id
stringlengths
1
8
url
stringlengths
31
389
title
stringlengths
1
250
text
stringlengths
184
322k
7023
https://vi.wikipedia.org/wiki/Phong%20Ki%E1%BB%81u%20d%E1%BA%A1%20b%E1%BA%A1c
Phong Kiều dạ bạc
Phong Kiều dạ bạc là bài thơ rất nổi tiếng của Trương Kế, tác giả sống vào khoảng trước sau năm 756- đời vua Đường Túc Tông. Trương Kế tự là Ý Tôn, từng thi đậu tiến sĩ và làm quan trong triều với chức vụ Tự bộ viên ngoại lang, về sau bị đổi ra Hồng Châu coi việc tài phú và mất tại đây. Sinh thời, ông là người học rộng, thích đàm đạo và bàn bạc văn chương, thế sự... đặc biệt rất thích làm thơ. Bài thơ này là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, chỉ với nó ông đã được liệt vào hàng đại gia. Ông sáng tác bài này khi đi thi trượt trở về ghé qua Tô Châu, tức cảnh mà sinh tình. Nguyên tác bài thơ Phong Kiều dạ bạc sau này đã được Khang Hữu Vi đời nhà Thanh khắc trên tấm bia lớn dựng trong chùa Hàn Sơn. Nguyên bản chữ Hán: 楓橋夜泊 月落烏啼霜滿天 江楓魚火對愁眠 姑蘇城外寒山寺 夜半鐘聲到客船 Phiên âm Hán-Việt: Phong Kiều dạ bạc Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên Giang phong ngư hỏa đối sầu miên Cô Tô thành ngoại Hàn San tự Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền "Phong Kiều dạ bạc" là một bài thất ngôn tứ tuyệt hàm súc, với nhiều địa danh quen thuộc: Cô Tô- gắn với hình ảnh về người đẹp Tây Thi, Hàn San là ngôi chùa có nhiều vị sư nổi tiếng một thời và nhiều giai thoại, điển tích... Riêng bài PHONG KIỀU DẠ BẠC có một truyền thuyết khá lãng mạn: ☀Trần Trọng San trong cuốn THƠ ĐƯỜNG đã chép lại như sau: Một đêm trăng, sư cụ trụ trì chùa Hàn San, cảm hứng nghĩ ra hai câu thơ: "Sơ tam sơ tứ nguyệt mông lung " "Bán tự ngân câu bán tự cung " Thao thức mãi sư cụ không nghĩ được hai câu tiếp; đột nhiên có tiếng gõ cửa. Thì ra là chú tiểu cũng trằn trọc vì 2 câu thơ mình mới nghĩ ra:  "Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn " "Bán trầm thủy để bán phù không."  Chú tiểu cũng không làm tiếp được, sang xin thầy giúp. Nghe xong, sư cụ mừng quá, quỳ xuống tạ Phật vì quả thật 2 câu thơ của chú tiểu hợp với 2 câu của sư cụ, thành một bài tứ tuyệt rất hay. Trần Trọng San đã dịch:  ""Mồng ba, mồng bốn, trăng mờ"" ""Nửa dường móc bạc nửa như cung trời"" ""Một bình ngọc trắng chia hai"" ""Nửa chìm đáy nước nửa cài từng không""  Làm xong bài thơ này lúc nửa đêm, sư cụ bảo chú tiểu đánh chuông tạ ơn Phật. Tình cờ cũng ngay lúc ấy trên thuyền, thi sĩ Trương Kế cũng không ngủ được vì không nghĩ được câu tiếp cho hai câu "Nguyệt lạc ô đề...". Tự nhiên chuông chùa Hàn San vọng đến, gợi hứng cho thi nhân hoàn tất bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc bằng câu kết ""...Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền..""  Còn chùa Hàn San là một ngôi chùa hẻo lánh ngoài thành Ngô Huyện thuộc tỉnh Giang Tô. Xung quanh bát ngát rừng mai, phía sau dòng sông xanh ngắt lững lờ uốn khúc, giữa hai dãy núi sừng sững vươn mình trong làn mây trắng xóa. Chùa ở bên cầu có cây phong nên gọi là Phong Kiều. Trên sông đêm có ánh lửa chài. Bài thơ của Tần Thục đời Tống có câu: " Ô đề nguyệt lạc kiều biên tự "(Quạ kêu trăng xế chùa bên cầu) và thơ Khang Hữu Vi đời Thanh, có câu "Lãnh tận Hàn San cố tự phong (Lạnh đến cả cây phong bên chùa cổ Hàn San) đều nói rõ chùa Hàn San bên cầu có cây phong. Như vậy, Giang phong và Ngư hỏa trong bài thơ trên vẫn là cây bên sông và lửa chài, chứ không phải là tên 2 quả núi Giang Phong và Ngư Hỏa như một vài giả thuyết đã nói.  Nhà thơ đời Thanh Vương Ngư Dương, từng đáp thuyền đi Tô Châu, dừng ở bến Phong Kiều, lúc ấy trời xẩm tối, mưa gió đầy trời, họ Vương đã đến bên trước cửa chùa đề hai bài thơ tứ tuyệt:  ""Nhật mộ đông đường chính lạc triều"" ""Cô bồng bạc xứ vũ tiêu tiêu"" "Sơ chung dạ hỏa Hàn San tự"" ""Ký quá Ngô phong đệ kỷ kiêu"" Dịch nghĩa: Chiều tối bờ đông chính lúc thủy triều xuống Thuyền côi chốn đậu mưa dầm dề Tiếng chuông thưa, ánh lửa đêm chùa Hàn San Nhớ đã qua cầu bên cây phong huyện Ngô Dịch thơ:  ""Chiều tối thủy triều lắng mé đông""  ""Mưa vương lất phất đậu cô bồng""  ""Hàn San ánh lửa chuông thưa thớt""  ""Ngô huyện qua cầu kế ngọn phong "" (Bản dịch: NDD)  ""Phong diệp tiêu tiêu thủy dịch không"" ""Ly cư thiên lý trướng nan đông"" ""Thập niên cựu ước Giang Nam mộng""  ""Độc thính Hàn San bán dạ chung"" dịch nghĩa:  Lá phong hiu hắt bến nước vắng không  Lìa quê nghìn dặm lòng buồn nhớ khó khuây  Mười năm ước cũ mộng về Giang Nam  Một mình nghe tiếng chuông chùa Hàn San lúc nửa đêm  ""Bến vắng rào rào trút lá phong""  ""Nhớ quê vạn lý khó khuây lòng""  ""Giang Nam hẹn ước mười năm mộng""  ""Chuông đánh, Hàn San đêm quạnh không.""  (Bản dịch: NDD)  Đã nói đến Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế, không thể không nhắc đến Bạc Tần Hoài của Đỗ Mục. Cả hai bài thơ phác họa dưới góc nhìn thi nhân trên con thuyền hững hờ đậu bãi sông. Một bài khi nghe tiếng chuông chùa thanh thoát đưa tới, đã xoa dịu đi nỗi trầm tư muội phiền của kẻ nhất thời bôn tẩu, đang nằm co ro khắc khoải trong khoang thuyền giá lạnh. Còn một bài thì khi nghe khúc hát văng vẳng của cô gái trẻ trên sông vang lên trong khung cảnh đêm khuya tĩnh lặng, mà dường như dấy nên niềm xúc cảm u hoài trong nỗi hận mất nước.  Bạc Tần Hoài  ""Yên lung hàn thủy nguyệt lung sa"" ""Dạ bạc Tần Hoài cận tửu gia"" ""Thương nữ bất tri vong quốc hận"" ""Cách giang do xướng Hậu Đình Hoa"" (Đỗ Mục)  Dịch nghĩa:  khói lan tỏa trên nước lạnh, ánh nguyệt lan trên cát  Buổi đêm đậu thuyền tại bến sông Tần Hoài cạnh quán rượu  Cô gái trẻ không biết đến nỗi hận mất nước  Ở bên kia sông còn hát khúc Hậu Đình Hoa  Tần Hoài: tên con sông từ tỉnh Giang Tô chảy lên phía Bắc vào sông Trường Giang. Hậu Đình Hoa: tên khúc hát làm trong buổi tiệc của vua Trần Hậu Chủ và Trương Quý Phi thời Nam Bắc triều  Dịch thơ:  Thuyền Đậu Sông Tần Hoài  ""Khói trùm nước lạnh, trăng lồng cát""  ""Thuyền đậu Tần Hoài, cạnh tửu gia. "" ""Cô gái không hay buồn nước mất, "" ""Bên sông còn hát Hậu Đình Hoa "" (Bản dịch: Trần Trọng San)  Khói lan phảng phất trên mặt nước, ánh trăng soi bóng trên mặt cát, thuyền nhẹ lững lờ đậu cạnh quán rượu. Cảnh trăng khuya mới tĩnh mịch làm sao. Bỗng bên kia sông vang lên một tiếng hát văng vẳng. Khúc hát trong những buổi yến tiệc vui chơi mà khiến lòng thi nhân chua xót như oán trách ai vô tình khi bồi hồi nghĩ đến nỗi hận mất nước....Các dịch giả từ Tản Đà, Nguyễn Hàm Ninh, Trần Trọng Kim... đến Trần Trọng San, Ngô Tất Tố...đều có điểm tương đồng trong cách cảm nhận. Bài thơ là nỗi buồn của Trương Kế gửi gắm trong một tiếng quạ kêu thảng thốt, lẻ loi trong đêm và nỗi sầu len vào giấc ngủ chập chờn của hàng cây phong đối diện với ánh lửa chài. Hai câu thơ tả thực mà không thực, nó hấp dẫn người đọc ở cái vẻ hư ảo của nó. Những ý thơ dường như không khớp nhau vì khi trăng lặn (nguyệt lạc), tức đã gần sáng, mà gần sáng (khác với nửa đêm - bán dạ) thì còn ai thức mà thỉnh chuông nữa. Tác giả viết những câu thơ trong chập chờn nửa tỉnh nửa mơ, gần sáng mà cứ tưởng nửa đêm. Đó là nỗi buồn của một người thi trượt, ấp ủ mộng công danh mà nay tan vỡ giống như Tú Xương vậy. Tiếng chuông đến từ chùa Hàn San, nơi có hai vị sư Hàn San và Thập Đắc nổi tiếng uyên thâm đạo học thời bấy giờ, ở ngoại thành Cô Tô đến làm khách của tác giả cũng giống như là tiếng chuông ảo. Câu thơ hay trong cái mơ màng hư ảo đó. Lấy một cái "giả thực" của ngoại cảnh để thể hiện một cái "đích thực" của tâm trạng là một đặc sắc nghệ thuật mà các tác giả cổ điển hay dùng. Nỗi buồn vô cớ hay nỗi buồn về nhân tình thế thái nói chung của tác giả, cho đến ngày nay vẫn chỉ là sự suy diễn. Một số ý kiến liên quan Một số tranh cãi trong giới thi sĩ xoay quanh hai câu thơ đầu về các từ như "ô đề", "sầu miên". Có người cho rằng phải hiểu hai từ trên như là hai địa danh là Ô Đề và Sầu Miên, nhưng nếu hiểu như vậy thì giá trị nghệ thuật của bài thơ giảm đi đáng kể, ngoài ra chưa có chứng cứ gì chứng tỏ ở khu vực này đã từng tồn tại các địa danh như vậy. Câu kết cũng bị tranh luận nhiều, do một số người cho rằng các chùa (gần như) không đánh chuông vào nửa đêm, ngoài ra nó còn mâu thuẫn với câu đề là Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên đã hàm ý trời gần sáng. Tuy nhiên, trong thơ ca, sự phá cách là một điều hết sức tự nhiên. Âu Dương Tu thì cho rằng: "Thi nhân tham cầu hảo cú nhi lý bất thông giả, diệc ngữ bệnh dã" (Nhà thơ vì muốn đặt câu cho hay nên lý không được thông, đó là một ngữ bệnh vậy). Sô Nghiêu trong quyển Đường thi tam bách thủ độc bản thì cho rằng: "Hậu nhân dĩ vi dạ bán vô chung thanh tương cấu bệnh, vị miễn xuy mao cầu tì" (Người đời sau lấy cớ nửa đêm không có tiếng chuông và cho là một ngữ bệnh, như thế thì chưa tránh khỏi cái thói bới lông tìm vết). Thơ Đường Trương Kế Chú thích Liên kết ngoài Hà Quảng, Trao đổi thêm về bài thơ Phong Kiều dạ bạc, 10/8/2004. Thơ Đường Thất ngôn tứ tuyệt
7031
https://vi.wikipedia.org/wiki/Nho%20gi%C3%A1o
Nho giáo
Nho giáo (儒教), còn gọi là đạo Nho, đạo nhân hay đạo Khổng (Nhơn đạo) là một hệ thống đạo đức, triết học xã hội, triết lý giáo dục và triết học chính trị do Khổng Tử đề xướng và được các môn đồ của ông phát triển với mục đích xây dựng một xã hội hài hòa, trong đó con người biết ứng xử theo lẽ phải và đạo đức, đất nước thái bình, thịnh vượng. Nho giáo rất có ảnh hưởng tại ở các nước thuộc vùng văn hoá Đông Á là Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Hàn Quốc và Việt Nam. Những người thực hành theo các tín điều của Nho giáo được gọi là các nhà Nho, Nho sĩ hay Nho sinh. Quá trình hình thành và phát triển Trong lịch sử Trung Hoa cổ đại, Nho giáo, Nho gia (đạo Nho) là một thuật ngữ bắt đầu từ chữ Nho, theo Hán tự từ "Nho" gồm từ "Nhân" (người) đứng gần chữ "Nhu". Nho gia còn được gọi là nhà Nho người đã học sách thánh hiền, có thể dạy bảo người đời ăn ở hợp luân thường, đạo lý,... Nhìn chung "Nho" là một danh hiệu chỉ người có học thức, biết lễ nghĩa. Tại Trung Quốc, Nho giáo độc tôn từ thời Hán Vũ Đế, trở thành hệ tư tưởng chính thống cả về chính trị và đạo đức của Trung Hoa trong hơn 2.000 năm. Từ thế kỷ thứ IV, Nho giáo lan rộng và cũng rất phát triển ở các nước châu Á khác như Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam. Nho giáo nguyên thủy Cơ sở của Nho giáo được hình thành từ thời Tây Chu, đặc biệt với sự đóng góp của Chu Công Đán, còn gọi là Chu Công. Đến thời Xuân Thu, xã hội loạn lạc, Khổng Tử (sinh năm 551 trước Công nguyên) phát triển tư tưởng của Chu Công, hệ thống hóa và tích cực truyền bá các tư tưởng đó. Chính vì thế mà người đời sau coi Khổng Tử là người sáng lập ra Nho giáo. Thời Xuân Thu, Khổng Tử đã san định, hiệu đính và giải thích bộ Lục kinh gồm có Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Dịch, Kinh Xuân Thu và Kinh Nhạc. Về sau Kinh Nhạc bị thất lạc nên chỉ còn năm bộ kinh thường được gọi là Ngũ kinh. Sau khi Khổng Tử mất, học trò của ngài tập hợp các lời dạy để soạn ra cuốn Luận ngữ. Học trò xuất sắc nhất của Khổng Tử là Tăng Sâm, còn gọi là Tăng Tử, dựa vào lời thầy mà soạn ra Đại Học. Sau đó, cháu nội của Khổng Tử là Khổng Cấp, còn gọi là Tử Tư viết ra cuốn Trung Dung. Đến thời Chiến Quốc, Mạnh Tử đưa ra các tư tưởng mà sau này học trò của ông chép thành sách Mạnh Tử. Bốn sách sau được gọi là Tứ Thư và cùng Ngũ Kinh hợp lại làm 9 bộ sách chủ yếu của Nho giáo và còn là những tác phẩm văn chương cổ điển của Trung Quốc. Từ Khổng Tử đến Mạnh Tử hình thành nên Nho giáo nguyên thủy, còn gọi là Nho giáo tiền Tần (trước đời Tần), Khổng giáo hay "tư tưởng Khổng-Mạnh". Từ đây mới hình thành hai khái niệm, Nho giáo và Nho gia. Nho gia mang tính học thuật, nội dung của nó còn được gọi là Nho học. Nếu xem Nho giáo như một tôn giáo thì Văn Miếu trở thành nơi dạy học kiêm chốn thờ phụng, và Khổng Tử trở thành giáo chủ, giáo lý chính là các tín điều mà các nhà Nho cần phải thực hành. Tuy nhiên, Nho giáo về cơ bản không được xã hội xem như một tôn giáo bởi Nho giáo không trả lời những câu hỏi cần thiết mà một tôn giáo có thể trả lời. Cho tới hiện nay, Nho giáo liệu có phải là một tôn giáo chính thức hay không vẫn là một đề tài tranh luận. Mục tiêu của Nho giáo nguyên thủy theo sách Đại Học là: Khổng Tử muốn đến đất Cửu Di để ở, có người nói "Ở đó quá lạc hậu, làm sao mà ở được.". Khổng Tử nói "Có người quân tử ở đó, làm gì còn lạc hậu nữa". Đây là tư tưởng nhập thế của Nho gia. Khổng Tử nói: "Đạo không thể xa lánh người. Nhưng có người muốn thực hành đạo mà lại xa lánh người, như vậy thì không thể thực hành được đạo... Cho nên người quân tử dùng cái đạo lý vốn sẵn có ở người để giáo dục người, lấy cải sửa làm chính, giáo dục mãi cho đến khi thành người mới thôi. Cũng như ta trau chuốt cán rìu vậy, trau chuốt đến mức thành cán rìu mới thôi. Người ta có lỗi mà biết sửa là được rồi, không xa lánh họ nữa.". Tống Nho Khởi đầu Hàn Dũ và Lý Ngao (李翱, 772-841) thời nhà Đường có những ý tưởng mới bổ sung cho Nho giáo nguyên thủy của Khổng Tử và Mạnh Tử. Đến thời Tống, Nho giáo có sự phát triển đáng kể. Các nhà triết học thời kỳ này như Thiệu Ung, Chu Đôn Di, Trương Tải, Trình Hạo, Chu Hy, Lục Cửu Uyên, Trần Lượng... đã đưa những khái niệm và triết lý mới vào Nho giáo tạo nên một trường phái Nho giáo có nhiều điểm khác biệt so với Nho giáo nguyên thủy của Khổng Tử và các học trò của ông. Các học giả Tống Nho khai thác các nội dung của Kinh dịch, Phật giáo, Đạo giáo để giải thích nguồn gốc vũ trụ và các nội dung kinh sách của Nho gia. Họ cho rằng thế giới do "lí" (tinh thần) và "khí" (vật chất) tạo thành, trong đó lí có trước, thuộc về phái duy tâm khách quan theo cách phân loại của phương Tây. Chu Đôn Di (1016-1073) cho rằng nguồn gốc thế giới là thái cực, thái cực sinh ra âm dương, ngũ hành, trời đất, con người, vạn vật, trước thái cực không có vật chất mà chỉ có "lý". Chu Hy (1130-1200) dùng quan điểm lý học để chú giải lại các nội dung của kinh sách Nho học, ví dụ cho rằng nhân nghĩa lễ trí là biểu hiện của "lý". Vì vậy, Tống Nho còn được gọi là "Lý học". Tống Nho là một nỗ lực để tạo ra một hình thức duy lý và siêu hình của Nho giáo bằng cách loại bỏ các yếu tố mê tín và thần bí của Đạo giáo và Đạo Phật đã ảnh hưởng đến Khổng học trong và sau thời nhà Hán . Người ta cố gắng trừu tượng hóa các quan điểm đạo đức của Nho giáo thành các khái niệm và mệnh đề triết học. Mặc dù các nhà triết học Tống Nho đã phê bình Đạo Lão và Phật giáo nhưng cả hai tôn giáo này đều có ảnh hưởng đến Tống Nho. Những nhà triết học thuộc trường phái Tống Nho đã vay mượn các thuật ngữ và khái niệm từ Phật giáo và Đạo giáo. Tuy nhiên, không giống như Phật giáo và Đạo giáo, người đã nhìn thấy siêu hình học như một chất xúc tác cho sự phát triển tinh thần, giác ngộ tôn giáo và sự bất tử. Các nhà triết học Nho giáo đã sử dụng siêu hình học như một hướng dẫn để phát triển một triết lý đạo đức duy lý. Phong trào phục hưng Nho giáo Đến thế kỷ XX, với sự sụp đổ của chế độ quân chủ, Nho giáo mất vị thế độc tôn, thậm chí bị bài trừ ở ngay tại Trung Quốc trong thập niên 1960-1970 khi Mao Trạch Đông làm chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đến đầu thế kỷ XXI, đứng trước sự suy thoái của đạo đức xã hội, những giá trị của Nho giáo về tu dưỡng, giáo dục con người dần được coi trọng trở lại và được thúc đẩy thành phong trào tại các nước Đông Á. Trong quá trình toàn cầu hóa, sự giao thoa văn hóa Đông Tây diễn ra, các giá trị đạo đức của Nho giáo có thể xem là các giá trị phổ biến của nhân loại. Phục hưng Nho giáo trong thế kỷ XXI là phong trào đang lên ở Đông Á, nó xuất phát từ Trung Quốc và lan truyền ra các khu vực lân cận. Nhiều hội thảo quốc tế về phục hưng nền Nho học đã được tổ chức ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Tập hợp các nhà nghiên cứu Nho giáo trong khu vực và trên thế giới đã kiến lập Hiệp hội nghiên cứu Nho giáo quốc tế. Trong buổi Hội thảo quốc tế về Nho giáo ở Hàn Quốc 2010, một số báo cáo ghi nhận "mặt trái của quá trình Tây phương hóa (nói cách khác là hiện đại hóa) đã làm cho xã hội Đông Á mất dần tôn ti trật tự, tinh thần cộng đồng và đoàn kết xã hội. Lớp trẻ dần chạy theo những thứ hào nhoáng của văn minh hiện đại mà bỏ xa dần các quan niệm hiếu nghĩa, trung chính, tiết độ". Các báo cáo này nhấn mạnh giá trị tinh thần của Nho giáo sẽ là công cụ hữu hiệu nhằm khôi phục lại giá trị đạo đức của xã hội. Từ năm 2005, chương trình Bách gia Giảng đường của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đã khởi xướng phong trào đọc lại Luận ngữ nhằm phục hồi đạo đức truyền thống. Ban Quốc học Đại học Thanh Hoa tính học phí 26.000 nhân dân tệ cho một khóa học về đạo đức Nho gia, Đại học Phục Đán thu mỗi người 38.000 nhân dân tệ, và khóa học cổ văn ngoài giờ cho trẻ em cũng có học phí rất cao. Từ năm 2004 cho tới năm 2020, Chính phủ Trung Quốc có kế hoạch thành lập hơn 1.000 Học viện Khổng Tử trên khắp thế giới để quảng bá văn hóa truyền thống Trung Hoa. Chính phủ Trung Quốc đã chi hàng triệu USD cho hai chương trình nghiên cứu và biên soạn Nho tạng tại Đại học Nhân dân và Đại học Bắc Kinh. Bộ Nho tạng tinh hoa của Đại học Bắc Kinh với tổng số 500 tập dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2015. Hai chương trình biên soạn Nho tạng nói trên là một hoạt động quy mô lớn chưa từng có để hiệu chỉnh và kết tập điển tịch Nho học lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc. Đồng thời đây cũng là một lần tổng kiểm kê di sản điển tịch Nho học trên quy mô toàn thế giới. Tại Hàn Quốc và Nhật Bản, hai đại học hàng đầu là Đại học Seoul và Đại học Tokyo cũng đều đã thành lập các trung tâm biên soạn Nho tạng riêng với kế hoạch hoạt động quy mô lớn. Trong xu hướng nghiên cứu Nho giáo đang diễn ra rất mạnh mẽ trên thế giới hiện nay, nghiên cứu kinh điển Nho gia có vị trí đặc biệt quan trọng. Ngày 24 tháng 9 năm 2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến dự và phát biểu tại "Hội thảo Nho học với nền hòa bình và sự phát triển thế giới" nhân kỷ niệm 2565 năm ngày sinh Khổng Tử. Đây là lần đầu tiên lãnh đạo cao nhất Trung Quốc dự hoạt động trên. Ông nhấn mạnh: Tư tưởng triết học phong phú, tinh thần nhân văn, giá trị đạo đức của Văn hóa truyền thống Trung Quốc là gợi ý hữu ích cho việc trị quốc. Nho giáo là bộ phận quan trọng của văn hóa truyền thống Trung Quốc, có sức sống lâu dài, chứa đựng các gợi ý quan trọng giúp giải quyết những vấn đề của loài người hiện đại. Các tư tưởng "thiên hạ vi công, thế giới đại đồng", "dĩ dân vi bản, an dân phú dân lạc dân", "Nhân giả ái nhân, Dĩ đức lập nhân"… cần phải được kế thừa và phát huy. Ông nói: nghiên cứu Nho giáo chính là là để hiểu đặc tính dân tộc của người Trung Quốc, cần hấp thu sức mạnh truyền thống, việc quản trị quốc gia thời hiện đại càng cần có sự nâng đỡ của văn hóa truyền thống. Giáo sư Vương Kiệt ở Trường Đảng Trung ương Trung Quốc nhấn mạnh: sự du nhập văn hóa phương Tây đã khiến dân tộc Trung Hoa dần bị tha hóa, suy đồi về văn hóa và đạo đức, Đảng Cộng sản Trung Quốc dần nhận ra giá trị to lớn của văn hóa truyền thống Trung Quốc, hiểu rằng chỉ có kiên trì chủ nghĩa Mác, kế thừa có phê phán nền văn hóa truyền thống Trung Quốc, kiên trì nguyên tắc “cổ vi kim dụng”, “dương vi trung dụng” thì mới có thể thực hiện sự nghiệp phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa. Sức mạnh cứng (kinh tế và quân sự) rất quan trọng, nhưng sức mạnh mềm như văn hóa, đạo đức, tín ngưỡng, tinh thần, giá trị quan… cũng quan trọng không kém với một đất nước. Nếu đất nước đánh mất văn hóa, nền tảng đạo đức truyền thống thì dù kinh tế có giàu mạnh đến đâu thì cũng chẳng khác nào mất nước, mất dân tộc. Tại Hàn Quốc, rất nhiều người nhận thấy rõ những giá trị đạo đức lâu đời của dân tộc đang mất dần đi. Sau cuộc chiến liên Triều 1950-1953, Hàn Quốc áp dụng hệ thống giáo dục chịu nhiều ảnh hưởng của giáo dục phương Tây, Nho giáo bị công kích và bị coi là lỗi thời. Ông Pak Seok-hong nhấn mạnh sự sai lầm của hệ thống giáo dục đó: việc quá nhấn mạnh vào học tiếng Anh và toán đã chiếm chỗ của các môn học như đạo đức và lịch sử. Ông thấy đất nước "đang biến thành vương quốc đầy súc vật": người trẻ chửi người già trên tàu, những đứa trẻ tự tử để khỏi bị bắt nạt... Sự hòa hợp, kính trọng người cao tuổi và lòng trung thành với Tổ quốc - những đức tính đó nay đã phai nhạt trong giới trẻ Hàn Quốc. Pak Seok-hong nói: "Chúng ta đã xây dựng được nền kinh tế mạnh mẽ, nhưng đạo đức của dân tộc đang trên bờ vực của sự sụp đổ. Chúng ta phải khôi phục lại nó và các Seowon (học viện Nho giáo) là nơi chúng ta có thể tìm thấy câu trả lời". Hiện nay, số lượng học sinh Hàn Quốc đến các học viện Nho giáo để học tập ngoại khóa ngày càng tăng, lên tới hàng trăm ngàn học sinh mỗi năm. Tại đây, học sinh được dạy những lễ giáo đạo đức từ lâu đã không còn xuất hiện tại trường học, từ việc ăn tối, uống trà đến việc thưa chuyện lễ phép với cha mẹ. Theo ông Pak Sung-jin - giám đốc điều hành của Hiệp hội Seowon quốc gia Hàn Quốc, có khoảng 150 học viện Nho giáo ở khắp Hàn Quốc đã mở trở lại các chương trình ngoại khóa tương tự. Ông tin rằng người Hàn Quốc đương đại cần từ bỏ cách nghĩ thiển cận coi Nho giáo là "lỗi thời" và cần nghiêm túc học hỏi lại nhiều giá trị tinh thần, cách đối nhân xử thế từ xã hội xưa. Đại diện cho học giả Hàn Quốc, giáo sư An Bỉnh Chu, Đại học Thành Quân Quán đã nêu lên lời cảnh báo: “Ngày nay, xã hội­ đầy tiếng kêu cứu phản ánh nỗi lo lắng về sự hoang tàn của nhân tâm. Môi trường bị ô nhiễm, luân lý bị suy đồi, con người phơi trần nỗi khát khao truy cầu lợi ích và dục vọng. Nội tâm con người hoang tàn, giá lạnh. Quan hệ giữa người và người chỉ còn là cạnh tranh vì lợi ích. Tất cả loài người đang đứng trước nguy cơ diệt vong“. Và chính từ những báo động trên, ông đã nêu lên nên trở lại những nguyên lý đạo đức cuộc sống mà Lý Hoảng (1501-1570), đại sư Nho giáo Hàn Quốc đã từng nhắc nhở trong vấn đề tâm học đạo đức. Ở hội nghị quốc tế “Nho giáo với xã hội tương lai” ở An Đông - Hàn Quốc (10-2001), các giáo sư Pháp, Nga, Mỹ, Anh v.v... đều có ý muốn nghiên cứu tư tưởng Nho giáo nhằm tìm con đường giải quyết những bế tắc trong quan hệ con người, xã hội và đặc biệt là gia đình ở phương Tây trong giai đoạn hiện tại. Họ đều đề cao đạo đức “Nhân”, “Lễ”, "Nghĩa" của Nho giáo. Trong mấy chục năm trở lại đây, một số nhà nghiên cứu Việt Nam còn nhầm lẫn về bối cảnh xuất hiện, bản chất, nội dung và vai trò của Khổng giáo. Khổng giáo nói riêng và Nho giáo nói chung cần tiếp tục được nhận thức đúng đắn hơn. Cần phải tiếp thu có chọn lọc, để có thể gạt bỏ những yếu tố tiêu cực và sử dụng những yếu tố tích cực của Nho giáo nhằm phục vụ cho công cuộc xây dựng Việt Nam ngày càng văn minh, giàu đẹp và hiện đại. Tại Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội đã khởi động dự án dịch Nho tạng ra tiếng Việt. Năm 2020, khi thế giới diễn ra đại dịch COVID-19, các nước châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề trong khi các nước Đông Á khống chế dịch bệnh khá tốt. Cựu đại sứ Pháp tại Việt Nam (2012-2016), ông Jean-Noël Poirier đã có bài viết "Kỷ luật Nho giáo và phi trật tự châu Âu" đã phân tích: Nội dung cơ bản Tổ chức xã hội Trong thế giới quan Nho giáo, cả ba yếu tố Quốc gia - Gia đình - Cá nhân đều có liên hệ chặt chẽ với nhau. Nho giáo xem cá nhân là yếu tố căn bản nhất cấu thành nên gia đình và xã hội. Sách Đại học viết: Bàn luận về lòng trung thành, Khổng Tử nói "Yêu con mà không dạy con phải chịu khó nhọc được ư ? Trung với vua mà không khuyên can vua theo đường chính ư ?". Về quan hệ vua tôi, Khổng Tử viết: “Vua lấy lễ mà đãi bề tôi, bề tôi lấy trung mà thờ vua” còn Mạnh Tử đã bảo Tề Tuyên Vương rằng: “Vua xem bề tôi như tay chân, thì bề tôi xem vua như bụng như lòng. Vua xem bề tôi như chó ngựa, thì bề tôi xem vua như người lạ trong nước. Vua xem bề tôi như đất như cỏ thì bề tôi xem vua như giặc như thù", “Kẻ làm hại đức nhân gọi là tặc; kẻ làm hại đức nghĩa gọi là tàn. Kẻ tàn, kẻ tặc chẳng qua là một người thường mà thôi. Tôi từng nghe vua Võ vương chỉ giết một người thường là Trụ mà thôi, chứ tôi chưa hề nghe Vũ vương giết vua”. Tuân tử cũng nói: “Tru bạo quốc chi quân, nhược tru độc phu” (Giết một ông vua tàn bạo cũng như giết một kẻ ác độc). Sách Đại học có câu: "Làm vua thì hết mình thực hiện đức nhân. Làm bề tôi thì hết mình thực hiện đức kính. Làm con thì hết mình thực hiện đức hiếu. Làm cha thì hết mình thực hiện đức từ. Cùng người trong nước quan hệ với nhau phải hết mình thực hiện đức tín." Nhà nghiên cứu Kim Định viết: “…cái bổn gốc của Nho giáo là “chí trung”, mà trung là không cậy dựa, “trung lập nhi bất ỷ cường tai kiểu”. Đó là cốt yếu những bài học dạy học của Khổng tử. Đừng đem những câu Hán học như “trung thần bất sự nhị quân” hay “quân xử thần tử, thần bất tử bất trung” mà gán vào miệng ông. Làm thế là thiếu óc khoa học. Cha ông ta tuy về phê bình chưa đạt cao lắm nhưng không để cho những câu tầm gửi kiểu trên làm thui chột chí bất khuất” Cùng quan điểm, trong bài Cái ảnh hưởng của Khổng giáo ở nước ta, học giả Phan Khôi có nói: "Ở Nam kỳ đây, hạng tầm thường, hay lặp đi lặp lại cái câu “Quân xử thần tử, thần bất tử, bất trung; phụ xử tử vong, tử bất vong, bất hiếu”, họ cho là lời thánh nói ra. Nhiều người đem hỏi tôi, tôi phải lấy làm lạ. Hoặc giả có, mà tôi lâu nay ít hay ôn nhuần lại sách cũ rồi quên đi chăng, chớ theo như cái trí nhớ trong đầu tôi, thì câu nầy chẳng có trong sách nào hết, chẳng ông thánh nào nói hết, mà chừng như là lời của Lê Tử Trình nói trong tuồng Sơn hậu hồi thứ ba ! Đó, một hạng người nữa, cứ ù ù cạc cạc, hễ nghe câu chữ nho, thấy cuốn sách chữ nho, thì cho là đạo Khổng Tử ở đó.". Để theo đuổi mục tiêu lý tưởng xây dựng xã hội an hòa, Nho giáo nêu nguyên tắc quản lý xã hội như sau: Thực hiện "Chính danh": nghĩa là mỗi người cần phải nhận thức và hành động theo đúng cương vị, địa vị của mình: vua phải theo đạo vua, tôi phải theo đạo tôi, cha phải theo đạo cha, con phải theo đạo con, chồng phải theo đạo chồng, vợ phải theo đạo vợ... Nếu như mọi người không chính danh thì xã hội ắt trở nên hỗn loạn. Thực hiện "Văn trị - Lễ trị - Nhân trị - Đức trị": Đây là nguyên tắc có tính chất đường lối căn bản của Nho giáo. Văn trị là đề cao cai trị bằng tri thức, bằng sự sáng suốt. Lễ trị là dùng các nghi lễ, các quy tắc trong quan hệ giữa người và người để tạo ra một xã hội hài hòa. Nhân trị là trị quốc bằng lòng nhân ái. Đức trị là cai trị bằng đạo đức của người lãnh đạo. Đề cao nguyên lý công bằng xã hội: Khổng Tử đã nói: "Không lo thiếu mà lo không đều, Không lo nghèo mà lo dân không yên". Sự không công bằng là mầm mống của rối loạn xã hội. Từ thời nhà Hán, Nho giáo đã trở thành trung tâm cho việc quản lý xã hội. Nhờ đạo Nho, các triều đình ít phải can thiệp vào đời sống của dân, cho các làng tự lập hương ước mà gần như tự trị. Một học giả châu Âu khen người Trung Hoa tổ chức xã hội giỏi hơn người La Mã và mọi đế chế khác. Các kẻ sĩ ở mỗi làng, tổng, huyện (một vị trưởng lão trong làng, một thầy đồ hay một vị khoa bảng)... được dân tin, giúp chính quyền được nhiều việc cai trị, giáo dục, hòa giải các vụ kiện, trị bệnh, giữ an ninh. Họ được dân coi trọng hơn cả các quan lại, mà quan lại cũng phải nể họ. Đặc biệt là cứ mỗi lần đất nước bị họa vong quốc thì lại có hàng trăm kẻ sĩ Nho giáo sẵn sàng liều mình chống ngoại xâm, nếu chẳng may thất bại thì họ liền tuẫn quốc chứ không chịu sống nhục. Đã vậy, không chỉ nam giới liều thân hộ quốc nơi tiền tuyến mà phụ nữ ở hậu phương cũng một lòng chung thủy để người nam nhi an tâm ra đi gánh vác mệnh nước, nếu chồng hy sinh họ sẵn sàng tuẫn tiết để giữ lòng son. Đó là đặc điểm của những dân tộc thấm nhuần đạo Khổng. Lễ nghi Nho giáo rất xem trọng Lễ nghi vì nó là biểu hiện của một xã hội văn minh và có trật tự. "Lễ" là những quy tắc mang tính hình thức được xã hội thừa nhận để bày tỏ sự tôn trọng đối với người khác, với cộng đồng hoặc với những định chế xã hội và để nhận được sự tôn trọng của xã hội. Việc giữ Lễ là một cách tu thân và chứng tỏ con người biết tuân thủ những nguyên tắc đạo đức trong quan hệ với người xung quanh. Một xã hội không biết giữ Lễ là xã hội hỗn loạn, kém văn minh và suy đồi. Lễ giáo phai nhạt cũng là biểu hiện các mối quan hệ giữa con người trong xã hội đã xấu đi, trật tự xã hội đã suy yếu. Lễ nghi sẽ tạo ra một xã hội hài hòa trong đó mọi người đều tự tiết chế trong mối quan hệ giữa người với người, không để những cảm xúc tiêu cực biến thành hành động mạo phạm, bất kính với người khác. Hữu Tử nói: "Tác dụng của lễ đạt được sự thống nhất, hài hòa mới là đáng quý. Phương pháp trị nước của những bậc vua hiền thời cổ đại có đúng đắn là ở chỗ này: việc lớn việc nhỏ đều tuân thủ nguyên tắc hài hòa. Nhưng có điều không nên làm: chỉ biết hài hòa là quý, rồi trong mọi việc chỉ biết hài hòa, không lấy lễ nghĩa để tiết chế thì việc gì cũng không xong.". Khổng Tử nói "Người quân tử học rộng về văn chương lại biết dùng lễ để chế ước, ràng buộc mình sẽ không bao giờ xa Kinh phản Đạo.". Mỗi xã hội, mỗi thời đại đều có những nghi thức của riêng nó nhưng chung quy không xã hội văn minh nào có thể bỏ đi những lễ nghi mà chỉ thay đổi đối tượng, mục đích hoặc hình thức. Khổng Tử nói: "Một người không có lòng nhân sao có thể hành được lễ ?". Khổng Tử phê phán những lễ nghi hình thức giả dối. Ông nói "Người đời trước đối với lễ nhạc, coi trọng phối hợp thích đáng giữa nội dung và hình thức thì bị coi là lạc hậu quê mùa. Người đời sau đối với lễ nhạc, coi trọng hình thức hơn nội dung thì lại bảo là người quân tử. Nếu sử dụng lễ nhạc, ta tình nguyện đi theo các bậc tiền bối.". Khi được hỏi về gốc của lễ, Khổng Tử trả lời: "Vấn đề của ngươi hỏi thật quá lớn! Lễ nói chung đi kèm với xa hoa lãng phí thì không bằng tiết kiệm. Nghi thức mai táng mà cầu kỳ, lòe loẹt thì không bằng trong lòng thật sự đau buồn.". Về vấn đề tang lễ, Tăng Tử nói: "Phải cẩn thận làm tốt tang lễ cho cha mẹ khi qua đời; thành tâm, thành ý khi cúng tế tổ tiên. Được như vậy, dân chúng được cảm hóa, phong tục đạo đức của dân chúng ngày một tốt đẹp và thuần hậu.". Quan hệ xã hội Theo Nho giáo, trong xã hội có các 5 mối quan hệ cơ bản là: vua - tôi, cha - con, vợ - chồng, anh - em, bạn bè. Để thực hiện tốt 5 mối quan hệ này cần có 5 đức tính: nhân, trí, lễ, nghĩa, dũng. Trong quan hệ vua tôi, Khổng Tử chủ trương "Vua sử dụng bề tôi phải theo lễ, bề tôi phụng thờ vua phải theo trung.". Nho giáo đề cao sự trung thành đối với nhà nước quân chủ. Khổng Tử đề cao vua Vũ Vương vì khi đã có hai phần ba thiên hạ vẫn phụng thời triều Ân . Trong mọi hoàn cảnh, con người cần kiềm chế cảm xúc, làm chủ bản thân. Sách Trung Dung viết "Khi tình cảm như: vui mừng, hờn giận, đau thương, khoái lạc chưa biểu hiện ra thì gọi là trung; biểu hiện ra rồi nhưng phù hợp, đúng mức thì gọi là hòa. Trung là điều cơ bản lớn nhất trong thiên hạ. Hòa là chuẩn tắc phổ biến nhất trong thiên hạ. Trung hòa mà đạt đến tột cùng thì mọi cái trong trời đất đều ở vị trí thỏa đáng, vạn vật sẽ sinh sôi nảy nở." Nho giáo nêu lên quan niệm về Trung dung: "Lời nói và việc làm của người quân tử thì phù hợp với chuẩn tắc trung dung, còn kẻ tiểu nhân thì phản lại trung dung. Người quân tử luôn giữ được trạng thái trung hòa, không để thái quá hay bất cập. Kẻ tiểu nhân thì không hề lo sợ, nể nang hay e dè ai hết, nên cách nói năng của và hành động của kẻ tiểu nhân không thái quá thì cũng bất cập.". Người quân tử phải giữ trọn đạo Trung dung trong bất cứ hoàn cảnh nào. Nói về đạo Trung dung trong dân chúng, Khổng Tử từng than thở: "Đạo Trung dung này rất mực tốt đẹp. Từ lâu dân chúng đã thiếu hẳn đạo này.". Khổng Tử nói "Người quân tử hòa hợp nhưng không cùng quan điểm. Kẻ tiểu nhân cùng quan điểm nhưng không hòa hợp. (Quân tử hòa nhi bất đồng, tiểu nhân đồng nhi bất hòa)". Không nên oán giận người không hiểu mình, không sợ người không hiểu ta mà chỉ sợ ta không hiểu người. Nói về sự giải quyết thù hận, Khổng Tử khen Bá Di, Thúc Tề thường cho quan những hận thù cũ nên người oán hận họ rất ít. Kinh Pháp Cú của Phật giáo cũng có ý tương tự "Với hận diệt hận thù, đời này không có được. Không hận diệt hận thù, là định luật ngàn thu." Mặt khác nên dùng sự ngay thẳng để báo đáp oán thù, dùng ân đức để báo đáp ân đức. Mình không muốn bị người khác đối xử thế nào thì cũng không nên đối xử với người khác như vậy. Nho giáo khuyên con người sống phù hợp với hoàn cảnh và địa vị xã hội của mình. Sách Trung Dung viết: "Người quân tử nên dựa vào địa vị hiện tại của mình mà làm việc, không nên ham những cái ngoài bổn phận của mình... Người quân tử ở bất kỳ hoàn cảnh nào đều có thể điềm nhiên tự tại, bình tĩnh tự đắc, không kêu ca phàn nàn.". Mỗi người đều có vị trí riêng trong hệ thống phân công lao động xã hội. Khổng Tử nói "Không ở vào chức vị nào thì đừng bàn tính về chính sự của chức vị ấy.". Bàn luận về địa vị và con người, sách Trung Dung viết "Khi ở địa vị cao, không lăng mạ chèn ép người dưới; khi ở địa vị dưới, không nịnh bợ cầu cạnh người trên; lúc nào cũng giữ bản thân ngay thẳng, chẳng cầu mong xin xỏ người khác, được như vậy thì trên không oán trời, dưới không trách người, luôn ở địa vị ổn định để chờ mệnh trời. Còn kẻ tiểu nhân buộc phải mạo hiểm để theo đuổi chức vụ, địa vị ngoài khả năng của mình.". Theo quan niệm đạo đức Nho giáo thì con người sống trong xã hội không nên tranh chấp vì danh lợi mà nên giữ hòa khí, dùng lễ để đối đãi với nhau. Khi chưa có chức vụ, địa vị thì "Không sợ buồn vì không có chức vụ địa vị, chỉ buồn vì không có tài đức để làm tròn chức vụ địa vị ấy. Không sợ người khác không biết mình, mà phải cầu mong làm sao có năng lực làm cho người khác hiểu mình.". Nho giáo đề cao sự thành thật. Khổng Tử nói "Con người ta sống được là nhờ ngay thẳng. Kẻ không ngay thẳng tuy nhiên cũng sống được, nhưng chẳng qua nhờ may mắn mới tránh được tai họa đó thôi.". Theo sách Trung Dung "Muốn bản thân thành thật cũng có cách của nó: nếu không hiểu rõ thế nào là đức thiện, tính thiện thì cũng không thể bồi dưỡng cho mình có lòng thành thật với bản thân.". Cũng theo Nho giáo, có một số người vốn dĩ tự nhiên đã thành thật, một số khác phải rèn luyện bản thân để trở nên thành thật bằng cách kiên trì làm điều thiện, học tập sâu rộng, hỏi han kỹ lưỡng, suy nghĩ thận trọng, phân biệt cho sáng tỏ, thực hành cho thấu đáo. Việc nịnh hót người khác, giả bộ hiền lành, cung kính thái quá, đem oán hận giấu kín trong lòng nhưng bề ngoài vẫn giả bộ hữu hảo bị Nho giáo đánh giá là hành vi xấu. Khổng Tử nói: "Dùng những lời lẽ hay ho để nịnh hót, làm vừa lòng người và tỏ vẻ hiền lành, như vậy không phải là người có lòng nhân."... "Những người dùng lời lẽ trau chuốt ngọt xớt, giả bộ hiền lành, cung kính thái quá, loại người này theo Tả Khâu Minh là rất đáng sỉ nhục. Khâu ta cũng cho là rất đáng sỉ nhục. Đem oán hận giấu kín ở trong lòng nhưng bề ngoài vẫn giả bộ hữu hảo với người, loại người như vậy Tả Khâu Minh cũng cho là đáng sỉ nhục. Khâu ta cũng cho là đáng sỉ nhục.: Trong quan hệ bạn bè, Tăng Tử nói "Người quân tử dùng tri thức văn chương để tập hợp bạn bè, dùng sự giúp đỡ của bạn bè để bồi dưỡng nhân đức". Tử Cống hỏi về cách đối đãi với bạn bè. Khổng Tử nói "Thành tâm thành ý khuyên bạn, nhẫn nại chỉ rõ mọi điều hơn lẽ thiệt, mà bạn vẫn không nghe thì thôi, đừng tự mình chuốc lấy nhục nhã". Nói về cách đánh giá con người, Khổng Tử nói: "Nhìn kỹ cách người ta làm, xét người ta làm vì cái gì, rồi xét kỹ người ta có vui lòng mà làm hay không. Như vậy người ta không có cái gì có thể giấu được, làm sao mà giấu được ?". Tử Cống từng hỏi: "Thế nào là người quân tử ?". Khổng Tử nói: "Trước hết thực hành lời mình nói đã, sau mới nói ra.". Sức lực của mỗi người không giống nhau nên kết quả cũng khác nhau. Khổng Tử nói: "Dám mạnh dạn đấu tranh, phê bình, chỉ trích tệ hại, thói hư tật xấu thì tự nhiên họa hại sẽ tiêu tan.". Về việc phê bình cho tế nhị, Tử Du nói: "Phụng thờ vua nếu chỉ biết luôn can gián vua thì sẽ chuốc lấy nhục nhã. Đối đãi với bè bạn, nếu cứ luôn luôn góp ý kiến cho bạn thì bạn sẽ xa mình.". Ngược lại, người mắc sai lầm cũng cần sửa chữa sai lầm. Một lần có người chỉ ra sai lầm của Khổng Tử, ông nói "Ta thật may mắn, giả dụ có sai lầm thì người ta cũng biết được". Tuy nhiên cũng theo Khổng Tử "Người có thể cùng nói chuyện được mà không nói, như vậy là bỏ mất người. Người không có thể cùng nói chuyện được mà lại nói, như vậy là uổng mất lời. Người trí không bỏ mất người cũng không uổng mất lời". Nho giáo cũng phê phán tệ bè phái, chia rẽ trong xã hội, xem tinh thần đoàn kết là một phẩm chất đạo đức của người quân tử còn óc bè phái là đặc tính của kẻ tiểu nhân. Khổng Tử nói: "Người quân tử đoàn kết rộng rãi với mọi người, chứ không phải chỉ câu kết phe cánh. Kẻ tiểu nhân chỉ biết câu kết phe cánh, chứ không biết đoàn kết rộng rãi với mọi người.". Thuật lãnh đạo Nho giáo chủ trương: "Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh (Dân là quý nhất, rồi đến đất nước, cuối cùng mới là vua)". Khổng Tử từng nói "Cao quý thay vua Thuấn và vua Vũ! Được cả thiên hạ mà vẫn cảm thấy việc này không có gì đáng vui hoặc kiêu hãnh cả.". Muốn cai trị thiên hạ, theo Khổng Tử người lãnh đạo phải chính danh. Tử Lộ hỏi "Nếu vua nước Vệ mời thầy đi làm quan quản lý chính sự, thầy làm việc gì trước tiên ?". Khổng Tử nói "Việc trước tiên nhất định phải là chính danh đã". Về việc cai trị bằng nhân nghĩa, sách Đại Học viết: "Người nhân dùng của cải của mình để hoàn thiện phẩm đức. Kẻ bất nhân dùng sinh mệnh của mình để vơ vét thêm của cải. Chưa từng có bậc vua nào yêu điều nhân mà dân chúng lại không yêu điều nghĩa. Chưa từng có người nào hiểu điều nghĩa mà lại làm việc không hết lòng... Điều này nói lên rằng: người trị quốc không nên xem tài sản là vốn quý, mà nên xem nhân nghĩa là vốn quý.". Nho giáo có quan niệm cai trị bằng nhân nghĩa, bằng cách giáo dục quần chúng. Khổng Tử nói: "Dùng mệnh lệnh pháp luật để hướng dẫn chỉ đạo dân, dùng hình phạt để quản lý dân, làm như vậy có thể giảm được phạm pháp, nhưng người phạm pháp không biết xấu hổ, sỉ nhục. Dùng đạo đức để hướng dẫn, dùng lễ nghĩa để giáo hóa dân thì dân sẽ hiểu được thế nào là nhục nhã khi phạm tội, sẽ cam tâm tình nguyện sửa chữa sai lầm của mình tận gốc từ tư tưởng.". Người lãnh đạo ra lệnh cho dân chúng thực hành nhân ái nhưng mình lại tàn bạo, thì dân nhất định chẳng nghe theo. Nếu bậc thiện nhân lãnh đạo quốc gia, sau một trăm năm có thể cảm hóa kẻ tàn bạo thành lương thiện, không cần gì đến hình phạt nữa. Không nên gào thét và nghiêm sắc mặt để giáo hóa dân chúng<ref>Tứ thư, tr. 94, trích "Nếu gào thét và nghiêm sắc mặt để giáo hóa dân chúng đó là hạ sách, là điều ngọn vậy’’”</ref> vì có thể cướp cờ, đoạt tướng giữa ba quân, nhưng không thể cướp đoạt được chí khí của một người dân bình thường. Người có thể ban ân cho dân chúng và cứu giúp chúng sinh không chỉ là người nhân mà đáng gọi là bậc thánh nhân. Người lãnh đạo phải thuận theo lòng dân, thích những điều dân thích và ghét những điều dân ghét. Về đạo đức người lãnh đạo, sách Đại Học có câu: "Đức là gốc, tài sản là ngọn. Nếu như bỏ gốc mà lấy ngọn, thì sẽ tranh lợi với dân, cướp bóc dân. Nếu ở trên phản lại lòng dân, chỉ biết phát ra những mệnh lệnh trái lẽ, chỉ lo tích tụ tài sản châu báu ngọc ngà, thì dân chúng sẽ đối xử lại bằng những điều phản nghịch, khiến cho triều đình ngày một khánh kiệt".". Cầm quyền lãnh đạo quốc gia dựa vào đạo đức thì dân chúng đều quy thuận. Người lãnh đạo phải tự mình làm gương cho dân noi theo, chịu khó nhọc cùng những công việc khó nhọc của dân. Nếu người trên có hiếu với cha mẹ, tôn trọng bậc huynh trưởng, thật lòng thương xót kẻ côi cút cô đơn góa bụa, thì nhân dân cũng tự mà noi theo như vậy.. Phải làm cho dân chúng hoàn toàn tâm phục thế mới gọi là hiểu được cái gốc của đạo lý. Khổng Tử nói "Người bề trên coi trọng lễ thì lãnh đạo dân chúng rất dễ". Trong quan hệ cấp trên với cấp dưới thì quan điểm của Khổng Tử là "Người bề trên đối với kẻ dưới không khoan dung rộng lượng, chấp hành lễ không nghiêm túc kính cẩn, cử hành tang lễ không đau buồn, thương xót, làm sao ta có thể chịu được ?". Quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới không phải là quan hệ một chiều. Tử Lộ hỏi về đạo thờ vua, Khổng Tử nói "Không được lừa dối vua. Nhưng nếu vua sai lầm, phải hết sức khuyên can dù phải xúc phạm đến vua". Thuật lãnh đạo của Nho giáo đề cao những lãnh đạo biết quý trọng tài năng, biết dùng người. Vua Vệ Linh Công là người vô đạo nhưng không bị diệt vong theo Khổng Tử "bởi vì nước Vệ có Trọng Thúc Ngữ giỏi việc ngoại giao tiếp đãi tân khách, Chúc Đà quản lý tốt việc tế lễ tông miếu, Vương Tôn Giả giỏi thống lĩnh quân đội. Biết dùng người như vậy thì làm sao mà mất nước được?". Nên dùng người nghiêm túc, cẩn thận, biết lo lắng, mưu tính khi đối mặt với công việc để đạt thành công. Nho giáo xem hiền tài là nguyên khí quốc gia, vì vậy "Phát hiện người có tài đức mà không đề bạt cất nhắc hoặc không trọng dụng, đây là khinh rẻ người có tài đức vậy. Phát hiện kẻ bất lương làm sai trái mà không bãi chức, bãi chức rồi mà không đuổi ra nơi xa xôi hẻo lánh, đây gọi là dung túng cho kẻ bất lương vậy. Ưa thích cái mà mọi người ghét bỏ, ghét bỏ cái mà mọi người ưa thích, thế gọi là làm trái bản tính con người, tai họa nhất định giáng xuống kẻ ấy. Cho nên, làm người quân tử cần nhớ kỹ đạo lý lớn này: phải dựa vào trung tín mới được thiên hạ, còn nếu kiêu ngạo, phóng túng thì nhất định mất thiên hạ.". Khổng Tử nói "Cất nhắc người ngay thẳng để trên kẻ tà ác thì có thể biến kẻ tà ác thành ngay thẳng". Người lãnh đạo phải có học vấn mới thực hiện tốt công việc của mình. Khổng Tử phản đối quan niệm của học trò ông là Tử Lộ "Làm quan thì có dân để cai trị, có thần xã tắc để tế lễ, không cần phải chọn kẻ có học làm huyện trưởng, sau làm mới là học.". Người lãnh đạo còn phải thấm nhuần đạo Trung dung. Khi còn ở nước Trần, Khổng Tử nói "Về đi! Về đi! Những học trò của quê hương ta, chí hướng thì rất cao xa mà việc làm thì rất giản lược, không câu nệ tiểu tiết; về văn chương đều có thể có thành tích khả quan. Nhưng họ chẳng biết xem xét, sửa mình theo đạo Trung dung.". Người tự ý làm càn, chuyên quyền độc đoán hay bảo thủ thì nhất định gặp tai họa. Bậc đại trí như vua Thuấn là người ham hỏi han, để tâm suy xét cả những lời thiển cận bình thường, bỏ qua cho những ai bày tỏ điều gì xấu, tán dương những ai nêu lên được điều gì tốt đồng thời chọn lấy cái ở giữa mà thi hành. Khổng Tử là người không dựa vào ý riêng của mình, không cho mình luôn đúng, không cố chấp và vô ngã. Điều quan trọng nhất trong việc cai trị thiên hạ là lễ nhạc, luật lệ và văn tự. Nếu nắm vững ba điều này thì ít phạm sai lầm. Sách Trung Dung đưa ra 9 nguyên tắc lớn trong đạo trị quốc là : Tu dưỡng bản thân thì đạo đức được xác lập. Tôn trọng hiền tài thì không bị mê hoặc, ngu tối. Yêu quý thân tộc thì chú bác, anh em không oán hận. Kính trọng đại thần thì công việc ít phạm sai lầm. Săn sóc quần thần thì kẻ sĩ tận lực báo đáp. Quan tâm đến dân thì dân chúng thực hiện tốt mọi điều bề trên đề ra. Khuyến khích bách nghệ phát triển thì vật dụng, hàng hóa buôn bán đủ đầy, sung túc. Trọng đãi người nước ngoài đến nước mình làm ăn sinh sống thì bốn phương quy thuận. Vỗ về chư hầu thì khắp thiên hạ sẽ kính phục. Khổng Tử từng nói "Thái Bá là con người có đức hết mực. Nhiều lần ông ta đem thiên hạ nhường cho người khác, nhưng không để dân chúng biết mà ca ngợi công đức của mình.". Điều này cho thấy Nho giáo nguyên thủy muốn xây dựng xã hội hài hòa, thiết lập quan hệ tốt đẹp giữa người cai trị và dân chúng, đào tạo ra người lãnh đạo tài đức chứ không phải là công cụ của giai cấp thống trị bảo vệ chế độ chính trị của họ, thậm chí Nho giáo rất gần với tư tưởng về nhà nước dân chủ. Chữ hiếu và xã hội Nho giáo cho rằng hiếu đễ là gốc của đạo nhân. Hữu Tử nói: "Người biết hiếu thuận với cha mẹ, có nết đễ với người lớn tuổi hơn mình mà lại thích cãi cọ, va chạm, xung đột, mạo phạm cấp trên là hiếm thấy. Người không mạo phạm cấp trên mà lại thích làm loạn là không có. Người quân tử là người chuyên tâm nắm vững cái gốc của tu thân. Nắm vững được cái gốc của tu thân thì đạo lập thân xử thế tự nhiên phát sinh ra trong lòng mình. Hiếu đễ là cái gốc của đạo nhân.". Nói về đức hiếu, trong chương đầu Khai tông minh nghĩa của Hiếu Kinh, thuật lại lời Khổng Tử nói với Tăng Tử: Việc kính trọng cha mẹ trong quan niệm về đạo hiếu của Nho gia qua cách nhìn của Khổng Tử: "Ngày nay, thấy ai có thể nuôi dưỡng được cha mẹ, thì người ta gọi là có hiếu. Nhưng đến như giống chó ngựa thì người ta cũng nuôi được vậy. Cho nên nếu không có lòng hiếu kính cha mẹ trong khi nuôi dưỡng, thì nuôi cha mẹ và nuôi chó ngựa có gì khác nhau? Cha mẹ lúc còn sống, phải theo lễ mà đối xử phụng sự. Cha mẹ chết, phải theo lễ mà an táng, cúng tế, đó mới là hiếu. Chứ còn như có việc gì cần làm, con cái làm thay cho cha mẹ, có gì ngon thì mời cha mẹ ăn, đây chắc gì đã là có hiếu?". Để thể hiện sự kính trọng đối với cha mẹ thì "Phụng dưỡng cha mẹ phải nhẹ nhàng khuyên giải, can ngăn. Nếu cha mẹ không chịu nghe thì vẫn phải cung kính, không được trái ý nguyện của cha mẹ, đừng để cha mẹ bận tâm gây nên oán hận.". Đạo hiếu còn thể hiện qua những điều đơn giản như "Cha mẹ già còn sống không được đi chơi xa, nếu có đi phải nói rõ nơi nào cụ thể... Tuổi tác của cha mẹ không thể không nhớ kỹ trong lòng. Một là vì cha mẹ trường thọ mà vui mừng, hai là biết lo toan chuẩn bị hậu sự khi cha mẹ về già.". Khổng Tử nói: "Khi người cha còn sống thì quan sát chí hướng của người con, khi người cha chết thì quan sát hành vi của người con. Nếu ba năm sau khi cha mất, người con không thay đổi những quy tắc của đạo làm con đối với cha, đó là người con có hiếu vậy.". Tăng Tử tóm lược: "Hiếu đạo có 3 điều: Đại hiếu là tôn kính cha mẹ, thứ đến là không làm gì gây tai tiếng cho cha mẹ, sau cùng là nuôi dưỡng cha mẹ". Mạnh Tử bàn về chi tiết chữ “Hiếu” như sau: “Việc phụng sự cha mẹ của người con hiếu là: Cư xử hết lòng kính trọng, dưỡng nuôi cố làm đẹp lòng, bệnh đau tận tâm lo lắng, ma chay hết sức xót thương, tế lễ nghiêm trang rất mực”. Sách Nhị thập tứ hiếu (24 tấm gương hiếu thảo) đã khái quát: Người tai mắt đứng trong trời đất, Ai là không cha mẹ sinh thành, Chữ hiếu niệm cho tròn một tiết, Thì suy ra trăm nết đều nên, Chẳng xem thuở trước Thánh Hiền, Thảo hai mươi bốn, thơm nghìn muôn thu. Vai trò của gia đình Ngay từ 2.500 năm trước, Khổng Tử đã thấy rõ vai trò của gia đình như một tế bào của xã hội. Nếu mỗi gia đình được yên ấm thì mỗi thành viên của nó mới có điều kiện tu dưỡng bản thân, đạo đức mới được đề cao, xã hội mới được thịnh trị. Vua Tề Cảnh Công hỏi Khổng Tử về cách cai trị, Khổng Tử đã trở lời: "Phải làm sao cho mọi người làm tròn chức vụ của mình. Vua ở cho hết phận vua, tôi ở cho hết phận tôi, cha ở cho hết phận cha, con ở cho hết phận con." Sách Đại Học đề cao tầm quan trọng của gia đình đối với quốc gia xã hội: "Nếu trong một nhà mà mọi người đều nhân hậu, lần ra cả nước đều nhân hậu. Nếu trong một nhà mà mọi người đều lễ nhượng thì lần ra cả nước đều lễ nhượng. Một người mà tham lam, trái ngược, lần ra cả nước đều rối loạn. Cái cơ là như vậy đó. Bởi đó, người xưa có truyền lại rằng: Một lời làm hại cả công việc, một người làm yên cả nước." hay "Một nhà hòa thuận mới có thể giáo dục cả nước hòa thuận." Người đứng đầu gia đình là người có trách nhiệm lớn lao nhất trong sự duy trì, phát triển gia đình. Trong gia đình nhiều thế hệ, vị trí người gia trưởng thuộc về người cụ, người ông hay người cha thuộc ngành trưởng. Tôn ti trật tự gia đình này tuân thủ các quy định về trưởng - thứ, nam - nữ, nội - ngoại hết sức chặt chẽ tạo nên chế độ gia trưởng tông tộc bền vững. Chính vì vậy người đứng đầu gia đình phải có đạo đức tốt vì "tự bản thân mình không tu dưỡng tốt thì không lấy gì chỉnh đốn tốt gia đình, gia tộc được". Việc chỉnh đốn gia đình (tề gia) là việc không dễ dàng vì "... con người ta đối với người mình thân thích thì thường có sự thiên lệch... Cho nên ưa thích ai lại biết được khuyết điểm của người ấy, khi ghét bỏ ai lại biết được ưu điểm của người ấy, người làm được như vậy là hiếm có trong thiên hạ". Nho giáo coi trọng nguồn gốc con người, coi gia đình gắn chặt với họ hàng, coi tuyệt tự, quên mất tổ tiên là tội lỗi với tổ tiên. Do đó, việc ghi chép gia phả, cúng tế tổ tiên, họp mặt họ tộc... là việc đặc biệt quan trọng, không được bỏ bễ. Nho giáo đề cao chữ Hiếu, đề cao lễ nghĩa, tiết hạnh, bảo vệ gia đình, gia tộc, tông tộc. Con cái phải hiếu thảo với cha mẹ, cha mẹ mất thì phải chôn cất chu đáo, cư tang để đền đáp ân nghĩa. Trong hôn nhân, Nho giáo đề cao tình nghĩa vợ chồng, không cho phép ngoại tình sau khi kết hôn. Người vợ phải biết Tam tòng, tứ đức, ngược lại người chồng cũng không được lạm dụng uy quyền để hành hạ vợ (bởi như thế là hành vi "Bất nhân, bất nghĩa"). Nho giáo coi trọng trinh tiết, đối với việc quan hệ tình dục trước hôn nhân hoặc sống thử, đạo Nho rất phê phán, xem đó là hành động vô đạo đức, làm nhục gia quy. Nhiều người thời hiện đại phê phán tư tưởng này là "cổ hủ, chà đạp quyền tự do", nhưng nếu suy nghĩ sâu xa thì quy định này đảm bảo sự bền vững của mỗi gia đình cũng như xã hội: con gái biết quý trọng trinh tiết nên không lo bị Sở Khanh lừa gạt, con trai thì có ý thức giữ gìn bản thân không sa đọa vào nữ sắc, nạn mại dâm không thể lan tràn, bệnh hoa liễu và nạo phá thai được giảm thiểu tối đa (điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh y học thời xưa còn lạc hậu). Trái với cách nghĩ của nhiều người cho rằng Nho giáo "chà đạp phụ nữ", thực sự chính Nho giáo đã bảo vệ quyền lợi vật chất cũng như tinh thần của người phụ nữ trong một xã hội luôn bị thiên tai, dịch bệnh đe dọa (đàn ông không được ngoại tình, đánh mắng vợ vì lo sợ bậc trưởng thượng và gia tộc của anh ta phê phán, người mẹ già không lo bị con cái bỏ rơi, kẻ cưỡng hiếp phụ nữ bị luật pháp trừng trị rất nghiêm khắc). Ngược lại, Nho giáo cho rằng người phụ nữ cũng phải tu dưỡng bản thân, rèn luyện những mỹ đức như Công-Dung-Ngôn-Hạnh, chăm sóc gia đình chu đáo, làm đẹp lòng họ tộc, có như vậy gia đình và dòng tộc mới được yên ấm. Ở quy mô rộng, xây dựng gia đình êm ấm không chỉ là để cho bản thân và các thành viên khác có hạnh phúc mà còn là việc quan trọng để xây dựng xã hội thịnh trị. Do vậy, các triều đình luôn có những phần thưởng nhằm tuyên dương những gia đình mẫu mực, lấy họ làm gương cho xã hội. Những người phụ nữ thực hiện xuất sắc Tam tòng tứ đức được phong danh hiệu "Liệt nữ". Làng xã nào có nhiều tấm gương về đạo Hiếu sẽ được phong tặng danh hiệu “Làng hiếu thảo”. Những phần thưởng này có giá trị không kém gì việc đỗ đạt Khoa bảng, là niềm tự hào không chỉ của mỗi gia tộc mà còn của cả địa phương đó. Sách Đại học có đoạn "Muốn trị quốc tốt trước hết phải chỉnh đốn tốt gia đình, gia tộc mình. Bởi vì người trong gia đình, gia tộc mình giáo dục không được, mà lại có thể giáo dục được người khác thì đây là điều không thể có. Cho nên người quân tử không cần ra khỏi nhà mà vẫn giáo dục tốt dân một nước.". Đối với bậc quân vương thì "Bậc vua hiền xử sự ở địa vị một người làm cha, làm con, làm anh, làm em đề trở thành tấm gương cho cả gia tộc noi theo, thì nhân dân mới noi theo. Như vậy là muốn nói trị quốc tốt trước hết là ở chỗ chỉnh đốn tốt gia đình, gia tộc mình". Có thể nói Nho giáo đề cao gia đình hơn bất cứ một học thuyết nào khác. Quan hệ gia đình theo Nho giáo là quan hệ đặc biệt chặt chẽ, phải được tái sinh, tái lập, và mở rộng theo trách nhiệm nghĩa vụ, và đồng thời giữ gìn trật tự kỷ cương. Chúng ta thường nghe nói "Nước có quốc pháp, nhà có gia phong", là câu nói răn dạy con người sống có phép tắc, đồng thời còn là biểu tượng tự hào về truyền thống văn hóa dân tộc là nguyên khí tinh thần độc lập, tự cường của một dân tộc, là bản sắc riêng về truyền thống văn hóa Hiện nay, mô hình gia đình ở Đông Á chuyển mình mạnh mẽ từ truyền thống sang hiện đại. Sự tác động mạnh mẽ của cơ chế thị trường tới gia đình đã làm cho lối sống, nếp sống, chuẩn mực của gia đình truyền thống đã bị mai một. Bên cạnh đó, nhiều hiện tượng tiêu cực về đạo đức, văn hoá gia đình đã xuất hiện như: cha mẹ vô trách nhiệm với con cái, con cái vô lễ ông bà cha mẹ, anh em bất hoà, vợ chồng mâu thuẫn, ngoại tình… khiến các giá trị gia đình bị suy thoái nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển của mỗi cá nhân cũng như toàn xã hội. Trước nguy cơ các nét đẹp về trật tự và đạo đức của gia đình truyền thống bị mất mát, khuynh hướng nuối tiếc các tập quán gia đình tốt đẹp mà Nho giáo đã tạo dựng, hy vọng phục hồi trở lại các trật tự gia đình "cha ra cha, con ra con, chồng ra chồng, vợ ra vợ"… cũng trở nên ngày một mạnh mẽ. Nhiều nghiên cứu gần đây đã khẳng định đạo đức gia đình Nho giáo vẫn còn nhiều điều hữu ích cần được nuôi dưỡng trở lại để giáo dục trẻ em, tạo dựng gia đình nề nếp, góp phần làm lành mạnh xã hội. Vai trò của cá nhân Nho giáo đặc biệt coi trọng con người, coi con người cùng với Trời và Đất là “Tam tài”. Con người có vai trò tham phối với Trời Đất, góp phần vào sự hóa dục (vạn vật) của Trời Đất (Trung dung). Xã hội được tạo ra từ nhiều cá nhân. Cá nhân là căn bản của xã hội. Vì vậy từ Khổng Tử, Nho giáo đã coi trọng cõi người, quan hệ giữa người và người, việc tu dưỡng thành người. Nhân tính và đạo đức là linh thiêng, không có đạo đức thì con người chẳng khác gì cầm thú và các vật vô tri. Đã là người thì phải học, phải tu dưỡng, đặc biệt người cầm quyền phải biết lo giáo hóa, phải làm cho thuần phong mỹ tục trở nên tốt đẹp. Học thuyết chính trị - đạo đức mà trung tâm là tư tưởng nhân nghĩa của Nho giáo, được xây dựng trên cơ sở khuynh hướng nhân bản đó. Nho giáo xem đạo đức của con người quan trọng hơn tài sản. Khổng Tử nói "Người quân tử quan tâm đến đạo đức, kẻ tiểu nhân khao khát ruộng vườn nhà cửa. Người quân tử quan tâm đến phép tắc, kẻ tiểu nhân mong cầu ân huệ". Khổng Tử nêu lên ngũ thường (ngũ luân) với thuyết chính danh và chữ "Nhân" để làm chuẩn mực cho mọi sinh hoạt chính trị và an sinh xã hội. Ngũ thường: ngũ là năm; thường là bình thường, thông thường, vĩnh hằng. Ngũ thường nghĩa là năm phẩm chất đạo đức thông thường của con người. Người ta phải giữ năm đạo đó làm thường, không nên để rối loạn. Ngũ thường gồm: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Nhân: Theo Luận ngữ, Nhân là sự phô bày rất thực tiễn và ngoại tại các phẩm tính của con người. Khổng Tử nói "Muốn tu thân phải tuân theo đạo lý. Muốn tuân theo đạo lý, phải thực hiện nhân. Nhân tức là tính người, là kính yêu người trong thân tộc, yêu nhân dân của mình. Đó là điều lớn nhất trong chữ nhân.". Ngoài ra, Khổng Tử cũng từng cho biết: "Chỉ có người có đức nhân mới có thể hay yêu người và hay ghét người." Cùng chính Khổng Tử cũng từng cảm thán "Ta chưa từng nhìn thấy ai thích đức nhân như thích sắc đẹp.". Để đánh giá người có đức nhân hay không hãy nhìn vào sai lầm của người đó. Khổng Tử nói: "Sai lầm người ta mắc phải có quan hệ đến loại người. Loại người như thế nào thì sẽ phạm sai lầm như thế ấy. Xem sai lầm của một người đã phạm, có thể biết người đó có đức nhân hay không.". Theo Khổng Tử, muốn làm người nhân đức không khó. Ông nói "Không lẽ điều nhân xa chúng ta như vậy ư ? Ta nghĩ muốn đạt được điều nhân thì điều nhân sẽ đến". Tuy nhiên theo ông: "Ta chưa thấy người nào đạt đến điều nhân mà không tốn sức tốn công rèn dũa. Người không mất sức mà đạt đến nhân, đại khái cũng có thể có, nhưng ta chưa gặp bao giờ.". Tăng Tử, học trò của Khổng Tử, lại cho rằng "Kẻ sĩ không thể không có hoài bão lớn lao, ý chí kiên cường, tinh thần kiên nghị. Bởi vì trách nhiệm gánh vác của kẻ sĩ rất nặng mà đường lại còn xa. Gánh điều nhân làm trọng trách của mình chẳng lẽ không phải là quá nặng nề ư ? Chỉ đến khi chết rồi mới ngừng nghỉ, chẳng lẽ không phải đường dài lắm đó ư ?". Nghĩa: Khổng Tử từng nói: "Người quân tử đối với mọi việc trên thế gian, không nhất định phải làm việc này hoặc không làm việc kia, mà xem việc đó có hợp nghĩa hay không, nếu hợp nghĩa thì làm.". Ông cũng cho rằng "... Nhìn thấy việc chính nghĩa không dám làm, là không có dũng khí.". Tinh thần trọng nghĩa khinh tài của Nho giáo được thể hiện trong câu nói của Khổng Tử "Người quân tử chỉ biết điều nghĩa, kẻ tiểu nhân chỉ biết điều lợi.". Lễ: Khổng Tử nói: "Cung kính mà thiếu lễ thì làm thân mình lao nhọc. Cẩn thận mà thiếu lễ thì trở thành nhút nhát. Dũng cảm mà thiếu lễ sẽ trở thành loạn nghịch. Ngay thẳng mà thiếu lễ sẽ trở nên thô lỗ.". Trong ứng xử, lễ thể hiện qua điệu bộ, cử chỉ, phong thái. Trước khi chết Tăng Tử dặn dò học trò "Người quân tử giữ đạo lý nên đặc biệt coi trọng 3 điều: Cử chỉ, dung mạo điềm đạm, dáng điệu khoan thai, đàng hoàng sẽ giữ cho mình tránh thô bạo và phóng túng. Giữ sắc mặt đoan trang sẽ giúp mình giữ được chân thật và thành thực với mọi người. Nói năng chú ý giữ được điệu bộ, giọng điệu sẽ giúp mình tránh được thô bỉ và sai sót.". Trí: Khổng Tử nói "Người có trí lực bậc trung trở lên có thể dạy cho họ những đạo lý cao sâu. Người có trí lực từ bậc trung trở xuống không thể dạy cho họ những đạo lý cao sâu.". Bậc trí giả tùy thời mà sống, Khổng Tử nói: "Ninh Vũ Tử, khi nước nhà yên ổn thái bình được tiếng là người có đức trí, khi nước nhà loạn lạc bị mang tiếng là ngu đần. Trí như Ninh Vũ Tử thì người khác có thể theo kịp, chứ còn giả ngu đần như Ninh Vũ Tử thì thiên hạ không có cách nào đuổi kịp.". Tín: Giữ đúng lời, đáng tin cậy. Chữ tín vốn nằm trong 4 điều trên, sau này được tách ra để thành Ngũ thường. Tín là thước đo, là sự phản ánh 4 giá trị trên. Khổng Tử nói: "Một người không có chữ tín, không biết có thể làm gì được. Cũng giống như xe lớn không có chốt, xe nhỏ cũng không có chốt, thì làm sao có thể đi được ?". Để giữ được chữ tín thì phải cẩn thận trong lời nói, không hứa hẹn những điều vượt quá khả năng của mình vì như Khổng Tử nói "Người xưa không để khinh suất khi nói ra, bởi sợ xấu hổ vì không thực hiện được lời mình đã nói.". Những phẩm chất đạo đức này đều có liên hệ với nhau. Hữu Tử nói: "Giữ được chữ tín là đã tiếp cận với nghĩa, có như vậy lời hứa mới thực hiện được. Giữ được cung kính là đã tiếp cận với lễ, có như vậy mới tránh xa được điều sỉ nhục.". Khổng Tử cho rằng "... Người có đức nhân luôn yên tâm làm điều nhân. Người có đức trí ham muốn làm điều nhân.". Khổng Tử chia con người thành ba hạng: Thánh nhân: Bậc hiền giả, người thể hiện và chuyển giao minh triết. Quân tử: Người có đạo đức, cao nhã, luôn phấn đấu để làm điều chân chính. Tiểu nhân: Kẻ "hèn mọn", hành động không màng tới đạo đức. Muốn trở thành quân tử tức là người có trí tuệ và đạo đức, trí dũng song toàn thì phải học tập không ngừng suốt cả đời. Học được điều gì thì phải thường xuyên ôn tập. Khổng Tử nói "Người xưa học cho mình. Người đời nay học cho người". Ngoài ra, Khổng Tử còn nói: "Ta đi học là học cho ta, để gây cái phẩm giá của ta, chứ không phải là để khoe với người. Ta chỉ lo không làm được những việc đáng cho người ta biết, chứ không lo người ta không biết mình". "Muốn nhân mà không muốn học thì bị cái che mờ là ngu, muốn trí mà không muốn học thì bị cái che mờ là cao kỳ, muốn tín mà không muốn học thì bị cái che mờ là hại nghĩa, muốn trực mà không muốn học thì bị cái che mờ là ngang ngạnh, muốn dũng mà không muốn học thì bị cái che mờ là loạn, muốn cương mà không muốn học thì bị cái che mờ là táo bạo khinh suất.". Sách Trung Dung đã tổng kết lại những điều mà người quân tử theo quan điểm Nho giáo nên làm: "Người quân tử vừa ra sức coi trọng đạo đức vốn có của mình, vừa ra sức chăm lo học tập; vừa phấn đấu đạt đến tầm rộng lớn của đạo, vừa nắm hết chỗ tinh vi tận cùng của đạo. Muốn có được đạo đức cao minh, phải thông hiểu đạo lý trung dung, ôn tập những kiến thức đã nắm chắc, từ đó mà thu hoạch thêm những kiến thức mới; trung hậu, chất phác, giản dị lại ham chuộng lễ nghi nghiêm túc. Khi ở ngôi cao thì không kiêu ngạo, khi làm kẻ dưới thì chẳng dám gây điều trái nghịch, bất chấp lễ nghĩa. Khi nước có đạo, người quân tử có thể ra giúp nước, nghĩ mưu kế để khiến nước nhà hưng thịnh. Khi nước không có đạo, người quân tử có thể dựa vào trí sáng suốt của mình, tránh cho mình khỏi bị tai ương họa hại.". Trong mối quan hệ với mọi người và với kẻ tiểu nhân, Khổng Tử nói: "Người quân tử nếu không có thái độ trang trọng thì không giữ được uy nghiêm, có học tập cũng không củng cố được thành quả đã học. Làm người phải lấy trung tín làm chính. Không kết giao bạn bè với người chẳng như mình. Có sai lầm không sợ sửa chữa.". Ngoài ra, Tăng Tử nói "Mình làm được lại đi hỏi người không làm được, mình biết nhiều mà lại đi hỏi người biết ít. Có tài học mà lại giống như không, tri thức đầy đủ mà lại như không có gì. Người khác xúc phạm mình mà mình cũng không tranh biện. Bạn của ta từ trước đã từng làm được như vậy.". Khổng Tử nói "Người quân tử ung dung, khoan thai nhưng không kiêu ngạo, phóng túng. Kẻ tiểu nhân ngạo mạn, phóng túng nhưng không có tác phong đàng hoàng.". Chính vì khéo cư xử nên người có đạo đức không bao giờ bị cô lập, nhất định có bè bạn gần gũi thân thiết. Tử Cống hỏi "Người cả làng đều khen thì người ấy là người như thế nào ?". Khổng Tử nói "Chưa hẳn là người tốt". Tử Cống lại hỏi "Người cả làng đều ghét thì người này là người như thế nào ?". Khổng Tử nói "Chưa hẳn là người xấu. Không bằng người thiện trong làng khen, kẻ ác trong làng ghét, mới có thể cho là người tốt.". Người có đạo đức và trí tuệ cao hơn quân tử là thánh nhân. Quân tử là người thực hành các đạo lý do thánh nhân truyền dạy còn thánh nhân là người thông hiểu đạo lý trời đất; người có thể soạn ra cương lĩnh, biện pháp lớn để quản lý thiên hạ. Sách Trung Dung viết: "Chỉ có bậc chí thánh trong thiên hạ mới có đủ: Tài trí thông minh, nhìn xa thấy rộng, đủ sức để cai trị thiên hạ. Có lòng khoan dung độ lượng đủ để bao dung dân chúng và vạn vật. Tính tình cương nghị quyết đoán đủ để cầm nắm việc chính sự. Thái độ đoan chính ngay thẳng để mọi người kính nể. Văn chương điển lý tinh tế, xét đoán minh bạch đủ để phân biệt phải trái. Đạo đức của bậc chí thánh rộng lớn, sâu xa vô bờ bến, bao la rộng lớn như trời cao, sâu như vực thẳm... Chỉ có bậc thánh nhân có đức thật cao cả mới có thể soạn ra được cương lĩnh, biện pháp lớn để quản lý thiên hạ, xây dựng bồi đắp cái gốc lớn cho thiên hạ, thông hiểu hết đạo lý trời đất nuôi dưỡng vạn vật...". Giáo sư Vũ Khiêu đã nhận xét: "Nho giáo đã nhận thức được thực tế là những người trong bộ máy nhà nước mà mất đạo đức thì không thể cai trị được nhân dân. Đạo đức người cầm quyền có ảnh hưởng lớn đến sự hưng vong của một triều đại. Vì vậy, Khổng Tử khuyên người cầm quyền phải "tu thân" để làm tấm gương cho người dưới. Với việc đề cao tu thân, Nho giáo đã tạo nên một lớp người sống có đạo đức... Nho giáo coi những người làm quan mà hà hiếp dân là độc ác, để dân đói rét là nhà vua có tội. Nho giáo đã đề cao việc cai trị dân bằng đạo đức, bằng nhân nghĩa, bằng lễ giáo. Muốn thực hiện được đường lối đức trị, người cầm quyền phải luôn "tu, tề, trị, bình"". Trong Nho giáo, "nhân, lễ, nghĩa, trí, tín" được đặt ra trong quan hệ của con người với chính bản thân mình để tu thân, còn chính danh là yêu cầu đạo đức được đặt ra trong quan hệ với người khác (với xã hội) để làm cho xã hội ổn định, phát triển. Những quan niệm này của Nho giáo cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị và có ý nghĩa thời sự của nó. Trong điều kiện hiện nay, khi mối quan hệ của con người với con người càng được mở rộng, khi xã hội đang có những biểu hiện xuống cấp về mặt đạo đức, tệ quan liêu, hối lộ, tham nhũng đang diễn biến phức tạp, thì tư tưởng về đạo làm người trong mối quan hệ với xã hội của Nho giáo lại càng có ý nghĩa, góp phần điều chỉnh hành vi của mỗi người để xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Tư tưởng về Thế giới đại đồng Khổng Tử đã khởi xướng thuyết đại đồng và truyền bá sự bình đẳng về tài sản là nền móng của xã hội ổn định. Ông từng nói: "Thiên hạ sẽ thái bình khi thế giới đại đồng. Người ta không sợ thiếu chỉ sợ có không đều". Tư tưởng này được nói rõ trong thiên Lễ vận thuộc Kinh Lễ: "Đạo đức lớn được thực hành thì thiên hạ là của chung. Kén chọn kẻ có tài đức ra làm việc. Giảng giải điều tín nghĩa, sửa trị điều hoà mục. Cho nên mọi người không riêng thân cha mẹ mình, không riêng yêu con cái mình, khiến người già cả có chỗ sử dụng năng lực, các thiếu niên được nuôi dạy khôn lớn. Thương người goá bụa, thương kẻ mồ côi và những người già không nơi nương tựa. Người tàn tật phải có chỗ nuôi dưỡng, con trai đều có nghề nghiệp, con gái đều có chồng con. Như vậy thì của cải vứt bỏ dưới đất cũng không ai nhặt mà cũng không cần thiết phải cất giữ cho riêng mình. Còn về năng lực thì e không có cách gì để thi thố mà không cần phải giữ làm của riêng. Do đó mọi âm mưu đều bị mai một mà không thể xảy ra, mọi hành vi trộm cắp, gây rối, giặc cướp đều không thể nổi dậy, cửa ngõ không cần đóng. Như thế gọi là Đại đồng." Nho giáo đã trình bày tương đối hoàn chỉnh, có hệ thống về thuyết đại đồng: “Thiên hạ vi công” (Thiên hạ là của chung mọi người), “Tuyển hiền nhiệm năng” (Lựa chọn người hiền, sử dụng người tài), “Các tận kỳ năng” (Ai nấy dốc hết năng lực của mình), “Giảng tín tu mục” (Trọng điều tín, chăm lo sự hòa mục), “Các tận kỳ sở” (Ai nấy đều được nhận tương xứng với công sức của mình). Nhà cách mạng Hồ Chí Minh từng tổng kết: "Những người An nam chúng ta hãy tự hoàn thiện mình về mặt tinh thần bằng cách đọc các tác phẩm của Khổng Tử, và về cách mạng thì cần đọc các tác phẩm của Lenin” Triết lý giáo dục Nho giáo xem trọng hiền tài. Các triều đại quân chủ tôn sùng Nho giáo chủ trương tuyển dụng nhân tài cho đất nước qua các kỳ Khoa bảng (科榜). Các thí sinh đỗ đạt học vị trong các kỳ thi cử này, phần lớn được tuyển chọn làm quan chức cho triều đình. Một trong những điểm tiến bộ của Nho giáo là chủ trương khuyến khích giáo dục, coi trọng người hiền tài:. Nho giáo có nhiều yếu tố tiến bộ khi quan niệm rằng giáo dục là cần thiết cho tất cả mọi người, "hữu giáo vô loại" (việc dạy dỗ không phân biệt loại người) nên ai cũng có cơ hội được học tập và giáo dục, đây là biện pháp để hướng con người tới những phẩm chất cao quý như "nhân, nghĩa, lễ, trí, tín". Nho giáo cho rằng, giáo hóa con người là một trong những nhiệm vụ cơ bản của nhà cầm quyền và cũng là phương tiện hữu hiệu để đưa xã hội từ loạn lạc thành "thái bình thịnh trị". Trước thế kỷ V, cách tuyển chọn quan chức ở Trung Quốc chủ yếu là theo “cửu phẩm trung chính chế”, tức là chủ yếu dựa vào hoàn cảnh xuất thân, vì thế, con em của các nhà quý tộc luôn được chọn vào các bậc quan cao, gây lũng đoạn chính sách địa phương. Chế độ khoa cử đã đánh đổ điều này, thúc đẩy một số đông người từ tầng lớp bình dân chuyển lên tầng lớp trên, từ đó đảm bảo được sự đổi mới của đội ngũ quan lại. Một là tầng lớp nhà nho kinh điển bước vào hệ thống quan lại để thực hiện lý tưởng "trị quốc bình thiên hạ", mặt khác, do xuất thân ở tầng lớp dưới của xã hội, họ có thể hiểu được nỗi khổ của nhân dân và những cái xấu tốt, lợi hại trong việc cai trị, trong một mức độ có thể giảm bớt những sự hư hỏng, hạn chế hủ bại của chế độ. Do đã tiếp thu giáo dục văn hoá có hệ thống, nắm vững những tri thức lý luận về phương pháp quản lý quốc gia, được bồi dưỡng đạo đức tương đối tốt, đội ngũ quan lại có trình độ tương đối cao, có lợi cho việc nâng cao hiệu suất hành chính. Nhờ hệ thống khoa cử các quốc gia Đông Á thời trung cổ được cai trị bằng một tầng lớp tinh hoa có học vấn cao, không phân biệt xuất thân chứ không phải bằng một tầng lớp quý tộc cha truyền con nối như tại phương Tây. Chế độ khoa cử bắt đầu từ nhà Tuỳ, định kỳ tiến hành những cuộc thi, thông qua những cuộc thi mà tuyển chọn quan chức, biện pháp này cũng gọi là “khai khoa cử sĩ” (mở khoa thi, chọn quan lại), kết thúc vào đời Thanh, tồn tại trong xã hội Đông Á hơn 1400 năm, nó đã có ảnh hưởng to lớn với sự phát triển của xã hội Đông Á. Chế độ khoa cử có tính cạnh tranh bình đẳng nhất định về trình độ, có ích cho sự thống nhất và phổ cập văn hoá, cho việc ổn định và củng cố sự thịnh trị của các vương triều nên nó rất được coi trọng, bất kỳ hành vi gian lận nào đều bị trừng phạt rất nghiêm khắc. Nhiều triều đình còn cho dựng bia đá, chép sách lưu danh Tiến sĩ để nêu gương muôn thuở. Những người đố đạt được triều đình ban thưởng rất hậu và cho làm quan, gia đình dòng họ thì tự hào vì đã làm rạng rỡ tông môn. Người không đỗ đạt thì ở nhà dạy học, bốc thuốc, trở thành những người truyền bá văn hoá, tạo thành một xã hội có phong tục tốt đẹp và truyền thống hiếu học. Do giáo dục được coi trọng, người có kiến thức và văn hóa được xã hội tôn trọng. Từ xưa đến nay, dù là quý tộc hay dân thường, dù giàu hay nghèo thì đều tìm mọi cách đưa con cháu đi học để thành người có đạo đức và tri thức. Địa vị của người thầy rất cao, dân gian có nhiều cách nói về tôn trọng người thầy, ví dụ như “Tôn sư bất luận quý tiện bần phú” (bất kể giàu nghèo sang hèn đều phải tôn trọng người thầy), “nhất nhật vi sư, chung thân vi phụ” (Một ngày làm thầy, cả đời làm cha)... Từ thường dân đến hoàng đế đều rất tôn trọng người thầy, thể hiện trong mọi mặt cuộc sống xã hội. Hiện nay, một số nước như Trung Quốc chọn ngày 10/9, Đài Loan chọn ngày 28/9, Việt Nam chọn ngày 20/11... làm Ngày Nhà giáo để thể hiện sự tôn trọng đối với nghề giáo. Ví dụ, Ngày Nhà giáo tại Đài Loan là một ngày lễ rất lớn, được tổ chức ở hầu khắp các đền thờ Khổng Tử, lễ này còn được gọi là Tế Khổng Đại Điển (祭孔大典), được chỉ đạo tổ chức bởi hậu duệ đứng đầu dòng họ Khổng của Khổng Tử (người này được chính quyền Đài Loan tặng chức vụ danh dự "Đại thành chí thánh tiên sư phụng tự quan" và cấp ngân sách cho việc tế tự Khổng Tử). Trong buổi lễ luôn có phần trao giải thưởng cho các nhà giáo có nhiều cống hiến quý giá cho nền giáo dục. Triết lý giáo dục của Nho giáo chủ trương giáo dục toàn diện. Khổng Tử nói: "Người quân tử không thể giống như khí cụ là chỉ có một tác dụng.". Ngoài ra, ông cũng từng nói "Học ba năm mà chẳng để chí vào việc cầu bổng lộc, chẳng dễ mà có được người như vậy.". Nho giáo nêu quan điểm đề cao Đức dục. Đức dục phải được đặt lên trên Trí dục. Khổng Tử nói: "Tuổi trẻ muốn nên người, ở nhà cần phải hiếu thuận với cha mẹ, ra ngoài phải tôn kính người hơn tuổi mình, hành vi phải cẩn thận, lời nói phải giữ điều tín, yêu thương rộng rãi mọi người, biết gần gũi người có đức nhân. Làm được vậy rồi, nếu còn dư năng lực, thời gian thì học tập tri thức.". Về phương pháp học tập, Khổng Tử nói: "Học mà không suy nghĩ sẽ chẳng có thu hoạch gì, chỉ suy nghĩ mà không học sẽ rất nguy hiểm.". Sách Trung Dung có đoạn "Trừ khi không chịu học, đã học mà chưa hiểu thì chưa dừng lại, nếu đã chịu hỏi mà chưa rõ, đã chịu suy nghĩ mà chưa tìm ra giải pháp, đã tranh luận mà chưa ra nhẽ, đã chịu làm theo mà chưa tốt, thì đều chưa dừng lại. Người khác làm một lần, mười lần mà có thể đạt được, mình hãy bỏ công một trăm lần, một nghìn lần. Nếu chịu làm theo phương pháp này, thì dù cho có ngu độn đến mấy cũng trở thành thông minh, dù cho có nhu nhược đến mấy cũng trở nên cứng rắn.". Khổng Tử đề cao tinh thần dân chủ trong giáo dục. Ông nói "Kẻ nào không ấm ức vì chưa hiểu được, thì ta chẳng gợi mở cho mà thông hiểu được. Kẻ nào không hậm hực vì không bày tỏ ý kiến ra được, thì ta chẳng hướng dẫn cho mà nói được. Người học đã biết rõ một góc mà chẳng biết xét để biết ba góc kia thì ta chẳng dạy cho kẻ ấy nữa.". Tinh thần học tập của Nho giáo có thể khái quát trong câu nói của Khổng Tử "Buổi sáng biết được chân lý thì dù cho buổi chiều có chết cũng cam tâm.". Ảnh hưởng tại các quốc gia Trung Quốc Lịch sử Trung Quốc ghi lại nhiều tấm gương các Nho sĩ tận tâm với đất nước. Tiêu biểu là thừa tướng Văn Thiên Tường, người lãnh đạo Nam Tống chống lại sự xâm chiếm của Mông Cổ. Lúc còn nhỏ, Văn Thiên Tường chăm học, đọc nhiều sách và thích nhất là những câu chuyện nói về "Trung thần nghĩa sĩ", tư tưởng yêu nước đã ăn sâu vào tâm hồn ông. Sau khi bị bắt, vua Mông Cổ ra sức đem cả quyền thế và vũ lực để ép ông đầu hàng nhưng ông vẫn không khuất phục. Sau khi bị hành quyết, mọi người đã phát hiện có một tờ giấy quấn quanh đai lưng của thi thể ông, tờ giấy đã được viết thay cho lời trăn trối: "Chức vụ tôi là Tể tướng, mà không cứu được xã tắc, ổn định thiên hạ, quân bại nước nhục, tội đáng chết từ lâu. Từ ngày bị bắt đến nay, không làm điều gì gian dối. Ngày nay cơ sự thế này, xin hướng về phương Nam lạy trăm lạy. Xin được nói: Khổng Tử nói muốn có nhân đức phải giữ nghĩa, tôi giữ nghĩa đến cùng nên có nhân. Đọc sách thánh hiền, học được chuyện gì? Đó là làm gì cũng đừng để ngày nay, ngày sau phải hổ thẹn. Tống thừa tướng Văn Thiên Tường tuyệt bút". Sau khi nhà Thanh sụp đổ vào năm 1911, Nho giáo tại Trung Quốc bị bài xích, coi là tàn dư lạc hậu của chế độ phong kiến. Học giả Trần Trọng Kim, tác giả cuốn Nho giáo có nhận xét về sự suy yếu của Nho học ở Trung Quốc vào đầu thế kỷ XX như sau: Báo Asia Times Online viết về sự thay đổi cái nhìn của đảng Cộng sản Trung Quốc. Khi họ mới lên nắm quyền, dưới thời Mao Trạch Đông Khổng Giáo được xem là một hệ tư tưởng phong kiến, còn bây giờ được coi là có vai trò quan trọng trong quan hệ ngoại giao của Trung Quốc. Báo Economist nhận xét, Mao cho là Khổng tử là một biểu hiệu cổ hủ so với nước Cộng sản Trung Quốc, nhưng bây giờ triết gia này được cho là người truyền bá hòa bình và sự hòa đồng. Đến cuối thế kỷ XX, Nho giáo bắt đầu được quan tâm trở lại, nhiều người Trung Quốc muốn phục hưng lại Nho giáo để làm phương châm khôi phục lại đạo đức xã hội và truyền thống dân tộc. Năm 1989, trên tờ "Nga Hồ Nguyệt san" trong bài "Ý nghĩa hiện thực và các vấn đề cấp thiết của phục hưng Nho học Trung quốc đại lục", Tưởng Khánh đã chỉ ra rằng: "Vấn đề lớn nhất trước mắt của Trung Quốc đại lục là vấn đề phục hưng Nho học" và tuyên xưng "Nho học lý luận phải là chủ nghĩa, cần được khôi phục lại địa vị cao nhất như trong lịch sử, là tư tưởng chính thống của tinh thần và sinh mệnh của dân tộc Trung Hoa" Sau Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc (tháng 12/2012), tân Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước là Tập Cận Bình, một người rất yêu quý và coi trọng văn hóa truyền thống Trung Quốc. Ông hiểu biết Quốc học, khi nói thường vận dụng các từ ngữ cổ. Năm 2006, ông nói tinh thần cốt lõi của Nho giáo là "xã hội hài hòa". Tại một cuộc họp năm 2013, Tập Cận Bình đã trích dẫn Khổng Tử, nói rằng "người cai trị bởi đạo đức thì như sao Bắc Đẩu, Khổng giáo suốt mấy nghìn năm đã giữ vững địa vị của nó, và được vô số người tỏ lòng ngưỡng mộ". Ngày 24/9/2014, ông đến phát biểu tại Hội thảo "Nho học với nền hòa bình và sự phát triển thế giới" nhân kỷ niệm 2565 năm sinh Khổng Tử, đây là lần đầu tiên lãnh đạo cao nhất Trung Quốc dự hoạt động trên. Ông nói: "Cần kế thừa nền văn hóa truyền thống của dân tộc, không được phủ nhận lịch sử, không quên lịch sử thì mới có thể mở ra tương lai, giỏi kế thừa thì mới giỏi sáng tạo, chỉ có kiên trì đi từ lịch sử tới tương lai thì mới có thể làm tốt sự nghiệp ngày nay". Khi thăm Sơn Đông, nơi sinh của Khổng tử, Tập Cận Bình đã nói với các học giả rằng thế giới phương Tây đang "chịu một sự khủng hoảng về nội tâm" và rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc cần phải là người "thừa kế trung thành và khởi xướng xuất sắc của truyền thống văn hóa Trung Hoa". Cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Trung Quốc đã loại bỏ phần thi áo tắm kể từ năm 2015. Ban tổ chức cho biết: "Việc yêu cầu các thí sinh mặc trang phục áo tắm thiếu vải, phô diễn cơ thể trước đông đảo khán giả để câu khách là sự thiếu tôn trọng đối với phụ nữ và đây cũng là quan niệm sai lầm tại các cuộc thi nhan sắc, đưa ra những thông điệp sai lầm về cái Đẹp". Ban tổ chức sẽ loại bỏ phần thi áo tắm để cuộc thi trở nên gần gũi với thuần phong mỹ tục Trung Quốc, thay vào đó họ sẽ tập trung chủ yếu vào việc phô diễn tài năng về nghệ thuật, văn hóa truyền thống, đặc biệt là đạo Khổng. Trọng tâm của cuộc thi năm 2015 là việc tập đọc văn bản cổ “Đệ tử quy” được viết dưới triều Hoàng đế Khang Hi nhà Thanh (trị vì 1661-1722), với nội dung dựa trên những bài giáo huấn của Khổng Tử, nhấn mạnh vào tiêu chí cơ bản để trở thành một người tốt, cùng với những định hướng để con người sống hài hòa với những người xung quanh. Ủy ban đặt ra tiêu chí rằng các thí sinh phải hiểu biết sâu về văn hóa Trung Hoa để góp phần mở rộng sự truyền bá văn hóa Trung Quốc ra thế giới Sau một thời kỳ đả phá một chiều văn hóa truyền thống, xã hội Trung Quốc đang bị khủng hoảng đức tin, đời sống tinh thần và tâm linh trống rỗng, chịu ảnh hưởng nặng của tư tưởng sùng bái vật chất. Vì vậy Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định dân tộc Trung Hoa cần phải chấn chỉnh, xây dựng lại tín ngưỡng và giá trị quan của dân tộc. Sức mạnh cứng rất quan trọng, nhưng sức mạnh mềm như văn hóa, đạo đức, tín ngưỡng, tinh thần, giá trị quan… cũng rất quan trọng trong việc xây dựng đất nước hùng mạnh, có phục hưng được văn hóa thì mới đưa đến sự phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa. Nhật Bản Ở Nhật Bản, Nho giáo bắt đầu được truyền vào từ thế kỷ thứ V. Năm 604, Thái tử Shotoku đã dùng lý tưởng Nho học để xây dựng pháp luật. Đến thời Nara (710 – 794) và và giai đoạn đầu của thời Heian (794 – 1185) Nho học phát triển mạnh mẽ trong tầng lớp quý tộc và tăng sĩ. Tại Nhật, chữ Trung của Nho giáo là đức mục được đề cao nhất – ngưòi Nhật gọi nó là "Trung thành tâm" (忠誠心chùseishin), và quan hệ bề tôi với chủ ấy gọi là "Quan hệ chủ tòng" (主従関係shujù kankei). Người Nhật ai cũng biết đến câu chuyện về 47 Ronin trong sự kiện Akô thời Nguyên Lộc (1748). Đội trưởng Ôishi và các võ sĩ của mình đã hy sinh bản thân báo thù cho chủ: Ôshi thấy đám tang mẹ đã gạt nước mắt ra đi không về chịu tang, rồi đuổi vợ đi để che mắt kẻ thù. Một võ sĩ khác - Hara, đã chia tay mẹ già, vợ trẻ, con thơ để báo thù cho chủ. Bà mẹ của Hara đã cư xử như một liệt nữ Nhật Bản: bà thắt cổ tự tử để cho con yên lòng thực hiện nghĩa vụ cao cả nhất của người con trai. Câu chuyện ấy được ghi trong Trung thần tàng (忠臣蔵Chùshingura), được nhiều thế hệ người Nhật từ xưa đến nay say mê. Lòng trung thành trong một cấu trúc xã hội đến nay vẫn còn tiếp tục được phát huy trong xã hội Nhật Bản hiện đại. Đến giữa thế kỷ XIX, đứng trước họa thực dân phương Tây, tại Nhật Bản xuất hiện các ý kiến chỉ trích nền giáo dục Nho học tại nước này. Fukuzawa Yukichi trong bài Thoát Á luận đã chỉ trích nền giáo dục chú trọng cổ văn nhưng coi thường kiến thức thực tế của Trung Hoa và Triều Tiên. Ông cho rằng 2 nước này "suốt hàng nghìn năm không hề thay đổi và vẫn quyến luyến với những phong tục tập quán cũ kĩ, khi bàn luận về giáo dục thì lên tiếng giữ gìn nền giáo dục Nho học, chỉ biết trích dẫn những lời giáo huấn “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí”, chỉ coi trọng hình thức bên ngoài giả tạo mà coi thường chân lý và nguyên tắc, mê tín hủ lậu không biết khoa học là gì, lại còn kiêu căng tự phụ" Tuy nhiên, việc đả kích Nho học ở Nhật thời kỳ này cũng có hạn chế: nó bắt đầu từ cái nhìn "sùng bái một chiều về nền văn minh vật chất phương tây cũng như cái nhìn phủ nhận một chiều những giá trị thực sự của dân tộc mình", đi tới nguy cơ đánh mất chính mình trong công cuộc “văn minh Âu hóa” đầy rẫy bi kịch. Ánh hào quang của các tiêu chí phương Tây tuy có nhiều giá trị gợi mở nhưng cũng không ít hiểm họa mà đáng sợ nhất là tinh thần sùng bái vật chất, là kiểu sống nhân danh “đấu tranh sinh tồn”, “chủ nghĩa tinh hoa”, chủ nghĩa dân tộc cực đoan vốn có quan hệ khá nhiều với các chính sách xâm lược thực dân, chế độ phát xít". Triều đình và những trí thức Nhật Bản cuối thế kỷ 19, một mặt thấy được hạn chế của nền giáo dục Nho giáo trong thời kỳ mới, mặt khác họ vẫn thấy được giá trị của Nho giáo trong việc giáo dục đạo đức, nhất là giáo dục lòng trung thành, xây dựng một nước Nhật Bản theo chủ trương “Nước giàu binh mạnh”. Nhà nghiên cứu Yoshiharu Tsuboi nhận xét rằng “Ở Nhật Bản, Trung Hoa và Triều Tiên lúc này đều có những khẩu hiệu tương tự nhau như Hòa hồn dương tài (Tinh thần Nhật và kỹ thuật Tây Âu), Đông đạo tây khí (đạo lý phương đông và thực hành phương tây), Trung thể tây dụng (Thể chất Trung Hoa và công dụng phương tây)", tất cả đều nhằm mục tiêu: học hỏi kỹ thuật phương Tây nhưng vẫn duy trì được nền tảng đạo đức Nho giáo trong xã hội. Yoshiharu Tsuboi xác nhận cộng đồng Đông Á “có cùng một vấn đề đã đặt ra cho Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản là làm sao bảo vệ được dân tộc và bản sắc dân tộc chống xâm lược phương Tây mà vẫn giữ gìn các giá trị truyền thống đặt trên cơ sở Nho giáo". Năm 1880, tại Nhật Bản, cải cách Minh Trị thực thi nền giáo dục mới nhằm chú trọng học hỏi kiến thức khoa học kỹ thuật phương Tây. Bên cạnh đó, triều đình Minh Trị vẫn khuyến khích nhân dân không được quên nền tảng đạo đức Nho giáo xưa, tuyên dương tinh thần thượng võ cổ truyền vốn có của người Nhật. Trong vấn đề điều hành xã hội, triều đình Minh Trị không học theo Tây Âu mà vẫn tiếp tục duy trì tư tưởng Nho giáo với nền tảng trị quốc mà giới tinh hoa thấm nhuần "Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín"; cách gạn lọc này được gọi là "hồn Nhật Bản, tài Tây Âu". Theo chủ trương đó, năm 1885, Mori Arinori (Sâm Hữu Lễ 森有礼, 1847 - 1889), Văn Bộ khanh (Bộ trưởng Giáo dục) đã ban bố quy chế giáo dục đạo đức Nho giáo cho học sinh. Sau đó, Nam tước Motoda Nagazane/Nguyên Điền Vĩnh Phu 元田永孚 (1818 - 1891), Thị giảng Cung Nội tỉnh (tương đương bộ trưởng giáo dục) đã công bố bộ sách ghi những lời chỉ dụ về giáo dục của Thiên hoàng, gọi là Sắc chỉ giáo dục (教育勅語). Trong đó phần đầu ghi lại những lời dạy của các Thiên hoàng trong lịch sử xác lập quan hệ giữa đạo đức và quốc gia: Lòng trung hiếu của thần dân là "tinh hoa của quốc thể", là "ngọn nguồn của giáo dục"… Tiếp theo trình bày 12 đức mục: Hiếu với cha mẹ, Hoà vợ chồng, Tôn trọng pháp luật, Tinh thần xả thân khi quốc gia hữu sự… Tinh thần ấy về cơ bản chịu ảnh hưởng tư tưởng Nho giáo truyền thống Trong Sắc chỉ giáo dục, quan đại thần Motoda Nagazane đã thừa lệnh Thiên Hoàng Minh Trị xác định phương châm của giáo dục Nhật Bản: Theo quan điểm của Motoda Nagazane, giáo dục cần chú trọng đến truyền thống và đạo đức trước khi dạy về khoa học và thế giới, ông chủ trương phát triển các giá trị truyền thống của dân tộc Nhật Bản. Theo ông, việc hội nhập với văn hoá phương Tây chỉ tạo ra một môi trường mà theo đó, nhiều người Nhật Bản đã quên mất các tập tục của cha ông và kết quả trực tiếp là đánh mất truyền thống dân tộc. Ông cho rằng, cải cách giáo dục cần phải "tập trung vào học tập luân lý theo Khổng giáo dựa trên cơ sở những lời dạy của tổ tiên” Triều đình Minh Trị tập trung phổ biến, truyền bá tư tưởng Nho giáo cho các học sinh. Sắc lệnh giáo dục năm 1880 quy định nhà trường đối với môn lịch sử phải đặt trọng tâm vào thể chế kiến quốc, tức "Chủ nghĩa hoàng gia là trung tâm". Năm 1890, Thiên hoàng Minh Trị đích thân ban bố "Sắc chỉ giáo dục", lấy việc "phò tá hoàng vận", "chí trung chí hiếu" làm căn bản, mỗi học sinh phải thuộc lòng "Sắc chỉ giáo dục" của Thiên hoàng và "Di huấn của Hoàng tổ Hoàng tông". Một đoạn trong "Giáo viên Tiểu học cần biết" soạn thảo năm 1881 có ghi: Nhà nước Nhật Bản từ thời cải cách Minh trị kết hợp cả Thần đạo (tôn giáo truyền thống của Nhật), Khổng giáo (du nhập từ Trung Quốc) và khoa học kỹ thuật phương Tây. Chính thể là quân chủ nhị nguyên, đề cao vai trò Hoàng đế. Từ triết lý giáo dục bình đẳng và quan điểm xem trọng hiền tài bất kể xuất thân của Nho giáo, Chính phủ Minh Trị có chính sách không phân biệt hoàn cảnh, giai tầng của bất cứ thành phần nào trong vấn đề tuyển chọn nhân tài để đưa sang các nước phương Tây du học, tạo cho người dân Nhật niềm tin rằng nguồn gốc xuất thân, tài sản thừa kế không quan trọng bằng sự cố gắng học tập của bản thân. Công cuộc cải tổ của Thiên hoàng Minh Trị đã đạt được những thành tựu đáng kể. Nhật Bản đã có một nền giáo dục có xu hướng mới, nhưng họ vẫn không quên đi văn hóa cổ truyền của đất nước, vẫn đề cao tinh thần đạo đức và chủ nghĩa dân tộc của người Nhật Bản, đề cao truyền thống dân tộc theo tinh thần Khổng giáo nguyên thủy. Thành công của Nhật Bản cuối thế kỷ 19 cho thấy Nho giáo không đối nghịch với sự phát triển trong thời kỳ hiện đại. Trái lại, nền tảng đạo đức Nho giáo lại trở thành động lực to lớn thúc đẩy phát triển kinh tế. Triều Tiên và Hàn Quốc Nho giáo đã trở thành quốc giáo ở Triều Tiên từ triều đại Chósun. Trong xã hội hiện đại ngày nay ở Triều Tiên cũng như Hàn Quốc (2 nửa của vương quốc Triều Tiên trước kia), tư tưởng Nho giáo vẫn có ảnh hưởng rất lớn. Giống như Trung Quốc và Việt Nam, Nho học đã tạo ra một lớp trí thức được đánh giá cao trong xã hội Triều Tiên thời Trung Cận đại (Khoa bảng). Vì thế nếu một cá nhân nào đó đi thi và đỗ Tiến sĩ được cả huyện làm đại lễ, đỗ Cử nhân được làm Trung lễ để đón tiếp. Sự kiện thi đỗ được coi trọng hơn là được thăng chức, điều này đã được ghi trong Hương ước Hải Châu như sau: "Nếu như đỗ Tiến sĩ cập đệ thì làm đại lễ, đỗ Cử nhân thì làm trung lễ. Còn lại các loại lễ như lễ đội mũ cho con trai, lễ thăng quan chức lên một bậc đều làm tiểu lễ... và tặng vật cho người đỗ Tiến sĩ là 5 sấp vải bông, đỗ Cử nhân tặng 3 sấp vải bông". Tư tưởng Nho giáo ở Triều Tiên biểu hiện rõ nhất trong mối quan hệ giữa con cái và cha mẹ, quan hệ vợ chồng, anh em, quan hệ với bạn bè người thân. Trong các mối quan hệ này, quan hệ và trách nhiệm đối với cha mẹ là cao nhất. Con không được bất hiếu với cha mẹ, nếu như vi phạm phải chịu hình phạt cao nhất. Bản Mật Dương hương ước soạn năm 1648 đã ghi: "Làm con cốt ở sự thành thật, thành thật là cái gốc của sự hiếu kính". Khi cha mẹ còn sống phải có trách nhiệm phụng dưỡng chu đáo, khi cha mẹ qua đời phải lo tang tế theo đúng lễ tục. Cha mẹ là đấng tối thượng, những người làm con phải luôn ghi nhớ để chăm sóc và phụng dưỡng suốt đời. Ý thức này khiến cho con người sống nhân bản hơn, có giá trị giáo dục cao. Tư tưởng Nho giáo còn thể hiện ở tinh thần "Tôn kính trưởng thượng" - tôn trọng và kính nể bậc trên, người cao tuổi. Tư tưởng Nho giáo đề cập trong Hương ước Triều Tiên còn dạy dân có tính trung tín, đôn hậu với bạn bè người thân, cư xử với nhau có tình nghĩa trước sau. Theo các học giả Triều Tiên-Hàn Quốc, khi gia đình và đạo đức gia đình được chấn chỉnh và phát huy sẽ khiến cho thuần phong mỹ tục được trở nên tốt đẹp; như thế cũng sẽ góp phần làm ổn định xã hội. Trong lời tựa cho "Hương ước Tây Nguyên", tác giả đã viết: "Người trong một Hương (Huyện) khi khó khăn phải giúp đỡ lẫn nhau, khi có bệnh tật phải cứu giúp nhau, khi có việc phải ra ngoài thì phải hỗ trợ nâng đỡ nhau. Vả lại, khiến cho con em chịu sự giáo dục của gia đình, của trường làng, trường huyện, để đôn đốc nâng cao ý nghĩa của hiếu đễ, khiến cho xã tắc thịnh trị đến muôn đời, phong tục tốt đẹp, thuần lương cũng từ đó mà ra". Tác giả của Lễ An hương lập ước điều cũng viết trong bài tựa như sau: "Bậc đại phu trong làng lấy đức để hành đạo, làm kẻ sĩ tất phải tu chính trong gia đình, làm rạng rỡ nơi làng xóm, sau đó có thể chấn hưng được quốc gia... Huống chi, cái tốt cái xấu có thể xen nhau, Hiếu Đễ Trung Tín nếu bị chậm hoặc không được thi hành thì khiến cho cái xấu, cái ác có thể quay về. Như thế thật là đại họa cho xã tắc." Như vậy, những nhà Nho Triều Tiên đã mang tư tưởng Nho giáo của Trung Hoa để áp dụng vào việc dạy cho dân có những phong tục đẹp theo quan niệm Nho gia. Nho giáo được coi là một chuẩn mực để định ra những giá trị đạo đức và các hành vi ứng xử cho dân. Tư tưởng Nho giáo được các nhà Nho Triều Tiên tiếp thu và phát triển theo xu hướng dân tộc, coi trọng tình cảm gia đình, yêu kính cha mẹ, thương yêu anh em, nhân hậu với người thân, quý trọng tình bằng hữu, hoà mục với xóm làng, trọng nghĩa lý, biết cứu giúp người trong khó khăn hoạn nạn, ứng xử đúng với vị trí của mình. ở Hàn Quốc và Triều Tiên, vấn đề học vấn được giải quyết một cách đáng khâm phục chính bởi truyền thống Nho giáo hiếu học. Người Hàn Quốc và Triều Tiên, cũng như­ các nước đạo Khổng, luôn tuân thủ nếp sống cần kiệm, nghị lực đeo đuổi học vấn “học không biết mỏi, dạy không biết chán”. Từ truyền thống hiếu học của mình, người Hàn Quốc có đức tính tôn sư trọng đạo rất cao. Ai đó từng dạy học sinh Hàn Quốc đều thấy rõ tinh thần đó. Dân tộc Triều Tiên có một câu cách ngôn giáo dục đáng kính là: “Không được giẫm lên, dù chỉ là cái bóng của thầy”. Lực lượng lao động được đào tạo một cách nghiêm túc và hiếu học là nguyên nhân chính tạo nên sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Hàn Quốc trong thế kỷ XX. Ở Triều Tiên cũng vậy, dù kinh tế còn khó khăn nhưng nước này có những thành tựu về khoa học công nghệ ngang hàng với các cường quốc thế giới: họ có thể tự chế tạo từ điện thoại di động, máy tính bảng cho tới máy bay không người lái, xe tăng, tàu ngầm, tên lửa đạn đạo... và cả bom nguyên tử. Từ năm 1910, Nho giáo đã không còn là quốc giáo, hệ tư tưởng chính thức của Nhà nước tuy nhiên nó vẫn có ảnh hưởng các mối quan hệ gia đình, thái độ chính trị, phương pháp tiếp cận để giải quyết vấn đề và nhiều các khía cạnh khác của cuộc sống ở Hàn Quốc và Triều Tiên. Tại Hàn Quốc ngày nay, Nho giáo vẫn ảnh hưởng rất sâu đậm. Chuyển sang thời hiện đại, vào những năm 1970, có những thời kỳ mà người Hàn Quốc nhân “phong trào xây dựng làng mới” đã đập phá, bãi bỏ những thứ mà họ cho là tàn dư, tàn tích của chế độ phong kiến. Những gì truyền thống đều bị coi là “cổ hủ”, lỗi thời, lạc hậu, cần phải gạt bỏ nhanh chóng để tiến lên hiện đại hóa. Thế là rất nhiều những di vật, di sản văn hóa có giá trị bị đập phá, nhiều sách vở tư liệu cổ quý giá bị thiêu hủy. Thời kỳ này do Tổng thống Park Chung Hee nắm quyền, ông ta định dẹp bỏ tất cả những gì gọi là truyền thống để nhanh chóng đạt được cái gọi là hiện đại hóa. Nhưng, về tư tưởng, Park Chung Hee không đưa ra được một học thuyết chính trị nào phù hợp mà nhận ra rằng, không thể không sử dụng những yếu tố tích cực của Nho giáo, trong đó, Trung (trung thành) và Hiếu (hiếu thảo) là giá trị quan xuyên suốt nhiều thế kỷ ở Hàn Quốc vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa quốc gia của ông. Vào thời kỳ đó, đã xảy ra nhiều cuộc tranh luận nóng bỏng giữa các học giả Hàn Quốc về tính hữu dụng của truyền thống, của yếu tố tích cực trong Nho giáo mà kết quả cuối cùng là Park Chung Hee đã đi đến quyết định: Giá trị quan của Nho giáo về Trung và Hiếu được ông ra chỉ thị tiếp tục dạy trong nhà trường và truyền bá trong nhân dân. Từ đó cho đến tận ngày hôm nay, vấn đề chữ Hiếu vẫn được nêu cao và được coi là truyền thống tốt đẹp của người Hàn Quốc. Trong quan hệ vợ chồng dù không còn khắt khe như thời phong kiến nhưng trách nhiệm của người đàn ông đối với kinh tế vẫn là chính, đa số phụ nữ sau khi lấy chồng đều ở nhà chăm lo việc nhà, nuôi dạy con cái, họ chấp nhận bỏ việc để ở nhà làm hậu phương cho sự nghiệp của chồng. Họ vẫn nêu cao đức hạnh "dâu thảo, vợ hiền" thực hiện "Nghĩa vợ chồng" như một bộ luật bất thành văn. Vấn đề chữ Hiếu vẫn được nêu cao và được coi là truyền thống tốt đẹp của người dân Hàn Quốc. Đời sống người Hàn Quốc càng khá giả thì việc cúng giỗ tổ tiên chẳng những không mất đi mà lại càng trang trọng, càng giống như phương thức mà các qúy tộc thời xưa đã làm. Tết Trung thu ở Hàn Quốc không phải là Tết thiếu nhi như ở Việt Nam mà là ngày lễ lớn, người Hàn Quốc dù ở xa cũng trở về đoàn tụ gia đình để lễ bái ông bà cha mẹ, cúng lễ và quỳ lạy trước phần mộ tổ tiên. Về phía nhà nước, Chính phủ quy định kỳ nghỉ dài ngày trong dịp lễ này và Tổng thống Hàn Quốc luôn có bài phát biểu chúc Tết Trung thu nhằm nhắc nhở người dân cần ghi nhớ truyền thống của tổ tiên. Đại học Thành Quân Quán, trường đại học lâu đời nhất Hàn Quốc được thành lập năm 1398 để thờ cúng và đào tạo Đạo Khổng. Sau 600 năm, hiện nay trường vẫn là một trong những đại học lớn nhất Hàn Quốc và vẫn giữ nguyên khẩu hiệu là "Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí" (仁, 義, 禮, 知), thể hiện tinh thần của Khổng Giáo về bốn phẩm chất quan trọng của con người: tinh thần, hành động, lương tâm, và trí tuệ. "Nhân" thể hiện tình yêu thương, "Nghĩa" giúp phân biệt đúng sai, "Lễ" thể hiện lòng kiên nhẫn và đúng mực, "Trí" thể hiện khả năng lĩnh hội, tư duy, thể hiện Triết lý của Khổng Tử hướng con người đến sự nhận thức và nuôi dưỡng điều thiện. Bốn yếu tố đó ảnh hưởng đến triết lý phát triển của trường, và là những tiêu chí để xây dựng nền nghiên cứu đề cao sự thật và công bằng xã hội. Biểu tượng của trường là hai cây bạch quả lớn (Di tích quốc gia Hàn Quốc số 59). Mặc dù bây giờ đã không còn, hai cây bạch quả này được coi là biểu tượng quan trọng của đại học Sungkyunkwan. Được trồng vào năm 1519 bởi Yun Tak, hiệu trưởng của học phủ Sungkyunkwan, cây bạch quả còn là biểu trưng của Nho giáo bởi có truyền thuyết cho rằng, Khổng Tử thường ngồi đọc sách, đàm đạo hoặc dạy học trò dưới tán cây. Loài cây này cũng thể hiện sự trường thọ và thông thái, hai yếu tố quan trọng trong văn hóa Triều Tiên. Singapore Singapore là đất nước có lịch sử non trẻ nên không có truyền thống Nho giáo hàng ngàn năm như Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản... Tuy nhiên, do 70% người Singapore là người gốc Hoa, do đó Nho giáo vẫn là thành tố quan trọng ảnh hưởng tới xã hội nước này. Giành độc lập từ thập niên 1950, Singapore đã trải qua quá trình phát triển kinh tế nhanh chóng, đô thị hóa khiến bộ mặt đất nước thay đổi nhanh chóng. Tuy nhiên bên cạnh những thành công, các nhà lãnh đạo Singapore sớm nhận ra những nhân tố mới tiềm ẩn nguy cơ với đất nước: Đô thị hóa khiến các dòng tộc bị xé nhỏ. Tinh thần vì cộng đồng và dòng tộc trong thế hệ trẻ sinh ra ở thành phố đã giảm đi rất nhiều Vai trò cá nhân được đề cao, nhưng nếu đề cao thái quá thì sẽ dẫn đến tình trạng con người chỉ biết tư lợi cho bản thân, coi thường các giá trị nhân văn, các giá trị cộng đồng. Các nhà lãnh đạo Singapore nhận thấy đó là nguy cơ cho một cuộc "Khủng hoảng về đạo đức" mà nếu xảy ra thì hậu quả sẽ rất tai hại. Các nhà nghiên cứu khẳng định: khi những giá trị truyền thống bị phá vỡ quá nhanh mà các chuẩn mực mới chưa định hình, xã hội sẽ rơi và một tình trạng "mê loạn về giá trị sống". Việc du nhập lối sống phương Tây đã sinh ra những tác động tiêu cực, làm tăng tỷ lệ tội phạm, ly hôn, quan hệ tình dục trụy lạc... trong khi văn hóa phương Đông ngày càng mất đi. Đó là điều đã manh nha ở Singapore từ thập niên 1970 và ngày càng trở nên rõ rệt. Sự phát triển kinh tế mà không đi kèm bảo lưu giá trị văn hóa thì sẽ dẫn tới kết quả tai hại. Gia đình truyền thống bị xáo trộn, con người sống thiếu đạo đức thì xã hội không thể nào ổn định chứ chưa nói đến phát triển. Muốn khôi phục các giá trị phương Đông, đương nhiên Nho giáo được coi trọng hàng đầu. Do đó, trong thập niên 1970, chính quyền Singapore đã phát động chiến dịch "Chấn hưng đạo đức Nho gia" trong cộng đồng người gốc Hoa nước này, coi Nho giáo là công cụ hữu hiệu chặn đứng sự suy thoái đạo đức đang có nguy cơ lan rộng trong xã hội. Phong trào này được đông đảo người dân ủng hộ. Nó đi vào ý thức người dân, được ca tụng là "Công cuộc tái sinh văn hóa" nhằm bảo tồn các giá trị truyền thống tốt đẹp và loại bỏ những ảnh hưởng xấu, lai căng từ bên ngoài. Các phong trào được cụ thể hóa như: Tháng 6/1976, phong trào "Một tháng lễ phép", sau này đưa hẳn vào chương trình giáo dục. Tháng 11/1979, phong trào "Kính trọng người già", sau này tiến hành đều đặn hàng năm. Tháng 2/1982, Singapore quyết định đưa các môn luân lý Nho giáo vào chương trình khóa học tôn giáo để các học sinh năm ba và bốn trung học lựa chọn. Tháng 6/1982, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trướng giáo dục Ngô Khánh Thụy sang Mỹ bàn với các học giả người Mỹ gốc Hoa về những nguyên tắc và kế hoạch nhằm thúc đẩy luân lý Nho giáo trong xã hội. Chính phủ Singapore cũng tận dụng truyền thông như tivi, báo đài... để tuyên truyền rầm rộ cho phong trào, trên truyền hình thường xuyên có các học giả Nho giáo nổi tiếng tiến hành diễn thuyết. Mặt khác, chính phủ thành lập hẳn một cơ quan chuyên nghiên cứu triết học phương Đông, đó là Viện triết học Đông Á. Viện này đã đóng vai trò quan trọng trong việc khởi xướng các phong trào phục hưng Nho học tại các nước Đông Á. Nhà lãnh đạo Singapore nổi tiếng, Lý Quang Diệu, luôn phát biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của đạo Nho đối với xã hội Singapore. Trả lời phỏng vấn trên Foreign Affairs năm 1995, ông Lý Quang Diệu nói về tầm quan trọng của văn hóa và đạo đức truyền thống đối với sự phát triển của Đông Á, trong đó ông có trích dẫn các quan điểm của Nho giáo:: Xã hội phương Đông tin rằng cá nhân tồn tại trong khuôn khổ gia đình. Anh ta không tách rời ra bối cảnh đó. Gia đình là một phần của gia đình rộng lớn hơn, rồi bạn bè rồi xã hội. Người lãnh đạo hay chính quyền không cố cung cấp cho cá nhân những gì mà gia đình có thể. Có câu thành ngữ của Trung Quốc khái quát vấn đề này: "Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ". Tu thân nghĩa là tự lo bản thân, tự rèn luyện, làm mọi việc để mình trở nên có ích; tề gia là lo lắng cho gia đình; trị quốc là lo lắng cho đất nước; bình thiên hạ là tất cả mọi nơi trên thế giới đều thái bình. Đó là quan niệm cơ bản của văn minh chúng tôi. Chính quyền lên rồi chính quyền xuống, nhưng quan điểm này vẫn duy trì. Chúng tôi bắt đầu bằng sự tự túc của bản thân. Mặt nữa, chúng tôi may mắn là chúng tôi có nền văn hoá tràn đầy niềm tin vào sự tiết kiệm, làm việc chăm chỉ, kính trọng cha mẹ, tôn kính gia đình, và trên hết, là tôn trọng trí thức và sự học. Việt Nam Nho giáo du nhập vào Việt Nam từ đầu công nguyên không phải là Nho nguyên thủy, mà là Hán Nho và Tống Nho trong sự phát triển đồng hành, tác động qua lại với Phật giáo và Đạo giáo và phải trải qua một thời gian khá dài mới bén rễ được vào đời sống chính trị và tinh thần của xã hội. Nho giáo thịnh hành nhất vào thời Lê sơ, với nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền. Nho Giáo ở Việt Nam để lại dấu ấn rất lớn trong quá trình giáo dục và lịch sử dựng nước ở các triều đình phong kiến thời trung đại. Tín ngưỡng truyền thống Việt Nam đã tiếp nhận Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo để làm nên "Tam giáo đồng nguyên" (cả ba tôn giáo có cùng một gốc) và "Tam giáo đồng quy" (cả ba tôn giáo có cùng một mục đích). Ba tôn giáo đã trợ giúp lẫn nhau: Nho giáo chăm lo tổ chức xã hội, Đạo giáo chăm lo thể xác con người, Phật giáo chăm lo đời sống tâm linh con người. Trong nhiều thế kỷ, hình ảnh "Tam giáo tổ sư" với Phật Thích Ca Mâu Ni ở giữa, Lão Tử ở bên trái, Khổng Tử ở bên phải đã in sâu vào tâm thức mọi người Việt. Nho giáo răn dạy con người phải "Trung quân ái quốc", "Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách", nên đã góp phần tạo nên truyền thống bất khuất chống ngoại xâm. Trong lịch sử Việt Nam, đã có rất nhiều tấm gương nhà Nho yêu nước, hy sinh vì dân tộc. Hiệp Thống Nguyễn Quang Bích từng viết trả lời bức thư dụ hàng của Pháp: “Quý quốc cứ cậy về cái hay cái giỏi của nước mình, thì chúng tôi cũng không chịu bỏ cái thua cái kém của chúng tôi, rồi nếu mà thắng mà sống, thì là nghĩa sĩ triều đình, còn chẳng may mà thua mà chết thì cũng là quỷ thiêng giết giặc. Thà chịu tội với quý quốc, quyết không chịu tội với vua nhà. Thà chịu tội với nhất thời, quyết không chịu tội với vạn thế, một chữ “thú (đầu hàng)” từ nay, xin quý quốc đừng nhắc lại nữa. Chúng tôi cam lòng chết vì nghĩa vua tôi, quý quốc tự liệu lấy” Trong bức thư gửi cho Hoàng Cao Khải, khi phong trào Cần Vương chống Pháp bị so với “thân con bọ ngựa muốn cản cỗ xe”, nhà Nho Phan Đình Phùng trả lời: “...nước mình mấy ngàn năm nay, đất nước chẳng rộng, quân lính không mạnh, tiền của chẳng giàu, cái chỗ dựa để dựng nước là nhờ cái gốc vua tôi, cha con theo năm đạo luân thường mà thôi. Xưa kia nhà Hán, nhà Đường, nhà Tống, nhà Nguyên, nhà Minh, bao nhiêu phen lăm le muốn chiếm lấy đất ta làm quận huyện của họ mà rút cục vẫn chiếm không được...” Lịch sử Việt Nam ghi lại tên tuổi của nhiều bậc nhà Nho tài đức: Chu Văn An (1292-1370); Nguyễn Bỉnh Khiêm (1409-1595), Nguyễn Thiếp (1723-1804)... học trò của họ, dẫu có quyền lực rất cao đi nữa cũng không bỏ rơi lễ nghĩa, đạo đức với thầy. Sử chép rằng, Chu Văn An đã dâng sớ xin vua chém 7 tên gian thần, vua không nghe, tức khắc ông từ quan về quê. Một hôm, học trò ông là Phạm Sư Mạnh, đang làm quan to ở triều, về thăm thầy (tức Chu Văn An), dọc đường qua khu chợ đang họp, Phạm Sư Mạnh sai lính thét dân dẹp đường, làm huyên náo. Biết được sự việc, Chu Văn An giận học trò mình quên Lễ Nghĩa với dân, bèn đóng cửa nhà không cho Phạm Sư Mạnh gặp mặt. Vị quan lớn triều đình đã phải quỳ trước cửa cả buổi thầy mới tha lỗi. Nho giáo đã tạo nên những người thầy can trực, đạo đức, như thế mới có thể đào tạo nên những học trò hữu ích cho đất nước. Nhờ Đạo Nho, người Việt Nam rất coi trọng sự học hành. Văn Miếu - Quốc Tử Giám lập năm 1076 có thể coi đây là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam. Nơi đây còn lưu giữ nhiều tấm bia ghi lại tên tuổi các Nho sĩ đỗ đạt trong các kỳ thi Khoa bảng Việt Nam cùng nhiều bài văn bia nêu lên triết lý giáo dục: mở đầu là ca ngợi công đức của các minh quân, ca ngợi đạo Nho và bậc thánh nhân quân tử; phần tiếp theo nói về việc mở khoa thi và liệt kê họ tên, quê quán những người thi đỗ đại khoa; phần cuối là những lời bình về ý nghĩa của việc tuyên dương đạo Nho, trách nhiệm và nghĩa vụ của người đỗ đạt trước giang sơn đất nước. Nhiều hoàng đế, danh nhân Việt Nam đã để lại những bài thơ ca ngợi tầm quan trọng của Nho giáo tại đây, ví dụ như: Giáo hoá lan tràn khắp nước ta, Đạo Thánh đứng đầu cả bách gia, Nghe nói Bắc phương văn vật thịnh, Thảo nào Văn Miếu vẫn nguy nga. Thời trung đạo ấy tới Viêm đô, Trăm thủa đề cao nhất đạo Nho, Triều Lý vẫn còn lưu dấu cũ, Kinh thành riêng để một quy mô. Một số câu đối như: Nước lớn trong giáo dục, giữ thuần phong, đạo được tôn sùng, tin tưởng tư văn nguyên có gốc. Nhà Nho phải thông kinh, phải thức thời, chớ nên cố chấp, những lời thánh huấn phải ghi lòng. Sĩ phu có nhiều báo đáp, ơn triều đình đào tạo, ý nước nhà tôn sùng. Thế đạo nhờ đó duy trì, chốn lễ nhạc y quan, nơi thanh danh văn vật. Một số mặt tiến bộ của Nho giáo tại Việt Nam: Tạo được truyền thống ham học, truyền thống tôn sư trọng đạo, truyền thống coi trọng người có học. Từ đó các kiến thức học tập được tích lũy, có điều kiện để duy trì và phát triển. Ngoài ra còn tạo cho con người biết đạo ăn ở, biết quan tâm đến người khác, biết sống có văn hóa và đạo đức. Tạo được cơ chế tuyển dụng người tài qua thi cử. Bất kể xuất thân ra sao (nông dân, người thợ, lính tráng...) nếu học giỏi đỗ đạt thì có thể ra làm quan giúp nước (ở phương Tây thời kỳ này, chức tước chỉ được chuyển giao nội bộ trong các gia đình quý tộc, dân thường hầu như không thể có được chức vị). Từ đó tạo nên một tâm lý xã hội: "Không tham ruộng cả ao liền, tham vì cái bút, cái nghiên anh đồ". Nhiều thanh niên, trai tráng lấy việc học tập, thi cử làm mục tiêu cao nhất trong cuộc đời mình. Xã hội nhờ vậy coi trọng sự học tập cần cù. Câu châm ngôn "Tiên Học Lễ, Hậu Học Văn" đã ghi khắc sâu đậm vào dân tộc Việt Nam suốt hàng ngàn năm, chữ "Lễ" luôn nhắc nhở người dân rằng phải học lễ độ, thân ái, hòa thuận với mọi người, tôn trọng trật tự, lễ kính với người già và phải có trên dưới rõ ràng. Còn chữ "Văn" nhắc nhở con người phải học hành để thành người tài đức. Câu này được phổ biến ở khắp các trường học tại Việt Nam. Tuy nhiên Nho giáo Việt Nam còn có những mặt hạn chế. Về nội dung học tập, Nho giáo chỉ nói đến "trí dục" và "đức dục" mà không xét đến mặt "thể dục" là mặt cũng rất cần cho sự phát triển toàn diện con người. Những kiến thức về giới tự nhiên và về sản xuất vật chất không được Nho giáo đề cập (bởi ở thời của Khổng Tử, khoa học kỹ thuật và nền sản xuất chưa phát triển). Do vậy, người học tuy thấm nhuần tư tưởng Nho học về đạo đức, tinh thông cổ văn, nhưng kiến thức về khoa học tự nhiên, sản xuất thực tiễn thì lại không phát triển. Cả hai mặt tiến bộ và hạn chế của Nho giáo đều để lại dấu ấn trên Nho sĩ. Nhược điểm của Nho giáo Việt Nam thiếu sự xuất hiện các trường phái học thuật nên khá đơn điệu, chứ không được phong phú và đa dạng như Nho giáo Trung Quốc. Đa số nhà Nho Việt Nam chỉ đặt cho mình mục đích học là để đi thi, thi đỗ thì ra làm quan để vinh thân phì gia. Ít người có chí cao xa, như học để tham gia tranh luận những vấn đề học thuật, học để phát triển văn hoá, đạt đến những tầm cao tư tưởng. Cũng có một số Nho sĩ quan tâm đến học thuật, nhưng thường là các vấn đề chính trị và đạo đức, ít bàn đến vấn đề siêu hình và các lĩnh vực thuần túy triết học. Thậm chí, họ còn biến những vấn đề siêu hình thành cái thực tế, thực dụng. Vì học tập và tư duy như thế nên Nho giáo Việt Nam ít có cống hiến to lớn trong lĩnh vực học thuật có thể so sánh với các nước Nho giáo khác. Việt Nam chỉ có một tầng lớp quan lại có nền tảng Nho học, còn các loại hình trí thức then chốt của một tầng lớp Nho sĩ thực thụ thì xuất hiện thưa thớt, hoặc hoàn toàn vắng bóng trong một số lĩnh vực như triết học. Một số nhà Nho uyên thâm của Việt Nam khi đứng trước kho tàng đồ sộ và uyên bác của Nho giáo Trung Quốc thường tóm lược lấy những điều cốt yếu, biên soạn lại thành những tài liệu đơn giản và ngắn gọn để dạy học trò. Có thể liệt kê các sách như “Tứ thư tập chú” của Chu Hy, “Tứ thư đại toàn” của Tống, Nguyên, Minh, Thanh Nho, sang Việt Nam chỉ còn là “Thuyết ước” (tóm lược học thuyết) và “Ước giải” (giải thích tóm tắt); hoặc như cuốn “Tính lý đại toàn” của Hồ Quảng thời Minh, sang Việt Nam chỉ còn “Tiết yếu”. Đây là hiện tượng chung của nhiều triều đại quân chủ Việt Nam. Nếu ở triều Trần có “Tứ thư thuyết ước” của Chu Văn An, thì ở triều Lê - Trịnh có “Tứ thư ước giải” của Lê Quý Đôn, triều Nguyễn có “Tứ thư trích giảng” của Nguyễn Văn Siêu; nếu ở triều Lê - Trịnh có cuốn “Tính lý tiết yếu” của Bùi Huy Bích, thì ở triều Nguyễn cuốn đó vẫn còn được xem là cuốn sách giáo khoa mẫu mực. Các sách này dễ học nhưng đã lược bớt rất nhiều điều, nhiều điểm có khả năng gợi mở, giản đơn hoá nội dung phong phú và súc tích của học thuyết, khiến người học không lĩnh hội được chiều sâu của Nho giáo. Người được truyền đạt cũng hài lòng với cách làm đó thì mọi lối tư duy, mọi đường sáng tạo đều bị thu hẹp lại. Bên cạnh đó, Việt Nam không có nhiều trường phái tư tưởng khác như Đạo gia, Mặc gia, Pháp gia... nên không có sự tranh luận, phản bác, bổ sung lẫn nhau như ở Trung Quốc. Sự phát triển của Nho giáo Việt Nam hạn chế, chỉ đạt đến mức độ tiếp thu tín điều từ Nho giáo Trung Hoa, chưa tạo được lý luận riêng, chưa xuất hiện các học phái khác nhau Léopold-Michel Cadière nhận xét: Trong thế kỷ XIX, trước sự phát triển và thâm nhập của chủ nghĩa tư bản và văn minh phương Tây vào các nước châu Á, chế độ phong kiến Việt Nam thời Nguyễn trở nên lỗi thời. Nhà nước phong kiến triều Nguyễn đã trở thành lực cản sự phát triển của xã hội Việt Nam, khiến đất nước không đủ sức chống lại sự xâm lăng của chủ nghĩa đế quốc. Nho giáo, do là hệ tư tưởng chủ đạo của chế độ phong kiến phương Đông nên tất nhiên bị xem là đi ngược lại xu thế phát triển của lịch sử. Lúc này, Nho giáo Việt Nam đã bộc lộ rõ rệt những nhược điểm của nó. Các nhà chủ trương cải cách ở Việt Nam, đứng đầu là Nguyễn Trường Tộ, đã phê phán những mặt lạc hậu của Nho giáo trên nhiều phương diện chính trị, tổ chức nhà nước, quốc phòng, kinh tế, tài chính, nhất là trên phương diện văn hoá, giáo dục. Sau khi thực dân Pháp xâm chiếm Việt Nam, xã hội Việt Nam đã trở thành xã hội thuộc địa nửa phong kiến. Cùng với đó, văn hoá phương Tây và hệ tư tưởng tư sản tràn vào Việt Nam, nền giáo dục Nho học bị bãi bỏ. Nho giáo ở Việt Nam tiếp tục suy tàn và đổ vỡ. Tuy nhiên, thực dân Pháp thống trị vẫn muốn duy trì ở Việt Nam những quan hệ phong kiến và những yếu tố của hệ tư tưởng phong kiến để củng cố chế độ thuộc địa. Vì thế, thực dân Pháp đã sử dụng Nho giáo vào việc cai trị dân bản xứ Theo sách Lịch sử châu Á, văn hóa Nho giáo thích hợp với kinh tế nông nghiệp, nơi con người có xu hướng sống dựa vào cộng đồng khép kín, chủ nghĩa cá nhân không có điều kiện phát triển. Nó biến các quốc gia phong kiến chịu ảnh hưởng dần trở nên lạc hậu và đầy mặc cảm với các đế quốc phương Tây. Nhà nghiên cứu Quang Đạm cho rằng: Báo Phụ nữ Tân văn thời Pháp thuộc chỉ trích Nho giáo không xét tới quyền lợi cá nhân, mà chỉ biết có họ, có làng, có "nước". Mà "nước" trong thời kỳ phong kiến vẫn khác với nước trong thời kỳ tư bản. Tờ báo cũng phê phán một người tôn sùng đạo Nho là "ông vừa ao ước cho nhân dân được những quyền lợi của nhân dân ở các xứ tư sản dân trị, lại dựa vào những thuyết rất phong kiến, trái hẳn với chế độ tư bản... Ông thuộc về hạng người thanh niên chiêm nghiệm những lý tưởng "quân tử", "chí sĩ" mà quên rằng cái thực tế mới trong xã hội mâu thuẫn hẳn với những đạo lý rất xưa ấy. Ông quá mê mệt với những danh từ "cao quý" mà không nhìn thấy cái thực tế..." Bài báo phê phán Nho giáo là hệ tư tưởng phong kiến trung quân, không có lợi cho "dân quyền, giải phóng đẳng cấp và phụ nữ", không phù hợp với sự thay đổi của kinh tế - xã hội. Đề cương văn hoá Việt Nam năm 1943 của Đảng Cộng sản Đông Dương do Trường Chinh khởi thảo chủ trương đập tan những quan niệm cũ kỹ của Nho giáo gây ảnh hưởng tai hại ở Việt Nam, làm cho thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử thắng. