text
stringlengths
0
512k
Long Đàm Sùng Tín (zh. lóngtán chóngxìn 龍潭崇信, ja. ryūta sōshin), thế kỷ 8/9, là Thiền sư Trung Quốc, môn đệ của Thiền sư Thiên Hoàng Đạo Ngộ. Môn đệ lừng danh của sư là Thiền sư Đức Sơn Tuyên Giám. Cơ duyên Sư con nhà bán bánh, quê ở Chữ Cung(Chiết Giang), không biết sư họ tên gì, từ nhỏ sư rất kỳ lạ. Trước kia, Thiền sư Đạo Ngộ được Linh Giám lén thỉnh tới trụ trì chùa Thiên Hoàng mà không ai biết. Nhà của sư tọa lạc trên con hẻm dẫn tới chùa, mỗi ngày sư đều đem 10 chiếc bánh cúng dường Đạo Ngô. Mỗi lần nhận bánh, Đạo Ngộ lại để lại một cái cho Sư, nói: "Ta cho ngươi để ân huệ cho con cháu." và cứ thế một thời gian. Sư thấy lạ nghĩ "Bánh là do mình mang tới, sao lại nói là tặng mình? Điều này chắc có chỉ ý gì đây", bèn tới hỏi thì được trả lời: "Bánh của ngươi đem đến, ta cho lại ngươi có lỗi gì?" Sư nghe hiểu diệu ý liền xin xuất gia. Đạo Ngộ nói: "Ông trước đây tích sùng phước thiện, nay lại tín nhiệm lời ta, vậy cho pháp danh là Sùng Tín". Từ đó sư chuyên cần thị giả bên thầy. Một hôm sư thưa: "Từ ngày con đến đây chưa được thầy chỉ dạy tâm yếu." Đạo Ngộ đáp: "Từ ngày ngươi đến đây, ta chưa từng chẳng dạy ngươi." sư hỏi lại: "Chỉ dạy ở chỗ nào?" Đạo Ngộ bảo: "Ngươi dâng trà, ta vì ngươi mà tiếp. Ngươi xá lui, ta gật đầu. Chỗ nào chẳng chỉ dạy tâm yếu?" sư nghe đây hội được đôi chút, lại hỏi thêm: "Làm sao gìn giữ?" Đạo Ngô bảo: "Mặc tính tiêu dao, tuỳ duyên phóng khoáng, chỉ hết tâm phàm, chẳng có thánh giải khác." Sư nhân câu này triệt ngộ. Sau sư đến trụ tại Long Đàm, cử xướng tông phong thịnh hành. Pháp ngữ Có ông tăng hỏi: "Hạt châu trên búi tóc vua Chuyển Luân ai được?" Sư đáp: " Người chẳng ngắm nghía được". Tăng hỏi: "Được rồi để ở đâu?" Sư nói: "Có chỗ". Tăng nói:" Có nơi nào thử nói ra xem". Có một vị ni đến hỏi: "Làm sao tu để thành Tăng?" Sư không đáp, hỏi: "Làm ni đã bao lâu?" Ni hỏi nữa: "Lại có khi làm tăng chăng?" Sư bảo: "Hiện nay ngươi là gì?" Ni đáp: "Hiện nay là ni ai chẳng biết!". Sư đáp: "Ai biết ngươi?" Không biết sư mất năm nào.
Đức Sơn Tuyên Giám (zh. déshān xuānjiàn 德山宣鑒, ja. tokusan senkan), 782-865, là Thiền sư Trung Quốc, một trong những Thiền sư lỗi lạc nhất đời Đường. Sư có 9 môn đệ được ấn khả, trong đó hai vị Nham Đầu Toàn Hoát và Tuyết Phong Nghĩa Tồn đứng hàng đầu. Sư nối pháp Long Đàm Sùng Tín thuộc dòng Thanh Nguyên Hành Tư và Thạch Đầu Hi Thiên. Nhân duyên ngộ đạo của sư là một trong những câu chuyện thường được nhắc lại nhất trong giới Thiền. sư nổi danh về việc sử dụng cây gậy để giáo hoá (đập) thiền sinh, từ đó mà sinh ra danh từ Bổng hát, chỉ cây gậy (bổng) ngang dọc của sư và tiếng hét (Hát) vọng vang của Lâm Tế Nghĩa Huyền. Những lời dạy của sư rất lạ lùng, khó hiểu, chỉ có bậc thượng căn mới có thể hội đôi phần. Những câu nói của Sư, nghe phớt qua người thường có thể gọi là "mắng Phật mạ Tổ" nhưng nếu thấu hiểu thì cao siêu vô cùng. Sư không muốn đi quanh co, rườm rà mà nhiệt tình hướng dẫn môn đệ mau chóng ngộ được chân lý Bất nhị, nơi mọi ngôn từ trở thành vô dụng. Cũng từ tâm hồn cao siêu nhiệt tình của sư mà xuất phát từ dòng Thiền này một Tuyết Phong Nghĩa Tồn, một Vân Môn Văn Yển, một Pháp Nhãn Văn Ích và vô số những ngôi sao sáng trong Thiền tông sau này. Cơ duyên Sư họ Chu, quê ở Kiến Nam, Giản Châu, xuất gia lúc 20 tuổi. Sư thông Luật tạng và các bộ kinh, luận. Vì thường giảng Kim cương bát-nhã-ba-la-mật-đa kinh nên thời nhân gọi sư là Chu Kim Cương. Nghe Nam phương Thiền tông thịnh hành sư bất bình nói: "Kẻ xuất gia muôn kiếp học uy nghi của Phật, vạn kiếp học tế hạnh của Phật. Những kẻ ma ở phương Nam dám nói ‘Trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật.’ Ta phải ruồng tận hang ổ của chúng, diệt hết đống ma quái để đền ân Phật." Sư bèn khăn gói lên đường, mang theo bộ Thanh Long sớ sao tới Lễ Châu. Trên đường, sư gặp một người đàn bà bán bánh rán, bảo bà lấy ít bánh ăn điểm tâm. Bà chỉ gánh của sư hỏi: "Gói này là gì." Sư trả lời: "Thanh Long sớ sao." Bà nói: "Tôi có một câu hỏi, nếu thầy đáp được, tôi xin cúng dường bánh điểm tâm. Bằng đáp không được, mời thầy đi nơi khác." Sư ưng ý, bà liền hỏi: "Trong kinh Kim cương có nói ‘Tâm quá khứ bất khả đắc, tâm vị lai bất khả đắc, tâm hiện tại bất khả đắc.’ Vậy Thầy muốn điểm tâm nào?" Sư lặng thinh, không đáp được. Người đàn bà liền chỉ sư đến tham vấn Thiền sư Long Đàm Sùng Tín. Vừa tới cửa Long Đàm, sư liền nói: "Nghe danh Long Đàm đã lâu, nay đến đây, đầm (đàm 潭) cũng chẳng thấy, rồng (long 龍) cũng chẳng hiện." Long Đàm bước ra, nói: "Ngươi đã tới Long Đàm rồi." Sư không đáp được, liền dừng lại đây. Một đêm, sư đứng hầu. Long Đàm bảo: "Đêm khuya sao chẳng xuống?" Sư kính chào bước ra, lại trở vào thưa: "Bên ngoài tối đen." Long Đàm thắp đèn đưa Sư. Sư toan tiếp lấy, Long Đàm liền thổi tắt. Sư bỗng nhiên đại ngộ, tất cả kiến chấp đều tan vỡ, quỳ xuống lễ bái. Long Đàm hỏi: "Ngươi thấy gì?" Sư thưa: "Từ nay về sau chẳng còn nghi lời nói chư Hoà thượng trong thiên hạ." Hôm sau Long Đàm thượng đường bảo chúng: "Trong chúng đây có một gã răng như kiếm bén, miệng tợ chậu máu, đánh một gậy chẳng ngó lại, khi khác y lên ngọn núi cao vút dựng lập đạo của ta." Sư đem bộ sớ sao ra chất đống nổi lửa đốt và nói: "Tột cùng các biện luận siêu huyền như một sợi lông ném trong hư không; hết sạch các trọng yếu trong đời như một giọt nước rơi vào hồ lớn." Sư lễ từ Long Đàm du phương. Hành cước & Pháp ngữ Đến Quy Sơn Linh Hựu, sư vào pháp đường từ phía Tây đi qua phía Đông, lại từ Đông sang Tây, hỏi: "Có chăng? Có chăng?" Quy Sơn ngồi lặng im không ngó tới. Sư nói: "Không, không". Liền đi thẳng ra cửa tự nói: "Tuy nhiên như thế cũng chẳng đặng thô xuất." Sư bèn đầy đủ uy nghi đi trở vào. Vừa bước qua cửa, sư đưa toạ cụ lên gọi: "Hoà thượng!" Quy Sơn toan nắm Phất tử, Sư liền hét, phủi áo ra đi. Quy Sơn sau nói: "Gã ấy về sau lên tận ngọn núi cao, cất am cỏ ở, để rồi quở Phật mắng Tổ." Sư dạy chúng: "Nơi mình vô sự thì chớ vọng cầu, vọng cầu mà được thì chẳng phải được. Các ông chỉ vô sự nơi tâm, vô tâm nơi sự thì hư mà linh, không mà diệu. Nếu có nói gốc ngọn chừng đầu mảy lông đều là tự dối. Còn có mảy may nghĩ nhớ là nghiệp nhân tam đồ. Bất chợt sinh tình (vọng khởi) là muôn kiếp bị khóa kín. Danh thánh hiệu phàm trọn là tiếng rỗng, tướng đặc biệt hình xấu xa đều là sắc huyễn. Các ông muốn cầu đó mà không bị luỵ sao? Và các ông chán đó, lại thành bệnh lớn. Cả hai đều vô ích… Nhân giả! nói tu hành như thế, các ông đâu chẳng nghe nói Lão Hồ (ông già Ấn Độ, chỉ Phật) trải ba a-tăng-kì kiếp tu hành mà nay còn đâu? Sau 80 năm chết mất, cùng các ông có khác gì?… Các ông chớ cuồng! Khuyên các ông không gì hơn thôi hết đi, vô sự đi. Tâm vừa khởi một niệm tức là quyến thuộc nhà ma, là kẻ tục phá giới." Sư lâm bệnh, tăng hỏi: "Lại có cái chẳng bệnh chăng?" Sư đáp: "Có." Tăng hỏi: "Thế nào là cái chẳng bệnh?" Sư bảo: "Ôi da! Ôi da!" Sư lại bảo chúng: "Chụp không tìm tiếng luống nhọc tâm thần các ngươi. Mộng tỉnh, tỉnh rồi trọn không có việc gì." Nói xong sư ngồi yên lặng viên tịch, nhằm đời Đường, niên hiệu Hàm Thông năm thứ sáu, ngày mùng ba tháng 12 năm Ất Dậu. Vua sắc phong Kiến Tính Đại sư.
Nham Đầu Toàn Hoát (zh. yántóu quánhuò 巖頭全豁, ja. gantō zenkatsu), 828-887, là Thiền sư Trung Quốc, môn đệ xuất sắc của Đức Sơn Tuyên Giám. Thiền sư Thuỵ Nham Sư Ngạn là người nối pháp của Sư. Cơ duyên Sư họ Kha, quê ở Tuyền Châu, xuất gia lúc còn nhỏ tuổi. Sau đó sư du lịch bốn phương, kết bạn cùng Tuyết Phong Nghĩa Tồn và Khâm Sơn Văn Thuý (Sư và Tuyết Phong trở thành hai môn đệ hàng đầu của Đức Sơn, Khâm Sơn sau đến Động Sơn Lương Giới thụ pháp). Nơi Đức Sơn, sư ngộ yếu chỉ thiền. Cùng với Tuyết Phong, sư đến từ giã Đức Sơn, Đức Sơn hỏi: "Đi về đâu?" Sư thưa: "Tạm từ Hoà thượng hạ sơn." Đức Sơn hỏi: "Con về sau làm gì?" Sư thưa: "Chẳng quên" Đức Sơn lại hỏi: "Con nương vào đâu nói lời này?" Sư thưa: "Đâu chẳng nghe: ‘Trí vượt hơn thầy mới kham truyền trao, trí ngang bằng thầy, kém thầy nửa đức.’" Đức Sơn bảo: "Đúng thế! Đúng thế! Phải khéo hộ trì." Sau khi rời Đức Sơn, sư đến núi Ngọa Long Động Đình cất am. Học giả đến học tấp nập. Pháp ngữ Có một vị tăng mới đến, sư hỏi: "Từ đâu đến?" Tăng thưa: "Từ Tây Kinh đến." Sư hỏi: "Sau trận giặc Hoàng Sào lại lượm được kiếm chăng?" Tăng thưa: "Lượm được." Sư đưa cổ ra làm thế nhận chặt, tăng nói: "Đầu thầy rơi." Sư cười to. Sư dạy chúng: "Phàm việc trong đại tổng cương tông phải biết cú. Nếu chẳng biết cú khó hội được câu nói. Cái gì là cú? Khi trăm việc chẳng suy nghĩ, gọi là chính cú, cũng gọi là ở trên đỉnh, là được trụ, là rõ ràng, là tỉnh tỉnh, là chắc thật, là khi Phật chưa sinh, là đắc địa… Phá tất cả thị phi sẽ được tự do tự tại với những gì còn đối đãi. Nếu nhìn chẳng thấu liền bị người đâm đui mắt…" Sau này có người hỏi Phật, hỏi pháp, đạo, thiền, sư đều "Hư!" lên một tiếng. Sư thường bảo chúng: "Khi lão già này đi sẽ rống lên một tiếng." Đời Đường, niên hiệu Quang Khải, giặc cướp lộng hành, chúng tăng đều lánh đi nơi khác. Sư vẫn an nhiên ở lại. Giặc cướp đến, thấy không có gì lấy được, tức giận đâm vào tim sư. Từ vết đâm, một dòng sữa trắng tuôn ra. Sư vẫn không đổi thần sắc, chỉ rống lên một tiếng xa mười dặm rồi tịch. Tiếng rống của sư nổi danh trong lịch sử của thiền tông, và đã gây thắc mắc cho nhiều thiền sinh đời sau (xem Bạch Ẩn Huệ Hạc).
Tâm trí vô thức (hoặc vô thức) bao gồm các quá trình trong tâm trí xảy ra tự động và không có sẵn để hướng nội và bao gồm các quá trình suy nghĩ, ký ức, sở thích và động lực. Mặc dù các quá trình này tồn tại tốt dưới bề mặt nhận thức có ý thức, chúng được lý thuyết hóa để tác động đến hành vi. Thuật ngữ này được nhà triết học lãng mạn người Đức Friedrich Schelling đưa ra và sau đó được nhà thơ và nhà viết tiểu luận Samuel Taylor Coleridge giới thiệu sang tiếng Anh. Bằng chứng thực nghiệm cho thấy các hiện tượng vô thức bao gồm cảm giác bị kìm nén, kỹ năng tự động, nhận thức tâm linh và phản ứng tự động, và cũng có thể là phức cảm, ám ảnh và ham muốn. Khái niệm này đã được nhà thần kinh học và nhà phân tâm học người Áo Sigmund Freud phổ biến. Trong lý thuyết phân tâm học, các quá trình vô thức được hiểu là được thể hiện trực tiếp trong giấc mơ, cũng như trong lỡ mồm và những câu chuyện cười. Do đó, tâm trí vô thức có thể được coi là nguồn gốc của những giấc mơ và những suy nghĩ tự động (những thứ xuất hiện mà không có nguyên nhân rõ ràng nào), kho lưu trữ của những ký ức bị lãng quên (đôi khi vẫn có thể tiếp cận được với ý thức) và là nơi hiểu biết ngầm (những điều mà chúng ta đã học tốt đến mức chúng ta làm chúng mà không cần suy nghĩ). Người ta đã tranh luận rằng ý thức bị ảnh hưởng bởi các phần khác của tâm trí. Chúng bao gồm vô thức như một thói quen cá nhân, không nhận thức và trực giác. Hiện tượng liên quan đến bán ý thức bao gồm thức tỉnh, trí nhớ ngầm, thông điệp thăng hoa, trance, và thôi miên. Trong khi ngủ, mộng du, mơ, mê sảng và hôn mê có thể báo hiệu sự hiện diện của các quá trình vô thức, các quá trình này được xem như là triệu chứng chứ không phải là chính tâm trí vô thức. Một số nhà phê bình đã nghi ngờ sự tồn tại của vô thức.
Tuyết Phong Nghĩa Tồn (zh. xuéfēng yìcún 雪峰義存, ja. seppō gison), 822-908, là Thiền sư Trung Quốc, môn đệ của Đức Sơn Tuyên Giám. Từ dòng thiền của sư xuất sinh ra hai tông lớn của Thiền tông, đó là Vân Môn tông và Pháp Nhãn tông. Sư ấn khả cho 56 môn đệ, trong đó các vị Vân Môn Văn Yển, Huyền Sa Sư Bị và Trường Khánh Huệ Lăng là ba vị danh tiếng nhất. Cơ duyên Sư sinh trong một gia đình mộ đạo. Thuở nhỏ sư không ăn thịt cá, muốn xuất gia nhưng cha mẹ không cho. Năm 12 tuổi, sư theo cha đến chùa. Gặp một Luật sư, sư làm lễ nói "Thầy con" và sau đó xin ở lại học luôn. Sau khi thụ giới cụ túc tại chùa Bảo Sát, U Khê, sư tham học với nhiều Thiền sư. Ban đầu sư đến Thiền sư Lương Giới ở Động Sơn làm Điển toạ, tại đây có tỉnh, sau đến Đức Sơn được thầm nhận. Mặc dù chưa triệt ngộ, sư cùng Thiền sư Nham Đầu Toàn Hoát từ giã Đức Sơn đi du phương. Nham Đầu ngày ngày chỉ lo ngủ, sư chỉ chăm tọa thiền. Một hôm sư đánh thức Nham Đầu: "Sư huynh! sư huynh! hãy dậy!" Nham Đầu hỏi: "Cái gì?" Sư nói: "Đời nay chẳng giải quyết xong, lão Văn Thuý (tức là Thiền sư Khâm Sơn) đi Hành cước đến chỗ nơi, sẽ bị y chê cười. Từ hôm đến nay sao cứ lo ngủ!" Nham Đầu nạt: "Ngủ đi! Mỗi ngày ngồi trên giường giống như thổ địa trong thôn xóm hẻo lánh, sau này làm mê hoặc người trong thiên hạ" Sư tự chỉ hông ngực thưa: "Tôi trong ấy thật chưa ổn, chẳng dám tự dối" Nham Đầu bảo: "Ta bảo Huynh ngày kia sẽ nhằm trên đỉnh chót vót cất am tranh xiển dương đại giáo, vẫn còn nói câu ấy?" Nham Đầu bảo sư nói sở đắc, được thì chứng minh, không được thì phá bỏ. Sư trình sở đắc nơi Động Sơn (Lương Giới) và Đức Sơn, Nham Đầu đều gạt bỏ, hét bảo: "Huynh chẳng nghe nói, từ cửa vào chẳng phải của báu trong nhà!" Sư bèn hỏi: "Về sau thế nào là phải?" Nham Đầu nói: "Về sau muốn xiển dương đại giáo, mỗi mỗi phải từ hông ngực mình ra, sau này cùng ta che trời che đất đi." Nhân câu này sư đại ngộ, lễ bái và nói: "Sư huynh, ngày nay mới là thành đạo ở Ngao Sơn." Sau sư đến núi Tuyết Phong dựng một am nhỏ ngụ tại đây. Không bao lâu thiền giả mọi nơi đến tham vấn và nơi này trở thành một thiền viện với 1500 người tham thiền. Môn đệ của sư nổi danh về kỉ luật, trật tự nề nếp tu hành và rất nhiều người ngộ đạo tại đây. Đời Lương, niên hiệu Thái Bình (908) ngày mùng hai tháng năm, sư để kệ truyền pháp xong nửa đêm nhập diệt, thọ 87 tuổi, 59 tuổi hạ.
Vân Nham Đàm Thịnh (zh. yúnyán tánshèng 雲巖曇晟, ja. ungan donjō), 781-841, là Thiền sư Trung Quốc, đắc pháp nơi thiền sư Dược Sơn Duy Nghiễm. Thiền sư Động Sơn Lương Giới là môn đệ giỏi nhất của Sư, người khai sáng tông Tào Động. Cơ duyên Sư họ Vương, người Chung Lăng, Kiến Xương. Từ thuở thiếu niên sư đã xuất gia ở Thạch Môn. Sư đến tham học nơi Thiền sư Bách Trượng Hoài Hải, tuy chưa ngộ huyền chỉ, nhưng vẫn thị giả bên Hoải Hải 20 năm. Sau khi Bách Trượng thị tịch, sư đến tham yết Dược Sơn, ngay lời nói là khế hợp. Dược Sơn hỏi: "Từ đâu đến?" Sư thưa: "Từ Bách Trượng đến" Dược Sơn hỏi: "Bách Trượng có ngôn cú gì dạy đồ chúng?" Sư thưa: "Bình thường ngài nói ‘Ta có một câu đầy đủ trăm vị.’" Dược Sơn bảo: "Mặn là vị mặn, lạt là vị lạt, chẳng mặn chẳng lạt là vị bình thường, thế nào là một câu đầy đủ trăm vị?" Sư không đáp được. Dược Sơn hỏi tiếp: "Sinh tử trước mắt làm sao tránh?". Sư thưa: "Trước mắt không sinh tử." Dược Sơn hỏi: "Ở Bách Trượng bao nhiêu lâu?" Sư thưa: "Hai mươi năm". Dược Sơn bảo: "Hai mươi năm nơi Bách Trượng mà tập khí trần tục vẫn chẳng trừ." Ngày khác – nhân lúc sư đứng hầu – Dược Sơn hỏi: "Bách Trượng lại nói pháp gì?" Sư trình: "Có khi thượng đường, đại chúng nhóm họp xong, ngài lấy gậy đuổi tan, rồi gọi đại chúng. Đại chúng xoay đầu nhìn lại thì ngài hỏi: ‘Là cái gì?’" Dược Sơn bảo: "Sao chẳng sớm nói như thế! Ngày nay do ngươi mà ta được thấy Hải huynh." Sư nghe câu này triệt ngộ. Ngày 26 tháng 10 năm đầu niên hiệu Hội Xương đời Đường, sư có chút bệnh, tắm gội xong gọi Tri sự vào bảo: "Sắm sửa trai, ngày mai có Thượng toạ đi". Tối hôm 27, sư viên tịch, thọ 60 tuổi. Chúng đệ tử làm lễ trà-tỳ thu được hơn 1.000 viên xá lợi rồi cung thỉnh đem nhập tháp đá. Vua sắc thụy là Vô Trụ Đại Sư, tháp hiệu Tịnh Thắng. Pháp ngữ Sư hỏi tăng: "Từ đâu lại?" Tăng đáp: "Từ chỗ nói chuyện với đá lại". Sư hỏi: "Đá có gật đầu không vậy?". Tăng không lời đối đáp, sư nói: "Lúc chưa hỏi là đã gật đầu". Sư hỏi ni cô (Nguyên văn ‘ni chúng’, không có nghĩa là chúng ni cô mà chỉ là một người trong ni chúng): "Cha cô còn sống không?" Ni đáp: "Thưa còn". Sư hỏi: "Tuổi tác bao nhiêu?" Ni đáp: "Tuổi đã 80". Sư nói: "Cô còn một người cha tuổi không phải 80, có biết không?" Ni cô nói: "Há cũng giống như cha con đến chăng?" Sư đáp: "Dạng như cha cô đến cũng chỉ là hàng con cháu thôi". Động Sơn về sau nghe được nói: "Dù cho không phải dạng ấy đến cũng là hàng con cháu". Tăng hỏi: "Một niệm vừa dấy lên là đã rơi vào ma giới thì thế nào?". Sư nói: "Ông nhân cái gì mà từ Phật giới đến?". Tăng không lời đối đáp. Sư hỏi: "Lãnh hội không?". Tăng đáp: "Không lãnh hội". Sư nói: "Đừng nói thể thủ không được, dù cho thể thủ được đi nữa, cũng chỉ là bên phải, bên trái".
Đạo Ngô Viên Trí (zh. dàowú yuánzhi 道吾圓智, ja. dōgo enchi), 768/69-835, là một Thiền sư Trung Quốc, môn đệ của Thiền sư Dược Sơn Duy Nghiễm, bạn đồng học với Thuyền Tử Đức Thành và Vân Nham Đàm Thạnh. Môn đệ xuất sắc của sư là Thạch Sương Khánh Chư. Tắc 55. và 89 trong Bích nham lục nhắc đến Sư. Cơ duyên Sư họ Trương, quê ở Hải Hôn, Dự Chương. Lúc nhỏ, sư theo Hoà thượng Bàn xuất gia. Sau sư đến tham vấn Dược Sơn và được ấn khả. Một hôm Dược Sơn hỏi Sư: "Ngươi đi đâu về?" Sư thưa: "Đi dạo núi về." Dược Sơn bảo: "Chẳng rời thất này, đem gì về, nói mau!" Sư thưa: "Trên núi chim con đầu tựa tuyết, đáy khe cá lội lo chẳng cùng." Vân Nham Đàm Thạnh hỏi: "Bồ Tát Đại Bi (Quán Thế Âm) dùng tay mắt nhiều lắm để làm gì?" Sư nói: "Như người giữa đêm với tay lại sau mò chiếc gối." Vân Nham nói: "Tôi hiểu." Sư hỏi: "Ông hiểu thế nào?" Vân Nham: "Toàn thân là tay mắt." Sư nói: "Nói đến tột cùng chỉ nói được tám phần." Vân Nham hỏi lại: "Sư huynh thế nào?" Sư đáp: "Khắp thân là tay mắt" (Bích nham lục, tắc 89). Sư mắc bệnh, tăng chúng đến thăm hỏi. sư bảo: "Có nhận chẳng đến, các ngươi có biết nó chăng?" Đại chúng buồn thảm. sư bảo: "Ta sẽ đi bên Tây, lý không rời bên Đông." Mùng mười tháng chín niên hiệu Thái Hoà năm thứ chín đời Đường, sư quy tịch. Vua sắc ban là Tu Nhất Đại sư.
Thuyền Tử Đức Thành (zh. chuánzǐ déchéng 船字德誠, ja. sensu tokujō), tk. 8-9, là Thiền sư Trung Quốc, sư đạt yếu chỉ nơi Thiền sưDược Sơn Duy Nghiễm. Sư chỉ có một người đệ tử ngộ đạo là Thiền sư Giáp Sơn Thiện Hội. Đời sau còn nhớ đến sư qua phong cách thị tịch kỳ lạ. Cơ duyên & hành trạng Sư là người nhanh nhẹn và có tấm lòng độ lượng, làm bạn tham học cùng với hai thiền sư là Đạo Ngô Viên Trí và Vân Nham Đàm Thịnh. Sau này sư đạt được yếu chỉ nơi Thiền sư Dược Sơn Duy Nhiễm, sư cùng hai vị tiễn biệt mỗi người đến một phương, sư dặn họ: Các ông nên y cứ mỗi người một phương, kiến lập tông chỉ của Dược Sơn. Tôi bản tính mộc mạc, chỉ thích sơn thủy, vui tình tự khiển, chẳng có được gì. Sau này biết chỗ của tôi ở, nếu gặp tọa chủ nào lanh lợi, chỉ một người lại, hoặc có thể dùi mài, trao cho y sở đắc một đời, để báo ơn cho tiên sư. Sau đó, sư đến tại bến Hoa Đình, Ngô Giang, thả một chiếc thuyền nhỏ để đưa người qua sông, người đương thời gọi là Hòa thượng Thuyền Tử (Hòa thượng Chèo Thuyền) Thiện Hội nhân được Thiền sư Đạo Ngô mách đến yết kiến Sư. Vừa thấy đến sư liền hỏi: "Đại đức trụ trì nơi nào?" Thiện Hội đáp: "Chùa tức chẳng trụ, trụ tức chẳng giống." Sư hỏi: "Chẳng giống, giống cái gì?" Thiện Hội đáp: "Chẳng có pháp trước mắt." Sư hỏi: "Ở đâu học được nó?" Thiện Hội trả lời: "Chẳng phải chỗ tai mắt đến." Sư cười bảo: "Một câu dù lĩnh hội, muôn kiếp cọc cột lừa. Thả ngàn thước tơ ý đầm sâu, lìa lưỡi câu ba tấc, nói mau! Nói mau!" Thiện Hội vừa mở miệng bị sư đánh một chèo té xuống nước. Vừa mới leo lên thuyền sư lại thúc: "Nói mau! Nói mau!" Thiện Hội vừa mở miệng lại bị sư đánh. Thiện Hội hoát nhiên đại ngộ. Sư căn dặn Thiện Hội: "Ngươi ra đi phải tìm chỗ ẩn thân mất dấu vết, chỗ mất dấu vết chớ ẩn thân. Ta ba mươi năm ở Dược Sơn chỉ sáng tỏ việc này. Nay ngươi đã được nó, sau chớ ở chỗ xóm làng thành thị, nên vào trong núi sâu bên cạnh đồng để tìm lấy trọn một cái, nửa cái còn lại không thể đoạn đứt." Sau khi được ấn khả, Giáp Sơn từ giã ra đi mà cứ quay đầu lại nhìn mãi, sư bèn gọi: Xà-lê ! Sơn bèn quay đầu lại, sư cất mái chèo nói: Ông cho là còn có việc khác à? Nói xong, sư lật úp thuyền xuống nước mà thị tịch.
Giáp Sơn Thiện Hội (zh. jiāshān shānhuì 夾山善會, ja. kassan zen`e 805-881, là Thiền sư Trung Quốc. sư đắc pháp nơi Thuyền Tử Đức Thành (Hoa Đình Thuyền Tử). Sau sư đến Giáp Sơn trụ trì, môn đệ đến học tấp nập. Môn đệ đắc pháp nổi danh của sư là Lạc Phổ Nguyên An. Cơ duyên Sư họ Liêu, quê ở Hiện Đình, Quảng Châu. Năm 9 tuổi, sư xuất gia tại chùa Long Nha, sau đó lại đến Giang Lăng tập học kinh luận. sư trụ trì tại Kinh Khẩu. Một hôm, có vị tăng hỏi Sư: "Thế nào là Pháp thân?" Sư đáp: "Pháp thân vô tướng." Tăng hỏi tiếp: "Thế nào là Pháp nhãn?" Sư đáp: "Pháp nhãn chẳng bệnh." Thiền sư Đạo Ngô Viên Trí đứng trong hội, nghe sư trả lời bèn cười, nói rằng sư hoằng hoá mà chưa có thầy và chỉ đến Hoa Đình Thuyền Tử (xem dưới Thuyền Tử Đức Thành). Nơi Hoa Đình, sư đại ngộ và sau trở về nơi cũ hoằng giáo. Đạo Ngô cho người đi trắc nghiệm sư với hai câu hỏi như xưa và sư trả lời y như trước. Đạo Ngô thừa nhận, bảo: "Ông ấy đã triệt ngộ." Pháp ngữ Sư dạy chúng: "… Người thượng căn ngay lời nói liền rõ đạo; kẻ căn khí bậc trung, bậc hạ chạy lăng xăng như sóng bủa. Sao chẳng nằm trong sinh tử mà an định? Sẽ nhận lấy chỗ nào? Lại nghi Phật nghi Tổ thế cái sinh tử cho ông được sao? Người có trí sẽ cười ông, nghe bài kệ đây: 勞持生死法 唯向佛邊求 目前迷正理 撥火覓浮漚 Lao trì sinh tử pháp Duy hướng Phật biên cầu Mục tiền mê chính lý Bát hoả mích phù âu Nhọc gìn pháp sinh tử Chỉ nhằm bên Phật cầu Trước mắt lầm lý chính Trong lửa bọt có đâu". Tăng hỏi: "Thế nào là cảnh Giáp Sơn?" sư đáp: 猿抱子歸青嶂裏 鳥銜花落碧巖前 Viên bão tử quy thanh chướng lý Điểu hàm hoa lạc bích nham tiền Vượn bồng con về ngọn núi xanh, chim ngậm hoa đậu trước đỉnh biếc. Đời Đường, niên hiệu Trung Hoà năm đầu, ngày mùng 7 tháng 11, sư gọi Chủ sự bảo: "Nay chất huyễn của ta khi hết liền đi, các ông khéo giữ gìn như ngày ta còn, chớ giống người đời sinh ra buồn thảm." Đêm ấy sư tịch, thọ 77 tuổi. Vua phong là Truyền Minh Đại sư.
Nam Tuyền Phổ Nguyện (zh. nánquán pǔyuàn 南泉普願, ja. nansen fugan), 738-835, là Thiền sư Trung Quốc, một trong những môn đệ lừng danh của Mã Tổ Đạo Nhất và là thầy của một học trò không kém uy dũng là Triệu Châu Tòng Thẩm. Ngoài Triệu Châu ra, sư còn 17 đệ tử nối pháp nhưng không ai vượt qua pháp lực của hai vị Triệu Châu và Trường Sa Cảnh Sầm. Sư được nhắc đến nhiều trong các tập công án như Bích nham lục (Công án 28, 31, 40, 63, 64) và Vô môn quan (14, 19, 27, 34). Cơ duyên Sư họ Vương, quê ở Tân Trịnh, Trịnh Châu, xuất gia từ nhỏ. Trước khi đến tham vấn Mã Tổ, mong đạt được yếu chỉ "giáo ngoại biệt truyền", sư đã học kĩ giáo lý của Pháp tướng, Tam luận và Hoa Nghiêm tông. Đến Mã Tổ, sư bỗng dưng đại ngộ, "được cá quên nơm". Một hôm, sư bưng cháo cho chúng, Mã Tổ hỏi: "Trong thùng này, thông là cái gì?" Sư đáp: "Ông già nên ngậm miệng, nói năng làm gì?" Mã Tổ nghe vậy bèn thôi. Pháp ngữ Rời Mã Tổ, sư đến núi Nam Tuyền cất am ở ẩn, hơn 30 năm không xuống núi. Sau đó, một vị quan lên thỉnh sư xuống dạy pháp và từ đây, học giả bốn phương đua nhau đến. Những lời dạy hùng dũng, có lúc lại "ngược", mâu thuẫn với lời của những vị Thiền sư khác của sư được nhiều người trong giới thiền hâm mộ và lấy đó làm thoại đầu. Sư thượng đường: "Các ông, Lão tăng lúc mười tuổi đã biết kế sống, có ai biết kế sống ra trình, sẽ cùng người ấy thương lượng, người ấy mới đáng ở núi." Sư lặng thinh giây lâu nói: "Vô sự! Trân trọng! Mỗi người đều tu hành." Đại chúng vẫn ngồi yên, sư bảo: "Huynh đệ người thời nay gánh Phật để trên vai mà đi, nghe Lão tăng nói ‘Tâm chẳng phải Phật, trí chẳng phải đạo’ bèn hội họp suy nghĩ. Lão tăng không có chỗ để các ngươi suy nghĩ. Nếu các ngươi trói hư không lấy gậy đập được, Lão tăng sẽ cho suy nghĩ." Có vị tăng hỏi Sư: "Trong hư không có một hạt châu là sao lấy được?" Sư bảo: "Chặt tre làm thang bắc trong hư không lấy." Tăng hỏi: "Trong hư không làm sao bắc thang?" Sư hỏi lại: "Ngươi nghĩ thế nào lấy?" Sư sắp tịch, một vị tăng hỏi: "Sau khi Hoà thượng trăm tuổi đi về chỗ nào?" Sư bảo: "Làm con trâu dưới núi." Tăng hỏi: "Con theo Hoà thượng được chăng?" Sư đáp: "Nếu ngươi muốn theo ta phải ngậm theo một bó cỏ." Niên hiệu Thái Hoà thứ tám, ngày rằm tháng hai, sư có chút bệnh bảo chúng: "Sao che đèn huyễn lâu vậy, chớ bảo ta có đi lại!" Nói xong, sư viên tịch, thọ 87 tuổi. Những lời dạy của sư được ghi lại trong Trịnh Châu Nam Tuyền Phổ Nguyện Thiền sư quảng lục.
Đại Châu Huệ Hải (zh. 大珠慧海, ja. daishū ekai), thế kỷ 8/9, là một Thiền sư Trung Quốc, môn đệ đắc pháp của Mã Tổ Đạo Nhất. Sư có để lại hai bộ sách quý là Đại Châu ngữ lục và Đốn ngộ nhập đạo yếu môn luận.
Đại Mai Pháp Thường (zh:大梅法常 ,dàméi fǎcháng; 752-839), là một Thiền sư Trung Quốc, pháp tử của Mã Tổ Đạo Nhất và thầy của Hàng Châu Thiên Long. Cơ duyên Sư nguyên họ Trịnh, quê ở Tương Dương, xuất gia từ nhỏ, theo Thầy ở chùa Ngọc Tuyền, Kinh Châu. Ban sơ đến tham vấn Mã Tổ. Sư hỏi Tổ: "Thế nào là Phật?" Tổ đáp: "Tâm là Phật." Nhân đây sư đại ngộ. Hành trạng Sau khi được truyền tâm ấn, sư đến núi Đại Mai kết cỏ làm am, ẩn túc trong rừng mai suốt 30 năm. Trong hội Diêm Quan (chỗ giáo hóa của Thiền sư Tề An) có vị tăng vào núi tìm cây gậy, lạc đường đến am sư. Vị tăng hỏi: "Hòa thượng ở núi này được bao lâu?" Sư đáp: "Chỉ thấy núi xanh lại vàng bốn lần như thế." Vị tăng hỏi: "Ra núi đi đường nào?" Sư nói: "Đi theo dòng suối." Vị tăng về thuật lại cho Thiền sư Tề An nghe, Tề An nói: "Ta hồi ở chỗ Mã Tổ từng thấy một vị tăng, sau này không biết tin tức gì, có phải là vị tăng này chăng?" Tề An bèn sai vị tăng ấy đi thỉnh sư xuống núi. Sư có bài kệ: "Tồi tàn khô mộc ỷ hàn lâmKỷ độ phùng xuân bất biến tâm Tiều khách ngộ chi du bất cốDĩnh nhơn na đắc khổ truy tầm." Tạm dịch Cây khô gãy mục tựa rừng xanhMấy độ xuân về chẳng đổi lòng Tiều phu trông thấy nào đoái nghĩDĩnh khách thôi thì chớ kiếm tìm. Mã Tổ nghe sư ở núi bèn sai một vị tăng đến thăm dò. Tăng đến hỏi Sư: "Hòa thượng gặp Mã Tổ đã được cái gì, về ở núi này?" Sư đáp: "Mã Tổ nói với tôi: Tức tâm tức Phật, tôi bèn đến ở núi này." Tăng lại nói: "Gần đây Mã Tổ lại nói: Phi tâm phi Phật." Sư đáp: "Ông già mê hoặc người chưa có ngày xong, mặc ông phi tâm phi Phật, tôi chỉ biết tức tâm là Phật." Vị Tăng trở về thuật lại cho Mã Tổ. Tổ nói: "Đại chúng! Trái mai đã chín!". Từ đó nhiều vị thiền khách tìm đến tham vấn sư. Pháp ngữ Sư thượng đường dạy đồ đệ: "Tất cả các ngươi mỗi người tự xoay tâm lại tận nơi gốc, chớ theo ngọn của nó. Chỉ được gốc thì ngọn tự đến. Nếu muốn biết gốc cần rõ tâm mình. Tâm này nguyên là cội nguồn tất cả pháp thế gian và xuất thế gian, tâm sinh thì các thứ pháp sinh, tâm diệt thì các thứ pháp diệt. Tâm chẳng tựa tất cả thiện ác, mà sinh muôn pháp vốn tự như như." Một hôm, sư chợt gọi đồ đệ đến bảo: "Đến không thể giữ, đi không thể tìm." Sư ngừng một lúc, khi nghe tiếng sóc kêu, sư lại hỏi: "Chính là vật này không phải vật khác, các ngươi phải khéo giữ gìn. Nay ta đi đây." Nói xong sư thị tịch (839), thọ 88 tuổi. Chú thích
Pháp Dung (zh. fǎróng 法融, ja. hōyū), 594-657, là Thiền sư Trung Quốc, người sáng lập thiền phái Ngưu Đầu. sư là môn đệ của Tứ tổ Đạo Tín. Cơ duyên Thuở nhỏ sư theo học Nho giáo và năm 19 tuổi đã thông kinh sử. Vì không hài lòng với những gì đạt được, sư chuyển qua tham học Phật pháp và đến núi Ngưu Đầu ở trong hang đá gần chùa U Thê, ngày đêm tu tập thiền định. Đạo hạnh của sư cảm hoá được cả thú rừng nên chúng đem hoa quả đến cúng dường. Tổ Đạo Tín nhân lúc qua đây xem khí tượng biết trên núi có bậc dị nhân, đích thân lên núi tìm sư. Sư ngồi thiền không để ý đến ai. Tổ thấy thế bèn hỏi: "Ở đây làm gì?" Sư đáp: "Quán tâm." Tổ hỏi: "Ai quán, tâm là vật gì?" Sư nghe không đáp được bèn đứng dậy làm lễ, hỏi và biết được Tổ là Thiền sư Đạo Tín. sư chỉ Tổ vào hang phía sau tạm nghỉ. Thấy thú dữ lăng xăng, Tổ ra vẻ sợ, sư hỏi: "Ngài vẫn còn cái đó sao?" Tổ hỏi lại: "Cái đó là cái gì?" Sư không đáp được. Một lát sau, Tổ viết lên chỗ ngồi của sư chữ "Phật" (佛). Sư trông thấy giật mình, Tổ hỏi: "Vẫn còn cái đó sao?" Sư nghe không hội bèn làm lễ cầu xin chỉ dạy. Tổ bèn dạy: "Phàm trăm ngàn pháp môn đồng về một tấc vuông. Diệu đức như hà sa thảy ở nơi nguồn tâm. Tất cả môn giới, định, huệ, thần thông biến hoá, cả thảy đều ở tâm ngươi… Không có tam giới có thể ra, không có Bồ-đề có thể cầu… Chỉ tâm ngươi tự tại, chớ khởi tham sân, chớ ôm lòng lo buồn, rỗng rang vô ngại, mặc tín tung hoành, chẳng làm việc thiện, chẳng làm việc ác, đi đứng ngồi nằm, mắt thấy gặp duyên thảy đều là diệu dụng của Phật. Vì vui vẻ không lo buồn nên gọi là Phật." Sư hỏi: "Tâm đã đầy đủ, cái gì là Phật? Cái gì là tâm?" Tổ đáp: "Chẳng phải tâm thì không hỏi Phật, hỏi Phật thì chính là tâm." Sư hỏi: "Đã không khởi quán hạnh, khi gặp cảnh khởi tâm làm sao đối trị?" Tổ đáp: "Cảnh duyên không tốt xấu, tốt xấu khởi nơi tâm, nếu tâm chẳng theo danh, vọng tình từ đâu khởi? Vọng tình đã chẳng khởi, chân tâm mặc tình biết khắp. Ngươi chỉ tuỳ tâm tự tại, chẳng cầu đối trị, tức gọi là Pháp thân thường trụ, không đổi thay." Sư nhân đây đốn ngộ. Sư trụ trì tại Ngưu Đầu sơn, học chúng đến rất đông. Sau có vị quan thỉnh sư đến chùa Kiến Sơ hoằng hoá. sư nhận lời cầu thỉnh đến chùa Kiến Sơ nhưng chỉ một năm sau (657), ngày 23 tháng giêng, sư viên tịch tại đây, thọ 64 tuổi, 41 tuổi hạ.
Pháp Nhãn tông (zh. fǎyǎn-zōng 法眼宗, ja. hōgen-shū) là một trường phái của Thiền tông Trung Quốc, được xếp vào Ngũ gia thất tông (zh. 五家七宗). Tông này bắt nguồn từ Thiền sư Huyền Sa sư Bị, nối pháp Tuyết Phong Nghĩa Tồn và ban đầu cũng được gọi là Huyền Sa tông. Sau đó pháp tôn của Thiền sư Huyền Sa sư Bị là Thiền sư Pháp Nhãn Văn Ích – làm cho tông phong vang dội khắp nơi và vì thế, tông này được gọi là tông Pháp Nhãn. 63 pháp tự của Pháp Nhãn hoằng hoá khắp nơi, truyền tông này qua đến cả Triều Tiên. Tông này hưng thịnh ba đời nhưng tàn lụi sau đời thứ năm. Mặc dù tông này đã thất truyền tại Trung Quốc nhưng nó vẫn còn tồn tại ở Triều Tiên. Lịch sử Tông Pháp Nhãn chính thức là do Thiền sư Pháp Nhãn Văn Ích sáng lập, nhưng các tiền bối đi trước như Huyền Sa Sư Bị, La Hán Quế Sâm đã đặt nền móng cho sự ra đời của tông này. Ban sơ, Thiền sư Pháp Nhãn Văn Ích tham vấn Hoà thượng La Hán Quế Sâm và đại ngộ (năm 935). Sau khi đắc pháp, Pháp Nhãn đến trụ trì tại Viện Thanh Lương và nỗ lực xiển dương thiền phong của mình. Pháp Nhãn chủ trương Lý sự viên dung, không tìm cầu bên ngoài, vạn pháp đều do tâm tạo. Đệ tử nối pháp của Pháp Nhãn rất nhiều, lên đến 63 vị, trong đó điển hình là Thiên Thai Đức Thiều, Thanh Lương Thái Khâm, Bách Trượng Đạo Hằng, Quy Tông Nghĩa Nhu, Báo Ân Pháp An... làm tông phong phát triển mạnh mẽ khắp nơi và trở thành tông Pháp Nhãn. Trung tâm truyền bá chính của tông này là hai tỉnh Phúc Kiến và Triết Giang. Đến đầu đời Tống, do Quy Ngưỡng tông bị thất truyền nên Thiền tông chỉ còn 4 tông tồn tại là Lâm Tế, Tào Động, Vân Môn và Pháp Nhãn. Trong đó tông Pháp Nhãn cùng với tông Lâm Tế và tông Vân Môn là phát triển nhất. Về hoạt động của các Thiền sư tông này thì điển hình là Thiền sư Thiên Thai Đức Thiều với chủ trương dung hợp giữa Thiền tông và Thiên Thai tông. Còn đệ tử của Đức Thiều là Vĩnh Minh Diên Thọ thì chủ trương Thiền-Tịnh nhất trí, Vĩnh Minh là người biên soạn bộ Tông Cảnh Lục (100 quyển) nổi tiếng để hệ thống hoá các tông phái, Vĩnh Minh cũng được tôn xưng là tổ thứ 6 của Tịnh Độ tông. Tác phẩm đặc sắc nhất của tông này là bộ Tông Môn Thập Quy Luận (zh. 宗門十規論, 1 quyển) do Thiền sư Văn Ích soạn - khái niệm "Ngũ gia" ra đời từ đây, và bộ Cảnh Đức Truyền Đăng Lục (zh. 景德傳燈錄, 30 quyển) do Thiền sư Vĩnh An Đạo Nguyên (zh. 永安道原) biên soạn vào năm 1004 đã hệ thống hoá lại lịch sử truyền thừa của Thiền tông từ chư tổ xa xưa cho đến đời pháp tôn của Thiền sư Văn Ích. Ngoài ra còn có hoạt động của Thiền sư Thiên Đồng Tử Ngưng cũng đáng chú ý. Chính Thiên Đồng Tử Ngưng là người đã tranh luận với Tứ Minh Trí Lễ (Thiên Thai tông). Năm 1004, Trí Lễ soạn Thập Bất Nhị Môn Chỉ Yếu Sao trong đó cho rằng Thiên Thai tông ưu việt hơn Thiền tông và bị Tử Ngưng gửi thư đến hỏi vặn, tổng cộng hai bên tranh luận hơn 20 lần. Cuối cùng, Thái thú Tứ Minh là Trực Các Lâm Công phải bỏ công ra hoà giải và sửa đổi lại Thập Bất Nhị Môn Chỉ Yếu Sao thì mâu thuẫn hai bên mới dịu đi. Phái của Thiền sư Thiên Thai Đức Thiều từ sau đời của Thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ thì bắt đầu suy vi. Pháp hệ của tông Pháp Nhãn do phái của Thiền sư Thanh Lương Thái Khâm và Quy Tông Nghĩa Nhu nắm giữ. Dưới Thanh Lương Thái Khâm có pháp tử là Thiền sư Vân Cư Đạo Tế, dưới Vân Cư Đạo Tế có pháp tử là Thiền sư Linh Ẩn Văn Thắng. Tuy nhiên các phái này cũng không duy trì được lâu. Đến thời Bắc Tống, Pháp Nhãn tông dung hợp với Vân Môn tông (zh. 雲門宗) rồi sớm điêu tàn và những đặc sắc của tông phái này dần dần được môn nhân của Vân Môn tông cũng như Lâm Tế tông kế thừa. Đặc trưng Nói về tông Pháp Nhãn, Thiền sư Cao Phong Nguyên Diệu đời Nguyên mô tả Thiền phong của tông Pháp Nhãn là "rõ ràng trong sáng". Còn trong Ngũ Gia Tham Tường Yếu Lược Môn (1788) của Tôrei Enji (Đông Lĩnh Viên Từ, 1721-1791) thì có khuynh hướng dùng ngành nghề để nói về các tông phái Thiền, Enji ví tông này với người thương nhân (Pháp Nhãn thương nhân). Về phong cách giáo hoá thì các Thiền sư tông này có xu hướng "Tiên lợi tế", nghĩa là tùy thuận căn cơ của người học mà chân thành, khẩn thiết dìu dắt giúp họ được khai ngộ mau chóng. Tắc 7 của Bích Nham Lục là một ví dụ: Tuệ Siêu hỏi: "Thế nào là Phật?". Pháp Nhãn đáp: "Ông là Tuệ siêu!". Ngay câu nói đó, Tuệ Siêu liền đại ngộ. Bên cạnh đó, các Thiền sư của tông này cũng rất ưa niêm đề các cổ tắc, công án và trong các tác phẩm do các vị Thiền sư tông này sáng tác thường có phụ thêm phần Trứ ngữ (lời bình) cho các cổ tắc, công án. Ảnh hưởng Tại Triều Tiên Vua Quang Tông nước Cao Ly vì cảm mộ Thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ nên từng viết thư xin được nhận làm đệ tử. Sau đó lại phái 36 vị tăng sang Trung Quốc tham học với Thiền sư Vĩnh Minh và tất cả đều đắc pháp, nhờ đó mà tông Pháp Nhãn được truyền bá sang Triều Tiên, đến nay vẫn còn. Truyền thừa 1/ Thiền sư Huyền Sa sư Bị (Thủy tổ) 2/ Thiền sư La Hán Quế Sâm 3/ Thiền sư Pháp Nhãn Văn Ích (Khai tổ) 4/ Thiền sư Quy Tông Nghĩa Nhu 4/ Thiền sư Sùng Thọ Khế Trù 5/ Thiền sư Thiên Đồng Tử Ngưng 4/ Thiền sư Bách Trượng Đạo Hằng (zh. 百丈道恆) 4/ Thiền sư Pháp Đăng Thái Khâm 5/ Thiền sư Vân Cư Đạo Tế 6/ Thiền sư Linh Ẩn Văn Thắng 4/ Thiền sư Báo Ân Pháp An (zh. 報恩法安) 4/ Thiền sư Thiên Thai Đức Thiều (zh. 天台德韶) 5/ Thiền sư Bản Tiên Đức Lộc 5/ Thiền sư Chí Phùng Hoa Nghiêm 5/ Thiền sư Vĩnh An Đạo Nguyên (zh. 永安道原) 5/ Thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ (zh. 永明延壽) Nguồn tham khảo và chú thích Phật giáo Trung Quốc Thiền tông Tông phái Phật giáo
Radar (phiên âm tiếng Việt: ra-đa) là thuật ngữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh radio detection and ranging (dò tìm và định vị bằng sóng vô tuyến). Đây là một hệ thống dò tìm sử dụng sóng vô tuyến để xác định khoảng cách (phạm vi), góc phương vị hoặc vận tốc của 1 hoặc nhiều đối tượng, có thể được sử dụng để phát hiện khí cụ bay, tàu thủy, thiết bị vũ trụ, tên lửa tự hành, phương tiện cơ giới, hình thái thời tiết và địa hình. Được sử dụng phổ biển trong hàng hải, hàng không và quân sự. Lịch sử Những thử nghiệm phát hiện vật thể với sóng radio đầu tiên được thực hiện vào năm 1904 bởi nhà phát minh người Đức Christian Hülsmeyer. Ông đã chứng minh khả năng phát hiện một con tàu trong điều kiện sương mù dày đặc nhưng không thể xác định khoảng cách so với máy phát. Ông được cấp bằng sáng chế cho phát minh này vào tháng 4/1904 và sáng chế sau đó đã được Hülsmeyer cải tiến với khả năng ước lượng khoảng cách đến con tàu. Năm 1917, nhà phát minh Nikola Tesla đã đưa ra ý tưởng về những thiết bị giống radar. Theo đó: "bằng việc sử dụng sóng điện từ, có thể tạo ra một hiệu ứng điện trong mọi khu vực riêng biệt trên địa cầu và có thể xác định vị trí lân cận hoặc hướng chuyển động, tốc độ chuyển động của vật thể chẳng hạn như tàu thuyền ngoài biển…". Trong suốt những năm 1920 đến 1930, Mỹ, Đức, Pháp, Liên Xô và đặc biệt là Anh đã tập trung nghiên cứu về radar và công nghệ này được xem là một bí mật quân sự. Tuy nhiên, mặc dù đã bỏ ra rất nhiều thời gian nghiên cứu nhưng những hệ thống radar tốt nhất lúc bấy giờ chỉ có thể cung cấp thông tin về phương hướng của những vật thể lớn xuất hiện trong một khoảng cách gần. Những thông số về khoảng cách và độ cao so với mặt biển vẫn chưa thể tính toán được. Robert Watson Watt - một nhà cố vấn khoa học trong lĩnh vực truyền thông đã được mời đến Ban chiến tranh của Anh (BWC) để đánh giá về một chùm tia chết (death ray - trên lý thuyết là một chùm hạt hay một loại vũ khí điện từ). Tại đây ông đã phát minh ra một thiết bị radar hoàn chỉnh, sử dụng trong quân sự và ngày 26/2/1935, phát minh này của ông được cấp bằng sáng chế. Ngay sau khi ra đời, radar đã phát huy tác dụng chiến lược của nó trong trận không chiến tại Anh diễn ra năm 1940. Mặc dù chỉ có cự ly hoạt động trong 10 dặm (16 km) nhưng hệ thống đã có độ phân giải đủ lớn để có thể phát hiện một máy bay ném bom hay tiêm kích đang đến gần. Quan trọng hơn, hệ thống đã được sử dụng để chỉ dẫn cho các máy bay tiêm kích của Anh chống lại không quân Đức ngay từ mặt đất trong khi máy bay Đức phải "đi săn" mục tiêu trên không. Bước đột phá thật sự chỉ xuất hiện khi một hệ thống radar nhận dạng hiện đại được tạo ra nhờ phát minh của sóng cực ngắn (vi ba) sử dụng trong nhà hay chính xác là từ thiết bị tạo ra sóng vi ba - magnetron. Magnetron được phát minh bởi John Randall và Harry Boot vào năm 1940 tại đại học Birmingham, tuy vậy, cự ly của radar vẫn chưa lớn, chỉ hơn 80 km. Nguyên lý Radar hoạt động ở tần số vô tuyến siêu cao tần, có bước sóng siêu cực ngắn, dưới dạng xung được phát theo một tần số lập xung nhất định. Nhờ vào ănten, sóng radar tập trung thành một luồng hẹp phát vào trong không gian. Trong quá trình lan truyền, sóng radar gặp bất kỳ mục tiêu nào thì nó bị phản xạ trở lại. Tín hiệu phản xạ trở lại được chuyển sang tín hiệu điện. Nhờ biết được vận tốc sóng, thời gian sóng phản xạ trở lại nên có thể biết được khoảng cách từ máy phát đến mục tiêu. Sóng radio có thể dễ dàng tạo ra với cường độ thích hợp, có thể phát hiện một lượng sóng cực nhỏ và sau đó khuếch đại vài lần. Vì thế radar thích hợp để định vị vật ở khoảng cách xa mà các sự phản xạ khác như của âm thanh hay của ánh sáng là quá yếu không đủ để định vị. Tuy nhiên, sóng radio không truyền xa được trong môi trường nước, do đó, dưới mặt biển, người ta không dùng được radar để định vị mà thay vào đó là máy sonar dùng siêu âm. Sự phản xạ Đặc trưng vật lý cho khả năng mà một vật phản xạ hay tán xạ sóng radio là diện tích phản xạ hiệu dụng. Sóng điện từ phản xạ (tán xạ) từ các bề mặt nơi có sự thay đổi lớn về hằng số điện môi hay hằng số nghịch từ. Có nghĩa là một chất rắn trong không khí hay chân không, hoặc một sự thay đổi nhất định trong mật độ nguyên tử của vật thể với môi trường ngoài, sẽ phản xạ sóng radar. Điều đó đặc biệt đúng với các vật liệu dẫn điện như kim loại hay sợi cacbon, làm cho radar đặc biệt thích hợp để định vị các máy bay hay tàu thuyền. Các vật liệu hấp thụ radar, gồm có các chất có điện trở và có từ tính, dùng trong các thiết bị quân sự để giảm sự phản xạ radar, giúp cho chúng khó bị phát hiện hơn trên màn radar. Phương pháp trong kỹ thuật sóng vô tuyến này tương đương với việc sơn vật thể bằng các màu tối trong sóng ánh sáng. Sóng radar tán xạ theo nhiều cách phụ thuộc vào tỷ lệ giữa kích thước của vật thể tán xạ với bước sóng của sóng radio và hình dạng của vật. Nếu bước sóng ngắn hơn nhiều so với kích thước vật, tia sóng sẽ dội lại tương tự như tia sáng phản chiếu trên gương. Nếu như bước sóng lớn hơn so với kích thước vật, vật thể sẽ bị phân cực, giống như một ăngten phân cực. Điều này được miêu tả trong hiện tượng tán xạ Rayleigh (một hiệu ứng làm bầu trời có màu xanh lam). Khi 2 tia có cùng cường độ thì có hiện tượng cộng hưởng. Bước sóng radar càng ngắn thì độ phân giải hình ảnh trên màn radar càng rõ. Tuy nhiên các sóng radar ngắn cần nguồn năng lượng cao và định hướng, ngoài ra chúng dễ bị hấp thụ bởi vật thể nhỏ (như mưa và sương mù....), không dễ dàng đi xa như sóng có bước sóng dài. Các radar thế hệ đầu tiên dùng sóng có bước sóng lớn hơn mục tiêu và nhận được tia phản hồi có độ phân giải thấp đến mức không nhận diện được, trái lại các hệ thống hiện đại sử dụng sóng ngắn hơn (vài xentimét hay ngắn hơn) có thể họa lại hình ảnh một vật nhỏ như bát cơm hay nhỏ hơn. Sóng radio phản xạ từ bề mặt cong hay có góc cạnh, tương tự như tia sáng phản chiếu từ gương cầu. Ví dụ, đối với tia sóng radio ngắn, hai bề mặt tạo nhau một góc 90° sẽ có khả năng phản chiếu mạnh. Cấu trúc bao gồm 3 mặt phẳng gặp nhau tại 1 góc, như là góc của hình hộp vuông, luôn phản chiếu tia tới trực tiếp trở lại nguồn. Thiết kế này áp dụng cho vật phản chiếu góc dùng làm vật phản chiếu với mục đích làm các vật khó tìm trở nên dễ dàng định dạng, thường tìm thấy trên tàu để tăng sự dò tìm trong tình huống cứu nạn và giảm va chạm. Cùng một lý do đó, để tránh việc bị phát hiện, người ta có thể làm cho các bề mặt có độ cong thích hợp để giảm các góc trong và tránh bề mặt và góc vuông góc với hướng định vị. Các thiết kế kiểu này thường dẫn đến hình dạng kỳ lạ của các máy bay tàng hình. Các thận trọng như thế không hoàn toàn loại bỏ sự phản xạ gây ra bởi sự nhiễu xạ, đặc biệt với các bước sóng dài. Để giảm hơn nữa tín hiệu phản xạ, các máy bay tàng hình có thể tung ra thêm các mảnh kim loại dẫn điện có chiều dài bằng nửa bước sóng, gọi là các miếng nhiễu xạ, có tính phản xạ cao nhưng không trực tiếp phản hồi năng lượng trở lại nguồn. Phân cực Sự phân cực thể hiện hướng dao động của sóng; với sóng điện từ, mặt phẳng phân cực là mặt phẳng chứa vector dao động từ trường. Radar sử dụng sóng radio được phân cực ngang, phân cực dọc, và phân cực tròn tùy theo từng ứng dụng cụ thể để định vị tốt hơn các loại phản xạ. Ví dụ, phân cực tròn dùng để làm giảm thiểu độ nhiễu xạ tạo bởi mưa. Sóng phản xạ bị phân cực phẳng thường cho biết sóng được dội lại từ bề mặt kim loại, và giúp radar tìm kiếm vượt trở ngại mưa. Các sóng radar có tính phân cực ngẫu nhiên thường là cho biết bề mặt phản xạ như đất đá, và được sử dụng bằng radar cho tàu bè. Hiện tượng nhiễu sóng Hệ thống radar phải vượt qua một số nguồn sóng khác để tập trung trên mục tiêu thật sự. Các sóng làm nhiễu bắt nguồn từ các nguồn bên trong và bên ngoài, gồm chủ động và bị động. Khả năng vượt qua các sóng không mong đợi được định nghĩa là tỉ số tín hiệu trên nhiễu (signal-to-noise ratio hay SNR). Trong cùng một môi trường nhiễu, tỉ số SNR càng lớn, thì hệ thống radar càng dễ định vị vật. Nhiễu Sóng nhiễu luôn được phát ra kèm theo tín hiệu từ nội nguồn của sóng, thường gây ra bởi thiết kế điện tử không thực sự đồng bộ sử dụng các linh kiện điện tử chưa tối ưu. Nhiễu chủ yếu xuất hiện như là sóng dội nhận được từ đầu thu vào thời điểm thật sự không có sóng radar nào được nhận. Vì thế, hầu hết các nhiễu đều xuất hiện ở đầu thu và các nỗ lực để giảm thiểu yếu tố này tập trung trong thiết kế đầu thu. Để lượng hóa độ nhiễu, người ta đưa ra chỉ số nhiễu, là tỷ số giữa cường độ sóng nhiễu thu được trên đầu nhận so với một đầu nhận lý tưởng. Chỉ số này cần được giảm thiểu. Băng tần
Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm (zh. 大方廣佛華嚴經, sa. Mahāvaipulya Buddhāvataṃsaka Sūtra, ja. Daihō Kōbutsu Kegonkyō), thường được gọi tắt là kinh Hoa Nghiêm (sa. Avataṃsakasūtra) là một kinh điển Đại thừa. Kinh Hoa Nghiêm được đánh giá là kinh điển đồ sồ nhất và dài nhất trong số các kinh của Phật giáo, theo nhận xét của dịch giả Thomas Cleary thì kinh này là "hoành tráng nhất, toàn thiện nhất và cấu tứ thẩm mỹ nhất trong số tất cả kinh điển Phật giáo." Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm thuộc dòng Phương Quảng trong mười hai bộ kinh. Tương truyền kinh này gồm ba bản do mỗi thân Phật trong Tam thân Phật thuyết và được cất giữ ở Long Cung (cung loài Naga). Sau này, chỉ có bản kinh của Ứng thân (Phật Thích-ca Mâu-ni) được truyền lên nhân gian. Kinh này gồm 40 phẩm trải đều 81 quyển (Hán bản) trong đó quan trọng nhất là phẩm Nhập Pháp giới (phẩm 39) và phẩm Nhập Bất Tư Nghì Giải Thoát Cảnh Giới Phổ Hiền Hạnh Nguyện (phẩm 40, là một trong năm kinh điển căn bản của Tịnh Độ tông). Kinh Hoa Nghiêm được xem là kinh điển quan trọng nhất của Hoa Nghiêm tông. Kinh nhấn mạnh đến tính "vô ngại" của mọi hiện tượng và chủ trương rằng tâm con người chính là vũ trụ và đồng thể với tâm Phật. Quan điểm này của Đại thừa hay được Thiền tông nhấn mạnh và vì thế, kinh này cũng thường được tông này nhắc đến. Kinh Hoa nghiêm thuộc về những bộ kinh hệ Phương đẳng, là một bộ kinh gồm 81 quyển mà phần dài nhất là phẩm Hoa nghiêm (sa. gaṇḍavyūha). Một phần quan trọng độc lập khác là Thập địa (sa. daśabhūmika). Ngày nay người ta chỉ còn tìm thấy kinh Hoa Nghiêm trong dạng chữ Hán và chữ Tây Tạng, phần chữ Hán được dịch trong thế kỉ thứ 5. Giáo pháp trong kinh này không phải do Phật Thích-ca trực tiếp truyền dạy – trong hội này Phật nói rất ít – mà là phát biểu của các dạng xuất hiện của Pháp thân (Tam thân). Sự im lặng của Phật Thích-ca biểu hiện tính Không và sự truyền dạy giáo pháp được hiểu là một dạng của Chân như, xuất hiện cho con người hiểu được. Tương truyền kinh này rất khó hiểu, chỉ các Đại Bồ Tát mới lĩnh hội được. Bộ kinh này được dịch ra Hán văn dưới ba dạng, bộ 40 quyển của Bát-nhã (sa. prajñā), bộ 60 quyển của Phật-đà-bạt-đà-la (cũng gọi là Giác Hiền, sa. buddhabhadra), và bộ 80 quyển của Thật-xoa-nan-đà (sa. śikṣānanda). Phẩm Hoa Nghiêm – chữ Phạn là gaṇḍavyūha – tương đương với bộ 40 quyển của Pháp sư Bát-nhã nên cũng được gọi là Tứ thập hoa nghiêm. Gaṇḍavyūha thường được xem là toàn bộ Hoa Nghiêm kinh (sa. avataṃsaka hoặc buddhāvataṃsaka) bởi vì bộ kinh Đại thừa mang biệt danh Gaṇḍavyūha được xem như là 9 bộ kinh cốt yếu ở Nepal. Tại Trung Quốc và Tây Tạng, phẩm Gaṇḍavyūha được gọi là phẩm "Nhập Pháp giới" (zh. 入法界, sa. dharmadhātupraveṣa). Như vậy, bộ Đại phương quảng Phật hoa nghiêm kinh bao gồm cả Gaṇḍavyūha. Đây là phẩm dài nhất và quan trọng nhất của bộ kinh, được Phật Thích-ca thuyết tại thành Xá-vệ (sa. śrāvastī), tả cảnh Thiện Tài đồng tử (sa. sudhana) đi tìm đạo dưới sự hướng dẫn của Văn-thù-sư-lợi (sa. mañjuśrī). Thiện tài đồng tử tham vấn 53 vị Thánh nhân, kể cả Di-lặc (sa. maitreya), vị Phật tương lai. Cuối cùng Thiện Tài gặp được Phổ Hiền (sa. samantabhadra), được vị này giáo hoá và đạt Bồ-đề. Đoạn cuối của phẩm này trình bày mười đại nguyện của Phổ Hiền, là cơ sở của một đời sống Bồ Tát. Phẩm này trở thành giáo lý căn bản của Hoa Nghiêm tông. Hai bài kệ quan trọng của kinh Hoa Nghiêm là (Thích Duy Lực dịch):
Động Sơn Lương Giới (zh. dòngshān liángjiè 洞山良价, ja. tōzan ryōkai, 807-869) là Thiền sư Trung Quốc đời Đường, pháp tự của Thiền sư Vân Nham Đàm Thạnh. Cùng với môn đệ là Tào Sơn Bản Tịch, sư sáng lập tông Tào Động - một dòng Thiền vẫn còn lưu truyền đến ngày nay tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam và được truyền sang phương Tây. Sư quyền khai Ngũ vị để giáo hoá học đồ, đời sau gọi là Động Sơn ngũ vị. Cơ duyên và hành trạng Sư họ Du, húy là Lương Giới, quê ở Cối Kê, tỉnh Triết Giang. Thuở nhỏ theo thầy tụng Bát-nhã-ba-la-mật-đa tâm kinh đến câu: "Vô nhãn, nhĩ, tĩ, thiệt, thân, ý", sư lấy tay rờ mặt hỏi thầy: "Con có mắt, tai, mũi, lưỡi sao kinh nói không?". Thầy thấy lạ và giới thiệu sư đến núi Ngũ Duệ yết kiến Thiền sư Linh Mặc (trước học với Mã Tổ, sau đại ngộ nơi Thạch Đầu). Năm 21 tuổi, sư đến Tung Sơn thụ giới cụ túc. Sau đó sư du phương, yết kiến Nam Tuyền Phổ Nguyện. Gặp ngày kị trai Mã Tổ, Nam Tuyền hỏi chúng: "Cúng trai Mã Tổ, vậy Mã Tổ có đến hay chăng?". Tất cả chúng không đáp được, sư bước ra thưa: "Đợi có bạn liền đến". Nam Tuyền khen: "Chú nhỏ này tuy là hậu sinh rất dễ giũa gọt". Sư thưa: "Hoà thượng chớ ếm kẻ lành thành đứa giặc". Sư đến Quy Sơn Linh Hựu tham vấn. Quy Sơn lại chỉ đến Vân Nham. Đến Vân Nham sư hỏi: "Vô tình thuyết pháp, người nào được nghe?" Vân Nham bảo: "Vô tình thuyết pháp, vô tình được nghe." Sư hỏi: "Hoà thượng nghe chăng?" Vân Nham bảo: "Ta nếu nghe, ngươi đâu thể được nghe ta thuyết pháp." Sư thưa: "Con vì sao chẳng nghe?" Vân Nham dựng phất tử, hỏi: "Lại nghe chăng?" Sư thưa: "Chẳng nghe." Vân Nham bảo: "Ta thuyết pháp mà ngươi còn chẳng nghe, huống là vô tình thuyết pháp." Sư hỏi: "Vô tình thuyết pháp gồm những kinh điển gì?" Vân Nham bảo: "Đâu không thấy kinh A-di-đà nói: nước, chim, cây rừng thảy đều niệm Phật, niệm pháp?" Ngay câu này sư có tỉnh, thuật bài kệ: Hán văn 也大奇!也大奇! 無情說法不思議 若將耳聽終難會 眼處聞時方得知 Phiên âm Dã đại kì, Dã đại kì Vô tình thuyết pháp bất tư nghì Nhược tương nhĩ thính chung nan hội Nhãn xứ văn thì phương đắc tri. Dịch nghĩa Cũng rất kì! Cũng rất kì! Vô tình thuyết pháp chẳng nghĩ nghì Nếu lấy tai nghe trọn khó hội Phải đem mắt thấy mới liễu tri. Sắp rời Vân Nham, sư hỏi: "Sau khi Hoà thượng trăm tuổi, chợt có người hỏi ‘tả được hình dáng của thầy chăng?’ con phải đáp làm sao?". Vân Nham lặng thinh hồi lâu, bảo: "Chỉ cái ấy". Sư trầm ngâm giây lâu, Vân Nham bảo: "Xà-lê Lương Giới thừa đương việc lớn phải xét kĩ". Sư vẫn còn hồ nghi. Sau, sư nhân qua suối nhìn thấy bóng, đại ngộ ý chỉ, liền làm bài kệ: Hán văn 切忌從他覓 迢迢與我疏 我今獨自往 處處得逢渠 渠今正是我 我今不是渠 應修甚麼會 方得契如如 Phiên âm Thiết kị tòng tha mịch Thiều thiều dữ ngã sơ Ngã kim độc tự vãng Xứ xứ đắc phùng cừ Cừ kim chính thị ngã Ngã kim bất thị cừ Ưng tu thậm ma hội Phương đắc khế như như. Dịch nghĩa Rất kị tìm nơi khác Xa xôi bỏ lãng ta Ta nay riêng tự đến Chỗ chỗ đều gặp va Va nay chính là ta Ta nay chẳng phải Va Phải nên như thế hội Mới mong hợp như như. Đến thời pháp nạn phế Phật Hội Xương (845), Đường Vũ Tông ra lệnh phá bỏ chùa chiền, cưỡng bức tăng ni hoàn tục. Sư lánh nạn chờ thời cơ hoằng dương Phật pháp. Niên hiệu Đại Trung (zh. 大中, 847-860), sư đến trú tại động Tân Phong ở vùng Cao An, tỉnh Giang Tây. Có vị đại thí chủ là Lôi Hoành xin quy y theo sư và phát tâm xây cất Động Sơn Quảng Phúc tự (zh. 洞山廣福寺), tức là Phổ Lợi Thiền viện (zh. 普利禪院) để cúng dường sư. Sư trụ trì ở đây và xiển dương tông phong của mình rất được thịnh hành, đồ chúng không dưới một nghìn người . Dưới sư có rất nhiều môn đệ nổi danh, trong đó điển hình nhất là Vân Cư Đạo Ưng, Tào Sơn Bản Tịch, Sơ Sơn Khuông Nhân, Long Nha Cư Độn. Đặc biệt, pháp hệ của Tào Sơn Bản Tịch hợp lại với sư mà trở thành tông Tào Động. Lúc Tào Sơn sắp rời đi nơi khác, sư dạy: "Thời mạt pháp, con người phần nhiều là càn huệ, nếu muốn phân biệt chân ngụy thì có ba loại Sấm lậu. Thứ nhất là Kiến sấm lậu, tức căn cơ không lìa địa vị, đọa lạc tại biển độc; thứ hai là Tình sấm lậu, tức bị kẹt tại thủ xả, chỗ thấy thiên khô; thứ ba là Ngữ sấm lậu, tức chuyên nghiên cứu ngữ cú của Tổ sư mà đánh mất Tông chỉ, trước sau mờ mịt. Trí ô trọc của người học lưu chuyển, tất cả chẳng ngoài ba loại này, ông cần phải biết rõ!". Sư răn dạy chúng: Sắp tịch, sư sai cạo tóc tắm gội xong, đắp y bảo chúng đánh chuông, giã từ chúng ngồi yên mà tịch. Đại chúng khóc lóc mãi không dứt. Sư chợt mở mắt bảo: "Người xuất gia tâm chẳng dính mắc nơi vật, là tu hành chân chính. Sống nhọc thích chết, thương xót có lợi ích gì?". Sư bảo chủ sự sắm trai để cúng dường. Chúng vẫn luyến mến quá, kéo dài đến ngày thứ bảy. Thụ trai cùng chúng xong, sư bảo: "Tăng-già không việc, sắp đến giờ ra đi, chớ làm ồn náo!". Nói xong sư vào trượng thất ngồi yên mà tịch. Bấy giờ là ngày 8 tháng 3 năm thứ mười (869), niên hiệu Hàm Thông đời Đường. Sư thọ 63 tuổi, 42 tuổi hạ. Vua sắc phong là Ngộ Bản Thiền sư, đệ tử đem nhục thân sư nhập tháp Huệ Giác ở Động Sơn Quảng Phúc tự, đến nay vẫn còn. Tác phẩm của sư để lại có Thuỵ Châu Động Sơn Lương Giới Thiền Sư Ngữ Lục (zh. 瑞州洞山良价禪師語録), Bảo Kính Tam Muội Ca (zh. 寶鏡三昧歌), Huyền Trung Minh. Nguồn tham khảo và chú thích Thiền sư Trung Quốc Sinh năm 807 Mất năm 869 Đại sư Phật giáo Tào Động tông Người Chiết Giang
Động Sơn ngũ vị (zh. 洞山五位, ja. tōzan (ryōkai) go-i), còn được gọi là Ngũ vị quân thần, là năm địa vị của giác ngộ, được Thiền sư Động Sơn Lương Giới và môn đệ là Tào Sơn Bản Tịch đề xướng. Biểu thị Chính (正) ở đây có nghĩa là Thể, tính Không (空), Lý (理). Thiên (偏) chỉ cho Dụng (用), Sắc (色), Sự (事). Ngũ vị được nêu rõ như sau: 1. Chính trung Thiên (正中偏): có nghĩa là cái Dụng nằm trong Lý. Trong cấp nhận thức này, thế giới Hữu vi nắm phần trên nhưng được nhận diện là xuất phát từ Chân như, tính Không. Người tu mới nhận được dụng đủ nơi thể. Bài kệ tụng của Sư: 正中偏 三更初夜月明前 莫怪相逢不相識 隱隱猶懷舊日嫌 Chính trung thiên Tam canh sơ dạ nguyệt minh tiền Mạc quái tương phùng bất tương thức Ẩn ẩn du hoài cựu nhật hiềm. Chính trung thiên Đêm tối canh ba trăng rọi hiên Lạ chi cùng gặp chẳng cùng biết Ẩn ẩn vẫn còn ôm hận phiền 2. Thiên trung Chính (偏中正): có nghĩa là Lý nằm trong Dụng. Trong vị này, sự bất phân nổi bật, thế giới hiện hữu ít được để ý đến. Người tu hành nhận được Lý đủ nơi Sự, nhận được Thể sẵn trong Dụng, liễu đạt được lý các pháp đều không, chỉ một Chân như bình đẳng. Bài tụng: 偏中正 失曉老婆逢古鏡 分明覿面別無真 休更迷頭猶認影. Thiên trung chính Thất hiểu lão bà phùng cổ cảnh Phân minh địch diện biệt vô chân Hưu cánh mê đầu do nhận ảnh. Thiên trung chính Mất sáng lão bà tìm cổ kính Rõ ràng đối diện đâu riêng chân Thôi chớ quên đầu theo nhận bóng. 3. Chính trung lai (正 中 來): nghĩa là từ trung tâm giữa Thiên và Chính đến. Các pháp hữu vi như Lý tuỳ duyên, như tính duyên khởi. Nơi đây cảm giác về thân, tâm đều được bỏ qua một bên, cả hai đều biến mất. Người tu nơi đây như Lý tu Sự, như tính khởi hành, tương đương với Bồ Tát từ sơ địa đến thất địa (Thập địa) tu hành còn dụng công. Bài tụng: 正中來 無中有路隔塵埃 但能不觸當今諱 也勝前朝斷舌才 Chính trung lai Vô trung hữu lộ cách trần ai Đản năng bất xúc đương kim huý Dã thắng tiền triều đoạn thiệt tài. Chính trung lai Đường cái trong không cách trần ai Chỉ hay chẳng chạm ngày nay kị Đã thắng tiền triều cắt lưỡi tài. 4. Thiên trung chí (偏 中 至): bước vào giữa Thiên và Chính. Nơi đây người tu cảm nhận được sự độc nhất vô nhị của mỗi Pháp. Ngay cả tính Không cũng đã biến mất trong pháp này. Sử dụng toàn hợp nơi thể người tu trọn ngày tu mà lìa niệm tu, trọn đêm dụng mà chẳng thấy dụng công. Tương đương với hàng Bồ Tát từ bát địa đến thập địa. Tụng: 偏中至 兩刃交鋒不須避 好手猶如火裡蓮 宛然自有沖天志 Thiên trung chí Lưỡng nhẫn giao phong bất tu tị Hảo thủ du như hoả lý liên Uyển nhiên tự hữu xung thiên chí. Thiên trung chí Hai kiếm đua nhau cần gì tránh Tay khéo vẫn như lò lửa sen Nguyên vẹn nơi mình xung thiên chí. 5. Kiêm trung đáo (兼中到): Đã đến đích, đến trung tâm của hai thái cực Thiên và Chính. Thể Dụng đồng đến, Sự và Lý cùng hành. Tức là vị quân thần hiệp (vua tôi hiệp). Đây là Phật quả tối thượng. Bài tụng: 兼中到 不落有無誰敢和 人人盡欲出常流 折合還歸炭裡坐. Kiêm trung đáo Bất lạc hữu vô thuỳ cảm hoà Nhân nhân tận dục xuất thường lưu Chiết hiệp hoàn quy khôi lý toạ. Kiêm trung đáo Chẳng rơi Không, có ai dám hoà Người người trọn muốn vượt dòng thường Tan hiệp trở về ngồi trong tro Tào Sơn Bản Tịch Thiền sư giải: "Chính vị tức xưa nay Không giới, xưa nay không vật. Thiên vị là sắc giới có muôn hình tượng. Chính trung thiên: bỏ Lý theo Sự. Thiên trung chính: bỏ Sự về Lý. Kiêm trung đáo: thần ứng hợp các duyên, không rơi vào các cõi, chẳng phải nhiễm, tịnh, chính, thiên. Cho nên nói ‘Đại đạo hư huyền, chân tông vô trước.’ Các bậc tiên đức suy một vị này tối diệu tối huyền, phải biện minh cho thấu triệt. Quân là Chính vị, Thân là Thiên vị, Thần hướng Quân là Thiên trung Chính, Quân thị Thần là Chính trung Thiên, Quân Thần đạo hiệp là Kiêm trung đáo." Tương truyền rằng, Động Sơn được thầy là Vân Nham Đàm Thạnh chân truyền thuyết Ngũ vị và truyền lại cho Tào Sơn, người đã phát triển và hoàn chỉnh công thức này. Ngũ vị được xem là công thức biện chứng tuyệt hảo nhất của Thiền tông Trung Quốc. Thiền sư Bạch Ẩn Huệ Hạc (ja. hakuin ekaku) bảo rằng "Ngũ vị là nguyên lý chính của Phật giáo và con đường tu tập tối trọng của Thiền tông." Thuyết Ngũ vị của Thiền sư Động Sơn tương ưng với Tứ pháp giới của Hoa Nghiêm tông, được Pháp sư Thanh Lương Trừng Quán (737-838) đề xướng. 1. và 2. của Ngũ vị tương ưng với Sự pháp giới, 3. tương ưng với Lý pháp giới, 4. tương ưng với Lý sự vô ngại pháp giới và 5. tương ưng với Sự sự vô ngại pháp giới. Ngũ vị của tông Tào Động sau cũng được tông Lâm Tế hấp thụ. Thiền sư Phần Dương Thiện Chiêu có lẽ là người đầu tiên sử dụng thuyết này và những bài kệ thuyết giảng của sư được ghi lại trong tập thứ hai của Phần Dương lục (3 tập), được Thiền sư Thạch Sương Sở Viên biên tập. Phần Dương lục cũng là tập Công án quan trọng đầu tiên của Thiền tông Trung Quốc.
Ngụy Văn Thà (1943-1974) là một sĩ quan Chỉ huy của Hải quân Việt Nam Cộng hòa thuộc Quân lực Việt Nam Cộng hòa, cấp bậc Hải quân Thiếu tá. Chức vụ cuối cùng của ông là Hạm trưởng Hộ tống hạm Nhật Tảo HQ-10. Ông đã tử trận trong hải chiến Hoàng Sa ngày 19 tháng 1 năm 1974, được truy thăng cấp bậc Hải quân Trung tá. Tiểu sử Ông sinh ngày 16 tháng 1 năm 1943 tại Trảng Bàng, Tây Ninh trong một gia đình điền chủ khá giả. Ông học Tiểu học và Trung học đệ nhất cấp ở Tây Ninh. Khi lên đệ nhị cấp, ông được gia đình cho về học ở Sài Gòn. Năm 1962, ông tốt nghiệp Trung học đệ nhị cấp với văn bằng Tú tài toàn phần (Part II). Binh nghiệp Năm 1963, ông nhập ngũ vào quân đội, tình nguyện gia nhập lực lượng Hải quân Việt Nam Cộng hòa, ông được theo học khóa 12 Đệ nhất Song ngư tại Trường Sĩ quan Hải quân tại Nha Trang. Tháng 3 năm 1964 mãn khóa tốt nghiệp với cấp bậc Hải quân Thiếu úy ngành chỉ huy. Sau khi ra trường, ông được thực tập trên Hải vận hạm LST-1166/MSS-2 Washtenaw County thuộc Hạm đội 7 của Hoa Kỳ. Sau đó chuyển về phục vụ trên Tuần dương hạm Ngô Quyền HQ-17 với chức vụ Thuyền phó. Ngày Quân lực 19 tháng 6 năm 1966, ông được thăng cấp Hải quân Trung úy tại nhiệm. Năm 1967, ông được cử giữ chức vụ Chỉ huy phó Giang đoàn 23 đóng tại Vĩnh Long. Ngày Quốc khánh 1 tháng 11 năm 1969, ông được thăng cấp Hải quân Đại úy và chuyển sang Tuần duyên đĩnh (Patrol Boat) Kèo Ngựa HQ-604 giữ chức vụ Thuyền trưởng. Tháng 4 năm 1972, ông được thăng cấp Hải quân Thiếu tá, chuyển đi làm Hạm trưởng Giang pháo hạm (Landing Ship Infantry Ligth) Tầm Sét HQ-331. Ngày 16 tháng 9 năm 1973, chuyển sang Hộ tống hạm Nhật Tảo HQ-10 với chức vụ Hạm trưởng. Hải chiến Hoàng Sa 1974 Ngày 18 tháng 1 năm 1974, Hộ tống hạm Nhật Tảo HQ-10 do ông chỉ huy đang tuần tiễu tại vùng biển Đà Nẵng thì được lệnh hành quân trực chỉ quần đảo Hoàng Sa, tiếp ứng lực lượng Hải đội Việt Nam Cộng hòa tại đây. Bấy giờ, tàu HQ-10 đang có một máy chính và radar hải hành đang ở trạng thái hư hỏng không sử dụng được. Vào lúc 10 giờ 22 phút sáng ngày 19 tháng 1 năm 1974, trận giao chiến giữa lực lượng Hải quân Việt Nam Cộng hòa và Hải quân Trung Quốc đã nổ ra. Mỗi bên đều có 4 tàu, tuy nhiên tàu của Quân lực VNCH to hơn và trang bị hỏa lực mạnh hơn nhiều. Phía Trung Quốc, hai chiến hạm Trung Quốc mang số 389 và 396 đồng loại tấn công thẳng vào soái hạm của Việt Nam Cộng hòa là chiếc Tuần dương hạm]] Lý Thường Kiệt HQ-16. HQ-10 lập tức can thiệp, pháo kích dữ dội, bắn trúng đài chỉ huy của tàu 389 và làm cháy phòng máy khiến 389 bị hư hại nặng, không thể điều khiển được nữa. Các tàu Trung Quốc 389 và 396 chuyển làn nhắm vào HQ-10 và phản pháo. HQ-10 bị bắn trúng tháp pháo và buồng điều khiển, làm Hạm trưởng và Hạm phó Nguyễn Thành Trí bị thương nặng, tay lái không còn điều khiển được nữa và HQ-10 cũng bị rơi vào tình trạng bị trôi dạt như 389. Trước tình hình tàu bị hư hại nặng, ông ra lệnh cho thủy thủ đoàn dùng bè đào thoát, nhưng một số pháo thủ và ông tiếp tục ở lại bắn vào tàu Trung Quốc. Cả hai 389 và 396 đều bị HQ-10 bắn hư hại, 389 dạt vào một bãi san hô và 396 bị HQ-10 bắn trúng hầm máy gây nổ và phát hỏa. Về phía HQ-10, cơ khí trưởng là Trung úy Huỳnh Duy Thạch cùng các nhân viên cơ khí khác cũng bị tử thương Theo lời kể của Hải quân Trung tá Lê Văn Thự chỉ huy tàu HQ-16 thì: Phân đoàn II (gồm HQ-16 và HQ-10) là cánh tham chiến chủ yếu, còn Phân đoàn I (gồm HQ-4 và HQ-5) chỉ ở bên ngoài "nhìn và đợi". Và vì quá lo sợ Trung Quốc nên tin chắc thế nào Phân đoàn II cũng bị đánh chìm, Hải quân Đại tá Hà Văn Ngạc đã ra lệnh HQ-5 bắn 5 - 7 phát trước khi rút lui, mấy phát đạn này lại bắn trúng vào đồng đội là chiếc HQ-16, khiến tàu HQ-16 bị hỏng nặng. Cũng theo Trung tá Thự thì: ...Tiếp đến HQ-10 báo cáo Hạm trưởng bị thương. Tôi ra lệnh Hạm phó lên thay quyền chỉ huy, đồng thời đặt ống nhòm nhìn sang HQ-10 tôi thấy một ngọn lửa nhỏ cháy ở đài chỉ huy có thể dập tắt được bằng bình CO2 mà sao không ai làm. Quan sát phía sau lái HQ-10 tôi thấy 4, năm cái đầu nhấp nhô trên mặt biển. Tôi không biết chuyện gì xảy ra trên HQ-10 vì không nghe báo cáo gì thêm. Tôi đoán chừng vì Hạm trưởng bị thương nặng nên HQ-10 như rắn mất đầu. Một số thủy thủ nhát gan sợ tàu cháy hay trúng đạn nổ nên đã bỏ tàu nhảy xuống biển. Nhưng HQ-10 vẫn nổi bình thường, thăng bằng, không nghiêng một chút nào cả. Trận chiến Hoàng Sa rất giản dị, chẳng có chiến thuật gì rắc rối, phức tạp cả. Tôi chỉ khai thác sơ hở của ba chiến hạm Trung Quốc tập trung một chỗ trong lòng chảo để tấn công. Nếu thủy thủ đoàn HQ-16 và HQ-10 có kinh nghiệm tác xạ, HQ-16 không bị trúng đạn của đồng đội (HQ-5) và Hạm trưởng HQ-10 không bị thương thì chắc chắn ba tàu Trung Quốc phải bị đánh chìm. Tôi còn nghi vấn về Hạm trưởng HQ-10 bị thương là do đạn của Trung Quốc hay cũng bị trúng đạn của đồng đội là HQ-4, HQ-5 Tới 11 giờ 49 phút, khi các chiến hạm khác của Việt Nam Cộng hòa đã rút khỏi vùng giao chiến, hai chiến hạm Trung Quốc là 281 và 282 tiến vào vùng Hoàng Sa và tập trung hỏa lực bắn vào HQ-10. Hộ tống hạm Nhật Tảo chìm cùng thuyền trưởng và một số thủy thủ ở vị trí cách 2,5 hải lý về hướng nam đá Hải Sâm, lúc 14 giờ 52 phút cùng ngày. Sau khi ông tử trận, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã truy tặng Đệ ngũ đẳng Bảo quốc Huân chương kèm Anh dũng Bội tinh với nhành dương liễu và truy thăng cấp bậc Hải quân Trung tá. Huy chương Ông được tặng thưởng 13 huy chương đủ loại trong đó có: Đệ ngũ đẳng Bảo quốc Huân chương (truy tặng) Anh dũng Bội tinh với nhành dương liễu (truy tặng) Gia đình Ông có vợ là bà Huỳnh Thị Sinh và ba người con gái. Hiện bà và các con vẫn sống ở Việt Nam. Chú thích Sinh năm 1943 Mất năm 1974 Người Tây Ninh Sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng hòa Hải chiến Hoàng Sa 1974 Bảo quốc Huân chương Họ Ngụy
Sơn mài là một phát minh quan trọng trong công nghệ hóa học và nghệ thuật thủ công ở Trung Quốc cổ đại. Nó có nguồn gốc từ thời đại đồ đá mới, thường được sơn màu đỏ son và trang trí bằng màu đen, hoặc sơn màu đen và trang trí bằng màu đỏ son, tạo thành một thế giới đầy màu sắc lộng lẫy trên bề mặt đồ dùng với hoa văn đẹp mắt. Phương pháp này được coi là một trong các chất liệu hội họa ở Châu Á. Đây là sự tìm tòi và phát triển kỹ thuật của nghề sơn (nghề sơn ta) thủ công truyền thống của Việt Nam thành kỹ thuật sơn mài. Tuy nhiên, từ dùng để gọi sơn mài (tiếng Anh: lacquer) thường được hiểu sang các đồ dùng sơn mỹ nghệ của Nhật Bản, Hàn Quốc. Kỹ thuật mài là điểm khác biệt lớn giữa đồ thủ công sơn mỹ nghệ và tranh sơn mài Việt Nam. Đồ sơn mài châu Á, có thể được gọi là "sơn mài thật", là những đồ vật được phủ bằng nhựa cây Toxicodendron vernicifluum đã qua xử lý, nhuộm và sấy khô hoặc các loại cây có liên quan, được phủ nhiều lớp lên đế thường là gỗ. Điều này làm khô thành một lớp bề mặt rất cứng và mịn, bền, không thấm nước và hấp dẫn về cảm giác và vẻ ngoài. Sơn mài châu Á đôi khi được vẽ bằng tranh, khảm vỏ sò và các vật liệu khác, hoặc chạm khắc , cũng như phủ vàng và thực hiện các phương pháp trang trí khác. Trong các kỹ thuật hiện đại, sơn mài có nghĩa là một loạt các lớp phủ trong suốt hoặc có sắc tố khô bằng cách bay hơi dung môi để tạo ra lớp hoàn thiện cứng và bền. Lớp hoàn thiện có thể ở bất kỳ mức độ bóng nào từ siêu mờ đến bóng cao và có thể được đánh bóng thêm theo yêu cầu. Lớp hoàn thiện sơn mài thường cứng hơn và giòn hơn sơn gốc dầu hoặc latex và thường được sử dụng trên các bề mặt cứng và nhẵn. Về các sản phẩm hoàn thiện hiện đại, các sản phẩm hoàn thiện dựa trên sơn cánh kiến hòa tan trong rượu thường được gọi là sơn cánh kiến hoặc nhựa cánh kiến để phân biệt với sơn mài tổng hợp, thường được gọi đơn giản là sơn mài, bao gồm các polyme tổng hợp (chẳng hạn như nitrocellulose , cellulose axetat butyrate ("CAB") , hoặc nhựa acrylic) được hòa tan trong chất pha loãng sơn mài , một hỗn hợp các dung môi hữu cơ khác nhau. Mặc dù sơn mài tổng hợp bền hơn shellac, nhưng lớp hoàn thiện shellac truyền thống vẫn thường được ưa chuộng hơn vì các đặc tính thẩm mỹ của chúng, cũng như chất đánh bóng kiểu Pháp , cũng như các thành phần "hoàn toàn tự nhiên" và nói chung là an toàn. Lịch sử Trung Quốc Cách đây khoảng bảy ngàn năm, tổ tiên người Trung Quốc đã biết làm đồ sơn mài. Theo bằng chứng, vào năm 1978, người ta đã phát hiện ra những chiếc bát gỗ sơn mài đỏ và ống sơn mài đỏ tại Khu văn hóa Hà Mỗ Độ ở Dư Diêu, tỉnh Chiết Giang, sau khi dùng phương pháp hóa học và phân tích quang phổ , sơn là sơn mài tự nhiên. Sau thời nhà Hạ, đồ sơn mài ngày càng nhiều chủng loại, đến thời Chiến Quốc, nghề sơn mài chiếm ưu thế, hình thành một thời thịnh vượng chưa từng có kéo dài suốt 5 thế kỷ. Theo ghi chép, Trang Tử từng làm quan nhỏ phụ trách ngành sơn mài khi còn trẻ. Vào thời Chiến Quốc, quy mô sản xuất đồ sơn mài đã rất lớn, được nhà nước liệt vào khoản thu nhập kinh tế quan trọng, giao cho một người đặc biệt quản lý. Quy trình sản xuất đồ sơn mài phức tạp, tốn nhiều công sức và thời gian, đồ sơn mài có nhiều chủng loại, không chỉ dùng để trang trí đồ đạc, đồ dùng, văn phòng phẩm, tác phẩm nghệ thuật mà còn được dùng làm nhạc cụ, đồ tang lễ, vũ khí. và như thế. Vào thời điểm này, đồ sơn mài rất đắt tiền, nhưng các ông hoàng mới nổi không còn mặn mà với đồ đồng nữa mà chuyển sang quan tâm đến đồ sáng, sạch, dễ rửa, nhẹ, cách nhiệt, chống ăn mòn, khảm và đồ sơn mài nhiều màu sắc nên đồ sơn mài đã thay thế đồ đồng ở một mức độ nhất định. Thời kỳ này, đồ sơn mài thường được sơn đỏ son và trang trí đen, hoặc sơn đen trang trí đỏ son, tạo thành một thế giới sặc sỡ lộng lẫy trên bề mặt đồ dùng với những hoa văn đẹp mắt. Hơn 220 món đồ sơn mài đã được khai quật từ ngôi mộ của Tăng Hầu Ất ở Hồ Bắc. Đây là những đồ sơn mài sớm nhất và lộng lẫy nhất trong các lăng mộ vua Sở, có đầy đủ chủng loại, kích thước lớn nhỏ, kiểu dáng đơn giản, những đồ sơn mài tinh xảo này thể hiện nét duyên dáng của văn hóa nước Sở. Đồ sơn mài thời Hán cũng lấy màu đen và đỏ làm chủ đạo. Triều đại nhà Hán là thời kỳ hoàng kim của đồ sơn mài, và các loại đồ sơn mài đã bổ sung thêm hộp, khay, tráp, khuyên tai, đĩa và bát, rổ, bình hoa, mặt nạ, bàn cờ, ghế đẩu,... Về kỹ thuật, chẳng hạn như sử dụng nhiều thủ pháp khảm như đồng, dán vàng, mai rùa, sơn mài và các kỹ thuật trang trí khác. Tùy theo từng đồ dùng khác nhau, hoa văn đồ sơn mài được thể hiện bằng những đường nét thô mộc hoặc bố cục phức tạp, làm nổi bật chuyển động và sức mạnh của con người hoặc động vật. Các màu đen và đỏ xen kẽ tạo ra các hiệu ứng đặc biệt tươi sáng và đẹp mắt. Trên màn hình xen kẽ màu đỏ và đen , một phong cách nghệ thuật tráng lệ và đầy màu sắc đầy âm nhạc được hình thành , thể hiện một thế giới thần thoại nơi con người và các vị thần cùng tồn tại. Đó là một thế giới thần thoại kỳ lạ, huyền bí, thay đổi và kỳ diệu. Đồ sơn mài thời Đường đã đạt đến một trình độ chưa từng có, có những loại sơn mài dày với hoa văn nổi được hình thành bằng cách đúc cọc, đồ bằng vàng và bạc khảm cánh hoa. Tay nghề vượt trội so với thế hệ trước, chạm khắc và đục đẽo rất tinh xảo, kết hợp với tay nghề sơn mài đã trở thành một nghề thủ công tiêu biểu cho phong cách thời Đường, đồ sơn mài màu đỏ cũng xuất hiện vào thời Đường. Tượng sơn mài là sự kế thừa và phát triển của kỹ thuật thoát thai từ thời Nam Bắc triều. Trước hết, đất sét được sử dụng để làm phôi, và nó được bọc bằng vải gai. Các bức tượng Phật sơn mài và gai khô trong hang Mạc Cao rất tốn kém và tốn thời gian, nhưng chúng rất quý vì số lượng ít. Hiện tại, bức tượng Phật bằng vải gai và sơn mài khô Đôn Hoàng hoàn chỉnh nhất đã được lưu truyền tại Bảo tàng Anh ở Hoa Kỳ. Trong số những di tích Phật giáo được khai quật ở Khotan , có những bức tượng bằng gốm, một vài bức tượng bằng gỗ và những tác phẩm tương tự như tượng sơn mài. Trong số các tác phẩm điêu khắc và tượng gốm bằng đất sét, ngoài các tượng Phật và Bồ tát ít nhiều mang phong cách Gandhara, còn có nhiều tượng thiên vương, chiến binh và các hình ảnh hộ pháp khác nhau, và hầu hết đều làm bằng đất sét. chất liệu địa phương do các nhà điêu khắc thực hiện. Triều đại nhà Tống từng được coi là thời đại của đồ sơn mài một màu , nhưng nhiều đồ sơn mài thời Tống được trang trí lộng lẫy đã được khai quật, điều này đã sửa chữa cách hiểu trước đó. Trụ xá lợi bằng ngọc trai được tìm thấy trong chùa của chùa Thụy Quang ở Tô Châu, toan nghê và hoa văn Bảo Tương trên đế , đã được những người ủng hộ phá dỡ bằng sơn mài dày. Trong số các đồ sơn mài của triều đại nhà Nguyên, sơn mài chạm khắc là thành công nhất , nó được đặc trưng bởi một đống sơn mài dày, hoa văn phong phú và tròn trịa được chạm khắc bằng kỹ thuật điêu khắc sơn mài của Tây Tạng. Bề ngoài lớn, đơn giản và hài hòa, nhưng các chi tiết lại vô cùng tinh xảo, có một nét duyên dáng đặc biệt trong kết cấu, chẳng hạn như tấm màu đỏ có hoa văn cột buồm do Trương Thành làm trong Bảo tàng Cung điện, tấm màu đỏ với cảnh thác nước của Dương Mậu, và chiếc đĩa đen do Trương Thành làm ở Bảo tàng tỉnh An Huy,... Cả hai triều đại nhà Minh và nhà Thanh đều thành lập Bắc Kinh làm thủ đô của họ, văn hóa và nghệ thuật của nó được kế thừa từ các triều đại nhà Tống và nhà Nguyên và tiếp tục phát triển và cải thiện. Đồng thời, phong tục sống và đặc điểm văn hóa của các dân tộc thiểu số như Mông Cổ, Tây Tạng, Duy Ngô Nhĩ và Mãn Châu đã gây ảnh hưởng nhất định đến văn hóa truyền thống của dân tộc Hán và làm phong phú thêm truyền thống văn hóa của dân tộc Trung Hoa . Ngoại thương của các triều đại nhà Minh và nhà Thanh tương đối phát triển, trong khi xuất khẩu, một số hàng thủ công của Ả Rập và châu Âu cũng được nhập khẩu, bắt chước, hấp thụ và tiêu hóa, và truyền dòng máu mới cho sự phát triển của nghệ thuật và thủ công của các triều đại nhà Minh và nhà Thanh. Thủ công mỹ nghệ thời kỳ này đã trải qua 549 năm phát triển và thay đổi, tạo thành một phong cách và diện mạo độc đáo của thời đại. Trong giai đoạn này, quá trình sơn mài được kết hợp với kiến ​​trúc, đồ nội thất và trang trí nội thất, và chuyển từ thực tiễn sang lĩnh vực trang trí nội thất. Nó đã bước vào một kỷ nguyên mới của các kỹ thuật nhiều màu, nhiều trang trí, khảm, đan xen và các kỹ thuật khác như những nghề thủ công cơ bản. Nhật Bản Ở Nhật Bản, sơn mài (nhựa cây thô) ban đầu có chức năng như một loại sơn bóng. Maki-e, sự kết hợp của sơn mài với các yếu tố trang trí đặc trưng của nghệ thuật Nhật Bản, xuất hiện muộn hơn nhiều và niên đại của nó là không chắc chắn. Các nghệ sĩ Nhật Bản đã tạo ra phong cách riêng và hoàn thiện nghệ thuật trang trí đồ sơn mài trong thế kỷ thứ 8. Kỹ năng sơn mài của Nhật Bản đạt đến đỉnh cao vào đầu thế kỷ thứ mười hai, vào cuối thời kỳ Heian (794-1185). Kỹ năng này được truyền từ cha sang con trai và từ chủ nhân cho người học việc. Một số tỉnh của Nhật Bản nổi tiếng về nghệ thuật sơn mài: ví dụ như tỉnh Edo (sau này là Tokyo), đã sản xuất những tác phẩm sơn mài đẹp nhất từ ​​thế kỷ XVII đến thế kỷ XVIII. Các lãnh chúa và tướng quân thuê thợ sơn mài sản xuất các đồ dùng nghi lễ , trang trí cho nhà cửa và cung điện của họ. Các đồ sơn mài của Nhật Bản xuất khẩu và được các quý tộc Châu Âu yêu thích, đặc biệt là ở Pháp, nơi thuật ngữ tiếng Pháp japonner (“đến Nhật Bản”) có nghĩa là sơn mài hoặc vecni. Hầu hết các sản phẩm được nhập khẩu từ Nhật Bản và Trung Quốc qua Ấn Độ đã được điều chỉnh cho phù hợp với phong tục và thị hiếu của phương Tây. Tác phẩm sơn mài Nhật Bản là một trong những mặt hàng phổ biến nhất được xuất khẩu sang Châu Âu bởi các thương nhân Bồ Đào Nha từ thế kỷ XVI. Hai thế kỷ sau, Hoàng hậu Marie-Antoinette đã xây dựng một bộ sưu tập đồ sơn mài đáng giá và vào năm 1781. Trong tủ mạ vàng của bà ở Versailles, có một "lồng sơn mài" do người thợ làm tủ Jean-Henri Riesener làm ra để cất giữ những món đồ sơn mài Nhật Bản quý giá. Mặc dù thị trường đồ sơn mài chưa bao giờ suy tàn ở Nhật Bản, nhưng sự suy giảm trong xuất khẩu bắt đầu từ cuối thế kỷ XVIII và trong suốt thế kỷ XIX ở châu Âu. Các Hội chợ Thế giới năm 1889,1900 và thời kỳ Tân nghệ thuật đã làm sống lại thị hiếu và nhu cầu đối với các đồ vật sơn mài, có hoa văn tinh tế hài hòa hoàn hảo với phong cách cây cối đang thịnh hành lúc bấy giờ. Vecni sử dụng trong sơn mài Nhật Bản được chiết xuất từ nhựa của cây urushi, còn được gọi là cây sơn ta Nhật Bản (Rhus vernacifera), chủ yếu mọc ở Nhật Bản và Trung Quốc, cũng như Đông Nam Á.. Nhựa cây phải được khai thác cẩn thận, vì ở dạng thô, chất lỏng rất độc khi chạm vào, và ngay cả việc hít thở phải khói cũng có thể nguy hiểm. Nhưng mọi người ở Nhật Bản đã làm việc với vật liệu này trong nhiều thiên niên kỷ, vì vậy họ đã hoàn thiện được về mặt kỹ thuật. Chảy ra từ các vết rạch trên vỏ cây, nhựa cây, sơn mài thô là chất nhựa màu trắng xám sền sệt. Việc thu hoạch nhựa chỉ có thể được thực hiện với số lượng rất nhỏ từ ba đến năm năm sau khi thu hoạch, nhựa được xử lý để làm sơn mài có kết cấu mật ong cực kỳ bền. Sau khi lọc, đồng nhất và khử nước, nhựa cây trở nên trong suốt và có thể được nhuộm màu đen, đỏ, vàng, xanh lá cây hoặc nâu. Sau khi được sơn lên một vật thể, sơn mài khô trong điều kiện rất chính xác: nhiệt độ từ 25 đến 30°C và độ ẩm từ 75-80%. Quá trình thu hoạch và chế biến kỹ thuật cao của nó khiến urushi trở thành một nguyên liệu thô đắt tiền được áp dụng trong các lớp kế tiếp đặc biệt tốt, trên các đồ vật như bát hoặc hộp. Một số tác phẩm nghệ thuật sơn mài trang trí đẹp hơn được tạo ra nhờ quá trình maki-e (蒔 絵). Kỹ thuật hàng nghìn năm tuổi này bao gồm rắc sơn mài với các hạt vàng và bạc mịn, khảm xà cừ (raden) hoặc thiếc và phun các mảnh vàng, bạc hoặc đồng lên lớp sơn mài vẫn còn ướt. Các chi tiết được đặt đúng vị trí với các lớp sơn mài trong suốt được đánh bóng. Bụi vàng được phủ lên bằng cách sử dụng ống tre và cọ vẽ nhỏ làm từ lông chuột để vạch ra những đường cực kỳ tinh xảo. Nghệ thuật 1500 năm tuổi này đòi hỏi sự chuyên môn cao và chỉ một số bậc thầy urushi vẫn còn thực hiện nó cho đến ngày nay. Triều Tiên Vết tích của đồ sơn mài ở Bán đảo Triều Tiên đã được tìm thấy từ khoảng thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, và nhiều loại đồ sơn mài khác nhau đã được tìm thấy trong các ngôi mộ cổ trong Thời kỳ Tam Quốc. Ở Tân La, có một văn phòng chính phủ được gọi là Chiljeon (漆典), và trong triều đại Cao Ly, Chiljang được giao cho Jungsangseo (中尙署) và Gungigam (văn phòng quân sự), và trong triều đại Joseon, Gyeonggongjang (京工匠) và Gongjang (xưởng bên ngoài) đã được chỉ định) quản lý. Sơn mài đã được sử dụng rộng rãi không chỉ cho những chiếc bát trang trí bằng xà cừ mà còn cho những đồ dùng bằng gỗ như chao đèn, soban, đồ tre, niêu đất và các dụng cụ gia dụng khác. Trong thời kỳ thuộc địa của Nhật Bản, các kỹ thuật thủ công truyền thống trên Bán đảo Triều Tiên có nguy cơ bị cắt đứt do làn sóng thủ công kiểu Nhật Bản tràn vào, và sau khi giành được độc lập, đồ sơn mài truyền thống của Hàn Quốc tiếp tục suy thoái với sự ra đời của một loại sơn mài thay thế rẻ tiền gọi là sơn then. Trong hoàn cảnh khó khăn (may mắn thay) Shin Jung-hyeon (申重鉉), một nghệ nhân lành nghề, đã kế thừa truyền thống làm đồ sơn mài do anh rể Hong Sun-tae (洪舜泰) truyền lại. Khi Hong Sun-Taeong 11 tuổi, ông bắt đầu học với Lee Won-gu tại Xưởng nghệ thuật Lee Wang-ga, sau đó từ năm 1928 đến năm 1937 với Jo Ki-jun và từ năm 1938 với Binggyeon (người Nhật). Nguyên liệu Tranh sơn mài sử dụng các vật liệu màu truyền thống của nghề sơn như sơn then, sơn cánh gián làm chất kết dính, cùng các loại son, bạc thếp, vàng thếp, vỏ trai, v.v. vẽ trên nền vóc màu đen. Đầu thập niên 1930, những họa sĩ Việt Nam đầu tiên học tại trường Mỹ thuật Đông Dương đã tìm tòi phát hiện thêm các vật liệu màu khác như vỏ trứng, ốc, cật tre, v.v. và đặc biệt đưa kỹ thuật mài vào tạo nên kỹ thuật sơn mài độc đáo để sáng tác những bức tranh sơn mài thực sự. Thuật ngữ sơn mài và tranh sơn mài cũng xuất hiện từ đó. Tranh có thể được vẽ rồi mài nhiều lần tới khi đạt hiệu quả mà họa sĩ mong muốn. Sau cùng là đánh bóng tranh. Người ta thường lưu ý rằng sơn mài có những điểm "ngược đời": muốn lớp sơn vừa vẽ khô, tranh phải ủ trong tủ ủ kín gió và có độ ẩm cao. Muốn nhìn thấy tranh lại phải mài mòn đi mới thấy hình. Hầu hết họa sĩ đồng ý rằng: kỹ thuật vẽ sơn mài khó và có tính ngẫu nhiên nên nhiều khi các họa sĩ dày dặn kinh nghiệm cũng bất ngờ trước một hiệu quả đạt được sau khi mài tranh. Các nguyên liệu sử dụng trang trí Một sản phẩm sơn mài sử dụng khá nhiều nguyên liệu: đó là sơn, màu và các nguyên liệu khác. Có thể kể ra đây một vài nguyên liệu phổ biến như: Sơn: khai thác từ cây sơn ta, ngoài ra còn dùng dầu trẩu, dầu trám, nhựa thông và nhựa dó... Màu: sơn mài cổ truyền dùng 2 màu cơ bản là cánh gián đen và đỏ, loại màu chế từ khoáng chất vô cơ (ví dụ: son) nên không bị phân huỷ trước ánh sáng và thời gian. Các sản phẩm từ bạc như bạc thếp, bạc dán, bạc xay, bạc dầm... Các sản phẩm từ vàng như vàng thếp... Các vật liệu khác: vỏ trứng, vỏ trai, vỏ ốc, bột điệp... Ngày nay, người ta đã chế tạo thành công các loại sơn công nghiệp có thể thay thế các loại sơn mài cổ truyền do có nhiều ưu điểm, nhất là dễ dàng trong sản xuất tranh và màu sắc thì vô cùng phong phú. Các công đoạn chính của công nghệ sơn mài Có thể nói công nghệ sơn mài chỉ có nguyên lý chung nhưng khác biệt trong kinh nghiệm, kỹ thuật của từng cá nhân, từng gia đình cũng như nó được biến đổi kỹ thuật làm tranh khác với làm tượng, lại khác với trang trí đồ vật, sơn phủ hoàng kim... Có thể chia làm một số công đoạn chính sau: bó hom vóc, trang trí, mài và đánh bóng. Bó hom vóc Việc hom bó cốt gỗ (đồ vật cần sơn) ngày xưa thường được người làm sử dụng giấy bản, loại giấy chế từ gỗ dó nên rất dai, có độ bền vững hơn vải. Cách bó hom vóc được tiến hành như sau: dùng đất phù sa (ngày nay người thợ có thể dùng bột đá) trộn sơn ta giã nhuyễn cùng giấy bản rồi hom, chít các vết rạn nứt của tấm gỗ. Mỗi lớp sơn lại lót một lớp giấy (hoặc vải màn) sau đó còn phải đục mộng mang cá để cài và gắn sơn cho các nẹp gỗ ngang ở sau tấm vóc (ván gỗ) để chống vết rạn xé dọc tấm vải. Sau đó để gỗ khô kiệt mới hom sơn kín cả mặt trước, mặt sau. Công đoạn này nhằm bảo vệ tấm vóc không thể thấm nước, không bị mối mọt, không phụ thuộc môi trường làm gỗ co ngót. Xử lý tấm vóc càng kỹ, càng kéo dài tuổi thọ cho đồ vật cần sơn, mỗi tác phẩm sơn mài có tuổi thọ 400-500 năm. Trang trí Khi có được tấm vóc nói trên (hoặc các mô hình chạm khác bình hoa, các bộ đồ khác), người chế các món đồ phải làm các công đoạn gắn, dán các chất liệu tạo màu cho tác phẩm trước tiên như: vỏ trứng, mảnh xà cừ, vàng, bạc...sau đó phủ sơn rồi lại mài phẳng, tiếp đến dùng màu. Với kỹ thuật sơn phủ tượng và đồ nội thất như: hương án, hoành phi, câu đối... người thợ phải làm trong phòng kín và quây màn xung quanh để tránh gió thổi các nguyên liệu: quỳ vàng, quỳ bạc, tránh bụi bám vào nước sơn còn ướt. Mài và đánh bóng Vì dầu bóng đã pha màu để vẽ nên độ bóng chìm trong cốt màu tạo thành độ sâu thẳm của tranh, do đó sau mỗi lần vẽ phải mài. Người xưa sử dụng lá chuối khô làm giấy nháp. Đến nay, nguyên tắc đánh bóng tranh lần cuối chưa có gì thay thế phương pháp thủ công vì loại tranh này không được phép phủ dầu bóng. Đó chính là điểm độc đáo của tranh sơn mài. Sự thành công của một bức tranh sơn mài phụ thuộc rất lớn vào công đoạn sau cùng. Có một số thứ để mài và đánh bóng như: than củi xoan nghiền nhỏ, tóc rối, đá gan gà v.v.. Làng nghề sơn mài Việc làm sơn mài luôn phụ thuộc thời tiết - nó rất thích hợp mùa xuân và những ngày mưa đầu hạ. Điều đó làm ta thấy sự phân bố làm nghề sơn mài không những chia theo khu vực sản phẩm mà còn có yếu tố liên kết phục vụ lẫn nhau. Làng nghề sơn mài Hạ Thái, Làng nghề sơn mài Đình Bảng (Từ Sơn - Bắc Ninh) thường lấy quỳ vàng, quỳ bạc của làng Kiêu Kị (Gia Lâm), lấy giấy dó của làng Đông Cao, lấy vải màn của làng Đình Cả, lấy vóc hoặc sản phẩm chạm khắc của làng Phù Khê, lấy nguồn sơn thô của Phú Thọ, Yên Bái và lấy nguồn dầu trẩu, dầu trám của Lạng Sơn, Cao Bằng... Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp từ nhiều thế kỷ nay nổi tiếng khắp cả nước, là chiếc nôi của ngành sơn mài mỹ thuật địa phương, nay là phường Tương Bình Hiệp, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, cách trung tâm thành phố 7km về phía bắc. Hà Nội ngày nay vẫn là đầu mối tập trung nguyên liệu và các bậc chế tác nghệ thuật sơn mài nổi tiếng. Đa phần họ có gốc thành viên của các làng nghề truyền thống nhập cư Hà Nội và tạo nên 36 phố phường ngày trước. Sơn mài thời hiện đại Hiện nay, tranh sơn mài sử dụng nguyên liệu là sơn Nhật được dùng khá phổ biến. Do sơn ta có hạn chế là dễ gây tác động phụ cho người sử dụng (bị "sơn ăn"), ngoài ra, khi dùng sơn ta, tranh lại phụ thuộc vào thời tiết khá nhiều. Khi thời tiết có độ ẩm cao thì sơn càng nhanh khô, nếu thời tiết khô ráo (độ ẩm thấp) thì sơn rất lâu khô. Do vậy, sơn ta ít khi được dùng tại các nước có khí hậu khô ráo. Trong khi đó, sơn Nhật lại nhanh khô và làm cho việc ai đó muốn vẽ tranh ở nước ôn đới cũng có thể thực hiện được. Nhưng khi sử dụng sơn Nhật, để tranh được bóng, bây giờ người ta thường dùng một lớp sơn trong (sơn cánh gián) phủ ra bên ngoài tranh, còn nếu tranh sơn mài dùng sơn ta, chỉ cần lấy nắm tóc rối xoa lên tranh, hoặc dùng bàn tay có độ ẩm (có ít mồ hôi) xoa lên tranh, tranh sẽ rất bóng. Tuy nhiên, tranh sơn màu dùng sơn ta vẫn được ưa chuộng hơn vì sự công phu trong quá trình làm tranh và khi nhìn, nó tạo độ sâu cho bức tranh hơn. Sơn mài ngày nay không chỉ còn ứng dụng sản xuất tranh sơn mài, hoành phi hay câu đối... nó còn được phát triển để sản xuất các mặt hàng nội thất cao cấp như bàn ghế, giường tủ... Gốm sơn mài hiện là mặt hàng được ưa chuộng tại nhiều nước. {{cquote|"Danh từ sơn mài (laque) là một danh từ mới đặt sau này để chỉ một kỹ thuật trước kia gọi là Sơn Ta nhưng đã biến hoá hẳn do nghệ thuật mài sơn. Kỹ thuật Sơn Ta cũng tương tự như sơn Tàu, có từ đời nhà Hán. Sử dụng cùng với Sơn Ta một nguyên liệu là sơn sống. Chất sơn sống này, ở nước ta, miền Phú Thọ sản xuất rất nhiều và vẫn bán sang Tàu cùng Nhật. Từ năm 1931 trở về trước, công dụng Sơn Ta cũng như Sơn Tàu ở Tàu và Sơn Nhật ở Nhật là phủ lên đồ vật làm nó tôn vẻ lộng lẫy, lên những vật dùng thường như cái khay, cái tráp, đôi guốc, đồ thờ như hương án dài, bát đĩa, đồ trang trí như câu đối, hoành phi, bình phong... màu sắc đại để có: đỏ son, đen, nâu, cánh gián, vàng, bạc theo cổ truyền. Nói rõ ra, Sơn Ta chỉ có công dụng trang trí, địa vị là ở trong trang trí. Mặc dầu ở Nhật, nghệ thuật sơn có tế nhị hơn cả, nhưng chưa một nước nào nghĩ đến tìm tòi, sử dụng nguyên liệu sơn một cách khác cổ truyền, phiêu lưu trong nghệ thuật sơn để tìm một con đường nào tăng phẩm giá mỹ thuật sơn bằng cách phát minh thêm khả năng của nó.Song, từ 1931 trở đi, nhờ sự tìm tòi thiết tha của một số họa sĩ có tài bỏ sơn dầu để chuyển hẳn về sơn mài, Sơn Ta đã vượt được ra ngoài nơi cầm hãm, ngang nhiên trên đường bao la của hội họa, cứ phương trời xa lạ mà tiến. Từ cái tráp, chiếc guốc, nó vượt lên bức họa lồng khung quý giá, từ một phương tiện phụ thuộc làm tôn vẽ đồ vật, nó trở nên một phương tiện độc đáo diễn đạt nổi tâm hồn người nghệ sĩ, một phương tiện lấn át cả sơn dầu. Quên dĩ vãng Sơn Ta đổi tên nhũn nhặn là Sơn Mài||| Tô Ngọc Vân}} Các họa sĩ nổi tiếng với tranh sơn mài Trước thập niên 1930, người ta chỉ dùng sơn ta trong trang trí đồ thờ cúng, làm hàng mỹ nghệ. Vào thời gian này, một số họa sĩ Việt Nam đầu tiên đang học như Trần Đình Thọ, Nguyễn Gia Trí, Phạm Hậu, Nguyễn Khang, Trần Văn Cẩn và nghệ nhân Đinh Văn Thành, hai anh em Doãn Chí Công và Doãn Chí Trung đã mạnh dạn thử nghiệm đưa kỹ thuật sơn ta vào làm tranh nghệ thuật. Những bức tranh sơn mài nổi tiếngDọc mùng (1939) của Nguyễn Gia Trí (tác phẩm tiêu biểu cho tranh sơn mài đầu thế kỷ 20)Nam Bắc một nhà'' (1961) của Nguyễn Văn Tỵ (tác phẩm tiêu biểu cho tranh sơn mài sau Cách mạng)
Tranh lụa là một trong những loại hình nghệ thuật có từ lâu đời của Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Hàn Quốc. Các loại màu (hạt màu trộn với keo thực vật hoặc keo động vật) được vẽ trên vật liệu đỡ là tấm vải lụa. Tranh lụa cổ Tranh lụa có nguồn gốc lâu đời từ Trung Quốc và du nhập vào Nhật Bản, ở thời Minh Trị còn được gọi là Nhật Bản họa (nihonga,日本画). Ở Việt Nam ngày nay còn lưu lại một vài bức chân dung Nguyễn Trãi, Phùng Khắc Khoan, Trịnh Đình Kiên, Phan Huy Cẩn, Phan Huy Ích, Phan Huy Thực, Phan Huy Vịnh từ thời Hậu Lê và thời Nguyễn. Tất cả những bức họa này (chưa rõ tác giả) đều vẽ trên lụa. Tranh lụa hiện đại Việt Nam Tranh lụa hiện đại Việt Nam mới ra đời từ thập niên 1930. Điểm khác biệt nhất giữa kỹ thuật vẽ tranh lụa cổ và tranh lụa hiện đại Việt Nam là ở chỗ: tranh lụa cổ thường được vẽ trực tiếp trên lụa khô, trong khi quá trình tranh lụa hiện đại giống như sự nhuộm đi nhuộm lại màu lên mặt lụa; lụa được căng trên khung gỗ và trong quá trình vẽ họa sĩ có thể rửa lụa nhiều lần rồi vẽ tiếp tới khi như ý. Các họa sĩ Việt Nam nổi tiếng với tranh lụa Nguyễn Phan Chánh (1892-1984) được coi là họa sĩ đã khai phá loại hình tranh lụa hiện đại Việt Nam. Những bức vẽ thành công của ông có một phong vị đặc biệt Việt Nam, đồng thời phù hợp với quan niệm hội họa hiện đại: những mảng màu đơn giản, ấm áp, nhuần nhị, những đường viền mềm mại, những khoảng trống rất đúng chỗ. Ngoài ra, nhân vật và bối cảnh Việt Nam được nghiên cứu đơn giản và cách điệu độc đáo. Thành công của ông đã lôi cuốn các bạn cùng lứa và các họa sĩ thuộc lớp sau, mỗi người đã đóng góp làm phong phú thêm kỹ thuật vẽ tranh lụa. Mai Trung Thứ, Lê Phổ, Lê Thị Lựu là những người sống ở Paris, trung tâm hội họa thế giới với đủ trường phái tân kỳ, nhưng họ vẫn vẽ tranh lụa, góp phần cất lên một tiếng nói nghệ thuật độc đáo của Việt Nam. Sau Cách mạng tháng Tám, số họa sĩ vẽ tranh lụa đông hơn. Họ mở rộng hơn đề tài, kỹ thuật và đã có những thành công mới. Nguyễn Thụ là một họa sĩ chuyên nhất về tranh lụa, có một phong cách riêng biệt. Bố cục tranh của ông đơn giản, nhịp nhàng, màu sắc mát mẻ êm dịu; bút pháp phóng khoáng, nhẹ nhàng; không gian mờ ảo thơ mộng với những nhân vật bình dị, thân quen. Một số nữ họa sĩ khác như Vũ Giáng Hương, Lê Kim Mỹ, Trần Thanh Ngọc, Mộng Bích, Kim Bạch, Đặng Thu Hương, ... cũng đã có nhiều thành công với tranh lụa. Bàng Thúc Long (1922-1990) là một trong những thế hệ đầu tiên vẽ tranh lụa thành công. Ông không được nhiều người trong nước biết đến. Tranh ông chủ yếu được các khách nước ngoài thời bao cấp đến mua ở các gallery. Hiện còn nhiều bưc tranh được các bảo tàng mua trưng bày như Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Betlin (Đức). Ông cùng thế hệ với họa sĩ Tạ Thúc Bình, cũng chuyên vẽ tranh lụa. Kỹ thuật vẽ tranh lụa Lụa vẽ Lụa vẽ thường là lụa tơ tằm, không lỗi, mịn hoặc hơi thô, dệt thủ công hay dệt bằng máy. Gần đây, do yêu cầu của ngành mỹ thuật, các nhà máy dệt đã sản xuất loại lụa chuyên dùng để vẽ tranh, mỏng và hơi thưa, nhìn rõ thớ lụa. Màu vẽ Màu dùng để vẽ lụa thường là màu nước, phẩm hoặc mực nho. Sau này, người ta còn dùng những họa phẩm đục hơn, dày hơn như tempera, màu bột, phấn màu... Các kỹ thuật khi vẽ tranh Lụa trước khi vẽ phải căng lên khung. Thông thường, lụa mới được quét một lớp hồ loãng, người vẽ nên rửa qua lớp hồ này để màu có thể ngấm vào thớ lụa. Nếu lụa hút nhiều nước như lụa Trung Quốc thì nên quét một lớp hồ loãng lên trên, có pha lẫn một ít phèn chua để chống mốc. Điểm mạnh của tranh lụa là ở sự trong trẻo và êm dịu của màu sắc, vì vậy phần lớn người vẽ tranh lụa thường xây dựng phác thảo (hình, mảng) hết sức kỹ càng trước khi thể hiện lên lụa. Nhiều người sử dụng cách can hình từ bản can giấy lên lụa để lưu lại nét một cách chính xác. Tuy nhiên cũng có thể vẽ lụa một cách thoải mái. Khi vẽ lụa, người ta thường vẽ từ nhạt đến đậm, màu nhạt chồng lên nhau nhiều lần sẽ thành đậm nhưng vẫn nhìn thấy thớ lụa tạo nên vẻ đẹp của chất lụa. Vẽ chồng lên nhau bằng các màu khác nhau cũng là một cách pha màu. Thỉnh thoảng, khi màu đã khô, phải rửa nhẹ cho sạch những chất bẩn nổi lên mặt lụa và để cho màu ngấm vào từng thớ lụa. Muốn cho các mảng màu cạnh nhau hòa vào với nhau không còn ranh giới tách bạch, tạo ra một hiệu quả mềm mại, mờ ảo, người ta vẽ khi mặt lụa còn hơi ẩm và không cần viền nét nữa. Có thể sử dụng bột điệp và bạc thêm vào tranh lụa (dán ở mặt sau). Tranh lụa vẽ xong thường được bồi lên một lớp giấy, sau khi khô hoàn toàn, họa sĩ có thể rạch phần tranh ra khỏi khung lụa để đưa vào khung. Tranh lụa tăng hiệu quả thẩm mỹ nhiều khi với khung kính.
