độ vật chất cao hơn. (Vận tốc của hệ trở lại bình thường khi hệ sao rời ra xa nhánh xoắn ốc.) Hiệu ứng này giống như "sóng" di chuyển chậm lại dọc theo đường cao tốc chứa đầy ô tô. Các nhánh hiện ra dưới bước sóng khả kiến bởi vì mật độ vật chất cao tạo điều kiện cho hình thành các ngôi sao mới, do vậy những nhánh xoắn ốc thường chứa nhiều ngôi sao trẻ và sáng.
Đa số trong các thiên hà xoắn ốc, bao gồm Ngân Hà của chúng ta, có một dải phân bố các sao nằm thẳng mở rộng ra hai phía từ tâm thiên hà và có các điểm cuối của dải hòa trộn vào các nhánh xoắn ốc. Trong sơ đồ phân loại Hubble, những thiên hà này được ông ký hiệu là SB, theo sau bởi các chữ thường (a, b hay c) tương ứng với hình dạng của các nhánh xoắn ốc (theo nghĩa giống với sự phân loại của các thiên hà xoắn ốc thường).Cấu trúc thanh thẳng được cho là dạng cấu trúc tạm thời mà xuất hiện từ kết quả của sóng mật độ từ lõi thiên hà phát ra bên ngoài, hoặc là do sự tương tác thủy triều hấp dẫn với các thiên hà khác. Nhiều thiên hà xoắn ốc với cấu trúc thẳng ở trung tâm là những thiên hà có nhân hoạt động, có thể là kết quả từ các luồng vật chất khí tuôn về phía lõi thiên hà dọc theo các nhánh xoắn ốc.
Ngân Hà có cấu trúc dạng đĩa lớn với các nhánh xoắn ốc và cấu trúc thẳng chạy qua tâm, đường kính của nó vào khoảng 30 kiloparsec với bề dày của đĩa xấp xỉ 1 kiloparsec. Nó chứa khoảng 200 tỷ (2×1011) ngôi sao và tổng khối lượng của Ngân Hà xấp xỉ 600 tỷ (6×1011) lần khối lượng Mặt Trời.
Các hình thái khác
Thiên hà dị thường là những thiên hà có cấu trúc bất thường do tương tác thủy triều với những thiên hà khác. Chẳng hạn như thiên hà hình vòng có cấu trúc giống một vòng đai chứa các sao và môi trường khí xung quanh một lõi trần trụi. Thiên hà hình vòng có khả năng hình thành khi có một thiên hà nhỏ hơn chuyển động vượt qua trung tâm của một thiên hà xoắn ốc. Những sự kiện này có thể đã xảy đến với thiên hà Tiên Nữ, bởi khi quan sát nó dưới bước sóng hồng ngoại các nhà thiên văn nhận ra nó có cấu trúc như nhiều vòng đồng tâm xếp lồng vào nhau.
Thiên hà hình hạt đậu là thiên hà có dạng cấu trúc trung gian giữa thiên hà elip và thiên hà xoắn ốc. Nó được Hubble xếp vào kiểu S0, với cấu trúc khó phân biệt một cách rõ ràng các nhánh xoắn ốc và với một quầng hình elip chứa các ngôi sao. (Thiên hà hình hạt đậu trần có kiểu phân loại Hubble là SB0.)
Ngoài những phân loại theo hình thái nêu ra ở trên, có một số kiểu thiên hà không thể phân loại trực tiếp thành thiên hà elip hoặc thiên hà xoắn ốc. Chúng được xếp vào nhóm thiên hà dị thường. Thiên hà kiểu Irr-I có một số đặc điểm cấu trúc nhưng không khớp hoàn toàn với một trong số kiểu phân loại của sơ đồ Hubble. Thiên hà kiểu Irr-II hoàn toàn không có một đặc điểm nào giống trong cách phân loại Hubble và có thể chúng từng bị xé toạc ra bởi các va chạm thiên hà. Ví dụ về những thiên hà (lùn) dị thường nằm ở gần bao gồm Đám mây Magelland.
Thiên hà lùn
Mặc dù nhiều thiên hà nổi bật lên với cấu trúc xoắn ốc hoặc dạng elip, phần lớn các thiên hà trong Vũ trụ có kích thước nhỏ bé. Những thiên hà lùn này tương đối nhỏ khi so sánh với một số thiên hà khác, chẳng hạn như chúng có kích thước bằng một phần trăm đường kính của Ngân Hà và chứa chỉ vài tỷ ngôi sao. Gần đây các nhà thiên văn học khám phá ra thiên hà lùn siêu compact có đường kính chỉ khoảng 100 parsec.
Nhiều thiên hà lùn có thể coi là chuyển động trên quỹ đạo quanh một thiên hà lớn hơn, ví dụ như Ngân Hà có ít nhất một tá các thiên hà vệ tinh kiểu này và ước lượng còn khoảng 300–500 thiên hà vệ tinh chưa được phát hiện. Việc phân loại thiên hà lùn cũng theo cách phân loại ở trên, với các thiên hà lùn elip, thiên hà lùn xoắn ốc và thiên hà lùn dị thường. Do một số thiên hà lùn elip nhìn khá giống với các thiên hà elip nên chúng còn được gọi dưới cái tên thiên hà lùn phỏng cầu.
Một nghiên cứu bao gồm 27 thiên hà lân cận với Ngân Hà cho kết quả ở mọi thiên hà lùn có tập trung khối lượng xấp xỉ 10 triệu lần khối lượng Mặt Trời, cho dù thiên hà có chứa hàng nghìn hay hàng triệu ngôi sao. Điều này dẫn đến khả năng là ở phần lớn các thiên hà có tồn tại dạng vật chất tối chứa và bao xung quanh chúng.
Đặc điểm hoạt động và tính động lực
Tương tác thiên hà
Các thiên hà lân cận thường có sự tương tác hấp dẫn với nhau, và đặc tính này đóng một vai trò quan trọng trong sự hình thành và tiến hóa thiên hà. Hai thiên hà chưa hoàn toàn va chạm vào nhau cũng gây ra sự xáo trộn trong cấu trúc của chúng do lực thủy triều hấp dẫn, dẫn đến sự trao đổi khí và bụi.
Va chạm xảy ra khi hai thiên hà chuyển động qua trực tiếp nhau và chúng có động lượng tương đối lớn để sự kiện sáp nhập không xảy ra. Các ngôi sao trong những thiên hà tương tác này nói chung sẽ không va chạm vào nhau do khoảng cách giữa các ngôi sao là khá lớn.Tuy nhiên, đám mây khí và bụi của các thiên hà sẽ tương tác và hòa trộn vào nhau. Hiệu ứng này giúp thúc đẩy sự hình thành các ngôi sao trẻ do môi trường liên sao trở lên hỗn độn và bị nén lại. Sự kiện va chạm có thể làm méo mó nghiêm trọng hình dáng của một hay cả hai thiên hà, hình thành lên cấu trúc thanh, vòng đai hoặc dạng đuôi ở các thiên hà.
Nếu hai thiên hà va chạm không có động lượng đủ lớn để thắng lực hấp dẫn giữa chúng, sau một thời gian chúng sẽ sáp nhập với nhau để hình thành nên một thiên hà lớn hơn. Sự kiện sáp nhập làm thay đổi lớn hình thái của thiên hà so với hình dáng ban đầu của chúng. Trong trường hợp có một thiên có khối lượng lớn hơn và kích thước lớn hơn, sẽ dẫn tới hiệu ứng "thiên hà ăn thịt": thiên hà lớn sẽ chỉ bị thay đổi rất ít về hình thái, trong khi thiên hà nhỏ hơn bị hòa trộn hoàn toàn vào thiên hà lớn. Ngân Hà hiện tại cũng đang trong quá trình hút và hòa trộn các thiên hà nhỏ bao gồm thiên hà lùn elip Nhân Mã và thiên hà lùn Đại Khuyển.
Thiên hà bùng nổ sao
Các sao hình thành trong thiên hà từ một đám mây khí lạnh tạo nên đám mây phân tử khổng lồ. Ở một số thiên hà có tốc độ hình thành sao khá lớn, và các nhà thiên văn học gọi chúng là thiên hà bùng nổ sao. Với tốc độ sản sinh sao như thế, chúng sẽ tiêu thụ hết lượng khí trong môi trường liên sao trong khoảng thời gian nhỏ hơn độ tuổi của thiên hà. Do vậy hoạt động bùng nổ sản sinh sao chỉ diễn ra trong khoảng 10 triệu năm, quãng thời gian tương đối ngắn trong lịch sử phát triển của một thiên hà. Thiên hà bùng nổ sao đã từng rất phổ biến trong thời gian sớm của Vũ trụ, và hiện tại, một số thiên hà vẫn đóng góp vào khoảng 15% tổng lượng sản sinh sao.
Thiên hà bùng nổ sao có đặc trưng ở sự tập trung bụi và khí cũng như sự có mặt của những ngôi sao mới hình thành, bao gồm những ngôi sao lớn làm ion hóa các đám mây xung quanh nó tạo ra những vùng H II. Những ngôi sao lớn này có thời gian tồn tại ngắn và ở cuối giai đoạn tiến hóa nó kết thúc bằng vụ nổ siêu tân tinh, tạo ra vùng tàn dư siêu tân tinh tương tác với vùng khí bao xung quanh nó. Những vụ nổ như thế này tạo ra sản phẩm các nguyên tố nặng hòa trộn vào không gian liên sao và trở thành những viên gạch cơ bản cho các hệ hành tinh sau này. Đến khi nguồn khí bị sử dụng hoặc tiêu tán hết lúc này hoạt động sản sinh sao với tốc độ lớn cũng kết thúc.
Hoạt động bùng nổ sao thường đi kèm với quá trình thiên hà tương tác và sáp nhập. Ví dụ điển hình cho mối quan hệ thiên hà tương tác và bùng nổ sao là ở thiên hà M82 khi nó đang chuẩn bị cho sự va chạm với thiên hà lớn hơn là M81. Ở các thiên hà dị thường các vùng hoạt động sản sinh sao tập trung tại những nút nhỏ trong chúng.
Nhân hoạt động
Trong số các thiên hà mà chúng ta quan sát được có một nhóm thiên hà hoạt động, nghĩa là một phần đáng kể tổng năng lượng sinh ra từ thiên hà phát từ một nguồn duy nhất thay vì từ các sao, bụi và môi trường liên sao.
Khuôn mẫu cho mô hình nhân thiên hà hoạt động dựa trên một đĩa bồi tụ tạo thành xung quanh các hố đen siêu nặng ở vùng lõi. Bức xạ từ một nhân thiên hà hoạt động sinh ra từ năng lượng hấp dẫn của vật chất ở đĩa khi rơi vào hố đen này. Trong khoảng 10% những thiên thể như vậy tồn tại cặp chùm tia/hạt năng lượng cao phun ra theo hướng ngược nhau từ trung tâm thiên hà với vận tốc gần bằng tốc độ ánh sáng. Người ta vẫn chưa hiểu rõ cơ chế sinh ra những tia này.
Các thiên hà hoạt động phát ra bức xạ năng lượng cao dưới dạng tia X được gọi là Thiên hà Seyfert hoặc quasar, phụ thuộc vào độ sáng của nó. Các blazar là những thiên hà hoạt động với chùm tia tương đối tính hướng về phía Trái Đất. Thiên hà vô tuyến phát ra các bức xạ vô tuyến từ chùm tia tương đối tính này. Các loại thiên hà hoạt động này được thống nhất trong một mô hình với cách giải thích sự khác nhau giữa chúng là do góc quan sát từ Trái Đất.
Một hiện tượng khác có thể liên quan tới nhân thiên hà hoạt động (cũng như bùng nổ sao) là các vùng vạch phát xạ hạt nhân ion hóa thấp (LINER). Bức xạ từ các thiên hà loại LINER chủ yếu chứa các nguyên tố bị ion hóa yếu. Xấp xỉ một phần ba các thiên hà gần với chúng ta có chứa nhân LINER.
Sự hình thành và tiến hóa
Mục tiêu của nghiên cứu sự hình thành và tiến hóa của thiên hà nhằm trả lời các câu hỏi về thiên hà đã hình thành như thế nào và con đường tiến hóa của nó trong lịch sử của Vũ trụ. Một số lý thuyết trong lĩnh vực này đã được chấp thuận rộng rãi, nhưng nó vẫn là lĩnh vực nghiên cứu sôi động trong ngành vật lý thiên văn.
Sự hình thành
Mô hình vũ trụ học về thời kỳ đầu của Vũ trụ dựa trên cơ sở của lý thuyết Vụ Nổ Lớn. Khoảng 300.000 năm sau sự kiện này, các nguyên tử hiđrô và heli bắt đầu hình thành trong một giai đoạn gọi là "kỷ nguyên tái kết hợp". Lúc này, gần như mọi hiđrô đều ở trạng thái trung hòa và luôn sẵn sàng hấp thụ ánh sáng, cũng như chưa có ngôi sao nào hình thành. Kết quả này dẫn đến một giai đoạn gọi là "Kỷ nguyên tối". Bắt đầu từ sự thăng giáng mật độ (hoặc sự phi đẳng hướng bất thường) trong trạng thái vật chất nguyên thủy của Kỷ nguyên tối mà các cấu trúc lớn của vũ trụ bắt đầu xuất hiện. Các vật chất baryon bắt đầu tích tụ trong quầng vật chất tối lạnh. Những cấu trúc nguyên thủy này cuối cùng hình thành lên các thiên hà như quan sát thấy ngày nay.
Chứng cứ về sự xuất hiện của thiên hà sớm được tìm thấy vào năm 2006, khi các nhà thiên văn phát hiện ra thiên hà IOK-1 có độ dịch chuyển đỏ cao bất thường bằng 6,96 tương ứng với khoảng thời gian 750 triệu năm sau Vụ Nổ Lớn, khiến nó trở thành một trong những thiên hà xa nhất từng được quan sát. Trong khi một số nhà khoa học đề cập rằng những thiên thể khác (như thiên hà Abell 1835 IR1916) có dịch chuyển đỏ cao hơn (và do vậy xuất hiện vào giai đoạn sớm hơn), tuổi của IOK-1 và các thành phần trong nó đã được nghiên cứu kỹ lưỡng. Tuy nhiên vào tháng 12 năm 2012, các nhà thiên văn thông báo rằng thiên hà UDFj-39546284 là một trong những thiên hà xa nhất với giá trị dịch chuyển đỏ đo được bằng 11,9. Thiên hà này tồn tại vào khoảng "380 triệu năm" sau Vụ Nổ Lớn (xảy ra khoảng 13,8 tỷ năm về trước), hay ánh sáng từ nó phải mất 13,42 tỷ năm mới đến được Trái Đất (còn khoảng cách phải lớn hơn vì vũ trụ liên tục giãn nở). Sự tồn tại sớm của những tiền thiên hà này cho thấy rằng chúng đã lớn lên từ trong "Kỷ nguyên tối".
Chi tiết của quá trình bằng cách nào mà các thiên hà đã hình thành trong vũ trụ là một câu hỏi mở có tầm quan trọng lớn trong ngành thiên văn học. Các lý thuyết có thể chia ra thành hai nhóm: từ trên - xuống và từ dưới - lên. Trong lý thuyết từ trên - xuống (như mô hình Eggen–Lynden-Bell–Sandage [ELS]), các tiền thiên hà hình thành đồng thời từ sự suy sụp của cấu trúc lớn diễn ra trong khoảng 100 triệu năm. Trong lý thuyết từ dưới - lên (như mô hình Searle-Zinn [SZ]), các cấu trúc nhỏ như cụm sao cầu hình thành trước tiên, và rồi một số thiên thể thu hút chúng lại để tạo nên một thiên hà lớn hơn.
Một khi các tiền thiên hà bắt đầu hình thành và co lại, những ngôi sao đầu tiên (gọi là sao dân số loại III) xuất hiện cùng với chúng. Những ngôi sao này chứa hoàn toàn hiđrô và heli và có thể có khối lượng rất lớn. Nếu không, những ngôi sao khổng lồ sẽ sớm tiêu thụ hết nguồn vật chất cung cấp cho chúng và nhanh chóng bùng nổ trong vụ nổ siêu tân tinh, giải phóng ra các nguyên tố nặng vào môi trường liên sao. Thế hệ sao đầu tiên này chiếu bức xạ mạnh và làm ion hóa môi trường khí hiđrô trung hòa xung quanh, tạo ra những bong bóng không gian giãn nở và thông qua đó ánh sáng có thể truyền xa ra ngoài.
Tiến hóa
Trong vòng một tỷ năm hình thành thiên hà, những cấu trúc quan trọng của nó bắt đầu xuất hiện. Cụm sao cầu, lỗ đen khối lượng siêu lớn ở trung tâm, vùng phình thiên hà chứa các sao loại II nghèo kim loại. Sự tạo thành lỗ đen siêu lớn dường như đóng vai trò quan trọng trong hoạt động điều hòa sự tăng trưởng của thiên hà bằng cách giới hạn tổng lượng vật chất tích tụ vào thiên hà. Trong kỷ nguyên sớm này, các thiên hà trải qua hoạt động bùng nổ sao mạnh mẽ nhất trong lịch sử tiến hóa của nó.
Trong hai tỷ năm tiếp theo, lượng vật chất tích tụ dần phân bố ổn định theo đĩa phẳng của thiên hà. Thiên hà sẽ tiếp tục hấp thụ lượng vật chất rơi vào nó từ những đám mây khí có vận tốc cao và từ các thiên hà lùn trong suốt thời gian tồn tại của nó. Lượng vật chất này chủ yếu là hiđrô và heli. Chu trình sao sinh ra và chết đi làm tăng chậm dần sự có mặt của các nguyên tố nặng hơn, cuối cùng những nguyên tố mới này tham gia vào quá trình hình thành lên các hệ hành tinh.
Sự tiến hóa thiên hà có ảnh hưởng quan trọng bởi quá trình tương tác và va chạm giữa các thiên hà. Hoạt động sáp nhập thiên hà là khá thường xuyên trong suốt giai đoạn sớm của vũ trụ và đa phần các thiên hà có hình thái dị thường. Do khoảng cách giữa các ngôi sao là lớn cho lên các hệ sao trong những thiên hà va chạm sẽ không bị ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, sức hút hấp dẫn tước đi khí và bụi liên sao trong các cánh tay xoắn ốc tạo nên một chuỗi dài các ngôi sao gọi là đuôi thủy triều. Thiên hà NGC 4676 là một trong số các ví dụ như thế, hoặc như ở thiên hà Antennae.
Cũng không tránh khỏi sự tương tác, Ngân Hà và thiên hà gần Tiên Nữ đang di chuyển về phía nhau với vận tốc 130 km/s, và phụ thuộc vào hướng chuyển động, hai thiên hà này sẽ va chạm với nhau trong khoảng 5 tới 6 tỷ năm nữa. Mặc dù Ngân Hà chưa từng va chạm với một thiên hà lớn nào như thiên hà Tiên Nữ, đã có nhiều chứng cứ về những va chạm của Ngân Hà với các thiên hà lùn nhỏ hơn.
Sự tương tác giữa hai thiên hà lớn như thế là một sự kiện hiếm. Theo dòng thời gian, quá trình sáp nhập của hai thiên hà có cùng kích thước trở lên ít phổ biến hơn. Hầu hết các thiên hà sáng cơ bản vẫn không thay đổi trong hàng tỷ năm qua, và tốc độ cho sự hình thành sao mới có lẽ cũng đã lên tới đỉnh điểm vào 10 tỷ năm về trước.
Các xu hướng trong tương lai
Hiện tại, hầu hết sự hình thành sao xảy ra ở các thiên hà cỡ nhỏ nơi khí lạnh chưa tiêu tan hết. Các thiên hà xoắn ốc, như Ngân Hà, chỉ tạo ra các thế hệ sao mới chừng nào chúng còn các đám mây phân tử đặc chứa hiđrô liên sao trong các cánh tay xoắn của chúng. Các thiên hà êlip vốn sẵn hầu như không có loại khí này, cho nên không còn ngôi sao mới nào tạo thêm. Nguồn cung cấp vật liệu hình thành sao là có hạn; một khi các ngôi sao đã chuyển hóa nguồn cung hiđrô sẵn có thành các nguyên tố nặng hơn, việc hình thành sao mới sẽ kết thúc.
Kỷ nguyên hình thành sao hiện tại được cho là sẽ tiếp tục trong khoảng 100 tỉ năm nữa, và sau đó "kỷ nguyên sao" sẽ dần tàn lụi sau khoảng 10 nghìn tỉ tới 100 nghìn tỉ năm (1013–1014 năm), khi các ngôi sao nhỏ nhất, sống lâu nhất trong thiên cầu của chúng ta, những sao lùn đỏ cực nhỏ, bắt đầu biến mất. Vào cuối kỷ nguyên sao, các thiên hà sẽ chỉ còn bao gồm các thiên thể đặc: sao lùn nâu, sao lùn trắng đang nguội dần hoặc các sao lùn đen), sao neutron lạnh, và các hố đen. Cuối cùng, do sự hồi phục hấp dẫn, tất cả các ngôi sao sẽ hoặc rơi vào các lỗ đen khối lượng siêu lớn ở trung tâm hoặc văng ra không gian liên thiên hà do kết quả của các vụ va chạm.
Cấu trúc quy mô lớn
Các cuộc thăm dò vũ trụ sâu thẳm đã cho thấy các thiên hà thường phân bố ở những khoảng cách tương đối gần các thiên hà khác. Tương đối hiếm có các thiên hà đơn độc ít tương tác đáng kể với một thiên hà có khối lượng tương đương trong thời gian 5 tỷ năm đến nay. Chỉ khoảng 5% các thiên hà từng quan sát được nằm hoàn toàn cô lập; và ngay cả thế, những thiên hà này đã có thể tương tác và kết hợp với các thiên hà khác trong quá khứ, và hiện vẫn có thể có những thiên hà vệ tinh nhỏ hơn quay xung quanh chúng. Các thiên hà cô lập có thể sản xuất các sao ở tốc độ cao hơn bình thường, vì khí của chúng không bị các thiên hà lân cận tước mất.
Ở quy mô lớn nhất, Vũ trụ tiếp tục giãn nở, dẫn đến khoảng cách giữa các thiên hà tiếp tục gia tăng (xem Định luật Hubble). Sự gắn kết giữa các thiên hà có thể vượt qua sự giãn nở này ở quy mô cục bộ thông qua sức hút hấp dẫn lẫn nhau giữa chúng tạo ra nhóm các thiên hà. Nhóm thiên hà hình thành từ sớm trong Vũ trụ, khi các đám vật chất tối kéo các thiên hà tương ứng của chúng lại gần nhau. Các nhóm lân cận về sau hợp lại thành các đám quy mô lớn hơn. Quá trình hợp nhất hiện vẫn diễn ra này (cũng như dòng các khí chảy vào trong tâm hấp dẫn) làm nóng các khí liên thiên hà trong một đám thiên hà tới những nhiệt độ rất cao, đạt tới 30–100 triệu K. Khoảng 70–80% khối lượng trong một đám thuộc về vật chất tối, với khoảng 10–30% chứa khí nhiệt độ cao này và vài phần trăm còn lại dưới dạng vật chất quan sát được trong thiên hà.
Hầu hết các thiên hà trong vũ trụ liên kết hấp dẫn với các thiên hà khác. Chúng hình thành lên một thứ bậc cấu trúc đám kiểu fractal, với sự gắn kết nhỏ nhất gọi là các nhóm. Nhóm các thiên hà là loại loại phổ biến nhất trong đám thiên hà, và các cấu trúc này chứa đựng đa số các thiên hà (cũng như hầu hết khối lượng baryon) trong Vũ trụ. Để duy trì sự gắn kết hấp dẫn cho một nhóm như thế, mỗi thiên hà thành viên phải có vận tốc đủ thấp để ngăn chúng thoát khỏi nhóm (xem Định lý Virial). Nhưng nếu không có đủ động năng, nhóm đó có thể tiến hóa thành một số lượng nhỏ hơn các thiên hà thông qua tiến trình hợp nhất thiên hà.
Các cấu trúc lớn hơn có thể chứa hàng nghin thiên hà gói gọn trọng một khu vực lớn cỡ một vài triệu parsec được gọi là các đám. Các đám thiên hà thường có một thiên hà êlip khổng lồ đóng vai trò thống trị, gọi là thiên hà sáng nhất đám, thiên hà này sẽ dần dần bằng lực thủy triều hủy diệt các thiên hà vệ tinh và khối lượng của nó dần dần tăng lên.
Ở quy mô lớn hơn nữa, các siêu đám thiên hà chứa hàng chục ngàn thiên hà, tụ lại trong các đám, nhóm hoặc đôi khi riêng lẻ. Ở cấp độ quy mô siêu đám, các thiên hà xếp vào những phiến và sợi bao quanh những khoảng chân không khổng lồ. Cao hơn cấp độ này, Vũ trụ dường như hoàn toàn giống nhau ở mọi hướng (đẳng hướng và đồng nhất).
Ngân Hà là một thành viên trong tập hợp gọi là Nhóm Địa phương, một nhóm thiên hà tương đối nhỏ có đường kính chỉ gần 1 megaparsec. Ngân Hà và thiên hà Andromeda là hai thiên hà sáng nhất trong nhóm; nhiều thành viên khác là những thiên hà lùn vây quanh hai thiên hà này. Bản thân Nhóm Địa phương là một phần trong cấu trúc tựa như đám mây thuộc Siêu đám Virgo, một cấu trúc lớn mở rộng gồm các nhóm và đám thiên hà có trung tâm nằm ở Đám Virgo. Và chính Siêu đám Virgo lại chỉ là một phần của Phức hợp Siêu đám Pisces-Cetus, một sợi thiên hà khổng lồ.
Quan sát đa tần
Sau khi người ta phát hiện được sự tồn tại của các thiên hà bên ngoài Ngân Hà, những quan sát ban đầu hầu hết trong miền ánh sáng khả kiến. Bức xạ đỉnh của hầu hết các ngôi sao nằm ở vùng phổ này, cho nên quan sát các ngôi sao tạo nên các thiên hà đến giờ vẫn là một nguồn quan trọng của thiên văn quang học. Nó cũng là một vùng phổ thích hợp cho việc quan sát Vùng H II, cũng như cho việc kiểm tra sự phân bố những cánh tay bụi khí.
Bụi hiện diện trong môi trường liên sao làm cản ánh sáng khả kiến. Bức xạ hồng ngoại xa trở lên trong suốt hơn với nó, nên vùng bức xạ này có thể dùng để quan sát khu vực bên trong của các đám mây phân tử khổng lồ và các nhân thiên hà với độ chi tiết cao. Thiên văn quan sát cũng sử dụng bước sóng hồng ngoại để thu nhận dữ liệu thiên hà có dịch chuyển đỏ lớn, vốn hình thành từ sớm trong lịch sử Vũ trụ. Hơi nước và cacbon dioxide hấp thụ khá nhiều phổ hồng ngoại, do vậy các kính viễn vọng đặt ở đỉnh núi cao hoặc đặt ngoài không gian được dùng cho thiên văn hồng ngoại.
Nghiên cứu không dùng ánh sáng khả kiến đầu tiên về các thiên hà, đặc biệt là các thiên hà hoạt động, vận dụng các tần số vô tuyến. Khí quyển gần như trong suốt với sóng vô tuyến trong khoảng từ 5 MHz tới 30 GHz. (tầng điện li ngăn chặn những tín hiệu dưới khoảng này.) Các giao thoa kế vô tuyến cỡ lớn được sử dụng để dựng bản đồ các vật chất hoạt động phát ra từ các nhân thiên hà hoạt động. Kính viễn vọng vô tuyến cũng dùng để quan sát bức xạ có bước sóng 21 cm của hiđrô trung hòa, có thể bao gồm các vật chất trung hòa trong Vũ trụ sơ khai mà về sau bị suy sụp để tạo thành các thiên hà.
Những kính viễn vọng trong phổ UV và tia X cho phép quan sát các hiện tượng trong thiên hà diễn ra với năng lượng cao. Một chớp cực tím sẽ xuất hiện khi một ngôi sao ở một thiên hà xa bị xé thành từng mảnh bởi lực thủy triều của hố đen. Bản đồ phân bố khí nóng trong các đám thiên hà có thể lập từ việc quan sát các tia X. Thiên văn tia X đã xác nhận sự tồn tại của các lỗ đen khối lượng siêu lớn ở vùng trung tâm các thiên hà. |
Viện Đại học Leland Stanford Junior, thường được gọi là Viện Đại học Stanford hay chỉ Stanford, là viện đại học tư thục thuộc khu vực thống kê Stanford, California (Hoa Kỳ). Stanford được biết đến với sức mạnh học tập, sự giàu có, gần gũi với Thung lũng Silicon và được xếp hạng là một trong những trường đại học hàng đầu thế giới. Khuôn viên chính của viện đại học này rộng rãi và đẹp đẽ, nằm cách San Francisco 60 kilômét về phía đông nam, nó ở phần chưa được sáp nhập của Quận Santa Clara bên cạnh thị trấn Palo Alto, và nằm ở trung tâm Thung lũng Silicon cả về vị trí địa lý và lịch sử. Là viện đại học có diện tích lớn thứ hai trên thế giới, Viện Đại học Stanford có chương trình đầy đủ cho sinh viên đại học cũng như sinh viên sau đại học, cùng với một trung tâm y khoa nổi tiếng và nhiều trung tâm nghiên cứu và dự án phục vụ. Cùng với Viện Đại học Harvard, Viện Đại học Yale và Viện Đại học Princeton, Viện Đại học Stanford nằm trong nhóm những viện đại học tốt nhất của Hoa Kỳ.
Lịch sử
Viện Đại học Stanford được thành lập bởi Leland Stanford, trùm tư bản về đường xe lửa và Thống đốc California, và vợ ông, Jane Stanford. Viện đại học được đặt theo tên người con duy nhất của hai vợ chồng, Leland Stanford, Jr., anh chết do bệnh thương hàn khi còn trẻ. Những người dân địa phương và các thành viên của viện đại học thường gọi trường là The Farm ("Trại"), vì trường nằm tại địa điểm đã từng là trại nuôi ngựa của Leland Stanford.
Giấy phép thành lập Viện Đại học Stanford được viết ngày 11 tháng 11 năm 1885 và được chấp nhận bởi Ban Quản trị đầu tiên ngày 14 tháng 11. Viên đá móng được đặt xuống ngày 14 tháng 5 năm 1887, và trường mở cửa chính thức ngày 1 tháng 10 năm 1891 đón 559 sinh viên. Học phí được miễn. Có 15 giáo sư, trong đó bảy giáo sư đến từ Đại học Cornell. Trường được thành lập với danh nghĩa cơ sở đào tạo hỗn hợp cho cả nam và nữ, nhưng trong nhiều năm, họ vẫn hạn chế số sinh viên nữ nhập học.
Khẩu hiệu chính thức của Viện Đại học Stanford, do gia đình Stanford lựa chọn, là Die Luft der Freiheit weht. Dịch từ tiếng Đức, câu nói này của Ulrich von Hutten có nghĩa "Ngọn gió của tự do thổi qua." Vào lúc viện đại học được thành lập, tiếng Đức vừa mới thay thế tiếng Latinh trong vai trò ngôn ngữ chính của khoa học và triết học (và nó giữ vị trí đó cho đến Chiến tranh thế giới thứ hai).
Khuôn viên
Vào mùa hè năm 1886, khi đang đặt kế hoạch cho khu trường sở, ông Stanford mang chủ tịch Học viện Công nghệ Massachusetts, Francis Amasa Walker, và Frederick Law Olmsted, kiến trúc sư người Boston nổi tiếng về phong cảnh, về miền tây để bàn bạc. Olmsted đặt khái niệm chung về khu trường sở và các kiến trúc, bác bỏ vị trí vào sườn đồi để xây trên đất bằng phẳng thiết thực hơn. Sau đó Charles Allerton Coolidge phát triển khái niệm này theo kiểu của người dậy nghề, Henry Hobson Richardson, đó là trường phái Richardsonian Romanesque, biểu thị kiến trúc hình chữ nhật xây bằng đá và được nối bằng những lối có mái vòm bán nguyệt. Khuôn viên đầu tiên cũng được xây theo kiểu thuộc địa Tây Ban Nha thường có ở California được gọi Mission Revival. Các mái ngói đỏ và công trình nề bằng sa thạch chắc có bề ngoài khác biệt của Ca Li và phần nhiều của những công trình xây về sau giữ mặt ngoài như vậy. Các mái nói đỏ và trời xanh của miền này là sự phối hơp đẹp nổi tiếng.
Phần lớn của những công trình đầu tiên bị động đất San Francisco 1906 tàn phá nhưng đại học này vẫn còn Sân chính, Nhà Hóa học cũ, và Nhà Encina (được cho là nơi cư trú của John Steinbeck trong thời ở Stanford). Sau khi động đất Loma Prieta phá thêm vào năm 1989, Đại học thực hiện dự án có vốn bằng tỷ đô la để trang bị và sửa sang những công trình cũ để sử dụng kiểu mới.
Khu dự trữ sinh quyển luống Jasper (Jasper Ridge Biological Preserve) ở ngoài viện đại học là khu vực cấm săn do viện đại học này làm chủ và được các nhà sinh học nghiên cứu ở đấy. Trạm Hàng hải Hopkins (Hopkins Marine Station) tại Pacific Grove, California, là trung tâm nghiên cứu về sinh học biển của đại học từ năm 1892. Đại học cũng có sân golf riêng và hồ từng mùa (Lagunita, thực sự chứa đựng nước để tưới cỏ), hai nơi này có cá cóc California Tiger Salamander nguy cấp.
Chú thích |
William Booth (10 tháng 4 năm 1829 – 20 tháng 8 năm 1912) là nhà sáng lập và Tướng quân đầu tiên (1878–1912) của Cứu Thế Quân (Salvation Army). William Booth được chọn vào danh sách 100 người Anh vĩ đại nhất thuộc mọi thời đại (thứ 71), thực hiện bởi BBC trong năm 2002.
Thiếu thời
Booth chào đời tại Sneinton, Notingham, Anh Quốc, là con trai duy nhất trong số bốn người con của Samuel Booth (1775-1832) và Mary Moss (1794-1875). Cha của Booth là một người giàu có, nhưng mất hết tài sản vì thua lỗ trong đầu tư, để lại người vợ goá cùng với con cái sống trong nghèo túng.
Năm 13 tuổi, William đến phụ việc tại một hiệu cầm đồ để giúp đỡ mẹ và chị em. Năm 1845, sau khi trải nghiệm sự tái sanh trong tâm linh, William bắt đầu đọc nhiều sách cũng như tự trau dồi kỹ năng viết và diễn thuyết để trở thành một truyền đạo tình nguyện (lay preacher) cho giáo hội Giám Lý. Năm 1849 William dời đến sống ở Luân Đôn, thường xuyên gởi cho gia đình một phần lợi tức kiếm được trong khi làm việc tại hiệu cầm đồ.
Booth tiếp tục công việc của một truyền đạo tình nguyện cho đến năm 1852, khi ông được bổ nhiệm mục sư, bắt đầu du hành bất cứ nơi đâu ông có thể đến để rao giảng phúc âm như tại Linconshire, Yorkshire, Cornwall và xứ Wales.
Hôn nhân và Gia đình
William Booth và Catherine Mumford kết hôn ngày 16 tháng 6 năm 1855 tại nhà thờ Tự trị Giáo đoàn Stockwell Green, Luân Đôn. Bà trở nên người đồng sự đắc lực cho ông trong các công tác Cơ Đốc, bản thân bà cũng là một nhà truyền đạo đầy nhiệt huyết cho đến khi qua đời năm 1890. Ông bà có tám người con, hai trong số đó chia sẻ với cha mẹ mình lý tưởng phục vụ xã hội qua các chương trình thiện nguyện của Cứu Thế Quân. Cả hai, Bramwell Booth và Evangeline Booth, lần lượt đảm trách cương vị lãnh đạo tối cao, Tướng quân thứ nhì và thứ tư của Cứu Thế Quân.
Mặc dù đang là một nhà truyền bá phúc âm (evangelist) thành công, giáo hội điều động ông về quản nhiệm một nhà thờ. Năm 1861, sau bốn lần xin được dành trọn thời gian cho công tác truyền bá phúc âm và bị từ chối, Booth quyết định rời bỏ giáo hội.
Vì bị cấm hoạt động trong phạm vi các giáo đoàn Giám Lý, ông trở thành một nhà truyền bá phúc âm độc lập, dù vẫn tiếp tục duy trì niềm xác tín của mình vào nền thần học Giám Lý. Sự giảng dạy của ông tập chú vào sự trừng phạt đời đời dành cho người không được cứu, sự cần thiết phải hối cải và lời hứa về sự thánh khiết được thể hiện trong đời sống ngập tràn tình yêu dành cho Thiên Chúa và cho nhân loại.
Thời gian làm công tại hiệu cầm đồ và sự nghèo túng của gia đình đã giúp ông học biết cảm thông với sự túng thiếu của người nghèo khó.
Cứu Thế Quân
Năm 1865, ông và Catherine thành lập Hiệp hội Phục hưng Cơ Đốc, sau đổi thành Christian Mission trong khu East End (khu nghèo nhất Luân Đôn thời bấy giờ), tại đây họ tổ chức các buổi nhóm mỗi tối trong tuần và vào chủ nhật. Họ rao giảng sự hối cải, sự cứu rỗi và nền đạo đức Cơ Đốc cho những người nghèo nhất và túng thiếu nhất, kể cả người nghiện rượu, tội phạm và phụ nữ mại dâm.
Booth và những người theo ông thực thi những điều họ rao giảng. Họ sống cuộc đời hi sinh và tiến hành các công tác xã hội như thành lập các cửa hàng "Thực phẩm cho Triệu người" (một chuỗi các cửa hàng cung cấp thực phẩm miễn phí hoặc với giá rẻ cho người nghèo tại các đô thị) mà không hề quan tâm đến việc họ bị chế giễu và phỉ báng vì những hoạt động từ thiện này.
Năm 1878, Christian Mission được đổi tên thành Cứu Thế Quân, mô phỏng quân đội trong một số phương diện như cơ cấu tổ chức và đồng phục. Ông trở thành Tướng quân (General) trong khi các mục sư trở thành sĩ quan với các cấp bậc tương ứng.
Dù những năm đầu hết sức khó khăn, luôn không đủ tiền để cứu giúp số lượng người túng thiếu đang gia tăng, Tướng quân và Cứu Thế Quân vẫn kiên gan bền chí. Đến đầu thập niên 1880, nhiều chương trình được mở rộng sang đến các quốc gia khác như Hoa Kỳ, Pháp, Thụy Sĩ, Thụy Điển và đến hầu hết các xứ sở thuộc Đế chế Anh: Úc, Ấn Độ, Nam Phi, Tân Tây Lan, Jamaica...
Sự khởi đầu của Cứu Thế Quân tại các quốc gia khác thường đến từ những người lính Cứu Thế Quân di cư. Sau một vài thành công ban đầu, họ tìm cách liên lạc với Luân Đôn và yêu cầu gởi đến cho họ các sĩ quan. Trong những tình huống khác như ở Argentina, một người báo cho Booth biết hiện có hàng ngàn người Anh tại đó đang cần được cứu rỗi. Năm 1890, bốn sĩ quan được gởi đến và nhận ra rằng người Anh sống rải rác trong các cánh đồng hoang. Các giáo sĩ bắt đầu giảng dạy bằng tiếng Tây Ban Nha, các hoạt động của họ dần dần lan toả, thường theo đà phát triển của đường sắt, vì người Anh đang làm việc cho các công trình xây dựng đường sắt thường có thiện cảm với phong trào.
Suốt trong cuộc đời mình, Tướng quân đã thiết lập các chương trình hoạt động của Cứu Thế quân tại 58 quốc gia và khu thuộc địa, du hành đến nhiều nơi và tổ chức nhiều buổi nhóm rao giảng phúc âm.
Booth xuất bản một tạp chí định kỳ và là tác giả một vài cuốn sách; ông cũng sáng tác một vài ca khúc. Tác phẩm của ông In Darkest England and the Way Out (Anh Quốc trong Thời kỳ Đen tối nhất và Lối thoát) không chỉ là sách bán chạy nhất khi phát hành năm 1890, mà còn là nền tảng cho các kế hoạch phúc lợi xã hội của Cứu Thế Quân cho đến ngày nay. Trong tác phẩm này, Booth so sánh nước Anh "văn minh" với "Châu Phi đen tối" – khi ấy Phi châu còn được xem là lục địa của nghèo đói và lạc hậu. Theo nhận xét của Booth, chất lượng cuộc sống của phần lớn cư dân Luân Đôn và cả nước Anh sau cuộc Cách mạng Công nghiệp là tồi tệ không kém các nước bị xem là kém phát triển, và đưa ra chiến lược nhằm áp dụng Phúc âm và đạo đức nghề nghiệp (work ethic) cho nỗ lực giải quyết các vấn nạn của xã hội.
Cuốn sách bàn về các biện pháp giảm trừ tệ nạn xã hội và sự nghèo đói bằng cách thiết lập nhà tình thương cho người vô gia cư, các cộng đồng nông trang nhằm đào tạo tay nghề nông nghiệp cho dân nghèo đô thị, các trung tâm huấn nghiệp dành cho di dân, nhà cư trú cho phụ nữ lầm lỡ và cựu tù, cứu tế cho người nghèo và trợ giúp cho người nghiện rượu. Ông cũng lập kế hoạch cung ứng các hỗ trợ pháp lý, ngân hàng, y tế, trường dạy nghề và ngay cả các khu nghỉ dưỡng bờ biển cho người nghèo. Ông nói rằng nếu quốc gia không thể đáp ứng nghĩa vụ xã hội của mình thì mỗi tín hữu Cơ Đốc phải đứng ra gánh vác trách nhiệm ấy. Anh Quốc trong Thời kỳ Đen tối nhất và Lối thoát được tái bản vài lần mãi cho đến năm 1970.
Ngay trong phần dẫn nhập, Booth khẳng định,
Tôi không hề có ý định tẻ tách khỏi các nguyên tắc mà tôi vẫn theo đuổi từ trước tới nay. Niềm hi vọng duy nhất của tôi nhằm giải thoát nhân loại khỏi tình trạng khốn cùng, trong đời này hoặc đời sau, là trải nghiệm tái sinh của mỗi cá nhân bởi quyền năng của Chúa Thánh Linh qua ân điển của Chúa Giê-xu. Khi cung ứng các trợ giúp cho những nhu cầu trong đời này, tôi chỉ cố làm giảm nhẹ những khó khăn hiện thời, và cống hiến cho mọi người cơ hội tìm đến Thập tự giá của Chúa Giê-xu.
Thái độ của công chúng đối với Cứu Thế Quân và Tướng quân dần dần thay đổi theo chiều thuận lợi. Về sau, ông được tiếp kiến bởi các quân vương, hoàng đế và tổng thống là những người ngưỡng mộ ông. Ngay cả các phương tiện truyền thông cũng bắt đầu sử dụng danh hiệu "Tướng quân" với sự tôn trọng.
Tướng quân Booth giải thích, "Cứu thế chỉ đơn giản là thắng hơn và đánh bật cái xấu khỏi thế gian". Sứ mạng của ông là chinh phục thế giới cho Chúa Giê-xu. Cứu Thế Quân từ nguyên thủy là một phong trào phục hưng tôn giáo cách triệt để, rao giảng sự hối cải và đức tin vào Chúa Giê-xu Cơ Đốc để được tha thứ và tái sinh.
William Booth từ trần ở tuổi 83 tại Hadley Wood, Luân Đôn. Cùng với vợ, ông được an táng tại Nghĩa trang Abney Park, Luân Đôn.
Tác phẩm
In Darkest England and The Way Out Diggory Press, ISBN 978-1846853777
Purity of Heart Diggory Press, ISBN 978-1846853760 |
Cứu Thế Quân (Salvation Army), hoặc Đạo quân Cứu thế, là một hệ phái Tin Lành (Evangelical) thuộc cộng đồng Kháng Cách (Protestant), cũng là một tổ chức xã hội với các hoạt động từ thiện được tổ chức giống mô hình quân đội.
Cứu Thế Quân có hơn 1,5 triệu thành viên bao gồm các binh sĩ, sĩ quan, và thiện nguyện viên. Cứu Thế Quân hiện có mặt tại 126 quốc gia, điều hành các cửa hàng từ thiện, các địa điểm cư trú cho người vô gia cư, cứu trợ thiên tai, và trợ giúp nhân đạo cho các nước đang phát triển. Mục tiêu của tổ chức này là "phát triển Cơ Đốc giáo... trong các lãnh vực giáo dục, giảm nghèo, và các hoạt động từ thiện khác..."
Trụ sở của Cứu Thế Quân đặt tại 101 đường Nữ hoàng Victoria, Luân Đôn, Anh Quốc.
Lịch sử
Cứu Thế Quân được thành lập ngày 5 tháng 7 năm 1865 bởi William Booth tại Khu Đông Luân Đôn (the East End), như là một phong trào Tin Lành (Evangelical) được gọi là Hiệp hội Phục hưng Cơ Đốc. Khi ấy, William Booth buộc phải rút lui khỏi giáo hội Giám Lý mà ông đang phục vụ trong cương vị mục sư.
Năm 1878, tổ chức này được đổi tên thành Cứu Thế Quân với cơ cấu tổ chức và đồng phục được mô phỏng theo quân đội. Cứu Thế Quân được đặt dưới quyền lãnh đạo của một tướng quân (general), hiện nay là André Cox, Tướng quân thứ 20.
Ban đầu những người qui đạo từ những nỗ lực của Cứu Thế Quân đa phần là người nghiện rượu, nghiện ma tuý, gái mại dâm và những thành phần bất hảo khác của xã hội. Họ là những người bị các giáo hội khác từ khước hoặc không muốn dính líu đến. Xuất phát từ phương pháp thực tiễn của Booth khi thi hành mục vụ, Cứu Thế Quân quyết định không giữ lại các thánh lễ (báp têm và tiệc thánh) trong nghi thức thờ phụng. Họ tin rằng phần lớn tín hữu Cơ Đốc ngày càng phụ thuộc vào hình thức bên ngoài của ân điển thay vì dựa vào chính ân điển ấy. Về thần học, William và vợ ông, Catherine, chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng của Sứ đồ Phao-lô, tin rằng sự cứu rỗi được ban cho chỉ bởi ân điển của Thiên Chúa và được nhận lãnh chỉ bởi đức tin. Cả hai nhận ra rằng hiện trạng của Cơ Đốc giáo hầu hết chỉ là sự tuân giữ nghi thức bên ngoài.
Trong số các xác tín truyền thống của Cứu Thế Quân có đòi hỏi các thành viên phải giữ mình khỏi rượu, thuốc lá, ma tuý và cờ bạc. Cứu Thế Quân mau chóng lớn mạnh, và nảy sinh từ tiến trình phát triển này là những va chạm xã hội. Một số người, tụ họp lại dưới cái tên Đạo quân Xương Sọ (Skeleton Army), thuê mướn những kẻ côn đồ đến phá phách các buổi tụ họp của Cứu Thế Quân, chiến thuật thường dùng của họ là ném đá, chuột chết, nhựa đường, và ngay cả tấn công các thành viên của Cứu Thế Quân.
Sứ mạng của Cứu Thế Quân là chinh phục thế giới cho Chúa Giê-xu. Tướng quân Booth, nhà sáng lập, đã giải thích, "Cứu thế chỉ đơn giản là thắng hơn và đánh bật cái xấu khỏi thế gian". Ngay từ thời kỳ tiên khởi, Cứu Thế Quân đã đấu tranh không khoan nhượng với những điều họ tin là tội lỗi. Định nghĩa của họ về điều ác đặt nền tảng trên niềm tin của họ vào tính chân xác của Kinh Thánh Cơ Đốc giáo.
Đến đầu thế kỷ 21, Cứu Thế Quân phát triển các chương trình hoạt động đến hơn 100 quốc gia. Câu phương châm "Trái tim cho Thiên Chúa, đôi tay cho con người" (Heart to God and Hand to Man) là tâm điểm và là mục tiêu của tổ chức này. Tại Anh Quốc, Cứu Thế Quân hiện là đơn vị cung cấp các loại phúc lợi xã hội lớn thứ nhì, chỉ sau chính phủ.
Cứu Thế Quân đôi khi được gọi cách trìu mến là "Sally Ann" (chủ yếu là tại Canada). Tại Anh, tên thân mật của họ là "Sally Army", trong khi tại Úc, họ thường được nhắc đến với tên "Salvos".
Âm nhạc
Khi tiếng tăm của Cứu Thế Quân lan rộng và khi những người lính Cứu thế quân đi ra trên khắp các đường phố Luân Đôn để rao giảng phúc âm và thuyết phục nhiều người qui đạo, họ cũng thu hút những đám đông bạo hành. Cùng lúc, xuất hiện một gia đình nhạc công, tên gọi Fry, bắt đầu cộng tác với Cứu Thế Quân bằng cách chơi nhạc để đánh lạc hướng những người bạo hành.
Từ lúc ấy, âm nhạc thường đồng hành với các hoạt động của Cứu Thế Quân, dần dần nhiều ban nhạc được thành lập. Những nhóm nhạc này, đa phần là các ban nhạc kèn đồng hoặc các nhóm nhỏ qui tụ những nhạc công với các loại nhạc cụ khác nhau, xuất hiện tại các chiến dịch, lễ hội và các cuộc diễu hành của Cứu Thế Quân trong mùa Giáng sinh.
Các ban nhạc này thường đủ sức đáp ứng các tiêu chuẩn cao về âm nhạc, một số có đẳng cấp quốc tế như International Staff Band, trình độ ngang với các ban nhạc chuyên nghiệp dù họ không tham gia các kỳ tranh tài. Nhiều nhạc công kèn đồng chuyên nghiệp trưởng thành từ Cứu Thế Quân, một số vẫn duy trì mối quan hệ với Cứu Thế Quân như Philip Smith, tay kèn trumpet chính của Dàn nhạc Giao hưởng New York (New York Philharmonic Orchestra).
Sứ mạng
Cương lĩnh
"Cứu Thế Quân, một phong trào quốc tế, thuộc trào lưu Tin Lành (Evangelical) của hội thánh chung. Sứ điệp của Cứu Thế Quân đặt nền tảng trên Kinh Thánh. Hoạt động của Cứu Thế Quân xuất phát từ tình yêu Thiên Chúa. Sứ mạng của Cứu Thế Quân là rao giảng phúc âm của Chúa Giê-xu Cơ Đốc và đáp ứng các nhu cầu của con người trong danh của Ngài mà không có sự phân biệt".
Phương châm
Huyết & Lửa (Huyết biểu trưng sự cứu rỗi của Chúa Giê-xu và Lửa biểu trưng quyền năng của Chúa Thánh Linh).
Thần học
Xác tín rằng Kinh Thánh gồm Tân Ước và Cựu Ước được ban cho bởi sự soi dẫn của Thiên Chúa; chỉ có Kinh thánh xác lập các điều luật thiên thượng về đức tin và sống đạo Cơ Đốc.
Xác tín rằng chỉ có một Thiên Chúa, Ngài là toàn hảo vô hạn – là đấng Tạo hoá, đấng Bảo toàn và đấng Tể trị - chỉ có Ngài là đấng được tôn thờ.
Xác tín rằng có Ba Ngôi – Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Linh.
Xác tín rằng bản thể thiên thượng và bản thể con người hiệp nhất trong thân vị của Chúa Giê-xu, ngài thật sự là Thiên Chúa, cũng thật sự là con người.
Xác tín rằng tổ phụ của chúng ta được tạo dựng trong sự vô tội (innocence), nhưng vì không chịu tuân phục Thiên Chúa, họ đã đánh mất phước hạnh và sự tinh khiết. Vì sự sa ngã của họ, mọi người trở nên tội nhân, hoàn toàn bại hoại, và vì vậy bị đặt dưới sự thịnh nộ của Thiên Chúa.
Xác tín rằng Chúa Giê-xu Cơ Đốc, bởi sự thống khổ và sự chết của ngài, đền tội cho toàn thể thế gian hầu cho mọi người đều được cứu rỗi.
Xác tín rằng sự hối cải để quay về với Thiên Chúa, đức tin vào Chúa Giê-xu Cơ Đốc, và sự tái sinh bởi Chúa Thánh Linh là cần có để được cứu rỗi.
Xác tín rằng chúng ta được xưng công chính bởi ân điển qua đức tin vào Chúa Giê-xu Cơ Đốc, hễ ai tin sẽ nhận được sự xác chứng trong lòng mình.
Xác tín rằng muốn được tiếp tục sống trong sự cứu rỗi, cần phải duy trì đức tin tuân phục trong Chúa Cơ Đốc.
Xác tín rằng được thánh hoá trọn vẹn là đặc quyền dành cho mọi tín hữu Cơ Đốc, toàn thể tâm linh, linh hồn và thể xác của tín hữu được giữ gìn trọn vẹn cho đến khi Chúa Giê-xu trở lại (1 Thessalonians 5.23, 24)
Xác tín vào sự sống vĩnh hằng của linh hồn; sự phán xét dành cho mọi người trong ngày tận thế; cuộc sống phước hạnh vĩnh cửu dành cho người công chính; và sự trừng phạt đời đời dành cho kẻ gian ác.
Cứu Thế Quân luôn nhìn xem mình là một giáo hội Cơ Đốc, nhưng quan điểm này trải qua nhiều năm đang bị xói mòn trong cái nhìn của công chúng. Ngày nay thực thể này được biết đến như là một tổ chức thiện nguyện, khiến nhiều người thuộc Cứu Thế Quân muốn tái xác lập vai trò của họ như là một giáo hội Cơ Đốc.
Cứu trợ
Cứu Thế Quân là một trong những tổ chức cứu tế phi chính phủ lớn nhất, những người lính Cứu Thế Quân thường ở trong số những người đầu tiên có mặt tại các địa điểm bị thiên tai hoặc nhân tai để trợ giúp. Những chương trình hoạt động của họ giúp giảm bớt sự thống khổ của các nạn nhân và giúp họ xây dựng lại cuộc sống.
Khi xảy ra Thảm họa Sóng thần Ấn Độ Dương năm 2004, Cứu Thế Quân có mặt kịp thời tại những vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất để trợ giúp nạn nhân cũng như tìm kiếm và chôn người chết. Từ lúc ấy, họ tiếp tục giúp xây dựng lại nhà cửa và đóng tàu thuyền mới giúp người dân trở lại nghề mưu sinh của mình. Cứu Thế Quân hoạt động tích cực tại các vùng bị tàn phá bởi các cơn bão Hugo và Andrew, cũng như tại các vùng bị thiên tai ở Hoa Kỳ. Họ tiếp tục duy trì các chương trình trợ giúp tại các trại tị nạn ở Phi châu và các nơi khác. Tháng 8 năm 2005 họ cấp tốc cung ứng nước uống cho dân nghèo bị ảnh thưởng bởi đợt nắng nóng tại Hoa Kỳ.
Ngày 29 tháng 8 năm 2005, bão Katrina, thiên tai khủng khiếp nhất và gây thiệt hại lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ kể từ trận động đất tại San Francisco năm 1906, tàn phá các tiểu bang Louisiana, Mississippi, Alabama và nhấn chìm thành phố New Orleans, những người lính Cứu Thế Quân đã có mặt kịp thời để trợ giúp nạn nhân, đồng thời đẩy mạnh chiến dịch quyên góp trên khắp Hoa Kỳ và nhiều nước khác cho các chương trình tái thiết những nơi bị tổn thất do cơn bão.
Cửa hiệu Tiết kiệm và Công tác Từ thiện
Cứu Thế Quân nổi tiếng với mạng lưới các cửa hiệu tiết kiệm (thrift store) nhằm mục đích gây quỹ cho các hoạt động tôn giáo và từ thiện bằng cách bán những món đồ đã qua sử dụng được quyên tặng như áo quần, đồ gia dụng...
Tại nhiều nơi khắp Hoa Kỳ và Canada, Cứu thế quân xuất hiện rầm rộ trong mùa Giáng sinh khi những người thiện nguyện đứng bên ngoài các cơ sở kinh doanh, rung chuông quyên góp người đi đường. Chiến dịch này được tiến hành mỗi năm trên khắp Bắc Mỹ, thường thu được vài triệu mỹ kim. Có một truyền thống đặc biệt phát triển tại một vài nơi ở Hoa Kỳ khi những người ẩn danh lặng lẽ bỏ vào thùng quyên góp (kettle) những đồng tiền vàng. Truyền thống này bắt đầu tại Crystal Lake, Illinois, một khu ngoại ô thành phố Chicago. Hầu hết những đồng tiền vàng được quyên tặng trị giá vài trăm mỹ kim. Tại Thành phố New York, những người thiện nguyện đi ra quyên góp trong trang phục của ông già Noel.
Chú thích |
Chiến dịch mùa Xuân năm 1975, hay Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, là những cuộc tấn công quân sự cuối cùng của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam trong Chiến tranh Việt Nam.
Chiến dịch bắt đầu từ ngày 4 tháng 3 và kết thúc ngày 30 tháng 4 năm 1975. Ngoài Trận Phước Long được coi là trận đánh trinh sát chiến lược, cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân 1975 gồm ba chiến dịch lớn liên tiếp nhau:
1. Chiến dịch Tây Nguyên (4 - 24 tháng 3)
2. Chiến dịch Giải phóng Huế - Đà Nẵng (21 - 29 tháng 3)
3. Chiến dịch Hồ Chí Minh (26 - 30 tháng 4).
Đồng thời, cùng trong thời gian này còn có những chiến dịch nhỏ hơn diễn ra trên những địa bàn quân sự chiến lược như: Long Khánh - Xuân Lộc, Trường Sa và các đảo trên Biển Đông, các trận đánh trên các tuyến phòng thủ từ xa của Quân lực Việt Nam Cộng hòa như Tây Ninh - An Lộc - Dầu Tiếng, Phan Rang - Ninh Thuận...
Những chiến dịch trên được thực hiện sau khi Hoa Kỳ đã rút quân viễn chinh khỏi Việt Nam, chỉ còn duy trì viện trợ và lực lượng cố vấn. Cán cân lực lượng đã nghiêng sang phía lực lượng Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Kết quả thắng lợi quân sự của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam trong chiến dịch này đã dẫn đến sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, kết thúc Chiến tranh Việt Nam.
Lực lượng các bên
Các đơn vị chủ lực của Quân Giải phóng miền Nam
Quân đoàn 1 (Binh đoàn Quyết Thắng) tham gia giai đoạn cuối chiến dịch gồm: các sư đoàn bộ binh 312, 390, sư đoàn phòng không 367, lữ đoàn 202 tăng thiết giáp, trung đoàn pháo binh 45, Lữ đoàn công binh 299, trung đoàn thông tin.
Quân đoàn 2 (Binh đoàn Bình Dương) tham gia từ đầu chiến dịch gồm: các sư đoàn bộ binh 304, 325, 324, sư đoàn phòng không 673, lữ đoàn xe tăng 203, lữ đoàn pháo binh 164, trung đoàn đặc công 116, trung đoàn thông tin.
Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên) tham gia từ đầu chiến dịch gồm: các sư đoàn bộ binh 2, 10, 316, 320A, trung đoàn xe tăng 273, các trung đoàn pháo binh 40 và 575, trung đoàn đặc công 198, các trung đoàn phòng không 232, 234 và 593, các trung đoàn công binh 7 và 576, trung đoàn thông tin.
Quân đoàn 4 (Binh đoàn Cửu Long) tham gia từ đầu chiến dịch gồm: các sư đoàn bộ binh 5, 7, 9, các trung đoàn pháo binh 24, trung đoàn đặc công 429, trung đoàn phòng không 71, trung đoàn công binh 25, trung đoàn thông tin, trung đoàn 26 tăng thiết giáp. Quân đoàn này trước khi đánh Xuân Lộc có tổng quân số 35.112 người, trong đó, quân số trực tiếp chiến đấu 29.034 người
Đoàn 232 tham gia giai đoạn cuối chiến dịch gồm: sư đoàn bộ binh Phước Long, 3 trung đoàn chủ lực khu VIII, 2 trung đoàn chủ lực khu IX.
Các trung đoàn không quân vận tải 918 và 919.
Các hải đoàn 124, 125, 126 Hải quân.
Các quân khu và Đoàn 559
Sư đoàn 3 Sao Vàng (Khu V)
Sư đoàn 128 (Quân khu IV)
Sư đoàn 6 (quân khu VII)
Sư đoàn 8 (quân khu VIII)
Sư đoàn đặc công (chính ủy Lê Bá Ước)
Trung đoàn bộ binh 271 (Quân khu IV)
Trung đoàn bộ binh 46 (Quân khu III)
Trung đoàn An ninh vũ trang thuộc Bộ tư lệnh Miền.
Trung đoàn Gia Định
2 sư đoàn ô tô vận tải 471, 571
3 trung công binh 472, 473, 565
4 trung đoàn cao xạ
3 trung đoàn đường ống xăng dầu
Lữ đoàn hải quân đánh bộ 171 (chiến đấu tại các đảo trên vịnh Thái Lan)
Lữ đoàn Hải quân đánh bộ 126 (chiến đấu tại Trường Sa)
Lữ đoàn hải quân vận tải 125 (chiến đấu tại Trường Sa)
Đoàn 559 (Binh đoàn Trường Sơn) gồm:
Sư đoàn 968 (Đoàn 559)
Sư đoàn phòng không 377 (Đoàn 559)
Trung công binh 470.
2 trung đoàn cao xạ độc lập.
1 trung đoàn vệ binh
1 trung đoàn đường ống xăng dầu
2 trung đoàn thông tin liên lạc
Quá trình chuẩn bị cho chiến dịch
Theo một số hãng thông tấn phương Tây, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tính đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 (kể cả các sư đoàn phòng thủ miền Bắc, không tham gia chiến đấu trực tiếp) gồm 23 sư đoàn bộ binh và các lực lượng.
Trong 2 năm (1973-1974), tại miền Bắc đã có 242.023 thanh niên nhập ngũ. Đến đầu năm 1975, các lực lượng trên đường Trường Sơn đã mở được 5.560 km đường mới các loại (gần bằng nửa độ dài các con đường đã mở trong 8 năm trước), đưa chiều dài của hệ thống đường vận tải và hành quân dọc dãy Trường Sơn lên 16.790 km, trong đó có 6.810 km đường trục dọc, 4.980 km đường ngang và 5.000 km đường vòng tránh. Từ đầu năm 1973 đến 4/1975, đã vận chuyển trên 823.146 tấn hàng hoá các loại (gấp 1,6 lần khối lượng vận chuyển của 13 năm trước đó), trong đó giao cho các chiến trường 364.524 tấn (gấp 2,6 lần khối lượng vận chuyển của 13 năm trước đó). Trong hơn 2 năm (1973 đến 4/1975), quân Giải phóng đã tổ chức cho 411.161 lượt người (có 25.989 cán bộ dân chính đảng) hành quân vào miền Nam (riêng từ tháng 11/1974 đến 4/1975 đã đưa vào chiến trường hơn 232.000 người). Về trang bị, trong 2 năm 1973 - 1974 đã vận chuyển vào miền Nam 149 đoàn binh khí kỹ thuật với 269 khẩu pháo mặt đất, 974 pháo cao xạ, 457 xe tăng và xe bọc thép; đưa 219.380 thương bệnh binh ra miền Bắc điều trị Trong quá trình Tổng tiến công và nổi dậy, ngành Hậu cần đã vận chuyển nhiều quân đoàn, sư đoàn và lực lượng binh khí kỹ thuật, vận chuyển vào các chiến trường 46.892 tấn đạn và 93.540 tấn xăng dầu, tạo nên lượng dự trữ gần 260.000 tấn vật chất trên các chiến trường; cứu chữa cho 15.999 thương binh; thu trên 360.000 tấn chiến lợi phẩm
Theo tướng Võ Nguyên Giáp thì khi tuyển quân tham gia chiến dịch đã có những khó khăn gay gắt bởi số lính nhập ngũ đã chiếm quá nửa số nam thanh niên từ 18-25 tuổi còn lại trong cả nước. Dù đường Trường Sơn đã yên tĩnh hoàn toàn thì miền Bắc cũng không còn nhiều nhân lực để đưa vào nam nữa. Kế hoạch động viên năm 1975 lên đến 108.000 người (tăng 50% so với 1973 và 1974) tuy là cao nhưng rất cần thiết, và ngay trong 2 tháng đầu năm 1975 phải bổ sung nhanh chóng 57.000 người. Ông yêu cầu bất kỳ tình huống nào cũng phải đủ quân tham chiến ở miền Nam, nên dù có phải tuyển thêm ở độ tuổi 26-30 và kể cả khu vực học sinh, sinh viên và cán bộ, công nhân viên Nhà nước cũng phải làm.
Vũ khí và trang thiết bị quân sự
Lực lượng xe tăng - thiết giáp của Quân Giải phóng huy động cho chiến dịch là 320 xe tăng, 250 xe bọc thép gồm các loại xe tăng T-34, T-54, pháo tự hành ZSU-57-2, SU-100 của Liên Xô; xe tăng lội nước PT-76 của Ba Lan, các loại xe thiết giáp BTR-40/50/60/152 của Liên Xô, xe tăng chủ lực kiểu 59, xe tăng hạng nhẹ kiểu 63 của Trung Quốc. Ngoài ra còn có 679 xe ô tô các loại.
Pháo binh yểm hộ mặt đất là 88 khẩu pháo cỡ lớn, gồm các loại pháo nòng dài 130 mm, 122 mm và lựu pháo 105 mm; 1.561 pháo nhỏ (cỡ 76 mm và 85 mm), súng cối hoặc súng chống tăng không giật (ĐKZ) gồm các loại: súng cối các cỡ nòng 60 mm, 81 mm, 120 mm; ĐKZ cỡ nòng 82 mm hoặc 73 mm; các dàn pháo phản lực H-12, BM-13 và BM-14
Lực lượng phòng không được trang bị một vài hệ thống tên lửa SAM-2; 343 pháo phòng không các loại (gồm các cỡ 100 mm, 85 mm, 57 mm, và 37 mm). Các đơn vị bộ binh có súng máy phòng không các cỡ 14,5 mm và 12,7 mm, một số đơn vị có thêm tên lửa vác vai Strela 2 để chống máy bay tầm thấp.
Không quân (tham gia giai đoạn cuối) được trang bị 6 máy bay A-37 chiếm được của Quân lực Việt Nam Cộng Hoà tại các sân bay Đà Nẵng và Thành Sơn.
Hải quân có một số tàu phóng lôi, tàu tuần duyên cỡ nhỏ, tàu vận tải và xuồng chiến đấu.
Đây là chiến dịch mà quân Giải phóng huy động lực lượng, phương tiện và phương thức vận tải phục vụ chiến dịch với quy mô lớn nhất trong chiến tranh. Riêng vận tải tuyến chiến lược đã sử dụng 3.400 xe cơ giới, 32 tàu biển, 310 toa xe lửa. Ngoài ra đã sử dụng 2.000 phương tiện vận tải thủy của lực lượng Hải quân, 17.000 xe ôtô của các quân khu, quân chủng, binh chủng, quân đoàn và cơ quan nhà nước. Vận tải chiến dịch sử dụng gần 4.000 xe vận tải, 656 ghe, xuồng, canô và 300 xe bò, gần 2.000 xe đạp thồ, hơn 63.000 dân công
Sự ủng hộ của người dân miền Nam
Đến đầu năm 1975, số lượng dân quân tự vệ và du kích tại miền Nam đã đạt tới 296.984 người, trong đó có 83.953 người trực tiếp tham gia chiến đấu
Trước ngày Tổng tấn công và nổi dậy, phong trào đấu tranh chính trị của công nhân, học sinh, sinh viên, các tổ chức hòa bình đòi chấm dứt chiến tranh, đòi Thiệu từ chức… nổ ra ở tất cả các thành phố lớn, diễn ra dưới nhiều hình thức, kết hợp bí mật với công khai và bán công khai, hợp pháp và bán hợp pháp… đã tập hợp ngày càng nhiều quần chúng ủng hộ quân Giải phóng, đẩy chính quyền Sài Gòn vào thế lúng túng, hoang mang, bị động. Các hạt nhân chính trị ở vùng ven và nội đô các thành phố được tích cực xây dựng, với hàng chục vạn quần chúng có tổ chức sẵn sàng nổi dậy. Từ vùng rừng núi đến nông thôn đồng bằng và đô thị; trong nông dân, công nhân, tín đồ các tôn giáo, lực lượng trí thức, sinh viên, học sinh… đều thành lập cơ quan chỉ huy kháng chiến và nổi dậy, tổ chức học tập chính trị, phân công nhiệm vụ theo phương án kết hợp tổng tiến công và nổi dậy, như: biểu tình đấu tranh, trinh sát, dẫn đường, tiếp tế lương thực, thực phẩm, may cờ Cộng hòa miền Nam Việt Nam, làm công tác binh vận và xuống đường phối hợp với các mũi tiến công quân sự giải phóng địa bàn. Cùng với đẩy mạnh hoạt động của lực lượng vũ trang địa phương nhằm diệt những binh lính Việt Nam Cộng hòa còn cố chống cự, phá vòng vây, khống chế và phá rã phòng vệ dân sự, công tác binh vận cũng được tăng cường, nhằm tranh thủ lôi kéo binh lính, nhân viên, các phe phái trong nội bộ Việt Nam Cộng hòa, mở rộng mặt trận đoàn kết, cô lập những kẻ còn ngoan cố, góp phần đánh sập ý chí chiến đấu, sức phản kháng của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, tạo thêm thế và lực cho Quân Giải phóng và người dân vùng khác tiến hành tổng công kích, hạn chế bớt đổ máu.
Trên chiến trường miền Nam, khắp các tỉnh, thành phố, nhân dân miền Nam đã bao bọc cho Quân Giải phóng; tổ chức đào hầm bí mật để bảo vệ cán bộ, cất giấu vũ khí, cùng Quân Giải phóng vận động lính Việt Nam Cộng hòa không đi càn. Đặc biệt, để huy động lực lượng đến mức cao nhất, hàng vạn cán bộ được điều động để tăng cường cho thành phố Sài Gòn - Gia Định và các địa bàn ven đô.
Riêng ở Quân khu 9, trong nửa đầu tháng 4-1975 đã có hơn 9.000 thanh niên gia nhập quân Giải phóng, đưa tổng số tiểu đoàn quân chủ lực của quân khu từ 14 lên 23 tiểu đoàn. Quân khu 8 tuyển hơn 5.000 thanh niên, thành lập thêm 7 tiểu đoàn chủ lực. Nhiều tỉnh phát triển từ 3 lên 6 tiểu đoàn. Lực lượng khởi nghĩa được tổ chức thành đại đội, tiểu đoàn với số lượng hơn 10.000 nam, nữ thanh niên xung phong… Cuối chiến dịch, ở một số địa bàn mà đơn vị hành chính cũ đã đầu hàng, thanh niên địa phương đã bắt liên lạc gia nhập Quân Giải phóng. Chính sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân là động lực mạnh mẽ để quân Giải phóng quyết tâm mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.
Nhân dân địa phương đã vác những bó cây và dỡ nhà mình ra lót đường cho xe tăng và pháo của Quân Giải phóng vượt qua. Nhân dân đã dẫn đường cho các mũi đột kích của Quân Giải phóng đánh chiếm nhiều mục tiêu khác nhau trên chiến trường miền Nam. Trong ngày 30 tháng 4 năm 1975, những nơi chưa có bộ đội tiếp quản thì nhân dân, chủ yếu là công nhân, sinh viên, học sinh tiếp quản tạm thời. Chiến thắng trong Tổng tấn công và nổi dậy có phần đóng góp to lớn của nhân dân hai miền Nam-Bắc.
Bố trí binh lực của Quân Giải phóng miền Nam
Tại Miền Nam
Ngoài 5 đơn vị cấp quân đoàn lần lượt được thành lập từ năm 1974 đến trước chiến dịch Hồ Chí Minh có vai trò tác chiến chủ đạo tại các mặt trận chính, các đơn vị quân địa phương thuộc các mặt trận và các khu ở miền Nam được bố trí như sau:
Quảng Trị - Thừa Thiên Huế (B5)
Ngoài Quân đoàn 2 (Binh đoàn Hương Giang) bố trí tại đây, trên địa bàn còn có các đơn vị sau:
Trung đoàn bộ binh 4
Trung đoàn bộ binh 6
Trung đoàn đặc công 126
Trung đoàn pháo binh 16
Tây Nguyên (B3)
Ngoài Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên), trên địa bàn còn có các đơn vị sau đây:
Trung đoàn bộ binh 25
Trung đoàn bộ binh 28
Trung đoàn bộ binh 95D
Ven biển miền Trung (Khu 5)
Sư đoàn bộ binh 2 (chủ lực khu)
Trung đoàn bộ binh 93 (chủ lực khu)
Trung đoàn bộ binh 94 (chủ lực khu)
Trung đoàn bộ binh 96 (chủ lực khu)
Trung đoàn bộ binh 271 (Quân khu IV tăng cường)
Trung đoàn bộ binh 46 (Quân khu III tăng cường)
Trung đoàn pháo binh 572
Trung đoàn pháo binh 576
Trung đoàn tăng-thiết giáp 574
Trung đoàn phòng không 573
Trung đoàn công binh 83
Đông Nam Bộ (B2)
Ngoài các đơn vị của Quân đoàn 4 (Binh đoàn Cửu Long), trên địa bàn còn có
Khối chủ lực miền:
Sư đoàn bộ binh Phước Long (thành lập tháng 2 năm 1975 từ các đơn vị thuộc C30B)
Sư đoàn đặc công 2
Lữ đoàn đặc công 316
Khối chủ lực khu 6:
Trung đoàn bộ binh 812
Tiểu đoàn pháo binh 130
Tiểu đoàn đặc công 200C
Khối chủ lực khu 7:
Sư đoàn bộ binh 6
Trung đoàn bộ binh 16
Trung đoàn bộ binh 271B
Đồng Bằng Tây Nam Bộ (Khu 8 và Khu 9)
Ngoài các đơn vị của Đoàn 235, trên địa bàn còn có:
Sư đoàn bộ binh 8 (chủ lực Khu 8)
Sư đoàn bộ binh 4 (chủ lực Khu 9)
Trung đoàn bộ binh 88 (chủ lực Khu 8)
Trung đoàn bộ binh 1 (Đoàn Đồng Tháp, chủ lực Khu 8)
Trung đoàn bộ binh 2 (Đoàn U Minh, chủ lực Khu 9)
Trung đoàn bộ binh 3 (chủ lực Khu 9)
Trung đoàn đặc công 8 (thuộc Khu 8)
Trung đoàn pháo binh 6 (thuộc Khu 9)
Khu vực Sài Gòn - Gia Định (T-4)
Trung đoàn bộ binh 1 (Đoàn Gia Định 1)
Trung đoàn bộ binh 2 (Đoàn Gia Định 2)
Tuyến vận tải Trường Sơn
Sư đoàn 968 (Đoàn 559)
Sư đoàn phòng không 377 (Đoàn 559)
Các Sư đoàn công binh 472, 473, 565
4 trung đoàn cao xạ
2 sư đoàn ô tô vận tải.
3 trung đoàn đường ống xăng dầu
Tại Miền Bắc
Lực lượng dự bị chiến lược
Quân đoàn 1 (Binh đoàn Quyết Thắng) vào Nam tham gia giai đoạn cuối (Chiến dịch Hồ Chí Minh) gồm: các sư đoàn bộ binh 312, 320B, sư đoàn phòng không 367, lữ đoàn xe tăng 202, trung đoàn pháo binh 45, Lữ đoàn công binh 299, trung đoàn thông tin. Riêng Sư đoàn 308 không tham chiến mà ở lại bảo vệ miền Bắc, đề phòng Hoa Kỳ đổ quân tấn công
Sư đoàn bộ binh 338
Sư đoàn bộ binh 350
Lực lượng phòng không-không quân
Sư đoàn phòng không 361 (ở Hà Nội)
Sư đoàn phòng không 363 (ở Hải Phòng)
Sư đoàn phòng không 365 (ở Nghệ An, Hà Tĩnh)
4 trung đoàn không quân tiêm kích
3 trung đoàn và 1 tiểu đoàn radar cảnh giới không phận
Lực lượng phòng thủ bờ biển
2 trung đoàn pháo tầm xa bảo vệ bờ biển
4 hải đội tàu phóng lôi và tuần duyên.
Hoa Kỳ và Quân lực Việt Nam Cộng hòa
Binh lựcLịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975). Tập VIII. tr. 215-216, 284, 365.
Ở thời điểm năm 1975, Hoa Kỳ đã rút quân viễn chinh về nước. Tuy rút hết quân trên danh nghĩa, nhưng trong thực tế, Hoa Kỳ vẫn duy trì Văn phòng Tùy viên Quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam với hàng ngàn nhân viện quân sự tại miền Nam Việt Nam (dưới danh nghĩa "cố vấn") để tham gia chỉ huy tác chiến, vận chuyển vũ khí, điều phối các hoạt động quân sự và thu thập các thông tin tình báo.
Về Quân lực Việt Nam Cộng hòa:
Tổng quân số: 1.351.000 quân, gồm 495.000 quân chủ lực, 475.000 quân địa phương, 381.000 quân "phòng vệ dân sự" có vũ trang.
13 sư đoàn bộ binh và binh chủng đặc biệt gồm: Sư đoàn 1, Sư đoàn 2, Sư đoàn 3, Sư đoàn 5, Sư đoàn 7, Sư đoàn 9, Sư đoàn 21, Sư đoàn 18, Sư đoàn 22, Sư đoàn 23, Sư đoàn 25, Sư đoàn Dù, Sư đoàn Thủy quân lục chiến.
Liên đoàn 81 biệt kích dù.
18 liên đoàn biệt động quân.
65 tiểu đoàn pháo binh.
20 thiết đoàn, 3 lữ đoàn và 57 chi đội xe tăng thiết giáp.
6 sư đoàn không quân
5 hải đoàn và 4 giang đoàn.
Vũ khí và trang thiết bị quân sự
Lục quân QLVNCH có 2.044 xe tăng và xe thiết giáp, trong đó có gồm 383 xe tăng (M48 Patton: 162 chiếc, M41: 221 chiếc); xe thiết giáp các loại như M-113, V-100, M42 Duster, M578... có 1.661 chiếc. Theo thư viện chiến tranh Hoa Kỳ thống kê, QLVNCH vào đầu năm 1975 có 550 xe tăng (các loại M48A3 và M41A3), 1.381 xe thiết giáp M-113 (chưa kể các loại xe thiết giáp khác)
Pháo binh có 1.556 khẩu pháo cỡ lớn (các cỡ 175mm, 155 mm, 105 mm) Theo thư viện chiến tranh Hoa Kỳ thống kê, QLVNCH vào đầu năm 1975 có 1.607 khẩu pháo cỡ lớn (các cỡ 175mm, 155 mm, 105 mm), 14.900 súng cối, 200 khẩu súng chống tăng không giật cỡ 90mm, 63.000 súng chống tăng M72 LAW, 47.000 súng phóng lựu M79
Không quân có 1.683 máy bay các loại gồm: 699 trực thăng UH-1; 61 trực thăng CH-47, 61 cường kích cánh quạt A-1; 202 cường kích phản lực A-37; 129 tiêm kích phản lực F-5; 30 máy bay vận tải C-130; 52 vận tải C-47; 62 máy bay trinh sát các loại RC-47, RC-119 và RF-5; 167 máy bay quan sát-liên lạc O-1, 31 máy bay quan sát-liên lạc O-2, 89 máy bay liên lạc U-1 và U17; 46 máy bay huấn luyện T-37 và T-41.
Phòng không Quân lực Việt Nam Cộng hoà có 167 khẩu cao xạ cỡ nòng 40 mm.
Hải quân có 579 tàu chiến, tàu chở quân, tàu vận tải, tàu vớt mìn, tàu phóng lôi... trên biển; 1016 tàu xuồng chiến đấu, vận tải, vớt mìn... trên sông.
Bố trí binh lực của Quân lực Việt Nam Cộng hoà
Quân khu I (Quân đoàn I)
Lực lượng mặt đất
Các sư đoàn bộ binh 1, 2, 3; mỗi sư đoàn được tăng phái 1 thiết đoàn kỵ binh (4, 7, 11) và 4 tiểu đoàn pháo.
Các liên đoàn biệt động quân 11, 12, 14, 15.
Các thiết đoàn kỵ binh trực thuộc quân đoàn 17, 18, 20.
3 tiểu đoàn pháo binh trực thuộc quân đoàn (trang bị pháo M-107 và pháo 155 mm)
3 tiểu đoàn phòng không trang bị pháo cao xạ 40 mm
4 tiểu đoàn biệt kích thám báo
8 liên đoàn bảo an gồm 50 tiểu đoàn.
4 đại đội cảnh sát dã chiến.
2 liên đoàn công binh 8 (xây dựng) và 10 (chiến đấu).
Không quân
Sư đoàn không quân 1 gồm 5 phi đoàn chiến đấu, 6 phi đoàn trực thăng, 1 phi đoàn vận tải và 1 phi đoàn trinh sát; có căn cứ tại Đà Nẵng.
Hải quân
Bộ chỉ huy vùng 1 hải quân có 6 duyên đoàn trực thuộc
Quân khu II (Quân đoàn 2)
Lực lượng mặt đất
Các sư đoàn bộ binh 22 và 23; ngoài 3 đến 4 trung đoàn bộ binh, mỗi sư đoàn còn có 1 thiết đoàn kỵ binh (3/22, 14/23) và 4 tiểu đoàn pháo binh.
Các liên đoàn biệt động quân 21, 22, 23, 24, 26 (của quân khu), 4, 6 (của Bộ Tổng tham mưu tăng phái)
Lữ đoàn kỵ binh thiết giáp số 2 gồm 3 thiết đoàn 8, 19, 21.
6 tiểu đoàn pháo binh trực thuộc quân đoàn.
2 tiểu đoàn pháo phòng không 40 mm.
4 liên đoàn bảo an.
2 tiểu đoàn và 4 đại đội cảnh sát quân cảnh
16 đại đội cảnh sát dã chiến.
Không quân
Các sư đoàn không quân 2 (căn cứ tại Phù Cát, Pleiku) và 6 (căn cứ tại Nha trang, Phan Rang) gồm 9 phi đoàn chiến đấu, 6 phi đoàn trực thăng và 4 phi đoàn trinh sát, huấn luyện.
Hải quân
Bộ chỉ huy vùng 2 hải quân có 6 duyên đoàn và 1 hải đội duyên phòng.
Quân khu III (Quân đoàn III)
Lực lượng mặt đất
Các sư đoàn bộ binh 5, 18 và 25; mỗi sư đoàn còn có 1 thiết đoàn kị binh (1, 5, 10) và 4 tiểu đoàn pháo binh.
Các liên đoàn biệt động quân 31, 32 và 33.
Lữ đoàn kỵ binh 3 gồm thiết đoàn xe tăng 22 và thiết đoàn kỵ binh 15.
Chiến đoàn biệt kích thám báo số 1.
4 tiểu đoàn pháo binh trực thuộc quân đoàn.
1 tiểu đoàn cao xạ phòng không 40 mm.
5 liên đoàn bảo an
4 tiểu đoàn và 5 đại đội quân cảnh.
33 đại đội cảnh sát dã chiến.
2 liên đoàn công binh 5 (xây dựng) và 30 (chiến đấu)
2 liên đoàn thông tin.
Không quân
Các sư đoàn không quân 3 (tại Biên Hoà) và 5 (tại Tân Sơn Nhất) gồm 5 phi đoàn chiến đấu, 7 phi đoàn trực thăng, 4 phi đoàn vận tải và 2 phi đoàn trinh sát, huấn luyện.
Hải quân
Hạm đội trung ương gồm 7 tàu tuần dương và khu trục, 7 tàu hộ tống, hơn 100 tàu nổi khác.
4 hải đoàn tuần duyên và 3 hải đội duyên phòng.
4 liên giang đoàn và 6 giang đoàn độc lập.
Quân khu IV (Quân đoàn IV)
Lực lượng mặt đất
Các sư đoàn bộ binh 7, 9, 21; ngoài các trung đoàn bộ binh, mỗi sư đoàn còn có một thiết đoàn kỵ binh (2, 6, 9) và 4 tiểu đoàn pháo binh.
Lữ đoàn kị binh số 4 gồm các thiết đoàn 12 và 16.
3 tiểu đoàn pháo binh trực thuộc quân đoàn.
Các liên đoàn công binh 7 (xây dựng) và 20 (chiến đấu)
10 liên đoàn bảo an.
5 tiểu đoàn và 1 đại đội quân cảnh.
20 đại đội cảnh sát dã chiến
Không quân
Sư đoàn 4 không quân gồm 3 phi đoàn chiến đấu, 6 phi đoàn trực thăng, 2 phi đoàn huấn luyện; căn cứ đặt tại Bình Thủy (Cần Thơ) và (Trà Nóc) Sóc Trăng.
Hải quân
4 hải đoàn tuần duyên.
2 hải đội duyên phòng.
3 liên giang đoàn đặc nhiệm thủy bộ.
7 liên giang đoàn đặc nhiệm tuần tra.
7 giang đoàn xung kích.
Biệt khu thủ đô
Bộ tư lệnh Biệt khu thủ đô gồm các đơn vị:
Lữ đoàn an ninh thủ đô (gồm 3 tiểu đoàn)
2 tiểu đoàn quân cảnh
11 tiểu đoàn bảo an
2 tiểu đoàn công vụ
Các đảo ở ven biển miền Trung, Trường Sa, Côn Đảo, Phú Quốc
1 tiểu đoàn thủy quân lục chiến;
1 tiểu đoàn bộ binh;
một số đơn vị hỏa lực;
4 hải đội tuần duyên, 1 tàu tuần dương, 2 tàu hộ tống, 4 tàu đổ bộ loại LCU (thay phiên tăng phái từ đất liền)
Mục tiêu của các bên
Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam
Tháng 4 năm 1974, Hội nghị lần thứ 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã có Nghị quyết 21 yêu cầu các cơ quan chiến lược giúp Tổng Quân uỷ chuẩn bị chủ trương và những giải pháp lớn về quân sự, trong đó, tập trung xây dựng Kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam. Cuối tháng 8 năm 1974, Trung ương Cục miền Nam và Quân uỷ miền cũng gửi ra Hà Nội bản Kế hoạch tác chiến mùa khô 1974-1975 với dự kiến giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975-1976. Nội dung kế hoạch này cũng được bổ sung vào dự thảo kế hoạch của Quân uỷ Trung ương. Bản kế hoạch sau nhiều lần bổ sung, sửa đổi đã được Trung tướng Lê Trọng Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng, trình bày tại Hội nghị ngày 30 tháng 9 năm 1974 giữa Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương họp tại Hà Nội.
Bản dự thảo kế hoạch chiến lược vạch ra các bước, các đợt hoạt động quân sự, các hướng chiến lược và nhiệm vụ cụ thể của từng chiến trường; dự định hoàn thành trong 2 năm 1975-1976.
Bước 1 (1975): Kế hoạch dự kiến phát động một cách bất ngờ các hoạt động quân sự trên phạm vi toàn bộ chiến trường miền Nam với ba đợt:
+ Đợt 1 (từ tháng 12 năm 1974 đến tháng 2 năm 1975): Hoạt động quân sự có mức độ với mục tiêu thăm dò phản ứng của đối phương tại Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
+ Đợt 2 (từ tháng 3 đến tháng 6 năm 1975): Mở chiến dịch tấn công quy mô lớn ở Nam Tây Nguyên và các chiến dịch phối hợp ở Đông Nam bộ, Bắc Khu V, Trị Thiên, Đồng bằng sông Cửu Long.
+ Đợt 3 (từ tháng 8 đến tháng 10 năm 1975): Phát triển tấn công ở Nam Bộ, mở rộng vùng giải phóng ở Trị Thiên, Khu V, tiếp tục chuẩn bị lực lượng, vũ khí, phương tiện.
Bước 2 (1976): Tiến hành tổng tiến công kết hợp với tổng khởi nghĩa, giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam dựa vào thời cơ có thể xuất hiện trong những giai đoạn sau:
+ Phương án 1: Sau đợt 2 (đợt tấn công chủ yếu của năm 1975).
+ Phương án 2: Đầu đợt 3 (phát triển tấn công ở Nam Bộ trong mùa mưa).
+ Phương án 3: cuối năm 1975 (khi chính quyền Việt Nam Cộng hoà tổ chức bầu cử Tổng thống).
Phương châm hành động là tiến công với cường độ tăng dần từ nhỏ đến lớn; hạn chế chiến tranh trong phạm vi chiến trường miền Nam Việt Nam; thăm dò và theo dõi phản ứng và tái can thiệp của Hoa Kỳ; sẵn sàng đối phó với các hành động phản ứng quyết liệt của Hoa Kỳ bằng không quân và hải quân, kể cả bằng lực lượng phản ứng nhanh trên bộ; khai thác khả năng nổi dậy của dân chúng tại các vùng, đặc biệt là Sài Gòn - Gia Định.
Các ý kiến bổ sung của Lê Duẩn, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp vào bản kế hoạch cũng chỉ rõ: "Mặc dù các năm 1975 và 1976 đều quan trọng nhưng năm 1975 là năm bản lề tạo điều kiện quyết định để năm 1976 đạt mục tiêu cuối cùng. Nếu thời cơ đến vào năm 1975 thì lập tức tiến hành tổng tấn công, giải phóng hoàn toàn miền Nam trong năm 1975".
Mọi thành viên bộ chính trị của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Trung ương Cục miền Nam Việt Nam đều nhất trí rằng Mỹ đã rút thì khó quay lại, nếu đánh bằng không quân cũng không thể cứu nổi VNCH. Họ đã giành được quyền chủ động chiến trường, tạo thế chiến lược vững chắc. Lực lượng quân sự, dự trữ vật chất được tăng cường, hệ thống đường chiến lược, chiến dịch đang hoàn chỉnh. Ở các đô thị, phong trào đấu tranh đòi lật đổ Thiệu đang phát triển. Vai trò của Mặt trận giải phóng được nâng cao. VNCH đã suy yếu nghiêm trọng toàn diện và họ khẳng định "Ở miền nam, ta (quân Giải phóng Miền Nam) đã mạnh hơn địch (chỉ quân đội Sài Gòn).
Những khó khăn của Quân Giải phóng miền Nam
Dù tương quan lực lượng đã thuận lợi hơn, nhưng Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam vẫn gặp phải nhiều khó khăn. Mặc dù Quân Giải phóng miền Nam biết họ đã giành được thế chủ động chiến lược ở miền Nam Việt Nam, kế hoạch ban đầu của Bộ Tổng Tham mưu vẫn khá thận trọng, bởi quân Giải phóng vẫn đang phải đương đầu với một số vấn đề nghiêm trọng. Nếu cứ tấn công dồn dập, họ sẽ đứng trước nguy cơ bại trận khi hết đạn, bị đối phương phản kích. So với đối phương, họ vẫn kém xa về trang bị hạng nặng, đặc biệt về xe tăng thiết giáp và đại bác - điều kiện cần để tấn công vào các căn cứ ở cấp sư đoàn và trung đoàn vốn được trang bị rất đầy đủ do Hoa Kỳ cấp cho quân đội Sài Gòn.
Viện trợ quân sự của Liên Xô và Trung Quốc, đặc biệt ở danh mục "vũ khí tấn công" (xe tăng và đại bác), đã giảm đáng kể từ sau Hiệp định Paris 1973. Trong 2 năm 1973-1974, VNDCCH chỉ nhận được 330 triệu USD viện trợ, chỉ bằng 19% giai đoạn 1971-1972. Trong khi đó, dù bị cắt giảm so với trước nhưng Việt Nam Cộng hòa vẫn nhận được 2,65 tỷ USD viện trợ từ Hoa Kỳ, tức là nhiều gấp 8 lần so với đối phương. Đầu năm 1975 khi biết VNDCCH chuẩn bị đánh lớn ở miền nam, Trung Quốc đã dừng viện trợ quân sự.
Do thiếu về trang bị, nhiều đơn vị pháo binh của Quân Giải phóng, nhất là ở miền Nam, vẫn chỉ được trang bị súng cối hạng nhẹ, súng không giật (DKZ), hoặc súng chống tăng vác vai (B-40). Ở địa bàn hoạt động của Văn phòng Trung ương cục Miền Nam, tức là nửa phía nam của đất nước, bảy sư đoàn bộ binh (số 3, 4, 5, 6, 7, 8 và 9) và khung quân đoàn 4 chỉ được yểm trợ bởi năm tiểu đoàn pháo (hai trong số đó trang bị pháo lấy được của Mỹ nhưng còn rất ít đạn) và ba tiểu đoàn tăng thiết giáp thiếu tổ lái. Cho đến năm 1974, toàn bộ kho đạn pháo và đạn tăng của Quân Giải phóng, bao gồm tất cả đạn dược của cả các đơn vị chiến đấu ở chiến trường lẫn của các kho dự trữ chiến lược, tổng cộng chỉ được 100.000 viên, không đủ để đánh lớn quá 2 tháng. Tình hình đạn dược nghiêm trọng tới mức các chỉ huy pháo binh phải thay pháo lớn ở một số đơn vị bằng các khẩu sơn pháo lỗi thời 76,2mm và 57mm, lấy từ kho ra. Trong khi đó, quân đội VNCH dù bị giảm viện trợ song vẫn có dự trữ vật tư chiến tranh dồi dào do Mỹ cung cấp, lên tới 1.930.000 tấn với hàng triệu viên đạn pháo.
Vì những vấn đề này, Bộ Tổng Tham mưu Quân Giải phóng ban hành sắc lệnh rằng tất cả các vũ khí hạng nặng và đạn dược còn lại phải được sử dụng thật tiết kiệm, để dành cho một đòn quyết định, chỉ tiến hành khi trận cuối cùng diễn ra. Kế hoạch 1975 chỉ cho phép dùng hơn 10% kho đạn tăng-pháo còn lại của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam trong cả chiến dịch 1975 (tức khoảng 10.000 viên). 45% được phân phối cho chiến dịch 1976, phần còn lại để dự trữ.
Tuy nhiên, trong Chiến dịch Đường 14 - Phước Long, Quân Giải phóng đã hoàn tất việc chiếm tỉnh Phước Long và thu được 17.000 viên đạn pháo. Chiến lợi phẩm ngoài dự tính này làm các nhà chỉ huy Quân Giải phóng rất vui mừng: 17.000 viên đạn pháo còn nhiều hơn cơ số đạn mà Bộ Tổng Tham mưu sử dụng trong suốt toàn chiến dịch. Quân Giải phóng có thể kỳ vọng sẽ chiếm được thậm chí còn nhiều đạn dược hơn ở các căn cứ lớn hơn. Do vậy, kế hoạch tấn công năm 1975 đã được điều chỉnh theo hướng tăng thêm cường độ và tốc độ tiến công, sẵn sàng đánh dứt điểm ngay trong năm 1975 (kế hoạch ban đầu dự tính sẽ giành thắng lợi trong 2 năm 1975-1976). Trong quá trình diễn ra chiến dịch, Quân Giải phóng rất tích cực sử dụng chiến lợi phẩm để khắc phục tình trạng thiếu đạn pháo. Nhiều trung đoàn pháo của Quân Giải phóng và đã sử dụng tới 75% đạn pháo chiến lợi phẩm để chiến đấu như Trung đoàn Pháo binh 68 của Sư đoàn 3, Lữ đoàn 164 Quân đoàn 2… Trong chiến dịch Huế - Đà Nẵng, lực lượng pháo binh quân khu 5 đã sử dụng 79% số đạn, pháo xe kéo chiến lợi phẩm. Ngay trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Quân Giải phóng đã sử dụng 67 khẩu pháo 105mm, 155mm cùng 14.515 viên đạn chiến lợi phẩm để đánh địch.
Sau này, giới sử học phương Tây chủ yếu tìm hiểu xem tình trạng thiếu đạn dược trong quân đội VNCH tác động như thế nào đến sự sụp đổ của nó, mà họ không biết rằng chính Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam còn chịu thiếu hụt nghiêm trọng hơn nhiều. Sự sụp đổ nhanh chóng của quân VNCH, thực tế không nằm ở hỏa lực, mà theo đánh giá của Merle L. Pribbenow thì "Đòn tiêu diệt mạnh nhất chính là tâm lý choáng váng mà chiến lược tài ba và đầy bất ngờ của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã nện vào tổng tư lệnh Việt Nam Cộng hòa."
Phía Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hoà
Trong giai đoạn 1973-1974, Mỹ dù rút quân nhưng vẫn tiếp tục viện trợ cho chính quyền Sài Gòn. Mỹ để lại 250.000 tấn vũ khí, bom đạn và 102 máy bay. Từ ngày 29 tháng 1 năm 1973 đến ngày 30 tháng 12 năm 1974, Mỹ còn cung cấp thêm 694 máy bay, 580 xe tăng, 520 xe bọc thép, 800 pháo, 204 tàu xuồng chiến, 1.550.000 tấn bom đạn và 2.530.000 tấn xăng dầu. Nhờ lượng vũ khí dồi dào, Việt Nam Cộng hòa cố gắng tăng cường kiểm soát lãnh thổ. Ngày 28 tháng 1 năm 1973, Nguyễn Văn Thiệu đưa ra kế hoạch "Tràn ngập lãnh thổ", sau đó là "Kiện toàn an ninh lãnh thổ", đẩy mạnh "Bình định đặc biệt". Quân đội Việt Nam Cộng hòa huy động toàn bộ quân địa phương và 40% quân chủ lực tiến hành càn quét lấn chiếm. Theo thống kê của quân Giải phóng, trong thời gian từ ngày 28 tháng 1 năm 1973 đến 31-11-1974, Việt Nam Cộng hòa mở 58.082 cuộc càn quét, ném hơn 17 vạn quả bom, bắn hơn 6 triệu quả đạn pháo, giết và làm bị thương hơn 26.500 dân thường, buộc 1,6 triệu người di dời vào trong 333 khu tập trung dân, trong đó có 163 khu mới lập sau ngày ký Hiệp định Paris.
Đầu tháng 8 năm 1974, tại Sài Gòn đã diễn ra phiên họp quan trọng của Hội đồng An ninh quốc gia Việt Nam Cộng hoà dưới sự chủ trì của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Trung tướng Đặng Văn Quang, phụ tá đặc biệt của Tổng thống, đã trình bày bản Kế hoạch quân sự Lý Thường Kiệt 1975 do Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hoà soạn thảo. Mục tiêu chiến lược của bản kế hoạch này không đề cập đến các hoạt động tấn công rộng rãi để "tràn ngập lãnh thổ" như các kế hoạch Lý Thường Kiệt 1973 và 1974 mà tập trung vào nhiệm vụ giữ vững những vùng chiếm đóng, tiếp tục xoá các điểm "da báo", xoá các "lõm" của quân giải phóng miền Nam.
Một trong các nhiệm vụ lớn được bàn thảo là việc ngăn chặn tiếp tế của Quân Giải phóng từ miền Bắc vào miền Nam. Ý kiến của Phó đô đốc Chung Tấn Cang, tư lệnh Hải quân, cho rằng tiếp liệu qua đường biển của đối phương gần như đã bị Hải quân Việt Nam Cộng hoà cắt đứt hoặc ít nhất cũng bị gián đoạn trong thời gian dài; do đó, khả năng đối phương đánh lớn trong năm 1975 là hạn chế. Trung tướng Trần Văn Minh, tư lệnh Không quân, đưa ra những kết quả trinh sát đường không và cho biết đã có hàng chục vạn tấn tiếp liệu được đối phương đưa vào miền Nam qua hàng vạn km đường hành lang Đông và Tây Trường Sơn. Hệ thống ống dẫn dầu đã vào đến Bến Giàng (Quảng Nam) và đang tiếp tục được nối qua Hạ Lào và Cao nguyên trung phần và đến địa đầu Quân khu III. Như vậy, nếu không đánh lớn trong năm 1975, họ sẽ đánh lớn vào năm sau.
Đối với Quân khu I, Trung tướng Ngô Quang Trưởng cho rằng có hai vùng có thể trở nên nguy hiểm:
Huế và vùng phụ cận (Nam Quảng Trị) với binh lực đối phương lên đến gần 100.000 người và họ cũng rất dễ đưa quân tăng viện từ phía Bắc vào.
Sau trận Nông Sơn - Thượng Đức, vùng Đại Lộc, Quế Sơn, Tiên Phước, Tam Kỳ cũng bị uy hiếp với 3 sư đoàn bộ binh, 5 tiểu đoàn chiến xa và các đơn vị tăng phái khác của đối phương.
Ngô Quang Trưởng đề nghị bổ sung thêm quân tăng phái ngoài các sư đoàn dù và thuỷ quân lục chiến hiện có.
Đối với Quân khu II, Thiếu tướng Phạm Văn Phú cũng yêu cầu cho giữ lại 3 liên đoàn biệt động quân do Bộ Tổng tham mưu đã tăng phái và nếu có thể thì tăng phái thêm với lý do địa bàn rộng, dài, khó kiểm soát; lực lượng đối phương mạnh hơn năm 1972 và được tiếp tế đầy đủ.
Trung tướng Dư Quốc Đống cho rằng tình hình Quân khu III cũng không kém nguy hiểm vì đối phương đang có những lực lượng rất mạnh ở Lộc Ninh, Tây Ninh, Hậu Nghĩa, Kiến Tường, Rừng Sác... Trong cuộc thảo luận này, chỉ có tướng Nguyễn Khoa Nam, tư lệnh Quân khu IV, là không có ý kiến về phối trí lại lực lượng.
Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu phân tích hai khả năng về quân sự:
Một là đối phương sẽ duy trì cuộc chiến với cường độ tăng dần trên toàn lãnh thổ để đòi thi hành Hiệp định Paris. Thật ra thì đối phuơng đã áp dụng các giải pháp này từ giữa năm 1974, phù hợp với nhu cầu và thực trạng của họ. Khả năng này có thể tiếp diễn một thời gian nữa.
Hai là đối phương sẽ mở cuộc tấn công tổng lực để quyết định nhanh chiến cuộc. Nhưng khả năng này là thấp vì đối phương còn phải để ý đến phản ứng của đồng minh Hoa Kỳ.
Nguyễn Văn Thiệu kết luận: Đối phương có thể mở cuộc tấn công vào đầu sang năm với quy mô lớn hơn năm 1972 và kéo dài cả năm; có thể chiếm Quảng Trị, cô lập Huế, Đà Nẵng, lấy Kontum để gây áp lực với Pleiku; lấy Tây Ninh làm thủ đô đồng thời đẩy mạnh hoạt động du kích ở đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Đại tướng Cao Văn Viên, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cho rằng sẽ khó giữ được Vùng I nên chỉ thị rằng "giữ được phần nào thì giữ", nhưng phải giữ vùng duyên hải miền trung và Vùng II nếu có thể được vì tiềm năng dầu hoả ngoài khơi. Ở Tây Nguyên thì Buôn Ma Thuột quan trọng hơn Kontum và Pleiku do tài nguyên dồi dào và dân số đông hơn hai vùng trên. Nguyễn Văn Thiệu kết luận: Phương án tốt nhất là giữ được Đà Nẵng, nếu được cả Huế càng tốt. Phương án thứ hai là lùi về Quảng Nam, lấy Chu Lai làm căn cứ tiền tiêu. Phương án thứ ba là lui về Tuy Hoà. Ngoài các lý do về quân sự thuần túy, một trong những lý do buộc Nguyễn Văn Thiệu phải tính đến khả năng thu hẹp vùng lãnh thổ là để tương xứng với viện trợ quân sự từ Hoa Kỳ bị cắt giảm từ hơn 1 tỷ USD xuống còn 700 triệu USD trong năm tài khoá 1975.. Thực chất, đây là cốt lõi của bản kế hoạch tái phối trí lại binh lực của Quân lực Việt Nam Cộng hoà do Đại tướng Cao Văn Viên đệ trình hồi tháng 1 năm 1974 nhưng đã bị Nguyễn Văn Thiệu gạt qua một bên.
Do không thể tự sản xuất vũ khí và phải nhập 100% từ bên ngoài, khả năng chiến đấu của Quân lực Việt Nam Cộng hòa hoàn toàn phụ thuộc vào mức viện trợ của Mỹ. Trong một tài liệu do tướng John Murray và Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa trình lên tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tháng 10 năm 1974 cũng chỉ rõ:
"Nếu mức viện trợ quân sự là 1,4 tỷ USD thì có thể giữ được các vùng đông dân cư tại bốn vùng chiến thuật.
Nếu mức viện trợ xuống 1,1 tỷ USD thì có thể không giữ được Quân khu I
Nếu mức Viện trợ còn 900 triệu USD thì khó giữ được Quân khu I, Quân khu II và khó đương đầu với cuộc tổng tấn công của đối phương.
Nếu viện trợ chỉ còn 750 triệu USD thì chỉ có thể phòng thu một vài khu vực và sẽ khó mà có thể đàm phán với đối phuơng.
Nếu viện trợ chỉ còn 600 triệu USD thì chỉ còn có thể giữ được Sài Gòn và vùng châu thổ sông Cửu Long".
Diễn biến quốc tế
Liên Xô và Trung Quốc
Cũng vẫn như năm 1972, Liên bang Xô Viết hoàn toàn ủng hộ cuộc chiến đấu của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam về nguyên tắc. Những thiệt hại vật chất của phía VNDCCH được bù đắp dần dần bằng những khoản viện trợ lớn. Tuy nhiên, tỷ lệ viện trợ kinh tế và viện trợ quân sự đã khác trước. Theo ước tính của CIA, trong 2 năm 1973 - 1974, VNDCCH nhận được từ Liên Xô và Trung Quốc khoản viện trợ trị giá 2.525 triệu USD trong đó có 730 triệu USD là viện trợ quân sự. Tổng số viện trợ tuy cao hơn 2 năm 1971 - 1972 (2.525 triệu USD/2.220 USD) nhưng phần viện trợ quân sự chỉ bằng 68,3% so với 2 năm trước đó, (730 triệu USD/1.065 triệu USD). Còn theo thống kê của VNDCCH thì giá trị viện trợ quân sự mà họ nhận được thấp hơn nhiều so với con số mà CIA đưa ra. Cụ thể, trong 2 năm 1973-1974, họ nhận được 114.532 tấn viện trợ quân sự từ các nước XHCN (chủ yếu là Liên Xô và Trung Quốc) trị giá 339.355.353 rúp (~330 triệu USD), bằng 19% so với 2 năm 1971-1972.
Để tăng cường năng lực hậu cần của mình, VNDCCH đã tự tổ chức sản xuất vũ khí và phương tiện. Điều này họ đã làm từ năm 1957 để giảm bớt phụ thuộc vào viện trợ. Trong 3 năm 1973 đến 1975, VNDCCH đã tự sản xuất được 3.409 tấn vũ khí đạn dược, 1.863 tấn phụ tùng xe, máy và 26.074 tấn quân trang, quân dụng khác. Vừa dựa vào viện trợ, vừa dựa vào sức mình, đến giữa năm 1974, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã xây dựng lại nền kinh tế của mình với tổng lượng bằng mức năm 1965.
Về ngoại giao, các đồng minh Liên Xô và Trung Quốc không còn nhiều ràng buộc với Hoa Kỳ như hồi năm 1972 và họ vẫn ủng hộ VNDCCH với những cách thức và mục tiêu khác nhau. Trong khi Liên Xô công khai khuyến khích VNDCCH giải phóng miền Nam bằng chuyến đi thăm hữu nghị đến Hà Nội của Thứ trưởng Bộ quốc phòng, đại tướng Victor Kulikov ngày 22 tháng 12 năm 1974 thì Trung Quốc không hẳn muốn VNDCCH sớm giành thắng lợi mặc dù họ biết đó là xu thế khó có thể đảo ngược. Tháng 1 năm 1974, họ đã chiếm quần đảo Hoàng Sa từ tay Việt Nam Cộng hoà. Theo đánh giá của Henry Kissinger, người Trung Hoa không muốn có một nước Việt Nam thống nhất mạnh ở biên giới phía nam của họ, và cả Trung Quốc lẫn Liên Xô đều không muốn Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam tăng cường chiến sự ở miền Nam Việt Nam.
Hoa Kỳ
Về quân sự, Hoa Kỳ tiếp tục có những động thái làm cho Việt Nam Cộng hoà tin rằng họ sẽ được hỗ trợ về hải quân. Ngày 4 tháng 1 năm 1974, Hạm đội 7 hải quân Hoa Kỳ đã điều động một lực lượng tàu tuần dương và tàu khu trục đến vùng giữa biển Đông. Tuy nhiên Mỹ đã từ chối cho Hải quân của mình yểm trợ Hải quân Việt Nam Cộng hòa khi Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa trong các ngày từ 17 đến 19 tháng 1 năm 1974. Về ngoại giao, trong dịp thăm chính thức Hoa Kỳ của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hoà đã ra thông cáo chung San Clemente ngày 4 tháng 4 năm 1973, trong đó, Hoa Kỳ cam kết ủng hộ Việt Nam Cộng hoà và chỉ công nhận Chính phủ Việt Nam Cộng hoà là chính phủ hợp pháp duy nhất ở miền Nam Việt Nam.
Ngày 9 tháng 8 năm 1974, Tổng thống Richard Nixon buộc phải từ chức sau vụ bê bối Watergate. Phó tổng thống Gerald Ford kế nhiệm chức vụ Tổng thống và vẫn cam kết ủng hộ Việt Nam Cộng hoà, nhưng với những giới hạn cho phép vì nền kinh tế Hoa Kỳ đang trong giai đoạn khó khăn sau cuộc khủng hoảng dầu lửa năm 1973 và phải tập trung viện trợ quân sự cho Israel khoảng 1,5 tỷ USD để giữ vững đồng minh chiến lược này ở Trung Đông. Trong lá thư ngày 10 tháng 8 năm 1972 của Tổng thống Hoa Kỳ do phó đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn W.J.Lehman trao tận tay Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu, ông Gerald Ford nhắc nhở Chính phủ Việt Nam Cộng hòa sử dụng viện trợ của Hoa Kỳ và các đồng minh một cách hữu hiệu hơn để có thể đưa lại một nền kinh tế tự túc trong vài năm tới. Nếu như trong tài khoá 1972-1973, Việt Nam Cộng hoà còn nhận được 1.614 triệu USD thì đến tài khoá 1973-1974, Sài Gòn chỉ còn nhận được 1.026 triệu USD và đến tài khoá 1974-1975 thì chỉ còn 780 triệu USD. Theo tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, đó là số viện trợ của Hoa Kỳ cho cả Việt Nam Cộng hoà, Campuchia và Lào và đó cũng chỉ là con số trên giấy tờ. Trên thực tế, sau khi trừ đi các khoản của Campuchia và Lào, số viện trợ Hoa Kỳ chỉ còn lại 313 triệu USD. Số đô la mua được từ nguồn dịch vụ cho trụ sở các cơ quan Hoa Kỳ và các đồng minh cũng sụt giảm từ 300-400 triệu/năm xuống còn 97 triệu (năm 1974)
Ở thời điểm 1974-1975, đối với Hoa Kỳ, việc giải quyết khủng hoảng dầu lửa và vấn đề Trung Đông cùng với việc tái tạo trang bị cho đồng minh Israel sau khi họ thua trận trước đối thủ Ai Cập trên bán đảo Sinai tháng 10 năm 1973 là vấn đề quan trọng hơn so với việc viện trợ cho đồng minh Việt Nam Cộng hoà. Mặt khác, do những ràng buộc của Hiệp định Paris và không được sự ủng hộ cả hai viện của Quốc hội Hoa Kỳ nên khả năng can thiệp bằng quân sự ở Việt Nam của Chính phủ Hoa Kỳ là rất thấp.
Các nước khác và các tổ chức quốc tế
Sau khi Quân đội Hoa Kỳ rút ra khỏi cuộc chiến, Quân lực Việt Nam Cộng hòa không chỉ mất đi hỏa lực yểm hộ từ trên không, dưới mặt đất và ngoài biển mà còn thiếu hụt một khoản ngân sách lớn do viện trợ bị cắt giảm. Cuộc khủng hoảng dầu lửa thế giới năm 1973 đã chất thêm gánh nặng về chi phí nhiên liệu cho các hoạt động quân sự, dù chỉ là giới hạn trong tập luyện, bảo trì, bảo dưỡng phương tiện quân sự theo quy định của Hiệp định Paris và các văn kiện kèm theo. Cơ số đạn dược các loại được cấp giảm từ 50% đến 65%; một nửa số chiến xa không thể ra khỏi căn cứ và khoảng 200 máy bay không thể cất cánh vì không đủ xăng dầu. Giá cả tiêu dùng tăng từ 2 đến 4 lần đối với lương thực, thực phẩm, nhiên liệu và một số hàng tiêu dùng thiết yếu đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của dân chúng.
Để bù đắp thiếu hụt ngân sách và cân bằng cán cân thanh toán; ngoài việc yêu cầu một số nghị sĩ, dân biểu Hoa Kỳ khuyến cáo Quốc hội nương tay, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã phái tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng và một số quan chức khác tìm kiếm các nguồn kinh phí để ổn định tình hình kinh tế xã hội, chi phí cho bộ máy chính quyền và duy trì lực lượng quân sự. Tuy nhiên, việc tìm vay từ các nguồn vốn khác ngoài Hoa Kỳ cũng khó khăn như việc thuyết phục Quốc hội Hoa Kỳ không cắt giảm viện trợ cho Việt Nam Cộng hoà. Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng đã ví việc này với "Cái nhục của kẻ đi cầu xin".
Sau chuyến đi không thành công của đại tướng Cao Văn Viên và tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng sang Hoa Kỳ tháng 5 năm 1974 với kết quả là sự cắt giảm 50% viện trợ Hoa Kỳ cho Việt Nam Cộng hoà và Tu chính án Kennedy cũng cấm sử dụng ngân sách riêng của Bộ Quốc phòng đề chi tiêu nhân danh các nước Đông Nam Á; Chính quyền Việt Nam Cộng hoà phải tìm đến các nguồn tài chính ngoài Hoa Kỳ. Trớ trêu thay, những nguồn này hoặc không đủ thời gian để triển khai hoặc người lãnh đạo nó tỏ thái độ không hợp tác hoặc các nước cho vay có những điều kiện không nhằm chi tiêu cho quân sự (kể cả trực tiếp và gián tiếp). Tại Ngân hàng thế giới (WB) ông Nguyễn Tiến Hưng đã vấp phải thái độ thờ ơ và lãnh đạm của ngài chủ tịch Robert MacNamara, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ dưới thời Linden B. Johnson.
Đối với Cộng hoà Pháp thì trở ngại chính là ODA của chính phủ với lãi suất thấp và dài hạn lại phải gắn với việc cho vay của ngân hàng tư nhân với lãi suất cao và ngắn hạn theo luật của Pháp. Phía Pháp cũng yêu cầu phải sử dụng khoản vay ưu đãi này vào các công trình phúc lợi xã hội chứ không thể chi phí cho việc khác nhưng phía Việt Nam Cộng hoà không chịu nên khoản viện trợ 130 triệu fr Pháp bị đình lại. Nhật Bản cũng có thái độ tương tự. Các nguồn viện trợ khác khá nhỏ và có khuynh hướng thiên về viện trợ nhân đạo. Chỉ có Quốc vương Arab Saudi là có một thoả thuận đáng kể và bí mật về đầu tư dài hạn mấy trăm triệu USD vào thăm dò và khai thác dầu mỏ với lãi suất nhẹ (có thể vay bằng chính dầu mỏ, cái mà VNCH đang thiếu), khi nào có sản phẩm mới phải trả nợ. Nhưng sự việc đang tiến triển thì ông này bị ám sát. Hy vọng cuối cùng của phía Việt Nam Cộng hòa có được một ngân khoản vài trăm triệu USD để bổ sung và duy trì trang bị cho quân đội cũng tan vỡ.
Diễn biến tại các mặt trận
Chiến dịch Đường 14 - Phước Long
Trận Phước Long chưa phải là trận mở màn cho Chiến dịch Mùa xuân 1975 nhưng nó có ý nghĩa rất quan trọng đối với chiến dịch này và được coi như một trận trinh sát chiến lược. Ngoài mục tiêu đánh chiếm hoàn toàn một tỉnh không gần và không xa trung tâm chỉ huy QLVNCH (cách Sài Gòn khoảng 120 km về phía Bắc), cắt đứt điểm nối giữa Sài Gòn với Nam Tây Nguyên, phía Bắc Đông Nam Bộ và Đông Bắc Cam pu chia qua đường 331 và quốc lộ 14; đây còn là một hoạt động quân sự mạnh của phía Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam nhằm thăm dò phản ứng của Hoa Kỳ cũng như khả năng ứng cứu, phản kích, giải tỏa của Quân lực Việt Nam Cộng hòa và khả năng giữ vững những vùng đã chiếm lĩnh của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam trước khi bước vào chiến dịch lớn..
Từ đêm 13 rạng ngày 14 tháng 12 đến ngày 26 tháng 12 năm 1974, lần lượt các chi khu quân sự Đức Phong, Bố Đức, Đôn Luân (Đồng Xoài) là những cứ điểm phòng ngự vòng ngoài của thị xã Phước Long bị tấn công và rơi vào tay Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Từ sáng ngày 31 tháng 12 năm 1974 đến ngày 6 tháng 1 năm 1975, đến lượt quận lỵ Phước Bình và thị xã Phước Long bị Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tấn công từ bốn phía đánh vào và đặc công Quân giải phóng từ trong đánh ra. Các cứ điểm quan trọng như sân bay Long Bình, trung tâm hành quân, trận địa pháo lần lượt bị tràn ngập. Quân lực Việt Nam Cộng hòa đồn trú tại đây tổ chức nhiều cuộc phản kích nhưng đều bị những lực lượng mạnh hơn của đối phương đẩy lùi. Bộ tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa lệnh cho Quân đoàn III điều động Liên đoàn biệt kích dù số 81 đổ bộ đường không xuống tăng phái cho quân dồn trú tại Phước Long nhưng không xoay chuyển được tình hình. Sau nhiều cố gắng đột phá vòng vây, chỉ có 850 người trong số 5.400 quân nhân đủ loại của Quân lực Việt Nam Cộng hòa phòng thủ Phước Long rút ra hậu cứ an toàn.
Đối với phía Việt Nam Cộng hòa, đây cũng là dịp để họ xem xét phản ứng của phía Hoa Kỳ theo lời cam kết sẽ hỗ trợ tối đa mà Tổng thống Gerald Ford đã hứa trong thư gửi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ngày 10 tháng 8 năm 1974 và kiểm nghiệm khả năng tác chiến của mình nhưng kết quả đã không được như mong đợi. Đại tá Phạm Bá Hoa, phụ tá hành quân của đại tướng Cao Văn Viên nhận xét: "Có thể nói, Phước Long là một đòn thử sức đôi bên và kết quả đã quá rõ ràng".
Ngay sau thất bại trong chiến dịch Đường 14 - Phước Long (tháng 2/1975), cố vấn Mỹ John Pilger đã tiên liệu chính xác rằng sự sụp đổ của Việt Nam Cộng hòa sẽ sớm diễn ra. Ông viết:
Sài Gòn đang sụp đổ trước mắt, một Sài Gòn được người Mỹ hậu thuẫn, một thành phố được coi là "thủ đô tiêu dùng" nhưng chẳng hề sản xuất được một mặt hàng nào ngoài chiến tranh. Trong hàng ngũ của quân đội lớn thứ tư thế giới vào thời điểm đó, binh lính đang đào ngũ với tốc độ cả nghìn người trong một ngày...
Chiến dịch Tây Nguyên
Từ tháng 2 năm 1974, mặt trận Tây Nguyên đã được Quân ủy trung ương và Bộ Tổng tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam dự kiến là hướng đột phá chủ yếu trong chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam trong 2 năm 1975-1976. Dự kiến này được cụ thể hoá thành kế hoạch tác chiến, ban hành kèm theo Nghị quyết của Đảng ủy Mặt trận Tây Nguyên (B3) tháng 12 năm 1974.
Thực hiện kế hoạch này, từ ngày 4 đến ngày 9 tháng 3 năm 1975, các đơn vị thuộc Bộ tư lệnh B3 Quân Giải phóng tiến hành các hoạt động kiềm chế chủ lực Quân lực Việt Nam Cộng hòa tại Bắc Tây Nguyên: Pháo kích khu vực Pleiku, Kon Tum trong 6 ngày; cắt đứt đường 19 tại ba điểm ở cả phía Đông và Tây Pleiku, đường 14 ở Ea H'Le và đường 21 ở phía Đông Chư Cúc. Các cứ điểm phòng ngự từ xa của Quân lực Việt Nam Cộng hòa lần lượt bị đánh chiếm: Azun hạ, đèo Thượng An (ngày 4 tháng 3); Chư Sê (ngày 7 tháng 3); Thuần Mẫn (ngày 8 tháng 3); Núi Lửa, Đức Lập (ngày 9 tháng 3). Quân lực Việt Nam Cộng hòa sử dụng không vận đưa Liên đoàn 21 biệt động quân từ Pleiku về Buôn Ma Thuột. Đơn vị này phối hợp với 2 tiểu đoàn của Trung đoàn 53 (sư đoàn 23 QLVNCH) hành quân lên Buôn Hồ để bảo vệ phía Bắc Buôn Ma Thuột nhưng không lấy lại được Đức Lập. Đến chiều ngày 9 tháng 3, Buôn Ma Thuột đã hoàn toàn bị cô lập về đường bộ với các khu phòng thủ khác trên địa bàn Quân khu II (Quân đoàn II - QLVNCH).
2 giờ sáng ngày 10 tháng 3, lực lượng bộ binh của các sư đoàn 10 và 316 Quân Giải phóng được tăng cường Trung đoàn 198 đặc công và trung đoàn tăng-thiết giáp 273 dưới hỏa lực yểm hộ của hai trung đoàn pháo binh của các sư đoàn tấn công Buôn Ma Thuột. Ngày 11 tháng 3, thị xã này thất thủ. Ngày 12 tháng 3, Quân đoàn II (QLVNCH) điều động các trung đoàn bộ binh 44, 45 (sư đoàn 23), liên đoàn 21 biệt động quân và bộ phận còn lại của trung đoàn 53 với sự yểm hộ của sư đoàn 6 không quân phản kích nhằm tái chiếm Buôn Ma Thuột. Cuộc phản kích không thu được kết quả do các trung đoàn 44, 45 bị sư đoàn 320A (QĐNDVN) phản đột kích vào phía sau đội hình hành quân và cầm chân tại Cẩm Ga, Thuần Mẫn trên đường 14; liên đoàn 21 biệt động quân và tiểu đoàn còn lại của Trung đoàn 53 bị các lực lượng của sư đoàn 10 và sự đoàn 316 đã đánh chiến Buôn Ma Thuột tấn công chính diện, bao vây và tiêu diệt tại sân bay Hòa Bình (Phụng Dực). Ngày 17 tháng 3, những cố gắng cuối cùng để tái chiếm Buôn Ma Thuột của QLVNCH thất bại.
Sáng 14 tháng 3 tại Cam Ranh, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu lệnh cho trung tướng Phạm Văn Phú, tư lệnh Quân đoàn II - Quân khu II triệt thoái các lực lượng QLVNCH khỏi Tây Nguyên. Do thời gian quá gấp gáp, không giữ được bí mật hành quân, tổ chức không chặt chẽ và sai lầm trong việc chọn đường rút quân; phần lớn các lực lượng này bị các sư đoàn 320A, 316 của Quân Giải phóng truy kích suốt dọc đường số 7 và bị tan rã và thiệt hại đến 75% quân số và phương tiện. Kết thúc chiến dịch Tây Nguyên, Quân lực Việt Nam Cộng hòa gần như mất toàn bộ địa bàn Tây Nguyên (trừ tỉnh Lâm Đồng). Quân đoàn II hầu như không còn binh lực, trừ sư đoàn 6 không quân còn nguyên vẹn tại Phan Rang, liên đoàn 6 biệt động quân và thiết đoàn 19 rút trước nên về được Tuy Hoà, Nha Trang. Chiến dịch này tạo nên bước ngoặt đánh dấu giai đoạn bắt đầu sụp đổ của Việt Nam Cộng hòa cùng với quân đội của họ.
Chiến dịch Huế-Đà Nẵng
Chiến dịch Huế-Đà Nẵng được Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh Quân Giải phóng phát động ngày 5 tháng 3, gần như đồng thời với Chiến dịch Tây Nguyên. Khi nhận thấy QLVNCH đang tan vỡ trên đường số 7, Quân Giải phóng liền chuyển ngay sang phương án thời cơ, sử dụng Quân đoàn 2 (Binh đoàn Hương Giang) phối hợp với Quân khu Trị-Thiên, Quân khu 5 tiến công chiếm cố đô Huế và ngay sau đó là Đà Nẵng - thành phố lớn thứ hai của miền Nam và là trung tâm quân sự, chính trị, kinh tế lớn nhất của Quân khu 1. Chiến dịch này được tổ chức rất nhanh chóng, tiến hành theo chỉ thị từ xa và trực tiếp từ Bộ Tổng Tư lệnh tại Hà Nội vừa thông qua Bộ Tư lệnh chiến dịch, vừa truyền đạt trực tiếp đến các đơn vị quân đoàn, sư đoàn. Quân Giải phóng tổ chức tấn công trong hành tiến, vừa đánh vừa trinh sát chiến trường, triệt để tận dụng sự rối loạn chỉ huy của QLVNCH để liên tục tăng cường các mũi đột kích sâu, hợp vây các đơn vị của QLVNCH tại Quân khu I.
Việc Quân Giải phóng phát động tấn công gần như cùng lúc trên các mặt trận ở miền Nam đã làm cho Quân lực Việt Nam Cộng hoà không thể điều động các lực lượng trù bị chiến lược đi ứng cứu cho các địa bàn then chốt. Sức tấn công liên tục của bộ binh với hỏa lực của mạnh của xe tăng và pháo binh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam trong điều kiện ít bị uy hiếp từ trên không đã nhanh chóng đẩy các đơn vị QLVNCH vào thế bị động chống đỡ. Sự rối loạn trong chỉ huy tác chiến các cấp của QLVNCH đã làm cho các đơn vị vốn thiện chiến và được trang bị tốt cũng không thể kháng cự lâu dài một cách có tổ chức. Trong khi tình hình nguy ngập thì Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu lại ra lệnh rút các sư đoàn dù và thủy quân lục chiến ra khỏi Quân khu I, nói là để bảo vệ các mục tiêu quan trọng hơn. Việc điều quân này đã làm cho Quân đoàn I QLVNCH suy yếu. Trung tướng Ngô Quang Trưởng, tư lệnh Quân đoàn I lần lượt phải cho quân rút bỏ Quảng Trị, sau đó đến Huế và ra lệnh tử thủ tại Đà Nẵng. Quân Giải phóng đã nhanh chóng cơ động lực lượng cắt đứt giao thông trên bộ ở Bắc đèo Hải Vân, hất các đơn vị cánh Bắc của Quân đoàn I QLVNCH chạy ra cửa biển Thuận An và Tư Hiền để chờ tàu hải quân đến cứu. Cuộc tháo chạy đã diễn ra hoảng loạn vô tổ chức. Các đơn vị QĐNDVN đã khóa chặt hai cửa biển này bằng pháo binh và bộ binh. Những đơn vị QLVNCH thoát được lên tàu chạy vào đến Đà Nẵng cũng không còn là đơn vị chiến đấu nữa mà còn làm cho rối loạn thêm tình hình tại Đà Nẵng. Các lực lượng còn lại bỏ vũ khí hoặc đầu hàng hoặc tan rã. Ngày 26 tháng 3, quân Giải phóng kiểm soát hoàn toàn thành phố Huế.