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã làm cho Nho giáo ở Việt Nam suy sụp hoàn toàn cùng với sự sụp đổ của chế độ quân chủ. Từ đây, Nho giáo không còn là hệ tư tưởng chính thống của tầng lớp lãnh đạo xã hội. Nho giáo không còn tồn tại nữa nhưng nó vẫn ảnh hưởng lâu dài trong các mối quan hệ xã hội, trong ứng xử giữa người và người, trong phong tục tập quán và cả trong những nghi thức thờ cúng, tín ngưỡng cổ truyền của người Việt. Trong thời kỳ hiện đại, nhiều nhà Cách mạng Việt Nam nổi bật như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, và tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm... đều xuất thân từ những gia đình nhà Nho có truyền thống khoa bảng hoặc dạy học. Tuy nhiên Phan Bội Châu chọn việc cầu viện Nhật Bản, Phan Châu Trinh chọn việc khẩn cầu Pháp, Hồ Chí Minh lựa chọn chủ nghĩa cộng sản, Ngô Đình Diệm lựa chọn Thiên chúa giáo kết hợp với tư tưởng nhân vị. Nhà sử học Pháp, ông Pierre Brocheux tin rằng nhà cách mạng Hồ Chí Minh là một người theo Khổng giáo, ông luôn cố gắng kết hợp những ý tưởng của Khổng Giáo, một truyền thống Đông Á với các dòng tư tưởng châu Âu, từ Mác-xít đến Lênin-nít, và cố gắng đưa vào thực tế tính nhân bản và tính công bằng xã hội theo kiểu Khổng Giáo. Tổng kết 30 năm tiếp thu các dòng tư tưởng của mình, nhà cách mạng Hồ Chí Minh đúc kết: “Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giêsu có ưu điểm là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Marx có ưu điểm là phương pháp biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách thích hợp với điều kiện của nước ta… Khổng Tử, Giêsu, Karl Marx, Tôn Dật Tiên chẳng phải có những điểm chung đó sao? Họ đều muốn mưu cầu hạnh phúc cho nhân loại, mưu cầu hạnh phúc cho xã hội. Nếu hôm nay, họ còn sống trên đời này, nếu họ ở một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định chung sống với nhau rất tốt đẹp như những người bạn thân thiết. Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của họ.” Ngay từ thời Pháp thuộc, chủ nghĩa tư bản và lối sống phương Tây thiên về chủ nghĩa cá nhân manh nha phát triển, nhất là các đô thị, trí thức học chữ Quốc ngữ thay vì chữ Nho, khiến Nho giáo suy yếu. Ở miền Bắc thời kỳ 1954-1975 do ảnh hưởng phong trào bài Nho từ Trung Quốc nên Nho giáo bị bài trừ (Mao Trạch Đông cũng từng coi Nho giáo là tư tưởng phong kiến, ủng hộ đẳng cấp quý tộc, trái ngược chủ nghĩa cộng sản coi trọng sự bình đẳng và tính cộng đồng). Tại miền Nam thời kỳ 1954-1975 vẫn còn quy định nhiều điều cấm đoán, xử phạt khắt khe đối với việc vi phạm nghĩa vụ vợ chồng, giải quyết ly hôn, thậm chí Bộ luật gia đình năm 1959 còn cấm vợ chồng không được ly hôn... Cả ba bộ luật 1959, 1964, 1972 đã bãi bỏ chế độ đa thê song vẫn thừa nhận nguyên tắc bất bình đẳng giữa vợ và chồng, phân biệt đối xử giữa các con, quyền gia trưởng của người chồng vẫn tiếp tục được duy trì... Sau 1975, Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 của Việt Nam Dân chủ cộng hòa có hiệu lực trên toàn quốc, lúc này các nguyên tắc của Nho giáo đối với gia đình mới chấm dứt về pháp lý trên toàn Việt Nam. Sau khi Đổi mới, Nho giáo ít nhiều có điều kiện khôi phục, tuy nhiên những năm gần đây văn hóa phương Tây ngày càng chiếm ưu thế, đặc biệt ở các đô thị, trong giới trẻ. Tự do cá nhân có điều kiện phát triển, phá vỡ nhiều truyền thống cũ. Ở Việt Nam những người ảnh hưởng nhiều của Nho giáo chủ yếu là những người lớn tuổi, nhóm người thích sống chậm, hoài niệm, ít chấp nhận cái mới, xem trọng lễ nghĩa truyền thống. Công chức, giáo viên,... cũng chịu ảnh hưởng của Nho giáo nhiều hơn so với doanh nhân. Phần nhiều nông dân do quen sống trong cộng đồng gắn kết ở nông thôn, ít tiếp xúc văn hóa phương Tây, cũng chịu ảnh hưởng nhiều của Nho giáo (thể hiện trong lối ứng xử, sở thích ăn mặc, nghe nhạc xem phim...). Nông dân chịu ảnh hưởng nhiều của Nho giáo thường rất ngưỡng mộ những người có học, những người làm công chức Nhà nước hay công tác xã hội chứ không phải làm kinh tế "chạy theo lợi ích cá nhân". Do Nho giáo đề cao lối sống tập thể theo huyết thống, đại gia đình và đẳng cấp, nên trong dân gian hay có các châm ngôn như "con ông cháu cha" (chỉ việc con quan rồi lại làm quan theo nếp phong kiến), "một người làm quan cả họ được nhờ" hay truyền thống "cha mẹ đặt đâu con ngồi đó", "môn đăng hộ đối" chỉ hôn nhân do cha mẹ sắp đặt, gia đình 2 bên phải cùng đẳng cấp về địa vị, học vấn hay tài sản. Mặc dù có một số điểm chung giữa Nho giáo và chủ nghĩa xã hội như coi trọng nếp sống cộng đồng, nhưng trong Nho giáo coi trọng gia đình, thì chủ nghĩa xã hội muốn mở lòng hơn với những người khác, Nho giáo coi trọng tu thân còn chủ nghĩa xã hội coi trọng cải tạo xã hội. Nho giáo không cổ súy cho tự do tình dục, tự do hôn nhân, chủ nghĩa xã hội thì đề cao tự do yêu đương, nhưng tình yêu đó cần xuất phát từ sự trong sáng không có vụ lợi về tiền bạc, địa vị, không thể trở thành hàng hóa; ngược lại xã hội tư bản coi trọng tự do tình dục, tình yêu nhưng trong thời kinh tế tư bản thì nhiều quan hệ yêu đương hay hôn nhân lại xuất phát từ toan tính lợi ích cá nhân (thường là vật chất) và dễ đổ vỡ, và nạn mại dâm tăng nhanh. Trong xưng hô, những người cộng sản hay gọi nhau là "đồng chí", không phân biệt tuổi tác, chức phận, còn những người ảnh hưởng của Nho giáo thì hay xưng hô theo chức phận, tuổi tác (như trong công sở, doanh nghiệp hay gọi ông chủ, tổng giám đốc...). Nhìn chung trong dư luận có nhiều quan điểm khác nhau. Những người theo quan điểm dân tộc chủ nghĩa có hai hướng, một hướng coi Nho giáo là một thành tố quan trọng của văn hóa dân tộc, có nhiều điểm tích cực cần bảo tồn, hướng thứ hai coi Nho giáo là hệ tư tưởng phong kiến Trung Quốc du nhập sang Việt Nam nên cần bài trừ. Một số người xem Nho giáo là một thành tố văn hóa dân tộc, có lợi cho phát triển kinh tế, ổn định xã hội; một số khác lại chủ trương Nho giáo nên bình đẳng với các hệ tư tưởng khác, bên trong lẫn du nhập từ bên ngoài, tức sự đa nguyên về văn hóa. Những người khác quan niệm xã hội chủ nghĩa không loại trừ văn hóa đại chúng và đa dạng văn hóa, và bảo tồn văn hóa dân tộc không trái tôn chỉ xã hội chủ nghĩa; do đó sự tiếp thu các ưu điểm của Nho giáo chính là "gạn đục, khơi trong". Trong khi bảo tồn văn hóa Việt Nam, tiếp thu văn hóa nước ngoài thì phải đồng thời chống cả hai xu hướng cực đoan là "sùng ngoại" (coi cái gì của phương Tây cũng là tốt) lẫn "sùng cổ". Khi tiếp xúc với nền văn minh phương Tây mạnh về khoa học kỹ thuật, nếu người xuất thân Nho học biết tiếp thu những kiến thức khoa học và sản xuất thì sẽ khắc phục được mặt hạn chế, trở nên "Vừa có tài vừa có đức". Ngược lại nếu không tiếp thu được những tinh hoa tri thức phương Tây mà chỉ bắt chước lối sống, du nhập chủ nghĩa tiêu dùng của phương Tây; mô phỏng các hình thức nhà nước phương Tây mà không hiểu rõ triết lý, ưu nhược điểm và điều kiện tồn tại của những hình thức đó hoặc tiếp thu những học thuyết chính trị cực đoan thì sẽ dẫn tới phủ định các giá trị truyền thống, gây chia rẽ xã hội. Việc xem thường, phủ định một chiều với Nho giáo vì cho rằng nó lỗi thời với xã hội hiện đại thì không những không khắc phục được hạn chế vốn có mà những giá trị đạo đức của nền Nho học, những giá trị văn hóa dân tộc cũng bị đánh mất. Đạo đức suy đồi, văn hóa thui chột thì xã hội hỗn loạn, xung đột nảy sinh. Đó là bi kịch của những nước bị "cưỡng ép" phương Tây hóa thiếu định hướng và thiếu chiều sâu như Việt Nam, Trung Quốc. Nó tương phản với Nhật Bản thời kỳ Minh Trị: do chủ động phương Tây hóa một cách có ý thức chọn lọc, có hệ thống nên vừa tiếp thu được hệ thống tư tưởng tiến bộ, công nghệ tiên tiến của phương Tây để hiện đại hóa quốc gia mà vẫn bảo tồn được đạo đức xã hội, sự đoàn kết quốc gia và bản sắc dân tộc dựa trên nền tảng Nho giáo. Từ cuối thế kỷ XX, việc Việt Nam chuyển đổi sang kinh tế thị trường và hội nhập thế giới đã làm nảy sinh những nguy cơ lớn đối với Văn hóa Việt Nam. Nguy cơ bên trong là sự xói mòn và băng hoại giá trị văn hoá truyền thống. Nguy cơ bên ngoài là việc văn hoá, lối sống phương Tây xâm lấn văn hoá bản địa, tạo ra sự tiêu diệt bản sắc văn hoá dân tộc. Nho giáo cũng như nhiều tôn giáo Việt Nam truyền thống (Phật giáo, đạo Mẫu...) luôn coi trọng đạo đức gia đình, giá trị hôn nhân nên đều không ủng hộ việc con cái kiện tụng cha mẹ, phản đối tình dục bừa bãi, coi trọng trinh tiết của phụ nữ, phản đối quan hệ tình dục trước hôn nhân... đến nay các giá trị này vẫn có ảnh hưởng nhưng ngày càng bị phai nhạt đi do văn hóa phương Tây du nhập một cách thiếu chọn lọc vào Việt Nam ngày càng nhiều. Nếu dân tộc Việt Nam bị "hoà tan" bởi văn hóa ngoại lai, đó sẽ là một thảm hoạ lớn và cũng là một loại diệt vong, ghê gớm không kém gì họa mất nước. Trước nguy cơ đó, nhiều người Việt Nam tìm cách hướng về bảo lưu các giá trị truyền thống, tạo ra những cơ hội cho Nho giáo tái sinh. Nho giáo là thành phần quan trọng hàng đầu đã kiến tạo nên bản sắc văn hoá Việt Nam, do đó bảo vệ truyền thống văn hóa Việt Nam sẽ là điều không thể thực hiện được nếu gạt bỏ những gì thuộc về Nho giáo. Theo nhận định của Hồ Sĩ Quý (Viện Thông tin Khoa học Xã hội Việt Nam), "thời gian gần đây ở Việt Nam, trong xu hướng chung của việc thực hiện tư tưởng giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống, nhiều yếu tố văn hoá Nho giáo đã được khôi phục và đề cao, thậm chí trong các trường học, khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" đã được coi như một phương châm ứng xử nền tảng của giáo dục. Mặc dù thực hiện thì chưa được bao nhiêu, nhưng trong tư tưởng, cả xã hội đều thấy các giá trị văn hoá truyền thống mà trong đó những nét tích cực của văn hoá Nho giáo là một bộ phận, đang cần phải được tôn vinh và khôi phục như là một trong các phương thức để ứng xử với các dạng văn hoá ngoại sinh, ngoại lai đang du nhập từ làn sóng toàn cầu hóa... trên những nét lớn là phù hợp với tâm lý chung của cả cộng đồng trên con đường tiến tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh." Mông Cổ Xem thêm: Nhà Nguyên Một số quốc gia khác Ngoài ra Nho giáo còn xuất hiện ở một số nước nhưng chiếm tỷ lệ nhỏ như: Malaysia, Indonesia, Brunei. Ảnh hưởng lên các tôn giáo khác Hồi giáo Từ cuối thế kỷ XVII trở đi toàn bộ văn học được gọi là Han Kitab đã phát triển trong các tín đồ Hồi giáo ở Trung Quốc những người đã truyền tư tưởng Hồi giáo đến Khổng giáo. Đặc biệt là các tác phẩm của Lưu Trí (劉智) như "Thiên Phương điển lễ" (天方典禮) tìm cách hài hòa Hồi giáo với không chỉ Nho giáo mà còn với Đạo giáo và được coi là một trong những thành tựu tột đỉnh của các nền văn hóa Hồi giáo Trung Quốc. Đạo giáo Phật giáo Tại Đông Á, Phật giáo phải đối diện với Nho giáo và Đạo giáo. Tuy nhiên, 3 tôn giáo này không bài xích, xung đột mà dần dung hợp với nhau. Sự dung hợp và kéo dài từ thế kỷ I đến thế kỷ XIII, khi Tam giáo đã làm xong quá trình thấm quyện vào nhau, tự điều chỉnh, hình thành các xu hướng mới – và ba phái đều xác định được vai trò xã hội của mình, phân công phân vùng với nhau trong đời sống văn hóa xã hội. Nho giáo chi phối cách tổ chức nhà nước và xã hội, giáo dục thi cử, có tác dụng quyết định đến luân lý. Phật giáo và Đạo giáo chi phối trong đời sống hàng ngày và sinh hoạt kinh tế nông nghiệp của người dân. Người dân tin ở Trời, bái Thần linh và thờ cúng tổ tiên, Đức Phật cùng với những bậc thánh hiền của Nho giáo. Cả Phật giáo và Đạo giáo đều khuyến thiện, mà “thiện” của 2 tôn giáo này đều là hiếu với cha mẹ, tôn kính bề trên và trung với vua với nước, yêu thương, cứu giúp, tránh không làm điều tham lam độc ác với người khác. Nói cách khác, làm điều thiện cũng có nghĩa là tôn trọng thể chế và quy phạm đạo lý của Nho giáo. Do vậy, Phật giáo và Nho giáo cùng tồn tại, bổ sung cho nhau chứ không tạo nên xung đột tôn giáo. Thần giáo Công giáo Thuyết “tam phụ” hay thần học “tam phụ”: Thiên chúa là Cha do Alexandre de Rhodes khởi xướng chịu ảnh hưởng của tư tưởng tam cương (ba mối ràng buộc): quân thần, phụ tử, phu phụ của Nho giáo. Trong phép giảng tám ngày A.Rhodes viết: “Bây giờ ta phải có ba đấng bề trên gọi là ba cha, ta phải thờ, ở đấng nào cho nên đấng ấy. Đấng dưới là cha mẹ sinh thân xác cho ta; đấng giữa là vua chúa trị nước; đấng trên tức đức chúa trời đất, làm chúa thật trên hết mọi sự. Có ba đấng này ta mới được sống, được ở. Vì chúng ta có cha mẹ, thì mới được thân xác thịt này sinh ra mà chớ… Vua Chúa cũng gọi là cha cả và nước cùng các dân. Chẳng có vua chúa, thì nước ở an lành chẳng được… Ắt thật thượng phụ là cha cả, chúa cả trên hết mọi sự, có thưởng có phạt trọng.”. Tư tưởng tam cương, ngũ thường còn được Công giáo vận dụng để hướng dẫn tín đồ sống đạo theo tín lý đề cao hôn nhân một vợ một chồng. Thư của giám mục Hermosilla (Liêm) viết: “Các quân tử cứ lẽ tự nhiên đã suy đến sự ấy đã kể phép nhất phu, nhất phụ trong ba giềng mối can hệ nhất trong thiên hạ quen gọi là tam cương… Ví bằng người ta cẩn thận giữ cho phải miễn trong việc nhất phu, nhất phụ thì các việc khác liền được an.”. Tại Việt Nam, một thời gian dài cho đến tận đầu thế kỷ XX kinh, bổn, giáo lý... được soạn, in bằng chữ Hán - Nôm (chữ Nho). Tín đồ được xem là có hiểu biết trong xứ, họ đạo, làng Công giáo cho đến trước năm 1945 là những người biết chữ Nho, những người Nho học. Họ học chữ Nho từ các “thầy đồ” ở làng lương. Họ được phép mang đồ lễ tặng thầy, chỉ không được thờ cúng, bái lạy Khổng Tử. Các xứ, họ đạo, làng Công giáo nào có người Công giáo biết chữ Nho thì giáo dân phải học người đó, không được học thầy đồ là lương dân. Một trong những họ (hội đoàn) ra đời sớm là hội Nho gia tập hợp những thầy đồ là tín đồ Công giáo. Chính vì vậy mà Công giáo đã để lại cho Việt Nam một di sản Hán - Nôm quen gọi là Nôm đạo khá đồ sộ. Tư tưởng Nho giáo thể hiện ở một số công trình kiến trúc Công giáo và cả trong những câu đối ở nhà thờ Công giáo. Nhà thờ chính toà Phát Diệm (Kim Sơn - Ninh Bình) mặt bằng kiến trúc theo hướng Bắc - Nam. Giữa ao hồ dựng tượng chúa Giêsu làm vua nhìn về hướng Nam, hai tay giang rộng. Hướng Nam là hướng của Thánh nhân theo quan niệm: Thánh nhân nam diện nhi thính thiên hạ (Thánh nhân nhìn về hướng nam nghe thiên hạ giãi bày). Nhà thờ đá trong khu quần thể nhà thờ chính toà tạc biểu tượng lưỡng nghi/âm dương phía mặt sau hình sư tử và phượng hoàng. Chấn song phương đình là hình thân trúc. Trúc là biểu hiện tính ngay thẳng của người quân tử. Thanh giáo Cao Đài giáo Trong Cao Đài giáo thì Nho giáo là nền đạo đầu tiên được nhắc tới trong Ngũ chi đại đạo. Giá trị của Nho giáo Trong lịch sử Trong tác phẩm Sử Trung Quốc, Nguyễn Hiến Lê nhận xét: "Khổng Tử chủ trương vua phải là người có tài, đức; nhưng thời ông, sự truyền tử đã có từ lâu đời, không thể bỏ được; ông chỉ có thể cải thiện chế độ, đào tạo những kẻ sĩ có tài, để giúp quý tộc và lần lần thay họ mà trị nước. Những kẻ sĩ đó đều được tuyển trong dân chúng, và từ nhà Hán, nhà Đường trở đi, chế độ quân chủ Trung Hoa có tính cách sĩ trị, không còn giai cấp quý tộc cha truyền con nối nắm hết các chức vụ lớn ở trong triều, ngoài quận nữa. Đó là một tiến bộ rất lớn, người phương Tây phải khen. Ông lại giảm bớt quyền chuyên chế của vua bằng cách đề cao nhiệm vụ, tư cách của sử quan, gián quan; dạy cho vua, quan, kẻ sĩ và thường dân rằng vua phải thương dân như con, phải tôn trọng nguyện vọng của dân...; phải chăm lo cho dân đủ ăn, tài sản trong nước phải quân bình, đừng có kẻ nghèo quá, kẻ giàu quá. Suốt thời quân chủ, ông vua sáng lập một triều đại nào cũng nghĩ ngay đến vấn đề quân điền, chia đất cho dân cày trước hết. Sau cùng Khổng Tử có tinh thần nhân bản rất cao. Ông hiếu hoàn trọng trung dung, rất ghét sự tàn bạo, và đa số các vua chúa Trung Hoa theo ông." Khổng giáo bao hàm lời dạy của các bậc hiền nhân Nho gia, mà là những chỉ dẫn về cách sống thuận theo đạo đức để con người được an vui, xã hội được vững mạnh. Những lời dạy này không được xem là những lời của Thượng đế mặc khải như Thánh Kinh của Thiên Chúa giáo hoặc Hồi giáo, tùy hoàn cảnh mỗi nước mà sẽ có những cách diễn giải khác nhau song không hề xung đột với nhau về ý tưởng chung và đều hướng con người đến đạo đức mẫu mực. Do đó, không hề có cuộc chiến tranh nào vì lý do tôn giáo trong lịch sử Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản hay Triều Tiên. Đó là một điều mà các học giả phương Tây rất ca ngợi các quốc gia Đông Á. Dân tộc Trung Hoa đã nhiều lần bị ngoại tộc (Mông Cổ, Mãn Thanh...) xâm chiếm, nhưng văn hiến của họ thì không gươm giáo nào hủy hoại được, ngược lại còn đồng hóa luôn những kẻ đã chinh phục họ, ấy là nhờ một phần lớn ở những tư tưởng sâu xa của Nho giáo đã trui rèn nên một tầng lớp Nho sĩ thông thuộc kinh sử và giàu phẩm chất đạo đức. Nho giáo là một hệ thống triết học mang tính khai sáng. Nhờ Nho giáo trong thời Trung cổ Trung Quốc đã đạt đến một trình độ văn minh hàng đầu thế giới, hơn hẳn phương Tây khi đó đang chìm trong "đêm trường Trung cổ". Phương Tây chỉ vượt qua Trung Quốc khi xuất hiện các phong trào tri thức như Phục hưng, Khai sáng và cuộc cách mạng công nghiệp dựa trên nền tảng tri thức do các phong trào này tìm ra. Nhờ Nho giáo, người Trung Quốc không ai không xem trọng giáo dục. Khi nhà Hán lập quốc, chính sách của quốc gia có tám chữ "Dựng nước an dân, giáo dục làm đầu". "Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ", hoàn toàn dùng giáo dục. Do vậy Trung Hoa trải qua hơn 2.000 năm, dù thịnh suy mỗi lúc khác nhau, nhưng đất nước của họ vẫn không hề lụn bại, trong khi các đế chế khác như La Mã, Ba Tư... cứ lần lượt xuất hiện rồi sụp đổ. Việc này ngay đến người ngoại quốc cũng khen ngợi. Không phải chính trị, không phải vũ lực của Trung Quốc, cũng không phải là kinh tế khoa học kỹ thuật của Trung Quốc, mà chính văn hiến của Trung Quốc mới là vũ khí mạnh nhất của họ, giúp đất nước họ trường tồn. Mà gây dựng nên nền văn hiến đó, công đầu thuộc về Nho giáo. Will Durant thì khen ngợi chế độ giáo dục đạo đức sĩ phu mà Khổng Tử chủ trương. Ông viết: "Một xã hội mà nghĩ rằng phải thử dùng vào việc trị nước những người được đào tạo bằng triết học và cổ điển học, nội điều đó cũng đáng phục rồi. Chế độ ấy và tất cả nền văn minh làm cơ bản cho nó ngày nay bị lật đổ, tiêu diệt vì sức mạnh khốc liệt của sự tiến triển và của lịch sử, điều đó đáng kể là một tai họa cho nhân loại... giá Platon biết được chế độ đó chắc phải thích lắm." Hiện nay Một số học giả cho rằng Nho giáo có tác động tích cực lên sự phát triển của nền kinh tế các nước Đông Á. Đạo đức Nho giáo đề cao sự chăm chỉ và tiết kiệm. Đây có thể là nguyên nhân khiến các nước chịu ảnh hưởng của Nho giáo như Hàn Quốc và Đài Loan có tỷ lệ tiết kiệm cao nên có thể phát triển kinh tế nhanh chóng. Theo nghiên cứu của Mankiw, Romer và Weil, tỷ lệ tiết kiệm cao sẽ dẫn đến thu nhập cao hơn trong tình trạng kinh tế ổn định đồng thời làm tăng vốn con người cũng như tăng năng suất của nền kinh tế. Nhìn chung chính sách kinh tế vĩ mô của các nước chịu ảnh hưởng của Nho giáo nhấn mạnh vào việc tăng năng suất lao động và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, chú trọng giáo dục đào tạo bằng cách phân bổ nhiều ngân sách cho mục đích này, nhấn mạnh vào tiết kiệm quốc gia, tăng thặng dư ngân sách, tăng dự trữ quốc gia, chống tham nhũng, xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch và hiệu quả, thu hút đầu tư nước ngoài và tăng xuất khẩu, khuyến khích tinh thần kinh doanh, hỗ trợ các doanh nghiệp mới thành lập... Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đều dựa vào các yếu tố tích cực của Nho giáo để đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, vừa khuyến khích vật chất, vừa cổ vũ tinh thần, gắn lợi ích cá nhân với lợi ích xã hội, thống nhất nghĩa và lợi, kết hợp sự tu dưỡng đạo đức với việc tính toán làm giàu. Các nước đó đều cố gắng khai thác Nho giáo ở mặt khuyến khích làm giàu chính đáng bằng cách nhắc lại câu nói của Khổng Tử: “nước vô đạo mà anh trở nên giàu có là một điều đáng xấu hổ, nhưng nước có đạo mà anh lại không làm giàu được cũng là một điều đáng xấu hổ”. Phan Ngọc là người có nhiều công trình hơn cả bàn đến ưu thế của các giá trị châu Á trong sự phát triển của xã hội hiện đại. Trước sau ông đều đề cao giá trị Nho giáo, giá trị văn hoá dân tộc và tin tưởng vào ảnh hưởng tích cực của nó trong sự phát triển của xã hội hiện đại. Phan Ngọc viết: "Khổng học tồn tại được 2.000 năm ở một phần ba nhân loại, dù có bị xuyên tạc, cũng là một giá trị của châu Á. Không những thế, nó không chỉ là một giá trị của châu Á mà của cả nhân loại trong giai đoạn mới này khi thế giới cần phải hiểu những giá trị của châu Á cũng như châu Á cần phải hiểu những giá trị của thế giới". Về những giá trị châu Á cụ thể, trong "Bản sắc văn hoá Việt Nam", Phan Ngọc coi những giá trị ưu trội của văn hóa châu Á là: Ham học, thông minh và tháo vát, nhạy bén với mọi thay đổi. Cần cù, chịu khó, thích nghi với hoàn cảnh. Gắn bó với tổ quốc, họ hàng, gia đình. Thích sống một cuộc sống giản dị, không bị những đòi hỏi vật chất dày vò, lo cho con cháu còn hơn lo cho chính mình. Phan Ngọc coi những phẩm chất nói trên là ưu thế của Nho giáo trong thời đại ngày nay. Khái quát từ thực tế các quốc gia có văn hoá Nho giáo, viện dẫn chính Khổng Tử và quan điểm của Hồ Chí Minh, Tôn Dật Tiên... nói về ưu thế của Nho giáo, Phan Ngọc đã trình bày rất ấn tượng về những phẩm chất này. Ông viết: "Tâm thức là cái không cần học cũng biết. Việt kiều hầu như không biết gì tới Nho giáo, ngoài miệng đả kích Nho giáo kịch liệt, nhưng họ vẫn vươn lên từ những địa vị thấp kém nhất để trở thành những người làm chủ kinh tế, khoa học kỹ thuật chính nhờ truyền thống ham học mà Khổng Tử đề xướng. Số ngoại kiều ở các nước hết sức đông đảo, nhưng ngoài các nước theo văn hoá này, chỉ thấy có người Do Thái là sánh được với họ mà thôi... Những người theo Khổng giáo thích sống một cuộc sống giản dị, không bị những đòi hỏi vật chất giày vò, trái lại tìm thấy niềm vui trong cuộc sống hài hoà với mọi người chung quanh, đặc biệt họ gắn bó với gia đình, lo cho con cháu còn hơn lo cho chính mình". Học giả Nguyễn Hiến Lê nhận xét: "Đạo Nho quy định nhất cử nhất động của cá nhân trong gia đình và xã hội để giữ tình cảm được trung hoà. Trẻ em năm, sáu tuổi đã phải vào khuôn phép nghiêm ngặt, phải nén bản tính ham chạy nhảy, la hét, mà đứng ngay ngắn nghe chuyện đạo lý của người lớn. Tám tuổi, đã phải khăn áo chỉnh tề đứng chắp tay bên bàn thờ những ngày giỗ tết... Nhiều nhà nho có được một tư cách cao, một nhân phẩm quý phần lớn là nhờ được đào luyện trong khuôn khổ lễ nghi ấy." Thời nay chúng ta hiểu tâm lý trẻ em một cách khác, không uốn nắn tre non mà để cho nó tự nhiên phát triển; trẻ được tự do, có khi phóng túng, tha hồ đùa giỡn, hét la. Nhiều khi những cử chỉ hỗn xược, những lời vô lễ của chúng lại được khen là tinh ranh, là ngây thơ. Trẻ muốn gì được nấy, thành những bạo chúa tí hon trong nhà. Ở trường, người ta chỉ chú trọng đến trí dục, cốt dạy thanh niên biết nhiều khoa học. Luân lý trở thành một môn học phụ và giáo sư luân lý thì bị học sinh chê là cổ hủ. Vậy là cả nhà và trường đều không lo đào luyện tư cách thanh niên, nên phần đông nhà trí thức bây giờ xét về nhân phẩm kém xa các nhà Nho. Họ họp thành một bọn trưởng giả hãnh tiến, không phải là hạng thượng lưu được quốc dân trọng vọng như các cụ cử, cụ nghè thời trước. Ai cũng nhận thấy nhiều ông tiến sĩ, bác sĩ, kỹ sư tư cách không bằng một chú thợ, một anh bếp." Nhà nghiên cứu Trần Phong Lâm cho rằng, các nhà doanh nghiệp Đông và Tây đều giống nhau ở chỗ chạy theo lợi nhuận, nhưng nhà doanh nghiệp có văn hoá Nho giáo thì vẫn chạy theo lợi nhưng không được (hoặc không dám) bỏ Nghĩa, bởi "Quân thị thần như thủ túc, tác thần sự quân như phúc tâm". Trần Phong Lâm khẳng định mạnh mẽ và tôn vinh rất cao các giá trị Đông Á mà trong đó giá trị văn hoá Nho giáo là trụ cột: Trước sự tha hoá và lộn xộn của quan niệm giá trị toàn cầu, quan niệm giá trị Đông Á cần đảm đương lấy trách nhiệm nặng nề của thời đại là vực dậy sự băng hoại của tinh thần loài người... Nhân dân Đông Á chiếm khoảng một phần ba nhân loại đã tạo ra cho loài người những di sản vô cùng quý giá trong mọi lĩnh vực, làm cho tương lai loài người tràn đầy hy vọng. Đông Á nhất định sẽ bước vào hàng ngũ những người quyết định số phận chung của loài người... Nếu trong thời kỳ tới đây văn hoá phương Tây không tạo ra được một cuộc phục hưng văn nghệ mới thì hoàn toàn có thể sẽ xuất hiện một thế kỷ mới, trong đó văn hoá phương Đông sẽ thống lĩnh trào lưu văn hoá thế giới. Có những ý kiến chỉ trích Khổng giáo là lỗi thời, kìm hãm xã hội. Nhưng tác giả Nguyễn Văn Ngọc nhận xét: "Các học giả Pháp, Mĩ và cả Nga nữa, nay đều thấy tác dụng của Khổng giáo đối với sự phát triển kinh tế của Nhật Bản. Đối với người Nhật hay đối với một số nước mà họ gọi là "Hán hóa" khác thì truyền thống đã không cản trở sự phát triển, trái lại các nước ấy đã biết biến truyền thống lễ giáo thành một thứ "mùn" để ươm trồng lên đó những cây cố tươi tốt... Liệu sau này chúng ta có sửa đổi gì được cái định kiến ngốc nghếch của chúng ta về Hán học, và nói chung về nền văn minh phương Đông mà vì "Bụt chùa nhà không thiêng", chúng ta quá coi thường. Những câu chuyện thường ngày mà chúng ta hằng quan tâm đồng thời cũng là những vấn đề đạo đức muôn thuở, ôn lại những lễ giáo cổ xưa của nhân loại lại giúp ta suy ngẫm chuyện đời nay." Học nhiều tri thức không có nghĩa là có đạo đức. Tri thức rất cần cho phát triển nhân loại nhưng thiếu đạo đức thì xã hội sẽ rối loạn, nhân loại sẽ suy đồi. Khoa học kỹ thuật tiến bộ rất nhanh trong thế kỷ XX, nên đời sống vật chất cải thiện rất nhiều. Nhưng đời sống vật chất càng tiến bộ, thì mặt trái của xã hội tiêu dùng càng bộc lộ rõ, nền đạo đức và quan hệ giữa người với người càng xấu đi, nhất là làm cho mọi người mất niềm tin với nhau. Nho giáo từ hơn 2.500 năm trước đã thấy rõ được điều này. Cổ nhân từ xưa đã có câu "Ôn có tri tân" (Nhắc lại việc cũ để ngẫm về chuyện thời nay), việc ôn lại các giá trị, lời dạy của Nho giáo vẫn còn nguyên giá trị trong thời đại ngày nay. Robert D. Kaplan, chuyên gia cao cấp tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới (CNAS), nhận xét: Sự trỗi dậy của châu Á trong thời hiện đại có liên quan mật thiết với việc sự ổn định xã hội mà Nho giáo khích lệ đã tương tác với chủ nghĩa tư bản hiện đại như thế nào... Những nhà lập quốc của nhiều nước châu Á – Phác Chính Hy của Hàn Quốc, Tưởng Giới Thạch của Đài Loan, Lý Quang Diệu của Singapore – tất cả đều chủ ý theo Nho giáo trong khi chèo lái qua những khó khăn trên con đường tạo lập xã hội hiện đại. Đối với Trung Quốc, một trong những yêu cầu để thoát khỏi tình trạng tham nhũng và sự thiếu hiệu quả chính là khôi phục lại các giá trị nền tảng của Đạo Khổng. Không có gì là ủy mị hay ngây thơ trong những lời răn như: "Mọi người phải hướng đến một tiêu chuẩn cao bình đẳng, tất cả dựa trên sự tôn trọng đối với kinh nghiệm của thế hệ đi trước". Trong đạo Khổng, quá khứ không phải là thứ để chê bai là cổ hủ hay lạc hậu; quá khứ tạo nên kinh nghiệm cho con người, và hiện tại phụ thuộc vào lịch sử. Đặc biệt trong thời đại thay đổi xã hội và công nghệ sâu sắc, các Nho sĩ nhận ra thứ bảo vệ tốt nhất chống lại sự hỗn loạn chính là truyền thống, "trung" và "hiếu". Khổng giáo nói về việc bảo tồn sự cân bằng tinh tế giữa người với người và giữa các cá nhân bên trong các tổ chức chính trị và xã hội. Thế giới nói chung vẫn đang trong quá trình chuyển tiếp hỗn loạn, khi lối sống và cấu trúc gia đình truyền thống đang bị băng hoại trên khắp các châu lục. Trong thử thách này, sự sống sót về mặt xã hội và chính trị sẽ đến với các nền văn hóa có thể bảo tồn một nền tảng đạo đức như một lá chắn trước sự thay đổi mang tính hủy diệt. Đông Á đã viết nên những câu chuyện lịch sử thành công không thể phủ nhận trong 4 thập niên qua, cho dù có vẻ giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ nhất đã qua rồi. Tôi dám cược rằng thời khắc của Nho giáo sẽ tiếp tục đến trong thời gian tới. Hạn chế của Nho giáo với xã hội Do đã ra đời cách đây 2.500 năm, trong bối cảnh xã hội phong kiến nên một số nội dung của Nho giáo tỏ ra không còn phù hợp trong bối cảnh xã hội mới. Do vậy, việc nắm bắt những điểm hạn chế của Nho giáo trong bối cảnh hiện đại được nhiều học giả quan tâm nghiên cứu, nhằm "gạn đục khơi trong" để vừa có thể kế thừa các ưu điểm của Nho giáo, vừa có thể tránh lặp lại các hạn chế của học thuyết này. Tư duy giáo điều Lễ trong Nho giáo là sợi dây kiềm chế suy nghĩ và hành động để con người tuân theo đạo đức, nhưng khi bị lạm dụng thì nó trở nên cứng nhắc theo một khuôn phép cũ, dẫn tới tư duy mang tính bảo thủ, tiêu cực. Chính mặt hạn chế này của Nho giáo đã để lại tàn dư cho đến tận ngày nay, nó trở thành phong tục, lối sống, nó thấm sâu vào suy nghĩ và hành động của không ít người ở các nước phương Đông, nơi tiếp nhận và chịu ảnh hưởng của Nho giáo. Tư tưởng chính danh trong Nho giáo khi bị lạm dụng sẽ gây ra kìm hãm tự do nhân cách, hạn chế sáng kiến mới của con người, làm cho con người luôn ở trạng thái nhu thuận, chỉ biết phục tùng theo chủ trương “thuật nhi bất tác” (chỉ thuật lại mà không sáng tác gì thêm). Một đặc điểm nổi trội của các học giả Nho giáo thời xưa là lối tư duy trọng cổ, thích đem những điều tốt đẹp của người xưa ra làm chuẩn mực cho đời nay noi theo vì vậy khi xử lý các vấn đề mới chưa từng có trong lịch sử, giới Nho sĩ thường lúng túng dẫn đến tư duy hạn hẹp, tầm nhìn ngắn, hạn chế trên nhiều phương diện. Nhất là khi tiếp xúc với nền văn minh phương Tây có quá nhiều điểm khác biệt mà người phương Đông chưa từng biết đến, những người xuất thân Nho học thường tự thu mình lại, tự cô lập và cách biệt, tự đóng khung mình trong những khuôn khổ cũ có sẵn do thế hệ trước tạo dựng, ngại hòa nhập và khó hòa hợp khiến những cái mới khó xâm nhập. Cũng vì quá cảnh giác với các thế lực ngoại bang nên hệ thống chính quyền dựa trên tư tưởng Nho giáo thường "dị ứng" với những biến đổi nội tại và ảnh hưởng của ngoại lai, từ đó sẽ cản trở việc tiếp thu cái mới và hậu quả là cản trở sự phát triển của chính hệ thống. Tư tưởng chạy theo danh vọng Tư tưởng chính danh của Nho giáo quá đề cao danh phận. Một mặt nó giúp con người biết phấn đấu vươn lên, giành địa vị cao trong xã hội, nhưng nếu tư tưởng này bị lạm dụng thì sẽ khiến cho con người có tư tưởng hám danh, chạy theo danh, theo chức đến mức quên cả luân thường đạo lý. Bất bình đẳng xã hội Mục đích của chính danh mà Nho giáo đề cao là sự ổn định xã hội, nhưng được các triều đại phong kiến dùng để bảo vệ quyền của thiên tử, duy trì sự phân biệt đẳng cấp. Nho giáo chỉ chú trọng đến phương diện đạo đức nên nó chưa hướng con người đến sự phát triển đầy đủ, toàn diện. Hơn nữa, mặc dù vẫn khẳng định tu thân là nhiệm vụ của tất cả mọi người, từ thiên tử cho đến dân thường, song Nho giáo nhấn mạnh đến việc học tập, tu dưỡng của những con người thuộc giai cấp thống trị, vạch ra những tiêu chí phấn đấu cụ thể cho giai tầng này - mà mục đích tối cao là nhằm để xây dựng xã hội thái bình, thịnh trị vì chỉ có những người thuộc tầng lớp đó mới có đủ điều kiện và khả năng để lãnh đạo, quản trị quốc gia. Mặt khác, trên thực tế giai cấp phong kiến qua các triều đại thường đề ra những quy tắc, chuẩn mực khắt khe để gò ép thần dân của mình vào khuôn khổ của lễ giáo nhưng cũng có những cá nhân của giai cấp này phớt lờ những yêu cầu đạo đức do chính họ đề ra. Do là một hệ thống triết học ôn hòa, bảo vệ cho lễ giáo và trật tự xã hội nên Nho giáo không nhấn mạnh vai trò và sức mạnh “cải tạo xã hội” của những con người và gia đình, gia tộc thuộc tầng lớp bị áp bức, bóc lột. Sự đề cao gia đình, gia tộc theo quan niệm của Nho giáo khi bị làm dụng quá mức đã dẫn đến tác dụng phụ, đó là hiện tượng đặt tình cảm gia đình quá nặng; sự tính toán cho danh lợi riêng của gia đình mình quá lớn, dẫn đến sự ra đời và tồn tại dai dẳng của chế độ gia đình trị. Đó là các gia đình thuộc tầng lớp thống trị sẽ dùng sức mạnh gia đình riêng của mình để thống trị cả nước và thiên hạ. Mặc dù chế độ phong kiến bị xóa bỏ, nhưng chế độ gia đình trị vẫn còn tồn tại dưới nhiều hình thức biến tướng khác nhau. Trong phạm vi một tổ chức, một cơ quan, nhất là ở các địa phương và khu vực nông thôn vẫn còn nhiều kiểu biến dạng của chế độ gia đình trị. Hiện tượng đó dẫn đến sự vi phạm quyền làm chủ của dân, bóp nghẹt dân chủ, kéo bè kéo cánh, cửa quyền, gây thiệt hại tài sản chung, cản trở và làm chậm bước tiến đổi mới. Đó chính là tình trạng “gia đình hóa” các cơ quan nhà nước, các đoàn thể xã hội, các công việc chung, của công, các quan hệ đồng nghiệp đang trở nên phổ biến. Ảnh hưởng nữa rất rõ của biểu hiện này đó là tác phong gia trưởng trong các tổ chức và cơ quan công quyền. Ở nhiều nơi, thủ trưởng được coi như người gia trưởng và cơ quan được coi như là một gia đình. Thủ trưởng có thể ban ơn hay quở trách tùy theo sự yêu mến hay ghét bỏ của mình. Tác phong gia trưởng ấy bắt nguồn từ lối sống và lối làm việc gia đình chủ nghĩa đã tồn tại lâu dài trong nhiều thế kỷ. Hậu quả của nó là sự trì trệ, bảo thủ, quan liêu trong tư duy và hành động. Việc cai trị gắn liền với tam cương, ngũ thường, tam tòng, tứ đức, chính danh... được triều đại phong kiến sử dụng để biện minh cho lối cai trị, quản lý xã hội một cách tùy tiện, chuyên quyền, không dân chủ (nhất là khi cá nhân các vị vua là bạo chúa hoặc có tư chất kém cỏi) đã nhiều năm thấm vào hệ thống quyền lực xã hội, hệ thống giáo dục, vào suy nghĩ và hành xử của con người... ngày nay vẫn tạo ra vướng mắc, cản trở sự phát triển của xã hội. Xem thêm Văn hóa Việt Nam Nho giáo Việt Nam Nhân đạo Nhân văn Thánh Đạo Tham khảo Thư mục Tứ thư, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2003 Liên kết ngoài Nguyễn Ước, Nho giáo đại cương Stanford Encyclopedia of Philosophy Entry: Confucius Interfaith Online: Confucianism Confucian Documents at the Internet Sacred Texts Archive. Oriental Philosophy, "Topic:Confucianism" China Confucian Philosophy China Confucian Religion China Confucian Temples China Kongzi Network Tư tưởng Trung Quốc Bài cơ bản dài Hệ tư tưởng chính trị Văn hóa Đông Á Lý thuyết đạo đức Triết học phương Đông Thuật ngữ tôn giáo
7040
https://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BB%93%20T%C3%B4n%20Tinh
Hồ Tôn Tinh
Hồ Tôn Tinh (chữ Hán: 胡猻精) là tên một vương quốc được đề cập trong truyện Lĩnh Nam chích quái. Sử liệu Về nước Hồ Tôn Tinh, Lĩnh Nam chích quái viết: Theo nhận xét của Huber trong La Légende du Ramayana en Annam, Etudes indochinoises thì Hồ Tôn Tinh có thể là ghi nhận về truyền thuyết Ramayana của vương quốc Chăm Pa cổ. Trong đó Quỷ vương là Dasanana''', hoàng tử Chung Tư là Rama và Công chúa Bạch Tinh là Sita. Những quốc gia chịu ảnh hưởng nền văn minh Ấn Độ thời đó đều có sự tích giống nhau, tại Indonesia trong các đền thờ đạo Bà-la-môn lớn đều khắc truyện thần thoại này trên tường đá. Chuyện Quỷ Vương có mười đầu có lẽ chỉ là cách miêu tả thô thiển ngai vàng của các vị vua trong thần thoại Ấn Độ và Phù Nam thường có hình rắn hổ mang (naja'') mười đầu. Ghi chú ¹ Có thể là Phù Nam ² Quốc gia của người khỉ Xem thêm Lâm Ấp Lịch sử Chăm pa Huyền sử Champa Cựu quốc gia trong lịch sử Việt Nam
7041
https://vi.wikipedia.org/wiki/T%C6%B0%E1%BB%A3ng%20L%C3%A2m
Tượng Lâm
Xem các nghĩa khác tại Tượng Lâm (định hướng) Về vùng đất Tượng Lâm (), các sử liệu Trung Hoa xưa xác nhận đó là phần đất ở vùng cực nam quận Nhật Nam, trực thuộc quyền cai trị của Giao Châu thời Bắc thuộc, ngày nay là các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định (có tài liệu cho là đến tận cửa Đại Lãnh, Phú Yên). Những nhà khảo cổ học phương Tây cho rằng Tượng Lâm có thể là phần đất chạy dọc theo bờ biển, từ đèo Ngang đến đèo Hải Vân, nằm trong lãnh thổ các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Một số học giả Chăm học cho rằng lãnh thổ Tượng Lâm bao gồm: Indrapura (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế ngày nay), Amavarati (Quảng Nam) và Vijaya (Bình Định), sau này gọi chung là bắc Chiêm Thành. Sự hòa trộn văn hóa Tượng Lâm là nơi tập cư của nhiều nhóm người xuất thân từ nhiều nền văn hóa khác nhau, một sự pha trộn văn hóa tự nhiên giữa các giống người vào thời hoang sơ. Đầu tiên là sự pha trộn văn hóa giữa các nhóm người Indonesia di cư (văn hóa Indus) và Cổ Mã Lai (văn hóa Sa Huỳnh), kế là với nhóm Việt tộc sơ sử (văn hóa Đông Sơn), sau có thêm người Hán (văn hóa Khổng-Mạnh) từ phương bắc di cư xuống và người Môn-Khmer (văn hóa Óc Eo-Phù Nam) từ tây nam đi lên. Cuối cùng là những nhóm Malaysia-Polynesia (văn hóa Mã Lai-Đa Đảo hay Nam Đảo) từ biển cả tràn vào hồi đầu Công nguyên. Nhóm sau cùng, hùng mạnh hơn, đã thu phục hay đồng hóa những nhóm có trước, để chỉ còn yếu tố Nam Đảo độc tôn, và thiết đặt quyền cai trị lâu dài (thế kỷ 1 TCN cho đến thế kỷ 1). Một số cư dân bản địa, không chấp nhận hay không chịu nổi sự cai trị của nhóm di dân mới tới, đã di tản lên vùng rừng núi sinh sống và trở thành những nhóm sắc tộc thiểu số ngày nay, nhưng không vì vậy mà quan hệ giữa đồng bằng và miền núi bị cắt đứt, dân cư hai vùng đã nương tựa nhau để tồn tại trong suốt thời gian dài. Sang thế kỷ 2, một số thương nhân Ấn Độ đến vùng đất này buôn bán và phổ biến nền văn minh, văn hóa của mình cho những nhà cầm quyền địa phương và một số thể chế tổ chức quốc gia đã được hình thành từ nam đến bắc. Một tấm bia đá tìm được ở làng Võ Cảnh (Nha Trang) cho thấy vị vương cai trị vùng đất phía nam vào thế kỷ 2 tên là Sri Mara, không có phần kế tiếp. Sri Mara chỉ là một tiểu vương Chăm pa ở phía nam (Kauthara), trong khi Khu Liên là một tiểu vương khác ở phía bắc (Indrapura). Do nằm cạnh lãnh thổ với Trung Quốc, sự hình thành Vương quốc Chăm Pa phía bắc được biết đến nhiều nhất bởi các nguồn sử liệu Trung Hoa và cũng nhờ đó người ta biết thêm về quan hệ giữa người Việt (các Lạc hầu, Lạc tướng) và người Chăm trong thời Bắc thuộc đã rất gắn bó. Cột đồng Mã Viện Cột đồng Mã Viện là mốc ranh giới đầu tiên giữa nhà Hán và dân cư gốc Nam Đảo. Sự kiện này chứng minh các nhóm dân cư gốc người Kinh theo nhà Hán sinh sống trên phần đất phía nam quận Nhật Nam rất e ngại những cuộc tấn công của người Nam Đảo từ phía nam. Về địa điểm của cột đồng, sử cổ Trung Hoa như Hậu Hán thư và Thủy Kinh chú cho rằng nó nằm ở phần lãnh thổ cực nam của nhà Hán (quận Nhật Nam) ở huyện Cửu Phong (tỉnh Quảng Trị ngày nay). Những nguồn sử khác như Tấn thư, Nam Tề thư và Lương thư cũng cho rằng cột đồng được dựng lên ở phía nam huyện Tượng Lâm (phía bắc Thừa Thiên Huế). Tân Đường thư thì cho rằng cột đồng được dựng lên ở phía nam Quảng Châu. Nổi dậy ở Tượng Lâm Sau biến cố Hai Bà Trưng, tình hình chính trị ở phía nam huyện Tượng Lâm, luôn dao động. Mùa hè năm 100, hơn 2.000 dân Tượng Lâm nổi lên phá đồn, đốt thành, giết một số quan quân cai trị. Chính quyền đô hộ phải huy động quân của các quận huyện khác đến dẹp, giết được chủ tướng, cuộc nổi loạn mới tạm yên. Từ đó chính quyền nhà Hán không dám ức hiếp một cách thô bạo dân cư tại đây nhưng đặt vùng đất này dưới quyền cai trị trực tiếp, do một binh trưởng sứ cầm đầu, đề phòng những cuộc nổi loạn sau này. Để lấy lòng dân cư địa phương, quan quân nhà Hán tổ chức phát chẩn cho dân nghèo, miễn thuế hai năm, ... Mục đích của chính sách cai trị trực tiếp này là thu thuế và nhận phẩm vật triều cống (vàng, bạc, sừng tê giác, ngà voi, móng chim ưng, hương liệu, vải lụa) càng nhiều càng tốt. Thuế và phẩm vật triều cống do những lãnh chúa địa phương thay mặt nhà Hán thu của dân. Như vậy nhà Hán vừa có thu nhập vừa không hao tốn ngân quỹ, lại duy trì được ảnh hưởng trên vùng đất đó, bù lại lãnh chúa địa phương được sắc phong và được bảo vệ khi bị tấn công. Theo sử liệu cổ của Trung Hoa (Hậu Hán thư, Lưu Long truyện, Mã Viện truyện) ghi lại thì người huyện Tượng Lâm luôn chống đối lại chính sách cai trị của nhà Hán và thường tranh chấp lẫn nhau về quyền cai trị tại vùng đất này. Tượng Lâm ở quá xa chính quốc nên sự cai trị trực tiếp của những quan đô hộ và binh lực nhà Hán làm hao tốn công quỹ mà lợi ích chính trị và kinh tế không cao, do đó đã rất lơ là. Năm 136, khoảng 1.000 dân Tượng Lâm nổi lên chống lại sự cai trị của nhà Hán và đánh chiếm huyện Tượng Lâm, họ đốt thành và giết trưởng lại (huyện trưởng). Năm sau thứ sử Giao Chỉ là Phàn Diễn phải điều hơn 10.000 binh sĩ từ hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân xuống đàn áp nhưng thất bại. Thay vì đi dẹp loạn, đoàn quân này lại phối hợp với dân quân Tượng Lâm chống lại và chiếm đóng một số thành quách khác trong quận, quan quân Đông Hán phải rút lui khỏi huyện Tượng Lâm. Năm 138, Giả Xương, quan thị ngự sử nhà Hán đi sứ phía nam, đã cùng với các quan thái thú trong quận Nhật Nam gom quân dẹp những cuộc nổi loạn ở huyện Tượng Lâm. Sau gần một năm, tất cả đều thất bại, và họ còn bị quân địa phương bao vây hơn cả năm trời. Từ đó nhà Hán mất tin tưởng ở đám quan quân địa phương và chỉ tin dùng quan quân từ Trung Hoa đưa xuống. Năm sau Hán Thuận Đế sai tướng Cổ Xương huy động 40.000 quân ở các châu Kinh, Dương, Duyên, Dự xuống đàn áp cuộc nổi dậy. Cổ Xương bị quân nổi loạn đánh bại, nhà Hán sai một tướng khác là Lý Cố mang viện binh tiếp trợ nhưng Lý Cố viện các lý do để hoãn binh. Cuộc tiến quân bị dừng lại. Những kế sách của Lý Cố là: Ly gián nội bộ những người nổi loạn bằng cách mua chuộc những lãnh chúa địa phương nhằm làm suy yếu tiềm lực của dân quân Tượng Lâm. Tránh can thiệp bằng quân sự vào những tranh chấp cục bộ của người địa phương. Chỉ để lại một quan lại người địa phương thay mặt thiên triều cai trị. Vấn đề lãnh đạo địa phương để cho người địa phương chọn lấy, người thắng cuộc được thiên triều tấn phong. Quan cai trị địa phương phải là một lãnh chúa thần phục thiên triều. Tước Vương Hầu (dành cho người nhà Hán) và Liệt Thổ (dành cho người địa phương). Để thực hiện mưu kế này, nhà Hán phong Trương Kiều làm thứ sử Giao Chỉ và Chúc Lương làm thái thú Cửu Chân; cả hai có nhiệm vụ thu thuế và nhận phẩm vật từ những quan lại được nhà Hán tấn phong. Trương Kiều đã thu phục được hàng chục ngàn dân thường của Nhật Nam và Tượng Lâm quy thuận Hán triều. Năm 144, dân quận Nhật Nam và huyện Tượng Lâm lại nổi lên chống lại ách cai trị của nhà Hán, nhưng bị thứ sử Hạ Phương đánh bại. Năm 157, Chu Đạt cùng với dân chúng Cửu Chân nổi lên giết huyện lệnh Cự Phong và thái thú Nghê Thức chiếm quyền lãnh đạo. Sự kết hợp tự nhiên giữa dân chúng hai quận Cửu Chân và Nhật Nam gây nhiều bối rối cho các quan quân cai trị. Dưới sự chỉ huy của đô úy quận Cửu Chân là Ngụy Lãng, quân Hán phản công quyết liệt, giết hơn 2.000 dân Cửu Chân, phe nổi loạn phải chạy xuống phía nam chiếm quận Nhật Nam và chống trả lại. Trong ba năm, từ 157 đến 160, quân Tượng Lâm (khoảng 20.000 người) tiến lên đánh quân Hán và chiếm nhiều huyện khác của Nhật Nam. Vài năm sau, năm 178, Lương Long cầm đầu cuộc khởi nghĩa chống lại quân Hán, chiếm được nhiều vùng đất từ Giao Chỉ đến Hợp Phố và từ Cửu Chân đến Nhật Nam; năm 181 Hán vương cử Lã Đại mang quân sang đánh dẹp. Đến đời Hán Sơ Bình (190-193), nhân nội tình Trung Hoa rối loạn, dân Tượng Lâm, phối hợp với dân 2 quận Cửu Chân và Nhật Nam, nổi lên đánh đuổi quân Hán và giành thắng lợi. Năm 192, tiểu vương quốc Chăm pa đầu tiên phía bắc ra đời, dưới tên gọi Lâm Ấp dưới sự lãnh đạo của Khu Liên. Tiểu vương quốc này mở đầu cuộc đấu tranh giành độc lập của người Kinh ở phía bắc và phong trào thống nhất vương quốc Chiêm Thành ở phía nam. Xem thêm Hồ Tôn Tinh Lâm Ấp Hoàn Vương Quốc Chiêm Thành Lịch sử Chăm Pa Tham khảo Lịch sử Việt Nam thời Bắc thuộc lần 1 Lịch sử Chăm Pa Địa danh cũ Việt Nam Lịch sử Việt Nam
7043
https://vi.wikipedia.org/wiki/L%C3%A2m%20%E1%BA%A4p
Lâm Ấp
Lâm Ấp (Chữ Hán: 林邑; Bính âm: Lin Yi) là một vương quốc đã tồn tại từ khoảng năm 192 đến khoảng năm 605, tại vùng đất từ Quảng Bình đến Quảng Nam. Vương quốc này được coi là giai đoạn khởi đầu cho lịch sử Chăm Pa độc lập. Lịch sử hình thành Từ nửa cuối thế kỷ thứ 2, phần lãnh thổ cực nam quận Nhật Nam trở nên khó trị, cư dân bản địa liên tục nổi lên chống lại nhà Hán. Huyện Tượng Lâm trở thành nơi tranh chấp thường xuyên giữa nhà Hán và dân địa phương (man di) như Khuất Đô Di, Tây Đô Di. Năm 190, con của quan Công Tào, tên Khu Liên nổi lên giết thứ sử Chu Phù và chiếm huyện thành. Năm 192, Khu Liên giết huyện lệnh (huyện trưởng) nắm quyền cai trị. Khu Liên cắt một phần lãnh thổ cực nam của quận Nhật Nam - huyện Tượng Lâm để thành lập vương quốc riêng: sau này, Hậu Đường Thư gọi quốc gia này là Lâm Ấp Quốc. Lãnh thổ đất đai bao gồm cả khu vực tỉnh lỵ Huế hiện nay, chạy dài cho tới biên giới miền Nam của núi Bạch Mã. Lâm Ấp Độc lập là một biến cố lịch sử trọng đại, mở đầu gặp gỡ giữa hai nền văn minh Trung Quốc và Ấn Độ tại bán đảo Đông Dương. Đồng thời, đây là lần thứ hai (sau 3 nước Cao Ly, Bách Tế, Tân La ở quận Lạc Lãng tách ra khỏi lãnh thổ nhà Hán), một vùng thuộc lãnh thổ của "thiên triều" tức quận Nhật Nam tự tách ra. Cơ chế xã hội Thời kỳ đầu, hệ thống kỹ thuật kiến trúc Lâm Ấp qua di tích và hiện vật khảo cổ cho thấy ảnh hưởng Trung Quốc nhiều hơn ảnh hưởng Ấn Độ. Sau đó, thương nhân và tu sĩ Ấn Độ bắt đầu giao tiếp dần với người Lâm Ấp. Những người Ấn này đã truyền cho giới quý tộc địa phương văn minh và văn hóa của họ, và luôn cả cách thức tổ chức xã hội. Khác với người Hoa, tổ chức xã hội của người Ấn mang tính phân quyền cao hơn, phù hợp với nếp sống của người địa phương nên được tầng lớp thượng lưu địa phương ưa chuộng. Đặc điểm của người Ấn là ít dùng bạo lực để áp đặt văn hóa hay uy quyền chính trị của mình trên những xã hội khác, kém hơn, mà để các thân hào địa phương tự nguyện làm thay, sau khi hấp thụ văn minh và văn hóa của họ. Sau khi Khu Liên qua đời, chữ Phạn trở thành chữ viết chính thức của các triều vương. Các bi ký tìm được trong giai đoạn này đều khắc bằng chữ Phạn. Quốc thư trao đổi của Lâm Ấp với Trung Quốc thời đó được viết bằng "Hồ tự" (tức chữ Phạn) thay vì chữ Hán. Thời cuối Lâm Ấp (thời đầu Chăm Pa), văn hóa Ấn Độ trở thành văn hóa chính của vương quốc. Ấn Độ giáo và Phật giáo bắt đầu được truyền bá. Về chính trị: các vị vua thời cuối Lâm Ấp (thời đầu Chăm Pa) đều ghép tên mình với một thần linh, thường là với Shiva (còn gọi là Isvara) để độc quyền cai trị. Uy quyền vua thể hiện qua lọng màu trắng mà dân thường không được dùng. Thời đầu Chăm Pa, giúp việc cho vua là các quan lại trung ương và địa phương, được phân chia thành 3 hạng: Đứng đầu là 2 vị tôn quan (senapati và tapatica, tức 2 tể tướng võ và văn) Tiếp theo là thuộc quan gồm ba loại: luân đa đinh (dandavaso bhatah - tướng chỉ huy cấm vệ), ca luân trí đế (danay pinang - quan hầu trầu) và ất tha già lan (yuvaraja - kế vương) Cuối cùng là ngoại quan (quan lại địa phương). Quân đội Lâm Ấp khoảng từ 40.000 đến 50.000 người, gồm kỵ binh, tượng binh và thủy binh. Triều đình Trung Quốc có lẽ cũng muốn chấm dứt tình trạng tranh chấp văn hóa và chính trị kéo dài quá lâu này nên đã chấp nhận sự ly khai một cách miễn cưỡng, họ gọi tên quốc gia mới này là Lâm Ấp, thay vì Hồ Tôn Tinh hay Tượng Lâm như trước kia, và duy trì mối quan hệ tốt để thu nhận nhiều phẩm vật triều cống. Về danh xưng, Lâm Ấp chỉ là sự biến nghĩa của từ Tượng Lâm. Đối với nhà Đông Hán, danh xưng Lâm Ấp là một khinh miệt, vì đó chỉ là một phần đất nhỏ không quan trọng ở vùng cực nam để phải quan tâm trực tiếp. Thủy Kinh Chú viết: Lâm Ấp là huyện Tượng Lâm, sau bỏ chữ Tượng để chỉ còn chữ Lâm Lâm Ấp Quốc là phiên âm Hán-Việt (phát âm theo thời nhà Đường) của từ 林邑國 / 臨邑國 (phát âm theo tiếng Quan Thoại là Lin-yi-quo). Nguồn gốc của từ Lâm Ấp thì có hai giả thuyết. Thứ nhất là gọi tắt của từ Tượng Lâm Ấp (thủ đô Tượng Lâm) như Thủy Kinh Chú viết. Trong bi ký tiếng Phạn, đời sau, các vua Chăm Pa luôn ghi quốc hiệu là Campanagara (thành Chăm Pa), Campapura (Ấp Chăm Pa). Nhưng trong bi ký thời Lâm Ấp thì chưa tìm thấy quốc hiệu bằng tiếng Phạn nên ghi chép của Thủy Kinh Chú chưa có minh chứng. Hơn nữa, cư dân Lâm Ấp và cư dân Chăm Pa (Chiêm Thành) chưa chắc là một nên giả thuyết này còn yếu. Thứ hai là phiên âm của từ "dừa" (tiếng Chăm cổ gọi là Li-u). Thế kỷ thứ 5-6, nước Lâm Ấp (Quan Thoại: Lin-yi) đối diện với nước Phù Nam (Quan Thoại: Fu-nan). Đời sau, người Chăm Pa có 2 nhà vua là Narikera Vamsa (椰子族, Da Tử tộc/bộ lạc Dừa) và Kramka Vamsa (檳榔族, Tân Lang tộc/bộ lạc Cau). Tiếng Chăm cổ gọi "dừa" là Li-u (gần 林邑 Lâm Ấp/Lin-yi), "cau" là Pu-nang (giống 扶南 Phù Nam/Fu-nan). (Tiếng Mã Lai hiện đại gọi "cau" là pi-nang, Quan Thoại và Hán-Việt là 彼南 pi-nan/Bỉ Nam.) Giả thuyết này có thể chứng minh được mối quan hệ giữa hai nhà vua Dừa và Cau. Nhưng như trường hợp giả thuyết thứ nhất, cư dân Lâm Ấp và cư dân Chăm Pa (Chiêm Thành) chưa chắc là một nên giả thuyết này cũng còn yếu. Về địa lý, vương quốc Lâm Ấp ở đâu, lãnh thổ như thế nào thì còn rất nhiều điểm mơ hồ. Theo sử cổ Trung Quốc thì lãnh thổ vương quốc này là huyện Tượng Lâm thuộc quận Nhật Nam, phía nam huyện Lô Dung (Thừa Thiên Huế ngày nay). Đường thư nói Lâm Ấp từ huyện Tây Quyển (Quảng Bình) trở xuống. Đại Nam Nhất Thống Chí nói Tượng Lâm là Bình Định và Phú Yên. Thủy Kinh chú cho biết thủ phủ Lâm Ấp lúc đầu không biết ở đâu, sau được biết đặt tại Khu Lật (thành phố Huế ngày nay), phía nam có sông Lô Dung (sông Hương) chảy qua. Một số nhà Chăm Pa học cho rằng Lâm Ấp là lãnh thổ Indrapura từ mũi Hoành Sơn đến đèo Hải Vân, do vương triều Gangaraja, tức những người Ấn Độ đến từ sông Gange, khai sinh ra. Sự kiện này cần được ghi nhận với sự dè dặt vì cho đến nay chưa một dấu tích bia ký nào giải thích sự kiện này. Các triều vương Lâm Ấp Triều vương thứ nhất (192-336) Khu Liên (có người nhầm ông với Cri Mana,vua của Phù Nam) lên ngôi năm 192, trị vì trong nhiều năm, nhưng không biết mất năm nào và ai là người kế vị. Sử cổ Trung Quốc (Lương thư) cho biết trong khoảng thập niên 220-230, con cháu Khu Liên có gửi phái bộ đến thống đốc Quảng Đông và các thái thú Giao Châu (Lã Đại và Lục Dận) triều cống và duy trì quan hệ ngoại giao. Năm 248 diễn ra cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu. Nhà Đông Ngô cho Lục Dận làm An Nam hiệu úy, tức thứ sử, sang Giao Châu dẹp loạn. Sau khi dẹp xong cuộc khởi nghĩa này, Lục Dận đem quân xuống chiếm Khu Lật, bắt theo hàng ngàn thợ khéo tay dâng cho nhà Đông Ngô năm 260. Những vùng đất bị quân Lâm Ấp chiếm đóng đều bị lấy lại. Lãnh thổ Lâm Ấp trở về vị trí cũ là huyện Tượng Lâm, quân Đông Ngô không dám tiến xuống xa hơn. Có lẽ người kế vị Khu Liên đã chết trong cuộc khởi nghĩa này vì không còn được nhắc tới nữa. Sách Lương thư cho biết năm 270, cháu ngoại của Khu Liên là Phạm Hùng (Fan Hiong hay Fan Hsung) lên làm vua. Dưới thời Phạm Hùng, lãnh thổ Lâm Ấp được nới rộng tới thành Khu Túc, cạnh sông Gianh ở phía bắc. Phạm Hùng cũng đã chinh phục và thống nhất các tiểu vương quốc khác nằm trong các dải đất dọc duyên hải miền trung. Nhưng sau hơn 10 năm chinh chiến (271-282), Phạm Hùng bị quân nhà Tây Tấn (do Đào Hoàng chỉ huy) đánh bại, năm 283 con là Phạm Dật (Fan Yi) lên ngôi. Năm 284, Phạm Dật gửi một sứ bộ sang Trung Quốc cầu hòa; Lâm Ấp được hòa bình và Phạm Dật trị vì 52 năm thì qua đời. Triều vương thứ hai (336-420) Phạm Dật qua đời năm 336, tể tướng Phạm Văn (Fan Wen) cướp ngôi. Phạm Văn không phải là người Lâm Ấp mà là một người gốc Hoa quê ở Dương Châu, bị bán làm nô lệ cho một quan cai trị huyện Tây Quyển tên Phạm Tương. Năm 15 tuổi, vì phạm tội, Văn trốn theo một thương gia người Lâm Ấp sang Trung Quốc và Ấn Độ buôn bán, nhờ đó đã học hỏi được kỹ thuật luyện kim và xây thành lũy của người Hoa. Khi về lại Lâm Ấp năm 321, Văn trở thành người thân tín của Phạm Dật và được giao trọng trách xây thành, đắp lũy, dựng cung đài theo kiểu Trung Quốc, chế tạo chiến xa và vũ khí, nhạc khí v.v. và được thăng chức tể tướng. Dưới thời Phạm Văn, kỹ thuật luyện sắt (rèn kiếm, đúc lao) đạt đến tột đỉnh. Vua áp dụng văn minh Ấn Độ vào đời sống: cải tổ hệ thống quan lại theo khuôn mẫu Ấn Độ, nhờ đó tổ chức chính quyền mang lại hiệu quả tốt; xây dựng thủ phủ tại Khu Lật (K'iu-sou, hay Thành Lồi, Huế), hình chữ nhật, chu vi 2.100 mét, tường cao 8 mét, có 16 cửa, dân chúng sống xung quanh chân thành, mỗi khi có loạn, các cửa thành đều đóng lại. Với thế mạnh này, Phạm Văn đánh thắng hai nước Đại Kỳ Giới và Tiểu Kỳ Giới (chưa rõ vị trí địa lý), chinh phục nhiều bộ lạc khác như Che Phou, Siu Lang, Khiu Tou, Kan Lou và Fou Tan (chưa rõ vị trí địa lý), tăng cường số phụ nữ mang về từ các lãnh thổ đánh chiếm được và tăng quân (khoảng từ 40.000 đến 50.000 người). Năm 340, Phạm Văn xin nhà Đông Tấn cho sáp nhập quận Nhật Nam, gồm các huyện Tây Quyển, Ty Canh, Chu Ngô, Lô Dung và một phần đất phía nam quận Cửu Chân là huyện Hàm Hoan vào lãnh thổ Lâm Ấp nhưng không được. Phạm Văn liền đem quân tấn công vào Nhật Nam, chiếm huyện Tây Quyển, giết thứ sử Hạ Hầu Lâm, lấy mũi Hoành Sơn (nam quận Cửu Chân) làm biên giới phía bắc, cho xây lại thành Khu Túc (cạnh sông Gianh) phòng giữ. Từ đó phần lãnh thổ từ đèo Ngang trở xuống thuộc về Lâm Ấp và cũng kể từ đó phía bắc đèo Ngang là nơi xảy ra những trận thư hùng giữa Lâm Ấp và Giao Châu trong suốt hai thế kỷ 4 và 5. Năm 349 nhà Đông Tấn phản công, quân Lâm Ấp bại trận, Phạm Văn bị trọng thương và qua đời, con là Phạm Phật (Fan Fo) lên thay. Phạm Phật là một vị tướng tài ba, được nhiều sử gia cho là người mở đầu vương triều Gangaraja (Bắc Chiêm Thành). Vừa lên ngôi, Phạm Phật tấn công quân nhà Đông Tấn tại Nhật Nam và vây thành Cửu Chân. Năm 351, quân Lâm Ấp bị đánh bại, chạy về phía tây tại Lãng Hồ, huyện Thọ Lãnh (Thị xã Ba Đồn), thành Khu Túc bị chiếm, ranh giới được thiết lập lại tại huyện Ty Canh gần sông Nhật Lệ Đồng Hới. Năm 359, quân Đông Tấn chiếm huyện Thọ Lãnh và đánh bại quân Lâm Ấp tại vịnh Ôn Cấn, chiếm thành Khu Túc; Phạm Phật xin hòa và gửi sứ bộ sang Trung Quốc triều cống (372 và 377). Phạm Phật mất năm 380 nhường ngôi cho con là Phạm Hồ Đạt. Phạm Hồ Đạt (Fan Houta) được nhiều sử gia cho là vua Dharmamaharaja, hiệu Bhadravarman I (Bạt Đà La Bạc Ma I), người sáng lập vương triều Gangaraja. Dưới thời Phạm Hồ Đạt, Phật giáo Tiểu thừa (Thevada) phát triển mạnh, nhiều nhà sư từ Ấn Độ sang truyền đạo. Thành Khu Lật (Huế) vẫn là trung tâm chính trị nhưng đổi tên thành Kandapurpura, nghĩa là Phật Bảo Thành (vì là nơi có nhiều đền đài và hình tượng Phật và Shiva). Bên cạnh đó nhà vua còn cho xây dựng thêm một trung tâm tôn giáo mới tại Amavarati, tức thánh địa Hào Quang (nay là thánh địa Mỹ Sơn, một thung lũng cách Đà Nẵng 70 km về phía tây). Nhiều đền thờ đạo Bà la môn được xây dựng tại Mỹ Sơn để thờ thần Shiva và tượng Linga, tượng trưng sức mạnh phái nam. Ngôi đền đầu tiên được xây bằng gỗ vào cuối thế kỷ 4 mang tên Bradresvara, kết hợp giữa tên vua Bradravarman I và thần Isvara (hay Shiva). Kể từ thế kỷ 4 trở đi lãnh tụ chính trị và tôn giáo tại Lâm Ấp là một: thờ thần tức thờ vua, vua thay mặt thần Shiva cai quản muôn dân. Shiva vừa là thần bảo hộ xứ sở vừa là vị thần giữ đền (Dvarapala) để dân chúng đến thờ phụng và dâng lễ vật. Năm 399, Phạm Hồ Đạt mang quân chiếm quận Nhật Nam, giết thái thú Khổng Nguyên, tiến công quận Cửu Đức, bắt sống thái thú Tào Bính nhưng bị quân của thống chế Đỗ Viện đánh bại phải rút về dưới đèo Ngang. Năm 413, Phạm Hồ Đạt mang bộ binh chiếm đóng Nhật Nam, ra lệnh cho thủy binh đổ bộ vào Cửu Chân đốt phá các làng xã ven duyên. Thứ sử Đỗ Tuệ Độ (con Đỗ Viện) mang quân ra nghênh chiến, chém được con của Phạm Hồ Đạt là Phạm Trân Trân (tiểu vương đất Giao Long) và tướng Phạm Kiện, bắt làm tù binh hơn 100 người, trong có một hoàng tử tên là Na Neng, tất cả đều bị chém đầu. Phạm Hồ Đạt trốn vào rừng sâu rồi mất tích. Trong khi chưa tìm được một vị vua mới, triều đình Lâm Ấp tiếp tục triều cống Trung Quốc để được yên về chính trị. Triều đại tiếp theo là Bhadravarman do Phạm Tu Đạt cai trị. Trong thời gian từ 413 đến 420, con cháu Phạm Hồ Đạt tranh giành ngôi vua, nội chiến xảy ra khắp nơi. Năm 413, một người con của Phạm Hồ Đạt là Địch Chớn (còn gọi là Địch Chân Ti Chen), một đạo sĩ Bà la môn, được triều thần đưa lên ngôi vua, hiệu Gangaraja (sông Gange bên Ấn Độ). Năm 415, quân Lâm Ấp vào cướp Giao Châu, năm 420, Tuệ Độ đánh Lâm Ấp. Địch Chớn là người đam mê văn hóa Ấn Độ muốn nhường ngôi cho em là Địch Khải (Ti Kai) để sang Ấn Độ sống những ngày cuối đời, nhưng Địch Khải sợ bị triều thần ám hại, dẫn mẹ chạy trốn vào rừng. Ngôi báu đành nhường cho Manorathavarman là cháu Địch Chớn nhưng tể tướng Thiếu Lâm (Tsang Lin) chống lại vì cho rằng người này không được sinh ra từ một người mẹ có dòng máu tinh khiết (tức đẳng cấp Brahman), nên bị Manorathavarman giết chết. Triều vương thứ ba (420-530) Năm 420, con cháu của Thiếu Lâm ám sát vua Manorathavarman và đưa người em cùng mẹ khác cha của Địch Chớn là Văn Địch (Wen Ti) lên thay. Văn Địch xưng hiệu là Phạm Dương Mại I (Yan Mah hay Fan Yang Mai), có nghĩa là Hoàng tử Vàng, nhưng không trị vị lâu vì bị chết trong một cuộc tấn công của quân Đông Tấn. Con là thái tử Đốt, 19 tuổi, được nhà Đông Tấn phong vương năm 421, hiệu Phạm Dương Mại II. Nhân tình thế rối loạn bên Trung Quốc khi nhà Lưu Tống lật đổ nhà Đông Tấn, năm 431, Phạm Dương Mại II dẫn hơn 100 chiến thuyền tấn công các làng ven biển tại cửa Thọ Lãnh, Tứ Hội và Châu Ngô (quận Nhật Nam và Cửu Chân) nhưng bị đánh bại, quân Tống chiếm thành Khu Lật, Dương Mại II chạy trốn ra Chiêm Bất Lao (Cù lao Chàm thuộc Quảng Nam). Năm 433, Phạm Dương Mại II xin "lãnh" đất Giao Châu về cai trị nhưng vua Tống không chịu, chiến tranh lại xảy ra. Năm 443, vua Tống Du Long phong thống chế Đàn Hòa Chi làm thứ sử Giao Châu, cùng hai phó tướng là Tống Xác và Túc Canh Hiến, mang đại quân đánh Lâm Ấp, Phạm Dương Mại II chạy thoát được ra của Tượng Phổ, vịnh Bành Long (chưa rõ vị trí địa lý), tổ chức lại lực lượng, tăng cường thêm nhiều đội tượng binh rồi ra lệnh tổng phản công nhưng không địch nổi quân Tống. Đàn Hòa Chi thu rất nhiều vàng bạc, châu báu, tượng đồng và đập phá rất nhiều đền đài. Sử Trung Quốc (Tống thư) chép rằng Đàn Hòa Chi lấy được nhiều tượng vàng (mười người mới ôm xuể), đem nấu chảy, thu được hơn 10 vạn cân (40.000 kilôgam vàng). Từ đó Trung Quốc biết Lâm Ấp có nhiều vàng nên mỗi khi có dịp là tiến quân xuống đánh cướp. Trong lúc chạy trốn về phía nam, Phạm Dương Mại II chinh phục luôn các tiểu vương phía nam, thống nhất với lãnh thổ phía bắc. Năm 443, Phạm Dương Mại II về lại Khu Lật, và mất năm 446. Lãnh thổ phía bắc của Lâm Ấp bị đẩy lùi về huyện Lô Dung (Thừa Thiên), con cháu Phạm Dương Mại II lại tranh chấp quyền hành. Năm 455 con Phạm Dương Mại II là Phạm Chút (còn gọi là Phạm Thần Thành Fan Tou) lên ngôi, hiệu Trần Thành (Devanika). Trung tâm chính trị vẫn tại Khu Lật, nhưng Trần Thành cho xây dựng thêm một trung tâm văn hóa và tôn giáo mới tại Amaravati, gọi là thánh địa Hào Quang (Mỹ Sơn, Quảng Nam). Vương quốc Lâm Ấp tiếp tục được nới rộng xuống phía nam, phía bắc và cao nguyên phía tây. Phạm Trần Thành mất năm 472, Lâm Ấp không có vua, nội bộ triều đình có biến động. Năm 484, một người Phù Nam tên Phạm Đăng Căn Thăng (còn gọi là Phạm Đang Căng Thuần Kieou Tcheou Lo), con (có tài liệu ghi là bề tôi) vua Phù Nam Jayavarman tị nạn tại Lâm Ấp, cướp ngôi và cầm quyền trong gần 20 năm. Năm 492, con Phạm Trần Thành là Phạm Chư Nông (chắt Phạm Dương Mại I) giết Căn Thăng giành lại ngôi báu, được vua Tề Võ Đế phong vương Lâm Ấp. Phạm Chư Nông bị chết đuối năm 498, con cháu tiếp tục trị vì đến năm 527: Phạm Văn Tổn (còn gọi là Phạm Văn Tởn Fan Wen Kuoan) trị vì từ 498 đến 502, Phạm Thiên Khơi (còn gọi là Phạm Thiên Khởi) hiệu Detavarman (510-514) và Cao Thức Thắng Khơi hiệu Vikrantavarman hay Bật Tôi Bật Ma (526-527). Triều vương thứ tư (529-757) Năm 529, Vikrantavarman mất không người kế tự. Triều đình Lâm Ấp phong Luật Đa La Bật Ma (dòng dõi Địch Châu mà Vikrantavarman là cháu) lên làm vua, hiệu Rudravarman I. Năm 543, vua Rudravarman I mang quân xâm chiếm quận Nhật Nam và tiến đến quận Cửu Đức của nước Vạn Xuân. Lý Nam Đế sai Phạm Tu cầm quân vào nam giành lại Cửu Đức. Năm 577, Luật Đa La Bật Ma mất, con là Prasastadharma lên kế nghiệp, hiệu Phạm Phạn Chi (Sambhuvarman). Dưới thời Phạm Phạn Chi, văn hóa Lâm Ấp tỏa rộng khắp Đông Nam Á. Năm 598, nhà Tùy chiếm đóng Lâm Ấp và phân chia thành ba châu: châu Hoan (Tỷ Cảnh), châu Ái (Hai Âm) và châu Trong (Khương). Năm 605, nhà Tùy chinh phục Lâm Ấp. Thủ đô thất thủ, quốc gia Lâm Ấp diệt vong, vua Phạm Phạn Chi lưu vong về phía nam và dựng quốc gia riêng (別建國邑 biệt kiến quốc ấp), xây thành phố Sư Tư (nay là Trà Kiệu, cạnh sông Thu Bồn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam). Thời vua Phạm Phạn Chi là thời kỳ quá độ giữa Lâm Ấp và Chăm Pa (Chiêm Thành) bởi vì quốc hiệu Ấp Chăm Pa (Campapura) chính thức xuất hiện trong thời này. Sambhuvarman cho xây dựng lại ngôi đền Bhadrecvara bằng gạch ở Mỹ Sơn, ngôi đền thời vua trước bằng gỗ đã bị cháy. Sambhuvarman mất năm 629 và được nối ngôi bởi con ông Kandarpadharma, mà theo đuổi một chính sách chính trị hòa bình, thân thiện với Zhenla (Campuchia) ở miền Nam và triều cống Trung Quốc. Prabhasadharma (Bhasadharma), con trai của Kandarpadharma, kế nhiệm, đã bị giết chết cùng cả các nam phái trong gia đình bởi một bộ trưởng của ông vào năm 645. Sau đó Chăm Pa trải qua một thời kỷ mất yên ổn đánh dấu bởi một loạt vua chúa ngắn hạn, đến khi Prakasadharma, một dòng bên phái nữ của vua Prabhasadharma lên ngôi năm 656 với vương hiệu là Vikrantavarman, qua sự biểu quyết của hội đồng hoàng gia Chăm Pa. Triều đại Prakasadharma kéo dài tới năm 687, tiếp tục truyền thống thần phục gởi sứ giả và tặng vật sang Trung Quốc. Triều đại này đã sáng tạo ra phong cách nghệ thuật điêu khắc Chăm Pa, để lại một số bia ký nhất là miền Bắc khu vực Nha Trang. Xem thêm Hồ Tôn Tinh Tượng Lâm Hoàn Vương Quốc Chiêm Thành Lịch sử Chăm pa Chú thích Liên kết ngoài Cựu quốc gia trong lịch sử Việt Nam Lịch sử Chăm Pa
7044
https://vi.wikipedia.org/wiki/Vancouver%20%28%C4%91%E1%BB%8Bnh%20h%C6%B0%E1%BB%9Bng%29
Vancouver (định hướng)
Vancouver là tên của các vùng địa lý sau đây: Thành phố Vancouver, thuộc tỉnh bang British Columbia của Canada Thị trấn Vancouver, thuộc tiểu bang Washington của Hoa Kỳ Đảo Vancouver, nằm tại Bắc Thái Bình Dương về phía tây của British Columbia North Vancouver, British Columbia và West Vancouver, British Columbia, hai thành phố ngoại ô của Vancouver Núi Vancouver, nằm trên danh giới của Yukon và Alaska Fort Vancouver, một thị trấn trao đổi lông thú vào thế kỷ 19 gần Vancouver, Washington hiện nay Hay: Thuyền trưởng George Vancouver, một sĩ quan của Hải quân Hoàng gia Anh vào thế kỷ 18
7046
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ho%C3%A0n%20V%C6%B0%C6%A1ng
Hoàn Vương
Hoàn Vương (tiếng Hán: 環王國, tiếng Chăm: Panduranga) là tên ghi trong lịch sử Trung Hoa gọi vương quốc của người Chăm trong thời kỳ từ 757 đến 859, định đô tại Virapura (Hùng Tráng thành), sau là thôn Palai Bachong, xã Hòa Trinh, huyện An Phước, tỉnh Ninh Thuận, nay là xã Phước Nam, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận. Vương quốc này được thành lập năm 757, là hệ quả của sự phân rã quốc gia Lâm Ấp. Địa phận của Hoàn Vương có lúc giới hạn trong khu vực tỉnh Ninh Thuận ngày nay. Hoàn Vương độc lập cho đến năm 859 thì thống nhất với 4 tiểu quốc khác để thành hình quốc gia Champa, tuy nhiên tính tự trị vẫn được nguyên vẹn. Nước này được xem là tiền thân của Panduranga, thành lập năm 1471, với một số biến đổi về cương vực và dân số. Các triều đại Prithi Indravarman Hoàn Vương quốc ra đời sau một cuộc thay đổi quyền lực ở Lâm Ấp, vương quốc vốn tồn tại tại vùng này trước đó. Năm 757, một tiểu vương ở phía nam Lâm Ấp nổi lên hạ bệ Bhadravarman II (một nhà vua trẻ của Lâm Ấp) vừa lên ngôi. Tiểu vương này tự xưng là Prithi Indravarman và chấm dứt dòng triều Gangaraja ở phía bắc. Theo bia ký đọc được, Prithi Indravarman là người đã thống nhất lãnh thổ Chăm Pa một cách chính danh nhất, vì được triều thần công nhận là "người thống lãnh toàn bộ đất nước như Indra, thần của các vị thần". Tuy đất nước đã được thống nhất, lãnh thổ này vẫn chưa có tên. Khi sang Trung Hoa triều cống, không biết sứ thần của Prithi Indravarman đã giải thích như thế nào mà sử liệu cổ Trung Hoa đặt tên lãnh thổ mới của người Chăm trong thời kỳ này là Hoàn Vương quốc (tức vương quyền trở về quê cũ). Việc làm đầu tiên của Prithi Indravarman là dời kinh đô Sinhapura (thành phố sư tử tức Trà Kiệu, Quảng Nam ngày nay) về Virapura. Dưới thời Prithi Indravarman, văn minh và văn hóa Ấn Độ từ phía nam đưa lên lấn át toàn bộ sinh hoạt của người Chăm phía bắc; tiếng Phạn được phổ biến rộng rãi trong giới vương quyền và các nơi thờ phụng; đạo Bà la môn được đông đảo người theo; đạo Phật nguyên thủy Thượng tọa bộ (Theravada) phát triển mạnh trong dân gian; đền đài, dinh thự và chùa tháp được xây dựng lên khắp nơi, nhiều nhất là tại Khu Lật (Huế), Amavarati (Mỹ Sơn), Sinhapura (Trà Kiệu)... để tạ ơn thần linh. Tuy vậy nguyên tắc tự trị của các tiểu vương quốc phía bắc vẫn được tôn trọng, vì trong các di tích khảo cổ trên lãnh thổ phía bắc không thấy di ảnh (hay hình tượng) của nữ thần Bhagavati, vị thần bảo hộ của Panduranga. Vị nữ thần này được Prithi Indravarman chọn làm "Bà Mẹ xứ sở" để dân chúng thờ phụng. Ngôi tháp bằng gỗ trước kia thờ nữ vương Jagadharma (646-653) được Prithi Indravarman cho xây dựng lại bằng vật liệu cứng tại Aya Tră (Nha Trang), trên một ngọn đồi cao cạnh cửa sông Cái (Xóm Bóng), để thờ tượng nữ thần Bhagavati (bằng vàng). Tháp này về sau được biết dưới tên Po Nagar, hay Tháp Bà. Prithi Indravarman là một quân vương tài giỏi, đất nước thái bình và rất phồn vinh. Sự giàu có của Hoàn Vương quốc hấp dẫn các vương quốc lân bang, đặc biệt là Srivijaya (Palembang), Malayu (Malaysia), Javadvipa (Java), Nagara Phatom (Thái Lan), Sriksetra (Miến Điện) và Angkor (Chân Lạp); họ đến để trao đổi hoặc chờ dịp cướp phá. Năm 774, quân Nam Đảo (người Java và Mã Lai) từ ngoài khơi đổ bộ vào Kauthara và Panduranga, chiếm Virapura. Vua Prithi Indravarman đã chống trả lại mãnh liệt nhưng bị chết trong đám loạn quân (sau này được dân chúng tôn thờ dưới pháp danh Rudraloka). Một bia ký đọc được ở tháp Po Nagar ghi "những người đen đủi và gầy yếu từ miền xa đến, ăn những thức ăn khủng khiếp hơn xác chết, lại có tính hung ác. Bọn người này đi mành đến lấy cắp tượng linga của thần Sri Sambhu, đốt phá đền thờ [Po Nagar]". Sau cuộc tấn công này quân Nam Đảo cướp đi rất nhiều báu vật, trong đó có tượng nữ thần Bhagavati bằng vàng. Satyavarman Ngay khi Prithi Indravarman vừa tử trận, một người cháu gọi ông bằng cậu tên là Cri Satyavarman được hoàng tộc tôn lên thay thế. Nhưng vừa lên ngôi, Satyavarman đã cùng hoàng tộc chạy lên miền bắc (Bình Định) lánh nạn. Tại đây, vua được cộng đồng người Chăm và người Thượng địa phương (Ba Na, Hrê) giúp thành lập một đạo quân hùng mạnh tiến xuống Kauthara tấn công quân Nam Đảo. Trước uy lực của Satyavarman, quân Nam Đảo lên thuyền bỏ chạy ra khơi, tân vương dẫn hoàng gia về lại Virapura. Tại đây, nhà vua xây thêm một cung điện mới trong thành Krong Laa và không ngờ đã sáng chế ra một phong tục mới mà các đời vua sau bắt chước theo, đó là tục trồng cây Kraik, biểu tượng của hoàng gia, trước cung điện. Đền Po Nagar, bị quân Nam Đảo phá hủy, được Satyavarman cho dựng lại bằng gạch, năm 784 thì hoàn thành và tồn tại cho tới ngày nay. Năm 786, Satyavarman mất (được dân chúng thờ phụng dưới pháp danh Isvaraloka), em trai út của ông được hoàng tộc đưa lên ngôi, hiệu Indravarman I(còn gọi là Nhân Đà La Bạt Ma) (786-801). Indravarman I Hay tin Satyavarman chết, năm 787, quân Java từ ngoài khơi lại tràn vào Virapura cướp phá, sát hại rất nhiều binh sĩ và dân chúng, phá tháp Hòa Lai thờ thần Bhadradhipatisvara tại phía Tây thành Virapura (gần Phan Rang ngày nay). Quân Nam Đảo chia ra làm hai nhóm, một nhóm bắt theo nhiều phụ nữ cùng báu vật chở về nước, một nhóm khác chiếm giữ Panduranga. Đến năm 799, Indravarman I mới đuổi được quân Nam Đảo ra khơi để kiến thiết lại xứ sở. Tại Virapura, nhà vua xây lại tháp Hòa Lai bằng ba tháp mới, gọi là Kalan Ba Tháp, thờ các thần Indrabhadresvara, Sankara và Narayana. Indravarman I dẹp yên được giặc giã nổi lên từ khắp nơi, như tại Candra (phía Bắc), Indra (Đông Bắc), Agni (Đông), Yama (Đông Nam), quan trọng nhất là loạn Yakshas (Nam). Yakshas là những bộ lạc người Thượng cư ngụ trên lãnh thổ đế quốc Angkor chứ không phải là quân Khmer. Harivarman I Đầu thế kỷ thứ 9, Indravarman I mất, em rể là hoàng thân Deva Rajadhiraja lên thay, hiệu Harivarman I (Kha Lê Bạt Ma). Trong hai năm đầu tân vương dồn mọi nỗ lực xây dựng lại đất nước và phục hồi thế lực quân sự. Để nhận thêm sự ủng hộ của quần chúng, nhà vua sai tể tướng Senapati Pangro trùng tu lại tháp Po Nagar vào năm 817 và xây thêm hai tháp mới cạnh tháp chính, một ở hướng Nam và một ở hướng Tây Bắc để dân chúng đến chiêm bái tượng nữ thần Bhagavati, được tạc lại bằng đá hoa cương. Sau những cố gắng vượt bực, Hoàn Vương quốc hưng thịnh trở lại, Harivarman I quyết định tấn công những quốc gia đã cướp bóc đất nước trước đó. Tháng 1 năm 803, quân Chăm tấn công châu Hoan (Tỷ Cảnh, nay là Nghệ An) và châu Ái (Hải Âm, nay là Thanh Hóa), mang về rất nhiều phẩm vật. Với lượng lúa gạo mang về miền bắc, thủy quân Hoàn Vương quốc xuất dương trừng phạt vương quốc Kelantan ở Java và Patani ở Malaysia. Khi trở về, nhà vua cho người lên miền núi mộ thêm binh sĩ. Với đạo quân này, hai lần (năm 803 và 817), Harivarman I tiến vào cao nguyên Đồng Nai thượng, đánh bại quân Khmer và kiểm soát một vùng đất rộng lớn. Để có thêm nguồn lương thực, năm 808, Harivarman I đem quân đánh chiếm châu Hoan và châu Ái lần nữa, nhưng bị thái thú Trương Châu đánh bại: 59 người trong hoàng tộc bị bắt sống, nhiều thớt voi, tàu chiến và quân trang quân dụng bị tịch thu, hơn 30.000 người bỏ xác tại trận. Qua năm sau, năm 809, Harivarman I tái chiếm châu Hoan và châu Ái một cách dễ dàng và mang về rất nhiều phẩm vật. Vikrantavarman III Con trai Harivarman I là tiểu vương đất Panduranga lên kế vị năm 817, hiệu Vikrantavarman III (Thích Lợi Tì Kiên Đà Bạt Ma). Vì tân vương còn nhỏ tuổi, triều thần phong tể tướng Senapati Par, tiểu vương đất Manidhi làm phụ chính. Viên tể tướng này đã tổ chức nhiều cuộc tấn công vào lãnh thổ Kambujas (Campuchia ngày nay), do vua Jayavarman II cai trị, phá nhiều thành trì Khmer trên cao nguyên Đồng Nai thượng. Để tạ ơn Bà Mẹ Xứ Sở, trong khuôn viên Po Nagar, Senapati Par cho xây thêm hai tháp mới về phía tây và tây nam, thời gian sau xây thêm ba tháp khác: một tại khu trung tâm thờ Sri Shambu, một phía Tây Bắc thờ Shandhaka và một phía Nam thờ Ganesha. Mặc dù vậy, trung tâm chính trị và tôn giáo vẫn được duy trì tại Virapura, thủ phủ Panduranga. Dưới thời Vikrantavarman III, Hoàn Vương quốc là một đất nước phồn thịnh, quân đội hùng mạnh. Một bia ký, tìm được tại tháp Po Nagar, miêu tả Vikrantavarman III như sau: "[Người] đeo những dây vàng có đính ngọc trai và ngọc bích, giống như mặt trăng tròn đầy đặn, che một chiếc lọng trắng bao phủ cả bốn phương trời bởi vì lọng còn sâu hơn cả đại dương, thân thể [Người] trang sức phủ kín bởi vương miện, đai, vòng, hoa tai, những tràng hồng ngọc... bằng vàng, từ đó phát ra ánh sáng giống như những cây leo [sáng lấp lánh]". Thư tịch cổ Trung Hoa (Cựu Đường thư) miêu tả thêm: "[Vua] mặc áo cổ bối bạch diệp... trên đeo thêm trân châu, dây chuyền vàng làm thành chuỗi...". Đẳng cấp quý tộc và phụ nữ cung đình cũng đeo trang sức quý: "Phu nhân mặc vải cổ bối triệu hà... mình trang sức dây chuyền vàng, chuỗi ngọc trai" hay "... quân đội được trang bị nhiều loại vũ khí khác nhau...". Kết thúc Hoàn Vương, hình thành Chiêm Thành Tuy nhiên với thời gian, Hoàn Vương lại trở thành nạn nhân của sự giàu có của mình, các thế lực lân bang liên tục tràn vào cướp phá. Trong suốt 21 năm, từ 854 đến 875, quân của đế quốc Angkor đã nhiều lần tiến đánh Hoàn Vương quốc, chiếm nhiều vùng đất rộng lớn dọc tả ngạn sông Đồng Nai, đôi khi còn băng cao nguyên Langbian đột nhập vào lãnh thổ Panduranga cướp phá. Vikrantavarman III mất năm 854 (được thờ dưới pháp danh Vikrantasvara), không người kế tự, nội bộ triều đình xảy ra tranh chấp. Năm 859, một vương tôn có nhiều chiến công, tên là Laksmindra Bhumisvara Gramasvamin, được triều thần đưa lên ngôi, hiệu Jaya Indravarman II. Quốc hiệu Campapura (đất nước của người Chăm -theo tiếng Phạn cổ) được Indravarman II chính thức sử dụng. Sử sách Trung Hoa phiên âm là Chang Cheng (từ chữ Campapura hay Campa mà ra), tiếng Việt là Chiêm Thành hay Chiêm Bà, tiếng Tây phương là Champa. Xem thêm Hồ Tôn Tinh Tượng Lâm Lâm Ấp Chiêm Thành Lịch sử Chăm pa Tham khảo Panduranga
7050
https://vi.wikipedia.org/wiki/Khu%20Li%C3%AAn
Khu Liên
Khu Liên hay Sri Mara (tiếng Tamil: திருமாறன், tiếng Thái: ศรีมาระ) là quốc vương đầu tiên của Lâm Ấp. Người ta cho rằng ông lập ra vương quốc Lâm Ấp (sau này là Chăm Pa) năm 192. Ngày tháng năm sinh cũng như mất là không rõ, chỉ biết rằng năm 270, cháu ngoại của ông là Phạm Hùng lên làm vua. Lịch sử Từ nửa cuối thế kỷ 2, phần lãnh thổ cực nam Giao Chỉ trở nên khó trị, dân cư bản địa liên tục nổi lên chống lại chính sách cai trị hà khắc của chính quyền đô hộ. Tượng Lâm trở thành nơi tranh chấp thường xuyên giữa nhà Hán và dân địa phương. Năm 137-138, Khu Liên ở Tượng Lâm (Quảng Nam), chống Đông Hán. Nhân dân quận Giao Chỉ, Cửu Chân, hưởng ứng nổi dậy đốt thành giết trưởng lại. Năm 190, người Tượng Lâm nổi lên giết thứ sử Chu Phù và chiếm huyện thành. Năm 192, dân Tượng Lâm giết huyện lệnh (huyện trưởng) để đưa Khu Liên lên cai trị. Khu Liên cắt một phần lãnh thổ cực nam của quận Nhật Nam - huyện Tượng Lâm để thành lập vương quốc riêng: Lâm Ấp. Nghi vấn Về tên gọi Khu Liên, có rất nhiều tranh cãi. Sử sách Trung Hoa viết tên vị vua đầu tiên của Lâm Ấp tên là Khu Liên. Nhiều sử gia cho rằng Khu Liên thuộc dòng dõi của bộ tộc Dừa ở phía bắc. Tuy nhiên, Khu Liên có thể không phải là tên của một người cụ thể, mà là cách gọi kính trọng một người có ngôi vị cao trong một định chế tập thể. Đối với dân chúng địa phương, "Khu" không phải là tên riêng mà là tước vị của một tộc trưởng (lãnh chúa), phiên âm từ chữ "Kurung" (như các vua Hùng) của người Việt cổ – hay chữ "Varman" của người Chăm từ tiếng Phạn, có nghĩa là tộc trưởng, lãnh chúa hay vua. Trước đó, năm 137, các quan đô hộ nhà Hán gọi quân khởi nghĩa ở Tây Quyển (Quảng Bình ngày nay) là "rợ Khu Liên". Như vậy Khu Liên có thể là tên gọi chung những người không cùng văn hóa với người Hán ở phía nam Giao Chỉ. Tên gọi này không liên quan gì đến danh xưng Sri Mara (tên một vị vương tôn người Chăm khác cùng thời kỳ, con bà Lona Lavana ở Panduranga) tìm thấy trên một bia ký bằng đá granít (rộng 1 mét, dài 1 mét, cao 2,5 mét) ở làng Võ Cạnh (nay thuộc xã Vĩnh Trung), Nha Trang. Xem thêm Lâm Ấp Lịch sử Chăm pa Tham khảo Lịch sử Việt Nam - Viện Sử học Vua Chăm Pa
7053
https://vi.wikipedia.org/wiki/Th%C3%A1p%20Po%20Nagar
Tháp Po Nagar
Yang Po Inư Nagar hay Yang Pô Ana Gar (Inư, Ana trong tiếng Chăm, Eđê, Jarai theo âm cổ gốc có nghĩa là Mẹ) (tên đầy đủ là Po Inư Nagar, hay còn gọi là Po ANagar) là ngôi đền Chăm Pa nằm trên đỉnh một ngọn đồi nhỏ cao khoảng 10-12 mét so với mực nước biển, ở cửa sông Cái (sông Nha Trang) tại Nha Trang, cách trung tâm thành phố khoảng 2 km về phía bắc, nay thuộc phường Vĩnh Phước. Tên gọi "Tháp Po Nagar" được dùng để chỉ chung cả công trình kiến trúc này, nhưng thực ra nó là tên của ngọn tháp lớn nhất cao khoảng 23 mét. Ngôi đền này được xây dựng trong thời kỳ đạo Hindu (Ấn Độ giáo) đang cường thịnh khi Chăm Pa trong giai đoạn có tên gọi là Hoàn Vương quốc, vì thế tượng nữ thần có hình dạng của Uma, vợ của Shiva. Truyền thuyết Nữ vương Po Ina Nagar (còn gọi là Yang Pô Nagara, Po Ana gar (ana trong tiếng Chăm Eđê, Jrai có nghĩa là Mẹ theo âm cổ) hay Bà Đen mà người Việt gọi là Thiên Y Thánh Mẫu Ana) là vị nữ thần được tạo nên bởi áng mây trời và bọt biển, người tạo dựng ra Trái Đất, sản sinh gỗ quý, cây cối và lúa gạo. Bà có 97 chồng, trong đó chỉ một mình Po Yan Amo là người có uy quyền và được tôn trọng hơn cả. Bà có 38 người con gái, tất cả đều hóa thân thành nữ thần, trong đó có ba người được người Chăm chọn làm thần bảo vệ đất đai và còn thờ phụng cho tới ngày nay: Po Nagar Dara - nữ thần Kauthara (Khánh Hòa); Po Rarai Anaih - nữ thần Panduranga (Ninh Thuận) và Po Bia Tikuk - nữ thần Manthit (Phan Thiết). Tương truyền, tượng bà Thiên Y Thánh Mẫu Ana theo tín ngưỡng phồn thực của người Chăm, không có quần áo. Po Nagar hiện nay được người Việt Nam sử dụng, nhưng đã cho nữ thần ăn mặc theo kiểu Phật. Ngôi đền này cũng nổi tiếng đối với các du khách. Để tìm hiểu thêm về ảnh hưởng tôn giáo của vị nữ thần này, có thể xem thêm "The Vietnamization of Po Nagar" của Nguyễn Thế An, trong loạt bài giảng về quá khứ Việt Nam, được chỉnh sửa bởi K.W. Taylor và John K. Whitmore, chương trình Đông Nam Á, Đại học Cornell, Ithaca, NY 1995 Lịch sử Ngôi tháp bằng gỗ trước kia thờ nữ vương Jagadharma (công chúa Tchou Koti hay Thiên Y Thánh Mẫu) (cai trị Lâm Ấp từ năm 646 đến năm 653) được Prithi Indravarman cho xây dựng lại bằng vật liệu cứng tại Aya Tră (Nha Trang), trên một ngọn đồi cao cạnh cửa sông Cái (Xóm Bóng), để thờ tượng nữ thần Bhagavati (bằng vàng). Năm 774, quân Nam Đảo (Java, Indonesia) vào cướp phá. Đền Po Nagar, bị quân Nam Đảo phá hủy, sau đó được Satyavarman cho dựng lại bằng gạch, năm 784 thì hoàn thành và tồn tại cho tới ngày nay, nhưng cũng đã bị hủy hoại một phần đáng kể. Sau này quốc vương Harivarman I và con trai ông là Vikrantavarman III sau này có thể đã lần lượt xây dựng thêm 5 tháp nữa. Những cấu trúc xây dựng còn sót lại có niên đại sớm nhất, theo Trần Kỳ Phương là mandapa - nó đã được xây dựng vào thời gian nào đó trước khi có câu khắc trên bia vào năm 817, có nói tới nó. Trần Kỳ Phương cho rằng tháp nhỏ ở phía tây bắc có niên đại khoảng thế kỷ X, và ngôi tháp chính có niên đại khoảng thế kỷ XI. Những bia ký còn sót lại ở Po Nagar cho người ta thấy được dấu vết của một quốc gia hùng mạnh đã từng tồn tại trong quá khứ. Kiến trúc Tổng thể kiến trúc của Po Nagar gồm 3 tầng, đi từ dưới lên trên. Tầng thấp: Ngang mặt đất bằng là ngôi tháp cổng mà nay không còn nữa. Từ đấy có những bậc thang bằng đá dẫn lên tầng giữa. Tầng giữa: Nơi đây hiện chỉ còn hai dãy cột chính bằng gạch hình bát giác, mỗi bên 5 cột có đường kính hơn 1 mét và cao hơn 3 mét. Ở hai bên các dãy cột lớn có 12 cột nhỏ và thấp hơn, tất cả lại nằm trên một nền bằng gạch cao hơn 1 mét. Dựa vào cấu trúc này người ta cho rằng đây vốn là một tòa nhà rộng lớn có mái ngói, là nơi để khách hành hương nghỉ giải lao và sắm sửa lễ vật trước khi lên dâng cúng ở các điện bên trên. Từ tầng giữa này, lại có một dãy bậc thang bằng gạch dốc hơn dẫn lên tầng trên cùng. Tầng trên cùng: Là nơi các tháp được xây dựng, ngay trước mặt ngôi tháp chính. Những bậc thang từ lâu đã không hề được sử dụng. Bậc thang bằng đá ong.thấy hiện nay ở phía nam tháp Bà rộng lớn hơn được xây vào thập niên 1960 do nhu cầu du lịch gia tăng. Ở tầng trên, có hai dãy tháp được bao quanh bởi bốn bức tường đá mà nay chỉ còn lưu lại tường phía tây và nam mà thôi. Dãy tháp phía trước có 3 ngôi, và dãy phía sau vốn có dấu vết của 3 ngôi tháp khác, thế nhưng nay chỉ còn 1, chúng chạy song song với nhau. Cả bốn tháp còn lại được xây dựng theo kiểu tháp của người Chăm, gạch xây rất khít mạch, không nhìn thấy chất kết dính. Lòng tháp rỗng tới đỉnh, cửa tháp quay về hướng đông. Mặt ngoài thân tháp có nhiều gờ, trụ, đấu. Trên đỉnh các trụ, thường đặt gạch trang trí hoa văn hình vòm tháp, trông như chiếc tháp nhỏ đặt lên một tháp lớn. Trên thân tháp còn có nhiều tượng và phù điêu bằng đất nung, trong đó có hình Po Nagar, thần Tenexa, các tiên nữ, các loài thú: nai, ngỗng vàng, sư tử... Tháp thờ chính ở dãy trước khá lớn và cao khoảng 23 mét, là tháp Po Nagar, mà ta hay gọi là tháp Bà. Nguyên thủy chính là tháp thờ thần Parvati, vợ của Shiva. Tháp chính thờ thần Po Nagar (Umar), vợ của thần Siva. Tháp Bà xây 4 tầng, mỗi tầng đều có cửa, tượng thần và hình thú bằng đá, ở 4 góc có 4 tháp nhỏ. Bên trong là tượng nữ thần (cao 2,6 m) tạc bằng đá hoa cương màu đen (trước đó là gỗ trầm hương, và xa hơn nữa là bằng vàng) ngồi trên bệ đá uy nghiêm hình đài sen, lưng tựa phiến đá lớn hình lá bồ đề. Đây là một kiệt tác về điêu khắc Chămpa, là sự kết hợp hài hòa giữa kỹ thuật tượng tròn và chạm nổi. Người Pháp đã lấy mất đầu tượng, nay chỉ còn đầu tượng bằng xi măng vẽ mặt. Rải rác quanh di tích còn có một số tượng người, tượng thú... Trên đỉnh tháp có tượng thần Shiva cưỡi ngưu thần Nandin, và các tượng linh vật như chim Thiên Nga, dê, voi v.v. Mặt ngoài tường tháp lại được trang trí bởi những hình điêu khắc vào đá như những vũ công, người chèo thuyền, xay gạo hay đi săn với cung tên. Cửa chính ở phía đông dẫn vào một tiền sảnh, ở hai bên cửa có hai trụ đá được khắc truyền ký, đỡ một phiến đá hình thuẫn có khắc hình nữ thần Durga đang múa giữa hai nhạc công. Bên trong tháp tối và lạnh. Cuối tháp có một bệ thờ bằng đá bên dưới tượng Bà Po Nagar với mười cánh tay. Hai bàn tay dưới đặt trên hai đầu gối, các bàn tay khác thì cầm những vật dụng như đoản kiếm, mũi tên, chùy và cây lao ở bên phải và chuông, đĩa, cung và tù và ở bên trái. Các tháp khác thờ: thần Siva (một trong ba vị thần tối cao của Ấn Độ giáo), thần Sanhaka, thần Ganeca (theo truyền thuyết là con trai thần Siva). Bên cạnh tháp chính về phía nam khoảng 20 mét là một ngôi tháp khác nhỏ và ít trang trí điêu khắc hơn, cao chừng 12 mét, có thể là tháp thờ thần Shiva. Cách tháp này cũng về hướng nam là một tháp còn nhỏ hơn. Bên trong tháp không có bệ thờ mà chỉ có một linga (thạch trụ), và đây là tháp thờ thần Ganesa, thân người đầu voi, con của Shiva. Nhiều tác giả cho rằng linga là linh tượng có hình thù dương vật tượng trưng cho Shiva, dựa theo sự diễn dịch của phương Tây hơi thiên về tình dục. Thực ra, linga tiêu biểu là một trụ đá thấp có ba phần khác nhau tượng trưng cho ba linh thể: phần dưới là hình vuông tượng trưng cho Brahma, phần giữa hình bát giác tượng trưng cho Vishnu, và phần trên cùng hình tròn tượng trưng cho Rudra (hay còn gọi là Shiva). Vì thế gọi là "linh thạch trụ" thì thích hợp hơn. Ở dãy tháp phía sau có một ngôi tháp, tương đối ít hư hại nhất ở mạn bắc, với mái dài hình yên ngựa. Kiểu mái này chỉ thấy bắt đầu ở những tháp vùng Đồ Bàn - Vijaya (Bình Định ngày nay) sau khi kinh đô được dời xuống từ Mỹ Sơn, Trà Kiệu ở thế kỷ XI. Ở tường có những hình điêu khắc như thần điểu Garuda, sư tử, các tiên nữ Apsara, rắn thần Naga. Chính dưới nền của tháp này trong khi tu sửa đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp đã khám phá và lấy mất một kho tàng được cất dấu gồm những vật cúng dường bằng vàng và bạc. Ngày nay 2 tháp khác ở phía tây nam là tây đã bị phá hủy. Sự phân bố này làm cho người ta có sự so sánh thú vị với các tháp gạch ở Lolei, gần Angkor Wat tại Campuchia, đã được xây dựng vào thế kỷ VIII. Nhóm tháp Chàm được xây dựng và tu bổ qua nhiều thời kỳ từ thế kỷ VII đến thế kỷ XII. Tháp Bà có thể do quốc vương Hoàn Vương Quốc là Harivarman I xây dựng vào khoảng những năm 813-817. Trải qua mưa nắng của thời gian, tháp bị hư hại. Thời Pháp thuộc, trường Viễn Đông Bác Cổ đã tổ chức tu sửa: dùng gạch xây lại nhiều phần và đắp một số tượng lên thân tháp. Trong thời kỳ chiến tranh, nhiều hiện vật bị mất cắp. Các bia ký Tháp Bà còn lưu lại nhiều bia ký cổ nhất của người Chăm. Bergaigne, một nhà khảo cổ học người Pháp đã liệt kê các bia ký theo thời gian như sau: Nhóm A: Trên bia đá hình lục giác, do vua Satyavarman dựng năm 781 ghi chuyện tháp bị giặc biển đốt phá năm 774, việc xây dựng tượng thần Sri Satya Mukhalinga vào năm 784. Nhóm B: Do vua Vikrantavarman III ghi lại công lao xây dựng của các tiên vương. Nhóm C và nhóm D: Do vua Vikrantavarman II ghi các lễ vật dâng cúng chư thần. Nhóm E: Ghi việc vua Indravarman II dựng pho tượng Bhagavati (tức Po Nagar) bằng vàng vào năm 918; pho tượng này về sau bị người Khmer xâm lăng cướp đi, và đã được thay thế bằng tượng bằng đá vào năm 965. Bia đá ở hai bên cửa của tháp chính ghi việc cúng ruộng và dân công nô lệ cho nữ thần. Bia ở phía nam của tháp chính ghi việc vua Jaya Harivarman I ca tụng thần Yang Po Nagar vào năm 1178. Bia ở phía bắc tháp chính ghi việc dựng đền thờ thần Bhagavati Matrilingesvara vào năm 1256. Ngoài ra còn bia đá dựng năm 1050 của vua Paramesvaravarman I ghi việc tái lập tượng Bà, việc dâng cúng ruộng đất và nô lệ đủ sắc tộc: người Campa (Chăm), Kvir (Khmer), Lov (Tàu), Pukan (Mã), Syam (Xiêm) vv... Bia của vua Rudravarman III (Chế Củ) dựng năm 1064 ghi việc xây cổng tháp rất tốn kém, và liệt kê những cống phẩm quý giá. Bia năm 1143 ghi lời xưng tụng Bà. Bia năm 1165 của vua Indravarman IV ghi việc dâng cúng một kim mão cho nữ thần Bhagavati Kautharesvati (Dựa vào lời ghi này có thể tạm dịch là "Đức thánh mẫu vùng Kauthara" và so sánh với các bia khác, có thể đoán là người Chăm chỉ thờ thần Parvati như Thánh Mẫu của từng địa phương; ví dụ ở Phú Yên và Ninh Thuận cũng có tháp thờ Thánh Mẫu của vùng đó, chứ chưa hẳn là ở mức độ toàn xứ Chiêm Thành). Các bia sau cùng ở thế kỷ thứ XIII hay XIV tiếp tục ghi những vật dâng cúng Bhagavati. Lễ hội Lễ hội Tháp Bà diễn ra từ ngày 21 đến ngày 23 tháng 3 âm lịch hàng năm. Lễ hội này đã được Bộ Văn hóa Thông tin Việt Nam xếp hạng là một trong 16 lễ hội quốc gia vào năm 2001. Những năm gần đây, Lễ hội Tháp Bà được tỉnh Khánh Hòa giao cho Sở Văn hóa Thông tin tổ chức. Xem thêm Phong cách nghệ thuật các tháp Chăm Danh sách đền tháp Chăm Pa Tháp Chăm Thiên Y A Na Chú thích Tham khảo Tháp cổ Chăm Pa, sự thật và huyền thoại, Viện Đông Nam Á - Nhà xuất bản VHTT 1995 Liên kết ngoài Khu Tháp Bà nhìn từ vệ tinh: từ Google Maps T T Kauthara Panduranga
7055
https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%C6%A1n%20v%E1%BB%8B%20%C4%91o%20th%E1%BB%9Di%20gian
Đơn vị đo thời gian
Một đơn vị đo thời gian là một thời gian chuẩn (thường không đổi theo thời gian) dùng để làm mốc so sánh về độ lớn cho mọi thời gian khác. Tham khảo Liên kết ngoài Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Việt Nam Trung tâm đo lường Việt
7058
https://vi.wikipedia.org/wiki/Raja%20yoga
Raja yoga