Sóng vô tuyến (tiếng Anh: radio wave, gọi tắt là radio) là một kiểu bức xạ điện từ với bước sóng trong phổ điện từ dài hơn vi ba. Sóng vô tuyến có tần số từ 3 kHz tới 300 GHz, tương ứng bước sóng từ 10.000 km tới 1 mm. Giống như các sóng điện từ khác, chúng truyền với vận tốc ánh sáng. Sóng vô tuyến xuất hiện tự nhiên do sét, hoặc bởi các đối tượng thiên văn. Sóng vô tuyến do con người tạo nên dùng cho radar, phát thanh, liên lạc vô tuyến di động và cố định, thông tin vệ tinh, các mạng máy tính, các hệ thống dẫn đường khác, và nhiều ứng dụng khác. Các tần số khác nhau của sóng vô tuyến có đặc tính truyền lan khác nhau trong khí quyển Trái Đất; sóng dài truyền theo đường cong của Trái Đất, sóng ngắn nhờ phản xạ từ tầng điện ly nên có thể truyền rất xa, các bước sóng ngắn hơn bị phản xạ yếu hơn và truyền trên đường nhìn thẳng. Khám phá và ứng dụng Sóng vô tuyến lần đầu được dự báo bởi tác phẩm toán học xuất bản năm 1867 do James Clerk Maxwell viết. Maxwell nhận thấy các tính chất giống sóng của ánh sáng và tương đồng trong các quan sát về từ trường và điện trường. Sau đó ông đề xuất các phương trình mô tả sóng ánh sáng và sóng vô tuyến như sóng điện từ truyền trong không gian. Năm 1887, Heinrich Hertz đã chứng minh tính chính xác sóng điện từ của Maxwell bằng cách thử nghiệm tạo ra sóng vô tuyến trong phòng thí nghiệm của mình. Ngay sau đó rất nhiều phát minh đã được khám phá, từ đó sóng vô tuyến đã được sử dụng để truyền thông tin qua không trung. Truyền lan Nghiên cứu hiện tượng điện từ như phản xạ, khúc xạ, nhiễu xạ, phân cực và hấp thụ là vấn đề quan trọng trong việc nghiên cứu cách sóng vô tuyến truyền đi trong môi trường không gian tự do và trên bề mặt Trái Đất. Tần số khác nhau sẽ chịu các ảnh hưởng khác nhau trong khí quyển. Vận tốc, bước sóng và tần số Sóng vô tuyến truyền với vận tốc ánh sáng trong chân không. Nếu sóng vô tuyến đập vào vật thể dẫn điện có kích thước bất kỳ, nó sẽ đi chậm lại phụ thuộc vào độ từ thẩm và hằng số điện môi. Bước sóng là khoảng cách từ một đỉnh sóng này tới đỉnh sóng kế tiếp, tỉ lệ nghịch với tần số. Khoảng cách sóng vô tuyến đi được trong 1 giây ở chân không là 299.792.458 mét, đây là bước sóng của tín hiệu vô tuyến 1 Hertz. Một tín hiệu vô tuyến 1 Megahertz có bước sóng là 299 mét. Liên lạc vô tuyến Để thu được tín hiệu vô tuyến, ví dụ như từ các đài vô tuyến AM/FM, cần một anten vô tuyến. Tuy nhiên, anten sẽ nhận được hàng ngàn tín hiệu vô tuyến tại một thời điểm, một bộ dò sóng vô tuyến là cần thiết để điều chỉnh tới một tần số cụ thể (hay dải tần số). Điều này được thực hiện thông qua một khung cộng hưởng (đây là một mạch với tụ điện và cuộn cảm). Khung cộng hưởng được thiết kế để cộng hưởng với một tần số cụ thể (hay băng tần), do đó khuếch đại sóng sin ở tần số vô tuyến cần thu, trong khi bỏ qua các sóng sin khác. Thông thường, hoặc điện cảm hoặc tụ điện sẽ được điều chỉnh, cho phép người dùng thay đổi tần số muốn thu. Trong y tế Năng lượng tần số vô tuyến (RF) đã được dùng trong điều trị y tế hơn 75 năm qua nói chung từ các ca phẫu thuật xâm lấn tối thiểu và động máu, bao gồm cả điều trị ngưng thở khi ngủ. Chụp cộng hưởng từ (MRI) dùng tần số vô tuyến để tạo ra hình ảnh về cơ thể con người.
Nhuộm Gram là một phương pháp thực nghiệm nhằm phân biệt các loài vi khuẩn thành 2 nhóm (Gram dương và Gram âm) dựa trên các đặc tính hoá lý của thành tế bào. Phương pháp này được đặt tên theo người phát minh ra nó, nhà khoa học người Đan Mạch Hans Christian Gram (1853-1938). Ông phát triển kỹ thuật này vào năm 1884 để phân biệt các Pneumococcus với Klebsiella pneumoniae. Sử dụng Nhuộm Gram được thực hiện trên dịch cơ thể hoặc mẫu sinh thiết bị nghi ngờ nhiễm khuẩn. Nó cho kết quả nhanh hơn cấy, và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng giúp phân biệt bệnh do nhiễm khuẩn với các trường hợp không do nhiễm khuẩn vì điều trị và tiên lượng sẽ khác nhau. Cơ chế Vi khuẩn Gram dương có thành tế bào dày, dạng lưới cấu tạo bởi peptidoglycan, chất này có khả năng giữ phức hợp tím tinh thể-iod. Trong khi đó, lớp thành tế bào peptidoglycan của các vi khuẩn Gram âm thì mỏng hơn và thường có thêm lớp màng lipopolysaccharide (LPS) bên ngoài. Sau khi nhuộm với phức hợp tím tinh thể-iod, mẫu được xử lý tiếp với hỗn hợp khử màu, làm mất nước của các lớp peptidoglycan trong thành tế bào Gram dương, từ đó làm giảm khoảng trống giữa các phân tử và khiến thành tế bào bắt giữ phức hợp tím tinh thể-iod bên trong tế bào. Đối với vi khuẩn Gram âm, hỗn hợp khử màu đóng vai trò là chất hoà tan lipid và làm tan màng ngoài của thành tế bào. Lớp peptidoglycan mỏng không thể giữ lại phức hợp tím tinh thể-iod và tế bào Gram âm bị khử màu. Khử màu là bước quan trọng và cần kĩ năng nhất định vì khả năng bắt màu Gram dương không phải là "tất cả hoặc không." Theo kinh nghiệm (và có ngoại lệ), bệnh do vi khuẩn Gram âm thường nguy hiểm hơn vì màng ngoài của chúng được bọc bởi một nang, và nang này che các kháng nguyên làm cơ thể phát hiện tác nhân xâm lấn khó khăn hơn. Ngoài ra, màng ngoài vi khuẩn Gram âm có chứa lipopolysaccharide, đóng vai trò là nội độc tố, giải phòng ra khi tế bào vi khuẩn bị tan vỡ và làm tăng độ nặng của phản ứng viêm, có thể gây hội chứng đáp ứng viêm hệ thống (SIRS), sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng. Nhiễm vi khuẩn Gram dương thường ít nguy hiểm hơn vì cơ thể người không có peptidoglycan, và có khả năng sản xuất lysozyme tấn công lớp peptidoglycan nằm ở bên ngoài của vi khuẩn. Quy trình Miêu tả Làm tiêu bản mẫu cần nhuộm. Cố định mẫu bằng ngọn lửa đèn cồn. Dùng thuốc nhuộm kiềm, tím tinh thể hay tím gentian nhuộm mẫu trong 1 phút. Rửa nước tối đa 5 giây. Thêm dung dịch Lugol (1% iod, 2% KI) trong 1 phút. Rửa bằng rượu trong 10 giây. Phủ lên mẫu với ethanol 95% (hoặc hỗn hợp acetone:ethanol 95% 5:1) vài lần cho đến khi không xuất hiện thêm màu trong mẫu (khoảng 1 phút). Dung dịch này sẽ rửa sạch thuốc nhuộm kiềm không kết gắn, vi khuẩn Gram dương giữ lại màu tím, còn vi khuẩn Gram âm mất màu. Rửa nước. Nhuộm tiếp với safranin hoặc fuchsin. Cả hai nhóm vi khuẩn đều bắt giữ thuốc nhuộm lần này, nhưng vi khuẩn Gram dương không bị thay đổi màu nhiều, trong khi vi khuẩn Gram âm trở nên đỏ vàng (nhuộm safranin) hay đỏ tía (fuchsin). Thời gian: 1 phút theo tài liệu mới nhất. Rửa qua nước. Để khô. Kết quả Quan sát lam kính dưới kính hiển vi Gram dương: xanh đen hay tím Gram âm: đỏ vàng hay đỏ tía. Vi khuẩn không phân biệt được với phương pháp này được gọi là Gram biến đổi. kính hiển vi
Thành tựu pháp (zh. 成就法, sa. sādhana hoặc tantra) là từ dịch nghĩa từ thuật ngữ Phạn sādhana, tantra. Đôi lúc hai từ này cũng được dịch là Nghi quỹ (zh. 儀軌), với nghĩa chung là luật tắc, luật lệ, quỹ phạm, tín ngưỡng truyền thống. Nhưng trong Kim cương thừa thì từ sādhana được dịch là Thành tựu pháp để chỉ những bài chú về những phép tu thiền định đặc biệt dẫn đến sự thành tựu viên mãn. Những bài Thành tựu pháp thường thường trình bày các Thần thể (sa. iṣṭadevatā, sādhita, bo. yidam), như một thật thể mà hành giả có thể tiếp cận được, và cách thực hiện linh ảnh các vị đó. Trong Phật giáo Tây Tạng, đây là phương pháp tu học phổ biến, nhưng luôn luôn cần sự hướng dẫn của một vị Đạo sư (sa. guru). Mỗi hành giả sẽ được truyền tâm bằng một câu Chân ngôn liên quan đến một vị thần hỗ trợ. Phần thực hiện Thành tựu pháp bao gồm 3 phần: Phần chuẩn bị, phần chính và phần chấm dứt. Phần chuẩn bị thường là Quy y tam bảo và phát triển Bồ-đề tâm. Phần chính thường gồm có giai đoạn bắt đầu, giai đoạn tạo linh ảnh của một Thần thể và giai đoạn xoá tan linh ảnh. Đó là lúc mà hành giả trực nhận Chân như, tính Không. Giai đoạn chấm dứt thường gồm có các lời chúc hay hồi hướng. Đối với Phật giáo Tây Tạng thì việc thiết tưởng một linh ảnh, một Thần thể không hề có tính huyền hoặc hay cầu xin một đấng nào bên ngoài. Đó là những phương pháp để tự đồng hoá với một nguyên lý năng lượng ở nơi chính mình. Các vị Phật trong hệ thống Ngũ Như Lai là những hình ảnh cơ bản nhất của các linh ảnh đó.
Mỹ học là bộ môn khoa học có tính lý thuyết về sự nhận thức và thưởng thức cái đẹp trong thiên nhiên, trong nghệ thuật và trong xã hội. Thuật ngữ này là một phát kiến của triết gia người Đức Alexander Baumgarten, dùng để đặt tên cho tác phẩm Aestheticä (Mỹ học) của ông (1750–1758). Ông dùng từ "mỹ học" cho lý thuyết về nghệ thuật tự do hay khoa học về cái đẹp nhận thức được. Trong quá trình sử dụng và nghiên cứu, định nghĩa từ "mỹ học", người ta ví mỹ học như cái cây có nhiều cành và luôn luôn phát triển vì mỹ học luôn tồn tại trong xã hội, trong thiên nhiên và nghệ thuật. Người ta đã tranh luận nhiều về phạm vi và sự hữu ích của từ này. Trong thế kỷ 20, từ này được coi có nghĩa rộng hơn lý thuyết mỹ thuật bởi nó bao hàm cả lý thuyết về cái đẹp cụ thể trong tự nhiên và cái đẹp trừu tượng, ví dụ vẻ đẹp tinh thần hay trí tuệ – tuy nhiên cái đẹp đó phải là đối tượng cho sự nghiên cứu triết học hay khoa học. Những người đi đầu trong ngành Mỹ học: phương Tây có Aristotle, Platon, Hegel, Kant, Mỹ học dân chủ Nga,... Phương Đông: Lão Tử, Khổng Tử Quan điểm biện chứng về cái đẹp và nghệ thuật Nghệ thuật là nơi cao nhất tập trung mối quan hệ thẩm mĩ của con người đối với hiện thực. Nói đến nghệ thuật là nói đến cái đẹp. Cái gì không đẹp không thể là nghệ thuật. Cái đẹp gắn bó chặt chẽ với nghệ thuật nhưng đây là hai phạm trù khác nhau. Cái đẹp là phạm trù chỉ những giá trị thẩm mĩ tồn tại khắp mọi nơi: trong thiên nhiên, trong xã hội, trong con người, trong những sản phẩm vật chất và tinh thần của con người và cả trong nghệ thuật. Cái đẹp tổng thể bao gồm cái đẹp bên trong và cái đẹp bên ngoài là phạm trù trung tâm và cơ bản của mỹ học. Cái đẹp, về gốc gác cơ sở đánh giá, có liên quan mật thiết với khái niệm hài hòa, là sự thống nhất biện chứng giữa các yếu tố tạo nên sự vật, mang lại cảm giác về sự thăng bằng, hoàn thiện và toàn vẹn. Nghệ thuật là một hình thái ý thức đặc thù của con người. Nghệ thuật không chỉ gắn liền với cái đẹp mà còn là nơi con người gửi gắm tâm sự, suy tưởng về cuộc đời. Chính vì vậy, nghệ thuật có nhiều chức năng khác nhau: giáo dục, nhận thức, thông báo, giao tiếp, giải trí, thẩm mĩ... Cái đẹp là một phương diện không thể thiếu được của nghệ thuật.
Căn-đôn Châu-ba (bo. dge `dun grub pa དགེ་འདུན་གྲུབ་པ་, sa. saṅghasiddhi) (sinh năm 1391 – mất ngày 15 tháng 01 năm 1475), là giáo chủ tông Cách-lỗ từ 1438–1475, là một trong những môn đệ xuất sắc nhất của Tông-khách-ba. Sư được phong danh hiệu Gyalwang (bo. rgyal dbang རྒྱལ་དབང་) – "Người chiến thắng" – và sắc thụy là Đạt-lại Lạt-ma thứ nhất. Sư sáng lập rất nhiều ngôi chùa, trong số đó, chùa Trát-thập Luân-bố (bo. bkra shis lhun po བཀྲ་ཤིས་ལྷུན་པོ་) nổi danh hơn hết. Sư được xem là người đầu tiên trong dòng Cách-lỗ đề xướng việc duy trì chính pháp bằng một dòng tái sinh. Sau khi Sư qua đời, môn đệ bắt đầu tìm một hiện thân mới của Sư, đó cũng chính là sự bắt nguồn của dòng Đạt-lại Lạt-ma được truyền cho đến ngày nay. Hiện thân kế thừa Sư là Căn-đôn Gia-mục-thố (bo. dge `dun rgya mtsho དགེ་འདུན་རྒྱ་མཚོ་), Đạt-lại Lạt-ma thứ hai. Sư sinh năm 1391, trong một gia đình du mục trong tỉnh Tsang. Cha mất khi Sư lên bảy và ngay sau đó, Sư được mẹ gửi đến một vị thầy danh tiếng bấy giờ là Drub-pa She-rab, vị Tổ thứ 14 của dòng Nar-thang. Nơi đây, Sư thụ giới Sa-di. Năm lên 20, Sư thụ giới cụ túc và trong khoảng thời gian sau đó, Sư tham học dưới sự hướng dẫn của nhiều vị thầy, chuyên cần nghiên cứu kinh, luận của các vị Đại luận sư Ấn Độ như Long Thụ, Vô Trước và A-đề-sa. Ngoài ra, Sư cũng tinh thông các ngành như thi pháp, từ điển học (en. lexicography), văn phạm… Học lực cao thâm của Sư có thể giải thích phần nào việc nắm giữ chính quyền song song với việc duy trì Phật pháp của các vị Đạt-lại Lạt-ma sau này. So với khả năng, tài sức của các Vương triều trước đây thì quả nhiên là khả năng của các vị Đạt-lại Lạt-ma vượt trội hơn nhiều. Tông-khách-ba trực tiếp hướng dẫn Sư vào thuyết Trung quán qua Căn bản trung quán luận tụng (sa. mūlamadhyamaka-śāstra-kārikā) của Long Thụ, Nhập trung luận (sa. madhyamakāvatāta) của Nguyệt Xứng (sa. candrakīrti). Ngoài ra, Sư cũng thông hiểu Nhân minh học (sa. hetuvidyā), tự tay dịch và chú Lượng thích luận (sa. pramāṇavarttika-kārikā) của Pháp Xứng (sa. dharmakīrti). Sư sống rất đơn giản, rất khiêm tốn và thường tự nhắc nhở: "Chư Phật chẳng để tâm đến những việc như vinh nhục, khen chê (xem Bát phong)…; và vì thế, ta cũng chẳng nên lưu ý đến chúng." Sư thường răn chúng đệ tử như sau: "Chớ nên tranh cãi với người khác và cũng đừng hài lòng với những lời nói suông, rỗng tuếch. Hãy thực nghiệm ý nghĩa của giáo pháp mà các ngươi đã học được vì chỉ như thế, các ngươi mới bước đi trên Phật đạo. Các vị Tổ thường dạy: giữ lòng từ bi đối với tất cả những loài Hữu tình, tôn trọng những người thực hành Phật pháp. Hãy chinh phục cái Ngã." Trước khi tịch, Sư căn dặn các đệ tử là không nên xây một bảo tháp xa hoa, chỉ đốt xác và lấy tro nắn thành 1000 tượng Phật Bất Động. Ngày 15 tháng 1 năm 1475, nhà sư viên tịch, thọ 83 tuổi. Tương truyền rằng, một sự yên lặng lạ lùng kéo dài 13 ngày sau khi ông mất, không một con chim nào hót, đất, nước tự nhiên nóng lên, cây cối rủ lá.
La-bốc-tạng Gia-mục-thố (zh. 羅卜藏嘉穆錯, bo. blo bzang rgya mtsho བློ་བཟང་རྒྱ་མཚོ་, sa. sumatisāgara), 1617-1682, là giáo chủ tông Cách-lỗ từ 1622-1682, giữ quyền cai trị Tây Tạng từ 1642-1682. Sư là Đạt-lại Lạt-ma thứ năm và có lẽ là vị nổi danh nhất: Sư vẫn còn được dân Tây Tạng tôn trọng gọi là "Đại sư thứ năm". Sư là vị Đạt-lai đầu tiên khởi xướng chế độ "Tăng lữ chính quyền" (zh. 僧侶政權, en. theocracy), nắm giữ quyền cai trị Tây Tạng. Kể từ đây, Đạt-lại Lạt-ma là người lĩnh đạo tinh thần tôn giáo cũng như chính trị tại Tây Tạng. Thời đại của Sư là một khúc ngoặt lớn trong lịch sử Tây Tạng. Chiến tranh đẫm máu với các bộ lạc miền Tây Mông Cổ là những dấu hiệu chung cho thời đại này. Qua những cuộc tranh chấp, tông phái của Sư giành thắng lợi và từ đây, địa vị của một Đạt-lại Lạt-ma càng thêm vững chắc. Dưới sự chỉ huy của Sư, việc xây dựng điện Potala tại Lhasa được bắt đầu vào năm 1645. Từ 1650-1652, Sư nhận lời mời của hoàng đế sang Trung Quốc thuyết pháp. Trong những năm cuối đời, Sư lâm bệnh nặng. Cái chết của Sư được giữ bí mật 13 năm liền và sự việc này đã đem đến cho Tây Tạng rất nhiều hoạ nạn sau này.
Đạo quả luận (zh. 道果論, bo. lam `bras ལམ་འབྲས་, sa. mārga-phala), tức là luận về "Đạo và quả", là tên dùng cho một loạt tác phẩm của Kim cương thừa trong dòng Tát-ca (bo. sa skya pa ས་སྐྱ་པ་) tại Tây Tạng. Khuynh hướng của Kim cương thừa là "Đường đi chính là mục đích" được nêu ra rất rõ trong các tác phẩm này. Gốc nguồn của các loại sách này là một Đát-đặc-la rất cổ, được một người tên là Drog-mi phiên dịch và đem sang Tây Tạng thế kỉ 11. Vị Tổ đầu tiên của dòng Tát-ca viết nhiều luận giải về Đát-đặc-la này và sáng lập truyền thống Đạo quả tại Tây Tạng. Vị Đại thành tựu (sa. mahāsiddha) Virupa (sa. virūpa) được xem là người sáng lập truyền thống Đạo quả. Ông truyền cho đệ tử là Nagpopa tác phẩm căn bản, được gọi là "Kim cương kệ." Bản này rất ngắn và phải được khẩu thuyết thêm. Quan niệm chính của các Đạo quả luận là Niết-bàn và Luân hồi là một không hai. Muốn nhận thức được điều này, một Du-già sư (sa. yogin) phải tu tập triệt để. "Tâm" được miêu tả như sau trong Đạo quả luận: 1. Trong sáng; 2. Không, trống rỗng và 3. Bao gồm cả hai tính chất 1. và 2.; khi Du-già sư chứng ngộ cả ba đặc tính này thì mới gọi là đạt giải thoát.
Longchenpa (zh. 隴勤饒絳巴, bo. klong chen pa ཀློང་ཆེན་པ་), 1308-1364, là một đại sư Tây Tạng phái Nyingma (bo. nyingmapa རྙིང་མ་བ་), được tặng danh hiệu "Nhất thiết trí giả." Sư đóng một vai trò quan trọng trong giáo pháp Đại cứu cánh (bo. rdzogs chen རྫོགས་ཆེན་) vì đã phối hợp được nhánh của Đức Liên Hoa Sinh (sa. padmasambhava) với nhánh của Đức Vô Cấu Hữu (zh. 無垢友, sa. vimalamitra), đưa vào một hệ thống chung. Trong một cuộc đời tương đối ngắn, Sư đã viết 270 tác phẩm mà những tác phẩm quan trọng nhất được gọi là "Bảy Món Quý". Đặc điểm của các tác phẩm của Sư là chiều sâu của tư tưởng và tính chất rõ rệt, chính xác. Những tác phẩm này vẫn còn tác động trong dòng Nyingma. Lên 11 tuổi, Sư đã được gia nhập Tăng đoàn và sau đó chú tâm học tập. Ngoài trường phái Nyingma của mình, Sư còn học thêm Giáo Pháp của các phái Sakya (bo. sa skya pa ས་སྐྱ་པ་) và là học trò của Đức Karmapa (bo. karmapa ཀར་མ་པ་) thứ ba (1284-1339). Sau đó hai biến cố lớn xảy ra cho Sư: sau khi chứng được linh ảnh của Liên Hoa Sinh và đệ tử là Yeshe Tsogyal, Sư có quan hệ trực tiếp các Không hành nữ (sa. ḍākinī), được truyền Giáo Pháp Đại cứu cánh và có trách nhiệm ghi lại thành văn bản chôn dấu, các Mật Tạng (bo. gter ma གཏེར་མ་). Sau đó Sư lại gặp Vô Cấu Hữu, được chân truyền phép Đại cứu cánh và tổng hợp hai dòng Đại cứu cánh nói trên thành một hệ thống duy nhất. Longchenpa là vị trụ trì chùa Samye (bo. bsam yas བསམ་ཡས་) tại Trung Tây Tạng. Tuy thế phần lớn thì giờ, Sư vẫn hay đi vân du và sống viễn li. Sư cũng là người sửa chữa lại nhiều chùa, nhất là những chùa tại Bhutan trong thời gian Sư phải biệt xứ tại đó hàng chục năm. Đời sau, có Jigme Lingpa (1730-1798) nghiên cứu rõ về Sư và đưa Sư lên hàng Đại sư của dòng Rimé (bo. ris med རིས་མེད་).
Kinh lượng bộ (zh. 經量部, sa. Sautrāntika), hay Tăng-già-lan-đề-ca (僧伽蘭提迦, sa. Saṃkrāntika), Tu-đa-la luận bộ (修多羅論部), Thuyết độ bộ (說度部), Thuyết chuyển bộ (說轉部), Thuyết kinh bộ (說經部), Kinh bộ (經部)..., là một nhánh bộ phái Phật giáo xuất phát từ Thuyết nhất thiết hữu bộ (sa. Sarvāstivādin) khoảng 150 năm trước Công nguyên. Như tên gọi cho thấy (sautrāntika xuất phát từ sūtrānta, có nghĩa là Kinh phần, chỉ Kinh tạng của Tam tạng), bộ này chỉ đặt nền tảng trên Kinh tạng (sa. sūtrapiṭaka) và phản bác Luận tạng (sa. abhidharmapiṭaka) cũng như quan điểm "Nhất thiết hữu" (tất cả đều hiện hữu, đều có) của Thuyết nhất thiết hữu bộ. Kinh lượng bộ cho rằng có một thức tinh vi hơn thức thông thường, từ đó đời sống con người sinh ra và chính thức đó sẽ tái sinh. So sánh với Độc Tử bộ (sa. vatsīputrīya) – là bộ phái cho rằng có một tự ngã thật sự, sống kiếp này qua kiếp khác – thì Kinh lượng bộ cho rằng, chỉ có thức là luân chuyển trong vòng sinh tử và với cái chết thì bốn uẩn còn lại (Ngũ uẩn, sa. pañcaskandha) chìm lắng trong thức đó. Quan điểm về sự tồn tại của thức này đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành Duy thức tông (sa. vijñānavādin, yogācāra). Kinh lượng bộ còn cho rằng, mỗi một hiện tượng thật sự chỉ hiện hữu trong một khoảnh khắc cực nhỏ – được gọi là Sát-na (sa. kṣaṇa) – và mỗi quá trình chỉ là tiếp nối những khoảnh khắc đó, mỗi quá trình thông qua thời gian chỉ là ảo ảnh. Kinh lượng bộ xem Niết-bàn (sa. nirvāṇa) là sản phẩm của sự phủ nhận (en. negation) của tư duy, là sự tịch diệt. Chú thích
Phổ Hiền Bồ tát (dịch âm là Tam mạn đà bạt đà la, hoặc Tam mạn đà bạt đà, zh. pǔxián 普賢, sa. samantabhadra, ja. fugen, bo. kun tu bzang po ཀུན་ཏུ་བཟང་པོ་). Phổ là biến khắp, Hiền là Đẳng giác Bồ tát, Phổ Hiền là vị Bồ tát Đẳng giác có năng lực hiện thân khắp mười phương pháp giới, tùy mong cầu của chúng sanh mà hiện thân hóa độ. Ngài là một trong những vị Bồ Tát quan trọng trong Phật giáo Đại thừa. Theo kinh Pháp Hoa, Ngài là vị Bồ tát ở quốc độ của Phật Bảo Oai Đức Thượng Vương, phía Đông cõi Ta Bà, nghe thế giới này thuyết kinh Pháp Hoa liền lãnh đạo năm trăm vị Đại Bồ tát đến nghe pháp và phát tâm hộ trì Chánh pháp của Đức Phật. Phổ Hiền được xem là người hộ vệ của những ai tuyên giảng đạo pháp và đại diện cho "Bình đẳng tính trí" tức là trí huệ thấu hiểu cái nhất thể của sự đồng nhất và khác biệt. Bồ Tát Phổ Hiền hay được thờ chung với Phật Thích-ca và Bồ Tát Văn-thù-sư-lợi ( ). Bồ Tát cưỡi voi trắng sáu ngà, voi trắng tượng trưng cho trí huệ vượt chướng ngại, sáu ngà cho sự chiến thắng sáu giác quan. Trong hệ thống Ngũ Phật, Phổ Hiền được xem ở trong nhóm của Phật Đại Nhật (sa. vairocana). Biểu tượng của Phổ Hiền là ngọc như ý, hoa sen, có khi là trang sách ghi thần chú của Bồ Tát. Tại Trung Quốc, Phổ Hiền được xem là một trong bốn Đại Bồ Tát, trú xứ của Phổ Hiền là núi Nga Mi, nơi Bồ Tát lưu trú sau khi cưỡi voi trắng sáu răng (sáu răng ngụ ý sáu độ, sáu phương pháp tu hành để đạt tới cõi Niết bàn; bốn chân biểu thị bốn điều như ý, bốn loại thiền định) từ Ấn Độ sang Trung Quốc (xem thêm Tứ đại danh sơn). Trong Kim cương thừa, tên Phổ Hiền được sử dụng chỉ (sa. ādi-buddha), hiện thân của Pháp thân (sa. dharmakāya, xem Tam thân). Phổ Hiền này (không phải vị Đại Bồ Tát) được vẽ với màu xanh đậm, tượng trung cho tính Không. Tranh tượng cũng vẽ Phổ Hiền hợp nhất với nữ thần sắc trắng, tượng trưng cho sự nhất thể. Trong phép Đại thủ ấn (sa. mahāmudrā), thân của Phổ Hiền là Báo thân (sa. saṃbhogakāya) và đóng một vai trò trung tâm. Tên Phổ Hiền ở các nước Tiếng Hoa: Puxian Tiếng Hàn: Pohyon Tiếng Nhật: Fugen Emmei Bosatsu tiếng Tạng: Kun-Tubzang-po Tiếng Anh: Boddhisattva of Universal Knowledge/Bounty is Omnipresent Tiếng Thái: พระสมันตภัทรโพธิสัตว์ - đọc như tiếng Việt là: Pra-Sả-Măn-Taphach- phô-thi-sạch. Thân trạng Samntabhadra biểu thị từ tâm và Phật pháp. Ngài thường sánh đôi với Văn Thù Sư lợi và cả hai được coi là những cao đồ của Thích Ca Mâu Ni, có lẽ từng là đệ tử thực sự của vị Phật lịch sử. Ngài là vị đầu tiên trong Ngũ Thiền Bồ Tát, tương ứng với Ngũ Thiền Phật của Bắc Tông. Ngài ngụ hướng Đông, ở Tây Tạng, có thời người ta thờ ngài như là Nhiên Đăng Cổ Phật (Adi Buddha), nhưng hiện nay chỉ còn những tín đồ của tông Ninh Mã (Nyingma) giữ tín điều đó Một vài phái Mật Tông ở vùng Hy Mã Lạp Sơn cho rằng chính vị bồ tát này chứ không phải Đại Nhật Phật là đấng sáng tạo ra Mật Tông Phật giáo, trong đó tín đồ tìm cách hội thông và hợp nhất với thần linh. Ở Trung Quốc Phổ Hiền hầu như luôn luôn được thờ phụng chung với Thích Ca và Văn Thù. Tại Nhật Bản và nhiều vùng khác ngài cũng được thờ phượng qua hình tướng mật nhiệm Fugen Emmei Bosatsu (Phổ Hiền mệnh Bồ Tát). Biểu thị và Tùy khí Phổ Hiền thường xuất hiện trong bộ ba cùng với Thích Ca và Văn Thù Sư Lợi gọi là Thích Ca Tam Tôn. Ngài đứng bên phải, còn Văn Thù đứng bên trái và có khi họ được vây quanh bởi mười sáu thiên thần bảo vệ cho kinh Bát Nhã. Ngài thường xuất hiện như một Bồ Tát với vương miện và y trang đầy ắp châu báu như một ông hoàng và nhiều tranh ảnh tượng, ngài cưỡi voi trắng 6 ngà, voi trắng tượng trưng cho chiến thắng 6 giác quan. Tùy khí của ngài chính là viên bảo châu mà ngài thường cầm nơi tay trái hoặc tay phải cầm hoa sen, trên đó hoa là viên bảo châu. Trong nhiều biểu thị, một trong hai bàn tay ngài bắt ấn giáo hóa, với ngón cái và ngón trỏ, chạm nhau thành hình tam giác. Trong những hình ảnh khác ngài cầm cuộn kinh hay kim cương chử nơi tay trái, trong tranh tượng ở Nhật Bản, Phổ Hiền Dương Mệnh Bồ Tát được trình bày với ba mươi hai tay ngồi trên voi trắng bốn đầu hoặc trên bốn voi trắng. Trong hội hoa Phật giáo Mật tông ngài được thể hiện bằng màu xanh lục hay màu vàng. Trong những ảnh tượng của tông Nyingma Tây Tạng, Phổ Hiền trong tư thế Yab-Yum ở trung tâm của mạn đà la Shi-tro, mạn đà la của Thái Hòa. Tuy nhiên có khi vị Bồ Tát này cũng được biểu thị trong hình tướng phẫn nộ được gọi là Chemchok Heruka. Trong hình tướng này, ngài là vị thần có cánh với thân hình màu nâu đỏ sẫm có ba mặt, sáu tay và bốn chân, thường được miêu tả trong tư thế ôm gùi lấy người phối ngẫu màu đỏ tươi. Phổ Hiền Vương Hạnh Nguyện Căn bản tu tập của Phật giáo Đại thừa, Kim Cương thừa là Nhị Tư Lương (Phúc - Trí, Phương Tiện - Trí Tuệ, Bồ Đề tâm - Trí Tuệ). Nếu Văn Thù đại diện cho Trí Tuệ thì Phổ Hiền đại diện cho Phương Tiện, hạnh nguyện lớn lao vĩ đại. Mười đại nguyện của Ngài gồm có: Kính lễ Chư Phật. Xưng Tán Như Lai. Quảng Tu Cúng Dường. Sám Hối Nghiệp Chướng. Tùy Hỷ Công Đức. Thỉnh Chuyển Pháp Luân. Thỉnh Phật Trụ Thế. Thường Tùy Phật Học. Hằng Thuận Chúng Sinh. Phổ Giai Hồi Hướng. Trong văn học Trong tác phẩm Tây Du Ký, hình tượng Phổ Hiền bồ tát chỉ xuất hiện một vài hồi. Trong hồi 24: Tứ thánh thử lòng thiền, Phổ Hiền đã hóa phép vai một trong ba giai nhân thử lòng thầy trò Đường Tam Tạng. Trong Phong thần diễn nghĩa, hình tượng Phổ Hiền chân nhân là một trong Thập nhị đại tiên Xiển giáo, học trò của Nguyên Thủy Thiên Tôn. Ngài cư ngụ tại động Bạch Hạc, núi Cửu Cung, đệ tử là Mộc Tra, mang bảo bối là dây Trường Hồng.
Văn-thù-sư-lợi (zh. 文殊師利, sa. mañjuśrī) là tên dịch theo âm, thường được gọi tắt là Văn-thù, dịch nghĩa là Diệu Đức (zh. 妙德), Diệu Cát Tường (zh. 妙吉祥), cũng có lúc được gọi là Diệu Âm (zh. 妙音), dịch từ tên tiếng Phạn là Mañjughoṣa, là một vị Bồ Tát tượng trưng cho trí huệ, một trong những vị Bồ Tát quan trọng của Phật giáo. Lần đầu tiên người ta nhắc đến Văn-thù trong tác phẩm Văn-thù-sư-lợi căn bản nghi quỹ (sa. ārya-mañjuśrī-mūlakalpa) ở thế kỉ thứ 4. Tranh tượng trình bày Văn-thù với lưỡi kiếm và kinh Bát-nhã-ba-la-mật-đa, được vẽ khoảng ngang đầu. Người ta xem đó là biểu tượng trí huệ phá đêm tối của Vô minh. Về sau chúng ta thường thấy Văn-thù cưỡi trên một con sư tử. Lịch sử Trong Phật giáo Tây Tạng, các vị luận sư xuất sắc như Tông-khách-ba thường được xem là hiện thân của Văn-thù (Châu-cô). Dưới tên Diệu Âm (zh. 妙音),"Người với tiếng nói êm dịu", Văn-thù Bồ Tát thường được tán tụng trước khi hành giả nghiên cứu kinh điển, nhất là kinh điển thuộc hệ Bát-nhã-ba-la-mật-đa và học thuyết của Trung quán tông. Văn-thù là vị Bồ Tát tượng trưng cho kinh nghiệm giác ngộ, đạt được bằng phương tiện tri thức. Văn-thù cũng xuất hiện dưới dạng một Thần thể (sa. iṣṭadevatā, sādhita, bo. yidam) phẫn nộ, có tên gọi là Diêm-mạn-đức-ca –"Người chiến thắng tử thần"(sa. yamāntaka), có dạng vị thần mang đầu bò. Dạng này là Thần thể quan trọng của phái Cách-lỗ tại Tây Tạng. Theo truyền thống Phật giáo Trung Quốc, Văn-thù được Phật Thích-ca đích thân giao phó việc truyền bá Phật pháp tại đây và Ngũ Đài sơn chính là nơi Bồ Tát thuyết pháp. Vì vậy, Ngũ Đài sơn cũng được xem là trụ xứ của Văn-thù (xem Tứ đại danh sơn). Một thuyết khác bảo rằng, Bồ Tát đã từng xuất hiện tại Trung Quốc trong thế kỉ 1, đời Hán Minh Đế. Câu niệm danh hiệu của vị bồ tát này là:"Nam mô Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát". Hình ảnh
Nguyệt Xứng (zh. 月稱, sa. candrakīrti, bo. zla ba grags pa ཟླ་བ་གྲགས་པ་), tk. 6/7, được xem là Luận sư quan trọng nhất trong tông Trung quán sau Long Thụ. Sư quê ở Nam Ấn, xuất gia từ lúc nhỏ tuổi. Nhân lúc đọc tác phẩm của Long Thụ, Sư bỗng hiểu ý. Sau, Sư trở thành viện trưởng của Na-lan-đà và viết nhiều bài luận chú giải về các tác phẩm của Long Thụ. Các tác phẩm quan trọng của Sư là Minh cú luận (zh. 明句論, còn nguyên bản Phạn ngữ), Nhập trung quán luận (zh. 入中觀論). Tương truyền rằng, trong một cuộc hành trình truyền Pháp về hướng Nam, Sư đã giáo hoá rất nhiều người. Sư sống rất thọ, nhưng chắc chắn là không thọ đến 300 (!) tuổi như sử sách Tây Tạng thuật lại. Các tác phẩm còn lưu lại của Sư (trích): Minh cú luận (sa. prasannapadā), gọi đủ là Trung quán minh cú luận (sa. madhyamakavṛtti-prasannapadā), tác phẩm chú giải Trung quán luận (sa. madhyamaka-śāstra) của Long Thụ (sa. nāgārjuna) duy nhất bằng nguyên văn Phạn ngữ, bản Tạng ngữ cũng còn; Nhập trung quán luận (sa. madhyamakāvatāra), chỉ còn bản Tạng ngữ; Nhập trung luận thích (sa. madhyamakāvatāra-bhāṣya), chỉ còn bản Tạng ngữ; Nhân duyên tâm luận thích (sa. pratītyasamutpāda-hṛdaya-vṛtti), một tác phẩm chú giải Nhân duyên tâm luận tụng (sa. pratītyasamutpāda-hṛdaya-kārikā), được xem là của Long Thụ, chỉ còn bản Tạng ngữ; Thất thập không tính luận thích (sa. śūnyatā-saptativṛtti), chú giải Thất thập không tính luận (sa. śūnyatā-saptati) của Long Thụ. Long Thụ (và Parahita) cũng có soạn một tác phẩm dưới tên này. Chỉ còn bản Tạng ngữ; Lục thập tụng như lý luận thích (sa. yukti-ṣaṣṭhikā-vṛtti), luận giải Lục thập tụng như lý luận (sa. yukti-ṣaṣṭhikā), một tác phẩm được xem là của Long Thụ, chỉ còn bản Tạng ngữ; Bồ Tát du-già hành tứ bách luận thích (sa. bodhisattvayogācāra-catuḥśataka-ṭīkā), chú thích bộ Tứ bách luận (sa. catuḥśataka) của Thánh Thiên (sa. āryadeva), chỉ còn bản Tạng ngữ; Trung quán luận tụng (sa. madhyamaka-śāstra-stuti). Chú thích
Ngưỡng Sơn Huệ Tịch (zh. yǎngshān huìjì 仰山慧寂, ja. kyōzan ejaku), 807-883, là Thiền sư Trung Quốc, môn đệ lừng danh của Quy Sơn Linh Hựu và là người cùng thầy khai sáng tông Quy Ngưỡng. Trí huệ và kinh nghiệm giác ngộ thâm sâu của sư nổi danh trong thiền giới thời đó nên sư cũng có biệt danh là "Tiểu Thích-ca." Môn đệ hàng đầu của sư là Nam Tháp Quang Dũng, Vô Trước Văn Hỉ và Tây Tháp Quang Mục. Trước tuổi 20, sư yết kiến và trau dồi kinh nghiệm với nhiều ngôi sao sáng trong Thiền tông và đã mang danh là một thiền sinh xuất sắc. Dưới sự hướng dẫn của Quy Sơn, sư đạt yếu chỉ thiền. Cơ duyên Sư họ Diệp, quê ở Hoài Hoá, Thiều Châu. sư muốn xuất gia nhưng cha mẹ không cho, bèn chặt hai ngón tay, thệ nguyện cầu chính pháp để đáp ân nghĩa. Cha mẹ đành cho phép. Chưa thụ giới cụ túc, sư đã đi du phương. Đến Thiền sư Thạch Sương Tính Không, nghe một vị tăng hỏi Tính Không: "Thế nào là ý Tổ sư từ phương Tây sang?" Tính Không liền đáp: "Như người trong giếng sâu ngàn thước, người này chẳng nhờ một tấc dây mà ra được, người này trả lời được." Câu trả lời này cứ quấn mãi tâm Sư. Đến Đam Nguyên Ứng Chân, sư hỏi: "Thế nào là người trong giếng ra được?" Đam Nguyên liền đáp: "Đồ ngốc! Ai ở trong giếng?" Dù sư chưa hiểu nhưng vẫn được Đam Nguyên truyền cho cách sử dụng 97 viên tướng để hoằng hoá, một phương pháp quan trọng để hướng dẫn môn đệ sau này trong tông Quy Ngưỡng. Đến Quy Sơn Linh Hựu, Quy Sơn hỏi: "Ngươi là Sa-di có chủ hay không chủ?" Sư thưa: "Có chủ." Quy Sơn lại hỏi: "Chủ ở chỗ nào?" Sư từ bên Đông sang bên Tây đứng, Quy Sơn biết môn đệ thượng hạng. Sư trình lại câu hỏi "Thế nào ra khỏi giếng ngàn thước không cần dây." Quy Sơn hét: "Huệ Tịch!" Sư ứng: "Dạ." Quy Sơn bảo: "Ra rồi!" Nhân đây, sư đại ngộ triệt để, lại hỏi: "Thế nào là chỗ trụ của chư Phật?" Quy Sơn bảo: "Dùng cái diệu tư (nghĩ nhớ) mà không tư, xoay cái tư tinh anh sáng suốt vô cùng. Tư hết, trở về nguồn, nơi tính tướng thường trụ, sự lý không hai, Chân Phật như như." Sư trút sạch hồ nghi nơi đây, ở lại hầu hạ Quy Sơn. Sư đến phiên chăn trâu sườn núi, thấy một vị tăng lên núi không bao lâu trở xuống, Nghe sư hỏi vì sao, vị tăng thuật lại: "Hoà thượng hỏi tôi tên gì, tôi thưa Quy Chân, Hoà thượng hỏi Quy Chân ở đâu, tôi đáp không được." Sư bảo vị tăng, nếu Quy Sơn hỏi như vậy nữa thì trả lời "Quy Chân ở trong mắt, trong tai, trong mũi." Vị tăng lại lên núi ra mắt Quy Sơn. Quy Sơn hỏi lại như trước, vị tăng trả lời như sư đã dạy và bị Quy Sơn quở: "Kẻ nói suông vô ích, đây là lời của thiện tri thức đứng đầu 500 người!" Sư và thầy đồng tình đồng ý như hai cha con nên người đời cũng nói rằng "Hai cha con hát bằng một miệng." Sư học hỏi nơi Quy Sơn 15 năm, trước về Vương Mãn, sau về Ngưỡng Sơn trụ trì, người người đua nhau đến học. Pháp ngữ Sư thượng đường dạy chúng: "Hết thảy các ngươi, mỗi người tự hồi quang phản quán, chớ ghi ngôn ngữ của ta. Các ngươi từ kiếp vô thủy đến giờ trái sáng hợp tối, gốc vọng tưởng quá sâu khó nhổ mau được. Do đó giả lập phương tiện dẹp thức thô của các ngươi, như đem lá vàng dỗ con nít khóc, có cái gì là phải? Như các người bán hàng hoá cùng bán vàng lập phố. Bán hàng hoá thì chỉ nghĩ thích hợp với người mua. Vì thế, nói ‘Thạch Đầu là phố chân kim, chỗ ta là phố tạp hoá.’ Có người đến tìm phân chuột ta cũng bết phân chuột cho, kẻ khác đến cầu chân kim ta cũng trao cho… Tìm hỏi thì có trao đổi, chẳng tìm hỏi thì không ta. Nếu nói bên thân Thiền tông cần một người làm bạn cũng không, huống là có năm bảy trăm chúng. Nếu ta nói Đông nói Tây, ắt giành nhau lượm lặt, như đem nắm tay không để lừa gạt con nít, trọn không có thật. Nay ta nói rõ các ngươi, việc bên cạnh thánh, chớ đem tâm nghĩ tính, chỉ nhằm vào biển tính của chính mình mà tu hành như thật…" Sư trước ở Ngưỡng Sơn, sau dời về Quan Âm chỉ dạy tăng chúng. Sắp tịch, sư làm bài kệ: 一二二三子 平目復仰視 兩口一無舌 即是吾宗旨 Nhất nhị nhị tam tử Bình mục phục ngưỡng thị Lưỡng khẩu nhất vô thiệt Tức thị ngô tông chỉ. Một hai hai ba con Mắt thường lại ngước xem Hai miệng một không lưỡi Đây là tông chỉ ta. Nói xong, sư ngồi hai tay bó gối viên tịch, thọ 77 tuổi. Vua phong danh hiệu Trí Thông Thiền sư. Những lời khuyên dạy của sư được ghi trong Viên Châu Ngưỡng Sơn Huệ Tịch Thiền sư ngữ lục.
Đạo sư (zh. 導師, sa. guru, bo. bla ma), cũng có khi được dịch theo âm Hán Việt là Cổ-Lỗ (zh. 古魯), nghĩa là Sư phụ, vị thầy dạy đạo. Theo một ý nghĩa riêng biệt – như trong trường hợp của các vị Đại thành tựu – thì người ta nên dịch chữ "guru" là Chân sư (zh. 真師), nếu hiểu chữ "Chân sư" ở đây đồng nghĩa với một vị thầy có đầy đủ những khả năng, thích hợp cho những môn đệ khác nhau, có thể nói là tuỳ cơ ứng biến, tuỳ chứng phát được. Cần phân biệt rõ giữa Đạo sư và Chân sư. Đạo sư là người dạy đạo, truyền đạo. Chân sư là bậc đạo sư chân chánh, dạy đạo và đời, truyền đạo với những phát kiến mới có lợi ích cho cuộc sống nhân sinh. Các truyền thống về đạo sư "Theo truyền thống của Ấn Độ giáo phân biệt ba vị Đạo sư: Cha mẹ, là người sinh thành thân thể, hiến tặng đời sống và giúp làm quen với các vấn đề trong cuộc đời; thầy giáo dạy các môn học của thế gian, hướng dẫn nghề nghiệp; Đạo sư giúp tìm ra con đường đạo, tiến đến giải thoát; "Đạo sư vũ trụ" (sa. avatāra, dịch sát nghĩa là "Đấng Giáng thế") là bậc giác ngộ, là hiện thân của sự Giác ngộ, của Chân như. Về Đạo sư người ta thường đặt hai câu hỏi là: Trên con đường tu học giác ngộ, liệu có thật cần một Đạo sư hay không; Đối với một Đạo sư, hành giả phải tuân lời đến mức nào. Về câu hỏi thứ nhất, các Đạo sư Ấn Độ giáo hay dùng một thí dụ giản đơn: một người khách lạ tìm đường trong một thành phố. Người đó có hai cách, một là cứ lần lượt xem từng con đường, thế nào rồi cũng tìm ra, nhưng mất thời gian và nếu không may, có thể con đường cuối cùng mới đúng là con đường mình kiếm. Cách thứ hai là hỏi một người sống trong thành phố đó, người đó sẽ chỉ cách đi ngắn nhất đến đó. Đạo sư được xem là người sống tại "địa phương" của các phương pháp tu học. Mặt khác, trong kinh sách thường nói, một khi hành giả tiến tới một mức nhất định thì nội tâm sẽ biến thành Đạo sư, dẫn đường cho mình. Vì vậy trong kinh có dùng chữ Phạn antaryāmin, nghĩa là "người hướng đạo nội tại." Nói về sự nghe lời Đạo sư thì quan niệm chung cho thấy rằng không bao giờ một Đạo sư chân thật lại ức chế học trò. Ngược lại học trò phải có một mối liên hệ thân thiết và tin tưởng nơi Đạo sư thì các vị đó mới có thể giúp đỡ được. Vị Đạo sư được xem là vĩ đại chính là Đức Phật Thích-ca thì lại khuyên mọi đệ tử nên nghe rồi tự mình trắc nghiệm các chân lý, không nên nhắm mắt tin vào ai, kể cả vào lời nói của một vị Phật (xem thêm A-xà-lê).
Chân ngôn tông (kanji: 真言宗, rōmaji: shingon-shū), là dạng Mật tông tại Nhật Bản, do Đại sư Không Hải (ja. kūkai, 774-835) sáng lập. Sư tu học Mật tông tại Trung Quốc và chuyên học về Chân ngôn (chân ngôn, chân âm, thần chú). Đặc biệt tông này rất quan tâm đến "ba bí mật" (Thân, khẩu, ý), đó là ba phương tiện để mỗi người đạt được Phật quả. Bí mật của Thân được bày tỏ qua các thủ ấn (xem ấn), trong các tư thế thiền định và trong cách sử dụng các pháp khí như Kim cương chử hay hoa sen. Các điều đó được xem có liên hệ cụ thể với một vị Phật hay Bồ Tát. Bí mật của Khẩu được diễn tả trong Chân ngôn và Đà-la-ni. Bí mật của ý dựa trên "năm trí" và thông qua năm trí đó hành giả tiếp cận với Chân như. Qua các phép hành lễ với Thân, khẩu, ý, hành giả sẽ đạt mối liên hệ với vị Phật, đạt tri kiến "Phật ở trong ta, ta trong Phật", đạt Phật quả ngay trong đời này. Ba bí mật nói trên được khẩu truyền giữa thầy với trò trong các buổi hành lễ, điều này khác hẳn với các tông phái thuộc hiển giáo. Chân ngôn tông tôn xưng Phật Đại Nhật (sa. vairocana), chính là Pháp thân vô tận, là vị Phật nguyên thủy tuyệt đối, và chỉ kẻ được quán đỉnh mới được tu tập theo tông này. Phái này chủ trương không thể diễn tả giáo pháp bằng văn tự mà chỉ bằng hình ảnh nghệ thuật và vì vậy các mạn-đồ-la đóng một vai trò quan trọng trong tông này. Hai Mạn-đồ-la quan trọng nhất của Chân ngôn tông là Thai tạng giới mạn-đồ-la (sa. garbhadhātu-maṇḍala) và Kim cương giới mạn-đồ-la (sa. vajradhātu-maṇḍala), trình bày Phật Đại Nhật và các vị Phật khác. Trong một buổi lễ quan trọng của tông này, đệ tử Chân ngôn tông cầm hoa ném vào Mạn-đồ-la, hoa rơi đúng vị Phật nào thì đó là vị Đạo sư của người đó. Chân ngôn tông không phủ nhận tính có thật của thế giới hiện tượng này cũng như hạnh phúc của con người trong thế giới đó. Tông này cho phép tăng sĩ hành lễ và được thu tiền. Qua thời gian, trong tông này nảy sinh tệ mê tín dị đoan và vì vậy cũng có nhiều bộ phái nhỏ xuất hiện. Ngày nay, tông này vẫn là một tông phái mạnh tại Nhật.
Chân Như (zh. 真如, sa., pi. tathatā, bhūtatathatā) là một khái niệm quan trọng của Đại thừa Phật giáo, chỉ thể tính tuyệt đối cuối cùng của vạn sự. Chân như chỉ thể tính ổn định, thường hằng, nằm ngoài mọi lý luận nhận thức. Chân như nhằm chỉ cái ngược lại của thế giới hiện tượng thuộc thân thuộc tâm. Tri kiến được Chân như tức là Giác ngộ, vượt khỏi thế giới nhị nguyên, chứng được cái nhất thể của khách thể và chủ thể. Chân như đồng nghĩa với Như Lai tạng, Phật tính, Pháp thân. Các thuật ngữ Sau đây là một số thuật ngữ bao gồm từ Chân như thường gặp: Chân như pháp giới (zh. zhēnrú făjiè 眞如法界, ja. shinnyo hōkai) là Pháp giới của chân như. Vì Pháp giới và Chân như cơ bản hàm ý như nhau nên đây chỉ là một cách gọi thể tính chân như mà chư Phật cảm nhận được. Chân như tính khởi (zh. zhēnrú xìngqĭ 眞如性起, ja. shinnyo shōki) chỉ sự sinh khởi của mọi hiện tượng tùy thuộc hoặc nương vào Chân như. Chân như tướng (zh. zhēnrú xiāng 眞如相, ja. shinnyosō) chỉ tướng thứ 8 trong "Thập hồi hướng" theo pháp tu của hàng Bồ Tát. Giai vị mà hàng Bồ Tát dùng trí huệ trung đạo để làm sáng tỏ tính chất hữu vô của các pháp, và thấy các pháp đều là chân như pháp giới. Chân như vô vi (zh. zhēnrú wúwéi 眞如無爲, ja. shinnyomui) là một trong 6 pháp vô vi trong giáo lý Duy thức. Chân như là thể tính chân thực của mọi hiện tượng. Chân như được gọi là vô vi vì ý niệm rằng ngay cả trí huệ giác ngộ của chư Phật tự nó vốn chẳng thực là chân như, bởi vì trí huệ giác ngộ được xếp vào những pháp hữu vi.
Đại tín căn (zh. 大信根, ja. dai-shinkon) là một niềm tin căn bản lớn, một trong ba điều kiện cần thiết để giác ngộ theo Thiền tông Nhật Bản. Hai điều kiện khác là Đại phấn chí (ja. dai-funshi) và Đại nghi đoàn (ja. dai-gidan). Trong tác phẩm Nhập thiền môn tu tập, Thiền sư Bạch Vân An Cốc (ja. hakuun yasutani) viết như sau về Đại tín căn: "Đại tín căn có nghĩa là niềm tin sâu thẳm, vững chắc như một khối đá, như một cổ thụ vĩ đại. Đó là một niềm tin không vướng mắc vào mê tín dị đoan, những hiện tượng siêu nhiên vượt khỏi tầm tay của con người. Nhiều người cho rằng đạo Phật là một tôn giáo duy lý hoặc tôn giáo chỉ thuần tuý đặt nền tảng trên lý trí của con người. Tuy nhiên, đạo Phật là một tôn giáo (en. religion) – chính bởi vì yếu tố niềm tin nằm ở trong đó, và nếu không có niềm tin này thì đạo Phật chỉ còn là một hệ thống triết lý thuần đơn như những hệ thống triết lý khác. Với sự Giác ngộ của Phật-đà – đạt được với sự cố gắng tột cùng –, đạo Phật đã hoàn tất bước đầu. Đại tín căn của chúng ta chính là niềm tin nơi Phật quả, kinh ngiệm giác ngộ mà Phật đã trình bày trong kinh sách. Các bài thuyết pháp của Phật không vượt ngoài những nội dung chính, đó là nhân tâm cũng như tất cả các pháp hiện hữu đều thanh tịnh từ ban đầu; rõ ràng hơn: hoàn hảo. Không có một niềm tin vững chắc nơi Phật pháp thì không ai có thể tiến xa trên đường tu học."
Đại nghi đoàn (zh. 大疑團, ja. dai-gidan) nghĩa là "Một khối nghi lớn", là một trong ba điều kiện cần thiết để Giác ngộ theo Thiền tông. Hai điều kiện khác là Đại phấn chí (ja. dai-funshi) và Đại tín căn (ja. dai-shinkon). Đại nghi đoàn ở đây không phải là cái nghi ngờ dao động, hồ nghi, nghi ngờ nơi Phật pháp mà là một trạng thái nghi rất mạnh. xuất phát từ sự kinh ngạc, tự phân tích, tự hỏi tâm trạng của chính mình. Thiền sư hiện đại người Nhật là Bạch Vân An Cốc (ja. hakuun yasutani) viết như sau về Đại nghi đoàn: "Cái quan trọng ở đây không phải là một cái nghi ngờ bình thường, quý vị nên lưu ý! Cái nghi ở đây là cả một khối nghi lớn, một khối nghi xuất phát từ Đại tín căn. Khối nghi này bắt buộc chúng ta tự hỏi ở chính mình rằng, tại sao thế giới hiện hữu dường như quá không hoàn hảo, đầy ưu sầu khổ não trong khi lòng tin thâm sâu của chúng ta lại bảo rằng, sự thật thì không phải như vậy. Đó chính là một khối nghi lớn không để chúng ta yên tâm – tương tự như trường hợp chúng ta tự biết mình đều là những triệu phú, nhưng không biết vì lý do gì mà cứ sống trong cảnh cơ hàn, không một xu nào trong túi. Trong trường hợp này thì cường độ của Đại nghi đoàn tương ưng với Đại tín căn."
Đại phấn chí (zh. 大憤志, ja. dai-funshi, chữ 憤 đọc âm "phấn", không đọc "phẫn"), là sự bực tức lớn, lòng muốn hiểu mà chưa hiểu được. Đại phấn chí là một trong ba điều kiện cần thiết để Giác ngộ theo Thiền tông Nhật Bản. Hai diều kiện khác là Đại nghi đoàn (ja. dai-gidan) và Đại tín căn (ja. dai-shinkon). Đại phấn chí là ý chí dũng cảm bất khuất, đầy năng lực để tìm được câu giải đáp cho Đại nghi đoàn. Bạch Vân An Cốc (ja. hakuun yasutani) – một Thiền sư hiện đại người Nhật – viết như sau về Đại phấn chí: "Tất cả chúng ta đều có niềm tin lớn nơi Phật pháp rằng, tất cả mọi chúng sinh đều có Phật tính. Vì thế mà chúng ta quyết định tìm được chân lý này để trực nhận được nó."
Kim loại chuyển tiếp là 68 nguyên tố hóa học có số nguyên tử từ 21 đến 30, 39 đến 48, 57 đến 80 và 89 đến 112. Nguyên nhân của tên này là do vị trí của chúng trong bảng tuần hoàn vì tại đó bắt đầu sự chuyển tiếp do có thêm điện tử trong quỹ đạo nguyên tử của lớp d. Nếu định nghĩa một cách chặt chẽ hơn thì kim loại chuyển tiếp là những nguyên tố tạo thành ít nhất là một ion với một lớp quỹ đạo (orbital) d được điền đầy một phần, tức là các nguyên tố khối d ngoại trừ scandi và kẽm. Ghi chú: * Từ Lanthan đến Luteti (các nguyên tố có số nguyên tử từ 57 đến 71) là các nguyên tố thuộc nhóm Lanthan. ** Từ Actini đến Lawrenci (các nguyên tố có số nguyên tử từ 89 đến 103) là các nguyên tố thuộc nhóm Actini. Cấu hình điện tử Thông thường thì các quỹ đạo lớp trong được điền đầy trước các quỹ đạo lớp ngoài. Các quỹ đạo s của những nguyên tố thuộc về khối quỹ đạo d lại có trạng thái năng lượng thấp hơn là các lớp d. Vì nguyên tử bao giờ cũng có khuynh hướng đi đến trạng thái có năng lượng thấp nhất nên các quỹ đạo s được điền đầy trước. Các trường hợp ngoại lệ là crôm và đồng, chỉ có 1 điện tử ở quỹ đạo ngoài cùng, nguyên nhân là do điện tử đẩy nhau, chia các điện tử ra trong quỹ đạo s và quỹ đạo d để dẫn đến trạng thái năng lượng thấp hơn là điền 2 điện tử vào quỹ đạo ngoài cùng ở các nguyên tử này. Không phải tất cả các nguyên tố khối d đều là kim loại chuyển tiếp. Scandi và kẽm không đáp ứng được định nghĩa ở phía trên. Scandi có 1 điện tử ở lớp d và 2 điện tử ở lớp s ngoài cùng. Vì ion duy nhất của Scandi (Sc3+) không có điện tử trên quỹ đạo d nên tất nhiên là ion này cũng không thể có quỹ đạo "được điền đầy một phần". Ở kẽm cũng tương tự như vậy vì ion duy nhất của kẽm, Zn2+, có một quỹ đạo d được điền đầy hoàn toàn. Tính chất hóa học Các kim loại chuyển tiếp có đặc tính là có ứng suất căng, khối lượng riêng, nhiệt độ nóng chảy và nhiệt độ sôi cao. Cũng như những tính chất khác của kim loại chuyển tiếp, các tính chất này là do khả năng của các điện tử trong quỹ đạo d không có vị trí xác định trong mạng của kim loại. Các tính chất này của kim loại chuyển tiếp càng rõ khi càng có nhiều điện tử được chia sẻ giữa các hạt nhân. Các kim loại chuyển tiếp có 4 tính chất cơ bản: Tạo hợp chất có màu Có thể có nhiều trạng thái oxy hóa khác nhau Là chất xúc tác tốt Tạo phức chất Trạng thái oxy hóa Nếu so sánh với các nguyên tố của phân nhóm chính nhóm II như calci thì ion của các kim loại chuyển tiếp có thể có nhiều trạng thái oxy hóa khác nhau. Thông thường thì calci không mất nhiều hơn là 2 điện tử trong khi các kim loại chuyển tiếp có thể cho đến 9 điện tử. Nếu xem xét entanpi ion hóa của hai nhóm thì sẽ nhận thấy được nguyên nhân. Năng lượng cần dùng để lấy đi 2 điện tử của calci ở quỹ đạo s ngoài cùng ở mức thấp. Ca3+ có một entanpi ion hóa lớn đến mức mà thông thường thì ion này không tồn tại. Các kim loại chuyển tiếp như vanadi do có độ chênh lệch năng lượng thấp giữa các quỹ đạo 3d và 4s nên entanpi ion hóa tăng gần như tuyến tính theo các quỹ đạo d và s. Vì thế mà các kim loại chuyển tiếp cũng tồn tại với các số oxy hóa rất cao. Dọc theo một chu kỳ có thể nhận thấy được một số khuôn mẫu tính chất nhất định: Số lượng của những trạng thái oxy hóa tăng đến mangan và sau đó giảm đi. Nguyên nhân là do các lực hút proton trong hạt nhân mạnh hơn nên khó cho điện tử hơn. Ở các mức oxy hóa thấp, các nguyên tố thường tồn tại dưới dạng là ion. Trong các mức oxy hóa cao chúng thường tạo liên kết cộng hóa trị với các nguyên tố điện tử âm khác như ôxi hay flo, thường là anion. Các tính chất phụ thuộc vào trạng thái oxy hóa: Các mức oxy hóa cao hơn sẽ kém bền dọc theo chu kỳ. Ở mức oxy hóa cao hơn, ion là chất oxy hóa tốt, trong khi nguyên tố ở các mức oxy hóa thấp là chất khử. Bắt đầu từ đầu chu kỳ, các ion 2+ là chất khử mạnh có độ bền tăng dần. Ngược lại, các ion 3+ bắt đầu bằng độ bền và càng trở thành chất oxy hóa tốt hơn. Hoạt tính xúc tác Các kim loại chuyển tiếp là những chất xúc tác đồng thể và dị thể tốt, thí dụ như sắt là chất xúc tác cho quy trình Haber-Bosch. Niken và platin được dùng để hiđrô hóa anken. Hợp chất màu Khi tần số bức xạ điện từ thay đổi chúng ta nhận thấy được các màu khác nhau. Chúng là kết quả từ các thành phần khác nhau của ánh sáng khi ánh sáng được phản xạ, truyền đi hay hấp thụ sau khi tiếp xúc với một vật chất. Vì cấu trúc của chúng nên các kim loại chuyển tiếp tạo thành nhiều ion và phức chất có màu khác nhau. Màu cũng thay đổi ngay tại cùng một nguyên tố, MnO4− (Mn trong mức oxy hóa +7) là một hợp chất có màu tím, Mn2+ thì lại có màu hồng nhạt. Việc tạo phức chất có thể đóng một vai trò cơ bản trong việc tạo màu bởi vì các phối tử có ảnh hưởng lớn đến lớp 3d. Chúng hút một phần các điện tử 3d và chia các điện tử này ra thành các nhóm có năng lượng cao và các nhóm có năng lượng thấp hơn. Tia bức xạ điện từ chỉ có thể được hấp thụ khi tần số của nó tỷ lệ với hiệu số năng lượng của hai trạng thái nguyên tử. Khi ánh sáng chạm vào một nguyên tử với các quỹ đạo 3d bị đã bị chia ra thì một số điện tử sẽ được nâng lên trạng thái năng lượng cao hơn. Nếu so với các ion thông thường thì các ion của các chất phức có thể hấp thụ nhiều tần số khác nhau và vì thế mà có thể quan sát thấy nhiều màu khác nhau. Màu của một chất phức phụ thuộc vào: Số lượng điện tử trong các quỹ đạo d Cách sắp xếp các phối tử chung quanh ion Loại của phối tử xung quanh ion. Khi chúng có tính phối tử càng nhiều thì hiệu số năng lượng giữa hai nhóm 3d bị tách ra càng cao
Quần đảo Canaria ( , ), cũng được gọi là Canarias, là một quần đảo và cộng đồng tự trị của Tây Ban Nha nằm trong Đại Tây Dương, cách Maroc về phía tây. Quần đảo Canarias là một lãnh thổ thuộc nhóm ngoại vùng (OMR) của Liên minh châu Âu. Đây cũng là một "quốc gia lịch sử" được công nhận bởi chính phủ Tây Ban Nha. Các đảo chính là (từ lớn tới nhỏ nhất) Tenerife, Fuerteventura, Gran Canaria, Lanzarote, La Palma, La Gomera và El Hierro. Ngoài ra, quần đảo Canaria còn một số đảo/đảo nhỏ khác: La Graciosa, Alegranza, Isla de Lobos, Montaña Clara, Roque del Oeste và Roque del Este. Quần đảo Canaria là lãnh thổ xa nhất về phía nam của Tây Ban Nha và là nhóm đảo lớn nhất và đông dân nhất Macaronesia.