Ngay sau khi chiếm cố đô Huế, Quân Giải phóng hợp vây Đà Nẵng từ ba phía Tây, Nam, Bắc và bắt đầu tấn công ngay từ ngày 26 tháng 3. Thành phố hỗn loạn. Quân lính rã ngũ từ Huế kéo vào trở thành một đám cướp bóc. Sĩ quan và binh lính cùng với dân cố gắng thoát khỏi thành phố bằng tàu hải quân. Phái bộ MAACV tại Sài Gòn thì lập một cầu hàng không để di tản người Mỹ và các đồng minh của họ. Các tuyến phòng thủ của QLVNCH quanh Đà Nẵng lần lượt tan vỡ sau hai ngày giao chiến trong tuyệt vọng. Các đơn vị Quân Giải phóng bỏ qua vòng ngoài nhanh chóng đánh chiếm trung tâm thành phố mà không gặp kháng cự nào đáng kể. Ngày 29 tháng 3, Đà Nẵng thất thủ. Tại đây khoảng 14 vạn sĩ quan, binh lính QLVNCH đã ra hàng. Chiến dịch Huế-Đà Nẵng kết thúc.
Cũng trong những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4 năm 1975, lần lượt các tỉnh thành phố ven biển miền trung gồm Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hoà bị bỏ lại. QLVNCH gom tất cả các đơn vị còn lại của các quân đoàn (quân khu) I và II, lập phòng tuyến ngăn chặn tại Phan Rang và giao cho Tư lệnh Quân đoàn 3 QLVNCH chỉ huy. Kết thúc chiến dịch, Quân Giải phóng đã chiếm được 14 tỉnh tại miền Nam Việt Nam với 50% đất đai và 40% dân số. Phía trước họ đã là Đông Nam Bộ và Sài Gòn.
Sau hơn 01 tháng liên tục tổng tiến công và nổi dậy, với 02 đòn tiến công chiến lược ở chiến trường Tây Nguyên và Huế - Đà Nẵng, quân Giải phóng đã kiểm soát được 16 tỉnh, 05 thành phố cùng nhiều quận lỵ, chi khu, yếu khu quân sự. Vùng giải phóng được mở rộng, chiếm 3/4 đất đai và gần 1/2 dân số miền Nam. Sau thắng lợi của chiến dịch Huế-Đà Nẵng, so sánh tương quan lực lượng 2 bên đã thay đổi nhanh chóng theo hướng có lợi cho quân Giải phóng. Trong khi lực lượng của QLVNCH giảm mạnh, thì lực lượng của quân Giải phóng lại tăng với tốc độ rất nhanh (QLVNCH chỉ còn 464.000, quân Giải phóng tăng lên 530.000); trong đó, quân chủ lực là 1/1,95 (QLVNCH: 235.000, quân Giải phóng: 457.873); quân địa phương là 3,2/1 (QLVNCH: 229.800, quân Giải phóng: 71.727)
Chiến dịch Trường Sa và các đảo trên Biển Đông
Quần đảo Trường Sa nằm ở phía Nam Biển Đông từ kinh tuyến 111 độ 30 phút Đông đến kinh tuyến 117 đô 20 phút Đông; từ vĩ tuyến 6 độ 50 phút Bắc đến vĩ tuyến 12 độ Bắc; cách bán đảo Cam Ranh 480 km, cách đảo Hải Nam 1.150 km, cách đảo Đài Loan 1.780 km. Với hơn 100 đảo có diện tích đất nổi không quá 200 km vuông nhưng bao trùm diện tích mặt nước và các bãi đá ngầm có diện tích đến 180.000 km vuông; đây là vùng đảo có vị trí địa chiến lược cực kỳ quan trọng. Vào thời điểm đầu năm 1975, QLVNCH chiếm giữ 5 đảo trong số 11 đảo có người ở gồm: Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn và Trường Sa Lớn. Tổng số quân 160 người thuộc tiểu đoàn 371 địa phương quân tỉnh Phước Tuy. Tuy số quân không đông nhưng lực lượng này được một tàu tuần dương và hai tàu hộ tống yểm hộ bằng hỏa lực hạm tàu, lập thành vành đai phòng ngự cơ động trên biển xung quanh các đảo. Ngoài ra còn có 4 tàu vận tải đậu tại các bãi để chuyển quân khi cần thiết.
Ngày 25 tháng 3 năm 1975, Quân ủy trung ương và Bộ Tổng tham mưu Quân Giải phóng có kiến nghị trình lãnh đạo Đảng và Nhà nước về việc đánh chiếm Trường Sa. Ngày 30 tháng 3, Bộ tư lệnh Quân khu 5 được giao nhiệm vụ phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân lập kế hoạch và tổ chức đánh chiếm Trường Sa. Ngày 10 tháng 4 năm 1975, dưới sự chỉ huy của trung tá Mai Năng, các tàu vận tải 673, 674, 675 của Hải đoàn 125 chở các đơn vị thuộc Đoàn 126 đặc công hải quân, tiểu đoàn 471 Quân khu 5 xuất phát từ quân cảng Đà Nẵng hướng về đảo Song Tử Tây, mục tiêu tấn công đầu tiên.
Sau 20 ngày vừa hành quân, vừa tổ chức chiến đấu, hồi 9 giờ 30 ngày 29 tháng 4 năm 1975, Quân Giải phóng đã lần lượt làm chủ các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa lớn và một số đảo khác. Cũng trong tháng tư, các đảo ven biển miền Trung, Côn Đảo cũng lần lượt rơi vào tay Quân Giải phóng trong các cuộc nổi dậy, có sự phối hợp của lực lượng vũ trang địa phương. Riêng tại đảo Phú Quốc và các đảo nhỏ trên vịnh Thái Lan thuộc chủ quyền của Việt Nam, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam phải dùng lực lượng quân sự mạnh để đánh đuổi quân Khmer đỏ lợi dụng sự suy yếu và tan rã của QLVNCH để chiếm đóng các đảo này.
Trên tuyến phòng thủ Phan Rang - Xuân Lộc
Để giữ được phần đất còn lại trong một kế hoạch được gọi là "nỗ lực tối đa", Quân lực Việt Nam Cộng hòa dồn mọi cố gắng cuối cùng của vào các tuyến phòng thủ Phan Rang (tuyến phòng ngự từ xa) và Xuân Lộc - Long Khánh (tuyến phòng ngự tử thủ). Tại các tuyến phòng ngự này đều có một lực lượng lớn bộ binh, không quân, biệt động quân địa phương quân. Một số tướng lĩnh QLVNCH như Lê Nguyên Khang, phụ tá hành quân của Tổng tham mưu trưởng), Nguyễn Văn Minh (Tư lệnh biệt khu thủ đô), không muốn giữ Phan Rang vì tuyến đó ở khá xa, quân số đang thiếu trầm trọng; trong một trận tuyến bị dàn mỏng, rất dễ bị đánh từ bên sườn. Theo các viên tướng này, phương án tốt nhất hiện nay là bỏ Phan Rang và Tây Ninh, dồn lực lượng về giữ vùng xung quanh Sài Gòn. Tướng Nguyễn Văn Toàn (Tư lệnh quân khu III) được tổng thống Nguyễn Văn Thiệu hậu thuẫn cho rằng cần phải phòng thủ từ xa và lấy những nơi đó làm bàn đạp để phản kích, chiếm lại một số vùng đã mất. Đề nghị lấy Phan Rang làm tuyến phòng thủ từ xa của Nguyễn Văn Thiệu đã được tướng Fredrick C. Weyand đang đi thị sát miền Nam Việt Nam ủng hộ. Lý do của sự ủng hộ này là bản phúc trình lên Quốc hội Hoa Kỳ về một khoản viện trợ quân sự khẩn cấp 722 triệu đô la đang được bàn thảo. Theo ông này, QLVNCH ít nhất cũng phải một lần chiến đấu, thắng một trận càng tốt; nếu tiếp tục rút lui nữa, sẽ làm mất phiếu ủng hộ của Quốc hội Hoa Kỳ.. Tuy nhiên, đến ngày 16 tháng 4, tuyến phòng thủ Phan Rang bị Quân Giải phóng phá vỡ chỉ sau 24 giờ giao chiến. Không chỉ có thế, từ ngày 17 tháng 3 đến ngày 3 tháng 4, các tiền đồn của QLVNCH tại Tây Ninh, An Lộc, Dầu Tiếng, Chơn Thành, Định Quán lần lượt thất thủ. QLVNCH tại mặt trận Xuân Lộc rơi vào thế hở cả ba sườn phía Bắc, phía Tây và Tây Nam.
Chiến dịch Xuân Lộc - Long Khánh bắt đầu từ ngày 9 tháng 4 giữa cụm quân mạnh nhất của QLVNCH gồm sư đoàn 18 bộ binh, lữ đoàn dù số 1, lữ đoàn 3 thiết giáp, chiến đoàn 52 (sư đoàn 5 bộ binh, liên đoàn 3 biệt động quân với Quân đoàn 4 Quân Giải phóng gồm 3 sư đoàn bộ binh, 4 lữ đoàn pháo binh và phòng không, 2 tiểu đoàn xe tăng, 2 tiểu đoàn địa phương Long Khánh. Đến ngày 11 tháng 4, QLVNCH tiếp tục tung vào mặt trận Xuân Lộc hai lữ đoàn dù, một lữ đoàn thủy quân lục chiến, một liên đoàn biệt động quân, một trung đoàn bộ binh, hai thiết đoàn xe tăng và tám tiểu đoàn pháo binh. Đây là trận đánh dài ngày có tổ chức cuối cùng của quân đội Việt Nam Cộng hòa trong Chiến tranh Việt Nam. QLVNCH đã tập trung tại đây 50% bộ binh, 60% pháo binh, hầu hết lực lượng xe tăng - thiết giáp của Quân đoàn III và 1/2 lực lượng tổng trù bị chiến lược, sử dụng không quân yểm trợ ở mức cao nhất trong đó có cả loại bom CBU-55 có sức tàn phá rất lớn. Tuy nhiên Quân đoàn 4 Quân Giải phóng thay đổi chiến thuật để hạ Xuân Lộc bằng cách đánh vu hồi. Ngày 21 tháng 4, "cánh cửa thép" Xuân Lộc bị tháo dỡ. Quân Giải phóng đã có mặt ở cửa ngõ Sài Gòn. Phần lớn các chiến đoàn của QLVNCH bị đánh tan, riêng sư đoàn 18 rút lui về Biên Hòa cố thủ.
Ngay trước ngày bắt đầu trận Xuân Lộc, phi công Nguyễn Thành Trung là người của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam cài vào hàng ngũ QLVNCH đã lái máy bay F-5E ném bom Dinh Độc Lập. Sự kiện này càng làm nội bộ giới lãnh đạo Việt Nam Cộng hòa thêm rối loạn. Thất bại tại mặt trận Xuân Lộc đã dẫn đến sự từ chức của Nguyễn Văn Thiệu vào ngày 21 tháng 4 năm 1975 sau 10 năm giữ ghế tổng thống Việt Nam Cộng hoà. Phía Hoa Kỳ hy vọng với sự ra đi của Nguyễn Văn Thiệu, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chính phủ Cách mạng Lam thời miền Nam Việt Nam sẽ chấp nhận một giải pháp chính trị. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra.
Trong cuộc khủng hoảng, Tổng thống Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu đã cố gắng lần cuối trước khi từ chức, viết thư van nài Tổng thống Ford "cho vay nợ vì tự do", trong cơn tuyệt vọng, Nguyễn Văn Thiệu không cần tính đến lãi suất vay nợ và đã đem cả tài nguyên đất nước ra thế chấp:
"Thưa Ngài Tổng thống,
Tôi đề nghị Ngài yêu cầu Quốc hội (Mỹ) đồng ý cho chúng tôi vay dài hạn lần cuối cùng số tiền 3 tỉ Mỹ kim được phân chia trong 3 năm và kỳ hạn hoàn trả là 10 năm, với mức lãi suất do Quốc hội Mỹ tự quyết định.
Tiềm năng về dầu hỏa và nguồn lợi về nông nghiệp của chúng tôi sẽ thế chấp cho món nợ này. Số tiền vay này được gọi là "Freedom Loan", sẽ cho phép chúng tôi có một cơ hội để được tồn tại... Trong giờ phút vô cùng khẩn thiết này, chúng tôi mong muốn Ngài thúc giục Quốc hội xem xét dễ dàng và cấp bách lời yêu cầu được vay "số tiền vì tự do" nêu trên của chúng tôi. Đây là hành động cầu xin cuối cùng mà chúng tôi, một người bạn đồng minh, gửi đến nhân dân Mỹ".
Tuy nhiên đề nghị vay nợ này bị Quốc hội Mỹ từ chối. Do sức ép lớn từ các tướng dưới quyền như Trần Văn Đôn, Cao Văn Viên, thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn, bộ trưởng kinh tế Nguyễn Văn Hảo, Nguyễn Văn Thiệu từ chức vào ngày 21 tháng 4 năm 1975. Khi từ chức, Nguyễn Văn Thiệu đã xuất hiện trên truyền hình phát biểu suốt 3 giờ đồng hồ để trách móc việc thoái thác trách nhiệm của chính phủ Mỹ. Ông Thiệu đổ lỗi thất bại là do người Mỹ bằng những lời lẽ nửa oán giận, nửa thách thức:
"Mỹ đánh không lại Cộng sản nên bỏ mặc Việt Nam cộng hòa đánh một mình thì làm sao ăn nổi. Có giỏi thì Mỹ vô đây lần nữa…".
Ông Thiệu lên án thẳng Hoa Kỳ là "một đồng minh vô nhân đạo với những hành động vô nhân đạo." Cũng trong bài diễn văn từ chức, Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố mạnh mẽ rằng dù từ chức, ông ta sẽ tiếp tục sát cánh chiến đấu với binh sỹ: "Dù mất một tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, quân đội vẫn còn trung tướng Nguyễn Văn Thiệu, đồng bào còn một chiến sĩ Nguyễn Văn Thiệu. Tôi nguyện sẽ chiến đấu kề bên anh em chiến sĩ...". Nhưng những tuyên bố đó đã nhanh chóng bị Nguyễn Văn Thiệu vứt bỏ. Chỉ 4 ngày sau, Nguyễn Văn Thiệu đã bí mật lên máy bay thoát khỏi Sài Gòn vào đêm ngày 25/4/1975. Cuộc ra đi của Nguyễn Văn Thiệu diễn ra bí mật trong đêm tối, dưới sự sắp đặt của Thomas Polgar - chỉ huy trưởng CIA ở Sài Gòn
Tin tức về cuộc chạy trốn của Nguyễn Văn Thiệu sớm lộ ra vào hôm sau. Để tránh gây thêm hoảng loạn, tổng thống tạm quyền Trần Văn Hương ký quyết định cử Nguyễn Văn Thiệu là đặc sứ của Việt Nam Cộng hòa đến Đài Bắc để phúng điếu Tưởng Giới Thạch (dù thực ra Tưởng Giới Thạch đã chết từ trước đó 3 tuần).
Chiến dịch Hồ Chí Minh
Để đảm bảo chắc thắng trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đưa thêm Quân đoàn 1 (Binh đoàn Quyết thắng), gồm các sư đoàn 312 và 320B cơ động bằng đường biển và đường không vào chiến trường. Sư đoàn 308 (còn gọi là Sư đoàn Quân Tiên phong) được để lại để bảo vệ miền Bắc.
Dù QLVNCH kháng cự mạnh khiến Quân Giải phóng chịu nhiều tổn thất, song không ngăn được đà tiến công và thế thắng như chẻ tre. Xung quanh Sài Gòn, quân Giải phóng miền nam đã tập trung tất cả những lực lượng mạnh nhất của mình, gần 270.000 quân chủ lực và lực lượng vũ trang hình thành tại chỗ, để chuẩn bị cho trận chiến mà họ tin chắc là sẽ đem đến toàn thắng cho cuộc đấu tranh kéo dài 30 năm của đất nước.
Tại khu vực xung quanh Sài Gòn, Quân Giải phóng đã có 13 đơn vị cấp sư đoàn và hàng chục đơn vị lữ đoàn, trung đoàn độc lập của các binh chủng bộ binh, pháo binh, thiết giáp, phòng không, đặc công, công binh... Tất cả lực lượng này có quy mô tương đương một tập đoàn quân với bốn quân đoàn và một đơn vị tương đương quân đoàn (binh đoàn 232 có hỏa lực yếu hơn các quân đoàn 1, 2, 3, 4), được bố trí thành 5 hướng tấn công chính vào Sài Gòn. Ngay từ ngày 14 tháng 4 năm 1975, Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam đã chính thức đặt tên cho chiến dịch này là Chiến dịch Hồ Chí Minh. Chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra chỉ vẻn vẹn trong 4 ngày từ ngày 26 tháng 4 đến khi các đơn vị của Trung đoàn 66 (Sư đoàn 304) và lữ đoàn xe tăng 203 Quân Giải phóng chiếm được Dinh Độc Lập và Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng không điều kiện ngày 30 tháng 4 năm 1975.
17 giờ ngày 26 tháng 4, pháo binh tầm xa của Quân Giải phóng bố trí tại Hiếu Liêm, Tân Phước Khánh, Tân Phước Trung, Mỹ Hạnh, Việt Cần, Nhơn Trạch đã bắn vào các mục tiêu: Căn cứ quân sự Đồng Dù, Căn cứ quân sự Bến Lức, Căn cứ quân sự Long Thành, trận địa pháo binh QLVNCH ở Thành Tuy Hạ, Sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu QLVNCH... trong hơn một giờ. Bộ binh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam có xe tăng-thiết giáp yểm hộ đồng loạt tiến quân trên hướng Đông và Đông Bắc Sài Gòn. Đến ngày 27 tháng 4 tất cả các lực lượng ở các hướng còn lại cũng phát động tiến công.
Trên hướng Đông, hồi 16 giờ cùng ngày, căn cứ Nước Trong và chi khu quân sự Long Thành nằm trên đường số 15 thất thủ sau một ngày chống cự. Đến trưa ngày 28 tháng 4, số quân còn lại của Sư đoàn 18 QLVNCH mặc dù có trong tay 26 khẩu pháo và một tiểu đoàn xe tăng mới được tăng phái nhưng dưới sức ép tấn công như gió lốc của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã phải bỏ chi khu quân sự Trảng Bom, rút về Hố Nai. Bộ Tổng tham mưu QLVNCH định lập tuyến trì hoãn chiến Long Bình - Long Thành nhưng không thể thực hiện được vì đã mất Long Thành từ chiều hôm trước. Bộ tư lệnh Quân đoàn III - QLVNCH phải di tản khẩn cấp về Gò Vấp. Sân bay Biên Hòa cũng bị bỏ ngỏ từ chiều 28 tháng 4, một số máy bay của sân bay này được đưa về Tân Sơn Nhất, số bị bỏ lại lên đến hàng trăm chiếc. Cũng trong ngày 28 tháng 4, sư đoàn 325 và các đơn vị địa phương Quân khu 7 của Quân Giải phóng chiếm lĩnh toàn bộ tỉnh Phước Tuy và thành phố Vũng Tàu.
Đến cuối ngày 28 tháng 4, Quân đoàn 2 đã bao vây Long Tân, áp sát xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa ở hướng Đông. Trên hướng Bắc, Quân đoàn 4 đã chiếm Trảng Bom, tấn công Biên Hoà. Các chi đội đặc công phái đi trước của cánh quân này đã chiếm cầu Xa Lộ bắc qua Sông Sài Gòn. Ở hướng Tây Nam, Đoàn 232 cắt đứt quốc lộ số 4, mở thêm bàn đạp tấn công nội đô Sài Gòn. Hướng Tây Bắc, Quân đoàn 3 cắt đứt đường số 1B đi Phnompeng và đường số 22 đi Tây Ninh. Hướng Bắc, Quân đoàn 1 dã có mặt tại cửa ngõ Thủ Dầu Một.
Chiều ngày 28 tháng 4, ngay khi nhậm chức và tiếp tục kêu gọi đàm phán, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh yêu cầu người Mỹ di tản. Sài Gòn trở thành một vùng lãnh thổ cô độc của VNCH, nằm cách đối phương không quá 30 km và thực sự đang ở trong tình thế chờ đợi đối phương "bấm nút". Và như để khẳng định điều đó, 5 giờ 15 phút chiều 28 tháng 4, 5 chiếc máy bay cường kích A-37 của Không lực Việt Nam Cộng hòa do những phi công của Không quân Nhân dân Việt Nam cùng một phi công Sài Gòn đầu hàng điều khiển đã ném bom sân bay Tân Sơn Nhất, phá hủy một số máy bay tại đây. Người Mỹ hiểu rằng, họ không thể di tản bằng máy bay có cánh cố định được nữa. Ngày 29 tháng 4, cùng với việc lên Đài truyền hình quốc gia trực tiếp tuyên bố Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc với người Mỹ, Tổng thống Hoa Kỳ Gerald Ford phát động chiến dịch "Gió lốc", di tản khẩn cấp người Mỹ khỏi Sài Gòn bằng trực thăng trong vòng 24 giờ.
Để không gây các rắc rối với Hoa Kỳ, tránh động chạm đến tự ái dân tộc của họ, Quân Giải phóng dừng lại bên ngoài thành phố một ngày để cho người Mỹ di tản hết. Trong các ngày 28, 29 tháng 4, từ các tàu sân bay ngoài biển, lính thủy đánh bộ Mỹ dùng trực thăng di tản người nước ngoài và một số người Việt đã từng cộng tác sâu sắc với họ. Cuộc di tản đã diễn ra trong lộn xộn, có rất nhiều người muốn ra đi nhưng không thể đáp ứng hết được. Tại các điểm đỗ của trực thăng, người ta chen chúc nhau đến mức hỗn loạn để kiếm được một chỗ trên máy bay. Tại các điểm di tản này, lính thủy đánh bộ Hoa Kỳ dùng báng súng để cản những người Việt Nam tuyệt vọng gây tắc nghẽn đường thoát và lính Việt Nam Cộng hòa nổ súng vào đám người Mỹ ra đi, tạo nên một hình ảnh bi đát có ý nghĩa như một cột mốc đánh dấu chấm hết cho sự dính líu kéo dài 21 năm của Hoa Kỳ vào Việt Nam. Lúc 4 giờ 45 phút sáng 30 tháng 4, Đại sứ Graham Martin và đoàn tùy tùng lên máy bay trực thăng rời Sài Gòn với bức điện: "Lady 09 đã lên không trung với Cottu".
8 giờ sáng ngày 30 tháng 4, Quân Giải phóng tiến nhanh vào Sài Gòn và hầu như không gặp phải sức kháng cự lớn và có tổ chức nào. Tổng thống Dương Văn Minh hạ lệnh đơn phương ngừng chiến, sẵn sàng đón quân Giải phóng vào Sài Gòn để bàn giao chính quyền nhưng vị đại diện Quân Giải phóng miền Nam Việt Namcó mặt tại Dinh Độc Lập lúc 11 giờ 30 phút, đại uý Phạm Xuân Thệ đã tuyên bố rằng: "Các ông chẳng còn gì để bàn giao, các ông phải đầu hàng vô điều kiện". 11 giờ 45 phút 30 tháng 4 1975 các sĩ quan Quân đội giải phóng đưa Tổng thống Dương Văn Minh ra đài phát thanh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Cuộc chiến tranh Việt Nam kéo dài 21 năm đã chấm dứt. Giống như Chiến dịch Điện Biên Phủ trước đó 21 năm, Chiến dịch Mùa Xuân 1975 cũng kết thúc thắng lợi sau 55 ngày đêm..
Kết quả
Chiến dịch mùa Xuân năm 1975 là chiến dịch quân sự lớn nhất của Quân Giải phóng trong toàn bộ cuộc Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc với thắng lợi quyết định. Trong Chiến dịch, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ lực lượng chính quy, địa phương, cảnh sát của chế độ Việt Nam Cộng hòa Toàn bộ lực lượng cố vấn quân sự còn lại của Mỹ ở Việt Nam cũng phải lên máy bay rút chạy. Kết quả của chiến dịch này là sự thống nhất, độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ trên đất liền, vùng trời, vùng biển của Việt Nam sau hơn 100 năm bị nước ngoài xâm lược, chiếm đóng và chia cắt.
Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tổ chức thu giữ một số lượng vũ khí lên tới 5 tỷ USD (thời giá 1975), bao gồm: 550 xe tăng, vài trăm xe thiết giáp, 1.300 pháo (trong đó có 80 khẩu pháo 175mm, 250 khẩu 155mm, gần 1.000 khẩu pháo 105mm), 42.000 xe tải, 12.000 súng cối, gần 2 triệu vũ khí bộ binh (trong đó có 47.000 súng phóng lựu M79, 63.000 súng chống tăng M72 LAW, 791.000 súng trường M16), 48.000 bộ radio, 130.000 tấn đạn dược, 940 tàu thuyền các loại, 877 máy bay và trực thăng (bao gồm 51 chiếc F-5A, chiếc 22 F-5E, chiếc 113 A-37, 36 chiếc A-1, 36 chiếc AC-47, 159 chiếc O-1 và O-2, 40 chiếc C-119, 36 AC-47, 430 UH-1 và 36 CH-47).
Nguyên nhân sụp đổ của chế độ VNCH
Chỉ sau gần 2 tháng của Chiến dịch Mùa Xuân 1975, chế độ Việt Nam Cộng hòa với hơn 1,3 triệu quân, được Hoa Kỳ trang bị hiện đại, đã hoàn toàn bị đánh bại và tan rã. Thất bại của Việt Nam Cộng hòa thậm chí diễn ra còn nhanh hơn cả dự đoán của các cố vấn Mỹ. Các nhà nghiên cứu đã liệt kê một số nguyên nhân để lý giải cho sự sụp đổ to lớn và toàn diện này.
Không có sự ủng hộ của người dân
Việt Nam Cộng hòa thiếu sự ủng hộ của nhân dân (nhất là ở nông thôn). Gregory Daddis nhận xét: Những hành vi tội ác của Quân lực Việt Nam Cộng hòa khiến người dân xem họ như kẻ thù. Một nông dân kể rằng "Khi quân đội VNCH tới, mọi người trong làng đều bị đe dọa... Quân đội thoải mái đánh đập bất cứ ai, giết bất cứ ai", người khác kể rằng "cứ mỗi lần quân đội VNCH tới thì lại càng có nhiều người dân kết thân với Việt cộng". Khi được hỏi tại sao người dân không ủng hộ chính phủ Sài Gòn, một người dân trả lời "vì quân đội Quốc gia... thường xuyên đốt nhà của dân làng và hiếp dâm phụ nữ". Không có cách nào để quân đội Việt Nam Cộng hòa có thể đánh bại đối phương khi mà người dân đã xa lánh họ và quan hệ thân thiết với quân Giải phóng.
Theo nhà sử học Vũ Ngự Chiêu thì Quân lực Việt Nam Cộng hòa chỉ có thể kiểm soát hoàn toàn được khoảng 20-30% dân số miền Nam. Phân nửa lãnh thổ với khoảng 1/3 dân số sống trong vùng tranh chấp. Phần còn lại sống trong những vùng do quân Giải phóng miền Nam kiểm soát. Ngay trong số người dân ở vùng do Việt Nam Cộng hòa kiểm soát, nhiều người cũng không ủng hộ chế độ này, những người này ngầm ủng hộ quân Giải phóng, hoặc chia làm nhiều phe phái chống lại nhau vì những lý do như tôn giáo (Thiên Chúa giáo - Phật giáo), sắc tộc (người Việt - người Hoa), vùng miền (gốc Bắc – gốc Nam)
Donald Duncan, sĩ quan xuất sắc của Lực lượng Đặc biệt Mỹ tại Việt Nam trong giai đoạn 1964-65, nhận xét:
Lính VNCH càng qua nhiều lần thì dân chúng càng có cảm tình hơn với VC (quân Giải phóng). VC có thể ngủ trong nhà họ, còn quân chính phủ thì cướp bóc. VC giúp họ trồng và thu hoạch, còn lính chính phủ thì phá trụi. Hiếp dâm sẽ bị VC trừng phạt nghiêm khắc, nhưng lại là quá bình thường bên phía VNCH đến mức hiếm ai dám tố cáo vì họ sợ sẽ phải hứng chịu những tội ác còn tồi tệ hơn.
Tôi đã thấy lữ đoàn dù VNCH đến Nha Trang, và hầu như đã khủng bố thành phố trong 3 ngày. Tiểu thương nhặt nhạnh tiền bạc rời thành phố, quán hàng đóng cửa. Lính tráng vào quán gọi đồ rồi không trả tiền, thay vào đó là đập phá quán. Họ ghẹo gái trên phố và cảnh sát thì bất lực hoặc không muốn giúp.
Nhờ có được sự ủng hộ từ người dân, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam áp dụng hiệu quả chiến lược chiến tranh nhân dân, do đó Quân lực Việt Nam Cộng hòa bị dồn ép liên tục, phải trải quân khắp nơi để giữ đất. Toàn bộ 13 Sư đoàn và 17 Liên đoàn Biệt động quân (tương đương với 5 sư đoàn) phải bảo vệ 44 tỉnh, tính trung bình một tỉnh chỉ được 1 tới 2 Trung đoàn chính quy đóng giữ. Trong khi đó quân Giải phóng miền Nam do nắm thế chủ động chiến lược có thể tập trung hơn 10 Trung đoàn để đánh một tỉnh như tại Buôn Mê Thuột tháng 3/1975.
Sự phụ thuộc vào Hoa Kỳ
Do phải chiến đấu nhiều năm trong điều kiện bị áp đảo về hỏa lực nên Quân Giải phóng miền Nam, có kinh nghiệm hơn hẳn về việc tận dụng vũ khí trong điều kiện thiếu thốn, trong khi Quân lực Việt Nam Cộng hòa vì quen dựa dẫm vào yểm trợ hỏa lực của Mỹ nên thường bị lúng túng khi phải tự lực chiến đấu. Các tướng lĩnh Mỹ đã nhận xét: "Hiệu quả chiến đấu của Quân lực Việt Nam Cộng hòa không đều, họ đứng vững được bởi sự trợ giúp của các cố vấn Mỹ và hỏa lực yểm trợ mạnh mẽ của Mỹ từ trên không... Điểm yếu nội tại trong cấu trúc chỉ huy là họ tỏ ra quá phụ thuộc vào yểm trợ hỏa lực của Mỹ".
Chính phủ Việt Nam Cộng hòa không được tự đưa ra được quyết sách gì, chính sách từ lớn xuống bé đều do Tòa Đại sứ Mỹ, các tướng lĩnh MACV (Trung tâm chỉ huy tác chiến Hoa Kỳ tại Việt Nam), và sau này là USAID (Cơ quan quản lý viện trợ Hoa Kỳ) soạn thảo rồi đôn đốc thực hiện. Đại sứ Ellsworth Bunker và rồi Graham Martin có quyền lực không khác gì những “Toàn quyền Đông Dương” của Pháp trước kia – dù Việt Nam Cộng hòa không ngừng tự xưng là "Đồng minh" của Mỹ. Tổng chỉ huy quân đội là Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu vốn khởi đầu binh nghiệp làm thông ngôn cho quân Pháp. Bản thân ông lên được chức Tổng thống đều là do đảo chính chứ không phải vì thành tích mặt trận. Có được ghế Tổng thống rồi, ông Thiệu lại tập trung hết quyền bính trong tay, biến Bộ Tổng Tham mưu thành một cơ cấu thư ký, không được tự ra quyết sách (vì ông Thiệu sợ rằng đến lượt chính mình sẽ bị người khác đảo chính lật đổ). Qua màng lọc của hệ thống phe đảng của Tổng thống Thiệu, những cấp chỉ huy có tiềm năng nhưng không có thế lực chính trị đỡ đầu thì thường bị chết trận hay bị loại ngũ. Suốt 10 năm Quân lực Việt Nam Cộng hòa tác chiến dựa vào hỏa lực mạnh của Quân đội Hoa Kỳ, nên khi không còn hỏa lực Mỹ nữa thì bị lâm vào lúng túng. Hiệp định Paris 1973 khiến binh sĩ hoang mang rằng "Mỹ đã bỏ rơi chăng? Nếu Mỹ còn không đánh lại thì sao mà tự đánh được?", thế là tinh thần chiến đấu càng sụt giảm. Có đơn vị tự ý bỏ chạy khi vừa bị một viên pháo nã vu vơ vào đồn, đơn vị khác thì nghe tiếng máy cày trong đêm đã vội báo cáo tăng địch xuất hiện.
Craig A. Lockard nhận xét rằng "trong sự khinh thường của những người Mỹ mà họ phục vụ, Việt Nam Cộng hòa chỉ là một thứ công cụ để hợp thức hóa việc phê chuẩn, nếu không phải là thường bị loại ra khỏi sự chỉ đạo của Mỹ. Việt Nam Cộng hòa hiếm khi đưa ra chính sách lớn, họ thậm chí còn không được tham khảo ý kiến về quyết định của Mỹ năm 1965 đưa một lực lượng lớn quân vào tham chiến trên bộ." Suốt nhiều năm phụ thuộc vào quân Mỹ đã khiến các chỉ huy Việt Nam Cộng hòa không còn đủ khả năng để tự đưa ra các chiến lược lớn trên chiến trường.
Nạn tham nhũng
Nạn tham nhũng làm hao mòn trang bị và sức chiến đấu của quân đội: như cả nửa triệu tấn gạo biến mất khỏi các kho lương thực trong năm 1967. Súng cũng được tuồn ra bán với giá 25-30 đôla một khẩu. Nếu ai muốn mua một xe bọc thép hoặc một máy bay lên thẳng thì việc đó cũng có thể dàn xếp được. Hồi ký Nguyễn Cao Kỳ nêu trường hợp Tư lệnh đồng bằng sông Cửu Long đã lấy cắp 8.000 đài vô tuyến và 24.000 vũ khí cá nhân do Hoa Kỳ trang bị và sớm tiêu thụ hết sạch sành sanh, tài liệu mật từ Tòa đại sứ Mỹ cho biết phần lớn số đó đã lọt vào tay quân Giải phóng
Nhà sử học Vũ Ngự Chiêu nhận xét: cả guồng máy chống cộng của Việt Nam Cộng hòa giống một thứ siêu thị, người ta mua bán bất cứ thứ gì có thể sinh lợi, từ chức tước tới tấm giấy miễn quân dịch. Từ hồ sơ mật an ninh quốc phòng tới đạn dược, thuốc men, vật tư chiến tranh, từ góc phố tới nha sở, dinh thự. Mạng lưới tham nhũng khi đó rất tinh vi, và hễ có tiền là mua được tất cả, kể cả vũ khí. Thực tế, ngay đến Tư lệnh Quân khu, Sư đoàn, Tiểu khu trưởng... cũng đứng ra bảo trợ cho việc buôn lậu. Được dư luận biết đến nhiều nhất có vụ "lính ma, lính kiểng" của Nguyễn Vĩnh Nghi, Tư lệnh Quân đoàn IV, hay đoàn xe buôn lậu có Quân cảnh hộ tống do các mệnh phụ phu nhân của các tướng lĩnh – thường được gọi là “Mặt Trời Cái” – bảo trợ. Đó là chưa kể đường dây buôn lậu nha phiến, ngoại tệ và phế liệu chiến tranh do các tướng lĩnh Thiệu, Khiêm và Kỳ đứng đầu.
Ngay cả đến người đứng đầu là Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cũng dung túng cho vợ mình tham gia buôn lậu. Năm 1974, một vụ buôn lậu của bà Mai Anh (vợ Nguyễn Văn Thiệu) bị phát hiện, trị giá lô hàng gồm nhiều thứ xa xỉ phẩm hàng hiệu, trị giá khoảng 600 triệu đồng tiền Việt Nam Cộng hòa thời bấy giờ (tương đương 3 triệu USD thời giá năm 1974, hoặc 20 triệu USD thời giá năm 2017). Những người phát hiện vụ việc thay vì được khen thưởng đã bị tống giam, trong khi không có ai đứng đầu tổ chức buôn lậu này bị xét xử.
Donald Duncan, sĩ quan xuất sắc của Lực lượng Đặc biệt Mỹ tại Việt Nam trong giai đoạn 1964-65, nhận xét về sự tham nhũng của Quân lực VNCH:
Hồ sơ Mỹ ghi lại những trường hợp một đại đội VC (quân Giải phóng) quây và diệt 2 hoặc 3 đại đội VNCH, hay trường hợp khác là một đại đội VC đã chiến đấu dũng mãnh với 1 tiểu đoàn VNCH để phá vây... Trong nhiều năm, chiến thuật chiến lược của VC đã quá thành công, và chúng ta chưa thua chỉ bởi vì có hỏa lực khủng khiếp và sự hỗ trợ của không quân. Họ đều là người Việt mà sao lại khác nhau như vậy?
Hiển nhiên ĐỘNG LỰC là khác nhau. VC tin vào chính nghĩa của họ vì Độc lập dân tộc. Họ đặt niềm tin vào chỉ huy của họ, hiển nhiên là những người còn tận tụy hơn cả họ, cùng ăn ở với họ. Về phía Sài Gòn, những người lính biết rằng sếp họ có được chức vụ là nhờ gia đình, tiền bạc hay tưởng thưởng chính trị. Họ biết mối quan tâm chính của các sếp là vinh hoa. Sĩ quan cấp úy và cấp tá ăn một bữa ở nhà hàng Pháp thì bằng tiền lính kiếm cả tuần. Sĩ quan ngủ với bồ nhí ở biệt thự được canh gác. Sĩ quan có quá nhiều lý do để khỏi phải ra trận cùng lính. Lính thấy sĩ quan ba hoa về mình trong trận đánh. Lính biết sẽ bị ăn chặn tiền lương ngay khi có thể. Lính biết quân nhu có thể bị đem bán ngoài phố. Lính chiến đấu chỉ để duy trì một hệ thống sẽ giữ họ trong nghèo đói và thất học. Sếp hứa rất nhiều và thất hứa cũng thật nhiều, để giờ lính chẳng còn tin vào chính phủ.
Nhà báo người Mỹ William J. Lederer, trong chuyến điều tra năm 1968, đã nhận xét rằng kẻ thù tồi tệ nhất của Mỹ chính là nạn tham nhũng của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, hàng tỷ USD viện trợ của Mỹ đã bị tham ô rồi bán ra chợ đen. Ông đã chứng kiến những kho hàng lậu đầy ắp vũ khí quân dụng, có tới cả 1.000 khẩu súng trường, bao gồm cả loại súng M16 hiện đại. Quy mô buôn lậu lên tới hàng tỷ USD, với sự tham gia của đủ các thành phần: quan chức Việt Nam Cộng hòa, thương nhân Mỹ và Đài Loan, binh lính Mỹ, Hàn Quốc, Philippines... Ngay cả Mặt trận Dân tộc Giải phóng cũng tận dụng nạn tham nhũng của đối phương để mua vũ khí Mỹ đánh lại chính quân Mỹ. Quan chức Mỹ biết rõ tình trạng đó, nhưng chẳng làm gì bởi họ cần tiếp tục viện trợ để duy trì sự tồn tại của chế độ Việt Nam Cộng hòa. William J. Lederer nhận xét: "Tôi đã thấy Hoa Kỳ sẽ bị đánh bại như thế nào - không phải chỉ bằng sức mạnh của đối phương, mà còn bởi chính những sai lầm của mình, sự bất lực của chính mình".
Tinh thần chiến đấu thấp
Chính phủ Việt Nam Cộng hòa không ngừng tham gia vào các âm mưu chính trị, tham nhũng quá nhiều, và thiếu ổn định, do đó làm sụt giảm sự ủng hộ và làm xói mòn tinh thần của binh sĩ. Nạn đào ngũ là một vấn đề nghiêm trọng đối với Việt Nam Cộng hòa. Từ năm 1965 đến năm 1972, ước tính có khoảng 840.000 binh sĩ đã đào ngũ. Riêng từ tháng 4 tới tháng 12 năm 1974, có 176.000 lính đào ngũ (trung bình mỗi tháng có 24.000 lính đào ngũ). Tại các lực lượng tinh nhuệ của quân đội, Biệt động quân có tỷ lệ đào ngũ lớn nhất (55%), tiếp theo là các đơn vị dù (30%) và Thủy quân Lục chiến (15%). Trong khi đó, Quân Giải phóng miền Nam rất ít khi đào ngũ hoặc chịu đầu hàng; họ đã duy trì một lợi thế tâm lý mạnh mẽ, với những người lính tràn đầy tinh thần sẵn sàng hy sinh mục đích cá nhân để cống hiến cho nỗ lực chiến tranh của tập thể..
Ký giả Alan Dawson nhận xét: Đội quân này trang bị vũ khí tốt hơn bất kỳ nước châu Á nào khác, có nhiều máy bay chiến đấu, có nhiều đạn dược, xăng dầu, quân cụ, xe cộ và lương thực hơn hầu hết các quân đội trên thế giới. Nó chỉ thiếu mỗi một điều thôi. Một người Mỹ nói với một binh sĩ Sài Gòn rằng: Chúng tôi đã cho anh mọi thứ anh cần, trừ sự dũng cảm. Chỉ tại anh không có thứ ấy.
Ngày 12 tháng 11 năm 1968, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ Clark Cliffords gửi thư công khai cảnh cáo Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu rằng:
"...Chỉ cần Quân lực Việt Nam Cộng hòa có được nửa lá gan của người cộng sản, thì ngày hôm nay quân đội Hoa Kỳ có thể duyệt binh ở Hà Nội rồi, Quân đội của các ông chỉ biết bắn giết dân thường, bám theo sau và rút chạy trước, tướng lĩnh thì toàn tham nhũng, toàn hiếp dâm và chỉ giỏi nhảy đầm."
Ngay sau thất bại trong chiến dịch Đường 14 - Phước Long (tháng 1 năm 1975), cố vấn Mỹ John Pilger đã tiên liệu chính xác rằng sự sụp đổ của quân đội Sài Gòn sẽ sớm diễn ra. Ông viết:
Sài Gòn đang sụp đổ trước mắt, một Sài Gòn được người Mỹ hậu thuẫn, một thành phố được coi là "thủ đô tiêu dùng" nhưng chẳng hề sản xuất được một mặt hàng nào ngoài chiến tranh. Trong hàng ngũ của quân đội lớn thứ tư thế giới vào thời điểm đó, binh lính đang đào ngũ với tốc độ cả nghìn người trong một ngày...
Cuối năm 2005, cựu tướng Nguyễn Cao Kỳ, nguyên Phó Tổng thống kiêm Tư lệnh Không quân Việt Nam Cộng hòa nhận định rằng:
Nhận định
Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam/Quân đội Nhân dân Việt Nam
Trong thời đại ngày nay, khi các lực lượng cách mạng thế giới ở thế tiến công, một dân tộc nước không rộng, người không đông, song đoàn kết chặt chẽ và đấu tranh kiên quyết dưới sự lãnh đạo của một đảng Mác-Lê-nin, có đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn, giương cao hai ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, được sự đồng tình ủng hộ và giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, các lực lượng cách mạng và nhân dân tiến bộ trên thế giới, thì hoàn toàn có thể đánh thắng mọi thế lực đế quốc xâm lược, dù đó là tên đế quốc đầu sỏ" (nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng cộng sản Việt Nam).
"Toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 đã đưa Việt Nam tới đỉnh cao của giải phóng dân tộc và uy tín của quốc tế. Thắng lợi của Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ không chỉ là một tác nhân đưa đến những thay đổi rất quan trọng trong chiến lược của các nước lớn mà còn làm chuyển đổi cục diện chính trị khu vực Đông Nam Á." (Trần Quang Cơ)
"Thắng lợi hoàn toàn và trọn vẹn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975 là một thắng lợi vĩ đại nhất, hiển hách nhất trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, mở ra một kỷ nguyên mới đầy hứa hẹn cho Tổ quốc ta." (Văn Tiến Dũng)
"Mùa Xuân năm 1975, quân và dân cả nước ta đã hái bó hoa Toàn Thắng tươi ngát sắc hương nở trong ánh hào quang chân lý "Không có gì quý hơn độc lập, tự do"...Từ chân trời, đã ánh lên vừng dương sáng hồng như chân lý cách mạng và Mùa Xuân Đại thắng mà dân tộc ta đã sống." (Văn Tiến Dũng)
"Quân đội Nhân dân Việt Nam ở cả miền Bắc và miền Nam, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói là một quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng, có tinh thần quyết chiến rất cao, thông minh và sáng tạo. Còn vị tướng dù có công lao lớn đến đâu cũng chỉ là giọt nước trong biển cả. Chỉ có nhân dân Việt Nam là người đánh thắng Mỹ" (Võ Nguyên Giáp).
"Giữa chúng ta không có kẻ thua người thắng, mà chỉ có dân tộc Việt Nam chúng ta chiến thắng đế quốc Mỹ" (Thượng tướng Trần Văn Trà, Tư lệnh quân quản Sài Gòn, nói với Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh)
Quan chức Hoa Kỳ
"Đó là một cuộc chiến tranh (chiến tranh Việt Nam) lâu dài và khó khăn mà chúng ta đã thua. Thất bại độc nhất của lịch sử Hoa Kỳ chắc sẽ không báo trước sức mạnh bá chủ toàn cầu của nước Mỹ đã chấm dứt. Nhưng... Ai không học được gì ở lịch sử, bắt buộc sẽ phải lặp lại sai lầm trong lịch sử" (Tom Polgar, nhân viên cao cấp tòa Đại sứ Mỹ ở Việt Nam).
"Hà Nội chỉ chiến đấu với một lẽ duy nhất, đó là lòng yêu nước của họ. Và một nước Việt Nam thống nhất dưới sự lãnh đạo của những người cộng sản Việt Nam, chiến thắng vào năm 1975, chính là mối đe dọa chiến lược to lớn đối với Trung Quốc còn hơn đối với Mỹ." - Henry Kissinger
Khi Việt Nam Cộng hoà sắp sụp đổ, ngày 9/4/1975, Henry Kissinger đã nguyền rủa: "Sao chúng (Việt Nam Cộng hoà) không chết phứt cho rồi? Điều tệ hại nhất có thể xảy ra là chúng cứ sống dai dẳng hoài"
Sử gia Hoa Kỳ
"Không còn nghi ngờ gì nữa đối với các ý đồ của Bắc Việt Nam. Họ sẽ tấn công Nam Việt Nam khi nào có thời cơ thuận lợi; nhưng lần này sẽ là 1 cuộc tấn công quân sự với khí thế áp đảo!" (William Colby)
"Chiến tranh Việt Nam, theo phân tích cuối cùng, là một trận đấu giữa Mỹ và người được họ bảo vệ và trợ cấp dồi dào với phong trào cách mạng mà gốc rễ giai cấp và cơ sở tư tưởng đưa lại cho họ một sức bật và một sức mạnh to lớn. Cách mà những cá nhân xử sự trong chiến tranh cũng như trong hòa bình, phản ánh những tiêu chuẩn xã hội và tính chất của hai chế độ đang đối địch nhau. Nguồn sức mạnh quan trọng nhất của Đảng Cộng sản trên ba mươi lăm năm qua là quan niệm của họ về một đạo đức cách mạng xã hội chủ nghĩa và sự nhấn mạnh của họ đối với ý nghĩa hàng đầu của mọi hành động và giá trị đưa đến một xã hội xã hội chủ nghĩa. Khả năng của Đảng phát triển một tổ chức mà cuộc sống của những thành viên phù hợp với những nguyên tắc nói trên, đã làm cho họ đạt được mục tiêu của họ". Gabriel Kolko
"Sau những năm dài tìm cách khuất phục những dân tộc nghèo khổ bằng sự tàn bạo của sức mạnh kỹ thuật của mình, nước Mỹ, một nước giàu mạnh nhất trên quả đất này, cuối cùng có thể bị những người cộng sản Việt Nam đuổi ra khỏi bán đảo Đông Dương. Nếu đúng như vậy, thì thắng lợi của người Việt Nam sẽ là một thí dụ vô song về sự toàn thắng của trí tuệ con người đối với máy móc" (Neil Sheehan).
"Chính quyền Việt Nam Cộng hoà sụp đổ chỉ sau 55 ngày kể từ khi quân giải phóng bắt đầu tấn công. Điều này cũng chứng minh cho căn bệnh mà chính quyền này đã bị nhiễm phải ngay từ khi thành lập: sự manh mún về chính trị; tình trạng thiếu các nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa trông rộng và có năng lực; một tầng lớp trên mệt mỏi và tham nhũng không có khả năng điều chỉnh cho thích nghi đã tạo nên một cơ sở quốc gia yếu kém đến mức nguy hiểm... Trước những thực tế khắc nghiệt này, nỗ lực nhằm tạo nên một thành trì chống chủ nghĩa cộng sản ở ngay phía nam vĩ tuyến 17 đã có mầm mống thất bại ngay từ đầu." George C. Herring.
Khác
"Ngày 30 tháng 4, không có chuyện miền Bắc chiến thắng hay miền Nam chiến bại, mà chỉ có Đế quốc Mỹ thất bại trước nhân dân Việt Nam mà thôi." (Bùi Tín)
Tác giả Ian Moris nhắc đến sự kiện này như một minh chứng rằng trong một số trường hợp Người phương Tây không vượt trội hơn so với người Phương Đông. Ông viết: "Người phương Tây không hoàn toàn nắm quyền quản trị thế giới từ những năm 1840, và thường thất bại trong việc thực hiện đường lối chính sách của họ. Nhiều người trong số chúng ta đã sống đủ lâu để nhớ lại cuộc tháo chạy nhục nhã khỏi Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh) của người Mỹ vào năm 1975 và phương cách các nhà máy Nhật Bản đã đuổi cổ các đối thủ phương Tây khỏi thị trường vào những năm 1980" (Ian Moris, Tại sao phương Tây vượt trội, Nhà xuất bản Thế giới, năm 2020, trang 18)
Chú thích |
Viện Công nghệ Sinh học (tên tiếng Anh là Institute of Biotechnology (IBT)) là một viện nghiên cứu chủ đạo về các lĩnh vực Công nghệ Sinh học ở Việt Nam. Viện Công nghệ Sinh học trực thuộc Viện Khoa học Việt Nam (Vietnamese Academy of Science & Technology (VAST), tên trước kia là Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia). Viện nổi tiếng với đội ngũ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ được đào tạo chuyên sâu ở trong và ngoài nước với các lĩnh vực khác nhau của Công nghệ Sinh học như công nghệ vi sinh, sinh học phân tử, công nghệ tế bào động, thực vật, công nghệ xử lý môi trường, sinh vật chuyển gene, giám định hài cốt liệt sĩ, đa dạng kiểu gene của các loài động thực vật quý hiếm, bệnh học phân tử của người, động vật và thực vật..v.v.
Viện Công nghệ Sinh học cũng là đơn vị quản lý hệ thống Phòng Thí nghiệm Trọng điểm Quốc gia về Công nghệ Gene (National Key Laboratory of Genomics) với các trang thiết bị hiện đại của thế giới như hệ thống máy khối phổ Qstar, hệ thống máy xác định trình tự gene ABI PRISM 3100, hệ thống microarray, máy real-time PCR,.v.v cũng như cụm tin sinh học hiện đại. |
Minh Mạng (chữ Hán: 明命, 25 tháng 5 năm 1791 – 20 tháng 1 năm 1841) hay Minh Mệnh, là vị hoàng đế thứ hai của triều Nguyễn trị vì từ năm 1820 đến khi ông qua đời, được truy tôn miếu hiệu là Nguyễn Thánh Tổ. Ông là vị vua có nhiều thành tích nhất của nhà Nguyễn, nhưng đến cuối thời ông thì nhà Nguyễn đã dần suy yếu cả về kinh tế và quân sự.
Trong 21 năm trị vì, Minh Mạng ban bố hàng loạt cải cách về hành chính. Ông đổi tên nước Việt Nam thành Đại Nam, lập thêm Nội các và Cơ mật viện, bãi bỏ chức Tổng trấn Bắc thành và Gia Định thành, đổi trấn thành tỉnh, củng cố chế độ lưu quan ở miền núi. Quân đội cũng được chú trọng xây dựng (do liên tục diễn ra nội loạn và chiến tranh giành lãnh thổ với lân bang). Minh Mạng còn cử quan đôn đốc khai hoang ở ven biển Bắc kỳ và Nam kỳ. Ngoài ra, ông rất quan tâm đến khoa cử Nho giáo, năm 1822 ông mở lại các kì thi Hội, thi Đình ở kinh đô để tuyển chọn nhân tài. Ông nghiêm cấm truyền bá đạo Cơ Đốc vì cho rằng đó là thứ tà đạo làm băng hoại truyền thống dân tộc.
Tuy nhiên, Minh Mạng không đưa ra cải cách nào về kinh tế, tiếp tục thi hành chính sách "trọng nông ức thương" của vua cha Gia Long. Đời sống nhân dân khó khăn, trong khi triều đình chi tiêu quá nhiều cho chiến tranh với các nước láng giềng, dẫn tới liên tục xảy ra nội loạn. Liên tiếp xảy ra các cuộc nổi dậy của nông dân chống lại triều đình (Phan Bá Vành, Lê Duy Lương, Nông Văn Vân,... ở miền Bắc và Lê Văn Khôi ở miền Nam). Trong 21 năm cai trị, đã có tới 234 cuộc nổi dậy chống triều đình trên cả nước, nhà vua phải sai nhiều tướng đánh dẹp rất mệt nhọc.
Về đối ngoại, Minh Mạng không đưa ra cải cách nào, ông tiếp tục duy trì chính sách của Gia Long: Bế quan toả cảng, khước từ mọi giao lưu với phương Tây, cấm người dân buôn bán với ngoại quốc, khiến Đại Nam dần tụt hậu do không tiếp thu được các thành tựu mới về khoa học kỹ thuật.
Đối với các nước láng giềng, Minh Mạng sử dụng vũ lực nhiều lần: giành lại Trấn Ninh (từng bị vua cha là Gia Long cắt cho Ai Lao), lập các phủ Lạc Biên, Trấn Định, Trấn Man nhằm khống chế Ai Lao; đánh bại Xiêm La để giành quyền khống chế Chân Lạp, chiếm vùng Nam Vang (Phnôm Pênh ngày nay) và đổi tên thành Trấn Tây Thành; kết quả là nước Đại Nam thời cuối Minh Mạng có lãnh thổ rộng hơn cả hiện nay. Tuy nhiên, các cuộc chiến tranh tốn kém đó đã làm cạn kiệt quốc khố, nên nhà Nguyễn đã không thể giữ được các lãnh thổ mới đánh chiếm. Ngay sau khi Minh Mạng mất, con ông là Thiệu Trị đã phải rút quân khỏi Trấn Tây Thành, chỉ 7 năm sau khi chiếm được vùng này. Do quốc khố suy kiệt nên quân đội nhà Nguyễn sau thời Minh Mạng cũng ngày càng yếu đi. Nhiều lãnh thổ khác cũng bị Xiêm La đánh chiếm mà nhà Nguyễn không còn khả năng để giành lại (nay thuộc về nước Lào) nên lãnh thổ nhà Nguyễn sau thời Minh Mạng lại bị co hẹp lại, nhỏ hơn so với Việt Nam hiện nay.
Thân thế
Tên húy của ông là Nguyễn Phước Đảm, còn có tên khác là Nguyễn Phước Kiểu. Ông là hoàng tử thứ 4 của vua Gia Long, mẹ là Thuận Thiên Cao Hoàng hậu Trần Thị Đang. Ông sinh giờ Dậu ngày 23 tháng 4 năm Tân Hợi, tức 25 tháng 5 năm 1791 tại làng Tân Lộc, gần Gia Định, trong lúc đang xảy ra Chiến tranh Tây Sơn – Chúa Nguyễn (1787 – 1802).
Ngay từ năm lên 9 tuổi (1800), hoàng tử Đảm đã được vua cha đưa theo ra trận. Ông sẵn tính thông minh, thường được vua cha khuyên nhủ học hành. Năm 14 tuổi (đầu năm 1805), có lần ông trộm lấy thuyền của vua cha đi chơi sông Hương, bị phạt đánh mắng; các thị thần Nguyễn Huỳnh Đức, Lê Văn Duyệt cố sức xin cho nhưng không được. Vua Gia Long sau đó cắt cử Đặng Đức Siêu dạy học, đồng thời sai người ngày ngày vào phủ giám sát việc học của hoàng tử. Từ đó hoàng tử Đảm ngày càng tiến bộ.
Thái tử
Con thứ nhất của hoàng đế Gia Long là Hoàng thái tử Nguyễn Phúc Cảnh mất sớm vào năm 1801. Do Thái tử Cảnh là người con chịu nhiều ảnh hưởng của đạo Gia Tô từ Pháp nên sau khi hoàng tử Cảnh qua đời, vua Gia Long không chọn cháu đích tôn của mình (con của hoàng tử Cảnh) làm người kế vị vì sợ những ảnh hưởng của Pháp tới triều đình.
Mặc dù có nhiều đình thần phản đối (đặc biệt là Nguyễn Văn Thành) nhưng vua Gia Long vẫn quyết định chọn Nguyễn Phúc Đảm làm người kế vị. Hoàng tử Đảm vốn là người hay bài xích đạo Gia Tô và không có cảm tình với người Pháp – tư tưởng này giống với Gia Long. Năm 1815, Nguyễn Phúc Đảm được phong Hoàng thái tử và từ đó sống ở điện Thanh Hòa để quen với việc trị nước.
Theo ý kiến của các nhà nghiên cứu Nguyễn Phan Quang, Đặng Việt Thủy và Đặng Thành Trung, Minh Mạng là người được Gia Long lựa chọn truyền ngôi, không chỉ vì năng lực mà còn vì hy vọng gửi gắm vào ông thực hiện chính sách thoát khỏi ảnh hưởng và âm mưu áp chế của người Pháp, bởi khi còn sống, Gia Long đã chịu ơn người Pháp và không thể ra mặt giải quyết những mâu thuẫn nhằm thoát khỏi ảnh hưởng đó.
Trị vì đất nước
Thời gian đầu sau khi vua Gia Long mất (1820)
Tháng 12 năm Kỷ Mão (đầu năm 1820), vua Gia Long qua đời. Tháng giêng năm Canh Thìn (1820), Nguyễn Phước Đảm lên nối ngôi, đặt niên hiệu là Minh Mạng. Bấy giờ ông đã 30 tuổi nên rất am hiểu việc triều chính. Nhiều lần sau buổi chầu, ông cùng một vài quan đại thần ở lại để bàn việc, hoặc hỏi về các sự tích xưa, hoặc hỏi về những nhân vật cùng phong tục các nước khác.
Minh Mạng được xem là một vị vua siêng năng, luôn thức khuya dậy sớm để xem xét công việc, có khi thắp đèn đọc sớ chương ở các nơi gởi về đến trống canh ba mới nghỉ. Ông thường bảo với các quan:
Trong suốt thời gian trị vì của mình, vua Minh Mạng đã thay đổi rất nhiều việc, từ nội trị, ngoại giao cho đến những cải cách xã hội cùng những việc trong dòng họ.
Quốc hiệu Đại Nam
Minh Mạng đã xin triều đình Mãn Thanh cho phép đổi quốc hiệu Việt Nam thành Đại Nam, ngụ ý một quốc gia ở phương Nam rộng lớn. Tuy nhiên triều đình Mãn Thanh không chính thức chấp thuận. Tuy nhiên đến ngày 15 tháng 2 năm 1839, nhận thấy nhà Mãn Thanh đã suy yếu, vua Minh Mạng chính thức công bố quốc hiệu Đại Nam. Quốc hiệu này tồn tại đến năm 1945.
Quan chế và tổ chức chính quyền trung ương
Trong việc dùng người Minh Mạng chú trọng cả tài, đức và đặc biệt là học vấn. Ông cho rằng người không học thì không rõ pháp luật, lỡ khi xử đoán sai thì pháp luật khó dung, như thế sẽ làm hại dân. Việc dùng người không ngoài mục đích muốn yên dân. Muốn yên dân thì quan phủ huyện không được phiền nhiễu dân, tham nhũng. Vì vậy, nhà vua đã nghiêm trị nhiều viên quan tham nhũng. Từ thời Minh Mạng được xác định rõ rệt giai chế phẩm trật từ cửu phẩm tới nhất phẩm, mỗi phẩm chia làm hai trật chánh và tòng. Trừ khi có chiến tranh, loạn lạc còn bình thường quan võ phải dưới quan văn cùng phẩm với mình. Quan Tổng đốc (văn) vừa cai quản tỉnh vừa chỉ huy đội quân của tỉnh nhà. Minh Mạng còn định mức lương bổng cho quan lại, định tiền gạo cho mỗi cấp cùng thời hạn lãnh lương. Ngoài ra ông còn cấp tiền dưỡng liêm để tránh sự tham nhũng của quan lại.
Từ cuối năm 1831, Minh Mạng cho bỏ các dinh, trấn mà thành lập các tỉnh. Năm 1832 cả nước có 31 tỉnh, gồm:
Bắc Kỳ (từ này đặt ra từ năm 1834) có 13 tỉnh: Hà Nội, Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Thái Nguyên.
Trung Kỳ (từ này đặt ra từ năm 1834) có 11 tỉnh và phủ Thừa Thiên, 11 tỉnh gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận.
Nam Kỳ (từ này đặt ra từ năm 1834) có 6 tỉnh: Phiên An (năm 1836 đổi tên thành Gia Định), Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên.
Minh Mạng đặt các quan Tổng đốc (đối với tỉnh lớn) hoặc Tuần phủ (đối với tỉnh nhỏ), riêng Phủ Thừa Thiên là Phủ doãn; và các quan Bố Chính sứ, Án sát cùng Lãnh binh để trông coi mọi việc tại từng tỉnh. Trong triều, các cơ quan điều khiển cũng đổi mới, Thị thư viện được đổi thành Văn thư phòng vào năm 1820 rồi thành Nội các vào năm 1829. Năm 1830, ông đặt ra Cơ mật viện để trông coi những việc quốc quân trọng yếu. Ông đã cho thành lập Tôn Nhơn phủ, điều hành các Hệ, Phòng trong việc kê khai nhân thế bộ, cấp dưỡng và từ tế cũng như kiểm soát và đàn hạch trong hoàng tộc.
Đối với vùng thượng du và các khu vực sinh sống của các dân tộc thiểu số, chủ yếu là 6 ngoại trấn của Bắc Thành cũ, Minh Mạng quyết định nhất thể hóa về mặt hành chính cùng với các vùng miền xuôi. Năm 1829, ông bãi bỏ chế độ thế tập của các Thổ ti (tù trưởng dân tộc thiểu số) mà cho quan lại lựa chọn những thổ hào ở địa phương "... thanh liêm, tài năng, cần cán làm dân tin phục" làm Thổ tri các châu, huyện. Tiếp đó, các châu huyện miền núi cũng được phân chia lại để phù hợp với diện tích và dân số của mỗi vùng. Sau đó, Minh Mạng còn đặt thêm một chức lưu quan do người Kinh nắm giữ nhằm khống chế các vùng này tốt hơn và tiến hành thu thuế như ở miền xuôi. Ông còn nghĩ đến việc giúp lưu chuyển tiền bạc, tránh cho người đi xa khỏi mang theo nhiều tiền, như vào năm Bính Thân (1836) đặt ra "Giao Tứ Vụ" ở Cao Bằng để chuyển đổi tiền bạc, cơ quan này có nhiệm vụ như ngân hàng ngày nay.
Theo Giáo sư Phan Huy Lê: Trong lịch sử chế độ quân chủ Việt Nam, cải cách của vua Lê Thánh Tông năm 1471 và cải cách của vua Minh Mạng năm 1831 – 1832 là hai cải cách hành chính có quy mô toàn quốc và đạt hiệu quả cao nhất.
Quân đội
Minh Mạng rất quan tâm đến mặt quân sự. Nhiều lần ông thân hành ra thao trường để chứng kiến việc luyện tập của quân đội. Ông lấy phương Tây làm kiểu mẫu cho việc tổ chức quân đội, hướng tới việc quân cốt tinh nhuệ, không cốt đông, giảm bớt số lượng người cầm cờ từ 40 xuống 2 người trong đội ngũ đơn vị 1 vệ (500 người).
Theo Việt Nam sử lược, quân đội thời Minh Mạng gồm bộ binh, thủy binh, tượng binh, kị binh và pháo thủ binh. Bộ binh gồm kinh binh và cơ binh. Kị binh được chia làm doanh, vệ, đội, đóng ở Kinh thành hoặc đóng ở các tỉnh. Mỗi doanh có 5 vệ, mỗi vệ có 10 đội, mỗi đội có 50 người, có đội trưởng và suất đội cai quản. Vũ khí của mỗi vệ gồm 2 khẩu thần công, 200 khẩu điểu thương và 21 ngọn cờ. Cơ binh là lính riêng của từng tỉnh, cũng được chia làm cơ và đội. Cơ có các quản cơ, đội có các suất đội cai quản. Tượng binh chia làm đội, mỗi đội có 40 con voi. Ở Kinh thành có 150 con, ở Bắc Hà có 110 con, ở Gia Định có 70 con, ở Quảng Nam có 35 con, ở Bình Định có 30 con, ở Nghệ An có 21 con, ở Quảng Bình, Quảng Ngãi, Thanh Hóa mỗi nơi có 15 con, ở Quảng Trị, Phú Yên, Bình Thuận và Ninh Bình mỗi nơi có 7 con.
Ông còn cho lập đồn ải ở những nơi hiểm yếu trong nước, còn ngoài biển thì lập pháo đài. Ông rất chú trọng đến thủy quân, các vùng hải đảo đều được đánh mốc giúp cho sự lưu thông dễ dàng. Thủy binh có 15 vệ, được chia làm 3 doanh, do quan Đô thống cai quản; mỗi doanh được quan chưởng vệ cai quản.
Năm 1822, Đại sứ Anh John Crawfurd sang thăm Việt Nam đã có ghi chép về quân đội nhà Nguyễn thời Minh Mạng. Lính được trang bị súng hỏa mai, lưỡi lê hoặc giáo. Súng được bảo quản tốt, quân lính có kỷ luật và diễn tập theo chiến thuật châu Âu. Lính Nguyễn nhìn chung dễ bảo và biết nghe lệnh; tuy thấp bé nhưng mạnh mẽ, linh hoạt và bền bỉ. Tuy nhiên, Crawfurd cho rằng lính nhà Nguyễn không có đủ can đảm. Sự cưỡng bức phục vụ quân đội gây ra nhiều hệ lụy, tinh thần và kỹ năng của quân lính kém cỏi. Ông đánh giá rằng quân Nguyễn chỉ đe dọa được các nước nhỏ kế bên, họ không có cơ hội nào để chống lại một quân đội châu Âu đầu thế kỷ 19. Thậm chí, Crawfurd tin rằng Việt Nam là quốc gia châu Á dễ bị chinh phục bởi châu Âu nhất. Hai vùng Bắc Thành và Gia Định Thành nằm cách xa, hay có nổi loạn. Các đồn binh và kho vũ khí, kể cả ở kinh đô, đều nằm sát bờ biển, rất dễ bị hải quân địch tập kích. Miền Trung phụ thuộc vào các nguồn cung và lương thực từ miền Bắc và miền Nam theo đường biển vốn dễ bị cắt đứt, nhất là Gia Định Thành. Crawfurd cho rằng, đối với thời Minh Mạng, chỉ cần một lực lượng quân châu Âu với 5.000 người, và một đội tàu chiến cỡ nhỏ cũng dư sức chinh phục và thiết lập sự cai trị vĩnh viễn nước này. Crawfurd đã dự đoán viễn cảnh mà nước Việt Nam bị cai trị bởi châu Âu, nhất là người Pháp
Đinh điền và thuế khóa
Thuế đinh và thuế điền cơ bản cũng theo như vua Gia Long đã định. Theo Việt Nam sử lược, chỉ có năm Bính Thân (1836), đất Nam Hà đạc điền xong, tính ra được hơn 630.075 mẫu và định lại các thứ thuế điền thổ ở đó. Còn như số dân đinh và điền thổ trong nước, thì theo số bộ tổng cộng lại được 970.516 suất đinh và 4.063.892 mẫu ruộng và đất.
Đối với những người Hoa sang lập ấp ở Đại Nam (gọi là Minh Hương), triều đình có lệnh rằng mỗi người 1 năm phải nộp 2 lạng bạc và được miễn giao dịch. Những người già yếu và khuyết tật phải chịu một nửa.
Đối với những người nhà Thanh sang Đại Nam buôn bán, người nào có vật lực thì 1 năm phải đóng 6 quan tiền; ai không có vật lực thì phải nộp một nửa, hạn cho 3 năm, thì chiếu lệ thu cả thuế.
Theo Việt Nam sử lược, Minh Mạng còn đặt lệ đánh thuế muối. Mỗi ruộng muối 1 năm phải nộp bằng muối từ 6 phương đến 10 phương. Mỗi phương nộp bằng tiền thì phải nộp từ 3 tiền đến 4 tiền 30 đồng. Còn các thuế mỏ, thuế sản vật,... thì cơ bản cũng theo lệ Gia Long đã định, chứ không thay đổi gì mấy.
Văn hóa
Bản thân vua Minh Mạng cũng là một học giả, đã từng làm thơ, soạn sách văn học, khuyến khích biên soạn các loại sách sử, nhất là các sách sử, địa. Nhiều người soạn sách mới, dâng sách cũ đều được nhà vua ban thưởng và khuyến khích. Các bộ sách quý như: Gia Định thành thông chí, Lịch Triều Hiến Chương loại chí,... đều ra đời dưới thời Minh Mạng. Các con của ông, điển hình như Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, Tuy Lý Vương Miên Trinh và Tương An Quận Vương Miên Bửu,... đều là những nhà văn, nhà thơ xuất sắc, và đều nổi tiếng dưới các triều vua Thiệu Trị, Tự Đức sau này.
Năm 1821, Minh Mạng thành lập Quốc tử giám ở kinh thành Huế.
Năm 1826, ông chính thức thành lập Nhà hát Tuồng Quốc gia trong Đại Nội, được gọi là Duyệt Thị đường.
Năm 1832, ông hoàn tất việc xây dựng kinh thành Huế theo kiến trúc của phương Tây kết hợp với kiến trúc thành quách của phương Đông.
Để xã hội có qui củ cùng nề nếp, nhà vua cho thống nhất việc đo lường và thống nhất y phục. Năm Bính Thân (1836) phủ huyện được cấp các cân mẫu, rồi năm Kỷ Hợi (1839) được cấp các loại thước mộc, thước may, thước đo ruộng. Về y phục ông từng bảo: "Ngày nay nước nhà cương thổ đã hiệp nhất thì chính trị, phong tục lẽ nào khác biệt". Bởi thế, nên nhiều đạo dụ được ban bố để y phục ở miền Bắc và miền Nam giống nhau.
Giáo dục
Là người tinh thông Nho học, sùng đạo Khổng Mạnh, Minh Mạng rất quan tâm đến nền khoa cử, học vấn. Nhà vua thường nói:
Năm 1821, ông đặt chức Tế tửu và Tư nghiệp, năm 1822 mở lại thi Hội, thi Đình. Ông còn cho đặt đốc học ở thành Gia Định, ông giao trọng trách cho nhà giáo Nguyễn Trọng Vũ người Nghệ An, giữ chức Phó Đốc học chăm lo việc học hành ở Nam Bộ. Bấy giờ, ở Gia Định có Trịnh Hoài Đức là người có học vấn cao nên được nhà vua tin dùng, phong làm Hiệp Biện Đại học sĩ, Thượng thư Bộ Lại kiêm Thượng thư bộ Binh.
Minh Mạng còn đặt ra lệ rằng ai được thăng quan, bổ nhiệm đều phải lên kinh gặp vua trước khi nhậm chức. Đây là cơ sở để nhà vua kiểm tra đức độ, năng lực và khuyên bảo điều hay lẽ phải, cốt sao cho lợi ích nước nhà.
Năm 1836, ông cho thành lập "Tứ dịch quán" để dạy ngoại ngữ (tiếng Pháp, Xiêm).
Vua Minh Mạng muốn canh tân việc học hành thi cử nhưng lại không biết tiến hành ra sao bởi triều thần của ông chỉ toàn là những hủ nho lạc hậu, không giúp đỡ được nhà vua trong một kế hoạch nào làm cho quốc phú, dân cường. Ông đã nói rằng:
Cho tới khi qua đời thì Minh Mạng vẫn chưa tìm ra cách cải tổ nền giáo dục của đất nước. Các vua nhà Nguyễn sau này cũng vậy, dẫn tới việc nhà Nguyễn chỉ toàn các nhà Nho biết làm thơ phú chứ không có ai tài giỏi trong các lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Sự lạc hậu về công nghệ cũng là một trong các nguyên nhân khiến nhà Nguyễn mất nước vào tay thực dân Pháp sau này.
Nông nghiệp
Dưới thời Minh Mạng, việc khẩn hoang rất được khuyến khích. Nhà vua cho quan lại mộ dân lập những ấp mới ở trong Nam cũng như ngoài Bắc, khiến cho việc phân phối ruộng đất được hợp lý. Ngoài ra, ông còn hoàn chỉnh hệ thống đê điều ở Bắc Bộ, đặt quan khuyến nông, khai hoang ven biển Bắc Bộ, lập các huyện Kim Sơn và Tiền Hải. Ở Nam Bộ, công cuộc khai hoang và thủy lợi cũng được đẩy mạnh. Minh Mạng còn thử nghiệm giải pháp bỏ đê phía nam Hà Nội, đào sông thoát lũ Cửu An (Hưng Yên).
Năm 1832, vua Minh Mạng khai mở ngành tơ tằm Đại Nam.
Ông còn ban dụ cho lập nhà Dưỡng tế ở các tỉnh để giúp đỡ những người tàn tật, nghèo khổ, già cả và không nơi nương tựa. Triều đình cũng bắt quan lại ở các tỉnh phải xuất lúa giống ở kho cho dân nghèo vay để làm mùa sau, nhằm làm cho nông nghiệp không bị đình trệ và việc mất mùa không ảnh hưởng trong các năm sau.
Kỹ thuật công nghệ
Thời Minh Mạng, nhiều máy móc mang tính mới mẻ đã được chế tạo bao gồm: máy cưa chạy bằng sức trâu và sức nước, máy xẻ gỗ chạy bằng sức trâu. Cụ thể là năm 1834, với sự đồng ý của Minh Mạng, Nguyễn Văn Túy chế tạo ra chiếc máy nghiền thuốc súng bằng nước mang tên Thủy hỏa ký tế.
Trong các năm 1837 và 1838, theo kiểu mẫu phương Tây, thợ thủ công Nhà nước đã chế tạo được máy cưa văn gỗ, xẻ gỗ bằng sức nước, máy hút nước tưới ruộng,... và còn có cả xe cứu hỏa.
Đặc biệt là vào năm 1839, dựa trên các kiểu mẫu phương Tây, các Đốc công Hoàng Văn Lịch, Vũ Huy Trịnh cùng các thợ của ông đã đóng thành công chiếc tàu máy hơi nước đầu tiên, được vua Minh Mạng hết sức khen ngợi. Năm sau (1840), Minh Mạng lại chỉ đạo cho họ đóng một chiếc kiểu mới tân tiến và sửa chữa một chiếc bị hỏng. Điều đáng tiếc là mọi việc dường như bị đình lại sau đó.
Xét xử công thần quá cố
Vua Minh Mạng và Tả quân Lê Văn Duyệt (1764 – 1832) vốn có nhiều hiềm khích và tư thù. Dù không ưa Lê Văn Duyệt nhưng ông không dám làm gì, do công lao và uy quyền quá lớn của Lê Văn Duyệt với triều đình.
Năm 1833, Lê Văn Duyệt qua đời, con nuôi là Lê Văn Khôi (? – 1834) nổi loạn chiếm thành Phiên An (tức thành Gia Định), Minh Mạng trong khi đánh dẹp cuộc nổi dậy này vẫn thường ban trách Lê Văn Duyệt.
Năm 1835, sau khi dẹp xong cuộc nổi dậy Lê Văn Khôi, Minh Mạng bèn làm án Tả quân, giao cho nhóm nội các là Hà Quyền, Nguyễn Tri Phương và Hoàng Quýnh nghị tội Tả quân có sáu điều, có bảy tội phải chém, hai tội phải thắt cổ, một tội phải sung quân. Bản án quyết định truy đoạt quan chức, phá bỏ quan quách giết thây. Mộ Lê Văn Duyệt ở Gia Định bị cuốc bằng và bị xiềng xích, phía trên khắc đá dựng bia ở trên viết to mấy chữ: Đây chỗ tên lại cái lộng quyền Lê Văn Duyệt chịu phép nước; các ngôi mộ cha mẹ của Lê Văn Duyệt bị đục bỏ tước hiệu khắc trên bia.
Sang năm sau (1836), Minh Mạng lại sai đình thần làm án Lê Chất (1769 – 1826), một công thần từ thời Gia Long, đã qua đời năm 1826. Bài dụ về tội trạng của Lê Chất như sau:
Nhà sử học Trần Trọng Kim bình luận về việc làm án các công thần đã chết này trong sách Việt Nam sử lược như sau:
Trấn áp nổi dậy
Thời nhà Nguyễn nói chung và thời Minh Mạng nói riêng cho thấy các cuộc nổi dậy của nông dân và các tầng lớp khác bùng nổ dữ dội. Theo sử gia Phạm Văn Sơn, các cuộc nổi dậy ở suốt Trung, Nam, Bắc dưới triều Minh Mạng (kể từ 1822) có nhiều nguyên nhân:
A) Về phía ngoại bang, nước Xiêm La vẫn giữ thái độ về vấn đề Chân Lạp nên ngoài mặt tuy êm dịu nhưng bên trong Xiêm La vẫn tìm cơ hội để quấy rối Việt Nam.
B) Ngoài Bắc, một phần nhân tâm còn luyến tiếc Lê triều, vẫn chờ dịp nổi lên chống triều Nguyễn và khôi phục lại dòng họ Lê.
C) Bọn quan lại hay nhũng nhiễu dân chúng, dèm pha nhau, tâng công, nịnh hót mà vua lại thường không minh, nhất là đối với kẻ công thần, nhiều người trung lương đâm ra chán nản, trái lại phe gian nịnh nẩy nở mỗi ngày một nhiều, nước tất nhiên phải sinh loạn do đó ngoại quốc mới dám dòm ngó vào.
Tại Bắc Kỳ (Bắc Hà)
Từ năm 1822 (Minh Mạng thứ 2), tại Bắc Kỳ (Bắc Hà) có tới 254 cuộc nổi dậy của nhân dân diễn ra. Tiêu biểu là các cuộc nổi dậy của Phan Bá Vành ở Nam Định, Lê Duy Lương ở Ninh Bình và Nông Văn Vân ở Tuyên Quang. Quân nhà Nguyễn phải vất vả lắm mới dẹp được các cuộc nổi loạn này.
Phan Bá Vành
Theo Việt Nam sử lược, năm 1826 ở Nam Định có Phan Bá Vành cùng với Võ Đức Cát và Nguyễn Hạnh khởi binh đánh phủ Trà Lý và Lân Hải, giết quan thủ ngự Đặng Đình Miễn và Nguyễn Trung Diễn. Quan trấn thủ Nam Định là Lê Mậu Cúc đem quân xuống đánh, nhưng cũng bại trận chết. Quan quân ở các trấn phải về tiễu trừ, bắt được Võ Đức Cát. Còn Phan Bá Vành và quân của mình thì chạy tan cả. Nhưng đến tháng 12 năm ấy, Phan Bá Vành và Nguyễn Hạnh liên kết với giặc Khách đi cướp ở ngoài biển, rồi lại đem quân về đánh phá ở huyện Tiên Minh và huyện Nghi Dương ở Hải Dương.
Thấy vậy, Minh Mạng bèn sai quan Tham biện Thanh Hóa là Nguyễn Công Trứ, quan Tham biện Nghệ An là Nguyễn Đức Nhuận đem binh thuyền ở Thanh Hóa, Nghệ An ra cùng với Hiệp trấn Bắc thành là Nguyễn Hữu Thận đi dẹp loạn.
Tháng giêng năm Đinh Hợi (1827), Phan Bá Vành quay về đánh chiếm phủ Thiên Trường và phủ Kiến Xương, sau lại về vây quan quân ở chợ Quán. Phạm Văn Lý và Nguyễn Công Trứ cho quân tới giải vây, Phan Bá Vành bại trận chạy về căn cứ ở Trà Lũ. Quân nhà Nguyễn vây đánh, bắt được Phan Bá Vành và 765 thủ hạ.
Trong dân gian vẫn lưu truyền câu hát:
Lê Duy Lương
Tháng 3 năm Quý Tỵ (1833), tôn thất nhà Lê tên là Lê Duy Lương khởi binh ở Ninh Bình nổi lên, xưng làm Đại Lê Hoàng Tôn, cùng với các thổ ti Quách Tất Công, Quách Tất Tế, Đinh Thế Đức, Đinh Công Trịnh đem quân đi đánh phá các phủ huyện và chiếm giữ 3 châu huyện Lạc Thổ, Phụng Hóa và Yên Hóa. Sau đó, Lê Duy Lương cho quân đánh thành Hưng Hóa.
Hay tin, vua Minh Mạng cử quan Tổng đốc Nghệ Tĩnh là Tạ Quang Cự cùng với Tổng đốc Thanh Hóa là Nguyễn Văn Trọng đem quân ra Ninh Bình để đàn áp quân nổi loạn. Lê Duy Lương ở Ninh Bình lâm vào thế cô, không chống nổi mấy đạo quân nhà Nguyễn, chỉ đương được vài ba tháng thì bị bắt, đóng cũi giải về kinh trị tội. Còn nhóm Quách Tất Công, Quách Tất Tế thì cũng tan rã.
Sau đó, Minh Mạng truyền đem dòng dõi nhà Lê đi đày vào Quảng Nam, Quảng Bình, cứ chia cho 15 người ở 1 huyện và phát cho 10 quan tiền và 2 mẫu ruộng để làm ăn.
Nông Văn Vân
Khi quân Nguyễn đang dẹp loạn Lê Duy Lương ở miền Bắc, thì ở miền Nam Lê Văn Khôi nổi lên và chiếm giữ thành Gia Định. Theo Việt Nam sử lược, Lê Văn Khôi vốn là người Bắc, có họ hàng bà con ở mạn Tuyên Quang, Cao Bằng, bởi vậy Minh Mạng sai tìm bắt họ hàng của Khôi đem về Kinh xử tội. Tri châu Bảo Lạc (Tuyên Quang) Nông Văn Vân là anh vợ Khôi, bị quan quân bắt bớ, bèn nổi lên xưng "Tiết chế Thượng tướng quân". Nông Văn Vân bắt viên tỉnh phái thích chữ vào mặt rằng "Quan tỉnh hay ăn tiền của dân", rồi đuổi về.
Cuộc nổi loạn diễn ra từ ngày 2 tháng 7 năm 1833. Nông Văn Vân lập căn cứ ở Bảo Lạc, được nhiều tù trưởng và người dân tộc trong vùng hưởng ứng. Quân nổi loạn nhanh chóng mở rộng hoạt động ra các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên và chiếm các tỉnh thành. Hay tin, Minh Mạng cử Tổng đốc Nghệ Tĩnh là Tạ Quang Cự làm Tổng đốc đại thần, cùng với Lê Văn Đức, Nguyễn Đình Phổ và Nguyễn Công Trứ thống lĩnh hàng chục ngàn quân, hàng trăm voi chiến và ngựa chiến đàn áp. Cuối năm 1834, hoạt động của quân nổi loạn bị thu hẹp dần.
Ngày 11 tháng 3 năm 1835, Phạm Văn Điển cho quân phóng hỏa đốt rừng Thẩm Bát, nơi Nông Văn Vân và quân nổi loạn ẩn náu. Theo Việt Nam sử lược, Nông Văn Vân chết cháy và đầu bị quân Nguyễn chém lấy rồi đem về kinh báo tin thắng trận.
Tại Trung Kỳ
Chăm Pa
Sau khi Lê Văn Duyệt mất ở Gia Định vào năm 1832, Hoàng đế Minh Mạng ra lệnh đem quân chinh phạt Panduranga-Champa trước khi quyết định xóa bỏ vương quốc này trên bản đồ. Minh Mạng thi hành nhiều chính sách đàn áp, buộc người Chăm phải lấy tên họ theo người Hoa như Quảng, Hứa, Đàng, Lâm, Châu, Thành..., xóa bỏ tất cả những chức vụ quan lại Champa để thay vào đó những chức vụ mà hệ thống hành chánh Việt Nam đã quy hoạch như chánh tổng, lý trưởng, trùm, biện, hào mục.
Cuộc diệt vong của Panduranga vào năm 1832 đã dẫn đến nhiều cuộc khởi nghĩa chống lại triều đình nhà Nguyễn. Cuộc biến động đầu tiên sau ngày Champa diệt vong là cuộc nổi dậy vào năm 1833 của Katip Sumat, một thủ lĩnh Hồi giáo đã từng cư trú nhiều năm ở Kelantan, Mã Lai. Nổi dậy Katip Sumat mang tính chất jihad (thánh chiến Hồi giáo). Trước sự trấn áp của nhà Nguyễn, phong trào Katip Sumat bị tan rã vào năm 1834.
Tiếp đó là phong trào nổi dậy Ja Thak Wa của Katip Thak Wa, người Chăm Bani tại Phan Rang liên kết với Po War Palei, người Ra Glai nhằm khôi phục lại vương triều Panduranga. Khởi nghĩa của Ja Thak Wa bùng nổ dữ dội vào tháng 7 năm 1834. Đầu năm 1835, triều đình Minh Mạng tấn công vào đồng bằng Phan Rang, khiến Ja Thak Wa tử trận, khởi nghĩa bị dập tắt. Lợi dụng cơ hội này, vua Minh Mạng ra lệnh tử hình quốc vương cũ là Po Phaok The và phó vương Cei Dhar Kaok.
Tại Nam Kỳ
Cuộc nổi dậy Lê Văn Khôi (1833-1835) là một cuộc nổi dậy xảy ra vào thời Minh Mạng ở các tỉnh miền Nam Đại Nam. Năm 1833, Lê Văn Khôi (vốn là con nuôi của Tả quân Lê Văn Duyệt) chiếm thành Phiên An và toàn bộ 6 tỉnh miền Nam, giết Tổng đốc Nguyễn Văn Quế và Bố chính Bạch Xuân Nguyên rồi xưng làm "Bình Nam Đại Nguyên Soái". Trong dịp này Lê Văn Khôi lấy danh nghĩa tôn phù một người con của Hoàng tử Cảnh là An Hòa. Bấy giờ, An Hòa đang ở Huế.
Hay tin, Minh Mạng cho giết ngay vợ con Hoàng tử Cảnh ở Huế để Lê Văn Khôi hết đường lợi dụng.
Triều đình cử các tướng Tống Phúc Lương, Nguyễn Xuân, Phan Văn Thúy, Trương Minh Giảng và Trần Văn Năng đem thủy bộ binh tượng vào đánh quân nổi dậy. Tháng 8 năm 1833, quân Nguyễn bắt đầu phản công và lấy lại các tỉnh Nam Bộ. Một viên tướng của Lê Văn Khôi là Thái Công Triều đầu hàng triều đình. Quân nổi dậy thất thế, phải cầu cứu Xiêm La.
Không bỏ lỡ cơ hội, vua Xiêm là Rama III lập tức sai tướng Chất Tri và Phật Lăng dẫn quân sang Chân Lạp và tiến công Hà Tiên, Gia Định. Năm 1834, quân Đại Nam đánh tan quân Xiêm ở Thuận Cảng, buộc quân Xiêm lui về Chân Lạp. Quân Đại Nam sau đó chiếm lại toàn bộ các tỉnh miền Nam và bao vây quân nổi dậy tại thành Bát Quái. Lê Văn Khôi bị cô lập, lâm bệnh rồi mất tại thành Phiên An. Con trai Lê Văn Khôi là Lê Văn Cù mới 8 tuổi được cử lên thay. Tháng 9 năm 1835, quân Nguyễn hạ thành Phiên An. Trong 6 người "chủ mưu" bị bắt giải về Kinh đô Phú Xuân có giáo sĩ người Pháp tên Joseph Marchand (Cố Du), một người Khách (Hoa kiều) tên Mạch Tấn Giai và Lê Văn Cù, con Lê Văn Khôi.
Đến Huế thì giáo sĩ Joseph Marchand và năm người kia phải tội lăng trì. Điều này khiến cho Minh Mạng ngày càng cấm đạo Cơ Đốc một cách dữ dội hơn.
Đối ngoại
Với Trung Quốc
Giống như vua cha, Minh Mạng chủ trương tiếp tục triều cống và giữ quan hệ ngoại giao hữu hảo với nhà Thanh. Khi lên ngôi, ông đã nhận sự phong vương của vua nhà Thanh. Tuy nhiên, triều Nguyễn duy trì đường lối đối nội tự chủ. Theo nhận xét của giáo sư Yu Insun, các vua nhà Nguyễn chỉ xưng thần với nhà Thanh một cách hình thức, còn thực chất họ cho rằng họ bình đẳng với nhà Thanh. Các phái đoàn đi cống của Đại Nam ngoài việc đưa đồ tiến cống còn thực hiện việc trao đổi mua bán sản phẩm không có trong nước, vì Trung Quốc không cho phép thương nhân Đại Nam sang Trung Quốc, còn Đại Nam duy trì lệnh cấm dân chúng xuất cảnh để ngăn chặn việc xuất lậu vật phẩm sang Trung Quốc như gạo, muối, vàng bạc, đồng, sừng trâu, ngà voi, v.v...
Việc duy trì quan hệ triều cống chỉ có ý nghĩa tượng trưng, vì đến cuối đời Minh Mạng, cứ bốn năm một lần nhà Nguyễn mới phải cử sứ sang cống, đồng thời nhà Thanh cắt giảm yêu cầu vật phẩm triều cống cho triều Tây Sơn và nhà Nguyễn chỉ còn phân nửa so với nhà Lê, nên giá trị vật chất không đáng kể. Tuy nhiên các đoàn đi sứ đều được lệnh ghi chép cẩn thận tình hình bên Trung Quốc để báo cáo lại cho nhà vua. Các sứ thần không hoàn thành nhiệm vụ này đều bị trách phạt. Đây có lẽ là một phần lý do khiến vua Minh Mạng có thể nhận định đúng việc nhà Thanh ngày càng suy yếu, và dự đoán chính xác nhà Thanh sẽ thất bại trong cuộc xung đột với nước Anh một khi cuộc chiến tranh Nha phiến nổ ra.
Hai bên giao tiếp hữu nghị như vậy, nhưng chỉ được mươi năm. Năm 1830, người Thanh đúc tiền kẽm giống như tiền Việt Nam để đưa sang Việt Nam tiêu dùng, làm cho giá cả hàng hóa ở nước ta tăng vọt. Triều đình nhà Nguyễn phải ra lệnh cho các quan trấn ải ở biên giới kiểm soát thật chặt chẽ, không cho kẻ gian chở trộm tiền kẽm giả từ Trung Quốc sang. Năm sau (1831), nhà Thanh cho hơn 600 người đến chiếm đóng đồn Phong Thổ, đòi quân lính Việt Nam phải rút đi. Hoàng đế Minh Mạng cho tướng Đặng Văn Thiêm đem hơn 1.000 quân và 10 thớt voi tiến lên Hưng Hóa. Cuộc chiến diễn ra ác liệt, quân Thanh phải rút về nước. Minh Mạng giao cho các thủ lĩnh thiểu số ở địa phương cai quản hai động Phong Thổ và Bình Lưu.
Với Xiêm La
Thời Minh Mạng, giữa Xiêm La (Thái Lan, do nhà Chakri trị vì) với Đại Nam thường xảy ra chiến tranh. Trước đây, vua Gia Long và vua Minh Mạng có mối quan hệ tốt với các vua Rama I, Rama II nên hai nước Việt-Xiêm chưa xảy ra xung đột. Tuy nhiên, sau khi vua mới của Xiêm là Rama III lên ngôi, ông và Minh Mạng đã có thái độ thù nghịch nhau do không còn mối thâm tình như các vua trước. Năm 1827, vua Rama III cử tướng Chất Tri (tức Bodin) đem quân Xiêm sang xâm lược Vạn Tượng, vua xứ này là A Nộ (Anouvong) chống không nổi, phải cầu cứu triều đình Đại Nam. Minh Mạng sai Thống chế Phan Văn Thúy mang viện quân sang giúp nhưng bị quân Xiêm đánh bại. Năm 1828, Phan Văn Thúy và Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Khoa Hào tiếp tục đem 3.000 quân và 24 voi chiến đưa A Nộ về Trấn Ninh, rồi tiến vào Vạn Tượng (Vientiane) nhưng đạo quân Nhà Nguyễn – A Nộ lại bị quân Xiêm đập tan. Chán nản, vua Minh Mạng hạ lệnh bãi bỏ và chỉ phòng vệ ở vùng biên giới. A Nộ sau đó chạy về Trấn Ninh và bị bắt nộp cho quân Xiêm.
Quân Xiêm được đà đánh sâu vào các miền phụ cận Quảng Trị. Thống chế Phạm Văn Điển cùng Tham tán Quân vụ Lê Đăng Doanh cùng với các đạo quân Nguyễn ở Lào phải đi ngăn quân Xiêm, đằng khác gửi thư trách cứ họ. Xiêm La trả lời khiêm nhượng rồi rút quân. Tuy vậy, họ vẫn ngấm ngầm giúp Chân Lạp nổi lên chống triều đình Nguyễn hoặc lấn lướt Vạn Tượng và các xứ quy phục triều đình.
Năm 1833-1834, theo lời kêu gọi của Lê Văn Khôi, Xiêm La mang đại quân xâm lấn Nam Kỳ nhưng bị quân Đại Nam đánh tan.
Với Ai Lao (Lào)
Thời Minh Mạng, lãnh thổ Đại Nam rộng lớn hơn cả. Nhiều vùng ở Ai Lao đã xin thuộc quyền bảo hộ của Đại Nam. Các vùng mà ngày nay là Sầm Nứa, Trấn Ninh, Cam Môn (Khammuane) và Savannakhet giáp với các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị đều được sáp nhập và trở thành các châu, phủ của Đại Nam.
Với Chân Lạp
Từ năm 1833, sau khi phá được quân Xiêm, tướng quân Trương Minh Giảng cùng Tham tán Lê Đại Cương lập đồn Đại Nam gần Nam Vang (tức Phnôm Pênh) để bảo hộ Chân Lạp (Campuchia).
Cuối năm Giáp Ngọ (1834), vua Nặc Ông Chân (Ang Chan II) của Chân Lạp qua đời mà không có con trai nối dõi, quyền bính chuyển sang cho Trà Long và Lê Kiên - hai người Chân Lạp - làm quan cho Đại Nam. Đến năm Ất Mùi (1835), Trương Minh Giảng lập con gái Nặc Ông Chân là Công chúa Ang Mey (tức Ngọc Vân Công chúa) lên làm Cao Miên quận chúa. Trương Minh Giảng đổi nước Chân Lạp thành Trấn Tây Thành, rồi chia làm 32 phủ và 2 huyện, và đặt các chức quan cai quản mọi việc quân sự và dân sự.
Nhưng quan lại người Việt ở Chân Lạp làm nhiều điều ức hiếp, nhũng nhiễu dân Chân Lạp; quân Nguyễn lại bắt Ngọc Vân quận chúa đem về Gia Định, đổi thành Mỹ Lâm quận chúa (do không còn nước Cao Miên nữa); đày các quan người Chân Lạp là Trà Long và Lê Kiên ra miền Bắc Đại Nam. Do đó dân Chân Lạp oán hận và nổi dậy chống quân Đại Nam ở khắp nơi.
Em trai của Nặc Ông Chân là Nặc Ông Độn (Ang Duong) và Ang Em (hoặc Ang Im) đã làm loạn với sự giúp đỡ của Xiêm La. Quan quân nhà Nguyễn đánh dẹp không nổi, nên sau khi vua Minh Mạng qua đời, quan quân Đại Nam phải bỏ Trấn Tây Thành mà rút về An Giang.
Với phương Tây
Vua Minh Mạng không có thiện cảm với người châu Âu cũng như thái độ của người Á Đông trước đó, xem người Âu là bọn man di đi cướp bóc. Với những người Pháp đã từng giúp Gia Long trước kia, Minh Mạng tỏ thái độ lạnh nhạt nên khi ông Chaigneau trở lại Đại Nam không được trọng dụng nữa. Nhà vua cho Chaigneau hay rằng không cần phải ký thương ước giữa hai chính phủ, người Đại Nam vẫn đối xử tử tế với người Pháp là đủ, ông chỉ thỏa thuận mua bán với người Pháp, nhưng không chấp nhận thành lập quan hệ ngoại giao chính thức với nước Pháp, quốc thư của Pháp xin cho Chaigneau làm Lãnh sự Pháp cũng không được Minh Mạng đếm xỉa đến.
Thời bấy giờ, Đại Nam là nước Á Đông đầu tiên mà Hoa Kỳ muốn thiết lập quan hệ ngoại giao. Các năm 1833 và 1836, Tổng thống Hoa Kỳ Andrew Jackson đã gửi Đại sứ Edmund Roberts sang đàm phán với Minh Mạng về quan hệ mậu dịch song phương của hai nước nhưng đều không thành công. Chính sách thụ động này đã kìm hãm sự phát triển của Đại Nam.
Việc cấm đạo Công giáo
Minh Mạng cũng không thích đạo Công giáo của châu Âu. Từ khi lên ngôi, ông đã có ý định không cho người ngoại quốc vào giảng đạo này ở trong nước. Đến năm Ất Dậu (1825), khi chiếc tàu Thetís vào cửa Đà Nẵng, có giáo sĩ tên Rogerot lại đi giảng đạo khắp nơi, Minh Mạng khi ấy mới ra dụ cấm đạo, và truyền cho quan quân phải khám xét các tàu thuyền của ngoại quốc ra vào cửa bể. Trong dụ nói rằng:
Ông còn sai tìm nhiều giáo sĩ ở trong nước đem về kinh đô Huế để dịch sách Tây ra tiếng Việt, nhằm mục đích ngăn các giáo sĩ giảng đạo ở chốn hương thôn.
Theo Việt Nam sử lược, lúc bấy giờ không phải một mình nhà vua ghét đạo Công giáo mà phần nhiều các quan thần cũng vậy cho nên sự cấm đạo ngày càng khắc nghiệt thêm. Tuy nhiên, trong nước vẫn có người đi giảng đạo. Minh Mạng lại ra sắc lệnh bắt các tín đồ Công giáo phải bỏ đạo và ai bắt được giáo sĩ đem nộp thì sẽ được thưởng. Năm ấy ở kinh đô có một giáo sĩ bị khép tội xử giảo và ở các địa phương cũng rối loạn vì sự bắt giết các giáo sĩ.
Từ năm 1822, trong Nam ngoài Bắc có rất nhiều cuộc nổi dậy, nhà vua cho rằng dân đạo theo giúp các đạo quân nổi dậy nên cấm đạo càng khắc nghiệt hơn. Từ năm Giáp Ngọ (1834) đến năm Mậu Tuất (1838), có nhiều giáo sĩ và giáo dân bị giết, nhất là từ khi bắt được Joseph Marchand (Cố Du), một giáo sĩ tham gia vào cuộc nổi dậy Lê Văn Khôi. Các giáo sĩ phương Tây đã so sánh Minh Mạng với Nero - vị hoàng đế La Mã đã bách hại hàng loạt các tín đồ Công giáo. Tuy nhiên, các giáo sĩ phương Tây vẫn liều chết để truyền đạo cho được, có người còn phải đào hầm ở dưới đất hàng mấy tháng để truyền đạo.
Theo Việt Nam sử lược, từ năm 1838, vua Minh Mạng cảm thấy không thể nào cấm được các giáo sĩ truyền đạo Công giáo trong nước, ông bèn sai sứ sang Pháp để điều đình về việc này. Song khi sứ thần Đại Nam tới nơi, Hội Thừa sai Paris xin vua Louis Philippe I đừng tiếp. Sứ Đại Nam phải trở về, khi về đến Huế thì Minh Mạng đã qua đời.
Tuy nhiên theo Nguyễn Văn Kiệm trong cuốn Triều Nguyễn và lịch sử của chúng ta đã đánh giá lại việc cấm đạo của vua Minh Mạng với cái nhìn mới công bằng hơn: Lệnh bắt đạo của Minh Mạng tuy ngặt, có gây khó khăn và thiệt thòi cho tín đồ Công giáo, song trong khoảng hai thập kỷ dưới thời Minh Mạng, không hề diễn ra những cuộc tàn sát lớn đối với dân Công giáo. (...) có thể thấy chính sách của Minh Mạng đối với Công giáo về đại thể là có lý, có tình và khó có thể chê trách nếu đặt nó vào bối cảnh lịch sử cụ thể của nước ta lúc đó, khi họa xâm lăng đang tới gần. Riêng biện pháp cưỡng chế giáo dân bỏ đạo cùng với những hình phạt kèm theo là quá khắc nghiệt và cũng chính vì thế mà đã thất bại so với yêu cầu. Mặc dù biện pháp cưỡng chế bỏ đạo của Minh Mạng là đáng phê phán, song gọi Minh Mạng là "tên bạo chúa, là kẻ khát máu, là Nero của Việt Nam là một sự xuyên tạc sự thật lịch sử cần phải được đính chính".
Mở rộng lãnh thổ
Trấn Tây Thành
Năm 1833 sau khi triều đình bắt tội Tổng trấn Lê Văn Duyệt, Lê Văn Khôi con nuôi ông dấy binh nổi loạn, chiếm giữ Thành Bát Quái (thuộc Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay). Vài tháng sau vì yếu thế Lê Văn Khôi cầu viện nước Xiêm; vua Xiêm Rama III bèn sai tướng Chao Phraya Bodin và Phraklang đem hàng ngàn quân thủy bộ chia ra làm 5 đạo tiến đánh Gia Định. Đường thủy thì qua ngả Vịnh Thái Lan, đường bộ thì qua đất Chân Lạp, đồng thời thừa thế khống chế luôn Chân Lạp.
Trong khi đó quân Xiêm đánh vào An Giang (tháng 12/1833), rồi tiến lên giao chiến ở rạch Củ Hủ. Trận ấy quân Việt thắng và phản công chiếm lại đồn Châu Đốc, tỉnh An Giang, thành Hà Tiên rồi cùng lực lượng quân Chân Lạp ngược dòng Cửu Long tiến chiếm lại thành Nam Vang. Quân Xiêm bại trận phải rút khỏi Chân Lạp; triều đình Huế bèn đưa Ang Chan II trở lại ngôi vua.
Đuổi được quân Xiêm, Trương Minh Giảng và Lê Đại Cương lập đồn An Nam ở gần Nam Vang để bảo hộ Chân Lạp. Việc cai trị trong nước Chân Lạp đều do quan Việt sắp đặt, còn triều thần Chân Lạp chỉ kiêm nhiệm việc nhỏ.
Cuối năm 1834, vua nước Chân Lạp là Ang Chan II mất mà không có con trai, quyền cai trị trong nước về cả mấy người phiên liêu là Trà Long (Chakrey Long) và La Kiên, vốn là người Chân Lạp nhưng nhận quan tước của triều đình Huế.
Năm sau, 1835, Trương Minh Giảng tâu vua xin lập người con gái của Nặc Ông Chân là Ang Mey (Ngọc Vân) lên làm quận chúa, gọi là Chân Lạp quận chúa. Thực chất thì Ngọc Vân chỉ là vua làm vì chứ không có thực quyền.
Năm 1836, vua Minh Mạng cho đổi đất Chân Lạp thành Trấn Tây Thành, chính thức sáp nhập vào Đại Nam. Ranh giới phía Tây Bắc của trấn đến Biển Hồ Tonlé Sap.
Quản lý hành chính
Nhà Nguyễn chia Trấn Tây Thành làm 33 phủ và 2 huyện.
Triều đình Huế hủy bỏ tước hiệu quan chức bản xứ của Chân Lạp và áp dụng quan chế nhà Nguyễn. Lê Đại Cương (sau được thay bằng Dương Văn Phong) được cử làm Tham tán Đại thần, đặt một Tướng quân, 4 chánh phó Lãnh binh, cắt đặt các chức Hiệp tán, Đề đốc, Lang trung, Viên ngoại lang, Giáo thụ, Huấn đạo. Ở các chỗ yếu hiểm, lại đặt chức Tuyên phủ, An phủ để phòng ngự.
Năm 1840, nhà vua sai Lê Văn Đức làm Khâm sai Đại thần, Doãn Uẩn làm phó và cùng với Trương Minh Giảng để kinh lý mọi việc ở Trấn Tây Thành, khám xét việc buôn bán, đo đạc ruộng đất, định lại thuế đinh, thuế thuyền bè buôn bán dưới sông.
Vua Minh Mạng đã cho lệnh tổng kê dân đinh nước Chân Lạp, vừa bị sáp nhập vào lãnh thổ Đại Nam, thì có 970.516 người, đang khi đó thì ruộng đất lên đến 4.036.892 mẫu.
Quan hệ với người bản xứ
Khi nhà Nguyễn chiếm được Nam Vang, lập Ang Chan II làm vua Chân Lạp thì mấy anh em là Ang Snguon, Ang Em, Ang Duong bỏ thành chạy theo quân Xiêm sang lưu vong ở Vọng Các. Xiêm triều lợi dụng yếu tố đó tìm cách đưa họ về Chân Lạp tranh ngôi vua với Ang Chan và khôi phục ảnh hưởng của Xiêm La.
Trong khi đó ở Trấn Tây, nhà Nguyễn phong tước hiệu cho bốn người con gái của Ang Chan II:
Ang Pen (Ngọc Biện, Brhat Anak Angga Ang Baen) (1809-1840) làm Lư An huyện quân;
Ang Mey (Ngọc Vân, Samdach Brhat Anak Angga Mei Khieu) (1815-1874) làm Cao Miên quận chúa, nối ngôi vua cha;
Ang Snguon (Ngọc Nguyên) (1829-1875) làm Tạp Ninh huyện quân;
Ang Pou (Ngọc Thu, Samdach Brhat Maha Uparajini Puyani) (1822-1878) làm Thâu Trung huyện quân.
Năm 1839, Ang Em và Ang Duong đem 9.000 dân Khmer cùng 70 chiếc thuyền từ Battambang (vùng Xiêm chiếm đóng) về Trấn Tây (vùng Đại Nam cai quản), định xin triều đình nhà Nguyễn cho kế vị Ang Chan làm vua nhưng bị Trương Minh Giảng bắt. Triều đình cho giải Ang Em về Gia Định xét hỏi rồi đưa ra Huế giam.
Đến năm 1841, Trà Long (Chakrey Long), Nhân Vu (Yumreach Hu) và La Kiên đến Huế mừng thọ vua Minh Mạng thì lại bị nhà vua hạch tội, bắt giam và đày ra Bắc Kỳ. Còn ở Trấn Tây thì Tham tán Dương Văn Phong khép cho Ngọc Biện (Ang Baen), chị của Ngọc Vân quận chúa, tội mưu phản với ý định trốn sang Xiêm, phải xử tử. Sau đó Trương Minh Giảng bắt Ngọc Vân và hai em gái là Ngọc Thu và Ngọc Nguyên về Gia Định giam lỏng ở đó. Các quan lại người Việt sang Trấn Tây Thành thì không ít kẻ lại làm nhiều chuyện trái phép lạm quyền, lạm thế và nhũng nhiễu dân tình.
Với thái độ tự đắc và miệt thị triều thần Chân Lạp gây nhiều bất mãn trong dân chúng, việc cai trị Trấn Tây càng ngày càng khó. Em Ang Chan là Ang Duong nhân đó dấy binh lại được người Xiêm hậu thuẫn để can thiệp nội bộ Chân Lạp nên quan quân ở Trấn Tây luôn phải đánh dẹp hao tổn nhiều.
Năm 1840, mấy vạn quân Xiêm kéo vào đóng ở U Đông (Oudong), vua Minh Mạng sai tướng Phạm Văn Điển và Nguyễn Tiến Lâm mang quân lên đối phó nhưng không phá được.
Triệt thoái khỏi Trấn Tây
Việc chiếm đóng Trấn Tây Thành cùng với chính sách cai trị mất lòng dân Chân Lạp của triều đình Huế là một gánh nặng cho đất nước, từ binh sĩ đến lương nhu đều hao thiệt nên đến tháng 9 năm 1841, thấy tình hình Chân Lạp bất ổn mãi, Tạ Quang Cự và các đại thần dâng sớ xin bỏ bảo hộ Chân Lạp. Vua Thiệu Trị thuận theo, truyền cho quan quân Đại Nam rút quân về giữ An Giang.
Lợi dụng tình huống bỏ ngỏ vua Xiêm đưa Ang Duong lên làm vua Chân Lạp song chiến sự kéo dài vì quân Việt và quân Xiêm tiếp tục giao chiến từ năm 1841 đến 1845 mới thôi khi triều đình Huế và Vọng Các thỏa hiệp cùng bảo hộ xứ Chân Lạp và nhận triều cống của Ang Duong.
Trấn Ninh
Thời nhà Nguyễn, Gia Long đem đất Trấn Ninh cắt về cho vương quốc Vạn Tượng của A Nỗ (Anouvong). Nhưng khi Chiêu Xanh, tù trưởng Trấn Ninh khi ấy chết, A Nỗ không lập con Chiêu Xanh là Chiêu Nội (Chao Noi) lên, nên Chiêu Nội thù A Nỗ, đồng thời Chiêu Nội chạy sang phủ Trà Lân xứ Nghệ và xin nội thuộc lại Đại Nam (nhà Nguyễn). Đến khi A Nỗ chống lại nước Xiêm, bị vua Xiêm là Rama III sai Chao Phraya Bodin Decha đánh cho thua chạy sang Nghệ An, qua Trấn Ninh bị Chiêu Nội bắt nộp cho Xiêm năm 1828. Chiêu Nội bị Minh Mạng khép tội chết vì hành động này.
Sau khi giết Chiêu Nội, nhà Nguyễn cử quan Việt sang cai trị Trấn Ninh. Năm 1823, nhà Nguyễn đặt thêm huyện Liêm. Phủ Trấn Ninh từ đấy bao gồm 8 huyện:
Liên,
Khâm,
Quảng,
Khang,
Cát,
Xôi,
Mộc,
Liêm (vốn là mán Mường Hiểm).
Tháng 3/1832, nổ ra cuộc khởi nghĩa của hơn 200 binh lính Trấn Ninh, do Trần Tứ và Đỗ Bắc lãnh đạo nổi dậy chống nhà Nguyễn và liên kết với cuộc khởi nghĩa của Lê Duy Lương. Những năm 1833-1834, trong chiến tranh Việt-Xiêm, người Thái tấn công Đại Nam (một trong các hướng là qua ngả Trấn Ninh), đất Trấn Ninh bị người Thái lấn dần. Khi người Pháp thành lập Liên bang Đông Dương, năm 1893, đã dựa theo địa hình và cắt tỉnh Houaphan (Hủa Phăn), Xiêng Khoảng giao về lãnh thổ Lào (Ai Lao).
Qua đời
Năm 1841, Minh Mạng lâm bệnh nặng. Lúc lâm chung, ông gọi quan đại thần Trương Đăng Quế đến bên giường dụ rằng:
Sau đó, ông cầm tay con trưởng là Trường Khánh Công Nguyễn Phúc Miên Tông trối trăng:
Nói rồi, vua Minh Mạng qua đời ngày 28 tháng 12 năm Canh Tý, tức ngày 20 tháng 1 năm 1841 tại điện Quang Minh, hưởng thọ 50 tuổi, ở ngôi 21 năm, được truy phong miếu hiệu là Thánh Tổ. Thụy hiệu do vua Thiệu Trị đặt cho ông là Thể thiên Xương vận Chí hiếu Thuần đức Văn vũ Minh đoán Sáng thuật Đại thành Hậu trạch Phong công Nhân Hoàng đế.
Lăng của ông là Hiếu lăng, thường gọi là lăng Minh Mạng, tại làng An Bằng, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Ông được thờ ở Tả Nhất Án Thế Miếu trong Đại Nội kinh thành Huế.
Tên của ông từng được đặt cho một số con đường lớn ở miền Nam Việt Nam nhưng phần lớn đã đổi tên khác sau Sự kiện 30 tháng 4.
Gia quyến
Hậu cung
Trong đời sống riêng tư, Minh Mạng nổi tiếng về sức cường tráng của ông. Không có tài liệu cho biết thể lực của ông thế nào, chỉ biết ông có nhiều các phi tần. Có một bài thuốc bổ dương mang tên Minh Mạng thang được quan Thái y căn cứ vào thể chất và sinh hoạt của ông để lập ra thang thuốc rượu.
Ông không đặt hoàng hậu, mà chỉ cao nhất là ngôi phi. Tá Thiên Nhân Hoàng hậu (tước vị được phong sau khi mất), húy là Hồ Thị Hoa, còn có tên là Thật, sinh 1791. Bà qua đời năm 1807, 13 ngày sau khi sinh hạ Hoàng trưởng tử Nguyễn Phúc Miên Tông (tức là vua Thiệu Trị sau này). Lăng của bà hiệu là Hiếu Đông lăng, phía tả Lăng Thiệu Trị, tại làng Cư Chánh, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên.
Sách Minh Mạng chính yếu chép: Năm Minh Mạng thứ 6 (1826), mùa Xuân, tháng giêng, trong Kinh Kỳ ít mưa, nhà vua lấy làm lo, chỉ dụ cho quan Thượng Bảo Khanh là ông Hoàng Quýnh rằng:
Minh Mạng thường dặn các con rằng:
Vợ (được ghi nhận)
Ngoài ra còn nhiều bà khác chưa rõ tên và danh phận.
Đế hệ thi và Phiên hệ thi
Năm 1823, Minh Mạng đã làm bài Đế hệ thi và 10 bài Phiên hệ thi để quy định các chữ lót đặt tên cho con cháu các thế hệ sau.
Bài Đế hệ thi:
Miên Hường Ưng Bửu Vĩnh
Bảo Quý Định Long Trường
Hiền Năng Kham Kế Thuật
Thế Thoại Quốc gia Xương.
Vua Minh Mạng cũng ban cho dòng họ của các con vua Gia Long 10 bài Phiên hệ thi.
Chữ lót của mỗi đời dùng một chữ trong bài thơ, nhưng tên ở mỗi đời thì phải dùng một bộ trong ngũ hành theo thứ tự: thổ, kim, thủy, mộc, hỏa và trở lại, vì thế tên của tất cả đời thứ nhất dùng bộ thổ.
Nhận định
Đối nội
Trong bộ Quốc Triều chính biên toát yếu (Cao Xuân Dục chủ biên), sử thần nhà Nguyễn đã ca ngợi vua Minh Mạng:
Sử gia Trần Trọng Kim viết sách Việt Nam sử lược có nhận xét khách quan hơn:
Đến đầu thế kỷ 20, khi nhà Nguyễn đã mất nước vào tay Pháp, Ngô Tất Tố nhận định về tình hình triều Nguyễn khi đó:
Nhà sử học hiện đại Văn Tạo cho rằng: Minh Mạng đi theo con đường Nho giáo của trường phái Tống Nho (đạo Nho thời Tống) mà triều Lê sơ áp dụng, do vậy nhà Nguyễn đã đóng cửa cô lập, không giao lưu với nước ngoài, sự thủ cựu này trái hẳn với các chúa Nguyễn theo Minh Nho (đạo Nho thời Minh) trước kia. Thời đại của Minh Mạng đã khác xa với thời Lê sơ, việc đóng cửa cô lập khiến nhà Nguyễn không tiếp thu được các thành tựu mới về khoa học kỹ thuật từ phương Tây, dẫn tới sự trì trệ kéo dài tới mãi sau này, để rồi bị thực dân Pháp xâm chiếm dễ dàng. Văn Tạo cho rằng:
Sử gia Hoa Kỳ hiện đại Keith Weller Taylor nhận định trong sách A History of the Vietnamese:
Đối ngoại
Có nhiều phê phán việc Minh Mạng thích sử dụng vũ lực với các nước láng giềng, chủ yếu là với Campuchia, làm hao tổn nhân lực và ngân khố đất nước. Sử gia Trần Trọng Kim nhận xét về việc quân nhà Nguyễn chiếm vùng Phnom Penh rồi sau đó lại phải rút đi:
Ấy cũng là vì người mình (người Việt) không biết bênh vực kẻ hèn yếu, chỉ đem lòng tham tàn mà ức hiếp người ta (Chân Lạp), cho nên thành ra hao tổn binh lương, nhọc mệt tướng sĩ, mà lại phải sự bại hoại, thật là thiệt hại cho nước mình.
Sử gia Phạm Văn Sơn nhận định:
Tiếc rằng sau chiến thắng 1834, do không biết lựa chọn cán bộ hay không có cán bộ đứng đắn, liêm chính nên Việt Nam bị đánh bật ra khỏi Trấn Tây Thành, phải coi là một sự xấu hổ cho triều đình thuở ấy. Và việc này đã chứng minh rõ rằng đường lối chính trị của vua Minh Mạng quá dở và đám quan lại của triều đình thật là bất tài vô hạnh. Vì họ mà nhà nước phải hao tổn biết bao nhiêu binh tướng, tài sản và tính mạng của nhân dân... |
Gia Long (; 8 tháng 2 năm 1762 – 3 tháng 2 năm 1820), tên húy là Nguyễn Phúc Ánh (阮福暎), thường được gọi là Nguyễn Ánh (阮暎), là một nhà chính trị, nhà quân sự người Việt Nam, vị vua sáng lập nhà Nguyễn, triều đại quân chủ cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Ông trị vì từ năm 1802 đến khi qua đời năm 1820, được truy tôn miếu hiệu là Nguyễn Thế Tổ (阮世祖). Trong suốt thời gian trị vì ông chỉ sử dụng một niên hiệu là Gia Long (嘉隆), nên thường được gọi là Gia Long Đế.
Nguyễn Ánh là cháu nội của chúa Nguyễn Phúc Khoát, vị chúa Nguyễn áp chót ở Đàng Trong. Sau khi gia tộc chúa Nguyễn bị quân Tây Sơn lật đổ vào năm 1777, ông trốn chạy và bắt đầu cuộc chiến 25 năm với Tây Sơn để khôi phục ngôi vị. Ban đầu Nguyễn Ánh chịu nhiều thất bại lớn, có lúc phải chạy sang Xiêm La và sống lưu vong ở đây trong ba năm. Để chống Tây Sơn, ông nhiều lần cầu viện nước ngoài, bao gồm việc mời quân Xiêm đánh vào Nam bộ, hứa cắt đất và cống nạp để mời quân Pháp, và chở 50 vạn cân gạo để giúp quân Thanh đang chiếm đóng Bắc bộ
Năm 1787, ông đã trở lại và giữ vững được Nam Bộ. Về sau, lúc Tây Sơn suy yếu sau cái chết đột ngột của vua Quang Trung vào năm 1792, Nguyễn Ánh bắt đầu tiến đánh nhà Tây Sơn và đến năm 1802 thì đánh bại Tây Sơn, lên ngôi hoàng đế, lập ra nhà Nguyễn, thống nhất đất nước và kết thúc nhiều thế kỷ nội chiến ở Việt Nam. Triều đại của Gia Long đã chính thức sử dụng quốc hiệu Việt Nam. Ông cũng quyết định đóng kinh đô tại thủ phủ cũ của các Chúa Nguyễn là Phú Xuân (Huế). Lãnh thổ nước Việt thời Gia Long về cơ bản được định hình giống như ngày nay, kéo dài từ biên giới với Trung Quốc tới vịnh Thái Lan, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tuy nhiên diện tích miền Trung đã bị thu hẹp lại do Gia Long cắt vùng Trấn Ninh, rộng khoảng 45.000 km² và nay là lãnh thổ của Lào, cho vương quốc Vạn Tượng để nhận lấy sự ủng hộ của họ trong cuộc chiến với nhà Tây Sơn.
Về đối ngoại, ông là người mở đường cho sự can thiệp của người Pháp ở Việt Nam qua việc mời người Pháp giúp xây dựng các thành trì lớn, huấn luyện quân đội và khoan thứ cho việc truyền đạo Công giáo tại Việt Nam. Về mặt đối nội, nước Việt thời Gia Long không được ổn định, do Gia Long tăng thuế khóa và lao dịch quá nặng nên bị người dân bất bình, chỉ trong 18 năm đã có khoảng 90 cuộc khởi nghĩa nổ ra trên cả nước. Gia Long cũng xóa bỏ các cải cách tiến bộ của triều Tây Sơn để thay bằng việc áp dụng các chính sách cai trị phong kiến khá bảo thủ, tiêu biểu là việc cấm thương nhân người Việt buôn bán với ngoại quốc, soạn Hoàng triều luật lệ hay còn gọi là "luật Gia Long", gần như chép nguyên mẫu từ luật của nhà Thanh (Trung Quốc) nên khá khắc nghiệt và không được tiến bộ như bộ luật Hồng Đức của nhà Hậu Lê. Các chính sách bảo thủ là nguyên nhân khiến nước Việt thời nhà Nguyễn dần trở nên trì trệ, lạc hậu, không thích ứng kịp với thời đại mới và bị đế quốc Pháp xâm chiếm vào nửa thế kỷ sau.
Thời trẻ
Nguyễn Ánh sinh vào ngày 15 tháng 1 năm Nhâm Ngọ (tức ngày 8 tháng 2 năm 1762), là con trai thứ ba của vương tử Nguyễn Phúc Luân và Nguyễn Thị Hoàn. Khi còn nhỏ Nguyễn Ánh còn có tên khác là Nguyễn Phúc Chủng (阮福種) và Noãn (暖).
Nguyễn Ánh sinh ra vào thời kỳ nước Đại Việt bị chia làm hai, lấy ranh giới ở sông Gianh (Quảng Bình): từ sông Gianh ra Bắc là Đàng Ngoài có nhà nước của vua Lê – chúa Trịnh; lãnh thổ từ sông Gianh vào Nam là Đàng Trong, nằm dưới sự cai trị của chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn tự đặt chính sách kinh tế, quân sự, tài khóa riêng cho Đàng Trong, dù trên danh nghĩa các chúa Nguyễn vẫn là quan của nhà Lê, hàng năm nộp cống và dùng niên hiệu của vua Lê. Ông nội Nguyễn Ánh là Vũ vương Nguyễn Phúc Khoát, chúa thứ 8 của họ Nguyễn. Vũ vương mất năm 1765; trước đó thế tử Nguyễn Phúc Hiệu đã chết, con thế tử là Nguyễn Phúc Dương còn nhỏ, nên Vũ vương có di chiếu truyền ngôi cho Phúc Luân. Nhưng quan phụ chính Trương Phúc Loan chuyên quyền, bèn sửa di chiếu lập con thứ 12 của Vũ vương là Phúc Thuần làm chúa. Phúc Luân bị bắt giam và chết trong ngục; năm đó Nguyễn Ánh mới 4 tuổi.
Trốn chạy Tây Sơn
Khi Nguyễn Ánh được 9 tuổi (1771), 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ lấy binh ở Tây Sơn chống chúa Nguyễn. Năm ông 13 tuổi (1775), chúa Nguyễn bị quân Lê – Trịnh do Hoàng Ngũ Phúc chỉ huy và quân Tây Sơn đánh kẹp từ hai mặt. Nguyễn Ánh và 4 anh em trong nhà đi theo Nguyễn Phúc Thuần chạy vào Quảng Nam rồi vượt biển vào khu vực Gia Định (vùng miền Nam Việt Nam ngày nay).
Tháng 2 năm 1776, Nguyễn Ánh dù còn nhỏ tuổi vẫn được cho giữ chức Chưởng sứ coi binh Tả Dực, và cho dự họp bàn việc quân.
Cùng tháng, Nguyễn Lữ lãnh binh Tây Sơn đánh Gia Định. Chúa Nguyễn rút về Bà Rịa, Trấn Biên ra lệnh Cần Vương. Nguyễn Lữ lãnh binh Tây Sơn cướp bóc Gia Định rồi quay về Quy Nhơn.
Trong thời gian ở Gia Định, nội bộ quân chúa Nguyễn xảy ra tranh chấp giữa phe ủng hộ Nguyễn Phúc Thuần của Đỗ Thanh Nhơn và phe ủng hộ Nguyễn Phúc Dương của Lý Tài, còn Nguyễn Ánh trú tại Ba Giồng (Tam Phụ) với quân Đông Sơn.
Tháng 10, Vua Cao Miên là Nặc Ông Vinh nhân thấy chúa Nguyễn nguy khốn, không chịu triều cống. Chúa sai Chưởng cơ Trương Phước Thận, Phó Tiết chế Nguyễn Cửu Tuấn theo giúp Nguyễn Ánh thảo phạt.
Đầu năm 1777, Nguyễn Huệ tiến đánh Sài Gòn. Giữa năm 1777, Thái thượng vương Nguyễn Phúc Thuần, Tân Chính vương Nguyễn Phúc Dương cùng vài người anh em ruột của Nguyễn Ánh và nhiều người khác trong gia tộc chúa Nguyễn bị Nguyễn Huệ bắt giết hết. Về phần Nguyễn Ánh thời gian này đang đi cùng với Nguyễn Phúc Dương cũng xém bị bắt giết, may được một đứa trẻ con nhà kép hát che giấu nên trốn thoát.
Tiếp đến, Nguyễn Ánh được một linh mục Công giáo tên là Phaolô Hồ Văn Nghị và một thầy giảng tên Toán che chở tại khu vực Rạch Giá rồi sau đó lén giúp ông thoát sang Hà Tiên. Tại đây, Nguyễn Ánh ban đầu đến trú tại nhà của Giám mục thuộc Hội Thừa sai Ba Lê là Bá Đa Lộc (Pigneau de Behaine), rồi trốn vào rừng để ẩn nấp quân Tây Sơn truy kích. Nhận được tin báo từ Phaolô Hồ Văn Nghị, Bá Đa Lộc đang tránh Tây Sơn ở Cao Miên bèn trở về, mang theo một người Pháp tên Gioang (Jean) đến gặp và theo giúp Nguyễn Ánh. Sau đó, Bá Đa Lộc giúp Nguyễn Ánh trốn sang đảo Poulo Panjang (đảo Thổ Châu) sau khi quân lùng bắt của Tây Sơn rút đi.