Raja Yoga là những bài tập luyện về Yoga tâm thức theo Yoga Sutra của Patañjali. Raja có nghĩa là "hoàng gia", do vậy Raja Yoga còn được gọi là yoga của hoàng gia. Người tập phải hướng đến việc làm chủ bản thân và cuộc đời của mình thông qua việc rèn luyện ý chí, tình thương và ý nghĩ. Patañjali mở đầu Yoga Sutra bằng câu "Yogash chitta vritti nirodhah", tạm dịch: "Yoga là việc kiềm chế những xao động trong trường của ý nghĩ". Cũng giống như là dòng điện tỏa ra điện trường, tập hợp các ý nghĩ tốt, xấu và trung lập tạo trường của các ý nghĩ gọi là chitta. Các ý nghĩ hỗn độn tạo nên các cuộn xoáy trong trường ý nghĩ, gọi là vritti. Cuối cùng, nirodhah là một từ diễn tả việc điều khiển, kiềm chế, quản lý nhưng không có tính chất ép buộc. Tập trung tư tưởng - Samadhi Pada Theo dõi và làm mất màu sắc của ý nghĩ Thông thường, các ý nghĩ của một người thường có màu sắc do ảnh hưởng của vui, buồn, giận dữ, hay sợ hãi. Người tập trước hết phải theo dõi các ý nghĩ của mình để biết được yếu tố tình cảm nào ảnh hưởng lên ý nghĩ của mình để dần dần làm mất các ảnh hưởng đó đi. Trong quá trình theo dõi các ý nghĩ, để ý rằng có năm loại ý nghĩ: biết một cách đúng đắn (pramana), biết một cách không đúng (viparyaya), mơ tưởng hay tưởng tượng (vikalpa), trạng thái say ngủ (nidra) và hồi tưởng hay trí nhớ (smriti). Thực tập và không vương vấn Tiếp đó người tập phải thực hành việc tĩnh lặng đầu óc và không vương vấn vào những điều vô bổ mang lại do ham muốn, sợ hãi, thù ghét, v.v. Đó là những điều kiện cần cho việc tập trung tư tưởng. Các loại tập trung tư tưởng Có 5 giai đoạn của việc tập trung tư tưởng: thô (vitarka), tinh vi (vichara), thích thú (ananda), hòa nhập vào thế giới (asmita) và cuối cùng là sự tập trung tư tưởng không mang đối tượng nào cả (asamprajnata samadhi). Cố gắng Có 5 mục tiêu chính mà người tập phải cố gắng: phát triển lòng tin rằng mình đang đi đúng hướng (shraddha), cố gắng đi đến đó (virya), phát triển trí nhớ và hành xử với suy nghĩ chín chắn (smriti), tìm đến trạng thái samadhi, đi tìm những trí tuệ cao hơn (prajna). Các trở ngại và giải pháp Có những trở ngại dự đoán trước được trong quá trình luyện tập: bệnh tật, lơ đãng, cảm nhận không đúng, chán nản, lười biếng, thất bại, nghi ngờ, ham muốn, tâm trạng không ổn định. Sự tập trung tư tưởng vào một điểm nào đó là lời giải cho tất cả các vấn đề này. Mặc dù là có nhiều cách tập trung tư tưởng, nguyên tắc chung là như nhau. Tĩnh lặng đầu óc Sau khi đầu óc đã tĩnh lặng và trong sáng, quá trình sâu hơn của Yoga có thể được bắt đầu. Đầu óc dần dần trở thành một viên tinh thể trong suốt, và là một công cụ đã được thanh lọc để khám phá những điều tinh vi hơn. Một đầu óc như vậy có thể khám phá tất cả mọi thứ, từ cái nhỏ nhất đến cái lớn nhất. Có bốn mức độ thiền định về một đối tượng nào đó: với những ý nghĩ thô, không dùng ý nghĩ thô, với ý nghĩ tinh vi, không dùng ý nghĩ tinh vi. Khi người tập đạt đến một mức độ nào đó trong việc thiền định, một sự thanh khiết và sáng suốt của đầu óc sẽ dần phát triển. Thực hành - Sadhana Pada Làm giảm thiểu màu sắc của các ý nghĩ thô Có năm loại màu sắc (kleshas): 1) sự quên lãng, hay là sự không biết về bản chất thật sự của sự vật (avidya), 2) cái tôi, tính cá nhân, tính tự cao tự đại, 3) vướng bận hay nghiện những ấn tượng hay đối tượng về tinh thần (raga), 4) không thích những ý nghĩ hay đối tượng (dvesha), và 5) yêu thích những thứ của cuộc sống, cũng như sợ hãi những thứ đó sẽ mất đi khi chết. Một trong những cách tốt nhất để bạn chứng kiến những kleshas này là ngồi một cách im lặng và để mặc cho những luồng ý nghĩ nổi lên. Việc này không phải là suy nghĩ hay lo lắng. Ví dụ bạn liên tưởng về một quả táo, lập tức những ý nghĩ về thích/không thích ăn táo nổi lên. Hoặc là bạn liên tưởng đến người khác và những hành xử của người đó đối với bạn, những ý nghĩ mang tính cá nhân sẽ nổi lên. Quên lãng hay sự không biết là cội nguồn làm phát sinh các kleshas còn lại, và mỗi thứ này đều ở trong bốn giai đoạn: 1) tiềm ẩn hoặc không hoạt động, 2) bị giảm đi hay làm yếu đi, 3) bị gián đoạn một cách tạm thời, 4) đang hoạt động và tạo ra các ý nghĩ và hành động khác nhau. Người tập phải theo dõi những giai đoạn đó và làm giảm thiểu các màu sắc của ý nghĩ. Khi đó các ý nghĩ xao động sẽ không còn là trở ngại cho việc thiền định ở mức sâu. Đối phó với các ý nghĩ tinh vi Đầu tiên đầu óc phải tĩnh lặng, sau đó các màu sắc của các ý nghĩ thô được làm giảm đi đến mức tối thiểu bằng kriya yoga và các quá trình thiền định, những ý nghĩ đó bây giờ chỉ còn tồn tại dưới dạng tiềm ẩn. Bây giờ chỉ còn lại các ý nghĩ tinh vi. Để loại bỏ màu sắc của các ý nghĩ tinh vi hơn, người tập phải sử dụng tám cấp bậc của Yoga, với mục đích phân tích kiến thức. Ba cấp cuối cùng của công cụ tinh vi này được gọi là samyama, có thể ví như con dao của nhà phẫu thuật cắt xuyên qua những ảo ảnh và màu sắc. Phá vỡ sự liên minh với karma Những ấn tượng tiềm tàng mang màu sắc (karmashaya) là kết quả đem lại do các hành động (karma) xảy ra dưới tác động của các màu sắc (kleshas), là nguyên nhân cho các việc xảy ra trong kiếp sống này hay kiếp sống trong tương lai. Chừng nào mà những màu sắc đó vẫn còn tồn tại những kết quả sau sẽ xảy ra: 1) sinh ra, 2) lớn lên và 3) trải qua những kinh nghiệm trong đời sống đó. Bởi vì bản chất tốt hay xấu, cả ba quá trình này có thể trải qua trong niềm vui hay đau khổ. Một người thông thái với óc phân tích sẽ thấy tất cả những kinh nghiệm đời thường là đau khổ, với lý luận là các kinh nghiệm chỉ dẫn đến thêm nhiều hậu quả, lo lắng, và những thói quen khó bỏ (samskaras), cũng giống như là hành động ngược với lẽ tự nhiên. Chính là sự đau khổ mà người thấy phải tìm cách tránh và loại bỏ. Sự hợp nhất giữa người thấy (người trải qua những kinh nghiệm) và những gì thấy được (trải qua) là một liên kết cần nên tránh. Tất cả những đối tượng biết được hoặc là ánh sáng, vận động, hoặc là những tĩnh vật tồn tại để các giác quan của con người có thể cảm nhận được thế giới và giúp cho việc đạt đến sự khai sáng. Người thấy chỉ là một lực của sự thấy, có vẻ như là đang thấy hoặc trải qua những gì chỉ là do sự cảm nhận. Bản chất của những đối tượng biết được chỉ tồn tại như là một trường khách quan của nhận thức thuần túy (atma). Mặc dù những đối tượng biết được sẽ không còn tồn tại đối với người nhận thức được bản chất vô hình thật sự của tự nhiên, chúng vẫn tồn tại để cho những người khác vẫn còn đang quan sát chúng dưới dạng thô. Tám cấp bậc và phân biệt Nghệ thuật và khoa học Yoga được hệ thống hóa thành tám cấp bậc (ashta) là yama: kiềm chế bản thân, loại bỏ dục vọng niyama: tự rèn luyện bản thân asana: các tư thế thiền định pranayama: điều hòa hơi thở và prana (năng lượng sống) pratyahar: không để ý cảm giác do các giác quan đưa lại dharana: tập trung tư tưởng dhyana: thiền định samadhi: trạng thái nhập định Yama và Niyama, cấp bậc 1 và 2 Yama là việc rèn luyện hành động, lời nói, và ý nghĩ của người tập đối với thế giới bên ngoài, đặc biệt là với người khác, bao gồm: không làm hại ai, trung thực, không trộm cắp, nhớ về thế giới cao hơn, và không tham lam vật chất. Niyama bao gồm: thanh lọc cơ thể và đầu óc, phát triển sức chịu đựng, huấn luyện các giác quan, thám hiểm bên trong bản thân, hướng về bản chất tâm linh bên trong chính mình. Những lợi ích từ Yama và Niyama Khi nhà yogi vững vàng trong việc không làm hại người khác (ahimsa), những người khác đến gần sẽ tự nhiên mất hết các cảm giác thù nghịch. Khi sự trung thực (satya) đạt được, những thành quả của các hành động sẽ là kết quả tự nhiên theo ý muốn của nhà Yogi. Khi việc không trộm cắp (asteya) được thiết lập, tất cả của cải sẽ hiện diện hay là bày sẵn ra cho nhà Yogi. Khi việc đi trong nhận thức về sự thật cao nhất (brahmacharya) được thiết lập vững vàng, thì sức mạnh to lớn, khả năng, hay sức sống (virya) sẽ đạt được. Khi một người luôn luôn không vướng bận vào các giác quan (aparigraha), thì kiến thức về việc tại sao và từ đâu xảy ra các kiếp sống trước và các kiếp sống tương lai sẽ hiện ra. Thông qua sự trong sạch của cơ thể và đầu óc (shaucha), người đó sẽ phát triển một quan điểm không để ý đến cơ thể của chính mình, và trở nên không thích tiếp xúc cơ thể của những người khác. Asana, cấp bậc thứ 3 Cấp thứ 3 là các tư thế ngồi thiền (asana bắt nguồn với as nghĩa là ngồi). Các tư thế (asana) cho việc thiền định Yoga nên vững vàng, ổn định, và bất động, cũng như thoải mái, và đây là cấp bậc thứ ba trong tám cấp bậc của Yoga. Cách để hoàn thiện tư thế thiền định là làm cho thoải mái hay giảm đi sự cố sức, và để cho sự chú ý hợp nhất với cõi vô cùng. Từ việc đạt được tư thế hoàn thiện, sẽ phát sinh sự tự do không lay chuyển khỏi những chịu đựng về những thứ trái ngược nhau (như là nóng và lạnh, tốt và xấu, đau khổ và vui sướng). Pranayama, cấp bậc thứ 4 Một khi tư thế thiền định hoàn hảo đã đạt được, sự làm chậm lại hay hãm lại những cử động không điều tiết của việc hít vào và thở ra được gọi là điều khiển hơi thở và sự mở rộng của prana (pranayama), dẫn đến việc không còn nhận thức được cả hai việc đó, gọi là cấp bậc thứ tư trong tám bậc. Pranayama có ba quá trình là việc thở ra, hít vào, và thứ ba là giai đoạn ngưng thở lúc chuyển tiếp. Những quá trình này được điều tiết bởi nơi thở, thời gian thở, và số hơi thở, với nhịp thở trở nên chậm dần và khó nhận thấy. Pranayama thứ tư luôn liên tục và vượt qua khỏi ba quá trình trước và hoạt động ngầm ở bên trong. Thông qua pranayama bức màn của karmasheya (bức màn tạo ra bởi karma trong quá khứ hiện tại và tương lai) che phủ sự khai sáng bên trong sẽ được làm mỏng dần đi, giảm dần và tan biến. Thông qua những thực hành và những quá trình này của pranayama, là cấp thứ tư trong tám cấp, đầu óc sẽ phát triển những khả năng tập trung tư tưởng thật sự (dharana), là cấp bậc thứ sáu. Pratyahara, cấp bậc thứ 5 Khi các giác quan (indriyas) không còn vướng bận với các đối tượng liên hệ với các giác quan đó, và hòa nhập hay là quay trở lại trường ý nghĩ mà chúng xuất phát từ đó, điều này gọi là pratyahara, là cấp bậc thứ năm. Thông qua sự quay vào bên trong của các giác quan người tập sẽ phát triển một khả năng siêu việt, hay là sự làm chủ các giác quan có xu thế hướng về các đối tượng bên ngoài. Sự chấp nhận hay không chấp nhận việc mặc kệ các cảm giác do các giác quan đưa lại là một đường ranh đáng kể giữa những người trải qua thiền định thực sự và những người chỉ trải qua sự nghỉ ngơi. Raja Yoga ở Việt Nam Hiện tại, hệ thống Raja Yoga Sahaj Marg đã có tại Việt Nam. Trung tâm Hà Nội có khoảng 30 người hành thiền (abhyashi) và 3 người hướng dẫn (preceptors) được cấp chứng chỉ. Tham khảo Yoga Sutras Yoganiketan.net Patanjali Yoga Sutra Yoga Triết học Ấn Độ Trường phái và truyền thống triết học
7062
https://vi.wikipedia.org/wiki/S%C3%B4ng%20Ba
Sông Ba
Sông Ba (phần thượng lưu gọi là Ea Pa, Ia Pa hay Krông Pa, phần hạ lưu gọi là sông Đà Rằng) là con sông lớn nhất vùng ven biển miền Trung, chảy qua 3 tỉnh miền Trung Việt Nam là Kon Tum, Gia Lai và Phú Yên với diện tích lưu vực 13.900 km². Khái quát Sông dài 388 km, bắt nguồn từ dãy núi Ngọc Rô, tây bắc tỉnh Kon Tum, từ độ cao 1.549 mét, chảy theo hướng Bắc-Nam qua các huyện Kon Plông của tỉnh Kon Tum, Kbang, Đắk Pơ, An Khê, Kông Chro, Ia Pa, Ayun Pa của tỉnh Gia Lai, chuyển sang hướng Tây Bắc-Đông Nam qua huyện Krông Pa (Gia Lai) rồi đi vào địa phận Phú Yên theo hướng Tây-Đông làm thành ranh giới tự nhiên giữa Sơn Hòa và Sông Hinh, giữa Sơn Hòa và Tây Hòa, giữa Tây Hòa và Phú Hòa, giữa thị xã Đông Hòa và thành phố Tuy Hòa rồi đổ ra biển Đông ở cửa biển Đà Diễn, phía Nam thành phố Tuy Hòa. Vùng hạ lưu của sông có tên Đà Rằng, từ này là từ đọc trại của Ea Drăng xuất phát từ tiếng Chăm cổ có nghĩa là "con sông lau sậy". Lưu vực của hệ thống sông Ba rộng 13.900 km² bao gồm cả phần phía Đông Bắc của Đắk Lắk. Sông Ba cung cấp nước quanh năm cho đồng bằng Tuy Hòa, với diện tích hơn 20.000 ha, vựa lúa lớn nhất Duyên hải Nam Trung Bộ. Dọc theo sông Ba có nhiều danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử. Cầu Đà Rằng qua sông này tại Tuy Hòa dài 1.512 m là cầu dài nhất Phú Yên. Phụ lưu Các phụ lưu quan trọng nhất của sông Ba là sông Ayun (hợp lưu với Ba ở ranh giới giữa thị xã Ayun Pa và huyện Ia Pa), sông Krông Năng (hợp lưu với Ba ở ranh giới giữa Gia Lai và Phú Yên) và sông Hinh (hợp lưu huyện Sông Hinh): Sông Ayun: Bắt nguồn từ đỉnh núi Krong Hơ Dung ở độ cao 1.220m, chảy theo hướng Bắc Nam, sau chuyển hướng Tây Bắc - Đông Nam rồi nhập với dòng chính sông Ba tại vị trí cách thị trấn Cheo Reo khoảng 1 km về phía Bắc. Sông có diện tích lưu vực 2.950km2, độ dài sông 175 km. Sông Krông Năng: Bắt nguồn từ đỉnh núi Chư Tung ở độ cao 1.215m. Hướng dòng chảy chủ yếu là Bắc - Nam và Tây Bắc - Đông Nam rồi nhập với sông chính tại ranh giới Gia Lai và Phú Yên. Sông có diện tích lưu vực là 1.840km2, độ dài là 130 km. Sông Hinh: Bắt nguồn từ đỉnh núi Chư H'Mu ở độ cao 2.051m. Hướng dòng chính là Tây Bắc - Đông Nam đến vĩ độ 12o5' sông chảy theo hướng Bắc - Nam rồi nhập với dòng chính tại phía trên Sơn Hòa. Sông có diện tích lưu vực là 1.040km2, độ dài là 88 km. Lịch sử Vùng hạ lưu sông Ba từ nhiều nghìn năm trước đã có nhiều bộ tộc cư ngụ. Di tích của các nền văn minh đồ đá từng tồn tại nơi đây vẫn còn được lưu giữ, điển hình là chiếc đàn đá Tuy An. Từ thế kỷ 1, tại đây dần hình thành các quốc gia như Lâm Ấp, Chiêm Thành. Có bằng chứng khảo cổ học, đào được khi xây dựng công trình thủy nông Đồng Cam tại đây, cho thấy cửa biển Đà Diễn, thời kỳ từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 15, đã từng là trung tâm thương mại quốc tế sầm uất. Các hiện vật đào được gồm nhiều loại tiền cổ, khối lượng đến một tấn, gồm tiền Đại Việt thời Hồng Đức, tiền "Khai nguyên thông bảo" nhà Đường, tiền Triều Tiên,... Thời Chăm có thành Hồ (ở Hòa Định ngày nay), một kinh thành, quân thành lớn. Cảng giao thương cũ ở xã Hòa An Đến năm 1471, vua Lê Thánh Tông đã hành quân vào đây trừng phạt vua Chiêm Thành vì tội quấy nhiễu vùng Hóa Châu, bắc đèo Hải Vân (Huế, và một phần Quảng Trị ngày nay). Lê Thánh Tông đã khắc lên một tảng đá lớn trên núi Thạch Bi (còn gọi là núi Đá Bia), thuộc hạ lưu sông Ba, làm mốc ranh giới Đại Việt. Đây cũng là một dấu mốc lịch sử trong quá trình Nam tiến của người Việt. Tuy đã đánh mốc như vậy, phải hơn 100 năm sau, đến năm 1578, đô chỉ huy sứ Lương Văn Chánh, vâng mệnh chúa Nguyễn Hoàng, mới đem lưu dân từ Thanh Hóa, Nghệ An và Thuận Quảng vào khai khẩn, lập xóm làng tại vùng đồng bằng Tuy Hòa. Các công trình thủy điện thủy lợi Các công trình thủy điện thủy lợi trong lưu vực sông Ba: Thủy điện An Khê & Kanak Thủy điện An Khê & Kanak nằm tại Sông Ba, huyện Kbang và thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai; huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, Việt Nam. Đập Đồng Cam Ở hạ lưu sông Ba có công trình thủy nông Đồng Cam, đảm bảo ổn định tưới tiêu cho toàn bộ đồng bằng Tuy Hòa (tưới 20.000ha). Công trình này được xây dựng bởi người Pháp từ thập niên 1920. Các kỹ sư tham gia xây dựng công trình gồm người Pháp, Việt và Lào; trong đó có Trần Đăng Khoa, bộ trưởng đầu tiên của Bộ Thủy lợi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, và Hoàng thân Souphanouvong, cựu chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Thủy điện Sông Ba Hạ Thủy điện Sông Ba Hạ được quy hoạch trên địa bàn 15 xã miền núi thuộc hai huyện Sông Hinh (tỉnh Phú Yên) và huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai). Nhà máy thủy điện sông Ba Hạ có hai tổ máy với công suất 220 MW, sản lượng điện trung bình 825 triệu Kwh/năm, khởi công tháng 4/2004 hoàn thành tháng 11/2009 . Hồ Ayun Hồ Ayun hạ bắt đầu khai thác từ năm 1995, dung tích hữu ích là 201 triệu m3, tưới cho khoảng 8.000 ha, năm 2001 bổ sung thêm công trình thủy điện với công suất lắp máy là 2,7 MW. Hồ sông Hinh Hồ sông Hinh với dung tích hữu ích là 323 triệu m3 nước phát điện năm 1999 khánh thành năm 2001 với công suất lắp máy 70 MW, tưới trực tiếp 4.500 ha, bổ sung nước cho đập Đồng Cam. Môi trường Ô nhiễm từ các nhà máy Theo báo Tiền Phong, một đoạn sông Ba dài khoảng 500m chảy qua làng Tờ Mật (xã Đông, huyện Kbang, Gia Lai) đỏ lòm, đặc quánh bùn thiếc do nhà máy tuyển quặng Kbang của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai xả ra. Xuống dưới một đoạn là huyện Đak Pơ, thị xã An Khê, huyện Kông Chro, dòng sông bốc mùi hôi thối nồng nặc do các nhà máy mía đường, gỗ… xả nước, dòng sông lúc này như con lạch nhỏ màu nước gạo chở theo đầy rác. Mất nước vì nhà máy thủy điện Khi Thủy điện An Khê - Kanak bắt đầu tích nước, nhiều đoạn của sông Ba kiệt nước, chỉ còn trơ lại đá, cá chết nổi trắng sông. Khoảng 30 km cuối dòng chảy qua thị xã Ayun Pa, huyện Ia Pa, huyện Krông Pa (Gia Lai), nơi đâu cũng bắt gặp những đàn bò đang gặm cỏ trên cánh đồng mọc giữa dòng. Hạn hán 2016 Theo báo cáo về tình hình nắng hạn mới nhất của UBND tỉnh Gia Lai, toàn tỉnh đã có hàng chục ngàn hécta cây trồng bị thiếu nước tưới, ước thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Các địa phương phụ thuộc nguồn nước sông Ba là Kbang, Đak Pơ, An Khê, Kông Chro, Ia Pa, Ayun Pa, Krông Pa có khoảng 5.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, hàng chục ngàn người thiếu đói. Ảnh hưởng về đời sống, văn hóa Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Gia Lai, nhiều năm nghiên cứu về văn hóa Tây nguyên, cho ý kiến: "Đời sống người dân Tây Nguyên nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng gắn liền với nguồn nước. Khi nguồn nước bị ô nhiễm và cạn kiệt, người dân buộc phải tìm cách thích nghi mới. Muốn hay không, nhiều tập quán đẹp trong truyền thống văn hóa của họ sẽ dần biến mất. Cứu sông chính là cứu những truyền thống văn hóa, những làng nghề đánh cá và cuộc sống của hàng triệu cư dân địa phương". Liên kết ngoài Quản lý tổng hợp tài nguyên nước lưu vực sông Ba [27/12/07], GS. TS. Ngô Đình Tuấn Chú thích Tham khảo Tuy Hòa Ba Ba Ba Hệ thống sông Ba
7063
https://vi.wikipedia.org/wiki/SSH
SSH
SSH (tiếng Anh: Secure Socket Shell) là một giao thức mạng dùng để thiết lập kết nối mạng một cách bảo mật. SSH hoạt động ở lớp trên trong mô hình phân lớp TCP/IP. Các công cụ SSH (như là OpenSSH,...) cung cấp cho người dùng cách thức để thiết lập kết nối mạng được mã hoá để tạo một kênh kết nối riêng tư. Hơn nữa tính năng tunneling của các công cụ này cho phép chuyển tải các giao vận theo các giao thức khác. Do vậy có thể thấy khi xây dựng một hệ thống mạng dựa trên SSH, chúng ta sẽ có một hệ thống mạng riêng ảo VPN đơn giản. SSH là gì? SSH là một chương trình tương tác giữa máy chủ và máy khách có sử dụng cơ chế mã hoá đủ mạnh nhằm ngăn chặn các hiện tượng nghe trộm, đánh cắp thông tin trên đường truyền. Các chương trình trước đây: telnet, rlogin không sử dụng phương pháp mã hoá. Vì thế bất cứ ai cũng có thể nghe trộm thậm chí đọc được toàn bộ nội dung của phiên làm việc bằng cách sử dụng một số công cụ đơn giản. Sử dụng SSH là biện pháp hữu hiệu bảo mật dữ liệu trên đường truyền từ hệ thống này đến hệ thống khác. Cách thức làm việc của SSH SSH làm việc thông qua 3 bước đơn giản: Định danh host - xác định định danh của hệ thống tham gia phiên làm việc SSH. Mã hoá - thiết lập kênh làm việc mã hoá. Chứng thực - xác thực người sử dụng có quyền đăng nhập hệ thống. Định danh host Việc định danh host được thực hiện qua việc trao đổi khoá. Mỗi máy tính có hỗ trợ kiểu truyền thông SSH có một khoá định danh duy nhất. Khoá này gồm hai thành phần: khoá riêng và khoá công cộng. Khoá công cộng được sử dụng khi cần trao đổi giữa các máy chủ với nhau trong phiên làm việc SSH, dữ liệu sẽ được mã hoá bằng khoá riêng và chỉ có thể giải mã bằng khoá công khai. Khi có sự thay đổi về cấu hình trên máy chủ: thay đổi chương trình SSH, thay đổi cơ bản trong hệ điều hành, khoá định danh cũng sẽ thay đổi. Khi đó mọi người sử dụng SSH để đăng nhập vào máy chủ này đều được cảnh báo về sự thay đổi này. Khi hai hệ thống bắt đầu một phiên làm việc SSH, máy chủ sẽ gửi khoá công cộng của nó cho máy khách. Máy khách sinh ra một khoá phiên ngẫu nhiên và mã hoá khoá này bằng khoá công cộng của máy chủ, sau đó gửi lại cho máy chủ. Máy chủ sẽ giải mã khoá phiên này bằng khoá riêng của mình và nhận được khoá phiên. Khoá phiên này sẽ là khoá sử dụng để trao đổi dữ liệu giữa hai máy. Quá trình này được xem như các bước nhận diện máy chủ và máy khách. Mã hoá Sau khi hoàn tất việc thiết lập phiên làm việc bảo mật (trao đổi khoá, định danh), quá trình trao đổi dữ liệu diễn ra thông qua một bước trung gian đó là mã hoá/giải mã. Điều đó có nghĩa là dữ liệu gửi/nhận trên đường truyền đều được mã hoá và giải mã theo cơ chế đã thoả thuận trước giữa máy chủ và máy khách. Việc lựa chọn cơ chế mã hoá thường do máy khách quyết định. Các cơ chế mã hoá thường được chọn bao gồm: 3DES, IDEA, và Blowfish. Khi cơ chế mã hoá được lựa chọn, máy chủ và máy khách trao đổi khoá mã hoá cho nhau. Việc trao đổi này cũng được bảo mật dựa trên đinh danh bí mật của các máy. Kẻ tấn công khó có thể nghe trộm thông tin trao đổi trên đường truyền vì không biết được khoá mã hoá. Các thuật toán mã hoá khác nhau và các ưu, nhược điểm của từng loại: 3DES (cũng được biết như Triple-DES) -- phương pháp mã hoá mặc định cho SSH. IDEA—Nhanh hơn 3DES, nhưng chậm hơn Arcfour và Blowfish. Arcfour—Nhanh, nhưng các vấn đề bảo mật đã được phát hiện. Blowfish—Nhanh và bảo mật, nhưng các phương pháp mã hoá đang được cải tiến. Chứng thực Việc chứng thực là bước cuối cùng trong ba bước, và là bước đa dạng nhất. Tại thời điểm này, kênh trao đổi bản thân nó đã được bảo mật. Mỗi định danh và truy nhập của người sử dụng có thể được cung cấp theo rất nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn, kiểu chứng thực rhosts có thể được sử dụng, nhưng không phải là mặc định; nó đơn giản chỉ kiểm tra định danh của máy khách được liệt kê trong file rhost (theo DNS và địa chỉ IP). Việc chứng thực mật khẩu là một cách rất thông dụng để định danh người sử dụng, nhưng ngoài ra cũng có các cách khác: chứng thực RSA, sử dụng ssh-keygen và ssh-agent để chứng thực các cặp khoá. Tham khảo Giao thức mạng Giao thức mật mã Tầng ứng dụng (Bộ giao thức Internet)
7064
https://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BA%A7n%20%C4%90%C4%83ng%20Khoa
Trần Đăng Khoa
Trần Đăng Khoa có thể là tên của một trong số những người sau: Trần Đăng Khoa - Nhà thơ, nhà báo Trần Đăng Khoa - Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Giao thông Công chính, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cựu phó Tổng thư ký Đảng Dân chủ Việt Nam Trần Đăng Khoa, sinh năm 1970, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Đại Quang Minh
7079
https://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BB%8D%20X%C6%B0%C6%A1ng%20r%E1%BB%93ng
Họ Xương rồng
Họ Xương rồng (danh pháp khoa học: Cactaceae) thường là các loài cây mọng nước hai lá mầm và có hoa. Họ Cactaceae có từ 25 đến 220 chi, tùy theo nguồn (90 chi phổ biến nhất), trong đó có từ 1.500 đến 1.800 loài. Những cây xương rồng được biết đến như là có nguồn gốc từ châu Mỹ, nhất là ở những vùng sa mạc. Cũng có một số loại biểu sinh trong rừng nhiệt đới, những loại đó mọc trên những cành cây, vì ở đó mưa rơi xuống đất nhanh, cho nên ở đó thường xuyên bị khô. Cây xương rồng có gai và thân để chứa nước dự trữ. Xương rồng gần như là loại thực vật ở châu Mỹ, ngoại trừ duy nhất là Rhipsalis baccifera, sinh trưởng chủ yếu ở vùng nhiệt đới, chủ yếu ở châu Phi, Madagascar và Sri Lanka cũng như ở vùng nhiệt đới châu Mỹ. Loài này được cho là mới định cư gần đây ở các lục địa ngoài châu Mỹ (trong vài nghìn năm gần đây), có thể là do các loài chim di cư mang theo dưới dạng hạt không tiêu hóa được. Nhiều loài xương rồng khác đã thích hợp với môi trường sống mới trên các phần khác nhau của thế giới do sự đem theo của con người. Mô tả Xương rồng là một loài thực vật mọng nước, có nhiều dạng phát triển: thành cây lớn, thành bụi hoặc phủ sát mặt đất. Đa số các loài xương rồng đều mọc và phát triển từ đất, nhưng cũng có rất nhiều loài ký sinh trên các loài cây khác để phát triển. Phần lớn xương rồng, trừ nhánh Pereskioideae phân loại dưới-họ (xem ảnh bên), có lá tiêu biến rất đáng kể. Cánh hoa phân bố đồng đều và đồng tâm, hoa đa phần là lưỡng tính, nở vào cả sáng và tối tuỳ theo loài. Hình dạng thay đổi từ dạng-phễu qua dạng-chuông và tới dạng-tròn-phẳng, kích thước trong khoảng từ 0,2 đến 15–30 cm. Phần lớn có đài hoa (từ 5-50 cái hoặc hơn), thay đổi dạng từ ngoài vào trong, từ lá bắc đến cánh hoa. Số lượng nhị rất lớn, từ 50 đến 1.500 (hiếm khi ít hơn). Gần như tất cả các loài xương rồng có vị đắng, thi thoảng bên trong còn có nhựa đục. Một trái xương rồng chứa khoảng 3.000 hạt, mỗi hạt dài 0,4-12mm. Trung bình, một cây xương rồng sống rất lâu, tới hơn 300 năm, và cũng có loài chỉ sống 25 năm. Loài xương rồng Saguaro (Carnegiea gigantea) có thể cao tới 15m (kỉ lục đo được là 17m67, trong khi đó 10 năm đầu nó chỉ cao 10 cm. Cây xương rồng "Gối bông của mẹ chồng" ("mother-in-law's cushion", Echinocactus grusonii) nhỏ nhất ở quần đảo Canaria cao 2m50 và đường kính là 1m, cho bông mỗi 6 năm. Đường kính hoa xương rồng khoảng 5–30 cm màu sắc rất sặc sỡ, lộng lẫy. Phân loại Theo Tổ chức quốc tế nghiên cứu về thực vật mọng nước hay ICSG, Họ Xương rồng bao gồm 125 đến 130 chi và 1.400–1.500 loài, thuộc 4 phân họ và số tông nhiều nhất là 9: Phân họ Pereskioideae K. Schumann Chí có 1 chi Pereskia. Phân họ Opuntioideae K. Schumann Khoảng 15 chi. Phân họ Maihuenioideae P. Fearn Chỉ có 1 chi Maihuenia, gồm 2 loài. Phân họ Cactoideae Được chia thành 9 tông, và là phân họ lớn nhất gồm các loài xương rồng đặc trưng. Chăm sóc Hầu như người chơi xương rồng kiểng trong nhà không được hướng dẫn kĩ thuật chăm sóc sau khi mua, dẫn tới tuổi thọ xương rồng không cao. Đối với những chậu xương rồng kiểng trồng nơi râm, hoặc trang trí trong nhà, chúng ta không được phép tưới nước cho cây. Đối với những cây xương rồng trồng bên ngoài thì phải tưới nước cho cây khoảng một lần mỗi tuần. Muốn cây mau lớn thì phải đảm bảo vị trí đặt cây xương rồng sao cho có nhiều nắng, trung bình một ngày xương rồng phải sưởi sáu tiếng đồng hồ. Thi thoảng nên tưới xương rồng, đừng tưới quá thường xuyên vì có thể gây ra tình trạng úng rễ.. Và mỗi khi tưới, chúng ta nên dùng nước âm ấm; đừng dùng nước lạnh khiến rễ cây khó hấp thụ, đôi khi còn bị sốc nhiệt. Để kiểm tra xem cây có đang thiếu nước không, chúng ta dùng một que tùng bách California đỏ cắm vào đất, nếu nó có phần sậm màu hơn màu của cả que thì đất vẫn ẩm. Loài cây quen thuộc có chung họ xương rồng Quỳnh trắng (Epiphyllum oxypetallum): Đây là loại hoa cảnh rất được nhiều người yêu chuộng vì đặc tính hoa đẹp chỉ nở một lần vào giữa đêm và có một sự tích giải thích về loài hoa này. Thanh long (Hylocereus undatus) : Đây là một loại cây ăn trái. Trái có mùi vị đặc trưng, hơi chua, ngọt. Vỏ trái màu từ đỏ hồng đến đỏ tía. Nhiều người Việt Nam ưa chuộng loại trái này không chỉ để ăn mà còn để chưng trên các bàn thờ rất đẹp và trang trọng. Công dụng Con người trồng xương rồng ở khắp nơi trên thế giới, nhắc đến nó ai cũng liên tưởng với một loài cây trồng chậu, một loại cây cảnh quen thuộc trong nhà hay trong những vườn kiểng có khí hậu nhiệt đới. Nó còn hình thành cảnh quan khô cằn trong những hoang mạc, hay làm nên những hòn non bộ. Ở nhiều quốc gia, đặc biệt là Úc, lượng nước sử dụng rất thiếu thốn, nên loài thực vật chịu-hạn chiếm ưu thế. Số lượng loài phát triển nhanh chóng, như các loài: Echinopsis, Mammillaria và Cereus, bên cạnh các loài khác. Nhiều loài còn đóng vai trò chủ yếu như: xương rồng Gối bông của mẹ chồng (mother-in-law's coushion Echinocactus grusonii), xương rồng Golden Barrel dekha. Người ta thường trồng xương rồng thành hàng rào, ở những vùng sâu vùng xa thiếu điều kiện kinh tế hoặc thiếu thốn nguồn nguyên liệu tự nhiên. Như khu bảo tồn Masai Mara, Kenya là một ví dụ. Xương rồng được dùng trang trí, tạo cảnh quan thiên nhiên cho ngôi nhà và chống trộm, nhiều mục đích khác nữa. Gai nhọn của xương rồng gây đau buốt cho kẻ trộm, khiến chúng phải thoái lui và bỏ ý định ban đầu của mình. Tuỳ loại, mà sự kết hợp hình dạng xương rồng và hình dạng hàng rào sao cho thẩm mỹ nhất. Như các loại cây trồng khác, xương rồng cũng được sử dụng với mục đích thương mại, nhiều cây cho trái ăn được như giống: xương rồng lê gai (Prickly Pear opuntia), thanh long. Opuntia còn là giống cây dụ loài rệp son (hay con gọi là bọ diệp chi, dùng cho công nghiệp nhuộm ở Trung Mỹ). Loài Peyote, Lophophora williamsii, được biết đến như một vị thuốc an thần (psychoactive) của thổ dân châu Mỹ. Nhiều loài của chi Echinopsis (trước đây là Trichocereus) có đặc tính an thần. Như loài xương rồng San Pedro, mẫu vật có thể tìm dễ dàng trong các vườn ươm, có chứa hoạt chất mescaline. Nguồn gốc tên gọi Trong tiếng Anh, từ cactus (xương rồng) bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp cổ Κακτος kaktos, dùng để chỉ những loài cây kế có gai ở đây, đặc biệt là cây kế a-ti-sô, và sau đó được dùng để gọi chung cho loài có gai này (do Carolus Linnaeus khám phá năm 1753, nay thuộc họ Mammillaria). Số nhiều của dạng từ "cactus" đang gây tranh cãi: "cactoi" hay "cactuses". Có người cho rằng từ này du nhập từ tiếng Hy Lạp cổ thì phải dùng luôn số nhiều của nó (trong tiếng Hy Lạp); tuy nhiên, từ này thoả quy tắc thành lập số nhiều trong từ vựng tiếng Latin, một loại ngôn ngữ có ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành tiếng Anh, nên chuyển sang là "cacti". Bất chấp các tranh cãi trên, từ "cactus" được sử dụng nhiều hơn các nghĩa số ít và số nhiều của nó, đại diện cho cả hai theo từ điển Random House Unabridged Dictionary (2006). Xem thêm Vườn thực vật hoang mạc Thanh long Rệp son Chú thích Liên kết ngoài Xương rồng lê gai có trái (Opuntia engelmannii) Bộ ảnh về xương rồng và các loài mọng nước khác Bộ ảnh về xương rồng Hình và Forum thảo luận về xương rồng Hướng dẫn về xương rồng trên thế giới Intermountain Cactus: Winter Hardy Cactus Suculentas.es - Website tiếng Tây Ban Nha về xương rồng Cactus Growers Guide - Hướng dẫn chăm sóc xương rồng Hoang mạc Cây mọng nước Cây trồng trong nhà Xương rồng, họ
7096
https://vi.wikipedia.org/wiki/D%E1%BB%A5%20ng%C3%B4n%20Ng%C6%B0%E1%BB%9Di%20Samari%20nh%C3%A2n%20l%C3%A0nh
Dụ ngôn Người Samari nhân lành
Người Sa-ma-ri nhân lành hay Người Samari nhân đức là một dụ ngôn được Lu-ca ghi lại trong sách Phúc âm mang tên ông. Nhiều người tin rằng đây là dụ ngôn của Chúa Giê-xu được thuật lại nhằm chuyển tải thông điệp khuyến khích lòng nhân ái dành cho mọi người, và tinh thần của Luật pháp là quan trọng hơn văn tự. Trong dụ ngôn này, Chúa Giê-xu mở rộng định nghĩa về người lân cận vượt quá quan niệm thông thường. Dụ ngôn Phúc âm Lu-ca 10: 25-37: Khi ấy, có một luật gia đứng dậy hỏi để thử Chúa Giê-xu: "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được hưởng sự sống đời đời?" Ngài đáp: "Trong luật pháp có chép điều gì? Ngươi đọc và hiểu thế nào?" Người ấy thưa: "Ngươi phải hết lòng, hết sức lực, hết tâm trí mà kính yêu Chúa là Thiên Chúa ngươi; và yêu thương người lân cận như chính mình." Chúa Giê-xu phán: "Ngươi đáp phải lắm. Hãy làm điều đó thì ngươi sẽ sống." Nhưng người ấy muốn chứng tỏ mình là công chính nên thưa với Chúa Giê-xu: "Ai là người lân cận tôi?" Chúa Giê-xu đáp: "Có một người từ thành Giê-ru-sa-lem xuống thành Giê-ri-cô rơi vào tay bọn cướp. Chúng lột hết quần áo và đánh đập rồi bỏ đi, để mặc người đó dở sống dở chết. Bấy giờ, có một thầy tế lễ tình cờ đi xuống đường đó, thấy nạn nhân thì tránh qua bên kia đường. Tương tự như thế, một người Lê-vi cũng đến nơi, thấy rồi cũng tránh qua bên kia mà đi. Nhưng có một người Sa-ma-ri đi đường, đến gần thấy nạn nhân thì động lòng thương liền áp lại, lấy dầu và rượu xức vào vết thương, băng bó lại, rồi đỡ nạn nhân lên con vật của mình và đưa đến quán trọ để săn sóc. Ngày hôm sau, ông lấy hai đơ-ni-ê đưa cho chủ quán và nói: 'Hãy săn sóc người này, nếu tốn hơn nữa, khi trở về tôi sẽ hoàn lại.' Theo ngươi nghĩ, trong ba người đó, ai là người lân cận với kẻ bị cướp?" Luật gia thưa: "Ấy là người đã bày tỏ lòng thương đối với nạn nhân." Chúa Giê-xu phán: "Hãy đi, làm theo như vậy." Bối cảnh [[Tập tin:El bon samarità (1838), de Pelegrí Clavé i Roquer.jpg|nhỏ|250px|"Người Sa-ma-ri nhân lành", tranh Pelegrín Clavé y Roqué (1838)]] Điều quan trọng cần lưu ý ở đây là người dân xứ Sa-ma-ri vào thời ấy bị đố kỵ và khinh miệt như là dân bội giáo trong mắt của người Do Thái, là những người đang quây quần lắng nghe Chúa Giê-xu kể câu chuyện này. Như thế, qua dụ ngôn, Chúa Giê-xu chọn cho mình chủ đề chống phân biệt chủng tộc và đề cao tinh thần hoà hợp giữa các dân tộc. Lúc ấy, cộng đồng người Sa-ma-ri đang bị thu hẹp dần đến mức gần như tuyệt chủng, dẫn đến hệ quả ngày càng ít người gặp gỡ hay tiếp xúc với người Samaria, hoặc ngay cả nghe nói về họ. Hầu như không còn ai lưu ý đến sự tồn tại của họ. Suốt trong những ngày sống trên đất, Chúa Giê-xu luôn bị những thầy thông giáo và người Pharisee theo đuổi để cáo buộc ngài là gần gũi với những kẻ thâu thuế và phường tội lỗi, "Các người Pharisee và các thầy thông giáo phàn nàn với môn đồ Ngài rằng: Sao các ông lại ăn uống với phường thu thuế và bọn người tội lỗi?". Do đó, trong dụ ngôn này, Chúa Giê-xu khẳng định những lý lẽ khiến ngài hành động như thế, như được thuật lại trong Phúc âm Lu-ca, "Chúa Giê-xu đáp: Không phải người khỏe mạnh cần thầy thuốc, song là người đau ốm. Ta không đến để gọi người công chính, song gọi kẻ có tội ăn năn". Người bị kẻ cướp trấn lột trong dụ ngôn là hình ảnh của những người đau ốm, thương tật trong tâm linh. Những người đầu tiên gặp kẻ khốn khổ đang nằm bên đường là thầy tư tế và người Lê-vi - những người có nhiệm vụ chăm sóc và giúp đỡ người khác - lại là những kẻ vội vàng tránh đi: một nghịch lý diễn ra trong dụ ngôn này, những người được xã hội xem là đạo cao đức trọng lại là những kẻ vô trách nhiệm, trong khi một kẻ bị xã hội khinh miệt, là người chịu đưa lưng gánh vác. Có lẽ thầy tư tế tự biện minh rằng nếu cứu giúp người mắc nạn thì buộc phải chạm tay vào thân thể một kẻ bội giáo, như thế, theo cách luận giải luật pháp của họ, sẽ trở nên bất khiết và phải thực hiện nghi lễ thanh tẩy theo đòi hỏi của lề luật Moses. Thầy tư tế thà bỏ đi để giữ mình tinh sạch theo quy định dành cho giới tư tế hơn là cứu một mạng người. Người Lê-vi (chức sắc phụng sự trong đền thờ) cũng hành động tương tự. Một thách thức ẩn giấu trong dụ ngôn này, nếu lời biện minh là đúng: Chúng ta chỉ nên thể hiện lòng nhân ái khi thuận tiện, hay cần phải đi ra để tích cực giúp đỡ người khác?" Gia-cơ 4: 17 bình luận: "Cho nên, kẻ biết làm điều lành mà chẳng làm, thì phạm tội." Ẩn dụ Ẩn dụ về lòng nhân ái Phúc âm Mátthêu kể rằng, khi được một người hỏi: "trong sách Moses, điều răn nào là điều răn lớn nhất?" thì Giê-xu đã trả lời: "Ngươi hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi"; và ngài nói thêm: "ngươi phải yêu người lân cận như chính mình" (Ma-thi-ơ 22: 34-40). Thế nào là người lân cận (có bản dịch khác là người láng giềng), trong Dụ ngôn Người Samaria nhân lành này, có thể hiểu Giê-xu giải thích đó là bất cứ người nào mà ta gặp, người lân cận ở đây bao gồm tất cả những người đang cần giúp đỡ, và như thế phải tỏ sự nhân ái, biết quan tâm người khác. Trong bài giảng trên núi, Giê-xu cũng nhắc nhở "Phước cho những kẻ hay thương xót, vì sẽ được thương xót!" (Ma-thi-ơ 5:7) và "Các ngươi có nghe lời phán rằng: Hãy yêu người lân cận, và hãy ghét kẻ thù nghịch mình. Song ta nói cùng các ngươi rằng: Hãy yêu cả kẻ thù nghịch, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi" (Ma-thi-ơ 5:44) Ẩn dụ về sự Sa ngã của Loài người và về sự Cứu rỗi Theo luận giải của John W. Welch: "Nội dung của dụ ngôn này là rất thú vị và có ý nghĩa ứng dụng thực tế. Nhưng sâu xa hơn nữa, truyền thống lâu đời của Cơ Đốc giáo xem dụ ngôn này là ẩn dụ về sự sa ngã của loài người và ân sủng cứu rỗi Thiên Chúa dành cho họ. Sự thông hiểu ý nghĩa câu chuyện người Sa-ma-ri nhân lành của hội thánh sơ khai được thể hiện trên những tác phẩm nghệ thuật ở một giáo đường danh tiếng xây dựng từ thế kỷ 11 tại thành phố Chartres ở nước Pháp. Trên một trong những cửa sổ của nhà thờ, phần trên vẽ tranh Adam và Eva lúc bị đuổi khỏi vườn Eden do phạm tội, và ngay bên dưới là tranh vẽ về câu chuyện người Sa-ma-ri nhân lành." Cách luận giải theo biểu tượng này là phổ biến trong thời kỳ Trung Cổ... Từ thế kỷ thứ 2, Irenaeus ở Pháp và Clement thành Alexandria đã nhận ra rằng người Samaria nhân lành là biểu tượng cho Chúa Giê-xu đang cứu rỗi loài người sa ngã mang đầy thương tích của tội lỗi. Origin, một môn đệ của Clement, giải thích rằng cách luận giải theo phép ẩn dụ này lưu truyền từ các tín hữu Cơ Đốc thời kỳ hội thánh tiên khởi: Người đàn ông đang trên đường đi xuống biểu trưng cho Adam. Jerusalem là thiên đàng, Jericho là thế gian. Kẻ cướp là quyền lực thù địch. Thầy tư tế là Luật pháp, người Lê-vi là các tiên tri, người Sa-ma-ri là Chúa Giê-xu. Các vết thương là lòng bội nghịch của con người đối với Thiên Chúa, con lừa là thân thể Chúa, quán trọ, nơi đón tiếp mọi người muốn vào, là hội thánh... Người chủ quán trọ là đầu của hội thánh, là người chăm sóc nạn nhân. Và lời hứa của người Samaria sẽ trở lại biểu trưng cho sự tái lâm của Chúa Giê-xu. Cách giải thích theo phép ẩn dụ này không chỉ được loan truyền bởi các môn đệ đầu tiên của Chúa Giê-xu, mà còn được lưu truyền suốt thời kỳ sơ khai của Cơ Đốc giáo bởi các giáo phụ như Irenaeus, Clement, và Origen. Trong thế kỷ thứ tư và thứ năm có Chrysostom thành Constantinopolis, Ambrôsiô thành Milano, và Augustinô thành Hippo". Ảnh hưởng Dụ ngôn này là một trong những chuyện kể nổi tiếng nhất trong Kinh Thánh và ảnh hưởng của nó sâu rộng đến nỗi trong văn hoá phương Tây ngày nay, thuật ngữ "Người Sa-ma-ri" được dùng để chỉ người rộng lòng nhân ái, sẵn sàng ra tay giúp đỡ những người khốn khó mà không chút ngại ngần. Tại nhiều quốc gia nói tiếng Anh, luật "người Sa-ma-ri nhân lành" ra đời nhằm miễn thuế tính trên khoản tiền một công dân đóng góp cho các quỹ từ thiện. Ngày nay câu chuyện người Sa-ma-ri nhân lành được kể lại hầu như khắp nơi trên thế giới, thường được cải biên để thích ứng với những dị biệt về văn hoá và điều kiện xã hội tại nơi chốn mà nó được truyền đến. Chú thích Tham khảo Brown, Raymond E. An Introduction to the New Testament Doubleday 1997 ISBN 0-385-24767-2 Brown, Raymond E. et al. The New Jerome Biblical Commentary Prentice Hall 1990 ISBN 0-13-614934-0 Kilgallen, John J. A Brief Commentary on the Gospel of Luke Paulist Press 1988 ISBN 0-8091-2928-0 Miller, Robert J. The Complete Gospels Polebridge Press 1994 ISBN 0-06-065587-9 Welch, John W. The Good Samaritan: The Forgotten Symbols. Ensign, tháng 2 năm 2007. p. 40-47. Welch, John W. The Good Samaritan: A Type and Shadow of the Plan of Salvation''. Brigham Young University Studies, spring 1999, 51–115. Người Samaria nhân lành Kitô giáo
7099
https://vi.wikipedia.org/wiki/Tour%20de%20France
Tour de France
Tour de France (tiếng Pháp) – còn gọi là Grande Boucle hay nói đơn giản là Le Tour, thường được dịch sang tiếng Việt là Vòng quanh nước Pháp hay Vòng đua nước Pháp – là một trong những giải đua xe đạp nổi tiếng và lâu đời nhất thế giới. Được tổ chức hàng năm từ 1903 (ngoại trừ khoảng thời gian Chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai), như thường lệ giải đua sẽ được diễn ra trong vòng 23 ngày của tháng 7, các vận động viên đạp xe sẽ phải vượi qua 21 chặng đua xuyên nước Pháp (đôi lúc đi qua các quốc gia lân cận) với nhiều kiểu địa hình khác nhau tổng lộ trình là 3.383km. Ở chặng đua cuối cùng, các tay đua sẽ về đích tại đại lộ Champs-Élysées. Từ năm 1984 cuộc đua tương tự dành cho nữ là Tour de France nữ (Grande Boucle Féminie Internationale) được tổ chức với các chặng đua ngắn hơn. Đường đua Tour de France thường được xem như là cuộc đua xe đạp khó khăn nhất thế giới mặc dù thật ra địa hình đường đua không đòi hỏi cao hơn hai cuộc đua xe đạp vòng quanh quốc gia khác: Giro d’Italia (Vòng đua nước Ý) và Vuelta a España (Vòng đua Tây Ban Nha). Đúng ra chính là các tay đua đã làm cho cuộc đua khó khăn hơn: ở đây người ta đua nhanh hơn, cứng rắn hơn và không nhân nhượng nhiều hơn tất cả các cuộc đua xe đạp khác. Cuộc đua bắt đầu từ năm 1967 bằng phần gọi là prologue (khởi đầu), phần đua cá nhân tính giờ (khoảng 5 đến 10 km). Trong 20 chặng đua tiếp theo đó, sau mỗi chặng thường có 1 đến 2 ngày nghỉ, nước Pháp được luân phiên chạy vòng theo chiều kim đồng hồ hay ngược lại. Sau vụ tai tiếng về chất kích thích (doping) trong năm 1998, chiều dài tổng cộng được giảm còn vào khoảng 3.500 km. Đường đua và các địa điểm cho từng chặng thay đổi hằng năm, chỉ có đại lộ Champs Élysées ở Paris, địa điểm kết thúc Tour de France từ năm 1975 là không thay đổi. Một số đèo qua núi cao cũng được đưa vào đường đua hầu như mỗi năm. Các ngày đầu tiên của Tour de France hầu như lúc nào cũng mang dấu ấn của các chặng đường bằng phẳng miền bắc nước Pháp, thích hợp cho các cuộc so tài ở tốc độ nhanh trước khi kết quả chung cuộc được quyết định trên các vùng núi cao Pyrenees và Alpes. Ngoài ra trong Tour de France còn phải đua tính thời gian cá nhân hai lần và từ năm 2000 lại có đua tính thời gian thời gian đồng đội. Ngay từ thời kỳ đầu, đường đua đã vượt biên giới nước Pháp trong vài chặng riêng lẻ. Từ năm 1954 địa điểm xuất phát cũng được tổ chức trong các nước lân cận không theo một quy luật nhất định (cho đến nay là ở Đức, Tây Ban Nha, Ý, các nước thuộc nhóm Benelux (gồm Bỉ, Hà Lan, Luxembourg), Thụy Sĩ, Anh và Ireland). Kế hoạch tổ chức xuất phát Tour de France từ New York hay từ các phần đất nước Pháp ngoài châu Âu tuy đã có từ lâu nhưng cho đến nay vẫn chưa được thực hiện vì các vấn đề về tiếp vận quá lớn. Núi Bên cạnh các cuộc đua theo thời gian, kết quả tổng kết của Tour de France năm nào cũng được quyết định trước tiên là ở trên các núi cao. Một số đèo và núi thường rất hay được đưa vào chương trình của Tour de France và qua thời gian đã trở thành huyền thoại. Ba ngọn "núi thánh" của Tour de France là Col du Tourmalet (2.114 m, Pyrénées), đèo cao đầu tiên được đua vào chương trình vào năm 1910, Col du Galibier (2.645 m, Alpes), được đưa vào chương trình một năm sau đó và Mont Ventoux (1.909 m, Provence) được đua lần đầu tiên năm 1951 và đã trở nên nổi tiếng một cách đau buồn do cái chết của Tom Simpson vào năm 1967. Thêm vào đó là cuộc leo núi lên trạm trượt tuyết L'Alpe d'Huez với 21 khoảnh đường quanh co lên độ cao 1.850 m, lần đầu tiên được chinh phục vào năm 1952, là đích đến trên núi đầu tiên trong lịch sử của Tour de France. Các đội tuyển tham dự Từ năm 1930 đến năm 1961 các đội tuyển quốc gia thi đấu trong Tour de France, bắt đầu từ thời điểm này các đội đua của công ty đã làm thay đổi bộ mặt của Tour de France. Hiện nay mỗi năm khoản 20 đến 22 đội chuyên nghiệp với 9 cua rơ mỗi đội được mời tham dự Tour de France. Phần lớn các đội thường đến từ Pháp, Ý và Tây Ban Nha, thêm vào đó là một số đội từ Bỉ, Hà Lan, Đức, Đan Mạch, Thụy Sĩ và Mỹ. Vận động viên đến từ các quốc gia này chiếm phần lớn trong số các cua rơ thi đấu. Một vài tay đua chuyên nghiệp riêng lẻ đến từ Trung Âu và Đông Âu, từ Scandinavia cũng như từ Columbia, Úc và Nam Phi. Tham dự Tour de France nhiều nhất là người Hà Lan Joop Zoetemelk với 16 lần đều về đích, trong đó có 7 lần đứng trên bục chiến thắng (về nhất năm 1980). Hai người Bỉ tham dự 15 lần là "anh gánh nước" Guy Nulens với kết quả xếp hạng tốt nhất là thứ 22 và "chuyên gia leo núi" Lucien van Impe (về nhất năm 1976). Người Đức Udo Bölts đang giữ kỷ lục của Đức với 12 lần tham dự. Tổ chức Tour de France được tờ báo thể thao L'Auto thành lập do muốn tăng số lượng phát hành. Tổng biên tập báo, Henri Desgrange, kiêm chức giám đốc của Tour cho đến khi ông qua đời năm 1939. Ở chức vụ này ông tập trung tất cả các quy trình quyết định tổ chức cuộc đua. Để tăng phần cuốn hút cho cuộc đua, Desgrande đưa ra chiếc áo vàng năm 1919 và chấm điểm leo núi năm 1933. Năm 1930 ông có sáng kiến thành lập các đội xe quảng cáo mà cho đến ngày nay vẫn chạy trước các cua rơ theo các chặng đua và phân phát quà quảng cáo cho người xem. Desgrange đào tạo nhà báo Jacques Goddet làm người kế thừa ông trong cả chức vụ tổng biên tập lẫn giám đốc Tour de France, theo kế hoạch là nhận chức vụ từ 1936 đến 1986. Sau khi nước Pháp được giải phóng năm 1944, tờ L'Auto ngừng hoạt động nhưng 2 năm sau đó Goddet thành lập tờ báo thể thao mới L'Equipe, tiếp tục nhận việc tổ chức Tour de France. Năm 1965 L'Equipe bị nhóm nhà xuất bản Amaury mua lại và giám đốc gần như đang nắm toàn bộ quyền lực lúc đó là Goddet được đặt thêm một giám đốc chịu trách nhiệm về kinh tế ở bên cạnh ông. So với người đi trước, Goddet rất cởi mở trong việc cho phép đưa các cải tiến về kỹ thuật vào sử dụng: thí dụ như ngay trong năm đầu tiên làm giám đốc, năm 1937, ông đã cho phép sử dụng xe đạp có bộ số. Qua một thời gian tạm thời, năm 1989 Jean-Marie Leblanc, như những người đi trước cũng đến từ giới báo chí, lần đầu tiên nhận chức giám đốc của Tour de France. Việc tổ chức cuộc đua được giao về cho Amaury Sport Organisation (ASO). Chủ tịch của tổ chức này, về mặt chính thức, nắm quyền kiểm soát tối cao cuộc đua, nhưng các quyết định cụ thể vẫn thuộc về Leblanc mà dưới sự lãnh đạo của ông việc thương mại hóa Tour de France đã đạt đến một mức độ chuyên nghiệp mới. Tiền thưởng Ngay từ khi thành lập, Tour de France đã có tiền thưởng cho các cua rơ chuyên nghiệp. Người đoạt giải nhất được trao tặng 20.000 Francs. Từ đó tiền thưởng được liên tục tăng lên. Trong Tour de France 2004 tổng cộng 3 triệu Euro đã được trao tặng trong đó có 400.000 Euro dành cho người đoạt giải chung cuộc. Mặc dù nhìn về mặt tuyệt đối đó là các con số lớn nhưng phần thưởng của Tour vẫn dưới xa các tiền thưởng thí dụ như của các giải quần vợt hay golf. Trên thực tế ý nghĩa của tiền thưởng giảm đi theo thời gian vì các cua rơ xuất sắc đạt thu nhập của họ phần lớn không từ phần tiền thưởng mà từ các hợp đồng dài hạn với các đội đua xe. Mặc dầu vậy, một cua rơ chuyên nghiệp được đánh giá rất nhiều theo kết quả trong Tour de France, vì thế nên một thành tích trong Tour có ảnh hưởng trực tiếp rất nhiều đến tài chính. Các quy định Việc đánh dấu các cua rơ rất quan trọng nhằm để cho ban tổ chức cuộc đua không bị nhầm lẫn. Vì thế mà mỗi cua rơ và xe đạp đều có một bảng số. "Cơn ác mộng" của tất cả các tay đua chuyên nghiệp chính là khi xe của họ có vấn đề. Vì thế khi có hư hỏng dọc đường người trong cùng một đội hay ô tô trung lập chở phụ kiện thay thế được phép giúp đỡ. Khi có hư hỏng, chỉ được phép thay thế các bánh xe cho nhau trong cùng một đội. Bao giờ cũng chỉ được phép giúp đỡ đằng sau một nhóm cua rơ đang chạy trước hay đằng sau nhóm cua rơ chính của cuộc đua và ở vệ đường bên phải. Ngoài ra còn có giúp đỡ về y tế. Trong trường hợp cần sự giúp đỡ của bác sĩ, cua rơ chỉ được phép nhận sự giúp đỡ từ các bác sĩ chính thức của ban tổ chức ở phía cuối của nhóm cua rơ chính. Mỗi chặng đua đều có 1 đến 2 nơi cung cấp lương thực và nước uống được đánh dấu và ngoài ra chỉ được phép sử dụng các gói lương thực và chai nước uống đã được ban tổ chức cho phép tại những nơi này. Các cua rơ tự chịu rủi ro nếu nhận lấy lương thực và nước uống từ khán giả. Việc vi phạm điều lệ thường hay xảy ra vì không phải lúc nào tất cả các cua rơ đều tuân theo các quy định. Tuy đã cấm không cho phép các cua rơ để các ô tô hay mô tô kéo đi hay sử dụng chúng để cản gió nhưng việc thường hay xảy ra là trong lúc thợ cơ khí sửa chữa bánh xe cua rơ lại được phép giữ chặt vào ô tô. Khi có hư hỏng thường cua rơ hay sử dụng ô tô của trưởng đội đua xe để bắt kịp nhóm cua rơ chính. Các vi phạm như vậy chưa từng bị xử lý. Rất đáng tiếc là thường hay có cua rơ bỏ cuộc. Trong trường hợp này cua rơ phải giao lại số xuất phát cho ban tổ chức. Bên cạnh các quy định của ban tổ chức còn có nhiều điều mà đội đua nào cũng phải có trách nhiệm tuân theo, thí dụ như các đội đua không được phép dàn xếp với nhau trước, người lãnh đạo không được phép tham dự vào các hoạt động bán hàng và quảng cáo. Các cua rơ cũng không được phép trả lời phỏng vấn trong khi đua, chỉ có lãnh đạo đội mới được phép ngoại trừ trong 20 km cuối cùng. Không có đội đua xe nào trong Tour de France mà không có lãnh đạo về thể thao. Những người này cũng phải tuân theo một số quy định nhất định. Mỗi lãnh đạo có 4 ô tô, trong số đó chỉ được phép sử dụng 2 chiếc trong cuộc đua. Ô tô bao giờ cũng phải chạy bên phải, phía sau các ô tô của ban tổ chức và của bác sĩ và chỉ được phép chạy lên phía trước sau khi có lời yêu cầu qua "Radio Tour". Quan trọng nhất trong một chặng đua là đích đến. Gần đích đến có flamme rouge đánh dấu kilômét cuối cùng. Nếu có tai nạn xảy ra sau flamme rouge các tay đua trong sự cố sẽ nhận lấy thời gian của nhóm cua rơ cùng với họ. Flamme rouge được đưa ra từ năm 1906. Mỗi chặng đua đều có một thời gian tối thiểu nhất định mà tất cả các cua rơ đều phải về đích trước thời gian đó. Trong suốt cuộc đua của Tour de France chỉ được phép sử dụng các chặng đường chính thức. Việc tuân thủ các quy định được giám sát viên của cuộc đua chạy trên mô tô theo dõi, nếu có vi phạm họ có thể xử lý bằng nhiều hình phạt nhất định. Lịch sử Tour de France được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1903 là cuộc đua nhiều chặng thực sự đầu tiên trong lịch sử của bộ môn thể thao xe đạp. Một số cuộc đua xe đạp thí dụ như Bordeaux-Paris (lần đầu tiên vào năm 1891, 577 km) đã có đoạn đường đua dài. Điểm mới của Tour de France là sáng kiến của nhà báo người Pháp Geo Lefèvre tổ chức nhiều cuộc đua xe đạp trực tiếp liên tục với nhau xuyên qua nước Pháp và cộng các thời gian lại. Lefèvre đã đưa ra đề nghị này trong một buổi ăn trưa với Desgrange trong quán Café de Madrid tại Paris vào ngày 20 tháng 11 năm 1902. Tên của chương trình "Tour de France" là dựa vào tinh thần ái quốc lúc bấy giờ. Ngày 19 tháng 1 năm 1903, nhật báo L'Auto công bố thành lập "giải đua xe đạp lớn nhất chưa bao giờ được tổ chức trước đó". Ngày 1 tháng 7 năm 1903 Tour de France 1903 bắt đầu tại Montgeron ở ngoại ô thành phố Paris. Với 60 vận động viên tham dự, cuộc đua bao gồm 6 chặng với chiều dài tổng cộng là 2.428 km từ Paris qua các thành phố (đồng thời là đích đến của từng chặng) Lyon, Marseille, Toulouse, Bordeaux và Nantes rồi quay về Paris. Giữa các chặng có nhiều ngày nghỉ. Người chiến thắng của cuộc đua đầu tiên là người Pháp có nhiều sự ủng hộ Maurice Garin với vận tốc trung bình trên 25 km/h. Tiền thưởng cho giải nhất là 3.000 Francs. Các cuộc đua sau đó lúc đầu mang dấu ấn của một loạt các vụ bê bối mà lên đến đỉnh cao là việc loại trừ 4 người đứng đầu kết quả chung cuộc trong Tour de France 1904 nửa năm sau khi cuộc đua chấm dứt vì ngoài các việc khác đã sử dụng tàu hỏa không được phép. Mặc dầu vậy qua thập niên 1900 Tour de France đã có thể củng cố được vị trí của mình. Khoảng thời gian trước Chiến tranh thế giới thứ nhất sau này được gọi là "Thời kỳ anh hùng" của Tour de France vì trong thời gian đó thường đua các đoạn đường dài hơn 400 km trong một ngày mà nhìn lại từ góc độ của ngày nay là với các trang bị kỹ thuật khiêm nhường cho các xe đua cũng như với chất lượng của đường đua chỉ còn tìm thấy ngày nay trong một số đoạn đường ngắn lát đá của cuộc đua xe đạp cổ điển Paris-Roubaix. Các chặng đường đua trên núi cao, lần đầu tiên vào năm 1910 trên núi Pyrenees, phần nhiều là trên các đoạn đường dùng để lùa bò lên núi, đã thêm vào huyền thoại đang ngày càng lớn lên của cuộc đua một chiều hướng nữa: "Tour đau khổ". Tiếp theo một năm sau đó là núi Alpes. Tổng số các chặng đua được liên tiếp nâng lên thành 11 (1905), 15 (1910), 18 (1925) và cuối cùng là đến 24 chặng (1931). Tổng cộng chiều dài tăng lên cho đến 5.500 km. Các ngày nghỉ mà từ năm 1906 thường xuyên có sau mỗi chặng đua dần dần được hủy bỏ. Bắt đầu từ thập niên 1950 Tour de France được thi đấu gần như trong hình thức của ngày nay. Tốc độ trung bình của cuộc đua tăng liên tục theo thời gian. Cuộc đua đầu tiên, vận động viên người Pháp Maurice Garin đạt được vận tốc trung bình 25,679 km. Tới năm 1943, Antonin Magne vô địch với vận tốc trung bình 31,233 km, lần đầu vượt qua con số 30 km/giờ. Đến năm 1999, tay đua huyền thoại người Mỹ Lance Armstrong đạt tới 40,276 km/giờ. Năm 2004, vẫn Lance Armstrong đạt tới vận tốc 40,956 km/giờ, con số kỷ lục cho tới hiện nay. Tour de France gần đây nhất, năm 2007, tay đua người Tây Ban Nha Alberto Contador của đội Discovery Channel vô địch với vận tốc trung bình 39,226 km/giờ. Tour de France bị phủ bóng tối hai lần vì một cua rơ tử vong. Ngày 13 tháng 7 năm 1967 ngay trước đỉnh của Mont Ventoux cua rơ chuyên nghiệp người Anh Tom Simpson đã ngã quỵ tử vong ngay tại chỗ. Nguyên nhân là việc dùng amphetamine làm chất kích thích cộng với rượu để giảm đau. Năm 1955 tay đua chuyên nghiệp trẻ tuổi người Ý Fabio Casartelli đã qua đời vì các thương tích do té ngã lúc xuống dốc Col du Portet d’Aspet (Pyrenees). Doping Trong cuộc đua Tour de France 1998 bộ môn thể thao xe đạp đã trải qua một cơn khủng hoảng về tin cậy trầm trọng: trong cái gọi là vụ Festina đội đua xe đạp hàng đầu Festina (với các ngôi sao Richard Virenque và Alex Zülle) bị khám phá là đã sử dụng trên diện rộng và có hệ thống các chất kích thích sau khi Willy Voet, người săn sóc cho đội tuyển, vô tình tìm thấy một lượng lớn các chất không được phép sử dụng, nhiều nhất là erythropoietin (EPO). Khám phá này cho thấy rõ sự vô hiệu lực của các phương pháp kiểm tra doping thời bấy giờ: không một cua rơ nào của Festina có kết quả thử nghiệm dương tính. Sau đó đội tuyển Festina và MTV bị loại ra khỏi cuộc đua, các đội tuyển từ Tây Ban Nha đã phản đối biện pháp điều tra của cơ quan Pháp bằng cách rút lui ra khỏi cuộc đua. Cuối cùng Marco Pantani đã chiến thắng giải Tour de France 1998, người mà một năm sau đó bị loại ra khỏi Giro d'Italia vì có nồng độ hematocrit quá cao biểu lộ đã dùng chất kích thích. Quả thực vụ Festina chỉ là đỉnh cao của vấn đề doping đeo đuổi theo Tour de France từ hằng chục năm nay. Năm 1966 khi lần đầu tiên có kiểm tra doping không báo trước, các cua rơ đã biểu tình vào ngày hôm sau. Năm 1967 Tom Simpson đã chết trong lúc đang lên núi Mont Ventoux vì dùng amphetamine. Trong thập niên 1970 và thập niên 1980 mặc dù việc kiểm tra có rất nhiều thiếu sót nhưng nhiều lần một số tay đua đã có kết quả thử nghiệm dương tính, trong số đó có những người chiến thắng giải như Felice Gimondi, Joop Zoetemelk, Pedro Delgado và Laurent Fignon. Nhiều tay đua hàng đầu khác sau khi chấm dứt sự nghiệp đã thú nhận là đã dùng chất kích thích. Trong một thời gian dài việc lên án về mặt luật pháp cũng như trong giới công khai đều có tính nhẹ nhàng. Với cách giải quyết vấn đề doping thường ít có tính nhất quán Liên đoàn Xe đạp Quốc tế (UCI) đã góp phần vào việc giới công khai ngày càng gắn liền bộ môn thể thao đua xe đạp vào việc dùng chất kích thích. Ngày nay môn thể thao xe đạp có một trong những hệ thống kiểm tra doping chặt chẽ nhất trong tất cả các bộ môn thể thao quốc tế. Tuy vậy vẫn còn chưa rõ doping sẽ tiếp tục là một phương tiện tăng thể lực trong thể thao xe đạp ở chừng mực nào. Những người đoạt giải Thời gian của từng cua rơ qua tất cả các chặng được ghi lại và cộng vào với nhau. Người nào cuối cùng về đến Paris với tổng số thời gian ít nhất là người chiến thắng cuộc đua. Các tay đua xuất sắc ngày nay chỉ cách nhau vài phút trong khi người cuối cùng thường có khoảng cách từ 3 đến 4 tiếng đồng hồ. Người Mỹ Lance Armstrong là người đầu tiên chiến thắng cuộc đua 7 lần, từ 1999 đến 2005. Jacques Anquetil (Pháp, 1957 và từ 1961 đến 1964), Eddy Merckx (Bỉ, từ 1969 đến 1972, 1974), Bernard Hinault (Pháp, 1978, 1979, 1981, 1982 và 1985) và Miguel Induráin (Tây Ban Nha, từ 1991 đến 1995) đoạt giải 5 lần. Người đứng trên bục chiến thắng nhiều nhất là Raymond Poulidor với 3 lần về nhì và 5 lần về ba nhưng lại chưa từng đoạt giải nhất Người chiến thắng giải trẻ tuổi nhất là Henri Cornet, 20 tuổi vào năm 1904 tuy chỉ được công nhận là người đoạt giải sau đấy. Người chiến thắng nhiều tuổi nhất là Firmin Lambot, đoạt giải của Tour trong năm 1922 với 36 tuổi. Greg Lemond giành chiến thắng sít sao nhất trong Tour de France 1989 khi anh chỉ về trước Laurent Fignon có 8 giây. Kỷ lục về khoảng cách lâu nhất trong thời kỳ hiện đại của Tour de France (từ 1947) là do Fausto Coppi lập nên năm 1952 khi anh về trước người thứ nhì, Stan Ockers, 28 phút. Với 36 lần chiến thắng nước Pháp chiếm số lần đoạt giải nhiều nhất, kế đến là Bỉ (18 lần). Tiếp theo đó với một khoảng cách khá xa là Mỹ (11 lần), Ý (9 lần), Tây Ban Nha (8 lần), Luxembourg (4 lần), Thụy Sĩ và Hà Lan (mỗi nước 2 lần). Việc Pháp và Bỉ chiếm ưu thế trong thống kê thật ra không phản ánh được tương quan lực lượng hiện tại. Người chiến thắng cuối cùng từ 2 quốc gia này đã đoạt giải cách đây gần 20 năm: Bernard Hinault giành chiến thắng thắng lần thứ năm của anh trong năm 1985. Bắt đầu từ thời điểm này một loạt các quốc gia mới đã điền tên mình vào danh sách chiến thắng: nước Mỹ với chiến thắng đầu tiên năm 1989, Ireland lần đầu tiên năm 1987, Đan Mạch năm 1996. Năm 1997 tay đua 23 tuổi Jan Ullrich đã mang lại chiến thắng đầu tiên và cho đến nay là chiến thắng độc nhất về cho nước Đức. Các màu áo trong Tour de France Trong Tour de France một số áo có màu sắc nổi bật được dùng để đánh dấu các tay đua xuất sắc nhất theo nhiều cách chấm điểm. Sau mỗi chặng đều có nghi lễ mặc áo cho các tay đua. Mỗi một chiếc áo đều do một nhà tài trợ trình bày. Các tay đua có trách nhiệm phải mặc những chiếc áo này. Khi một cua rơ đồng thời chiếm nhiều áo thì anh sẽ mặc chiếc áo quan trọng hơn thường theo thứ tự: áo vàng, xanh rồi đến chấm đỏ. Trong trường hợp này chiếc áo đứng thứ tự thấp hơn sẽ được trao cho người đứng nhì của cách xếp hạng. Năm 1969 Eddy Merckx là người duy nhất đã giành được 3 chiếc áo trong cùng một năm. Áo vàng Tay đua có tổng số thời gian ngắn nhất mang chiếc áo vàng (tiếng Pháp: le maillot jaune) nổi tiếng dành cho người đang dẫn đầu bảng tổng sắp. Chiếc áo này được đưa ra năm 1919 để người xem có thể dễ dàng nhận ra người đang dẫn đầu. Người mang chiếc áo này đầu tiên là tay đua người Pháp Eugène Christophe. "Kẻ ăn thịt người", 5 lần chiến thắng Tour de France, tay đua người Bỉ Eddy Merckx, mang chiếc áo này lâu nhất, tổng cộng là trong 111 chặng đua. Cua rơ duy nhất mang chiếc áo vàng từ chặng đua đầu tiên đến chặng đua cuối cùng là người Luxembourg Nicolas Frantz năm 1928: là người chiến thắng giải năm trước đó anh đã khoác chiếc áo này ngay từ ở chặng đầu tiên và đã không trao lại cho đến chặng cuối cùng. Áo xanh Người chạy nước rút nhanh nhất được danh dự mang chiếc áo xanh (le maillot vert) từ năm 1953. Hạng này được xếp theo một hệ thống chấm điểm, trước nhất là khi về đích của các chặng nhưng các cuộc đua nước rút giữa chặng cũng được đánh giá. Các chặng đua bằng phẳng được tính nhiều hơn các chặng leo núi. Người Đức Erik Zabel đã 6 lần liên tiếp nhau (từ 1996 đến 2001) mang chiếc áo xanh về đến Paris và đang giữ kỷ lục trước Sean Kelly (4 lần trong khoảng thời gian từ 1982 đến 1989). Áo chấm đỏ Phần thưởng cho giải leo núi đã có từ năm 1933 nhưng mãi đến năm 1975 chiếc áo trắng chấm đỏ (le maillot à pois rouges) mới được trao cho giải này. Áo chấm đỏ được trao sau khi leo núi qua 4 thể loại từ thể loại 4 (dễ) đến 1 (khó) và hors categorie (rất khó). Duy nhất chỉ có Richard Virenque (Pháp) là đã chiến thắng 7 lần giải leo núi trong khoảng thời gian từ 1994 cho đến 2004, tiếp theo là Federico Bahamontes (Tây Ban Nha, 1954-1964) và Lucien van Impe (Bỉ, 1971-1983) với 6 lần chiến thắng. Áo trắng Tay đua chuyên nghiệp trẻ (dưới 25 tuổi trong năm thi đấu) nhanh nhất. Giải này được đưa vào chương trình năm 1975, cách chấm điểm tương tự như cách chấm điểm cho áo vàng. Áo xanh lá cây đậm Đội tuyển nhanh nhất (từ 1930). Thời gian của 3 cua rơ nhanh nhất trong mỗi đội được cộng lại sau mỗi chặng đua để xếp thứ tự cho hạng này. Số xuất phát màu xanh nước biển Tay đua "hung hãn" (aggressive) nhất(trước 2004 là màu đỏ) được một ban giám khảo bình chọn sau mỗi chặng. Xem thêm Cuộc đua xe đạp toàn quốc tranh Cúp truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh Chú thích Liên kết ngoài Trang web chính thức của Tour de France Tất cả các số liệu của từng cuộc đua (tiếng Pháp) Xe đạp thể thao Giải đấu thể thao Paris Bài Pháp chọn lọc
7102
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ng%C6%B0%E1%BB%9Di%20Ba%20Na
Người Ba Na
Người Ba Na (Bahnar; các nhóm nhánh: Jơ Lơng, Rơ Ngao, Glar, Tơ Lô, Bơ Nâm, Kriem, KonKơdeh) là một dân tộc trong số 54 dân tộc tại Việt Nam. Người Ba Na cư trú chủ yếu ở vùng Tây Nguyên và cao nguyên trung phần Việt Nam, có dân số sấp xỉ 287 nghìn người năm 2019, có đời sống văn hóa tinh thần phong phú và giàu bản sắc. Nét đẹp trong văn hóa được thể hiện ở nhiều mặt, từ hoạt động sản xuất, sinh hoạt hàng ngày đến các lễ hội. Địa bàn cư trú Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, người Ba Na ở Việt Nam có dân số 286.910 người, cư trú tại 51 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Người Ba Na cư trú tập trung tại các tỉnh: Gia Lai (189.367 người, chiếm 11,8% dân số toàn tỉnh và 45,9% tổng số người Ba Na tại Việt Nam), Kon Tum (68.799 người, chiếm 12,5% dân số toàn tỉnh và 43,7% tổng số người Ba Na tại Việt Nam), Bình Định (21.650 người, chiếm 8,0% tổng số người Ba Na tại Việt Nam), Phú Yên (4.680 người, chiếm 1,8 % tổng số người Ba Na tại Việt Nam). Người Ba Na có nhiều tên gọi khác nhau theo nơi cư trú hay phong tục tập quán mỗi vùng. Người Ba Na là dân tộc bản địa Việt Nam có từ lâu đời tập trung ở các vùng Tây Nguyên điển hình là hai tỉnh Kon Tum, Gia Lai đây được coi là bản địa cũng như địa bàn cư trú của người Ba Na Tại Mỹ có một số người Ba Na nhập cư theo diện HO. Ngôn ngữ và các nhóm địa phương Tiếng Ba Na liên quan đến tiếng Kinh. Người Ba Na nói tiếng Ba Na thuộc Ngữ chi Ba Na là một ngôn ngữ thuộc Ngữ hệ Nam Á (hay còn gọi ngôn ngữ Môn-Khmer), cùng với đó là Ngữ chi Ba Na và Ngữ chi Việt-Mường được xếp vào ngôn ngữ Môn-Khmer. Các nhóm địa phương người Ba Na "Bahnar Jơlơng": Sinh sống tại phía Đông Tp. Kon Tum và huyện Kon Rẫy. "Bahnar Rơngao": Sinh sống chủ yếu ở huyện Đắk Hà và Tp. Kon Tum tỉnh Kon Tum. Tiếng Rơngao thuộc nhóm Bahnar Bắc và gần với tiếng Sê Đăng (đặc biệt là nhánh Sơ Drá), là trung gian giữa các nhánh Bahnar và Xơ Đăng. Để dễ hình dung, lấy Tp. Kon Tum làm ranh giới, phía Tây Tp. Kon Tum có nhánh "Bahnar Rơngao", còn phía Đông Tp. Kon Tum là nhánh "Bahnar Jơlơng" (cụ thể là xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy). "Bahnar Gơlar": Cư trú ở các huyện Mang Yang, Đắc Đoa và Chư Sê, tỉnh Gia Lai "Bahnar Konkơđeh": có nghĩa là người vùng thấp - Ala kông, có thể xem là phân nhóm trung gian giữa nhóm "Bahnar Bơnâm" và "Bahnar Tơlô", sinh sống chủ yếu ở Đak Pơ và phía Nam huyện Kbang. Địa bàn sinh sống của nhóm "Bahnar Kon Kơđeh" cơ bản cư trú trong tiểu vùng núi thấp Đông Nam Gia Lai. "Bahnar Kriem": Cư trú ở huyện Vĩnh Thạnh, An Lão, Hoài Ân và Tây Sơn, tỉnh Bình Định "Bahnar Tơlô": Cư trú ở huyện Kông Chro và huyện An Khê, tỉnh Gia Lai. "Bahnar Bơnâm": Sống ở vùng rừng già (phần lớn thuộc các xã Lơ Ku, Krong huyện Kbang hiện nay). Địa bàn sinh sống cơ bản của nhóm Bahnar Bơnâm cư trú trong tiểu vùng núi cao Đông Bắc Gia Lai. Là tên gọi để chỉ những nhóm Ba Na ở vùng cao hơn (không nhầm lẫn với người Mơ Nâm, một nhánh của người Sê Đăng). "Bahnar Roh"... Nhà cửa Ở mỗi làng có một nhà công cộng là nhà Rông to, đẹp ở giữa làng. Nhà rông cao lớn và đẹp đứng nổi bật giữa làng, đó là trụ sở của làng, nơi các già làng họp bàn việc công, nơi dân làng hội họp, nơi trai chưa vợ và góa vợ ngủ đêm, nơi tiến hành các nghi lễ phong tục của cộng đồng và cũng là nơi tiếp khách lạ vào làng. Nhà ở của người Ba Na thuộc loại hình nhà sàn. Trước đây khi chế độ gia đình lớn còn thịnh hành, ở vùng người Ba Na sinh sống thường có những căn nhà dài hàng trăm mét, tuy nhiên hiện nay chế độ gia đình lớn không còn nữa, mô hình các gia đình nhỏ với những căn nhà sàn gọn gàng xuất hiện ngày càng nhiều. Nhà sàn ngắn của các gia đình nhỏ là phổ biến. Nhà sàn thường dài từ 7m đến 15m, rộng từ 3m-4m, cao từ 4m-5m, sàn cách mặt đất khoảng 1m đến 1,5m Mặc dù có nhiều thay đổi, nhưng vẫn tìm được ở nhiều địa phương khác nhau những ngôi nhà Ba Na với những đặc điểm đặc trưng của nhà cổ truyền Ba Na là nhà nóc hình mai rùa hoặc chỉ còn là hai mái chính với hai mái phụ hình khum - dấu vết của nóc hình mai rùa. Chỏm đầu dốc có "sừng" trang trí (với các kiểu khác nhau tùy theo địa phương). Vách che nghiêng theo thế "thượng thu hạ thách". Có nhà, cột xung quanh nhà cũng chôn nghiêng như thế vách. Thang đặt vào một sàn lộ thiên trước cửa nhà. Trên sàn này người ta đặt cối giã gạo (cối chày tay). Điểm đáng chú ý là dưới đáy cối có một cái "ngõng". Khi giã gạo người ta cắm cái ngõng ấy vào một cái lỗ đục trên một thanh gỗ đặt trên sàn. Nhà tre vách nhưng có thêm lớp đố, bên ngoài buộc rất cầu kỳ như là một lớp trang trí. Bộ khung nhà kết cấu đơn giản. Có làm vì kèo nhưng vẫn trên cơ sở của vì cột. Tổ chức mặt bằng đơn giản. Hôn nhân, gia đình Người Ba Na cho phép tự do tìm hiểu và lựa chọn bạn đời, việc cưới xin đều theo nếp cổ truyền. Vợ chồng trẻ ở luân phiên mỗi bên một thời gian, theo thỏa thuận giữa hai gia đình hai bên, sau khi sinh con đầu lòng mới làm nhà riêng. Trẻ em luôn được yêu quý. Dân làng không đặt trùng tên nhau. Trong trường hợp những người trùng tên gặp nhau, họ làm lễ kết nghĩa, tùy tuổi tác mà xác lập quan hệ anh-em, cha-con, mẹ-con. Các con được thừa kế gia tài như nhau. Trong gia đình, mọi người sống hòa thuận bình đẳng. Người Ba Na thờ cúng nhiều thần linh. Hôn nhân Trước đây, trai gái Ba Na khi đến tuổi trưởng thành (20 tuổi đối với nam; 18 tuổi đối với nữ), được tự do yêu thương, tìm hiểu lẫn nhau, nhưng quyền quyết định đi đến hôn nhân không phải không có ảnh hưởng của cha mẹ. Trong thực tế, nhiều khi cha mẹ can thiệp rất nhiều vào chuyện hôn nhân của con cái. Thậm chí, trong một số trường hợp, quyết định gả cưới của cha mẹ hoàn toàn đi ngược lại mong muốn của các con. Chính vì vậy, trong ngôn ngữ của người dân ở đây tồn tại hai thuật ngữ hôn nhân. Trong tường hợp trai gái tự do yêu đương và tìm người bạn đời tiến tới hôn nhân, người dân gọi là chărơihkơ ding (hôn nhân tự chọn); trường hợp cha mẹ quyết định gả bán con theo ý kiến riêng của mình, người dân gọi là mẽ bă pơ giao ăn (cha mẹ gả bán). Trong thời điểm hiện nay, trai gái yêu thương và tự nguyện đến với hôn nhân phổ biến hơn nhiều so với quyết định gả bán của cha mẹ. Tuổi kết hôn cũng đang có xu hướng tăng lên, thường con trai trên 25 tuổi mới lấy vợ, con gái khoảng 20 tuổi mới lấy chồng. Việc gả bán con cái theo ý riêng của cha mẹ thường chỉ xảy ra giữa gia đình giàu có với gia đình nghèo vì lý do kinh tế, hay sắc đẹp. Các gia đình tương đương về điều kiện kinh tế, về địa vị xã hội thì con cái của họ phần lớn tự do tìm hiểu để đi đến hôn nhân. Tiêu chuẩn lựa chọn bạn đời, lựa chọn thông gia dựa trên việc so sánh giàu nghèo đã ít còn được đặt ra như trong quá khứ. Sự chênh lệch tuổi tác giữa nam và nữ (thậm chí chênh lệch nhiều) cũng không phải là điều quan trọng. Vấn đề mang tính quyết định để đi đến hôn nhân, trong thời điểm hiện tại là trai gái phải thương yêu nhau. Tiêu chuẩn hàng đầu để các chàng trai, cô gái nơi đây chọn bạn đời chính là đạo đức, sức khoẻ và tính cần cù, siêng năng và thạo việc. Đối với người Ba Na, hôn nhân một vợ một chồng từ lâu đã mang tính phổ biến và bền vững. Trong làng, vào thời điểm hiện tại, tất cả đều là các gia đình một vợ một chồng sinh sống cùng con cái. Dù do cha mẹ gả bán hay do họ tự tìm đến với nhau do tiếng gọi của tình yêu thì hầu như tất cả các cặp vợ chồng đều sống với nhau hạnh phúc đến đầu bạc, răng long. Rất ít trường hợp li dị. Các lý do dẫn đến li dị giữa các cặp vợ chồng thường là do người vợ vô sinh, đàn ông ngoại tình hay có những bất hòa không giải quyết được dẫn đến chửi mắng, đánh đập nhau. Hiện nay, giải quyết vấn đề li dị của các cặp vợ chồng không chỉ dừng lại ở quyết định của Hội đồng già làng như trước kia, mà phải được đưa ra xử lý theo pháp luật hiện hành của Nhà nước. Tuy nhiên, khi vừa xảy ra những lục đục giữa các cặp vợ chồng trong làng, Hội đồng già làng, thông qua Tổ hòa giải đã thể hiện vai trò của mình. Nếu việc hoà giải không đạt được kết quả như ý, hai vợ chồng vẫn quyết ly dị thì họ buộc phải đưa vụ việc ra giải quyết trước luật pháp. Là một dân tộc theo nguyên tắc ngoại hôn dòng họ nên phong tục của người Ba Na khuyến khích những đôi trai gái khác dòng họ kết hôn với nhau. Nếu xác định được rõ ràng hai người trong cùng một krung ktum (dòng họ) thì chuyện cưới xin khó xảy ra. Tuy nhiên, do có sự phân biệt giữa họ gần và họ xa nên nguyên tắc hôn nhân ngoài dòng họ ở đây được thực thi với hai cấp độ khác nhau: Thứ nhất, toàn bộ các thành viên nam nữ thuộc họ gần (krung ktum gel), tức là con cháu trong vòng ba đời của một ông bà tổ, bao gồm cả bên cha và bên mẹ, như: con cô, con cậu, con chú con bác, con dì con già; cháu cô cháu cậu, cháu chú cháu bác, cháu dì cháu già...(còn gọi là gia đình) tuyệt đối không có quan hệ tính giao và hôn nhân. Với người Gia-rai, một dân tộc láng giềng, cư trú tập trung tại tỉnh Gia Lai, không có sự ngăn cấm kết hôn một cách nghiêm ngặt giữa hai người cùng một dòng họ thuộc đời thứ ba, nhất là con cô con cậu. Người Ba Na làng Kon Rờ Bàng ở Kon Tum thì khác, nếu ai vi phạm quy định đó tức đã mắc tội loạn luân (ha găm) và bị làng xử phạt rất nặng theo luật tục. Họ cho rằng người cùng một dòng họ lấy nhau là trái với đạo đức, khiến thần linh nổi giận gây ra các tai họa để trừng phạt con người như cháy làng, dịch bệnh, mất mùa... Dòng họ nào để xảy ra chuyện đó sẽ phải chuẩn bị đủ ba con trâu, ba con dê, ba con gà và 3 ché rượu để cúng thần nhà rông, thần nước để giải hạn cho dân làng và chính hai gia đình đó. Nghi thức quan trọng nhất trong lễ cúng là chủ làng đọc lời cúng mời giàng về ăn uống và dân làng buộc đôi trai gái bị phạt lấy một ít tiết của con vật hiến sinh hòa với rượu, đổ vào vỏ bầu mang đến từng nhà trong làng, dùng cành cây tre nhúng vào quả bầu đựng nước rồi quết lên chân cầu thang với ngụ ý xua đuổi, tẩy uế mọi rủi ro tai họa, mong giàng đừng bắt tội dân làng... Thứ hai, các thành viên nam, nữ thuộc họ xa (krung ktum gel), tức là con cháu của một ông bà tổ, từ đời thứ bốn trở lên, tính theo đằng cha, cũng có thể lấy được nhau, nhưng phải làm một lễ cúng nhỏ tạ lỗi với tổ tiên. Khi đó họ sẽ không mắc vào tội loạn luân và không vi phạm luật tục.(đời thứ 5 mới lấy được) Những trường hợp nam, nữ quan hệ tình cảm sâu nặng với nhau mà không đi đến hôn nhân, không làm thủ tục cưới hỏi thì làng thì bắt vạ một con dê, một con bò, hoặc một con gà. Trước thập niên 1960, trai gái chưa cưới xin có quan hệ với nhau lỡ có con, phải tiến hành lễ cúng thần trước khi trỉa lúa, vào khoảng đầu tháng 4, với lễ vật là một con dê và một con lợn. Người dân quan niệm các trường hợp vi phạm này đã làm ảnh hưởng đến thần đất, thần lúa nên buộc phải tiến hành lễ cúng phạt trước khi trỉa lúa nếu không dân làng sẽ mất mùa, đói kém. Vào ngày tổ chức nghi lễ, những con lợn, dê lễ vật được giết thịt lấy máu trộn với rượu. Cũng tương tự như những người mắc tội loạn luân, đôi trai gái phạm tội phải lần lượt mang thứ máu chộn rượu đó bôi vào chân từng chiếc cầu thang lên nhà trong làng, vừa bôi vừa xin lỗi mọi người xin đừng nhớ, xin bỏ qua chuyện cũ... Trong trường hợp người con gái có chửa mà không chịu khai ra bố của đứa trẻ thi cô ta sẽ phải chịu hình phạt một mình, từ trách nhiệm chuẩn bị lễ vật tới việc thực hiện các thủ tục trong lễ cúng. Trường hợp hai bên cùng nhau nhận lỗi thì chàng trai phải chịu trách nhiệm cao hơn. Không chỉ chuẩn bị lễ vật nộp phạt và thực hiện nghi lễ, người con trai còn phải cưới cô gái làm vợ và chăm sóc, nuôi dưỡng đứa trẻ nên người. Nếu đã bị phát hiện và thừa nhận là cha của đứa trẻ mà không cưới cô gái và không chịu chăm sóc đứa trẻ, ngoài việc nộp phạt cho làng, chàng trai còn phải đền cho cô gái một con bò. Trường hợp người con gái có quan hệ với nhiều người con trai, khi có thai, chàng trai có quan hệ với cô sau cùng phải đền nhiều hơn hoặc có thể chia thành các phần trách nhiệm đều nhau. Theo phong tục truyền thống của người Ba Na làng Kon Rờ Bàng, những trường hợp chồng hay vợ chết sớm chưa được làm lễ bỏ mả, người goá có thể tái giá, nhưng trước đó phải tiến hành một lễ cúng với lễ vật gồm một ghè rượu, một con gà. Sau khi tiến hành nghi lễ, việc tái giá của người goá được dân làng đồng tình, ủng hộ. Vì vậy, nghi lễ này cũng có vai trò tương tự lễ bỏ mả. Tuy nhiên, đó là lễ bỏ mả sớm. Thời gian sớm nhất có thể thực hiện nghi lễ này là 3 năm sau khi người chồng hoặc người vợ mất đi. Trong trường hợp người goá có quan hệ trai, gái trước thời điểm này sẽ bị làng phạt một bò làm lễ cúng, vì tội vi phạm quy định hôn nhân. Sau khi người mẹ chết, nếu bố lấy vợ mới, con cái thường không ở với bố và mẹ kế mà về sống với ông bà nội. Chỉ khi ông bà nội cũng đã mất, không còn nơi nương tựa, con của người vợ trước mới ở chung với người vợ sau của bố. Trong trường hợp người đàn ông đang sống cùng vợ con, nhưng lại có quan hệ tình cảm sâu nặng với người phụ nữ khác, luật tục bắt buộc ông ta phải làm thủ tục li dị, bỏ người vợ trước mới có quyền cưới người vợ sau. Về trai gái khi quen nhau nếu người con gái có bầu mà người trai không nhận thì người trai sẽ bị làng phạt vạ theo tục lệ mỗi làng để cúng ma làng như mỗ trâu mỗ lợn và vài ghè rượu mời chức sắc trong làng đến uống, nếu không sẽ bị đuổi khỏi làng... Kinh tế Người Ba Na sinh sống nhờ nông nghiệp, chủ yếu là trồng rẫy. Cùng với trồng trọt, từng gia đình thường có nuôi gia cầm, gia súc như trâu, bò, dê, lợn, gà. Chó cũng được nuôi nhưng không bị giết thịt. Hầu như mỗi làng đều có lò rèn. Một số nơi biết làm đồ gốm đơn giản, phụ nữ dệt vải tự túc đồ mặc trong gia đình. Đàn ông đan chiếu, lưới, các loại gùi, giỏ, mủng... Việc mua bán theo nguyên tắc hàng đổi hàng, xác định giá trị bằng gà, rìu, gùi thóc, lợn hay nồi đồng, ché, chiêng, cồng, trâu, v.v... Văn hoá Nhạc cụ đa dạng: cồng, chiêng kết cấu đa dạng, đàn: t'rưng, khinh khung, gôông, klông pút, kơni, kèn: tơ nốt, arơng, tơ tiếp,... Nghệ thuật chạm khắc gỗ phát triển. Trong kho tàng văn nghệ dân gian, còn phải kể đến các làn điệu dân ca, các điệu múa trong những ngày hội hay các nghi lễ tôn giáo. Những hình thức trang trí sinh động trên nhà rông và đặc biệt những tượng nhà mồ v.v... mộc mạc, đơn sơ, nhưng tinh tế và sinh động như cuộc sống của người Ba Na. Trang phục Trang phục nam: nam giới Ba Na mặc áo chui đầu, cổ xẻ. Đây là loại áo cộc tay, thân áo có đường trang trí sọc đỏ chạy ngang, gấu áo màu trắng. Nam mang khố hình chữ T theo lối quấn ngang dưới bụng, luồn qua háng rồi che một phần mông. Ngày rét, họ mang theo tấm choàng. Ngày trước nam giới búi tóc giữa đỉnh đầu hoặc để xõa tóc. Nếu có mang khăn thì thường chít theo kiểu đầu rìu. Trong dịp lễ bỏ mả, họ thường búi tóc sau gáy và cắm một lông chim công. Nam cũng thường mang vòng tay bằng đồng. Trang phục nữ: Phụ nữ Ba Na ưa để tóc ngang vai, có khi búi và cài lược hoặc lông chim, hoặc trâm bằng đồng, thiếc. Có nhóm không chít khăn mà chỉ quấn bằng chiếc dây vải hay vòng cườm. Có nhóm như ở An Khê, Mang Giang hoặc một số nơi khác họ chít khăn trùm kín đầu, khăn chàm quấn gọn trên đầu. Trước đây, họ đội nón hình vuông hoặc tròn trên có thoa sáp ong để khỏi ngấm nước, đôi khi có áo tơi vừa mặc vừa che đầu. Họ thường đeo chuỗi hạt cườm ở cổ và vòng tay bằng đồng xoắn ốc dài từ cổ đến khủy tay (theo kiểu hình nón cụt). Nhẫn được dùng phổ biến và thường được đeo ở hai, ba ngón tay. Tục xả tai phổ biến vừa mang ý nghĩa trang sức vừa mang ý nghĩa tín ngưỡng của cộng đồng. Hoa tai có thể là kim loại, có thể là tre, gỗ. Tục cà răng mang theo quan niệm của cộng đồng hơn là trang sức. Phụ nữ Ba Na mặc áo chủ yếu là loại chui đầu, ngắn thân và váy. Áo có thể cộc tay hay dài tay. Váy là loại váy hở, thường là ngắn hơn váy của người Ê Đê, ngày nay thì dài như nhau. Quanh bụng còn đeo những vòng đồng và cài tẩu hút thọc vào đó. Về tạo hình áo váy, người Ba Na không có gì khác biệt mấy so với dân tộc Gia-rai hoặc Ê-đê. Tuy nhiên, nó khác nhau ở phong cách mỹ thuật trang trí hoa văn, bố cục trên áo váy của người Ba Na. Theo nguyên tắc bố cục dải băng theo chiều ngang thân người, dân tộc Ba Na dành phần chính ở giữa thân áo và váy với diện tích hơn một nửa áo, váy cũng như hai ống tay để trang trí hoa văn (chủ yếu là hoa văn với các màu trắng đỏ), nền chàm còn lại của áo váy không đáng kể so với diện tích hoa văn. Thắt lưng váy được dệt thêu hoa văn và tua vải hai đầu, được thắt và buông thõng dài hai đầu sang hai bên hông. Các nhân vật Chỉ dẫn Tham khảo Xem thêm Danh sách ngôn ngữ Danh sách các nước theo ngôn ngữ nói Chú thích Nhóm sắc tộc Dân tộc học Các dân tộc Việt Nam Người Thượng Dân tộc Việt Nam Dân tộc bản địa Tây Nguyên Dân tộc bản địa Việt Nam Kon Tum
7103
https://vi.wikipedia.org/wiki/D%E1%BB%A5%20ng%C3%B4n%20%C4%90%E1%BB%A9a%20con%20hoang%20%C4%91%C3%A0ng
Dụ ngôn Đứa con hoang đàng
Người cha nhân hậu (hoặc Người con hoang đàng) hoặc là một trong những dụ ngôn của Chúa Giêsu, được ký thuật trong Phúc âm Lu-ca 15: 11-32. Chuyện kể về người con trai trở về sau khi tiêu xài hoang phí toàn bộ tài sản của mình. Cụm từ "Người con trai hoang đàng" ngày nay được sử dụng rộng rãi ám chỉ những người chưa trưởng thành không chịu sống theo các chuẩn mực mà cha mẹ họ muốn họ sống, nhằm giúp họ vững vàng bước chân vào đời. Nội dung Một góc nhìn Tuy câu chuyện thường được nhắc đến như là chuyện"Người con trai hoang đàng", tiêu đề này không được tìm thấy trong Tân Ước, nhìều nhà phê bình cho rằng câu chuyện nên được đặt tên"Người con đã mất", sẽ đồng bộ hơn khi được đặt vào chuỗi các dụ ngôn bao gồm Dụ ngôn Đồng bạc bị đánh mất và Dụ ngôn Chiên lạc mất. Các câu chuyện này được ký thuật ngay trước đó trong Phúc âm Lu-ca chương 15. Cả ba câu chuyện kể đều thuộc chủ đề về sự quan tâm của Thiên Chúa dành cho tội nhân chịu hối cải hơn là cho người công chính không hề sa ngã. Một số người khác cho rằng cần đổi tên tiêu đề thành"Chuyện về hai người con", tập chú vào vai trò của người con cả nhằm đả kích tính ganh tị và đầu óc hẹp hòi. Đây là một trong những dụ ngôn được biết đến nhiều nhất của Chúa Giê-su, chỉ được chép lại trong Phúc âm Lu-ca, làm nổi bật thông điệp thần học của phúc âm này: Tình yêu và ân điển của Thiên Chúa được ban cho vô điều kiện. Sự tha thứ dành cho người con không dựa trên công đức, vì từ đầu cho đến cuối câu chuyện, khó có thể tìm thấy bất cứ việc lành nào chàng trai đã làm. Chỉ cần hành động quay về trong hối cải là đủ cho tấm lòng bao dung của người cha vẫn hằng mong đợi con mình. Đứa con hoang đàng là hình ảnh khá phổ biến trong các gia đình Cơ Đốc đương đại, khi những đứa con đến tuổi trưởng thành quyết liệt khước từ niềm tin truyền thống của gia đình, bất kể những nỗ lực của cha mẹ dìu dắt con cái họ từng bước lớn lên trong đức tin, cùng những lời cầu nguyện thấm đẫm tình yêu dành cho đứa con yêu dấu. Kiêu hãnh và mạnh mẽ, chàng trai tìm đến những vùng đất xa lạ, buông mình vào các cuộc phiêu lưu, và háo hức dò tìm các giá trị mới, cho đến khi ngã quỵ trước thất bại và tuyệt vọng. Khi ấy, đứa con hoang đàng mới nhận biết hơi ấm vòng tay ôm của người cha là quý biết bao! Trong Nghệ thuật Âm nhạc Dụ ngôn Đứa con hoang đàng được nhắc đến trong bản dân ca Ái Nhĩ Lan The Wild Rover, cũng xuất hiện trong Prodigal Blues, một ca khúc được Billy Idol thể hiện, nói về cuộc đấu tranh của anh chống lại những cơn nghiện ma túy. Bono, ca sĩ của nhóm U2 cũng mượn ý tưởng từ dụ ngôn này để viết ca khúc The First Time. Cũng từ hình ảnh đứa con hoang đàng, Dustin Kensrue viết Please Come Home cho album cùng tên phát hành năm 2007. Năm 1981, nhóm Iron Maiden thu âm ca khúc Prodigal Son. Mục sư Robert Wilkins thuật lại dụ ngôn này trong ca khúc Prodigal Son được nhóm Rolling Stones cover cho album Beggar’s Banquet năm 1968. Nhóm Nashville Bluegrass thu âm Prodigal Son a capella theo âm điệu dòng nhạc phúc âm. Văn chương Có lẽ tác phẩm văn học sâu sắc nhất gợi cảm hứng từ Dụ ngôn Đứa con hoang đàng là của nhà thần học người Hà Lan Henri Nouwen, quyển The Return of the Prodigal Son, A Story of Homecoming (1992), trong đó tác giả miêu tả cuộc hành trình tâm linh của ông phần nào tác động bởi lần thưởng thức họa phẩm The Return of the Prodigal Son của Rembrandt. Theo Nouwen, câu chuyện được thể hiện trong họa phẩm của Rembrandt miêu tả ba nhân vật: người em tức là đứa con hoang đàng; người anh đang giận dữ là người luôn tự hào về phẩm hạnh của mình; và người cha luôn yêu thương con. Nouwen cho rằng tất cả tín hữu Cơ Đốc – kể cả ông – luôn phải đấu tranh để được giải thoát khỏi những"sự yếu đuối"cố hữu thể hiện qua tính cách của hai anh em, hầu có thể trải nghiệm sự tăng trưởng tâm linh mà trở thành người cha hi sinh, sẵn sàng ban cho và sẵn lòng tha thứ. Chú thích Tham khảo D. A. Holgate, Prodigality, Liberality and Meanness: The Prodigal Son in Greco-Roman Perspective. Sheffield, 1999. T. E. Phillips, Reading Issues of Poverty and Wealth in Luke-Acts. Lewiston, 2001. W. Pöhlmann, Der Verlorene Sohn und das Haus: Studien zu Lukas 15,11-32 im Horizont der Antiken Lehre von Haus, Erziehung und Ackerbau. Tübingen, 1993. Liên kết ngoài The story online The Prodigal Son, comment by Rev. George Dimopoulos, Orthodox Portal Father Cantalamessa on the Prodigal Son The Prodigal Son, comments by Kenneth E. Bailey Đứa con hoang đàng
7104
https://vi.wikipedia.org/wiki/T%E1%BB%A9%20th%C6%B0
Tứ thư
Tứ Thư (四書 Sì shū) là bốn tác phẩm kinh điển của Nho học Trung Hoa, được Chu Hy thời nhà Tống lựa chọn. Chúng bao gồm: Đại Học (大學 Dà Xué) Trung Dung (中庸 Zhōng Yóng) Luận Ngữ (論語 Lùn Yǔ) Mạnh Tử (孟子 Mèng Zǐ) Thông thường người ta hay nói là: Tứ Thư Ngũ Kinh, với Ngũ Kinh gồm 5 tác phẩm Kinh thi, Kinh thư, Kinh lễ, Kinh dịch, Kinh Xuân Thu. Các sách này còn là những tác phẩm văn chương cổ điển của Trung Quốc. Sự học của Nho giáo có nhiều lý tưởng cao siêu, nhưng có thể nói một cách vắn tắt là: sự học chú trọng ở luân thường đạo lý, chủ trương biến hóa tùy thời, sự vụ thực tế nên không bàn đến những cái viển vông ngoài sinh hoạt của con người nơi trần thế. Tóm tắt nội dung Đại Học Đại học là một trong những kinh điển trọng yếu của nho gia. Xưa, người đến tuổi 15 thì vào học bậc đại học và được học sách này. Hai chữ "đại học" được nhà nho giải thích là "đại nhân chi học", hiểu theo 2 nghĩa, là cái học của bậc đại nhân, và là cái học để trở thành bậc đại nhân. Cách giải thích ấy phần nào hé lộ về nội dung, mục đích của bộ sách. Đại học vốn chỉ là một thiên trong sách Lễ ký (Kinh Lễ sau này), được Tăng Sâm - một học trò hạng trung của Khổng Tử chế hóa thành. Tuy nhiên, nó chỉ thuộc bộ Tứ thư vào thời Tống, với sự xuất hiện cuốn Tứ thư tập chú của Chu Hi. Trên đại quan, sách Đại học gồm 2 phần: Phần đầu có một thiên gọi là Kinh, chép lại các lời nói của Khổng Tử. Phần sau là giảng giải của Tăng Tử, gọi là Truyện, gồm 9 thiên. Đại học đưa ra ba cương lĩnh (gọi là tam cương lĩnh), bao gồm: Minh minh đức (làm sáng cái đức sáng của chính mình), Tân dân (làm mới cho dân, ngụ ý sau khi tự sửa mình thành tựu lại đứng ra giúp người cải cách, bỏ xấu theo tốt) và Chỉ ư chí thiện (an trú ở nơi chí thiện). Ba cương lĩnh này được cụ thể hóa bằng 8 điều mục nhỏ (gọi là bát điều mục), bao gồm: cách vật (tiếp cận và nhận thức sự vật), trí tri (đạt tri thức về sự vật), thành ý (làm cho ý của mình thành thực), chính tâm (làm cho tâm của mình được trung chính), tu thân (tu sửa thân mình), tề gia (xếp đặt mọi việc cho gia đình hài hòa), trị quốc (khiến cho nước được an trị), bình thiên hạ (khiến cho thiên hạ được yên bình). Minh minh đức ứng với cách vật, trí tri, thành ý, chính tâm và tu thân trong bát điều mục. Tân dân ứng với tề gia và trị quốc. Chỉ ư chí thiện tương ứng với bình thiên hạ. Bắt đầu từ chỗ làm sáng cái đức vốn sáng, vì có gốc gác tiên thiên của bản thân mình, lấy đó làm khởi điểm cho sự tu đức. Kết quả cuối cùng của quá trình này là làm cho toàn bộ thiên hạ được an trị, đó là cứu cánh của nó. Sự tu đức, được coi là phổ dụng cho tất cả mọi người.Đó là cái gọi là: "Tự thiên tử dĩ chí ư thứ nhân, nhất thị giai dĩ tu thân vi bản" (Nghĩa là: "từ vua cho đến thường dân, ai ai cũng đều lấy sự sửa mình làm gốc"). Sách Đại học dạy người ta cách tu thân và cai trị thiên hạ theo chủ trương "vi chính dĩ đức" của nho gia. Trung Dung Sách Trung Dung do Tử Tư làm ra cũng trên cơ sở một thiên trong Kinh Lễ. Tử Tư là học trò của Tăng Tử, cháu nội của Khổng Tử, thọ được cái học tâm truyền của Tăng Tử. Trong sách Trung Dung, Tử Tư dẫn những lời của Khổng Tử nói về đạo "trung dung", tức là nói về cách giữ cho ý nghĩ và việc làm luôn luôn ở mức trung hòa, không thái quá, không bất cập và phải cố gắng ở đời theo nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, cho thành người quân tử, để cuối cùng thành thánh nhân. Sách Trung Dung chia làm hai phần: Phần 1: từ chương 1 đến chương 20, là phần chính, gồm những lời của Khổng Tử dạy các học trò về đạo lý trung dung, phải làm sao cho tâm được: tồn, dưỡng, tĩnh, sát; mức ở được gồm đủ: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín cho hòa với muôn vật, hợp với lòng Trời để thành người tài giỏi. Phần 2: từ chương 21 đến chương 33, là phần phụ, gồm những ý kiến của Tử Tư giảng giải thêm cho rõ ràng ý nghĩa và giá trị của hai chữ trung dung. Cả hai quyển sách Đại Học và Trung Dung trước đây là những thiên trong Kinh Lễ, sau các Nho gia đời Tống tách riêng ra làm hai quyển để hợp với sách Luận Ngữ và Mạnh Tử thành bộ Tứ Thư. Luận Ngữ Luận Ngữ là sách sưu tập ghi chép lại những lời dạy của Khổng Tử và những lời nói của người đương thời. Sách Luận Ngữ gồm 20 thiên, mỗi thiên đều lấy chữ đầu mà đặt tên, và các thiên không có liên hệ với nhau. Đọc sách này, người ta hiểu được phẩm chất tư cách và tính tình của Khổng Tử, nhất là về giáo dục, ông tỏ ra là người thấu hiểu tâm lý của từng học trò, khéo đem lời giảng dạy thích hợp với từng trình độ, từng hoàn cảnh của mỗi người. Như có khi cùng một câu hỏi mà ông trả lời cho mỗi người một cách. Trình Y Xuyên, một nhà Nho đời Tống nói:Có người đọc xong Luận Ngữ mà không thấy gì cả, có người đọc xong lại thấy thích thú một vài câu, có người đọc xong thì rất thích thú đến độ múa tay múa chân mà không hay biết.Bởi vậy, khi đọc Luận Ngữ, phải đọc chậm rãi, suy nghĩ tường tận, càng suy nghĩ càng phát hiện được nhiều điều hay. Trình Y Xuyên lại nói:Ai đọc xong Luận Ngữ mà vẫn còn những tính nết như trước khi chưa đọc thì người ấy chưa hiểu được sách Luận Ngữ vậy.Tóm lại sách Luận Ngữ dạy đạo quân tử một cách thực tiễn, miêu tả tính tình đức độ của Khổng Tử để làm mẫu mực cho người đời sau noi theo. Mạnh Tử Sách Mạnh Tử là bộ sách làm ra bởi Mạnh Tử và các môn đệ của ông như: Nhạc Chính Khắc, Công Tôn Sửu, Vạn Chương v.v. ghi chép lại những điều đối đáp của Mạnh Tử với các vua chư hầu, giữa Mạnh Tử và các học trò cùng với những lời phê bình của Mạnh Tử về các học thuyết khác như: học thuyết của Mặc Tử, Dương Chu. Sách Mạnh Tử gồm 7 thiên, chia làm 2 phần: Tâm học và Chính trị học. Tâm học: Từ thời Mạnh tử, ông cảm nhận được một đấng vô hình nên hay nhắc đến Trời. Mạnh Tử cho rằng mỗi người đều có tính thiện do Trời phú cho. Sự giáo dục phải lấy tính thiện đó làm cơ bản, giữ cho nó không mờ tối, trau dồi nó để phát triển thành người lương thiện. Tâm là cái thần minh của Trời ban cho người. Như vậy, tâm của ta với tâm của Trời đều cùng một thể. Học là để giữ cái Tâm, nuôi cái Tính, biết rõ lẽ Trời mà theo chính mệnh. Nhân và nghĩa vốn có sẵn trong lương tâm của người. Chỉ vì ta đắm đuối vào vòng vật dục nên lương tâm bị mờ tối, thành ra bỏ mất nhân nghĩa. Mạnh Tử đề cập đến khí Hạo nhiên, cho rằng nó là cái tinh thần của người đã hợp nhất với Trời. Phần Tâm học của Mạnh Tử rất sâu xa, khiến học giả dù ở địa vị hay cảnh ngộ nào cũng giữ được phẩm giá tôn quý. Chính trị học: Mạnh Tử chủ trương: Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh. Đây là một tư tưởng rất mới và rất táo bạo trong thời quân chủ chuyên chế đang thịnh hành. Mạnh Tử nhìn nhận chế độ quân chủ, nhưng vua không có quyền lấy dân làm của riêng cho mình. Phải duy dân và vì dân. Muốn vậy, phải có luật pháp công bằng, dẫu vua quan cũng không được vượt ra ngoài pháp luật đó. Người trị dân, trị nước phải chăm lo việc dân việc nước, làm cho đời sống của dân được sung túc, phải lo giáo dục dân để hiểu rõ luật pháp mà tuân theo, lấy nhân nghĩa làm cơ bản để thi hành. Chủ trương về chính trị của Mạnh Tử thật vô cùng mới mẻ và táo bạo, nhưng rất hợp lý, làm cho những người chủ trương quân chủ thời đó không thể nào bắt bẻ được. Có thể đây là lý thuyết khởi đầu để hình thành chế độ quân chủ lập hiến sau này. Tóm lại, bộ sách Mạnh Tử rất có giá trị với Nho giáo. Phần Tâm học trong sách là đỉnh cao nhất trong học thuyết Nho giáo. Trình Y Xuyên nói:Kẻ đi học nên lấy hai quyển sách: Luận Ngữ và Mạnh Tử làm cốt. Đã học được hai bộ sách này rồi thì không cần học Ngũ Kinh cũng rõ thông được cái đạo của Thánh hiền.'' Tổng kết Bộ sách Tứ Thư của Nho giáo ra đời cách nay khoảng hơn 2.000 năm, đã trải qua bao sóng gió theo những giai đoạn thăng trầm của lịch sử Trung Hoa. Lần thì bị Tần Thủy Hoàng đốt, lần thì bị tiêu tan trong các cuộc nội chiến triền miên của Trung Hoa. Do vậy khó tránh được nạn "tam sao thất bản". Đến đời nhà Tống, bộ sách này mới được các danh Nho tu chỉnh. Đầu tiên là hai anh em họ Trình: Trình Hạo (1032-1085) và Trình Di (1033-1107) hiệu là Y Xuyên, nghiên cứu, soạn tập và chú giải Tứ Thư và Ngũ Kinh. Sau đó Chu Hy (1130-1200) hiệu là Hối Am, bổ cứu và sắp đặt thành chương cú cho có thứ tự phân minh. Ngày nay, có những bản sách Tứ Thư và Ngũ Kinh là do công lao của hai anh em Trình Hạo, Trình Di và của Chu Hy thời nhà Tống. Xem thêm Ngũ Kinh Thập tam kinh Tham khảo Trung Quốc tứ đại Tác phẩm Nho giáo
7105
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ng%C3%A0y%20Julius
Ngày Julius
Hôm nay là ngày Julius [] Ngày Julius hoặc số ngày Julius (viết tắt theo tiếng Anh là JDN) là số ngày đã trôi qua kể từ 12 giờ trưa Giờ Greenwich (UT) của thứ hai, ngày 1 tháng 1, năm 4713 TCN trong lịch Julius đón trước (tức là 24 tháng 11, 4714 TCN trong lịch Gregory đón trước, cũng là ngày Julius 0). Hệ thống ngày Julius thường được dùng trong thiên văn học để thống nhất mọi sự kiện thiên văn, miêu tả bởi nhiều hệ thống lịch khác nhau, vào một hệ thống ngày duy nhất. Niên kỷ Julius Niên kỷ Julius (viết tắt theo tiếng Anh là JD) là số ngày Julius cộng với phần thập phân của ngày đã trôi qua kể từ 12 giờ trưa. Trong khi số ngày Julius là số nguyên thì niên kỷ Julius là số thực, cộng thêm giờ, phút và giây, quy đổi ra phần thập phân của ngày. Ví dụ Ngày 1 tháng 1 năm 2000 trong lịch Gregory (lịch mà chúng ta sử dụng trong đời sống hiện nay) là ngày Julius số 2.451.545. Như vậy cũng có thể tính số ngày Julius bằng việc tính số ngày đã trôi qua kể từ 1 tháng 1 năm 2000, cộng thêm 2.451.545. 09:17, 20 tháng 6 2005 (UT), thời điểm bài viết này được tạo ra là niên kỷ Julius số 2.453.541,88681. Cách tính Số ngày Julius có thể tính bởi các công thức sau, sử dụng năm thiên văn (1 TCN là 0, 2 TCN là −1, 4713 TCN là −4712): a = [(14 - tháng)/ 12] y = năm + 4800 - a m= tháng + 12a - 3 Chuyển một ngày trong lịch Gregory (giữa trưa) ra số ngày Julius: JDN = ngày + [(153m + 2)/5] + 365y + [y/4] - [y/100] + [y/400] - 32045 Chuyển một ngày trong lịch Julius (giữa trưa) ra số ngày Julius: JDN= ngày + [(153m + 2)/5] + 365y + [y/4] - 32083 Trong các công thức trên [x/y] là phần nguyên của phép chia x/y. Tính niên kỷ Julius, thêm giờ, phút, giây theo UT: JD= JDN + (giờ - 12)/24 + phút/1440 + giây/86400 Ngày trong tuần có thể tìm thấy từ số ngày Julius bằng việc tìm số dư trong phép chia cho 7, với 0 nghĩa là thứ 2. Lịch sử Số ngày Julius đã được dựa trên chu kỳ Julius đề xuất bởi Joseph Scaliger năm 1583, vào thời lịch Gregory mới xuất hiện: 15 (chu kỳ Thập Ngũ) × 19 (chu kỳ Meton) × 28 (chu kỳ Mặt Trời) = 7980 năm Ngày khởi nguyên của chu kỳ này là lần cuối cùng cả ba chu kỳ ở năm đầu tiên — Scaliger chọn thời điểm khởi nguyên này vì nó xuất hiện sớm hơn mọi sự kiện lịch sử và thiên văn đã biết thời đó. Scailger chọn tên Julius vì nó hợp với tên lịch Julius đang sử dụng thời ông. Trong quyển Outlines of Astronomy, xuất bản lần đầu năm 1849, nhà thiên văn John Herschel đã viết: Năm đầu tiên của chu kỳ Julius, cũng là năm số 1 của 3 chu kỳ thành phần, là vào năm 4713 TCN, và giữa trưa ngày 1 tháng 1 của năm đó, đối với kinh tuyến đi qua Alexandria, là thời điểm khởi nguyên, để xác định các sự kiện lịch sử, bằng việc tính số nguyên ngày giữa thời điểm khởi nguyên và giữa trưa (đối với Alexandria) của ngày. Thiên đỉnh của Alexandria được chọn vì Ptolemy đã dựa vào nó khi đề xuất kỷ nguyên Nabonassar, cơ sở của mọi tính toán của ông. Các nhà thiên văn đã chọn ngày Julius của Herschel vào cuối thế kỷ 19, nhưng chọn kinh tuyến Greenwich thay cho Alexandria, sau khi Greenwich được chọn làm kinh tuyến gốc bởi một hội nghị quốc tế năm 1884. Ngày Julius bắt đầu vào giữa trưa vì vào thời Herschel đề xuất nó, các ngày trong thiên văn học đều bắt đầu vào giữa trưa. Việc chọn thời điểm giữa trưa để bắt đầu tính ngày đã có từ thời Ptolemy. Ông đã chọn giữa trưa vì Mặt Trời đi qua kinh tuyến của người quan sát luôn vào cùng thời điểm trong mọi ngày quanh năm, khác với thời điểm Mặt Trời mọc hay Mặt Trời lặn có thể thay đổi tùy mùa đến vài giờ. Giữa đêm đã không được chọn vì nó đã không thể được tính chính xác nếu chỉ dùng đồng hồ nước. Hơn nữa, nếu ngày bắt đầu từ giữa trưa, các quan sát trong đêm có thể chỉ cần ghi vào một ngày, vì cả buổi đêm nằm gọn trong một ngày (các quan sát trong đêm của Ptolemy đều phải ghi hai ngày, theo ngày Ai Cập, bắt đầu từ rạng đông, và ngày Babylon, bắt đầu lúc hoàng hôn). Việc chọn mốc giữa trưa được dùng cho nhiều quan sát thiên văn đến tận năm 1925. Xem thêm Lịch Julius Năm Julius Lịch Gregory Tham khảo (bằng tiếng Anh) Gordon Moyer, "The Origin of the Julius Day System," Sky and Telescope 61 (April 1981) 311-313. Explanatory Supplement to the Astronomical Almanac, edited by P. Kenneth Seidelmann. University Science Books, 1992. ISBN 0-935702-68-7 Liên kết ngoài U.S. Naval Observatory Julius Date Converter Julius Day and Civil Date calculator U.S. Naval Observatory Time Service article Outlines of Astronomy by John Herschel International Astronomical Union Resolution 1B: On the Use of Julius Dates Open-source date conversion software Lịch Julius Lịch thiên văn Niên đại học Cơ học thiên thể Thời gian trong thiên văn học
7107
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ng%C6%B0%E1%BB%9Di%20%C4%91%C3%A0n%20b%C3%A0%20ngo%E1%BA%A1i%20t%C3%ACnh%20%28T%C3%A2n%20%C6%AF%E1%BB%9Bc%29
Người đàn bà ngoại tình (Tân Ước)
Câu chuyện Người đàn bà ngoại tình (Pericope Adulteræ) theo truyền thống là tên được đặt cho đoạn Phúc âm Gioan 7:53-8:11 . Đoạn văn ghi lại ý định ném đá một phụ nữ bị cáo buộc về tội ngoại tình của những người thuộc phái Pharisêu, và Chúa Giêsu nêu lên quan điểm về vụ việc này qua câu nói: "Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi." Văn bản Theo bản dịch của Nhóm Phiên dịch Các giờ kinh Phụng vụ: Còn Đức Giê-su thì đến núi Ô-liu. Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ. Lúc đó, các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Đức Giê-su một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa, rồi nói với Người: "Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao ?" Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người. Nhưng Đức Giê-su cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: "Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi." Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Đức Giê-su, và người phụ nữ thì đứng ở giữa. Người ngẩng lên và nói: "Này chị, họ đâu cả rồi ? Không ai lên án chị sao ?" Người đàn bà đáp: "Thưa ông, không có ai cả." Đức Giê-su nói: "Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu ! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa !" Ý nghĩa Qua câu nói: "Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi" (Ga 8:7), Chúa Giê-su muốn hướng con người nhìn về tâm hồn mình, để họ nhận biết tội lỗi bản thân và ăn năn trước khi kết tội anh em đồng loại. Hơn nữa việc kết tội không thuộc quyền của con người mà là đặc quyền của Thiên Chúa. Chỉ có Thiên Chúa mới có thẩm quyền kết án con người. Khi con người kết án anh em mình là lúc họ đặt mình ngang quyền với Thiên Chúa là Đấng Tạo dựng muôn vật. Khi bàn về câu truyện này, thánh Augustinô dùng hai từ bằng tiếng La tinh là Miseria và misericordia (Khổ đau và lòng thương xót) bởi vì "Thiên Chúa sai Con của Ngài đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Ngài mà được cứu độ" (Ga 3,17) và theo nghị quyết của Công đồng Vatican II: "Người Ki Tô hữu có bổn phận nặng nề, phải hợp tác với tất cả những người khác trong việc xây dựng một thế giới xứng đáng với nhân phẩm con người hơn" (Gaudiumet Spes, 57) . Phóng tác Đoạn văn này thường được dùng trong các phóng tác phim về các Tin Mừng. Nhiều danh họa đã minh họa cho câu chuyện này, trong số đó có Giovanni Francesco Barbieri (Guercino), Pieter Bruegel il Vecchio, Antoine Caron, Lucas Cranach the Elder, Nicolas Poussin, Jacopo Tintoretto,... Đây cũng là nội dung của bài hát Chuyện người đàn bà 2000 năm trước của Song Ngọc, trong đó có những câu sau: "...Nhìn người đàn bà đang chịu tội chết Đống đá ngổn ngang. Chờ ai? Chờ tay người ném chết một người không hận thù. Người ơi, vì đâu đọa đày nhau ?! "Ai... người vô tội ? Ai... người không tội ? Hãy mạnh tay ném đá, ném đá, ném trước đi, còn đợi gì ? Ai... người vẹn toàn ? Ai... người trong sạch ?Còn chờ chi ? Ném chết ném chết, ném chết tội đồ nhân gian...!'' Chuyện người đàn bà 2000 năm trước Sách cổ đã ghi: đống đá còn nguyên...." Nhạc sĩ Song Ngọc đã khéo léo dùng những chữ tương phản như "Thế giới hiền lương / ánh mắt cuồng căm" và đặt câu hỏi, có phải vì người đời giả dối, sợ phải đối mặt với tòa án lương tri với tội của chính mình nên đã lẵng lặng bỏ đi: "Vì người vô tội hay đời giả dối ? Thế giới giả nhân ? Chào thua ! Người ơi, Tình ơi ! Ai tội đồ ? Ai tỉnh ngộ ?...". Nhưng dù sao thì "cũng vậy thôi", và câu chuyện vẫn có kết thúc tốt đẹp và câu hỏi dành riêng cho lương tâm mỗi người. Chú thích Liên kết ngoài N Người Tân Ước Nữ giới trong Tân Ước Câu chuyện trong Tân Ước Giáo lý và lời dạy của Chúa Giêsu Phúc Âm Gioan Nữ giới trong Kinh Thánh
7109
https://vi.wikipedia.org/wiki/C%C3%A1c%20M%E1%BB%91i%20ph%C3%BAc
Các Mối phúc