Cờ vua hay Quốc tế Tượng kỳ (, ), đôi khi còn được gọi là cờ phương Tây hoặc cờ quốc tế để phân biệt với các biến thể như cờ tướng, là một trò chơi board game dành cho hai người. Sau thời gian phát triển từ các trò chơi cổ tương tự có nguồn gốc từ Ấn Độ và Ba Tư, hình thức chơi hiện tại của cờ vua bắt đầu xuất hiện ở Nam Âu ở nửa sau của thế kỷ 15. Ngày nay, cờ vua là một trong những trò chơi phổ biến nhất thế giới, được hàng triệu người trên toàn thế giới chơi tại nhà, ở câu lạc bộ, trên trực tuyến, qua thư từ, và trong các giải đấu. Cờ vua được yêu thích ở nhiều quốc gia, đặc biệt là ở Nga. Trò chơi sử dụng một bàn cờ hình vuông chia thành 64 ô vuông nhỏ hơn với 8 hàng ngang và 8 hàng dọc. Mỗi người chơi sẽ bắt đầu với 16 quân cờ, bao gồm 8 con tốt, 2 mã, 2 tượng, 2 xe, 1 hậu và 1 vua. Mục tiêu của người chơi là cố gắng chiếu hết vua đối phương. Vua được gọi bị "chiếu hết" khi đang bị chiếu mà không có cách nào thoát ra. Khi một người chơi bị chiếu hết, trò chơi kết thúc hay nói cách khác người chơi đó đã thua. Cũng có một số trường hợp mà trò chơi có thể kết thúc với tỷ số hòa. Trong suốt ván cờ, hai người chơi thay phiên nhau di chuyển một quân cờ của mình đến một vị trí khác trên bàn cờ. Một người chơi sẽ cầm quân cờ màu trắng và người còn lại sẽ cầm quân cờ đen. Có các quy tắc nhất định về việc di chuyển các quân cờ cũng như việc ăn quân của đối thủ. Người chơi cầm quân cờ trắng sẽ đi trước. Do đó, người chơi cầm quân trắng thường sẽ có một lợi thế nhỏ và có tỷ lệ thắng cao hơn. Cờ vua với hình thức có tổ chức xuất hiện vào thế kỷ 19. Ngày nay, việc thi đấu cờ vua quốc tế được quản lý bởi FIDE (Liên đoàn Cờ vua quốc tế). Năm 1886, Wilhelm Steinitz trở thành Nhà vô địch Cờ vua Thế giới đầu tiên được công nhận trên toàn thế giới; và đến nay, đương kim vô địch thế giới là Đinh Lập Nhân. Một phần lớn lý thuyết cờ vua đã được phát triển từ khi trò chơi ra đời. Nhiều khía cạnh nghệ thuật được tìm thấy trong bố cục cờ vua; cờ vua đã ảnh hưởng đến văn hóa và nghệ thuật phương Tây, cũng như có mối liên hệ với các lĩnh vực khác như toán học, khoa học máy tính và tâm lý học. Ban đầu, một trong những mục tiêu của các nhà khoa học máy tính là tạo ra một cỗ máy chơi cờ. Năm 1997, sau khi đánh bại Garry Kasparov trong một trận đấu, Deep Blue trở thành máy tính đầu tiên đánh bại nhà đương kim vô địch thế giới. Mặc dù không hoàn hảo, nhưng các công cụ cờ vua ngày nay mạnh hơn đáng kể so với ngay cả những kỳ thủ giỏi nhất, và đã ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của lý thuyết cờ vua. Giới thiệu Cờ vua không phải là một trò chơi may rủi, nó dựa thuần túy vào chiến thuật và chiến lược. Tuy thế, trò chơi này phức tạp đến mức thậm chí cả những người chơi hay nhất cũng không thể tính hết tất cả mọi phương án: mặc dù chỉ có 64 ô và 32 quân cờ trên bàn cờ nhưng số lượng nước đi có thể được thì còn vượt xa cả số lượng các nguyên tử có trong vũ trụ. Cờ vua là một trong những trò chơi trí tuệ phổ biến nhất thế giới; nó được nói đến không chỉ như là một trò chơi mà còn là nghệ thuật, khoa học và thể thao. Cờ vua đôi khi được nhìn nhận như là trò chơi chiến tranh trừu tượng; cũng như là "các cuộc đấu trí tuệ", và việc chơi cờ vua được coi như là một cách để rèn luyện tư duy và bản lĩnh. Cờ vua được chơi để tiêu khiển cũng như để thi đấu trong các câu lạc bộ cờ vua, các giải đấu, chơi trực tuyến và chơi theo cách gửi thư. Rất nhiều biến thể và các trò chơi tương tự như cờ vua được chơi trên toàn thế giới. Trong số đó phổ biến nhất theo trật tự giảm dần về số người chơi là cờ tướng (ở Trung Quốc, Việt Nam), shōgi (ở Nhật Bản), janggi (ở Triều Tiên) và makruk (ở Thái Lan). Lịch sử Các tài liệu sớm nhất đề cập đến nguồn gốc của cờ vua có niên đại từ đầu thế kỷ thứ 7: ba bản được viết bằng tiếng Pahlavi (tiếng Ba Tư trung đại) và một bản bằng tiếng Phạn là Harshacharita. Trong những văn bản này, Chatrang-namak là đại diện cho một trong những tài liệu viết về cờ vua sớm nhất. Bozorgmehr giải thích rằng Chatrang, từ Pahlavi để chỉ cờ vua, đã được du nhập vào Ba Tư bởi 'Dewasarm, một nhà cai trị vĩ đại của Ấn Độ' dưới thời trị vì của Khosrau I. Đến thế kỷ 20, đã có một sự đồng thuận lớn từ các nhà sử học rằng cờ vua lần đầu tiên được chơi ở miền bắc Ấn Độ trong thời Đế chế Gupta vào thế kỷ thứ 7. Gần đây, sự đồng thuận này đã trở thành một chủ đề được xem xét kỹ lưỡng hơn. Hình thức cờ vua ban đầu ở Ấn Độ có tên là chaturaṅga (), một từ tiếng Phạn để chỉ quân đội. Các quân cờ Gupta được chia giống như quân đội của họ thành bộ binh, kỵ binh, voi và chiến xa. Theo thời gian, những quân cờ này trở thành quân tốt, tượng, mã và xe. Chaturanga được chơi trên một bảng 8 × 8 không được đánh dấu, được gọi là ashtāpada. Trò chơi lan rộng theo hướng đông và tây dọc theo con đường Tơ lụa. Bằng chứng sớm nhất về cờ vua được tìm thấy ở Sasanian Persia gần đó vào khoảng năm 600 sau Công nguyên, và được biết đến với cái tên chatrang. Chatrang được đưa vào thế giới Hồi giáo sau cuộc chinh phục Ba Tư của người Hồi giáo (633–51), và được đặt tên là shatranj. Trong tiếng Tây Ban Nha, "shatranj" được viết dưới dạng ajedrez ("al-shatranj"), trong tiếng Bồ Đào Nha là xadrez và trong tiếng Hy Lạp là ζατρίκιον (zatrikion, xuất phát trực tiếp từ chatrang trong tiếng Ba Tư), nhưng ở phần còn lại của châu Âu, nó được thay thế bởi các phiên bản của shāh trong tiếng Ba Tư ("vua"). Có một thuyết cho rằng việc thay đổi tên diễn ra bởi vì trước khi cờ vua tới châu Âu thì các nhà buôn đã tới châu Âu và mang theo các quân vua được trang trí như là các đồ vật hiếm và cùng với chúng là tên gọi shāh, tên gọi này đã bị người châu Âu phát âm sai theo nhiều cách khác nhau. Chiếu hết: Trong tiếng Anh là checkmate là từ dịch ra của cụm từ shāh māt, trong tiếng Ba Tư có nghĩa là "vua hết đường". Trong tiếng Ả Rập nó có nghĩa là "shāh bị chết", nhưng shāh không phải là một từ Ả Rập thông dụng để chỉ "vua" (ngoại trừ đôi khi trong cờ vua). Xe: Trong tiếng Anh là rook. Nó có được thông qua tiếng Ả Rập từ chữ rukh trong tiếng Ba Tư, có nghĩa là "xe ngựa kéo", nhưng cũng có nghĩa là "má" (một phần của mặt) và còn có nghĩa là một con chim huyền thoại với sức mạnh gọi là roc. Tượng: Trong tiếng Anh là bishop. Tiếng Ả Rập al-fīl (từ tiếng Ba Tư pīl) có nghĩa là "voi", nhưng ở châu Âu và phần phía tây của thế giới Hồi giáo khi đó người ta biết rất ít hoặc không biết gì về voi và tên gọi của quân cờ đến với Tây Âu theo dạng Latinh alfinus và tương tự, một từ không có nghĩa gì (trong tiếng Tây Ban Nha, nó tiến hóa thành tên gọi alfil). Tên gọi bishop của người Anh là một sự đổi tên được sáng tạo ra theo hình dáng quy ước của nó là chiếc mũ mitra của giám mục nhà thờ. Tuy thế, tại Nga thì tên gọi của quân cờ này là slon = "voi". Hậu: Trong tiếng Anh là queen. Tiếng Ba Tư farzīn = vizia - quan chức cao cấp trong thế giới Hồi giáo cổ, tương tự như tể tướng đã trở thành tiếng Ả Rập firzān, nó đến châu Âu trong các dạng như alfferza, fers v.v. nhưng sau đó được thay thế thành "hậu". Cờ vua đến Nga theo đường Mông Cổ mà tại đó người ta chơi cờ vua từ đầu thế kỷ VII. Nó đã được người Moor đưa vào Tây Ban Nha trong thế kỷ X, và đã được miêu tả trong bản viết tay nổi tiếng thế kỷ XIII về cờ vua, cờ thỏ cáo và trò chơi xúc xắc có tên gọi Libro de los juegos. Cờ vua cũng đi theo đường bộ xuyên qua Siberia tới Alaska. Cờ tướng là hình thức cờ vua nổi tiếng nhất ở Trung Quốc. Sự di cư về phía đông của cờ vua, đến Trung Quốc và Đông Nam Á, thậm chí có ít tài liệu hơn so với sự di cư của nó về phía tây, khiến việc này phần lớn được phỏng đoán. Từ "Tượng kỳ" () ở Trung Quốc được dùng để chỉ một trò chơi muộn nhất là từ năm 569 sau Công Nguyên, nhưng người ta vẫn chưa chứng minh được trò chơi này có liên quan trực tiếp đến cờ vua hay không. Tài liệu tham khảo đầu tiên về cờ tướng xuất hiện trong một cuốn sách có tựa đề Huyền quái lục ("Kỷ lục về Bí ẩn và Kỳ lạ"), có niên đại khoảng năm 800. Ngoài ra, một số người cho rằng cờ vua sinh ra từ trò chơi tương tự của cờ Trung Quốc, hoặc ít nhất là từ tổ tiên của cờ tướng, là môn đã tồn tại ở Trung Quốc kể từ thế kỷ 2 TCN, mặc dù điều này bị tranh cãi. Joseph Needham và David Li là hai trong số nhiều học giả theo thuyết này. Cuối cùng, người Trung Quốc cho rằng cờ vua bắt nguồn từ cờ tướng Mãn Châu do nhà Thanh sáng lập. Tuy nhiên, Tượng kỳ dường như thể hiện một số đặc điểm nội tại giúp việc xây dựng một con đường tiến hóa từ Trung Quốc đến Ấn Độ/Ba Tư dễ dàng hơn so với hướng ngược lại. Quy tắc Các quy tắc của cờ vua được FIDE (Fédération Internationale des Échecs) xuất bản trong cuốn Handbook và lần sửa đổi gần nhất là vào năm 2018. Các quy tắc được xuất bản bởi các cơ quan quản lý quốc gia, hoặc bởi các tổ chức cờ vua không liên kết, nhà xuất bản thương mại, v.v., có thể khác nhau ở một số chi tiết. Thiết lập trái|nhỏ|Bàn cờ trước khai cuộc. Các quân cờ được chia thành hai bộ màu khác nhau. Mặc dù luôn được gọi chung là "trắng" và "đen" nhưng thực tế thì màu sắc của quân cờ không phải lúc nào cũng là màu trắng và đen theo đúng nghĩa đen (ví dụ: quân cờ màu sáng có thể có màu hơi vàng hoặc trắng nhạt, quân cờ màu tối có thể có màu nâu hoặc đỏ). Người chơi cũng được gọi là Trắng và Đen tương ứng. Mỗi bộ gồm 16 quân: một vua, một hậu, hai xe, hai tượng, hai mã và tám tốt (chốt, binh). Cờ vua được chơi trên một bảng vuông gồm tám hàng () được đánh số từ 1 đến 8 và tám cột () được đánh thứ tự từ a đến h. Theo quy ước, 64 ô vuông có màu xen kẽ nhau và được gọi là ô sáng và ô tối (hoặc ô trắng và ô đen); màu phổ biến cho bàn cờ là trắng và đen, trắng và nâu, hoặc trắng và xanh lá cây đậm. Những ô nằm trên cùng một hàng chéo sẽ có cùng màu sắc. Cách xếp bàn cờ được thực hiện tương tự như trong ảnh và sơ đồ. Như vậy, quân trắng sẽ được xếp vào hàng đầu tiên (hàng 1) theo thứ tự từ trái sang phải (từ a đến h) lần lượt là: xe, mã, tượng, hậu, vua, tượng, mã, xe. Hàng thứ hai được xếp 8 quân tốt trắng. Cách xếp quân đen đối xứng hoàn toàn với quân trắng ở hai hàng cuối cùng. Bàn cờ sẽ được đặt theo đúng theo hàng và cột như sơ đồ. Tuy nhiên, có một số trường hợp bàn cờ sẽ không được đánh số và ký tự. Trong trường hợp đó, bàn cờ sẽ được đặt theo nguyên tắc "ô sáng bên phải", nghĩa là ô dưới cùng góc bên phải của người chơi luôn là ô màu sáng. Ngoài xe, mã, tượng luôn đứng đối xứng với nhau, vị trí chính xác của vua và hậu được ghi nhớ theo nguyên tắc "hậu màu nào thì đứng ô màu đấy", nghĩa là "hậu trắng ở ô trắng, hậu đen ở ô đen". Di chuyển quân cờ Trong một trận thi đấu, việc phân chia màu sắc quân cờ cho người chơi sẽ được quyết định bởi ban tổ chức. Trong một trận cờ không chính thức, việc chia quân trắng đen được quyết định một cách ngẫu nhiên, có thể là tung đồng xu, hoặc một người chơi giấu một con tốt màu trắng trong một tay, một con tốt màu đen ở tay kia và để đối phương chọn. Người cầm quân trắng sẽ di chuyển trước, sau đó người chơi thay phiên nhau, mỗi lượt di chuyển một quân (trừ khi nhập thành, hai quân được di chuyển cùng lúc). Một quân cờ được di chuyển đến một ô vuông trống (hoặc không có quân cờ của mình). Nếu ô cần đến có sẵn quân của đối phương, quân cờ đối phương sẽ bị bắt và bị loại khỏi cuộc chơi. Ngoại trừ duy nhất trường hợp bắt tốt qua đường, tất cả quân cờ chỉ bắt được quân cờ đối phương khi di chuyển vào đúng ô mà quân cờ đó đang đứng. Di chuyển là bắt buộc; người chơi không được bỏ qua lượt, ngay cả khi việc phải di chuyển là bất lợi. Mỗi quân cờ có một cách di chuyển riêng. Trong sơ đồ, các dấu chấm đánh dấu các ô vuông mà quân cờ có thể di chuyển nếu không có (các) quân cờ đứng chắn ở giữa đường (ngoại trừ quân mã nhảy qua bất kỳ quân cờ xen giữa nào). Tất cả quân cờ ngoại trừ quân tốt có thể bắt được quân địch nếu nó nằm trên ô vuông mà chúng có thể di chuyển đến đó. Các ô vuông mà quân tốt có thể bắt được quân địch được đánh dấu trong sơ đồ bằng các dấu thập đen. Các quân cờ có nước đi khác nhau: Xe (ký hiệu quốc tế R - Rook) di chuyển theo các đường thẳng dọc theo cột hay hàng tới ô còn trống mà không có quân nào cản trên đường đi hay tới ô bị quân đối phương chiếm giữ (ăn quân) nhưng không thể vượt qua quân đang đứng ở ô đó. Ngoại lệ duy nhất là trường hợp nhập thành. Khi đó nó có thể nhảy qua quân vua của mình để đứng cạnh nó. Chỉ có xe mới có nước đi như thế. Xem thêm nhập thành. Tượng (ký hiệu quốc tế B - Bishop) di chuyển theo đường chéo tới ô có cùng màu với nguyên lý tương tự như xe tới ô còn trống hay ô bị quân đối phương chiếm giữ (ăn quân). Hậu (ký hiệu quốc tế Q - Queen) có nước đi là tổ hợp đơn giản của chuyển động của xe và tượng. Trong một nước đi nó có thể di chuyển theo đường chéo hoặc đường thẳng dọc theo cột hay hàng, với nguyên lý đi và ăn quân giống như tượng và xe. Mã (ký hiệu quốc tế N - Knight) có thể di chuyển tới ô còn trống hay ô bị quân đối phương chiếm giữ (ăn quân) theo dạng hình chữ L (hình chữ nhật 3×2 hay 2×3). Quân mã không bị cản như trong cờ tướng. Tốt (không cần ký hiệu) có thể di chuyển thẳng về phía trước chỉ một ô một lần tới ô còn trống (đi mà không ăn quân), nhưng khi di chuyển quân để ăn quân đối phương thì đi chéo. Ví dụ, tốt trắng tại ô c4 có quyền ăn quân đối phương tại b5 hoặc d5 nếu một trong hai ô này có quân đối phương chiếm hoặc di chuyển xuống ô c5 nếu ô này còn trống, trừ hai trường hợp sau: Nó có thể di chuyển 1 hoặc 2 ô nếu nó đi từ vị trí xuất phát ban đầu tới ô chưa bị chiếm giữ, nhưng không thể nhảy qua một quân khác để tới ô đó. Ví dụ tốt trắng tại g2 có thể đi tới g3 hoặc g4 nếu đây là nước đi đầu tiên của nó và các ô này chưa bị chiếm giữ, nhưng nó không thể đi tới g4 nếu ô g3 đã có một quân nào đó chiếm giữ. Trong trường hợp khi một quân tốt nào đó của bên trắng đạt tới hàng 5 (ví dụ tới ô e5) và quân tốt thuộc một trong hai cột của bên đen nằm ngay bên cạnh cột mà tốt trắng này đang chiếm giữ (trong trường hợp đã cho là cột d và cột f) đi từ vị trí xuất phát đầu tiên (d7 hay f7) nhảy liền 2 ô tới ô d5/f5 thì tốt trắng tại vị trí e5 ngay tại nước đi sau đó có quyền ăn tốt đen tại ô d5/f5 và di chuyển tiếp tới ô d6/f6. Quyền này sẽ tự động mất, nếu tại nước đi ngay sau đó quân trắng di chuyển quân khác. Tương tự như vậy cho tốt đen khi nó đã chiếm giữ hàng 4. Đây là trường hợp mà trong cờ vua người ta gọi là bắt tốt qua đường (en passant). Tốt còn một đặc điểm nữa là khi nó di chuyển đến hàng cuối cùng thì người chơi có quyền phong cấp cho nó thành bất kỳ quân nặng hay nhẹ nào (hậu, xe, tượng, mã). Vua (ký hiệu quốc tế là K - King) là quân quan trọng nhất, nếu mất vua thì người chơi thua cuộc. Mỗi lần đi nó có thể ăn quân hoặc di chuyển sang các ô bao quanh ô mà nó hiện tại đang chiếm giữ, nhưng không thể tới ô mà quân của mình đang chiếm giữ hay các ô bị quân đối phương kiểm soát. Ngoại lệ duy nhất là trường hợp nhập thành. Khi đó nó có thể di chuyển qua hai ô đồng thời với việc di chuyển quân xe của mình để quân xe đó đứng bên cạnh nó về phía cột trung tâm. Ký hiệu của nhập thành là 0-0 (nhập thành gần) và 0-0-0 (nhập thành xa). Xem thêm nhập thành. Lưu ý: Khi thực hiện nhập thành trên thực tế, theo luật của FIDE, bao giờ cũng phải di chuyển vua trước và thực hiện bằng một tay duy nhất. Khi ăn quân đối phương, quân tấn công sẽ di chuyển tới ô đó và thay thế cho quân đối phương tại vị trí này, bắt tốt qua đường (en passant) là ngoại lệ duy nhất. Quân bị ăn được loại ra khỏi bàn cờ. Vua không thể không bảo vệ khỏi nước chiếu, do đó khi bị chiếu thì người chơi phải thực hiện các biện pháp nhằm cứu vua (di chuyển vua khỏi vị trí bị chiếu, ăn quân đang chiếu hay dùng quân khác của mình cản đường chiếu nếu có thể). Nếu không thể có nước đi để cứu vua thì người chơi bị chiếu bí và thua cuộc. Các ván cờ không phải bao giờ cũng kết thúc bằng chiếu bí. Có thể một bên xin thua, có thể thua do hết giờ hoặc phạm luật chơi. Có thể xảy ra các ván cờ hòa. Một ván cờ vua là hòa khi: do thỏa thuận của hai bên do không bên nào dám mạo hiểm hay khi không đủ lực lượng để chiếu hết, rơi vào trạng thái hết nước đi (stalemate), cả hai bên lặp lại nước đi ba lần hay luật 50 nước đi (perpetual check). Chiến lược và chiến thuật Khai cuộc là một loạt các nước đi lúc bắt đầu chơi, thường theo một số phương pháp nhất định, điều này giúp cho người chơi xây dựng các thế đứng và phát triển quân để chuẩn bị cho giai đoạn trung cuộc. Các thế khai cuộc thông thường được xây dựng trên nguyên tắc chiếm giữ phần trung tâm bàn cờ (gồm 4 ô trung tâm e4, e5, d4 và d5), phát triển quân, bảo vệ vua và tạo ra một cấu trúc tốt đủ mạnh. Quan điểm của cờ vua hiện đại cho rằng việc kiểm soát trung tâm không chỉ nhờ các tốt mà còn nhờ sức mạnh của các quân khác. Một cách rất quan trọng để bảo vệ vua và triển khai nhanh quân xe là nhập thành nhằm đưa vua vào vị trí khó bị tấn công, tuy nhiên không phải trong bất kỳ ván cờ nào cũng cần nhập thành. Xem thêm Danh sách các khai cuộc cờ vua để có thêm thông tin. Việc xác định giá trị quân cờ là một phần quan trọng khi thực hiện việc đổi quân trong cờ vua. Các giá trị khác nhau không đáng kể trong các sách dạy chơi cờ vua, nhưng nói chung thì người ta cho rằng hậu trị giá 9 điểm, xe trị giá 5 điểm, tượng và mã đều trị giá 3 điểm và tốt trị giá 1 điểm. Do việc mất vua tương đương với thua cờ nên giá trị của nó là vô hạn, trong cờ tàn nó khoảng 3,5 điểm. Trong lập trình cờ vua, thường người ta cho vua một giá trị rất lớn nào đó (chẳng hạn 2000 điểm). Giá trị thực sự và tầm quan trọng của quân cờ thực ra là không thể chỉ gán đơn giản như vậy do nó còn phụ thuộc vào thế cờ. Ví dụ một quân xe đang nằm ở vị trí xấu không có giá trị bằng một con mã đang có thế đứng tốt. Nếu một người chơi thực hiện việc thí quân (cho phép đối phương bắt quân có trị giá cao của mình) thì thông thường họ sẽ bỏ qua các giá trị tương đối của quân đó để đổi lấy các ưu thế về chiến lược hay ưu thế về vị trí của các quân đang tấn công. Một số nguyên lý cơ bản về thế cờ phổ biến đối với phần lớn các chiến thuật cờ và bẫy như: Tấn công đôi, còn gọi là đòn đôi, đòn kép (tiếng Anh: fork) là một tình huống khi một quân uy hiếp hai hay nhiều quân của đối phương cùng một lúc. Thông thường rất khó cho đối phương để bảo vệ cả hai quân của mình trong cùng một nước đi khi bị tấn công. Nhiều tài liệu cờ vua nhầm lẫn giữa tấn công đôi và chĩa đôi, thực ra chĩa đôi chỉ là đòn tấn công đôi của Mã và Tốt. Mọi quân cờ trừ con tốt ở biên đều có thể thực hiện đòn chĩa đôi hoặc tấn công đôi, kể cả Vua. Ghim, còn gọi là giằng quân (tiếng Anh: pin) cũng có thể sử dụng để ngăn chặn quân đối phương di chuyển bằng cách đe dọa gián tiếp bất kỳ quân nào đứng sau quân bị ghim nếu quân bị ghim đó di chuyển. Nếu quân đứng đằng sau quân bị giằng là Vua, ta nói quân đứng giữa (quân bị giằng) bị giằng toàn phần. Nếu quân đó vẫn có thể di chuyển trên đường giằng, quân đó bị giằng toàn phần tương đối. Có nhiều cấu trúc giằng quân khác nhau, như giằng chữ thập và giằng đôi. Xiên (tiếng Anh: skewer) là một tình huống ngược với ghim khi quân có giá trị cao hơn đang bị tấn công và nó lại đứng trước quân ít giá trị hơn. Còn một số nguyên lý khác, ví dụ như một quân di chuyển ra khỏi vị trí mà nó đang đứng để mở đường cho quân khác tấn công gọi là "tấn công mở". Các nguyên lý chiến thuật khác còn có: nước trung gian (Đe dọa đối phương mà không đi kèm chiếu, ăn quân hay thí quân nên những nước đi như vậy rất khó phát hiện), tiêu diệt quân thiếu bảo vệ (tức là khi quân đối phương được bảo vệ bằng ít lực lượng hơn so với lực lượng tấn công thì người ta thường tìm cách đổi quân để thu được ưu thế về lực lượng, chủ yếu là đánh vào các quân bảo vệ để đánh mất sự ràng buộc bảo vệ của chúng), quá tải (tức là khi một quân bị hãm vào thế phải chống đỡ và bảo vệ nhiều mục tiêu) và thí quân (chuyển quân vào vị trí bị tấn công khiến đối phương nhầm lẫn là quân "cho không", rồi thực hiện các nước đi phản công để đạt được những mục đích lớn hơn, như có thế trận tốt hoặc lấy lại quân vừa thí và bắt thêm quân đối phương). Trong quá trình tàn cuộc các tốt và vua trở nên tương đối mạnh hơn do khi đó lực lượng quân nặng và nhẹ của cả hai bên đều suy giảm rõ rệt. Cả hai bên khi đó đều có xu hướng di chuyển tốt thật nhanh nhằm phong cấp cho nó. Nếu một người chơi có ưu thế rõ rệt về lực lượng thì việc chiếu bí chỉ là vấn đề thời gian và ván cờ sẽ kết thúc nhanh chóng, nhưng nếu ván cờ là tương đối cân bằng về lực lượng thì việc nắm chiến thuật cờ tàn là rất quan trọng. Trong các giải cờ tính giờ thì việc kiểm soát nhịp độ (thời gian cho mỗi nước đi) là cực kỳ quan trọng khi còn ít quân trên bàn cờ. Trong nhiều trường hợp, người chơi có ưu thế về lực lượng nhưng lại thua cờ do hết thời gian. Ngoài ra khi lực lượng không đủ để chiếu hết và cả hai đã thực hiện đủ số nước đi quy định theo thời gian mà không có sự di chuyển quân tốt thì ván cờ dẫn đến hòa (50 nước). Ví dụ người chơi còn 1 vua và 2 mã thì trong phần lớn các trường hợp không thể chiếu hết đối phương chỉ còn 1 vua (có một thế ngoại lệ). Các biến thể của hình thức chơi Bên cạnh thể thức chuẩn của cờ vua còn phổ biến nhiều thể thức khác trong các cuộc chơi cờ. Cờ nhanh là một thể thức của cờ vua trong đó thời gian chơi bị giới hạn cho mỗi người chơi trong một khoảng ngắn. Nói chung mỗi bên chỉ có từ 3 đến 15 phút (5 phút là phổ biến nhất) cho toàn bộ các nước đi. Thể thức nhanh hơn là cờ chớp. Thời gian ở đây ít hơn 3 phút. Cờ nhanh đòi hỏi người chơi phải suy nghĩ nhanh nếu không họ có thể thua vì hết giờ. Khi chơi cờ nhanh các máy tính có ưu thế hơn so với người. Khi hai người ở xa nhau họ vẫn có khả năng chơi cờ với nhau. Cờ thư tín là loại hình cờ vua được chơi thông qua thư từ, thư điện tử hay các máy chủ cờ vua thư tín đặc biệt. Ngày nay, cờ vua thông thường được chơi trên Internet thông qua Câu lạc bộ cờ vua Internet, Yahoo! Games hay các trang chơi cờ online như Chess.com hay Lichess.org. Cờ vua hiện đại Ban đầu các quân cờ của người châu Âu có nhiều giới hạn về nước đi. Tượng chỉ có thể đi bằng cách nhảy chính xác qua 2 ô theo đường chéo, hậu chỉ có thể di chuyển theo đường chéo là một ô, tốt không thể di chuyển 2 ô trong nước đi đầu tiên của nó và không có nhập thành. Cuối thế kỷ XV, các quy tắc hiện đại đối với các nước đi cơ bản đã được chấp nhận từ Ý: quân tốt có khả năng đi hai ô nếu đang ở vị trí xuất phát (nhảy) và khả năng bắt quân theo kiểu "bắt Tốt qua đường" (en passant), Tượng có được nước đi như ngày nay và hậu đã trở thành quân mạnh nhất; do đó cờ vua hiện đại được nói đến như là "cờ của quân hậu", "cờ hậu điên". Trò chơi này kể từ đó đã gần giống như cờ ngày nay. Các quy tắc hiện nay đã được hoàn thiện xong vào đầu thế kỷ XIX, ngoại trừ các điều kiện chính xác cho một ván cờ hòa. Thiết kế quân cờ phổ biến nhất là bộ cờ "Staunton", được Nathaniel Cook tạo ra năm 1849, được một kì thủ hàng đầu vào thời đó là Howard Staunton phổ biến và được Liên đoàn cờ vua thế giới chính thức công nhận năm 1924. Tổ chức quốc tế về cờ là FIDE, đã tổ chức giải vô địch thế giới trong hàng chục năm. Xem Giải vô địch cờ vua thế giới để có thêm chi tiết và hiểu sâu thêm về lịch sử của nó. Phần lớn các quốc gia cũng có tổ chức cờ vua quốc gia. Mặc dù hiện nay cờ vua không phải là một môn thể thao trong Thế vận hội, nhưng nó có Thế vận hội cờ vua riêng (Olympiad cờ vua), tổ chức 2 năm một lần theo thể thức thi đấu đồng đội. Ký hiệu Cho đến những năm 1970, ít nhất là tại các nước nói tiếng Anh, các cuộc đấu cờ vua được ghi chép lại và xuất bản bằng cách sử dụng ký hiệu cờ vua miêu tả. Nó đã được thay thế bằng ký hiệu cờ vua đại số cô đọng hơn. Một số loại ký hiệu khác đã được sinh ra, dựa trên cơ sở ký hiệu cờ vua đại số, để ghi chép các ván cờ trong các định dạng phù hợp với các xử lý trên máy tính. Trong số đó, Portable Game Notation (PGN, Ký pháp trận đấu khả chuyển) là phổ biến nhất. Bên ngoài việc ghi lại các ván cờ còn có ký hiệu Forsyth-Edwards để ghi lại các thế đặc biệt. Nó có ích nhằm tạm hoãn ván cờ để có thể hồi phục lại sau này hoặc để chuyển các vấn đề về thế cờ mà không cần có biểu đồ. Sức ảnh hưởng Nghệ thuật và đời sống Vào thời Trung cổ và trong thời kỳ Phục hưng, cờ vua là một phần của văn hóa quý tộc; nó được sử dụng để dạy chiến lược chiến tranh và được mệnh danh là "Trò chơi của Vua". Ngoài ra, cờ vua còn thường được sử dụng làm nền tảng của các bài giảng về đạo đức. Một ví dụ là Liber de moribus hominum et officiis nobilium sive super ludo scacchorum ('Sách về phong tục của đàn ông và nhiệm vụ của quý tộc hoặc Sách về cờ vua'), được viết bởi một tu sĩ dòng Đa Minh người Ý Jacobus de Cessolis vào những năm 1300. Cuốn sách này là một trong những cuốn sách phổ biến nhất của thời Trung cổ. Tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng khác (ấn bản in đầu tiên được xuất bản tại Utrecht năm 1473) và là cơ sở cho cuốn The Game and Playe of the Chesse (1474) của William Caxton, một trong những cuốn sách đầu tiên được in bằng tiếng Anh. Các quân cờ khác nhau được dùng làm phép ẩn dụ cho các lớp người khác nhau, và nhiệm vụ của con người được bắt nguồn từ các quy tắc của trò chơi hoặc từ các đặc tính trực quan của các quân cờ. Bắt đầu với giới giáo sĩ, sinh viên và thương gia, cờ vua đã đi vào nền văn hóa đại chúng của thời Trung cổ. Một ví dụ là bài hát thứ 209 của Carmina Burana từ thế kỷ 13 bắt đầu với tên của các quân cờ: , , . . . Bên cạnh sự phổ biến này, cờ vua không được một số tôn giáo ở thời Trung Cổ khuyến khích: Do Thái, Công giáo và Chính thống giáo. Thậm chí trò chơi này còn bị cấm bởi một số chính quyền Hồi giáo ngay thời gian gần đây, ví dụ Ruhollah Khomeini vào năm 1979 và sau đó là Abdul-Aziz ash-Sheikh. Vào thế kỷ 19, cờ vua đôi khi bị chỉ trích là lãng phí thời gian. Ngày nay, cờ vua được dạy trong trường học cho trẻ em toàn thế giới. Nhiều trường học tổ chức các câu lạc bộ cờ vua và có nhiều giải đấu học thuật dành riêng cho trẻ em. Các giải đấu thường xuyên diễn ra ở nhiều quốc gia và thường được đăng cai bởi các tổ chức như Liên đoàn Cờ vua Hoa Kỳ và Tổ chức Cờ vua Học thuật Quốc gia. Bên cạnh việc đóng vai trò quan trọng trong những tác phẩm văn học như A Game at Chess của Thomas Middleton hay Through the Looking-Glass của Lewis Carroll, cờ vua còn xuất hiện trong bộ truyện Harry Potter của JK Rowling với phiên bản Cờ phù thủy. Toán học Cấu trúc và bản chất của cờ vua có liên quan đến một số nhánh toán học. Nhiều bài toán tổ hợp và tôpô liên quan đến cờ vua, chẳng hạn như bài toán mã đi tuần và câu đố tám quân hậu đã được biết đến từ hàng trăm năm nay. Người ta ước tính số thế cờ hợp lệ trong cờ vua là 4x1044, với độ phức tạp vào khoảng 10123. Claude Shannon là người đầu tiên tính ra độ phức tạp của cờ vua: ông đưa ra con số 10120; số này được gọi là số Shannon. Trung bình, một thế cờ thường có ba mươi đến bốn mươi nước cờ khả dĩ nhưng cũng có thể không có nước nào (khi bị chiếu tướng và vào thế bí) hoặc lên đến tối đa 218 nước cờ (cờ thế). Năm 1913, Ernst Zermelo đã sử dụng cờ vua làm cơ sở cho lý thuyết của mình về chiến lược trò chơi, được coi là một trong những tiền thân của lý thuyết trò chơi. Dựa vào định lý Zermelo, cờ vua có thể được giải; kết quả của một ván cờ hoàn hảo (Trắng thắng, Đen thắng, hoặc hòa) có thể được xác định một cách tuyệt đối. Tất nhiên, bất kỳ loại công nghệ nào cũng sẽ mất một khoảng thời gian dài bất khả thi để tính toán hết 1044 thế cờ hợp lệ trong cờ vua và đưa ra một chiến lược hoàn hảo. Tâm lý học Có một văn bản khoa học khá bao quát nói về tâm lý học trong cờ vua. Alfred Binet và nhiều người khác đã cho thấy rằng chính khả năng tri thức và ngôn ngữ, chứ không phải thị giác không gian, mới là cốt lõi của việc tinh thông (cờ vua). Trong luận văn tiến sĩ của mình, Adriaan de Groot cũng chỉ ra rằng các cao thủ cờ vua có thể ngay lập tức nhận biết được những mấu chốt của thế cờ; loại tri giác này, được hình thành sau nhiều năm nghiên cứu và tập luyện, quan trọng hơn so với khả năng đoán trước nước cờ đơn thuần. Cũng theo de Groot, họ có thể ghi nhớ thế cờ gần như hoàn hảo chỉ trong vài giây. Khả năng ghi nhớ trên không chỉ là kỹ năng chơi cờ, vì cả cao thủ và người mới tập chơi đều có thể gợi nhớ tương đương nhau khi gặp phải một tổ hợp quân cờ sắp xếp ngẫu nhiên (khoảng 6 thế). Điểm khác biệt giữa hai đẳng cấp chính là khả năng nhận biết và ghi nhớ khuôn mẫu. Nếu những thế cờ phải nhớ được lấy ra từ một trận cờ thực chiến, các cao thủ gần như nhớ không sai thế nào. Những nghiên cứu gần đây tập trung hơn vào việc sử dụng cờ để rèn luyện tinh thần, vai trò của tri thức và nghiên cứu phân tích trước, nghiên cứu chụp não các cao thủ và người mới chơi cờ, cờ tưởng, vai trò của nhân cách và trí thông minh trong kỹ năng chơi cờ, sự khác biệt giữa các giới tính, và mô hình điện toán của việc tinh thông cờ. Vai trò của luyện tập và tài năng trong chuyên môn hoá kỹ năng cờ, cũng như các ngành khác, đã dẫn đến nhiều nghiên cứu mới. Ericsson và đồng nghiệp lập luận rằng việc luyện tập cân nhắc là đủ để đạt được đẳng cấp cao trong cờ. Những nghiên cứu gần đây cho thấy các nhân tố khác, ngoài luyện tập, cũng rất quan trọng. Ví dụ, theo Fernand Gobet và đồng nghiệp, những người cao cờ thường bắt đầu tập chơi từ khi còn nhỏ, và đa số các kỳ thủ sinh ra ở Bắc Bán cầu ra đời vào cuối đông đến đầu xuân. So với phần đông dân số, những người chơi cờ có xu hướng không thuận tay phải, dù nhóm nghiên cứu không tìm ra được mối liên hệ nào giữa tay thuận và kỹ năng. Từ lâu, trong cả văn hoá đại chúng và sách vở, người ta đã bàn luận về mối tương quan giữa kỹ năng cờ và trí tuệ của người chơi. Những nghiên cứu đầu tiên về vấn đề nay bắt nguồn từ khoảng năm 1927. Giới học thuật tranh cãi khá nhiều về độ mạnh của sự liên hệ này: một số nghiên cứu cho rằng hai điều trên không liên quan gì đến nhau, còn số khác lại chỉ ra chúng tương quan khá mạnh. Cờ vua trực tuyến Cờ vua trực tuyến là cờ vua được chơi qua internet, cho phép người chơi đấu với nhau trong thời gian thực. Điều này được thực hiện thông qua việc sử dụng các máy chủ cờ vua trên Internet, máy chủ này sẽ ghép nối từng người chơi với nhau dựa trên xếp hạng của họ bằng cách sử dụng hệ thống xếp hạng tương tự như Elo. Cờ vua trực tuyến đã chứng kiến sự tăng trưởng đột biến trong thời gian cách ly đại dịch COVID-19. Điều này có thể là do cả sự cô lập và sự phổ biến của các miniseries Netflix như Gambit Hậu được phát hành vào tháng 10 năm 2020. Lượt tải xuống ứng dụng cờ vua trên App Store và Google Play Store đã tăng 63% sau khi bộ phim này ra mắt. Chess.com đã chứng kiến số lượng đăng ký tài khoản trong tháng 11 nhiều gấp đôi so với những tháng trước đó và số lượng ván cờ được chơi hàng tháng trên Lichess cũng tăng gấp đôi. Cũng có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số người chơi, với tỷ lệ nữ giới đăng ký trên Chess.com thay đổi từ 22% lên 27% người chơi mới. Kiện tướng Maurice Ashley cho biết "Một sự bùng nổ đang diễn ra trong cờ vua như chúng ta chưa từng thấy kể từ thời Bobby Fischer", cho rằng sự phát triển này là do sự gia tăng mong muốn làm điều gì đó mang tính xây dựng trong đại dịch. Giám đốc Chương trình Phụ nữ của USCF, Jennifer Shahade nói rằng cờ vua hoạt động tốt trên internet, vì các quân cờ không cần phải đặt lại và việc ghép đôi gần như ngay lập tức. Cờ vua trên máy tính Đã từng là trò chơi trí tuệ chỉ dành cho con người, ngày nay cờ vua được cả người lẫn máy tính chơi. Đầu tiên, việc máy tính chơi cờ chỉ là điều hiếu kỳ, nhưng hiện nay các chương trình cờ vua tốt nhất - như Stockfish, AlphaZero,... đã trở nên mạnh hơn con người, đặc biệt là trong cờ nhanh, kể cả khi nó được chạy trên các máy tính thông thường. Garry Kasparov, khi còn là số một thế giới về cờ vua, đã chơi một trận đấu 6 ván với máy tính chơi cờ của IBM có tên gọi là Deep Blue trong tháng 2 năm 1996. Deep Blue đã gây sốc cả thế giới khi thắng ván đầu tiên trong Deep Blue - Kasparov, 1996, Ván 1, nhưng Kasparov đã thắng trận khi thắng 3 và hòa 2 ván tiếp theo. Trận tái đấu 6 ván diễn ra tháng 5 năm 1997 đã có phần thắng nghiêng về máy (về thực tế là một Deep Blue cải tiến) và sau đó IBM tuyên bố cho nghỉ. Trong tháng 10 năm 2002, Vladimir Kramnik đã hòa trong một trận đấu 8 ván với chương trình Deep Fritz. Năm 2003, Kasparov hòa cả trận 6 ván với chương trình Deep Junior trong tháng 2, và trận 4 ván với X3D Fritz trong tháng 11. Máy tính chơi cờ Hydra là hậu duệ có trí tuệ của Deep Blue; và có lẽ nó mạnh hơn Deep Blue. Tháng 6 năm 2005, Hydra đã thắng oanh liệt trên số 7 thế giới khi đó là đại kiện tướng Michael Adams trong một trận đấu 6 ván với tỷ số 5,5-0,5. Thất bại của Kasparov trước Deep Blue đã sinh ra một ý tưởng sáng tạo những biến thể cờ vua trong đó trí tuệ con người có thể vượt trội so với khả năng tính toán của máy tính và cố gắng của lập trình viên. Cụ thể là Arimaa, cũng được chơi trên bàn cờ tiêu chuẩn 8×8, là một loại trò chơi mà trong đó con người có thể đánh bại những cố gắng cao nhất của các lập trình viên, thậm chí ngay cả khi chơi rất nhanh. Các biến thể Hiện có hơn hai nghìn biến thể cờ vua có quy tắc tương tự nhưng khác nhau. Hầu hết chúng đều có nguồn gốc tương đối gần đây. Các loại biến thể bao gồm: Tiền thân trực tiếp của cờ vua, chẳng hạn như chaturanga và shatranj; Các thể loại cò truyền thống của quốc gia hoặc khu vực có chung tổ tiên với cờ phương Tây như xiangqi, shogi, janggi, makruk, sittuyin và shatar; Các biến thể hiện đại sử dụng các nguyên tắc khác nhau (như Cờ thua hoặc Cờ vua960), số lượng quân cờ khác nhau (như cờ vua Dunsany), quân cờ kỳ dị (như grand chess) hay bàn cờ có hình dạng hình học khác nhau (như cờ lục giác, cờ vô hạn). Theo góc nhìn của các biến thể, thông thường cờ vua thường được gọi là cờ Tây, cờ quốc tế, cờ vua chính thống, orthochess, và cờ cổ điển. Thông tin liên quan Các ván cờ nổi tiếng Bowdler - Conway, London, 1788, ví dụ nổi tiếng về thí hai xe. Ván cờ bất tử giữa Adolf Anderssen và Lionel Kieseritzky (1851) Ván cờ vĩnh cửu giữa Adolf Anderssen và Jean Dufresne (1852) Ván cờ Opera giữa Paul Morphy và hai người, Karl-công tước xứ Brunswick người Đức và nhà quý tộc Pháp Count Isouard (1858) Lasker - Bauer, Amsterdam, 1889, ví dụ nổi tiếng về thí hai tượng. Ván cờ thế kỷ giữa Bobby Fischer và Donald Byrne (1956) Trận đấu thế kỷ giữa Bobby Fischer và Boris Spassky, 1972. Deep Blue - Kasparov, 1996, Ván 1. Deep Blue - Kasparov, 1997, Ván 6. Kasparov chống lại Thế giới, trong đó nhà vô địch khi đó chơi theo đường Internet, chống lại phần còn lại của thế giới năm 1999. Kasparov - Topalov, Wijk aan Zee, 1999, thí xe với hơn 15 nước tổ hợp hy sinh bắt buộc. Lịch sử của cờ vua Lịch sử cờ vua Giải vô địch cờ vua thế giới Các kỳ thủ vĩ đại nhất Nguồn gốc cờ vua Cờ vua trong văn học Cờ vua trong văn học Ả Rập Lý thuyết Cox-Forbes Cờ vua tại châu Âu Thế vận hội cờ vua Các kỷ lục thế giới về cờ vua Các nhà vô địch cờ vua thế giới Bài chính: Giải vô địch cờ vua thế giới Không chính thức nhưng được công nhận rộng rãi như là nhà vô địch (thời kỳ trước khi có giải vô địch): Philidor Howard Staunton Adolf Anderssen Paul Morphy Các nhà vô địch chính thức (của FIDE) Wilhelm Steinitz Emanuel Lasker José Raúl Capablanca Alexander Alekhine Max Euwe Mikhail Botvinnik Vassily Smyslov Mikhail Tal Tigran Petrosian Boris Spassky Bobby Fischer Anatoly Karpov Garry Kasparov Vladimir Kramnik Viswanathan Anand Magnus Carlsen Đinh Lập Nhân Các nhà vô địch thế giới của PCA: Garry Kasparov Vladimir Kramnik Các nhà vô địch thế giới của FIDE thời hậu Kasparov: Alexander Khalifman Viswanathan Anand Ruslan Ponomariov Rustam Kasimdzhanov Veselin Topalov Năm 2006 FIDE đã tổ chức trận đấu thống nhất các danh hiệu vô địch cờ vua giữa vô địch cờ truyền thống Vladimir Kramnik và Veselin Topalov. Kết quả là Vladimir Kramnik đã chiến thắng bằng cờ nhanh sau khi hoà cờ chính thức 6-6 để giành ngôi vô địch thế giới thống nhất lần đầu tiên. Luật cờ vua Luật Cờ vua FIDE áp dụng cho mọi cuộc đấu trên bàn cờ. Văn bản bằng tiếng Anh là văn bản gốc của Luật Cờ Vua, được thông qua tại Hội nghị FIDE lần thứ 71 tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào tháng 11 năm 2000 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2001. Đại kiện tướng - Danh hiệu FIDE Liên đoàn cờ vua thế giới, FIDE (Fédération Internationale des Échecs), trao một số danh hiệu dựa trên thành tích cho người chơi cờ vua, từ thấp đến danh hiệu Đại kiện tướng (Grandmaster - GM) được đánh giá cao nhất. Các danh hiệu này thường yêu cầu sự kết hợp giữa xếp hạng và tiêu chuẩn Elo (điểm chuẩn hiệu suất trong các cuộc thi bao gồm các cầu thủ có danh hiệu khác). Sau khi được trao, các danh hiệu FIDE được các kỳ thủ giữ trọn đời, mặc dù một danh hiệu có thể bị thu hồi trong các trường hợp đặc biệt (ví dụ như gian lận). Các sách, báo về cờ vua Các bài báo về cờ vua Các thư viện cờ Tập hợp các ván cờ Hướng dẫn khai cuộc
Trong tán xạ, hàm tán xạ Henyey-Greenstein, được Henyey và Greenstein giới thiệu lần đầu vào năm 1941, cho phép mô phỏng một cách gần đúng và đơn giản hàm tán xạ ánh sáng bởi các hạt nhỏ bé như các hạt bụi trong không gian vũ trụ, các hạt mưa trong đám mây, hay sự tán xạ bởi môi trường không đồng nhất trong các mô sinh học. Hàm Henyey-Greenstein sử dụng một tham số duy nhất, hệ số bất đối xứng g, thỏa mãn điều kiện giá trị trung bình của cos góc tán xạ, khi góc tán xạ phân bố theo hàm Henyey-Greenstein, chính bằng g. Hàm tán xạ Henyey-Greenstein có công thức: Với là góc tán xạ, g là hệ số bất đối xứng. Hàm thỏa mãn: Và: Hàm Henyey-Greenstein cũng thường được biểu diễn theo cos của góc tán xạ: Với . Hàm này thỏa mãn: Và: Hàm phân bố tích lũy Hàm phân bố tích lũy của hàm mật độ xác suất Henyey-Greenstein là: Góc tán xạ Cos của góc tán xạ tuân thủ hàm mật độ xác suất Henyey-Greenstein là một biến ngẫu nhiên có thể tính theo: với y là một biến ngẫu nhiên đều.
Đạo Sinh (zh. dàoshēng 道生), 355-434, là một Cao tăng và là người thành lập Niết-bàn tông của Phật giáo Trung Quốc. Sư là người cùng Cưu-ma-la-thập dịch kinh Diệu pháp liên hoa (sa. saddharmapuṇḍarīka-sūtra) và Duy-ma-cật sở thuyết (sa. vimalakīrtinirdeśa-sūtra). Đạo Sinh có nhiều quan điểm cách mạng so với thời bấy giờ, góp công rất lớn thúc đẩy sự phát triển của nền Phật giáo Trung Quốc. Sư quan niệm rằng, bất cứ ai cũng có Phật tính, bất cứ ai cũng có thể thành Phật tức khắc. Sư có công tổng hợp hai bộ kinh Đại bát-niết-bàn và Bát-nhã ba-la-mật-đa. Ngày nay các tác phẩm của Sư đã thất lạc, người ta chỉ tìm thấy quan điểm của Sư rải rác trong các bộ luận. Đạo Sinh là người có biệt tài, lúc gia nhập Tăng-già Sư đã là một người tinh thông đạo pháp. Từ năm 397 đến 401 Sư tu học tại Lư Sơn, một trung tâm Phật giáo quan trọng thời đó. Năm 405 Sư về Trường An, cùng với Cưu-ma-la-thập soạn kinh sách. Vì những quan điểm mới, Sư bị loại ra khỏi Tăng-già. Đó là những quan điểm phù hợp với Đại bát-niết-bàn kinh (sa. mahāparinirvāṇa-sūtra) – nhưng kinh này lúc đó chưa được dịch ra Hán văn. Sau khi kinh này dịch xong, thuyết của Sư được phục hồi. Sư cho rằng, ngay cả Nhất-xiển-đề cũng có Phật tính và có thể đạt Phật quả, đó là quan điểm Đại thừa, tất cả mọi chúng sinh, không chừa ai, đều có Phật tính, chỉ vì bị vô minh che phủ. Đạt giác ngộ chính là trực nhận được Phật tính đó và tất nhiên – hành giả phải qua nhiều bước đường chuẩn bị. Sư quan niệm rằng giác ngộ là giác ngộ tức khắc (đốn ngộ), là tình trạng hợp nhất với Chân như. Vì vậy giác ngộ không thể là một quá trình từ từ. Khi giác ngộ thì Luân hồi hay Niết-bàn không khác và Chân như của chư Phật không khác với thế giới hiện hữu. Đối với Đạo Sinh thì Phật tính trong Đại bát-niết-bàn kinh và tính Không trong kinh Bát-nhã-ba-la-mật-đa chỉ là một: cả hai đều vô tướng, vô tính. Phật tính và tính Không chính là Niết-bàn, là trạng thái không còn phân biệt giữa chủ thể và khách thể. Đối với Sư, không có một Tịnh độ ngoài thế giới này vì chư Phật không hề rời chúng ta, luôn luôn ở trong ta. Cuối đời, Sư lại sống trên núi Lư Sơn. Một ngày trong năm 434 Sư giảng pháp. Khi sắp rời toà giảng, Sư giơ gậy trúc lên cao, ngồi mà nhập Niết-bàn.
Tào Sơn Bản Tịch (zh. cáoshān běnjì 曹山本寂, ja. sōzan honjaku), 840-901, là một Thiền sư Trung Quốc, môn đệ đắc pháp của Động Sơn Lương Giới và cùng với thầy, sư thành lập tông Tào Động. Tông Tào Động là một trong hai tông phái Thiền mà ngày nay còn đầy sức sống tại Nhật Bản. Tắc thứ 10 của Vô môn quan có nhắc đến Sư. Ngoài ra sử sách còn lưu truyền các giai thoại của sư trong Phủ Châu Tào Sơn Bản Tịch Thiền sư ngữ lục. Sư có nhiều đệ tử nối pháp, trong đó có Thiền sư Tào Sơn Huệ Hà. Cơ duyên ngộ đạo Sư họ Hoàng, ban đầu chuyên học Nho giáo. Năm 19 tuổi, sư lên núi Linh Thạch xuất gia và thụ giới cụ túc. Sư thường đến Động Sơn nghe Thiền sư Lương Giới giảng pháp. Một ngày kia, trong một cuộc Vấn đáp, Động Sơn nhận ra căn cơ của sư và nhận làm đệ tử. Sư tham thiền với Động Sơn và ngộ yếu chỉ nơi đây. Sau đó, sư từ biệt Động Sơn ra đi. Cảnh Đức truyền đăng lục thuật lại câu chuyện sau: Động Sơn hỏi: ‘Ngươi đi đến chỗ nào?’ Sư đáp: ‘Đi đến chỗ không biến dị.’ Động sơn lại hỏi: ‘Chỗ không biến dị lại có đến sao?’ Sư đáp: ‘Cái đến cũng chẳng biến dị.’" Hoằng pháp Sau khi rời Động Sơn, sư vân du hoằng hoá. Cuối cùng sư được mời về Cát Thủy và vì ngưỡng mộ Lục Tổ tại Tào Khê, sư đổi tên núi là Tào Sơn. Về sau sư cũng trụ trì tại núi Hà Ngọc, học trò cả hai chỗ rất đông. Tắc thứ 10 trong Vô môn quan nhắc lại pháp thoại của sư với đệ tử là Thanh Thoát: Tăng thưa: ‘Thanh Thoát nghèo nàn đơn chiếc, xin sư phụ cứu giúp.’ Sư gọi: ‘Thầy Thoát!’ Tăng ứng đáp: ‘Dạ.’ Sư đáp: ‘Đã uống ba chén rượu Thanh Nguyên và dám nói môi không hề ướt!’ Sư là người được Thiền sư Lương Giới truyền dạy Động Sơn ngũ vị và cũng là người khai thác và phát triển công thức này triệt để. Mặc dù môn đệ dưới trướng rất đông và tông phong Động Sơn rất thịnh hành – sư được xem là Nhị tổ – dòng thiền của sư tàn lụi chỉ sau vài thế hệ. Tào Động chính mạch sau này được Thiền sư Vân Cư Đạo Ưng và môn đệ thủ trì. Đời Đường niên hiệu Thiên Phục (901), một đêm mùa hạ, sư hỏi Tri sự: "Hôm nay là ngày tháng mấy?" Tri sự thưa: "Ngày rằm tháng sáu." sư bảo: "Tào Sơn bình sinh hành cước chỉ biết 90 ngày là một hạ, sáng mai giờ thìn ta hành cước." Hôm sau, đúng giờ thìn, sư thắp hương ngồi yên viên tịch, thọ 62 tuổi, 37 tuổi hạ. Vua sắc phong là Nguyên Chứng Thiền sư, tháp hiệu Phúc Viên.
Tăng Triệu (zh. sēngzhào 僧肇, ja. sōjō), 374 hoặc 378-414, là một Cao tăng của Tam luận tông, một dạng Trung quán tông truyền từ Ấn Độ qua Trung Quốc. Có thể nói rằng, Sư là luận sư xuất sắc nhất của Trung Quốc ở đầu thế kỉ thứ năm và cũng là người đầu tiên trong Phật giáo Trung Quốc nắm vững và trình bày hoàn hảo giáo lý tính Không của Long Thụ. Tác phẩm nổi tiếng nhất của Sư là Triệu luận (zh. 肇論) và Bảo tạng luận (寶 藏 論). Sư cũng soạn bài tựa cho kinh Duy-ma-cật sở thuyết, bài tựa cho kinh Trường A-hàm và bài tựa cho Bách luận. Cơ duyên Sư là người Kinh Triệu, xuất thân từ một gia đình nghèo. Sư có nghề viết mướn nên có điều kiện đọc rất nhiều sách và rất chú tâm đến các lời dạy của hai vị Lão Tử, Trang Tử. Sau khi nghiên cứu kĩ quyển Đạo đức kinh của Lão Tử, Sư tự than: "Hay thì hay lắm nhưng còn trụ nơi hư vô, chưa đến chỗ tột cùng." Sau khi đọc được kinh Duy-ma-cật sở thuyết (sa. vimalakīrtinirdeśa-sūtra) – bản dịch của Cưu-ma-la-thập (sa. kumārajīva) – Sư vui mừng nói: "Nay mới biết được chỗ về!" Sư nhân đây phát tâm xuất gia, trở thành tăng sĩ và đến với Cưu-ma-la-thập tại Cô Tàng, xin được theo học ý chỉ. Sau khi Cưu-ma-la-thập dời về Trường An, Sư cũng theo thầy về đó để phụ giúp trong việc dịch thuật. Nơi Cưu-ma-la-thập, Sư ngộ được giáo lý Trung đạo, giáo lý tính Không của Long Thụ. Tác phẩm và tư tưởng Sư nổi tiếng với tính cách của một tư tưởng gia và văn sĩ là nhờ bốn quyển sách, gọi chung lại là Triệu luận (zh.肇論), bao gồm: Bát-nhã vô tri luận (zh. 般若無知論), Bất chân không luận (zh. 不真空論), Vật bất thiên luận (zh. 物不遷論) và Niết-bàn vô danh luận (zh. 涅槃無名論). Trong các bài luận này, Sư nêu tính thống nhất của tương đối và tuyệt đối, của hiện tượng và bản thể, chúng vừa không rời nhau, vừa đối nghịch nhau. Tác phẩm của Sư hết sức uyên bác và có trình độ văn chương cao, là những tổng hợp thật sự của tư tưởng Trung Quốc và Ấn Độ. Sau khi đọc luận Bát-nhã vô tri, Cưu-ma-la-thập bảo Sư: "Kiến giải ta không hơn ông, vậy nên kính trọng nhau vậy." Khi bài luận này đến tay Huệ Viễn – Khai tổ của Tịnh độ tông – Huệ Viễn chỉ biết thốt lên: "Chưa từng có!" Trong luận Vật bất thiên, Tăng Triệu quan niệm rằng, tính "bất biến" của sự vật được biểu lộ bằng: Cái đã qua không hề "bất động" và đồng nhất với cái đang là, đồng thời, cái đã qua cũng chẳng vận động để trở thành cái đang là. Theo Sư, vừa không có động cũng chẳng có bất động. Sư viết như sau (bản dịch của Thích Duy Lực): "… Thật đáng thương xót! Đã biết vật xưa chẳng đến mà lại nói vật nay có đi; vật xưa đã chẳng đến mà vật nay làm sao đi được? Tại sao? Tìm vật xưa nơi xưa, xưa chưa từng không; tìm vật xưa nơi nay, nay chưa từng có. Nay chưa từng có thì rõ ràng không đến; xưa chưa từng không, nên biết vật chẳng đi…" Sư nhấn mạnh rằng, Thánh nhân lúc nào cũng sống trong thật tại, hiện tại, sống theo nhịp sống của thời gian nên chính vì vậy, họ thoát khỏi vòng ảnh hưởng, trói buộc của thời gian, ở ngay trong thiên hình vạn trạng mà không bị chúng lay động, ở ngay trong động mà không thấy nó động. Việc gì có giá trị cho hiện tại thì nó chỉ có giá trị cho hiện tại, việc gì có giá trị cho ngày hôm qua thì nó chỉ có giá trị cho ngày hôm qua. Người ta không nên so sánh phân biệt những gì đã xảy ra với những việc đang xảy ra hoặc sẽ xảy ra. Trong trường hợp này, người châu Âu thường sử dụng một câu rất hay là "Đó chỉ là tuyết của ngày hôm qua" (bởi vì hôm nay tuyết đã tan và trở về với mây khói). Để nhấn mạnh điều này, Sư dẫn một ví dụ của một nhân vật xưa tên Phạn Chí. Phạn Chí tuổi trẻ xuất gia, đến lúc đầu bạc trở về thì các người láng giềng trầm trồ: "Người xưa còn sống sao?" Phạn Chí đáp: "Tôi giống người xưa mà chẳng phải người xưa ấy." Hàng xóm nghe không hội cho rằng ông nói sai. Về tính Không (sa. śūnyatā), Sư cho rằng sự vật vừa tồn tại vừa không tồn tại: tất cả đều phụ thuộc lẫn nhau, một khi nguyên nhân của sự vật mất đi thì sự vật cũng hết tồn tại. Đối với Sư, trình hiện tồn tại tương tự như một hình ảnh ảo thuật, hình ảnh đó không thật, nhưng có trình hiện tồn tại – trên bình diện ảo thuật – cho nên cũng không thể nói nó không tồn tại. Trong luận Bát-nhã vô tri – luận quan trọng nhất trong bốn bộ luận – Sư cho rằng Bát-nhã là loại trí mà trong đó, cái tuyệt đối chính là đối tượng nhận thức. Nhưng, cái tuyệt đối lại trống rỗng và phi tính chất nên cái tuyệt đối không thể trở thành đối tượng nhận thức. Thế nhưng, cái tuyệt đối đó lại là bản thể của mọi sự vật. Vì vậy, một Thánh nhân vừa an trụ trong Không tính và Vô vi, nhưng vừa lại nằm trong lĩnh vực của hành động (Bất hành nhi hành). Nguyên văn: "Lại sự chiếu dụng của Bát nhã không cần tác ý cho nên chân tâm của bậc thánh nếu trống rỗng trong sạch được chừng nào thì sự chiếu dụng đầy đủ chừng ấy, do đó suốt ngày tri (biết) mà chưa từng tri vậy. Thật lý chứng bên trong, ánh sáng tiềm ẩn mà quyền trí luôn luôn hiện ra sự ứng cơ hoá độ bên ngoài. Vì vô tri nên tâm được trống rỗng, tự nhiên đạt đến chiếu soi nhiệm mầu, lấp bít tâm trí thông minh mà sự độc giác lại âm thầm cùng khắp, thành ra chẳng có chỗ bất tri là nghĩa đây vậy." Triệu luận đã có ảnh hưởng rất nhiều trong nền Phật giáo Trung Quốc, ngay cả Thiền tông, một môn phái không chú trọng nhiều đến văn tự. Tương truyền rằng, khi đọc luận Niết-bàn vô danh – đến chỗ "Bậc chí nhân trống rỗng vô hình mà vạn vật đều do tâm tạo. Ngộ được vạn vật đều quy về tự kỉ, ấy chỉ có bậc Thánh mới chứng được", Thiền sư Thạch Đầu Hi Thiên bỗng nhiên có ngộ nhập, cao hứng tự vỗ bàn nói to: "Thánh nhân chẳng có cái ta (ngã) bởi vì tất cả chính là ta. Còn gì để mà phân biệt ta và người!" Thiền sư Pháp Nhãn Văn Ích cũng đã nghiên cứu kĩ bộ luận này trước khi đến và ngộ chân lý nơi La-hán Quế Sâm. Với Tăng Triệu, Đại thừa hệ phái Trung quán đã đứng vững và đã mang một sắc thái riêng biệt của Trung Quốc – nhưng hoàn toàn không kém đẳng cấp cũ tại Ấn Độ với những Đại luận sư như Long Thụ, Thánh Thiên và Phật Hộ. Thị tịch Sau này pháp sư Tăng Triệu bị nạn Tần chúa. Khi đưa ra xử chết, sư nói kệ rằng:Tứ đại vốn không chủ, Ngũ ấm cũng là không Đưa đầu nhận kiếm bén Do như chém xuân phongQua đó cho thấy tinh thần an nhiên bất động của người tu hành đạt đạo trong biển sinh tử không còn vướng mắc vào đau khổ, trầm luân. Hoàn toàn tự tại giải thoát.
Tâm sở (zh. 心所, sa., pi. cetasika), hoặc Tâm sở hữu pháp (sa. caittadharma), là những yếu tố phụ thuộc vào Tâm, gắn liền với một nhận thức (sa. vijñāna) – nhận thức đây cũng được gọi là Tâm vương (sa. cittarāja), là hoạt động tâm thức chủ yếu – đang sinh khởi và khởi lên đồng thời với nhận thức đó. Việc phân tích và hệ thống hoá các tâm sở là một kì công của các Đại luận sư Ấn Độ. Các Tâm sở miêu tả tất cả những khía cạnh tâm trạng mà ai cũng có thể tự khám phá, tìm được nơi chính mình – có thể gọi là bản đồ tâm lý của con người. Cách phân loại theo Thượng toạ bộ Trong khi Kinh tạng tóm thâu mọi hiện tượng của sự sống dưới Ngũ uẩn sắc, thụ, tưởng, hành, thức thì A-tì-đạt-ma của Thượng toạ bộ đề cập 3 khía cạnh triết lý, tâm lý, đạo đức khi bàn đến những gì hiện hữu (sa. bhava): Tâm (sa. citta), Tâm sở và Sắc (sa. rūpa). Tâm sở bao gồm Thụ (sa. vedanā), Tưởng (sa. saṃjñā) và 50 Hành (sa. saṃskāra), tổng cộng là 52 tâm sở. Trong số này, 25 có tính chất tốt lành (thiện và trung tính về phương diện nghiệp), 14 là Bất thiện (sa. akuśala) còn 13 bất định, nghĩa là có thể thiện, bất thiện hay trung tính tuỳ thuộc vào tâm (thức) mà chúng tương ưng. Cách phân loại theo Thuyết nhất thiết hữu bộ Thuyết nhất thiết hữu bộ (sa. sarvāstivādin) chia các Tâm sở thành sáu loại theo A-tì-đạt-ma-câu-xá luận (sa. abhidharmakośa) của Thế Thân (sa. vasubandhu) và A-tì-đạt-ma phát trí luận (sa. abhidharmajñānaprasthāna-śāstra) của Già-đa-diễn-ni tử (sa. kātyāyanīputra), tổng cộng là 46 tâm sở (thuật ngữ trong ngoặc là Phạn ngữ sa): Đại địa pháp 10 Đại địa pháp (zh. 大地法, sa. mahābhūmikā-dharma), chỉ mười tác dụng tâm lý tương ưng và đồng sinh khởi với tất cả Tâm vương: Thụ (受, vedanā), thụ, lĩnh nạp. Có ba loại thụ, đó là: khổ thụ, lạc thụ, phi khổ phi lạc thụ; Tưởng (想, saṃjñā), tưởng, tưởng tượng, đối cảnh mà chấp tướng sai biệt; Tư (思, cetanā), ý định, ý muốn, tâm tạo tác; Xúc (觸, sparśa): xúc, sự xúc đối do căn, cảnh và thức sinh ra; Dục (欲, chanda), mong cầu vì đối ngoại cảnh; Huệ (慧, prajñā, mati), trí huệ phân tích, đối với các pháp có sự phân biệt, chọn lựa; Niệm (念, smṛti), tâm niệm, ghi nhớ không quên; Tác ý (作意, mānaskāra), tỉnh táo cảnh giác hay khiến cho tâm cảnh giác; Thắng giải (勝解, adhimokṣa), sự hiểu biết thù thắng, đối cảnh sinh ra tác dụng ấn khả, thẩm định; Tam-ma-địa (三摩地) hoặc Định (定, samādhi), chính định, đẳng trì, tức là định tâm chuyên chú vào một cảnh, một đối tượng. Đại thiện địa pháp 10 Đại thiện địa pháp (zh. 大善地法, sa. kuśalamahābhūmikādharma): Tín (信 śraddhā), lòng tin tưởng chắc chắn; Cần (勤) hoặc Tinh tiến (精進, vīrya), siêng năng tu tập; Xả (捨, upekṣā); Tàm (慚, hrī), tự thẹn; Quý (愧, apatrāpya, apatrapā), biết sợ quả báo của tội lỗi, biết xấu hổ; Vô tham (無貪, alobha); Vô sân (無瞋, adveśa); Bất hại (不害, ahiṃsā); Khinh an (輕安, praśrabdhi); Bất phóng dật (不放逸, apramāda). Đại phiền não địa pháp 6 Đại phiền não địa pháp (大煩惱地法, kleśamahābhūmikā-dharma) là các pháp gây phiền não, gây khổ, bao gồm sáu loại: Si (癡) hoặc Vô minh (無明, moha, avidyā); Phóng dật (放逸, pramāda); Giải đãi (懈怠, kausīdya), tâm trạng không tinh tiến, biếng nhác; Bất tín (不信, āśraddya); Hôn trầm (昏沉, styāna), tâm chìm đắm, lừ đừ, thiếu linh động, nhạy bén; Trạo cử (掉舉, auddhatya), tâm xao động không yên. Đại bất thiện địa pháp 2 Đại bất thiện địa pháp (大不善地, akuśalamahābhūmikā-dharma): Vô tàm (無慚, āhrīkya), không biết tự hổ thẹn về tội lỗi mình đã làm; Vô quý (無愧, anapatrāpya, anapatrapā), tâm không biết sợ trước tội quả, không biết hổ thẹn đối với người khác khi phạm tội. Tiểu phiền não địa pháp 10 Tiểu phiền não địa pháp (小煩惱地法, parīttabhūmikā-upakleśa): Phẫn (忿, krodha); Phú (覆, mrakṣa), thái độ đạo đức giả, che giấu cái xấu của mình; Xan (慳 mātsarya), xan tham, ích kỉ; Tật (嫉, īrṣyā), ganh ghét; Não (惱, prādaśa), lo lắng, buồn phiền; Hại (害, vihiṃsā), tâm trạng muốn hành động ác hại; Hận (恨, upanāha), lòng hận thù; Xiểm (諂, māyā), nói xạo, loè người; Cuống (誑, śāṭhya), gian lận, dối gạt, lừa lọc; Kiêu (憍, mada), tự phụ. Bất định địa pháp 8 Bất định địa pháp (不定地法, anityatābhūmikādharma), gọi là "bất định" vì chúng có thể thuộc về dạng thiện hoặc bất thiện, tuỳ theo căn cơ của Tâm vương. Ví dụ như Tầm, là tâm sở suy nghĩ phân tích. Nó là tâm sở tốt nếu Tâm vương có gốc thiện – ví dụ như suy nghĩ, chú tâm về giáo pháp của đức Phật, diệt khổ – hoặc xấu, nếu Tâm vương là một pháp bất thiện, như suy nghĩ phân tích cách lừa gạt người… Bất định địa pháp bao gồm tám loại: Hối (悔, kaukṛtya), ăn năn, hối hận; Miên (眠, middha), giấc ngủ; Tầm (尋, vitarka), suy nghĩ, tìm hiểu dạng thô; Tứ (伺, vicāra), suy nghĩ, tìm hiểu dạng tinh tế; Tham (貪, rāga), tham mê, đắm mê; Sân (瞋, pratigha), tức giận; Mạn (慢, māna), kiêu mạn; Nghi (疑, vicikitsā) Cách phân loại theo Duy thức tông Trong Duy thức tông, người ta phân biệt 51 loại tâm sở. Đại sư Vô Trước (asaṅga) phân chia 51 tâm sở này thành sáu loại trong Đại thừa a-tì-đạt-ma tập luận (sa. abhidharmasamuccaya): Biến hành tâm sở 5 Biến hành tâm sở (遍行, sarvatraga), năm loại tâm pháp lúc nào cũng hiện hành xuất phát cùng với một tâm vương, gồm có: Xúc (sparśa); Tác ý (manaskāra); Thụ (vedanā); Tưởng (saṃjñā); Tư (cetanā), tương ưng với tất cả tâm và tâm sở; Biệt cảnh tâm sở 5 Biệt cảnh tâm sở (別境, viniyata) năm loại tâm pháp xác định ngoại cảnh: Dục (chanda); Thắng giải (adhimokṣa); Niệm (smṛti); Định (samādhi); Huệ (prajñā), chỉ duyên (nương) theo các cảnh khác nhau mà sinh khởi. Thiện tâm sở 11 Thiện tâm sở (善, kuśala): Tín (śraddhā); Tàm (hrī); Quý (apatrāpya); Vô tham (alobha); Vô sân (adveṣa); Vô si (amoha); Tinh tiến (vīrya); Khinh an (praśrabdhi); Bất phóng dật (apramāda); Xả (upekśā); Bất hại (avihiṃsā). Căn bản phiền não tâm sở 6 Căn bản phiền não tâm sở (根本煩惱, mūlakleśa): Tham (rāga); Hận (pratigha); Mạn (māna); Vô minh (avidyā); Nghi (vicikitsā); Kiến (dṛṣṭi) cũng được gọi là Ác kiến. Điểm thứ sáu là Kiến cũng thường được chia ra làm năm loại: Thân kiến (身見, satkāyadṛṣṭi): một kiến giải cho rằng thân thể được tạo bằng ngũ uẩn là một cái "ta" (我), là "cái của ta" (我所); Biên kiến (邊見, antagrāhadṛṣṭi): một kiến giải liên hệ đến phiền não, cho rằng cái "ta" được tạo bằng ngũ uẩn là một cái gì đó thường còn, vĩnh viễn [thường kiến] hoặc ngược lại, là một cái gì đó bị đoạn diệt, không có gì tiếp nối giữa hai cuộc sống con người [đoạn kiến]; Kiến thủ kiến (見取見, dṛṣṭiparāmarśa): kiến giải cho rằng một kiến giải bất thiện hoặc ngũ uẩn, cơ sở xuất phát của kiến giải bất thiện này là những điều tuyệt hảo. Kiến giải bất thiện trong trường hợp này là Thân kiến, Biên kiến; Giới cấm thủ kiến (戒禁取見, śīlavrata-parāmarśa): là một kiến giải cho rằng, những quy tắc xử sự sai hoặc những lời hướng dẫn tu tập sai – như tự xem mình như con thú và bắt chước thái độ của nó –, hoặc ngũ uẩn, cơ sở của những việc sai trái trên là điều hay nhất; Tà kiến (邪見, mithyādṛṣṭi): kiến phủ nhận cái gì thật sự tồn tại, thêu dệt thêm vào những gì thật sự không có. Tuỳ phiền não tâm sở 20 Tuỳ phiền não tâm sở (隨煩惱, upakleśa): Phẫn (krodha); Hận (upanāha), uất ức, tâm thù oán; Phú (mrakṣa), che giấu tội lỗi, đạo đức giả; Não (pradāśa), làm bực bội phiền nhiễu; Tật (īrṣyā), ganh ghét vì thấy người ta hơn mình; Xan (mātsarya), tham lam, ích kỉ; Xiểm (māyā), giả dối, nói mình có những đức tính tốt mà thật ra thì không có; Cuống (śāṭhya), gian lận, dối gạt, lừa lọc; Kiêu (mada), tự phụ; Ác (vihiṃsā); Vô tàm (āhrīkya), không tôn kính, không biết hổ thẹn về việc tội lỗi mình đã làm; Vô quý (anapatrāpya, anapatrapā), tâm không biết sợ trước tội quả, không biết hổ thẹn đối với người khác khi phạm tội; Hôn trầm (styāna), tâm chìm đắm, lừ đừ, thiếu linh động, nhạy bén; Trạo cử (auddhatya), xao động không yên; Bất tín (āśraddhyā); Giải đãi (kausīdya), tâm trạng không tinh tiến, biếng nhác; Phóng dật (pramāda); Thất niệm (失念, muṣitasmṛtitā), chóng quên, không chú tâm; Tán loạn (散亂, vikṣepa); Bất chính tri (不正知, asaṃprajanya), hiểu biết sai. Bất định tâm sở 4 Bất định tâm sở (aniyata), bất định bởi vì các tâm sở này thay đổi giá trị tuỳ theo các tâm vương. Chúng bao gồm: Hối (kaukṛtya), hối hận; Miên (middha), lừ đừ buồn ngủ; Tầm (vitarka), suy nghĩ, tìm hiểu dạng thô; Tứ (vicāra), suy nghĩ, tìm hiểu dạng tinh tế. Cách phân chia như trên của Duy thức tông được xem là bước tiến triển cuối cùng trong việc phân tích, phân loại các tâm sở và cũng là bản phân loại tiêu chuẩn cho tất cả những trường phái Đại thừa tại Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam và Tây Tạng.
Tết trong tiếng Việt có thể được dùng để chỉ nhiều lễ hội cổ truyền của Việt Nam: Tết Nguyên đán, hay thường gọi là Tết Ta, là lễ hội lớn nhất trong năm của người Việt, nhằm mùng 1 tháng 1 âm lịch Tết Trồng cây - một phần của Tết Nguyên Đán. Tết Dương lịch, hay Tết Tây, vào ngày 1 tháng 1 của Dương lịch Tết Nguyên tiêu hay Tết Thượng nguyên: rằm tháng riêng (15 tháng 1 âm lịch) Tết Thanh minh: tháng ba âm lịch Tết Hàn thực: mùng 3 tháng 3 âm lịch Tết Đoan ngọ: mùng 5 tháng 5 âm lịch Tết Thiếu nhi: 1 tháng 6 dương lịch Tết Trung nguyên: rằm tháng bảy (15 tháng 7 âm lịch) Tết Trung thu: rằm tháng tám (15 tháng 8 âm lịch) Tết Trùng cửu: mùng 9 tháng 9 âm lịch Tết Trùng thập: mùng 10 tháng 10 âm lịch Tết Cơm mới hay Tết Hạ nguyên: 10 tháng 10 âm lịch hoặc Rằm tháng mười (15 tháng 10 âm lịch) Tết Táo quân: 23 tháng chạp Ngoài ra, trong nhiều ngôn ngữ khác, nhất là trong tiếng Anh dùng tại Hoa Kỳ, chữ Tết (nhiều khi viết là Tet, đôi khi viết là Têt) được dùng để chỉ sự kiện Tết Mậu Thân xảy ra vào năm 1968.
Hen phế quản còn gọi là hen suyễn hay bệnh suyễn (Asthma) là một bệnh lý viêm mạn tính của phế quản thuộc hệ hô hấp trong đó có sự tham gia của nhiều tế bào và thành phần tế bào. Biểu hiện là phản ứng tắc nghẽn phế quản gây hẹp đường hô hấp có hồi phục do được kích thích bởi sự tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng, không khí lạnh, tập thể thao, hay các kích thích về cảm xúc. Hen có 2 đặc tính then chốt: bệnh sử các triệu chứng hô hấp (ho, khò khè, khó thở, nặng ngực) biến đổi theo thời gian và độ nặng, và sự giới hạn dòng khí thở ra có thể thay đổi. Triệu chứng bệnh bao gồm những cơn rít, thở nhanh, ngực bị co ép và ho đặc biệt xảy ra vào ban đêm hay sáng sớm, đây là những dấu hiệu của suyễn. Giữa các cơn thì người bệnh cảm thấy bình thường. Sự rối loạn có tính mạn tính đường hô hấp tạo ra sự phản ứng với các kích thích khác nhau, xác định là sự phản ứng quá mức ở cuống phổi, viêm, gia tăng sự tạo đờm và sự nghẽn đường thở từng cơn. Triệu chứng của suyễn có thể xếp từ nhẹ đến nguy hiểm đến tính mạng, có thể điều chỉnh bằng sự kết hợp của nhiều loại thuốc hay thay đổi lối sống. Sự quan tâm cộng đồng trên thế giới đặc biệt tập trung vào bệnh suyễn vì sự phổ biến của nó, một trong 4 trẻ ở thành thị bị nhiễm. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, số bệnh nhân mắc hen phế quản có xu hướng ngày càng gia tăng, ước tính có khoảng 334 triệu người mắc bệnh hen trên toàn cầu. Dễ bị nhiễm suyễn có thể giải thích bằng yếu tố di truyền, nhưng không có mẫu hình kế thừa nào được tìm thấy. Suyễn là một bệnh lý phức tạp ảnh hưởng đến nhiều yếu tố di truyền, phát triển và môi trường, tác động qua lại tạo nên một tình trạng tổng thể. Giới chuyên môn phân ra làm hai dạng là hen mạn tính và hen cấp tính. Dịch tễ học Hen phế quản là một bệnh thường gặp, xuất hiện ở mọi lứa tuổi, trẻ em chiếm đa số so với người lớn, tỉ lệ 2/1. Hen thường gặp ở nam nhiều hơn nữ, nhưng sau tuổi trường thành thường gặp ở nữ nhiều hơn nam. Những nghiên cứu dịch tể học trong những năm gần đây cho thấy tần suất trung bình khoảng 5 %, trẻ em dưới 5 tuổi 10 %. Rất nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy tần suất này gia tăng gấp 3 - 4 lần trong những thập niên qua. Độ lưu hành hen phế quản tại Pháp trong lứa tuổi 18 - 65 tuổi là 3,9%, tại Ý trong lứa tuổi 5 - 64 tuổi là 5%. Theo môṭ điều tra, tần suất hen ở Hoa Kỳ năm 2008 là 8,2% dân số (khoảng 24.000.000 người); cao hơn so với 7,3% vào năm 2001. Tại Việt Nam, ở Hà Nội, trong năm 1991 là 3,3 %, năm 1995 tăng lên 4,3 % (; ở thành phố Hồ Chí Minh, độ lưu hành hen phế quản là 3,2 (1,39 % (Phạm Duy Linh và c.s báo cáo trong Hội thảo Y dược học lần thứ 5 tại thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 25 - 27/11/1996), ở thành phố Huế, độ lưu hành hen phế quản năm 2000 là 4,58 (1,12% (Lê Văn Bàng). Theo tổ chức y tế ISSAC chuyên nghiên cứu về hen suyễn và dị ứng ở trẻ em trên toàn cầu năm 2016, 29, 1% trẻ TP HCM mắc hen suyễn. Họ đánh giá đây là khu vực mắc bệnh hàng đầu châu Á. Sinh lý bệnh Biểu hiêṇ chính của hen là tình trạng viêm mạn tính. Các bệnh nhân hen có gia tăng số lượng các tế bào viêm hoạt hóa ở thành đường dẫn khí và biểu mô của đường dẫn khí có hiện diện của bạch cầu ái toan, dưỡng bào, đại thực bào và tế bào lymphô T. Các tế bào viêm gây gia tăng nhiều chất trung gian hòa tan như các cytokine, leukotrien và bradykinin. Viêm đường dẫn khí trong thể hen điển hình có bạch cầu ái toan chiếm ưu thế và gây đáp ứng với tế bào TH2 (2 helper T cell) nhưng ở một số bệnh nhân hen nặng cũng có gia tăng viêm đường dẫn khí do bạch cầu trung tính và gây đáp ứng TH1. Một đặc điểm nổi bật của hen là tình trạng tăng đáp ứng của đường dẫn khí. Các di ̣ứng nguyên (tác nhân gây dị ứng) hít vào đường dẫn khí gắn kết với IgE trên bề măṭ của dưỡng bào, phóng thích các hạt và làm gia tăng các chất trung gian hóa học gây tăng tiết chất nhày, co thắt phế quản, phù niêm mạc đường dẫn khí. Hen kết hợp với sự tái cấu trúc đường dẫn khí với đặc trưng bởi sự tăng sản và phì đại các tế bào cơ trơn, phù, tẩm nhuận các tế bào viêm, tân sinh mao mạch và gia tăng lắng đọng các thành phần của mô liên kết như collagen type I và type III. Tình trạng tái cấu trúc có thể bắt đầu ngay ở giai đoạn sớm của bệnh và có thể gây giới hạn lưu lượng khí không hồi phục về sau. Nguyên nhân hen chưa rõ nhưng có thể là một bệnh lý di truyền với ảnh hưởng bởi các yếu tố môi trường. Hen có mối liên kết chặt chẽ với dị ứng. Các dị ứng nguyên thường gặp trong nhà là bụi, gián, lông, vật nuôi, nấm và ngoài ra còn có các dị ứng nguyên ngoài nhà cũng như khói thuốc lá. Ở nữ, các triệu chứng của hen thay đổi trong chu kì kinh nguyệt và khi có thai gợi ý sự ảnh hưởng của các hormone trong bệnh sinh của hen. Hen cũng có thể xảy ra ở nơi làm việc của những người chưa có tiền căn hen (gọi là hen nghề nghiệp). Một số chất như isocyanate (dùng trong sơn xịt) là yếu tố thúc đẩy hen. Các BN béo phì cũng thường bị hen với cơ chế chưa rõ. Một số tác nhân nhiễm trùng và một số bệnh lý như GERD có thể gây đợt hen cấp. Dấu hiệu và triệu chứng Tình trạng cấp tính trầm trọng của suyễn được dân gian gọi là lên cơn hen. Dấu hiệu đơn giản của 1 cơn hen suyễn là thở dồn dập, và thở khò khè, triệu chứng sau được xem là dấu hiệu thường thấy. Ho từng cơn tạo ra đờm trong có thể là triệu chứng. Sự tấn công thường là bất chợt; có dấu hiệu thắt ngực, thở khó khăn và việc thở khò khè diễn ra (thường là cả lúc hít và thở). Dấu hiệu của từng cơn hen là ho, khò khè, thở gấp, thở ra kéo dài, cảm giác nặng ngực, nhịp tim nhanh, tiếng từ trong cuống phổi, và sự thu hẹp quá lố của phổi. Các triệu chứng lâm sàng của hen rất thay đổi từ triệu chứng nhẹ, gián đoạn đến cơn hen nặng gây tử vong. Trong một cơn hen suyễn nghiêm trọng, cần nhiều cơ hô hấp có thể được sử dụng, các mô giữa lồng ngực được kéo về hai bên và bên trên xương ức và xương đòn, và hiện diện của sự trái ngược của nhịp tim (tim đập yếu lúc hít vào và mạnh khi thở ra) Trong một cơn nghiêm trọng, người bệnh suyễn xanh xao do thiếu oxy, đau ngực và mất tri giác. Cơn suyễn nguy hiểm có thể làm ngừng hô hấp và có thể dẫn đến cái chết. Mặc dù sự nghiêm trọng của các triệu chứng giữa từng cơn lên hen, giữa các cơn lên hen người mắc bệnh rất ít biểu hiện bệnh. Điều trị Cần xác định các kích thích dị ứng như là thú nuôi hay thuốc aspirin nhằm hạn chế sự tiếp xúc với chúng. Việc làm bớt sự nhạy cảm đã không tỏ ra có hiệu quả. Đối với các bệnh về hệ hô hấp, hút thuốc lá có ảnh hưởng nhất định đến hen suyễn, gồm gia tăng tính nghiêm trọng của triệu chứng, suy giảm chức năng phổi, làm phản ứng với các thuốc điều trị. Người bị suyễn có hút thuốc là cần nhiều thuốc hơn, để có thể ngăn bệnh tiến triển. Mặt khác sự tiếp xúc của cả người không hút thuốc và người thụ động hút thuốc cũng phần nào tăng tính nghiêm trọng của bệnh. Ngừng hút hay tránh người hút được khuyến khích với người bệnh suyễn. Các phương thuốc đặc trị khuyên dùng cho bệnh nhân suyễn phụ thuộc vào tình trạng nghiêm trọng của căn bệnh và tần suất của triệu chứng. Cách đặc trị cho suyễn phân loại là các thuốc giảm, thuốc ngăn ngừa và thuốc trị trong trường hợp nguy cấp. Bản chuyên gia 2: Hướng dẫn cho chẩn đoán và quản lý suyễn (EPR-2) của chương trình giáo dục và ngăn ngừa suyễn quốc gia Mỹ, và hướng dẫn của Anh về kiềm chế suyễn sử dụng rộng rãi và được khuyến khích của các bác sĩ. Thuốc làm giãn cuống phổi được khuyến khích cho các điều trị tạm thời cho tất cả các bệnh nhân. Đối với bệnh nhân thỉnh thoảng lên cơn hen, không cần thuốc khác để trị. Với các bệnh nhân dai dẳng nhưng mang tính chất nhẹ (hơn 2 lần 1 tuần), glucocorticoids hít liều thấp – hay các thay thế,thuốc uống trị viêm, thuốc cân bằng tế bào hạch, Ancaloit trà – có thể được cung cấp. Với các bệnh nhân mắc bệnh thường ngày, glucocorticoid liều cao chung với β-2 tác dụng tế bào có thể được chỉ định; ancaloit trà và chất phụ trợ leukotriene có thể thay thế cho β-2. Trong cơn suyễn nguy cấp, glucocorticoids có thể thêm vào các cách xử lý trên trong khi lên cơn. Với những người lên cơn suyễn trong khi vận động thể thao, hít thở khí lạnh khô có thể làm xấu thêm cơn suyễn. Với lý do trên, hoạt động mà bệnh nhân cần nhiều không khí lạnh, như trượt tuyết băng đồng, có thể làm xấu tình trạng suyễn, trái lại bơi trong nhà, hồ bơi ấm, với khí trời ấm và ẩm, thường ít gây ra phản ứng. Các thuốc chuẩn để khống chế bệnh hen là chủ vận beta và corticoid, dùng dưới dạng hít để giải phóng thuốc ở vị trí mong muốn Các thuốc beta làm giản cơ trơn ở phế quản do kích thích có chọn lọc các thụ thể β-2 gây tiết adrenalin, các thuốc chủ vận β-2 tác dụng ngắn như salbutamol hay terbutalin là những thuốc dùng ban đầu được lựa chọn. Ở dạng hít, thuốc có thể tác dụng giãn phế quản ngay lập tức. Các thuốc chú vận β-2 tác dụng kéo dài như salmeterolxinafoat dành cho bệnh nhân đã có tiến bộ trong điều trị dự phòng chống viêm Các thuốc corticoid với tính chất chống viêm, có tác dụng làm giảm phản ứng dị ứng của phế quản và phải dùng đều đặn để có lợi ích tối đa như aminophylin, theophylin, ipatropium bromid, nedocromil, zafirlukast, zileuton 1.Đối với bệnh hen mạn tính: Giới chuyên môn khuyên bệnh nhân tránh hút thuốc, tránh các dị ứng nguyên (như phấn hoa,...), và tránh dùng các thuốc co thắt phế quản, hoặc bệnh nhân bị hen do thuốc aspirin và thuốc chống viêm phi steroid gây nên thì phải tránh dùng các thuốc này. Các hướng dẫn của giới chuyên khoa Anh, Mỹ sớm dùng thuốc chống viêm và sau đó giảm dàn càng cách xa càng tốt Cách điều trị bệnh hen mạn tính nên xem xét lại sau mỗi 3-6 tháng và nếu bệnh đã được kiểm soát, thì nên giảm dần việc điều trị 2.Đối với bệnh hen cấp tính: Bệnh hen nặng cấp tính có thể đe dọa tính mạng nên điều trị càng sớm càng tốt và bắt buộc nhập viện, cách dùng thuốc như sau: - Trước tiên cần thở oxy với tốc độ lưu lượng cao - Dùng liều cao các thuốc chủ vận β-2 ở dạng hít (như salbutamol hoặc terbutalin) - Khi có nguy cơ đe doạ tính mạng, có thể dùng thêm các thuốc ipatropium bromid và aminophylin - Bệnh nhân ở tình trạng thờ thẫn, mất ý thức hay ngừng thở cần thông khí dưới áp suất từng đợt Tác dụng phụ của thuốc chữa bệnh hen Khi dùng thuốc có tác dụng chọn lọc cường β-2 của khí quản có thể gây tác dụng không mong muốn như: đánh trống ngực làm tim đập nhanh và mạnh, run cơ, rối loạn tiêu hoá, quen thuốc Theophylin và dẫn xuất gây tác dụng không mong muốn như: mất ngủ, bồn chồn, đánh trống ngực Nedocromil mặc dù dễ dung nạp nhưng cũng có phản ứng phụ như: nhức đầu, buồn nôn, khó chịu ở bụng, đắng miệng Zafillukast dễ dung nạp nhưng cũng gây phản ứng phụ như: nhức đầu, rối loạn tiêu hoá, đau toàn thân, đau cơ, sốt Zileuton có thể làm tăng trị số của men gan, rối loạn ở dạ dày-ruột, đau đầu, mẫn ngứa Ở trẻ em từ 6 đến 11 tuổi bị hen dị ứng không kiểm soát đầy đủ, sử dụng phối hợp kháng thể đơn dòng kháng IgE omalizumab (Xolair, Novartis) làm giảm đáng kể cơn hen về mặt lâm sàng và thuốc được dung nạp tốt. Omalizumab
Nguyễn Hữu Tiến (1901–1941), tên khai sinh Trương Xuân Trinh, còn gọi là "Thầy giáo Hoài" hay "Hải Đông", Xứ ủy viên Nam Kỳ là nhà cách mạng và là Đảng viên cộng sản Việt Nam. Ông được cho là tác giả của mẫu Quốc kỳ Việt Nam nhưng xung quanh nhận định này còn nhiều tranh luận. Tiểu sử Ông sinh ngày 5 tháng 3 năm 1901 tại làng Lũng Xuyên huyện tổng Yên Khê huyện Duy Tiên (nay là phường Yên Bắc, thị xã Duy Tiên), tỉnh Hà Nam. Năm 1927, ông tham gia tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Năm 1931 ông bị bắt và bị đưa ra nhà tù Côn Đảo. Năm 1935, ông cùng một số tù chính trị khác là Tạ Uyên, Tống Văn Trân, Vũ Công Phụ vượt ngục, trở về đất liền, hoạt động cách mạng tại Nam Bộ, sau đó được phân công phụ trách công tác tuyên truyền, in ấn tài liệu cách mạng. Chính trong thời gian này, ông được Xứ ủy Nam Kỳ trao nhiệm vụ vẽ cờ hiệu để sử dụng trong các cuộc đấu tranh. Ông đã vẽ lá cờ có nền đỏ và ngôi sao vàng năm cánh, thể hiện ý tưởng máu đỏ da vàng, tượng trưng cho dân tộc và sự đoàn kết các tầng lớp nhân dân bao gồm sỹ, nông, công, thương, binh trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Mẫu cờ đã được Xứ ủy Nam Kỳ nhất trí và đã xuất hiện lần đầu tiên trong khởi nghĩa Nam Kỳ ngày 23 tháng 11 năm 1940. Tâm huyết của tác giả khi sáng tạo ra lá cờ được khắc họa rõ nét trong bài thơ của ông: Hỡi những ai máu đỏ da vàng Hãy chiến đấu dưới cờ thiêng Tổ quốc Nền cờ thắm máu đào vì nước Sao vàng tươi, da của giống nòi Đứng lên mau hồn nước gọi ta rồi Hỡi sỹ - nông - công - thương - binh Đoàn kết lại như sao vàng năm cánh. Tuy nhiên, ông không kịp nhìn thấy lá cờ của mình tung bay. Ngày 30 tháng 7 năm 1940, ông bị thực dân Pháp bắt giam (cùng với Nguyễn Thị Minh Khai). Khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại, đàn áp đẫm máu và bị khủng bố rất tàn bạo. Thực dân Pháp đưa ông và nhiều yếu nhân của Đảng Cộng sản Đông Dương như Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Hà Huy Tập,... ra xử bắn ngày 28 tháng 8 năm 1941. Lá cờ của Nguyễn Hữu Tiến đã lan rộng ra và trở thành cờ hiệu của phong trào Việt Minh. Tại Hội nghị Tân Trào chuẩn bị Tổng khởi nghĩa, Quốc dân đại hội đã nhất trí chọn lá cờ của Nguyễn Hữu Tiến làm Quốc kỳ của đất nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và sau này là Quốc kỳ của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tranh luận về tác giả cờ đỏ sao vàng Theo nguồn báo Tuổi Trẻ ra năm 2006, trong công văn số 1393/VHTT-BTCM do Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin Lưu Trần Tiêu ký ngày 18 tháng 4 năm 2001 có ghi rõ: "Tất cả các nguồn tài liệu hiện có tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, tại Viện Lịch sử Đảng trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh đều không có tài liệu nào chứng minh đồng chí Nguyễn Hữu Tiến là người vẽ lá cờ Tổ quốc". Có nghi vấn cho rằng ông Lê Quang Sô, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang mới là tác giả. Tại hội thảo ở Tiền Giang năm 2005 của Viện Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, viện trưởng viện này cho rằng lá cờ là sản phẩm của tập thể Xứ ủy Nam Kỳ, chưa có cơ sở vững chắc kết luận cá nhân ai là tác giả. Nhà lưu niệm Năm 1993, để ghi ơn Nguyễn Hữu Tiến, tỉnh Hà Nam đã cho xây dựng Nhà lưu niệm, mang tên: "Nhà lưu niệm Đồng chí Nguyễn Hữu Tiến". Hiện, nơi này do người con gái duy nhất của Nguyễn Hữu Tiến là bà Nguyễn Thị Xu trông nom.Trong căn nhà có treo một bức tranh sơn dầu vẽ cảnh Nguyễn Hữu Tiến đang ngồi vẽ lá cờ đỏ sao vàng, do cố nhạc sĩ Văn Cao vẽ. Mộ Nguyễn Hữu Tiến hiện được an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh (P. Long Bình, Q.9). Ông được đặt tên cho 1 con đường ở Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh. Chú thích Nhà cách mạng Việt Nam Người Hà Nam Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa I Người họ Nguyễn tại Việt Nam Bí thư Liên Tỉnh ủy Long Xuyên
Pheng Xat Lao (, dịch nghĩa đen: "Bài ca nhân dân Lào") là quốc ca của Lào. Thongdy Sounthonevichit đã viết phần nhạc và lời vào năm 1941. Nó được sử dụng làm quốc ca của Vương quốc Lào vào năm 1945. Khi Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào được thành lập vào năm 1975, lời mới được thay cho lời cũ, thế nhưng giai điệu và tên bài hát vẫn được giữ nguyên. Lịch sử Từ lâu là một quốc gia chư hầu của Xiêm, năm 1893, Lào trở thành một nước bảo hộ thuộc Pháp trong đế chế thực dân. Người Pháp tuyên bố sự chiếm đóng của Pháp là để bảo vệ Lào khỏi các "nước láng giềng thù địch" như Trung Quốc và đặc biệt là Xiêm, vốn quân đội Xiêm đã buộc phải nhượng lại Lào cho cường quốc thực dân châu Âu. Trên thực tế, Pháp chỉ đơn giản cai trị Lào như một thuộc địa, thậm chí còn đưa nhiều người Việt vào làm việc. Tuy nhiên, Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ đã làm ​​nước Pháp đầu hàng trước Đức Quốc xã. Chính phủ cánh hữu mới ở Xiêm coi đây là cơ hội có thể để giành lại lãnh thổ Thái Lan trước đây đã bị mất cho Pháp, đặc biệt là vùng đất nằm ở phía bên bờ sông Thái Lan. Để ngăn chặn điều này, chính quyền thực dân Pháp bắt đầu thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc Lào. Vì sự tự do hóa này, nhiều bài hát yêu nước đã được sáng tác, mỗi bài đều nhấn mạnh "tính độc lập" của Lào. "Pheng Xat Lao" là một trong số đó, được sáng tác bởi Thongdy Sounthonevichit vào năm 1941. Bài hát đã được chọn làm quốc ca vào năm 1945, khi đất nước bị quân Nhật Bản chiếm đóng đã tuyên bố Lào độc lập khỏi sự cai trị của Pháp. Sự tự do mới này chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, vì Pháp nhanh chóng giành lại quyền kiểm soát Đông Dương thuộc Pháp sau khi Nhật Bản đầu hàng vào năm 1945. Năm 1947, Pháp trao quyền tự trị hạn chế cho Lào nằm trong khối Liên hiệp Pháp, và "Pheng Xat Lao" lại trở thành quốc ca cho đất nước mới độc lập. Khi Pathet Lào chiến thắng năm 1975, nhờ sự trợ giúp lớn của Việt Nam trong Nội chiến Lào, chính quyền cộng sản mới đã bãi bỏ chế độ quân chủ và thay đổi lời bài hát để phản ánh hệ tư tưởng của chế độ Mác xít. Kết quả là bài quốc ca trở nên toàn diện, đề cập đến tất cả các nhóm dân tộc ở Lào, thay vì tập trung vào chủng tộc Lào và Phật giáo. Tuy nhiên, giai điệu vẫn được giữ lại. Lời bài hát Phiên bản sau năm 1975 Phiên bản trước năm 1975
Tia cực tím hay tia tử ngoại, tia UV () là sóng điện từ có bước sóng ngắn hơn ánh sáng nhìn thấy nhưng dài hơn tia X. Phổ tia cực tím có thể chia ra thành tử ngoại gần (có bước sóng từ 380 đến 200 nm) và tử ngoại xạ hay tử ngoại chân không (có bước sóng từ 200 đến 10 nm). Khi quan tâm đến ảnh hưởng của tia cực tím lên sức khỏe con người và môi trường, thì phổ của tia cực tím chia ra làm các phần: UVA (380-315 nm), hay gọi là sóng dài hay "ánh sáng đen"; UVB (315-280 nm) gọi là bước sóng trung bình; và UVC (ngắn hơn 280 nm) gọi là sóng ngắn hay có tính tiệt trùng. Từ nguyên Tên "tử ngoại" (紫外) có nghĩa là "ngoài mức tím", màu tím là màu sắc có bước sóng ngắn nhất trong ánh sáng nhìn thấy. Khái quát Trong kỹ thuật quang thạch bản, hay kỹ thuật laser cực tím, thuật ngữ tia cực tím sâu hay DUV để nói đến bước sóng dưới 300 nm. Cực tím có nghĩa là trên của tím. Sắc tím là màu có bước sóng ngắn nhất có thể nhìn thấy. Một vài bước sóng của tia cực tím dân gian gọi là ánh sáng đen, vì chúng vô hình với mắt người. Một vài động vật, như chim, bò sát, và côn trùng như ong, có thể nhìn tia cực tím ngắn. Một vài loại trái cây, hoa, và hạt sặc sỡ hơn trong môi trường tia cực tím, so sánh hình ảnh trong ánh sáng thường nhìn bởi mắt người, để hấp dẫn các côn trùng và chim. Một vài loài chim có những hình thù trên bộ cánh chỉ nhìn được dưới tia cực tím, không thể nhìn được dưới ánh sáng. Nước tiểu của một số loài động vật cũng chỉ có thể thấy bằng tia cực tím. Mặt Trời tỏa ra tia cực tím UVA, UVB và UVC, nhưng bởi vì sự hấp thụ của tầng ozone, 99% tia cực tím đến được mặt đất là thuộc dạng UVA. Bản thân tầng ozone được tạo ra nhờ phản ứng hóa học có sự tham gia của tia UVC. Các thủy tinh thông thường trong suốt với tia UVA nhưng mờ đục với các tia sóng ngắn hơn. Silic hay thạch anh, tùy theo chất lượng, có thể trong suốt với cả tia cực tím chân không. Phân loại Phổ điện từ của tia cực tím có thể được chia theo một số cách. Tiêu chuẩn ISO xác định dựa trên độ chiếu xạ năng lượng mặt trời, ISO-21348 được phân loại theo bảng sau đây: Tử ngoại chân không được đặt tên như thế là vì nó bị hấp thụ trong không khí, do đó chỉ sử dụng được trong chân không. Với bước sóng từ 150-200 nm, thì chủ yếu là bị oxy trong không khí hấp thụ, do đó chỉ cần thao tác trong một môi trường không có oxy (thường là môi trường nitơ tinh khiết), chứ không cần phải dùng đến buồng chân không. Tác dụng đối với cơ thể Lợi ích Tia cực tím giúp tổng hợp vitamin D trong cơ thể bằng cách khi chiếu tia cực tím vào da thì chính dehydrocholesterol sẽ chuyển thành vitamin D. Ngoài ra, ở liều lượng vừa phải tia cực tím còn kích thích mọi quá trình hoạt động chính của cơ thể. Tác hại Tia cực tím có thể gây tai biến về mắt khi không đeo kính bảo hộ. Tác hại cấp tính có thể xảy ra trong chỉ một lúc khi ra ngoài trời đang nắng gắt. Tương tự như khi da bị cháy nắng, các tế bào bao bọc mắt có thể bị hủy do tia nắng, nhất là khi phản chiếu dội lên từ mặt tuyết, xi-măng, cát hay nước.Sau khi bị chiếu từ 6 - 15 giờ, bệnh nhân có những rối loạn thị giác như giảm thị lực, nhìn thấy quầng bao quanh các nguồn sáng. Sau đó cảm thấy như có dị vật ở trong mắt, chảy nước mắt, rất sợ ánh sáng. Thông thường tiến triển tốt và trong khoảng 8 giờ thì khỏi, nhưng cũng có những thể nặng kéo dài vì kèm theo nhiễm khuẩn. Ngoài ra tia cực tím cũng là tác nhân gây say nắng Những hậu quả nghiêm trong như khi ra nắng nhiều lần trong thời gian dài, tia cực tím có khả năng gây các chứng bệnh mắt trầm trọng hơn, như suy hoại võng mạc và cườm mắt - làm lòa hay mù mắt. Với chuyên khoa da liễu: tia cực tím có thể gây ra ung thư da, u hắc tố (Melanome)…. Bức xạ cực tím UV (ultra violet) và các bức xạ khác có trong ánh sáng mặt trời có hại đối với sức khỏe của con người. Chúng là nguyên nhân gây nên một số bệnh về da hay mắt như da sạm nắng, thoái hóa da, đục nhân, thoái hóa hoàng điểm, hạt kết giác mạc... dẫn đến tình trạng suy giảm thị lực. Vậy nên chúng ta cần xem xét bản chất của chúng là gì cũng như cách phòng tránh chúng như thế nào? Về bản chất, bức xạ UV (hay còn gọi là Tia cực tím, Tia tử ngoại, Tia UV) là sóng điện từ có bước sóng ngắn hơn ánh sáng nhìn thấy nhưng dài hơn tia X, chúng không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Trong các nghiên cứu ảnh hưởng của tia cực tím có trong ánh sáng mặt trời lên sức khỏe con người và môi trường, thì phổ của tia cực tím chia ra làm các phần: * Tia UVC: Có bước sóng trong khoảng từ 100 đến 280 nm (nanometer). Đây là vùng tia UV có năng lượng cao nhất. * Tia UVB: Vùng bức xạ này có bước sóng dài hơn một chút (khoảng 280 đến 315 nm) và năng lượng thấp hơn vùng tia UVC. * Tia UVA: Vùng tia này gần với vùng ánh sáng nhìn thấy, có năng lượng thấp hơn vùng tia UVB và UVC (có bước sóng nằm trong khoảng 315 đến 380 nm). Các ảnh hưởng của tia UV tới sức khỏe của con người Do là vùng bức xạ có năng lượng cao nhất nên tia UVC có khả năng gây tổn hại nhất cho đôi mắt và làn da bạn. May mắn cho chúng ta là tầng ozone trong bầu khí quyển đã ngăn chặn gần như toàn bộ tia UVC này. Tuy nhiên hiện nay do nhiều tác động, tầng ozone bảo vệ Trái Đất của chúng ta đang ngày càng yếu (mỏng đi và có nhiều lỗ thủng) cũng có khả năng cho phép các bức xạ năng lượng cao UVC này lọt xuống bề mặt Trái Đất, rất dễ gây nên các vấn đề sức khỏe trầm trọng. Các bức xạ UVB thì có thể đi xuyên qua tầng ozone (mặc dù cũng đã được lọc một phần). Chúng chỉ chiếm khoảng 3% trong phổ tia UV do mặt trời chiếu và đi xuống tới Trái Đất. Tia UVB kích thích quá trình chuyển hóa Melanin (một loại sắc tố da), nguyên nhân làm cho da trở nên tối đi, tạo ra sự rám nắng. Nếu với cường độ cao, tia UVB sẽ gây nên hiện tượng cháy nắng, làm tăng các nguy cơ bị ung thư da. Tia UVB cũng gây nên các hiện tượng bị bạc màu da, các nếp nhăn và các dấu hiệu khác sớm trước tuổi. Với đôi mắt, do giác mạc của chúng ta hấp thu hầu hết các bức xạ UVB này nên chúng không phải là nguyên nhân chính gây nên các hiện tượng đục thủy tinh thể hay thoái hóa hoàng điểm mà chủ yếu gây nên các bệnh giác mạc như viêm giác mạc, hạt kết giác mạc, mộng. Còn tia UVA, đây là lượng bức xạ cực tím có nhiều nhất (chiếm tới 97%), do chúng dễ dàng xuyên qua tầng ozone bảo vệ Trái Đất. Tia UVA có thể xuyên qua giác mạc, đi vào thủy tinh thể hay võng mạc ở bên trong mắt. Nếu phơi dưới bức xạ UVA quá lâu sẽ dẫn đến hiện tượng bị đục nhân mắt hay thoái hóa hoàng điểm. Bức xạ HEV Các nghiên cứu mới còn cho thấy rằng không chỉ có tia cực tím mới gây tổn hại đến sức khỏe của con người, mà vùng bức xạ nhìn thấy có năng lượng cao có trong ánh sáng mặt trời (the sun's high-energy visible radiation), viết tắt là bức xạ HEV (hay còn gọi là vùng ánh sáng xanh - bluelight) cũng có thể làm gia tăng các nguy cơ tổn hại (như thoái hóa hoàng điểm) trong một thời gian dài. Giống như tên gọi, vùng bức xạ HEV – high-energy visible hay blue light là vùng ánh sáng nhìn thấy được có năng lượng cao. Mặc dù tia HEV có bước sóng dài hơn (cỡ 400 đến 500 nm) và có năng lượng thấp hơn tia UV, tuy nhiên thì chúng cực kỳ dễ dàng trong việc vượt qua cả giác mạc lẫn thủy tinh thể xâm nhập vào tận sâu bên trong mắt và có thể gây ra các tổn hại cho võng mạc. Theo như kết quả nghiên cứu được công bố ở châu Âu tháng 12 năm 2008 trên tạp chí Archives of Ophthalmology, thì những người có nồng độ vitaminC và các chất chống oxy hóa khác trong huyết tương thấp đặc biệt dễ xuất hiện các nguy cơ bị tổn hại võng mạc từ vùng ánh sáng HEV này. Các nhân tố ảnh hưởng đến sự phân bố tia UV và HEV Bất cứ ai mà hay phải ra ngoài trời nhiều đều có nguy cơ bị các tổn hại về mắt do các bức xạ UV.  Tuy nhiên thì mức độ ảnh hưởng, hay mật độ UV hay HEV có trong ánh sáng mặt trời không phải chỗ nào cũng như nhau, lúc nào cũng như nhau. Nó còn phụ thuộc các yếu tố: * Vị trí địa lý: Cường độ UV thường lớn ở những vùng nhiệt đới nhất là các khu vực gần xích đạo. Ở xa hơn vị trí này các nguy cơ sẽ ít hơn. * Độ cao so với mực nước biển: Cường độ UV thường lớn ở những nơi có độ cao. * Thời gian trong ngày: Bức xạ UV, HEV thường cao vào những giờ buổi trưa khi mặt trời ở vị trí cao và chiếu sáng trực tiếp, thường khoảng từ 10h sáng đến 2h chiều. * Khung cảnh, môi trường: Mức độ UV, HEV thường lớn ở những nơi có không gian rộng, đặc biệt khi có những bề mặt phản xạ cao, như mặt tuyết và mặt cát. Trên thực tế, mức độ phơi UV gần như tăng gấp đôi khi tia UV được phản xạ từ các bề mặt tuyết. Trong các khu vực thành phố ít tia UV hơn do có các tóa nhà cao tầng và bóng râm cây cối ở trong phố. * Các loại dược phẩm cũng có tác dụng hạn chế sự ảnh hưởng: Chắc chắn là các loại dược phẩm, như tetracycline, thuốc sulfa, thuốc tránh thai, diuretics hay tranquilizers, có thể làm tăng sức đề kháng của con người đối với các bức xạ UV và HEV. * Một điều quan trọng nữa là bóng râm của các đám mây hầu như không hề làm ảnh hưởng đến mức độ UV: Các nguy cơ phơi nhiễm UV giảm không đáng kể kể cả trong những ngày sương mù hay râm mát. Điều này là bởi vì UV là các bức xạ không nhìn thấy, chứ không phải ánh sáng thông thường và chúng có thể xuyên qua các đám mây. Định lượng bức xạ UV Ở Mỹ hai tổ chức bảo vệ môi trường - the U.S. Environmental Protection Agency (EPA) và Cục dự báo thời tiết - the National Weather Service (NWS) đã tiến hành đo đếm tia cực tím từ đó đưa ra chỉ số UV (UV index) để định lượng hóa mức độ UV, nhằm dự báo mức độ bức xạ cực tím cho mỗi ngày. Và báo động cho mọi người những ngày mà mức độ bức xạ UV mặt trời được cho rằng sẽ cao bất thường. Cách tính toán được mô tả đơn giản, được chia theo các mức tỷ lệ từ 1 đến 11+ có kèm theo các khuyến cáo. Trẻ em đặc biệt cần được bảo vệ khỏi tia UV, thậm chí cần thiết hơn so với người trưởng thành. Bởi các nguy cơ ảnh hưởng do tia UV từ mặt trời tới mắt và da được tích lũy dần, có nghĩa là những nguy hiểm sẽ tiếp tục gia tăng trong suốt cuộc đời chúng ta. Vậy nên cần lưu ý bảo vệ cho chúng từ sớm để tránh sự tích lũy lâu dài. Hơn nữa, trẻ thường có thói quen hay ra ngoài nhiều hơn người lớn nên cần lưu ý đặc biệt. Tốt nhất hãy tập cho các con bạn bảo vệ tia cực tím bằng cách đeo một chiếc kính râm tốt, khuyến khích chúng đội mũ khi ra ngoài để giảm thiểu thêm sự phơi nhiễm trong những ngày nắng. Tác dụng đối với môi trường Tia cực tím có thể khử khuẩn vì tác dụng rất mạnh trên Nucleo Protein của vi khuẩn, nó có thể làm biến dạng hoặc giết chết vi khuẩn. Hiệu lực diệt khuẩn của tia cực tím không những tuỳ thuộc mật độ, thời gian chiếu tia, điều kiện môi trường mà còn tùy thuộc vào sức chịu đựng của vi khuẩn. Ngoài ra do tác dụng của tia cực tím, không khí có thể sinh ra ôzôn cũng có khả năng tiêu diệt vi khuẩn. Khử khuẩn nước Vùng bức xạ cực tím có tác dụng diệt khuẩn nhiều nhất là vùng có bước sóng 280 - 200 nm. Những đèn phát tia cực tím thường được đặt ngầm ở trong nước. Lớp nước chảy qua đèn có độ dày khoảng 10 – 15 cm và phải được chiếu trong 10 - 30s. Tia cực tím chỉ xuyên được qua nước trong không màu. Khi màu và độ đục tăng thì tác dụng diệt khuẩn giảm. Ưu điểm của phương pháp diệt khuẩn bằng tia cực tím là không ảnh hưởng tới mùi vị của nước. Nhưng phương pháp này còn có nhược điểm là tác dụng diệt khuẩn không bền, sau này nước có thể bị nhiễm khuẩn lại và chỉ áp dụng được khi nước trong. Khả năng diệt khuẩn phụ thuộc vào điện thế nguồn điện, khi điện thế giảm 10% thì khả năng diệt khuẩn sẽ giảm 15 - 20%. Khử khuẩn không khí Để khử khuẩn không khí khi có người ở trong phòng có hai cách là chiếu xạ trực tiếp và chiếu xạ gián tiếp. Chiếu xạ trực tiếp Các đèn diệt khuẩn được treo lên ở một độ cao cần thiết, đảm bảo luồng bức xạ cực tím trực tiếp chiếu rọi nơi làm việc. Trong điều kiện này, người làm việc ở trong phòng phải có phương tiện bảo vệ mắt (kính) và những chỗ da hở để phòng ngừa bị bỏng. Chiếu xạ gián tiếp Các đèn diệt khuẩn được đặt với mặt phản chiếu quay lên trên, ở mức cao hơn tầm người (2 - 2,5m). Luồng tia cực tím hướng lên trần nhà, tiêu diệt vi khuẩn ở những lớp không khí trên; khi phản chiếu từ trần và tường nó tiêu diệt vi khuẩn ở nấc không khí thấp hơn. Do tác động của các dòng đối lưu, các lớp không khí trên đã được khử khuẩn dần dần bị thay thế bằng các lớp ở dưới chưa diệt khuẩn, nhờ đó qua một thời gian toàn bộ không khí sẽ được khử khuẩn... Ứng dụng bảo mật tiền và tài liệu quý Bảo mật tài liệu dùng tia tử ngoại thực hiện cho tài liệu quan trọng như hộ chiếu, tiền hay chứng chỉ ngân hàng, thẻ tín dụng,... Tùy theo mức bảo mật mà khi chế tạo nền giấy hay nhựa, những chất có phản ứng xác định với dải tia tử ngoại nhất định, được in vào giấy theo hình ảnh xác định. Ở mức phức tạp cao thì hình ảnh có thể hiện ra với độ nét cao và màu sắc thay đổi. Các máy kiểm tra dùng đèn tử ngoại có khoảng phổ đã thiết kế chiếu lên giấy sẽ làm rõ những yếu tố bảo mật có hay không. Ví dụ bảo mật đơn giản là thẻ tín dụng Visa, còn dạng phức tạp là hộ chiếu Canada khi chiếu tia cực tím sẽ nổi hình pháo hoa và nhà Quốc hội trông như được chiếu sáng. Thiên văn học tử ngoại Thiên văn học tử ngoại hay thiên văn học cực tím thực hiện quan sát vũ trụ bằng tia tử ngoại, ở bước sóng 10 - 320 nm. Ánh sáng ở các chiều dài sóng này bị khí quyển Trái Đất hấp thụ, vì thế những quan sát tử ngoại thường được tiến hành từ tầng cao khí quyển hay từ không gian. Thiên văn học cực tím thích hợp nhất để nghiên cứu bức xạ nhiệt và các đường phát xạ từ các ngôi sao xanh nóng (Sao OB) rất sáng trong dải sóng này. Điều này gồm các ngôi sao xanh trong các thiên hà khác, từng là các mục tiêu của nhiều cuộc nghiên cứu cực tím. Các vật thể khác thường được quan sát trong ánh sáng cực tím gồm tinh vân hành tinh, tàn tích sao siêu mới, và nhân thiên hà hoạt động. Tuy nhiên, ánh sáng cực tím dễ dàng bị bụi liên sao hấp thụ, và việc đo đạc ánh sáng cực tím từ các vật thể cần phải được tính tới số lượng đã mất đi. Thư viện ảnh Chú thích
Logic nMOS sử dụng các transistor MOSFET (Metal-Oxide-Semiconductor Field Effect Transistors) để xây dựng các cổng logic và các mạch số. Transistor nMOS có ba chế độ hoạt động: ngắt (cut-off), triode, và bão hoà (saturation). Các transistor MOSFET loại n này được gọi là "mạng pull-down" giữa lối ra và đường điện áp thấp (tiếp đất). Điều này có nghĩa là khi transistor hoạt động thì lối ra được nối trực tiếp với đường điện áp thấp (thông thường là 0 vôn) và khi đó xuất hiện một dòng điện giữa đường điện áp thấp và lối ra. Một điện trở được nối giữa lối ra và đường điện áp cao (thông thường là điện áp nguồn nuôi). Ví dụ bên cho thấy một cổng NOR được xây dựng bằng logic nMOS. Nếu một trong hai lối vào A hoặc B có mức điện áp cao (logic '1', = True) thì transistor tương ứng với lối vào có mức cao sẽ hoặc động và kết quả là lối ra có mức điện áp thấp (logic '0'). Điện trở giữa lối ra và đường điện áp thấp lúc này rất nhỏ. Khi cả hai lối vào điều ở mức cao (logic '1') thì lúc đó cả hai transistor đều hoạt động và điện trở giữa đường điện áp thấp và lối ra lại càng nhỏ hơn. Chỉ duy nhất trường hợp cả hai lối vào của cả hai transistor có mức điện áp thấp thì cả hai transistor sẽ cấm (không hoạt động) và khi đó lối ra được nối lên đường điện áp cao (nối nguồn) và có mức logic '1'. => hoạt động đúng theo bảng sự thật của cổng NOR.