Sau chừng một tháng trốn chạy, khi Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ đã về Quy Nhơn thì Nguyễn Ánh lại trở lại Long Xuyên, tiến lên Sa Đéc với Đỗ Thanh Nhơn và Lê Văn Quân; ông ra hịch cáo quân và thu nhận được thêm một đội quân cùng các tướng Nguyễn Văn Hoằng, Tống Phước Khuông, Tống Phước Luông và Hồ Văn Lân...
Khi Nguyễn Ánh lưu lạc trong dân gian đã để lại nhiều giai thoại. Những địa danh ở Nam Bộ ngày nay có tên Long đánh dấu những nơi ngày xưa Nguyễn Ánh từng đặt chân đến. Theo giai thoại, ông dẫn quân về nơi ngày nay là Lấp Vò (Đồng Tháp), bị quân Tây Sơn truy đuổi, khi đi qua vùng đất ẩm đoàn quân để lại dấu chân rất dễ bị địch lần theo. Đêm đó Nguyễn Ánh khấn rằng "Nếu số mạng của quân ta chưa tận xin hãy lấp dấu chân đi để kẻ địch không thể truy tìm". Sáng ra thì trời mưa to, mọi vết tích của đoàn quân đều mất. Về sau người ta gọi địa danh đó là "Lấp Vò", cách nói trại của lấp giò, ám chỉ lấp dấu chân, dấu giò. Cũng trong thời gian đóng quân ở Đồng Tháp, Nguyễn Ánh đã cho lập hai căn cứ đóng quân tại nơi mà ngày nay huyện Lai Vung, với mục đích trấn thủ hai vị trí chiến lược dẫn ra sông Hậu và sông Tiền. Hai căn cứ đó là Bảo Tiền và Bảo Hậu, ngày nay chỉ còn là phế tích. Tại Bảo Tiền vẫn còn đền thờ Gia Long và cây cổ thụ mấy trăm tuổi.
Tháng 11 âm lịch năm 1777, ông tập hợp một đạo quân mặc toàn áo tang bất ngờ tấn công dinh Long Hồ và sau đó nhanh chóng đuổi quan trấn thủ Tây Sơn tại Gia Định là Tổng đốc Chu (hay Tổng đốc Châu), lấy lại thành Sài Gòn tháng 12 cùng năm.
Xưng vương ở Nam Bộ
Năm 1778, khi Nguyễn Ánh được 17 tuổi, các tướng tôn ông làm Đại nguyên súy Nhiếp quốc chính. Ngay lập tức, vào tháng 2 năm 1778, Tây Sơn phái Tổng đốc Chu, Tư khấu Uy và Hộ giá Phạm Ngạn vào đánh Gia Định. Họ nhanh chóng đánh chiếm các vùng Trấn Biên, Phiên Trấn và một số khu vực ven biển. Nguyễn Ánh để Đỗ Thanh Nhơn giữ Gia Định rồi cùng Lê Văn Quân và Nguyễn Văn Hoằng đi đánh quân Tây Sơn ở khu vực Bến Lức. Tại Bến Lức, quân Nguyễn chặn được Tây Sơn rồi sau đó mở cuộc phản công, ngăn chặn và đẩy lùi được thủy binh Tây Sơn do Tư khấu Uy chỉ huy ở Bến Nghé rồi chiếm lại được Trấn Biên. Thủy binh của Phạm Ngạn thì bị Lê Văn Duyệt phá, buộc ông này phải rút về lại Quy Nhơn.
Suốt các năm 1778 và 1779, Nguyễn Ánh ra sức củng cố và mở mang Phiên An trấn (vùng Sài Gòn-Gia Định-Long An hiện giờ) với mục đích biến vùng này thành căn cứ địa chống Tây Sơn. Ông cho tổ chức phân chia hành chính đất Gia Định dưới sự cố vấn của Bá Đa Lộc, đặt quan coi giữ, đóng thuyền, trữ lương chuẩn bị, xây dựng chiến lũy phòng thủ và củng cố lực lượng thủy bộ. Trong đó Nguyễn Ánh đặc biệt quan tâm tới thủy binh: ngay sau khi vừa được tôn làm Đại Nguyên soái, ông liền cho đóng ngay 50 chiến hạm đầu nhọn gọi là Long Lâm Thuyền. Hai năm sau, tướng Đỗ Thanh Nhơn lại đưa ra sáng kiến đóng thủy sư hai bánh (thuyền hai lái) với một bánh lái dài đi biển và bánh lái tròn đi sông, phía dưới thuyền có gác sàn che phiên tre hai bên bảo vệ thủy binh chèo thuyền, phía trên là bộ binh xung kích. Đây được xem là một sáng kiến cho kỹ thuật đóng thuyền thời bấy giờ.
Đỗ Thanh Nhơn vì có nhiều công lớn nên được Nguyễn Ánh trọng đãi, nhưng lại có biểu hiện hung bạo, cậy công, lấn lướt quyền hành với Nguyễn Ánh, tạo thêm vây cánh thậm chí muốn giành quyền lực. Thấy vậy, tướng Tống Phúc Thiêm bèn bày mưu để giết Đỗ Thanh Nhơn. Tháng 3 năm 1781, Nguyễn Ánh cùng Tống Phúc Thiêm lập mưu giả bệnh, gọi Thanh Nhơn đến rồi sai võ sĩ giết chết. Đây là một việc gây nhiều tai hại cho Nguyễn Ánh: sau đó dù ông đã nhanh chóng đưa ra chính sách chia cắt để làm suy yếu quân Đông Sơn của Đỗ Thanh Nhơn nhưng họ vẫn phản lại Nguyễn Ánh. Nguyễn Ánh phải ra sức đánh dẹp mãi, trong việc đánh dẹp này Thống binh Tống Văn Phước đã tử trận.
Quan hệ với Chân Lạp và Xiêm La
Năm 1779, Chân Lạp xảy ra nội loạn do tranh giành ngôi vua, Nguyễn Ánh bèn sai Đỗ Thanh Nhơn, Hồ Văn Lân và Dương Công Trừng đi đánh Chân Lạp và giữ quân lại bảo hộ. Tháng 1 năm 1780, Nguyễn Ánh xưng vương, dùng theo niên hiệu Cảnh Hưng của nhà Lê và lấy ấn "Đại Việt quốc Nguyễn chúa Vĩnh Trấn chi bửu" làm ấn truyền quốc, phong cho Đỗ Thanh Nhơn chức Ngoại hữu, Phụ chính, Thượng tướng công. Cùng năm, người Miên ở Trà Vinh dưới sự chỉ huy của tù trưởng Ốc Nha lợi dụng tình hình nổi lên chống Nguyễn Ánh, ông sai Đỗ Thanh Nhơn và Dương Công Trừng đi đánh dẹp. Nguyễn Ánh ngoài ra còn cho đặt quan hệ ngoại giao với Xiêm La.
Ngay sau khi xưng vương, tháng 6 năm Canh Tý (1780), Nguyễn Ánh sai sứ là Cai cơ Sâm và Tĩnh đi sứ nước Xiêm. Khi ấy, thuyền buôn Xiêm từ Quảng Đông trở về đến phần biển Hà Tiên, bị lưu thủ Thăng (không rõ họ) giết và cướp hết của cải. Vua Xiêm là Taksin giận, đem Sâm và Tĩnh giam vào ngục. Lại có người Chân Lạp là Bô Ông Giao nói gièm với vua Xiêm rằng quân Gia Định đã gởi mật thư bảo Tôn Thất Xuân và Mạc Thiên Tứ làm nội ứng, mưu lấy thành Vọng Các. Vua Xiêm rất ngờ, liền bắt hết mọi người để tra hỏi. Mạc Tử Duyên (con của Thiên Tứ) hết sức cãi đó là chuyện vu cáo, bị vua Xiêm đánh chết. Thiên Tứ tự tử. Tôn Thất Xuân cùng Sâm, Tĩnh và quyến thuộc của Mạc Thiên Tứ cộng 53 người đều bị hại hết. Người Việt ngụ ở Xiêm đều bị dời hết ra nơi biên thùy.
Tháng 10 âm lịch năm 1781, vua Xiêm La là Taksin sai hai anh em đại tướng Chakri (Chất Tri) và Surasi (Sô Si) chỉ huy quân sang đánh Chân Lạp. Nguyễn Ánh cho sai Nguyễn Hữu Thụy và Hồ Văn Lân mang quân sang cứu Chân Lạp. Khi quân Việt và quân Xiêm còn đang đánh nhau thì ở Xiêm La, vua Taksin, có lẽ bị rối loạn tâm thần, bắt giam vợ con hai tướng Chakri, ở Xiêm lại xảy ra loạn do tướng Phraya San (Phan Nha Văn Sản - Oan Sản) cầm đầu. Hai tướng Xiêm là Chất Tri và Sô si buộc phải thỏa hiệp với Nguyễn Hữu Thụy, thề cứu nhau trong lúc hoạn nạn, rồi rút quân về nước dẹp loạn Phan Nha Văn Sản và giết luôn Taksin. Chất Tri đoạt ngôi, xưng là vua Rama I của Xiêm La, mở đầu nhà Chakri. Chính biến ở Xiêm khiến quan hệ giữa Nguyễn Ánh và Xiêm La thay đổi: từ chỗ đối kháng trở thành đồng minh.
Thất thế trước Tây Sơn
Đến thời điểm mùa hè năm 1781, quân đội của Nguyễn Ánh phát triển lên đến khoảng 3 vạn người với 80 chiến thuyền đi biển, trong đó có 3 thuyền lớn và 2 tàu đánh thuê Bồ Đào Nha do Giám mục Bá Đa Lộc giúp Nguyễn Ánh mời được. Có lực lượng khá mạnh, ông bèn tổ chức tấn công Tây Sơn đánh tới tận đất Phú Yên nhưng sau cùng phải rút chạy vì gặp lực lượng bộ binh rất mạnh của Tây Sơn. Tức giận vì tốn kém nhưng không thu được kết quả, quan lại Gia Định để cho một người phụ việc của Bá Đa Lộc là cai cơ Manuel lập mưu giết chết các tay lính đánh thuê Bồ Đào Nha và cướp tàu của họ.
Tháng 3 năm 1782, vua Tây Sơn là Thái Đức đế Nguyễn Nhạc cùng em trai là Nguyễn Huệ mang quân thủy bộ Nam tiến. Tây Sơn đụng trận dữ dội ở sông Ngã Bảy và cửa biển Cần Giờ với quân Nguyễn do chính Nguyễn Ánh chỉ huy. Dù lực lượng thuyền của Tây Sơn yếu hơn, nhưng nhờ lòng can đảm, họ đã phá tan quân Nguyễn đồng thời buộc Manuel tự sát, tuy vậy quân Tây Sơn cũng thiệt hại khá nhiều binh lực. Nguyễn Ánh thất trận bỏ chạy về Ba Giồng, rồi có khi trốn sang tận rừng Romdoul, Chân Lạp (rừng Romdoul là khoảng khu vực phía bắc tỉnh Svay Rieng). Tây Sơn đuổi theo vào cuối tháng 4 âm lịch, bắt vua quan Chân Lạp là Ang Eng hàng phục và buộc tất cả những người Việt ở đấy phải về nước nhưng Nguyễn Ánh lại trốn kịp. Tướng Tống Phước Thiêm bị quân Đông Sơn bắt giết.
Vua Thái Đức khi chiếm lại Nam Bộ thì gặp phải sự chống đối mạnh của người Hoa, ủng hộ Nguyễn Ánh tại đây. Tháng 4 âm lịch năm 1782, tiết chế dinh Bình Thuận là Tôn Thất Dụ đem Tả chi Trần Xuân Trạch, thuộc tướng là Trần Văn Tự, và thuộc tướng đạo Hòa Nghĩa là Trần Công Chương vào cứu viện Nguyễn Ánh. Quân Nguyễn Ánh giết được Hộ giá Tây Sơn là Phạm Ngạn ở cầu Tham Lương. Đô đốc Phạm Ngạn, người vốn rất thân thiết với Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ, tử trận và đồng thời binh lính Tây Sơn thương vong nhiều trong khi đánh dẹp. Hay tin, Nguyễn Nhạc rất đau đớn và cho rằng người Hoa có tham gia trong đội quân Hòa Nghĩa giết Phạm Ngạn. Để trả thù, ông tiến hành tàn sát hơn một vạn người Hoa ở vùng Gia Định và tàn phá nặng nề vùng Cù lao Phố. Vụ tàn sát này cộng với vụ tương tự trước kia Tây Sơn thực hiện ở Hội An khiến cho cộng đồng người Hoa giàu có, vốn dĩ trước đã có cảm tình nhiều hơn với Nguyễn Ánh, nay quay sang ủng hộ Nguyễn Ánh hết lòng cho đến hết cuộc chiến, khiến cho ông có được một nguồn lực kinh tế rất lớn. Ngoài ra, việc này còn cản chân Tây Sơn trong việc truy bắt Nguyễn Ánh, khiến cho Nguyễn Ánh có cơ hội quay trở về Giồng Lữ (Lữ Phụ). Một đô đốc Tây Sơn là Nguyễn Học đem quân đuổi theo Ánh bị quân Nguyễn bắt giết khiến cho Nguyễn Ánh thu giữ được 80 thuyền của Tây Sơn. Nguyễn Ánh thấy vậy định kéo về chiếm lại Gia Định nhưng gặp Nguyễn Huệ dàn binh quay lưng ra sông đánh bại khiến Nguyễn Ánh phải bỏ chạy, Lưu thủ Thăng và Tiên phong Túy đón Nguyễn Ánh về miền Hậu Giang.
Nguyễn Ánh sai Nguyễn Hữu Thụy, Trần Xuân Trạch cùng Cai cơ Cao Phước Trí mượn đường Chân Lạp sang Xiêm La cầu viện nhưng quân Chân Lạp lại hợp tác với Tây Sơn, giết các tướng của Nguyễn Ánh. Nguyễn Ánh lui về Rạch Giá, Chân Lạp lại cho 30 chiến thuyền vây đánh đến Sơn Chiết, Tiên phong Túy chặn được quân Chân Lạp. Nguyễn Ánh lại rút tiếp ra Hà Tiên rồi theo thuyền nhỏ trốn ra Phú Quốc.
Tháng 5 âm lịch năm 1782, nhận thấy Nguyễn Ánh đã hết sức phản kháng, anh em Tây Sơn rút quân về Quy Nhơn, để lại hai hàng tướng của quân Đông Sơn là Đỗ Nhàn Trập và Hộ bộ Lãnh (hoặc Bá) lãnh 3.000 quân đóng ở đồn Bến Nghé để trấn giữ Gia Định. Châu Văn Tiếp, một tướng trước đây từng theo Tây Sơn, cùng Nguyễn Phước Mân (Tôn Thất Mân) lại từ Bình Thuận mang quân vào đánh chiếm được Gia Định và đón Nguyễn Ánh trở về. Quân Tây Sơn do Đỗ Nhàn Trập chỉ huy rút chạy về Quy Nhơn. Ngay lập tức Nguyễn Ánh tìm cách tổ chức lại Gia Định nhưng quân của ông rất yếu ớt vì các thất bại trước, buộc ông phải sai sứ là Lê Phước Điển và Lê Phước Bình sang Xiêm kết giao trước để đề phòng Tây Sơn, đồng thời ủy thác cho Bá Đa Lộc chuẩn bị trước thuyền bè để khi Tây Sơn đến có đường mà đi. Sau đó, Nguyễn Ánh cho các tướng lập các đồn binh trên sông Vàm Cỏ và Gia Định để tăng sức phòng thủ trước Tây Sơn.
Tháng 2 âm lịch năm 1783, Nguyễn Nhạc sai Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ mang quân tiến đánh Gia Định. Quân Tây Sơn từ biển Cần Giờ ngược dòng tiến lên đánh Gia Định. Dù Nguyễn Ánh đã lập tuyến phòng thủ trước nhưng vẫn bị quân Tây Sơn phá tan trong trận đánh ở cửa Cần Giờ. Tướng của Nguyễn Ánh là Nguyễn Phước Mân bị giết chết, Dương Công Trừng bị bắt sống, chỉ riêng Châu Văn Tiếp chạy thoát. Bản thân Nguyễn Ánh buộc phải bỏ chạy về Ba Giồng cùng tướng Nguyễn Kim Phẩm với tầm 100 quân.
Tháng 4 âm lịch, Nguyễn Ánh sai Nguyễn Kim Phẩm làm tiên phong và Nguyễn Huỳnh Đức chỉ huy một đạo quân người Chân Lạp làm hậu ứng, tập hợp cùng các tướng Tôn Thất Dụ, Nguyễn Đình Huyên, Lại bộ Hồ Đồng, Binh bộ Minh, Tham nghị Trần Đại Thể, Tham mưu Trần Đại Huề (con Đại Thể), Hoảng làm Tả chi, Nguyễn Văn Quý làm Hữu chi, quay về đóng quân ở Đồng Tuyên. Nguyễn Huệ hay tin, kéo quân đánh phá Đồng Tuyên, quân Nguyễn Ánh thua to. Trong trận này, Đồng bị Tây Sơn bắt, còn Minh, Quý, Thuyên và Huề đều chết. Riêng Nguyễn Ánh chạy về sông Lật Giang (nay là đoạn sông Vàm Cỏ Đông ngang Bến Lức) dưới sự truy sát của Tây Sơn, tới khúc sông gặp nước chảy mạnh, nhiều tùy tùng chết đuối, còn Nguyễn Ánh nhờ biết bơi nên bơi qua được. Chạy đến sông Đăng Giang, sông có nhiều cá sấu, không thể bơi qua được, may lúc ấy có con trâu nước đang nằm bên bờ, Nguyễn Ánh cưỡi trâu sang sông. Qua được sông, Nguyễn Ánh đi Mỹ Tho và dong thuyền đem theo mẹ và vợ con ra đảo Phú Quốc.
Cùng lúc, Nguyễn Ánh sai Tôn Thất Cốc và tướng quân Hòa Nghĩa là Trần Đĩnh trở về cửa biển Cần Giờ dò xét quân Tây Sơn. Vì Cốc có mâu thuẫn nên giết Đĩnh. Việc này khiến hai thuộc hạ người Hoa của Đĩnh là Tổng binh Trần Hưng và Lâm Húc nổi dậy chiếm giữ Hà Tiên và chống Nguyễn Ánh. Nguyễn Ánh sai Nguyễn Kim Phẩm lấy lại Hà Tiên và cho Thái trưởng công chúa là Ngọc Đảo (con gái thứ bảy của chúa Nguyễn Phúc Khoát, gả cho Trương Phước Nhạc là Cai cơ thuyền Nghi Giang) lo việc quân nhu. Trần Hưng dẫn quân đánh úp, giết chết Phẩm và công chúa. Nguyễn Ánh tức giận, tự mang quân đến đánh, phe Hưng thua chạy. Tướng Xiêm là Vinh Li Ma ở đảo Cổ Long mang hơn chục chiến thuyền và 200 quân tới Hà Tiên theo Nguyễn Ánh. Có quân binh trong tay, Nguyễn Ánh cho tổ chức tầm 2-3 đợt cướp vùng Hà Tiên để kiếm khí giới và lương thực cho binh lính, nhưng cũng chính các hoạt động này khiến cho nơi trú ẩn của Nguyễn Ánh bị lộ.
Tháng 6 âm lịch, khi Nguyễn Ánh lui ra đóng ở tại đảo Điệp Thạch (hòn Đá Chồng) thuộc Phú Quốc thì một thống suất của quân Tây Sơn là Phan Tuấn Thuận bất ngờ kéo quân ra truy kích, tình thế bức bách khiến tướng Lê Phước Điển phải dùng kế hy sinh. Ông này mặc áo ngự đóng giả Nguyễn Ánh khiến Tây Sơn bắt nhầm. Nguyễn Ánh đi thuyền khác thoát chạy ra được đảo Côn Lôn trong khi các thuộc tướng khác đều bị Tây Sơn bắt và giết sau khi dụ hàng không được.
Tháng 7 âm lịch, dò biết được Ánh đang đóng ở ngoài đảo (là đảo nào thì sử liệu chép khác nhau: Huỳnh Minh ghi rằng Phú Quốc, Tạ Chí Đại Trường cho là Cổ Long còn Thực lục thì lại chép là Côn Lôn), Nguyễn Huệ sai phò mã Trương Văn Đa của Tây Sơn kéo quân vây đánh 3 vòng trùng trùng điệp điệp. Nhưng lúc này bất ngờ có bão biển, mây mù kín mít, các thuyền Tây Sơn phải giãn ra và một số bị đánh đắm. Nguyễn Ánh thừa cơ lên thuyền trốn và sau bảy ngày đêm lênh đênh trên biển, ông quay ra hòn Cổ Cốt rồi lại về Phú Quốc. Thời gian này, vì thiếu lương thực binh sĩ Nguyễn Ánh phải đi hái cỏ, tìm củ mà ăn. Có người đàn bà buôn bán ở Hà Tiên tên là Thị Uyển chở một thuyền gạo đến dâng. Thuyền Nguyễn Ánh gặp gió, buồm và cột buồm bị hỏng, lại có thuyền buôn đem lá buồm đến dâng.
Chính trong thời gian này, với những khó khăn gặp phải và mối quan hệ của Nguyễn Ánh với Bá Đa Lộc ngày càng thắt chặt, hình ảnh nước Pháp ngày càng lớn dần trong tâm trí của Nguyễn Ánh, kèm theo đó là lời bày của Bá Đa Lộc khiến Nguyễn Ánh bắt đầu nảy sinh ý định cầu viện Pháp. Hay tin Bá Đa Lộc đang ở Chan Bô (Chanthaburi, Xiêm La), Nguyễn Ánh mời đến Phú Quốc và nhờ ông này làm sứ giả nhằm nhờ nước Pháp mang quân sang giúp. Nguyễn Ánh giao cho Bá Đa Lộc một tờ quốc thư 14 khoản cầu viện Pháp và cả quốc ấn để vị Giám mục này được toàn quyền thay mặt Nguyễn Ánh sang Pháp cầu viện triều đình vua Louis XVI. Đi kèm với Bá Đa Lộc là con cả của Nguyễn Ánh là Nguyễn Phúc Cảnh (để làm con tin) và Phó vệ úy Phạm Văn Nhân và Cai cơ Nguyễn Văn Liêm. Bá Đa Lộc đưa Nguyễn Phúc Cảnh đi rồi, Nguyễn Ánh cũng từ biệt gia đình đi nơi khác.
Nguyễn Ánh vẫn tiếp tục tìm cách quay lại Gia Định qua cửa biển Ma Ly (một cửa biển xưa thuộc Bình Thuận ngày nay), Tây Sơn nghe tin liền đưa hơn 20 chiến thuyền đuổi bắt khiến ông phải giăng bồm chạy sang hướng đông, lênh đênh hơn 7 ngày đêm mới thoát được về Phú Quốc. Sau đó, Nguyễn Ánh cùng Cai cơ Võ Văn Chính quay về khu vực Long Xuyên (nay là Cà Mau) tập hợp quân đợi sẵn. Thuyền Nguyễn Ánh về tới cửa biển Đốc Công (sông Ông Đốc) bắt giết được tướng Tây Sơn là Quản Nguyệt. Việc này đánh động tới quân Tây Sơn, tháng 8 âm lịch năm đó, Lưu thủ Tây Sơn là Nguyễn Hóa đem 50 chiến thuyền ngầm phục kích Nguyễn Ánh ở của biển Đốc Công. Quân Nguyễn Ánh bắt được một chiến thuyền Tây Sơn và hay tin, vội chạy nhanh ra biển, Hóa đuổi theo không kịp. Lúc này anh em Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ đã về Quy Nhơn, để Gia Định lại cho Trương Văn Đa và Chưởng tiền Bảo giữ. Nguyễn Ánh chạy ra hòn Chông, rồi sang đảo Thổ Châu.
Cầu viện Xiêm La
Khi Bá Đa Lộc chưa kịp đi vì trái mùa gió thì Nguyễn Ánh liên tiếp gặp những thất bại trước quân Tây Sơn, do đó ông có ý chuyển sang cầu viện Xiêm La. Nguyên trước đó, khi Nguyễn Ánh còn phải lênh đênh trốn chạy, một tướng thân tín của ông là Châu Văn Tiếp chạy thẳng qua Xiêm cầu cứu.
Tháng giêng âm lịch năm 1784, Chưởng cơ Hồ Văn Lân đem quân sở bộ tiến đến đồn Tinh Phụ. Tôn Thất Hội nghe tin có viện binh đến, trổ vòng vây mà ra, thẳng tới sông Tân Hòa, hợp với quân Lê Văn Quân. Phò mã Tây Sơn là Trương Văn Đa đuổi đánh. Các tướng của Nguyễn Ánh thua chạy và tan rã, còn Lê Văn Quân chạy sang Xiêm.
Đến tháng 2 âm lịch năm Giáp Thìn (tháng 5 năm 1784), vua Xiêm La là Rama I cho tướng Thát Xỉ Đa đem thuyền sang Hà Tiên đón Nguyễn Ánh. Nguyễn Ánh, trước đó nhận được thư của Châu Văn Tiếp, tới Long Xuyên hội kiến tướng Xiêm rồi cùng 30 viên quan và mấy chục tướng sĩ theo sang Xiêm La hội kiến vua Xiêm tại Vọng Các (Bangkok) vào tháng 3 năm 1784 mà không màng việc thân tướng là Nguyễn Văn Thành hết sức can ngăn việc cầu viện nước ngoài.
Trước khi đi Xiêm, Nguyễn Ánh cho người đưa mẹ và vợ sang đảo Thổ Châu. Các thuộc hạ cùng đi sang Xiêm với Nguyễn Ánh là Tôn Thất Hội, Trương Phước Giáo, Hồ Văn Bôi, Lưu Văn Trung, Nguyễn Văn Trị, Nguyễn Văn Huấn, Trần Văn Xạ, Nguyễn Văn Tồn (người Khmer), Bùi Văn Khoan, Lê Thượng và Nội trù Nguyễn Văn Hội, hơn 30 người, quân theo cũng vài mươi người.
Tháng 3 âm lịch, Nguyễn Ánh tới Vọng Các. Vua Xiêm Rama I vốn từng giao ước với tướng Nguyễn Hữu Thụy của Nguyễn Ánh trước đây ở Chân Lạp và lại cũng đang e ngại sự lớn mạnh của Tây Sơn có thể tranh giành ảnh hưởng với Xiêm ở Lào và Chân Lạp, nên đồng ý giúp Nguyễn Ánh để phân tán lực lượng Tây Sơn. Ngoài ra, Nguyễn Ánh cũng trọng dụng con cháu còn sống sót ở Xiêm của Mạc Thiên Tứ, nhất là Mạc Tử Sinh.
Tháng 6, Nguyễn Ánh về đánh Gia Định. Vua Xiêm cử hai tướng là Chiêu Tăng, Chiêu Sương đem 2 vạn quân thủy cùng 300 chiến thuyền sang giúp. Ngoài ra còn có 3 vạn quân bộ tiến sang Chân Lạp với danh nghĩa giúp vua Chân Lạp, thực chất với ý đồ tạo gọng kìm phía Tây, chờ cơ hội tiêu diệt quân Tây Sơn. Tháng 7, liên quân Nguyễn Ánh - Xiêm La đánh bại đô đốc Tây Sơn là Nguyễn Hóa ở sông Trấn Giang, lấy được Rạch Giá, Ba Thắc, Trà Ôn, Mân Thít, Sa Đéc. Nguyễn Ánh cho Mạc Tử Sinh làm Tham tướng giữ Hà Tiên.
Tháng 10, Châu Văn Tiếp tử trận khi đánh nhau với quân Tây Sơn của Chưởng tiền Bảo tại Mân Thít. Lại thêm trong thế tiến quân nhanh chóng, quân Xiêm ỷ thế làm đủ điều tàn bạo với dân chúng khiến cho Nguyễn Ánh rất thất vọng. Tháng 11, Lê Văn Quân làm Khâm sai Tổng nhung Chưởng cơ, quân Nguyễn Ánh chiếm các đồn Ba Lai, Trà Tân. Thái giám Lê Văn Duyệt đến hội quân với Nguyễn Ánh. Tham tướng Mạc Tử Sinh giữ Trấn Giang, Tham tán Nguyễn Thừa Diễn giữ Bình Áo (Vũng Bèo). Riêng về phía Tây Sơn thì tướng trấn thủ Gia Định là phò mã Trương Văn Đa thấy quân Xiêm thế lực mạnh, bèn cố thủ tại Gia Định và sai người về Quy Nhơn báo.
Càng tiến vào sâu thì mâu thuẫn giữa quân Nguyễn, quân Xiêm và nhân dân Việt càng trở nên sâu sắc. Quân Xiêm cậy mình là kẻ có ơn cứu giúp Nguyễn Ánh nên đàn áp, cướp bóc nhân dân, khinh mạn cả Nguyễn Ánh và quân Nguyễn. Bởi vậy, trong thư đề ngày 25 tháng 1 năm 1785, Nguyễn Ánh đã than phiền với giáo sĩ J. Liot rằng:
Tháng 12, Nguyễn Nhạc sai Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ đem quân vào đánh. Quân Tây Sơn đánh thắng lẫy lừng trong trận Rạch Gầm – Xoài Mút. Chỉ một trận quyết chiến diễn ra không đầy một ngày đã tiêu diệt gần 2 vạn quân Xiêm cùng mấy ngàn quân Nguyễn Ánh, chỉ sót vài nghìn người chạy theo đường thượng đạo trốn về nước. Từ sau vụ việc này, Nguyễn Ánh không còn trông mong gì vào Xiêm nữa vì "họ (Xiêm La) sợ quân Tây Sơn như sợ cọp".
Trong tập Kỷ yếu Hội nghị khoa học lịch sử nhân kỷ niệm 200 năm ngày chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút tại Tiền Giang vào tháng 12-1984, trong đó bài tham luận của nhà sử học Phan Huy Lê đánh giá, nhận xét như sau:
"Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Xiêm được bọn phong kiến phản bội Nguyễn Ánh tiếp tay, là cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc… Quân xâm lược lại được Nguyễn Ánh dẫn đường và được các thế lực phong kiến phản động bên trong, nhất là tầng lớp đại địa chủ ở Gia Định ủng hộ. Thế mà với chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút, quân Tây Sơn đã nghiền nát quân cướp nước và bán nước bằng một trận tiêu diệt sấm sét... Đó là một chiến công lớn, oanh liệt đầu tiên của nhân dân miền Nam, bất chấp những khó khăn, phức tạp của hoàn cảnh lịch sử và sự phản bội của bè lũ phong kiến trong nước."
Các tướng Chiêu Tăng và Chiêu Sương chạy theo đường núi Chân Lạp mà về Xiêm. Nguyễn Ánh cùng Lê Văn Duyệt trốn đi Trấn Giang với vài chục người. Nguyễn Ánh sai Mạc Tử Sinh và Cai cơ Trung (cậu Châu Văn Tiếp) sang Xiêm trước báo tin, còn mình thì theo đường thủy qua đảo Thổ Châu rồi về Cổ Cốt với một nhóm nhỏ quân tướng. Thời gian này, cuộc sống của Nguyễn Ánh khốn khổ đến mức Nguyễn Văn Thành phải đi làm ăn cướp nuôi chủ và bị đánh suýt mất mạng.
Tháng 3 âm lịch năm 1785, quân Tây Sơn đuổi tới đảo Thổ Châu, Nguyễn Ánh chạy sang đảo Cổ Cốt, Cai cơ tên Trung đem binh Xiêm đến đưa Nguyễn Ánh về Vọng Các, Xiêm La. Tháng 4 âm lịch năm 1785, Nguyễn Ánh tới Xiêm, được vua Xiêm cho trú tại khu vực Samsen và Bangpho (trong tiếng Việt gọi là Đồng Khoai hoặc Long Kỳ, hiện nay đều thuộc nội thành Bangkok), tháng 5, Lê Văn Quân mang hơn 600 quân sang Xiêm hội quân với Nguyễn Ánh. Binh tướng từ Gia Định nghe tin kéo sang và lực lượng của ông tụ tập lại được khoảng 1000 người. Khi ở Xiêm, người Xiêm gọi Nguyễn Ánh là Ong Chiang Su (องเชียงสือ, Chiang Sue) tức Ông Thượng Sư, sau này nhiều tài liệu khác của Thái Lan cũng hay đề cập tới Nguyễn Ánh với tên này.
Lưu vong ở Xiêm
Sau một năm chuẩn bị, tháng 12 năm 1784 Giám mục Bá Đa Lộc cùng Nguyễn Phúc Cảnh và phái đoàn đem quốc thư của Nguyễn Ánh xuống thuyền đi Malacca rồi sang Pondichéry ở Ấn Độ (thuộc Pháp), còn Nguyễn Ánh đưa mẹ và vợ sang trú ở Long Kì (hay Đồng Khoai, Vọng Các).
Với số binh tướng từ Đại Việt mà Nguyễn Ánh thu nhặt được, ông cho tổ chức lại binh tướng trên đất Xiêm rồi lâu lâu cho quân đột kích về Gia Định. Tháng 2 năm 1786, Nguyễn Ánh cùng tướng Lê Văn Quân và Nguyễn Văn Thành giúp vua Xiêm Rama I đánh quân Miến Điện ở đất Sài Nặc. Vua Xiêm cảm tạ, định lại cho mượn quân sang đánh lấy lại Gia Định nhưng Nguyễn Văn Thành can ngăn nên Nguyễn Ánh từ chối. Tháng 3 năm 1786, Lê Văn Quân lại giúp Xiêm đánh quân hải tặc Mã Lai, nên Xiêm La rất hậu đãi.
Đầu năm 1787, có người Bồ Đào Nha tên Ăn Tôn Nui đến gặp Nguyễn Ánh dâng quốc thư và nói rằng Hoàng tử Cảnh có nhờ nước Bồ Đào Nha giúp, đã chuẩn bị được 56 tàu chiến ở Goa, mời Nguyễn Ánh sang đất thuộc địa của Bồ Đào Nha. Nguyễn Ánh có cử sứ giả đi thăm dò nhưng do thấy vua Xiêm không hài lòng nên rốt cục không hợp tác.
Cầu viện Pháp
Về Bá Đa Lộc, do một số vấn đề rắc rối tại Pondichéry, mãi đến tháng 2 năm 1787 Bá Đa Lộc và Nguyễn Phúc Cảnh mới tới hải cảng Lorient ở Pháp và mất một thời gian vận động, đầu tháng 5 năm 1787 họ mới được gặp vua Louis XVI. Ngày 28 tháng 11 năm 1787, tại cung điện Versailles, Bá Đa Lộc với tư cách là đại diện của Nguyễn Ánh đã ký với Thượng thư Bộ Ngoại giao Pháp là Armand Marc một bản hiệp ước "Tương trợ tấn công và phòng thủ" (thường gọi là Hiệp ước Versailles). Hiệp ước này gồm có 10 khoản, nội dung chính là về việc vua Pháp cam kết cung cấp cho Nguyễn Ánh 4 chiếc tàu chiến loại frégaté cùng 1.200 bộ binh, 200 pháo binh và 250 lính Cafres (lính da đen châu Phi) và các phương tiện trang bị vũ khí tương ứng; ngược lại Nguyễn Ánh chấp thuận nhường cửa biển Đà Nẵng và quần đảo Côn Lôn cho Pháp, cho phép người Pháp được quyền tự do buôn bán và kiểm soát thương mại của người nước ngoài ở Việt Nam, mỗi năm sẽ đóng trả cho Pháp một chiếc tàu giống với loại tàu Pháp viện trợ đồng thời cung cấp lương thực và quân nhu thiết yếu cho Pháp khi Pháp có chiến tranh với một nước khác ở khu vực Viễn Đông.
Các sử gia về sau cho rằng tuy là ký kết dưới danh nghĩa Nguyễn Ánh, nhưng người chịu trách nhiệm về việc soạn ra các điều khoản đặc biệt có lợi cho phía Pháp trong hiệp ước này có thể là Giám mục Bá Đa Lộc chứ không phải là chính bản thân Nguyễn Ánh; nếu không có lệnh đình chỉ việc thực thi điều ước thì khi trao đổi văn kiện chưa chắc Nguyễn Ánh đã chịu chấp nhận một hiệp ước bất bình đẳng như thế này. Nhưng dù như thế nào, Hiệp ước Versailles năm 1787 đã không thành hiện thực (do cuộc Cách mạng Pháp năm 1789 đã lật đổ Hoàng gia Pháp).
Tuy nhiên Hiệp ước Versailles vẫn trở thành một di họa đối với Việt Nam. Về sau, Pháp đã dựa vào hiệp ước này để làm cớ yêu cầu nhà Nguyễn cắt đất, và sau đó xâm lược Việt Nam vào năm 1858. Giáo sư Trần Văn Giàu nhận xét:
...đúng là sĩ quan Pháp đã giúp nhiều cho Nguyễn Ánh đánh Tây Sơn. Cho nên trong triều đình Huế, đến khi Gia Long lên ngôi, vẫn còn thấy mấy quan đại thần mắt xanh tóc đỏ. Khỏi phải nói trắng ra, các quan đại thần đó như Dayot, Chaigneau, Vannier… đều là tai mắt của Paris. Còn Paris thì các nhà cầm quyền từ Đệ nhất Đế chế đến Đệ tam Cộng hòa đều không lúc nào quên Hiệp ước Versailles 1787. Paris luôn nhắc nhở Huế cái hiệp ước “trời cho” ấy bằng đường ngoại giao và bằng đại bác của chiến hạm bắn lên Đà Nẵng. Cầu viện Pháp, Hiệp ước Versailles đã tạo thành một “nghiệp chướng” cho triều đình Nguyễn.
Sau này tác giả Faure chép truyện Bá Đa Lộc, có nuối tiếc rằng nếu Hiệp ước được Pháp thực hiện thì quân Pháp có thể chiếm được Việt Nam sớm hơn mấy chục năm:
“Nếu lúc ấy Chính phủ Pháp sẵn sàng giúp ông Bá Đa Lộc thì ông ấy đã giúp cho nước Pháp hoàn thành cuộc bảo hộ ở An Nam ngay từ cuối thế kỷ 18, để sau khỏi phải dùng đến chiến sự mới xong công việc”.
Về nước và củng cố thế lực
Chiếm lại Gia Định
Sau 3 năm lưu vong ở Xiêm, Nguyễn Ánh thấy vua Xiêm Rama I ngày càng tỏ ra không vừa lòng vì lực lượng quân Nguyễn trở nên quá mạnh, ông viết thư cảm ơn rồi ban đêm lặng lẽ trở về vùng Gia Định. Ngoài ra, cũng do khi này nội bộ Tây Sơn xảy ra tranh chấp giữa anh em Nguyễn Nhạc - Nguyễn Huệ khiến việc phòng bị ở Gia Định bị lỏng lẻo.
Theo John Crawfurd, vua Rama I chỉ giúp Nguyễn Ánh một ít quân, mà số quân Xiêm này lại tham tàn, gây hại cho đồng minh hơn là kẻ thù. Chưa kể, vua Xiêm đã lấy một người cháu gái của Nguyễn Ánh làm thiếp, nay lại muốn hoàng tử Cảnh làm phò mã nước Xiêm. Nguyễn Ánh khước từ chuyện thông gia đó và lẻn bỏ về Phú Quốc trong đêm. Người cháu gái của Nguyễn Ánh, làm thiếp vua Xiêm, là công nữ Nguyễn Phúc Ngọc Thông. Ngọc Thông là con gái Tôn Thất Xuân, trước theo Xuân trốn sang Xiêm, rồi Xuân bị vua Taksin giết; Ngọc Thông sau gả cho vua mới là Rama I.
Tháng 7 âm lịch năm 1787, nhân lúc nửa đêm, Nguyễn Ánh cùng gia quyến lên thuyền bỏ về hòn Tre (Trúc Dữ). Sau đó Nguyễn Ánh đi sang đảo Cổ Cốt rồi cho mẹ và vợ con ở đảo Phú Quốc. Nguyễn Ánh đi tiếp và chiếm đất Long Xuyên (Cà Mau). Tháng 9, Nguyễn Ánh tiến đến cửa biển Cần Giờ.
Trong lúc Nguyễn Huệ bận đối phó với quân Thanh tại Bắc Hà (1788-1789), vùng Gia Định dưới quyền Tây Sơn cũng không ổn định, quân Tây Sơn bị cô lập trước dân chúng địa phương vốn có nhiều cảm tình với Chúa Nguyễn nói chung và Nguyễn Ánh nói riêng. Tướng Tây Sơn giữ Long Xuyên là Chưởng cơ Nguyễn Văn Trương hàng quân Nguyễn. Nguyễn Ánh đồng thời lại thu nhận được nhiều binh lính ở địa phương; sau đó ông bèn bắt đầu tổ chức tấn công Tây Sơn.
Theo Tạ Chí Đại Trường thì Đông Định vương Nguyễn Lữ nghe tin Nguyễn Ánh trở về vội vã tránh đi nơi khác để Gia Định cho Phạm Văn Tham giữ. Sau đó khi thấy thế quân Nguyễn Ánh ngày càng mạnh, Nguyễn Lữ sợ hãi mang quân bản bộ rút chạy về Quy Nhơn. Theo Thực lục thì Nguyễn Lữ rút binh về Lạng Phụ (Biên Hòa) đắp lũy, Phạm Văn Tham ở lại giữ thành Sài Gòn, quân Nguyễn Ánh hạ thành không được. Nguyễn Ánh phải dùng kế ly gián Nguyễn Lữ và Phạm Văn Tham, Nguyễn Lữ mắc mưu rút về Quy Nhơn. Nguyễn Ánh đóng quân ở Hổ Châu (cù lao Hổ).
Mặc dù sau đó Phạm Văn Tham đã nỗ lực chống trả nhưng vì không nhận được viện binh, lại trúng mưu Nguyễn Ánh ly gián với Nguyễn Lữ và cuối cùng là cái chết vì bệnh của Nguyễn Lữ đã làm thế Tây Sơn ở Gia Định ngày càng yếu đi. Phạm Văn Tham vẫn cố đơn độc chiến đấu, nhiều lần đánh lui quân Nguyễn, có lần đã buộc Nguyễn Ánh và thuộc hạ phải chạy tới tận Cù lao Hổ (Hổ Châu). Tuy nhiên, ở sông Ba Việt, tướng Tây Sơn là Nguyễn Kế Nhuận mang 10 chiến thuyền đến hàng Nguyễn Ánh. Lê Văn Quân lại đánh thắng Tây Sơn ở sông Ba Lai rồi quân Nguyễn Ánh tiến chiếm Mỹ Tho. Nguyễn Ánh tìm cách củng cố thế đứng ngay khi chiếm được Mỹ Tho: ông cho thành lập các dinh trấn, cho các tướng quản lý, và tổ chức lại quân đội. Phạm Văn Tham tấn công Mỹ Tho, quân Nguyễn Ánh thua, chỉ còn hơn trăm người và vài chục chiến thuyền chạy về Hổ Châu. Nguyễn Ánh sai Nguyễn Văn Tồn chiêu dụ thêm người Khmer ở xứ Trà Ôn và Mân Thít để làm lính, gọi là đồn Xiêm binh (sau đổi thành đồn Uy Viễn).
Tháng 10 âm lịch năm 1787, Hồ Văn Lăn đánh Tây Sơn ở sông Lương Phú, Nguyễn Ánh kéo đến đóng quân ở sông Mỹ Lung. Phạm Văn Tham đến đánh Nguyễn Ánh không được, lui về đóng ở Ba Lai. Thái úy Tây Sơn là Nguyễn Văn Hưng từ Quy Nhơn mang hơn 30 chiến thuyền tới tiếp ứng cho Phạm Văn Tham. Phạm Văn Tham lại lui về đóng ở Mỹ Tho rồi về Sài Gòn.
Quân tướng theo Nguyễn Ánh ngày càng đông, Phạm Văn Tham vẫn cố chống cự để chờ viện binh, nhưng lúc đó Thái Đức Hoàng đế chỉ lo phòng bị người em Bắc Bình vương Nguyễn Huệ ở phía Bắc mà không đoái hoài đến việc cứu phía Nam.
Nguyễn Ánh đóng quân tại Nước Xoáy (Hồi Oa). Theo Huỳnh Minh, thời gian này ông cũng nhận được sự giúp đỡ mạnh mẽ hơn của người Pháp thông qua Giám mục Bá Đa Lộc. Tuy nhiên, theo Trần Trọng Kim và Đại Nam thực lục thì tới tháng 12 âm lịch năm 1787, Bá Đa Lộc mới cùng Hoàng tử Cảnh từ Pháp về nước, đến tháng 6 âm lịch năm 1789 mới đến Gia Định, khi đó đã thuộc hoàn toàn về tay Nguyễn Ánh.
Quân Tây Sơn ở Gia Định ngày càng thế cùng sức kiệt và không ngừng bị quân Nguyễn Ánh bao vây chia cắt, chiêu hàng tướng sĩ. Đến tháng 4 âm lịch năm 1788, Võ Tánh đem hơn 1 vạn quân theo Nguyễn Ánh. Nguyễn Ánh dời đồn đóng quân tới Bát Tiên (Vĩnh Long). Tháng 7, Nguyễn Ánh tiến quân đóng ở Ba Giồng. Tháng 8, Nguyễn Ánh từ Ba Giồng tiến đánh Gia Định, đến Nghị Giang thì bị Phạm Văn Tham dàn quân ở chợ Điều Khiển và chợ Khung Dung chống lại. Võ Tánh đánh vòng phía nam, thẳng vào Bến Nghé, Phạm Văn Tham rút qua cửa biển Cần Giờ bị Lê Văn Quân chặn đánh. Nguyễn Ánh lấy lại thành Gia Định và tổ chức lại công việc trong thành. Phạm Văn Tham rút ra cửa biển Hàm Luông rồi về Ba Xắc cố thủ. Đầu năm 1789, Phạm Văn Tham từ Ba Xắc định vượt biển về Quy Nhơn, Nguyễn Ánh cho Lê Văn Quân vây đánh ở Hổ Châu, Phạm Văn Tham phải trở lại Ba Xắc rồi sau đó đầu hàng Nguyễn Ánh. Tây Sơn lại mất Nam Hà, Nguyễn Ánh dẹp yên đất Gia Định. Đến tháng 9 năm 1789, Phạm Văn Tham bị giết.
Giúp đỡ của người Pháp
Ngày 27 tháng 12 năm 1787, Bá Đa Lộc cùng Nguyễn Phúc Cảnh rời Pháp và trở lại Pondichéry để đợi sự chi viện từ phía chính quyền Louis, nhưng ngày 14 tháng 7 năm 1789 các lực lượng dân chủ, cộng hòa Pháp đã làm cuộc cách mạng lật đổ vương triều Bourbon, thiết lập Đệ Nhất Cộng hòa, cộng thêm việc Bá tước nhận trách nhiệm chi viện là De Conway vốn có hiềm khích với Bá Đa Lộc đã tấu sàm, nước Pháp tỏ ra không muốn nhắc đến hiệp ước cũ nữa.
Chờ mãi không nhận được sự chi viện từ Bá tước De Conway, Giám mục Bá Đa Lộc đã tự quyên góp tiền từ các thương gia có ý định đặt cơ sở buôn bán ở Đại Việt cùng với số tiền 15.000 franc Pháp của gia đình mình cho, đem mua súng đạn và tàu chiến. Tháng 6 năm 1789, Bá Đa Lộc cùng Nguyễn Phúc Cảnh về đến Gia Định. Tiếp đó, các tàu buôn chở súng ống thuốc đạn cũng lục tục sang sau. Bấy giờ những người Pháp gồm Jean-Baptiste Chaigneau, Philippe Vannier, De Forcant, Olivier de Puymanel, Jean-Marie Dayot v.v.. cả thảy đến non 20 người theo Bá Đa Lộc sang gia nhập phe Nguyễn Ánh. Những người Pháp mà do Bá Đa Lộc chiêu mộ này ra sức giúp đỡ Nguyễn Ánh trong việc tiến hành du nhập kỹ nghệ, và xây dựng, sửa sang thành Gia Định, Vĩnh Long, Châu Đốc, Hà Tiên, Biên Hòa, Bà Rịa, huấn luyện cơ đội pháo thủ, tổ chức bộ binh và rèn luyện binh lính theo lối châu Âu, trung gian mua tàu chiến và vũ khí...
Việc Nguyễn Ánh ra sức củng cố Gia Định cộng thêm những sự giúp đỡ đó từ người Pháp đã giúp cho thế lực quân Nguyễn ngày càng mạnh, có thể đối đầu với Tây Sơn. Như sử gia Trần Trọng Kim có nhận xét: "Từ đó, thế lực của Nguyễn vương mỗi ngày một mạnh, tướng tá mỗi ngày một đông, lương thực nhiều, quân sĩ giỏi, việc đánh phá Tây Sơn đã chắc lắm rồi".
Các hoạt động giúp đỡ Nguyễn Ánh về mặt quân sự của Giám mục Bá Đa Lộc không phải là sự trợ giúp chính thức của chính phủ Pháp mà chỉ là hành động tự nguyện của một nhóm người theo sự vận động cá nhân của Giám mục. Thực tế này đã bị cuộc cách mạng 1789 ở Pháp biến thành một "sự nhập nhằng không rõ ràng" và những biến động liên tục của nước Pháp từ cuộc cách mạng này khiến hơn nửa thế kỷ sau nước Pháp luôn phải hoài nghi và nuôi hy vọng hão huyền về những quyền lợi tại Việt Nam mà họ nghĩ lý ra là họ phải được nhận. Chính phủ Pháp chỉ còn ghi nhớ hiệp ước 1787 về công cuộc trợ giúp của người Pháp đối với Nguyễn Ánh ở Việt Nam, ngoài ra không còn một bằng cớ xác đáng nào về vấn đề đó.
Cai trị vùng Gia Định
Tổ chức chính quyền và kinh tế
Khi vừa chiếm lại Gia Định, ông bắt đầu tổ chức lại chính quyền bằng cách lựa các viên tham mưu quân đội chuyển qua các bộ lập thành một triều đình, đồng thời cho tăng cường phát triển giáo dục, mở khoa thi, thu dùng các nhân sĩ người Việt và Minh Hương đã theo ông trước đó. Ngoài ra, nhiều sĩ phu lục tục ra giúp Nguyễn Ánh, trong đó nổi bật nhất là nhóm học trò của nhà nho Võ Trường Toản. Năm 1788, Nguyễn Ánh cho lập kho Bốn Trấn làm kho chung cho các trấn Phiên An, Biên Hòa, Vĩnh Thanh, và Định Tường để thu thuế và làm ngân quỹ cấp lương bổng cho quan lại. Đến tháng 6 năm 1789, ông đưa ra chính sách lấy sản xuất nông nghiệp làm trọng trên cơ sở số lớn đất đai phì nhiêu nhưng lại bị bỏ hoang nhiều vì cộng đồng di dân chưa định hình và chiến tranh liên miên ở vùng Gia Định. Nguyễn Ánh cho đặt nhóm quan điền toán gồm 12 người (một số vị nổi bật là Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Tòng Châu, Hoàng Minh Khánh) để đi bốn dinh miền Nam là Phiên Trấn, Trấn Biên, Trấn Vĩnh, Trấn Định đốc thúc nhân dân làm việc nông nghiệp, phàm ai lười biếng sẽ bị bắt sung quân. Ngoài ra, Nguyễn Ánh còn đề ra chính sách là nếu người hoặc nhóm người làm ruộng đất tốt thu trên 100 thùng lúa, còn ruộng đất xấu thu trên 70 thùng lúa thì sẽ được thưởng như sau: dân thường sẽ được miễn việc xâu (những việc quan lại cần nhân công địa phương làm như đào kênh, đắp thành) một năm; phủ binh thì sẽ được miễn đi đánh nhau một năm. Những người dân lậu (người không ở trong sổ bộ quản lý của địa phương) cũng có thể làm ruộng dưới sự quản lý của quan điền toán và được xem như là một người lính; nếu như họ thiếu vốn thì cũng có thể được cho vay trả sau. Từ tháng 10 năm 1790, binh lính cũng được huy động vào việc sản xuất nông nghiệp khi phép Ngụ binh ư nông được thi hành. Binh lính được khuyến khích cày cấy để tận dụng các mảnh đất bị bỏ hoang vì chiến tranh. Nhóm Trung Quân và các nhóm thủy quân được cử đến khai thác vùng Thảo Mộc Câu (sông Vàm Cỏ ngày nay) lập ra trại Đồn Điền dưới sự chỉ huy của Chánh cơ Nguyễn Bình. Trại này được nhà nước trợ cấp dụng cụ và giống cây, phần thu hoạch được sẽ sung vào kho công. Các quan địa phương khác cũng phải lập đội đồn điền và nộp thuế theo hạn mức 6 hộc lúa mỗi người trong đội; bất cứ ai tuyển được 10 người trở lên sẽ được làm quan quản trại và trừ tên trong sổ làng (tức là khỏi đi lính). Số lúa gạo thu được từ các đồn điền này được giữ trong một kho gọi là kho Tích Trữ (về sau đổi thành kho Đồn Điền hay Đồn Điền khố theo âm Hán-Việt).
Để có thêm lúa gạo phục vụ chiến tranh, Nguyễn Ánh cho đặt thêm thuế phụ ngoài thuế ruộng (thuế điền), một năm hai kỳ thu là thuế thị túc và thuế thị nạp. Mức thu như sau:
Năm 1792, từ 1 tới 5 phương lúa/người.
Năm 1799, vùng Bình Định và Phú Yên nộp 17 thăng gạo cho mỗi mẫu ruộng.
Năm 1800, mỗi người ở Gia Định nộp 2 phương gạo (riêng người già và tàn tật thì chỉ nộp một nửa). Ruộng mỗi mẫu sẽ nộp 1 phương gạo.
Tới năm 1791, Nguyễn Ánh cho đặt một lệ về việc khẩn hoang rằng 3 năm đầu từ ngày khẩn hoang sẽ miễn thuế. Ai muốn khẩn hoang phải nộp đơn trước 20 ngày, sau hạn này ruộng sẽ giao cho binh lính, dân chúng không được quyền tranh chấp nữa.
Các chính sách cải cách nông nghiệp này đã khiến việc sản xuất lúa gạo ở vùng Gia Định tăng cao và giúp rất lớn cho việc chiến tranh với Tây Sơn của Nguyễn Ánh. Thời gian này, ông có thể nuôi được một đội quân lên đến 30.000 lính và 1.200 thuyền chiến (ước tính năm 1800), cũng như đáp ứng nhu cầu quân nhu các lần ông đi đánh nhau với Tây Sơn ở Diên Khánh (năm 1795 và 1796) và Quy Nhơn (năm 1799) một cách "không hề thiếu thốn". Một chứng minh khác cho việc dư lúa gạo này là việc năm 1802 có nạn đói lớn ở Gia Định, Nguyễn Ánh lấy kho gạo quân ra phát cho dân và cho giảm thuế ruộng ở Gia Định. Cùng trong thời gian, khi nghe tin quân Thanh giúp Lê Chiêu Thống sang đánh Tây Sơn, Nguyễn Ánh từng sai Phạm Văn Trọng và Lâm Đồ mang thư và chở 50 vạn cân gạo ra giúp quân Thanh nhưng thuyền đi giữa đường bị đắm hết; cũng đồng thời bên Xiêm La có hạn hán, Nguyễn Ánh cho xuất 8.800 vuông gạo để giúp.
Ngoài gạo, chính quyền cũng chú trọng tới các mảng nông nghiệp khác, ví dụ như trầu cau dùng cho các dịp phong tục lễ tiết. Đặc biệt, Nguyễn Ánh rất quan tâm đến ngành trồng mía sản xuất đường vì đây là thứ hàng hóa quan trọng dùng để trao đổi buôn bán binh khí: ông đặt ra hạn định mỗi năm dân phải nộp 6000 kg đường, mặt khác cấp vốn cho dân sản xuất để rồi đến mùa cho thu mua hàng hóa với giá chợ. Chính sách này khiến cho sản lượng đường tăng lên trông thấy trong khi giá cả lại hạ xuống.
Từ khi quay trở lại Gia Định, Nguyễn Ánh cũng bắt đầu cho đưa các nhóm thợ thủ công ông đưa từ miền Trung Đại Việt vào. Năm 1791, Nguyễn Ánh quy hoạch lại nghề thủ công ở vùng Gia Định: ông cho quy hoạch ra 64 ty thủ công gồm đủ các loại ngành nghề được phân bố khắp các dinh. Khu vực Sài Gòn có sở Nhà Đồ gồm 22 ty trong đó có các ty thợ mộc, thợ sơn, thợ cưa (các ty này là cơ sở quan trọng cho Nguyễn Ánh phát triển thủy quân, ông đề ra chính sách đãi ngộ thợ trong các ty này như là lính chính thức, họ được ăn lương và miễn sưu thuế hằng năm; chỉ phải có lễ mừng cho các quan sở tại). Bên cạnh các ty, còn có tổ chức các đội chuyên trách phục vụ cho các ty và tổ chức gọi là "nậu" gồm dân thợ cùng nghề ở các vùng dân cư hẻo lánh, chưa nên thôn xóm. Đối với các "nậu", chính quyền chỉ kiểm tra và thu thuế và thành viên của các nậu chỉ phải trả thuế thân và nộp sản phẩm thay cho sưu dịch.
Việc mua bán với nước ngoài cũng được khuyến khích và kiểm soát chặt chẽ (nhất là đối với các mặt hàng có liên quan tới quân sự như kẽm, sắt, đồ đồng, diêm, lưu huỳnh, sắt, gang, chì đen) để có thêm nguồn tài chính và binh khí. Tất cả đều phải do nhà nước mua bán và quản lý, ai mua bán lén hoặc quan lại nào không kiểm soát được đều bị tội phạt nặng. Từ trước khi Nguyễn Phúc Cảnh về, Nguyễn Ánh đã đưa ra chính sách mời gọi thuyền nhà Thanh vào buôn bán; hễ thuyền nào có chở các thứ đã kể trên thì quan lại ở Gia Định sẽ mua rồi thanh toán lại bằng gạo tùy theo số hàng ít hay nhiều. Ngoài ra, Nguyễn Ánh còn thường xuyên cho thuộc cấp đi qua các khu vực do thực dân phương Tây kiểm soát gần Việt Nam để mua binh khí, trong đó quân Nguyễn thường xuyên lui tới nhất là các khu vực lãnh thổ phía Tây như Batavia, Malacca, Transquebar.
Mặt khác, Nguyễn Ánh còn gặp khó khăn với cư dân bản địa của vùng Gia Định là người Khmer vì họ thường xuyên nổi dậy, ông phải cho 2 tướng người Khmer của mình (một người là Nguyễn Văn Tồn) về coi các vùng có số dân Khmer đông để thiết lập các khu vực tự trị, đề ra các chính sách và luật lệ hạn chế xung khắc với người Việt, việc tương tự cũng diễn ra ở khu vực Hà Tiên. Nguyễn Ánh còn cho xây dựng các lũy đất phòng ngừa các nhóm người Khmer nổi dậy như: lũy Trấn Di ở Ba Trắc và lũy Thanh Sơn ở Ba Lai. Nguyễn Ánh vẫn cho các quan chức người Khmer quản lý các khu vực có đông người Khmer sinh sống để trấn an họ, cụ thể như Già Tri Giáp coi phủ Ba Xắc, Ốc Nha Trích coi phủ Trà Vinh. Năm 1791, Nguyễn Ánh lệnh cho người Hoa ở Long Xuyên ai làm ruộng không có đồ dùng thì nhà nước cho vay, ai không làm ruộng thì phải đi phu dịch. Người Khmer và người Hoa ở phủ Ba Xắc và Trà Vinh được phép khai hoang đất nhưng phải nộp thuế. Ở Ba Xắc, cho Ốc Nha Lá làm quan phủ cai quản người Khmer, Lâm Ngũ Quan cai quản người Hoa. Ở Trà Vinh, Lư Việt Quan cai quản người Hoa. Đồng thời, Nguyễn Ánh cũng cấm dân Việt tranh giành đất của người Khmer ở Ba Xắc và Trà Vinh. Ngoài ra thì chính sách đối xử cũng giống người Việt: cũng phải nộp thuế, đi lính.
Bên cạnh đó, ông cũng cho kiểm tra dân số để tiện việc bắt lính và thu thuế, đưa ra các chính sách chống trộm cướp và gìn giữ an ninh; các hình thức tệ nạn như phù thủy, đổ bác, đồng bóng, hát xướng đều bị cấm. Đồng thời ông cũng đưa ra chính sách hạn chế nấu rượu để tiết kiệm gạo và cho thuộc quan tổ chức các hoạt động mua vui cho dân chúng.
Chính sách quân sự và ngoại giao
Quân Tây Sơn vào thời gian này thường xuyên đột kích Gia Định để lấy lương thực vào mùa gặt. Vì vậy, hành động đầu tiên của Nguyễn Ánh sau khi chiếm được thành Gia Định là nhờ các sĩ quan Pháp trong quân đội mình xây dựng một tòa thành kiểu châu Âu trên đất Gia Định.
Tòa thành này bắt đầu được xây dựng vào năm 1789, do hai sĩ quan người Pháp là Theodore Lebrun và de Puymanel thiết kế với tổng nhân công xây dựng ước chừng 30.000 người. Việc xây dựng đã buộc quan lại Gia Định phải áp một mức thuế cao và các nhân công lao động bị ép phải làm việc tới mức cực hạn, khiến cho một cuộc nổi loạn đã nổ ra. Đến năm 1790, tòa thành hoàn tất với chu vi khoảng 4176 mét, xây theo kiểu Vauban, có ba mặt được sông nước che chở và có tên là Bát Quái. Sau đó, Nguyễn Ánh cho đặt Phiên An trấn thành Gia Định kinh (kinh thành hay thủ phủ Gia Định). Tòa thành Bát Quái này đã khiến cho Tây Sơn không bao giờ tìm cách chiếm lại Gia Định nữa, đem đến cho Nguyễn Ánh một lợi thế nhất định trước kẻ thù chính của ông. Nguyễn Ánh tỏ ra rất thích thú về mảng kỹ thuật xây thành quách của phương Tây, ông yêu cầu các sĩ quan Pháp đi về châu Âu để tìm và mang về cho ông các sách và nghiên cứu về chủ đề này.
Nhằm tăng cường quân đội, kinh tế và tăng sức phòng thủ, từ tháng 10 năm 1788, Nguyễn Ánh cho người bắt tráng đinh thành lập các phủ binh. Nhiều người Pháp được Nguyễn Ánh đưa vào huấn luyện quân đội; ví dụ như Jean-Marie Dayot được phái huấn luyện chiến thuật cho thủy binh. Và có khoảng tổng cộng 4 sĩ quan 80 binh sĩ người Pháp tham gia đánh trận, chủ yếu ở vai trò trợ chiến dưới sự chỉ huy của các tướng lĩnh người Việt. Đối với vũ khí mà các thuyền buôn của người Châu Âu mang đến, Nguyễn Ánh giao cho các quan chỉ huy quân sự ở Trấn Biên mua lại bằng đường cát.
Ở Cần Giờ, Đồng Tranh, Vũng Tàu, Nguyễn Ánh cho dựng các phong hỏa đài (các điểm cao đốt lửa thông báo khi có giặc để phòng bị). Các Thành Cá Trê, Thành Vàm Cỏ được xây lại, và các tướng thân cận được điều ra đóng quân và tuần tiễu ở các nơi. Kỷ luật quân đội được Nguyễn Ánh siết chặt và ông thực hiện chính sách luân chuyển "binh luôn theo tướng" để đảm bảo khả năng chỉ huy luôn ở mức tốt nhất. Ngoài ra, Nguyễn Ánh còn cho lựa ra các quân tinh nhuệ, hăng hái đánh kẻ địch của ông để luyện tập kỹ càng và trả lương hậu nhằm kiến tạo ra một đội quân riêng gọi là "quân chiến tâm", là nhóm tinh binh khi vào trận luôn phải xông lên tuyến đầu nếu lui chạy thì sẽ bị phạt theo quân pháp còn nếu bỏ trốn thì gia đình phải chịu tội liên đới. Bên cạnh đó, Nguyễn Ánh còn cho lập "Chế tạo cục" là một nhà máy diêm tiêu, đúc súng hỏa mai, đại bác đủ các kích cỡ phục vụ quân sự. Đến khoảng sau trận Thị Nại năm 1782, ông tìm cách củng cố tượng binh qua việc sai người đến Đồng Nai, Bà Rịa bắt voi, tăng cường trao đổi voi với các nước Chân Lạp và Xiêm; lấy từ dân cống nạp và thu từ các trận đánh với Tây Sơn. Mặt khác, ông rất quan tâm đến việc phong thưởng và đãi ngộ binh sĩ tử trận và có công để cổ vũ tinh thần quân lính: ông cho lập sở Hoạn dưỡng để chăm sóc thương binh, và xây các đền Hiển Trung, Sinh Trung để thờ cúng binh sĩ tử trận.
Nhận thấy địa thế Gia Định là sông ngòi, biển nhiều, đồng thời thiên nhiên cực kỳ ưu đãi các sản vật và tài nguyên cần thiết như dầu rái, trám, sơn và đặc biệt là gỗ; Nguyễn Ánh ra sức phát triển ngành đóng thuyền. Từ trước khi chính sách chính thức về "ty" và "nậu" ngành thủ công nghiệp, Nguyễn Ánh đã cho thành lập các nậu dầu rái, trám, sơn nhằm phục vụ cho ngành đóng thuyền: từ năm 1790 lệnh cho dinh Trấn Biên và Phiên Trấn mộ dân lập nậu dầu rái với định mức thuế 8 vò dầu, cho miễn lao dịch chỉ phải nộp thêm thuế thân; từ 1791 lệnh lập các nậu dầu rái ở đạo Long Xuyên với lệ thuế 5 vò dầu và 100 cây nến, miễn hẳn thuế thân. Đến năm 1799, ông thống nhất lệ thuế tất cả các vùng thành 6 vò dầu rái, 50 cây đèn cầy và nửa cây đèn lớn. Cũng cùng cách tổ chức cho các nậu dầu rái, Nguyễn Ánh từ năm 1790 cũng thành lập các nậu dầu trám với lệ thuế 800 cân dầu trám, 1 cây đèn lớn và 40 cây đèn nhỏ, cho miễn lao dịch chỉ phải nộp thuế thân. Các nậu buồm lá ở Trấn Biên và Phiên Trấn hằng năm phải nộp 80 bó buồm. Đối với gỗ, từ sau 1789, Nguyễn Ánh ra lệ thuế cho các quan coi đạo Trấn Biên, Trấn Định và Vĩnh Trấn phải dự trên số phu cục tượng và các đội nậu biệt nạp phải nộp như sau: 40 người phải nộp đủ gỗ đóng một chiếc sai thuyền; và kết quả của chính sách là đạo Long Xuyên nộp 10 chiếc, Kiên Giang 3 chiếc, và Trấn Giang là 5 chiếc. Để tăng năng suất lấy gỗ, Nguyễn Ánh cấp cho đội lấy gỗ 300 quan tiền mua 300 con trâu chuyên dùng kéo gỗ từ rừng Quang Hóa (Rừng Quang Hóa thuộc Tây Ninh ngày nay).
Có nguyên liệu rồi, Nguyễn Ánh ra sức đốc thúc đóng tàu: năm 1789 ông đóng được 40 chiếc thuyền và 100 chiếc thuyền biển; hai năm sau đóng thêm được 100 chiếc với gỗ ván lấy từ rừng Quang Hóa và rừng Chân Lạp. Đến năm 1793, Nguyễn Ánh cho mua hẳn một chiến hạm cũ của Châu Âu rồi sai người gỡ ra để sao chép lại. Nguyễn Ánh đích thân giám sát việc đóng những chiếc thuyền theo kiểu này. Nhờ tích cực vậy nên ngay cùng năm, quân Nguyễn đóng được những chiến hạm nổi tiếng là Long Ngư, Long Thượng, Long Hưng, Long Phi, Bằng Phi, Phụng Phi, Hồng Nhi, Loan Nhi, Ưng Nhi (trong này quan trọng nhất là ba chiếc Long Phi được trang bị đến 32 khẩu đại bác, Phụng Phi và Bằng Phi có 26 khẩu) với sức chứa trên 300 người mỗi thuyền. Những năm tiếp theo, Nguyễn Ánh vẫn tiếp tục kiên nhẫn cho đóng thêm thuyền như năm 1796 cho đóng thêm 15 chiến hạm hiệu là "Gia" và xếp theo tam tài cùng thập nhị chi: Thiên, Địa, Nhân, Tý, Sửu, Dần, Mão... cho đến Tuất, Hợi là đủ 15 chiếc. Đến năm 1800, cho đóng thêm 15 chiếc thuyền biển nữa và 1801 thì có thêm 200 hạm có tên là Anh, Vũ, Thước, Nga, Quyên, Phu, Lệ, Diên, Chiêu, Ly. Nhờ tích cực vậy, có khi mỗi 2 năm mà Nguyễn Ánh đóng thêm gần được 300 pháo hạm và 10 năm thì tổng số thuyền của Nguyễn Ánh lên được gần 1.200 chiếc.
Các chính sách phát triển kinh tế-quân sự này đã giúp rất lớn cho quân đội của Nguyễn Ánh, ông đã phát triển lên được một đội quân có thể cạnh tranh nổi với Tây Sơn: theo John Barrow, một quý tộc người Anh du lịch nhiều nơi và là kiểm toán viên tòa Đại sứ Anh Quốc tại Trung Quốc năm 1793, thì quân số của Gia Định đầu thế kỷ XIX lên tới 139.800 người. Thủy binh của Nguyễn Ánh cũng trở nên hùng mạnh và có ưu thế hơn hẳn so với thủy binh của Tây Sơn, chính điều này đã giúp Nguyễn Ánh có khả năng vượt biển đánh thẳng vào cảng Quy Nhơn của Tây Sơn các năm 1790, 1797, 1798; và Nha Trang vào năm 1793, với trận quyết định tại Thị Nại năm 1801. Cho đến khi kết thúc chiến tranh, Nguyễn Ánh có một số thuyền hùng hậu lên tới 100 chiến hạm, 800 pháo hạm và 500 bán pháo hạm.
Tới lúc này, đối với nước Pháp, Nguyễn Ánh bắt đầu tìm đối sách về mặt ngoại giao: khoảng năm 1790, ông viết quốc thư với đại ý "cảm ơn nước Pháp", nhưng ông không còn cần họ giúp theo hiệp ước Versailles năm 1787 đã ký trước đây nữa. Đồng thời với việc trên là công cuộc giao thiệp với ba nước lớn Xiêm La, Chân Lạp, Vạn Tượng: ông cho quân chiếm đóng Chân Lạp, giữ quan hệ hòa hiếu với Xiêm La để yên ổn với Vạn Tượng (khi này trong tầm khống chế của Xiêm La), ngoài ra còn có quan hệ với một ít quốc gia nhỏ khác. Kết quả là cả ba quốc gia lớn đều có sự giúp đỡ ít nhiều cho Nguyễn Ánh trong cuộc chiến của mình.
Năm 1789, khi nghe tin Lê Chiêu Thống mời quân Thanh sang đánh Tây Sơn, Nguyễn Ánh sai Phạm Văn Trọng và Lâm Đồ mang thư khích lệ và chở 50 vạn cân gạo ra giúp quân Thanh, nhưng thuyền đi giữa đường bị đắm hết.
Thuế khóa và lao dịch
Để có chi phí cho các hoạt động quân sự chống lại nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh áp mức thuế và lao dịch rất nặng lên người dân. Theo ý kiến của một nhà nghiên cứu phương Tây hiện đại là Georges Dutton, người dân vùng Gia Định dưới sự cai trị của Nguyễn Ánh trong thời kỳ này phải chịu mức thuế khóa và lao dịch rất nặng, khiến họ trở nên chán ghét Nguyễn Ánh
"...Những người dân đang sống dưới quyền kiểm soát chính trị của chính thế lực nhà Nguyễn ở sâu trong miền nam... mong đợi được giải thoát khỏi họ. Đến cả Pigneau de Behaine (Bá Đa Lộc), ủng hộ viên người Âu nhiệt tình nhất của Nguyễn Ánh, vào năm 1791, cũng đề cập đến điều này, khi ông viết về tình cảnh ngày càng không chịu đựng nổi của những người dân Việt sống trong vùng nhà Nguyễn kiểm soát."
"... sau đó (khi họ Nguyễn lại kiểm soát Nam Bộ), hoàn cảnh sống của người dân dưới chính thể nhà Nguyễn vẫn chẳng hề được cải thiện; điều này được mô tả trong thư của một nhà truyền giáo người Pháp khác, rằng "hai năm vừa qua, mọi người đều phải đi làm việc công ích, và [người ta] không bận tâm với bất kì điều gì khác ngoài việc tìm cách để sống sót, đau khổ đã trở nên đến cực điểm"."
Trong thư gửi cho M. Létondal ngày 14/9/1791, giám mục Bá Đa Lộc viết:
“… Ông ta (Nguyễn Ánh) bắt dân đóng thuế và làm dịch vụ nặng nề, và lúc này, dân chúng bị nạn đói đe dọa nên họ có vẻ mong quân Tây Sơn đến. Trong tình trạng hiện thời, nếu chúng (Tây Sơn) quả quyết đến tấn công, thì nhà vua khó có thể đương đầu lại được..."
Chiến tranh thống nhất (1790-1802)
Tây Sơn suy yếu
Tháng 4 âm lịch năm 1790, Nguyễn Ánh sai Lê Văn Quân mang 6.000 quân thủy bộ ra đánh chiếm được Phan Rí và Bình Thuận. Sau đó, Lê Văn Quân đóng giữ Phan Rang, Nguyễn Văn Thành giữ Chợ Mơ (Mai Thị), Võ Tánh giữ Phan Rí. Nguyễn Ánh sau đó gọi Nguyễn Văn Thánh và Võ Tánh rút binh về. Tháng 6 âm lịch năm 1790, Đô đốc Tây Sơn là Hồ Văn Tự mang hơn 9.000 quân vây đánh Phan Rang, Lê Văn Quân phải về Ỷ Na cố thủ, cầu cứu Nguyễn Ánh. Tháng 7 cùng năm, quân Tây Sơn bao vây Lê Văn Quân và Nguyễn Văn Thành trong thành Phan Rí, Nguyễn Ánh lệnh cho Nguyễn Huỳnh Đức và Võ Tánh giải cứu. Sợ Tây Sơn lại đánh Bình Thuận, Nguyễn Ánh cho rút quân về Gia Định, cho Lê Văn Quân về giữ Hưng Phước.
Đến năm 1792, Quang Trung sai cướp biển Tề Ngôi quấy phá vùng biển Bình Khang, Bình Thuận để quân Nguyễn Ánh phải phòng bị. Tháng 6 năm 1792, Nguyễn Ánh dò biết Nguyễn Nhạc tập trung nhiều chiến thuyền ở của biển Thị Nại mà ít phòng bị, liền lợi dụng mùa gió Nam, ông cho hai tướng Nguyễn Văn Trương, Nguyễn Văn Thành và hai sĩ quan đánh thuê người Pháp là Dayot và Vannier đi trước, tiến quân đánh và đốt phá thủy trại Tây Sơn tại Thị Nại rồi rút về, tháng 7 thì Nguyễn Ánh lại đến đóng ở Phan Rang, sau lại về Gia Định.
Sau khi chiến thắng quân Thanh, vua Quang Trung chuẩn bị phối hợp với Nguyễn Nhạc đem quân vào Nam đánh Gia Định nhằm triệt để đánh bại thế lực của Nguyễn Ánh, thu phục miền Nam bộ và thống nhất đất nước. Quang Trung dự định phát động chiến dịch rất lớn, huy động hơn 20-30 vạn quân thủy bộ, chia làm ba đường. Chính các giáo sĩ Pháp giúp Nguyễn Ánh lúc đó cũng rất lo lắng và dự liệu Nguyễn Ánh khó lòng chống lại được Tây Sơn trận này. Trong thư gửi cho M. Létondal ngày 14/9/1791, giám mục Bá Đa Lộc viết:
“… Nhà vua đã không biết lợi dụng cơ hội mà ông ta có được để đánh bại kẻ thù, mà lại để chúng có thì giờ hoàn hồn và chúng thấy rõ tất cả những đồn đại về việc người Âu đến giúp chỉ là chuyện hão. Ông ta (Nguyễn Ánh) bắt dân đóng thuế và làm dịch vụ nặng nề, và lúc này, dân chúng bị nạn đói đe dọa nên họ có vẻ mong quân Tây Sơn đến. Trong tình trạng hiện thời, nếu chúng quả quyết đến tấn công, thì nhà vua khó có thể đương đầu lại được... Tôi rất sợ không đi kịp trước khi tai họa xảy ra cho nhà vua, nếu có sự ấy".
Tuy nhiên vận may lại đến với Nguyễn Ánh khi vua Quang Trung đột ngột qua đời (1792), con là Nguyễn Quang Toản còn nhỏ tuổi lên nối ngôi, hiệu là Cảnh Thịnh. Quang Toản còn quá nhỏ (9 tuổi) nên không đủ sức lãnh đạo, khiến cho Tây Sơn bắt đầu khủng hoảng và chia rẽ. Loạn lạc liền nổ ra ở Bắc Hà: sĩ phu trung thành với nhà Lê nổi lên tôn Lê Duy Cận (Thực lục ghi là Lê Duy Vạn, con Lê Hiển Tông) làm minh chủ, Duy Cận liên lạc với Nguyễn Ánh để cùng đánh Tây Sơn, việc này góp phần làm cho nhà Tây Sơn nhanh chóng suy yếu. Nội bộ Tây Sơn xảy ra tranh chấp, quyền hành rơi vào tay ngoại thích Bùi Đắc Tuyên. Nguyễn Nhạc lại nghi ngờ Quang Toản, càng tạo thuận lợi cho Nguyễn Ánh. Nhân vào thế đó, Nguyễn Ánh ra sức mở các đợt tấn công ra Quy Nhơn theo nguyên tắc đã định trước đó: "Gặp nồm thuật thì tiến, vãn thì về, khi phát thì quân lính đủ mặt, về thì tản ra đồng ruộng".
Dân chúng vùng miền Trung khi này, sau nhiều năm mệt mỏi bởi chiến sự liên tục, nay lại thấy vua Quang Trung mất đột ngột, nhà Tây Sơn bị lục đục nội bộ nên cũng mâu thuẫn trong việc nên ủng hộ Nguyễn Ánh hay Tây Sơn. Một số quay sang ủng hộ Nguyễn Ánh, trong dân gian lưu truyền một câu ca dao lục bát: "Lạy trời cho cả gió nồm,/Để cho chúa Nguyễn kéo buồm thẳng ra". Số khác thì vẫn ủng hộ nhà Tây Sơn, thể hiện qua câu ca dao: "Lạy trời cho cả gió lên,/Cho cờ vua Định phất trên kinh thành" (Định ở đây là Bình Định, nơi phát tích nhà Tây Sơn, và kinh thành ở đây là Phú Xuân - Huế). Việc tồn tại 2 câu ca dao trái ngược nhau cho thấy lòng dân khi đó khá mâu thuẫn về việc nên ủng hộ bên nào.
Chiến trận giằng co
Tháng 4 âm lịch năm 1793, Nguyễn Ánh cùng các tướng Võ Duy Nguy, Nguyễn Văn Trương, Võ Tánh, Nguyễn Huỳnh Đức, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Phước Hội, Philippe Vannier, Nguyễn Văn Hòa, Chưởng cơ Cố đem đại quân tiến đánh, lần lượt chiếm được Phan Rang, Nha Trang, Diên Khánh, Phú Yên rồi tranh thủ đánh Thị Nại, tới tận thành Quy Nhơn của Nguyễn Nhạc. Nguyễn Nhạc cho con là Nguyễn Văn Bảo ra chống giữ và cầu cứu Phú Xuân.
Tháng 8 âm lịch năm 1793, Quang Toản sai Ngô Văn Sở, Phạm Công Hưng, Đô đốc Hố và Chưởng cơ Thiêm (Thực lục ghi là Thái úy Nguyễn Văn Hưng, Hộ giá Nguyễn Văn Huấn, Tư lệ Lê Trung, Tư mã Ngô Văn Sở, Đô đốc Hố và Chưởng cơ Thiêm) đem 17.000 quân, 80 thớt voi và 30 chiếc thuyền chia nhiều đường tiến vào cứu, quân Nguyễn Ánh rút lui. Trên đường về Gia Định, Nguyễn Ánh sai quân đắp thành Diên Khánh để Nguyễn Văn Thành giữ, còn Bình Khang để Nguyễn Huỳnh Đức giữ. Đến tháng 11 âm lịch năm 1793, Nguyễn Ánh lại sai con là Đông cung Thái tử Cảnh ra giữ Diên Khánh, gọi Thành và Đức về. Cùng thời gian, quân Phú Xuân của Tây Sơn nhân dịp đánh chiếm luôn đất đai, kho tàng của Nguyễn Nhạc ở thành Quy Nhơn. Lúc đó Nguyễn Nhạc đang bệnh trên giường, nghe tin tài sản của con mình là Quang Bảo bị chiếm mất, uất quá thổ huyết mà qua đời. Quang Toản cho an trí Quang Bảo ra huyện Phù Ly, còn mình thì cai quản luôn toàn bộ đất đai của vua bác.
Cũng trong thời gian này, Nguyễn Ánh sử dụng mối quan hệ hữu hảo của mình với vua Xiêm để mở thêm một cánh quân từ phía Tây: Nguyễn Ánh yêu cầu vua Xiêm cho Nguyễn Văn Thoại (vốn đang đi sứ ở Bangkok) sang Vạn Tượng nhằm cùng với nước này phối hợp đánh Tây Sơn và vua Xiêm đồng ý. Đến khoảng năm 1793, vua Xiêm cho phép Nguyễn Ánh đưa quân vào Vạn Tượng để tạo thêm nghi binh áp lực đối với khu vực trấn Nghệ An của Tây Sơn. Thời gian sau, tướng Nguyễn Văn Thoại cùng với vua Vạn Tượng Inthavong (Chiêu Ấn trong tiếng Việt) đã rất thành công trong kế hoạch quấy rối Tây Sơn từ phía Tây (tuy nhiên việc này cũng khiến Xiêm trở nên nghi ngờ mối quan hệ Vạn Tượng-Nguyễn Ánh)..
Tháng 3 âm lịch năm 1794, Quang Toản sai Phạm Văn Hưng và Trần Quang Diệu vào Quy Nhơn. Quân Nguyễn ban đầu gặp Tây Sơn là rút chạy khiến cho Tây Sơn tiến quân nhanh chóng: Tây Sơn đánh được tới tận vùng Ba Ngòi, Khánh Hòa và sau đó là thủy bộ phối hợp vây thành Diên Khánh (khi này do Nguyễn Phúc Cảnh và Bá Đa Lộc trấn giữ). Nguyễn Văn Hưng dẫn hơn 40.000 quân bộ tiến đánh Phú Yên, Trần Quang Diệu mang thủy quân đánh Nha Trang. Dựa vào thế thành kiểu mới vững chãi và việc Tây Sơn không có vũ khí công thành hiệu quả, quân Nguyễn thực hiện nội công ngoại kích khiến cho Tây Sơn bị tiêu hao nhiều sinh lực và buộc họ phải rút lui vào ngày 23 tháng 5. Thấy thế, Nguyễn Ánh liền cho quân đuổi theo truy kích tới tận đầm Thị Nại, nơi thủy binh của ông chiếm ưu thế và dồn ép mạnh quân Tây Sơn. Ngoài ra, một số cánh quân Nguyễn khác gồm cả thủy lẫn bộ đánh trận ở nhiều nơi, trong đó họ thắng vài trận quan trọng ở núi Chúa (nay thuộc Ninh Thuận) và Đại Cổ Lũy (Quảng Ngãi) nhưng chẳng thể giữ lâu vì sức của quân Tây Sơn vẫn còn mạnh.
Tháng 8 âm lịch năm 1794, Nguyễn Ánh cho Thái tử Cảnh về Gia Định, tháng 9, Nguyễn Ánh cũng về Gia Định, để một mình Võ Tánh ở lại giữ Diên Khánh. Tháng 11 âm lịch năm 1794, Trần Quang Diệu kéo quân bao vây thành Diên Khánh còn Lê Trung cắt đường tiếp viện cho Võ Tánh tại Bình Thuận. Đến năm 1795, Tây Sơn phản công, họ cho quân nhiều lần vào đánh Phú Yên, vây thành Diên Khánh lần nữa, và còn tìm cách mua chuộc Xiêm La với mục đích cô lập Nguyễn Ánh. Tây Sơn định dùng kế "viễn giao cận công" (hòa xa đánh gần) nên mời Xiêm La hợp tác. Tuy vậy, Nguyễn Ánh và vua Xiêm Rama I vốn có quen biết từ lâu nên định hợp sức lừa lại Tây Sơn, cùng phối hợp, quân Xiêm đánh đường núi, quân Nguyễn đánh đường thủy, giành lấy Phú Xuân, cô lập Quy Nhơn. Kế hoạch này không thành vì Xiêm bận đối phó quân Miến Điện.
Quân Nguyễn dẫu lâm vào thế phòng thủ cũng ra sức chống cự, nhiều lần kìm hãm, thậm chí là đánh lại được quân Tây Sơn nhưng vẫn không ngăn được dòng tiến quân của Tây Sơn. Tướng Lê Trung tiến sâu vào lãnh thổ của quân Nguyễn, đánh chiếm được đến tận Phan Rí. Tháng 2 âm lịch năm 1795, Nguyễn Ánh ra sức phản công: cho Thái tử Cảnh giữ Gia Định, ông chia các tướng trấn giữ nhiều nơi nhằm kiềm hãm Tây Sơn rồi tự mình đem binh đi cứu Diên Khánh, có lúc đánh ra tận Phú Yên để tạo gọng kiềm kẹp quân Tây Sơn. Mặc cho cố gắng vậy, cho tới thời điểm tháng 4 năm 1795, mọi nỗ lực của quân Nguyễn đã không thể phá được Tây Sơn mà chỉ tạo ra thế giằng co qua lại. Chiến cục giằng co này đặc biệt rõ ở các khu vực Ninh Thuận - Khánh Hòa; trong khi thành Diên Khánh vẫn bị Tây Sơn vây chặt.
Tuy nhiên, chính lúc này nội bộ Tây Sơn lại nổ ra mâu thuẫn, các tướng tranh quyền: Tư khấu Võ Văn Dũng giết Thái sư Bùi Đắc Tuyên và Ngô Văn Sở trong khi Quang Toản bất lực không làm gì được. Lê Trung, người đang giữ Phan Rí, lại thuộc phe Bùi Đắc Tuyên nên Võ Văn Dũng sai Nguyễn Văn Huấn đem quân vào tìm cách trị tội. Lê Trung sau đó rút về hội quân với Quang Diệu để vây Diên Khánh. Việc này khiến Trần Quang Diệu dù đang đánh trận cũng đành rút quân chủ lực về Quy Nhơn giải quyết. Được dịp, quân Nguyễn ra sức tiến quân và giải vây được cho Diên Khánh, đồng thời đánh chặn đường rút của Trần Quang Diệu khiến cho quân Tây Sơn phải khó khăn lắm mới rút đi được. Khi Quang Diệu về tới nơi thì nảy sinh mâu thuẫn, suýt đánh nhau với Võ Văn Dũng. May nhờ Quang Toản sai Phan Huy Ích ra khuyên giải thì cả hai tướng mới đồng ý hòa. Các tướng Tây Sơn chia làm bè phái, gọi là tứ trụ. Nhưng ngay sau đó Quang Toản lại nghe lời gièm pha tước mất binh quyền của Trần Quang Diệu. Tây Sơn từ đó cứ lục đục mãi, các quan tướng nghi kị giết hại lẫn nhau tạo thêm thuận lợi cho Nguyễn Ánh.
Tháng 8 âm lịch năm 1795, Nguyễn Ánh cho Tôn Thất Hội ở lại giữ Diên Khánh, còn mình kéo hết quân về Gia Định.
Tháng 3 âm lịch năm 1797, Nguyễn Ánh dẫn đại quân ra đánh Quy Nhơn. Nguyễn Văn Trương đánh được Tây Sơn ở Phú Yên, còn Võ Tánh và Nguyễn Văn Thành đánh chợ Hội An (có lẽ chợ Hội An thuộc Phú Yên chứ không phải Hội An ở Quảng Nam), riêng Nguyễn Ánh ra tận Quy Nhơn giao tranh với Lê Trung tại Thị Nại thu được nhiều khí giới. Nhưng khi tới Quy Nhơn thấy thế Tây Sơn thủ mạnh quá, Nguyễn Ánh vòng lên đánh Đà Nẵng rồi Hải Vân. Quân Nguyễn định đánh lấy Chiêm Dinh (dinh Quảng Nam), quân Tây Sơn tập trung đông ở Đà Nẵng để phòng giữ. Nhưng được mấy tháng, quân Nguyễn lại rút về vì thuyền chở quân lương từ Gia Định bị ngược gió không lên kịp. Thời gian này, Nguyễn Ánh cho người dụ hàng Quang Bảo nhưng việc chưa thành thì Quang Toản ra tay trước, bắt và giết được Quang Bảo. Tuy nhiên, Tây Sơn lại rơi vào lục đục, Quang Toản nghi ngờ giết hại nhiều triều thần, võ tướng, khiến cho sức chiến đấu suy giảm, thêm nhiều người sang hàng Nguyễn Ánh.
Trên mặt trận ngoại giao, Nguyễn Ánh vẫn giữ áp lực với Tây Sơn nhằm cô lập họ: ông vẫn giữ liên lạc và giao thiệp thường xuyên với Rama I nhằm thông báo tình hình với vua Xiêm. Tháng 8 năm 1797, Nguyễn Ánh sai Trần Phước Chất sang Xiêm bàn việc phối hợp với quân Xiêm đánh Nghệ An, Thuận Hóa bằng đường thượng đạo từ Vạn Tượng. Tháng 2 năm 1798, ông sai Nguyễn Huỳnh Đức, Nguyễn Văn Trương dẫn thủy quân sang giúp Xiêm đánh Miến Điện và bàn việc quân. Tháng 2 năm 1799, Nguyễn Ánh sai Nguyễn Văn Thụy (Thoại) và Lưu Phước Tường sang Xiêm La, nhờ Xiêm cho một đạo quân Chân Lạp và Vạn Tượng đi đường núi đến sát biên giới Nghệ An để nghi binh và vua Xiêm đồng ý làm theo. Đồng thời, theo kế của Nguyễn Văn Thành và Đặng Trần Thường, Nguyễn Ánh còn cho sứ đi ngoại giao với nhà Thanh, với mục đích lợi dụng mâu thuẫn và thù hằn của quốc gia này với Tây Sơn, và cả sự có mặt của Lê Chiêu Thống ở Trung Quốc để khiến nhà Thanh giúp mình. Nhưng việc không thành do khi sứ của Nguyễn Ánh là Ngô Nhơn Tĩnh và Phạm Thận sang đến nơi thì Lê Chiêu Thống đã mất.
Hạ thành Quy Nhơn
Tháng 3 âm lịch năm 1799, Nguyễn Ánh lại tự cầm đại quân đi đánh thành Quy Nhơn, quân Nguyễn lợi dụng lúc này Tây Sơn đang lục đục để tiến quân nhanh chóng, đánh chiếm các vùng xung quanh rồi tới vây thành Quy Nhơn, riêng Nguyễn Ánh dựa thế thủy binh có lúc tiến ra tận Quảng Ngãi. Đô đốc Tây Sơn là Lê Chất hàng Nguyễn Ánh. Tuy Quang Toản ngay lập tức sai Trần Quang Diệu và Vũ Văn Dũng đem quân vào cứu nhưng việc này không hiệu quả lắm do bị quân Nguyễn chặn đánh gắt gao. Tháng 6 âm lịch năm 1799, Võ Văn Dũng và Trần Quang Diệu tiến quân tới Quảng Ngãi, Lê Văn Duyệt và Tống Viết Phước chặn lại ở Tân Quan. Diệu và Dũng định phối hợp đánh úp quân Nguyễn lúc nửa đêm, không ngờ có người gặp con nai kêu lên, quân Tây Sơn tưởng bị quân Đồng Nai (quân Nguyễn) phục kích, đội hình tan vỡ, bị quân Nguyễn truy sát. Lương thiếu mà chờ mãi không có viện binh, các quan tướng giữ thành Quy Nhơn của Tây Sơn là Vũ Tuấn, Lê Văn Thanh, Trương Tấn Thúy và Nguyễn Đại Phác cầm hơn 1 vạn quân mở cổng thành đầu hàng.
Sau khi chiếm được thành Quy Nhơn, Nguyễn Ánh bèn đổi tên Quy Nhơn thành Bình Định, rồi cho quân tới trấn giữ thành. Đồng thời, Nguyễn Ánh cũng tìm cách thu phục dân chúng vùng Quy Nhơn vì ông biết rất rõ đây là đất phát tích của Tây Sơn: ông tiếp tục chính sách tha thuế của Tây Sơn, trọng dùng hàng binh và ra tay trừng phạt nặng các tướng lĩnh dưới quyền hà hiếp dân chúng vùng này.
Cũng vì Quy Nhơn mang tính đất tổ, Tây Sơn ngay lập tức tìm cách chiếm lại. Cuối năm 1799, hai đại tướng Tây Sơn là Thiếu phó Trần Quang Diệu và Tư đồ Vũ Văn Dũng đã kéo quân bộ và thủy vào đánh thành Bình Định, hai ông tiến quân nhanh chóng vì quân phòng thủ Nguyễn do Võ Tánh chỉ huy chống không nổi cộng thêm nhiều hàng tướng hàng binh của Tây Sơn trong hàng ngũ quân Nguyễn liên tục ra hàng Tây Sơn như Phạm Văn Điềm phản lại quân Nguyễn, chiếm Phú Yên. Đến tháng 1 năm 1800, quân Tây Sơn bắt đầu vây thành Quy Nhơn, Trần Quang Diệu đóng bộ binh ở Thạch Tân, Vũ Văn Dũng đóng thủy quân ở cửa biển Thị Nại. Nguyễn Ánh liền cho quân ra cứu nhưng không tiến được do bị bộ binh Tây Sơn chặn lại, ông thấy thế bèn chia quân đi đánh các nơi. Tháng 2 âm lịch năm 1800, Nguyễn Ánh lệnh cho Chân Lạp đưa 5.000 lính và voi sang giúp, tháng 5 thì tới. Tháng 6 âm lịch năm 1800, hai tướng Nguyễn là Nguyễn Văn Thụy và Lưu Phước Tường phối hợp với quân Vạn Tượng đánh xuống Nghệ An và Thanh Hóa gây cản trở quân Tây Sơn ở phía Bắc.
Trận Thị Nại
Tháng 1 âm lịch năm 1801, Nguyễn Ánh cho thủy quân tấn công Thị Nại, tiêu diệt hoàn toàn thủy quân Tây Sơn do Vũ Văn Dũng chỉ huy. Tuy nhiên, Tây Sơn vẫn còn vây chặt thành Bình Định. Nhận thấy quân Tây Sơn vây Quy Nhơn còn mạnh, Nguyễn Ánh cho người lẻn mang thư đến bảo tướng quân Nguyễn giữ thành là Võ Tánh mở đường máu mà trốn ra nhưng Võ Tánh kiên quyết tử thủ để tạo đều kiện cho Nguyễn Ánh đánh Phú Xuân, chính việc này khiến thời gian hai đại tướng Tây Sơn bị cầm chân lên hơn một năm. Nhận thấy tinh binh Tây Sơn đều tập trung cả ở chiến trường Quy Nhơn nên Nguyễn Ánh mang quân chủ lực vượt biển ra đánh phía bắc. Tháng 3, quân Nguyễn chiếm được Quảng Nam. Ngày mồng 1 tháng 5 âm lịch năm 1801, Nguyễn Ánh kéo quân đánh nhau dữ dội với Tây Sơn ở cửa Tư Dung. Đến mùng 2, quân Nguyễn đụng độ và bắt được Phò mã Tây Sơn Nguyễn Văn Trị và Đô đốc là Phạm Văn Sách, rồi tiến vào cửa Eo, Quang Toản bỏ chạy ra Bắc Hà. Đến ngày 3, Nguyễn Ánh giành được Phú Xuân. Sau đó, Nguyễn Ánh sai Lê Văn Duyệt và Tống Viết Phước theo đường bộ và thủy về cứu thành Bình Định.
Bắc tiến thắng lợi
Nghe tin Quang Toản bại trận ở Phú Xuân, Trần Quang Diệu đang vây thành Bình Định sai quân về cứu nhưng đụng độ quân Nguyễn của Lê Văn Duyệt đang xuống phía nam nên quân không về được. Trong khi đó, Võ Tánh và Ngô Tòng Châu cùng các tướng giữ thành Bình Định thấy đã cạn kiệt lương thực, biết không chống nổi Trần Quang Diệu và Vũ Văn Dũng, nên tự sát để bảo toàn tính mạng cho quân lính trong thành. Tây Sơn tái chiếm thành Bình Định.
Tuy bị mất thành Bình Định nhưng Nguyễn Ánh vẫn tập trung phần lớn binh tướng đối phó với cuộc phản công của Quang Toản ở phía bắc, khi vua Tây Sơn dốc toàn lực ở Bắc Hà được hơn 3 vạn quân kéo vào để chiếm lại Phú Xuân và giúp Trần Quang Diệu. Mùng 1 tháng giêng âm lịch năm 1802, Tây Sơn theo đường biển và đường bộ đánh vào Phú Xuân. Nguyễn Quang Thùy dẫn thuyền chiến tới cửa Nhật Lệ thì bị Nguyễn Văn Trương chặn đánh. Bùi Thị Xuân thúc voi dẫn quân Tây Sơn đánh nhau với quân Nguyễn ở Trấn Ninh, quân Tây Sơn nghe tin bị thua ở ngoài biển thì hỗn loạn, tan vỡ. Quang Toản chạy về Quảng Bình. Hay tin, Nguyễn Ánh bèn tiến hành chặn đánh quân Tây Sơn ở sông Gianh, Quang Toản thua lớn bỏ chạy ra Bắc Hà. Trên đà thắng lợi, Nguyễn Ánh sai Lê Văn Duyệt điều quân 3 mặt đánh vào Quy Nhơn. Trần Quang Diệu cùng Vũ Văn Dũng nghe tin Quang Toản đã bại trận, phải bỏ thành, mang quân ra cứu viện Nghệ An. Bị quân Nguyễn chặn đường, quân Tây Sơn buộc phải vòng qua đường Vạn Tượng (Lào). Lúc tới Nghệ An thì thấy thành đã mất, quân sĩ bỏ chạy gần hết, vợ chồng Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân bị bắt. Riêng Vũ Văn Dũng không rõ số phận.
Sau khi chiếm được Phú Xuân, Nguyễn Ánh làm lễ lên ngôi hoàng đế tháng 5 năm Bính Dần (1806). Để tượng trưng sự thống nhất Nam-Bắc lần đầu tiên sau nhiều năm, Nguyễn Ánh chọn niên hiệu là Gia Long, Gia lấy từ Gia Định và Long lấy từ Thăng Long. Sau đó ông cho người đem toàn bộ ấn sách nhà Thanh trao cho Tây Sơn trả lại và xin phong, rồi sai Lê Văn Duyệt kéo quân tiếp ra Bắc Hà diệt hoàn toàn nhà Tây Sơn.
Tháng 6 âm lịch năm 1802, Gia Long tiến ra chiếm được Thăng Long, Quang Toản không chống nổi, bỏ chạy và sau đó bị bắt. Nhà Tây Sơn bị tiêu diệt, Gia Long chính thức thống nhất quốc gia.
Trả thù Tây Sơn
Sau vài tháng nghỉ ngơi ở Phú Xuân, vào ngày giáp tuất tháng 11 (7 tháng 11 năm Nhâm Tuất, nhằm ngày 1 tháng 12 năm 1802) Nguyễn Ánh tiến hành làm lễ "Hiến Phù" (獻浮, nghĩa là lễ dâng tù) nhằm báo công với tổ tiên; và nhân đó tiến hành trả thù gia đình Quang Toản và những người theo Tây Sơn một cách tàn bạo:
Quang Tự, Quang Điện, Nguyễn Văn Trị rồi các con của Nguyễn Nhạc gồm Thanh, Hán, Dũng bị giết ngay sau khi bị bắt, 31 người có quan hệ huyết thống với Nguyễn Huệ đều bị xử lăng trì.
Quang Toản và những người con khác của Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ là Quang Duy, Quang Thiệu và Quang Bàn bị 5 voi xé xác, đầu bị bỏ vào vò và giam trong ngục.
Nữ tướng Bùi Thị Xuân và con gái bị voi giày, chồng bà là Trần Quang Diệu do trước đó đã có lần tỏ ra khoan thứ cho quân Nguyễn nên xin được Nguyễn Ánh tha cho mẹ già 80 tuổi trước khi bị xử chết...
Lăng mộ nhà Tây Sơn như các lăng của vua Thái Đức và vua Quang Trung bị quật lên, hài cốt bị giã nát quăng đi, đầu ba vua Tây Sơn (Thái Đức, Quang Trung và Cảnh Thịnh) và bài vị vợ chồng Nguyễn Huệ thì bị giam trong ngục tối.
Các quan văn khác của Tây Sơn như Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích ra hàng thì cho đánh đòn và được tha về (riêng Ngô Thì Nhậm thì bị Đặng Trần Thường trước có thù riêng nên cho người đánh chết).
Không chỉ tru di gia tộc của vua nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh còn truy sát cả dòng họ của một số danh tướng nhà Tây Sơn. Trong bút ký "Còn mãi đến bây giờ". Hoàng Phủ Ngọc Tường ghi rằng nhánh họ Bùi của nữ tướng Bùi Thị Xuân đã bị Gia Long giết sạch. Dòng họ của tướng Trần Quang Diệu bị truy sát, con cháu của ông phải dùng cách "sanh vi Nguyễn, tử vi Trần", tức là đổi họ từ Trần sang Nguyễn, nhưng khi mất sẽ ghi trên bia mộ là họ Trần (để nhắc nhở con cháu về dòng họ đích thực của tổ tiên).
Không chỉ trả thù những người theo nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh còn truy sát cả những người họ hàng rất xa (đã cách nhau cả chục đời) của Nguyễn Huệ. Theo sách "Những khám phá về Hoàng đế Quang Trung" của PGS sử học Đỗ Bang, thời kỳ đầu khi Gia Long lên ngôi, đã chỉ dụ cho dân địa phương ở xã Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An (nơi cụ tổ 10 đời của anh em nhà Tây Sơn từng sống vào 200 năm trước đó) rằng: “Hễ ai là bà con tộc thuộc của Tây Sơn ra khai báo, sẽ được trọng dụng bổ làm quan”. Có những gia đình cùng họ với nhà Tây Sơn tưởng thật, đã ra khai báo, nhưng không ngờ tất cả đều bị bắt và bị giết. Hiện nay, có 24 gia đình gốc họ Hồ đều có người chết trong ngày đại tang Tây Sơn, giỗ vào ngày 20 tháng 10 âm lịch hàng năm. Những người còn sống do lẩn trốn sang các làng khác, có người phải đổi thành họ Nguyễn mới tránh được sự truy nã.
Việc làm này của ông về sau bị sử sách nói nhiều đến mức độ thiên lệch cả về công và tội của Nguyễn Ánh. Theo phân tích của các sử gia, cuộc báo thù này có nhiều nguyên nhân:
Trả thù cho những việc Tây Sơn đã làm với các chúa Nguyễn là gia tộc của Nguyễn Ánh: Chúa Nguyễn Phúc Thuần, Nguyễn Phúc Dương cùng các vương thất họ Nguyễn đều bị Tây Sơn truy sát và giết hại. Nguyễn Ánh còn tuyên bố rằng Tây Sơn đã quật lăng mộ tám chúa Nguyễn và lấy hài cốt ném xuống sông (điều này vẫn còn là nghi vấn).
Trả thù cho những việc Tây Sơn đã làm với bản thân Nguyễn Ánh trước kia: quật lăng mộ của cha ông là Nguyễn Phúc Luân và lấy hài cốt ném xuống sông, các anh em ruột của ông là Nguyễn Phúc Đồng, Nguyễn Phúc Điển, các anh em họ như Nguyễn Phúc Hạo, Nguyễn Phúc Mân đều bị quân Tây Sơn giết chết, em họ ông là công chúa Nguyễn Phúc Ngọc Tuyền phải tự sát khi bị quân Tây Sơn làm nhục, và cả những nỗi khổ sổ trong những ngày tháng lênh đênh trốn chạy.
Dùng cuộc trả thù để tỏ rõ uy thế, làm khiếp sợ và buộc những người chống đối (ở đây chủ yếu là các cựu thần Lê-Trịnh) phải quy thuận trước vương triều mới. Có lẽ vì vậy, Nguyễn Ánh không hề tìm cách che đậy sự tàn bạo của mình trong việc này. Ông tuyên bố: "Trẫm nghe, vì chín đời mà trả thù là nghĩa lớn kinh Xuân Thu" (theo tích Công Dương truyện, Trang công năm thứ 4 chép: Tề Tướng công giết nước Kỷ, vì ông tổ xa đời là Ai công mà phục thù, đời gọi là mối thù chín đời);
Trong các đánh giá về sau về sự việc này, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Nguyễn Ánh đã thực hiện trả thù quá tay, giết hại nhiều người không liên quan và "đôi lúc rất tiểu nhân".
Có những ý kiến bào chữa việc Nguyễn Ánh trả thù nhà Tây Sơn quá tàn khốc là vì Nguyễn Huệ đã ra lệnh đào lăng mộ 8 chúa Nguyễn. Ý kiến này dựa trên bộ sử Đại Nam thực lục.
Lên ngôi hoàng đế
Trước năm 1802, các chúa Nguyễn (và kể cả Nguyễn Ánh) tuy cai trị Đàng Trong độc lập nhưng trên danh nghĩa họ vẫn coi vua Lê là chính thống của nước Việt; ngay cả khi quân Thanh xâm lược, Nguyễn Ánh vẫn ủng hộ Lê Chiêu Thống như “chư hầu phò thiên tử”, mọi giấy tờ hành chính của Nguyễn Ánh cho đến ngày đánh bại Tây Sơn vẫn dùng niên hiệu Cảnh Hưng của nhà Lê. Một giáo sĩ người Pháp đang có mặt ở Việt Nam lúc bấy giờ là Ph. Sérard xác nhận trong một bức thư đề ngày 5/8/1802: “Cho tới bấy giờ chúa Nguyễn vẫn công nhận họ Lê là dòng chính thống, hễ có làm việc gì cũng nhân danh nhà Lê và chỉ xưng là Tổng trấn; chiến đấu nhân danh vua Lê và cố gắng phục hưng vương tộc đã bị giặc Tây Sơn cướp hết quyền”
Sau khi đánh bại Tây Sơn, việc phải xử trí với nhà Lê là một vấn đề hết sức khó xử đối với Nguyễn Ánh, bởi nếu lên ngôi vua thì ông ta sẽ mang tiếng là "phản nghịch, bề tôi cướp ngôi". Cuối cùng, Nguyễn Ánh vẫn quyết định lên ngôi hoàng đế. Ngày 5/1/1802, Nguyễn Ánh làm lễ tế trời đất để lên ngôi, đặt niên hiệu là Gia Long, ra chiếu tuyên cáo đế vị với thiên hạ: “Gần đây Tây Sơn nổi loạn, vận nhà Lê đã hết, hơn vài mươi năm trong nước không có chính thống… Nay ơn trời giúp đỡ, các thánh để phúc, bờ cõi cũ đã lấy lại, cơ nghiệp xưa đã trở về, các quan văn võ tại triều dâng sớ chương khuyên ta lên ngôi hoàng đế và đổi niên hiệu… Vậy nên chuẩn lời xin đặt niên hiệu mới, định lấy ngày mồng 1 tháng 5 năm nay (1802) kính cáo trời đất, ngày hôm sau kính cáo liệt thánh, chép niên hiệu là Gia Long, để thống nhất kỷ cương, làm mới tai mắt”
Gia Long lên ngôi là nhờ chiến thắng sau cuộc nội chiến với nhà Tây Sơn chứ không phải bằng một chiến thắng chống giặc ngoại xâm lẫy lừng như các vương triều trước. Sự lên ngôi không đủ chính danh là một trở lực không nhỏ trong việc cai trị. Ở Bắc Hà, tư tưởng hoài Lê vẫn còn in đậm trong tâm tư của số đông dân chúng. Đặc biệt là trong đội ngũ sĩ phu, quan lại Bắc Hà khi lực lượng này vẫn xem nhà Lê là chính thống, còn họ Nguyễn chỉ là “phiên thần” của nhà Lê ở phương Nam. Trước kia, nhiều người Bắc Hà ủng hộ Nguyễn Ánh đánh nhà Tây Sơn vì họ mong rằng sau khi thắng trận, Nguyễn Ánh sẽ khôi phục ngôi vua cho nhà Lê (như tổ tiên của ông ta là Nguyễn Kim từng làm). Việc Gia Long lên ngôi khiến những người ủng hộ nhà Lê bị vỡ mộng, họ coi đó là hành vi tiếm ngôi của bọn loạn thần tặc tử. Tư tưởng “phò Lê” sẽ còn được dùng để kích thích các cuộc nổi dậy chống lại triều đình nhà Nguyễn ở miền bắc Việt Nam. Đây là một thách thức lớn cho nhà Nguyễn mãi tới mấy chục năm sau, như lời nhận xét của một người nước ngoài:
“Cách xử sự của nhà vua mới (vua Gia Long) đối với triều đại nhà Lê đã bị truất ngôi mà ông ta hứa phục hồi làm cho người Đàng Ngoài ghét bỏ ông ta. Thuế má nặng nề và sự nhũng nhiễu của quan lại càng làm tăng thêm sự bất bình đến cực độ; do đó đã hình thành nên nhiều phe phái đứng đầu là những hậu duệ của các triều đại cũ đã từng trị vì xứ Đàng Ngoài trước đây”
Ở phía Nam thì nhiều người lại nhớ về nhà Tây Sơn. Hành động trả thù nhà Tây Sơn một cách thái quá của Nguyễn Ánh đã tạo ra những ấn tượng xấu. Gia Long đã không đủ rộng lượng để vượt qua được những hận thù của dòng họ để có một cái nhìn hướng đến “toàn cuộc”, nên không có những hành động nhân đạo dành cho những người đứng đầu triều Tây Sơn. Điều đó đã khiến lòng dân bị ảnh hưởng, nhất là ở những nơi mà người dân còn dành nhiều tình cảm cho nhà Tây Sơn như Bình Định. Nhiều cuộc khởi nghĩa do các cựu tướng lĩnh của triều Tây Sơn lãnh đạo đã nổ ra, đe dọa nghiêm trọng đến sự ổn định của đất nước.
Chính sách và cai trị
Là vị vua đầu tiên của một nước Việt Nam thống nhất sau mấy thế kỷ chia cắt, Gia Long hiểu rõ tính mỏng manh của quốc gia mới cũng như các mâu thuẫn dễ lại dẫn tới nội chiến lần nữa. Do đó, ông tiến hành từ tốn các chính sách xây dựng chính quyền tập quyền trung ương; duy trì nhiều chính sách trung dung, mềm dẻo và thực dụng từ thời chiến tranh với Tây Sơn; thay thế các cải cách mang xu hướng mới của nhà Tây Sơn bằng kiểu cai trị và một nền giáo dục nghiêm khắc theo phong cách Nho giáo chính thống.
Tổ chức chính quyền
Cuối đời Tây Sơn chính sự rối ren, phong tục hủy hoại nên việc cai trị rất khó khăn, Gia Long phải sắp đặt từ đầu, sửa sang phong tục. Ông đã xếp đặt lại cơ cấu điều hành quốc gia: Tổ chức đại khái theo chế độ nhà Lê: tổ chức triều đình gồm có lục bộ là: Lại, Công, Lễ, Hộ, Binh, Hình do Thượng thư (tương đương như Bộ trưởng ngày nay) đứng đầu và tả hữu Thị lang giúp việc; Đô sát viện do tả hữu Đô Ngự sử đứng đầu với hoạt động can gián vua và đàn hặc các quan; ấn định quyền hạn các chức tước, lương bổng, văn võ theo các cấp bậc theo quan chế Triều Nguyễn). Ông cũng cho thi hành chế độ tiền dưỡng liêm để phòng trừ tệ nạn tham nhũng trong hàng ngũ quan lại nhà Nguyễn.
Về vấn đề chọn kinh đô, ban đầu Gia Long định chọn vùng trấn Nghệ An để dời đô từ Thăng Long vào. Nhưng vì có một viên quan tên là Nguyễn Văn Nhân can gián nên ông bỏ ý định đó và vùng Phú Xuân được chọn. Việc xây dựng kinh thành mới được đích thân ông đôn đốc.
Về mặt hành chính, Gia Long phân chia Việt Nam thành 2 tổng trấn: (Bắc Hà, Nam Hà), 2 vùng (miền Trung và Kinh kỳ). Gồm 23 trấn và 4 doanh cụ thể như sau:
Hai vùng tổng trấn Bắc Hà và Nam Hà sẽ do hai quan Tổng trấn đứng đầu cùng với Phó Tổng trấn, hai vị quan Tổng trấn sẽ nắm toàn quyền về luật pháp, kinh tế lẫn quân sự (hệ thống tổ chức này mãi đến đời Minh Mạng mới bị bãi bỏ). Về các Trấn thì có quan Lưu trấn (gồm Trấn thủ, Cai bạ và Ký lục). Dưới Trấn là phủ, huyện, châu với các vị quan đứng đầu lần lượt là Tri phủ, Tri huyện, Tri châu.
Ngoài ra, Gia Long nối tiếp các đời chúa Nguyễn trước đó, tiếp tục thực hiện các động thái nhằm xác định chủ quyền của Việt Nam trên khu vực quần đảo Hoàng Sa khi ông cho các hải đội ra khai thác và cắm cờ trên quần đảo này vào năm 1816 (trước đó, thời vua Lê Thánh Tông đã khám phá hoặc biết tới nơi này ít nhất từ thế kỷ XV như giáo sĩ Jean-Louis Taberd thuật lại trong Journal of the Asiatic Society of Bengal in năm 1837. Công việc này nối tiếp những hoạt động của các chúa Nguyễn đầu thế kỷ XVII tổ chức khai thác trên các đảo. Mốc năm 1816 là lần đầu tiên kể từ sau thời Hậu Lê, tổ chức hành chính được tổ chức một cách chính quy như thế trên một lãnh thổ thống nhất trong lịch sử Việt Nam.
Chính sách xã hội
Thấy các quan đầu triều của mình đều chỉ là quan võ, Gia Long lưu ý đến việc học hành thi cử trong nước để tuyển lựa quan văn. Ông tổ chức lại các Văn Miếu, thờ Khổng Tử, thực hiện chính sách trọng Nho học. Ông cho thành lập Quốc Tử Giám ở Phú Xuân để dạy con quan, tổ chức thi Hương theo định kỳ để tuyển chọn nhân tài. Ngoài ra, ông còn đặt thêm chức đốc học ở các trấn, và cho dùng những người có công danh ở đời nhà Lê, để coi việc dạy dỗ ở địa phương. Ông cũng sai Binh bộ Thượng thư Lê Quang Định làm bộ sách 10 quyển Nhất thống địa dư chí vào năm 1806, ghi nhận về tình hình địa lý, chính trị... các mặt của Việt Nam trên cơ sở điều tra đã thực hiện trước đó, đồng thời cho tìm các sách dã sử về nhà Lê và nhà Tây Sơn để sửa lại quốc sử. Thời của Gia Long là thời thịnh của thơ văn chữ Nôm với nhiều tác phẩm lớn: Hoa Tiên của Nguyễn Huy Tự, Truyện Kiều của Nguyễn Du; và một bài Văn tế tướng sĩ trận vong không rõ tác giả do Nguyễn Văn Thành ra chủ tế.
Về luật pháp, Gia Long cho soạn bộ luật mới có tên gọi là Hoàng Việt luật lệ (còn được gọi là "luật Gia Long"), do Tổng trấn Bắc Thành Nguyễn Văn Thành chủ biên bao gồm 22 quyển và 398 điều, bộ luật này, dù có đôi chỗ cải biến, gần như chép nguyên mẫu từ luật của nhà Thanh cho nên nhìn tổng thể khá khắc nghiệt và không được tiến bộ như bộ luật Hồng Đức của nhà Lê.
Là vua một nước mới thống nhất sau mấy trăm năm nội chiến với nhiều phe phái tranh giành nhau xuất hiện liên tục, cộng thêm chính sách thuế khóa cao và cưỡng bức xây dựng lớn; sự bất bình của tầng lớp sĩ phu hoài nhớ Lê triều, và nạn đói thường xuyên diễn ra ở vài khu vực khắp nước nên Gia Long thường xuyên phải đối mặt với các phong trào chống đối ở khắp ba miền Việt Nam (đặc biệt ở khu vực Bắc Hà) với khoảng 73 phong trào trong suốt thời kỳ ông trị vì.
Với khu vực Bắc Hà, ông thi hành một chính sách hai mặt: một mặt Gia Long tỏ vẻ tôn trọng nhà Hậu Lê, ông phong quan tước cho con cháu nhà Lê (ví dụ như Lê Duy Hoán được phong 1016 tự dân và 10.000 mẫu tự điền để lo việc thờ cúng các vua Lê); vời dùng các cựu thần Lê triều như Phạm Quý Thích, Lê Duy Đản, Vũ Trinh, Nguyễn Đăng Sở... Ngoài ra, ông còn cho giữ gìn lăng tẩm, đền miếu các vua Lê, cho sửa chữa lại Lam Kinh, xây đền Lê Bố Vệ, cho tổ chức lễ thờ tế vua Lê ở cấp quốc gia hằng năm cũng như "phong bách thần trong nước cho triều Lê". Một mặt Gia Long tìm cách làm giảm tình cảm nhớ về nhà Lê của dân chúng bằng cách tiêu hủy những di sản của triều Lê: cho phá hoàng thành Thăng Long nhà Lê xây và thay thế bằng hoàng thành nhỏ hơn rất nhiều, thay chữ Long (龍) mang nghĩa là rồng trong Thăng Long (升龍) thành chữ Long (隆) mang nghĩa là thịnh vượng; và hủy sáu trường thi Hương ở Bắc Hà.
Khu vực Nam Hà thì chủ yếu chỉ xuất hiện nạn cướp bóc nhỏ hay gây rối loạn mất an ninh; mãi đến khi Gia Long cử Lê Văn Duyệt vào làm Tổng trấn cai quản vùng này thì tình hình mới ổn định. Các dân tộc thiểu số như người Khmer vẫn được cho phép thực hành Phật giáo tiểu thừa, và quyền tự quyết các vấn đề ở địa phương; người Chăm vẫn có quốc gia và vua riêng trên danh nghĩa dưới quyền "bảo hộ" của chính quyền Việt Nam tại khu vực Ninh Thuận và Bình Thuận.
Vấn đề đường sá được Gia Long chú trọng vì tầm quan trọng cả về kinh tế và chính trị: ông lệnh cho các quan phải đào đắp sửa sang các con đường, dân địa phương cũng phải tham gia vào việc làm cầu đắp đường theo tỷ lệ 15.000 trượng đường thì phát cho dân 10.000 phương gạo. Từ ải Nam Quan đến Bình Thuận có chừng 98 nhà trạm, mỗi trạm cách nhau chừng 4.000 trượng, dùng để làm nơi khách bộ hành nghỉ ngơi. Từ Bình Thuận trở vào phía Nam đến Hà Tiên thì đi bằng đường thủy. Ở các trấn lại đặt ra kho thóc chứa thóc gạo, để phòng khi mất mùa đói kém thì lấy phát chẩn. Đồng thời, Gia Long còn cho lập các kho vận trữ lúa gạo (kho Bình Chuẩn Thương), cắt cử quan lại chăm lo việc cứu đói dân chúng. Ngoài ra, ông còn tiếp tục chính sách khai hoang vùng đồng bằng sông Cửu Long: triều đình bỏ tiền đào kênh Vĩnh Tế và kênh Thụy Hà để tạo cơ sở cho việc khai hoang và xác định biên giới Việt Nam và Cao Miên. Còn ở Bắc Hà, ông cũng thực hiện việc đắp đê, kè với một khối lượng "lớn nhất so với các triều trước" và cho lập Nha Đê Chính để quản lý vấn đề này.
Chính sách kinh tế
Nhìn chung, Gia Long không quan tâm đến thương mại., việc buôn bán với nước ngoài thời Gia Long bị thu hẹp rất nhiều so với thời Tây Sơn. Ông đã nhiều lần từ chối người Anh khi họ đến xin được mua bán, ngay cả người Pháp khi đến mua bán cũng không được thuận lợi mấy. Ông không cho phép người phương Tây lập phố buôn trên lãnh thổ Việt Nam, triều Nguyễn dưới thời ông không khuyến khích cũng như không chào mời các thuyền buôn phương Tây. Triều đình bấy giờ không có ý đóng cửa với phương Tây nhưng theo cách nhìn của hàng ngũ Nho sĩ ở Việt Nam, việc giao thương với phương Tây là không đáng tin cậy; cũng đồng thời với đó là sự lo ngại sự xâm lược bằng quân sự và truyền giáo của họ. đã dẫn đến chính sách như trên.
Ngoài một số trung tâm thương mại thành thị được phát triển ở các thành phố và cảng biển chính, phần lớn hoạt động mua bán vẫn diễn ra trên các con sông. Triều đình nắm giữ độc quyền thương mại ở các mặt hàng có giá trị cao như ngà voi, sừng nai, bạch đậu khấu, vàng... Mức thuế mua bán cao, việc cấp giấy phép khó khăn trong việc xuất khẩu gạo, muối, và kim loại cũng gây kìm hãm sự phát triển của thương mại. Ngoại thương bị hạn chế, dân chúng bị cấm giao thương bằng đường biển, triều đình cấm xuất khẩu các loại gỗ quý và đánh thuế cảng, thuế xuất khẩu cao; quan hệ thương mại quan trọng với Trung Quốc nằm trong tay các thương gia người Hoa và quan lại, trong khi các thương gia người Việt thì bị hạn chế, chỉ được phép buôn bán trong nước.
Về mặt nông nghiệp, ruộng đất cũng được quản lý bằng các điền bạ ghi rõ về tình trạng, vị trí thứ hạng đất ruộng. Mỗi làng làm 3 quyển gửi lên bộ đóng dấu, 1 quyển sẽ lưu lại bộ, 1 quyển lưu lại tỉnh và 1 quyển gửi trả về làng. Bên cạnh đó, để bảo đảm đất cày cho mọi người nông dân, Gia Long ngay từ khi mới lên ngôi đã ra lệnh cấm trao đổi buôn bán ruộng công; và quy định chặt chẽ việc cầm cố loại công điền công thổ trong đó cho phép điển cố tối đa 3 năm. Ngoài ra, Gia Long còn cho ban Lệ quân điền cũng về vấn đề ruộng công này, trong đó thời hạn chia ruộng đất được rút xuống ba năm và đối tượng chia ruộng trước hết nhằm ưu đãi quan lại và quân lính. Tuy nhiên, chính sách này không hiệu quả lắm do tỉ lệ ruộng công còn rất ít, mà tỉ lệ cấp lại lớn hơn hẳn thời Lê sơ. Và tình trạng người dân không có đất vẫn còn là một vấn đề. Nhà Nguyễn thời vua Gia Long nhìn chung rất đề cao và khuyến khích nông nghiệp, tuy nhiên lại tỏ ra thiếu kinh nghiệm trị thủy các vùng phía Bắc dù cho nhà vua đã cho đầu tư đắp đê không ít.
Về công nghiệp, triều đình nắm độc quyền trong ngành khai thác khoáng sản, họ cho các thương nhân người Hoa khai thác để thu thuế. Các phường đội, thợ thủ công đều chịu sự quản lý của triều đình, hầu hết thợ có kỹ năng và nguyên liệu thô đều được đưa vào các xưởng thủ công của triều đình ở Huế.
Để giải quyết vấn đề tiền tệ, Gia Long cho lập xưởng đúc tiền tại Bắc thành, về sau ở cả Gia Định thành và ở các trấn để đúc tiền đồng và tiền kẽm, ngoài ra còn cho đúc vàng bạc theo nén và lượng với tỉ lệ quy đổi một lượng vàng đổi lấy 10 lượng bạc để phục vụ cho lưu thông thương mại trong nước. Mỗi đồng tiền kẽm nặng 7 phân, một mặt in chữ "Gia Long thông bảo", một mặt in chữ "thất phân", mỗi quan tiền nặng 2 cân 10 lạng.
Đồng thời với tiền tệ là việc đo lường: Gia Long cho chuẩn hóa lại các thước vuông đo ruộng có trước đó, chế ra thước đo ruộng mới là loại thước đồng hai mặt khắc chữ: một mặt Gia Long cửu niên thu bát nguyệt và mặt kia là ban hành đạc điền xích, công bộ đường kính tạo. Năm 1813, vua Gia Long cho làm ra cân thiên bình, cấp cho các doanh, trấn, để dùng vào việc cân đo kim loại và sản vật địa phương. Riêng hai kim loại màu là vàng và bạc thì dùng cân trung bình.
Chính sách đối ngoại
Trung Quốc
Ngay sau khi chiến thắng nhà Tây Sơn, chiếm cả Bắc Hà, Gia Long liền cho Thượng thư Binh bộ là Lê Quang Định đi sứ sang Trung Quốc để cầu phong vì cả lý do ngoại giao lẫn cả quan niệm Thiên tử của Nho giáo về nước lớn nước nhỏ. Đồng thời với việc xin phong, Gia Long cũng yêu cầu được đổi quốc hiệu là Nam Việt. Ban đầu hoàng đế nhà Thanh là Gia Khánh không chấp nhận quốc hiệu "Nam Việt" để tránh lầm với nước Nam Việt của Triệu Đà lúc này đã gồm nhiều phần lãnh thổ của Trung Quốc. Tuy nhiên, Gia Long vẫn kiên trì lập trường của mình, dù vua nhà Thanh Gia Khánh đã từ chối tới vài lần, để tỏ cho Trung Quốc biết nếu không cho đổi thì ông sẽ không thụ phong. Cuối cùng Gia Khánh cho đổi Nam Việt thành Việt Nam thì Gia Long mới chấp nhận (tuy vậy cái tên Việt Nam vẫn không được Gia Long ưng thuận cho lắm, đến năm 1813 thì triều đình hầu như là dùng lại tên Đại Việt).