Các Mối Phúc (Beatitudes) hay Tám Mối Phúc thật là phần trọng tâm, được biết đến nhiều nhất và yêu thích nhất của Bài giảng trên núi, được ký thuật trong các sách Phúc âm Matthew và Phúc âm Luca. Trong đó, Chúa Giê-su miêu tả các phẩm chất của người được hưởng Nước Thiên đàng, tuần tự từng phẩm chất một. Được xem là các đặc điểm của người được Thiên Chúa chúc phúc, không nên xem xét các phước hạnh này theo tiêu chuẩn "trần thế", nhưng khi được nhìn xem từ quan điểm của thiên đàng, chúng thật sự là các chân phúc (mối phúc thật). Các mối phúc, theo nguyên ngữ Hi văn, nên được hiểu là "niềm vui thoả tận đáy lòng mà không phụ thuộc vào hoàn cảnh sống". Các mối phúc đã sớm được trích dẫn trong Phụng vụ Thánh thiêng (Divine Liturgy) của John Chrysostom, đến nay vẫn được xem là giáo nghi được yêu thích nhất của Giáo hội Chính thống Đông phương. Trích dẫn các Tin mừng Trong khi Mat-thêu ghi lại Tám mối phúc thật thì Luca lại ghi lại bốn chúc lành và bốn chúc dữ Mat-thêu 5.2-12 Người mở miệng dạy họ rằng: Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó vì Nước Trời là của họ. Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp. Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an. Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng. Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương. Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa. Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Luca 6.20-26 Đức Giê-su ngước mắt lên nhìn các môn đệ và nói: Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em. Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng. Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười. Phúc cho anh em khi vì Con người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa. Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế. Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi. Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói. Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than. Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế. Đọc thêm Chúa Giê-su Bài giảng trên núi Người Samaria nhân lành Người con trai hoang đàng Người đàn bà ngoại tình Tham khảo Chúa Giê-su Tân Ước Kitô giáo Từ ngữ trong Tân Ước C Câu nói của Chúa Giêsu
7193
https://vi.wikipedia.org/wiki/Panduranga
Panduranga
Panduranga (tiếng Hindi: पाण्डुराग / Pāṇḍuraṅga ; chữ Hán: 潘朧 / Phan-lung, 潘郎 / Phan-lang, 環王 / Hoàn-vương) là một tiểu quốc tồn tại trong giai đoạn 757 - 1832, tương ứng khu vực hiện nay là Ninh Thuận và Bình Thuận. Panduranga được biết đến là xứ Champa có cương vực rộng nhất và tồn tại sau cùng, khi vương quốc Chămpa bị người Việt triệt phá vào các năm 1471 và 1653. Lịch sử Lịch sử Chăm Pa thời kỳ đầu qua các sử liệu và bia ký chỉ cho thấy những thông tin ở miền Bắc tại vùng Amaravati và Vijaya. Thông tin về các địa khu/tiểu quốc phía nam như Panduraga và Kauthara nhắc tới muộn hơn. Có những công trình nghiên cứu cho rằng trước khi hợp nhất vào Lâm Ấp, Panduranga là vùng lãnh thổ chư hầu của vương quốc Phù Nam. Sau sự sụp đổ của các vương triều phía bắc trong thời kỳ Lâm Ấp, vào năm 757 một vương triều mới ở phía Nam lên nắm quyền kiểm soát toàn Chăm Pa, với kinh đô là Virapura, trong thời kỳ tiểu quốc Panduranga. Virapura nói riêng và Panduranga nói chung thực sự là trung tâm quyền lực của vương quốc, và đến năm 859 mới kết thúc vai trò trung tâm của mình đến thế kỷ 15. Tuy nhiên với thời gian, Panduranga lại trở thành nạn nhân của sự thịnh vượng, các thế lực lân bang liên tục tràn vào cướp phá. Trong suốt 21 năm, từ 854 đến 875, quân của đế quốc Angkor đã nhiều lần tiến đánh Panduranga, chiếm nhiều vùng đất rộng lớn dọc tả ngạn sông Đồng Nai, đôi khi còn băng qua cao nguyên Langbian, đột nhập vào lãnh thổ Panduranga cướp phá. Vikrantavarman III mất năm 854 (được thờ dưới pháp danh Vikrantasvara), không người kế tự, nội bộ triều đình xảy ra tranh chấp. Năm 859, một vương tôn có nhiều chiến công, tên là Laksmindra Bhumisvara Gramasvamin, được triều thần đưa lên ngôi, hiệu Jaya Indravarman II. Quốc hiệu Campapura (đất nước của người Chăm -theo tiếng Phạn cổ) được Indravarman II chính thức sử dụng. Sử sách Trung Hoa phiên âm là Changcheng hoặc Chiêm Thành hoặc Chiêm Bà, tiếng Tây phương là Champa. Từ năm 1471, sau khi kinh đô Vijaya thất thủ trước Đại Việt, Chăm Pa mất các lãnh thổ miền bắc từ đèo Cù Mông trở ra. Người Chăm tập trung quay về khu vực phía Nam với vương quốc mới là Panduranga, từ lúc đó địa khu Panduranga lại trở thành trung tâm hành chính của người Chăm tới năm 1832 khi nhà Nguyễn xóa hẳn quy chế tự trị. Tiểu quốc Panduranga thành lập năm 757 như một hệ quả của sự phân rã quốc gia Lâm Ấp. Địa phận của Panduranga có thể giới hạn trong khu vực tỉnh Ninh Thuận ngày nay. Nó độc lập cho đến năm 859 thì thống nhất với 4 tiểu quốc khác để thành hình quốc gia Chăm Pa, tuy nhiên tính tự trị vẫn được nguyên vẹn. Nước này định đô tại Virapura (Hùng Tráng thành), sau là thôn Palai Bachong, xã Hòa Trinh, huyện An Phước, tỉnh Ninh Thuận, nay là xã Phước Nam, huyện Thuận Nam, trên quốc lộ 1, cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 310 km. Tiểu quốc Panduranga được xem là tiền thân của vương quốc Panduranga, thành lập năm 1471, với một số biến đổi về cương vực và dân số. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, sau khi Lê Thánh Tông cho sáp nhập vùng đất phía bắc Chăm Pa thành đạo Quảng Nam. Đó là phần đất từ phía Nam sông Thu Bồn đến phía Bắc đèo Cù Mông (tức là vùng Thừa tuyên Quảng Nam thời Lê, xứ Quảng Nam thời Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận - Quảng). Một vị tướng của Chăm Pa là Bố Trì Trì lui về Phan Rang tên ngôi vua và cai quản phần lãnh thổ còn lại từ đèo Cả tới Bình Thuận với danh nghĩa là chư hầu của Đại Việt. Phần đất này được chia làm ba vùng: Đại Chiêm, Nam Bàn và Hoa Anh . Trong đó, Đại Chiêm lả lãnh thổ của Champa bao gồm tiểu quốc Kauthara, Panduranga và sau này còn có thêm tiểu quốc Aiaru ở phía Bắc Kauthara, tức là lãnh thổ của nước Hoa Anh trước kia. Năm 1579, Nguyễn Hoàng sai tướng là Lương Văn Chính tiến đánh nước Hoa Anh (Phú Yên ngày nay). Tới năm 1611, Nguyễn Hoàng trấn thủ xứ Đàng Trong tiếp tục tấn công Panduraga-Chăm Pa và sáp nhập vùng Phú Yên vào lãnh thổ Đàng Trong. Tới năm 1653, Nguyễn Phúc Tần tấn công và sáp nhập vùng Khánh Hòa vào lãnh thổ Đàng Trong. Năm 1594, một vị vua Chăm gửi đoàn hạm đội sang Malaysia giúp vương quốc Johor chống lại Bồ Đào Nha. Năm 1693, tướng Nguyễn Hữu Cảnh tiếp tục tấn công và sáp nhập vùng lãnh thổ còn lại là Ninh Thuận và Bình Thuận. Tuy nhiên do sự kháng cự của người Chăm đồng thời các chúa Nguyễn cũng muốn tập trung nguồn lực cho việc tấn công Campuchia nên đã rút lui và dành cho chính quyền người Chăm chế độ tự trị. Từ năm 1828-1832, chính quyền Chăm Pa là đồng minh của tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt trong cuộc tranh chấp với Minh Mạng. Năm 1832, Minh Mạng chấm dứt sự tự trị của người Chăm sau khi cho thành lập tỉnh Bình Thuận trên vùng đất cuối cùng này. Triều đại Thời kỳ Hoàn Vương (757 - 859) Prithi Indravarman:757 - 774 Hoàn Vương quốc ra đời sau một cuộc thay đổi quyền lực ở Lâm Ấp, vương quốc vốn tồn tại tại vùng này trước đó. Năm 757, một tiểu vương ở phía nam Lâm Ấp nổi lên hạ bệ Bhadravarman II - nhà vua trẻ của Lâm Ấp vừa lên ngôi - rồi tự xưng vương, hiệu Prithi Indravarman, chấm dứt dòng Gangaraja phía bắc. Theo bia ký đọc được, Prithi Indravarman là người đã thống nhất lãnh thổ Chăm pa một cách chính danh nhất, vì được triều thần công nhận là "người thống lãnh toàn bộ đất nước như Indra, thần của các vị thần". Tuy đất nước đã được thống nhất, lãnh thổ này vẫn chưa có tên. Khi sang Trung Hoa triều cống, không biết sứ thần của Prithi Indravarman đã giải thích như thế nào mà sử liệu cổ Trung Hoa đặt tên lãnh thổ mới của người Chăm trong thời kỳ này là Hoàn Vương quốc (tức vương quyền trở về quê cũ). Việc làm đầu tiên của Prithi Indravarman là dời kinh đô Sinhapura (thành phố sư tử tức Trà Kiệu, Quảng Nam ngày nay) về Virapura. Dưới thời Prithi Indravarman, văn minh và văn hóa Ấn Độ từ phía nam đưa lên lấn át toàn bộ sinh hoạt của người Chăm phía bắc; tiếng Phạn được phổ biến rộng rãi trong giới vương quyền và các nơi thờ phụng; đạo Bà la môn được đông đảo người theo; đạo Phật nguyên thủy Thượng toạ bộ (Theravada) phát triển mạnh trong dân gian; đền đài, dinh thự và chùa tháp được xây dựng lên khắp nơi, nhiều nhất là tại Khu Lật (Huế), Amavarati (Mỹ Sơn), Sinhapura (Trà Kiệu)... để tạ ơn thần linh. Tuy vậy nguyên tắc tự trị của các tiểu vương quốc phía bắc vẫn được tôn trọng, vì không thấy di ảnh hay hình tượng nữ thần Bhagavati - vị thần bảo hộ Panduranga được Prithi Indravarman chọn làm "Bà Mẹ xứ sở" để dân chúng thờ phụng – trong các di tích khảo cổ trên lãnh thổ phía bắc. Ngôi tháp bằng gỗ trước kia thờ nữ vương Jagadharma (646-653) được Prithi Indravarman cho xây dựng lại bằng vật liệu cứng tại Aia Trang (Nha Trang), trên một ngọn đồi cao cạnh cửa sông Cái (Xóm Bóng), để thờ tượng nữ thần Bhagavati (bằng vàng). Tháp này về sau được biết dưới tên Po Nagar, hay Tháp Bà. Prithi Indravarman là một quân vương tài giỏi, đất nước thái bình và rất phồn vinh. Sự giàu có của Hoàn Vương quốc hấp dẫn các vương quốc lân bang, đặc biệt là Srivijaya (Palembang), Malayu (Malaysia), Javadvipa (Java), Nagara Phatom (Thái Lan), Sriksetra (Miến Điện) và Angkor (Chân Lạp); họ đến để trao đổi hoặc chờ dịp cướp phá. Năm 774, quân Nam Đảo (người Java và Mã Lai) từ ngoài khơi đổ bộ vào Kauthara và Panduranga, chiếm Virapura. Vua Prithi Indravarman đã chống trả lại mãnh liệt nhưng bị chết trong đám loạn quân (sau này được dân chúng tôn thờ dưới pháp danh Rudraloka). Một bia ký đọc được ở tháp Po Nagar ghi "những người đen đủi và gầy yếu từ miền xa đến, ăn những thức ăn khủng khiếp hơn xác chết, lại có tính hung ác. Bọn người này đến cướp đi tượng linga của thần Sri Sambhu, đốt phá đền thờ [Po Nagar]". Sau cuộc tấn công này quân Nam Đảo cướp đi rất nhiều báu vật, trong đó có tượng nữ thần Bhagavati bằng vàng. Satyavarman:774 - 786 Ngay khi Prithi Indravarman vừa tử trận, một người cháu gọi ông bằng cậu tên là Cri Satyavarman được hoàng tộc tôn lên thay thế. Nhưng vừa lên ngôi, Satyavarman đã cùng hoàng tộc chạy lên miền bắc (Bình Định) lánh nạn. Tại đây, vua được cộng đồng người Chăm và người Thượng địa phương (Ba Na, Hrê) giúp thành lập một đạo quân hùng mạnh tiến xuống Kauthara tấn công quân Nam Đảo. Trước uy lực của Satyavarman, quân Nam Đảo lên thuyền bỏ chạy ra khơi, tân vương dẫn hoàng gia về lại Virapura. Tại đây, nhà vua xây thêm một cung điện mới trong thành Krong Laa và không ngờ đã sáng chế ra một phong tục mới mà các đời vua sau bắt chước theo, đó là tục trồng cây Kraik, biểu tượng của hoàng gia, trước cung điện. Đền Po Nagar, bị quân Nam Đảo phá hủy, được Satyavarman cho dựng lại bằng gạch, năm 784 thì hoàn thành và tồn tại cho tới ngày nay. Năm 786, Satyavarman mất (được dân chúng thờ phụng dưới pháp danh Isvaraloka), em trai út của ông được hoàng tộc đưa lên ngôi, hiệu Indravarman I(còn gọi là Nhân Đà La Bạt Ma) (786-801). Indravarman I: 786 - 801 Hay tin Satyavarman chết, năm 787, quân Java từ ngoài khơi lại tràn vào Virapura cướp phá, sát hại rất nhiều binh sĩ và dân chúng, phá tháp Hòa Lai thờ thần Bhadradhipatisvara tại phía Tây thành Virapura (gần Phan Rang ngày nay). Quân Nam Đảo chia ra làm hai nhóm, một nhóm bắt theo nhiều phụ nữ cùng báu vật chở về nước, một nhóm khác chiếm giữ Panduranga. Đến năm 799, Indravarman I mới đuổi được quân Nam Đảo ra khơi để kiến thiết lại xứ sở. Tại Virapura, nhà vua xây lại tháp Hòa Lai bằng ba tháp mới, gọi là Kalan Ba Tháp, thờ các thần Indrabhadresvara, Sankara và Narayana. Indravarman I dẹp yên được giặc giã nổi lên từ khắp nơi, như tại Candra (phía Bắc), Indra (Đông Bắc), Agni (Đông), Yama (Đông Nam), quan trọng nhất là loạn Yakshas (Nam). Yakshas là những bộ lạc người Thượng cư ngụ trên lãnh thổ đế quốc Angkor chứ không phải là quân Khmer. Harivarman I: 801 - 817 Đầu thế kỷ thứ 9, Indravarman I mất, em rể là hoàng thân Deva Rajadhiraja lên thay, hiệu Harivarman I (Kha Lê Bạt Ma). Trong hai năm đầu tân vương dồn mọi nỗ lực xây dựng lại đất nước và phục hồi thế lực quân sự. Để nhận thêm sự ủng hộ của quần chúng, nhà vua sai tể tướng Senapati Pangro trùng tu lại tháp Po Nagar vào năm 817 và xây thêm hai tháp mới cạnh tháp chính, một ở hướng Nam và một ở hướng Tây Bắc để dân chúng đến chiêm bái tượng nữ thần Bhagavati, được tạc lại bằng đá hoa cương. Sau những cố gắng vượt bực, Hoàn Vương quốc hưng thịnh trở lại, Harivarman I quyết định tấn công những quốc gia đã cướp bóc đất nước trước đó. Tháng 1 năm 803, quân Chăm tấn công châu Hoan (Tỷ Cảnh, nay là Nghệ An) và châu Ái (Hải Âm, nay là Thanh Hóa), mang về rất nhiều phẩm vật. Với lượng lúa gạo mang về từ miền bắc, thủy quân Hoàn Vương quốc xuất dương trừng phạt vương quốc Kelantan ở Java và Patani ở Malaysia. Khi trở về, nhà vua cho người lên miền núi mộ thêm binh sĩ. Với đạo quân này, hai lần (năm 803 và 817), Harivarman I tiến vào cao nguyên Đồng Nai thượng, đánh bại quân Khmer và kiểm soát một vùng đất rộng lớn. Để có thêm nguồn lương thực, năm 808, Harivarman I đem quân đánh chiếm châu Hoan và châu Ái lần nữa, nhưng bị thái thú Trương Châu đánh bại: 59 người trong hoàng tộc bị bắt sống, nhiều thớt voi, tàu chiến và quân trang quân dụng bị tịch thu, hơn 30.000 người bỏ xác tại trận. Qua năm sau, năm 809, Harivarman I tái chiếm châu Hoan và châu Ái một cách dễ dàng và mang về rất nhiều phẩm vật. Vikrantavarman III: 817 - Con trai Harivarman I là tiểu vương đất Panduranga lên kế vị năm 817, hiệu Vikrantavarman III (Thích Lợi Tì Kiên Đà Bạt Ma). Vì tân vương còn nhỏ tuổi, triều thần phong tể tướng Senapati Par, tiểu vương đất Manidhi làm phụ chính. Viên tể tướng này đã tổ chức nhiều cuộc tấn công vào lãnh thổ Kambujas (Campuchia ngày nay), do vua Jayavarman II cai trị, phá nhiều thành trì Khmer trên cao nguyên Đồng Nai thượng. Để tạ ơn Bà Mẹ Xứ Sở, trong khuôn viên Po Nagar, Senapati Par cho xây thêm hai tháp mới về phía tây và tây nam, thời gian sau xây thêm ba tháp khác: một tại khu trung tâm thờ Sri Shambu, một phía Tây Bắc thờ Shandhaka và một phía Nam thờ Ganesha. Mặc dù vậy, trung tâm chính trị và tôn giáo vẫn được duy trì tại Virapura, thủ phủ Panduranga. Dưới thời Vikrantavarman III, Hoàn Vương quốc là một đất nước phồn thịnh, quân đội hùng mạnh. Một bia ký, tìm được tại tháp Po Nagar, miêu tả Vikrantavarman III như sau: "[Người] đeo những dây vàng có đính ngọc trai và ngọc bích, giống như mặt trăng tròn đầy đặn, che một chiếc lọng trắng bao phủ cả bốn phương trời bởi vì lọng còn sâu hơn cả đại dương, thân thể [Người] trang sức phủ kín bởi vương miện, đai, vòng, hoa tai, những tràng hồng ngọc... bằng vàng, từ đó phát ra ánh sáng giống như những cây leo [sáng lấp lánh]". Thư tịch cổ Trung Hoa (Cựu Đường thư) miêu tả thêm: "[Vua] mặc áo cổ bối bạch diệp... trên đeo thêm trân châu, dây chuyền vàng làm thành chuỗi...". Đẳng cấp quý tộc và phụ nữ cung đình cũng đeo trang sức quý: "Phu nhân mặc vải cổ bối triệu hà... mình trang sức dây chuyền vàng, chuỗi ngọc trai" hay "... quân đội được trang bị nhiều loại vũ khí khác nhau...". Thời kỳ 859 - 1471 Thời kỳ này Panduranga được cai trị bởi các vua Chăm Pa từ Simhapura (Trà Kiệu) và Vijaya (Đồ Bàn). Panduranga nhiều lần bị đế chế Khmer xâm chiếm. Po Klong Garai Là vua Chăm Pa có gốc Panduranga, ông cai trị trong khoảng 50 năm, Po Klong Garai đã có công lãnh đạo dân tộc Chăm đương cự với ngoại xâm, bình ổn đất nước và phát triển nông nghiệp, được người Chăm suy tôn như vị thần thủy lợi. Thời kỳ 1471 - 1692 Sau khi bị Đại Việt chinh phục năm 1471, nhóm hoàng tộc Chăm từ Nam Bàn (từ Quảng Nam đến Đồ Bàn) do Bố Trì Trì là cháu của Trà Toàn chạy về Nam Chăm Pa lánh nạn và tranh chấp quyền bính với các dòng vương tôn địa phương tại Phan Rang (Virapura). Dân chúng địa phương được kêu gọi không thừa nhận dòng họ Bố Trì Tri (Jayavarman Mafoungnan) vì chỉ là cấp thừa hành của các tiên vương. Dòng họ Bố Trì Tri không trị vì lâu. Năm 1478, Bố Trì Tri mất em là Koulai lên thay nhưng bị ám sát năm 1505. Con Koulai kế nghiệp và trị vì đến 1530 thì mất. Kể từ sau ngày đó con cháu dòng vương tôn Nam Bàn được hoàng triều và dân chúng tôn lên làm vua. Con Trà Toại, em của Trà Toàn vua cuối cùng của Vijaya, là hoàng thân Po Krut Drak được tôn lên làm vua kế nghiệp Chakou Poulo cai quản xứ Panduranga. Bố Trì Trì - Jayavarman Mafoungnan (1471-1494) Po Kabih (1494-1530) Po Krut Drak (1530-1536) Po Maha Sarak (1536-1541) Po Kunarai (1541-1553) Po At (1553-1579) Po Klong Halau (1579-1603) Po Nit (1603-1613) Po Chai Paran (1613-1618), em vua Po Nit - sau khi bị mất vùng Phú Yên, đã dời kinh đô Bal Chon. Phan Rang về phía nam ở Phan Rí (Panrik), kinh đô mới có tên là Bal Canar. Bal Canar cũng là kinh đô cuối cùng của Chăm Pa chấm dứt vai trò vào năm 1832 Po Ehklan (1618-1622) Po Po Klong Menai (Mahataha) (1622-1627), cướp ngôi từ Po Ehklan Po Rome (1627-1651), con rể của Po Mahataha, sau bị nhà Nguyễn bắt đem về và chết ở Phú Xuân sau trận chiến vào năm 1651 Po Nraup (1651-1653) – Bà Tấm Po Thot (1653-1659), lúc này Chăm Pa mất thêm vùng Khánh Hòa, chỉ còn lại Ninh Thuận và Bình Thuận Po Sout (1659-1692) - Bà Tranh, bị bắt đưa về Phú Xuân sau trận chiến với nhà Nguyễn năm 1692 và chết năm 1694 Thuận Thành trấn (1693 - 1832) Trước sức ép nam tiến của người Việt, tới năm 1693 tướng Nguyễn Hữu Cảnh đã tấn công và sáp nhập vùng đất cuối cùng của chính quyền Chăm Pa vào lãnh thổ xứ Đàng Trong, tuy nhiên từ năm 1693-1697 người Chăm đã kháng cự mãnh liệt đồng thời chính quyền Đàng Trong cũng muốn dành nguồn lực cho việc chinh phạt Chân Lạp nên tới năm 1697 đã trả lại quyền hành cho các vua người Chăm, nhưng đổi tên trong văn bản thành Trấn Thuận Thành, hay Thuận Thành trấn. Trấn Thuận Thành là một lãnh thổ tự trị và đồng thời là chư hầu của chính quyền Đàng Trong. Kinh đô đặt ở Băl Canar, nay thuộc tỉnh Bình Thuận. Trong chiến tranh Tây Sơn, Thuận Thành trấn là chiến trường nơi tranh chấp giữa nhà Tây Sơn và Nguyễn Ánh. Từ năm 1794, đất Panduranga được xem như một tiền đồn của chúa Nguyễn nhằm ngăn bước tiến của quân Tây Sơn vào đất Gia Định - thủ phủ của quân Nguyễn bấy giờ. Tuy nhiên từ năm 1828-1832, chính quyền Chăm Pa ở đây nằm dưới sự bảo hộ của tổng trấn Gia Định là Lê Văn Duyệt. Sau khi Lê Văn Duyệt chết, vua Minh Mạng đã xóa bỏ chế độ tự trị của người Chăm và thành lập tỉnh Bình Thuận. Chính quyền cuối cùng của Thuận Thành trấn nói riêng, và Chăm Pa nói chung, kết thúc từ đấy. Vương quốc Chămpa không còn tồn tại nữa sau năm 1832. Po Saktiray daputih (1693-1728) - Kế Bà Tử - em ruột của vua Po Sout, từ năm 1697 nhà Nguyễn tấn phong làm Thuận Thành vương Po Jinah Depatih (1728-1731), cháu của Kế Bà Tử Po Rattirai Depatih (1731-1760), cháu của Kế Bà Tử Po Ladhun Dapaguh (1760-1799) Po Saong Nhung Ceng (1799-1822) Po Klan Thu (1822-1828) Po Phaok The (1828-1832) Các vua Panduranga Đặc trưng Panduranga cùng với Kauthara là hai địa khu của bộ tộc Cau sinh sống, một trong hai bộ tộc chính hình thành nên người Chăm sau này, tại Panduranga sớm hình thành các đô thị ven biển mà người chăm vốn lành nghề về hàng hải. Các đô thị vẫn còn tồn tại đến ngày nay tại Việt Nam với các tên gọi chuyển sang Hán Việt như: Parang thành Phan Rang, Panrik thành Phan Rí, Pajai thành Phan Thiết. Các công trình kiến trúc về tôn giáo như các tháp Chăm được xây dựng liên tục qua các thời kỳ, từ thế kỷ 8 đến thế kỷ 17. Các tháp Po Nagar (ở thế kỷ 8), tháp Hòa Lai, tháp Phú Hài, tháp Po Dam (thế kỷ 9), tháp Po Klaung Garai (thế kỷ 13), tháp Po Rome (thế kỷ 17). Panduranga là địa khu cuối cùng của người Chăm trước khi bị sáp nhập hoàn toàn vào Việt Nam năm 1832. Vì thế hiện nay, số lượng người Chăm tập trung và sinh sống ở đây nhiều nhất nước. Các khu vực đông người Chăm sống là các làng ở Phan Rang, Ninh Phước, Ninh Hải tỉnh Ninh Thuận các làng ở Bắc Bình, Tuy Phong tỉnh Bình Thuận. Hiện nay người Chăm ở đây đang còn khoảng 100.000 người và vẫn giữ lại được các tập tục cổ xưa. Xem thêm Thủy chiến Tonlé Sap Biên niên ký chính phủ Panduranga Thuộc địa Liên bang Đông Dương Tham khảo Tài liệu Đổng Thành Danh, Nhìn lại ‘Bá quyền Panduranga’ và bối cảnh miền Nam Champa thế kỷ 8-9, tạp chí Nghiên cứu quốc tế, 26 tháng 12 năm 2020. Tư liệu Lịch sử - khảo cứu Panduranga Hạn hán - lời cảnh báo từ vùng đất Panduranga
7195
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%E1%BA%BF%20B%E1%BB%93ng%20Nga
Chế Bồng Nga
Po Binasuor hay còn được biết đến rộng rãi hơn với tên gọi Chế Bồng Nga (Hán-Việt: 制蓬峩, ? - 23 tháng 1 năm 1390 ÂL), theo cách gọi của người Ê Đê và Giarai tại vùng Tây Nguyên là R'čăm B'nga (Anak Orang Cham Bunga, nghĩa là "Bông hoa ánh sáng của người Champa") Bhinethuor, Che Bunga hay A Đáp A Giả (chữ Hán: 阿荅阿者, Ngo-ta Ngo-che) trong các tài liệu Trung Hoa, là tên hiệu của vị vua thứ ba thuộc vương triều thứ 12 (tức là vị vua đời thứ 39) của nhà nước Chiêm Thành. Là một vị vua kiệt xuất, có tài võ bị, trong thời gian cầm quyền, ông đã chấn hưng nhà nước Chiêm Thành từ một quốc gia suy đồi trở nên hùng mạnh. Trong giai đoạn 1367–1389, ông từng 12 lần đưa quân Bắc phạt Đại Việt nhằm tái chiếm các vùng đất Châu Ô và Châu Lý vốn được chuyển giao sang chính quyền Đại Việt trong thời gian cai trị của vua Chế Mân. Năm 1377, vua Trần Duệ Tông dẫn đại quân phản công vào đất Chiêm. Chế Bồng Nga nhử quân Đại Việt đến thành Đồ Bàn, rồi đổ phục binh ra giết vua Trần Duệ Tông cùng phần lớn quân Việt. Thắng lợi này khiến triều đình Đại Việt khiếp đảm, sau này hễ Chế Bồng Nga bắc tiến là thượng hoàng Trần Nghệ Tông, các vua Trần sau Duệ Tông, và bình chương Lê Quý Ly bỏ kinh thành chạy dài. Trong cuộc chiến này, ông đã có tổng cộng 3 lần đánh vào tận kinh đô Thăng Long. Năm 1390, ông tử trận sau khi trúng phải đạn tại trận Hải Triều. Cái chết của ông khép lại một trang hùng sử trong lịch sử Chăm Pa. Chế Bồng Nga được xem là vị vua vĩ đại cuối cùng của vương quốc Chăm Pa vì sau khi ông mất, nước Chăm không còn quật khởi như trước được nữa. Sự nghiệp Chế Bồng Nga là con trai út của vua Chế A Năng với húy Zainal Abidin. Sau khi Chế A Năng chết, con rể là Trà Hòa giành được ngôi vua. Sau khi vua Trà Hòa mất, Chế Bồng Nga được quần thần tôn làm kế vương. Đánh Đại Việt Sau khi lên ngôi được một thời gian, Chế Bồng Nga nhận thấy quân đội nhà Trần không còn hùng mạnh như trước nên có ý muốn đưa quân Bắc phạt. Năm 1361, Chế Bồng Nga đem quân đi theo đường biển tiến đánh cửa biển Dĩ Lý (thuộc tỉnh Quảng Bình ngày nay) khiến quan quân Đại Việt phải bỏ chạy. Quân Chiêm cướp phá và tàn sát dân chúng rồi quay trở ra biển. Vua Trần Dụ Tông lập tức ra lệnh cho phòng thủ. Đến năm sau, người Chăm lại sang quấy phá Hóa châu, đốt cháy nhiều nhà cửa. Vua Trần sai Đỗ Tử Bình đem binh chống giữ, củng cố và tái tổ chức các binh đội vùng Thuận Hóa. Vào năm 1365, nhân dịp nam nữ vui chơi ngày xuân Ất Tị, người Chăm đã phục kích sẵn ở các vùng đồi núi chung quanh bất ngờ xông ra bắt cóc đám thanh niên này rồi chạy mất. Một năm sau, người Chăm tiếp tục sử dụng chiêu thức cũ nhưng tướng Trần Phạm A Song đã dự phòng trước nên phản công đánh đuổi được. Tháng giêng năm 1368, Trần Dụ Tông cử Trần Thế Hưng làm Thống quân hành khiển đồng tri, Đỗ Tử Bình làm phó, mang quân đi bình Chiêm Thành. Tháng 4 ÂL năm 1368, quân Trần tiến vào Chiêm Động (vùng Quảng Nam). Quân Chiêm đặt phục binh, quân Trần rơi vào chỗ phục kích, bị thua trận. Trần Thế Hưng bị bắt, Đỗ Tử Bình chạy thoát, mang tàn quân chạy về nước. Nhận thấy binh lực nhà Trần ngày càng sa sút, Chế Bồng Nga mới sai Mục Bà Ma đi sứ sang đòi lại đất Hóa châu nhưng không thành. Xưng thần với nhà Minh Cũng trong năm đó, bên Trung Hoa, Chu Nguyên Chương đánh đuổi được người Mông Cổ lập nên nhà Minh, xưng đế niên hiệu Hồng Vũ, đặt kinh đô ở Nam Kinh. Chế Bồng Nga sai sứ là Hổ Đô Man sang mừng đem voi, hổ và các sản vật tiến cống. Vua Minh sai Ngô Dụng, Nhan Tông Lỗ, Dương Tải đưa tiễn sứ thần Chiêm về nước, phong Chế Bồng Nga làm Chiêm Thành quốc vương, ban ấn tín, một quyển lịch Đại Thống và 50 tấm lụa thêu vàng. Trong sắc thư gửi Chiêm vương có viết: Ngày mồng bốn tháng 2 năm nay, Hổ Đô Man đến dâng cọp, voi; lòng thành của Vương, Trẫm đã hiểu rõ. Tuy nhiên lúc Hổ Đô Man chưa tới, Sứ giả của Trẫm cũng sẵn sàng trên đường đi đến nước Quốc vương. Sứ giả của Trẫm đến để báo cho Quốc vương biết rằng trước đây nước Trung Quốc bị rợ Hồ [Nguyên Mông] trộm chiếm hàng trăm năm, khiến tập tục man di đầy rẫy, phế bỏ Trung quốc phong hóa. Trẫm khởi binh trong vòng 20 năm, dẹp sạch bọn chúng, làm chủ Trung Quốc, thiên hạ bình an. Sợ các Di trong bốn phương chưa biết, nên sai Sứ giả báo tin cho các nước. Không ngờ Sứ giả nước của Vương tới trước, lòng thành thể hiện vững vàng, khiến Trẫm rất vui. Nay ban một bản lịch Đại Thống, 40 bộ y phục lụa là, lụa ỷ dệt kim tuyến; sai người đưa Sứ giả về nước. Lại dụ vương về đạo [thờ nước lớn], Vương nên phụng thờ coi như đạo trời, khiến dân Chiêm Thành yên với nghề nghiệp, Vương giữ được lộc vị truyền đến con cháu; trời đất soi xét sự cố gắng, Vương chớ xem thường. Hổ Lao Man và đám tùy tùng cũng được ban lụa là, lụa ỷ hoa văn, có phân biệt." Từ đó người Chăm hàng năm mang cống phẩm sang Trung Quốc, được vua nhà Minh cho người sang tế sơn xuyên và giám khảo các kỳ thi. Cũng vào thời đó, biển Đông có rất nhiều hải khấu hoành hành ở biển Đông, sử Minh gọi là "Nuỵ khấu" hay "Uy khấu" (Giặc Nuỵ). Minh thực lục có ghi lại: Chế Bồng Nga đem binh thuyền ra đánh chìm và cướp về hai mươi thuyền chở 31 tấn gỗ quí, liền cho người đưa sang tiến cống nhà Minh khiến vua Minh rất hài lòng, ban thưởng hậu hĩ. Ngày 12 tháng 1 năm Hồng Vũ thứ 6. Quốc vương Chiêm Thành A Đáp A Giả sai bọn bầy tôi Dương Bảo Ma Ha, Bát Đích Duyệt Văn Đán dâng biểu, cống phương vật. Lại tâu rằng bọn giặc bể Trương Nhữ Hậu, Lâm Phúc tự xưng là Nguyên soái cướp phá trên biển, bị Quốc vương đánh bại. Bọn Nhữ Hậu bị chết trôi. Bắt được 20 chiếc thuyền biển, 7 vạn cân tô mộc, cùng tên giặc Ngô Đệ Tứ đem đến hiến. Thiên tử vui lòng, mệnh ban cho Vương nước này 40 tấm lụa là, văn ỷ; cho Sứ giả 2 tấm lụa là, 4 tấm văn ỷ, 1 bộ y phục, 1 vạn 2 ngàn đồng tiền; những người đi theo được ban thưởng có phân biệt. Chiếm Thăng Long lần 1 (1371) Năm 1371, triều đình nhà Trần xảy ra nội loạn, hoàng tử Trần Phủ (tức sau này là vua Trần Nghệ Tông) lật đổ được Dương Nhật Lễ và giành lại ngôi báu. Mẹ của Nhật Lễ chạy sang Chiêm Thành xin Chế Bồng Nga đánh Đại Việt trả thù và báo cáo tình hình biên giới và sự suy yếu của nhà Trần. Được dịp, vào tháng 3 năm 1371 ÂL, Chế Bồng Nga tập trung chiến thuyền tiến vào cửa Đại An tấn công Đại Việt. Quân Chiêm vào đến Thái Tô, huyện Thọ Xương. Quân Trần chống cự không nổi. Theo sử thuật lại, ông đi thẳng vào Thăng Long "như đi vào chỗ không người", không nơi nào có quân chống giữ. Vua Nghệ Tông bỏ chạy khỏi kinh đô khiến quân Chiêm vào Thăng Long lấy hết vàng bạc châu báu, bắt cả đàn bà trẻ con rồi đốt sạch cung điện, sách vở. Tháng 3 nhuận năm 1371, Chế Bồng Nga mang quân ra đánh. Quân Chiêm vượt biển đánh vào cửa Đại An, tiến thẳng vào kinh thành Thăng Long. Ngày 27 tháng 3 ÂL, quân Chiêm tiến vào Thăng Long, cướp phá cung điện, bắt phụ nữ, lấy của cải ngọc lụa mang về. Năm sau, vua Chiêm dâng biểu viết trên vàng lá, dài hơn 1 xích, bề ngang 5 thốn, lên vua Minh đế kể tội Đại Việt, trong đó có câu: ...Ngày nay người An Nam lại đem binh sang chiếm đất chúng tôi, cướp bóc nhân dân tôi. Vì thế thần xin Bệ Hạ giúp cho chúng tôi vũ khí, nhạc khí và nhạc sư để người An Nam thấy Chiêm Thành là phiên thuộc của Bệ Hạ mà không quấy nhiễu nữa. Tuy nhiên, theo sử Việt, đây là một sự vu cáo, vì nhà Trần không hề động binh trong thời kỳ này, và chủ đích của Chế Bồng Nga là cốt sao nhà Minh để yên cho người Chiêm Thành cứ ngang nhiên lộng hành cướp bóc. Chu Nguyên Chương sau đó đã xuống chiếu bắt hai nước không được gây sự chiến tranh và đồng ý cho người Chăm được sang "du học" về quân sự tại Phúc Kiến. Đánh bại nhà Trần, giết Trần Duệ Tông Năm 1376, Chế Bồng Nga lại một lần nữa mang quân bắc tiến. Vua Trần là Trần Duệ Tông sai Đỗ Tử Bình dẫn quân đi đánh. Chế Bồng Nga sai người sang xin dâng 10 mâm vàng xin giảng hòa. Nhưng Tử Bình giấu vàng đi, lại tâu về triều rằng vua Chiêm kiêu ngạo không thần phục. Vua Trần nổi giận, mới chuẩn bị quân mã để nam tiến. Tháng 1 ÂL năm 1377, quân Trần dẫn quân đi dọc theo bờ biển, tiến đến Cầu Đá ở cửa Thi Nại (Quy Nhơn), đánh lấy đồn Thạch Kiều rồi tiến tới kinh thành Đồ Bàn nước Chiêm. Chế Bồng Nga lập đồn giữ ngoài thành, rồi cho người đến trá hàng, nói với Trần Duệ Tông rằng Chế Bồng Nga đã bỏ thành trốn. Vua Trần mắc mưu, liền thúc quân tiến vào thành. Quân Chiêm tứ phía phục binh đổ ra đánh, chia cắt quân Trần ra từng đoạn khiền quân Trần đại bại, mười phần chết đến bảy, tám phần. Vua Trần bị hãm trong vòng vây, bị trúng phải tên mà chết. Một hoàng thân nhà Trần là Ngự Câu vương Trần Húc đã ra đầu hàng quân Chiêm. Chiếm Thăng Long lần 2 và 3 (1378) Chế Bồng Nga thừa thế thắng, đem quân đánh đuổi đến tận Thanh Nghệ, đánh tan quân nhà Trần rồi vào kinh đô cướp phá suốt một ngày. Đến khi ra khơi quay về nhà, chiến thuyền của Chiêm Thành bị bão đắm mất nhiều nhưng những đồ cướp được cũng đủ để tiến cống nhà Minh trong năm đó. Chế Bồng Nga lại gả con gái cho Ngự Câu vương Trần Húc rồi tháng 5 năm 1378 đưa y về Nghệ An phong làm trấn thủ và tiếm xưng vương hiệu. Đến tháng 6, Chế Bồng Nga lại đem binh vượt sông Đại Hoàng đánh tan quân của Đỗ Tử Bình, chiếm lấy kinh đô Thăng Long hạ nhục quân Bắc bằng cách bắt quan kinh doãn là Lê Giốc phải sụp lạy nhưng Lê Giốc không chịu nên ông đã cho người giết chết. Lần này quân Chiêm lại cướp bóc được rất nhiều. Vua Nghệ Tông chỉ còn nước đem các vàng bạc châu báu giấu trong núi Thiên Kiến và động Khả Lăng. Chinh phạt Nghệ An - Thanh Hóa Năm 1380, Chế Bồng Nga lại một lần nữa đem quân bắc phạt, ông cho tuyển binh ngay tại vùng Tân Bình và Thuận Hóa, rồi sau đó đã đánh chiếm Nghệ An vào tháng 3, chiếm Thanh Hóa vào tháng 4. Thượng hoàng Nghệ Tông sai Lê Quý Ly, Đỗ Tử Bình đem quân đón đánh quân Chiêm khiến Chế Bồng Nga phải rút quân về. Tuy Chế Bồng Nga bị thua nhưng ở thời kỳ này các châu Nghệ An, Thuận Hóa, Tân Bình vẫn thuộc về người Chăm, còn quan quân nhà Trần thì sợ người Chiêm, đến bài vị, thần tượng của các bậc tiên vương ở các lăng Quắc Hương, Thái Đường, Long Hưng, Kiến Xương cũng phải đem giấu đi vì sợ bị phá. Chiếm Thăng Long lần 4 (1383) Giữa năm 1383, Chế Bồng Nga lại đích thân dẫn quân Bắc phạt. Lê Quý Đôn mô tả:..."vua ra vào Việt Nam như đi vào chỗ không người, chỉ trong mấy năm đến phá kinh đô 3 lần, làm cho vua tôi phải kinh hoàng". Chế Bồng Nga chiếm giữ Thăng Long, đến năm 1383. Chế Bồng Nga trước đó đã tiến cống hậu hĩ hàng năm cho nhà Minh, nên vua Minh làm ngơ, không can thiệp. Đến năm 1386, Minh Thái Tổ hạ chiếu viết thư cho Trần Nghệ Tông cho hay sắp đem quân bình định Chiêm Thành và ra lệnh cho Đại Việt sửa soạn 100 thớt voi cùng các trạm lương thực suốt từ Vân Nam tới Nghệ An. Nhà Trần không lấy gì làm phấn khởi trước đề nghị này, lại sợ quân Minh có ý đồ xâm chiếm nước ta nên vội vàng thoái thác. Cùng năm đó, vua Minh cho sứ giả đưa con trai Chế Bồng Nga sau khi ông này sang tiến cống 54 thớt voi về nước. Năm sau người Chăm lại đem cống 51 con voi, trầm hương và sừng tê và được tiếp đãi rất trọng thể. Bắc phạt lần 5 Năm 1389, Chế Bồng Nga lại đưa quân sang đánh Đại Việt. Thượng hoàng Nghệ Tông sai Lê Quý Ly cầm quân chống giặc. Lê Quý Ly nghênh địch hơn 20 ngày, kéo hết thuyền lên bờ để đợi. Chế Bồng Nga đóng ở thượng nguồn sông Lương, cho đắp đập ngăn sông ở phía thượng lưu và đóng cọc dày đặc để chống cự. Sau đó, ông bố trí tượng binh và bộ binh mai phục, rồi giả vờ bỏ đi, Lê Quý Ly mắc mưu đem quân truy kích không ngờ bị trúng kế. Chế Bồng Nga hạ lệnh cho phá đập nước, cho voi trận xông ra đánh. Quân Trần bị thiệt hại nặng nề, tướng chỉ huy quân Hữu Thánh Dực là Nguyễn Chí bị bắt sống, nhiều tướng chết trận. Lê Quý Ly để tuỳ tướng Phạm Khả Vĩnh ở lại cầm cự cùng với Nguyễn Đa Phương chỉ huy quân Thánh Dực còn mình thì trốn về kinh đô. Nguyễn Đa Phương và Phạm Khả Vĩnh biết thế yếu không chống cự nổi cũng rút quân về. Chế Bồng Nga đuổi theo đến Hoàng giang, Nghệ Tông sai đô tướng là Trần Khát Chân đem binh chống giữ. Vua tôi nhà Trần ôm nhau khóc mà từ biệt đủ biết là họ đã khiếp sợ đến chừng nào. Trần Khát Chân kéo quân đến Hoàng giang, thấy nơi đây không thể bố trận, mới đem quân đóng ở sông Hải Triều. Cái chết Đến tháng 1 năm 1390, Chế Bồng Nga đem hơn 100 chiến thuyền đến thị sát trên sông Hải Triều. Hoàng đệ là Trần Nguyên Diệu đem quân bản bộ ra hàng vua Chiêm với hy vọng được người Chăm đưa lên làm vua. Cùng lúc đó, một nhà sư là Phạm Sư Ôn nổi lên đánh chiếm kinh đô, thượng hoàng và vua phải bỏ kinh đô mà chạy, cho triệu tướng Hoàng Thế Phương đang đóng ở Hoàng giang ra cứu. Không may cho Chế Bồng Nga, một tiểu tướng của ông tên là Bỉ Lậu Kê vì sợ tội đã ra hàng quân Trần, báo cho Trần Khát Chân biết là thuyền ngự của vua Chiêm sơn màu xanh lục. Khi mấy trăm chiến thuyền của Chế Bồng Nga và Nguyên Diệu kéo tới, Khát Chân cho tập trung súng bắn xối xả vào chiếc thuyền ngự, Chế Bồng Nga bị trúng đạn chết. Trần Nguyên Diệu liền chặt thủ cấp vua Chiêm rồi chèo thuyền trở về bên quân Trần. Quân Chiêm thấy chủ tướng đã tử trận vội vàng chạy về Hoàng giang hợp với phó tướng của Chế Bồng Nga là La Ngai. Viên đại đội phó trong đội quân Long Tiệp là Phạm Nhữ Lặc và người đầu ngũ là Dương Ngang giết Nguyên Diệu, cướp lấy thủ cấp Bồng Nga đem dâng nộp. Trần Khát Chân sai bỏ vào hòm, cho phi ngựa đem đến hành tại ở Bình Than, tâu việc đánh được giặc. Sử kể rằng khi đầu Chế Bồng Nga được phó tướng Phạm Như Lạt đem vào trình giữa canh ba, thượng hoàng Nghệ Tông hoảng hốt nhỏm dậy tưởng mình đã bị vây bắt. Đến khi nghe được tin thắng trận, Nghệ Tông liền cho gọi các quan đến để xem cho kĩ. Các quan mặc triều phục, đến và hô "Vạn tuế !". Nghệ Tông nói: Ta với Bồng Nga cầm cự nhau đã lâu, ngày nay mới được gặp nhau, có khác gì Hán Cao Tổ thấy đầu Sở Bá Vương, thiên hạ yên rồi! Hậu Chế Bồng Nga Bị đánh bại năm 1390, tướng La Ngai chiếm được xác Chế Bồng Nga đem đi hỏa táng, rồi thu quân về nước. La Ngai thu thập tàn quân rút về nước đi bộ men theo đường núi không dám rút bằng đường thủy. Sau khi quay trở về Đồ Bàn, La Ngai tiếm xưng vương hiệu và chịu triều cống nhà Trần trở lại. Năm 1391, La Ngai sai sứ sang xin nhà Minh thừa nhận nhưng Minh Thái Tổ nói với các quan bộ Lễ rằng: "Đây do viên quan soán nghịch! Đồ tiến cống đừng nhận. Trước đây viên quan Chiêm Thành là Các Thắng giết Vương nước này tự lập, nên cự tuyệt." Chính sách cai trị khắt khe của La Ngai gây bất mãn trong nước. Vây cánh của Chế Bồng Nga đều bị La Ngai thay bằng những tướng sĩ thân tín, con trai của Chế Bồng Nga tên Chế Ma Nô Dã Na cùng em là Chế San Nô sợ bị ám hại đã chạy qua Đại Việt xin tị nạn. Cả hai được nhà Trần phong tước Hiệu chính hầu. Năm 1397, một hoàng thân tên Chế Đà Biệt, em là Mộ Hoa, con là Gia Diếp cùng toàn thể gia quyến sang Đại Việt tị nạn. Chế Đà Biệt được Hồ Quý Ly giao trọng trách bảo vệ biên giới phía nam của Đại Việt đề phòng những cuộc tấn công mới của quân Chiêm Thành. Năm 1400, La Ngai mất, con là Ba Đích Lại lên ngôi.Mãi đến năm 1413, Ba Đích Lại mới được nhà Minh tấn phong. Các vùng đất dưới ảnh hưởng Chiêm Thành đều được Hồ Quý Ly thu hồi sau cái chết của Chế Bồng Nga. Lê Quý Ly đã tấn công vào vùng đất Cổ Lũy, Quảng Ngãi, ngày nay. Theo Biên Niên Sử Hoàng gia Chăm (1835), Thủ đô Bal Angwei đã thất thủ vào năm 1397 và dân tị nạn đổ vào Bal Panrang. Sau trận chiến năm 1400 một bộ phận nhà nước Chiêm Thành được khôi phục (vương triều Vijaya). Sau khi Lê Lợi đuổi quân Minh ra khỏi, vương triều Panrang cũng được khôi phục năm 1433. Sau khi thành Đồ Bàn thất thủ, vương triều Panrang đã thừa kế vương quốc Chiêm Thành cho đến năm 1832. Nhận định Về Chế Bồng Nga, nhiều ý kiến thừa nhận là một ông vua anh hùng ít có của Chiêm Thành. Nhưng theo Trần Xuân Sinh, vua Chiêm cũng chỉ có tài của tướng cướp dữ tợn. Chế Bồng Nga dùng binh đi chinh chiến liên miên nhiều năm khiến nhân lực Chiêm Thành bị tổn thất nặng. Không đòi lại đất đai bị mất để kiến thiết lại, bốn lần tiến vào Thăng Long, vua Chiêm chỉ cướp phá, vơ vét và vội vã rút về, không lần nào ở lâu. Chế Bồng Nga không phải ông vua anh hùng chấn hưng, mở mang đất nước. Nhà Hán học người Pháp Georges Maspero trong cuốn Le royaume de Champa ("Vương quốc Champa") đã xem giai đoạn 1360–1390 dưới triều Chế Bồng Nga là giai đoạn cực thịnh trong lịch sử Champa. Các sử gia người Việt như Ngô Sĩ Liên hay Ngô Thì Sĩ cũng phải gián tiếp thừa nhận tài năng của Chế Bồng Nga khi những cải cách của ông đã biến một nước Chăm đã suy yếu có thể quật khởi và đe doạ sự tồn vong của Đại Việt. Trần Trọng Kim ghi rằng: "Vả bấy giờ ở nước Nam ta, vua Dụ-tông chỉ lo việc hoang-chơi, không tưởng gì đến việc Võ-bị; mà ở bên Chiêm thành thì có Chế Bồng Nga là một ông vua anh-hùng, có ý đánh An-nam để rửa những thù trước. Vậy cho nên hết sức tập trận, luyện binh; bắt quân lính phải chịu khó-nhọc cho quen, dàn trận voi cho tiện đường lui tới: thắng thì cho voi đi trước để xông-đột, bại thì cho voi đi sau để ngăn giữ quân nghịch. Nhờ cách xếp đặt có thứ-tự, dụng binh có kỷ-luật như thế, cho nên quân Chiêm-thành từ đó mạnh lắm, sau đánh phá thành Thăng-long mấy lần, làm cho vua tôi nhà Trần phải kính-sợ mấy phen." Gia quyến Chế Bồng Nga có hậu duệ gồm 3 người được ghi lại trong sử: Người thứ nhất là Chế Ma Nô Đà Nan, sang đầu hàng Đại Việt năm 1390 khi bị La Ngai giành ngôi. Người thứ 2 là Chế Sơn Na, sang đầu hàng Đại Việt năm 1390 cùng anh trai.. Ông còn một con gái không rõ tên, được gả năm 1377 cho Ngự Câu Vương Trần Húc. Siti Zubaidah: Vương hậu, thuộc vương tộc Kelantan. Xem thêm Champa Lịch sử Chăm pa Chiến tranh Việt-Chiêm 1367-1396 Trần Khát Chân Ba Lậu Kê Tham khảo Ghi chú Chú thích Tài liệu tham khảo Chế Bồng Nga Overview of History of Kingdom of Champa Lãnh tụ Vijaya Người Chăm Vua Chăm Pa
7210
https://vi.wikipedia.org/wiki/Gi%E1%BA%A3i%20V%C3%B4%20%C4%91%E1%BB%8Bch%20Wimbledon
Giải Vô địch Wimbledon
Giải Wimbledon (tiếng Anh: The Championships Wimbledon) là giải đấu quần vợt lâu đời và có uy tín nhất trên thế giới. Giải được tổ chức tại All England Club ở Wimbledon, Luân Đôn kể từ năm 1877. Wimbledon là một trong bốn giải Grand Slam cũng với Úc mở rộng, Pháp Mở rộng, và Mỹ Mở rộng. Kể từ khi giải Úc Mở rộng chuyển sang mặt sân cứng vào năm 1988, Wimbledon là giải đấu lớn duy nhất tổ chức trên sân cỏ. Giải diễn ra trong hơn hai tuần cuối tháng 6 và đầu tháng 7, mà tâm điểm của sự chú ý là các trận chung kết đơn nữ và đơn nam, lần lượt được tổ chức vào các ngày thứ bảy và chủ nhật thứ hai của tháng 7. Năm nội dung dành cho các tay vợt trưởng thành, cùng các nội dung trẻ và nội dung khách mời được tổ chức đều đặn hàng năm. Wimbledon gây chú ý nhờ truyền thống về trang phục cũng như việc không đặt các biển quảng cáo quanh sân. Vào năm 2009, Sân Trung tâm của Wimbledon được lắp thêm mái vòm kéo để việc che mưa qua đó tiết kiệm được thời gian. Lịch sử All England Lawn Tennis and Croquet Club (Câu lạc bộ croquet và quần vợt sân cỏ toàn Anh''') là một câu lạc bộ tư nhân được thành lập vào ngày 23 tháng 7 năm 1868, ban đầu có tên là "The All England Croquet Club" (Câu lạc bộ croquet toàn Anh). Sân đầu tiên của câu lạc bộ nằm gần đường Worple Road, Wimbledon. Vào năm 1876, quần vợt sân cỏ, trò chơi được Thiếu tá Walter Clopton Wingfield khởi phát khoảng một năm trước đó và ban đầu có tên là Sphairistikè, được bổ sung vào chương trình hoạt động của câu lạc bộ. Mùa xuân năm 1877, câu lạc bộ được đổi tên là "The All England Croquet and Lawn Tennis Club" và đánh dấu cột mốc này bằng việc tổ chức Giải vô địch Quần vợt sân cỏ đầu tiên. Một bộ luật mới, thay thế cho bộ luật do Marylebone CC quản lý, được soạn ra để phục vụ cho sự kiện. Luật lệ ngày nay gần như tương tự ngoại trừ các chi tiết như chiều cao lưới và các cột cũng như khoảng cách từ đường biên giao bóng tới lưới. Giải đầu tiên, Giải quần vợt Wimbledon 1877, khai mạc ngày 9 tháng 7 năm 1877. Nội dung đơn nam là nội dung duy nhất được tổ chức và người chiến thắng là Spencer Gore, một cựu tay vợt môn rackets của trường Harrow School, trong số 22 tay vợt tham gia. Khoảng 200 quan khách đã trả mỗi người một shilling để xem trận chung kết. Các sân được sắp xếp sao cho sân đấu chính nằm ở chính giữa, do đó sân chính có tên là "Centre Court". Cái tên này được giữ nguyên khi câu lạc bộ chuyển tới địa điểm như ngày nay trên đường Church Road vào năm 1922 mặc dù không còn ở vị trí trung tâm nữa. Tuy nhiên vào năm 1980, bốn sân mới được đưa vào hoạt động ở phía bắc của sân, có nghĩa là Centre Court trở lại với vị trí giống như tên gọi của sân. Việc Mở cửa Sân số 1 vào năm 1997 lại càng nhấn mạnh thêm điều này. Cho tới năm 1882, quần vợt hoạt động chủ yếu ở câu lạc bộ, đo đó vào năm này từ "croquet" bị loại khỏi tên của câu lạc bộ. Tuy nhiên vì lý do tình cảm nên từ này được phục hồi lại vào năm 1899. Vào năm 1884, câu lạc bộ bổ sung thêm các nội dung đơn nữ và đôi nam. Các cuộc thi đấu đôi nữ và đôi nam nữ được thêm vào năm 1913. Cho đến năm 1922, chỉ phải chơi duy nhất trận chung kết với đối thủ xuất sắc nhất tại vòng ngoài. Giống như ba giải Major hay Grand Slam còn lại, chỉ các tay vợt nghiệp dư hàng đầu mới được dự tranh, các vận động viên chuyên nghiệp không được dự. Tuy nhiên điều này bị phá bỏ vào năm 1968 khi kỷ nguyên mở ra đời. Kể từ khi Fred Perry vô địch đơn nam năm 1936 thì phải tới năm 2013 Andy Murray mới là người Vương quốc Anh tiếp theo vô địch nội dung này. Trong khi đó cũng chưa từng có tay vợt Vương quốc Liên hiệp Anh nào vô địch đơn nữ kể từ thời của Virginia Wade vào năm 1977, mặc dù Annabel Croft và Laura Robson lần lượt giành chức vô địch đơn nữ trẻ năm 1984 và 2008. Giải được truyền hình lần đầu tiên năm 1937. Mặc dù tên chính thức của giải là "The Championships, Wimbledon", thì giải còn có thể được nhắc đến với các tên như "The All England Lawn Tennis Championships", "The Wimbledon Championships" hay chỉ đơn giản là "Wimbledon". Từ năm 1912 tới 1924, giải được International Lawn Tennis Federation công nhận với cái tên "World Grass Court Championships". Các nội dung Wimbledon gồm năm nội dung chính, năm nội dung trẻ và năm nội dung khách mời. Các nội dung chính Các nội dung chính, cùng số tay vợt (hoặc cặp vận động viên đối với đánh đôi) gồm: Đơn nam (128) Đơn nữ (128) Đôi nam (64) Đôi nữ (64) Đôi nam nữ (48) Các nội dung trẻ Đơn nam trẻ (64) Đơn nữ trẻ (64) Đôi nam trẻ (32) Đôi nữ trẻ (32) Đôi người khuyết tật (12) Không có nội dung đôi nam nữ trẻ. Các nội dung khách mời Đôi nam khách mời (8 cặp thi đấu vòng tròn) Đôi nam khách mời lớn tuổi (8 cặp thi đấu vòng tròn) Đôi nữ khách mời (8 cặp thi đấu vòng tròn) Đôi nam xe lăn (4 cặp) Đôi nữ xe lăn (4 cặp) Từ năm 2016 ban tổ chức bổ sung thêm nội dung đơn xe lăn. Thể thức thi đấu Tại nội dung đơn nam và đôi nam, bên nào thắng ba set trước sẽ thắng trận đấu; trong khi các nội dung khác trận đấu kết thúc khi có người thắng hai set. Loạt tiebreak sẽ diễn ra nếu tỉ số của set đấu là 6–6. Kể từ năm 2019, set cuối cùng sẽ có loạt tiebreak khi tỉ số là 12-12. Tất cả các nội dung đều thi đấu theo thể thức loại trực tiếp, ngoại trừ các nội dung đôi nam, nữ và nam lớn tuổi khách mời thi đấu theo thể thức loại trực tiếp. Trước năm 1922, nhà vô địch của giải năm trước (ngoại từ nội dung đôi nữ và đôi nam nữ) được đặc cách vào thẳng trận chung kết (khi đó gọi là vòng thách đấu). Điều này giúp nhiều tay vợt bảo vệ danh hiệu trong nhiều năm liền, do họ được nghỉ ngơi còn các đối thủ phải thi đấu từ các vòng ngoài. Kể từ năm 1922, các đương kim vô địch buộc phải thi đấu tất cả các vòng chính giống như các đấu thủ khác. Các vận động viên và cách phân hạt giống Cả hai nội dung đơn nam và đơn nữ bao gồm 128 vận động viên. Kể từ mùa giải 2001 trứoc khi các giải đấu bắt đầu ban tổ chức công bố 32 hạt giống đơn nam và đơn nữ, 16 cặp hạt giống ở mỗi nội dung đôi. Hệ thống xếp hạng hạt giống được bắt đầu từ Giải quần vợt Wimbledon 1924. Ở thời điểm đó việc phân hạt giống cho phép các quốc gia có 4 vận động viên của nước đó ở bốn nhánh đấu riêng. Hệ thống này được thay thế từ Giải quần vợt Wimbledon 1927 và kể từ đó các tay vợt được xếp hạng hạt giống theo thứ hạng. Hai hạt giống số một đầu tiên là René Lacoste và Helen Wills. Ủy ban điều hành (Committee of Management) sẽ quyết định những tay vợt nào được nhận wildcard. Thông thường, wild card sẽ là các vận động vien có thành tích tốt ở các giải trước hoặc thu hút sự chú ý của công chúng nếu tham dự Wimbledon. Wild card duy nhất từng vô địch đơn nam là Goran Ivanišević vào năm 2001. Các vận động viên và các cặp không có thức hạng đủ cao hay không được trao wild card phải thi đấu ở vòng loại được tổ chức một tuần trước Wimbledon tại Sân thể thao của Ngân hàng Anh nằm ở Roehampton. Các cuộc thi đấu vòng loại diễn ra trong ba vòng; vòng loại đánh đôi chỉ diễn ra trong một vòng. Không có vòng loại cho nội dung đôi nam nữ. Thành tích tốt nhất của các tay vợt nội dung đơn phải xuất phát từ vòng loại là vòng bán kết: John McEnroe vào năm 1977 (nam), Vladimir Voltchkov năm 2000 (nam), và Alexandra Stevenson năm 1999 (nữ). Các vận động viên được phép thi đấu ở nội dung trẻ nhờ sự đề đạt của các hiệp hội quần vợt quốc gia, dựa theo bảng xếp hạng của Liên đoàn quần vợt quốc tế và, đối với nội dung đơn, nhờ thi đấu vòng loại. Đối với nội dung khách mờ, Ủy ban điều hành là bên quyết định. Ủy ban xếp hạng giống các tay vợt hàng đầu theo dựa trên xếp hạng, nhưng có thể thay đổi theo thành tích trên mặt sân cỏ của vận động viên. Từ năm 2002 sau thỏa thuận với ATP thì việc xếp hạng hạt giống có những thay đổi. Các hạt giống vẫn thuộc top 32 vận động viên trên BXH ATP, thứ tự hạt giống được xác định theo công thức: Điểm của ATP + 100% điểm nhận được từ các giải sân cỏ trong 12 tháng gần nhất + 75% điểm nhận được tại giải sân cỏ tốt nhất trong 12 tháng trước đó. Chỉ có hai tay vợt không được xếp hạng hạt giống từng vô địch đơn nam: Boris Becker năm 1985 và Goran Ivanišević năm 2001. Năm 1985 chỉ có 16 hạt giống và Becker xếp hạng 20; Ivanišević xếp thứ 125 khi vô địch với tư cách wildcard, mặc dù trước đó từng vào chung kết ba lần, và từng là tay vợt số 2 thế giới; xếp hạng của anh thấp là do chấn thương vai dai dẳng ba năm liền, và chỉ vừa mới bình phục. Vào năm 1996, Richard Krajicek, người ban đầu không được xếp hạt giống, lên ngôi vô địch (xếp thứ 17, và chỉ có 16 hạt giống) nhưng được xếp làm hạt giống (vẫn với số 17) khi Thomas Muster bỏ cuộc trước giải. Chưa từng tay vợt nữ không được xếp hạng hạt giống nào vô địch; nhà vô địch có thứ hạng hạt giống thấp nhất là Venus Williams vào năm 2007 ở vị trí thứ 23. Các cặp không xếp hạng hạt giống cũng có một số lần gây bất ngờ; đặc biệt vào năm 2005 giải lần đầu tiên có hai nhà vô địch đôi nam dự tranh từ vòng loại. Sân thi đấu Wimbledon có 19 sân, tất cả đều có mặt sân cỏ. Đây là truyền thống "lawn tennis" (quần vợt trên sân cỏ) của người Anh, vì vậy họ vẫn muốn giữ mặc dù hầu hết tất cả các giải quần vợt khác trên thế giới dùng sân cứng hoặc sân đất nện (clay court). Trên sân cỏ banh đi nhanh, nảy thấp và không đều, vì vậy nó thường thích ứng với những tay đấu thủ hay giao banh và chạy lên lưới (serve and volley). Nhưng có trường hợp đặc biệt là Bjorn Borg, vốn là tay vợt trước đó đã thành danh từ sân đất nện rất ít khi lên lưới, nhưng đã vô địch Wimbledon 5 năm liên tiếp (1976-1980). Sân thi đấu chính ở Wimbledon có tên là Sân Trung tâm (Centre Court), các trận chung kết luôn diễn ra ở đó. Do thời tiết ở Luân Đôn hay mưa trong thời gian tổ chức giải, người ta đã quyết định lắp mái che di động trên sân, đã hoàn thành năm 2009. Sân Số 1 nguyên thủy gắn liền với Sân Trung tâm, nhưng năm 1997 được làm lại, thay bằng khán đài mới có sức chứa lớn hơn. Người ta nói rằng Sân Số 1 nguyên thủy có một không khí rất độc đáo, được nhiều đấu thủ ưa thích, vì vậy việc thay nó đã làm buồn lòng nhiều người. Sân Số 1 cũng là nơi thi đấu một số trận quan trọng như tứ kết giải đơn, và có một màn ảnh truyền hình khổng lồ bên ngoài cho những người tụ tập trên một bãi cỏ cao để xem. Người Anh thường đặt tên cho ngọn đồi theo tên đấu thủ Anh "gà nhà" nào có nhiều hi vọng thắng giải. Ngày trước đấu thủ Anh đó là Tim Henman nên họ gọi là "ngọn đồi Henman". Nay đấu thủ Anh có hi vọng là Andy Murray nên lại gọi là "ngọn đồi Murray". Họ hy vọng có được nhà vô địch đơn nam người Anh đầu tiên kể từ Fred Perry năm 1936. Sân Số 2 có hỗn danh là "Mồ chôn các nhà vô địch" vì nơi đó nhiều tay vợt có hạng từng thua những đấu thủ xếp hạng thấp hơn. Các nạn nhân có cả Andre Agassi, Pete Sampras... và suýt nữa là thêm Tim Henman ở vòng 1 giải năm 2005. Truyền thống Các cô bé và cậu bé nhặt bóng Trong các trận đấu tại giải, các cô và cậu bé nhặt bóng, còn được gọi là các BBG, đóng vai trò quan trọng giúp giải đấu diễn ra trơn tru. Kể từ năm 1947 lực lượng nhặt bóng được cung cấp bởi trường Goldings. thuộc quỹ từ thiện Barnardo's Từ những năm 1920 trở về trước đơn vị cung cấp là Nhà trẻ em Shaftesbury. Kể từ năm 1969, các BBG được cử tới làm nhiệm vụ từ các trường địa phương. Tính tới 2008 các cô cậu bé nhặt bóng được chọn từ các trường tại các khu của Luân Đôn như Merton, Sutton, Kingston, và Wandsworth, cũng như tới từ Surrey. Trước đây, trường văn phạm nam sinh Wandsworth ở Sutherland Grove, trường nữ sinh Southfields và Mayfield ở West Hill, Wandsworth (cả hai đều đã ngừng hoạt động), là các trường được chọn cung cấp BBG, phần nào nhờ gần câu lạc bộ. BBG có độ tuổi trung bình 15, từ các lớp chín và mười trong hệ thống giáo dục Anh. BBG sẽ phục vụ một cho tới năm giải đấu (nếu được chọn lại). Từ năm 2005, các đội BBG gồm sáu người, hai người ở hai bên lưới, bốn người ở các góc. Các đội nhặt bóng sẽ luân phiên đổi lượt, tuần tự một giờ trên sân, một giờ nghỉ, (hai giờ tùy thuộc vào sân đấu). Các đội sẽ không được thông báo họ sẽ làm việc ở sân nào trong ngày hôm đó nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn như nhau ở tất cả các sân. Với sự gia tăng số sân và tăng thời gian thi đấu trong ngày, tính tới 2008, số BBG được yêu cầu là khoảng 250. Kể từ ngày thứ Tư thứ hai, các BBG được cho nghỉ, để lại khoảng 80 người trong ngày Chủ nhật cuối cùng. Mỗi BBG được nhận một chứng nhận, một ống bóng đã qua sử dụng, một ảnh của nhóm và tờ chương trình khi rời giải. Việc nhặt bóng được trả lương tổng cộng là từ 120 tới 180 bảng Anh một người sau quãng thời gian 13 ngày, tùy thuộc vào số thời gian tham gia. Mỗi BBG được phép giữ tất cả các phục trang, thường bao gồm ba tới bốn áo thun, hai hay ba quần đùi hoặc skort (váy với quần đùi bên trong), tracksuit, mười hai cặp vớ, ba cặp băng cổ tay, một chiếc mũ, túi đựng chai nước, cặp sách và giày. Cùng với đó việc nhặt bóng được xem là đặc quyền, và được coi là một chi tiết có giá trị trong CV của học sinh khi ra trường bởi nó cho thấy kỷ luật của người đó. Các BBG được phân chia theo tỉ lệ 50:50 giữa nam và nữ. Các cô bé nhặt bóng được sử dụng từ năm 1977, được phục vụ ở sân Trung tâm từ năm 1985. Các BBG tiềm năng đầu tiên sẽ được hiệu trưởng trường tiến cử để cân nhắc chọn lựa. Ứng viên muốn được chọn phải vượt qua bài kiểm tra viết về luật quần vợt, và vượt qua các bài kiểm tra về thể lực, khả năng di chuyển và các bài kiểm tra thích thi khác sau những hướng dẫn ban đầu. Những người vượt qua thành công sẽ bắt đầu giai đoạn luyện tập, bắt đầu từ tháng 2, từ đó người ta sẽ chọn ra các BBG cuối cùng. Tính tới 2008, số người tham gia đợt tập luyện là 600. Giai đoạn này bao gồm các buổi tập hàng tuần với các hướng dẫn thể chất, phương pháp và lý thuyết, nhằm đảm bảo các BBG phải thật nhanh, lẹ, tự tin và thích nghi tốt với các tình huống. Màu sắc và đồng phục Xanh lá cây đậm và tía là những màu truyền thống của Wimbledon. Wimbledon cũng là giải đấu duy nhất bắt buộc các tay vợt phải mặc trang phục "chủ yếu là màu trắng" trong các trận đấu chính thức của giải. Việc mặc đồ trắng cùng với vài điểm nhấn màu khác cũng có thể chấp nhận được, miễn không phải là hình logo thương hiệu (ngoại lệ duy nhất là logo của nhà sản xuất trang phục). Một số tranh cãi nổi lên sau khi Martina Navratilova mặc áo có hình nhãn hiệu thuốc lá "Kim" vào năm 1982. Cho tới năm 2005, trọng tài chính, trọng tài biên, các cô cậu nhặt bóng đều mặc màu xanh lá cây; tuy nhiên, từ năm 2006, những người này mặc đồng phục màu xanh hải quân và màu kem. Hoàng gia Trước kia, truyền thống của Sân Trung tâm còn đòi hỏi các vận động viên khi vào sân và khi rời sân phải cúi chào các người thuộc hoàng tộc ngồi trong Chỗ Ngồi Hoàng gia (Royal Box). Nhưng từ 2003, chủ tịch của All England Club, Công tước xứ Kent, quyết định chấm dứt điều lệ này. Các vận động viên chỉ phải chào khi có sự hiện diện của Nữ hoàng (Elizabeth II) hay Thái tử (Charles), cụ thể là khi Nữ hoàng tới dự khán vào ngày 24 tháng 6 năm 2010. Lịch trình Hàng năm giải bắt đầu 6 tuần trước ngày thứ hai đầu tiên của tháng 8, và kéo dài 2 tuần. Theo truyền thống thì ngày Chủ nhật giữa giải là ngày nghỉ, nhưng do mưa nên đã có bốn lần thông lệ này bị phá vào các năm 1991, 1997, 2004 và 2016. Tuần đầu tiên dành cho các vòng đấu ngoài, tuần thứ hai là các trận vòng 4, tứ kết, bán kết và chung kết. Cúp và tiền thưởng Vô địch đơn nam được nhận một chiếc cúp mạ vàng cao chừng 46 cm (hơn 18 inch). Vô địch đơn nữ nhận một chiếc khay bạc đường kính chừng 48 cm (gần 19 inch), thường gọi là Đĩa Nước Hoa Hồng Vệ Nữ (Venus Rosewater Dish) hoặc gọi tắt là Đĩa Nước Hoa Hồng ''(Rosewater Dish). Các giải còn lại cũng có cúp. Năm 2009 tiền thưởng là 850.000 bảng Anh cho mỗi danh hiệu vô địch đơn nam và đơn nữ. Các nhà vô địch Martina Navratilova, người Mỹ gốc Tiệp Khắc, là tay vợt đoạt giải đơn nhiều nhất: 9 lần vô địch đơn nữ (1978, 1979, 1982–1987 và 1990), ngoài ra còn có 7 lần vô địch đôi nữ và 4 lần vô địch đôi nam nữ. Các tay vợt nữ thành công khác là Helen Wills Moody với 8 lần vô địch giải đơn; Dorothea Douglass Chambers và Steffi Graf, mỗi người 7 lần giải đơn. Về phía nam giới, Roger Federer, người Thuỵ Sĩ, là tay vợt đoạt nhiều giải đơn nhất với 8 lần vô địch (2003–2007, 2009, 2012 và 2017). Tiếp theo các tay vợt có 7 lần lên ngôi tại All England Club là: William Renshaw, người Anh (1881–1885 và 1889), Pete Sampras, người Mỹ (1993–1995 và 1997–2000), Novak Djokovic, người Serbia (2011, 2014, 2015, 2018 - 2022 trong đó 2020 không tổ chức vì Covid). Ngoài ra William Renshaw còn 5 lần vô địch giải đôi cùng với người anh em song sinh của mình, Ernest Renshaw. Kể từ kỷ nguyên mở năm 1968, các nhà vô địch đơn nam nổi tiếng gồm có Bjorn Borg (1976–1980), Pete Sampras (1993–1995 và 1997–2000) và Roger Federer (2003–2007, 2009, 2012 và 2017) và Novak Djokovic (2011, 2014, 2015, 2018 - 2022). Năm 2013, Andy Murray đã trở thành tay vợt nam đầu tiên sau 77 năm của làng quần vợt Vương quốc Anh giành chức vô địch Wimbledon sau khi anh đánh bại Djokovic 3–0 (6–4, 7–5, 6–4) trong trận chung kết. Danh sách đầy đủ các nhà vô địch: Vô địch đơn nam Vô địch đơn nữ Vô địch đôi nam Vô địch đôi nữ Vô địch đôi nam nữ Điểm thứ hạng Điểm trên bảng xếp hạng ATP và WTA kết thúc thay đổi theo mỗi kỳ Wimbledon. Sau đây là điểm số các tay vợt đánh đơn nhận được tùy theo thành tích của họ: Kỉ lục Chùm ảnh Chú thích Tham khảo Đọc thêm Liên kết ngoài Trang web chính thức của giải Wimbledon Bản đồ các sân đấu Wimbledon – Tất cả các nhà vô địch (Sách tham khảo) Wimbledon Sự kiện thường niên tại Luân Đôn Sự kiện thể thao tháng 7 Giải quần vợt Anh Quần vợt Luân Đôn Giải quần vợt sân cỏ Wimbledon, Luân Đôn Thể thao Khu Merton của Luân Đôn
7215
https://vi.wikipedia.org/wiki/Th%C3%A1i%20B%C3%ACnh%20D%C6%B0%C6%A1ng
Thái Bình Dương
Thái Bình Dương là đại dương lớn nhất và sâu nhất trong năm phân vùng đại dương của Trái Đất. Nó kéo dài từ Bắc Băng Dương ở phía bắc đến Nam Đại Dương (hoặc, tùy theo định nghĩa, đến Nam Cực) ở phía nam, và được bao bọc bởi các lục địa châu Á và châu Đại Dương ở phía tây và châu Mỹ ở phía đông. Với diện tích (nếu được định nghĩa với biên giới phía nam là Nam Cực), phân vùng lớn nhất này của Đại dương Thế giới và của thủy quyển bao phủ khoảng 46% bề mặt nước của Trái Đất và khoảng 32% tổng diện tích bề mặt của nó, lớn hơn toàn bộ diện tích đất của Trái Đất cộng lại—. Tâm của cả Bán cầu Nước và Bán cầu Tây, cũng như cực không thể tiếp cận của đại dương, đều ở Thái Bình Dương. Hoàn lưu đại dương (do hiệu ứng Coriolis gây ra) tiếp tục chia nó thành hai khối nước phần lớn độc lập gặp nhau ở xích đạo: Bắc Thái Bình Dương và Nam Thái Bình Dương. Thái Bình Dương cũng có thể được phân chia không chính thức theo Đường đổi ngày quốc tế thành Đông Thái Bình Dương và Tây Thái Bình Dương, cho phép nó được tiếp tục phân chia thành bốn phần tư, cụ thể là Đông Bắc Thái Bình Dương ngoài khơi Bắc Mỹ, Đông Nam Thái Bình Dương ngoài khơi Nam Mỹ, Tây Bắc Thái Bình Dương ngoài khơi Viễn Đông châu Á, và Tây Nam Thái Bình Dương xung quanh châu Đại Dương. Độ sâu trung bình của Thái Bình Dương là . Vực thẳm Challenger in the Rãnh Mariana, nằm ở tây bắc Thái Bình Dương, là điểm sâu nhất trên thế giới được biết đến, đạt độ sâu . Thái Bình Dương cũng chứa điểm sâu nhất ở Bán cầu Nam—Vực thẳm Horizon ở Rãnh Tonga—tại độ sâu . Điểm sâu thứ ba trên Trái Đất, Vực thẳm Sirena, cũng nằm trong Rãnh Mariana. Tây Thái Bình Dương có nhiều vùng biển cận biên lớn, bao gồm Biển Philippines, Biển Đông, Biển Hoa Đông, Biển Nhật Bản, Biển Okhotsk, Biển Bering, Vịnh Alaska, Mar de Grau, Biển Tasman, và Biển San Hô. Từ nguyên Vào đầu thế kỷ thứ 16, nhà thám hiểm người Tây Ban Nha Vasco Núñez de Balboa đã băng qua eo đất Panama vào năm 1513 và nhìn thấy "Biển phương Nam" rộng lớn mà ông đặt tên là (trong tiếng Tây Ban Nha). Sau đó, tên hiện tại của đại dương này được đặt bởi nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha Ferdinand Magellan trong chuyến hành trình vòng quanh thế giới của Tây Ban Nha vào năm 1521, khi mà ông bắt gặp những cơn gió thuận lợi khi đến đại dương. Ông gọi nó là , trong cả tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Tây Ban Nha đều có nghĩa là 'biển thái bình'. Lịch sử khám phá Các cuộc di cư ban đầu Các cuộc di cư quan trọng diễn ra vào thời tiền sử. Khoảng năm 3000 trước công nguyên, những người Austronesia trên đảo Đài Loan đã làm chủ được những chuyến đi đường dài bằng xuồng và họ đã truyền bá bản thân và ngôn ngữ của mình xuống phía nam đến Philippines, Indonesia, và Đông Nam Á hải đảo; về phía tây đến Madagascar; pjhía đông nam đến New Guinea và Melanesia; và phía đông đến quần đảo Micronesia, châu Đại Dương và Polynesia. Thương mại đường dài phát triển dọc khắp các vùng duyên hải từ Mozambique đến Nhật Bản. Hoạt động buôn bán, đi kèm với đó là tri thức, đã vươn tới quần đảo Indonesia nhưng có vẻ như chưa đến Úc. Ít nhất vào khoảng năm 878, thời điểm xuất hiện một khu người Hồi giáo định cư ở Quảng Châu, hoạt động thương mại khi đó đa phần nằm dưới sự kiểm soát của người Hồi giáo và Ả rập. Sự khám phá của người châu Âu Lần tiếp xúc đầu tiên của những nhà thám hiểm châu Âu với rìa Tây Thái Bình Dương là chuyến đi của đoàn thám hiểm người Bồ Đào Nha đến quần đảo Maluku vào năm 1512 do António de Abreu và Francisco Serrão dẫn đầu, tiếp theo là cuộc thám hiểm đến vùng Hoa Nam của Jorge Álvares năm 1513, cả hai đều thực hiện theo lệnh của Afonso de Albuquerque. Phần Đông Thái Bình Dương được khám phá bởi nhà thám hiểm người Tây Ban Nha Vasco Núñez de Balboa vào năm 1513 sau chuyến đi vượt eo đất Panama tới đại dương mới. Ông đã đặt tên cho nó là Mar del Sur (nghĩa đen: "Nam Hải" hay "Biển phương Nam") vì vùng biển này nằm ở phía nam của eo đất, địa điểm mà ông quan sát nó lần đầu. Sau này, nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha Ferdinand Magellan đã dẫn đầu chuyến thám hiểm vòng quanh thế giới bằng thuyền của người Tây Ban Nha khởi hành vào năm 1519. Magellan gọi đại dương này là Pacífico (yên bình), lý do bởi đoàn thám hiểm thấy đây là nơi có thời tiết đẹp sau khi họ từng trải qua những vùng biển giông tố gần Cape Horn. Để vinh danh Magellan, tên gọi Biển Magellan thường được sử dụng để chỉ đại dương này cho tới thế kỷ thứ XVIII. Sau sự kiện Magellan thiệt mạng tại Philippines năm 1521, nhà thám hiểm người Tây Ban Nha Juan Sebastián Elcano đã dẫn đầu đoàn di chuyển vượt Ấn Độ Dương và Mũi Hảo Vọng quay trở về quê hương, qua đó hoàn thành chuyến hành trình vòng quanh thế giới lần đầu tiên vào năm 1522. Trong giai đoạn 1525–1527, quần đảo Caroline và Papua New Guinea được khám phá sau các chuyến thám hiểm đường biển của người Bồ Đào Nha vòng quanh và phía đông quần đảo Maluku. Những người Bồ Đào Nha cũng đã đến Nhật Bản vào các năm 1542–43. Năm 1564, Miguel López de Legazpi dẫn đầu một chuyến hành trình bao gồm năm con tàu Tây Ban Nha chở 379 nhà thám hiểm vượt đại dương từ Mexico đến Philippines và quần đảo Mariana. Trong giai đoạn còn lại của thế kỷ XVI, vai trò của người Tây Ban Nha là tối quan trọng, với những chuyến tàu khởi hành từ Mexico và Peru vượt Thái Bình Dương, qua Guam đến Philippines, hình thành nên Đông Ấn Tây Ban Nha. Trong vòng hai thế kỷ rưỡi, những chiếc thuyền buồm Manila đã kết nối Manila và Acapulco qua một trong những tuyến đường giao thương dài nhất lịch sử. Bên cạnh đó, các cuộc thám hiểm của người Tây Ban Nha còn khám phá ra các quần đảo ở Nam Thái Bình Dương như Tuvalu, quần đảo Marquises, quần đảo Cook, quần đảo Solomon, và quần đảo Admiralty. Sau này, trong công cuộc tìm kiếm Terra Australis (vùng đất [lớn] phía nam), những nhà thám hiểm người Tây Ban Nha thế kỷ XVII đã khám phá ra quần đảo Pitcairn và Vanuatu; và họ đã chèo thuyền qua eo biển Torres nằm giữa Úc và New Guinea. Các nhà thám hiểm Hà Lan cũng tham gia vào hoạt động thương mại và khám phá; vào năm 1942 Abel Janszoon Tasman phát hiện ra Tasmania và New Zealand. Trong hai thế kỷ XVI và XVII người Tây Ban Nha đã nhận định Thái Bình Dương là một Mare clausum (nghĩa đen: biển kín), với chỉ duy nhất một lối vào từ Đại Tây Dương được biết đến đó là eo biển Magellan. Thời điểm đó eo biển này đặt dưới sự tuần tra của các hạm đội được cử đến để ngăn chặn sự xâm nhập của các con tàu không phải Tây Ban Nha. Ở Tây Thái Bình Dương, người Hà Lan đe dọa đến Philippines khi đó đang là thuộc địa của Tây Ban Nha. Giai đoạn thế kỷ XVIII đánh dấu sự khởi đầu các chuyến thám hiểm lớn của người Nga ở Alaska và quần đảo Aleutian. Tây Ban Nha cũng cử các đoàn thám hiểm đến Tây Bắc Thái Bình Dương thuộc Bắc Mỹ và họ đã tới được đảo Vancouver thuộc miền Nam Canada cũng như Alaska. Người Pháp khai phá và định cư ở Polynesia, còn người Anh thì thực hiện ba chuyến du hành với sự tham gia của James Cook đến Nam Thái Bình Dương, Úc, Hawaii, và Tây Bắc Thái Bình Dương thuộc Bắc Mỹ. Vào năm 1768, nhà thiên văn học trẻ Pierre-Antoine Véron đã cùng với Louis Antoine de Bougainville thực hiện một chuyến hành trình khám phá, qua đó lần đầu tiên trong lịch sử thiết lập được bề rộng của Thái Bình Dương một cách chính xác. Cuộc thám hiểm Malaspina là một trong những chuyến hành trình khám phá khoa học đầu tiên do người Tây Ban Nha thực hiện từ 1789 đến 1794. Họ đã đi qua hầu khắp Thái Bình Dương, từ Cape Horn tới Alaska, Guam, Philippines, New Zealand, Úc, và Nam Thái Bình Dương. Thời kỳ chủ nghĩa đế quốc mới Sự lớn mạnh của chủ nghĩa đế quốc trong giai đoạn thế kỷ XIX dẫn đến việc hầu khắp châu Đại Dương trở nên chịu sự chiếm đóng của các cường quốc châu Âu, và tiếp sau đó là Mỹ và Nhật Bản. Kho tri thức về hải dương học được đóng góp đáng kể nhờ các chuyến hành trình của tàu HMS Beagle có sự tham gia của Charles Darwin vào thập niên 1830; của tàu USS Tuscarora (1873–76); và tàu Gazelle của Đức (1874–76). Pháp trở thành đế quốc có vị thế hàng đầu ở châu Đại Dương sau khi lần lượt biến Tahiti và Nouvelle-Calédonie thành các vùng bảo hộ vào năm 1842 và 1853. Sau các chuyến tham quan đảo Phục Sinh vào các năm 1875 và 1887 thì đến năm 1888, sĩ quan hải quân người Chile Policarpo Toro đã tiến hành đàm phán với thổ dân Rapanui về vấn đề sáp nhập hòn đảo này vào Chile. Với việc chiếm đóng đảo Phục Sinh, Chile đã gia nhập nhóm các nước đế quốc. Cho đến năm 1900, hầu như toàn bộ các đảo trên Thái Bình Dương đã nằm dưới sự quản lý của các quốc gia Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Nhật Bản và Chile. Mặc dù Mỹ đã nắm quyền kiểm soát Guam và Philippines từ tay Tây Ban Nha vào năm 1898, nhưng tới năm 1914 Nhật Bản mới là quốc gia chủ quản của hầu khắp vùng Tây Thái Bình Dương, rồi tiếp đó họ chiếm đóng thêm rất nhiều đảo trong Thế Chiến thứ Hai. Tuy nhiên, Nhật đã thất bại trong cuộc chiến, dẫn tới thế độc tôn của Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ trên đại dương này. Kể từ sau Thế Chiến thứ Hai, rất nhiều thuộc địa trước đây ở Thái Bình Dương đã trở thành các quốc gia độc lập. Môi trường địa lí Thái Bình Dương ngăn cách châu Á và châu Úc với châu Mỹ. Đại dương này có thể được chia thành hai phần nhỏ hơn là Bắc (Bắc Thái Bình Dương) và Nam (Nam Thái Bình Dương) bởi đường xích đạo. Với diện tích 165,2 triệu km² (63,8 triệu dặm²), Thái Bình Dương chiếm khoảng một phần ba diện tích bề mặt Trái Đất, lớn hơn con số 150 triệu km² (58 triệu dặm²) diện tích của toàn bộ phần đất liền trên Trái Đất cộng lại. Thái Bình Dương trải dài khoảng 15.500 km (9.600 dặm) từ biển Bering ở vùng Bắc Cực đến ranh giới phía bắc của Nam Đại Dương tại vĩ tuyến 60 °N (các định nghĩa trước đây cho rằng nó trải dài đến biển Ross). Chiều rộng Đông-Tây lớn nhất của Thái Bình Dương là ở khoảng vĩ độ 5°B, tại đó nó trải dài xấp xỉ 19.800 km (12.300 dặm) từ Indonesia đến vùng duyên hải Colombia—con số tương đương chiều dài nửa vòng Trái Đất và gấp hơn năm lần đường kính Mặt Trăng. Thái Bình Dương cũng là nơi tồn tại điểm sâu nhất của lớp vỏ Trái Đất, nó nằm ở độ sâu 10.911 m (35.797 ft; 5.966 fathom) trong rãnh Mariana. Độ sâu trung bình của toàn đại dương là 4.280 m (14.040 ft; 2.340 fathom). Do sự tác động của kiến tạo mảng, Thái Bình Dương hiện đang thu hẹp với tốc độ khoảng 2,5 cm (0,98 in) mỗi năm ở ba phía, hay chừng 0,52 km² (0,2 dặm²) diện tích mỗi năm. Ngược lại, kích cỡ của Đại Tây Dương đang dần tăng lên. Dọc theo rìa phía tây của Thái Bình Dương tồn tại rất nhiều biển, lớn nhất trong số đó phải kể đến biển Celebes, biển Coral, biển Hoa Đông, biển Philippine, biển Nhật Bản, biển Đông, biển Sulu, biển Tasman, và Hoàng Hải. Trong khi eo biển Malacca nối liền Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương ở phía tây thì ở phía đông, hai eo biển Drake và Magellan nối liền Thái Bình Dương với Đại Tây Dương. Ở phía bắc, Thái Bình Dương nối với Bắc Băng Dương qua eo biển Bering. Bởi kinh tuyến 180 nằm giữa Thái Bình Dương nên ta có thể coi đó là ranh giới phân chia Thái Bình Dương ra làm hai phần: Tây Thái Bình Dương (tiếp giáp châu Á) thuộc về Đông bán cầu, và Đông Thái Bình Dương (tiếp giáp châu Mỹ) thuộc về Tây bán cầu. Trong gần như toàn bộ quãng hành trình của Magellan từ eo biển Magellan đến Philippines, nhà thám hiểm thực sự thấy đây là một đại dương yên bình. Tuy nhiên, Thái Bình Dương không phải lúc nào cũng yên bình. Hàng năm luôn có rất nhiều cơn bão nhiệt đới hoành hành trên đại dương này; chúng cũng thường tấn công các đảo và đất liền châu lục tiếp giáp. Vùng vành đai Thái Bình Dương đầy rẫy núi lửa và khu vực này thường bị ảnh hưởng bởi động đất. Đôi khi xuất hiện những cơn sóng thần có nguồn gốc từ động đất dưới đáy biển, chúng phá hủy nhiều hòn đảo và trong một vài trường hợp là toàn bộ các khu dân cư. Phạm vi địa lí Thái Bình Dương, phía bắc đến eo biển Bering, 65°44′ vĩ bắc, phía nam đến châu Nam Cực, 85°33′ vĩ nam, bước vĩ độ là 151°. Phía đông đến 78°08′ kinh tây, phía tây đến 99°10′ kinh đông, bước kinh độ là 177°. Chiều dài nam bắc chừng 15.900 kilômét, chiều rộng đông tây lớn nhất chừng 19.900 kilômét. Từ bờ biển Colombia ở châu Nam Mĩ đến bán đảo Mã Lai ở châu Á, có chiều đông tây dài nhất là 21.300 kilômét. Thể tích bao gồm phần thuộc biển là 714,41 triệu kilômét khối, thể tích không bao gồm phần thuộc biển là 696,189 triệu kilômét khối. Chiều sâu trung bình bao gồm phần biển là 3.939,5 mét, chiều sâu trung bình không bao gồm phần biển là 4.187,8 mét, chiều sâu lớn nhất đã biết là 11.033 mét, ở vào bên trong rãnh Mariana. Phía bắc lấy eo biển Bering chỉ rộng 102 kilômét làm biên giới, phía đông nam khai thông với Đại Tây Dương qua eo biển Drake ở giữa đảo Đất Lửa ở châu Nam Mĩ và Graham Land ở châu Nam Cực; đường phân giới với Ấn Độ Dương ở phía tây nam là: từ đảo Sumatra qua đảo Java đến đảo Timor, lại còn qua biển Timor đến mũi Londonderry ở bang Tây Úc, rồi lại từ miền nam nước Úc qua eo biển Bass, từ đảo Tasmania thẳng đến đất liền Nam Cực. Khí hậu Mô hình khí hậu của hai nửa bán cầu Bắc và Nam nhìn chung là sự phản chiếu lẫn nhau. Trong khi gió mậu dịch hoạt động ổn định ở Đông và Nam Thái Bình Dương thì ở Bắc Thái Bình Dương, điều kiện thời tiết là đa dạng hơn hẳn; một ví dụ là nhiệt độ thấp tại vùng duyên hải phía đông nước Nga trái ngược với khí hậu ôn hòa ở British Columbia trong những tháng mùa đông do sự khác biệt về dòng hải lưu. Ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới Thái Bình Dương, El Niño - Dao động phương Nam (ENSO) là nhân tố tác động đến tình trạng thời tiết. Để xác định thời kỳ ENSO, người ta tính toán nhiệt độ bề mặt đại dương trung bình trong vòng ba tháng gần nhất tại khu vực cách Hawaii khoảng 3000 km (1900 dặm) về phía đông nam; nếu nhiệt độ đó cao hoặc thấp hơn 0,5 °C (0,9 °F) so với trung bình, thì El Niño hoặc La Niña được xem là đang có sự tiến triển. Ở vùng nhiệt đới Tây Thái Bình Dương, mùa mưa xảy ra vào những tháng hè và nó có mối liên hệ với gió mùa; trái ngược với những cơn gió lạnh khô thổi trên đại dương vào mùa đông có nguồn gốc từ đất liền châu Á. Trên Trái Đất, xoáy thuận nhiệt đới (thường gọi là bão) hoạt động đỉnh điểm vào giai đoạn cuối mùa hè, thời điểm mà sự chênh lệch giữa nhiệt độ bề mặt đại dương và nhiệt độ trên cao là lớn nhất; tuy nhiên, mỗi khu vực có một mô hình mùa bão khác biệt. Trên quy mô toàn cầu, tháng 5 là tháng bão ít hoạt động nhất, còn tháng 9 là tháng hoạt động mạnh nhất. Tháng 11 là tháng duy nhất mà tất cả các khu vực xoáy thuận nhiệt đới đều cùng trong giai đoạn hoạt động chính thức. Xoáy thuận nhiệt đới có khả năng hình thành ở vùng biển phía nam Mexico, sau đó tấn công vùng duyên hải Tây Mexico và thi thoảng là vùng Tây Nam Hoa Kỳ trong khoảng tháng 6 đến tháng 10; còn ở Tây Thái Bình Dương, chúng hình thành và di chuyển vào đất liền Đông Á và Đông Nam Á chủ yếu trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 12. Xa về vùng cực Bắc, băng xuất hiện nhiều nhất từ tháng 10 đến tháng 5; trong khi sương mù hiện hữu bền bỉ từ tháng 6 đến tháng 12. Áp thấp ở vịnh Alaska duy trì tình trạng ẩm ướt và ấm áp trong những tháng mùa đông cho vùng duyên hải phía nam. Ở những khu vực vĩ độ trung, gió Tây và dòng tia (dòng khí hẹp thổi trên cao) có thể rất mạnh, đặc biệt là ở Nam bán cầu do sự khác biệt về nhiệt độ giữa vùng nhiệt đới và châu Nam Cực, nơi ghi nhận nhiệt độ thấp nhất trên hành tinh mà con người từng đo được. Địa hình địa mạo Đường Anđêzit là đường phân giới trọng yếu nhất trong địa mạo Thái Bình Dương, đem đá mácma mafic ở tầng khá sâu của bồn địa Trung Thái Dương phân cách với đá mácma felsic nửa chìm xuống ở ven rìa lục địa. Đường Anđêzit đi sát bên đảo lớn và nhỏ ở phía tây bang California, phía nam quần đảo Aleut, phía đông bán đảo Kamchatka, quần đảo Nhật Bản, quần đảo Mariana, quần đảo Solomon, thẳng đến New Zealand; cũng duỗi dài về hướng đông bắc đến phía tây mạch núi Andes, châu Nam Mĩ và México, rồi lại bẻ cong trở về bang California. Các khu vực duỗi dài về phía đông của đất liền châu Á và đất liền châu Đại Dương như Indonesia, Philippines, Đài Loan, Nhật Bản, New Guinea và New Zealand tất cả đều ở ngoài đường Anđêzit. Đất liền Vùng đất liền lớn nhất ở hoàn toàn vào bên trong hải vực Thái Bình Dương là đảo New Guinea - cũng là đảo lớn thứ hai thế giới. Hầu như tất cả đảo khá nhỏ trên Thái Bình Dương đều ở vào giữa 30° vĩ bắc và 30° vĩ nam, từ Đông Nam Á duỗi dài đến đảo Phục Sinh; hải vực còn lại của Thái Bình Dương gần như đều bị nước phủ kín. Đại tam giác Polynesia được hình thành do nối liền đảo Hawaii, đảo Phục Sinh và New Zealand đã vây chung quanh không ít đảo lớn và nhỏ, chúng nó tách ra lần lượt là quần đảo Cook, quần đảo Marquises, quần đảo Samoa, quần đảo Société, quần đảo Tokelau, quần đảo Tonga, quần đảo Tuamotu, quần đảo Tuvalu và quần đảo Wallis và Futuna. Có rất nhiều đảo nhỏ của Micronesia ở về phía bắc xích đạo và phía tây đường đổi ngày quốc tế, trong đó bao gồm quần đảo Caroline, quần đảo Marshall và quần đảo Mariana. Ở góc tây nam của Thái Bình Dương thì có Melanesia do New Guinea đứng đầu. Quần đảo trọng yếu khác ở Melanesia vẫn có quần đảo Bismarck, quần đảo Fiji, đảo New Caledonia, quần đảo Solomon và quần đảo New Hebrides. Loại hình đảo lớn và nhỏ ở Thái Bình Dương đa dạng, có bốn loại hình đảo lớn và nhỏ: đảo ven đất liền, đảo bồi tích, đá ngầm san hô và đảo núi lửa. Đảo ven đất liền ở bên ngoài đường Anđêzit, bao gồm đảo New Guinea, quần đảo Philippines và đảo Đài Loan. Những đảo này nối liền nhau với đất liền ở gần đó. Đảo núi lửa, như đảo Bougainville, đảo Hawaii và quần đảo Solomon, rất nhiều đảo vẫn có núi lửa sống hoạt động. Đảo lớn và nhỏ Thái Bình Dương có chừng 10.000 đảo lớn và nhỏ, tổng diện tích hơn 4,4 triệu kilômét vuông, chiếm chừng 45% tổng diện tích đảo lớn và nhỏ thế giới. Đảo ven đất liền chủ yếu phân bố ở phía tây của Thái Bình Dương, thí dụ như quần đảo Nhật Bản, đảo Đài Loan, quần đảo Philippines, đảo Kalimantan, đảo New Guinea, v.v; phía giữa có rất nhiều đảo hải dương (đá ngầm san hô và đảo núi lửa) phân tán chi chít. Đảo lớn và nhỏ ở Thái Bình Dương đông nhiều, chủ yếu phân bố ở hải vực phía tây và phía giữa, theo tính chất chia làm hai loại lớn đảo đất liền và đảo hải dương. Đảo đất liền thông thường có liên hệ với đất liền về phương diện cấu tạo địa chất, thí dụ như quần đảo Nhật Bản, đảo Đài Loan, quần đảo Philippines, quần đảo Indonesia và đảo New Guinea - đảo lớn thứ hai thế giới. Đảo hải dương chia làm đá ngầm san hô và đảo núi lửa. Hải vực rộng lớn ngả về phía tây ở Trung Thái Bình Dương, từ tây về đông có ba quần đảo lớn: Melanesia, Micronesia và Polynesia. Trong đó quần đảo Melanesia phần nhiều là đảo đất liền, quần đảo Hawaii thuộc quần đảo Polynesia là quần đảo núi lửa nổi tiếng, quần đảo Micronesia hầu như đều là đá ngầm san hô. Đá ngầm san hô ở Nam Thái Bình Dương là những cấu trúc tồn tại ở vùng biển nông hình thành trên dòng chảy dung nham ba-zan dưới bề mặt đại dương; tiêu biểu nhất phải kể đến đá ngầm san hô Great Barrier ngoài khơi Đông Bắc Úc. Một dạng đảo khác hình thành từ san hô đó là nền san hô nâng cao và chúng thường lớn hơn một chút so với các đảo san hô có độ cao thấp. Một vài ví dụ bao gồm đảo Banaba và rạn san hô vòng Makatea. Địa hình đáy biển Được chia làm 3 bộ phận lớn khu vực nước sâu trung tâm, khu vực nước cạn ven rìa, thềm lục địa. Về cơ bản, bồn địa biển sâu dưới 2.000 mét chiếm chừng 87% tổng diện tích, bộ phân ven rìa ở giữa 200 đến 2.000 mét chiếm chừng 7,4%, thềm lục địa trong 200 mét chiếm chừng 5,6%. Nửa phần phía bắc có bồn trũng đại dương cực kì to lớn, phía tây có nhiều cung đảo, bên ngoài cung đảo có nhiều rãnh biển sâu. Biển ven rìa ở phía bắc và phía tây có thềm lục địa rộng lớn, chiều sâu của vùng nước sâu ở phía giữa vượt qua 5.000 mét. Quần đảo Hawaii và quần đảo Line đem vùng nước sâu ở giữa phân cách thành bồn trũng đại dương Đông bắc Thái Bình Dương, bồn trũng đại dương Tây nam Thái Bình Dương, bồn trũng đại dương Tây bắc Thái Bình Dương và bồn trũng đại dương Trung Thái Bình Dương. Đáy biển có số lượng nhiều nón núi lửa. Chiều sâu của vùng nước ven rìa phần nhiều trên 5.000 mét, diện tích bồn trũng đại dương khá nhỏ. Động đất và núi lửa Chừng 85% núi lửa sống và 80% động đất ở thế giới tập trung ở khu vực Thái Bình Dương. Hệ thống núi Cordillera châu Mĩ ở bờ tây Thái Bình Dương và quần đảo hình dạng vòng hoa ở rìa Tây Thái Bình Dương là khu vực có núi lửa hoạt động mãnh liệt nhất trên thế giới, núi lửa sống phần nhiều đạt hơn 370 quả núi, có danh hiệu "vòng lửa Thái Bình Dương", động đất dồn dập. Nằm trong vòng lặp kín của đường Anđêzit là rất nhiều rãnh sâu, núi lửa chìm, và các đảo núi lửa – nét đặc trưng của vùng Thái Bình Dương. Tại đây dung nham bazan chảy chậm ra phía ngoài những khe nứt, hình thành nên những núi lửa hình vòm. Phần đỉnh bị bào mòn của những núi lửa này tạo ra các chuỗi, vòng cung, cụm đảo. Ở phía ngoài đường andesit, vành đai lửa Thái Bình Dương là khu vực chứng kiến núi lửa hoạt động nhiều nhất trên Trái Đất. Tên gọi vành đai lửa để chỉ hàng trăm núi lửa còn hoạt động tọa lạc phía trên các đới hút chìm khác nhau. Thái Bình Dương là đại dương duy nhất được bao quanh gần như toàn bộ bởi các đới hút chìm. Chỉ có vùng bờ biển Nam Cực và Úc là không có đới hút chìm ở gần đó. Thái Bình Dương hình thành vào 750 triệu năm trước tại thời điểm siêu lục địa Rodinia phân tách mặc dù nó nhìn chung được gọi là đại dương Panthalassa (Toàn Đại Dương) cho tới khi siêu lục địa Pangea phân tách vào khoảng 200 triệu năm trước. Đáy Thái Bình Dương cổ xưa nhất chỉ khoảng 180 triệu năm tuổi, và lớp vỏ cổ hơn nay đã nằm ở phía dưới. Trong lòng Thái Bình Dương tồn tại một vài chuỗi núi ngầm dài hình thành ở những điểm nóng núi lửa hoạt động. Có thể kể ra như chuỗi Hawai–Emperor và Louisville. Hải lưu và thủy triều Thể tích nước của Thái Bình Dương chiếm khoảng 50,1% thể tích nước của toàn bộ đại dương trên Trái Đất, với giá trị ước tính 714 triệu km³. Nhiệt độ nước bề mặt có thể thay đổi từ mức −1,4 °C (29,5 °F) tương đương điểm đóng băng của nước biển ở vùng cực tới 30 °C (86 °F) ở gần xích đạo. Độ mặn cũng có sự biến đổi theo vĩ độ, đạt tối đa 37 phần nghìn tại khu vực phía đông nam. Vùng nước gần xích đạo có thể có độ mặn thấp ở mức 34 phần nghìn, thấp hơn các khu vực vĩ độ trung do ở gần xích đạo mưa xảy ra nhiều trong cả năm. Giá trị độ mặn thấp nhất−nhỏ hơn 32 phần nghìn−được tìm thấy ở phương Bắc do ít có sự bay hơi của nước biển ở những vùng băng giá. Sự chuyển động của dòng nước thường là theo chiều kim đồng hồ ở Bắc bán cầu và ngược chiều kim đồng hồ ở Nam bán cầu. Dòng hải lưu Bắc xích đạo Thái Bình Dương chuyển động về phía tây dọc theo vĩ tuyến 15°B bởi gió mậu dịch, khi đến gần Philippines chuyển hướng Bắc trở thành hải lưu Kuroshio. Tới khoảng 35°B, phần chủ yếu của Kuroshio chuyển hướng Đông, cuối cùng sáp nhập vào dòng hải lưu Bắc Thái Bình Dương. Hải lưu Aleut, khi tới gần Bắc Mỹ tách ra thành hải lưu Alaska và hải lưu California; trong khi một nhánh khác của nó tiến vào biển Bering tạo nên một hoàn lưu chuyển động ngược chiều kim đồng hồ. Dòng hải lưu Nam xích đạo Thái Bình Dương chảy về phía tây trong khoảng vĩ độ từ 5°B đến 15°–20°N tới kinh tuyến 180 thì bị phân tách. Phần chuyển động lên phía bắc trộn lẫn với dòng hải lưu ngược còn phần chuyển động xuống phía nam trở thành hải lưu Đông Úc và một dòng chảy di chuyển qua vùng biển phía đông New Zealand. Một phần dòng chảy này nhập vào hải lưu vòng Nam Cực và hải lưu Nam Thái Bình Dương, còn lại chảy về phía đông tạo thành hải lưu Humboldt. Các quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp giáp Quốc gia có chủ quyền 1 1 1 Tình trạng chính trị của Đài Loan và Trung Quốc hiện có sự tranh cãi. Để biết thêm thông tin, xem Vị thế chính trị Đài Loan. Vùng lãnh thổ (Mỹ) Đảo Baker (Mỹ) (New Zealand) Quần đảo Biển San hô (Úc) (Chile) (Pháp) (Mỹ) (Trung Quốc) Đảo Howland (Mỹ) Đảo Jarvis (Mỹ) Đảo Johnston (Mỹ) Ám tiêu Kingman (Mỹ) (Trung Quốc) Rạn san hô vòng Midway (Mỹ) (Pháp) (New Zealand) (Úc) (Mỹ) Rạn san hô vòng Palmyra (Mỹ) (Anh) (New Zealand) (Pháp) Đảo Wake (Mỹ) Sự hình thành biển - đại dương Giả thuyết chia tách Mặt Trăng Thái Bình Dương là đơn nguyên cấu tạo địa chất lớn nhất trên Trái Đất, so với Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương và Bắc Băng Dương, nó có rất nhiều lịch sử diễn hoá đặc biệt độc nhất và "không giống ai", thí dụ như vành đai động đất, núi lửa bao quanh Thái Bình Dương, hệ thống cung đảo - rãnh biển phát triển rộng lớn và sự sai biệt rõ ràng trong lịch sử cấu tạo địa chất ở hai bờ địa dương. Điều này khiến rất nhiều người tin rằng, Thái Bình Dương khả năng có nguyên nhân hình thành dị biệt. Từ xưa tới nay, các nhà khoa học đã nêu ra quá nhiều giả thuyết liên quan đến nguyên nhân hình thành Thái Bình Dương, trong đó cái làm cho người ta phải để mắt, nhìn kĩ nhất chính là "Giả thuyết chia tách Mặt Trăng" do nhà thiên văn học, nhà số học quốc tịch Anh George Howard Darwin nêu ra vào năm 1879. Darwin cho biết, thời kì đầu của Trái Đất ở vào trạng thái bán dung nham, tốc độ tự quay của nó rất nhanh so với bây giờ, đồng thời dưới tác dụng lực hấp dẫn của Mặt Trời sẽ phát sinh thủy triều sáng và tối. Nếu chu kì dao động của thủy triều giống nhau với chu kì dao động cố hữu của Trái Đất, thì lập tức sẽ phát sinh hiện tượng cộng hưởng, khiến cho biên độ dao động càng ngày càng lớn, cuối cùng có khả năng gây ra cắt xé phá vỡ cục bộ, khiến một bộ phận vật thể bay rời khỏi Trái Đất, biến thành là Mặt Trăng, nhưng mà hố lõm để lại dần dần biến thành là Thái Bình Dương. Bởi vì mật độ của Mặt Trăng (3,341 g/cm³) gần giống như mật độ của vật chất phần cạn Trái Đất (mật độ trung bình của nham thạch quyển bao gồm tầng đá peridotit nội tại ở phần đỉnh lớp phủ là 3,2 - 3,3 g/cm³), hơn nữa nhiều người cũng quan trắc xác thật được rằng, tốc độ tự quay của Trái Đất có hiện tượng càng sớm càng lẹ, liền khiến "Giả thuyết chia tách Mặt Trăng" của George Howard Darwin đã giành được sự ủng hộ của rất nhiều người. Tuy nhiên, một số người nghiên cứu chỉ ra, muốn khiến vật thể trên Trái Đất bay ra khỏi, tốc độ tự quay của Trái Đất nên phải mau hơn 4,43 radian/giờ, tức là thời gian của một ngày và đêm không được lớn hơn 1 giờ 25 phút. Chẳng lẽ Trái Đất thời kì đầu đã có tốc độ quay mau như vậy sao? Điều này hiển nhiên rất khó khiến người ta tin tưởng. Hơn nữa, nếu Mặt Trăng đúng là từ Trái Đất bay ra ngoài, thì quỹ đạo chuyển động của Mặt Trăng nên phải ở trên mặt xích đạo của Trái Đất, nhưng sự thật là không giống như vậy. Ngoài ra, đá Mặt Trăng phần lớn có sẵn giá trị tuổi thọ cổ xưa rất nhiều (4 tỉ đến 4,55 tỉ năm), nhưng mà đá cổ xưa nhất đã được tìm kiếm trên Trái Đất chỉ có 3,8 tỉ năm, điều này hiển nhiên cũng mâu thuẫn nhau với giả thuyết bay ra. Cuối cùng, mọi người đã vứt bỏ quan điểm này. Từ niên đại 50 - 60 thế kỉ XX tới nay, bởi vì tiến triển của môn ngành địa chất học thiên thể, mọi người phát hiện, Mặt Trăng, sao Hoả, sao Kim và sao Thủy ở lân cận Trái Đất tất cả đều phát triển rộng khắp hố va chạm có vẫn thạch, có cái quy mô tương đương cực kì to lớn. Điều này không thể không khiến mọi người nghĩ rằng, Trái Đất cũng có khả năng mắc phải tác dụng va chạm đồng dạng. Xem thêm Đại dương Đại dương thế giới Bảy Đại dương Múi giờ Thái Bình Dương Chiến tranh Thái Bình Dương Tham khảo Đọc thêm Liên kết ngoài EPIC Pacific Ocean Data Collection Viewable on-line collection of observational data NOAA In-situ Ocean Data Viewer plot and download ocean observations NOAA PMEL Argo profiling floats Realtime Pacific Ocean data NOAA TAO El Niño data Realtime Pacific Ocean El Niño buoy data NOAA Ocean Surface Current Analyses —Realtime (OSCAR) Near-realtime Pacific Ocean Surface Currents derived from satellite altimeter and scatterometer data Đại dương Địa lý học Bài cơ bản dài trung bình
7228
https://vi.wikipedia.org/wiki/Blues
Blues
Nhạc Blues (/bluːz/) có nguồn gốc từ những điệu hát của miền tây Phi Châu được các nô lệ da đen mang sang Bắc Mỹ, đặc biệt là vùng châu thổ sông Mississippi (Mississippi Delta) tại miền nam Hoa Kỳ. Tại vùng đất mới, điệu nhạc thô sơ này được phát triển thêm với các nhạc khí mới và trở nên rất phổ thông trong các cộng đồng nô lệ người Mỹ gốc Phi khi họ tụ tập với mục đích làm việc, gặt hái, tín ngưỡng hay tiêu khiển. Dần dần nhạc Blues cũng được ưa chuộng bởi giới trẻ da trắng Hoa Kỳ. Từ đó nó đã có ảnh hưởng đến hầu hết các loại nhạc tại Bắc Mỹ: nhạc Jazz, Big bands, Ragtime, Rhythm & Blues (R&B), Soul, Rock and roll, nhạc Pop, nhạc đồng quê và ngay đến nhạc cổ điển của thế kỷ 20. Motif blues, dùng phổ biến trong nhạc jazz, blues và rock and roll, được đặc trưng bởi các gam tiến, trong đó blues mười hai thanh là phổ biến nhất. Các nốt nhạc blues, với mục đích biểu cảm, được hát hoặc chơi ngang hoặc chuyển dần (từ cung thứ 3 đến cung trưởng thứ 3) trong giọng tương ứng. Đây cũng là một phần đặc trưng quan trọng của loại nhạc này. Blues là một thể loại nhạc có những đặc điểm khác như lời bài hát, dòng âm bass, và các nhạc cụ riêng. Blues có các loại nhạc blues nhỏ hơn bao gồm blues đồng quê, chẳng hạn như nhạc blues Delta, blues Piedmont và blues Texas, và blues phong cách đô thị như Chicago blues và West Coast blues. Thế chiến II đánh dấu sự chuyển đổi từ blues acoustic sang blues điện và giới thiệu nhạc blues cho một đối tượng công chúng rộng lớn hơn, đặc biệt là những người da trắng. Trong năm 1960 và 1970, một hình thức lai tạo gọi là blues-rock đã phát triển và định hình. Ngày nay, nhạc Blues được thưởng thức hay trình diễn bởi nhiều sắc dân của các văn hóa khác nhau trên khắp thế giới: từ Nhật sang đến Anh, từ Đông Âu cho đến Nam Mỹ, từ Nga xuống đến Úc. Từ nguyên học Từ này có thể xuất phát từ thuật ngữ blue devils - "quỷ xanh", có nghĩa là u sầu và buồn bã. Việc sử dụng đầu tiên của blues theo ý nghĩa này được thực hiện trong một màn hài kịch một hồi Blue Devils của George Colman (1798). Mặc dù trong âm nhạc người Mỹ gốc Phi từ trước đó đã có thể sử dụng từ này, nó đã được chứng thực từ năm 1912, khi "Dallas Blues" Hart Wand đã trở thành tác phẩm nhạc blues có bản quyền đầu tiên. Trong lời bài hát blues thường được sử dụng để mô tả một tâm trạng chán nản. Ghi chú Tham khảo Bransford, Steve. "Blues in the Lower Chattahoochee Valley" Southern Spaces 2004 Đọc thêm Brown, Luther. "Inside Poor Monkey's", Southern Spaces, ngày 22 tháng 6 năm 2006. Dixon, Robert M.W., and John Godrich (1970). Recording the Blues. London: Studio Vista. 85 p., amply ill. SBN 289-79829-9 Welding, Peter, and Toby Brown, jt. eds. (1991). Bluesland: Portraits of Twelve Major American Blues Masters, in series, Dutton Book[s]. New York: Penguin Group. 253, [2] p., ill., chiefly with b&w photos. ISBN 0-525-93375-1 Liên kết ngoài The American Folklife Center's Online Collections and Presentations American Music: An almost comprehensive collection of historical blues recordings. The Blue Shoe Project - Nationwide (U.S.) Blues Education Programming "The Blues", documentary series by Martin Scorsese, aired on PBS The Blues Foundation The Delta Blues Museum The Music in Poetry – Viện Smithsonian lesson plan on the blues, for teachers American Music: Archive of artist and record label discographies Nhạc blues Văn hóa Mỹ-Phi Kiểu nhạc Mỹ Thể loại nhạc Bài cơ bản dài trung bình Định dạng phát thanh Lịch sử người Mỹ gốc Phi Âm nhạc Mỹ gốc Phi Nhạc đại chúng
7241
https://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%C3%A0%20Ki%E1%BB%87u
Trà Kiệu
Trà Kiệu tên một làng thuộc xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam là một địa danh lịch sử nằm cách Đà Nẵng khoảng 38 km, gần thánh địa Mỹ Sơn. Trước năm 1975 nhiều người còn gọi tên Trà Kiệu là hòn Bửu Châu. Kinh đô Lâm Ấp Trà Kiệu là nơi đặt kinh đô của vương quốc Lâm Ấp từ khoảng năm 605 đến năm 757, với tên gọi là Simhapura. Khởi nguyên Theo sử nhà Hán thì vào năm 192 có thổ lãnh tên là Khu Liên, nổi lên chống trả lại triều đình giết huyện lệnh rồi được người Chiêm tôn làm vua đặt tên nước là Lâm Ấp. Sau này cháu ngoại là Phạm Hùng kế vị. Năm 353 thứ sử Giao Châu đánh vua Lâm Ấp là Phạm Phật. Năm 420 Đỗ Tuệ Độ lại cất binh từ Giao Châu đánh Lâm Ấp bắt nước ấy quy hàng. Được ít lâu năm 433 vua Lâm Ấp là Phạm Dương Mại thấy nhà Tống nội chiến, phân tranh Nam Bắc bị suy yếu nhiều nên cất binh đánh phá hai huyện Nhật Nam & Cửu Chân. Vua Tống sai Đoàn Hòa Chí đánh trả, giết hại rất nhiều. Từ năm 605 đời nhà Tùy hai bên giao chiến mãi đến năm Trinh Quan thời nhà Đường (đời Đường Thái Tông), thì sử ghi vua Lâm Ấp là Phạm Đầu Lê và con là Phạm Trấn Long đều mất. Con của bà cô là Chư Cát Địa lên ngôi đổi tên nước là "Hoàn Vương quốc". Mãi đến năm Mậu Tý 808 nhà Đường phái Trương Chu kéo binh vào đánh Hoàn Vương quốc giết hại rất nhiều. Vua Hoàn Vương yếu thế nên phải rút lui vào phía nam, đổi tên nước là Chiêm thành. Kinh đô Chiêm có tên là Simhapura (Sư tử thành) xây dựng tráng lệ nằm trong tiểu vương quốc Amaravati là 1 tiểu vương quốc hùng mạnh nhất trong 5 tiểu Vương quốc Champa. Đến đời vua Vijạya Cri (998 - 1009) thì vua Chiêm bỏ Simhapura dời vào Đồ Bàn. Cố đô cũ của người Chiêm nhập vào quốc thổ của người Việt đang tràn xuống phía nam trong cuộc Nam tiến. Simhapura được gọi là xứ Chiêm động. Mặc cho thời gian và thiên nhiên tàn phá Trà Kiệu chìm vào quên lãng. Xem thêm Đức Mẹ Trà Kiệu Ga Trà Kiệu Sinhapura Virapura Indrapura Vijaya Tham khảo Di tích tại Quảng Nam Amaravati (Chăm Pa)
7245
https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BA%A1o%20v%C4%83n
Đạo văn
Đạo văn (tiếng Anh: plagiarism; tiếng Nhật: 盗作- Đạo tác; tiếng Trung: 抄袭- Sao tập) là chiếm hữu một cách sai trái, ăn cắp, công bố ngôn ngữ, suy nghĩ, ý tưởng, hay cách diễn đạt của người khác và xem chúng như là những gì do mình tự tạo ra. Khái niệm đạo văn vẫn chưa có những định nghĩa và quy tắc rõ ràng. Đạo văn được xem là hành vi thiếu trung thực về mặt học thuật và vi phạm đạo đức báo chí. Người nào đạo văn sẽ bị phạt tiền, bị đình chỉ, và thậm chí bị đuổi học hay đuổi việc. Trong môi trường học thuật và công việc, đạo văn là một hành vi vi phạm đạo đức rất nghiêm trọng; một số trường hợp đạo văn có thể cấu thành hành vi vi phạm bản quyền. Chú thích Tham khảo Alfrey, Penelope (February 2000) "Petrarch's Apes: Originality, Plagiarism and Copyright Principles within Visual Culture". MIT Communications Forum. Blum, Susan D. My Word!: Plagiarism and College Culture (2010) Eco, Umberto (1987) Fakes and Forgeries in Versus, Issues 46–48, republished in 1990 in The limits of interpretation pp. 174–202 Lynch, Jack (2002) The Perfectly Acceptable Practice of Literary Theft: Plagiarism, Copyright, and the Eighteenth Century, in Colonial Williamsburg: The Journal of the Colonial Williamsburg Foundation 24, no. 4 (Winter 2002–3), pp. 51–54. Also available online since 2006 at Writing World. Paull, Harry Major (1928) Literary ethics: a study in the growth of the literary conscience Part II, ch.X Parody and Burlesque pp. 133–40 (public domain work, author died in 1934) Liên kết ngoài Hoàng Quyên. Giới trẻ đang đạo văn nhưng... không hay biết. Báo Thanh Niên Online. Lừa dối Vấn đề giáo dục Luật sở hữu trí tuệ Tác phẩm trí tuệ Hành vi xấu Trộm cắp
7246
https://vi.wikipedia.org/wiki/Yoga
Yoga
Yoga (sa. yoga), hay còn gọi là Du-già (zh. 瑜伽), là một họ các phương pháp luyện tâm và luyện thân cổ xưa bắt nguồn từ Ấn Độ. Các nhà nghiên cứu cho rằng, thế giới tâm linh của Ấn Độ được phổ biến chính qua khái niệm Yoga này. Người nam luyện Yoga được gọi là (Du-già) Hành giả (sa. yogin), người nữ là Nữ hành giả (sa. yoginī). Có lúc ta cũng thấy cách gọi Du-già sư, Du-già tăng. Từ nguyên Yoga - được phiên âm Du-già ở đây - là một danh từ nam tính được diễn sinh từ gốc động từ √yuj tiếng Phạn. Từ điển Phạn-Anh của Monier-Williams cho những nghĩa chính như sau: "...to yoke or join or fasten or harness (horses or a chariot) RV. &c. &c ✧ to make ready, prepare, arrange, fit out, set to work, use, employ, apply ib. ✧.... ✧ to turn or direct or fix or concentrate (the mind, thoughts &c.) upon (loc.) TS. &c. &c ✧ (P. Ā.) to concentrate the mind in order to obtain union with the Universal Spirit, be absorbed in meditation (also with yogam) MaitrUp. Bhag. &c ✧ to recollect, recall MBh. ✧ to join, unite, connect, add, bring together RV. &c. &c. (Ā. to be attached, cleave to Hariv.)..." Như thế, thuật ngữ Yoga có nghĩa là đặt mình dưới một cái ách, điều ngự, cột thắt lại, chuẩn bị, chuyên chú. Trong các hệ thống học phái Yoga thì thuật ngữ này chỉ đến hai nhánh tu học luyện thân và luyện tâm, giúp hành giả nâng cao năng lực thân tâm cũng như những hoạt động của chúng trong chính mình, điều hoà chúng để rồi có thể tiến đến cấp bậc toàn hảo tâm linh. Tu luyện Yoga thân thể được gọi là Hatha yoga (Khống chế du-già, zh. 控制瑜伽, sa. haṭhayoga), tu luyện Yoga tâm thức là Raja yoga (Hoàng giả du-già, zh. 皇者瑜伽, sa. rājayoga), nghĩa là "phép Yoga của một ông vua" (rāja). Thuật ngữ Yoga rất cổ. Trong những bộ Áo nghĩa thư (zh. 奧義書, sa. upaniṣad) quan trọng nhất người ta tìm thấy các miêu tả phương pháp tập trung và thiền định (Kaṭha-upaniṣad 1,3,13; 3,3,10.). Áo nghĩa thư Śvetāśvatara (sa. Śvetāśvatara-Upaniṣad, 2,8-15) ghi rõ nguyên tắc thực hành Yoga: Tư thế thân, điều chế các giác quan và tâm thức, cách điều vận hơi thở v.v... Áo nghĩa thư Maitrī (sa. Maitrī-Upaniṣad) 6,18 nói về Yoga với sáu thành phần (Lục chi du-già 六支瑜伽, sa. ṣaḍaṅgayoga): Điều tức (zh. 調息, sa. prāṇāyāma), là điều chế hơi thở ra vào. Chế cảm (zh. 制感, sa. pratyāhāra), thâu tóm các giác quan lại cũng như không để ý vào những đối tượng của chúng. Tĩnh lự (zh. 靜慮, sa. dhyāna), là thiền. Chấp trì (zh. 執持, sa. dhāraṇa), dán tâm vào một nơi, không cho tán loạn. Tầm tư (zh. 尋思, sa. tarka), tư duy tìm hiểu. Tam-ma-địa (zh. 三摩地, sa. samādhi), tâm an định, đạt định. Cũng trong Áo nghĩa thư này, người ta tìm thấy định nghĩa Yoga là "kết hợp" (6,26): "Vì qua đó mà người ta có thể kết hợp hơi thở, âm tiết OM ॐ và toàn thế giới với tất cả những hiện dạng của nó nên được gọi là Yoga". Không chỉ những truyền thống Hindu giáo chính thống, mà ngay những truyền thống được xem là bên ngoài cũng thực hiện Yoga. Ví dụ như các Thánh nhân trong Jaina giáo được xem là những vị am tường phép Yoga. Ngay Phật Thích Ca cũng thực hành Yoga và kinh điển đạo Phật thường nhắc đến các phương pháp tập trung lắng đọng tâm thức cũng như miêu tả các trạng thái thiền định. Một trong hai trường phái lớn của đạo Phật Đại thừa là Duy thức tông cũng có tên khác là Du-già hành phái (zh. 瑜伽行派, sa. yogācāra), chính vì các đại biểu trường phái này đặc biệt chú tâm đến việc thực hành Yoga. Hệ thống Yoga cổ điển theo kinh Du-già Hệ thống Yoga cổ điển như một phái triết học được Ba-đan-xà-lê (zh. 巴丹闍梨, sa. patañjali, tiểu sử không rõ, có thể sống thế kỉ 2/3 trước CN hoặc thứ 5 sau CN), tác giả của bộ Du-già kinh (zh. 瑜伽經, sa. yogasūtra) khai sáng. Trong hệ thống này, Yoga kết hợp chặt chẽ với Triết học số luận (zh. 數論, sa. sāṃkhya) đến mức người ta xem Yoga và Số luận gần như là một hệ thống với Yoga đại diện khía cạnh thực hành và Số luận đại diện phần lý thuyết. Yoga hấp thụ phần triết học siêu hình của Số luận. Tuy nhiên, người ta tìm thấy hai điểm khác biệt nổi bật giữa hai hệ thống này: phái Số luận thuộc hệ thống vô thần trong khi hệ thống Yoga thừa nhận một đấng Tự Tại (sa. īśvara). Theo Số luận thì chỉ nhận thức siêu việt mới chính là con đường dẫn đến giải thoát. Đối với hai hệ thống này thì Phú-lâu-sa (zh. 富樓沙, sa. puruṣa), tâm thức siêu việt trường tồn và bản tính (zh. 本性, sa. prakṛti, Du-già kinh 1,24-27) là hai nguyên lý tối cao. Phú-lâu-sa, khi phản chiếu trong tâm thức (sa. citta) con người chính là tiểu ngã hoặc linh hồn (sa. jīva) hiển hiện trong thế giới hiện tượng, lăn trôi trong vòng sinh tử. Khi tâm thức con người được an tĩnh, không còn sự phản chiếu nữa thì khi ấy, nó nhận thức được bản tính uyên nguyên của nó và đạt giải thoát. Con đường dẫn đến mục đích này chính là Yoga. Trong câu kệ thứ hai của Du-già kinh Ba-đan-xà-lê định nghĩa Yoga (Du-già) như sau: yogaś cittavṛttinirodhaḥ Yoga là sự chế ngự (nirodha) những hoạt động của tâm thức (cittavṛtti). Tâm thức có năm hoạt động, đó là: Chân lượng (sa. pramāṇa, xem thêm Lượng), tức là nhận thức, ước lượng chân chính. Đảo kiến (sa. viparyaya), là kiến giải, nhận thức điên đảo Vọng tưởng (sa. vikalpa), tưởng tượng. Miên (sa. nidrā), là giấc ngủ Niệm (sa. smṛti), là trí nhớ. Năm hoạt động tâm thức trên có thể gây phiền não (sa. kliṣṭa) hoặc không gây phiền não (sa. akliṣṭa, 1,5). Những hoạt động tâm thức gây phiền não lập cơ sở cho việc thu thập và gia tăng nghiệp chướng, trói buộc tâm thức. Có năm hoạt động tâm thức gây phiền não, đó là: Vô minh (sa. avidyā). Vị kỉ (sa. asmitā), chỉ biết đến mình. Tham ái (sa. rāga) Sân (sa. dveṣa), sân hận. Hữu ái (sa. abhiniveśa), khát vọng tồn tại. Những hoạt động gây phiền não bên trên có thể được diệt trừ bằng tâm thức tinh tiến (sa. abhyāsa) và vô tham (sa. vairāgya). Quá trình dài dẳng và gian nan này chính là Yoga và theo Ba-đan-xà-lê, nó bao gồm tám cấp bậc. Tám cấp của Yoga cổ điển Ba-đan-xà-lê miêu tả tám cấp của Yoga (sa. aṣṭāṅgayoga) với những điểm đặc thù của nó. Hai cấp đầu tương quan đến việc tu trì giới luật, ba cấp kế đến tương quan đến việc tu tập thân thể và ba cấp cuối hướng dẫn trau dồi tâm thức. Chế giới (zh. 制戒, sa. yama, YS 2,30), được hiểu là sự tự kiểm soát trong mọi hành động, bao gồm bất sát sinh (sa. ahiṃsā), chân thật (sa. satya), không trộm cắp (sa. asteya), Phạm hạnh (sa. brahmacaryā, ở đây là tuyệt dục) và không giữ vật sở hữu (sa. aparigraha) Nội chế (zh. 內制, sa. niyama), bao hàm sự thanh tịnh (sa. śauca) trong ba cửa ải thân, khẩu và ý, tâm thức hoan hỉ (sa. saṃtoṣa), khổ hạnh (sa. tapas), sự tu học (sa. svādhyāya) thánh điển với khả năng dẫn đến giải thoát và lặp đi lặp lại âm tiết OṂ ॐ, quy y đấng Tự Tại (sa. īśvarapraṇidhāna), hiến dâng tất cả cho đấng tối cao. Hai cấp Chế giới và Nội chế bên trên giúp hành giả tạo sự hoà hợp ở bản thân và dung hoà mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội, của con người và vạn vật xung quanh. Để đạt được sự an nhiên tâm thức lâu dài thì Ba-đan-xà-lê cũng khuyên hành giả trau dồi những đức tính quan trọng khác như Từ, bi, hỉ và xả (tứ vô lượng tâm). Từ là tình thương bao trùm vạn vật, bi là tâm đồng cảm với chúng sinh, hỉ là niềm vui cùng người khác và xả là tâm thức không dao động trước khổ lạc, vinh nhục v.v... (1,33). Toạ pháp (zh. 坐法, sa. āsana) là phép ngồi vững chắc và dễ chịu (2,46). Tư thế ngồi vững chắc và dễ chịu được đạt qua tâm thư giãn tuyệt đối, qua tâm vô thức về các cặp đối đãi như nóng lạnh, khổ lạc v.v... và qua sự quán chiếu cái tuyệt đối vô biên (2,47). Điều tức (zh. 調息, sa. prāṇāyāma) là sự điều chế hơi thở ra vào, được định nghĩa là sự tách li hơi thở vào và thở ra (2,49). Việc điều chế hơi thở này chính là nguyên nhân làm cho tâm thức được tuần phục. Chế cảm (zh. 制感, sa. pratyāhāra) có nghĩa là rút những giác quan ra khỏi những đối tượng của chúng. Sự kiểm soát toàn hảo này chỉ có thể được thực hiện khi tâm thức đã được điều phục (2,54). Chấp trì (zh. 執持, sa. dhāraṇa) là sự tập trung tâm thức vào một chỗ nhất định, rất cần thiết cho việc điều chế tâm thức, vốn có bản chất tán loạn, hồi hộp không yên. Những điểm tập trung được nhắc đến là xa luân (sa. cakra) ở khu vực tim, chóp mũi, đầu lưỡi v.v... Một đối tượng bên ngoài, ví như một bức tượng của một Thần thể cũng có thể được dùng làm điểm tập trung (3,1). Tĩnh lự (zh. 靜慮, sa. dhyāna): Dòng tâm thức tương tục được gán vào đối tượng một cách tự nhiên, không bị một hoạt động tâm thức nào khác quấy nhiễu (3,2). Tam-ma-địa (zh. 三摩地, sa. samādhi) là đỉnh điểm của quá trình thiền định. Nhờ sự trình hiện chân thật của bản chất đối tượng mà hành giả đang quán chiếu, hành giả siêu việt ngay cả sự nhận thức đối tượng (3,3). Quyền năng siêu nhiên Trong lúc tu luyện ba cấp 6-8 thì hành giả có thể chứng nghiệm một vài năng lực siêu nhiên (sa. vibhūti), ví như biết được quá khứ vị lai, biết kiếp sống trước của mình, hiểu tiếng nói của chúng sinh (3,16). Tuy nhiên, Ba-đan-xà-lê cũng nói thêm là những năng lực siêu nhiên này có thể là chướng ngại trên con đường tu tập (3,36). Nếu hành giả tiến bước mà không để những năng lực này chi phối thì sẽ đạt đỉnh điểm của quá trình tu học, là Tam-ma-địa. Hai dạng Tam-ma-địa Có hai dạng Tam-ma-địa (1,44): Trong Tam-ma-địa có tư duy chủ động (Hữu tầm/Hữu tứ tam-ma-địa, sa. savitarkasamādhi, savicārasamādhi) thì tâm thức của hành giả vẫn còn hoạt động mặc dù ông ta đã bị thu hút hoàn toàn bởi sự chuyên chú vào đối tượng đã chọn (1,42,45). Trong Tam-ma-địa không còn tư duy (sa. nirvitarkasamādhi, nirvicārasamādhi) thì sự nhận thức đối tượng tham quán tự huỷ hoàn toàn và tâm thức của hành giả cũng ngừng hoạt động. Tâm thức tan biến (1,43,47-51). Chỉ còn Phú-lâu-sa (sa. puruṣa) nội tại với kinh nghiệm độc tồn (sa. kaivalya) tuyệt đối. Yoga trong Chí Tôn ca Chí Tôn ca (sa. bhagavadgītā) ghi rõ mối quan hệ với phái Số luận và ảnh hưởng của phái này đến Chí Tôn ca cũng là những điểm đáng chú ý (Chí Tôn ca 2,39, 3,3.42). Tuy nhiên, Chí Tôn ca mở rộng phạm vi Yoga, cho rằng tất cả những nỗ lực thành tựu mục đích tâm linh đều là Yoga. Trong mối quan hệ này, Chí Tôn ca nhắc đến ba loại Yoga: Yoga nghiệp (sa. karmayoga), luyện Yoga qua những hoạt động hằng ngày. Yoga tín ngưỡng (sa. bhaktiyoga), tu tập qua niềm tin vững chắc. Yoga trí (sa. jñānayoga), dùng trí huệ làm phương tiện. Chí Tôn ca định nghĩa Yoga là bình thản làm tròn bổn phận của mình sau khi dứt bỏ mọi ý nghĩ về thắng hay bại (2,48), là sự khéo léo khi hành động (2,50). Chương 6 nói về cách cư xử của một hành giả từ nhiều khía cạnh khác nhau. Hành giả luôn luôn hài lòng, tự chủ và không dao động trước những việc xảy ra với chính mình. Yoga và Mật giáo Một dạng Yoga khác với tên Laya-yoga được phát triển trong các hệ thống Mật giáo. Với khái niệm rằng, năng lực tâm linh của con người nằm co lại như một con rắn lửa (sa. kuṇḍalinī) ở dưới cột xương sống của mỗi người, hệ phái này đưa ra những phép tu luyện để đánh thức năng lực. Qua quá trình tu tập, con rắn này vươn lên, đi qua sáu luân xa (sa. cakra), nôm na là "bánh xe" nằm ở cột sống, đến xa luân thứ 7 nằm trên đỉnh đầu, là hoa sen 1000 cánh (sa. sahasrāha), được xem là trú xứ của Thấp-bà (sa. śiva). Hành giả hoà nhập với Thấp-bà, đạt Tam-ma-địa, phát triển trọn vẹn năng lực tâm linh và đạt giải thoát. Vinh danh Hình ảnh Xem thêm Áo nghĩa thư Số luận phái Phệ-đàn-đa phái Chí Tôn ca Khống chế Yoga Hoàng giả Yoga Ấn Độ giáo Du-già kinh Ba-đan-xà-lê Tham khảo Phạn bản Du-già kinh . Sadasivendra Sarasvati: Science of mind control, Sri Sharada Trust 1984. Patañjali: The Yoga Sutras of Patañjali. An analysis of the Sanskrit with accompanying English translation. By Christopher Chapple and Yogi Anand Viraj, Delhi 1990. Chú Thích Tìm hiểu về Yoga. Thể Thao Phủi. Truy cập ngày 15 tháng 1 năm 2021. Āstika Ấn Độ giáo Triết học Ấn Độ Thuật ngữ tiếng Phạn Bài cơ bản dài trung bình Thể dục Khái niệm triết học Ấn Độ giáo Triết học Ấn Độ giáo Phát minh của Ấn Độ Thực hành tâm linh Thiền Phong cách yoga