Chứng nghiện rượu hay còn gọi là nghiện rượu hay nát rượu là một bệnh nghiện mãn tính. Bảng phân loại bệnh quốc tế ICD-10 liệt chứng nghiện rượu vào loại "rối loạn hành vi và tâm thần do sử dụng các chất tác động tâm thần". Chất gây ra là rượu, chính xác hơn là êtanol hình thành khi lên men rượu. Chứng nghiện rượu có thể bắt đầu ngay khi uống đều đặn một lượng nhỏ. Không phải lúc nào người nghiện rượu cũng ở trong trạng thái say sưa. Chứng nghiện rượu diễn tiến một cách tương đối chậm chạp và khó nhận thấy. Những người mang chứng bệnh này thường không ý thức được tính nghiêm trọng của chứng bệnh. Uống quá nhiều rượu là nguyên nhân gây ra các bệnh cơ thể và tâm thần trầm trọng và lâu dài khác (xơ gan, nhồi máu cơ tim, mất trí nhớ...). Vì tiềm năng gây nghiện của rượu rất lớn nên khả năng điều trị duy nhất là từ bỏ một cách triệt để các thức uống, món ăn hay thuốc uống có cồn. Để đạt đến mục đích này các biện pháp điều trị tâm lý là không thể bỏ qua được. Nguyên nhân Nguyên nhân cá nhân Nguyên nhân chính của chứng bệnh dường như nằm trong diễn biến về tâm lý xã hội. Rượu – nói chung là các chất gây nghiện – thường được dùng để làm giảm bớt căng thẳng nội tâm. Những căng thẳng này xuất hiện khi các tự nhận thức của một con người (thí dụ như rất là đàn ông hay rất là thành công) bị đe dọa bởi những kinh nghiệm trái ngược lại trong thực tế. Việc dùng các chất gây nghiện vì thế hay được quan sát thấy ở những người thuộc về típ quá tự yêu mình (tiếng Anh: narcissism). Thế nhưng các khác biệt khác có nguyên nhân từ di truyền cũng đang được thảo luận, thí dụ như việc phân hủy rượu trong cơ thể hay trao đổi các chất dẫn truyền thần kinh (neurotransmitter). Về nguyên tắc, cũng như ở nhiều chứng bệnh tâm lý, người ta cho rằng việc hình thành chứng bệnh này có nhiều yếu tố và cũng phụ thuộc vào tính dễ bị tổn thương về tâm lý của từng người. Các yếu tố di truyền đóng một vai trò quyết định trong nhiều trường hợp. Rất nhiều người nghiện rượu đã hoặc đang có người nghiện trong gia đình. Thế nhưng các nhà khoa học và bác sĩ vẫn chưa kết luận được là việc nghiện trong những trường hợp này thật sự là được di truyền lại hay chỉ là bắt chước. Qua một số nghiên cứu (thí dụ như ở những người sinh đôi) người ta phỏng đoán là rất có thể có khả năng di truyền của tiềm năng nghiện. Các thiếu hụt của một bệnh nhân nghiện rượu thường được người chung sống gánh vác hay bù đắp. Từ những giúp đỡ này người chung sống thường nhận được tán thưởng từ xã hội hay những người khác và vì thế có thể tự đánh giá mình cao hơn. Những người chung sống lâm vào cơ chế này được gọi là người cùng lệ thuộc (codependence). Nguyên nhân xã hội Rượu trong nhiều nền văn hóa là một chất gây nghiện được xã hội công nhận, có thể dễ dàng kiếm được và rẻ tiền và ngay trong một số trường hợp việc uống rượu được dự kiến trước. Trong nhiều dân tộc rượu đã hoàn toàn đi vào đời sống hằng ngày. Những người đàn ông có tửu lượng cao thường được xem là có tính khí đàn ông, đáng khâm phục và từng trải. Việc này gây rất nhiều khó khăn cho các thảo luận về vấn đề này và khuyến khích cho việc lạm dụng rượu cũng như nghiện rượu. Mức độ phổ biến Sự phổ biến cũng như các hậu quả của chứng nghiện rượu thường được coi nhẹ. Theo đánh giá mới đây, ở Đức có 4,3 triệu người nghiện rượu, trong đó 30% là phụ nữ. Thêm vào đó là khoảng 5 triệu người uống rượu ở mức độ nguy hiểm (có thể nghiện). Tổng cục Thống kê Đức đã ghi nhận trong năm 2000 có 16.000 người chết vì uống rượu, trong số đó có 9.550 trường hợp chết là do xơ gan. Thậm chí vào năm 2004 thanh tra về các chất gây nghiện của chính phủ liên bang (Drogenbeauftragte der Bundesregierung) đã báo cáo có 40.000 trường hợp chết tại Đức mà hậu quả là do uống quá nhiều rượu, trong số đó 17.000 người là do xơ gan. Thêm vào đó là hằng năm có vào khoảng 2.200 trẻ sinh ra có khuyết tật vì người mẹ lạm dụng rượu. Ngoài ra còn dự đoán là khoảng 250.000 thanh thiếu niên và những người trưởng thành còn trẻ tuổi có nguy hiểm nghiện rượu hay đã nghiện rượu. Người nghiện rượu có trong mọi tầng lớp của xã hội. Đặc biệt là không ít người nghiện rượu trẻ tuổi là từ các tầng lớp trên. Những người này thường là thiếu thốn tình cảm của cha mẹ luôn luôn bận bịu. Hậu quả xã hội Phí tổn cho các hậu quả của chứng nghiện rượu là rất lớn, vì bên cạnh gánh nặng của hệ thống y tế là các phí tổn gián tiếp như mất năng suất kinh tế quốc dân vì mất khả năng lao động và hưu non, các phí tổn do tai nạn giao thông có nguyên nhân là rượu, tội phạm và tỷ lệ ly dị cao của những người nghiện rượu. Trung tâm Đức về các hiểm nguy từ nghiện (Deutsche Hauptstelle für Suchtgefahren) dự tính thiệt hại cho nền kinh tế quốc dân hằng năm là 20 tỉ euro, các dự tính khác ở trong khoảng từ 15 đến 40 tỉ euro. Đối lại, thu nhập của nhà nước từ thuế rượu trong thời gian này là hơn 3,5 tỉ euro một ít. Doanh số của công nghiệp rượu ở Đức nằm không đổi ở mức giữa 15 đến 17 tỉ euro với 85.000 lao động. Bên cạnh những phí tổn về vật chất này tất nhiên là phải tính đến những mất mát về tình cảm do phải chịu đựng các hậu quả của chứng nghiện rượu. Diễn tiến và biểu hiện Diễn tiến chứng bệnh Bác sĩ người Mỹ E. M. Jellinek đã đưa ra vào năm 1951 một mô hình về diễn biến của chứng nghiện rượu mà vẫn còn phổ biến cho đến ngày nay. Ông phân biệt thành 4 giai đoạn: Giai đoạn triệu chứng Việc bắt đầu uống các loại đồ uống có chứa cồn bao giờ cũng có động cơ xã hội. Ngược với những người uống bình thường, người mà sau này sẽ trở thành nghiện rượu có "cảm giác nhẹ nhõm thỏa mãn". Đó hoặc là vì các căng thẳng nội tâm lớn thêm, hoặc là người này, ngược lại với những người khác, đã không học được cách đối phó với các căng thẳng nội tâm này. Lúc đầu người uống rượu cho rằng nổi nhẹ nhõm này xuất phát từ tình huống chứ không phải là do uống rượu và "tìm đến các cơ hội" mà qua đó nhân tiện cũng có uống rượu. Trong thời gian từ nhiều tháng cho đến nhiều năm sức chịu đựng các áp lực nội tâm giảm đi nhiều đến mức người này thực tế là tìm chỗ "tránh hằng ngày" ở rượu. Vì người này không hay say nên việc uống rượu không gây ra nghi ngờ ở ngay chính người này và ở những người chung quanh. Sức chịu đựng được rượu tăng theo thời gian. Người nghiện rượu bắt đầu có một "nhu cầu ngày càng tăng". Sau nhiều tháng hay nhiều năm tiếp theo đó, trạng thái chuyển từ uống thỉnh thoảng sang "uống liên tục để được nhẹ nhõm cất gánh nặng" và ngày càng cần dùng nhiều rượu hơn cho cùng một tác dụng không đổi. Giai đoạn tiền nghiện Trong giai đoạn tiền nghiện (prodromal), nghiện được biểu hiện qua những lỗ hổng ký ức hay chứng quên (amnesia) xuất hiện đột ngột mà không cần phải có dấu hiệu say rượu. Người nghiện rượu có thể nói chuyện và làm việc nhưng qua ngày hôm sau thật sự là không có thể nhớ lại được nữa. Bia, rượu vang hay rượu mạnh không còn là thức uống nữa mà trở thành "thuốc" hết sức cần thiết. Người nghiện rượu dần dần nhận thức được là mình uống rượu khác với những người khác, bắt đầu cảm thấy xấu hổ và sợ sự phê bình của những người khác. Người này uống lén lút trong những dịp giao tiếp xã hội và cất dấu một lượng lớn rượu để dự trữ. Người nghiện rượu lúc nào cũng nghĩ đến rượu. Vì ngày càng phụ thuộc nhiều hơn nên cách uống "thèm khát" bắt đầu xuất hiện, dốc hết cả ly hay nhiều ly đầu tiên. Người nghiện rượu cảm thấy có điều gì không đúng và bắt đầu có cảm giác có lỗi và xấu hổ vì cách uống rượu của mình. Người này tránh các ám chỉ về rượu và cách uống rượu trong khi nói chuyện. Lượng rượu uống ở thời điểm này đã là rất nhiều nhưng chưa được chú ý đến vì chưa dẫn đến say sưa thấy rõ. Giai đoạn này kết thúc với những lỗ hổng ký ức ngày một nhiều. Khả năng làm việc của cơ thể và sức đề kháng giảm dần, thường bị các bệnh cảm lạnh và rối loạn lưu thông máu nhiều hơn. Giai đoạn nguy kịch Nghiện rượu bắt đầu với giai đoạn nguy kịch. Người nghiện rượu mất khả năng tự chủ. Ngay sau khi uống một lượng rượu nhỏ là xuất hiện một đòi hỏi mãnh liệt muốn uống nhiều hơn nữa và chỉ chấm dứt khi người nghiện rượu quá say hay quá bệnh để có thể uống tiếp tục. Một phần tự chủ vẫn còn sót lại. Người nghiện rượu tìm cách làm chủ bản thân, hứa sẽ không uống nữa và cũng tìm cách giữ sự tự kiềm chế này nhưng lại thất bại liên tục. Người này tìm cách biện hộ cho việc uống rượu. Mỗi một lần thất bại trong việc tự chủ đều có một lý do chính đáng từ bên ngoài. Các cố gắng giải thích cho thái độ của chính mình rất là quan trọng đối với người nghiện rượu vì ngoài rượu ra người này không biết đến các biện pháp giải quyết khác cho những vấn đề của bản thân. Các lý luận giải thích được mở rộng trở thành cả một hệ thống giải thích cho tất cả cuộc sống của người nghiện rượu. Người nghiện rượu dùng hệ thống này để chống lại những áp lực xã hội. Từ những thay đổi về tính cách mà các xung đột với bạn bè, gia đình và trong nghề nghiệp xuất hiện ngày càng nhiều. Người nghiện rượu bù trừ lại cho cảm nhận giá trị của bản thân ngày càng giảm đi bằng cách biểu lộ một sự tự tin quá mức. Hệ thống giải thích và các xung đột ngày càng cô lập người bệnh. Nhưng người này không tìm lỗi lầm ở chính mình mà là ở những người khác và bắt đầu có một thái độ hung hãn (aggressive). Để phản ứng lại áp lực xã hội, người bệnh có những thời kỳ hoàn toàn không uống rượu. Người bệnh tìm một phương pháp khác để kiểm soát việc uống rượu, thay đổi cách uống và đưa ra quy định (chỉ uống một loại rượu nhất định ở một chỗ nhất định vào một thời gian nhất định). Để đối phó lại với sự không thông cảm của những người chung quanh cho chứng bệnh của mình, người bệnh ngày càng tự cô lập đối với xã hội. Người bệnh xa lánh bạn bè hay thay đổi chỗ làm. Người nghiện rượu không quan tâm đến mọi người chung quanh nữa, thu xếp các hoạt động theo việc uống rượu và bắt đầu phát triển tính tự thương hại lấy chính mình. Sự cô lập xã hội và các lúng túng trong nói dối cũng như trong giải thích trở thành không thể chịu đựng được nữa. Người nghiện rượu trốn tránh bằng cách trầm tư suy nghĩ hay thay đổi chỗ ở. Cuộc sống gia đình bắt đầu thay đổi. Gia đình của người nghiện rượu, thường là còn che đậy người nghiện, tự cô lập đối với xã hội hay hoàn toàn ngược lại trốn tránh cảnh sống gia đình bằng nhiều hoạt động bên ngoài. Người nghiện rượu phản ứng bằng sự miễn cưỡng không có lý do. Khi thiếu rượu người này tìm đủ mọi cách để có rượu, bảo vệ các "kho dự trữ" bằng cách dấu rượu ở những nơi không bình thường. Các hậu quả cho cơ thể bắt đầu xuất hiện như run tay, đổ mồ hôi và rối loạn tình dục (liệt dương). Các hậu quả này lại càng trầm trọng thêm do sao lãng vấn đề ăn uống. Người bệnh bắt đầu uống rượu từ buổi sáng, say sưa hằng ngày trở thành thông lệ. Giai đoạn mãn tính Giai đoạn mãn tính chỉ chấm dứt với sự phá hủy con người. Người nghiện rượu xuống dốc về mặt đạo đức, các cơn say sưa ngày càng dài hơn. Ở một số người xuất hiện các chứng rối loạn tâm thần vì rượu như bệnh tâm thần phân liệt. Người nghiện rượu uống với những người dưới mức của mình nhiều. Trong trường hợp không có các loại đồ uống có chứa cồn người này cũng uống cả những loại rượu đã bị làm biến tính như cồn để đốt. Đáng chú ý là khả năng chịu đựng rượu giảm đi. Trạng thái sợ hãi hay run rẩy không xác định xuất hiện. Người nghiện rượu phản ứng lại các triệu chứng thiếu rượu bằng cách uống như bị ám ảnh. Ở nhiều người nghiện rượu còn hình thành nhiều điều mơ ước về tôn giáo không xác định. Các cố gắng để giải thích yếu đi và đến một thời điểm nào đó thì hệ thống giải thích ngừng hoạt động. Người nghiện rượu chấp nhận sự thất bại và hoàn toàn sụp đổ, đã có không ít người bỏ bê công việc không chịu lam. Khi tiếp tục uống rượu các chứng rối loạn thần kinh xuất hiện như ảo giác, nghe thấy tiếng người nói, sợ hãi hay mất phương hướng. Hậu quả nghiêm trọng nhất là chứng Delirium tremens nguy hiểm đến tính mạng, có thể xuất hiện khi bỏ rượu đột ngột. Ở thời điểm này bệnh tâm thần phân liệt hay động kinh đã rõ rệt. Trong giai đoạn cuối này người nghiện rượu mới sẵn sàng nhận sự giúp đỡ. Việc chuyển vào một bệnh viện chuyên môn là một việc có thể cứu sống tính mạng của người này và cũng là một khởi đầu cho việc điều trị cai nghiện. Tỷ lệ thành công rất nhỏ và các biện pháp chữa trị lâu dài nhiều lần lại thường là thông lệ. Biểu hiện Cũng xuất phát từ Jellinek là cách phân loại thông dụng của các biểu hiện chứng nghiện rượu: Típ alpha: Người này uống rượu để giải quyết các căng thẳng nội tâm và mâu thuẫn. Lượng rượu tùy thuộc vào từng tình huống stress. Đặc biệt nguy hiểm là sự lệ thuộc tâm lý vào rượu vì sự lệ thuộc của cơ thể vào rượu chưa xảy ra. Típ người này không nghiện rượu nhưng có nguy cơ nghiện. Típ beta: Người này uống một lượng lớn trong các buổi giao tiếp xã hội nhưng vẫn bình thường về mặt xã hội cũng như tâm thần. Người thuộc típ beta có lối sống gần rượu. Do thường uống rượu nên chịu nhiều hậu quả cho sức khỏe, tuy vậy những người này không bị lệ thuộc cả về cơ thể lẫn tâm thần nhưng có nguy cơ nghiện. Típ gamma: Người thuộc típ này có những thời kỳ không uống rượu xen kẽ với những giai đoạn uống thật say sưa. Đặc trưng là mất sự tự chủ: Người này không thể ngưng không uống nữa, ngay cả khi đã có cảm giác là đã đủ rồi. Mặc dù là người này cảm thấy an toàn vì có khả năng không uống rượu một thời gian nhưng thật ra là đã nghiện rượu. Típ delta không gây sự chú ý của xã hội trong một thời gian dài vì rất ít khi nhận thấy được người này say rượu. Mặc dù vậy đã có một sự lệ thuộc của cơ thể mạnh đến nổi phải uống rượu liên tục để tránh các triệu chứng của sự thiếu rượu. Xuất hiện nhiều tác hại lên cơ thể là hậu quả của việc liên tục uống rượu. Người uống rượu típ delta không thể kiêng rượu và đã nghiện rượu. Típ epsilon có những chu kỳ với những lúc uống thật nhiều rượu và mất tự chủ có thể kéo dài nhiều ngày hay nhiều tuần. Giữa những giai đoạn này người thuộc típ epsilon có thể hằng tháng không uống rượu. Típ epsilon thuộc về những người nghiện rượu. Di chứng Các bệnh hậu quả của chứng nghiện rượu là xơ gan, giãn tĩnh mạch thực quản, chảy máu dạ dày, viêm tuyến tụy, động kinh, ung thư thực quản, viêm cơ tiêm, viêm cơ, yếu đề kháng cộng với nhiều khả năng nhiễm bệnh viêm phổi và lao, các bệnh thần kinh và rối loạn chức năng não như hội chứng Korsakoff. Ở trạng thái những người nghiện rượu thường phải chịu đựng cảnh cơ thể suy nhược nói chung vì những bệnh này cũng như cảnh bị cô lập trong xã hội (mất bạn bè, gia đình, việc làm). Chứng nghiện rượu ngoài ra còn ảnh hưởng đến toàn gia đình. Việc dùng vũ lực đối với người chung sống hay con cái có thể là áp lực rất lớn lên cuộc sống gia đình. Thường hay dẫn đến ly dị hoặc chia tay. Con cái của những người nghiện rượu sau này thường hay có những kiểu cách hành vi nhất định và đặc biệt là có nhiều hiểm nguy trở thành nghiện hay gắn bó với một người nghiện rượu. Điều trị Rượu phải được từ bỏ một cách đột ngột trong lúc điều trị cai rượu. Vì trong lúc này có thể xuất hiện những phản ứng rất mạnh hoặc nguy hiểm đến tính mạng nên người bệnh cần được điều trị trong bệnh viện. Thời gian điều trị trong bệnh viện kéo dài 8-14 ngày. Trong thời gian này thường xuất hiện những triệu chứng như buồn nôn, bị xúc động, rối loạn trong giấc ngủ, bực tức và trầm uất. Nếu như cơ thể đã bị lệ thuộc nhiều vào rượu thì thêm vào đó là run rẩy (nhất là hai tay) và trong những trường hợp rất nặng là co giật và ảo giác (Delirium tremens). Để người nghiện rượu có thể bỏ rượu được lâu dài nên cần đến sự giúp đỡ chuyên môn về tâm lý. Có thể điều trị tâm lý hoặc là trong một nhà điều dưỡng hoặc là ngoại trú. Từ nhiều năm nay các nhóm tự giúp đỡ cũng rất là hữu ích. Tại đây những người đã từng nghiện rượu gặp gỡ nhau thường kỳ để trao đổi về vấn đề chung của họ. Các nhóm tự giúp đỡ có tác động trợ giúp cho việc điều trị đi đến thành công rất nhiều, trong một số trường hợp có thể xem đó là một sự lựa chọn khác cho các điều trị cổ điển. Nhưng điều này chỉ có thể có khi người bệnh có được chỗ dựa đúng mức từ gia đình và bạn bè. Việc điều trị có thành công hay không thường phụ thuộc vào sức mạnh ý chí của người bệnh nhiều hơn là vào cách thức và thời gian điều trị. Mặc dù vậy, chữa trị chứng nghiện rượu càng sớm thì triển vọng thành công càng nhiều. Nếu bệnh nhân đã nhìn nhận được và có lòng mong muốn cai rượu cao độ thì cơ hội bỏ được rượu rất tốt. Dù sao thì cũng khoảng 50% bệnh nhân cai được rượu lâu dài. Trong trường hợp lại uống rượu trở lại thì không thể bỏ qua được các biện pháp cai rượu và điều trị tâm lý sau đó. Nhiều bệnh nhân chỉ cai được rượu một cách ổn định lâu dài sau nhiều lần điều trị. Bệnh nhân có thể lại uống rượu trở lại sau nhiều năm hay ngay cả sau nhiều thập niên, tức là không có sự lành bệnh theo đúng nghĩa của nó. Bệnh chỉ được làm dừng lại bằng cách cai nghiện nhưng không được chữa trị lành hẳn.
136199 Eris (trước đây được gọi là 2003 UB313, biểu tượng: ) là hành tinh lùn lớn thứ hai trong Thái Dương hệ sau Sao Diêm Vương và là thiên thể thứ 11 quay quanh Mặt Trời (tính theo khoảng cách, không kể vành đai Kuiper và các vệ tinh tự nhiên). Đầu tiên, Eris được nhận diện là thiên thể ngoài Hải Vương tinh (TNO) mà các nhà thiên văn California tại đài thiên văn trên đỉnh Palomar miêu tả là "lớn hơn rõ rệt" so với Sao Diêm Vương Thiên thể này được các nhà thiên văn học phát hiện, NASA và một số phương tiện thông tin đại chúng coi là hành tinh thứ mười, nhưng vẫn chưa rõ ràng là nó sẽ được chấp nhận rộng rãi như là một hành tinh mới hay không. Nó có ít nhất một vệ tinh, điều này sẽ cho phép các nhà điều tra đo đạc khối lượng của hệ thống này. Tên gọi ban đầu của thiên thể là 2003 UB313, nhưng các nhà phát hiện ra nó đã đề nghị tên có thể cho nó tới Hiệp hội thiên văn quốc tế (IAU), là cơ quan xem xét các quy ước đặt tên thiên văn. Tuyên bố cho rằng 2003 UB313 được đặt tên là 'Xena' hay 'Lila' là không chính xác; cả hai tên gọi này đã được các nhà phát hiện sử dụng một cách thân mật nhưng chẳng có tên nào trong chúng đã được đệ trình tới IAU. Quy tắc để đặt tên cho 2003 UB313 hiện nay bị trì hoãn phụ thuộc vào các quyết định có nên phổ biến định nghĩa thuật ngữ 'hành tinh' một cách hình thức hay không và địa vị của thiên thể này theo định nghĩa như thế nào. Tên gọi Eris được đặt theo tên của vị thần Eris trong thần thoại Hy Lạp, người đã gây ra cuộc chiến thành Troia. Các quan sát gần đây (2011) bởi đài quan sát La Silla ở ESO nhờ sự che khuất của Eris khi nó che qua một ngôi sao cho ước tính đường kính của nó bằng 2326 km với sai số 12 km. Các quan sát đầu tiên cho thấy mêtan đóng băng có trên bề mặt thiên thể này. Điều này cho thấy Eris giống với Diêm Vương Tinh hơn là các hành tinh nhỏ khác đã phát hiện ra trước đây ở rìa ngoài của hệ Mặt Trời. Các quan sát tiếp theo vào tháng 10 năm 2005 phát hiện ra là thiên thể này có vệ tinh, S/2005 (2003 UB313) 1 (có tên thân mật là "Gabrielle"), sau này được đặt tên là Dysnomia - con gái của nữ thần Eris. Các nhà khoa học có kế hoạch sử dụng thông tin này để xác định khối lượng của Eris. Phát hiện Eris được phát hiện bởi một nhóm bao gồm Michael Brown, Chad Trujillo và David Rabinowitz vào ngày 5 tháng 1 năm 2005 từ bức ảnh chụp ngày 21 tháng 10 năm 2003 và phát hiện này đã được thông báo vào ngày 29 tháng 7 năm 2005, cùng một ngày với 2 TNO lớn khác, Haumea và Makemake. Đội tìm kiếm đã quét một cách có hệ thống trong nhiều năm để tìm kiếm các thiên thể nằm ở phía ngoài của hệ Mặt Trời, và trước đây đã từng tham gia vào việc tìm kiếm một số thiên thể lớn khác ngoài Hải Vương Tinh, bao gồm 50000 Quaoar, 90482 Orcus và 90377 Sedna. Các quan sát định kỳ được đội thực hiện vào ngày 21 tháng 10 năm 2003 với việc sử dụng kính thiên văn phản xạ 48 inch Samuel Oschin ở trạm thiên văn đỉnh Palomar, California, nhưng thiên thể chụp được trong các ảnh đã không được phát hiện ra vào thời điểm đó do chuyển động rất chậm của nó trên bầu trời: phần mềm tìm kiếm ảnh tự động của đội đã loại bỏ tất cả các thiên thể chuyển động chậm hơn 1,5 giây góc trên giờ để giảm số lượng các dương tính giả đã trả lại. Tuy nhiên, khi 90377 Sedna được phát hiện thì nó di chuyển với tốc độ 1,75 giây góc trên giờ và theo ý tưởng ấy đội quyết định phân tích lại các dữ liệu cũ của mình với giới hạn thấp hơn của chuyển động góc, phân loại thông qua các dương tính giả bằng mắt. Tháng 1 năm 2005, việc tái phân tích này cho thấy chuyển động rất chậm của Eris so với các ngôi sao. Các quan sát tiếp theo đã được thực hiện để xác định sơ bộ quỹ đạo của nó, điều này cho phép ước tính khoảng cách và kích thước của nó. Đội có kế hoạch tạm thời chưa công bố phát hiện của mình cho đến khi các quan sát kế tiếp được thực hiện để có thể xác định chính xác hơn kích thước và khối lượng của thiên thể này, nhưng đã phải thay đổi ý định khi phát kiến của một thiên thể khác mà họ đã theo vết (Haumea) đã được một nhóm khác ở Tây Ban Nha công bố. Nhóm của Brown sau đó lên án nhóm Tây Ban Nha về hành vi nghiêm trọng trong nguyên tắc xử thế có liên quan đến việc phát hiện ra Haumea và yêu cầu họ cần phải rút khỏi việc nhận phát hiện đó là của mình (xem Haumea hay các bài báo của Michael E. Brown để có thêm chi tiết). Phân loại Eris được phân loại như là SDO, một thiên thể thuộc TNO mà người ta tin rằng đã "bị rải" từ vành đai Kuiper vào không gian xa hơn và có quỹ đạo bất thường do các tương tác hấp dẫn với Hải Vương Tinh khi hệ Mặt Trời hình thành. Mặc dù độ nghiêng quỹ đạo lớn của nó là bất thường trong số các SDO hiện nay đã biết, các mô hình lý thuyết cho rằng các thiên thể mà nguyên thủy nằm gần góc bên trong của vành đai Kuiper bị ném vào các quỹ đạo có độ nghiêng cao hơn so với các thiên thể ở phía ngoài vành đai. Các thiên thể bên trong vành đai nói chung là nặng hơn so với các thiên thể ở mé ngoài, và vì thế các nhà thiên văn dự tính là có thể phát hiện ra nhiều thiên thể lớn giống như Eris trong các quỹ đạo có độ nghiêng lớn. Do Eris xuất hiện dường như còn lớn hơn cả Diêm Vương Tinh, nó có thể được coi là hành tinh thứ mười của hệ Mặt Trời, và nó đã được NASA và các phương tiện thông tin đại chúng miêu tả như thế trong các thông tin về việc phát hiện ra nó. Tuy nhiên, nó vẫn chưa được gọi chính thức là như thế, do ngay cả địa vị của Diêm Vương Tinh như là một hành tinh cũng là chủ thể của các tranh cãi. Một số nhà thiên văn tin rằng có một lượng lớn các TNO chưa phát hiện ra cũng to lớn hơn cả Diêm Vương Tinh. Phân loại tất cả chúng như là hành tinh được coi là điều gây khó khăn. IAU đang xem xét lại định nghĩa của thuật ngữ 'hành tinh' vì sự trông đợi ngày càng tăng là một thiên thể nào đó còn to hơn Diêm Vương Tinh sẽ được tìm ra. IAU dự kiến sẽ nhanh chóng công bố định nghĩa trong thời gian sớm nhất, nhưng hiện nay điều này còn chưa chắc chắn. Cho đến khi định nghĩa này được đưa ra thì IAU vẫn tiếp tục coi mọi thiên thể được phát hiện ở khoảng cách xa hơn 40 AU như là một phần của quần thể ngoài Hải Vương Tinh nói chung (xem ở đây) . Chủ nhiệm của nhóm công tác của IAU trong việc xác định thuật ngữ hành tinh đã cam kết là Diêm Vương Tinh vẫn giữ sự phân loại hiện nay của nó do các lý do lịch sử, và không có gì khác nữa được gọi là hành tinh . Quan điểm này cũng được ít nhất là một thành viên khác của nhóm chia sẻ Tên gọi Thiên thể ban đầu có tên gọi sơ bộ là 2003 UB313, đã được đảm bảo một cách tự động theo các quy tắc đặt tên của IAU cho các hành tinh nhỏ. Bước tiếp theo trong việc xác định thiên thể này sẽ là việc kiểm tra bên ngoài về quỹ đạo của nó và đặt cho nó một cái tên vĩnh cửu. 2003 UB313 cũng được xem xét như các tiểu hành tinh khác, những người phát hiện ra nó sẽ có đặc quyền đưa ra tên gọi trong vòng 10 năm kể từ khi đánh số vĩnh cửu cho nó, tuân theo sự phê chuẩn của Ủy ban danh pháp cho các thiên thể nhỏ của IAU Phần III. Theo các quy tắc của IAU, các TNO càn phải đặt tên theo tên vị thần sáng tạo, với ngoại lệ duy nhất cho các thiên thể giống như Diêm Vương Tinh, được đặt tên theo tên của các vị thần âm phủ. Khả năng phân loại thiên thể này như là một hành tinh chính, tuy thế, có thể được thúc đẩy tốt bởi sự chậm trễ trong việc tiến hành các bước, thời gian và các thủ tục chấp nhận giống như các thứ đã áp dụng cho các sao chổi và các tiểu hành tinh. IAU đã ra một thông báo ngắn liên quan tới tên gọi cho 2003 UB313, chỉ ra rằng thiên thể này sẽ không được đặt tên cho đến khi người ta quyết định nó có phải là hành tinh hay không. Các nhà phát hiện đã đệ trình tên gọi của họ cho 2003 UB313, mà theo quy tắc của IAU nó không thể phơi bày một cách công khai. Đội của Brown đã vi phạm quy tắc này trong năm 2003 khi họ thông báo tên gọi "Sedna" cho một tiểu hành tinh trước khi nó được chính thức chấp nhận, đã dấy lên sự chỉ trích trong cộng đồng thiên văn; IAU sau đó đã nới lỏng các quy tắc và cho phép trình tự xúc tiến đối với các phát hiện chính yếu mới . Trang Web URL sử dụng tên gọi "Hành tinh Lila" (lấy theo tên của cô con gái mới sinh của Michael Brown, Lilah), và đội các nhà thiên văn này cũng đã gọi một cách hình thức thiên thể này là Xena, lấy theo tên của phim truyền hình Xena: Nữ chúa chiến tranh, nhưng chẳng có tên gọi nào trong số này đã được đệ trình tới IAU. Hai ngày sau khi thông báo về phát hiện, Brown đã thảo luận các ý tưởng của nhóm ông về tên gọi cho thiên thể trên website riêng: "Nếu thiên thể nằm trong các quy tắc cho các thiên thể vành đai Kuiper khác, thì nó cần phải được đặt tên theo một nhân vật nào đó trong thần thoại sáng tạo. Chúng tôi đã quyết định cố gắng tuân theo quy tắc này. […] Một trong những tên gọi cụ thể phù hợp nhất có thể là Persephone. Trong thần thoại Hy Lạp Persephone là người vợ (do bắt cóc) của Hades (Thần Pluto (Diêm Vương) theo thần thoại La Mã) mỗi năm sáu tháng ở dưới âm phủ. Tiếng khóc của mẹ nàng là Demeter sinh ra cái chết của mùa đông. Hành tinh mới nằm trên quỹ đạo mà có thể miêu tả tương tự; một nửa thời gian ở gần Pluto và một nửa thời gian thì ở xa. Đáng buồn là tên gọi Persephone đã được sử dụng năm 1895 như là tên gọi của tiểu hành tinh đã biết thứ 399. Truyện tương tự có thể kể gần như với bất kỳ thần Hy Lạp hay La Mã nào […] Thật may là thế giới có nhiều tín ngưỡng huyền thoại và tinh thần. Trong quá khứ chúng ta đã đặt tên các thiên thể vành đai Kuiper theo tên thổ dân Mỹ, Inuit và các [tiểu] thần La Mã. Tên gọi mới mà chúng tôi đề nghị được đưa ra theo một tín ngưỡng khác." Ông cũng bổ sung thêm rằng IAU đã không vô tư khi đề cập đến thiên thể này và thậm chí ủy ban cần phải chịu trách nhiệm như thế nào trước việc phê chuẩn tên gọi của nó. Ủy ban theo dõi các hành tinh chính đã đề nghị là nếu thiên thể này được phân loại như là một hành tinh chính, việc đặt tên phải tuân theo truyền thống Hy Lạp-La Mã cho các hành tinh. Brown đã chỉ ra trong bài báo gần đây rằng ông có thể đề nghị tên gọi Persephone nếu truyền thống này được duy trì, mặc dù một thực tế là tên gọi này đã được trao cho tiểu hành tinh thứ 399 đã biết. Cho đến ngày 6 tháng 9 năm 2006, đội khám phá đã đề xuất tên gọi Eris. Bảy ngày sau đó, tên gọi này được IAU chính thức chấp nhận. Brown quy định rằng, vì thiên thể này được xem là một hành tinh xuất hiện lâu dài, nên nó xứng đáng đặt tên theo các vị thần trong thần thoại Hy Lạp hoặc La Mã, giống như việc đặt tên này cho các hành tinh khác. Tên gọi Eris là tên của một vị thần bất hòa và xung đột trong thần thoại Hy Lạp. Thiên thể mới, giống như bản chất của tên gọi, cũng đem đến sự "bất hòa" cho các nhà thiên văn học, khiến IAU phải tranh cãi về việc định nghĩa lại hành tinh. Quỹ đạo Eris có chu kỳ quỹ đạo 557 năm, và hiện nay đang nằm gần như ở khoảng cách cực đại của nó tới Mặt Trời (điểm viễn nhật). Hiện tại nó là thiên thể xa nhất đã biết của hệ Mặt Trời với khoảng cách tới Mặt Trời là 97 AU, mặc dù có khoảng 40 TNO đã biết (nổi tiếng nhất là 2000 OO67 và Sedna), mà hiện tại nằm gần với Mặt Trời hơn Eris lại có khoảng cách quỹ đạo trung bình lớn hơn của nó . Giống như Diêm Vương Tinh, quỹ đạo của nó có độ lệch tâm cao và sẽ đưa nó tới khoảng cách khoảng 35 AU với Mặt Trời khi nó ở điểm cận nhật (Khoảng cách của Diêm Vương Tinh tới Mặt Trời là 29 tới 49,5 AU, trong khi Hải Vương Tinh chỉ quay trong quỹ đạo trên 30 AU). Không giống như các hành tinh có đất và các hành tinh khí khổng lồ, mà quỹ đạo của chúng đều nằm trên gần như một mặt phẳng giống như Trái Đất, quỹ đạo của Eris là rất nghiêng —nó nghiêng một góc khoảng 44 độ so với mặt phẳng hoàng đạo. Thiên thể mới này hiện nay có độ sáng biểu kiến khoảng 19, làm cho nó đủ sáng để có thể phát hiện được bằng các kính thiên văn nghiệp dư. Kính thiên văn với thấu kính 8" hay gương và CCD có thể chụp ảnh Eris trong bầu trời đen sẫm (ví dụ về ảnh nghiệp dư của Eris, xem ). Nguyên nhân mà nó không được thông báo cho đến tận bây giờ là do quỹ đạo rất dốc của nó: phần lớn các nhà tìm kiếm các thiên thể lớn nằm mé ngoài hệ mặt trời tập trung vào mặt phẳng hoàng đạo, mà ở đó phần lớn vật chất của hệ mặt trời được tìm thấy. Kích thước Độ sáng của thiên thể trong hệ Mặt Trời phụ thuộc vào kích thước của nó cũng như lượng ánh sáng mà nó phản xạ (suất phản chiếu của nó). Nếu như khoảng cách tới thiên thể và suất phản chiếu của nó đã biết, thì bán kính có thể dễ dàng xác định từ độ sáng biểu kiến của nó, với suất phản chiếu cao hơn đưa đến bán kính nhỏ hơn. Hiện tại, suất phản chiếu của Eris là không rõ, và vì thế kích thước thực sự của nó cũng chưa thể xác định. Tuy nhiên, các nhà thiên văn đã tính toán rằngt thậm chí nếu nó có phản xạ toàn bộ ánh sáng mà nó nhận được (tương ứng với suất phản chiếu cực đại 1,0 hay 100%) thì nó vẫn lớn cỡ như Diêm Vương Tinh (2.390 km). Trên thực tế, suất phản chiếu của nó gần như chắc chắn nhỏ hơn 1,0 vì thế thiên thể mới có lẽ là lớn hơn Diêm Vương Tinh. Dự đoán tốt nhất hiện nay coi nó có suất phản chiếu tương tự như Diêm Vương Tinh, điều đó có nghĩa là khoảng 0,6 hay tương ứng với đường kính 2.900 km. Các quan sát của kính thiên văn vũ trụ Spitzer có thể đưa ra giới hạn trên trong kích thước của Eris. Lượt quan sát đầu tiên đã thất bại trong việc phát hiện thiên thể mới, kết quả mà nó thông báo ban đầu chỉ ra giới hạn trên là khoảng 3.500 km, nhưng sau đó đã bị phát hiện là do sai sót kỹ thuật , vì thế ước tính giới hạn trên của nó là khoảng 5.000 km vẫn chưa bị bỏ đi. Các quan sát mới diễn ra trong ngày 23 tháng 8 và 25 tháng 8 năm 2005 và hiện nay đang được phân tích . Để xác định tốt hơn bán kính của Eris, tổ phát hiện được cho thời gian quan sát trên Kính thiên văn vũ trụ Hubble (HST). Ở khoảng cách 97 AU, một thiên thể có bán kính khoảng 3.000 km sẽ có kích thước góc vào khoảng 40 miligiây, nó có thể đo được nhờ HST: mặc dù phân tích các thiên thể nhỏ như thế nằm ở mức giới hạn của Hubble, các công nghệ xử lý ảnh phức tạp như giải xoắn có thể sử dụng để đo các kích thước góc như thế khá chính xác. Trước đây tổ tìm kiếm cũng đã từng áp dụng công nghệ này đối với 50000 Quaoar, sử dụng ACS để đo trực tiếp bán kính của nó. Bề mặt Đội tìm kiếm đã tuân theo sự xác định ban đầu của họ về Eris với các quan sát bằng kính quang phổ thực hiện trên Kính thiên văn Gemini Bắc 8 m tại Hawaii ngày 25 tháng 1 năm 2005. Ánh sáng hồng ngoại từ thiên thể cho thấy sự hiện diện của băng mêtan, chỉ ra rằng bề mặt của Eris là tương tự như của Diêm Vương Tinh, là TNO duy nhất đã biết đến nay là có mêtan. Vệ tinh của Hải Vương Tinh Triton có lẽ là có liên quan tới các thiên thể vành đai Kuiper, và cũng có mêtan trên bề mặt nó. Không giống như Diêm Vương Tinh và Triton có ánh đỏ, Eris xuất hiện gần như là có màu xám. Màu ánh đỏ của Diêm Vương Tinh có lẽ là do các trầm tích của tholin trên bề mặt nó, và ở đâu các trầm tích này làm sẫm màu bề mặt thì ở đó suất phản chiếu thấp dẫn tới nhiệt độ cao hơn và làm cho mêtan bay hơi. Ngược lại, Eris là đủ xa từ Mặt Trời đến mức mêtan có thể ngưng tụ trên bề mặt nó thậm chí khi suất phản chiếu rất thấp. Sự ngưng tụ của mêtan đồng đều trên bề mặt đã làm giảm độ tương phản và có thể che phủ lên bất kỳ một trầm tích của tholin có màu đỏ nào. Mêtan là một chất dễ bay hơi và sự hiện diện của nó chỉ ra rằng hoặc là Eris luôn luôn nằm ở khoảng cách rất xa của hệ Mặt Trời ở đó nó đủ lạnh để lớp băng mêtan tồn tại, hoặc là nó có nguồn mêtan bên trong để bổ sung cho khí đã thoát ra ngoài khí quyển của nó.Điều này ngược lại với các quan sát của một thiên thể vành đai Kuiper khác cũng mới phát hiện gần đây, Haumea, ở đó có sự hiện diện của nước đá chứ không phải mêtan. Vệ tinh Trong năm 2005, đội quang học thích ứng tại đài thiên văn Keck ở Hawaii tiến hành quan sát 4 thiên thể sáng nhất của vành đai Kuiper (Diêm Vương Tinh, Makemake, Haumea, và Eris), sử dụng hệ thống quang học thích ứng với sao laze định hướng trang bị mới nhất. Các quan sát thực hiện vào ngày 10 tháng 9 cho thấy có một vệ tinh quay quanh Eris, được tạm thời đặt tên là S/2005 (2003 UB313) 1. Để gắn với tên "Xena" đã sử dụng cho 2003 UB313, vệ tinh này còn được các nhà phát hiện gọi là Gabrielle, lấy theo tên của người bạn của nữ chúa chiến binh. Vệ tinh này mờ hơn Eris khoảng 60 lần, và đường kính của nó ước tính khoảng 8 lần nhỏ hơn. Chu kỳ quỹ đạo của nó hiện nay tính sơ bộ là khoảng 2 tuần, các quan sát tiếp theo sẽ cho phép đo đạc chính xác hơn. Khi các nhà thiên văn biết chu kỳ và bán trục chính của quỹ đạo vệ tinh thì họ sẽ có khả năng xác định khối lượng của cả hệ thống. Cùng với việc đặt tên Eris, vê tinh này được đặt tên là Dysnomia. Các nhà thiên văn hiện nay biết rằng 3 trong số 4 thiên thể vành đai Kuiper sáng nhất có vệ tinh, trong khi các thành viên mờ hơn của vành đai chỉ khoảng 10% là đã biết có vệ tinh. Điều này được tin là các va chạm giữa các KBO lớn là thường xuyên trong quá khứ. Các va chạm giữa các thiên thể kích thước khoảng 1000 km có thể phát tán ra một lượng lớn vật chất để sau đó chúng kết hợp lại thành vệ tinh. Cơ chế tương tự được coi là đã dẫn tới sự hình thành của vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái Đất là Mặt Trăng khi Trái Đất đã bị va chạm với một thiên thể khổng lồ trong thời kỳ lịch sử đầu tiên của Hệ Mặt Trời. Tham chiếu Brown M.E., Trujillo C.A., Rabinowitz D.L. (2005), Discovery of a planetary-sized object in the scattered Kuiper belt, Astrophysical Journal Letters, submitted Brown M.E., van Dam M.A., Bouchez A.H. et all (2005), Satellites of the largest Kuiper belt objects, Astrophysical Journal Letters, submitted Gomes R.S., Gallardo T, Fernández J.A., Brunini A. (2005), On the origin of the High-Perihelion Scattered Disk: the role of the Kozai mechanism and mean motion resonances, Celestial Mechanics and Dynamical Astronomy, v. 91, p. 109-129
Cắt bằng laser là kĩ thuật dùng laser để cắt vật liệu, và dùng trong công nghiệp sản xuất. Cắt bằng laser là chiếu laser có cường độ sáng cao vào vật liệu cần cắt. Vật liệu có thể bị chảy ra, cháy hay bốc hơi để lại cạnh cắt với chất lượng bề mặt tốt. Máy cắt laser công nghiệp dùng để cắt vật liệu tấm phẳng cũng như cấu trúc hay ống. Một vài laser 6-trục có thể thực hiện cắt lên phần đã được tạo hình trước bằng cách đúc hay chế tạo cơ khí. Cắt bằng laser quang học di động thường dựa trên bàn trục X và Y cố định nơi mà tia laser di chuyển theo cả hai hướng nằm ngang. Kiểu cắt này phổ biến với giá rẻ vì bàn cắt cố định. Một số máy cắt theo trục Y (bàn trục có khả năng di chuyển theo chiều Y). laser xung cung cấp cường độ sáng cao trong khoảng thời gian ngắn, nên rất hiệu quả trong một số quá trình cắt laser.
Đấu thầu là một đề nghị giá (thường có tính cạnh tranh) do một cá nhân hoặc doanh nghiệp đặt ra cho một sản phẩm hoặc dịch vụ hoặc một nhu cầu rằng một cái gì đó được thực hiện. Đấu thầu được sử dụng để xác định chi phí hoặc giá trị của một dịch vụ hoặc sản phẩm. Theo cách hiểu ở Việt Nam thì đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu và nhà đầu tư để cung cấp dịch vụ. Đấu thầu thực chất là một cuộc thi giúp chọn nhà cung cấp tốt nhất, hướng đến nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả. Đấu thầu có thể được thực hiện bởi "người mua" hoặc "nhà cung cấp" sản phẩm hoặc dịch vụ dựa trên bối cảnh của tình huống. Trong bối cảnh đấu giá, trao đổi chứng khoán hoặc bất động sản, giá mà một doanh nghiệp hoặc cá nhân sẵn sàng trả được gọi là giá thầu. Trong bối cảnh mua sắm của công ty hoặc chính phủ, giá chào bán mà một doanh nghiệp hoặc cá nhân sẵn sàng bán cũng được gọi là giá thầu. Thuật ngữ "đặt giá thầu" cũng được sử dụng khi đặt cược trong các trò chơi bài. Đấu thầu được sử dụng bởi các ngóc ngách kinh tế khác nhau để xác định nhu cầu và do đó giá trị của bài viết hoặc tài sản, trong thế giới công nghệ tiên tiến ngày nay, Internet là một nền tảng được ưa chuộng để cung cấp phương tiện đấu thầu; đó là một cách tự nhiên để xác định giá của hàng hóa trong nền kinh tế thị trường tự do. Nhiều thuật ngữ tương tự có thể hoặc không thể sử dụng khái niệm tương tự đã được phát triển trong quá khứ gần đây liên quan đến đấu thầu, chẳng hạn như đấu giá ngược, đấu thầu xã hội hoặc nhiều ý tưởng khác trong lớp trò chơi tự quảng cáo là đấu thầu. Đấu thầu đôi khi cũng được sử dụng như cờ bạc có đạo đức, trong đó tiền thưởng không chỉ được quyết định bởi may mắn mà còn bởi tổng nhu cầu mà giải thưởng đã thu hút đối với chính nó. Phân loại Đấu thầu trực tuyến Đặt giá thầu thực hiện theo hai cách trực tuyến: đặt giá thầu duy nhất và đặt giá thầu động. Đặt giá thầu duy nhất: Trong trường hợp này, các nhà thầu đặt giá thầu là giá thầu duy nhất toàn cầu, điều đó có nghĩa là để giá thầu đủ điều kiện, không người nào khác có thể đặt giá thầu với cùng số tiền và các đặt đấu thầu thường là bí mật. Có hai biến thể của loại đấu thầu này: đấu thầu duy nhất giá cao nhất và đấu thầu duy nhất giá thấp nhất. Đặt giá thầu động: Đây là loại đặt giá thầu mà một người dùng có thể đặt giá thầu của mình cho sản phẩm. Cho dù người dùng có mặt hay không tham gia đấu thầu, việc đặt giá thầu sẽ tự động tăng lên đến số tiền được xác định. Sau khi đạt được giá trị giá thầu của người dùng, việc đấu thầu của anh ta sẽ dừng lại. Đấu thầu theo thời gian Đấu giá theo thời gian cho phép người dùng đặt giá thầu bất kỳ lúc nào trong một khoảng thời gian xác định, chỉ bằng cách nhập giá thầu tối đa. Các cuộc đấu giá theo thời gian diễn ra mà không có nhà đấu giá kêu gọi bán, vì vậy các nhà thầu không phải chờ đợi nhiều để được gọi. Điều này có nghĩa là một người trả giá không phải để mắt đến một cuộc đấu giá trực tiếp tại một thời điểm cụ thể. Bằng cách nhập giá thầu tối đa, một người dùng cho biết mức cao nhất anh ta sẵn sàng trả. Một dịch vụ đặt giá thầu tự động sẽ thay mặt anh ta trả giá để đảm bảo rằng anh ta đáp ứng được giá khởi điểm, hoặc anh ta luôn luôn dẫn đầu, lên đến giá thầu tối đa. Nếu người khác đã đặt giá thầu cao hơn giá thầu tối đa, người trả giá sẽ được thông báo, cho phép anh ta thay đổi giá thầu tối đa và tiếp tục đấu giá. Vào cuối phiên đấu giá, ai trả giá tối đa là người thắng thầu. Đấu thầu trực tiếp là một cuộc đấu giá dựa trên đấu thầu tại phòng kiểu truyền thống. Chúng có thể được phát qua một trang web nơi người xem có thể nghe âm thanh trực tiếp và xem nguồn cấp dữ liệu video trực tiếp. Ý tưởng là một nhà thầu đặt giá thầu của họ qua Internet trong thời gian thực. Thực tế, nó giống như là tại một cuộc đấu giá thực sự, khi người đấu thầu có thể đấu giá từ nhà. Mặt khác, đấu thầu theo thời gian là một phiên đấu giá riêng biệt, cho phép các nhà thầu tham gia mà không cần phải xem hoặc nghe sự kiện trực tiếp. Đó là một cách đấu thầu khác, thuận tiện hơn cho nhà thầu. Đấu thầu trong việc mua sắm Hầu hết các tổ chức lớn có các tổ chức mua sắm chính thức thay mặt họ mua hàng hóa và dịch vụ. Mua sắm là một thành phần của khái niệm rộng hơn về tìm nguồn cung ứng và mua lại. Các chuyên gia mua sắm ngày càng nhận ra rằng các quyết định của nhà cung cấp mua hàng của họ rơi vào sự liên tục, từ việc mua các giao dịch đơn giản đến mua các hàng hóa và dịch vụ phức tạp và chiến lược hơn (ví dụ như các nỗ lực gia công quy mô lớn). Điều quan trọng là các chuyên gia mua sắm phải sử dụng mô hình tìm nguồn cung ứng phù hợp. Có bảy mô hình dọc theo liên tục tìm nguồn cung ứng / đấu thầu: nhà cung cấp cơ bản, nhà cung cấp được phê duyệt, nhà cung cấp ưu tiên, mô hình dịch vụ dựa trên hiệu suất / quản lý, mô hình kinh doanh được giao, mô hình dịch vụ chia sẻ và quan hệ đối tác vốn. Đấu thầu từ chính nhà cung cấp Trả giá ngoài tường, hoặc đấu thầu từ người bán, như đôi khi được biết đến, là nơi đấu giá viên đấu thầu thay mặt cho nhà cung cấp. Điều này được luật pháp cho phép ở một số quốc gia và tiểu bang và nhà đấu giá được phép trả giá thay mặt cho nhà cung cấp, nhưng không bao gồm giá khởi điểm. Trong một số trường hợp, điều này có thể cực kỳ hữu ích cho các nhà thầu vì mức giá tối thiểu cần phải được đáp ứng. Ví dụ, giả sử một tài sản sắp được bán đấu giá và chỉ có một người quan tâm đến việc đấu thầu nó trong phòng. Giá tối thiểu đã được đặt ở mức 100.000 đô la, và người trả giá này rất vui khi mua nó ở mức 120.000 đô la. Việc đấu thầu bắt đầu từ $ 80.000. Nếu không có nhà đấu giá đấu thầu thay mặt cho nhà cung cấp, nó sẽ không bao giờ tăng vượt quá số tiền đó. Tuy nhiên, vì nhà đấu giá sẽ nhận giá thầu hoặc tạo ra giá thầu 85.000 đô la, nên người trả giá sau đó nâng lên đến 90.000 đô la, v.v. Nếu nhà thầu muốn, anh ta có thể trả giá 100.000 đô la và bảo đảm tài sản sẽ được bán với mức giá trên giá tối thiểu. Kết quả là nhà cung cấp đã bán tài sản ở mức tối thiểu và người mua đã mua bất động sản với mức giá tối thiểu với giá thấp hơn mức anh ta sẵn sàng trả. Nếu không có nhà đấu giá đẩy giá thầu vượt lên, điều này sẽ không bao giờ xảy ra. Tất cả các nhà đấu giá chuyên nghiệp làm điều này với tất cả các loại đấu giá, bao gồm cả xe hơi. Miễn là họ đang đẩy nó lên gần giá tối thiểu có thể bán, thì đó không phải là vấn đề. Nếu bạn không muốn trả giá theo giá mà nhà đấu giá đang yêu cầu, đừng trả giá. Nếu hàng hóa không đáp ứng được giá tối thiểu và không có ai ngoài bạn muốn mua, thì nếu nhà đấu giá không trả giá lên để đáp ứng giá yêu cầu, hàng hóa sẽ không được bán cho ai cả. Đấu thầu chung Đấu thầu chung, xuất hiện trong thu mua và đấu giá, là thông lệ của hai hoặc nhiều công ty tương tự gửi một giá thầu. Liên minh đấu thầu giữa các đối thủ tiềm năng là phổ biến nhất trong mua sắm công và tư nhân và được một số công ty dầu mỏ sử dụng trong các cuộc đấu giá ở Mỹ cho thuê tàu ngoài khơi. Đấu thầu tập đoàn cho phép các công ty để có được nguồn lực cần thiết để xây dựng một nỗ lực hợp lệ. Họ có thể chia sẻ thông tin về giá trị có thể có của hợp đồng dựa trên dự báo hoặc khảo sát, cùng chịu chi phí cố định hoặc kết hợp các cơ sở sản xuất. Ở châu Âu, quy định đấu thầu chung trong mua sắm khác nhau giữa các quốc gia. Sáp nhập và liên doanh thường dẫn đến số lượng đối thủ cạnh tranh ít hơn, do đó dẫn đến giá cao hơn cho người tiêu dùng. Gian lận thầu Gian lận giá thầu (thường gặp là thông thầu hay thông đồng trong đấu thầu) là một âm mưu của các nhóm công ty nhằm tăng giá hoặc hạ thấp chất lượng hàng hóa hoặc dịch vụ được cung cấp trong đấu thầu công khai. Mặc dù nó là bất hợp pháp, thực tế này gây thiệt hại cho chính phủ và người nộp thuế một số tiền lớn. Đó là lý do tại sao cuộc chiến chống gian lận thầu là ưu tiên hàng đầu ở nhiều quốc gia. Để phát hiện gian lận thầu, các cơ quan cạnh tranh quốc gia dựa vào các chương trình khoan hồng. Để giảm sự phụ thuộc vào các nguồn bên ngoài, COMCO (Ủy ban cạnh tranh Thụy Sĩ) đã quyết định khởi xướng một dự án dài hạn vào năm 2008 để phát triển một công cụ sàng lọc thống kê. Sản phẩm này được cho là có các đặc tính sau: yêu cầu dữ liệu khiêm tốn, đơn giản, linh hoạt, kết quả đáng tin cậy. Có hai cách tiếp cận chung: phương pháp cấu trúc để xác định thực nghiệm các thị trường dễ bị thông đồng và phương pháp hành vi để phân tích hành vi cụ thể của các công ty trong các thị trường cụ thể. Trong trường hợp phương pháp hành vi, một số dấu hiệu thống kê được theo dõi. Các điểm đánh dấu chia thành các điểm đánh dấu liên quan đến giá cả và số lượng. Các điểm đánh dấu liên quan đến giá sử dụng thông tin trong cấu trúc của giá thầu thắng và thua để xác định hành vi đặt giá thầu nghi ngờ. Các dấu hiệu liên quan đến số lượng có nghĩa là để xác định hành vi thông đồng từ các phát triển trong thị phần dường như không tương thích với các thị trường cạnh tranh. Một ví dụ về điểm đánh dấu liên quan đến giá được gọi là màn hình phương sai. Các bài báo thực nghiệm cho thấy bằng chứng cho thấy sự biến động giá thấp hơn trong môi trường có thông đồng. Các điểm đánh dấu tương đối dễ dàng được áp dụng ngay cả khi chỉ có ít thông tin được biết đến. Mặt khác, tồn tại các phương pháp phát hiện kinh tế lượng phức tạp hơn đòi hỏi dữ liệu cụ thể liên quan đến từng công ty.
Ngôn ngữ lập trình C có một hệ thống mở rộng cho việc khai báo các biến của các kiểu khác nhau. Những quy tắc dành cho các kiểu phức tạp có thể gây nhầm lẫn tùy theo các kiểu thiết kế của chúng. Bài này nói về các khai báo biến, bắt đầu từ các kiểu đơn giản, và dẫn tới các kiểu phức tạp hơn. Kiểu cơ bản Có 4 kiểu cơ bản của các biến trong C; đó là: char, int, double và float. Để khai báo một biến có kiểu cơ bản, tên của kiểu được ghi ra trước sau đó đến tên của biến mới (hay của nhiều biến mới cách phân cách nhau bởi dấu phẩy) -- (Xem thêm định nghĩa dãy điểm)char red; int blue, yellow;Các định tính khác nhau có thể đặt vào trong các kiểu cơ bản này để điều chỉnh kích cỡ và sẽ được miêu tả trong phần sau. Lưu ý: Ở đây chỉ nêu ra trường hợp khai báo đơn giản không đi kèm với việc gán giá trị khởi động cho biến Dấu Một kiểu được gọi là có dấu nếu kiểu nguyên đó có thể chứa các số âm. Ngược lại các kiểu cơ bản nào không chấp nhận các số âm là kiểu không dấu. Có hai kiểu nguyên là char và int có thể có dấu âm hoặc không. Theo mặc định thì mọi kiểu int là có dấu (nghĩa là chúng chấp nhận các số âm). Để dùng dưới dạng không có dấu (tức là kiểu nguyên chỉ chấp nhận các sô không âm) thì từ khoá unsigned phải được dùng. Ngoài ra, thay vì khai báo đầy đủ trong dạng unsigned int, người ta có thể lược bỏ bớt từ khóa int (và nó được xem như hiểu ngầm—điều này chỉ dùng được cho kiểu int mà thôi). Như vậy hai khai báo sau đây hoàn toàn tương đương:unsigned int green; unsigned green;Đặc tả của C không xác định rõ ràng là kiểu char sẽ là loại có dấu hay không dấu; khi đó, dấu của kiểu này tùy thuộc vào quy định của nhà phát hành trình dịch. Như vậy, một cách để giảm sai sót khi làm việc trên nhiều loại trình dịch C khác nhau là khai báo rõ ràng bằng các định tính signed hay unsigned nếu dùng kiểu char để tính toán trên các con số. (Dù sao, nó thực sự sẽ không quá quan trọng nếu dùng kiểu char như là kiểu "ký tự".)unsigned char grey; signed char white;Tiêu chuẩn chung yêu cầu char, signed char, unsigned char là các kiểu khác nhau. Ngoài ra, các hàm chuẩn về dãy các ký tự sử dụng các con trỏ chỉ tới kiểu char (không có định tính), nhiều trình dịch C sẽ bắt lỗi (hay cảnh cáo) nếu các kiểu ký tự khác được dùng như là dãy ký tự được chuyển vào các hàm này. Kích cỡ Trong phần này hai cụm từ "chiếm" và "có độ dài" đều có nghĩa là "phần bộ nhớ cần thiết để dành cho một biến"; biến này có kiểu được miêu tả tùy theo chi tiết của bài viết. Kiểu int cũng có các định tính về kích cỡ để đặc biệt hóa tầm rộng của giá trị mà kiểu này cho phép (tương ứng với đó là việc thay đổi phần bộ nhớ dùng để chứa các số có kiểu này).short int yellow; long int orange;Tương tự như đã đề cập trong phần trước, người ta có thể bỏ không viết từ khóa int trong các kiểu mà đầy đủ phải viết là short int or long int. Thí dụ của hai khai báo sau đây là tương đương.long int brown; long brown;Có một số nhầm lẫn trong giới hiểu biết về C như là các kiểu nguyên có độ lớn bao nhiêu. Trong tiêu chuẩn thì không chỉ một cách rõ ràng việc này: Kiểu short int không thể lớn hơn kiểu int. Kiểu int không thể lớn hơn long int. Kiểu short int phải dài ít nhất 16 bit. Kiểu long int phải dài ít nhất 32 bit. Trong tiêu chuẩn đã không đòi hỏi gì về các kích cỡ nêu trên và những khác nhau cần thiết. (Nghĩa là hoàn toàn hợp lệ nếu cả ba kiểu đều dài 64 bit!) Để có được một miêu tả chính xác và đơn giản của các kiểu, mỗi loại máy tính người ta áp dụng vào trong mỗi kiểu (cũng như là kích cỡ của một kiểu con trỏ; xem phần đưới đây) một loại lược đồ đã được tạo ra; (xem:64-Bit Programming Models ). Hai lược đồ được biết nhiều nhất là ILP32, trong đó int, long int và các kiểu con trỏ chiếm 32 bit. LP64, trong đó, long int và con trỏ mỗi loại chiếm 64 bit, còn int có độ dài 32 bit. Hầu hết các trình dịch dùng các lược đồ trên dùng 16 bit cho kiểu short int. Một biến double có thể là một long double, mà trình dịch có thể sử dụng thay cho một kiểu double thuần túy. Tương tự tình huống trước, chuẩn C không hề nêu rõ các kích cỡ tương đối giữa các giá trị dấu chấm động, mà chỉ đòi hỏi float không được lớn hơn long double về kích cỡ. Từ khóa định tính const cho các kiểu Để giúp tăng cường độ an toàn trong các chương trình, các giá trị có thể được đánh dấu là các hằng bằng từ khóa định tính const. Với từ khóa này thì một biến khai báo trở thành một hằng. Mọi thao tác do vô ý hay cố ý để điều chỉnh giá trị của nó sẽ bị báo lỗi bởi hầu hết các trình dịch. Bởi vì sau khi đã dùng từ khóa định tính const thì các giá trị của biến không thể thay đổi nữa nên người lập trình phải gán giá trị ban đầu ngay lúc khai báo. Chuẩn C cho phép hoán đổi vị trí của các hiệu chính. Thí dụ cả hai khai báo hằng sau đây là tương đươngint const black = 12; const int black = 12;Cách khai báo đầu thường phản ánh cách dùng const trong cách dùng kiểu con trỏ trong khi cách thứ nhì lại tự nhiên hơn và phổ dụng hơn. Con trỏ Một biến có thể được khai báo như là một con trỏ chỉ đến các giá trị có kiểu nào đó, với ý nghĩa của dùng từ khóa định tính *. Để khai báo chỉ việc viết thêm ngay trước tên biến một dấu sao:char *square; long *circle;Lưu ý: Nếu dùng nhiều hơn một dấu sao thì sẽ tạo nên dạng các con trỏ đứng trước chỉ vào con trỏ đứng sau và con trỏ cuối cùng mới chỉ đến địa chỉ của giá trị biến. Trong cuốn "The C Programming Language" (Ngôn ngữ lập trình C) có cho một giải thích tường tận về việc "hơi kì cục" khi dùng dấu sao trước tên của biến, trong khi dường như việc dùng dấu sao này đứng trước tên của kiểu thì có vẻ "hợp lý" hơn. Đó chính là việc tham chiếu ngược con trỏ, nó có kiểu của đối tượng mà nó chỉ tới. Trong thí dụ trên, *circle là một giá trị của kiểu long. Trong khi điều này khó thấy rõ trong thí dụ trên, thì nó lại cho thấy ưu điểm nếu dùng trong các kiểu phức hợp. Đây là lý do tại sao C "hơi kì cục" trong cách khai báo các kiểu phức hợp, lúc đó, tên của biến sẽ không còn rõ ràng trong khi khai báo kiểu như các thí dụ sẽ nêu trong phần tiếp sau đây. Có một kiểu đặc biệt của giá trị mà không thể dùng được trực tiếp như là biến có kiểu, nhưng lại có thể chỉ đến nó nếu khai báo con trỏ.void *triangle;Giá trị được chỉ tới ở đây không thể dùng trực tiếp được; mọi cố gắng để tham chiếu ngược con trỏ này sẽ dẫn tới một lỗi. Sự tiện lợi ở đây là vì nó là một con trỏ "tổng quát"; nó hữu dụng khi làm việc trên dữ liệu mà kiểu được chỉ tới là không giữ vai trò gì quan trọng. Đơn giản chỉ cần cái địa chỉ con trỏ. Nó thường được ứng dụng để chứa các con trỏ trong các kiểu để làm tiện ích như là danh sách liên kết, bảng băm (hash). Khi nào cần thì tiện ích sẽ đổi kiểu (typecast) thành con trỏ có kiểu cần dùng. Sau đây là thí dụ về các khai báo con trỏ hợp lệ:long int *rectangle; unsigned short int *rhombus; const char *kite;Lưu ý đặc biệt về việc dùng const trong trường hợp cuối cùng: ở đây kite là một con trỏ không phải là hằng chỉ tới một const char (tức là nó chỉ tới là một hằng có kiểu ký tự). Giá trị của kite tự nó không phải là hằng, chỉ có giá trị của char mà nó chỉ tới là một hằng. hay nói ngắn gọn hơn thì con trỏ kite có thể thay đổi để trỏ tới địa chỉ khác, nhưng giá trị tại địa chỉ mà con trỏ đang trỏ tới không thay đổi được. Vị trí của từ khoá const đặt sau kiểu sẽ cho một cách thức để khai báo hằng con trỏ. Và như là một hằng, nó phải được gán giá trị khởi động khi khai báo:char * const pentagon = &some_char;Ở đây, pentagon là một hằng con trỏ, mà nó chỉ tới một char. Giá trị mà nó chỉ tới lại không là một hằng; và sẽ không gây lỗi khi thay đổi ký tự được nó chỉ tới. Chỉ khi nào thay đổi chính con trỏ này thì sẽ gây lỗi (vì đã khai báo nó là hằng). Cũng có thể khai báo cả hai: con trỏ và giá trị mà nó chỉ tới đều là hằng. Có hai cách tương đương nếu muốn khai báo như vậy là:char const * const hexagon = &some_char; const char * const hexagon = &some_char; Con trỏ chỉ tới con trỏ Vì lý do một khai báo chẳng hạn như char * tự nó là một kiểu, nên một biến con trỏ có thể được khai báo để nó chỉ vào các giá trị có kiểu như vây. Nói gọn hơn, chúng là con trỏ chỉ tới các con trỏ. Thí dụ:char **septagon;Như đã đề cập phần trên các từ khóa định tính const có thể áp dụng vào chẳng hạn:unsigned long const int * const *octogon;Dòng trên khai báo octogon là một con trỏ chỉ tới một hằng con trỏ, và hằng con trỏ này trở lại chỉ tới một hằng số nguyên dạng unsigned long. Các kiểu con trỏ có thể lồng nhau, nhưng chúng càng trở nên khó khăn để nghĩ tới việc sử dụng khi mà càng nhiều cấp độ của sự gián tiếp tham gia vào. Mọi mã dùng nhiều hơn hai cấp độ của con trỏ có thể sẽ cần tới một sự thiết kế, dạng struct các con trỏ. Mảng Đối với nhiều người lập trình, trong hầu hết các ngôn ngữ tương tự C, kiểu của một mảng nằm trong số phần tử mà nó chứa. Do vậy, khai báo sau đây có thể dùng trong các ngôn ngữ như Java hay C# để khai báo một mảng 10 giá trị số nguyên.int[10] cat; /* THIS IS NOT VALID C CODE */Mặc dù vậy, như đã nhắc tới trước đây, nguyên lý trong cú pháp khai báo của C làm cho việc khai báo tương tự như việc sử dụng của biến. Thí dụ: một truy cập tới mảng này chẳng hạn như là cat[i], lúc khai khai báo lại cũng có cú pháp dạng:int cat[10]; Mảng của các mảng Tương tự như con trỏ, kiểu mảng có thể được lồng nhau. Vì trong cách viết mảng sử dụng các ngoặc vuông ([]), là một cách viết hậu tố, nên kích cỡ của mảng bên trong thì được ghi ở bên ngoài (hay đằng sau):double dog[5][12];Câu lệnh trên khai báo rằng dog là một mảng có năm phần tử. Mỗi phần tử là một mảng của 12 giá trị double. Mảng của các con trỏ Vì kiểu của phần trong một mảng tự nó lại là một kiểu của C, mảng của các con trỏ đương nhiên cũng có cấu trúc:char *mice[10];Câu lệnh này khai báo biến mice là mảng của 10 phần tử, trong đó, mỗi phần tử là một con trỏ chỉ tới char. Con trỏ chỉ tới các mảng Để khai báo một biến là một con trỏ chỉ tới một mảng, nhất thiết phải dùng tới dấu ngoặc đơn. Nó tương tự như cách dùng ngoặc để đổi thứ tự ưu tiên cho phép toán (phép toán trong ngoặc sẽ được tính trước) chẳng hạn:2 + 3 * 4 (2 + 3) * 4Hoàn toàn tương tự cho con trỏ chỉ tới các mảng. Lưu ý rằng dấu ngoặc vuông ([]) có độ ưu tiên cao hơn dấu sao (*), do đó khai báo sẽ có dạng:double (*elephant)[20];Câu lệnh này khai báo biến elephant là một con trỏ, và nó chỉ tới một mảng có 20 giá trị kiểu double. Để khai báo một con trỏ chỉ tới dãy các con trỏ, chỉ cần kết hợp các cách viết:int *(*crocodile)[15]; Hàm Một sự khai báo hàm là một thí dụ điển hình của một kiểu dẫn xuất. Bởi vì hàm có thể nhận vào các tham số, kiểu của mỗi tham số phải được ghi rõ ra. Tên của mỗi tham số không nhất thiết phải được cho trước khi khai báo một hàm. Hai cách khai báo sau đây là tương đương:long bat(char); long bat(char c); Tham số Trong khi cả hai dạng trên đều đúng cú pháp, thì cách viết bỏ qua tên của các tham số thường được xét như là một dạng tồi khi viết các khai báo hàm trong các tập tin tiêu đề. Các tên này có thể cung ứng các thông tin có giá trị cho những người đọc các tập tin đó chẳng hạn như là ý nghĩa và phép toán của chúng. Các hàm có thể nhận và trả về các kiểu con trỏ dùng cách viết thông thường cho một con trỏ:int const *ball(long int l, int i, unsigned char *s);Kiểu đặc biệt void hữu dụng cho việc khai báo các hàm mà chúng không có tham số nào cả:char *wicket(void);Điều này khác với một bộ tham số trống rỗng, được dùng trong ANSI C, để khai báo một hàm, nhưng không cho bất cứ thông tin nào về các kiểu tham số của nó.double umpire();Câu lệnh trên khai báo một hàm tên là umpire, nó trả về một giá trị double, nhưng không đề cập gì về các tham số mà hàm đó dùng tới. Hàm nhận hàm khác làm tham số Trong C, các hàm không thể trực tiếp lấy các hàm khác như là tham số của nó, hay không thể trả về một hàm số như là kết quả. Mặc dù vậy, chúng có thể lấy vào hay trả về các con trỏ. Để khai báo rằng một hàm lấy một con trỏ hàm như là một tham số, thì dùng cách viết chuẩn như đã ghi ở trên.int crowd(char p1, int (*p2)(void));Khai báo bên trên có một hàm mà có hai tham số. Đối số đầu tiên, p1, là một ký tự kiểu char thông thường. Đối số còn lại, p2 là một con trỏ chỉ tới một hàm. Hàm được chỉ tới này không (nên) có các tham số, và sẽ trả về một số nguyên int. Hàm trả về một hàm khác Để khai báo một hàm mà nó trả về một hàm khác phải dùng tới dấu ngoặc đơn, để thay thứ tự ưu tiên của các phép toán (về hàm)long (*boundary(int height, int width))(int x, int y);Như trên, có hai bộ danh sách tham số, sự khai báo này nên được đọc thật kĩ, vì nó không được rõ ràng. Ở đây, hàm boundary được định nghĩa. Nó có hai tham số nguyên height và width, và trả về một con trỏ hàm. Con trỏ trả về này chỉ tới một hàm mà tự hàm đó có hai tham số nguyên là x và y, và trả về một số nguyên long. Cách này có thể được mở rộng tùy ý để làm cho các hàm trả về con trỏ chỉ tới hàm mà hàm đó lại trả về các con trỏ, mà các con trỏ này chỉ tới các hàm khác, và vân vân, nhưng việc này sẽ biến mã nguồn trở nên khó hiểu một cách nhanh chóng, và rất dễ phát sinh lỗi. Nếu thấy cần thiết làm chuyện đó, thì người lập trình nên cứu xét việc thiết kế lại hay dùng một cách định nghĩa kiểu typedef. Cấu trúc Cấu trúc (từ khóa tương ứng struct) thực sự là một "kiểu mở rộng" của mảng. So với mảng thì cấu trúc mạnh hơn ở chỗ nó cho phép các phần tử của nó có các kiểu khác nhau và mỗi phần tử này được gọi là thành phần của một cấu trúc:struct person { char name[60]; int age; }; //lưu ý dấu ";" cần dùng để kết thúc câu lệnhCâu lệnh struct nêu trên là một khai báo chuẩn để tạo ra một kiểu cấu trúc trong C. Định nghĩa biến kiểu struct Việc định nghĩa một biến có kiểu struct cũng đơn giản như khi định nghĩa các biến bình thường:struct person Bluesman; struct person Bio = {"Hieu", 30};Trong cách đầu thì biến Bluesman chưa có giá trị khởi động (nó vẫn có thể được truy cập và thay đổi giá trị sau này) trong khi biến Bio đã được gán các giá trị ban đầu. Hãy lưu ý dùng dấu phẩy "," để phân biệt các giá trị được gán lên những thành phần của cấu trúc—và dĩ nhiên chúng phải có đúng kiểu cũng như không thể gán thiếu các giá trị cho các thành phần này. Để truy cập đến các giá trị của biến có kiểu struct thì có thể dùng toán tử "." như câu lệnh sau:printf("Name: %s\n", Bio.name); Mảng của các struct Để kiến tạo một mảng của các struct thì dùng cú pháp sau:struct person list[10]; Con trỏ chỉ tới struct Cũng vậy, việc tiến hành khai báo một biến con trỏ có kiểu là struct tương tự cách thông thường. Chỉ cần thêm vào đó dấu sao đằng trước tên biến:struct person *Huong; Cấu trúc lồng nhau Kiểu cấu trúc cũng có thể định nghĩa lồng vào nhau. Thí dụ dưới đây cho thấy việc khai báo cấu trúc worker có chứa cấu trúc person như là một thành phần. Việc truy cập dữ liệu thành phần của cấu trúc bên trong cũng được tiến hành theo cách dùng toán tử "." nối tiếp nhau.struct person { char name[60]; int age; }; struct worker { struct person peronal_ID; char job[30]; float income; }; Kiểu hợp nhất Kiểu hợp nhất có tên từ khóa là union kiểu đặc biệt này cho phép nó chứa dữ liệu mà có thể có kiểu khác nhau trong cùng một phần bộ nhớ (mà nó có thể được cấp phát khi khai báo biến):union folder { int number; double real; char letter; }; //lưu ý dấu ";" cần dùng để kết thúc câu lệnhĐể khai báo biến, có thể dùng cách thông thường, tạo mảng các union hay cách tham chiếu:union folder matter; union folder listtype[100]; union folder *matterptr;Để gán hay truy cập giá trị cho một biến union, có thể dùng toán tử "." Theo hàng khai báo đầu tiên của thí dụ trên ta có thể viết một trong các phép gán:matter.real = 3.1416;hay là: matter.letter = 't'; hay là: matter.number = 1; Lưu ý: Việc gán giá trị cho một biến kiểu union đòi hỏi kiểu của dữ liệu đó phải có mặt trong khai báo ban đầu của nó. Theo thí dụ trên thì kiểu folder chỉ chấp nhận chứa một đơn vị dữ liệu của một trong ba kiểu int, double, và char. Một khi giá trị có kiểu đúng nào đó được gán cho một biến kiểu union thì nó sẽ xóa bỏ hẳn giá trị cũ (nếu có) mà biến này đã chứa trước đó. Việc truy cập một giá trị từ một biến kiểu union cần lưu ý đến kiểu hiện tại của dữ liệu đang được chứa của biến này nếu không, có thể gây ra lỗi dùng sai kiểu. Điểm khác nhau quan trọng giữa union và struct là union chỉ có được một thành phần (nhưng thành phần này phải có kiểu tùy theo khai báo của người lập trình) trong khi struct bao gồm nhiều thành phần (và mỗi thành phần có thể có kiểu khác nhau)''. Tương tự như struct, union cho phép khai báo nhiều union lồng nhau. Dùng #define để định nghĩa hằng và kiểu Một cách tổng quát thì từ khóa tiền xử lý #define đùng để định nghĩa tên của một kiểu (đối tượng) nào đó. Thực ra, câu lệnh #define chỉ là một loại câu lệnh macro. Có hai ứng dụng chính như sau: Định nghĩa tên hằng Có thể dùng câu lệnh tiền xử lý #define để định nghĩa một hằng:#define PI 3.14159 //định nghĩa tên một hằng số PI #define STANDARD "ANSI C" //định nghĩa tên một hằng dãy ký tự #define ESC '\033' //định nghĩa tên một hằng ký tự mã ASCII của phím Esc.Lưu ý: so với cách định nghĩa dùng từ khóa <code>const<code> thì cách dùng này không được uyển chuyển bằng nhưng nó thường cho hiệu quả thực thi nhanh hơn vì đây chỉ là các macro. Định nghĩa tên của kiểu dữ liệu Có thể dùng #define để định nghĩa tên của một kiểu dữ liệu:#define real float //định nghĩa tên kiẻu real cho dữ liệu có kiểu floatViệc khai báo các biến không có gì khác lạ ngoại trừ tên mới được dùng:real x, y[3], *z;Lưu ý: Việc sử dụng #define có thể có các hiệu ứng phụ không ngờ nếu dùng nó kết hợp với nhiều định tính và có thể dẫn đến những lỗi khó tìm khi viết mã:#define STRING char *Trong lúc định nghĩa biến người lập có thể muốn định nghĩa hai con trỏ char như sau: STRING name, job; Tuy nhiên, điều ước muốn sẽ không xảy ra vì #define là macro nên trình dịch sẽ diễn giải thành (nó chỉ thay thế tên STRING bằng char *):char * name, job;Và như vậy, người lập trình sẽ không nhận được hai biến con trỏ như dự tính mà chỉ có một biến name là con trỏ mà thôi. Dùng typedef để định nghĩa kiểu Một cách khác để đặt tên riêng cho kiểu dữ liệu là dùng câu lệnh với từ khóa typedef:typedef float real;Nếu so sánh cách viết trong thí dụ trên với việc dùng từ khoá #define để định nghĩa thì chúng hoàn toàn tương đương (chỉ khác nhau về thứ tự các chữ float và real). Tuy nhiên, cách viết này là một sự thay thế thế tên "đúng nghĩa" chứ không phải là một macro đơn thuần. Trở lại thí dụ:  typedef char* string;Câu lệnh trên cho phép đặt tên string như là một kiểu mới (mà nội dung của nó là kiểu con trỏ char). Bây giờ hãy xét đến câu lệnh khai báo biến:  string name, job;Trường hợp này sẽ được trình dịch diễn dịch đúng theo mong muốn thành:  char *name, *job; Dùng cho struct Một thí dụ khác liên quan đến việc đặt tên cho struct là việc kết hợp cả hai khai báo và đặt tên lại trong cùng một câu lệnh:  typedef struct   {   char * name;   int * age;   } person;Như vậy khi khai báo biến chỉ cần viết là:  person Trung; Ứng dụng Một ứng dụng đáng lưu ý của typedef là việc làm cho mã C trở nên linh hoạt hơn trong nhiều môi trường khác nhau. Thí dụ: khi muốn xác định dùng đúng 4 byte cho một kiểu nguyên nhưng trên một số hệ máy thì nó ứng với kiểu int, trong khi trên một số hệ máy khác nó lại ứng với kiểu long int. Để giải quyết việc dùng chính xác 4 byte cho kiểu nguyên mà người lập trình muốn, thì có thể dùng giải pháp là: thêm vào một tập tin bao gồm trong đó có chứa định nghĩa:  typedef int FOURBYTE; //dùng cho các máy lấy int là 4 bytehay định nghĩa:  typedef long int FOURBYTE; //dùng cho các máy lấy long int là 4 bytevà chỉ cần thêm vào trong mã nguồn câu lệnh #include <Tên_tập_tin_bao_gồm> như vậy chỉ cần thay nội dung của tập tin bao gồm thì toàn bộ mã vẫn hoạt động đúng. Kiểu enum Kiểu enum là một kiểu dữ liệu đặc biệt được dùng để định nghĩa một quan hệ thứ tự cho một tập họp hữu hạn các tên. (Trong thực tế thì <code>enum có kiểu là int Theo trang 553 trong cuốn "New C Primer Plus"—xem thêm phần tham khảo):enum Wiki {Arisa, Bluesman, VietBio, Trung, Quang, Minh};Để khai báo biến member có kiểu enum dùng câu lệnh:enum member;Các giá trị (hiểu ngầm) của cáo ký hiệu Arisa, Bluesman, VietBio, Trung, Quang, Minh theo mặc định sẽ tương ứng với 0, 1, 2, 3, 4, 5. các cách viết câu lệnh sau đây là có hiệu lực:member = Minh; if(member == VietBio) { //do_some_commands } for(member = Arisa; member <= Trung; member++) { //do_some_commands }Như vậy, theo mặc đinh. các tên của một enum được xem là các hằng số từ 0 tăng dần cho đến phần tử cuối cùng trong đó. Tuy nhiên, C không loại trừ khả năng đặt lại giá trị của một phần tử trong enum theo cách riêng:enum reordert = {duck, cat = 10, mouse = 50, elephant = 1000, lion, virus};Trong ví dụ trên thì duck có giá trị tương ứng là 0, cat là 10,..., elephant là 1000, còn lion sẽ tương ứng là 1001 và virus là 1002. Một trong những ứng dụng chính của kiểu này là để tăng cường khả năng đọc mã được dễ hiểu hay phù hơn với con người. Kiểu FILE Kiểu FILE là kiểu dữ liệu dùng để xử lý các tập tin. Theo ANSI thì có hai phương thức để truy cập là nhị phân (binary) và văn bản (text). Người ta dùng một biến con trỏ để khai bảo: FILE *fp;Thủ tục quan trọng cần làm tiếp theo là việc mở tập tin. Hàm thường được dùng để mở một tập tin là fopen fp = fopen ("Dung.txt", "r");Trong dòng lệnh trên thì tập tin có tên Dung.txt sẽ được mở trong chế độ đọc r. Các chế độ truy cập cơ bản bao gồm: r - đọc w - viết a - viết tiếp vào cuối tập tin và tạo tập tin mới nếu chưa có r+ - đọc và viết w+ - đọc và viết nhưng cắt bỏ nội dung cũ của tập tin nếu có, tạo tập tin mới nếu chưa có a+ - Mở file đã tồn tại với mục đích đọc và ghi. Nó tạo file mới nếu không tồn tại. Việc đọc file sẽ bắt đầu đọc từ đầu nhưng ghi file sẽ chỉ ghi vào cuối file. rb wb ab rb+ r+b wb+ w+b ab+ a+b giống như các trường hợp trên nhưng chỉ dùng cho tập tin nhị phân. Để tiếp tục việc xở lý thì có thể dùng tới các hàm trong thư viện chuẩn như: getc(), putc(), fprintf(), fscanf(), fget(), fgets(), fputs(), fseek(), ftell() và hàm fclose(). Lưu ý về biến được khai báo static Các biến có được xác định bởi định tính static đặt trước tên kiểu biến khi khai báo sẽ cho biến đó một tính năng đặc biệt, đó là, giá trị của nó sẽ được lưu giữ không bị mất đi mặc dù khối mã chứa nó đã được xử lý xong. Trường hợp. Đặc biệt nếu một biến được khai báo có định tính static trong một hàm và được cài đặt giá trị nào đó thì sau khi hàm đó được gọi, giá trị của biến static đó vẫn còn giữ nguyên giữa mỗi lần gọi (cho tới khi nó được gán giá trị khác trong lần gọi tới của hàm). Thi dụ sau đây khai báo biến my_static có định tính static trong một hàm:#include<stdio.h> int static_func(int init) { static int my_static_var; my_static_var += init; return my_static_var; } int main(void) { printf("call the 1st time (init=0), my_static_var = %d\n", static_func(0)); printf("call the 2nd time (init=1), my_static_var = %d\n", static_func(1)); printf("call the 3rd time (init=2), my_static_var = %d\n", static_func(2)); }sau khi dịch và chạy mã này sẽ cho kết quả:call the 1st time (init=0), my_static_var = 0 //0 +0 =0 call the 2nd time (init=1), my_static_var = 1 //0 +1 =1 call the 3rd time (init=2), my_static_var = 3 //1 +2 =3Lưu ý: Mọi biến toàn cục đều có định tính static một cách tự động.
Máy bay, còn được gọi theo âm Hán – Việt là phi cơ (飛機) hay cách gọi phương ngữ là tàu bay, là phương tiện bay hiện đại, ngày nay đóng vai trò không thể thiếu trong kinh tế, được phát triển chủ yếu bởi Boeing và Airbus. Nguyên lý hoạt động và điều khiển Lực nâng khí động lực học Máy bay bay thắng được trọng lực và bay lên được là nhờ lực nâng khí động lực học hay còn gọi là lực nâng Joukowski. Là kết quả của sự chênh lệch áp suất không khí tại mặt trên và mặt dưới của vật thể (cánh máy bay) khi dòng không khí chuyển động chảy bao quanh vật thể. Để có lực nâng khí động lực học thì thiết diện vật thể (cánh) phải không đối xứng qua trục chính và đường biên của mặt trên phải lớn hơn của mặt dưới, những vật thể có hình dạng thiết diện như vậy được gọi là có hình dạng khí động lực học. Khi không khí chảy bao quanh hình dạng thiết diện của vât thể (cánh máy bay) thì khí động sẽ có lực nâng khí động lực và đồng thời xuất hiện lực cản. Nếu khí động lực nào cho hiệu ứng lực nâng càng cao mà lực cản càng ít thì được coi là có hiệu suất khí động học càng tốt. Đối với chất lỏng hiệu ứng cũng tương tự (thủy động học). Khi không khí chảy qua hình khí động là cánh, tại mặt dưới sẽ có áp suất cao hơn so với mặt trên và hệ quả là sẽ xuất hiện một lực tác động từ dưới lên vuông góc với cánh. Lực nâng có độ lớn bằng diện tích cánh nhân với chênh lệch áp suất hai mặt. Độ chênh lệch áp suất phụ thuộc vào hình dạng thiết diện cánh tức là phụ thuộc vào hiệu suất khí động học của cánh, góc tấn (góc chảy của không khí tương đối với vật khí động – tiếng Pháp: (Incidence aérodynamique) và vận tốc dòng chảy. Như vậy khi vận tốc dòng chảy đạt đến độ lớn nào đó thì chênh lệch áp suất (đồng nghĩa với lực nâng) sẽ đủ để thắng trọng lực và vật thể có thể bay lên được. Muốn có lực nâng đủ thì vận tốc và diện tích cánh phải đủ: cánh càng rộng thì máy bay có thể cất cánh với vận tốc nhỏ hơn, ngược lại cánh càng nhỏ thì đòi hỏi vận tốc càng lớn để cất cánh. Trong máy bay có cánh cố định, vật thể khí động học để tạo lực nâng là đôi cánh của máy bay được gắn cố định vào thân. Vận tốc ngang của máy bay (cũng đồng nghĩa với vận tốc dòng chảy bao máy bay nếu xét trong hệ quy chiếu gắn với máy bay) có được nhờ lực tác động ngang sinh ra nhờ động cơ (có thể thông qua cánh quạt hoặc dòng khí phản lực). Động cơ quay cánh quạt (hoặc phụt dòng khí phản lực) sẽ tạo phản lực đẩy máy bay chuyển động tương đối với không khí về phía trước, khi chuyển động tương đối như vậy cánh máy bay sẽ bị dòng khí chảy bao bọc xung quanh và tạo hiệu ứng lực nâng khí động lực học tác động từ dưới lên, khi vận tốc máy bay đạt đến giá trị nào đó lực nâng sẽ đủ lớn để thắng trọng lực và máy bay sẽ bay được. Còn đối với máy bay trực thăng cánh nâng là cánh quạt nâng nằm ngang ở trên phần thân (hoặc trên hai cánh), nó đồng thời còn để tạo lực đẩy ngang làm trực thăng chuyển động ngang. Như vậy đối với máy bay có cánh cố định thì lực nâng chỉ có khi có đủ vận tốc, mất vận tốc sẽ mất lực nâng (thất tốc) nên máy bay không thể đứng một chỗ khi bay. Trực thăng cũng theo nguyên tắc lực nâng khí động lực học nhưng các cánh nâng là cánh quạt ngang quay xung quanh trục nên vẫn đảm bảo chuyển động tương đối với không khí và có lực nâng khi trực thăng vẫn đứng yên nên trực thăng có thể bay đứng một chỗ. Các cơ cấu điều khiển bay của máy bay để thực hiện các chuyển động bay: cất cánh, hạ cánh; vòng trái, phải; nghiêng cánh; nâng, hạ độ cao khi bay bằng; hướng mũi bay lên trên, xuống dưới. Để thực hiện điều khiển bay có các cơ cấu cánh là: cánh nâng chính (wing), cánh liệng (aileron), cánh đuôi ngang (tail wing), bánh lái độ cao (elevator), đuôi đứng (vertical fin), cánh đuôi đứng (rudder), cánh tà trước (leading-edge flap), cánh tà sau (flap), phanh khí động (spoiler), các cánh tà lưng (leading edge slats). Nguyên tắc điều khiển bay sử dụng cơ học cổ điển để cân đối lực nâng khí động lực học và mô men cơ học. Các cánh đuôi (cánh ngang, cánh đứng) chỉ cần có kích thước nhỏ vẫn đủ mô men vì cánh tay đòn mô men là khoảng cách khá lớn từ đuôi đến trọng tâm máy bay. Đuôi ngang để tạo lực nâng ở phần đuôi máy bay, lực này sẽ cùng lực nâng ở cánh chính cân bằng mô men với trọng lực tại trọng tâm máy bay cho phép máy bay không bị lộn vòng (nếu không có cánh đuôi ngang thì lực nâng tại đôi cánh và trọng lực tại trọng tâm máy bay sẽ tạo thành mô men làm máy bay bị lộn vòng). Các "cánh tà sau" và "cánh liệng" là bộ phận cử động được ở phía sau của các cánh ngang. Các cánh tà nằm ở phía sau cánh nâng chính, phía gần thân máy bay có thể thu vào trong cánh chính hoặc đẩy dài ra, ngoài ra còn có thể chúc xuống phía dưới. Chuyển động chúc xuống hoặc kéo dài ra của cánh tà nhằm tăng lực nâng (đồng thời làm tăng lực cản) khi máy bay cất hạ cánh. Chuyển động của cánh tà 2 bên có thể giống nhau hoặc khác nhau tùy loại máy bay và điều kiện bay. Cánh liệng (aileron) cũng nằm mép sau cánh nhưng ở phía xa thân (đầu mút cánh) chỉ có thể cụp xuống hoặc vểnh lên. Cánh liệng 2 bên khi chuyển động thì sẽ chuyển động ngược chiều nhau nhằm tạo ra một mô men xoay làm máy bay xoay quanh trục dọc (rolling) vì khi đó lực nâng 2 bên cánh khác nhau. Cánh lái độ cao nằm ở phía mép sau đuôi ngang. Có thể vểnh lên hoặc cụp xuống để thay đổi lực nâng cánh đuôi, tạo moment xoay quanh trục cánh (mô men chúc ngóc - pitching). Hai bánh lái độ cao luôn được điều khiển chuyển động cùng chiều, cùng góc lệch.Đuôi đứng có chức năng định hướng, giữ cho thân máy bay ổn định theo chuyển động thẳng về phía trước. Trên cánh đuôi đứng có bộ phận cử động được là cánh bánh lái đuôi sẽ đóng vai trò bánh lái thông thường: Khi cánh bánh lái đứng đối xứng sẽ không có lực tác dụng theo chiều ngang nhưng khi nó quay sang phải hoặc trái sẽ sinh lực tác dụng ngang vào bánh lái đuôi sang trái hoặc sang phải tương ứng. Lực này tạo mô men (với tay đòn là khoảng cách từ bánh lái đến trọng tâm báy bay) làm máy bay hướng mũi sang phải hoặc trái tương ứng (yawing). Các cánh lưng (spoiler) nằm trên lưng cánh chính về phía sau, chỉ có thể ngóc lên, hướng về phía sau. Khi spoiler bên nào ngóc lên, lực nâng cánh đó giảm xuống, máy bay nghiêng về phía đó. Spoiler có tác dụng hỗ trợ cánh liệng (aileron) trong quá trình nghiêng máy bay. Thông thường chỉ spoiler một phía hoạt động, phía kia nằm im. Slats là các tấm cánh nhỏ nằm ở trên lưng cánh nhưng ở phía trước, khi hoạt động thì vểnh lên, hướng về phía trước có tác dụng như phanh khí động, làm tăng lực cản của máy bay khi máy bay hạ cánh. Thông thường slat của cả hai phía cùng vểnh lên một lúc Số lượng các aileron, flap, spoiler, flap có thể khác nhau ở các loại máy bay. Nhiều loại máy bay không có flap Cất cánh, hạ cánh: khi cất cánh, hạ cánh vận tốc máy bay thấp mà cần duy trì lực nâng nên cánh cần có diện tích lớn nhất và có hiệu suất khí động cho lực nâng tốt nhất việc này được thực hiện bằng cách kéo dài tối đa cánh tà và chúc cánh tà xuống hết cỡ về phía dưới. Khi tiếp đất có thể bật các flap vểnh lên để tăng lực cản. Nghiêng cánh: Để nghiêng cánh thì cần tạo chênh lệch lực nâng tại hai cánh chính ví dụ cánh liệng phải thì chúc xuống, cánh liệng trái thì quay lên, khi đó lực nâng tại cánh phải lớn hơn lực nâng tại cánh trái làm máy bay nghiêng cánh sang trái. Để hỗ trợ thêm, người ta bật spoiler bên trái vểnh lên để giảm thêm lực nâng bên trái Đổi hướng bay ngang sang phải, trái: Để đổi hướng thì dùng bánh lái đuôi (rudder) cho quay về phía nào thì đầu máy bay rẽ về hướng bên đó. Để đổi hướng gấp (góc ngoặt lớn) thì còn có thể kết hợp bánh lái với nghiêng cánh muốn rẽ về phía nào thì nghiêng cánh về phía đó. Bay lên, bay xuống: Để máy bay chúc đầu lên – xuống (bay lên, bay xuống) thì hiệu chỉnh bánh lái độ cao (elevator) bằng cách chĩa lên hoặc chúc xuống: Nếu cánh lái độ cao chĩa lên thì lực nâng tại đuôi giảm mà lực nâng tại cánh chính giữ nguyên sẽ tạo nên mô men làm đầu máy bay hướng lên phía trên, nếu cánh lái độ cao chúc xuống thì ngược lại máy bay sẽ chúi đầu xuống. Có thể kết hợp cùng cánh tà sao cho có sự thay đổi tương quan lực nâng tại cánh chính và cánh đuôi và sẽ tạo nên mô men làm đầu máy bay lên hay xuống (xem hình minh họa). Bằng cách sử dụng cần lái các phi công có thể điều khiển máy bay để bay lên và xuống. Trên các may bay dân dụng như Boeing 737 , Boeing 747, Boeing 757, Boeing 767, Boeing 777, Boeing 787 Dreamliner, Airbus A320, Airbus A300, Airbus A310, ... ở cần điều chỉnh công suất động cơ luôn có 2 cái bánh răng bên cạnh gọi là Pitch Trim . Hệ thống này các phi công thường giao nó cho hệ thống tự động. (xem video minh hoa) (đoạn 4:28) Thay đổi độ cao khi bay bằng: bằng cách hiệu chỉnh cánh tà và cánh lái độ cao để tăng hoặc giảm lực nâng. Khi tăng lực nâng máy bay sẽ tăng độ cao lên một mức cân bằng mới, nếu giảm lực nâng máy bay sẽ hạ độ cao xuống mức cân bằng mới thấp hơn. Đối với trực thăng Máy bay có cánh cố định khi bay bản thân đã là một hệ cân bằng bền: bất cứ tác nhân nào đưa nó ra khỏi trạng thái cân bằng thì đều làm phát sinh các lực và mô men khác đưa máy bay vào trạng thái cân bằng mới. Ngược lại trực thăng là một hệ cân bằng không bền, điều khiển nó là rất phức tạp và tất cả sự điều khiển đều thông qua cánh quạt nâng. Để tạo lực đẩy ngang cho chuyển động ngang, mặt phẳng cánh quạt nâng sẽ nghiêng đi một góc so với mặt phẳng ngang. Lực nâng khí động học vuông góc với mặt phẳng cánh quạt nâng khi đó sẽ phân tích thành hai vector lực: một theo phương thẳng đứng để tạo lực nâng thắng trọng lực, một theo phương ngang để trực thăng chuyển động ngang. Cánh quạt nâng nghiêng thấp về bên nào trực thăng bay về bên đó. Cơ cấu nghiêng cánh quạt nâng được thực hiện thông qua hệ thống thay đổi góc tấn của từng cánh theo chu kỳ tùy theo vị trí của cánh so với thân máy bay trực thăng, điều này tạo sự chênh lệch lực nâng tại các phía khác nhau của đĩa cánh quạt nâng và làm phát sinh mô men làm nghiêng đĩa cánh quạt nâng và thân máy bay. Đây là một cơ cấu rất phức tạp (xem cơ chế điều khiển máy bay trực thăng) Lịch sử phát triển Trước thế kỷ 19 Ước mơ được như chim bay lên bầu trời đã ấp ủ trong lòng nhân loại ở mọi dân tộc, tôn giáo kể từ khi con người biết ước mơ mà điển hình được văn học hình tượng hoá rõ nhất là câu chuyện của cha con Daedalus và Icarus với đôi cánh bằng lông chim gắn sáp trong thần thoại Hy Lạp, hoặc như hình tượng Tề thiên đại thánh của Trung Hoa cưỡi "cân đẩu vân" đi vạn dặm trong chớp mắt... Nhưng trong hàng nghìn năm đối với con người ước mơ đó chỉ dừng lại ở ước mơ xa: có một vài người có các thí nghiệm bay nhưng rất tiếc đều thất bại và không gây được tiếng vang nào, và con người đã an phận là không thể bay được như chim... Mãi cho đến thời kỳ Phục hưng: trong các ghi chép của Leonardo da Vinci ở thế kỷ 15, thế kỉ 16 người ta tìm thấy các bản vẽ về thiết bị bay có nguyên tắc giống như máy bay trực thăng ngày nay với cơ cấu quay cánh quạt bằng dây chun xoắn lại và có cả bản vẽ người nhảy dù. Từ thời gian đó một số người táo bạo không chỉ ước mơ mà đã tin tưởng là có thể bay được: một loạt các nhà tiên phong hàng không đã có các thực nghiệm để bay vào không trung. Nhưng tất cả họ cho đến thế kỷ 19 đều thực hiện việc bay bằng cơ chế "vỗ cánh" mô phỏng động tác bay của chim và tất cả đều thực hiện việc bay bằng "sức mạnh cơ bắp" (dùng tay vẫy cánh hoặc dùng chân đạp cơ cấu truyền lực như khi đạp xe đạp), khi đó con người chưa có động cơ để thực hiện bay... Chỉ với sức mạnh cơ bắp con người lại gần như tin rằng không thể bay được. Các bản vẽ của Leonardo da Vinci Thế kỷ 19 Vào thế kỷ 19 với cách mạng khoa học kỹ thuật bùng nổ ở châu Âu và Mỹ con người đã có các nền tảng để bay vào không khí: đó là lý thuyết về thủy khí động lực học với các nhà khoa học đi đầu như Daniel Bernoulli, George Cayley, và ở Nga có Nikolai Yegorovich Joukowski (Николай Егорович Жуковский)...trong đó liên quan trực tiếp để bay được là các lý thuyết và tính toán về lực nâng khí động lực học hay còn gọi là lực nâng Joukowski đã được Joukowski trình bày rất rõ ràng khi sáng lập ngành khoa học thủy khí động lực học. Sự ra đời của các thế hệ động cơ có công suất lớn gấp nhiều lần sức người mở ra triển vọng thắng trọng lực để bay thực sự vào không khí. Từ đầu đến cuối thế kỷ 19 một loạt các nhà tiên phong hàng không đã tiến hành các thí nghiệm bay thành công với lực nâng khí động học bằng tàu lượn như Otto Liliental người Đức đã bay được bằng thiết bị với các cơ cấu bay và lái giống như diều Delta (Deltaplane) mà ngày nay là một ngành thể thao rất phát triển; Huân tước George Cayley người Anh đã dùng thiết bị có động cơ bay được nhưng vẫn không thể tự cất cánh mà vẫn phải dùng ngựa kéo. Một người Pháp là Jean-Marie Le Bris với máy bay L'Albatros artificial có động cơ với trợ lực sức ngựa kéo đã cất cánh và bay lên được độ cao 100 m và xa 200 m... Tất cả các nguyên nhân chính ngăn cản phát triển của hàng không trong thời kỳ này là chưa có một động cơ tốt vừa nhỏ nhẹ vừa phát huy được công suất lớn vì thời kỳ đó con người vẫn chỉ dùng động cơ hơi nước rất nặng nề, có chỉ số công suất riêng (mã lực/kg) thấp và chưa có nghiên cứu chuyên ngành về khí động lực học nên các nhà tiên phong của Hàng không chỉ làm theo kinh nghiệm mò mẫm, hiệu suất lực nâng không cao đòi hỏi diện tích cánh phải rất lớn, nặng nề và chưa có hình dạng thích hợp để bảo đảm vừa có lực nâng tốt vừa có độ vững chắc của kết cấu cánh. Thế kỷ 20 Trước thế chiến thứ nhất Đầu thế kỷ 20 với sự xuất hiện của ô tô với động cơ đốt trong chạy xăng mạnh, lại gọn nhẹ thì việc bay được đã trở thành hiện thực trước mắt. Năm 1903 đánh dấu cho lịch sử Hàng không bằng chuyến bay của anh em nhà Wright người Mỹ, máy bay của họ có động cơ khả dĩ duy trì bay trong một khoảng cách vài trăm mét, tuy rằng chưa thể tự cất cánh mà vẫn phải bằng thiết bị phóng bằng vật nặng cho thả rơi và khi cất cánh, hạ cánh phải lựa theo chiều gió, nhưng thành công của họ cho thấy máy bay là hoàn toàn hiện thực và đã gây tiếng vang lớn trong dư luận, tạo động lực cho việc nghiên cứu phát triển ngành Hàng không. Ngày 13 tháng 9 năm 1906 Alberto Santos-Dumont tại Paris đã thực hiện chuyến bay trình diễn của máy bay 14 Bis, máy bay này đã tự cất cánh, tự bay và tự hạ cánh không cần thiết bị phóng, chiều gió hoặc các phương tiện phụ trợ từ bên ngoài, nhiều người coi đây thật sự là chuyến bay đầu tiên của máy bay theo đúng nghĩa. Sau đó các cá nhân tiên phong đua nhau sản xuất máy bay, tăng kích thước, tăng công suất, hoàn thiện kết cấu: thời kỳ này máy bay chưa có thân vỏ mà chỉ có khung xương bằng gỗ, cánh là khung gỗ căng vải, cánh quạt đẩy đặt sau cánh và người lái, thổi gió về phía sau. Ngày 13 tháng 11 năm 1907 nhà sáng chế người Pháp Paul Cornu tự chế máy bay trực thăng bay lên được độ cao nửa mét và giữ được trong không khí 20 giây. Trong khi máy bay thông thường từ đây phát triển rất nhanh mạnh thì máy bay trực thăng tiến bộ chậm chạp hơn rất nhiều vì sự phức tạp kỹ thuật của nó. Chỉ đến sau thế chiến II các khó khăn này mới được giải quyết và trực thăng mới có cơ hội phát triển mạnh. Tuy nhiên phải kể đến một nền tảng đóng vai trò quyết định cho sự phát triển đồ sộ sau này của ngành hàng không vũ trụ, đó chính là sự ra đời của lý thuyết lực nâng cánh máy bay. Lý thuyết này đã được ông tổ của ngành hàng không Liên-Xô Joukowski xây dựng vào những năm đầu thế kỉ XX, được công bố lần đầu tiên tại hội nghị khoa học diễn ra vào năm 1909. Trong tài liệu khoa học hiện đại ngày nay chúng ta được biết đến với tên gọi định lý Kutta–Joukowski theorem. Để chứng minh định lý này, Joukowski đã sử dụng giả thuyết Joukowski-Chaplygin để tính toán giá trị lưu số vector vận tốc . Chiến tranh thế giới thứ nhất Liên tiếp trong các năm trước thế chiến thứ nhất việc chế tạo máy bay được đẩy mạnh bởi các con người nhiệt huyết và các công ty. Người ta tổ chức các giải thưởng rất lớn cho nhiều cuộc thi hàng năm bay xuyên biển La Manche giữa Paris và London, các cuộc thi này đã góp phần rất lớn cho việc hoàn thiện công nghệ máy bay. Việc nghiên cứu máy bay bây giờ đã không còn là việc của những người nhiệt huyết tiên phong nữa mà đã là cạnh tranh của các quốc gia và các hãng lớn. Cũng như mọi ngành tiên phong khác máy bay được ứng dụng đầu tiên cho mục đích quân sự và ở thế chiến thứ nhất lần đầu tiên máy bay tham chiến như một lực lượng quân sự mới và sau này trở thành lực lượng không quân của các quốc gia. Và chiến tranh là động lực rất mạnh để hoàn thiện máy bay. Máy bay của thời kỳ này tất cả đã có thân vỏ hình dạng thích hợp để tăng hiệu suất khí động học, vỏ căng bằng vải hoặc ốp bằng gỗ, vẫn chưa có cabin kín cho phi công. Cũng như trước kia lực đẩy vẫn bằng cánh quạt, nhưng để hợp lý cấu trúc máy bay và tăng hiệu suất khí động học và cơ học, các cánh quạt đều là loại kéo tải thay vì đẩy tải như một số các mẫu cũ ở đầu thế kỷ. Do vận tốc còn thấp nên để tăng lực nâng cần diện tích cánh lớn, máy bay có 2 tầng cánh nâng (Biplane). Về vũ trang: súng máy lắp trên cánh hoặc trước mặt phi công hoặc nếu máy bay có hai chỗ ngồi thì người ngồi sau bắn súng máy, hết đạn thì phi công rút súng lục ra bắn nhau. Máy bay có thể không chiến bằng súng hoặc tấn công quân bộ bằng súng hoặc bằng cách thả lựu đạn, ngoài ra còn để tiến công khinh khí cầu của đối phương, tiến hành trinh sát và liên lạc đưa thư. Mẫu máy bay nổi tiếng nhất thời kỳ này là máy bay Sopwith Camel của Anh với các thông số chính như sau: kích thước dài × sải cánh × cao: 5,7 × 8,5 × 2,5 m; Khối lượng rỗng/có tải: 430/672 kg; Vận tốc Max/thiết kế: 180/92 km/h; trần bay 6.400 m; động cơ: 9 xi lanh 150 mã lực. Những năm 1920 đến cuối Chiến tranh thế giới thứ hai Thời kỳ giữa hai đại chiến là thời kỳ nở rộ của kỹ thuật máy bay. Yếu tố quan trọng nhất của kỹ thuật máy bay là động cơ được quan tâm đặc biệt, không còn là động cơ tự chế hoặc cải tiến từ động cơ thông thường, mà động cơ máy bay đã được các hãng lớn chuyên sản xuất động cơ máy bay nên đã có công suất rất lớn, có sức lai cánh quạt đường kính lớn, lực đẩy mạnh cho phép nâng sức nặng, kích thước và tốc độ máy bay. Thời kỳ này vẫn là động cơ đốt trong chạy bằng xăng, thường là nhiều xi lanh bố trí hình sao. Các cơ cấu điều khiển của máy bay đã hoàn chỉnh: máy bay đã có thể thực hiện được các hình nhào lộn pilotage phức tạp. Việc tăng kích thước và các thông số của máy bay đòi hỏi kết cấu vững chắc nhưng vẫn phải nhẹ nên thân vỏ gỗ chỉ còn tồn tại trên những máy bay nhẹ loại nhỏ biplane (hai tầng cánh) mà thôi, còn hầu hết máy bay đã có thân hợp kim nhôm vừa nhẹ vừa có độ bền vững kết cấu tốt. Vì tốc độ đã cao (đến 500–700 km/h) nên không cần diện tích cánh lớn nên máy bay chỉ còn một tầng cánh nâng monoplane điều này làm tăng tính cơ động linh hoạt của máy bay lên rất nhiều. Tất cả máy bay đều đã có cabin kín bằng thủy tinh hữu cơ. Ngoài những thiết bị bay, máy bay được trang bị thêm rất nhiều các thiết bị phụ trợ khác như radio liên lạc, các hệ vũ khí: súng máy, pháo, bom, đạn các loại. Đặc biệt thời kỳ này người ta đã sử dụng dù như phương tiện cứu sinh cho phi công và để tạo ra một binh chủng mới là quân nhảy dù. Sự phát triển của máy bay thời kỳ trước và trong đại chiến gắn liền với sự phát triển không quân của các nước. Trước đại chiến không quân các nước đã phát triển chuyên môn hoá ra các nhánh trong không quân là: Lực lượng máy bay ném bom chuyên mang bom, ngư lôi để đánh phá các mục tiêu lớn trên mặt đất và trên biển của đối phương theo phương thức ném bom diện rộng theo toạ độ, Các máy bay ném bom có nhiều loại, loại lớn đã có kích thước rất to và có tầm bay cao, xa vượt được đại dương. Các loại máy bay lớn này có thể có nhiều động cơ lắp tại mũi và ở hai cánh (mỗi động cơ có một cánh quạt). Điển hình nhất của loại máy bay này là siêu pháo đài bay B-29 rất nổi tiếng của Hoa Kỳ loại này chính là loại máy bay đã ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản (tháng 8 năm 1945). Lực lượng máy bay tiêm kích hay máy bay khu trục chuyên để không chiến tiêu diệt máy bay đối phương, máy bay tiêm kích thường có kích thước nhỏ, có tốc độ cao cơ động tốt, mang pháo và súng máy. Máy bay thường chỉ có một động cơ tại mũi điển hình của loại này là tiêm kích Messerschmitt ME-109 của Đức, YAK-3 của Liên Xô, Spitfire của Anh, và Mustang của Hoa Kỳ. Lực lượng máy bay cường kích là các máy bay nhỏ đến trung bình vũ trang mạnh thường mang súng máy, pháo, vài quả bom, bom nhỏ chuyên dụng chống tăng và cuối đại chiến có thể lắp dàn hoả tiễn, chuyên để tiến công chính xác các mục tiêu nhỏ, di động trên mặt đất, trên biển để hỗ trợ bộ binh và tiến công truy đuổi độc lập. Điển hình của loại này là Junker Ju87 của Đức Quốc xã và Ilyushin Il-2 "xe tăng bay" của Liên Xô. Lực lượng máy bay vận tải: Kích thước, sức chở lớn để chở quân, thiết bị quân sự, thả dù. Điển hình là "Big Douglas" Douglas DC-3 (Dakota C-47) rất nổi tiếng trong đại chiến và các năm 1960 – 1960 sau này của Hoa Kỳ. Ngoài việc xây dựng lực lượng Không quân đóng căn cứ trên bộ, các cường quốc quân sự nhất là Hoa Kỳ, Nhật Bản phát triển lực lượng không quân của Hải quân trên các tàu sân bay mở ra một loại binh chủng rất mới làm thay đổi hoàn toàn cách thức tiến hành chiến tranh trên biển của nhân loại trong đại chiến và sau này đến tận ngày nay. Các máy bay trên tàu sân bay là loại được thiết kế đặc biệt: có khả năng cất cánh, hạ cánh trên đường băng ngắn. Trên tàu sân bay chỉ chở loại máy bay tiêm kích và tấn công. Từ trong đại chiến II đến sau này Hoa Kỳ đã vươn lên thành cường quốc không có đối thủ trong ngành Hàng không và nước này luôn coi Hàng không là ưu tiên số một của quốc gia và là xương sống của chính sách quốc phòng của mình. Tại Hoa Kỳ đã sản xuất ra các loại máy bay mà sau này tồn tại hàng chục năm và là mẫu mực để các nước khác hướng đến để tham chiếu khi xây dựng Không quân. Với sự lớn mạnh của Không quân, tính chất chiến tranh đã thay đổi rất nhiều: có thể mang tàn phá vào rất sâu trong hậu phương quân địch và đòn tấn công từ trên không rất bất ngờ và mãnh liệt. Hầu hết sự tàn phá tiềm lực các thành phố của Đức cũng như của các nước tham chiến là do không quân gây nên. Đối với chiến tranh trên biển với sự xuất hiện của máy bay và tàu sân bay đã chấm hết thời đại của các pháo hạm, các trận hải chiến diễn ra ở rất xa ngoài tầm bắn pháo và tầm quan sát của các bên và các hạm đội tàu sân bay có thể mang máy bay tới tận sát bờ biển của địch. Với bài học về vai trò của không quân, sau chiến tranh thế giới các cường quốc tăng cường chạy đua vũ trang mà mũi nhọn là ở lực lượng Không quân và tên lửa chiến lược. Sau đại chiến II, chiến tranh lạnh và hiện nay Sau đại chiến, kỹ thuật máy bay phát triển rất mạnh theo nhiều hướng khác nhau nhưng có thể thấy vài điểm chính đặc trưng cho giai đoạn này là: phát triển động cơ, phát triển cấu trúc máy bay, phát triển các công năng đặc dụng, phát triển theo công nghệ cao và phát triển trực thăng. Động cơ Khi vận tốc máy bay đạt đến gần tốc độ âm thanh cánh quạt sẽ chuyển động tương đối trong không khí với vận tốc gần âm thanh và vượt âm thanh điều đó sẽ làm thụt giảm hiệu suất cánh quạt rất mạnh. Vì vậy với cánh quạt cổ điển máy bay không thể đạt được vận tốc âm thanh, Để có vận tốc vượt tốc độ âm thanh máy bay cần phải có cơ chế chuyển động mới đó là cơ chế chuyển động nhờ phản lực là khi động cơ phụt thẳng luồng khí năng lượng cao về phía sau tạo lực đẩy cho máy bay chuyển động về phía trước. Đây là sự phát triển bao trùm sau đại chiến trong cả hàng không dân dụng và quân dụng. Với sự phát triển này có thể nói sau chiến tranh là thời đại của máy bay phản lực: ngay cuối đại chiến nước Đức Quốc xã đã cho ra đời máy bay phản lực đầu tiên với vận tốc vượt rất xa tất cả các loại tiêm kích đương thời. Ngay sau chiến tranh các cường quốc dẫn đầu cạnh tranh trong chiến tranh Lạnh mà điển hình là Hoa Kỳ và Liên Xô chạy đua quyết liệt để chế tạo máy bay phản lực mà vấn đề chìa khóa của nó là động cơ. Động cơ piston đến cuối đại chiến đã hết tiềm năng, xuất hiện loại động cơ nhiệt mới với nguyên tắc hoạt động hoàn toàn khác đó là động cơ tuốc bin khí (tiếng Anh: gas turbine engine). Đây là động cơ rất gọn, nhưng có công suất cực lớn nếu so với động cơ piston: chỉ số công suất riêng (mã lực/kg) của nó cao gấp hàng chục lần. Máy bay giờ đây có công suất rất mạnh mà khối lượng, thể tích thậm chí còn giảm nhiều. Đầu tiên là các máy bay chiến đấu dùng loại động cơ này để biến thành máy bay phản lực. Sau đó các loại khác như vận tải, hành khách, trực thăng cũng lắp động cơ mới để tăng mạnh công suất. Ngày nay hầu hết các loại máy bay đã lắp động cơ tuốc bin khí, động cơ piston chỉ còn lại trên các máy bay dân dụng loại nhỏ như máy bay gia đình Cessna, máy bay thể thao, nông nghiệp... Để tạo lực đẩy ngang, động cơ tuốc bin khí được lắp trên máy bay theo ba phương án như sau: Động cơ tuốc bin cánh quạt (turbopropeller, viết tắt turboprop): động cơ tuốc bin khí mà toàn bộ công suất để lai cánh quạt kiểu cổ điển (động cơ kiểu mới nhưng lực đẩy ngang được tạo ra theo kiểu cánh quạt cổ điển). Được dùng cho các máy bay vận tải khỏe, cần tính kinh tế cao nhưng không cần tốc độ cao như loại Antonov AH-12, AH-24 của Liên Xô, và đặc biệt là loại Lockheed C-130 Hercules của Hoa Kỳ là loại máy bay vận tải tốt nhất mọi thời đại, hoặc lắp cho trực thăng cần công suất khỏe. Động cơ tuốc bin phản lực: lực đẩy ngang chỉ do từ luồng khí phản lực phụt mạnh từ động cơ, loại này lắp cho các máy bay cần tốc độ cao như các máy bay chiến đấu, nhưng hiệu suất kinh tế không cao bằng loại cánh quạt. Chỉ có loại này phát triển được tốc độ siêu thanh. Động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt (turbopropeller jet viết tắt PropJet): kết hợp trung gian giữa hai loại trên. Lực đẩy ngang của máy bay vừa từ luồng khí phụt phản lực từ động cơ, vừa từ gió cánh quạt thổi không qua buồng đốt động cơ nên loại này còn được gọi là động cơ tuốc bin hai viền khí (two-contour aviation engine). Ngày nay hầu hết các máy bay hành khách, vận tải của dân dụng điển hình như Boeing, Airbus dùng loại này để đảm bảo tính kinh tế và vận tốc cao hợp lý. Với động cơ tuốc bin khí công suất cao và phương thức tạo lực đẩy phản lực đến giữa những năm 1960 máy bay chiến đấu phản lực đã có thể có vận tốc vượt tốc độ âm thanh (siêu thanh khoảng 1000 km/h) và ngày càng cao hơn nữa. Từ giữa những năm 1970 đã có các máy bay hành khách khổng lồ siêu thanh là Tupolev Tu-144 của Liên Xô và Concorde của hợp tác Pháp – Anh. Các mark máy bay chiến đấu hiện đại ngày nay có số Mach khoảng 2,5 – 3 (vận tốc gấp tốc độ âm thanh). Cấu trúc máy bay Sự thay đổi cấu trúc máy bay chủ yếu diễn ra ở máy bay chiến đấu, đi liền với sự thay đổi tốc độ và các thay đổi về công nghệ khác. Dạng khí động học hợp lý cho siêu thanh khác xa với mức dưới âm thanh nên hình thù cánh và thân thay đổi rất nhiều và dần dần có dạng "delta" (mũi tên). Và như loại máy bay ném bom B-2 Spirit tàng hình của Hoa Kỳ hiện nay thì đã không còn ranh giới giữa cánh và thân: máy bay có hình dạng như cá đuối. Một số loại máy bay có dạng "cánh cụp cánh xòe" như B1, F-111, F-22 Raptor của Hoa Kỳ, MIG-23 của Liên Xô là loại có hình dạng và diện tích cánh có thể thay đổi tùy theo yêu cầu tốc độ và tải trọng. Các loại cao tốc như MIG-25 của Liên Xô, của Mỹ có 2 đuôi, và một số loại khác như Eurofighter của châu Âu có cánh phụ nhỏ (canard) ở phía trước. Các công năng đặc dụng Các công năng đặc dụng chỉ phát triển cho một số loại đặc dụng như máy bay phản lực cất cánh, hạ cánh thẳng đứng để bố trí tại nơi không có đường băng, loại này có cửa phụt phản lực theo chiều thẳng đứng cho phép máy bay hạ cánh, cất cánh thẳng đứng như một số loại của Anh, Mỹ, Liên Xô điển hình nhất là loại Harrier Jump Jet và F-35 Lightning II của Mỹ. Thủy phi cơ: cất cánh, hạ cánh trên mặt nước... Công nghệ cao Các máy bay của thời kỳ này có những công nghệ rất cao, nhất là công nghệ vật liệu và thiết bị điện tử, viễn thông, máy tính tự động hoá... Trên máy bay có rất nhiều hệ thống radar và chống radar, hệ thống nhận biết địch – ta, hệ thống định vị, dẫn đường... và các phương tiện đấu tranh điện tử. Đặc biệt đến cuối thế kỷ 20 Hoa Kỳ cho ra đời các loại máy bay với công nghệ tàng hình không bị phát hiện bằng sóng radar là B-2 và F-117. Phát triển trực thăng Ngay từ đầu thế kỷ 20 song hành cùng máy bay cánh cố định, trực thăng cũng đã được nghiên cứu phát triển, nhưng vì những khó khăn về kỹ thuật trong vấn đề cộng hưởng, độ ổ định, vật liệu, điều khiển... nên trực thăng phát triển rất chậm chạp so với máy bay cánh cố định. Chỉ sau thế chiến II các vấn đề kỹ thuật rất phức tạp trên mới được giải quyết tạo sự ứng dụng đại trà cho trực thăng vào các lĩnh vực cuộc sống, kinh tế và đặc biệt trong quân sự. Vì các ưu việt rất độc đáo là khả năng cất cánh, hạ cánh thẳng đứng không cần đường băng và khả năng bay đứng treo một chỗ của loại máy bay này mà trong các năm 1950, 1960 đã xảy ra sự bùng nổ của trực thăng và tiếp diễn đến bây giờ. Máy bay trực thăng của thời kỳ này được trang bị động cơ tuốc bin khí với công suất rất lớn, tải trọng rất mạnh, với đầy đủ cơ cấu điều khiển cho phép loại máy bay này có tính cơ động rất cao và rất đa dạng theo các phương án thiết kế. Và đến những năm 1970 – 1980 thì trực thăng dường như đã đạt đến độ hoàn thiện của nó. Tương lai phát triển Vào năm 2006, động cơ tuốc bin khí chưa sử dụng hết tiềm năng của nó nên trong tương lai gần chưa thấy có xu hướng loại bỏ động cơ này cho máy bay thông thường, mà chỉ hoàn thiện nó và kết hợp với các loại động cơ khác. Một trong những hướng phát triển rất tiềm năng của máy bay và động cơ máy bay trong tương lai là kết hợp tính chất của máy bay với tính chất của tên lửa để phục vụ cho du lịch vũ trụ thương mại. Hướng này thực ra đã bắt đầu từ những năm 1980 của thế kỷ 20 với chương trình tàu vũ trụ con thoi (space shuttle) của NASA Hoa Kỳ. Nhiệm vụ của hướng này ngày nay là làm sao có chi phí rẻ hơn để có thể thương mại hoá. Để giảm bớt trọng lượng phóng và gia tốc ban đầu và tất nhiên là chi phí, NASA đang cùng một số công ty lớn của Hoa Kỳ đang thử nghiệm một số loại máy bay – tên lửa phóng từ máy bay mẹ trên các tầng khí quyển cao nhất, loại tàu như vậy có thể thâm nhập vũ trụ và trở về Trái Đất bằng phương thức máy bay với một chi phí chấp nhận được. Hướng nghiên cứu lắp thêm động cơ tên lửa đẩy cho máy bay thương mại và quân sự cũng đã được triển khai để tăng tốc và đặc biệt quan trọng để phóng máy bay giảm độ dài đường băng, tuy nhiên có vẻ như hướng này đang bị từ chối cho máy bay thương mại trong thời gian trước mắt. Đối với máy bay phản lực chiến đấu ngoài yếu tố phát triển theo công nghệ cao'' với mức độ tối đa vũ trang điện tử, viễn thông, tự động hoá, công nghệ tàng hình... còn có hướng kết hợp lực nâng khí động học cổ điển của máy bay và lực nâng phản lực của động cơ (mà máy bay phản lực cất cánh, hạ cánh thẳng đứng là một ví dụ). Trong các thiết kế của Nga, Hoa Kỳ cho các mẫu máy bay chiến đấu sau cùng của họ ví dụ F-22 Raptor và đặc biệt là máy bay Sukhoi Su-27 và các đời SU cuối của Nga đã phát triển các cơ cấu dẫn hướng luồng khí phản lực cho phép máy bay có các động tác "trượt", "trườn", "lắc", "vặn" rất tinh xảo, tính cơ động linh hoạt cực tốt, máy bay dường như "không còn quán tính". Tính năng này sẽ cực kỳ lợi hại khi cơ động tránh tên lửa và luôn chiếm ưu thế vị trí khi không chiến. Xu hướng này là tất yếu cho chế tạo các dòng máy bay chiến đấu sau này và sẽ dần dần dẫn đến khả năng máy bay có thể biểu diễn "kung fu", lộn vòng trên không mà vẫn đứng yên một chỗ, hiện nay xu hướng này đang gặp khó khăn về yếu tố tính kinh tế, nhưng khó khăn này không phải là quá lớn. Đối với máy bay dân dụng thương mại thì ưu tiên hàng đầu trong hướng nghiên cứu là tăng tính an toàn và tính kinh tế: hiện nay đang có các phương án nghiên cứu hệ thống dù cho cả khoang hành khách của máy bay và đã có dự án "tàu cứu hộ trên khoang" để sơ tán hành khách khi gặp nạn. Để chống cháy nổ máy bay sẽ sử dụng các nguyên vật liệu không thể cháy, hiện nay các việc này sẽ làm tăng chi phí hàng không lên quá nhiều, đây đang là đề tài cho các công nghệ nhất là công nghệ vật liệu áp dụng cho máy bay... Để tăng tính kinh tế, xu hướng chế tạo máy bay hành khách thương mại là tăng kích thước, số ghế hành khách và trong tương lai rất gần sẽ là thời đại của các loại máy bay thân lớn khổng lồ, chở trên 1000 người, có thể bay không ngừng vòng quanh thế giới không cần tiếp nhiên liệu... Các máy bay siêu thanh Concorde và Tupolev Tu-144 trong thế kỷ 20 nói chung không được thị trường hàng không tiếp đón nồng nhiệt ngoài yếu tố giá cả còn có yếu tố tiếng ồn đối với thành phố. Một trong những hướng nghiên cứu khí động thân và động cơ máy bay cho thế kỷ 21 là làm sao triệt tiêu được tiếng ồn của máy bay mà vẫn duy trì tốc độ siêu thanh... Đó mới chỉ là những điều rõ ràng trong sự phát triển trong tương lai rất gần còn các nghiên cứu thì vẫn còn là bí mật của các nhà sản xuất máy bay, mà chính những nghiên cứu đó quyết định xu hướng phát triển của máy bay trên thế giới. Phân loại Sự phân loại máy bay là rất phong phú tùy theo tiêu chuẩn phân loại: Theo hình thức cánh nâng Máy bay có cánh cố định. Máy bay trực thăng Theo chức năng sử dụng Máy bay quân sự Tiêm kích: không chiến chống máy bay địch Cường kích: tấn công các mục tiêu nhỏ di động trên mặt đất, truy kích Tiêm kích – cường kích: vừa có chức năng không chiến vừa có chức năng tấn công Ném bom: tầm gần; tầm xa Mang tên lửa Trinh sát Hiệu chỉnh hỏa lực Đa năng / chuyên dụng Vận tải Đổ bộ đường không Máy bay dân dụng Hành khách: để chở hành khách Vận tải: chở hàng hoá Bưu chính – liên lạc Nông nghiệp: bón phân, gieo hạt Huấn luyện: đào tạo phi công Thể thao: nhảy dù, bay lượn Máy bay chuyên dụng Thí nghiệm: để thực hiện các thử nghiệm bay Y tế: cứu hộ y tế khẩn cấp Địa vật lý: nghiên cứu địa vật lý ... Theo trọng lượng cất cánh Có 4 hạng nhu sau: Trên 75 tấn Từ 30 đến 75 tấn Từ 10 đến 30 tấn Dưới 10 tấn Theo thể loại và số lượng động cơ Theo thể loại động cơ: Động cơ piston Tuốc bin cánh quạt Phản lực Theo số lượng động cơ: Một động cơ Hai động cơ Ba/bốn/sáu/tám động cơ Theo sơ đồ cấu trúc Theo độ cao cánh so với thân: Cánh cao Cánh giữa Cánh thấp Theo số lượng tầng cánh: Monoplane: một tầng cánh Biplane: hai tầng cánh Theo vị trí bánh lái: Kiểu cổ điển: bánh lái ở đuôi Không đuôi Loại con vịt: Bánh lái đằng trước Theo thể loại và kích thước thân máy bay: Thân rộng / thân hẹp: đối với loại 1 thân Hai thân Khung bay: không có thân chỉ có cánh và khung Theo tốc độ bay Dưới âm thanh Siêu thanh Theo chế độ hạ cánh Hạ cánh sân bay Hạ cánh tàu sân bay: đậu trên tàu sân bay của hải quân Thủy phi cơ: hạ cánh, cất cánh trên mặt nước Theo cơ chế tạo lực đẩy Cánh quạt: lực đẩy ngang nhờ cánh quạt Phản lực: lực đẩy ngang nhờ động cơ phản lực Phản lực – cánh quạt: lực đẩy ngang nhờ động cơ "PropJet"
Tàu bay là một loại thủy phi cơ đặc biệt được thiết kế để có thể cất và hạ cánh trên mặt nước, dùng thân chính của phi cơ để nổi trên mặt nước. Phi cơ như thế đôi khi được giữ thăng bằng trên mặt nước bằng các trái nổi ở dưới hai bên cánh hoặc những vật thể nổi giống như cánh gắn vào thân phi cơ. Phi cơ loại này sử dụng thân của chính mình để tạo lực nổi chính và vì thế như tên gọi của nó, tàu bay khác biệt với một loại thủy phi cơ khác, phi cơ đáp trên mặt nước (floatplane). Loại phi cơ này sử dụng một hoặc nhiều trái nổi gắn dưới thân hoặc cánh để giữ thân của nó không chạm mặt nước. Có nhiều tàu bay là trong số các phi cơ lớn nhất vào nữa đầu thế kỷ 20. Khả năng của chúng đáp trên mặt nước cho phép chúng tự do không bị hạn chế vì thiếu phi đạo lớn trên mặt đất, và cũng giúp chúng trở nên quan trọng trong việc tuần tra biển và cấp cứu trên biển. Chính vì khả năng đó mà chúng đã được sử dụng nhiều trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, việc sử dụng chúng càng trở nên ít dần. Nhiều vai trò khi trước của chúng bị các loại phi cơ mặt đất vượt qua. Trong thế kỷ 21, các tàu bay vẫn còn một chút thực dụng thích hợp, ví dụ như được dùng để đổ nước dập tắt các đám cháy rừng và vận tải hàng không quanh các quần đảo. Hình ảnh
Phần mềm có thể được dùng với một trong các nghĩa sau: Phần mềm máy tính. Phần mềm trên cơ thể sinh vật (phân biệt với xương hay các phần cứng khác).