Năm Giáp Tí (1804) nhà Thanh sai quan Án sát sứ tỉnh Quảng Tây là Tề Bố Sâm sang tuyên phong tại Thăng Long, vua Gia Long cho người đem đồ sang cống tạ và lập lệ triều cống: 3 năm một lần (hay 2 năm một lần theo nhà nghiên cứu Đinh Dung); và triều kính 4 năm một lần. Vật phẩm cống nạp được giữ nguyên như lệ thời Tây Sơn lập từ năm 1792 với: dược liệu, ngà voi, sừng tê, tơ lụa (và vẫn bỏ tục cống người vàng)... với giá trị kinh tế không lớn lắm.
Pháp
Với người Pháp, ông vẫn tiếp tục những biểu hiện tỏ ra thân mật. Ông trả công hậu hĩnh cho những người đã từng theo giúp mình, một số sĩ quan người Pháp cũng được làm quan trong triều đình Huế với những ưu đãi đặc biệt. Về mặt hình thức vua Gia Long có những quan hệ tốt với nước Pháp, đối xử với họ như những ân nhân. Chính những biểu hiện đó khiến người ta thường đánh giá Gia Long trong bản chất Nguyễn Ánh, phê phán Gia Long về những hành động khi ông đang còn là Nguyễn Ánh. Do vậy, hình ảnh Gia Long trở nên không tốt đẹp vì sự tồi tệ mà Nguyễn Ánh đã tạo ra trong lịch sử dân tộc.
Gia Long mặc dù rất hậu đãi với người Pháp nhưng ông chỉ cho bổng lộc, chức tước mà không ban quyền hạn, do đó họ không chi phối được chính sự nhà Nguyễn. Nhà vua thường cảnh tỉnh các triều thần về mối đe dọa sự an nguy của quốc gia từ sự thông thương và truyền đạo của Pháp. Nhà vua đã nhiều lần tỏ ra rất hài lòng về việc trước kia không nhận được cứu viện của triều đình Louis XVI. Khoảng năm 1818, thuyền chiến Pháp "La Cybèle" chở theo Bá tước Achille de Kergariou cập cảng, xin được gặp nhà vua để bàn việc thực hiện hiệp ước trước kia nhưng do Kergariou không có quốc thư nên Gia Long không tiếp. Khi thuyền trưởng tàu La Cybèle đòi Gia Long thực hiện các điều khoản trong hiệp ước trước kia, ông sai quan đáp lại rằng do trước Pháp không thực hiện thì nay bỏ, phớt lờ hoàn toàn các vị quan người Pháp trong triều đình. Việc thất bại liên tục trong cố gắng tạo dựng mối quan hệ đặc biệt cho người Pháp ở Việt Nam làm cho các ông quan Pháp trong triều chán chường. Đến độ khoảng một năm sau, 1819, khi người Pháp lại tiếp tục quay trở lại qua hai tàu "La Rose" và "La Henri" thì Chaigneau xin đi theo luôn vì lý do "thăm nhà" và "đi tìm vắcxin đậu mùa". Tuy nhiên, việc ông mời các sĩ quan Pháp huấn luyện quân đội và củng cố thành trì cho nhà Nguyễn cũng làm cho ông trở thành người mở đầu cho ảnh hưởng của người Pháp tại Việt Nam.
Các nước phương Tây khác
Gia Long hầu như không có chính sách giao thiệp chính thức với các quốc gia thuộc thế giới phương Tây khác ngoài Pháp: đơn cử như năm 1804, nước Anh sai một sứ giả tên là John W. Roberts tới xin dâng lễ vật và quốc thư với mong được mở thương quán buôn bán ở Trà Sơn, Quảng Nam nhưng mọi việc chẳng đến đâu. Nguyên nhân thất bại của Roberts là vì một sứ giả tiền trạm trong đoàn là Thuyền trưởng Allan trong khi mang quốc thư của David Lance (một nhà quản lý ở công ty Đông Ấn, cấp trên của Roberts) tới gặp Gia Long thông báo về chuyến viếng thăm của Robert có hơi lỡ lời khi nói chuyện về vấn đề Trà Sơn. Việc này cộng với sự kiện nước Anh chiếm Ấn Độ trước đó và sự dèm pha của 2 người Pháp là Chaigneau và Vannier khiến Gia Long nghi ngờ mục đích của người Anh rồi sau đó từ chối luôn. Sau đó họ còn tiếp tục dâng thư xin hai ba lần nữa nhưng đều bất thành.
Đối với người Mỹ, khoảng năm 1803, một thuyền của Hoa Kỳ tên là "Frame" dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Jeremiah Briggs đến Đà Nẵng rồi sau đó, dưới lời khuyên của người Pháp, đã đi ra Huế để gặp Gia Long. Sau khi đến Huế và rời thuyền khoảng 6 ngày, Briggs đã được Gia Long cho phép buôn bán ở Việt Nam. Thời gian sau đó, nhiều thuyền khác của người Mỹ tới Việt Nam: ví dụ ngày 7 tháng 6 năm 1819, một tàu tên là "Franklin" với thuyền trưởng là ông John White đã ghé vào vùng Nam Hà và được quan Tổng trấn đón tiếp chu đáo. Sau đó, White rời Việt Nam đến Manila, Philippines rồi quay lại cùng với một tàu khác tên là "Marmion" với thuyền trưởng là John Brown và tìm cách buôn bán ở Việt Nam nhưng bất thành.
Ngoài hai tàu trên còn có một số tàu Mỹ khác viếng thăm Việt Nam nhưng hầu như không có hoạt động gì đáng kể như tàu "Aurora of Salem" của thuyền trưởng Robert Gould hay "Beverly" của thuyền trưởng John Garner. Sau thời gian đó, người Mỹ không còn chuyến viếng thăm Việt Nam lần nào nữa mãi cho đến năm 1831, dưới thời Minh Mạng.
Tuy chính sách nhìn chung là lạnh nhạt vậy, Gia Long vẫn giữ gìn nhưng không thắt chặt mối liên lạc chính thức cũng như các cam kết chính trị với chính phủ phương Tây để khỏi sa vào những lỗi lầm dẫn đến số phận như Ấn Độ. Bên cạnh đó, ông còn thi hành một chính sách "lễ nhu viễn" (giúp đỡ người từ xa tới) của Nho giáo: tàu thuyền của bất kỳ nước nào gặp rắc rối trong vùng lãnh hải của Việt Nam đều được giúp đỡ tùy theo mức độ cần thiết; điều mà các vua Nguyễn sau đều noi theo, tuy nhiên triều đình luôn tránh việc tỏ ra thiên vị đối với bất cứ quốc gia nào.
Chân Lạp
Với hai quốc gia láng giềng là Chân Lạp và Vạn Tượng, thời kỳ Gia Long cai trị cũng là thời kỳ Việt Nam bắt đầu sự ảnh hưởng của mình và bắt đầu tranh giành ảnh hưởng với Xiêm La.
Trước khi Nguyễn Ánh thống nhất quốc gia, Chân Lạp bị Xiêm kiểm soát. Quan nhiếp chính Chiêu Chủy Biện (Chao Phraya Abhaya Bhubet - một người Khmer thân Xiêm) điều hành đất nước thay vua còn nhỏ là Nặc Ấn. Biện lại có hiềm khích với Nguyễn Ánh, có lần xúi giục vua Xiêm đánh Nguyễn Ánh.
Năm Nhâm Tuất (1802), vua Chân Lạp là Nặc Chăn (con Nặc Ấn) không theo Xiêm La nữa mà sai sứ đến xin được thần phục vua Gia Long nước Đại Việt. Ngày 2 tháng 9, Gia Long phong cho Nặc Ông Chân làm Quốc vương Cao Miên rồi sai Ngô Nhơn Tĩnh, Trần Công Đàn làm Chánh phó sứ mang sắc phong và ấn mạ vàng có núm hình lạc đà đến Chân Lạp, làm lễ sách phong, rồi định ra lệ cống tiến mỗi 3 năm 1 lần, lấy năm Đinh Mão (1807) làm đầu.
Ba người em của Nặc Ông Chân (Ang Chan II) là Nặc Ông Nguyên (Ang Suguon), Nặc Ông Em (Ang Em), và Nặc Ông Đôn (Ang Duong) muốn tranh quyền của anh mình nên sang Xiêm La cầu cứu. Xiêm La đòi Nặc Ông Chân chia quyền nhưng ông từ chối, Xiêm La liền cho quân sang đánh buộc Nặc Ông Chân chạy sang cầu cứu Việt Nam. Vua Gia Long viết thư trách cứ Xiêm La. Xiêm La đáp lại là họ chỉ giúp anh em Nặc Ông Chân giảng hòa chứ không đối kháng với Việt Nam. Gia Long liền cho Lê Văn Duyệt kéo 10.000 quân sang buộc Xiêm La cho Nặc Ông Chân về nước và rút quân hoàn toàn ra khỏi Chân Lạp. Lê Văn Duyệt dâng sớ xin xây thành Nam Vang (Phnom Penh) và thành La-Lêm. Khi xây xong Gia Long cho Nguyễn Văn Thoại đem 1.000 quân sang trấn giữ và xác lập quyền "bảo hộ" của Việt Nam tại Chân Lạp.
Xiêm La
Đối với Xiêm La, khi còn đang trong cuộc chiến gian khổ chống lại nhà Tây Sơn, Gia Long từng phải cúi mình xin trở thành một chư hầu, hòng để tranh thủ sự hậu thuẫn của nước này. Trong thời gian đó, ông đã sáu lần cho sứ mang cây hoa vàng hoa bạc sang tặng vua Rama I như một biểu hiện thần phục. Nhưng ngay khi đánh bại nhà Tây Sơn vào năm 1802, việc cống nạp này lập tức chấm dứt, và vị thế nhà Nguyễn được phục hồi như một quốc gia độc lập. Dù vậy, quan hệ thân thiện Việt-Xiêm vẫn duy trì không đổi, và dù ngay sau khi lên ngôi gặp phải vấn đề Chân Lạp thì mối quan hệ Việt Nam-Xiêm La vẫn được cả hai nước cố gắng giữ gìn. Tháng 8 năm 1788, vừa lấy lại thành Gia Định, Nguyễn Ánh liền sai người sang Xiêm báo tin. Tháng 3 năm 1789, Nguyễn Ánh cho Xiêm 8.800 phương gạo cứu đói. Tháng 11 năm 1789, nước Tà Ni (một quốc gia Hồi giáo nhỏ ở miền Nam Thái Lan) sai sứ sang đề nghị Nguyễn Ánh hợp sức đánh Xiêm. Nguyễn Ánh không những từ chối mà còn báo tin cho Xiêm hay, vua Rama I cảm tạ và đem quân sang đánh nước Tà Ni.
Tháng 11 năm 1790, Nguyễn Ánh lại sai sứ giả là Nguyễn Văn Nhàn, Nguyễn Tiến Lượng sang Xiêm tặng quà và giải tỏa nghi ngờ. Trước đó, quan phụ chính Chân Lạp là Chiêu Chủy Biện (Chao Phraya Abhaya Bhubet) cho người tâu với vua Xiêm là Nguyễn Ánh đang đúc súng lớn, chuẩn bị quân binh đánh Xiêm. Sứ giả sang, vua Xiêm hết nghi ngờ Nguyễn Ánh. Tháng 5 năm 1791, Xiêm La cho sứ sang tặng quà và báo tin Vạn Tượng vừa đánh Tây Sơn, Nguyễn Ánh cho sứ sang Xiêm cảm ơn. Tháng 2 năm 1792, vua Xiêm La là Rama I truyền lời sứ giả nói với Nguyễn Ánh rằng Xiêm muốn giúp Nguyễn Ánh đánh Tây Sơn ở miền thượng đạo đồng thời trả thù giúp Vạn Tượng, đổi lại Nguyễn Ánh phải giao miền Long Xuyên, Kiên Giang cho Mạc Công Bính, giao Ba Xắc cho Chân Lạp. Nguyễn Ánh không đồng ý. Tháng 9 năm 1793, vua Rama I sai phó vương cùng với đại tướng Phi Nhã Chất Tri mang 5 vạn quân sang Nam Vang và 500 chiến thuyền ở Hà Tiên muốn giúp Nguyễn Ánh đánh Tây Sơn nhưng Nguyễn Ánh từ chối.
Nguyễn Ánh còn nhiều lần bày tỏ sự lo ngại của ông nếu ngôi vua Xiêm bị bỏ trống, và ông đã nhiều lần gây áp lực lên triều vua Rama I chọn ra một thái tử nối ngôi (đặc biệt vào các năm 1804 và 1805). Cuối cùng vua Xiêm cũng chọn Rama II, một người được triều Gia Long yêu thích. Tuy vậy, nhà vua vẫn đề phòng Xiêm La, điều này được thể hiện qua việc ông đã nhiều lần xét đến việc thành lập liên minh với Miến Điện để chống Xiêm (khi này Miến Điện và Xiêm La đang có chiến tranh) nhưng vẫn chưa quyết, để rồi sau này vị vua nối ngôi là Minh Mạng từ chối hẳn việc thành lập liên minh với Miến Điện.
Vạn Tượng
Đối với Vạn Tượng, Việt Nam và Xiêm La hình thành một thế giằng co ảnh hưởng: vua Vạn Tượng Inthavong trước kia có cùng hỗ trợ Gia Long đánh Tây Sơn thường tỏ ra ngả về phía Việt Nam nhiều hơn là phía Xiêm dù lúc này cả Xiêm và Việt Nam đều đang có ảnh hưởng tại Vạn Tượng. Gia Long đưa ra nhiều chính sách chiêu dụ Inthavong: tại Việt Nam, Inthavong được đón tiếp dưới danh hiệu quốc vương, trong khi ở Xiêm ông vua này chỉ được gọi là Chao (lãnh chúa); và vào khoảng năm 1802 Gia Long công nhận quyền cai trị của Inthavong trên đất Xiang Khouang. Vị vua nối ngôi của Inthavong là Chao Anou cũng tiếp tục chính sách tương tự, và Việt Nam tuy vẫn đối xử tốt với Vạn Tượng nhưng vẫn vị nể Xiêm trong vấn đề về Anou.
Năm 1802, Gia Long còn đem đất Trấn Ninh cắt cho vương quốc Vạn Tượng của A Nỗ (Anouvong). Phủ Trấn Ninh gồm 8 huyện ở phía tây tỉnh Nghệ An (chưa rõ bao nhiêu dặm, nhưng ước chừng lớn gấp đôi tỉnh Nghệ An hiện nay). Đời Lê Thánh Tông đánh phá Ai Lao đã lấy đất đặt làm phủ này. Khi Gia Long lên ngôi đã cắt vùng này cho Vạn Tượng để lôi kéo sự ủng hộ. Như vậy sau hơn 300 năm thuộc về lãnh thổ Đại Việt dưới thời nhà Hậu Lê và nhà Tây Sơn, Trấn Ninh đã trở về tay người Lào.
Vua Minh Mạng (con trai Gia Long) từng khen Trấn Ninh là "đất ấy hiểm yếu, đời Lê trước Lê Duy Mật chiếm giữ hơn 30 năm, nhà Lê không làm gì được, hình thế vững chắc như thế đấy". Minh Mạng biện hộ cho việc Gia Long cắt vùng đất này cho Vạn Tượng là "không tính đến tiết nhỏ".
Chính sách thuế khóa
Dưới thời Gia Long, việc thu thuế được tổ chức lại, phân ra nhiều thứ thuế kèm theo các chính sách quản lý và miễn trừ thích hợp. Thứ thuế quan trọng đầu tiên là thuế điền (hay thuế ruộng, thuế tính trên ruộng): ruộng được chia làm 4 hạng chịu 3 mức thuế khác nhau qua hình thức nộp thóc:
Loại thuế thứ hai là thuế đinh (thuế thân), đánh theo từng địa phương, tính theo từng suất đồng niên. Ban đầu triều Gia Long còn có cả việc phân biệt cả cư dân chính hộ (dân cư trú lâu) và khách hộ (dân từ nơi khác đến cư trú) khi tính thuế; nhưng lệ này về sau không được duy trì:
Ngoài hai loại thuế trên còn có thuế sản vật. Thuế sản vật thường đi kèm với các ưu đãi miễn giảm các loại thuế khác, ví dụ về một số loại thuế sản vật:
Thuế quế:
Thuế yến sào:
Ngoài các thứ thuế trên, còn có các loại thuế: thuế sâm, thuế hương, thuế chiếu, thuế gỗ, thuế từ việc cho phép khai thác mỏ đều có quy định riêng, thường tiền thuế sẽ nộp bằng tiền hay là bằng sản vật.
Việc thu thuế sẽ theo các định kỳ được gọi là các vụ thuế chia theo các vùng:
Thuế sẽ được giảm nếu địa phương gặp thiên tai địch họa dựa theo mức độ thiệt hại. Ngoài ra, nếu nhà nào có người đi làm đường, đào sông, xây thành... cũng được giảm thuế. Nếu đã nộp thuế sản vật thì miễn thuế đinh, thuế dành cho các thương thuyền nước ngoài cũng được định lại: cứ dựa trên kích thước thuyền mà đánh thuế nhiều hay ít. Để tạo cơ sở tính thuế, cùng với điền bạ (để quản lý ruộng đã nêu) dân chúng được quản lý qua sổ đinh bạ: 5 năm làm một lần mọi người từ thường dân tới quan lại từ 18 tuổi đến 59 tuổi đều phải được thống kê vào sổ đinh.
Nhìn chung, thuế khóa mà người dân phải chịu vào thời Gia Long nặng hơn so với thời nhà Tây Sơn. Thời vua Quang Trung, nhà Tây Sơn chỉ giữ lại thuế đinh 1 quan 2 tiền, bỏ hẳn thuế điệu, đến thời Gia Long thì người dân phải đóng thêm 3 tiền hoặc 6 tiền thuế điệu, cộng thêm 1 hoặc 2 bát gạo. Một giáo sĩ người Pháp tên Guérard nhận xét rằng Gia Long đánh thuế quá nặng lên dân chúng: "Vua Gia Long bóp nặn dân chúng bằng đủ mọi cách, sự bất công và lộng hành làm cho người ta rên xiết hơn cả ở thời Tây Sơn; thuế má và lao dịch thì tăng lên gấp ba". Đối với miền núo, Gia Long ban hành các loại thuế đánh vào lâm thổ sản ở vùng này, làm cho "dân Man quanh năm nộp thuế không lúc nào rỗi, hậu quả là "dân phải nhặt củ rau và quả ở núi để ăn cho no bụng".
Chính vì việc tăng thuế khóa quá nặng so với thời Tây Sơn nên dân chúng rất bất bình, góp phần tạo nên nhiều cuộc khởi nghĩa chống nhà Nguyễn vào thời Gia Long và tâm lý hoài niệm triều Tây Sơn của người dân Việt Nam trong thế kỷ 19.
Chính sách tôn giáo
Về mặt tôn giáo, triều vua Gia Long mang nhiều tính thế tục, ông từ chối không đưa Phật giáo trở thành Quốc giáo như các triều Lý hay Trần dù ông từng có một thời gian sinh sống rất dài tại Thái Lan cũng như mối quan hệ rất sâu đậm với vua Rama I; cũng như ông phủ quyết ngay lập tức các đề nghị thử tiếp nhận Công giáo La Mã. Bên cạnh đó, Gia Long xem Nho giáo, cùng với các khuôn mẫu tổ chức chính quyền kiểu Trung Quốc, là hệ tư tưởng chính thống trong xây dựng và cai trị quốc gia, cho nên chính sách về tôn giáo của Gia Long là ngược hẳn so với chính sách tôn giáo của nhà Tây Sơn.
Dưới triều của ông, đã có nhiều chỉ dụ quy định nên nhiều chính sách có tính ngược đãi đối với những người theo Phật giáo và Lão giáo. Công giáo cũng được khoan thứ vì mối quan hệ của ông với người Pháp và các giáo sĩ không bị cấm đoán và được tự do đi truyền đạo khắp nơi. Nhìn chung, chính sách của Nguyễn Ánh đối với Công giáo là một chính sách không bảo vệ cũng như không bài bác. Tuy vậy, Gia Long vẫn đề cao cảnh giác và ra nhiều biện pháp phòng ngừa và hạn chế vấn đề truyền bá đạo Công giáo xâm hại tới trật tự xã hội, văn hóa truyền thống; và nguy cơ các thế lực phương Tây thâm nhập Việt Nam thông qua các giáo sĩ.
Chính sách quân sự
Vì cuộc nội chiến kéo dài với Nhà Tây Sơn, Gia Long đã có được một đội quân tương đối mạnh, một số đơn vị được trang bị khí tài và tổ chức theo kiểu phương Tây. Một người nước ngoài vào thời gian này nhận xét: "... Những cuộc hành quân của vua Nam kỳ [ý chỉ Nguyễn Ánh] giống nhau một cách kỳ lạ với những cuộc hành binh của Đệ Nhất Cộng hòa Pháp, giống nhau về tổ chức, về vũ khi và nhất là về ảnh hưởng của các nhà quân sự Pháp cuối thế kỷ XVIII".
Sau chiến tranh, ông ban thưởng cho binh lính, lập đền thờ người tử trận, rồi tinh giản quân đội bằng cách cho những người lính già giải ngũ. Sau đó, ông đặt ra cách tuyển quân linh hoạt: khu vực từ Quảng Bình vào đến Bình Thuận thì cứ 3 nam tuyển 1 lính; từ Biên Hòa trở vào thì cứ 5 nam đinh tuyển lấy 1 lính; từ Hà Tĩnh trở ra đến 5 nội trấn ở Bắc thành thì cứ 7 nam đinh tuyển lấy 1 lính. Còn 6 ngoại trấn là Tuyên Quang, Hưng Hóa, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Quảng Yên, thì cứ 10 nam đinh tuyển lấy một lính. Về bộ binh, ngoài các đơn vị lính thường là lính cơ, lính mộ ở các trấn; khu vực kinh thành có thêm các loại lính tinh nhuệ gồm thân binh, cấm binh, tinh binh. Thân binh chia làm các vệ gồm 500 người kèm thêm 50 người tập quân nhạc. Ngoài ra quân lính còn được tổ chức thành các biền binh ban lệ gồm 3 phiên: trong đó 2 phiên về quán, còn một phiên ở lại thay đổi cho nhau luân phiên. Tổng số binh của triều đình lên đến gần 140.000 và có thể huy động tăng thêm rất lớn (theo M. Chaigneau ghi nhận thì quân thường trực trên cả nước có khoảng 8 vạn và tổng số có thể huy động khi cần là 20 vạn quân).
Vũ khí cho quân đội gồm súng tay thạch cơ điểu thương (súng điểm hỏa bằng đá lửa), đại bác và gươm giáo. Khu vực kinh thành có ba trường tập bắn dành cho quân đội. Ngoài ra, Gia Long còn cho chế tạo nhiều loại vũ khí và trang bị theo mẫu đã mua của phương Tây, chính sách mà vua Minh Mạng cũng tiếp nối thực hiện. Lực lượng hải quân cũng được chú trọng vì địa thế đường biển dài của Việt Nam. Gia Long cho tuyển mộ các cư dân sống gần biển về doanh Quảng Đức và doanh Quảng Nam lập thành 6 vệ thủy quân đóng tại kinh thành. Còn ở các cửa biển đều có một cơ lính thủy và đặt pháo để phòng thủ và trông giữ việc đi lại của tàu nước ngoài. Ngoài ra, người ta còn ghi nhận là vua Gia Long đã cho đóng loại thuyền buồm cỡ lớn bọc đồng kiểu Tây để đi lại tuần tra biển.
Các cuộc nổi dậy
Thời Gia Long, nội bộ Việt Nam không được ổn định. Trong 18 năm đã có khoảng 90 cuộc khởi nghĩa nổ ra trên cả nước.
Các cuộc nổi dậy vẫn nổ ra ở khắp các khu vực Bắc Hà từ Nghệ An tới khu vực Tây Bắc với nhiều lý do khác nhau, trong đó đó danh nghĩa tôn phù nhà Lê trở thành một lý do nổi dậy phổ biến (ngoài ra còn có cả một số trường hợp xưng con cháu triều Lý và triều Mạc).
Lực lượng nổi dậy bao gồm các tộc người thiểu số ở vùng miền núi như người Hoa, người Nùng: trong đó một số vụ nổi tiếng và kéo dài nhiều năm như cuộc nổi dậy của Lý Văn Phúc (vùng Thái Nguyên); Dương Đình Cúc (vùng Thái Nguyên), Lê Đắc Lộc và Thân Vạn Đồng (vùng Bảo Lộc), Mã Sĩ Anh (vùng Hưng Hóa); các con cháu nhà Lê như Lê Duy Hoán; các nhóm cướp phát triển lên như Cao Văn Dũng và Nguyễn Tình (vùng Sơn Tây và Hải Dương), Vũ Đình Khanh (vùng Sơn Nam Hạ), các tù trưởng người Mường như Quách Tất Thúc (khu vực Thanh Hóa)...
Một nguyên nhân khiến nhiều cuộc nổi dậy xảy ra là do chính sách thuế khóa và lao dịch. Một giáo sĩ người Pháp tên Guérard nhận xét rằng Gia Long đánh thuế quá nặng lên dân chúng: "Vua Gia Long bóp nặn dân chúng bằng đủ mọi cách, sự bất công và lộng hành làm cho người ta rên xiết hơn cả ở thời Tây Sơn; thuế má và lao dịch thì tăng lên gấp ba". Việc xây thành Phú Xuân và đào kênh Vĩnh Tế phải huy động hàng vạn dân phu đi lao dịch. Một người Pháp là Borel viết năm 1818 mô tả việc xây thành Phú Xuân (Huế):
“Nhà vua sử dụng tất cả nhân lực vào việc xây tòa thành và các công trình công cộng khác. Khi tôi đến Huế, đã có đến 8 vạn người được điều động từ các nơi trong cả nước đang khẩn trương xây dựng một tòa thành rộng lớn bằng gạch... Riêng việc xây bờ thành đã tốn kém những khoản tiền khổng lồ và làm thiệt hàng ngàn nhân mạng vì phải khổ dịch liên tục... Nhà vua [Gia Long] đã vung ra những món tiền lớn và hy sinh tính mạng của hàng ngàn dân chúng vì họ phải làm việc không nghỉ tay trên các tường lũy của kinh thành. Đây quả là một công trình kỳ diệu. Mười vạn người được thường xuyên huy động”.
Chỉ mấy năm sau khi Gia Long lên ngôi, nhà truyền giáo Bissachere viết: “thế tử [Ánh] bị dân chúng căm ghét, đặc biệt kể từ khi ông ta lên ngôi và xưng Hoàng Đế, vì ông ta đã bắt dân lao dịch cực khổ để xây hào lũy và các thành phố…”. Ông kết luận bằng cách tóm lược lại tình hình:
“Dân Bắc kỳ từng khẩn cầu vị quốc vương hiện thời (Nguyễn Ánh) giúp họ triệt phá nhà Tây Sơn, nhưng sau khi ông ta cai trị họ chưa đầy sáu năm, họ đã nguyền rủa ông ta mỗi ngày vì ông bắt họ lao động nặng nhọc còn gấp đôi thời Tây Sơn; lòng họ muốn nổi loạn, nhưng họ không có đủ sức (để làm như vậy) và thiếu người lãnh đạo đủ khả năng xúi họ bạo loạn.”
Đối với người dân tộc thiểu số, vua Gia Long đã ban hành các loại thuế đánh vào lâm thổ sản ở vùng người dân tộc, làm cho "dân Man quanh năm nộp thuế không lúc nào rỗi". Hậu quả là "dân phải nhặt củ rau và quả ở núi để ăn cho no bụng". Các vua đầu thời Nguyễn còn cưỡng bách văn hóa một số dân tộc khi cho rằng: Bọn man mọi ngu dại chưa thấm nhuần phong hóa, cần buộc họ cắt tóc, ăn mặc và sinh hoạt giống như người miền xuôi.
Sự tham nhũng của quan lại cũng là một nguyên nhân, như Chaigneau người Pháp đã ghi lại năm 1807: “Dân chúng hết sức khốn khổ, vua và quan lại làm khổ dân một cách kỳ lạ; công lý này tùy thuộc tiền bạc, kẻ giàu có thể đánh đập người nghèo mà không sợ bị trừng phạt gì, vì họ tin chắc nhờ tiền bạc họ sẽ thắng kiện".
Để đối phó, Gia Long đã ra sức đánh dẹp, thi hành nhiều chính sách vỗ an và cử nhiều tướng tài như Lê Chất, Lê Văn Duyệt lưu đóng ở khu vực Bắc thành nhiều năm nhưng vẫn không sao hết được. Ở các khu vực miền Trung, các phong trào nổi dậy chủ yếu chỉ mang tính lẻ tẻ, tuy cũng có phong trào lớn như là cuộc nổi dậy của người Thượng ở Đá Vách kéo dài qua tận các đời vua sau.
Các vụ án công thần
Dưới thời Gia Long đã có 2 vụ án lớn là vụ án của hai công thần Nguyễn Văn Thành và Đặng Trần Thường.
Vụ án Nguyễn Văn Thành
Nguyễn Văn Thành (1758–1817) là người theo Nguyễn Ánh từ ngày đầu ông khởi binh chống Tây Sơn ở Quy Nhơn, lập được nhiều công to đứng đầu công thần. Sau chiến tranh, Nguyễn Văn Thành là người ổn định trấn Bắc Hà, sau lại về kinh làm tới chức Trung quân, tổng tài làm sách luật và quốc sử.
Vụ án của Nguyễn Văn Thành có nguồn cơn từ vấn đề chọn người nối ngôi của Gia Long. Vốn là con trai cả, Nguyễn Phúc Cảnh, cũng như người con trai thứ hai và thứ ba của Gia Long đều đã mất trước khi ông lên ngôi vua (1802) nên ông phải quyết định chọn người kế lập trong số các con cháu trực hệ, trong số này thì hai ứng cử viên nặng ký nhất là người con thứ tư (hoàng tử Nguyễn Phúc Đảm) và con trai của Nguyễn Phúc Cảnh là Hoàng tôn Nguyễn Phúc Mỹ Đường. Gia Long vốn có ý chọn người con trai thứ tư này khi đã hơn 26 tuổi, đã đủ tuổi trưởng thành và khó bề bị khống chế; nhưng nhiều đình thần vẫn ủng hộ Mỹ Đường theo quan điểm "đích tôn thừa trọng" rằng cháu nam lớn nhất và trực hệ sẽ được thay thế cha trong việc kế thừa ông nội, trong đó Nguyễn Văn Thành là người ủng hộ công khai và mạnh mẽ Mỹ Đường. Gia Long đã từng trách Nguyễn Văn Thành: "Hắn muốn dựng vua nhỏ để sau này dễ khống chế". Về việc này thì Choi Byung Wook, giáo sư lịch sử Việt Nam thuộc trường Đại học Quốc gia Hàn Quốc, cho rằng "hẳn nhà vua đã nhớ tới việc khi ông mới mười lăm tuổi đã lên ngôi vương và thường bị tướng Đỗ Thanh Nhơn chèn ép".
Năm 1815, trong một buổi tiệc rượu tại tư phủ, Nguyễn Văn Thành lại buột miệng nói về vấn đề nối ngôi là Mỹ Đường chắc chắn sẽ lên ngôi Thái tử và việc này ngay lập tức được mật báo cho Gia Long. Ngay sau đó, lại xảy ra vụ việc bài thơ 'tạo phản' của con trai ông Thành là Cử nhân Nguyễn Văn Thuyên. Nội dung việc này cụ thể như sau: Cử nhân Nguyễn Văn Thuyên làm một bài thơ mời hai người ở Thanh Hóa là Nguyễn Văn Khuê và Nguyễn Đức Nhuận qua tay một người chuyển tên là Nguyễn Trương Hiệu đại khái là:
Nhưng Nguyễn Trương Hiệu lại đem bài thơ đi báo cho người vốn nhiều hiềm khích với Nguyễn Văn Thành là Lê Văn Duyệt. Duyệt vốn có nhiều hiềm khích với Thành, nên ông này ngay lập tức báo lại với Gia Long. Kết quả là Nguyễn Văn Thuyên bị bắt giam vì lời thơ bị cho là quá ngông cuồng, và có ý tạo phản, truất ngôi vua.
Gia Long ban đầu vẫn bảo vệ Nguyễn Văn Thành. Thế nhưng trong thời gian này lại nổ ra vụ Lê Duy Hoán, một người tự xưng là con cháu nhà Lê, làm phản rồi bị bắt; sau đó Hoán khai do Thuyên xúi tạo phản; Gia Long bèn ra lệnh bắt luôn Nguyễn Văn Thành. Mọi cố gắng kêu oan của Nguyễn Văn Thành đều vô vọng. Oan ức và tức giận, Nguyễn Văn Thành uống thuốc độc tự tử vào năm Đinh Sửu (1817), Nguyễn Văn Thuyên thì bị xử án chém. Hai tháng sau khi Nguyễn Văn Thành qua đời, hoàng tử Nguyễn Phúc Đảm được lập ngôi Thái tử và sau đó kế vị Gia Long trở thành Minh Mạng, hoàng đế thứ hai của nhà Nguyễn.
Vụ án Đặng Trần Thường
Đặng Trần Thường (1759-1816) đậu sinh đồ về cuối đời nhà Lê, từ chối giúp Tây Sơn sau khi nhà Lê mất mà đi theo Nguyễn Ánh, lập được nhiều công trạng làm lên tới chức Tán lý.
Vụ án của Đặng Trần Thường được bắt đầu vào khoảng năm 1809, khi ông này được triệu từ Thăng Long trở về Phú Xuân để làm việc ở Bộ Binh thì nổ ra vụ việc bê bối trong nhóm các viên quan làm sổ phong bách thần cho những người xứng đáng ở xứ Bắc Hà, mà đứng đầu nhóm này là Đặng Trần Thường. Triều đình Huế khi tiến hành kiểm tra thì phát hiện có nhiều sự gian dối trong việc ghi chép hành trạng và quyết định mở án điều tra.
Thông qua việc điều tra này, Đặng Trần Thường bị phát hiện làm gian Sắc phong thần cho Hoàng Ngũ Phúc, vốn là tướng của chúa Trịnh từng dẫn quân đánh đuổi chúa Nguyễn và chiếm Phú Xuân năm 1775, vào bậc phúc thần bằng cách xóa các tước hiệu chúa Trịnh phong cho Phúc và thêm tên Phúc này vào sổ nộp về triều đình. Một cuộc tranh cãi lớn nổ ra giữa các đình thần là xử chém Đặng Trần Thường hay xá tội cho ông này trên cơ sở các công lao đã lập được. Trong vụ án này, Nguyễn Văn Thành là người đứng đầu nhóm xin tha cho Thường vì vốn hai ông có mối quan hệ tốt từ trong giai đoạn Nguyễn Văn Thành làm Tổng trấn Bắc Hà.
Cuối cùng, đích thân Gia Long quyết ra án chém Thường vì những việc trước Hoàng Ngũ Phúc đã làm với dòng họ chúa Nguyễn cũng như những ảnh hưởng cả đến cả cá nhân Gia Long; riêng Nguyễn Văn Thành cũng bị phạt vạ vì đã biện hộ cho Thường. Tuy nhiên, Gia Long nghĩ đến công lao ngày trước nên ông lại tha chết cho Thường, chỉ cấm Thường rời khỏi Huế. Sau khi Nguyễn Văn Thành bị bắt giữ năm 1816 thì Lê Chất, một người có nhiều hiềm khích với Đặng Trần Thường, lại bới những việc sai phạm của Thường ra như khi ra coi Tào binh ở Bắc Thành đã có giấu thuế đầm ao và dinh điền. Vì vậy, Đặng Trần Thường lại bị bắt giam và trong ngục ông này tỏ ý mỉa mai Gia Long. Việc đó đến tai đình thần, nên khi kết án, đình thần xử tội giảo (thắt cổ đến chết). Tương truyền Đặng Trần Thường ở trong ngục có làm bài "Hàn Vương tôn phú" bằng quốc âm để ví mình như Hàn Tín đời nhà Hán.
Đánh giá về hai vụ án này, nhà sử học Trần Trọng Kim ví những vụ án này của Gia Long giống như Hán Cao Tổ Lưu Bang của nhà Hán xử công thần sau khi lên ngôi vua. Tuy nhiên, giáo sư Keith Weller Taylor, trưởng khoa châu Á của trường Đại học Cornell (New York, Hoa Kỳ) thì lại cho rằng hai vụ án có nguyên nhân sâu xa hơn từ sự nhạy cảm của Gia Long đối với vấn đề vùng miền Bắc Nam (trong một Việt Nam thống nhất) và nỗ lực của ông để giảm xung đột của các viên quan từ phía Nam với những người xuất thân từ miền Bắc tại Triều đình Huế. Cụ thể là trong việc Thành biện hộ cho Thường, vụ làm phản của Lê Duy Hoán, và vụ Thường tìm cách đưa Hoàng Ngũ Phúc vào sổ phong phúc thần đều là những yếu tố có ảnh hưởng tác động đến kết quả của hai vụ án trên; còn về vụ việc Thành âm mưu lấn quyền hay phản nghịch có lẽ chỉ là cái cớ chứ không có thật ("more smoke than fire"). Còn giáo sư Alexander Woodside, giảng dạy tại khoa lịch sử thuộc Đại học British Columbia, vụ án của Nguyễn Văn Thành là một "vụ án nổi tiếng nhưng không rõ ràng" và vụ án này "chỉ rõ quyền lực tuyệt đối của Gia Long cũng như nỗi bất an của nhà vua trước (những người có nhiều quyền lực như) Thành".
Qua đời
Tháng 11 năm Mậu Dần (1818), Gia Long lâm bệnh, ông hạ chiếu cho Thái tử Nguyễn Phúc Đảm thay ông quyết việc nước và cho gọi hai đại thần là Lê Văn Duyệt và Phạm Đăng Hưng đến hầu. Ông dặn Thái tử Đảm "Đấy là cơ nghiệp gian nan của trẫm, nay giao cho con, con nên cẩn thận giữ gìn... Ta cũng sắp chết, không nói gì, chỉ có một việc là ngày sau phải cẩn thận chớ nên gây hấn ngoài biên". Rồi Gia Long sai Thái tử Đảm chép lại lời mình, Nguyễn Phúc Đảm chép một cách ngập ngừng ý muốn bỏ chữ "băng", Gia Long cầm bút viết luôn chữ đó vào.
Bệnh ngày càng nặng dần, và Gia Long cố gắng giấu điều này. Đây cũng là một trong nhiều nguyên nhân Gia Long bí mật triệu bác sĩ Treillard của tàu buôn Pháp Henri, khi này đang được mời để trị bệnh cho công chúa thứ chín, vào cung chữa bệnh cho ông. Treillard (có thể có cả sự giúp đỡ của bác sĩ J. M. Despiau, một bác sĩ người Pháp thân cận của vua Gia Long) bí mật điều trị cho nhà vua trong khoảng bốn tháng. Và sau đó vị bác sĩ này cùng với đoàn người trên tàu Henri rời đi vào khoảng ngày 2 tháng 11 năm 1819. Năm tháng sau đó, sức khỏe nhà vua ngày càng suy yếu dần và đến ngày 19 tháng 12 năm Kỷ Mão (tức ngày 3 tháng 2 năm 1820), vua Gia Long qua đời, hưởng thọ 59 tuổi, ở ngôi 18 năm, miếu hiệu là Thế Tổ (世祖).
Về nguyên nhân qua đời, nhà nghiên cứu-lương y Lê Hưng VKD sau khi nghiên cứu "ngự dược nhật ký" năm Kỷ Mão - 1819 (nhật ký ghi chép lại 94 lần kê toa (gồm 24 bài thuốc) của Thái y viện triều Nguyễn đã dùng để chữa bệnh cho Gia Long), cho rằng nhà vua có thể đã bị chứng xơ gan cổ chướng mà qua đời. Thời đó đây là bệnh không có cách chữa. Ông còn nhận xét "Phải chi thời đó có khả năng "cận lâm sàng" như hiện nay thì vị vua "khai sáng triều Nguyễn" đã có thể sống vượt qua năm Kỷ Mão 1819 (vì phát hiện được sớm bệnh trạng thuộc hệ tiêu hóa, do ký sinh trùng tai hại gây ra… tổn thương gan)".
Gia Long được chôn cất tại Lăng Thiên Thọ (hay còn gọi là Lăng Gia Long), nằm ở núi Thiên Thọ, cách Huế khoảng 16 km về phía Tây Nam thuộc làng Định Môn, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Khu lăng mộ được đích thân ông chọn và đốc thúc xây dựng từ năm 1814 và hoàn thành ít lâu sau khi ông qua đời vào năm 1820. Cùng chôn ngay bên cạnh Gia Long trong khu lăng chính là Hoàng hậu Thừa Thiên, về sau bà Hoàng hậu Thuận Thiên được Minh Mạng chôn cất ở lăng Thiên Thọ Hữu, nằm ngay phía bên phải lăng chính.
Sách Hoàng tộc lược biên có viết:
Ngoài ra, Gia Long còn được thờ tại Chánh Án Miếu ở Thế Miếu trong Đại nội Kinh thành Huế. Về sau, vua Minh Mạng đặt thụy hiệu cho ông là Khai thiên Hoằng đạo Lập kỷ Thùy thống Thần văn Thánh vũ Tuấn đức Long công Chí nhân Đại hiếu Cao Hoàng đế (開天弘道立紀垂統神文聖武峻德隆功至仁大孝高皇帝).
Truyền ngôi cho Minh Mạng
Vốn là con trai cả, Nguyễn Phúc Cảnh, cũng như người con trai thứ hai và thứ ba của Gia Long đều đã mất trước khi ông lên ngôi vua (1802) nên Gia Long phải quyết định chọn người kế lập trong số các con cháu trực hệ, trong số này thì hai ứng cử viên nặng ký nhất là người con thứ tư (hoàng tử Nguyễn Phúc Đảm) và con trai của Nguyễn Phúc Cảnh là Hoàng tôn Nguyễn Phúc Mỹ Đường.
Mặc dù có nhiều đình thần phản đối nhưng ông vẫn muốn chọn vị hoàng tử thứ tư là Nguyễn Phúc Đảm làm người kế vị thay vì chọn dòng đích là Mỹ Đường, bất chấp có nhiều đại thần phản đối theo nguyên tắc "đích tôn thừa trọng" (cháu cả được thay thế cha (trong việc kế thừa ông nội)), trong đó có những trọng thần như Lê Văn Duyệt hay Nguyễn Văn Thành. Hoàng tử Đảm vốn là người hay bài xích đạo Công giáo và không có chút cảm tình nào với người Pháp - tư tưởng này hợp với Gia Long. Gia Long đã dặn trong di chiếu rất rõ với Minh Mạng rằng hãy đối xử tử tế với người Âu nhưng hết sức cảnh giác trước các tham vọng của họ, ngoài ra hoàng tử Đảm khi đó đã là một người trưởng thành và khó lòng bị khống chế so với Mỹ Đường đang trong lứa tuổi thiếu niên.
Sau khi Nguyễn Văn Thành uống thuốc độc tự tử trong một vụ án có liên quan tới việc này, phe ủng hộ Mỹ Đường thất bại khi Gia Long chính thức phong cho Nguyễn Phúc Đảm làm Thái tử năm 1817 và sau đó kéo cho tận tới sau khi Thái tử Đảm lên ngôi năm 1820.
Tuy nhiên lý do thực sự Gia Long chọn Hoàng tử Đảm nối ngôi vẫn chưa chắc chắn. Theo sử gia Nguyễn Quang Trung Tiến, Tiến sĩ Khoa học thuộc Trường Đại học Khoa học (Đại học Huế), lý do Gia Long không chọn Mỹ Đường là vì sợ những ảnh hưởng của Pháp đến triều đình: Mỹ Đường vốn là người chịu nhiều ảnh hưởng của đạo Công giáo từ người Pháp giống như cha của ông. Còn học giả Nicole-Dominique Le, học giả thuộc Viện Nghiên cứu và Khảo cứu các Nhân chủng và Văn hóa khác nhau tại Paris (Pháp), lại cho rằng lý do quan trọng nhất Gia Long chọn Đảm là tại vì danh tiếng của hoàng tử như là một người sùng Nho giáo cứng rắn trong các vấn đề tôn giáo. Bà Nicole-Dominique Le còn cho rằng Gia Long xem Đảm là hoàng tử nhà Nguyễn được chuẩn bị tốt nhất để bảo vệ sự độc lập văn hóa Việt Nam khỏi các thách thức sắp đến của các quốc gia châu Âu; và khỏi sự hiện diện đã có của họ tại Việt Nam là các giáo sĩ Công giáo.
Tính cách cá nhân
Tài liệu của L.Barizy, một quan thư lại của triều đình Gia Định, và những người phương Tây cùng thời khác mô tả ngoại hình Nguyễn Ánh thời trẻ "dáng người cao trên trung bình, vóc người tầm thước, vẻ mặt đều đặn, nhẹ nhõm, rất dễ nhìn", "màu da đỏ hồng, rám nắng vì dầu dãi..." Còn theo Michel Đức Chaigneau, người con trưởng của Jean-Baptiste Chaigneau và là người từng trực tiếp gặp Gia Long khi ông chừng 50 tuổi, miêu tả Gia Long về già có "thân thể cường tráng", "da trắng", "mắt sáng", "tướng đạo mạo đáng kính", "nét mặt trang nghiêm, có sắc diện", "dáng điệu rất sang trọng và tính tình hòa nhã".
Quốc sử Đại Nam thời Nguyễn thì không tả về ngoại hình, chỉ đề cao về mặt tính cách của Nguyễn Ánh với những lời lẽ như sau "thông duệ túc thành", "trung thành hết mực với Duệ Tông, không bỏ chúa lúc nguy hiểm", "có lòng ham thích học hỏi", "biết chia ngọt sẻ bùi với thuộc tướng", "lúc mềm mỏng, lúc cương quyết" "ứng phó lẹ làng" với các tình thế trong cuộc sống, ông có "cả những tính cách của một chính trị gia - một võ tướng" lãnh đạo một đám quan - binh phức tạp, hỗn độn, nhiều thành phần từ tặc khấu mà ra với đủ sắc tộc (Việt, Hoa, Xiêm, Chăm, Mã Lai, Tây phương). Quốc sử còn cho biết: Nguyễn Ánh có tài thiện xạ, bắn súng điểu thương và bơi rất giỏi.
Sử ký Đại Nam Việt, một sách lịch sử xuất bản tại Sài Gòn đầu thế kỷ XX, ghi nhận "ông (Nguyễn Ánh) làm tướng rất khôn ngoan và can đảm". Quyển sử này còn viết: "Ngài khốn khó từ lúc bé, phải lưu lạc khắp nơi, chẳng mấy khi được ở yên một nơi nên chẳng kịp học hành là bao nhiêu", nhưng cũng "rất hay chữ Nho". Khi nào thấy việc gì lạ, Nguyễn Ánh liền chăm học cho hiểu. Vốn ngài "chẳng biết chữ Tây" nên phải nhờ các quan thông dịch và giảng dạy cho hiểu. Nhất là các bản vẽ hình các khí giới và những cách xây đắp thành lũy, đóng tàu và các kiến thức khác. Các sách và địa đồ đã mua từ châu Âu, thì Nguyễn Ánh "chăm học mà hiểu hầu hết". Về điểm yếu, Sử ký Đại Nam Việt cũng nêu Nguyễn Ánh là một người "không được vững lòng", ví dụ như khi thắng trận ông hay mừng vui thái quá còn lúc thua ông lại dễ nản. Ngoài ra, ông còn hay ép các quan thuộc cấp làm việc quá nặng nề.
Georges Taboulet, một giáo viên trung học và nhà nghiên cứu nổi tiếng ở Đông Dương, trong tác phẩm "La Geste française en Indochine: histoire par les textes de la France en Indochine des origines à 1914" (Sử liệu Đông Dương thuộc Pháp: Lịch sử nước Pháp ở Đông Dương từ khi khởi nguyên tới năm 1914) viết Nguyễn Ánh là: "...gan dạ, không thô kệch, dồi dào biến trá trong mọi tình thế. Ý tưởng đúng đắn; không có khó khăn nào ngăn chặn được ông và không có chướng ngại làm có thể làm ông lùi bước... Cử chỉ của ông đối với người ngoại quốc thật dễ thương và hòa nhã. Các sĩ quan dưới quyền ông rất kính phục ông. Ông đối xử với họ rất hòa nhã, thân mật và tốt..."
Giáo sĩ Lelabousse viết trong một bức thư ngày 14 tháng 4 năm 1800, Nguyễn Ánh là một người "nóng nảy", "đoản tính"; nhờ có Bá Đa Lộc khuyên ông mới bỏ được các tính đó. Ngoài ra Nguyễn Ánh "cương quyết nhưng không hung tàn", "nghiêm khắc nhưng theo đúng lệ luật"; "là người trí tuệ, tò mò, ham thích và dễ học hỏi, biết ơn, bao dung và tế nhị"; "lớn lên trong tai ương, ông chịu đựng nghịch cảnh một cách can đảm". Ngoài ra Lelabousse còn miêu tả lúc trẻ Nguyễn Ánh mê rượu, nhưng từ khi lên làm chúa ông bỏ hẳn, không chạm một giọt rượu vì Nguyễn Ánh cho rằng "Một kẻ không làm chủ được mình, thì làm sao có thể cai trị được người khác?" Nguyễn Ánh là người có trí tuệ với những đức tính "hăng hái", "thông tuệ", "thẳng thắng", ông còn có khả năng hiểu nhanh. Ông nhớ mọi chuyện rất tài và bắt chước mọi thứ rất dễ dàng. Ông làm việc rất cần mẫn, ban đêm đọc rất nhiều sách và ham thích tò mò tìm hiểu kiến thức một cách "chú ý, thích thú với tất cả những gì thuộc về khoa học phát minh".
Tạ Chí Đại Trường đánh giá "Gia Long là một Nguyễn Ánh được tập thành trong biến cố. Tuổi trẻ, gặp gia biến quá sớm, trước một kẻ thù gần như là vô địch, bị rượt đuổi tận hang cùng ngõ hẻm, ông mang nhiều mặc cảm yếu ớt, hay than thở và bị bắt buộc mong đợi, trông cậy ở người nhiều. Nhưng tình thế giúp ông tự chủ dần dần. Việc khu trừ Đỗ Thanh Nhân là một ví dụ điển hình".
Tác giả Nghia M. Vo mô tả Nguyễn Ánh là một người biết dùng người, có khả năng tụ tập được nhiều phe phái kình chống nhau; nhiều người thuộc nhiều sắc tộc. Ông sẵn sàng trọng dụng người tài, bất kể sắc tộc (Nguyễn Văn Tồn, một người Khmer); hay nguồn gốc xuất thân (Lê Văn Duyệt, một thái giám). Ngoài ra, Nghia M. Vo còn mô tả Nguyễn Ánh là một người làm việc chăm chỉ Cụ thể, Nguyễn Ánh có một lịch làm việc thường nhật như sau: thức dậy từ 6 giờ sáng, bắt đầu gặp quan lại vào 7 giờ và phê duyệt tấu trình cũng như ra sắc chỉ; sau đó đi tới thăm các khu vực công xưởng, binh xưởng. Ăn trưa từ 12 giờ tới 1 giờ chiều, sau đó nghỉ trưa tới 5 giờ chiều. Từ 5 giờ chiều, ông làm việc chính sự tới nửa đêm rồi gặp gia đình mình khoảng một giờ trước khi đi ngủ vào khoảng 2 hay 3 giờ đêm.
Về thời kỳ Gia Long, giáo sư Đại học Western Connecticut State Wynn Wilcox mô tả ông là một chính trị gia có hiểu biết, người hiểu và có thể tác động vào tính phức tạp của triều đình ngay khi ông đang hấp hối. Bách khoa toàn thư Anh thì ghi nhận ông là một vị vua cẩn trọng, bảo thủ, điều đã ảnh hưởng tới các triều vua nối ngôi ông. Còn nhà nghiên cứu Đông Á Joseph Buttinger thì mô tả Gia Long là một Nho sĩ nghiêm khắc. Keith Weller Taylor thì nhận xét nhà vua vẫn giữ các thói quen từ thời chiến trong cung đình qua việc ông "không vội vàng nhưng rất quyết đoán" khi giải quyết chuyện chính sự.
Gia Long rất chán ghét sự rối ren nơi hậu cung do các bà vợ hay đấu đá lẫn nhau. Ông từng tâm sự với một triều thần gốc Pháp là J.B. Chaigneau: “Trị nước thật dễ dàng, không khó nhọc bằng trị chốn nội cung của mình”. Ông gọi các bà vợ là “những con quỷ cái”, và: “Nếu làm đúng thì tôi phải trị tội cả bọn, vì không biết rõ trong cả bọn ấy có đứa nào không độc ác bằng mấy đứa nào!”
Gia quyến
Gia đình
Trong dòng họ, ông giao cho người chú Tôn Thất Thăng lo việc gia huấn trong thân tộc, làm phả hệ Tôn Thất, đặt chức Tôn Nhân lệnh, Tôn Nhân phủ quản trị quốc tộc. Về gia đình của Gia Long cụ thể như sau:
Tổ phụ: Nguyễn Phúc Khoát, về sau truy tôn Thế Tông Hiếu Võ Hoàng đế (世宗孝武皇帝).
Tổ mẫu: Trương Thị Dung (張氏容 1712 - 1736), về sau truy tôn làm Ôn Thành Hiếu Võ Hoàng hậu (溫誠孝武皇后).
Thân phụ: Nguyễn Phúc Luân, về sau truy tôn làm Hưng Tổ Hiếu Khang Hoàng đế (興祖孝康皇帝).
Thân mẫu: Nguyễn Thị Hoàn (阮氏環 1736 - 1811), về sau truy tôn làm Ý Tĩnh Hiếu Khang Hoàng hậu (懿靜孝康皇后).
Anh chị em:
Nguyễn Phúc Hạo (阮福暭), mẹ là Nguyễn Từ phi, thụy phong Cung Mục Tương Dương Quận vương (襄陽恭穆郡王).
Nguyễn Phúc Đồng (阮福晍 ? - 1777), mẹ là Ý Tĩnh Khang Hoàng hậu, anh cùng mẹ, thụy phong Cung Ý Hải Đông Quận vương (海東恭懿郡王).
tảo thương, mẹ là Nguyễn Từ phi.
Nguyễn Phúc Mân (阮福旻 ? - 1783), mẹ là Nguyễn Từ phi, được tặng Trung Hoài An Biên Quận vương (安邊忠懷郡王).
Nguyễn Phúc Điển (阮福晪 ? - 1783), mẹ là Ý Tĩnh Khang Hoàng hậu, được tặng Trung Tráng Thông Hóa Quận vương (通化忠壯郡王).
Nguyễn Phúc Ngọc Tú (阮福玉琇 1759 - 1823), mẹ là Ý Tĩnh Khang Hoàng hậu, truy tặng Long Thành Thái trưởng công chúa (隆城太長公主). Khi mất, thụy là Trinh Tĩnh. Lấy Lê Phúc Điển, năm 1783 Điến bị quân Tây Sơn giết chết, công chúa không lấy chồng nữa.
Nguyễn Phúc Ngọc Du (阮福玉瑜; 1761 - 1820), mẹ là Nguyễn Từ phi, được phong làm Phúc Lộc Trưởng công chúa (福祿長公主). Hạ giá lấy Cai cơ quận công Võ Tánh.
Nguyễn Phúc Ngọc Tuyền (阮福玉璿; ? - 1782), mẹ là Nguyễn Từ phi, chết khi bị Tây Sơn làm nhục. Về sau truy tặng Minh Nghĩa Trưởng công chúa (明義長公主), thụy là Trinh Liệt (貞烈). Hạ giá lấy Nguyễn Hữu Thụy (阮有瑞), không con.
Nguyễn Phúc Ngọc Uyển (阮福玉琬; 1765 - 1810), mẹ là Cung tần Tống thị. Năm Tự Đức thứ 22 được truy tặng Mỹ Hòa công chúa (美和公主), thụy là Ý Mỹ. Hạ giá lấy Tống Phúc Tín.
Hậu cung
Ngoài ra còn có các cung nhân khác không được ghi chép lại. Hậu cung thường xảy ra xung đột và Gia Long tỏ ra không ưa thích chốn hậu cung như thế. Có lần ông đã từng miêu tả việc này trong câu nói: "Chốc nữa trẫm sẽ ở giữa một đám yêu phụ làm trẫm đinh tai nhức óc" và câu đánh giá về phụ nữ của ông: "Trẫm muốn sửa đổi lại cả thế giới, nhất là đàn bà, vì họ đều đáng ghê sợ hơn đàn ông".
Hậu duệ
Gia Long có 13 hoàng tử (sống qua tuổi trưởng thành) và 18 hoàng nữ.
Nhận định
Quá trình Nguyễn Ánh - Gia Long xây dựng cơ nghiệp nhà Nguyễn và cai trị một nước Việt Nam sau nhiều thế kỷ chia cắt và nội chiến, cũng như các di sản và hệ quả ông để lại trong dòng lịch sử Việt Nam là chủ đề của rất nhiều sách, báo, cũng như các công trình nghiên cứu khác nhau. Sau đây là một số lời nhận xét của các sử gia và nhà nghiên cứu về ông:
Nhận định chung
Vấn đề trả thù nhà Tây Sơn
So sánh Gia Long - Quang Trung
Theo tiến sĩ Trần Cao Sơn, thành viên Viện Xã hội học Việt Nam, Quang Trung Nguyễn Huệ đại diện cho giai cấp cần lao, còn Nguyễn Ánh thuộc dòng dõi quý tộc. Do đó trong khi Nguyễn Huệ dấy binh vì nhân dân thì Nguyễn Ánh lại đấu tranh vì quyền lợi của dòng tộc và cá nhân, lo bảo vệ cho ngôi vị chúa Nguyễn Đàng Trong của mình. Trong khi Nguyễn Huệ coi trọng độc lập dân tộc, 2 lần đánh thắng ngoại xâm thì Nguyễn Ánh chỉ biết lo cho quyền lợi cá nhân, mấy lần cầu viện ngoại quốc (Xiêm và Pháp) đem quân vào nước Việt, khiến người dân trong nước chịu nạn, chủ quyền đất nước bị xâm phạm. Tuy nhiên, ở hai nhân vật này cũng có những điểm tương đồng: hai người đều nuôi chí lớn, quyết thực hiện đến cùng sự nghiệp của mình, không ai có thể lay chuyển và chi phối. Họ đều có những thiên bẩm hơn người, mưu cao kế sâu, đầy thao lược, luôn tạo những bước đi táo bạo, mang tính đột phá.
Người ta còn truyền khẩu câu chuyện đối đáp, khi nữ tướng Bùi Thị Xuân bị bắt, Nguyễn Ánh bèn sai người áp giải bà đến trước mặt rồi hỏi với giọng đắc chí: "Ta và Nguyễn Huệ ai hơn?". Bùi Thị Xuân trả lời:
Về tư tưởng kinh tế, Quang Trung cởi mở hơn so với Nguyễn Ánh. Vua Quang Trung khuyến khích nhân dân giao thương buôn bán với nước ngoài, trong khi Nguyễn Ánh lại tìm cách hạn chế và ngăn cấm. Các thương nhân nước ngoài đến buôn bán tại Việt Nam đã có sự so sánh về chính sách thương mại của Quang Trung với Nguyễn Ánh. Đại sứ nước Anh John Crawfurd, người đến Việt Nam năm 1822, dưới triều Minh Mạng, đã dẫn lại lời các Hoa kiều từng sống ở Huế dưới thời Tây Sơn cho rằng: thời Tây Sơn, việc cai trị ôn hòa và công bằng hơn so với Nguyễn Ánh:
Tôi [Crawfurd], thật sự, được chứng thực bởi những thương nhân người Hoa mà tôi trò truyện ở Huế, họ đã sống ở nước này dưới cả hai triều [Tây Sơn và nhà Nguyễn], rằng vua Tây Sơn quản lý đất nước công bằng và điều độ hơn vị vua hiện tại [Minh Mệnh] hoặc cha ông ta [Gia Long]. Thật vậy, chắc chắn là người dân CoChin China nhận được rất ít lợi lộc khi khôi phục lại một gia tộc [chúa Nguyễn] mà ai cũng biết là đã cai trị tồi để dẫn đến nổi loạn; và họ [nhà Nguyễn] cũng bị xem là người đã khôi phục và duy trì chủ quyền bằng những cách thức xa lạ với các chính quyền thuần Á Đông [cầu viện ngoại bang Pháp, Xiêm,...].
Về tham vọng trong việc trị quốc và ngoại giao với Trung Hoa, Quang Trung tỏ ra vượt xa so với Nguyễn Ánh. Quang Trung từng viết biểu cầu hôn công chúa nhà Thanh và đề nghị nhà Thanh cắt đất Lưỡng Quảng (nay là Quảng Đông, Quảng Tây) cho Đại Việt, ông cũng chuẩn bị sẵn binh lực để đánh lấy Lưỡng Quảng nếu vua nhà Thanh từ chối yêu cầu. Trong khi đó, Nguyễn Ánh (và tất cả những vị vua nhà Nguyễn sau này) chưa từng có ai dám viết biểu cho nhà Thanh đòi hỏi những yêu cầu lớn như vậy.
Việc định đô ở Huế
Chính sách cai trị
Sử gia Tạ Chí Đại Trường nhận xét những việc làm của Nguyễn Ánh ở miền Nam như sau: "...chính sách đồn điền nhằm vào việc khai phá đất đai làm ruộng bằng cách khiến mọi người không dừng được, phải tham gia với sự đôn đốc, kiểm soát, trợ giúp của chính phủ. Đó là một chính sách nông nghiệp cưỡng ép, có từ xưa nhưng bây giờ lại được áp dụng trên một quy mô rộng lớn, khiến vùng Gia Định trở nên phồn thịnh, sản xuất dồi dào quyến rũ được đám dân nghèo đói Bình Thuận, Phú Yên... bỏ xứ chạy vào làm tăng dân số, uy tín nội bộ cho Nguyễn Ánh, để dư gạo giúp Xiêm đói, giúp Thanh đánh Tây Sơn và cuối cùng để đủ binh lương cho quân lính dùng khi tràn ra phía Bắc đánh đám người kiệt hiệt đã làm ông khốn đốn khi xưa".
Sử gia Trần Trọng Kim có nói "cách Nguyễn Vương khai khẩn đất Gia Định thật là khôn khéo, khiến cho đất Nam Việt trước là một chỗ đất bỏ hoang, không có người ở, mà sau thành ra một nơi rất đông người và rất trù phú trong nước Nam ta. Ấy cũng là một cái công lớn của ông Nguyễn Phúc Ánh vậy".
Về luật pháp, Gia Long cho soạn bộ luật mới có tên gọi là Hoàng Việt luật lệ (còn được gọi là "luật Gia Long"). Trong 398 điều thì chỉ có 2 điều là rút từ Quốc triều Hình luật thời Hậu Lê, vài chục điều luật khác biệt chút ít về từ ngữ so với luật của nhà Thanh bên Trung Quốc, các điều luật còn lại đều sao chép lại nguyên xi tên gọi lẫn nội dung kể cả các tiểu chú của các điều luật trong “Đại Thanh luật lệ”. Nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần nhận xét bộ luật này về tổng thể là khá khắc nghiệt, không được tiến bộ như bộ luật Hồng Đức của nhà Lê.
Về chính sách thuế khóa và lao dịch, Gia Long áp mức thuế và lao dịch rất nặng lên dân chúng để chi tiêu cho xây dựng và quân đội. Việc xây thành Phú Xuân và đào kênh Vĩnh Tế phải huy động hàng vạn dân phu đi lao dịch. Một người Pháp là Borel viết năm 1818 mô tả việc xây thành Phú Xuân (Huế): “Nhà vua sử dụng tất cả nhân lực vào việc xây tòa thành và các công trình công cộng khác. Khi tôi đến Huế, đã có đến 8 vạn người được điều động từ các nơi trong cả nước đang khẩn trương xây dựng một tòa thành rộng lớn bằng gạch... Riêng việc xây bờ thành đã tốn kém những khoản tiền khổng lồ và làm thiệt hàng ngàn nhân mạng vì phải khổ dịch liên tục... Nhà vua [Gia Long] đã vung ra những món tiền lớn và hy sinh tính mạng của hàng ngàn dân chúng vì họ phải làm việc không nghỉ tay trên các tường lũy của kinh thành”. Một giáo sĩ người Pháp tên Guérard nhận xét rằng:
"Vua Gia Long bóp nặn dân chúng bằng đủ mọi cách, sự bất công và lộng hành làm cho người ta rên xiết hơn cả ở thời Tây Sơn; thuế má và lao dịch thì tăng lên gấp ba".
Chỉ mấy năm sau khi Gia Long lên ngôi, nhà truyền giáo Bissachere viết:
“Thế tử [Ánh] bị dân chúng căm ghét, đặc biệt kể từ khi ông ta lên ngôi và xưng Hoàng Đế, vì ông ta đã bắt dân lao dịch cực khổ để xây hào lũy và các thành phố… Dân Bắc kỳ từng khẩn cầu vị quốc vương hiện thời (Nguyễn Ánh) giúp họ triệt phá nhà Tây Sơn, nhưng sau khi ông ta cai trị họ chưa đầy sáu năm, họ đã nguyền rủa ông ta mỗi ngày vì ông ta bắt họ lao động nặng nhọc còn gấp đôi thời Tây Sơn...”
Vấn đề đối ngoại
Sử gia Nguyễn Văn Kiệm đánh giá mối quan hệ giữa ông và Bá Đa Lộc như sau "Nhiều người, kể cả các sử gia nhấn mạnh quá mức vai trò của Bá Đa Lộc trong việc giúp Nguyễn Ánh... và cho rằng chính nhờ đó mà Nguyễn Ánh đánh bại được quân Tây Sơn. Chúng tôi cho rằng nhận định đó có phần quá đơn giản và quá đề cao Bá Đa Lộc. Đành rằng sự giúp đỡ của Bá Đa Lộc và một số lực lượng lính đánh thuê người Pháp trong thực tế có thể giúp cho lực lượng của Nguyễn Ánh mạnh hơn, song không thể coi đó là một yếu tố quyết định. Phải tìm nguyên nhân thắng lợi của Nguyễn Ánh trong bối cảnh lịch sử cụ thể của Việt Nam lúc ấy như là sự chia rẽ trong nội bộ nhà Tây Sơn, ý chí và năng lực của Nguyễn Ánh, cái chết bất ngờ của vua Quang Trung. Dẫu sao, mối quan hệ giữa ông và Bá Đa Lộc vẫn là một vết đen trong lịch sử xác lập quyền lực của triều Nguyễn và nhân vật Nguyễn Ánh - Gia Long".
Về vấn đề Công giáo đi cùng với mối quan hệ của Gia Long và người Pháp, sử gia Nguyễn Văn Kiệm đánh giá: "Tóm lại, trước và sau khi nắm chính quyền, Nguyễn Ánh tuy vẫn mang ơn Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc), cũng có che chở phần nào các giáo sĩ và giáo dân, song trong thâm tâm và cả trong thực tế không ưa Công giáo bởi vì đạo này quá kiêu hãnh, công kích thẳng vào đạo thờ cúng tổ tiên, một tín ngưỡng truyền thống lâu đời tạo nên một nét đẹp văn hóa và rất hiệu quả trong việc cũng cố trật tự xã hội của chế độ hiện hành. Nguyễn Ánh cũng tỏ ra đủ cảnh giác nhận ra mối quan hệ khăng khít giữa truyền giáo và bành trướng thực dân và đã bước đầu phòng ngừa. Tuy nhiên, Gia Long không bàn hành sắc lệnh cấm đạo nào, và trong gần hai thập kỷ Gia Long ở ngôi, việc truyền bá đạo Công giáo là thuận lợi và tiến triển mạnh. Điều đó càng làm tăng thêm sự nghiêm trọng của những bất lợi do sự xâm nhập của tôn giáo này, khiến người kế vị Gia Long là Minh Mạng phải thi hành những biện pháp chặt chẽ và hệ thống hơn".
Tiến sĩ lịch sử Nguyễn Quang Trung Tiến có ý kiến như sau: "Từ Nguyễn Ánh đến Gia Long - hai tên gọi của một con người - nhãn quan chính trị của ông đối với người Pháp có sự thay đổi rõ rệt. Trong hoàn cảnh mới của lịch sử, ở con người Gia Long chỉ có thái độ hòa dịu với người Pháp do phải biểu hiện sự hàm ơn một cách miễn cưỡng, chứ hoàn toàn không có sự thỏa hiệp và bán rẻ quyền lợi quốc gia cho ngoại bang. Gia Long còn là người hết sức cảnh giác trước mưu đồ thâm nhập Việt Nam của tư bản Pháp và Tây Âu, là người quyết tâm bảo vệ vẹn toàn lợi ích quốc gia - dân tộc trước sức ép của chủ nghĩa tư bản Pháp mà các chính sách của Minh Mạng là bằng chứng biện minh hết sức thuyết phục".
Vấn đề cầu viện quân đội nước ngoài
Giáo sư Trần Văn Giàu nhận xét việc Nguyễn Ánh cầu viện Pháp, cho các sĩ quan Pháp làm quan trong triều đình đã để lại tai họa cho đất nước:
Có những ý kiến bào chữa việc Nguyễn Ánh cầu viện quân Xiêm, hứa cắt đất cho Pháp là do quá khao khát báo thù và muốn giành lại ngôi chúa. Đồng thời họ cho rằng dòng họ chúa Nguyễn từng cai quản Đàng Trong suốt 200 năm, thời phong kiến có tư tưởng "Thiên hạ là của vua" nên việc Nguyễn Ánh rước quân Xiêm vào nước mình là không có gì nghiêm trọng. Tuy nhiên nếu xét kỹ thì những ý kiến bào chữa này là không hợp lý:
Trong lịch sử Việt Nam đã nhiều lần xảy ra việc mất ngôi, nhưng ngoài Gia Long thì chỉ có Lê Chiêu Thống từng dẫn đường cho ngoại quốc xâm chiếm nước mình. Nhà Đinh, Nhà Tiền Lê, nhà Lý, nhà Trần, nhà Mạc cũng từng bị cướp ngôi nhưng chưa từng có vị vua nào làm chuyện tương tự. Tướng nhà Mạc là Mạc Ngọc Liễn từng dặn vua Mạc Kính Cung như sau: "Nay khí vận nhà Mạc đã hết, họ Lê lại trung hưng, đó là số trời. Dân ta là người vô tội mà khiến để phải mắc nạn binh đao, ai nỡ lòng nào!... Nếu thấy quân họ đến đây thì chúng ta nên tránh đi, chớ có đánh nhau với họ, cốt phòng thủ cẩn thận là chính; lại chớ nên mời người Minh vào trong nước ta mà để dân ta phải lầm than đau khổ, đó cũng là tội lớn không gì nặng bằng.", quả nhiên sau này các vua nhà Mạc dù bị tận diệt cũng không hề cầu viện quân Minh giúp giành lại ngôi. Điều đó cho thấy các vị vua Việt Nam luôn ý thức được về tinh thần dân tộc, rằng việc rước ngoại xâm vào đất nước là một tội rất nặng với dân tộc, ngay cả 1 vị vua mang mối thù bị cướp ngôi cũng không được phép làm.
Xét về vai vế thì chúa Nguyễn không phải là vua mà chỉ là quan chức của nhà Hậu Lê, giúp vua Lê cai quản xứ Đàng Trong. Do đó, nếu Nguyễn Ánh muốn rước quân Xiêm vào nước hoặc hứa cắt đất cho Pháp thì phải có chiếu chỉ đồng ý của vua Lê. Thực tế Nguyễn Ánh tự ý mời quân Xiêm, cũng tự ý hứa cắt đất cho Pháp mà không hề có sự đồng ý của vua Lê. Như vậy, kể cả khi xét theo hệ tư tưởng phong kiến đương thời thì việc làm của Nguyễn Ánh cũng không thể bào chữa được, mà còn có thể coi đó là hành vi "tự ý đang lãnh thổ của nhà vua cho giặc", theo luật phong kiến thì sẽ bị khép vào tội Thập Ác bất xá - mục "Mưu loạn (phản nước theo giặc)".
Về phía Pháp, sử gia đương thời Gosselin cho rằng:
Những vị hoàng đế nước Nam, bởi sự bội bạc đối với những người Pháp lẫy lừng đã làm quan cho Gia Long, mà nhờ họ, ông ta [Gia Long] mới có được ngai vàng; bởi sự tàn ác đối với những giáo sĩ đồng bào của chúng ta; bởi sự cứng đầu điên dại bế quan tỏa cảng; bởi sự khinh bỉ nền văn minh phương Tây, vì kiêu căng ngu muội, họ cho là man rợ; bởi sự kiên trì từ chối tiếp xúc với nước ngoài, trừ nước Tầu; những hoàng đế này, tôi nói rằng, phải chịu trách nhiệm sự suy đồi và sụp đổ của nước họ, phải gánh vác một mình, sự nhục nhã trước lịch sử.
Trong bài thơ Lịch sử nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phê phán hành động cầu viện quân đội ngoại quốc của Nguyễn Ánh:
Chú giải
Chú thích và tham khảo
Ghi chú
Thư mục
.
.
.
.
.
.
.
. (Bản dịch tiếng Pháp từ L’Histoire du Vietnam: Des origines à 1858, Nhà Xuất bản Sud Est Asie, Paris, 1982 và mục V (chương VII), và chương IX cuốn Le Viet-Nam, histoire et civilisation, Minuit, Paris, 1955)
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
Đọc thêm |
Quy Nhơn là một thành phố lớn ven biển vùng duyên hải Nam Trung Bộ, Việt Nam và là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật và du lịch của tỉnh Bình Định, Việt Nam.
Trước khi thuộc về Việt Nam, Quy Nhơn từng là đất của người Champa nên xung quanh thành phố hiện vẫn tồn tại nhiều di tích Chăm. Sau năm 1975, Quy Nhơn thành thị xã tỉnh lỵ trực thuộc tỉnh Nghĩa Bình rồi chính thức trở thành thành phố vào năm 1986. Đến năm 1989 thì trở thành tỉnh lị của Bình Định cho đến nay. Với sự phát triển không ngừng của mình, Quy Nhơn đã được thủ tướng chính phủ công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh vào năm 2010, được bình chọn là điểm đến hàng đầu Đông Nam Á bởi tạp chí du lịch Rough Guides của Anh vào năm 2015 và lọt vào top 20 điểm đến hàng đầu thế giới năm 2020 do Hostelworld xếp hạng
Lịch sử
Quy Nhơn được hình thành từ rất sớm, thuộc vùng đất Đàng Trong, xứ Thuận Quảng. Cách đây trên 400 năm đã xuất hiện phủ Quy Nhơn. Vùng đất này đã có lịch sử hình thành phát triển cùng với nền văn hoá Chăm Pa từ thế kỷ XI, dưới triều đại nhà Tây Sơn và cảng Thị Nại từ đầu thế kỷ XVIII.
Do vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, xã hội và tác động sự phát triển của nền công nghiệp phương Tây vào thế kỷ XIX làm cho diện mạo Quy Nhơn thay đổi.
Ngày 20/10/1898, vua Thành Thái ra Chỉ dụ thành lập thị xã Quy Nhơn, đô thị tỉnh lỵ, là một trong những đô thị hoạt động thương mại với nước ngoài khá sầm uất lúc bây giờ.
Vào đầu thế kỷ XX, nhiều công trình mới được mọc lên như: trường học, bệnh viện, khách sạn, công sở, nhà hát, toà giám mục, hệ thống giao thông đường sắt, nhà ga...Do đó, trong 3 thập niên đầu của thế kỷ XX, Quy Nhơn nhanh chóng được đô thị hóa và trở thành một đô thị lớn ở khu vực.
Ngày 30/4/1930, Toàn quyền Đông Dương Pasquier đã ra Nghị định nâng cấp thị xã Quy Nhơn lên thành phố cấp 3. Đây là một trong những đô thị ở Việt Nam thời bấy giờ đạt tiêu chuẩn cả về phương diện hành chính lẫn kinh tế, văn hóa.
Giai đoạn 1945 - 1975
Sau Cách mạng tháng Tám, ngày 3 tháng 9 năm 1945, Quy Nhơn được tổ chức theo quy chế thị xã, lấy tên là thị xã Nguyễn Huệ. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp Quy Nhơn là hậu phương của chiến trường khu V và Tây Nguyên.
Thời kỳ 1954 – 1975, Quy Nhơn thuộc quyền kiểm soát của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, dân số năm 1961 là 91.007 người.
Ngày 30 tháng 9 năm 1970, Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa ra Sắc lệnh thành lập thị xã Quy Nhơn từ xã Quy Nhơn thuộc quận Tuy Phước, cộng thêm ấp Xuân Vân của xã Phước Tấn, ấp Xuân Quang của xã Phước Hậu và trọn phần đất núi Bà Hỏa cùng một phần đất ấp Hưng Thạnh của xã Phước Hậu, lập 2 quận là Nhơn Bình và Nhơn Định. Trong đó, quận Nhơn Bình gồm:
Xã Quy Nhơn gồm các ấp Hải Cảng, Đào Duy Từ, Nguyễn Du, Lê Lợi, Cường Để, Nguyễn Huệ, Hàm Nghi và Ghềnh Ráng.
Xã Phước Tấn - ấp Xuân Vân
Xã Phước Hậu - ấp Xuân Quang
Xã Phước Hải với các ấp Hải Đông, Hải Nam, Hải Minh và Hải Giang.
Quận Nhơn Định gồm có xã Quy Nhơn với các ấp Phan Bội Châu, Nguyễn Công Trứ, Lý Thường Kiệt, Bạch Đằng, Huyền Trân và Tháp Đôi.
Ngày 11 tháng 6 năm 1971, theo Nghị định số 494 BNV/HCĐP/26/ĐT/NĐ của Tổng trưởng Bộ Nội vụ Việt Nam Cộng hòa, thị xã Quy Nhơn được sắp xếp lại các đơn vị hành chính như sau:
Quận Nhơn Bình có 10 khu phố:
Khu phố Trung Cảng (tức ấp Hải Cảng cũ)
Khu phố Trung Từ (ấp Đào Duy Từ)
Khu phố Trung Phú (tức ấp Nguyễn Du)
Khu phố Trung Đức (tức ấp Lê Lợi)
Khu phố Trung Cường (tức ấp Cường Để và ấp Nguyễn Huệ)
Khu phố Trung Hiếu (tức ấp Hàm Nghi)
Khu phố Trung Tín (tức ấp Ghềnh Ráng)
Khu phố Trung Châu (tức ấp Xuân Quang)
Khu phố Trung Hòa (tức ấp Quy Hòa).
Khu phố Trung Hải (tức các ấp Đông Hải, Hải Nam, Hải Minh, Hải Giang)
Quận Nhơn Định có 6 khu phố:
Khu phố Trung Chánh (tức ấp Phan Bội Châu và ấp Bạch Đằng)
Khu phố Trung Kiệt (tức ấp Lý Thường Kiệt và Nguyễn Công Trứ)
Khu phố Trung An (tức ấp Huyền Trân)
Khu phố Trung Thiện (tức ấp Tháp Đôi)
Khu phố Trung Hậu (tức các ấp Đông Định, Hưng Thạnh, Bình Thạnh, Lương Nông, An Thạnh, Phú Vinh và Phú Hòa)
Khu phố Trung Nghĩa (tức các ấp Phụ An, Nhơn Mỹ, Tường Vân, Vân Hà, Lạc Trường, Thuận Nghi, Tây Định).
Đến năm 1973, các khu phố của thị xã Quy Nhơn đổi thành phường, dưới phường là khóm. Toàn thị xã có 2 quận, 16 phường, 46 khóm với dân số là 313.231 người.
Giai đoạn 1975 - 1986
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, tổ chức lại các đơn vị hành chính, Quy Nhơn tiếp tục là thị xã thuộc tỉnh Bình Định, phường Đống Đa được thành lập trên cơ sở đất của làng Hưng Thạnh cũ. Xã Nhơn Châu bao gồm toàn bộ Cù Lao Xanh, trước thuộc tỉnh Phú Yên được sáp nhập về Quy Nhơn.
Tháng 2 năm 1976, hai tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi hợp nhất thành tỉnh Nghĩa Bình, thị xã Quy Nhơn trở thành tỉnh lỵ tỉnh Nghĩa Bình, gồm 8 phường: Đống Đa, Hải Cảng, Lê Hồng Phong, Lê Lợi, Ngô Mây, Quang Trung, Trần Hưng Đạo, Trần Phú và 4 xã: Nhơn Châu, Nhơn Hải, Nhơn Lý, Nhơn Thạnh.
Ngày 24 tháng 3 năm 1979, chia xã Nhơn Lý thành 2 xã: Nhơn Lý và Nhơn Hội.
Ngày 23 tháng 9 năm 1981, chia xã Nhơn Thạnh thành 2 xã: Nhơn Bình và Nhơn Phú.
Cuối năm 1985, thị xã Quy Nhơn có 8 phường: Đống Đa, Hải Cảng, Lê Hồng Phong, Lê Lợi, Ngô Mây, Quang Trung, Trần Hưng Đạo, Trần Phú và 6 xã: Nhơn Bình, Nhơn Châu, Nhơn Hải, Nhơn Hội, Nhơn Lý, Nhơn Phú.
Từ năm 1986 đến nay
Ngày 3 tháng 7 năm 1986, Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định thành lập thành phố Quy Nhơn từ thị xã Quy Nhơn; chuyển xã Phước Thạnh thuộc huyện Tuy Phước về thành phố Quy Nhơn quản lý và đổi tên thành xã Nhơn Thạnh. Khi đó thành phố Quy Nhơn có 8 phường: Đống Đa, Hải Cảng, Lê Hồng Phong, Lê Lợi, Ngô Mây, Quang Trung, Trần Hưng Đạo, Trần Phú và 7 xã: Nhơn Bình, Nhơn Châu, Nhơn Hải, Nhơn Hội, Nhơn Lý, Nhơn Phú, Nhơn Thạnh, với diện tích 212 km² và dân số 274.076 người.
Ngày 12 tháng 3 năm 1987, chia xã Nhơn Thạnh thành 2 phường: Bùi Thị Xuân và Trần Quang Diệu.
Ngày 30 tháng 6 năm 1989, tỉnh Bình Định được tái lập, thành phố Quy Nhơn trở lại là tỉnh lỵ tỉnh Bình Định.
Ngày 26 tháng 12 năm 1997:
Chia phường Quang Trung thành 3 phường: Quang Trung, Ghềnh Ráng và Nguyễn Văn Cừ
Chuyển 2 xã Nhơn Bình và Nhơn Phú thành 2 phường có tên tương ứng.
Ngày 4 tháng 7 năm 1998, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị quyết 558 công nhận Quy Nhơn là đô thị loại II.
Ngày 4 tháng 9 năm 1998:
Thành lập phường Lý Thường Kiệt từ một phần diện tích tự nhiên và dân số của các phường Ngô Mây, Lê Hồng Phong và Trần Phú
Thành lập phường Thị Nại từ một phần diện tích tự nhiên và dân số của các phường Đống Đa và Trần Hưng Đạo.
Ngày 15 tháng 11 năm 2005, chuyển xã Phước Mỹ thuộc huyện Tuy Phước về thành phố Quy Nhơn quản lý.
Thành phố Quy Nhơn có 21 đơn vị hành chính bao gồm 16 phường và 5 xã như hiện nay.
Ngày 25 tháng 1 năm 2010, theo Quyết định số 159/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thành phố Quy Nhơn được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Bình Định.
Địa lý
Vị trí
Thành phố Quy Nhơn nằm ở phía đông nam và là địa phương cửa ngõ phía nam tỉnh Bình Định, có vị trí địa lý:
Phía đông giáp Biển Đông
Phía tây giáp huyện Tuy Phước và huyện Vân Canh
Phía bắc giáp huyện Tuy Phước và huyện Phù Cát
Phía nam giáp thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên.
Quy Nhơn nằm trong phạm vi tọa độ từ 13°36'B đến 13°54'B, từ 109°06'Đ đến 109°22'Đ, cách Hà Nội 1.065 km về phía bắc, cách Thành phố Hồ Chí Minh 650 km về phía nam, cách thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai) 165 km và cách thành phố Đà Nẵng 323 km.
Địa hình
Quy Nhơn có nhiều thế đất khác nhau, đa dạng về cảnh quan địa lý như núi (Như núi Đen cao 361m), rừng nguyên sinh (Khu vực đèo Cù Mông), gò đồi, đồng ruộng, ruộng muối, bãi, đầm (Đầm Thị Nại), hồ (Hồ Phú Hòa (Phường Nhơn Phú và phường Quang Trung), Bầu Lác (Phường Trần Quang Diệu), Bầu Sen (Phường Lê Hồng Phong), hồ Sinh Thái (Phường Thị Nại)), sông ngòi (Sông Hà Thanh), biển, bán đảo (Bán đảo Phương Mai) và đảo (Đảo Nhơn Châu – Cù lao xanh). Bờ biển Quy Nhơn dài 72 km, diện tích đầm, hồ nước lợ lớn, tài nguyên sinh vật biển phong phú, có nhiều loại đặc sản quý, có giá trị kinh tế cao. Các ngành kinh tế chính của thành phố gồm công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu, dịch vụ cảng biển, nuôi và khai thác thủy hải sản, du lịch.
Khí hậu
Về khí hậu, Quy Nhơn có 2 mùa rõ rệt: mùa khô từ tháng 3 - 9, mùa mưa từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau; nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 28 độ C.
Tài nguyên thiên nhiên
Quy Nhơn được biết đến như một thành phố giàu tài nguyên thiên nhiên: về tài nguyên đất có bán đảo Phương Mai với diện tích 100 km2, đầm Thị Nại 50 km2 (trong đó: Quy Nhơn 30 km2, huyện Tuy Phước 20 km2), có trên 30.000 ha rừng. Khoáng sản quặng titan (xã Nhơn Lý), đá granit (phường Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân), có ngư trường rộng, đa loài và nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao; đặc sản có yến sào (sản lượng đứng sau tỉnh Khánh Hòa). Nguồn nước ngầm với trữ lượng khá lớn (dọc lưu vực sông Hà Thanh và bán đảo Phương Mai) bảo đảm cung cấp nước sạch cho thành phố.
Hành chính
Thành phố Quy Nhơn có 21 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 16
phường: Bùi Thị Xuân, Đống Đa, Ghềnh Ráng, Hải Cảng, Lê Hồng Phong, Lê Lợi, Lý Thường Kiệt, Ngô Mây, Nguyễn Văn Cừ, Nhơn Bình, Nhơn Phú, Quang Trung, Thị Nại, Trần Hưng Đạo, Trần Phú, Trần Quang Diệu và 5 xã: Nhơn Châu, Nhơn Hải, Nhơn Hội, Nhơn Lý, Phước Mỹ.
Kinh tế
Hiện nay cơ cấu các ngành kinh tế của Quy Nhơn có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp dịch vụ, giảm tỷ lệ ngành nông lâm ngư nghiệp trong GDP. Tỷ trọng nông, lâm, thủy sản - công nghiệp và xây dựng - dịch vụ trong GDP năm 2014 đạt: 5,5% - 47,6% - 46,9%. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 918,4 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 608 triệu USD. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 là 6.052 USD/người.
Theo quyết định 1672/QĐ-TTg 2018 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu phát triển của thành phố là phấn đấu đến năm 2025 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là trung tâm vùng duyên hải miền trung. Đến năm 2035 là trung tâm kinh tế biển quốc gia theo định hướng dịch vụ - cảng biển - công nghiệp - du lịch, trọng tâm là dịch vụ - cảng biển tạo sức lan toả đến
hệ thống đô thị toàn tỉnh Bình Định và vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên. Phát triển khu kinh tế Nhơn Hội làm động lực quan trọng phát triển kinh tế xã hội. Đến năm 2050 là một trong những thành phố quan trọng trong hệ thống đô thị quốc gia và Đông Nam Á. Để đạt được mục tiêu trên, còn rất nhiều việc phải làm. Vì vậy, chính quyền và nhân dân cần có sự chung tay góp sức xây dựng vì mục tiêu chung.
Thương mại - Du lịch - Dịch vụ
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ bình quân tăng 14,3%/năm. Giá trị kim ngạch xuất khẩu năm 2014 đạt 930,4 triệu USD, gấp 1,4 lần so với năm 2010. Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu trong 5 năm đạt 9,52 tỷ USD, giá trị kim ngạch nhập khẩu đạt 8,764 tỉ USD.
Sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển năm 2019 đạt trên 19 triệu tấn, tăng 9% so với năm 2018.
Công tác quy hoạch, quảng bá du lịch được tăng cường; đến nay, thành phố có hơn 600 khách sạn-khu nghỉ dưỡng du lịch lớn nhỏ, đặc biệt là các khách sạn 5 sao như FLC Luxury Hotel Quy Nhơn, Avani Quy Nhon Resort & Spa, Anantara Quy Nhon Villas và vô số các khách sạn 4 sao, 3 sao. Năm 2018, Quy Nhơn đón hơn 6 triệu lượt khách du lịch. Năm 2019, Quy Nhơn đón được hơn 7,8 triệu lượt khách, tổng doanh thu du lịch ước tính đạt 16.000 tỉ đồng. Đầu năm 2020, Quy Nhơn dành các danh hiệu "Thành phố du lịch sạch Asean 2020" của diễn đàn du lịch ASEAN (ATF) bình chọn và "Điểm đến hàng đầu thế giới" do Hostelworld bình chọn.
Khu công nghiệp
KCN Phú Tài
KCN Long Mỹ
KCN Nhơn Hội A
KCN Nhơn Hội B
KCN Nhơn Hội C
Cụm công nghiệp
CCN Bùi Thị Xuân
CCN Nhơn Bình (Đang di dời, chuyển đổi thành đất dân sinh đô thị)
CCN Quang Trung
Nông - Lâm - Ngư nghiệp
Triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tại 4 xã Nhơn Lý, Phước Mỹ, Nhơn Hải, Nhơn Châu đạt kết quả tích cực, đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới tại 2 xã Nhơn Lý, Phước Mỹ vào năm 2015 và 2 xã Nhơn Hải, Nhơn Châu sẽ hoàn thành trong năm 2020.
Giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản tăng bình quân 3,6%/năm;
Hạ tầng
1. Hệ thống điện: điện lưới quốc gia đã phủ kín hết các phường, xã của thành phố Quy Nhơn (Với dự án kéo cáp ngầm dẫn điện mà UBND thành phố trình Thủ Tướng, thì xã đảo Nhơn Châu là địa phương cuối cùng được hoà vào lưới điện quốc gia vào ngày 23/08/2020, đời sống sinh hoạt của người dân trên đảo đã được cải thiện rất nhiều).
- Hệ thống đèn chiếu sáng, đèn trang trí, đèn tín hiệu giao thông được đầu tư phát triển đồng bộ. 100% các tuyến đường được chiếu sáng; số tuyến hẻm có bề rộng lớn hơn 2m được lắp đặt đèn chiếu sáng đạt 85%.
2. Hệ thống cấp nước: Nhà máy nước Quy Nhơn có tổng công suất 45.000 m3/ngày đêm thực hiện cấp nước sạch cho hơn 95% dân số và các hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn TP Quy Nhơn và một phần Khu kinh tế Nhơn Hội. Tại xã đảo Nhơn Châu, UBND thành phố đang triển khai đầu tư xây dựng công trình Hồ chứa nước ngọt Nhơn Châu (kể cả đường ống cấp nước đến nhà từng hộ dân) để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân sinh sống trên đảo.
3. Về giao thông: Hệ thống giao thông: gồm có đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không và đường biển. Trong đó:
a) Đường bộ: gồm 3 tuyến Quốc lộ (QL.1, QL 1D, QL19) và mạng lưới đường đô thị địa phương. - Quốc lộ 1 đoạn qua qua TP Quy Nhơn có chiều dài 4,7 km, được xây dựng đạt tiêu chuẩn đường đô thị loại II chỉ giới xây dựng 30 mét.- Quốc lộ 1D nối thành phố Quy Nhơn với Thị xã Sông Cầu tỉnh Phú Yên có chiều dài 20,7 km, được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng. Hiện nay tuyến Quốc lộ này đang được thi công, nâng cấp mở rộng đoạn từ để đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh Bình Định và thành phố Quy Nhơn.- Quốc lộ 19 nối liền Cảng Quy Nhơn đến cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (tỉnh Gia Lai) có tổng chiều dài 238 km được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng. Đây là tuyến đường có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định nói riêng và các tỉnh Tây nguyên nói chung, đặc biệt là hoạt động vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu từ các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, các tỉnh Nam Lào, đông bắc Campuchia qua cụm cảng Quy Nhơn. Hiện nay, tuyến Quốc lộ này đang đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp 1 đô thị, mặt cắt ngang rộng từ 32-50m với 6 làn xe (4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ) cùng dải phân cách và vỉa hè.- Hệ thống đường đô thị được đầu tư đồng bộ, cơ bản đảm bảo yêu cầu giao thông đi lại của người dân. Kết cấu đường đô thị rất đa dạng, gồm có: đường bê tông nhựa, đường thấm nhập nhựa, đường bê tông xi măng,… Một số tuyến đường có cảnh quan đẹp, được du khách đánh giá cao như đường An Dương Vương, đường Nguyễn Tất Thành, đường Xuân Diệu,…
b) Đường sắt: Ga Diêu Trì cách trung tâm thành phố khoảng 15 km, là một trong những ga lớn, là đầu mối của tất cả các loại tàu trên tuyến đường sắt Bắc - Nam. Ngoài ra tại khu vực trung tâm thành phố còn có Ga Quy Nhơn, là một nhánh của tuyến đường sắt Bắc – Nam, vận chuyển hàng hóa, người đến ga Diêu Trì và là điểm đầu, điểm cuối của đôi tàu Sài Gòn – Quy Nhơn. Theo quy hoạch, trong tương lai Ga Quy Nhơn sẽ được di dời ra khỏi trung tâm thành phố.
c) Đường hàng không: Sân bay Phù Cát cách TP Quy Nhơn 35 km về phía Tây Bắc. Nhà ga hành khách có diện tích sử dụng khoảng 3.000m2 với năng lực phục vụ khoảng 900 khách/ giờ cao điểm. Trong đó, Terminal 1 dùng làm ga nội địa với năng lực 600 khách/ giờ cao điểm; terminal 2- cải tạo từ nhà ga cũ dùng làm ga quốc tế với năng lực 300 khách/ giờ cao điểm. Hiện nay có 04 hãng hàng không nội địa Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific và Bamboo Airways đang khai thác các đường bay đến Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Vinh, Thanh Hoá, Cần Thơ.
d) Đường biển: Cảng Quy Nhơn là cảng biển tổng hợp quốc gia phục vụ phát triển kinh tế khu vực, là đầu mối chuyển tiếp hàng hóa quá cảnh từ cửa khẩu Bờ Y, cửa khẩu Lệ Thanh và các tỉnh bắc Tây Nguyên qua Quốc lộ 19, Cảng có thể tiếp nhận tàu 50.000 DWT hoặc cùng lúc 2 tàu 30.000 DWT, công suất đạt 15 triệu tấn/năm. Năm 2022, sản lượng hàng hoá thông qua cảng Quy Nhơn đạt hơn 10,8 triệu tấn. Cảng Thị Nại là cảng tổng hợp địa phương, có thể tiếp nhận tàu từ 10.000 DWT trở lên. Cảng dầu Quy Nhơn là cảng có khả năng tiếp nhận tàu 10.000 DWT, công suất đạt 0,8 triệu tấn/năm. Liên tục nâng cấp mở rộng cảng, cùng với việc áp dụng thành công hệ thống quản lý E-Port hiện đại, cảng Quy Nhơn hứa hẹn sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong tương lai. Năm
2023, World Bank và S&P Global Market Intelligence đã công bố Chỉ số CPPI về hiệu quả hoạt động, cụm cảng Quy Nhơn lọt vào top các cảng hoạt động tốt nhất thế giới.
4. Bưu chính, viễn thông: Mạng lưới bưu chính viễn thông với đủ các loại hình dịch vụ có thể đáp ứng nhanh chóng nhu cầu trao đổi thông tin, liên lạc. tỷ lệ thuê bao điện thoại đạt 55 - 60 thuê bao/100 dân; mật độ thuê bao Internet đạt 6 - 8 thuê bao/100 dân, trong đó số thuê bao Internet băng rộng chiếm khoảng 80%, tỷ lệ người sử dụng Internet đạt 60% dân số.
5. Về hệ thống công viên, cây xanh: Tổng diện tích cây xanh, thảm cỏ, công viên toàn thành phố là 64ha, bình quân đất cây xanh đô thị đạt 13m2/người. Các công viên lớn gồm: công viên Đống Đa, công viên Hà Thanh, công viên đường Nguyễn Tất Thành, công viên thiếu nhi,…
6. Xử lý chất thải rắn đô thị và khu công nghiệp trên địa bàn thành phố:
Công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt được triển khai trên 20/21 phường, xã của thành phố (trừ xã đảo Nhơn Châu). Hằng năm, UBND thành phố ký hợp đồng đặt hàng Công ty CP Môi trường Đô thị Quy Nhơn thực hiện nhiệm vụ công ích này. Nguồn kinh phí chi trả: từ nguồn thu phí rác thải và ngân sách thành phố cấp bù. Rác thải sau khi thu gom, được vận chuyển về Bãi chôn lấp chất thải rắn Long Mỹ tại thôn Thanh Long, xã Phước Mỹ, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Công suất thiết kế 500 tấn/ngày đêm. Với quy mô 61,6 ha, Bãi chôn lấp được chia thành 05 phân khu xử lý, bao gồm:
a. Ô chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt C3: - Diện tích: 6,12 ha.- Công suất thiết kế: 460 tấn/ngày đêm.- Công suất thực tế: 200 tấn/ngày đêm.
b. Trạm xử lý nước rỉ rác: - Diện tích: 2,01ha.- Quy mô: xử lý sơ bộ toàn bộ lượng nước rỉ rác phát sinh trên bãi rác Long Mỹ trước khi chuyển về Nhà máy xử lý nước thải 2A.- Thời gian xây dựng: năm 2012.- Thời gian hoàn thành: tháng 12/2014.- Công suất thiết kế: 200m3/ngày đêm.- Công suất thực tế: 150m3/ngày đêm.
c. Lò đốt chất thải y tế: - Diện tích: 250m3.- Quy mô: thu gom, xử lý rác thải y tế nguy hại trên địa bàn thành phố Quy Nhơn.- Thời gian xây dựng: năm 2013.- Thời gian hoàn thành: năm 2015.- Công suất thiết kế: 200 kg/h.
d. Nhà máy chế biến rác thải Long Mỹ: - Diện tích: 6,6 ha.- Quy mô: xử lý và chế biến rác hữu cơ thu gom trên địa bàn thành phố Quy Nhơn.- Công nghệ đang áp dụng: Chế biến rác thải hữu cơ thành phân Compost, sử dụng dây chuyền công nghệ sản xuất của Bỉ; phân loại bởi hệ thống dây chuyền bằng máy kết hợp thủ công; quá trình ủ sử dụng kỹ thuật ủ luống, hiếu khí bằng phương pháp đảo lộn (đảo trộn bằng xe đảo trộn). v - Công suất theo thiết kế: 250 tấn rác/ngày (≈ 84 tấn phân/ngày, sản xuất 3ca/ngày).- Công suất thực tế: 10 tấn rác/ngày.
e. Ô chôn lấp chất thải bột đá:- Quy mô: 2,18 ha.- Công suất thiết kế: 102 tấn/ngày.
Giao thông
Đường bộ
TP. Quy Nhơn được kết nối với các tỉnh, thành phố khác qua các quốc lộ:
Quốc lộ 1 chạy qua Quy Nhơn theo hướng bắc nam, dài 48,6 km, cách trung tâm 15 km về hướng tây thành phố.
Quốc lộ 1D nối thành phố Quy Nhơn với thị xã Sông Cầu - tỉnh Phú Yên, dài 34,5 km.
Quốc lộ 19 nối Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên với Quy Nhơn.
Quốc lộ 19B: dự kiến đầu tư, sửa chữa và nâng cấp 3 đoạn, trong đó đoạn 1 đi trùng đường trục Khu kinh tế Nhơn Hội có tổng chiều dài 15,70 km; đoạn 2 đi trùng tuyến đường tỉnh 639 dài 1,95 km và đoạn 3 đi trùng đường tỉnh 635 có tổng chiều dài 42,35 km từ Cát Tiến đến Sân bay Phù Cát. Dự án đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng ngày 31/3/2020, kết nối Sân bay Phù Cát với Khu kinh tế Nhơn Hội.
Đường cao tốc Quy Nhơn – Chí Thạnh chạy qua khu vực phía tây thành phố.
Ngoài ra còn có dự án Đường cao tốc Quy Nhơn – Pleiku – Lệ Thanh đi qua đang được triển khai đầu tư xây dựng.
Về giao thông tỉnh, Quy Nhơn có bến xe liên tỉnh nằm trên đường Tây Sơn phục vụ đi lại của nhân dân đến hầu hết các địa phương trong và ngoài tỉnh. Dịch vụ vận tải giao thông công cộng (xe buýt) ở Quy Nhơn ra đời từ năm 2000 nối thành phố với hầu hết các huyện trong tỉnh
Đường thủy
Quy Nhơn có cảng Quy Nhơn, cảng Thị Nại, cảng Đống Đa và cảng nước sâu Nhơn Hội. Hệ thống cảng Quy Nhơn là hệ thống cảng lớn nhất của vùng duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên. Cảng Quy Nhơn đã được thủ tướng chính phủ công nhận là cảng loại 1 và đang trên đà phát triển mạnh mẽ với vị trí luôn nằm trong top 3 lượng hàng hóa lưu thông qua cảng, chỉ đứng sau cảng Sài Gòn và cảng Hải Phòng. Năm 2013 tổng lượng hàng qua hệ thống cảng Quy Nhơn là 12.294.354 tấn, cao nhất khu vực Miền Trung. Dự kiến đến năm 2020 tổng sản lượng hàng hóa qua hệ thống cảng Quy Nhơn là 20 - 25 triệu tấn.
Đường sắt
Ga Quy Nhơn nằm ngay trung tâm thành phố, là một nhánh của tuyến đường sắt Bắc-Nam hướng từ ga Diêu Trì. Ga không phải là ga lớn, chủ yếu vận chuyển hành khách và hàng hóa lên đến ga chính là ga Diêu Trì. Tuy nhiên, hiện nay ngành đường sắt đã đưa vào sử dụng đôi tàu địa phương SQN1/2 Golden Train chạy từ ga Quy Nhơn đến ga Sài Gòn và ngược lại hàng ngày giúp người dân thuận tiện hơn trong việc đi tàu. Vào các dịp cao điểm như lễ, tết hoặc hè, một số đôi tàu nhanh khác cũng được vào sử dụng tại ga như Quy Nhơn - Nha Trang, Quy Nhơn - Vinh. Tại đây còn bán vé Tàu Thống Nhất và tàu khách địa phương
Đường hàng không
Cảng hàng không Phù Cát là một trong những sân bay lớn và có các tiêu chí kỹ thuật tốt nhất của khu vực Miền Trung và Tây Nguyên và có khả năng tiếp nhận các máy bay loại lớn như Airbus A330, Boeing 737, Boeing 777.
Các đường bay đang khai thác:
Vietnam Airlines: Chặng Quy Nhơn - Thành phố Hồ Chí Minh - Quy Nhơn với tần suất 28 chuyến/tuần bằng máy bay Airbus A321.
Vietnam Airlines: Chặng Quy Nhơn - Hà Nội - Quy Nhơn với tần suất 14 chuyến/tuần bằng máy bay Airbus A321.
Vietjet Air: Chặng Quy Nhơn - Thành phố Hồ Chí Minh - Quy Nhơn với tần suất 14 chuyến/tuần bằng máy bay Airbus A320 Sharklet và mỗi chuyến một ngày tuyến Hà Nội-Quy Nhơn từ 24/4/2014.
Jetstar Pacific Airlines: Quy Nhơn - Thành phố Hồ Chí Minh với tần suất mỗi ngày một chuyến.
Bamboo Airways: Quy Nhơn - Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng và Hàn Quốc
Về cách viết tên gọi của Quy Nhơn
Ngày 24 tháng 8 năm 2020, UBND tỉnh Bình Định có công văn đề nghị đổi tên gọi hành chính TP. Qui Nhơn thành TP. Quy Nhơn
Tuy nhiên vấn đề này đang gây tranh cãi về cách viết Qui Nhơn và Quy Nhơn. Thiết nghĩ cần có một hội thảo khoa học để chính thức hóa tên gọi của thành phố này. Vì theo các công trình nghiên cứu và bài viết tranh luận, khi được Latin hóa tên gọi được viết bằng tiếng Pháp hoặc chữ quốc ngữ là Quinhon, Qui-nhơn, Qui Nhơn theo chuẩn chính tả tiếng Việt buổi đầu, không xuất hiện cách viết Quy Nhơn. Việc viết Quy Nhơn là do có ý kiến cho rằng Quy có nghĩa là "quay về, tụ hội", còn Qui có nghĩa là "con rùa", tuy nhiên ý kiến này không đưa ra được bằng chứng xác đáng và đã có những bài viết của PGS - TS Hoàng Dũng , nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang phản biện.
Vì tên gọi chưa được quy chuẩn theo quy định chính tả hiện hành (viết chữ "Quy") hay giữ nguyên tên gốc ban đầu như quy định viết tên riêng, địa danh (giữ lại chữ "Qui"), nên hiện nay đang sử dụng cả hai cách viết tên gọi Quy Nhơn và Qui Nhơn đều nhằm chỉ một nơi duy nhất.
Tên đường của Qui Nhơn trước 1975
Đường Huyền Trân (Đống Đa tới Cầu Đôi) gộp với đường Gia Long nay là đường Trần Hưng Đạo.
Đường Ngô Tùng Châu nay là đường Nguyễn Trãi.
Đường Ký Con nay là đường Lý Tự Trọng.
Đường Đặng Đức siêu nay là đường Nguyễn Văn Bé.
Đường Phan Thanh Giản nay là đường Ngô Thời Nhiệm
Đường Cường Để nay là đường Trần Phú.
Đường Khổng Tử nay là đường Lương Định Của.
Đường Trần Hưng Đạo nay là đường Trần Bình Trọng.
Đường Hoàng Diệu nay là đường 31 tháng 3.
Đường Trịnh Minh Thế nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai.
Đường Lê Văn Duyệt (tên cũ hơn nữa là đường Ngô Đình Khôi) nay là đường Biên Cương.
Đường Nguyễn Hữu Lộc nay là đường Ngô Mây.
Đường Đoàn Đức Thoan (bản đồ Qui Nhơn xb 1969 in nhầm là Đoàn Đức Hoan) nay là đường Võ Lai.
Đường Đoàn Thế Khuyến (bản đồ Qui Nhơn xb 1969 in nhầm là Đoàn Thế Huyến) nay là đường Vũ Bảo.
Đường Võ Minh Vinh nay là đường Võ Mười.
Đường Cô Giang nay là đường Trần Thị Kỷ.
Đường Võ Tánh nay là đường Lê Hồng Phong.
Đường Nguyễn Huệ nay là hai đường Nguyễn Huệ và An Dương Vương.
Đường Lam Sơn (đoạn từ Nguyễn Thái Học tới An Dương Vương) + Đại Lộ Quang Trung (từ Nguyễn Thái Học tới cầu Sông Ngang) nay đổi là đường Tây Sơn.
Y tế
Bệnh viện Chuyên khoa lao tỉnh Bình Định
Bệnh viện Đa khoa thành phố Quy Nhơn
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định (Nay có phần mở rộng)
Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hoà - Bộ Y tế
Bệnh viện Quân y 13
Bệnh viện Tâm thần Bình Định
Bệnh viện Y Học Cổ Truyền Bình Định
Bệnh viện mắt Bình Định
Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn - Bộ Y tế
Bệnh viện đa khoa Hòa Bình
Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng Quy Nhơn - Bộ LĐTB và XH
Bệnh viện Mắt Sài Gòn Quy Nhơn
Bệnh viện Đa khoa Thu Phúc
Giáo dục
Quy Nhơn có ba trường đại học:
Đại học Quy Nhơn
Đại học Quang Trung.
Đại học FPT Quy Nhơn
Bốn trường cao đẳng bao gồm
Cao Đẳng Bình Định,
Cao Đẳng Kỹ Thuật Công Nghệ Quy Nhơn,
Cao Đẳng Y Tế Bình Định
Cao Đẳng Cơ điện – Xây dựng và Nông Lâm Trung Bộ
Chín trườn trung học phổ thông bao gồm
THPT Trần Cao Vân,
PT DTNT Tỉnh Bình Định
THPT Hùng Vương
THPT Quy Nhơn
THPT Trưng Vương
THPT chuyên Lê Quý Đôn
Quốc Học Quy Nhơn
THPT Ischool Quy Nhơn (Bao gồm cả cấp học tiểu học và THCS)
THPT Nguyễn Thái Học
Du lịch
Tháp Đôi
Tháp Đôi là khu tháp của Chăm Pa gồm có hai tháp là tháp phía bắc và tháp phía nam cạnh nhau, hiện nay nằm trên đường Trần Hưng Đạo, thuộc phường Đống Đa, cách trung tâm Quy Nhơn 3 km. Tháp Đôi còn có tên gọi khác là tháp Hưng Thạnh, gồm hai tháp đứng song song với nhau, một tháp cao 20 m và tháp kia cao 18 m. Tháp Đôi được xây dựng vào khoảng niên đại từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 13. Quanh tường phía ngoài, các nóc và trên nóc tháp có nhiều bức phù điêu chạm khắc các hình tượng thần, chim, thú theo tín ngưỡng của người Chăm. Tháp đã bị chiến tranh và thời gian tàn phá nặng nề. Từ năm 1991 đến năm 1997, tháp được trùng tu, gần như nguyên vẹn. Ngày nay, Tháp Đôi là điểm tham quan du lịch của du khách khi đến Quy Nhơn.
Chùa Long Khánh
Toạ lạc ở số 141 Trần Cao Vân, được xây dựng vào cuối thế kỷ 18. Chùa Long Khánh là nơi truyền bá tín ngưỡng Phật giáo trong vùng bấy giờ. Chùa do hoà thượng Đức Sơn (người Trung Quốc) sáng lập. Hiện chùa còn lưu giữ hai vật quý: Thái Bình hồng chung (chuông Hồng Thái) được đúc vào năm 1805 triều vua Gia Long. Tấm dấu biểu trưng Long Khánh Tự được in vào năm 1813 triều vua Gia Long.
Chùa Sơn Long
Chùa Sơn Long nay thuộc phường Nhơn Bình, cách cầu Trường Úc 700m về hướng đông. Kiến trúc chùa có nhiều thay đổi nhưng khuôn viên chùa vẫn giữ như cũ. Mặt tiền hình cánh cung niễng, mặt hậu đất đá lồi lõm sát vách núi. Tương truyền dưới chân núi phía sau chùa xưa có tảng đá rất lớn trông như miệng rồng có hàm trên, hàm dưới có một cái lưỡi nhỏ đưa ra ở chính giữa. Tảng đá đó có tên gọi là đá Hàm Long, nay không còn nữa. Trong chùa có 15 ngôi mộ tháp lớn nhỏ, có những ngôi mộ vẫn còn giữ nét rêu phong cũ kỹ của mấy trăm năm về trước, có những mộ tháp đã được trùng tu khang trang hơn. Năm 1992, chùa đã cho xây dựng thêm tượng Bồ tát Quan Âm ở hướng tây. Năm 1996, xây tượng Thích ca Mâu Ni tọa thiền phía tây bắc,...mang lại sắc khí mới cho chùa.
Đến Sơn Long, du khách còn được chiêm ngưỡng tượng Phật Lồi 7 đầu rồng bằng đá nặng 1,5 tấn,cao 3,1 m với chạm khắc hoa văn sau lưng. Bức tượng xác định là của người Chăm tạc từ thế kỷ XIII. Dù dáng vẻ còn khiêm tốn nhưng chùa Sơn Long vẫn dập dìu khách phương xa đến thăm,vãn cảnh,...đặc biệt là vào dịp đầu năm mới.
Ghềnh Ráng Tiên Sa
Nằm cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 3 km về hướng đông nam . Thắng cảnh Ghềnh Ráng trải dài dọc bờ biển, uốn lượn hàng cây số, nước biển trong xanh. Nơi đây có bãi Đá Trứng (với vô số hòn đá tròn nhẵn như trứng chim khổng lồ) là quần thể sơn thạch còn gọi là Bãi tắm Hoàng Hậu (Nam Phương Hoàng Hậu từng đến tắm ở đây), dấu vết tận cùng phía đông của dãy núi Xuân Vân. Ngoài ra, nơi đây còn mộ nhà thơ Hàn Mặc Tử nằm trên đồi Thi Nhân và Lầu Bảo Đại (một nhà nghỉ ba tầng, mặt hướng ra biển, đã bị phá hủy trong chiến tranh).
Vượt qua đỉnh dốc Mộng Cầm, rẽ vào con đường dốc bậc thang sẽ là nơi an nghỉ của nhà thơ Hàn Mặc Tử, với khuôn viên rừng dương thoáng đãng và gió biển xào xạc thanh tịnh bên tai. Do mắc phải chứng bệnh hiểm nghèo, ông đã phải sống những năm tháng cuối đời trong trại phong Quy Hòa, rồi qua đời khi mới vừa 28 tuổi và đã để lại những áng thơ bất hủ cho đời. Để thỏa nguyện mong ước của thi sĩ lúc sinh thời, năm 1969, gia đình và thân hữu đã đưa thi hài ông về táng ở Ghềnh Ráng. Ngôi mộ được xây cất trên một gò cao, lưng dựa vào núi, mặt quay ra biển là nơi mà ai ai dù chỉ một lần đặt chân đến Ghềnh Ráng cũng đều ghé thăm.
Biển Quy Hòa
Bên cạnh biển Quy Hòa có bệnh viện phong Quy Hòa, khá đơn sơ mộc mạc nhưng có lẽ vì vậy mà nơi đây cho ta cảm giác mộc mạc, thanh thản.
Cầu Thị Nại
Quy Nhơn có cầu vượt Thị Nại là cây cầu vượt biển dài thứ hai Việt Nam (dài 2.477,3 m, rộng 24,5 m, trọng tải 100 tấn gồm 54 nhịp, tổng vốn đầu tư là 1.500 tỷ đồng). Nằm trong hệ thống cầu đường Nhơn Hội dài gần 17 km nối thành phố Quy Nhơn với bán đảo Phương Mai (khu kinh tế Nhơn Hội), gồm cầu chính vượt đầm Thị Nại, 5 cầu nhỏ qua sông Hà Thanh và đường dẫn 2 đầu cầu. Cầu được xây dựng trong 5 năm, khánh thành ngày 12/12/2006.
Nhà thờ chính tòa Quy Nhơn
Nhà thờ chính tòa Quy Nhơn (còn có tên gọi Đức Mẹ Lên Trời và còn có tên khác là nhà thờ Nhọn) tọa lạc tại 122 đường Trần Hưng Đạo, thành phố Quy Nhơn. Nhà thờ có khuôn viên khá rộng và được trồng nhiều cây xanh...
Làng chài Hải Minh
Một làng chài nằm trên bán đảo Phương Mai thuộc khu vực 9, phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn. Làng chài nhỏ, tĩnh lặng và đẹp diệu kỳ khi ráng chiều buông xuống. Làng nằm trên bán đảo cách bến Hàm Tử gần trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 15 phút đi đò.
Làng chài rất gần, nhưng cũng vừa đủ xa để những ai thích làm một chuyến dã ngoại trong ngày chọn nơi đây làm điểm đến. Với các di tích và cảnh đẹp như tượng đài Đức Thánh Trần (di tích cấp tỉnh), phế tích núi Tam Tòa (di tích cấp quốc gia), chùa Hải Long, hải đăng Phước Mai, đầm Thị Nại, hang Dơi, bãi Rạng,...
Eo Gió
Eo Gió nằm trên bán đảo Phương Mai, cách trung tâm TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định khoảng 20 km về hướng đông bắc. Sở dĩ gọi Eo Gió vì nơi đây có hình dạng cái hõm như yên ngựa, nằm giữa hai mỏm núi cao kề bên biển.
Có lẽ bất kỳ ai đến Eo Gió lần đầu đều không khỏi ngỡ ngàng khi nhìn thấy những rặng núi đá cao chót vót, trập trùng với những hang động kỳ vĩ, đàn chim én lượn chao quanh.
Eo Gió đẹp theo kiểu hoang sơ bởi những rặng núi có hình thù kỳ lạ vươn ra biển lớn, ôm trọn một vòng tạo thành một eo biển hút gió. Sóng biển vỗ rì rào thay nhau vờn chân núi, nhè nhẹ vào vách đá. Trong lòng Eo Gió, một bãi biển cát vàng khá rộng, sóng êm êm khiến bạn như thả trôi mình vào thiên nhiên.
Nhìn xa xa, phía trước bãi biển, những cụm đảo mang nhiều hình thù kỳ lạ lô nhô trên mặt nước. Bên vách núi, những hang động với cái tên rất ngộ nghĩnh: hang Kỳ Co, hang Ba Nghé… thu hút rất nhiều chim yến đến đây sinh sống.
Dọc theo chân núi, những bãi đá trứng đủ màu sắc, nhẵn thín xen lẫn những tảng đá lớn, bằng phẳng như mặt bàn giúp cho bạn ngồi chơi hay ngả lưng nghỉ sức sau khi dạo chơi, vãn cảnh.
Đến Eo Gió, bạn phải leo 1 giờ lên đỉnh núi cao chót vót mới chiêm ngưỡng hết vẻ đẹp kỳ vĩ của đất trời. Đường lên đỉnh tuy gập ghềnh, khó đi nhưng bù lại cho bạn cảm giác bồng bềnh, khó tả khi nhìn Eo Gió dưới chân mình hiện ra như một chiếc tàu cá chuẩn bị lao ra biển lớn. Nếu soi ống nhòm, bạn có thể thấy rõ những rặng san hô trong nước xanh trong vắt, xung quanh là những đàn cá tung tăng bơi lội.
Hải đăng cổ Cù Lao Xanh
Khu nhà của quan ba Pháp: Cạnh ngọn hải đăng là nhà làm việc hai tầng, đã được xây từ hơn 100 năm trước . Từ đây nhìn được toàn bộ khu vực đảo và chiêm ngưỡng được toàn cảnh biển bao la phía xa, trong lòng chợt phóng khoáng như một câu thơ: "Muốn nhìn xa nghìn dặm, lên nữa một tầng lầu".
Men xuống theo hướng Tây Bắc của ngọn hải đăng là Suối Giếng Tiên. Tên suối này xuất phát từ một tương truyền rằng, xưa kia vào những đêm trăng sáng các nàng tiên trên trời xuống đây để du ngoạn. Các nàng tiên rủ nhau cởi xiêm áo, tắm mát và vui đùa rồi mới bay trở về trời. Có dịp tới đây, bạn nên một lần tắm "tiên", cảm được cái mằn mặn của biển và cái ngòn ngọt của nước suối.
Đảo Yến Quy Nhơn
Gọi là “đảo” nhưng thực ra xứ sở của loài chim yến nằm trên địa phận bán đảo Phương Mai. Dãy Triều Châu ăn ra biển, trải dài chừng 15 km, tạo thành những ngọn núi nhấp nhô, trùng điệp với tên gọi thật ngộ nghĩnh: Hòn Mai, hòn Chóp Vung, núi Cột Cờ, Núi Đen… và trong số đó, ngọn núi án ngữ phía nam mang tên Hòn Yến. Cứ mỗi mùa xuân đến, tiết trời ấm áp, chim yến rủ nhau tưng đàn đông nghịt đến đây làm tổ.
Đặc sản ẩm thực
Bún chả cá: đây là món bún ngon không chỉ người dân trong tỉnh thích mà còn là một món ăn hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước đến với Quy Nhơn.
Bánh xèo tôm nhảy: món Bánh xèo đặc biệt với nhân bánh là những con tôm đất đỏ au và tròn mẩy, vẫn còn nhảy tanh tách khi mới bắt lên.
Bánh hỏi cháo lòng: tổ hợp của hai món Bánh hỏi và Cháo lòng.
Kết nghĩa
thành phố Hà Tĩnh
thành phố Quảng Ngãi
tỉnh Attapeu
tỉnh Champasack
tỉnh Saravane
tỉnh Sekong
quận Yongsan-gu, Seoul
Hình ảnh |
Trang này viết về một thuật ngữ t, các nghĩa khác xem Có hai thuật ngữ G âm
Giới (戒)
Giới(戒) là gì? (zh. 戒, sa. शील śīla, pi. sīla) là giới luật mà tăng, ni cũng như người tu tại gia phải tuân thủ.
Nguyên nhân gì phải giữ giới?
- Bạch Thế Tôn, các thiện giới có ý nghĩa gì, có lợi ích gì?
- Này Ananda, các thiện giới có ý nghĩa không có hối tiếc, có lợi ích không có hối tiếc.
- Nhưng bạch Thế Tôn, không có hối tiếc có ý nghĩa gì, có lợi ích gì?
- Này Ananda, không có hối tiếc có ý nghĩa hân hoan, có lợi ích hân hoan.
- Bạch Thế Tôn, nhưng hân hoan có ý nghĩa gì, có lợi ích gì?
- Này Ananda, hân hoan có ý nghĩa hoan hỷ, có lợi ích hoan hỷ.
- Nhưng bạch Thế Tôn, hoan hỷ có ý nghĩa gì, có lợi ích gì?
- Này Ananda, hoan hỷ có ý nghĩa khinh an, có lợi ích khinh an.
- Nhưng bạch Thế Tôn, khinh an có ý nghĩa gì, có lợi ích gì?
- Này Ananda, khinh an có ý nghĩa an lạc, có ích lợi an lạc.
- Nhưng bạch Thế Tôn, an lạc có ý nghĩa gì, có lợi ích gì?
- Này Ananda, an lạc có ý nghĩa định, có lợi ích định.
- Nhưng bạch Thế Tôn, định có ý nghĩa gì, có lợi ích gì?
- Này Ananda, định có ý nghĩa như thật tri kiến, có lợi ích như thật tri kiến.
- Nhưng bạch Thế Tôn, như thật tri kiến có ý nghĩa gì, có lợi ích gì?
- Này Ananda, như thật tri kiến có ý nghĩa nhàm chán, ly tham, có lợi ích nhàm chán, ly tham.
- Nhưng bạch Thế Tôn, nhàm chán, ly tham có ý nghĩa gì, có lợi ích gì?
- Này Ananda, nhàm chán, ly tham có ý nghĩa giải thoát tri kiến, có lợi ích giải thoát tri kiến.
Phương pháp nào khiến Thiện giới không bị bỏ quên?
Mười giới cho Tỉ-khâu, Tỉ-khâu-ni và Sa-di (sa. śrāmaṇera) là:
Không giết hại
Không trộm cắp
Không tà dâm
Không nói dối
Không say sưa
Không ăn quá bữa
Không tham đắm âm nhạc quá mức và hát xướng cùng các trò chơi khác
Không xức dầu thơm, trang điểm
Không ngủ giường cao, đệm êm
Không dính líu chuyện tiền bạc phiền hà thế gian.
Năm giới đầu (ngũ giới) được áp dụng cho Cư sĩ, Phật tử tại gia, và trong một số ngày đặc biệt có thể lên đến tám (Bố-tát).
Giới là những quy định tự nhiên trong đời sống thông thường, trong lúc đó Luật được hiểu là quy luật dành cho những người xuất gia, sống trong chùa chiền hay thiền viện. Giới được nhắc tới như một phần trong ba nhóm của Bát chính đạo, một trong Tam học cũng là một của các hạnh Ba-la-mật-đa.
Trong Đại thừa Phật giáo, người ta phân ra hai loại giới: Hiển và mật. Mười hiển giới tại đây có khác với mười giới nêu trên chút ít và có giá trị như nhau cho tăng, ni và cư sĩ (ngoài giới thứ 3), được ghi lại trong kinh Phạm võng (sa. brahmajālasūtra):
Không sát sinh;
Không lấy những gì người ta không cho;
Không tà dâm;
Không nói dối;
Không mua bán rượu;
Không nói về hành động xấu của người khác;
Không tự khen mình, chê người;
Sẵn lòng bố thí;
Không giận hờn;
Không phỉ báng Tam bảo.
Mười giới này - loại trừ giới thứ 3 ra - là quy định chung cho tăng, ni và giới Cư sĩ.
Mười hiển giới nêu trên rất quan trọng, có ích về khía cạnh đạo lý thế gian và cả khía cạnh cơ sở của một cuộc đời hành đạo xuất thế. Hành giả không thể tiến xa nếu thâm tâm còn vướng mắc vào những vọng niệm - mà những vọng niệm này chính là kết quả của một cách sống không tôn trọng giới luật, không có ý thức. Nhưng dù có chí thế nào đi nữa thì hành giả cũng khó lòng thực hiện, giữ được trọn vẹn mười giới trên và phạm giới trong một mức độ nào đó là một hậu quả khó tránh. Nhưng vi phạm giới không làm ngăn cản bước đường tu đạo, với điều kiện là hành giả phải thật sự ăn năn hối lỗi, nguyện không tái phạm. Với sự tiến triển trên con đường tu tập, những kết quả tốt đẹp đạt được qua phương pháp Toạ thiền như Bi, Trí, dũng, những lần vi phạm giới luật sẽ tự giảm dần. Nhưng việc cần phải chú trọng tuyệt đối chính là việc giữ vững niềm tin nơi Phật pháp. Nếu mất lòng tin nơi Phật-đà, chân lý Phật đã trực chứng và những lời khuyến khích của chư vị Tổ sư thì Đạo không thể nào thành, Vô minh không thể nào đoạn diệt và giải thoát vượt khỏi tầm tay.
Dưới dạng Mật giới, hành giả nguyện rằng:
Không lìa chính pháp;
Không xao lãng việc tu tập;
Không tham lam, không ích kỉ;
Lúc nào cũng giữ lòng từ bi với chúng sinh;
Không phỉ báng một tông phái nào của Phật giáo;
Không bám chặt vào bất cứ cái gì;
Không ôm ấp vọng tưởng;
Khuyến khích chúng sinh phát tâm Bồ-đề;
Thuyết giảng giáo pháp Đại thừa cho những người theo Tiểu thừa;
Luôn luôn bố thí cho chư vị Bồ Tát.
Anlon |
Tam học (; sa. triśikṣā, pi. tisso-sikkhā) chỉ ba môn học của người theo đạo Phật:
Giới học (sa. adhiśīlaśikṣā);
Định học (sa. adhicitta-śikṣā)
Huệ học (sa. adhiprajñā-śikṣā), cả ba thường được gọi chung là Giới, Định (hoặc Thiền), Huệ (Bát-nhã).