7248
https://vi.wikipedia.org/wiki/Yogi
Yogi
Yogi hoặc yogini (tiếng Sanskrit,) là từ chỉ người luyện tập môn yoga. Từ Yogin phát sinh từ cùng một ngữ căn với tiếng La tinh "jungo" (nối kết, hợp nhất) và tiếng Đức "joch" (cái ách trói buộc). Yogi trong cuộc sống Trong đời sống thường ngày, nhà yogi không có gì khác biệt với mọi người từ ăn uống, giao tiếp đến tính dục... Chỉ có điều họ tích cực hơn về các mặt: Hành thiện, đức tin, lạc quan... Riêng đối với những vị muốn đi tới giải thoát, kỷ luật khắt khe nhiều ít tự đặt ra và tùy theo pháp môn họ chọn. Yogi và đức tin Mặc dù giải thoát là phương hướng đi tới, nhưng không phải đó là đối tượng để so đo, phán xét, nhà yogi cứ khẩn trương nhưng không vội vã, cố gắng nhưng không đặt yêu cầu, như "vô cầu" của đạo Phật. Để minh họa cho đức tin này chúng ta lấy câu nói của đạo sư Vivekananda: "... Dù phải uống cạn cả đại dương". Nghĩa là cứ kiên nhẫn đi tới, không đặt vấn đề bao lâu, có hay không, như thế nào là thành đạt. Thậm chí nếu giống như "Dã tràng xe cát biển đông", điều này cũng không làm nao núng nhà yogi. Yogi và tri thức Một yogi phải biết rõ hướng đi của mình, những trợ lực và những trở ngại, những cám dỗ của ảo giác (Maya) và tri kiến để chế ngự. Ví dụ, một yogi nắm vững Hatha yoga muốn được toàn thiện, toàn mãn phải nghiên cứu thêm các môn pháp khác như: Mantra yoga, Bhakti yoga, Jnana yoga, Dhyana yoga, Raja Yoga, Karma yoga, Samadhi yoga... Thật ra trong một môn pháp đều chứa đựng các môn khác, vì muốn đặt trọng tâm về mặt nào cho thích hợp từng yogi nên chia ra nhiều môn loại. Xem thêm Yoga Tham khảo Yoga Khổ tu
7249
https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BB%8Bnh%20lu%E1%BA%ADt%20Lenz
Định luật Lenz
Định luật Lenz được đặt tên theo nhà vật lý học Heinrich Lenz, người tìm ra định luật này năm 1834. Định luật Lenz phát biểu như sau: Chiều của dòng điện cảm ứng trong dây dẫn sinh ra bởi sự biến thiên của từ trường tuân theo định luật cảm ứng Faraday sẽ tạo ra một từ trường chống lại sự biến thiên từ thông đã sinh ra nó. Dòng điện cảm ứng phải có chiều sao cho từ trường do nó sinh ra có tác dụng chống lại nguyên nhân sinh ra nó. Công thức Định luật Lenz được biểu diễn bởi dấu âm trong định luật cảm ứng Faraday: Trong đó: là cảm ứng điện từ. là biến thiên từ thông (có dấu âm đằng trước để xác định chiều của dòng điện cảm ứng). là khoảng thời gian, dấu trừ biểu thị định luật Lenz. Định luật Lenz phù hợp với định luật bảo toàn năng lượng. Định luật này được thể hiện qua dấu "-" trong các phương trình Maxwell. Tham khảo Điện từ học Lenz Điện động lực học Đệm từ
7252
https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BB%8Bnh%20lu%E1%BA%ADt%20v%E1%BA%ADt%20l%C3%BD
Định luật vật lý
Một định luật vật lý là một sự khái quát hóa một cách khoa học dựa trên các quan sát thực nghiệm. Các định luật vật lý có thể coi là các kết luận rút ra từ, hay các giả thuyết được kiểm nghiệm bởi các thí nghiệm vật lý. Mục đích cơ bản của khoa học nói chung, hay vật lý nói riêng, là mô tả tự nhiên bởi hệ thống các định luật như vậy.VD:Định luật Ôm, định luật phản xạ ánh sáng.v.v..... Xem thêm Hằng số vật lý Tham khảo (bằng tiếng Anh) Barrow, John (1991). Theories of Everything: The Quest for Ultimate Explanations. (ISBN 0-449-90738-4) Davies, Paul (1992). The Mind of God (ISBN 0-671-79718-2) Feynman, Richard (1965). The Character of Physical Law (ISBN 0-679-60127-9) Liên kết ngoài (bằng tiếng Anh) Baaquie, Belal E., "Laws of Physics : A Primer". Core Curriculum, National University of Singapore. Carroll, John W. Stanford Encyclopedia of Philosophy entry Francis, Erik Max, "The laws list". Physics. Alcyone Systems Triết học khoa học Phương pháp khoa học Nguyên tắc Vật lý Siêu hình khoa học Quan hệ nhân quả Định luật Vật lý học
7255
https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BB%8Bnh%20lu%E1%BA%ADt%20c%E1%BA%A3m%20%E1%BB%A9ng%20Faraday
Định luật cảm ứng Faraday
Định luật cảm ứng Faraday là định luật cơ bản trong điện từ, cho biết từ trường tương tác với một mạch điện để tạo ra sức điện động (EMF) - một hiện tượng gọi là cảm ứng điện từ. Đó là nguyên lý hoạt động cơ bản của máy biến áp, cuộn cảm, các loại động cơ điện, máy phát điện và nam châm điện. Phương trình Maxwell-Faraday là sự tổng quát của định luật Faraday, và được liệt kê như là một trong các phương trình của Maxwell. Lịch sử nghiên cứu Định luật cảm ứng được khám phá bởi nhà vật lý hóa học người Anh Michael Faraday năm 1831 và Joseph Henry độc lập nghiên cứu tại cùng thời gian. Định luật Faraday Định nghĩa Theo một phiên bản phổ biến của định luật Faraday nói rằng:Suất điện động cảm ứng trong bất kỳ một mạch kín bằng âm biến thiên thời gian của từ thông bao quanh nó. Công thức Định luật cảm ứng Faraday cho biết mối liên hệ giữa biến thiên từ thông  trong diện tích mặt cắt của một vòng kín và điện trường cảm ứng dọc theo vòng đó. được tính bởi công thức: Với là một phần của diện tích bề mặt di chuyển của cuộn dây , là từ trường (còn gọi là"mật độ từ thông"), và là Tích vô hướng. Trong các thuật ngữ trực quan hơn, lượng từ thông qua đi vòng dây tỷ lệ thuận với số lượng đường sức từ đi qua nó. Dạng tích phân: với E là điện trường cảm ứng, ds là một phần tử vô cùng bé của vòng kín và dΦB/dt là biến thiên từ thông. Phương trình Maxwell–Faraday Dạng vi phân, tính theo từ trường B: Trong trường hợp của một cuộn cảm có N vòng cuốn, công thức trở thành: với V là lực điện động cảm ứng và ΔΦ/Δt là biến thiên của từ thông Φ trong khoảng thời gian Δt. Chiều của lực điện động (dấu trừ trong các biểu thức trên) phù hợp với định luật Lenz. Lịch sử Định luật cảm ứng Faraday dựa trên các thí nghiệm của Michael Farádaday vào năm 1831. Định luật ban đầu được phát biểu là: Một lực điện động được sinh ra bởi cảm ứng khi từ trường quanh vật dẫn điện thay đổi suất điện động cảm ứng tỷ lệ thuận với độ thay đổi của từ thông qua vòng mạch điện. Xem thêm Hiện tượng cảm ứng điện từ. Tham khảo Phương trình Maxwell Faraday Điện động lực học Michael Faraday
7277
https://vi.wikipedia.org/wiki/M%E1%BA%B7t%20Tr%C4%83ng
Mặt Trăng
Mặt Trăng hay trăng, nguyệt là vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái Đất. Với độ sáng ở bầu trời chỉ sau Mặt Trời,tr.120 Mặt Trăng đã được con người biết đến từ thời tiền sử. Mặt Trăng có hình cầutr.223 với chiều rộng bằng khoảng 27% Trái Đất và khối lượng bằng khoảng 1,23% Trái Đất.tr.304 Bề mặt Mặt Trăng chứa nhiều khoáng silicat và không có khí quyển, thủy quyển, hay từ quyển đáng kể.tr.304,309 Giả thuyết về sự hình thành của Mặt Trăng được chấp nhận rộng rãi nhất cho rằng: cách đây hơn 4,5 tỷ năm, không lâu sau khi Trái Đất hình thành, Mặt Trăng được hình thành từ các vụn văng ra sau một vụ va chạm giữa Trái Đất và một thiên thể khác mang tên Theia cỡ Sao Hỏa. Mặt Trăng ở trong quỹ đạo đồng bộ với Trái Đất, tức là chu kỳ tự quay của Mặt Trăng bằng với chu kỳ quay quanh Trái Đất, khoảng 27,3 ngày, do đó nó luôn quay một mặt về phía Trái Đất, là mặt gần.tr.123 Do hiện tượng bình động nên quan sát từ Trái Đất qua nhiều thời điểm, với mỗi thời điểm ở góc nhìn hơi khác, sẽ thấy tổng cộng nhiều hơn một nửa diện tích Mặt Trăng (59%). Các pha Mặt Trăng, từ trăng tròn đến trăng tối, tuần hoàn theo chu kỳ giao hội 29,5 ngày,tr.123 tạo thành cơ sở cho lịch Mặt Trăng (âm lịch).tr.208-209 Đường kính góc của Mặt Trăng trên bầu trời tương đương với Mặt Trời, khoảng hơn nửa độ, do đó Mặt Trăng che kín Mặt Trời trong nhật thực toàn phần.tr.253 Lực hấp dẫn của Mặt Trăng gây ra thủy triều trên đại dương ở Trái Đất, đồng thời gây ra hiệu ứng tương tự cho phần vỏ và lõi đất đá của Trái Đất, và làm cho một ngày ở Trái Đất dài hơn một chút.tr.125-128 Khoảng cách trung bình từ Mặt Trăng đến Trái Đất là khoảng 384000 km,tr.19 tương đương 1,28 giây ánh sáng, hay khoảng 30 lần đường kính Trái Đất.tr.223 Trong tương lai xa, khoảng cách từ Mặt Trăng đến Trái Đất sẽ tăng dần, do hiệu ứng thủy triều, và Mặt Trăng sẽ xuất hiện nhỏ dần.tr.128 Trong Hệ Mặt Trời, Mặt Trăng là vệ tinh tự nhiên lớn thứ năm.tr.410 Nếu xét về tỷ lệ kích thước so với hành tinh mà nó quay quanh thì Mặt Trăng đạt tỷ lệ này cao nhất trong Hệ Mặt Trời.tr.388,410,412 Bề mặt Mặt Trăng có các biển Mặt Trăng là các vùng vật chất tối màu có nguồn gốc từ hoạt động núi lửa cũ, nằm chủ yếu ở mặt gần, giữa các vùng vỏ cũ cao sáng màu có rất nhiều hố va chạm.tr.310-312 Các hố va chạm trên Mặt Trăng được bảo quản tốt và cung cấp nhiều thông tin về quá khứ của Hệ Mặt Trời.tr.303 Trọng trường ở bề mặt Mặt Trăng bằng khoảng 1/6 so với Trái Đất.tr.226 Nhiệt độ thay đổi mạnh theo điều kiện nhận ánh sáng Mặt Trời, trung bình từ khoảng -180°C vào ban đêm đến trên 100 °C vào ban ngày tại xích đạo. Tồn tại hàng trăm tỷ tấn nước đá ở đáy những hố va chạm gần cực, nơi vĩnh viễn không nhận được ánh nắng.tr.309 Chương trình Luna của Liên Xô đã đưa được vật thể nhân tạo đầu tiên lên Mặt Trăng là tàu không người lái Luna 2, một tàu vũ trụ được chủ đích cho đâm xuống bề mặt Mặt Trăng vào tháng 9 năm 1959.tr.12-13 Sau đó vào năm 1966, tàu Luna 9 đã đổ bộ an toàn lên Mặt Trăng.tr.305 Chương trình Apollo của Hoa Kỳ những năm tiếp theo đã giúp con người lên Mặt Trăng, với Apollo 8 năm 1968 lần đầu đưa người bay quanh Mặt Trăng, rồi Apollo 11 vào tháng 7 năm 1969 cùng 5 chuyến bay khác sau đó đã hạ cánh với con người và thiết bị lên thiên thể này.tr.305-306 Các chuyến thám hiểm này đã mang về Trái Đất đá Mặt Trăng được dùng để nghiên cứu và bổ sung kiến thức về Mặt Trăng cũng như nguồn gốc hình thành của nó.tr.306 Từ sau chuyến bay Apollo 17 năm 1972 đến hiện tại, chỉ có các tàu không người lái đến thám hiểm Mặt Trăng.tr.307 Sự hiện diện của Mặt Trăng trên bầu trời, theo chu kỳ pha Mặt Trăng, đã để lại dấu ấn trong xã hội và văn hóa của loài người.tr.120 Ảnh hưởng trong văn hóa xã hội thể hiện ở ngôn ngữ,tr.123 hệ thống âm lịch,tr.208-209 nghệ thuật, và thần thoại. Nguồn gốc hình thành Trước hội nghị năm 1984, có các bên ủng hộ ba giả thuyết "truyền thống", một vài người bắt đầu nghiêm túc xem xét lý thuyết va chạm lớn, cùng rất nhiều người khác không có quan điểm rõ ràng và cho rằng cuộc tranh luận sẽ không bao giờ kết thúc. Sau hội nghị, cơ bản chỉ còn có hai phe: phe va chạm lớn và phe bất khả tri. Mặt Trăng hình thành khoảng hơn 4,5 tỷ năm trước. Nghiên cứu về hafni và wolfram ở vỏ Mặt Trăng gợi ý thiên thể này ra đời sau Hệ Mặt Trời khoảng 50 triệu năm. Đa số các giả thuyết từ sớm về nguồn gốc hình thành Mặt Trăng theo một trong ba ý tưởng chính.tr.320 Ý tưởng thứ nhất cho rằng vật chất văng ra từ Trái Đất trong thời kỳ đang hình thành bởi lực ly tâm, sau đó tập hợp lại thành Mặt Trăng. Tuy nhiên điều này đòi hỏi Trái Đất phải quay nhanh đến mức phi thực tế. Ý tưởng thứ hai giả định trường hấp dẫn của Trái Đất đã thu hút thiên thể Mặt Trăng đến từ nơi khác, nhưng việc này đòi hỏi khí quyển Trái Đất hấp thụ động năng của Mặt Trăng khi nó bay tới - một khả năng rất khó xảy ra. Ý tưởng thứ ba đề xuất sự hình thành cùng lúc của Trái Đất và Mặt Trăng từ đĩa bồi tụ khi Hệ Mặt Trời đang hình thành.tr.320 Phương án này không giải thích được tại sao Mặt Trăng lại có các tính chất khác với Trái Đất, ví dụ như ít kim loại hơn hẳn so với Trái Đất.tr.309 Ý tưởng thứ nhất và thứ ba cũng không tiên đoán được mômen động lượng của hệ Trái Đất - Mặt Trăng. Để giải thích thỏa đáng nhiều bằng chứng thực nghiệm, một giả thuyết khác đã được xây dựng, gọi là giả thuyết va chạm lớn.tr.321 Giả thuyết này cho rằng hệ Trái Đất - Mặt Trăng hình thành sau một vụ va chạm lớn, lệch tâm, giữa một thiên thể có kích thước cỡ Sao Hỏa, tên là Theia, với thiên thể tiền Trái Đất. Vụ va chạm đã làm văng nhiều vật chất vào không gian, một phần rời xa Trái Đất, một phần dần tích tụ thành một đĩa bồi tụ quanh Trái Đất rồi từ đó hình thành nên Mặt Trăng. Vào một hội nghị bàn về nguồn gốc Mặt Trăng năm 1984 ở Kona, Hawaii, giả thuyết va chạm lớn bắt đầu được đa số tán thành là hợp lý. Các vụ va chạm lớn được cho là có khả năng xảy ra trong giai đoạn hình thành của Hệ Mặt Trời.tr.510 Những mô phỏng vụ va chạm lớn trên máy tính đã cho ra các kết quả phù hợp với khối lượng thực tế của lõi Mặt Trăng và mômen động lượng của hệ Trái Đất – Mặt Trăng. Vụ va chạm đã giải phóng rất nhiều năng lượng, đủ để làm nóng chảy lớp vỏ Trái Đất và tạo nên đại dương magma. Tương tự, Mặt Trăng mới hình thành cũng có đại dương magma của nó. Theo giả thuyết va chạm lớn, phần lớn Mặt Trăng được hình thành từ lớp vỏ của Trái Đất và Theia, phù hợp với thành phần ít kim loại và nhiều silicat của nó.tr.321 Các nguyên tố dễ bay hơi được giải phóng bởi nhiệt độ cao ở giai đoạn đầu của vụ va chạm, giải thích cho việc không còn vật chất dễ bốc hơi ở trên Mặt Trăng.tr.321 Nếu Mặt Trăng chứa nhiều thành phần của vỏ Trái Đất thì có thể giải thích được sự tương đồng về mặt hóa học của Mặt Trăng với vỏ Trái Đất, ví dụ như về nồng độ đồng vị oxy.tr.321 Tuy giả thuyết va chạm lớn có thể giải thích được nhiều kết quả quan sát song vẫn còn những câu hỏi chưa được giải đáp, đa số liên quan đến thành phần của Mặt Trăng. Năm 2001, một nhóm nghiên cứu ở Viện Carnegie tại Washington báo cáo kết quả đo đạc đặc trưng đồng vị oxy trong đá Mặt Trăng có độ chính xác cao, cho thấy tính chất giống với đá ở Trái Đất. Các nghiên cứu khác sau đó cũng chỉ ra tỷ lệ đồng vị wolfram và titani ở vỏ Mặt Trăng giống hệt với Trái Đất. Đá Mặt Trăng thu được trong chương trình Apollo có đặc trưng đồng vị giống với đá trên Trái Đất và khác hầu hết các thiên thể khác trong Hệ Mặt Trời. Trong khi đó các mô phỏng về vụ va chạm lớn khẳng định trên 40% cho đến phần lớn Mặt Trăng được hình thành từ vật liệu của Theia, chứ không phải từ thiên thể tiền Trái Đất. Để giải thích cho sự tương đồng hóa học giữa Mặt Trăng và vỏ Trái Đất, đã có các giả thuyết khác nhau được đưa ra, bao gồm cả đề xuất xem xét lại toàn diện giả thuyết va chạm lớn. Một số nghiên cứu cho rằng có khả năng Theia tương đồng hóa học với thiên thể tiền Trái Đất, với xác suất tới 20%, dù có ước lượng trước đó chỉ là chưa đến 2%. Một số giả thuyết khác giải thích vỏ Trái Đất và Mặt Trăng đều được tạo ra từ cùng vật liệu được hòa trộn sau sự kiện va chạm lớn, dù có nhà nghiên cứu nghi ngờ về khả năng này. Trong mọi trường hợp, sự tương đồng hóa học chứng tỏ Mặt Trăng không hình thành ở xa và độc lập với Trái Đất.tr.321 Giả thuyết va chạm lớn vẫn đang được phát triển để giải thích các quan sát ngày càng chính xác về Mặt Trăng. Một ý tưởng cho rằng vật liệu văng ra từ vụ va chạm lớn ban đầu hình thành nên hai thiên thể vệ tinh của Trái Đất. Sau đó, chúng nhập lại thành Mặt Trăng trong một va chạm ở tốc độ thấp. Ý tưởng này giải thích được việc vỏ Mặt Trăng ở mặt xa dày hơn so với mặt gần. Đặc tính vật lý Mặt Trăng có hình dạng gần ellipsoid do tác động của lực thủy triều, với trục lớn lệch khoảng 30° so với phương nối đến Trái Đất. Trục lớn của ellipsoid cũng lệch khoảng 30° so với trục lớn của trường trọng lực Mặt Trăng, vì trục lớn của trường trọng lực gần trùng với phương nối đến Trái Đất. Hình dạng của Mặt Trăng hơi méo hơn so với mức gây ra bởi lực thủy triều hiện tại. Hóa thạch hình dạng này gợi ý về lịch sử của Mặt Trăng. Mặt Trăng đã nguội và đông cứng khi lực thủy triều còn mạnh, lúc nó cách Trái Đất chỉ khoảng một nửa khoảng cách hiện nay. Ngày nay, nó đã quá lạnh và cứng đến mức không thể điều chỉnh hình dạng lại cho phù hợp với lực thủy triều yếu hơn ở quỹ đạo hiện tại. Với khối lượng riêng trung bình 3,3 g/cm³, bằng 1/5 so với Trái Đất,tr.226 Mặt Trăng dường như chứa chủ yếu đất đá silicat và thiếu kim loại (như sắt) hơn hẳn Trái Đất.tr.309 So với các vệ tinh tự nhiên lớn của các hành tinh trong Hệ Mặt Trời thì Mặt Trăng có khối lượng riêng xếp thứ hai chỉ sau Io.tr.410,412,423 Cấu trúc bên trong Cấu trúc bên trong của Mặt Trăng được phân tách thành ba thành phần khác biệt về mặt hóa địa chất là lớp vỏ, lớp phủ và lõi. Lõi Mặt Trăng có ít nhất một phần nóng chảy, có độ dẫn điện cao và khối lượng riêng lớn hơn lớp phủ.tr.326 Tuy nhiên thành phần hóa học của lõi Mặt Trăng chưa được xác định chắc chắn.tr.326 Có giả thuyết cho rằng lõi gồm hợp kim sắt-sắt sulfide-carbon nóng chảy với bán kính dưới 375 km.tr.326 Cũng có giả thuyết khác chỉ ra lõi lớn hơn một chút với thành phần gồm silicat nóng chảy pha thêm sắt và titani.tr.326 Lõi này có thể gồm phần lõi trong rắn chiếm khoảng 40% thể tích, và phần lõi ngoài nóng chảy chiếm khoảng 60% thể tích. Bao quanh lõi là phần trong của lớp phủ có bán kính khoảng 480 km đến 587 km, một phần cũng bị nóng chảy.tr.325 Cấu trúc lớp phủ ở tầng trên được cho là đã hình thành theo cơ chế kết tinh từ một đại dương magma tồn tại ngay sau khi Mặt Trăng hình thành vào khoảng 4,5 tỷ năm trước.tr.221 Quá trình đại dương magma kết tinh đã tạo ra lớp phủ ultramafic có mật độ cao, chứa nhiều olivin và pyroxen, nằm dưới một lớp vỏ plagiocla nhẹ nổi lên và bao phủ bề mặt toàn cầu.tr.223 Những phần chất lỏng cuối cùng hóa rắn nằm giữa lớp vỏ và lớp phủ, chứa nhiều các thành phần tỏa nhiệt và không tương thích nhau về mặt hóa địa chất.tr.224 Các mẫu đá lấy từ biển Mặt Trăng, vốn là dung nham hóa rắn từng phun trào ra bề mặt từ lớp phủ nóng chảy một phần, xác nhận thành phần lớp phủ ultramafic.tr.223tr.312 Quá trình hình thành nêu trên tạo ra lớp vỏ anorthosit, một kết quả phù hợp với các đo đạc tại chỗ và viễn thám.tr.223tr.311 Sau khi khoảng ba phần tư đại dương dung nham đã kết tinh, các khoáng chất plagiocla nhẹ hơn bắt đầu hình thành và nổi lên trên tạo thành lớp vỏ.tr.224 Lớp vỏ dày khoảng 50 km.tr.283 Các mẫu đá trên vỏ Mặt Trăng đều có tuổi từ 3,3 đến 4,4 tỷ năm, cổ hơn hầu hết đá Trái Đất, và phù hợp với mô hình kết tinh đại dương dung nham.tr.310tr.282 Bề mặt Địa hình Mặt Trăng đã được đo bằng laser và xử lý ảnh stereo. Một đặc trưng địa hình nổi bật là bồn địa Nam cực - Aitken ở phía nam mặt xa Mặt Trăng. Đây là hố va chạm lớn nhất trong Hệ Mặt Trời với đường kính 2500 km. Bồn địa này chứa điểm sâu nhất trên Mặt Trăng có độ sâu khoảng 13 km so với vùng xung quanh rìa. Điểm cao nhất trên Mặt Trăng nằm ngay phía đông bắc bồn địa này, thuộc khu vực có thể được nâng lên do vụ va chạm nghiêng mà đã tạo ra bồn địa Nam Cực - Aitken. Các bồn địa nổi bật khác hình thành từ các vụ va chạm lớn trong thời kỳ đầu của Mặt Trăng gồm có biển Mưa, Trong Sáng, Khủng Hoảng ở mặt gần và Đông Phương ở ranh giới của hai mặttr.312tr.225 - chúng đều có phần trung tâm sâu và phần rìa cao. Mặt xa cao hơn mặt gần trung bình khoảng 1,9 km. Liên đoàn Thiên văn Quốc tế khuyến nghị kinh tuyến gốc của hệ tọa độ địa lý Mặt Trăng đi qua điểm trung tâm trung bình của mặt gần Mặt Trăng. Trong hệ tọa độ này, hố va chạm nhỏ bé mang tên Mösting A có tọa độ 3,18°Nam, 5,16°Tây, cùng với một số đặc điểm địa hình khác, được dùng để đối chiếu vị trí vẽ bản đồ. Tàu quỹ đạo Trinh sát Mặt Trăng năm 2010 đã phát hiện ra các vách đứt gãy chờm trên bề mặt Mặt Trăng, cho thấy rằng Mặt Trăng có thể đã co ngót lại trong thời kỳ địa chất gần đây. Các dấu hiệu co ngót tương tự cũng đã được quan sát trên Sao Thủy. Một nghiên cứu thực hiện với 12000 bức ảnh chụp được từ tàu quỹ đạo cho thấy biển Lạnh ở gần cực bắc, một bồn địa vốn được cho là đã ngừng tiến hóa về mặt địa chất giống như các biển Mặt Trăng khác, đang nứt và dịch chuyển. Mặt Trăng không có các mảng kiến tạo cho nên hoạt động địa chất ở đây chỉ là sự hình thành các vết nứt chủ yếu do sự co ngót của toàn Mặt Trăng khi nó nguội dần và một phần do lực thủy triều. Biển và vùng cao Các vùng trên bề mặt Mặt Trăng có màu sẫm và tương đối bằng phẳng như những đồng bằng, không có đặc điểm địa hình nổi bật, đủ lớn để có thể nhìn thấy bằng mắt thường từ Trái Đất, được gọi là các biển Mặt Trăng vì trước đây đã có giả định rằng những vùng này có nước.tr.19-20tr.310 Giả thuyết được chấp nhận hiện tại cho rằng các vùng này từng là bồn địa chứa dung nham cổ, nay đã nguội lạnh thành bazan tối màu.tr.312 Bazan trên Mặt Trăng có thành phần tương tự lớp vỏ bên dưới đại dương Trái Đất hoặc dung nham phun trào từ núi lửa Trái Đấttr.312 nhưng rất thiếu khoáng chất. Các dòng dung nham đã phun trào ra bề mặt và chảy vào các hố va chạm lớn trong thời đầu lịch sử Mặt Trăng.tr.312 Biển che phủ 17% diện tích Mặt Trăng và hầu hết nằm ở mặt gần,tr.312 biển ở mặt xa chỉ chiếm khoảng 1% bề mặt. Một số biển ở mặt gần chứa các vòm núi lửa mà có thể hình thành từ magma có độ nhớt cao hơn đáng kể. Bản đồ hóa địa chất Mặt Trăng, đo bởi phổ kế gamma của vệ tinh Lunar Prospector, cho thấy mặt gần Mặt Trăng có nồng độ cao hơn các nguyên tố hóa học có khả năng sinh nhiệt nằm bên dưới lớp vỏ, gợi ý về khả năng vùng nằm dưới lớp vỏ này đã từng nóng hơn và dễ phun trào dung nham hơn, giải thích cho việc mặt gần có nhiều biển hơn. Đa số bazan hình thành nên các biển nhỏ nằm xen kẽ giữa các vùng cao đã phun trào trong kỷ Mưa, 3,2–3,8 tỷ năm trước, còn riêng ở biển Mưa và Đại dương Bão, hoạt động phun trào đã kéo dài từ 4,2 đến khoảng 1 tỷ năm trước. Theo một nghiên cứu định tuổi bằng phương pháp đếm hố va chạm ở vùng Đại dương Bão thì lần cuối cùng dung nham trào lên bề mặt là cách đây 1,2 tỷ năm. Năm 2006, một nghiên cứu đã phát hiện hố va chạm Ina trong biển Hồ Hạnh Phúc có những đặc điểm trẻ với tuổi chỉ khoảng 10 triệu năm. Các trận động đất cùng hiện tượng thoát khí ra bề mặt cho thấy một số hoạt động địa chất của Mặt Trăng vẫn tiếp tục. Một nghiên cứu năm 2014 sử dụng ảnh chụp của Tàu quỹ đạo Trinh sát Mặt Trăng đã chỉ ra những vùng có tuổi ít hơn 100 triệu năm. Có khả năng lớp phủ của Mặt Trăng nóng hơn đã biết, ít nhất là ở mặt gần, tại những nơi có nhiều nguyên tố phóng xạ sinh nhiệt bên dưới lớp vỏ. Ở bồn địa Đông Phương, hoạt động núi lửa kéo dài chứng tỏ lớp phủ bên dưới vùng này ban đầu nóng và/hoặc có nhiều nguyên tố sinh nhiệt. Các khu vực có màu sáng hơn trên Mặt Trăng được gọi là các vùng cao bởi chúng có độ cao lớn hơn hầu hết biển Mặt Trăng. Vùng cao có thành phần chủ yếu là plagiocla tích lũy từ đại dương dung nham cổ của Mặt Trăng, do nhẹ hơn nên nổi lên cao từ rất sớm cách đây đến 4,4 tỷ năm.tr.311 Do hình thành sớm nên vùng cao có một quãng thời gian dài hứng chịu sự bắn phá từ những mảnh vụn vũ trụ, dẫn đến mật độ cực cao hố va chạm.tr.311 Khác với Trái Đất, không có ngọn núi lớn nào trên Mặt Trăng được cho là hình thành bởi sự dịch chuyển của các mảng kiến tạo.tr.310 Tổng diện tích vùng cao chiếm 83% bề mặt Mặt Trăng.tr.311 Việc mặt gần có nhiều biển trong khi mặt xa có nhiều núi có thể được giải thích bởi một vụ va chạm ở tốc độ thấp giữa Mặt Trăng với một vệ tinh tự nhiên thứ hai của Trái Đất, chừng vài chục triệu năm sau khi hệ Trái Đất và Mặt Trăng hình thành. Các hố va chạm Khi những tiểu hành tinh và sao chổi va chạm với bề mặt Mặt Trăng, các hố va chạm hình thành và bề mặt chịu tác động đáng kể. Theo ước tính chỉ riêng mặt gần của Mặt Trăng đã có khoảng 300.000 hố rộng hơn 1 km.tr.13 Niên đại địa chất Mặt Trăng căn cứ vào những sự kiện va chạm nổi bật nhất ở bồn địa Mật Hoa, Mưa, Đông Phươngtr.123 và đại diện bởi tuổi của hố va chạm Copernicus và Eratosthenes.tr.249 Đây là những cấu trúc để lại các dấu hiệu địa tầng học qua các ảnh chụp, chẳng hạn như mảnh văng từ hố Eratosthenes nằm trên nền biển xung quanh còn vật liệu bắn ra từ Copernicus lại chồng lên Eratosthenes.tr.249 Việc không có khí quyển, thời tiết và những quá trình địa chất gần đây đã giúp cho đa số hố giữ nguyên trạng từ lúc hình thành.tr.303, Chỉ có ít cấu trúc địa chất trên Mặt Trăng được định tuổi chính xác bằng phương pháp đo đặc trưng đồng vị,tr.168-169,177-178,212 các khu vực còn lại được so sánh tuổi với các cấu trúc này bằng phương pháp khác như đếm số hố va chạm.tr.135 Nếu giả định rằng các hố va chạm xuất hiện dần theo thời gian với tốc độ nhất định thì việc đếm số hố trên mỗi đơn vị diện tích rồi so sánh giữa các khu vực khác nhau có thể giúp so sánh tuổi giữa chúng.tr.129 Các hố va chạm trên Mặt Trăng đều có hình tròn do tốc độ cao của các mảnh vụn vũ trụ khi va chạm sẽ tạo ra hiệu ứng giống các vụ nổ, tác động đều ra mọi hướng xung quanh.tr.315 Khi mảnh va chạm lao xuống bề mặt, nó thâm nhập tới độ sâu khoảng 2 đến 3 lần đường kính mảnh va chạm, tạo ra sóng xung kích và nhiệt làm nứt tầng đá nền bên dưới và bốc hơi lớp silicat bề mặt.tr.316 Lớp đất bị bốc hơi giãn nở nhanh, tạo ra vụ nổ như bom hạt nhân, khoét một hố trên bề mặt có đường kính khoảng 10 đến 15 lần đường kính mảnh va chạm và đẩy vật liệu ra rìa, tạo nên vành tròn ngoài dâng cao.tr.316 Sóng xung kích trong lớp vỏ phản hồi lại làm dâng đất đá trong hố, khiến đáy hố trở nên phẳng và đôi khi nhô lên ở giữa.tr.316 Các vụ lở đất ở gần vành tạo nên cấu trúc dốc dạng bậc thang.tr.316 Những mảnh vật liệu bị văng lên cao do vụ nổ sau đó rơi xuống một vùng có đường kính cỡ gấp đôi đường kính hố va chạm.tr.316 Các mảnh to và bay nhanh rơi cách xa hố và thường tạo ra thêm hố nhỏ.tr.316 Phủ bên trên bề mặt Mặt Trăng là lớp đất mặt gồm đá bị tán vụn có nguồn gốc từ va chạm.tr.314 Cứ sau mỗi sự kiện va chạm thì chúng lại vỡ vụn thành những mảnh nhỏ hơn.tr.314 Đất Mặt Trăng có thành phần chiếm gần nửa là silica và các thành phần khác là một số oxit kim loại. Lớp đất mặt của những bề mặt cổ tại vùng cao nhìn chung dày hơn, trung bình khoảng 10-15 mét; trong khi tại các bề mặt trẻ ở biển, đất mặt chỉ dày 4-5 mét.tr.88,93,286 Bên dưới lớp đất mặt tán mịn là lớp các mảnh vỡ lớn văng ra từ các vụ va chạm và đá móng nứt gãy dày từ vài đến vài chục kilomet.tr.92-93 Bản thân lớp đất mặt cũng thường được phân làm hai địa tầng: tầng trên nằm ngay bề mặt, dày cỡ vài đến vài chục xăngtimét và chứa các hạt đã được trộn đều; tầng dưới có các lớp khác nhau chưa được trộn lẫn, hình thành từ các sự kiện va chạm trong quá khứ.tr.337 Trong ba tỷ năm qua, tốc độ sản sinh hố là một hố đường kính 1 km mỗi 200 nghìn năm, một hố đường kính 10 km mỗi vài triệu năm, và một đến hai hố đường kính 100 km mỗi tỷ năm.tr.319 Tốc độ sản sinh hố cao hơn gấp nhiều lần trước thời điểm cách đây gần 4 tỷ năm.tr.319 Tuổi của đá nóng chảy do va chạm thu thập từ các hố va chạm trong chương trình Apollo gợi ý về sự kiện biến cố Mặt Trăng diễn ra khoảng 3,9 tỉ năm trước, với sự xuất hiện nhiều bất thường các tiểu hành tinh va chạm với các thiên thể ở vòng trong của Hệ mặt trời, mặc dù có nghi vấn về giả thuyết này. Việc so sánh những hình ảnh do Tàu quỹ đạo Trinh sát Mặt Trăng chụp cho thấy tốc độ sản sinh hố hiện tại nhanh hơn đáng kể ước tính trước đây, đặc biệt là với các hố nhỏ có kích cỡ trên chục mét. Khi va chạm xảy ra, những mảnh vật liệu nóng chảy hoặc bốc hơi văng ra ngoại biên với góc nhỏ và tốc độ rất cao.tr.216-217 Cơ chế này khuấy động hai xăngtimét lớp đất mặt trên cùng ở thang thời gian 81.000 năm, nhanh hơn một trăm lần so với các mô hình lý thuyết trước đây. Các vụ va chạm lớn nhỏ gây xói mòn khiến núi non trên Mặt Trăng đều có bề mặt nhẵn trơn và độ cao thấp, giống những núi cổ nhất trên Trái Đất.tr.311 Các xoáy Mặt Trăng Các xoáy Mặt Trăng là các vùng có đặc điểm địa chất kỳ dị nằm rải rác khắp bề mặt của Mặt Trăng. Chúng có suất phản chiếu cao, có đặc điểm quang học của bề mặt mới hình thành gần đây và thường có các đường tối uốn lượn xen giữa những vùng sáng. Từ trường ở bề mặt các xoáy đều mạnh tuy nhiên không phải mọi vùng bất thường từ trường đều có xoáy. Nước và sự sống Nước lỏng không tồn tại trên bề mặt Mặt Trăng.tr.309 Với điều kiện trên bề mặt, nước sẽ bị bức xạ cực tím từ Mặt Trời quang phân thành các chất khác. Ngay cả nước ngậm trong đất đá cũng bị giải hấp bởi tia cực tím của Mặt Trời. Môi trường tự nhiên của Mặt Trăng không hỗ trợ sự sống vì bức xạ Mặt Trời mạnh, gần như không có khí quyển, nhiệt độ cao vào ban ngày, cùng bức xạ ion hóa. Tổng lượng vi sinh vật mà các tàu vũ trụ đã mang lên Mặt Trăng trong các nhiệm vụ thám hiểm có tiếp xúc với bề mặt là khoảng 4,57×1010 tế bào hoặc bào tử, nhưng hầu hết được cho là không thể sống quá một ngày Mặt Trăng (29,5 ngày Trái Đất). Tuy nhiên vào năm 2019, ít nhất một hạt giống đã nảy mầm ở một thí nghiệm trong môi trường có kiểm soát của tàu đổ bộ Thường Nga 4. Từ những năm 1960, đã có giả thuyết về sự tồn tại của nước đá ở các hố va chạm lạnh lẽo luôn bị khuất trong bóng tối ở hai cực. Trục quay của Mặt Trăng đã ổn định trong vài tỷ năm trở lại đây và ở hai cực có những hố không nhận được ánh sáng Mặt Trời trong suốt thời gian này. Chúng có thể chứa nước đá đến từ sao chổi, gió Mặt Trời, hoặc các tầng đá bên dưới. Các mô phỏng trên máy tính năm 2003 gợi ý khoảng 14.000 kilomét vuông diện tích Mặt Trăng có thể nằm trong bóng tối vĩnh cửu. Các kế hoạch định cư trên Mặt Trăng của con người phụ thuộc đáng kể vào lượng nước có sẵn tại đây khi mà phương án vận chuyển nước từ Trái Đất tỏ ra không khả thi. Những phát hiện gần đây đã xác nhận sự tồn tại của nước trên bề mặt Mặt Trăng.tr.309 Năm 1998, phổ kế neutron trên tàu vũ trụ Lunar Prospector chỉ ra dấu hiệu hydro trong nước đá nằm dưới lớp đất mặt vài chục xăngtimét ở các hố tối vĩnh cửu gần cực. Thủy tinh núi lửa được mang về từ Mặt Trăng cũng chứa lượng nước nhỏ. Tồn tại nước ở dạng liên kết hóa học trong đá Mặt Trăng.tr.309 Vào năm 2008 phổ kế M3 của tàu vũ trụ Chandrayaan-1 đã phát hiện sự tồn tại của nước ở cả các bề mặt được Mặt Trời chiếu sáng. Năm 2009, LCROSS cho một tên lửa hết nhiên liệu đâm xuống vùng tối vĩnh cửu trong hố va chạm Cabeus gần cực nam và phát hiện khoảng 155 kg nước trong luồng khói bụi bốc lên từ vụ va chạm. Vào năm 2011 một thí nghiệm đã đo được 615 đến 1410 ppm nước trong bao thể nóng chảy của mẫu đá chứa magma cổ ở Mặt Trăng, cho thấy một số phần bên trong Mặt Trăng có lượng nước tương đương lớp phủ trên của Trái Đất. Việc phân tích lại dữ liệu phổ phản xạ của máy đo M3 vào năm 2018 đã khẳng định sự tồn tại của nước đá trong vòng vĩ độ 20° ở cả hai cực. Dữ liệu cho thấy ánh sáng phản xạ đặc trưng của nước đá, khác hẳn so với ánh sáng từ hydroxyl, nước ở thể khác, hay các bề mặt phản xạ khác. Nước đá có nhiều hơn ở cực Nam, tại các khu vực nằm trong bóng tối lâu nhất. Tàu quỹ đạo Trinh sát Mặt Trăng xác nhận nhiệt độ rất thấp trong một số hố va chạm và chụp được ảnh nhờ ánh sáng của sao.tr.309 Tổng lượng nước ở các hố này vào khoảng hàng trăm tỷ tấn.tr.309 Cuối năm 2020, các nhà thiên văn phát hiện phân tử nước ở phần bề mặt được chiếu sáng của Mặt Trăng bằng thiết bị SOFIA. Những khe hở nhỏ khuất tối trong đất đá, ở cả vùng đất được chiếu sáng với vĩ độ trên 80, được cho là chiếm tới khoảng 10–20% diện tích tối vĩnh cửu chứa nước đá của Mặt Trăng. Trường hấp dẫn Trường hấp dẫn của Mặt Trăng đã được đo từ những năm 1960 thông qua ảnh hưởng lên quỹ đạo của các tàu không gian gần Mặt Trăng, với gia tốc của các tàu được xác định nhờ dịch chuyển Doppler của sóng vô tuyến liên lạc giữa tàu và Trái Đất. Tàu Lunar Prospector đã vẽ bản đồ trọng trường của mặt gần vào những năm 1998-1999. Năm 2013, bản đồ trường hấp dẫn cho toàn bộ bề mặt Mặt Trăng đã được thiết lập chi tiết bởi cặp tàu quỹ đạo GRAIL. Gia tốc trọng trường của Mặt Trăng có những vùng cực đại tại một số bồn địa va chạm khổng lồ, một phần do mật độ khối lượng lớn của bazan biển lấp đầy những bồn địa đó. Tuy vậy, một số vùng cực đại không nằm gần khu vực có bazan biển. Gia tốc trọng trường trung bình trên bề mặt Mặt Trăng là 1,63 m/s2, bằng khoảng 1/6 gia tốc trọng trường Trái Đất.tr.226 Một người mặc bộ đồ phi hành gia Apollo 11 kèm hệ thống cung cấp dưỡng khí nặng tổng cộng 91,3 kg sẽ cảm thấy như chỉ khoảng 15 kg trên Mặt Trăng. Tốc cần để thoát khỏi Mặt Trăng (tốc độ vũ trụ cấp 2) là 2,38 km/s so với Trái Đất là 11,2 km/s.tr.226 Từ trường Mặt Trăng có một từ trường ngoài với cường độ nhìn chung dưới 0,2 nanotesla, chưa bằng một phần một trăm ngàn từ trường Trái Đất. Hiện tại Mặt Trăng không có từ trường lưỡng cực toàn cầu mà chỉ có lớp vỏ đã từ hóa, có thể do trước kia từng tồn tại một dynamo toàn cầu. Khoảng 4,25 đến 3,56 tỉ năm trước từ trường Mặt Trăng có khả năng mạnh gần bằng từ trường Trái Đất ngày nay. Dynamo duy trì đến cách đây 1,92 đến 0,80 tỷ năm nhờ các dòng đối lưu hoạt động khi lõi Mặt Trăng kết tinh. Trên lý thuyết, một số vùng từ hóa còn sót lại có thể được gây ra bởi từ trường thoáng qua của những đám mây plasma giãn nở trong những vụ va chạm lớn. Khi những đám mây này xuất hiện sau các vụ va chạm lớn, Mặt Trăng vẫn đang có một nền từ trường đáng kể. Giả thuyết này được hỗ trợ bởi vị trí từ hóa mạnh nhất trên vỏ nằm gần điểm đối chân của những bồn địa va chạm lớn. Khí quyển Mặt Trăng có khí quyển rất loãng đến nỗi các hạt khí gần như không va chạm với nhau, giống tầng ngoài khí quyển hành tinh, với tổng khối lượng từ dưới 10 tấn đến khoảng 30 tấn. Thiết bị của các tàu đổ bộ Apollo đo được mật độ hạt khí quyển khoảng 107 hạt/cm³ vào ban ngày và 105 hạt/cm³ vào ban đêm ở bề mặt Mặt Trăng, gần như chân không so với khí quyển Trái Đất (1019 hạt/cm³). Khí quyển bao gồm các chất khí thoát ra từ đất đá và khí sinh ra từ hoạt động phún xạ do gió mặt trời và bụi vũ trụ bắn phá thổ nhưỡng Mặt Trăng. Các nguyên tố được phát hiện có natri và kali sinh ra do phún xạ và giải hấp nhiệt (cũng có trong khí quyển Sao thủy và Io); helium-4 và neon chủ yếu từ gió mặt trời; argon-40, radon-222 và các đồng vị poloni thoát ra khí quyển sau khi hình thành từ phân rã phóng xạ trong lớp vỏ và lớp phủ. Tổng mật độ của các nguyên tố trên vẫn còn nhỏ hơn nhiều mật độ khí quyển Mặt Trăng, do đó các nhà khoa học vẫn đang tìm kiếm sự hiện diện của những phân tử và nguyên tử khác ở khí quyển, đặc biệt là các chất mà có thể được sinh ra từ lớp đất mặt. Chandrayaan-1 đã phát hiện hơi nước với nồng độ thay đổi theo vĩ độ, nhiều nhất tại khoảng 60–70 độ nam. Hơi nước có thể được sinh ra từ sự thăng hoa nước đá ở lớp đất mặt. Những khí này quay lại lớp đất mặt do trọng lực của Mặt Trăng hoặc biến mất vào không gian do áp lực bức xạ mặt trời hoặc nếu chúng bị ion hóa thì bị thổi bay bởi từ trường gió mặt trời. Cát bụi Tồn tại một đám mây bụi bất đối xứng bao quanh Mặt Trăng được tạo ra bởi các hạt bụi sao chổi. Mỗi giây có khoảng 0,1 đến 0,6 picôgam bụi sao chổi bay vào mỗi mét vuông bề mặt vùng xích đạo Mặt Trăng với tốc độ khoảng 20 kilômét trên giây. Các hạt này va vào bề mặt khiến bụi ở đó bắn lên với tốc độ cỡ vài trăm mét một giây, sau đó đa số chúng lại rơi xuống bề mặt. Trung bình, lớp bụi bay lơ lửng trên bề mặt Mặt Trăng có tổng khối lượng khoảng 120 kilogam và dày hàng trăm kilomét. Các phép đo bụi đã được thực hiện bởi Thí nghiệm Bụi Mặt Trăng (LDEX) của LADEE, trong khoảng 6 tháng với độ cao từ gần bề mặt đến trên 200 km. Trung bình mỗi phút có một hạt bụi bán kính trên 0,3 micromét va đập vào đầu đo của LDEX. Số lượng hạt bụi tăng lên vào những dịp mưa sao băng Geminid, Quadrantid, Taurid và Omicron Centaurid, khi Trái Đất và Mặt Trăng đi ngang qua những đám tàn tích sao chổi. Đám mây bụi của Mặt Trăng có mật độ bất đối xứng, dày hơn ở vùng hoàng hôn. Các nhà du hành vũ trụ đặt chân lên Mặt Trăng trong chương trình Apollo đã chứng kiến những quầng sáng gần đường chân trời trước lúc bình minh, một hiện tượng cũng được quan sát bởi một số vệ tinh và tàu đổ bộ. Đây có thể là ánh sáng từ lớp bụi ở trên cao hoặc natri và kali trong khí quyển. Quá khứ Năm 2017, một nghiên cứu dựa trên mô hình phun trào dung nham theo thời gian cho thấy Mặt Trăng từng có một khí quyển khá dày trong khoảng thời gian cỡ 70 triệu năm, giữa 3 và 4 tỷ năm trước. Khí quyển này chứa các khí sinh ra bởi các vụ phun trào núi lửa Mặt Trăng và có áp suất khoảng gấp rưỡi so với khí quyển Sao Hỏa ngày nay. Khí quyển cổ xưa này đã dần biến mất vào không gian chủ yếu do chuyển động nhiệt của các hạt khí với tốc độ trên tốc độ vũ trụ cấp 2. Chuyển động và mùa Mặt Trăng tự quay quanh trục với chu kỳ phụ thuộc vào hệ quy chiếu: so với nền sao ở xa, chu kỳ này là chu kỳ sao,tr.46 27,3 ngày Trái Đất, còn so với Mặt Trời thì chu kỳ này là chu kỳ giao hội,tr.45 29,5 ngày Trái Đất. Đối với quan sát viên đứng yên trên bề mặt Mặt Trăng, Mặt Trời mọc và lặn theo chu kỳ đúng bằng chu kỳ giao hội. Mặt Trăng quay quanh Trái Đất và bị khóa thủy triều so với Trái Đất, khiến cho chu kỳ sao của chuyển động tự quay của Mặt Trăng đúng bằng chu kỳ quỹ đạo của Mặt Trăng quanh Trái Đất, và chu kỳ giao hội tự quay cũng bằng chu kỳ giao hội quỹ đạo (còn gọi là "tháng giao hội").tr.331 Chu kỳ giao hội quỹ đạo cũng là chu kỳ pha Mặt Trăng khi quan sát từ Trái Đất (còn gọi là "tuần trăng").tr.123tr.331 Độ nghiêng trục quay của Mặt Trăng so với hoàng đạo chỉ là 1,54°, nhỏ hơn nhiều so với 23,5°Của Trái Đất.tr.108 Do đó bức xạ Mặt Trời lên Mặt Trăng cũng ít thay đổi theo mùa hơn, ngoại trừ tại vùng gần cực, nơi mà yếu tố địa hình và yếu tố mùa đều có ảnh hưởng. Năm 2005, một phân tích về các ảnh chụp bởi tàu vũ trụ Clementine cho thấy các khu vực nhiều núi non ở vành hố va chạm Peary tại cực bắc có thể được chiếu sáng trong toàn bộ cả ngày Mặt Trăng, tạo ra những đỉnh núi sáng vĩnh cửu. Các nghiên cứu sau này, từ 2005 đến 2013, cho rằng vùng rìa Peary có thể bị che khuất vào mùa đông, tuy nhiên xác nhận nhiều địa điểm ở vùng này và rìa hố va chạm khác gần hai cực có tỷ lệ nhận sáng từ 80% đến trên 90% trung bình năm, bao gồm rìa hố Shackleton gần cực nam. Tương tự, có nhiều khu vực nằm mãi mãi trong bóng tối ở đáy của những hố va chạm gần cực, và các "hố tối vĩnh cửu" này cực lạnh. Tuy có thể tính được nhiệt độ trung bình bề mặt của Mặt Trăng, nhưng nhiệt độ thực tế ở từng địa điểm có thể lệch so với mức trung bình hàng chục độ K, tùy theo điều kiện địa hình (độ dốc, bóng râm, kiến trúc tán xạ ánh sáng và nhiệt), độ phản xạ sáng và bức xạ hồng ngoại của bề mặt địa phương, và tính chất nhiệt (nhiệt dung, độ dẫn nhiệt) của khu vực. Do thiếu khí quyển hay thủy quyển để ổn nhiệt, nhiệt độ bề mặt thay đổi mạnh trong ngày của Mặt Trăng.tr.314 Vào giữa trưa, nhiệt độ của đất đá màu sẫm có thể lên trên 100 °C; còn trong ban đêm (kéo dài khoảng hai tuần, tương đương với thời lượng ban ngày của Mặt Trăng), nhiệt độ đất xốp giảm xuống khoảng -180 °C.tr.314 Nơi có nhiệt độ ổn định và không quá lạnh là các đỉnh núi sáng vĩnh cửu gần cực, khoảng -50±10 °C, được cho là phù hợp để định cư vì dễ tiếp cận năng lượng Mặt Trời và nguồn nước đá ở các hố tối vĩnh cửu gần đó. Hệ Trái Đất - Mặt Trăng Mô hình thu nhỏ của Hệ Trái Đất - Mặt Trăng: kích thước và khoảng cách trung bình theo đúng tỷ lệ.tr.19 Khoảng cách và kích thước góc Mặt Trăng thay đổi theo chuyển động quanh Trái Đất, từ cận điểm gần nhất sang viễn điểm xa nhất.tr.3-5tr.308-309Murphy, Lunar laser ranging: the millimeter challenge , Reports on Progress in Physics, 2013, số 76, quyển 7, bài số 076901, arXiv 1309.6294. Bibcode 2013RPPh...76g6901M, DOI 10.1088/0034-4885/76/7/076901, PMID 23764926, S2CID 15744316 Quỹ đạo Hệ Mặt Trăng và Trái Đất quay quanh khối tâm nằm ở dưới bề mặt Trái Đất khoảng 1.700 km (khoảng một phần tư bán kính Trái Đất), theo các quỹ đạo gần giống hình elip có độ lệch tâm nhỏ. So với nền các ngôi sao ở xa, hệ này quay hết đúng một vòng trong chu kỳ quỹ đạo (hay "tháng vũ trụ", "tháng sao") là 27,3 ngày.tr.223-224 Do khối tâm của hệ chuyển động trên quỹ đạo quanh Mặt Trời, nên để Mặt Trăng quay trở lại cùng một pha, cần khoảng thời gian lâu hơn là chu kỳ giao hội quỹ đạo (hay "tháng giao hội", "tuần trăng") 29,5 ngày.tr.223-224tr.123 Nếu nhìn từ cực bắc, hệ Mặt Trăng-Trái Đất quay theo chiều ngược kim đồng hồ, trùng chiều quay của hệ quanh Mặt Trời và chiều quay trên quỹ đạo của các hành tinh khác trong Hệ Mặt Trời, đồng thời cũng là chiều tự quay của Trái Đất, Mặt Trăng và hầu hết các hành tinh này.tr.236-237tr.223-224 Mặt phẳng quỹ đạo của hệ, còn gọi là mặt phẳng bạch đạo, không lệch nhiều so với mặt phẳng quỹ đạo của hệ quanh Mặt Trời, còn gọi là mặt phẳng hoàng đạo,tr.253-257 và cũng không lệch nhiều so với mặt phẳng quỹ đạo của các hành tinh khác trong Hệ Mặt Trời.tr.236 Trong khi đó, khoảng một phần ba trong số các vệ tinh tự nhiên khác trong hệ Mặt Trời chuyển động trên quỹ đạo nằm gần mặt phẳng xích đạo của hành tinh mà chúng quay quanh theo cùng chiều quay,tr.410 đa số lệch nhiều so với mặt phẳng hoàng đạo,tr.389 và phần lớn các vệ tinh khác quay ngược chiều hành tinh theo các quỹ đạo bất thường và cách xa hành tinh.tr.410 Các pha Mặt Trăng: trăng tròn (rằm) ở giữa, khi Mặt Trăng ở đối diện Mặt Trời qua Trái Đất; trăng tối (không trăng), ở ngoài cùng hai bên, khi Mặt Trăng ở cùng phía Mặt Trời; trạng thái trung gian là trăng khuyết, bán nguyệt, lưỡi liềm.tr.268tr.121 Do hệ Trái Đất-Mặt Trăng chuyển động quanh Mặt Trời, từ trái qua phải trên hình, để Mặt Trăng quay trở lại cùng một pha, cần khoảng thời gian là chu kỳ giao hội quỹ đạo, lâu hơn so với chu kỳ quỹ đạo;tr.123 với chênh lệch thể hiện bằng cung màu xanh nõn chuối ở ngoài cùng bên phải trên hình. Quỹ đạo của Mặt Trăng bị gây nhiễu bởi Mặt Trời, Trái Đất, và ở mức độ ít hơn là các hành tinh, khiến cho tất cả các thông số của quỹ đạo, như độ nghiêng, độ lệch tâm, bán trục lớn, điểm nút, củng điểm ... đều biến động nhỏ một cách tuần hoàn và phức tạp. Ví dụ, mặt phẳng quỹ đạo của Mặt Trăng tiến động theo chu kỳ 18,6 năm, và ảnh hưởng đến các khía cạnh khác của chuyển động, thể hiện ở các công thức toán học trong các định luật Cassini. Ví dụ khác là độ lệch tâm quỹ đạo của Mặt Trăng thay đổi theo chu kỳ 206 ngày, khiến cho cận điểm và viễn điểm quỹ đạo của Mặt Trăng cũng biến động theo chu kỳ này. Vì quỹ đạo elip, khoảng cách từ tâm Trái Đất đến tâm Mặt Trăng biến đổi theo chu kỳ quỹ đạo 27,3 ngày, chồng lên chu kỳ thay đổi của độ lệch tâm quỹ đạo 206 ngày.US Government Publishing Office, Astronomical Almanac For The Year 2020 , U.S. Government Printing Office, 2019, ISBN 9780707746005 Khoảng cách tới củng điểm quỹ đạo thay đổi theo độ lệch tâm quỹ đạo; với cận điểm gần nhất ở khoảng 356.400 km, xa nhất ở khoảng 370.400 km; viễn điểm gần nhất khoảng 404.000 km, xa nhất khoảng 406.700 km. Các chấm tròn trên đồ thị ứng với các thời điểm trăng tròn. Tương quan kích thước Xét tương quan với Trái Đất, Mặt Trăng là một vệ tinh tự nhiên lớn lạ thường: nó có đường kính bằng khoảng một phần tưtr.19 và khối lượng bằng 1/81 Trái Đất.tr.304 Mặt Trăng là vệ tinh lớn nhất trong Hệ Mặt Trời nếu so tương quan với kích cỡ hành tinh của chúng, dù vậy Charon có kích thước trên một nửa hành tinh lùn Pluto.tr.426-432 Mặt Trăng chiếm phần lớn mômen động lượng của hệ Trái Đất - Mặt Trăng, và khiến Trái Đất quay quanh khối tâm Trái Đất-Mặt Trăng một lần một tháng vũ trụ với tốc độ bằng 1/81 Mặt Trăng hay khoảng 12,5 m/s.tr.444-445 Chuyển động này chồng lên chuyển động quay của Trái Đất quanh Mặt Trời với tốc độ lớn hơn nhiều khoảng 30 km/s.tr.245 Thủy triều Theo định luật vạn vật hấp dẫn, lực hấp dẫn giữa hai vật thể giảm dần theo bình phương khoảng cách giữa chúng.tr.630 Do vậy, với hệ hai thiên thể ở cạnh nhau, phần bề mặt trên thiên thể này nằm gần thiên thể kia hơn sẽ chịu lực hút mạnh hơn một chút so với phần nằm xa.tr.661 Chênh lệch lực hút này tạo ra lực thủy triều.tr.661 Đối với hệ Trái Đất - Mặt Trăng, lực thủy triều bóp méo cả Trái Đất và Mặt Trăng, gây ra nhiều hiệu ứng quan sát được.tr.665 Nếu Mặt Trăng từng tự quay quanh trục của nó với tốc độ nhanh hơn hoặc chậm hơn tốc độ hiện tại, lực thủy triều làm tốc độ này thay đổi dần cho đến khi chu kỳ tự quay đúng bằng chu kỳ quỹ đạo quanh Trái Đất, khiến Mặt Trăng luôn hướng một mặt về Trái Đất - được gọi là bị khóa đồng bộ (hay khóa thủy triều, đồng bộ thủy triều).tr.665tr.426-432 Nguyên nhân là lực thủy triều bởi Trái Đất làm biến dạng Mặt Trăng liên tục nếu nó vẫn còn quay so với phương nối đến Trái Đất, gây nên ma sát trong lòng Mặt Trăng tiêu hao năng lượng quay này, tạo thành mômen lực cản. Qua thời gian cỡ hàng ngàn năm, trong hệ quy chiếu gắn với phương nối đến Trái Đất, động năng quay của Mặt Trăng biến mất vì đã chuyển hóa hết thành nhiệt năng, Mặt Trăng không còn chuyển động quay so với phương nối đến Trái Đất và luôn có một mặt hướng về Trái Đất. Ở trạng thái khóa thủy triều cân bằng bền, thế năng Mặt Trăng nhỏ nhất và Mặt Trăng chỉ có thể nằm theo một trong hai tư thế cố định đối xứng nhau qua tâm. Ngày nay Mặt Trăng ở tư thế với khối tâm nằm cách tâm hình học khoảng 1,8 km về phía gần Trái Đất hơn. Vào năm 2016, các nhà khoa học hành tinh sử dụng dữ liệu thu thập bởi vệ tinh Lunar Prospector từ năm 1998 và phát hiện hai vùng giàu hydro (khả năng năng cao từng là các vùng có nước đá) trên hai mặt đối diện của Mặt Trăng. Có thể hai mảng này là hai cực của Mặt Trăng cách đây hàng tỉ năm trước, ở tư thế khóa thủy triều cân bằng bền với phân bổ khối lượng trong lòng Mặt Trăng khác hiện nay. Mặt Trăng cũng tạo ra lực thủy triều trên Trái Đất, tác động lên cả đại dương và lớp vỏ đất đá của Trái Đất.tr.125 Hiệu ứng rõ rệt nhất là làm đại dương lý tưởng, nếu không có lục địa, sẽ nằm cân bằng ở hình dạng ellipsoid với hai "bướu" nhô lên khoảng một mét, một bướu nằm gần Mặt Trăng, và bướu kia nằm đối diện.tr.125-126 Trên thực tế, do Trái Đất tự quay trong trường lực thủy triều, đại dương không bao giờ kịp đạt hình dạng cân bằng vì giới hạn của tốc độ sóng và sự cản trở bởi nhiều yếu tố.tr.8 Lực trủy triều và chuyển động quay của Trái Đất tạo ra những sóng thủy triều với bước sóng hàng nghìn cây số, đỉnh sóng ứng với triều dâng và đáy sóng ứng với triều hạ.tr.1-2 Thành phần của sóng này gây bởi Mặt Trăng biến đổi theo chu kỳ 12,42 giờ, đúng bằng một nửa chu kỳ quay của một điểm bất kỳ trên bề mặt Trái Đất so với Mặt Trăng.tr.40 Mặt Trời cũng gây ra hiện tượng thủy triều trên Trái Đất, nhưng lực thủy triều của Mặt Trời chỉ bằng khoảng một nửa so với Mặt Trăng.tr.665 Tổng hợp tác động của lực thủy triều Mặt Trăng và Mặt Trời làm thay đổi phạm vi thủy triều với chu kỳ tuần hoàn khoảng hai tuần.tr.127 Phạm vi thủy triều ở từng nơi còn phụ thuộc địa hình biển, ma sát giữa đại dương với đáy biển, độ nhớt biển, nhiễu loạn dòng chảy, và cả các điều kiện khí tượng.tr.2 Lực thủy triều cũng gây ra các "bướu" ở phần lõi và vỏ đất đá của Trái Đất, với phạm vi chỉ khoảng 20 cm.tr.125-127 Khác với đại dương, nơi mà lực thủy triều gây ra chuyển động của các khối chất lỏng,tr.125-127 phần lõi và vỏ đất đá của Trái Đất bị nhào bóp một cách đàn hồi và dẻo dưới tác động của lực thủy triều. Ma sát trong các khối đại dương chuyển động dưới lực thủy triều, và ở mức độ nhỏ hơn là ma sát trong chuyển động dẻo của lõi đất đá, làm tiêu tán dần năng lượng tự quay của Trái Đất, khiến ngày Trái Đất dài thêm khoảng 0,002 giây sau mỗi thế kỷ.tr.128 Một nghiên cứu vào năm 2016 gợi ý về khả năng lực thủy triều đã giúp duy trì từ trường Trái Đất, do động năng và thế năng của hệ Trái Đất-Mặt Trăng-Mặt Trời đã chuyển hóa thành nhiệt năng và động năng ở lõi Trái Đất bởi sự nhào bóp của thủy triều, làm ổn định nhiệt độ cao và khả năng sinh ra từ trường của lõi. Do bảo toàn mô men động lượng trong hệ Trái Đất - Mặt Trăng, phần mô men động lượng mất đi ở chuyển động tự quay của Trái Đất được chuyển hóa sang mô men động lượng của Mặt Trăng, làm quỹ đạo Mặt Trăng tăng dần độ cao với tốc độ quỹ đạo giảm dần.tr.128 Thí nghiệm đo khoảng cách Mặt Trăng bằng cách chiếu laser lên các tấm hồi phản được chương trình Apollo lắp đặt trên bề mặt Mặt Trăng cho thấy khoảng cách tới Mặt Trăng tăng với tốc độ 38 mm mỗi năm (cỡ tốc độ mọc của móng tay người).tr.128tr.2 Nếu quá trình này tiếp tục diễn ra, chu kỳ tự quay của Trái Đất sẽ dài ra đến khi bằng với chu kỳ quỹ đạo của chuyển động quay quanh nhau của hệ Trái Đất - Mặt Trăng, tạo ra khóa thủy triều ở cả hai thiên thể.tr.128 Khi đó Mặt Trăng sẽ đứng yên tại một kinh tuyến, như một vệ tinh địa tĩnh, giống như trường hợp của Pluto và Charon hiện nay.tr.128 Tuy nhiên, trong tương lai, Mặt Trời sẽ trở thành một sao đỏ khổng lồ và sẽ nuốt chửng hệ Trái Đất - Mặt Trăng trước khi hiện tượng khóa thủy triều ở cả hai thiên thể này xảy ra. Hiện tại, Mặt Trăng vẫn chịu tác động nhỏ của lực thủy triều gây ra bởi Trái Đất và Mặt Trời. Phạm vi thủy triều trên Mặt Trăng là 10 cm và biến đổi chủ yếu theo chu kỳ 27 ngày, với hai thành phần: thành phần theo phương hướng đến Trái Đất và gây ra bởi Trái Đất, vì Mặt Trăng đã bị khóa thủy triều trong quỹ đạo đồng bộ, và thành phần nhỏ hơn gây bởi Mặt Trời. Thành phần gây bởi Trái Đất là do sự bình động của Mặt Trăng, vì quỹ đạo của Mặt Trăng có độ lệch tâm.tr.166-170 Nếu quỹ đạo của Mặt Trăng tròn hoàn hảo thì chỉ có thành phần lực thủy triều gây ra bởi Mặt Trời.tr.166-170 Thành phần gây bởi Mặt Trời là nhỏ và biến đổi theo một số chu kỳ khác nữa, như chu kỳ 2 tuần, 1 tháng, 7 tháng, 1 năm, 6 năm, 18,6 năm. Ứng suất tích lũy từ các lực thủy triều gây ra các đợt động đất ở sâu trong lòng Mặt Trăng, đo được bởi các địa chấn kế mà chương trình Apollo đặt trên Mặt Trăng. Động đất Mặt Trăng ít xảy ra hơn, có cường độ yếu hơn so với động đất trên Trái Đất, nhưng có thể kéo dài hàng giờ, do không có thủy quyển hấp thụ. Ngoài động đất sâu do thủy triều, xảy ra theo các đợt với chu kỳ 27 ngày, còn có động đất nông ở các vùng địa chất yếu gần vỏ và động đất do va chạm với thiên thạch, xảy ra ngẫu nhiên theo thời gian. Diện mạo nhìn từ Trái Đất Do khóa thủy triều, Mặt Trăng luôn luôn duy trì gần như một mặt hướng về Trái Đất.tr.665 Tuy nhiên bởi hiệu ứng bình động, từ Trái Đất thực tế có thể quan sát khoảng 59% bề mặt Mặt Trăng. Mặt đối diện Trái Đất được gọi là mặt gần (hay "mặt trước") còn mặt kia là mặt xa (hay "mặt khuất", "mặt sau").tr.224tr.124,305tr.27 Mặt xa thỉnh thoảng bị gọi không chính xác là "mặt tối" nhưng thực tế nó được soi sáng thường xuyên như mặt gần theo chu kỳ 29,5 ngày.tr.124 Mặt gần tối vào kỳ trăng tối (hay pha "không trăng").tr.268 Mặt Trăng có suất phản chiếu thấp khác thường, gần tương đương nhựa đường.tr.59 Mặc dù vậy ở pha trăng tròn, Mặt Trăng là vật thể sáng thứ hai trên bầu trời sau Mặt Trời,tr.120-121 một phần do sự tăng cường ánh sáng phản xạ ở góc hướng về phía Mặt Trời bởi hiệu ứng xung đối. Hiệu ứng xung đối, một đặc tính phản xạ của đất xốp và bề mặt gồ ghề, làm cho Mặt Trăng tại pha bán nguyệt chỉ sáng bằng một phần mười trăng tròn chứ không phải một nửa,tr.59 và phần ngoài rìa trăng tròn sáng gần bằng ở tâm, tức là không có hiệu ứng rìa tối. Mắt người cảm nhận Mặt Trăng là vật thể sáng trên nền trời xung quanh tối, khi nó được Mặt Trời chiếu rọi, còn do cơ chế bất biến mức sáng trong hệ thống thị giác tự động hiệu chỉnh quan hệ màu sắc và độ sáng với môi trường. Mặt Trăng trông lớn hơn khi gần đường chân trời nhưng đây hoàn toàn là hiệu ứng tâm lý gọi là ảo ảnh Mặt Trăng được mô tả lần đầu vào thế kỷ 7 trước công nguyên. Trăng tròn trên bầu trời có đường kính góc trung bình khoảng hơn 31 phút cung và kích cỡ biểu kiến gần tương đương Mặt Trời.tr.308,309,340 Độ cao lớn nhất của Mặt Trăng tại trung thiên thay đổi theo pha và thời gian trong năm. Trăng tròn cao nhất trên bầu trời vào mùa đông đối với cả hai bán cầu. Sự định hướng của hình ảnh Mặt Trăng, thể hiện rõ ở hướng của đường ranh giới sáng tối ở pha không tròn, phụ thuộc vào vĩ độ của địa điểm quan sát.tr.99 Người ở bán cầu nam nhìn hình Mặt Trăng lộn ngược so với người ở bán cầu bắc của Trái Đất. Một người quan sát ở miền nhiệt đới có thể thấy trăng lưỡi liềm hình mặt cười. Tại hai cực Bắc và Nam, Mặt Trăng mọc trên bầu trời liên tục trong gần hai tuần, rồi biến mất liên tục trong gần hai tuần, rồi lặp lại như vậy, theo chu kỳ 27,3 ngày. Ở vùng Bắc Cực vào mùa đông, khi Mặt Trời nằm phía dưới đường chân trời, sinh vật phù du di cư theo chiều thẳng đứng, với chu kỳ hằng ngày - 24,8 giờ đồng hồ - của ánh sáng Mặt Trăng, và chu kỳ hàng tháng - 29,5 ngày - của pha Mặt Trăng. Chu kỳ hằng ngày của ánh sáng Mặt Trăng dài hơn 24 giờ thông thường do Mặt Trăng quay cùng chiều với chiều quay của Trái Đất; điều này khiến cho, vào mỗi ngày, Mặt Trăng mọc muộn hơn ngày trước khoảng 0,8 giờ đồng hồ.tr.120-121 Khoảng cách giữa Mặt Trăng và Trái Đất thay đổi từ khoảng 356.400 km tại cận điểm gần nhất đến 406.700 km tại viễn điểm xa nhất, chênh nhau 14%. Nếu Mặt Trăng nằm tại cận điểm gần nhất đồng thời đang ở pha trăng tròn thì nó được gọi là siêu trăng; còn trăng tròn xảy ra ở viễn điểm xa nhất được gọi là vi trăng. Siêu trăng sáng hơn 30% so với vi trăng, do có đường kính góc lớn hơn 14% và diện tích sáng gấp 1,142 ≈ 1,30. Mắt người cảm nhận thay đổi độ sáng ít hơn so với mức thay đổi cường độ sáng thực tế, theo một số công thức liên hệ, như công thức logarit của định luật Weber–Fechner hoặc công thức của định luật lũy thừa Stevens. Như vậy, Mặt Trăng ở một pha tại cận điểm sẽ được cảm nhận sáng hơn so với Mặt Trăng ở cùng pha đó tại viễn điểm, nhưng độ sáng hơn cảm nhận được không nhiều đến mức 30%. Đã có các báo cáo về sự thay đổi qua thời gian của một số đặc điểm trên bề mặt Mặt Trăng. Nhiều khẳng định như vậy bị cho là hão huyền và là kết quả từ việc quan sát dưới những điều kiện ánh sáng khác nhau, ảnh hưởng của khí quyển, hay những bản vẽ không phù hợp. Tuy nhiên, sự thoát khí thi thoảng diễn ra và có thể là nguyên nhân của một tỉ lệ nhỏ hiện tượng thoáng qua được báo cáo. Một ví dụ được chỉ ra vào năm 2006 rằng một vùng đường kính khoảng 3 km ở cấu trúc Ina bị điều chỉnh bởi các sự kiện giải phóng khí cách đây không quá 10 triệu năm và có thể vẫn đang tiếp diễn. Cũng như Mặt Trời, hình dạng Mặt Trăng có thể bị ảnh hưởng bởi khí quyển Trái Đất. Hiệu ứng quang học phổ biến là hào quang 22° hình thành khi ánh sáng Mặt Trăng khúc xạ qua những tinh thể băng trong những đám mây ti tầng cao và quầng sáng nhỏ hơn khi Mặt Trăng được quan sát qua mây mỏng. Thiên thực Thiên thực xảy ra khi ít nhất một phần của Trái Đất hoặc Mặt Trăng đi vào bóng râm của thiên thể còn lại - lúc đó Mặt Trời, Trái Đất, Mặt Trăng đều nằm trên một đường thẳng, gọi là sóc vọng.tr.129tr.255,318 Nhật thực là lúc Mặt Trăng chắn ánh sáng Mặt Trời đến một phần Trái Đất, diễn ra vào một số kỳ trăng tối khi Mặt Trăng nằm giữa Mặt Trời và Trái Đất.tr.131 Ngược lại, nguyệt thực là lúc Trái Đất chắn ánh sáng Mặt Trời đến Mặt Trăng, diễn ra vào một số kỳ trăng tròn khi Trái Đất nằm giữa Mặt Trời và Mặt Trăng.tr.133 Quỹ đạo Mặt Trăng quanh Trái Đất (bạch đạo) nghiêng khoảng 5°9' so với quỹ đạo của Trái Đất quanh Mặt Trời (hoàng đạo), do đó thiên thực không xảy ra tại mọi dịp trăng tối và trăng tròn.tr.254-255 Để thiên thực diễn ra thì Mặt Trăng phải ở gần giao cắt của hai mặt phẳng quỹ đạo.tr.253-257 Sự tái lặp của nhật thực và nguyệt thực được mô tả bằng saros, với chu kỳ xấp xỉ 18 năm một lần.tr.253-257 Kích cỡ biểu kiến của Mặt Trăng gần bằng Mặt Trời và đều vào cỡ hơn nửa độ.tr.308,309,340 Mặt Trời lớn hơn Mặt Trăng nhiều nhưng do ở cách xa Trái Đất hơn hẳn nên nó có kích cỡ biểu kiến tương đồng.tr.253-257 Sự thay đổi trong kích cỡ biểu kiến của Mặt Trăng do quỹ đạo không tròn, xảy ra trong những chu kỳ khác nhau, dẫn đến hai dạng nhật thực là toàn phần (Mặt Trăng trông to hơn Mặt Trời) và vành khuyên (Mặt Trăng trông nhỏ hơn Mặt Trời).tr.253-257tr.130 Trong nhật thực toàn phần, chóp bóng tối nhất đằng sau Mặt Trăng in lên một vùng nhỏ ở bề mặt Trái Đất.tr.131tr.253 Những người ở trong vùng bóng tối này sẽ thấy đĩa Mặt Trời bị che phủ hoàn toàn và quầng mặt trời trở nên có thể quan sát bằng mắt thường.tr.131-132 Một số hành tinh và những ngôi sao sáng nhất cũng có thể xuất hiện trên bầu trời trong nhật thực toàn phần.tr.131 Khoảng 3000 km xung quanh vùng bóng tối là vùng bán dạ; những người ở vùng bán dạ thấy Mặt Trời bị che khuất một phần bởi Mặt Trăng.tr.131tr.253 Do chuyển động của Trái Đất và Mặt Trăng trên quỹ đạo mà vết của chóp bóng tối, và cả vùng bán dạ, sẽ di chuyển về phía đông với tốc độ khoảng 1500 km/h.tr.131 Do vậy, hiện tượng nhật thực toàn phần, đối với một người quan sát đứng yên trên mặt đất, chỉ kéo dài không quá 7 phút.tr.131 Trong quãng thời gian kéo dài khoảng một giờ đồng hồ trước và sau khi diễn ra nhật thực toàn phần, người quan sát có thể chứng kiến nhật thực một phần.tr.131-132 Khoảng cách giữa Mặt Trăng và Trái Đất gia tăng rất chậm qua thời gian, nên đường kính góc của Mặt Trăng đang giảm chậm.tr.128 Thêm nữa, do đang trong quá trình tiến hóa thành sao khổng lồ đỏ, kích cỡ và đường kính biểu kiến của Mặt Trời trên bầu trời đang tăng chậm. Sự kết hợp của hai thay đổi này đồng nghĩa rằng hàng tỷ năm trước, Mặt Trăng luôn luôn che phủ hoàn toàn Mặt Trời trong nhật thực và không có nhật thực hình khuyên.tr.496 Tương tự như thế, hàng tỷ năm sau, Mặt Trăng sẽ không còn có thể che phủ hoàn toàn Mặt Trời được nữa và nhật thực toàn phần cũng không còn.tr.496 Khác với nhật thực, trong nguyệt thực, chóp bóng tối đằng sau Trái Đất có thể bao phủ tới 4 lần Mặt Trăng.tr.132 Khi Mặt Trăng không nằm hoàn toàn trong bóng tối của Trái Đất, nguyệt thực một phần có thể được quan sát.tr.133 Vì bóng tối của Trái Đất là lớn so với Mặt Trăng, nên nguyệt thực toàn phần kéo dài lâu hơn so với nhật thực toàn phần.tr.133 Khoảng 20 phút trước khi Mặt Trăng đi vào bóng tối Trái Đất, Mặt Trăng tròn đầy bị mờ dần đi, do Trái Đất che bớt ánh sáng rọi đến nó.tr.133 Khi Mặt Trăng di chuyển trên quỹ đạo bắt đầu vào bóng tối Trái Đất, hình dạng tròn của bóng tối Trái Đất bắt đầu in lên bề mặt của Mặt Trăng.tr.133 Khi đã nằm hoàn toàn trong bóng tối của Trái Đất, Mặt Trăng vẫn có thể được nhìn thấy khá tối với màu hơi đỏ, được rọi sáng bởi ánh sáng Mặt Trời đi cong qua khí quyển Trái Đất.tr.133 Nguyệt thực toàn phần có thể kéo dài đến một tiếng 40 phút, còn khoảng thời gian nguyệt thực một phần, trước và sau nguyệt thực toàn phần, có thể kéo dài khoảng 1 tiếng đồng hồ.tr.133 Nguyệt thực toàn phần có thể được quan sát bởi tất cả mọi người ở nửa Trái Đất quay về phía Mặt Trăng, trái ngược với nhật thực toàn phần chỉ dành số ít nằm trong vệt đi qua của chóp bóng tối Mặt Trăng.tr.133 Do Mặt Trăng liên tục chắn khung cảnh bầu trời một diện tích tròn rộng nửa độ, hiện tượng che khuất xảy ra khi một hành tinh hay ngôi sao sáng đi qua phía sau Mặt Trăng và bị che mất.tr.141 Chiếu theo khái niệm này thì nhật thực là sự che khuất Mặt Trời,tr.141 mặc dù có định nghĩa rằng che khuất là một trường hợp của thiên thực trong đó thiên thể bị che có kích thước biểu kiến nhỏ hơn nhiều. Mỗi vùng trên Trái Đất có thể quan sát sự che khuất của các sao ở các thời điểm khác nhau và theo cách khác nhau, tương tự như với nhật thực, và hiện tượng che khuất từng được sử dụng để xác định vị trí của Mặt Trăng và tọa độ địa lý của người quan sát.tr.141 Sự che khuất bởi Mặt Trăng cũng được tận dụng để phát hiện các cặp sao đôi với khoảng cách biểu kiến từ 0,02 giây cung.tr.141 Đã có đề xuất sử dụng hiện tượng che khuất bởi Mặt Trăng để dựng ảnh chụp tia X cứng của các nguồn thiên văn. Khám phá Trước thời du hành vũ trụ Một trong các hình vẽ cổ của con người về Mặt Trăng có thể là hình khắc trên đá vào 5000 năm trước ở di sản văn hóa thế giới Knowth của Ireland. Tìm hiểu về các chu kỳ liên quan đến Mặt Trăng là một phần của hoạt động thiên văn học thời kỳ đầu: vào thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên, các nhà thiên văn Babylon đã ghi chép chu kỳ saros khoảng 18 năm của nguyệt thực và nhật thực, và các nhà thiên văn Ấn Độ đã mô tả cự giác hàng tháng của Mặt Trăng. Nhà thiên văn học Trung Quốc Thạch Thân, vào thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên, đã hướng dẫn cách tiên đoán nhật thực. Tiếp theo đó là việc hình thành các hiểu biết về hình dạng của Mặt Trăng và cơ chế tạo nên ánh sáng Mặt Trăng: nhà triết học Hy Lạp cổ đại Parmenídis (475 trước công nguyên) cho rằng ánh sáng của Mặt Trăng là ánh sáng phản chiếu lại, và sách Chu Bễ ở Trung Quốc, khoảng thế kỷ thứ 6 đến thứ 4 trước công nguyên, cũng ghi chép rằng Mặt Trời tạo nên ánh sáng Mặt Trăng. Nhiều học giả Trung Quốc, từ cuối thời Chiến Quốc đến đời nhà Hán, đã ghi nhận hình dạng cầu của Mặt Trăng và Mặt Trời, và giải thích nhật thực gây bởi Mặt Trăng che Mặt Trời, mặc dù bị phản bác bởi những người theo học thuyết cho rằng Mặt Trăng là thái âm và Mặt Trời là thái dương.tr.411-414 Đầu thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, Arístarkhos xứ Sámios đã sử dụng hình học và một số căn cứ quan sát để ước lượng kích thước Mặt Trăng.tr.67-70 Arkhimídis, cuối thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, đã thiết kế một mô hình vũ trụ có thể tính toán chuyển động của Mặt Trăng và các thiên thể khác trong Hệ Mặt Trời. Vào thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên, Sélefkos Seleukos đã nhận định thủy triều gây ra bởi sức hút của Mặt Trăng, và độ cao của thủy triều phụ thuộc vào vị trí Mặt Trăng so với Mặt Trời. Sang đến thế kỷ thứ 2, Claudius Ptolemaeus đã cải thiện các kết quả tính toán về khoảng cách đến Mặt Trăng, vào cỡ 59 lần bán kính Trái Đất, và đường kính Mặt Trăng, vào cỡ 0,292 đường kính Trái Đất, rất sát với các con số đã biết hiện nay, là 60 và 0,273.tr.71-73 Năm 499, nhà thiên văn Ấn Độ Aryabhata ghi chép trong cuốn sách Aryabhatiya của ông về hiện tượng nguyệt thực là do Mặt Trăng đi vào bóng râm của Trái Đất, và nhật thực là do Mặt Trăng tạo bóng râm trên Trái Đất, kèm theo công thức tính toán khá chính xác về kích thước các bóng râm, thời gian kéo dài của nguyệt thực và nhật thực, và các thông số quỹ đạo của Mặt Trăng. Nhà thiên văn học và vật lý học người Ả Rập Alhazen (965–1040), bên cạnh nhiều phát hiện liên quan đến Mặt Trăng, có nêu ra trong sách Ánh sáng Mặt Trăng rằng Mặt Trăng không phản xạ giống như một cái gương, mà phản xạ khuếch tán về mọi hướng. Nhà thiên văn Trầm Quát của nhà Tống đã viết vào năm 1086 về các pha trăng rằm và trăng tối, so sánh chúng với hình tượng quả cầu bạc có một nửa sơn bột trắng, sẽ có hình lưỡi liềm nếu nhìn từ bên cạnh, và giải thích rằng thiên thực không xảy ra thường xuyên do bạch đạo lệch với hoàng đạo.tr.415-416 Những bản vẽ chi tiết bề mặt Mặt Trăng đầu tiên, trước khi kính viễn vọng được sử dụng, là bản vẽ bởi Leonardo da Vinci khoảng năm 1505 đến 1508, và bản đồ của Williams Gilbert năm 1600, thể hiện tên riêng một số đặc điểm Mặt Trăng.tr.123-125 Năm 1610, Galileo Galilei đã xuất bản những bức vẽ đầu tiên về hình ảnh Mặt Trăng quan sát qua kính viễn vọng, trong quyển sách Sidereus Nuncius, và ghi chép rằng thiên thể này không nhẵn mà có các núi non và các hố.tr.125-126 Thomas Harriot cũng đã vẽ bản đồ Mặt Trăng chi tiết gần thời gian này, nhưng không xuất bản.tr.129 Việc vẽ bản đồ Mặt Trăng được phát triển tiếp trong thế kỷ 17, dựa vào quan sát từ kính viễn vọng.tr.130-132 Các nỗ lực của Giovanni Battista Riccioli và Francesco Maria Grimaldi, năm 1651, một phần dựa trên các công trình trước đó của Michael Florent van Langren, Johannes Hevelius và những người khác, đã tạo ra hệ thống đặt tên các đặc điểm Mặt Trăng được sử dụng rộng rãi ngày nay, trong đó các hố va chạm được đặt tên theo các nhà khoa học lớn đã khuất.tr.134 Wilhelm Beer và Johann Heinrich Mädler năm 1836 đã xây dựng bản đồ Mappa Selenographica, xuất bản vào năm 1837 trong cuốn sách Der Mond, chứa những nghiên cứu vi trắc chính xác về đường kính của 148 hố va chạm và chiều cao của 830 ngọn núi.tr.246 Các hố trên Mặt Trăng, lần đầu được ghi chép bởi Galileo, đã từng được cho là gây bởi hoạt động núi lửa, cho đến khi Franz von Gruithuisen, năm 1829, và Richard Proctor, năm 1873, đề xuất rằng chúng được tạo ra bởi các vụ va chạm. Quan điểm này được nhà địa chất thực nghiệm Grove Karl Gilbert đồng tình vào năm 1893, và tiếp tục được củng cố qua các nghiên cứu thực hiện từ các năm 1936 đến 1963, hình thành nên những hiểu biết về địa tầng học Mặt Trăng, một nhánh mới của địa chất thiên văn.tr.4-5 1958-1976 Trong thời gian từ 1958, năm khởi động chương trình Luna của Liên Xô, đến những năm 1970, năm kết thúc của chương trình Apollo và cả chương trình Luna, cuộc Chạy đua Vũ trụ giữa Liên Xô và Mỹ đã làm tăng đáng kể mối quan tâm và sự hiểu biết về Mặt Trăng.tr.5-154tr.305-308tr.91-92 Một số nhà du hành vũ trụ đặt chân lên vệ tinh tự nhiên này, tuy nhiên khi cuộc đua này kết thúc, không còn có thêm nhiệm vụ thám hiểm nào đưa con người lên Mặt Trăng.tr.305-308 Liên Xô Sau ba nhiệm vụ không tên thất bại năm 1958, tàu không gian từ chương trình Luna của Liên Xô đã lần đầu tiên hoàn thành những mục tiêu sau: vật thể nhân tạo đầu tiên thoát khỏi trọng lực Trái Đất và đi qua gần Mặt Trăng là Luna 1, vật thể nhân tạo đầu tiên va chạm bề mặt Mặt Trăng là Luna 2, và những bức ảnh đầu tiên về mặt xa của Mặt Trăng mà bình thường ẩn dạng được chụp bởi Luna 3, tất cả đều vào năm 1959.tr.5-16 Tàu không gian đầu tiên đổ bộ nhẹ nhàng lên Mặt Trăng thành công là Luna 9 và phương tiện không người lái đầu tiên đi vào quỹ đạo quanh Mặt Trăng là Luna 10, cả hai vào năm 1966.tr.55-58 Các mẫu đất và đá được đem về Trái Đất bởi ba nhiệm vụ trả về mẫu vật (Luna 16 năm 1970, Luna 20 năm 1972, và Luna 24 năm 1976) với tổng khối lượng 0,3 kg.tr.5tr.107,136 Hai cỗ máy thám trắc tiên phong trong chương trình Lunokhod của Liên Xô đã đặt chân lên Mặt Trăng vào các năm 1970 và 1973.tr.97-98,113 Luna 24 năm 1976 là nhiệm vụ thám hiểm Mặt Trăng cuối cùng của Liên Xô.tr.136 Hoa Kỳ Năm 1961, sau khi Liên Xô đưa được Yuri Gagarin là người đầu tiên lên không gian, Tổng thống Hoa Kỳ John Fitzgerald Kennedy cam kết sẽ đưa con người lên Mặt Trăng trước khi thập kỷ 1960 kết thúc.tr.92 Cùng năm, NASA đã tiến hành các nhiệm vụ với mục tiêu đưa các tàu thăm dò không người lái lên Mặt Trăng.tr.22-23 Chương trình Ranger, sau 13 lần thất bại liên tiếp, đã cho những ảnh chụp cận cảnh vào năm 1964; chương trình Surveyor đã đưa tàu Surveyor 1 hạ cánh trên Mặt Trăng sau Luna 9 khoảng 4 tháng; chương trình Tàu quỹ đạo Mặt Trăng (1966-1967) đã chụp ảnh phần lớn bề mặt để khảo sát các vị trí dự kiến đổ bộ người.tr.40-41,58,60-65 Chương trình Apollo với các tàu có người lái được thực hiện song song.tr.2tr.74 Sau một loạt thử nghiệm, gồm sự cố Apollo 1 làm thiệt mạng phi hành đoàn, và thành công của Apollo 7 đưa người lên quỹ đạo quanh Trái Đất, năm 1968 Apollo 8 đã lần đầu tiên đưa người bay trên quỹ đạo quanh Mặt Trăng.tr.2tr.14tr.32 Năm 1969, vào hồi 02:56 UTC ngày 21 tháng 7, trong nhiệm vụ Apollo 11, phi hành gia Neil Armstrong đã trở thành người đầu tiên bước chân trên Mặt Trăng.tr.90tr.55 Sự kiện này đã được truyền hình trực tiếp và ước chừng có khoảng 600 triệu người trên toàn cầu đã xem.tr.55 Các tàu Apollo đã mang về 381,7 kg đất đá Mặt Trăng trong 2196 mẫu vật.tr.5tr.298 Các nhiệm vụ Apollo cũng đã lắp đặt 14 loại thiết bị thí nghiệm địa vật lý của Gói Thí nghiệm Bề mặt Mặt Trăng Apollo (ALSEP), tại các vị trí đổ bộ của Apollo 12, 14, 15, 16 và 17. Chúng được hoạt động cho đến tháng 9 năm 1977. Tuy nhiên thí nghiệm đo khoảng cách laser Mặt Trăng của ALSEP chỉ dùng các thiết bị thụ động là các tấm gương hồi phản, nên vẫn được tiếp tục cho đến ngày nay. Việc đo khoảng cách vẫn thường xuyên được thực hiện bởi các tia laser phát ra từ các trạm ở Trái Đất, với độ chính xác đạt đến cỡ milimét, để xác định thông số quỹ đạo và chuyển động tự quay của Mặt Trăng, kiểm chứng thuyết tương đối rộng, quan trắc sự tiến động của Trái Đất, theo dõi các hiệu ứng thủy triều với chuyển động của Mặt Trăng, hỗ trợ tìm hiểu về lõi Mặt Trăng. Apollo 17 năm 1972 là chuyến bay cuối cùng của chương trình Apollo, trong đó có sự tham gia lần đầu của một nhà khoa học địa chất, Jack Schmitt, trong số các phi hành gia.tr.305-308 Thập kỷ 1970 đến nay Từ thập niên 1970, mối quan tâm trong thám hiểm vũ trụ bắt đầu hướng về các khu vực khác trong Hệ Mặt Trời.tr.98-99 Trong nhiều năm, Mặt Trăng không được chú ý, cho đến khi hoạt động vũ trụ dần được quốc tế hóa.tr.61 Từ những năm 1990, có thêm nhiều quốc gia tham gia khai phá trực tiếp Mặt Trăng. Năm 1990, Nhật Bản là quốc gia thứ ba đưa tàu vũ trụ bay quanh Mặt Trăng, tàu Hiten (ひてん).tr.179 Con tàu này thả ra một đầu dò quỹ đạo mang tên Hagoromo, nhưng bộ phận truyền tín hiệu của đầu dò bị hỏng và nó đã không có đóng góp khoa học đáng kể nào.tr.179 Năm 1994, Hoa Kỳ đưa tàu Clementine vào quỹ đạo Mặt Trăng.tr.185 Tàu Clementine đã vẽ bản đồ địa hình gần như toàn cầu đầu tiên cho Mặt Trăng và chụp ảnh đa phổ toàn cầu đầu tiên cho bề mặt Mặt Trăng. Tiếp đó, vào năm 1998, tàu Lunar Prospector của Hoa Kỳ đã phát hiện dư lượng hydro ở hai cực, có thể được sinh ra bởi nước đá ở các hố chìm trong bóng tối.tr.205 SMART-1 là tàu vũ trụ đầu tiên của Liên minh Châu Âu hoạt động trên quỹ đạo Mặt Trăng, từ ngày 15 tháng 11 năm 2004 cho đến khi được cho đâm xuống bề mặt vào ngày 3 tháng 9 năm 2006.tr.229 Chuyến thám hiểm này đã cung cấp những kết quả chi tiết hơn về địa hình và khoáng vật bề mặt Mặt Trăng.tr.229 Chương trình Thám hiểm Mặt Trăng của Trung Quốc bắt đầu với tàu Thường Nga 1.tr.256 Thường Nga 1 đã bay quanh Mặt Trăng từ ngày 5 tháng 11 năm 2007, thu thập bản đồ ảnh chụp toàn bộ Mặt Trăng, và sau đó được điều khiển để đâm xuống thiên thể này ngày 1 tháng 3 năm 2009.tr.256 Thường Nga 2, được phóng vào tháng 10 năm 2010, đã đến Mặt Trăng nhanh hơn, vẽ bản đồ Mặt Trăng ở độ phân giải cao hơn trong vòng 8 tháng, sau đó đi đến điểm Lagrange L2 của hệ Trái Đất-Mặt Trời, rồi bay qua tiểu hành tinh 4179 Toutatis ngày 13 tháng 12 năm 2012, và cuối cùng là đi vào khoảng không vũ trụ trong quỹ đạo quanh Mặt Trời.tr.272 Ngày 14 tháng 12 năm 2013, Thường Nga 3 (嫦娥三号) đã đưa một tàu đổ bộ lên bề mặt Mặt Trăng.tr.291 Tàu đổ bộ này sau đó thả ra một xe tự hành Mặt Trăng có tên Ngọc Thố (玉兔).tr.291 Thường Nga 4 cũng là một tàu mang theo xe tự hành đã được phóng vào năm 2019, trở thành tàu vũ trụ đầu tiên hạ cánh ở mặt xa của Mặt Trăng. Thường Nga 5 đã hạ cánh trên Mặt Trăng ngày 1 tháng 12 năm 2020 và sau đó đã mang về Trái Đất 1,731 kg mẫu vật. Từ tháng 10 năm 2007 đến ngày 10 tháng 6 năm 2009, tàu quỹ đạo Kaguya (かぐや) của Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản cùng với 2 vệ tinh nhân tạo nhỏ đi kèm để trung chuyển tín hiệu, đã thu thập các dữ liệu địa vật lý và ghi lại video độ phân giải HD đầu tiên trên quỹ đạo Mặt Trăng.tr.252 Nhiệm vụ khám phá Mặt Trăng đầu tiên của Ấn Độ đã được thực hiện bởi tàu Chandrayaan-1, bay quanh thiên thể này từ ngày 8 tháng 11 năm 2008 cho đến khi bị mất tín hiệu ngày 28 tháng 8 năm 2009.tr.259 Chandrayaan-1 đã thả một đầu dò đâm vào Mặt Trăng, và thực hiện nhiều quan sát giúp xác nhận sự tồn tại của nước trên Mặt Trăng.tr.259 Sau nhiều lần bị trì hoãn, tàu quỹ đạo Mặt Trăng Chandrayaan-2 (चन्द्रयान-२) đã được phóng vào tháng 7 năm 2019, mang theo tàu đổ bộ Vikram kèm xe tự hành Pragyan. Tàu quỹ đạo đã tách khỏi tàu đổ bộ vào ngày 2 tháng 9 năm 2019 và duy trì hoạt động quanh Mặt Trăng cho đến nay, trong khi Vikram bắt đầu quy trình hạ cánh đến khu vực gần nam cực của Mặt Trăng vào ngày 6 tháng 9 năm 2019, nhưng bị mất tín hiệu khi còn cách bề mặt 2,1 km. Ngày 18 tháng 6 năm 2009, Hoa Kỳ phóng cùng lúc Tàu quỹ đạo Trinh sát Mặt Trăng và thiết bị va chạm LCROSS.tr.265-268 LCROSS đã tạo ra hai va chạm ở hố Cabeus ngày 9 tháng 10 năm 2009, giúp phát hiện nước và nhiều nguyên tố quan trọng ở Cabeus, còn Tàu quỹ đạo Trinh sát Mặt Trăng hiện nay vẫn đang hoạt động, đo cao độ chính xác và chụp ảnh độ phân giải cao.tr.265-268 Cặp tàu GRAIL của NASA, bắt đầu bay quanh Mặt Trăng từ ngày 1 tháng 1 năm 2012, đã lập bản đồ trọng trường Mặt Trăng ở độ phân giải cao. Ngày 6 tháng 10 năm 2013, tàu thăm dò LADEE của NASA đã đi vào quỹ đạo Mặt Trăng, nghiên cứu tầng ngoài khí quyển Mặt Trăng.tr.287 Nga đã lên kế hoạch cho một căn cứ ở cực nam của Mặt Trăng qua chuỗi các dự án Luna trong tương lai, Luna 25, 26, 27, 28, vân vân. Luna 25 dự kiến là tàu đổ bộ không người lái được phóng vào tháng 10 năm 2021 để hạ cánh đến hố Boguslawsky, còn Luna 27 và Luna 28 sẽ hạ cánh ở vùng cực nam Mặt Trăng, với Luna 28 dự kiến mang theo xe tự hành và thiết bị đưa mẫu vật trở lại Trái Đất, tất cả để chuẩn bị cho các chuyến thám hiểm Mặt Trăng của các nhà du hành vũ trụ sau đó. Hoa Kỳ cũng đã công bố chương trình Artemis, với mục tiêu đưa con người trở lại Mặt Trăng, với hai pha đã được khởi động song song. Pha 1 tập trung đưa người phụ nữ đầu tiên và người đàn ông tiếp theo lên vùng cực nam Mặt Trăng vào 2024. Pha 2 phát triển các công nghệ cho phép con người sinh sống lâu dài ở trên Mặt Trăng, và ở gần Mặt Trăng, với các hệ thống tái sử dụng và các chuyến bay tái lặp đến nhiều địa điểm của Mặt Trăng. Hoạt động tư nhân Ngoài các dự án của các quốc gia, cũng có các kế hoạch tư nhân để thám hiểm và khai thác Mặt Trăng.tr.160-184 Giải thưởng Mặt Trăng X của Google (XPRIZE), công bố vào 2007, trao thưởng 30 triệu đô la Mỹ cho bất cứ tư nhân nào đưa được xe tự hành lên thiên thể này theo một số tiêu chí trước tháng 3 năm 2018.tr.178-179 Tuy không có đội dự thi nào kịp hoàn thành nhiệm vụ để nhận thưởng, đội ngũ XPRIZE đã huy động được 300 triệu đô la tiền tài trợ và ít nhất 5 đội đã ký hợp đồng phóng tàu. Tháng 10 năm 2017, công ty Bigelow Aerospace, của tỷ phú Robert Bigelow, cùng công ty United Launch Alliance đã công bố về một dự án kho vận trên Mặt Trăng. Dự án này có thể đi vào vận hành từ năm 2022, hỗ trợ cho các chương trình quay lại Mặt Trăng và thám hiểm Sao Hỏa của NASA. Bigelow có các kế hoạch kho vận ở trên quỹ đạo quanh Mặt Trăng, cũng như trên bề mặt Mặt Trăng.tr.177-178 Ngày 17 tháng 9 năm 2018, công ty liên vận vũ trụ SpaceX của tỷ phú Elon Musk đã có hợp đồng với hành khách tư nhân đầu tiên mà họ sẽ đưa lên Mặt Trăng, dự kiến vào 2023, là Yusaku Maezawa. Musk cũng có kế hoạch về một cơ sở tại Mặt Trăng, như một phần trong chương trình đến Sao Hỏa. Tháng 9 năm 2018, chương trình Dịch vụ Vận tải Mặt Trăng Thương mại, một phần của chương trình Artemis của NASA, đã mở thầu cho các công ty tư nhân, để cung cấp dịch vụ vận tải cho các tàu đổ bộ và xe tự hành nhỏ lên Mặt Trăng.tr.5 Một số công ty đã từng tham gia XPRIZE trước đây cũng tham gia lần này, và một số trong đó đã được lựa chọn, như Astrobotic.tr.57tr.6 Astrobotic cũng hợp tác với công ty ATLAS Space Operations để phát triển kênh liên lạc bằng laser từ Mặt Trăng, cho phép thực hiện các tác vụ cần lưu lượng dữ liệu lớn, như trải nghiệm thực tại ảo trên Mặt Trăng. Công ty Blue Origin của tỷ phú Jeff Bezos đã lên kế hoạch cho chương trình vận tải đến Mặt Trăng, bắt đầu từ khoảng giữa thập niên 2020, mang tên Blue Moon.tr.173-174 Blue Moon sẽ cung cấp cho NASA các giải pháp vận tải thương mại. Một địa điểm nhận hàng dự kiến tại Mặt Trăng là hố Shackleton, nơi có nhiều điều kiện tự nhiên phù hợp. Một số ý tưởng khai thác Mặt Trăng bởi các đơn vị tư nhân đã được hình thành, như kinh doanh tài nguyên heli 3 của Mặt Trăng để làm nhiên liệu, hay thu năng lượng Mặt Trời để truyền về Trái Đất bằng vi sóng, tuy nhiên hành lang pháp lý cho các hoạt động kinh doanh này chưa được phát triển đầy đủ.tr.160-170 Sự hiện diện của con người Bề mặt Mặt Trăng đã có nhiều dấu ấn của hoạt động của con người. Mỗi nhiệm vụ Apollo đã để lại lượng khí tương đương với tổng khối lượng khí quyển Mặt Trăng, và sự ô nhiễm lâu dài có thể đã hiện diện dù phần lớn có thể đã thoát khỏi Mặt Trăng.tr.44 Các vật dụng mà con người để lại trên Mặt Trăng có các xe tự hành và tàu đổ bộ, các thiết bị thí nghiệm như Gói Thí nghiệm Bề mặt Mặt Trăng Apollo (ALSEP), và các bảng tưởng niệm hay tác phẩm nghệ thuật như Nhà du hành đã Ngã xuống. Một số thiết bị vẫn còn đang trong quá trình sử dụng, như các tấm hồi phản trong thí nghiệm đo khoảng cách laser Mặt Trăng của ALSEP. Một số tàu quỹ đạo vẫn đang hoạt động trên quỹ đạo Mặt Trăng, như Tàu quỹ đạo Trinh sát Mặt Trăng.tr.267 Một số tàu đổ bộ và xe tự hành vẫn đang được vận hành ít nhất một phần, như Kính viễn vọng Cực tím Mặt Trăng của Thường Nga 3tr.294 hay các thiết bị của Thường Nga 4. Mặt Trăng được coi là một địa điểm lý tưởng để lắp đặt nhiều loại kính viễn vọng. Kính viễn vọng vô tuyến ở mặt xa của Mặt Trăng được che chắn khỏi nhiễu vô tuyến từ Trái Đất, và có thể quan sát được bước sóng dài hơn 20m, vốn không thể quan sát được từ Trái Đất do bị chắn bởi tầng điện li. Các hố tối vĩnh cửu và rất lạnh ở gần cực tạo nên môi trường phù hợp để lắp đặt các kính viễn vọng hồng ngoại đường kính đến 100m, tránh được nhiễu hồng ngoại từ các nguồn nhiệt, đồng thời tránh được nhiễu ảnh khí quyển, vì Mặt Trăng hầu như không có khí quyển. Kính viễn vọng thiên đỉnh lắp đặt tại các khu vực này có thể được tạo ra bằng gương lỏng quay và đạt đường kính 20-100m. Lớp đất Mặt Trăng mịn chứa nhiều silica có thể được dùng để chế tạo gương và các dụng cụ thủy tinh cho các đài quan sát. Sự có mặt của con người tại đây có thể giúp vận hành các trạm quan sát hiệu quả hơn các kính viễn vọng bay trong không gian. Đã có những kế hoạch để tiến đến cho phép con người định cư trên Mặt Trăng. Dự án Cổng Mặt Trăng thuộc chương trình Artemis là một trong các nỗ lực đang được triển khai cho mục đích này. Tuy con người đã từng có mặt ngắn ngày trên Mặt Trăng, có các thử thách cho cuộc sống lâu dài tại đây, bao gồm phóng xạ vũ trụ và bụi Mặt Trăng.tr.85-87 Bụi Mặt Trăng có thể dính vào quần áo và bị mang theo vào khu vực sinh hoạt. Bụi này được một số nhà du hành vũ trụ ở chương trình Apollo mô tả là có mùi giống thuốc súng. Bụi mịn có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe.tr.86-87 Mặc dù đã có các quốc kỳ của một số nước được đưa lên Mặt Trăng, không quốc gia nào được phép tuyên bố chủ quyền trên Mặt Trăng nói riêng, và ở không gian ngoài Trái Đất nói chung, theo Hiệp ước Ngoại Không gian 1967. Hiệp ước này cho phép các tổ chức và cá nhân khai thác và sở hữu tài nguyên trên Mặt Trăng, nhưng giới hạn việc khai thác vào mục đích hòa bình và không tàn phá môi trường.tr.168-169 Hiệp ước Mặt Trăng năm 1979 định nghĩa Mặt Trăng là "di sản chung của nhân loại", và việc khai thác Mặt Trăng cần được đặt trong hợp tác quốc tế.tr.169-170 Tuy nhiên đến tháng 1 năm 2018, mới chỉ có 18 quốc gia đã phê chuẩn hiệp ước này, trong đó không có Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, do có lo ngại rằng Hiệp ước Mặt Trăng có thể cản trợ hoạt động thương mại. Một số cá nhân đã tuyên bố sở hữu bất động sản trên Mặt Trăng nhưng không có tuyên bố nào đã được công nhận rộng rãi.tr.1,20 Văn hóa Thần thoại Các vùng tối sáng trên Mặt Trăng đã được con người tưởng tượng thành những hình ảnh khác nhau trong các nền văn hóa khác nhau, như chú Cuội và cây đa trên cung trăng trong văn hóa dân gian Việt Nam, hay thỏ Mặt Trăng trong văn hóa Trung Hoa, Ấn Độ, hoặc hình người. Trong nhiều nền văn hóa cổ, Mặt Trăng được nhân cách hóa hoặc thần thánh hóa. Thần thoại Trung Hoa kể về sự tích Hằng Nga bay lên Mặt Trăng và trường sinh cùng thỏ ngọc tại đây, một trong các sự tích lý giải cho phong tục tết Trung Thu. Thần thoại Ấn Độ coi Chandra (Soma) là nam thần Mặt Trăng. Tôn giáo Lưỡng Hà, trong thiên niên kỷ thứ nhất trước công nguyên, tin Mặt Trăng là nam thần Sin (Nanna), cha của nữ thần Sao Kim Ishtar và thần Mặt Trời Shamash. Theo thần thoại Hy Lạp La Mã cổ đại, Mặt Trời là nam và Mặt Trăng là nữ, ứng với Helios (Sol) và Selene (Luna). Việc quan sát các sự kiện thiên văn liên quan đến Mặt Trăng, Mặt Trời, các hành tinh và các sao cũng đã hình thành thuật chiêm tinh ở Trung Quốc, Ấn Độ và phương tây.tr.50 Lịch Chu kỳ lặp lại của pha Mặt Trăng được sử dụng như một công cụ đo thời gian tiện lợi, tạo thành cơ sở cho nhiều hệ thống lịch cổ.tr.119 Một số thanh đếm cổ, được làm từ xương hàng chục nghìn năm trước, đã được một số nhà nghiên cứu cho là đánh dấu các pha của Mặt Trăng. Ngày nay, chu kỳ lặp lại của tháng, khoảng 30 ngày, gần tương ứng với chu kỳ giao hội của Mặt Trăng.tr.223-224tr.119 Trong tiếng Hán và các ngôn ngữ Ấn Âu, từ biểu thị khái niệm "tháng", hay "nửa tháng", có nguồn gốc từ Mặt Trăng. Hầu hết các lịch đã xuất hiện trong lịch sử loài người đều dựa trên các chu kỳ chuyển động của Trái Đất, Mặt Trăng và Mặt Trời.tr.117-118 Lịch âm dương của Trung Hoa ngoài dựa vào các chu kỳ trên còn tích hợp thêm chu kỳ gần bằng 12 năm của Sao Mộc ứng với 12 con giáp, trong khi đó lịch Hồi giáo xuất hiện vào thế kỷ thứ 7 dựa hoàn toàn vào lịch Mặt Trăng.tr.119 Theo lịch Hồi giáo, các tháng được xác định bằng việc quan sát trăng non sớm nhất ở đường chân trời. Ảnh hưởng tâm sinh lý Trong một số nền văn hóa, Mặt Trăng có liên hệ với tính cách điên rồ hoặc phi lý. Một số học giả của Hy Lạp và La Mã cổ đại, như Aristoteles, Pliny cha, Lucius Mestrius Plutarchus hay Claudius Galenus, đã cho rằng pha của Mặt Trăng có mối liên hệ với chứng động kinh. Pliny cha (sống vào năm 23 đến 79) và Claudius Ptolemaeus (khoảng năm 150) giải thích rằng độ ẩm trong não có mối liên hệ với Mặt Trăng. Tuy nhiên mọi phân tích dữ liệu hiện đại đều không xác nhận các lý thuyết này. Chu kỳ thủy triều và thay đổi của pha Mặt Trăng có tác động lên hành vi của một số loài sinh vật trên Trái Đất, đặc biệt là những loài hoạt động vào ban đêm hoặc nhạy cảm với ánh sáng. Tuy vậy các ghi chép về mối liên hệ giữa chu kỳ thay đổi của pha Mặt Trăng với trạng thái tâm sinh lý của con người đều bị bác bỏ. Một số người đã cho rằng các pha Mặt Trăng ảnh hưởng đến số ca nhập viện vì tâm thần, số ca giết người hoặc tự tử, hay số vụ phạm pháp; nhưng nhiều nghiên cứu đã phủ nhận quan niệm này. Nguồn cảm hứng Trăng vào cửa sổ đòi thơ, Việc quân đang bận, xin chờ hôm sau. Chuông lầu chợt tỉnh giấc thu, Ấy tin thắng trận Liên khu báo về. Bản dịch bởi Huy Cận cho bài Báo Tiệp (報捷 1948) của Hồ Chí Minh Mặt Trăng là nguồn cảm hứng cho nhiều nhà thơ ở các thời đại và nền văn hóa khác nhau, với hàng trăm tác phẩm vịnh nguyệt được lưu lại trong giai đoạn từ thế kỷ thứ 7 trước công nguyên cho đến nay. Một vài ví dụ là bài Mặt Trăng, Trăng tròn của Sappho (610-570 trước công nguyên) ở Hy Lạp cổ đại, các bài thơ Đường Nguyệt hạ độc chước (月下獨酌), Nguyệt dạ (月夜) của Lý Bạch (701-762), Đỗ Phủ (712-770) ở Trung Quốc, Dẫu gió thổi (吹けども 葺けども) của Izumi Shikibu (976-1030) ở Nhật Bản, Tới Mặt Trăng (Alla luna) của Giacomo Leopardi (1798–1837) ở Ý, Trăng lên (La luna asoma) của Federico García Lorca (1898–1936) ở Tây Ban Nha, ai mà biết Mặt Trăng có phải (who knows if the moon’s) của E. E. Cummings (1894–1962) ở Mỹ, Huyền ảo của Hàn Mặc Tử (1912–1940) ở Việt Nam.tr.4,tr.62 Mặt Trăng cũng là chủ đề của các tác phẩm văn học trong hai thiên niên kỷ qua. Vào thế kỷ thứ 2, Lukianos xứ Samosata viết tiểu thuyết Truyện Thật (Ἀληθῆ διηγήματα), kể chuyện những người từ Trái Đất đến Mặt Trăng và gặp các cư dân tại đó. Một số ví dụ khác từ thời Phục Hưng đến nay, là Giấc mơ (Somnium, 1634) của Johannes Kepler, Người cung trăng (The Man in the Moone, 1638) của Francis Godwin, Tiếu sử về Đế chế Mặt Trăng (L’Autre monde ou les états et empires de la Lune, 1657) của Cyrano de Bergerac, Từ Trái Đất lên Mặt Trăng (De la Terre à la Lune, trajet direct en 97 heures 20 minutes, 1865) của Jules Verne, Khúc dạo đầu cho Không gian (Prelude to Space, 1951) của Arthur C. Clarke. Ví dụ về những nhạc phẩm có tiêu đề liên hệ đến Mặt Trăng là Clair de lune (1905) trong giao hưởng của Claude Debussy, Fly me to the Moon viết bởi Bart Howard và biểu diễn bởi Quincy Jones-Frank Sinatra (1964) - bài hát đầu tiên được phát trên Mặt Trăng trong nhiệm vụ Apollo 11, album The Dark Side of the Moon (1973) của Pink Floyd, Walking on the Moon (1979) của The Police. Ở nghệ thuật tạo hình, Mặt Trăng xuất hiện trong mô típ lý ngư vọng nguyệt (鯉魚望月, cá chép trông trăng) ở tranh dân gian Việt Nam và Trung Hoa, trong các tác phẩm hội họa phương Đông và phương Tây như Cảnh đêm trăng với cây cầu (1648-1650) của Aert van der Neer, Ánh trăng (1833-1834) của Thomas Cole, Trăng thu trên sông Tama (1838) của Utagawa Hiroshige, Cỏ mùa thu dưới trăng (1872-1891) của Shibata Zeshin, và trong điện ảnh như Chuyến du hành tới Mặt Trăng (1902) của Georges Méliès, 2001: A Space Odyssey (1968) của Stanley Kubrick. Biểu tượng lưỡi liềm đã được dùng để đại diện cho Mặt Trăng từ trước Công Nguyên trong tử vi Hy Lạp cổ đại, và biểu tượng sao và lưỡi liềm đã xuất hiện từ thời kỳ văn hóa Lưỡng Hà. Lưỡi liềm cũng được dùng trong văn hóa Lưỡng Hà để đại diện một số vị thần thánh. Trong nghệ thuật Hy Lạp cổ đại, nữ thần Selene đội trên đầu hình lưỡi liềm. Trong kỳ học, lưỡi liềm, đôi khi kèm sao, đã có mặt ở cờ của nhiều quốc gia Hồi giáo từ thế kỷ 14. Trăng tròn xuất hiện trên cờ Lào và Palau. Xem thêm 3753 Cruithne Mặt Trăng xanh Thực dân ngoài Trái Đất Giải Lunar X của Google Late Heavy Bombardment Danh sách các vật thể nhân tạo trên Mặt Trăng Danh sách hố va chạm trên Mặt Trăng Danh sách các đặc điểm trên Mặt Trăng Danh sách biển trên Mặt Trăng Danh sách núi trên Mặt Trăng Danh sách thung lũng trên Mặt Trăng Danh sách các nhà du hành vũ trụ chương trình Apollo (gồm cả danh sách những người đã đặt chân lên Mặt Trăng) Thang máy vũ trụ Mặt Trăng Tháng Mặt Trăng trong nghệ thuật và văn học Khoa nghiên cứu Mặt Trăng Phong hóa vũ trụ Tham khảo Chú thích Nguồn Đọc thêm (podcast and transcript) Liên kết ngoài Hình ảnh và bản đồ Video về sự mọc lên của Trái Đất từ quỹ đạo Mặt Trăng do camera trên vệ tinh Kaguya của JAXA (Nhật Bản) quay. (Trái Đất chỉ dường như mọc do vệ tinh đang bay. Nhìn từ bề mặt Mặt Trăng thì Trái Đất không chuyển động do Mặt Trăng luôn hướng một mặt về Trái Đất.) Thám hiểm Các tuần trăng Khác Hồ sơ Mặt Trăng của Solar System Exploration, NASA Moon articles from Planetary Science Research Discoveries NASA - , cập nhật 14 tháng 3 năm 2012 Lịch sử tiến hóa dữ dội của Mặt Trăng, Hà Hương, VietNamNet. Cập nhật 19/03/2012 06:30:00 AM (GMT+7) Các nguồn bản đồ 10 vệ tinh lạ lùng nhất hệ mặt trời Thuvienvatly.com Map of the Moon Bản đồ Mặt Trăng Planetary Names: The Moon Danh pháp cho Mặt Trăng PDS Map-a-Planet Moon top page Bài viết thiên văn chọn lọc Vật thể gần Trái Đất Vệ tinh tự nhiên Hệ thống vệ tinh hành tinh Hệ Mặt Trời
7282
https://vi.wikipedia.org/wiki/R%E1%BB%A7i%20ro
Rủi ro
Rủi ro (tiếng Anh: Risk, Hoodoo) là một cách gọi về những điều không tốt lành và không tốt đẹp. Thuật ngữ này đề cập tới sự không chắc chắn trong hệ quả, tác động của một hành động bất kỳ có liên quan đến những thứ mà con người coi trọng (chẳng hạn như sức khỏe, hạnh phúc, của cải, tài sản hoặc môi trường). Rủi ro thường tập trung vào những hậu quả tiêu cực mà con người không mong muốn. Tham khảo
7286
https://vi.wikipedia.org/wiki/Tham%20s%E1%BB%91%20qu%E1%BB%B9%20%C4%91%E1%BA%A1o
Tham số quỹ đạo
Các tham số quỹ đạo là các tham số cần để mô tả một quỹ đạo. Tham số quỹ đạo Kepler Mô tả quỹ đạo Kepler Quỹ đạo Kepler (đường màu đỏ trong hình vẽ) là quỹ đạo của một quả cầu khối lượng m bay quanh quả cầu khối lượng B tuân thủ các định luật Newton và tương tác với nhau bằng lực hấp dẫn. Quỹ đạo này có hình elíp, một tâm của nó trùng với vật B, nằm trên một mặt phẳng gọi là mặt phẳng quỹ đạo. Mặt phẳng này không nhất thiết trùng với mặt phẳng tham chiếu, tức là mặt phẳng x-y của hệ tọa độ Descartes x-y-z đang dùng trong định vị các vật thể. Tâm của hệ tọa độ này thường trùng với tâm quả cầu B. Để miêu tả quỹ đạo của các hành tinh trong Hệ Mặt Trời, người ta hay chọn hệ tọa độ hoàng đạo, có mặt phẳng tham chiếu là mặt phẳng hoàng đạo, tâm tại Mặt Trời và trục x trùng với phương nối Mặt Trời và Trái Đất khi Trái Đất ở vị trí xuân phân. Do vậy trục x trên mặt phẳng tham chiếu thường gọi là hướng xuân phân. Một số khái niệm cơ bản liên quan đến quỹ đạo Kepler được định nghĩa như sau: Tham số Kepler Vì quỹ đạo Kepler có 7 bậc tự do (3 thành phần của vị trí, 3 thành phần vận tốc cộng với thời gian), chúng ta có thể miêu tả quỹ đạo Kepler bằng một nhóm 6 tham số cộng với thời gian. Có nhiều cách chọn 6 tham số này. Một lựa chọn truyền thống cho các tham số quỹ đạo Kepler trong thiên văn học là các tham số Kepler, đặt tên theo Johannes Kepler và các định luật của ông. Chúng gồm: Nhiều khi, bán trục lớn được dùng thay cho chu kỳ quỹ đạo. Bán trục lớn có thể được tính dựa vào 6 tham số Kepler chính thống. Các hành tinh trong Hệ Mặt Trời thực tế không phải là hình cầu hoàn hảo, nên các tham số quỹ đạo của chúng, khi bay quanh Mặt Trời, có thể thay đổi chậm theo thời gian, do các nhiễu loạn hay thậm chí các hiệu ứng tương đối tính. Xem thêm Lịch thiên văn Các hệ tọa độ thiên văn Tham khảo Liên kết ngoài Tiếng Anh Keplerian Elements tutorial another tutorial Spacetrack Report No. 3, a really serious treatment of orbital elements from NORAD (in pdf format) Celestrak Two-Line Elements FAQ Cơ học thiên thể Quỹ đạo fr:Orbite#Éléments orbitaux
7287
https://vi.wikipedia.org/wiki/Puma
Puma
Puma có thể là: Sinh học Báo sư tử (tiếng Anh: Puma) Chi Puma bao gồm loài báo sư tử. Quân sự Xe chiến đấu bộ binh Puma do Đức sản xuất. Xe bọc thép hạng nhẹ Puma do Ý sản xuất. Thể thao Công ty giày thể thao Puma SE
7289
https://vi.wikipedia.org/wiki/Tem%20th%C6%B0
Tem thư