Nguyễn Văn Cừ (9 tháng 7 năm 1912 - 28 tháng 8 năm 1941) là Tổng Bí thư thứ tư của Đảng Cộng sản Đông Dương từ năm 1938 đến năm 1940. Tiểu sử Nguyễn Văn Cừ sinh trong một gia đình Nho giáo, quê ở xã Phù Khê, tổng Nghĩa Lập, huyện Đông Ngạn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay là phường Phù Khê, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Cụ tổ 17 đời của ông là Nguyễn Trãi. Năm 1927, ông tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Tháng 6 năm 1929, Nguyễn Văn Cừ được kết nạp vào chi bộ Đông Dương Cộng sản đảng đầu tiên ở Hà Nội. Năm 1930, được cử làm Bí thư đặc khu Hồng Gai – Uông Bí. Sau bị Pháp bắt, kết án khổ sai, đày đi Côn Đảo. Năm 1936, ông được trả tự do, về hoạt động bí mật ở Hà Nội. Nguyên Văn Cừ đã tập trung vào công tác khôi phục cơ sở Đảng khôi phục và đẩy mạnh phong trào đấu tranh của nhân dân và đã thành công trong việc lập lại Xứ ủy Bắc kỳ và trở thành ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ (tháng 3 năm 1937). Tháng 9 năm 1937, Nguyễn Văn Cừ được cử vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ở hội nghị Hóc Môn (Gia Định). Năm 1938, ông được bầu làm Tổng Bí thư khi mới 26 tuổi. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 3 năm 1938, Nguyễn Văn Cừ đã cùng Trung ương Đảng xây dựng Nghị quyết "kiểm điểm các công tác, vạch ra nhiệm vụ của Đảng trong thời kỳ mới, xác định vấn đề lập Mặt trận dân chủ thống nhất là một nhiệm vụ trung tâm của Đảng trong giai đoạn hiện tại". Ngay sau Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, ông đã xúc tiến ngay việc thành lập Mặt trận dân chủ Đông Dương. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông, Nghị quyết Hội nghị của Ban Chấp hành trung ương (tháng 11 năm 1939) đã quyết định những vấn đề quan trọng trong chuyển hướng chiến lược cách mạng. Đảng chủ trương tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất và đề ra khẩu hiệu tịch thu ruộng đất của đế quốc và địa chủ phản bội quyền lợi dân tộc, chống tô cao, chống nặng lãi và tạm gác khẩu hiệu lập chính quyền xô viết công nông binh, thay bằng thành lập chính quyền cộng hòa dân chủ, thành lập Mặt trận Nhân dân Phản đế Đông Dương. Ngày 17 tháng 1 năm 1940, Nguyễn Văn Cừ và Lê Duẩn, Vũ Văn Hiếu (có tài liệu ghi tên đồng chí là “Nguyễn Văn Hiếu”) bị bắt ở Sài Gòn với nhiều tài liệu quan trọng và bị tòa tiểu hình Sài Gòn kết án tù. Sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ 1940, ông bị thực dân Pháp ghép vào tội đã thảo ra "Nghị quyết thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương", "chủ trương bạo động" và là "người có trách nhiệm tinh thần trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ" và kết án tử hình. Ngày 28 tháng 8 năm 1941, Nguyễn Văn Cừ bị bắn cùng lúc với một số đảng viên cộng sản khác như Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu... tại Ngã ba Giồng. Tác phẩm Các quyền tự do dân chủ với nhân dân Đông Dương, bút danh Trí Thành, Tan -Van -Hoa Tong-Tho, Sài Gòn, 1938 Tự chỉ trích, bút danh Trí Cường, Tập sách Dân chúng xuất bản, Sài Gòn tháng 7 năm 1939, sau in trong Văn kiện Đảng toàn tập v.v Viết về Nguyễn Văn Cừ Lê Duẩn: "Về tuổi đời anh Cừ kém chúng tôi và các anh Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập từ 5 đến 10 tuổi nhưng anh là một trí tuệ lỗi lạc của Đảng, rất sắc sảo và nhạy bén về chính trị lại có khả năng đoàn kết và thuyết phục anh em". Võ Nguyên Giáp: "...Thật tự hào cho Đảng ta đã có một đồng chí Tổng Bí thư rất trẻ mà đã có tài năng lãnh đạo xuất sắc - đồng chí Nguyễn Văn Cừ". Hoàng Quốc Việt: "Nhớ ngày nào còn về Tam Sơn gặp Nguyễn Văn Cừ, rồi ngày ở Côn Đảo, mắt le lé nhìn, miệng hơi nhô ra tranh luận,... một trí tuệ siêu việt của Đảng đã mất rồi". Vinh danh Tên của Nguyễn Văn Cừ được đặt cho các đường phố ở thành phố Hà Nội (đoạn Quốc lộ 5 nối cầu Chương Dương với Ngô Gia Tự), Thành phố Hồ Chí Minh (từ ngã sáu Cộng Hòa nối với Dương Bá Trạc), thành phố Đà Nẵng (từ đèo Hải Vân đến cầu Nam Ô), Đồng Hới (từ Cầu Vượt Thuận Lý tới Lê Lợi), Vũng Tàu (cắt đường Nguyễn An Ninh), Vinh, Cần Thơ, Hạ Long (từ Kênh Liêm đến Cầu Trắng - Vũ Văn Hiếu), Móng Cái (từ trường THPT Trần Phú đến phố Lý Công Uẩn), Tuy Hòa (nối đường Hùng Vương với đường Độc Lập), Rạch Giá, Phú Quốc, Bắc Ninh (khu vực xã Phù Khê), Pleiku (Nối P. Ia Kring,Pleiku Với Xã Ia Đêr,Huyện Ia Grai),Nhơn Trạch, Đồng Nai (Nối đường Trần Phú với Hùng Vương)..., Nguyễn Văn Cừ còn là tên của nhiều trường trung học, trường đào tạo cán bộ (ví dụ như trường đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ tại Thành phố Hạ Long, Quảng Ninh, vùng đất nơi ông trưởng thành) và một số phường (ví dụ như phường Nguyễn Văn Cừ ở Quy Nhơn). Khu di tích lưu niệm Nguyễn Văn Cừ được xây dựng tại quê hương ông tại thôn Phù Khê Thượng, phường Phù Khê, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.(ko rõ về quá trình hình thành) Tại xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội có một ngôi trường Trung học phổ thông mang tên Nguyễn Văn Cừ, đây là ngôi trường rộng thứ 3 thành phố Hà Nội và ở giữa khuôn viên trường có một bức tượng của ông. Tại phường Mạo Khê, thị xã ĐôngTriều, tỉnh Quảng Ninh có 1 ngôi trường tiểu học của con em thợ mỏ đã được mang tên Nguyễn Văn Cừ. Trong khuôn viên nhà trường đã đặt tượng bán thân bằng đồng của ông. Cùng với đó, 1 tuyến đường đẹp từ chùa Non Đông (Tường Quang tự) xuống đến Công ty xi măng Hoàng Thạch được mang tên ông Tại Công viên Mỏ than Mạo Khê có đặt tượng Nguyễn Văn Cừ. “Tuổi trẻ Nguyễn Văn Cừ” là vở chèo của tác giả Đào Thiện đã được dàn dựng và biểu diễn rất thành công những năm 1970, 1980. Chú thích Nhà cách mạng Việt Nam Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Học sinh trường Bưởi Người Bắc Ninh Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa I Người cộng sản Việt Nam Người bị xử tử hình
Danh sách dưới đây liệt kê một số nhà thiên văn học nổi tiếng, sắp xếp theo năm sinh. Aristarchus (vào khoảng 310-230 TCN) Hipparchus (vào khoảng 190-120 TCN) Claudius Ptolemaeus (vào khoảng 85-165 TCN) Al Battani (vào khoảng 850-923) Nicolaus Copernicus (1473-1543) Tycho Brahe (1546-1601) Galileo Galilei (1564-1642) Johannes Kepler (1571-1630) Giovanni Domenico Cassini (1625-1712) Christiaan Huygens (1629-1695) Isaac Newton (1643-1727) Edmond Halley (1656-1742) Joseph-Louis Lagrange (1736-1813) William Herschel (1738-1822) Anders Ångström (1814-1874) Percival Lowell (1855-1916) Williamina Paton Stevens Fleming (1857-1911) Henrietta Swan Leavitt (1868-1921) Ejnar Hertzsprung (1873-1967) Albert Einstein (1879-1955) Niels Bohr (1885-1962) Edwin Powell Hubble (1889-1953) George Gamow (1904-1968) Gerard Kuiper (1905-1973) Clyde W. Tombaugh (1906-1997) Hans Bethe (1906-2005) Subrahmanyan Chandrasekhar (1910-1995) Fred Hoyle (1915-2001) Eugene Merle Shoemaker (1928-1997) Roger Penrose (1931-) Carl Sagan (1934-1996) Stephen Hawking (1942-2018) Danh sách các nhà thiên văn học và một số nhà vật lý học có ảnh hưởng trực tiếp đến thiên văn học, sắp xếp theo bảng chữ cái tiếng Anh A Aryabhata (476-550), nhà thiên văn học người Ấn Độ Marc Aaronson (1950-1987), nhà thiên văn học người Mỹ Ernst Abbe (1840-1905), nhà vật lý và thiên văn học người Đức Charles Greeley Abbot (1872-1973), nhà vật lý thiên văn người Mỹ Hiroshi Abe (1958-) nhà thiên văn học người Nhật Bản George Ogden Abell (1927-1983), nhà thiên văn học người Mỹ Antonio Abetti (1846-1928), nhà thiên văn học người Ý Giorgio Abetti (1882-1982), nhà thiên văn học người Ý Charles Hitchcock Adams (1868-1951), nhà thiên văn học người Mỹ John Couch Adams (1819-1892), nhà thiên văn và toán học người Anh Walter Sydney Adams (1876-1956), nhà thiên văn học người Mỹ Saul Adelman (1944-), nhà thiên văn học người Mỹ Petrus Alphonsi (1062-1110), nhà thiên văn học người Tây Ban Nha gốc Do Thái Agrippa (?-92), nhà thiên văn học người Hy Lạp Paul Oswald Ahnert (1897-1989), nhà thiên văn học người Đức Eva Ahnert-Rohlfs (1912-1954), nhà thiên văn học người Đức George Biddell Airy (1801-1892), nhà thiên văn và vật lý học người Anh Robert Grant Aitken (1864-1951), nhà thiên văn học người Mỹ Peter Krištof Akai (1706-1766), nhà thiên văn học người Slovakia Makio Akiyama (1950-), nhà thiên văn học người Nhật Bản Zinaida Nikolajevna Aksentievová (1900-1969), nhà thiên văn học người Ukraina Jozef Alauda (1610-1664), nhà thiên văn học người Slovakia Albategnius (xem al-Battání) Vladimir Aleksandrovich Albitzky (1891-1952), nhà thiên văn học người Nga Albumasar (787-886), nhà chiêm tinh và thiên văn học người Ba Tư gốc Balkh George Alcock (1913-2000), nhà thiên văn học người Anh Harold Alden (1890-1964), nhà thiên văn học người Mỹ Alfons X (1221-1284), nhà thiên văn học người Tây Ban Nha (nhà vua Castilie) Hannes Alfvén (1908-1995), nhà vật lý plasma và vật lý thiên văn học người Thụy Điển , Giải thưởng Nobel về vật lý Lawrence Hugh Aller (1913-2003), nhà thiên văn học người Mỹ Abd al-Rahman al-Sufi (903-986), nhà thiên văn học người Ba Tư Vladimir Alexandrovic Aľbickij (1891-1952), nhà thiên văn học người Nga Viktor Amazaspovich Ambartsumian (1912-1996), nhà vật lý thiên văn người Armenia, John August Anderson (1876-1959), nhà thiên văn học người Mỹ Wilhelm Anderson (1880-1940), nhà thiên văn học người Estonia Marie Henri Andoyer (1862-1929), nhà thiên văn học người Pháp Andronicus xứ Cyrrhus (vào khoảng 100 TCN), nhà thiên văn học người Hy Lạp Anders Jonas Ångström (1814-1874), nhà vật lý và thiên văn học người Thụy Điển Milan Antal (1935-1999), nhà thiên văn học người Slovakia Eugène Michel Antoniadi (1810-1944), nhà thiên văn học người Hy Lạp-Pháp - Masakatsu Aoki (1957-), nhà thiên văn học người Nhật Bản Petrus Apianus (1495-1552), nhà thiên văn học người Đức François Arago (1786-1835), nhà toán học, vật lý và thiên văn học người Pháp Masaru Arai (1952-), nhà thiên văn học người Nhật Bản Hiroshi Araki (?-?), nhà thiên văn học người Nhật Bản Sylvain Arend (1902-1992), nhà thiên văn học người Bỉ Friedrich Wilhelm Argelander (1799-1875), nhà thiên văn học người Đức Aristarchos (320-250 TCN), nhà thiên văn học người Hy Lạp Christoph Arnold (1650-1695), nhà thiên văn học người Đức Halton Christian Arp (1927-2013), nhà thiên văn học người Mỹ Svante Arrhenius (1859-1927), nhà khoa học và thiên văn học người Thụy Điển , Giải thưởng Nobel về hóa học Arzachel (1028-1087), nhà thiên văn học người Ả Rập Asada Goryu (1734-1799), nhà thiên văn học người Nhật Bản Atsuo Asami (?-?), nhà thiên văn học người Nhật Bản Giuseppe Asclepi (1706-1776), nhà thiên văn học và bác sĩ người Ý Joseph Ashbrook (1918-1980), nhà thiên văn học người Mỹ Igor Stanislavovic Astapovic (1908-1976), nhà thiên văn học người Nga Arthur Auwers (1838-1915), nhà thiên văn học người Đức Adrien Auzout (1622-1691), nhà thiên văn học người Pháp David Axon (1951-2012), nhà thiên văn học người Anh B Walter Baade (1893-1960), nhà thiên văn học người Đức Pulat Babadžanovic Babadžanov (1930-), nhà thiên văn học người Tajikistan Harold D. Babcock (1882-1968), nhà thiên văn học người Mỹ Horace W. Babcock (1912-2003), nhà thiên văn học người Mỹ Oskar Backlund (1846-1916), nhà thiên văn học người Nga gốc Thụy Điển John N. Bahcall (1934-2005), nhà thiên văn học người Mỹ Benjamin Baillaud (1848-1934), nhà thiên văn học người Pháp Jules Baillaud (1876-1960), nhà thiên văn học người Pháp René Baillaud (1885-1977), nhà thiên văn học người Pháp Jean Sylvain Bailly (1736-1793), nhà toán học và thiên văn học người Pháp Francis Baily (1774-1844), nhà thiên văn học người Anh John Bainbridge (1582-1643),nhà toán học và nhà thiên văn học người Anh John E. Baldwin (1931-2010), nhà thiên văn học người Anh Sallie Baliunas (1953-), nhà vật lý thiên văn người Mỹ Zoltán Balog (1972-), nhà thiên văn học người Hungary Tadeusz Banachiewicz (1882-1954), nhà thiên văn học người Ba Lan Benjamin Banneker (1731-1806), nhà thiên văn học người Mỹ gốc Phi Yoshiaki Banno (1952-1991), nhà thiên văn học người Nhật Nikolai Barabashov (1894-1971), nhà thiên văn học người Ukraina Pietro Baracchi (1851-1926), nhà thiên văn học người Úc gốc Ý Vladimir Andrejevic Baranov (1872-1942), nhà thiên văn học người Nga Beatriz Barbuy (1950-), nhà vật lý thiên văn người Brasil Juraj Bardy (1919-2011), nhà thiên văn học người Slovakia Edward Emerson Barnard (1857-1923), nhà thiên văn học người Mỹ Julius Bauschinger (1860-1934), nhà thiên văn học người Đức al-Battání (~850-929), nhà thiên văn học người Ả Rập Johann Bayer (1572-1625), nhà thiên văn học người Đức Carlyle Smith Beals (1899-1979), nhà thiên văn học người Canada Antonín Bečvář (1901-1965), nhà thiên văn học người Séc Wilhelm Beer (1797-1850), nhà thiên văn học người Phổ Milan Bélik (1929-), nhà thiên văn học người Slovakia Aristarkh Belopolsky (1854-1934), nhà thiên văn học và vật lý thiên văn người Nga Sergei Ivanovich Belyavsky (1883-1953), nhà thiên văn học người Nga Charles L. Bennett (1956-), nhà vật lý thiên văn người Mỹ Friedrich Wilhelm Bessel (1784-1846), nhà thiên văn học và trắc địa học người Đức Somnath Bharadwaj (1964-), nhà vật lý lý thuyết người Ấn Độ Bhaskara I (khoảng 600-680), nhà thiên văn học người Ấn Độ Bhaskara II (1114-1185), nhà thiên văn học người Ấn Độ Wolf Bickel (1942-), nhà thiên văn học người Đức Wilhelm Freiherr von Biela (1782-1856), nhà thiên văn học người Đức - Áo Ludwig Biermann (1907-1986), nhà thiên văn học người Đức George Van Biesbroeck (1880-1974), nhà thiên văn học người Mỹ gốc Bỉ Guillaume Bigourdan(1851-1932), nhà thiên văn học người Pháp James Binney (1950-), nhà vật lý thiên văn người Anh Jean Baptiste Biot (1774-1862), nhà vật lý và thiên văn học người Pháp Al-Biruni (973-1048), nhà toán học và thiên văn học người Ba Tư Gennady S. Bisnovatyi-Kogan (941-), nhà thiên văn học người Nga Adriaan Blaauw(1914-2010), nhà thiên văn học người Hà Lan Patrick Blackett (1897-1974), nhà vật lý học thực nghiệm và thiên văn học người Anh , Giải thưởng Nobel về vật lý Sergey Blazhko (1870-1956), nhà thiên văn học người Nga Nathaniel Bliss (1700-1764), nhà thiên văn học người Anh Záviš Bochnícek (1920-2002), nhà thiên văn học người Séc Johann Elert Bode (1747-1826), nhà thiên văn học người Đức Alexander Bogorodskij (1907-1984), nhà thiên văn học người Nga Bart Bok (1906-1983), nhà thiên văn học người Mỹ gốc Hà Lan Charles Thomas Bolton (1943-), nhà thiên văn học người Mỹ John Gatenby Bolton (1922-1993), nhà thiên văn học người Úc gốc Anh William Cranch Bond (1789-1859), nhà thiên văn học người Mỹ George Phillips Bond (1825-1865), nhà thiên văn học người Mỹ Hermann Bondi (1919-2005), nhà thiên văn học người Anh - Áo Nikola Ivanov Bonev (1898-1979), nhà thiên văn học người Bulgaria Jiří Borovicka (1964), nhà thiên văn học người Séc Alphonse Borrelly (1842-1926), nhà thiên văn học người Pháp Willem Hendrik van den Bos (1896-1974), nhà thiên văn học người Hà Lan Rudjer Boscovich (1711-1787), nhà thiên văn học người Dalmatia Benjamin Boss (1880-1970), nhà thiên văn học người Mỹ Lewis Boss (1846-1912), nhà thiên văn học người Mỹ Ismaël Boulliau (1605-1694), nhà thiên văn học người Pháp Alexis Bouvard (1767-1843), nhà thiên văn học người Pháp Rychard Bouwens (1972-), nhà thiên văn học người Mỹ Edward L. G. Bowell (1943), nhà thiên văn học người Mỹ Ira Sprague Bowen (1898-1973), nhà vật lý học và thiên văn học người Mỹ Louis Boyer (1901-1999), nhà thiên văn học người Pháp Brian J. Boyle (1960-), nhà vật lý thiên văn người Scotland Ronald N. Bracewell (1921-2007), nhà thiên văn học người Úc James Bradley (1693-1762), nhà thiên văn học người Anh William A. Bradfield (1927-2014), nhà thiên văn người Úc gốc New Zealand Tycho Brahe (1546-1601), nhà thiên văn học người Đan Mạch Brahmagupta (598-668), nhà thiên văn học người Ấn Độ John Brashear (1840-1920), nhà thiên văn học người Mỹ Semion Jakovlevic Braude (1911-2003), nhà vật lý vô tuyến học và thiên văn vô tuyến học người Nga gốc Do Thái Ukraina Fiodor Alexandrovic Bredichin (1831-1904), nhà thiên văn vô tuyến học người Nga William Robert Brooks (1844-1921), nhà thiên văn học người Mỹ Dirk Brouwer (1844-1921), nhà thiên văn học người Mỹ Ernest William Brown (1844-1921), nhà thiên văn học và toán học người Mỹ Michael E. Brown (1965-), nhà thiên văn học người Mỹ Hermann Alexander Brück (1905-2000), nhà thiên văn học người Đức Giordano Bruno (1548-1600), nhà triết học và thiên văn học người Ý Christian Leopold von Buch (1774-1853), nhà thiên văn học và địa chất học người Đức Emil Buchar (1901-1979), nhà thiên văn học và trắc địa học người Séc Juraj Buchholtz (1688-1737), nhà thiên văn học người Slovakia Ismael Bullialdus (1605-1694), nhà thiên văn học và toán học người Pháp Václav Bumba (1925), nhà thiên văn học người Séc Geoffrey Burbidge (1925), nhà thiên văn học người Anh Margaret Burbidge (1919-2020), nhà thiên văn học và vật lý thiên văn người Mỹ gốc Anh Joost Bürgi (1552-1632), nhà chế tạo đồng hồ, nhà toán học và thiên văn học người Thụy Sĩ Bruno Hans Bürgel (1875-1948), nhà thiên văn học người Đức Jocelyn Bell Burnell (1943-), nhà vật lý thiên văn và thiên văn học người Anh, Robert Burnham, Jr. (1931-1993), nhà thiên văn học người Mỹ Sherburne Wesley Burnham (1838-1921), nhà thiên văn học người Mỹ Schelte J. Bus (1956-), nhà thiên văn học người Mỹ Bimla Buti (1933-), nhà thiên văn học người Ấn Độ Martin Bylica (1434-1493), nhà chiêm tinh và thiên văn học người Ba Lan C Cello Calcagnini (1479-1541), nhà thiên văn học Ý Charles Camichel (1871-1966), nhà thiên văn học Pháp William Wallace Campbell (1871-1966), nhà thiên văn học Hoa Kỳ Annie Jump Cannonová (1863-1941), nhà thiên văn học Hoa Kỳ Girolamo Cardano (1501-1576), nhà toán học, nhà vật lý học và thiên văn học Ý Jacques Cassini (1677-1756), nhà thiên văn học Pháp Giovanni Domenico Cassini (1625-1712), nhà thiên văn học, kỹ sư Pháp - Ý Anders Celsius (1701-1744), nhà thiên văn học Thụy Điển và nhà vật lý học Zdeněk Ceplecha (1929), nhà thiên văn học Séc Lýdia Ceraskaja (1855-1931), nhà thiên văn học Nga Vitoľd Karlovic Ceraskij (1855-1931), nhà thiên văn học Nga Vladimir Platonovic Cesevic (1907-1983), nhà thiên văn học Nga Subrahmanyan Chandrasekhar (1910-1995), nhà vật lý thiên văn và nhà toán học gốc Ấn Độ Auguste Honoré Charlois (1864-1910), nhà thiên văn học Pháp Muhammad al-Chorezmí, nhà toán học và nhà thiên văn học Per Xích Nikolaj Jakovlevic Cinger (1842-1918), nhà thiên văn học và trắc địa học Nga Alexis Claude Clairaut (1713-1765), nhà toán học và thiên văn học lý thuyết Pháp Alvan Clark (1804-1887), nhà thiên văn học Hoa Kỳ George Bassett Clark (1827-1891), nhà thiên văn học Hoa Kỳ Christoph Clavius (1537-1612), nhà thiên văn học Ý Gérard Clemence (1908-1974), nhà thiên văn học Hoa Kỳ James Cook (1728-1779), nhà thiên văn học và nhà thám hiểm biển Anh Nicolaus Copernicus (1473-1543), nhà thiên văn học gốc Ba Lan Heber Doust Curtis (1872-1942), nhà thiên văn học Hoa Kỳ Johann Baptist Cysat (1589-1657), nhà thiên văn học Thụy Sĩ Gleb Alexandrovic Čebotarev (1913-1975), nhà thiên văn học Nga Nikolaj Stepanovic Černych (1931-2004), nhà thiên văn học Nga Ľudmila Ivanovna Černychová (1935), nhà thiên văn học Nga Sergej Danilovic Čornyj (1874-1956), nhà thiên văn học Nga D Đặng Lộ (?-?), Nhà thiên văn học Việt Nam Jean Le Rond d'Alembert (1717-1783), nhà triết học, nhà toán học, nhà vật lý học và nhà thiên văn học Pháp Heinrich Louis d'Arrest (1822-1875), nhà thiên văn học Đức Lucien d'Azambuja (1884-1970), nhà thiên văn học Pháp André Louis Danjon (1890-1967), nhà thiên văn học Pháp George Howard Darwin (1845-1912), nhà thiên văn học Anh Alexandr Nikolajevic Dejc (1899-1986), nhà thiên văn học Nga Jean Baptiste Joseph Delambre (1749-1822), nhà thiên văn học, nhà toán học và nhà trắc địa học Pháp Charles Eugène Delaunay (1816-1872), nhà thiên văn học và nhà toán học Pháp Eugène Joseph Delporte (1882-1955), nhà thiên văn học Bỉ Joseph Nicolas Delisle (1688-1768), nhà thiên văn học, nhà địa chất học Pháp Vasilij Karlovic Dellen (1820-1897), nhà thiên văn học Nga Henri Alexandre Deslandres (1853-1948), nhà thiên văn học Pháp László Detre (1906-1974), nhà thiên văn học Hungary Armin Joseph Deutsch (1918-1969), nhà thiên văn học Hoa Kỳ Robert Henry Dicke (1916-1997), astronhà vật lý học Karol Dierenberger (1731-?), nhà thiên văn học Slovakia Herbert Dingle (1890-1978), nhà thiên văn học Anh Thomas Digges (1546-1585), nhà thiên văn học Anh Arnošt Dittrich (1878-1959), nhà thiên văn học Séc Oleg Vasilievic Dobrovoľskij (1914-1971), nhà thiên văn học Nga František Dojcák (1913-1989), nhà thiên văn học Slovakia Ausset Dolfus (1797-1870), nhà thiên văn học Pháp Viktor A. Dombrovskij (1913-1972), nhà thiên văn học Nga Giovanni Battista Donati (1826-1873), nhà thiên văn học Ý Frank D. Drake (1930), nhà thiên văn học Hoa Kỳ Henry Draper (1837-1882), nhà thiên văn học Hoa Kỳ Johann Ludwig Emil Dreyer (1852-1926), nhà thiên văn học Đan Mạch Lukáš Drozd (1910), nhà thiên văn học Slovakia Dmitrij Ivanovic Dubjago (1849-1918), nhà thiên văn học Nga Alexandr Dmitrijevic Dubjago (1903-1959), nhà thiên văn học Nga Georgij Nikolajevic Dubošin (1904-1986), nhà thiên văn học Nga Raymond Smith Dugan (1878-1940), nhà thiên văn học Hoa Kỳ Alexander Duchoň (1884-1964), nhà thiên văn học Slovakia Frank Watson Dyson (1868-1939), nhà thiên văn học Anh E Albert Einstein (1879-1955), nhà vật lý học Hoa Kỳ gốc Đức, Giải thưởng Nobel về vật lý Eudemos (thể kỷ thứ 4-3 trước Công Nguyên), nhà triết học, nhà toán học và nhà thiên văn học Hy Lạp cổ đại Eratostenes (thể kỷ thứ 3 trước Công Nguyên), nhà toán học, nhà địa lý học, lịch sử học, thiên văn học, triết học và nhà thơ Hy Lạp cổ đại. F John Flamsteed (1646-1719), nhà thiên văn học Anh Daniel Fröhlich (1595-1648), nhà toán học, nhà thiên văn học và nhà địa lý học Slovakia G Galileo Galilei (1564-1642), nhà triết học, nhà vật lý học, nhà thiên văn học và nhà toán học Ý Johann Gottfried Galle (1812-1910), nhà thiên văn học Đức Carl Friedrich Gauss (1777-1855), nhà toán học, nhà vật lý học và nhà thiên văn học Đức Henry Lee Giclas (1910), nhà thiên văn học Hoa Kỳ Jiří Grygar (1936), nhà thiên văn học Séc Vladimír Guth (1905-1980), nhà thiên văn học Séc H Anton Hajduk (1933-2005), nhà thiên văn học Slovakia Tadeáš Hájek (1525-1600), nhà thiên văn học Séc Edmund Halley (1656-1742), nhà toán học, nhà vật lý học và nhà thiên văn học Anh William Rowan Hamilton (1805-1565), nhà thiên văn học Ireland Stephen William Hawking (1942-) nhà vật lý học Anh Maximilián Hell (1720-1792), nhà thiên văn học, nhà toán học và nhà vật lý học Slovakia , Ejnar Hertzsprung (1873-1967), nhà thiên văn học và nhà hóa học Đan Mạch William Herschel (1738-1822), nhà thiên văn học Anh gốc Đức Johannes Hevelius (1611-1687), nhà thiên văn học Ba Lan Cornelis Johannes van Houten (1920-2002), nhà thiên văn học Hà Lan Ingrid van Houten-Groeneveldová, nhà thiên văn học Hà Lan Edwin Powell Hubble (1889-1953), nhà thiên văn học Hoa Kỳ Russell Alan Hulse (1950), nhà thiên văn học vô tuyến Hoa Kỳ Christiaan Huygens (1629-1695), nhà vật lý học, nhà toán học và nhà thiên văn học Hà Lan j Jane Lưu (1963), Nhà thiên văn học Việt Nam K Johannes Kepler (1571-1630), nhà thiên văn học, nhà vật lý học, nhà quang học và nhà toán học Đức Josip Kleczek (1923), nhà thiên văn học Séc Daniel Matej Kmeth (1783-1825), nhà thiên văn học Slovakia Mikuláš Konkoly-Thege (1842-1916), nhà vật lý học và nhà thiên văn học Slovakia Mikuláš Kopernik (1473-1543), nhà thiên văn học, nhà triết học và nhà nhân văn học Ba Lan Ľubor Kresák (1927-1994), nhà thiên văn học Slovakia Křišťan z Prachatic (trước 1370–1439), nhà thiên văn học Séc Gerard Peter Kuiper (1905-1973), nhà thiên văn học Hoa Kỳ -Hà Lan L Philippe van Lansberge (1561-1632), nhà thiên văn học Hà Lan Nicolas Louis de Lacaille (1713-1762), nhà thiên văn học Pháp Jérôme Lalande (1732-1807), nhà toán học và nhà thiên văn học Pháp Johann Heinrich Lambert (1728-1777), nhà triết học, nhà vật lý học, nhà thiên văn học, nhà toán học và nhà bản đồ học Pierre Simone de Laplace (1749-1827), nhà toán học, nhà vật lý học, nhà thiên văn học và chính trị gia Pháp Francis Preserved Leavenworth (1858-1928), nhà thiên văn học Hoa Kỳ Bertil Lindblad (1895-1965), nhà thiên văn học Thụy Điển Bernard Ferdinand Lyot (1897-1952), nhà thiên văn học Pháp M Simon Marius (1573-1624), nhà thiên văn học Đức Albert Marth (1828-1897), nhà thiên văn học Đức Julius Firmicus Maternus (thế kỷ thứ 4), nhà thiên văn học Roma Pierre Méchain (1744-1804), nhà thiên văn học Pháp Charles Messier (1730-1817), nhà thiên văn học Pháp Mikuláš z Oresme (trước 1330-1382), nhà triết học, chính trị gia, nhà luân lý học, nhà kinh tế học, nhà thiên văn học Pháp August Ferdinand Möbius (1790-1868), nhà toán học và nhà thiên văn học lý thuyết N Isaac Newton (1643-1727), nhà vật lý học và toán học Anh Nguyễn Hữu Thận (1757-1831), Nhà thiên văn học Việt Nam P Ľudmila Pajdušáková (1916-1979), nhà thiên văn học Slovakia Johann Palisa (1848-1925), nhà thiên văn học Áo- Séc André Patry (1902-1960), nhà thiên văn học Pháp Vladimír Porubcan (1940), nhà thiên văn học Slovakia Oldřich Prefát z Vlkanova (1523-1565), nhà thiên văn học Séc Claudius Ptolemaeus (vào khoảng 85-165 TCN), nhà địa lý học, nhà thiên văn học và nhà chiêm tinh học Hy Lạp cổ đại Pytagoras (khoảng 580 - khoảng 572 đến 496 trước Công Nguyên), nhà triết học, nhà toán học, nhà thiên văn học, nhà âm học Hy Lạp cổ đại R Regiomontanus (1436-1476), nhà toán học, nhà thiên văn học và nhà chiêm tinh học Đức Georg Rhaeticus (1514-1574), nhà thiên văn học Áo Henry Norris Russell (1877-1957), nhà thiên văn học Hoa Kỳ S Carl Sagan (1934-1996), nhà thiên văn học Hoa Kỳ Carolyn Jean Spellman Shoemakerová (1929), nhà thiên văn học Hoa Kỳ Eugene Merle Shoemaker (1928-1997), nhà thiên văn học Hoa Kỳ Pavel Spurný (1958), nhà thiên văn học Séc Joseph Stepling (1716-1778), nhà thiên văn học Séc Ján Šajnovic (1733-1785), nhà thiên văn học, ngôn ngữ học Hungary Lenka Šarounová (1973), nhà thiên văn học Séc Milan Rastislav Štefánik (1880-1919), nhà thiên văn học, chính trị gia Slovakia Ján Štohl (1932-1993), nhà thiên văn học Slovakia T Táles (khoảng 624 – khoảng 546 trước Công Nguyên), nhà triết học, nhà toán học, nhà thiên văn học Hy Lạp cổ đại Trần Nguyên Đán (1325? 1326 - 1390), Nhà thiên văn học Việt Nam Trịnh Xuân Thuận (1948), Nhà thiên văn học Việt Nam Joseph Hooton Taylor (1941), nhà thiên văn học vô tuyến Hoa Kỳ Ernst Wilhelm Leberecht Tempel (1821-1889), nhà thiên văn học Đức Jana Tichá (1965), nhà thiên văn học Séc Miloš Tichý (1966), nhà thiên văn học Séc Clyde William Tombaugh (1906-1997), nhà thiên văn học Hoa Kỳ Robert Julius Trumpler (1886-1956), nhà thiên văn học Hoa Kỳ-Thụy Sĩ V George Van Biesbroeck (1880-1974), nhà thiên văn học Hoa Kỳ - Bỉ Urbain Le Verrier (1811-1877), nhà thiên văn học Pháp W František Weiss (1717-1785), nhà toán học và nhà thiên văn học Slovakia John Winthrop (1714-1779), nhà toán học và thiên văn học Aleksander Wolszczan (1946), nhà thiên văn học Ba Lan Max Wolf (1863-1932), nhà thiên văn học Đức Z Fritz Zwicky (1898-1974), nhà vật lý học và thiên văn học Thụy Sĩ, Hoa Kỳ Ľudmila Vasilievna Žuravľovová, nhà thiên văn học Ukraina
Mô là một tập hợp tế bào chuyên hóa (cùng chất gian bào),có cấu tạo giống nhau cùng nhau thực hiện một chức năng nào đó trong cơ thể người và động vật. Cơ thể người động vật là một hệ thống nhất, toàn vẹn, có thể chia thành nhiều mức độ tổ chức khác nhau, với mức độ lớn nhất là cơ thể rồi đến hệ thống cơ quan, cơ quan, mô, tế bào và phân tử. Định nghĩa Một tập hợp gồm các tế bào chuyên hóa, có cấu tạo giống nhau, đảm nhận chức năng nhất định gọi là mô. Ở một số loại mô còn có các yếu tố không có cấu trúc tế bào như huyết tương trong máu; calci, phosphor và chất cốt giao trong xương. Phân loại Trong cơ thể người và động vật gồm bốn loại mô chính: 1) Mô biểu bì: gồm các tế bào xếp sít nhau, xen kẽ là tế bào tuyến, chất gian bào rất ít hoặc không đáng kể, phủ ngoài cơ thể, lót trong các cơ quan rỗng như ống tiêu hóa, dạ con, bóng đái,... có chức năng bảo vệ, hấp thụ và bài tiết. - Gồm hai loại: Biểu bì bao phủ: Vị trí: phủ ngoài da lót trong các cơ quan rỗng: ruột, bóng đái, thực quản, khí quản, khoang miệng Cấu tạo: thường có 1 hay nhiều lớp tế bào có hình dáng giống nhau hay khác nhau Biểu bì tuyến: Vị trí: nằm trong cá tuyến của cơ thể Chức năng: tiết các chất cần thiết cho cơ thể (tuyến nước bọt, tuyến nội tiết,...) hay bài xuất ra khỏi cơ thể những chất không cần thiết (tuyến mồ hôi) 2) Mô liên kết: có ở tất cả các loại mô để liên kết các mô lại với nhau Có hai loại mô liên kết: Mô liên kết dinh dưỡng (máu và [bạch huyết] Mô liên kết cơ học (mô [sụn] và xương) Ngoài ra còn có mô liên kết dạng sợi vừa có chức năng [dinh dưỡng] vừa có chức năng cơ học. Chức năng: tạo ra bộ khung của cơ thể, neo giữ các cơ quan hoặc chức năng đệm. Gồm bốn loại mô chính: mô sợi, mô sụn, mô xương, mô mỡ. Vị trí: - mô sợi:nằm ở dây chằng - mô sụn:nằm ở sụn đầu xương - mô xương: nằm ở xương - mô mỡ: nằm ở mỡ - mô máu: nằm ở trong các mạch máu và tim Cấu tạo: chủ yếu là phi bào, các tế bào nằm rải rác Máu thuộc vào mô liên kết 3/ Mô cơ: gồm các tế bào có hình dạng kéo dài. Có ba loại mô cơ: Mô cơ trơn: có hình thoi, nhọn, có 1 nhân, tạo nên thành nội quan như dạ dày, ruột, mạch máu, bóng đái,... Mô cơ vân (cơ xương): tế bào có nhiều nhân, có vân ngang, bám vào xương. Mô cơ tim: tạo nên thành tim, tế bào cơ tim cũng có vân giống tế bào cơ vân, tế bào phân nhánh, có 1 nhân. Chức năng: co, dãn, tạo nên sự vận động của các cơ quan và cơ thể 4/ Mô thần kinh: gồm các tế bào thần kinh gọi là nơron và các tế bào thần kinh đệm có chức năng tiếp nhận kích thích, xử lý thông tin và điều khiển sự hoạt động các cơ quan và trả lời kích thích của môi trường. Vị trí: ở não, tủy sống, dây thần kinh, hạch thần kinh. Mô xốp: là mô cấu tạo nên bộ phận sinh dục nam giới,nở to khi có máu
Hy Lạp ( hay Ελλάς, chuyển tự Ellas), tên gọi chính thức là Cộng hòa Hy Lạp (), là một quốc gia có chủ quyền thuộc khu vực nam Âu. Hy Lạp nằm ở phía nam của bán đảo Balkan, giáp với Albania, Bắc Macedonia và Bulgaria về phía bắc, Thổ Nhĩ Kỳ và biển Aegea bao bọc phía đông và phía nam đất nước còn biển Ionia nằm ở phía tây. Phần lớn địa hình của Hy Lạp là núi non hiểm trở. Lãnh thổ Hy Lạp có rất nhiều những hòn đảo lớn nhỏ thuộc khu vực biển Địa Trung Hải. Dân số Hy Lạp năm 2015 được ước tính đạt xấp xỉ 11 triệu người. Hy Lạp là một trong những nền văn minh rực rỡ nhất của thời kỳ cổ đại, có ảnh hưởng sâu rộng đến các nền văn minh khác xung quanh khu vực Địa Trung Hải cũng như để lại nhiều di sản, thành tựu văn hóa, khoa học, nghệ thuật,... cho nhân loại tới tận ngày nay. Đây là nơi ra đời của nền dân chủ, triết học phương Tây, Thế vận hội Olympic cùng rất nhiều phát minh, sáng chế, nghiên cứu khoa học, nghệ thuật khác. Đến thời kỳ trung cổ, Hy Lạp trở thành một bộ phận của Đế chế Byzantine, rồi sau đó lại nằm trong Đế chế Ottoman trong gần 4 thế kỷ. Năm 1821, người Hy Lạp nổi dậy khởi nghĩa, đấu tranh giành độc lập. Đất nước Hy Lạp ngày nay là một quốc gia phát triển. Hy Lạp là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc, NATO, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Năm 1981, Hy Lạp trở thành một thành viên của Liên minh châu Âu (EU). Từ nguyên Tên "Hy Lạp" trong tiếng Việt bắt nguồn từ tiếng Trung. Trong tiếng Hy Lạp, nước này được gọi là Hellas (Ελλάς) hoặc Ellada (Ελλάδα) . Qua tiếng Trung, "Hellas" được phiên âm thành "希臘" (pinyin: Xīlà), đọc âm Hán Việt sẽ là "Hy Lạp".. Trong tiếng Anh, nước này được gọi là Greece, bắt nguồn từ danh xưng Graecia trong tiếng Latin có nghĩa là Vùng đất của tộc Graeci (, ; dạng số ít , ). Tộc này là một trong số các tộc Hy Lạp đầu tiên di cư đến miền Nam đất nước Ý ngày nay. Tộc danh này nhiều khả năng bắt nguồn từ căn tố Ấn-Âu nguyên thủy *ǵerh₂- "già đi". Lịch sử Thời kỳ tiền sử Vào Thời kỳ Đồ Đồng, tại Hy Lạp đã xuất hiện hai nền văn minh lớn là nền văn minh Minoan trên đảo Crete và nền văn minh Mycenae trên bán đảo Peloponnese thuộc miền nam Hy Lạp. Nền văn minh Minoan đạt đến đỉnh cao trên đảo Crete vào khoảng năm 2700 đến 1450 trước Công nguyên. Nền kinh tế của họ chủ yếu dựa trên sản xuất nông nghiệp và hoạt động ngoại thương với các quốc gia láng giềng. Người Minoan đã sản xuất ra nhiều loại đồ gốm chất lượng cao và xây dựng được nhiều đền đài tráng lệ. Dấu tích của những công trình vẫn còn tồn tại đến ngày nay trên đảo Crete, một trong số đó là quần thể cung điện tại Knossos. Đến khoảng năm 1600 trước Công nguyên, nền văn minh Mycenae trên bán đảo Peloponnese đã phát triển thịnh vượng và lấn át nền văn minh Minoan đang tan rã. Họ đã xây dựng được nhiều thành phố lớn giàu có và thiết lập các mối quan hệ ngoại thương với các quốc gia láng giềng. Thế nhưng đến khoảng năm 1200 TCN, trước sự đe dọa của ngoại xâm, các thành trì tại Mycenae đã bị bỏ phế, buôn bán với nước ngoài bị đình trệ. Nền văn minh Mycenae sụp đổ đã dẫn tới một thời kỳ khủng hoảng tại Hy Lạp kéo dài hơn 3 thế kỉ với tên gọi Kỷ nguyên Bóng tối. Hy Lạp cổ đại Khoảng thế kỷ VIII trước Công nguyên, Hy Lạp bắt đầu thoát ra khỏi Kỷ nguyên Bóng tối. Kinh tế, đặc biệt là ngoại thương được đẩy mạnh với các cơ sở thương mại được thành lập tại rất nhiều nơi. Dân số Hy Lạp tăng nhanh trong khi đất đai có hạn đã dẫn tới dòng người Hy Lạp di cư ra khắp các vùng tại Địa Trung Hải, đặc biệt là miền nam Ý và thành lập những thành phố mới độc lập với các thành phố quê hương của họ. Nền kinh tế phát triển đã khiến Hy Lạp trở nên rất giàu có. Đơn vị hành chính cơ bản ở Hy Lạp cổ đại là các thành bang. Thông thường giữa các thành bang hay xảy ra xung đột với nhau để tranh giành lãnh thổ, trong đó hai thành bang Athens và Sparta là có ảnh hưởng đặc biệt trong lịch sử của Hy Lạp. Thời kỳ đầu, các thành bang theo chế độ quân chủ. Nhưng về sau, đặc biệt là ở Athens, nền dân chủ đã được thành lập, dù Sparta vẫn còn giữ vững chế độ quân chủ trong suốt lịch sử tồn tại của họ. Tuy nhiên chế độ dân chủ ở Hy Lạp cổ rất khác so với ngày nay vì chỉ có những công dân nam giới mới được quyền bầu cử. Chế độ chiếm hữu nô lệ phát triển mạnh ở Hy Lạp cổ đại. Năm 490 trước Công nguyên, Hy Lạp đã đánh bại quân Ba Tư xâm lược tại trận Marathon nổi tiếng. Và đến năm 480, thủy binh Ba Tư lại phải chịu thất bại nặng nề trong trận thủy chiến Salamis. Những trận chiến này đã khẳng định sức mạnh quân sự hùng hậu của Hy Lạp. Dưới thời Vua Alexandros Đại đế của Vương quốc Macedonia, người Hy Lạp đã có những cuộc bành trướng rộng khắp sang Ai Cập, Ba Tư và Ấn Độ. Những cuộc chinh phục của ông đã dẫn tới sự định cư và thống trị của người Hy Lạp tại nhiều vùng đất xa xôi và làm ảnh hưởng văn hóa của Hy Lạp lan rộng hơn bao giờ hết. Thời kỳ này được gọi là Thời kỳ Hy Lạp hóa. Về sau, khi Đế chế La Mã thành lập và trở nên hùng mạnh, Hy Lạp đã trở thành một tỉnh của La Mã nhưng những ảnh hưởng văn hóa của Hy Lạp cổ đại vẫn được duy trì và phát triển. Văn hóa Hy Lạp có ảnh hưởng sâu rộng đến La Mã và nền văn minh phương Tây hiện đại. Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của văn học Hy Lạp cổ đại là thần thoại Hy Lạp, một tập hợp gồm nhiều truyền thuyết về các vị thần như Zeus, Hera, Athena, Apollo... Triết học Hy Lạp là nền móng của triết học phương Tây với các nhà triết học nổi tiếng như Thales, Platon, Aristote... Toán học và khoa học Hy Lạp đạt được khá nhiều thành tựu rực rỡ với các nhà khoa học bậc thầy như Pythagoras, Archimedes. Họ đã phát minh ra những định lý cơ sở cho toán học và khoa học hiện đại. Kiến trúc Hy Lạp cũng đạt được nhiều thành tựu to lớn với các công trình tiêu biểu như đền Parthenon, các khu di tích Olympia, Delphi với hàng loạt các đền đài, quảng trường, nhà hát, sân vận động khác. Hy Lạp cũng là nơi ra đời Thế vận hội (Olympic) đầu tiên vào năm 776 trước Công nguyên và được tổ chức 4 năm một lần, khởi nguồn của Thế vận hội Olympic hiện đại ngày nay. Hy Lạp thời Trung cổ Vào khoảng cuối thế kỷ III, Đế chế La Mã phân chia thành hai phần: phía tây và phía đông. Hy Lạp trở thành một phần của Đế chế Đông La Mã, sau này đổi tên thành Đế chế Byzantine. Đế chế Byzantine là một nhà nước trung cổ theo đạo Cơ đốc, trong đó tiếng Hy Lạp là ngôn ngữ chính thức. Thế kỷ XI và thế kỷ XII là thời kỳ hoàng kim của Đế chế Byzantine. Tuy nhiên sau đó, đế chế này đã dần dần bị suy yếu trước những cuộc tấn công của người Hồi giáo và cuối cùng sụp đổ vào năm 1453. Dưới sự cai trị tàn bạo của Đế chế Ottoman theo Hồi giáo, một bộ phận lớn trí thức người Hy Lạp đã nhập cư vào Tây Âu, đặc biệt là Ý. Họ đã góp phần rất lớn trong Phong trào Phục hưng tại châu Âu thời trung cổ. Một bộ phận khác thì rời bỏ bán đảo Hy Lạp và đến sống tại những vùng núi hoang vu hẻo lánh hay những hòn đảo trên biển Aegean, nơi mà Đế chế Ottoman không thể áp đặt hệ thống chính trị và tôn giáo của họ lên người Hy Lạp. Những cộng đồng người Hy Lạp được củng cố với nhau do cùng chung cơ sở tôn giáo là Chính thống giáo và tôn giáo đã đóng vai trò khá quan trọng trong cuộc chiến tranh giành độc lập cho Hy Lạp sau này. Nước Hy Lạp hiện đại thành lập Tháng 3 năm 1821, cuộc chiến tranh giành độc lập Hy Lạp chống lại Đế chế Ottoman bùng nổ mạnh mẽ. Cuộc chiến này kéo dài cho đến tận năm 1829, khi nền độc lập của nước Hy Lạp non trẻ chính thức được công nhận tại Nghị định thư Luân Đôn. Năm 1832, Đế chế Ottoman đã phải thừa nhận nền độc lập của Hy Lạp trong Hiệp ước Constantinople. Vào năm 1827, Ioannis Kapodistrias được chọn là người đứng đầu chính phủ cộng hòa tuy nhiên ngay sau đó, nền cộng hòa đã bị giải tán và thay thế bởi chế độ quân chủ. Vị vua đầu tiên là Othon của Hy Lạp, một người thuộc dòng họ Wittelsbach. Đến năm 1863, vua Othon bị phế truất và thay thế bởi hoàng tử Vilhelm của Đan Mạch, thuộc dòng họ Oldenburg. Vilhelm đã đăng quang danh hiệu vua Hy Lạp với tên gọi Georgios I của Hy Lạp và mang theo một món quà của nước Anh: ngày 29 tháng 3 năm 1864, chủ quyền của quần đảo Ionia đã được Anh chuyển giao cho Hy Lạp và đến ngày 28 tháng 5 năm 1864, quần đảo này đã được thống nhất với Hy Lạp. Sau khi giành được độc lập, nền kinh tế Hy Lạp đã phát triển nhanh chóng, những cải cách chính trị được thực hiện. Năm 1877, thủ tướng Charilaos Trikoupis đã cắt giảm bớt quyền lực của hoàng gia Hy Lạp. Năm 1896, Thế vận hội hiện đại đầu tiên đã được tổ chức tại thành phố Athens. Cuộc chiến tranh Balkan (1912-1913) đã dẫn tới việc các vùng Crete, Chios, Samos và miền nam Macedonia, trong đó có Thessaloniki được sáp nhập vào Hy Lạp. Năm 1913, vua Georgios I bị ám sát tại Thessaloniki và được thay thế bởi người con cả là vua Konstantinos I của Hy Lạp. Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, Hy Lạp đã tham gia vào phe Entente chống lại Đức và Áo. Điều này đã gây ra xung đột giữa nhà vua và thủ tướng Eleftherios Venizelos và cuối cùng dẫn đến việc vua Konstantinos I phải nhường ngôi cho con trai đồng thời gây ra sự chia rẽ về chính trị tại Hy Lạp. Tranh chấp lãnh thổ về khu vực Smyrna thuộc Tiếu Á cũng dẫn tới cuộc chiến tranh Hy Lạp - Thổ Nhĩ Kỳ (1919-1922) giữa người Hy Lạp và những người người cách mạng Thổ Nhĩ Kỳ. Cuối cùng, người Hy Lạp bại trận, Hiệp ước Lausanne được ký kết vào năm 1923 đã định ra đường biên giới ngày nay và định ra việc trao đổi dân cư giữa hai nước. Năm 1936, tướng Ioannis Metaxas thiết lập chế độ độc tài tại Hy Lạp, còn gọi là chế độ mùng 4 tháng 8. Chiến tranh thế giới thứ hai, hậu chiến và chế độ độc tài Ngày 28 tháng 10 năm 1940, nhà độc tài Ý Benito Mussolini gửi tối hậu thư yêu cầu Hy Lạp đầu hàng và cho quân phát xít chiếm đóng lãnh thổ. Người Hy Lạp đã kiên quyết nói không và đứng về phe Đồng Minh chống lại lực lượng phát xít. Ngay lập tức, quân phát xít Ý đã tràn vào chiếm đóng Hy Lạp từ miền nam Albania nhưng đã vấp phải sự kháng cự hiệu quả của quân đội Hy Lạp. Tiếp theo đó là trận đánh tại dãy núi Pinlus đã khiến cho quân Mussolini bị đẩy lùi. Lúc đó, Adolf Hitler mới nhận ra vị trí chiến lược của Hy Lạp và hạ lệnh cho quân phát xít Đức và Bulgaria tràn vào lãnh thổ nước này. Sự xâm lược của phát xít Đức vào ngày 6 tháng 4 năm 1941 đã hoàn thành việc chiếm đóng toàn bộ lãnh thổ Hy Lạp. Nước này trở thành một chiến trường ác liệt cho đến ngày 12 tháng 10 năm 1944, khi thành phố Athens được quân Đồng Minh giải phóng. Trong thời gian cai trị của phát xít Đức, nhiều người Do Thái tại Hy Lạp đã bị đẩy vào các trại tập trung và giết hại. Nạn đói sau chiến tranh đã giết chết khoảng 300.000 người. Sau khi được giải phóng khỏi ách cai trị của phát xít Đức, cuộc nội chiến Hy Lạp bùng nổ giữa những người cánh tả và cánh hữu. Cuộc chiến kéo dài từ năm 1946 đến năm 1949, khi lực lượng cánh tả bị đánh bại tại trận Grammos-Vitsi. Trong các thập niên 1950, 1960, Hy Lạp đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và vững chắc do nằm trong Kế hoạch Marshall của Mỹ. Bắt đầu từ năm 1965, Hy Lạp lâm vào một cuộc khủng hoảng chính trị khiến tình hình đất nước trở nên hỗn loạn. Ngày 21 tháng 8 năm 1967, một cuộc đảo chính được Mỹ ủng hộ đã diễn ra, lật đổ chính phủ dân chủ và thành lập một chế độ độc tài quân sự với tên gọi Chế độ Đại tá. Những năm sau đó, rất nhiều người cánh tả và cộng sản tại Hy Lạp đã bị bắt giữ và tra tấn hết sức dã man. Nhiều chính trị gia phải chạy sang các nước khác như Pháp và Thụy Điển để xin tị nạn. Vào tháng 11 năm 1973, sinh viên trường Đại học Bách khoa Athens nổi dậy chống lại chế độ độc tài nhưng cuộc nổi dậy nhanh chóng bị dập tắt, xe tăng được điều đến tấn công trường đại học và tàn sát sinh viên. Ngày 20 tháng 7 năm 1974, Thổ Nhĩ Kỳ tấn công đảo Síp. Cuộc khủng hoảng sau đó đã dẫn đến sự sụp đổ của chế độ độc tài tại Hy Lạp vào ngày 23 tháng 7 năm 1974. Hy Lạp ngày nay (từ năm 1975 đến nay) Ngay sau khi chế độ độc tài sụp đổ, cựu thủ tướng Konstantinos Karamanlis đã từ Pháp trở về Hy Lạp và thành lập Đảng Dân chủ Mới. Chính phủ dân chủ được tái thành lập tại Hy Lạp và bản hiến pháp dân chủ của nước cộng hòa được ban hành vào năm 1975. Chế độ quân chủ ở Hy Lạp chính thức bị giải tán trong một cuộc trưng cầu dân ý cùng năm. Sau đó, Andreas Papandreou cũng trở về từ Mỹ và thành lập Phong trào Xã hội Chủ nghĩa Hy Lạp. Về đối ngoại, mối quan hệ vốn thường xuyên căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ đã dần dần được cải thiện. Mùa hè năm 1999, những trận động đất lớn đã tấn công hai quốc gia này, và những hoạt động cứu trợ nhau sau đó giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đã góp phần làm ấm lại mối quan hệ giữa hai nước. Ngày 1 tháng 1 năm 1981, Hy Lạp trở thành thành viên thứ 10 của Liên minh châu Âu. Nền kinh tế Hy Lạp đã phát triển rất nhanh chóng, với một nguồn vốn đầu tư lớn của nước ngoài đổ vào Hy Lạp để hiện đại hóa hệ thống hạ tầng cơ sở của nước này, xây dựng nền kinh tế Hy Lạp theo hướng hiện đại. Dịch vụ và du lịch ngày càng phát triển đã góp phần nâng cao mức sống của người dân. Năm 2001, Hy Lạp tham gia vào nhóm các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu euro và sau đó tổ chức thành công Thế vận hội 2004. Gần đây, Hy Lạp đã hứng chịu hậu quả rất nặng nề từ cuộc suy thoái kinh tế cuối những năm 2000 và là trung tâm của cuộc khủng hoảng nợ châu Âu. Do áp dụng đồng euro, khi Hy Lạp trải qua cuộc khủng hoảng tài chính, họ không còn có thể phá giá đồng tiền để lấy lại khả năng cạnh tranh. Tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên đặc biệt cao trong những năm 2000. Cuộc khủng hoảng nợ của chính phủ Hy Lạp, và các chính sách thắt lưng buộc bụng, đã dẫn đến nhiều cuộc biểu tình. Chính trị Hy Lạp là một nước cộng hòa theo thể chế dân chủ đại diện. Tổng thống là người đứng đầu đất nước và được lựa chọn bởi quốc hội với nhiệm kỳ 5 năm. Tuy nhiên sau cuộc sửa đổi hiến pháp vào năm 1986, quyền lực của tổng thống dã bị cắt giảm đáng kể và bây giờ hầu như chỉ mang tính nghi thức. Thủ tướng là người đứng đầu chính phủ Hy Lạp và có quyền lực chủ yếu trong các công việc của quốc gia. Quốc hội Hy Lạp có tổng cộng 300 ghế. Những cuộc bầu cử quốc hội thường được tổ chức 4 năm một lần tuy nhiên tổng thống có quyền giải tán quốc hội và tổ chức bầu cử sớm. Từ khi Hy Lạp quay trở về tiến trình dân chủ từ năm 1975, Hy Lạp đã trở thành một quốc gia theo chế độ đa đảng. Hai đảng có vai trò quan trọng nhất trên chính trường Hy Lạp là Đảng Dân chủ mới (Νέα Δημοκρατία) và Phong trào Xã hội Chủ nghĩa Hy Lạp(Πανελλήνιο Σοσιαλιστικό Κίνημα). Tổng thống hiện nay của Hy Lạp là ông Prokopis Pavlopoulos. Còn thủ tướng đương nhiệm là ông Alexis Tsipras. Theo quy định, chỉ có 5 đảng có số phiếu bầu cao nhất mới có ghế trong quốc hội. Trong cuộc bầu cử vào tháng 5 năm 2012, tầm ảnh hưởng của các đảng chính trị Hy Lạp cổ đại, PASOK và Dân chủ Mới, đã giảm từ 43% xuống còn 13% và từ 33% xuống còn 18% do sự ủng hộ của họ đối với các biện pháp thắt chặt. Đảng cánh tả SYRIZA đã trở thành đảng lớn thứ hai, với mức tăng từ 4% lên 16%. Không đảng nào có thể thành lập một chính phủ bền vững, dẫn đến cuộc bầu cử tháng 6 năm 2012. Kết quả của cuộc bầu cử lần thứ hai là sự hình thành của một chính phủ liên hiệp gồm Dân chủ Mới (29%), Phong trào Xã hội Chủ nghĩa Hy Lạp đứng thứ hai (12%) và Đảng Dân chủ Trái (6%). Alexis Tsipras đã chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử được tổ chức vào ngày 25 tháng 1 năm 2015, chỉ còn lại hai ghế. Sáng hôm sau, Tsipras đã đạt được thỏa thuận với đảng Hy Lạp độc lập để thành lập một liên minh và ông đã tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Hy Lạp. Tsipras đã kêu gọi tổ chức bầu cử vào tháng 8 năm 2015 sau khi ông này từ chức, dẫn tới một chính quyền chăm sóc hàng tháng do thẩm phán Vassiliki Thanou-Christophilou, thủ tướng nữ đầu tiên của Hy Lạp đứng đầu. Tuy nhiên, trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 9 năm 2015, Tsipras lại tái đắc cử, đảng Syriza do ông lãnh đạo đã giành 145 ghế trong số 300 ghế và tái lập liên minh với những người Hy Lạp độc lập. Phân chia hành chính Toàn bộ đất nước Hy Lạp được chia thành 13 vùng và 1 khu tự trị. Các tỉnh của Hy Lạp bao gồm 9 vùng nằm trên đất liền (bán đảo Hy Lạp) và 4 vùng thuộc các đảo và quần đảo. Riêng Núi Athos, một khu vực dành riêng cho những tu sĩ nam theo Chính thống giáo được công nhận là một nước cộng hòa tự trị bán độc lập thuộc chủ quyền của Hy Lạp. Đây là một bán đảo nhỏ nằm ở phía đông nam tỉnh Trung Macedonia. Tiếp đó, 13 vùng của Hy Lạp lại được chia tiếp thành 54 huyện. Địa lý Lãnh thổ Lãnh thổ Hy Lạp bao gồm phần đất liền nằm trên bán đảo Balkan và khoảng 3000 hòn đảo nằm trên biển Ionia, Địa Trung Hải và biển Aegean. Những đảo lớn nhất của Hy Lạp là đảo Crete, Rhodes, Corfu. Tổng diện tích của Hy Lạp là 131.940 km², trong đó phần nước chiếm tỉ lệ 0,9%. Đường biên giới trên bộ của Hy Lạp dài tổng cộng 1935 km. Hy Lạp chia sẻ đường biên giới chung với các quốc gia là Albania (282 km), Bulgaria (494 km), Thổ Nhĩ Kỳ (931 km) và Cộng hòa Macedonia (228 km). Mặc dù có diện tích nhỏ nhưng do có nhiều đảo và quần đảo nên chiều dài đường bờ biển của Hy Lạp rất lớn, lên tới 130.800 km và đứng thứ 10 trên thế giới về độ dài đường bờ biển. Địa hình Đất nước Hy Lạp có địa hình khá hiểm trở với khoảng 80% diện tích là đồi núi. Nằm ở trung tâm đất nước Hy Lạp là dãy núi Pinlus hùng vĩ với độ cao trung bình là 2636 m so với mực nước biển. Dãy núi Pinlus là một nhánh mở rộng của dãy Alps Dinaric trên bán đảo Balkan và còn tiếp tục trải dài qua bán đảo Peloponnese, mở rộng xuống phía nam tạo thành rất nhiều hòn đảo lớn nhỏ trên biển Aegean, cuối cùng kết thúc ở đảo Crete. Những hòn đảo trên biển Aegean của Hy Lạp chính là đỉnh của những dãy núi chạy ngầm bên dưới đáy biển. Phia bắc của Hy Lạp có dãy núi Rhodope làm thành một đường biên giới tự nhiên giữa Hy Lạp và Bulgaria. Núi Olympus là đỉnh núi cao nhất Hy Lạp, cao 2919 m. Đây được cho là nơi ở của những vị thần Hy Lạp vào thời cổ đại và ngày nay trở thành một địa điểm leo núi hấp dẫn tại Hy Lạp. Các đồng bằng chiếm diện tích rất nhỏ tại Hy Lạp và tập trung ở các vùng Thessaly, Trung Macedonia và Thrace. Đây là những nơi có nhiều đất đai màu mỡ đồng thời là những vùng tập trung đông dân cư tại Hy Lạp. Các sông ở Hy Lạp thường ngắn và dốc, một số sông nhỏ thường hay bị khô cạn vào mùa hè. Các con sông là một nguồn cung cấp thủy điện lớn cho Hy Lạp. Nước này còn có nhiều tài nguyên khoáng sản phong phú như nhôm, than non, magie, kẽm, niken, dầu hỏa. Khí hậu Địa hình có ảnh hưởng quan trọng đối với khí hậu của Hy Lạp. Ví dụ như sườn phía tây của dãy núi Pinlus hứng gió nhiều hơn so với phần phía đông, cho nên có độ ẩm và lượng mưa cao hơn hẳn so với sườn phía đông bị khuất gió. Khí hậu Hy Lạp có thể chia thành 3 kiểu khí hậu chính: khí hậu Địa Trung Hải, khí hậu núi cao và khí hậu ôn hòa. Khí hậu Địa Trung Hải là loại khí hậu chủ yếu ở Hy Lạp với một mùa đông ấm áp và mưa nhiều, song thỉnh thoảng cũng có thể có tuyết rơi ở những quần đảo xa về phía nam Hy Lạp. Mùa hạ thường rất nóng và khô hạn. Chính đặc điểm này của khí hậu Địa Trung Hải đã dẫn đến những vụ cháy rừng rất lớn tại Hy Lạp, gây ra nhiều thiệt hại về người và của. Gần đây nhất vào tháng 8 năm 2007, một vụ cháy rừng đã lan rộng khắp đất nước Hy Lạp khiến 64 người chết và gây thiệt hại 1,6 tỷ đô la Mỹ. Khí hậu núi cao phân bố chủ yếu ở những vùng núi phía tây bắc Hy Lạp, bán đảo Peloponnese và dãy núi Pinlus. Tại những vùng này, khí hậu thay đổi theo độ cao. Khí hậu ôn hòa có diện tích phân bố nhỏ, tập trung ở vùng đông bắc Hy Lạp với nhiệt độ mát mẻ hơn so với khí hậu Địa Trung Hải và có lượng mưa vừa phải. Thủ đô Athens của Hy Lạp thuộc kiểu khí hậu chuyển tiếp giữa Địa Trung Hải và ôn hòa. Nhiệt độ trung bình cao nhất tại đây vào tháng 7 là 33,5 °C, còn nhiệt độ trung bình thấp nhất vào tháng 1 là 5,2 °C. phía bắc của thành phố Athens có kiểu khí hậu ôn hòa trong khi những vùng phía nam lại mang khí hậu Địa Trung Hải. Thực vật và động vật Rừng chiếm khoảng 50% diện tích đất đai tại Hy Lạp với nhiều loài thực vật đa dạng, phong phú. Nguyệt quế là loài cây biểu trưng của đất nước Hy Lạp và đã được dùng làm vòng nguyệt quế cho những nhà vô địch thể thao thời xưa. Tại những vùng đồng bằng ở Hy Lạp có rất nhiều rừng cây ôliu xanh tốt. Còn tại những vùng núi phía bắc có những cánh rừng linh sam và thông đen. Rừng sồi và dẻ mọc ở những vùng thấp hơn, bên cạnh đó còn có những cánh đồng trồng nho. Các loài cây quen thuộc khác ở Hy Lạp là hoa giấy, hoa nhài, mimosa, trúc đào, hoa huệ xạ... Hy Lạp có một hệ động vật khá đa dạng. Tại những vùng rừng núi ở Hy Lạp có gấu nâu, linh miêu, chó sói, cáo, hươu, nai... Hệ sinh vật biển tại Hy Lạp cũng rất phong phú với các loài như hải cẩu, rùa biển, mực, bạch tuộc, cá heo, cá voi. Nhân khẩu Dân số Theo số liệu tháng 7 năm 2007, dân số của Hy Lạp là 10.706.290 người. Con người đã đến vùng đất ngày nay là Hy Lạp từ Thời kỳ Đồ đá cũ vào khoảng 3000 năm trước công nguyên. Sau đó, tổ tiên của người Hy Lạp đã đến đây vào khoảng thiên niên kỷ thứ hai trước Công nguyên và xây dựng những nền văn minh rực rỡ. Vào khoảng thế kỷ thứ V trước Công nguyên, có 3 triệu dân sinh sống trên bán đảo Hy Lạp và 6 triệu người Hy Lạp định cư tại nhiều vùng khác nhau quanh khu vực Địa Trung Hải. Trong thời kỳ Đế chế Byzantine, nhiều dòng người khác nhau, chủ yếu là người Slav và người Do Thái đã nhập cư vào Hy Lạp. Đến khi bán đảo Hy Lạp bị thống trị bởi Đế chế Ottoman, nhiều người Hy Lạp đã rời bỏ đất nước để sang Tây Âu. Trong khoảng thời gian từ cuối thế kỷ XIX cho đến khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai, một dòng người Hy Lạp rất lớn cũng di cư sang Mỹ, Canada và Úc để thoát khỏi tình trạng bất ổn trong nước. Hiện nay, một bộ phận người dân Hy Lạp cũng có xu hướng nhập cư sang các nước phát triển khác trong Liên minh châu Âu như Đức và Bỉ để kiếm việc làm. Tốc độ gia tăng dân số của Hy Lạp hiện nay là 0,16%. Nhiều khả năng Hy Lạp sẽ phải đối mặt với tình trạng giảm dân số trong tương lai khi mà tỉ lệ tử tại nước này đã vượt quá tỉ lệ sinh. Dân cư Hy Lạp tăng lên chủ yếu do nhập cư. Các nhóm thiểu số Các nhóm sắc tộc thiểu số chiếm tỉ lệ nhỏ trong dân số Hy Lạp. Trong đó các nhóm sắc tộc thiếu số chính là người Thổ Nhĩ Kỳ, người Slav, người Albania, người Armenia, người Do Thái. Người Thổ Nhĩ Kỳ là cộng đồng thiểu số lớn nhất tại Hy Lạp với số lượng khoảng 74.000 người. Họ sinh sống tập trung ở tỉnh Thrace thuộc miền đông bắc Hy Lạp. Tuy những mâu thuẫn lịch sử giữa người Thổ Nhĩ Kỳ và người Hy Lạp vẫn còn tồn tại nhưng đa phần các nhóm dân này đều sống hòa thuận với nhau. Người Slav phân bố chủ yếu ở miền bắc Hy Lạp và có nguồn gốc từ người Bulgaria và người Macedonia. Họ được phân chia thành hai nhóm tôn giáo chính là người Slav theo Chính thống giáo và người Slav theo Hồi giáo. Người Albania cũng là một nhóm dân lớn ở Hy Lạp, chủ yếu là những người Albania nhập cư sang để tìm việc làm. Người Do Thái thì từng có một cộng đồng dân cư rất lớn tại nước này, nhưng phần lớn họ đã bị giết hại bởi phát xít Đức trong Chiến tranh thế giới thứ hai hoặc nhập cư sang Israel và một số nước khác. Ngày nay cộng đồng Do Thái ở Hy Lạp chỉ còn rất ít với khoảng 5500 người, tập trung chủ yếu ở Thessaloniki. Ngoài ra ở Hy Lạp còn có một cộng đồng người Armenia khá đông đảo với khoảng 35.000 dân. Tôn giáo Chính thống giáo Hy Lạp được hiến pháp công nhận là tôn giáo chính thức tại Hy Lạp, song thực tế người dân hoàn toàn có quyền tự do tôn giáo. Chính thống giáo Hy Lạp là tôn giáo phổ biến nhất tại nước này, chiếm tới 97% tổng dân số và phân bố rộng khắp toàn đất nước Hy Lạp. Hồi giáo là tôn giáo phổ biến thứ hai với số tín đồ ước tính từ khoảng 98.000 đến 140.000 người, tập trung chủ yếu ở tỉnh Thrace. Bên cạnh đó còn có cộng đồng người Hồi giáo nhập cư vào khoảng 200.000 đến 300.000 người. Cộng đồng Công giáo Rôma tại Hy Lạp có số tín đồ ước tính khoảng 250.000 người. Còn đạo Tin Lành và Nhân Chứng Giê-hô-va đều có khoảng 30.000 tín đồ. Cộng đồng theo Do Thái giáo trước kia rất đông tại Hy Lạp, nay chỉ còn 5000 người và phân bố chủ yếu ở Thessaloniki. Kinh tế Hy Lạp là một quốc gia có nền kinh tế phát triển cao. Từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Hy Lạp đã đạt được sự tăng trưởng kinh tế kỳ diệu với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm khoảng 7% từ năm 1950 đến năm 1973. Những chính sách cải cách kinh tế hợp lý cùng với việc gia nhập Liên minh châu Âu đã thúc đẩy nền kinh tế Hy Lạp phát triển mạnh mẽ, đồng thời nâng cao mức sống cho người dân Hy Lạp. Chỉ số Phát triển Con người (HDI) của Hy Lạp năm 2006 là 0,866 - đứng thứ 29 trên thế giới. Thu nhập bình quân đầu người của Hy Lạp năm 2018 là 20,570 USD. Các ngành kinh tế Dịch vụ chiếm một tỉ trọng quan trọng trong nền kinh tế Hy Lạp. Trong các ngành dịch vụ, Hy Lạp đặc biệt phát triển ngành du lịch, vốn là thế mạnh của nước này với rất nhiều khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp và các công trình văn hóa lịch sử độc đáo. Du lịch là nguồn thu ngoại tệ chủ yếu của Hy Lạp và đóng góp tới 15% GDP, đồng thời tạo ra nhiều việc làm lớn cho người dân Hy Lạp. Năm 2005, Hy Lạp đón tiếp khoảng 18 triệu du khách quốc tế đến tham quan. Bên cạnh đó, các ngành kinh tế khác như ngân hàng, tài chính, viễn thông, sản xuất các thiết bị công nghệ cao cũng phát triển mạnh tại Hy Lạp. Nước này cũng có lợi thế về kinh tế biển với rất nhiều cảng nước sâu và một ngành công nghiệp đóng tàu hùng mạnh. Các ngành công nghiệp quan trọng khác ở Hy Lạp là dệt, hóa chất, khai thác khoáng sản, chế biến thực phẩm. Nông nghiệp tuy chiếm tỉ trọng nhỏ song vẫn đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Các loại cây trồng chủ yếu ở Hy Lạp là lúa mì, lúa mạch, ôliu, hoa hướng dương, cà chua, cam, chanh... Cơ cấu kinh tế của Hy Lạp như sau: dịch vụ chiếm 85,0%, công nghiệp 12,0% và nông nghiệp 3,0% . Năm 2006, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hy Lạp đạt 4,3%, cao hơn so với mức trung bình của Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, vào năm 2010, Hy Lạp trải qua cuộc khủng hoảng tiền tệ nghiêm trọng, & lây lan sang các nước khác như Bồ Đào Nha, Cộng hoà Ireland,... Vì thế, chính phủ Hy Lạp đã phải sử dụng biện pháp Thắt lưng buộc bụng, nhưng không dược dân chúng ủng hộ nên đã liên tiếp xảy ra biểu tình. Giai đoạn 2011-2012 là giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng, trong đó vào năm 2011 GDP của Hy Lạp đã bị sụt giảm ở mức kỉ lục ̣-6,9%. Cũng trong năm đó, 111.000 công ty Hy Lạp bị phá sản (cao hơn 27% so với năm 2010) . Kết quả là, tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh, từ 7,5% trong tháng 9 năm 2008 lên mức cao kỷ lục 23,1% vào tháng 5 năm 2012, trong khi tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên tăng từ 22,0% lên 54,9%. Tỷ lệ nợ công so với GDP năm 2014 là 177% GDP. Tỷ lệ này cao thứ ba thế giới sau Nhật Bản và Zimbabwe. Nợ công đạt ngưỡng đỉnh đẻm là 356 tỷ euro trong năm 2011; sau đó đã có sự suy giảm bởi một chương trình cứu trợ 305 tỷ euro vào năm 2012 nhưng vẫn tăng nhẹ trong những năm tiếp theo. Tỉ lệ nghèo đói gia tăng, khoảng 44% người Hy Lạp sống dưới mức nghèo khổ trong năm 2014 . Tác động của các biện pháp thắt lưng buộc bụng đối với người dân Hy Lạp là rất nghiêm trọng . Vào tháng 2 năm 2012, có khoảng 20.000 người Hy Lạp rơi vào tình trạng vô gia cư, và 20% các cửa hàng ở trung tâm thành phố Athens lịch sử bị bỏ trống. Kinh tế Hy Lạp tăng trưởng trở lại sau sáu năm suy thoái vào quý II năm 2014, và là nền kinh tế phát triển nhanh nhất của khu vực châu Âu trong quý III năm đó. Ngoại thương Năm 2006, Hy Lạp xuất khẩu khoảng 24,4 tỉ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Hy Lạp là thực phẩm, hàng chế tạo, dầu mỏ, hóa chất và vải vóc. Những thị trường xuất khẩu chính của nước này bao gồm Đức (13,2%), Ý (10,3%), Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland (7,5%), Bulgaria (6,3%) và Mỹ (5,3%). Nhập khẩu năm 2006 của Hy Lạp đạt khoảng 59,1 tỉ USD. Các mặt hàng nhập khẩu của Hy Lạp bao gồm máy móc, phương tiện vận tải, nhiên liệu và hóa chất. Các thị trường nhập khẩu chính của nước này là Đức (13,3%), Ý (12,8%), Pháp (6,4%), Hà Lan (5,5%) và Nga (5,5%). Đồng tiền chính thức của Hy Lạp là đồng euro. Văn hóa Văn học Đất nước Hy Lạp có một truyền thống văn học giàu có. Những bộ thiên sử thi Iliad và Odyssey là những tác phẩm văn học lớn đầu tiên của châu Âu. Hy Lạp cũng là nơi khởi nguồn của thể loại thơ trữ tình trong văn học phương Tây hiện đại. Vào thế kỷ VI trước Công nguyên, nhà văn Aesop đã viết những câu truyện ngụ ngôn mà ngày nay nổi tiếng toàn thế giới. Đất nước Hy Lạp cũng là nơi ra đời của nghệ thuật sân khấu với những tác phẩm như bộ ba bi kịch Oresteia của Aeschylus hay các vở hài kịch của nhà thơ Aristophanes. Cũng trong thời kỳ này, triết học Hy Lạp đã đạt đến đỉnh cao với những nhà triết học bậc thầy như Platon và Aristotle. Trong thời kỳ Byzantine, nền văn học Hy Lạp đã chịu ảnh hưởng của khá nhiều dòng văn hóa khác nhau như Cơ đốc giáo, La Mã và phương Đông (tức Ba Tư). Giai đoạn này đánh dấu bởi sự phát triển của những tác phẩm thơ trào phúng. Sau khi giành lại độc lập vào năm 1821, nền văn học Hy Lạp đã phát triển mạnh với những xu hướng cách mạng và chịu ảnh hưởng của Thời đại Khai sáng. Trong thế kỷ XX, đất nước Hy Lạp đã có rất nhiều nhà văn lớn. Hy Lạp từng có 2 nhà văn đoạt giải thưởng Nobel Văn học, đó là Giorgos Seferis vào năm 1963 và Odysseas Elytis vào năm 1979. Ngoài ra còn có một số nhà văn khác như Nikos Kazantzakis và Vassilis Vassilikos cũng có nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng thế giới. Kiến trúc Kiến trúc Hy Lạp cổ đại đã phát triển rực rỡ với rất nhiều những đền đài, công trình công cộng còn tồn tại đến ngày nay. Thời kỳ này, các công trình được xây dựng chủ yếu bằng đá vôi và đá hoa cương. Có 3 phong cách kiến trúc Hy Lạp cổ chính với những nét đặc trưng riêng thể hiện trên những cột trụ: phong cách Doric với cột trụ trơn và khỏe khoắn, phong cách Ionic mềm mại, duyên dáng và phong cách Corinthian cầu kỳ, trang nhã. Phong cách kiến trúc Byzantine cũng có ảnh hưởng khá lớn tại Hy Lạp với những công trình kiến trúc như các nhà thờ, tu viện có dạng mái vòm độc đáo. Sau khi Hy Lạp giành được độc lập, trường phái kiến trúc Tân Byzantine được phát triển mạnh. Bên cạnh đó còn có sự phát triển của dòng kiến trúc Tân Cổ điển. Cũng như nhiều quốc gia châu Âu khác, Hy Lạp ngày nay có nhiều công trình mang phong cách hiện đại, đặc biệt là tại những thành phố lớn. Ẩm thực Ẩm thực Hy Lạp rất đa dạng và phong phú, đồng thời chịu ảnh hưởng của nhiều dòng ẩm thực khác nhau như của miền nam nước Pháp, Ý và Trung Đông. Dầu ôliu là loại hương liệu đặc trưng và có mặt trong hầu hết các món ăn của Hy Lạp. Cây lương thực chủ yếu của Hy Lạp là lúa mì, song bên cạnh đó còn có lúa mạch. Các loại rau xanh được dùng phổ biến tại đây là cà, cà chua, khoai tây, đậu xanh, ớt xanh và hành. Mật tại Hy Lạp được chế biến chủ yếu từ mật của các loại hoa, đặc biệt là từ họ cam quýt. Các món ăn của Hy Lạp thường được chế biến với rất nhiều loại hương liệu như rau kinh giới, hành, tỏi, thì là, bạc hà, quế... Thịt cừu và thịt dê khá phổ biến tại Hy Lạp, nhưng thịt bò thì hiếm hơn. Các món cá cùng rất phổ biến, đặc biệt là tại những vùng duyên hải và đảo của Hy Lạp. Nước này cũng có rất nhiều loại phó mát được chế biến khác nhau. Các món khai vị thường được phục vụ với bánh mì và rượu. Pho mát feta được làm từ sữa cừu và sữa dê là một món khai vị truyền thống tại nước này. Hy Lạp cũng có rất nhiều món súp như avgolemono, fasolada, magiritsa... Baklava là món bánh ngọt phổ biến tại đây, bên cạnh đó có món bánh mì tsoureki được ăn vào dịp Lễ Phục sinh. Có rất nhiều món ăn truyền thống của Hy Lạp có nguồn gốc từ nước ngoài. Thể thao Hy Lạp là một đất nước có truyền thống về thể thao. Đây là nơi ra đời của Thế vận hội vào năm 776 trước Công nguyên. Vào năm 1896, Thế vận hội hiện đại đầu tiên cũng được tổ chức tại thành phố Athens của nước này. Hai môn thể thao phổ biến nhất tại Hy Lạp là bóng đá và bóng rổ. Năm 2004, đội tuyển bóng đá quốc gia Hy Lạp đã xuất sắc vượt qua Bồ Đào Nha và để đoạt chức vô địch châu Âu. Ba câu lạc bộ bóng đá thành công nhất tại Hy Lạp là Panathinaikos, Olympiacos, và AEK Athens. Đội tuyển bóng rổ quốc gia Hy Lạp được đánh giá là một trong những đội mạnh nhất trên thế giới. Đội tuyển bóng rổ của Hy Lạp đã từng 2 lần vô địch châu Âu vào các năm 1987 và 2005. Xếp hạng quốc tế Xếp thứ 24 trên 177 quốc gia về chỉ số phát triển con người - HDI. (Danh sách quốc gia theo chỉ số phát triển con người) Xếp thứ 26 trên 179 quốc gia về thu nhập bình quân đầu người (danh nghĩa). Xếp thứ 48 trên 218 quốc gia về tỉ lệ người dân sử dụng Internet. Xếp thứ 54 trên 163 quốc gia về chỉ số nhận thức tham nhũng.