Giới (sa. śīla, pi. sīla) được hiểu chung là tránh các nghiệp ác. Định (sa. samādhi), là thiền định, nhưng cũng là sự chú tâm, sự tỉnh giác trong mọi hành động và Huệ (sa. prajñā, pi. paññā) là sự phát triển tâm Bát-nhã để ngộ được những sự thật cao nhất. Ba phép tu hành này phụ thuộc chặt chẽ với nhau, nếu hành giả chỉ tập trung vào một nhánh thì không thể đạt Giải thoát. |
Không Hải (chữ Hán: 空海; Kana: くうかい; Romaji: kūkai; 774 - 835), còn được gọi là Hoằng Pháp Đại Sư (弘法大師, こうぼうだいしkōbō daishi), là một vị Cao tăng Nhật Bản, sáng lập Chân ngôn tông — một dạng phái Mật tông tại Nhật Bản. Sư tu học Mật tông tại Trung Quốc theo sự hướng dẫn của sư phụ là Ngài Huệ Quả. Sau về Nhật mở đạo trường tại núi Cao Dã (ja. kōya), về sau trở thành trung tâm của Chân ngôn tông. Năm 17 tuổi, Sư đã viết luận về Nho, Lão và Phật giáo và tác phẩm Thập trụ tâm luận - Sư biên soạn bộ này dưới lệnh của Thiên hoàng—nói rõ đạo lý cơ bản của Chân ngôn tông.
Sư cũng mở trường dạy nghệ thuật và khoa học, chấp nhận mọi người theo học, dạy các môn học thế gian và siêu thế gian, kể cả đạo lý của Khổng Tử và Lão Tử. Sư cũng nổi danh trong các ngành khác như hội họa, điêu khắc và kĩ thuật.
Ngoài ra, sư rất quan tâm đến việc học Phạn ngữ vì cho rằng chỉ với ngôn ngữ này, ý nghĩa của những Man-tra và Đà-la-ni mới thể hiện trọn vẹn. Sư và các môn đệ cũng là những người đầu tiên kết hợp truyền thống Thần đạo với Phật giáo và đưa các vị Tổ của Thần đạo lên hàng Bồ Tát.
Tiểu sử
Sư sinh trưởng trong một gia đình quý tộc ở Zentsū-ji, Sanuki thuộc đảo Shikoku. Gia đình ông là gia tộc Seaki, một nhánh của gia tộc có nguồn gốc cổ đại là gia tộc Ōtomo.
Năm 791, Sư vào một trường dạy Nho và cũng trong năm này, mới 17 tuổi, Sư viết Tam giáo chỉ quy, một bài luận về ba học thuyết thời bấy giờ là Phật, Khổng giáo và Lão giáo. So sánh với đạo Phật, Sư nêu ra những giới hạn của Khổng, Lão.
Theo Sư thì đạo Phật đã dung chứa những yếu tố của Khổng, Lão. Tác phẩm Thập trụ tâm luận (mười bậc trên đường học đạo) của Sư được xem là quan trọng nhất, vượt xa năm tác phẩm Phật giáo khác cùng được trình cho nhà vua thời bấy giờ. Tác phẩm này bao gồm mười chương, trình bày mười cấp phát triển một ý thức giác ngộ. Sư là người đầu tiên tại Nhật dùng phương pháp so sánh một học thuyết với học thuyết khác để làm sáng tỏ một quan điểm. Mười bậc trên đường học đạo theo Thập trụ tâm luận của Sư gồm có:
Cấp 1 là thế giới như của súc sinh, thế giới không kiểm soát được tham dục, thế giới không hề có ý thức Giác ngộ;
Cấp 2 là Khổng giáo, là nơi thực hiện các đức hạnh thế gian, nhưng không quan tâm đến ý thức giác ngộ;
Cấp 3 là Lão giáo, mà các tín đồ tin tưởng nơi một tầng trời đầy hoan lạc bằng cách tu tập thiền định;
Cấp 4 là cấp của Thanh văn thừa của Tiểu thừa, tin vào tính Vô ngã vì cái ngã chỉ do Ngũ uẩn tạo thành;
Cấp 5 là cấp Độc giác Phật, là người đạt tri kiến về giáo lý Duyên khởi với mười hai nhân duyên hệ thuộc, về sự vô thường, vô ngã và là người đã chấm dứt sự phát sinh của nghiệp;
Cấp 6 là cấp của Pháp tướng tông (ja. hossū-shū);
Cấp 7 là cấp của Tam luận tông;
Cấp 8 là cấp của Thiên Thai tông;
Cấp 9 là cấp của Hoa Nghiêm tông
Cấp 10 là Chân ngôn tông. Sư cho rằng chín cấp trước đều do "bệnh của tư tưởng" mà thành, chỉ có cấp 10 mới đích thật chứa đựng chân lý. |
Kiến (zh. 見, sa. dṛṣṭi, darśana, pi. diṭṭhi, dassana) nghĩa là "thấy" nhưng được sử dụng theo nhiều cách khác nhau như:
I. Kiến dịch từ chữ dṛṣṭi ngoài nghĩa "thấy" ra cũng có nghĩa là quan niệm, kiến giải; nếu danh từ Dṛṣṭi đứng một mình thì phần lớn được hiểu là "tà kiến" quan niệm sai lầm. Người ta phân biệt nhiều loại tà kiến và chia chúng ra nhiều nhóm khác nhau theo hệ số như 2, 3, 4, 5, 7, 10 và 16 kiến, trong đó hệ thống Nhị kiến, Tam kiến, Tứ kiến và Thất kiến quan trọng hơn hết:
Nhị kiến:
Hữu kiến: cho tất cả là có thật;
Vô kiến: tà kiến thiên về không, hư vô.
Tam kiến:
Cho rằng sự việc xảy ra không có nguyên nhân;
Cho rằng đời sống tuyệt đối vô ích;
Vô kiến, tin tưởng vào một quan điểm hư vô.
Tứ kiến:
Nhất, nghĩa là chỉ có một, tất cả đều như nhau;
Dị, tất cả đều khác nhau, không cái nào giống cái nào;
Thường kiến, cho rằng tất cả đều thường còn, vĩnh viễn;
Đoạn kiến, không thường còn.
Thất kiến:
Ngã kiến, tin có một tự Ngã (sa. ātman);
Phủ nhận quy luật nhân quả (Nghiệp, sa. karma);
Thường kiến, tin nơi sự trường tồn bất biến;
Đoạn kiến, tin vào sự huỷ diệt;
Giới cấm thủ kiến, bám giữ nơi Giới luật;
Quả đạo kiến, nhận lầm một ác nghiệp là một thiện nghiệp;
Nghi kiến, nghi ngờ về các chân lý do Phật tuyên giảng.
II. Kiến dịch từ chữ darśana và được dùng chung với một danh từ khác như Kiến đạo (sa. darśana-mārga); chỉ cách nhìn dựa trên lý luận minh triết, có khả năng loại bỏ Ái, đoạn được Nghi hoặc. Nhờ chính kiến mà hành giả có thể hiểu được Tứ diệu đế, từ bậc Tuỳ pháp hành (sa. dharmānusārin) hoặc Tuỳ tín hành (sa. śraddhānusārin) trở thành một bậc Dự lưu (sa. śrotāpanna). |
Kiến tánh (zh. jiànxìng 見性, ja. kenshō) tức là trực nhận thấy bổn tánh, là một danh từ chỉ sự trực nhận chân lý, thấy bổn tánh. Như tất cả ngôn ngữ thì danh từ này cũng không chánh xác, và có thể tạo sự hiểu lầm, vì kinh nghiệm kiến tánh không có tánh nhị nguyên, không có người nhìn (năng kiến) và không có tánh được nhìn (sở kiến). (xem cuộc đối thoại của Thiền sư Vĩnh Gia Huyền Giác với Lục tổ Huệ Năng).
Kiến tánh đồng nghĩa với Giác ngộ, và cũng được sử dụng như nhau. Nhưng thông thường, danh từ Giác ngộ được xài để chỉ sự giác ngộ của một vị Phật, vị Tổ, còn danh từ Kiến tánh dùng để chỉ các kinh nghiệm nếm vị giác ngộ ban đầu, cần được tu tập rèn luyện thêm, gọi là Kiến tánh khởi tu. |
Kim cương thừa (zh. 金剛乘, sa. vajrayāna) là một trường phái Phật giáo xuất hiện trong khoảng thế kỉ thứ 5, 6 tại Bắc Ấn Độ. Kim cương thừa bắt nguồn từ Đại thừa (sa. mahāyāna) và được truyền qua Tây Tạng, Trung Quốc, Nhật Bản (riêng bộ Vô thượng du-già không được truyền sang Trung Quốc và Nhật), Mông Cổ và Nga. Đây là một trong ba bộ phái Phật giáo chính hiện nay, hai bộ phái còn lại là Phát triển (còn gọi là Bắc tông, Đại thừa, Đại chúng) và Nguyên thủy (còn gọi là Nam tông, Tiểu thừa, Thượng tọa)
Xuất phát từ Phật giáo Đại thừa, nhưng trường phái này lấy thêm những phương pháp tu học huyền bí, có tính chất mật truyền. Thường thường các phái này được hướng dẫn bằng một vị Đạo sư, kinh sách của họ trình bày nhiều phép tu luyện được gọi là Đát-đặc-la (sa. tantra). Kim cương thừa hay sử dụng Chân ngôn (sa. mantra) và có ảnh hưởng mạnh nhất tại Tây Tạng. Vì hay sử dụng Chân ngôn, Phật giáo Tây Tạng cũng gọi Kim cương thừa là Chân ngôn thừa (sa. mantrayāna).
Giáo pháp của Kim cương thừa mang tính chất Mật giáo, bao gồm các yếu tố của phép Du-già (sa. yoga) và các tôn giáo thiên nhiên của Ấn Độ trộn lẫn với tư tưởng Phật giáo. Quan trọng nhất là ảnh hưởng từ Tây Bắc Ấn Độ với nhiều biểu tượng về Tịnh quang (sa. ābhāsvara, cũng được dịch là Cực quang, ánh sáng rực rỡ) cũng như ảnh hưởng của Bắc Ấn về việc tôn thờ tính dục.
Trong thời gian đầu, giáo pháp này chỉ được khẩu truyền, và đến giữa thế kỉ thứ 6 và thế kỉ thứ 10 mới được hệ thống hóa và kết tập hoàn chỉnh. Các tác phẩm quan trọng nhất của Kim cương thừa là Bí mật tập hội (sa. guhyasamājatantra) và Thời luân đát-đặc-la (sa. kālacakratantra) cũng sinh ra trong thời gian này. Các kinh sách quan trọng nhất của Kim cương thừa được gồm trong các Đát-đặc-la cũng như các bài Chứng đạo ca của các Thành tựu giả (sa. siddha, cũng gọi là Tất-đạt), là các bài diễn tả kinh nghiệm của phép tu Đại thủ ấn (sa. mahāmudrā).
Lúc Kim cương thừa truyền qua Tây Tạng thì cũng là lúc giáo pháp này đã có một chỗ đứng vững chắc trong Phật giáo nói chung. Muốn lĩnh hội Kim cương thừa, hành giả phải có một kiến giải sâu xa về giáo pháp của các bộ kinh Bát-nhã-ba-la-mật-đa, giáo pháp theo cách luận giải của Long Thụ (sa. nāgārjuna) và Vô Trước (sa. asaṅga). Vì vậy Bát-nhã-ba-la-mật-đa cũng được gọi là "Nhân thừa" (zh. 因乘, sa. hetuyāna) và Kim cương thừa được gọi là "Quả thừa" (zh. 果乘, sa. phalayāna). Trong Kim cương thừa, có một yếu tố quan trọng khác là vai trò của một vị Đạo sư, vị này Quán đỉnh và truyền lực, hướng dẫn đệ tử thiền quán, chú tâm vào một Thành tựu pháp (sa. sādhana) nhất định. Trong các phép này, sử dụng Chân ngôn, quán Mạn-đồ-la và bắt Ấn (Phật giáo) là những phương tiện quan trọng. Trong Kim cương thừa, Kim cương chử (sa. vajra), tức là chùy kim cương, biểu hiện sự Giác ngộ, ngộ được sự nhất thể của vũ trụ, vượt trên mọi nhị nguyên thông thường.
Tại Việt Nam
Hòa thượng Thích Viên Thành (1950-2002) trụ trì Chùa Hương đời thứ 11 là Thầy Tổ Phật giáo Kim Cương Thừa của Việt Nam, Ngài đã khai sáng phục hưng, phát triển Phật giáo Kim Cương Thừa ở nước ta, đưa Truyền thừa Drukpa từ đất nước Bhutan Vương quốc Phật giáo ở miền đông Dãy Himalaya hoằng truyền vào nước ta từ năm 1992 với tâm nguyện đem sự thực hành của truyền thống Kim Cương Thừa góp phần vào sự phát triển của Phật giáo Việt Nam vì lợi ích người dân và hữu tình trong nước. |
Padmasambhava (Hán Việt: Liên Hoa Sinh (蓮華生), sa. padmasambhava, padmakāra, bo. pad ma sam bhava པད་མ་སམ་བྷ་ཝ་, pad ma `byung gnas པད་མ་འབྱུང་གནས་), là một Đại sư Ấn Độ, sống cùng thời vua Tây Tạng Trisong Detsen (755-797). Sư truyền Phật giáo sang Tây Tạng và sáng lập tông Ninh-mã, một trong bốn tông phái lớn của Tây Tạng và được các đệ tử gọi là "Phật thứ hai." Sư hay sử dụng thần thông, nhiếp phục ma quái và thiên tai. Cách tu hành của Sư Guru Rinpocherất đa dạng, từ cách sử dụng đao truỷ thủ đến tu tập các phép thiền định theo hệ thống Đại cứu cánh. Sư thuộc dòng của các vị Đại thành tựu (sa. mahāsiddha), để lại rất nhiều truyện thần thoại cho đời sau và ở các nước vùng Hi-mã-lạp sơn, người ta tôn thờ gọi Sư là "Đạo sư quý báu" (Quỹ Phạm Sư Bảo 軌范師寶, Sư Tôn Bảo 師尊寶, bo. guru rinpoche གུ་རུ་རིན་པོ་ཆེ་).
Tương truyền rằng, Liên Hoa Sinh sinh ra trong một hoa sen, tại Tây Bắc Kashmir, sớm thông tất cả kinh sách, nhất là Mật giáo (sa. tantra). Trong thế kỉ thứ 8, Sư đến Tây Tạng, một vương quốc còn bị ảnh hưởng bởi các tôn giáo thiên nhiên. Sư đến đây chinh phục ma quỷ, thiên tai và ảnh hưởng của giáo phái Bön. Sư cũng cho xây tu viện Tang-duyên năm 775 và thời gian hoạt động tại Tây Tạng xem như chấm dứt tại đó. Có nhiều tài liệu cho rằng Sư hoằng hoá ở Tây Tạng lâu hơn, truyền giáo cho 25 đệ tử, trong đó có nhà vua Tây Tạng và giáo thuyết quan trọng nhất là "Tám tuyên giáo". Ngoài ra, Sư còn để lại nhiều bài dạy được dấu trong rừng núi (bo. gter ma), chỉ được khám phá ra vào một thời điểm nhất định. Một trong những bài dạy đó là bộ Tử thư. Đệ tử quan trọng và là người viết lại tiểu sử của Sư là bà Yeshe Tsog-yel.
Giáo lý
.
Sư có nhiều bài dạy đệ tử tu tập theo con đường ngắn nhất, trực tiếp đến Giác ngộ. Những bài khuyên dạy thường xoay quanh sáu điểm cụ thể như sau:
Đọc thật nhiều kinh sách, lắng tai nghe các vị Đại sư dạy bảo để nhập tâm rồi sau đó ứng dụng để tự thấy hiệu quả, sai trái;
Chọn một trong tất cả học thuyết này và chú tâm vào nó, tất cả những thuyết khác đều phải bỏ qua, ví như con diều hâu săn từ trên cao, chỉ chọn một con mồi duy nhất;
Sống khiêm tốn cần kiệm, không bao giờ tự nâng mình, đưa mình ra trước, bỏ ý muốn đạt danh vọng, quyền uy trong thế gian. Sau cái bề ngoài vô nghĩa này thì lại đưa tâm thức lên cao vút, vượt qua tất cả các danh hiệu chói lọi của tục thế;
Giữ lòng Xả (sa. upekṣā) đối với tất cả. Ăn uống như một con heo, con chó, không chọn lựa, có gì ăn nấy. Không được cố gắng để đạt hoặc né tránh bất cứ một cái gì. Chấp nhận mọi việc như chúng đến, giàu sang phú quý hay cơ hàn, lời chê bai hay tán thán. Không phân biệt giữa đúng sai, thiện ác, thành bại. Không hối tiếc và cũng không hãnh diện, vui mừng về bất cứ việc gì đã làm (xem Bát phong).
Với tâm vô tư, không thiên vị mà nghe và quán sát tất cả những hành động lời nói của mọi người. Cứ nghĩ rằng, nhân gian là như thế, người này như vậy, người kia thế đó. Quán sát thế gian như một người đứng trên đỉnh núi nhìn xuống;
Cấp này không thể trình bày diễn tả. Nó tương ưng với sự trực giác tính Không, tương ưng với tính Không (sa. śūnyatā).
Phái Ninh-mã xem ngày 10 mỗi tháng là ngày vía của Liên Hoa Sinh và mỗi tháng có một ý nghĩa khác nhau. Ngày 10 tháng giêng là ngày xuất gia và quán tử thi, ngày 10 tháng 2 là ngày thụ giới, ngày 10 tháng 3 là ngày chuyển hoá lửa thành nước... Bài dạy cầu Liên Hoa Sinh được ghi thành 7 dòng như sau:
Hóa thân
Sự xuất hiện của đức Kim Cang Thượng Sư đã được Đức Phật Thích Ca Mâu Ni huyền ký trong nhiều kinh điển. Đức Phật cũng dạy rằng đức Liên Hoa Sinh chính là Đức Phật A Di Đà trong hình tướng loài người.
Guru Padma Jungney: Đản Sinh Trong Hoa Sen, mặt màu xanh, 3 mắt, đội vương miện ngũ trí (hoặc 5 đầu lâu), tay cầm Chày Kim Cang, Chuông Kim Cang,
Guru Shakya Sengye: Sử Tử của dòng họ Thích Ca, hóa thân này có khuôn mặt của Phật, đầu tóc kết lọn, Tăng phục màu vàng, tay cầm bình bát, đức Liên Hoa Sinh được kính ngưỡng là hóa thân của Phật Thích Ca Mâu Ni
Guru Nyima Oezer: Mặt màu vàng, khoác y màu vàng, râu màu xanh, trên tay cầm pháp khí nêu biểu các tia sáng mặt trời
Guru Loden Chogse: mặt màu đỏ, tóc kết búi, đầu đội vương miện, y màu đỏ, tay cầm trống và bảo bình
Guru Padmasambhava: Mặt màu trắng, y của tăng, mũ thiền trí,
Guru Pema Gyalpo: Liên Hoa Vương, mặt màu trắng, đội vương miện bá vương, tay cầm trống và chuông kim cương
Guru Sengye Drathok: mặt màu xanh, 3 mắt tướng uy mãnh, y màu xanh, tay cầm chày Kim Cang Phổ Ba
Guru Dorje Drolo: Mặt màu đỏ với 3 mắt uy mãnh, tay cầm Chày Kim Cang và 1 chiếc khăn Khata buộc ở đuôi chày.
Mật chú Tinh Túy Đạo Sư Thành Tựu
Thánh địa
Hồ Rewalsar (Tso Pema): tại bang Himachal Pradesh nơi Ngài Đản sinh trong một đóa hoa sen,
Động Lang - Le - So (Asura): trên những ngọn núi Parphing, tây nam Thủ đô Kathmandu của Nepal, nơi Ngài cùng công chúa Shakyadevi xinh đẹp cùng thực hành bản tôn Kim Cang Tát Đỏa (Vajrasattva), trên cửa hang động có dấu tay Ngài in vào vách đá.
Tu Viện Chiu Gompa: trên vùng Ngân sơn (Kailash), gần hồ thiêng Manasarovar, có hang động nơi Ngài thiền định 7 năm cuối cùng.
Tự Viện Samye: tại Tây tạng, là ngôi chùa đầu tiên, được xây dựng năm 787 sau CN, được thiết kế như một Mandala, Ngài Liên Hoa Sinh và Ngài Tịch Hộ đã xây dựng tự viện này nhằm thiết lập Phật giáo tại Tây Tạng, |
Long Thụ, còn gọi là Long Thọ (zh. 龍樹; sa. nāgārjuna नागार्जुन; bo. klu sgrub ཀླུ་སྒྲུབ་), dịch âm là Na-già-át-thụ-na (zh. 那伽閼樹那), thế kỷ 1–2, là một trong những luận sư vĩ đại nhất của lịch sử Phật giáo. Người ta xem sự xuất hiện của sư là lần chuyển pháp luân thứ hai của Phật giáo (lần thứ nhất do Phật Thích-ca Mâu-ni, lần thứ ba là sự xuất hiện của giáo pháp Đát-đặc-la). Đại thừa Ấn Độ xếp sư vào "Sáu Bảo Trang của Ấn Độ" – năm vị khác là Thánh Thiên (sa. āryadeva), Vô Trước (sa. asaṅga), Thế Thân (sa. vasubandhu), Trần-na (sa. diṅnāga, dignāga), Pháp Xứng (sa. dharmakīrti). Trong tranh tượng, sư là vị duy nhất sau Phật Thích-ca được trình bày với chóp trên đỉnh đầu (nhục kế 肉髻, sa. uṣṇīṣa), một dấu hiệu của một Đại nhân (sa. mahāpuruṣa). Sư là người sáng lập Trung quán tông (sa. mādhyamika), sống vào thế kỷ 1–2. Có rất nhiều tác phẩm mang danh của sư nhưng có lẽ được nhiều tác giả khác biên soạn. Sư cũng được xem là tổ thứ 14 của Thiền tông Ấn Độ. Truyền thống Mật giáo cũng xếp sư vào 84 vị Đại thành tựu (sa. mahāsiddha).
Dẫn nhập tư tưởng
Động cơ trung tâm cho việc hoá độ của Long Thụ – một công trình hoằng pháp lập cơ sở cho Trung quán tông sau này cũng như lưu lại nhiều tác phẩm triết học Phật giáo – chính là việc khôi phục giáo lý của đức Phật. Theo Long Thụ, tư tưởng then chốt của Phật giáo đang gặp cơ nguy thất lạc qua xu hướng kinh viện triết học trong một số trường phái Tiểu thừa thời đó. Long Thụ dùng một dụng cụ biện chứng đặc biệt để hỗ trợ phương pháp của mình, đó là Tứ cú phân biệt (sa. catuṣkoṭi). Với phương pháp đó, sư tìm cách vạch ra những điểm mâu thuẫn luận lý trong các giả định xuất phát từ môi trường triết học của sư rồi sau đó tìm cách giải phá chúng. Mục đích của phương pháp, được miêu họa bằng cách cự tuyệt các "biên kiến", những quan điểm cực đoan, là trình bày giáo lý Trung đạo (sa. madhyamā pratipad) tiền hậu nhất trí của Phật một cách có thể thông hiểu được. Đó là một Trung đạo cơ bản loại trừ tất cả những tà kiến ngăn chặn quá trình nhận thức – đặc biệt là thường kiến (sa. śāśvatavāda), "kiến giải chấp sự thường hằng", và đoạn kiến (sa. ucchedavāda), "kiến giải chấp sự đoạn diệt" – và bảo vệ lập trường trước những kiến giải phổ biến thời đó.
Việc phát triển khái niệm tính không (sa. śūnyatā) trong mối tương quan trực tiếp với giáo lý duyên khởi (sa. pratītyasamutpāda) cũng như việc tiếp tục phát triển giáo lý Nhị đế, "hai chân lý" (sa. satyadvaya) được xem là những cống hiến chính của Long Thụ, và chúng đã đưa sư trở thành người đứng hàng đầu trong các vị đại sư Ấn Độ góp công phát triển tư tưởng Phật giáo, đặc biệt là trong truyền thống Phật giáo Kim cương thừa (sa. vajrayāna) và Thiền tông.
Theo truyền thuyết
Về cuộc đời của Long Thụ thì không có tài liệu nào có thể được xem là chắc chắn cả. Những bộ truyện Thánh đồ sau này được lưu lại bằng tiếng Tạng và tiếng Hán, như của Chân Đế (Paramārtha, 499–569) và của Huyền Trang, đều mang rất nhiều nét huyền thoại, khó có thể được dùng để tinh lược những sự kiện lịch sử. Nội dung của chúng thuộc về những truyền thuyết phần lớn mang tính chất giáo huấn và cũng là những câu truyện được biến đổi đôi chút tùy theo các trường phái Phật giáo. Một trong những câu truyện này xuất phát từ chính Cưu-ma-la-thập (Kumārajīva, 344–413), miêu tả Long Thụ như một nhà luyện kim phù phép, dùng khả năng tàng hình của mình để cùng với bạn ban đêm lén vào cấm cung, giả dạng vua mà hưởng thụ. Khi quay trở ra thì năng lực tàng hình của hai người bạn đồng hành bị yếu đi, họ bị lính tuần tra bắt và xử trảm. Kinh nghiệm thảm thương này khiến Long Thụ lần đầu tiên đối đầu với cái khổ trong thế gian, và từ đó, sư chỉ chuyên tâm vào con đường giải thoát, vào giáo lý của Phật-đà.
Theo một truyền thuyết khác thì Long Thụ, bằng những bài thuyết pháp của mình, đã thuyết phục một số loài rồng nên được mời xuống Long cung trao lại bộ kinh Bát-nhã-ba-la-mật-đa (sa. prajñāpāramitāsūtra) để báo ân. Tương truyền là Phật đã phó chúc cho loài rồng này gìn giữ bộ kinh và chờ đến khi nào nhân duyên viên mãn, loài người đã đủ khả năng để tiếp thu giáo lý này. Truyền thuyết này mang tên tiếng Phạn là "Nāgārjuna", có nghĩa là "trong trắng như loài rồng" (nāga = long/rồng; arjuna = màu trắng, thanh tịnh). Tuy nhiên tên này được người Hoa hiểu là Long Thụ, tức là "một loài cây của rồng" (arjuna được hiểu là một loại cây, Terminalia arjuna). Một biểu tượng dành riêng cho Long Thụ khác là những con rồng (hoặc rắn) trong hào quang của sư.
Còn Từ điển Bách khoa Toàn thư Việt Nam thì ghi nhận:
Nagarjuna dịch nghĩa sang chữ Hán là Long Thọ. Thọ là cây, chỉ cây arjuna; nơi sinh ra luận sư. Mẹ luận sư sinh ra luận sư dưới gốc cây arjuna, nên lấy tên cây đặt tên cho con. Theo một truyền thuyết khác, khi lớn tuổi, luận sư được Long Vương (vua Rồng) đưa xuống Long cung dưới biển, truyền cho phép tu Mật giáo.
Còn rất nhiều truyền thuyết khác về Long Thụ, như câu chuyện về cơn bệnh ngặt nghèo thời niên thiếu, được chữa trị khi sư xuất gia và nghiên cứu kinh điển nhà Phật. Một truyện khác thuật lại các phép tu luyện kim và tạo nước trường sinh bất tử, cũng như việc sư tự vẫn bằng cọng cỏ vì đáp ứng yêu cầu những người tranh luận mà sư đã hàng phục. Sư đáp ứng yêu cầu vì lòng từ bi mà được giải thích là: bởi một trong một tiền kiếp, sư đã vô ý sát hại một côn trùng và việc này trở thành nghiệp quả mà sư phải trả.
Thông tin có thể kiểm chứng về cuộc đời thực sự của sư như vậy rất ít, nhưng mặc dù vậy, một vài điểm có thể được xác nhận, đó là sư sống trong thế kỉ 2, xuất thân từ một gia đình Bà-la-môn miền Trung Ấn là Vidarbha, bang Maharashtra hiện nay. Khi tuổi đã cao, sư trở về quê hương ở Trung Ấn, sống trên núi Phạm Thiên (sa. brahmagiri), cao nguyên Śrīparvata, gần sông Kṛṣṇā. Ngọn đồi với ngôi chùa bây giờ vẫn còn và mang tên của sư – "Đồi Long Thụ" (sa. nāgārjunakoṇḍa). Các nhà nghiên cứu lịch sử sau này đã xác định được khoảng thời gian sư hoằng hoá vì người ta tìm ra một vị vua có quan hệ với sư trị vì ở nửa sau thế kỷ 2 là vua xứ Śātavāhana tên là Gautamīputra Śatakarṇin (dịch âm Hán-Việt là Kiều-đạt-di Phổ-đặc-la Khả-nhĩ-ni) với thời gian trị vì theo các nguồn khác nhau có thể là ~152-181, ~165-195, ~170-199 hoặc ~174-203. Sư đã viết thư khuyên vị vua này. Những lời khuyên đó còn được lưu truyền trong tập Khuyến giới vương tụng (sa. suhṛllekha). Thuyết nói sư đến Đại học Phật giáo Na-lan-đà dạy có lẽ là sai, vì Na-lan-đà chỉ mới được kiến lập trong thế kỷ 5.
Bối cảnh triết học của Long Thụ
Long Thụ xuất hiện trong thời kì đỉnh cao của triết học Ấn Độ với nhiều trường phái Phật giáo cũng như các trường phái ngoài Phật giáo cùng với các quan điểm của họ. Thời đại bắt đầu từ thế kỉ 1 này đánh dấu một giai đoạn hệ thống của triết học Ấn Độ, được miêu hoạ bằng một nghệ thuật tranh luận mà theo đó, các cuộc tranh luận về những phạm trù (padārtha) của một quy luật nhất định được tổ chức. Đó cũng là thời kì các nội dung giảng dạy được ghi chép lại dưới dạng kinh và những bộ luận bổ sung đi kèm.
Học thuyết ngoài Phật
Trong hoàn cảnh tranh luận sôi nổi đó, lần đầu tiên trong lịch sử, Phật giáo đã phải trải qua một cuộc khảo sát của các trường phái cạnh tranh bên ngoài. Phật giáo đã phải ứng đáp với những nghi vấn của các trường phái bên ngoài đó.
Thuộc về những nghi vấn đó là những câu hỏi như phương tiện nhận thức chính xác (sa. pramāṇa, Lượng) nào có thể đưa đến chân lý, hoặc việc tái sinh nên được hiểu như thế nào, hoặc thế nào là bản chất của hiện thực.
Chung quy về các nghi vấn quan trọng thì có hai mô hình được phát triển trong hai trường phái chính thống (chính thống vì chúng thừa nhận thẩm quyền của Phệ-đà) liên quan tới việc quy luật nhân quả xảy ra cụ thể như thế nào đó là:
Thuyết được phái Số luận (sa. sāṃkhya) thừa nhận là thuyết "Nhân quả nhất như" (sa. satkāryavāda), được hiểu sát nghĩa là "Học thuyết về tồn tại và hiệu quả". Học thuyết này cho rằng hiệu quả (quả) đã nằm sẵn trong nguyên nhân (nhân), như vậy thì có sự đồng nhất của nhân và quả, hay "nhân quả nhất như".
Thuyết của học phái Thắng luận (sa. vaiśeṣika) cho rằng "Nhân quả bất nhất như" (sa. asatkāryavāda), thuyết đối nghịch trực tiếp quan điểm của học phái Số luận. Họ cho rằng hiệu quả không nằm trong nguyên nhân, cả hai khác nhau hoàn toàn.
Tất cả những mô hình ngoài Phật giáo khác chỉ là những dạng biến đổi chút ít của hai mô hình chính này:
Quan điểm của Kì-na giáo về mặt nhận thức luận được trình bày trong thuyết tương đối (sa. syādvāda) là "học thuyết về giá trị của mỗi phán định tuỳ theo quan điểm", và về mặt bản thể luận được trình bày trong thuyết phi cực đoan (sa. anekāntavāda), hay "học thuyết về sự đa dạng của các biểu hiện". Như vậy, Kì-na giáo giữ lập trường tổng hợp. Theo học thuyết này thì mỗi lời trần thuật đều đúng theo cách nhìn của người đưa ra, theo lập trường của người đó. Hiện thực không chỉ có một phương diện có thể được trình bày, mà hơn thế nữa là chỉ có thể được trình bày qua sự lưu ý đến nhiều phương diện khác nhau. Về mặt hiệu quả của quy luật nhân quả thì triết học Kì-na giáo giữ lập trường "như thế này và cũng như thế kia", một quan niệm sau này được một chi nhánh hữu thần của học phái Số luận thừa nhận.
Những người theo thuyết Định mệnh (sa. ājīvika) lại tuyên bố thuyết tiền định khắt khe, bác bỏ thuyết nhân quả lập trên cơ sở luân lý đạo đức. Chủ trương của học thuyết này là thế gian chạy theo con đường của định mệnh (sa. niyati) đã vạch ra. Như vậy thì người ta không có cơ hội để vượt khỏi biển luân hồi bằng tự lực vì, theo họ, giải thoát không chịu ảnh hưởng về mặt chất lượng của nghiệp, của các hành động (sa. akriyavāda).
Đại biểu của chủ nghĩa Duy vật (sa. lokāyatika) thì bác bỏ tất cả những nguyên tắc chung của tư tưởng tôn giáo triết học Ấn Độ. Họ cho rằng không có quy luật nhân quả cũng như không có tái sinh, và cuộc sống chấm dứt với cái chết. Theo họ, thế giới được hình thành một cách ngẫu nhiên từ bốn nhân tố chính (hay tứ đại) là đất, nước, gió và lửa, không theo một quy luật hoặc trật tự nào. Vì ôm ấp tư tưởng này nên họ cũng đại diện một chủ nghĩa khoái lạc, không theo đạo đức luân lý nào của xã hội.
Thuyết nhất thiết hữu bộ và Kinh lượng bộ
Trong 18 trường phái Phật giáo cổ thì có 2 trường phái nổi bật, đó là Thuyết nhất thiết hữu bộ (sa. sarvāstivādin) và Kinh lượng bộ (sa. sautrāntika). Thuyết nhất thiết hữu bộ đặc biệt quan tâm đến A-tì-đạt-ma, đặc biệt là học thuyết về các pháp. Sự tranh luận sôi nổi về vấn đề này chính là nguyên do vì sao Kinh lượng bộ tách lìa khỏi Thuyết nhất thiết hữu bộ. Các đại biểu Kinh lượng bộ không hài lòng với cách xử lý các pháp theo Thuyết nhất thiết hữu bộ, họ chỉ thừa nhận giá trị của Kinh tạng. Sau sự tách rời này, hai trường phái tiếp nhận học thuyết Nhân quả nhất như (sa. satkāryavāda) và Nhân quả bất nhất như (sa. asatkāryavāda) của hai học phái Số luận và Thắng luận.
Các đại biểu của Thuyết nhất thiết hữu bộ thừa nhận một mô hình cộng tồn (coexistence) của tất cả các pháp – các pháp vị lai, quá khứ và hiện tại – trong một dạng tiềm tàng. Qua sự khởi động bằng nghiệp, chúng thay đổi trạng thái, lìa trạng thái tiềm tàng này để tương hỗ nhau hình thành thế giới và hiện tượng. Sau khi gây hiệu quả, và tách rời nhau, các pháp không bị huỷ hoại mà lại thể nhập trạng thái tiềm tàng như trước, đợi đến lúc bị nghiệp lực kích động để phát huy hiệu quả. Vì thế tông phái này mới có tên là "nói là tất cả đều tồn tại" (sarvam asti). Thuyết nhất thiết hữu bộ thừa nhận một tự tính (sa. svabhāva) của các pháp và qua đó, đưa chúng lên tầng cấp của "hiện thực tối cao" (sa. paramārtha). Theo quan điểm của Kinh lượng bộ thì việc gán vào các pháp một hiện thực tối cao như Thuyết nhất thiết hữu bộ là một sự phản bội giáo lý vô ngã của đức Phật, bởi vì việc đưa các pháp lên một cấp bậc bên trên những "hiện thực" khác đã vô tình giữ lấy một lập trường chấp ngã (pháp ngã chấp), có thể so sánh với học thuyết tự ngã của các Áo nghĩa thư. Để phản đối lại học thuyết này, Kinh lượng bộ đề xuất học thuyết Sát-na tồn tại (sa. kṣaṇikavāda). Theo thuyết này thì các pháp chỉ xuất hiện chớp nhoáng, chỉ trong một khoảnh khắc, một sát-na, để sau đó tịch diệt ngay tức thì. Các pháp này không tồn tại theo thời gian và không gian và cũng không có mối tương quan về mặt nhân quả với nhau. Trước khi phát sinh thì các pháp hoàn toàn không tồn tại, và sau khi đã thực hiện công năng chúng lại trở về trạng thái phi tồn tại này.
Mô hình nhân quả
Ngay trong chương đầu của Trung quán luận (MMK), Long Thụ đã phản đối cực lực tất cả những mô hình của các trường phái trong và ngoài Phật giáo, cho rằng chúng phạm lỗi mâu thuẫn:
Theo Long Thụ, lập trường của Thuyết nhất thiết hữu bộ, dưới dạng "Nhân quả nhất như" của họ, tương đương kiến giải cực đoan Thường kiến (sa. śāśvatavāda); nghĩa là họ tin vào sự trường tồn, bởi vì họ đã đưa các pháp lên một trạng thái tồn tại thường hằng. Kinh lượng bộ, với cách xử lý thuyết "Nhân quả bất nhất như" (sa. asatkāryavāda), thì sa lạc vào Đoạn kiến (sa. ucchedavāda); đây là kiến giải chấp sự đoạn diệt, bởi vì họ cho rằng các pháp trước và sau khi xuất hiện hoàn toàn không tồn tại. Cả hai kiến giải này đều không phù hợp với con đường trung đạo của Phật Thích-ca, được Long Thụ định nghĩa bằng sự tương đồng hoàn toàn của giáo lý Duyên khởi và Tính không. Các pháp không trường tồn, bởi vì chính chúng nó xuất hiện trên cơ sở hệ thuộc, có cơ sở hệ thuộc. Nhưng chúng cũng không bị huỷ diệt, bởi vì chúng hoàn toàn không có một tự tính, không có một cơ sở tự tồn nào. Long Thụ nhấn mạnh quan điểm này trong Trung quán luận như sau:
Dẫn dắt chúng sinh trực nhận chân lý trung đạo này bằng trí huệ siêu việt (prajñā) chính là động cơ chính nằm sau toàn bộ hệ thống triết học của Long Thụ. Sư phân tích các chủ đề quan trọng nhất của Phật giáo chính trong bối cảnh này.
Tính Không (śūnyatāvāda)
Mục đích của Long Thụ là phục hồi giáo lý Trung đạo của Phật, lúc đó đang gặp cơ nguy bị vùi lấp trong cuộc tranh luận giữa Kinh lượng bộ và Thuyết nhất thiết hữu bộ, cũng như những phỏng đoán về những sự việc siêu hình vô bổ. Nhìn như thế thì Long Thụ cũng không hẳn là người khai sáng một trường phái, hoặc là người khai sáng Đại thừa. Sư phân tích các chủ đề quan trọng nhất của Phật giáo dưới quan điểm là Duyên khởi và Tính không là đồng nhất, được Sư nhấn mạnh ngay trong câu kệ Bát bất, "tám phủ định", bài kệ đầu của MMK:
Theo ý Long Thụ thì các đại biểu của Kinh lượng bộ và Thuyết nhất thiết hữu bộ không thâm nhập giáo lý trung dung (madhyamaka) của đức Phật và vì thế, họ rơi vào biên kiến: Thuyết nhất thiết hữu bộ sa lạc vào lập trường "nó lúc nào cũng là" của thuyết trường tồn, và Kinh lượng bộ rơi vào quan điểm "Nó đang là và sẽ không là", chính là lập trường đoạn diệt. Như vậy cả hai đều xa lìa con đường trung dung với tinh hoa được Phật thuyết trong một bài kinh (Trung bộ kinh, 22):
Theo Long Thụ thì, tương tự khuynh hướng đã được vạch ra trong các bộ kinh Bát-nhã, vô minh (sa. avidyā) là một trong những nguồn gốc chính của khổ, và người ta nên khắc phục nó trước những thành phần khác, nghĩa là thay thế nó bằng nhận thức siêu việt (sa. prajñā), bằng trí (sa. jñāna). Theo Long thụ thì tiêu diệt vô minh cũng có thể được thực hiện bằng con đường luận lý với lý thuyết và Sư thừa nhận một giá trị thực tiễn của phương pháp này. Trong các luận cứ của mình, Long Thụ áp dụng phương pháp giải phá để hành giả Phật giáo từng bước hoá giải tất cả những khuynh hướng thủ chấp (sa. upādāna) và để Trung đạo tự hiển bày trong nhận thức đã đạt được.
Để chứng minh tính Không bằng các luận cứ đích đáng, Long Thụ khảo sát tính vô thường của hiện hữu một cách khắt khe. Sư lập luận rằng, chỉ "vì" các hiện tượng trống không nên chúng mới có thể phát sinh và hoại diệt. Và chỉ vì chúng trống rỗng nên việc diệt khổ bằng Tứ thánh đế cũng như thực hành trên Bát chính đạo để đạt giải thoát mới có thể thực hiện được. Giả sử các hiện tượng không trống không thì không có sự phát triển trong thế gian, tất cả đều hoàn toàn trong trạng thái tĩnh, bất biến, có thể nói là "đông cứng trong vô cực". Sự vật sẽ là vô vi và vì không cần một điểm tựa nào để tồn tại nên chúng chết cứng trong vĩnh cửu. Nhưng sự việc này không tương ưng với sự biến đổi có thể thấy được trong thế gian. Chẳng nơi nào có sự vật trường tồn. Và chính vì vậy, Long Thụ kết luận rằng, không có nơi nào có sự vật không trống không.
Một ví dụ cụ thể ở đây là một cây. Cây này phụ thuộc vào những nhân tố rất khác biệt nhau: rễ, thân, cành, nhánh, lá, chất dinh dưỡng trong đất, gió, mưa, ánh nắng,... Nhìn theo quan điểm này thì cây này hoàn toàn không "có ở đây", mà chỉ "bước vào hiện hữu" qua sự tương tác của các nhân tố trợ giúp khác nhau. Thuộc vào những nhân tố này là nhận thức cảm năng cũng như sự phối hợp ngôn ngữ, khiến cây này trở thành một biểu thị (zh. năng biểu 能表, de. Signifikant, fr. signifiant) ngôn ngữ tương đương với cái được biểu thị (zh. sở biểu 所表, de. Signifikat, fr. signifié). Toàn thể vũ trụ ảnh hưởng đến cây duy nhất này, bởi vì các nhân duyên ở đây, chính chúng nó, lại tuỳ thuộc vào vô vàn nhân duyên khác. Nếu một nhân tố bị loại, thì tất cả những nhân tố đều bị loại ra; chúng hoàn toàn tuỳ thuộc nhau, xuyên suốt nhau. Giả sử cây này là một hiện tượng hoàn toàn cô lập, độc lập, hiện hữu mà không tuỳ thuộc vào nhân duyên, thì nó không thể lớn lên và sinh tồn, bởi vì cho sự tồn tại của nó, nó chẳng cần cái gì khác ngoài chính nó. Như vậy, nó không chịu ảnh hưởng của sinh thành và hoại diệt, luôn luôn như vậy, không bị ràng buộc, bất tử. Nhưng sự việc như thế mâu thuẫn với hiện tượng luôn luôn biến đổi của nó, từ một hạt giống đến cây lớn gồ ghề với bộ lá thật dày, đến lúc nào đó cũng phải chịu quy luật lão và tử.
Như thế thì vạn vật không có một tự ngã (sa. nairātmya), không có một tự tính (sa. asvabhāva) và trống không (sa. śūnya), vì tuỳ thuộc vào nhân duyên.
"Tự tính" (sa. svabhāva, tương đồng với biểu thị "cơ bản tự tồn") là một thuật ngữ được dùng trong triết học Ấn Độ. Nó miêu tả một cái gì đó có một cơ sở tự tồn, một cái gì đó không cần nương tựa vào đâu để tồn tại, không cần nhân duyên. Ví dụ như tự ngã (sa. ātman) được nhắc đến trong các Áo nghĩa thư được miêu tả là tự sinh tự tồn (svayambhū). Trong chức năng này thì tự ngã đó giữ một địa vị tuyệt đối nằm trên tất cả những cái tương đối; khác với thế gian biến đổi, được cấu tạo xung quanh, nó tự tồn, vĩnh cửu, bất biến, thanh tịnh và bất sinh. Đây là những thuộc tính thường được gán vào một "tự tính". Và tự tính này chính là cái bị Long Thụ loại ra triệt để khi Sư phân tích thế giới hiện tượng.
Như vậy thì theo Long Thụ, vì vắng mặt một tự tính nên thế giới này không phải là thế giới của tồn tại, mà là thế giới của một sự luân chuyển vô cùng. Vạn vật không là, mà xảy ra, tương tự một giai điệu, chính nó cũng không là, mà là một chuỗi tương tục của các nốt nhạc. Các pháp cũng rơi vào phạm trù này vì chúng không tồn tại độc lập. Chúng có mối tương quan được xác lập bởi nguyên lý duyên khởi. Vì bây giờ sinh thành trên cơ sở duyên khởi đồng nghĩa với tính không nên theo Long Thụ, vạn vật không thực sự phát sinh và hoại diệt. Trung luận chương 21 trình bày như sau:
Hai kiến giải bất thiện là Thường kiến và Đoạn kiến gán vào sự vật một thực thể; trong trường hợp đầu được xem là một cái gì đó không thể hoại diệt và trong trường hợp thứ hai là một cái gì đó đồng thời xuất hiện với các hiện tượng và sau đó bị huỷ diệt khi hiện tượng huỷ diệt. Nhưng, vì trong Phật giáo tất cả những gì được hiểu là luôn luôn chuyển biến không có một thực thể bên trong nên chúng không thường hằng (thường kiến), cũng không ngừng hiện hữu (đoạn kiến), chẳng là một (nhất nguyên), chẳng đa dạng (đa nguyên). Long Thụ so sánh sinh thành và hoại diệt – được hiểu một cách có thực thể – như dương diệm, như thành phố của Càn-thát-bà, như huyễn tượng. Cái gì tuỳ thuộc vào nhân duyên, cái đó trống không. Cái gì trống không, cái ấy không có một hiện thực độc lập. Như những làn sóng khởi sinh trên mặt biển mà nước không được cho thêm vào, và cũng như các làn sóng trở về biển mà không mất nước chút nào – các hiện tượng sinh thành và hoại diệt cũng như thế.
Vạn vật không thực sự hiện hữu vì sự sinh thành của chúng tuỳ thuộc vào nhân duyên, và sự tuỳ thuộc này khiến cho việc tìm kiếm một nguyên nhân đầu tiên, một căn bản khả đắc là một việc không thể thi hành; nó bị lạc trong nguyên lý duyên khởi, một tấm lưới nhân duyên khổng lồ bao trùm tất cả. Vạn vật không hiện hữu vĩnh cửu, không xuất phát từ phi hiện hữu (vibhāva) để rồi trở về đó sau khi thực hiện các công năng của chúng. Vì tính không của chúng – một tính Không cự tuyệt mọi biên kiến – nên chúng không tồn tại, mà cũng không không tồn tại.
Từ lập trường xác nhận này, Long Thụ đưa luận cứ lên một mức độ cao hơn nữa và miêu tả trong một câu kệ, có lẽ là câu thường được trích dẫn nhiều nhất của Trung quán luận. Trong đó Sư miêu tả tính đồng nhất của Luân hồi và Niết-bàn từ đỉnh điểm của nhận thức (Bát-nhã, prajñā):
Nhìn từ lập trường giải thoát thì không có sự phân biệt giữa các hiện tượng hữu vi và niết-bàn vô vi. Hữu vi và vô vi chỉ là những cặp đối đãi nhị nguyên, chỉ là những khái niệm tương hỗ nhau. Chỉ người chưa chứng thực tính không, chưa đạt trí huệ mới bám vào chúng; và hành vi này cản trở người này tiến đến nhận thức chân chính – người này đã lập ra một ranh giới giữa niết-bàn và luân hồi, một ranh giới hoàn toàn không có.
Vì tính không đồng nghĩa với giải thoát nên tất cả chúng sinh cơ bản đã đứng trong giải thoát. Sự việc cần được thực hiện lúc này chỉ là ý thức được trạng thái giải thoát siêu việt tất cả những hạn lượng, phân biệt và các cực biên này, để rồi nhận thức được nó.
Nhưng sự nhận thức này, Long Thụ cảnh huấn, không được hiểu là một hành vi cá nhân trên cơ sở giáo lý vô ngã. Sư vạch ra những điểm mâu thuẫn xuất hiện trong những ý niệm "có niết-bàn", "đạt niết-bàn", "thành tựu niết-bàn" hoặc "thực hiện niết-bàn":
Như thế thì khái niệm tính Không trong học thuyết của Long Thụ thiên về chức năng giải thoát hơn. Nó giúp tương đối hoá các quan điểm thông thường về hiện thực – vốn được những điều quy ước như ngôn ngữ và tư duy ảnh hưởng – để rồi dọn sạch những kiến giải sai lầm ngăn cản trí huệ và kinh nghiệm tính không. Những mẫu hình tư duy cứng chắc cũng như những ý tưởng dẫn đến những cực biên cách tuyệt lẫn nhau, ví như tự tính và tha tính, đồng nhất và dị biệt v.v., nên được phá vỡ để làm an tĩnh khuynh hướng nắm bắt và nắm chặt của tư duy – được Long Thụ gọi là "sự tung hoành của khái niệm" (sa. prapañca, được Cưu-ma-la-thập dịch sang Hán văn là "hí luận" 戲論) – và để hoá giải những điểm cố định đi kèm.
Long Thụ cảnh cáo nhiều lần là không nên lầm lẫn tính Không với một hiện thực nào đó nằm phía sau thế giới hiện tượng hoặc lầm lẫn với một kiến giải đại diện cho hiện thực này. Hành giả nên tránh không làm tính Không thành một cái gì đó mang một thực thể hoặc để nó thành một "chân tính" của hiện hữu, thành cái "tuyệt đối". Tính Không đối với Long Thụ chỉ được hiểu là một phương tiện và nếu là một phương tiện thì không được cụ thể hoá quá độ.
Thế nên, theo Long Thụ, hành giả nên dùng khái niệm tính Không một cách thận trọng. Nó được hiểu là một phương tiện thiện lành để giải thoát hành giả ra khỏi những biên kiến, nhưng có thể, nếu được hiểu sai, gây tai hại:
Vì thế hành giả nên nhận thức được rằng, tính Không – như một biểu thị độc lập – chính nó cũng trống không. Đây là một lời trần thuật đã mang đến Long Thụ nhiều lời tố cáo, rằng Sư đại diện chủ nghĩa hư vô (nāstitva), rằng đây chính là điểm tự phản bác học thuyết của sư, bởi vì tính Không bị hiểu lầm là một học thuyết. Tính Không chưa từng được Long Thụ hiểu là một học thuyết hoặc một lý thuyết được áp dụng để thay thế một lý thuyết đi trước. Hơn thế nữa, chủ ý của Long Thụ là cuối cùng phải buông xả tất cả những kiến giải, tất cả những lý thuyết, ngay cả kiến giải tính Không. Khi tính Không đã đạt mục đích như một phương tiện và đã "mở mắt" hành giả, giúp hành giả trực nhận sự việc thì chính nó cũng phải được buông xả, như người dùng bè qua sông, đến bờ bên kia liền bỏ chiếc bè. Thậm chí nói về tính Không cũng là một điều bất thiện, nếu cái được nói này tiếp tục được cụ thể hoá.
Câu kệ trên nêu ra kĩ thuật biện chứng của Long Thụ bằng Tứ cú phân biệt (catuṣkoṭi), được xử lý trong phần tiếp theo.
Tứ cú phân biệt (catuṣkoṭi)
Phương tiện luận lý Phật giáo Tứ cú phân biệt, được Long Thụ áp dụng có lẽ xuất phát từ một đại biểu của phái hoài nghi thời Phật còn tại thế, tên San-xà-da Tì-la-chi-tử (zh. 珊闍耶毘羅胝子, pi. sañjaya-velaṭṭhiputta) được nhắc trong Trường bộ kinh (pi. dīghanikāya). Đây là một mẫu hình tư duy luận lý được xác lập bởi bốn thành phần, "tứ cú", tương đương với bốn cách tuyển chọn luận lý khác nhau. Theo truyền thống thì Phật Thích-ca cũng đã áp dụng Tứ cú phân biệt để ứng đáp những câu hỏi xuất phát từ những tiền đề sai lạc và như thế, theo tình huống văn cảnh, không được đưa ra đúng. Cách trả lời những câu hỏi này của Phật có thể được tìm thấy ở nhiều chỗ trong kinh tạng Pali. Ví dụ sau đây có nguồn từ Tương ưng bộ kinh (pi. saṃyuttanikāya), khi Ca-diếp (pi. kassapa), một du tăng và sau này trở thành đệ tử Phật, được Phật giải thích sự hình thành của khổ:
Trong ví dụ này, Phật luận lý bằng cách phủ nhận tất cả bốn thành phần của Tứ cú phân biệt. Phật tìm cách vạch ra những biên kiến ẩn tàng trong câu hỏi. Trong trường hợp này là thường kiến và đoạn kiến, vốn có bản chất đối nghịch giáo lý Trung đạo của ngài.
Tứ cú phân biệt như một mô hình lý thuyết bao gồm cả hai, luật vô mâu thuẫn (de. Satz vom Widerspruch, en. law of noncontradiction) và luật bài trung (luật cách tuyệt cái thứ ba, de. Satz vom ausgeschlossenen Dritten, en. law of excluded middle).
Nó như thế này
Nó không như thế này
Nó vừa là thế này vừa không là thế này
Nó chẳng như thế này, cũng không không như thế này
Luận lý học Phật giáo – theo giáo lý vô ngã – cho rằng, A không tương đồng với chính nó, có nghĩa là A không phải là A. Cái "ta" được tin là độc lập thật ra là một ấn tượng sai, được hình thành vì quá trình quy tụ cũng như tan rã của các pháp bị nhận lầm là một ngã trường tồn, và sự lầm lẫn này lại được hỗ trợ và duy trì bằng sự bám chặt vào đó. Như vậy thì tiền đề cơ bản của luận lý hình thức đã bị bác bỏ, tự đồng nhất A = A đã bị bác bỏ ngay từ đầu. Nhưng trong bước kế đến, sự dị biệt cũng bị phủ nhận: A cũng không phải là Phi-A (không có một ngã nằm trong và ngoài các pháp). Hai bước kế tiếp, vì chỉ là sự phối hợp của hai bước đầu, cũng bị bác bỏ.
Theo phương pháp áp dụng Tứ cú phân biệt này thì không phải người dùng nó muốn chứng minh một cái gì đó là chân lý tuyệt đối, có nghĩa là phản chứng một quả quyết hoặc thay thế một sự thật "sai" bằng một sự thật "đúng", mà chỉ muốn vạch ra những nhược điểm trong những dạng luận cứ hoặc những mối tư duy nhất định cản trở tri thức. Tiêu chuẩn duy nhất có giá trị mà theo nó, một vị ngữ có thể được quyết đoán nằm ở chỗ cái được thuyết giảng có tốt cho một sự trực nhận chân lý hay không. Những câu xác nhận – cho dù còn liên quan đến thế giới tương đối – vẫn là những điều tất yếu để truyền trao và chuyển tải nội dung giảng dạy. Nhưng chúng phải được kiểm nghiệm là thiện hảo và qua đó, người ta có thể thấy rằng, mức độ chân thực của chúng cũng phụ thuộc vào tính thực dụng và hữu ích của chúng.
Sự hiểu biết trọn vẹn được thực hiện trên tầng cấp Bát-nhã, "trí huệ vô ngôn". Như vậy thì việc áp dụng Tứ cú phân biệt bao hàm hai khía cạnh:
Khía cạnh giải phá (en. deconstructive), có nghĩa là vạch ra những đường cùng của tư duy hạn chế, bất thiện, và đồng thời,
Khía cạnh kiến lập (en. constructive), là chuyển hoá vô minh (avidyā) thành trí bát-nhã (prajñā), như vậy là dẫn dắt ra khỏi tư duy hạn chế.
Trong một vài công án của Thiền tông, người ta vẫn còn tìm thấy các thành phần của Tứ cú phân biệt.
Thuyết "Nhị đế" (satyadvaya)
Phương pháp được nhắc đến bên trên của Long Thụ – phân biệt giữa "chân lý tối cao" và "chân lý quy ước, của sự che đậy" – được trường phái Trung quán sau này thừa kế và phát triển, đã được tất cả các trường phái Phật giáo gìn giữ. Quan điểm cho rằng, không một lời khẳng định nào có giá trị tuyệt đối mà phải được xem là tương đối cũng như được thử xem là có thiện hảo hay không, đã giữ một vị trí nhất định trong tất cả các trường phái Phật giáo, kể từ ngày Long Thụ đề xướng thuyết "Nhị đế" trong tác phẩm Trung luận bên trên.
Ngay trong A-tì-đạt-ma người ta đã tìm thấy mầm mống của mô hình Nhị đế với sự phân biệt giữa "samuttisacca" (pi.) và "paramatthasacca" (pi.). Tuy nhiên, dưới dạng rất cổ này thì Nhị đế tương quan đến mức độ hiện thực của các pháp và những vật thể được chúng cấu thành trong thế giới hiện tượng. Các pháp, với chức năng cấu tạo cũng như mang đặc tính là không thể được rút gọn, làm nhỏ hơn nữa được, được xem là những "hiện thực tối cao" để phân biệt với những hiện hữu được chúng hình thành và đây cũng là nghĩa của từ "paramatthadhamma" (pi.). Những hiện tượng được các pháp này cấu thành, những khái niệm hằng ngày như "ta", "của ta", những sự vật có vẻ như có thực thể, các cá nhân... đều được xem là hệ thuộc vào "hiện thực bị che đậy".
Long Thụ lấy mô hình này, nhưng thay đổi sự phân chia mức độ hiện thực toàn diện. Các pháp được A-tì-đạt-ma xem là những hiện thực tối cao, giờ đây – như tất cả những gì "khả thuyết" – được đưa vào cấp bậc của chân lý tương đối, chân lý của sự che đậy. Chân lý tối cao là một sự việc bất khả thuyết. Người ta chỉ có thể ám chỉ nó bằng chân lý tương đối – để rồi sau đó trực giác được nó trên một tầng cấp trí huệ siêu việt. Quan điểm cơ bản này được minh hoạ trong kinh Lăng-già: "Ngón tay chỉ trăng không phải là mặt trăng."
Trước tác
(trích)
Các tác phẩm của Long Thụ được viết bằng tiếng Phạn cổ điển hoàn toàn, không phải tiếng Phạn tạp chủng (Buddhist Hybrid Sanskrit) thường thấy trong các bộ kinh Đại thừa. Nguyên nhân có lẽ là do Long Thụ xuất thân từ dòng dõi Bà-la-môn nên thông thạo tiếng Phạn cổ điển hơn hết. Theo văn phong mà suy đoán thì các tác phẩm của Sư chịu ảnh hưởng của các bộ kinh Bát-nhã, nhưng đồng thời lại rất trung thành với những bài thuyết pháp của Phật trong các Bộ kinh. Luận văn quan trọng nhất của Sư là bộ Trung luận với 27 chương (sa. mūlamadkyamakakārikā). Ngoài ra, một số tác phẩm có tính chất triết học, luân lý được xem thực sự là thủ bút của Sư (mang dấu hoa thị * bên dưới). Những bộ khác mang tên Sư chưa được kiểm chứng.
Căn bản trung quán luận tụng (*) (sa. [mūla-] madhyamaka-kārikā), cũng được gọi là Trung quán luận tụng, hoặc Trung quán luận (sa. madhyamaka-śāstra), Cưu-ma-la-thập dịch Hán văn. Còn Phạn bản
Căn bản trung quán luận thích vô uý chú (sa. mūlamādhyamikavṛtti-akutobhayā), được gọi tắt là Vô uý chú, chỉ còn bản Tạng ngữ;
Đại trí độ luận (sa. mahāprajñāpāramitā-śāstra, mahāprajñāpāramitopadeśa), 100 quyển, Cưu-ma-la-thập dịch;
Thập nhị môn luận (sa. dvādaśanikāya-śāstra, dvādaśadvāra-śāstra), Cưu-ma-la-thập dịch;
Nhân duyên tâm luận tụng (*) (sa. pratītyasamutpāda-hṛdaya-kārikā), không biết người dịch; còn Phạn bản
Đại thừa nhị thập tụng (sa. mahāyāna-viṃśikā), Thí Hộ dịch;
Bảo hành vương chính luận (*) (sa. rājaparikathā-ratnāvalī, cũng được gọi là ratnāvalī, hay Vòng bảo châu), 1 quyển, Chân Đế (sa. paramārtha) dịch; còn Phạn bản
Thất thập không tính luận (*) (sa. śūnyatā-saptati), bản Tạng ngữ vẫn còn; còn Phạn bản
Thất thập không tính luận thích (sa. śūnyatā-saptativṛtti), chú giải Thất thập không tính luận, Nguyệt Xứng (sa. candrakīrti) và Parahita cũng có soạn một tác phẩm dưới tên này;
Phương tiện tâm luận (sa. upāya-hṛdaya), một tác phẩm về Luận lý học (nhân minh) được xem là của Sư, bản dịch Hán vẫn còn do Cát-ca-dạ dịch;
Tập kinh luận (*) (sa. sūtrasamuccaya); có hai tập dưới tên này: một tác phẩm có lẽ đã thất truyền của Tịch Thiên (sa. śāntideva) và một tác phẩm được xem là của Sư;
Hồi tránh luận (*) (sa. vigraha-vyāvartanī, vigrahavyāvartanīkārikā), Tì-mục Trí Tiên và Cù-đàm Lưu-chi dịch chung; còn Phạn bản
Hồi tránh luận thích (sa. vigraha-vyāvartanī-vṛtti);
Long Thụ Bồ Tát khuyến giới vương tụng (*) (sa. ārya-nāgārjunabodhisattva-suhṛllekha), Nghĩa Tịnh dịch; còn Phạn bản
Quảng phá kinh (*) (vaidalya-sūtra?), Quảng phá luận (vaidalyaprakaraṇa?), bản dịch Hán và Tạng ngữ vẫn còn;
Lục thập tụng như lý luận (*) (sa. yukti-ṣaṣṭhikā), Thí Hộ dịch, cũng có bản Tạng ngữ;
Thập trụ tì-bà-sa luận (sa. daśabhūmi-vibhāṣā-śāstra), 17 quyển, Cưu-ma-la-thập dịch;
Bồ-đề tâm li tướng luận (sa. lakṣaṇavimukta-bodhihṛdaya-śāstra), 1 quyển, Thí Hộ dịch;
Đại thừa phá hữu luận (sa. mahāyāna-bhavabheda-śāstra), 1 quyển, Đạt-ma-cấp-đa (sa. dharmagupta) dịch;
Tán Pháp giới tụng (sa. dharmadhātu-stotra), 1 quyển, Thí Hộ dịch;
Bồ-đề tư lương luận (*) (sa. bodhisaṃbhāraka), 6 quyển, Đạt-ma-cấp-đa (sa. dharmagupta) dịch. |
Người Kinh, hay Kinh tộc (chữ Hán: 京族, bính âm: jīngzú, Hán-Việt: Kinh tộc) là một trong số 56 dân tộc được công nhận tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Năm 2000 ước tính có khoảng 22.000 người Kinh tại Trung Quốc. Trước năm 1958, dân tộc này được gọi là người Việt (越族, Việt tộc).
Lịch sử
Người Kinh Trung Quốc đồng nhất về sắc tộc với người Việt tại Việt Nam. Tuy nhiên do sự thay đổi đường biên giới quốc gia, vùng cư trú của họ hiện thuộc lãnh thổ Trung Quốc.
Đông đảo người Kinh sinh sống chủ yếu trên 3 đảo là Vạn Vĩ, Sơn Tâm và Vu Đầu, nên các đảo được gọi chung là Kinh Đảo, còn được gọi là Kinh tộc Tam Đảo, năm 2000 có khoảng 18.000 người. Ngoài ra vào khoảng thế kỷ 16, có một số người Việt di cư lên phía bắc lập nghiệp ở vùng Trường Bình - Bạch Long, hiện có khoảng 4.000 người (2000).
Kinh Đảo hiện thuộc thành phố cấp huyện Đông Hưng, khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây. Vùng đất Kinh Đảo vốn thuộc Đại Việt, nhưng theo Công ước Pháp-Thanh ký năm 1887 giữa Pháp và nhà Thanh thì sáp nhập vùng Kinh Đảo vào Trung Quốc.
Văn hóa, ngôn ngữ
Thời gian trôi qua, nhóm người Kinh này chịu ảnh hưởng ít nhiều từ văn hóa Trung Hoa cận đại, tuy vậy văn hóa truyền thống của người Việt vẫn được duy trì. Họ vẫn nói tiếng Việt và được công nhận là một dân tộc thiểu số tại Trung Quốc, tạo thành 1 trong 56 dân tộc được chính thức công nhận tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Người Kinh ở Trung Quốc vẫn nói tiếng Việt nhưng tiếng nói của họ pha trộn nhiều với tiếng Quảng Đông, Quan thoại kèm với nhiều từ của tiếng Việt cổ. Về cơ bản, họ vẫn có thể nói chuyện và thông hiểu với người Việt ở Việt Nam. Với chữ viết, vì không bị ảnh hưởng bởi chính sách xóa bỏ chữ Hán và thay bằng chữ Quốc ngữ của chính quyền thuộc địa thực dân Pháp trong giai đoạn Pháp thuộc, họ vẫn sử dụng chữ Hán, đồng thời lưu truyền và dạy chữ Nôm của người Việt. Theo một khảo sát năm 1980, một phần ba lượng người Kinh ở Trung Quốc đã đánh mất tiếng mẹ đẻ và chỉ nói được tiếng Trung, một phần ba khác nói song ngữ là tiếng Kinh và tiếng Trung. Cuộc khảo sát cho thấy xu hướng giảm sút của tiếng Kinh, nhưng từ thập niên 2000 có một sự phục hồi việc sử dụng ngôn ngữ này. Ngoài ra, người Kinh ở Quảng Tây còn tổ chức dạy và học chữ Quốc ngữ để sử dụng hệ chữ này, đồng thời có thể giao lưu qua văn viết với người Việt tại Việt Nam và các nước khác trên thế giới.
Phân bố |
Tịch Hộ (zh. 寂護, sa. śāntarakṣita), 750-802, là một Cao tăng Ấn Độ thuộc Trung quán tông, người truyền bá Phật pháp sang Tây Tạng thời kì đầu. Quan niệm của Sư là Trung quán nhưng có tính chất dung hoà với Duy thức và vì vậy, Sư và đệ tử giỏi là Liên Hoa Giới (sa. Kamalaśīla) được xem là đại biểu của hệ phái Trung quán-Duy thức (sa. madhyamaka-yogācāra). Một trong những tác phẩm quan trọng của Sư mang tên Nhiếp chân thật luận (攝真實論, sa. tattvasaṃgraha).
Sư không phải là Cao tăng đầu tiên sang Tây Tạng hoằng hoá, nhưng là người đầu tiên để lại dấu vết đến bây giờ. Sư quê tại Bengal (Đông Bắc Ấn) và có giữ một chức giảng sư tại viện Na-lan-đà (sa. nālandā). Nhận được lời mời của vua Tây Tạng là Ngật-lật-song Đề-tán (zh. 吃栗雙提贊, bo. ཁྲི་སྲོང་དེའུ་བཙན་), Sư liền thu xếp hành lý đến Tây Tạng. Cuộc hành trình của Sư đến Tây Tạng đầy vất vả chướng ngại và điều quan trọng nhất là rất nhiều thiên tai xảy ra trong thời điểm này. Những dấu hiệu này được quần chúng xem là dấu hiệu chống đối Phật pháp của các thần linh tại miền núi cao và nghe lời vua Ngật-lật-song Đề-tán, Sư trở về Ấn Độ và khuyên vua nên thỉnh cầu Liên Hoa Sinh đến giáo hoá. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, Liên Hoa Sinh đặt chân đến Tây Tạng với tư cách của một người chinh phục tà ma, gây ấn tượng lớn và thuyết phục được niềm tin của người xứ này.
Sau khi được Liên Hoa Sinh dọn đường, Sư đến Tây Tạng một lần nữa và cùng với Liên Hoa Sinh thành lập ngôi chùa Phật giáo đầu tiên tại Tây Tạng, đó là chùa Tang-diên (桑鳶寺, bo. བསམ་ཡས་), nằm phía Đông nam thủ đô Lha-sa. Sư là người đầu tiên thực hành nghi lễ Thụ giới cho người Tây Tạng. Sư hoằng hoá 13 năm tại chùa Tang-diên và trong thời gian này, rất nhiều kinh sách được phiên dịch từ Phạn ngữ sang tiếng Tây Tạng. Theo các nhà Ấn Độ học thì Sư mất năm 802 vì bị móng ngựa (hoặc lừa) đạp.
Các tác phẩm tiêu biểu:
Trung quán trang nghiêm luận (zh. 中觀莊嚴論, sa. madhyamakālaṃkāra)
Nhiếp chân thật luận (zh. 攝真實論, sa. tattvasaṃgraha)
Nhị thập luật nghi chú (zh. 二十律儀注, sa. saṃvara-vimśaka-vṛtti)
Thế Tôn tán cát tường chấp kim cương ca quảng thích (zh. 世尊贊吉祥執金剛歌廣釋, sa. śrī-vajradharasaṃgītibhagavatstotra-ṭikā)
Bát Như Lai tán (zh. 八如來贊, sa. aṣṭatathāgata-stotra)
Nhị đế phân biệt nan ngữ thích (zh. 二諦分別難語釋, sa. satyadvayavibhaṅga-pañjikā) |
Yết-ma (zh. jiémó 羯磨, ja. katsuma) là từ phiên âm chữ karma trong tiếng Phạn, có nghĩa là Nghiệp, việc làm, hành vi (nghiệp 業, tác 作, sự 事), nhưng khi dùng cách phiên âm này có nghĩa như sau:
Là nghi thức mà giới tử phát nguyện để thụ trì giới;
Là nghi thức tăng sĩ sám hối về giới luật mình đã phạm;
Tiến trình nghi thức được cử hành bởi chư tăng có thẩm quyền (để giải quyết những vấn đề có liên quan đến sự tu tập của tăng chúng). Trong 3 nghĩa nêu trên, yết-ma thường là thuật ngữ chuyên môn được dùng trong Luật tông;
Viết tắt một thuật ngữ chuyên môn của Mật tông là Yết-ma kim cương (zh. 羯磨金剛). |
Lâm Tế Nghĩa Huyền (zh. línjì yìxuán/ lin-chi i-hsüan 臨濟義玄, ja. rinzai gigen), ?-866/867, là một vị Thiền sư Trung Quốc, là Tổ khai dòng thiền Lâm Tế. Sư là môn đệ xuất sắc nhất của Thiền sư Hoàng Bá Hi Vận. Môn đệ đắc pháp danh tiếng của sư có Thiền sư Hưng Hoá Tồn Tưởng, Tam Thánh Huệ Nhiên, Định Thượng Toạ.
Sư khai sáng dòng thiền Lâm Tế trong thời gian Phật giáo Trung Quốc đang bị đàn áp (842-845) và chính dòng này đã chứng tỏ sức sống mãnh liệt trong thời gian sau, trở thành môn phái quan trọng nhất của Phật giáo Trung Quốc. Song song với dòng Tào Động, dòng thiền của sư được truyền bá tại Nhật Bản cho đến ngày nay gần như dưới dạng nguyên thủy.
Sư tiếp nối truyền thống hoằng hoá của Mã Tổ Đạo Nhất Thiền sư bằng cách sử dụng tiếng quát (hát 喝, ja. katsu!), gậy đập (trúc bề 竹篦, ja. shippei, kyosaku) và Phất tử (zh. 拂子, ja. hossu).
Cách hướng dẫn môn đệ của sư là sự phối hợp và hoàn chỉnh cách dạy của các vị tiền nhân kể từ Lục tổ Huệ Năng. Thành phần mới được cho là xuất phát từ dòng thiền này là phép quán Công án, một phương pháp gần như dấu hiệu chính của thiền Lâm Tế và chính dòng thiền này đã giữ gìn truyền thống đó cho đến ngày hôm nay (Đại Huệ Tông Cảo, Bích nham lục, Vô môn quan).
Cơ duyên và hành trạng
Sư họ Hình (zh. 邢), quê ở Nam Hoa (zh. 南華), Tào Châu (zh. 曹州). sư mộ đạo từ nhỏ, nghiên cứu giới luật, kinh điển, nhưng không hài lòng với cái đạt được, tự nhủ "Đây chưa phải là yếu chỉ của giáo ngoại biệt truyền." Sau đó, sư đến Hoàng Bá (sau khi hành cước trải qua một chặng đường dài gần 2000 km!) cầu ngộ yếu chỉ.
Hoàng Bá vừa thấy sư biết ngay là pháp khí thượng thặng nhưng vẫn để sư học hỏi âm thầm trong ba năm. Thủ toạ (Mục Châu Trần Tôn Túc) thấy sư chăm chỉ học liền khuyên đến thẳng Hoàng Bá hỏi đại ý Phật pháp. Sư ba lần đến hỏi, ba lần bị ăn gậy như bão táp nên thất vọng, muốn đi học nơi khác. Hoàng Bá khuyên sư đến thiền sư Đại Ngu (nối pháp Quy Tông Trí Thường) ở Cao An. Sự việc được ghi lại rõ trong Ngũ Đăng Hội Nguyên như sau:
Sư đến Đại Ngu, Đại Ngu hỏi: "Ở chỗ nào đến?" Sư thưa: "Ở Hoàng Bá đến." Đại Ngu hỏi: "Hoàng Bá dạy gì?" Sư thưa: "Con ba phen hỏi đại ý Phật pháp, ba phen đều bị đánh. Chẳng biết con có lỗi hay không lỗi?" Đại Ngu cười lớn nói: "Hoàng Bá vì ngươi nói chỗ tột cùng, lại đến hỏi lỗi hay không lỗi!" Ngay câu nói này, sư thông suốt, thưa: "Phật pháp của Hoàng Bá chẳng có nhiều." Đại Ngu nắm lại: "Đồ quỷ đái dưới sàng, vừa nói lỗi không lỗi bây giờ lại chê Phật pháp Hoàng Bá không nhiều. Ngươi thấy đạo gì nói mau!" Sư liền cho Đại Ngu ba thoi vào hông. Đại Ngu buông sư ra bảo: "Thầy của ngươi là Hoàng Bá, chẳng liên hệ gì với ta!"
Từ giã Đại Ngu, sư về lại Hoàng Bá. Hoàng Bá thấy liền bảo: "Kẻ này đến đến đi đi, biết bao giờ liễu ngộ." sư thưa: "Chỉ vì tâm lão bà quá thiết tha nên nhân sự đã xong." Nghe sư thuật lại sự việc ở Đại Ngu, Hoàng Bá bảo: "Lão Đại Ngu đã buông lời, đợi đến đây ta cho ăn gậy." sư liền nói: "Đợi làm gì, cho ăn ngay bây giờ", và bước đến sau lưng Hoàng Bá tát một cái. Hoàng Bá cười to, bảo: "Có một gã điên dám vuốt râu cọp."
Sau khi ngộ đại ý, sư vẫn tiếp tục ở lại với Hoàng Bá và những cuộc pháp chiến giữa sư và Hoàng Bá vẫn còn vang vọng đến ngày nay.
Rời Hoàng Bá, sư đến Hà Bắc, Trấn Châu, trụ trì thiền viện Lâm Tế. sư bắt đầu thu nhận môn đệ và học giả đến ngày càng đông. Sách vở ít nhắc tới truyền nhân của sư ngoài các vị đã nêu trên (có 21 vị đắc pháp), có lẽ vì lý do chính trị và xã hội tại miền Bắc Trung Quốc cuối đời nhà Đường không thuận lợi. Ví dụ như Am chủ Đồng Phong, cũng là môn đệ đắc pháp, chỉ lên núi ẩn cư, không nhận học trò và vì vậy ít ai biết đến. Trong thời gian Phật giáo bị bức hại, Thiền tông là môn phái duy nhất không bị hao tổn bao nhiêu nhờ chủ trương "Dĩ tâm truyền tâm", với lối sống thanh đạm, không coi trọng hình thức tổ chức nặng nề.
Những lời dạy của sư được ghi lại trong Trấn Châu Lâm Tế Huệ Chiếu Thiền sư ngữ lục, một bộ ngữ lục quan trọng trong Thiền tông được lưu lại đến ngày nay. Qua đó người ta mường tượng được phong cách uy nghi dũng mãnh và cách dạy thần tốc của Sư.
Một vị tăng hỏi: "Thế nào là kiến giải chân chính?"
Sư đáp: "Ngươi chỉ tất cả vào phàm vào thánh, vào nhiễm vào tịnh,... Phật ra đời chuyển đại pháp luân lại nhập Niết-bàn, chẳng thấy có tướng mạo đi lại, tìm cái sinh tử của Ngài trọn không thể được, liền vào Pháp giới vô sinh; nơi nơi dạo qua các cõi nước, vào thế giới hoa tạng, trọn thấy các pháp không tướng, đều không Phật pháp, chỉ có đạo nhân vô y (không nơi nương tựa) nghe pháp. Đó là mẹ chư Phật, bởi vì Phật từ vô y sinh. Nếu ngộ được vô y thì cũng chẳng còn Phật để ta đạt được. Nếu ngươi thấy được như thế, là kiến giải chân chính. Người học không hiểu chấp danh cú, bị danh phàm thánh làm ngại... Nếu các ngươi muốn trong sinh tử đi đứng tự do, tới lui tự tại thì hiện nay nên biết người đang nghe pháp này. Hắn không hình không tướng, không cội không gốc, không chỗ ở mà hoạt bát rõ ràng, ứng hiện muôn thứ hành động, chỗ dùng chỉ là không chỗ. Bởi thế, càng tìm càng xa, cầu đó thì trái, gọi đó là bí mật..."
Sư sắp tịch, bảo chúng: "Sau khi ta tịch, chẳng được diệt mất Chính pháp nhãn tạng của ta!" Tam Thánh Huệ Nhiên bước ra thưa: "Đâu dám diệt mất Chính pháp nhãn tạng của Hoà thượng." sư bảo: "Về sau có người hỏi, ngươi đáp thế nào?" Tam Thánh liền hét. sư bảo: "Ai biết, Chính pháp nhãn tạng của ta đến bên con lừa mù diệt mất" và làm bài kệ sau (Thích Thanh Từ dịch):
Nói xong, sư viên tịch, nhằm ngày 10 tháng 1 năm Đinh Hợi, niên hiệu Hàm Thông. Vua sắc thuỵ là Huệ Chiếu.
Chú thích |
Trịnh Kiểm (chữ Hán: 鄭檢, 14 tháng 9, 1503 – 24 tháng 3, 1570), tên thụy Thế Tổ Minh Khang Thái vương (世祖明康太王), là nhà chính trị, quân sự có ảnh hưởng của Đại Việt thời Nam–Bắc triều. Trên danh nghĩa tôn phò các vua Lê trung hưng, ông là nhà lãnh đạo trên thực tế của phe Nam triều từ năm 1545 tới khi qua đời. Dù tước hiệu cao nhất của ông khi còn sống là Thái quốc công, ông được đời sau truy tôn làm Thế Tổ Minh Khang Thái Vương và được xem là vị chúa đầu tiên của họ Trịnh – gia tộc nắm thực quyền cai trị Đại Việt hơn 200 năm từ giữa thế kỷ 16 đến cuối thế kỷ 18.
Trịnh Kiểm xuất thân trong một gia đình nghèo tại Thanh Hoa nhưng được ghi nhận có chí quả cảm, giỏi thu phục nhân tài. Lớn lên gặp cảnh họ Mạc đoạt ngôi nhà Lê, ông theo Thái sư Hưng quốc công Nguyễn Kim nổi quân chống nhà Mạc, dựng Lê Trang Tông làm Hoàng đế ở Ai Lao. Nguyễn Kim thấy ông có sức khỏe và tài lược khác thường, nên gả con gái là Nguyễn Thị Ngọc Bảo, cho coi binh mã và cất nhắc đến tước Dực Nghĩa hầu. Trịnh Kiểm lập nhiều chiến công trong các trận đánh quân Mạc. Vua Lê Trang Tông cũng coi là người tâm phúc, năm 1539 phong ông lên chức Đại tướng quân, tước Dực quận công. Lúc đó ông 37 tuổi.
Sau khi bố vợ Nguyễn Kim qua đời năm 1545, Trịnh Kiểm đã lên thay lãnh đạo chính quyền và quân đội của triều Lê trong gần 30 năm, trải qua 3 đời vua Lê Trang Tông, Lê Trung Tông và Lê Anh Tông. Ông là người đóng vai trò lớn trong việc tổ chức nhà nước của Nam triều, qua những quyết định như dựng hành dinh tại ở Vạn Lại, tổ chức một số khoa thi Nho học, xây dựng quân đội, chiêu mộ nhân tài hào kiệt, đẩy lùi các cuộc tấn công của nhà Mạc vào Thanh Hoa – Nghệ An, chinh phục Thuận–Quảng từ tay nhà Mạc và mở nhiều chiến dịch lớn đánh lên phía Bắc. Dù chưa đạt được thắng lợi hoàn toàn, Trịnh Kiểm đã đặt nền móng cho các hậu duệ của mình hoàn thành sự nghiệp trung hưng Nhà Lê, khôi phục Đông Kinh, mở ra triều đại lâu dài của các vua Lê–chúa Trịnh trong lịch sử trung đại Việt Nam.
Nguồn gốc và giáo dục
Tổ tiên
Các sách chính sử như Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt thông sử không chép rõ về nguồn gốc của Trịnh Kiểm. Thời điểm Trịnh Kiểm xuất hiện trong sử là năm 1539, khi Nguyễn Kim phong cho ông làm Đại tướng quân, tước Dực quận công. Theo sách Lịch triều hiến chương loại chí, Trịnh Kiểm người ở làng Sóc Sơn, huyện Vĩnh Lộc, xứ Thanh Hoa, thuở hàn vi nghèo túng, thường phải đi ăn trộm để nuôi mẹ. Lớn lên có sức khỏe hơn người, đi theo Nguyễn Kim. Nguyễn Kim cho là người khác thường, đem gả con gái cho.
Theo các quyển gia phả họ Trịnh còn lưu lại, tổ tiên của Trịnh Kiểm là Trịnh Xứng sinh cao tổ là Trịnh Kỷ, tằng tổ là Trịnh Liễu. Ông Trịnh Liễu mất cha mẹ từ bé, nhà nghèo phải cày cấy để kiếm sống, sau lấy vợ và dời về làng Biện Thượng, làm điều thiện không mỏi, nhân hậu có thừa. Trịnh Liễu cùng anh em về dựng nhà ở Biện Thượng (hay Bồng Thượng). Sau đó, Trịnh Liễu đi thi đỗ tam trường. Con trai Trịnh Liễu là Trịnh Lan cũng lấy vợ họ Hoàng, người xã Biện Thượng. Con thứ của Trịnh Lan là Trịnh Lâu cũng lại lấy vợ họ Hoàng là bà Hoàng Thị Ngọc Dốc ở thôn Hổ, xã Vệ Quốc, huyện Yên Định. Bà Hoàng Thị Ngọc Dốc chính là người sinh hạ Trịnh Kiểm.
Tuổi thơ
Trịnh Kiểm sinh ngày 24 tháng 8 năm Quý Hợi, theo Tây lịch là ngày 14 tháng 9 niên hiệu Cảnh Thống thứ 6 (1503) dưới triều vua Lê Hiến Tông. Ông có tên thuở nhỏ là Trịnh Phiến (鄭𭪤), sau gọi là Kiểm, sinh ra tại quê mẹ là thôn Hổ, xã Vệ Quốc, huyện Yên Định, Thanh Hoa. Khi ông sinh ra, có ánh sáng đỏ chiếu đầy cả phòng, người trong thôn đều lấy làm lạ. Từ thuở nhỏ, ông đã thông đạt, không như người thường. Ở trong gia đình, ông là con trai thứ 3 trong tổng số 4 con trai, 2 con gái, có huynh trưởng cùng mẹ là Trịnh Trang (gia phong Hậu quận công).
Năm Trịnh Kiểm lên sáu tuổi thì cha mất. Từ đó, gia cảnh sa sút, bị người cùng làng khinh khi, ông đành phải cùng mẹ dời về tổ quán là làng Sóc Sơn. Trịnh Kiểm sinh sống bằng cách chăn trâu thuê trong núi Lệ Sơn. Trong lúc đi chăn, Kiểm thường tập hợp đám trẻ mục đồng, ăn trộm gà vịt làm thức ăn, coi trâu bò là voi ngựa, bẻ bông lau làm cờ xí, bố trí đội ngũ, tập đánh trận, có khí khái như Đinh Tiên Hoàng khi xưa.
Theo Hoàng Xuân Hãn, Trịnh Kiểm khi tập trận thường cùng đám trẻ mục đồng xếp đủ các đồ dao giắt lưng, nồi muối, rồi tới chỗ Đầu Voi, đất Yên Việt trộm một con trâu nái về khao anh em. Người trong làng đi hái củi ngang qua thấy được cảnh ấy, bèn vào xem, bọn trẻ mục đồng đều bỏ chạy cả, chỉ còn Trịnh Kiểm cứ ngồi yên chỗ đấy. Khi được hỏi thì ông đáp:
Người làng bèn bắt tội ông, giải về đình làng để xử, còn kẻ đòi đem dìm xuống sông, có người nói đem tố cáo lên quan. Cuối cùng trưởng làng quyết định đuổi mẹ con ông đi nơi khác. Năm đó ông lên 16 tuổi, tức là năm 1518.
Sau đó Trịnh Kiểm dời qua làng Bồ Xuyên, tại huyện Yên Mô. Đến năm 24 tuổi, tức năm 1526, thì ông kết hôn với một cô gái họ Trần, có nơi bảo tên là Ngọc Lĩnh rồi lưu ở đó. Về sau không rõ tung tích của bà Trần Thị Ngọc Lĩnh, mà Trịnh gia chính phả cũng không hề nhắc đến bà vợ này của ông. Người vợ chánh thất được ghi nhận là Lại Thị Ngọc Trân, con gái Nhân quận công Lại Thế Tưởng, mẹ đẻ ra Trịnh Cối.
Trộm ngựa của Ninh Bang hầu
Lúc bấy giờ, vào năm 1527, Mạc Đăng Dung đã tiếm ngôi nhà Lê. Bề tôi Nhà Lê là Nguyễn Kim ở trang Gia Miêu Ngoại ngầm rút về Cổ Lũng, huyện Cẩm Thủy để đánh Mạc. Tướng quân Nhà Mạc là Ninh Bang hầu quán xã Biện Thượng, tiến phát quân về đóng ở huyện Vĩnh Ninh (Vĩnh Lộc ngày nay).
Mẹ Trịnh Kiểm đã đem con đến xin Ninh Bang hầu cho Trịnh Kiểm làm gia thần. Ninh Bang hầu mừng vui thu nhận. Ninh Bang hầu cho Trịnh Kiểm trông coi trại ruộng ở sách Thọ Liêu. Trịnh Kiểm nuôi trâu ngựa. Sau đó ông xin với mẹ đến Bồ Xuyên đón vợ con về.
Hằng ngày, ông được người bạn gốc Chàm là Vũ Thì An dạy cho cách huấn luyện ngựa, có thể biết được ngựa hay. Một thời gian sau, Trịnh Kiểm ăn cắp con ngựa tốt nhất chạy sang Mường Sùng Cổ Lũng, Bá Thước, bấy giờ là nước Ai Lao, còn bà mẹ phải trốn về quê mình là làng Vệ Quốc. Trịnh Kiểm đi theo anh họ là Trịnh Quang, lúc đó đã theo Nguyễn Kim, và đón mẹ Trịnh Kiểm, sang ở.
Mẹ già bị hại
Ninh Bang hầu biết tin Trịnh Kiểm ăn cắp ngựa của mình, bỏ đi nhiều ngày không về, nên rất tức giận, bèn sai quân lính, dân các xã Sóc Sơn, Biện Thượng lùng bắt mẹ con Trịnh Kiểm. Cuối cùng tước hầu chỉ bắt được bà mẹ và buộc bà phải đi tìm Trịnh Kiểm về, bảo:
Bà mẹ tìm được Trịnh Kiểm, rồi cùng lánh sang nhà người cậu ở Biện Thượng. Xã trưởng Biện Thượng tìm thấy mẹ con Trịnh Kiểm đang ngồi sau nhà không những không bắt mà còn ra hiệu bằng cách ném đá và nháy mắt cho Trịnh Kiểm chui qua mấy tầng rào chạy trốn đến nhà người tên Nữu ở Yên Định. Người này đã bới đống thóc trong bồ lớn, cho Trịnh Kiểm chui vào đó rồi lấp lúa lại. Sau này khi nghiệp vương đã định, thì ông Nữu đã mất, con cháu lại ngu ngốc không thể khởi dụng, Chúa bèn ban cho tiền tài để cho việc cúng tế và tiêu dùng.
Người làng tìm Trịnh Kiểm không được, lại bắt bà mẹ giao cho Ninh Bang hầu. Ba ngày sau, Ninh Bang hầu bắt xã Sóc Sơn đem lồng tre bỏ mẹ Trịnh Kiểm vào, kèm tảng đá lớn bỏ vào trong rồi ném xuống sông.
Bạn thân Trịnh Kiểm là Vũ Thì An sai con là Vũ Đình Tùng chạy đến xã Cổ Lũng mật báo cho Trịnh Kiểm biết. Ban đầu Trịnh Kiểm sợ người đến lùng bắt mình, nên tìm cách lánh đi, sau mới nhận ra là bạn cũ. Nghe tin về cái chết của mẹ, Trịnh Kiểm khóc sướt mướt mà than:
Ông lại bảo với Đình Tùng rằng:
Lúc đó có người đánh cá ở xã Đông Biện họ Mai di cư đến Ngạn Thượng (sau ông này được ban 10 mẫu ruộng), sáng sớm ra bờ sông thấy cái thây của cụ bà nổi lên, toan về nhà sửa soạn cuốc đem đi chôn, khi ra đến nơi thì thấy một đàn kiến mối đang đùn vào cái xác tạo thành dáng của ngôi mộ rồi. Người ta đều cho đó là chuyện lạ. Được tin từ người đánh cá, Trịnh Kiểm trong đêm khuya cùng với anh họ Trịnh Quáng và bọn người xã An Định là Trịnh Bá Di, Vũ Thì An đã cùng nhau đến được chỗ xác cụ bà rồi cúng bái. Trịnh Kiểm lại cho rằng nếu để nguyên mộ ở đấy thì bọn người nhà Mạc sẽ trở lại xâm hại thi thể cụ bà, bèn sai cha con Thì An lấy chiếu bọc lại rồi đi theo ngả núi Đường Cán thẳng tới xứ Đồng Rạng ở đất thôn Yên Việt mà cải táng.
Theo phò Nguyễn Kim
Sau ngày Mạc Đăng Dung thoán ngôi, Lúc ấy con cháu các công thần đời trước phát xuất từ Thanh Hóa không phục, liên tiếp khởi binh chống lại. Hữu vệ Điện tiền tướng quân An Thành hầu Nguyễn Kim, con cháu một gia đình vọng tộc lớn đã nhiều đời làm quan Nhà Lê, bèn lánh sang Ai Lao, tụ tập binh mã, mưu tính việc khôi phục Nhà Lê. Đến năm 1533, Nguyễn Kim lập con trai của Hoàng đế Lê Chiêu Tông lên ngôi, tức là Lê Trang Tông. Trang Tông phong Nguyễn Kim là Thái sư Hưng quốc công. Thế Nam Bắc triều hình thành.
Khi mới đầu Nguyễn Kim đóng đồn ở Mường Sùng thuộc Ai Lao. Trịnh Kiểm đến đầu quân cho Nguyễn Kim. Một tối, Nguyễn Kim trông thấy chỗ Trịnh Kiểm đang nằm ngủ có hai khối tinh tú đỏ đòng đọc, đến gần xem thì thấy mặt Trịnh Kiểm có ánh sáng như là đuốc soi, hào quang từ trong mắt phát ra. Nguyễn Kim lấy làm lạ mà gọi đến hỏi, thấy Trịnh Kiểm ứng đối giỏi giang, tài đảm hơn người. Từ hôm ấy Nguyễn Kim cho Trịnh Kiểm làm làm Tri Mã cơ, coi sóc đội ngựa, sau đó lại cho ông cầm quân ra trận. Ông kéo quân đóng đồn ở sách Vạn Lại, đại thắng quân nhà Mạc.
Nguyễn Kim càng mến tài Trịnh Kiểm, lại giao cho nhiều trọng trách và gả con gái là Ngọc Bảo cho.
Theo Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài của Alexandre De Rhodes, khi quân Mạc tấn công vào kinh thành, quân Nguyễn Kim bị vây giữa vòng vây của địch. Kim đã giao ước với các tướng rằng ông sẽ gả con gái cho ai có thể giải cứu ông và nghĩa quân ra khỏi vòng vây ấy. Trịnh Kiểm phi ngựa xông lên hăng hái đánh giết giặc, cứu được Kim và mở đường huyết lộ cho nghĩa quân rút lui. Vì vậy, theo lời hứa, Nguyễn Kim gả con gái là Ngọc Bảo cho Kiểm và giao nhiều trọng trách cho ông, đặc biệt là việc huấn luyện kị binh cho nghĩa quân.
Thực tế trước khi lấy bà Ngọc Bảo, Trịnh Kiểm đã có ít nhất 3 người vợ: bà nguyên phối Trần Thị Ngọc Lĩnh sau sự kiện trộm ngựa đã không còn rõ hành tung. Bà vợ thứ 2 được gia phả họ Trịnh công nhận là Chính thất, người họ Lại, tên là Ngọc Trân, nguyên quán làng Long Phúc, huyện Thạch Hà, đã sinh cho ông người con trai trưởng Trịnh Cối; còn bà vợ thứ 2 là Truơng Thị Ngọc Lãnh, sách Thọ Liêu, huyện Thạch Thành; bà này không có con.
Năm 1539, ông được lệnh sang Ai Lao đón Hoàng đế Lê Trang Tông về nước. Vua thấy ông tướng mạo phi thường, lại phong làm Đại tướng quân, tước Dực Quận Công. Lúc đó ông 37 tuổi. Hoàng đế cũng coi ông là một đại tướng tâm phúc, ban ấn tướng quân, quản lĩnh quân giao chiến với Nhà Mạc ở các vùng Thanh Hoa, thắng quân Mạc ở Lôi Dương. Sau đó ông trở về làng quê mở đãi tiệc yến, bái mộ tổ tiên. Có Thái úy Duơng quốc công Lại Thế Vinh là anh của bà Chính phu nhân họ Lại đem dâng ruộng đất ở xã Yên Hoằng cho Trịnh Kiểm làm nhà ở và doanh trại.
Năm 1540, Nguyễn Kim dẫn quân về Nghệ An, thanh thế lẫy lừng, đến đâu là gần xa đều hàng phục. Năm sau, Mạc Đăng Dung chết, quân Nguyễn Kim tiến về đánh Thanh Hóa, Nghệ An, đến năm 1543, thu phục được thành Tây Đô (Thanh Hóa).
Đến năm 1545, tướng cũ của nhà Mạc là Trung Hậu hầu Dương Chấp Nhất đầu độc chết Thái sư Nguyễn Kim. Trước khi chết, Nguyễn Kim giao lại toàn bộ binh mã cho Trịnh Kiểm do hai con là Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng đều còn bé. Toàn bộ binh quyền của nhà Lê rơi vào tay Trịnh Kiểm. Tháng 8 âm lịch năm này, vua Bắc triều Mạc Phúc Hải sai Thái tể Ninh quốc công Mạc Phúc Tư dùng quân ngũ phủ và các trấn đánh úp bản doanh của Lê Trang Tông. Khi quân Mạc tới sông Phù Chẩn, Trang Tông đích thân ra đánh, Dực quận công Trịnh Kiểm làm Đề thống ngự doanh, dẫn quân tiên phong phá tan quân Mạc. Quân Mạc chết hại vô số, Ninh quốc công phải trốn về Bắc. Cùng năm, Trịnh Kiểm được hoàng đế phong làm Đô tướng tiết chế các dinh quân thủy bộ các xứ kiêm tổng nội ngoại bình chương quân quốc trọng sự, hàm Thái sư, tước Lượng quốc công. Lượng quốc công Trịnh Kiểm quyết định mọi công việc trong nước, bao gồm cả việc bổ nhiệm quan lại rồi mới tâu vua sau.
Trụ cột Nam triều
Thao túng quyền lực
Năm 1546, Trịnh Kiểm rút binh về Thanh Hóa, lập hành điện cho vua Lê Trang Tông ở sách Vạn Lại, rồi chiêu mộ anh hùng hào kiệt, huấn luyện quân sĩ, tích trữ lương thảo tính kế đánh họ Mạc. Nước Đại Việt lúc này chia làm hai, từ Thanh Hóa trở vào nam thuộc Nhà Lê do Thái sư Trịnh Kiểm thống lĩnh; từ Sơn Nam trở ra thuộc về họ Mạc, tức Bắc triều. Mỗi khi có việc đánh dẹp, đều do Trịnh Kiểm thống lĩnh, đánh đâu được đấy. Do vậy, các hào kiệt đất Hoan, Diễn (Nghệ An), Ô (Thừa Thiên, Huế), Quảng (Quảng Nam, Đà Nẵng) đua nhau tới theo, điển hình như Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan và Lương Hữu Khánh, Đinh Bạt Tuỵ, Nguyễn Khải Khang, Nguyễn Thiến, Lê Khắc Thận... Đất Ái Châu (Thanh Hóa) yên dần.
Thời vua Lê Thái Tổ, chia cả nước làm 5 đạo: Đông đạo, Nam đạo, Tây đạo, Bắc đạo và Hải Tây đạo. Đến đời vua Lê Thánh Tông, mới chia cả nước thành 12 đạo thừa tuyên. Khi Mạc Đăng Dung chiếm ngôi Nhà Lê, cả nước thuộc về họ Mạc, chỉ trừ 11 doanh thuộc Tuyên Quang do Vũ Văn Mật chiếm cứ, đến khi Nguyễn Kim khởi binh, chiếm được đất Ái châu (Thanh Hóa), rồi lần lượt chiếm các đất phía Nam, châu Hoan, Diễn, Ô Lý (Nghệ An, Thuận Hóa). Lúc ấy nước Việt chia làm hai, do hai vương triều Mạc và Lê trung hưng nắm giữ, ngoài ra còn 11 doanh thuộc Tuyên Quang do Vũ Văn Mật đứng đầu đi theo phe Nhà Lê – Trịnh.
Theo sách Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài, quyền lực hoàn toàn thuộc về Trịnh Kiểm, hoàng đế không có quyền hành gì:
Năm 1556, vua Trung Tông mất không có con nối. Lúc bấy giờ dòng chính nhà Lê đã đứt đoạn, con cháu dòng dõi nhà Lê mới hỏi ý kiến các quan đại thần. Các quan có người còn đề nghị tìm người bên ngoại nhà vua mà đưa lên ngôi, nhưng cũng có ý kiến cho rằng ngôi vị thiên tử đó phải giành cho con cháu nội tộc dòng họ Lê. Trịnh Kiểm liền sai người tìm con cháu họ Lê, tìm được cháu 4 đời của ông Lê Trừ (anh trai vua Lê Thái Tổ) ở là Lê Duy Bang đang ngụ tại làng Bố Vệ huyện Đông Sơn, bèn rước về tôn lên ngôi, tức là Lê Anh Tông.
Lúc Trịnh Kiểm nắm quyền, triều Lê trung hưng chỉ mở hai khoa thi Nho học vào năm 1554 và 1565. Về ngạch binh, Trịnh Kiểm đặt ngạch quân theo quy chế cũ, đặt Đô đốc 5 phủ, lại đặt quân dinh năm khuông, dinh chia ra cơ đội thứ bậc khác nhau, chỉ lấy quân ở hai xứ Thanh Hóa và Nghệ An.
Bình định Thuận Quảng
Năm 1554, Trịnh Kiểm dời hành dinh của vua Lê đến Biện Thượng, lại cho rằng lúc này sĩ khí đang lên, bèn sai các tướng xuất quân bình định đất Hóa châu ở phía Nam. Đất Hóa châu do tướng Mạc là Viên Đàm bá Hoàng Bôi chiếm giữ, quân Nam triều giết Hoàng Bôi, bình định đất Hóa châu, tức hai xứ Thuận, Quảng. Thái sư Trịnh Kiểm thu thập các hào mục và sinh viên trong xứ, bổ nhiệm các chức vụ, khiến cho xứ này được yên.
Tháng 10 năm 1558, Trịnh Kiểm dâng biểu tấu vua Anh Tông về chiến lược đánh trận, theo đó ông muốn yên một mặt để dốc sức chống lại nhà Mạc:
Hoàng đế y theo, cho Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa, sắc cho mọi việc được chuyên trách, chỉ hàng năm phải cống thuế; từ đó Hoàng cùng Trấn quận công Bùi Tá Hán – Trấn thủ Quảng Nam giữ phận sự phòng bị mặt đông nam cho vùng đất căn bản Thanh Nghệ.
Tháng 3 năm 1568, Bùi Tá Hán chết, Trịnh Kiểm chọn Nguyên quận công Nguyễn Bá Quýnh (người Nghệ An) làm tổng binh coi giữ đất ấy. Năm 1569, vua Lê Anh Tông gia phong cho Trịnh Kiểm làm Thượng tướng Thái Quốc Công và tôn là Thượng phụ. Đến đây quyền lực của ông bao trùm triều đình. Trịnh Kiểm tuy chưa lấy lại Đông Kinh nhưng công lao trung hưng là có đóng góp rất lớn của ông. Nhà Lê nhờ Trịnh Kiểm mới trung hưng được, mà họ Trịnh lập lên nghiệp Chúa cũng là khởi đầu tự Trịnh Kiểm vậy.
Tháng 9 mùa thu năm 1569, Nguyễn Hoàng từ Thuận Hóa về Thanh Hoa yết kiến nhà vua ở An Trường, rồi vào phủ Thượng tướng lạy mừng Trịnh Kiểm, hai bên tâm tình rất thân thiết. Trịnh Kiểm khuyên Nguyễn Hoàng rằng:
Chiến tranh với Nhà Mạc
Năm 1546, vua Bắc triều Mạc Phúc Hải chết, người con Phúc Nguyên nối ngôi. Do Mạc Phúc Nguyên còn nhỏ, các phe khác trong triều mưu lật đổ, Phúc Nguyên bỏ chính điện ở Thăng Long, dời ra ngoại thành khiến cho trong cõi rối loạn.
Sau khi vua Lê Trang Tông mất (1548), do vua Trung Tông nối ngôi còn bé, nên Trịnh Kiểm chỉ nên giữ đất yên dân, chưa thuận tiện tiến hành bắc phạt. Giữa hai miền Nam Bắc vì thế mà tạm lắng binh đao, nhân dân yên ổn trong một vài năm.
Năm 1550, do bị gièm pha nên viên trọng thần Bắc triều là Thái tể Phụng Quốc Công Lê Bá Ly đem toàn quân hai đạo Sơn Tây, Sơn Nam, hơn một vạn ba ngàn đến Thanh Hoa đầu hàng. Bá Ly lại viết thư dụ được nhiều mưu thần, mãnh tướng phía Bắc theo về Nam triều như Nguyễn Hữu Liêu, Đặng Huấn. Theo Lê Quý Đôn viết trong Kiến văn tiểu lục: từ đó khí thế Ngụy Mạc suy tàn, binh sĩ Lê vương nổi tiếng.
Năm 1551, Trịnh Kiểm giao binh cho Lê Bá Ly đánh Sơn Nam, Vũ Văn Mật đánh Tuyên Quang, rồi cùng Kiểm tụ hội ở Thăng Long. Trước khi ra quân, ông viết 1 bức thư Nôm, kêu gọi mọi người hãy nhớ đến công ơn vua Lê Thái Tổ năm xưa đã đánh đuổi giặc Minh, giành độc lập cho đất nước... để đồng lòng tôn phò vua Lê, tiêu diệt kẻ soán ngôi. Rồi cùng 3 tướng đồng loạt ra quân. Năm 1552, Trịnh Kiểm đem quân đánh dẹp miền tây nam, tướng Mạc là Nguyễn Khải Khang về hàng. Sau khi chiếm thành, ông liền rút quân về Tây Đô để tránh quân Mạc huy động thêm viện binh đánh úp.
Tháng 5 tháng 1552, Trịnh Kiểm xuất quân từ Hưng Hóa qua sông Thao đến An Lạc. Ông đánh bại quân Mạc do Khiêm vương Mạc Kính Điển chỉ huy. Kế tiếp ông tiến thẳng đến Xuân canh Lâm Hạ, thắng thêm vài trận nữa. Mạc Phúc Nguyên sợ hãi, bỏ chạy ra Kim Thành. Quân nhà Lê tiến vào Đông Kinh, mở tiệc khao thưởng tướng sĩ. Quân Nhà Lê chiếm một loạt các phủ vùng Sơn Tây, Sơn Nam; bên Mạc chỉ còn hai đạo Đông, Bắc. Nguyễn Khải Khang và Lê Bá Ly bàn nên đón Hoàng thượng về Thăng Long, nhưng Trịnh Kiểm cho rằng nhà Mạc hãy còn mạnh, nhân tâm cũng chưa hẳn đã hướng về nhà Lê, nên không ký tên vào tờ biểu. Nhà vua xem tờ biểu, biết ý của Trịnh Kiểm, bèn hạ lệnh lui quân về. Mạc Phúc Nguyên nghe tin quân Nam triều rút lui, bèn sai quân truy kích ở núi Nam Công. Nhưng Trịnh Kiểm đánh tan truy binh Mạc, rồi trở về Thanh Hoa. Từ đó Đông Kinh và các xứ Sơn Tây, Sơn Nam lại trở về với họ Mạc.
Đến tháng 8 năm 1555, Bắc triều thế lực lại mạnh lên, vua Mạc Phúc Nguyên liền sai Mạc Kính Điển đem quân vào đánh Thanh Hoa. Lấy Thọ quận công làm tiết chế quân Nam đạo, dẫn 100 chiến thuyền làm quân tiên phong, tiến thẳng tới cửa biển Thần Phù. Sau Mạc Kính Điển hội quân đóng ở sông Đại Lại, sai Thọ quận công đóng quân ở Kim Sơn. Khiêm vương Mạc Kính Điển là một đối thủ lớn của Lượng quốc công Trịnh Kiểm và phe Lê–Trịnh, như chính sử thần Lê trong Đại Việt Sử ký Toàn thư phải thừa nhận: "Kính Điển là người nhân hậu, dũng lược, thông minh, tài trí, nhạy bén, hiểu đời, từng trải nhiều gian nan nguy hiểm, cần lao, trung thành".
Trịnh Kiểm đại hội bàn với các tướng:
Bèn dặn dân hai bên bờ không được kinh động, ông tự mình cầm quân đặt phục binh trước ở núi Bạch Thạch phía Bắc Sông, lại sai binh tượng hùng mạnh mai phục dưới núi Kim Sơn, lại sai Thái úy Hùng quốc công Đình Công đốc suất các tướng cũ của Nhà Mạc đầu hàng quân Nam triều là Lê Bá Ly, Nguyễn Khải Khang,... cùng quân bản bộ mai phục ở phía nam sông. Từ núi Yên Định cho tới núi Quân Yên, thì sai Phạm Đốc và Nguyễn Quyện dẫn thủy quân chiếm cứ thượng lưu từ sông Hữu Chấp đến sông Kim Bôi để làm thế ỷ giốc. Khi quân Mạc đi quan Kim Sơn, đến chợ Ông Tập, họ vẫn tự cho hùng mạnh, không đề phòng, trong quân nổi tiếng đàn sáo ca hát, như vào chỗ không người.
Khi đến trưa, Đinh Công và Lê Bá Ly cho nổ 7 tiếng pháo làm hiệu, tung quân ra đánh; quân và voi ngựa từ hạ lưu qua sông đánh chặn ngang vào hậu quân Nhà Mạc, thủy quân thượng lưu đánh vào mặt tiền, rồi quân bốn mặt ập vào phá tan quân Mạc. Thọ quận công phải nhảy xuống sông, bị Triều quận công Vũ Sư Thước bắt sống. Tướng Mạc là Vạn Đôn hầu cùng vài mươi tướng tá đều bị chết đuối, Kính Điển thu thập tàn quân chạy về Thăng Long. Trịnh Kiểm dâng biểu báo thắng trận lên vua Lê Trung Tông. Nhà vua sai chém Thọ quận công cùng mấy chục tướng Mạc khác ở núi Đồng Lộc.
Tháng 7 năm 1557, Mạc Phúc Nguyên sai Mạc Kính Điển lại đánh Thanh Hoa, cho các tướng Phạm Quỳnh, Phạm Dao đem quân thủy vượt biển tấn công Nghệ An. Quân thủy của Mạc Kính Điển đến sông Thần Phù và vùng Tống Sơn, Nga Sơn đốt quá hết cầu nổi của quân Nam triều. Trịnh Kiểm sai Thanh quận công đóng quân ở Nga Sơn, Thụy quận công đóng ở Tống Sơn, quân Nhà Mạc không tiến lên được. Trịnh Kiểm tự mình cầm quân, đi ngầm theo núi Yên Mô, tới thẳng cửa biển, phóng quân đánh vào sau lưng quân Mạc, khiến cho quân Mạc bị kẹp vào giữa. Khi giao chiến, Trịnh Kiểm sai Vũ Lăng hầu Phạm Đức Kỳ người Hoằng Hóa, làm tiên phong. Gặp thuyền của Mạc Kính Điển, Phạm Đức Kỳ nhảy vọt sang thuyền, tuốt gươm chém tên cầm dù làm hai đoạn rơi xuống sông, Kính Điển không kịp trở tay, nhảy xuống sông trốn. Quân Mạc tan vỡ, binh lính chạy vào rừng núi, quân Nam triều bắt được nhiều khí giới. Mạc Kính Điển nhảy xuống sông, bơi vào ẩn nấp ở một hang núi ở xã Trị Nội, trong ba ngày rất đói khát. Một đêm nhân có cây chuối trôi qua cửa lạch, liền ôm cây chuối, tìm lối bơi về, may có tới bến Trinh Nữ, hạt Yên Mô có người cứu nên thoát về được.
Sau khi đánh bại cánh quân do Mạc Kính Điển chỉ huy, Trịnh Kiểm dùng ngay chiến thuyền của Kính Điển, chở tinh binh cắm cờ hiệu của nhà Mạc, sai Phạm Đốc dẫn chiến thuyền tới cửa biển Đan Nhai. Cha con Phạm Quỳnh và Phạm Dao đóng ở đồn Tả Ao, hạt Nghi Xuân, trông thấy chiến thuyền, tưởng là quân mình đến tiếp ứng nên không đề phòng. Phạm Đốc thẳng tới đánh úp, khiến cho quân Mạc tan vỡ, hai tướng bỏ thuyền chạy về Bắc.
Tháng 9 âm lịch năm 1557, Trịnh Kiểm dẫn 5 vạn quân bắc phạt đánh ra trung lộ Sơn Nam, đến sông Phượng Si làm cầu nổi qua sông, tiến đánh phá quân Bắc triều, bắt sống được tướng Mạc là Khánh quốc công. Quân đi đến đâu cũng không đụng đến của cải của dân, Nhân dân đều mến phục, đua nhau đem rượu, gạo, trâu bò, lương thực, đến cung cấp cho quân. Quân Trịnh Kiểm chiếm giữ hạ lộ Sơn Nam, tiến đến hạt Giao Thủy, họ Mạc liền sai Nguyễn Quyện đem quân chống cự. Gia đình Nguyễn Quyện trước phục vụ cho nhà Mạc, sau đầu hàng Trịnh Kiểm, rồi lại theo về Nhà Mạc, nên biết rõ tình hình quân Nam triều. Trịnh Kiểm biết vậy, tức giận, tự mình thống lĩnh bộ binh, sai Phạm Đốc chỉ huy thủy binh, sai Vũ Lăng hầu Phạm Đức Kỳ làm tiên phong dẫn thủy binh tấn công. Nguyễn Quyện và Phạm Đức Kỳ giao chiến kịch liệt, Đức Kỳ vươn mình nhảy sang thuyền Nguyễn Quyện, Quyện xông ra chém, Đức Kỳ nhảy xuống nước. Quyện nhảy sang thuyền Đức Kỳ chém người cầm lọng, rồi hô là đầu của Đức Kỳ. Quân Trịnh Kiểm nghe vậy, tan vỡ, bỏ thuyền chạy lên bờ. Trịnh Kiểm sai thu quân trở về, sai Hoàng Đình Ái chặn hậu. Nhưng quân Nhà Mạc chặn mất lối về, quân Trịnh Kiểm phải hết sức vất vả chiến đấu, mới qua được, mất vài chục tướng, thuyền mảng khí giới phải bỏ hết. Từ đây Sơn Nam lại thuộc về Nhà Mạc.
Tháng 9 năm 1558, Trịnh Kiểm lại xuất quân ra đánh thượng lộ xứ Sơn Nam, kinh lược vài huyện rồi trở về, lưu Thái úy Nguyễn Khải Khang ở lại trấn thủ và chiêu tập dân địa phương. Đà quận công Mạc Ngọc Liễn, là cháu gọi Nguyễn Khải Khang bằng cậu, sai thổ dân ở Mỹ Lương trá hàng, rồi lừa bắt Khải Khang giải về triều Mạc, bị xé xác. Tháng 10 năm đó, Trịnh Kiểm tâu với vua Lê về chiến lược đánh nhà Mạc, ông tâu lên vua Lê đại ý rằng:
Vua Lê Anh Tông đồng ý, từ đó Nguyễn Hoàng dẫn con em Thanh Nghệ tiến vào cai trị xứ Thuận Hóa, quân Mạc không vượt biển bằng đường thủy nhòm ngó Thuận Hóa nữa.
Thời gian này Trịnh Kiểm tích cực vỗ trị quân dân, luyện tập tướng sĩ, thu dụng nhân tài, tích trữ khí giới lương thực để chuẩn bị một trận đánh đại quy mô nhằm thống nhất quốc gia. Ông bàn với các tướng đại ý rằng:
Vua Lê đồng ý, Trịnh Kiểm liền cử Phong quận công Trịnh Quang làm Đề đốc ngự doanh; Phù quận công Lê Chủng làm trấn thủ đạo Thanh Hoa, Trào quận công Vũ Sư Thước và An quận công Lại Thế Khanh cùng lĩnh tinh binh trấn thủ cửa biển. Tháng 9 năm 1559, Trịnh Kiểm cầm 6 vạn quân nói phao lên 12 vạn quân bắc tiến. Đại quân tiến từ Thiên Quan tới thượng lộ Sơn Tây, đến đâu đều không phạm của dân, người dân quy phục. Khi đến Tuyên Quang, Hưng Hóa, tướng Tây đạo là Định quận công đem quân đến hội. Định quận công được sai trấn giữ An Tây và Đại Đồng để củng cố phiên trấn và mở đường từ Thiên Quan nối liền với Hưng Hóa, Tuyên Quang, thông đến Kinh Bắc để vận tải lương thực cung cấp cho quân.
Tháng 10, Trịnh Kiểm đem quân đánh dẹp các xứ Kinh Bắc, đóng dinh ở phủ Thuận An, cầm cự với quân Mạc, sau dời đến núi Tiên Du. Tháng 11, xua quân đánh phủ Khoái Châu, Hồng Châu và các huyện Siêu Loại, Văn Giang, quân Mạc bỏ chạy. Tháng 12, lại đánh phủ Khoái Châu, Hồng Châu, Nam Sách, quân Mạc tan vỡ. Đến tháng 2, năm 1560, Mạc Phúc Nguyên sai tướng giữ thành Thăng Long, bên ngoài đóng một dải dọc sông về phía tây, trên từ Bạch Hạc, dưới đến Nam Xang, dinh trại liền nhau, thuyền ghe san sát, ban ngày phất cờ gióng trống báo nhau, ban đêm đốt lửa làm hiệu để chống quân Nam triều. Trịnh Kiểm chia quân đi đánh Đông Triều, Giáp Sơn, Chí Linh, An Đông, đều lấy được, vua Mạc phải dời ra Thanh Đàm.
Lúc đó, phần lớn đất đai phía bắc sông Hồng đã về tay Nam triều. Tháng 4 năm 1560, Trịnh Kiểm sai Hoàng Đình Ái trấn thủ Lạng Sơn, Lê Khắc Thận trấn thủ Thái Nguyên, Vũ Văn Mật trấn thủ Tuyên Quang, 3 trấn này liên lạc và cứu viện lẫn nhau, sự liên lạc từ Thiên Quan tới Kinh Bắc không bị gián đoạn. Đến tháng 5, Trịnh Kiểm đóng quân ở phía nam Lãm Sơn, sai các tướng đông tiến, đánh vào các huyện Đường Hào, Gia Phúc, Đông An, Thanh Miện, khiến Hải Duơng rúng động, tan hoang.
Đến năm 1561, quân nhà Mạc bị bao vây nguy cấp, có người hiến kế cho Phúc Nguyên đại ý rằng: Dùng cách cầm cự với quân Nam triều chờ cho họ hết lương là sai lầm, vì đường vận tải của họ thuận tiện, đã đóng quân hai năm nay. Chi bằng xuất kỳ bất ý đánh vào Thanh Hoa, thì họ sẽ tự rút quân về. Đó gọi là kế đánh đánh nước Ngụy để cứu nước Hàn của Tôn Tử vậy.
Mạc Phúc Nguyên nghe theo kế sách ấy, liền điều Kính Điển về, cho người khác thay trấn thủ Kinh Bắc. Bấy giờ phần lớn quân chủ lực Nam triều đã ở ngoài bắc, lực lượng ở Thanh Hoa rất mỏng và yếu. Tháng 7 năm 1561, Mạc Kính Điển dùng thủy binh đánh vào cửa biển, hòng cướp Thanh Hoa. Các tướng Nam triều hoảng hốt, vội rút quân về giữ sách Vạn Lại; Trịnh Kiểm điều Hoàng Đình Ái đem quân về trấn thủ Thanh Hoa. Tháng 9, Kính Điển đánh vào cửa An Trường, sắp tới sách Vạn Lại, quân Nam triều dùng phục binh đánh bại quân tiên phong, Kính Điển lại nghe tin quân Hoàng Đình Ái sắp về, liền rút quân về Bắc. Trịnh Kiểm cũng rút hết quân, lui về Thanh Hoa. Đầu năm 1562, vua Mạc sai Nguyễn Phú Xuân và Giáp Trưng chiếm lại tỉnh thành Lạng Sơn.
.
Tháng 10 năm 1563, Trịnh Kiểm đem theo công tử cả là Trịnh Cối tấn công ra Sơn Nam, đóng bản doanh ở Sơn Minh rồi chia quân tấn công các xứ Thanh Trì, và Thượng Phúc, nhưng chỉ mục đích cướp luơng thực rồi lại nhanh chóng lui về, để Đặng Huấn ở lại giữ Sơn Nam, ít lâu sau ông này lại hàng nhà Mạc, rồi năm sau khi Trịnh Kiểm trở lại thì Huấn lại theo về Nam triều.
Năm 1564, Mạc Phúc Nguyên chết, con đích là Mạc Mậu Hợp lên thay, mới 2 tuổi, mọi việc do Mạc Kính Điển và Mạc Đôn Nhượng phụ tá. Tháng 9 năm 1565, Thái sư Trịnh Kiểm phát binh đánh ở lộ Sơn Nam, đánh đâu cũng thắng. Mạc Kính Điển lại dùng thủy binh vượt biển vào cửa Linh Trường, tiến vào đánh Thanh Hoa. Kính Điển đánh bại quân Nam triều một trận lớn, Trịnh Kiểm vội dẫn quân về, Kính Điển lại rút binh về bắc.
Tháng 9 năm 1566 ông lại tiến đánh các hạt Gia Viễn và Phụng Hóa rồi dẫn quân về. Trong các năm 1567 – 1568, dù đang bị bệnh, ông vẫn 2 lần cố gượng ra trận, đánh phá các huyện Yên Mô, Yên Khang, Phụng Hoá, Gia Viễn, hạ lệnh thu thóc lúa rồi về.
Như vậy trong 25 năm Trịnh Kiểm cầm quyền (1545 – 1569), Nam triều đã bắc phạt tổng cộng 11 lần, có những đợt kéo dài tới 2 năm. Quân Bắc triều yếu thế hơn khi giữ thế phòng thủ và chỉ tấn công vào Thanh Hoa, Nghệ An được 4 lần. Các xứ Thanh Hoa, Sơn Nam là nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất, nhà cửa súc vật bị tàn phá, nhân dân phải phục dịch rất khổ sở.
Qua đời
Trịnh Kiểm qua đời ngày 18 tháng 2 năm Canh Ngọ, tức ngày 24 tháng 3 năm 1570 niên hiệu Chính trị thứ 13, hưởng thọ 68 tuổi, nắm quyền 25 năm trải 3 đời vua Lê Trang Tông, Lê Trung Tông và Lê Anh Tông. Trước đó khi bệnh tình trở nặng, ông đã dâng biểu xin thôi giữ binh quyền, lời lẽ rất khẩn thiết. Vua Lê bèn cho con trưởng của Trịnh Kiểm là Trịnh Cối, đã 35 tuổi lên thay đốc lĩnh các quân. Đến khi ông mất, Trịnh Cối được phong làm Đạt quốc công nắm binh quyền.
Trịnh Kiểm được truy tôn miếu hiệu là Thế Tổ (世祖), thụy hiệu: Minh Khang Nhân Trí Vũ chinh hung lược Hiển đức phong công Khải nghiệp hoành mô Tế thế trạch dân Kiến ưu khuông bích Triệu tường dụ quốc Quảng vạn hoằng mô Dụ hậu diễn phúc Tĩnh bích tá mạn Thùy hưu đốc bật Khai quốc cương nghị Phụ quốc tán trị Nghi uy triệu vũ Diên khánh vĩnh tự Kinh văn tuy lộc Cảnh quang phi hiếu Dương võ phù tộ Hưng nghiệp thùy thống Hồng sư nguyên tự Đốc dự riễu tự Yến mưu Hồng nghiệp Khoát Đạt Khoan dung Lập cực Vĩnh điển Tuy phúc Trí Đức Quảng Huệ Phù vận Tư trị Hồng Ân Tích hậu Vĩnh đức Đại công thịnh nghiệp Chế trị phục viễn Lập kinh trần kỷ Cương minh hung đoán Trương thiện triệu uy Trấn quốc an cương Quan minh tấn triết Cung ý quả quyết Sáng pháp Khai cờ Cảnh thái Vĩnh quang Hàm trương Tái vật Mậu công hoành hiến Pháp thiên hưng vận Quách hoành Khôi cương Tề thánh thông minh Vũ anh quả tịch Trương nghĩa bình tàn Thánh nhân duệ trí Cương kiên trung chính Anh hùng hào kiệt Kiến nghĩa tạo mưu Khai tiên Xương hậu Thái thủy Phu tiên Sùng cơ triệu khánh Thần vũ thánh văn Hùng tài vĩ lược Lập nghiệp phối thiên Cao công đức hậu Triệu mưu Khải vận Sáng nghiệp Lập bản Thái Vương, gọi tắt là Minh Khang Thái Vương (明康太王), tổng cộng 232 chữ hiệu là Trung Huân (忠勳), an táng theo nghi lễ đối với Chu công Đán.
Trịnh Cối lên thay Trịnh Kiểm không được bao lâu thì để mất lòng các tướng sĩ. Người em thứ là Trịnh Tùng nhân đó cướp lấy binh quyền của anh, tiếp tục cơ nghiệp phò Lê. Chính Trịnh Tùng sau này tiêu diệt họ Mạc, đưa vua Lê về Thăng Long, hoàn tất công cuộc trung hưng và mở ra giai đoạn vua Lê – chúa Trịnh.
Nhận định
Tích cực
Năm 1594, Hoàng đế Lê Thế Tông gia phong Minh Khang Thái Vương làm Minh Khang Nhân Trí Vũ Trinh Hùng Lược Thái Vương. Trong bài kim sách, nhà vua khen ngợi công lao to lớn của ông đối với sự nghiệp trung hưng nhà Lê và ví ông với các danh tướng đời nhà Đường là Lý Thạnh và Quách Tử Nghi
Sĩ phu Đại Nam thời Nguyễn, Phan Huy Chú, trong sách Lịch triều hiến chương loại chí đã thuật lại công lao của vua Lê Trang Tông trong việc trung hưng triều Lê. Thực chất, đây là lời ca ngợi gián tiếp Trịnh Kiểm vì ông mới là người lãnh đạo thực tế:
Hồ Đắc Duy trong tác phẩm Đại Việt sử thi, quyển 14 có đoạn thơ vịnh Trịnh Kiểm như sau:
Theo Phạm Đình Hải:
Tiêu cực
Theo lời bàn của các sử quan Nhà Nguyễn trong sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, họ kết tội Trịnh Kiểm có ý chuyên quyền lấn át vua Lê, dù rằng hình tích chưa rõ ràng như Trịnh Tùng sau này.
Có thể nói rằng Trịnh Kiểm xuất thân từ tầng lớp nông dân; vì tuy tằng tổ của ông từng đi học và đỗ tam trường, nhưng đó là chuyện đã cách 3 đời, và từ thuở nhỏ ông đã mất cha và sống trong cảnh nghèo khó đến mức phải chăn trâu kiếm sống. Về sau hành vi trộm cắp tài sản của ông đã liên lụy thân mẫu phải chết oan. Về việc này, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn cho rằng Trịnh Kiểm ăn trộm không chỉ vì nghèo mà do
tính bất kham, ngang tàng, không chịu ràng buộc, do đó mà “không ngần ngại làm những việc phi pháp”. Vì thế dù đã có công việc ổn định, ông vẫn trộm ngựa của chủ. Ông Hãn cũng cho rằng Trịnh Kiểm gặp cơ hội khi Nguyễn Kim “cần người giúp rập, cuộc khởi nghĩa cần tay táo bạo”, và những tính táo bạo của Trịnh Kiểm đã có ích và giúp sự nghiệp của ông cũng như nghĩa quân.
Ngoài ra, ông Hãn cũng đánh giá về vai trò của Trịnh Kiểm và con cháu ông đối với tiến trình lịch sử Việt Nam:
Vua Tự Đức của nhà Nguyễn cũng có bài thơ chê trách về hành vi trộm cắp thuở bé của ông bằng chữ Hán, trích phần dịch thơ của nhóm dịch giả Nguyễn Quang Tô, Mai Thọ Truyền và Lê Xuân Giáo như sau:
Gia đình
Cha: Hưng Tổ Dục Đức vương Trịnh Lâu
Mẹ: Từ Tâm Thục phi Hoàng Thị Ngọc Dốc
Vợ:
Nguyên phối: Trần Thị Ngọc Lĩnh, nguyên quán làng Bồ Xuyên, huyện Yên Mô. Người vợ thuở hàn vi, lấy năm ông 24 tuổi (1526). Sau không tường sự tích.