Tem thư hay tem bưu chính, cũng còn gọi là bưu hoa là một mẩu giấy nhỏ do một cơ quan công quyền đảm nhiệm việc thư từ tức bưu chính, hoặc những đại lý có thẩm quyền thanh toán cước phí cùng những chi phí liên quan đến việc di chuyển, bảo hiểm và đăng ký gửi bưu phẩm. Khi đã dán tem thì đó được coi như là một chứng từ của bưu điện để giao đến địa chỉ do người gửi ấn định. Bưu phẩm này sau đó được xử lý bởi hệ thống bưu chính, trong đó dấu bưu điện cho biết ngày và điểm xuất phát của món hàng. Dấu bưu điện được đóng đè lên con tem coi như hủy bỏ hiệu lực của con tem; tiếng Việt gọi là con tem "chết", khác với tem "sống" còn dùng gửi hàng được. Trên tem luôn có tên của quốc gia phát hành (ngoại trừ Vương quốc Anh), tên gọi của giá trị và thường là hình minh họa về con người, sự kiện, tổ chức hoặc thực tế tự nhiên tượng trưng cho truyền thống và giá trị của quốc gia, và mỗi con tem được in trên một mảnh thường hình chữ nhật, nhưng đôi khi hình tam giác hoặc giấy có hình dạng tùy chỉnh đặc biệt có mặt sau được tráng bằng hồ dính hoặc hồ tự dính. Bởi vì các chính phủ phát hành tem có mệnh giá khác nhau với số lượng không đồng đều và thường xuyên ngừng một số loại tem và giới thiệu những loại tem mới thay thế, và vì minh họa trên tem và sự liên kết của tem với thực tế xã hội và chính trị của thời điểm phát hành, những con tem thường được nhà sưu tập tem đánh giá cao về vẻ đẹp và ý nghĩa lịch sử của chúng. Các nghiên cứu về lịch sử của tem và hệ thống gửi thư được gọi là tem học. Bởi vì các nhà sưu tập thường mua tem từ một cơ quan phát hành mà không có ý định sử dụng chúng cho mục đích bưu chính, doanh thu từ các giao dịch mua và thanh toán tem đó có thể khiến chúng trở thành một nguồn lợi nhuận ròng cho cơ quan bưu chính. Vào ngày 1 tháng 5 năm 1840, Penny Black, tem bưu chính có khả năng dính đầu tiên, được phát hành tại Vương quốc Anh. Trong vòng ba năm, tem bưu chính đã được giới thiệu ở Thụy Sĩ và Brasil, muộn hơn một chút ở Hoa Kỳ và đến năm 1860, chúng đã có mặt ở 90 quốc gia trên thế giới. Tem bưu chính đầu tiên không cần hiển thị quốc gia phát hành, vì vậy không có tên quốc gia nào được hiển thị trên mặt tem đó. Do đó, Vương quốc Anh vẫn là quốc gia duy nhất trên thế giới bỏ qua tên của mình trên tem bưu chính; hình ảnh của quốc vương nước này biểu thị tem này xuất xứ từ Vương quốc Anh. Lịch sử Tiền thân của tem thư Ngay từ năm 1653 người điều hành Bưu điện Paris (Pháp), Jean-Jacques Renouard de Villayer, đã cho ra đời billet de port payé, một mảnh giấy dùng làm cước phí tương tự như tem thư. Vì không có mặt phủ keo nên phải dùng kẹp hay dây để gắn mảnh giấy này vào thư. Không còn một bản nào còn tồn tại cho đến ngày nay. Ở Anh cũng có những tiền thân tương tự. Hệ thống một giá trả trước bằng một loại tem cho tất cả các thư trong địa phương do William Dockwra và Robert Murray của London Penny Post phát triển từ năm 1680 đã thành công đến mức làm cho Công tước xứ York (Duke of York) phải lo ngại là độc quyền về bưu điện của ông sẽ bị chấm dứt. Do những khiếu nại của công tước nên London Penny Post phải chấm dứt hoạt động của mình chỉ sau 2 năm và được nhập vào General Post Office. Ngày nay một vài con tem hình tam giác (triangular postmark) của London Penny Post vẫn còn trong cơ quan lưu trữ văn thư, ngoài ra người ta tin rằng còn có bốn con tem này do cá nhân sở hữu. Đầu thế kỷ 19 một số thành phố đã có loại phong bì dùng để gửi thư trong thành phố có thể được xem là tiền thân của loại phong bì đã được in sẵn tem. Ví dụ như tại Sardinia (Ý) năm 1818 đã có một loại giấy của bưu điện có đóng dấu bưu phí trước (carte postale bollata), các bưu thiếp dùng để cho người đọc trả lời kèm theo trong các báo ở Anh vào khoảng năm 1818 cũng đã được trả bưu phí trước. Các tờ thư (letter sheets) phát hành vào năm 1838 tại Sydney (Úc) được xem là bưu phẩm có đính kèm sẵn cước phí (postal stationery) đầu tiên. Con tem đầu tiên ra đời Trước khi có phát minh về tem thư, thật khó khăn để gửi đi một lá thư đến một nơi khác. Vấn đề càng phức tạp hơn khi lá thư phải đi qua nhiều nước. Rowland Hill, một giáo viên người Anh nghĩ ra chiếc tem thư có keo dính mặt sau. Người gửi thư phải trả tiền cho phần đường mà lá thư vượt qua. Người nhận thư không phải trả tiền gì cả vì tiền gửi thư đã được trả trước rồi. Bưu điện Anh chính thức phát hành con tem đầu tiên vào năm 1840. Tem thư trở nên phổ biến tức thì ở Anh. Những quốc gia khác cũng nhanh chóng phát hành tem thư cho nước mình. Tuy vậy, vẫn còn có nhiều vấn đề về thư từ quốc tế. Một số nước không muốn nhận thư có dán tem của nước khác. Cuối cùng, vào năm 1874, một người Đức đã tổ chức Hệ thống Bưu chính Toàn cầu (UPS), văn phòng được đặt tại Thuỵ Sĩ. Ngày nay, hầu như tất cả các nước trên thế giới là thành viên của tổ chức này. Mỗi nước trong tổ chức UPS đồng ý nhận thư với bưu phí đã được thanh toán ở các nước thành viên khác. Ý tưởng cơ bản của phát minh tem thư là không thu cước phí từ người nhận nữa mà là từ người gửi. "Hệ thống trả tiền trước" đầu tiên ra đời. Ngoài ra, đi cùng với phát minh tem thư là việc đơn giản hóa và giảm bưu phí vì thế trao đổi thư từ không còn là việc chỉ dành riêng cho giới giàu có nữa. Ngay từ năm 1836 người Áo Laurenz Koschier tại Laibach đã đề nghị với chính phủ Áo đưa tem thư vào sử dụng để đơn giản hóa hệ thống bưu điện. Người bán sách ở Scotland, James Chalmers, cũng đưa ra một đề nghị tương tự vào năm 1838. Sir Rowland Hill, người được chính phủ Anh giao nhiệm vụ cải tổ hệ thống bưu điện năm 1835, có lẽ đã lãnh nhận đề nghị này và đưa vào chương trình cải tổ của ông. Ông được xem như là người phát minh ra tem thư. Rowland Hill cũng chịu trách nhiệm về mẫu mã cho hai con tem đầu tiên. Hằng ngàn bản phác thảo thiết kế được gửi đến đều bị Rowland Hill từ chối. Cuối cùng ông đã lấy bản vẽ của đồng tiền kỷ niệm từ năm 1837: con tem trị giá 1 penny mang chân dung nữ hoàng Victoria I trên nền đen và loại 2 penny trên nền xanh nước biển. Con tem đầu tiên dán bằng keo được phát hành lần đầu tiên vào ngày 6 tháng 5 năm 1840 tại Anh theo đề nghị của Rowland Hill, và con tem màu xanh sau đó hai ngày. Do có trị giá là một penny nên giới sưu tầm tem thư gọi con tem đầu tiên là con tem Penny Đen (Penny Black). Henry Corbald là người đúc bản in cho hai con tem đầu tiên này. Nhà in Perkins, Bacon Petch được giao nhiệm vụ in ấn. Tem thư lan truyền rộng rãi Chỉ một thời gian ngắn sau khi hai con tem đầu tiên của thế giới được phát hành các quốc gia khác đã làm theo. Năm 1841 và 1842 một số tem ở địa phương được phát hành tại Mỹ. Kế tiếp theo đó là các con tem của Brasil và của hai tiểu bang Thụy Sĩ: Zürich và Genf. Con tem Đức đầu tiên là Số Một Đen (Der Schwarzer Eins) được Vương quốc Bayern phát hành ngày 1 tháng 11 năm 1849. Tiếp theo đó là các vương quốc Đức Hannover, Vương quốc Phổ, Sachsen và Schleswig-Holstein vào năm 1850. Con tem đầu tiên của Áo được phát hành vào ngày 1 tháng 6 năm 1850 và cũng có giá trị ở Liechtenstein. Sau đó không lâu đã xuất hiện các loại tem thư khác ví dụ như con tem đầu tiên dùng để gửi báo ở Áo vào năm 1851. Con tem được phát hành nhân dịp khai mạc tuyến tàu hỏa đầu tiên ở Peru trong tháng 4 năm 1871 được xem là con tem đặc biệt đầu tiên. Thế nhưng không phải tất cả các nhà sử học đều đồng ý với quan điểm này. Tem thư trở thành vật được sưu tầm Đọc bài chính về sưu tầm tem Cùng với việc tem thư lan truyền đi rộng rãi khắp thế giới, sưu tập tem cũng trở thành phổ biến. Quyển album sưu tập tem đầu tiên được phát hành vào năm 1860. Ngay năm sau đó tiền thân của cuốn tổng mục tem ngày nay cũng đã ra đời. Năm 1862 là năm tờ báo chuyên về sưu tập tem đầu tiên ra đời. Đấy là tờ The Monthly Advertiser, phát hành lần đầu tiên vào ngày 15 tháng 12 năm 1862 tại xứ sở nơi tem thư ra đời (Anh). Bên cạnh đó các hiệp hội những người sưu tập tem và sự kiện tổ chức đặc biệt dành cho những người chơi tem ra đời ngày càng nhiều. Ngay trong năm 1856 đã có nhiều cuộc gặp gỡ của những người sưu tập tem tại Mỹ. Năm 1866 hội những người sưu tập tem đầu tiên, Excelsior Stamp Association, được thành lập tại Mỹ. Tiếp theo đó là Royal Philatelic Society được thành lập tại Luân Đôn năm 1869. Tem thư giả xuất hiện Đọc bài chính về giả mạo tem thư Đi kèm theo việc tem thư lan truyền đi nhanh chóng không những chỉ có các hiện tượng tốt. Ngày càng có nhiều người làm giả nhận ra việc giả mạo tem thư sẽ mang lại nhiều lợi tức. Chỉ một thời gian ngắn sau khi các con tem đầu tiên được đưa vào sử dụng, vào ngày 6 tháng 5 năm 1840, đã xuất hiện tem giả hoàn toàn đầu tiên. Thêm vào đó còn có nhiều hình thức giả mạo một phần các con tem có giá trị trong hệ thống bưu điện, tức là con tem thật chỉ được sửa đổi vài phần để tăng giá trị bưu điện của nó lên. Trong số này ví dụ như là thay đổi màu bằng các phương pháp hóa học hay dùng các thủ thuật thay đổi con số để làm giả một con tem có giá trị cao hơn. Nhiều lúc người ta dùng các con tem chết (tem đã dùng, có đóng dấu) và bằng phương pháp thủ công cực nhọc để từ 2 (hay nhiều) con tem này làm ra một con tem sống (mới, chưa dùng). Dấu đóng của bưu điện được tẩy xóa đi bằng phương pháp hóa học. Các cơ quan quản lý bưu điện cũng đã sớm có nhiều biện pháp bảo vệ chống lại việc giả mạo tem thư. Biện pháp bảo vệ lâu đời nhất chống lại việc giả mạo tem thư là hình in chìm trên giấy đã được áp dụng cho các con tem đầu tiên của thế giới theo lời đề nghị của Rowland Hill. Một số nước sử dụng loại giấy đặc biệt để sản xuất tem. Ở loại giấy này bột giấy được pha thêm sợi tơ lụa thường có nhiều màu mà sau này có thể nhìn thấy trên giấy. Trong một vài đợt phát hành tem người ta đặt kèm vào giấy còn ướt sợi tơ có màu. Biện pháp bảo vệ này được áp dụng trong các đợt phát hành tem của các vương quốc Đức Bayern và Württemberg và ở Thụy Sĩ. Giấy có màu cũng làm cho việc giả mạo khó khăn hơn. Nếu giấy chỉ có màu trên một mặt người ta gọi đó là giấy nhuộm. Biện pháp bảo vệ này được áp dụng ví dụ như cho các con tem đầu tiên của Bayern. Tại Áo tem có thêm một vạch sơn bóng để chống lại việc tẩy xóa dấu bưu điện để sử dụng lại con tem. Đỉnh cao của tem thư Vào khoảng thời gian chuyển tiếp giữa hai thế kỷ, những năm 1900, trước Chiến tranh thế giới thứ nhất, sự lan truyền tem thư đạt đến đỉnh cao. Tàu hỏa liên tục được mở rộng, nhờ vào đấy tem thư đã trở thành phương tiện truyền thông quan trọng nhất. Số lượng mỗi đợt phát hành tăng vọt, ví dụ như hai con tem quan trọng nhất của Áo, tem 5 và 10 Heller của năm 1908 đạt số lượng phát hành mỗi loại trên 3 tỉ. Nhưng các con tem này chỉ được sử dụng trong phần lãnh thổ Áo của Đế quốc Áo-Hung vì Hung phát hành tem riêng của mình từ khi có Hiệp định năm 1867. Tem thư làm phương tiện tuyên truyền Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất tem thư bắt đầu được sử dụng như là một phương tiện tuyên truyền. Các quốc gia đang có chiến tranh giả mạo tem thư theo hai cách khác nhau để gây thiệt hại cho đối phương. Ở cách thứ nhất người ta cố gắng giả mạo thật giống tem của đối phương rồi thông qua người trung gian dùng tem giả lợi dụng bưu điện của đối phương gửi đi các vật liệu tuyên truyền. Việc vài cá nhân mua một số lượng lớn tem thư nhất là trong lúc đang có chiến tranh sẽ không giấu diếm được đối phương. Ở loại gọi là giả mạo tuyên truyền, nội dung hay hình ảnh của con tem bị thay đổi đi theo các mục đích tuyên truyền. Ví dụ như sửa dòng chữ "Deutsches Reich" (Đế chế Đức) lại là "Futsches Reich" (Đế chế sụp đổ). Loại giả mạo này phổ biến nhiều nhất là trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Không những chỉ có các kẻ thù của một quốc gia xem tem thư như là một phương tiện tuyên truyền lý tưởng. Một số các quốc gia khác như Đế chế Đức phát xít hay Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và Cộng hoà Dân chủ Đức cũng sử dụng các chủ đề trên tem thư để làm nơi tuyên truyền. Kinh doanh tem thư hiện đại Từ khi máy đóng dấu tem được đưa vào sử dụng trong doanh nghiệp cũng như trong bưu điện, tem được dùng ngày càng ít đi. Nhất là khi điện thoại và thư điện tử phổ biến rộng rãi người dân cũng ngày càng ít khi dùng đến tem thư. Một số nước hầu như chỉ phát hành tem thư dành cho dân sưu tập, vì đó là một nguồn thu ngân sách đáng kể, hơn nữa lại là bằng ngoại tệ. Tại Đức bắt đầu từ năm 2002 người ta đã có thể in tem từ Internet bằng phần mềm STAMPIT của Bưu điện Đức. Gần đây việc nới lỏng độc quyền vận chuyển thư (của bưu điện nhà nước), một biện pháp trong cải tổ bưu chính, đã cho phép các doanh nghiệp cá nhân có thể tự phát hành tem thư. Năm 2004, Công ty cổ phần PIN ở Berlin (Đức) cho ra đời tem thư mang chủ đề về Abrafaxe, một nhân vật anh hùng trong loạt truyện khôi hài thời Cộng hoà Dân chủ Đức. Từ năm 2003, Bưu điện Hà Lan và Phần Lan (tại Phần Lan thoạt tiên chỉ dành cho các công ty) đã đưa vào sử dụng loại tem do chính khách hàng tự thiết kế lấy bằng cách có thể in một tấm ảnh, bản vẽ hay biểu trưng trên một khung được quy định trước. Ở Áo ngay từ năm 2003, người ta cũng đã có thể yêu cầu in tem thư riêng của mình với số lượng tối thiểu là 200 con tem. Đặc điểm Hình dáng Tem thường có hình chữ nhật vì hình này cho phép sắp xếp tem trên giấy in tốt nhất. Hình vuông ít có hơn, ngoài ra các tem hình tam giác cũng đã xuất hiện khá sớm, được biết đến nhiều nhất có lẽ là con tem Mũi Hảo Vọng. Trong những thập niên gần đây nhiều quốc gia đã phát hành tem có đủ loại hình dáng khác nhau mà nhiều nhất là hình tròn. Cộng hòa Sierra Leone là quốc gia được nhiều người sưu tập tem biết đến vì hay phát hành tem có những dạng đặc biệt như huy hiệu, trái cây, chim, bản đồ hay hình trái dừa. Bưu chính Pháp đã phát hành nhiều tem hình trái tim; Bưu chính Nga có tem năm mới hình quạt, mỗi tờ tem hình tròn chia làm tám con tem, mới trông như hộp pho mát vậy. Răng cưa Các tem thư đầu tiên không có răng cưa, nhân viên bưu điện phải dùng kéo để cắt rời từng con tem. Người Anh Henry Archer là người đầu tiên tìm cách tốt hơn là dùng kéo để tách rời các con tem. Đầu tiên ông thiết kế một máy đục lỗ dùng dao. Máy này dùng các dao nhỏ đặt cạnh nhau rạch khía có khoảng cách đều giữa những con tem. Các con tem được rạch khía xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1848 ở các quầy bưu điện. Thế nhưng Henry Archer vẫn chưa hoàn toàn bằng lòng với chiếc máy của ông. Chẳng bao lâu sau đó ông thay thế các con dao bằng kim đục lỗ. Hệ thống tách rời tem này được các nhân viên bưu điện ủng hộ và sau khi tem có răng cưa được phát hành tại Anh nhiều bưu điện của các quốc gia khác đã áp dụng cải tiến này. Nguyên liệu Nguyên liệu được sử dụng nhiều nhất để in tem là một loại giấy được sản xuất đặc biệt chỉ dùng để in tem. Có loại giấy chứa chất phát quang nhằm để chống giả mạo và để cho các máy đóng dấu tự động nhận ra vị trí của con tem cần đóng dấu trên phong bì. Ngoài ra một số bưu điện còn sử dụng cả gỗ hay vải, ví dụ như Bưu điện Thụy Sĩ đã dùng hai nguyên liệu này phát hành tem chỉ dành riêng bán cho người sưu tập tem. Vương quốc Bhutan, phát hành tem riêng từ năm 1955, còn đưa ra cả tem dưới dạng đĩa hát thật có thể hát được một mặt, có đường kính từ 68 mm đến 100 mm. Cộng hòa Burundi nhân dịp kỷ niệm ngày độc lập lần thứ 3 đã phát hành nhiều loại tem trên vàng được dát mỏng. Tem lỗi Mặc dù được in thử nhiều lần và qua nhiều kiểm tra kỹ lưỡng song vẫn có tem bị in hỏng. Loại tem này thường chỉ được những người sưu tập tem chú ý đến. Nổi tiếng nhất trong loại tem lỗi này là con tem 3 skilling vàng (Gul tre skilling banco) của Thụy Điển, được biết chỉ còn có một con, và con tem Jenny ngược đầu (Inverted Jenny) của Mỹ từ năm 1918. Tem in nổi Loại này hiếm thấy nhưng thay vì in màu thường, con tem được in màu và nổi (người mù có thể sờ thấy các vân nổi của hình in trên con tem. Các loại tem thư Ngoài tem thư được bán và dùng rộng rãi nhiều nước trên thế giới đã hay vẫn còn có một số loại tem đặc biệt. Tem công vụ Tem công vụ là loại tem chỉ được các cơ quan hay công sở dùng để gửi bưu phẩm hay bưu kiện mang tính chất công vụ. Vì thế loại tem này không được bán tại các quầy bưu điện. Con tem công vụ đầu tiên là do Ấn Độ, vào thời gian đó vẫn còn là thuộc địa của Đế quốc Anh, phát hành vào năm 1866. Tại Đức con tem công vụ đầu tiên được phát hành vào năm 1920, sau Chiến tranh thế giới thứ hai bị bãi bỏ. Áo chỉ có tem công vụ trong thời gian bị Đức quốc xã chiếm đóng (từ 1938 đến 1945). Thụy Sĩ phát hành tem công vụ từ 1918 đến 1945, ở Liechtenstein từ năm 1932. Việt Nam phát hành bộ tem sự vụ (công vụ) đầu tiên vào tháng 7 năm 1953 với giá mặt tính bằng Kg thóc. Tem máy bay Tem máy bay chỉ được phép dùng để gửi bưu phẩm bằng đường hàng không. Đa số các quốc gia đều có phát hành tem máy bay vì việc vận chuyển bưu phẩm bằng máy bay vào đầu thế kỷ 20 là một sự kiện đặc biệt. Đức và Thụy Sĩ phát hành con tem máy bay đầu tiên ngay từ năm 1912. Ở Áo con tem máy bay đầu tiên được phát hành trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, vào ngày 10 tháng 3 năm 1918. Việt Nam phát hành bộ tem máy bay đầu tiên vào ngày 8 tháng 3 năm 1952. Phần lớn các quốc gia ở châu Âu đều bãi bỏ loại tem này sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Các con tem bình thường từ đấy được phép dùng để gửi thư bằng đường hàng không. Tem phạt Nhiều nước trên thế giới đã và vẫn đang phát hành tem phạt để thanh toán tiền cho những thư dán không đủ bưu phí. Tem phạt được dán lên thư trước khi đưa đến người nhận và người phát thư sẽ thu lệ phí này. Ở Áo, các tem phạt được phát hành lần đầu tiên từ năm 1894 và chỉ được bãi bỏ khi đưa đồng Euro vào sử dụng năm 2002. Đức chưa từng phát hành tem phạt. Thụy Sĩ phát hành tem phạt từ năm 1878 nhưng đã ngưng phát hành ngay từ năm 1938. Liechtenstein sử dụng tem phạt của Áo cho đến khi tách ra khỏi hệ thống quản lý bưu điện Áo vào năm 1920. Sau khi độc lập về bưu điện trước tiên Liechtenstein phát hành tem phạt riêng bằng tiền Áo và sau này là tiền Thụy Sĩ cho đến năm 1940 mới chấm dứt. Việt Nam phát hành bộ tem phạt đầu tiên vào ngày 16 tháng 6 năm 1952, cũng gọi là Tem Thiếu Cước. Tem sống Tem sống là loại tem chưa được sử dụng để gửi thư, bưu thiếp,... hay chưa bị hủy bởi cơ quan bưu chính và có giá trị về mặt tài chính và mặt sưu tập rất cao. Tem sống được dùng để thanh toán cước phí bưu chính (dán lên phong bì để gửi thư) nên việc in tem cũng được bảo vệ và kiểm tra cẩn thận giống như tiền giấy. Luật lệ Bản quyền của tem thư thuộc về cơ quan bưu chính phát hành con tem đó. Mặc dù vậy thường vẫn được phép sao chụp lại. Nhưng nếu không chụp lại cả con tem mà chỉ chụp lại toàn phần hay một phần các hình ảnh thiết kế trên con tem thì vẫn có thể vi phạm bản quyền của người thiết kế. Việc in hình tem trên sách hay đưa lên trang web được các cơ quan quản lý bưu chính chấp nhận ở nhiều mức độ khác nhau. Nếu như Bưu điện của Quần đảo Faroe cho phép ghi hình lại các tem thư không cần phải thay đổi gì thì việc chụp lại tem thư của Bưu điện Đức chỉ cho phép trong giới hạn nhất định: Các hình chụp lại tem thư phải lớn hơn ít nhất là 25% hay nhỏ hơn ít nhất là 10% so với nguyên bản, hay hình in lại phải có một vạch đen chéo qua góc (phương pháp này được đa số các cơ quan bưu chính trên thế giới công nhận.). Bộ Bưu chính Viễn thông Việt Nam quy định hình in lại tem thư phải có chữ Specimen lên tem hoặc có vạch đen chéo lên giá mặt tem. Cơ quan Bưu chính Hoa Kỳ (USPS) giữ bản quyền đối với thiết kế tem bưu chính, phong bì có tem, bưu thiếp có tem, phong bì dùng luôn (aerogram), bưu thiếp kỷ niệm và các vật phẩm sưu tập tem khác, phát hành từ ngày 1 tháng 1 năm 1978, nhưng cho phép sử dụng cho mục đích biên tập trong báo, tạp chí, sách, tổng mục tem và album tem. Hình màu của tem sống phải nhỏ hơn 75% hoặc lớn hơn 150% kích thước con tem. Hình màu của tem chết và hình đen trắng (tem sống hoặc chết) có kích thước tùy ý . Những con tem nổi tiếng Trong số những con tem nổi tiếng phải kể đến con tem British Guiana 1c magenta, hiếm nhất trên thế giới và con tem 3 skilling vàng của Thụy Điển, đắt tiền nhất thế giới. Ngoài ra các con tem dưới đây cũng là những con tem nổi tiếng nhất và được ưa chuộng nhất trong giới sưu tập tem: Bồ câu Basel (Thụy Sĩ - 1845) Jenny ngược đầu (Mỹ - 1918) Penny Đen (Anh - 1840) Số Một Đen (Bayern - 1849) Số Ba Sachsen (Sachsen - 1850) Xem danh sách những con tem nổi tiếng. Xem thêm Sưu tập tem Phong bì Ngày phát hành đầu tiên Tem học Tem chết Tem CTO Tem in thử Tem không răng Tem mẫu Tham khảo Liên kết ngoài Tem Bưu chính Việt Nam Một số liên kết về sưu tập tem (tiếng Anh hoặc tiếng Pháp) Sản phẩm giấy Bưu chính Phát minh Scotland
7292
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ti%E1%BA%BFn%20tr%C3%ACnh%20%28khoa%20h%E1%BB%8Dc%20m%C3%A1y%20t%C3%ADnh%29
Tiến trình (khoa học máy tính)
Trong ngành khoa học máy tính, tiến trình () là một thực thể (instance) của một chương trình máy tính đang được thực thi bởi một hoặc nhiều luồng (thread). Một tiến trình có riêng một không gian địa chỉ, có ngăn xếp (stack) riêng rẽ, có bảng chứa các file descriptor được mở cùng tiến trình và đặc biệt là có một định danh PID (process identifier) duy nhất trong toàn bộ hệ thống vào thời điểm tiến trình đang chạy. Tham khảo Tính toán tương tranh Công nghệ hệ điều hành Tiến trình (máy tính)
7293
https://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BB%95%20r%C4%83ng%20ki%E1%BA%BFm
Hổ răng kiếm
Smilodon là một chi của phân họ Machairodont đã tuyệt chủng thuộc Họ Mèo. Chúng là một trong những động vật có vú thời tiền sử nổi tiếng nhất và loài mèo răng kiếm được biết đến rộng rãi nhất. Mặc dù thường được gọi là hổ răng kiếm, chi này không liên quan chặt chẽ đến các loài hổ hay mèo hiện đại. Smilodon sống ở châu Mỹ trong thế Canh Tân (2,5 triệu năm - 10,000 năm trước). Chi này được đặt tên vào năm 1842, dựa trên các hóa thạch từ Brazil. Có ba loài trong chi được công nhận ngày nay: S. gracilis, S. fatalis, và S. populator. Hai loài thứ hai có lẽ là hậu duệ của S. gracilis, mà chính nó có thể tiến hóa từ chi Megantereon. Bộ sưu tập lớn nhất của hóa thạch Smilodon đã được khai quật từ hố nhựa Rancho La Brea ở Los Angeles, California. Nhìn chung, Smilodon có cơ thể mạnh mẽ hơn bất kỳ loài săn mồi họ mèo nào khác, với các chân trước đặc biệt phát triển tốt và răng nanh trên dài đặc biệt. Hàm của chúng có một góc há mồm lớn hơn so với mèo hiện đại, và răng nanh trên của chúng khá mảnh mai, được thích nghi để tạo ra đòn cắn chính xác. S. gracilis là loài nhỏ nhất và có khối lượng từ 55 đến 100 kg. S. fatalis có khối lượng từ 160 đến 280 kg và chiều cao 100 cm. Cả hai loài này chủ yếu được biết đến từ Bắc Mỹ, nhưng các mảnh hóa thạch từ Nam Mỹ cũng được quy cho chúng. S. populator từ Nam Mỹ là loài lớn nhất, có cân nặng từ 220 đến 400 kg và chiều cao 120 cm, là một trong những loài mèo lớn nhất được biết đến. Hoa văn trên bộ lông của Smilodon chưa được xác định. Ở Bắc Mỹ, Smilodon săn bắt những động vật ăn cỏ lớn như Bison antiquus và lạc đà Camelops, và chúng vẫn thành công ngay cả khi gặp các loài săn mồi mới ở Nam Mỹ. Smilodon được cho là đã giết chết con mồi của nó bằng cách giữ chặt con mồi với chân trước và cắn nó, nhưng không rõ ràng là chúng cắn bằng cách nào. Các nhà khoa học tranh luận liệu Smilodon có lối sống xã hội hay đơn độc; phân tích hành vi của động vật ăn thịt hiện đại cũng như những tàn tích hóa thạch của Smilodon có thể sẽ chống lưng cho một trong hai quan điểm. Smilodon có thể sống trong môi trường sống khép kín như rừng và bụi rậm, vốn đã cung cấp sự bảo vệ cho con mồi bị phục kích. Smilodon tuyệt chủng cùng thời điểm với hầu hết các động vật lớn tại Bắc Mỹ và Nam Mỹ biến mất, khoảng 10.000 năm trước. Sự phụ thuộc nguồn thức ăn vào các loài động vật lớn đã được đề xuất là nguyên nhân của sự tuyệt chủng của loài mèo này, cùng với sự thay đổi khí hậu và cạnh tranh với các loài khác (bao gồm cả sự xuất hiện của con người ở châu Mỹ), nhưng nguyên nhân chính xác là không rõ. Phân loại học Trong những năm 1830, nhà tự nhiên học người Đan Mạch Peter Wilhelm Lund và các trợ lý của ông đã thu thập hóa thạch trong các hang động đá vôi gần thị trấn nhỏ Lagoa Santa, Minas Gerais, Brazil. Trong số hàng ngàn hóa thạch được tìm thấy, ông nhận ra một vài chiếc răng má bị cô lập là của một con linh cẩu, mà ông đặt tên là Hyaena neogaea vào năm 1839. Sau khi tìm thấy nhiều vật liệu hơn (bao gồm cả răng nanh và xương chân), Lund kết luận rằng hóa thạch này thực chất thuộc về một chi riêng biệt của họ Mèo, mặc dù chuyển tiếp với linh cẩu. Ông tuyên bố rằng nó sẽ tương đương với những kẻ săn mồi hiện đại lớn nhất về kích thước, và mạnh mẽ hơn bất kỳ con mèo hiện đại nào. Lund ban đầu muốn đặt tên cho chi là Hyaenodon, nhưng nhận ra tên này đã trở thành tên chính thức của một loài săn mồi thời tiền sử khác, thay vào đó, ông đặt tên cho nó là Smilodon populator vào năm 1842. Ông đã giải thích ý nghĩa của tên bằng tiếng Hy Lạp cổ đại của Smilodon là (smilē), một con dao mổ hoặc dao hai lưỡi, và (odontús), răng. Dịch ra là "răng có hình dạng như con dao hai lưỡi". Ông giải thích tên loài là "kẻ hủy diệt", cũng được dịch là "kẻ mang đến sự tàn phá". Đến năm 1846, Lund đã có được gần như mọi bộ phận của bộ xương (từ các cá thể khác nhau) và nhiều mẫu vật được tìm thấy ở các nước láng giềng bởi các nhà sưu tập khác trong những năm tiếp theo. Mặc dù một số tác giả sau này đã sử dụng tên loài ban đầu của Lund là neogaea thay vì populator nhưng hiện tại nó được coi là một nomen nudum ("tên trần"), vì nó không đi kèm với một mô tả thích hợp và không có mẫu chuẩn. Một số mẫu vật ở Nam Mỹ đã được gán cho các chi, phân chi, loài và phân loài khác, chẳng hạn như Smilodontidion riggii, Smilodon (Prosmilodon) skeenadensis và S. bonaeriensis, nhưng hiện tại chúng được coi là danh pháp đồng nghĩa của S. populator. Hóa thạch của Smilodon được phát hiện ở Bắc Mỹ từ nửa sau thế kỷ XIX trở đi. Năm 1869, nhà cổ sinh vật học người Mỹ Joseph Leidy đã mô tả một mảnh hàm trên với một răng hàm, được phát hiện trên thềm dầu ở Quận Hardin, Texas. Ông đã xác định mẫu vật này là một chi Felis (sau đó được sử dụng cho hầu hết các loài mèo, còn tồn tại cũng như tuyệt chủng) nhưng thấy nó đủ khác biệt để trở thành một phần của một phân chi riêng biệt, F. (Trucifelis) fatalis. Tên loài có nghĩa là "định mệnh", nhưng người ta cho rằng Leidy ngụ ý là "chết người". Trong một bài báo năm 1880 về các loài mèo Mỹ đã tuyệt chủng, nhà cổ sinh vật học người Mỹ Edward Drinker Cope chỉ ra rằng răng hàm F. fatalis giống hệt với Smilodon và ông đã đề xuất kết hợp chúng thành loài mới gọi là S. fatalis. Hầu hết các phát hiện ở Bắc Mỹ rất ít ỏi cho đến khi các cuộc khai quật tiên phong tại hố nhựa La Brea ở Los Angeles, nơi hàng trăm cá thể của S. fatalis đã được tìm thấy từ năm 1875. S. fatalis có các danh pháp đồng nghĩa cơ sở như S. mercerii, S. floridanus và S. californiaicus. Nhà cổ sinh vật học người Mỹ Annalisa Berta coi mẫu định danh của S. fatalis chưa hoàn chỉnh để trở thành một mẫu vật thích hợp và đôi khi loài này được đề xuất là một danh pháp đồng nghĩa cơ sở của S. populator. Các nhà cổ sinh vật học Thụy Điển Bjorn Kurtén và Lars Werdelin ủng hộ sự khác biệt của hai loài vào năm 1990. Trong bài viết năm 1880 về các loài mèo đã tuyệt chủng, Cope cũng đặt tên cho loài thứ ba là Smilodon, S. gracilis. Loài này được dựa trên một phần răng nanh, được lấy trong một hang động gần sông Schuylkill ở Pennsylvania. Cope tìm thấy răng nanh khác biệt với chi Smilodon khác do kích thước nhỏ hơn và cơ sở nén hơn. Tên cụ thể của nó đề cập đến hình thái nhẹ hơn của loài. Loài này được biết đến từ ít mẫu vật hơn và thiếu hoàn chỉnh hơn so với các thành viên khác trong chi. S. gracilis đôi khi được coi là một phần của các chi như Megantereon và Ischyrosmilus. S. populator, S. fatalis và S. gracilis hiện được coi là các loài Smilodon hợp lệ và các đặc điểm được sử dụng để xác định loài riêng biệt đã bị loại bỏ dưới dạng biến thể giữa các cá thể cùng loài (biến thể nội loài). Là một trong những động vật có vú nổi tiếng nhất thời tiền sử, Smilodon thường được nhắc đến trong các phương tiện truyền thông phổ biến và là hóa thạch của bang California. Tiến hóa Từ lâu, Smilodon đã là loài mèo răng kiếm được biết đến nhiều nhất, chúng vẫn là một trong những thành viên nổi tiếng nhất của nhóm, đến mức hai khái niệm này đã bị nhầm lẫn. Thuật ngữ "răng kiếm" dùng để chỉ một dạng hình thái sinh thái bao gồm nhiều nhóm động vật Một cung bên bị tuyệt chủng khác nhau (động vật có vú và họ hàng gần), tiến hóa hội tụ những răng nanh hàm trên cực dài, cũng như sự thích nghi trong hộp sọ và bộ xương liên quan đến việc sử dụng những chiếc răng đó. Chúng bao gồm các thành viên của Gorgonopsia, Thylacosmilidae, Machaeroidinae, Nimravidae, Barbourofelidae và Machairodontinae. Trong họ Mèo (mèo thật sự), các thành viên của phân họ Machairodontinae được gọi là mèo răng kiếm, và nhóm này được chia thành ba tông: Metailurini (răng kiếm giả); Homotherini (mèo răng đại đao); và Smilodontini (mèo răng dao găm Ê-cốt), mà Smilodon thuộc về. Các thành viên của Smilodontini được xác định bởi những chiếc răng nanh thon dài không có răng cưa, trong khi Homotherini được xác định bằng những chiếc răng nanh ngắn, rộng và dẹt hơn, với răng cưa thô hơn. Các thành viên của Metailurini ít chuyên dụng hơn và có răng nanh ngắn hơn, thiếu độ dẹt và không được công nhận là thành viên của Machairodontinae bởi một số chuyên gia. Các loài dạng mèo sớm nhất được biết đến từ thế Oligocene của châu Âu, như Proailurus, và sớm nhất có răng kiếm là chi từ thế Miocene Pseudaelurus. Hộp sọ và hình thái của những con mèo răng kiếm sớm nhất tương tự như chi Báo gấm. Dòng dõi này thích nghi hơn nữa với việc giết mồi chính xác các động vật lớn bằng cách phát triển răng nanh thon dài và góc há miệng rộng hơn, nhưng lại hy sinh lực cắn trong quá trình. Khi răng nanh của chúng trở nên dài hơn, cơ thể của những con mèo trở nên mạnh mẽ hơn để giữ con mồi vùng vẫy. Trong các loài smilodontin và homotherin tân tiến, vùng thắt lưng của cột sống và đuôi trở nên ngắn lại, cũng như các chi sau. Dựa trên các chuỗi ADN ty thể được chiết xuất từ ​​hóa thạch, các dòng dõi của Homotherium và Smilodon được ước tính đã rẽ nhánh vào khoảng 18 triệu năm trước đây. Chi Smilodon sớm nhất là S. gracilis, tồn tại từ 2,5 triệu đến 500.000 năm trước (thời kỳ đầu Blancan đến Irvingtonian) và là loài mèo kế thừa Bắc Mỹ của Megantereon. Chính Megantereon đã di cư sang Bắc Mỹ từ lục địa Á-Âu trong thế Pliocene, cùng với Homotherium. S. gracilis đã đến các khu vực phía bắc của Nam Mỹ trong thế Canh Tân sớm như là một phần của Cuộc đại trao đổi sinh thái tại châu Mỹ. S. fatalis tồn tại từ 1,6 triệu năm trước đến cách đây 10.000 năm (từ cuối kì Irvington đến Rancholabrean) và thay thế S. gracilis ở Bắc Mỹ. S. populator đã tồn tại 1 triệu năm trước đây đến cách đây 10.000 năm trước (kì Ensenadan đến Lujanian); chúng cư ngụ ở phần phía đông của Nam Mỹ. Mặc dù có tên thông tục là "con hổ răng kiếm", Smilodon không liên quan chặt chẽ với loài hổ hiện đại (thuộc phân họ Pantherinae), hoặc bất kỳ loài mèo nào còn tồn tại. Một phân tích DNA cổ năm 1992 cho thấy Smilodon nên được nhóm với những con mèo hiện đại (phân họ Felinae và Pantherinae). Một nghiên cứu năm 2005 cho rằng Smilodon thuộc về một dòng dõi riêng biệt. Một nghiên cứu được công bố vào năm 2006 đã xác nhận điều này, cho thấy Machairodontinae rẽ hướng sớm từ tổ tiên của mèo hiện đại và không liên quan chặt chẽ với bất kỳ loài còn sống nào. Cây phát sinh loài dưới đây dựa trên các phân tích hóa thạch và DNA cho thấy vị trí của Smilodon trong số các loài mèo đã tuyệt chủng và còn tồn tại, theo như Rincón và các đồng nghiệp, năm 2011: Mô tả Smilodon có kích cỡ tương đương với những loài đại miêu hiện đại, nhưng săn chắc hơn. Nó có vùng thắt lưng thấp, xương vai cao, đuôi ngắn và các chi vận động rộng với đôi bàn chân tương đối ngắn. Smilodon nổi tiếng nhất với bộ răng nanh tương đối dài, dài nhất trong những con mèo răng kiếm, chiều dài vào khoảng 28 cm ở loài lớn nhất, S. populator. Răng nanh mảnh và có các răng cưa tốt ở mặt trước và mặt sau.. Hộp sọ được cân đối mạnh mẽ với mõm ngắn và rộng. Xương gò má (zygomata) sâu và cong rộng, đỉnh giữa đầu (sagittal) nổi bật, với xương trá hơi lồi lõm. Xương hàm dưới có mép vành ở mỗi bên của mặt trước. Các răng cửa phía trên lớn, sắc sảo và nghiêng về phía trước. Có một khoảng trông giữa giữa các răng cửa và răng hàm của hàm dưới. Các răng cửa phía dưới rộng, bị cong vào và được đặt theo đường thẳng. Răng tiền hàm p3 của hàm dưới có mặt trong hầu hết các mẫu vật đầu tiên, nhưng bị mất trong các mẫu vật sau này; nó chỉ xuất hiện trong 6% mẫu tại La Brea. Có một số tranh luận về việc liệu Smilodon có lưỡng hình tình dục hay không. Một số nghiên cứu về hóa thạch S. fatalis đã tìm thấy sự khác biệt nhỏ giữa giới tính. Ngược lại, một nghiên cứu năm 2012 nhận thấy rằng, trong khi các hóa thạch của S. fatalis cho thấy sự khác biệt về kích thước giữa các cá thể nhỏ hơn so với chi Panthera hiện đại, sự khác biệt giữa các giới tính cũng giống nghiên cứu trước ở một số đặc điểm. S. gracilis là loài nhỏ nhất, được ước tính có trọng lượng từ 55 đến 100 kg, bằng kích thước của một con báo đốm. Chúng tương tự như tổ tiên của chúng là Megantereon có cùng kích thước, nhưng răng và hộp sọ của chi này tiến bộ hơn, gần bằng S. fatalis. S. fatalis có kích thước trung bình nằm giữa S. gracilis và S. populator. Nó dao động từ 160 đến 280 kg và đạt đến chiều cao vai 100 cm và chiều dài cơ thể 175 cm. Nó tương tự như một con sư tử theo kích cỡ, nhưng mạnh hơn và cơ bắp hơn, và do đó có khối lượng cơ thể lớn hơn. Hộp sọ của nó cũng tương tự như của Megantereon, mặc dù lớn hơn và có răng nanh lớn hơn. S. populator là một trong những loài mèo lớn nhất được biết đến, với khối lượng cơ thể từ 220 đến 400 kg, và một ước tính tới 470 kg. Nó có độ cao vai là 120 cm. So sánh với hai loài S. fatalis, S. populator mạnh mẽ hơn và có một hộp sọ dài hơn và hẹp hơn với phía trên cao hơn, xương mũi có vị trí cao hơn, xương chẩm thẳng đứng hơn, xương nối cổ tay lớn hơn và chi trước dài hơn một ít so với chi sau. Các đường dấu chân lớn từ Argentina (danh pháp phân loại Smilodonichium đã được đề xuất) được quy cho S. populator, và có kích thước vào khoảng 17,6 cm đến 19,2 cm. Con số này lớn hơn các dấu chân của hổ Bengal, các dấu chân đã được so sánh. Theo truyền thống, mèo răng kiếm đã được khôi phục về mặt nghệ thuật với các đặc điểm bên ngoài tương tự như các loài mèo hiện nay, bởi các họa sĩ như Charles R. Knight phối hợp với các nhà cổ sinh vật học khác nhau vào đầu thế kỷ 20. Năm 1969, nhà cổ sinh vật học GJ Miller thay vào đó đề xuất rằng Smilodon trông rất khác so với một con mèo điển hình mà tương tự hơn với một con Chó bò Anh, với một đường môi dưới (để miệng mở rộng mà không làm rách các mô trên mặt), một cái mũi rút ngắn hơn và tai thấp hơn. Họa sĩ cổ sinh vật Mauricio Antón và các đồng tác giả đã tranh luận điều này vào năm 1998 và duy trì rằng các đặc điểm khuôn mặt của Smilodon nhìn chung không khác mấy so với những con mèo khác. Antón lưu ý rằng động vật hiện đại như hà mã có thể mở mồm với góc rộng mà không làm rách mô bằng cách gập vừa phải của cơ vòng mô, và cấu trúc cơ như vậy tồn tại trong các loài mèo lớn hiện đại. Antón nói rằng sự gộp lại phát sinh loài (nơi mà các đặc điểm của họ hàng gần nhất của một phân loại hóa thạch được sử dụng làm tài liệu tham khảo) là cách đáng tin cậy nhất để khôi phục lại hình dáng của động vật thời tiền sử và do đó, hình phục dựng Smilodon giống mèo của Charles vẫn chính xác. Smilodon và những con mèo có răng kiếm khác đã được xây dựng lại với cả hai lớp lông không hoa văn và với các đốm (có vẻ là đặc điểm tổ tiên cho Phân bộ Dạng mèo), cả hai đều được coi là có thể. Các nghiên cứu về loài mèo hiện đại đã phát hiện ra rằng các loài sống trong môi trường mở có xu hướng không có hoa văn trong khi những loài sống trong môi trường nhiều thực vật có nhiều vằn hoa văn hơn, với một số ít ngoại lệ. Một số đặc điểm lông, chẳng hạn như bờm của sư tử đực hoặc sọc của hổ, là quá bất thường để dự đoán từ hóa thạch. Cổ sinh vật học Hành vi săn mồi Là một động vật ăn thịt đầu bảng, Smilodon chủ yếu săn bắt các động vật có vú lớn. Các đồng vị được bảo quản trong xương của S. fatalis ở hố nhựa La Brea tiết lộ rằng động vật nhai lại như bò rừng Bison antiquus (lớn hơn nhiều so với bò bison châu Mỹ) và lạc đà (Camelops) thường bị những con mèo ở đây săn. Ngoài ra, các đồng vị được bảo quản trong men răng của các mẫu S. gracilis từ Florida cho thấy loài này còn săn Lợn lòi Pecari Platygonus và loài Hamauchenia giống llama. Trong một số trường hợp hiếm hoi, Smilodon cũng có thể săn các mục tiêu như glyptodont, dựa trên một hộp sọ Glyptotherium mang dấu răng hình êlip trùng với kích thước và đường kính răng nanh của Smilodon. Đây là một con glyptodont vị thành niên với giáp mặt chưa hoàn toàn phát triển. Các nghiên cứu đồng vị về xương sói (Canis dirus) và sư tử Mỹ (Panthera leo atrox) cho thấy sự chồng chéo với S. fatalis trong con mồi, điều này cho thấy chúng là những đối thủ cạnh tranh.[38] Sự sẵn có của con mồi trong khu vực Rancho La Brea có thể so sánh với vùng Đông Phi hiện đại.. Khi Smilodon di cư đến Nam Mỹ, chế độ ăn uống của nó thay đổi; bò bison vắng mặt, ngựa và proboscideans khác lạ, và các động vật móng guốc bản địa như Toxodontidae và Litopterna hoàn toàn không quen thuộc, nhưng loài S. populator vẫn phát triển mạnh ở đó cũng như các loài họ hàng ở Bắc Mỹ. Sự khác biệt giữa hai loài ở Bắc và Nam Mỹ có thể là do sự khác biệt về con mồi giữa hai lục địa.. Smilodon có lẽ đã tránh ăn xương và sẽ để lại đủ thức ăn cho những loài ăn xác thối. Bản thân Smilodon có thể đã ăn xác mồi của loài sói dire. Có người cho rằng Smilodon là một loài ăn xác thuần túy sử dụng răng nanh để tỏ ra thống trị trên cái xác thịt nó chiếm được, nhưng giả thuyết này không được hỗ trợ vì không có động vật có vú trên cạn hiện đại nào là loài chỉ ăn xác. Não của Smilodon có các mẫu rãnh não tương tự như các loài mèo hiện đại, cho thấy sự phức tạp gia tăng của các vùng kiểm soát thính giác, thị giác và sự phối hợp giữa các chi. Mèo răng kiếm nói chung có đôi mắt tương đối nhỏ không giống như những con mèo hiện đại, có tầm nhìn hai mắt tốt để giúp chúng di chuyển trên cây. Smilodon có thể là loài săn mồi phục kích trong thảm thực vật dày đặc, vì tỷ lệ chi của nó tương tự như mèo rừng hiện đại, và đuôi ngắn của chúng không thể nào hỗ trợ cân bằng trong khi chạy. Không giống như tổ tiên của chúng Megantereon, mà ít nhất có kĩ năng thăng bằng trên không và do đó có thể leo lên cây, Smilodon có lẽ sống hoàn toàn trên mặt đất do trọng lượng lớn hơn và thiếu các thích ứng leo trèo. Xương gót chân của Smilodon khá dài, cho thấy chúng là một loài bật nhảy tốt. Các cơ bắp uốn cong và mở rộng được phát triển tốt ở cánh tay có thể cho phép chúng kéo và giữ chắc chắn các con mồi lớn. Phân tích các mặt cắt ngang của cánh tay S. fatalis chỉ ra rằng chúng được tăng cường bởi vỏ xương dày đến mức chúng có thể duy trì tải trọng lớn hơn so với những con mèo lớn hiện đại, hoặc của sư tử đã tuyệt chủng ở Mỹ. Sự dày lên của xương đùi S. fatalis nằm trong phạm vi của các loài mèo còn tồn tại. Răng nanh của nó mỏng manh và không thể cắn vào xương; do có nguy cơ bị phá vỡ, những con mèo này phải bẻ cong và kiềm chế con mồi của chúng với các chân trước mạnh mẽ của chúng trước khi chúng có thể sử dụng răng nanh, và có thể sử dụng vết cắn hoặc đâm nhanh, mạnh hơn là nhắm vào cổ và sử dụng vết cắn chậm, ngạt thở được sử dụng bởi mèo hiện đại. Trong các trường hợp hiếm hoi, có bằng chứng hóa thạch, Smilodon sẵn sàng mạo hiểm cắn vào xương bằng răng nanh. Điều này có thể là tập trung hơn vào sự cạnh tranh với các Smilodon khác hoặc các mối đe dọa tiềm năng như động vật ăn thịt khác hơn là con mồi. Các nhà khoa học vẫn đang tranh luận về cách loài Smilodon giết con mồi của nó. Theo truyền thống, giả thuyết phổ biến nhất là con mèo sẽ tạo ra một vết cắn đâm sâu hoặc đâm mở hàm vào cổ họng, thường xuyên cắt qua tĩnh mạch và/hoặc khí quản và do đó giết chết con mồi chớp nhoáng. Một giả thuyết khác cho rằng Smilodon nhắm vào bụng con mồi. Giả định này bị bàn cãi, vì độ cong của bụng con mồi có thể sẽ ngăn cản con mèo đưa ra một vết cắn hoặc đâm tốt. Về chiến thuật mà loài Smilodon vận dụng để tạo vết cắn, giả thuyết "răng nanh căt đứt" được ưa chuộng, sự uốn cong của cổ và vòng quay của hộp sọ sẽ hỗ trợ lực cắn lên con mồi, nhưng điều này dường như bất khả thi về mặt cơ học. Các mép hàm dưới có thế đã giúp con vật chống lại lực uốn khi hàm bị mắc lại bởi da con mồi. Các răng cửa nhô ra được bố trí thành dạng hình vòm, và được sử dụng để giữ con mồi ổn định trong khi răng nanh cắn con mồi. Bề mặt tiếp xúc giữa vòng đỉnh răng nanh và lợi được mở rộng, ổn định răng và giúp con mèo cảm nhận được khi răng đã thâm nhập vào thịt tối đa. Vì những con mèo có lỗ dưới ổ mắt khá lớn, trong đó có các dây thần kinh kết nối với ria mèo, nó gợi ý rằng các giác quan được cải thiện sẽ giúp tăng độ chính xác của mèo khi tạo ra vết cắn bên ngoài tầm nhìn của chúng, và do đó ngăn ngừa sự bẻ gãy của răng nanh. Răng nhai thịt giống như lưỡi dao được sử dụng để cắt da và tiếp cận thịt, và răng hàm giảm gợi ý rằng chúng không thích nghi để nghiền xương như mèo hiện đại. Vì thức ăn của mèo hiện đại đi vào miệng ở bên đồng thời chúng bị cắt bởi răng nhai thịt, không phải là răng cửa phía trước giữa hai răng nanh, con vật không cần mở rộng hàm, vì vậy răng nanh của Smilodon không cản trở bữa ăn. Mặc dù có cơ thể mạnh mẽ hơn những loài mèo lớn khác, Smilodon có lực cắn yếu hơn. Những loài họ mèo lớn hiện đại (như hổ, sư tử) có xương gò má lớn, trong khi cấu trúc này nhỏ hơn ở Smilodon, làm hạn chế độ dày và sức mạnh của các cơ thái dương giảm và do đó lực cắn của Smilodon yếu hơn. Phân tích bộ hàm hẹp của chi chỉ ra rằng chúng chỉ có thể tạo ra lực cắn bằng 1/3 so với sư tử (thương số cắn được đo cho sư tử thường là 112). Dường như có một quy luật chung là các con mèo có răng nanh càng dài thì có tỷ lệ cắn càng yếu. Phân tích cường độ chịu uốn của răng nanh (khả năng của răng nanh chống lại lực uốn mà không bị gãy) và lực cắn chỉ ra rằng răng của hổ răng kiếm bền hơn tương đối so với lực cắn mà nó tạo ra khi so sánh với mèo hiện đại. Ngoài ra, mồm của Smilodon có thể há rộng tới gần 120 độ, trong khi sư tử hiện đại chỉ mở được góc gần 65 độ. Góc há mồm này đủ rộng để cho phép Smilodon giữ chặt con mồi lớn mặc dù răng nanh dài. Một nghiên cứu năm 2018 so sánh hành vi giết mồi của Smilodon fatalis và Homotherium serum, và phát hiện ra rằng loài trước có hộp sọ mạnh với ít xương thớ cơ thích hợp để tạo ra các vết cắn rạch, trong khi đó loài phía sau có nhiều xương thớ cơ hơn và sử dụng phương thức kẹp và giữ tương tự như sư tử. Do đó, hai loài này sẽ chiếm những hốc sinh thái riêng biệt. Bẫy tự nhiên Nhiều mẫu vật Smilodon đã được khai quật từ các hố nhựa, hoạt động như cái bẫy động vật ăn thịt tự nhiên. Các loài vật vô tình bị mắc kẹt trong hố và trở thành mồi nhử cho các kẻ săn mồi đến ăn thịt, nhưng sau đó chúng cũng bị mắc kẹt. Nổi tiếng nhất trong những cái bẫy như vậy là tại hố La Brea ở Los Angeles, nơi đã cho ra hơn 166.000 mẫu Smilodon fatalis,[59] tạo ra bộ sưu tập hóa thạch lớn nhất thế giới. Các trầm tích của hố bắt đầu tích lũy từ khoảng 40.000 đến 10.000 năm trước, trong kì Pleistocen muộn. Mặc dù những con thú bị mắc kẹt bị chôn vùi nhanh chóng, những kẻ săn mồi thường cố gắng lấy phần xương chân của chúng, nhưng chúng cũng thường bị mắc kẹt và sau đó bị những kẻ săn mồi khác ăn xác; 90% số lượng xương được khai quật thuộc về loài săn mồi.[60] Các hố nhựa Talara ở Peru đại diện cho một kịch bản tương tự, và cũng đã sản xuất các hóa thạch của Smilodon. Không giống như ở La Brea, nhiều xương bị gãy hoặc có dấu hiệu bị phong hóa. Điều này có thể là lớp nhựa nông hơn, do đó sự vùng vẫy của các con vật bị lún sau đã làm hỏng xương của các loài động vật bị bẫy trước đó. Nhiều loài động vật ăn thịt ở Talara là cá thể vị thành niên, có thể chỉ ra rằng những con vật thiếu kinh nghiệm và kém sức khỏe hơn có tỉ lệ bị mắc bẫy nhiều hơn. Mặc dù Lund nghĩ rằng sự tích lũy của Smilodon và hóa thạch ăn cỏ trong Hang Lagoa Santa là do những con mèo sử dụng hang động như nơi ở, đây có lẽ là kết quả của động vật chết trên bề mặt, và dòng nước sau đó kéo xương của chúng xuống sàn hang nhưng một số cá thể cũng có thể đã chết sau khi bị lạc trong hang động.[60] Cuộc sống bầy đàn Các nhà khoa học vẫn đang tranh luận xem Smilodon có phải là loài xã hội hay không. Một nghiên cứu về những kẻ săn mồi châu Phi phát hiện ra rằng các loài săn mồi theo bầy như sư tử và linh cẩu được phát hiện là phản ứng nhiều hơn với các tín hiệu cầu cứu hơn là những loài di săn đơn độc. Vì hóa thạch S. fatalis rất phổ biến ở hố nhựa La Brea, và có khả năng chúng đã bị thu hút bởi các tiếng kêu cứu của con mồi mắc kẹt, điều này có nghĩa là loài này cũng có hành vi xã hội. Một nghiên cứu quan trọng cho rằng nghiên cứu này đã bỏ qua các yếu tố khác, chẳng hạn như khối lượng cơ thể (những động vật nặng hơn có nhiều khả năng bị mắc kẹt hơn so với những động vật nhẹ hơn), trí thông minh (một số động vật xã hội, giống như sư tử Mỹ, có thể đủ thông minh để tranh hố bẫy), thiếu mồi thị giác và khứu giác, loại âm thanh thu hút và độ dài của tiếng kêu bị nạn (tiếng kêu cứu thực của con mồi bị mắc kẹt sẽ kéo dài hơn các tiếng gọi khác được sử dụng trong nghiên cứu). Tác giả của nghiên cứu này cân nhắc những chỉ trích trên và quan sát những kẻ săn mồi sẽ phản ứng thế nào nếu các bản ghi âm được phát ở Ấn Độ, nơi những con hổ đơn độc cùng tập trung xung quanh một xác thịt. Các tác giả của nghiên cứu ban đầu đã trả lời rằng mặc dù tác động của các tiếng kêu cứu trong các hố nhựa và các thí nghiệm phát lại sẽ không giống nhau, điều này sẽ không đủ để lật đổ các kết luận của họ. Ngoài ra, họ nói rằng trọng lượng và trí thông minh sẽ không có khả năng ảnh hưởng đến kết quả do động vật ăn thịt nhẹ hơn rất nhiều so với động vật ăn cỏ nặng và sói dire (dường như có trí khôn) cũng được tìm thấy tại hố. Một lập luận khác về tính xã hội dựa trên những vết thương được hồi phục trong một số hóa thạch Smilodon, điều này cho thấy rằng những con vật này cần các con vật khác cung cấp thức ăn cho nó. Lập luận này bị đặt câu hỏi, vì mèo có thể phục hồi nhanh chóng thậm chí từ tổn thương xương nghiêm trọng và một con Smilodon bị thương có thể tồn tại nếu nó gần bên nguồn nước. Não của Smilodon tương đối nhỏ so với các loài mèo khác. Một số nhà nghiên cứu đã lập luận rằng bộ não của Smilodon sẽ quá nhỏ để nó trở thành một động vật xã hội. Một phân tích kích thước não trong những con mèo lớn còn sống không tìm thấy mối tương quan giữa kích thước não và tính xã hội. Một lập luận chống lại Smilodon là loài xã hội nói rằng một loài săn mồi phục kích trong môi trường sống khép kín khiến săn mồi theo bầy không cần thiết, như trong hầu hết các loài mèo hiện đại. Tuy nhiên, người ta cũng đề xuất rằng là loài động vật ăn thịt lớn nhất trong môi trường lớn bằng các trảng cỏ của Châu Phi, Smilodon có thể có cấu trúc xã hội tương tự như sư tử hiện đại, có thể sống trong các nhóm chủ yếu để bảo vệ lãnh thổ khỏi các con sư tử khác (sư tử là loài mèo duy nhất sống có cấu trúc xã hội). Liệu Smilodon có lưỡng hình giới tính hay không có ý nghĩa đối với hành vi sinh sản của nó. Dựa trên kết luận của họ rằng Smilodon fatalis không thể hiện tính lưỡng hình, Van Valkenburgh và Sacco đã đề xuất vào năm 2002 rằng, nếu loài mèo này có hành vi xã hội, chúng có thể sẽ sống theo các cặp đôi (cùng với con) mà không có sự cạnh tranh gay gắt giữa các con đực để giành quyền sinh sản với con cái. Tương tự như vậy, Meachen-Samuels và Binder (2010) kết luận rằng sự hung hăng giữa con đực ít rõ rệt trong S. fatalis hơn là ở sư tử Mỹ. Christiansen và Harris (2012) đã phát hiện ra rằng, vì S. fatalis nếu thể hiện một số lưỡng hình giới tính, thì sẽ có sự lựa chọn tiến hóa để cạnh tranh giữa các con đực. Cấu trúc của xương móng cho thấy rằng Smilodon giao tiếp bằng các tiếng gầm, giống như những con mèo lớn hiện đại. Khả năng gầm lên có thể có ý nghĩa đối với đời sống xã hội của Smilodon. Phân bố và hệ sinh thái Smilodon sống trong thế Canh Tân (2,5 mya - 10.000 năm trước), và có lẽ là chi mèo răng kiếm gần đây nhất. Smilodon có lẽ sống trong một môi trường sống khép kín như rừng hoặc các đồng cỏ bụi rậm. Hóa thạch của chi đã được tìm thấy trên khắp châu Mỹ. Ở Bắc Mỹ, môi trường sống đa dạng đã hỗ trợ những con mèo răng kiếm khác ngoài Smilodon, như Homotherium và Xenosmilus; môi trường sống ở đây rất phong phú từ các khu rừng cận nhiệt đới và thảo nguyên ở phía nam, đến thảo nguyên voi ma mút ở phía bắc. Smilodon sinh sống ở các vĩ độ ôn đới của Bắc Mỹ, nơi thảm thực vật khảm của cây gỗ, cây bụi và cỏ ở phía tây nam chứa đầy các loài động vật ăn cỏ lớn như ngựa, bò rừng, linh dương, hươu, lạc đà, voi ma mút, mastodon và lười đất. Những động vật ăn thịt lớn khác bao gồm sói dire, gấu mặt ngắn (Arctodus simus) và sư tử Mỹ. Do sự cạnh tranh từ các loài thú ăn thịt lớn hơn ở Bắc Mỹ, S. fatalis có lẽ không thể đạt được kích thước tương tự như S. populator. Kích thước tương tự của S. fatalis và sư tử Mỹ cho thấy sự chồng chéo và cạnh tranh trực tiếp giữa các loài này và chúng dường như đã ăn con mồi có kích thước giống nhau. S. gracilis đã xâm nhập vào Nam Mỹ trong thời kỳ đầu đến giữa Canh Tân, nơi có lẽ đã sinh ra loài S. populator, sống ở phía đông của lục địa. S. fatalis cũng đã vào miền tây Nam Mỹ vào cuối Canh Tân và hai loài được cho là bị chia cắt bởi dãy núi Andes. Tuy nhiên, vào năm 2018, một hộp sọ của S. fatalis được tìm thấy ở phía đông dãy Andes được báo cáo, điều này khiến ý niệm hai loài bị cách li về mặt địa lý bị đặt dấu chấm hỏi. Sự trao đổi hệ sinh thái giữa hai lục địa châu Mỹ dẫn đến một sự pha trộn của các loài bản địa và xâm lấn cùng chia sẻ thảo nguyên và rừng ở Nam Mỹ; Động vật ăn cỏ Bắc Mỹ bao gồm proboscideans, ngựa, lạc đà và hươu, động vật ăn cỏ Nam Mỹ bao gồm toxodonts, litopterns, lười và glyptodonts. Những kẻ săn mồi bản địa (bao gồm cả thylacosmilids răng kiếm) đã bị tuyệt chủng vào thế Thượng Tân và bị thay thế bởi các loài thú ăn thịt ở Bắc Mỹ như chó, gấu và mèo lớn. S. populator đã rất thành công, trong khi Homotherium không trở nên phổ biến ở Nam Mỹ. Sự tuyệt chủng của thylacosmilids được cho là do cạnh tranh với Smilodon, nhưng điều này có lẽ không chính xác, vì dường như chúng đã biến mất trước sự xuất hiện của những con mèo lớn. Chim khủng bố có thể đã thống trị hốc săn mồi lớn ở Nam Mỹ cho đến khi Smilodon tới đây. S. populator có thể đã đạt được kích thước lớn hơn S. fatalis do thiếu sự cạnh tranh ở Nam Mỹ; S. populator đã đến sau sự tuyệt chủng của Arctotherium angustidens, một trong những loài ăn thịt lớn nhất từ ​​trước đến nay, và do đó đã đảm nhận vị trí của loài thú ăn thịt lớn. S. populator ưa thích con mồi lớn từ môi trường sống mở như đồng cỏ và đồng bằng, dựa trên bằng chứng thu thập được từ các tỷ lệ đồng vị xác định chế độ ăn của động vật. Theo cách này, loài Smilodon Nam Mỹ có hành vi giống với sư tử hiện đại. S. populator có thể đã cạnh tranh với loài Protocyon ở đó, nhưng không đấu với loài báo đốm, loài ăn chủ yếu các con mồi nhỏ hơn. Tuyệt chủng Cùng với nhiều loài động vật có vú lớn của thế Canh Tân, Smilodon đã tuyệt chủng 10.000 năm trước trong sự kiện tuyệt chủng Kỷ Đệ tứ. Sự tuyệt chủng của loài mèo răng kiếm có liên quan đến sự suy giảm của các động vật ăn cỏ lớn, bị thay thế bằng những loài ăn cỏ nhỏ và nhanh nhẹn hơn như hươu. Do đó, Smilodon có thể đã quá thích ứng trong việc săn những con mồi lớn và không thể thích nghi để săn những con mồi mới. Một nghiên cứu năm 2012 về sự bào mòn răng của Smilodon không cho thấy chúng bị giới hạn bởi nguồn thức ăn.[83] Các giải thích khác bao gồm biến đổi khí hậu và cạnh tranh với con người (đã di cư đến châu Mỹ khoảng 14.000 năm trước), hoặc sự kết hợp của nhiều yếu tố, cùng nhau đem đến sự tuyệt chủng của nhiều loài vật nói chung, thay vì sự tuyệt chủng của riêng loài mèo răng kiếm. Smilodon trong văn hóa Smilodon, hay hổ răng kiếm, là nguồn năng lượng của Boi/Tiger Ranger trong Kyōryū Sentai Zyuranger. Hổ răng kiếm cũng truyền cảm hứng cho biểu trưng (logo) của đội khúc côn cầu trên băng Nashville Predators, sau khi răng kiếm của một con hổ răng kiếm đã được tìm thấy gần khu vực của AmSouth Center (Nashville, Tennessee) trong quá trình khai quật. Baby Puss là con mèo răng kiếm trong The Flintstones. Trong bộ phim 10.000 BC (Một vạn năm trước Công nguyên), có một con hổ răng kiếm rất lớn, nó được tạo hình dựa trên con hổ lai giữa hổ và sư tử (hổ sư). Tiếng gầm của nó là âm thanh kết hợp giữa hổ và sư tử. Hình ảnh Tham khảo Thư mục Động vật có vú tiền sử Chi động vật có vú Tuyệt chủng thế Holocen
7298
https://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BB%87%20t%E1%BB%8Da%20%C4%91%E1%BB%99%20thi%C3%AAn%20v%C4%83n
Hệ tọa độ thiên văn
Trong thiên văn học, hệ tọa độ thiên văn là một hệ tọa độ mặt cầu dùng để xác định vị trí biểu kiến của thiên thể trên thiên cầu. Trong tọa độ Descartes, một vật thể có ba tọa độ trong không gian ba chiều được xác định trên ba trục x, y và z. Ngược lại hệ tọa độ thiên văn của thiên thể không xác định khoảng cách đến người quan sát mà chỉ xác định các hướng quan sát của nó trên thiên cầu. Có nhiều loại hệ tọa độ thiên văn khác nhau, được phân biệt và được đặt tên theo mặt phẳng tham chiếu (mặt phẳng cơ bản), hay các trục chính của hệ tọa độ. Mặt phẳng tham chiếu cắt thiên cầu tại đường tròn lớn nhất, chia thiên cầu thành hai nửa bằng nhau. Định nghĩa các trục và mặt phẳng trong các hệ tọa độ có thể dùng hệ thống B1950 hay hệ thống J2000 hiện đại hơn. Các hệ tọa độ thiên văn Có nhiều hệ tọa độ được dùng trong thiên văn, trong đó các hệ tọa độ phổ biến là: Hệ tọa độ chân trời có mặt phẳng tham chiếu là mặt phẳng chân trời, tại vị trí người quan sát. Hệ tọa độ xích đạo với mặt phẳng tham chiếu là mặt phẳng xích đạo của Trái Đất. Đây là hệ tọa độ thiên văn được sử dụng phổ biến nhất. Hệ tọa độ hoàng đạo dùng mặt phẳng hoàng đạo làm mặt phẳng tham chiếu. Hệ tọa độ thiên hà dùng mặt phẳng Ngân Hà làm mặt phẳng tham chiếu. Hệ tọa độ siêu thiên hà có mặt phẳng tham chiếu chứa số lượng thiên hà địa phương nhiều hơn trung bình khi quan sát từ Trái Đất. Chuyển đổi giữa các tọa độ Dưới đây đưa ra các phép chuyển đổi giữa các hệ tọa độ thiên văn. Xem lưu ý trước khi sử dụng các phương trình. Ký hiệu Hệ tọa độ chân trời , góc phương vị , góc cao Hệ tọa độ xích đạo , xích kinh , xích vĩ , góc giờ Hệ tọa độ hoàng đạo , hoàng kinh , hoàng vĩ Hệ tọa độ thiên hà , kinh độ thiên hà , vĩ độ thiên hà Các ký hiệu khác , kinh độ của người quan sát , vĩ độ của người quan sát , độ nghiêng trục quay Trái Đất (khoảng 23.4°) , thời gian sao địa phương , thời gian sao Greenwich Góc giờ ↔ xích kinh Xích đạo ↔ hoàng đạo Các phương trình cổ điển sau, được suy ra từ tính toán lượng giác cầu, đối với các phương trình cho tọa độ kinh độ được viết bên phải dấu ngoặc nhọn; chỉ cần chia phương trình thứ nhất cho phương trình thứ hai để có được phương trình với hàm tan thuận tiện hơn bên trái (phép chia này là không rõ ràng vì tan có chu kỳ 180° () trong khi cos và sin có chu kỳ 360° (2)). Công thức tương đương với ma trận quay được cho bên dưới mỗi trường hợp. Xích đạo ↔ chân trời Lưu ý rằng góc phương vị () được đo từ điểm hướng nam, chiều dương hướng theo phía tây. Góc thiên đỉnh, tức là khoảng cách góc dọc theo đường tròn lớn từ thiên đỉnh tới vị trí thiên thể, đơn giản là góc phụ với góc cao: . Khi giải phương trình để tìm phương vị , nên sử dụng hàm arctan hai đối số, ký hiệu là để tránh nhầm lẫn về giá trị góc. Hàm arctan hai đối số tính toán arctan của , với giá trị được xác định tùy theo góc phần tư chứa cặp . Do đó, giá trị phương vị là phù hợp với quy ước góc phương vị được đo từ phía nam và chiều dương tới phía tây, , trong đó . Nếu công thức trên cho một giá trị âm, nó có thể được đổi thành dương bằng cách chỉ cần cộng thêm 360°. Một lần nữa, khi giải phương trình để tìm , nên sử dụng hàm arctan hai đối số để phù hợp với quy ước phương vị được tính từ phía nam và chiều dương tới phía tây, , trong đó Xích đạo ↔ thiên hà Các phương trình bên dưới được dùng để chuyển đổi tọa độ xích đạo sang tọa độ thiên hà. là tọa độ xích đạo của Thiên cực Bắc và là kinh độ thiên hà của Thiên cực Bắc. Các giá trị này tham chiếu theo J2000.0 là: Nếu các tọa độ xích đạo được tham chiếu tới điểm phân mốc khác thì chúng phải được chỉnh tuế sai tới vị trí của chúng tại kỷ nguyên J2000.0 trước khi áp dụng các công thức trên. Các phương trình sau chuyển đổi sang tọa độ xích đạo được tham chiếu theo B2000.0. Thiên hà ↔ siêu thiên hà Lưu ý khi chuyển đổi Góc viết theo độ (°), phút (′), và giây (″) trong hệ lục thập phân phải được chuyển đổi sang số thập phân trước khi thực hiện tính toán. Việc chúng cần phải được chuyển đổi thành độ thập phân hay radian phụ thuộc vào chương trình hay máy tính riêng biệt thực hiện tính toán. Giá trị góc âm cần phải được nhập cẩn thận; phải chuyển thành . Góc theo giờ (h), phút (m), và giây (s), ví dụ góc giờ hay xích kinh, cũng cần phải được chuyển sang độ thập phân hay radian trước khi thực hiện tính toán. 1h = 15°; 1m = 15′; 1s = 15″ Góc lớn hơn 360° (2) hoặc nhỏ hơn 0°Có thể cần được tối giản trong khoảng 0°~360° (0~2) tùy thuộc chương trình hoặc máy tính thực hiện tính toán. Cosin của một vĩ độ (độ cao, xích vĩ, hoàng vĩ và vĩ độ thiên hà) không bao giờ âm theo định nghĩa, vì vĩ độ chỉ thay đổi trong khoảng giữa −90° và +90°. Các hàm lượng giác ngược arcsin, arccos và arctan có thể cho giá trị góc nhưng không xác định rõ góc phần tư chứa góc đó, nên kết quả cần được đánh giá cẩn thận. Việc sử dụng hàm arctan hai đối số (ký hiệu trên máy tính có thể là hoặc , tính arctan của và sử dụng dấu của cả hai đối số để xác định góc phần tư đúng) được khuyến khích khi tính toán kinh độ/xích kinh/phương vị. Một phương trình tìm giá trị sin, sau đó đưa vào hàm arcsin nên được sử dụng khi tính toán vĩ độ/xích vĩ/độ cao. Góc phương vị () ở đây được tham chiếu tới điểm nam trên đường chân trời, theo quy ước thiên văn thông dụng. Theo cách dùng này một vật thể nằm trên đường kinh tuyến ở phía nam so với người quan sát có = = 0°. Tuy nhiên trong hệ AltAz của Astropy, trong quy ước file FITS của Kính viễn vọng ống nhòm lớn (LBT), trong XEphem, trong thư viện Standards of Fundamental Astronomy của IAU và Phần B của Astronomical Almanac chẳng hạn, phương vị theo chiều Đông từ phía Bắc. Trong định hướng và một số ngành khác, phương vị được tính từ phía bắc. Các phương trình cho độ cao () chưa tính đến ảnh hưởng của khúc xạ khí quyển. Các phương trình cho tọa độ chân trời chưa tính đến thị sai ngày, tức là, sự sai lệch nhỏ trong vị trí của một thiên thể gây ra bởi vị trí của người quan sát trên bề mặt Trái Đất. Hiệu ứng này là đáng kể đối với Mặt Trăng, ít hơn đối với các hành tinh, và cực kỳ nhỏ đối với các ngôi sao hay các thiên thể xa hơn. Vĩ độ của người quan sát () ở đây được đo theo chiều dương về phía tây so với kinh tuyến gốc; trái với tiêu chuẩn IAU hiện hành. Xem thêm Góc phương vị – góc giữa mặt phẳng tham chiếu và một điểm Hệ quy chiếu thiên thể barycentric (BCRS) Thiên cầu – Mặt cầu tưởng tượng với bán kính rất lớn, đồng tâm với người quan sát Hệ thống tham chiếu Thiên thể Quốc tế (ICRS) và Hệ quy chiếu Thiên thể Quốc tế (ICRF) – hệ thống quy ước tham chiếu tiêu chuẩn hiện hành. Tham số quỹ đạo Hệ tọa độ hành tinh Hệ quy chiếu trái đất (TRF) Chú thích Tham khảo Tham khảo sách (bằng tiếng Anh) The Astronomical Almanac, 1984, "The Introduction of the Improved IAU System of Astronomical Constants, Time Scales and Reference Frame into the Astronomical Almanac", Supplement section, pp. S1-S39, U. S. Government Printing Office, Washington and Her Majesty's Stationery Office, London. Hohenkerk, C.Y., Yallop, B.D., Smith, C.A., Sinclair, A.T., 1992, "Celestial Reference Systems", Chapter 3, p. 167, Explanatory Supplement to the Astronomical Almanac, Seidelmann, P.K., Ed., U. S. Naval Observatory, University Science Books, Mill Valley, CA. Archinal, B.A., 1992, "Terrestrial Coordinates and the Rotation of the Earth", Chapter 4, p. 255, Explanatory Supplement to the Astronomical Almanac Seidelmann, P.K., Ed., U. S. Naval Observatory, University Science Books, Mill Valley, CA. Seidelmann, P.K., Guinot, B., Dogget, L.E., 1992, "Time", Chapter 2, p. 42, Explanatory Supplement to the Astronomical Almanac, Seidelmann, P.K., Ed., U. S. Naval Observatory, University Science Books, Mill Valley, CA. Standish, E.M., Newhall, X X, Williams, J.G. and Folkner, W.F.: 1995, "JPL Planetary and Lunar Ephemerides, DE403/LE403", JPL IOM 314.10-127. Liên kết ngoài NOVAS , the U.S. Naval Observatory's Vector Astrometry Software, an integrated package of subroutines and functions for computing various commonly needed quantities in positional astronomy. SOFA, the IAU's Standards of Fundamental Astronomy, an accessible and authoritative set of algorithms and procedures that implement standard models used in fundamental astronomy. This article was originally based on Jason Harris' Astroinfo, which comes along with KStars, a KDE Desktop Planetarium for Linux/KDE. Thuật ngữ thiên văn học Thiên văn học Bản đồ học Định hướng
7299
https://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BB%87%20t%E1%BB%8Da%20%C4%91%E1%BB%99%20ho%C3%A0ng%20%C4%91%E1%BA%A1o
Hệ tọa độ hoàng đạo
Hệ tọa độ hoàng đạo là một hệ tọa độ thiên văn sử dụng mặt phẳng hoàng đạo làm mặt phẳng tham chiếu. Mặt phẳng hoàng đạo là mặt phẳng quỹ đạo của Trái Đất khi quay quanh Mặt Trời. Hình chiếu của mặt phẳng quỹ đạo Trái Đất lên thiên cầu vẽ thành đường hoàng đạo. Đó chính là đường biểu kiến mà Mặt Trời sẽ đi trên thiên cầu trong suốt một năm. Gốc tọa độ có thể đặt tại tâm Mặt Trời, khi đó ta có hệ tọa độ hoàng đạo nhật tâm, hoặc đặt tại tâm Trái Đất và gọi là hệ tọa độ hoàng đạo địa tâm. Với hệ này, vĩ độ được gọi là hoàng vĩ ( hoặc ), kinh độ gọi là hoàng kinh ( hoặc ). Điểm mốc được chọn là điểm xuân phân, điểm này có hoàng kinh và hoàng vĩ đều bằng 0. Góc theo chiều vĩ độ, tức là khoảng cách góc từ thiên thể đến hoàng đạo gọi là hoàng vĩ, hoàng vĩ độ hay vĩ độ hoàng đạo. Góc này nằm trong mặt phẳng vuông góc với hoàng đạo, có đỉnh tại vị trí người quan sát hoặc tâm Trái Đất, một cạnh nối với vị trí của thiên thể trên thiên cầu, cạnh kia nằm trong mặt phẳng hoàng đạo. Góc theo chiều kinh độ, nằm trong mặt phẳng hoàng đạo, tính từ điểm xuân phân ngược chiều nhật động tới khi gặp cạnh góc vĩ độ nói trên, gọi là hoàng kinh, hoàng kinh độ hay kinh độ hoàng đạo. Hệ tọa độ này thuận tiện khi xác định vị trí của các hành tinh và các thiên thể trong Hệ Mặt Trời. Các hành tinh đều có mặt phẳng quỹ đạo với độ nghiêng khá thấp so với mặt phẳng hoàng đạo nên có hoàng vĩ không lớn (trường hợp Diêm Vương Tinh lớn nhất cũng không quá 17,2°). Hệ tọa độ hoàng đạo có thể được biểu diễn theo tọa độ cầu hoặc tọa độ trục vuông góc. Hướng cơ bản Xích đạo thiên cầu và hoàng đạo dao động chậm do các lực nhiễu loạn tác động lên Trái Đất, do đó hướng của điểm mốc, tức là giao điểm giữa chúng tại điểm xuân phân của Bán cầu Bắc, không hoàn toàn cố định. Sự di chuyển chậm của trục quay Trái Đất, gọi là tiến động, gây ra sự quay chậm và liên tục của hệ tọa độ về phía tây quanh các cực của hoàng đạo, hoàn thành một vòng quay theo chu kỳ khoảng 26 000 năm. Ngoài ra, nó còn được tổng hợp với một sự tiến động nhỏ hơn của hoàng đạo, và một sự dao động nhỏ của trục quay Trái Đất gọi là chương động. Nhằm tham chiếu hệ tọa độ mà có thể được coi là cố định trong không gian, các chuyển động này yêu cầu phải chỉ rõ điểm phân của một thời điểm ngày tháng, được gọi là một kỷ nguyên thiên văn, khi đưa ra một vị trí trong hệ tọa độ hoàng đạo. Ba loại điểm phân thường được sử dụng là: Điểm phân trung bình của một kỷ nguyên (thường là kỷ nguyên J2000.0, nhưng có thể là B1950.0, B1900.0,...) là một hướng điểm mốc cố định tiêu chuẩn, cho phép các vị trí ở những ngày tháng khác nhau có thể được so sánh trực tiếp. Điểm phân trung bình của ngày là giao điểm của hoàng đạo của "ngày" (tức là hoàng đạo ở một vị trí trong một ngày tháng cụ thể) với xích đạo trung bình (tức là, xích đạo được quay tới vị trí hiện tại trong "ngày" đó do tiến động, nhưng không có sự dao động nhỏ theo chu kỳ của chương động). Nó thường được sử dụng trong tính toán quỹ đạo hành tinh. Điểm phân thực của ngày là giao điểm của hoàng đạo của "ngày" với xích đạo thực (tức là, xích đạo trung bình cộng với chương động). Đây là giao điểm thật sự của hai mặt phẳng ở mọi thời điểm bất kỳ, với mọi chuyển động đều được tính đến. Một vị trí trong hệ tọa độ hoàng đạo do đó thường được chỉ rõ, chẳng hạn theo điểm phân thực và hoàng đạo của ngày, điểm phân trung bình và hoàng đạo của J2000.0, hay tương tự. Lưu ý rằng không có "hoàng đạo trung bình", bởi hoàng đạo không có sự dao động nhỏ theo chu kỳ. Tọa độ cầu Kinh độ hoàng đạo Hoàng kinh hay kinh độ hoàng đạo (ký hiệu: trong hệ nhật tâm, trong hệ địa tâm) đo khoảng cách góc của một thiên thể dọc trên hoàng đạo từ hướng điểm mốc. Tương tự xích kinh của hệ tọa độ xích đạo, hướng cơ bản (hoàng kinh 0°) chỉ hướng từ Trái Đất tới Mặt Trời tại điểm xuân phân của Bán cầu Bắc. Bởi nó là hệ theo quy tắc bàn tay phải, kinh độ hoàng đạo được đo theo chiều dương tọa độ tới phía đông trên mặt phẳng cơ bản (hoàng đạo) từ 0° tới 360°. Do sự tiến động trục quay, kinh độ hoàng đạo của hầu hết các "ngôi sao cố định" tăng khoảng 50.3 giây cung mỗi năm, hay 83.8 phút cung mỗi thế kỷ, ở tốc độ tiến động chung. Tuy nhiên, đối với các sao gần các hoàng cực, tốc độ thay đổi của hoàng kinh bị chi phối bởi chuyển động nhỏ của hoàng đạo (hay của mặt phẳng quỹ đạo Trái Đất), do đó tốc độ thay đổi có thể là bất kỳ giá trị từ âm vô cùng tới dương vô cùng tùy thuộc vào vị trí chính xác của ngôi sao.. Vĩ độ hoàng đạo Hoàng vĩ hay vĩ độ hoàng đạo (ký hiệu: trong hệ nhật tâm, trong hệ địa tâm) đo khoảng cách góc của một thiên thể từ mặt phẳng hoàng đạo theo hướng tới hoàng cực bắc (dương) hoặc nam (âm). Ví dụ, hoàng cực bắc có hoàng vĩ +90°. Vĩ độ hoàng đạo cho các "sao cố định" không bị ảnh hưởng bởi tiến động. Khoảng cách Khoảng cách cũng cần thiết để có một tọa độ cầu hoàn chỉnh (ký hiệu: trong hệ nhật tâm, trong hệ địa tâm). Nhiều đơn vị đo khoảng cách khác nhau được sử dụng cho các thiên thể khác nhau. Bên trong hệ Mặt Trời, đơn vị thiên văn thường được sử dụng, và đối với các vật thể gần Trái Đất, bán kính Trái Đất hay kilômét được sử dụng. Ghi chú lịch sử Từ thời cổ đến cuối thế kỷ 18, kinh độ hoàng đạo từng được đo dựa vào mười hai cung hoàng đạo, với mỗi cung gồm 30° kinh độ, việc này vẫn tiếp tục trong chiêm tinh học hiện đại. Các cung hoàng đạo xấp xỉ tương ứng với các chòm sao mà hoàng đạo đi qua. Hoàng kinh từng được xác định bằng cung hoàng đạo, độ, phút, và giây. Ví dụ, hoàng kinh tức là 19.933° về phía đông từ điểm bắt đầu của cung Sư Tử. Bởi Sư Tử bắt đầu tại 120° từ điểm xuân phân, hoàng kinh đó theo cách viết ngày nay là . Ở Trung Quốc, hoàng kinh được đo dựa vào 24 Tiết khí, mỗi tiết khí gồm 15° kinh độ, và được sử dụng bởi nông lịch để đồng bộ với các thời điểm mùa màng, điều này rất quan trọng đối với các xã hội nông nghiệp. Tọa độ trục vuông góc Một biến thể tọa độ trục vuông góc (tọa độ Descartes) của hệ tọa độ hoàng đạo thường được sử dụng trong các tính toán và mô phỏng quỹ đạo. Nó có gốc tọa độ ở tâm của Mặt Trời (hay ở khối tâm của hệ Mặt Trời), mặt phẳng cơ bản là mặt phẳng hoàng đạo, và trục có chiều dương tới điểm xuân phân. Hệ tọa độ có quy ước thuận tay phải, tức là, nếu ta hướng ngón cái tay phải thẳng đứng lên, nó sẽ mô phỏng trục , ngón cái chĩa ra sẽ chỉ hướng của trục , và các ngón tai còn lại cong đi sẽ chỉ theo chiều trục . Các tọa độ trục vuông góc được liên hệ với tọa độ cầu tuơng ứng bởi các công thức Chuyển đổi Chuyển đổi vectơ Descartes Chuyển đổi từ tọa độ hoàng đạo sang tọa độ xích đạo Chuyển đổi từ tọa độ xích đạo sang tọa độ hoàng đạo trong đó là độ nghiêng trục quay. Xem thêm Hệ tọa độ thiên văn Hệ tọa độ xích đạo Hoàng đạo Hoàng cực, nơi có hoàng vĩ bằng ±90° Điểm phân Xuân phân (tọa độ thiên văn) Xuân phân Chú thích và tham khảo Liên kết ngoài The Ecliptic: the Sun's Annual Path on the Celestial Sphere Durham University Department of Physics Equatorial ↔ Ecliptic coordinate converter MEASURING THE SKY A Quick Guide to the Celestial Sphere James B. Kaler, University of Illinois Hệ tọa độ thiên văn Thuật ngữ thiên văn học
7300
https://vi.wikipedia.org/wiki/M%E1%BA%B7t%20ph%E1%BA%B3ng%20qu%E1%BB%B9%20%C4%91%E1%BA%A1o
Mặt phẳng quỹ đạo
Trong thiên văn học, mặt phẳng quỹ đạo là mặt phẳng hình học chứa quỹ đạo Kepler của một hành tinh quay quanh Mặt Trời hay một thiên thể quay quanh một thiên thể khác. Với một vật thể bất kỳ chuyển động tương đối tuần hoàn thì mặt phẳng quỹ đạo là mặt phẳng có độ sai lệch với các vị trí của vật thể trong một chu kỳ của quá trình chuyển động là ít nhất Tham khảo Cơ học thiên thể Thuật ngữ thiên văn học Quỹ đạo
7302
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ho%C3%A0ng%20%C4%91%E1%BA%A1o
Hoàng đạo
Hoàng đạo hay mặt phẳng hoàng đạo là đường đi biểu kiến của Mặt Trời trên thiên cầu. Các nhà thiên văn cũng xét đến mặt phẳng chứa hoàng đạo, nó đồng phẳng với quỹ đạo của Trái Đất quanh Mặt Trời (và do vậy trở thành quỹ đạo biểu kiến của Mặt Trời quanh Trái Đất). Đường đi của Mặt Trời thường ít được chú ý tới khi nhìn từ bề mặt Trái Đất do sự tự quay của Trái Đất, từ mang theo góc nhìn của người quan sát trên Trái Đất đi qua chu trình Mặt Trời mọc và Mặt Trời lặn, làm cản trở chuyển động biểu kiến của Mặt Trời so với các ngôi sao. Hoàng đạo là một mặt phẳng tham chiếu quan trọng và là cơ sở của hệ tọa độ hoàng đạo. Chuyển động biểu kiến của Mặt Trời Chuyển động miêu tả ở trên là những cách đơn giản so với chuyển động thực tế. Do chuyển động của Trái Đất xung quanh khối tâm của hệ Trái Đất - Mặt Trăng, đường đi biểu kiến của Mặt Trời hơi đu đưa một chút, với chu kỳ vào khoảng một tháng. Cũng do các nhiễu loạn ảnh hưởng bởi các hành tinh khác trong hệ Mặt Trời, khối tâm hệ Trái Đất - Mặt Trăng hơi dao động xung quanh vị trí trung bình theo một cách phức tạp. Hoàng đạo thực sự là đường đi biểu kiến của Mặt Trời trong chu kỳ một năm. Do Trái Đất mất 1 năm quay quanh Mặt Trời, vị trí biểu kiến của Mặt Trời cũng mất cùng một khoảng thời gian để hoàn thành một vòng quanh hoàng đạo. Với một năm có hơn 365 ngày một chút, Mặt Trời dịch chuyển khoảng ít hơn 1° về phía đông sau mỗi ngày. Khi đứng từ Trái Đất, có thể phát hiện ra sự thay đổi nhỏ trong vị trí của Mặt Trời so với các ngôi sao (khi đứng hướng trực tiếp về phía bắc hoặc phía nam), thì sẽ thấy vị trí của Mặt Trời chậm hơn khoảng 4 phút so với hôm trước nếu như Trái Đất không quay quanh Mặt Trời; một ngày Trái Đất bằng 24 tiếng dài hơn 23 tiếng 56 phút của ngày sao (sidereal day). Tuy vậy, miêu tả vừa rồi chỉ là một cách giản lược, dựa trên giả thiết Trái Đất quay quanh Mặt Trời với vận tốc không đổi. Vận tốc thực của Trái Đất biến đổi khi nó quay quanh Mặt Trời trong một năm, do vậy tốc độ của Mặt Trời di chuyển trên hoàng đạo cũng biến đổi. Ví dụ, Mặt Trời nằm ở phía bắc của xích đạo thiên cầu trong 185 ngày của 1 năm, và ở phía nam trong 180 ngày. Sự biến đổi của vận tốc quỹ đạo Trái Đất cần được tính đến trong phương trình thời gian. Mối quan hệ với xích đạo thiên cầu Bởi trục quay của Trái Đất không vuông góc với mặt phẳng quỹ đạo của nó, mặt phẳng xích đạo của Trái Đất không đồng phẳng với mặt phẳng hoàng đạo, mà nghiêng với nó một góc 23,4°, hay còn được biết đến là độ nghiêng của mặt phẳng hoàng đạo. Nếu xích đạo được chiếu hướng ra ngoài thiên cầu, mà tạo thành xích đạo thiên cầu, nó cắt hoàng đạo tại hai điểm gọi là các điểm phân. Mặt Trời, trong quá trình chuyển động biểu kiến dọc theo hoàng đạo, sẽ cắt xích đạo thiên cầu tại những điểm này, một theo hướng từ nam đến bắc, một theo hướng ngược lại từ bắc đến nam. Điểm cắt từ nam đến bắc được gọi là điểm xuân phân, hay còn gọi là điểm đầu tiên của Bạch Dương và điểm nút lên của hoàng đạo trên xích đạo thiên cầu. Điểm cắt theo hướng từ bắc đến nam là điểm thu phân hoặc điểm nút xuống. Hướng của trục quay của Trái Đất và xích đạo không cố định trong không gian vũ trụ, mà nó quay theo cực của hoàng đạo (ecliptic pole) với chu kỳ khoảng 26.000 năm, một quá trình mà các nhà thiên văn gọi là tiến động Mặt Trời - Mặt Trăng (lunisolar precession), do quá trình này ảnh hưởng chủ yếu bởi lực hấp dẫn của Mặt Trời và Mặt Trăng lên hình dáng không phải là hình cầu hoàn hảo của Trái Đất (Trái Đất phình ra tại xích đạo và dẹt hơn ở hai cực của nó). Do vậy, hoàng đạo cũng không phải là đường cố định. Nhiễu loạn hấp dẫn của các hành tinh khác trong hệ Mặt Trời gây ra một chuyển động nhỏ hơn trong quỹ đạo của Trái Đất, và do đó là hoàng đạo, hay quá trình tiến động hành tinh. Tác động tổng hợp của hai quá trình này được gọi là tiến động chung (general precession), và sự thay đổi vị trí của các điểm phân vào khoảng 50 giây cung (xấp xỉ 0°,014) trên một năm. Tuy vậy, miêu tả ở trên vẫn là sự giản lược. Chuyển động chu kỳ của Mặt Trăng và chuyển động tuần hoàn biểu kiến của Mặt Trời (mà thực sự là chuyển động của Trái Đất trên quỹ đạo) gây ra những dao động tuần hoàn biên độ nhỏ giai đoạn ngắn (short-term small-amplitude periodic oscillation) ở trục quay của Trái Đất, và do đó là xích đạo thiên cầu, một quá trình mà các nhà thiên văn học gọi là chương động. Ảnh hưởng này cộng thêm thành phần vào vị trí của các điểm phân; các vị trí của xích đạo thiên cầu và điểm thu phân khi kể đến đầy đủ cả hiện tượng tiến động và chương động được gọi là xích đạo và điểm phân thực (true equator and equinox); trong khi vị trí không kể đến ảnh hưởng của chương động gọi là xích đạo và điểm phân trung bình (mean equator and equinox). Độ nghiêng của hoàng đạo Độ nghiêng của hoàng đạo là thuật ngữ được các nhà thiên văn học sử dụng cho sự nghiêng của mặt phẳng xích đạo Trái Đất với mặt phẳng hoàng đạo, hoặc tương đương góc của trục quay Trái Đất với trục vuông góc với mặt phẳng hoàng đạo. Góc này có giá trị bằng 23,4° và hiện nay giá trị này đang giảm dần 0,013 độ (47 giây cung) trên một trăm năm do ảnh hưởng nhiễu loạn của các hành tinh. Giá trị góc của độ nghiêng của hoàng đạo thu được bằng cách quan sát các chuyển động của Trái Đất và các hành tinh trong hệ Mặt Trời trong nhiều năm. Các nhà thiên văn lập ra những lịch thiên văn cơ sở mới (fundamental ephemeris) khi độ chính xác của các quan sát ngày được nâng cao và sự hiểu biết về các quá trình động lực được tăng cường, và từ những lịch thiên văn này nhiều giá trị thiên văn được rút ra, bao gồm độ nghiêng của hoàng đạo. Cho đến năm 1983 độ nghiêng ở một ngày bất kỳ được tính toán dựa trên bảng vị trí các thiên thể của Simon Newcomb, nhà thiên văn đã phân tích vị trí các hành tinh cho đến tận năm 1895: trong đó là độ nghiêng của hoàng đạo và là thế kỷ chí tuyến từ kỷ nguyên B1900.0 cho đến ngày cần tìm giá trị trên bảng. Từ năm 1984, bộ lịch thiên văn DE do Phòng Thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) lập ra bằng máy tính được sử dụng thay thế như là lịch thiên văn cơ bản của niên lịch Astronomical Almanac. Độ nghiêng hoàng đạo trong lịch DE200, mà dựa trên các quan sát từ năm 1911 đến 1979, được tính toán như sau: với là thế kỷ Julius từ kỷ nguyên J2000.0. Lịch thiên văn cơ sở của JPL liên tục được cập nhật. Ví dụ, giá trị độ nghiêng xác định trong Astronomical Almanac của năm 2010 là: Các công thức trên cho độ nghiêng hoàng đạo có xu hướng tìm đến giá trị chính xác hơn trong một khoảng thời gian tương đối ngắn, có lẽ chỉ vài thế kỷ. J. Laskar đã đưa ra một công thức biểu diễn đến độ lớn cỡ với độ chính xác đến /1000 năm trong 10.000 năm. Tất cả những công thức trên xác định cho độ nghiêng hoàng đạo trung bình, tức là bỏ qua ảnh hưởng của chương động thiên văn. Độ nghiêng thực hay độ nghiêng tức thời sẽ phải kể đến ảnh hưởng của chương động. Mặt phẳng của Hệ Mặt Trời Phần lớn các thiên thể trong hệ Mặt Trời quay quanh Mặt Trời trong gần cùng một mặt phẳng. Nguyên nhân là do ban đầu hệ Mặt Trời hình thành từ một đĩa tiền hành tinh. Mặt phẳng biểu diễn gần sát nhất với đĩa này được gọi là mặt phẳng bất biến của hệ Mặt Trời. Quỹ đạo của Trái Đất, và do vậy là hoàng đạo, nghiêng một góc nhỏ hơn 1° so với mặt phẳng bất biến, và những hành tinh khác trong hệ Mặt Trời có mặt phẳng quỹ đạo của chúng nghiêng góc nhỏ hơn khoảng 6°. Vì vậy, hầu hết các vật thể trong hệ Mặt Trời nằm rất gần với hoàng đạo khi nhìn lên bầu trời. Hoàng đạo được định nghĩa theo bởi chuyển động của Mặt Trời. Mặt phẳng bất biến được định nghĩa theo mô men động lượng của toàn bộ hệ Mặt Trời, cơ bản đó là tổng của tất cả các vectơ mô men động lượng của tất cả các chuyển động trên quỹ đạo quanh Mặt Trời và sự quay quanh trục của chính mỗi vật thể, một giá trị đòi hỏi phải biết giá trị chính xác của mỗi vật thể trong hệ Mặt Trời. Vì lý do này, để cho thuận tiện, mặt phẳng hoàng đạo thường được sử dụng làm mặt phẳng tham chiếu cho hệ Mặt Trời. Mặt phẳng tham chiếu thiên cầu Hoàng đạo tạo thành một trong hai mặt phẳng cơ bản được dùng làm tham chiếu vị trí trên thiên cầu, mặt phẳng kia là xích đạo thiên cầu. Trục vuông góc với hoàng đạo xác định lên hai cực của hoàng đạo, cực bắc hoàng đạo là cực bắc của xích đạo. Trong hai mặt phẳng cơ bản này, mặt phẳng hoàng đạo ít thay đổi hơn so với các ngôi sao ở xa, chuyển động của nó so ảnh hưởng tiến động của các hành tinh chỉ gần bằng 1/100 so với của xích đạo thiên cầu. Biểu diễn bằng hệ tọa độ cầu, các hoàng kinh (kinh tuyến hoàng đạo) và hoàng vĩ (vĩ tuyến hoàng đạo) hoặc kinh tuyến và vĩ tuyến thiên cầu, được sử dụng để định vị trí trên thiên cầu so với mặt phẳng hoàng đạo. Giá trị kinh độ xác định dương theo hướng đông từ 0° đến 360° dọc theo hoàng đạo từ điểm xuân phân, cùng hướng với hướng chuyển động của Mặt Trời. Vĩ độ được đo theo hướng vuông góc với hoàng đạo, đến +90° hướng về cực bắc hoặc -90° hướng về cực nam của hoàng đạo, hoàng đạo là vĩ tuyến được gán giá trị 0°. Một vị trí đầy đủ trên thiên cầu cũng cần tham số xác định khoảng cách. Các đơn vị khoảng cách khác nhau cũng được sử dụng cho những mục đích khác nhau. Bên trong hệ Mặt Trời, thường các nhà thiên văn học sử dụng đơn vị thiên văn, và đối với các vật thể gần Trái Đất, đơn vị bán kính Trái Đất hoặc kilômét được sử dụng. Hệ tọa độ trục vuông góc đặt ở góc phần tư thứ nhất cũng hay được sử dụng; với trục hoành x chỉ hướng về điểm xuân phân, trục tung vuông góc 90° y chỉ hướng về phía đông, và trục cao độ z' chỉ hướng về cực bắc hoàng đạo; đơn vị sử dụng là đơn vị thiên văn. Ký hiệu quy định chung cho hệ tọa độ hoàng đạo được sử dụng như ở bảng sau. Sử dụng hệ tọa độ hoàng đạo thuận tiện nhất cho xác định vị trí các vật thể trong hệ Mặt Trời, vì hầu hết mặt phẳng quỹ đạo của các hành tinh nghiêng góc nhỏ so với mặt phẳng hoàng đạo, và do vậy chúng luôn xuất hiện rất gần với hoàng đạo trên bầu trời. Bởi quỹ đạo Trái Đất, và do đó là hoàng đạo, di chuyển rất ít, nên có thể coi như nó là mặt phẳng cố định so với các ngôi sao. Do chuyển động tiến động của các điểm phân, tọa độ hoàng đạo của các vật thể trên thiên cầu liên tục thay đổi. Xác định một vị trí bên trong hệ tọa độ hoàng đạo đòi hỏi xác định theo một điểm phân cụ thể, nghĩa là điểm phân của một ngày cụ thể, được các nhà thiên văn định nghĩa là kỷ nguyên; tọa độ xác định hướng của điểm phân tại ngày đó. Ví dụ, bảng Astronomical Almanac liệt kê các vị trí nhật tâm của Sao Hỏa lúc 0h giờ Trái Đất (Terrestrial Time), ngày 4 tháng 1 năm 2010 là: kinh độ 118° 09' 15".8, vĩ độ +1° 43' 16".7, khoảng cách thực đến Mặt Trời 1,6302454 AU, điểm phân trung bình và ngày hoàng đạo (mean equinox and ecliptic of date). Điều này xác định điểm phân trung bình của ngày 4 tháng 1 năm 2010 lúc 0h TT như miêu tả ở trên, mà không kể đến chương động. Thiên thực Do mặt phẳng quỹ đạo của Mặt Trăng chỉ nghiêng khoảng 5,145° so với mặt phẳng hoàng đạo và Mặt Trời luôn nằm rất gần hoàng đạo, hiện tượng thiên thực luôn luôn xảy ra gần vị trí hoặc nằm trên hoàng đạo. Do quỹ đạo của Mặt Trăng nghiêng một góc nhỏ, thiên thực không xảy ra ở mỗi lần giao hội và xung đối giữa Mặt Trời và Mặt Trăng, mà chỉ khi Mặt Trăng nằm rất gần với điểm nút quỹ đạo lên hoặc điểm nút xuống trong cùng thời điểm nó ở vị trí giao hội hoặc xung đối với Mặt Trời. Người cổ đại cũng phát hiện ra hiện tượng thiên thực chỉ xảy ra khi đường đi của Mặt Trăng cắt qua hoàng đạo. Điểm phân và điểm chí Thời điểm chính xác của các điểm phân và điểm chí là lúc khi kinh độ hoàng đạo biểu kiến (bao gồm hiệu ứng quang sai và chương động) (hay hoàng kinh độ) của Mặt Trời là 0°, 90°, 180°, hoặc 270°. Do chuyển động trên quỹ đạo của Trái Đất bị ảnh hưởng nhiễu loạn và sự không đều khoảng thời gian ở lịch, ngày cho các điểm chí và điểm phân không cố định. Đi qua các chòm sao Trong thiên văn học hiện đại, Hoàng đạo hiện nay đi qua các chòm sao được liệt kê dưới đây: Chiêm tinh học Hoàng đạo tạo thành một đường trung tâm của một dải có độ rộng 20° gọi là cung Hoàng Đạo, mà Mặt Trời, Mặt Trăng và các hành tinh luôn chuyển động nằm trong dải này. Trong chiêm tinh học, dải này được chia thành 12 phần có độ rộng 30° theo kinh tuyến, mỗi phần xấp xỉ với quãng đường Mặt Trời di chuyển trong một tháng. Ở thời cổ đại, 12 phần này tương ứng với 12 chòm sao chứa hoàng đạo. Những thuật ngữ cho các phần này vẫn còn được sử dụng cho tới ngày nay. Điểm đầu tiên của Bạch Dương'' được đặt như vậy khi điểm xuân phân thực sự nằm trong chòm sao Bạch Dương; sau đó nó sẽ di chuyển đến Song Ngư. Xem thêm Sự hình thành và tiến hóa của Hệ Mặt Trời Mặt phẳng bất biến Đĩa tiền hành tinh Hệ tọa độ thiên văn Tham khảo Liên kết ngoài The Ecliptic: the Sun's Annual Path on the Celestial Sphere Hoàng đạo: Đường đi biểu kiến của Mặt Trời trên thiên cầu tại Khoa vật lý Đại học Durham. Các mùa và mô phỏng hoàng đạo tại Đại học Nebraska-Lincoln MEASURING THE SKY Hướng dẫn nhanh về thiên cầu của James B. Kaler, Đại học Illinois Các mùa của Trái Đất tại Trạm quan sát hải quân Hoa Kỳ Những khái niệm cơ bản – Hoàng đạo, Xích đạo và hệ thống tọa độ tại AstrologyClub.Org ; đối chiếu các định nghĩa của LeVerrier, Newcomb và Standish. Hệ tọa độ thiên văn Thuật ngữ thiên văn học Lịch sử chiêm tinh học
7306
https://vi.wikipedia.org/wiki/B%E1%BA%A3n%20%C4%91%E1%BB%93
Bản đồ
Bản đồ là hình thu nhỏ tương đối chính xác về một khu vực hay cả Trái Đất. Bản vẽ đơn giản miêu tả một không gian, địa điểm và hiển thị những thông số liên quan trực tiếp đến vị trí ấy có liên quan đến khu vực xung quanh. Theo các nhà khoa học: Bản đồ là sự miêu tả khái quát, thu nhỏ bề mặt Trái Đất hoặc bề mặt thiên thể khác trên mặt phẳng trong một phép chiếu xác định, nội dung của bản đồ được biểu thị bằng hệ thống ký hiệu quy ước. Bản đồ thường dùng nhất trong địa lý. Theo nghĩa này bản đồ thường có hai chiều mà vẫn biểu diễn một không gian có ba chiều đúng đắn. Môn bản đồ là khoa học và nghệ thuật vẽ bản đồ. Bản đồ còn là một khái niệm được sử dụng trong sinh học để biểu thị một hệ thống nào đó, ví dụ như bản đồ gen. Tỉ lệ Tỉ lệ của một bản đồ địa lý là tỉ số giữa một khoảng cách đo trên bản đồ và khoảng cách ngoài thực địa. Chẳng hạn, nếu 1 cm trên bản đồ ứng với 1 km ngoài thực địa thì bản đồ đó có tỉ lệ 1:100000, vì 1 km = 100000 cm. Ký hiệu của tỉ lệ có dạng 1:M, trong đó số M chỉ khoảng cách thực tế lớn gấp bao nhiêu lần khoảng cách tương ứng đo trên bản đồ. Bản đồ có tỉ lệ lớn thì càng chi tiết và tương ứng với số M nhỏ. Bản đồ tỉ lệ nhỏ kém chi tiết hơn và có số M lớn. Địa lý Bản đồ hay tạo bản đồ là nghiên cứu và thực hành tạo các hình ảnh đại diện của Trái đất trên một bề mặt phẳng, và người tạo bản đồ được gọi là người vẽ bản đồ . Bản đồ đường bộ có lẽ là bản đồ được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay và tạo thành một tập hợp con các bản đồ hàng hải, bao gồm các biểu đồ hàng không và hải lý , bản đồ mạng lưới đường sắt, bản đồ đi bộ đường dài và đi xe đạp. Về số lượng, số lượng lớn nhất các tờ bản đồ được vẽ có lẽ được tạo thành từ các cuộc khảo sát địa phương, do các thành phố , cơ quan quản lý, cơ quan thuế, nhà cung cấp dịch vụ khẩn cấp và các cơ quan địa phương khác thực hiện. Nhiều dự án khảo sát quốc gia đã được quân đội thực hiện, chẳng hạn như Cơ quan khảo sát vũ khí Anh : một cơ quan chính phủ dân sự, nổi tiếng quốc tế về công việc chi tiết toàn diện. Ngoài thông tin vị trí, bản đồ cũng có thể được sử dụng để phác họa các đường đồng mức biểu thị các giá trị không đổi về độ cao , nhiệt độ , lượng mưa ,... Độ chính xác Việc lập bản đồ các vùng lớn hơn, nơi không thể bỏ qua độ cong, yêu cầu các phép chiếu phải lập bản đồ từ bề mặt cong của Trái đất lên mặt phẳng. Không thể làm phẳng hình cầu xuống mặt phẳng không bị biến dạng có nghĩa là bản đồ không thể có tỷ lệ không đổi. Một số bản đồ, được gọi là bản đồ , có tỷ lệ bị bóp méo một cách cố ý để phản ánh thông tin khác với diện tích đất hoặc khoảng cách. Ví dụ, bản đồ châu Âu này (ở bên phải) đã bị bóp méo để hiển thị sự phân bố dân cư, trong khi hình dạng thô của lục địa vẫn có thể nhìn thấy rõ. Một ví dụ khác về tỷ lệ bị bóp méo là bản đồ London Underground nổi tiếng . Cấu trúc địa lý cơ bản được tôn trọng nhưng các tuyến ống (và sông Thames ) được làm nhẵn để làm rõ mối quan hệ giữa các trạm. Gần trung tâm của bản đồ, các trạm được đặt cách xa nhau hơn là gần các cạnh của bản đồ. Sự thiếu chính xác hơn nữa có thể là do cố ý. Ví dụ: các nhà lập bản đồ có thể đơn giản bỏ qua các cài đặt quân sự hoặc chỉ loại bỏ các đối tượng địa lý để nâng cao độ rõ ràng của bản đồ. Ví dụ: bản đồ đường có thể không hiển thị các tuyến đường sắt, đường thủy nhỏ hơn hoặc các đối tượng phi đường bộ nổi bật khác và ngay cả khi có, nó có thể hiển thị chúng kém rõ ràng hơn so với đường chính. Được gọi là khai báo, thực tiễn làm cho chủ đề mà người dùng quan tâm dễ đọc hơn, thường mà không ảnh hưởng đến độ chính xác tổng thể. Bản đồ dựa trên phần mềm thường cho phép người dùng chuyển đổi khai báo giữa BẬT, TẮT và TỰ ĐỘNG nếu cần. Trong AUTO, mức độ khai báo được điều chỉnh khi người dùng thay đổi tỷ lệ được hiển thị. Các loại bản đồ Bản đồ thế giới hoặc các khu vực rộng lớn thường là bản đồ 'chính trị' hoặc 'vật lý'. Bản đồ chính trị: thể hiện biên giới lãnh thổ Bản đồ vật lý là hiển thị các đặc điểm địa lý như núi, loại đất hoặc sử dụng đất bao gồm cơ sở hạ tầng như đường bộ, đường sắt và các tòa nhà. Ngoài ra còn có một số loại bản đồ: Bản đồ địa hình hiển thị độ cao và độ nổi bằng các đường đồng mức hoặc bóng đổ. Bản đồ địa chất không chỉ hiển thị bề mặt vật chất mà còn cho thấy các đặc điểm của lớp đá bên dưới, các đường đứt gãy và các cấu trúc dưới bề mặt. Tham khảo Nguồn tham khảo Trích dẫn David Buisseret, chủ biên, Quân vương, Bộ trưởng và Bản đồ: Sự xuất hiện của Bản đồ học như một công cụ của chính phủ ở Châu Âu hiện đại buổi đầu. Chicago: Nhà in Đại học Chicago, 1992, Denis E. Cosgrove (chủ biên) Ánh xạ . Sách Reaktion, 1999 Freeman, Herbert, ProducttLiterature / Freeman-White-Paper-041027.pdf Vị trí văn bản bản đồ tự động. Giấy trắng. Ahn, J. và Freeman, H., một chương trình đặt tên tự động, Proc Proc. AUTO-Carto 6, Ottawa, 1983. 444ùn455. Freeman, H., Vị trí đặt tên máy tính, Tang ch. 29, trong Hệ thống thông tin địa lý, 1, D.J. Maguire, M.F. Goodchild và D.W. Rhind, John Wiley, New York, 1991, 449 Lỗi460. Đánh dấu Monmonier, Cách nói dối với bản đồ , O'Connor, J.J. và E.F. Robertson, Lịch sử bản đồ . Scotland: Đại học St. Andrew, 2002. Xem thêm Bản đồ địa hình Bản đồ theo quốc kỳ Liên kết ngoài Trung tâm Thông tin Dữ liệu Đo đạc và Bản đồ Việt Nam Bản đồ chi tiết địa hình Việt Nam nguyên khổ, tỷ lệ 1:50.000 và 1:250.000 thực hiện bởi Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ thập kỷ 1960 Môn bản đồ Địa lý học Hình ảnh Trắc địa Bản đồ học
7313
https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BB%99%20%28g%C3%B3c%29
Độ (góc)
Bài này viết về độ sử dụng để đo giá trị của một góc. Các nghĩa khác xem bài Độ (định hướng). Độ thông thường được biểu diễn bằng ký hiệu °, là đơn vị đo lường của các góc phẳng, hay của các vị trí dọc theo một đường tròn lớn của hình cầu tính từ điểm gốc tham chiếu (chẳng hạn như Trái Đất hay của bầu trời), tương ứng với 1/360 của một vòng tự quay tròn hoàn chỉnh. Lịch sử Con số 360 có lẽ đã được chọn vì nó là số ngày trong năm của người cổ đại. Các loại lịch nguyên thủy, chẳng hạn như lịch Ba Tư sử dụng 360 ngày cho một năm. Điều này có lẽ chủ yếu là do sự quan sát của người cổ đại và họ nhận thấy các ngôi sao dường như chuyển động xung quanh sao Bắc cực tạo ra một vòng tròn với góc chuyển động cỡ chừng 1 độ trong một ngày. Ứng dụng của nó để đo các góc trong hình học có thể tìm thấy từ thời Thales, người đã phổ biến hình học trong những người Hy Lạp và sống ở miền tây Thổ Nhĩ Kỳ trong số những người có giao thiệp với Ai Cập và Babylon. Nó cũng là con số dễ dàng chia hết: nó có 22 ước số khác nhau (2, 3, 4, 5, 6, 8, 9, 10, 12, 15, 18, 20, 24, 30, 36, 40, 45, 60, 72, 90, 120, 180), chia hết cho tất cả các số tự nhiên từ 2 đến 10 - ngoại trừ 7. (Nếu muốn có số độ trong một vòng tròn có thể chia hết cho tất cả các số từ 1 đến 10, nó phải là 2.520 độ nhưng con số này không thuận tiện lắm). Để phục vụ cho nhiều mục đích thực tiễn, độ là giá trị góc đủ nhỏ để có thể đem lại độ chính xác tương đối cần thiết. Trong những ứng dụng đòi hỏi độ chính xác cao hơn, ví dụ như trong thiên văn hay để tính kinh độ và vĩ độ trên Trái Đất, các giá trị số đo góc có thể viết dưới dạng phần thập phân, nhưng có một sự chia nhỏ truyền thống khác được sử dụng thường xuyên hơn. Một độ được chia thành 60 phút, và một phút thành 60 giây. Các đơn vị này, còn được gọi tương ứng là phút góc hay giây góc, được biểu diễn tương ứng bằng dấu phết đơn hay đôi, hay bằng dấu đóng trích dẫn đơn hay đôi. Ví dụ: 40,1875° = 40°31'15". Nếu cần độ chính xác cao hơn, việc lấy phần thập phân của giây thông thường được sử dụng hơn là lấy các giá trị bội số của 1/60 giây. Các đơn vị đo góc khác Trong toán học, việc đo góc theo độ ít được sử dụng, vì sự thuận tiện của tính chia hết của cơ số 360 là không cần thiết và không quá quan trọng. Vì nhiều lý do khác nhau các nhà toán học thông thường thích sử dụng đơn vị radian, là góc tương ứng với một cung tròn có độ dài bằng bán kính của chính đường tròn ấy. Vì vậy 180° = π radian, 1° ≈ 0,0174533 radian, và 1 radian ≈ 57,29578°. Với sự sáng tạo ra hệ mét, dựa trên cơ số 10 (thập phân), đã có những ý định định nghĩa "độ thập phân" (grad hay gon), vì thế giá trị độ thập phân của một góc vuông bằng 100, và như vậy một vòng tròn có giá trị góc bằng 400 độ thập phân. Trong khi ý tưởng này không thu được nhiều sự hưởng ứng nhưng phần lớn các máy tính tay (calculator) khoa học đều hỗ trợ đơn vị này. Xem thêm Góc khối Tham khảo Liên kết ngoài Đơn vị đo góc Hệ đo lường Anh Hệ đo lường Mỹ
7315
https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BB%99%20%28%C4%91%E1%BB%8Bnh%20h%C6%B0%E1%BB%9Bng%29
Độ (định hướng)
Độ trong tiếng Việt có nhiều nghĩa. Nó có thể là: Đơn vị đo lường giá trị của góc. Xem bài Độ (góc). Độ kinh, độ vĩ. Khẩu độ. Đơn vị đo lường giá trị của nhiệt độ. Xem bài Độ (nhiệt độ). Đồng nghĩa với chiều chỉ độ dài: Độ dài, độ rộng, độ cao. hu:Fok#Szög Độ cũng có nghĩa là đơn vị đo:lạnh,nóng,mát
7317
https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BB%99%20%28nhi%E1%BB%87t%20%C4%91%E1%BB%99%29
Độ (nhiệt độ)
Bài này viết về "độ" như là đơn vị đo nhiệt độ. Để xem các nghĩa khác, xem bài Độ (định hướng). Thuật ngữ độ được sử dụng trong một số thang đo nhiệt độ. Ký hiệu ° thông thường được sử dụng, tiếp theo sau nó là ký tự để chỉ đơn vị, ví dụ °C để chỉ độ Celsius (hay độ bách phân hoặc độ C). Trong một số ngôn ngữ nước ngoài, như trong tiếng Anh, để chỉ sự chênh lệch nhiệt độ, đôi khi người ta còn sử dụng cách viết ngược lại; chẳng hạn 100 C°, hay "100 Celsius degrees", là sự chênh lệch nhiệt độ, trong khi 100 °C, hay "100 degrees Celsius", là nhiệt độ thực tế của vật hay chất đó. Có các loại đơn vị đo nhiệt độ sau: Độ Celsius (°C đọc là độ C hay độ bách phân) Độ Delisle (°De) Độ Fahrenheit (°F đọc là độ F) Độ Newton (°N) Độ Rankine (°R hay °Ra) Độ Réaumur (°R) Độ Romer (°Ro) Độ Kelvin (°K) là tên gọi cũ của đơn vị đo lường của nhiệt độ tuyệt đối trong hệ SI. Từ năm 1967 nó đã được đơn giản hóa đi thành Kelvin, với ký hiệu chỉ sử dụng chữ cái 'K' và đọc 'Kelvin', không phải 'độ Kelvin'. Ký hiệu của độ Trong Unicode, ký hiệu của độ là U+(00B0) (°). Trong bảng mã hóa ký tự trong HTML nó là &deg;. Alt+ Code là Alt+0176. Vì sự biểu hiện giống nhau trong một số font chữ khi in ấn cũng như khi hiển thị trên màn hình máy tính, một số ký tự khác có thể bị nhầm lẫn với ký tự biểu diễn độ: "ký hiệu chỉ thị giống đực" (U+00BA, º), "vòng trên" (U+02DA, ˚), "số 0 trên" (U+2070, ⁰), số 0 trên proper (0) hay chữ "o trên" (o), và "toán tử vòng" (U+2218, ∘). Nếu ở trên giấy thì nó sẽ có một vòng tròn nhỏ ở trên.VD:0 độ. Tham khảo Đơn vị đo nhiệt độ Đơn vị tập quán
7320
https://vi.wikipedia.org/wiki/Chi%E1%BA%BFn%20d%E1%BB%8Bch%20%C4%90i%E1%BB%87n%20Bi%C3%AAn%20Ph%E1%BB%A7
Chiến dịch Điện Biên Phủ