Saddām Hussein ʻAbd al-Majīd al-Tikrīt – còn được viết là Husayn hay Hussain; tiếng Ả Rập صدام حسين عبد المجيد التكريتي  (sinh 28 tháng 4 năm 1937  - 30 tháng 12 năm 2006) là một chính trị gia người Iraq, người giữ chức vụ Tổng thống thứ năm của Iraq từ ngày 16 tháng 7 năm 1979 đến ngày 9 tháng 4 năm 2003. Một thành viên hàng đầu của Đảng Ba'ath xã hội chủ nghĩa Ả Rập mang tính cách mạng, và sau đó là Đảng Ba'ath có trụ sở tại Baghdad và tổ chức khu vực của nó, Đảng Ba'ath của Iraq - tán thành chủ nghĩa Ba'at, sự pha trộn giữa chủ nghĩa dân tộc Ả Rập và chủ nghĩa xã hội Ả Rập —Saddam đóng một vai trò quan trọng trong cuộc đảo chính năm 1968 (sau này được gọi là Cách mạng 17 tháng 7) đưa đảng này lên nắm quyền ở Iraq. Là phó tổng thống dưới thời Tướng Ahmed Hassan al-Bakr, và vào thời điểm nhiều nhóm được coi là có khả năng lật đổ chính phủ, Saddam đã tạo ra lực lượng an ninh để qua đó kiểm soát chặt chẽ các cuộc xung đột giữa chính phủ và lực lượng vũ trang. Vào đầu những năm 1970, Saddam đã quốc hữu hóa dầu mỏ và các ngân hàng nước ngoài rời khỏi hệ thống cuối cùng vỡ nợ chủ yếu do Chiến tranh Iran-Iraq, Chiến tranh vùng Vịnh và các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc. Trong những năm 1970, Saddam củng cố quyền lực của mình đối với bộ máy chính phủ vì tiền dầu mỏ đã giúp nền kinh tế Iraq phát triển với tốc độ nhanh chóng. Các vị trí quyền lực trong nước hầu hết thuộc về người Ả Rập Sunni, một nhóm thiểu số chỉ chiếm 1/5 dân số. Saddam chính thức lên nắm quyền vào năm 1979, mặc dù ông đã là người đứng đầu trên thực tế của Iraq trong vài năm. Ông đã đàn áp một số phong trào, đặc biệt là các phong trào của người Shi'a và người Kurd tìm cách lật đổ chính phủ hoặc giành độc lập, và duy trì quyền lực trong Chiến tranh Iran-Iraq và Chiến tranh vùng Vịnh. Sự cai trị của Hussein là một chế độ độc tài đàn áp. Tổng số người Iraq bị giết bởi các cơ quan an ninh của chính phủ Saddam trong các cuộc thanh trừng và diệt chủng khác nhau được ước tính một cách dè dặt là 250.000 người. Các cuộc xâm lược của Saddam vào Iran và Kuwait cũng khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng. Năm 2003, một liên minh do Mỹ dẫn đầu đã xâm lược Iraq để hạ bệ Saddam, trong đó Tổng thống Mỹ George W. Bush và Thủ tướng Anh Tony Blair cáo buộc sai lầm rằng Saddam sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt và có quan hệ với al-Qaeda. Đảng Ba'ath của Saddam đã bị giải tán và cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên của Iraq được tổ chức. Sau khi bị bắt vào ngày 13 tháng 12 năm 2003, phiên tòa xét xử Saddam diễn ra dưới sự quản lý của Chính phủ lâm thời Iraq. Ngày 5 tháng 11 năm 2006, Saddam bị tòa án Iraq kết tội chống lại loài người liên quan đến vụ giết 148 người Shi'a Iraq năm 1982 và bị kết án tử hình bằng cách treo cổ. Ông bị hành quyết vào ngày 30 tháng 12 năm 2006. Thời thơ ấu Anh trai và cha của Saddam chết vì bệnh ung thư trước khi ông chào đời. Những cái chết này khiến mẹ của Saddam, bà Subha Tulfah al-Mussallat, chán nản đến mức định bỏ thai và tự tử. Khi con trai của bà được sinh ra, Subha "không muốn làm gì với con mình", và Saddam được người chú nhận nuôi. Mẹ ông tái hôn và Saddam có thêm ba người anh em cùng mẹ khác cha thông qua cuộc hôn nhân mới. Cha dượng của ông, Ibrahim al-Hassan, đối xử với Saddam một cách khắc nghiệt sau khi ông trở về với mẹ. Vào khoảng 10 tuổi, Saddam trốn khỏi gia đình mẹ và trở về sống ở Baghdad với người chú Khairallah Talfah, người đã trở thành cha vợ của Saddam. Talfah, cha của người vợ tương lai của Saddam, là một người Hồi giáo Sunni sùng đạo và là một cựu chiến binh trong Chiến tranh Anh-Iraq năm 1941 giữa những người theo chủ nghĩa dân tộc Iraq và Vương quốc Anh, lúc đó vẫn là một cường quốc thuộc địa lớn trong khu vực. Talfah sau đó trở thành thị trưởng của Baghdad trong thời gian Saddam nắm quyền, cho đến khi sự tham nhũng khét tiếng của ông khiến Saddam buộc ông phải rời nhiệm sở. Sau này trong cuộc đời của Saddam, những người thân từ quê hương Tikrit đã trở thành một số cố vấn và người hỗ trợ thân cận nhất của ông. Dưới sự hướng dẫn của người chú, Saddam theo học một trường trung học dân tộc ở Baghdad. Sau khi tốt nghiệp trung học, Saddam học tại một trường luật ở Iraq trong ba năm, và bỏ học năm 1957 ở tuổi 20 để tham gia Đảng Ba'ath Ả Rập cách mạng, mà chú của ông là một người ủng hộ đảng này. Trong thời gian này, Saddam dường như đã kiếm sống với tư cách là một giáo viên trung học. Hệ tư tưởng Ba'athist bắt nguồn từ Syria và Đảng Ba'ath có một lượng lớn người đi theo ở Syria vào thời điểm đó, nhưng vào năm 1955, có ít hơn 300 thành viên Đảng Ba'ath ở Iraq và người ta tin rằng đó là lý do chính của Saddam khi gia nhập đảng. Trái ngược với các đảng dân tộc chủ nghĩa ở Iraq được thành lập nhiều hơn là mối liên hệ gia đình của ông với Ahmed Hassan al-Bakr và những người theo chủ nghĩa Ba'athists hàng đầu khác thông qua chú của mình. Cảm xúc cách mạng là đặc trưng của thời đại này ở Iraq và khắp Trung Đông. Ở Iraq, những người theo chủ nghĩa tiến bộ và xã hội chủ nghĩa tấn công vào giới tinh hoa chính trị truyền thống (các quan chức và chủ đất thời thuộc địa, các thương gia giàu có và các thủ lĩnh bộ lạc, và các nhà quân chủ). Hơn nữa, chủ nghĩa dân tộc toàn Ả Rập của Gamal Abdel Nasser ở Ai Cập đã ảnh hưởng sâu sắc đến những người Ba'athists trẻ tuổi như Saddam. Sự nổi lên của Nasser báo trước một làn sóng cách mạng khắp Trung Đông trong những năm 1950 và 1960, với sự sụp đổ của các chế độ quân chủ ở Iraq, Ai Cập và Libya. Nasser đã truyền cảm hứng cho những người theo chủ nghĩa dân tộc trên khắp Trung Đông bằng cách chống lại người Anh và người Pháp trong Cuộc khủng hoảng Suez năm 1956, hiện đại hóa Ai Cập và thống nhất thế giới Ả Rập về mặt chính trị. Năm 1958, một năm sau khi Saddam gia nhập đảng Ba'ath, các sĩ quan quân đội do Tướng Abd al-Karim Qasim lãnh đạo đã lật đổ Faisal II của Iraq trong cuộc Cách mạng 14 tháng Bảy. Thăng tiến quyền lực Trong số 16 thành viên nội các của Qasim, 12 người là Đảng viên Ba'ath; tuy nhiên, đảng đã quay lưng lại với Qasim do ông từ chối gia nhập Cộng hòa Ả Rập Thống nhất (UAR) của Gamal Abdel Nasser. Để củng cố vị thế của mình trong chính phủ, Qasim đã tạo ra một liên minh với Đảng Cộng sản Iraq, đảng này phản đối bất kỳ quan điểm nào về chủ nghĩa toàn Ả Rập. Cuối năm đó, ban lãnh đạo Đảng Ba'ath đã lên kế hoạch ám sát Qasim. Saddam là một thành viên hàng đầu của chiến dịch. Vào thời điểm đó, Đảng Ba'ath chỉ là một thử nghiệm ý thức hệ hơn là một cỗ máy đấu tranh chống chính phủ mạnh mẽ. Phần lớn các thành viên của nó là các chuyên gia hoặc sinh viên có học thức, và Saddam tỏ ra phù hợp với yêu cầu. Sự lựa chọn Saddam, theo nhà báo Con Coughlin, "hầu như không gây ngạc nhiên." Ý tưởng ám sát Qasim có thể là của Nasser, và có suy đoán rằng một số người tham gia chiến dịch đã được đào tạo ở Damascus, khi đó là một phần của UAR. Tuy nhiên, "không có bằng chứng nào được đưa ra để liên quan trực tiếp đến Nasser trong âm mưu trên." Bản thân Saddam không được cho là đã được đào tạo bên ngoài Iraq, vì ông là người bổ sung sau này cho đội ám sát. Những người ám sát đã lên kế hoạch phục kích Qasim tại đường Al-Rashid vào ngày 7 tháng 10 năm 1959: một người giết những người ngồi ở phía sau xe, những người còn lại giết những người phía trước. Trong cuộc phục kích, người ta cho rằng Saddam đã nổ súng sớm hơn, khiến toàn bộ hoạt động bị xáo trộn. Tài xế của Qasim bị giết, Qasim bị đánh vào tay và vai. Các sát thủ tin rằng họ đã giết được Quasim và nhanh chóng rút lui về trụ sở của họ, nhưng Qasim vẫn sống sót. Vào thời điểm xảy ra cuộc tấn công, Đảng Ba'ath có ít hơn 1.000 thành viên. Vai trò của Saddam trong vụ ám sát bất thành đã trở thành một phần quan trọng trong hình ảnh của ông trước công chúng trong nhiều thập kỷ. Kanan Makiya kể lại: Con người thực và huyền thoại đã hợp nhất trong giai đoạn này. Tiểu sử của ông — và truyền hình Iraq, nơi phát sóng câu chuyện quảng cáo — kể về việc ông làm quen với súng từ năm mười tuổi; sự dũng cảm và lòng trung thành của ông đối với đảng trong cuộc hành quân năm 1959; sự dũng cảm của ông trong việc cứu đồng đội của mình bằng cách điều khiển một chiếc xe hơi trước họng súng; viên đạn bị khoét ra khỏi vết thương dưới sự chỉ đạo của ông khi lẩn trốn; kỷ luật sắt đã khiến Saddam rút súng chĩa vào những đồng đội yếu hơn, những người có thể đã bỏ rơi một thành viên bị thương nặng trong đội ám sát tại bệnh viện; sự khôn ngoan đầy tính toán đã giúp Saddam tự cứu mình vài phút trước khi cảnh sát ập vào bỏ lại đồng đội bị thương; và cuối cùng là chuyến đi dài của một người đàn ông bị thương tích chạy từ nhà này sang nhà khác, thành phố này sang thị trấn khác, băng qua sa mạc để đến tị nạn ở Syria. Một số kẻ âm mưu ám sát (bao gồm cả Saddam) đã nhanh chóng rời khỏi đất nước đến Syria, quê hương tinh thần của hệ tư tưởng Ba'athist. Ở đó Saddam đã được Michel Aflaq trao quyền thành viên đầy đủ trong đảng. Một số thành viên của chiến dịch đã bị chính phủ Iraq bắt giữ. Tại phiên tòa sơ thẩm, sáu bị cáo bị tuyên án tử hình; vì những lý do không rõ mà các câu đã không được thực hiện. Aflaq, lãnh đạo của phong trào Ba'athist, đã tổ chức trục xuất các thành viên Ba'athist hàng đầu của Iraq, chẳng hạn như Fuad al-Rikabi, với lý do đảng này không nên bắt đầu mưu toan lấy tính mạng của Qasim. Đồng thời, Aflaq đã đảm bảo ghế trong ban lãnh đạo Ba'ath của Iraq cho những người ủng hộ ông, một trong số họ là Saddam. Saddam chuyển từ Syria đến Ai Cập vào tháng 2 năm 1960, và ông tiếp tục sống ở đó cho đến năm 1963, tốt nghiệp trung học năm 1961 và theo học bằng luật nhưng không tốt nghiệp. Các sĩ quan quân đội có quan hệ với Đảng Ba'ath đã lật đổ Qasim trong cuộc đảo chính Cách mạng Tháng 2 năm 1963. Các nhà lãnh đạo Ba'athist được bổ nhiệm vào nội các và Abdul Salam Arif trở thành tổng thống. Arif đã cách chức và bắt giữ các thủ lĩnh Ba'athist vào cuối năm đó trong cuộc đảo chính Iraq tháng 11 năm 1963. Bị lưu đày ở Ai Cập vào thời điểm đó, Saddam không đóng vai trò gì trong cuộc đảo chính năm 1963 hay cuộc thanh trừng tàn bạo chống cộng sau đó; mặc dù ông đã trở về Iraq sau cuộc đảo chính, Saddam vẫn "ở ngoài rìa của chính quyền Ba'thi mới được thành lập và tự bằng lòng với vị trí thứ yếu của một thành viên trong văn phòng trung ương của Đảng phụ trách về nông dân," theo lời của Efraim Karsh và Inari Rautsi. Không giống như trong những năm Qasim, Saddam ở lại Iraq sau cuộc thanh trừng chống người Ba'athist của Arif vào tháng 11 năm 1963, và tham gia vào kế hoạch ám sát Arif. Trái ngược hẳn với Qasim, Saddam biết rằng mình không phải đối mặt với án tử hình từ chính phủ của Arif và cố ý chấp nhận rủi ro bị bắt thay vì trốn sang Syria một lần nữa. Saddam bị bắt vào tháng 10 năm 1964 và ngồi tù khoảng hai năm trước khi vượt ngục vào năm 1966. Năm 1966, Ahmed Hassan al-Bakr bổ nhiệm ông làm Phó Bí thư Bộ Chỉ huy Vùng. Saddam, người sẽ chứng tỏ là một nhà tổ chức tài ba, đã làm hồi sinh bữa tiệc. Như câu chuyện, ông được bầu vào Bộ chỉ huy khu vực, với sự giúp đỡ từ Michel Aflaq - người sáng lập tư tưởng Ba'athist. Vào tháng 9 năm 1966, Saddam đã khởi xướng một thách thức phi thường đối với sự thống trị của Đảng Ba'ath ở Syria để đáp lại sự tiếp quản của Chủ nghĩa Marx đối với Ba'ath của Syria vào đầu năm đó, dẫn đến việc Đảng đã chính thức chia thành hai phe riêng biệt. Saddam sau đó đã tạo ra một dịch vụ an ninh Ba'athist, do một mình ông kiểm soát. Vào tháng 7 năm 1968, Saddam tham gia vào một cuộc đảo chính không đổ máu do Ahmed Hassan al-Bakr lãnh đạo nhằm lật đổ Abdul Rahman Arif, anh trai và người kế nhiệm của Salam Arif. Trong khi vai trò của Saddam trong cuộc đảo chính không có gì đáng kể (ngoại trừ trong văn bản chính thức), Saddam đã lên kế hoạch và thực hiện cuộc thanh trừng tiếp theo của phe không theo chủ nghĩa Ba'athist do Thủ tướng Abd ar-Razzaq an-Naif lãnh đạo, mà sự ủng hộ là cần thiết cho sự thành công của cuộc đảo chính. Theo một cuốn tiểu sử bán chính thức, Saddam đã đích thân dẫn Naif ra trước mũi máy bay hộ tống Naif rời Iraq. Arif được cho tị nạn ở London và sau đó là Istanbul. Al-Bakr được bổ nhiệm làm tổng thống và Saddam được chỉ định là phó của ông, và phó chủ tịch của Hội đồng Chỉ huy Cách mạng Ba'athist. Theo các nhà viết tiểu sử, Saddam không bao giờ quên những căng thẳng trong chính phủ Ba'athist đầu tiên, vốn đã hình thành cơ sở cho các biện pháp thúc đẩy sự đoàn kết của đảng Ba'ath cũng như quyết tâm duy trì quyền lực và các chương trình đảm bảo ổn định xã hội. Mặc dù Saddam là cấp phó của al-Bakr, ông là một chính trị gia hậu trường mạnh mẽ của đảng. Al-Bakr là người lớn tuổi hơn và có uy tín hơn trong số hai người, nhưng đến năm 1969, Saddam dần dần trở thành lực lượng nắm quyền đằng sau hậu trường của đảng này. Kế hoạch chính trị Vào cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970, với tư cách là phó chủ tịch Hội đồng Chỉ huy Cách mạng, người chỉ huy chính thức của al-Bakr, Saddam đã tạo dựng được danh tiếng là một chính trị gia tiến bộ, hiệu quả. Vào thời điểm này, Saddam đã thăng cấp trong chính phủ mới bằng cách hỗ trợ các nỗ lực củng cố và thống nhất đảng Ba'ath và giữ vai trò lãnh đạo trong việc giải quyết các vấn đề nội địa lớn của đất nước và tăng cường số lượng đảng viên. Sau khi những người theo chủ nghĩa Ba'athists lên nắm quyền vào năm 1968, Saddam tập trung vào việc đạt được sự ổn định trong một quốc gia luôn tồn tại những căng thẳng sâu sắc. Rất lâu trước khi Saddam nắm quyền, Iraq đã bị chia cắt theo các đường đứt gãy về xã hội, sắc tộc, tôn giáo và kinh tế: mâu thuẫn giữa người Hồi giáo Sunni so với Shia, người Arab so với người Kurd, tù trưởng bộ lạc với thương nhân thành thị, du mục với nông dân. Mong muốn có được sự cai trị ổn định trong một đất nước đầy rẫy chủ nghĩa bè phái đã khiến Saddam theo đuổi cả việc đàn áp quy mô lớn lẫn việc cải thiện mức sống. Saddam tích cực thúc đẩy quá trình hiện đại hóa nền kinh tế Iraq cùng với việc thành lập một bộ máy an ninh mạnh mẽ để ngăn chặn các cuộc đảo chính trong cơ cấu quyền lực và các cuộc nổi dậy khác với nó. Từng quan tâm đến việc mở rộng cơ sở ủng hộ của mình trong các thành phần đa dạng của xã hội Iraq và huy động sự ủng hộ của quần chúng, ông đã theo sát việc điều hành các chương trình phúc lợi và phát triển cấp nhà nước. Trung tâm của chiến lược này là dầu mỏ của Iraq. Vào ngày 1 tháng 6 năm 1972, Saddam giám sát việc nắm giữ các lợi ích dầu mỏ quốc tế, vốn thống trị lĩnh vực dầu mỏ của Iraq vào thời điểm đó. Một năm sau, giá dầu thế giới tăng chóng mặt do hậu quả của cuộc khủng hoảng năng lượng năm 1973, và doanh thu từ dầu mỏ tăng vọt giúp Saddam mở rộng kế hoạch của mình. Chỉ trong vòng vài năm, Iraq đã cung cấp các dịch vụ xã hội mà chưa từng có ở các nước Trung Đông. Saddam đã thành lập và kiểm soát "Chiến dịch Quốc gia Xóa mù chữ" và Chiến dịch "Giáo dục Miễn phí Bắt buộc ở Iraq", và phần lớn dưới sự bảo trợ của ông, chính phủ đã thiết lập phổ cập giáo dục miễn phí đến các cấp học cao nhất; hàng trăm nghìn người đã học cách đọc trong những năm sau khi chương trình bắt đầu. Chính phủ cũng hỗ trợ các gia đình binh lính, cấp viện miễn phí cho mọi người, và trợ cấp cho nông dân. Iraq đã tạo ra một trong những hệ thống y tế công cộng hiện đại nhất ở Trung Đông, mang về cho Saddam một giải thưởng từ Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO). Với sự giúp đỡ của việc tăng doanh thu từ dầu mỏ, Saddam đã đa dạng hóa nền kinh tế Iraq chủ yếu dựa vào dầu mỏ. Saddam thực hiện một chiến dịch cơ sở hạ tầng quốc gia đã đạt được tiến bộ lớn trong việc xây dựng đường xá, thúc đẩy khai thác mỏ và phát triển các ngành công nghiệp khác. Chiến dịch này đã giúp các ngành năng lượng của Iraq. Điện đã được đưa đến gần như mọi thành phố ở Iraq và nhiều khu vực xa xôi hẻo lánh. Trước những năm 1970, hầu hết người dân Iraq sống ở nông thôn và khoảng 2/3 là nông dân. Con số này sẽ giảm nhanh chóng trong những năm 1970 khi giá dầu toàn cầu giúp doanh thu tăng từ dưới nửa tỷ đô la lên hàng chục tỷ đô la và Iraq bắt đầu đầu tư vào mở rộng công nghiệp. Doanh thu từ dầu mỏ mang lại lợi ích cho Saddam về mặt chính trị. Theo The Economist, "Giống như Adolf Hitler sớm giành được lời khen ngợi vì đã làm hồi sinh nền công nghiệp Đức, chấm dứt tình trạng thất nghiệp hàng loạt và xây dựng các autobahn, Saddam đã khiến người dân nước ngoài ngưỡng mộ vì những việc làm của mình. Ông có một bản năng tốt về những gì " đường phố Ả Rập " yêu cầu, sau sự suy giảm trong vai trò lãnh đạo của Ai Cập do chấn thương của chiến thắng sáu ngày của Israel trong cuộc chiến năm 1967, cái chết của anh hùng Ả Rập gốc, Gamal Abdul Nasser, trong 1970, và sự thúc đẩy "phản bội" của người kế nhiệm ông, Anwar Sadat, để kiện đòi hòa bình với nhà nước Do Thái. Tuyên truyền tự kích động bản thân của Saddam, với việc bản thân đóng giả là người bảo vệ chủ nghĩa Ả Rập chống lại những kẻ xâm nhập Do Thái hoặc Ba Tư, là nặng tay, nhưng nhất quán như một nhịp trống. Tất nhiên, điều đó giúp ích cho việc mukhabarat (cảnh sát mật) của ông ấy đưa hàng chục biên tập viên tin tức, nhà văn và nghệ sĩ Ả Rập vào biên chế." Năm 1972, Saddam ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác kéo dài 15 năm với Liên Xô. Theo nhà sử học Charles RH Tripp, hiệp ước này đã làm đảo lộn “hệ thống an ninh do Mỹ bảo trợ được thiết lập như một phần của Chiến tranh Lạnh ở Trung Đông. Có vẻ như bất kỳ kẻ thù nào của chế độ Baghdad đều là đồng minh tiềm năng của Hoa Kỳ. " Đáp lại, Hoa Kỳ đã bí mật tài trợ cho các phiến quân người Kurd do Mustafa Barzani lãnh đạo trong Chiến tranh Iraq-Người Kurd lần thứ hai; Người Kurd đã bị đánh bại vào năm 1975, dẫn đến việc hàng trăm nghìn thường dân người Kurd phải đi tị nạn. Saddam tập trung vào việc nuôi dưỡng lòng trung thành với những người Ba'athists ở các vùng nông thôn. Sau khi quốc hữu hóa các quyền lợi dầu mỏ của nước ngoài, Saddam giám sát việc hiện đại hóa nông thôn, cơ giới hóa nông nghiệp trên quy mô lớn và phân phối ruộng đất cho nông dân. Người Ba'athists thành lập các hợp tác xã trang trại và chính phủ cũng tăng gấp đôi chi tiêu cho phát triển nông nghiệp trong giai đoạn 1974-1975. Các chương trình phúc lợi của Saddam là một phần của sự kết hợp giữa chiến thuật "củ cà rốt và cây gậy" để tăng cường sự ủng hộ cho Saddam. Các ngân hàng quốc doanh do Saddam chỉ đạo, và việc cho vay dựa trên chủ nghĩa thân hữu. Sự phát triển đã diễn ra với tốc độ chóng mặt đến mức hai triệu người từ các quốc gia Ả Rập khác và thậm chí cả từ Nam Tư đã làm việc tại Iraq để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về lao động Kế vị Năm 1976, Saddam thăng tiến lên đến vị trí đại tướng trong lực lượng vũ trang Iraq, và nhanh chóng trở thành nhà lãnh đạo mạnh mẽ của chính phủ. Khi al-Bakr già yếu không thể thi hành nhiệm vụ của mình, Saddam ngày càng đóng vai trò là bộ mặt của chính phủ cả trong đối nội và đối ngoại. Ông sớm trở thành kiến trúc sư của chính sách đối ngoại của Iraq và đại diện cho quốc gia này trong mọi tình huống ngoại giao. Ông là lãnh đạo thực tế của Iraq vài năm trước khi chính thức lên nắm quyền vào năm 1979. Ông từ từ bắt đầu củng cố quyền lực của mình đối với chính phủ Iraq và đảng Ba'ath. Mối quan hệ của ông với các thành viên đồng đảng được vun đắp cẩn thận, và Saddam sớm có được một lực lượng ủng hộ hùng hậu trong đảng. Năm 1979, al-Bakr bắt đầu thực hiện các hiệp ước với Syria, cũng dưới sự lãnh đạo của Ba'athist, sẽ dẫn đến sự thống nhất giữa hai quốc gia. Tổng thống Syria Hafez al-Assad sẽ trở thành phó lãnh đạo trong một liên minh, và điều này sẽ khiến vị trí của Saddam trở nên lu mờ. Saddam đã hành động để đảm bảo quyền lực của mình. Ông buộc al-Bakr đang ốm yếu phải từ chức vào ngày 16 tháng 7 năm 1979 và chính thức đảm nhận chức vụ Tổng thống. Thanh trừng năm 1979 trong Đảng Ba'ath Saddam đã triệu tập một cuộc họp của các nhà lãnh đạo đảng Ba'ath vào ngày 22 tháng 7 năm 1979. Trong cuộc họp mà ông đã ra lệnh quay video, Saddam tuyên bố đã tìm thấy đội quân thứ năm trong Đảng Ba'ath và chỉ đạo Muhyi Abdel-Hussein đọc lời thú tội và tên của 68 đồng phạm bị cáo buộc. Những thành viên này bị dán nhãn là phần tử "không trung thành" và lần lượt bị loại khỏi chức vị và bị quản thúc. Sau khi danh sách được đọc, Saddam chúc mừng những người vẫn ngồi trong phòng vì lòng trung thành trong quá khứ và tương lai của họ. 68 người bị bắt tại cuộc họp sau đó đã bị xét xử cùng nhau và bị kết tội phản quốc. 22 người trong số đó bị kết án xử tử. Các thành viên cấp cao khác của đảng đã thành lập đội xử bắn. Đến ngày 1 tháng 8 năm 1979, hàng trăm đảng viên cấp cao của đảng Ba'ath đã bị hành quyết. Các tổ chức bán quân sự và cảnh sát Xã hội Iraq lúc đó đã rạn nứt theo ngôn ngữ, tôn giáo và sắc tộc. Đảng Ba'ath, về bản chất là thế tục, đã áp dụng các hệ tư tưởng Pan-Arab mà đến lượt nó lại là vấn đề đối với một bộ phận đáng kể dân số. Sau Cách mạng Iran năm 1979, Iraq phải đối mặt với viễn cảnh thay đổi chính quyền từ hai phe phái Hồi giáo Shia (Dawa và SCIRI) mong muốn mô hình Iraq dựa trên nước láng giềng Iran với một chế độ thần quyền nghiêng về người Hồi giáo Shia. Một mối đe dọa khác của Iraq đến từ các bộ phận người Kurd ở miền bắc Iraq, những người phản đối việc trở thành một phần của một nhà nước Iraq và ủng hộ độc lập (một hệ tư tưởng đã có từ trước khi Đảng Ba'ath cầm quyền). Để giảm bớt mối đe dọa cách mạng sẽ nổ ra, Saddam đã dành những lợi ích nhất định cho những nhóm người có khả năng là thù địch với ông. Tư cách thành viên của Đảng Ba'ath vẫn cởi mở cho tất cả công dân Iraq bất kể nguồn gốcxuất thân. Tuy nhiên, các biện pháp đàn áp đã được Saddam thực hiện đối với các đối thủ của Đảng này. Các công cụ chính để thực hiện việc kiểm soát này là các tổ chức bán quân sự và cảnh sát. Bắt đầu từ năm 1974, Taha Yassin Ramadan (bản thân là người Ba'athist người Kurd), một cộng sự thân cận của Saddam, chỉ huy Quân đội Nhân dân, lực lượng chịu trách nhiệm về an ninh nội bộ. Với tư cách là lực lượng bán quân sự của Đảng Ba'ath, Quân đội Nhân dân đóng vai trò là đối trọng chống lại mọi âm mưu đảo chính của các lực lượng vũ trang chính quy. Ngoài Quân đội Nhân dân, Tổng cục Tình báo là cánh tay khét tiếng nhất của hệ thống an ninh nhà nước, thường xuyên sử dụng tra tấn và ám sát. Barzan Ibrahim al-Tikriti, em trai cùng cha khác mẹ của Saddam, chỉ huy Mukhabarat. Các nhà quan sát nước ngoài tin rằng từ năm 1982, bộ phận này đã hoạt động cả trong và ngoài nước với sứ mệnh tìm kiếm và loại bỏ các lực lượng mà Saddam coi là đối địch. Saddam nổi bật vì đã thường xuyên khủng bố đối với người dân của mình. Tờ The Economist mô tả Saddam là "một trong những nhà độc tài vĩ đại cuối cùng của thế kỷ 20, nhưng không kém phần ích kỷ, hoặc độc ác, hoặc có ý thức chuyên quyền một cách bệnh hoạn." Chế độ của Saddam đã gây ra cái chết của ít nhất 250.000 người Iraq và phạm tội ác chiến tranh ở Iran, Kuwait và Ả Rập Saudi. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền và Tổ chức Ân xá Quốc tế đã đưa ra các báo cáo thường xuyên về tình trạng bỏ tù và tra tấn trên diện rộng tại đây. Hình ảnh chính trị và văn hóa Như một dấu hiệu cho thấy ông đã nắm chắc quyền lực, sự sùng bái cá nhân Saddam đã lan rộng khắp xã hội Iraq. Đã có hàng nghìn bức chân dung, áp phích, tượng và tranh tường được dựng lên để vinh danh ông trên khắp đất nước Iraq. Hình ảnh của Saddam có thể được nhìn thấy trên các mặt của các tòa nhà văn phòng, trường học, sân bay và cửa hàng, cũng như trên đồng tiền của Iraq. Sự sùng bái cá nhân Saddam phản ánh nỗ lực của ông trong việc thu hút các thành phần khác nhau trong xã hội Iraq. Điều này thể hiện trong nhiều loại trang phục của ông: ông xuất hiện trong trang phục của người Bedouin, quần áo truyền thống của nông dân Iraq (mà Saddam thường mặc trong thời thơ ấu), và thậm chí cả quần áo của người Kurd, nhưng cũng mặc các bộ đồ phương Tây mà ông từng may đo, phóng chiếu hình ảnh của một nhà lãnh đạo hiện đại. Đôi khi ông cũng được miêu tả là một tín đồ Hồi giáo sùng đạo, đội mũ và áo choàng đầy đủ, cầu nguyện hướng về phía Mecca. Saddam Hussein cũng đã tiến hành hai cuộc bầu cử mang tính trình diễn vào năm 1995 và 2002. Trong cuộc trưng cầu dân ý năm 1995, được tiến hành vào ngày 15 tháng 10, ông được cho là đã nhận được 99,96% số phiếu bầu với tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu là 99,47%, chỉ nhận được 3.052 phiếu bầu phản đối trong số 8,4 triệu cử tri. Trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 15 tháng 10 năm 2002, ông chính thức đạt được 100% số phiếu tán thành và 100% số cử tri đi bầu, khi ủy ban bầu cử báo cáo ngày hôm sau rằng tất cả cử tri trong số 11.445.638 cử tri đủ điều kiện đều đã bỏ phiếu "Có" cho tổng thống đương nhiệm. Ông đã dựng những bức tượng trên khắp đất nước. Sau khi chế độ của ông sụp đổ, người Iraq đã giật sập các bức tượng này. Đối ngoại Quan hệ của Iraq với thế giới Ả Rập rất đa dạng. Quan hệ giữa Iraq và Ai Cập rạn nứt dữ dội vào năm 1977, khi hai quốc gia cắt đứt quan hệ với nhau sau khi Iraq chỉ trích các sáng kiến hòa bình của Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat với Israel. Năm 1978, Baghdad tổ chức hội nghị thượng đỉnh của Liên đoàn Ả Rập lên án và tẩy chay Ai Cập vì đã chấp nhận Hiệp định Trại David. Tuy nhiên, sự hỗ trợ mạnh mẽ về vật chất và ngoại giao của Ai Cập dành cho Iraq trong cuộc chiến với Iran đã dẫn đến quan hệ nồng ấm hơn và nhiều cuộc tiếp xúc giữa các quan chức cấp cao, bất chấp việc tiếp tục vắng mặt đại diện cấp đại sứ. Kể từ năm 1983, Iraq đã nhiều lần kêu gọi khôi phục "vai trò tự nhiên" của Ai Cập giữa các nước Ả Rập. Saddam nổi tiếng là thích những món hàng đắt tiền, chẳng hạn như đồng hồ đeo tay Rolex phủ kim cương, và gửi bản sao của chúng cho bạn bè trên khắp thế giới. Saddam từng gửi một chiếc Boeing 747 đầy quà — thảm, ti vi, đồ trang trí cho đồng minh của mình, Kenneth Kaunda. Saddam có mối quan hệ thân thiết với nhân viên tình báo Nga Yevgeny Primakov từ những năm 1960; Primakov có thể đã giúp Saddam ổn định quyền lực vào năm 1991. Saddam chỉ đến thăm hai nước phương Tây. Chuyến thăm đầu tiên diễn ra vào tháng 12 năm 1974, khi nhà độc tài của Tây Ban Nha, Francisco Franco, mời ông đến Madrid và ông đến thăm Granada, Córdoba và Toledo. Tháng 9 năm 1975, ông gặp Thủ tướng Jacques Chirac tại Paris, Pháp. Một số nhà lãnh đạo Iraq, nhà buôn vũ khí Liban Sarkis Soghanalian và những người khác đã tuyên bố rằng Saddam đã tài trợ cho đảng của Chirac. Năm 1991, Saddam đe dọa sẽ vạch trần những kẻ đã coi thường ông: “Từ ông Chirac đến ông Chevènement, các chính trị gia và lãnh đạo kinh tế luôn cạnh tranh công khai để dành thời gian cho chúng tôi và tâng bốc chúng tôi. Hiện chúng tôi đã nắm bắt được thực tế tình hình. Nếu thủ đoạn gian dối tiếp tục, chúng tôi sẽ buộc phải vạch mặt chúng, tất cả chúng, trước công chúng Pháp. " Pháp đã trang bị vũ khí cho Saddam và nước này là đối tác thương mại lớn nhất của Iraq trong suốt thời kỳ Saddam cầm quyền. Các tài liệu bị thu giữ cho thấy các quan chức và doanh nhân Pháp thân cận với Chirac, bao gồm cả Charles Pasqua, cựu bộ trưởng nội vụ của ông, được hưởng lợi cá nhân từ các giao dịch với Saddam. Vì Saddam Hussein hiếm khi rời Iraq, Tariq Aziz, một trong những phụ tá của Saddam, đã đi công tác nước ngoài rất nhiều và đại diện cho Iraq tại nhiều cuộc họp ngoại giao. Về đối ngoại, Saddam tìm cách để Iraq đóng một vai trò hàng đầu ở Trung Đông. Iraq đã ký một hiệp ước viện trợ với Liên Xô vào năm 1972, và vũ khí đã được gửi cùng với hàng nghìn cố vấn. Tuy nhiên, cuộc đàn áp năm 1978 đối với Cộng sản Iraq và sự chuyển dịch thương mại sang phương Tây đã làm căng thẳng quan hệ giữa Iraq với Liên Xô; Iraq sau đó có khuynh hướng thân phương Tây hơn cho đến Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991. Sau cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973, Pháp đã chuyển sang chính sách thân Ả Rập hơn và Pháp đã được Saddam tưởng thưởng bằng các mối quan hệ chặt chẽ hơn. Ông đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Pháp vào năm 1975, củng cố mối quan hệ chặt chẽ với một số giới kinh doanh và chính trị cầm quyền của Pháp. Năm 1975, Saddam đàm phán một hiệp định với Iran trong đó có sự nhượng bộ của Iraq về các tranh chấp biên giới. Đổi lại, Iran đồng ý ngừng hỗ trợ người Kurd đối lập ở Iraq. Saddam đã lãnh đạo Ả Rập phản đối Hiệp định Trại David giữa Ai Cập và Israel (1979). Saddam khởi xướng dự án làm giàu hạt nhân của Iraq vào những năm 1980, với sự trợ giúp của Pháp. Lò phản ứng hạt nhân đầu tiên của Iraq được người Pháp đặt tên là "Osirak." Osirak bị phá hủy vào ngày 7 tháng 6 năm 1981 do một cuộc không kích của Israel (Chiến dịch Opera). Gần như ngay từ khi được thành lập như một quốc gia hiện đại vào năm 1920, Iraq đã phải đối phó với lực lượng ly khai người Kurd ở miền bắc của đất nước này. Saddam đã đàm phán một thỏa thuận vào năm 1970 với các nhà lãnh đạo người Kurd ly khai, trao quyền tự trị cho họ, nhưng thỏa thuận đã đổ vỡ. Kết quả là các cuộc giao tranh tàn bạo giữa chính phủ và các nhóm người Kurd và thậm chí cả việc Iraq ném bom vào các làng của người Kurd ở Iran, khiến quan hệ giữa Iraq với Iran xấu đi. Tuy nhiên, sau khi Saddam đàm phán hiệp ước năm 1975 với Iran, Shah đã rút lại sự ủng hộ dành cho người Kurd, và người Kurd đã bị thất bại toàn diện. Chiến tranh Iran-Iraq Đầu năm 1979, Shah Mohammad Reza Pahlavi của Iran bị Cách mạng Hồi giáo lật đổ, nhường chỗ cho một nước cộng hòa Hồi giáo do Ayatollah Ruhollah Khomeini lãnh đạo. Ảnh hưởng của cách mạng Hồi giáo dòng Shia ngày càng lan rộng trong khu vực, đặc biệt là ở các nước có đông người Hồi giáo Shi'ite, đặc biệt là Iraq. Saddam lo sợ rằng những tư tưởng Hồi giáo cực đoan - thù địch với sự cai trị thế tục của ông - đang nhanh chóng lan truyền trong đất nước của ông trong cộng đồng người Shi'ite chiếm đa số. Đã có những hiềm khích gay gắt giữa Saddam và Khomeini kể từ những năm 1970. Khomeini, bị lưu đày đuổi ra khỏi Iran năm 1964, đến sống ở Iraq, tại thánh địa An Najaf của người Shi'ite. Tại đây, ông tham gia với những người Shi'ite ở Iraq và phát triển một lực lượng chính trị và tôn giáo mạnh mẽ trên toàn thế giới chống lại Chính phủ Iran mà Saddam đã dung túng. Tuy nhiên, khi Khomeini bắt đầu thúc giục người Shi'ite ở đó lật đổ Saddam và dưới áp lực của Shah, người đã đồng ý tái thiết giữa Iraq và Iran vào năm 1975, Saddam đồng ý trục xuất Khomeini vào năm 1978 sang Pháp. Tuy nhiên, điều này hóa ra lại là một thất bại và là một chất xúc tác chính trị, vì Khomeini có quyền tiếp cận với nhiều kết nối truyền thông hơn và cũng hợp tác với một cộng đồng Iran lớn hơn nhiều dưới sự hỗ trợ của Khomeini, và Khomeini biến nó thành lợi thế. Sau khi Khomeini giành được quyền lực, các cuộc giao tranh giữa Iraq và Iran cách mạng đã xảy ra trong mười tháng về chủ quyền của tuyến đường thủy Shatt al-Arab đang tranh chấp, chia cắt hai quốc gia. Trong thời kỳ này, Saddam Hussein công khai khẳng định rằng việc không can dự với Iran là vì lợi ích của Iraq và việc duy trì quan hệ hòa bình là vì lợi ích của cả hai quốc gia. Tuy nhiên, trong cuộc gặp riêng với Salah Omar al-Ali, đại sứ thường trực của Iraq tại Liên Hợp Quốc, ông tiết lộ rằng mình có ý định xâm lược và chiếm một phần lớn lãnh thổ Iran trong vòng vài tháng. Sau đó (có thể là để kêu gọi sự hỗ trợ từ Hoa Kỳ và hầu hết các quốc gia phương Tây), ông cũng đưa việc lật đổ chính phủ Hồi giáo tại Iran thành một trong những ý định của mình. Iraq xâm lược Iran, bắt đầu với việc tấn công sân bay Mehrabad của Tehran và sau đó tiến vào vùng đất giàu dầu mỏ của Iran là Khuzestan, nơi cũng có một nhóm thiểu số Ả Rập khá lớn, vào ngày 22 tháng 9 năm 1980 và tuyên bố đây là một tỉnh mới của Iraq. Với sự hỗ trợ của các quốc gia Ả Rập, Hoa Kỳ và châu Âu, và được tài trợ mạnh mẽ từ các quốc gia Ả Rập ở Vịnh Ba Tư, Saddam Hussein đã trở thành "người bảo vệ thế giới Ả Rập" chống lại một Iran cách mạng. Ngoại lệ duy nhất là Liên Xô, người ban đầu từ chối cung cấp cho Iraq trên cơ sở trung lập trong cuộc xung đột, mặc dù trong hồi ký của mình, Mikhail Gorbachev tuyên bố rằng Leonid Brezhnev đã từ chối viện trợ Saddam vì tức giận việc Saddam đối xử với những người cộng sản Iraq. Do đó, nhiều người coi Iraq là "tác nhân của thế giới văn minh." Sự coi thường trắng trợn luật pháp quốc tế và vi phạm biên giới quốc tế đã bị bỏ qua. Thay vào đó, Iraq nhận được sự hỗ trợ kinh tế và quân sự từ các đồng minh, những người đã bỏ qua việc Saddam sử dụng chiến tranh hóa học chống lại người Kurd và Iran, bên cạnh nỗ lực phát triển vũ khí hạt nhân của Iraq. Trong những ngày đầu tiên của cuộc chiến, có nhiều trận giao tranh trên bộ xung quanh các cảng chiến lược khi Iraq mở cuộc tấn công vào Khuzestan. Sau khi đạt được một số thành tựu ban đầu, quân đội Iraq bắt đầu chịu tổn thất từ các cuộc tấn công bằng làn sóng người của Iran. Đến năm 1982, Iraq ở thế phòng thủ và tìm mọi cách để kết thúc chiến tranh. Tại thời điểm này, Saddam đã yêu cầu các bộ trưởng của mình cho lời khuyên thẳng thắn. Bộ trưởng Y tế, Tiến sĩ Riyadh Ibrahim đề nghị Saddam tạm thời từ chức để thúc đẩy đàm phán hòa bình. Ban đầu, Saddam Hussein dường như đưa ra quan điểm này như một phần của nền dân chủ nội các của mình. Vài tuần sau, bác sĩ Ibrahim bị sa thải khi chịu trách nhiệm về một sự cố chết người tại một bệnh viện ở Iraq, nơi một bệnh nhân chết do tiêm nhầm nồng độ kali bổ sung vào tĩnh mạch. Tiến sĩ Ibrahim bị bắt vài ngày sau khi ông bắt đầu cuộc sống mới với tư cách là một bộ trưởng bị sa thải. Ông được biết là đã công khai tuyên bố trước vụ bắt giữ đó rằng ông "vui mừng vì đã thoát chết." Những mảnh thi thể rời của Ibrahim đã được giao cho vợ ông vào ngày hôm sau. Iraq nhanh chóng sa lầy vào một trong những cuộc chiến tranh tiêu hao lâu dài và hủy diệt nhất thế kỷ 20. Trong chiến tranh, Iraq đã sử dụng vũ khí hóa học chống lại các lực lượng Iran đang chiến đấu ở mặt trận phía nam và lực lượng ly khai người Kurd đang cố gắng mở mặt trận phía bắc ở Iraq với sự giúp đỡ của Iran. Những vũ khí hóa học này được Iraq phát triển từ nguyên liệu và công nghệ chủ yếu do các công ty Tây Đức cung cấp cũng như sử dụng công nghệ lưỡng dụng được nhập khẩu sau khi chính quyền Reagan dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu. Hoa Kỳ cũng cung cấp cho Iraq "các bức ảnh vệ tinh cho thấy các đợt triển khai vũ khí của Iran." Trong nỗ lực của Mỹ nhằm mở cửa quan hệ ngoại giao hoàn toàn với Iraq, quốc gia này đã bị Mỹ đưa ra khỏi danh sách Nhà nước Bảo trợ Khủng bố. Rõ ràng, điều này là do hồ sơ của chế độ đã được cải thiện, mặc dù cựu Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Noel Koch sau đó đã tuyên bố, “Không ai nghi ngờ gì về việc [người Iraq] tiếp tục tham gia khủng bố... Lý do thực sự là điều này đã giúp họ thành công trong cuộc chiến chống lại Iran. " Liên Xô, Pháp và Trung Quốc cùng chiếm hơn 90% giá trị nhập khẩu vũ khí của Iraq từ năm 1980 đến năm 1988. Saddam đã liên hệ với các chính phủ Ả Rập khác để được hỗ trợ tiền mặt và chính trị trong thời gian chiến tranh, đặc biệt là sau khi ngành công nghiệp dầu mỏ của Iraq bị thiệt hại nghiêm trọng dưới tay hải quân Iran ở Vịnh Ba Tư. Iraq đã giành được thành công một số viện trợ quân sự và tài chính, cũng như hỗ trợ ngoại giao và tinh thần, từ Liên Xô, Trung Quốc, Pháp và Hoa Kỳ, những nước cùng lo ngại về triển vọng mở rộng ảnh hưởng của Iran trong khu vực. Người Iran, yêu cầu cộng đồng quốc tế buộc Iraq phải bồi thường chiến tranh cho Iran, đã từ chối mọi đề nghị ngừng bắn. Bất chấp một số lời kêu gọi ngừng bắn của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc, các hành động thù địch vẫn tiếp diễn cho đến ngày 20 tháng 8 năm 1988. Vào ngày 16 tháng 3 năm 1988, thị trấn Halabja của người Kurd đã bị tấn công bằng hỗn hợp khí mù tạt và chất độc thần kinh, giết chết 5.000 thường dân, và 10.000 người khác bị thương, biến dạng hoặc suy nhược nghiêm trọng. (xem Cuộc tấn công bằng khí độc Halabja) Cuộc tấn công xảy ra cùng với Chiến dịch al-Anfal năm 1988 được thiết kế để khẳng định lại quyền kiểm soát trung tâm của phần lớn dân số người Kurd ở các khu vực phía bắc Iraq và đánh bại lực lượng nổi dậy peshmerga của người Kurd. Hoa Kỳ hiện vẫn cho rằng Saddam đã ra lệnh tấn công để khủng bố người Kurd ở miền bắc Iraq, nhưng chế độ của Saddam vào thời điểm đó tuyên bố rằng Iran phải chịu trách nhiệm cho cuộc tấn công . Tuyên bố này được một số quốc gia bao gồm cả Hoa Kỳ hỗ trợ cho đến vài năm sau đó. Cuộc chiến tám năm đẫm máu này kết thúc trong bế tắc. Đã có hàng trăm ngàn người thương vong với ước tính lên đến một triệu người chết. Không bên nào đạt được những gì họ mong muốn ban đầu và các đường biên giới gần như không thay đổi. Khu vực phía nam, giàu dầu mỏ và thịnh vượng và khu vực Basra (trọng tâm chính của cuộc chiến, và là nguồn kinh tế chính của họ) gần như bị phá hủy hoàn toàn và bị bỏ lại ở biên giới trước năm 1979, trong khi Iran cố gắng kiếm được một số lợi nhuận nhỏ. biên giới của nó ở khu vực phía Bắc của người Kurd. Cả hai nền kinh tế của hai nước, trước đây lành mạnh và đang mở rộng, đều bị lụi tàn. Saddam đã vay hàng chục tỷ đô la từ các quốc gia Ả Rập khác và một vài tỷ từ nơi khác trong những năm 1980 để chống lại Iran, chủ yếu là để ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan Shi'a. Tuy nhiên, điều này đã được chứng minh là phản tác dụng hoàn toàn đối với cả Iraq và một phần các quốc gia Ả Rập, vì Khomeini được nhiều người coi là anh hùng vì đã quản lý để bảo vệ Iran và duy trì cuộc chiến với ít sự hỗ trợ của nước ngoài chống lại Iraq được hậu thuẫn nặng nề và chỉ xoay sở để thúc đẩy chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo không chỉ trong các quốc gia Ả Rập, mà trong chính Iraq, tạo ra căng thẳng mới giữa Đảng Ba'ath Sunni và đa số dân Shi'a. Đối mặt với việc xây dựng lại cơ sở hạ tầng của Iraq và sự phản kháng nội bộ, Saddam tuyệt vọng tìm kiếm tiền mặt lần nữa, lần này là để tái thiết sau chiến tranh. Chiến dịch Al-Anfal Chiến dịch Al-Anfal là một chiến dịch diệt chủng chống lại người Kurd (và nhiều người khác) ở các vùng người Kurd ở Iraq do chính phủ Saddam Hussein lãnh đạo và Ali Hassan al-Majid đứng đầu. Chiến dịch lấy tên từ chương 8 của Qur'anic (al-ʾanfāl), được sử dụng làm mật danh bởi chính quyền Ba'athist cũ của Iraq cho một loạt các cuộc tấn công chống lại phiến quân peshmerga và phần lớn là dân thường người Kurd ở vùng nông thôn miền Bắc. Iraq, được tiến hành từ năm 1986 đến năm 1989 mà đỉnh điểm là năm 1988. Chiến dịch này cũng nhắm vào người Shabaks và Yazidis, người Assyria, người Turkoman và người Mandeans và nhiều ngôi làng thuộc các nhóm dân tộc này cũng bị phá hủy. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền ước tính có khoảng 50.000 đến 100.000 người đã thiệt mạng. Một số nguồn tin của người Kurd đưa ra con số cao hơn, ước tính rằng 182.000 người Kurd đã thiệt mạng. Căng thẳng với Kuwait Chiến tranh với Iran kết thúc đã làm gia tăng căng thẳng tiềm ẩn giữa Iraq và nước láng giềng giàu có Kuwait. Saddam thúc giục Kuwait từ bỏ khoản nợ của Iraq tích lũy trong chiến tranh, vốn khoảng 30 tỷ USD, nhưng Kuwait từ chối. Saddam thúc đẩy các nước xuất khẩu dầu tăng giá dầu bằng cách cắt giảm sản lượng; Tuy nhiên, Kuwait đã từ chối. Ngoài việc từ chối yêu cầu này, Kuwait còn dẫn đầu phe đối lập trong OPEC về việc cắt giảm mà Saddam đã yêu cầu. Kuwait đang bơm một lượng lớn dầu và do đó giữ giá ở mức thấp, khi Iraq cần bán dầu giá cao từ các giếng dầu của mình để trả một khoản nợ khổng lồ. Saddam luôn lập luận rằng Kuwait trong lịch sử là một phần không thể tách rời của Iraq, và Kuwait chỉ ra đời nhờ các tác động của chủ nghĩa đế quốc Anh; điều này lặp lại niềm tin rằng những người theo chủ nghĩa dân tộc Iraq đã lên tiếng trong 50 năm qua. Niềm tin này là một trong số ít các tín điều của đức tin thống nhất chính trường trong một quốc gia đầy rẫy những chia rẽ xã hội, sắc tộc, tôn giáo và phân hóa hệ tư tưởng rõ rệt. Mức độ dự trữ dầu của Kuwait cũng làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Trữ lượng dầu của Kuwait (với dân số 2 triệu bên cạnh 25 triệu của Iraq) gần bằng của Iraq. Tổng hợp lại, Iraq và Kuwait chiếm khoảng 20% trữ lượng dầu được biết đến của thế giới; như một bài báo so sánh, trong khi Ả Rập Xê Út nắm giữ 25%. Saddam phàn nàn với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ rằng Kuwait đã khoan dầu từ các giếng mà Iraq cho là nằm trong biên giới tranh chấp với Kuwait. Saddam vẫn có một đội quân giàu kinh nghiệm và được trang bị tốt, mà ông dùng để gây ảnh hưởng đến các vấn đề khu vực. Sau đó, ông đã điều quân đến biên giới Iraq-Kuwait. Khi quan hệ Iraq-Kuwait nhanh chóng xấu đi, Saddam nhận được thông tin mâu thuẫn về cách Mỹ sẽ phản ứng với triển vọng một cuộc xâm lược. Đầu tiên, Washington đã thực hiện các biện pháp để vun đắp mối quan hệ mang tính xây dựng với Iraq trong khoảng một thập kỷ. Chính quyền Reagan đã cấp cho Iraq khoảng 4 tỷ USD tín dụng nông nghiệp để tăng cường chống lại Iran. Iraq của Saddam trở thành "nước nhận viện trợ lớn thứ ba của Mỹ". Phản ứng trước những lời chỉ trích của phương Tây vào tháng 4 năm 1990, Saddam đe dọa sẽ tiêu diệt một nửa Israel bằng vũ khí hóa học nếu nước này tấn công Iraq. Vào tháng 5 năm 1990, ông chỉ trích sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với Israel và cảnh báo rằng "Hoa Kỳ không thể duy trì một chính sách như vậy trong khi tuyên bố tình hữu nghị đối với người Ả Rập." Vào tháng 7 năm 1990, ông đe dọa vũ lực chống lại Kuwait và UAE rằng "Các chính sách của một số nhà cầm quyền Ả Rập là của Mỹ... Họ được Mỹ truyền cảm hứng để phá hoại lợi ích và an ninh của Ả Rập. " Mỹ đã cử máy bay và tàu chiến đến Vịnh Ba Tư để đáp trả những mối đe dọa này. Đại sứ Hoa Kỳ tại Iraq April Glaspie gặp Saddam trong một cuộc họp khẩn cấp vào ngày 25 tháng 7 năm 1990. Trong cuộc họp này nhà lãnh đạo Iraq công kích chính sách của Hoa Kỳ liên quan đến Kuwait và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất: Có ý nghĩa gì khi Mỹ nói rằng họ sẽ bảo vệ bạn bè của mình? Nó chỉ có thể là thành kiến với Iraq. Lập trường này cộng với các động thái và tuyên bố đã được đưa ra đã khuyến khích UAE và Kuwait coi thường các quyền của Iraq. Nếu bạn sử dụng áp lực, chúng tôi sẽ triển khai áp lực và lực lượng. Chúng tôi biết rằng bạn có thể làm hại chúng tôi mặc dù chúng tôi không đe dọa bạn. Nhưng chúng tôi cũng có thể làm hại bạn. Mọi người đều có thể gây hại tùy theo khả năng và quy mô của họ. Chúng tôi không thể đến tận nơi thăm bạn ở Hoa Kỳ, nhưng từng người Ả Rập có thể tiếp cận bạn. Chúng tôi không đặt nước Mỹ vào giữa những kẻ thù. Chúng tôi đặt nó ở nơi chúng tôi muốn bạn bè của chúng tôi và chúng tôi cố gắng trở thành bạn bè. Nhưng những tuyên bố lặp đi lặp lại của Mỹ vào năm ngoái cho thấy rõ rằng Mỹ không coi chúng tôi là bạn. Glaspie đáp lại: Tôi biết bạn cần tiền. Chúng tôi hiểu điều đó và quan điểm của chúng tôi là bạn nên có cơ hội để xây dựng lại đất nước của mình. Nhưng chúng tôi không có ý kiến về xung đột Ả Rập-Ả Rập, như bất đồng biên giới của bạn với Kuwait.... Thành thật mà nói, chúng tôi chỉ có thể thấy rằng bạn đã triển khai quân đội lớn ở phía nam. Thông thường đó sẽ không phải là việc của chúng tôi. Nhưng khi điều này xảy ra trong bối cảnh của những gì bạn đã nói vào ngày quốc khánh của bạn, sau đó khi chúng tôi đọc chi tiết trong hai bức thư của Bộ trưởng Ngoại giao, sau đó khi chúng tôi thấy quan điểm của Iraq rằng các biện pháp của UAE và Kuwait là, trong phân tích cuối cùng, song song với hành động xâm lược quân sự chống lại Iraq, thì chúng tôi tỏ thái độ quan ngại là hợp lý. Saddam tuyên bố rằng ông sẽ cố gắng đàm phán lần cuối cùng với Kuwait nhưng Iraq "không chấp nhận cái chết." Các quan chức Mỹ đã cố gắng duy trì một đường lối hòa giải với Iraq, cho thấy rằng trong khi George H. W. Bush và James Baker không muốn sử dụng vũ lực, họ sẽ không có bất kỳ lập trường nào trong tranh chấp ranh giới Iraq-Kuwait và không muốn can dự vào việc này. Sau đó, Iraq và Kuwait đã gặp nhau trong một phiên đàm phán cuối cùng, nhưng thất bại. Saddam sau đó gửi quân vào Kuwait. Khi căng thẳng giữa Washington và Saddam bắt đầu leo thang, Liên Xô, dưới thời Mikhail Gorbachev, đã củng cố mối quan hệ quân sự với nhà lãnh đạo Iraq, cung cấp cho ông ta các cố vấn quân sự, vũ khí và viện trợ. Chiến tranh Vùng Vịnh Vào ngày 2 tháng 8 năm 1990, Saddam xâm lược Kuwait, ban đầu tuyên bố hỗ trợ "những người cách mạng Kuwait", do đó làm bùng lên một cuộc khủng hoảng quốc tế. Vào ngày 4 tháng 8, một " Chính phủ lâm thời Kuwait tự do " do Iraq hậu thuẫn đã được tuyên bố, nhưng sự thiếu vắng hoàn toàn tính hợp pháp và sự ủng hộ đối với nó đã dẫn đến một thông báo ngày 8 tháng 8 về việc "sáp nhập" hai nước. Vào ngày 28 tháng 8 Kuwait chính thức trở thành tỉnh thứ 19 của Iraq. Chỉ hai năm sau khi Iraq và Iran đình chiến năm 1988, "Saddam Hussein đã làm những gì mà những người bảo trợ vùng Vịnh trước đó đã trả tiền để ngăn cản". Sau khi loại bỏ mối đe dọa của chủ nghĩa chính thống Iran, ông "chế ngự Kuwait và đối đầu với các nước láng giềng vùng Vịnh nhân danh chủ nghĩa dân tộc Ả Rập và Hồi giáo." Sau này, khi được hỏi tại sao lại xâm lược Kuwait, Saddam đầu tiên nói rằng đó là vì Kuwait đúng là tỉnh thứ 19 của Iraq và sau đó nói rằng "Khi tôi nhận ra điều gì đó, tôi sẽ hành động. Đó là cách thức của tôi. " Sau khi Saddam chiếm Kuwait vào tháng 8 năm 1990, một liên minh của Liên Hợp Quốc do Hoa Kỳ dẫn đầu đã xua quân của Iraq khỏi Kuwait vào tháng 2 năm 1991. Khả năng Saddam Hussein theo đuổi hành động xâm lược quân sự như vậy là do "cỗ máy quân sự được trả một phần lớn bằng hàng chục tỷ USD mà Kuwait và các quốc gia vùng Vịnh đã đổ vào Iraq và vũ khí và công nghệ do Liên Xô, Đức và Pháp cung cấp." Không lâu trước khi xâm lược Kuwait, Saddam đã vận chuyển 100 chiếc xe Mercedes 200 Series mới cho các biên tập viên hàng đầu ở Ai Cập và Jordan. Hai ngày trước khi các cuộc tấn công đầu tiên xảy ra, Saddam được cho là đã đề nghị tặng cho Hosni Mubarak của Ai Cập 50 triệu đô la tiền mặt, "bề ngoài là để đổi lấy lúa mạch". Tổng thống Mỹ George H. W. Bush đã đáp trả thận trọng trong vài ngày đầu tiên. Một mặt, Kuwait, trước thời điểm bị xâm lược, là kẻ thù của Israel và là nước quân chủ vùng Vịnh Ba Tư có quan hệ thân thiện nhất với Liên Xô. Mặt khác, các nhà hoạch định chính sách đối ngoại của Washington, cùng với các chuyên gia Trung Đông, các nhà phê bình quân sự và các công ty đầu tư nhiều vào khu vực, cực kỳ quan tâm đến sự ổn định ở khu vực này. Cuộc xâm lược ngay lập tức gây ra lo ngại rằng giá dầu thế giới, và do đó quyền kiểm soát nền kinh tế thế giới, đang bị đe dọa. Anh thu lợi rất nhiều từ hàng tỷ đô la đầu tư vào Kuwait và tiền gửi ngân hàng tại đó. Bush có lẽ đã bị chao đảo khi gặp gỡ thủ tướng Anh Margaret Thatcher, người tình cờ đang ở Mỹ vào thời điểm đó. Sự hợp tác giữa Hoa Kỳ và Liên Xô có khả năng thông qua các nghị quyết trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cho Iraq thời hạn phải rút khỏi Kuwait và chấp thuận việc sử dụng vũ lực nếu Saddam không tuân thủ thời gian biểu được đưa ra. Các quan chức Mỹ lo ngại sự trả đũa của Iraq đối với Ả Rập Saudi giàu dầu mỏ, từ những năm 1940, một đồng minh thân cận của Washington, vì sự phản đối của Saudi đối với cuộc xâm lược Kuwait. Theo đó, Mỹ và một nhóm đồng minh, bao gồm các quốc gia đa dạng như Ai Cập, Syria và Tiệp Khắc, đã triển khai một số lượng lớn quân dọc theo biên giới Ả Rập Xê Út với Kuwait và Iraq để bao vây quân đội Iraq, lực lượng quân sự lớn nhất ở Trung Đông. Các sĩ quan dưới quyền Saddam đã cướp phá Kuwait, gỡ cả đá cẩm thạch khỏi các cung điện nước này để chuyển nó đến cung điện của Saddam. Trong giai đoạn đàm phán và đe dọa sau cuộc xâm lược, Saddam tập trung chú ý mới vào vấn đề Palestine bằng cách hứa sẽ rút lực lượng khỏi Kuwait nếu Israel từ bỏ các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng ở Bờ Tây, Cao nguyên Golan và Dải Gaza. Đề xuất của Saddam tiếp tục chia rẽ thế giới Ả Rập, khiến các quốc gia Ả Rập do Mỹ và phương Tây ủng hộ chống lại người Palestine. Các đồng minh cuối cùng đã bác bỏ bất kỳ mối liên hệ nào giữa cuộc khủng hoảng Kuwait và các vấn đề Palestine. Saddam đã phớt lờ thời hạn của Hội đồng Bảo an LHQ. Được sự hậu thuẫn của Hội đồng Bảo an, một liên minh do Hoa Kỳ dẫn đầu đã tiến hành các cuộc tấn công tên lửa và trên không vào Iraq, bắt đầu từ ngày 16 tháng 1 năm 1991. Israel, mặc dù bị tấn công bằng tên lửa của Iraq, đã hạn chế trả đũa để không kích động các quốc gia Ả Rập rời bỏ liên minh. Một lực lượng mặt đất bao gồm phần lớn các sư đoàn thiết giáp và bộ binh của Mỹ và Anh đã đẩy quân đội của Saddam khỏi Kuwait vào tháng 2 năm 1991 và chiếm đóng phần phía nam của Iraq cho đến tận sông Euphrates. Vào ngày 6 tháng 3 năm 1991, Bush ra tuyên bố "Những gì đang bị đe dọa không chỉ là một quốc gia nhỏ, đó là một ý tưởng lớn - một trật tự thế giới mới, nơi các quốc gia đa dạng được tập hợp lại vì mục tiêu chung để đạt được nguyện vọng chung của nhân loại: hòa bình và an ninh, tự do và pháp quyền. " Cuối cùng, quân đội Iraq với quân số ít ỏi và thiếu trang bị đã tỏ ra không thể cạnh tranh trên chiến trường với lực lượng trên bộ của liên quân các nước, vốn cơ động cao và có sự yểm trợ trên không quá mạnh. Khoảng 175.000 người Iraq đã bị bắt làm tù binh và thương vong ước tính hơn 85.000 người. Là một phần của thỏa thuận ngừng bắn, Iraq đồng ý loại bỏ tất cả khí độc và vũ khí vi trùng, đồng thời cho phép các quan sát viên của Liên Hợp Quốc kiểm tra các địa điểm. Các lệnh trừng phạt thương mại của Liên Hợp Quốc sẽ vẫn có hiệu lực cho đến khi Iraq tuân thủ tất cả các điều khoản. Saddam công khai tuyên bố chiến thắng khi kết thúc cuộc chiến. Thời kỳ hậu chiến tranh vùng Vịnh Sự chia rẽ sắc tộc và tôn giáo của Iraq, cùng với sự tàn khốc của cuộc xung đột mà điều này gây ra, đã đặt cơ sở cho các cuộc nổi dậy sau chiến tranh. Hậu quả của cuộc giao tranh, bất ổn xã hội và sắc tộc giữa những người Hồi giáo dòng Shi'a, người Kurd, và các đơn vị quân đội bất đồng chính kiến đã đe dọa sự ổn định của chính phủ Saddam. Các cuộc nổi dậy đã nổ ra ở miền bắc người Kurd và người Shi'a ở miền nam và miền trung của Iraq, nhưng bị đàn áp tàn nhẫn. Các cuộc nổi dậy vào năm 1991 đã dẫn đến cái chết của 100.000–180.000 người, chủ yếu là dân thường. Hoa Kỳ, quốc gia đã thúc giục người Iraq nổi dậy chống lại Saddam, đã không làm gì để hỗ trợ các cuộc nổi dậy. Người Iran, bất chấp các cuộc nổi dậy lan rộng của người Shi'a, không quan tâm đến việc kích động một cuộc chiến tranh khác, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ phản đối bất kỳ triển vọng độc lập nào của người Kurd, còn Saudi và các quốc gia Ả Rập bảo thủ khác lo sợ về một cuộc cách mạng Shi'ite kiểu Iran. Saddam, đã sống sót sau cuộc khủng hoảng ngay sau thất bại, đã được giữ lại quyền kiểm soát vững chắc đối với Iraq, mặc dù quốc gia này chưa bao giờ phục hồi cả về kinh tế và quân sự sau Chiến tranh vùng Vịnh. Saddam thường xuyên trích dẫn sự sống sót của mình như một "bằng chứng" rằng Iraq trên thực tế đã chiến thắng trong cuộc chiến chống Mỹ. Thông điệp này khiến Saddam được nhiều người biết đến ở nhiều khu vực của thế giới Ả Rập. John Esposito, tuy nhiên, tuyên bố rằng "Người Ả Rập và người Hồi giáo đã bị kéo ra theo hai hướng. Họ không tập trung nhiều vào Saddam Hussein về bản chất lưỡng cực của cuộc đối đầu (phương Tây so với thế giới Hồi giáo Ả Rập) và các vấn đề mà Saddam tuyên bố: sự thống nhất của Ả Rập, tự cung tự cấp và công bằng xã hội. " Kết quả là, Saddam Hussein đã lôi kéo được nhiều người vì cùng những lý do thu hút ngày càng nhiều người theo chủ nghĩa phục hưng Hồi giáo và cũng vì những lý do tương tự đã thúc đẩy cảm xúc chống phương Tây. Như một nhà quan sát Hồi giáo Hoa Kỳ lưu ý: “Mọi người quên mất hồ sơ của Saddam và tập trung vào nước Mỹ... Saddam Hussein có thể sai, nhưng không phải Mỹ mới là người sửa đổi ông ta. " Do đó, có thể thấy rõ một sự thay đổi giữa nhiều phong trào Hồi giáo trong thời kỳ hậu chiến "từ sự bác bỏ tư tưởng Hồi giáo ban đầu của Saddam Hussein, kẻ bức hại thế tục các phong trào Hồi giáo, và cuộc xâm lược Kuwait của ông ta đến một người Ả Rập dân tộc chủ nghĩa dân túy hơn, chống đế quốc ủng hộ Saddam (hay chính xác hơn là những vấn đề mà ông ấy đại diện hoặc ủng hộ) và lên án sự can thiệp và chiếm đóng của nước ngoài." Do đó, Saddam ngày càng thể hiện mình là một tín đồ Hồi giáo sùng đạo, trong nỗ lực hợp tác hóa các thành phần tôn giáo bảo thủ trong xã hội. Một số yếu tố của luật Sharia đã được giới thiệu trở lại, và cụm từ nghi lễ "Allahu Akbar" ("Chúa trời vĩ đại"), bằng chữ viết tay của Saddam, đã được thêm vào quốc kỳ Iraq. Saddam cũng ủy thác việc sản xuất "Kinh Qur'an máu", được viết bằng 27 lít máu của chính mình, để cảm ơn Chúa trời đã cứu ông khỏi nhiều nguy hiểm và âm mưu khác nhau. Quan hệ quốc tế và các biện pháp trừng phạt đối với Iraq Các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Iraq khi nước này xâm lược Kuwait đã không được dỡ bỏ, ngăn chặn hoạt động xuất khẩu dầu của Iraq. Vào cuối những năm 1990, Liên Hợp Quốc đã cân nhắc việc nới lỏng các lệnh trừng phạt do những người dân Iraq bình thường phải gánh chịu những khó khăn. Các nghiên cứu tranh cãi về số người chết ở miền nam và miền trung Iraq trong những năm Iraq bị cấm vận. Vào ngày 9 tháng 12 năm 1996, chính phủ của Saddam đã chấp nhận Chương trình đổi dầu lấy lương thực mà Liên Hợp Quốc đưa ra lần đầu tiên vào năm 1992. Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Iraq vẫn căng thẳng sau Chiến tranh vùng Vịnh. Mỹ đã tiến hành một cuộc tấn công tên lửa nhằm vào trụ sở tình báo của Iraq ở Baghdad ngày 26 tháng 6 năm 1993, viện dẫn bằng chứng về việc Iraq vi phạm nhiều lần "vùng cấm bay" được áp đặt sau Chiến tranh vùng Vịnh và để xâm nhập Kuwait. Các quan chức Mỹ tiếp tục cáo buộc Saddam vi phạm các điều khoản ngừng bắn của Chiến tranh vùng Vịnh, bằng cách phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt và các loại vũ khí bị cấm khác, đồng thời vi phạm các lệnh trừng phạt do Liên hợp quốc áp đặt. Cũng trong những năm 1990, Tổng thống Bill Clinton duy trì các biện pháp trừng phạt và ra lệnh không kích ở "vùng cấm bay của Iraq" (Chiến dịch Cáo sa mạc), với hy vọng Saddam sẽ bị lật đổ bởi những kẻ thù chính trị bên trong Iraq. Các cáo buộc của phương Tây về việc Iraq phản kháng lại việc LHQ tiếp cận các vũ khí bị nghi ngờ là lý do cho các cuộc khủng hoảng từ năm 1997 đến 1998, với đỉnh điểm là các cuộc tấn công tên lửa của Mỹ và Anh vào Iraq, ngày 16–19 tháng 12 năm 1998. Sau hai năm hoạt động gián đoạn, máy bay chiến đấu của Mỹ và Anh đã tấn công mạnh hơn vào các địa điểm gần Baghdad vào tháng 2 năm 2001. Cựu nhân viên CIA Robert Baer báo cáo rằng ông đã "cố gắng ám sát" Saddam vào năm 1995, trong bối cảnh "nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ để kích động một cuộc đảo chính quân sự ở Iraq." Saddam tiếp tục tham gia chính trị ở nước ngoài. Các đoạn băng ghi hình được lấy lại sau cuộc họp của các lãnh đạo tình báo của ông với các nhà báo Ả Rập, trong đó có cuộc gặp với cựu giám đốc điều hành của Al-Jazeera, Mohammed Jassem al-Ali, vào năm 2000. Trong video, con trai của Saddam, Uday, khuyên al-Ali về việc thuê người ở Al-Jazeera: "Trong chuyến thăm cuối cùng của bạn ở đây cùng với các đồng nghiệp của bạn, chúng tôi đã nói về một số vấn đề và có vẻ như bạn đã thực sự lắng nghe những gì tôi nói kể từ đó những thay đổi đã diễn ra và những gương mặt mới đã xuất hiện trên tàu, chẳng hạn như chàng trai đó, Mansour. " Sau đó ông bị Al-Jazeera sa thải. Năm 2002, các công tố viên Áo đã điều tra các giao dịch của chính phủ Saddam với Fritz Edlinger có thể vi phạm các quy định cấm vận và rửa tiền của Áo. Fritz Edlinger, chủ tịch của Tổng thư ký Hiệp hội Quan hệ Áo-Ả Rập (GÖAB) và là cựu thành viên của Ủy ban Trung Đông của Quốc tế Xã hội Chủ nghĩa, là người thẳng thắn ủng hộ Saddam Hussein. Năm 2005, một nhà báo người Áo tiết lộ rằng GÖAB của Fritz Edlinger đã nhận được 100.000 đô la từ một công ty bình phong của Iraq cũng như các khoản tài trợ từ các công ty Áo đang mời gọi kinh doanh ở Iraq. Năm 2002, một nghị quyết do Liên minh Châu Âu bảo trợ đã được Ủy ban Nhân quyền thông qua, trong đó tuyên bố rằng cuộc khủng hoảng nhân quyền ở Iraq không có sự cải thiện nào. Tuyên bố lên án chính phủ của Tổng thống Saddam Hussein vì "vi phạm có hệ thống, phổ biến và cực kỳ nghiêm trọng đối với nhân quyền và luật nhân đạo quốc tế." Nghị quyết yêu cầu Iraq ngay lập tức chấm dứt "các vụ hành quyết tóm tắt và tùy tiện... sử dụng cưỡng hiếp như một công cụ chính trị và tất cả các vụ mất tích không tự nguyện xảy ra." Xâm lược Iraq năm 2003 Nhiều thành viên của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Hoa Kỳ, tiếp tục coi Saddam là một bạo chúa hung hãn, là mối đe dọa đối với sự ổn định của khu vực. Trong bài phát biểu về công đoàn vào tháng 1 năm 2002 trước Quốc hội, Tổng thống George W. Bush đã nói về một " trục ma quỷ " bao gồm Iran, Triều Tiên và Iraq. Hơn nữa, Bush tuyên bố rằng ông có thể sẽ hành động để lật đổ chính phủ Iraq, vì mối đe dọa về vũ khí hủy diệt hàng loạt của họ. Bush tuyên bố rằng "Chế độ Iraq đã âm mưu phát triển bệnh than, khí độc thần kinh và vũ khí hạt nhân trong hơn một thập kỷ ... Iraq tiếp tục thể hiện thái độ thù địch với Mỹ và ủng hộ khủng bố ". Sau khi Nghị quyết 1441 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua, trong đó yêu cầu Iraq "hợp tác ngay lập tức, vô điều kiện và tích cực" với các cuộc thanh tra của LHQ và IAEA, Saddam cho phép các thanh sát viên vũ khí của LHQ do Hans Blix dẫn đầu trở lại Iraq. Trong các đợt kiểm tra mới bắt đầu vào tháng 11 năm 2002, Blix không tìm thấy kho dự trữ WMD và ghi nhận sự hợp tác "chủ động" nhưng không phải lúc nào cũng "ngay lập tức" của Iraq như Nghị quyết 1441 đã kêu gọi. Khi chiến tranh vẫn còn rình rập vào ngày 24 tháng 2 năm 2003, Saddam Hussein đã tham gia một cuộc phỏng vấn với phóng viên Dan Rather của CBS News. Nói chuyện trong hơn ba giờ, Hussein phủ nhận sở hữu bất kỳ vũ khí hủy diệt hàng loạt nào, hoặc bất kỳ loại vũ khí nào khác bị cấm theo hướng dẫn của Liên Hợp Quốc. Ông cũng bày tỏ mong muốn có một cuộc tranh luận trên truyền hình trực tiếp với George W. Bush, nhưng đã bị từ chối. Đó là cuộc phỏng vấn đầu tiên của ông với một phóng viên Hoa Kỳ trong hơn một thập kỷ. CBS đã phát sóng cuộc phỏng vấn được ghi hình vào cuối tuần đó. Saddam Hussein sau đó nói với một người phỏng vấn FBI rằng ông từng để ngỏ khả năng Iraq sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt để tỏ ra mạnh mẽ chống lại Iran. Chính phủ và quân đội Iraq sụp đổ trong vòng ba tuần sau khi bắt đầu cuộc xâm lược Iraq năm 2003 do Mỹ dẫn đầu vào ngày 20 tháng 3. Đến đầu tháng 4, các lực lượng do Mỹ dẫn đầu đã chiếm phần lớn lãnh thổ Iraq. Sự kháng cự của Quân đội Iraq đã suy yếu nhiều hoặc đã sụp đổ hoặc chuyển sang chiến thuật du kích, và có vẻ như Saddam đã mất quyền kiểm soát Iraq. Người ta nhìn thấy Saddam lần cuối trong một video có mục đích cho thấy ông đang ở vùng ngoại ô Baghdad được bao quanh bởi những người ủng hộ. Khi Baghdad rơi vào tay các lực lượng do Hoa Kỳ dẫn đầu vào ngày 9 tháng 4, được đánh dấu một cách tượng trưng bằng vụ lật đổ bức tượng của ông, Saddam đã biến mất. Năm 2015, Thủ tướng Anh Tony Blair trong cuộc phỏng vấn với CNN đã thừa nhận các báo cáo về vũ khí hủy diệt hàng loạt tại Iraq là sai sự thật. Tuy nhiên ông này tỏ ra không hề tiếc nuối khi đã đem quân lật đổ Saddam. Vì những điều này mà nhiều người coi Chiến tranh Iraq 2003 thực chất là 1 cuộc chiến vì dầu mỏ, trong đó Mỹ-Anh muốn dựng lên 1 chính phủ thân phương Tây để mở cửa cho các công ty Mỹ và Anh vào khai thác nguồn tài nguyên dầu khí phong phú của Iraq. Dù không tìm thấy vũ khí hủy diệt hàng loạt, cũng không có ai ở Mỹ-Anh phải chịu trách nhiệm hay bị xử lý vì những thông tin sai và vô căn cứ cả, tất cả đều "vô can". Chỉ có một thực tế: Chủ quyền Iraq bị xâm phạm, Tổng thống nước này bị lật đổ và xử tử, còn người dân Iraq thì phải hứng chịu bao khổ đau do chiến tranh gây ra Bị bắt và xét xử Bị bắt và giam giữ Vào tháng 4 năm 2003, tung tích của Saddam vẫn chưa được tìm ra trong suốt những tuần sau khi Baghdad thất thủ và kết thúc cuộc giao tranh lớn của cuộc chiến. Nhiều người nhìn thấy Saddam và đã có báo cáo trong những tuần sau chiến tranh, nhưng không tin nào được xác thực. Vào nhiều thời điểm khác nhau, Saddam đã phát hành các đoạn băng ghi âm cổ vũ sự phản kháng của người dân đối với việc ông bị lật đổ. Saddam được xếp đứng đầu " danh sách của Hoa Kỳ về những người Iraq bị truy nã gắt gao nhất." Vào tháng 7 năm 2003, các con trai của ông là Uday và Qusay và cháu trai 14 tuổi Mustapha của ông đã thiệt mạng trong một cuộc đấu súng kéo dài ba giờ với lực lượng Hoa Kỳ. Vào ngày 13 tháng 12 năm 2003, trong Chiến dịch Bình minh Đỏ, Saddam Hussein bị quân Mỹ bắt sau khi bị phát hiện trốn trong một cái hố trên mặt đất gần một trang trại ở ad-Dawr, gần Tikrit. Sau khi bị bắt, Saddam được đưa đến một căn cứ của Mỹ gần Tikrit, và sau đó được đưa đến căn cứ của Mỹ gần Baghdad. Các tài liệu do Cơ quan Lưu trữ An ninh Quốc gia thu được và công bố chi tiết các cuộc phỏng vấn và trò chuyện của FBI với Hussein trong thời gian ông bị giam giữ ở Mỹ. Vào ngày 14 tháng 12, quản trị viên Hoa Kỳ tại Iraq Paul Bremer xác nhận rằng Saddam Hussein thực sự đã bị bắt tại một trang trại ở Ad-Dawr gần Tikrit. Bremer đưa ra đoạn phim ghi lại cảnh Saddam bị giam giữ. Saddam xuất hiện trong đoạn phim với đầy đủ râu và tóc dài hơn vẻ ngoài quen thuộc. Ông được giới chức Mỹ mô tả là có sức khỏe tốt. Bremer báo cáo kế hoạch đưa Saddam ra xét xử, nhưng tuyên bố rằng các chi tiết của phiên tòa như vậy vẫn chưa được xác định. Những người Iraq và người Mỹ đã nói chuyện với Saddam sau khi ông bị bắt thường báo cáo rằng ông vẫn tự tin, tự mô tả mình là một nhà lãnh đạo "kiên định, nhưng công bằng." Tờ báo lá cải The Sun của Anh đã đăng bức ảnh Saddam mặc quần sịp trắng trên trang bìa báo. Các bức ảnh khác bên trong tờ báo cho thấy Saddam đang giặt quần dài, mặc quần áo và ngủ. Chính phủ Hoa Kỳ tuyên bố rằng họ coi việc phát hành các bức ảnh là vi phạm Công ước Geneva và sẽ điều tra các bức ảnh. Trong giai đoạn này, Saddam bị đặc vụ FBI George Piro thẩm vấn. Các lính canh tại cơ sở giam giữ Baghdad gọi tù nhân của họ là "Vic", viết tắt của từ 'Tội phạm rất quan trọng', và để Saddam trồng một khu vườn nhỏ gần phòng giam của mình. Biệt danh và khu vườn là một trong những chi tiết về cựu lãnh đạo Iraq xuất hiện trong chuyến công du vào tháng 3 năm 2008 đến nhà tù và phòng giam ở Baghdad, nơi Saddam ngủ, tắm, viết nhật ký và làm thơ trong những ngày cuối cùng trước khi bị hành quyết; ông quan tâm đến việc đảm bảo di sản của mình và lịch sử sẽ được kể lại như thế nào. Chuyến tham quan do Thiếu tá Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ thực hiện. Gen. Doug Stone, người giám sát các hoạt động giam giữ của quân đội Mỹ ở Iraq vào thời điểm đó. Ra tòa Vào ngày 30 tháng 6 năm 2004, Saddam Hussein, bị quân đội Hoa Kỳ giam giữ tại căn cứ Hoa Kỳ " Trại Cropper," cùng với 11 thủ lĩnh cấp cao khác của Ba'athist, đã được giao cho chính phủ lâm thời Iraq để hầu tòa vì tội ác chống lại loài người và các tội khác. Vài tuần sau, ông bị Tòa án đặc biệt Iraq buộc tội với những tội ác chống lại cư dân của Dujail vào năm 1982, sau một vụ ám sát bất thành nhằm vào ông. Các cáo buộc cụ thể bao gồm giết 148 người, tra tấn phụ nữ và trẻ em và bắt giữ trái phép 399 người khác. Saddam và các luật sư đã thách thức phiên tòa với các nội dung: Saddam và các luật sư của ông ta chống lại quyền lực của tòa án và khẳng định rằng ông ta vẫn là Tổng thống Iraq. Các vụ ám sát và âm mưu ám sát một số luật sư của Saddam. Việc thay thế Chánh án phiên tòa giữa chừng. Ngày 5 tháng 11 năm 2006, Saddam Hussein bị kết tội chống lại loài người và bị kết án tử hình bằng cách treo cổ. Anh trai cùng cha khác mẹ của Saddam, Barzan Ibrahim và Awad Hamed al-Bandar, người đứng đầu Tòa án Cách mạng Iraq năm 1982, cũng bị kết án với tội danh tương tự. Kết luận của tòa và bản án tử hình đều bị kháng cáo, nhưng sau đó được Tòa phúc thẩm tối cao Iraq giữ nguyên nội dung. Tử hình Saddam đã bị treo cổ vào ngày đầu tiên của Eid ul-Adha, ngày 30 tháng 12 năm 2006, bất chấp mong muốn của ông được thực hiện bằng cách xử bắn (mà ông cho là hình phạt tử hình hợp pháp của quân đội với lý do quân đội của ông là tổng tư lệnh của Iraq quân đội). Vụ hành quyết được thực hiện tại Camp Justice, một căn cứ quân sự của Iraq ở Kadhimiya, một vùng lân cận phía đông bắc Baghdad. Ả Rập Xê-út lên án chính quyền Iraq vì đã tiến hành vụ hành quyết vào một ngày thánh lễ. Một người dẫn chương trình từ đài truyền hình Al-Ikhbariya chính thức tuyên bố “Có một cảm giác ngạc nhiên và không tán thành rằng phán quyết đã được áp dụng trong những tháng lễ thánh và những ngày đầu tiên của lễ Eid al-Adha. Các nhà lãnh đạo của các quốc gia Hồi giáo nên thể hiện sự tôn trọng đối với dịp may mắn này... không nên hạ thấp nó." Video về vụ hành quyết được ghi lại trên điện thoại di động và người xem có thể nghe thấy tiếng xúc phạm Saddam từ những kẻ bắt giữ ông. Đoạn video này đã bị rò rỉ lên các phương tiện truyền thông điện tử và được đăng tải trên Internet trong vòng vài giờ, trở thành chủ đề tranh cãi toàn cầu. Sau đó, người đứng đầu bảo vệ ngôi mộ nơi hài cốt của ông ta khẳng định rằng thi thể của Saddam đã bị đâm sáu nhát sau vụ hành quyết. Hai nhân chứng, Thẩm phán Munir Haddad và cố vấn an ninh quốc gia Iraq Mowaffak al-Rubaie, đã thảo luận về thái độ của Saddam khi bị đưa lên giá treo cổ. Lời kể của hai nhân chứng trái ngược nhau vì Haddad mô tả Saddam là người mạnh mẽ trong những giây phút cuối cùng trong khi al-Rubaie nói Saddam rõ ràng là sợ hãi. Những lời cuối cùng của Saddam trong cuộc hành quyết, "Cầu xin phước lành của Chúa sẽ đến với Muhammad và gia đình của ông. Và cầu Chúa mau chóng xuất hiện và nguyền rủa kẻ thù của họ. " Sau đó, một người trong đám đông liên tục nói tên của giáo sĩ dòng Shiite người Iraq, Moqtada Al-Sadr. Saddam sau đó nói, "Bạn có coi đây là con người không?" Đám đông hét lên, "đi xuống Địa ngục đi." Saddam trả lời: “Đó là Iraq! ? " Một lần nữa, một người trong đám đông yêu cầu những người hét lên giữ im lặng cho Chúa. Saddam Hussein bắt đầu đọc những lời cầu nguyện cuối cùng của người Hồi giáo, "Tôi làm chứng rằng không có thần thánh nào ngoài Allah và tôi làm chứng rằng Mohammed là Sứ giả của Allah." Một trong đám đông hét lên, "Bạo chúa [độc tài] đã bị sụp đổ!" Saddam nói, "Cầu mong phước lành của Chúa sẽ đến với Mohammed và gia đình của ông". Saddam đọc thuộc lòng shahada một lần rưỡi, khi ông định nói 'Mohammad' trong bài shahada thứ hai, cửa sập mở ra, làm ông phải ngừng lại ở giữa câu. Sợi dây làm gãy cổ Saddam, giết chết ông ngay lập tức. Không lâu trước khi hành quyết, các luật sư của Saddam đã công bố bức thư cuối cùng của ông. Một đoạn video không chính thức thứ hai, có vẻ như cho thấy thi thể của Saddam trên một chiếc xe đẩy, xuất hiện vài ngày sau đó. Nó làm dấy lên suy đoán rằng vụ hành quyết được thực hiện không chính xác vì Saddam Hussein có một lỗ hổng trên cổ. Saddam được chôn cất tại nơi sinh của ông ở Al-Awja ở Tikrit, Iraq, vào ngày 31 tháng 12 năm 2006. Ông đã được chôn cất tại vị trí cách mộ các con trai của ông là Uday và Qusay Hussein 3 km. Lăng mộ của ông được cho là đã bị phá hủy vào tháng 3 năm 2015. Trước khi nó bị phá hủy, một nhóm bộ tộc Sunni được cho là đã chuyển xác của ông đến một địa điểm bí mật, lo sợ về những gì có thể xảy ra. Mối quan hệ hôn nhân và gia đình Saddam kết hôn với người vợ đầu tiên và cũng là người chị họ Sajida Talfah (hay Tulfah / Tilfah) vào năm 1963 trong một cuộc hôn nhân sắp đặt. Sajida là con gái của Khairallah Talfah, chú và người cố vấn của Saddam; hai người được nuôi dưỡng như anh trai và em gái. Cuộc hôn nhân của họ được sắp đặt cho Saddam vào năm Sajida bảy tuổi. Họ đính hôn ở Ai Cập trong thời gian ông sống lưu vong, và kết hôn ở Iraq sau khi Saddam trở về năm 1963. Hai vợ chồng có năm người con. Uday Hussein (1964–2003), là con trai lớn của Saddam, người điều hành Hiệp hội bóng đá Iraq, Fedayeen Saddam, và một số tập đoàn truyền thông ở Iraq bao gồm Iraq TV và tờ báo Babel. Uday, trong khi ban đầu là con trai yêu thích của Saddam và có khả năng là người kế vị, cuối cùng đã không được cha mình ủng hộ do hành vi thất thường của ông; anh ta chịu trách nhiệm về nhiều vụ va chạm xe hơi và hãm hiếp xung quanh Baghdad, mối thù liên tục với các thành viên khác trong gia đình anh ta, và giết người hầu và người nếm thức ăn yêu thích của cha mình Kamel Hana Gegeo tại một bữa tiệc ở Ai Cập tôn vinh đệ nhất phu nhân Ai Cập Suzanne Mubarak. Anh ta nổi tiếng ở phương Tây vì tham gia cướp bóc Kuwait trong Chiến tranh vùng Vịnh, bị cáo buộc lấy vàng, xe hơi và vật tư y tế trị giá hàng triệu USD (lúc đó đang thiếu hụt) cho bản thân và những người ủng hộ thân cận. Anh ta được biết đến rộng rãi vì chứng hoang tưởng và nỗi ám ảnh của anh ta về việc tra tấn những người khiến anh ta thất vọng theo bất kỳ cách nào, bao gồm bạn gái đi trễ, bạn bè không đồng tình với anh ta và nổi tiếng nhất là các vận động viên Iraq có thành tích kém. Ông đã kết hôn một thời gian ngắn với con gái của Izzat Ibrahim ad-Douri, nhưng sau đó đã ly dị cô. Các cặp vợ chồng không có con. Qusay Hussein (1966–2003), là con trai thứ hai của Saddam — và sau những năm 1990, là con trai yêu thích của ông. Qusay được cho là người kế vị dự định sau này của Saddam, vì ông ta ít thất thường hơn anh trai mình và giữ một bản sắc thấp. Ông là người đứng thứ hai trong chỉ huy quân đội (sau cha mình) và điều hành Lực lượng Vệ binh Cộng hòa và SSO ưu tú của Iraq. Ông được cho là đã ra lệnh cho quân đội tiêu diệt hàng nghìn người Ả Rập thống trị nổi dậy và có công trong việc trấn áp các cuộc nổi dậy của người Shi'ite vào giữa những năm 1990. Anh đã kết hôn một lần và có ba người con. Raghad Hussein (sinh năm 1968) là con gái lớn của Saddam. Sau chiến tranh, Raghad trốn đến Amman, Jordan, nơi cô nhận được sự tôn nghiêm từ gia đình hoàng gia. Cô hiện đang bị Chính phủ Iraq truy nã vì cáo buộc cung cấp tài chính và hỗ trợ cuộc nổi dậy của Đảng Ba'ath hiện bị cấm ở Iraq. Hoàng gia Jordan từ chối giao nộp cô. Rana Hussein (sinh năm 1969), là con gái thứ hai của Saddam. Cô, giống như chị gái của mình, chạy đến Jordan và đã đứng lên bảo vệ quyền lợi của cha mình. Cô đã kết hôn với Saddam Kamel và có bốn người con từ cuộc hôn nhân này. Hala Hussein (sinh năm 1972), là con gái thứ ba và là con gái út của Saddam. Rất ít thông tin được biết về cô ấy. Cha cô đã sắp xếp để cô kết hôn với Tướng Kamal Mustafa Abdallah Sultan al-Tikriti vào năm 1998. Cô cùng các con và chị gái của mình bỏ trốn đến Jordan. Saddam kết hôn với người vợ thứ hai, Samira Shahbandar, vào năm 1986. Bà vốn là vợ của một giám đốc hãng hàng không Iraqi Airways, nhưng sau đó trở thành tình nhân của Saddam. Cuối cùng, Saddam buộc chồng của Samira phải ly hôn với vợ để ông kết hôn với Samira. Sau chiến tranh, Samira trốn đến Beirut, Lebanon. Cô được cho là đã làm mẹ đứa con thứ sáu của Saddam. Các thành viên của gia đình Saddam đã phủ nhận điều này. Saddam bị cáo buộc đã kết hôn với người vợ thứ ba, Nidal al-Hamdani, tổng giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng Mặt trời trong Hội đồng Nghiên cứu Khoa học. Wafa el-Mullah al-Howeish được cho là đã cưới Saddam làm vợ thứ tư vào năm 2002. Không có bằng chứng chắc chắn cho cuộc hôn nhân này. Wafa là con gái của Abdul Tawab el-Mullah Howeish, cựu Bộ trưởng Bộ công nghiệp quân sự ở Iraq và là Phó Thủ tướng cuối cùng của Saddam. Vào tháng 8 năm 1995, Raghad cùng chồng Hussein Kamel al-Majid và Rana cùng chồng, Saddam Kamel al-Majid, đào tẩu sang Jordan, mang theo các con của họ. Họ trở về Iraq khi nhận được sự đảm bảo rằng Saddam sẽ ân xá cho họ. Trong vòng ba ngày kể từ khi trở về vào tháng 2 năm 1996, cả hai anh em nhà Kamel đều bị tấn công và bị giết trong một cuộc đấu súng với các thành viên gia tộc khác, những người coi họ là những kẻ phản bội. ào tháng 8 năm 2003, hai con gái của Saddam là Raghad và Rana nhận được nơi trú ẩn ở Amman, Jordan, nơi họ hiện đang ở với 9 đứa con của mình. Tháng đó, họ nói chuyện với CNN và đài vệ tinh Ả Rập Al-Arabiya ở Amman. Khi được hỏi về cha của mình, Raghad nói với CNN, "Ông ấy là một người cha rất tốt, yêu thương và có trái tim rộng lớn." Khi được hỏi liệu cô có muốn gửi lời nhắn đến cha mình hay không, cô nói: "Con yêu bố và con nhớ bố." Em gái của cô, Rana cũng nhận xét, "Bố tôi có rất nhiều cảm xúc và ông rất dịu dàng với tất cả chúng tôi." Di sản Chìa khoá để nắm giữ quyền lực lâu dài của Saddam Hussein là thiết lập một mối quan hệ chưa từng có ở Trung Đông giữa một hệ thống cũ và mang tính truyền thống giữa các bộ tộc với một cơ cấu quân sự an ninh của một nhà nước hiện đại. Sự độc đáo ở chỗ gắn thực tiễn xa xưa này vào một đất nước có tham vọng quân sự lớn nhất thế giới Arab. Kết quả là một chế độ lai tạp: không độc tài quân sự cũng không cộng hoà thế tục, và cũng không phải chế độ thần quyền. Sự lai tạp này đảm bảo việc duy trì trật tự an ninh tại Iraq trong suốt thời kỳ Saddam nắm quyền. Số phận của Iraq cũng giống như vài năm trước đó ở Nam Tư (Slobodan Milošević), và vài năm sau đó ở Libya (Muammar al-Gaddafi): lãnh đạo của các nước này bị phương Tây gán cho là "độc tài, phạm tội ác chống nhân loại", rồi sau đó phương Tây đem quân tấn công lật đổ họ, lật đổ xong thì các chính khách phương Tây sẽ hứa hẹn với người dân nước đó về "tự do, dân chủ, nhân quyền", nhưng rồi sau đó là những ngày tháng hỗn loạn và cuối cùng là cả đất nước sẽ tan vỡ ra thành nhiều mảnh (Nam Tư đã tan vỡ thành 6 mảnh, Libya thì đang tan vỡ thành 4 mảnh mà vẫn chưa dừng lại). Tổng thống Mỹ George Bush ca ngợi việc hành hình ông Saddam là "một cột mốc quan trọng trong tiến trình đi đến dân chủ ở Iraq", Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Mỹ là Joseph Biden, phát biểu: "Iraq đã khép lại một trong những chương đen tối nhất trong lịch sử và thoát khỏi chế độ bạo chúa". Toàn quyền Paul Bremer, người đứng đầu chính quyền chuyển tiếp tại Iraq thời hậu Saddam trong 13 tháng, trước khi rời Iraq còn hào hứng tuyên bố: “Nhìn lại chúng ta thấy rằng Mỹ đã làm được rất nhiều điều cho đất nước Iraq. Thực sự, chúng ta đang giúp cho Iraq trở thành một quốc gia dân chủ”. Thực tế trong 15 năm sau đã chứng minh những gì mà các chính khách Mỹ hứa hẹn là hoàn toàn sai: Iraq chẳng hề có dân chủ, mà chỉ có chiến tranh và tàn phá. Hoa Kỳ tuyên bố Saddam Hussein "sở hữu vũ khí giết người hàng loạt" để phát động cuộc chiến, dư luận biết ngay đó là cái cớ được ngụy tạo, song Tổng thống Mỹ George Bush vẫn cho rằng ông ta sẽ đánh lừa được dư luận. Và Hoa Kỳ đã ảo tưởng khi tin rằng có thể dựng nên chính quyền mới tại Iraq có thể nằm trong sự quản lý và điều khiển theo ý muốn của họ. Người dân Iraq đã phải trả cái giá quá đắt cho các toan tính sai lầm của chính quyền Mỹ Sau khi Saddam Hussein bị lật đổ, Iraq hoàn toàn thiếu vắng một nhà lãnh đạo cứng rắn và biết đoàn kết các bộ tộc, chính phủ thân Mỹ thì tham nhũng trong khi lính Mỹ hiện diện khắp nơi khiến người dân nước này rất căm phẫn. Chính phủ mới rập khuôn phương Tây theo mô hình phân chia quyền lực, quyền lợi chủ yếu dựa trên lợi ích đảng phái, nó dẫn tới việc chứa đựng rất nhiều mâu thuẫn nội tại, bởi sự bất đồng về lợi ích đảng phái - sắc tộc - tôn giáo luôn tồn tại và không thể hóa giải. Các mâu thuẫn ngày càng tích tụ và âm mưu ly khai của các nhóm sắc tộc ở Iraq nhanh chóng bùng phát. Các phe phái địa phương ở Iraq nổi loạn khắp nơi. Đất nước Iraq chìm trong hỗn loạn và chiến tranh suốt từ nằm 2003 tới nay. Năm 2011, Mỹ rút quân khỏi Iraq, để lại "một vũng lầy" đúng như những gì Saddam Hussein đã dự đoán. Dưới thời Saddam Hussein, ở Iraq hoàn toàn không có khủng bố quốc tế, còn sau khi ông chết, đất nước Iraq đã trở thành "Đại học Harvard của chủ nghĩa khủng bố". Mỹ tấn công Iraq với tuyên bố "tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố", nhưng rốt cục họ đã tạo nên một mảnh đất màu mỡ cho khủng bố quốc tế xây dựng lực lượng. Đến năm 2014, đất nước Iraq trên thực tế đã không còn là một quốc gia thống nhất mà đã bị xé nát thành nhiều mảnh bởi nhiều phe phái như chính phủ Iraq thân Mỹ, Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant, quân người Kurd... Những giai đoạn ổn định kéo dài ở trong nước thời Saddam hoàn toàn trái ngược với tình trạng bạo lực đẫm máu lan tràn khắp nước Iraq kể từ khi Saddam bị lật đổ. Ông Saddam cũng được một số người Arab ngưỡng mộ vì cuộc chiến 1980-1988 với Iran, việc ông đối đầu với Mỹ, tấn công Israel. Khi Saddam Hussein bị bắt và bị treo cổ, nhiều kẻ thù của Saddam đã nổ súng chào mừng. Cuộc trấn áp người Kurd ở phía bắc, cuộc tấn công Iran, những nhóm đối lập với ông này... khiến Saddam có nhiều kẻ thù và họ đều mong ông bị giết. Tuy nhiên, sự hỗn loạn kể từ sau cuộc chiến Iraq, những xung đột sắc tộc kéo dài đã khiến người Iraq xem xét lại quan điểm của họ về cái gọi là "sự tàn nhẫn" nhưng giúp duy trì một xã hội ổn định suốt 35 năm nắm quyền của Saddam. Hiện nay, ngày càng nhiều người Iraq tỏ ý tiếc nuối về sự ra đi của Saddam và nhìn lại kỷ nguyên của ông này với sự luyến tiếc. Ngày càng nhiều người Iraq tới thăm mộ ông để tỏ lòng kính trọng ông, nhiều người đã coi ông là một chiến sĩ "Tử vì đạo" Kế hoạch tấn công Đài châu Âu Tự do Saddam từng có kế hoạch dùng hỏa tiễn chống chiến xa để tấn công đài châu Âu Tự do (Radio Free Europe/Radio Liberty) do chính phủ Hoa Kỳ tài trợ, đặt trụ sở ở Praha, theo cơ quan phản gián Cộng hòa Séc nói ngày 30 tháng 11 năm 2009. Các nhân viên tình báo Iraq giả dạng giới chức ngoại giao dự trù sẽ mở cuộc tấn công từ cửa sổ một căn chung cư trong tòa nhà gần vị trí của đài ở trung tâm thủ đô Praha. Vào năm 2000, tình báo Séc biết rằng Saddam ra lệnh mở cuộc tấn công nhưng không nói rõ là lệnh có từ lúc nào hay sẽ diễn ra trong thời điểm nào. Saddam Hussein ra lệnh cho cơ quan tình báo của mình là phải dùng vũ lực để cản trở chương trình phát thanh của Đài Âu Châu Tự Do phát về Iraq và cung cấp nguồn tài chính lớn cho kế hoạch này. Đài châu Âu Tự do khởi sự các buổi phát thanh nhắm vào Iraq từ năm 1998. Các nhân viên tình báo Iraq dùng xe ngoại giao đoàn để chở vũ khí vào Séc, gồm một súng phóng lựu RPG-7, sáu khẩu tiểu liên và đạn dược. Các giới chức Iraq được cảnh cáo năm 2000 là chính phủ Séc biết về âm mưu này, theo phát ngôn viên cơ quan tình báo Cộng hòa Séc, Jan Subert. Tiếp theo lời cảnh cáo, chính phủ Séc trục xuất sáu nhân viên ngoại giao Iraq với lý do làm gián điệp, người đầu vào năm 2001 và năm người kia vào tháng 3 năm 2003, theo ông Subert. Vào tháng 4 năm 2003, một tháng sau khi quân đội Hoa Kỳ và đồng minh tiến vào Iraq, giới chức tại Tòa Đại sứ Iraq ở Praha giao nạp số vũ khí nói trên cho chính quyền Séc. Đài châu Âu Tự do dời trụ sở từ München, Đức, sang Praha năm 1995 sau khi chính quyền Tiệp Khắc nơi đây sụp đổ năm 1989. Đài hiện đang phát thanh 28 thứ tiếng đến 20 quốc gia, kể cả Iran và Iraq, kể từ năm 1998 và Afghanistan từ năm 2002.
Nhập thành là một nước đi đặc biệt trong cờ vua, trong đó vua và một trong hai quân xe tham gia vào việc di chuyển. Khi nhập thành vua di chuyển qua 2 ô về phía quân xe tham gia nhập thành, và sau đó di chuyển quân xe tới ô mà quân vua vừa di chuyển qua sao cho nó nằm ngay bên cạnh quân vua. Việc nhập thành chỉ được phép nếu cả quân vua và quân xe chưa từng di chuyển trước đó; các ô giữa quân vua và quân xe không có quân nào nằm giữa; các ô mà vua sẽ di chuyển qua không nằm dưới sự kiểm soát (ô hay đường nằm trong tầm chiếu) của quân đối phương, cũng như việc nhập thành không làm được khi bị chiếu. Nhập thành là nước đi duy nhất trong cờ vua mà hai quân được di chuyển cùng một lúc. Nhập thành là một cải tiến tương đối gần đây của người châu Âu đối với cờ vua, có lẽ vào khoảng thế kỷ 14 hay thế kỷ 15. Vì thế, các phiên bản cờ vua trước đây của người châu Á đã không có nước đi này. Điều kiện nhập thành Việc nhập thành chỉ có thể được phép nếu tất cả các điều kiện sau được đảm bảo vào thời điểm thực hiện việc nhập thành: Quân vua chưa bao giờ bị di chuyển. Quân xe tham gia vào nhập thành cũng chưa bao giờ bị di chuyển. Không có quân nào nằm giữa vua và xe đó. Các ô mà vua sẽ di chuyển qua không nằm dưới sự kiểm soát (ô hay đường nằm trong tầm chiếu) của quân đối phương, cũng như việc nhập thành không làm được khi bị chiếu. Một số người còn cho là các yêu cầu cho việc nhập thành còn phức tạp hơn những quy tắc trên đây, nhưng điều đó là sai lầm. Để làm rõ vấn đề này, cần khẳng định là nhập thành vẫn có thể thực hiện khi: Xe tham gia nhập thành có thể đang bị tấn công. Xe tham gia nhập thành có thể di chuyển qua hoặc đứng vào các ô bị kiểm soát bởi quân đối phương. Vua có thể đã từng bị chiếu trước đây, nhưng miễn có quân hộ giá và không bị chiếu ở thời điểm nhập thành. Ký hiệu Ký hiệu cho nhập thành gần là 0-0 và nhập thành xa là 0-0-0, trong cả các hệ thống miêu tả và đại số. Nói chung người ta hay nhập thành gần, và rất ít khi cả hai người chơi cùng nhập thành xa. Nếu một người nhập thành gần còn người kia nhập thành xa, người ta gọi nó là nhập thành ngược nhau. Kiểu nhập thành này thông thường tạo ra các trận đấu mang tính tấn công của cả hai bên về phía vua đối phương do cả hai đều có khả năng lớn trong việc di chuyển quân để tấn công vua đối phương mà không làm suy yếu cấu trúc tốt đang bảo vệ vua của mình. Một ví dụ là phương án Rồng (Dragon Variation) của Phòng thủ Sicilia. Chiến thuật khi nhập thành Nhập thành gần tương đối an toàn cho vua hơn, do vua được đặt gần với góc của bàn cờ và tất cả các tốt ở cạnh vị trí nhập thành (f2, g2, h2 hay f7, g7, h7) đều được nó bảo vệ. Trong nhập thành xa, vua nằm gần trung tâm hơn và tốt tại cột a khi đó không được bảo vệ; tuy nhiên vua thường di chuyển tới cột b để bảo vệ tốt cũng như để tránh xa khu trung tâm bàn cờ. Ngược lại, nhập thành xa lại có xe cơ động hơn—nó nằm tại cột d, và thông thường là có thể hoạt động tích cực ngay, trong khi với nhập thành gần thì người ta lại hay cần có một nước đi để di chuyển xe từ cột f tới vị trí tích cực hơn. Một khác biệt nữa là khi nhập thành xa người ta phải di chuyển hậu trước đó; vì thế, nó có thể phải mất nhiều nước đi hơn so với nhập thành gần. Nhập thành là một mục tiêu quan trọng ở phần khai cuộc, vì nó phục vụ cho hai mục đích: di chuyển vua tới vị trí an toàn hơn, đưa xe vào vị trí tích cực hơn. Nếu vua bị ép buộc phải di chuyển trước khi có cơ hội nhập thành thì người chơi vẫn có thể mong muốn đưa nó vào vị trí an toàn ở góc bàn cờ và xe ra phía các cột trung tâm. Khi đó thường họ phải mất 3-4 nước đi để thực hiện việc mà khi nhập thành chỉ mất 1 nước đi, đôi khi người ta gọi nó là nhập thành giả. Thực hiện Để thực hiện nhập thành người chơi cần cầm quân vua trước, di chuyển nó đến ô cùng màu gần nhất, rồi sau đó chuyển xe qua đặt bên cạnh vua. Nếu nhập thành gần thì xe vốn ở bên phải vua, sẽ chuyển tới ô bên trái cạnh vua; nếu nhập thành xa thì xe vốn ở bên trái vua, sẽ chuyển tới ô bên phải cạnh vua. Người thực hiện nhập thành di chuyển vua và xe bằng chính tay vừa cầm quân vua. Mặc dù một số người chơi thực hiện nhập thành bằng cách một tay cầm vua, một tay cầm xe, nhưng điều này trái với quy tắc của cờ vua do FIDE ban hành là mỗi một nước đi chỉ có thể thực hiện bằng một tay. Theo các quy tắc của phần lớn các giải đấu thì nếu người chơi cầm quân xe trước thì bị coi là di chuyển xe chứ không phải thực hiện nhập thành. Một số biến thể cờ vua có các quy tắc đã sửa đổi cho việc nhập thành để phù hợp với các vị trí đã thay đổi. Ví dụ, xem thêm các quy tắc của Chess960. Trong việc giải cờ thế hay phân tích ngược các nước đi của loại hình cờ này, việc nhập thành được coi là được phép nếu vua và xe vẫn đứng tại vị trí ban đầu của mình (và các quy tắc nhập thành vẫn được đảm bảo), ngoại trừ việc phân tích ngược cho thấy một hoặc cả hai quân này đã từng di chuyển khỏi vị trí đó.