Chính thất: Từ Phúc Chính phi Lại Thị Ngọc Trân, người làng Long Phúc, huyện Thạch Hà. Bà là con của Thái bảo Nhân Quận Công Lại Thế Tưởng. Đức bà cũng là Bà cô ruột của Chính phi Lại Thị Ngọc Nhu, vợ cả của Trịnh Tùng. Tục gọi là Đức bà Chợ Huyện. Sinh Trịnh Cối
Á thất: Từ Hành Hiền phi Trương Thị Ngọc Lãnh (mất năm 1586), người sách Thọ Liêu, huyện Thạch Thành, con gái Tù trưởng Sùng quận công. Bà không có con. Sau được táng ở quê nhà.
Á thất: Từ Nghi Thái phi Nguyễn Thị Ngọc Bảo (mất năm 1586). Người làng Gia Miêu Ngoại trang, huyện Tống Sơn, Thanh Hóa, con của Chiêu Huân Tĩnh công Nguyễn Kim. Sinh Trịnh Tùng.
Con trai:
Đạt Nghĩa công Trịnh Cối (1535 – 1584). Con của Chính phi Lại Thị Ngọc Trân.
Thành tổ Triết vương Trịnh Tùng (1550 – 1623). Con của Thái phi Nguyễn Thị Ngọc Bảo.
Dương Nghĩa công Trịnh Đỗ. Phong tặng: Thái tệ thụy Ý Thuần dự phong Dực vận tán trị Công Thần.
Dịch Nghĩa công Trịnh Đồng. Phong tặng Dương Vũ Uy Dũng Tuyên Lực Kiệt Tiết Dực Vận Tán Trì công thần. Ông không có con trai. Con gái tên là Ánh lấy quan Lai vu bá Đinh Văn Lai (con của Cầu Quận Công Đinh Văn Giai).
Cần Nghĩa công Trịnh Ninh, chắt trưởng là Lê phò mã Tham đốc (hàm Nhị phẩm) tước Hán Trung hầu Trịnh Cát phụng tự
Con gái:
Trưởng Thượng Quận Chúa Trịnh Thị Ngọc Xuân, thụy Đức Phương.
Quận Chúa Trịnh Thị Ngọc Tôn hay Trịnh Thị Ngọc Ty, thụy Từ Tích, hay Từ Duyên.
Giai thoại
Lời sấm của Trạng Trình
Theo Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, thì khi vua Lê Trung Tông qua đời (1556), dòng chính nhà Lê đã tuyệt tự, Trịnh Kiểm và các đại thần bàn định xem nên lập ai, bản thân Trịnh Kiểm cũng có ý tự phong mình làm vua nhưng chưa quyết được, mới sai người đến hỏi Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, một vị quan phục vụ cho nhà Mạc. Nguyễn Bỉnh Khiêm không đáp và bảo người nhà rằng: Năm nay đã mất mùa, sao không mau tìm thóc giống cũ mà đem gieo trồng cho kịp thời vụ. Trịnh Kiểm suy từ lời nói ấy, hiểu ý là tìm con cháu họ xa của nhà Lê, mới rước hoàng thân Lê Duy Bang lên làm vua Lê Anh Tông.
Cũng theo một số nguồn tin không chính thống, sau khi nắm lấy quyền hành từ tay bố vợ Nguyễn Kim, Trịnh Kiểm đã cho giết hại Nguyễn Uông, con trưởng của Nguyễn Kim để giữ vững quyền lực. Em của Uông là Nguyễn Hoàng được sự gợi ý của Nguyễn Bỉnh Khiêm, đã nhờ chị nói giúp Trịnh Kiểm để mình vào trấn thủ Thuận Hóa là nơi dân cư thưa thớt, nhiều khó khăn; và Trịnh Kiểm đã chấp nhận cho Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa năm 1558, khởi đầu cho sự nghiệp 400 năm của dòng họ Nguyễn sau này.
Trộm gà nuôi mẹ
Đương thời từ một người nghèo bằng tài trí của mình mà ông đã trở thành người tột đỉnh quyền lực nên có nhiều giai thoại về ông trong đó có 1 giai thoại nổi tiếng nhất như sau:
Thiếu thời ông là một người mồ côi cha nên rất hiếu thuận với mẹ. Một hôm mẹ ông bị ốm nên buột miệng nói thèm thịt gà, nhà nghèo không có tiền nên ông đi ăn trộm gà nhà bên cạnh. Nhà hàng xóm thấy đàn gà cứ mất dần liền sinh nghi bèn rình và bắt được ông đang ăn trộm. Một hôm nhân Trịnh Kiểm đi chơi vắng, hàng xóm bắt mẹ ông ném xuống ao ở cạnh làng để ông khỏi ăn trộm gà nữa. Chỗ mà mẹ ông bị ném xuống, vào một đêm mưa gió bỗng nổi lên một mộ huyệt to. Về sau có thầy địa lý người Tàu đi ngang qua chỗ ấy và thốt ra một câu sấm dự đoán hậu vận của dòng họ Trịnh sau này: "Ngôi đất này phát ra không phải đế, cũng không phải bá, mà có quyền thế nhất thiên hạ; truyền được 8 đời, vạ từ trong nhà mà ra". |
Lâm Tế tông (zh. línjì-zōng/lin-chi tsung 臨濟宗, ja. rinzai-shū) là một dòng thiền được liệt vào Ngũ gia thất tông—tức là Thiền chính phái—được Thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền sáng lập. Tông này ngày nay là một trong hai tông của Thiền vẫn còn tồn tại ở Nhật Bản song song với tông Tào Động (ja. sōtō-shū). Khoảng vài mươi năm đến bây giờ, tông Lâm Tế được truyền bá rộng rãi đến phương Tây.
Lịch sử
Đời Đường, Thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền tham học với Thiền sư Hoàng bá Hi vận rồi ngộ đạo và được ngài ấn chứng. Vào năm Đại trung thứ 8 (854) đời vua Tuyên tông sư đến trụ trì ở viện Lâm tế tại Trấn châu, đặt ra các cơ phong Thiền lý như Tam huyền tam yếu, Tứ liệu giản,... để tiếp dẫn đồ chúng, tông phong hưng thịnh và đến từ thời Trung Đường về sau đã phát triển thành 1 tông phái lớn, gọi là tông Lâm tế. |
Ngũ gia thất tông (zh. 五家七宗, ja. goke-shishishū) là năm nhà và bảy tông của Thiền tông Trung Quốc. Ngũ gia gồm có:
Quy Ngưỡng tông, do hai Thiền sư khai lập là Quy Sơn Linh Hựu (771-853) và môn đệ Ngưỡng Sơn Huệ Tịch Thiền sư (807-883 hoặc 813/814-890/891);
Lâm Tế tông, do Thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền (?-866) khai sáng;
Tào Động tông, do hai Thiền sư khai sáng, đó là Động Sơn Lương Giới (807-869) và Tào Sơn Bản Tịch (840-901);
Vân Môn tông, được Thiền sư Vân Môn Văn Yển (864-949), môn đệ của Tuyết Phong Nghĩa Tồn thành lập;
Pháp Nhãn tông, do Thiền sư Pháp Nhãn Văn Ích (885-958) thành lập (trước đó tông này cũng được gọi là Huyền Sa tông, gọi theo tên của Thiền sư Huyền Sa Sư Bị, thầy của Thiền sư La-hán Quế Sâm, sư phụ của Đại Pháp Nhãn).
Nếu kể cả hai nhánh của Lâm Tế tông được thành lập sau Thiền sư Thạch Sương Sở Viên (Từ Minh) thì có tất cả là bảy tông:
Dương Kì phái, được Thiền sư Dương Kì Phương Hội (992-1049) thành lập;
Hoàng Long phái, được Thiền sư Hoàng Long Huệ Nam (1002-1069) sáng lập. |
Trung đạo (zh. zhōngdào 中道, ja. chūdō, sa. madhyamāpratipad, pi. majjhimāpaṭipadā) là từ được dùng chỉ chung các phương pháp giảng dạy của Phật Thích-ca Mâu-ni, là người tránh những cực đoan trong cách tu học—như buông thả theo dục lạc và sống khổ hạnh tuyệt đối.
Trong Tiểu thừa, Bát chính đạo được xem là Trung đạo vì thực hành Bát chính đạo, hành giả vừa xa lánh đời sống dục lạc và đời sống khổ hạnh, thoát khỏi Khổ. Thái độ này được Phật miêu tả như sau trong kinh Chuyển pháp luân (Thích Minh Châu dịch):
"Này các tỉ-khâu, có hai điều thái quá, người xuất gia không nên theo. Thế nào là hai? một là mê đắm dục lạc, hạ liệt, phàm phu, không xứng Thánh hạnh, không thiệt lợi đạo. Hai là tu khổ hạnh, khổ đau, không xứng Thánh hạnh, không thiệt lợi đạo. Này các tỉ-khâu, chính nhờ từ bỏ hai điều thái quá này, Như Lai giác ngộ trung đạo, con đường đem đến pháp nhãn, trí huệ đưa lại an tịnh, thượng trí, chứng Niết-bàn.
Này các tỉ-khâu, Trung đạo do Như Lai giác ngộ, đem đến pháp nhãn, trí huệ đưa lại an tịnh, thượng trí, giác ngộ, Niết-bàn là gì? Chính là Bát chính đạo: chính kiến, chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mạng, chính tinh tấn, chính niệm, chính định".
Trung đạo cũng được dùng để chỉ giáo pháp Trung quán của Long Thụ, là môn phái không chấp nhận một đối cực nào của mọi phân cực. Trung đạo ở đây là thái độ từ bỏ hai quan điểm cực đoan thế giới là trường tồn hay hoại diệt, thế giới là có (hữu) hay không có (vô). Trong Trung quán tông, Trung đạo được trình bày rõ nhất với quan điểm tám phủ nhận (bát bất) của Long Thụ:
Không diệt, không sinh, không đứt đoạn, không thường còn, không là một, không đa dạng, không đến, không đi
Trong Duy thức tông, Trung đạo được hiểu là vừa không xem sự vật tồn tại thật sự (vì sự vật thực tế không hề tồn tại), vừa cũng không cho rằng sự vật không hề có (vì sự vật tồn tại đối với ảo giác tâm lý). Theo Thiên Thai tông, Trung đạo là sự nhận thức rằng, mọi sự vật trống rỗng, chúng không có một thật thể độc lập, nhưng đồng thời chúng có giá trị nhất định, tạm thời—vì chúng là những trình hiện nên có một thọ mệnh nhất định. Sự tổng hợp giữa tính Không (sa. śūnyatā) và thế giới hiện tượng chính là Trung đạo đích thật—theo tông này. |
Vô Ngôn Thông (zh. 無言通), 759 (?) – 826, là một vị Thiền sư Trung Quốc, đệ tử của Thiền sư nổi tiếng Bách Trượng Hoài Hải. Năm 820, sư qua Việt Nam, ở tại chùa Kiến Sơ (zh. 建初寺), ngày nay thuộc Hà Nội, thành lập phái thiền Vô Ngôn Thông. Sư mất năm 826, và phái thiền của sư kéo dài được 17 thế hệ.
Dòng thiền Vô Ngôn Thông
Những Thiền sư quan trọng của dòng thiền này là Khuông Việt (933 – 1011), Thông Biện (? – 1134), Mãn Giác (1052 – 1096), Minh Không (mất 1141) và Giác Hải. Thế hệ cuối cùng là khoảng cuối thế kỷ 13. Phái Vô Ngôn Thông theo đúng dòng Thiền của Huệ Năng, chủ trương đốn ngộ (giác ngộ nhanh chóng). Các vị thiền sư dòng Vô Ngôn Thông đều có tâm hồn thi sĩ. Riêng thiền sư Không Lộ vừa được cho là thuộc thiền phái Vô Ngôn Thông, nhưng cũng thuộc thiền phái Thảo Đường.
Cơ duyên và hành trạng
Sư họ Trịnh (zh. 鄭), quê ở Quảng Châu (zh. 廣州), xuất gia tại chùa Song Lâm (zh. 雙林寺), Vụ Châu (zh. 務州). Tính tình sư điềm đạm ít nói, nhưng thông minh nên thời nhân gọi là Vô Ngôn Thông (Cảnh Đức Truyền đăng lục ghi là Bất Ngôn Thông).
Một hôm, sư lễ Phật, có một thiền khách hỏi: "Toạ chủ lễ đó là cái gì?", sư thưa: "Là Phật." Khách liền chỉ tượng Phật hỏi: "Cái này là Phật gì?", sư không trả lời được. Đến tối, sư y phục chỉnh tề đến lễ vị khách, vị này chỉ đến Mã Tổ. Sư lên đường đến Mã Đại sư nhưng nghe tin Tổ đã viên tịch bèn đến Bách Trượng. Nhân nghe Bách Trượng trả lời một vị tăng "Bản tâm nếu tịnh không, mặt trời trí huệ tự chiếu" (tâm địa nhược không, huệ nhật tự chiếu 心地若空惠日自照) sư triệt ngộ.
Sau khi rời Bách Trượng, sư đến trụ trì chùa Hoà An (zh. 和安寺) và tương truyền rằng Thiền sư Ngưỡng Sơn Huệ Tịch, vị Tổ thứ hai của tông Quy Ngưỡng, có đến đây học hỏi.
Năm Canh Tí, niên hiệu Nguyên Hoà đời nhà Đường, sư sang An Nam ở chùa Kiến Sơ làng Phù Đổng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Ở đây mấy năm liền sư chỉ quay mặt vào vách toạ thiền và không ai biết tông tích của Sư. Vị trụ trì nơi đây là Cảm Thành thầm biết sư là cao tăng đắc đạo nên hết sức kính trọng. Sắp sửa tịch, sư gọi Cảm Thành đến nói kệ:
Nói xong sư chắp tay viên tịch. Cảm Thành thiêu lấy hài cốt và xây tháp thờ trên núi Tiên Du.
Nguyên bản Hán văn
無言通禪師
𠎣逰扶蕫鄉建初寺無言通禪師本廣州人
也姓鄭氏少慕空學不治家產務州雙林
寺受業處性沈厚寡言默識了達事槩故時
人號無通言(1)〖傳登曰不語通〗常一日禮佛次有禪者問
座主禮甚麽師云禮佛禪者指佛像云祗這
箇是甚麽師無對是夜具威儀就禪者禮拜
問曰嚮之所問未審意旨如何禪者云座主
出家以來經逾㡬夏師云十夏禪者云還曾
出家麽也未師轉茫然禪者云若也不會百
夏何益乃引師同參馬祖及抵江西而祖已
示寂遂徃謁百丈懷海禪師時有僧問如何是
大乗頓悟法門丈云心地若空惠日自照師於
言下有得乃還廣州和安寺住持有人問師是
禪師否師云貧道不曾學禪良久便喚其人應
諾師指梭櫚樹其人無對□□□□□□□□
仰山禪師作沙彌時師常喚云寂子為我將牀
子來仰將牀子到師云送還本處仰從之又問
寂子那邉有甚麽曰無物這邉聻曰(2)無物師又問
寂子仰應諾師云去唐元和十五年庚子秋九
月師來至此寺卓錫飯粥之外禪悅爲樂凢坐
靣壁未嘗言說累年莫有識者獨寺僧感誠尤
加禮敬奉侍左右宻扣玄機盡得其要一日
無疾沐浴易服召感誠曰昔吾祖南嶽讓禪
師㱕寂時有云一切諸法皆從心生心無所
生法無所住若達心地所作無碍非遇上根
慎勿輕許言訖合掌而逝感茶(3)毘收舍利塔
于𠎣逰山時唐寶曆二年丙午正月十二日
二十八年又至開祐丁丒二十四年我越禪
學自師之始□□□□□□□□□□□□
建初通禪師法嗣□□□□□□□□
LMT hiệu đính 無言通
聻曰: Nguyễn, A 2767, LMT = 聻麼曰
感茶: Nguyễn, LMT = 感誠茶 |
Cảm Thành (? – 860) tu tại chùa Kiến Sơ, là tổ đời thứ hai của dòng Vô Ngôn Thông. Người Tiên Du, họ Thị. Ban đầu Sư xuất gia, tên đạo là Lập Đức, ở tại núi Tiên Du; của quận mình. Sư lấy việc đọc kinh làm sự nghiệp.
Cơ duyên và hành trạng
Có hương hào họ Nguyễn mến Sư đức hạnh cao cả, muốn đổi nhà làm chùa mời Sư tới ở, bèn đến lấy tình mời Sư, Sư chẳng chịu nhận. Ban đêm mộng thấy thần nhân mách: "Nếu theo ý của Nguyễn, thì chẳng mấy năm sẽ được điều lành lớn", bèn đáp lại lời mời. Nay là chùa Kiến Sơ ở Phù Đổng.
Chẳng bao lâu thì Thiền sư Vô Ngôn Thông đến. Sư biết Thông là người phi thường, sớm hôm phục dịch, chưa từng biếng nhác. Thông cảm động trước lòng thành của Sư, bèn đặt tên là Cảm Thành.
Một lần có vị Tăng đến hỏi: "Thế nào là Phật?". Sư đáp: "Khắp hết mọi nơi."
Lại hỏi: "Thế nào là tâm Phật?". Sư đáp: "Chẳng từng che giấu."
Lại thưa: "Người học không hiểu". Sư bảo: "Đi quá xa rồi".
Về sau, Sư không bệnh mà mất. Bấy giờ là năm Canh Thìn Đường Hàm Thông thứ nhất (năm 860).
Chú thích
Nguyên bản Hán văn
第一世一人□□□□□□□□□
感誠禪師
建初寺第二世感誠禪師𠎣逰人也姓氏①初
出家道號立德居本郡𠎣逰山持誦為業鄉
豪阮氏髙其德行欲捨宅為寺延致居之徃
以情扣師弗許夜夢神人告曰苟從阮志不
數年間得大吉祥師乃應其請〖今扶蕫建初寺是也〗未㡬
通禪師適至師知其非常人旦夕服事未常
輙怠通感其誠懇遂以名焉一日謂師曰昔
世尊為一大事因緣出現於世化緣周畢示
入涅槃如此妙心名正法眼藏實相無相三
昧法門親付弟子摩訶迦葉尊者為初祖世
卋相傳至達磨大師自西而來䟦涉險危爲
傳此法遞至六祖曹溪得於五祖所於達磨
初至人未知信故以傳衣以明得法今信已
熟衣乃爭端止於汝身不復傳也於是以心
傳心不受衣鉢時南嶽讓首得其傳讓授馬
祖一一授百丈海吾於百丈得其心法久響
此方慕大乗者眾是以南來求善知識今與
汝遇盖宿緣也聽吾偈云諸方浩浩妄自喧
傳謂吾始祖親自西天傳法眼藏目謂之禪
一花五葉種子綿綿澘符宻語千萬有緣咸
謂心宗清淨本然西天此土此土〖西天古今日月古今〗
山川觸塗成滯佛祖成寃差之毫釐失之百
千汝善觀察莫賺兒孫直饒問我我本無言
師於言下領悟常有僧問如何是佛師云徧
一切處進云如何是佛心師云不曾覆藏進
云學人不會師云蹉過了也後無疾而逝時
唐咸通元年庚辰□□□□□□□□□□
姓氏: LMT = 姓○氏 |
Chi An tức hay An tức hương (danh pháp khoa học: Styrax) là một chi thực vật có khoảng 100 loài mọc thành bụi rậm hoặc cây nhỏ trong họ An tức hương (Styracaceae), chủ yếu có nguồn gốc ở các vùng khí hậu ấm tới các vùng nhiệt đới của Bắc bán cầu, chủ yếu ở khu vực đông và đông nam châu Á, nhưng cũng vượt qua đường xích đạo ở Nam Mỹ.
Các loài cây này cao từ 2–14 m và có các lá hình trứng mọc luân phiên, sớm rụng hoặc xanh lưu niên dài từ 1–18 cm và rộng từ 2–10 cm. Hoa của chúng rủ xuống, có 5-10 tràng hoa hình thùy màu trắng, tạo thành từ 3-30 hoa trong các chùy hoa dài 5–25 cm thưa hay rậm. Quả là loại quả hạch khô và thuôn dài, trơn không có gân hay các cánh hẹp (hiện diện ở các chi có quan hệ họ hàng là Halesia và Pterostyrax). Các tên gọi phổ biến là bồ đề, an tức hương, chuông tuyết và cánh kiến trắng.
Danh sách loài
Dưới đây là một số loài đáng chú ý:
Styrax agrestis - Trung Quốc
Styrax americanum - đông nam nước Mỹ
Styrax argentifolius - Trung Quốc
Styrax bashanensis - Trung Quốc
Styrax benzoides - Thái Lan, nam Trung Quốc
Styrax benzoin - đảo Sumatra
Styrax calvescens - Trung Quốc
Styrax chinensis - Trung Quốc
Styrax chrysocarpus - Trung Quốc
Styrax confusus - Trung Quốc
Styrax dasyanthus - miền trung Trung Quốc
Styrax faberi - Trung Quốc
Styrax formosanus - Trung Quốc
Styrax grandiflorus - Trung Quốc
Styrax grandifolium - đông nam nước Mỹ
Styrax hainanensis - nam Trung Quốc
Styrax hemsleyanum - Trung Quốc
Styrax hookeri - Himalaya
Styrax huanus - Trung Quốc
Styrax japonicus - Nhật Bản
Styrax limpritchii - tây nam Trung Quốc (Vân Nam)
Styrax loxensis - Ecuador
Styrax macranthus - Trung Quốc
Styrax macrocarpus - Trung Quốc
Styrax obassia - Trung Quốc, Nhật Bản
Styrax odoratissimus - Trung Quốc
Styrax officinale - đông nam châu Âu, tây nam châu Á
Styrax perkinsiae - Trung Quốc
Styrax philadelphoides - Trung Quốc
Styrax platanifolius - Texas, đông bắc México
Styrax portoricensis - Khu vực Carribean
Styrax rediviva - California (đồng nghĩa là S. officinalis biến thể californica)
Styrax roseus - Trung Quốc
Styrax rugosus - Trung Quốc
Styrax schweliense - tây Trung Quốc
Styrax serrulatus - Himalaya, tây nam Trung Quốc
Styrax shiraianum - Nhật Bản
Styrax suberifolius - Trung Quốc
Styrax supaii - Trung Quốc
Styrax tonkinensis - đông nam châu Á, Việt Nam
Styrax veitchiorum - Trung Quốc
Styrax wilsonii - tây Trung Quốc
Styrax wuyuanensis - tây Trung Quốc
Styrax zhejiangensis - Trung Quốc
Nuôi trồng và sử dụng
Một số loài là những cây cảnh phổ biến trong các công viên và hoa viên. Nhựa cánh kiến được sản xuất từ một số loài (chủ yếu từ S. benzoides và S. benzoin) có nguồn gốc ở Sumatra, Java và Thái Lan. Nó được sản xuất bằng cách sấy khô dịch thu được từ vỏ cây bị khứa, giống như khi người ta thu hoạch mủ cao su và nó được sử dụng trong nước hoa, một số loài hương và trong y học.
Chú thích |
Benzoin hay 2-Hydroxy-2-phenylacetophenone hay 2-Hydroxy-1,2-Diphenylethanone hay rượu desyl hoặc dầu long não từ quả hạnh đắng là một hợp chất hữu cơ bao gồm một liên kết etylen kết nối bởi các nhóm phenyl và có các nhóm chức hydroxyl và xêtôn. Nó là tinh thể màu trắng nhạt có mùi long não nhẹ. Benzoin được tổng hợp từ benzaldehyd trong phản ứng trùng ngưng benzoin
Nó được sử dụng chủ yếu trong:
chất xúc tác trong pô-ly-me hóa quang học và chất mồi quang học
nguyên liệu thô điều chế benzil
Benzoin không phải là chất tạo thành của nhựa cánh kiến trắng thu được từ cây cánh kiến (Styrax benzoides hay Styrax benzoin) hoặc cồn benzoin. Thành phần chính của các sản phẩm tự nhiên này là axít benzoic.
Tham chiếu
MSDS
MSDS
MSDS
vi:Benzoin |
Juventus Turin Football Club (, nghĩa: "Tuổi trẻ"), thường được gọi là Juventus Turin, Juventus FC, Juventus, Juve () là một câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp của Ý có trụ sở đặt tại Torino, Piemonte. Được thành lập vào năm 1897, câu lạc bộ thi đấu trong bộ trang phục sọc trắng đen từ năm 1903 và chơi các trận đấu trên sân nhà ở nhiều sân vận động khác nhau quanh thành phố, mới đây nhất là Sân vận động Juventus/Allianz (tiếng Anh là Juventus Arena hay Allianz Stadium) có sức chứa 41.507 chỗ ngồi. Với biệt danh Vecchia Signora ("Bà đầm già"), câu lạc bộ đã giành được 36 danh hiệu Serie A, 14 danh hiệu Coppa Italia, 9 danh hiệu Supercoppa Italiana, 2 Intercontinental Cup, 2 UEFA Champions League, 1 UEFA Cup Winners' Cup, 3 UEFA Cup, 2 UEFA Super Cup, 7 Berlusconi trophy và 1 UEFA Intertoto Cup.
Tên gọi
Tên chính thức của câu lạc bộ - Juventus - là một từ trong tiếng Latinh có nghĩa là "tuổi trẻ" hay "thanh xuân". Trong tiếng Ý, từ mang nghĩa tương ứng là "iuventūs", tuy vậy báo chí tiếng Ý nói riêng hay báo chí các ngôn ngữ dùng chữ Latinh nói chung không bao giờ dùng "iuventūs" để gọi câu lạc bộ này.
Lịch sử
Những năm đầu (1897-1918)
Juventus được thành lập từ Câu lạc bộ thể thao Juventus vào năm 1897 bởi một nhóm học sinh trường Trung học Massimo D'Azeglio tại Turin, trong số đó có hai anh em Eugenio và Enrico Canfari, nhưng được đổi tên thành Câu lạc bộ bóng đá Juventus hai năm sau đó. Câu lạc bộ tham gia Giải vô địch bóng đá Ý lần đầu tiên vào năm 1900. Thời kỳ đầu, đội mặc bộ trang phục thi đấu màu hồng và đen. Juventus lần đầu tiên giành chức vô địch giải vô địch quốc gia vào năm 1905 khi chơi tại sân Velodromo Umberto I. Vào thời điểm này, màu sắc trang phục của câu lạc bộ đã thay đổi thành màu sọc đen và trắng, lấy cảm hứng từ câu lạc bộ Anh Notts County F.C..
Có một sự chia rẽ nội bộ tại câu lạc bộ vào năm 1906, sau khi một số nhân viên xem xét chuyển Juve ra khỏi Torino. Chủ tịch Alfred Dick không hài lòng với điều này và đã để lại một số cầu thủ nổi bật cho FBC Torino, từ đó sinh ra khái niệm Derby della Mole. Juventus đã dành phần lớn thời gian để xây dựng lại đội bóng sau Thế chiến thứ nhất.
Thống trị giải đấu quốc nội (1923-1980)
Chủ sở hữu FIAT Edoardo Agnelli giành quyền quản lý câu lạc bộ vào năm 1923 và cho xây dựng một sân vận động mới. Điều này đã giúp câu lạc bộ đạt Scudetto thứ hai trong mùa giải 1925, sau khi đánh bại Alba Roma với tổng tỷ số 12-1. Câu lạc bộ trở thành một thế lực lớn của bóng đá Ý từ những năm 1930, từ đó giành được năm chức vô địch quốc gia liên tiếp (bốn lần dưới sự chỉ đạo của Carlo Carcano) và tạo thành nòng cốt của đội tuyển quốc gia Ý trong kỷ nguyên Vittorio Pozzo, bao gồm chức vô địch thế giới năm 1934, với các cầu thủ ngôi sao như Raimundo Orsi, Luigi Bertolini, Giovanni Ferrari và Luis Monti.
Juventus chuyển đến Stadio Comunale trong phần còn lại của những năm 1930 và phần lớn những năm 1940, họ không thể giành lại quyền thống trị ngôi vô địch. Sau Thế chiến thứ hai, Gianni Agnelli được bổ nhiệm làm chủ tịch danh dự. Câu lạc bộ tiếp tục vô địch giải đấu quốc gia 2 lần liên tiếp nữa trong mùa giải 1949-1950 và 1951-52 sau đó thuộc quyền quản lý của Jesse Carver. Hai tiền đạo mới được ký hợp đồng trong mùa giải 1957-58: John Charles và Omar Sívori, thi đấu cùng với Giampiero Boniperti. Mùa giải đó chứng kiến Juventus trở thành đội bóng đầu tiên của Ý giành được mười danh hiệu vô địch quốc gia. Trong cùng một mùa giải, Sívori trở thành cầu thủ đầu tiên tại câu lạc bộ giành giải Cầu thủ xuất sắc nhất châu Âu. Mùa giải tiếp theo, họ đánh bại Fiorentina để hoàn thành giải cú đúp danh hiệu, Serie A và Coppa Italia. Boniperti đã giải nghệ vào năm 1961 với tư cách là cầu thủ ghi bàn xuất sắc nhất mọi thời đại của câu lạc bộ, với 182 bàn thắng trong tất cả các giải đấu, một kỷ lục của câu lạc bộ đã tồn tại 45 năm.
Trong phần còn lại của thập kỷ, câu lạc bộ giành được chức vô địch giải đấu quốc gia thêm một lần nữa vào năm 1966-1967. Tuy nhiên, những năm 1970 chứng kiến Juventus tiếp tục củng cố vị thế của mình trong bóng đá Ý. Dưới thời cựu cầu thủ Čestmír Vycpálek, họ tiếp tục vô địch Scudetto vào mùa giải năm 1971-72 và 1972-73, với các cầu thủ như Roberto Bettega, Franco Causio và Jose Altafini. Trong phần còn lại của thập kỷ, họ vô địch thêm hai lần nữa, với hậu vệ Gaetano Scirea. Giovanni Trapattoni, người cũng dẫn dắt câu lạc bộ đến danh hiệu lớn đầu tiên tại châu Âu (UEFA Cup) vào năm 1977 và tiếp tục sự thống trị của câu lạc bộ vào đầu những năm 1980. Trong nhiệm kỳ của Trapattoni, nhiều cầu thủ Juventus trở thành trụ cột của đội tuyển quốc gia Ý trong kỷ nguyên thành công của Enzo Bearzot, bao gồm World Cup 1978, Euro 1980 và World Cup 1982.
Trình diễn tại châu Âu (1980-1993)
Kỷ nguyên Trapattoni rất thành công vào những năm 1980 và câu lạc bộ khởi đầu thập kỷ rất tốt đẹp, giành được chức vô địch quốc gia thêm ba lần nữa vào năm 1984. Điều này có nghĩa là Juventus đã giành được 20 danh hiệu vô địch quốc gia Ý, trở thành câu lạc bộ duy nhất của Ý đạt được điều này. Trong khoảng thời gian này, các cầu thủ của câu lạc bộ đã thu hút được sự chú ý đáng kể và Paolo Rossi được bầu chọn là Cầu thủ xuất sắc nhất châu Âu sau đóng góp của anh cho chiến thắng của Ý tại World Cup 1982, tại đây anh được bầu là Cầu thủ hay nhất giải đấu. Cầu thủ người Pháp Michel Platini cũng được trao tặng danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất châu Âu trong ba năm liên tiếp vào các năm 1983, 1984 và 1985. Juventus là câu lạc bộ đầu tiên và là một trong hai câu lạc bộ duy nhất có các cầu thủ từ câu lạc bộ của họ giành giải thưởng cá nhân trong bốn năm liên tiếp. Chính Platini là người đã ghi bàn thắng trong trận Chung kết Cúp C1 châu Âu 1985 với Liverpool. Từ đó, Juventus trở thành câu lạc bộ đầu tiên trong lịch sử bóng đá châu Âu giành chiến thắng ở cả ba giải đấu lớn của UEFA. Ngoại trừ việc giành chức vô địch quốc gia Ý mùa giải 1985-86, phần còn lại của thập niên 1980 không thành công cho câu lạc bộ. Cùng với việc phải đối mặt với Napoli của Diego Maradona, cả hai câu lạc bộ đến từ Milano đều giành được chức vô địch Ý. Tuy nhiên, Juventus đã giành được cú đúp danh hiệu Coppa Italia-UEFA Cup năm 1990 dưới sự dẫn dắt của cựu huyền thoại câu lạc bộ Dino Zoff. Vào năm 1990, Juventus chuyển đến ngôi nhà mới Sân vận động Alpi, được xây dựng để chuẩn bị cho World Cup 1990. Bất chấp sự xuất hiện của ngôi sao người Ý Roberto Baggio vào cuối năm đó với mức phí chuyển nhượng kỷ lục, đầu những năm 1990 dưới thời Luigi Maifredi và sau đó là Trapattoni một lần nữa ít thành công cho Juventus khi họ chỉ giành được UEFA Cup vào năm 1993.
Vô địch Champions League lần thứ hai và Supercoppa Italiana lần đầu tiên (1994–2004)
Marcello Lippi tiếp quản vị trí huấn luyện viên trưởng Juventus khi bắt đầu mùa giải 1994-95. Mùa giải đầu tiên của ông ở vị trí lãnh đạo của câu lạc bộ là một thành công, khi Juventus vô địch Serie A lần đầu tiên kể từ giữa những năm 1980, cũng như Coppa Italia. Mùa chuyển nhượng của các cầu thủ trong giai đoạn này có sự góp mặt của Ciro Ferrara, Roberto Baggio, Gianluca Vialli và Alessandro Del Piero. Lippi đã dẫn dắt Juventus tới Supercoppa Italiana và Champions League, đánh bại Ajax trên chấm phạt đền sau trận hòa 1-1 trong đó Fabrizio Ravanelli ghi bàn cho Juventus. Trên sân nhà, Juventus đã lên ngôi vô địch Serie A các mùa 1996-97 và 1997-98, cũng như Siêu cúp UEFA 1996 và Cúp Liên lục địa năm 1996. Juventus cũng lọt vào trận chung kết Champions League 1997 và 1998 trong giai đoạn này, nhưng lần lượt để thua trước Borussia Dortmund và Real Madrid.
Sau khi vắng mặt hơn hai mùa, Lippi trở lại câu lạc bộ vào năm 2001 sau khi thay thế Carlo Ancelotti, ký hợp đồng với những cầu thủ tên tuổi như Gianluigi Buffon, David Trezeguet, Pavel Nedvěd và Lilian Thuram, giúp đội bóng thêm hai danh hiệu Scudetto trong các mùa 2001-02 và 2002-03. Juventus cũng là lọt vào trận chung kết Champions League năm 2003, nhưng thua Milan trên chấm phạt đền sau khi trận đấu kết thúc với tỷ số hòa 0-0. Kết thúc mùa giải tiếp theo, Lippi được bổ nhiệm làm huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia Italy, chấm dứt một trong những kỷ nguyên huấn luyện thành công nhất trong lịch sử của Juventus.
Bê bối Calciopoli (2004–2007)
Fabio Capello được bổ nhiệm làm huấn luyện viên trưởng của Juventus vào năm 2004 và dẫn dắt câu lạc bộ đến hai chức vô địch liên tiếp tại Serie A. Vào tháng 5 năm 2006, Juventus là một trong năm câu lạc bộ liên quan đến vụ bê bối Calciopoli. Vào tháng 7, Juventus đã bị xếp ở cuối bảng xếp hạng và lần đầu tiên xuống hạng trong lịch sử. Câu lạc bộ cũng bị tước danh hiệu năm 2005 giành được dưới thời Capello, trong khi danh hiệu năm 2006 được trao cho Inter Milan.
Nhiều cầu thủ chủ chốt đã rời đi sau khi họ xuống hạng, bao gồm Lillian Thuram, tiền đạo ngôi sao Zlatan Ibrahimović và cầu thủ phòng ngự Fabio Cannavaro. Tuy nhiên, các cầu thủ tên tuổi khác như Alessandro Del Piero, Gianluigi Buffon, David Trezeguet và Pavel Nedvěd vẫn giúp câu lạc bộ trở lại Serie A, trong khi các cầu thủ trẻ như Sebastian Giovinco và Claudio Marchisio được hợp nhất vào đội một. Juventus đã giành được Cadetti (chức vô địch Serie B) và được thăng hạng trở lại với tư cách là người chiến thắng giải đấu sau mùa giải 2006-07, đội trưởng Del Piero giành giải Vua phá lưới với 21 bàn thắng.
Đầu năm 2010, Juventus cân nhắc việc tước bỏ Scudetto của họ từ năm 2005 và việc không chuyển nhượng danh hiệu năm 2006, phụ thuộc vào kết quả của các thử nghiệm liên quan đến vụ bê bối năm 2006. Khi cựu tổng giám đốc Luciano Moggi bị kết án tại tòa án hình sự liên quan đến vụ bê bối đã bị Tòa án tối cao bãi bỏ một phần vào ngày 23 tháng 3 năm 2015, câu lạc bộ đã kiện Liên đoàn bóng đá Ý (FIGC) vì thiệt hại 443 triệu euro do họ bị xuống hạng. Chủ tịch FIGC Carlo Tavecchio đề nghị thảo luận về việc phục hồi Scudetto bị mất để đổi lấy việc Juventus bỏ vụ kiện. Vào ngày 9 tháng 9 năm 2015, Tòa án Tối cao công bố một tài liệu dài 150 trang giải thích phán quyết cuối cùng của vụ kiện: mặc dù các cáo buộc còn lại của Moggi đã bị hủy mà không có phiên tòa mới do quá thời hạn, tòa án xác nhận rằng Moggi là tích cực tham gia vào các gian lận thể thao nhằm mục đích ủng hộ Juventus và gia tăng lợi ích cá nhân của ông ta. Cuối cùng, vào năm 2016, tòa án đã từ chối yêu cầu bồi thường từ Juventus. Vào ngày 15 tháng 3 năm 2017, Moggi nhận án tù chung thân.
Trở lại Serie A (2007–2011)
Sau khi trở lại Serie A mùa 2007-08, Juventus đã bổ nhiệm Claudio Ranieri làm huấn luyện viên trưởng. Họ kết thúc ở vị trí thứ ba trong mùa giải đầu tiên trở lại và đủ điều kiện thi đấu ở vòng loại thứ ba Champions League. Juventus lọt vào vòng bảng, nơi họ đánh bại Real Madrid ở cả hai trận sân nhà và sân khách, trước khi thua ở vòng đấu loại trực tiếp trước Chelsea. Ranieri bị sa thải sau chuỗi kết quả tệ hại và Ciro Ferrara được bổ nhiệm làm huấn luyện viên tạm thời cho hai trận đấu cuối cùng của mùa giải 2008-09, trước khi được bổ nhiệm làm huấn luyện viên chính thức vào mùa giải 2009-10.
Tuy nhiên, với việc Juventus bị loại khỏi Champions League và Coppa Italia, cũng như chỉ nằm ở vị trí thứ sáu trong bảng xếp hạng vào cuối tháng 1 năm 2010, dẫn đến việc sa thải Ferrara và Alberto Zaccheroni trở thành huấn luyện viên. Zaccheroni không thể giúp đội bóng cải thiện, Juventus kết thúc mùa giải ở vị trí thứ bảy tại Serie A. Trong mùa giải 2010-11, Jean-Claude Blanc được thay thế bởi Andrea Agnelli làm chủ tịch câu lạc bộ. Hành động đầu tiên của Agnelli là thay thế Zaccheroni và giám đốc thể thao Alessio Secco bằng Luigi Delneri và giám đốc thể thao Giuseppe Marotta. Tuy nhiên, Delneri đã thất bại trong việc cải thiện vận may và bị cách chức. Cựu cầu thủ và người hâm mộ yêu thích Antonio Conte sau khi giành chiến thắng với Siena, được xem là người thay thế Delneri. Vào tháng 9 năm 2011, Juventus chuyển đến Sân vận động Juventus.
Chín danh hiệu liên tiếp (2011-nay)
Với việc Conte làm huấn luyện viên trưởng, Juventus đã bất bại trong cả Serie A mùa giải 2011-12. Đến nửa sau của mùa giải, đội chủ yếu cạnh tranh với đối thủ phía bắc Milan để giành vị trí thứ nhất. Juventus giành được chức vô địch vào vòng đấu thứ 37 sau khi đánh bại Cagliari 2-0 và Milan thua Inter 4-2. Sau chiến thắng 3 -1 trong trận đấu cuối cùng với Atalanta, Juventus trở thành đội đầu tiên có mùa giải bất bại ở cả 38 trận. Những thành tích đáng chú ý khác bao gồm số bàn thắng trên sân khách nhiều nhất (5-0 trước Fiorentina), thành tích phòng ngự tốt nhất (20 bàn thua) ở Serie A và tốt thứ hai trong sáu giải đấu hàng đầu châu Âu năm đó. Trong mùa giải 2013-14, Juventus giành chức vô địch thứ ba liên tiếp với kỷ lục 102 điểm và 33 trận thắng. Danh hiệu này là chức vô địch giải đấu vô địch quốc gia thứ 30 trong lịch sử câu lạc bộ. Họ cũng lọt vào bán kết Europa League, nơi họ bị loại ở trên sân nhà trước Benfica.
Vào mùa giải 2014-15, Massimiliano Allegri được bổ nhiệm làm huấn luyện viên trưởng của Juventus, ông giúp Juve giành được danh hiệu vô địch quốc gia thứ tư liên tiếp, cùng với một Coppa Italia. Câu lạc bộ cũng đã đánh bại Real Madrid trong trận bán kết Champions League với tổng tỷ số 3-2, đối đầu với Barcelona trong trận chung kết tại Berlin lần đầu tiên kể từ Champions League mùa 2002-03. Juventus thua trận chung kết trước Barcelona với tỷ số 3-1 sau bàn thắng ở phút thứ tư của Ivan Rakitić, sau đó là bàn gỡ hòa của Álvaro Morata ở phút 55. Sau đó, Barcelona vươn lên dẫn trước một lần nữa bằng bàn thắng của Luis Suárez ở phút 70, sau đó là bàn thắng vào phút cuối của Neymar khi Juventus chỉ có 10 người trên sân. Vào ngày 14 tháng 12 năm 2015, Juventus giành giải thưởng Câu lạc bộ bóng đá của năm tại Serie A trong mùa giải 2014-15. Vào ngày 25 tháng 4 năm 2016, câu lạc bộ giành được danh hiệu vô địch quốc gia thứ năm liên tiếp (tổng cộng 32 lần) kể từ lần cuối cùng giành chức vô địch mùa 1930-1931 và 1934-35, sau khi Napoli để thua Roma. Vào ngày 21 tháng 5, câu lạc bộ giành được danh hiệu Coppa Italia lần thứ 11 và danh hiệu thứ hai liên tiếp.
Vào ngày 17 tháng 5 năm 2017, Juventus tiếp tục giành được danh hiệu Coppa Italia thứ 12 của họ trong chiến thắng 2-0 trước Lazio (đội đầu tiên giành ba chức vô địch liên tiếp). Bốn ngày sau vào ngày 21 tháng 5, Juventus trở thành đội bóng đầu tiên giành sáu danh hiệu Serie A liên tiếp. Vào ngày 3 tháng 6 năm 2017, Juventus lọt vào Chung kết Champions League thứ hai sau ba năm, nhưng đã bị đánh bại 1-4 bởi đương kim vô địch Real Madrid. Vào ngày 9 tháng 5 năm 2018, Juventus đã giành được danh hiệu Coppa Italia thứ 13 của họ và thứ tư liên tiếp, trong chiến thắng 4-0 trước Milan. Bốn ngày sau vào ngày 13 tháng 5, Juventus bảo vệ danh hiệu Serie A thứ bảy liên tiếp. Vào tháng 7 năm 2018, Juventus phá vỡ kỷ lục về phí chuyển nhượng cho một cầu thủ trên 30 tuổi sau khi ký hợp đồng với siêu sao Cristiano Ronaldo (33 tuổi) từ Real Madrid với giá 112 triệu euro. Vào ngày 20 tháng 4 năm 2019, Juventus bảo vệ thành công danh hiệu Serie A thứ tám liên tiếp. Vào ngày 26 tháng 7 năm 2020, Juventus giành chức vô địch Serie A lần thứ chín liên tiếp.
Biểu trưng
Trang phục thi đấu
Juventus đã thi đấu trong bộ trang phục áo sọc trắng đen với quần short trắng, đôi khi là quần short đen từ năm 1903. Ban đầu, họ thi đấu trong bộ áo màu hồng có cà vạt đen. Người cha của một trong những cầu thủ đã phàn nàn rằng bộ áo thi đấu xấu đến nỗi vào năm 1903 câu lạc bộ phải tìm những mẫu thiết kế khác để thay thế chúng. Juventus đã hỏi một trong những thành viên trong đội, cầu thủ người Anh John Savage nhằm mục đích liên hệ với một số câu lạc bộ ở Anh có thể cung cấp áo đấu mới với màu sắc đẹp hơn. Ông có một người bạn sống ở Nottingham, là người hâm mộ Notts County đã nhờ vận chuyển những chiếc áo sọc trắng đen đến Torino. Juventus đã mặc bộ áo này từ đó đến nay.
Logo
Logo của Juventus đã trải qua nhiều sự thay đổi khác nhau kể từ năm 1920. Việc sửa đổi logo cuối cùng của Juve là diễn ra trước mùa giải 2004-05. Kể từ đó, biểu tượng chính thức của câu lạc bộ là màu đen và trắng với hình bầu dục giống chiếc khiên được sử dụng bởi các giáo sĩ người Ý. Nó được chia trong năm sọc trắng đen thẳng đứng gồm hai sọc trắng và ba sọc màu đen, bên trong đó là chi tiết sau đây; ở phần trên của nó, tên của câu lạc bộ được đặt lên một màu trắng phần lồi, và một nét liền cong vàng (biểu tượng cho danh dự). Ở dưới là hình một con bò, biểu tượng của thành phố Turin. Ngoài ra còn có một hình bóng đen của một chiếc vương miện bích họa trên logo hồi tưởng đến Augusta Tourinorum, một thành phố cổ của thời kỳ La Mã, hiện tại là thủ phủ của vùng Piemonte. Juventus là đội bóng đầu tiên trong lịch sử được chấp nhận in một ngôi sao ở phía trên logo của họ vào năm 1958. Kể từ đó, đây được xem là truyền thống và trở nên phổ biến với các câu lạc bộ khác. Trong những năm 1980, biểu tượng câu lạc bộ có in hình bóng của một con ngựa vằn, biểu trưng của đội bóng cùng với hai ngôi sao vàng tượng trưng hơn 20 chức vô địch Serie A.
Juventus đã giành chức vô địch quốc gia lần thứ 30 của họ trong mùa giải 2011-12, nhưng chỉ được tính chính thức là 28 bởi những tranh chấp với Liên đoàn bóng đá Ý về vụ bê bối Calciopoli vào năm 2006, khi đó 2 chức vô địch vào các mùa 2004-05 và 2005-06 của Juventus đã bị tước. Và khi Juventus giành danh hiệu chính thức lần thứ 30 của họ trong 2013-14, câu lạc bộ được quyền in ngôi sao thứ ba vào logo của mình, tuy nhiên, chủ tịch Andrea Agnelli nói rằng câu lạc bộ sẽ không sử dụng ngôi sao thứ 3 cho đến khi có một đội bóng khác ngoài Juventus giành chức vô địch Serie A lần thứ 20 nhằm "nhấn mạnh vị thế của Juventus". Tuy nhiên, mùa giải 2015-16, Juventus giới thiệu trang phục mới và kèm theo các ngôi sao thứ ba trên áo đấu của mình.
Trong quá khứ, phần lồi của logo có màu xanh lam (một biểu tượng khác của Torino) và có hình dạng lõm. Chiếc khiên cũ của Pháp và vương miện đều nằm ở phần dưới của biểu tượng, có kích thước lớn hơn. Hai "Ngôi sao vàng cho câu lạc bộ thể thao xuất sắc" được đặt phía trên phần lồi và lõm trong biểu tượng của Juventus. Những năm 1980, biểu tượng của câu lạc bộ là hình một con ngựa vằn, cùng với hai ngôi sao vàng và tên của câu lạc bộ tạo thành một vòng cung ở trên.
Tài trợ
Sân nhà
Trong quá khứ, Juventus đã từng sử dụng sân Sân vận động Alpi làm sân nhà kể từ năm 2006, sân vận động này được xây dựng vào năm 1990 nhằm phục vụ cho World Cup diễn ra cùng năm. Đây là một sân vận động bóng đá và điền kinh tại Torino, Ý và là sân nhà của 2 câu lạc bộ nổi tiếng Juventus và Torino từ năm 1990 đến 2006. Được thiết kế bởi kiến trúc sư Studio Hutter, sân delle Alpi được sân vào năm 1990 như là sự thay thế cho Stadio Comunale, sân hiện nay có tên Sân vận động Olimpico Grande Torino. Sân ban đầu có sức chứa 69.041 người, tuy nhiên theo luật FIFA về việc tách riêng giữa cổ động viên đội nhà và khách, sức chứa sau đó của sân là 67.229 chỗ ngồi. Sân hiện tại đã được phá huỷ (với việc cả hai câu lạc bộ trên sẽ chơi ở sân Sân vận động Olympic Torino) và một sân mới sẽ được khánh thành vào năm 2011 trên nền sân cũ.
Ngày 18 tháng 3 năm 2008, theo các nghị quyết của Hội đồng quản trị câu lạc bộ Juventus đã được phê duyệt việc xây dựng sân vận động mới thay cho sân cũ Delle Alpi, tổng mức đầu tư cho việc xây dựng bao gồm cả việc mua lại của bề mặt trong 99 năm bởi các đô thị, ban đầu ước tính vào khoảng 105 triệu và sau đó 120 triệu, cuối cùng đã được ước tính khoảng 155 triệu euro. Vào tháng 11 năm 2008, Juve chính thức thông báo trên trang chủ rằng họ sẽ đầu tư khoảng 155 triệu euro để xây dựng lại sân vận động mới ngay trên nền của sân Della Alpi. Dự án đã được giao phó cho các nhà nghiên cứu xây dựng GAU và Shesa dưới sự điều phối của 2 kiến trúc sư Hernando Suarez và Gino Zavanella và 2 kỹ sư Francesco Ossola và Massimo Majowiecki. Công việc phá dỡ sân cũ Delle Alpi bắt đầu vào tháng 11 năm 2008, kết thúc vào cuối tháng 3 năm 2009.
Việc xây dựng lại sân vận động mới bắt đầu vào đầu năm 2009 và dự kiến hoàn tất năm 2011 nhằm chuẩn bị phục vụ cho mùa giải 2011-12. Không giống như mặt sân cũ, Juventus Arena không có đường pitch, thay vào đó khoảng cách của mặt sân đến khán đài sẽ chỉ có 7,5 mét. Sức chứa của sân Juventus Arena là hơn 41.000 chỗ ngồi. Ở Anh và Đức, các khán đài trên sân bóng luôn gần với mặt sân, để tạo tính tương tác giữa cầu thủ với người hâm mộ. Nhưng ở Ý, Juventus Arena là sân vận động đầu tiên được thiết kế theo xu hướng này. Khoảng cách từ hàng ghế thấp nhất tới ranh giới mặt cỏ chỉ là 7,5m và hoàn toàn không có những hàng rào kính cao vời vợi ngăn cách như các sân khác ở Ý. Bên cạnh sân vận động là một khu vực kết hợp rộng lớn, bao gồm 4.000 chỗ đậu xe, 8 nhà hàng và 20 quầy bar. Phía bên trong cũng có ba phòng thay đồ, một bảo tàng dành để trưng bày những danh hiệu của Juventus. Sân Juventus Arena cũng có khán đài VIP được thiết kế bởi Pininfarina Extra có thể nhìn trực tiếp ra sân cỏ, và khoảng 34.000 m² khu vực thương mại. Các cấu trúc bên ngoài của sân vận động là gồm 7.000 tấm nhôm tổng hợp màu xám và trắng theo thiết kế của Fabrizio Giugiaro.
Sân vận động Juventus Arena đã được khánh thành vào ngày 08 tháng 9 năm 2011 nhân dịp lễ kỷ niệm 150 năm thống nhất nước Ý. Trận đấu khánh thành cho sân vận động của Juve là trận giao hữu với câu lạc bộ Notts County, đội bóng được lấy ý tưởng để thiết kế ra màu áo sọc trắng đen hiện tại của Juve. Trận đấu đầu tiên tại Serie A mùa giải 2011/12 trên sân nhà mới của Juventus là cuộc tiếp đón đối thủ Parma và kết quả là 4-1 nghiên về phía đội bóng thành Turin. Hiện nay sân nhà Juventus Arena của Juve đã được UEFA công nhận là sân vận động đạt tiêu chuẩn 5 sao của châu Âu.
Cổ động viên
Juventus là câu lạc bộ bóng đá được hâm mộ nhất nước Ý, với hơn 12 triệu người hâm mộ, chiếm khoảng 34% tổng số người hâm mộ bóng đá tại Ý theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 9 năm 2016 bởi Demos & Pi, cũng như là một trong những câu lạc bộ bóng đá được hâm mộ nhất trên thế giới, với hơn 300 triệu người hâm mộ (riêng 41 triệu người ở châu Âu), đặc biệt là tại các quốc gia Địa Trung Hải.
Nhu cầu về việc bán vé của Juventus trong trận đấu tổ chức trên sân nhà tại Turin là rất cao, điều đó cho thấy Juventus có sự ủng hộ rất lớn từ các nơi khác trên khắp nước Ý. Juve được phổ biến khắp vùng lục địa miền Nam nước Ý, Sicily và Malta, luôn có mặt trong top dẫn đầu nhóm những trận đấu đáng xem nhất tại Turin.
Kình địch và những trận Derby
Tại Serie A
Derby d'Italia
Derby d'Italia là tên được đặt cho các trận bóng đá giữa câu lạc bộ Internazionale của thành phố Milano và Juventus của thành phố Turin. Thuật ngữ này được sử dụng vào năm 1967 bởi nhà báo thể thao người Ý Gianni Brera. Các trận đấu giữa Juventus và Inter là trận đấu căng thẳng và quyết liệt nhất ở Ý giữa hai đội đến từ các thành phố khác nhau, hai đội xếp hạng nhất nhì trong những trận thắng và bàn thắng tại Serie A.
Khi hai đội bóng đến từ hai thành phố lớn nhất ở vùng Tây Bắc nước Ý, trận Derby d'Italia cũng để đại diện cho một sự cạnh tranh trong khu vực. Sự cố từ trận đấu này đôi khi có liên quan đến các cuộc tranh luận chính trị giữa Turin và Milan là khu vực thủ đô và khu vực tương ứng của họ là Piemonte và Lombardy chủ yếu được cai trị bởi đảng đối lập.
Trong mùa giải 1997-98, một trận đấu trên Sân vận động Alpi, đã có tranh cãi về quyết định của trọng tài Piero Ceccarini khi ông không đưa ra một hình phạt cho Mark Iuliano khi anh này đã phạm lỗi thô bạo với 1 cầu thủ bên phía Inter là Ronaldo. Juventus khi ấy đang dẫn 1-0 sau đó lại được hưởng quả penalty nhưng Alessandro Del Piero đã đá hỏng, tuy nhiên Juventus vẫn giành chiến thắng 1-0 và đoạt Scudetto mùa giải đó. Vụ việc gây tranh cãi nảy lửa trong quốc hội Ý vào tháng 4 năm 1998. Khi ấy Juventus bị coi là "những tên trộm" khi đã được hưởng lợi từ những quyết định của trọng tài.
Trong thời gian diễn ra trận Derby d'Italia vào ngày 05 tháng 12 năm 2009 tại Turin, đã có những lo ngại về các cổ động viên quá khích của Juventus đe dọa tiền đạo của Inter là Mario Balotelli (người gốc Ghana) và hành động phân biệt chủng tộc từ những người hâm mộ không thích những cầu thủ châu Phi. Chủ tịch Juventus khi ấy là Jean-Claude Blanc và Mirella Scirea, vợ của huyền thoại Juventus Gaetano Scirea đã viết thư gửi cho các nhóm cổ động viên cực đoạn công khai kêu gọi người hâm mộ không được phân biệt chủng tộc. Khi các cầu thủ Inter đã đến Turin, xe bus của đội đã bị ném trứng bởi một số người hâm mộ Juventus. Trận đấu ấy đã chứng kiến một chiếc thẻ đỏ và một số va chạm nóng trên sân, đặc biệt giữa thủ môn Juve, Gianluigi Buffon và tiền vệ của Inter, Thiago Motta.
Derby della Mole
Những cuộc đối đầu giữa Juventus và Torino được gọi là Derby della Mole, là một trong những trận derby hấp dẫn nhất thế giới. Đó là cuộc chiến của hai người anh em từng cùng chung nguồn gốc nhưng lại khác nhau về mọi thứ tại thành phố Torino, Ý. Nếu như Juventus là biểu tượng "truyền giáo" của một đế chế công nghiệp hùng mạnh thuộc quyền sở hữu gia đình Agnelli thì Torino lại là biểu tượng của giới công nhân vùng Piemont. Đó là lý do tại sao ở Torino, Juve chỉ được xem là đội bóng nổi tiếng thứ 2.
Torino đã từng là một đội bóng lớn, rất lớn so với Juventus. Đó là giai đoạn mà Grande Torino huyền thoại đã đặt dấu ấn của họ trong mọi trang sử của bóng đá Italia. Giai đoạn huyền thoại này đã bị chấm dứt trong đau thương cùng tham họa Superga. Kể từ đó Torino không còn là một đối thủ của Juve. Nhưng mỗi trận đấu Derby della Mole luôn rất nóng bỏng và cuồng nhiệt.
Trong thời kì hậu Chiến tranh Thế giới II, sự cạnh tranh giữa 2 câu lạc bộ ngày càng rộng lớn, 2 câu lạc bộ đối đầu nhau trong các trận Derby della Mole để đại diện cho sự phân chia giai cấp trong khu vực Piedmont. Người hâm mộ của Torino thường đại diện cho giai cấp vô sản, trong khi các cổ động viên của Juventus đại diện cho giai cấp tư sản.
Vào những năm bảy mươi chứng kiến sự hồi sinh của Torino, khi Juventus vẫn không có một chiến thắng nào trong các trận derby gần sáu năm từ năm 1973 đến năm 1979 và Torino đã thiết lập một kỷ lục của 4 chiến thắng liên tiếp cùng một chức vô địch duy nhất trong mùa giải 1975-1976. Tuy nhiên sau đó cùng với kinh tế khó khăn của Torino đặc biệt là vào cuối những năm chín mươi, Juventus lại trở nên hùng mạnh, và dễ dàng mang lại thất bại nặng nề khi đè bẹp đối thủ Torino đến 5-0 vào năm 1995. Lịch sử gần đây đã chứng kiến sự thống trị rõ rệt của Juventus, vì vậy mà chiến thắng 2-1 của Torino vào năm 2015 là trận thắng derby đầu tiên của họ trong hai mươi năm.
AC Milan
Ở Ý có câu nói "Milan sinh ra để thống trị châu Âu, Juve sinh ra để thống trị Serie A", cho nên trận đấu Juventus vs Milan cũng là trận đấu giữa 1 đội bóng giàu truyền thống ở Serie A và 1 đội bóng có bề dày lịch sử châu Âu nhất ở Ý. Đó cũng là cuộc đối đầu giữa 2 gia đình Agnelli và Berlusconi, đồng thời cũng chủ sở hữu của 2 đội trong thời gian dài.
Trong quá khứ, Juve đã đối đầu Milan 163 trận tính riêng ở Serie A, họ đã thắng 50 và hòa 53 trận. Lần gần nhất Juve để mất 3 điểm trước Milan là tại mùa giải 2020-21 trong trận lượt về tại sân vận động San Siro, trận đấu mà đoàn quân của Andrea Pirlo đã thảm bại với tỉ số 0-3. Ở cúp quốc gia Italia, lần gần nhất là trận chung kết Coppa Italia mùa 2017-18, Milan và Juve đã đối đầu nhau trên Sân vận động Olimpico, trận đấu kết thúc với chiến thắng bốn sao của Juve. Tại một đấu trường khác dành cho các câu lạc bộ của Ý là Siêu Cúp Quốc gia, lần gần nhất Milan gặp Juve là vào cuối năm 2016, trận tranh Siêu Cúp diễn ra trên đất Qatar, Giorgio Chiellini là người đánh đầu mở tỉ số cho Juve trước khi Bonaventura cân bằng tỉ số 1-1 cho Milan. Sau 120 phút hòa 1-1, Milan đã đánh bại Juve 4-3 trận chấm luân lưu nhờ công của thủ môn bên phía Milan là Gianluigi Donnarumma cản phá thành công lượt sút của Paulo Dybala bên phía Juve.
Còn ở Cup châu Âu, năm 2003 Milan và Juve đã gặp nhau ở trận chung kết, trải qua 120 phút với tỷ số hòa 0-0, 2 đội đã phải phân định thắng thua trên loạt sút luân lưu. Lần lượt 3 cầu thủ David Trezeguet, Paolo Montero và Marcelo Zalayeta bên phía Juve sút hỏng, tiền đạo Andriy Shevchenko đã tận dụng thành công lượt sút của mình đánh bại thủ môn Gianluigi Buffon phía đối diện để giúp AC Milan giành chiến thắng, qua đó đoạt được danh hiệu vô địch châu Âu lần thứ 6. Đó cũng là lần duy nhất mà Juve gặp Milan tại một trận chung kết Cúp châu Âu tính đến thời điểm này.
Fiorentina
Theo lẽ thường, hầu hết các câu lạc bộ kình địch trong bóng đá đều có sự gần gũi về mặt địa lý, như cùng chung một vùng hay thành phố. Tụy vậy, ở Ý cũng có một sự kình địch kèm theo những thái độ thù địch giữa Fiorentina và Juventus khi hai đội bóng này cách nhau tới 416 km. Thời điểm bắt đầu vào năm 1982, thời điểm cả La Viola và Bianconeri cùng cạnh tranh ngôi vô địch.
Trong mùa giải đó, hai đội đã bám đuổi nhau quyết liệt và cho đến trước vòng đấu cuối, họ cùng có 44 điểm. Chiều ngày 16/5, Fiorentina hành quân đến Cagliari. Thật không may, đây lại là nơi giấc mơ của họ bị bóp nghẹt một cách thô bạo. La Viola lẽ ra đã giành chiến thắng nếu bàn thắng hợp lệ của Francesco Graziani không bị trọng tài từ chối. Nhiều CĐV Fio đã trông đợi 1 trận play-off tranh chức vô địch, theo thể lệ của Serie A khi có 2 đội bằng điểm, nhưng viễn cảnh đó không xảy ra. Bởi cùng lúc ấy trên sân của Catanzaro, Juve thắng 1-0 nhờ quả phạt đền ở phút 75 của Liam Brady, điều trớ trêu là ngôi sao người Ireland đã biết trước đó là trận cuối cùng của anh ở Juve, trước khi phải nhường chỗ cho Michel Platini. Bianconeri giành chức vô địch và gắn ngôi sao thứ hai lên ngực áo (tượng trưng cho 20 Scudetto) trong sự nguyền rủa và khinh miệt của những người Florence. Bầu không khí quyết liệt luôn xuất hiện mỗi khi hai đội gặp nhau kể từ đó.
8 năm sau, Juve một lần nữa đưa mối thù lên cấp độ mới. Họ đã lấy đi Roberto Baggio, người hùng của Fio với mức phí chuyển nhượng kỷ lục khi ấy là 8 triệu euro chỉ 2 ngày sau thất bại của Fiorentina trước chính Juventus ở trận chung kết UEFA Cup. Mùa giải đầu tiên khi Roberto Baggio trong màu áo Juventus khi gặp lại câu lạc bộ cũ Fiorentina, Juve khi ấy được hưởng một quả phạt đền nhưng Baggio đã từ chối lên nhận đá phạt, khi anh rời sân, một chiếc khăn quàng màu tím của CĐV Fio đã ném xuống, anh nhẹ nhàng nhặt lấy và quàng lên cổ mình, đó được xem là một trong những khoảnh khắc đẹp nhất ở Serie A, đằng sau những sự quyết liệt và thù hằn.
Tại châu Âu
Real Madrid
Tại Cúp châu Âu, đối thủ truyền thống của Juventus là câu lạc bộ đến từ Tây Ban Nha, Real Madrid. Đây được xem là một trong những trận đấu đáng xem nhất ở châu Âu giữa một đội bóng giàu truyền thống nhất Italia và một đội giàu truyền thống của Tây Ban Nha. Hai đội đã gặp nhau tổng cộng 18 lần và thành tích cân bằng cho cả hai với 8 chiến thắng cho mỗi đội và 2 trận hòa. Lần đầu tiên hai đội gặp nhau là tại vòng tứ kết Champions League mùa giải 1961/1962. Khi ấy tại trận lượt đi, Real Madrid đã đánh bại Juventus với tỉ số 1-0, còn trận lượt về kết quả ngược lại, 1-0 cho Juventus. Lúc ấy chưa có khái niệm hiệp phụ, hai đội buộc phải đá lại 1 trận để phân định thắng thua, kết quả đội bóng đến từ Madrid giành chiến thắng với tỉ số 3-1 để vào vòng bán kết.
Cả hai đội còn gặp nhau nhiều lần sau đó. Tại mùa giải 2013/14, Juventus và Real Madrid nằm chung vòng bảng tại UEFA Champions League, tại trận lượt đi các cầu thủ Juve đã để thua trên sân của Real với tỉ số 1-2, và lượt về hai đội hòa 2-2. Chính thành tích đối đầu không tốt trước Real khiến Juventus mùa giải năm ấy bị loại khỏi Cúp châu Âu ngay từ vòng bảng. Một năm sau đó, hai đội cũng chạm trán nhau tại bán kết UEFA Champions League mùa giải 2014/15. Ở trận lượt đi, cựu cầu thủ của Real đang thi đấu cho Juventus là tiền đạo Álvaro Morata ghi bàn mở tỉ số, Real có 1 bàn gỡ hòa nhờ công của Cristiano Ronaldo trước khi Carlos Tévez ấn định chiến thắng 2-1 cho Juve, tạo ra lợi thế nhỏ trước trận lượt về. Trận lượt về trên Sân vận động Santiago Bernabéu ở hiệp 1 Real Madrid đã có bàn thằng nhờ pha đá phạt đền thành công của Ronaldo, tuy nhiên hiệp 2 Juventus có bàn thắng cân bằng tỉ số 1-1 của Morata, đó là pha làm bàn cuối cùng của trận đấu. Kết quả hòa 1-1 và chiến thắng với tổng tỉ số 3-2, Juventus biến Real Madrid trở thành cựu vương và tiến vào trận chung kết.
Mặc dù là kình địch tại các giải Cúp châu Âu, tuy nhiên giữa Juventus và Real Madrid luôn có mối quan hệ tốt trong các vụ chuyển nhượng mà điển hình là trường hợp của tiền đạo Álvaro Morata, tiền vệ Zinédine Zidane hay trung vệ Fabio Cannavaro, gần đây nhất là tiền đạo nổi tiếng Cristiano Ronaldo.
Cầu thủ
Đội hình hiện tại
Juventus Next Gen và Học viện
Những cầu thủ khác theo hợp đồng
Cho mượn
Thành tích
Quốc nội
23x23px Giải bóng đá vô địch quốc gia Ý: 36 – kỷ lục
1905, 1925–26, 1930–31, 1931–32, 1932–33, 1933–34, 1934–35, 1949–50, 1951–52, 1957–58
1959–60, 1960–61, 1966–67, 1971–72, 1972–73, 1974–75, 1976–77, 1977–78, 1980–81, 1981–82
1983–84, 1985–86, 1994–95, 1996–97, 1997–98, 2001–02, 2002–03, 2011–12, 2012–13, 2013–14
2014–15, 2015–16, 2016–17, 2017–18, 2018–19, 2019–20
Giải hạng nhì quốc gia Ý: 1
2006–07
Cúp quốc gia Ý: 14 – kỷ lục
1937–38, 1941–42, 1958–59, 1959–60, 1964–65, 1978–79, 1982–83, 1989–90, 1994–95, 2014–15
2015–16, 2016–17, 2017–18, 2020–21
Siêu cúp quốc gia Ý: 9 – kỷ lục
1995, 1997, 2002, 2003, 2012, 2013, 2015, 2018, 2020
Quốc tế
UEFA Champions League / Cúp C1: 2
1984–85, 1995–96
UEFA Cup Winners' Cup / Cúp C2: 1
1983–84
UEFA Cup /UEFA Europa League /Cúp C3: 3
1976–77, 1989–90, 1992–93
UEFA Super Cup / Siêu cúp châu Âu: 2
1984, 1996
Cúp Intertoto: 1
1999
Intercontinental Cup: 2
1985, 1996
Berlusconi trophy: 7
2000, 2001, 2003, 2004, 2010, 2012, 2021
Chuyển nhượng
Phong cách chuyển nhượng
Với phong cách vận hành theo đường lối tư bản, Juventus luôn quán triệt phương châm đặt hiệu quả kinh doanh lên hàng đầu. Điều đó có nghĩa là những mục tiêu họ hướng tới phần lớn là các cầu thủ được các chuyên gia chuyển nhượng của Juve đánh giá là có tài nhưng với điều kiện là cầu thủ đó chưa thu hút quá nhiều sự chú ý từ các CLB khác để giá chuyển nhượng của cầu thủ đó không bị "đội" giá lên quá cao. Một nguyên tắc "bất thành văn" khác của Juve là họ thường mua những cầu thủ mang quốc tịch Ý, hay những cầu thủ ở giải Serie A nói riêng cũng như các giải khác ngoài nước Ý nói chung đang ở vào độ chín trong sự nghiệp nhưng vẫn có thể cống hiến cho CLB một khoảng thời gian đủ dài ở phong độ cao. Juve chỉ mua những cầu thủ đã thành danh trong trường hợp họ cầm chắc là cầu thủ đó sẽ hoà nhập tức thì và chơi hiệu quả ngay khi về với CLB hoặc trong trường hợp Juve vừa trải qua nhiều mùa giải trắng tay và cần phải trở lại con đường chiến thắng tức thì như các thương vụ trong quá khứ với Gianluigi Buffon, Pavel Nedvěd, Lilian Thuram là minh chứng tiêu biểu.
Về chuyên môn, Juve ưa thích hai típ cầu thủ: nếu chỉ chơi chuyên biệt một vị trí thì anh ta phải xuất sắc ở vị trí đó như David Trezeguet chỉ chuyên săn bàn chẳng hạn, còn không thì anh ta phải đa năng như Gianluca Zambrotta hay Mauro Camoranesi. Như vậy, với Juve, việc chờ đợi họ bỏ ra một khoản tiền lớn để mua một ngôi sao cỡ bự là điều khó xảy ra. Thời nào cũng vậy. Điều này cũng một phần bắt nguồn từ triết lý bóng đá của Juve: luôn lấy lối chơi đồng đội làm nền tảng cho chiến thắng và thành công chứ không bao giờ tôn sùng chủ nghĩa cá nhân.
Tuy nhiên trong những năm gần đây, với sự hậu thuẫn tài chính từ gia đình Agnelli, cộng thêm việc liên tiếp giành Scudetto, Juventus càng có tham vọng tiến xa tại châu Âu. Câu lạc bộ đã có sự mạnh tay trên thị trường chuyển nhượng nhằm đem về cầu thủ tốt nhất để phục vụ cho lối chơi cũng như tham vọng vô địch châu Âu. Mùa hè năm 2015, Juventus đã chi ra đến hơn 125 triệu euro để mua sắm bổ sung lực lượng. Những tân binh được kể đến như Paulo Dybala từ Palermo với giá 32 triệu euro, tiền đạo Mario Mandžukić của Atlético Madrid với mức phí 19 triệu euro để thay thế Carlos Tévez đã ra đi, và hậu vệ trái Alex Sandro từ Bồ Đào Nha sau khi bỏ ra 26 triệu euro. Một năm sau đó, câu lạc bộ cũng đã ký hợp đồng với tiền vệ Miralem Pjanić, người được xem là linh hồn của AS Roma sau khi đã bỏ ra 32 triệu euro để thuyết phục đội bóng thủ đô bán người. Ngoài ra Juventus còn có trong tay một bản hợp đồng đắt giá nhất trong lịch sử câu lạc bộ cũng như tại Serie A, tiền đạo Gonzalo Higuaín với mức phí chuyển nhượng 90 triệu euro từ Napoli. Tổng chi phí cho kì chuyển nhượng mùa hè của Juventus có thể lên đến hơn 160 triệu euro. Như vậy sau 2 mùa giải liên tiếp 2015-16 và 2016-17, Juventus đã đầu tư gần 300 triệu euro cho việc mua bán cầu thủ, có thể thấy triết lý chuyển nhượng đã được Bà đầm già thay đổi nhằm cụ thể hóa việc chinh phục Cúp châu Âu.
Còn về việc bán cầu thủ, ngoại trừ những trường hợp đặc biệt thì Juve đều xem các cầu thủ như những món hàng thực sự. Nghĩa là có thể bán đi bất kỳ lúc nào miễn là được giá. Với những tifosi quen nhìn nhận vấn đề dưới góc độ tình cảm thì chính sách này của Juve làm cho họ cảm thấy tàn nhẫn và thiếu tình người. Juve là hiện thân của chủ nghĩa tư bản trong bóng đá nên lợi nhuận là vấn đề sống còn đối với hoạt động của đội bóng này. Trong bóng đá hiện đại thì một đội bóng không thể phát triển tốt về mặt thành tích thể thao nếu không có một nền tảng tài chính vững vàng vì hai vấn đề đó có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Nó ràng buộc nhau và ảnh hưởng tới sự tồn vong cũng như phát triển của một CLB.
Chính sách mà Juve đã, đang và sẽ đi, là một sự lựa chọn đúng đắn, thông minh. Với triết lý "bóng đá song hành cùng kinh doanh", Juve thường bán cầu thủ khi họ đang còn ở phong độ cao để thu lợi nhuận. Những trường hợp ra đi của Christian Vieri, Roberto Baggio, Zinédine Zidane, Filippo Inzaghi hay mới đây thương vụ kỷ lục Paul Pogba là kết quả của một vài ví dụ tiêu biểu minh chứng cho chính sách này. Thực ra, vấn đề không hoàn toàn giống như các tifosi thường hình dung.
Trước khi bán một cầu thủ, các chuyên gia chuyển nhượng của Juve đã tính rằng cầu thủ đó đã bước bước vào giai đoạn cuối của chu kỳ đỉnh cao trong sự nghiệp của anh ta rồi nên bán anh ta bây giờ là thích hợp nhất. Nếu không bán ngay mà để một thời gian sau nữa mới bán, chắc chắn giá thị trường của cầu thủ đó sẽ giảm xuống nhiều hơn nữa. Juve luôn biết được rằng dù sao thì họ cũng đã khai thác được một phần đáng kể tiềm năng của cầu thủ mà họ định bán qua khoảng thời gian anh ta cống hiến cho Juve nên bán anh ta đi để thu về một khoản tiền và lại dùng khoản tiền đó để tái đầu tư vào một cầu thủ mới trẻ hơn, có thời gian cống hiến lâu dài hơn. Đó cũng là chiến lược chuyển nhượng thông minh và hợp lý.
Những kỷ lục
10 cầu thủ có giá chuyển nhượng về cao nhất
10 cầu thủ có giá chuyển nhượng đi cao nhất
Thống kê
Danh sách 10 cầu thủ ra sân nhiều nhất
Danh sách 10 cầu thủ ghi bàn nhiều nhất
Huấn luyện viên
Trong lịch sử, Juventus đã trải qua 50 đời huấn luyện viên, 10 trong số họ đã từng là huấn luyện viên tạm quyền.
Cho đến nửa đầu của năm 1920, vai trò huấn luyện viên không tồn tại trong đội bóng, đó là một thiếu sót trong chi tiết hệ thống đào tạo để chuẩn bị của các giải đấu. Thực tế, các cầu thủ đều là những sinh viên và công nhân chỉ gặp nhau vài lần trong một tuần trong các dịp khác nhau bao gồm các trò chơi giải trí, đua xe và luôn luôn nằm dưới quản lý của đội trưởng đội bóng.
Huấn luyện viên đầu tiên của lịch sử Juventus là một người Hungary, Jenő Károly. Ông là người đã được chủ tịch vừa đắc cử Edoardo Agnelli vào năm 1923 giới thiệu nhằm đổi mới về quan điểm chiến thuật và chiến lược trong lối chơi của đội. Károly dẫn dắt đội cho đến khi ông qua đời vào năm 1926.
Huấn luyện viên có thời gian dẫn dắt đội bóng dài nhất là Giovanni Trapattoni, người đã dẫn đầu danh sách với mười ba mùa bóng, bao gồm mười mùa giải trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông từ mùa giải 1976-77 đến 1985-86 và sau đó là nhiệm kỳ thứ hai từ mùa 1991-92 đến 1993-94. Ngoài ra Trapattoni cũng là huấn luyện viên thành công nhất của Juventus khi giúp Bà Đầm Già giành được tổng cộng 14 danh hiệu. Huấn luyện viên giàu thành tích thứ hai là Marcello Lippi. Hiện tại, Juventus đang được dẫn dắt bởi HLV Massimiliano Allegri.
Chủ tịch
Trong hơn 110 năm lịch sử của câu lạc bộ, có tổng cộng 23 chủ tịch và hai ủy ban quản lý điều hành câu lạc bộ Juventus.
Vị chủ tịch đầu tiên trong lịch sử của Juventus là ông Eugenio Canfari, một trong những nhà đồng thành lập nên câu lạc bộ. Vị chủ tịch có thời gian tại vị dài nhất là Giampiero khi trèo lái câu lạc bộ Juventus trong 19 năm từ 1971 đến năm 1990, Boniperti cùng với người kế nhiệm sau đó của ông là Caissotti Vittorio Chiusano, người làm chủ tịch câu lạc bộ trong giai đoạn 1990-2003 đã giúp Juventus có được 2 danh hiệu lớn nhất trong lịch sử của câu lạc bộ.
Doanh nhân Umberto Agnelli trở thành chủ tịch của Juventus vào năm 1956 là người trẻ nhất nắm giữ chức vụ đó. Cũng đáng chú ý là hai vị chủ tịch khác của Juventus là ông Alfred Dick quốc tịch Thụy Sĩ và Jean-Claude Blanc quốc tịch Pháp là 2 chủ tịch duy nhất trong lịch sử câu lạc bộ không phải là người Ý đã đảm nhận chức vụ cao nhất này. Đặc biệt, Dick là chủ tịch đầu tiên mang về danh hiệu Scudetto cho Juventus vào năm 1905. Từ năm 2010, chủ tịch Juventus được đảm nhiệm bởi doanh nhân Andrea Agnelli, người thứ tư của nhà Agnelli sau Eduardo Agnelli, Gianni Agnelli và Umberto Agnelli.
Còn lại hầu hết các đời chủ tịch của Juventus đều là người Italia.
Những cầu thủ nổi tiếng |
Hành hoa, hay hành hương, hành lá, đôi khi được gọi là hành ta, có danh pháp khoa học là Allium fistulosum thuộc họ Hành (Alliaceae).
Trong tiếng Anh nó có tên là Welsh onion-bunching onion (hành bụi).
Hành hoa không bao giờ có củ to và chắc như hành tây (onion), hẹ tây (shallot) và có cán hoa (tức lá hành) rỗng và mềm. Ngoài công dụng là một loại rau và gia vị trong việc nấu ăn thì chúng còn được dùng như là cây cảnh khi trồng thành bụi, thành khóm. Hành hoa tiếng Nhật gọi là negi và là một thành phần quan trọng trong nghệ thuật ẩm thực truyền thống Nhật Bản.
Một vài hình ảnh |
Hẹ tây là từ chung được sử dụng để chỉ tới ba loại thực vật khác nhau trong chi Allium.
Loại thứ nhất là Allium oschaninii, là loài mọc hoang dã từ Trung Á tới Tây Nam Á, còn gọi là hành xám Pháp.
Loại thứ hai là một thứ của hành tây: Allium cepa var. aggregatum hay hành đỏ Pháp.
Loại thứ ba là loài Allium ascalonicum,: hành tím, hay hành ta.
Chi Allium (gồm các loại hành, tỏi) nay thường được xếp vào họ Amaryllidaceae nhưng trong quá khứ lại được xem là thuộc họ Alliaceae.
Khi thân hành chưa phát triển hoàn chỉnh thì hẹ tây cũng được gọi là hành lá.
Gieo trồng
Hẹ tây được nhân giống từ thân hành, thông thường được trồng vào khoảng tháng 9 hay tháng 10, nhưng cây mẹ không thể thu hoạch trước tháng 2 hay đầu tháng 3 năm sau. Khi trồng, phần đỉnh của củ cần phải nhô cao hơn mặt đất một chút, và cần bới bớt đất xung quanh củ khi rễ bắt đầu mọc. Chúng cũng không nên trồng ở các vùng mới bón phân hữu cơ. Khoảng tháng 7 hay tháng 8 năm sau thì chúng có thể thu hoạch mặc dù hiện nay có thể tìm thấy trong các siêu thị hẹ tây đã một năm tuổi.
Công dụng
Hẹ tây được trồng và sử dụng rộng rãi trong nấu ăn, để tạo hương vị thơm ngon khi làm các món ngâm dấm. Hương vị của nó thơm ngon hơn của hành tây. Hẹ tây thái nhỏ và được rán qua dầu ăn hay mỡ được sử dụng làm gia vị trong ẩm thực phương Đông. Hẹ tây đắt tiền hơn nhiều so với hành tây, đặc biệt là ở Mỹ do chúng gần như phải nhập khẩu toàn bộ từ Pháp. Giống như hành tây, khi thái nhỏ thì thân hành của hẹ tây giải phóng các hợp chất kích thích mắt và làm người ta chảy nước mắt. Xem thêm hành tây để biết thêm về thảo luận cho hiện tượng này. |
Sinh lý học con người là một khoa học nghiên cứu về các chức năng sinh học, lý học và hóa sinh học của người hay các cơ quan hoặc bộ phận của cơ thể người. Định hướng cơ bản của sinh lý học là ở mức các cơ quan hay các hệ thống trong cơ thể người. Phần lớn các khía cạnh của sinh lý học con người là tương đối gần gũi với các lĩnh vực tương ứng của sinh lý học động vật, vì thế các thực nghiệm trên động vật đã cung cấp nhiều nền tảng cho các kiến thức của ngành khoa học này. Sinh lý học con người là một trong những khoa học cơ bản để nghiên cứu y học, và vì thế nó được áp dụng trong thực tế như là chăm sóc y tế.
Nhiều thay đổi sinh lý học (chẳng hạn lượng glucose (đường) trong máu, nhiệt độ cơ thể, độ pH của máu v.v) cần phải duy trì ở một phạm vi thay đổi hẹp để đảm bảo có sức khỏe tốt. Một chủ đề quan trọng trong sinh lý học là sự điều bình (homeostasis), nó duy trì môi trường bên trong ổn định không phụ thuộc vào các thay đổi bên ngoài. Thực vậy, các chức năng cơ bản của nhiều bộ phận cơ thể là duy trì tình trạng điều bình. Ví dụ, hệ bài tiết giúp cho việc kiểm soát mức độ chứa nước trong cơ thể cũng như là độ pH của máu và hàng loạt các chất thải khác, hệ tuần hoàn đảm bảo cung cấp ổn định oxy và các chất dinh dưỡng tới các tế bào và loại bỏ các chất thải.
Theo truyền thống, các ngành học kinh điển của sinh lý học xem xét cơ thể như là một tập hợp của các hệ thống tương tác, mỗi một hệ thống có các tổ hợp của các chức năng và mục đích khác nhau.
Hệ thần kinh bao gồm hệ thần kinh trung ương (nó bao gồm não và tủy sống) và hệ thần kinh ngoại biên. Não là cơ quan của các quá trình ý thức, cảm xúc và cảm giác, và nó phục vụ như là đường truyền thông tin và kiểm soát các hệ thống và các chức năng khác. Việc nghiên cứu về hệ thần kinh được gọi chung là khoa học thần kinh; với định hướng vào nghiên cứu các loại bệnh tật, thì nó được gọi là thần kinh học. Một nhánh của y học dự báo, chữa trị và nghiên cứu các bệnh thuộc về thần kinh cũng như các trạng thái hành vi, được gọi là tâm thần học.
Các giác quan đặc biệt bao gồm thị giác, thính giác, vị giác và khứu giác. Mắt, tai, lưỡi và mũi thu thập các thông tin về môi trường xung quanh cơ thể. Việc nghiên cứu về thị giác và mắt được gọi là mắt học, trong khi việc nghiên cứu về thính giác, vị giác và khứu giác được gọi là tai mũi họng học.
Hệ vận động bao gồm bộ xương người (nó bao gồm cácxương, dây chằng, gân và sụn) và các cơ bám vào. Nó giữ cho cơ thể có cấu trúc cơ bản và khả năng chuyển động. Bổ sung thêm cho vai trò giữ cấu trúc của chúng thì các xương lớn trong cơ thể chứa tủy xương, là một hệ thống sản xuất các tế bào máu. Ngoaoài ra, tất cả các xương là kho chứa chính của calci và các muối phosphat. Việc nghiên cứu về xương được gọi là xương học; với định hướng về các rối loạn của xương gọi là chỉnh hình học.
Hệ tuần hoàn bao gồm tim và các mạch máu (động mạch, tĩnh mạch, mao mạch) để chuyên chở máu. Tim là cơ quan tạo áp suất để luân chuyển máu, phục vụ việc chuyên chở oxy, các chất dinh dưỡng tạo năng lượng tới các tế bào, các tế bào miễn dịch, các chất thải và các phân tử thông tin (ví dụ hoóc môn) từ phần này tới phần khác của cơ thể. Việc nghiên cứu về hệ tuần hoàn được gọi là sinh lý học tim mạch; với định hướng về các bệnh tim mạch thì gọi là bệnh tim học.
Máu là một chất lỏng chứa các tế bào trong tuần hoàn, bao gồm một số chuyển động từ các mô tới mạch máu và ngược lại, cũng như tỳ và tủy xương. Các tế bào bao gồm hồng cầu chuyên chở oxy, bạch cầu làm trung gian trong các phản ứng của cơ thể đối với các bệnh nhiễm trùng và các vật thể lạ, tiểu huyết cầu với các protein huyết tương bổ sung có tác dụng làm kín miệng và làm lành vết thương. Nghiên cứu về máu gọi là huyết học.
Hệ tiêu hóa bao gồm miệng, thực quản, dạ dày, ruột (ruột non và ruột già), trực tràng, cũng như là gan, lá lách, mật và tuyến nước bọt. Chúng chuyển hóa thức ăn thành các phân tử nhỏ, có giá trị dinh dưỡng và không độc hại và được phân phối nhờ hệ tuần hoàn tới các mô trong cơ thể, cũng như thải các chất không tiêu hóa được ra khỏi cơ thể. Nghiên cứu về hệ tiêu hóa được gọi là tiêu hóa học.
Hệ hô hấp bao gồm mũi, họng, khí quản và phổi. Chúng mang oxy từ không khí vào cơ thể, thải cacbon dioxide (CO2) và nước ra ngoài không khí. Nghiên cứu về hệ thống này gọi là sinh lý học hô hấp. Khoa học nghiên cứu về bệnh lý của hệ thống này gọi là phổi học.
Hệ bài tiết bao gồm thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Chúng lấy nước từ máu để sản xuất nước tiểu, là hỗn hợp của các phân tử bị thải ra cũng như các ion dư thừa và nước ra ngoài cơ thể. Nghiên cứu về chức năng của hệ bài tiết được gọi là thận học hay sinh lý học thận; với định hướng về các bệnh cấu trúc thì gọi là tiết niệu học.
Hệ miễn dịch bao gồm bạch cầu, thymus, bướu bạch huyết và bạch huyết, chúng là một phần của hệ bạch huyết. Hệ miễn dịch cung cấp cơ chế cho cơ thể để phân biệt các tế bào và mô của chúng với các tế bào và các vi sinh vật lạ để trung hòa hay tiêu diệt những tế bào (vi sinh vật) lạ đó bằng các protein chuyên biệt chẳng hạn như bằng các kháng thể, phân bào và các thụ quan tương tự toll v.v. Nghiên cứu về hệ miễn dịch gọi là miễn dịch học.
Hệ nội tiết bao gồm các tuyến nội tiết cơ bản: the tuyến yên, tuyến giáp, tuyến thượng thận, tuyến tụy, tuyến cận giáp và tuyến sinh dục, nhưng gần như tất cả các cơ quan và mô đều sản xuất nội tiết đặc trưng riêng (hoóc môn). Các hoóc môn nội tiết phục vụ như là các tín hiệu từ một bộ phận của cơ thể tới bộ phận khác liên quan đến một mảng lớn các trạng thái và tạo ra một loạt các thay đổi trong chức năng. Nghiên cứu về hệ thống này gọi là nội tiết học.
Hệ sinh dục bao gồm các tuyến sinh dục và các cơ quan sinh dục trong và ngoài. Cơ quan sinh dục sản xuất ra các giao tử trong mỗi giới, co chế để chúng tổ hợp với nhau và môi trường nuôi dưỡng trong chín tháng đầu tiên của sự phát triển của thai nhi. Nghiên cứu về chức năng vật lý của hệ thống này được gọi là sinh lý học sinh sản; khi nghiên cứu về các rối loạn trong cơ quan sinh sản gọi là phụ khoa hay andrology?? (bệnh đường sinh dục của nam giới). Nghiên cứu về khía cạnh hành vi tình dục thì gọi là tình dục học và khi nghiên cứu về sự phát triển của thai nhi thì gọi là phôi thai học.
Da là các lớp che phủ trên cơ thể, bao gồm tóc, lông và móng cũng như các cấu trúc quan trọng về chức năng khác, chẳng hạn các tuyến mồ hôi và tuyến bã nhờn. Da cung cấp chỗ chứa, cấu trúc và sự bảo vệ cho các cơ quan khác, và cũng là cơ quan cảm nhận chính trong giao tiếp với thế giới bên ngoài. Nghiên cứu về da gọi là da liễu học.Ở dưới là mô hình da liễu học.
Các mô mỡ chứa một số dạng của chất béo trong cơ thể, nằm dưới da và bao vây xung quanh các nội quan. Nó là nguồn dự trữ năng lượng cũng như là lớp cách ly chủ yếu, và nó cung cấp thông tin về tình trạng dinh dưỡng cho các hệ thống khác. Nghiên cứu về các chức năng của hệ thống này là rất mới và vì thế vẫn chưa có tên gọi được sử dụng một cách rộng rãi cho ngành học này.
Sự phân chia truyền thống theo các hệ cơ quan mang nhiều tính tùy hứng. Rất nhiều bộ phận trong cơ thể người tham gia vào nhiều hệ thống cơ quan khác nhau và các hệ thống có thể được tổ chức theo chức năng, theo nguồn gốc phôi thai hay theo các tiêu chí khác. Ngoài ra, nhiều khía cạnh của sinh lý học không thể dễ dàng đưa vào theo phân loại của sinh lý học truyền thống.
Nghiên cứu về sự thay đổi của sinh lý theo bệnh tật gọi là (bệnh lý học). |
Dặm trên giờ là cách đọc tương đương của người Việt đối với câu tiếng Anh miles per hour, có ý nghĩa như là một đại lượng đo vận tốc. Nó biểu diễn số lượng dặm quốc tế đi được trong một giờ. Cách viết tắt phổ biến ngày nay là mph, hay
mi/h, sử dụng quy ước của SI để biểu diễn các đơn vị dẫn xuất, đôi khi cũng được sử dụng, đặc biệt là ở Mỹ. Đơn vị chuẩn của SI để đo vận tốc là m/s, hay km/h thông thường cũng được sử dụng để thay thế cho mph.
1 mph tương đương với:
0,44704 m/s, đơn vị SI dẫn xuất
1,609344 km/h
22/15 =1,4667 ft/s
khoảng 0,868976 hải lý trên giờ
Dặm trên giờ là một đơn vị sử dụng cho vận tốc giới hạn trên đường ở Mỹ và Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland.
Các ví dụ về vận tốc trong mph |
Côn trùng hay còn gọi là sâu bọ, là một lớp sinh vật thuộc về ngành động vật không xương sống, chúng có bộ xương ngoài làm bằng kitin.
Cơ thể chúng có ba phần (đầu, ngực và bụng), ba cặp chân, mắt kép và một cặp râu. Côn trùng là nhóm động vật đa dạng nhất hành tinh, gồm hơn một triệu loài đã được mô tả và gồm hơn một nửa số sinh vật sống.
Số loài còn sinh tồn được cho là từ 6 – 10 triệu loài, và đại diện cho 90% dạng sống của các loài động vật khác nhau trên Trái Đất. Côn trùng có thể sống được ở hầu hết các môi trường sống, mặc dù chỉ có số ít các loài sống ở biển và đại dương, nơi mà động vật giáp xác chiếm ưu thế hơn. "Côn trùng" là từ Hán Việt, với "côn" (昆) có nghĩa là nhiều nhung nhúc, và "trùng" (虫) là loài sâu bọ, ý ám chỉ đến sự mắn đẻ sinh sôi của lớp sinh vật này.
Hình thái và phát triển
Kích thước côn trùng dao động khoảng từ trên dưới 1 mm tới khoảng 180 mm về chiều dài. Côn trùng có cơ thể phân đốt và được bảo vệ bởi một bộ xương ngoài, một lớp cứng được cấu tạo chủ yếu bởi kitin. Cơ thể được chia thành đầu, ngực và bụng. Trên đầu có một cặp râu là cơ quan cảm giác, một cặp mắt kép và 3 mắt đơn (ở giai đoạn sâu non có thể là 6 mắt đơn) và một miệng. Ngực có 6 chân (mỗi đốt một cặp chân) và 2 – 4 cánh (ở các loài có cánh). Bụng có cơ quan bài tiết và cơ quan sinh sản
Côn trùng có một hệ tiêu hoá hoàn chỉnh, gồm một ống liên tục từ miệng tới hậu môn, khác với nhiều loài động vật chân khớp đơn giản khác có hệ tiêu hoá chưa hoàn chỉnh. Cơ quan bài tiết gồm các ống Malpighi, với chức năng thải các chất thải chứa nitơ, ruột sau làm nhiệm vụ điều hoà áp suất thẩm thấu, đoạn cuối ruột sau có khả năng tái hấp thu nước cùng với muối natri và kali. Vì vậy, côn trùng thường không bài tiết nước ra cùng với phân, thực tế thì chúng cho phép dự trữ nước trong cơ thể. Quá trình tái hấp thu này giúp chúng có thể chịu đựng được với điều kiện môi trường khô và nóng.
Hầu hết côn trùng có hai cặp cánh liên kết với đốt ngực 2 và 3. Côn trùng là động vật không xương sống duy nhất đã tiến hoá theo hướng bay lượn và chính điều này đóng một vai trò quan trọng trong sự thành công của chúng. Các côn trùng có cánh, và những côn trùng không cánh thứ sinh đã tạo nên nhóm có cánh (Pterygota). Cơ chế bay của côn trùng cho đến nay vẫn chưa được tìm hiểu một cách đầy đủ, người ta cho rằng nó phụ thuộc rất lớn vào khối không khí nhiễu loạn do cánh tạo ra.
Ở những côn trùng nguyên thủy lại dựa chủ yếu vào tác động của hệ cơ lên cánh và cấu trúc của cánh. Ở những bộ tiến hoá hơn như Neoptera, cánh thường gập lại trên lưng khi chúng nghỉ ngơi. Ở những côn trùng này, cánh được hoạt động bởi các cơ bay gián tiếp mà giúp cánh vận động bằng cách ép mạnh lên thành ngực. Những cơ này có thể co lại khi bị căng ra mà không cần sự điều khiển của hệ thần kinh, điều này cho phép chúng tạo ra tần số co giãn cơ tương đối cao.
Côn trùng sử dụng cơ quan hô hấp khí quản để vận chuyển oxy vào trong cơ thể. Các ống khí này mở ra ở bề mặt cơ thể và được gọi là lỗ thở (mỗi đốt có 1 đôi lỗ thở ở 2 bên), từ đây không khí được dẫn vào hệ thống khí quản. Không khí đi vào các mô thông qua các nhánh khí quản. Vòng tuần hoàn của côn trùng, cũng như tất cả các chân khớp khác là một hệ hở. Tim bơm dịch huyết vào động mạch qua xoang tim.
Côn trùng nở từ trứng, trải qua nhiều lần lột xác trước khi đạt tới kích thước trưởng thành của loài. Cách sinh trưởng này là bắt buộc vì chúng có bộ xương cứng bên ngoài, được cấu tạo chủ yếu bởi kitin (chitin). Lột xác là quá trình mà con vật thoát khỏi lớp xương ngoài cũ để tăng lên về kích thước, sau đó hình thành nên bộ xương ngoài mới, vì lớp xương ngoài bằng kitin hoặc đá vôi của các loài chân khớp không thể tăng lên về kích cỡ, trong khi cơ thể của chúng luôn luôn lớn lên cho tới lúc trưởng thành.
Ở hầu hết các loài côn trùng, giai đoạn trẻ được gọi là thiếu trùng (nymph). Thiếu trùng có thể có cấu tạo tương tự như Thành trùng như ở châu chấu (mặc dù cánh vẫn chưa chỉ phát triển đầy đủ cho đến giai đoạn trưởng thành). Đây là những côn trùng biến thái không hoàn toàn. Ở những côn trùng biến thái hoàn toàn (hầu hết côn trùng), trứng nở thành dạng ấu trùng, có dạng giống như giun đất, gọi là giai đoạn sâu non. Ấu trùng phát triển và cuối cùng biến thái thành nhộng (pupa - một giai đoạn được bao bọc trong kén) ở một số loài. Ở trạng thái kén, chúng trải qua những thay đổi đáng kể về hình dạng và cuối cùng chui ra khỏi kén như một con trưởng thành hay còn gọi là hoá vũ. Bướm là một ví dụ tiêu biểu cho bọn côn trùng có biến thái hoàn toàn.
Tập tính
Nhiều loài côn trùng có các cơ quan cảm giác rất tinh tế. Trong một số trường hợp, các giác quan của chúng nhạy cảm hơn con người rất nhiều. Ví dụ, ong có thể nhìn được trong phổ bức xạ cực tím để tìm kiếm nơi hút mật là những bông hoa có bức xạ này để "dẫn đường" cho ong. Bướm đực có cái "mũi chuyên hóa" là đôi ăng-ten (ở bướm ngày ăng ten có chóp tròn ở đầu mút và ở ngài (bướm đêm) lại có dạng lông vũ hoặc không có đầu mút tròn) có thể ngửi thấy pheromon của bướm cái từ khoảng cách vài km.
Các côn trùng có tập tính xã hội như kiến hay ong, chúng sống cùng nhau trong một tập đoàn lớn và được tổ chức rất tốt. Các cá thể trong tập đoàn tương đối giống nhau về bộ gen (do trinh sản) nên người ta có thể coi cả tập đoàn như một "siêu cơ thể". Đứng đầu một thị tộc côn trùng như vậy là con chúa-con cái duy nhất có khả năng sinh sản, và chỉ đảm nhiệm chức vụ này trong bầy và là mẹ của mọi con côn trùng khác trong thị tộc, bao gồm những con thợ là những con cái không có khả năng sinh sản, thực hiện mọi nhiệm vụ của tổ, từ kiếm thức ăn, vệ sinh tổ và vệ sinh con chúa, chăm sóc ấu trùng.
Con chúa điều khiển lũ con của mình bằng pheromone, và cứ vào mỗi mùa sinh sản mới, chúng lại cho ra đời một lứa con cháu là hậu duệ của mình, khi trưởng thành những con này sẽ bay đi để tạo nên một thị tộc riêng, những đàn kiến cánh bay vào nhà bạn chính là hình ảnh minh họa rõ nét của chúng. Còn những con thợ thì được sinh ra hằng ngày với tốc độ chóng mặt. Còn những con đực chỉ đóng vai trò sinh sản. Một tập tính quan trọng của côn trùng là một vài loài và ở một số giai đoạn biến thái chúng có thời kỳ ngủ đông (hibernate) và thời kỳ đình dục (diapause).
Giác quan của côn trùng
Một trong những lý do giúp côn trùng không ngừng tồn tại, tiến hóa và phát triển trong suốt hàng trăm triệu năm qua, thích ứng với mọi môi trường sống trên cạn chính là một hệ thống giác quan cực kì nhanh nhạy và chính xác mà tạo hóa trang bị cho chúng, được sử dụng trong mọi hoạt động di chuyển, tìm kiếm thức ăn, trốn tránh kẻ thù và sinh sản.
Thị giác của côn trùng thuộc hàng tốt nhất trong thế giới động vật. Và chúng lại có tới hai loại mắt: mắt kép và mắt đơn.
Mỗi mắt kép của côn trùng được tạo nên bởi hàng trăm, hàng nghìn thấu kính nhỏ (là một tế bào thị giác) có kích thước hiển vi, mỗi thấu kính lại tiếp nhận một hình ảnh giống hệt nhau, điều đó có nghĩa là nếu bạn đứng trước một con ruồi, thì trong mắt nó, hình ảnh của khuôn mặt bạn sẽ được nhân lên hàng nghìn lần để hiển thị trên cũng ngần ấy thấu kính tí hon. Trong khi đó, mỗi mắt đơn chỉ được cấu tạo bởi một thấu kính như vậy, và chỉ có tác dụng cảm nhận sáng tối và nhận biết màu sắc mà thôi
Một số côn trùng có cả mắt đơn và mắt kép, trong khi những côn trùng khác chỉ có mắt đơn. Đặc biệt, mắt của côn trùng không chỉ nằm trên đầu. Các nhà khoa học đã thử bịt kín đầu của một con côn trùng, nhưng nó vẫn cảm nhận được vùng có ánh sáng nhờ những tế bào thị giác nằm rải rác trên cơ thể.
Không phải côn trùng nào cũng có thị giác tốt như nhau: Những côn trùng có lối sống săn mồi và ham thích bay lượn vào ban ngày như chuồn chuồn, ruồi, bọ ngựa, ong, bướm và bọ cánh cứng thường có thị giác rất tốt, bằng chứng là đôi mắt của chúng gần như bao trùm một nửa hay toàn bộ cái đầu. Những côn trùng khác ưa tối và hoạt động vào ban đêm (như gián), có cuộc sống chật chội dưới những hào sâu trong lòng đất (như kiến và mối thì có thị giác kém hơn rất nhiều. Bù lại, con gián có đôi ăngten dài có vai trò xúc giác (chạm vào các vật thể xung quanh như chiếc gậy dò đường của người mù), vai trò khứu giác giúp chúng tìm ra chiếc bánh ngọt của bạn và có những lông xúc giác cực nhạy nhô ra từ đằng sau bụng có thể cảm nhận mọi rung động nhỏ nhất của không khí và mặt đất xung quanh giúp chúng biến mất ngay khi con người xuất hiện trong bếp. Mối là hậu duệ tiến hóa của gián, phần lớn chúng đều mù, và một số loài kiến, kẻ thù truyền kiếp của chúng cũng vậy. Nhưng chúng có hệ thống khứu giác hết sức ưu việt và một tập thế sinh sản được tổ chức một cách thông minh, giúp cả tập đoàn kiến thống nhất như một cơ thể trong mọi hoạt động sống thường ngày.
Ngụy trang và tự vệ
Bốn trăm triệu năm tồn tại trên Trái Đất cũng là bốn trăm triệu năm côn trùng liên tục đấu tranh sinh tồn để đạt được ngôi vị thống lĩnh về số lượng trong giới động vật như ngày nay. Khi mà tác động của môi trường ngày càng thu nhỏ kích thước của côn trùng trong quá trình tiến hoá thì mỗi động vật yếu ớt và bé nhỏ ấy phải tự trang bị cho mình một thứ vũ khí bí mật để tồn tại trước các loài săn mồi, tạo nên một thế giới sinh vật vô cùng phong phú về các phương pháp lẩn trốn và ngụy trang, đôi loài có thể thay đổi màu sắc theo môi trường xung quanh.
Ngụy trang: Bằng màu sắc và hình dáng của cơ thể, chúng thường ngụy trang thành các vật thể của môi trường sống. Ví dụ: Cành cây, lá khô,...
Giả trang: Côn trùng thường giả trang thành các con có độc để đe dọa đối phương.
Vai trò của côn trùng
Chỉ có 0,1% các loài côn trùng là đi ngược lại lợi ích của con người. Nhiều côn trùng được coi là những con vật có hại với loài người vì chúng truyền bệnh (ruồi, muỗi), phá hủy các công trình (mối), hay làm hỏng các sản phẩm lương thực (mọt). Các nhà côn trùng học đã đưa ra nhiều biện pháp để kiểm soát chúng mà phổ biến nhất là thuốc trừ sâu. Tuy nhiên, ngày nay các phương pháp kiểm soát bằng sinh học (methods of biocontrol) đang ngày càng được dùng phổ biến hơn.
Mặc dù các côn trùng có hại thường nhận được nhiều sự quan tâm hơn, bên cạnh đó vẫn có nhiều loài có lợi cho môi trường và con người. Một số loài thụ phấn cho các loài thực vật có hoa (ví dụ ong, bướm, kiến...). Sự giao phấn (pollination) là sự trao đổi (hạt phấn) giữa các thực vật có hoa để sinh sản. Các loài côn trùng khi lấy mật và phấn hoa đã vô tình tiến hành giao phấn. Ngày nay, một loạt các vấn đề về môi trường đã làm giảm các quần thể "nhà giao phấn" (pollinator) này. Số lượng các loài côn trùng được nuôi với mục đích làm vật trung gian quản lý việc thụ phấn cho thực vật đang trong thời ký phát triển thịnh vượng.
Một số côn trùng cũng sinh ra những chất rất hữu ích như mật, sáp, tơ. Ong mật đã được con người nuôi từ hàng ngàn năm nay để lây mật. Tơ tằm đã có ảnh hưởng rất lớn tới lịch sử loài người, các mối quan hệ thương mại được thiết lập trên con đường vận chuyển tơ lụa giữa Trung Quốc và phần còn lại của thế giới. Ấu trùng được sử dụng để chữa trị vết thương, ngăn chặn sự hoại tử do chúng ăn các phần chết thối. Phương pháp điều trị hiện đại này đã được sử dụng ở một vài bệnh viện trên thế giới.
Nhiều nơi trên thế giới, côn trùng được sử dụng làm thức ăn cho con người (entomophagy) trong khi nó lại là đồ kiêng kị với vùng khác. Thực ra đây cũng là một nguồn protein trong dinh dưỡng của loài người. Người ta không thể ước tính được có bao nhiêu loài côn trùng đã nằm trong thực đơn của con người nhưng nó đã có mặt trong rất nhiều thức ăn, đặc biệt trong ngũ cốc. Hầu hết chúng ta không nhận ra rằng các luật bảo vệ thực phẩm ở nhiều nước không ngăn cản việc có mặt của côn trùng trong thức ăn. Nhiều côn trùng, đặc biệt là các loài cánh cứng là những bọn ăn xác thối, chúng ăn các xác động vật chết, các cây bị gãy mục, trả lại môi trường các dạng hữu ích cho các sinh vật khác sử dụng.
Người Ai Cập cổ đại đã sùng bái coi những con bọ cánh cứng như bọ hung là thần linh, bên cạnh nhiều động vật linh thiêng khác của họ như cá sấu, hà mã, cá trê, chim ưng... Điều này bắt nguồn từ một sự quan sát gắn với truyền thuyết: những con bọ hung Ai Cập sử dụng phân động vật làm thức ăn cho những con non của nó. Mà với một số lượng bọ hung đông đúc hoàn toàn sống dựa vào những bãi phân thì đối với chúng, thứ thức ăn bốc mùi này quả thật quý như vàng, và vì thế mà tranh chấp xảy ra. Chúng phải tìm cách lăn cục phân đi càng nhanh càng tốt khỏi đống phân và tìm một nơi chôn "kho báu" để giữ cho nó không bị cướp lại bởi những bà mẹ côn trùng khác.
Chúng sử dụng hai chân sau để lăn phân-điều này đồng nghĩa với việc phải lộn ngược thân mình trong tư thế trồng cây chuối, mà như vậy thì không tiện cho việc quan sát đường đi cho lắm. Bởi vậy, những con bọ hung sử dụng hướng di chuyển của Mặt Trời, tức là từ Đông sang Tây làm la bàn định vị, những ông chủ kim tự tháp nhìn thấy các viên phân tròn dịch chuyển theo hướng di chuyển của Mặt Trời, rồi lại biến mất xuống lòng đất (bọ hung chôn phân trước khi đẻ trứng lên đó) đã ví những hình tượng không lấy gì làm vệ sinh lắm ấy với thần Mặt Trời, thần linh tối cao của họ. Và để trả ơn cho công lao dọn vệ sinh của con bọ hung, người Ai Cập đã trao cho chúng cái chức danh "người dẫn đường cho thần Mặt Trời".
Hầu hết chúng ta đều không ý thức được rằng, lợi ích lớn nhất của côn trùng chính là loài ăn côn trùng (insectivores). Nhiều loài côn trùng như châu chấu có thể sinh sản nhanh đến nỗi mà chúng có thể bao phủ Trái Đất chỉ trong một mùa sinh sản. Tuy nhiên có hàng trăm loài côn trùng khác ăn trứng của châu chấu, một số khác thì ăn cả những con trưởng thành. Vai trò này trong sinh thái thường được cho là của các loài chim, nhưng chính côn trùng, mặc dù không thực sự quyến rũ như những loài lông vũ kia mới chính là những con vật có vai trò quan trọng hơn. Với bất kỳ loài côn trùng có hại nào, như con người thường gọi, thì cũng có một loài ong bắp cày là vật ký sinh hay là thiên địch của chúng và giữ một vai trò quan trọng trong việc kiểm soát các loài có hại đó. Sự quan tâm của với việc kiểm soát dịch hại bằng thuốc trừ sâu có thể có tác dụng phản lại, thực tế thì chúng ta đã không nhận ra rằng chính côn trùng đã tự kiểm soát lẫn nhau và cả các quần thể có hại. Vì vậy, kiểm soát bằng thuốc độc thậm chí có thể dẫn đến sự bùng phát một loạt dịch hại nào đó.
Phân loại
Phân lớp: Apterygota (Không cánh)
Bộ Archaeognatha (Hàm nguyên thủy)
Bộ Thysanura (Đuôi tơ, Ba đuôi, Anh vĩ)
Bộ Monura - (Độc vĩ, Một đuôi) tuyệt chủng
Phân lớp: Pterygota (Có cánh)
Bộ Ephemeroptera (Phù du)
Bộ Odonata (Chuồn chuồn)
Bộ Diaphanopteroidea - tuyệt chủng
Bộ Palaeodictyoptera - tuyệt chủng
Bộ Megasecoptera - tuyệt chủng
Bộ Archodonata - tuyệt chủng
Siêu bộ: Neoptera (Cánh mới)
Bộ Blattodea (Gián)
Isoptera (Bộ Đẳng cánh-Cánh Đều: Mối. Hiện có người xếp mối vào bộ gián-Blattodea)
Mantodea (Bọ ngựa)
Bộ Dermaptera (Cánh da)
Bộ Plecoptera (Cánh úp)
Bộ Orthoptera (Cánh thẳng: Châu chấu, cào cào, muỗm, dế)
Bộ Phasmatodea (Bọ que)
Bộ Embioptera (Cánh lợp, bọ chân dệt)
Bộ Zoraptera (Rận đất)
Bộ Grylloblattodea
Bộ Mantophasmatodea (gladiators)
Siêu bộ: Exopterygota (Cánh ngoài)
Bộ Psocoptera (Rệp sáp, Mọt)
Bộ Thysanoptera (Cánh viền, Bọ trĩ)
Bộ Phthiraptera (Rận, chấy)
Bộ Hemiptera (Cánh nửa)
Siêu bộ: Endopterygota (Cánh trong)
Raphidioptera (snakeflies)
Megaloptera (Cánh rộng)
Neuroptera (Cánh gân: Tảo linh)
Coleoptera (Cánh cứng: Bọ rùa, Bọ hung)
Strepsiptera (Cánh vuốt)
Mecoptera (Cánh dài)
Siphonaptera (Cánh ống: Bọ chét)
Diptera (Cánh đôi-Hai cánh: Ruồi, Muỗi)
Trichoptera (Cánh lông)
Lepidoptera (Cánh vẩy, cánh phấn: bướm, ngài, nhậy)
Hymenoptera (Cánh màng: Ong, kiến)
Miomoptera - tuyệt chủng
Protodiptera (Hai cánh nguyên thủy) tuyệt chủng
Hóa thạch và tiến hóa
Các mối quan hệ của các nhóm côn trùng vẫn chưa rõ ràng. Mặc dù người ta vẫn cho rằng côn trùng cùng nhóm với nhiều chân (millipedes & centipedes). Các bằng chứng đã cho thấy côn trùng có mối quan hệ với giáp xác. Hóa thạch côn trùng được tìm thấy trong suốt kỷ Cacbon, khoảng 350 triệu năm trước. Các dạng đó bao gồm một vài bộ hiện nay đã tuyệt chủng và có nhiều loài lớn hơn các loài côn trùng đang sống hiện nay. Có rất ít những dữ liệu sơ khai về các côn trùng bay vì các côn trùng có cánh sớm nhất đã có khả năng bay. Ngày nay người ta cho rằng cánh là do các mang biến đổi cao độ mà thành và một vài côn trùng có một cặp cánh nhỏ gắn vào đốt ngực thứ nhất và như vậy nó sẽ có tổng số 3 cặp cánh.
Kỷ Permi, cách đây 270 triệu năm, đã chứng kiến sự phát triển thịnh vượng của các nhóm côn trùng; nhiều nhóm đã tuyệt chủng cùng trong sự kiện tuyệt chủng kỷ Permi - Trias, sự tuyệt chủng lớn nhất trong lịch sử Trái Đất. Các loài cánh màng thích nghi thành công nhất ở kỷ Creta nhưng phát triển đa dạng ở đại Tân Sinh.
Nhiều loài côn trùng ngày nay đã phát triển từ đại Tân sinh. Trong thời kỳ này chúng ta tìm thấy các côn trùng được bảo vệ trong hổ phách, một điều kiện hoàn hảo và dễ dàng trong việc so sánh với các loài hiện nay. Khoa học nghiên cứu hoá thạch côn trùng được gọi là paleoentomology.
Quan hệ với con người
Nhiều loài côn trùng được coi là loài gây hại của con người. Côn trùng được coi là loài gây hại bao gồm những loài ký sinh (muỗi, chí, rệp), truyền bệnh (muỗi, ruồi), gây thiệt hại (mối) hoặc phá hoại hàng hoá nông nghiệp (cào cào, mọt ngũ cốc). Nhiều nhà côn trùng học đã tiến hành nhiều hình thức kiểm soát dịch hại như nghiên cứu cho các công ty để sản xuất thuốc trừ sâu, nhưng ngày càng kiểm soát dịch hại dựa vào phương pháp sinh học như dùng thiên địch. Phương pháp sinh học sử dụng một trong những sinh vật để giảm mật độ dân số sinh vật khác (các loài vật gây hại) và được xem là một yếu tố quan trọng của quản lý dịch hại tổng hợp. Mặc dù nhiều nỗ lực to lớn để kiểm soát côn trùng, những cách thức mà con người áp dụng có thể gây chết các thiên địch. Việc sử dụng bừa bãi các chất độc có thể giết nhiều loài trong hệ sinh thái, gồm cả những loài ăn côn trùng như chim, chuột và nhiều loài khác. Một ví dụ điển hình là việc sử dụng DDT đã gây hại cho các động vật hoang dã và giết nhiều thiên địch.
Các kỷ lục về côn trùng
Loài côn trùng lớn nhất thế giới là: Bọ cánh cứng Goliath.
Loài côn trùng chạy nhất thế giới là: Bọ hổ Úc.
Loài côn trùng bay nhanh nhất thế giới là: Chuồn chuồn.
Loài côn trùng bé nhất thế giới là: Mymaridae.
Loài côn trùng nguy hiểm nhất thế giới là: Muỗi.
Loài côn trùng thông minh nhất: Ong, Kiến và Gián.
Loài côn trùng bẩn nhất: Ruồi.
Loài côn trùng xấu nhất: Bọ hung.
Loài côn trùng đẹp nhất: Bướm công dải xanh.
Loài côn trùng đốt đau nhất: Bộ Cánh màng: Tò vò đao phủ. |
Kiến (tên khoa học: Formicidae) là một họ côn trùng thuộc bộ Cánh màng. Các loài trong họ này có tính xã hội cao, có khả năng sống thành tập đoàn lớn có tới hàng triệu con. Nhiều tập đoàn kiến còn có thể lan tràn trên một khu vực đất rất rộng, hình thành nên các siêu tập đoàn. Các tập đoàn kiến đôi khi được coi là các siêu cơ quan vì chúng hoạt động như một thực thể duy nhất.
Phân loại và tiến hóa
Họ Formicidae thuộc bộ Hymenoptera, bộ này cũng bao gồm sawfly, ong và tò vò Kiến nằm cùng nhánh với ong Vò vẽ. Phân tích phát sinh loài cho thấy kiến tách ra từ Kỷ Creta-giữa cách đây khoảng 110 đến 130 triệu năm. Sau khi thực vật có hoa tách ra cách đây khoảng 100 triệu năm kiến đã đa dạng hóa và được cho là thống trị chủ yếu vào khoảng cách đây 60 triệu năm. Năm 1966, E. O. Wilson và đồng sự của ông đã xác định các hóa thạch kiến (loài Sphecomyrma freyi) sống trong kỷ Creta. Tiêu bản này nằm trong hổ phách được định tuổi là hơn 80 triệu năm và mang các đặc điểm của kiến và wasp. Sphecomyrma có thể kiếm ăn trên mặt đất nhưng một số tác giả dựa trên các nhóm nguyên thủy Leptanillinae và Martialinae nên các loài kiến nguyên thủy có thể là các loài săn mồi dưới mặt đất.
Trong suốt kỷ Creta, một vài loài kiến nguyên thủy phân bố rộng khắp trên siêu lục địa Laurasia (bán cầu bắc). Chúng hiếm gặp so với các loài côn trùng khác, và chỉ chiếm 1% trong tổng các cá thể côn trùng. Kiến trở nên phổ biến sau sự kiện tỏa nhánh thích nghi vào đầu kỷ Paleogen. Vao Oligocene và Miocene kiến chiếm 20 – 40% tất cả các côn trùng được tìm thấy trong hầu hết các trầm tích hóa thạch chính. Một trong số các loài sống trong Eocene thì còn khoảng các chi hiện còn tồn tại đến ngày nay. Các chi còn tồn tại đến ngày nay chiếm 56% trong các chi được phát hiện trong hổ phách vùng Baltic (đầu Oligocene), và 92% các chi trong hổ phách ở Dominica (xuất hiện đầu Miocene).
Termite, đôi khi là tên gọi của loài "kiến trắng", không phải là kiến và thuộc bộ Isoptera. Termite thực tế có quan hệ rất gần gũi với gián và mantidae. Termite có kim chích nhưng rất khác biệt về phương thức sinh sản. Cấu trúc xã hội tương tự có vai trò quan trọng trong tiến hóa hội tụ. Kiến nhung trông giống kiến lớn nhưng thực ra là những con wasp cái không cánh.
Phân bố và đa dạng hóa
Kiến được tìm thấy trên tất cả các lục địa trừ Nam Cực, và chỉ có một vài quần đảo lớn như Greenland, Iceland, các phần của Polynesia và Hawaii thì không có các loài kiến bản địa. Kiến chiếm một dải các hốc sinh thái rộng, và có thể khai thác một dải rộng các nguồn thực phẩm hoặc trực tiếp hoặc là các động vật ăn cỏ, săn mồi và ăn xác chết gián tiếp. Hầu hết các loài kiến là động vật ăn tạp nhưng một vài loài chỉ ăn một thứ đặc trưng. Sự thống trị sinh thái của chúng có thể đo đạc thông qua sinh khối của chúng, và theo ước tính trong các môi trường khác nhau cho thấy rằng chúng đóng góp khoảng 15 – 20% (trung bình gần 25% ở các vùng nhiệt đới) trong tổng sinh khối động vật đất liền, cao hơn cả sinh khối của động vật có xương sống.
Kiến có kích thước thay đổi từ , loài lớn nhất là hóa thạch của Titanomyrma giganteum, kiến chúa có chiều dài với sải cách . Kiến có nhiều màu sắc khác nhau, hầu hết chúng có màu đỏ hoặc đen, nhưng một vài loài có màu lục và các loài ở vùng nhiệt đới có ánh kim loại. Hơn 15.000 loài kiến hiện đã được phát hiện (với ước tính vào khoảng 22.000 loài) (xem danh sách các chi kiến), trong đó đa dạng hóa lớn nhất là ở các vùng nhiệt đới. Các nghiên cứu về phân loại học vẫn đang tiến hành để giải quyết những tồn tại liên quan đến họ kiến. Cơ sở dữ liệu các loài kiến như "AntBase" và "Hymenoptera Name Server" giúp theo dõi các loài kiến đã biết và các loài mới được miêu tả. Việc dễ dàng nghiên cứu các loài kiến như là một loài chỉ thị trong các hệ sinh thái là một thuận lợi cho nghiên cứu đa dạng sinh học.
Cuộc sống
Tổ kiến
Thông thường có khoảng 100.000 con kiến trong một đàn nhưng tất cả chúng chỉ có một kiến chúa. Những con kiến mà mắt thường chúng ta thường hay nhìn thấy là kiến thợ. Công việc của chúng là chăm sóc kiến chúa, ấp trứng, chuyển trứng, nuôi kiến con, tìm kiếm thức ăn, đào đất xây dựng tổ, canh gác tổ (kiến lính)...Tất cả những con kiến thợ này đều là kiến cái nhưng chúng không thể sinh sản được vì cơ cấu giới tính của chúng chưa phát triển đầy đủ. Các con kiến trong mỗi tổ phân biệt giống loài với những con cùng loài khác tổ bằng mùi.
Kiến chúa cái sống trong phòng chúa ở giữa tổ, chuyên đẻ trứng suốt đời. Những trứng đó sau này sẽ là "thành viên" lao động của tổ.
Sinh sản và tự vệ
Hầu hết kiến đều không có cánh, khi chúng sống trong tổ trong thời gian dài và được che chở, nơi này sẽ tạo ra cánh cho chúng. Trong một khoảng thời gian ngắn mỗi năm, thường là vào những mùa ấm áp hay oi bức, kiến bay đầy trời. Đó chính là những con kiến đực và cái (đã trưởng thành, có thể sinh sản được) đang phối giống. Phối giống xong, con đực chết, cánh của những con đực rụng xuống cộng với phần cơ bắp của chúng chính là thức ăn duy trì sự sống cho con cái để sản sinh ra những con kiến thợ đầu tiên. Những con kiến thợ này đi kiếm ăn cho các con đẻ sau và cho kiến chúa.
Một số kiến thợ thành kiến bảo vệ tổ, chúng tăng trưởng rất nhanh và giúp bảo vệ tổ bằng cách tiêm, cắn axit vào kẻ thù. Một số loài khác dùng răng để đuổi các con kiến khác khỏi tổ của mình.
Thức ăn
Kiến ăn nhiều loại thức ăn. Một số ăn hạt giống, săn động vật khác và có cả loài ăn nấm... nhưng hầu hết chúng thích đồ ngọt & mật của rệp vừng. Hầu hết những gì chúng làm được là do bản năng (nghĩa là chúng không phải nghĩ hay tập làm những công việc này để làm như thế nào). Các con kiến tìm mồi ở khắp mọi nơi, đôi khi lấy của các tổ khác.Việc di chuyển thức ăn của chúng tương đối thuận lợi do có tính tập thể cao, chúng cùng nhau dìu thức ăn về tổ thành từng đàn, theo từng hàng lối nghiêm chỉnh. |
Hoàng Mai là một quận nội thành của thành phố Hà Nội, Việt Nam.
Đây là quận có diện tích lớn thứ tư của thành phố (sau các quận Long Biên, Hà Đông và Bắc Từ Liêm) và có dân số đông nhất trong số 30 quận, huyện, thị xã thuộc thành phố Hà Nội.
Địa lý
Quận Hoàng Mai nằm ở phía đông nam nội thành thành phố Hà Nội, có vị trí địa lý:
Phía đông giáp huyện Gia Lâm (với ranh giới là sông Hồng)
Phía tây và phía nam giáp huyện Thanh Trì
Phía bắc giáp quận Hai Bà Trưng, quận Thanh Xuân và quận Long Biên
Quận Hoàng Mai có diện tích tự nhiên là 4.104,1ha (41 km²), dân số là 365.759 người.
Quận Hoàng Mai có đường giao thông thủy trên sông Hồng. Quận có các đường giao thông quan trọng đi qua gồm: Quốc lộ 1, đường vành đai 2,5, đường vành đai 3, đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, cầu Thanh Trì.
Lịch sử
Cuối thời Lê – đầu thời Nguyễn, Hoàng Mai là tên một tổng và một xã thuộc huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng (đến năm 1831 thuộc tỉnh Hà Nội).
Theo Đồng Khánh địa dư chí, tổng Hoàng Mai có 10 xã, thôn:
Xã Phương Liệt
Xã Tương Mai
Thôn Giáp Nhất xã Thịnh Liệt
Thôn Giáp Nhị
Thôn Giáp Tứ
Thôn Giáp Bát
Xã Hoàng Mai
Xã Mai Động
Thôn Giáp Lục
Thôn Giáp Thất
Năm 1899, vùng đất Hoàng Mai thuộc Khu vực Ngoại thành Hà Nội (từ 1915 là huyện Hoàn Long thuộc tỉnh Hà Đông), đến năm 1942 lại thuộc Đại lý đặc biệt Hà Nội.
Năm 1954, thành phố Hà Nội được chia thành 4 quận nội thành với 34 khu phố và 4 quận ngoại thành với 46 xã, phần lớn địa bàn quận Hoàng Mai lúc bấy giờ thuộc Quận VII.
Ngày 31 tháng 5 năm 1961, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 78-CP chia Hà Nội thành 4 khu phố nội thành và 4 huyện ngoại thành, địa bàn quận Hoàng Mai lúc này tương ứng với 10 xã: Đại Kim, Định Công, Đoàn Kết (không kể phố Giáp Bát), Hoàng Liệt, Hoàng Văn Thụ (bao gồm cả thôn Mai Động, không kể phố Mai Động), Lĩnh Nam, Thanh Trì, Trần Phú, Vĩnh Tuy (không kể thôn Đoài), Yên Sở thuộc huyện Thanh Trì. Năm 1964, xã Đoàn Kết đổi tên thành xã Thịnh Liệt.