Trận Điện Biên Phủ (; ), còn gọi là Chiến dịch Trần Đình là trận đánh lớn nhất trong Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất diễn ra tại lòng chảo Mường Thanh, châu Điện Biên, tỉnh Lai Châu (nay thuộc thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) giữa Quân đội Nhân dân Việt Nam và Quân đội Liên hiệp Pháp (gồm Lực lượng Viễn chinh Pháp, Binh đoàn Lê dương Pháp, quân phụ lực bản xứ và Quân đội Quốc gia Việt Nam). Đây là chiến thắng quân sự lớn nhất trong cuộc Chiến tranh Đông Dương (1945 – 1954) của Việt Nam. Với thắng lợi quyết định này, lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy đã buộc quân Pháp tại Điện Biên Phủ phải đầu hàng vào ngày 7 tháng 5 năm 1954, sau suốt 2 tháng cầm cự. Giữa trận này, quân Pháp đã gia tăng lên đến 16.200 người nhưng vẫn không thể cầm cự được trước các đợt tấn công như vũ bão của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Thực dân Pháp đã không thể bình định Việt Nam bất chấp nhiều năm chiến đấu và với sự hỗ trợ và can dự ngày càng sâu của Hoa Kỳ. Pháp đã không còn bất kì khả năng nào để tiếp tục chiến đấu tại Việt Nam sau thảm bại này. Trên phương diện quốc tế, chiến dịch này có một ý nghĩa rất lớn và đã đi vào lịch sử nhân loại, bởi đây là lần đầu tiên quân đội của một nước từng là thuộc địa ở châu Á đánh bại đội quân hiện đại và tối tân của một cường quốc châu Âu, được hỗ trợ bởi đồng minh là Hoa Kỳ trong một chiến dịch quân sự lớn. Được xem là một thảm họa bất ngờ đối với thực dân Pháp và cũng là một đòn giáng mạnh với thế giới phương Tây, đã đánh bại ý chí duy trì thuộc địa Đông Dương của Pháp và buộc nước này phải hòa đàm và rút quân ra khỏi Đông Dương. Với niềm tin được cổ vũ mạnh mẽ bởi chiến thắng này, các thuộc địa của Pháp ở châu Phi cũng đồng loạt nổi dậy đòi độc lập. Chỉ riêng trong năm 1960, 17 nước châu Phi đã giành được độc lập và đến năm 1967, Pháp đã buộc phải trao trả độc lập cho hầu hết các nước từng là thuộc địa của họ. Qua đó, thắng lợi của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong Chiến dịch Điện Biên Phủ còn được xem là một cột mốc đánh dấu thất bại hoàn toàn của Pháp trong nỗ lực tái gây dựng thuộc địa Đông Dương nói riêng và đế quốc thực dân của họ nói chung sau Chiến tranh thế giới thứ hai, qua đó chấm dứt hơn 400 năm tồn tại của chủ nghĩa thực dân cũ trên thế giới này. Kế hoạch của hai bên Kế hoạch Navarre Đến cuối năm 1953, Chiến tranh Đông Dương đã kéo dài 8 năm, quân Pháp lâm vào thế bị động và ngày càng lún sâu vào thất bại trên hầu khắp các chiến trường. Trong khi đó, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thiết lập được quyền kiểm soát cực kì vững chắc tại nhiều khu vực rộng lớn ở Tây Nguyên, khu 5, các tỉnh Cao-Bắc-Lạng... và nhiều khu vực ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Nền kinh tế Pháp thời đó đã hầu như không còn đủ sức gánh chịu, chi trả được cho chiến phí của lính Pháp và tay sai tại Đông Dương được thêm nữa và Pháp đã phải cầu viện sự trợ giúp về cả kinh tế lẫn quân sự từ phía Hoa Kỳ. Kết quả là tới năm 1954, 73% chiến phí của Pháp ở Đông Dương là do Hoa Kỳ chi trả (Cho đến năm 1954 thì Hoa Kỳ đã viện trợ hơn 200 triệu Franc vũ khí cho Pháp ở Đông Dương). Tới năm 1953, viện trợ Mỹ cả kinh tế và quân sự đã lên tới hơn 2,7 tỷ USD, riêng viện trợ quân sự đã là hơn 1,7 tỷ USD. Đến năm 1954, Mỹ lại viện trợ thêm 1,3 tỷ USD nữa. Tổng cộng Mỹ đã cung cấp cho Pháp trên 400.000 tấn vũ khí các loại, gồm có 360 máy bay, 347 tàu thuyền các loại, 1.400 xe tăng và xe bọc thép, 16.000 xe vận tải, và 175.000 tấn vũ khí các loại (súng ngắn, súng trường, tiểu liên, trung liên, đại liên, trọng liên, súng phóng lựu, súng không giật, dã pháo, lựu pháo,...) kèm theo đạn. Thời gian này, ở tất cả các cấp độ trong quân đội viễn chinh Pháp đều có cố vấn Mỹ. Người Mỹ có thể đến bất cứ nơi nào kiểm tra tình hình mà không cần sự chấp thuận của Tổng chỉ huy lực lượng viễn chinh Pháp. Sự phụ thuộc quá nhiều của Pháp vào Mỹ khiến tướng Henri Navarre than phiền trong hồi ký: "Địa vị của chúng ta đã chuyển thành địa vị của một kẻ đánh thuê đơn thuần cho Mỹ". Chính phủ Pháp muốn tìm một giải pháp hòa bình có thể chấp nhận được để chấm dứt cuộc chiến, nhưng mặt khác lại muốn duy trì quyền lợi của họ tại Đông Dương. Cuộc chiến bước sang năm thứ 8 đã chứng tỏ Pháp chỉ còn cách duy nhất là tìm một "lối thoát danh dự", nếu không muốn dâng Đông Dương cho Mỹ. Các lãnh đạo Việt Minh nhận định việc Mỹ trực tiếp can thiệp vào chiến tranh Đông Dương chỉ còn là vấn đề thời gian. Việt Minh cũng dự đoán, nếu tình hình Triều Tiên tạm ổn định, Mỹ sẽ tập trung cho nỗ lực chống Cộng tại Đông Dương. Ngày 24 tháng 7 năm 1953, Thủ tướng Chính phủ Quốc gia Việt Nam Nguyễn Văn Tâm được Tổng thống Dwight D. Eisenhower mời sang Hoa Kỳ. Cuối tháng 7, Eisenhower quyết định dành 400 triệu USD cho Đông Dương để "tổ chức một quân đội Việt Nam thực sự". Pháp đề nghị Mỹ viện trợ 650 triệu USD cho niên khóa 1953, và được chấp nhận 385 triệu USD. Mỹ hứa năm 1954 sẽ tăng viện trợ cho Pháp tại Đông Dương lên gấp đôi. Mỹ cũng chuyển giao cho Pháp nhiều trang bị, vũ khí, trong đó có 123 máy bay và 212 tàu chiến các loại. Pháp bổ nhiệm Tổng Chỉ huy Henri Navarre sang Đông Dương tìm kiếm một chiến thắng quân sự quyết định để làm cơ sở cho một cuộc thảo luận hòa bình trên thế mạnh. Kế hoạch của bộ chỉ huy Pháp tại Đông Dương gồm hai bước: Bước thứ nhất: Thu Đông 1953 và Xuân 1954 giữ thế phòng ngự ở miền Bắc Việt Nam, tập trung một lực lượng cơ động lớn ở đồng bằng Bắc Bộ để đối phó với cuộc tiến công của Việt Minh; thực hiện tiến công chiến lược ở miền Nam nhằm chiếm đóng 3 tỉnh ở đồng bằng Liên khu 5; đồng thời đẩy mạnh việc mở rộng Quân đội Quốc gia Việt Nam (QGVN) và xây dựng một đội quân cơ động lớn đủ sức đánh bại các đại đoàn chủ lực của Việt Minh. Bước thứ hai: Từ Thu Đông 1954, sau khi đã hoàn thành những mục tiêu trên, sẽ dồn toàn lực ra Bắc, chuyển sang tiến công chiến lược trên chiến trường chính, giành thắng lợi lớn về quân sự, buộc Việt Minh phải chấp nhận điều đình theo những điều kiện của Pháp, nếu khước từ, quân cơ động chiến lược của Pháp sẽ tập trung mọi nỗ lực loại trừ chủ lực Việt Minh. Để thực hiện kế hoạch này, người Pháp tiến hành xây dựng và tập trung lực lượng cơ động lớn, mở rộng lực lượng phụ lực quân (Forces suppletives) bản xứ và Quân đội Quốc gia Việt Nam, càn quét bình định vùng kiểm soát. Thực hành tấn công chiến lược ở Khu 5, Navarre được chính phủ Pháp cấp thêm 9 tiểu đoàn tinh nhuệ. Quan trọng hơn cả, Kế hoạch Navarre được Mỹ tán thành. Viện trợ của Mỹ tăng vọt, chiếm đa số chi phí chiến tranh của Pháp. Kế hoạch Navarre chỉ gặp trở ngại khi Bộ trưởng Tài chính Edgar Faure nêu ra việc thực thi kế hoạch phải chi ít nhất là 100 tỉ Franc. Ở Hội đồng Tham mưu trưởng cũng như Hội đồng Quốc phòng Mỹ, người ta bàn nên cắt giảm lực lượng bảo vệ nước Lào như kế hoạch nhằm giảm chi tiêu, nhưng Pháp không muốn bỏ Lào. Thống chế Alphonse Juin, người phát ngôn của các tham mưu trưởng, nhấn mạnh: cần trao cho Bộ Ngoại giao yêu cầu Mỹ và Anh phải bảo đảm sự toàn vẹn lãnh thổ của Lào, đồng thời lưu ý Liên Xô và Trung Quốc về nguy cơ xung đột quốc tế có thể diễn ra nếu Lào bị chiếm. Tướng Navarre xác nhận nếu QĐNDVN đánh Thượng Lào thì ông không thể đương đầu được và yêu cầu chính phủ ra chỉ thị rõ rệt nếu trường hợp đó xảy ra. Điều đó liên quan mật thiết đến việc xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ sau này. Chiến cục Đông-Xuân 1953-1954 Trước mùa khô 1953-1954, so sánh lực lượng về quân số, Pháp đã vượt lên khá xa. Tổng quân số của Pháp là 445.000 người, gồm 146.000 quân Âu Phi (33%) và 299.000 quân Việt (67%). Tổng quân số của QĐNDVN chỉ là 252.000 người. Như vậy, quân Pháp đông hơn 193.000 người. Chỉ riêng lực lượng phụ lực quân bản xứ do các sĩ quan Pháp chỉ huy cũng đã đông hơn 47.000 người. Lực lượng cụ thể 2 bên lúc này như sau: - Về bộ binh, Pháp có 267 tiểu đoàn. Về pháo binh, Pháp có 25 tiểu đoàn; quân phụ lực bản xứ có 8 tiểu đoàn. Về cơ giới, Pháp có 10 trung đoàn, 6 tiểu đoàn và 10 đại đội; quân phụ lực bản xứ có 1 trung đoàn và 7 đại đội. Về không quân, Pháp có 580 máy bay; quân phụ lực bản xứ có 25 máy bay thám thính và liên lạc. Về hải quân, Pháp có 391 tàu; quân phụ lực bản xứ có 104 tàu loại nhỏ và 8 tàu ngư lôi. Lực lượng của QĐNDVN vẫn đơn thuần là bộ binh, gồm 6 đại đoàn, 18 trung đoàn và 19 tiểu đoàn. Về pháo binh, QĐNDVN có 2 trung đoàn, 8 tiểu đoàn và 4 đại đội. Về phòng không, QĐNDVN có 1 trung đoàn và 2 tiểu đoàn. - Tính theo số tiểu đoàn bộ binh, QĐNDVN có tổng cộng 127 tiểu đoàn so với 267 tiểu đoàn của Pháp. Biên chế tiểu đoàn của QĐNDVN là 635 người/tiểu đoàn; biên chế tiểu đoàn Pháp là 1.000 người/tiểu đoàn. Về viện trợ, từ tháng 6 năm 1950 đến tháng 6 năm 1954, Việt Minh nhận được từ Liên Xô, Trung Quốc tổng cộng 21.517 tấn hàng viện trợ các loại, trị giá khoảng 34 triệu đôla Mỹ (Đôla Mỹ theo thời giá 1954). Một nửa số hàng được viện trợ là lương thực (gạo, lúa mì, sắn, ngô,...) và thực phẩm, số còn lại là vũ khí. Giá trị này chỉ bằng khoảng 0,85% lượng viện trợ mà Mỹ cấp cho Pháp. Tuy người Pháp có ưu thế vượt trội về quân số cũng như trang bị, kĩ thuật nhưng thế trận chiến tranh nhân dân, áp dụng triệt để phương pháp đánh du kích của QĐNDVN đã khiến cho Pháp phải phân tán lực lượng rộng khắp các chiến trường. Không những Pháp không thể tập trung toàn bộ ưu thế đó vào một trận đánh quyết định, mà cũng chưa đủ lực lượng để mở một cuộc tiến công lớn vào các đại đoàn chủ lực QĐNDVN ở miền Bắc. Trong tổng số 267 tiểu đoàn, thì 185 tiểu đoàn đã phải trực tiếp làm nhiệm vụ chiếm đóng, chỉ còn 82 tiểu đoàn làm nhiệm vụ cơ động chiến thuật và chiến lược. Hơn nửa lực lượng cơ động Pháp, 44 tiểu đoàn, phải tập ở trên miền Bắc để đối phó với chủ lực QĐNDVN. Vào thời điểm này, nếu tính chung trên chiến trường Bắc Bộ, lực lượng QĐNDVN mới bằng 2/3 lực lượng Pháp (76 tiểu đoàn/112 tiểu đoàn), nhưng tính riêng lực lượng cơ động chiến lược, thì lực lượng QĐNDVN đã vượt hơn về số tiểu đoàn (56/44). Cuối tháng 8 năm 1953, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam báo cáo với Tổng Quân ủy một bản kế hoạch tác chiến với bốn nhiệm vụ: Đẩy mạnh chiến tranh du kích ở địch hậu phá tan âm mưu bình định của địch, phá kế hoạch mở rộng quân ngụy Việt. Bộ đội chủ lực dùng phương thức hoạt động thích hợp tiêu diệt từng bộ phận sinh lực địch, có thể tác chiến lớn trên chiến trường đồng bằng để rèn luyện bộ đội. Có kế hoạch bố trí lực lượng tiêu diệt địch khi chúng đánh ra vùng tự do. Tăng cường hoạt động lên hướng Tây Bắc (Lai Châu), Thượng Lào và các chiến trường khác để phân tán chủ lực địch. Trong cuộc họp, Chủ tịch Hồ Chí Minh tổng kết: "Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh... Không sợ! Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn." Theo đó QĐNDVN sẽ mở một loạt chiến dịch tại nhiều vùng để phân tán binh lực địch, không cho quân Pháp co cụm tạo thành một lực lượng cơ động đủ mạnh để xoay chuyển tình thế. Trên chiến trường Bắc Bộ, sẽ mở cuộc tiến công lên hướng Tây Bắc, tiêu diệt quân Pháp còn chiếm đóng Lai Châu, uy hiếp quân Pháp ở Thượng Lào. Hướng thứ hai, là Trung Lào. Hướng thứ ba, là Hạ Lào, đề nghị quân Pathet Lào phối hợp với bộ đội Việt Nam mở cuộc tiến công vào hai hướng này, nhằm tiêu diệt sinh lực địch và giải phóng đất đai. Hướng thứ tư, là bắc Tây Nguyên. Vùng tự do ba tỉnh Liên khu 5 sẽ là mục tiêu chính những cuộc tiến công đánh chiếm của Pháp trong mùa khô này, cần chuẩn bị sẵn sàng đón đánh. Thiết lập "Con nhím" Điện Biên Phủ Hội chứng Thượng Lào, trong đó có kinh đô Luangprabang, luôn ám ảnh Navarre. Nếu cả miền cực Bắc Đông Dương rơi vào quyền kiểm soát của Việt Minh sẽ là một nguy cơ lớn cho cuộc chiến tranh. Nó sẽ mang lại những ảnh hưởng chính trị tai hại, vì nước Pháp bất lực trong việc bảo vệ các quốc gia liên kết. Tướng René Cogny, Tư lệnh Bắc Bộ, nhiệt liệt tán đồng ý kiến này. Điện Biên Phủ là một thung lũng phì nhiêu ở Tây Bắc Việt Nam. Dài 15 km, rộng 5 km, giữa thung lũng có sông Nậm Rốm chảy qua cánh đồng do người Thái cầy cấy quanh năm. Ở đó, có một sân bay dã chiến nhỏ đã bị bỏ hoang từ khi phát xít Nhật rời khỏi Đông Dương vào năm 1945, nằm dọc theo sông Nậm Rốm về phía bắc lòng chảo. Điện Biên Phủ cách Hà Nội 300 km về phía tây, cách Lai Châu 80 km về phía nam. Xung quanh là núi đồi trập trùng, rừng cây bao quanh. Nó dễ dàng trở thành nơi ẩn náu dễ dàng cho quân du kích. Cũng như Lai Châu và Nà Sản, Điện Biên Phủ là một điểm chiến lược bảo vệ tây bắc Lào và thủ đô Luangprabang. Tướng Cogny nhấn mạnh: Điện Biên Phủ là một căn cứ bộ binh - không quân (base aéroterrestre) lý tưởng, là "chiếc chìa khoá" của Thượng Lào. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được ra đời án ngữ miền Tây Bắc Việt Nam, kiểm soát liên thông với Thượng Lào để làm bẫy nhử, thách thức quân chủ lực Việt Minh tấn công. Theo kế hoạch của Pháp, quân Việt Minh sẽ bị nghiền nát tại đó. Ngày 2 tháng 11 năm 1953, Navarre đã chỉ thị cho Cogny từ ngày 15 đến ngày 20 tháng 11, chậm nhất là ngày 1 tháng 12, phải đánh chiếm Điện Biên Phủ để thiết lập một điểm ngăn chặn bảo vệ cho Thượng Lào. Cuộc hành binh đánh chiếm Điện Biên Phủ có bí danh là Castor (Cuộc hành quân Castor), chỉ huy là tướng Jean Gilles. Ngày 20 tháng 11, lúc 11 giờ sáng, 63 chuyến máy bay C-47 Dakota xuất phát từ Sân bay Gia Lâm đã thả 3.000 lính dù và chiến cụ các loại xuống Điện Biên Phủ. Thiếu tá Marcel Bigeard và Tiểu đoàn 6 Dù thuộc địa (6e BPC) nhảy xuống điểm DZ (dropping zone) Tây Bắc, Thiếu tá Jean Bréchignac và Tiểu đoàn 2, Trung đoàn Dù nhẹ số 1 (II/1er RCP) nhảy xuống điểm DZ phía nam. Tiểu đoàn của Bigeard nhảy trúng khu vực có đại đội 634, tiểu đoàn 910, trung đoàn 148 (do Đại đội trưởng Trần Can chỉ huy) đang tập trận, chỉnh đốn quân số (để chuẩn bị đánh lên Lai Châu) nên nhanh chóng bị phát hiện và bị chống cự mãnh liệt, nhưng do bị áp đảo về quân số và phương tiện chiến tranh (quân Pháp đông hơn nhiều, lại có không quân ném bom, bắn phá) nên bộ đội Việt Nam rút lui vào 4 giờ chiều. Pháp tuyên bố phía Việt Nam tổn thất khoảng 115 lính chết và 4 bị bắt, còn Pháp thiệt hại 16 người chết, 47 bị thương cùng khoảng vài chục khẩu súng cá nhân. Hai ngày sau, ngày 21 và 22 tháng 11, liên tiếp 3 tiểu đoàn lính dù nữa được cử đến với một đại đội pháo binh. Ngày 24 tháng 11, đường băng được sửa chữa xong, phi cơ lại đáp xuống được. Vậy là từ ngày 20 tới ngày 22 tháng 11 năm 1953, Pháp đã ném xuống cánh đồng Mường Thanh 6 tiểu đoàn dù, khoảng 4.500 quân. Ngày 3 tháng 12 năm 1953, Navarre đã quyết định "chấp nhận chiến đấu ở Điện Biên Phủ". Phương Tây coi đây là một sự chuyển hướng có tính chiến lược của Navarre, vì Điện Biên Phủ không nằm trong kế hoạch Thu Đông 1953 - 1954. Ngày 7 tháng 12, Đại tá Christian de Castries được Navarre và Cogny chỉ định chỉ huy tập đoàn cứ điểm, chuẩn bị đương đầu với một cuộc tiến công. Có người hỏi Navarre sao lại trao quyền chỉ huy Điện Biên Phủ, đáng lẽ phải là một viên tướng, cho một đại tá, Navarre trả lời: "Cả tôi lẫn Cogny đều không trông lon mà xét người nên cũng chẳng sùng bái gì lắm mấy ngôi sao cấp tướng. Tôi khẳng định: trong số các chỉ huy được lựa chọn, không ai có thể làm giỏi hơn Castries". Ngày 15 tháng 12, lực lượng Pháp ở Điện Biên Phủ tiếp tục tăng lên 11 tiểu đoàn. Ngày 24 tháng 12, Navarre tới Điện Biên Phủ dự lễ Giáng sinh với quân đồn trú. Tại đây, một tập đoàn cứ điểm đã xuất hiện, chạy suốt chiều dài cánh đồng Mường Thanh, hai bên bờ sông Nậm Rốm. Sau này, có những ý kiến chỉ trích các tướng lĩnh Pháp đã "mắc một lỗi sơ đẳng" khi thiết lập một căn cứ ở nơi quá xa xôi hẻo lánh, dễ bị bao vây cô lập để rồi bại trận. Nhưng ở vào thời điểm đó, với những yêu cầu chiến lược và chính trị của Pháp trong cuộc chiến (phải giữ bằng được Lào), thì việc thiết lập này là yêu cầu tất yếu và không thể khác được, như Navarre đã viết: "Có cần bảo vệ Lào hay không? Tôi thì chỉ còn một cách chấp nhận phương án chiến đấu ở Điện Biên Phủ". Hơn nữa, các chỉ huy Pháp tin rằng lợi thế công nghệ vượt trội và sự trợ giúp của Mỹ sẽ giúp họ đánh bại được QĐNDVN vốn có trang bị thô sơ hơn nhiều. Jean Pouget, sĩ quan tùy tùng của Tổng Chỉ huy Navarre, viết: "...có thể khẳng định là không một ai trong số hơn 50 chính khách, các tướng lĩnh đã tới thăm Điện Biên Phủ, phát hiện được cái thế thua đã phơi bày sẵn..." Tướng Navarre viết: "Theo ông de Chevigné vừa ở đó về 2-3 thật là bất khả xâm phạm. Vả lại, họ không dám tiến công đâu.". Tướng Cogny thì tin tưởng: "Chúng ta đến đây là buộc Việt Minh phải giao chiến, không nên làm gì thêm để họ phải sợ mà lảng đi". Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận xét: "Tới lúc này, quân đồn trú ở Điện Biên Phủ vẫn có thể mở một con đường rút lui. Vì sao Navarre không làm điều đó khi thấy nguy cơ một trận đánh sẽ xảy ra? Theo tôi, Navarre vẫn muốn Điện Biên Phủ sẽ làm vai trò "chiếc nhọt tụ độc" trên miền Bắc". Theo đó, Điện Biên Phủ ra đời nhằm thu hút chủ lực QĐNDVN, tại đó Pháp sẽ dùng ưu thế hỏa lực vượt trội để tiêu diệt. Nhưng thực ra, Navarre đã bị cuốn theo các hoạt động trong Chiến cục đông-xuân 1953-1954 của QĐNDVN mà ông không hề biết. Trận đánh xảy ra không bất ngờ mà nó đã nằm trong dự tính của QĐNDVN về một thắng lợi quyết định để kết thúc chiến tranh. Kế hoạch của Việt Nam Về phía Quân đội Nhân dân Việt Nam thì kể từ sau khi nối thông được đường biên giới với Trung Quốc nên đã nhận được sự viện trợ quân sự rất quý giá từ phía Liên Xô và Trung Quốc. Từ đó, QĐNDVN đã trở nên lớn mạnh và trưởng thành hơn rất nhiều so với thời điểm trước năm 1950. QĐNDVN với các sư đoàn (khi đó gọi là đại đoàn) bộ binh và các trung đoàn pháo binh, công binh đã có tương đối nhiều kinh nghiệm trong việc tiêu diệt các tiểu đoàn của quân Pháp cố thủ trong các lô cốt phòng ngự kiên cố của chúng. Các đơn vị phòng không với pháo cao xạ cũng đã được xây dựng (đầu năm 1954, Quân đội Nhân dân Việt Nam có trong tay 76 khẩu pháo cao xạ 37 mm và 72 khẩu súng máy phòng không DShK, ngoài ra còn có khoảng vài chục khẩu M2 Browning thu được của quân Pháp), nên đã giảm bớt được ưu thế về không quân của Pháp. Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Quốc gia và dân quân Việt Nam nhìn nhận trận Điện Biên Phủ như cơ hội đánh tiêu diệt lớn, tạo chiến thắng vang dội để từ đó chấm dứt kháng chiến trường kỳ, và đã chấp nhận thách thức của quân Pháp để tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đây là trận quyết chiến chiến lược của QĐNDVN. Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) đã hạ quyết tâm: "Tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ để tạo nên một bước ngoặt mới trong chiến tranh, trước khi đế quốc Mỹ can thiệp sâu hơn vào Đông Dương". Thời gian hoạt động ở Tây Bắc sẽ chia làm hai đợt: Đợt 1: Đại đoàn 316 tiến hành đánh Lai Châu và kết thúc vào cuối tháng 1 năm 1954. Sau đó, bộ đội nghỉ ngơi, chấn chỉnh khoảng 20 ngày, tập trung đầy đủ lực lượng để đánh Điện Biên Phủ. Đợt 2: Tiến công Điện Biên Phủ. Thời gian đánh Điện Biên Phủ ước tính 45 ngày. Nếu Pháp không tăng cường thêm nhiều quân, có thể rút ngắn hơn. Chiến dịch sẽ kết thúc vào đầu tháng 4 năm 1954. Phần lớn lực lượng sau đó sẽ rút, một bộ phận ở lại tiếp tục phát triển sang Lào cùng với bộ đội Lào bao vây Luangprabang. Tương quan lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam Lực lượng QĐNDVN tham gia gồm: - 11 trung đoàn bộ binh thuộc các đại đoàn bộ binh 304, 308, 312, 316 - 1 trung đoàn công binh, 1 trung đoàn pháo binh với 24 khẩu trọng pháo 105 mm (4 khẩu thu được từ Pháp. 20 khẩu kia được Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa hỗ trợ từ sau năm 1951) - 1 Trung đoàn pháo binh với 24 khẩu sơn pháo 75mm và 16 khẩu súng cối cỡ 120mm do Trung Quốc viện trợ. - 1 Trung đoàn gồm 24 pháo cao xạ 61K-37 mm (367) (sau được tăng thêm một tiểu đoàn với thêm 12 khẩu 61K) vốn là phối thuộc của đại đoàn công pháo 351 (công binh – pháo binh) Bộ Chỉ huy Chiến dịch Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy: Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tham mưu Trưởng: Thiếu tướng Hoàng Văn Thái. Chủ nhiệm Cung cấp: Thiếu tướng Đặng Kim Giang. Chủ nhiệm Chính trị: Lê Liêm. Ngoài ra còn có 4 đơn vị thanh niên xung phong với gần 20.000 người có nhiệm vụ hỗ trợ chiến đấu (vận tải, sửa đường...). Trong quá trình chiến dịch, có khoảng 8.000 thanh niên xung phong được chuyển cho các đơn vị bộ đội chủ lực để bổ sung thêm lực lượng. Quân đội Liên hiệp Pháp Lực lượng quân Pháp ở Điện Biên Phủ có 12 tiểu đoàn và 7 đại đội bộ binh (trong quá trình chiến dịch được tăng viện 4 tiểu đoàn và 2 đại đội lính nhảy dù), 2 tiểu đoàn pháo binh 105 mm (24 khẩu - sau đợt 1 được tăng thêm 4 khẩu nguyên vẹn và cho đến ngày cuối cùng được thả xuống rất nhiều bộ phận thay thế khác), 1 đại đội pháo 155 mm (4 khẩu), 2 đại đội súng cối 120 m (20 khẩu), 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng 18 tấn (10 chiếc M24 Chaffee do Mỹ cung cấp), 1 đại đội xe vận tải 200 chiếc, 1 phi đội máy bay gồm 14 chiếc (7 máy bay khu trục, 6 máy bay liên lạc trinh sát, 1 máy bay lên thẳng). Lực lượng này gồm khoảng 16.200 quân được tổ chức thành 3 phân khu: Phân khu Bắc: Him Lam (Béatrice), Độc Lập (Gabrielle), Bản Kéo (Anne Marie 1, 2). Đồi Độc lập có nhiệm vụ án ngữ phía bắc, ngăn chặn con đường từ Lai Châu về Điện Biên Phủ. Trung tâm đề kháng Him Lam, tuy thuộc khu trung tâm, nhưng cùng với các vị trí Đồi Độc lập, Bản Kéo là những vị trí ngoại vi đột xuất án ngữ phía đông bắc, ngăn chặn tiến công từ hướng Tuần Giáo vào. Phân khu Trung tâm: Các điểm cao phía đông – Dominique, Eliane, sân bay Mường Thanh, và các cứ điểm phía tây Mường Thanh – Huguette, Claudine, đây là khu vực mạnh nhất của quân Pháp, tập trung hai phần ba lực lượng (8 tiểu đoàn, gồm 5 tiểu đoàn chốt giữ và 3 tiểu đoàn cơ động). Phân khu Nam: cụm cứ điểm và sân bay Hồng Cúm – Isabella. Bộ Chỉ huy Binh đoàn Tác chiến Tây Bắc (Le Groupement Opérationnel du Nord-Ouest - GONO) Chỉ huy trưởng: Đại tá Christian de Castries Tham mưu trưởng: Trung tá Louis Guth (sau lần lượt các Trung tá Keller, Ducroix, và cuối cùng là Hubert de Séguin-Pazzis) Tổng cộng tất cả là 10 trung tâm đề kháng được đặt theo tên phụ nữ Pháp: Gabrielle (Bắc), Béatrice, Dominique (Đông), Eliane, Isabelle (Nam), Junon, Claudine, Françoise (Tây), Huguette và Anne Marie. 10 trung tâm đề kháng lại chia ra thành 49 cứ điểm phòng thủ kiên cố liên hoàn trang bị hỏa lực mạnh yểm trợ lẫn nhau; có 2 sân bay: Mường Thanh và Hồng Cúm để lập cầu hàng không. Tổng cộng quân Pháp ban đầu có hơn 10.800 quân, cùng với đó là 2.150 lính phụ lực bản xứ và Quốc gia Việt Nam. Trong trận đánh có thêm hơn 4.300 lính (trong đó có 1.901 lính phụ lực bản xứ) được tiếp viện cho lòng chảo. Đại tá Christian de Castries (trong thời gian chiến dịch được thăng hàm Chuẩn tướng) là Chỉ huy trưởng tập đoàn cứ điểm. Hỏa lực pháo binh được bố trí thành hai căn cứ: một ở Mường Thanh, một ở Hồng Cúm. Chúng có thể linh hoạt yểm trợ lẫn nhau và cho tất cả các cứ điểm khác khi bị tiến công. Ngoài hỏa lực chung của tập đoàn cứ điểm, mỗi trung tâm đề kháng còn có hỏa lực riêng, bao gồm nhiều súng cối các cỡ, súng phun lửa, và các loại súng bắn thẳng bố trí thành hệ thống vừa tự bảo vệ, vừa yểm hộ cho những cứ điểm xung quanh. Hỗ trợ cho Điện Biên Phủ là lực lượng không quân hùng hậu của Liên hiệp Pháp, và không quân dân sự Mỹ. Tổng cộng Pháp huy động 100 máy bay C-47 Dakota, cộng thêm 16 máy bay C-119 của Mỹ. Máy bay ném bom gồm 48 chiếc B-26 Invader, 8 oanh tạc cơ hạng nặng Privater. Máy bay cường kích có 227 chiếc gồm F6F Hellcat, F8F Bearcat và F4U Corsair. Điện Biên Phủ có hai sân bay. Sân bay chính ở Mường Thanh, và sân bay dự bị ở Hồng Cúm, nối liền với Hà Nội, Hải Phòng bằng một cầu hàng không, trung bình mỗi ngày có gần 100 lần chiếc máy bay vận tải tiếp tế khoảng 200 - 300 tấn hàng, và thả dù khoảng 100 - 150 tấn. Tất cả các pháo và súng cối cũng như tất cả đạn pháo, đạn cối của Pháp đều được đưa trực tiếp từ Mỹ tới. Ngày 22 tháng 3, Tổng thống Mỹ Eisenhower chỉ thị cho Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân phải giải quyết cấp tốc các yêu cầu của Navarre. Một cầu hàng không được Mỹ thiết lập từ Nhật Bản, Nam Triều Tiên, Đài Loan, Philippines đến Bắc Bộ, rồi từ sân bay Cát Bi, Gia Lâm lên Điện Biên Phủ để đáp ứng kịp thời nhu cầu của quân Pháp, thậm chí cả những chiếc dù để thả hàng. Theo Bernard Fall, việc tiếp tế bằng đường hàng không của Mỹ cho Điện Biên Phủ đã tiêu thụ 82.296 chiếc dù, đã "bao phủ cả chiến trường như tuyết rơi, hoặc như một tấm vải liệm". Mỹ còn viện trợ cho Pháp loại bom mới Henlipholit, bên trong chứa hàng ngàn mảnh câu sắc nhằm sát thương hàng loạt bộ binh đối phương. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ gồm ba phân khu yểm hộ lẫn nhau. Mỗi cứ điểm đều có khả năng phòng ngự độc lập. Nhiều cứ điểm được tổ chức lại thành cụm cứ điểm, gọi là "trung tâm đề kháng theo kiểu phức hợp", có lực lượng cơ động, hỏa lực riêng, hệ thống công sự vững chắc, chung quanh là hào giao thông và hàng rào dây kẽm gai, khả năng phòng ngự khá mạnh. Mỗi một phân khu gồm nhiều trung tâm đề kháng kiên cố như vậy. Mỗi trung tâm đề kháng, cũng như toàn bộ tập đoàn cứ điểm, đều có hệ thống công sự nằm chìm dưới mặt đất, chịu được tác động của đạn pháo 105mm. Hệ thống công sự phụ (hàng rào, bãi dây thép gai, bãi mìn) dày đặc, hệ thống hỏa lực rất mạnh. Pháp đã rải xuống hàng ngàn km dây kẽm gai, chôn hàng vạn các loại mìn: mìn phát sáng, mìn sát thương, mìn cóc nhảy, hay mìn chứa xăng khô napalm để thiêu cháy hàng loạt bộ binh. Phương tiện chống đạn khói, máy hồng ngoại tuyến bắn đêm, áo chống đạn, súng phóng lựu hiện đại nhất cũng được cung cấp. Theo đánh giá thì khu trung tâm tập đoàn cứ điểm chỉ rộng khoảng 2,5 km vuông đã có tới 12 khẩu 105mm, 4 khẩu 155mm, 24 khẩu cối 120mm và 81mm và một số dự trữ đạn dược khổng lồ (tương đương từ 6 đến 9 cơ số đạn trước trận đánh, hơn 100.000 viên) là quá mạnh. Navarre đã viết trong hồi ký: "Tất cả đều có những cảm tưởng thuận lợi trước sức mạnh phòng thủ của tập đoàn cứ điểm và tinh thần tốt của đạo quân đóng ở đây. Không một ai mảy may tỏ ý lo ngại... Chưa có một quan chức dân sự hoặc quân sự nào đến thăm (bộ trưởng Pháp và nước ngoài, những tham mưu trưởng của Pháp, những tướng lĩnh Mỹ) mà không kinh ngạc trước sự hùng mạnh của nó cũng như không bày tỏ với tôi tình cảm của họ".Đặc biệt, trước khi trận đánh diễn ra, đích thân Phó Tổng thống Mỹ Richard Nixon (sau này trở thành Tổng thống) đã lên thị sát việc xây dựng cụm cứ điểm để "đảm bảo cho khoản đầu tư của Mỹ ở Đông Dương được sử dụng hiệu quả". Những khó khăn của Việt Nam Về phía QĐNDVN, tuy có quân số đông hơn đối phương nhưng chưa có kinh nghiệm đánh công kiên lớn trên cấp tiểu đoàn. Theo lý thuyết quân sự "Ba công một thủ", bên tấn công phải mạnh hơn bên phòng thủ ít nhất là 3 lần cả về quân số lẫn hỏa lực thì mới là cân bằng lực lượng. Về quân số, QĐNDVN chỉ vừa đạt tỉ lệ này, nhưng về hỏa lực và trang bị thì lại kém hơn hẳn so với Pháp. Như các cuộc chiến tranh trước đó đã cho thấy, một nhóm nhỏ quân phòng thủ trong công sự kiên cố trên cao, sử dụng hỏa lực mạnh như đại liên có thể chặn đứng và gây thương vong nặng nề cho lực lượng tấn công đông hơn nhiều lần, đó gọi là lợi thế trên cao. Tiêu biểu như trận Iwo Jima, quân Mỹ dù áp đảo 5 lần về quân số và hàng chục lần về hỏa lực nhưng vẫn bị quân Nhật phòng thủ bằng súng máy và đại pháo trong các mỏm núi và lô cốt gây thương vong nặng nề (trận này quân Mỹ chịu thương vong còn cao hơn Nhật). Trong từng trận đánh cụ thể, việc tiếp cận đồn Pháp cũng không dễ dàng. Khi Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ ngày 20 tháng 11 năm 1953, một trong những công việc đầu tiên của họ là dồn hàng nghìn dân sống ở trung tâm Điện Biên Phủ vào khu vực bản Noong Nhai. Sau đó, quân Pháp dùng súng phun lửa và bom cháy san phẳng mọi lùm cây và chướng ngại vật trong thung lũng, để tạo điều kiện tối đa cho tầm nhìn và tầm tác xạ của các loại hỏa lực, tiếp đó là để lấy nguyên vật liệu nhằm xây dựng tập đoàn cứ điểm. Các loại hỏa lực như xe tăng, lựu pháo, súng cối, súng phóng lựu, súng không giật (DKZ), v.v... được bố trí để bắn ngay khi phát hiện mục tiêu, nếu cần thì có thể gọi cả máy bay ném bom. Để có thể xung phong tiếp cận căn cứ địch, bộ đội Việt Nam sẽ phải chạy khoảng 200m giữa địa hình trống trải dày đặc dây kẽm gai và bãi mìn, phải hứng chịu đủ loại hỏa lực của Pháp mà không hề có xe thiết giáp và chướng ngại vật che chắn. Chỉ huy Pháp tự tin rằng, nếu QĐNDVN chỉ biết học theo cái chiến thuật biển người mà Trung Quốc áp dụng ở Triều Tiên, thì quân tấn công dù đông đảo tới đâu cũng sẽ bị bom, pháo và đại liên Pháp tiêu diệt nhanh chóng. Thêm nữa, tuy quân Pháp bị bao vây vào giữa lòng chảo Điện Biên, Pháp ở đáy một chiếc mũ lộn ngược còn QĐNDVN ở trên vành mũ, nhưng đó là ở tầm quy mô chiến dịch. Từ đồn Pháp ra đến rìa thung lũng trung bình là 2 đến 3 km, vậy nên ở quy mô từng trận đánh thì Pháp lại ở trên cao, còn QĐNDVN phải ở dưới thấp tấn công lên. Quân Pháp cũng có dự trữ đạn pháo dồi dào hơn hẳn cùng với máy bay ném bom yểm trợ, nên áp đảo về hỏa lực: gấp 6 lần về đạn pháo và hơn tuyệt đối về không quân và xe tăng. Trung bình cứ 1 bộ đội Việt Nam phải hứng chịu 2 trái pháo, 1 trái bom và 6 viên đạn cối, trong khi không có xe tăng hay pháo tự hành để che chắn yểm trợ khi tiến công. Việc bắn tỉa cũng hoàn toàn không đơn giản. Giống như phục kích, không phải chỗ nào cũng có thể là chỗ bắn tỉa được. QĐNDVN tuy có lợi thế hơn, nhưng thường thì những địa điểm bắn tỉa hiệu quả chỉ tập trung vào một vài đoạn hào chủ yếu. Một khi quân Pháp đã kê súng máy, hay chiếm được lợi thế trước thì công việc bắn tỉa gần như là bất khả thi. Các loại súng bắn tỉa của bộ đội Việt Nam thời đó cũng khá là thô sơ (chủ yếu là MAS-36 thu được của quân Pháp hoặc là Mosin-Nagant được Trung Quốc viện trợ), phần lớn chỉ dùng thước ngắm cơ khí thông thường, nên với những khoảng cách lớn (trên 300m), việc bắn tỉa không có hiệu quả. Và đặc biệt khó khăn lớn nhất của QĐNDVN là khâu tiếp tế hậu cần. Phía Pháp cho rằng QĐNDVN không thể đưa pháo lớn (cỡ 105mm trở lên) vào Điện Biên Phủ, các khó khăn hậu cần của QĐNDVN là không thể khắc phục nổi nhất là khi mùa mưa đến. Navarre lý luận rằng Điện Biên Phủ ở xa hậu cứ Việt Minh 300–400 km, qua rừng rậm, núi cao, QĐNDVN không thể tiếp tế nổi lương thực, đạn dược cho 4 đại đoàn được, giỏi lắm chỉ một tuần lễ là QĐNDVN sẽ phải rút lui vì cạn tiếp tế. Trái lại quân Pháp sẽ được tiếp tế bằng máy bay, trừ khi sân bay bị phá hủy do đại bác của QĐNDVN. Navarre cho rằng trường hợp này khó có thể xảy ra vì sân bay ở quá tầm trọng pháo 105 ly của QĐNDVN, và dù QĐNDVN mang được pháo tới gần thì tức khắc sẽ bị máy bay và trọng pháo Pháp hủy diệt ngay. Vì các lý do trên, khi thiết lập tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, các tướng lĩnh Pháp và Mỹ đã đánh giá sai khả năng của đối phương và đều tự tin cho rằng Điện Biên Phủ là "pháo đài bất khả chiến bại", là "cái bẫy để nghiền nát chủ lực Việt Minh". Nếu QĐNDVN tấn công sẽ chỉ chuốc lấy thảm bại. Tướng Cogny đã trả lời phỏng vấn rằng: "Chúng tôi đã có một hỏa lực mạnh đủ sức quét sạch đối phương đông gấp 4-6 lần… Tôi sẽ làm tất cả để bắt tướng Giáp phải "ăn bụi" và chừa cái thói muốn đóng vai một nhà chiến lược lớn". Tướng Navarre nhận xét: "Làm cho Việt Minh tiến xuống khu lòng chảo! Đó là mơ ước của Đại tá Castries và toàn ban tham mưu. Họ mà xuống là chết với chúng ta... Và cuối cùng, chúng ta có được cái mà chúng ta đang cần: đó là mục tiêu, một mục tiêu tập trung mà chúng ta có thể " quất cho tơi bời". Charles Piroth, chỉ huy pháo binh thì tự đắc: "Trọng pháo thì ở đây tôi đã có đủ rồi… Nếu tôi được biết trước 30 phút, tôi sẽ phản pháo rất kết quả. Việt Minh không thể nào đưa được pháo đến tận đây; nếu họ đến, chúng tôi sẽ đè bẹp ngay... và ngay cả khi họ tìm được cách đến, tiếp tục bắn, họ cũng không có khả năng tiếp tế đầy đủ đạn dược để gây khó khăn thật sự cho chúng tôi!" Pierre Schoenderffer, phóng viên mặt trận của Pháp, nhớ rõ câu trả lời của Piroth: "Thưa tướng quân, không có khẩu đại bác nào của Việt Minh bắn được 3 phát mà không bị pháo binh của chúng ta tiêu diệt!"Các nỗ lực hậu cần Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam cùng với Tổng cục Cung cấp đã tính toán rằng: Bước đầu, ta phải huy động cho chiến dịch ít nhất 4.200 tấn gạo (chưa kể gạo cho dân công), 100 tấn rau, 100 tấn thịt, 80 tấn muối và 12 tấn đường. Tất cả đều phải vận chuyển qua chặng đường dài 500 km phần lớn là đèo dốc hiểm trở, máy bay Pháp thường xuyên đánh phá. Theo kinh nghiệm vận tải đã tổng kết ở chiến dịch Tây Bắc (năm 1952), nếu dùng dân công gánh gạo bằng đòn gánh thì để có 1 kg gạo đến đích phải có 24 kg ăn dọc đường. Vậy nếu cũng vận chuyển hoàn toàn bằng dân công gánh bộ, muốn có số gạo trên phải huy động từ hậu phương hơn 100.000 tấn gạo, và phải huy động hơn 2 triệu dân công để gánh. Cả hai con số này đều cao gấp nhiều lần so với nguồn lực có thể huy động được. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy đã đề ra những giải pháp quyết đoán và đầy sáng tạo. Một mặt, Hồ chủ tịch động viên nhân dân và các dân tộc thiểu số ở Tây Bắc ra sức tiết kiệm lương thực để đóng góp ngay tại chỗ. Mặt khác, Hồ chủ tịch lại động viên dân công phối hợp với công binh ra sức đẩy mạnh việc làm đường, sửa đường, huy động tối đa các phương tiện vận chuyển như: xe ngựa, xe đạp thồ, thuyền bè... nhằm giảm đến mức tối đa lượng lương thực, thực phẩm bị tiêu thụ dọc đường vận chuyển do phải đưa từ xa tới. Số dân công chỉ tính từ trung tuyến trở lên, đã cần tới 14.500 người. Về chuẩn bị đường sá, các con đường thuộc tuyến chiến dịch đều phải bảo đảm vận chuyển bằng ô tô. Trước đây, để chuẩn bị đánh Nà Sản, con đường 13 từ Yên Bái lên Tạ Khoa đã sửa chữa xong, nhưng lúc này cần tiếp tục tu bổ thêm. Đường từ Mộc Châu đi Lai Châu rất xấu, phải sửa chữa nhiều. Phân công cho Bộ Giao thông Công chính phụ trách đường 13 lên tới Cò Nòi, và đường 41 từ Mộc Châu lên Sơn La, bộ đội phụ trách quãng đường 41 còn lại từ Sơn La đi Tuần Giáo, và từ Tuần Giáo đi Điện Biên Phủ (sau này gọi là đường 42). Hai trung đoàn bộ binh cùng bộ đội công binh và hàng ngàn dân công được huy động để mở rộng 89 km đường và tu sửa 100 cầu hư hỏng trên đường Tuần Giáo - Điện Biên Phủ để ô tô gấp rút chuyển gạo và đạn cho các đơn vị. Hậu cần chiến dịch còn tổ chức tuyến vận tải bộ Sơn La - Mường Luân - Nà Sang bảo đảm cho các đơn vị ở Hồng Cúm; tổ chức thuyền, bè mảng theo sông Nậm Na chuyển 1.700 tấn gạo do Trung Quốc viện trợ từ Ba Nậm Cúm về Lai Châu. Thời gian tiến hành từ tháng 12 năm 1953. Trong giai đoạn chuẩn bị, các lực lượng cầu đường đã làm mới 89 km và sửa chữa nâng cấp được 500 km đường. Lần đầu tiên xe cơ giới đã được huy động hàng loạt để chở số lượng lớn người và phương tiện để tiếp cận chiến trường. Toàn bộ 16 đại đội xe ô tô vận tải (534 xe) của Tổng cục Cung cấp đã được sử dụng (tuyến chiến dịch sử dụng 446 xe); có thời gian còn được tăng cường 94 xe của các các đơn vị binh chủng. Để một lực lượng mạnh cho chiến dịch Điện Biên Phủ, phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã huy động tối đa về sức người và sức của: hàng vạn dân công và bộ đội làm đường dã chiến trong khoảng thời gian cực ngắn, dưới các điều kiện rất khó khăn trên miền núi, lại luôn bị máy bay Pháp oanh tạc. Các dân công từ vùng do Việt Minh kiểm soát ở miền xuôi đi tiếp tế lên Điện Biên bằng gánh gồng, xe đạp thồ kết hợp cùng cơ giới để đảm bảo hậu cần cho chiến dịch. Đội quân gồm thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, được huy động tới hàng chục vạn người (gấp 5 lần số bộ đội chủ lực) và được tổ chức biên chế như quân đội. Một trong những lực lượng quan trọng phục vụ hậu cần cho chiến dịch là đội xe thồ trên 2 vạn người, với năng suất tải mỗi xe chở được 200–300 kg, kỷ lục lên đến 352 kg (người đó là ông Ma Văn Thắng, chỉ huy đội dân công hơn 10 người ở Thanh Ba (Phú Thọ). Hiện nay, tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam có trưng bày chiếc xe đạp thồ của ông Thắng). Xe thồ được cải tiến có thể cho năng suất chở hàng cao hơn gấp hơn 10 lần dân công gánh bộ. Đồng thời, xe thồ cũng làm giảm được mức tiêu hao gạo ăn dọc đường cho người chuyên chở. Ngoài ra, xe thồ còn có thể hoạt động tốt trên cả những tuyến đường ghồ ghề, sình lầy, lắm bùn đất mà ô tô không thể đi được. Chính phương tiện vận chuyển thô sơ này đã gây nên sự bất ngờ lớn ngoài tầm dự tính của các chỉ huy Pháp, làm đảo lộn toàn bộ những tính toán, dự đoán trước đây của Pháp khi cho rằng Việt Minh không thể bảo đảm hậu cần cho một chiến dịch lớn, dài ngày trong các điều kiện phức tạp như vậy được. Trong một tháng, bộ đội và thanh niên xung phong đã làm được một khối lượng công việc đồ sộ. Con đường Tuần Giáo - Điện Biên Phủ, dài 82 km, trước đây chỉ rộng 1 m, đã được mở rộng và sửa sang cho xe kéo pháo vào cách Điện Biên 15 km. Từ đây, các khẩu pháo được kéo bằng tay vào trận địa trên quãng đường dài 15 km. Đường kéo pháo rộng 3 mét, chạy từ cửa rừng Nà Nham, qua đỉnh Pha Sông cao 1.150 mét, xuống Bản Tấu, đường Điện Biên Phủ - Lai Châu, tới Bản Nghễu, mở mới hoàn toàn. Để bảo đảm bí mật, đường được ngụy trang toàn bộ, máy bay trinh sát Pháp khó có thể phát hiện. Tổng cộng trong thời gian tiến hành chiến dịch, Việt Minh đã huy động được hơn 261.451 dân công từ các dân tộc Tây Bắc, Việt Bắc, Liên khu 3, Liên khu 4…, 20.991 xe đạp thồ, 11.800 bè mảng, đóng góp cho chiến dịch 25.000 tấn lương thực. Ngoài ra, từ Thanh Hóa, Hòa Bình, Vĩnh Yên, Phúc Yên, Thái Nguyên, Phú Thọ… cũng đã huy động được hơn 7.000 xe cút kít, 1.800 xe trâu, 325 xe ngựa, hàng chục ngàn xe đạp thồ để phục vụ hậu cần chiến dịch. Trừ số tiêu hao dọc đường, số hàng tới được mặt trận để cung cấp cho quân đội là 14.950 tấn gạo, 266 tấn muối, 62 tấn đường, 577 tấn thịt, 565 tấn lương khô, 1.200 tấn đạn, 1.733 tấn xăng dầu và 177 tấn vật chất khác. Số lượng hàng hóa bảo đảm cho hơn 87.000 người tham gia chiến dịch, trong đó 53.830 là bộ đội chủ lực (dự kiến 35.000 người) và 33.300 thanh niên xung phong/dân công phục vụ chiến dịch; vận chuyển và cứu chữa 8.458 thương bệnh binh (dự kiến 5.000) Để ngăn chặn, máy bay Pháp đã không kích 1.186 trận vào các tuyến giao thông, ngày cao nhất sử dụng 250 lần máy bay ném bom (có cả máy bay B-26). Các đèo Lũng Lô, Pha Đin, các đầu mối giao thông Cò Nòi, Tuần Giáo, bến phà Tạ Khoa... thành trọng điểm đánh phá, có ngày Pháp ném xuống Cò Nòi và đèo Pha Đin 160-300 quả bom các loại. Để bảo đảm giao thông thông suốt, Bộ chỉ huy Chiến dịch đã sử dụng 2 tiểu đoàn pháo cao xạ 37 mm, các tiểu đoàn súng máy 12,7mm bắn máy bay; 4 tiểu đoàn công binh cùng hàng vạn dân công bám các trục đường để sửa chữa cả ngày lẫn đêm. Từ tuyến trung tuyến trở lên đã sửa được 308 km đường ô tô, làm mới 63 km đường kéo pháo, phá 102 thác để tổ chức vận tải thủy trên sông Nậm Na. Tổng khối lượng đào đắp lên tới 35.000m3 đất, 15.000m3 đá, phá hàng ngàn quả bom nổ chậm. Vì vậy, trong suốt Chiến dịch “...hiếm có đoạn đường nào bị đứt quá 24 giờ. Hơn nữa, trong thời gian đường bị cắt đứt, việc vận chuyển vẫn được tiếp tục bằng cách chuyển tải hoặc đi vòng đường khác”. Ngoài ra, các chỉ huy pháo binh Pháp cũng đã đánh giá quá sai lầm khả năng tác chiến bằng pháo binh của QĐNDVN khi cho rằng với địa hình rừng núi quá hiểm trở, không có đường giao thông nên đối phương không thể nào có năng lực mang được các loại pháo cỡ lớn (lựu pháo 105mm và pháo phòng không 37 mm) vào Điện Biên Phủ tham chiến mà chỉ có thể mang loại pháo nhẹ là sơn pháo 75 mm trợ chiến mà thôi. Trong thực tế chiến đấu, tất cả vũ khí của quân Pháp trong trận này đều là do không quân vận tải từ các sân bay ở Bắc Bộ vận chuyển đến. Các tướng Pháp ngạo mạn cho rằng xe vận tải của Quân đội Nhân dân Việt Nam không thể chạy tới Điện Biên Phủ được. Tuy nhiên, những người lính pháo binh của QĐNDVN đã đáp trả lại sự ngạo mạn của các chỉ huy Pháp bằng cách khôn khéo tháo rời những chi tiết có thể tháo rời được một cách đơn giản và dễ dàng của khẩu pháo (như bệ pháo, tấm chắn, quy-lát pháo,...) rồi dùng sức người để vận chuyển đến trận địa. Sau khi đến trận địa thì bộ đội pháo binh Việt Minh tiến hành lắp ráp những chi tiết này lại với nhau một cách bí mật, nhanh chóng và chính xác. Bằng cách thức đơn giản đó, bộ đội pháo binh Việt Nam đã đưa được thành công những khẩu lựu pháo 105 mm nặng tới 2,2 tấn (hay những cỗ pháo phòng không 37mm nặng 2,1 tấn) lên bố trí sâu trong các hầm pháo được lính công binh khoét vào sâu bên trong các lòng núi, sườn đồi. Bộ đội pháo binh Việt Minh đã xây dựng các trận địa pháo cực kì bí mật, an toàn nhưng lại rất nguy hiểm với quân Pháp. Từ trên cao, những trận địa này khống chế rất tốt lòng chảo Điện Biên Phủ mà lại cực kỳ an toàn trước bom và pháo của đối phương. Với thế trận hỏa lực này, các khẩu pháo của QĐNDVN được đặt chỉ cách mục tiêu chừng 5–7 km, chỉ bằng một nửa tầm bắn tối đa để mỗi phát đạn được bắn ra phải chính xác hơn, ít tốn đạn và sức công phá cũng cao hơn, thực hiện đúng nguyên tắc "hỏa khí phân tán, hỏa lực tập trung" được đại tướng Võ Nguyên Giáp đề ra, từ nhiều hướng bắn chụm vào một trung tâm. Ngược lại, pháo binh Pháp lại bố trí ở ngay giữa trung tâm, phơi mình trên trận địa, nhanh chóng trở thành mục tiêu cho pháo Việt Minh ngắm thẳng vào phản pháo, bắn phá. Các trang bị vũ khí (pháo binh và đạn dược) chủ yếu do Trung Quốc viện trợ. Theo Đại tướng Lê Đức Anh nhận xét trong hồi ký của ông thì "Ở Điện Biên Phủ, nếu không có lựu pháo, vũ khí, đạn dược và quân trang quân dụng của Trung Quốc giúp đỡ thì Việt Nam khó giành được thắng lợi". Mặc dù vậy, lượng viện trợ không có nhiều và việc vận chuyển cũng rất khó khăn. Việc sử dụng đạn pháo cũng như đạn cối của QĐNDVN trong chiến dịch phải rất tiết kiệm. Trước mỗi trận đánh có hiệp đồng binh chủng, số lượng đạn pháo và đạn cối đều phải được duyệt trước. Ngoài ra, các trung đoàn, đại đoàn muốn xin pháo (hoặc cối) bắn chi viện thì cứ từ 3 viên đạn phải được phép của Tham mưu trưởng chiến dịch xác nhận, còn từ 5 viên đạn trở lên phải được đích thân Tổng Tư lệnh là đại tướng Võ Nguyên Giáp kí duyệt. Bởi với dự trữ chỉ có khoảng hơn 10.000 viên đạn pháo 105mm và khoảng vài nghìn viên đạn cối các cỡ khác nhau, nếu bắn cấp tập theo kiểu "nã thẳng tay" như Pháp thì các khẩu pháo cũng như cối của Việt Nam sẽ hết sạch đạn chỉ sau vài ngày. Bên cạnh đó, các chỉ huy pháo binh QĐNDVN còn lập trận địa giả để nghi binh – dùng những thanh gỗ sơn thui đen rồi sắp xếp lại thành những khẩu pháo giả, ghếch nòng lên. Khi trận địa thật khai hỏa thì chiến sĩ phụ trách nghi binh từ trong công sự chui ra rồi tung từ 1 đến 3 quả bộc phá loại nhỏ (mỗi quả chứa khoảng từ 2,5 đến 3 kg thuốc nổ) lên trên không thật cao. Xong xuôi, anh ta sẽ chạy thật nhanh ra khỏi khu vực đó. Máy bay trinh sát Pháp sẽ nghĩ đó là pháo Việt Minh nên sẽ phát tín hiệu cho pháo binh và không quân Pháp tiến hành bắn phá tơi bời. Sau khi mất khoảng 80% bom đạn để đánh các "khẩu pháo" giả của Việt Minh thì các chỉ huy Pháp mới nhận ra là mình đã bị Việt Minh lừa cho một vố đau. Những khẩu pháo thật được bộ đội pháo binh cất giữ trong núi, hầm và được ngụy trang kỹ. Suốt chiến dịch, pháo binh QĐNDVN chỉ hỏng một pháo 105mm (Khẩu pháo này vốn đã bị hỏng hóc tương đối nhiều từ lúc mà Trung Quốc tiến hành hỗ trợ cho Việt Minh một lô 20 khẩu pháo 105mm mà họ thu giữ được từ tay quân đội Tưởng Giới Thạch trong thời kỳ Nội chiến Trung Quốc, những khẩu pháo 105mm này vốn do Hoa Kỳ chế tạo và viện trợ cho quân đội Tưởng Giới Thạch trong suốt Thế chiến 2 và thời kỳ nội chiến Trung Quốc). Đây là một nguyên nhân làm cho pháo binh Pháp dù có các thiết bị phản pháo hiện đại vẫn bị thất bại. Tướng Võ Nguyên Giáp về sau nhận xét: "Thực tế kinh nghiệm này của chiến dịch Điện Biên Phủ đã trở thành truyền thống chiến đấu dùng thô sơ đánh hiện đại của quân đội ta trong suốt chiều dài chống Mỹ cứu nước". Còn tướng Paul Ély, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Pháp khi diễn ra trận Điện Biên Phủ, sau này nhận định: "Một lần nữa, kỹ thuật lại bị thua bởi những con người có tâm hồn và một lòng tin". Chuyển đổi phương án tác chiến Ngày 14 tháng 1 năm 1954 tại hang Thẩm Púa, tướng Giáp và Bộ Chỉ huy chiến dịch phổ biến lệnh tác chiến bí mật với phương án "đánh nhanh thắng nhanh" và ngày nổ súng dự định là 20 tháng 1. Nhiệm vụ thọc sâu giao cho Đại đoàn 308, đại đoàn chủ lực đầu tiên của Bộ. Đại đoàn 308 sẽ đánh vào tập đoàn cứ điểm từ hướng Tây, xuyên qua những vị trí nằm trên cánh đồng, thọc thẳng tới Sở Chỉ huy của de Castries. Các Đại đoàn 312, 316 nhận nhiệm vụ, đột kích vào hướng Đông, nơi có những cao điểm trọng yếu. Phương án này đặt kế hoạch tiêu diệt Điện Biên Phủ trong 3 ngày đêm bằng tiến công ồ ạt đồng loạt, thọc sâu, đã được Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Quân ủy Trung ương cùng Bộ Tổng Tham mưu phê duyệt với sự nhất trí của đoàn cố vấn quân sự trung ương Trung Quốc, bởi đánh sớm khi Pháp chưa tập trung đủ lực lượng và củng cố công sự thì có nhiều khả năng giành chiến thắng. Do một đơn vị trọng pháo QĐNDVN vào trận địa chậm nên ngày nổ súng được quyết định lùi lại thêm 5 ngày, đến 17 giờ ngày 25 tháng 1. Sau đó, do tin về ngày nổ súng bị lộ, Pháp biết được, Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định hoãn lại 24 giờ, chuyển sang 26 tháng 1. Đêm 25 tháng 1, sau cả một ngày dài suy nghĩ, tướng Giáp quyết định phải cho lui quân vì ông nhận thấy ba khó khăn rõ rệt: Bộ đội chủ lực cho đến thời điểm đó chưa thành công lắm trong việc đánh các công sự nằm liên hoàn trong một cứ điểm. Ví dụ điển hình nhất là trận Nà Sản (1953), bộ đội Việt Minh đã không thành công, và bị tử thương nhiều. Trận này là một trận đánh hiệp đồng lớn, nhưng pháo binh và bộ binh chưa qua tập luyện kĩ lưỡng, chưa qua diễn tập nhiều QĐNDVN từ trước chỉ quen tác chiến ban đêm ở những địa hình dễ ẩn náu, chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc công đồn ban ngày trên địa hình bằng phẳng, nhất là với một đối phương có ưu thế tập trung máy bay, pháo binh, xe tăng chi viện như quân Pháp. Tướng Giáp cho rằng phương án "đánh nhanh thắng nhanh" mang nhiều tính chủ quan, không đánh giá đúng thực lực hai bên, không thể đảm bảo chắc thắng. Ông kiên quyết tổ chức lại trận đánh theo phương án "đánh chắc, tiến chắc", đánh dài ngày theo kiểu "bóc vỏ" dần dần tập đoàn cứ điểm. Cuộc họp Đảng ủy, Bộ Chỉ huy QĐNDVN sáng 26 tháng 1 không đi đến được ý kiến thống nhất tuy không ai tin rằng trận này sẽ chắc thắng. Tuy nhiên, tướng Giáp quyết định hoãn cuộc tấn công chiều hôm đó. Ông kết luận: Để bảo đảm nguyên tắc cao nhất là "đánh chắc thắng", cần chuyển phương châm tiêu diệt địch từ "đánh nhanh thắng nhanh" sang "đánh chắc tiến chắc". Nay quyết định hoãn cuộc tiến công. Ra lệnh cho bộ đội trên toàn tuyến lui về địa điểm tập kết, và kéo pháo ra.Trong vòng gần 2 tháng sau đó, pháo được kéo ra, QĐNDVN tiếp tục đánh nghi binh, mở đường rộng hơn, dài hơn chung quanh núi rừng Điện Biên Phủ, rồi lại kéo pháo vào, xây dựng công sự kiên cố hơn, hào được đào sâu hơn, tiếp cận gần hơn căn cứ của quân Pháp, lương thảo, vũ khí từ hậu phương dồn lên cho mặt trận nhiều hơn. Tất cả chuẩn bị cho trận đánh dài ngày, có thể sang đến cả mùa mưa. Về chiến thuật tác chiến bộ binh, từ những kinh nghiệm thu được ở Hòa Bình, Nà Sản, Bộ Chỉ huy QĐNDVN chủ trương tiêu diệt dần từng trung tâm đề kháng, từng cứ điểm từ ngoài vào trong, thu hẹp phạm vi chiếm đóng cho tới lúc Pháp không còn sức kháng cự. Không sử dụng lối đánh xung phong trực diện mà dùng cách đánh vây lấn, đào hào áp sát cứ điểm địch. Cách đánh này cần một thời gian chuẩn bị và chiến đấu dài ngày, thường gọi là "Đánh chắc Tiến chắc", cũng còn được gọi là "đánh bóc vỏ". Bộ binh được đường hào che chắn và có được vị trí tiến công gần nhất có thể, sẽ hạn chế tối đa thương vong khi tấn công (xem thêm Chiến thuật công kiên). Sau này, tướng Giáp cho rằng đây là quyết định khó khăn nhất trong đời cầm quân của mình. Việc điều chỉnh phương châm tác chiến này kéo theo việc phải chuẩn bị lại hậu cần cho chiến dịch, nhu cầu hậu cần sẽ tăng lên gấp nhiều lần, diễn ra trong mùa mưa và phải bố trí lại sơ đồ các trận địa pháo, phải kéo pháo ra khỏi các sườn núi rồi kéo lại vào các vị trí mới. QĐNDVN đã quyết tâm thực hiện và đã thực hiện được với một nỗ lực rất lớn. Sau này khi tổng kết về chiến thắng của QĐNDVN tại Điện Biên Phủ, các tướng lĩnh và các nhà nghiên cứu của hai bên đều thống nhất được với nhau: một nguyên nhân chính làm nên chiến thắng của QĐNDVN tại trận đánh này là đã huy động được rất lớn nguồn sức người để đảm bảo hậu cần cho chiến dịch, một việc mà Pháp cho rằng không thể giải quyết được. Trong hồi ký Navarre cũng khẳng định: "Nếu tướng Giáp tiến công vào khoảng 25 tháng 1 như ý đồ ban đầu thì chắc chắn ông ta sẽ thất bại. Nhưng không may cho chúng ta, ông ta đã nhận ra điều đó và đây là một trong những lý do khiến ông ta tạm ngưng tiến công".Diễn biến Vòng vây Điện Biên Phủ Phát hiện lực lượng lớn của QĐNDVN đang tiến về lòng chảo Điện Biên, de Castries liên tục tung lực lượng giải tỏa các ngọn đồi. Theo nhà báo Bernard Fall thì từ ngày 6 tháng 12 năm 1953 đến 13 tháng 3 năm 1954, de Castries đã huy động một nửa lực lượng của tập đoàn cứ điểm vào những cuộc hành binh giải tỏa: "Theo những bản kê mới nhất từ Điện Biên Phủ gửi về, thiệt hại của binh đoàn đồn trú từ 20 tháng 11 đến 15 tháng 2 đã lên tổng số 32 sĩ quan, 96 hạ sĩ quan và 836 binh lính, tương đương với 10% số sĩ quan và hạ sĩ quan và 8% binh lính ở thung lũng. Nói cách khác, số tổn thất của người Pháp tương đương với một tiểu đoàn bộ binh nhưng số sĩ quan là của hai tiểu đoàn. Trong tổng số này còn chưa tính đến số thiệt hại của các đơn vị trong cuộc hành binh Pollux". Navarre đã viết trong cuốn hồi ký của mình: "Trong thời gian này, đại tá Castries thực hành những trận chiến đấu mạnh mẽ có tính thăm dò xung quanh Điện Biên Phủ. Ở khắp nơi, quân Pháp đều vấp phải những đơn vị bộ đội vững vàng và phòng ngự rất giỏi của địch. Chúng ta bị thiệt hại khá nặng nề. Rõ ràng là vòng vây chung quanh tập đoàn cứ điểm không hề bị rạn nứt". Tướng Gilles muốn phát hiện những nơi đóng quân của đối phương và chuẩn bị cho kế hoạch tiếp theo cuộc hành quân Castor, tức là đón đoàn quân từ Lai Châu rút xuống, rời bỏ pháo đài cuối cùng của Pháp ở vùng thượng du vì biết trước không thể nào đương đầu nổi với các Sư đoàn 308 và Sư đoàn 316 của Việt Minh. Cuộc hành quân rút khỏi Lai Châu được mang tên mật là Cuộc hành quân Pollux. Điều rủi ro là các sư đoàn Việt Nam có thể ngăn chặn cuộc rút quân từ Lai Châu về Điện Biên Phủ. Để hạn chế mối nguy hiểm này, Trung tá André Trancart, Chỉ huy Binh đoàn Tác chiến Tây Bắc đã nhận được chỉ thị phân chia số binh lính đóng ở Lai Châu làm ba bộ phận để rút lui. Giai đoạn ba của cuộc hành quân đã biến thành một cuộc chạy trốn hỗn loạn. QĐNDVN đã có mặt ở Lai Châu còn sớm hơn dự đoán của Pháp, lính chặn hậu của Pháp bị bộ đội chủ lực của Sư đoàn 316 đuổi đánh quyết liệt. Lính người Thái trang bị kém, thường chỉ thường dùng vào việc biệt kích phá hoại, không quen với chiến đấu chính quy đã bị đánh tan tác. Những tốp lính Thái đi chân đất chạy trốn, không còn lương thực, đạn dược. Sáng 10 tháng 12 năm 1953, 200 lính Thái này do Trung sĩ Blanc chỉ huy bị vây chặt ở Mường Pồn là một bản nhỏ cách Điện Biên Phủ 18 km, trên đường Pavie từ Điện Biên Phủ đi Lai Châu, và bị tiêu diệt toàn bộ sau 36 giờ chống cự. Tiểu đoàn Dù Lê dương tới chi viện bị phục kích, bộ đội Việt Nam áp sát đánh giáp lá cà bằng lưỡi lê và lựu đạn khiến các máy bay B-26 Invader (đến để ném bom chi viện) ném bom trúng cả quân Pháp lẫn bộ đội Việt Minh. Đại đội 2 thuộc Tiểu đoàn Dù Lê dương là đơn vị thương vong nặng nhất trong cuộc hành quân: 11 người bị chết, khoảng 30 người bị thương và bị bắt. Nếu so sánh với cánh quân lính Thái từ Lai Châu rút về mà lính Dù lê dương có nhiệm vụ đi đón thì thiệt hại của đơn vị Dù lê dương vẫn còn nhẹ. Khi rời khỏi Lai Châu ngày 8 tháng 12, toàn bộ các Đại đội lính Thái có tổng cộng 2.101 người trong đó có 3 sĩ quan, 34 hạ sĩ quan người Pháp. Khi những binh lính sống sót cuối cùng đến được Điện Biên Phủ ngày 20 tháng 12, chỉ còn lại có 1 sĩ quan là Trung úy Ulpat, 9 hạ sĩ quan và 175 lính Thái. Những chiến sĩ đặc công và bộ đội địa phương của QĐNDVN còn tổ chức đánh tập kích, tiêu hao lực lượng không quân Pháp tại các sân bay lớn như Gia Lâm, Cát Bi,...Đêm ngày 31/1/1954, 4 chiếc Douglas C-47 Skytrain bị đặc công Việt Nam đặt thuốc nổ phá hủy hoặc đánh hỏng nặng ở sân bay Đồ Sơn. Đêm ngày 5/3/1954, 16 chiến sĩ đặc công Việt Nam lại tổ chức đánh tập kích sân bay Gia Lâm, đặt thuốc nổ phá hủy hoặc làm hỏng nặng 10 máy bay của Pháp (2 chiếc Boeing 307, 5 chiếc Douglas C-47 Skytrain, 1 chiếc Bristol Freighter, 2 chiếc DHC-2 Beaver). Đêm ngày 7/3/1954, sân bay Cát Bi bị tấn công, 1 chiếc máy bay ném bom B-26 Invader và 6 chiếc Criquet bị phá hủy. Tổng cộng có 78 máy bay Pháp bị phá hủy hoặc bị đánh hỏng nặng trong các vụ tấn công kiểu như thế này. Tuy thế, giới chỉ huy Pháp vẫn rất tự tin vào chiến thắng. Bộ trưởng Quốc phòng René Pleven đã báo cáo với Chính phủ Pháp sau chuyến đi thị sát tình hình Đông Dương: "Tôi không tìm được bất cứ ai tỏ ra nghi ngờ về tính vững chắc của tập đoàn cứ điểm. Nhiều người còn mong ước cuộc tiến công của Việt Minh".Về phía QĐNDVN, công tác chính trị ngay trước trận đánh được triển khai một cách sâu rộng. Cán bộ, chiến sĩ được phổ biến chỗ mạnh, chỗ yếu của Pháp, những điều kiện tất thắng của mình. Ý nghĩa to lớn của chiến dịch thấm tới từng người: "Tiêu diệt tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của địch, đập tan kế hoạch Nava, đánh bại âm mưu kéo dài chiến tranh xâm lược của đế quốc Pháp - Mỹ, mở ra một cục diện mới cho kháng chiến".Tổng Quân ủy gửi thư hiệu triệu toàn thể cán bộ, đảng viên hoàn thành nhiệm vụ Trung ương Đảng đã trao. Nhân ngày kỷ niệm thành lập Quân đội Nhân dân 22 tháng 12 năm 1953, Hồ Chủ tịch đã trao cho mỗi đại đoàn, mỗi quân khu một lá cờ "Quyết chiến Quyết thắng" làm giải thưởng luân lưu. Các chi bộ đều mở hội nghị xác định thái độ đảng viên, kêu gọi đảng viên dẫn đầu trong chiến đấu, cắm bằng được lá cờ trên nóc sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm. Lá cờ Quyết chiến Quyết thắng đã trở thành một biểu tượng trong cả chiến dịch, trong mỗi trận đánh. Ngày 11 tháng 3 năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới các chiến sĩ: "Các chú sắp ra trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn nhưng rất vinh quang... Bác tin chắc rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới... Chúc các chú thắng to!"Cùng ngày, lệnh động viên toàn thể cán bộ, chiến sĩ mở cuộc tiến công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã được gửi tới các đơn vị: "Chiến dịch Điện Biên Phủ sắp bắt đầu! Đây là chiến dịch công kiên quy mô lớn nhất trong lịch sử quân đội ta... Đánh thắng ở Điện Biên Phủ, chúng ta sẽ phá tan kế hoạch Nava, giáng một đòn chí tử vào âm mưu mở rộng chiến tranh của bọn đế quốc Pháp - Mỹ. Chiến dịch thắng lợi sẽ có ảnh hưởng vang dội trong nước và ngoài nước, sẽ là một cống hiến xứng đáng vào phong trào hòa bình thế giới đòi chấm dứt chiến tranh ở Việt - Miên - Lào... Giờ ra trận đã đến! Tất cả các cán bộ và chiến sĩ, tất cả các đơn vị, tất cả các binh chủng hãy dũng cảm tiến lên, thi đua lập công, giật lá cờ Quyết chiến Quyết thắng của Hồ Chủ tịch". Chiến dịch diễn ra trong 55 ngày đêm nhưng các trận đánh không diễn ra liên tục, vì QĐNDVN có khó khăn trong hậu cần nên không thể tiến công liên tục mà chia thành các đợt tiến công. Sau mỗi đợt lại tổ chức lại quân số, bổ sung hậu cần. Đợt 1 Đợt 1 từ ngày 13 tháng 3 đến ngày 17 tháng 3, QĐNDVN tiêu diệt phân khu Bắc của tập đoàn cứ điểm. Các đơn vị được bố trí như sau: Đại đoàn 312 (thiếu Trung đoàn 165) tiến công tiêu diệt trung tâm đề kháng Him Lam. Trung đoàn 165 (312) và Trung đoàn 88 (Đại đoàn 308) tiêu diệt trung tâm đề kháng đồi Độc lập. Trung đoàn 36 (308) tiêu diệt trung tâm đề kháng Bản Kéo. Trung đoàn 57 (Đại đoàn 304) kiềm chế pháo binh đối phương ở Hồng Cúm. Để bảo đảm nguyên tắc "trận đầu phải thắng", tham mưu đã bố trí một lực lượng mạnh hơn quân Pháp gấp 3 lần, nếu kể cả lực lượng dự phòng thì gấp 5 lần, có kế hoạch phòng pháo, phòng không, chống phản kích, dự kiến các tình huống cơ bản và cách xử lý trong quá trình diễn biến chiến đấu đã được soạn và thực hành kĩ lưỡng. Công tác kiểm tra được thực hiện tỉ mỉ. Trận Him Lam Lúc 15 giờ ngày 13 tháng 3, các đơn vị của Đại đoàn 312 bắt đầu xuất phát tiến ra trận địa ở đồi Him lam. Lúc 17 giờ 05 phút chiều ngày 13 tháng 3 năm 1954, trận đánh bắt đầu. 40 khẩu pháo (sơn pháo 75mm và lựu pháo 105mm) và súng cối (các cỡ 60mm, 82mm, 120mm) của Việt Nam đồng loạt khai hỏa, bắn cấp tập vào cụm cứ điểm Him Lam (cụm cứ điểm Beatrice). Một viên đạn pháo 105mm rơi trúng Sở Chỉ huy Him Lam, giết chết Thiếu tá Chỉ huy trưởng Paul Pégot cùng với ba sĩ quan khác và cả chiếc điện đài. Him Lam mất liên lạc với Mường Thanh ngay từ đầu trận đánh. Một kho xăng bốc cháy sau khi lãnh 2 quả đạn cối 82mm của Việt Nam. Các trận địa pháo của Pháp ở Him Lam bị tê liệt hoàn toàn ngay từ đầu. 12 khẩu trọng pháo và súng cối của Pháp ở Him Lam bị đạn pháo và súng cối của Việt Nam đánh hỏng. Đường dây điện thoại từ phân khu trung tâm tới cứ điểm Him Lam bị cắt đứt. Nhiều hầm, hào, công sự sụp đổ. 18 máy bay Pháp đang đậu trên sân bay bị đạn pháo 105mm và đạn cối 120mm của Việt Nam phá hủy (trong đó có 3 chiếc Douglas C-47 Skytrain, 1 chiếc C-119, 1 chiếc C-46, 7 chiếc Criquet). Chỉ riêng trong trận mở màn thì pháo binh Việt Minh đã bắn hết 2.000 viên đạn pháo cùng với hàng nghìn viên đạn súng cối. Sau hơn 4 tiếng đồng hồ bắn pháo liên tục và dữ dội thì lính bộ binh của QĐNDVN xung phong tấn công như vũ bão vào cụm cứ điểm Him Lam (Béatrice). Sau hơn 3 giờ đồng hồ tấn công, lính của đại đoàn 312 đã xóa sổ tập đoàn cứ điểm Him Lam (Beatrice). Đến 23 giờ 30 đêm hôm đó, đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn đã báo cáo tới Bộ Chỉ huy chiến dịch: "Đại đoàn 312 đã hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt trung tâm đề kháng Him Lam, xóa sổ hoàn toàn Tiểu đoàn III/13e DBLE, thu giữ toàn bộ vũ khí, trang bị". Ngày hôm sau, đại đoàn 312 cho phép một xe jeep và một xe cứu thương kiểu Mỹ không mang theo vũ khí của Pháp chạy từ Mường Thanh lên Him Lam để thu lượm thương binh và xác lính Pháp. Trong trận đánh này, bộ đội Việt Nam tiêu diệt hoặc làm bị hơn 300 lính Pháp và bắt sống khoảng 200 lính, thu giữ được rất nhiều vũ khí, đạn dược. Ngày 14 tháng 3 năm 1954, đại đội Pháo cao xạ 815 (Trung đoàn pháo cao xạ 367) bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay trinh sát “Moran”, đây là chiếc máy bay đầu tiên của Pháp bị pháo cao xạ bắn rơi tại Điện Biên Phủ. Đại đội 815 được Ban chỉ huy Trung đoàn tặng cờ “Lập công đầu” và được Bộ Tổng tư lệnh thưởng Huân chương quân công Hạng 3. Trận đồi Độc lập Lúc 14 giờ 45 ngày 14 tháng 3, tướng Cogny đáp ứng yêu cầu của Castries là tăng cường ngay cho Điện Biên Phủ một tiểu đoàn Dù để duy trì số lượng của tập đoàn cứ điểm như trước khi nổ ra trận đánh: 12 tiểu đoàn bộ binh. Những chiếc C-47 Dakota liều lĩnh vượt qua lưới lửa do pháo phòng không tầm thấp của bộ đội Việt Minh bắn lên, bay thấp thu ngắn thời gian tiếp đất của những chiếc dù, vội vã ném xuống 16 lính dù của Tiểu đoàn 5e BPVN do Đại úy André Botella chỉ huy. Trong khi đó, phía QĐNDVN cũng triển khai bước tiếp theo. Nhiệm vụ tiến công đồi Độc Lập (Pháp gọi là Gabrielle) được giao cho Trung đoàn 165 (Đại đoàn 312) và Trung đoàn 88 (Đại đoàn 308) dưới quyền chỉ huy của Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308 Vương Thừa Vũ. Trung đoàn 165 đảm nhiệm mũi chủ yếu đột phá từ hướng đông - nam, đánh dọc theo chiều dài của cứ điểm. Trung đoàn 88 phụ trách mũi thứ yếu, đột phá từ hướng đông bắc, đồng thời mở một mũi vu hồi ở hướng tây, và bố trí lực lượng làm nhiệm vụ chặn viện từ Mường Thanh ra. Lúc 3 giờ 30 phút ngày 15, Chỉ huy trưởng trận đánh hạ lệnh tiến công, cả lựu pháo và sơn pháo lúc này lại lên tiếng. Lúc 4 giờ sáng, Chỉ huy trưởng cứ điểm Gabrielle là Thiếu tá Roland de Mecquenem báo cáo tình hình bằng điện đài và được Chỉ huy tập đoàn cứ điểm de Castries hứa sẽ yểm trợ pháo tối đa, kể cả pháo 155 ly, và sẽ có phản kích nhanh chóng bằng bộ binh và chiến xa. Không lâu sau đó, một trái đại bác rơi trúng hầm chỉ huy cứ điểm Gabrielle. Mecquenem may mắn thoát chết nhưng Thiếu tá Edouard Kah, người đang nhận bàn giao thay thế Mecquenem chỉ huy cứ điểm bị thương nặng. Đến 6 giờ 30 phút sáng ngày 15, QĐNDVN cắm cờ Quyết chiến Quyết thắng lỗ chỗ vết đạn trên đỉnh đồi Độc lập. Tiểu đoàn V/7e RTA bị xóa sổ, cả Kah, Mecquenem và những sĩ quan, binh lính sống sót đều bị bắt làm tù binh. Quân Pháp mở cuộc phản công dưới sự chỉ huy của Trung tá Pierre Langlais, chỉ huy trưởng phân khu Trung tâm thay cho Trung tá Jules Gaucher tử trận, huy động 2 tiểu đoàn Dù 8e BPC và 5e BPVN, tổng cộng 1.000 lính cùng 5 xe tăng, nhưng đang tiến quân thì bị lựu pháo 105mm cùng với súng cối 82mm và 120mm của bộ đội Việt Minh nã cập tấp, trúng đội hình nên bị đẩy lùi. Cũng sáng hôm đó, Trung tá Charles Piroth, chỉ huy pháo binh cứ điểm, sau hai đêm không thực hiện được lời hứa phá hủy các họng pháo của Việt Minh, đã tự sát trong hầm của mình bằng một trái lựu đạn. Jean Pouget viết trong hồi ký: "Trung tá Piroth đã dành trọn một đêm (13 tháng 3) quan sát hỏa lực dần dần bị đối phương phản pháo chính xác một cách kinh khủng vào trận địa pháo của ông, hai khẩu pháo 105 ly bị quét sạch cùng pháo thủ, một khẩu 155 ly bị loại khỏi vòng chiến đấu..." Trung tá André Trancart, chỉ huy phân khu Bắc, bạn thân của Piroth kể lại sau trận đồi Độc lập, Piroth khóc và nói: "Tôi đã mất hết danh dự. Tôi đã bảo đảm với Castries và Tổng Chỉ huy sẽ không để pháo binh địch giành vai trò quyết định, và bây giờ, chúng ta sẽ thua trận. Tôi đi thôi".Trận Bản Kéo Sáng ngày 17, đồn Bản Kéo (Anne-Marie) xôn xao vì có tin Việt Minh sắp tiến công. Buổi trưa, từng đám binh lính dân tộc Thái của Đèo Văn Long kéo tới gặp viên Đại úy đồn trưởng, nêu hai yêu sách: "Một, phải phát hết khẩu phần lương thực. Hai, giải tán đồn cho binh lính về quê hương làm ăn." Đại úy Clarchambre (Clácsăm) kinh hoàng điện cho Mường Thanh: "Chúng tôi buộc phải bỏ vị trí rút về khu trung tâm đây!" . Và Clarchambre mở cổng đồn, ra lệnh cho binh lính theo mình về sân bay. Nhưng binh lính không còn nghe theo lời chỉ huy, ào ào chạy về phía khu rừng. Clarchambre vội gọi điện về Mường Thanh, yêu cầu cho pháo bắn chặn đường rút chạy của binh sĩ Thái, nhưng cũng không ngăn cản được. Trung đoàn 36 chiếm gọn Bản Kéo mà không tốn một viên đạn. Thừa thắng xông lên, Trung đoàn 36 tiến thẳng vào Bản Kéo và chiếm gọn luôn cả các ngọn đồi ở phía bắc sân bay. Kết quả đợt 1 Chỉ sau năm ngày chiến đấu, cánh cửa phía bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã mở toang. Lực lượng phản kích Pháp không thể giành lại những vị trí đã mất, đặc biệt chỗ dựa của tập đoàn cứ điểm là sân bay đã bị pháo 105 và cối 120 của Việt Minh uy hiếp nghiêm trọng. Ngày 20/3/1954, Tổng Tham mưu trưởng Pháp - Ely, được phái sang Mỹ cầu viện. Ely phát biểu công khai: "Pháp không thể thắng được với phương tiện hiện có trong tay" và yêu cầu Mỹ tăng cường giúp đỡ vũ khí, đặc biệt là máy bay ném bom B-26, và nếu cần thì can thiệp bằng không quân. Ngay từ những ngày đầu (từ ngày 23 tháng 3), pháo binh của Việt Nam đã loại bỏ khả năng cất, hạ cánh của sân bay Mường Thanh và Hồng Cúm, từ đó trở đi các máy bay Pháp chỉ còn tiếp tế được cho tập đoàn cứ điểm bằng cách thả dù, điều này cho thấy cầu hàng không mà bộ chỉ huy Pháp đặt nhiều kỳ vọng thực tế là rất yếu ớt trước cách đánh áp sát, đánh giáp lá cà bằng lựu đạn và lưỡi lê của đối phương. Nói riêng về đạn pháo, trong cả quá trình chiến đấu tại Điện Biên Phủ, quân Pháp đã bắn hết hơn 110.000 quả đạn lựu pháo cỡ 105mm trở lên. Trong khi đó, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã bắn 17.500 quả 105mm, trong số này có khoảng 5.000 quả là thu được từ dù tiếp tế của đối phương, 11.700 quả đạn khác là chiến lợi phẩm từ Chiến dịch Biên giới năm 1950. Mới chưa hết ba ngày chiến đấu, quân Pháp ở Điện Biên Phủ đã tiêu thụ một số lượng đạn dược khổng lồ: 12.600 viên đại bác 105 ly, 10.000 viên đạn cối 120 ly, 3.000 viên đạn trọng pháo 155 ly, chiếm gần nửa số lượng đạn dự trữ. Thế nhưng, cay đắng thay, 11 khẩu súng cối cỡ 120 ly bị phá hủy hoàn toàn, và 4 khẩu đại bác cỡ 105mm và 155mm bị hỏng hóc quá nhiều, cần phải được thay thế và sửa chữa ngay. Trong khi đó, những khẩu pháo và súng cối của pháo binh Việt Minh vẫn chưa có dấu hiệu bị hư hại gì cả. Nhưng "con nhím Điện Biên Phủ" lúc này không chỉ cần có đạn dược và lương thực. Pháp cần vận chuyển cho binh đoàn đồn trú những thứ tối cần thiết không thể thả bằng dù, và di tản số thương binh đã làm cho những căn hầm cứu chữa dưới lòng đất bên bờ sông Nậm Rốm trở nên ngột ngạt. Nhưng do chiến hào của QĐNDVN đã vào gần, đặc biệt là sự tiếp cận của súng máy phòng không, những cuộc hạ cánh ban đêm trở nên hết sức khó khăn. Súng máy phòng không 12,7mm và pháo cao xạ 37mm của bộ đội Việt Minh đã trở thành nỗi kinh hoàng đối với những viên phi công Pháp và Mỹ. Các loại máy bay chiến đấu và vận tải, kể cả pháo đài bay B-26 của Hoa Kỳ, liên tiếp bị bắn rơi trên bầu trời Điện Biên Phủ. Ngay từ những ngày đầu của đợt 1 quân Pháp đã nhận ra những tính toán ban đầu của họ là quá sai lầm, dẫn tới các điểm yếu chết người và tương lai thất bại rõ ràng, nhưng họ vẫn tăng cường cầm cự Điện Biên Phủ đến mức tối đa vì hy vọng khi mùa mưa đến sẽ làm Quân đội Nhân dân Việt Nam không thể giải quyết vấn đề hậu cần và phải bỏ cuộc, Điện Biên Phủ sẽ tránh được việc phải đầu hàng. Sau đó khi mùa mưa không giúp được, Bộ Chỉ huy Pháp hy vọng cầm cự càng lâu càng tốt để Hội nghị Genève sẽ nhóm họp vào đầu tháng 5, sẽ có ngừng bắn trước khi tập đoàn cứ điểm sụp đổ. Nhưng hy vọng này cũng không có được, Điện Biên Phủ đầu hàng một ngày trước khi nhóm họp Hội nghị Genève về vấn đề Đông Dương. Tổng kết đợt 1, QĐNDVN đã tiêu diệt hoàn toàn 2 tiểu đoàn Pháp tinh nhuệ, 1 tiểu đoàn và 3 đại đội quân Pháp bị bắt, tổng cộng 2.000 lính đã bị loại khỏi vòng chiến đấu, 12 máy bay bị bắn rơi. Báo cáo kết luận tại Hội nghị sơ kết đợt 1 chiến dịch đã kết luận phải tiếp tục "nắm vững phương châm và chủ trương tác chiến, tích cực hoàn thành nhiệm vụ của giai đoạn 2". Đợt 2 Đợt 2 của chiến dịch diễn ra từ ngày 30 tháng 3 đến ngày 30 tháng 4, Quân đội Nhân dân Việt Nam đánh phân khu trung tâm và đặc biệt là dãy điểm cao quan trọng phía đông, vây lấn bóp nghẹt tập đoàn cứ điểm. Đây là đợt tiến công vào phân khu trung tâm chủ yếu nhằm chiếm dãy đồi phía đông khống chế cánh đồng Mường Thanh (các cụm Dominique và Eliane) với hơn một vạn quân, nằm trên dãy đồi phía đông và ken nhặt với nhau trên cánh đồng hai bên bờ sông Nậm Rốm. Hơn ba mươi cứ điểm ở đây được chia thành 4 trung tâm đề kháng mang tên những cô gái: Huguette, Claudine, Eliane, Dominique. Mỗi trung tâm đề kháng gồm nhiều cứ điểm. Huguette và Claudine gồm khoảng hai chục cứ điểm ở phía tây, nằm trên cánh đồng bằng phẳng bên hữu ngạn sông Nậm Rốm. Eliane và Dominique ở phía đông, gồm hơn một chục cứ điểm tiếp giáp nhau bên tả ngạn sông Nậm Rốm, có những cao điểm lợi hại kiểm soát toàn bộ trận địa khu trung tâm. Trong số các cao điểm này, Eliane 2 (đồi A1) giữ vai trò đặc biệt quan trọng, vì nó khống chế một phạm vi khá rộng gồm cả khu vực sở chỉ huy của de Castries và hai chiếc cầu trên sông Nậm Rốm. Chủ trương của Đảng ủy Mặt trận trong đợt 2 là tập trung ưu thế binh hỏa lực đánh chiếm đồng thời các cao điểm phía đông. Trong số này, có 5 cao điểm quan trọng. Đó là các cao điểm E, D1 thuộc trung tâm đề kháng Dominique và các cao điểm C1, C2, A1 thuộc trung tâm đề kháng Eliane. Đại đoàn 312, được phối thuộc hai đại đội sơn pháo 75 ly, hai đại đội súng cối 120 ly, một đại đội súng cối 82 ly có nhiệm vụ tiêu diệt các cao điểm E (Dominique 1), D1 (Dominique 2), D2 (Dominique 3) thuộc trung tâm đề kháng Dominique, và dùng một đơn vị thọc sâu đánh vào vị trí pháo binh Pháp ở cao điểm 210 (Dominique 6) và Tiểu đoàn Dù 5 hoặc Tiểu đoàn Dù 6 cơ động ở khu vực này. Đại đoàn 316 (thiếu một trung đoàn), được phối thuộc hai đại đội sơn pháo 75 ly, hai đại đội súng cối 120 ly, có nhiệm vụ tiêu diệt các cao điểm A1 (Eliane 2), C1 (Eliane 1), C2 (Eliane 4) thuộc trung tâm đề kháng Eliane, và phối hợp với các đơn vị khác tiêu diệt lực lượng Dù cơ động. Đại đoàn 308 có nhiệm vụ dùng hỏa lực kiềm chế pháo binh địch ở tây Mường Thanh, dùng bộ đội nhỏ tích cực dương công các cứ điểm 106 (Huguette 7) và 311 (trong cụm Huguette) ở phía tây, cử một tiểu đoàn tham gia bộ phận thọc sâu vào trung tâm khu đông, tiêu diệt Tiểu đoàn Thái số 2, trận địa pháo binh, phối hợp với Trung đoàn 98 của Đại đoàn 316 tiêu diệt lực lượng Dù cơ động. Trung đoàn 57 của Đại đoàn 304, được phối thuộc Tiểu đoàn 888 (Đại đoàn 316), một đại đội lựu pháo 105 ly, một đại đội súng cối 120 ly, 18 khẩu trọng liên cao xạ 12,7 ly DShK có nhiệm vụ kiềm chế các trận địa pháo binh địch ở Hồng Cúm, chặn quân tiếp viện từ Hồng Cúm lên Mường Thanh, và đánh quân nhảy dù ở xung quanh và phía nam Hồng Cúm. Đại đoàn 351 trực tiếp yểm hộ bộ binh tiến công các cứ điểm: A1 (Eliane 2), D1 (Dominique 2), C1 (Eliane 1), E (Dominique 1), chế áp pháo binh Pháp, sát thương và tiêu diệt một lực lượng cơ động Pháp ở trung tâm phía đông Mường Thanh, kiềm chế pháo binh đối phương. Các cao điểm phía đông 18 giờ ngày 30 tháng 3 năm 1954, đợt tiến công thứ hai vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bắt đầu. Tại cao điểm C1 (Eliane 1), QĐNDVN lần đầu mở rào bằng đạn phóng bộc lôi. Sau 5 phút Tiểu đoàn 215 của Trung đoàn 98 đã dọn xong cửa mở qua bảy lần rào dây thép gai, sau đó xung phong. Được sự hỗ trợ của pháo binh, trong 10 phút, Đại đội 38 đã chiếm được chiếc lô cốt nằm trên mỏm đất cao nhất nhô lên trên đỉnh đồi, được gọi là mỏm Cột Cờ, và cắm lá cờ Quyết chiến Quyết thắng lên nóc sở chỉ huy. Quân Pháp dồn về những lô cốt ở khu vực phía tây, gọi pháo bắn vào trận địa. Các chiến sĩ QĐNDVN xung kích dùng lưỡi lê, lựu đạn lao lên đánh giáp lá cà. Trận đánh diễn ra đúng 45 phút. Toàn bộ một đại đội 140 lính thuộc Tiểu đoàn I/4e RTM bị tiêu diệt hoặc bắt sống. Số thương vong của QĐNDVN chỉ là 10 người. Đồi C2 (Eliane 4) kế tiếp C1 bởi một dải đất hình yên ngựa. 23 giờ, một trung đội của Đại đội 35 đột nhập được một đoạn hào của C2, chiếm liên tiếp 11 lô cốt và ụ súng. Tuy nhiên lực lượng phía sau qua nhiều lần xung phong đều bị hỏa lực rất mạnh của Pháp cản lại. Tiểu đoàn 215 quyết định lui về C1 tiếp tục chuẩn bị tạo điều kiện tiến công C2 ban ngày. Tại cao điểm D1 (Dominique 2), Trung đoàn 209 sử dụng hai tiểu đoàn 166 và 154, thời gian mở cửa đột phá cũng diễn ra nhanh. Chỉ sau 5 phút, ở hướng chính, Tiểu đoàn 166 đã phá xong ba lượt hàng rào và xung phong vào căn cứ, thọc sâu chia cắt đội hình Pháp ra từng mảng để tiêu diệt. Tuy nhiên, ở hướng phụ, giao thông hào đã bị Pháp lấp mất 50 mét, Tiểu đoàn 154 tiến vào gặp lầy, mở cửa chậm bị hỏa lực trong đồn khống chế, phải mất gần một giờ mới lọt vào trong đồn. Viên Đại úy Garandeau, chỉ huy Tiểu đoàn III/3e RTA, bị pháo vùi chết trong hầm của sở chỉ huy. Sau hai giờ chiến đấu, QĐNDVN chiếm toàn bộ đồi D1. Tại cao điểm E (Dominique 1), pháo nổ đúng lúc diễn ra cuộc thay quân giữa một đại đội của Tiểu đoàn III/3e RTA với đại đội của Tiểu đoàn 5e BPVN tới thay thế đang tập trung dọc giao thông hào không có hầm trú ẩn. Toàn bộ quân số của 2 đại đội với đầy đủ trang bị, cùng đại đội súng cối hạng nặng nằm giữa vị trí bị pháo bắn tiêu diệt. Hai mũi tiến công của Tiểu đoàn 16 và Tiểu đoàn 428 (Trung đoàn 141) mở cửa qua hàng rào dây kẽm gai và bãi mìn và chiếm toàn bộ cứ điểm vào lúc 19 giờ 45 phút. Đại đoàn tiếp tục điều Tiểu đoàn 130 tiến công sang D2, các đơn vị vừa chiếm được đồi E phát triển vào các ngọn đồi ở phía trong. Cuộc chiến đấu kéo dài cho đến khi trời sáng. Tại đồi A1 (Eliane 2), Trung đoàn trưởng Nguyễn Hữu An chủ động ra lệnh cho hỏa lực của trung đoàn bắn vào cứ điểm yểm hộ cho xung kích mở cửa trong nửa giờ. Tuy nhiên, pháo binh Pháp lúc này đã kịp phản pháo, bắn dữ dội vào cửa mở. Mất hơn nửa giờ, hai mũi tiến công của các tiểu đoàn 251 và 249 mới vượt qua 100 mét rào và bãi mìn lọt vào đồn. Pháp đã dựa vào địa thế tự nhiên của quả đồi, bố trí công trình phòng thủ thành ba tuyến. Bên ngoài, ở tiền duyên là tuyến chống cự chủ yếu. Tuyến trung gian có đặt trận địa hỏa lực. Trên đỉnh đồi là tuyến cố thủ và sở chỉ huy. Trong cứ điểm có nhiều tuyến chiến hào và giao thông hào liên hoàn. Tất cả các lô cốt và hầm trú ẩn đều có nắp đậy, chịu được đạn súng cối và pháo. Lực lượng QĐNDVN bị tổn thất nhiều khi vượt qua cửa mở. Lúc này cuộc chiến đấu trên những cao điểm khác đã kết thúc, Pháp dồn tất cả hỏa lực đại bác và súng cối vào A1 mong cứu vãn tình hình. Các đợt xung phong của Tiểu đoàn 255 cũng không vượt qua hàng rào lửa đại bác. Quá nửa đêm, cuộc chiến đấu tại A1 diễn ra giằng co. Mỗi bên giữ được nửa đồi. Sở Chỉ huy nhận định: Bộ đội đã hoàn thành phần quan trọng nhiệm vụ đợt 2, nhưng vẫn chưa chiếm được cao điểm phòng ngự then chốt A1. Trung đoàn 174 đã sử dụng cả lực lượng dự bị, không còn khả năng giải quyết A1, Trung đoàn 98 đánh xuống C2 không thành công, đã bị tiêu hao, cần điều một đơn vị khác tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt A1, và phòng ngự ở C1 ban ngày. Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định: Các đơn vị khẩn trương tổ chức trận địa phòng ngự trên các cao điểm C1, D1, E, chuẩn bị đánh địch phản kích ban ngày, quyết không để địch chiếm lại. Đại đoàn 308 đưa Trung đoàn 102 từ phía tây sang phía đông, tiếp tục tiến công tiêu diệt A1 và phòng ngự tại C1. Các mỏm đồi có tính sống còn đối với tập đoàn cứ điểm, đặc biệt là các đồi A1 (Eliane 2), C1 (Eliane 1), D1 (Dominique 2). Một mặt, Pháp dựa vào hầm ngầm, lô cốt để cố thủ và đưa quân từ các điểm khác dùng xe tăng và lính dù, lính lê dương (légionnaire) phản kích các cứ điểm này vì có tính sống còn với quân Pháp. Ngày 31 tháng 3, Tiểu đoàn 8e BPC lợi dụng màn khói đại bác tiến lên Dominique 2. Lúc này lực lượng cảnh giới của QĐNDVN đã tử thương khi pháo Pháp bắn phá. Sau 25 phút, Pháp chiếm lại gần hết đồi D1, dồn đại đội phòng ngự vào một góc. Bộ đội Việt Nam dùng lựu đạn, lưỡi lê đánh lui những đợt phản kích của Pháp, quyết tử giữ mảnh đồi còn lại. Tuy đường dây điện thoại đã đứt, nhưng đài quan sát trung đoàn phát hiện kịp thời sự có mặt của quân Pháp trên D1, lập tức dùng pháo 105mm bắn chặn và điều lực lượng lên tăng viện. Hai đại đội chi viện đã đảo lộn thế trận. Đại úy Pichelin, chỉ huy đại đội Dù xung kích, tử trận. Thấy tình thế bất lợi, Tiểu đoàn trưởng Tourret yêu cầu Thiếu tá Bigeard tiếp viện thêm lực lượng. Bigeard đáp: "Tôi không còn gì trong tay. Nếu không giữ được nữa thì biến!" Sau 1 giờ chiến đấu, quân Pháp rút về Mường Thanh. Bigeard đã không chiếm lại được Dominique 2 mà còn phải bỏ luôn cả Dominique 5 (D3) do một đại đội Thái bảo vệ và rút trận địa pháo tại Dominique 5 (210), vì biết những cao điểm này không thể đứng vững nếu đã mất Dominique 2. 1 giờ 30 chiều cùng ngày, Bigeard trực tiếp chỉ huy hai tiểu đoàn dù 6e BPC và 5e BPVN tiến lên Eliane 1. Đại đội 273 của Trung đoàn 102 đã có mặt trên cao điểm từ buổi sáng cùng với bộ phận còn lại của Đại đội 35 Trung đoàn 98 đánh trả. Lần này Pháp chiếm được điểm cao Cột Cờ, đẩy những chiến sĩ phòng ngự vào thế bất lợi. Pháo binh không thể tiếp tục yểm hộ vì không phân biệt được vị trí 2 bên. Các chiến sĩ của ta đã lấy vải dù trắng buộc lên đầu súng làm chuẩn cho pháo binh. Trong lúc pháo nổ dồn dập, trung đoàn đưa một bộ phận tăng viện theo đường hào mới đào phía đồi D, cùng với những người phòng ngự đánh bật quân Pháp khỏi Cột Cờ, khôi phục lại trận địa. Đến 16 giờ chiều ngày hôm đó, Bigeard buộc phải ra lệnh rút lui, để lại trận địa gần 100 lính Pháp tử trận. Những cuộc phản kích của Pháp ngày 31 tháng 3 đã hoàn toàn thất bại. 10 giờ tối, Chỉ huy trưởng Phân khu Trung tâm Langlais gọi điện thoại cho Bigeard, hỏi có thể giữ được những gì còn lại trong đêm nay không! Bigeard trả lời: "Thưa Đại tá, chừng nào còn một người sống sót, tôi sẽ không bỏ Eliane [A1]". A1 đã trở thành "thành lũy cuối cùng" (dernier rempart) của tập đoàn cứ điểm. Giai đoạn đào hào, vây siết Để chống lại các cứ điểm phòng ngự kiên cố của quân Pháp, phía QĐNDVN đã áp dụng chiến thuật "vây lấn" rất có hiệu quả bằng việc đào các giao thông hào dần dần bao vây và siết chặt, tiếp cận dần vào các vị trí của Pháp. Những tuyến chiến hào dài khoảng hơn 100 km và việc đào công sự được thực hiện liên tục thường xuyên. Dựa trên những yêu cầu về chiến thuật, QĐNDVN đã xây dựng hai loại đường hào: đường hào trục dùng cho việc cơ động pháo, vận chuyển thương binh, điều động bộ đội với số lượng lớn và đường hào tiếp cận địch của bộ binh. Loại đường hào thứ nhất chạy một vòng rộng bao quanh toàn bộ trận địa địch ở phân khu trung tâm. Loại đường hào thứ hai chạy từ những vị trí trú quân của đơn vị trong rừng đổ ra cánh đồng cắt ngang đường hào trục, tiến vào vị trí sẽ tiêu diệt. Các loại đường hào này đều có chiều sâu tới 1,7 mét và không quá rộng để bảo đảm an toàn trước bom đạn địch, giữ bí mật cho bộ đội khi di chuyển. Đáy của đường hào bộ binh rộng 0,5 mét, trục đáy hào rộng tới 1,2 mét. Dọc đường hào, bộ binh có hố phòng pháo, hầm trú ẩn, chiến hào và ụ súng để đối phó với những cuộc tiến công của Pháp. Trận địa hào được xây dựng vào ban đêm, ngụy trang rất kỹ và triển khai cùng một lúc trên toàn thể mặt trận nên đã phân tán được sự đánh phá của Pháp. Việc đào hào, xây dựng trận địa cũng thực sự cũng là một cuộc chiến đấu. Bộ đội chủ lực cùng với lính công binh phải lao động cật lực từ 14 đến 18 tiếng mỗi ngày với những công việc liên tục như chuẩn bị vật liệu, đốn gỗ, chặt lá, ngụy trang, dùng cuốc, thuổng, xẻng đào đất, dựng hào, lấp hố (hố bom). Thời tiết lại không thuận lợi: mưa dầm, gió bấc, công sự lầy lội, bùn nước... dưới làn mưa bom bão đạn của quân Pháp. Bộ đội Việt Nam đã sáng tạo ra những “con cúi”. Những con cúi này được làm bằng những chiếc rọ tre (rọ bắt cá) tròn, dài khoảng 2m, đường kính khoảng 1 mét, bên trong rọ được nhồi đặc bằng những khúc gỗ hoặc thân cây chuối rừng để chắn đạn súng máy và đạn súng bắn tỉa của quân Pháp. Ban đêm, khi đội hình hàng dọc của tiểu đội tiếp cận trận địa, “con cúi” được lăn lên phía trước để chắn đạn cho bộ đội nằm trên mặt đất đào hào... Các chiến hào này giúp hạn chế đáng kể thương vong vì pháo binh vào sát được vị trí của quân đối phương, làm bàn đạp tấn công rất thuận lợi. Quân Pháp ngay từ ngày đầu tiên của trận đánh đã nhận thức rất rõ sự nguy hiểm của cách đánh này nhưng không có phương sách nào để khắc chế. QĐNDVN vây lấn đào hào cắt ngang cả sân bay, đào hào đến tận chân lô cốt cố thủ, khu vực kiểm soát của quân Pháp bị thu hẹp đến mức không thể hẹp hơn. Suốt ngày đêm, từng giờ, những chiến hào nổi, chiến hào ngầm của bộ đội nhích dần đến gần phân khu trung tâm. Từ những đoạn hào chỉ cách quân Pháp vài chục mét, bộ đội Việt Minh dùng ĐKZ (hoặc Bazooka) bắn sập những lô cốt, ụ súng, tạo điều kiện cho những chiến sĩ khác lao lên xung phong, tấn công kẻ địch. Chiến hào tiến vào gần còn mang cho quân Pháp nhiều tai họa khác. Hàng rào dây kẽm gai và bãi mìn dày đặc của cứ điểm lúc này lại trở thành những vật chướng ngại bảo vệ an toàn cho chính những người tiến công, vì nếu quân Pháp lao ra tấn công để phá hào (hoặc bỏ chạy) thì rất dễ đạp phải mìn hoặc vướng vào dây kẽm gai do chính tay bọn chúng chôn xung quanh cứ điểm với mật độ dày đặc. Bộ chỉ huy Việt Nam còn đẩy mạnh phong trào "săn Tây bắn tỉa", đẩy mạnh tiêu diệt địch bằng nhiều hình thức, nhằm làm cho quân Pháp càng bị tiêu hao quân số. Các tổ thiện xạ tìm những vị trí bất ngờ để phục kích, bắn tỉa như bụi rậm, bờ sông,.... Việc đi lấy nước dưới sông Nậm Rốm trở thành vô cùng khó khăn, về sau trở thành mạo hiểm với lính Pháp. Con số lính Pháp bị diệt trong thời gian này bằng bắn tỉa rất đáng kể. Chỉ trong vòng 10 ngày, các chiến sĩ bắn tỉa của Đại đoàn 312 diệt 110 lính Pháp, ngang với số quân bị loại khỏi vòng chiến đấu trong một trận công kiên. Chiến sĩ Đoàn Tương Líp của Trung đoàn 88 dùng một cây súng trường Lee-Enfield (cây súng này do Trung đoàn 88 của anh Líp thu được từ một tên hàng binh Pháp sau trận đồi Độc Lập diễn ra ngày 15/3/1954) với 9 viên đạn đã tiêu diệt 9 địch. Chiến sĩ Lục của Trung đoàn 165 trong một ngày bắn tỉa với 1 cây súng trường K-44 diệt được 30 địch. Ở Hồng Cúm, trong 15 ngày sau khi phát động phong trào bắn tỉa, Trung đoàn 57 đã diệt ngót 100 địch. Ở một đơn vị thuộc Đại đoàn 308 ở phía Tây, trong vòng 10 ngày, bốn tổ thiện xạ đã hạ được hơn 100 địch. Chiến sĩ Lâm Văn Vượng với 15 viên đạn súng trường MAS-36 diệt được 13 địch. Quân Pháp phải suốt cả ngày lẫn đêm đề phòng, lo lắng đủ thứ: lo tránh đạn pháo (ban ngày) rồi lại đến lính bắn tỉa Việt Nam (ban đêm) khiến cho quân Pháp càng ngày càng mệt mỏi về thể chất, rệu rã về tinh thần vì chiến đấu xong mà lại chẳng được nghỉ ngơi, lúc nào cũng trong trạng thái lo sợ mất ăn mất ngủ. Quân Pháp sống trong những điều kiện cực kỳ khủng khiếp. Trên diện tích 1 km vuông, một khoảng rộng bên bờ sông phải dành cho bệnh viện và cái "hố chung". Nếu tập đoàn cứ điểm không ngừng bị thu hẹp thì khu vực dành cho thương binh và người chết cũng không ngừng phát triển. Công binh Pháp ra sức đào thêm những nhánh hào mới để mở rộng bệnh viện nhưng vẫn không đủ chỗ cho thương binh. Nhiều thương binh phải nằm ngay tại cứ điểm. Chiếc máy xúc duy nhất còn lại chỉ chuyên vào việc đào hố chôn người chết. Danh mục đồ tiếp tế cho Điện Biên Phủ có thêm một yêu cầu khẩn cấp, đó là thuốc sát trùng và thuốc diệt côn trùng DDT. Ruồi, muỗi, gián, nhặng, rắn, rết,... từ các cánh rừng già, sông, suối, ao tù, vũng nước đọng,... ở xung quanh tập đoàn cứ điểm kéo tới hút máu, đẻ trứng, sinh sôi, nảy nở,...ngay trên những vết thương. Thương binh nặng nằm trên những chiếc giường ba tầng, sáu người trong một căn hầm nhỏ chật chội, ẩm ướt, thiếu ánh sáng,.... Nhiều người bị thương sọ não và mắc chứng hoại tử. Máu mủ của những người nằm bên trên chảy xuống những người nằm bên dưới. Những cẳng tay, cẳng chân, những ống tiêm được quân y Pháp chôn ngay trong đường hầm, khi trời mưa, nước bên ngoài chảy vào, tất cả lại lềnh bềnh nổi lên. Phần lớn những bộ phận lọc nước đã bị hỏng. Những viên chỉ huy ra lệnh cho binh lính đào giếng nhưng chỉ thấy một thứ nước váng dầu đục ngầu. Rời công sự đi lượm dù hoặc lấy nước là làm mồi cho lính bắn tỉa, khó trở về an toàn. Điện Biên Phủ khẩn thiết yêu cầu gửi thật nhiều ống nhòm ngầm (kính tiềm vọng) vì nhô đầu lên khỏi chiến hào để quan sát đã trở thành một trò chơi mạo hiểm với lính Pháp, ló đầu ra khỏi hào quan sát là rất dễ bị trúng đạn bắn tỉa của lính Việt Nam. Vòng vây thu hẹp, tiếp tế và tiếp viện trở nên cực kỳ khó khăn. Những phi công Mỹ làm công việc này đã được đánh giá là dũng cảm, nhưng cũng không đáp ứng được yêu cầu đề ra khi phải bay thấp thả dù trong một không phận nhỏ hẹp có pháo phòng không chờ sẵn. Nếu bay thấp thì máy bay trở thành mồi ngon cho pháo phòng không Việt Nam, nhưng nếu bay cao thì việc thả dù sẽ thiếu chính xác. Riêng trong ngày 26 tháng 4, 50 máy bay trúng đạn trên bầu trời Điện Biên Phủ và 3 chiếc bị bắn hạ, trong đó có một máy bay A-26 Invader và hai chiếc F6F Hellcat của Hạm đội 11, do phi công Mỹ lái. Đêm hôm đó hứa tăng viện 80 người, nhưng chỉ thả dù được 36 người, hứa thả 150 tấn hàng tiếp tế, nhưng chỉ thả được 91 tấn, 34% còn lại rơi lạc vào phía Việt Nam. Việc các kiện hàng thả dù trượt đã làm tăng thêm dự trữ lương thực, đạn dược cho phía Việt Nam. Đây là một hệ quả tai hại mà các chỉ huy Pháp không hề mong muốn, nhưng Pháp buộc phải tiếp tục thả dù để duy trì khả năng chiến đấu của binh lính, ngoài ra hình ảnh những chiếc máy bay vẫn đang thả dù chi viện cũng là một cách để lính Pháp không mất hết hi vọng chiến đấu. Một trung đoàn QĐNDVN trong một tuần đã thu được 776 dù với đủ các thứ như: đạn (đạn súng bộ binh, rồi có cả đạn pháo, đạn cối), gạo, đồ hộp (thịt hộp, cá hộp, rau hộp), sữa bò, dầu hỏa, thịt tươi, muối ăn, đường kính, nước ngọt (đựng trong các bi đông dã chiến (làm bằng inox) kiểu Mỹ), rượu các loại, rau xanh, bánh quy (đựng trong các hộp cát cút dã chiến kiểu Mỹ), bột mì, trứng tươi, bơ, ngũ cốc, trái cây, bánh mì... Số hàng này Pháp đã phải dùng khoảng 30 chuyến Đakôta để chuyên chở lên đây. Đại đoàn 304 thu được 600 viên đạn pháo 105 ly, 3.000 viên đạn cối 120 ly và 81 ly, hàng tấn đạn bộ binh các cỡ khác, hàng chục tấn lương thực, thuốc men. Tổng số đạn pháo 105mm thu được là hơn 5.500 viên, tương đương 1/3 kho đạn của QĐNDVN, đã bổ sung đáng kể tình trạng thiếu đạn vào cuối chiến dịch. Cuốn "Nhật ký chiến sự" của Jean Pouget ghi nhận: "Có tới 50% kiện hàng rơi ngoài bãi thả. Ngày 1-4, hơn một nửa số hàng thả rơi ngoài vị trí. Ngày 6-4, hơn mười khẩu pháo không giật 75mm thả xuống Điện Biên, lính Pháp chỉ thu được hai khẩu, số còn lại coi như làm quà cho Việt Minh. Ngày 9-4, trong tổng số 195 tấn hàng tiếp tế đã thả, quân của tôi chỉ thu được có vỏn vẹn... 6 tấn. Ngày 13-4, máy bay C-119 của Mỹ đã "trút toàn bộ số đạn pháo 105mm xuống trận địa Việt Minh, coi như tiếp tế đạn cho đối phương!" Ngày 18-4, hơn 30 tấn hàng "rơi lạc" sang trận địa Việt Minh. Ngày 27-4, có tới 70% số dù hàng rơi lạc mục tiêu. Ngày 5-5, hầu hết số hàng do C-119 thả xuống đều rơi xuống trận địa Việt Minh".Jean Pouget, sĩ quan giúp việc của Navarre, kể lại rằng: Ngày 16/4, một đoàn 35 lính người Việt do một đại úy Pháp chỉ huy, tải nước đến vị trí Huy–ghét 6 (Việt Nam gọi là cứ điểm 105, phía bắc sân bay Hồng Cúm). Sau khi vượt quãng đường hơn một km, khi tới đích chỉ còn 7 người sống sót, cõng 5 can nước. Tính ra, mất 28 lính để tiếp tế cho mỗi lính trong cứ điểm 1/4 lít nước. Đêm 16 rạng ngày 17/4, muốn ra sông lấy một vài can nước và thu chừng nửa tá hòm quân nhu được thả xuống, hai đại đội phải chiến đấu trong vòng 10 tiếng đồng hồ. Trong "Vài hồi ức về Điện Biên Phủ", Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Hàng ngày, ở sở chỉ huy, khi nghe báo cáo số địch chết vì bị bắn tỉa, số lương thực, đạn dược của địch thả dù mà bộ đội ta đã đoạt được, tôi chẳng khỏi nghĩ, chúng ta đang cho kẻ địch nếm những đòn cay đắng nhất”Để động viên tinh thần cho lính Pháp ở Điện Biên Phủ, tháng 4 năm 1954, chính phủ Pháp đã thăng quân hàm trước thời hạn cho de Castries, từ Đại tá lên Chuẩn tướng (nhiều tài liệu tiếng Việt ghi là Thiếu tướng). Ngày 15 tháng 4, lúc 16 giờ, một chiếc C-119 bay đến lượn mấy vòng rồi thả xuống một loạt dù, trong đó có một chiếc dù đỏ rơi gần trận địa QĐNDVN. Nó được đưa về trụ sở trung đoàn. Trong hòm toàn những đồ hạng sang như thuốc lá cao cấp, rượu vang trắng Bordeaux (vang Boóc đô) loại đắt tiền, xúc xích bò, áo may ô, lưỡi dao cạo râu, và một lá thư màu hồng của vợ Castries gửi cho chồng nhân dịp ông được thăng lên tướng. Số hàng này được giữ lại và trao cho de Castries sau đó 1 tháng, khi ông ta đã trở thành tù binh. Tại buổi lễ ăn mừng lên chức của De Castries ở Điện Biên thì ông ta được "chào đón" bằng loại rượu vang chua loét đã hết hạn sử dụng từ nhiều ngày trước đó và đi kèm với thái độ thờ ơ, chán ngấy, ghẻ lạnh và có cả thù ghét nữa đến từ đám lính dưới quyền của mình ở Điện Biên. Cuộc chiến đấu tại Điện Biên Phủ càng ngày càng yếu thế cho phía Pháp. Tình cảnh của quân Pháp ngày càng bi đát và đi đến cùng cực. Điện Biên Phủ cho thấy khi bị bao vây cô lập thì một tiền đồn dù mạnh đến đâu rồi cũng sẽ bị tiêu diệt. Kế hoạch cứu nguy của Hoa Kỳ Ngày 20-3, tướng Ely, Tổng Tham mưu trưởng Pháp bay sang Washington nhờ Mỹ chi viện. Tổng thống Hoa Kỳ Eisenhower đã mắc nợ với cử tri Mỹ một lời hứa khi tranh cử là sẽ tạo một không khí hòa dịu trong tình hình quốc tế đang bị đầu độc vì chiến tranh Lạnh giữa Tây và Đông. Nhưng ông ta không thể giữ thái độ thờ ơ trước lời kêu cứu của nhà cầm quyền Pháp. Trong hồi ký "Không có thêm những Việt Nam mới" (No more Vietnams), Tổng thống Nixon viết: "Đô đốc Radford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, đề nghị chúng ta dùng 60 máy bay ném bom B-29 ở Philippines mở các cuộc đột kích vào ban đêm để tiêu diệt các vị trí của Việt Minh. Và đặt ra kế hoạch mang tên "Cuộc hành binh Chim kền kền" (Opération Vautour) nhằm đạt cùng mục tiêu với ba quả bom nguyên tử chiến thuật nhỏ".Những phe phái "diều hâu" ở Washington cũng xúc tiến kế hoạch. Ngày 3 tháng 4 năm 1954, Ngoại trưởng Mỹ John Dulles và Đô đốc Arthur Radford họp với 8 nghị sĩ có thế lực trong Quốc hội, thuộc hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, phổ biến ý định của Tổng thống muốn có một nghị quyết cho phép sử dụng lực lượng không quân và hải quân Mỹ ở Đông Dương. Dulles nhấn mạnh Đông Dương sụp đổ có thể dẫn tới mất toàn bộ Đông Nam Á, Hoa Kỳ cuối cùng sẽ bị đẩy về quần đảo Hawaii. Nếu Mỹ không giúp Pháp thì hậu quả sẽ là Pháp phải từ bỏ chiến tranh Đông Dương. Nhưng theo những quan chức Mỹ, nhiệm vụ chính phải được hoàn tất với 3 sư đoàn không quân ném bom, hai ở Okinawa, một ở Clark Field, tổng cộng là 98 siêu pháo đài bay B-29, mỗi chiếc mang 14 tấn bom, phải có thêm 450 máy bay tiêm kích phản lực bảo vệ cho máy bay ném bom. Ngày 9 tháng 4, tại Washington, Eisenhower họp với Radford, các Tham mưu trưởng ba quân chủng và nhiều sĩ quan cao cấp khác xem xét lần cuối mọi mặt tình hình. Radford là người duy nhất ủng hộ một cuộc can thiệp của Mỹ dù là đơn phương để tránh sự thất trận ở Điện Biên Phủ. Các vị tham mưu trưởng của Hải quân và Không quân Mỹ tỏ vẻ không muốn dính dán đến cuộc chiến này. Riêng Tham mưu trưởng Lục quân Matthew Ridgway thì lại phản đối quyết liệt. Ridgway viện dẫn sự thất bại thê thảm của Mỹ từ cuộc hành binh "Bóp nghẹt" (Strangle) ở Triều Tiên khi Mỹ mở cuộc hành binh này nhằm mục đích chính là tiêu diệt con đường tiếp tế của Liên Xô và Trung Quốc dành cho Bắc Triều Tiên, để chứng minh sự hạn chế của những hành động bằng không quân trong loại hình chiến tranh này. Ridgway cho rằng những cuộc ném bom sẽ dẫn Hoa Kỳ vào một cuộc chiến tranh mới bằng bộ binh tốn kém với lối thoát không rõ ràng ở lục địa châu Á. Ý kiến của Ridgway được nhiều người tán đồng và kế hoạch Chim kền kền ngay lập tức bị đình chỉ. Nhưng mười năm sau, cũng tại Việt Nam, nhà cầm quyền Mỹ đã quên đi những kinh nghiệm này. Đợt 3 Đợt 3 của chiến dịch diễn ra từ ngày 1 tháng 5 đến ngày 7 tháng 5, QĐNDVN đánh dứt điểm dẫy đồi phía đông và tổng tiến công tiêu diệt các vị trí còn lại. Sau khi lực lượng của Pháp đã trở nên tuyệt vọng, suy kiệt, bổ sung bằng dù không còn đủ để duy trì sức chiến đấu, và quân Pháp ở Bắc Bộ cũng đã hết lính dù và lính lê dương (légionnaire) có thể ném tiếp xuống Điện Biên Phủ, QĐNDVN tổ chức đợt đánh dứt điểm các quả đồi phía đông. Mở đầu kế hoạch đợt 3 là tiếp tục hoàn thành nốt những nhiệm vụ đã đề ra cho đợt 2: tiêu diệt hoàn toàn hai cao điểm A1 và C1, đồng thời đánh chiếm thêm một số cứ điểm ở phía tây và phía đông, thu hẹp thêm nữa phạm vi chiếm đóng của quân Pháp, chuẩn bị cho tổng công kích. Nhiệm vụ được trao cho các đơn vị như sau: Đại đoàn 316, được phối thuộc Trung đoàn 9 của Đại đoàn 304 (thiếu 1 tiểu đoàn), tiêu diệt A1, C1 và C2. Đại đoàn 312 tiêu diệt các cứ điểm: 505, 505A, 506, 507, 508 ở phía đông, tiến sát bờ sông Nậm Rốm. Đại đoàn 308 tiêu diệt các cứ điểm 311A, 311B ở phía tây. Đại đoàn 304: Trung đoàn 57 được phối thuộc 1 tiểu đoàn của Trung đoàn 9, cử 1 tiểu đoàn chốt chặn trên đường đi Tây Trang không cho quân địch rút chạy sang Lào, siết chặt vòng vây chung quanh Hồng Cúm, tập kích trận địa pháo binh, tiêu diệt khu C Hồng Cúm. Đại đoàn 351 phối hợp với bộ binh trong các trận đánh điểm và đánh phản kích. Để chống lại hệ thống hầm ngầm cố thủ không thể xung phong đánh chiếm được trên đồi A1 có vị trí quyết định, công binh Việt Nam đào đường hầm từ trận địa tại A1 tới dưới hầm ngầm, đưa bộc phá với số lượng lớn vào đặt rồi cho nổ. Một đội đặc biệt gồm 25 cán bộ, chiến sĩ do Nguyễn Phú Xuyên Khung, cán bộ công binh của Bộ, trực tiếp chỉ huy, đã tiến hành công việc ngay trước mũi súng quân Pháp, trong tầm kiểm soát của lựu đạn, khắc phục thêm khó khăn: thiếu không khí, đèn, đuốc mang vào hầm đều bị tắt, số đất moi từ lòng núi ra ngày càng nhiều không được để cho quân Pháp phát hiện. Các chiến sĩ phòng ngự tại A1 đã có kế hoạch chiến đấu không cho quân Pháp tiến xuống cửa hầm, dù phải hy sinh tới người cuối cùng, để bảo vệ bí mật tuyệt đối ý đồ đào hầm. Tại phía đông, Trung đoàn 98 tiến công cứ điểm C1 lần thứ hai. Thiếu tá Jean Bréchignac, vẫn đặt sở chỉ huy trên Eliane 4, đã linh cảm trận đánh Eliane 1 sắp nổ ra. Ngày 1 tháng 5, Bréchignac quyết định đưa Đại đội 3 của Tiểu đoàn Dù Tiêm kích số 2 lên thay thế cho Đại đội Clédic đã bị tiêu hao, đồng thời ra lệnh cho Đại đội 1 sẵn sàng tham gia phản kích. Ngày 1-5, Đại đội 811 của QĐNDVN đã có 20 ngày đêm phòng ngự tại C1, được lệnh rời khỏi trận địa 200 mét cho hỏa pháo chuẩn bị. Sơn pháo đặt trên đồi D1 nhắm từng hỏa điểm trên C1 bắn phá. Dứt tiếng pháo, tổ bộc phá lập tức mở những hàng rào cự mã ngăn cách, đưa bộ đội xông lên phía Cột Cờ. Chỉ sau năm phút, QĐNDVN đã chiếm được Cột Cờ. Lực lượng Dù xung kích của Pháp mới lên tiếp viện bắn xối xả vào khu vực Cột Cờ. Tuy nhiên, Đại đội 1480 từ phía dưới tiến lên đã kịp thời có mặt, cùng với 811 hình thành hai mũi tiến công chia cắt quân Pháp để tiêu diệt. Nửa đêm, toàn bộ quân Pháp ở C1 bị tiêu diệt. Dây thép gai và mìn lấy từ trận địa lập tức được trải ra sườn đồi thành một bãi chướng ngại dày đặc, đề phòng quân Pháp phản kích. Sau hơn 30 ngày đêm liên tục chiến đấu, trận đánh tại C1 lúc này đã kết thúc. ở phía đông sông Nậm Rốm, hai tiểu đoàn 166 và 154 của Trung đoàn 209 tiến công các cứ điểm 505 và 505A (Dominique 3). Một đại đội của Tiểu đoàn 6e BPC và những đơn vị lính Algérie, lính Thái tại đây, do Tiểu đoàn trưởng Chenel chỉ huy, chống cự khá quyết liệt. 2 giờ sáng ngày 2 tháng 5, Trung đoàn 209 tiêu diệt hoàn toàn hai cứ điểm này, chấm dứt sự tồn tại của trung tâm đề kháng Dominique. Trên cánh đồng phía tây, trận đánh tiêu diệt cứ điểm 811A (Huguette 5) của Trung đoàn 88 diễn ra rất nhanh chóng. Với những đường hào đã đào xuyên qua hàng rào cứ điểm, bộ đội bất thần tổ chức xung phong. Toàn bộ đại đội Âu Phi, vừa tới thay quân để tăng cường phòng thủ cứ điểm này, bị diệt gọn trong vòng không đầy 80 phút. Như vậy, ngay trong đêm đầu của đợt tiến công thứ ba, Pháp đã mất thêm bốn cứ điểm: C1, 505, 505A ở phía đông, và 311A ở phía tây. Đêm ngày 4 tháng 5, trên cánh đồng phía tây, sau khi tiêu diệt 311A, Đại đoàn 308 tiếp tục đánh 311B (Huguette 4) ở phía trong. Trung đoàn 36 tiêu diệt 1 đại đội gồm lính lê dương và lính Maroc, đưa trận địa tới gần trung tâm đề kháng Lili (Lilie, từ Claudine mới tách ra), tấm bình phong cuối cùng che chở cho Sở Chỉ huy Đờ Cát ở hướng này. Buổi sáng, Pháp phản kích định chiếm lại nhưng thất bại. Cũng trong ngày 5 tháng 5, Trung đoàn 174 báo cáo đường hầm ở A1 đã hoàn thành. Trong đêm, một tấn bộc phá chia thành những gói hai mươi ký, được đưa vào đặt dưới hầm ngầm Pháp. Sáng ngày 6 tháng 5 năm 1954, Tiểu đoàn 255 của Trung đoàn 174 phòng ngự suốt 34 ngày đêm trên đồi A1 được lệnh rút qua Đồi Cháy làm lực lượng dự bị. Tiếng nổ của khối bộc phá trên đồi A1 được chọn làm hiệu lệnh xung phong cho đợt tiến công tối hôm đó. Trước giờ G năm phút, các chiến sĩ ở chiến hào xuất phát xung phong được lệnh quay lưng về A1, nhắm mắt, há mồm đề phòng sóng xung kích và ánh chớp của ngàn cân bộc phá. Đúng 20 giờ 30, một tiếng nổ trầm vang lên, trên đồi A1 có một đám khói lớn phụt lên. Khối bộc phá nổ cách hầm ngầm vài chục mét thổi bay chiếc lô cốt bên trên, diệt phần lớn Đại đội Dù 2 của Trung úy Edme (Étmơ) đóng ở đây. Nguyễn Hữu An lập tức ra lệnh cho pháo của trung đoàn nổ súng. Khối bộc phá một tấn đã tiêu diệt một phần tuyến ngang gây khó khăn cho các đơn vị đánh A1 trong đợt trước, tạo nên một cửa mở quan trọng giúp cho hai đại đội của Tiểu đoàn 249 xung phong thuận lợi. Trên đỉnh đồi, lính dù dựa vào chiến hào và công sự đã được củng cố trong thời gian qua ra sức chống đỡ chờ quân viện. Quá nửa đêm, Trung đoàn trưởng Nguyễn Hữu An quyết định đưa đại đội dự bị của Tiểu đoàn 249 vào giải quyết trận đánh. Bộ đội chia thành từng tổ nhỏ tiêu diệt dần dần từng ụ đề kháng của quân Pháp. 4 giờ sáng ngày 7 tháng 5 năm 1954, Đại úy Jean Pouget chỉ còn lại 34 lính dù. Quân dù đã sử dụng đến những viên đạn, quả lựu đạn cuối cùng. Pouget bị thương nặng và bị bắt. Sáng ngày 7 tháng 5 năm 1954, lá cờ Quyết chiến Quyết thắng tung bay trên cao điểm A1 báo hiệu giờ tàn của tập đoàn cứ điểm. Đến sáng ngày 7 tháng 5, QĐNDVN đã tiến công tiêu diệt cứ điểm C2, 506, 507, 310F. Các quả đồi phía đông này đã thất thủ hoàn toàn mà phía Pháp không còn lực lượng khả dĩ chiếm lại. Tại Mường Thanh, 12 giờ, Langlais triệu tập cuộc họp các chỉ huy tiểu đoàn. Lần này vắng mặt những người chỉ huy dù. Theo kế hoạch Albatross, quân Pháp sẽ mở cuộc phá vây vào 20 giờ ngày hôm nay, mồng 7 tháng 5. Nhưng con đường cách đây ba ngày còn để ngỏ phía nam Junon, đã bị ba đường hào cắt ngang. Chỉ huy các tiểu đoàn lần lượt báo cáo đơn vị mình không ở trong trạng thái thực hiện một cuộc phá vây mà họ tin là khó sống sót. Những người dự họp đều nhận thấy: dù có hy sinh phần lớn quân rút chạy, cũng khó giúp cho một nhóm người thoát khỏi thung lũng. Cuộc tiến công của những người lính kiệt sức nhắm vào những vị trí được đối phương bảo vệ vững chắc, sẽ là một hành động tự sát. Đúng 3 giờ chiều, các đại đoàn được lệnh: "Không cần đợi trời tối, lập tức mở cuộc tổng công kích vào Mường Thanh. Đơn vị phía đông đánh thẳng vào khu vực trung tâm, đơn vị phía tây giáp công sang, cùng tiến vào Sở chỉ huy của địch. Phải đánh thật mạnh, bao vây thật chặt, không để cho Đờ Cát hoặc bất cứ tên địch nào chạy thoát".QĐNDVN tổng tiến công trên khắp các mặt trận. Quân Pháp đã sức tàn lực kiệt, rệu rã kéo cờ quyết định đầu hàng. Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật thuộc trung đoàn Hoàng Cầm lập tức dẫn Đại đội 360 luồn dưới làn đạn của những khẩu trọng liên bốn nòng, băng qua cầu Mường Thanh. Nhận thấy quân Pháp hầu như không chống cự, Tạ Quốc Luật nhảy lên mặt đất, dùng một lính bảo an người Việt dẫn theo đường tắt tiến thật nhanh tới sở chỉ huy của de Castries. Các đài quan sát báo cáo về: "Quân ta từ ba phía đang đánh vào khu trung tâm, 312 từ phía đông tiến qua cầu Mường Thanh, 308 từ phía tây mở đường qua sân bay, và từ phía tây nam mở đường vào Lili, hướng về sở chỉ huy của Đờ Cát. Quân địch chỉ chống cự lẻ tẻ."Lúc đó, Đại đội 360 chỉ còn 5 người: Tạ Quốc Luật, Hoàng Đăng Vinh, Bùi Văn Nhỏ, Nguyễn Văn Lam và Đào Văn Hiếu. Khoảng 17 giờ, sau khi dùng thủ pháo tiêu diệt tổ bảo vệ ở phòng ngoài sát cửa ra vào, 5 chiến sĩ vượt qua gian hầm thứ 2, tiến vào gian hầm giữa khá rộng có tướng de Castries và các sĩ quan Pháp đang ở đấy. Tạ Quốc Luật nói bằng tiếng Pháp, đại ý: "Các ông hàng đi. Các ông thua rồi. Các ông phải ra lệnh cho các ổ đề kháng bỏ súng, đầu hàng và điện về Hà Nội không cho máy bay ném bom xuống Điện Biên nữa".Sau đó, nhóm chiến sĩ dẫn giải tù binh lên khỏi hầm, đi về phía cầu Mường Thanh rồi bàn giao cho Nguyễn Thăng Bình - Trung đoàn phó Trung đoàn 209 - trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn 130. 5 giờ 30 chiều, Đại đoàn 312 báo cáo lên: "Toàn bộ quân địch tại khu trung tâm đã đầu hàng. Đã bắt được tướng Đờ Cát"Cụm phân khu Nam Hồng Cúm mưu toan chạy sang Lào nhưng bị các đơn vị QĐNDVN đuổi theo, tất cả đã bị bắt không đi thoát. Gần 11.000 quân Pháp còn lại tại Điện Biên Phủ đều bị bắt làm tù binh. Chỉ có một số ít lính Pháp may mắn được giải cứu bằng cách chạy vào rừng (4 lính Châu Âu và 40 lính Thái nhảy xuống sông và băng rừng sang Lào, một trung đội từ các kíp lính xe tăng đã đi 160 km đường rừng trong 20 ngày, 3 lính tăng và 1 lính dù từ cứ điểm Isabelle trốn thoát khỏi trại tù binh và băng rừng trong 5 ngày). Kết quả trận đánh Dù quân Pháp đã phải gia tăng quân số lên đến 16.000 người, họ đã không thể nào lật ngược được thế cờ. Toàn bộ quân Pháp ở Điện Biên Phủ bị tiêu diệt và bị bắt làm tù binh. Thiệt hại về phía Pháp là 1.747 tới 2.293 người chết, 5.240 tới 6.650 người bị thương, 1.729 người mất tích và 11.721 bị bắt làm tù binh. Toàn bộ 17 tiểu đoàn bộ binh và lính dù, 3 tiểu đoàn pháo binh, 10 đại đội Quân đội Quốc gia Việt Nam bị Việt Minh tiêu diệt. Tổng số sĩ quan và hạ sĩ quan bị diệt và bị bắt là 1.706, gồm 1 chuẩn tướng, 16 đại tá và trung tá, 353 sĩ quan từ thiếu úy đến thiếu tá. Thiệt hại về phía Mỹ là 2 phi công chết và 1 bị thương. Về không quân, Pháp bị tổn thất 59 phi cơ bị phá hủy (38 chiếc bị bắn rơi, 21 chiếc bị phá hủy khi đậu trên sân bay), trong đó có 3 máy bay khác bị phá hủy trước ngày 13 tháng 3 năm 1954, ngoài ra còn có 2 trực thăng cũng bị phá hủy. Ngoài số máy bay bị phá hủy, còn có 186 phi cơ khác bị hư hại ở các mức độ khác nhau. Phía Mỹ có 1 vận tải cơ hạng nặng C-119 bị bắn rơi. Về vũ khí, Pháp mất toàn bộ trang bị vũ khí, xe tăng và pháo binh ở Điện Biên Phủ. Phía QĐNDVN thu giữ 2 chiếc xe tăng M24 Chaffee, 28 khẩu đại bác và súng cối các loại, 5.915 khẩu súng bộ binh các loại (súng cá nhân và súng cộng đồng), 20.000 lít xăng dầu cùng rất nhiều đạn dược, quân trang, quân dụng khác. Thiệt hại về phía Quân đội Nhân dân Việt Nam theo hồ sơ quân y của Việt Nam là 4.020 người chết, 9.691 người bị thương, và 792 mất tích. Hiện nay tại Điện Biên Phủ, có 3 nghĩa trang liệt sĩ trận này là nghĩa trang phía gần đồi Độc Lập, nghĩa trang gần đồi Him Lam và nghĩa trang gần đồi A1, mỗi nghĩa trang lần lượt có 2.432, 896 và 648 ngôi mộ, tổng cộng là 3.976 ngôi mộ. Do một trận lũ lớn vào năm 1954 cuốn trôi các bia mộ nên 3.972 mộ đều là liệt sĩ vô danh. Chỉ có 4 ngôi mộ được đặt riêng biệt là mộ của các anh hùng Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện, Trần Can là còn biết được tên tuổi cụ thể (xem thêm Danh sách Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong Chiến dịch Điện Biên Phủ). Ngày hôm sau, 8 tháng 5 năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen: "Quân ta đã giải phóng Điện Biên Phủ, Bác và Chính phủ thân ái gửi lời ngợi khen cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương đã làm tròn nhiệm vụ một cách vẻ vang. Thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bắt đầu. Chúng ta không nên vì thắng mà kiêu, không nên chủ quan khinh địch. Chúng ta kiên quyết kháng chiến để giành độc lập, thống nhất, dân chủ, hòa bình. Bất kỳ đấu tranh về quân sự hay ngoại giao cũng đều phải trường kỳ gian khổ mới đi đến thắng lợi hoàn toàn..."Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến gặp và chúc mừng Bộ Tổng Tham mưu và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tại đây, bằng kinh nghiệm chính trị, ông đã nói một câu chúc mừng kèm dự đoán chính xác: "Chúc mừng chú [Võ Nguyên Giáp] thắng trận. Nhưng đừng chủ quan, còn phải đánh với Mỹ nữa. Sớm muộn gì chúng cũng sẽ nhảy vào Đông Dương thế chỗ Pháp". Quả nhiên như lời chủ tịch Hồ Chí Minh nói, chỉ mất chưa đầy 1 năm, Mỹ đã chính thức nhảy vào Việt Nam thay thế cho Pháp. Ảnh hưởng quốc tế của trận đánh Đối với thực dân Pháp, trận này là một thất bại thảm hại và bất ngờ. Mặc dù đã chiến đấu nhiều năm và về sau còn được Hoa Kỳ trợ giúp đắc lực, Pháp đã không thể bình định Việt Nam. Thảm bại này khiến cho họ không còn nhân lực và ý chí để mà tiếp tục ứng chiến. Một ngày sau khi Pháp để Điện Biên Phủ thất thủ, ngày 8 tháng 5 năm 1954, Hội nghị Genève bắt đầu bàn về vấn đề Đông Dương. Sau hội nghị này, Pháp công nhận quyền tự do, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước Đông Dương trong đó có Việt Nam, chính thức chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương. Dù đã áp dụng kỹ nghệ "Chiến tranh hiện đại", Pháp đã không thể nào tránh khỏi những biến cố này. Nhiều sĩ quan nổi giận trước thất bại chính trị và quân sự này và họ lại đổ tội cho các chính trị gia, giống như hồi bị Đức đánh bại năm 1940. Sau này, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Marcel Bigeard, nguyên là Trung tá phó Chỉ huy của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, sang thăm Việt Nam năm 1993, nhìn lại chiến trường cũ, đã có một câu với một nhà quay phim nước ngoài: "Nếu tôi là người Việt Nam, tôi cũng sẽ trở thành Việt Minh". Còn tướng De Castries, sau khi thất bại trở về Pháp, đã trả lời trước Ủy ban Điều tra của Bộ Quốc phòng Pháp rằng: "Người ta có thể đánh bại một quân đội, chứ không thể đánh bại được một dân tộc".Chỉ huy phó của Tập đoàn cứ điểm, Đại tá Pierre Langlais cũng viết trong cuốn hồi ký Điện Biên Phủ của ông rằng: "Ở Điện Biên Phủ, nếu người ta muốn nhìn thẳng vào sự thật, thì ắt phải thấy rằng viện trợ cho Việt Minh chỉ là một giọt nước đặt bên cạnh dòng thác vật tư của Mỹ đổ vào cho người Pháp chúng ta". Nhà báo Pháp Giuyn Roa khẳng định: "Không phải viện trợ của Trung Quốc đã đánh bại tướng Navarre mà chính là những chiếc xe đạp Peugeot thồ 200, 300 kg hàng và đẩy bằng sức người, những con người ăn chưa đủ no và ngủ thì nằm ngay dưới đất trải tấm nilông. Cái đã đánh bại tướng Navarre không phải bởi các phương tiện mà là sự thông minh và ý chí của đối phương..."Trận Điện Biên Phủ được coi là một trong những trận đánh được phân tích tỉ mỉ nhất trong lịch sử. Thắng lợi quyết định của lực lượng Việt Minh dưới quyền Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch ác liệt đánh dấu sự chấm dứt của Chiến tranh Đông Dương, chính trận chiến này đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia thuộc địa đầu tiên dùng vũ lực buộc quân đội một nước phương Tây rút về nước, giành được độc lập, được xem là một đòn giáng mạnh vào nước Pháp nói riêng và thế giới phương Tây nói chung.Yves Beigbeder, Judging War Crimes And Torture: French Justice And International Criminal Tribunals And Commissions (1940-2005), trang 63. Theo cuốn The French Secret Services của sử gia Douglas Porch, thảm bại Điện Biên Phủ đã "thay đổi diễn biến lịch sử Pháp" và sánh vai với các thất bại trước kia của Pháp dưới quyền tướng Joseph Joffre (1914) và Maurice Gamelin (1940). Được chiến thắng của người Việt Nam cổ vũ, các khu vực thuộc địa ở châu Phi cũng đồng loạt nổi dậy. Nhiều người đã ăn mừng tại các vùng thuộc địa Pháp, từ Algiers (Algeria), qua Dakar (Senegal) đến Tananarive (Madagascar). 4 ngày sau thất bại của Pháp, nghị sỹ Pháp Christian Fouchet bày tỏ lo ngại: “Khắp nơi tại Liên hiệp Pháp, những tiếng xì xào âm ỉ làm trái tim của một số người lo sợ và làm kích động một số khác”. Tại Ma-rốc, ở Casablanca xuất hiện những tấm bưu thiếp có ghi: “Casablanca, Điện Biên Phủ của người Pháp”. Còn tại Tuynidi, khi ăn mừng tại các khu phố bình dân, nơi người ta phục vụ một món ăn đặc biệt mang tên “Tagine Điện Biên Phủ”. Chỉ 3 tháng sau trận Điện Biên Phủ, nhân dân Algérie, thuộc địa lớn nhất của Pháp đã nổi dậy đòi độc lập, nửa năm sau lại đến các nước Maroc và Tuynidi, hàng chục nước thuộc địa khác cũng nổi dậy trong vài năm sau đó. Đến năm 1967, Pháp đã buộc phải trao trả quyền độc lập cho tất cả các nước thuộc địa. Qua đó, đại thắng Điện Biên Phủ của Việt Minh là một thảm họa đánh dấu cho thất bại hoàn toàn của Pháp trong việc tái xây dựng thuộc địa Đông Dương nói riêng và đế quốc thực dân của mình nói chung sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Tổng thống lâm thời nước Cộng hòa Algeria Ben Youcef Ben Khedda sau này nhận định: “Ngày 7/5/1954, quân đội của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã buộc đạo quân viễn chinh Pháp tại Việt Nam phải chịu thảm họa Điện Biên Phủ nhục nhã. Thất bại này của Pháp xảy ra như một khối thuốc nổ mạnh tác động tới những người tin rằng lựa chọn nổi dậy trong thời gian ngắn từ nay là giải pháp duy nhất, chiến lược khả dĩ duy nhất". Năm 1962, trong lời đề tựa cuốn "Đêm thực dân" (La Nuit Coloniale), nhà lãnh đạo giải phóng dân tộc Ferhat Abbas, sau này trở thành tổng thống đầu tiên của Algerie, đã viết: “Điện Biên Phủ không chỉ là một chiến thắng quân sự. Đó là khẳng định của người dân châu Á và châu Phi trước người châu Âu. Đó là xác nhận về nhân quyền quy mô toàn cầu. Tại Điện Biên Phủ, nước Pháp đã đánh mất sự hiện diện hợp lý duy nhất, đó là lý lẽ của kẻ mạnh”. Năm 2013, Tổng thống Algérie - Abdelaziz Bouteflika - đã gọi Võ Nguyên Giáp là người anh hùng quân đội của nền độc lập Việt Nam, là nhà chiến lược vĩ đại đã khiến cho thực dân Pháp phải kinh hoàng ở Điện Biên Phủ, và tên tuổi ông "sẽ vẫn mãi khắc sâu trong ký ức của nhân dân Algeria."Đại tướng Võ Nguyên Giáp tổng kết: "Dân tộc ta có thể tự hào rằng: Dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, chúng ta đã chứng minh một chân lý vĩ đại. Chân lý đó là trong thời đại ngày nay một dân tộc thuộc địa bị áp bức, khi đã biết đứng dậy đoàn kết đấu tranh, kiên quyết chiến đấu cho độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội thì có đầy đủ khả năng để chiến thắng quân đội xâm lược hùng mạnh của một nước đế quốc chủ nghĩa". Tù binh Pháp Theo Jane Hamilton-Merritt, thì vào ngày 8 tháng 5, sau khi Việt Minh kiểm tra số tù binh thì có 11.721 binh lính quân đội Liên hiệp Pháp đã bị bắt, trong đó 4.436 người đã bị thương, số còn lại cũng đã suy kiệt nặng về sức khỏe do thiếu ăn, thiếu ngủ và bị bệnh truyền nhiễm. Đây là số lượng tù binh lớn nhất Việt Minh từng bắt giữ: 1/3 số tù binh bị bắt trong cả cuộc chiến. Người phụ trách y tế là Thiếu tá, bác sĩ phẫu thuật Grauwin nói với tướng Giáp: "Thương binh chúng tôi còn nhiều, họ nằm rải rác ở các hầm. Các ông bắn ác liệt quá, không thể chuyển được, ùn lại khoảng 600-700 người. Toàn là thương binh nặng các hướng dồn về, còn số thương binh vừa và nhẹ nằm ở các đơn vị tôi không rõ số lượng, nhưng biết họ đang ở trong tình trạng vô cùng tồi tệ, có thuốc cũng khó cứu nổi. Phòng mổ cũng là nơi chứa thương binh. Trời mưa, hầm nào cũng bùn lầy ứ đọng, thương binh phải nằm 2-3 tầng. Vệ sinh tệ hại, xin các ông giúp đỡ họ". Hồ Chủ tịch đã chỉ thị: "Hãy cứu chữa và săn sóc họ. Vì họ là người thua trận..." Trong số 11.721 tù binh, có 858 lính Pháp bị thương nặng và 1 nữ y tá đã được trao trả ngay cho Hội Chữ thập Đỏ, số còn lại được dẫn về các trại tù binh. Howard R. Simpson, phóng viên của Mỹ, cũng viết trong sách của mình rằng một số tù binh chiến tranh khi trở về cho biết "họ phải ăn uống rất kham khổ, đó là sự thật, nhưng khi nhìn lại thì thấy bộ đội Việt Nam ăn uống còn khổ hơn". Theo Võ Nguyên Giáp thì họ rất xúc động vì nước Việt Nam trong điều kiện còn thiếu thốn như thế mà vẫn chăm sóc tù binh chu đáo, đối xử với họ rất nhân đạo. Có hơn một vạn tù binh đã ký tên vào bản đề nghị chấm dứt chiến tranh gửi hội nghị Genève. Tuy nhiên, trên đường hành quân về hậu phương của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cách Điện Biên Phủ 600 km, họ xuyên rừng, lội suối, đi bộ hơn 30 km mỗi ngày, qua những con đường mới làm. Đoàn tù binh bị hao hụt dần vì bị máy bay của Pháp dội bom xuống hằng ngày, bệnh tật thường xuyên hoành hành đặc biệt là sốt rét, kiết lỵ, thương hàn, ghẻ lở do lính Pháp đã sống trong điều kiện mất vệ sinh quá lâu. Khẩu phần ăn tương đương với bộ đội Việt Minh vẫn không đủ với thể trạng to lớn của người Âu-Phi. Một lính Việt Minh ăn một nắm cơm bằng một bát tô (bát ô-tô) là đủ no nhưng lính Pháp ăn 3 hoặc 4 nắm như thế vẫn chưa no. Trong số 7.573 tù binh bị dẫn về hậu phương có 3.290 người (phần lớn mang quốc tịch Pháp) được trả tự do, số còn lại chết vì nhiều lý do.Việt Minh giết bao nhiêu lính Đức ở Điện Biên?, Phạm Cao Phong, BBC Vietnamese. Số tù binh ở Điện Biên Phủ gồm nhiều quốc tịch khác nhau, được gọi là đơn vị lính lê dương người nước ngoài (légion Etrangère), trong đó có nhiều người là dân các nước thuộc địa Pháp ở Bắc Phi, Trung Phi, cả người Trung Âu (Đức, Áo…) trong đó lính Đức chiếm đến 80% lực lượng lê dương tại Đông Dương mà phần lớn được tuyển mộ từ lực lượng tù binh phát xít Đức. Số tù binh này được bố trí những cuộc nói chuyện, trao đổi ý kiến ở những giờ gọi là "lớp học" về chủ nghĩa thực dân. Một số sau khi trở về Tổ quốc đã chiến đấu chống Pháp để giành lại độc lập cho quê hương. Ngoài số tù binh là lính lê dương Pháp, QĐNDVN cũng bắt được 3.091 lính bản xứ người Việt phục vụ cho Pháp (Quân đội Quốc gia Việt Nam). Số tù binh này một phần trở về quê quán, phần khác lại theo Pháp tập kết vào Nam tiếp tục phục vụ. Có người trở thành chỉ huy cao cấp trong tổ chức hậu thân là Quân lực Việt Nam Cộng hòa, như Phạm Văn Phú (sau này trở thành thiếu tướng của Việt Nam Cộng hòa). Trong văn hóa đại chúng Trận Điện Biên Phủ là nguồn cảm hứng cho nhiều nhà thơ, nhạc sĩ Việt Nam với nhiều tác phẩm nổi tiếng như các bài hát Hò kéo pháo, Chiến thắng Điện Biên, Qua miền Tây Bắc,... hay bài thơ Hoan hô Chiến sĩ Điện Biên của nhà thơ Tố Hữu có những đoạn đã trở nên rất quen thuộc với từng chiến sĩ Điện Biên:"Hoan hô chiến sĩ Điện Biên Chiến sĩ anh hùng, đầu nung lửa sắt 56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt Máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn!...Những bàn tay xẻ núi lăn bom Nhất định mở đường cho xe ta lên chiến trường tiếp viện Và những chị, những anh ngày đêm ra tiền tuyến…Dù bom đạn xương tan thịt nát Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh…"Chín năm làm một Điện BiênNên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng..."Điện ảnh Việt Nam có những bộ phim lấy bối cảnh trận đánh, tiêu biểu là 2 phim Hoa ban đỏ và Giải phóng Điện Biên. Điện ảnh Pháp cũng làm một bộ phim sử thi về trận đánh này. Cuối năm 2011, công ty Emobi Games (nay được đổi tên thành HIKER GAMES Việt Nam) đã thành công trong việc làm ra một tựa game bắn súng góc nhìn thứ nhất (FPS) đồ họa cao đầu tiên và gần như duy nhất của Việt Nam là 7554 lấy cảm hứng từ chiến dịch này. Chỉ trừ 3 màn chơi đầu và màn chơi thứ 9 ra thì các màn chơi còn lại của game đều miêu tả một cách rất sống động và cực kì rõ nét về chiến dịch này. Ngoài ra, cũng xuất hiện bộ tem "Chiến thắng Điện Biên Phủ" (1954) do họa sĩ Bùi Trang Chước vẽ. Xem thêm Khu di tích chiến trường Điện Biên Phủ Bao vây Vây hãm Tấn công từng phần Pháo kích Chú thích Tham khảo Tiếng Việt Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ Điểm hẹn lịch sử. Đại đoàn Quân Tiên Phong, 470 trang, Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1966. Sư đoàn 304, Tập 1: 1950-1954, 281 trang, Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1980. Sư đoàn 316, tập 1: 1951-1954, 258 trang, Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân, 1981. Lịch sử sư đoàn bộ binh 312, 1950-2000, 372 trang, Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2001. Pháo binh nhân dân Việt Nam: những chặng đường chiến đấu, 391 trang, Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1982. Lịch sử Đoàn pháo binh Anh dũng-Lữ đoàn pháo 675: 1950-2000, Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2000. Thế trận hậu cần nhân dân trong Chiến dịch Điện Biên Phủ (baoPhapluat.vn) Điện Biên Phủ - Những điều chưa có trong lịch sử chiến tranh (tienphong.vn) Tiếng Anh James Stuart Olson, Robert Shadle, Historical dictionary of European imperialism, Greenwood Publishing Group, 1991. ISBN 0313262578. Patti Polisar, Inside France's Dgse: The General Directorate for External Security, The Rosen Publishing Group, 01-09-2002. ISBN 082393814X. Davidson, Phillip, Vietnam at War, Oxford University Press, New York, 1988. ISBN 0-19-506792-4. Fall, Bernard B, Hell in a Very Small Place. The Siege of Dien Bien Phu, De Capo Press, New York, 1966. ISBN 0-306-80231-7. The Fall of Dienbienphu, Time Magazine, 17 tháng 5 năm 1954 edition. Rottman, Gordon L, Khe Sanh (1967–1968) – Marines battle for Vietnam's vital hilltop base, Osprey Publishing, 2005. ISBN 1-84176-863-4. Roy, Jules, The Battle of Dienbienphu, 1963. Translated from the French by Robert Baldick, 1965. Library of Congress catalog card number: 64-25121; again by Basic Books, 2002, with an Introduction by Ralph Wetterhahn. Pierre Asselin, A bitter peace: Washington, Hanoi, and the making of the Paris agreement, Univ of North Carolina Press, 25-11-2002. ISBN 0807854174. Yves Beigbeder, Judging War Crimes And Torture: French Justice And International Criminal Tribunals And Commissions (1940-2005), Martinus Nijhoff Publishers, 2006. Stone, David, Dien Bien Phu 1954, Brassey's, 2004. ISBN 1-85753-372-0. George Kilpatrick Tanham, Michael A. Sheehan, Communist revolutionary warfare: from the Vietminh to the Viet Cong, Greenwood Publishing Group, 30-08-2006. ISBN 0275992640. Windrow, Martin, The Last Valley, Weidenfeld and Nicolson, 2004. ISBN 0-306-81386-6. Pierre Asselin, 1997, New Perspectives on Dien Bien Phu, Explorations in Southeast Asian Studies, Vol 1, No. 2. Tiếng Pháp Navarre, Henri, Agonie de l'Indochine'', 1958. Laurent Cesari, Un malentendu transatlantique: les États-Unis et la bataille de Diên Biên Phû, Guerres mondiales et conflits contemporains 3/2003 (n° 211), p. 77-91. Liên kết ngoài Battle of Dien Bien Phu (Vietnam [1954]) tại Encyclopædia Britannica (tiếng Anh) Trang chủ Điện Biên Phủ của cựu chiến binh Pháp Gửi Bác và Bộ Chính trị, Báo cáo sơ lược trận chiến thắng đầu tiên của chiến dịch, thư của Lê Đức Thọ gửi Bác Hồ và Bộ Chính trị. Lịch sử Đoàn pháo binh Tất Thắng - Lữ đoàn pháo binh 45 (1945-2005) Memorial-Indochine.org in English An Analysis of the French Defeat at Dien Bien Phu - Phân tích thất bại của Pháp tại Điện Biên Phủ. Airlift's Role at Dien Bien Phu and Khe Sanh An interview with Vo Nguyen Giap - Phỏng vấn tướng Giáp. Battle of Dien Bien Phu, an article by Bernard B. Fall Dien Bien Phu: A Battle Assessment by David Pennington. "Peace" in a Very Small Place: Dien Bien Phu 50 Years Later by Bob Seals. ANAPI: Association Nationale des Anciens Prisonniers et Internés d'Indochine::. - Repères: 1945-1954 - La Guerre d'Indochine #1 (National Association of Former Pows in Indochina) Liên kết đa phương tiện Phim tư liệu (video) The News Magazine of the Screen (tháng 5 năm 1954) U.S. Secretary of State John Foster Dulles on the fall of Dien Bien Phu (May 7th, 1954) Dien Bien Phu Episode From Ten Thousand Day War Documetary Hồi ký (video) Testimonial of General Giap, 50 years after the battle (May 7th, 2004) Testimonial of General Bigeard, 50 years after the battle (May 3rd, 2004) Testimonial of Pierre Schoendoerffer, 50 years after the battle (May 5th, 2004) Sample of "Dien Bien Phu", docudrama by Schoendoerffer (1991) Báo cáo chiến tranh (Thư viện ảnh và chú thích) The battle of Dien Bien Phu Sự kiện lịch sử Việt Nam Phong trào độc lập Việt Nam Trận đánh liên quan tới Hoa Kỳ Trận đánh liên quan tới Pháp Trận đánh liên quan tới Việt Nam Trận đánh liên quan tới binh đoàn Lê dương Pháp Trận đánh và chiến dịch trong Chiến tranh Đông Dương Việt Nam năm 1954 Liên bang Đông Dương 1954 Xung đột năm 1954 Điện Biên Hồ Chí Minh Võ Nguyên Giáp Sự kiện tháng 3 năm 1954 Sự kiện tháng 4 năm 1954 Sự kiện tháng 5 năm 1954