Phân tích ngược là một kỹ thuật để những người giải quyết các vấn đề cờ xác định lại những nước đi trước đó mà hai bên đã chơi để dẫn đến thế cờ hiện tại. Trong khi kỹ thuật này gần như là không cần thiết để giải quyết các vấn đề thông thường của cờ vua thì nó lại là một tiểu thể loại của các vấn đề về cờ vua, trong đó nó là một phần quan trọng; những vấn đề như thế được biết đến như là đi ngược hay thụt lùi. Đi ngược có thể đòi hỏi để giải các mẫu cờ thế như chiếu hết sau N nước đi, nhưng mục đích chính (ít nhất là trong các vấn đề ngược hiện đại) là việc giải thích lịch sử của thế cờ. Nó có thể là quan trọng để xác định chẳng hạn như nhập thành là không được phép hay việc bắt Tốt theo nước đi en passant là có thể hay không. Các vấn đề khác có thể đòi hỏi các câu hỏi cụ thể liên quan tới lịch sử của thế cờ chẳng hạn "có phải Tượng ở ô c1 là do Tốt được phong?". Điều này là một vấn đề cốt yếu trong các lập luận lôgic. Đôi khi nó là cần thiết để xác định xem một thế cờ cụ thể có hợp lệ không, trong đó "hợp lệ" nghĩa là nó có thể đạt được sau một số nước đi phù hợp với luật chơi, không quan trọng là các nước đi đó cao hay thấp cờ. Một nhánh quan trọng khác của các vấn đề phân tích ngược là các vấn đề của kiểm chứng cờ. Một ví dụ của vấn đề phân tích ngược được chỉ ra trên đây. Người giải cần suy ra nước đi cuối cùng của bên Trắng. Khi mới nhìn sơ qua thì có cảm giác như không có lời giải: trên tất cả các ô mà từ đó vua trắng có thể đã di chuyển thì nó dường như có vẻ bề ngoài là không thể do nó luôn luôn rơi vào các ô bị lưỡng chiếu. Tuy nhiên, nghĩ kỹ hơn người ta có có thể phát hiện ra là nếu vua trắng chuyển từ ô f5 thì nước đi của bên Đen trước đó có thể là tốt ăn f4xg3, bắt quân tốt trắng ở ô g4 do nó có nước đi en passant! Vì thế trước khi có f4xg3, bên trắng đã đi Tốt <code>g2-g4<code>. Nhưng Đen đã di chuyển như thế nào trước nước đó? Vua Trắng ở f5 đã bị chiếu bởi tượng ở ô h3 và Tốt Trắng đã ở ô g2. Khả năng duy nhất là Đen di chuyển Mã g4-e5 để Tượng chiếu. Vì thế nước gần nhất của Trắng là Vua từ f5 đã bắt Mã ở e5. Toàn bộ các nước đi do vậy sẽ là: 1...Ng4-e5+ 2.g2-g4 f4xg3++ 3.Kf5xe5... Phân tích ngược một phần Một số vấn đề sử dụng phương pháp gọi là "phân tích ngược một phần". Trong các vấn đề đó, lịch sử của thế cờ không thể xác định với sự chắc chắn, nhưng mỗi khả năng có thể yêu cầu một cách giải riêng. Vấn đề được minh họa ở bên trái của W. Langstaff (từ Chess Amateur (Cờ vua nghiệp dư) năm 1922) là một ví dụ tương đối dơn giản; nó yêu cầu chiếu hết sau 2 nước. Không thể xác định là Đen đã đi nước cuối cùng như thế nào, nhưng nó là rõ ràng là người này hoặc là đi quân vua, hoặc đi quân xe hay đi Tốt g7-g5 (g6-g5 là không thể, vì khi đó nó đang chiếu Vua Trắng). Vì thế, có hai phương án: hoặc là Đen không thể nhập thành hoặc Trắng có thể bắt Tốt g5 và sẽ nằm tại g6 (nước đi en passant) và Đen vẫn còn quyền nhập thành. Do không thể xác định nước đi cuối cùng của Đen là nước nào, nên các lời giải cho hai phương án sẽ là: 1.Ke6 và 2.Rd8# (nếu Đen đã di chuyển Vua hay Xe) 1.hxg6 e.p. (đe dọa: 2.Rd8#) 1...0-0 2.h7# (nếu Đen đã đi g7-g5)
Nhập thành là một nước đi đặc biệt trong trò chơi cờ vua, trong đó vua và một trong hai quân xe tham gia vào việc di chuyển. Khi nhập thành vua di chuyển 2 qua 2 ô về phía quân xe tham gia nhập thành, và sau đó di chuyển quân xe tới ô mà quân vua vừa di chuyển qua sao cho nó nằm ngay bên cạnh quân vua. Nhập thành: Theo nghĩa cổ là một quá trình mà một đoàn người hay một đoàn quân tiến vào trong một thành trì bởi việc giao chiến hoặc bởi việc nghinh đón chính thức của người bên trong thành.
JavaScript, theo phiên bản hiện hành, là một ngôn ngữ lập trình được phát triển từ các ý niệm nguyên mẫu. Ngôn ngữ này được dùng rộng rãi cho các trang web (phía người dùng) cũng như phía máy chủ (với Nodejs). Nó vốn được phát triển bởi Brendan Eich tại Hãng truyền thông Netscape với cái tên đầu tiên Mocha, rồi sau đó đổi tên thành LiveScript, và cuối cùng thành JavaScript. Giống Java, JavaScript có cú pháp tương tự C, nhưng nó gần với Self hơn Java. .js là phần mở rộng thường được dùng cho tập tin mã nguồn JavaScript. Phiên bản mới nhất của JavaScript là ECMAScript 12. ECMAScript là phiên bản chuẩn hóa của JavaScript. Trình duyệt Mozilla phiên bản 1.8 beta 1 có hỗ trợ không đầy đủ cho E4X - phần mở rộng cho JavaScript hỗ trợ làm việc với XML, được chuẩn hóa trong ECMA-357. Java, JavaScript và JScript Cùng thời điểm Netscape bắt đầu sử dụng Java trên trình duyệt Netscape, LiveScript đã được đổi tên thành JavaScript để được chú ý hơn bởi ngôn ngữ lập trình Java lúc đó đang được coi là một hiện tượng. JavaScript được bổ sung vào trình duyệt Netscape bắt đầu từ phiên bản 2.0b3 của trình duyệt này vào tháng 12 năm 1995. Trên thực tế, JavaScript không được phát triển dựa từ Java. Do đó JavaScript chỉ dựa trên các cách đặt tên của Java. Java Script gồm 2 mảng là client-server thực hiện lệnh trên máy của end-user và web-server. Sau thành công của JavaScript, Microsoft bắt đầu phát triển JScript, một ngôn ngữ có cùng ứng dụng và tương thích với JavaScript. JScript được bổ sung vào trình duyệt Internet Explorer bắt đầu từ Internet Explorer phiên bản 3.0 được phát hành tháng 8 năm 1996. DOM (Document Object Model), một khái niệm thường được nhắc đến với JavaScript trên thực tế không phải là một phần của chuẩn ECMAScript, DOM là một chuẩn riêng biệt có liên quan chặt chẽ với XML. Ứng dụng JavaScript là một ngôn ngữ lập trình dựa trên nguyên mẫu với cú pháp phát triển từ C. Giống như C, JavaScript có khái niệm từ khóa, do đó, JavaScript gần như không thể được mở rộng. Cũng giống như C, JavaScript không có bộ xử lý xuất/nhập (input/output) riêng. Trong khi C sử dụng thư viện xuất/nhập chuẩn, JavaScript dựa vào phần mềm ngôn ngữ được gắn vào để thực hiện xuất/nhập. Trên trình duyệt, rất nhiều trang web sử dụng JavaScript để thiết kế trang web động và một số hiệu ứng hình ảnh thông qua DOM. JavaScript được dùng để thực hiện một số tác vụ không thể thực hiện được với chỉ HTML như kiểm tra thông tin nhập vào, tự động thay đổi hình ảnh,... Ở Việt Nam, JavaScript còn được ứng dụng để làm bộ gõ tiếng Việt giống như bộ gõ hiện đang sử dụng trên trang Wikipedia tiếng Việt. Tuy nhiên, mỗi trình duyệt áp dụng JavaScript khác nhau và không tuân theo chuẩn W3C DOM, do đó trong rất nhiều trường hợp lập trình viên phải viết nhiều phiên bản của cùng một đoạn mã nguồn để có thể hoạt động trên nhiều trình duyệt. Một số công nghệ nổi bật dùng JavaScript để tương tác với DOM bao gồm DHTML, Ajax và SPA. Bên ngoài trình duyệt, JavaScript có thể được sử dụng trong tập tin PDF của Adobe Acrobat và Adobe Reader. Điều khiển Dashboard trên hệ điều hành Mac OS X phiên bản 10.4 cũng có sử dụng JavaScript. Công nghệ kịch bản linh động (active scripting) của Microsoft có hỗ trợ ngôn ngữ JScript làm một ngôn ngữ kịch bản dùng cho hệ điều hành. JScript.NET là một ngôn ngữ tương thích với CLI gần giống JScript nhưng có thêm nhiều tính năng lập trình hướng đối tượng. Từ khi Nodejs ra đời vào năm 2009, Javascript được biết đến nhiều hơn là một ngôn ngữ đa nền tảng khi có thể chạy trên cả môi trường máy chủ cũng như môi trường nhúng. Mỗi ứng dụng này đều cung cấp mô hình đối tượng riêng cho phép tương tác với môi trường chủ, với phần lõi là ngôn ngữ lập trình JavaScript gần như giống nhau. Các thành phần cú pháp chính Khoảng trắng Dấu cách, tab và ký tự dòng mới sử dụng bên ngoài một chuỗi ký tự được gọi là khoảng trắng. Khác với C, khoảng trắng trong JavaScript có thể ảnh hưởng trực tiếp tới ý nghĩa của câu lệnh. Sử dụng phương pháp "tự động thêm dấu chấm phẩy", bất cứ một dòng JavaScript nào thích hợp sẽ được coi là một câu lệnh hợp lệ (giống như có dấu chấm phẩy trước ký tự dòng mới). Tuy trong phần lớn trường hợp, dấu chấm phẩy trước khi kết thúc một dòng JavaScript là không cần thiết để đoạn mã nguồn hoạt động chính xác, lập trình viên nên sử dụng dấu chấm phẩy sau mỗi câu lệnh để đoạn mã nguồn dễ nhìn hơn. Ngoài ra, do đặc thù của JavaScript - chuyên dùng trên trang web, kích cỡ của đoạn mã nguồn là quan trọng, có một số phần mềm có thể làm giảm kích cỡ của đoạn mã nguồn JavaScript bằng cách bỏ đi những khoảng trắng không cần thiết, để những phần mềm này hoạt động chính xác, lập trình viên cần thêm dấu chấm phẩy vào cuối mỗi câu lệnh. Chú thích Cú pháp chú thích của JavaScript giống với C++. Lập trình viên có thể chú thích trên nhiều dòng bằng cách bao bọc chú thích với /* và */ hoặc sử dụng // để chú thích từ vị trí // đến hết dòng.// Đây là chú thích trên một dòng. /* Đây là chú thích trên nhiều dòng. Đây là chú thích 1 Đây là chú thích 2 */ Biến Trước khi sử dụng biến trong JavaScript, lập trình viên không nhất thiết phải khai báo biến. Có 3 cách để định nghĩa biến trong JavaScript: // ECMAScript 5 trở về trước var tên_biến // Từ ECMAScript 6 let ten_bien const ten_hang // giá trị của biến khi được khai báo bằng const không thay đổi được giá trị Ngoài ra, lập trình viên có thể chỉ việc gán cho biến một giá trị để sử dụng biến đó. Biến được định nghĩa ngoài tất cả các hàm hoặc được sử dụng mà không khai báo với cú pháp var sẽ được coi là biến toàn cục, những biến này có thể sử dụng trên toàn trang web. Biến được khai báo với var bên trong một hàm là biến cục bộ của hàm đó và chỉ có thể sử dụng được bên trong hàm đó. Từ ECMAScript 6 trở đi, có thể khai báo với let và const để chỉ biến có thể thay đổi hoặc không thay đổi được. Toán tử Một toán tử xác định phép toán sẽ được thực hiện trên các giá trị của các biến, và các biểu thức. Javascript cung cấp nhiều loại toán tử khác nhau để thực hiện việc tính toán, và đánh giá từ đơn giản đến phức tạp. Các toán tử của Javascript được phân thành sáu thể loại dựa trên loại hành động của chúng thực hiện với các toán hạng. Bao gồm toán tử số học, toán tử quan hệ, toán tử luận lý, toán tử thao tác bit, toán tử gán, toán tử đặc biệt. Toán tử số học Các toán tử số học là các toán tử nhị phân, khi chúng thực hiện các phép tính cơ bản trên hai toán hạng. Toán tử xuất hiện ở giữa hai toán hạng, cho phép bạn thực hiện các phép tính với giá trị số và chuỗi. Các toán tử bao gồm: + (cộng), - (trừ), * (nhân), / (chia), % (chia lấy dư). Ví dụ:var result; result = 2 + 4; // result = 6 result = 2 - 4; // result = -2 result = 2 * 4; // result = 8 result = 2 / 4; // result = 0.5 result = 2 % 4; // result = 2 Toán tử tăng, và giảm Các toán tử tăng và giảm là các toán tử đơn hạng, vì chúng chỉ thực hiện được trên một toán hạng duy nhất. Toán tử tăng làm tăng giá trị lên 1, trong khi toán tử giảm làm giảm giá trị xuống 1, các toán tử có thể được đặt trước, hoặc sau toán hạng. Các toán tử bao gồm: ++ (tăng), -- (giảm). Ví dụ:var x = 2; var y; y = x++; // x = 3, y = 2 y = ++x; // x = 3, y = 3 y = x--; // x = 1, y = 2 y = --x; // x = 1, y = 1 Toán tử quan hệ Toán tử quan hệ là các toán tử dùng để so sánh giữa hai toán hạng. Sau khi thực hiện một so sánh, chúng trả lại một giá trị true (đúng) hay false (sai). Các toán tử bao gồm: == (bằng nhau), != (khác nhau), === (bằng nhau và cùng loại), !== (khác nhau và khác loại), > (lớn hơn), < (nhỏ hơn), >= (lớn hơn hoặc bằng), <= (nhỏ hơn hoặc bằng). Ví dụ:var result; result = 3 == "3"; // result = true result = 3 != 3; // result = false result = 3 === "3"; // result = false result = 3 !== "3"; // result = true result = 3 > 4; // result = false result = 3 < 4; // result = true result = 3 >= 3; // result = true result = 3 <= 4; // result = true Toán tử luận lý Các toán tử luận lý là các toán tử nhị phân thực hiện các phép toán logic trên hai toán hạng. Chúng thuộc loại toán tử quan hệ, vì chúng trả về một giá trị boolean. Các toán tử bao gồm: && (và), || (hoặc), ! (phủ định). Ví dụ:var x = 2, y = 5; var result; result = (x == 3) && (y == 5); // result = false result = (x == 3) || (y == 5); // result = true result = !(x == 3); // result = true Toán tử đặc biệt Toán tử điều kiện còn được biết đến với tên gọi toán tử 3 ngôi. Cú pháp của toán tử này như sau: điều_kiện ? biểu_thức_đúng : biểu_thức_sai; Toán tử này sẽ trả lại giá trị là kết quả của biểu_thức_đúng nếu điều_kiện có giá trị boolean bằng true, ngược lại nó sẽ trả lại giá trị bằng biểu_thức_sai. Câu lệnh điều khiển Câu lệnh if... else Cú pháp if... else dùng trong trường hợp muốn rẽ nhánh theo điều kiện. Cú pháp này tương đương với nếu x thì làm y, còn nếu không thì làm z. Các câu lệnh if... else có thể lồng trong nhau. Cú pháp: if (biểu_thức_1) { khối lệnh được thực hiện nếu biểu thức 1 đúng; } else if (biểu_thức_2) { khối lệnh được thực hiện nếu biểu thức 1 sai và biểu thức 2 đúng; } else { khối lệnh được thực hiện nếu cả hai biểu thức trên đều sai; } Ví dụ: var x = prompt("Nhập vào giá trị của x:"); x = parseFloat(x); if (!isNaN(x)) { if (x > 0) { alert("x > 0"); } else if (x == 0) { alert("x = 0"); } else { alert("x < 0"); } } else { alert("giá trị bạn nhập không phải là một số"); } Đoạn mã nguồn trên mở một hộp thoại yêu cầu nhập vào một giá trị số, sau đó hiển thị thông báo số đó lớn hơn 0, bằng 0 hay nhỏ hơn 0. Câu lệnh switch... case Cú pháp switch cũng là cú pháp điều kiện như if... else hay toán tử tam phân. Tuy nhiên, cú pháp switch thường được dùng khi chỉ cần so sánh bằng với số lượng kết quả cần kiểm tra lớn. Cách sử dụng cú pháp switch: switch (biểu_thức_điều_kiện) { case kết_quả_1: khối lệnh cần thực hiện nếu biểu_thức_điều_kiện bằng kết_quả_1; break; case kết_quả_2: khối lệnh cần thực hiện nếu biểu_thức_điều_kiện bằng kết_quả_2; break; default: khối lệnh cần thực hiện nếu biểu_thức_điều_kiện cho ra một kết quả khác; break; } Sau mỗi khối lệnh trong một mục kiểm tra kết quả (trừ mục default), lập trình viên cần phải thêm vào break. Vòng lặp Vòng lặp while Vòng lặp while có mục đích lặp đi lặp lại một khối lệnh nhất định cho đến khi biểu thức điều kiện trả về false. Khi dùng vòng lặp while phải chú ý tạo lối thoát cho vòng lặp (làm cho biểu thức điều kiện có giá trị false), nếu không đoạn mã nguồn sẽ rơi vào vòng lặp vô hạn, là một lỗi lập trình. Vòng lặp while thường được dùng khi lập trình viên không biết chính xác cần lặp bao nhiêu lần. Cú pháp của vòng lặp while như sau: while (biểu_thức_điều_kiện) { khối lệnh cần thực hiện nếu biểu_thức_điều_kiện trả về true; } Vòng lặp do... while Về cơ bản, vòng lặp do... while gần như giống hệt như vòng lặp while. Tuy nhiên, trong trường hợp biểu thức điều kiện trả về false ngay từ đầu, khối lệnh trong vòng lặp while sẽ không bao giờ được thực hiện, trong khi đó, vòng lặp do... while luôn đảm bảo khối lệnh trong vòng lặp được thực hiện ít nhất một lần. Ví dụ: do { alert("do... while"); // Bạn sẽ nhận được thông báo "do... while" một lần duy nhất } while (0 > 1); Cú pháp của vòng lặp do... while như sau: do { khối lệnh; } while (biểu_thức_điều_kiện); Vòng lặp for Vòng lặp for thường được sử dụng khi cần lặp một khối lệnh mà lập trình viên biết trước sẽ cần lặp bao nhiêu lần. Cú pháp của vòng lặp for như sau: for (biểu_thức_khởi_tạo; biểu_thức_điều_kiện; biểu_thức_thay_đổi_giá_trị) { Khối lệnh cần lặp; } Khi bắt đầu vòng lặp for, lập trình viên cần khởi tạo một biến nhất định bằng biểu_thức_khởi_tạo để dùng trong biểu_thức_điều_kiện, nếu biểu_thức_điều_kiện trả về true, khối lệnh cần lặp sẽ được thực hiện, sau khi thực hiện xong khối lệnh cần lặp, biểu_thức_thay_đổi_giá_trị sẽ được thực hiện, tiếp theo, biểu_thức_điều_kiện sẽ lại được kiểm tra, cứ như vậy cho đến khi biểu_thức_điều_kiện trả về false, khi đó vòng lặp sẽ kết thúc. Vòng lặp for... in Vòng lặp for... in dùng để lặp qua tất cả các thuộc tính của một đối tượng (hay lặp qua tất cả các phần tử của một mảng). Cú pháp của vòng lặp này như sau: for (biến in đối_tượng) { khối lệnh cần thực hiện, có thể sử dụng đối_tượng[biến] để truy cập từng thuộc tính (phần tử) của đối tượng; } Hàm Hàm là một khối các câu lệnh với một danh sách một hoặc nhiều đối số (có thể không có đối số) và thường có tên (mặc dù trong JavaScript hàm không nhất thiết phải có tên). Hàm có thể trả lại một giá trị. Cú pháp của hàm như sau: //ECMAScript 5 trở về trước function tên_hàm(đối_số_1, đối_số_2) { //câu lệnh } //ECMAScript 6 trở đi const tên_hàm = (đối_số_1, đối_số_2)=>{ // là arrow function //câu lệnh } //Thực thi tên_hàm(1, 2); // Gọi hàm tên_hàm với hai đối số 1 và 2 ứng với đối_số_1 và đối_số_2 tên_hàm(1); // Gọi hàm tên_hàm với đối_số_1 có giá trị 1, đối_số_2 có giá trị undefined Trong JavaScript, khi gọi hàm không nhất thiết phải gọi hàm với cùng số đối số như khi định nghĩa hàm, nếu số đối số ít hơn khi định nghĩa hàm, những đối số không được chuyển cho hàm sẽ mang giá trị undefined. Các kiểu cơ bản sẽ được chuyển vào hàm theo giá trị, đối tượng sẽ được chuyển vào hàm theo tham chiếu. Hàm là đối tượng hạng nhất trong JavaScript. Tất cả các hàm là đối tượng của nguyên mẫu Function. Hàm có thể được tạo và dùng trong phép toán gán như bất kỳ một đối tượng nào khác, và cũng có thể được dùng làm đối số cho các hàm khác. Do đó, JavaScript hỗ trợ hàm cấp độ cao. Ví dụ: Array.prototype.fold = function (value, functor) { var result = value; for (var i = 0; i < this.length; i++) { result = functor(result, this[i]); } return result; } var sum = [1,2,3,4,5,6,7,8,9,10].fold(0, function (a, b) { return a + b; }); Đoạn mã nguồn trên sẽ trả lại kết quả là 55. Vì hàm trong JavaScript là đối tượng, lập trình viên có thể khởi tạo hàm ẩn danh: function() { thân hàm; } Một ví dụ sử dụng hàm ẩn danh trong JavaScript: document.onkeypress = function(e) { alert("Bạn vừa nhấn một phím trên bàn phím"); } Hàm trên sẽ hiển thị thông báo khi một số phím trên bàn phím có thể gây sự kiện onkeypress được nhấn. Mặc định, tất cả các thành phần của đối tượng thuộc phạm vi công cộng (public). Trong JavaScript, không có khái niệm thành phần riêng hay thành phần được bảo vệ (private và protected), tuy nhiên những tính năng này có thể được giả lập. Mảng Mảng trong JavaScript là một bảng liên kết chỉ mục đến giá trị. Trong JavaScript, tất cả các đối tượng đều có thể liên kết chỉ mục đến giá trị, nhưng mảng là một đối tượng đặc biệt có thêm nhiều tính năng xử lý chỉ mục và dữ liệu đặc biệt (ví dụ: push, join, v.v.) Mảng trong JavaScript có thuộc tính length. Thuộc tính length của JavaScript luôn luôn lớn hơn số chỉ mục lớn nhất trong mảng một đơn vị. Trong phần lớn ngôn ngữ lập trình, những thuộc tính có tính năng như length thường là thuộc tính chỉ đọc, tuy nhiên, với JavaScript, lập trình viên có thể thay đổi thuộc tính length. Bằng cách thay đổi thuộc tính length, lập trình viên có thể làm mảng lớn hơn hoặc nhỏ hơn (và xóa đi những chỉ mục lớn hơn hoặc bằng thuộc tính length mới). Mảng trong JavaScript là mảng rải rác, có nghĩa là cho dù lập trình viên có một mảng như sau: var test = new Array(); test[2] = 0; test[100] = 5; Trong trường hợp này, dù mảng có đến chỉ mục mang số 100 thì mảng cũng chỉ chiếm bộ nhớ của hai số 0 và 5. Tuy nhiên, thuộc tính length sẽ có giá trị 101 do chỉ mục lớn nhất của mảng trong ví dụ trên là 100. Ngoài ra, mảng cũng có thể được khai báo một cách ngắn gọn, cách này thông thường được sử dụng: var ary = [1, 2, 3]; Một số ví dụ về mảng: var test = new Array(10); // Tạo một mảng 10 chỉ mục var test2 = new Array(0, 1, 2,, 3); // Tạo một mảng với bốn giá trị và 5 chỉ mục var test3 = new Array(); test3["1"] = 123; // Hoàn toàn đúng cú pháp Lập trình viên cũng có thể định nghĩa cấu trúc bằng đối tượng như sau: var myStructure = { name: { first: "Mel", last: "Smith" }, age: 33, hobbies: [ "chess", "jogging" ] }; Cú pháp định nghĩa cấu trúc bằng đối tượng trên có một chuẩn trên danh nghĩa là JSON. Đối tượng Đối tượng trong JavaScript là một thực thể có tên xác định và có thuộc tính trỏ đến giá trị, hàm hoặc cũng có thể là một đối tượng khác. Có nghĩa là, đối tượng trong JavaScript là một mảng kết hợp (associative array) tương tự như mảng trong PHP hay từ điển trong Python, PostScript hoặc Smalltalk. JavaScript có một số đối tượng định nghĩa sẵn, bao gồm mảng (Array), boolean (Boolean), ngày tháng (Date), hàm (Function), toán học (Math), số (Number), đối tượng (Object), biểu thức tìm kiếm (RegExp), chuỗi (String), symbol (Symbol). Các đối tượng khác là đối tượng dùng để truy cập và điều khiển các khía cạnh của trình duyệt, bao gồm window, history, navigator, location, screen, document, form,.. Từ ECMAScript 6 trở đi, Javascript đã hỗ trợ class, interface giúp việc lập trình hướng đối tượng trở nên dễ dàng hơn. Lập trình viên có thể thêm hoặc xóa thuộc tính hoặc hàm trong đối tượng sau khi đối tượng đã được tạo. Để làm việc này cho tất cả các đối tượng được tạo từ cùng một hàm khởi tạo, lập trình viên có thể sử dụng thuộc tính prototype của hàm khởi tạo để truy cập đối tượng nguyên mẫu. Lập trình viên không nhất thiết phải tự xóa các đối tượng đã tạo, JavaScript tự động gom rác tất cả những biến không còn được dùng nữa. Ví dụ: function samplePrototype() { this.attribute1 = "someValue"; // thêm một thuộc tính cho đối tượng this.attribute2 = 234; // thêm thuộc tính nữa cho đối tượng this.function1 = testFunction; // thêm một hàm vào đối tượng } function testFunction() { alert(this.attribute2); //hiển thị 234 } var sampleObject = new samplePrototype; // khởi tạo một đối tượng sampleObject.function1(); // gọi hàm function1 của đối tượng sampleObject sampleObject.attribute3 = 123; // thêm một thuộc tính nữa cho đối tượng sampleObject delete sampleObject.attribute1; // xóa bỏ 1 thuộc tính delete sampleObject; // xóa bỏ đối tượng Qu Tùy theo môi trường phát triển, sửa lỗi JavaScript có thể sẽ rất khó khăn. Với dùng trên trang web, hiện tại, các trình duyệt dựa trên Gecko (như Mozilla, Mozilla Firefox) có công cụ tìm diệt lỗi rất tốt (Venkman), ngoài ra còn kèm theo một công cụ kiểm tra DOM. Các phiên bản mới hơn của JavaScript (như bản dùng trên Internet Explorer 5 và Netscape 6) hỗ trợ mệnh đề quản lý lỗi try... catch... finally, mệnh đề này bắt nguồn từ Java giúp lập trình viên quản lý lỗi thời gian chạy hoặc quản lý ngoại lệ xuất phát từ cú pháp throw. Cú pháp của mệnh đề này như sau: try { Khối lệnh cần thực hiện có thể gây lỗi; } catch (error) { Khối lệnh cần thực hiện trong trường hợp có lỗi; } finally { Khối lệnh luôn được thực hiện; } Trong cú pháp trên error là một đối tượng Error có hai thuộc tính theo chuẩn ECMAScript phiên bản 3: <li>error.message: Thông điệp diễn giải lỗi <li>error.name: Tên lỗi Tuy nhiên mỗi trình duyệt sử dụng một bản JavaScript khác nhau, trong các trình duyệt lớn và phổ dụng không có trình duyệt nào hoàn toàn tuân thủ theo chuẩn ECMAScript phiên bản 3. Ví dụ như Internet Explorer 6 SP 1 có thêm hai thuộc tính: <li>error.number: Bí số của lỗi <li>error.description: Thông điệp diễn giải lỗi Còn Mozilla Firefox 1.07 có thêm ba thuộc tính: <li>error.fileName: Tên tập tin xảy ra lỗi <li>error.lineNumber: Dòng xảy ra lỗi <li>error.stack: Cả hai thuộc tính trên gộp lại trong một chuỗi ký tự Phần finally là không bắt buộc. Lập trình viên hoàn toàn có thể sử dụng try... catch mà không có finally. Phạm vi ảnh hưởng của lỗi Các ngôn ngữ lập trình kịch bản rất dễ bị ảnh hưởng bởi lỗi, hơn nữa, mỗi một trình duyệt, mỗi một công ty ứng dụng JavaScript một cách hoàn toàn khác nhau nên lập trình viên JavaScript thường phải dành rất nhiều thời gian sửa lỗi để đảm bảo đoạn mã nguồn của mình sẽ hoạt động tốt. Trong những trang HTML mà thẻ script và các đoạn mã HTML khác xen kẽ lẫn nhau, lỗi cú pháp có thể được phát hiện dễ dàng hơn bằng cách để mỗi hàm trong một thẻ script riêng biệt hoặc có thể sử dụng nhiều tệp.js khác nhau. Trong nhiều trường hợp, cách này còn giúp tránh làm hỏng cả trang web trong trường hợp có lỗi trong một đoạn mã nguồn. Các ngôn ngữ dựa trên JavaScript Ngôn ngữ kịch bản dùng trong Macromedia Flash - ActionScript có cú pháp gần giống với JavaScript, tuy nhiên mô hình đối tượng của ActionScript khác hẳn so với JavaScript. JSON (JavaScript Object Notation) là một định dạng chia sẻ dữ liệu đa mục đích. JavaScript OSA (JavaScript cho OSA, hay JSOSA) là một ngôn ngữ kịch bản dựa trên bản JavaScript SpiderMonkey trong trình duyệt Mozilla 1.5 dùng cho máy tính Macintosh. Đây là một phần mềm miễn phí phát hành bởi Late Night Software. Tương tác với hệ điều hành và các chương trình khác được thực hiện thông qua đối tượng MacOS. Ngoài những khác biệt trên, JavaScript OSA giống hệt bản JavaScript SpiderMonkey. Ngôn ngữ này được thêm vào hệ điều hành Mac OS để cung cấp thêm lựa chọn cho lập trình viên ngoài AppleScript. Trước kia, ECMAScript cũng được sử dụng trong chuẩn VRML97 dùng trong dựng cảnh VRML. Thư viện JavaScript nổi tiếng Bộ khung Prototype kết hợp với thư viện scriptaculous. Thư viện jQuery, tiết kiệm thời gian viết mã lệnh cũng như cung cấp các hàm tương tác với DOM trên các trình duyệt khác nhau Nodejs, hệ thống chương trình giúp chạy Javascript ngoài trình duyệt. ReactJS, thư viện miễn phí nguồn mở hỗ trợ xây dựng giao diện người dùng
Nhà vệ sinh () là một căn phòng nhỏ riêng tư với thiết bị vệ sinh (bồn cầu) để đi tiểu và đại tiện thường có bồn rửa (chậu rửa) với xà phòng để rửa tay, vì điều này rất quan trọng đối với vấn đề vệ sinh cá nhân. Loại phòng này được gọi "bathroom" trong tiếng Anh-Mỹ, "loo" trong tiếng Anh-Anh, "washroom" tại Canada và nhiều tên gọi khác trên khắp thế giới. Các địa điểm công cộng có phân chia nhà vệ sinh phi giới tính cho nam và nữ, hoặc nhà vệ sinh công cộng trung tính cho những người thuộc nhóm LGBT. Ngoài ra còn có các loại nhà vệ sinh khác nhau dành cho người khuyết tật, nhà vệ sinh bố mẹ và con cái được chia sẻ bởi cha mẹ và con cái. Tên gọi Khu vực Trung Quốc Đại lục Thời cổ đại Trung Quốc, chỗ đi vệ sinh hầu hết nằm bên ngoài ngôi nhà, dùng những nơi tương tự và nối với với chuồng lợn. Thông thường chất thải được đào hố và che lấp bằng cỏ tranh ("mao thảo") nên gọi là mao khanh (hố phủ bằng cây cỏ gianh), mao phòng hay mao xí. Trong thời kỳ tiền Tần và Hán-Ngụy, nhà vệ sinh được gọi là hành thanh. Thời nhà Tống nhà sư Tuyết Đậu Tăng (雪竇曾) từng dọn nhà vệ sinh trong chùa Linh Ẩn (靈隱寺) vì vậy nhà vệ sinh được gọi là tuyết ẩn (雪隱). Tên gọi tại Việt Nam Ở một số vùng tại Việt Nam, người dân gọi nhà vệ sinh là cầu tõm. Danh từ này xuất phát từ thói quen của một số người dân thường ngồi trên một cầu tre bắc qua con mương để đại tiện. Tại một số vùng, người ta lại gọi là nhà tiêu, cầu tiêu, hố xí, nhà xí, chuồng xí. "Xí" (chữ Hán phồn thể: 廁; giản thể: 厕, bính âm: cè) ở đây là từ Hán-Việt, chỉ nơi người ta đại tiểu tiện, tức nhà vệ sinh. Thời hiện đại có những tên gọi vay mượn chỉ về nó như toa-lét (toilet), vê kép xê (WC). Các kiểu nhà vệ sinh Nhà tiêu tự hoại Nhà tiêu hai ngăn Tình hình vệ sinh Trên thế giới Hiện nay (2007) có khoảng 2,6 tỷ người trên thế giới không được tiếp cận nhà vệ sinh sạch sẽ. Liên hợp quốc hy vọng sẽ giảm con số này xuống còn một nửa vào năm 2015 như một phần Các mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ đã đề ra. Tổ chức từ thiện Anh WaterAid đã lập danh sách các nước có trên 10 triệu người không được sử dụng nhà vệ sinh đúng tiêu chuẩn là Nga, România, Thổ Nhĩ Kỳ, México, Brasil, Ai Cập, Maroc và nhiều nước khác, trong đó Ấn Độ có 700 triệu người không được tiếp cận với nhà vệ sinh có hệ thống nước thải đúng quy cách. Ở Việt Nam Qua một nghiên cứu điều tra trong năm 2006 do Bộ Y tế và UNICEF Việt Nam tiến hành, chỉ có khoảng 15.6% người được phỏng vấn thực hành rửa tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh, chỉ có 18% hộ gia đình và khoảng 12% trường học ở nông thôn Việt Nam có nhà tiêu hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn 08/2005/QĐ-BYT do Bộ Y tế ban hành. Trong khi đó, Chương Trình Mục Tiêu Quốc gia về Cấp Nước và Vệ Sinh Môi trường Nông thôn lần II cho giai đoạn 2006-2010 đề ra mục tiêu là đến năm 2010, 100% trường học và 70% các gia đình ở nông thôn Việt Nam có nhà tiêu hợp vệ sinh. Theo điều tra của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) về hiện trạng các công trình vệ sinh tại 966 điểm trường tại vùng nông thôn Việt Nam: trong tổng số điểm trường điều tra chỉ có 72,7% số điểm trường có nhà tiêu và chỉ có khoảng 54% nhà tiêu thuộc loại hình hợp vệ sinh (trong đó chỉ có 11,7% nhà tiêu đạt tiêu chuẩn vệ sinh). Tỷ lệ điểm trường có nhà tiêu đạt tỷ lệ thấp nhất là khối mầm non: 52,4%. Khối mầm non cũng là khối có tỷ lệ điểm trường có nhà tiêu thuộc loại hình hợp vệ sinh thấp nhất (39,5%) việc giải quyết nhu cầu sinh lý bình thường hàng ngày ở học đường luôn là nỗi bức xúc cố nén của học sinh, thầy cô, phụ huynh, đại biểu Quốc hội và các nhà báo.
Vành đai Kuiper là các vật thể của hệ Mặt Trời nằm trải rộng từ phạm vi quỹ đạo của Hải Vương Tinh (khoảng 30 AU) tới 44 AU từ phía Mặt Trời, quỹ đạo nằm gần với mặt phẳng hoàng đạo. Các thiên thể trong vành đai Kuiper được nói đến bởi IAU như là các thiên thể ngoài Hải Vương Tinh có thể có hình dạng gần giống các tiểu hành tinh. Ranh giới ngoài của vành đai Kuiper không được xác định một cách tùy tiện; trái lại, dường như có sự suy giảm rõ ràng và thực tế về mật độ các thiên thể nằm ngoài phạm vi đã chọn. Đôi khi nó còn được nói đến như là "lỗ hổng Kuiper" hay "vách Kuiper". Nguyên nhân cho các tên gọi này là một điều bí mật; một trong các giải thích khả dĩ có thể là do giả thuyết cho rằng có thiên thể kích cỡ tương tự như Trái Đất hay Hỏa Tinh chạy qua các mảnh vỡ. Miêu tả Vành đai Kuiper gồm những mảnh vỡ, giống với vành đai các tiểu hành tinh, nhưng được tạo thành chủ yếu từ băng và rộng lớn hơn, đồng thời nằm ở vị trí xa hơn khoảng giữa 30 AU và 50 AU từ Mặt Trời, tức là bắt đầu từ Sao Hải Vương trở ra. Vùng này được cho là nơi khởi nguồn của những sao chổi ngắn hạn, như sao chổi Halley. Mặc dù người ta ước tính có khoảng 70.000 vật thể ở vành đai Kuiper có đường kính lớn hơn 100km, nhưng tổng khối lượng của vành đai Kuiper vẫn rất nhỏ, có lẽ tương đương hay hơi lớn hơn khối lượng Trái Đất. Nhiều vật thể ở vành đai Kuiper có quỹ đạo bên ngoài mặt phẳng hoàng đạo. Sao Diêm Vương, "cựu hành tinh" nhỏ nhất trong Hệ Mặt Trời được coi là một phần của vành đai Kuiper. Giống như những vật thể khác trong vành đai, nó có quỹ đạo lệch tâm, nghiêng 17 độ so với mặt phẳng hoàng đạo và ở phạm vi từ 29,7 AU ở điểm cận nhật đến 49,5 AU ở điểm viễn nhật. Các vật thể thuộc vành đai Kuiper có quỹ đạo giống với Sao Diêm Vương được gọi là thiên thể kiểu Diêm Vương Tinh. Các vật thể khác có quỹ đạo tương tự nhau cũng được gộp thành nhóm. Những vật thể còn lại của vành đai Kuiper với các quỹ đạo "truyền thống" hơn, được xếp vào loại Cubewanos (hay thiên thể ngoài Hải Vương Tinh truyền thống). Vành đai Kuiper có một khoảng trống rất rõ ràng. Ở khoảng cách 49 AU đến Mặt Trời, số lượng các vật thể được quan sát thấy giảm sút rõ rết, tạo nên "Vách Kuiper" và hiện vẫn chưa biết nguyên nhân của nó. Một số người cho rằng một thứ gì đó phải tồn tại ở phía ngoài vành đai và đủ lớn tới mức quét sạch mọi mảnh vỡ còn lại, có lẽ lớn như Trái Đất hay Sao Hoả. Tuy nhiên, quan điểm này vẫn còn gây tranh cãi. Nguồn gốc Các mô phỏng trên máy tính hiện đại chỉ ra rằng vành đai Kuiper được tạo ra do Mộc Tinh, nhờ lực hấp dẫn khá lớn của nó để duy trì các thiên thể nhỏ mà chúng không thể thoát ra khỏi hệ Mặt Trời một cách hoàn toàn, cũng như các thiên thể được tạo ra ngay tại chỗ đó (in-situ). Các mô phỏng như thế và các thuyết khác dự đoán rằng có lẽ có các thiên thể với khối lượng đáng kể nằm trong vành đai cỡ như Hỏa Tinh hay Trái Đất. Các nhà thiên văn đầu tiên đưa ra giả thuyết về sự tồn tại của vành đai này là nhà vật lý thiên văn người Mỹ Frederick C. Leonard năm 1930 và Kenneth E. Edgeworth năm 1943. Năm 1951, nhà thiên văn học người Mỹ gốc Hà Lan Gerard Kuiper giả thiết rằng các thiên thể không tồn tại trong vành đai nữa. Các ước đoán chi tiết hơn về các thiên thể trong vành đai được thực hiện bởi nhà vật lý thiên văn người Canada Al G. W. Cameron năm 1962, người Mỹ Fred L. Whipple năm 1964 và người Uruguay Julio Fernandez năm 1980. Vành đai và các thiên thể trong nó được đặt theo tên của Kuiper sau khi phát hiện ra 1992 QB1 bởi David Jewitt và Jane Lưu vào năm 1992. Giáo sư Lưu từng phát biều: "Chúng tôi đã phát hiện có hàng triệu thiên thạch ngoài đó, bên mép rìa Thái Dương Hệ, trong vành đai Kuiper giống như hành tinh Diêm Vương Tinh vậy.... Khám phá này làm hoàn toàn thay đổi quan niệm của chúng ta về định nghĩa hành tinh là gì." Tên gọi Tên gọi khác, Vành đai Edgeworth-Kuiper cũng được sử dụng để vinh danh nhà thiên văn học người Ireland Kenneth Edgeworth. Thuật ngữ Thiên thể ngoài Hải Vương Tinh (TNO) được đề xuất cho các thiên thể trong vành đai bởi một số nhóm nhà khoa học vì thuật ngữ này ít gây tranh cãi hơn tất cả các tên gọi khác - mặc dù nó không phải là từ đồng nghĩa, do TNO bao gồm tất cả các thiên thể quay quanh Mặt Trời ở phần rìa ngoài của hệ Mặt Trời, không chỉ bao gồm các thiên thể trong vành đai Kuiper. Các thiên thể vành đai Kuiper Các phát hiện Trên 8000 thiên thể vành đai Kuiper (một tập hợp con của thiên thể ngoài Hải Vương Tinh) đã được phát hiện trong vành đai này, gần như tất cả chúng đều được phát hiện từ năm 1992 trở đi. Trong số các thiên thể lớn nhất có Diêm Vương Tinh và Charon, nhưng kể từ năm 2000 thì các thiên thể lớn khác có kích thước lớn như chúng cũng đã được xác định. 50000 Quaoar, phát hiện năm 2002, là một KBO, có kích thước cỡ một nửa kích thước của Diêm Vương Tinh và lớn hơn tiểu hành tinh lớn nhất đã biết là 1 Ceres. Trong khi 2005 FY9 và 2003 EL61 là hai thiên thể được thông báo ngày 29 tháng 7 năm 2005 còn lớn hơn. Các thiên thể khác, như 28978 Ixion (phát hiện năm 2001) và 20000 Varuna (phát hiện năm 2000) nhỏ hơn Quaoar, nhưng cũng rất đáng kể về kích thước. Sự phân loại chính xác các thiên thể này là chưa rõ ràng, nhưng một điều rõ ràng là chúng khác đáng kể so với các tiểu hành tinh của vành đai tiểu hành tinh. Vệ tinh của Hải Vương Tinh Triton nói chung được coi là một KBO bị bắt giữ. Các đường cong quỹ đạo Các KBO theo định nghĩa hiện tại (2005) giới hạn trong khoảng cách 30-44 AU từ Mặt Trời. Nó không phải là định nghĩa tùy hứng và đơn thuần mà nó phản ánh sự thiếu vắng thực tế của các thiên thể nằm ngoài ranh giới nói trên. Tuy nhiên, phần lớn các KBO đã biết được phát hiện gần với điểm cận nhật của chúng do chúng phản xạ ít ánh sáng có thể phát hiện được hơn khi chúng ở các khoảng cách lớn. Một số KBO cũng di chuyển có chu kỳ bên trong quỹ đạo của Hải Vương Tinh là cộng hưởng quỹ đạo tỷ lệ 1:2, 2:3 (các thiên thể kiểu Diêm Vương Tinh), 2:5, 3:4, 3:5, 4:5 hay 4:7 với Hải Vương Tinh. Các Cubewano, hay "KBO cổ điển" là nằm trên các quỹ đạo tròn hơn và không cộng hưởng, chúng tạo thành phần lõi của vành đai. Vành đai này không được nhầm lẫn với đám mây Oort, nó không bị giới hạn trong mặt phẳng của hệ Mặt Trời và nằm ở khoảng cách xa hơn. Thuật ngữ "Thiên thể vành đai Kuiper" Phần lớn các mô hình về sự hình thành hệ Mặt Trời chỉ ra rằng các tiểu hành tinh băng giá đầu tiên được hình thành trong vành đai Kuiper, và sau đó do các tương tác hấp dẫn di chuyển một số trong chúng ra ngoài vào khu vực gọi là đĩa rải rác. Trong khi nói một cách chính xác thì KBO là bất kỳ thiên thể nào chỉ quay quanh Mặt Trời trên các quỹ đạo nằm trong phạm vi vành đai Kuiper đã định nghĩa trước, không phụ thuộc vào nguồn gốc hay thành phần thì trong một số nhóm các nhà khoa học thuật ngữ này lại là từ đồng nghĩa để chỉ các tiểu hành tinh có xuất xứ từ phần rìa ngoài của hệ Mặt Trời mà người ta tin rằng chúng là một phần của lớp ban đầu đó, thậm chí nếu chúng đã quay quanh Mặt Trời ngoài vành đai này trong hàng tỷ năm. Ví dụ, phát hiện của Michael E. Brown đã nhắc tới 2003 UB313 như là KBO, mặc dù nó có bán kính quỹ đạo 67 AU, rất rõ ràng là nằm ngoài vành đai Kuiper. Các nhà tìm kiếm thiên thể ngoài Hải Vương Tinh hàng đầu rất dè dặt trong việc áp dụng mác KBO cho các thiên thể rõ ràng là nằm ngoài vành đai Kuiper trong niên kỷ hiện nay. Các KBO lớn nhất Các KBO sáng nhất đã biết (với độ sáng tuyệt đối < 4,0), là: Danh sách được phân loại theo trình tự tăng của độ sáng tuyệt đối. Đường kính ước tính chủ yếu chịu ảnh hưởng của suất phản chiếu bề mặt mà thông thường là dự tính chứ không phải được đo. Một số thiên thể có khả năng là lớn trong vành đai Kuiper đã không được đưa vào.
Phoebe (tiếng Hy Lạp: Φοιβη) là một nữ thần trong các thần khổng lồ (Titan) của thần thoại Hy Lạp (con của Uranus và Gaia). Ở châu Âu, người ta thường gắn nữ thần này với Mặt Trăng. Với Coeus, Phoebe sinh ra Leto và Asteria; rồi Leto lấy thần Zeus sinh ra Apollo và Artemis. Phoebe nhận quyền kiểm soát Đền thiêng ở Delphi từ Thetis, theo như huyền thoại của các nguồn sử liệu ít ỏi.
Để xem phần mềm trước đây có tên là Coeus, xem Kimba Kano Trong thần thoại Hy Lạp, Coeus (tiếng Hy Lạp: Κοῖος; còn gọi là Koios) là một trong số 12 vị thần khổng lồ (Titan), tượng trưng cho trí tuệ. Các thần Titan là con của Uranus (Trời) và Gaia (Đất). Người tương đương với Coeus trong thần thoại Roma là Polus. Giống như hầu hết các Titan, ông không có vai trò lớn trong thần thoại Hy Lạp, chỉ được liệt kê trong danh sách, nhưng con cháu ông lại có vai trò trọng yếu. Coeus lấy em gái Phoebe, nữ thần tượng trưng cho sự rực rỡ và Mặt Trăng, đẻ ra các thần Leto và Asteria. Leto lấy thần Zeus (con trai của hai vị thần khổng lồ Cronus và Rhea) để sinh ra Artemis và Apollo. Coeus là Titan của sự khôn ngoan, và vì vậy ông là người thông minh nhất trong các anh em trai. Cùng với các vị thần khổng lồ khác, Coeus đã bị lật đổ bởi thần Zeus và các vị thần trên đỉnh Olympus. Sau cuộc chiến, ông và tất cả các anh trai bị Zeus đày xuống âm phủ.
Bình ca Gregoriano (còn gọi là Thánh ca Gregoriano) đặt theo tên của Giáo hoàng Grêgôriô I (540-604). Có thể hiểu nôm na, Thánh ca là những bài ca được giáo hội cho phép dùng trong phụng vụ. Được hát chung trong nhà thờ, tuy nhiên thường có ca đoàn riêng để hát chính. Nhịp và hợp âm trong Thánh ca thường đơn giản, câu chữ dễ thuộc dễ hát. Thánh ca trong các nhà thờ thường được đệm bằng đàn ooc-gan đôi khi là dương cầm.
{{Infobox Former Country |native_name = 南齊 |conventional_long_name = Nam Tề |common_name = Nam Tề | |continent = Asia |region = China |country = China |era = |status = Đế quốc |status_text = |empire = |government_type = Quân chủ chuyên chế | | | | |year_start = 479 |year_end = 502 | |year_exile_start = |year_exile_end = | |event_start = |date_start = 3 tháng 6 năm 479<ref>Nam Tề thư, quyển 1.</ref> |event_end = |date_end = 24 tháng 4 năm 502 | |event1 = |date_event1 = |event2 = |date_event2 = |event3 = |date_event3 = |event4 = |date_event4 = | |event_pre = |date_pre = |event_post = |date_post = | | |p1 = Lưu Tống |flag_p1 = |image_p1 = |p2 = |flag_p2 = |p3 = |flag_p3 = |p4 = |flag_p4 = |p5 = |flag_p5 = |s1 = Nhà Lương |flag_s1 = |image_s1 = |s2 = |flag_s2 = |s3 = |flag_s3 = |s4 = |flag_s4 = |s5 = |flag_s5 = | |image_flag = |flag = |flag_type = | |image_coat = |symbol = |symbol_type = | |image_map = 北魏・斉.PNG |image_map_caption = | |image_map2 = |image_map2_caption = | |capital = Kiến Khang |capital_exile = |latd= |latm= |latNS= |longd= |longm= |longEW= | |national_motto = |national_anthem = |common_languages = |religion = |currency = | | |leader1 = Nam Tề Cao Đế |leader2 = Nam Tề Vũ Đế |leader3 = Uất Lâm Vương |leader4 = Nam Tề Minh Đế |leader5 = Đông Ôn Hầu |leader6 = Nam Tề Hòa Đế |year_leader1 = 479-482 |year_leader2 = 482-493 |year_leader3 = 493-494 |year_leader4 = 494-498 |year_leader5 = 499-501 |year_leader6 = 501-502 |title_leader = Hoàng đế |representative1 = |representative2 = |representative3 = |representative4 = |year_representative1 = |year_representative2 = |year_representative3 = |year_representative4 = |title_representative = |deputy1 = |deputy2 = |deputy3 = |deputy4 = |year_deputy1 = |year_deputy2 = |year_deputy3 = |year_deputy4 = |title_deputy = | | |legislature = |house1 = |type_house1 = |house2 = |type_house2 = | | |stat_year1 = |stat_area1 = |stat_pop1 = |stat_year2 = |stat_area2 = |stat_pop2 = |stat_year3 = |stat_area3 = |stat_pop3 = |stat_year4 = |stat_area4 = |stat_pop4 = |stat_year5 = |stat_area5 = |stat_pop5 = |footnotes = }} Nam Tề () (479-502) là triều đại thứ hai của các Nam triều ở Trung Quốc, sau nhà Tống (420-479) và trước nhà Lương (502-557), thuộc về thời kỳ mà các nhà sử học Trung Quốc gọi là thời kỳ Nam Bắc triều (420-589). Sử gọi là Nam Tề hoặc Tiêu Tề (do các vua mang họ Tiêu, dòng họ này tự tuyên bố họ là hậu duệ của tể tướng Tiêu Hà thời nhà Hán). Quốc hiệu Nam Tề là xuất phát từ câu "Đao lợi nhẫn tề ngải chi" (dao liềm sắc bén cùng cắt). Cai trị Tề Cao Đế Sau khi lên ngôi, Tề Cao Đế đã lập ngay con mình Tiêu Trách (440 – 494) làm Thái tử, phong vương cho các con Tiêu Trách, như Tiêu Tử Lương được phong Cánh Lăng vương, Tiêu Trường Mậu được phong Nam Quận vương, Tiêu Tử Khánh được phong Lư Lăng vương, Tiêu Tử Kính được phong An Lạc vương, đồng thời tiến hành thanh trừng Hoàng tộc Lưu Tống. Khi được tin báo Bắc Ngụy chuẩn bị tấn công và đưa Đan Dương vương Lưu Xương (con Lưu Tống Văn Đế, năm 465 chạy đến Bắc Ngụy trốn tránh Tiền Phế Đế) về nước, Tề Cao Đế cho bố phòng chặt biên giới. Quân Ngụy tấn công Thọ Dương (An Huy) nhưng thất bại. Cao Đế nhận thấy Kiến Khang không được xây dựng thành trì xung quanh suốt từ Đông Tấn đến thời Tống nên đã cho xây dựng thành lũy xung quanh Kiến khang. Bắc Ngụy và Nam Tề tiếp tục những trận chiến nhỏ cho đến mùa xuân năm 481, hai bên đều không tiến hành chiến dịch quân sự lớn nào. Tề Cao Đế thấy tình trạng hộ tịch hỗn loạn, tô thuế thất thu, quyết định chỉnh đốn hộ tịch. Thế nhưng do vì kiệm ước quá mà quan liêu tham lam vơ vét, hiệu quả sai lạc hẳn. Tề Vũ Đế Năm 483, Tiêu Đạo Thành chết. Tiêu Trách lên ngôi, tức Tề Vũ Đế. Vũ Đế lên ngôi, tăng cường kiểm soát triều chính, thanh trừng các thế lực chống đối, nhưng cho chôn cất trọng thể những quan lại Lưu Tống từng bị Tề Cao Đế thanh trừng. Đồng thời Nhà nước thống kê lại tổng số người nộp thuế cho Nhà nước. Khi các lực lượng triều đình thực hiện công việc này tại một số địa phương như Tô Châu đã vấp phải sự chống đối của những người miền Bắc, trong đó lực lượng do Đường Dự Chi lãnh đạo đã nổi dậy, xưng Ngô Đế. Tề Vũ Đế trong thời gian tại vị vơ vét của dân 700 triệu tiền bạc cất giữ trong nội cung. Đến khi Tiêu Chiêu Nghiệp nối ngôi chỉ trong 1 năm đã tiêu hết một nửa. Năm 486, Vũ Đế cho thành lập trường Quốc học tại Kiến Khang và sáp nhập Tổng Minh quán (總明觀) vào đó, các trường này nghiên cứu cả luật pháp. Năm 490, nhận thấy tình hình miền Bắc khởi sắc dưới sự cai trị khoan hòa của Hiếu Văn Đế nhà Bắc Ngụy, Vũ Đế thiết lập quan hệ hữu nghị với Bắc Ngụy. Nhận xét về Vũ Đế, sử gia Tư Mã Quang trong Tư trị thông giám viết: " Trong thời gian Thế Tổ cai trị, ông tập trung vào các công việc quan trọng của Quốc gia, xem xét những việc lớn, rất thông minh và nghiêm khắc, cương quyết trong công việc. Các viên quan dân sự và võ tướng được bổ nhiệm trong thời hạn lâu dài, nếu như thuộc hạ các viên quan đó vi phạm pháp luật, Hoàng đế cho gửi thượng phương kiếm đến cho họ trừng phạt thuộc cấp. Trong những năm Vĩnh Minh, cuộc sống của nhân dân no đủ, hòa bình, ít xảy ra trường hợp phạm tội. Tuy nhiên Hoàng đế cũng say mê yến tiệc và săn bắn, trong khi luôn nhấn mạnh phải tránh xa hoa lãng phí". Nội loạn trong hoàng tộc Minh Đế tàn sát hoàng tộc Trong lịch sử 23 năm của mình, nhà Nam Tề chủ yếu là sự không ổn định, cũng như sau cái chết của các vị hoàng đế có năng lực như Cao Đế và Vũ Đế, cháu nội Vũ Đế là Tiêu Chiêu Nghiệp đã bị người ông họ thông minh nhưng tàn bạo của Vũ Đế là Tiêu Loan sát hại để tự lập làm Hoàng đế (Minh Đế) và tiến hành xử tử hàng loạt các con và cháu chắt của Cao Đế và Vũ Đế, cũng như các quan lại mà ông nghi ngờ là có âm mưu chống lại ông. Năm 493, Thái tử Tiêu Trường Mậu chết, con là Nam quận vương Tiêu Chiêu Nghiệp (473 – 494) được phong làm Thái tôn. Năm 494, Vũ Đế chết, ủy thác việc nước cho người con thứ hai của ông là Tể tướng Cánh Lăng vương Tiêu Tử Lương (455 - 494) và Tây Xương hầu Tiêu Loan (452 – 498), Tiêu Chiêu Nghiệp lên ngôi, tiếp theo là Tân An vương Tiêu Chiêu Văn (480 - 494). Tình hình bắt đầu không ổn định. Tể tướng Tuyên Thành vương Tiêu Loan, (con An Trinh vương Tiêu Đạo Sinh, anh Tề Cao Đế) nắm quyền trong triều. Dưới danh nghĩa phụng mệnh vua, Tiêu Loan đã thực hiện hàng loạt các vụ xử tử thành viên hoàng tộc, trong đó có Thứ sử Kinh Châu Lâm Hải vương Tiêu Chiêu Tú, Nam Bình vương Tiêu Nhuệ, Giang Hạ vương Tiêu Phong. Số con cháu Cao Đế và Vũ Đế bị hành hình lên đến hàng chục người. Ba tháng sau, được sự đồng ý của Vương Thái hậu, Tiêu Loan đã phế Tiêu Chiêu Văn làm Hải Lăng vương và lên ngôi, tức Tề Minh Đế. Sau đó Minh Đế cho người đầu độc giết chết Tiêu Chiêu Văn. Sự tùy hứng trong việc giết người này còn được làm trầm trọng hơn nữa sau khi Minh Đế chết và con trai ông Tiêu Bảo Quyển lên nối ngôi. Tiêu Loan đã dặn con một câu rằng: "Hành sự nhất thiết không thể để người ra tay trước", ý muốn nói Tiêu Bảo Quyển hãy ra tay trước để bảo vệ ngôi báu. Số tôn thất bị giết dưới thời Minh Đế cũng lên đến hàng chục người. Tề Minh Đế giết 8 người con Tề Cao Đế và 16 người con Tề Vũ Đế, sau khi giết họ xong mới công bố tội trạng. Hai cha con Minh Đế và Phế Đế hầu như giết sạch con cháu Cao Đế, Vũ Đế để mong tránh tranh quyền đoạt lợi. Con trai Tề Vũ Đế là Ba Lăng vương Tiêu Tử Luân trước khi bị Tề Minh Đế giết có nói: "Tiên triều đã tàn sát con cháu của họ Lưu vậy mọi việc xảy ra hôm nay là điều tất nhiên thôi". Phế Đế Năm 498, Phế Đế Tiêu Bảo Quyển mới 15 tuổi lên ngôi, quyền trong triều do 6 viên quan đại thần (lục quý) như Giang Tự, Giang Hựu, Lưu Huyên (cậu của Phế đế), Thủy An vương Tiêu Dao Quang, Tiêu Thân, Từ Hiếu Đồng và tướng Tiêu Đàn Chi nắm giữ. Theo lễ chế, khi Hoàng đế cũ qua đời thì Hoàng đế mới lên ngôi phải khóc lóc để biểu hiện sự thương xót. Thế nhưng Tiêu Bảo Quyển trong tang lễ của vua cha đã tìm cớ nói rằng mình bị đau họng, không thể khóc được. Quan tài của vua cha phải đặt tại Điện Thái Cực trong nhiều ngày rồi mới được đem đi chôn, nhưng Tiêu Bảo Quyển cảm thấy khó chịu vô cùng, hạ lệnh đem quan tài đi chôn ngay. Các đại thần phải liều chết can ngăn, Tiêu Bảo Quyển mới thôi. Phế Đế chơi bời vô độ, bỏ bê triều chính, có cuộc sống xa hoa và hoang dâm. Tại vị đến năm thứ ba thì Hoàng cung bị hỏa hoạn, hơn 3000 gian cung điện cháy ra tro. Phế Đế liền ra lệnh xây lại các cung điện đó và gỡ tất cả đồ trang trí trong các miếu ở Giang Nam mang về trang trí cho cung điện. Tiêu Bảo Quyển sủng ái Phan quý phi (Phan Ngọc Nhi), cho đúc hoa sen bằng vàng lát xuống nền nhà, để cho Phan Phi đi lên rồi khen rằng: "Bộ bộ sinh liên hoa" (mỗi bước đi nở ra một hoa sen). Số vàng dùng cho việc này đã tiêu sạch tài sản của hoàng cung. Thế là Nhà vua cho người đến các chợ buộc các thương nhân phải nộp vàng cho triều đình. Mỗi vòng xuyến Phan Phi đeo có trị giá tới 170 vạn đồng. Tiêu Bảo Quyển ngược đãi quan lại và bắt đầu giết hại Lục quý. Tiêu Bảo Quyển thích bắn cung tên, nên ra lệnh cho xây dựng rất nhiều khu băn chim. Sử chép, những khu vực được xây dựng dành riêng cho thú vui săn bắn lên tới 296 khu. Mỗi một khu vực săn bắn đều được trang trí vô cùng xa hoa, tốn kém. Tiêu Bảo Quyển còn ra lệnh dùng lụa đỏ để bao xung quanh khu vực săn bắn và trải xuống đất để lót chân cho cả người lẫn ngựa. Những cung tên sử dụng trong các cuộc săn bắn cũng rất quý giá, tất cả đều được khảm nạm những loại ngọc giá trị nhất. Những hành động của Phế Đế đã làm gia tăng những vụ phản loạn. Thủy An vương Tiêu Dao Quang tiến hành đảo chính nhưng thất bại và bị giết. Phế Đế cũng cho giết cả những người có công dẹp trừ Tiêu Dao Quang như Lưu Huyên và Tiêu Thản Chi, gây nên không khí sợ hãi trong triều. Từ Giang Châu, tướng Trần Hiển Đạt nổi loạn nhưng cũng bị đánh bại. Tại Thọ Dương, Thứ sử Dự Châu Bùi Thúc Nghiệp quy hàng nhà Bắc Ngụy năm 500. Phế Đế cử quân chiếm lại Thọ Dương, trên đường đi, tướng Thôi Huệ Cảnh đưa quân trở lại Kiến Khang hy vọng lật đổ Phế Đế và lập Giang Hạ vương Tiêu Bảo Tuyên lên ngôi. Quân Thôi Huệ Cảnh đã bao vây Kiến Khang, tuy nhiên lúc đó Thứ sử Hình Châu Tiêu Ý (anh Tiêu Diễn) tiến đánh và giết chết Thôi Huệ Cảnh. Phế Đế đã phong cho Tiêu Ý làm Tể tướng, sau đó giết luôn. Hành động đó làm cho Tiêu Diễn nổi giận và khởi binh chống lại. Sụp đổ Tiêu Diễn tự là Quyền Đạt, người Trung Đô, lúc đầu nhận chức Ninh Sóc tướng quân, trấn thủ Thọ Xuân; sau đó lại nhận thêm chức Quán quân Tướng quân, phụng lệnh dẫn quân đi đánh quân Bắc Nguỵ. Sau khi cuộc chiến đó kết thúc, ông lại nhận thêm chức Tấn An vương Hựu quân Tư mã trấn thủ Hoài Lăng. Cuối cùng nhậm chức Phụ quốc Tướng quân Ung châu Thứ sử trấn thủ Tương Dương. Phế Đế phái tướng Lưu Sơn Dương đàn áp nhưng Tiêu Diễn đã báo với tướng Tiêu Hình Châu (người chỉ huy các lực lượng quân sự của Kiến Khang vương Tiêu Bảo Dung, Thứ sử Kinh Châu) rằng Lưu Sơn Dương sẽ tấn công vào cả Kinh Châu và Ung Châu. Tiêu Hình Châu liên minh với Tiêu Diễn giết chết Lưu Sơn Dương và tuyên bố dự định lập Tiêu Bảo Dung (488 – 502) lên ngôi. Mùa xuân năm 501, Tiêu Hình Châu lập Tiêu Bảo Dung lên ngôi vua, hiệu là Hòa Đế tại Giang Lăng, thủ phủ Kinh Châu. Trong khi đó, Tiêu Diễn tiến quân về Kiến Khang, liên tiếp giành được thắng lợi, buộc Thứ sử Giang Châu Trần Bá Chi đầu hàng. Mùa thu năm 501, Tiêu Diễn cho quân bao vây Kiến Khang. Trong khi đó tại Giang Lăng, các lực lượng trung thành với Phế Đế do tướng Tiêu Quý chỉ huy đã đánh bại Tiêu Hình Châu. Tiêu Đán (anh Tiêu Diễn) cùng Hạ Hầu Tương (bộ hạ của Tiêu Hình Châu) hộ giá Hòa Đế đến Kiến Khang. Năm 502, các tướng Vương Trân Quốc (王珍國) và Trương Cơ sợ Phế Đế sẽ giết họ vì không thể thoát khỏi vòng vây nên giết Phế Đế và đầu hàng Tiêu Diễn. Tiêu Diến vào Kinh đô, buộc Vương Thái hậu phong mình làm Đại tư mã, Kiến An Công và trì hoãn việc đưa Hòa Đế về kinh. Họ hàng Hòa Đế dần bị thủ tiêu, chỉ còn sót lại Tân An vương Tiêu Bảo Nghĩa bị tàn phế và Bá Dương Vương Tiêu Bảo Ân chạy thoát đến Bắc Ngụy. Tiêu Diễn được phong tước Lương Công, sau đó là Lương Vương, gia phong Cửu tích. Cùng năm đó, khi đưa Hòa Đế đến Cô Thục (Mã An Sơn, An Huy), Tiêu Diễn buộc Hòa Đế nhường ngôi cho, giáng Hòa Đế làm Ba Lăng vương, sau đó giết chết. Tiêu Diễn lên làm vua, đổi quốc hiệu là Lương, xưng Lương Vũ Đế vào năm 502. Nhà Nam Tề chỉ truyền được 23 năm, qua 7 đời vua và được thay thế bằng nhà Lương. Cũng giống như triều đại trước đó là Lưu Tống và triều đại cùng thời ở phía bắc là Bắc Ngụy, nhà Lưu Tống chính là một trong các triều đại Trung Quốc xảy ra nhiều biến động và đau thương nhất trong cung đình. Triều đại này có tới 4/7 ông vua yểu mệnh (qua đời khi chưa đầy 35 tuổi), tất cả 4 ông vua đó đều bị giết do bị cướp ngôi. Trung bình mỗi vua Nam Tề chỉ cai trị được hơn 3 năm rồi chết hoặc bị giết. Và Nam Tề cũng có rất nhiều điểm trùng hợp với Lưu Tống: Cũng giống như triều đại liền trước đó là Lưu Tống, nội bộ dòng họ hoàng tộc Nam Tề thường xuyên xảy ra đảo chính, tàn sát lẫn nhau. Con trai Tề Vũ Đế là Ba Lăng vương Tiêu Tử Luân trước khi bị Tề Minh Đế giết có nói: "Tiên triều đã tàn sát con cháu của họ Lưu (nhà Lưu Tống), vậy mọi việc xảy ra hôm nay là điều tất nhiên thôi"''. Cả Lưu Tống và Nam Tề đều có 1 ông vua tuổi còn thiếu niên mà đã nổi tiếng dâm loạn và tàn ác: Lưu Tử Nghiệp và Tiêu Bảo Quyển. Trùng hợp là cả 2 đều chỉ làm vua được mười mấy tháng rồi đều bị giết năm 17 tuổi. Cả Lưu Tống và Nam Tề đều có vua khai quốc bằng việc đoạt ngôi rồi giết vua của triều đại trước, và cả 2 đều chỉ làm vua được ít lâu rồi ốm chết (Tống Vũ Đế và Tề Cao Đế). Vua cuối cùng của 2 triều đại này cũng đều là thiếu niên, bị quyền thần đưa lên ngôi để dễ thao túng, làm vua chỉ được ít lâu thì bị đoạt ngôi rồi bị giết khi còn chưa trưởng thành (Lưu Tống Thuận Đế bị giết năm 12 tuổi và Nam Tề Hòa Đế bị giết năm 14 tuổi) Các vua Nam Tề (479-502) Thế phả Nam Tề
Huệ Viễn hay Tuệ Viễn (zh. 慧遠), 334~416, là một Cao tăng Trung Quốc đời nhà Tấn (zh. 晋). Sư họ Cổ (zh. 賈) nguyên quán xứ Lâu Phiền (zh. 樓煩) ở Nhạn Môn (zh. 雁門) thuộc tỉnh Sơn Tây. Cơ duyên và hành trạng Niên hiệu Hàm Hòa thứ 9, Sư lên mười ba tuổi, được song thân cho du học ở miền Hứa Lạc. Không bao lâu, Sư đã thông biện từ Nho giáo đến các học thuyết Lão, Trang cùng bách gia chư tử. Năm 21 tuổi, cảm thấy các sở đắc của mình không thể giải quyết được vấn đề sống chết luân hồi, sư cùng ẩn sĩ Phạm Tuyên Tử định du phương tìm đạo. Nhưng lúc ấy vì có loạn Thạch Hồ, đường giao thông bị trở ngại nên ý nguyện không thành. Thời gian sau, có Đạo An Pháp sư trú tại chùa Nghiệp Trung ở núi Thái Hàng thuộc dãy Hằng Sơn, giảng dạy kinh điển cảm hóa được nhiều hạng người từ đạo tục đến vua quan, sĩ thứ. Sư nghe danh tìm đến xin quy y, nương theo tu học. Sau khi nghe Pháp sư giảng kinh Bát Nhã, Sư suốt thông tỏ ngộ than rằng: "Phật pháp quả thật cao diệu bao la, xét lại học thuyết của Khổng Mạnh, Lão, Trang, khác nào như tro tàn, cặn bã!". Từ đó, Sư chuyên tâm hôm sớm đọc tụng, suy nghĩ, tu tập. Đạo An thấy biết khen ngợi: "Về sau Phật pháp lưu thông ở Đông Độ, âu là do Huệ Viễn này chăng?" Tương truyền vào thời niên hiệu Thái Nguyên thứ 6, Sư du hóa tới Tầm Dương, thuộc tỉnh Giang Tây. Thấy chỗ đó thiếu nước do nắng hạn, các dòng suối đều cạn khô, Sư phát tâm từ bi đến khe núi tụng kinh Hải Long Vương; cầm tích trượng dộng xuống đất khấn nguyện. Bỗng có con Bạch Long từ dưới đất bay vọt lên hư không. Giây phút mưa to xối xả, mực nước các nơi đều trở lại bình thường, tại đó xuất hiện dòng suối mát mẻ trong xanh, quanh co tuôn chảy. Vì hiện tượng này, Sư lấy hiệu tinh xá là Long Tuyền. Lúc ấy Pháp Sư Huệ Vĩnh, một bạn đồng môn, trước đã trụ chùa Tây Lâm bên phía tây Lô Sơn, muốn mời Sư về cùng ở. Nhưng pháp duyên của Huệ Viễn đại sư thạnh, học giả nương về Sư càng ngày càng đông, cạnh Tây Lâm đất hẹp, không thể lập đạo tràng dung chúng. Quan Thái sử Hoàn Y thấy thế, phát tâm cất chùa cho Sư bên phía Đông Lô Sơn. Do uy đức của Đại sư, khi sắp khởi công kiến tạo, vào một đêm nọ bỗng có cơn mưa giông to lớn, sấm sét vang trời. Sáng ra, đại chúng thấy vật liệu xây cất, như các thứ gỗ to quý và cát đá chất thành đống. Bởi nhờ sức thần linh vận chuyển giúp công như thế nên ngôi chùa ấy có tên Đông Lâm Thần Vận tự. Các bậc Cao tăng, những hành danh sĩ, đến xin dự chúng tu tập theo Huệ Viễn, mỗi ngày thêm nhiều. Trong đó có cả những vị lỗi lạc tài hoa. Khu vực Lô Sơn có rất nhiều rắn độc, từ trước đã làm nguy hại đến tánh mạng dân cư ở vùng ấy. Nhưng từ khi có chùa Đông Lâm, các loài rắn dữ đều trở nên hiền lành, ngày lẫn đêm thường vây quanh Đại Sư để nghe giảng kinh. Bởi trường hợp này, Đại Sư được người đương thời tôn hiệu là Bích Xà Thánh Giả. Thỉnh thoảng lại có những bậc danh tài bá lâm tìm đến vấn nạn Sư. Trong ấy, đại để như Pháp Sư Huệ Nghĩa cho đến quan Thái úy Hoàn Huyền. Nhưng khi tiếp kiến gương mặt rộng rãi uy nghiêm, phong thái trầm tĩnh tự tại của Đại Sư, các vị ấy bỗng nhiên mất tự chủ, xuất hạn đầm đìa, rồi rút lui không dám tranh biện. Ra ngoài họ đều kinh ngạc than thở: "Huệ Viễn đại sư có uy lực nhiếp chúng rất lạ lùng, thật đáng nể phục!". Niên hiệu Long An thứ ba và đầu năm Nguyên Hưng đời Đông Tấn, quan Phụ Chính Hoàn Huyền lần lượt gởi cho Sư hai văn kiện bãi đạo và thanh lọc hàng ngũ xuất gia. Nội dung của văn kiện gồm nhiều lý lẽ đề cập đến việc không lợi ích cho quốc gia và sự hoang đường thiếu thiết thật của Phật giáo. Thời gian ấy, Tăng chúng trong toàn quốc bị đạo luật này chi phối, nhiều vị phải hoàn tục. Đại Sư đều tuần tự phúc đáp bằng lời lẽ vững mạnh thích đáng, khiến cho đạo luật đó không thể ứng dụng được tại tỉnh Giang Tây. Trong niên hiệu Nghĩa Hy, An Đế từ Giang Lăng xa giá đến Giang Tây, Trấn Nam tướng quân Hà Vô Kỵ yêu cầu Sư đích thân nghinh tiếp đức vua. Đại Sư lấy cớ đau yếu từ khước không bái yết. Đến năm Nguyên Hưng thứ hai, Hoàn Huyền lại gởi văn thư cho Sư, với nhiều lý luận bắt buộc hàng Sa-môn phải lễ bái quốc vương. Đại Sư soạn văn thư phúc đáp và quyển Sa Môn Bất Kính Vương Giả Luận gồm năm thiên để hồi âm. Triều đình đều nể trọng và phải chấp nhận quan điểm của Sư. Sư là người có công biến tỉnh Giang Tây thành trung tâm Phật giáo tại miền Nam. Ở Đông Lâm, nhân ngày khánh thành tượng Tây Phương Tam Thánh, sư đã đề tựa cho bài văn phát nguyện được khác vào bia đá như sau: "Tam muội là thế nào? Chính là nhớ chuyện, tưởng lặng vậy. Nhớ chuyện thì chí một tâm đồng. Tưởng lặng thì khí thanh thần sáng. Khí thanh thì trí soi ngộ đến lý nhiệm mầu. Thần sáng thì không chỗ u vi nào chẳng thấu. Hai điểm này tự nhiên thầm hợp nương về mà phát sanh ra diệu dụng. Lại, các môn Tam Muội, danh mục rất nhiều, công cao dễ tu, Niệm Phật là thắng. Tại sao thế? Vì cùng nơi huyền tịch mới hiểu Như Lai, thể hợp với thần, mười phương ứng hiện. Thế nên, khi vào tam muội, lặng lẽ vong tri, trí sáng chiếu cảnh duyên, gương lòng bày muôn tượng. Chỗ mát ta không đến được, mà vẫn thấy vẫn nghe. Nơi linh trí lặng sáng thanh, nên hằng thông hằng suốt. Nếu chẳng phải bậc căn cơ linh mẫn, thì làm sao vào được cảnh diệu huyền ư? Hôm nay, cùng chư hiền tu tập, đồng nương kết pháp duyên. Rửa lòng cửa Phật, những e còn kém duyên sen. Chuyên ý sớm hôm, cảm nỗi tháng ngày chẳng lại. Chí nguyện ba thừa thông suốt, bước đạo tiến cao. Lòng mong dìu dắt người sau, lối tranh tẩy sạch. Xin xem thiên bài mà thấu ý, đừng theo văn vịnh để vui tâm". Khi thấy kinh tạng còn thiếu, nên sư sai đệ tử là Pháp Tịnh, Pháp Lĩnh cùng nhiều vị khác vượt ngọn Thông Lãnh sang Tây Thiên, tìm thỉnh các thứ kinh Phạn. Cộng việc mang lại nhiều kết quả mong muốn. Sau đó, Huệ Viễn lại cho người đến Trường An thỉnh Tôn giả Phật-đà-bạt-đà-la (sa. buddhabhadra), họp cùng những vị khác đến Lô Sơn để phiên dịch các kinh điển ấy. Thời ấy, những kinh luật lưu hành từ Lô Sơn có gần đến trăm thứ. Tuy xiển dương Tịnh độ tông, Đại sư vẫn lưu tâm đến các pháp môn khác, viết nhiều bài tựa về kinh luận, và hoàn thành mấy tác phẩm như sau: Đại Trí Độ Luận Yếu Lược (zh. 大智度論要略) (20 quyển). Pháp Tính luận. (zh. 法性論) Sa Môn Bất Kính Vương Giả Luận (zh. 沙門不敬王者論). Đại Thừa Đại Nghĩa Chương (zh. 大乘大義章) (3 quyển). Thích Tam Báo luận (zh. 釋三報論) Minh Báo Ứng luận (zh. 明報應論) Sa Môn Đản Phục luận (zh. 沙門袒服論) Biện Tâm Thức luận (zh. 辯心識論) Phật Ảnh tán (zh. 佛影讚) Du Lô Sơn thi (zh. 遊盧山詩) Lô Sơn Lược ký (zh. 盧山略記) Du Sơn ký (zh. 遊山記) Ngoài ra còn nhiều văn thư biện luận về Phật pháp giữa Đại Sư với Sư Cưu Ma La Thập, cùng các ông Lưu Di Dân, Đới An và những hàng tấn thân. Trong bộ Pháp Tính luận, Đại Sư đề xuất lý Niết-bàn thường trú. Khi bộ luận này truyền đến Quan Trung, Pháp sư Cưu Ma La Thập xem, khen rằng: "Lành thay! Huệ Viễn Đại sư cư ngụ vùng biên phương, chưa đọc kinh Đại Niết Bàn mà lời luận lại thầm hợp với chân lý. Ấy chẳng phải là điều kỳ diệu hay sao?". Bạch Liên Xã do Đại Sư thành lập, quy tụ hơn ba ngàn người, trong đây có 123 vị được tôn là Hiền. Trong 123 vị Hiền này, lại có 18 bậc thượng thủ gọi là Đông Lâm Thập Bát Đại Hiền, gồm các Sư như sau: Huệ Viễn Đại Sư. Huệ Vĩnh Pháp Sư. Huệ Trì Pháp Sư. Đạo Sinh Pháp Sư. Phật-đà-da-xá (sa. buddhayaśas) Tôn Giả. Phật-đà-bạt-đà-la (sa. buddhabhadra) Tôn Giả. Huệ Duệ Pháp Sư. Đàm Thuận Pháp Sư. Đạo Kính Pháp Sư. Đàm Hằng Pháp Sư. Đạo Bính Pháp Sư. Đàm Tiên Pháp Sư. Danh sĩ Lưu Di Dân. Danh sĩ Lôi Thứ Tôn. Danh sĩ Tôn Bính. Danh sĩ Vương Dã. Danh sĩ Vương Thuyên. Danh sĩ Châu Tục Chi. Ở Lô Sơn hơn ba mươi năm, không bước ra khỏi núi, sư khước từ mọi sự liên lạc không cần thiết với đời, nguyện giải quyết vấn đề sanh tử ngay trong kiếp hiện tại. Khách đến viếng, lúc ra về, thường sư chỉ tiễn chân tới cầu suối Hổ Khê trước chùa rồi trở vào. Có một lần, hai danh nhân là nho sĩ Đào Uyên Minh và đạo gia Lục Tu Tĩnh tìm đến yết kiến. Vì cơ luận khế hợp, khi đưa khách ra về, bất giác Đại Sư bước ra khỏi cầu suối hồi nào không hay. Vừa lúc ấy, ánh tịch dương chợt rọi đến, in bóng người bên vách núi. Cả ba như bừng tỉnh, đứng lại nhìn nhau cả cười, rồi chia tay tạm biệt. Người sau dựng Tam tiếu Đình tại nơi đây để lưu niệm. Trong Tây phương bách vịnh, Nhất Nguyên đại sư có biên ký điều trên như sau: Tây phương cổ giáo Thế Tôn tiên Đông Độ khai tông hiệu Bạch Liên Thập bát đại hiền vi thượng thủ Hổ Khê tam tiếu chí kim truyền. Tạm dịch: Tây phương Phật dạy trước tiên Truyền sang Đông Độ, Bạch Liên mở đàng Mười tám hiền, học hạnh toàn Hổ Khê dường hãy còn vang tiếng cười.... Ở Đông Lâm, hôm sớm Đại sư hằng lặng lòng quán tưởng, chuyên chí về Tịnh Độ, đã ba phen thấy thánh tướng mà trầm hậu không nói ra. Năm Nghĩa Hy thứ mười hai, đêm 30 tháng 7, Sư ngồi tịnh nơi Bát Nhã Đài. Lúc vừa mở mắt xuất định, bỗng thấy Phật A Di Đà thân sắc vàng đầy khắp hư không. Trong ánh viên quang hiện vô số hóa Phật, mỗi vị đều có Quan Âm, Thế Chí hầu hai bên tả hữu. Lại thấy nước chảy chia thành mười bốn ngọn quanh lộn lên xuống, phóng ra những tia sáng đẹp, diễn nói các pháp: Khổ, Không, Vô Thường, Vô Ngã. Đức Phật bảo Sư rằng: "Ta dùng sức bản nguyện đến đây an ủi ngươi. Sau bảy ngày, ngươi sẽ được sanh về Cực Lạc". Đại sư lại thấy các bạn đồng tu ở Liên Xã đã viên tịch trước, như các ông: Phật-đà-da-xá, Huệ Trì, Huệ Vĩnh, Lưu Di Dân... đều đứng phía sau Phật. Các vị ấy bước đến trước, chắp tay chào và nói: "Ngài phát tâm sớm hơn chúng tôi nay sao lại về muộn như thế?". Hôm sau, Sư cảm bịnh nhẹ, gọi đệ tử là Pháp Tịnh, Huệ Bảo đến thuật lại và nói: "Ta ở Lô Sơn này, trong mười một năm đầu, đã ba lần thấy thánh tướng cùng các kỳ tích. Nay lại có điềm như thế, tất duyên sanh Tịnh Độ đã đến thời kỳ!" Rồi dặn bảo các việc sau, soạn quy chế để răn nhắc đại chúng cùng nhau sách tiến tu tập. Trong thời gian Sư lâm bịnh, chư Tăng khuyên Sư phương tiện dùng thuốc rượu để điều trị. Sư khước từ bảo: "Thân người như huyễn, nguyện giữ giới luật hoàn toàn thanh tịnh". Các Đại đức lại thỉnh Sư dùng nước cơm, Đại Sư nói không thể được vì đã quá ngọ. Chư Trưởng lão yêu cầu Sư tạm dùng mật. Đại Sư bảo hãy dở Luật tìm xem có đề cập đến điều này hay không? Các Luật Sư tra cứu chưa xong, Sư đã viên tịch. Lúc ấy nhằm ngày mùng 6 tháng 8 năm Bính Thìn, niên hiệu Nghĩa Hy thứ mười hai, thọ 83 tuổi. Quan Thái thú Tầm Dương là Nguyễn Bảo cùng đại chúng làm lễ an táng và xây tháp tại phía Tây Lô Sơn. Vua An Đế nhà Tấn hay tin rất thương tiếc, sắc phong cho Sư thụy hiệu: "Lô Sơn Tôn Giả, Hồng Lô Đại Khanh, Bạch Liên Xã Chủ". Các vua đời sau đều có phong tặng để cảm niệm công đức hộ pháp an dân của Sư. Chú thích
Đây là danh sách các quốc gia theo GDP cho năm 2007, giá trị của tất cả sản phẩm và dịch vụ được sản xuất trong một quốc gia trong một năm, tính theo USD dựa vào tỷ giá hối đoái trên thị trường. Các giá trị hàng thứ nhất và thứ ba lấy từ nguồn Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Dữ kiện thế giới của CIA theo số liệu mới nhất về GDP ước tính năm 2007. Hàng thứ 2 là số liệu năm 2007 của Ngân hàng Thế giới (WB) {| |- | width="33%" align="center" | Danh sách năm 2007 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế | width="33%%" align="center" | Danh sách năm 2007 của Ngân hàng Thế giới | width="33%" align="center" | Danh sách năm 2007 của Dữ kiện thế giới CIA |- valign="top" | | | |- valign="top" | colspan=3 |Sources: International Monetary Fund, World Economic Outlook Database, October 2008: Nominal GDP list of countries. Data for the year 2007. International Monetary Fund, World Economic Outlook Database, October 2008: Nominal GDP list for The World and the European Union. Data for the year 2007. CIA World Factbook World Bank - 1 tháng 7 năm 2008. Data for the year 2007. |- valign="top"
Kháng nguyên là phân tử kích thích đáp ứng miễn dịch của cơ thể, đặc biệt là sản xuất kháng thể. Thông thường kháng nguyên là một protein hay một polysaccharide, nhưng nó cũng có thể là bất cứ loại phân tử nào, mang các phân tử hapten nhỏ và gắn với một protein chuyên chở. Các loại kháng nguyên Miễn dịch nguyên - kháng nguyên loại này kích thích đáp ứng miễn dịch khi được đưa vào trong cơ thể. Miễn dịch nguyên luôn luôn là một đại phân tử (protein, polysaccharide). Khả năng kích thích đáp ứng miễn dịch của nó phụ thuộc vào tính lạ đối với vật chủ, kích thước phân tử, thành phần hoá học và tính không đồng nhất (thí dụ như phân tử protein chứa nhiều loại amino acid khác nhau). Dung nạp nguyên - kháng nguyên loại này kích thích tình trạng không đáp ứng miễn dịch đặc hiệu, do hình dạng phân tử của nó. Khi thay đổi hình dạng, nó có thể trở thành miễn dịch nguyên. Dị ứng nguyên - đây là chất gây phản ứng dị ứng. Chúng có thể xâm nhập do được ăn, hít, tiêm vào cơ thể hoặc tiếp xúc với da. Tế bào trình diện với kháng nguyên của chúng qua phân tử phù hợp mô. Các loại tế bào miễn dịch khác nhau có thể được hoạt hoá tuỳ thuộc vào kháng nguyên được trình diện và loại phân tử phù hợp mô. Nguồn gốc của kháng nguyên Kháng nguyên ngoại sinh Kháng nguyên ngoại sinh là kháng nguyên xâm nhập vào cơ thể từ bên ngoài, như do hít, ăn, tiêm. Bằng quá trình nhập nội bào hoặc thực bào, các kháng nguyên này được đưa vào tế bào trình diện kháng nguyên (APC) và được xử lý thành các mảnh nhỏ. Sau đó các APC trình diện các mảnh này cho tế bào T giúp đỡ (CD4+) bằng cách dùng phân tử phù hợp mô loại II trên bề mặt của chúng. Một số tế bào T đặc hiệu cho phức hợp peptide:MHC. Chúng trở nên hoạt hoá và bắt đầu tiết cytokine. Cytokine là các chất có khả năng hoạt hoá lympho bào T độc tế bào (CTL), tế bào B tạo kháng thể, đại thực bào và các tế bào khác. Kháng nguyên nội sinh Kháng nguyên nội sinh là các kháng nguyên được sản xuất bên trong tế bào, là kết quả của quá trình chuyển hoá tế bào không bình thường, hoặc do nhiễm khuẩn nội bào hay nhiễm virus. Sau đó, các mảnh kháng nguyên được trình diện trên bề mặt tế bào trong phức hợp phân tử phù hợp mô loại I. Nếu tế bào T CD8+ độc tế bào nhận ra chúng, các tế bào T này bắt đầu tiết các loại độc tố khác nhau gây ly giải hoặc chết theo chương trình (apoptosis) tế bào bị nhiễm. Để giữ tế bào độc tế bào khỏi giết nhầm các tế bào vốn chỉ sản xuất protein của chính nó, các tế bào T tự đáp ứng được loại ra khỏi quá trình miễn dịch qua cơ chế dung nạp trung ương (cũng được biết là quá trình chọn lọc âm tính xảy ra ở tuyến ức). Chỉ những lympho bào T độc tế bào nào không phản ứng với peptide của chính nó (peptide này được trình diện trong tuyến ức qua phân tử MHC loại I) mới được phép vào máu. Có một ngoại lệ không thuộc ngoại sinh lẫn nội sinh, được gọi là trình diện chéo. Kháng nguyên khối u Kháng nguyên khối u là các kháng nguyên được trình diện bởi các phân tử MHC I trên bề mặt tế bào khối u. Đôi khi các kháng nguyên này chỉ được trình diện bởi các tế bào khối u và không có ở tế bào thường. Trong trường hợp này, chúng được gọi là kháng nguyên đặc hiệu khối u và thường là kết quả của một đột biến đặc hiệu cho khối u. Phổ biến hơn, các kháng nguyên này được trình diện ở tế bào khối u lẫn tế bào thường, khi đó chúng được gọi là kháng nguyên liên hệ khối u. Nếu lympho bào T độc tế bào nhận ra kháng nguyên này, chúng có thể tiêu diệt tế bào khối u trước khi tế bào khối u tăng sinh và di căn. Kháng nguyên khối u cũng có thể có ở bề mặt khối u ở dạng, chẳng hạn là, một thụ thể bị đột biến. Trong trường hợp này chúng bị nhận diện bởi tế bào B.
Một máy chiếu kĩ thuật số là máy quang điện dùng để chuyển đổi dữ liệu hình ảnh từ máy vi tính hay nguồn video cho hình ảnh sáng trên một nền xa thường là tường hay phông nền. Máy chiếu phục vụ các mục đích sau: Tạo hình các dữ liệu lưu trong máy tính để thuyết trình Tạo hình các chương trình của sản phẩm cho nhiều người cùng xem Máy chiếu thay thế bảng phấn hay các tài liệu viết tay với bảng tương tác. Xem phim từ máy video hay các máy chiếu phim kĩ thuật số Máy chiếu kĩ thuật số có thể gắn vào hộp và có màn hình để tạo nên một hệ thống chiếu phim, phổ biến như là một rạp phim tại nhà. Độ phân giải của một máy chiếu xách tay thường theo tiêu chuẩn SVGA(800x600 điểm ảnh), với thiết bị phụ trợ đắt tiền như XGA (1024x768 điểm ảnh) Giá của thiết không chỉ tùy thuộc vào độ phân giải, mà còn vào độ sáng của nó. Để sử dụng trong phòng họp thì độ sáng vào khoảng 1000 tới 4000 lumen. Các nhà sản xuất Acer ASK BenQ Barco Canon Dell Epson Hewlett-Packard Hitachi IBM InFocus LG Mitsubishi NEC Optoma Panasonic Philips Runco SIM2 Multimedia Sony ViewSonic
Kỹ thuật cơ khí là một ngành Khoa học kỹ thuật, ứng dụng các nguyên lý vật lý, kỹ thuật và khoa học vật liệu để thiết kế, phân tích, chế tạo và bảo dưỡng các loại máy móc và hệ thống cơ khí. Nó là một lĩnh vực kỹ thuật liên quan đến thiết kế, chế tạo và vận hành máy móc. Kỹ thuật cơ khí là ngành lâu đời nhất, rộng lớn nhất của kỹ thuật. Lĩnh vực kĩ thuật cơ khí cần sự am hiểu về các lĩnh vực cốt lõi bao gồm cơ học, động lực học, nhiệt động lực học, khoa học vật liệu, phân tích cấu trúc và năng lượng. Ngoài những lĩnh vực cốt lõi trên, kĩ thuật cơ khí còn sử dụng các công cụ như thiết kế với sự trợ giúp của máy tính (CAD), và quản lí vòng đời sản phẩm để thiết kế và phân tích nhà máy sản xuất, thiết bị công nghiệp và máy móc, hệ thống nhiệt và làm lạnh, hệ thống giao thông, máy bay, tàu thủy, robot, thiết bị y học, vũ khí và những cái khác. Kĩ thuật cơ khí nổi lên sau cuộc cách mạng công nghiệp ở châu Âu ở thế kỉ 18; tuy nhiên, sự phát triển của nó đã bắt đầu từ vài ngàn năm trước khắp thế giới. Những tiến bộ trong lĩnh vực vật lí trong thế kỉ 19 kéo theo sự sự phát triển của khoa học kĩ thuật cơ khí. Lĩnh vực này vẫn đang nỗ lực để kết hợp các tiến bộ; ngày nay, kĩ thuật cơ khí theo đuổi các tiến bộ trong các lĩnh vực như composite, cơ điện tử và công nghệ nano. Nó cũng bao gồm kĩ thuật hàng không vũ trụ, kĩ thuật luyện kim, kĩ thuật xây dựng, kĩ thuật điện, kĩ thuật chế tạo, kĩ thuật hóa học, kĩ thuật công nghiệp và các lĩnh vực kĩ thuật khác với những mức độ khác nhau. Nó cũng làm việc trong các lĩnh vực kĩ thuật y sinh, đặc biệt là cơ y sinh, hiện tượng giao thông, cơ điện tử sinh học, công nghệ nano sinh học và mô hình hệ thống sinh học. Công nghệ cơ khí thường tạo ra các giả lập mô phỏng hoạt động của các đối tượng, như quy trình chế tạo thực tế theo trình tự tối ưu hóa sự thực hiện, hiệu quả kinh tế và chi phí năng lượng trước khi quyết định lựa chọn một thiết kế cụ thể. Các bản vẽ kỹ thuật để chế tạo là sản phẩm cuối cùng của khâu thiết kế. Chúng phải thỏa mãn hai mục đích: bao gồm đầy đủ tất cả các thông tin cần thiết để chế tạo và cũng còn là một tiêu chí kiểm soát kỹ thuật đối với các mức độ sửa chữa. Trước cuối thế kỷ 20, rất nhiều bản vẽ kỹ thuật được thực hiện bằng tay với sự trợ giúp của bảng vẽ cơ khí. Sự ra đời của máy tính với giao diện người dùng đồ họa đã có thể giúp thực hiện được việc tạo ra các mô hình và các bản vẽ bằng các chương trình máy tính trợ giúp thiết kế (CAD). Nhiều chương trình CAD hiện nay cho phép tạo ra các mô hình ba chiều để có thể nhìn từ mọi góc độ. Các chương trình CAD mô hình hóa vật thể đặc tiên tiến là một hệ thống thiết kế hiện thực ảo. Những mô hình đặc như vậy có thể được dùng làm cơ sở cho các phân tích phần tử hữu hạn (FEA) và/hoặc tính toán động lực dòng chảy (CFD) của thiết kế. Cho đến ứng dụng gia công với trợ giúp máy tính (CAM), những mô hình này cũng có thể được dùng trực tiếp bằng phần mềm để tạo 'lệnh" cho việc chế tạo ra các đối tượng được mô tả bởi các mô hình đó, thông qua các máy điều khiển số hóa bằng máy tính (CNC) hoặc các tiến trình tự động hóa mà không cần đến các bản vẽ trung gian. Các chuyên ngành cơ bản của cơ khí bao gồm: động học, tĩnh học, sức bền vật liệu, truyền nhiệt, động lực dòng chảy, cơ học vật rắn, điều khiển học, khí động học, thủy lực, chuyển động học và các ứng dụng nhiệt động lực học. Các kỹ sư cơ khí cũng đòi hỏi phải có kiến thức và năng lực áp dụng những khái niệm trong môi trường kỹ thuật điện và hóa học. Với một mức độ nhỏ, cơ khí còn trở thành kỹ thuật phân tử - một mục tiêu viễn cảnh của nó là tạo ra một tập hợp phân tử để xây dựng được những phân tử và vật liệu bằng con đường tổng hợp cơ học. Lịch sử Ứng dụng kỹ thuật cơ khí có thể thấy được qua nhiều thành tựu thời cổ đại và trung đại. Vào thời Hy Lạp cổ đại, các công trình của Archimedes (287-212 BC) có ảnh hưởng rất lớn đối với cơ học truyền thống ở phương Tây và Heron (c. 10 - 70 AD) ở Alexandria đã chế tạo ra động cơ hơi nước đầu tiên (Aeolipile). Ở Trung Quốc, Trương Hành (78 - 139 AD) đã phát minh ra đồng hồ nước và địa chấn kế. Ma Jun (200 - 265 AD) cũng đã phát minh ra xe ngựa với bộ truyền bánh răng vi sai. Nhà xác định thời khắc và kĩ sư Trung Quốc thời trung đại Tô Tụng (1020 - 1101 AD) đã kết hợp cơ cấu con ngựa và tháp đồng hồ thiên văn của ông ta hai thế kỉ trước khi các thiết bị dùng cơ cấu con ngựa được sử dụng trong các đồng hồ của châu Âu thời Trung Cổ. Ông cũng được biết đến là người sử dụng bộ truyền xích đầu tiên trên thế giới. Vào thời đại hoàng kim của Hồi giáo (thế kỉ VII - thế kỉ XV), các nhà phát minh hồi giáo đã có nhiều đóng góp đáng ghi nhận. Al-Jazari là một trong số họ. Ông là tác giả của quyển sách cổ nổi tiếng "Kiến thức về các thiết bị cơ khí tinh xảo" vào năm 1206, trong đó trình bày rất nhiều thiết kế cơ khí. Ông cũng được coi là nhà phát minh của nhiều loại thiết bị cơ khí là căn bản của cơ học hiện nay như trục khuỷu và trục cam. Trong thế kỷ 17, những đột phá quan trọng trong nền tảng cơ khí đã xảy ra ở Anh. Sir Isaac Newton đã xây dựng định luật Newton về chuyển động và phát triển Calculus, cơ sở toán học của vật lý học. Newton đã miễn cưỡng xuất bản tác phẩm của mình trong nhiều năm, nhưng cuối cùng ông cũng bị thuyết phục bởi các đồng nghiệp, như Sir Edmond Halley, làm lợi cho toàn nhân loại. Gottfried Wilhelm Leibniz cũng được ghi nhận là tạo ra Calculus trong khoảng thời gian này. Trong cuộc cách mạng công nghiệp vào đầu thế kỉ XIX, máy công cụ được phát triển ở Anh, Đức và Scotlend đã đưa kỹ thuật cơ khí tách ra thành một lĩnh vực riêng biệt trong kĩ thuật. Các máy công cụ được dùng để chế tạo máy và các động cơ để cung cấp năng lượng cho chúng. Cộng đồng nghề nghiệp đầu tiên của Kĩ sư Cơ khí là Hiệp hội Kĩ sư Cơ khí được thành lập và năm 1847. Ba mươi năm sau, các kĩ sư xây dưng cũng sáng lập nên Hiệp hội Kĩ sư Xây dựng. Ở châu Âu, Johann von Zimmermann (1820 - 1901) đã xây dựng nhà máy đầu tiên về máy mài ở Chemnitz, Đức và năm 1948. Ở Mỹ, Hiệp hội Kĩ sư Cơ khí Hoa Kỳ (ASME) được thành lập vào năm 1880, là hiệp hội kĩ thuật chuyên nghiệp thứ ba sau Hiệp hội kĩ sư Xây dựng Hoa Kỳ (1852) và Viện Kĩ sư mỏ Hoa Kỳ (1871). Những trường học đầu tiên ở Mỹ dạy kĩ thuật là Học viện Quân sự Hoa Kỳ (năm 1817), tổ chức hiện tại là Đại học Norwich (1819) và viện Bách Khoa Rensselaer (1825). Việc giảng dạy cơ khí xưa nay luôn dựa trên nền tảng toán học và khoa học. Các môn học Những môn học cơ bản của kỹ thuật cơ khí thường bao gồm: Toán học (toán chuyên đề, toán học tính toán, phương trình vi phân, và đại số tuyến tính) Khoa học vật lí cơ bản (bao gồm vật lí và hóa học) Cơ học lý thuyết (tĩnh học, động học và động lực học) Sức bền vật liệu và cơ học kết cấu Kỹ thuật vật liệu và composite Nhiệt động học, truyền nhiệt, biến đổi năng lượng, và HVAC Nhiên liệu, sự đốt và động cơ đốt trong Cơ học chất lỏng (bao gồm: thủy tĩnh và thủy động) Thiết kế máy và cơ cấu (gồm: động học và động lực học) Dụng cụ và đo lường Kỹ thuật chế tạo: công nghệ và quá trình Rung động, lý thuyết và kỹ thuật điều khiển Thủy lực và khí nén học Cơ điện tử và Rô-bốt học Thiết kế kỹ thuật và thiết kế sản phẩm Vẽ kỹ thuật, CAD và CAM Ngoài ra, các kỹ sư cơ khí cũng được trang bị kiến thức đại cương về các ngành: hóa học, vật lý, kỹ thuật hóa học, kỹ thuật xây dựng, và kỹ thuật điện, kỹ thuật điện tử để có thể thiết kế, chế tạo, sửa chữa các máy móc, trang thiết bị trong các ngành này. Các lĩnh vực con Cơ học Tiêu đề chính: Cơ học Cơ điện tử và robot học Tiêu đề chính: Cơ điện tử và robot học Phân tích cấu trúc Tiêu đề chính: phân tích cấu trúc và phân tích hư hỏng Nhiệt động lực học và khoa học về nhiệt Tiêu đề chính: Nhiệt động lực học Thiết kế và vẽ kĩ thuật Tiêu đề chính: Vẽ kĩ thuật và CAD-CAE-CAM-CNC Các lĩnh vực nghiên cứu Hệ thống cơ điện vi mô (MEMS) Hàn ma sát khoáy (FSW) Composite Cơ điện tử Công nghệ nano Phân tích phần tử hữu hạn Cơ học y sinh Động lực học lưu chất tính toán Kĩ thuật Âm học Các lĩnh vực liên quan
Dưới đây là danh sách các nhà kĩ sư cơ khí, người được rèn luyện và hành nghề trong cơ khí, kỹ thuật nguyên tử,...
Chòm sao Tức Đồng 喞筒 hay Máy Bơm (tiếng Latinh: Antlia để chỉ máy bơm) là một tên gọi tương đối mới cho chòm sao do nó mới chỉ được đặt tên trong thế kỷ 18, do nó quá mờ để có thể nhận biết được đối với các nhà thiên văn học cổ đại (đặc biệt là người Hy Lạp). IAU đã công nhận nó như là một trong 88 chòm sao hiện đại. Nằm ở bầu trời được quan sát từ bán cầu bắc, Tức Đồng được bao quanh bởi chòm sao Trường Xà (Rắn biển/Hydra), chòm sao La Bàn (Pyxis), Thuyền Phàm (Cánh buồm của con thuyền thần thoại Argo/Vela) và cuối cùng là chòm sao Bán Nhân Mã (Centaurus). Các đặc trưng nổi bật Tức Đồng là một chòm sao mờ không có các sao sáng. Các sao ít mờ nhất của nó bao gồm: α Ant: là ngôi sao chủ yếu của chòm sao nhưng độ sáng biểu kiến của nó chỉ có 4,25. Lớp quang phổ của nó là K4 III Các thiên thể bầu trời sâu thẳm NGC 2997: Thiên hà xoắn ốc dạng Sc nằm nghiêng 45° so với hướng nhìn thông thường của con người. NGC 3132: Đây là một tinh vân còn được gọi là tinh vân Eight Burst hay tinh vân Nhẫn phương Nam. Tại khu vực tâm của nó là một hệ thống sao đôi. PGC 29194: Đây là thiên hà lùn dạng phỏng cầu với độ sáng biểu kiến chỉ có 14,8m cũng thuộc về Nhóm địa phương. Thiên hà vệ tinh lùn Antlia 2 thiên hà lùn Tức Đồng Lịch sử Nhà thiên văn học người Pháp Abbé Nicolas Louis de Lacaille đã đặt tên thêm cho 13 chòm sao đối với khu vực bầu trời phía nam để điền cho đủ các khu vực ít sao, trong đó có Tức Đồng. Nguyên thủy nó được đặt tên là Antlia pneumatica (tiếng Latinh để chỉ cái bơm không khí được Robert Boyle phát minh), điều này giải thích tại sao trong một số ngôn ngữ khác như tiếng Anh chẳng hạn, thông thường người ta gọi nó là bơm không khí. Một điều thú vị là chưa có người nào có ý định đặt danh pháp Bayer phù hợp với độ sáng biểu kiến của chúng. Không có truyện thần thoại nào gắn với Tức Đồng do Lacaille đã không tuân theo truyền thống lấy tên gọi từ các truyện thần thoại cho các chòm sao mới này và thay vào đó, chủ yếu lấy các tên gọi của các thiết bị hay công cụ sử dụng trong khoa học. Các sao chủ yếu và tên gọi Nguồn: The Bright Star Catalogue, tái bản lần thứ 5., The Hipparcos Catalogue, ESA SP-1200
Chòm sao Thiên Yến 天燕 (tiếng Latinh: Apus) là một chòm sao mờ, nằm ở bầu trời phía nam, mà các nhà thiên văn học cổ đại đã không thể quan sát được. Chòm sao này là một trong số 12 chòm sao được Pieter Dirkszoon Keyser và Frederick de Houtman đặt ra trong khoảng những năm 1595 tới 1597, và nó lần đầu tiên xuất hiện trong cuốn sách Uranometria của Johann Bayer năm 1603. Tên gọi Trong tiếng Việt, chòm Thiên Yến còn có tên Chim Trời. Trong tiếng Latinh, Apus có nghĩa là chim thiên đường hoặc chim yến. Tiếng tiếng Hy Lạp απους có nghĩa "không chân". Chim yến có bộ lông đẹp, nhưng đối với người bản địa chúng có đôi chân xấu xí, vì thế họ chặt bỏ chân chim, trước khi bán phần đẹp còn lại cho người châu Âu. Các thiên thể đáng quan tâm Danh sách các sao sáng nhất, nhìn thấy bằng mắt thường<ref>The Bright Star Catalogue, tái bản lần thứ 5</cite>, <cite>The Hipparcos Catalogue, ESA SP-1200</ref> Chú thích
Apus có thể là: Tên Latin của Chòm sao Thiên Yến. Tên khoa học của chi chim Apus, thuộc họ Yến. Một tên khoa học khác của chi tôm Triops, thuộc họ Triopsidae.