Ngày 9 tháng 8 năm 1973, hai thôn Giáp Bát, Giáp Lục của xã Thịnh Liệt, thôn Tương Mai và một phần đất thôn Mai Động thuộc xã Hoàng Văn Thụ, huyện Thanh Trì được cắt về khu phố Hai Bà Trưng. Ngày 13 tháng 10 năm 1982, thành lập phường Mai Động thuộc quận Hai Bà Trưng và tách xóm Mã Cả của xã Hoàng Văn Thụ thuộc huyện Thanh Trì về phường Tương Mai, quận Hai Bà Trưng. Ngày 14 tháng 3 năm 1984, chia phường Giáp Bát thuộc quận Hai Bà Trưng thành 2 phường Giáp Bát và Tân Mai. Ngày 26 tháng 10 năm 1990, chuyển toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Hoàng Văn Thụ thuộc huyện Thanh Trì về quận Hai Bà Trưng quản lý và chuyển thành phường Hoàng Văn Thụ.
Ngày 6 tháng 11 năm 2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 132/2003/NĐ-CP. Theo đó:
Tách 9 xã: Định Công, Đại Kim, Hoàng Liệt, Thịnh Liệt, Thanh Trì, Lĩnh Nam, Trần Phú, Vĩnh Tuy, Yên Sở, 55 ha diện tích tự nhiên của xã Tứ Hiệp thuộc huyện Thanh Trì và 5 phường: Mai Động, Tương Mai, Tân Mai, Giáp Bát, Hoàng Văn Thụ thuộc quận Hai Bà Trưng để thành lập quận Hoàng Mai
Chuyển 8 xã: Định Công, Đại Kim, Hoàng Liệt, Thịnh Liệt, Thanh Trì, Lĩnh Nam, Trần Phú, Yên Sở thành 8 phường có tên tương ứng
Chuyển xã Vĩnh Tuy thành phường Vĩnh Hưng.
Sau khi thành lập, quận Hoàng Mai có 4.104,10 ha diện tích tự nhiên và 187.332 người với 14 phường trực thuộc.
Hành chính
Quận Hoàng Mai có 14 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 14 phường: Đại Kim, Định Công, Giáp Bát, Hoàng Liệt, Hoàng Văn Thụ, Lĩnh Nam, Mai Động, Tân Mai, Thanh Trì, Thịnh Liệt, Trần Phú, Tương Mai, Vĩnh Hưng, Yên Sở.
Đường phố
Bắc Linh Đàm
Bằng Liệt
Bùi Huy Bích
Bùi Quốc Khái
Bùi Xương Trạch
Dương Văn Bé
Đại Từ
Đạm Phương
Đặng Trần Đức
Đặng Xuân Bảng
Định Công
Định Công Hạ
Định Công Thượng
Đỗ Mười
Đống Kỳ
Đông Thiên
Giải Phóng
Giáp Bát
Giáp Nhị
Hà Kế Tấn
Hoàng Liệt
Hoàng Mai
Hồng Quang
Hưng Phúc
Hưng Thịnh
Khuyến Lương
Kim Đồng
Kim Giang
Linh Đàm
Linh Đường
Lĩnh Nam
Lương Khánh Thiện
Mai Động
Minh Khai
Nam Dư
Nam Sơn
Nghiêm Xuân Yêm
Ngọc Hồi
Ngũ Nhạc
Nguyễn An Ninh
Nguyễn Cảnh Dị
Nguyễn Chính
Nguyễn Công Thái
Nguyễn Đức Cảnh
Nguyễn Duy Trinh
Nguyễn Hữu Thọ
Nguyễn Khoái
Nguyễn Phan Chánh
Nguyễn Xiển
Phạm Tu
Sở Thượng
Tam Trinh
Tân Khai
Tân Mai
Tây Trà
Thanh Đàm
Thanh Lân
Thịnh Liệt
Thúy Lĩnh
Trần Điền
Trần Hòa
Trần Nguyên Đán
Trần Thủ Độ
Trịnh Đình Cửu
Trương Định
Tương Mai
Văn Tân
Vĩnh Hoàng
Vĩnh Hưng
Vũ Tông Phan
Yên Duyên
Yên Sở
Các địa điểm nổi tiếng
Công viên Yên Sở
Nhà thờ Làng Tám Giáp Bát
Đình Tương Mai
Nhà thờ Nam Dư
Chùa Tứ Kỳ
Chùa Pháp Vân
Chùa Bằng (Linh tiên tự)
Chùa Sét (Đại bi tự), Thịnh Liệt
Công đồng Linh từ (Đền đức vua cha Bát Hải), 521 Trương Định
Đền Mẫu Đầm sen Đại Từ
Đền Lư Giang, khu Đền Lừ
Miếu Gàn Hoàng Liệt
Hạ tầng
Quận Hoàng Mai là quận có tốc độ đô thị hóa và xây dựng cơ sở hạ tầng lớn trong số các quận huyện mới của thủ đô, với hàng loạt khu đô thị như Linh Đàm, Bắc Linh Đàm, Định Công, Đại Kim, Đền Lừ I - II, Kim Văn - Kim Lũ, Vĩnh Hoàng, Hoàng Văn Thụ, Ao Sao, Thịnh Liệt, Đại Kim - Định Công, Tây Nam hồ Linh Đàm, Tây Nam Kim Giang, Ao Mơ, Thịnh Liệt… cùng hàng loạt chung cư trên đường Lĩnh Nam, đường Tam Trinh, đường Pháp Vân, đường Nghiêm Xuân Yêm như Gamuda City, Hateco Yên Sở, khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp, The Manor Central Park…
Các dự án đường sắt đi qua địa bàn quận là các tuyến số 1 (Ngọc Hồi - Yên Viên), tuyến số 3 (Trôi - Nhổn - Hoàng Mai), tuyến số 4 (Liên Hà - Bắc Thăng Long), tuyến số 8 (An Khánh - Dương Xá); trong đó tuyến số 3 đoạn Ga Hà Nội - Hoàng Mai (một phần của tuyến Trôi - Nhổn - Hoàng Mai) và tuyến số 1 hiện đang được đầu tư xây dựng.
Hệ thống xe buýt
Điểm đầu cuối và trung chuyển
Bến xe Giáp Bát (3A, 6A, 6B, 6C, 6D, 6E, 21A, 22C, 25, 29, 32, 37, 94, 101A, 101B, E06)
Bến xe Nước Ngầm (3B, 04 cũ, 16, 28, 48, 60B, 104)
Mai Động (26, 38)
KĐT Linh Đàm (05, 36, 37, 84)
KĐT Pháp Vân Tứ Hiệp (60A)
KĐT Gamuda (30)
Các tuyến xe buýt hoạt động:
Văn hóa
Nét đẹp vùng đất tổ nghề kim hoàn
Khoảng thế kỷ II - III, người Việt đã biết dùng vàng bạc làm đồ trang sức. Đất tổ của nghề vàng là Định Công (nay thuộc vùng đô thị hóa đông đúc phường Định Công, quận Hoàng Mai). Riêng đất tổ của nghề bạc thì ở Đồng Xâm (Thái Bình), tổ đúc thì là Châu Khê (Hải Dương). Đây là nghề gia công đồ trang sức, hàng mỹ nghệ bằng kim loại quý hiếm. Thực ra có mấy nghề khác nhau: nghề "chạm" tức là nổi các hình, hoa văn lên mặt đồ kim loại vàng bạc; "trổ" tức là tạo hoa văn thủng; "đậu tức là kéo vàng bạc đã nấu chảy thành những sợi chỉ rồi uốn ghép thành hình chim thú, hoa lá...; "trơn" là những hàng chỉ có đánh bóng. Các nghề này phối hợp với nhau tạo nên sản phẩm hoàn chỉnh. Những nét chạm trổ uyển chuyển mềm mại, những sợi chỉ vàng chỉ bạc uốn lượn hài hòa kết hợp với màu sắc của vàng, độ bóng ánh của bạc đã làm tăng độ hấp dẫn, sang trọng cho những chiếc dây chuyền, vòng tay, hoa tai, nhẫn, đĩa bạc, chén bạc, hộp đồ trang sức... trên đôi tay khéo léo của con người Định Công một vùng đất tổ của nghề kim hoàn.
Quận Hoàng Mai có nhiều làng nghề ẩm thực như làng nghề bánh cuốn Thanh Trì (phường Thanh Trì), rượu Hoàng Mai, làng bún Tứ Kỳ, bún ốc Pháp Vân (phường Hoàng Liệt), đậu phụ Mơ (phường Mai Động).
Ngoài ra, phường Vĩnh Hưng và phường Lĩnh Nam có nghề trồng hoa, rau sạch; phường Yên Sở có làng cá Yên Sở.
Danh nhân
Nguyễn Văn Siêu
Nguyễn Trọng Hợp
Bùi Xương Trạch
Bùi Trụ
Bùi Vịnh
Bùi Bỉnh Uyên
Bùi Huy Bích
Trần Điền
Trần Hòa
Trần Khát Chân
Hoàng Đạo Thành |
ANSI (viết tắt từ American National Standards Institute trong tiếng Anh và có nghĩa là "Viện Tiêu chuẩn Quốc gia Hoa Kỳ") là một tổ chức tư nhân, phi lợi nhuận nhằm quản trị và điều phối sự tiêu chuẩn hoá một cách tự giác và hợp thức các hệ thống quy ước ra đời ngày 19 tháng 10 năm 1918. Cơ sở chính ANSI đóng ở Washington, D.C..
Nhiệm vụ
Nhiệm vụ của tổ chức là nâng cao khả năng cạnh tranh toàn cầu của hệ thống kinh doanh và chất lượng đời sống Hoa Kỳ đồng thời tạo điều kiện cho việc tự giác thống nhất các tiêu chuẩn và hợp thức các hệ thống quy ước, cũng như là bảo vệ sự nguyên dạng của các tiêu chí này. Các tiêu chuẩn của ANSI thường được ISO chấp nhận.
Lịch sử
Khi mới thành lập, 1918, ANSI có tên là American Engineering Standards Committee. Sang năm 1928, đổi thành American Standards Association, hay ASA. Vào năm 1946 ASA nhập chung với các tổ chức liên quan đến các chuẩn của 25 quốc gia khác thành International Organization for Standardization. Đến năm 1966 thì họ lại tách ra thành United States of America Standards Institute. Và, cuối cùng, vào năm 1969 thì có tên là American National Standards Institute. |
Hội Kỹ sư Điện và Điện tử (tiếng Anh: Institute of Electrical and Electronics Engineers, viết tắt: IEEE) là một tổ chức phi lợi nhuận, chuyên nghiệp nhằm nâng cao sự thịnh vượng qua sự phát huy các đổi mới công nghệ tạo cơ hội nghề nghiệp cho các thành viên và cổ vũ cộng đồng thế giới mở rộng. IEEE đề xướng quá trình kỹ nghệ cao của sáng tạo, phát triển, tích hợp, chia sẻ và ứng dụng hiểu biết về công nghệ điện tử và tin học, cũng như là các khoa học nhằm đem lại lợi ích cho con người và nghề nghiệp. Tổ chức này chính thức hoạt động đầu năm 1963. Thành viên hiện hơn 420 ngàn người khắp nơi trên thế giới bao gồm kỹ sư, khoa học gia và sinh viên. Một ảnh hưởng lớn của IEEE là việc phát triển tiêu chuẩn 802 cho LAN và được phổ dụng mọi nơi. |
Liên hiệp Viễn thông Quốc tế hoặc Liên minh Viễn thông Quốc tế, viết tắt là ITU (tiếng Anh: International Telecommunication Union) là một tổ chức chuyên môn của Liên Hợp Quốc nhằm tiêu chuẩn hoá viễn thông quốc tế.
ITU được thành lập ngày 17/05/1865 tại Paris - Pháp. Ngày 15 tháng 7 năm 1947, ITU đã chính thức trở thành tổ chức chuyên môn của Liên Hợp Quốc. Trụ sở ITU đặt tại Genève, Thụy Sĩ.
Lãnh đạo ITU là Tổng thư ký, hiện là Houlin Zhao từ , đảm trách từ 01/01/2015. Tiền nhiệm là Hamadoun Touré từ Mali nhiệm kỳ 2007 - 2014.
Các ban
Tổ chức bao gồm 3 bộ phận:
Thông tin Vô Tuyến (Radiocommunication, gọi tắt là ITU-R) tập trung vào việc xác định các tần số radio toàn cầu đáp ứng lợi ích của các nhóm cạnh tranh nhau.
Tiêu chuẩn Hoá Viễn thông (Telecommunications Standardization, gọi tắt là ITU-T) chú trọng vào các hệ thống điện thoại và truyền thông dữ liệu (data communication). Tiền thân của ITU-T là tổ chức CCITT. ITU-T ra các khuyến nghị kỹ thuật về điện thoại, điện tín và các giao diện về truyền thông dữ liệu. Các khuyến nghị này thường được công nhận như là các tiêu chuẩn quốc tế. Điển hình là tiêu chuẩn V.24 định nghĩa giá trị và các chân ra của đầu cắm của hầu hết các thiết bị đầu cuối RS-232.
Phát triển (Development, gọi tắt là ITU-D) chịu trách nhiệm tạo ra các cơ chế, điều chỉnh và cung cấp các chương trình đào tạo và các phương án tài chính cho các nước đang phát triển.
ITU và Việt Nam
Quốc gia Việt Nam gia nhập ITU từ năm 1951, Việt Nam Cộng hòa thừa hưởng ghế này đến năm 1976 trao lại cho Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. |
ha, Ha, và HA có thể có các nghĩa:
ha:
hecta (ha), đơn vị đo diện tích. 1 ha = 10 000 m² = 0,01 km².
Mã ISO 639 alpha-2 cho Ngôn ngữ Hausa
Ha:
Số Hartmann, trong vật lý |
Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật, còn được gọi ngắn gọn là Công ước Berne (phát âm tiếng Việt: Công ước Bơn hay Công ước Béc-nơ), được ký tại Bern (Thụy Sĩ) năm 1886, lần đầu tiên thiết lập và bảo vệ quyền tác giả giữa các quốc gia có chủ quyền. Nó được hình thành sau các nỗ lực vận động của Victor Hugo. Trước khi có công ước Bern, các quốc gia thường từ chối quyền tác giả của các tác phẩm ngoại quốc. Ví dụ, một tác phẩm xuất bản ở một quốc gia được bảo vệ quyền tác giả tại đó, nhưng lại có thể bị sao chép và xuất bản tự do không cần xin phép tại quốc gia khác.
Các quốc gia tuân thủ công ước Bern công nhận quyền tác giả của các tác phẩm xuất bản tại các quốc gia khác cùng tuân thủ công ước này. Quyền tác giả, theo công ước Berne là tự động: không cần phải đăng ký tác quyền, không cần phải viết trong thông báo tác quyền. Ngoài ra, những quốc gia ký công ước Berne không được đặt ra các thủ tục hành chính sách nhiễu các tác giả trong việc thụ hưởng tác quyền. (Các quốc gia ký công ước Bern vẫn có quyền áp đặt các luật lệ riêng cho các tác giả trong nước họ hoặc từ những nước không ký công ước này).
Công ước Berne cho phép tác giả được hưởng tác quyền suốt đời cộng thêm tối thiểu 50 năm sau đó. Tuy nhiên các quốc gia tuân thủ công ước được phép nâng thời hạn hưởng tác quyền dài hơn, như Cộng đồng châu Âu đã làm năm 1993. Hoa Kỳ cũng gia hạn tác quyền, như trong Đạo luật Kéo dài Bản quyền Sonny Bono năm 1998.
Một số nước tuân thủ phiên bản cũ của công ước Bern cho phép tác giả được hưởng suốt đời cộng 70 năm. Thời hạn này có thể giảm đối với một số loại tác phẩm nghệ thuật (như điện ảnh) hoặc đối với các tác phẩm là công trình của một cơ quan thì thời hạn tác quyền là 95 năm sau lần xuất bản đầu tiên.
Ngày 26 tháng 7 năm 2004, chính phủ Việt Nam đã nộp văn kiện gia nhập Công ước Berne. Trong văn kiện này, nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tuyên bố bảo lưu các quy định tại Điều 33(1) của Công ước Berne và áp dụng chế độ ưu đãi dành cho các nước đang phát triển theo Điều II và Điều III của Phụ lục Công ước Berne. Công ước Berne có hiệu lực tại Việt Nam kể từ ngày 26 tháng 10 năm 2004.
Lịch sử
Công ước Berne đã được sửa chữa vài lần: Berlin (1908), Roma (1928), Brussels (1948), Stockholm (1967) và Paris (1971). Từ năm 1967, Công ước Berne được quản lý bởi Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (World Intellectual Property Organization, viết tắt là WIPO).
Gần như tất cả các quốc gia thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tuân thủ hầu hết các điều khoản của công ước này, theo thỏa thuận TRIPs.
Cho đến ngày 20 tháng 11 năm 2004, có 157 quốc gia đã ký Công ước Berne. |
Quán đỉnh (zh. guàndĭng 灌[潅]頂, sa. abhiṣeka, ja. kanchō, bo. dbang དབང་), nghĩa đen là rưới nước lên đầu, là một nghi thức tôn giáo trong những buổi lễ long trọng. Trong Kim cương thừa, danh từ quán đỉnh được dùng chỉ những nghi lễ, trong đó vị Đạo sư (sa. guru, bo. blama) cho phép đệ tử tu tập một Tan-tra. Vì vậy trong Phật giáo Tây Tạng, người ta hay sử dụng danh từ "Truyền lực" (bo. dbang-bskur).
Trong Vô thượng du-già (sa. anuttarayoga-tantra), người ta kể bốn cấp quán đỉnh từ dưới lên trên:
Quán đỉnh bình (sa. kalābhiṣeka, bình ở đây là tịnh bình), bao gồm sự khai giảng về năm khía cạnh của Phật gia (sa. buddhakula).
Quán đỉnh bí mật (sa. guhyābhiṣeka);
Quán đỉnh trí huệ (sa. prajñābhiṣeka)
Quán đỉnh thứ tư (sa. caturthābhiṣeka).
Thông thường, vị Đạo sư đọc nghi quỹ (sa. sādhana) qua một lần và lần đọc này có giá trị cho phép người đệ tử tu học nghi quỹ này. Sau đó, Đạo sư bình giảng những điểm khúc mắc, khó hiểu, những bí truyền trong Nghi quỹ để bảo đảm sự tu tập chính tông, đúng đắn của đệ tử.
Chú thích |
Luận sư (zh. 論 師, sa. ābhidharmika, pi. ābhidhammika) là một Tỉ-khâu hoặc Tỉ-khâu-ni chuyên nghiên cứu A-tì-đạt-ma. Danh từ Luận sư được dịch theo cách dịch nghĩa của A-tì-đạt-ma là Luận, Luận tạng.
Như thế người chuyên học Kinh tạng là một Pháp sư.
Và vị chuyên học Luật tạng là một Luật sư. Điều đó không có nghĩa rằng, họ không học Kinh và Luật của Tam tạng. Theo truyền thống, Phật Thích-ca được xem là Luận sư đầu tiên mặc dù Luận tạng được Kết tập sau khi Phật nhập Niết-bàn.
Trong thời Phật giáo nguyên thủy (Thượng toạ bộ), các vị Luận sư thường có nhiều uy tín hơn các vị tăng sĩ khác. Trong chuyến hành hương Ấn Độ, Pháp Hiển có kể lại về một Bảo Tháp chỉ được xây dựng nhằm tán thán A-tì-đạt-ma và được các Luận sư hành lễ trong những ngày nhất định.
Dần dần, danh từ Luận sư được dùng chỉ những Cao tăng với những bài luận giải (sa. śāstra), đóng góp lớn cho sự phát triển của tư tưởng Phật giáo. Các vị như Long Thụ, Thế Thân, Vô Trước… đều được gọi là Đại luận sư. |
Khổ (chữ Hán: 苦, tiếng Phạn: duḥkha, tiếng Pali: dukkha) là một khái niệm quan trọng của Phật giáo, là cơ sở của Tứ diệu đế. Khổ là một trong ba tính chất của sự vật và được đúc kết trong câu nhận định Đời là bể khổ.
Không phải chỉ là những cảm thụ khó chịu mới là Khổ. Khổ dùng để chỉ tất cả mọi hiện tượng vật chất và tâm thức, xuất phát từ Ngũ uẩn, chịu dưới quy luật của sự thay đổi và biến hoại. Như thế tất cả những điều an lạc đang có cũng là khổ vì chúng sẽ hoại diệt. Khổ xuất phát từ Ái (sa. tṛṣṇā) và con đường thoát khổ là Bát chính đạo..
Chân lý thứ nhất - Khổ đế - của Tứ diệu đế nói về tính chất của khổ như sau:
Phân loại
Xét theo nguyên nhân và mức độ gây khổ thì có tam khổ (ba loại khổ), còn nếu xét theo hình thức sự việc thì có bát khổ (tám loại khổ).
Tam khổ
Tam khổ là ba nỗi khổ xét theo nguyên nhân và mức độ gây khổ, gồm:
Khổ khổ (sa. duḥkha-duḥkha)
Nghĩa là khổ vì những sự khổ của thế tục, chẳng hạn khổ vì đói khát, khổ vì phải trải nạn chiến tranh. Đây là mức độ khổ thấp nhất mà ai cũng cảm nhận được.
Hoại khổ (sa. vipariṇāma-duḥkha)
Nghĩa là khổ vì sự thay đổi. Ở cấp độ này, ngay cả những kinh nghiệm tưởng có vẻ khoái lạc thì cũng là khổ. Sở dĩ con người cảm thấy các kinh nghiệm đó là vui sướng là bởi họ đã so sánh chúng với những kinh nghiệm đau đớn. Sự vui sướng đó chỉ là tương đối. Trong khi đó, sự vật luôn thay đổi, vì vậy sau một thời gian thì những kinh nghiệm tưởng chừng là vui sướng đó chỉ còn là sự nhàm chán, không thỏa mãn, sự vui sướng rồi cũng mất đi.
Hành khổ (sa. saṃskāra-duḥkha)
Nghĩa là cái khổ bao trùm tam giới, sáu cõi (tất cả chúng sanh trong luân hồi). Minh họa của cái khổ này là hợp uẩn cấu nhiễm của chúng sanh và cái hợp uẩn cấu nhiễm này không những là nền tảng cho cái khổ trong kiếp này mà còn là nền tảng cho đau khổ trong kiếp sau. Cái khổ này nối tiếp nhau kéo từ đời này sang đời khác một khi con người vẫn nằm trong vòng vô minh. Sự nhận biết về khổ ở mức độ này là sâu sắc nhất.
Bát khổ
Bát khổ là tám nỗi khổ xét theo hình thức sự việc, thực ra đều thuộc loại Khổ khổ trong Tam khổ. Nhân sinh quan Phật giáo cho rằng "đời là bể khổ"; con người ai ai cũng phải chịu bát khổ, gồm:
Sinh khổ
Con người khổ trong sự sinh sống. Người ta khổ từ khi còn là bào thai trong bụng mẹ. Con phải nằm trong bụng mẹ chật hẹp, cũng là khổ. Mẹ phải mang nặng đẻ đau biết bao khó nhọc, đó là khổ. Sinh con ra rồi thì cha mẹ cũng phải khổ. Con người sống trên đời phải mưu kế sinh nhai, cũng là khổ.
Lão khổ
Khi đến tuổi già thì thân thể trở nên già nua, mắt mờ, tai điếc. Đó là khổ.
Bệnh khổ
Con người phải chịu đau đớn, khổ sở cả về thể xác và tinh thần khi mắc bệnh. Đó là khổ.
Tử khổ
Khi sắp chết thì sợ hãi tinh thần, ngạt hơi rất khổ. Chết đi rồi thì thân xác phân hủy, hôi tanh, gia quyến đau lòng. Đó là khổ.
Ái biệt ly khổ
Con người phải chịu khổ khi yêu mà lại phải chia lìa điều mình yêu, hàng ngày đem lòng mong nhớ. Đó là khổ. Có hai loại ái biệt ly khổ: sinh ly (chia lìa nhau khi còn sống) và tử biệt (chia lìa nhau khi chết).
Sở cầu bất đắc khổ (hay cầu bắt đắc khổ)
Con người khổ khi không được toại (bất đắc) nguyện vọng, tham muốn, khao khát của bản thân (sở cầu). Chẳng hạn, lúc đói thì muốn có cái ăn cái mặc; lúc no lại muốn giàu sang phú quý.
Oán tánh hội khổ
Con người chịu khổ khi phải tiếp xúc với những thứ mà không thích hoặc oán ghét.
Ngũ uẩn khổ (hay ngũ uẩn xí thạnh khổ)
Con người khổ vì có sự hội tụ và xung đột của ngũ uẩn - sắc, thụ, tưởng, hành và thức - trong cơ thể. Chẳng hạn, mơ ước (tưởng) quá thì cũng khổ, biết (thức) nhiều thì cũng khổ. |
Luân hồi (trong Phật giáo còn gọi là Vòng luân hồi hay Bánh xe luân hồi) (chữ Hán: 輪迴, sa., pi. saṃsāra, bo. `khor ba འཁོར་བ་), nguyên nghĩa Phạn ngữ là "lang thang, trôi nổi" theo ngữ căn sam-√sṛ, có khi được gọi là Hữu luân (zh. 有輪), vòng sinh tử, hoặc giản đơn là Sinh tử (zh. 生死).
Ấn độ giáo
Trong hầu hết các tôn giáo Ấn Độ, đời sống không được xem như bắt đầu với việc sinh và chấm dứt với sự chết, nhưng như là một sự hiện hữu tương tục trong đời sống hiện tại của cơ thể và mở rộng vượt xa hơn nữa với quá khứ và tương lai. Bản chất của những hành động xảy ra trong phạm vi một kiếp sống (tốt hay xấu) quyết định số phận tương lai của mỗi chúng sinh. Luân hồi được liên kết gần gũi với ý tưởng đầu thai, nhưng chủ yếu liên hệ đến điều kiện của đời sống, và kinh nghiệm của sự sống.
Phật giáo
Thuật ngữ này chỉ những lần đầu thai tiếp nối nhau, trạng thái bị luân chuyển của một loài Hữu tình khi chưa đạt giải thoát, chứng ngộ Niết-bàn. Quá trình này thể hiện trên hình ảnh bánh xe luân hồi, bánh xe không có điểm đầu và cuối, nó sẽ xoay mãi và ngừng lại đến khi nào chúng sinh giải thoát khỏi Tam giới.
Theo Phật giáo, nguyên nhân trói buộc trong luân hồi là tam độc, gồm có tham ái (sa. tṛṣṇā), sân (sa. dveśa) và si (sa. moha, hoặc vô minh, sa. avidyā). Tùy vào nghiệp của chúng sinh đã tạo trong quá khứ mà chúng sinh đó sẽ tái sinh vào một trong sáu cõi: thiên, thần (a-tu-la), người, súc sinh, quỷ đói (ngạ quỷ), địa ngục. Trong Đại thừa, luân hồi được xem là thế giới của hiện tượng và thể tính của nó chính là thể tính của Niết-bàn.
Sau khi tái sinh, phần lớn các chúng sinh sẽ không còn nhớ gì về kiếp trước đó. Các chúng sinh sẽ có một cuộc đời mới. Việc chúng sinh sẽ tái sinh vào cõi nào sau khi chết có thể dự đoán được nếu quan sát cận tử nghiệp của chúng sinh đó.
Cội nguồn của luân hồi từ đâu, loài hữu tình có từ bao giờ…, những câu hỏi này đã được nhiều người nêu lên nhưng Phật tuyệt đối không trả lời những sự thắc mắc vô bổ này vì theo Phật, chúng chẳng giúp ích gì trên con đường tu tập, và sẽ tự thấu tỏ khi giác ngộ thành Phật. Niết-bàn, sự giải thoát khỏi luân hồi có thể thực hiện trong kiếp làm người, trong tất cả con đường tái sinh khác chúng sinh không thể đạt Bồ-đề vì không có đủ khả năng nhận thức được yếu tố chính của luân hồi, đó là tham và vô minh. Muốn thoát khỏi sinh tử luân hồi thì cần phải dứt được nghiệp chướng do ái dục mang lại; muốn thoát khỏi nó, theo Phật, chỉ có con đường bát chính đạo mới dẫn con người đến cõi niết bàn.
Trong đạo Phật, vào thời điểm sắp chết, tâm thức (thức của những giác quan khác nhau, chẳng hạn như nhãn thức, nhĩ thức,...) hoạt động như hạt giống cho sự sản sinh một tâm thức mới trong một cấu trúc sinh học mới, dẫn đến ý chí thúc đẩy tại thời điểm của cái chết (là điều tự chúng tiêm nhiễm bởi những sự thúc đẩy của ý chí kiếp trước). |
Luật tạng (zh. 律藏; sa., pi. vinaya-piṭaka) là phần thứ hai của Tam tạng, quy định về việc sống tập thể của chư tăng, chư ni. Luật tạng có nhiều hệ khác nhau như Luật tạng của Thượng tọa bộ, Pháp Tạng bộ, Thuyết nhất thiết hữu bộ.
Luật tạng gồm có 3 phần:
Các quy định dành cho Tỉ-khâu (sa. bhikṣuvibhaṅga);
Các quy định dành cho Tỉ-khâu-ni (sa. bhikṣuṇīvibhaṅga);
Các quy định trong đời sống hàng ngày (kiền độ 乾度, pi. khandhaka) như ăn uống, áo quần…
Chi tiết các quy định như sau:
Quy định dành cho tỉ-khâu gồm có 8 chương:
Ba-la-di (zh. 波羅夷; sa., pi. pārājika): bị trục xuất nếu phạm các tội giết, trộm cắp, hành dâm, nói dối là đã đạt Thánh quả;
Tăng tàn (zh. 僧殘, sa. saṅghāvaśeṣa, pi. saṅghādisesa): Tạm thời trục xuất nếu phạm một trong 13 tội như vu cáo, gây bất bình, tà dâm với phụ nữ…;
Bất định (zh. 不定, sa., pi. aniyata): Quy định về các lỗi không được ghi ra trước;
Xả đoạ (zh. 捨墮, sa. naihsargika, pi. nissaggika): 30 lỗi cần phải từ bỏ về quần áo, ăn uống, thuốc men;
Ba-dật-đề (zh. 波逸提, sa. pātayantika, pi. pācittiya): 90 lỗi nhẹ cần phạt như la lối, không nghe lời, dối trá;
Hối quá (zh. 悔過, sa. pratideśanīya, pi. pātidesanīya): 4 lỗi xung quanh việc ăn uống;
Chúng học (zh. 眾學, sa. śikṣākaranīya, pi. sekhiya): Các quy định về giao tiếp, xử sự;
Diệt tránh (zh. 滅諍, sa. adhikaranaśamatha): Các quy định về hoà giải tranh chấp.
Quy định dành cho tỉ-khâu-ni (sa. bhikṣuṇī-vibhaṅga) cũng có các chương đó nhưng cụ thể thì nghiêm khắc hơn nhiều.
Các quy định về đời sống hàng ngày (pi. khandhaka) của tỉ-khâu, tỉ-khâu-ni cũng như trong các ngày đặc biệt trong tháng, hay trong mùa mưa, các quy định khi sống không nhà.
Trong Luật tạng cũng có phần đúc kết các quy định và đọc lên trong những ngày lễ cho mọi người cùng nghe, mỗi vị tỉ-khâu hoặc tỉ-khâu-ni đều có bản phận nhận lỗi công khai nếu vi phạm (Ba-la-đề-mộc-xoa, sa. prātimokṣa). |
Luật tông (zh. lǜzōng, 律宗, ja. ritsu-shū), là một tông phái Phật giáo Trung Quốc do Đạo Tuyên (596-667) thành lập. Giáo pháp của phái này dựa trên Luật tạng của Pháp Tạng bộ (sa. dharmaguptaka), được ghi lại với tên Tứ phần luật. Chủ trương của giáo pháp này là giữ giới luật một cách nghiêm ngặt. Những quy luật này bao gồm 250 quy định cho tăng và 348 cho ni giới. Mặc dù các bộ Luật xuất phát từ Tiểu thừa, nhưng Đại thừa Trung Quốc cũng đều tuân thủ nghiêm túc. Tông này được truyền qua Nhật năm 745.
Theo Đạo Tuyên, việc giữ giới luật là một yếu tố quan trọng trong tu học. Sư nhấn mạnh đến tính quan trọng của việc quy y thế phát và ghi rõ các quy định của đời sống xuất gia.
Luật tông Nhật Bản, xuất phát từ Luật tông Trung Quốc, được Giám Chân (zh. 鑒真, ja. ganjin) Luật sư truyền qua Nhật năm 745. Ngày nay, Luật tông Nhật Bản vẫn còn tồn tại, nhưng không có ảnh hưởng tư tưởng nhiều trong nền Phật giáo tại đây. |
Lục sư ngoại đạo (zh. liùshī wàidào 六師外道, ja. rokushi gedō), cũng được gọi lại là Ngoại đạo lục sư, là Sáu vị luận sư lớn chủ trương lý thuyết trái với Phật pháp ở miền Trung Ấn vào thời Phật Thích-ca Mâu-ni:
San-xà-da Tì-la-chi-tử (zh. 珊闍耶毘羅胝子, pi. sañjaya-velaṭṭhiputta): chủ trương chủ nghĩa hoài nghi;
A-kì-đa Sí-xá-khâm-bà-la (zh. 阿耆多翅舍欽婆羅, pi. ajita-kesakambarin): chủ trương duy vật luận;
Mạt-già-lê Câu-xá-lê (zh. 末伽梨拘舍梨, pi. makkhali-gosāla): chủ trương thuyết định mệnh;
Phú-lan-na Ca-diếp (zh. 富蘭那迦葉, pi. purāṇa-kassapa): phủ nhận giá trị chân thật của thiện ác, do vậy không quý trọng đạo đức;
Ca-la-cưu-đà Ca-chiên-diên (zh. 迦羅鳩馱迦旃延, pi. pakudha-kaccāyana): giải thích sự hiện hữu của thế giới thông qua 7 yếu tố cơ bản;
Ni-kiền-đà Nhã-đề-tử (zh. 尼乾陀若提子, pi. nigaṇṭha-nātaputta): người sáng lập Kì-na giáo, theo chủ thuyết tương đối.
(theo kinh Tạp A-hàm quyển 43, kinh Tiễn mao thuộc Trung A-hàm quyển 57).
Chú thích |
Tiếp tâm (zh. 接心, ja. sesshin), là dụng ngữ Thiền tông, mang nghĩa "thâu nhiếp tâm". Tiếp tâm chỉ một khoảng thời gian tu tập thiền định cao độ thường được tổ chức trong các Thiền viện tại Nhật.
Trong những ngày thường thì ngoài vài giờ Toạ thiền, các vị tăng còn phải làm việc, thi hành bản phận của mỗi người. Nhưng đặc biệt trong giai đoạn Tiếp tâm—được xem là đỉnh cao của quá trình tu học—các vị tăng ni chỉ chú tâm đến một việc duy nhất là toạ thiền. Những chu kì toạ thiền dai dẳng chỉ được gián đoạn bằng vài giờ ngủ trong đêm, lúc tụng kinh và một thời gian nghỉ ngắn sau hai bữa ăn trưa và tối. Ngay trong những khoảng thời gian gián đoạn để nghỉ này thì sự chú tâm tuyệt đối vào chủ đề (Thoại đầu) mà vị Lão sư đã giao phó cho mỗi thiền sinh cũng không được xao lãng. Các buổi Độc tham (ja. dokusan) trong ngày cũng có nhiệm vụ giúp đỡ các thiền sinh bảo trì sự tập trung tuyệt đối vào Công án đang được quán. |
Tọa thiền (tiếng Trung: 坐禪/zuòchán, tiếng Nhật: zazen) nghĩa là ngồi thiền là phương pháp tu tập trực tiếp để đưa đến Giác ngộ. Mới đầu tọa thiền đòi hỏi thiền giả tập trung tâm trí lên một đối tượng (ví dụ một Mạn-đà-la hay linh ảnh một vị Bồ Tát), hay quán sát về một khái niệm trừu tượng (ví dụ như quán tính Vô thường hay lòng Từ bi). Sau đó tọa thiền đòi hỏi thiền giả phải thoát ra sự vướng mắc của tư tưởng, ảnh tượng, khái niệm vì mục đích của tọa thiền là tiến đến một tình trạng vô niệm, tỉnh giác, không dung chứa một nội dung nào. Sau một giai đoạn kiên trì trong vô niệm, hành giả sẽ bỗng nhiên trực ngộ thể tính của mình, đó là tính Không, cái "thể" của vạn vật.
Ý nghĩa
Trong một chừng mực nhất định, tọa thiền đối lập với cách thiền quán Công án vì công án là một đề tài nghịch lý, bắt thiền giả phải liên tục quán tưởng để đến một lúc nào đó bỗng chợt phát ngộ nhập. Trong các phái Thiền Trung Quốc và Nhật Bản, có phái nghiêng về công án (Khán thoại thiền), có phái nghiêng về tọa thiền (Mặc chiếu thiền). Như từ "thiền" cũng có nghĩa "trầm lắng", tọa thiền là "ngồi trong sự trầm lắng." Tọa thiền quan trọng đến mức có người cho rằng không có tọa thiền thì không có thiền. Thiền sư Nam Nhạc Hoài Nhượng có lần nói đại ý "không thể thành Phật bằng việc ngồi". Công án này có nhiều người hiểu sai, cho rằng Nam Nhạc chê bai việc "ngồi", vì con người vốn đã là Phật. Đã đành, Phật giáo Đại thừa cũng như Thiền tông đều cho rằng chúng sinh đã là Phật, nhưng Thiền cũng nhấn mạnh rằng, điều khác nhau là tin hiểu điều đó một cách lý thuyết hay đã trực ngộ điều đó. Kinh nghiệm trực ngộ đó chính là giác ngộ, mà hành trì tọa thiền là một phương pháp ưu việt.
Nhận định
Như Tổ Thiền Trung Quốc Bồ-đề-đạt-ma đã ngồi chín năm quay mặt vào vách tại chùa Thiếu Lâm, phép tọa thiền là phép tu chủ yếu của Thiền và được mọi Thiền sư hành trì. Thiền sư Đạo Nguyên Hi Huyền cho rằng tọa thiền là "đường dẫn đến cửa giải thoát". Trong tác phẩm Bạch Ẩn Thiền sư tọa thiền hòa tán, Thiền sư Bạch Ẩn Huệ Hạc viết:
Ôi tọa thiền, như Đại thừa chỉ dạy, không có lời tán dương nào nói hết. Tu sáu Ba-la-mật hay tu hạnh bố thí, giữ giới hay hành trì, kể sao cho hết. Tất cả đều xuất phát từ tọa thiền. Chỉ một lần tọa thiền, công đức sẽ rửa sạch tất cả nghiệp chướng chồng chất từ vô thủy.
Lục tổ Huệ Năng giảng về Tọa thiền trong Pháp bảo đàn kinh:
Thiện tri thức, tại sao gọi là Tọa thiền? Trong Pháp môn này vô chướng, vô ngại, bên ngoài đối với tất cả cảnh giới thiện ác tâm niệm chẳng khởi gọi là Tọa, bên trong thấy tự tính chẳng động gọi là Thiền. Thiện tri thức, sao gọi là Thiền định? Bên ngoài lìa tướng là Thiền, bên trong chẳng loạn là Định. Ngoài nếu chấp tướng trong tâm liền loạn, ngoài nếu lìa tướng thì tâm chẳng loạn. Bản tính tự tịnh, tự định, chỉ vì thấy cảnh chấp mà thành loạn. Nếu người thấy mọi cảnh mà tâm chẳng loạn, đó là Chân định vậy. |
Thượng tọa (chữ Hán: 上座) là một danh hiệu chỉ các vị Tăng sĩ Phật giáo, là một người đã thọ Tỳ kheo giới, nên còn gọi là chung là Tỳ kheo.
Chỉ một người cao tuổi đã đạt bốn tiêu chuẩn sau:
Đức hạnh cao.
Nắm vững tất cả giáo lý căn bản của Phật pháp.
Nắm vững các phép Thiền định.
Người đã diệt các lậu hoặc (sa. āsrava), Phiền não (sa. kleśa) và đạt Giải thoát (sa. vimokṣa).
Danh hiệu Thượng toạ được dùng sau này không hẳn là theo tất cả các tiêu chuẩn trên, thường chỉ để dùng cho các Tỉ-khâu có danh tiếng, cao tuổi hạ (như Hoà thượng).
Trong Thiền tông, là danh hiệu kính cẩn để gọi thầy của mình.
Chỉ cho Thượng toạ bộ.
Trong tiếng Anh, Thượng tọa là thera, và Giáo hội Phật giáo Việt Nam dùng từ "Venerable" để chỉ thượng toạ..
Tại Việt Nam hiện nay
Theo Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam quy định, danh hiệu Thượng tọa dành cho các vị Tăng sĩ có tuổi đạo từ 25 trở lên tính theo hạ lạp, tuổi đời từ 45 trở lên. Khi đủ tuổi đạo 40 năm có thể được danh hiệu Hòa thượng.
Xem thêm
Hạ tọa
Trung tọa |
Tịch Thiên (zh. 寂天, sa. śāntideva, bo. zhi ba lha ཞི་བ་ལྷ་), là một luận sư Phật giáo kiêm thi hào Ấn Độ sống vào khoảng thế kỉ thứ 7-8 Công nguyên. Ông là người theo phái Trung quán của đạo Phật Đại thừa do Long Thọ Bồ Tát chủ xướng.
Cơ duyên & tư tưởng chủ đạo
Các nguồn tài liệu về cuộc đời Tịch Thiên được ghi rõ và đối chiếu trong chuyên luận của A. Pezzali. Nhìn chung thì chúng phần lớn mang tính chất thần thoại, chứa rất ít những gì cụ thể lịch sử. Tuy nhiên, các học giả đều nhất trí về việc Sư là vương tử (có lẽ con vua xứ Surāṣṭra), từ khước ngai vàng, đến học viện Na-lan-đà (hoặc Madhyadeśa) gia nhập Tăng-già. Thần thể (sa. iṣṭadevatā) trong quá trình tu tập của Sư là Văn-thù-sư-lợi (sa. mañjuśrī) và Đà-la (sa. tārā).
Về thời hoằng pháp của Tịch Thiên ta cũng không thấy sự nhất trí trong giới nghiên cứu. Phần lớn các chuyên gia nương vào tên của những vương triều thời đó được ghi lại qua sử sách Tây Tạng để xác định, với kết quả là Sư sống vào khoảng 650-700 sau CN. A. Pezzali cho rằng sư hoằng pháp sau thời gian nêu trên với dẫn chứng là Nghĩa Tịnh (rời Ấn Độ 695) — nếu lúc đó Tịch Thiên đã nổi danh như sử sách ghi lại — đã phải ghi lại một vài thông tin về sư. Tuy nhiên, thầy của Tịch Thiên là Thắng Thiên (sa. jayadeva) cũng không được Nghĩa Tịnh nhắc đến trong ký sự của mình. Thời điểm cuối ta có thể xác định được là chuyến đi Tây Tạng đầu tiên của Tịch Hộ (zh. 寂護, sa. śāntirakṣita) vào năm 763, bởi vì Tịch Hộ trích dẫn Tịch Thiên trong tác phẩm Thành chân thật luận (sa. tattvasiddhi).
Tịch Thiên chủ trương học thuyết Quy mậu luận chứng (zh. 歸謬論証, sa. prasaṅga) — cũng được gọi là Cụ duyên hoặc Ứng thành — của tông Trung quán (sa. mādhyamika). Tương truyền thầy của Sư là Thắng Thiên, một đại sư giảng dạy tại học viện Na-lan-đà. Ngoài Sư ra thì Thắng Thiên có một đệ tử khác là Virūpa. Về tư tưởng thì Sư thuộc về hàng hậu thế trong tông Trung quán và chính vì vậy mà có thể dùng tất cả những phương tiện mà các vị tiền bối đã phát triển. Về quan điểm triết học thì Sư lại gần Nguyệt Xứng. Trong khi vị này được miêu tả như một triết gia thuần tuý thì Tịch Thiên lại có khuynh hướng phối hợp quan điểm triết học và thực hành thiền định một cách hài hoà. Vì truyền thống Trung quán không lưu lại tài liệu hướng dẫn thực hành cụ thể nên Sư phải diễn dẫn quan điểm của những trường phái khác, những quan điểm được trình bày trong các bộ kinh Hoa Nghiêm, Bảo Tích hoặc những bài kinh Đại thừa độc lập khác. Và Sư cũng chẳng ngần ngại trích dẫn kinh điển "tiền đại thừa", diễn giảng chúng theo cách của mình, theo quan điểm Đại thừa.
Tác phẩm
Sư là tác giả của hai tác phẩm quan trọng là (Đại thừa) Tập Bồ Tát học luận (sa. śikṣāsamuccaya) và Nhập bồ-đề hành luận (sa. bodhicaryāvatāra). Một tác phẩm thứ ba cũng thường được nhắc đến là Tập kinh luận (sa. sūtrasamuccaya) đã thất truyền (theo Thánh Nghiêm thì được dịch ra Hán ngữ dưới tên Đại thừa thật yếu nghĩa luận). Nhập bồ-đề hành luận rất thông dụng trong Phật giáo Tây Tạng, là kinh điển giáo khoa.
Nhập bồ-đề hành luận
Nhập bồ-đề hành luận trình bày các bước tu học vị Bồ Tát, từ lúc phát Bồ-đề tâm (sa. bodhicitta) cho đến lúc đạt trí Bát-nhã (sa. prajñā), dựa trên Lục ba-la-mật-đa (sa. ṣaṭpāramitā). Nhập bồ-đề hành luận là tác phẩm nhằm hướng dẫn cho Cư sĩ hay người mới nhập môn. Tịch Thiên giảng giải trong tác phẩm này hai phương pháp nhằm giúp vị Bồ Tát tương lai nhận biết tại sao mình lại cứu độ cho người và xuất phát từ đó các hành động cần thiết. Một mặt hành giả phải tu học phép quán chiếu cái nhất thể giữa mình và người (sa. parātmasamatā), mặt khác phải học phép hoán đổi giữa mình và người (sa. parātmaparivartana, xem thêm Bất hại), tức là đặt mình vào địa vị của chúng sinh để thấu rõ tâm trạng của Hữu tình (sa. sattva).
Tập Bồ Tát học luận
Tập Bồ Tát học luận bao gồm 19 chương (sa. pariccheda) với 27 bài kệ chính và lời bình giảng, giải thích rõ những câu kệ này. Phần bình giảng hàm chứa nhiều đoạn trích dẫn kinh điển — Tịch Thiên trích dẫn trên 100 bộ kinh. Phần đóng góp của Sư trong đây nằm trong phạm vi tóm lược và viết lời dẫn dưới dạng văn xuôi. Trọng tâm của Tập Bồ Tát học luận là con đường tu tập của một vị Bồ Tát. Mặc dù Sư theo cách phân chia truyền thống theo sáu Ba-la-mật-đa (sa. pāramitā) nhưng lại không dùng chúng làm sườn một cách xuyên suốt trong tác phẩm này. Thay vào đó, Sư viết rõ hơn về điều kiện dẫn nhập và những chặng đường phát triển "bên dưới", kể từ lúc ban sơ, từ lúc một Phật tử phát tâm Bồ-đề vì lợi ích chúng sinh. Quan trọng cho cấu trúc của Tập Bồ Tát học luận, ngoài Lục ba-la-mật-đa ra là những quỹ phạm khác, ví như ba điểm quan trọng là bản thân (sa. ātmabhāva), vật sở hữu (sa. bhoga) và Công đức (sa. puṇya) của một Bồ Tát. Ba điểm này được giảng thuật dưới bốn khía cạnh, đó là: sự buông xả (sa. utsarga), bảo hộ (sa. rakṣā), thanh tịnh (sa. śuddhi) và tăng trưởng (sa. vṛddhi).
Điểm đặc biệt của Tập Bồ Tát học luận nằm ở chỗ không nhấn mạnh đến khía cạnh triết học Phật giáo, mặc dù cơ sở quan trọng này không bao giờ bị xao lãng. Thay vào đó, luận văn chuyên chú đến khía cạnh tu tập cụ thể mà mỗi Phật tử có thể thực hành. Tất cả những chủ đề được đưa ra và bình luận đều hướng về mục đích cứu cánh, đó là thành tựu quả vị Bồ Tát, đạt giác ngộ vì lợi ích chúng sinh. Nhìn chung, tác phẩm được viết một cách giản dị, tha thiết và đầy thi vị. Tập Bồ Tát học luận và Nhập Bồ-đề hành luận sau này trở thành sách giáo khoa căn bản của Phật giáo Tây Tạng và đây cũng là lý do vì sao bộ Phiên dịch danh nghĩa đại tập (zh. 翻譯名義大集, sa. mahāvyutpatti) đặt Tịch Thiên ngang hàng những vị Đại luận sư khác như Long Thụ, Thánh Thiên, Nguyệt Xứng, Thanh Biện và Giác Hiền.
Tiểu sử bên dưới được ghi lại theo cách nhìn của Mật giáo Ấn Độ, Tây Tạng.
Tịch Thiên (41), "Kẻ lười biếng"
Tịch Thiên theo truyền thống 84 vị Đại thành tựu của Ấn Độ và cũng là người viết Nhập bồ-đề hành luận. Sư là một vương tử được thụ giới Tỉ-khâu tại Đại học Phật giáo Na-lan-đà. Trong lúc các bạn đồng học tập trung học tập thì Sư chỉ thích ngủ nghỉ, vì thế bạn bè khinh khi, đặt tên là "lười biếng" (sa. bhusuku), có nghĩa người chỉ biết thực hiện ba việc: ăn, ngủ và bài tiết. Thời đó tại Na-lan-đà, các học viên thường phải đọc thuộc lòng Kinh điển trước đại chúng, lần đó đến lượt Tịch Thiên. Vị giáo thụ xem chừng Sư không thuộc bài, khuyên Sư nên ra khỏi Tăng-già, nhưng Sư không chịu. Tới ngày phải tụng đọc, Sư thành tâm cầu khẩn Bồ Tát Văn-thù-sư-lợi giúp đỡ, quả nhiên Văn-thù hiện ra hứa giúp. Lúc Sư lên giảng đường tụng đọc, mọi người tề tựu đông đủ, kể cả nhà vua Thiên Hộ (sa. devapāla), ai cũng nghĩ Sư sẽ bị một vố ê chề. Thế nhưng Sư đọc một bài kinh hoàn toàn mới, gồm có 10 chương, đó là tập Nhập bồ-đề hành luận (sa. bodhicāryāvatāra) vô song, còn truyền đến ngày nay. Đến chương thứ chín thì người Sư lơ lửng trên không, mọi người đều ngạc nhiên kinh hoàng. Sau đó không ai gọi Sư là "lười biếng" nữa mà đặt tên là "Pháp sư" Tịch Thiên, mời Sư làm Viện trưởng của Na-lan-đà.
Sau đó Sư rời Na-lan-đà ra đi không lời từ giã, lấy một thanh gỗ biến thành gươm và đi làm kiếm sĩ cho nhà vua xứ Đô-ri-ki (sa. dhokiri). Sau, Sư vào rừng ẩn cư và làm thợ săn. Bị nhiều người chê trách là đã tu mà còn giết hại sinh vật, Sư dùng thần thông làm chúng sống lại cả và bảo:
Con nai trên bàn ăn,
chưa hề sống, hề chết,
chẳng bao giờ vắng bóng.
Đã không gì là Ngã,
sao lại có thợ săn
hay thịt của thú rừng?
Ôi, người đời đáng thương,
mà các ngươi lại gọi,
ta là người "lười biếng"!
Sư sống trên trăm năm và đưa nhiều người trở về chính pháp. Phật giáo Tây Tạng rất coi trọng Tịch Thiên, bộ Nhập bồ-đề hành luận là sách giáo khoa tại đó. Chứng đạo ca của Sư có những lời sau:
Trước ngày thật chứng ngộ,
ta biết nhiều hương vị,
trong khắp cõi luân hồi,
ta xa lánh đức Phật.
Tới lúc thật chứng rồi,
Sinh tử và Niết-bàn
hợp nhất thành Đại lạc,
ta trở thành viên ngọc
sáng trong biển vô tận. |
Tín (zh. xìn 信, sa. śraddhā, pi. saddhā, ja. shin) có nhiều nghĩa:
1. Lòng tin tưởng nơi Phật-đà và Phật pháp. Tín là cơ sở của hai yếu tố đầu tiên—Chính kiến và Chính tư duy—trong Bát chính đạo và một yếu tố của năm lực (Ngũ lực). Trong Đại thừa, tín còn đóng một vai trò quan trọng hơn, vì tín là hạnh nguyện quan trọng mà ai cũng có và sẽ đưa mỗi người đến Phật quả. Tuy nhiên tín không phải là niềm tin mù quáng, mà chính là lòng tin tưởng chắc chắn sau khi đã tìm hiểu và áp dụng giáo pháp của Phật. Tin tưởng mù quáng nơi lời nói của Phật hay đạo sư là đi ngược với quan điểm đạo Phật, như chính Phật đã từng khuyến cáo.
Tuy nhiên trong Tịnh độ tông, lòng tin nơi Phật A-di-đà có tính chất tuyệt đối. Vì vậy tông phái này cũng có khi được gọi là "Tín đạo". Tín là một trong những cơ sở khi nhập vào Thánh đạo: một bậc Dự lưu (sa. śrota-āpanna) có thể là một bậc Tuỳ tín hành (sa. śraddhānusarin) hay Tuỳ pháp hành (sa. dharmānusarin) và khi giải thoát cũng có thể phân biệt là người nương vào Tín mà được giải thoát (sa. śraddhāvimukta) hay nương vào Quán chứng được giải thoát (sa. dṛṣṭiprāpta).
2. Một tên gọi của Tâm.
3. Một trong 10 thiện tâm sở đề cập trong A-tì-đạt-ma-câu-xá luận, một trong 11 thiện tâm sở đề cập trong Pháp tướng tông. Khi gặp cảnh giới thanh tịnh, nhờ đó mà làm thanh tịnh các tâm sở khác. Tin nhận pháp giới như chúng đang là. Theo Pháp tướng tông, Tín là "thật pháp" có cái dụng suốt khắp Tam giới. |
Tối Trừng (zh. zuìchéng 最澄, ja. saichō), 767-822, cũng được gọi là Truyền giáo Đại sư (伝教大師), là người thành lập tông Thiên Thai Nhật Bản.
Cơ duyên và hành trạng
Sư lưu tâm đến Phật pháp từ lúc mới 12 tuổi, sư trở thành đệ tử của Hành Biểu (zh. 行表, ja. gyōhyō) trú trì chùa Quốc Phân (zh. 國分寺, ja. kokubunji) ở Cận Giang (zh. 近江, ja. ōmi) vào lúc 14 tuổi, và sau khi thụ giới cụ túc vào năm 19 tuổi tại chùa Đông Đại (東大寺, ja. tōdaiji), Sư đến núi Tỉ Duệ (zh. 比叡山, ja. hiei) để tu tập thiền quán và nghiên cứu về Hoa Nghiêm tông. Nhưng sư say mê nhất giáo lý của tông Thiên Thai, điều mà sư trở nên quen thuộc qua đọc các tác phẩm của ngài Trí Khải. Sư nổi tiếng là một học giả uyên bác đến mức sư được Hoàng đế Kammu ban tặng cho một cơ hội sang Trung Hoa nghiên cứu Phật pháp, với mục đích tạo dựng nên một sắc thái Phật giáo tương ứng với bản sắc Nhật Bản. Sư đáp thuyền đi năm 804 cùng với người bạn đồng hành là Không Hải (zh. 空海, ja. kūkai). Tại Trung Hoa, sư trở thành môn đệ của Ngưu Đầu thiền với Thiền sư Tiêu Nhiên (zh. 翛禪). Sư nghiên cứu tông Thiên Thai với cao tăng Đạo Thuý (zh. 道邃), nghiên cứu Chân Ngôn tông với Thuận Hiểu (zh. 順曉), trong đó không có giáo lý nào còn tồn tại như một tông phái độc lập ở Nại Lương. Sư trở về Nhật Bản vào năm sau, và vào năm 806 Sư chính thức thành lập Thiên Thai tông Nhật Bản. Dù chịu ảnh hưởng giáo lý tông Thiên Thai nhiều nhất, nhưng qua mối quan hệ với Không Hải, Sư vẫn quan tâm sâu sắc đến Chân Ngôn tông. Thế nên, hệ thống giáo lý riêng của Sư có khuynh hướng hoà hợp. Sư dành thời gian còn lại của đời mình để truyền bá kiến thức Phật học của mình cho Phật tử quanh vùng núi Tỉ Duệ, nhưng gặp phải sự chống đối thường xuyên với những tông phái đã được thành lập từ trước, đặc biệt là về những cải cách mà sư đang nỗ lực thực hiện, như việc sư tìm kiếm sự hợp lý hoá một vài nghi thức truyền thụ giới pháp Đại thừa. Sư viết rất nhiều, một trong những tác phẩm quan trọng là Thủ hộ quốc giới chương (zh. 守護國界章, ja. shugo kokkaishō), Pháp Hoa tú cú (zh. 法華秀句, ja. hokkeshūku) và Hiển giới luận (zh. 顯戒論, ja. kenkairon).
Chủ trương của Thiên Thai tông tại Nhật không khác gì với Thiên Thai tại Trung Quốc. Đó là quan điểm đặt cơ sở trên kinh Diệu pháp liên hoa, trên lời thuyết pháp thật sự của Phật Thích-ca. Sư cho rằng các tông phái khác hay dựa trên các luận giải, chứ không phải trên kinh điển chính thức của đức Phật nên Thiên Thai tông ưu việt hơn. Sư cũng có quan điểm khác với các tông phái khác và nhấn mạnh đến tính thống nhất và bao trùm của Thiên Thai tông. Tính bao trùm thể hiện trong luận điểm mọi chúng sinh đều có khả năng giác ngộ và thành Phật. Tính này cũng thể hiện trong Phật tính, là tính chất chung nhất của mọi chúng sinh. Đối với Sư, muốn đạt Phật quả, hành giả phải sống một đời sống trong sạch và tu tập Chỉ-Quán.
Sư quan tâm giữ gìn mối quan hệ với hoàng gia đương thời. Núi Tỉ Duệ được xem là "Trung tâm bảo vệ quốc gia" của Nhật và xem Đại thừa Phật giáo là người bảo vệ đất nước Nhật. Sư chia tăng sĩ học trong thiền viện mình ra làm nhiều hạng: những người xuất sắc nhất được xem là "bảo vật của quốc gia" và phải ở trong chùa, phụng sự đất nước. Những người kém hơn thì cho vào các công sở, dạy học hoặc làm nhà nông, nói chung là phục vụ xã hội.
Chú thích |
Tổ sư (zh. 祖師, ja. soshi) thường được hiểu là những vị Tổ trong Thiền tông. Tổ sư là những Đại sư đã thấu hiểu Phật pháp, đã được truyền tâm ấn qua cách "Dĩ tâm truyền tâm" và truyền lại cho những Pháp tự. Biểu tượng của việc "Truyền tâm ấn" là pháp y và Bát, gọi ngắn là "y bát". Theo truyền thuyết, 28 vị Tổ sư Ấn Độ kế thừa nhau sau Phật Thích-ca để truyền bá Thiền tông và Bồ-đề-đạt-ma—vị Tổ thứ 28 tại đây—được xem là Tổ thứ nhất của Thiền Trung Quốc.
Vị Tổ thứ 6 tại Trung Quốc là Huệ Năng không chính thức truyền y bát lại cho ai và vì vậy, biểu tượng này và với nó là danh hiệu Tổ sư thất truyền. Nhưng Huệ Năng lại có năm vị đệ tử đắc pháp xuất sắc—được thời nhân gọi là Ngũ đại tông tượng—là những vị đã khai sáng và phát triển nhiều nhánh thiền quan trọng.
Năm vị Đại Thiền sư được tôn là Ngũ đại tông tượng của Lục tổ:
Thanh Nguyên Hành Tư
Nam Nhạc Hoài Nhượng
Nam Dương Huệ Trung
Vĩnh Gia Huyền Giác
Hà Trạch Thần Hội.
Trong những nhánh thiền này (xem Ngũ gia thất tông), những vị Thiền sư xuất sắc được các tăng ni cũng như giới Cư sĩ tôn sùng và gọi là Tổ sư. |
Tịnh nghiệp chướng kinh (zh. jìng yèzhàng jīng 淨業障經, ja. jō gōshō kyō), là một bộ kinh được dịch sang Hán văn, gồm 1 quyển, dịch giả khuyết danh. Bài kinh này có lẽ được dịch vào đời Tây Tần (zh. 西秦) khoảng từ năm 350-430. Kinh kể chuyện 2 vị tăng tên Vô Cấu Quang (zh. 無垢光) và Dũng Thí (zh. 勇施) bị phạm tội trọng, nhưng chuyển hoá được ác nghiệp nhờ nhận ra được bản tính Vô sinh của các pháp. Tên gọi đầy đủ là Phật thuyết tịnh nghiệp chướng kinh (zh. 佛説淨業障經). |
Toạ cụ (zh. 坐具, ja. zagu), là "dụng cụ để ngồi (thiền)". Ban đầu toạ cụ chỉ là một tấm vải để ngồi và là một trong sáu vật (lục vật) mà một thiền tăng được mang theo tuỳ thân. Nếu thiền sinh đi Hành cước thì toạ cụ thường được xếp gọn và cất giữ dưới y phục. Trong Thiền tông thì toạ cụ trở thành một tấm khăn mà ngày nay cũng còn được sử dụng trong những buổi lễ, ví dụ như khi thiền sinh trải toạ cụ để quỳ lạy, lễ bái. Toạ cụ cũng được nhắc đến trong một vài Công án. |
Toạ đoạn (zh. 坐斷, ja. zadan), cũng được gọi là Toạ diệt (zh. 坐滅, ja. zasetsu), nghĩa "Ngồi thiền để đoạn diệt" và cái được đoạn diệt ở đây chính là những vọng tưởng, ý nghĩ si mê, vô minh.
Khi các vọng tưởng trong tâm thức của một kẻ phàm đã được cắt đứt thì người ấy sẽ trực ngộ được Phật tính, ngộ được tính không (sa. śūnyatā, ja. kū) của hiện hữu. Nếu người ta còn vướng mắc, bám vào khía cạnh sắc tướng của sự vật và cho nó là sự thật tuyệt đối thì không bao giờ trực chứng được cái chân tính nằm sau mọi hiện tượng. Trong lúc toạ thiền thì tất cả những vọng tưởng che đậy chân như dần dần được đoạn diệt một cách có hệ thống—đến khi cách nhìn theo lối nhị nguyên "Ta đây vật đó" bất thình lình bị phá vỡ và hành giả chết một cái chết lớn (đại tử 大死) trên Toạ bồ đoàn. Cái chết lớn này chính là điều kiện căn bản của sự sống mới hoàn toàn tự do tự tại, không còn bị ảnh hưởng của sinh tử luân hồi. |
Toạ bồ đoàn (zh. 坐蒲團, ja. zabuton), cũng được gọi tắt là Bồ đoàn, là một dụng cụ để Toạ thiền, thường được dồn bằng bông gòn và bọc bằng một lớp vải xanh dương đậm. Toạ bồ đoàn có hình vuông, với kích thước mà một người ngồi thiền trong tư thế Kết già phu toạ vừa đủ ngồi và để hai đùi gối lên. |
Không hữu (zh. kōngyŏu 空有, ja. kūu) là trống không và tồn tại, hiện hữu và không hiện hữu. Hai cách để nhận thức về thực tại, được dịch sang tiếng Hán là Hữu vô (zh. 有無). Quan niệm Hữu là nhìn thấy các hiện tượng là do duyên khởi, trong khi quan niệm Vô là nhìn các hiện tượng vốn xưa nay không có tự tính (bản lai vô tự tính 本來無自性). |
Không hoa (zh. kōnghuá 空華, ja. kūge), là "hoa trên không trung". Hoa hư huyễn, hoa đốm trong mắt, được nhìn thấy trên bầu trời như là kết quả của sự rối loạn thị giác. Đây là ẩn dụ được dùng trong những kinh luận như luận Đại thừa khởi tín, kinh Thủ-lăng-nghiêm, kinh Viên Giác, để chỉ cho tính vô minh phân biệt. |
Tịnh độ môn (zh. jìngtǔmén 淨土門, ja. jōtomon là giáo lý Tịnh độ, khuyên tìm cầu sự cứu độ thông qua nguyện lực của Phật A-di-đà. |
Không hành nữ, hay nữ không hành, (en. dakini, zh. 空行女,狐仙,明妃 sa. ḍākinī, bo. mkha` `gro ma མཁའ་འགྲོ་མ་) là những người nữ "đi trong không gian". Theo quan điểm dân gian Ấn Độ, không hành nữ là các nữ thần trong thiên giới. Đặc biệt trong Kim cương thừa, không hành nữ được xem là gốc của sự cảm hứng và trong các tranh tượng, chư vị được vẽ như các nữ thần loã thể đáng sợ.
Trong Phật giáo Tây Tạng, nhiều tu sĩ xem không hành nữ là thần bảo hộ, là người giải phóng năng lực của người tu tập và hoà nhập vào năng lực của chính mình. Danh hiệu "không hành nữ" có nghĩa là vị nữ thần di chuyển trên bình diện thật tại cao nhất - theo tiếng Tây Tạng mkha` `gro ma. mkha` là không gian, `gro là chuyển dịch, ma nữ giới. Sự loã thể tượng trưng cho sự thật không bị che đậy.
Không hành nam trong tiếng Phạn là daka, trong tiếng Tây Tạng là powa. |
Bồ-đề đạo thứ đệ (zh. 菩提道次第論, bo. lam-rim ལམ་རིམ་) là tên chung của một số bản luận do những vị Đại sư Phật giáo Tây Tạng sáng tác, dựa theo tác phẩm Bồ-đề đạo đăng luận của A-đề-sa. Những bộ luận này nêu rõ từng chi tiết từ lúc nhập môn đến khi đạt Bồ-đề. Điểm đặc sắc nhất là khía cạnh nào của Phật pháp cũng được đề cập đến. Tác phẩm cổ nhất thuộc loại này là bộ Bồ-đề đạo thứ đệ tuỳ phá tông trang nghiêm của Đạt-bảo Cáp-giải (bo. dvags-po lha-rje དྭགས་པོ་ལྷ་རྗེ་ hoặc sgam po pa སྒམ་པོ་པ་) và theo gương quyển này, Tông-khách-ba soạn quyển Bồ-đề đạo thứ đệ và Chân ngôn đạo thứ đệ (một bài luận về Mật giáo). Những bộ sách này rất được ưa chuộng vì vậy được biên soạn và phổ biến rộng rãi trong tất cả các tông phái Phật giáo Tây Tạng.
Bồ-đề đạo thứ đệ tuỳ phá tông trang nghiêm (bo. dvags po thar rgyan དྭགས་པོ་ཐར་རྒྱན་) của Đạt-bảo Cáp-giải tuyên truyền Bồ-đề đạo đăng luận của A-đề-sa và phép tu Đại thủ ấn (sa. mahāmudrā) của Mật-lặc Nhật-ba (bo. milarepa མི་ལ་རས་པ་). Sách này được chia thành sáu chương:
Thuyết quan trọng trong chương này là thuyết Như Lai tạng (sa. tathāgata-garbha), có nghĩa rằng, tất cả chúng sinh đều có Phật tính. Thuyết này cũng là đối tượng tranh cãi quyết liệt trong Phật giáo nơi đây và cũng vì vậy, trong tác phẩm Bồ-đề đạo thứ đệ, Tông-khách-ba không đề cập đến thuyết này nữa;
Kiếp người là cơ hội thuận tiện nhất để đắc Bồ-đề thành Phật. Vì vậy chúng sinh không nên bỏ lỡ cơ hội hiếm có này.
Điều kiện quan trọng nhất để đắc đạo là sự hướng dẫn của một thiện tri thức, đây có nghĩa là một vị Đạo sư (ở Tây Tạng là một Lạt-ma).
Phương tiện để đạt Phật quả là những lời hướng dẫn của vị Đạo sư. Sự hướng dẫn này thường bao gồm những bài giảng về nỗi đau Khổ của tất cả chúng sinh trong Luân hồi, luật Nghiệp báo, tác dụng của tâm Từ bi, việc phát triển Bồ-đề tâm, thực hiện sáu hạnh Ba-la-mật-đa (Lục độ), Ngũ đạo;
Những lời hướng dẫn này đưa hành giả đến những cấp bậc tiếp thu trực giác, đạt Bồ-đề (Tam thân);
Hành giả không đạt Bồ-đề cho chính mình. Bồ-đề chỉ trở thành ý nghĩa cao cả khi hành giả xả thân cứu độ tất cả chúng sinh.
Cách trình bày của những bộ luận Bồ-đề đạo thứ đệ khác cũng tương tự như trên. Chỉ có những điểm quan trọng là được sắp xếp khác nhau. Trong Bồ-đề đạo thứ đệ của Tông-khách-ba thì phép tu Chỉ và Quán được chú trọng đặc biệt, trong khi những bộ thuộc dòng Ninh-mã (bo. nyingmapa རྙིང་མ་པ་) lại để ý đến phương tiện Đại cứu cánh (sa. atiyoga, bo. dzogchen རྫོགས་ཆེན་) hơn. |
Atisha (zh. 阿提沙, sa. atīśa, atiśa), dịch ý là "Người xuất chúng, xuất sắc", cũng được gọi là Nhiên Đăng Cát Tường Trí (zh. 燃燈吉祥智, sa. dīpaṅkaraśrījñāna, bo. jo bo rje dpal ldan a ti sha ཇོ་བོ་རྗེ་དཔལ་ལྡན་ཨ་ཏི་ཤ་). Là một Tỳ-khưu vĩ đại người Đông Ấn (982-1054), đã đóng góp rất nhiều trong việc truyền Phật giáo sang Tây Tạng. Sư chuyên nghiên cứu các phương pháp phát triển Bồ-đề tâm (sa. bodhicitta). Là Tổ của dòng Ma-kiệt-đa (sa. magadha) và thuyết sư tại đại học Siêu Giới (sa. vikramaśīla), Sư được mời qua Tây Tạng và sống ở đó 12 năm cuối đời mình. Sư là người sáng lập trường phái Kadampa (zh. 迦當派, bo. bka' gdams pa བཀའ་གདམས་པ་), gây ảnh hưởng rất lớn cho nền Phật giáo Tây Tạng, nhất là dòng Cách-lỗ (bo. gelugpa དགེ་ལུགས་པ་) của Tông-khách-ba (bo. tsong-kha-pa). Đệ tử quan trọng nhất của Sư là Lạc-mẫu-đông (hoặc Đông-đốn, bo. `brom ston འབྲོམ་སྟོན་, 1003-1064).
Thế kỉ thứ 10 được xem là thời đại truyền pháp lần thứ hai từ Ấn Độ qua Tây Tạng, thông qua vương triều miền Tây. Ban đầu nhà vua cử sứ giả qua Ấn Độ thỉnh Kinh, như dịch giả Rinchen Sangpo (bo. rinchen sangpo རིན་ཆེན་བཟང་པོ་). Về sau nhà vua mời hẳn một Luận Sư Ấn Độ và người đó là Atisha. Năm 1042, Sư bước chân vào đất Tây Tạng, sống ở Netang và bắt đầu giáo hoá.
Trong tác phẩm Bồ-đề đạo đăng (sa. bodhipathapradīpa), Sư trình bày toàn cảnh giáo pháp Đại thừa và chia hành giả theo ba căn cơ khác nhau:
Hạ sĩ: Loại người mong được tái sinh nơi tốt lành.
Trung sĩ: Loại người tu vì sự giác ngộ của chính mình (Tiểu thừa).
Thượng sĩ: Loại người tu vì sự Giác ngộ của tất cả chúng sinh (Bồ Tát).
Công trình chính của Atisha là xếp đặt thứ tự Kinh sách, không phổ biến bừa bãi. Sư là người đưa Bổn Tôn Đa-la (sa. tārā) trở thành một vị nữ Bổn Tôn quan trọng trong hệ thống đạo Phật Tây Tạng. Trong các tác phẩm, Sư thống nhất hai trường phái chính của Giáo Pháp Bát-nhã-ba-la-mật-đa: quan điểm tính Không (sa. śūnyatā) của Long Thụ (sa. nāgārjuna) và tính bao trùm của tâm thức giác ngộ theo Vô Trước (sa. asaṅga). |
Bạch Vân An Cốc (zh. 白雲安谷, ja. hakuun yasutani); 1885-1973 là một vị Thiền sư Nhật Bản, là Thiền sư đầu tiên giảng dạy ở Hoa Kỳ. Xuất gia năm 11 tuổi, Sư tu tập dưới sự hướng dẫn của nhiều Thiền sư khác nhau. Sau khi làm thầy giáo (trường phổ thông) 16 năm, Sư được Đại Vân Tổ Nhạc Nguyên Điền (ja. daiun sōgaku harada) nhận làm môn đệ và được ấn chứng (1943).
Sư đến Mĩ nhiều lần (1962-1969) và hướng dẫn nhiều thiền sinh Mĩ và các nước khác tu tập. Những bài luận về Bích nham lục, Vô môn quan và Thong dong lục của Sư rất được phổ biến. Phương pháp giảng dạy của Sư được truyền bá rộng rãi ở Tây phương qua quyển sách The Three Pillars of Zen của Philip Kapleau (Việt ngữ: Ba Trụ Thiền). |
Bạch chỉ (zh. 白紙, ja. hakushi), nghĩa là "trang giấy trắng", là một danh từ chỉ một tâm trạng đạt được qua quá trình Toạ thiền (ja. zazen) và một trong những yếu tố để đạt Giác ngộ. Bạch chỉ là một tâm trạng - nói theo nhà hiền triết châu Âu Meister Eckhart - "trống rỗng không có một vật". Để đạt được tâm trạng này thì tất cả những ý nghĩ, thành kiến, hình ảnh... phải biến mất, như chư vị Thiền sư thường nhấn mạnh.
Bạch Vân An Cốc - một vị Thiền sư hiện đại người Nhật - khuyên rằng: "Nếu đầu óc, thâm tâm của quý vị còn chứa đựng bất cứ một cái gì, ghi lại một cái gì thì quý vị sẽ không bao giờ Kiến tính. Quý vị phải buông xả tất cả. Tâm của quý vị phải trống rỗng, không một dấu vết như một tờ giấy trắng trong sạch, Bạch chỉ!" |
Vụ kiện hậu quả chất độc màu da cam trong Chiến tranh Việt Nam là vụ kiện của Nhóm bảo vệ quyền lợi của nạn nhân Chất độc da cam/Dioxin đối với 37 công ty sản xuất hóa chất của Hoa Kỳ, những đơn vị đã sản xuất các chất hóa học phát quang cây cối có chứa chất độc da cam được quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, trong đó nổi bật là các công ty: Dow Chemical, Montaso Ltd, Phamacia Corporation, và Hercules Incorporated. Vụ kiện đã qua hai phiên tòa sơ thẩm Tòa án liên bang tại quận Brooklyn và tòa phúc thẩm ở Tòa kháng án liên bang khu vực 2 ở New York bác đơn kiện của nguyên đơn với lý do chính: bên nguyên chưa có đầy đủ bằng chứng khoa học chứng minh mối quan hệ giữa bệnh tật của họ với chất dioxin, không có căn cứ pháp luật quốc tế, các công ty hóa chất chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng của chính phủ Mỹ nhưng chính phủ Mỹ lại có quyền miễn tố. Do đó ngày 2 tháng 3 năm 2009 tòa án Tối cao Mỹ bác đơn thỉnh cầu của nguyên đơn Việt Nam. Và tiền được hỗ trợ lẫn đền bù cho người vô tội bị nhiễm chất độc da cam hầu như không khả thi, trước nhận quốc tế sau quyên góp mô hình xã hội trong nước, doanh nghiệp, mạnh thường quân ủng hộ.
Vụ kiện đã thu hút sự chú ý của dư luận Việt Nam và quốc tế. Vài tổ chức xã hội đã kêu gọi ủng hộ nạn nhân chất độc dioxin, ủng hộ bên nguyên. Như ông Len Aldis đã lập một trang web kêu gọi ký tên vì công lý. Một số tổ chức của các cựu chiến binh Mỹ, Hàn Quốc bị nhiễm chất da cam cũng ủng hộ bên nguyên (Việt Nam).
Diễn biến
Ngày 31 tháng 1 năm 2004, nhóm bảo vệ quyền lợi của nạn nhân Chất độc da cam/Dioxin là Hội Nạn nhân Chất độc da cam/dioxin Việt Nam (The Vietnam Association of Victims of Agent Orange/Dioxin - VAVA) đã kiện 37 công ty Mỹ phải bồi thường do trách nhiệm gây ra thương tích vì đã sản xuất chất hóa học này. Dow Chemical và Monsanto là hai công ty sản xuất chất độc da cam (CĐDC) lớn nhất cho quân đội Hoa Kỳ đã bị nêu tên trong vụ kiện cùng các công ty khác. Trước đây nhiều cựu quân nhân Hoa Kỳ đã thắng một vụ kiện tương tự.
Hội nghị tiền xét xử lần đầu tiên đã diễn ra vào ngày 18 tháng 3 năm 2004. Hội nghị tiền xét xử thứ hai diễn ra vào ngày 18 tháng 6 năm 2004. Ngày 13 tháng 9 năm 2004, các luật sư của nguyên đơn đã trình Tòa sơ thẩm đơn kiện sửa đổi. Bên bị đã trình Tòa án sơ thẩm bản tranh tụng của mình (đợt 1) vào ngày 3 tháng 11 năm 2004, bản tranh tụng thứ 2 được trình ngày 18 tháng 1 năm 2005. Ngày 28 tháng 2 năm 2005, hai bên bắt đầu tranh tụng tại Tòa sơ thẩm.
Ngày 10 tháng 3 năm 2005, quan tòa Jack Weinstein thuộc Tòa án liên bang tại quận Brooklyn đã bác đơn kiện, quyết định rằng những đòi hỏi của đơn kiện không có cơ sở pháp luật. Quan tòa kết luận rằng chất độc da cam đã không được xem là một chất độc dưới bị cấm theo luật quốc tế vào lúc Hoa Kỳ dùng nó, ngay cả khi ảnh hưởng không cố ý của những chất này có thể gây ra độc tố đối với đời sống của con người và môi trường họ sống; và rằng Hoa Kỳ không bị cấm dùng nó để diệt cỏ; và những công ty sản xuất chất này không có trách nhiệm về cách sử dụng của chính quyền. Chính phủ Hoa Kỳ, vốn có quyền miễn tố (sovereign immunity), không phải là một bị cáo trong đơn kiện. Jack Weinstein cho rằng: "Đơn kiện của phía nguyên đơn không dựa trên bất cứ cơ sở nào của luật nội địa của một bang, một quốc gia hay dưới bất cứ hình thức gì của luật quốc tế". Ông cũng cho rằng nguyên đơn Việt Nam đã không không chứng minh được chính chất độc da cam đã gây ra các loại bệnh tật như liệt kê trong đơn kiện của họ, vì cho đến thời điểm đệ đơn kiện, họ vẫn thiếu các nghiên cứu sâu rộng về ảnh hưởng của chất làm phát quang cây cối có tác động xấu đối với sức khỏe con người.
Ngày 7 tháng 4, 2005 đoàn luật sư đại diện cho các nạn nhân Việt Nam nộp đơn yêu cầu Tòa kháng án liên bang khu vực 2 ở New York xét xử lại và phủ quyết phán quyết trước đây của chánh án Jack Weinstein.
Dự kiến Tòa Phúc thẩm sẽ cho ý kiến có mở phiên xử phúc thẩm hay không vào mùa thu 2006. Ngày 22 tháng 2 năm 2008, Tòa phúc thẩm Liên bang Mỹ tại New York đã ra phán quyết bác đơn kiện của các công dân Việt Nam, nạn nhân chất độc da cam/dioxin chống các công ty hóa chất Mỹ về việc sử dụng chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh Việt Nam. Tòa này đã y án sơ thẩm.
Dư luận quốc tế có nhiều ý kiến phê phán phán quyết này của Tòa phúc thẩm Liên bang Mỹ. Ngày 18 tháng 3 năm 2008, Đoàn Luật sư Hoa Kỳ và Hội Luật gia Dân chủ quốc tế gồm 10 người đã đến Việt Nam để hỗ trợ về mặt pháp lý cho các nạn nhân trong vụ kiện sắp tới lên Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ.
Ngày 6 tháng 10 năm 2008 nguyên đơn tiếp tục nộp đơn thỉnh cầu lên Tòa án Tối cao Mỹ nhưng đã bị tòa án Tối cao Mỹ bác đơn thỉnh cầu của nguyên đơn vào ngày 2 tháng 3 năm 2009. Phó chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam Vũ Trọng Kim cho là "Việc tòa án Mỹ từ chối lời thỉnh cầu của các nạn nhân Việt Nam là đã bỏ lỡ cơ hội thể hiện sự công minh của pháp luật và tinh thần yêu chuộng công lý, tôn trọng nhân quyền của nhân dân Mỹ". Theo luật sư Lưu Văn Đạt, người theo vụ kiện từ đầu cho biết, lý do tòa án Tối cao Mỹ bác đơn kiện của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam là theo luật pháp Mỹ, khi một vụ án được gửi đến Tòa phúc thẩm thì nhất định phải được xem xét giải quyết. Nhưng cùng vụ việc đó nếu được gửi lên tòa án Tối cao thì không nhất định phải đưa ra xét xử..
Các nghiên cứu khoa học phục vụ vụ kiện
Các nhà khoa học Việt Nam đã hợp tác với các nhà khoa học Mỹ, Canada, Đức và Nhật Bản đã nghiên cứu và thấy các nạn nhân dioxin có khả năng gây độc của dioxin trong máu cao gấp hàng trăm hoặc hàng ngàn lần mức bình thường. Viện Y khoa Hoa Kỳ cũng đã kết luận các nạn nhân dioxin là các cựu binh Hoa Kỳ tham gia chiến tranh Việt Nam cũng bị các căn bệnh ung thư.
Các lý lẽ và dẫn chứng
Phía nguyên đơn
Bên nguyên đưa ra lập luận rằng các tập đoàn hóa chất đã không tuân thủ theo đơn đặt hàng của Chính phủ Mỹ mà cung cấp các hóa chất có chất độc dioxin. Các công ty cung cấp chất hóa học phát quang cây cối biết chúng có nồng độ dioxin cao và có khả năng hạ nồng độ đó xuống nhưng họ đã không làm vậy vì lý do lợi nhuận. Bên nguyên đơn cũng trích dẫn một cuộc hội nghị năm 1965 mà tại đó, đại diện các hãng hóa chất đã tuyên bố rằng họ biết trong hóa chất diệt cỏ có các chất độc dioxin. Luật sư của bên nguyên là Jonathan Moore cho rằng "Họ (các công ty sản xuất thuốc diệt cỏ) đã cố sản xuất được càng nhanh, càng nhiều chất độc da cam càng tốt vì lo ngại chính phủ phát hiện, cấm sản xuất sẽ giảm khả năng sinh lời của họ". Luật sư bên nguyên cũng lập luận rằng, số lượng 80 triệu lít chất đốc da cam rải xuống Việt Nam là con số quá mức cần thiết để diệt cỏ. Bên nguyên cũng cho rằng, chính phủ Mỹ đã đặt hàng cho các công ty hóa chất này với yêu cầu không gây tác hại đối với con người. Do đó, việc các công ty vi phạm quy định như thế, gây tác hại nghiêm trọng cho thường dân có thể coi là tội phạm chiến tranh.
Phía bị đơn
Phía bị đơn cho rằng thực chất bên nguyên đang kiện chính phủ Mỹ, đòi chính phủ Mỹ đền bù chiến tranh do họ chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng của chính phủ Mỹ. Bị đơn cũng cho rằng, họ không biết trong thuốc diệt cỏ có chất dioxin gây tác hại cho sức khỏe con người.
Bị đơn kiến nghị bác bỏ Khiếu nại vì không nêu rõ yêu cầu bồi thường theo đó có thể được giảm nhẹ theo Quy tắc tố tụng dân sự liên bang 12 (b) (6).
Trong phần kiến nghị của mình, bị đơn đưa ra quan điểm yêu cầu bồi thường của nguyên đơn không thuộc Đạo luật Alien Tort vì nó không vi phạm bất kỳ luật lệ quốc tế được xác định rõ ràng và được chấp nhận rộng rãi nào - theo án lệ vụ Sosa v. Alvarez-Machain, 542 Hoa Kỳ 692 (2004). Các bị đơn cũng lập luận rằng Nguyên đơn thiếu cơ sở để kiện, rằng các yêu cầu của họ theo Đạo luật Alien Tort là không thuộc quyền tài phán dựa theo học thuyết câu hỏi chính trị (political question doctrine), và tất cả các yêu cầu của họ đều bị chặn bởi luật bảo hộ nhà thầu chính phủ (government-contractor defense).
Ngoài ra, các bị đơn cũng kiến nghị phán quyết theo Quy tắc tố tụng dân sự liên bang 56 để bác bỏ tất cả các khiếu nại theo thời hạn hiệu lực (statute of limitation).
Ý kiến từ cựu binh Mỹ
Năm 1968, ông Elmo R. Zumwalt Jr., bấy giờ mang hàm phó đô đốc, đến đảm nhiệm chức vụ Tư lệnh Hải quân Mỹ tại Việt Nam. Ngay lập tức, ông đã cho triển khai chiến dịch rải hóa chất làm rụng lá xuống các vùng sông nước ở Việt Nam để bảo vệ hoạt động của Hải quân Mỹ. Đúng 20 năm sau, người con trai Elmo R.Zumwalt III của ông đã qua đời vì bệnh ung thư, hậu quả của phơi nhiễm chất độc da cam thời tham chiến tại Việt Nam. Tác phẩm "Cha con tôi" dựa theo lời thuật của đô đốc Elmo Zumwalt phát hành tháng 11-1996, có đoạn viết:
"Tấn bi kịch của gia đình đô đốc Zumwalt là ở chỗ, chính người cha đã ra lệnh rải chất độc màu da cam lên các cánh rừng và các dòng sông ở vùng Nam Trung Bộ Việt Nam, nơi con trai ông làm nhiệm vụ tuần tra dọc các bờ sông. Mệnh lệnh của đô đốc không những tàn phá nhiều cánh rừng, làm ô nhiễm các dòng sông, gây đau khổ cho biết bao nhiêu người dân Việt Nam vô tội, mà còn làm cho chính con trai và cháu nội ông cũng bị nhiễm chất độc màu da cam".
Năm 1984, từ phán quyết của quan tòa Jack Weinstein, 7 công ty hóa chất Mỹ đã phải bồi thường 180 triệu đô la cho các cựu chiến binh Mỹ nhưng các công ty này bác bỏ trách nhiệm về tác hại của chất diệt cỏ mà họ đã cung cấp cho quân đội.
Đô đốc Zumwalt, từ năm 1994 đã trở lại Việt Nam, kết hợp với Hội Cựu chiến binh Việt Nam với mong muốn làm một điều gì đó bù đắp lại mất mát cho các nạn nhân của ông. Khi được hỏi cảm nghĩ, đô đốc Zumwalt nói: "Để có thể vĩnh viễn xếp lại quá khứ một cách yên ả, tốt nhất là Chính phủ Mỹ phải có thiện chí hợp tác với Việt Nam, trả lại món nợ lớn lao mà các công ty hóa chất Mỹ đã gây ra. Nhân chứng sống chính là tôi đây. Tôi cũng có bổn phận góp phần bù đắp. Cũng thế, tại Mỹ, quan điểm của đoàn thể lớn nhất nước Mỹ là Hội Cựu binh Mỹ, là vấn đề người Mỹ mất tích (MIA) chỉ là việc của 2.000 gia đình người Mỹ, còn nạn nhân chất độc dioxin là của 3 triệu người Mỹ." Con trai ông, luật sư Jim với nhiều hoạt động yểm trợ tư vấn tố tụng quốc tế cho nhiều nhóm nạn nhân, đã giải thích: "Năm 1984, 68.000 cựu binh Mỹ, Úc và New Zealand đã phát đơn kiện 11 công ty hóa chất Mỹ, nhưng các nhà tài phiệt chiến tranh rất quỷ quyệt, đã khôn khéo dàn xếp, chịu bồi thường một ngân khoản chung là 184 triệu USD, để nguyên đơn ký vào thỏa thuận, từ đấy không còn đi kiện nữa. Việc bồi thường này không nhắc gì tới nạn nhân Việt Nam và Hàn Quốc, đó là một điều phi lý và phi nhân".
Cho tới nay, chính phủ Mỹ và các công ty hóa chất vẫn không công nhận chất dioxin gây dị tật thai nhi với lý do là thiếu bằng chứng thực nghiệm trên người (điều mà sẽ không thể có do dioxin bị cấm thí nghiệm trên người). Chỉ có các cựu binh nữ sinh con dị tật là được bồi thường (nhưng cựu binh nữ chỉ có 10 ngàn người trong tổng số 3 triệu quân nhân Mỹ chiến đấu ở Việt Nam), các cựu binh nam sinh con dị tật thì vẫn không được bồi thường. 30 năm sau cuộc chiến, vẫn không có cuộc điều tra lớn nào với các cựu binh bị nhiễm dioxin. Paul Sutton, cựu chủ tịch của Hội Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam, cho rằng chính phủ Mỹ muốn trì hoãn các nghiên cứu để ỉm đi chuyện này bởi chi phí đền bù sẽ rất cao, họ chỉ cần chờ tới khi tất cả các cựu binh của cuộc chiến đều đã qua đời thì sẽ chẳng còn bằng chứng để nghiên cứu nữa.
Từ toà án
Hai mươi mục trong phán quyết của thẩm phán Jack Weinstein ngày 10 tháng 3 về vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đối với các công ty hoá chất đã được phân tích của Mandrew Wells-Dang, đại diện Quỹ Hoà giải và Phát triển., và ).
Danh sách các nạn nhân tham gia kiện
Phan Thị Phi Phi
Nguyễn Văn Quý
Dương Quỳnh Hoa (đã mất tháng 2-2006)
Nguyễn Thị Ngọc Phượng
Những nguyên đơn này đại diện cho khoảng 3 triệu nạn nhân chất độc da cam tại Việt Nam
Các vụ kiện liên quan
Vụ kiện của cựu binh Mỹ tham gia Chiến tranh Việt Nam
Năm 1984 từ phiên tòa của quan tòa Jack Weinstein, một số công ty sản xuất hoá chất đã chi khoảng 180 triệu Mỹ kim cho các gia đình nguyên cáo mặc dù không thừa nhận có hành động sai trái. Hàng năm, chính phủ Hoa Kỳ chi khoảng 1,5 tỷ USD cho các cựu binh Mỹ tham chiến trong chiến tranh Việt Nam bị ảnh hưởng của chất độc da cam.
Vụ kiện cựu binh Úc
Vụ kiện cựu binh Canada
Vụ kiện cựu binh Hàn Quốc
Ngày 26 tháng 1 năm 2006, toà án dân sự cấp cao Seoul đã đưa ra phán quyết yêu cầu hai công ty sản xuất thuốc diệt cỏ Hoa Kỳ là Dow Chemical tại Midland, Michigan và Monsanto tại St. Louis phải bồi thường 62 triệu đô la dành cho phí bồi dưỡng sức khoẻ các cựu binh Hàn Quốc đã từng tham chiến tại Việt Nam. Phán quyết nêu rõ: "bên bị đơn không đảm bảo an toàn khi họ đã sản xuất ra loại hóa chất có nồng độ doxin cao hơn tiêu chuẩn". Phán quyết này cũng trích dẫn báo cáo của Viện hàn lâm Hoa Kỳ (U. S. National Academy) cho rằng có "một mối quan hệ nhân quả" giữa Chất độc da cam và 11 căn bệnh, bao gồm cả ung thư phổi, ung thư thanh quản cũng như ung thư tiền liệt tuyến. Tuy nhiên, phán quyết này đã không nhận "mối quan hệ giữa chất độc này đối với căn bệnh về thần kinh ngoại vi, căn bệnh rộng rãi nhất trong các nạn nhân chất độc dioxin.
Các hoạt động xã hội liên quan
Ở Việt Nam
Hành trình cam: hành trình đi bộ xuyên Việt của cựu chiến binh Mỹ Bernie "Doc" Duff và người bạn đời Việt Nam của ông Nguyễn Thị Bảo Anh khởi xướng, nhằm gây dư luận ủng hộ các nạn nhân bị nhiễm chất độc màu da cam và để gây quỹ giúp họ trở lại cuộc sống bình thường
Trang web ''ký tên vì công lý do ông Len Aldis lập đã nhận được 700.000 chữ ký ủng hộ.
Ở Hoa Kỳ
Giữa tháng 11 năm 2005, đoàn nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đã thực hiện một chuyến đi vòng quanh nước Mỹ để kêu gọi sự ủng hộ của dư luận Mỹ đối với vụ kiện. Họ đã đi đến các thành phố lớn của Mỹ như: Thành phố New York, Washington D.C., San Francisco.
Các nơi khác
Hội cựu chiến binh Hàn Quốc là nạn nhân chất độc da cam đã có tuyên bố ủng hộ các nạn nhân dioxin Việt Nam. |
Ban-thiền Lạt-ma (zh. 班禪喇嘛, bo. panchen blama པན་ཆེན་བླ་མ་, sa. paṇḍitaguru), là danh hiệu Đạt-lại Lạt-ma thứ 5 tặng cho thầy mình là vị trụ trì chùa Trát-thập Luân-bố (zh. 札什倫布寺, bo. bkra shis lhun po བཀྲ་ཤིས་ལྷུན་པོ་) trong thế kỉ 17. Vì Đạt-lại Lạt-ma được xem là hóa thân của Quán Thế Âm nên lúc đó Ban-thiền Lạt-ma được gọi là hóa thân của Phật A-di-đà. Như dòng Đạt-lại, dòng Ban-thiền cũng được xem là một dòng tái sinh (Châu-cô, bo. tulku སྤྲུལ་སྐུ་) nhưng Ban-thiền Lạt-ma không có trách nhiệm lãnh đạo chính trị. Đến thế kỉ 20, Ban-thiền Lạt-ma mới nhận một số nhiệm vụ này.
Ban-thiền Lạt-ma giữ chức cao thứ hai trong trường phái Cách-lỗ sau Đạt-lại Lạt-ma. Dòng tái sinh Ban-thiền Lạt-ma giữ nhiệm vụ đi tìm hóa thân mới của Đạt-lại Lạt-ma và ngược lại. Việc đi tìm hóa thân của Ban-thiền Lạt-ma, hay nói chung là việc tìm bất cứ hóa thân nào, luôn luôn là một nghi lễ tôn giáo và Đạt-lại Lạt-ma là người lựa chọn quyết định. Nghi thức này đã có truyền thống từ Đạt-lại Lạt-ma thứ 5 là La-bốc-tạng Gia-mục-thố (1617-1682) gọi thầy mình là La-tang Khúc-kết (zh. 羅桑曲結, bo. lobsang choekyi gyaltsen བློ་བཟང་ཆོས་ཀྱི་རྒྱལ་མཚན་) là Ban-thiền, nghĩa là một "Đại học giả". Với việc phong hiệu này, ba vị Ban-thiền Lạt-ma tiền thân của vị này cũng được phong danh Ban-thiền. Đạt-lại Lạt-ma thứ 5 cũng xác nhận hóa thân của Ban-thiền Lạt-ma thứ 5. Đạt-lại Lạt-ma thứ 7 xác nhận Ban-thiền Lạt-ma thứ 6, người lại xác nhận Đạt-lại Lạt-ma thứ thứ 8. Cũng như thế, Đạt-lại Lạt-ma thứ 8 xác nhận vị Ban-thiền thứ 7.
Ban-thiền Lạt-ma thứ 10 Khước-cát Kiên-tán (zh. 却吉堅贊, bo. lobsang trinley choekyi gyaltsen (choekyi gyaltse)) giữ một vai trò chính trị quan trọng khi theo Đạt-lại Lạt-ma thứ 14 lưu vong tại Ấn Độ năm 1959. Ông bị bắt giam năm 1968, được thả ra 1977 nhưng bị quản thúc ở Bắc Kinh cho đến 1982. Năm 1983, ông cưới một cô người Hoa và có một đứa con gái, một thái độ nhìn chung rất lạ cho một vị tăng dòng Cách-lỗ. Năm 1989, Ban-thiền Lạt-ma chết bất thình lình tại Shigatse, thọ 52 tuổi.
Đạt-lại Lạt-ma thứ 14, Đăng-châu Gia-mục-thố (bo. tenzin gyatso བརྟན་འཛིན་རྒྱ་མཚོ་) xác nhận Gedhun Choekyi Nyima (bo. Dge-'dun Chos-kyi Nyi-ma) là Ban-thiền Lạt-ma thứ 11 vào ngày 14 tháng 5 năm 1995, nhưng sau đó cậu này bị mất tích và không lâu sau đó, chính quyền Trung Quốc xác nhận một cậu bé khác là Gyancain Norbu (bo. rgyal-mtshan nor-bu) là Ban-thiền thứ 11 và cậu bé trước đây bị bắt giam vì "an toàn cá nhân" và đến giờ người ta không rõ tung tích.
Danh sách 11 vị Ban-thiền Lạt-ma:
Khắc-chủ-kiệt (zh. 克主杰, bo. khedup gelek pelsang, khedrup gelek pal sangpo), 1385-1438
Sách-nam Khúc-lãng (zh. 索南曲朗, bo. sonam choklang), 1439-1504
La-tang Đôn-châu (zh. 羅桑敦珠, bo. wensa lobsang dhondup), 1505-1564
La-tang Khúc-kết (zh. 羅桑曲結, bo. lobsang choekyi gyaltsen (lobsang choegyal)), 1570-1662
La-tang Ích-hỉ (zh. 羅桑益喜, bo. lobsang yeshi (lobsang yeshe)), 1663-1737
Ba-đan Ích-tây (zh. 巴丹益西, bo. palden yeshi (palden yeshe)), 1738-1780
Đan-bạch Ni-mã (zh. 丹白尼馬, bo. lobzang tenpai nyima (tenpe nyima), 1781/1782-1854
Đan-bạch Vượng-tu (zh. 丹白旺修, bo. tenpe wangchuk), 1855-1882
Khúc-cát Ni-mã (zh. 曲吉尼馬, bo. erdeni choekyi nyima, 1883-1937
Khước-cát Kiên-tán (zh. 却吉堅贊, bo. lobsang trinley choekyi gyaltsen (choekyi gyaltse)), 1938-1989.
Gedhun Choekyi Nyima (1989-) được Đạt-lại Lạt-ma 14 đề cử, bị mất tích từ ngày 17 tháng 5 năm 1995, và tình nghi là bị chính phủ Trung Quốc quản thúc. Trường hợp Gyancain Norbu (1990-) được chính quyền Trung Quốc đề cử, vẫn còn bị tranh luận, và không được đa số người cộng đồng Tây Tạng chấp nhận..
Tham khảo
Fo Guang Ta-tz'u-tien 佛光大辭典. Fo Guang Ta-tz'u-tien pien-hsiu wei-yuan-hui 佛光大辭典編修委員會. Taipei: Fo-kuang ch'u-pan-she, 1988. (Phật Quang Đại Từ điển. Phật Quang Đại Từ điển biên tu uỷ viên hội. Đài Bắc: Phật Quang xuất bản xã, 1988.)
Das Lexikon der Östlichen Weisheitslehren'', Bern 1986.
Chú thích
Phật giáo Tây Tạng
Đại sư Phật giáo
Ba
Ban-thiền Lạt-ma
Phật |
A-nan-đà (zh. 阿難陀, sa., pi. ānanda, bo. kun dga` bo ཀུན་དགའ་བོ་), cũng gọi ngắn là A-nan, dịch nghĩa là Khánh Hỉ (慶喜), Hoan Hỉ (歡喜), sinh 605 - 485 TCN. Theo tài liệu ghi nhận, A-nan sinh năm 605 TCN - là anh em chú bác với Đức Phật vì cha của ông, vua Amitodana, là em vua Suddhodana – tức Tịnh Phạn Vương, thân phụ của Đức Phật. A-nan-đà gia nhập giáo hội hai năm sau ngày thành lập vào lúc 18 tuổi, trở thành thị giả thân cận của Đức Phật. A-nan-đà tham gia Tăng đoàn cùng hai người anh của ông là A-na-luật – vị A-la-hán được xưng tụng là Đệ nhất Thiên nhãn trong hàng Thanh văn của Phật – và Đề-bà-đạt-đa, người sau này ly khai khỏi Tăng đoàn. Tôn giả được tôn xưng là một trong Thập đại đệ tử của Phật Thích-ca Mâu-ni.
Tôn giả nổi tiếng với trí nhớ phi thường, đã ghi nhớ hết những lời Phật dạy trong suốt hàng chục năm truyền đạo. Tôn giả là người đọc tụng lại tạng Kinh trong lần kết tập thứ nhất để tăng chúng ghi nhớ và truyền lại cho đời sau, và tôn giả cũng được xem là Nhị tổ của Thiền tông Ấn Độ. Ngoài ra, tôn giả cũng là người đầu tiên cung Phật phát minh ra "áo cà sa" - trang phục nghi lễ về sau của các chư tăng, chư ni nhà Phật. Có thể nói: đạo Phật còn được duy trì tới hàng nghìn năm, kinh Phật còn được lưu truyền cho bao đời sau, một phần lớn là nhờ công lao của Tôn giả A-nan.
Theo kinh sách, tôn giả A-nan-đà là người rất nhẫn nhục, hết lòng phụng sự đức Phật. Tôn giả chỉ chấp nhận làm người hầu cận cho Phật khi được Phật hứa rằng không vì thế mà được quan tâm hơn các vị khác. A-nan-đà cũng chính là người khám phá ra âm mưu giết Phật của Đề-bà-đạt-đa. A-nan-đà cũng là người bênh vực cho việc nữ giới được gia nhập tăng đoàn để học hỏi giáo pháp. Nhờ sự can thiệp của Tôn giả mà Phật chấp nhận thành lập ni đoàn. Chính vì điều này mà trong lần Kết tập thứ nhất, A-nan-đà bị Tăng-già chê trách. Tương truyền rằng, bảy ngày sau khi Phật nhập Niết-bàn, A-nan-đà mới giác ngộ, đắc quả A-la-hán trong đêm trước lần kết tập thứ nhất. Tôn giả A-nan nhập Niết-bàn vào năm 485 TCN, ở tuổi 120 tuổi ở giữa sông Hằng (ranh giới giữa hai nước Magadha và Tì-xá-ly).
Nếu định nghĩa theo Ấn Độ giáo (Hinduism) thì A-nan-đà không phải là tâm trạng khánh hỉ được tạo ra bởi một đối tượng mà hơn nữa, nó là một niềm vui của một trạng thái nằm trên mọi tư duy nhị nguyên, những cặp đối đãi. Hệ thống triết lý Vedānta quan niệm rằng, một tâm thức thoát khỏi suy nghĩ—nghĩa là tâm thức không còn vướng mắc những khái niệm như sinh, tử, khổ não, nói chung là mọi tư duy—chính là A-nan-đà, sự an vui thuần túy. Khi miêu tả, diễn giải những danh từ rất trừu tượng như "Brahman", hệ thống Vedānta sử dụng thành ngữ "Sat-Cit-Ānanda", nghĩa là "Chân lý—Nhận thức tuyệt đối—A-nan-đà" và A-nan-đà ở đây là sự an vui tuyệt đối, vô lượng mà hành giả chỉ có thể cảm nhận được trong lúc nhập Định (sa. samādhi). Trong các dòng tu theo truyền thống của Đại sư Śaṅkara thì A-nan-đà là chữ cuối của nhiều danh hiệu, ví dụ như Vivekānanda. |
Bách Trượng Hoài Hải (zh. bǎizhàng huáihǎi 百丈懷海, ja. hyakujō ekai), 720-814, là một Thiền sư Trung Quốc, một trong những vị Thiền sư danh tiếng nhất đời nhà Đường, nối pháp Thiền sư Mã Tổ Đạo Nhất. Học nhân đến sư tham vấn rất đông, trong đó Hoàng Bá Hi Vận và Quy Sơn Linh Hựu là hai vị thượng thủ.
Cơ duyên và hành trạng
Sư họ Vương, quê ở Trường Lạc, Phúc Châu. Lúc nhỏ theo mẹ đi chùa lễ Phật, sư chỉ tượng Phật hỏi mẹ: "Đây là gì?" Mẹ bảo: "Phật." sư nói: "Hình dung không khác gì với người, con sau cũng sẽ làm Phật." Sư xuất gia lúc còn để chỏm và chuyên cần tu học Giới, Định, Huệ. Sau sư đến tham học với Mã Tổ làm thị giả và được Mã Tổ truyền tâm ấn. Câu chuyện Mã Tổ mở mắt cho sư rất thú vị (Thích Thanh Từ dịch):
Sư theo hầu Mã Tổ đi dạo, thấy một bầy vịt trời bay qua, Tổ hỏi: "Đó là cái gì?" sư đáp: "Con vịt trời." Tổ hỏi: "Bay đi đâu?" sư đáp: "Bay qua." Mã Tổ bèn nắm lỗ mũi sư kéo mạnh, đau quá sư la thất thanh. Mã Tổ bảo: "Lại nói bay qua đi!" Nghe câu ấy, sư tỉnh ngộ.
Trở về phòng thị giả, sư khóc lóc thảm thiết, những người chung phòng nghe được bèn hỏi: "Huynh nhớ cha mẹ phải không?" sư đáp: "Không." "Bị người ta mắng chửi phải không?" sư đáp: "Không." Vị sư hỏi: "Vậy tại sao lại khóc?" sư đáp: "Lỗ mũi tôi bị Hòa Thượng kéo đau thấu xương." Vị thị giả kia lại hỏi: "Có nhân duyên không khế hội?" sư đáp: "Đi hỏi Hòa Thượng đi." Vị thị giả ấy tới hỏi Mã Tổ rằng: "Thị giả Hoài Hải có nhân duyên gì chẳng khế hội, mà đang khóc ở trong phòng, xin Hòa Thượng vì chúng con mà nói pháp." Mã Tổ bảo: "Y đã khế hội, các ngươi tự hỏi lấy y." Vị thị giả lại trở về phòng hỏi: "Hòa Thượng nói huynh đã khế hội, nên bảo chúng tôi về hỏi huynh." sư bèn cười ha hả. Các vị sư bảo: "Vừa rồi khóc sao bây giờ lại cười?" sư đáp: "Vừa rồi khóc bây giờ lại cười.". Chúng tăng không ai hiểu chuyện gì.
Hôm sau Mã Tổ vừa lên tòa, tăng chúng nhóm họp xong. sư bước ra cuốn chiếu, Mã Tổ xuống tòa, sư theo sau đến phương trượng. Mã Tổ hỏi: "Ta chưa nói câu nào, tại sao ngươi cuốn chiếu?" sư thưa: "Hôm qua bị Hòa Thượng kéo chót mũi đau quá." Mã Tổ bảo: "Hôm qua ngươi để tâm chỗ nào?" sư nói: "Chót mũi ngày hôm nay lại chẳng đau." Mã Tổ bảo: "Ngươi đã hiểu rõ việc hôm qua." Sư làm lễ rồi lui ra
Sư để lại nhiều bài thuyết giảng quý báu trong Bách Trượng quảng lục và Bách Trượng ngữ lục. Trong đó sư đề cao việc "lìa bỏ tất cả những vọng tưởng tức như như Phật" và khuyên thiền sinh tu tập pháp môn vô phân biệt, Bất nhị (Thích Thanh Từ dịch):
"Phàm người học đạo nếu gặp các thứ khổ vui, việc vừa ý không vừa ý tâm không lui sụt, chẳng để tâm đến danh dự lợi dưỡng ăn mặc, chẳng tham tất cả phúc đức lợi ích, không bị các pháp thế gian buộc ngại, không thân mến khổ vui, tâm hằng bình đẳng, ăn cơm hẩm cốt nuôi mệnh sống, mặc áo vá chỉ để ngừa lạnh, ngơ ngơ như ngu như điếc, sẽ được ít phần tương ưng. Nếu trong tâm ham học rộng biết nhiều, cầu phúc cầu trí, đều là ở trong sinh tử, đối với lý đạo thật vô ích, lại bị gió hiểu biết thổi trôi giạt trong biển sinh tử."
Có vị tăng hỏi: "Như nay Thụ giới rồi thân khẩu được thanh tịnh, lại làm đủ các việc thiện, như thế được giải thoát chăng?" Sư đáp: "Được ít phần giải thoát, chưa được tâm giải thoát, chưa được tất cả chỗ giải thoát."
Tăng hỏi: "Thế nào là tâm giải thoát và tất cả chỗ giải thoát?" Sư đáp: "Chẳng cầu Phật, Pháp, Tăng, cho đến chẳng cầu phúc trí tri giải, tình cảm nhơ sạch hết, chẳng chấp tâm không cầu là phải, chẳng trụ chỗ hết, cũng chẳng mến thiên đường sợ địa ngục, trói buộc cởi mở không ngại, tức thân tâm và tất cả chỗ đều gọi giải thoát. Ngươi chớ có cho ít phần giới thân khẩu ý tịnh là xong, đâu biết môn giới định huệ như hà sa, mà vô lậu giải thoát toàn chưa dính một may...
Cố gắng! Nhằm hiện nay cố tìm xét lấy, đừng đợi mắt mờ, tai điếc, tóc bạc, mặt nhăn, già khổ đến thân, buồn thảm triền miên mắt hằng rơi lệ, trong tâm hoảng sợ không còn một nơi y cứ, chẳng biết chỗ đi. Đến khi ấy, muốn nghiêm chỉnh tay chân cũng không thể kiềm được, dù có phúc trí, danh dự lợi dưỡng trọn không cứu được. Vì mắt tâm chưa mở, chỉ nhớ các cảnh, không biết phản chiếu, lại chẳng thấy Phật đạo. Một đời có tạo việc thiện ác đều thảy hiện ở trước, hoặc vui hoặc sợ, Lục đạo Ngũ uẩn cả đều hiện tiền. Trang sức, nhà cửa, ghe thuyền, xe cộ đẹp đẽ hiển hách, đều từ tham ái của mình hiện ra, tất cả cảnh ác đều biến thành cảnh thù thắng. Chỉ tuỳ tâm tham ái chỗ nào nặng, nghiệp thức dẫn đến thụ sinh, hoàn toàn không có phần tự do, rồng súc tốt xấu trọn chưa định được..."
Thanh quy mới cho Thiền tông
Sư là người đầu tiên trong Thiền tông lập và kết tập những quy luật hành động hằng ngày của thiền sinh trong một thiền đường. Trước đó tất cả những thiền sinh chỉ là "khách" trong những chùa của tông phái khác - thường là Luật viện (Luật tông) - với những nghi quỹ họ phải tuân theo. Từ lúc sư lập ra quy luật mới, nhiều thiền đường được thành lập với những điều kiện thuận lợi đáp ứng nhu cầu của thiền sinh. sư nhấn mạnh sự kết hợp giữa thiền và các việc lao động trong và ngoài thiền viện như làm ruộng, cuốc đất trồng cây. Câu nói của sư "một ngày không làm, một ngày không ăn" (nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực 一日不作一日不食) đã gây ấn tượng đến ngày nay.
Theo quy luật mới, thiền sinh làm việc tự nuôi sống (các Tỉ-khâu thời Phật Thích-ca không được phép làm việc) nhưng song song với công việc hằng ngày, sư vẫn giữ lại truyền thống đi khất thực và cho đó là một phương tiện tu luyện tâm. Những quy luật mới này được ghi lại trong Bách Trượng thanh quy. Mặc dù nguyên bản của quyển sách này đã mất nhưng các quy luật này vẫn còn được tuân hành nghiêm chỉnh cho đến ngày nay.
Đời Đường niên hiệu Nguyên Hoà năm thứ 9 ngày 17 tháng giêng (814), sư quy tịch, thọ 95 tuổi. Vua ban hiệu là Đại Trí Thiền sư. |
Hoàng Bá Hy Vận (zh. huángbò xīyùn/Huang-po 黃蘖希運, ja. ōbaku kiun), ?-850, là một vị Thiền sư Trung Quốc, một trong những nhân vật nổi tiếng của Thiền tông đời nhà Đường. Sư là Pháp tự của Thiền sư Bách Trượng Hoài Hải và là thầy của Lâm Tế Nghĩa Huyền, người đã sáng lập dòng thiền Lâm Tế được truyền cho đến ngày nay. sư có 13 môn đệ đắc pháp. Tướng quốc Bùi Hưu có cơ duyên được học hỏi nơi sư và để lại hậu thế quyển sách quý báu với tên Hoàng Bá Sơn Đoạn Tế Thiền sư truyền tâm pháp yếu, được gọi tắt là Hoàng Bá truyền tâm pháp yếu. Những lời dạy của sư trong sách này là những nguồn cảm hứng sâu đậm nhất trong thiền ngữ.
Cơ duyên và hành trạng
Sư người tỉnh Mân (Phúc Kiến), Hồng Châu, thuở nhỏ xuất gia trên núi Hoàng Bá. Sư cao lớn vạm vỡ, trên trán có cục u như hạt châu, âm thanh trong trẻo, ý chí đạm bạc. Ban đầu nghe danh Mã Tổ, sư muốn đến học đạo, nhưng khi đến nơi thì Tổ đã tịch. Sau đó sư đến yết kiến Bách Trượng. Cơ duyên với Bách Trượng được truyền lại như sau (Thích Thanh Từ dịch):
Bách Trượng hỏi: "Chững chạc to lớn từ đâu đến?" Sư thưa: "Chững chạc to lớn từ Lĩnh Nam đến." Bách Trượng lại hỏi: "Chững chạc to lớn sẽ vì việc gì?" Sư đáp: "Chững chạc to lớn chẳng vì việc khác" và lễ bái, hỏi: "Từ trước tông thừa chỉ dạy thế nào?" Bách Trượng lặng thinh. Sư thưa: "Không thể dạy người sau, dứt hẳn mất." Bách Trượng bảo: "Sẽ nói riêng với ngươi." Bách Trượng đứng dậy đi vào phương trượng, Sư đi theo sau thưa: "Con đến riêng một mình." Bách Trượng bảo: "Nếu vậy ngươi sau sẽ không cô phụ ta."
Một hôm Bách Trượng bảo chúng: "Phật pháp không phải là việc nhỏ, lão tăng xưa bị Mã Tổ quát một tiếng, đến ba ngày vẫn còn ù tai." Nghe như vậy, sư bỗng ngộ yếu chỉ, bấc giác le lưỡi.
Bách Trượng hỏi Sư: "Ở đâu đến?" Sư thưa: "Nhổ nấm núi Đại Hùng đến." Bách Trượng hỏi: "Lại thấy đại trùng (con cọp) chăng?" Sư làm tiếng cọp rống, Bách Trượng cầm búa thủ thế. Sư tát Bách Trượng một cái, Bách Trượng cười to bỏ đi. Sau, Bách Trượng thượng đường bảo chúng: "Dưới núi Đại Hùng có con đại trùng, các ngươi nên xem. Lão tăng hôm nay đích thân gặp và bị nó cắn."
Với lời này, Bách Trượng đã công nhận sư là người nối pháp. Sau sư về trụ trì chùa Đại An ở Hồng Châu. Học giả tìm đến rất đông. Chỗ chỉ dạy của sư đều nhằm bậc thượng căn, hạ và trung khó hội được yếu chỉ.
Pháp ngữ
Sư thượng đường dạy chúng (Thích Thanh Từ dịch):
"... Người học Đạo hễ có một niệm vọng tâm là xa Đạo, ấy là điều tối kị. Hết thảy mọi niệm đều vô tướng, đều vô vi, tức là Phật. Người học Đạo nếu muốn thành Phật thì hết thảy Phật pháp đều không cần phải học, chỉ cần học cái không mong cầu, không chấp trước là đủ. Không mong cầu thì tâm không sinh, không chấp trước thì tâm không diệt. Tám vạn bốn ngàn pháp môn là chỉ đối trị với tám vạn bốn ngàn phiền não, đấy chỉ là Pháp môn giáo hoá tiếp dẫn. Vốn không có pháp nào, sự lìa bỏ chính là Pháp, người biết lìa bỏ chính là Phật. Chỉ cần lìa bỏ mọi phiền não thì không còn pháp gì để chứng đắc cả... Phàm phu nắm lấy ngoại cảnh, đạo nhân nắm lấy tâm. Tâm, cảnh đều quên chính là pháp chân thật. Quên cảnh thì dễ, quên tâm thật khó. Người ta không dám quên tâm, sợ rơi vào hư không rồi không chỗ nắm níu, chứ không biết rằng, Không vốn vô không, chỉ một Pháp giới chân thật mà thôi vậy."
Có vị tăng hỏi: "Làm thế nào để khỏi bị rơi vào giai cấp của quả vị?" Sư đáp: "Chỉ cần suốt ngày ăn cơm mà chưa từng cắn một hạt gạo, suốt ngày đi mà chưa từng đạp một mảnh đất. Ngay khi ấy không có tướng ngã tướng nhân nào, suốt ngày không rời một việc nào cả, không bị cảnh mê hoặc, thế mới gọi là người tự tại. Bất cứ lúc nào, bất cứ niệm nào cũng không bao giờ thấy một tướng nào cả. Đừng cố chấp ba thời trước sau! Chặp trước không đi, chặp nay không đứng, chặp sau không đến. An nhiên vững ngồi, nhiệm vận không câu chấp, thế mới gọi là giải thoát.
Hãy cố lên! Hãy cố lên! Trong pháp môn này, ngàn người vạn người, chỉ được dăm ba. Nếu không nỗ lực công phu, ắt có ngày gặp tai ương. Cho nên nói:
Ra sức đời này cho liễu ngộ
Hoạ kia kiếp kiếp há mang hoài?..."
Đời Đường khoảng niên hiệu Đại Trung, sư tịch tại núi Hoàng Bá. Vua sắc phong là Đoạn Tế Thiền sư.
Sư để lại bài kệ sau để khuyến khích chúng đệ tử (Trần Tuấn Mẫn dịch): |
Quy Sơn Linh Hựu (zh. guīshān língyòu 潙山靈祐, ja. isan reiyū), 771-853, là một vị Thiền sư Trung Quốc trứ danh, môn đệ của Bách Trượng Hoài Hải và thầy của Ngưỡng Sơn Huệ Tịch. Cùng với Ngưỡng Sơn, sư khai sáng tông Quy Ngưỡng. Sư là vị Thiền sư nổi danh nhất thời đó và môn đệ của sư trên dưới không dưới 1500. Tác phẩm Quy Sơn cảnh sách văn của sư được phổ biến rộng rãi trong giới thiền cho đến ngày nay.
Cơ duyên và hành trạng
Sư họ Triệu, quê ở Trường Khê, Phúc Châu. sư xuất gia năm mười lăm tuổi và chăm học kinh luật Đại thừa, Tiểu thừa. Ban đầu, sư đến núi Thiên Thai, chú tâm nghiên cứu các bài luận của hai vị Đại luận sư Ấn Độ Vô Trước và Thế Thân với giáo lý Duy thức. Tương truyền sư cũng có gặp hai dị nhân trong giới Thiền tại đây là Hàn Sơn và Thập Đắc. Không rõ là những bài luận nói trên có gây ấn tượng nào trong sư không, nhưng chỉ ba năm sau đó (khoảng 796), sư rời Thiên Thai và quyết định tham học với một vị Thiền sư. Sư đến Giang Tây yết kiến Thiền sư Bách Trượng. Bách Trượng thấy sư liền cho nhập hội, nơi đây sư đứng hàng đầu.
Cơ duyên ngộ đạo của sư được ghi lại như sau:
Một lần, Bách Trượng hỏi Sư: "Ngươi đem được lửa đến chăng?" Sư thưa: "Đem được." Bách Trượng hỏi tiếp: "Lửa đâu?" sư cầm một nhánh cây làm vẻ thổi lửa. Bách Trượng gạt qua và bảo: "Như sâu đục vỏ cây. Nhìn thì như chữ nhưng chẳng có nghĩa gì!"
Hôm khác, sư vừa đứng hầu, Bách Trượng liền hỏi: "Ai?" Sư thưa: "Con, Linh Hựu!" Bách Trượng bảo: "Ngươi vạch trong lò xem có lửa chăng?" Sư vạch ra thưa: "Không có lửa." Bách Trượng đứng dậy, đến vạch sâu trong lò được chút lửa, đưa lên chỉ sư bảo: "Ngươi bảo không, cái này là cái gì!" Sư nghe vậy hoát nhiên đại ngộ. Bách Trượng bảo: "Đây là con đường rẽ tạm thời. Kinh nói ‘Muốn thấy Phật tính phải quán thời tiết nhân duyên, thời tiết đã đến như mê chợt ngộ, như quên rồi nhớ lại, mới biết tĩnh vật của mình không từ bên ngoài được.’ Cho nên Tổ sư bảo ‘Ngộ rồi đồng chưa ngộ, không tâm cũng không pháp.’ Chỉ là không tâm hư vọng phàm thánh. Xưa nay tâm pháp nguyên tự đầy đủ. Nay ngươi đã vậy, tự khéo gìn giữ."
Sư ở lại hầu Bách Trượng khoảng hai mươi năm rồi vâng lời thầy đến núi Quy khai sơn. Nơi đây thú dữ nhiều, sư bảo chúng: "Nếu ta có duyên nơi đây thì các ngươi đi chỗ khác, còn không duyên thì cứ ăn thịt ta đi." Sư nói xong, thú dữ đi hết. Dần dần chúng hay tin sư ở đây rủ nhau đến tham học và thành lập một ngôi chùa, vua đặt tên là Đồng Khánh. Sư bắt đầu hoằng hoá và cùng với Hoàng Bá Hi Vận, môn phong của Bách Trượng cao vút từ đây.
Pháp ngữ
Có vị tăng hỏi: "Người được Đốn ngộ có tu chăng?"
Sư trả lời (Hòa thượng Thích Thanh Từ dịch):
"Nếu người khi thật ngộ được gốc thì họ tự biết, tu cùng không tu là lời nói hai đầu. Như nay có người sơ tâm tuy từ duyên được một niệm đốn ngộ chân lý nơi mình, nhưng vẫn còn Tập khí nhiều kiếp từ vô thủy chưa có thể chóng sạch, nên dạy hắn trút sạch dòng thức tạo nghiệp hiện tại, tức là tu vậy. Không có nói một pháp riêng dạy hắn tu hành thú hướng. Từ nghe nhập được lý nghe và lý sâu mầu, tâm tự tròn sáng không ở chỗ mê lầm, hiện thời dù có trăm ngàn diệu nghĩa thăng trầm, hắn vẫn được ngồi yên mặc áo, tự biết tạo sinh kế. Nói tóm lại ‘Chỗ lý chân thật không nhận một mảy bụi, trong cửa muôn hạnh chẳng bỏ một pháp.’ Nếu được như vậy là một mình cầm đao thẳng vào, lòng phàm thánh sạch, hiện bày chân thường, lý sự không hai, tức Phật như như."
Sư thượng đường bảo chúng (Hòa thượng Thích Thanh Từ dịch):
"Sau khi Lão tăng trăm tuổi đến dưới núi làm con trâu, hông bên trái viết năm chữ ‘Quy Sơn Tăng Linh Hựu.’ Khi ấy gọi là Quy Sơn Tăng hay gọi là con trâu? Gọi là con trâu hay gọi là Quy Sơn Tăng? Gọi thế nào mới đúng?"
Đời Đường niên hiệu Đại Trung năm thứ bảy (853), ngày mùng 9 tháng giêng, sư tắm gội xong ngồi kết già viên tịch, thọ 83 tuổi, 64 tuổi hạ. Vua ban hiệu là Đại Viên Thiền sư, tháp hiệu Thanh Tịnh. Những lời dạy của sư còn được ghi lại trong Đàm Châu Quy Sơn Linh Hựu Thiền sư ngữ lục. |
Quy Ngưỡng tông (zh. guī-yǎng-zōng 潙仰宗, ja. igyō-shū) là một dòng Thiền do Thiền sư Quy Sơn Linh Hựu và đệ tử là Ngưỡng Sơn Huệ Tịch sáng lập, được xếp vào Ngũ gia thất tông - Thiền Tông chính phái của Trung Quốc. Dòng Thiền này tồn tại chỉ khoảng 5 đời và sau đó bị thất truyền.
Lịch sử
Sau khi nhận tâm ấn nơi Thiền sư Bá Trượng Hoài Hải, vào năm Nguyên Hòa đời Đường, Thiền sư Linh Hựu đến cư trú tại Quy Sơn (nay là huyện Trường Sa, Hồ Nam) một mình trong 7 năm. Về sau, có pháp đệ là Thiền sư Lại An từ chổ Hòa thượng Bá Trượng đến giúp sức Linh Hựu hoằng hóa. Để hoằng dương Thiền pháp, Linh Hựu xây dựng Đồng Khánh tự và từ đó người học đến tham vấn ở Quy Sơn ngày càng đông, thường hơn 1500 vị, nhiều hơn cả môn đình của Thiền sư Hoàng Bá Hy Vận.
Dưới Quy Sơn Linh Hựu lại có nhiều đệ tử nổi danh như Ngưỡng Sơn Huệ Tịch, Hương Nghiêm Trí Nhàn, Linh Vân Chí Cần,... làm tông phong hoằng truyền rộng rãi. Đặc biệt, Ngưỡng Sơn trước tham học với Đam Nguyên Ứng Chân, sau ngộ đạo nơi Quy Sơn Linh Hựu nên kế thừa cả sở trường của hai vị này là 96 viên tướng (Đam Nguyên) và cơ phong hùng dũng (Quy Sơn), khiến cho Thiền phong trở nên đặc sắc, một mặt giáo hoá nghiêm khắc, mặt khác lại dùng 96 viên tướng để giúp người dễ khai ngộ hơn. Kể từ đó, Quy Ngưỡng tông ra đời.
Quy Sơn Linh Hựu và Ngưỡng Sơn Huệ Tịch được coi là tổ sáng lập của tông này và tên gọi Quy Ngưỡng tông được ghép từ hai chữ đầu trong pháp hiệu của hai vị tổ này mà thành. Địa bàn hoạt động chính của dòng Thiền này là ở Kinh Nam và Nam Đường.
Từ Ngưỡng Sơn Huệ Tịch truyền xuống đệ tử là Thiền sư Tây Tháp Quang Mục và Nam Tháp Quang Dũng phân ra thành Tây Tháp phái và Nam Tháp phái. Phái Tây Tháp còn mang ảnh hưởng của dòng Đam Nguyên Ứng Chân trong khi phái Nam Tháp thì mang thuần túy pháp hệ của Thiền sư Quy Sơn. Ngoài ra Thiền sư Ngưỡng Sơn Huệ Tịch cũng có một số pháp tử nổi danh khác như Vô Trước Văn Hỷ, Hoắc Sơn Cảnh Thông.