Chòm sao là một nhóm các ngôi sao được người ta nhìn thấy trên bầu trời về ban đêm là gần nhau theo một hình dạng nhất định nào đó. Trong không gian ba chiều thì phần lớn các ngôi sao mà con người nhìn thấy là gần nhau thì lại không phải như vậy, chúng có rất ít quan hệ với nhau và có thể cách nhau rất xa. Loài người trong lịch sử phát triển của mình đã nghĩ ra các hình mẫu theo trí tưởng tượng để nhóm chúng lại thành các chòm sao. Mảng sao (tiếng Anh: asterism) là những chòm sao mà rất nhiều người biết đến nhưng không được các nhà thiên văn hay Hiệp hội thiên văn quốc tế (viết tắt IAU) công nhận. Trong thuật ngữ của một số ngôn ngữ khác có sự phân biệt rõ ràng hơn trong tiếng Việt về cách gọi của từng trường hợp. Ví dụ: Trong tiếng Anh các chòm sao chính thức gọi là constellation còn các chòm sao "không chính thức" thì người ta gọi là asterism. Các ví dụ nổi tiếng nhất về chòm sao "không chính thức" trong tiếng Anh là The Plough (cái cày), tại Mỹ còn được gọi là Big Dipper, cho chòm sao Gấu lớn/Đại Hùng; Little Dipper cho chòm sao Gấu nhỏ/Tiểu Hùng... Các ngôi sao trong một chòm sao, nói chung, rất ít khi có các quan hệ về mặt vật lý thiên thể đối với nhau; chúng chỉ xuất hiện cạnh nhau trên bầu trời khi quan sát từ Trái Đất và thông thường chúng cách xa nhau nhiều năm ánh sáng trong không gian. Tuy nhiên, có một ngoại lệ đối với nhóm chuyển động Đại Hùng. Việc nhóm các ngôi sao vào các chòm sao về bản chất là một sự tùy ý, và các nền văn hóa khác nhau có các chòm sao khác nhau, mặc dù một số chòm sao sáng nhất có xu hướng được lặp lại thường xuyên hơn trong các nền văn hóa đó, ví dụ, Lạp Hộ (Orion) và Thiên Yết (Scorpius). Hiệp hội thiên văn quốc tế (IAU) phân chia bầu trời thành 88 chòm sao chính thức với ranh giới chính xác, làm sao cho mọi hướng đều thuộc về chính xác một chòm sao. Trên bầu trời bắc bán cầu, có 47 chòm sao gắn liền với truyền thuyết của người Hy Lạp cổ đại, được truyền đến nay từ thời Trung Cổ, và chứa các biểu tượng của cung Hoàng Đạo. Các ranh giới chòm sao được Eugène Delporte thảo ra năm 1930, và ông vạch chúng dọc theo các đường thẳng đứng và ngang của xích kinh và xích vĩ. Tuy nhiên, ông đã thực hiện điều này cho kỷ nguyên B1875.0, điều này có nghĩa là do tuế sai của các điểm phân thì các ranh giới trên các bản đồ sao hiện đại (ví dụ cho kỷ nguyên J2000) đã bị lệch đi một khoảng nhất định và nó không còn là các đường thẳng đứng hay ngang hoàn hảo nữa. Sự xiên lệch này sẽ tăng lên theo nhiều năm và thế kỷ sắp tới. Các chòm sao thường được coi là điển hình hoặc thể hiện các công trình do con người tạo ra và thường đại diện cho các động vật, thần thoại hoặc thần linh, sinh vật huyền thoại hoặc các thiết bị được sản xuất. Nguồn gốc thực sự cho những chòm sao sớm nhất có thể bắt nguồn từ thời tiền sử, những người sáng tạo đã sử dụng chúng để kể lại các câu chuyện quan trọng về niềm tin, kinh nghiệm, sáng tạo hoặc thần thoại của họ. Như vậy, các nền văn hoá và quốc gia khác nhau thường áp dụng các tập hợp các chòm sao của riêng mình, một số vẫn tồn tại vào đầu thế kỷ 20. Sự chấp nhận nhiều chòm sao đã thay đổi đáng kể qua nhiều thế kỷ. Nhiều chòm đã thay đổi về kích thước hoặc hình dáng, trong khi một số chòm trở nên nổi tiếng nhưng sau đó rơi vào cảnh tối tăm, hoặc những chòm khác chỉ được sử dụng bởi các nền văn hoá khác nhau hoặc các quốc gia đơn lẻ. Ở bán cầu bắc, các chòm sao truyền thống phương Tây là bốn mươi tám mô hình cổ điển Hy Lạp, như đã nói trong cả tác phẩm Aratus được biết đến với tên Phenomena hay Almancest của Ptolemaios - mặc dù sự tồn tại thực sự của chúng có thể là trước những tên chòm sao này trong nhiều thế kỷ. Các chòm sao mới hơn ở bầu trời phía nam xa đã được thêm vào cuối thế kỷ 15 và giữa thế kỷ 18, khi các nhà thám hiểm châu Âu bắt đầu du hành tới bán cầu nam. Mười hai chòm sao quan trọng được gán cho hoàng đạo. Nguồn gốc của hoàng đạo có thể trở lại thời tiền sử, những đơn vị chiêm tinh đã trở nên nổi bật khoảng 400 TCN trong thiên văn học Babylon hay Chaldean. Trên cơ sở nhu cầu thiên văn quan trọng cần chính thức xác định vị trí của tất cả các vật thể bầu trời trên toàn bộ bầu trời, Liên đoàn Thiên văn Quốc tế (IAU) đã phê chuẩn và công nhận 88 chòm sao hiện đại năm 1928. Do đó, bất kỳ điểm nào trong một hệ tọa độ thiên thể giờ đây có thể được rõ ràng được chỉ định cho bất kỳ chòm sao hiện đại nào. Hơn nữa, nhiều hệ thống đặt tên thiên văn cho chòm sao mà một vật thể thiên thể nào đó được tìm thấy cùng với một cái tên để truyền đạt một ý tưởng gần đúng về vị trí của nó trên bầu trời. ví dụ. Tên gọi Flamsteed cho các ngôi sao sáng bao gồm một số và dạng liên kết của tên chòm sao. Chòm sao thời hạn cũng có thể đề cập đến các ngôi sao bên trong hoặc xuyên qua các ranh giới của chòm sao. Các nhóm sao nổi bật không hình thành nên những chòm sao hiện đại thường được gọi là những sao chổi. ví dụ. Các Pleiades, Hyades, False Cross, hoặc Venus 'Mirror trong chòm Lạp Hộ. Tên gọi Từ "chòm sao" dường như đến từ cōnstellātiō của tiếng Latinh, có thể dịch là "bộ sao", và được sử dụng bằng tiếng Anh trong thế kỷ 14. Từ Hy Lạp cổ đại cho chòm sao là "ἄστρον". Một ý nghĩa thiên văn học hiện đại hơn về thuật ngữ "chòm sao" chỉ đơn giản là một mẫu hình có thể nhận biết được của những ngôi sao mà sự xuất hiện của nó có liên quan đến các nhân vật thần thoại hoặc sinh vật, hoặc động vật trên đất liền, hoặc các vật thể. Nó cũng có thể biểu thị cụ thể các chòm sao tên được công nhận chính thức cho 88 chòm sao được sử dụng ngày nay. Cách sử dụng thông thường không tạo ra sự khác biệt rõ rệt giữa "chòm sao" hay "asterisms" nhỏ (kiểu sao), nhưng hiện đại chấp nhận các chòm sao thiên văn sử dụng một sự phân biệt như vậy. Ví dụ, các Pleiades và Hyades là cả hai asterisms (mảng sao), và mỗi trong chúng đều nằm trong các ranh giới của chòm sao Kim Ngưu. Một ví dụ khác được biết đến như Big Dipper (Hoa Kỳ) hoặc The Plough (Anh) bao gồm bảy ngôi sao sáng nhất trong khu vực của chòm sao Đại Hùng được IAU xác định. Ở phía nam của False Cross, asterism bao gồm các phần của chòm sao Thuyền Để và Thuyền Phàm. Thuật ngữ cụm sao circumpolar được sử dụng cho bất kỳ chòm sao nào, từ một vĩ độ cụ thể trên Trái Đất, không bao giờ nằm ​​dưới chân trời. Từ Bắc cực hoặc Nam cực, tất cả các chòm sao nam hay bắc của xích đạo trời là các chòm sao tròn. Tùy thuộc vào định nghĩa, các chòm sao xích đạo có thể bao gồm các chòm sao nằm trong khoảng 45 ° bắc và 45 ° Nam hoặc những con đường đi qua dải phân cách của hoàng đạo hay hoàng đạo, nằm giữa 23½ ° bắc, đường xích đạo và 23½ ° nam. Mặc dù các ngôi sao trong chòm sao xuất hiện gần nhau trên bầu trời, chúng thường nằm ở một khoảng cách xa người quan sát. Vì sao cũng di chuyển dọc theo quỹ đạo của chúng qua Ngân Hà, chòm sao này phác hoạ thay đổi theo thời gian. Sau hàng chục đến hàng trăm ngàn năm, đường nét quen thuộc của họ dần dần trở nên không thể nhận ra được. Các nhà thiên văn học có thể dự đoán các chòm sao trong quá khứ hoặc tương lai bằng cách đo các ngôi sao riêng biệt của họ thông thường chuyển động thích hợp hoặc cpm. bằng phép đo chính xác chính xác và vận tốc xuyên tâm của chúng bằng quang phổ thiên văn. Lịch sử của những chòm sao ban đầu Bằng chứng tiên phong sớm nhất cho các chòm sao đến từ những viên đá được khắc và những viên nén bằng đất sét được đào lên ở Mesopotamia (trong thời hiện đại của Iraq) có niên đại từ năm 3000 TCN. Có vẻ như phần lớn các chòm sao Mesopotamian được tạo ra trong một khoảng thời gian tương đối ngắn từ khoảng 1300 đến 1000 TCN. Những nhóm này xuất hiện sau đó trong nhiều chòm sao Hy Lạp cổ điển. Các chòm sao trong cổ đại gần phía Đông. Máy tính bảng của Babylon ghi lại Sao chổi Halley vào năm 164 TCN. Người Babylon là những người đầu tiên nhận ra rằng các hiện tượng thiên văn là định kỳ và áp dụng toán học vào các tiên đoán của chúng. Các danh mục sao của Babylon cổ nhất về sao và chòm sao bắt đầu từ thời Trung Cổ, đặc biệt là Ba Sao Mỗi văn bản và MUL.APIN, một phiên bản được mở rộng và sửa đổi dựa trên sự quan sát chính xác hơn từ khoảng năm 1000 TCN. Tuy nhiên, nhiều tên Sumer trong các catalog này cho thấy rằng chúng được xây dựng dựa trên những truyền thống của Sumer trong thời Bronze. Zodiac cổ điển là một sản phẩm của một sửa đổi của hệ thống Old Babylon trong sau Neo-Babylon thiên văn học thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên. Kiến thức về hoàng đạo Neo-Babylon cũng được phản ánh trong Kinh thánh Hebrew. EW Bullinger giải thích các sinh vật xuất hiện trong sách của Ezekiel (và từ đó trong Khải huyền) là dấu hiệu trung bình của bốn phần tư Zodiac, với Sư tử như Leo, Con bò như Taurus, Người đại diện cho Aquarius và chim ưng đứng trong Scorpio. Sách Giảng dạy Kinh thánh cũng đề cập đến một số chòm sao, bao gồm עיש 'Ayish' bier ", כסיל chesil" fool "và כימה chimah" heap "(Gióp 9: 9, 38: 31-32), được gọi là" Arcturus, Orion và Pleiades "của KJV, nhưng" Ayish "là" thực tế "tương ứng với Ursa Major [18]. Thuật ngữ Mazzaroth מַזָּרוֹת, một legomen hapax trong Gióp 38:32, có thể là từ tiếng Do Thái cho các chòm sao hoàng đạo. Người Hy Lạp đã áp dụng hệ thống Babylon vào thế kỷ 4 trước Công nguyên. Tổng cộng có 20 chòm sao Ptolemaic được tiếp tục trực tiếp từ Cận Đông cổ đại. Một mười khác có cùng một ngôi sao nhưng khác tên. Các chòm sao trong cổ đại Cổ tích Biểu đồ sao của Ai Cập cổ đại và đồng hồ decanal trên trần từ ngôi mộ Senenmut. Chỉ có một số thông tin hạn chế về chòm sao người Hy Lạp bản địa, với một số bằng chứng phân mảnh được tìm thấy trong Tác phẩm và Những ngày của nhà thơ Hy Lạp Hesiod, người đã đề cập đến "thiên thể". Thiên văn học Hy Lạp chủ yếu sử dụng hệ thống Babylon cũ hơn trong kỷ nguyên Hellenistic, lần đầu tiên được giới thiệu đến Hy Lạp bởi Eudoxus của Cnidus vào thế kỷ 4 trước Công nguyên. Tác phẩm gốc của Eudoxus bị mất, nhưng nó vẫn tồn tại như là một phiên dịch của Aratus, có niên đại vào thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên. Các tác phẩm hoàn chỉnh nhất hiện có liên quan đến nguồn gốc huyền thoại của các chòm sao là do nhà văn Hellenistic gọi là pseudo-Eratosthenes và một nhà văn La Mã cổ đại theo kiểu pseudo-Hyginus. Cơ sở của thiên văn học phương Tây như đã được giảng dạy trong thời cổ đại muộn và cho đến giai đoạn đầu hiện đại là Almagest của Ptolemaios, được viết vào thế kỷ thứ 2. Trong Vương quốc Ptolemaic, truyền thống Ai Cập truyền thống của nhân vật nhân tạo đại diện cho các hành tinh, sao và các chòm sao khác nhau. Một số đã được kết hợp với các hệ thống thiên văn Hy Lạp và Babylon, đỉnh điểm là Zodiac of Dendera, nhưng nó vẫn không rõ ràng khi điều này xảy ra, nhưng hầu hết đã được đặt trong thời kỳ La Mã từ 2 đến 4 thế kỷ. Các hình ảnh cổ nhất được biết đến của hoàng đạo cho thấy tất cả các chòm sao quen thuộc hiện nay, cùng với một số Constellations Ai Cập, Decans và Planets. Almagest của Ptolemaios vẫn là định nghĩa tiêu chuẩn của các chòm sao trong thời kỳ Trung cổ ở châu Âu và trong thiên văn học Hồi giáo. Các chòm sao ở Trung Quốc cổ đại Bản đồ sao Trung Quốc với một phép chiếu hình trụ (Su Song) Trong thiên văn học Trung Quốc cổ đại đã có một truyền thống lâu đời trong việc quan sát chính xác các hiện tượng trên bầu trời. Các ngôi sao sau đó được phân loại trong 28 biệt thự đã được tìm thấy trên xương oracle được khai quật ở Anyang, có niên đại từ thời trung cổ Shang. Những chòm sao Trung Quốc này là một trong những cấu trúc quan trọng nhất và cũng là cổ nhất trên bầu trời Trung Quốc, được chứng thực từ thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên. Sự tương đồng với danh mục sao của Babylon (Sumerian) sớm nhất cho thấy hệ thống Trung Quốc cổ đại không phát sinh độc lập. Thiên văn học cổ điển của Trung Quốc được ghi lại trong thời kỳ Hán và xuất hiện dưới dạng ba trường học, được cho là do các nhà thiên văn học của thời kỳ Chiến Quốc. Các chòm sao của ba trường được đưa vào một hệ thống duy nhất bởi Chen Zhuo, nhà thiên văn học của thế kỷ thứ 3 (thời kỳ Tam Quốc). Tác phẩm của Chen Zhuo đã bị mất, nhưng thông tin về hệ thống chòm sao vẫn tồn tại trong các bản ghi thời Tang, đặc biệt là bởi Qutan Xida. Biểu đồ sao Trung Quốc còn tồn tại lâu đời nhất vào khoảng thời gian đó và được giữ nguyên như là một phần của các bản thảo Dunhuang Manuscripts. Thiên văn học bản địa của Trung Quốc phát triển mạnh trong thời nhà Tống, và trong triều đại nhà Nguyên ngày càng bị ảnh hưởng bởi thiên văn học Hồi giáo thời trung cổ (xem Luận thuyết về Chiêm tinh học của kỷ nguyên Kaiyuan). Khi các bản đồ được chuẩn bị trong giai đoạn này trên các đường dây khoa học nhiều hơn, chúng được coi là đáng tin cậy hơn. Một bản đồ nổi tiếng được chuẩn bị trong thời kỳ Sông là Sơ đồ Thiên văn Tô Châu chuẩn bị với các chạm khắc của hầu hết các ngôi sao trên bầu trời quy mô của bầu trời Trung Quốc trên một tấm đá; nó được thực hiện chính xác dựa trên quan sát và có suprnova của năm 1054 trong Taurus khắc trên nó. Ảnh hưởng bởi thiên văn học châu Âu vào cuối triều đại nhà Minh, nhiều ngôi sao được mô tả trên các bảng xếp hạng nhưng giữ lại các chòm sao truyền thống; các ngôi sao mới được quan sát được kết hợp như các sao bổ sung trong các chòm sao cũ ở bầu trời phía Nam, không mô tả bất kỳ ngôi sao truyền thống nào được ghi lại bởi các nhà thiên văn học Trung Quốc cổ đại. Những cải tiến khác được thực hiện trong phần sau của triều đại nhà Minh do Xu Guangqi và Johann Adam Schall von Bell,người Đức và được ghi lại ở Chongzhen Lishu (Bài báo về lịch sử Chongzhen, 1628). Bản đồ sao Trung Quốc truyền thống kết hợp 23 chòm sao mới với 125 sao của bán cầu nam trên bầu trời dựa trên kiến ​​thức về các biểu đồ sao phương Tây; với sự cải thiện này, bầu trời Trung Quốc được lồng ghép với thiên văn học thế giới. Thiên văn học hiện đại xuất hiện sớm Về mặt lịch sử, các chòm sao trên bầu trời có thể được chia thành hai vùng; cụ thể là bầu trời phía bắc và phía Nam, có nguồn gốc khác biệt rõ rệt. Vùng bầu trời hướng bắc có các chòm sao mà hầu hết đã tồn tại kể từ thời cổ đại, những tên gọi thông thường dựa trên thần thoại Hy Lạp cổ hay những người có nguồn gốc thực sự đã bị mất. Bằng chứng về các chòm sao này đã tồn tại dưới dạng các biểu đồ sao, có tính đại diện lâu đời nhất xuất hiện trên một bức tượng được gọi là Atlas Farnese, gợi ý dựa trên danh mục sao của nhà thiên văn Hy Lạp Hipparchus. Các chòm sao ở vùng bầu trời hướng nam là những phát minh hiện đại hơn, được tạo ra như các chòm sao mới hoặc trở thành các chòm sao thay thế cho chòm sao cổ xưa (điển hình như Argo Navis). Một số chòm sao ở bầu trời phía nam đã trở nên lỗi thời hoặc đã mở rộng các tên gọi mà đã được viết tắt thành các dạng có thể sử dụng được nhiều hơn nữa (ví dụ Musca Australis trở nên đơn giản chỉ là Musca). Tuy nhiên, tất cả các chòm sao mới chưa bao giờ được chấp nhận rộng rãi, mà cách sử dụng trở nên phổ biến dựa trên nền văn hoá hoặc từng quốc gia. Việc xác định mỗi chòm sao và các ngôi sao được gán với chúng cũng có sự khác biệt đáng kể về kích thước và hình dạng, những ranh giới tùy ý của nó thường dẫn tới sự nhầm lẫn giữa các thiên thể. Trước khi các ranh giới chòm sao được định nghĩa bởi Hiệp hội Thiên văn Quốc tế (IAU) vào năm 1930, chúng xuất hiện như các vùng bầu trời bao bọc đơn giản. Ngày nay họ dựa theo các đường lối được định danh chính thức xác nhận về xích kinh và xích vĩ phải dựa trên những điều mà Benjamin Gould định nghĩa ở phần 1875.0 trong danh mục sao của ông gọi là Uranometria Argentina. Kể từ khi phát minh kính viễn vọng quang học, các nhà thiên văn học đã tìm thấy sự cần thiết phải sắp xếp các thiên thể, những kiến ​​thức của họ có thể được sử dụng cho mục đích điều hướng hoặc về thiên văn, và điều này đòi hỏi phải có những định nghĩa về chòm sao và các ranh giới của chúng. Những thay đổi này cũng đã gán các ngôi sao trong mỗi chòm sao, như lần đầu tiên được thực hiện vào năm 1603 bởi Johann Bayer trong tập bản đồ sao Uranometria bằng cách sử dụng hai mươi bốn chữ cái trong bảng chữ cái Hy Lạp. Các bản đồ sao sau đó được xác định dựa theo bản đồ quả địa cầu dẫn tới sự phát triển của các chòm sao hiện đại đã được chấp nhận. Nguồn gốc của các chòm sao hướng nam Phần lớn bầu trời hướng nam gần với xích vĩ khoảng -65 độ không được quan sát thấy từ bán cầu bắc và chỉ được biên mục một phần bởi các nhà thiên văn học Babylon cổ, Ai Cập, Hy Lạp, Trung Quốc và Ba Tư. Kiến thức về các nền sao ở bầu trời hướng bắc và nam đã phân định trở lại vào thời cổ đại, chủ yếu là những cuốn tiểu thuyết về những thủy thủ Phoenicia sau này: như cuộc thám hiểm của tàu tuần dương châu Phi được đưa ra bởi Pharaoh Necho II vào năm 600 Trước Công nguyên hay là của Hanno the Navigator vào năm 500 Trước Công nguyên. Tuy nhiên, phần lớn kiến ​​thức về những nguồn gốc cổ xưa này chắc chắn sẽ không thể phục hồi và mất đi mãi mãi với sự tàn phá của Thư viện Alexandria. Lịch sử thực tế về các chòm sao hướng nam vẫn không dứt khoát hay thẳng thắn về phía trước. Nhiều nước đã thông qua hoặc đặt những tên gọi khác nhau hoặc đã sử dụng các ngôi sao khác nhau để xác định chúng. Hầu hết các dạng chòm sao ban đầu này chỉ là những điều tò mò về những người quý tộc hay những nhà tài trợ, nhưng chỉ trở nên quan trọng đối với những người đi biển vào thế kỷ 14 đến thế kỷ 16, những người bắt đầu hành trình qua các đại dương phía nam bằng cách sử dụng các ngôi sao để điều hướng đường đi trong ngành thiên văn hàng hải. Các nhà thám hiểm người Ý đã ghi lại những chòm sao hướng nam mới gồm Andrea Corsali, Antonio Pigafetta, Amerigo Vespucci. Nhiều trong số 88 chòm sao IAU ở khu vực này đã xuất hiện trên các quả cầu thiên thể và được Petrus Plancius thông qua vào cuối thế kỷ 16, chủ yếu dựa trên các quan sát của hai nhà hàng hải người Hà Lan Pieter Dirkszoon Keyser và Frederick de Houtman, và họ đã thêm 15 chòm sao vào cuối thế kỷ XVI. Một số chòm sao khác nữa được bổ sung bởi Petrus Plancius bao gồm: Thiên Yến, Yển Diên, Thiên Cáp, Kiếm Ngư, Thiên Hạc, Thủy Xà, Ấn Đệ An, Thương Dăng, Khổng Tước, Phượng Hoàng, Nam Tam Giác, Đỗ Quyên và Phi Ngư. Tuy nhiên, hầu hết các chòm sao ban đầu chỉ chính thức xuất hiện trong một thế kỷ sau khi chúng được phát hiện ra, và được Johann Bayer mô tả trong cuốn bản đồ sao Uranometria của ông vào năm 1603. Mười bảy chòm sao khác được phát hiện vào năm 1763 bởi nhà thiên văn học người Pháp Nicolas Louis de Lacaille, xuất hiện trong cuốn danh mục sao được xuất bản vào năm 1756. Một số đề xuất hiện đại khác không mấy thành công. Ví dụ, chòm sao cổ điển quá lớn Argo Navis được chia thành ba phần chòm sao riêng biệt của Lacaille (Thuyền Để, Thuyền Vĩ và Thuyền Phàm), tạo thuận lợi cho những người lập bản đồ sao. Các nhà thiên văn học khác bao gồm Pierre Lemonnier và Joseph Lalande người Pháp, những người bổ sung từng được biết đến, nhưng từ đó đã bị lãng quên. Đối với các chòm sao hướng bắc, một ví dụ là Quadrans Muralis cùng tên với trận mưa sao băng Quadrantids, bây giờ đã được phân chia giữa chòm sao Mục Phu và Thiên Long. 88 chòm sao hiện đại Danh sách 88 chòm sao hiện tại được công nhận bởi Liên minh Thiên văn Quốc tế từ năm 1922 dựa trên số 48 được liệt kê bởi Ptolemaios ở Almagest của ông vào thế kỷ thứ 2, với những sửa đổi và bổ sung hiện đại (điều quan trọng nhất là giới thiệu các chòm sao bao gồm các phần của bầu trời phía nam không rõ Ptolemaios) của Petrus Plancius (1592, 1597/98 và 1613), Johannes Hevelius (1690) và Nicolas Louis de Lacaille (1763), đã đặt tên cho 14 chòm sao và đổi tên thành một thứ mười lăm. De Lacaille đã nghiên cứu các ngôi sao ở bán cầu nam từ năm 1750 cho đến năm 1754 từ Mũi Hảo Vọng, khi ông nói rằng đã quan sát được hơn 10.000 ngôi sao sử dụng kính thiên văn khúc xạ 13 inch. Năm 1922, Henry Norris Russell đã hỗ trợ IAU (Liên minh Thiên văn Quốc tế) chia vương thiên cầu thành 88 chòm sao chính thức; Trước đó, danh sách 48 chòm sao của Ptolemaios với nhiều sự bổ sung của các nhà thiên văn châu Âu đã chiếm ưu thế. Tuy nhiên, các đơn vị này không có đường biên rõ ràng giữa chúng. Chỉ đến năm 1930 Eugene Delporte, nhà thiên văn học Bỉ đã tạo ra một bản đồ có thẩm quyền phân định các khu vực bầu trời dưới các chòm sao khác nhau. Nếu có thể, những chòm sao hiện đại này thường chia sẻ tên của những người tiền nhiệm Graeco-Roman, chẳng hạn như Orion, Leo hoặc Scorpius. Mục đích của hệ thống này là lập bản đồ khu vực, tức là phân chia bầu trời thành các vùng tiếp giáp. Trong số 88 chòm sao hiện đại, 36 nằm chủ yếu ở bầu trời phía Bắc, và 52 phần khác chủ yếu ở phía nam. Vào năm 1930, Eugène Delporte đã hoạch định ranh giới giữa 88 chòm sao theo các đường dọc và ngang của sự thăng thiên và sự suy thoái phải. Tuy nhiên, dữ liệu ông sử dụng bắt nguồn từ kỷ nguyên B1875.0, đó là khi Benjamin A. Gould lần đầu tiên đưa ra đề xuất của mình để chỉ ra các ranh giới cho bầu trời, một đề xuất mà Delporte sẽ dựa vào công việc của ông. Hậu quả của ngày đầu tiên này là do sự dồn dập của thời đại, biên giới trên một bản đồ sao hiện đại, chẳng hạn như kỷ nguyên J2000, đã hơi lệch và không còn theo chiều dọc hoặc ngang nữa. Hiệu quả này sẽ tăng lên qua nhiều năm và nhiều thế kỷ tới. Chòm sao đám mây tối Great Rift, một loạt các đốm tối ở Dải Ngân hà, có thể nhìn thấy rõ hơn và nổi bật ở bán cầu nam hơn ở phía bắc. Nó sống động nổi bật khi các điều kiện khác tối tăm đến mức khu vực trung tâm của Dải Ngân hà chiếu bóng trên mặt đất. Một số nền văn hoá đã phân biệt được hình dạng trong những mảng vá này và đặt tên cho những "chòm sao đám mây đen". Các thành viên của nền văn minh Inca đã xác định được các vùng tối khác nhau hoặc tinh vân đen trong Dải Ngân hà như là động vật và liên kết sự xuất hiện của chúng với những cơn mưa theo mùa. Thiên văn thổ dân Úc cũng mô tả các chòm sao đám mây đen, nổi tiếng nhất là "emu trên bầu trời" có đầu được hình thành bởi Coalsack, một tinh vân đen thay vì các ngôi sao. Lịch sử các chòm sao Danh sách hiện tại dựa trên các danh sách của nhà thiên văn học La Mã là Claudius Ptolemaios, là người sống ở Alexandria, Ai Cập. Lưu ý là nhà thiên văn Claudius Ptolemaios, không có quan hệ gì tới các vua của Ai Cập mà người Hy Lạp gọi là Ptolemaios. (Xem thêm Triều đại Ptolemaios.) Sau này, theo dòng chảy lịch sử người ta đã bổ sung thêm vào danh sách này để làm đầy các lỗ hổng trong các mô hình của Ptolemaios. Người Hy Lạp cho rằng bầu trời bao gồm các chòm sao và các khoảng không lờ mờ giữa chúng. Nhưng các danh mục sao của thời kỳ Phục hưng do Johann Bayer và John Flamsteed tạo ra đã đòi hỏi mọi ngôi sao phải thuộc về một chòm sao nào đó, và số lượng các ngôi sao có thể nhìn thấy trong chòm sao cần phải nhỏ vừa phải. Mười hai chòm sao trên bầu trời nam bán cầu thì người Hy Lạp đã không thể quan sát được, và chúng đã được các nhà hàng hải người Hà Lan Pieter Dirkszoon Keyser và Frederick de Houtman đưa thêm vào trong thế kỷ 16 và lần đầu tiên được Johann Bayer lập danh mục. Các chòm sao được đề nghị khác mà không bị chia cắt nổi tiếng nhất là Quadrans Muralis (hiện nay là một phần của Mục Phu (Boötes) trong đó các sao băng Quadrantid được đặt tên. Ngoài ra chòm sao cổ đại Argo Navis là quá lớn và đã bị chia nhỏ thành các chòm sao khác nhau, để thuận tiện cho những người lập bản đồ sao. Tên gọi của các ngôi sao Tất cả các tên gọi khoa học của các chòm sao hiện đại là các tên gọi hay các từ Latinh chính xác, và một số ngôi sao được đặt tên theo sở hữu cách của chòm sao mà chúng nằm bên trong. Sở hữu cách được tạo ra bằng cách sử dụng các quy tắc thông thường của ngữ pháp Latinh, và đối với các sở hữu cách đặc biệt của ngôn ngữ này thì không thể đoán trước và cần phải ghi nhớ. Một số ví dụ bao gồm: Aries → Arietis; Taurus → Tauri; Gemini → Geminorum; Virgo → Virginis; Libra → Librae; Pisces → Piscium; Lepus → Leporis. Các tên gọi này bao gồm các danh pháp Bayer như Alpha Centauri, các danh pháp Flamsteed như 61 Cygni, và các danh pháp cho sao biến thể như RR Lyrae. Tuy nhiên, nhiều ngôi sao mờ hơn sẽ chỉ có số chỉ định trong danh mục (trong các loại danh mục sao khác nhau) mà không kết hợp với tên của chòm sao. Để có thêm thông tin về các tên gọi cho các ngôi sao, xem thêm Tên gọi của sao và danh sách sao theo chòm sao.
Henry Bessemer (Henry Bét-xơ-me, hoặc Bét-xmơ theo tiếng Anh) sinh ngày 19 tháng 1 năm 1813, mất ngày 15 tháng 3 năm 1898,là một kĩ sư,nhà phát minh nổi tiếng người Anh, sinh ra tại Charlton (một quận ở Luân Đôn,thủ đô nước Anh). Cả cuộc đời ông có hơn 100 phát minh, trong đó nổi bật nhất là phát minh ra phương pháp luyện thép mang tên ông-phương pháp Bessemer. Mặc dù phương pháp này không còn được dùng trong sản xuất thương mại, nhưng vào thời điểm được phát minh, nó là quan trọng đối với công nghiệp bởi vì nó làm hạ giá thành của thép, dẫn tới việc thép thay thế một cách rộng rãi cho các vật liệu khác, vốn thua kém nó về mọi mặt, ngoại trừ vấn đề giá cả. Sự quan tâm của Bassemer đối với các vấn đề trong sản xuất thép nhằm thực hiện các cải tiến trong việc chế tạo súng ống. Ông đã kết luận rằng muốn có các tiến bộ trong pháo binh thì vật liệu cần phải tốt hơn. Ông đã tạo ra một nhà xưởng sắt ở St Pancras và tiến hành một loạt các thí nghiệm. Ông đã tiến hành các thực nghiệm này trong 2 năm cho đến khi rút ra ý tưởng chủ đạo của phương pháp của ông là khử cacbon trong gang bằng cách thổi luồng không khí vào khối sắt trong khi nó ở dạng nóng chảy. Ấn phẩm đầu tiên về phương pháp này được công bố trong cuộc họp của Hội đồng Anh ở Cheltenham năm 1856, và thu hút nhiều sự chú ý. Nhiều nhà luyện kim vẫn còn nghi ngại về các nền tảng lý thuyết trong kết quả của ông, và chỉ thực sự bị thuyết phục khi nhìn thấy quá trình chuyển hóa gang thành những miếng sắt có thể dát mỏng trong dạng thể lỏng hoàn toàn. Sau khi phát minh được công nhận, có 5 nhà đầu tư xin cấp giấy phép để sản xuất theo phương pháp của ông; nhưng sau khi nhiều nhà luyện kim áp dụng sản xuất thực tế thì không thành công. Tác giả của phát minh không bị thất vọng; ông vẫn tiếp tục các thực nghiệm, và trong 2 năm tiếp theo ông đưa ra sản phẩm, lần này thì chất lượng không kém như các phương pháp trước. Nhưng khi ông liên hệ đến các nhà sản xuất về sản phẩm đã được nâng cấp thì luôn bị từ chối. Cuối cùng ông tự sản xuất lấy thép của mình. Ông dựng lên xưởng thép ở Sheffield, trên nền đất mua bằng tiền mượn của bạn ông và bắt đầu sản xuất thép. Ban đầu, lợi nhuận khá nhỏ nhưng dần dần thì tầm vóc sản xuất mở rộng cho đến khi sự cạnh tranh bắt đầu hiệu quả. Các nhà kinh doanh thép nhận thức công ty của Bessemer bán rẻ hơn tới £20 trên một tấn thép. Bessemer đã thu lợi hàng triệu bảng Anh, từ tiền bản quyền công nghệ của ông. Các sáng chế với giá trị tiền quản quyền lớn như thế không tránh được sự chỉ trích. Tuy nhiên Bessemer đã may mắn thoát khỏi các kiện tụng. Ông đã mua toàn bộ quyền của một người sáng chế và trong trường hợp khác, ông tránh được lo âu khi sáng chế này đã được chuyển giao từ năm 1859 mà không cần trả tiền. Trong giai đoạn đầu ông đã gặp nhiều khó khăn trong sản xuất thép theo công nghệ của mình, trong các giấy phép đầu tiên mà ông cấp để sản xuất thép theo phương pháp đó ông đã nói tới điều này. Các thử nghiệm ông đã làm với quặng sắt ở South Wales thất bại vì thép không thể cán mỏng. Goransson, một người sản xuất thép ở Thụy Điển, sử dụng gang và than củi của nước này, là người sản xuất thành công đầu tiên dùng phương pháp này, nhưng thành công chỉ có được sau nhiều thử nghiệm; kết quả của ông này đã gợi ý cho Bessemer trong việc thử dùng sắt nguyên chất hơn có được từ quặng hêmatit ở Cumberland, nhưng ngay với điều này ông cũng không thu được thành công đáng kể cho đến khi Robert Mushet chỉ ra rằng thêm một lượng đáng kể gang kính (gang chứa mangan) vào quy trình giúp tháo gỡ các khó khăn. Các sáng chế của Mushet có đáng được duy trì hay không, giá trị của nó chỉ được thể hiện khi áp dụng cùng với phương pháp Bessemer. Ngoài ra, sự tiện lợi từ phát minh của Mushet không thực sự cần thiết; như Bessemer đã chứng thực 1865, bằng cách trưng bày một loạt các mẫu thép được chế tạo duy nhất chỉ nhờ phương pháp của ông. Trong các phát minh của Bessemer thì không có phát minh nào có sự thành công bằng phương pháp sản xuất thép mang tên ông. Các phát minh khác là in tem, sơn vàng, máy ép đường và tàu thủy giúp hành khách không bị say sóng. Phát minh cuối cùng giúp thuyền bè có thêm cabin, luôn được giữ thăng bằng, dẫu cho sóng có to. Đó là nhờ cấu trúc thủy động học trong thiết kế của Bessemer luôn cố tạo ra lực phản lại các tác động làm mất căng bằng. Tàu mang tên Bessemer, được xây dựng trên dự án này năm 1875 và được đưa vào phục vụ vượt eo biển đến Calais, những hệ thống chống lắc của cabin tỏ ra không hiệu quả khi đưa vào thực tế và bị vĩnh viễn loại bỏ. Sau khi phát minh về phương pháp sản xuất thép của ông được áp dụng rộng rãi, Bessemer không chỉ nhận tiền thưởng đến nhanh chóng, mà còn được Hội Khoa học Hoàng gia Anh công nhận là thành viên và ông còn được ban tặng tước hiệu hiệp sĩ (knight) năm 1879. Ông mất ở Denmark Hill, Luân Đôn.
Lý sinh học (hay vật lý sinh học) là môn khoa học liên ngành, ứng dụng lý thuyết và phương pháp của khoa học vật lý vào các vấn đề sinh học. Lý sinh học ngày nay bao gồm các nghiên cứu sinh học chuyên biệt, không chia sẻ chung một yếu tố định danh và ngành học này cũng không phụ thuộc vào một định nghĩa rõ ràng, chính xác. Phạm vi nghiên cứu của lý sinh học trải từ so sánh chuỗi đến mạng thần kinh. Trong những năm gần đây, lý sinh học còn nghiên cứu đến chế tạo chi cơ học và thiết bị nano để điều hoà chức năng sinh học. Ngày nay các nghiên cứu đó thường được xem là thuộc về lĩnh vực tương ứng của công nghệ sinh học và công nghệ nano. Tổng quan Nghiên cứu truyền thống trong sinh học được tiến hành bằng các thí nghiệm tổng thể thống kê (statistical ensemble), dùng nồng độ mol của các đại phân tử. Vì các phân tử bên trong tế bào sống có số lượng ít, các kỹ thuật như khuếch đại PCR, thấm gel (gel blotting), gắn kết huỳnh quang và nhuộm in vivo được dùng để có thể xem kết quả thí nghiệm bằng mắt thường hoặc, it nhất, với thiết bị phóng đại quang học. Bằng các kỹ thuật này, nhà sinh học cố gắng làm sáng tỏ hệ thống tương tác phức tạp tạo ra các tiến trình cho sự sống. Lý sinh học cũng quan tâm đến những vấn đề tương tự trong sinh học, nhưng đặt ở mức độ một phân tử (nghĩa là số Reynolds thấp). Bằng cách áp dụng kiến thức và kỹ thuật thí nghiệm từ nhiều chuyên ngành, nhà lý sinh có thể quan sát gián tiếp hoặc mô hình hoá cấu trúc và tương tác của từng phân tử hay phức hợp phân tử. Lý sinh học thường không có bộ môn riêng ở cấp đại học, mà hiện diện như là nhóm liên bộ môn giữa các lĩnh vực sinh học, sinh hoá học, hoá học, khoa học máy tính, toán học, y học, dược học, sinh lý học, vật lý học và khoa học thần kinh. Các chủ đề trong lý sinh học và các lĩnh vực liên quan Vận động động vật Lý sinh tế bào Kênh ion, thụ thể xuyên màng và chất chuyên chở phân tử Điện sinh lý học Màng tế bào Năng lượng sinh học Vận động phân tử Cơ và co cơ Axit nucleic Quang sinh vật lý và sinh photon học Protein Lắp ráp siêu phân tử Quang phổ học, kỹ thuật hình ảnh, v.v. Khoa học thần kinh hệ thống (systems neuroscience) Mã hoá thần kinh (neural encoding) Sinh cơ học (bionics) Màng polysulfur Các nhà lý sinh học nổi tiếng Luigi Galvani, nhà phát minh điện sinh học Hermann von Helmholtz, người đầu tiên đo vận tốc xung thần kinh Alan Hodgkin & Andrew Huxley, đưa ra các hiểu biết hiện đại về xung thần kinh Georg von Békésy, nghiên cứu tai người Bernard Katz, khám phá cách thức hoạt động của synapse Maurice Wilkins & Rosalind Franklin, tiên phong trong tinh thể học DNA Francis Crick, đồng phát minh cấu trúc DNA và mã di truyền Max Perutz & John Kendrew, tiên phong trong tinh thể học protein Các nhà lý sinh học đáng chú ý khác Adolf Eugen Fick, đưa ra định luật khuếch tán Fick và phương phá đo cung lương tim Howard Berg, miêu tả tính hoá hướng động của vi khuẩn Carlos Bustamante, nổi tiếng trong lĩnh vực sinh vật lý đơn phân tử liên quan đến vận động phân tử và vật lý polymer sinh học Friedrich Dessauer, nghiên cứu về phóng xạ, đặc biệt là tia X Walter Friedrich Boris Rajewsky Mikhail Volkenshtein, Revaz Dogonadze & Zurab Urushadze, tác giả của Mô hình (Vật lý) Cơ học lượng tử của xúc tác enzyme John P. Wikswo, nghiên cứu về sinh học từ (biomagnetism) Douglas Warrick, nghiên cứu về sự bay của chim (hummingbird và bồ câu)
Viêm ruột thừa là tình trạng đặc trưng bởi hiện tượng viêm của ruột thừa. Mặc dù các ca nhẹ tự khỏi mà không cần điều trị, viêm ruột thừa cần được phẫu thuật mở ổ bụng để lấy bỏ ruột thừa bị viêm. Tỉ lệ tử vong cao nếu không điều trị, chủ yếu do ruột thừa viêm bị vỡ gây viêm phúc mạc và sốc. Nguyên nhân Bệnh viêm ruột thừa thường xảy ra đối với các độ tuổi thanh thiếu niên và trẻ nhỏ từ 10 đến 30 tuổi, thậm chí có khi bệnh còn xảy ra với các bé từ 3 đến 4 tuổi và bệnh không lây lan, không bị theo di truyền. Nguyên nhân của bệnh thường không rõ ràng và thường chỉ có một số nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bị hiện tượng đau ruột thừa như sau: Lòng ruột thừa bị tắc nghẽn Bị nhiễm trùng ruột thừa Tắc nghẽn mạch máu ở ruột thừa. Nếu không điều trị, ruột thừa có thể bị hoại tử, vỡ ra, dẫn đến viêm phúc mạc, nhiễm khuẩn huyết và cuối cùng là tử vong. Dấu hiệu và triệu chứng Kiểu đau của viêm ruột thừa thường bắt đầu ở vùng quanh rốn trước khi khu trú ở hố chậu phải, trong lâm sàng gọi là hiện tượng đau chuyển. Thường đi kèm với chán ăn. Cũng thường có sốt, Hội chứng đáp ứng viêm hệ thống, Buồn nôn, nôn và tiêu chảy có thể có hoặc không, nhưng nếu có sẽ làm tăng khả năng chẩn đoán. Triệu chứng điển hình là đau và nhạy cảm ở hố chậu phải. Nếu phản ứng dội dương tính chứng tỏ có kích thích phúc mạc. Ổ bụng gồng cứng là dấu hiệu nghi ngờ cao cho viêm phúc mạc cần can thiệp phẫu thuật. Chẩn đoán Chẩn đoán dựa trên bệnh sử và khám thực thể, cùng với thử máu và các xét nghiệm chẩn đoán khác. Dấu hiệu thực thể điển hình của viêm ruột thừa là đau lan toả ở vùng rốn, và trở nên khu trú tại điểm McBurney nếu ruột thừa viêm tiếp xúc với phúc mạc thành. Điểm này nằm tại điểm 1/3 ngoài của đường nối gai chậu trước trên và rốn, hoặc khoảng bề rộng của bàn tay. Trường hợp bất thường về giải phẫu có thể không đau tại vị trí này. Xét nghiêm huyết học của bệnh nhân viêm ruột thừa có ba bất thường, gồm có bạch cầu >11000g/l, Neutrophil >80%, CRP(C reactive protein- một loại glycopritein do gan sản xuất khi bị viêm) gấp 4-6 lần bình thường. Siêu âm và chụp Doppler cũng là phương tiện phát hiện viêm ruột thừa, nhưng có thể bỏ sót một số trường hợp (khoảng 15%), đặc biệt là ở giai đoạn sớm khi chưa hình thành dịch, siêu âm hố chậu không cho thấy bất thường mặc dù đã có viêm ruột thừa. Tuy nhiên, hình ảnh siêu âm có thể giúp phân biệt viêm ruột thừa với bệnh cảnh khác có triệu chứng rất giống, được gọi là viêm hạch bạch huyết quanh ruột thừa. Ở những nơi có trang bị CT scan hay chụp cắt lớp, đây là phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng được ưa thích. Phim chụp cắt lớp CT scan thực hiện đúng quy cách có độ phát hiện (độ nhạy) hơn 95%. Ruột thừa viêm biểu hiện trên CT scan là hiện tượng mất tương phản (thuốc nhuộm đường uống) trong ruột thừa và dấu hiệu trương nở hay phù nề của ruột thừa, thường trên 6 mm ở mặt cắt ngang; ngoài ra còn có bằng chứng viêm được gọi là "xe sợi mỡ" ("fat stranding"). Siêu âm cũng đặc biệt có ích trong thăm dò nguyên nhân phụ khoa gây đau bụng ở một phần tư phải dưới ở phụ nữ mang thai vì CT scan không là phương pháp được lưa chọn trong trường hợp này. Nếu các triệu chứng và cân lâm sàng chưa rõ, không cho bệnh nhân ăn và theo dõi thêm để chẩn đoán được chính xác. Các phương pháp khác gồm thăm trực tràng bằng ngón tay (hay khám trực tràng qua đường hậu môn) - nếu đau ở phía phải (vị trí bình thường của ruột thừa), nó làm tăng khả năng chẩn đoán viêm ruột thừa. Các dấu hiệu khác dùng trong chẩn đoán viêm ruột thừa là dấu cơ thắt lưng-chậu (thường ở viêm ruột thừa sau manh tràng), dấu lỗ bịt (trong), dấu Blomberg và dấu Rovsing. Cũng cần phân biệt với các bệnh lý khác như bệnh lý phụ khoa với bệnh nhân nữ, sỏi niệu quản.... Điều trị Phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa là phương pháp điều trị chính. Nếu ruột thừa chưa bị vỡ thì tiến hành phẫu thuật bằng phương pháp nội soi, còn ruột thừa đã bị vỡ giải phóng ổ viêm ra ổ bụng thì cần tiến hành mổ rạch. Phẫu thuật qua nội soi đang được ưa chuộng, phương pháp này thầm mỹ và hồi phục nhanh hơn mổ thường (rạch da macburney). Kháng sinh đường tĩnh mạch được dùng để tiêu diệt vi khuẩn còn sót lại và vì vậy làm giảm hiện tượng viêm. Vài lưu ý sau phẫu thuật mổ viêm ruột thừa Tránh hoạt động gắng sức Hạn chế hoạt động quanh vùng vừa được phẫu thuật Sau ca phẫu thuật sử dụng thuốc giảm đau mà không thấy hiệu quả thì cần gọi bác sĩ Hạn chế, lưu ý và cẩn thận trong việc đi lại và di chuyển Không nên thức khuya Hạn chế chơi thể thao trong vòng 2 đến 4 tuần sau ca mổ Tiên lượng Hầu hết bệnh nhân viêm ruột thừa hồi phục nhanh chóng với điều trị, nhưng có thể xảy ra biến chứng nếu điều trị chậm trễ hoặc nếu bị viêm phúc mạc thứ phát do thủng ruột thừa. Thời gian hồi phục phụ thuộc vào tuổi, cơ địa, biến chứng và các tình huống khác, nhưng thường khoảng 10 đến 28 ngày. Sự đe doạ tính mạng do viêm phúc mạc là lý do tại sao viêm ruột thừa cần được điều trị khẩn cấp. Đôi khi phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa được tiến hành bên ngoài bệnh viện có trang bị phù hợp nếu việc di chuyển bệnh nhân là không khả thi do vấn đề thời gian.
Simple DirectMedia Layer (thường được viết tắt là SDL) là một thư viện lập trình có khả năng trừu tượng hóa các phần cứng đồ họa, âm thanh hay thiết bị vào và ra. Thư viện này giúp các lập trình viên viết các chương trình giải trí hay các ứng dụng đa phương tiện (multimedia) trên nhiều hệ điều hành khác nhau như: GNU/Linux, Windows, Mac OS Classic, Mac OS X, BeOS và một vài hệ điều hành không chính thức khác. Qua thư viện này, lập trình viên có thể điều khiển phần hiển thị, sự kiện, âm thanh, ổ dĩa CD-ROM, thread và đồng hồ đo giờ. Lịch sử Sam Lantinga là người tạo ra thư viện này vào năm 1998, lúc ông còn làm cho hãng Loki Software. Ông nảy ra ý định này khi mang các chương trình Windows vào môi trường Macintosh. Sau đó ông dùng thư viện này để đem chương trình giải trí Doom sang hệ điều hành BeOS (Xem mã nguồn của chương trình Doom). Một vài thư viện tự do khác như SMPEG và OpenAL có thể hoạt động chung với SDL. SDL được chia thành nhiều hệ thống con (subsystem) như: Video, Audio, CD-ROM, Joystick và Timer. Bên cạnh những hệ thống con cơ bản này, do đây là thư viện cấp thấp, còn có một số thư viện chính thức riêng biệt, cung cấp các chức năng khác. Bao gồm: SDL_image: cung cấp các hàm để đọc các định dạng ảnh phổ biến ngày nay như: JPEG, PNG, BMP... SDL_mixer: các hàm audio dùng để hòa âm (mixing) hay đọc các tập tin âm thanh hay nhạc như: WAV, OGG, MP3 SDL_net: hỗ trợ lập trình mạng đa hệ điều hành SDL_ttf: hỗ trợ hiển thị các phông chữ TTF (true type font) SDL_rtf: hỗ trợ hiển thị định dạng RTF đơn giản Sơ lược Đây là thư viện đa phương tiện, đa nền tảng (cross-platform), được thiết kế để cung cấp sự truy cập ở mức cấp thấp đến âm thanh, hình ảnh, bàn phím, chuột, cần điều khiển game (joystick), phần cứng 3D (3D hardware)... thông qua OpenGL và 2D video framebuffer. SDL hỗ trợ các hệ điều hành như Linux, Windows, Windows CE, BeOS, MacOS, MacOS X, FreeBSD, NetBSD, OpenBSD, BSD/OS, Solaris, IRIX và QNX. Ngoài ra còn hỗ trợ một số hệ điều hành khác như: AmigaOS, Dreamcast, Atari, AIX, OSF/Tru64, RISC OS, SymbianOS và OS/2 nhưng không chính thức. Thư viện SDL được viết bằng C chuẩn, nhưng hỗ trợ tốt với C++ và nhiều ngôn ngữ lập trình khác như: Ada, C#, Eiffel, Erlang, Euphoria, Guile, Haskell, Java, Lisp, Lua, ML, Objective C, Pascal, Perl, PHP, Pike, Pliant, Python, Ruby và Smalltalk. Kiến trúc SDL thật sự là một gói bao bọc (wrapper) xung quanh các chức năng xác định của hệ điều hành. Mục đích chính của SDL là lập thành một giao diện lập trình cốt lõi đa hệ điều hành phổ biến cho việc truy cập chức năng đa phương tiện. Do cách thiết kế của SDL, hầu hết mã nguồn của thư viện được tách thành nhiều phần cho từng hệ điều hành. Khi SDL được biên dịch cho một hệ điều hành, các phần thích hợp được chọn cho hệ điều hành đó. Trong sơ đồ, đối với hệ điều hành Windows, SDL thật sự bao bọc xung quanh DirectX. Phiên bản cũ của SDL sử dụng DirectX 5. Phiên bản ổn định hiện tại của SDL sử dụng DirectX 7. Trong môi trường đồ họa X11, bao gồm Linux, SDL sử dụng Xlib để giao tiếp với hệ thống X11 khi làm việc với đồ họa và sự kiện. Thí dụ bằng ngôn ngữ C Dưới đây là một chương trình rất đơn giản dùng thư viện SDL. Nó khởi động các hệ thống đa phương tiện, đợi 2 giây rồi sau đó nó đóng thư viện SDL và trở về hệ điều hành. // Dùng các hàm của thư viện SDL #include "SDL.h" // Hàm chính int main(int argc, char* argv[]) { // Khởi động thư viện SDL if(SDL_Init(SDL_INIT_EVERYTHING) == -1) return(1); // Đợi 2 giây SDL_Delay(2000); // Thoát khỏi SDL SDL_Quit(); // Trở về hệ điều hành return 0; } bộ sưu tập
Kinh nguyệt là tập hợp các thay đổi sinh lý lặp đi lặp lại ở cơ thể phụ nữ dưới sự điều khiển của hệ hormone sinh dục và cần thiết cho sự sinh sản. Ở phụ nữ, chu kỳ kinh nguyệt điển hình xảy ra hàng tháng giữa thời kỳ dậy thì và mãn kinh. Trong chu kỳ kinh nguyệt, cơ thể phụ nữ trưởng thành về giới tính phóng thích một trứng (đôi khi 2 trứng, có thể dẫn đến hình thành 2 hợp tử và sinh đôi khác trứng) vào giai đoạn phóng noãn (rụng trứng). Trước khi phóng noãn, nội mạc tử cung, bao phủ bề mặt tử cung, được xây dựng theo kiểu đồng bộ hoá. Sau khi phóng noãn, nội mạc này thay đổi để chuẩn bị cho trứng thụ tinh làm tổ và hình thành thai kỳ. Nếu thụ tinh và thai kỳ không xảy ra, tử cung loại bỏ lớp nội mạc và chu kỳ kinh mới bắt đầu. Quá trình loại bỏ nội mạc được gọi là hành kinh và biểu hiện ra bên ngoài là kinh khi phần nội mạc tử cung và các sản phẩm của máu ra khỏi cơ thể qua âm đạo. Mặc dù nó thường được gọi là máu, nhưng thành phần của nó khác với máu tĩnh mạch. Hành kinh là dấu hiệu người phụ nữ không mang thai. (Tuy nhiên, điều này không chắc chắn vì đôi khi có hiện tượng chảy máu trong giai đoạn sớm của thai kỳ.) Trong tuổi sinh sản, không hành kinh là dấu hiệu đầu tiên nghi vấn một phụ nữ có thể có thai. Trễ kinh là khi giai đoạn hành kinh theo mong đợi đã đến nhưng không xảy ra, và người phụ nữ có thể đã thụ thai. Hành kinh là hiện tượng bình thường của tiến trình tự nhiên theo chu kỳ xảy ra ở phụ nữ khoẻ mạnh giữa tuổi dậy thì và cuối tuổi sinh sản. Tuổi trung bình của hành kinh lần đầu là 12 tuổi, nhưng có thể xảy ra bất cứ lúc nào từ 8 đến 16 tuổi.Lần kinh cuối, mãn kinh, thường xảy ra vào giữa độ tuổi 45 và 55. Lệch khỏi mẫu hình này cần được quan tâm về y khoa. Vô kinh chỉ một giai đoạn dài mất kinh không do thai kỳ ở phụ nữ trong tuổi sinh sản, thí dụ ở phụ nữ có lượng mỡ cơ thể rất thấp, như vận động viên, có thể bị ngưng hành kinh. Sự hiện diện của kinh nguyệt không chứng minh rụng trứng đã xảy ra, và người phụ nữ không rụng trứng vẫn có thể có chu kỳ kinh nguyệt. Các chu kỳ kinh nguyệt không rụng trứng có khuynh hướng diễn ra không đều và biểu hiện độ dài chu kỳ dao động lớn hơn. Ngoài ra, không hành kinh cũng không chứng minh rụng trứng đã không xảy ra, vì những bất thường về hormone ở phụ nữ không mang thai có thể ức chế hiện tượng chảy máu. Từ nguyên Kinh: trải qua, từng qua. Nguyệt: tháng. Việt-Nam Tự-Điển định nghĩa "kinh nguyệt" là "sự thấy tháng" ở phụ nữ. Tổng quan Kinh nguyệt bình thường kéo dài vài ngày, thường 3 đến 5 ngày, nhưng một số trường hợp 2 đến 7 ngày cũng được xem là bình thường. Chu kỳ kinh nguyệt lý tưởng là 28 ngày kể từ ngày đầu tiên của một chu kỳ có kinh đến ngày đầu tiên của chu kỳ tiếp theo. Chu kỳ kinh nguyệt bình thường ở phụ nữ trưởng thành nằm trong khoảng 21 đến 35 ngày. Đối với thiếu nữ thì có sự dao động rộng hơn thường trong khoảng 21 đến 45 ngày. Các biểu hiện kinh nguyệt xuất hiện trong thời gian khi có kinh như đau ngực, sưng, đầy hơi, mụn trứng cá là các molimina tiền kinh nguyệt. Thể tích trung bình của chất lỏng kinh nguyệt trong một chu kỳ hàng tháng là 35 ml với 10–80 ml được coi là điển hình. Chất lỏng kinh nguyệt được gọi chính xác là dòng kinh nguyệt, mặc dù nhiều người hay gọi nó là máu kinh. Chất lỏng kinh nguyệt thực tế có chứa một ít máu, cũng như chất nhầy cổ tử cung, âm đạo và các mô nội mạc cổ tử cung. Chất lỏng kinh nguyệt có màu nâu đỏ, hơi đậm hơn so với máu tĩnh mạch. Nhiều phụ nữ trưởng thành cũng thấy xuất hiện máu cục trong khi hành kinh. Các cục này như những cục máu trông giống như mô. Nếu có thắc mắc (ví dụ như có sẩy thai hay không?), thì việc kiểm tra dưới kính hiển vi sẽ xác nhận liệu nó có phải là các mô nội mạc tử cung hay các mô thai (đã thụ thai) đã bị thải ra. Đôi khi máu cục hoặc mô nội mạc tử cung thải ra không phản ánh đúng sẩy thai của phôi trước thời hạn. Một enzyme có tên gọi là plasmin – chứa nội mạc tử cung – có khuynh hướng ức chế máu từ máu đông. Lượng sắt bị mất trong chất lỏng kinh nguyệt tương đối nhỏ so với hầu hết phụ nữ. Theo một nghiên cứu, phụ nữ tiền mãn kinh thể hiện các triệu chứng thiếu sắt khi nội soi. 86% trong số họ thật sự đã có bệnh đường tiêu hóa và có nguy cơ bị chẩn đoán nhầm đơn giản chỉ vì họ đang có kinh. Chảy máu nhiều xuất hiện hàng tháng có thể dẫn đến tình trạng thiếu máu. Kỳ kinh nguyệt đầu tiên xuất hiện ngay sau khi bắt đầu phát triển dậy thì. Tuổi có kinh thường bắt đầu khoảng 12–13 (xảy ra sớm hơn ở các bé gái Mỹ gốc Phi so với người da trắng châu Âu), nhưng thường có thể xuất hiện ở tuổi 9 đến 15. Có kinh sớm hoặc chậm nên được kiểm tra; nhiều nguồn tài liệu cũ hơn cho thấy rằng nên kiểm tra nếu kỳ kinh đầu tiên xuất hiện trước 10 tuổi hoặc muộn hơn sau 16 tuổi, trong khi các tài liệu mới hơn dựa trên nhiều chứng cứ hơn thì cho rằng nên kiểm tra nếu kỳ kinh đầu tiên xuất hiện trước 9 tuổi, hoặc nếu không có ở tuổi 15, nếu không có sự phát triển của ngực ở tuổi 13, hoặc nếu không có chu kỳ trong vòng 3 năm sau khi ngực phát triển. Mãn kinh là khi khả năng thụ tinh (sinh sản) ở phụ nữ giảm, và kinh nguyệt có thể xảy ra không thường xuyên trong nhiều năm kể từ kỳ kinh nguyệt cuối cùng, khi phụ nữ ngừng kinh nguyệt hoàn toàn và không còn thụ tinh nữa. Định nghĩa của ngành y về thời kỳ mãn kinh là trong một năm mà không có kỳ nào, và thường xuất hiện ở lứa tuổi cuối 40 và đầu 50 ở các quốc gia phương Tây. Cơ chế chu kỳ kinh sinh lý Một chu kỳ kinh nguyệt bình thường được chia làm 2 pha, pha nang noãn và pha hoàng thể. Pha nang noãn Hành kinh (sạch kinh): Ngày đầu tiên của chu kỳ kinh (Tức là ngày đầu tiên ra máu âm đạo) được xem là ngày 01. Pha hành kinh thường kéo dài từ 03 - 05 ngày, giai đoạn này nội mạc tử cung bong tróc liên tục cho sự sụt giảm của hormone sinh dục, ngày ngừng ra máu sẽ kết thúc pha này, khi đó nội mạc tử cung sẽ mỏng nhất và pha thứ 2, phát triển nội mạc bắt đầu. Phát triển nội mạc: Sau khi sạch kinh, trục hạ đồi tuyến yên của cơ thể sẽ bắt đầu hoạt động mạnh trở lại, vùng hạ đồi sẽ phóng thích từng đợt GnRH (Gonadotropin releasing hormone) GnRH sẽ kích thích thùy trước tuyến yên tiết ra hai hormone là FSH và LH. Dưới tác dụng của FSH, các nang noãn ở buồng trứng sẽ phát triển và chế tiết Estrogen (E2), E2 có tác dụng: Ức chế ngược sự tiết FSH, làm cho nồng độ FSH thấp dần trong máu, dẫn đến chỉ có một nang noãn "giành" được nhiều FSH nhất mới có thể phát triển cuối cùng thành nang noãn trưởng thành, điều này giúp giới hạn số noãn nang được phóng ra (thường được quen gọi là rụng trứng) vào mỗi chu kỳ. Phát triển nội mạc tử cung, E2 giúp nội mạc dày lên, các mạch máu tăng sinh, ngoài ra còn giúp tổng hợp các thụ thể với Progesterone. Khi nồng độ E2 đạt một ngưỡng nhất định, nó sẽ kích thích tuyến yên phóng thích một nồng độ rất cao LH vào máu và dẫn sự phóng noãn (thường vào giữa chu kỳ), đây là dấu mốc kết thúc pha nang noãn, chuyển sang pha hoàng thể. Pha hoàng thể. Sau khi phóng noãn, "tàn dư" của nang noãn vừa được phóng trên buồng trứng co cụm lại, mạch máu nuôi phát triển, lượng cholesterol tăng lên, hình thành một cấu trúc mới được gọi là hoàng thể, cấu trúc này chế tiết E2 và Progesterone (P4) được duy trì nhờ hormone LH hoặc beta-hCG. Tác dụng của P4: Ổn định nội mạc tử cung, các mạch máu trở nên xoắn, bám sâu và cung cấp máu hiệu quả hơn, nội mạc trở nên lý tưởng cho sự thụ tinh. Ức chế ngược quá trình chế tiết LH ở tuyến yên và GnRH từ tuyến yên, làm nồng độ LH giảm dần và dẫn đến sự suy giảm của chính P4 do không còn LH duy trì hoàng thể. Diễn tiến tiếp theo sẽ tùy thuộc vào có thụ tinh hay không, nếu không có hiện tượng thụ tinh, LH sẽ suy giảm do sự ức chế của nồng độ P4 được tiết ra bởi hoàng thể, điều này dẫn đến sự tiêu hoàng thể, kéo theo sự sụt giảm của E2 và P4, nội mạc tử cung không còn được duy trì bằng E2 và P4 nữa, sự sụp đổ diễn ra, từng mảng của nội mạc sẽ bong tróc ra, quá trình hành kinh và ngày 01 của chu kỳ mới sẽ lại bắt đầu. Nếu trường hợp có thụ tinh, LH vẫn sụt giảm do ức chế của Progesterone, nhưng hoàng thể sẽ được duy trì bằng beta-hCG (human chorionic gonadotropin) tiết ra bởi hợp bào nuôi của phôi thai (thường vào ngày 8 - 10 của thụ tinh), chu kỳ kinh nguyệt sẽ bị chặn đứng cho đến khi thai kỳ kết thúc và trục hạ đồi tuyến yên hoạt động trở lại.
Pierre Érienne Bézier (1 tháng 9 năm 1910 – 25 tháng 11 năm 1999) là một nhà kĩ sư Pháp, người tạo ra đường cong Bézier và mặt phẳng Bézier nền tảng cho các thiết kế hỗ trợ máy tính và hệ thống tạo hình máy tính. Sinh tại Paris, Bézier lấy bằng kĩ sư cơ khí ở École nationale supérieure d'arts et métiers năm 1930. Ông lấy thêm bằng điện tử năm 1931 tại École Supérieure d'Électricité, và lấy bằng tiến sĩ năm 1977 về toán tại Đại học Paris. Ông làm việc cho Renault từ 1933 đến 1975, nơi ông phát triển hệ thống CAD-CAM Unisurf. Từ 1968 đến 1979 ông là giáo sư về kĩ thuật sản xuất tại Conservatoire national des arts et métiers. Năm 1985, ông được công nhận bởi ACM SIGGRAPH với giải thưởng 'Steven A. Coons' cho các cống hiến trong đời ông về họa hình vi tính và kĩ thuật tương tác.
Joseph-Armand Bombardier (16 tháng 4 năm 1907  18 tháng 2 năm 1964) là nhà phát minh người Canada và nhà doanh nghiệp, người phát minh ra xe trượt tuyết (snowmobile) và người thành lập công ty Bombardier. Ông tạo ra mẫu hình đầu tiên năm ông 15 tuổi. Ông bắt đầu bằng việc mở một gargage ở Valcourt, một thành phố nhỏ phía đông-nam của Montréal, năm 1926, sửa xe hơi và bán xăng trong các mùa không có tuyết, và bắt đầu có kế hoạch xây dựng kế hoạch xây dựng xe trượt tuyết trong mùa tuyết đầy. Trước Thế chiến thứ 2 và suốt trong thập niên 1940, chính quyền Québec không cho xe dọn tuyết xung quanh các đường ngoại ô Valcourt và các tỉnh lân cận. Người dân địa phương cất các xe hơi và các xe tải nhẹ của họ mà dùng đến xe ngựa kéo khi các xe tải lớn không có. Các cơn tuyết lớn đã làm cho bác sĩ không thể thăm bệnh nhân cũng như người có công việc quan trọng không thể làm gì trong khu vực, Bombardier xem đó là một thách thức. Phần lớn Bombardier tự học, sửa chữa đồ, đọc sách và ghi chú. Ông là thiên tài về cơ khí và có tham vọng làm cho các tháng mùa đông trở nên dễ dàng di chuyển như các mùa khác. Xe trượt tuyết đầu tiên trong tuổi thiếu niên của ông là một thiết bị trượt bề mặt với máy đẩy. Tiểu sử và quá trình hoạt động Joseph Armand Bombardier sinh ra ở Valcourt, từ năm 16 tháng 4 năm 1907 đến 18 tháng 2 năm 1964. Ông là nhà phát minh người Québec. Sang chế được nhiều máy móc và nhất là ông là người cho ra đời chiếc xe mô tô trượt tuyết đầu tiên. Joseph sinh ra trong 1 gia đình đông đúc tại thành phố ValCourt, thuộc tiểu bang Québec. Các an hem trong gia đình đã giúp ông điều hành công ty. Nhờ vậy, ông đã có thời gian tập trung trong công việc nghiên cứu và phát minh. 19 tuổi, Ông tự tay mở xưởng xe, nơi đây, vào mùa hè, ông sửa chữa xe hơi và bán xăng lẻ. Mùa đông, ông nghĩ ra một ý tưởng làm thế nào để có một chiếc xe đặc biệt có khả năng đi trên tuyết một cách dễ dàng. Trước năm 1948, mùa đông chính phủ Québec không dọn tuyết trên các con đường của những thành phố nhỏ. Vì thế, cứ đến mùa đông, người ta hay thấy cảnh người dân phải để xe hơi của họ trong nhà vì không thể di chuyển được khi gặp thời tiết xấu. Các bác sĩ gia đình, cũng như những ai cần phải di chuyển một cách nhanh chóng, không thể đi lại một cách dễ dàng chỗ họ muốn được. Trong một cơn bão tuyết mùa đông, Bombardier mất đi một người con trai vì anh ta không thể đi bệnh viện khi tiết trời rất xấu. Sự kiện buồn này, lại càng là nguồn động viên cho Bombardier về ý tưởng phát minh của mình. Bombardier đa phần đã tự học một mình, ông tự học đọc, tự học viết và tự tìm tòi sửa chữa những gì mà ông có thể trong quá trình mở xưởng. Luôn có niềm đam mê một ngày nào đó có thể phát minh chiếc máy mà ông dự kiến. Mùa đông năm 1936- 1937, Bombardier bán những chiếc xe đi tuyết đầu tiên với tên sản phẩm là: B7. B tức Bombardier và 7 có nghĩa là 7 chỗ ngồi. B7 đã đăng kí độc quyền sáng chế tên Barbotin-Chenille(năm 1937). Sáng kiến mới của Bombardier là ở chỗ: ông tạo ra một hệ thống khớp rằng được bao bọc bởi cao su đặc biệt, kết hợp với bộ dây xích tạo sự liên kết chắc chắn cho bánh xe, để chúng có thể chuyển động trong bão tuyết một cách dễ dàng. Hệ thống này của Bombardier là một hệ thống hiệu quả nhất so với những phát minh khác có thể sáng chế cùng thời, như các phát minh sử dụng dây xích bằng kim loại. Năm 1940, ông mở xí nghiệp đầu tiên với sức bán là 200 sản phẩm/ 1 năm. B7 là một thành tựu, nhưng vẫn chưa đủ đối với nhà phát minh. Trong khi tìm tòi để cải thiện B7, Bombardier nhận thấy rằng khi bánh xe quay, thỉnh thoảng vẫn có tuyết tích tụ trong bánh xe. Vì vậy, năm 1941, Bombardier đã cho ra đời chiếc B12. Chiếc này có thể vận chuyển được đến 12 người. Sản phẩm này ngày càng bán chạy, cho đến khi chiến tranh thế giới xảy ra tại canada. Trong chiến tranh, Bombardier ngừng sản xuất cho các đơn vị cá thể, mà ông cung cấp dịch vụ và sản phẩm của mình cho quân đội nhà nước canada và các nước đồng minh. Sau năm 1948, chính phủ Québec quyết định dọn tuyết thông đường trên các thành phố nhỏ khi mùa đông về. Vì đường thông thoáng, ít ai gặp khó khăn khi đi lại.Bombardier đã mất rất nhiều khách hàng. Ông quyết định xoay sang sản xuất phương tiện vận chuyển khác như phương tiện vận chuyển đường thủy và đường bộ… Thời ấy, Muskeg là phương tiện vận tải nặng được biết đến trong ngành lâm nghiệp. Không hài lòng với nhà cung cấp cao su cho bánh xe của Muskeg, Bombardier bắt đầu sản xuất sản phẩm cho riêng công ty ông. Nhờ vào đấy, trên đường tìm tòi phát minh sản phẩm cao su cho bánh xe của mình, ông đã sáng chế ra chiếc mô tô đi trên tuyết do 1 hoặc 2 người điều khiển. Thời gian đầu, sản phẩm bán ra còn thấp, khoảng 200 chiếc mỗi năm. Nhưng sau khi ông mất năm 1964, sức bán tiếp tục tăng và lên đến 8200 chiếc hàng năm. Ngày nay, Bombardier là 1 hãng công ty lớn có tiếng ở canada về lĩnh vực chuyên chở như sản xuất máy bay, tàu thủy, xe đi tuyết, xe lửa..v..v… Tôn vinh Một đại lộ của thành phố Montréal tên là Joseph Armand Bombardier. Ngày 11 tháng 9 năm 1971, một viện bảo tàng được khánh thành ở Valcourt nơi ông sinh ra và lấy tên của nhà phát minh này Đầu năm 1990, Bombardier được bầu làm nhà khoa học giải Panthéon Tháng 3 năm 2000., chính phủ canada đã chọn một trong số các tem bưu điện có tên nhà bác học này. Ngày 28 tháng 9 năm 2004, đường cao tốc số 55 mang tên Joseph Armand Bombardier.
Trong hình học phẳng Euclid, một tứ giác là một đa giác gồm 4 cạnh và 4 đỉnh, trong đó không có bất kỳ 2 đoạn thẳng nào cùng nằm trên một đường thẳng. Tứ giác đơn có thể lồi hay lõm. Tứ giác có các đỉnh , , và đôi khi được ký hiệu là . Tổng các góc trong của tứ giác đơn bằng 360 độ, tức là: + + + = . Tứ giác đơn Bất kỳ tứ giác không có 2 cạnh không kề nhau nào cắt nhau là một tứ giác đơn. Tứ giác lồi Trong một tứ giác lồi, tất cả các góc trong đều nhỏ hơn 180° và hai đường chéo đều nằm trong tứ giác. Một khái niệm phổ biến hơn là tứ giác luôn nằm gọn trên một nửa mặt phẳng có bờ chứa bất kỳ cạnh nào của nó thì đó là tứ giác lồi. Tứ giác không đều: không có cặp cạnh nào song song với nhau. Tứ giác không đều thường được dùng để đại diện cho tứ giác lồi nói chung (không phải là tứ giác đặc biệt). Hình thang: có ít nhất 2 cạnh đối song song và bao gồm cả hình bình hành. Hình thang cân: có 2 cạnh đối song song và các góc kề với một cạnh đáy bằng nhau. Các định nghĩa khác là một tứ giác với một trục đối xứng chia đôi hình thành hai mặt đối nhau, hoặc hình thang với 2 đường chéo bằng nhau. Hình bình hành: có 2 cặp cạnh đối song song một tứ giác với hai cặp song song. Điều kiện tương đương là các cạnh đối bằng nhau, góc đối thì bằng nhau, đường chéo cắt nhau tại trung điểm mỗi đường. Hình bình hành bao gồm hình thoi (bao gồm cả các hình chữ nhật chúng ta gọi là hình vuông) và hình gần thoi (bao gồm cả những hình chữ nhật chúng ta gọi là hình thuôn). Nói cách khác, các hình bình hành bao gồm tất cả các hình thoi và tất cả các hình gần thoi, và do đó cũng bao gồm tất cả các hình chữ nhật. Hình thoi: là hình có 4 cạnh bằng nhau; điều kiện tương đương là 2 đường chéo vuông góc tại trung điểm mỗi đường. Hình thoi là một trường hợp đặc biệt của cả hình diều và hình bình hành. Hình gần thoi: các cạnh kề không bằng nhau và không có góc vuông. Hình gần thoi thường được dùng để đại diện cho hình bình hành nói chung (không phải hình thoi hay hình chữ nhật). Hình chữ nhật: tất cả các góc đều là góc vuông. Một điều kiện tương đương là 2 đường chéo cắt nhau và chiều dài bằng nhau. Hình chữ nhật bao gồm hình vuông và hình thuôn. Hình vuông: có bốn cạnh bằng nhau và 4 góc bằng nhau (góc vuông). Các điều kiện tương đương là các cạnh đối song song (hình vuông là một hình bình hành), các đường chéo vuông góc tại trung điểm mỗi đoạn và có cùng chiều dài. Một tứ giác là một hình vuông khi và chỉ khi nó là một hình thoi (4 cạnh bằng nhau) và một hình chữ nhật (bốn góc bằng nhau). Hình thuôn: là một thuật ngữ đôi khi được sử dụng để biểu thị một hình chữ nhật có các cạnh kề không bằng nhau (tức là hình chữ nhật không phải là hình vuông). Hình diều: có hai cạnh kề bằng nhau và 2 cạnh còn lại bằng nhau; đồng nghĩa với 1 cặp góc đối bằng nhau và các đường chéo vuông góc, đối xứng qua một đường chéo. Hình diều bao gồm cả hình thoi. Hình thang vuông: có một góc vuông. Tứ giác nội tiếp: có 4 đỉnh nằm trên đường tròn ngoại tiếp. Tứ giác ngoại tiếp: tứ giác có 4 cạnh tiếp xúc với đường tròn nội tiếp. Hình diều vuông: hình diều có hai góc vuông đối nhau. Nó là một dạng của tứ giác nội tiếp. Tứ giác lõm Trong một hình tứ giác lõm (tứ giác không lồi), một góc trong có số đo lớn hơn 180° và một trong hai đường chéo nằm bên ngoài tứ giác. Tứ giác kép Một tứ giác có 2 cạnh cắt nhau được gọi là một tứ giác kép. Phân loại Sự phân loại các tứ giác được minh họa trong biểu đồ dưới đây. Các dạng ở mức thấp hơn là trường hợp đặc biệt của các dạng nằm ở mức trên.
Trường Trung học phổ thông chuyên Thái Bình là một trường trung học phổ thông công lập có nhiều thành tích của tỉnh Thái Bình. Trường được thành lập vào ngày 15 tháng 6 năm 1988 dưới sự chỉ đạo của chủ tịch tỉnh Thái Bình khi đó là ông Lưu Hải Tuyến. Trường ban đầu chỉ tổ chức các lớp chuyên Toán nhưng sau đó đã tổ chức thêm nhiều bộ môn khác. Hiệu trưởng hiên nay là ông Nguyễn Văn Dũng. Thành lập và phát triển Trước thành lập (1968-1988) Từ năm 1968-1972, hai khóa chuyên Toán cấp III đầu tiên của Thái Bình được triệu tập và đặt tại trường cấp III thị xã Thái Bình (nay là trường THPT Lê Quý Đôn thành phố Thái Bình) theo Quyết định số 264/QĐ ngày 10/10/1968 của UBHC tỉnh Thái Bình. Từ năm 1974-1988, các khóa chuyên Toán được tái lập tại trường cấp III Nam Thư Trì (nay là trường THPT Nguyễn Trãi huyện Vũ Thư). Từ năm 1984-1988, các khóa chuyên Ngữ Văn, tiếng Nga được mở tại trường THPT Lê Quý Đôn. Thành lập và phát triển (1988-nay) Tháng 9 năm 1988, trường THPT Chuyên Thái Bình chính thức được thành lập theo Quyết định số 463/QĐ-UB ngày 15/9/1988 của UBND tỉnh Thái Bình trên cơ sở tập hợp hai nhóm học sinh chuyên Toán, chuyên Văn-Nga được hình thành từ năm 1968 và 1984 đặt tại hai trường cấp III thị xã Thái Bình (nay là THPT Lê Quý Đôn) và cấp III Nam Thư Trì (nay là THPT Nguyễn Trãi). Ngày đầu thành lập, trường có 24 thầy cô, 195 học sinh thuộc 8 lớp và cơ sở trường lớp chỉ là hai dãy nhà nhỏ vốn là nơi làm việc của Ban tuyển sinh tỉnh Thái Bình. Nhưng cũng từ những cơ sở ban đầu còn khiêm tốn ấy, dưới sự chăm lo giảng dạy của các nhà giáo tâm huyết, tinh thông và yêu nghề, sự nỗ lực vươn lên không biết mệt mỏi của các thế hệ học sinh, trường THPT Chuyên Thái Bình đã từng bước đi lên khẳng định vị thế của mình trước Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh bằng nhiều thành tích đáng ghi nhận. Sau khi thành lập, trong những năm tiếp theo trường dần có các thêm lớp chuyên khác: Tin, Lý, Hoá, Sinh, Sử, Địa, Anh, Pháp bên cạnh những lớp không chuyên. Năm 1993, trường THPT Chuyên Thái Bình được tiếp nhận cơ sở cũ của Ban cơ khí nông nghiệp tỉnh Thái Bình tại số 194 Lý Thường Kiệt – thành phố Thái Bình rồi trong hơn 20 năm sau đó đã từng bước được cải tạo, xây dựng thêm một số dãy nhà. Bên cạnh đó, nhà trường được tiếp nhận một phần cơ sở của Công ty xây lắp làm khu ký túc xá. Năm 2014, hệ THPT Chuyên của tỉnh Thái Bình đã được 46 tuổi và trường THPT Chuyên Thái Bình đã ở tuổi 26 với hơn 100 cán bộ, giáo viên, công nhân viên và gần 1.500 học sinh thuộc 39 lớp. Sau hơn 20 năm sử dụng, ngôi trường cũ đã xuống cấp trầm trọng, vào tháng 9 năm 2015, Trường THPT Chuyên Thái Bình được chuyển tới cơ sở mới khang trang hơn tại số 368A đường Phan Bá Vành, phường Quang Trung, thành phố Thái Bình. Cơ cấu tổ chức Hệ chuyên Trường THPT Chuyên Thái Bình bao gồm 9 bộ môn chuyên là: Chuyên Toán Chuyên Vật lý Chuyên Hóa học Chuyên Sinh học Chuyên Tin Học Chuyên Ngữ văn Chuyên Lịch sử Chuyên Địa lý Chuyên tiếng Anh Ban Giám hiệu Thành tích học tập và nghiên cứu Cựu học sinh đáng chú ý Hoàng Tùng: PSG.TS, Hiệu phó Đại học Xây dựng Chú thích
Ivan Sutherland (sinh năm 1938) là một người kĩ sư, giáo sư và là nhà doanh nghiệp. Nhiều người cho rằng Ivan Sutherland là nhà tiên phong thời đại. Ông đã phá vỡ nhiều rào cản tri thức trong lĩnh vực máy tính và vẫn đang tiếp tục. Sự tìm tòi phát hiện vấn đề làm sao mà mọi vật đều hoạt động và tình yêu cho việc lý giải các vấn đề đã đưa ông đi xa. Niềm đam mê của Sutherland về máy tính bắt đầu từ khi ông học trung học trong thập niên 1950, ông học lập trình về chương trình nền. Máy tính các loại vào thời điểm đó rất khan hiếm, điều này mãi lâu sau đó học sinh trung học mới tiếp cận. Sutherland học điện tử ở Học viện kĩ thuật Carnegie (sau này là Đại học Carnegie-Mellon), lấy bằng thạc sĩ ở Học viện kĩ thuật California (Caltech), lấy bằng tiến sĩ ở Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Năm 1963, luận án tiến sĩ: "Sketchpad. a Man machine graphical communication system" làm phương tiện vẽ cho sinh viên trên màn hình máy tính hiện thực đầu tiên. Vì điều này mà Sutherland được xem là cha đẻ của ngành đồ họa máy tính. Là một phó giáo sư tại Đại học Havard, ông đã phát triển hệ thống head-mounted display. Ý tưởng rất đơn giản: máy tính cho người dùng chính xác với mọi góc độ, mà chúng ta ngày nay gọi là hiện thực ảo (virtually reality). Để xây dựng hệ thống đầu tiên, ông cùng học trò đã phát minh tất cả mọi thứ từ dụng cụ đo đến các hàm số để triệt tiêu vật liệu ngoài tầm nhìn của người dùng. Năm 1968 Sutherland cùng David Evans thành lập công ty A&E, chuyên sản xuất hoạt hình, cung cấp các hình ảnh để đào tạo phi công. Ông hiện đồng thời là giáo sư tại Đại học Utah.
Trường Trung học Phổ thông Chuyên Lê Hồng Phong, Thành phố Hồ Chí Minh (tên tiếng Anh là Le Hong Phong High School for The Gifted) là một trường trung học phổ thông công lập tại quận 5, thành phố Hồ Chí Minh. Trường được thành lập năm 1927 và là một trong những trường Trung học đầu tiên được thực dân Pháp thành lập tại Sài Gòn, với tên ban đầu là Trường Trung học Pétrus Trương Vĩnh Ký (tên gọi này được Pháp đặt ra nhằm ghi danh của Trương Vĩnh Ký, một học giả Việt Nam). Sau năm 1975 thì trường đổi tên thành THPT Chuyên Lê Hồng Phong, theo tên của một trong những Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây được xem là một trong 5 trường Trung học Phổ thông chuyên có chất lượng giáo dục tốt nhất miền Nam hiện nay. Lịch sử Hình thành Sau sự ra đời của trường Collège Chasseloup-Laubat (năm 1874) và trường Collège de Jeunes Filles Indigènes (1915), chính quyền thuộc địa Nam Kỳ mở thêm trường trung học tại Sài Gòn. Năm 1925, kiến trúc sư Hebrard de Villeneuve được giao nhiệm vụ vẽ đồ họa xây cho ngôi trường mới tại Chợ Quán. Ngày 28 tháng 11 năm 1927, Toàn quyền Đông Dương Alexandre Varenne ra nghị định thiết lập tại Chợ Quán một phân hiệu tạm thời của Collège Chasseloup Laubat dành cho học sinh người bản xứ lấy tên là Collège de Cochinchine. Phân hiệu này được đặt dưới sự điều hành của Ban Giám đốc Trường Chasseloup Laubat và một giáo sư phụ trách tổng giám thị của phân hiệu. Năm 1928, khi các khu trường mới xây dựng xong, ngày 11 tháng 8 năm 1928, Toàn quyền Đông Dương tạm quyền René Robin ký nghị định số 3116 gồm 6 điều thành lập tại Chợ Quán, kể từ kỳ tựu trường 1928-1929 một trường Cao đẳng Tiểu học Pháp bản xứ, chuyển giao phân hiệu tạm thời với trên 200 học sinh của Collège Chasseloup Laubat nói trên vào trường này, có sáp nhập một hệ Trung học Đệ nhị cấp bản xứ (Lycée). Nhân dịp khánh thành tượng đồng của nhà bác học Petrus Trương Vĩnh Ký, Thống đốc Nam Kỳ Blanchard de la Brosse chính thức đặt tên trường là Lycée Pétrus Trương Vĩnh Ký. Do đó, trường còn có tên gọi là Pétrus Ký, và tên này được sử dụng trong gần 50 năm. Hoạt động cổ vũ tinh thần yêu nước Năm 1940, Câu lạc bộ học sinh trường Pétrus Ký được thành lập. Câu lạc bộ đã tổ chức các hoạt động như văn nghệ, thể thao, cắm trại, với những sinh hoạt rất phong phú, tập hợp được đông đảo học sinh của trường và nhiều trường khác. Cũng tại đây, Lưu Hữu Phước và Mai Văn Bộ viết bài hát La Marche des Étudiants, tiền thân của bài Tiếng gọi thanh niên (về sau chế độ Việt Nam Cộng hòa sử dụng trái phép bài hát này để làm quốc ca). Chỉ sau 1 năm, phong trào bị chính quyền thực dân cấm hoạt động do tuyên truyền các hoạt động yêu nước. Đến năm 1942, học sinh Pétrus Ký theo phong trào của học sinh sinh viên Hà Nội tập hợp nhau lấy tên là đoàn S.E.T (Section Exécution Tourisme). Đoàn S.E.T tổ chức theo kiểu hướng đạo, giáo dục lý tưởng sống lành mạnh, yêu nước, yêu dân tộc đang bị ngoại xâm thống trị và từ ý thức này gợi đến ý thức chống Đế quốc. Trong thời gian này, tại trường cũng có một số giáo sư âm thầm biểu lộ tình cảm yêu nước của mình qua tác phong bài giảng như Phạm Thiều, Lê Văn Chí, Trần Văn Thanh. Năm 1942, trường di chuyển về trường sở Sư phạm Sài Gòn vì chiến cuộc nhưng không lâu sau lại mở cửa dạy học vào năm ấy tại trường sở cũ. Nhưng đến năm 1945, trường sở bị trưng dụng làm doanh trại của quân đội Nhật Bản. Trường phải dời về khu tiểu học Tân Định và sau đó ngưng hoạt động. Ngày 1 tháng 4 năm 1946, sau khi Pháp tái chiếm Nam Bộ, trường mở cửa dạy lại trong Chủng viện đường Lucien Mossard và đến năm 1947, trở lại hoạt động nơi trường sở hiện tại. Từ năm 1948, học sinh trường Pétrus Ký mở đầu phong trào đấu tranh đòi "Dạy và Học bằng Tiếng Việt", bãi bỏ chế độ thi hà khắc, chống khủng bố kiềm kẹp học sinh. Trong ngày tựu trường 10 tháng 9 năm 1949, học sinh các trường kết hợp với trí thức và cha mẹ học sinh đưa yêu sách yêu cầu Bộ giáo dục giải quyết ngay và tiến hành bãi khóa kéo dài 1 tháng. Chính quyền thực dân Pháp đàn áp và bắt bớ. Giám đốc Nha học chính Nam phần ra lệnh đóng cửa hai trường Pétrus Ký và Gia Long, sau đó ra lệnh cho học sinh làm đơn xin đi học lại. Học sinh vẫn tiếp tục đấu tranh với 3 yêu sách: Lập tức thả ngay những học sinh bị bắt. Bảo đảm an ninh cho học sinh, không được khủng bố, bắt bớ vô cớ. Mở các trường vô điều kiện, không phải làm đơn xin học lại. Ngày 9 tháng 1 năm 1950, hơn 2.000 học sinh trường Pétrus Ký, Áo tím Gia Long, Kỹ thuật... kéo đến trụ sở Nha học chính biểu tình, đưa yêu sách đòi thả các học sinh bị bắt. Sau đó, đoàn biểu tình kéo đến dinh Thủ hiến Nam phần. Chính quyền thực dân ra lệnh giải tán, đàn áp đoàn biểu tình dữ dội. Lúc này đoàn biểu tình đã lên đến 50.000 người đã chống trả mãnh liệt. Cảnh sát nổ súng bắn vào đoàn biểu tình. Học sinh Trần Văn Ơn, trường Petrus Ký, bị tử trận. Ban đấu tranh của học sinh tổ chức bảo vệ xác Trần Văn Ơn ở bệnh viện Chợ Rẫy và sau đó tổ chức lễ tang trọng thể tại trường. Ngày 12 tháng 1 năm 1950, toàn thành phố đình công bãi thị, tham dự đám tang Trần Văn Ơn. Học sinh các trường trung học Mỹ Tho, Cần Thơ, Huế, Hà Nội kéo về Sài Gòn tham dự. Hầu như toàn bộ học sinh các trường đều có mặt tại trường Pétrus Ký mang theo khẩu hiệu ghi tên, trường và khẩu hiệu phản đối chính quyền. Hơn 1 triệu người xuống đường đưa đám tang. Đây là đám tang lớn nhất Sài Gòn, kể từ sau đám tang của cụ Phan Chu Trinh năm 1925. Ngày 14 tháng 7 năm 1954, học sinh trường phát động phong trào đòi độc lập dân chủ tại trường bằng hình thức vẽ khẩu hiệu trên tường, trên bảng; công khai bày tỏ thái độ ủng hộ Hiệp định Genève. Hoạt động thời Việt Nam Cộng hòa Ngày 30 tháng 3 năm 1955, xung đột giữa quân chính phủ và lực lượng Bình Xuyên nổ ra. Công an xung phong của Bình Xuyên vào đóng tại trường Pétrus Ký. Đến ngày 30 tháng 4 năm 1955, quân chính phủ đánh bật được quân Bình Xuyên ra khỏi trường Pétrus Ký và các điểm khác. Ngày 1 tháng 5 năm 1955, học sinh Pétrus Ký thành lập Ủy ban cứu tế nạn nhân hỏa hoạn do chiến sự gây ra. Phong trào đã tập hợp được rất nhiều tiền bạc và vật chất giúp đỡ đồng bào. Năm 1961, trường được hợp thức hóa để trở thành trường Trung Học Đệ Nhị Cấp, chương trình trung học Việt Nam. Năm 1970, học sinh trường tổ chức từ bãi khóa đến xuống đường tham gia biểu tình, đánh chiếm tòa đại sứ Campuchia, phản đối hành động Lon Nol tàn sát Việt Kiều ở Campuchia. Đêm 5 tháng 9 năm 1970, học sinh Petrus Ký cùng học sinh sinh viên các trường tổ chức đêm không ngủ của phong trào đấu tranh đòi tự do dân chủ ở miền Nam. Năm 1972, Nguyễn Thái Bình, cựu học sinh Petrus Ký, du học ở Mỹ đã công khai công kích chính quyền Mỹ trên diễn đàn nước Mỹ. Chính phủ Mỹ đã trục xuất anh khỏi nước Mỹ, và khi về đến Việt Nam, Nguyễn Thái Bình đã bị chết một cách bí ẩn trong "vụ án không tặc Nguyễn Thái Bình". Ngày 30 tháng 4 năm 1975, sau khi Quân Giải phóng miền Nam tiến vào Sài Gòn, đã đặt Ban Quân quản Thành phố Sài Gòn tại trường, do tướng Trần Văn Trà đứng đầu, tại trường sở. Trường Trung học Pétrus Ký tạm thời đóng cửa đến tháng 7 năm 1975 thì mở cửa lại. Cuối tháng 9 năm 1975, các học sinh của trường học niên khóa 1974-1975 được dự thi bằng Trung Học Đệ nhất cấp và bằng Tú Tài. Sau năm 1975 Ngày 19 tháng 10 năm 1975 là ngày khai giảng năm học 1975-1976, năm học đầu tiên của trường dạy theo chương trình giáo dục mới. Trường cũng đổi tên thành trường Trung học cấp 2-3 Lê Hồng Phong. Từ năm học 1976-1977, trường không nhận học sinh vào lớp 6 (đệ thất cũ) và các lớp đệ lục, đệ ngũ, đệ tứ cũ lần lượt chấm dứt theo cuốn chiếu đến năm 1979. Năm học 1980-1981, trường chính thức mang tên trường Phổ thông Trung học Lê Hồng Phong, và mở lớp 10 chuyên Toán đầu tiên tại trường, thu nhận 25 học sinh có năng khiếu Toán của thành phố, mở đầu cho truyền thống hiếu học sau 1975. Đến năm 1990, trường đổi tên thành Trung học Phổ thông Chuyên Lê Hồng Phong, với mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi có năng khiếu dự thi Học sinh giỏi Quốc gia và Quốc tế. Từ năm 1994-1995, trường được chọn làm Trung tâm Chất lượng Cao phía Nam, dành cho các học sinh trung học, và là nơi sáng lập ra kỳ thi học sinh giỏi hàng năm dành cho học sinh các tỉnh phía Nam từ Huế đến Cà Mau gọi là kỳ thi học sinh giỏi Olympic 30 tháng 4 dành cho học sinh khối 10 và 11, và tổ chức kỳ thi này trong 10/13 năm (có 2 năm tổ chức ở trường Lê Quý Đôn - Đà Nẵng. Năm 2007, tổ chức ở trường Quốc Học Huế, năm 2008 tiếp tục tổ chức tại trường Lê Hồng Phong với mục đích tạo điều kiện giao lưu giữa các học sinh giỏi và trao đổi chuyên môn giữa các thầy cô dạy lớp chuyên của các tỉnh phía Nam. Kiến trúc Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong do kiến trúc sư Ernest Hébrard thiết kế, mang phong cách kiến trúc Đông Dương ở Nam Bộ, với không gian rộng rãi, thoáng mát và có nhiều cây xanh. Mặt bằng chính của trường gồm ba dãy phòng học và một dãy hành lang trước mở ra sân lớn ở giữa. Các dãy phòng học có lầu, có hành lang rộng trước phòng học được trang trí theo kiểu khung vòm nguyên để tạo nhịp điệu cho toàn bộ công trình đem lại sự thông thoáng, tăng cường chiếu sáng tự nhiên, gợi lại một chút hình ảnh của Kiến trúc Romanesque cổ xưa. Thay vì sử dụng lan can con triện theo kiểu kiến trúc Phục hưng Pháp, lan can hành lang trường được đục lỗ hoặc đặt gạch vuông thông gió để tăng sự thông thoáng. Công trình sử dụng hệ tường chịu lực, mái đỡ bằng hệ vì kèo thép, vươn ra ngoài để che mưa cho tường và hành lang, có sênô thoát nước mưa. Phần mái phía trên cùng mang hình ảnh con thuyền, gợi nhớ về mái đình làng Việt Nam. Cửa lá sách tăng cường sự thông thoáng là một trong những đặc trưng của kiến trúc trường học ở vùng nhiệt đới. Cửa sổ mở ra phía hành lang bố trí cao, nhỏ để tạo sự tập trung cho học sinh; cửa sổ mở ra phía ngoài công trình có kích thước lớn, tạo tầm nhìn rộng và có tác dụng thông thoáng và lấy sáng tự nhiên cho lớp học. Mô típ trang trí theo kiểu Á Đông kết hợp với việc sử dụng những khối kỷ hà vuông, hộp khỏe khoắn của phong cách Art Déco đã tạo nên những đường nét đơn giản, ít rườm rà và mang màu sắc của kiến trúc bản địa. Hai bên phía trước lối vào sảnh chính có hai khối lớp học, bố cục giống như hai tòa Tả vu và Hữu vu của kiến trúc cổ Việt Nam. Các đời hiệu trưởng Cơ cấu tổ chức Hiệu trưởng Phạm Thị Bé Hiền - Bí thư Chi bộ Phó Hiệu trưởng Trương Thị Lệ Hà - Phó Bí thư Chi bộ Bùi Thị Bảo Ngọc - Chi Uỷ viên Trần Bảo Ngọc - Chi Uỷ viên Các tổ chuyên môn Tổ Toán: Thân Đức Minh Tổ Vật lí: Phạm Vì Dân Tổ Hóa học: Lê Quỳnh Liên Tổ Sinh học: Lý Thị Bích Nhung Tổ Tin học: Đỗ Phước Vận Tổ Tiếng Anh: Vũ Mỹ Lan Tổ Ngữ văn: Nguyễn Thị Ái Vân Tổ Lịch sử: Nguyễn Thị Lắm Tổ Địa lí: Đỗ Thị Hoài Tổ GD Kinh tế - Pháp luật: Nguyễn Thị Bích Huyền Tổ Pháp - Trung - Nhật: Nguyễn Quốc Cường Tổ Thể dục: Lê Quang Nghĩa Thành tích Từ năm 1982, trường đạt được 16 giải quốc tế của các môn học, gồm: Lê Tự Quốc Thắng, HCV Olympic Toán Quốc Tế - IMO 1982. Nguyễn Vĩnh Khanh, Hồ Trung Dũng, HCĐ Olympic Vật lý Quốc Tế - IPhO 1982. Lê Thanh Hải, HCB Olympic Toán Quốc tế - IMO 1988. Đoàn Hồng Nghĩa, HCĐ Olympic Toán Quốc tế - IMO 1989. Nguyễn Hoàng Dũng, HCĐ Olympic Tin học Quốc tế - IMO 1989. Nguyễn Thức Thành Tín, Hạng 1 Châu Á và Châu Mỹ La Tinh môn Pháp năm 1997. Quách Vũ Đạt, HCĐ Olympic Hoá Quốc tế - IChO 1997. Nguyễn Cao Nhã, HCB Olympic Hoá Quốc tế - IChO 1999. Nguyễn Thị Hạnh Thuỳ, HCĐ Olympic Hoá Quốc tế - IChO 2000. Nguyễn Thị Hạnh Thuỳ, HCB Olympic Hoá Quốc tế - IChO 2001. Trương Liêm, HCB Olympic Sinh học Quốc tế - IBO 2001. Nguyễn Phúc Diệu Hiền, HCV Olympic Tiếng Nga Quốc tế - IRLO 2004. Vũ Trần Đình Duy, HCB Olympic Vật lý Châu Á - APhO 2013. Trần Lê Quốc Khánh, HCĐ Olympic Sinh học Quốc tế - IBO 2014. Phan Huỳnh Tuấn Kiệt, HCĐ Olympic Toán Quốc tế - IMO 2021. Nguyễn Việt Phong, HCV Olympic Hoá Quốc tế - IChO 2022. Từ năm 2013, hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật của học sinh bắt đầu được triển khai tại trường và đã đạt được kết quả cao tại các hội thi trong nước. Đặc biệt, nhiều dự án của học sinh được Bộ Giáo dục chọn tham dự và đạt thành tích cao tại Hội thi Khoa học và Kỹ thuật Quốc tế dành cho học sinh trung học - Intel ISEF - được tổ chức hàng năm tại Mỹ: Trần Ngọc Châu, Trương Nhựt Cường, Nguyễn Phương Duy - Giải Tư năm 2013. Trần Thị Diệu Liên và Nguyễn Nam Du - Giải Tư năm 2014. Nguyễn Hoàng Ngân và Phạm Thanh Trúc - Giải Ba năm 2016. Phạm Thiên Tân và Chử Hoàng Minh Đức - Giải Tư năm 2017. Lê Minh Đức, Nguyễn Lê Trung Kiên, đạt giải đặc biệt do tổ chức USAID trao tặng năm 2023. Cựu học sinh nổi tiếng Trường Pétrus Ký và tiếp nối truyền thống là trường Lê Hồng Phong là nơi đã đào tạo ra nhiều thế hệ học sinh và trong số đó đã có nhiều nhân vật nổi bật trong nhiều lĩnh vực, trường còn là nơi xuất thân của rất nhiều nhân vật nổi tiếng tại Việt Nam trong thế kỷ 20. Khoa học - Giáo dục Trịnh Kim Ảnh Nguyễn Thành Giung Phạm Nam Hải Huỳnh Sanh Thông Nguyễn Phúc Bửu Hội Trần Đại Nghĩa Nguyễn Tấn Gi Trọng Phạm Thiều Lê Tự Quốc Thắng Nguyễn Chơn Trung Vui chơi - Giải trí Nguyễn Đắc Dương (thí sinh thi olympia năm 1) Trương Quang Huy (thí sinh thi olympia năm 4) Quân sự Huỳnh Văn Nghệ Đỗ Cao Trí Nguyễn Chơn Nguyễn Văn Tàu Lê Minh Đảo Cao Hảo Hớn Lâm Quang Thi Chính trị - Xã hội Dương Minh Châu Nguyễn Văn Chì Trần Văn Ơn Huỳnh Tấn Phát Nguyễn Văn Trấn Trương Tấn Sang Nguyễn Minh Triết Trần Bạch Đằng Lê Quang Vịnh Nguyễn Thái Bình Lê Quốc Phong Văn hóa - Nghệ thuật Trần Văn Khê Tô Văn Tuấn (Bình Nguyên Lộc) Nguyễn Văn Trấn Nguyễn Xuân Hoàng Mai Văn Bộ Huỳnh Văn Tiểng Lưu Hữu Phước Nhà văn Lê Văn Nghĩa Nguyễn Mỹ Ca Lam Phương Hoàng Thanh Tâm Nguyễn Ngu Í Trần Lê Võ Hoài Phúc Đỗ Đình Mạnh Trần Lê Quỳnh Cẩm Ly Trương Minh Quốc Thái Đức Tuấn Hà Anh Tuấn Nguyễn Võ Lan Trinh Nguyễn Khoa Tóc Tiên MC Việt Thảo Nguyễn Văn Chung Trần Nguyễn Uyên Linh Orange Á hậu Phạm Ngọc Phương Anh Chú thích
Pascal (ký hiệu Pa) là đơn vị đo áp suất trong hệ đo lường quốc tế (SI). Nó là một đơn vị dẫn xuất trong SI nghĩa là nó được suy ra từ việc các đơn vị cơ bản. 1 Pa = 1 N/m² Đơn vị đo lực(N) trong SI cũng là một đơn vị dẫn xuất nên quy về đơn vị cơ bản của SI là: 1 Pa = 1 N/m² = 1kg/m s-2 Ký hiệu Pa còn dùng để chỉ sức căng, độ dẻo, và sức giãn. Đơn vị này được đặt theo tên của Blaise Pascal, nhà toán lý học và nhà triết học nổi tiếng người Pháp. Định nghĩa 1 pascal là áp suất tạo ra được từ áp lực 1 newton tác dụng lên bề mặt có diện tích 1 mét vuông. 1 Pa = 1 N/m² Hệ thống SI Các tiền tố kết hợp với đơn vị pascal Bảng chuyền đổi giá trị giữa các ước số-bội số khác nhau So sánh với các đơn vị áp suất khác Thời gian Đơn vị đo áp suất Đơn vị dẫn xuất trong SI
Miguel de Icaza (sinh 1972 tại Thành phố Mexico) là một lập trình viên mã nguồn mở người Mexico. Anh là người đã khởi đầu hai dự án GNOME và Mono, tác giả của chương trình duyệt tập tin Midnight Commander (là một chương trình có tính năng giống Norton Commander - thường được biết đến ở Việt Nam dưới tên viết tắt NC) đồng thời là người có rất nhiều đóng góp cho hạt nhân Linux. Công ty Ximian của anh cũng là công ty đã phát triển chương trình quản lý nhóm và duyệt thư điện tử nổi tiếng Evolution. Miguel de Icaza tốt nghiệp khoa toán học tại Universidad Nacional Autónoma de México (Đại học Quốc gia tự quản Mexico), một đại học danh tiếng tại México (đôi lúc còn được gọi là Harvard của Mexico). Năm 1997, anh được Microsoft mời phỏng vấn để vào làm trong nhóm phát triển Internet Explorer cho Sun SPARC. Theo lời kể của Nat Friedman - một thực tập viên tại Microsoft lúc bấy giờ đồng thời là người đồng sáng lập công ty Ximian sau này, Miguel de Icaza đã sử dụng buổi phóng vấn để cố gắng thuyết phục Microsoft để mở mã nguồn phần mềm. Sau buổi phỏng vấn, Microsoft quyết định không nhận anh vào làm. Tháng 8 cùng năm, anh bắt đầu dự án GNOME cùng với Federico Mena với mục tiêu làm cho Linux dễ dùng như Windows. Hiện nay GNOME là một trong những dự án phần mềm nguồn mở lớn nhất với hàng nghìn lập trình viên trên khắp thế giới tham gia phát triển. Với GNOME, Miguel de Icaza đã chứng tỏ mình là một lập trình viên xuất sắc cũng như một nhà lãnh đạo bẩm sinh. Năm 1999, Miguel de Icaza cùng với Nat Friedman thành lập công ty Helix Code, sau này đổi tên thành Ximian, khởi đầu với nhân viên là các lập trình viên trong dự án GNOME. Ximian là công ty đằng sau một trong những bản phân phối Linux tốt nhất và dễ sử dụng nhất lúc bấy giờ - Ximian Linux. Năm 1999 là một trong những năm thành công nhất đối với Miguel de Icaza, ngoài việc thành lập Ximian, anh còn được nhận giải thưởng vì sự phát triển phần mềm miễn phí của tổ chức phần mềm miễn phí quốc tế. Năm 2000, anh được tạp chí công nghệ MIT bình chọn là một trong 100 nhà phát minh của thế kỷ mới. Năm 2001, Ximian bắt đầu dự án Mono với mục đích cho phép lập trình viên mã nguồn mở sử dụng môi trường phát triển .NET của Microsoft. Năm 2003, Ximian được sáp nhập vào Novell. Cùng năm, Miguel de Icaza kết hôn với Maria Laura, một phụ nữ Brasil.