Phái Tây Tháp bắt đầu từ Thiền sư Quang Mục truyền xuống đệ tử là Tư Phúc Như Bảo. Thiền sư Tư Phúc Như Bảo lại truyền cho đệ tử là Tư Phúc Trinh Thúy và Đàm Châu Như Uyển. Còn phái Nam Tháp từ Thiền sư Quang Dũng truyền xuống cho đệ tử là Thiền sư Ba Tiêu Huệ Thanh và Thiền sư Thanh Hóa Toàn Phó. Dưới Thiền sư Ba Tiêu Huệ Thanh có các môn đệ là Thiền sư Hưng Dương Thanh Nhượng, Pháp Mãn U Cốc và Trình Châu Kế Triệt.
Về tác phẩm nổi bật của tông này thì có Quy Sơn Cảnh Sách do Thiền sư Quy Sơn Linh Hựu soạn và được dùng rất phổ biến trong các tùng lâm từ xa xưa cho đến nay, là cẩm nang tu học cho những người sơ cơ xuất gia.
Dòng Thiền này phát triển mạnh vào cuối đời Đường và đầu đời Ngũ Đại, sang đầu đời Tống thì suy yếu và cuối cùng sáp nhập với tông Lâm Tế. Nó bị thất truyền chỉ sau khoảng 150 năm tồn tại.
Cận đại, Thiền sư Hư Vân chủ trương khôi phục lại các tông phái của Thiền tông. Trong đó, truyền thừa của tông Quy Ngưỡng được đệ tử của Thiền sư Hư Vân là Hoà thượng Tuyên Hoá tiếp nối.
Đặc trưng
Một nét đặc biệt của tông này là phương pháp giáo hoá, "đánh thức" môn đệ bằng những biểu tượng được vẽ trong 97 vòng tròn (viên tướng). Hệ thống giáo hoá này được Lục tổ Huệ Năng sử dụng, truyền cho Quốc sư Nam Dương Huệ Trung đến Đam Nguyên Ứng Chân và Ngưỡng Sơn Huệ Tịch. Ngày nay cách sử dụng viên tướng này đã thất truyền nhưng có lẽ đã gây ảnh hưởng lớn đến sự hình thành của Thập mục ngưu đồ (mười bức tranh chăn trâu) và Động Sơn ngũ vị của Thiền sư Động Sơn Lương Giới. 97 viên tướng được sử dụng như mật ngữ, và các vị Thiền sư có kinh nghiệm Giác ngộ thâm sâu sử dụng nó để trau dồi kinh nghiệm với nhau. Vì biết được khả năng tiêu hoại khi truyền hệ thống này bừa bãi - nếu bị lạm dụng trở thành một trò chơi - nên các vị giữ kín bí mật này, chỉ truyền cho những môn đệ hàng thượng căn.
Thiền sư Ngưỡng Sơn trả lời khi được hỏi vì sao sư thấy người đến liền vẽ một vòng tròn trong đó viết chữ "Ngưu" (zh. 牛) (Định Huệ dịch):
Về Thiền lý, tông Qui Ngưỡng chia thế giới chủ quan và khách quan ra làm 3 thứ sinh: Tưởng sinh, Tướng sinh, và Lưu chú sinh, mỗi thứ đều có sự phủ định.
Tưởng sinh: Chỉ cho những suy tư chủ quan, cho rằng hễ có tâm tư duy thì đều là nhơ nhớp tạp loạn, cần phải xa lìa mới được giải thoát.
Tướng sinh: Chỉ cho cảnh sở duyên, tức thế giới khách quan, cũng cần phải phủ định. Cho nên trong sách có câu kệ:
“Ánh sáng chiếu vào rõ đường về
Mộng tối tan rồi hai mắt sáng”.
Lưu chú sinh: Chỉ cho thế giới chủ quan, khách quan biến hóa vô thường, âm thầm trôi chảy, theo nhau không dứt. Nếu có thể nhìn thẳng vào dòng thác tư duy ấy mà cắt đứt được thì chứng đắc trí viên minh, đạt đến cảnh giới tự tại.
Lí luận tu hành của tông này là theo yếu chỉ “Lí sự như như” của các Thiền sư Đạo Nhất, Hoài Hải, cho rằng vạn vật hữu tình đều có đủ tính Phật, nếu minh tâm kiến tính thì có thể thành Phật.
Thiền phong của Quy Ngưỡng tông là “Phương viên mặc khế” (lặng lẽ khế hợp tất cả), cách dạy người học phần nhiều dùng đối đáp để đưa đến chỗ thầm hợp (ngộ).
Truyền thừa
1/ Thiền sư Quy Sơn Linh Hựu (Sơ tổ)
2/ Thiền sư Hương Nghiêm Trí Nhàn
2/ Thiền sư Linh Vân Chí Cần
2/ Thiền sư Ngưỡng Sơn Huệ Tịch (Nhị tổ)
3/ Thiền sư Vô Trước Văn Hỉ
3/ Thiền sư Hoắc Sơn Cảnh Thông
3/ Thiền sư Nam Tháp Quang Dũng (Nam Tháp phái)
4/ Thiền sư Ba Tiêu Huệ Thanh
5/ Thiền sư Hưng Dương Thanh Nhượng
5/ Thiền sư Pháp Mãn U Cốc
5/ Thiền sư Trình Châu Kế Triệt
4/ Thiền sư Thanh Hóa Toàn Phó
3/ Thiền sư Tây Tháp Quang Mục (Tây Tháp phái)
4/ Thiền sư Tư Phúc Như Bảo
5/ Thiền sư Tư Phúc Trinh Thúy
5/ Thiền sư Đàm Châu Như Uyển |
Hoàng Bách tông (zh. 黃檗宗, ja. ōbaku-shū) là một nhánh thiền thứ ba của Thiền Tông Nhật Bản song song với hai nhánh lớn khác là Lâm Tế (ja. rinzai) và Tào Động (sa. sōtō). Nhánh này bắt nguồn từ Thiền sư Ẩn Nguyên Long Kì (ja. ingen ryūki), người sáng lập Thiền viện chính của tông này là Vạn Phúc tự (ja. mampuku-ji) giữa thế kỉ 17 tại Uji, Kinh Đô (ja. kyōto). Hoàng Bách tông là một nhánh của tông Lâm Tế, nhìn chung thì không gây ảnh hưởng bao nhiêu trong truyền thống Thiền của Nhật.
Thiền sư Ẩn Nguyên vốn là vị trụ trì của Vạn Phúc tự - một Thiền viện nằm trên núi Hoàng Bách (ja. ōbaku-san) tại Trung Quốc. Năm 1654, sư sang Nhật hoằng hoá và chỉ bảy năm sau đó, Tướng quân Đức Xuyên Gia Cương (ja. tokugawa tsunayoshi) đem đất ban cho sư để thành lập một thiền viện theo kiến trúc đời nhà Minh. Sư đặt tên cho thiền viện này là Hoàng Bá Sơn Vạn Phúc tự. Thiền sư Mộc Am Tính Thao (ja. mokuan shōtō), một đệ tử đồng hương của Ẩn Nguyên kiến lập một thiền viện khác với tên Thuỵ Thánh tự (ja. zuishō-ji) tại Đông Kinh (ja. tōkyō) năm 1671, một thiền viện có công rất nhiều trong việc truyền bá Thiền tông tại đây. Tất cả 13 vị kế thừa trụ trì thiền viện này - kể từ Ẩn Nguyên, Mộc Am - đều là người Trung Quốc, vị thứ 14 mới là người Nhật đầu tiên đảm nhận chức vụ này. Dòng này được chính thức công nhận là một tông phái năm 1876.
Tông này được sáng lập như một trường phái riêng biệt tại Nhật, không phải tại Trung Quốc và tên của tông này không có quan hệ gì đến Thiền sư Hoàng Bá Hi Vận, thầy của Lâm Tế. |
Hoàng Long phái (zh. huánglóng-pài 黃龍派, ja. ōryo-ha) là một trong hai nhánh chính của tông Lâm Tế do Thiền sư Hoàng Long Huệ Nam sáng lập, nhánh còn lại là phái Dương Kì do Thiền sư Dương Kì Phương Hội quyền khai.
Lịch sử
Vào năm thứ 3 (1036) niên hiệu Cảnh Hựu đời Tống, Thiền sư Hoàng Long Huệ Nam đến trú tại núi Hoàng Long thuộc phủ Long Hưng (tỉnh Giang Tây ngày nay) và nỗ lực làm cho Thiền phong hưng hiển. Huệ Nam mở rộng giao tiếp với tầng lớp văn nhân sĩ phu đương thời, lập thành một phái riêng biệt lấy tỉnh Triết Giang làm trung tâm hoạt động truyền bá, và dần dần được gọi là Hoàng Long phái.
Từ giữa thời Tống về sau, thế lực của phái Hoàng Long và phái Dương Kỳ bành trướng rất mạnh. Cách nói "Ngũ gia thất tông" đủ làm cho ta hình dung được việc hai phái này đã trưởng thành và có sức đối đầu được với "Ngũ gia". Có điều hai phái này lúc thì hưng thịnh, lúc lại suy vi.
Phái Hoàng Long nhờ sự đóng góp của những nhân vật như đệ tử của Huệ Nam là Hối Đường Tổ Tâm, Chân Tịnh Khắc Văn, Đông Lâm Thường Thông. Đệ tử của Hối Đường Tổ Tâm là Tử Tâm Ngộ Tân và Linh Nguyên Duy Thanh; đệ tử của Chân Tịnh Khắc Văn là Đâu Suất Tùng Duyệt và Giác Phạm Huệ Hồng; đệ tử tại gia là nhà thơ Hoàng Đình Kiên, Tô Đông Pha, Thừa tướng Trương Thương Anh mà được rực rỡ, huy hoàng một thời.
Ngoài ra, các Thiền sư thuộc phái này cũng có cống hiến rất lớn trong việc thành lập Đại Tạng kinh bản đời Tống.
Phái này được truyền qua Nhật Bản lần đầu bởi truyền Thiền sư Minh Am Vinh Tây - đệ tử nối pháp của Hư Am Hoài Sưởng (zh: 虛庵懷敞). Nhìn chung, so với phái Dương Kỳ, phái này không mạnh lắm và đã bị thất truyền tại Trung Quốc sau hơn 150 năm tồn tại và hầu như chỉ còn truyền ở hai chùa do Minh Am kiến lập bên Kyoto, Nhật Bản.
Đặc trưng
Cơ phong tiếp dẫn người học của phái này có phần nhẹ nhàng, ôn hoà và phóng khoáng hơn so với phái Dương Kỳ và các vị tổ Lâm Tế đi trước. Như không đề cao việc dùng đánh hét để giúp thiền sinh đạt được giác ngộ mà thay vào đó là nhấn mạnh vào việc tham cứu các công án. Điển hình là vị Khai tổ Hoàng Long Huệ Nam ngộ đạo nhờ khán công án Triệu Châu khám bà nên sư rất ưa chuộng việc dùng công án này làm giáo khoa để dạy đệ tử tu tập.
Truyền thừa
Dưới đây là sơ lược về sự truyền thừa của phái Hoàng Long:
1/ Thiền sư Hoàng Long Huệ Nam
2/ Thiền sư Hối Đường Tổ Tâm
3/ Thiền sư Tử Tâm Ngộ Tân
4/ Thiền sư ni Trí Thông
3/ Thiền sư Linh Nguyên Duy Thanh
4/ Thiền sư Trường Linh Thủ Trác
5/ Thiền sư Dục Vương Giới Kham
6/ Thiền sư Vạn Niên Đàm Bí
7/ Thiền sư Tuyết Am Tùng Cẩn
8/ Thiền sư Hư Am Hoài Sưởng
9/ Thiền sư Minh Am Vinh Tây -> Tổ khai sáng phái Kiến Nhân (một trong các phái của Tông Lâm Tế Nhật Bản).
2/ Thiền sư Chân Tịnh Khắc Văn
3/ Thiền sư Giác Phạm Huệ Hồng
3/ Thiền sư Đâu Suất Tùng Duyệt
2/ Thiền sư Đông Lâm Thường Thông
3/ Cư sĩ Tô Đông Pha
3/ Cư sĩ Trương Thương Anh
2/ Cư sĩ Hoàng Đình Kiên |
Dương Kì phái (zh. yángqí-pài 楊岐派, ja. yōgi-ha) là một trong hai nhánh chính của tông Lâm Tế, thuộc Ngũ gia thất tông, do Thiền sư Dương Kì Phương Hội khai sáng. Rất nhiều vị Thiền sư danh tiếng ra đời từ nhánh này như Viên Ngộ Khắc Cần, Đại Huệ Tông Cảo, Vô Môn Huệ Khai, Trung Phong Minh Bản... Hầu hết tất cả các dòng truyền Lâm Tế còn tồn tại đến ngày nay ở các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam đều xuất phát từ nhánh này.
Lịch sử
Tổ sáng lập của nhánh này là Thiền sư Dương Kỳ Phương Hội (992-1049), thế hệ thứ 8 của tông Lâm Tế. Sau khi đắc pháp nơi Thiền sư Thạch Sương Sở Viên, Phương Hội đến trụ trì tại Dương Kì Sơn Phổ Thông Thiền Viện (zh. 楊岐山普通禪院) ở Viên Châu, Giang Tây và tận tâm đề xướng tông phong của mình, hình thành nên một phái gọi là phái Dương Kỳ.
Nói về pháp hệ của phái này, dưới Thiền sư Phương Hội có 13 đệ tử nối pháp, trong đó nổi danh nhất là Bạch Vân Thủ Đoan và Bảo Ninh Nhân Dũng. Bạch Vân Thủ Đoan truyền xuống pháp tử là Thiền sư Ngũ Tổ Pháp Diễn. Dưới Ngũ Tổ Pháp Diễn lại có ba đệ tử xuất sắc là Thanh Viễn Phật Nhãn, Huệ Cần Phật Giám và Viên Ngộ Phật Quả, được xưng là Tam Phật. Trong đó điển hình nhất vẫn là Viên Ngộ Khắc Cần - tác giả của tác phẩm Thiền trứ danh là Bích Nham Lục. Viên Ngộ đào tạo được 75 vị pháp tử, nổi bật nhất có Thiền sư Đại Huệ Tông Cảo và Hổ Khâu Thiệu Long, từ hai vị này đã sáng lập ra hai hệ phái chính của nhánh Dương Kỳ là:
Phái Đại Huệ: Do Thiền sư Đại Huệ Tông Cảo sáng lập. Đại Huệ cực lực hoằng dương pháp "Thiền công án", đệ tử nối pháp lên đến 90 người. Đương thời pháp "Thiền công án" của Đại Huệ và "Thiền mặc chiếu" của Thiền sư Hoằng Trí Chính Giác phát triển song song với nhau. Đệ tử nổi danh nhất của Đại Huệ là Chuyết Am Đức Quang, vị tổ sáng lập của Đạt Ma tông Nhật Bản là Đại Nhật Năng Nhẫn nhận ấn khả từ Đức Quang. Tác phẩm nổi tiếng của phái này thì có Nhân Thiên Nhãn Mục (6 tập, 1183) của Hối Nham Trí Chiếu - giúp làm rõ những nét đặc sắc của Ngũ gia, và Sắc Tu Bách Trượng Thanh Quy của Đông Dương Đức Huy. Phái này được truyền sang Nhật thông qua một số vị Thiền sư như Trung Nham Viên Nguyệt, Đông Truyền Chính Tổ.
Phái Hổ Khâu: Do Thiền sư Hổ Khâu Thiệu Long sáng lập. Ban đầu, phái này không phát triển lắm. Nhưng đến đời của pháp tôn Hổ Khâu Thiệu Long là Mật Am Hàm Kiệt thì tông phong bắt đầu mạnh lên. Mật Am có ba đệ tử nổi danh là Tào Nguyên Đạo Sinh, Tùng Nguyên Sùng Nhạc và Phá Am Tổ Tiên. Các thế hệ đời sau của ba vị này đã có công phát triển tông Lâm Tế tại Trung Quốc (Vô Chuẩn Sư Phạm, Trung Phong Minh Bản, Mật Vân Viên Ngộ...) và truyền bá tông Lâm Tế sang Nhật Bản (Lan Khê Đạo Long, Vô Học Tổ Nguyên...), Triều Tiên (Thái Cổ Phổ Ngu, Bạch Vân Cảnh Nhàn) và Việt Nam (Chuyết Chuyết, Nguyên Thiều, Minh Hoằng Tử Dung).
Từ giữa đời Tống trở về sau, thế lực của phái Dương Kỳ và phái Hoàng Long bành trướng rất mạnh. Cách nói "Ngũ gia thất tông" đủ cho thấy được việc hai phái này đã trưởng thành và có sức đối đầu được với "Ngũ gia". Có điều hai phái này lúc thì hưng thịnh, lúc lại suy vi.
Khi Thiền tông đang trên đường tàn lụi vào cuối đời nhà Tống thì phái Dương Kì trở thành nơi thu thập các nét đặc sắc của những tông phái Thiền tông bị thất truyền như Quy Ngưỡng tông, Pháp Nhãn tông, Vân Môn tông và phái Hoàng Long. Sau khi tư tưởng của Thiền tông bị pha trộn với Tịnh Độ tông dưới đời nhà Minh thì Thiền tông hiểu theo dạng gốc là "Dĩ tâm truyền tâm" không còn tồn tại trên đất Trung Hoa.
Tại Nhật Bản, 20 trong 24 phái chính của Thiền tông nước này thuộc phái Dương Kỳ.
Đặc trưng
Kế thừa cơ phong giáo hoá của các vị tổ tông Lâm Tế đi trước như Lâm Tế Nghĩa Huyền, Phần Dương Thiện Chiếu, Thạch Sương Sở Viên..., các Thiền sư của phái Dương Kỳ rất hay sử dụng đánh hét để giáo hoá đệ tử. Đặc biệt, dưới sự nỗ lực truyền bá của Thiền sư Đại Huệ Tông Cảo, phương pháp "Thiền công án" được sử dụng rộng rãi trong tông Lâm Tế và trở thành một nét đặc trưng riêng của tông này, được coi là phương tiện cơ bản để giúp cho Thiền sinh đạt được giác ngộ. |
Mã Tổ Đạo Nhất (zh. măzǔ dàoyī/Ma-tsu Tao-i 馬祖道一, ja. baso dōitsu, 709-788), là một Thiền sư Trung Quốc đời nhà Đường, và là môn đệ và người đắc pháp xuất sắc nhất của Thiền sư Nam Nhạc Hoài Nhượng. Sư có rất nhiều môn đệ đắc đạo như Bách Trượng Hoài Hải, Nam Tuyền Phổ Nguyện, Đại Mai Pháp Thường, Đại Châu Huệ Hải, Tây Đường Trí Tạng, Trí Thường Quy Tông, Ma Cốc Bảo Triệt... Sư cùng Thiền sư Thạch Đầu Hi Thiên là hai vị pháp chủ đứng đầu Thiền Tông Trung Quốc đương thời và có ảnh hưởng rất sâu rộng đến Thiền Tông sau này.
Cơ duyên và hành trạng
Sư họ Mã, quê ở huyện Thập Phương. Tương truyền rằng sư có những dấu hiệu đặc biệt của Thánh nhân (Ba mươi hai tướng tốt) như: mắt sáng như hổ và dáng đi như trâu, lưỡi dài chạm mũi và dưới gan bàn chân có hình bánh xe.
Lúc nhỏ, sư vào chùa La Hán xin xuất gia với Hoà thượng Đường ở Từ Châu, sau thụ giới cụ túc ở Du Châu. Sau, sư đến Hoành Nhạc sống viễn li và ngày ngày tu tập thiền định. Cũng tại núi này, sư gặp Thiền sư Nam Nhạc Hoài Nhượng, cùng tham vấn Hoài Nhượng với sư có 6 người, riêng sư được truyền tâm ấn
Sự ngộ đạo và cơ phong siêu việt của Mã Tổ đã được các vị thiền tổ tiên đoán trước:Tây Thiên Bát-nhã Đa-la huyền ký với Đạt-ma rằng:
- Chấn Đán (Trung Hoa) tuy rộng nhưng không có đường riêng, cần mượn đường dưới chân con cháu mà đi. Vàng khó mở miệng một hạt thóc. Cùng bồi dưỡng La-hán tăng ở mười phương.
Lại Lục Tổ nói với hòa thượng Hoài Nhượng rằng:
- Về sau Phật pháp do bên ông đấy. Ngựa non đạp chết người thiên hạ.Sau khi ngộ đạo, sư từ biệt Hoài Nhượng rồi bắt đầu xiển dương ở núi Phật Tích ở Kiến Dương, sau đó dời đến Lâm Xuyên, kế đến là Cung Công sơn ở Nam Khang. Niên hiệu Đại Tịch, sư trụ trì ở chùa Khai Nguyên tại Chung Lăng. Nguyên soái Lộ Tự Cung nghe nói danh sư rất mến mộ, tự mình lãnh hội tông chỉ, do đó học giả bốn phương đua nhau đến tham vấn, tụ hội dưới tòa.
Cảnh Đức Truyền đăng lục kể câu chuyện sau về cách hoằng hoá của sư và Thạch Đầu Hi Thiên (Thích Thanh Từ dịch):
Đặng Ẩn Phong đến từ biệt sư. Sư hỏi đi đâu, Ẩn Phong nói đi gặp Thạch Đầu. sư nói: "Đường Thạch Đầu trơn." Ẩn Phong nói có cây gậy tuỳ thân, không sao. Ẩn Phong đến gặp Thạch Đầu, dộng cây gậy xuống đất hỏi: "Ấy là tông chỉ gì?" Thạch Đầu nói: "Trời xanh! Trời xanh!" Ẩn Phong không biết trả lời sao, về thuật lại cho sư. Sư khuyên Ẩn Phong trở lại Thạch Đầu, nếu Thạch Đầu lại nói "Trời xanh" thì chỉ nên khịt mũi "Hư! Hư!". Ẩn Phong nghe lời, đến Thạch Đầu, dộng gậy, lại hỏi như trước. Lần này Thạch Đầu chỉ khịt mũi "Hư! Hư!" Ẩn Phong không đáp được, lại trở về thuật lại, sư nói: "Ta đã bảo ngươi đường Thạch Đầu trơn."
Có vị tăng đến hỏi sư: "Thế nào được ngộ Đạo?" sư đáp: "Ta sớm chẳng ngộ Đạo." Tăng lại hỏi: "Thế nào là ý Tổ sư từ Ấn Độ sang?" sư liền nắm cây gậy đập và nói: "Nếu ta không đánh ngươi, các nơi sẽ chê ta."
Lịch sử Thiền tông còn nhắc nhở những câu trả lời đặc biệt của Mã Tổ về "Phật là gì?". Những cuộc pháp chiến lừng danh của sư với cư sĩ Bàng Uẩn được ghi lại trong Bàng cư sĩ ngữ lục. Các mẫu chuyện về Mã Tổ phần lớn được ghi trong Giang Tây Đạo Nhất Thiền sư ngữ lục.
Sư có 139 đệ tử đắc pháp, mỗi người đều là tông chủ của một phương, phương tiện thiện xảo rất mạnh mẽ.
Ảnh hưởng cho Thiền tông
Sau Lục tổ Huệ Năng, sư là người đã đem lại cho Thiền Trung Quốc một sắc thái đặc biệt. Sư chuyên sử dụng những phương pháp quái dị để dạy học trò như tiếng quát, im lặng, dựng phất tử, hay thình lình đánh gậy. Có khi sư xô học trò xuống đất, vặn mũi bứt tóc, tung ra những câu hỏi bất ngờ và cho những câu trả lời mâu thuẫn. Mục đích của mọi hành động này là kéo thiền sinh ra khỏi mọi thói quen lý luận, dùng những cú sốc mạnh mẽ để giúp học trò khỏi vòng vây bọc của khái niệm, để sau đó có một kinh nghiệm Giác ngộ trực tiếp.
Sức giáo hoá của sư đã để lại cho đời 139 đệ tử được truyền ấn. Mã Tổ được nhắc đến trong công án thứ 30 và 33 của Vô môn quan và công án thứ 3, 53 và 57 của Bích nham lục. Hậu thế vì quý trọng sư quá nên gọi là Mã Tổ, tức là vị Tổ họ Mã. sư cũng được tuyên xưng là Giang Tây Pháp chủ.
Thị tịch
Trong tháng giêng năm Trinh Nguyên thứ tư (788), sư lên núi Thạch Môn ở Kiến xương, đi kinh hành, thấy hang hốc bằng phẳng, gọi thị giả nói rằng: "Thân hư hoại của ta tháng tới sẽ về chỗ này". Nói xong thì sư về, sau đó sư có bệnh nặng. Viện chủ đến hỏi: "Hòa thượng gần ngày, sức khỏe như thế nào?", Sư nói: "Mặt trời Phật, mặt trăng Phật". Công án này khá bí hiểm và gây đối với nhiều hành giả Thiền tông đời sau. Về sau, nó được đưa vào tắc thứ 3 của Bích Nham Lục, Thiền sư Tuyết Đậu Trọng Hiển đã đưa ra kiến giải của mình về công án này.
Ngày mùng 1 tháng 2 năm 788, sư tắm rửa rồi ngồi kiết già nhập diệt. Đến năm Nguyên Hòa, vua ban hiệu là Đại Tịch Thiền sư, tháp thờ hiệu là Đại Trang Nghiêm. |
Trong đại số sơ cấp, phương trình bậc hai là phương trình có dạng: .
Với là ẩn số chưa biết và , , là các số đã biết sao cho khác 0. Các số , , và là những hệ số của phương trình và có thể phân biệt bằng cách gọi tương ứng hệ số bậc hai, hệ số bậc một, và hằng số hay hệ số tự do.
Vì phương trình bậc hai chỉ có một ẩn nên nó được gọi là phương trình "đơn biến". Phương trình bậc hai chỉ chứa lũy thừa của là các số tự nhiên, bởi vậy chúng là một dạng phương trình đa thức, cụ thể là phương trình đa thức bậc hai do bậc cao nhất là hai.
Các cách giải phương trình bậc hai phổ biến là nhân tử hóa (phân tích thành nhân tử), phương pháp phần bù bình phương, sử dụng công thức nghiệm, hoặc đồ thị. Giải pháp cho các vấn đề tương tự phương trình bậc hai đã được con người biết đến từ năm 2000 trước Công Nguyên.
Giải phương trình bậc hai
Một phương trình bậc hai với các hệ số thực hoặc phức có hai đáp số, gọi là các nghiệm. Hai nghiệm này có thế phân biệt hoặc không, và có thể là thực hoặc không.
Phân tích thành nhân tử bằng cách kiểm tra
Phương trình bậc hai có thể viết được thành . Trong một vài trường hợp, điều này có thể thực hiện bằng một bước xem xét đơn giản để xác định các giá trị p, q, r, và s sao cho phù hợp với phương trình đầu. Sau khi đã viết được thành dạng này thì phương trình bậc hai sẽ thỏa mãn nếu hoặc . Giải hai phương trình bậc nhất này ta sẽ tìm ra được nghiệm.
Với hầu hết học sinh, phân tích thành nhân tử bằng cách kiểm tra là phương pháp giải phương trình bậc hai đầu tiên mà họ được tiếp cận. Nếu phương trình bậc hai ở dạng (a ) thì có thể tìm cách phân tích vế trái thành , trong đó q và s có tổng là -b và tích là c (đây đôi khi được gọi là "quy tắc Viet") Ví dụ, viết thành . Trường hợp tổng quát hơn khi đòi hỏi nỗ lực lớn hơn trong việc đoán, thử và kiểm tra; giả định rằng hoàn toàn có thể làm được như vậy.
Trừ những trường hợp đặc biệt như khi hay , phân tích bằng kiểm tra chỉ thực hiện được đối với những phương trình bậc hai có nghiệm hữu tỉ. Điều này có nghĩa là đa phần các phương trình bậc hai phát sinh trong ứng dụng thực tiễn không thể giải được bằng phương pháp này.
Phần bù bình phương
Trong quá trình hoàn thành bình phương ta sử dụng hằng đẳng thức:
một thuật toán rạch ròi có thể áp dụng để giải bất kỳ phương trình bậc hai nào. Bắt đầu với phương trình bậc hai dạng tổng quát
Chia hai vế cho , hệ số của ẩn bình phương.
Trừ mỗi vế.
Thêm bình phương của một nửa , hệ số của , vào hai vế, vế trái sẽ trở thành bình phương đầy đủ.
Viết vế trái thành bình phương của một tổng và đơn giản hóa vế phải nếu cần thiết.
Khai căn hai vế thu được hai phương trình bậc nhất.
Giải hai phương trình bậc nhất.
Tiếp theo là ví dụ minh họa việc sử dụng thuật toán này. Giải phương trình
Đây là lời giải.
Dấu cộng-trừ "±" biểu thị rằng cả và đều là nghiệm của phương trình.
Công thức nghiệm
Có thể áp dụng phương pháp phần bù bình phương để rút ra một công thức tổng quát cho việc giải phương trình bậc hai, được gọi là công thức nghiệm của phương trình bậc hai. Giờ là phần chứng minh tóm tắt. Bằng khai triển đa thức, dễ thấy phương trình dưới đây tương đương với phương trình đầu:
Lấy căn bậc hai của hai vế rồi chuyển về một bên, ta được:
Một số nguồn tài liệu, đặc biệt là tài liệu cũ, sử dụng tham số hóa phương trình bậc hai thay thế như hoặc , ở đây có độ lớn bằng một nửa và có thể mang dấu ngược lại. Các dạng nghiệm là hơi khác, còn lại thì tương đương.
Còn một số cách rút ra công thức nghiệm có thể tìm thấy trong tài liệu. Các cách chứng minh này là đơn giản hơn phương pháp phần bù bình phương tiêu chuẩn.
Một công thức ít phổ biến hơn, như dùng trong phương pháp Muller và có thể tìm được từ công thức Viet:
Một tính chất của công thức này là khi nó sẽ cho ra một nghiệm hợp lệ, trong khi nghiệm còn lại có chứa phép chia cho , bởi khi thì phương trình bậc hai sẽ chuyển về bậc nhất có một nghiệm. Ngược lại, công thức phổ biến chứa phép chia cho ở cả hai trường hợp.
Phương trình bậc hai rút gọn
Việc rút gọn phương trình bậc hai để cho hệ số lớn nhất bằng một đôi khi là tiện lợi. Cách làm là chia cả hai vế cho a, điều này luôn thực hiện được bởi a khác , ta được phương trình bậc hai rút gọn:
trong đó p = b/a và q = c/a. Công thức nghiệm của phương trình này là:
Biệt thức
Trong công thức nghiệm của phương trình bậc hai, biểu thức dưới dấu căn được gọi là biệt thức và thường được biểu diễn bằng chữ hoa hoặc chữ delta hoa (Δ) trong bảng chữ cái Hy Lạp:
Ngoài ra, với b = 2b' thì ta có biệt thức thu gọn:
với Δ = 4Δ'
Phương trình bậc hai với các hệ số thực có thể có một hoặc hai nghiệm thực phân biệt, hoặc hai nghiệm phức phân biệt. Trong trường hợp này biệt thức quyết định số lượng và bản chất của nghiệm. Có ba trường hợp:
Nếu Δ (hoặc Δ') dương (Δ > hay Δ'>0), phương trình có hai nghiệm phân biệt:
cả hai đều là nghiệm thực. Đối với những phương trình bậc hai có hệ số hữu tỉ, nếu Δ, Δ' là một số chính phương thì nghiệm là hữu tỉ; còn với những trường hợp khác chúng có thể là các số vô tỉ.
Nếu Δ (hoặc Δ' ), phương trình có một nghiệm thực:
(hoặc )
hay đôi khi còn gọi là nghiệm kép.
Nếu Δ (hoặc Δ') âm (Δ < hoặc Δ' < ), phương trình không có nghiệm thực, thay vào đó là hai nghiệm phức phân biệt
hoặc
là những số phức liên hợp, còn là đơn vị ảo.
Vậy phương trình có nghiệm phân biệt khi và chỉ khi Δ khác , có nghiệm thực khi và chỉ khi Δ không âm (Δ ≥ )
.
Diễn giải bằng hình học
Hàm số là hàm số bậc hai. Đồ thị của bất kỳ hàm bậc hai nào cũng đều có một dạng chung được gọi là parabol. Vị trí, hình dạng, kích cỡ của parabol phụ thuộc vào giá trị của , , và . Nếu , prabol có một điểm cực tiểu và bề lõm hướng lên trên; nếu , parabol có một điểm cực đại và bề lõm hướng xuống dưới (xem hình 1, a). Cực điểm của parabol ứng với đỉnh của nó; điểm này có hoành độ , tính rồi thế vào hàm số ta sẽ tìm được giá trị tung độ. Đồ thị giao trục tung tại điểm có tọa độ .
Các nghiệm của phương trình bậc hai tương ứng là các nghiệm của hàm số bởi chúng là những giá trị của để cho . Nếu , , và là những số thực và miền xác định của hàm là tập hợp số thực thì nghiệm của là hoành độ của giao/tiếp điểm của đồ thị với trục hoành (xem hình 3).
Nhân tử hóa đa thức bậc hai
Biểu thức
là nhân tử của đa thức
khi và chỉ khi là một nghiệm của phương trình bậc hai
Từ công thức nghiệm ta có
Trong trường hợp đặc biệt (hay Δ ) phương trình chỉ có một nghiệm phân biệt, có thể nhân tử hóa đa thức bậc hai thành
Lịch sử
Ngay từ năm 2000 trước Công Nguyên, các nhà toán học Babylon đã có thể giải những bài toán liên quan đến diện tích và các cạnh của hình chữ nhật. Có bằng chứng chỉ ra thuật toán này xuất hiện từ triều đại Ur thứ ba. Theo ký hiệu hiện đại, các bài toán này thường liên quan đến việc giải hệ gồm hai phương trình:
tương đương với phương trình:
Các bước giải được người Babylon đưa ra như sau:
Tính p/2.
Bình phương kết quả tìm được.
Trừ đi q.
Tính căn bậc hai bằng bảng căn bậc hai.
Cộng kết quả của bước (1) và (4) để tìm . Điều này về cơ bản là tương đương với việc tính
Ở Babylon, Ai Cập, Hy Lạp, Trung Quốc, và Ấn Độ, phương pháp hình học được sử dụng để giải phương trình bậc hai. Tài liệu Berlin Papyrus của người Ai Cập có từ thời Trung vương quốc (từ năm 2050 đến 1650 trước CN) có chứa lời giải của phương trình bậc hai hai số hạng. Trong nguyên bản kinh Sulba Sutras, khoảng thế kỷ 8 trước CN, phương trình bậc hai dạng và được khảo sát bằng phương pháp hình học. Các nhà toán học Babylon từ khoản năm 400 trước CN và các nhà toán học Trung Quốc từ khoảng năm 200 trước CN đã sử dụng phương pháp phân chia hình học để giải các phương trình bậc hai với nghiệm dương. Cuốn Cửu chương toán thuật của người Trung Quốc có ghi những quy tắc của phương trình bậc hai. Trong những phương pháp hình học thuở đầu này không xuất hiện một công thức tổng quát. Tới khoảng năm 300 trước CN, nhà toán học Hy Lạp Euclid đã cho ra một phương pháp hình học trừu tượng hơn. Với cách tiếp cận hoàn toàn bằng hình học, Pythagoras và Euclid đã tạo dựng một phương pháp tổng quan để tìm nghiệm của phương trình bậc hai. Trong tác phẩm Arithmetica của mình, nhà toán học Hy Lạp Diophantus đã giải phương trình bậc hai, tuy nhiên chỉ cho ra một nghiệm, kể cả khi cả hai nghiệm đều là dương.
Vào năm 628 CN, Brahmagupta, một nhà toán học Ấn Độ đưa ra lời giải rõ ràng đầu tiên (dù vẫn chưa hoàn toàn tổng quát) cho phương trình bậc hai như sau: "Nhân số tuyệt đối (c) với bốn lần hệ số bình phương, cộng với bình phương hệ số số hạng ở giữa; căn bậc hai toàn bộ, trừ đi hệ số số hạng ở giữa, rồi chia cho hai lần hệ số bình phương là giá trị." (Brahmasphutasiddhanta, Colebrook translation, 1817, tr 346) Điều này tương đương:
Thủ bản Bakhshali ra đời ở Ấn Độ vào thế kỷ 7 CN có chứa một công thức đại số cho việc giải phương trình bậc hai, cũng như những phương trình vô định. Muhammad ibn Musa al-Khwarizmi đi xa hơn trong việc cung cấp một lời giải đầy đủ cho phương trình bậc hai dạng tổng quát, ông cũng đã mô tả phương pháp phần bù bình phương và thừa nhận rằng biệt thức phải dương, điều đã được 'Abd al-Hamīd ibn Turk (Trung Á, thế kỷ 9) chứng minh. Turk là người đưa ra những biểu đồ hình học chứng minh rằng nếu biệt thức âm thì phương trình bậc hai vô nghiệm. Trong khi bản thân al-Khwarizmi không chấp nhận nghiệm âm, các nhà toán học Hồi giáo kế tục ông sau này đã chấp nhận nghiệm âm cũng như nghiệm vô tỉ. Cá biệt Abū Kāmil Shujā ibn Aslam (Ai Cập, thế kỷ 10) là người đầu tiên chấp nhận các số vô tỉ (thường ở dạng căn bậc hai, căn bậc ba hay căn bậc bốn) là nghiệm hay là hệ số của phương trình bậc hai. Nhà toán học Ấn Độ thế kỷ thứ 9 Sridhara đã viết ra các quy tắc giải phương trình bậc hai.
Nhà toán học người Do Thái Abraham bar Hiyya Ha-Nasi (thế kỷ 12, Tây Ban Nha) là tác giả cuốn sách đầu tiên của người châu Âu có chứa lời giải đầy đủ cho phương trình bậc hai dạng tổng quát. Giải pháp của Ha-Nasi dựa nhiều vào tác phẩm của Al-Khwarizmi. Lần đầu tiên hệ số âm của 'x' xuất hiện trong tác phẩm của nhà toán học người Trung Quốc Yang Hui (1238–1298 CN), dù vậy ông cho điều này là từ nhà toán học Liu Yi ở thời trước đó. Vào năm 1545 Gerolamo Cardano biên soạn các tác phẩm liên quan đến phương trình bậc hai. Công thức nghiệm cho mọi trường hợp lần đầu đạt được bởi Simon Stevin vào năm 1594. Năm 1637 René Descartes công bố tác phẩm La Géométrie trong đó có chứa công thức nghiệm mà chúng ta biết ngày nay. Lời giải tổng quát xuất hiện lần đầu trong tài liệu toán học hiện đại vào năm 1896, bởi Henry Heaton.
Công thức Viète
Công thức Viète cho ta thấy quan hệ đơn giản giữa các nghiệm của đa thức với các hệ số của nó. Trong trường hợp phương trình bậc hai một ẩn, chúng được phát biểu như sau:
Nếu và là hai nghiệm của phương trình thì:
Ngược lại nếu x1 và x2 có tổng là S và tích là P thì x1 và x2 là 2 nghiệm của phương trình x2 - Sx + P=0
Các trường hợp nhận biết đặc biệt
Khi phương trình bậc hai đã cho có dấu hiệu sau:
(với a,b và c là các hệ số của phương trình bậc 2, a khác 0) thì lúc đó nghiệm của phương trình là: .
(với a,b và c là các hệ số của phương trình bậc 2, a khác 0) thì lúc đó nghiệm của phương trình là:
Nếu (tức a và c trái dấu nhau) thì phương trình luôn luôn có 2 nghiệm phân biệt trái dấu.
Chủ đề liên quan
Phương trình
Phương trình tuyến tính
Hàm số bậc nhất
Hàm số bậc hai
Phương trình bậc ba
Phương trình bậc bốn
Phương trình bậc năm
Lý thuyết cơ bản của đại số
Đường cong bậc hai
Mặt bậc hai |
Cadmi là nguyên tố hóa học trong bảng tuần hoàn các nguyên tố có ký hiệu Cd và số nguyên tử bằng 48. Là một kim loại chuyển tiếp tương đối hiếm, mềm, màu trắng ánh xanh và có độc tính, cadmi tồn tại trong các quặng kẽm và được sử dụng chủ yếu trong các loại pin.
Các đặc tính nổi bật
Cadmi là kim loại mềm, dẻo, dễ uốn, màu trắng ánh xanh, có hóa trị 2, rất dễ cắt bằng dao. Nó tương tự về nhiều phương diện như kẽm nhưng có xu hướng tạo ra các hợp chất phức tạp hơn.
Trạng thái oxy hóa phổ biến nhất của cadmi là +2, nhưng có thể tìm thấy các hợp chất mà nó có hóa trị +1.
Ứng dụng
Khoảng 3/4 cadmi sản xuất ra được sử dụng trong các loại pin (đặc biệt là pin Ni-Cd) và phần lớn trong 1/4 còn lại sử dụng chủ yếu trong các chất màu, lớp sơn phủ, các tấm mạ kim và làm chất ổn định cho plastic. Các sử dụng khác bao gồm:
Trong một số hợp kim có điểm nóng chảy thấp.
Trong các hợp kim làm vòng bi hay gối đỡ do có hệ số ma sát thấp và khả năng chịu mỏi cao.
6% cadmi sử dụng trong mạ điện.
Nhiều loại que hàn chứa kim loại này.
Lưới kiểm soát trong các lò phản ứng hạt nhân.
Các hợp chất chứa cadmi được sử dụng trong các ống hình của ti vi đen trắng hay ti vi màu (phospho đen, trắng, lam và lục).
Cadmi tạo ra nhiều loại muối, trong đó cadmi sulfide là phổ biến nhất. Sulfide này được sử dụng trong thuốc màu vàng.
Một số vật liệu bán dẫn như cadmi sulfide, cadmi selenide và cadmi teluride thì nó dùng trong các thiết bị phát hiện ánh sáng hay pin mặt trời. HgCdTe nhạy cảm với tia hồng ngoại.
Một số hợp chất của cadmi sử dụng trong PVC làm chất ổn định.
Sử dụng trong thiết bị phát hiện neutrino đầu tiên.
Lịch sử
Cadmi (tiếng Latinh: cadmia, tiếng Hy Lạp: kadmeia có nghĩa là "calamin") được phát hiện bởi Friedrich Strohmeyer tại Đức năm 1817. Strohmeyer đã tìm thấy nguyên tố mới trong tạp chất của kẽm carbonat (calamin) và trong khoảng 100 năm sau đó thì Đức là nước sản xuất lớn duy nhất của kim loại này. Kim loại này được đặt tên theo từ Latinh để chỉ calamin do nó được tìm thấy trong quặng chứa hợp chất này của kẽm. Strohmeyer thông báo rằng một số mẫu quặng chứa tạp chất của calamin bị đổi màu khi nung nóng nhưng calamin tinh chất thì không.
Mặc dù cadmi và các hợp chất của nó có độc tính cao, nhưng British Pharmaceutical Codex (BPC) từ năm 1907 đã thông báo rằng cadmi iodide được sử dụng làm thuốc trong y tế để điều trị các bệnh "khớp, tràng nhạc và cước".
Năm 1927, SI đã định nghĩa lại mét theo vạch quang phổ đỏ của cadmi (1m = 1.553.164,13 bước sóng). Định nghĩa này sau đó đã được thay thế (xem krypton).
Phổ biến
Các quặng chứa cadmi rất hiếm và khi phát hiện thấy thì chúng chỉ có một lượng rất nhỏ. Greenockit (CdS), là khoáng chất duy nhất của cadmi có tầm quan trọng, gần như thường xuyên liên kết với sphalerit (ZnS). Do vậy, cadmi được sản xuất chủ yếu như là phụ phẩm từ việc khai thác, nấu chảy và tinh luyện các quặng kẽm sulfide, và ở mức độ thấp hơn là từ quặng chì và đồng. Một lượng nhỏ cadmi, khoảng 10% mức tiêu thụ, được sản xuất từ các nguồn thứ cấp, chủ yếu từ bụi sinh ra khi tái chế phế thải sắt và thép. Việc sản xuất tại Mỹ bắt đầu từ năm 1907 nhưng cadmi đã không được sử dụng rộng rãi cho đến tận sau khi Đại chiến thế giới 1 kết thúc.
Đồng vị
Cadmi nguồn gốc tự nhiên là hỗn hợp của 6 đồng vị ổn định. 27 đồng vị phóng xạ đã được phát hiện với ổn định nhất là Cd113 có chu kỳ bán rã là 7,7 triệu tỷ năm, Cd109 có chu kỳ bán rã 462,6 ngày, và Cd115 có chu kỳ bán rã 53,46 giờ. Tất cả các đồng vị phóng xạ còn lại có chu kỳ bán rã nhỏ hơn 2,5 giờ và phần lớn trong chúng có chu kỳ bán rã nhỏ hơn 5 phút. Nguyên tố này có 8 trạng thái đồng phân với ổn định nhất là Cd113m (t½ 14,1 năm), Cd115m (t½ 44,6 ngày) và Cd117m (t½ 3,36 giờ).
Các đồng vị cadmi có nguyên tử lượng từ 96,935 amu (Cd97) tới 129,934 amu (Cd130). Phương thức phóng xạ chủ yếu trước khi có đồng vị ổn định phổ biến thứ hai (Cd112) là bắt điện tử và phương thức chủ yếu sau khi có nó là bức xạ beta. Sản phẩm phân rã chủ yếu trước Cd112 là nguyên tố số 47 (Ag) và sản phẩm chủ yếu sau khi có Cd112 là nguyên tố 49 (indi).
Phòng ngừa
Cadmi là một trong rất ít nguyên tố không có ích lợi gì cho cơ thể con người. Nguyên tố này và các dung dịch các hợp chất của nó là những chất cực độc thậm chí chỉ với nồng độ thấp, và chúng sẽ tích lũy sinh học trong cơ thể cũng như trong các hệ sinh thái. Một trong những lý do có khả năng nhất cho độc tính của chúng là chúng can thiệp vào các phản ứng của các enzym chứa kẽm. Kẽm là một nguyên tố quan trọng trong các hệ sinh học, nhưng cadmi, mặc dù rất giống với kẽm về phương diện hóa học, nói chung dường như không thể thay thể cho kẽm trong các vai trò sinh học đó. Cadmi cũng có thể can thiệp vào các quá trình sinh học có chứa magnesi và calci theo cách thức tương tự.
Hít thở phải bụi có chứa cadmi nhanh chóng dẫn đến các vấn đề đối với hệ hô hấp và thận, có thể dẫn đến tử vong (thông thường là do hỏng thận). Nuốt phải một lượng nhỏ cadmi có thể phát sinh ngộ độc tức thì và tổn thương gan và thận. Các hợp chất chứa cadmi cũng là các chất gây ung thư. Ngộ độc cadmi là nguyên nhân của bệnh itai-itai, tức "đau đau" trong tiếng Nhật. Ngoài tổn thương thận, người bệnh còn chịu các chứng loãng xương và nhuyễn xương.
Khi làm việc với cadmi một điều quan trọng là phải sử dụng tủ chống khói trong các phòng thí nghiệm để bảo vệ chống lại các khói nguy hiểm. Khi sử dụng các que hàn bạc (có chứa cadmi) cần phải rất cẩn thận. Các vấn đề ngộ độc nghiêm trọng có thể sinh ra từ phơi nhiễm lâu dài cadmi từ các bể mạ điện bằng cadmi. |
Trong đại số sơ cấp, công thức bậc hai là một công thức cung cấp (các) đáp số cho một phương trình bậc hai. Có nhiều cách khác để giải phương trình bậc hai thay vì dùng công thức bậc hai, chẳng hạn như phân tích thành nhân tử (phân tích trực tiếp, nhóm hạng tử, phương pháp AC), phần bù bình phương, vẽ đồ thị và vân vân.
Cho một phương trình bậc hai tổng quát có dạng
với đại diện cho một ẩn số, , và đại diện cho các hằng số với , công thức bậc hai là:
với dấu cộng-trừ "±" chỉ ra rằng phương trình bậc hai có hai nghiệm. Khi viết riêng ra, chúng trở thành:
Mỗi nghiệm cũng được gọi là một gốc (hoặc không điểm) của phương trình bậc hai. Về mặt hình học, các gốc này biểu diễn các giá trị mà tại bất kì parabol nào, được cho một cách rõ ràng dưới dạng , cắt trục hay trục hoành.
Cũng như là một công thức sinh ra các không điểm của bất kì parabol nào, công thức bậc hai cũng có thể được sử dụng để nhận biết trục đối xứng của parabol, và số không điểm thực mà phương trình bậc hai chứa đựng. |
Năng lượng gió là động năng của không khí di chuyển trong bầu khí quyển Trái Đất. Năng lượng gió là một hình thức gián tiếp của năng lượng mặt trời. Sử dụng năng lượng gió là một trong các cách lấy năng lượng xa xưa nhất từ môi trường tự nhiên và đã được biết đến từ thời kỳ Cổ đại.
Sự hình thành năng lượng gió
Bức xạ Mặt Trời chiếu xuống bề mặt Trái Đất không đồng đều làm cho bầu khí quyển, nước và không khí nóng không đều nhau. Một nửa bề mặt của Trái Đất, mặt ban đêm, bị che khuất không nhận được bức xạ của Mặt Trời và thêm vào đó là bức xạ Mặt Trời ở các vùng gần xích đạo nhiều hơn là ở các cực, do đó có sự khác nhau về nhiệt độ và vì thế là khác nhau về áp suất mà không khí giữa xích đạo và 2 cực cũng như không khí giữa mặt ban ngày và mặt ban đêm của Trái Đất di động tạo thành gió. Trái Đất xoay tròn cũng góp phần vào việc làm xoáy không khí và vì trục quay của Trái Đất nghiêng đi (so với mặt phẳng do quỹ đạo Trái Đất tạo thành khi quay quanh Mặt Trời) nên cũng tạo thành các dòng không khí theo mùa.
Do bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng Coriolis được tạo thành từ sự quay quanh trục của Trái Đất nên không khí đi từ vùng áp cao đến vùng áp thấp không chuyển động thắng mà tạo thành các cơn gió xoáy có chiều xoáy khác nhau giữa Bắc bán cầu và Nam bán cầu. Nếu nhìn từ vũ trụ thì trên Bắc bán cầu không khí di chuyển vào một vùng áp thấp ngược với chiều kim đồng hồ và ra khỏi một vùng áp cao theo chiều kim đồng hồ. Trên Nam bán cầu thì chiều hướng ngược lại.
Ngoài các yếu tố có tính toàn cầu trên gió cũng bị ảnh hưởng bởi địa hình tại từng địa phương. Do nước và đất có nhiệt dung khác nhau nên ban ngày đất nóng lên nhanh hơn nước, tạo nên khác biệt về áp suất và vì thế có gió thổi từ biển hay hồ vào đất liền. Vào ban đêm đất liền nguội đi nhanh hơn nước và hiệu ứng này xảy ra theo chiều ngược lại.
Vật lý học về năng lượng gió
Năng lượng gió là động năng của không khí chuyển động với vận tốc . Khối lượng đi qua một mặt phẳng hình tròn vuông góc với chiều gió trong thời gian là:
với ρ là tỷ trọng của không khí, V là thể tích khối lương không khí đi qua mặt cắt ngang hình tròn diện tích A, bán kinh r trong thời gian t.
Vì thế động năng E (kin) và công suất P của gió là:
Điều đáng chú ý là công suất gió tăng theo lũy thừa 3 của vận tốc gió và vì thế vận tốc gió là một trong những yếu tố quyết định khi muốn sử dụng năng lượng gió.
Công suất gió có thể được sử dụng, ví dụ như thông qua một tuốc bin gió để phát điện, nhỏ hơn rất nhiều so với năng lượng của luồng gió vì vận tốc của gió ở phía sau một tuốc bin không thể giảm xuống bằng không. Trên lý thuyết chỉ có thể lấy tối đa là 59,3% năng lượng tồn tại trong luồng gió. Trị giá của tỷ lệ giữa công suất lấy ra được từ gió và công suất tồn tại trong gió được gọi là hệ số Betz (xem Định luật Betz), do Albert Betz tìm ra vào năm 1926.
Có thể giải thích một cách dễ hiểu như sau: Khi năng lượng được lấy ra khỏi luồng gió, gió sẽ chậm lại. Nhưng vì khối lượng dòng chảy không khí đi vào và ra một tuốc bin gió phải không đổi nên luồng gió đi ra với vận tốc chậm hơn phải mở rộng tiết diện mặt cắt ngang. Chính vì lý do này mà biến đổi hoàn toàn năng lượng gió thành năng lượng quay thông qua một tuốc bin gió là điều không thể được. Trường hợp này đồng nghĩa với việc là lượng không khí phía sau một tuốc bin gió phải đứng yên.
Ứng dụng năng lượng gió
Đọc bài chính về lịch Ứng dụng năng lượng gió
Năng lượng gió đã được sử dụng từ hằng trăm năm nay. Con người đã dùng năng lượng gió để di chuyển thuyền buồm hay khinh khí cầu, ngoài ra năng lượng gió còn được sử dụng để tạo công cơ học nhờ vào các cối xay gió.
Ý tưởng dùng năng lượng gió để sản xuất điện hình thành ngay sau các phát minh ra điện và máy phát điện. Lúc đầu nguyên tắc của cối xay gió chỉ được biến đổi nhỏ và thay vì là chuyển đổi động năng của gió thành năng lượng cơ học thì dùng máy phát điện để sản xuất năng lượng điện. Khi bộ môn cơ học dòng chảy tiếp tục phát triển thì các thiết bị xây dựng và hình dáng của các cánh quạt cũng được chế tạo đặc biệt hơn. Ngày nay người ta gọi đó tuốc bin gió, khái niệm cối xay gió không còn phù hợp nữa vì chúng không còn có thiết bị nghiền. Từ sau những cuộc khủng hoảng dầu trong thập niên 1962 việc nghiên cứu sản xuất năng lượng từ các nguồn khác được đẩy mạnh trên toàn thế giới, kể cả việc phát triển các tuốc bin gió hiện đại.
Sản xuất điện từ năng lượng gió
Vì gió không thổi đều đặn nên, để cung cấp năng lượng liên tục, năng lượng điện phát sinh từ các tuốc bin gió chỉ có thể được sử dụng kết hợp chung với các nguồn năng lượng khác như năng lượng mặt trời: Gió thổi vào ban đêm thường mạnh hơn ban ngày.
Một khả năng khác là sử dụng các nhà máy phát điện có bơm trữ để bơm nước vào các bồn chứa ở trên cao và dùng nước để vận hành tuốc bin khi không đủ gió. Xây dựng các nhà máy điện có bơm trữ này là một tác động lớn vào thiên nhiên vì phải xây chúng trên các đỉnh núi cao.
Công suất dự trữ phụ thuộc vào độ chính xác của dự báo gió, khả năng điều chỉnh của mạng lưới và nhu cầu dùng điện. (Đọc thêm thông tin trong bài tuốc bin gió).
Người ta còn có một công nghệ khác để tích trữ năng lượng gió. Cánh quạt gió sẽ được truyền động trực tiếp để quay máy nén khí. Động năng của gió được tích lũy vào hệ thống nhiều bình khí nén. Hệ thống hàng loạt bình khí nén này sẽ được luân phiên tuần tự phun vào các turbine để quay máy phát điện. Như vậy năng lượng gió được lưu trữ và sử dụng ổn định hơn (dù gió mạnh hay gió yếu thì khí vẫn luôn được nén vào bình, và người ta sẽ dễ dàng điểu khiển cường độ và lưu lượng khí nén từ bình phun ra), hệ thống các bình khí nén sẽ được nạp khí và xả khí luân phiên để đảm bảo sự liên tục cung cấp năng lượng quay máy phát điện (khi 1 bình đang xả khí quay máy phát điện thì các bình khác sẽ đang được cánh quạt gió nạp khí nén vào).
Nếu cộng tất cả các chi phí bên ngoài (kể cả các tác hại đến môi trường ví dụ như vì thải các chất độc hại) thì năng lượng gió bên cạnh sức nước là một trong những nguồn năng lượng rẻ tiền nhất ( ).
Khuyến khích sử dụng năng lượng gió
Phát triển năng lượng gió được tài trợ tại nhiều nước không phụ thuộc vào đường lối chính trị, ví dụ như thông qua việc hoàn trả thuế (PTC tại Hoa Kỳ), các mô hình hạn ngạch hay đấu thầu (Ví dụ như tại Anh, Ý) hay thông qua các hệ thống giá tối thiểu (Ví dụ như Đức, Tây Ban Nha, Áo, Pháp, Bồ Đào Nha, Hy Lạp). Hệ thống giá tối thiểu ngày càng phổ biến và đã đạt được một giá điện bình quân thấp hơn trước, khi công suất các nhà máy lắp đặt cao hơn.
Trên nhiều thị trường điện, năng lượng gió phải cạnh tranh với các nhà máy điện mà một phần đáng kể đã được khấu hao toàn bộ từ lâu, bên cạnh đó công nghệ này còn tương đối mới. Vì thế mà tại Đức có đền bù giá giảm dần theo thời gian từ những nhà cung cấp năng lượng thông thường dưới hình thức Luật năng lượng tái sinh, tạo điều kiện cho ngành công nghiệp trẻ này phát triển. Bộ luật này quy định giá tối thiểu mà các doanh nghiệp vận hành lưới điện phải trả cho các nhà máy sản xuất điện từ năng lượng tái sinh. Mức giá được ấn định giảm dần theo thời gian. Ngược với việc trợ giá (Ví dụ như cho than đá Đức) việc khuyến khích này không xuất phát từ tiền thuế, các doanh nghiệp vận hành lưới điện có trách nhiệm phải mua với một giá cao hơn.
Bên cạnh việc phá hoại phong cảnh tự nhiên những người chống năng lượng gió cũng đưa ra thêm các lý do khác như thiếu khả năng trữ năng lượng và chi phí cao hơn trong việc mở rộng mạng lưới tải điện cũng như cho năng lượng điều chỉnh.
Thống kê
Đức và sau đó là Tây Ban Nha, Hoa Kỳ, Đan Mạch và Ấn Độ là những quốc gia sử dụng năng lượng gió nhiều nhất trên thế giới.
Công suất lắp đặt trên thế giới
Trong số 20 thị trường lớn nhất trên thế giới, chỉ riêng châu Âu đã có 13 nước với Đức là nước dẫn đầu về công suất của các nhà máy dùng năng lượng gió với khoảng cách xa so với các nước còn lại. Tại Đức, Đan Mạch và Tây Ban Nha việc phát triển năng lượng gió liên tục trong nhiều năm qua được nâng đỡ bằng quyết tâm chính trị. Nhờ vào đó mà một ngành công nghiệp mới đã phát triển tại 3 quốc gia này. Công nghệ Đức (bên cạnh các phát triển mới từ Đan Mạch và Tây Ban Nha) đã được sử dụng trên thị trường nhiều hơn trong những năm vừa qua.
Năm 2007 thế giới đã xây mới được khoảng 20073 MW điện, trong đó Mỹ với 5244 MW, Tây Ban Nha 3522MW, Trung Quốc 3449 MW, 1730 MW ở Ấn Độ và 1667 ở Đức, nâng công suất định mức của các nhà máy sản xuất điện từ gió lên 94.112 MW. Công suất này có thể thay đổi dựa trên sức gió qua các năm, các nước, các vùng.
Nguồn: IG Windkraft Österreich
Công suất định mức lắp đặt tại Đức
Trong năm 2004, với 25.000 GWh, lần đầu tiên tại Đức sản xuất điện từ năng lượng gió đã vượt qua được nguồn cung cấp điện từ năng lượng tái sinh khác được sử dụng nhiều nhất cho đến thời điểm này là thủy điện với 20.900 GWh.
Công suất định mức lắp đặt tại Đức theo tiểu bang:
Nguồn: Viện năng lượng gió Đức, tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2004.
Công suất định mức lắp đặt tại Pháp
Nguồn: Viện năng lượng gió Đức tính đến cuối năm 2003.
Thiết kế tua bin
Tua bin gió là các thiết bị chuyển đổi động năng của gió thành năng lượng điện. Kết quả của hơn một ngàn năm phát triển cối xay gió và kỹ thuật hiện đại, các tuabin gió ngày nay được sản xuất trong một loạt các trục ngang và trục dọc. Các tuabin nhỏ nhất được sử dụng cho các ứng dụng như sạc pin cho nguồn điện phụ trợ. Các tuabin lớn hơn có thể được sử dụng để đóng góp một phần nhỏ năng lượng vào nguồn điện được sử dụng trong nước. Tiêu biểu như những mảng tua-bin lớn, còn được gọi là trang trại gió, đã trở thành nguồn năng lượng tái tạo và được sử dụng ở nhiều nước và là một phần chiến lược trong việc giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Thiết kế tuabin gió là quá trình xác định hình dạng và thông số kỹ thuật của một tuabin gió để trích năng lượng từ gió. Việc lắp đặt tuabin gió bao gồm các hệ thống cần thiết để thu năng lượng từ gió, đưa tuabin vào gió, chuyển đổi vòng quay cơ học thành năng lượng điện, và các hệ thống khác để cho quá trình có thể bắt đầu, dừng và từ đó điều khiển được tuabin.
Năm 1919, nhà vật lý người Đức Albert Betz đã chỉ ra rằng đối với một máy khai thác năng lượng gió lý tưởng, các định luật cơ bản về bảo tồn khối lượng và năng lượng cho phép không được vượt quá 16/27 (59,3%) động năng của gió. Định luật Betz này có thể được tiếp cận trong các thiết kế tuabin hiện đại, có thể đạt tới 70 đến 80% giới hạn Betz lý thuyết.
Khí động học của tuabin gió không đơn giản. Luồng không khí ở các lưỡi dao không giống như luồng không khí ở xa tuabin. Bản chất từ việc năng lượng được tách ra từ không khí cũng làm cho không khí bị lệch hướng bởi tuabin. Ngoài ra khí động lực học của một tuabin gió ở bề mặt rotor còn thể hiện hiện tượng hiếm thấy trong các lĩnh vực khí động học khác. Hình dạng và kích thước của lưỡi dao của tuabin gió được xác định bởi hiệu suất khí động học cần thiết để trích xuất năng lượng từ gió, và do sức mạnh cần thiết để chống lại các lực trên lưỡi dao.
Ngoài thiết kế khí động học của lưỡi dao, thiết kế của một hệ thống năng lượng gió hoàn chỉnh cũng phải giải quyết thiết kế của trục quay trung tâm rotor, vỏ bọc, cấu trúc tháp, máy phát điện, điều khiển và nền móng của thiết bị.
Thiết kế tuabin được sử dụng rộng rãi ở các công cụ mô phỏng và mô phỏng máy tính. Những điều này ngày càng trở nên tinh vi hơn và được nhận xét bởi một bài đánh giá hiện đại gần đây của Hewitt và các cộng sự. Các yếu tố thiết kế xa hơn cũng phải được xem xét khi tích hợp tuabin gió vào lưới điện. |
A-xà-lê (zh. 阿闍梨, sa. ācārya, pi. ācāriya, bo. lobpon [slob-dpon], ja. ajari), theo ngài Huyền Trang dịch nghĩa bao gồm:
Giáo thụ (zh. 教授): thầy dạy đạo - ở đây đạo là pháp, hay
Quỹ phạm (zh. 軌範): thầy có đủ nghi quỹ, phép tắc, hay
Chính hạnh (zh. 政行): thầy dạy và sửa những hành vi của đệ tử.
Do đó, A-xà-lê thứ nhất là một vị đủ phẩm hạnh và thành tựu để làm thầy của một Sa di hoặc một Tỳ kheo, thứ hai có thể là một Hoà thượng (sa. upādhyāya). Sa-di nào mới nhập Tăng-già đều tự chọn hai vị nói trên làm thầy trực tiếp chỉ dạy. Có năm loại A-xà-lê (ngũ chủng A-xà-lê) là Xuất gia A-xà-lê, Thọ giới A-xà-lê, Giáo thọ A-xà-lê, Tiếp dẫn A-xà-lê và y chỉ A-xà-lê.
Trong thời gian đầu, A-xà-lê được hiểu là một vị chỉ chuyên dạy về lý thuyết Phật pháp, trả lời tất cả những thắc mắc, câu hỏi về giáo lý, như vậy có thể hiểu là một Pháp sư và vị Hoà thượng chuyên lo dạy về giới luật và nghi lễ, là Giới sư. Trong Phật giáo nguyên thủy, chức vị Hoà thượng được coi trọng hơn nhưng sau đó (sau thế kỉ thứ 5), chức vị A-xà-lê lại được đặt cao hơn Hoà thượng. A-xà-lê được dùng để chỉ những vị Cao tăng phát triển những tư tưởng mầm mống trong Phật giáo, viết những luận giải (sa. śāstra) quan trọng. Các Đại sư Ấn Độ đều mang danh hiệu này trước tên chính của họ, ví dụ như A-xà-lê Long Thụ (sa. ācārya nāgārjuna), A-xà-lê Thánh Thiên (sa. ācārya āryadeva), A-xà-lê Vô Trước (sa. ācārya asaṅga) v.v...
A-xà-lê khác với Đạo sư ở một điểm, đó là các vị tu tập trong khuôn khổ của một tu viện, Thụ giới đầy đủ và dựa trên kinh điển giảng dạy. Danh từ Đạo sư thì bao trùm hơn (dựa theo nguyên ngữ Phạn guru), vị này có thể, nhưng không nhất thiết phải giảng dạy trong một chùa hoặc thiền viện và đặc biệt trong các hệ thống Tantra của các vị Đại thành tựu (sa. mahāsiddha), danh từ Đạo sư dùng để chỉ những người có đầy đủ các phương tiện giáo hoá chúng sinh, hướng dẫn khác thường, tuỳ cơ ứng biến, không cứ gì phải tu học từ trong kinh sách.
Trong Thiền tông, danh từ A-xà-lê, hoặc gọi tắt là Xà-lê, được dùng chỉ chung các vị tăng, tương tự như danh từ Lạt-ma tại Tây Tạng. Tại Nhật, danh xưng này chuyên chỉ các vị cao tăng của các tông Thiên Thai và Chân ngôn. |
Trong Phật giáo, Ái (Pali: , Phạn: tṛ́ṣṇā) là một khái niệm quan trọng để chỉ cho "sự khao khát, sự thèm muốn, sự thèm khát mãnh liệt, sự tham lam", hoặc về vật chất hoặc về tinh thần. Nó thường được dịch nghĩa một cách điển hình là tham ái, và là một trong ba loại: kāma-taṇhā (dục ái), bhava-taṇhā (hữu ái), và vibhava-taṇhā (phi hữu ái.)
Ái (Taṇhā) xuất hiện trong Tứ diệu đế, trong đó ái () là nguyên nhân của khổ (dukkha) và vòng lặp của sự sinh, sự hữu và sự chết (luân hồi).
Từ nguyên và ý nghĩa
Taṇhā là một từ trong tiếng Pali, được phát triển từ gốc từ tṛ́ṣṇā (तृष्णा) trong tiếng Phạn vệ đà, mà có nguồn gốc từ *tŕ̥šnas trong ngôn ngữ hệ Ấn - Iran ban đầu (Proto-Indo-Iranian), là từ có liên quan đến gốc từ tarś- (sự khao khát, sự ước mong, sự ao ước), và có dòng dõi cuối cùng từ gốc từ *ters- (khô) trong ngôn ngữ hệ Ấn - Âu.
Từ Taṇhā có các từ đồng nguyên trong ngôn ngữ hệ Ấn - Âu như sau: taršna trong tiếng Avesta, térsomai trong tiếng Hy Lạp cổ đại, troškimas trong tiếng Litva, þaursus trong tiếng Goth, durst trong tiếng Đức cổ, thirst trong tiếng Anh. Từ này xuất hiện nhiều lần trong các tầng Samhita trong kinh Vệ đà, có niên đại từ thiên niên kỉ thứ 2 trước công nguyên, như là trong các bài thánh ca số 1.7.11, 1.16.5, 3.9.3, 6.15.5, 7.3.4 and 10.91.7. Nó cũng xuất hiện trong những bài kinh Vệ đà khác trong Ấn Độ giáo, trong đó ý nghĩa của từ này là "sự khao khát, sự thèm muốn, sự tham đắm, sự ước muốn, sự tham lam một cách phấn khởi, và sự đau khổ từ tham ái."
Mối liên hệ với khổ (Dukkha)
Trong phần thứ hai của Tứ diệu đế, Đức Phật đã xác định ái () là yếu tố chính trong sự sinh khởi của khổ (sự chịu đựng, nỗi đau, sự không thỏa mãn).
Walpola Rahula nói rằng ái (Taṇhā) hay "sự khao khát, sự thèm muốn, sự tham lam, sự tham đắm" là cái mà nó biểu hiện như là sự khổ và các đời sống tái sinh. Tuy nhiên, Rahula còn thêm rằng, nó không phải là nguyên nhân đầu tiên hay là nguyên nhân duy nhất của khổ hay luân hồi, bởi vì nguồn gốc của mọi thứ đều mang tính tương đối và mang tính phụ thuộc vào một vài thứ khác nữa. Trong tạng kinh tiếng Pali của Phật giáo có khẳng định và xác nhận những sự ô uế và sự không tốt đẹp khác (phiền não, sāsavā dhammā), ngoài ái ra, như là nguyên nhân của khổ. Tuy nhiên, Rahula còn cho biết thêm, ái luôn được liệt kê đầu tiên và được coi như là nguyên nhân có tính quan trọng nhất, có tính tràn ngập tất cả và là "nguyên nhân gẫn gũi và dễ nhận ra nhất" của khổ.
Peter Harvey nói rằng ái là nguồn gốc quan trọng nhất của khổ trong Phật giáo. Nó phản ánh một trạng thái tinh thần của tham ái. Càng tham ái bao nhiêu thì càng phẫn nộ bấy nhiêu bởi vì thế giới luôn luôn thay đổi và có tính chất không thỏa mãn một cách bẩm sinh; tham ái còn mang đến nỗi đau thông qua các sự xung đột và sự cãi vã giữa mỗi cá nhân với nhau, mà tất cả những điều này là một trạng thái của khổ (Dukkha). Đức Phật đã tuyên bố rằng như là chân lý thứ hai trong tứ diệu đế, ái (taṇhā) chính là cái dẫn đến sự tái sinh và vòng luân hồi bất tận, và nó còn được đánh dấu bởi ba loại tham ái: dục ái, hữu ái và phi hữu ái. Trong triết lý của Phật giáo, có các quan điểm đúng (chánh kiến) và quan điểm sai (tà kiến). Đối với các quan điểm sai, nó được lần ra một cách tận cùng đến ái (Taṇhā), nhưng nó cũng khẳng định và xác nhận rằng "quan điểm đúng đắn thông thường" như là việc cho tặng và cúng dường nhà tu hành, cũng là một dạng của thủ (clinging). Sự kết thúc của ái (Taṇhā) xảy ra khi người đó chấp nhận "quan điểm đúng đắn siêu việt" thông qua sự hiểu biết tường tận về vô thường và vô ngã.
Stephen Laumakis nói rằng, cả hai xu hướng thích hợp và không thích hợp đều được liên kết đến những đám cháy của ái, và những xu hướng này sản sinh ra những quả của nghiệp (kamma) theo đó tái sinh. Việc dập lửa và thổi tắt các ngọn lửa này là con đường để giải thoát tường tận khỏi khổ và luân hồi trong Phật giáo. David Webster nói rằng, các bài kinh trong kinh điển tiếng Pali khuyến khích một cách lặp đi lặp lại rằng một người cần phải phá hủy ái (Taṇhā) hoàn toàn, và sự phá hủy là cần thiết cho niết bàn.
Ái () còn được xác định như là liên kết thứ tám trong nguyên lý duyên khởi. Trong ngữ cảnh của mười hai nhân duyên, sự nhấn mạnh được thể hiện trên các loại ái "mà nuôi dưỡng xu hướng của nghiệp là cái sẽ hình thành nên đời sống kế tiếp."
Phân loại
Đức Phật đã xác định có ba loại taṇhā:
Kāma-taṇhā (dục ái): ái đối với các đối tượng của giác quan mà chúng cho cảm giác dễ chịu, hoặc ái với những điều hạnh phúc, mãn nguyện cho các giác quan. Walpola Rahula nói rằng ái không chỉ bao gồm sự ước mong cho những điều hạnh phúc của giác quan, sự giàu có và quyền lực, mà còn "thèm muốn và dính chặt với các ý tưởng và lý tưởng, các quan điểm, các chủ trương, các học thuyết, các khái niệm và các tín ngưỡng (dhamma-taṇhā hay pháp ái)."
Bhava-taṇhā (hữu ái): ái đối với sự trở thành ai đó, cái gì đó, để hợp nhất với một trải nghiệm nào đó. Harvey nói rằng, loại ái này có liên quan đến bản ngã, là sự truy tìm một danh tính cụ thể và thèm muốn đối với một loại tái sinh cụ thể nào đó một cách vĩnh cữu. Các học giả khác giải thích rằng loại ái này được thúc đẩy bởi quan điểm sai lầm về sự vĩnh hằng (cuộc sống vĩnh hằng) và về sự vĩnh cửu.
Vibhava-taṇhā (vô hữu ái): ái đối với việc không trải nghiệm những điều không dễ chịu trong đời sống hiện tại hoặc tương lai, như là những người hoặc những tình huống không mấy dễ chịu. Loại ái này có thể bao gồm các lần thử tự tử và tự hủy hoại bản thân, và việc này chỉ khiến sự tái sinh về sau ở trong một cảnh giới tồi tệ hơn. Phra Thepyanmongkol nói rằng loại ái này được thúc đẩy bởi quan điển sai lầm về sự đoạn diệt, đó là việc cho rằng không có sự tái sinh.
Sự đoạn diệt ái (Taṇhā)
Đế thứ ba trong tứ diệu đế hướng dẫn rằng sự đoạn tận ái () là hoàn toàn có thể. Bài kinh chuyển pháp luân nói rằng:Này các Tỳ-kheo, có một thánh đế về sự đoạn tận của khổ. Đó là sự ly tham, đoạn diệt không có dư tàn của khát ái ấy, sự quăng bỏ, từ bỏ, sự giải thoát và không có chấp trước.Sự đoạn diệt ái có thể đạt được bằng việc theo đuổi Bát chánh đạo. Trong Phật giáo Thượng tọa bộ, sự đoạn tận mang lại kết quả kết quả từ việc tích lũy sự hiểu biết sâu sắc về tính chất vô thường và vô ngã. Kelvin Trainor nói rằng, sự luyện tập "thiền định với một sự hiểu biết sâu sắc" trong Phật giáo tập trung cho việc tích lũy "chánh niệm", là cái đòi hỏi sự hiểu biết về ba dấu ấn của sự tồn tại - dukkha (khổ), anicca (vô thường) và anatta (vô ngã). Trainor cho biết thêm, việc hiểu biết về tính chất vô ngã của thực tại sẽ thúc đẩy sự không dích mắc bởi vì "nếu không có cái gọi là linh hồn, thì cũng không có nơi nào cho thủ". Một khi người đó hiểu thấu đáo và chấp nhận học thuyết vô ngã, thì không còn sự tham đắm và thèm khát, hay một cách cụ thể là ái (taṇhā) đoạn tận.
Sự khác biệt giữa dục ái (Tanha) và dục mong ước (Chanda)
Đạo Phật phân loại sự thèm muốn bằng hai từ Tanha hoặc Chanda. Dục mong ước (Chanda) có nghĩa đen là "điều thôi thúc, sự phấn khích, ý chí, sự thèm muốn".
Bahm nói rằng dục mong ước là "sự thèm muốn, nhưng không vượt quá, cái mà sẽ đạt được", trong khi dục ái là "sự thèm muốn hơn cái mà sẽ đạt được". Trong những bài kinh lúc ban đầu, ý nghĩa của từ Chanda là giống với Tanha.
Một vài tác giả như là Ajahn Sucitto giải thích rằng dục mong ước (chanda) là tích cực và không mang tính chất con đường, việc khẳng định và xác nhận nó để phân biệt với dục ái (tanha) là cái mang tính tiêu cực và mang tính con đường. Sucitto giải thích nó với vài ví dụ như là sự thèm muốn để áp dụng cho một người với một hành động tích cực như là thiền định. Đối lập với điều này, Rhys Davids và Stede thì cho rằng Chanda trong các bài kinh Phật giáo có cả hai nghĩa liên tưởng đến tính tích cực và tính tiêu cực; ví dụ như, đối với điều tiêu cực, thì trong kinh điển tiếng Pali liên hệ dục mong ước với "sự thèm khát nhục dục, sự ham thích thân xác" và nói rằng nó là một nguồn của sự đau khổ.
Peter Harvey nói rằng dục mong ước có thể là thiện hoặc bất thiện.
Ghi chú |
Trong Phật giáo Đại thừa, tam thân (tiếng Trung: 三身, tiếng Phạn: त्रिकाय trikāya) là ba loại thân của một vị Phật. Quan điểm này xuất phát từ tư tưởng cho rằng Phật—như một nhân vật đã xuất hiện trên thế gian để hoằng hoá, tiếp độ chúng sinh—chính là biểu hiện của cái Tuyệt đối, của Chân như và Phật có khi hiện thân thành nhiều hình tướng khác nhau chỉ vì lợi ích của chúng sinh. Quan niệm Tam thân Phật được nêu ra nhằm nói lên quan điểm đó.
Định nghĩa
Tam thân gồm:
Pháp thân (zh. 法身, sa. dharmakāya), là thể tính thật sự của Phật, đồng nghĩa với Chân như, là thể của vũ trụ. Pháp thân là thể mà Phật và chúng sinh đều có chung. Pháp thân cũng chính là Pháp (sa. dharma), là quy luật vận hành trong vũ trụ, là giáo pháp do đức Phật truyền dạy. Phật xuất hiện trên Trái Đất, với nhân trạng, với mục đích cứu độ con người. Pháp thân được xem chính là Phật pháp (sa. buddha-dharma) như Phật Thích-ca giảng dạy trong thời còn tại thế. Sau này người ta mới nói đến hai thân kia. Pháp thân được xem là thường hằng, vô tướng, nhất nguyên, là thể tính chung của các vị Phật, là dạng tồn tại thật sự của chư Phật. Pháp thân có nhiều tên gọi khác nhau, tuỳ trường hợp sử dụng. Có lúc người ta xem nó là thể tính của mọi sự, là Pháp giới (sa. dharmadhātu, dharmatā), là Chân như (sa. tathatā, bhūtatathatā), là tính Không (sa. śūnyatā), A-lại-da thức (sa. ālayavijñāna), hay xem nó như là Phật, Phật tính (sa. buddhatā), là Như Lai tạng (sa. tathāgatagarbha). Trong nhiều trường phái, người ta xem Pháp thân là thể trừu tượng không có nhân trạng, có trường phái khác lại xem Pháp thân hầu như có nhân trạng (xem kinh Nhập Lăng-già, kinh Hoa nghiêm). Đạt trí huệ siêu việt đồng nghĩa với sự trực chứng được Pháp thân.
Báo thân (zh. 報身, sa. saṃbhogakāya), cũng được dịch là Thụ dụng thân (zh. 受用身), "thân của sự thụ hưởng công đức": chỉ thân Phật xuất hiện trong các Tịnh độ. Báo thân là thân do thiện nghiệp và sự giác ngộ của các Bồ Tát mà hoá hiện cho thấy—cũng vì vậy mà có lúc được gọi là Thụ dụng thân, là thân hưởng thụ được qua những thiện nghiệp đã tạo. Báo thân thường mang Ba mươi hai tướng tốt (sa. dvātriṃśadvara-lakṣaṇa) và tám mươi vẻ đẹp của một vị Phật và chỉ Bồ Tát mới thấy được trong giai đoạn cuối cùng của Thập địa (sa. daśabhūmi). Người ta hay trình bày Báo thân Phật lúc ngồi thiền định và lúc giảng pháp Đại thừa. Các trường phái thuộc Tịnh độ tông cũng tin rằng Báo thân Phật thường xuất hiện trong các Tịnh độ.
Ứng thân (zh. 應身, sa. nirmāṇakāya), cũng được gọi là Ứng hoá thân hoặc Hoá thân, là thân Phật và Bồ Tát hiện diện trên Trái Đất. Ứng thân do Báo thân chiếu hiện, dựa trên lòng từ bi và có mục đích giáo hoá chúng sinh. Như thân người, Ứng thân chịu mọi đau khổ của già chết bệnh tật, nhưng Ứng thân có thần thông như thiên nhãn thông và thiên nhĩ thông. Sau khi chết, Ứng thân tự tiêu diệt.
Ba thân Phật nói ở trên có lẽ đầu tiên được Vô Trước (sa. asaṅga) trình bày rõ nhất, xuất phát từ quan điểm của Đại chúng bộ (sa. mahāsāṅghika) và về sau được Đại thừa tiếp nhận. Đáng chú ý nhất là quan điểm Pháp thân nhấn mạnh đến thể tính tuyệt đối của một vị Phật và không chú trọng lắm đến Ứng thân của vị Phật lịch sử. Như thế, Phật là thể tính thanh tịnh của toàn vũ trụ, thường hằng, toàn tri. Các vị Phật xuất hiện trên Trái Đất chính là hiện thân của Pháp thân, vì lòng từ bi mà đến với con người, vì lợi ích của tất cả chúng sinh.
Với quan điểm Ba thân này người ta tiến tới khái niệm không gian vô tận với vô lượng thế giới. Trong các thế giới đó có vô số chúng sinh đã được giác ngộ, với vô số Phật và Bồ Tát.
Quan điểm
Quan điểm Tam thân trong Thiền tông
Đối với Thiền tông thì ba thân Phật là ba cấp của Chân như, nhưng liên hệ lẫn nhau trong một thể thống nhất. Pháp thân là "tâm thức" của vũ trụ, là thể tính nằm ngoài suy luận. Đó là nơi phát sinh tất cả, từ loài Hữu tình đến vô tình, tất cả những hoạt động thuộc tâm thức. Pháp thân đó hiện thân thành Phật Đại Nhật (sa. vairocana). Cũng theo Thiền tông thì Báo thân là tâm thức hỉ lạc khi đạt Giác ngộ, Kiến tính, ngộ được tâm chư Phật và tâm mình là một. Báo thân hiện thân thành Phật A-di-đà. Ứng thân là thân Phật hoá thành thân người, là Phật Thích-ca Mâu-ni.
Mối liên hệ của Ba thân Phật theo quan điểm Thiền tông được thí dụ như sau: nếu xem Pháp thân là toàn bộ kiến thức y học thì Báo thân là chương trình học tập của một y sĩ và Ứng thân là y sĩ đó áp dụng kiến thức y học mà chữa bệnh cho người.
Quan điểm Tam thân trong Kim cương thừa
Trong Kim cương thừa thì Ba thân là ba cấp của kinh nghiệm giác ngộ. Chứng được Pháp thân chính là tri kiến được tự tính sâu xa nhất của muôn vật, và tự tính này chính là tính Không, trống rỗng. Báo thân và Ứng thân là thân của sắc giới, là phương tiện tạm thời giúp hành giả chứng ngộ được tính Không. Trong Phật giáo Tây Tạng, người ta xem Thân, khẩu, ý của một vị Đạo sư (sa. guru) đồng nghĩa với ba thân nói trên.
Trong Kim cương thừa, quan điểm Ba thân có mục đích phát biểu các tầng cấp khác nhau của kinh nghiệm giác ngộ. Pháp thân là tính Không, là Chân như tuyệt đối, bao trùm mọi sự, tự nó là Giác ngộ. Báo thân và Ứng thân là các thể có sắc tướng, được xem là phương tiện nhằm đạt tới kinh nghiệm về một cái tuyệt đối. Trong Phật giáo Tây Tạng, người ta xem thân, khẩu, ý của một vị đạo sư chính là Ba thân, được biểu tượng bằng thần chú OṂ-AH-HUNG (gọi theo tiếng Tây Tạng). Sức mạnh toàn năng của Pháp thân được thể hiện ở đây bằng Phổ Hiền (sa. samantabhadra). Các giáo pháp Đại thủ ấn và Đại cứu cánh giúp hành giả đạt được kinh nghiệm về tâm thức vô tận của Pháp thân. Báo thân được xem là một dạng của "thân giáo hoá." Các Báo thân xuất hiện dưới dạng Ngũ Như Lai và được xem là phương tiện để tiếp cận với Chân như tuyệt đối. Báo thân xuất hiện dưới nhiều hình tướng khác nhau, tịch tĩnh (sa. śānta) hay phẫn nộ (sa. krodha), có khi được trình bày với các vị Thần thể (bo. yidam) hay Hộ pháp (sa. dharmapāla).
Ứng thân là một dạng "thân giáo hoá" với nhân trạng. Trong Kim cương thừa, Ứng thân hay được hiểu là các vị Bồ Tát tái sinh (Châu-cô).
Ba thân nêu trên không phải là ba trạng thái độc lập mà là biểu hiện của một đơn vị duy nhất, thỉnh thoảng được miêu tả bằng thân thứ tư là Tự tính (Tự nhiên) thân (sa. svābhāvikakāya). Trong một vài Tantra, thân thứ tư này được gọi là Đại lạc thân (sa. mahāsukhakāya). |
Thập hiệu (zh. 十號) là mười danh hiệu của một vị Phật, thường được nhắc đến trong những bài kinh, luận:
Như Lai (zh. 如來, sa., pi. tathāgata), là "Người đã đến như thế" hoặc "Người đã đến từ cõi Chân như". Phật giáo Mật Tông còn gọi là "Tỳ Lô Giá Na", dịch ý nghĩa là "Đại Nhật Như Lai". Theo tiếng Phạn, "Tỳ Lô Giá Na" là tên gọi khác của Mặt Trời. Dùng danh hiệu "Tỳ Lô Giá Na" có nghĩa coi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là Mặt Trời hồng không bao giờ tắt; tuệ giác của Đức Phật như Mặt Trời soi sáng khắp thế gian, xóa tan đêm tối vô minh.
Ứng Cúng (zh. 阿羅漢, sa. arhat, pi. arahant), dịch nghĩa là A La Hán (zh. 應供), là "Người đáng được cúng dường", đáng được tôn kính.
Chính Biến Tri (zh. 正遍知, sa. samyaksaṃbuddha), dịch theo âm là Tam-miệu-tam-phật-đà (zh. 三藐三佛陀), là "Người hiểu biết đúng tất cả các pháp".
Minh Hạnh Túc (zh. 明行足, sa. vidyācaraṇasaṃpanna), nghĩa là "Người có đủ trí huệ và đức hạnh", tức là có đầy đủ tam minh (Túc Mạng Minh, Thiên Nhãn Minh, Lậu Tận Minh) và ngũ hạnh (Thánh Hạnh, Phạm Hạnh, Thiên Hạnh, Anh Nhi Hạnh, Bệnh Hạnh).
Thiện Thệ (zh. 善逝, sa. sugata), là Người đã khéo đi qua cõi thế gian
Thế Gian Giải (zh. 世間解, sa. lokavid), là "Người đã thấu hiểu thế giới"
Vô Thượng sĩ (zh. 無上士, sa. anuttarapuruṣa), là "Đấng tối cao, không ai vượt qua"
Điều Ngự Trượng Phu (zh. 調御大丈夫, sa. puruṣadamyasārathi), nghĩa là "Người đã chế ngự được bản ngã và nhân loại". Điều Ngự Trượng Phu còn một nghĩa khác nữa là Đức Phật có khả năng điều phục những người hiền và ngự phục những kẻ ác theo về chính đạo.
Thiên Nhân Sư (zh. 天人師, sa. devamanuṣyānāṃ śāstṛ), là "Bậc thầy của cõi người và cõi trời"
Phật Thế Tôn (zh. 佛世尊, sa. buddhalokanātha, buddhalokajyeṣṭha, bhagavān - Bạc già phạm), là "Bậc giác ngộ được thế gian tôn kính" |
Thập đại đệ tử (chữ Hán: 十大弟子, ) là danh xưng dùng để chỉ mười đệ tử quan trọng của Phật Thích-ca Mâu-ni, hay được nhắc nhở trong kinh sách Đại thừa ().
Nguồn gốc
Trong các kinh điển Phật giáo, trong quá trình phát triển của Tăng đoàn, thỉnh thoảng ghi chép lại những lời khen ngợi của Thích-ca Mâu-ni dành cho các đệ tử nổi bật ở một vài khía cạnh. Trong kinh Tăng nhất A-hàm, ghi nhận các đệ tử đứng đầu giáo đoàn về từng phương diện khác nhau, được Phật xác nhận, như Kiều-trần-như có pháp lạp cao nhất; Xá-lợi-phất có trí tuệ siêu việt nhất, Mục-kiền-liên thần thông bậc nhất... Thống kê ghi nhận được có cả thảy 41 tì kheo, 13 tì kheo ni, 11 cư sĩ nam và 10 cư sĩ nữ, từng được Phật Thích-ca Mâu-ni khen ngợi như thế. Một số đệ tử còn được ông giao cho thay mặt thuyết pháp cho các đệ tử khác và một số bài thuyết pháp của các đại đệ tử này được ghi nhận trong các bài Kinh.
Danh vị Thập đại đệ tử
Theo kinh điển Phật giáo Bắc truyền thì thứ tự danh vị của 10 vị này như sau:
Ma-ha-ca-diếp (, , , ): Đầu-đà (tu khổ hạnh) Đệ nhất, được xem là Sơ tổ Thiền tông Ấn Độ; ông là người yêu cầu mở đại hội kết tập kinh điển lần đầu tiên của Phật giáo.
Mục-kiền-liên (, , , ): Thần thông Đệ nhất, hay đi đôi với Xá-lợi-phất; sau khi xuất gia được 7 ngày ông đã đoạn trừ hết các lậu hoặc, chứng quả A-la-hán.
Phú-lâu-na (, , , ): Thuyết Pháp Đệ nhất.
Tu-bồ-đề (, , , ): Giải Không Đệ nhất. Tu-bồ-đề thường xuất hiện trong kinh điển hệ Bát-nhã-ba-la-mật-đa.
Xá-lợi-phất (, , , ): Trí huệ Đệ nhất, đệ tử quan trọng nhất của Phật trong các kinh Tiểu thừa; trước khi xuất gia, ông là một luận sư nổi tiếng trong giáo đoàn Bà-la-môn.
La-hầu-la (, , , ): Mật hạnh Đệ nhất, ông cũng là người con duy nhất của Thái tử Tất-đạt-đa (sau này thành Đức Phật Thích Ca Mâu Ni).
A-nan-đà (, , , ): Đa văn Đệ nhất, người "nghe và nhớ nhiều nhất", được xem là Nhị tổ Thiền tông Ấn Độ. A-nan-đà hay được trình bày trong tranh tượng đứng bên cạnh Phật cùng với Ma-ha-ca-diếp; tuy là Đa văn Đệ nhất nhưng sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn ông mới chứng quả A-la-hán rạng sáng ngày kết tập kinh điển đầu tiên.
Ưu-bà-li (, , , ): Giới luật Đệ nhất;
A-na-luật (, , , ): Thiên nhãn Đệ nhất;
Ca-chiên-diên (, , , ): Biện luận Đệ nhất;
Theo Phật học Đại từ điển, danh vị 10 đại đệ tử giống như kinh điển Bắc truyền, nhưng thứ tự có thay đổi:
Xá-lợi-phất: Trí huệ đệ nhất
Mục-kiền-liên: Thần thông đệ nhất
Ma-ha-ca-diếp: Đầu đà đệ nhất
A-na-luật: Thiên nhãn đệ nhất
Tu-bồ-đề: Giải không đệ nhất
Phú-lâu-na: Thuyết Pháp đệ nhất
Ca-chiên-diên: Luận nghĩa đệ nhất
Ưu-bà-li: Trì luật đệ nhất
La-hầu-la: Mật hành đệ nhất
A-nan-đà: Đa văn đệ nhất
Các đại đệ tử khác
Theo kinh điển Pāli, danh vị các đại đệ tử được ghi nhận tản mát và có số lượng nhiều hơn 10 như Thi-bà-la (Sīvali): Tài lộc đệ nhất (Phước đức đệ nhất),...
Những đệ tử đầu tiên
Trong kinh điển nguyên thủy, có ghi nhận 2 người đầu tiên được Phật Thích-ca Mâu-ni thuyết giảng sau khi đắc đạo là hai thương nhân là Tapussa (Sa-lệ-phú-ba) và Bhallika (Bấc-lê-ca), vốn đang tháp tùng 500 cỗ xe bò, chở hàng hóa từ vùng Ukkalā đến buôn bán tại miền Majjhimapadesa. Theo văn hóa kính trọng tu sĩ bấy giờ, khi gặp sa môn Tất-đạt-đa Cồ-đàm, họ đã thực hành cúng dường vật thực cho Ngài và được Ngài thuyết giảng. Nội dung thuyết giảng này không được ghi nhận lại, nhưng tương truyền sau khi được thuyết giảng, 2 thương nhân này đã xin Đức Bụt ban cho Xá lợi tóc và Xá lợi tóc ấy còn được tôn thờ cho đến ngày này tại ngôi bảo tháp Shwedagon (Yangon, Myanmar).
Cũng theo kinh điển nguyên thủy, hai thương nhân này được xem là hai cận sự nam đã quy y Nhị Bảo đầu tiên, gọi là Dvevācikasara-ṇagamana. Về sau, Bhallika xuất gia trở thành Tỳ kheo và đắc quả A-la-hán. |
Thập đại luận sư (zh. 十大論師) chỉ mười luận sư danh tiếng của Duy thức tông tại Ấn Độ sau thế hệ của Trần-na (zh. 陳那, sa. dignāga) và Pháp Xứng (zh. 法稱, sa. dharmakīrti), viết luận giải về Duy thức tam thập tụng (sa. triṃśikāvijñāptimātratāsiddhi-kārikā) của Thế Thân (zh. 世親, sa. vasubandhu).
Mười vị này là:
Thân Thắng (zh. 親勝, sa. bandhuśrī)
Hỏa Biện (zh. 火辨, sa. citrabhāṇa)
Đức Huệ (zh. 德慧, sa. guṇamati)
An Huệ (zh. 安慧, sa. sthiramati)
Nan-đà (zh. 難陀, sa. nanda)
Tịnh Nguyệt (zh. 淨月, sa. śuddhacandra)
Hộ pháp (zh. 護法, sa. dharmapāla)
(Tối) Thắng Tử (zh. [最]勝子, sa. jinaputra)
Thắng Hữu (zh. 勝友, sa. viśeṣamitra)
Trí Nguyệt (zh. 智月, sa. jñānacandra).
Chú thích |
Thập lực (zh. 十力, sa. daśabala, pi. dasabala) chỉ mười năng lực hiểu biết siêu nhiên, mười trí đặc biệt của một vị Phật. Thập lực bao gồm:
Tri thị xứ phi xứ trí lực (zh. 知是處非處智力, sa. sthānāsthānajñāna, pi. ṭhānāṭhāna-ñāṇa): Biết rõ tính khả thi và tính bất khả thi trong mọi trường hợp;
Tri tam thế nghiệp báo trí lực (zh. 知三世業報智力, sa. karmavipākajñāna, pi. kammavipāka-ñāṇa): Biết rõ luật nhân quả, quả báo, tức là Nghiệp nào tạo quả nào;
Tri nhất thiết sở đạo trí lực (zh. 知一切所道智力, sa. sarvatragāminīpratipajjñāna, pi. sabbattha-gāminī-paṭipadāñāṇa): Biết rõ nguyên nhân nào dẫn đến con đường tái sinh nào;
Tri chủng chủng giới trí lực (zh. 知種種界智力, sa. anekadhātu-nānādhātujñāna, pi. anekadhātu-nānādhātu-ñāṇa): Biết rõ các thế giới với những yếu tố thành lập của chúng;
Tri chủng chủng giải trí lực (zh. 知種種解智力, sa. nānādhimukti-jñāna, pi. nānādhimuttikatāñāṇa): Biết rõ cá tính của chúng sinh;
Tri nhất thiết chúng sinh tâm tính trí lực (zh. 知一切眾生心性智力, sa. indriyapārapara-jñāna, pi. indriyaparopariyatta-ñāṇa): Biết rõ căn cơ học đạo cao thấp của mọi chúng sinh;
Tri chư thiền giải thoát tam-muội trí lực (zh. 知諸禪解脫三昧智力, sa. sarvadhyāna-vimokṣa-…-jñāna, pi. jhāna-vimokkha-…-ñāṇa): Biết tất cả các cách thiền định;
Tri túc mệnh vô lậu trí lực (zh. 知宿命無漏智力, sa. pūrvanivāsānusmṛti-jñāna, pi. pubbennivāsānussati-ñāṇa): Biết rõ các tiền kiếp của chính mình;
Tri thiên nhãn vô ngại trí lực (zh. 知天眼無礙智力, sa. cyutyupapādajñāna, pi. cutūpapāta-ñāṇa): Biết rõ sự tiêu huỷ và tái xuất của chúng sinh;
Tri vĩnh đoạn tập khí trí lực (zh. 知永斷習氣智力, sa. āsravakṣayajñāna, pi. āsavakkhaya-ñāṇa): Biết các lậu hoặc (sa. āsrava) sẽ chấm dứt như thế nào.
Ba lực 8, 9, 10 được Phật nhắc đến khi thuật về đêm đạt Bồ-đề của mình (xem thêm Tất-đạt-đa Cồ-đàm). Chúng được gọi chung là Tam minh. |
Trong Phật giáo, lục nhập (tiếng Pāli: Saḷāyatana) hay còn được gọi là sáu nội ngoại xứ là một thuật ngữ chỉ cho sáu cặp cơ quan-đối tượng của các giác quan và là liên kết thứ 5 trong chuỗi 12 nhân duyên. Trong đó, từ āyatana được dịch là vị trí của giác quan, môi trường của giác quan, hay phạm vi của giác quan. Lục nhập có tất cả:
Sáu nội xứ (Pali: ajjhattikāni āyatanāni), còn được gọi là các căn, nguồn gốc các cơ quan, bộ phận, các cánh cổng, các cánh cửa, các sức mạnh.
Sáu ngoại xứ (Pali: bāhirāni āyatanāni), còn được gọi là các trần, vishaya hay các đối tượng của giác quan.
Sáu cặp nội-ngoại xứ bao gồm:
Các nhận thức luận của Phật giáo và các tôn giáo khác tại Ấn Độ cho rằng có "sáu giác quan" thay vì là năm như của các nước phương Tây. Theo đạo Phật, "ý" đại diện cho một căn, là cái tương tác với các đối tượng của giác quan - bao gồm: xúc, thọ, tưởng và hành.
Trong tạng kinh tiếng Pali
Trong Tứ Diệu Đế, Đức Phật xác định rằng nguồn gốc của khổ đau (Pali, Phạn: dukka) là ái (Pali: taṇhā, Phạn: tṛṣṇā). Trong chuỗi 12 Nhân Duyên, Đức Phật xác định rằng ái được sinh ra từ thọ mà thọ được sinh ra từ xúc của lục nhập (xem hình 2 bên dưới). Vậy nên, để vượt qua ái và những kết quả đau khổ, người đó nên phát triển sự kiểm soát, sự kiềm chế và sự hiểu biết tường tận về lục nhập.
Các ngữ cảnh của lục nhập
Xuyên suốt trong tạng kinh tiếng Pali, sáu nội ngoại xứ được nói đến trong hàng trăm bài kinh. Trong những bài kinh khác nhau đó, sáu nội ngoại xứ được xem xét theo những cách khác nhau, bao gồm:
Bài kinh Sáu sáu (Pali: chakka):Lục nhập bao gồm 2 nhóm Sáu: sáu căn (hay sáu nội xứ) và sáu trần (hay sáu ngoại xứ). Dựa trên sáu cặp cơ quan-đối tượng này, các tâm sở nảy sinh. Vậy nên, ví dụ như, khi tai và âm thanh hiện hữu, thức (Pali: viññāṇa) của tai nảy sinh. Sự nảy sinh của cả 3 yếu tố đó (dhātu) - tai, âm thanh, thức của tai - dẫn đến cái mà được gọi là "xúc" (phassa) và cũng là cái khiến cho lạc, bất lạc, bất khổ bất lạc "thọ" (vedanā) sinh khởi. Từ "thọ" mà "ái" (taṇhā) sinh khởi (xem hình 1). Trong danh sách liệt kê tìm thấy được, ví dụ như, trong Kinh Sáu sáu (Chachakka Sutta, MN 148), trong đó sáu cái sáu (6 nội xứ, 6 ngoại xứ, 6 thức thân, 6 xúc thân, 6 thọ thân, 6 ái thân) được xem xét kĩ và đều có tính vô ngã.
Bài kinh "Tất cả" (Pali: sabba):Trong tựa bài kinh "Tất cả" (SN 35.23), Đức Phật đã nói rằng không có cái gọi là 'tất cả' ngoài lục nhập. Trong bản kinh được hệ thống hóa tiếp theo (SN 35.24), Đức Phật giải thích tỉ mỉ rằng 'tất cả' bao gồm năm cái đầu của sáu cái sáu đã đề cập trước đó (6 nội xứ, 6 ngoại xứ, 6 thức thân, 6 xúc thân và 6 thọ thân). Những trích dẫn đến "tất cả" có thể được tìm thấy ở những bản kinh nhỏ hơn. Thêm vào đó, A-tì-đạt-ma và văn học Pali thời sau đã khái niệm hóa hơn nữa về lục nhập như là một cách để phân loại tất cả nhân tố của sự tồn tại.
12 nhân duyên (Pali, Phạn: nidāna):Như được mô tả trong phần "Những khái niệm liên quan trong Phật giáo" bên dưới và được minh họa trong hình 2, Lục Nhập là một liên kiết chủ chốt trong vòng tái sinh vô tận được biết đến như là 12 nhân duyên và được nhắc tới trong bánh xe của sự tồn tại (Skt.: bhavacakra).
"Bốc cháy cùng với tham, sân, si"
Trong kinh "những con rắn độc" (Asivisa Sutta, SN 35.197), Đức Phật liên kết 6 nội xứ (lục căn) là "ngôi làng trống" và 6 ngoại xứ (lục trần) là "những tên cướp trong làng". Việc sử dụng phép ẩn dụ này, Đức Phật đã nhân hóa các lục căn "trống" như là bị tấn công bởi các lục trần "đáng ưa thích và không đáng ưa thích".
Một nơi khác trong cùng bộ kinh (SN 35.191), đệ tử thanh văn bậc nhất của Đức Phật - Xá Lợi Phất đã chỉ rõ rằng sự đau khổ thực tế liên quan đến 6 căn và 6 trần không phải là thành phần vốn có của 6 căn trần đó mà là do "kiết sử" (ở đây được xác định là "tham đắm") là cái sinh ra khi có tương tác giữa một căn và một trần.
Trong kinh "bài giảng về lửa" (Adittapariyaya Sutta, SN 35.28), được thuyết một vài tháng sau khi Đức Phật giác ngộ, Đức Phật mô tả tất cả các xứ và các quá trình tâm thức liên quan như sau:"Này các tỷ-kheo, tất cả đang bốc cháy. Tất cả đang bốc cháy là gì? Mắt là đang bốc cháy. Sắc là đang bốc cháy. Thức tại mắt là đang bốc cháy. Xúc tại mắt là đang bốc cháy. Và bất kể cái gì sinh ra theo duyên của Xúc tại mắt - được cảm thọ như là lạc, khổ hoặc bất khổ bất lạc - cũng đang bốc cháy. Bốc cháy với điều gì? Bốc cháy với ngọn lửa tham, ngọn lửa sân, ngọn lửa si. Bốc cháy, ta nói cho các ngài, với sanh, già và chết, với sầu, bi, khổ, ưu và não"
Dập tắt ngọn lửa khổ
Đức Phật đã dạy rằng, để có thể thoát khỏi những nguy hiểm từ Lục nhập, người đó cần phải nắm bắt rõ 6 nội-ngoại xứ mà không có sự ô uế. Trong "Đoạn diệt những kiết sử" (SN 35.54), Đức Phật đã nêu ra rằng người nào đoạn diệt các kiết sử "khi người đó biết và thấy... là vô thường" (tiếng Pali: anicca) 6 căn, 6 trần, 6 thức, 6 xúc và 6 thọ. Một cách tương tự, trong "Nhổ gốc các kiết sử" (SN 35.55), Đức Phật nói rằng người nào nhổ tận gốc các kiết sử "khi người đó biết và thấy... là vô ngã" (anatta) năm cái 6 đã đề cập ở trên.
Để thúc đẩy cách nhận biết, nhìn thấy sâu sắc và sự giải thoát khỏi khổ đau, trong Kinh Niệm xứ (Satipatthana Sutta) (MN 10) Đức Phật đã hướng dẫn các Tỷ-Kheo cách thiền trên các nội-ngoại xứ và phát triển của kiết sử như sau:"Này các Tỷ kheo, thế nào là Tỷ kheo sống quán pháp trên các pháp đối với Sáu Nội Ngoại xứ?
Này các Tỷ kheo, ở đây Tỷ kheo tuệ tri con mắt và tuệ tri các sắc, do duyên hai pháp này, kiết sử sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy; và với kiết sử chưa sanh nay sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy; và với kiết sử đã sanh nay được đoạn diệt, vị ấy tuệ tri như vậy; và với kiết sử đã được đoạn diệt, tương lai không sanh khởi nữa, vị ấy tuệ tri như vậy... và tuệ tri tai và tuệ tri các tiếng... và tuệ tri mũi và tuệ tri các hương... và tuệ tri lưỡi và tuệ tri các vị... và tuệ tri thân và tuệ tri các xúc... và tuệ tri ý và tuệ tri các pháp...
Như vậy vị ấy sống quán pháp trên các nội pháp... không chấp trước một vật gì trên đời."
Trong văn bản Pali thời sau
Trong cuốn Thanh tịnh đạo (Visuddhimagga), các luận giải Pali và những luận giải nhỏ khác đã đóng góp cho kiến thức truyền thống về sáu nội ngoại xứ.
Hiểu về lục căn
Khi Đức Phật nói về việc "hiểu rõ" mắt, tai, mũi, lưỡi và thân, đó có nghĩa là gì?
Dựa theo sổ tay thiền định trong tiếng Sinhala vào thế kỉ tứ I sau công nguyên, Vimuttimagga, các căn có thể hiểu là đối tượng được cảm nhận, thức được phát sanh, cơ quan cảm thụ, và nguyên tố chính hoặc thứ yếu liên quan mà nó hiện hữu "hơn các yếu tố còn lại". Những đặc điểm trên được tổng hợp ở bảng bên dưới.
Trong cuốn Thanh tịnh đạo (Visuddhimagga) được viết vào thế kỉ thứ V sau công nguyên, đã cung cấp những bản mô tả tương tự, ví dụ như "kích cỡ chỉ bằng cái đầu của một con rận" cho vị trí cảm thụ của mắt (Pali: pasāda; còn được gọi là, "bộ phận có thể cảm nhận giác quan, nơi tiếp nhận giác quan, bề mặt nhạy cảm"), và "trong vị trí giống như là cái móng của con dê" đánh giá cho cảm thụ của mũi (Vsm. XIV, 47–52). Thêm vào đó, cuốn Thanh tịnh đạo mô tả các căn theo bốn yếu tố sau:
đặc tính hay dấu hiệu (lakkhaṇa)
chức năng hay "vị" (rasa)
sự biểu thị (paccupaṭṭhāna)
nhân duyên gần (padaṭṭhāna)
Vậy nên, ví dụ như nó mô tả con mắt như sau:Tại đây, đặc tính của mắt là sự nhạy cảm đối với những yếu tố mà sẵn sàng cho sự tác động của những thứ khả kiến; hoặc đặc tính của nó là sự nhạy cảm đối với những yếu tố cơ bản mà có xuất phát điểm bởi nghiệp thu gom từ sự khao khát được nhìn. Chức năng của nó là nhặt lấy đối tượng trong những thứ khả kiến. Nó được biểu thị như là nền tảng của nhãn thức. Nó có nhân duyên gần là những yếu tố cơ bản được sinh bởi nghiệp thu gom từ sự khao khát được nhìn.Về lục căn thứ sáu là ý xứ (mano), những tiểu luận tiếng Pali phân biệt giữa thức sinh ra từ năm giác quan vật lý và thức sinh ra từ quan điểm cơ bản thời kì sau về "sự liên tục của sự sống" hoặc " ý không có thức" (bhavaṅga-mana):"Với thức uẩn bao gồm trong hướng đi của sự nhận thức về thức của mắt, nhãn xứ (không phải ý xứ) là "cánh cửa" của nguồn gốc, và sắc xứ cửa nó là vật thể nhìn thấy được. Vậy nó cũng tương tự như vậy trong các nội ngoại xứ khác (đó là nhãn, nhĩ, thiệt và thân xứ). Nhưng với cặp nội ngoại xứ thứ sáu, một phần của tâm trí được gọi là chuỗi liên tục của sự sống, là tâm trí vô thức, là "cánh cổng" của nguồn gốc..."
Những gốc rễ của trí tuệ
Trong cuốn Thanh tịnh đạo (Visuddhimagga), Phật Âm (Buddhaghosa) định nghĩa rằng nhận biết về lục nhập là một phần của "đất" trí tuệ giải thoát. Những bộ phận khác của "đất" này bao gồm Ngũ Uẩn, Ngũ căn-Ngũ lực, Tứ Diệu Đế và 12 nhân duyên.
Các khái niệm Phật giáo liên quan
Ngũ uẩn (Pali, khandha; Skt., skandha):Trong những bài kinh khác nhau, ngũ uẩn, những nguyên tố và lục nhập được xác định như là "đất" mà ái và thủ phát triển. Nói chung, trong Chánh tạng Pali, uẩn Danh sắc bao gồm năm căn (mắt, tai, mũi, lưỡi và thân) và năm trần tương ứng (sắc, thanh, hương, vị và xúc); uẩn Thức liên quan với ý xứ và những uẩn còn lại (Thọ, Tưởng, Hành) là Pháp xứ. Ngũ uẩn và Lục nhập là những mục tiêu của thiền Minh Sát trong Kinh Niệm xứ. Trong việc theo đuổi sự giải thoát, thiền trên các uẩn sẽ diệt trừ ngã thủ và kiến thủ trong khi đó thiền trên lục nhập sẽ diệt trừ dục thủ.
Duyên khởi (Pali: paṭicca-samuppāda; Skt.: pratitya-samutpada):Như được chỉ rõ trong hình 2 ở trên, Lục nhập (Pali: 'saḷāyatana'; Skt.: 'ṣaḍāyatana') là liên kết thứ 5 trong chuỗi 12 nhân duyên (nidāna) và vì vậy cũng giống như là vị trí thứ 5 trên Bánh xe của sự tồn tại (bhavacakra). Sự phát sinh của Lục nhập phụ thuộc vào sự phát sinh của Danh và Sắc (Pali, Skt.: nāmarūpa); và sự phát sinh của Lục nhập dẫn đến sự phát sinh của Xúc (Pali: phassa; Skt.: sparśa) giữa Lục nhập và Thức (Pali: 'viññāṇa'; Skt.: visjñāna) là cái mà cho ra lạc, khổ, bất khổ bất lạc Thọ (Pali, Skt.: vedanā).
Các yếu tố (Pali, Skt.: dhātu):18 yếu tố bao gồm 6 lục căn, 6 lục trần và 6 thức ('viññāṇa') liên quan đến căn-trần.
Nghiệp (Skt.; Pali: kamma): Trong Tương ưng bộ, Đức Phật đã tuyên bố rằng 6 căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý) là những "nghiệp cũ, được coi là được tạo ra bởi Hành, như là cái gì phải đón nhận". Trong bộ kinh này, "nghiệp mới" được mô tả như là "bất kể các hành động ngay lúc này của người đó bởi thân, khẩu và ý". Theo cách này, 6 căn cung cấp một mối liên kết giữa hành động của chúng ta và những nhận thức theo sau. |
Thập địa (zh. 十地, sa. daśabhūmi) là mười quả vị tu chứng của các vị Bồ Tát. Có nhiều hệ thống khác nhau nhưng theo Bồ Tát địa (菩薩地, sa. bodhisattva-bhūmi) và Thập địa kinh (zh. 十地經, sa. daśabhūmika-sūtra) và kinh phạm võng và Chùa Phật Quang thì Thập địa gồm:
Hoan Hỉ địa (zh. 歡喜地, sa. pramuditā-bhūmi): Đắc quả này Bồ Tát rất hoan hỉ trên đường Giác ngộ (sa. bodhi). Bồ Tát đã phát Bồ-đề tâm và thệ nguyện cứu độ tất cả các chúng sinh thoát khỏi Luân hồi (sa. saṃsāra), không còn nghĩ tới mình, Bố thí (sa. dāna) không cầu phúc và chứng được tính Vô ngã (sa. anātman) của tất cả các Pháp (sa. dharma).
Li Cấu địa (zh. 離垢地, sa. vimalā bhūmi): Bồ Tát giữ Giới (sa. śīla) và thực hiện thiền định (sa. dhyāna, samādhi).
Phát Quang địa (zh. 發光地, sa. prabhākārī bhūmi): Bồ Tát chứng được quy luật Vô thường (sa. anitya), tu trì tâm Nhẫn nhục (sa. kṣānti) khi gặp chướng ngại trong việc cứu độ tất cả chúng sinh. Để đạt đến cấp này, Bồ Tát phải diệt trừ ba độc là tham, sân, si, thực hiện được bốn cấp định an chỉ (sa. dhyāna, Tứ thiền) của bốn xứ và chứng đạt năm thành phần trong Lục thông (sa. abhijñā).
Diệm Huệ địa (zh. 燄慧地, sa. arciṣmatī bhūmi): Bồ Tát đốt hết tất cả những quan niệm sai lầm, tu tập trí huệ, Bát-nhã (sa. prajñā) và 37 Bồ-đề phần (sa. bodhipākṣika-dharma).
Nan Thắng địa (zh. 極難勝地, sa. sudurjayā bhūmi): Bồ Tát nhập định, đạt trí huệ, nhờ đó liễu ngộ Tứ diệu đế và Chân như, tiêu diệt nghi ngờ và biết phân biệt. Bồ Tát tiếp tục hành trì 37 giác chi.
Hiện tiền địa (zh. 現前地, sa. abhimukhī bhūmi): Bồ Tát liễu ngộ mọi pháp là vô ngã, ngộ lý Duyên khởi với mười hai nhân duyên và chuyển hoá trí phân biệt thành trí bát-nhã, nhận thức tính Không. Trong xứ này, Bồ Tát đã đạt đến trí tuệ Bồ-đề (sa. bodhi) và có thể nhập Niết-bàn thường trụ (sa. pratiṣṭhita-nirvāṇa). Vì lòng từ bi đối với chúng sinh, Bồ Tát lưu lại trong thế gian, nhưng không bị sinh tử ràng buộc, đó là Niết-bàn vô trụ (sa. apratiṣṭhita-nirvāṇa).
Viễn Hành địa (zh. 遠行地, sa. dūraṅgamā bhūmi): đạt tới cảnh giới này, Bồ Tát đầy đủ khả năng, có mọi phương tiện (sa. upāya) để giáo hoá chúng sinh. Đây là giai đoạn mà Bồ Tát tuỳ ý xuất hiện trong một dạng bất kì.
Bất Động địa (zh. 不動地, sa. acalā bhūmi): trong giai đoạn này, không còn bất kì cảnh ngộ gì làm Bồ Tát dao động. Công phu tu tập được thực hiện một cách vô ngại. Theo kinh Giải thâm mật thì những phiền não vi tế nhất cũng bị diệt trừ ở đây.
Thiện Huệ địa (zh. 善慧地, sa. sādhumatī bhūmi): Trí huệ Bồ Tát viên mãn, đạt Thập lực (sa. daśabala), Lục thông (sa. ṣaḍabhijñā), Tứ vô sở uý, Bát giải thoát. Biết rõ cơ sở mọi giáo pháp và giảng dạy giáo pháp.
Pháp Vân địa (zh. 法雲地, sa. dharmameghā bhūmi) (hay Pháp Vũ địa): Bồ Tát đạt Nhất thiết trí (sa. sarvajñatā), đại hạnh. Pháp thân của Bồ tát đã đạt tới mức viên mãn. Bồ Tát ngự trên toà sen với vô số Bồ Tát chung quanh trong cung trời Đâu-suất. Phật quả của Bồ Tát đã được chư Phật ấn chứng. Những Bồ Tát đạt cấp này là Di-lặc bồ tát (sa. maitreya), Quán Thế Âm bồ tát (sa. avalokiteśvara) , Văn-thù-sư-lợi bồ tát (sa. mañjuśrī), Phổ Hiền bồ tát, Địa Tạng Vương bồ tát, Đại Thế Chí bồ tát. |
Thập thiện (zh. 十善, sa. daśakuśalakarmāṇi) là mười việc thiện được thực hiện qua thân (3), khẩu (4) và ý (3).
Thập thiện bao gồm:
Bất sát sinh (zh. 不殺生, sa. pāṇāṭipātā paṭivirati) không sát sinh
Bất thâu đạo (zh. 不偷盜, sa. adattādānādvirati), tức là không trộm cắp, hay nói chính xác hơn: "Không nhận đồ vật người không cho";
Bất tà dâm (zh. 不邪婬, sa. kāmamithyācārādvirati) không tà dâm
Bất vọng ngữ (zh. 不妄語, sa. mṛṣāvādātvirati), nghĩa là không dối gạt người, không nói lời không chân thật. phải nói trên sự thật.
Bất lưỡng thiệt (zh. 不兩舌, sa. paisunyātvirati), không nói lưỡi đôi chiều, trước nói như vậy, sau lưng nói khác
Bất ác khẩu (zh. 不惡口, sa. pāruṣyātprativirati), không nói lời hung dữ, văng tục, chửi thề, nói lời độc địa
Bất ỷ ngữ (zh. 不綺語, sa. saṃbinnapralāpātprativirati), không dùng lời phù phiếm, nói những chuyện không mang lại lợi ích.
Bất tham dục (zh. 不貪欲, sa. abhidhyāyāḥprativirati); Ý không tham (tham ngũ dục lạc, sắc, danh, lợi, ăn, ngủ)
Bất sân khuể (zh. 不嗔恚, sa. vyāpādātprativirati), Ý không sân (sân giận, phẫn nộ, buồn bực, khó chịu, chán nản)
Bất tà kiến (zh. 不邪見, sa. mithyādṛṣṭi-prativirati), Ý không si mê (không hiểu biết chân thật- hiểu biết lầm lạc, không tỉnh táo sáng suốt- nghiện ngập, mê ngủ)
Kinh Thập Thiện
Kinh Thập Thiện là một quyển kinh nhỏ ghi lại buổi thuyết pháp của Phật cho cả cư sĩ lẫn người xuất gia, hoặc cho các loài thủy tộc nhẫn đến bậc A-la-hán và Bồ-tát . Chúng sanh nào hiểu được, giữ gìn và làm đúng 10 đều thiện này thì khi mất đi sẽ được quả báo sanh vào các cõi trời tốt lành (thiên đàng), hoặc nếu như thiếu phước mà sanh lại làm người thì cũng được sanh vào các gia đình giàu sang và đức độ. Ngoài ra, 10 đều thiện này cũng là căn bản đạo đức của những bậc thánh. |
Thập địa kinh (zh. 十地經, sa. Daśabhūmika, Daśabhūmīśvara) là một phần độc lập của Đại phương quảng Phật hoa nghiêm kinh (sa. buddhāvataṃsaka-sūtra) do Bồ Tát Kim Cương Tạng (sa. vajragarbha) trình bày với Phật về các giai đoạn tu chứng. Một bài luận quan trọng của Thế Thân (sa. Vasubandhu) về Thập địa được Bồ-đề-lưu-chi (sa. Bodhiruci) dịch ra chữ Hán, đã trở thành kinh sách cơ bản của Địa luận tông, một tông phái cổ của Phật giáo Trung Quốc.
Chú thích |
Hàn Sơn (zh. hánshān 寒山, ja. kanzan), thế kỷ thứ 7, cũng gọi Hàn Sơn tử, là một dị nhân trong Phật giáo Trung Quốc đời nhà Đường. Ông thường được nhắc đến cùng với Thập Đắc và Thiền sư Phong Can. Cả ba vị đều là những nhân vật độc đáo trong lịch sử Thiền tông, tạo thành một trong những đề tài hấp dẫn của lối vẽ tốc hoạ bởi các nghệ sĩ thiền. Những bài thơ của Hàn Sơn khắc trên vách đá được sưu tầm và lưu truyền dưới tên Hàn Sơn thi.
Hành trạng
Ông là một thi sĩ sống ẩn dật cơ hàn trong một hang đá núi Thiên Thai, thường đến viếng Thiền sư Phong Can (zh. fēnggān 豐干, ja. bukan) ở chùa Quốc Thanh. Nơi đây ông gặp Thập Đắc, một người phụ bếp trong chùa. Thập Đắc (zh. shide 拾得, Thập Đắc có nghĩa là "lượm được", ja. jittoku) hay để dành thức ăn còn sót lại trên bàn của chư tăng cho ông. Ông thường đi tới đi lui ở hành lang, thỉnh thoảng kêu to một mình rồi tự than: "Khổ quá! Khổ quá! Họ cứ lăn trôi mãi trong tam giới" và khi bị đuổi đi thường vỗ tay cười lớn rời chùa.
Về Thập Đắc thì cũng không ai biết gì, chỉ rõ là ông bị bỏ rơi lúc còn nhỏ trong rừng, được Phong Can - vị trụ trì tại chùa Quốc Thanh - tìm thấy và bồng về chùa nuôi dưỡng. Phong Can thì nổi danh vì sư cảm hoá được cả cọp, xung quanh am của sư có cọp dữ qua lại và vì vậy, sư thường được trình bày dưới dạng cưỡi cọp trong các bức tranh.
Một hôm Thập Đắc quét sân chùa, vị sư trụ trì hỏi: "Chú tên là Thập Đắc vì Phong Can mang chú về. Vậy chú tên họ là gì? ở đâu đến?" Thập Đắc nghe hỏi vậy liệng cây chổi và đứng khoanh tay trước ngực. Sư trụ trì không hiểu. Hàn Sơn chợt đi ngang qua, đấm ngực kêu: "Ối! Ối!" Thập Đắc hỏi: "Làm gì thế, huynh?" Hàn Sơn bảo: "Chú có biết nói: 'Nhà hàng xóm chết, người hàng xóm chia buồn, không?'" Rồi cả hai cùng nhảy múa, vừa la vừa cười bỏ đi.
Trong lời dẫn của tập Hàn Sơn thi, Lưu Khâu Dận - một vị quan mộ đạo tại Đài Châu - có ghi lại chút ít về Hàn Sơn và Thập Đắc. Khi được Phong Can chữa khỏi bệnh, ông hỏi: "Vùng này có vị nào mà tôi có thể theo học được chăng?" Phong Can đáp: "Ai nhìn họ thì không nhận ra, ai mà nhận ra họ thì không cần nhìn. Nếu ông muốn yết kiến thì không nên tin vào cặp mắt thịt - và sẽ nhận ra họ. Hàn Sơn là Văn-thù, ẩn cư trên chùa Quốc Thanh, Thập Đắc là Phổ Hiền, trông giống như một gã ăn xin, phong cách như cuồng..."
Nghe như vậy, Lưu Khâu liền đến chùa Quốc Thanh tìm hai vị. Vừa thấy mặt, ông làm lễ cung kính. Việc này làm các vị sư trong chùa ngạc nhiên, hỏi: "Đại nhân sao lại lễ các gã ăn xin này?" Hàn Sơn và Thập Đắc liền cười to và nói: "Phong Can này lắm chuyện, đáng bị quở phạt vụ này." Cả hai chạy trốn thật nhanh, không ai theo kịp. Khi Lưu Khâu đến tìm cúng dường lần nữa thì gặp Hàn Sơn và Hàn Sơn thấy ông liền la lớn: "Các ngươi hãy cố gắng!" Nói xong, ông lui vào một hang đá không bao giờ trở ra nữa, Thập Đắc cũng mất tích luôn. Sau đây là một bài thơ của ông (Trúc Thiên dịch):
Sự trầm tĩnh khinh an, tự tín bất động xuất phát từ hai nhân vật này cho thấy rằng, nó chỉ có thể là biểu hiện từ tâm giác ngộ. Tự mình tu tập, chẳng theo tông phái nào, cũng chẳng sống trong chùa theo luật chật hẹp mà vẫn đi trên Phật đạo, "cuồng điên" nhưng trí huệ lại cao siêu xuất thế. Có lẽ vì sự dung hoà của những kiến giải mâu thuẫn người ta tìm được ở hai đại nhân này mà hình tượng của họ đã và vẫn còn gây nhiều cảm hứng cho những người cư sĩ mộ đạo, trở thành những đề tài bất hủ trong nghệ thuật giới thiền. |
Các nghĩa khác, xem bài Hành, Họ Hành.
Hành (zh. 行, sa. saṃskāra, pi. saṅkhāra) dịch từ chữ saṃskāra tiếng Phạn có rất nhiều nghĩa. Nhưng đại cương thì từ này có thể được phân loại như sau:
Theo Ấn Độ giáo thì saṃskāra có nghĩa là "ấn tượng," "hậu quả," được dùng chỉ những ấn tượng, khả năng tiềm tàng trong thâm tâm. Những saṃskāra này được hình thành qua những hành động, ý nghĩ, kể cả những hành động trong những tiền kiếp. Tất cả những saṃskāra này tạo thành thân thể con người, tạo thành cái mà người ta thường gọi là "bản năng".
Thuật ngữ quan trọng của đạo Phật. Hành được xem là một ý định, một chủ tâm có thể dẫn tới một tạo tác. Chủ động tạo tác là Hành mà thể thụ động của một sự việc xảy ra cũng là Hành. Hành là uẩn thứ tư trong Ngũ uẩn (zh. 五蘊, sa. pañcaskandha, pi. pañcakhandha) và là yếu tố thứ hai trong thuyết Duyên khởi (sa. pratītyasamutpāda, pi. paṭicca-samuppāda). Hành bao gồm tất cả các chủ tâm trước khi một hành động được hình thành. Vì hành động bao gồm Thân, khẩu, ý nên người ta cũng phân biệt Hành thuộc thân, khẩu hay ý. Hành mang lại một sự tái sinh (được hiểu là một hành động hay cả một cuộc đời), không có Hành thì không có Nghiệp và không có tái sinh. Hành quyết định phương thức tái sinh vì hành có tốt, có xấu. Hành sinh Thức (zh. 識, sa. vijñāna, pi. viññāṇa) và chính thức này đi tìm cha mẹ để tái sinh và quyết định thể tính của con người mới.
Chú thích |
Subsets and Splits
No community queries yet
The top public SQL queries from the community will appear here once available.