7322
https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90i%E1%BB%87n%20Bi%C3%AAn
Điện Biên
Điện Biên là tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc Bộ của Việt Nam, gắn liền với chiến dịch Điện Biên Phủ và lễ hội hoa ban. Tỉnh lỵ của tỉnh là thành phố Điện Biên Phủ. Tên gọi Tên gọi Điện Biên là phiên âm Hán Việt của "奠邊", do vua Thiệu Trị đặt năm 1841 từ châu Ninh Biên. "Điện" nghĩa là vững chãi, "Biên" nghĩa là vùng biên giới, biên ải, "Điện Biên" tức là miền biên cương vững chãi. Phủ Điện Biên (tức Điện Biên Phủ) thời Thiệu Trị gồm 3 châu: Ninh Biên (do phủ kiêm lý, tức là tri phủ kiêm quản lý châu), Tuần Giáo và Lai Châu. Tên gọi Điện Biên hay Điện Biên Phủ xuất hiện từ đó. Địa lý Điện Biên nằm ở rìa phía Tây khu vực Tây Bắc Việt Nam. Tỉnh có tọa độ địa lý từ 20°54’ đến 22°33’ vĩ độ Bắc và từ 102°10' đến 103°36' kinh độ Đông. Tỉnh nằm cách thủ đô Hà Nội 504 km về phía Tây, giáp tỉnh Sơn La về phía Đông và Đông Bắc, giáp tỉnh Lai Châu về phía Bắc, giáp tỉnh Vân Nam của Trung Quốc về phía Tây Bắc, giáp các tỉnh Phôngsali và Luang Prabang của Lào về phía Tây và Tây Nam. Điện Biên là tỉnh duy nhất có chung đường biên giới với 2 quốc gia Lào và Trung Quốc dài hơn 400 km với đường biên giới tiếp giáp với Lào là 360 km và đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc là 40,86 km. Các điểm cực Điểm cực Bắc tại xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé. Điểm cực Tây tại bản A Pa Chải, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé. Điểm cực Đông tại xã Ta Ma, huyện Tuần Giáo. Điểm cực Nam tại xã Mường Lói, huyện Điện Biên. Địa hình Điện Biên có địa hình phức tạp, chủ yếu là đồi núi dốc, hiểm trở và chia cắt mạnh, được cấu tạo bởi những dãy núi chạy dài theo hướng Tây Bắc - Đông Nam với độ cao biến đổi từ 200 m đến hơn 1.800 m. Địa hình thấp dần từ Bắc xuống Nam và nghiêng dần từ Tây sang Đông. Ở phía Bắc có các điểm cao 1.085 m, 1.162 m và 1.856 m (thuộc huyện Mường Nhé), cao nhất là đỉnh Pu Đen Đinh (1.886 m). Ở phía Tây có các điểm cao 1.127 m, 1.649 m, 1.860 m và dãy điểm cao Mường Phăng kéo xuống Tuần Giáo. Xen lẫn với các dãy núi cao là những thung lũng, sông suối nhỏ hẹp và dốc phân bổ khắp nơi trong cả tỉnh. Trong đó, cánh đồng Mường Thanh được tạo thành từ thung lũng Mường Thanh rộng hơn 150 km², là cánh đồng lớn và nổi tiếng nhất của tỉnh Điện Biên và cả khu vực Tây Bắc. Địa chất Điện Biên có lịch sử phát triển địa chất lâu dài và cấu trúc kiến tạo phức tạp. Sau pha ổn định về địa chất kiến tạo tương đối vào thế Pliocen và kỷ Đệ Tứ, địa hình núi phân cách được thiết lập. Do nâng cao các dòng chảy diễn ra quá trình đào xẻ lòng làm cho các thung lũng sông ngày càng sâu với các sườn dốc từ 300–400 m và các vách dốc đứng, nhiều thác ghềnh. Thổ nhưỡng Đất đai ở Điện Biên phần lớn thuộc nhóm đất đỏ vàng (629.806,26 ha), nhóm đất đen, cùng với một diện tích lớn đất phù sa (12.622,13 ha) nằm tại vùng thung lũng Mường Thanh, Các đứt gãy Điện Biên là nơi giao nhau của một số đứt gãy sâu phân đới: Đứt gãy sông Đà, đứt gãy sông Mã, đứt gãy Điện Biên – Lai Châu và đứt gãy Sơn La. Trong đó đứt gãy Lai Châu – Điện Biên hoạt động tách giãn mạnh, tạo ra sụt lún dạng địa hào và nâng mạnh ở hai bờ đông tây, mật độ dập vỡ vỏ Trái Đất cũng tăng cực đại. Những yếu tố trên đã tạo ra các khu vực trượt lở và lũ bùn đá điển hình, là nguyên nhân gây ra các hiện tượng như lũ lụt, động đất. Các đứt gãy này đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và phân bố khoáng sản ở Điện Biên. Khoáng sản Điện Biên có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng, gồm các loại chính như: nước khoáng, than mỡ, đá vôi, đá đen, đá granit, sắt, chì, kẽm, nhôm, đồng, thủy ngân, v.v.. Trong đó, trữ lượng về than, vật liệu sản xuất (xi măng) và nguồn nước khoáng có thể được khai thác với quy mô lớn; còn lại là trữ lượng thấp và nằm rải rác trong tỉnh. Hiện nay có khoảng 83 mỏ, điểm mỏ khoáng sản và biểu hiện khoáng sản ở Điện Biên. Nguồn than mỡ thường phân bố ở khu vực huyện Điện Biên và Điện Biên Đông; khoáng sản thuộc các nhóm vật liệu xây dựng thông thường, chì và kẽm ở huyện Tuần Giáo, Tủa Chùa; sắt, đồng, antimon ở huyện Mường Chà; vàng ở huyện Điện Biên Đông, đá vôi ở huyện Điện Biên. Khí hậu Điện Biên có khí hậu nhiệt đới gió mùa núi cao, mùa đông tương đối lạnh và ít mưa nhưng kết thúc khá sớm và không có hiện tượng thời tiết mưa phùn và nồm ẩm như các tỉnh, thành ở phía đông dãy Hoàng Liên Sơn; mùa hạ nóng, mưa nhiều với các đặc tính diễn biến thất thường; chịu ảnh hưởng của gió tây khô và nóng. Nét đặc trưng khí hậu ở tỉnh là sự phân hóa đa dạng theo dạng địa hình và theo mùa. Điện Biên cũng là tỉnh có biên độ nhiệt trung bình ngày và đêm cao nhất cả nước. Nhiệt độ trung bình hàng năm từ 21 °C đến 23 °C, nhiệt độ trung bình thấp nhất thường vào tháng 12 đến tháng 2 năm sau (từ 14 °C đến 18 °C). Các tháng có nhiệt độ trung bình cao nhất từ tháng 4 đến tháng 9 (25 °C) chỉ xảy ra các khu vực có độ cao thấp hơn 500 m. Nhiệt độ trung bình năm có xu hướng tăng dần qua các thập niên. Lượng mưa hàng năm trung bình từ 1350 mm đến 2200 mm phân bố không đều giữa các địa phương và bị giảm sút mạnh về tổng lượng mưa hàng năm từ những thập niên 70 - 80 trở lại đây, thường tập trung theo mùa bắt đầu từ tháng 5 và kết thúc vào tháng 9 sớm hơn các tỉnh có vĩ độ thấp, mùa khô kéo dài từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau. Độ ẩm trung bình hàng năm từ 77 đến 90%. Điện Biên có nhiều nắng, khoảng từ 1850 đến 2150 giờ/năm và từ 115 đến 215 giờ/tháng. Các tháng có giờ nắng thấp là tháng 6 và tháng 7; các tháng có giờ nắng cao thường là các tháng 3, 4, 8 và tháng 9. Chế độ nhiệt ở Điện Biên phản ánh rõ nét mối quan hệ giữa hoàn lưu khí quyển và điều kiện địa hình. Do vị trí nằm khuất sau dãy núi Hoàng Liên Sơn nên không khí lạnh của khối khí lạnh di chuyển đến đây phải đi theo thung lũng sông Đà ngược lên, trên đường di chuyển khối khí này bớt lạnh đi, vì vậy chế độ nhiệt mùa đông của Điện Biên ấm và khô hơn so với Đông Bắc. Tuy nhiên do địa hình tương đối kín nên mỗi khi có đợt lạnh tràn về với cường độ mạnh thì không khí lạnh được giữ lại khá lâu, tạo nên đợt lạnh kéo dài nhiều ngày. Nhiệt độ thấp kỷ lục ở Điện Biên là -4.2 °C vào 6 giờ sáng ngày 25 tháng 1 năm 2016 (trạm Pha Đin) Thủy văn Nguồn nước ở Điện Biên rất phong phú với ba hệ thống sông lớn đi qua, bao gồm hệ thống sông Hồng (sông Đà), sông Mã và sông Mê Công. Sông ngòi trong tỉnh thường có độ dốc lớn, nhiều thác ghềnh – đặc biệt là các sông thuộc hệ thống sông Đà và sông Nậm Rốm – nên có tiềm năng phát triển thủy điện. Chất lượng nước tương đối cao, ít bị ô nhiễm. Sông Đà ở Điện Biên có năm phụ lưu chính là Nậm Ma (dòng chính dài 63 km), Nậm Bum (dòng chính dài 36 km), Nậm Pồ (dòng chính dài 103 km), Nậm Mức (dòng chính dài 86 km) và Nậm Muôi (dòng chính dài 50 km). Tổng diện tích các lưu vực khoảng 5300 km², chiếm 55% diện tích tự nhiên của tỉnh. Sông Đà chảy qua huyện Mường Nhé, Mường Chà, Tủa Chùa, Tuần Giáo và thị xã Mường Lay. Đối với sông Mã thì có hai phụ lưu chính là sông Nậm Húa (dòng chính dài 62,5 km) và suối Lư (dòng chính dài 39 km). Tổng diện tích các lưu vực 2550 km² và là hệ thống sông lớn thứ hai của tỉnh. Trong khi đó, hệ thống sông Mê Kông có diện tích lưu vực ít hơn là 1650 km² với hai nhánh chính là sông Nậm Rốm và Nậm Núa. Sông Nậm Rốm bắt nguồn từ huyện Điện Biên qua thành phố Điện Biên Phủ đến Pa Thơm (huyện Điện Biên) rồi chảy sang Lào. Sông Nậm Núa bắt nguồn từ Mường Nhà chảy theo hướng từ nam sang bắc, sau đó chuyển sang hướng từ đông sang tây và gặp sông Nậm Rốm ở Điện Biên Phủ rồi chảy sang Lào. Toàn tỉnh có hơn 10 hồ và hơn 1000 sông, suối lớn nhỏ phân bố tương đối đồng đều, đáng chú ý là hồ Pá Khoang, suối khoáng nóng Hua Pe và suối khoáng nóng Uva. Nguồn nước ngầm của tỉnh được tập trung chủ yếu ở các thung lũng lớn như huyện Điện Biên, Tuần Giáo, Tủa Chùa. Dù có trữ lượng nước ngầm khá lớn nhưng hiện nay mới chỉ thực hiện một số mũi khoan thử nghiệm, chưa đi vào khai thác. Hành chính Tỉnh Điện Biên có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 1 thành phố, 1 thị xã và 8 huyện với 129 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 9 phường, 5 thị trấn và 115 xã. Lịch sử Thời thượng cổ Vào thế kỷ thứ 6–7 ở vùng Vân Nam (Trung Quốc), quốc gia Nam Chiếu ra đời. Sau đó, những cuộc tranh chấp giữa Nam Chiếu và các tộc người khác thường xuyên diễn ra, khiến cho cả vùng Nam Trung Quốc và Bắc Đông Dương bất ổn định. Thời kỳ này đất Mường Thanh cũng trải qua nhiều biến động lớn. Đến thế kỷ 9–10, người Lự ở Mường Thanh đã phát triển khá mạnh, và ảnh hưởng mạnh sang các khu vực: Sìn Hồ, Mường Lay, Tuần Giáo, v.v.. Đến thế kỷ 11–12, người Tày Đăm (Thái đen) theo từ Mường Ôm, Mường Ai tràn xuống chiếm Mường Lò (Nghĩa Lộ) và từ Mường Lò thời gian sau đó, những cư dân này theo thủ lĩnh của mình là Pú Lạng Chượng để tràn qua Than Uyên, Văn Bàn và cuối cùng làm chủ cả một vùng từ Mường Lò (Nghĩa Lộ) qua Mường La (Sơn La), tới Mường Thanh (Điện Biên). Thời Bắc thuộc Vào thời kỳ Bắc thuộc, Điện Biên thuộc huyện Lâm Tây, quận Tân Hưng. Vào đời Lý, đất Điện Biên nằm trong hạt châu Lâm Tây; vào đời Trần, Điện Biên thuộc lộ Đà Giang, cuối thời Trần là trấn Thiên Hưng; thời Minh thuộc lại chia làm 2 châu Gia Hưng và Quy Hoá. Năm 1463, trấn Hưng Hóa được thành lập, bao gồm ba phủ: Quý Hóa, Gia Hưng, An Tây. Mặc dù vậy, các thủ lĩnh người Lự cơ bản vẫn làm chủ Mường Thanh. Từ 1466 về sau, Lê Thánh Tông đặt làm 12 thừa thừa tuyên, trong đó Hưng Hóa bao gồm 3 phủ, 4 huyện và 17 châu. Năm 1831, Minh Mạng đổi thành tỉnh Hưng Hóa, tỉnh lị đặt ở thị trấn Hưng Hoá, huyện Tam Nông (nay thuộc Phú Thọ). Thời Pháp thuộc Thời Pháp thuộc, Hưng Hóa được chia thành các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái và tách một số huyện nhập vào Phú Thọ. Năm 1890, thực dân Pháp mới đặt được ách cai trị ở Lai Châu (bao gồm Điện Biên và Lai Châu ngày nay). Lai Châu trừ Phong Thổ thuộc Đạo quan binh thứ Tư, trực tiếp nằm trong khu quân sự Vạn Bú. Ngày 28 tháng 6 năm 1909, ngày Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập tỉnh Lai Châu, nay là tỉnh Điện Biên và Lai Châu. Dưới chế độ thuộc địa của thực dân Pháp, Phủ Điện Biên (nay là Điện Biên Phủ) trở thành trung tâm điều hành, hành chính phía của khu vực phía nam tỉnh Lai Châu. Năm 1954, thực dân Pháp thực hiện kế hoạch Navarre đã đổ quân xuống lòng chảo Điện Biên Phủ với ý đồ xây dựng căn cứ chiến lược quân sự, khống chế và thôn tính Đông Dương và phía Nam Trung Quốc, phía bắc Lào. Sau năm 1954 Ngày 7 tháng 5 năm 1954, Điện Biên đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ – được coi là "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", chấm dứt 80 năm nô lệ dưới ách thực dân phong kiến. Để tăng cường đoàn kết giữa các dân tộc và tạo điều kiện cho các dân tộc ở Tây Bắc tiến bộ mau chóng về mọi mặt, trung ương đã quyết định lập khu vực tự trị của các dân tộc ở Tây Bắc, gọi là Khu tự trị Thái - Mèo theo Nghị quyết của Quốc hội vào ngày 29 tháng 4 năm 1955. Trước đó, theo Sắc lệnh số 143-SL ngày 28 tháng 1 năm 1953 của Chủ tịch nước, Khu Tây Bắc được thiết lập gồm các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Sơn La và Lai Châu, tách khỏi Liên khu Việt Bắc. Ngày 27 tháng 9 năm 1962, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa II đã quyết định thành lập lại 3 tỉnh Sơn La, Nghĩa Lộ và Lai Châu. Tỉnh Lai Châu lúc đó gồm 7 huyện: Điện Biên, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Tè, Mường Lay, Sìn Hồ, Phong Thổ và thị trấn Lai Châu. Từ năm 1962 đến năm 1994, thị trấn Lai Châu sau này là thị xã Lai Châu là thị xã tỉnh lỵ của tỉnh Lai Châu. Ngày 18 tháng 4 năm 1992, theo quyết định số 130/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng, thành lập thị xã Điện Biên Phủ và di chuyển tỉnh lỵ tỉnh Lai Châu về thị xã Điện Biên Phủ. Ngày 14 tháng 1 năm 2002, thành lập huyện Mường Nhé trên cơ sở một phần diện tích và dân số của các huyện Mường Tè và Mường Lay. Ngày 26 tháng 9 năm 2003, thành lập thành phố Điện Biên Phủ trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của thị xã Điện Biên Phủ. Ngày 26 tháng 11 năm 2003, Quốc hội ra nghị quyết chia tỉnh Lai Châu thành hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên. Tỉnh Điện Biên chính thức được thành lập vào ngày 1 tháng 1 năm 2004. Ngày 2 tháng 3 năm 2005, đổi tên thị xã Lai Châu thành thị xã Mường Lay, đổi tên huyện Mường Lay thành huyện Mường Chà. Ngày 14 tháng 11 năm 2006, thành lập huyện Mường Ảng trên cơ sở điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên và dân số của huyện Tuần Giáo. Ngày 25 tháng 8 năm 2012, thành lập huyện Nậm Pồ trên cơ sở điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên và dân số của các huyện Mường Nhé và Mường Chà. Tỉnh Điện Biên có 1 thành phố, 1 thị xã và 8 huyện như hiện nay. Kinh tế Kinh tế Điện Biên thuộc nhóm trung bình. Điện Biên là một trong những tỉnh gặp khó khăn, do địa hình đồi núi chia cắt nên nông nghiệp không phải là thế mạnh của Điện Biên. Hiện nay tỉnh đang chú trọng vào công nghiệp và du lịch. Trong bảng xếp hạng về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam năm 2020, tỉnh Điện Biên xếp ở vị trí thứ 46 trên 63 tỉnh thành. Năm 2018, Điện Biên xếp thứ 60 về tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) với 15.750 tỉ đồng (0,684 tỉ USD), xếp thứ 61 về GRDP bình quân đầu người với 27,31 triệu đồng (1.186 USD), đứng thứ 49 về tốc độ tăng trưởng GRDP với 7,15%. Dự ước tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh GRDP theo giá so sánh năm 2016 đạt 9223,2 tỷ đồng. Trong đó: khu vực nông – lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,56%; công nghiệp – xây dựng tăng 6,07%; dịch vụ tăng 8,64%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng xác định, trong đó: khu vực nông – lâm nghiệp và thủy sản chiếm 23,77%, giảm 1,08%; công nghiệp – xây dựng chiếm 25,29%, tăng 0,03%; dịch vụ chiếm 48,48%, tăng 1,04% so với năm 2015. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 22,31 triệu đồng/người/năm, tăng 7,87% so với năm 2015. Nông nghiệp Ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa chính là điều kiện thuận lợi để nông nghiệp ở Điện Biên phát triển. Tuy nhiên, các vụ rét đậm, rét hại vào mùa đông lại cản trở sự phát triển của cây trồng và vật nuôi. Điện Biên có 9 trang trại: 5 trang trại trồng trọt, 2 trang trại chăn nuôi, 1 trang trại nuôi trồng thủy sản và 1 trang trại khác. Tổng sản lượng lương thực của tỉnh Điện Biên ước đạt 253622 tấn; tổng số gia súc toàn tỉnh ước đạt 550600 con. Diện tích gieo cấy lúa năm 2016 đạt 500,98 km², tăng 1,32%; năng suất bình quân đạt 35 tạ/ha, giảm 0,4 tạ/ha; sản lượng ước đạt 175119 tấn, tăng 0,17% so với năm 2015. Diện tích gieo trồng ngô ước đạt 29.977 ha, tăng 0,8%; năng suất bình quân ước đạt 26,19 tạ/ha; sản lượng đạt 78503,44 tấn, tăng 3,03% so với năm 2015. Theo kết quả điều tra chăn nuôi trong tỉnh ước tính đến hết năm 2016: tổng số trâu có 129640 con, tăng 2,9%; tổng số bò có 53564 con, tăng 5,72%; tổng số lợn có 374350 con, tăng 5,28% so với năm 2015. Công nghiệp Một số sản phẩm chủ yếu của ngành công nghiệp ở Điện Biên tăng cao so với cùng kỳ năm 2015 như: điện, gạch xây, đá xây dựng, xi măng, trang in offset; một số sản phẩm chủ yếu ngành công nghiệp đạt thấp như: than sạch, gạch xây dựng. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2016 ước đạt 2235,22 tỷ đồng, tăng 9,1% so với năm 2015. Trong đó: công nghiệp khai thác đạt 107,97 tỷ đồng, tăng 1,38%; công nghiệp chế biến đạt 1798,94 tỷ đồng, tăng 5,32%; sản xuất, phân phối điện đạt 286,79 tỷ đồng, tăng 46,26%; cung cấp nước và xử lý rác thải đạt 41,52 tỷ đồng, tăng 8,99% so với năm 2015. Dịch vụ Xã hội Dân cư Tính đến năm 2021, dân số của tỉnh Điện Biên là 625.100 người với mật độ dân số là 66 người/km². Trong đó, dân số nam là 317.400 người và dân số nữ là 307.700 người; dân số thành thị đạt 95 nghìn người và dân số nông thôn đạt 530.100 người. Tỷ lệ tăng tự nhiên dân số của Điện Biên từ năm 2009 đến năm 2019 là 2 ‰. Năm 2019, Điện Biên có 134.273 hộ gia đình với 24.646 hộ ở thành thị và 109.627 hộ ở nông thôn. Tỷ lệ đô thị hóa tính đến năm 2022 đạt 30%. Theo cuộc điều tra dân số năm 2019, tỉnh Điện Biên có 42 dân tộc sinh sống bao gồm: Thái, Mông, Kinh, Dao, Khơ Mú, Hà Nhì, Giáy, La Hủ, Lự, Hoa, Kháng, Mảng, Tày, Nùng, Mường,... Trong đó, dân tộc Mông là dân tộc có dân số đông nhất với 228.279 người, chiếm 38,1% dân số toàn tỉnh. Dân tộc Mông xếp thứ hai với 213.714 người, chiếm 35,6% dân số toàn tỉnh. Dân tộc Kinh có dân số đông thứ ba với 104.061 người, chiếm 17,3% dân số tỉnh. Y tế Các hoạt động y tế, chương trình mục tiêu Y tế được duy trì và triển khai có hiệu quả theo kế hoạch, chất lượng công tác khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế của tỉnh Điện Biên từng bước được nâng lên. Tình hình dịch bệnh ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Ước cả năm tổng số lượt khám bệnh ước đạt trên 1.000.000 lượt người, tổng số bệnh nhân điều trị nội trú 103.800 lượt và trên 6500 bệnh nhân điều trị ngoại trú, Công suất sử dụng giường bệnh đạt 112%. Tuy nhiên, vì Điện Biên là tỉnh miền núi, 90% dân số là đồng bào các dân tộc ít người, sinh sống chủ yếu ở các bản vùng cao nên điều kiện khám, chữa bệnh vẫn còn nhiều hạn chế về chăm sóc sức khỏe và phòng chống dịch bệnh. Giáo dục Toàn tỉnh Điện Biên có tổng cộng 517 trường học; trong đó có 333 trường phổ thông, bao gồm: 176 trường tiểu học, 124 trường trung học cơ sở, 21 trường trung học phổ thông, 1 trường phổ thông cơ sở và 1 trường trung học. Chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên. Phương pháp dạy học tiếp tục được đổi mới theo hướng tích cực hóa, phát huy khả năng sáng tạo, hứng thú học tập, tạo điều kiện để mọi học sinh bộc lộ khả năng và năng lực của bản thân. Tỷ lệ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, đào tạo có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn tăng nhanh. Tuy nhiên, hoạt động giáo dục ở Điện Biên vẫn còn rất nhiều khó khăn gồm có cơ sở vật chất thiếu thốn hay đường đến trường gặp trở ngại. Tỉ lệ dân số biết chữ ở Điện Biên là 73,1%; số nam biết chữ nhiều hơn số nữ và ở thành thị nhiều hơn nông thôn. Tôn giáo và tín ngưỡng Theo số liệu năm 2019 của Tổng cục Thống kê, toàn tỉnh có 5 tôn giáo khác nhau với 60.668 người, nhiều nhất là đạo Tin Lành có 57.920 người, tiếp theo là Công giáo có 2.672 người, Phật giáo có 73 người. Còn lại các tôn giáo khác như đạo Cao Đài có hai người và 1 người theo Bửu Sơn Kỳ Hương. Tính đến năm 2019, Điện Biên là một trong những địa phương có số dân theo đạo Công giáo thưa nhất miền Bắc Việt Nam với 2.672 tín hữu, chiếm 0,4% dân số toàn tỉnh và cũng là địa phương có số dân theo đạo Tin Lành đông nhất miền Bắc Việt Nam với hơn 50.000 tín hữu. Số dân còn lại đa số thì không theo tôn giáo nào cả. Du lịch Điện Biên là tỉnh giàu tiềm năng du lịch, đặc biệt là về lĩnh vực văn hóa – lịch sử. Nổi bật nhất là hệ thống di tích lịch sử gắn liền với chiến dịch Điện Biên Phủ gồm: Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ (Mường Phăng); các cứ điểm Him Lam, Bản Kéo, Độc Lập; các đồi A1, C1, E1 và khu trung tâm tập đoàn cứ điểm của Pháp (hầm Đờ-cát Tơ-ri). Một điểm đến thu hút khách du lịch khác là thành Bản Phủ – đền thờ Hoàng Công Chất. Bên cạnh đó, tỉnh cũng có các công trình kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ. Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ được khánh thành vào ngày 30 tháng 4 năm 2004 tại đồi D1 nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ được khánh thành vào ngày 5 tháng 5 năm 2014 tại thành phố Điện Biên Phủ, là công trình trọng điểm chào mừng kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Ngoài ra, Điện Biên còn có rất nhiều các hang động, nguồn nước khoáng và hồ nước tạo thành nguồn tài nguyên du lịch thiên nhiên phong phú, như: Rừng nguyên sinh Mường Nhé; các hang động tại Pa Thơm (huyện Điện Biên), Thẩm Púa (Tuần Giáo); các suối khoáng nóng Hua Pe, U Va; các hồ Pá Khoang, Pe Luông… Theo số liệu của Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch tỉnh Điện Biên, lượng khách du lịch đến Điện Biên 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 490 nghìn lượt, tăng hơn một nửa so với cùng kỳ 2017. Trong đó, khách quốc tế đạt 94 nghìn lượt, tăng 72% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ hoạt động du lịch ước đạt 643,7 tỷ đồng, tăng gần một nửa so với cùng kỳ năm trước. Văn hóa Ẩm thực Điện Biên có nền ẩm thực ít nhiều chịu ảnh hưởng của ẩm thực vùng Tây Bắc. Ngoài các món ăn phổ biến như phở, bánh cuốn, bún chả,...; Điện Biên cũng có không ít các món ăn đặc sản phong phú và đa dạng. Gạo Điện Biên gồm hai loại cơ bản là IR64 (gạo tám Điện Biên) và Bắc thơm số 7 (gạo tám thơm Điện Biên) với hàng chục nghìn tấn gạo được sản xuất mỗi năm trên cánh đồng Mường Thanh. Gạo được chế biến và đóng gói tại tỉnh Điện Biên. Gạo tám Điện Biên có hạt nhỏ, căng bóng, màu đục; cơm dẻo như cơm nếp, thơm thoang thoảng, khi nhai có vị đậm. Cơm lam, vốn là món ăn để mang đi nương hay đi rừng, được nấu bằng ống tre, với nguyên liệu thường là gạo nếp nương. Một biến thể khác của món này là món cơm lam ngũ sắc, có năm màu sắc khác nhau. Sâu chít cũng là một sản vật phổ biến ở đây, thường dùng để ăn, nấu cháo hoặc ngâm rượu, được tiêu thụ mạnh ở vùng xuôi. Các loại gia vị đặc trưng ở đây gồm hạt mắc khén, chẳm chéo và hạt dổi. Tỉnh còn có nhiều món ăn đặc sản khác như: thịt trâu gác bếp, vịt om hoa chuối, khẩu xén, nậm pịa, xôi chim, pa pỉnh tộp,… Danh sách ẩm thực ở Điện Biên Pa tỉnh tộp, gà nướng mắc khén, rượu mông pê Tủa Chùa, táo mèo Pha Đin, bánh chưng đen Huổi Só, lạp xưởng hun khói, ngô nếp tím Điện Biên, canh bon, long nhãn Pom Lót, mận Phiêng Ban, xôi nếp nương, chè tuyết Sín Chải, bắp cải cuốn nhót xanh, gà đen Tủa Chùa, dưa mèo, bún khô Thanh An, rau thối, lợn đen mười bốn vú Mường Lay, sâu chít - rượu sâu chít, hạt dổi, mắc khén, chẳm chéo, khẩu xén Mường Lay, khoai sọ Tủa Chùa, thịt lợn hấp lá chuối, gạo tám thơm Điện Biên, măng riềng, hoa đu đủ đực, bánh đa Hoàng Công Chất, gà mọ, khoai sọ Tủa Chùa, gạo lứt đỏ, nộm hoa ban, cá ngần sông Đà, cơm lam, bánh chưng nếp nương, xôi chim Mường Thanh, gỏi cá, vịt om hoa chuối, côn trùng rang, vịt bầu cổ ngắn Tủa Chùa, bí xanh Tìa Dình, nếp cẩm, bánh dày Mông, xôi sắn, mật ong, thịt trâu gác bếp, dứa Mường Chà, rêu đá, măng, nậm pịa, đương quy Tủa Chùa, tiết canh lá bơ mó Mường Luân, rau sắn, lợn cắp nách Tủa Chùa, nếp tan Na Son. Lễ hội Ở Điện Biên có nhiều lễ hội, nổi bật nhất là lễ hội hoa ban và lễ hội thành Bản Phủ. Lễ hội hoa ban Điện Biên thường diễn ra vào giữa tháng 3 hàng năm nhằm giới thiệu, bảo tồn, phát huy các loại hình di sản văn hoá dân tộc ở Điện Biên. Lễ khai mạc thường được tổ chức ở quảng trường 7 – 5, với kết thúc là một màn biểu diễn pháo hoa nổ tầm thấp, được Đài Tiếng nói Việt Nam phát thanh; Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Phát thanh – Truyền hình Điện Biên truyền hình trực tiếp. Các chương trình, hoạt động của lễ hội gồm có: cuộc thi Người đẹp hoa ban, diễu hành đường phố Đêm hội hoa ban, chương trình nghệ thuật Về miền hoa ban, thưởng thức ẩm thực Hương sắc Điện Biên, các cuộc thi đấu thể thao và trò chơi dân gian, các triển lãm tranh, trình diễn trang phục dân tộc, thăm quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ… Lễ hội thành Bản Phủ được tổ chức vào ngày 24 đến ngày 25 tháng 2 âm lịch ở thành Bản Phủ để tưởng nhớ thủ lĩnh tướng quân Hoàng Công Chất trong công cuộc giải phóng Mường Then – Điện Biên khỏi sự chiếm đóng của giặc Phẻ. Một số ngày hội được Điện Biên đăng cai trong những năm qua gồm có Ngày hội Văn hóa, thể thao và Du lịch vùng biên giới Việt Nam – Lào, Ngày hội Văn hóa Dân tộc Thái và Năm du lịch Quốc gia 2004. Cuộc đua xe đạp do Báo Quân đội nhân dân tổ chức vào các năm 2014 và 2019 có hành trình xuất phát từ Hà Nội về Điện Biên Phủ. Vào dịp kỉ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, thành phố này có thể bắn pháo hoa tầm thấp với thời lượng tối đa là 15 phút. Ngoài ra, Điện Biên còn có nhiều lễ hội, nghi lễ, tập tục của các nhiều đồng bào dân tộc như lễ hội Hạn Khuống của người Thái, Tết cơm mới của người La Hủ, lễ hội mừng măng mọc hay Tết Hoa của dân tộc Cống. Nghệ thuật Xoè vòng là điệu múa khá phổ biến trong các hoạt động văn hóa tại tỉnh Điện Biên. Được thể hiện tài tình, khéo léo từ các đôi nam nữ, múa xoè không chỉ là sự kết tinh từ văn hóa cũng như niềm tin vào một cuộc ấm no, mùa màng tốt tươi; mà còn có ý nghĩa gắn kết tình cảm, sự tin tưởng, hay thể hiện biểu cảm, cảm xúc qua từng điệu múa. Xoè vòng là điệu múa xoè phổ biến nhất và được tham gia đông đảo hơn cả do tính đơn giản của nó; và thường được chọn làm tiết mục kết trong các chương trình văn nghệ. Các lớp tập huấn và truyền dạy nghệ thuật xòe Thái đã được tổ chức ở Điện Biên để bảo tồn và phát huy nghệ thuật này. Giao thông Mạng lưới giao thông đường bộ gồm: Quốc lộ 12: Từ thành phố Điện Biên Phủ đến cửa khẩu Ma Lù Thàng (Lai Châu), dài 195 km Quốc lộ 279: Nối Tuần Giáo qua thành phố Điện Biên Phủ đến cửa khẩu Tây Trang, dài 117 km Từ thành phố Điện Biên Phủ tới Hà Nội (474 km) theo quốc lộ 279 và rẽ sang quốc lộ 6 Đường hàng không gồm có sân bay Điện Biên Phủ tại thành phố Điện Biên Phủ phục vụ tuyến Hà Nội – Điện Biên Phủ – Viêng Chăn – Luông Pha Băng và ĐIện Biên – Hồ Chí Minh. Tính từ ngày 16 tháng 12 năm 2016 đến ngày 15 tháng 9 năm 2017, toàn tỉnh xảy ra 33 vụ tai nạn giao thông, làm chết 21 người, bị thương 31 người. Hình ảnh Kết nghĩa : Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hải Phòng; tỉnh Hải Dương, thành phố Cần Thơ, tỉnh Thừa Thiên - Huế : Thủ đô Viêng Chăn, tỉnh Oudomxay, tỉnh Luông Pha Băng, tỉnh Phôngsali; : Tỉnh Vân Nam; thủ đô Bắc Kinh : Thủ đô Paris; : Thủ đô Seoul; thành phố Busan : Thủ đô Tokyo. : Thủ đô Phnom Penh, tỉnh Siêm Riệp, Kampong Thom, Kampong Cham, Svay Rieng, Kandal : Thủ đô Bangkok, Thành phố Nakhon Ratchasima, tỉnh Chiang Mai : Thủ đô Washington D.C, Thành phố New York, Tiểu bang Texas, Tiểu bang California, các vùng Caribe, Hawaii, Alaska : Thủ đô Tonroto Tham khảo Xem thêm Điện Biên Phủ Chiến dịch Điện Biên Phủ Đài Phát thanh - Truyền hình Điện Biên Liên kết ngoài Cổng thông tin điện tử tỉnh Điện Biên Đặc đIểm biến dạng đớI đứt gãy hoạt động ĐIện Biên - Lai Châu và tiềm năng địa nhiệt vùng U Va, Tây Nam trũng ĐIện Biên Tây Bắc Bộ
7326
https://vi.wikipedia.org/wiki/Danh%20s%C3%A1ch%20v%C3%B4%20%C4%91%E1%BB%8Bch%20%C4%91%C3%B4i%20nam%20Wimbledon
Danh sách vô địch đôi nam Wimbledon
Nội dung đôi nam bắt đầu thi đấu từ năm 1884, còn đôi nữ bắt đầu từ 1913. Các năm 1915-1918 và 1940-1945 giải không được tổ chức vì hai cuộc chiến tranh thế giới. Đôi nam Xem thêm Giải Wimbledon Danh sách vô địch đơn nam Wimbledon Danh sách vô địch đơn nữ Wimbledon Danh sách vô địch đôi nam nữ Wimbledon Tham khảo vô địch Wimbledon, vô địch đôi
7327
https://vi.wikipedia.org/wiki/Danh%20s%C3%A1ch%20v%C3%B4%20%C4%91%E1%BB%8Bch%20%C4%91%C3%B4i%20nam%20n%E1%BB%AF%20Wimbledon
Danh sách vô địch đôi nam nữ Wimbledon
Nội dung đôi nam nữ bắt đầu thi đấu từ năm 1913, cùng năm với nội dung đôi nữ. Các năm 1915-1918 và 1940-1945 giải không được tổ chức vì hai cuộc chiến tranh thế giới. Xem thêm Giải Wimbledon Danh sách vô địch đơn nam Wimbledon Danh sách vô địch đơn nữ Wimbledon Danh sách vô địch đôi Wimbledon Tham khảo vô địch Wimbledon, vô địch đôi nam nữ
7330
https://vi.wikipedia.org/wiki/Nh%E1%BA%ADt%20k%C3%BD%20trong%20t%C3%B9
Nhật ký trong tù
Nhật ký trong tù (nguyên văn chữ Hán: 獄中日記; Hán-Việt: Ngục trung nhật ký) là tập thơ chữ Hán gồm 134 bài theo thể Đường luật do Hồ Chí Minh sáng tác trong thời gian bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam ở Quảng Tây, Trung Quốc, từ ngày 29 tháng 8 năm 1942 đến ngày 10 tháng 9 năm 1943. Ngoài ra, phần cuối văn bản là bút ký đọc sách và bút ký đọc báo ghi chép tóm tắt những thông tin quan trọng về chính trị, quân sự, văn hóa quốc tế và Việt Nam đương thời. Nhật ký trong tù không chỉ ghi những cảnh sinh hoạt trong tù, mà còn có ý nghĩa tố cáo chế độ nhà tù khắc nghiệt của chính quyền Tưởng Giới Thạch. Để tránh rắc rối với chính quyền Tưởng Giới Thạch, ở bìa đầu cuốn sổ, Hồ Chí Minh đã cẩn thận viết chệch thời gian sáng tác đi 10 năm: "29/8/1932 – 10/9/1933"; nhưng đến cuối tập thơ, trang 53, trên chữ "hoàn" (hết), Hồ Chí Minh đã dùng cùng một thứ chữ để ghi lại thời gian sáng tác chính xác: "29/8/1942 – 10/9/1943". Từ năm 1960, tác phẩm này được dịch ra tiếng Việt, được nhiều người đánh giá là một thể hiện khác của con người Hồ Chí Minh qua cách nhìn là một nhà thơ. Đến nay đã được xuất bản nhiều lần, dưới nhiều hình thức khác nhau, được dịch và giới thiệu ở nhiều nước trên thế giới, nhiều lần được thể hiện bằng thư pháp chữ Việt, Hán, Triều Tiên, Nhật Bản... Ngày 1 tháng 10 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ra quyết định công nhận bảo vật quốc gia cho tác phẩm "Ngục trung Nhật ký". Hoàn cảnh ra đời Giữa tháng 8 năm 1942, dưới danh nghĩa là đại biểu của Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội và Quốc tế phản xâm lược Việt Nam phân hội, Nguyễn Ái Quốc từ Pác Bó sang Trùng Khánh, Trung Quốc để kêu gọi sự ủng hộ của các nước Khối Đồng Minh đối với Mặt trận Việt Minh trong công cuộc đánh đuổi Pháp và Nhật. Khi đi, Nguyễn Ái Quốc mang theo tấm danh thiếp, ở giữa in tên Hồ Chí Minh, một bên in "Tân Văn ký giả", một bên in "Việt Nam – Hoa kiều". Tên gọi Hồ Chí Minh chính thức được sử dụng từ đây. Ngày 27 tháng 8, trên đường từ Ba Mông, huyện Tĩnh Tây tới huyện lỵ Bình Mã (nay là Điền Đông) để bắt xe đi Trùng Khánh, Hồ Chí Minh bị chính quyền địa phương bắt ở thị trấn Túc Vinh, huyện Thiên Bảo (nay là Đức Bảo) vì bị tình nghi là gián điệp. Từ đây, Hồ Chí Minh đã trải qua hành trình gian nan "Quảng Tây giải khắp mười ba huyện/Mười tám nhà lao đã ở qua". Chính trong bối cảnh này, tập thơ Nhật ký trong tù đã ra đời. Người dẫn đường cho Hồ Chí Minh trong chuyến đi này là Dương Đào, nhân vật trong bài thơ số 116 "Dương Đào ốm nặng", một thanh niên người dân tộc Choang ở Tĩnh Tây, Quảng Tây cũng bị bắt và giải đi nhiều nơi. Sau khi Hồ Chí Minh được trả tự do ít lâu, Dương Đào cũng được ra tù nhưng chưa kịp về quê nhà thì chết tại Liễu Châu do bị lao lực vì tù đày. Dịp Quốc khánh Việt Nam năm 1963, Hồ Chí Minh đã mời những người có công giúp đỡ cách mạng Việt Nam ở hai huyện Tĩnh Tây và Nà Phạ sang thăm Việt Nam, trong đó có em ruột Dương Đào là Dương Thắng Cường. Khi đoàn về nước, Hồ Chí Minh đã gửi lụa biếu bà Dương Đào. Hình thức "Nhật ký trong tù" là một cuốn sổ tay nhỏ, kích thước 12,5 cm x 9,5 cm, gồm 64 tờ viết trên một mặt bằng mực Tàu, chủ yếu theo hàng dọc từ trên xuống, từ phải sang trái và 18 tờ để trắng. Bìa trước ghi bốn chữ Hán "Ngục trung nhật ký" tức "Nhật ký trong tù" kèm theo cặp số biểu thị ngày tháng năm là 29/8/1932 và 10/9/1933; bốn câu đề từ "Thân thể ở trong lao/Tinh thần ở ngoài lao/Muốn nên sự nghiệp lớn/Tinh thần càng phải cao" và một hình vẽ hai tay bị xiềng, bàn tay đang nắm chặt. Từ tờ thứ nhất đến tờ 46 chép 131 bài thơ, đánh số theo thứ tự từ nhỏ đến lớn, trong đó bài số 100 "Liễu Châu ngục" chỉ có tên bài mà không có nội dung thơ. Từ tờ 47 đến tờ 52 là mục đọc sách (độc thư lan). Tờ 53 chép 2 bài thơ cuối kèm theo cặp số biểu thị ngày tháng năm 29/8/1942 và 10/9/1943 cùng với chữ "Hoàn", nghĩa là "Hết". Từ tờ 62 đến 71 là mục đọc báo (khán báo lan). Số bài Trong bản gốc bút tích Ngục trung nhật ký, tác giả không đánh số thứ tự và không đặt tên bài cho bốn câu "đề từ" (Thân thể ở trong lao/Tinh thần ở ngoài lao/Muốn nên sự nghiệp lớn/Tinh thần càng phải cao - Nam Trân dịch). Hồ Chí Minh chỉ đánh số thứ tự bắt đầu từ bài số 1 là bài Khai quyển (Mở đầu tập nhật ký) cho đến bài cuối cùng số 133 là bài Kết luận (nằm tại trang 53 của tập thơ). Tổng cộng 133 bài. Một số cuốn sách có tác dụng tra cứu quan trọng thì lại có sơ suất như cuốn: "Suy nghĩ mới về Nhật ký trong tù" Nhà xuất bản Giáo dục; Tuyển tập văn học, tập 3, Nhà xuất bản Văn học 1995; Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia năm 2000… đều đánh số thứ tự các bài thơ không như tác giả, mà đánh số thứ tự tính từ ngoài bìa, vì vậy bài Khai quyển trở thành bài số 2. Các bài khác do vậy cứ đẩy lên một số, dẫn đến có cuốn có 134 bài. Đánh giá Tập thơ "Nhật ký trong tù" đã được một số nhà phê bình đánh giá. Theo BBC, không chỉ các tác giả Việt Nam và phương Tây mà ngay chính các nhân vật của Trung Quốc – quê hương của thơ chữ Hán – như Quách Mạt Nhược, Viên Ưng, Hoàng Tranh đều ca ngợi tập thơ này. Xuân Diệu có viết: "Thơ Nhật ký trong tù theo ý tôi, rất dễ và rất khó. Dễ là dễ hiểu, giản dị, gần gũi với mọi người, các bài có cơ sở đầu tiên ở thực tế dễ thông cảm. Nhưng nếu chưa nâng tâm trí mình lên đúng mức thì chưa thấy hết các tinh tuý ở bên trong thơ, cho nên nói là rất khó... Người xưa nói: "Đối diện đàm tâm" nghĩa là mặt nhìn mặt miệng không nói mà hai tâm hồn trò chuyện, như vậy là tinh vi lắm, là cái thứ im lặng rất cao đàm tâm được với nhau... Cái hay vô song của tập thơ là chất người cộng sản Hồ Chí Minh, được đào tạo trong lò hun đúc của Lênin mà vẫn mang cái tinh anh của Nguyễn Trãi, Văn Thiên Tường..." Một số bài thơ trích từ "Nhật ký trong tù" Chú thích Liên kết ngoài Nghiên cứu của PGS Hoàng Tranh (Trung Quốc) về quá trình viết NKTT, phỏng vấn các nhân chứng sống, bình luận đánh giá thơ... Nhật ký trong tù trên gỗ. Triển lãm thư pháp Hàn Quốc 'Nhật ký trong tù' Tập thơ Việt Nam Trong tù Bảo vật quốc gia của Việt Nam Sáng tác trong nhà tù
7333
https://vi.wikipedia.org/wiki/Qu%E1%BB%91c%20huy%20Vi%E1%BB%87t%20Nam
Quốc huy Việt Nam
Quốc huy Việt Nam hiện nay (nguyên thủy là Quốc huy Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) được Quốc hội Việt Nam khóa I, kỳ họp Quốc hội thứ VI (từ 15 tháng 9 tới 20 tháng 9 năm 1955), phê chuẩn từ mẫu quốc huy do Chính phủ đề nghị. Mẫu quốc huy này do họa sĩ Bùi Trang Chước vẽ, và họa sĩ Trần Văn Cẩn chỉnh sửa. Lịch sử Năm 1950, một số quốc gia trên thế giới thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Để mở rộng quan hệ với các nước, khẳng định chủ quyền của Việt Nam thông qua hoạt động ngoại giao, Bộ Ngoại giao đã có công văn gửi Ban thường vụ Quốc hội về việc sáng tác quốc huy. Năm 1951, cuộc thi sáng tác mẫu Quốc huy đã được phát động và đã thu hút đông đảo họa sĩ trên cả nước tham gia. Trong đó, họa sĩ Bùi Trang Chước đã có 112 bản vẽ phác thảo và chi tiết. 15 bản vẽ của ông đã được Ban mỹ thuật chọn gửi Bộ Tuyên Truyền để trình lên Chính phủ. Phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam cuối cùng của ông là hình tròn, hai bên là các bông lúa, có mấy bông rủ vào bên trong ôm cái đe ở giữa phía dưới, dưới đe là dải lụa có chữ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Phía trên bên trong là ngôi sao vàng trên nền đỏ, dưới ngôi sao gần giữa trung tâm là vòng cung mặt trời, có tia chiếu sáng xung quanh, gợi lên hình ảnh buổi bình minh. Toàn bộ Quốc huy dùng hai màu vàng và đỏ, là các màu cổ truyền của hoành phi và câu đối. Các mẫu này khi trình lên Chính phủ thì được Chủ tịch Hồ Chí Minh góp ý: "Hình tượng cái đe là thủ công nghiệp cá thể, nên dùng hình tượng tượng trưng cho nền công nghiệp hiện đại". Mẫu quốc huy này của ông đã được Trung Ương duyệt, và chỉ đạo chỉnh sửa một số chi tiết nhỏ. Lúc đó, họa sĩ Bùi Trang Chước đang được giao một nhiệm vụ tuyệt mật là vẽ và in tiền, do đó, họa sĩ Trần Văn Cẩn đã chỉnh sửa mẫu Quốc huy. Ngày 14 tháng 1 năm 1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh 254-SL về việc ban bố mẫu quốc huy của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, kèm theo đó là Phụ lục số 1, 2 in mẫu vẽ quốc huy có tô màu vàng kim nhũ và Quốc huy không tô màu. Năm 1976, khi đất nước Việt Nam thống nhất, mẫu Quốc huy được sửa đổi phần quốc hiệu (theo phê chuẩn của Quốc hội Việt Nam khóa VI). Vì vậy, Quốc huy Việt Nam chính thức mang dòng chữ (in hoa) "CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM". Mô tả Khi được ban hành lần đầu năm 1956, quốc huy nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa được mô tả tại Điều 2 Sắc lệnh 254/SL của Chủ tịch nước như sau: Hiến pháp năm 2013 mô tả Quốc huy tại khoản 2 Điều 13 như sau: Thiết kế Quốc huy Việt Nam được thiết kế theo mẫu: Tổng thể Quốc huy có dạng hình tròn, có hai màu chủ đạo là đỏ và vàng, đối xứng qua trục dọc đi qua chính tâm của Quốc huy; Xung quanh Quốc huy là 2 bó lúa nếp chín vàng, mỗi bó có 5 cọng lúa, với 54 hạt lúa tượng trưng cho 54 dân tộc Việt Nam; Ở giữa phía trên là ngôi sao màu vàng có 5 cánh đều, đỉnh ngôi sao hướng thẳng lên trên, 5 cánh nổi ở tâm ngôi sao, thể hiện đổ bóng với nguồn ánh sáng chiếu từ bên phải sang, theo bản đồ Việt Nam là ánh sáng ban mai từ biển Đông chiếu vào, màu vàng của các cánh sao có sự thay đổi sắc độ vàng theo đổ bóng của ánh sáng; Dưới ngôi sao là bánh xe răng, nhìn rõ tâm, bên trong bánh xe có 5 đường tròn đồng tâm, rìa ngoài bánh xe có thể nhìn thấy rõ 10 răng; Dải lụa màu đỏ cuốn quanh bó lúa, viền màu vàng, trên dải lụa có 2 dòng chữ in hoa, dòng trên ghi "CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA", dòng dưới ghi "VIỆT NAM". Lỗi kỹ thuật Đầu năm 2007, họa sĩ, đại biểu Quốc hội Trần Khánh Chương cho rằng việc in ấn, sao chép hình quốc huy Việt Nam có nhiều sai sót so với Hiến pháp quy định như: Hạt lúa không thuôn nhỏ mà to tròn. Bánh xe răng không đủ 10 răng. Các đường tròn đồng tâm trong bánh xe răng không chính xác. Khe giữa 2 vành bông lúa phía trên cùng to nhỏ tùy hứng. Những mẫu quốc huy khác từng xuất hiện trong lịch sử Toàn bộ lãnh thổ Một phần lãnh thổ Xem thêm Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Đảng Cộng sản Việt Nam Quốc hiệu Việt Nam Quốc kỳ Việt Nam Quốc ca Việt Nam Tham khảo Liên kết ngoài Tác giả Quốc huy Việt Nam trên Cục Văn thư và Lưu trữ Việt Nam Chuyện chưa kể xung quanh tác giả mẫu Quốc huy Việt Nam Quốc huy Việt Nam ngày ấy và bây giờ Báo Thanh niên Việt Nam Biểu tượng của Việt Nam Tác phẩm năm 1976
7340
https://vi.wikipedia.org/wiki/C%C3%A1%20m%E1%BA%ADp
Cá mập
Cá mập là một nhóm cá thuộc lớp Cá sụn, thân hình thủy động học dễ dàng rẽ nước, có từ 5 đến 7 khe mang dọc mỗi bên hoặc gần đầu (khe đầu tiên sau mắt gọi là lỗ thở), da có nhiều gai nhỏ bao bọc cơ thể chống lại sự ký sinh, các hàng răng trong miệng có thể mọc lại được. Cá mập bao gồm các loài với kích cỡ chỉ bằng bàn tay, như Euprotomicrus bispinatus, một loài cá sống dưới đáy biển dài chỉ 22 xentimét, đến cá nhám voi khổng lồ (Rhincodon typus), loài cá lớn nhất với chiều dài 12 mét (39 ft) tương đương với một con cá voi nhưng chỉ ăn sinh vật vật phù du, mực ống và một số loài cá nhỏ khác. Cá mập bò (Carcharhinus leucas) còn được biết đến nhiều nhất nhờ khả năng bơi được trong cả nước ngọt và nước mặn, thậm chí là ở các vùng châu thổ. Cá mập được cho là xuất hiện cách đây hơn 420 triệu năm, trước cả thời kỳ xuất hiện khủng long. Đặc điểm Theo Animals Planet Channel, cá mập chỉ có sụn chứ không có xương, cá mập chỉ có thể bơi thẳng tới chứ không thể bơi thụt lùi được. Nhìn xa, bạn có thể cho rằng cá mập không có vảy, nhưng thực chất bộ da của chúng được phủ rất nhiều vảy nhỏ, khi sờ vào bạn có thể thấy nhám như giấy ráp. Một con cá mập có thể phát hiện ra một giọt máu trong một bể bơi có dung tích chuẩn Olympic. Cá mập có thể sống trung bình khoảng 25 năm. Tuy nhiên có một số loại, ví dụ như cá mập voi, có thể sống tới 100 năm. Trên thế giới có khoảng 440 loài cá mập, nhưng chỉ 30 loài là nguy hiểm với con người. Theo thống kê, một năm cá mập tấn công khoảng dưới 100 người, trong khi đó số người chết vì ong đốt hoặc bị dừa rơi trúng đầu lớn hơn nhiều. Cá mập thường có 5-7 nắp mang. Nhiều người cho rằng chúng phải luôn di chuyển để nước lùa vào các mang, đảm bảo sự hô hấp của chúng, nếu không sẽ chết do thiếu oxy. Nhưng trên thực tế người ta có thể giữ một con cá mập ở yên một chỗ rất lâu mà con cá mập đó không hề bị thương tổn gì, miễn là nó không bị hoảng loạn. Điều này có thể thấy rõ ở các họ hàng của nó lại thường là các loài ít di chuyển, ví dụ như cá đuối. Trong suốt cuộc đời mình, cá mập có thể thay răng nhiều lần: chúng có nhiều lớp răng xếp bên trong bộ hàm khỏe, và ngay khi một chiếc răng bị rụng đi khi cắn phải vật cứng thì sẽ có chiếc khác thay thế. Phân loại Xem thêm bài phân loại cá mập, cá mập trắng lớn. Hơn 440 loài cá mập dựa theo hình thái sinh học được liệt kê dưới đây theo mối quan hệ tiến hóa của chúng từ thời cổ xưa đến hiện đại. 8 nhóm bao gồm: Hexanchiformes: Là các loài cá mập cổ xưa nhất bao gồm cả cá mập bò và cá mập thằn lằn. Squaliformes: Nhóm này bao gồm cá mập Bramble, cá nhám gai, cá mập gai và Squalidae. Pristiophoriformes: Đây là bộ Cá nhám cưa, với các loài mõm dài hình răng cưa sử dụng để cắt nhỏ con mồi. Squatiniformes: Còn được gọi là cá mập thiên thần. Heterodontiformes: Chúng thường được gọi là cá mập đầu bò hoặc cá mập sừng. Orectolobiformes: Chúng thường được gọi là cá mập thảm, bao gồm cả cá mập vằn, cá mập y tá và cá mập voi. Carcharhiniformes: bao gồm 270 loài bao gồm cá mập chồn, cá mập thợ săn, cá mập cầu hồn, cá mập mèo, cá mập đầu búa... Chúng được phân biệt bởi mõm dài và một màng bảo vệ mắt. Lamniformes: Chúng thường được gọi là Bộ cá nhám thu. Chúng bao gồm cá mập yêu tinh, cá nhám phơi nắng, cá mập miệng lớn, cá nhám, cá mập đuôi ngắn, cá mập đuôi dài, cá mập trắng lớn. Chúng được phân biệt bởi bộ hàm lớn và hợp tử phát triển trong ống dẫn trứng của con cái trong quá trình sinh sản. Nhóm này bao gồm các loài đã tuyệt chủng như megalodon, Carcharodon... Sinh sản Cá mập đẻ trứng nhưng hầu hết các loài trứng được nuôi dưỡng trong cơ thể mẹ cho tới khi nở. Ở một số loài còn lại trứng thường được kết lại thành một chùm và được gắn chặt vào một chỗ vững chãi và kín đáo. Một số loài cá mập rất chung thủy với bạn tình, suốt đời chỉ có một bạn tình. Nếu một con trong cặp đó chết thì con kia sẽ không kết đôi với bất kỳ một con cá mập nào khác hoặc sẽ sinh sản vô tính để tiếp tục nhiệm vụ duy trì nòi giống. Sự sinh sản vô tính ở cá mập làm giảm sự đa dạng gien, điều giúp chúng chống lại các mối đe dọa từ các loài khác. Điều này có thể đã góp phần vào sự suy giảm số lượng, dẫn đến sự tuyệt chủng của cá mập. Giác quan Khứu giác hoàn hảo và thị giác khá tốt cộng thêm khả năng cảm nhận điện trường của động vật đã ấn định cho cá mập ngôi vị vua biển cả. Với giác quan này, một con cá mập có thể xác định mùi máu, hay nước tiểu của con mồi ở xa hàng km. Bởi vậy điều này mà nhiều người nghĩ nếu bị chảy máu thì không nên tắm biển hay lướt sóng vì sợ bị tấn công. Nhưng chính do khứu giác rất tốt của cá mập mà nó dễ dàng phân biệt máu người và máu con mồi ngoài tự nhiên, nên nó không thể bị nhầm lẫn và sẽ không tấn công vì cá mập không coi con người là con mồi. Hầu hết các vụ tấn công đều do cá mập nhìn nhầm người lướt ván hay bơi trên biển là hải cẩu hay bò biển. Thị giác Mắt cá mập cũng tương tự như mắt những loài động vật xương sống khác, bao gồm giác mạc, võng mạc và thấu kính. Mắt chúng thích nghi với môi trường biển nhờ được phủ một lớp màn mỏng. Lớp màn này ở đằng sau võng mạc và phản chiếu ánh sáng tới võng mạc làm tăng sự rõ ràng trong bóng tối. Hiệu lực của tấm màn này rất đa dạng, với một số loại cá mập giúp chúng thích nghi với bóng đêm dễ dàng hơn. Cá mập có mí mắt nhưng không chớp vì nước xung quanh đã làm sạch mắt chúng. Bảo vệ mắt là những màng mắt. Màng này bao trùm mắt khi chúng ăn mồi hay bị tấn công. Một số loài cá mập, kể cả cá mập trắng, không có màng này nhưng chúng cuộn mắt mình lại khi tấn công mồi. Khứu giác Cá mập có khứu giác rất nhạy, chúng có thể nhận ra 1 giọt máu trong 1 triệu giọt nước biển. Một số loài, như nurse shark, có những râu xung quanh mép tăng độ nhạy để bắt mồi. Cá mập thường dựa vào khứu giác để tìm mồi, nhưng trong phạm vi ngắn, chúng còn dùng cả đường bên để nhận biết chuyển động và những lỗ cảm giác trên đầu chúng để phát hiện ra sóng điện trong nước. Thính giác Cá mập cũng có thính giác nhạy bén, chúng có thể nghe tiếng của con mồi cách xa vài dặm. Tai cá mập là tai trong. Trong nhóm cá xương và nhóm động vật 4 chân, tai trong đã bị tiêu biến. Đường bên Hệ thống này có ở nhiều loài cá, kể cả cá mập. Nó dùng để nhận biết chuyển động trong nước. Cá mập sử dụng đường bên để nhận diện sự chuyển động của sinh vật khác, đặc biệt là làm bị thương chúng. Cá mập có thể cảm thấy những tần số trong phạm vi từ 25 đến 50 Hz. Đánh bắt Hằng năm, các bản báo cáo ước đoán có hàng trăm triệu con cá mập bị giết lấy vi và trong câu cá giải trí. Trước đây, cá mập chỉ bị giết trong môn thể thao câu cá mập, thuộc những loại dai sức nhất (như cá mập mako vây ngắn). Những loại cá mập khác bị giết để làm thực phẩm (chẳng hạn như cá mập nhám đuôi dài Đại Tây Dương, mako vây ngắn,...), một số loài dùng để làm các sản phẩm khác. Thịt cá mập rất được ưa chuộng ở nhiều nơi trên thế giới, bao gồm Nhật Bản và Úc. Tại bang Victoria của Úc cá mập là loại cá được dùng nhiều nhất trong bữa ăn kèm với khoai tây rán, được làm từ những miếng thịt phi-lê được chiên kỹ hay xay nhuyễn và nướng đều trên than hồng. Cá mập còn bị giết để làm súp vi cá. Để lấy được vi cá mập, người ta phải bắt sống rồi cắt vây bằng một thanh sắt nóng rồi cuối cùng thả chúng xuống nước. Cá mập còn bị giết lấy thịt. Thịt của cá nhám, cá mập mèo, cá đuối... là nhu cầu không thể thiếu cho người tiêu dùng ở thị trường châu Âu và Châu Mĩ. Đã có các trường hợp hàng trăm con cá mập mất vây bị vớt lên mà không có cách nào để tự quay về biển. Những người ủng hộ công cuộc bảo vệ thiên nhiên môi trường đang đấu tranh quyết liệt để tạo dự luật cấm sử dụng vi cá ở Mỹ. Một số người cho rằng sụn cá mập có thể chữa được ung thư và bệnh viêm khớp mãn tính. (Bởi vì cá mập miễn dịch với mọi loại bệnh tật kể cả ung thư, từ đó họ nhầm tưởng rằng sụn cá có thể giúp con người chống lại các bệnh nan y.) Cá mập bị con người săn bắt một cách vô ý thức dẫn đến khả năng nhiều loài đã đứng bên bờ tuyệt chủng. Có rất nhiều tổ chức, điển hình là Shark Trust, đã và đang đấu tranh tích cực để hạn chế việc giết hại cá mập. Văn hóa Âm nhạc Baby Shark Phim ảnh Porpoise - Cá mập Tom And Jerry Shortfilm: Puss 'N' Boats (1966) Tom And Jerry Shortfilm: Filet Meow (1967) Tom And Jerry Shortfilm: Cannery Rodent (1967) Tom And Jerry Shortfilm: Surf-Bored Cat (1967) Bruce - Cá mập trắng lớn (Finding Nemo - Đi Tìm Nemo) (2003) Anchor - Cá mập đầu búa (Finding Nemo - Đi Tìm Nemo) (2003) Chum - Cá mập mako vây ngắn (Finding Nemo - Đi Tìm Nemo) (2003) Don Ira Feinberg - Cá mập báo (Shark Tale - Câu Chuyện Cá Mập) (2004) Don Lino - Cá mập trắng lớn (Shark Tale - Câu Chuyện Cá Mập) (2004) Lenny Lino - Cá mập trắng lớn (Shark Tale - Câu Chuyện Cá Mập) (2004) Frankie Lino - Cá mập trắng lớn (Shark Tale - Câu Chuyện Cá Mập) (2004) Troy - Cá mập báo: The Reef: Shark Bait - Rặng San Hô: Mồi Săn Cá Mập (2006) The Reef 2: High Tide - Rặng San Hô 2: Thủy Triều Lên (2012) Ronny - Cá mập lùn đèn lồng (The Reef 2: High Tide - Rặng San Hô 2: Thủy Triều Lên) (2012) Bronson - Cá mập trắng lớn (The Reef 2: High Tide - Rặng San Hô 2: Thủy Triều Lên) (2012) Hector - Carcharhinus brachyurus (The Reef 2: High Tide - Rặng San Hô 2: Thủy Triều Lên) (2012) Bud - Cá mập đầu búa (The Reef 2: High Tide - Rặng San Hô 2: Thủy Triều Lên) (2012) Doom - Cá mập trắng lớn (The Reef 2: High Tide - Rặng San Hô 2: Thủy Triều Lên) (2012) Destiny - Cá mập voi (Finding Dory - Đi tìm Dory) (2016) Xem thêm Cắt vi cá mập Tham khảo (bằng tiếng Anh) Gilbertson, Lance (1999). Zoology Laboratory Manual. New York, McGraw-Hill Companies, Inc. Castro, Jose. The Sharks of North American Waters. College Station: Texas A&M University Press, 1983. Stevens, John D. Sharks. New York: NY Facts on File Publications, 1987 Liên kết ngoài (bằng tiếng Anh) The International Shark Attack File Shark Trust Organization ReefQuest Centre for Shark Research Photographs of sharks Cá thương mại Ngư học Động vật nguy hiểm Bài cơ bản dài trung bình Thú ăn thịt Hóa thạch sống
7350
https://vi.wikipedia.org/wiki/Tem%20h%E1%BB%8Dc
Tem học
Tem học hoặc Bưu chính học là ngành nghiên cứu trong lĩnh vực tem thư và tem lệ phí về hình thức, sản xuất và việc sử dụng tem sau khi được phát hành. Một số người nhầm tem học với sưu tầm tem, nhưng tem học có ý nghĩa rộng hơn. Ví dụ nhà tem học (nhà bưu chính học) có thể nghiên cứu những chiếc tem rất hiếm nhưng không nhất thiết họ phải sở hữu chúng, bởi lẽ những con tem hiếm với số lượng rất nhỏ thường được lưu trữ trong các viện bảo tàng hoặc chúng nằm trong các sưu tập tem tư nhân. Ngược lại, một người sưu tầm tem không nhất thiết phải quan tâm về nguồn gốc tem hay việc chiếc tem đó đã được sử dụng như thế nào. Từ tem học (tiếng Pháp: philatélie) được Georges Herpin sử dụng lần đầu tiên trên tạp chí Le Collectioneur de timbres-poste vào 15 tháng 11 năm 1864. Từ philatélie được tạo nên từ các từ tiếng Hy Lạp philos (người bạn) và ateleia (trả lệ phí). Một số tên khác đã được đề nghị như timbrofilie, timbrologie nhưng không được sử dụng. Tham khảo Bưu chính Giải trí Khoa học bổ trợ của lịch sử
7352
https://vi.wikipedia.org/wiki/S%C6%B0u%20t%E1%BA%ADp%20tem
Sưu tập tem
Sưu tập tem hay chơi tem là việc sưu tầm tem thư và những vật phẩm liên quan như phong bì,... Nó là một trong những thú sưu tập phổ biến nhất trên thế giới, ước tính chỉ riêng ở Mỹ đã có hơn 2 triệu người theo đuổi sở thích này. Người ta nói rằng, sưu tập tem là vua của các loại sưu tập. Sưu tầm tem không giống với tem học, môn học về tem thư. Nhà tem học không nhất thiết phải là người sưu tập tem. Nhiều người sưu tập đơn thuần với mục đích giải trí và không quá quan tâm đến các chi tiết nhỏ về con tem, nhưng để có một bộ sưu tập tem lớn và toàn diện, việc có kiến thức về tem học là rất cần thiết. Các nhà sưu tập tem đôi khi đóng vai trò là nguồn tiền đối với một số quốc gia chuyên in các bộ tem số lượng hạn chế với thiết kế đặc biệt dành riêng cho việc sưu tập. Những loại tem được in kiểu này phần nhiều vượt qua nhu cầu về tem thư trong nước, nhưng đồng thời có những chi tiết thiết kế đặc biệt mà những nhà sưu tập muốn có trong bộ sưu tập của mình. Nhiều người sưu tầm, nhìn thấy là giá của những tem hiếm đang tăng lên, đã bắt đầu đầu tư vào tem. Tem hiếm là đầu tư hữu hình có thể giữ và mang theo dễ dàng, cho nên tem là lựa chọn tốt đối với tác phẩm nghệ thuật hay kim loại quý. Ngày nay, không chỉ trên thế giới mà ở cả Việt Nam, sưu tập tem đã trở thành loại hình sưu tập chiếm số lượng đông đảo, khi mới ra đời vào năm 1840, tem chỉ làm nhiệm vụ thanh toán cước phí bưu chính, làm nhiệm vụ vận chuyển và làm tăng doanh thu bưu chính. Ban đầu, tem thư phát hành là tem phổ thông - tức là tem phát hành với số lượng lớn - hình ảnh và màu sắc trên tem không đẹp. Do nhu cầu bưu chính, nhiều loại tem khác nhau đã ra đời khiến cho con tem trở nên phong phú và đa dạng hơn. Và để phục vụ cho nhu cầu sưu tập, con tem ngày nay đã in ấn càng lúc càng đẹp hơn, phong phú với nhiều chủ đề nhằm quảng bá đất nước, con người. Mỗi con tem là một tác phẩm thu nhỏ, có tính chất đồ họa đặc biệt, ban đầu người ta xem tem chỉ là một vật để phục vụ bưu chính- nhưng lâu dần con tem bị dán và dần mất đi, và nguyên tắc tem là không tái bản, vì vậy lâu dần nêu không sưu tập và cất giữ, con tem sẽ bị mất đi. Từ những nguyên nhân trên, bộ môn sưu tập tem đã ra đời và trở thành một bộ môn nghệ thuật cho đến ngày nay. Lịch sử sưu tập tem Năm 1841, phong trào sưu tập Tem xuất hiện tại Anh và nhanh chóng lan rộng ra khắp thế giới. Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) được thành lập ngày 09-10-1874 tại Thụy Sĩ; Liên đoàn Tem chơi Quốc tế (FIP) được thành lập ngày 26-6-1926 tại Paris (Pháp). Liên đoàn Tem chơi châu Á - Thái Bình Dương (FIAP) được thành lập ngày 14-9-1974 tại Singapore. Hội Tem Việt Nam được thành lập ngày 30-12-1960. Chủ đề trên tem sưu tập Người sưu tập thường có xu hướng sưu tập theo chủ đề mình thích, thông thường chủ đề do người chơi tự chọn lấy riêng cho bản thân mình. Thông thường người chơi có thể có từ 1 đến 50 chủ đề chơi. Ví dụ, chủ đề: hoa, bướm, cây cỏ, di sản hay danh nhân, thuyền bè... Chủ đề nào được nhiều người chơi nhất sẽ làm cho giá tem mau lên giá nhất. Các chủ đề được nhiều người chơi nhất là: chủ đề bướm, hoa lan và di sản thế giới. Các thuật ngữ trong sưu tập tem Mint stamp: có nghĩa là tem sống, tức là tem còn lưu hành nhưng chưa qua sử dụng. Hinge stamp: có nghĩa là giấy gắn tem, là mảnh giấy nhỏ hình chữ V, 1 đầu dán vào sau lưng tem, 1 đầu dán vào album. Thời trước, người chơi tem thường dùng cách này để dán tem vào album vì album có băng gài tem chưa thông dụng như bây giờ. MINT NEVER HINGED (MNH) hay MINT UNHINGED (MUH): tem sống hoàn hảo, không có giấy gắn tem phía sau. Loại này có giá trị rất cao. MINT VERY LIGHT HINGED (MVLH): tem sống đã được lột bỏ giấy gắn tem, hầu như không còn dấu vết của giấy gắn tem ở mặt sau tem. Giá trị ngang bằng tem sống. MINT LIGHT HINGED (MLH): tem sống đã được lột bỏ giấy gắn tem, chỉ còn vết rất mờ của giấy gắn tem ở mặt sau tem. Giá trị thấp hơn tem sống và giá cả cũng vậy. MINT HINGED (MH): tem sống vẫn còn nguyên giấy gắn tem ở mặt sau tem; hoặc tem sống đã được lột bỏ giấy gắn tem nhưng vẫn còn dính lại một ít giấy gắn tem hay vẫn còn dấu vết của giấy gắn tem ở mặt sau tem. Loại tem này giá trị gần như tem sống tuy nhiên là tem sống không hoàn hảo, giá trị thấp hơn tem sống một bậc. FDC (viết tắt từ tiếng Anh First Day Cover), hay Phong bì Ngày phát hành đầu tiên, do cơ quan bưu chính hay một công ty có thẩm quyền phát hành cùng ngày phát hành bộ tem. Phong bì này có hình minh họa phù hợp với nội dung của bộ tem. Tem được dán lên trên phong bì và được hủy bằng dấu kỷ niệm đặc biệt, gọi là con dấu Ngày phát hành đầu tiên. Tem không răng là tem thư có hình ảnh và nội dung giống y hệt tem có răng, nhưng thay vì có răng cưa để dễ xé tem khi gửi thì nó được cắt phẳng theo hình thù của con tem (chữ nhật, vuông,...). Tem hủy theo yêu cầu hay tem CTO (viết tắt từ tiếng Anh: cancelled to order) là các tem thư bị hủy bỏ bằng việc đóng dấu bưu điện trước khi được bán cho các người sưu tập tem hoặc các nhà buôn tem. Tem chết là những tem thư đã được đóng dấu hay bị hủy và không còn giá trị thanh toán bưu chính, chỉ còn chức năng sưu tập. Tem mẫu, hay còn gọi là tem specimen, là loại tem đặc biệt dùng cho các cơ quan bưu chính, các nhà buôn tem để phân biệt giữa tem giả và tem thật. Tem mẫu thường được cơ quan bưu chính đóng, hoặc in đề, chữ specimen (tiếng Anh) lên trên mặt. Tem mẫu thường phát hành với số lượng ít và có giá cao hơn tem thông thường. Tem mẫu thường là tem đối chứng - nên chỉ có được bán tại ưu cục chính. Tem in thử là tem được in trên những tờ giấy to (thường là một tem trên một tờ) được dùng để những người có thẩm quyền duyệt hình dáng và nội dung của con tem trước khi in. Maximum Postcard (viết tắt là MXC) - còn gọi là bưu thiếp cực đại, cũng gọi là bưu thiếp tương tự, dùng tem đang thời hạn phát hành dán trên mặt hình ảnh của bưu thiếp và hình ảnh của con tem tương đồng hoặc tương tự với hình ảnh của bưu thiếp, và địa điểm của con dấu bưu chính đóng huỷ tem có tương quan đến hình ảnh con tem, kết hợp thành một vật phẩm bưu chính. MXC có thể được gửi trong ngày phát hành đầu tiên có con dấu và ngày phát hành trùng khớp với nhau. MXC thường phát hành với số lượng rất ít nên dễ đẩy giá lên rất cao. Postage stamps – tem quốc gia phát hành bao gồm các thuật ngữ Definitive stamps – Tem phổ thông – tem thường gặp nhất – bao gồm nhiều mẫu có khi cùng mẫu nhưng có khi khác màu. Commemorative stamps – Tem phát hành nhân các ngày kỷ niệm, thông thường loại tem này phát hành đơn lẻ hoặc theo bộ có ghi ngày kỷ niêm trên tem. Hầu như các nước phát hành tem này thường phát hành đơn lẻ. Revenue stamps – tem phát hành đặc biệt dùng để chi trả thuế. Postal stationery – vật phẩm bưu chính: bao gồm bì thư, tờ kỷ niêm hay các vật phẩm liên quan như sổ tem, tờ khai sinh, v,..v….. Sheets: là thuật ngữ dùng cho tem phát hành theo tờ. Sheetlets – là tờ tem không phát hành riêng lẻ, thông thường in dập cả tờ, in toàn bộ mẫu hoặc trọn bộ, không bao gồm blocks, thông thường có dính lề bên ngoài mô tả cùng chủ đề của tem. Cá biệt có tem phát hành cả tờ nhưng tất cả các con tem trên tờ này đều khác nhau hoàn toàn. Miniature sheet – tem phát hành tờ giống nhau trọn bộ chủ đề nhưng có số lượng ít hơn sheetlets, thông thường có 1, 2 hoặc 4 bộ. Souvenir sheets – là tờ tem rất đặc biệt dùng để phát hành kèm theo tem đơn lẻ và hợp thành trọn bộ tem. em được in hay giữ trong một hình thức như cuốn sổ tay nhỏ, dài, bìa bên ngoài bằng giấy cứng có in hình mẫu tem cũng như số lượng tem có bên trong và giá tiền của nguyên sổ tem. Sổ tem lần đầu tiên được phát hành ở Luxembourg vào năm 1895 nhằm mục đích tạo sự thuận tiện cho người tiêu dùng. Rất nhanh chóng sổ tem được nhiều nước khác tiếp nhận và thực hiện. Một số người chỉ sưu tập sổ tem mà thôi; và một số các sổ tem xưa trở nên rất có giá trị hiện nay. Những quốc gia thường phát hành sổ tem cũng có in những album riêng để cho người chuyên sưu tập sổ tem dùng. Corner blocks hay plate blocks – khối 4 hay dây 4, thường giống nhau trong cùng một mẫu, rất hiếm vì rất khó để xé dây 4 hay khối 4 kiểu này, giá trị rất cao. Stamp Booklet: sổ tem - hay sổ lưu niệm - là một cuốn sổ tay nho nhỏ chứa cả dây tem giống nhau và kèm theo hình ảnh minh họa hay có khi là cả một câu chuyện hoàn chỉnh hay lời thuyết minh trọn vẹn về tem. Stamp Joint Issued: Tem phát hành chung - là tem phát hành chung giữa 2 quốc gia, 3, 5 hay cá biệt có đến 10 quốc gia phát hành chung một mẫu tem duy chỉ khác nhau về mệnh giá và tên quốc gia hay các vật phẩm liên quan, còn mẫu tem phát hành chung là phải giống nhau. tem phát hành chung phổ biến gồm 2 mẫu giữa hai quốc gia. Số tem in trùng với số quốc gia phát hành chung. Souvenir Folder: Là một tờ kẹp cả bộ tem gọi là một Folder - Folder ngày nay có sự khác biệt. Trước kia Folder phát hành thường kèm bộ tem và đóng luôn dấu hủy và ngày phát hành đầu tiên. Ngày nay, Folder chỉ là tờ chứa cả bộ tem chỉ để thuyết minh cho bộ tem. Hinge: Miếng dán tem - Dùng để dán tem vào album, thường để lại dấu sau lưng tem khiến tem phần nào mất giá trị. Hingeless: tem không có dấu bị dán vào album. Handstamp: Dấu hủy bằng tay thay vì hủy bằng máy. Handback: Bì thư được xin dấu hủy bằng tay và được đưa lại cho người gởi thay vì bỏ vào thùng thư gởi đi. Grease, Stains on Stamps: các vết ố, bẩn trên tem. Grill: Các ô vuông nhỏ được in dập vào sợi giấy dùng để in tem. Mục đích là cũng để tránh tình trạng người ta tẩy rửa các dấu hủy để dùng tem lại, vì khi đóng dấu hủy lên tem có grill có ô vuông nhỏ này sẽ ăn mực rất đậm, khó mà tẩy xoá được. Air Cover: Phong bì hoặc các loại giấy gói có dán hay in tem hàng không, nhãn hàng không hoặc các hình thức khác như dấu hủy xác nhận nó được chuyên chở bằng máy bay. Backprint: Là bất cứ những gì được in ở mặt lưng của con tem. Block: Một nhóm có ít nhất 4 tem còn dính liền nhau, hai con theo hàng ngang và hai con theo hàng dọc. Block có thể có nhiều hơn 4 tem nhưng phải ít hơn 1 tờ tem. Bogus: Tem giả, tem ma. Tem loại này được những tay in tem lậu phát hành nhằm mục đích trục lợi, móc tiền của dân chơi tem. Tem loại này thường mang tên của các quốc gia không hiện hữu hoặc không được quyền phát hành tem. Booklet pane là một trang tem trong cuốn sổ tem, một trang tem thường có sáu con tem hoặc ít hơn. Thường các cạnh của trang tem được cắt xén thẳng hàng nên con tem trong mỗi trang tem sẽ có ít nhất một cạnh thẳng, không có răng. Bull’s Eye: Mắt Bò - thuật ngữ dùng để chỉ những con tem có dấu đóng ngay chính giữa, thẳng thắn, rõ ràng ngày tháng năm và địa danh. Tem có dấu mắt bò rất được giới sưu tập tem yêu thích và cũng có câu lạc bộ riêng của những người chuyên sưu tập loại này. Cachet: Phần hình minh hoạ hay trang trí nằm phía bên trái của phong bì. Cachet thường dùng để đánh dấu các ngày lễ, ngày kỷ niệm một sự kiện hay nhân vật. Cachet được dùng phổ biến nhất trên các phong bì phát hành ngày đầu tiên – FDC. Cachet trên FDC rất đa dạng và phong phú như được in, vẽ tay hoặc bằng lụa, bằng kim loại… dán lên phong bì. Cancellation: Dấu hủy bỏ tem.Dấu hủy được dùng với một mục đích duy nhất là tránh không cho người ta tái sử dụng tem. Dấu huỷ có thể là những đường gạch ngang, gạch chéo bằng mực hay các dấu trong, lục giác, tam giác, sọc ngang…. đóng lên trên con tem. Catalog: Danh mục tem. Loại sách đặc biệt nhằm phục vụ cho giới chơi tem. Sách in hình và chi tiết của tất cả các mẫu tem được các quốc gia trên thế giới phát hành hợp pháp. Tem được sắp xếp và đánh mã số theo thứ tự ABC của tên quốc gia và ngày phát hành. Sách liệt kê đầy đủ chi tiết của từng con tem như: loại tem, ngày phát hành, số răng tem, màu sắc, sự khác biệt nếu có, kỹ thuật in, loại giấy, có hay không có dấu nước... và giá trị thị trường của tem sống lẫn tem chết. Mỗi quốc gia thường xuất bản danh mục tem thư riêng của mình với chi tiết đầy đủ hơn các cuốn danh mục tổng quát của cả thế giới.Trên thế giới có một số danh mục tem rất nổi tiếng như Stanley Gibbons (Anh), Michel (Đức), Yvert & Tellier (Pháp), Zumstein (Thụy Sĩ), Bolaffi (Ý), Scott (Mỹ)... Trong số này Stanley Gibbons là cuốn danh mục đầu tiên và tồn tại lâu dài của thế giới, được xuất bản ở London từ năm 1865. Danh mục tem là một loại sách mà người chơi tem, nghiên cứu tem cũng như mua bán tem không thể thiếu được, vì không có nó người ta hoàn toàn không có ý niệm gì về con tem mình đang có trong tay cả. Catalog value: giá trong danh mục tem.Trong danh mục tem thường có ghi chú giá thị trường của mẫu tem liệt kê trong 2 cột cuối bên phải của phần mô tả mẫu tem. Cột bên trái là giá của tem sống và cột bên phải là giá của tem chết. Giá trong danh mục tem chỉ có tính tượng trưng để làm cơ sở cho người sưu tập cũng như lúc giao dịch mua bán tem. Mọi người thường dựa trên bảng giá trong danh mục tem mà trao đổi, mua bán sao cho hợp lý với sự thoả thuận của đôi bên. Đối với các nhà buôn tem bảng giá này chỉ là một cái mốc để cho họ bán tem một cách hợp lý hơn. Rất nhiều nhà buôn bán tem cho khách hàng với giá chỉ bằng 50%-60% cho loại tem này hoặc 25%-33% cho loại tem kia so với giá trong danh mục mà thôi. Nhưng cũng có nhiều con tem được bán ra với giá gấp hai hay 3 lần trên thang giá nhưng người tiêu thụ vẫn mua như thường do mức cung cầu thực tế. Danh mục tem được xuất bản hàng năm để thêm vào những mẫu tem mới được phát hành cũng như cập nhật giá mua bán tem hiện hành. Thuật ngữ Catalog Value (giá trong danh mục tem) thường được viết tắt là CV hay C/V. Các bộ tem nổi tiếng thế giới Trung Quốc Trung Quốc nhất phiến hồng (tem bị thu hồi khi họa sĩ vẽ bị mất tại đảo Đài Loan) Hồng hầu - tem Tết khỉ đỏ phát hành năm 1980 Hoa cúc Mẫu đơn Cá vàng Con tem SARS. Việt Nam Chiến sĩ xanh lá mạ Mạc Thị Bưởi Thủ công mỹ nghệ Hoa Kỳ Tem máy bay Curtis JN-4 in lỗi. Thụy Điển The Treskilling Yellow bị lỗi. Dụng cụ phục vụ sưu tập tem Xem thêm Tem học Phong bì Ngày phát hành đầu tiên Tem chết Tem CTO Tem in thử Tem không răng Tem mẫu Tham khảo Liên kết ngoài LearnAboutStamps.com A resource for stamp collectors Caring for stamps & postal history British Postal Museum & Archive Information Sheet Philatelic Dictionary Tự điển tem English - German - French Trang thông tin điện tử và Diễn đàn dành riêng cho bộ môn Sưu Tập Tem: www.vietstamp.net Trang thông tin về tem chơi của Việt Nam và thế giới Bưu chính Sưu tập Giải trí
7358
https://vi.wikipedia.org/wiki/Tem
Tem
Tem có thể là: Tem thư là một loại dấu hiệu có giá trị nhất định, thường là một mảnh giấy hình chữ nhật, dùng để trả phí cho dịch vụ bưu chính. Tem (lệ phí) dùng để thanh toán các lệ phí thay cho tiền mặt. Tem (hải quan) là một mảnh giấy nhỏ dán lên hàng hóa chứng tỏ sự hợp pháp hay chứng thực chất lượng của hàng hóa. Tem (lương thực) ở một số quốc gia do nhà nước phát hành, dùng để phân phối hàng hóa với giá bán và số lượng quy định thời bao cấp, hay để giúp đỡ các người nghèo có thể mua lương thực với một giá rẻ. TEM: là chữ viết tắt theo tên tiếng Anh của Kính hiển vi điện tử truyền qua, nghĩa là Transmission Electron Microscope. Tem (thuế) là một loại dấu hiệu in sẵn, có giá trị như tiền... Cơ quan tài chính thu thuế bằng cách bán tem thuế cho các cơ sở sản xuất các loại hàng hoá đó và buộc họ phải dán tem vào từng sản phẩm hàng hoá đưa ra tiêu thụ. Không dán tem là lậu thuế. Giá mua tem bằng mức thuế phải nộp trên một đơn vị hàng hoá.
7372
https://vi.wikipedia.org/wiki/Maser
Maser
Maser là tên viết tắt của cụm từ Microwave Amplification by Stimulation Emission of Radiation và có nghĩa là "Khuếch đại sóng vi ba bằng phát xạ kích thích". Maser và laser có cơ chế hoạt động giống nhau, chỉ khác là maser hoạt động với tần số photon ở vùng vi sóng còn laser hoạt động trong phổ cực tím, ánh sáng hay hồng ngoại. Lịch sử Những bài báo đầu tiên về maser được công bố vào năm 1954, gồm những kết quả thực nghiệm vào cùng một thời điểm nhưng độc lập bởi Charles Townes cùng đồng nghiệp tại trường Đại học Columbia ở Thành phố New York, và tiến sĩ Basov cùng tiến sĩ Prochorov ở viện Lebedev thành phố Moskva. Cả ba nhà khoa học này đều nhận giải thưởng Nobel năm 1964 cho những đóng góp của họ. Nguyên lý cơ bản dẫn đến sự ra đời của maser (hay laser) chính là khái niệm phát xạ kích thích, lần đầu được đưa ra bởi Albert Einstein năm 1917. Khái niệm này được bắt nguồn từ những hiện tượng gần gũi trong thế giới vật chất và bức xạ, đó là hấp thụ và phát xạ tức thời. Kĩ thuật Có nhiều loại maser. Nhìn chung có thể tóm thành hai loại như maser chất khí và maser chất rắn, chỉ chưa có lý thuyết về maser chất lỏng. Trong mỗi loại có nhiều loại nhỏ hơn; ví dụ, maser chất rắn có nhiều loại khác nhau như hai mức rắn và ba mức khuếch tán. Trong khi hoạt động, nhiều loại maser sử dụng heli lỏng để làm lạnh nhiệt độ xuống tới 4 K, Điều này làm giảm tiếng ồn tạo ra bởi sự rung động của electron, hạt nhân và các hạt khác. Có một số chất hóa học có khả năng khuếch tán. Trong đó có nước, base, amonia (NH3), metanol (CH3OH), formon (CH2O), monoxit silic (SiO) và ion hiđrô. Các maser khí trơ là ví dụ cho môi trường khuếch tán không phân cực. Phân loại Có hai loại maser, đó là maser nhân tạo và maser tự nhiên. Maser nhân tạo Trong maser nhân tạo, các chuỗi nguyên tử hoặc phân tử được kích thích để hình thành nên phản ứng dây chuyền. Để đạt được các bước sóng cần thiết cho việc hình thành phản ứng dây chuyền, người ta đưa dòng điện vào một khoang chứa đầy các nguyên tử hoặc phân tử, dẫn đến quá trình phát xạ, làm cho các nguyên tử từ trạng thái ban đầu được đẩy lên trạng thái kích thích, rồi từ trạng thái kích thích ngắn chuyển sang trạng thái không ổn định dài. Dần dần, các nguyên tử này được tích lũy ở cùng một vị trí và có cùng một trạng thái. Dòng maser, phát xạ kích thích, xuất hiện khi tất cả các nguyên tử tích lũy đó đồng thời tạo một bước chuyển pha, rơi xuống trạng thái ban đầu và giải phóng năng lượng với bước sóng của bức xạ sóng vi ba. Dòng bức xạ này sẽ tương tác với các nguyên tử còn chưa rơi khác, kích thích chúng giải phóng thêm photon cùng pha, cùng tần số và cùng hướng bay, dẫn đến phản ứng dây chuyền. Maser tự nhiên Maser tự nhiên hình thành ở các vì sao trong vũ trụ. Ví dụ, các phân tử nước ở vùng đang hình thành sao, sau khi trải qua quá trình nghịch chuyển, bức xạ với tần số 22 GHz, tạo ra các vạch phổ được cho là sáng nhất trong số các sóng radio đến từ vũ trụ. Ứng dụng Dòng Maser rất tập trung và liền mạch, nên nó được sử dụng rộng rãi trong khoa học và kỹ thuật. Kính thiên văn maser Thiết bị chống bạo động trong quân sự Trong y học Tham khảo Xem thêm Laser Liên kết ngoài Vật lý hiện đại Dụng cụ quang học Phát minh của Hoa Kỳ Công nghệ mới nổi
7376
https://vi.wikipedia.org/wiki/B%C3%B2%20x%C3%A1m
Bò xám
Bò xám (Bos sauveli) còn gọi là bò Kouprey là động vật hoang dã thuộc họ Bovidae cư ngụ chủ yếu trong các vùng rừng núi thuộc miền bắc Campuchia, nam Lào, đông Thái Lan và tây Việt Nam. Chúng được phát hiện năm 1937. Hình dạng & tập tính Bò xám đực có thể dài tới 2 m và nặng từ 680 tới 900 kg (1.500 - 2.000 lb). Chúng có thân dài nhưng dẹt, chân dài và có bướu trên lưng. Bò xám có lông màu xám, nâu đen hay đen. Cặp sừng của bò xám cái có hình dạng như chiếc đàn lia, cong về phía trên giống như sừng linh dương. Cặp sừng của con đực vòng hình cung rộng hơn và cong lên và chĩa về phía trước. Sừng bò đực dài gấp đôi sừng bò cái và thường bị tước xòe ở mũi sừng trông như cặp đũa bông. Cả hai giới đều có lỗ mũi hình chữ V và đuôi dài. Bò xám có hai ngón chân móng guốc ở phần trung tâm của phần móng guốc. Ngón chân trỏ và ngón út là móng guốc nhỏ hơn, gần với xương mắt cá chân. Bò xám đực có yếm dài tới 40 cm (16 inch). Trong điều kiện tự nhiên chúng có thể sống tới 20 năm. Thức ăn bò xám chủ yếu là cỏ thay vì lá cây hay đọt cành. Vì vậy chúng hay tụ tập ở những thửa rừng thoáng. Khu vực sinh sống Bò xám sinh sống trên những sườn đồi thấp và ăn cỏ. Chúng là loài động vật ăn cả ngày lẫn đêm, ban đêm chúng ăn cỏ trong những khu vực rộng rãi ngoài trời và ban ngày chúng ăn cỏ dưới những cánh rừng. Chúng sống thành bầy đàn tới 20 con, chủ yếu là bò cái trưởng thành và bê con nhưng trong mùa khô thì có cả bò đực. Sinh sản Bò xám cái mang thai từ 8 đến 9 tháng, thời gian động đực và giao phối của chúng là vào khoảng tháng 4 hàng năm. Bê con và bò mẹ thông thường sống tách khỏi đàn cỡ 1 tháng ngay sau khi sinh. Quần thể hiện tại Hiện nay, theo một số nguồn thì không còn quá 250 con bò xám trên toàn thế giới, chủ yếu ở Campuchia; ở Thái Lan, Lào, Việt Nam có lẽ đã tuyệt chủng. Sự suy giảm số lượng của chúng có lẽ chủ yếu là do việc săn bắn không thể kiểm soát được của những người dân địa phương cũng như những người lính trong Chiến tranh Đông Dương cũng như do bệnh tật do gia súc truyền sang hay sự mất dần khu vực sinh sống bởi nạn phá rừng làm nương rẫy của con người. Thế giới: Đầu những năm 1900: Khoảng 2.000 (Curry-Lindahl 1972) 1938: 800 (Humphrey & Bain 1990) 1940: 1.000 (Burton & Pearson 1987) 1951: 500 (Humphrey & Bain 1990) 1964: 300 (Humphrey & Bain 1990) 1969: 100 (Curry-Lindahl 1972) 1970: 30 - 70 (Fitter 1974) 1975: 50 (Humphrey & Bain 1990) 1984: Có lẽ chỉ còn một vài chục con (Macdonald 1984) 1986: Ít hơn 200 (Oryx 1986d) 1988: 50 - 100 (Oryx 1988b) 1988: 100 - 300 (WCMC/WWF 1997) 1995: Vài chục con (Hendrix, 1995) 2000: Nói chung được cho là ít hơn 250 (IUCN 2000) 2003: Nói chung được cho là ít hơn 250 (IUCN 2004) Campuchia: 1952: 500 (IUCN 1968) 1959: 200 (Lekagul 1967) 1964: 200 (IUCN 1968) 1988: Ít hơn 200 (WCMC 1994) Lào: 1988: 40 - 100 (WCMC 1994) Việt Nam: 1988: 30 (WCMC 1994) Tính đến năm 2004 sau mấy đợt săn lùng tìm bò xám tại Việt Nam mà không tìm được cá thể nào, các nhà chuyên môn cho rằng giống bò này đã tuyệt chủng tại Việt Nam. Liên hệ với các loài khác Các nghiên cứu gần đây của trường đại học Northwestern tại London trên trang Journal of Zoology cho thấy khi so sánh chuỗi mitochondria, bò xám Kouprey là vật lai giữa bò Zebu và Banteng. Tuy nhiên nhà khoa học Pháp Alexander Hassanin và Anne Ropiquet của Viện bảo tàng quốc gia về Lịch sử tự nhiên ở Paris thì cho rằng bò xám Kouprey là một loài riêng. Cả hai trường phái đểu đồng ý rằng cần tiến hành thêm nhiều xét nghiệm trước khi có thể đi đến kết luận cuối cùng. Tham khảo G. J. Galbreath, J. C. Mordacq, F. H. Weiler, 2006. Genetically solving a zoological mystery: was the kouprey (Bos sauveli) a feral hybrid? Journal of Zoology 270 (4): 561–564. Hassanin, A., and Ropiquet, A. 2004. Molecular phylogeny of the tribe Bovini (Bovidae, Bovinae) and the taxonomic status of the kouprey, Bos sauveli Urbain 1937. Mol. Phylogenet. Evol. 33(3):896-907. Database entry includes a brief justification of why this species is critically endangered and the criteria used Steve Hendrix: Quest for the Kouprey, International Wildlife Magazine, 25 (5) 1995, p. 20-23. J.R. McKinnon/S.N. Stuart: The Kouprey - An action plan for its conservation. Gland, Switzerland 1989. Steve Hendrix: The ultimate nowhere. Trekking through the Cambodian outback in search of the Kouprey, Chicago Tribune - 19 tháng 12 năm 1999. Tranh cãi chưa hồi kết về loài bò xám tại Việt Nam Chú thích Liên kết ngoài Animal info page on kouprey CSEW factsheet on kouprey The Cryptid Zoo: Kouprey Sách đỏ Việt Nam S Động vật có vú Campuchia Động vật có vú Lào Động vật có vú Thái Lan Động vật có vú Việt Nam Động vật được mô tả năm 1937
7383
https://vi.wikipedia.org/wiki/N%E1%BB%91i%20%C4%91i%E1%BB%87n%20xoay%20chi%E1%BB%81u%20d%C3%A2n%20d%E1%BB%A5ng
Nối điện xoay chiều dân dụng
Nối điện xoay chiều dân dụng cho phép đưa điện từ nguồn điện tới vật dụng cần điện trong nhà. Nó gồm có phích điện hay phích cắm và ổ điện. Ổ điện gắn với vật tiêu thụ điện, còn phích điện gắn với nguồn điện. Khi muốn truyền điện, ta tạo nên tiếp xúc giữa phích điện và ổ điện. Muốn làm được điều đó, cả hai phải tương thích với nhau (cùng tuân theo tiêu chuẩn nhất định về hình dáng và an toàn điện). Phích điện thường có 2 đến 3 chân kim loại (niken, đồng, thép không gỉ...) nhô ra để có thể tiếp xúc tốt (về mặt cơ học và điện học) với các lỗ cắm ở trong nguồn. Hai chân quan trọng là chân nóng và chân nguội (hay mát). Chân thứ 3 có thể thêm vào là chân tiếp đất. Ở nhiều loại phích điện, không có sự khác biệt giữa chân nóng và nguội (cả hai đều là chân nóng). Ổ điện thường có các lỗ để đưa phích điện vào tiếp xúc. từ nguồn ba pha) hoặc thậm chí là ba pha. Nhưng đa số nguồn điện dân dụng là "một pha", gồm một dây nóng và một dây nguội. Phần sau đây chỉ nói về các phích và ổ điện cho đường điện một pha. Ba dây Dây nóng (dây pha) Dây nóng mang dòng điện xoay chiều. Hiệu điện thế biến đổi tùy quốc gia, tùy tiêu chuẩn. Trong một số trường hợp, 2 dây chính đều là dây nóng, có thể từ 2 pha của đường cung cấp 3 pha, hoặc lấy từ biến thế một pha. Một số ổ điện (đặc biệt ổ chỉ có 2 lỗ) không phân biệt chân nóng và chân nguội. Dây nguội (dây trung tính) Dây nguội trên lý thuyết có cùng điện thế với đất và không gây điện giật như dây nóng. Trên thực tế luôn nên thận trọng coi nó như dây nóng. Dây nguội có thể có điện thế khác đất, và gây điện giật, khi việc truyền tải điện không cân pha.điện áp trên dây nguội bằng 5% điện áp trên dây nóng. Dây đất Dây đất nhằm mục đích an toàn. Nó mang dòng điện sinh ra vì bất cứ lý do gì trên bề mặt vật dụng tiêu thụ điện xuống đất, để người sử dụng không trực tiếp bị điện giật. Điện rò rỉ có thể là do: Một dây nóng tiếp xúc với vỏ kim loại do lỗi kỹ thuật hay do tác nhân như độ ẩm cao, bụi,... Cảm ứng điện từ gây ra trên vỏ kim loại bởi lỗi thiết kế,... Nếu không nối đất, người sử dụng tiếp xúc với vỏ kim loại sẽ có thể bị điện giật. Khi nối đất, điện truyền qua dây đất xuống đất, và không đi qua người (vốn có điện trở lớn hơn dây điện). Ngoài ra, nếu dòng điện rò rỉ lớn, tương đương chập mạch, cầu chì có thể tự động ngắt, tránh cháy nổ. Không dùng dây nguội để làm dây đất được, vì dây nguội có thể không nối trực tiếp xuống đất và luôn được dùng để mang dòng điện xoay chiều nuôi vật tiêu thụ. Lịch sử Khi điện năng đi vào đời sống dân dụng lần đầu, nó đã được dùng chủ yếu để thắp sáng. Tuy nhiên, nó nhanh chóng giúp sưởi ấm và chạy các máy móc có ích, khiến cho một phương pháp tiêu chuẩn để nối điện từ nguồn đến vật tiêu thụ trở nên cần thiết. Ổ điện và phích điện đã được sáng chế bởi Harvey Hubbell và đã được cấp bằng sáng chế năm 1904. Ở phương Tây thời đó, nhiều công ty cung cấp điện cho việc thắp sáng với giá rẻ hơn cho các việc khác khiến cho nhiều vật dụng không có mục đích thắp sáng cũng được gắn nối điện đến nguồn điện cho bóng đèn. Hình sau cho thấy một máy nướng bánh, năm 1909, có phích để nối vào ổ điện của bóng đèn. Khi nhu cầu về sự an toàn của việc tiết lập các dụng cụ điện tăng lên, hệ thống nối điện với dây đất được phát triển. Ngày nay, chúng ta có nhiều tiêu chuẩn khác nhau tại mỗi quốc gia về nối điện. Lý do là mỗi nước đều muốn phát triển các thiết kế và tiêu chuẩn riêng. Tại nhiều nước, trong đó có Việt Nam, tồn tại nhiều loại nối điện theo các tiêu chuẩn khác nhau tạo nên một sự phức tạp và vấn đề an toàn cho người dùng. Để khắc phục tình trạng này, một số nước đã đồng ý một số tiêu chuẩn có thể "chung sống" được với nhau. Nhưng lịch sử vẫn còn để lại nhiều công trình hạ tầng điện theo các tiêu chuẩn rất cũ và tiến trình đổi mới vẫn còn chậm. Bản đồ thế giới về tiêu chuẩn nối điện dân dụng Bản đồ dưới đây cho biết các tiêu chuẩn về nối điện dân dụng tại các quốc gia trên thế giới. Các tiêu chuẩn được tô màu cho dễ nhận dạng. Các loại nối điện Các tiêu chuẩn nối điện thay đổi về hình dáng và kích thước tùy theo quốc gia. Mỗi tiêu chuẩn được đặt tên bằng chữ cái viết hoa, theo phương pháp của chính phủ Mỹ, cộng thêm chú thích trong ngoặc về tên quốc gia sáng chế ra tiêu chuẩn đó và số chân. Các đề mục nhỏ miêu tả các biến thể của tiêu chuẩn dùng tại những nơi cụ thể. Trong các trình bày bên dưới, các thiết bị tiêu thụ điện được phân ra làm hai loại, IEC I và IEC II. Loại IEC I dành cho các thiệt bị có dây đất, tiêu thụ dòng điện lớn. Loại IEC II thường cho các dụng cụ không có dây đất, được cách điện 2 lần để tăng độ an toàn. Loại A (Mỹ 2-chân) NEMA 1-15 Phích cắm loại này có 2 chân tải điện dẹt và song song với nhau. Nó là tiêu chuẩn cho hầu hết Bắc Mỹ, Trung Mỹ và các đảo vùng Caribbean cho các thiết bị nhỏ như đèn điện hay được "cách điện kép". Các ổ điện theo tiêu chuẩn này không còn được dùng trong các xây dựng từ 1965, nhưng vẫn còn tồn tại ở những nhà cổ hơn. Các mẫu đầu tiên đối xứng (cắm theo 2 chiều đều được), nhưng sau này chân nguội được làm rộng hơn nên chỉ có một cách cắm. Các dây điện kép dân dụng ở Bắc Mỹ nhẵn hơn ở bên dây nóng và lượn sóng bên dây nguội; điều này có thể giúp tìm ra hướng cắm phích không đối xứng nhanh hơn. NEMA 2-15 và 2-20 Đây là biến thể của loại trên dành cho hiệu điện thế 240 V. Loại 2-15 có 2 chân bị quay ngang 90 độ còn loại 2-20 chỉ có một chân bị quay như vậy. Trường hợp gặp chúng rất hiếm. JIS 8303, Loại II Các phích cắm ở Nhật Bản rất giống NEMA 1-15. Tuy vậy, hệ thống tiêu chuẩn ở Nhật có yêu cầu khắt khe hơn về kích thước, các ký hiệu và mọi phích cắm phải được kiểm tra bởi Tiêu chuẩn Công nghiệp Nhật Bản (MITI). Nối điện của Nhật đối xứng. Các kích thước giống kích thước của chân bé hơn trong tiêu chuẩn Bắc Mỹ (loại A mới và loại B). Ngoài ra, tiêu chuẩn kích thước dây và dòng chịu được khác với các nơi khác trên thế giới. Phích điện Nhật Bản có thể cắm vừa các ổ của Bắc Mỹ, nhưng các phích từ Bắc Mỹ đa phần cần thêm chuyển tiếp để cắm vào ổ điện tại Nhật, đặc biệt là với phích có chân tiếp đất. Loại B (Mỹ 3-chân) NEMA 5-15 / CS22.2, Nº42 Phích cắm này có 2 chân tải điện giống loại A, nhưng thêm chân tiếp đất. Tại Mỹ, nó theo tiêu chuẩn Mỹ NEMA 5-15. Tại Canada, nó theo tiêu chuẩn Canada CSA 22.2, Nº42. Nó chịu được cường độ dòng điện 15 ampe và dùng cho hiệu điện thế 120 V. Chân tiếp đất dài hơn hai chân tải điện, để thiết bị được tiếp đất trước tiên khi mới cắm điện vào. JIS 8303, Loại I Các phích và ổ loại B ở Nhật Bản cũng tương tự các phích và ổ loại B ở Mỹ. Những điểm khác cũng giống với những điểm khác đã nêu ở loại A. Loại B ít được sử dụng ở Nhật Bản. Châu Mỹ Latinh Tại Châu Mỹ Latinh, các phích loại B, dùng cho các thiết bị tiêu thụ loại I, thường bị cắt mất chân tiếp đất để cắm vừa vào ổ loại A. Loại C (Châu Âu 2-chân) CEE 7/16 (Europlug) Đây là phích 2 chân, không có dây đất. Hay chân này tròn, đường kính 4 mm, thường được làm tròn ở đầu cho dễ cắm. Loại này còn gọi là Europlug miêu tả trong CEE 7/16. Đây là loại phổ biến nhất trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nó có thể cắm vào mọi ổ điện có lỗ tròn 4.0 mm cách nhau 19 mm. Nó được dùng ở hầu hết các nước Châu Âu trừ Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, Ireland và Malta. Rất nhiều nước đang phát triển dùng nó. Nó thường được cho phép sử dụng với thiết bị thuộc loại II với dòng điện có cường độ nhỏ hơn 2.5 A. Nó đối xứng, có thể cắm theo 2 chiều. Nó cũng được miêu tả trong tiêu chuẩn CEI 23-5 của Ý. CEE 7/17 Đây là loại phích cắm đối xứng có thể bị ngộ nhận thuộc loại E or F. Nó có 2 chân tròn giống loại trên, nhưng đường kính 4.8 mm, giống như loại E và F, và một tấm chắn bằng chất dẻo không cho nó cắm vào ổ nhỏ mà CEE 7/16 có thể chui vào. Chỉ có các ổ tròn cho loại E và F chấp nhận nó. Tấm chắn được đục lỗ dành cho chân đất nhô ra của một số loại ổ điện. Nó dành cho thiết bị loại II. Loại phích cắm này cũng thông dụng ở Việt Nam. Nó cũng được định nghĩa trong CEI 23-5. BS 4573 Đây là biến thể của phích loại C dùng cho máy cạo râu trong phòng tắm ở Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland và Ireland. Ổ điện Một số ổ loại C chỉ nhận chân tròn đường kính 4 mm hoặc có tấm chắn bằng chất dẻo không cho phích Schuko và phích Pháp cắm vào. Một số khác cho phép chân tròn đường kính 4.8 mm và chấp nhận phích Schuko và phích Pháp. TCVN 6188-1:1996, TVCN 6190-1999 Tại Việt Nam, ổ cắm và phích cắm dùng trong gia đình và các mục đích tương tự được công bố trong Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6188-1:1996, hay mới hơn là TVCN 6190-1999, theo Trung tâm Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam. Các tiêu chuẩn này tương đương với chuẩn IEC 884/1-1994 của quốc tế. Các loại nối điện tại Việt Nam hiện chủ yếu làm việc với hiệu điện thế 220 V và tần số 50 Hz, với cường độ dòng điện tối đa cỡ 10 ampe. Khoảng cách hai chân nóng và nguội là khoảng từ 18,8 đến 19,2 mm. Tuy nhiên các tiêu chuẩn về kích thước, cường độ dòng điện, độ chịu nhiệt,... không được một bộ phận đồ điện trên thị trường tuân thủ nghiêm ngặt. Các loại nối điện khác cũng được lưu hành ở Việt Nam, đặc biệt là các loại có thêm chân tiếp đất, được sử dụng một cách tự phát do nhu cầu của người dân. Loại D (Anh cổ 3-chân) BS 546, 5 A Ấn Độ đã thành lập tiêu chuẩn nối điện dân dụng dựa vào Tiêu chuẩn Anh BS 546. Loại nối điện D này được sử dụng chủ yếu ở Ấn Độ, Sri Lanka, Nepal, Namibia và Hồng Kông. Phích cắm loại này có 3 chân hình trụ lớn. Loại nối điện này dành cho cường độ dòng điện 5 hoặc 2 ampe. Chúng cũng được dùng ở Anh cho các mạch điện thắp sáng để phân biệt với các mạch điện thông thường. Loại E (Pháp 2-chân, lỗ đất) Kiểu E của Pháp Pháp, Bỉ và một số nước có tiêu chuẩn nối điện loại E. Ổ cắm loại này có chân tiếp đất nhô ra, thay vì là một lỗ như ở hầu hết các loại ổ khác. Phích cắm rất giống loại C nhưng nó tròn và đặc biệt là có lỗ tiếp đất để cắm vừa chân tiếp đất của ổ. Hai chân tải điện tròn, đường kính 4.8 mm, dài 19 mm và cách nhau 19 mm. Như vậy các chân tải điện của phích lớn hơn của loại C một chút và không cắm vừa các ổ loại L, mặc dù đôi khi vẫn dùng sức mạnh ấn chúng vào được. Loại F (Đức 2-chân, kẹp đất) CEE 7/4 Phích loại F, CEE 7/4 hay "phích Schuko", dùng ở Đức và một số nước châu Âu lục địa, giống loại E nhưng dùng 2 kẹp hai bên để tiếp đất. Nối điện Schuko đối xứng. Nó chịu được dòng có cường độ tới 16 ampe. "Schuko" là viết tắt của từ tiếng Đức Schutzkontakt, nghĩa là "tiếp xúc an toàn". Gost 7396 Các nước thuộc Cộng đồng các Quốc gia Độc lập dùng tiêu chuẩn nối điện tương tự hệ thống Schuko. Các tiêu chuẩn này được miêu tả trong Tiêu chuẩn Gost 7396 của Nga. Các chân tiếp xúc vẫn cách nhau 19 mm, nhưng đường kính chỉ là 4.0 mm (giống loại C). Có thể cắm phích cắm Nga vào ổ điện Schuko, nhưng ổ điện Nga có lỗ nhỏ không dùng được với phích cắm loại E và F. Nhiều tiêu chuẩn nối điện dân dụng ở Đông Âu gần giống các tiêu chuẩn Schuko. Nước Đông Đức sau khi sáp nhập với Tây Đức tuân theo tiêu chuẩn của Tây Đức. Có vẻ như, các nước Đông Âu đã từng sản xuất các sản phẩm điện dân dụng với tiêu chuẩn Schuko, nhưng khi xuất sang Liên Xô thì lắp phích điện theo tiêu chuẩn Liên Xô. Loại E lai F CEE 7/7 Loại phích CEE 7/7 ra đời để có thể dùng với cả ổ điện loại E và ổ điện loại F: nó có kẹp tiếp đất hai bên để tiếp xúc với ổ điện CEE 7/4 và có lỗ tiếp đất để tiếp xúc với chân tiếp đất của ổ điện loại E. Các thiết bị điện dân dụng gắn phích cắm loại E/F (CEE 7/7) có thể vừa được sử dụng tại Pháp và Đức. Loại phích CEE 7/7 không đối xứng (chỉ có một chiều cắm được) khi dùng với ổ điện loại E và đối xứng (có hai lựa chọn chiều cắm) khi dùng với ổ điện loại F. Nó chịu được dòng điện có cường độ tối đa 16 A. Loại G (Anh 3-chân) BS 1363 Loại phích này có 3 chân tiếp xúc hình chữ nhật. Kích thước chân nóng và nguội là 4 × 6 mm, dài 18 mm với 9 mm phía gốc được cách điện. Hai chân này cách nhau 22 mm. Phần cách điện đảm bảo cho ngón tay chẳng may chạm phải các chân này khi cắm hay rút phích không bị giật. Chân tiếp đất có kích thước 4 × 8 × 23 mm. Tiêu chuẩn Anh BS 1363 yêu cầu các phích này có cầu chì. Cầu chì được chọn tùy theo yêu cầu của thiết bị tiêu thụ, từ 3 A đến 13 A. Đối với các thiết bị thuộc loại II không có tiếp đất, chân tiếp đất thường làm bằng chất dẻo. BS 1363 được xuất bản năm 1962 và dần thay thế các tiêu chuẩn loại D của BS 546. Hệ thống an toàn này được dùng ở UK và các thuộc địa cũ của Anh. Loại H (Israel 3-chân) SI 32 Loại phích cắm này, miêu tả trong SI 32, chỉ dùng tại Israel và không thể cắm vào ổ điện của bất cứ nước nào khác. Nó có hai chân dẹt như phích loại B, nhưng nằm chéo và tạo ra hình chữ V, cộng với một chân tiếp đất. Chúng chịu được cường độ dòng điện 16 A. Các ổ điện loại H tại Israel thường được chế tạo với lỗ mở rộng hình chữ V, cho phép cắm được cả các phích loại C. Loại I (Úc 2/3-chân) AS 3112 Loại phích này được dùng ở Úc, New Zealand và Papua New Guinea, có 1 chân tiếp đất và 2 chân tải điện dẹt tạo thành hình chữ V. Có biến thể của loại này chỉ gồm 2 chân tải điện dẹt tạo hình chữ V. Thiết diện của các chân dẹt là hình chữ nhật, 6.5 nhân 1.6 mm. Hai chân tải điện nghiêng 30° so với chiều thẳng đứng, do đó tạo với nhau một góc 60°. Khoảng cách giữa chúng là 13.7 mm. Các ổ điện tại Úc thường được yêu cầu có thêm công tắc đóng mở nguồn bên cạnh để tăng độ an toàn. Có biến thể của loại này có kích thước lớn hơn dùng cho thiết bị tiêu thụ đến hơn 10 ampe, và dùng với ổ điện chịu được dòng tương ứng. Loại này trông giống, nhưng không tương thích với, loại H dùng ở Israel. Các tiêu chuẩn nối điện dân dụng tại Úc được miêu tả trong tài liệu SAA AS 3112 và dùng cho dòng điện có cường độ đến 10 A. Năm 2003, bản cập nhật AS/NZS 3112:2000, yêu cầu sử dụng các chân tiếp xúc có cách điện từ năm 2005. CPCS-CCC Các phích cắm Úc có thể cắm vừa các ổ điện của Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa (mặc dù các chân dài hơn 1 mm). Các tiêu chuẩn về nối điện dân dụng của Trung Quốc được miêu tả trong GB 2099.1–1996 và GB 1002–1996. Cùng với các thỏa thuận gia nhập WTO của Trung Quốc, một hệ thống đăng ký chất lượng mới (CPCS) ra đời. Các đồ điện dùng tương thích ở Trung Quốc được đăng ký chứng nhận CCC (China Compulsory Certification) bởi hệ thống này. Các phích có 3 chân, gồm dây đất, chịu được cường độ dòng điện tới 10 A, và hiệu điện thế 250 V và dành cho các thiết bị tiêu thụ loại 1. Tại Trung Quốc, các ổ lộn ngược xuống so với các ổ của Úc. IRAM 2073 Các phích điện của Argentina có 3 dây, có dây đất, chịu dòng tối đa 10 A, điện thế tối đa 250 V và dành cho các thiết bị tiêu thụ loại 1 ở Argentina và Uruguay. Các phích này trông giống các phích cắm của Úc và Trung Quốc. Các chân tiếp xúc dài hơn của Úc 1 mm và có kích thước hơi khác một chút. Điểm khác nhất nằm ở chỗ: vị trí các chân nóng và nguội ngược với bên Úc. Điều này cũng không gây trở ngại nhiều trong thực tế vì các thiết kế thường coi dây nguội giống dây nóng. Trong một số thiết bị cũ, không tuân thủ các tiêu chuẩn hiện đại, ví như công tắc chỉ ngắt dây nóng chứ không ngắt cả hai dây nóng và nguội, sự thay đổi ngược này có thể nguy hiểm. Loại J (Thụy Sĩ 3-chân) SEV 1011 Thụy Sĩ có các tiêu chuẩn riêng về nối điện dân dụng, miêu tả trong SEV 1011. Loại phích J của Thụy Sĩ giống loại C, nhưng có thêm chân nối đất lệch một chút sang một bên, giữa hai chân tải điện. Các ổ điện Thụy Sĩ chấp nhận phích CEE 7/16. Hệ thống nối điện loại J chịu cường độ dòng điện tối đa là 16 ampe. Loại ổ điện này có thể thỉnh thoảng thấy tại Tây Ban Nha, với tên gọi nhầm là enchufes americanos – ổ cắm Mỹ. Thụy Sĩ cũng có phích điện 2 chân, với cùng hình dáng và kích thước như các chân nóng và nguội của SEV 1011, nhưng hình dáng lục giác được làm phẳng hơn. Nó cắm vừa các ổ điện (tròn và lục giác) của Thụy Sĩ và các ổ điện CEE 7/16. Chúng chịu cường độ dòng điện tối đa 10 A. Loại K (Đan Mạch 3-chân) Afsnit 107-2-D1 Loại K của Đan Mạch được miêu tả trong Afsnit 107-2-D1. Phích cắm giống loại F nhưng nó có chân tiếp đất nhô ra thay vì kẹp tiếp đất hai bên. Các ổ điện loại này cũng chấp nhận phích CEE 7/4, CEE 7/7, CEE 7/16 hay CEE 7/17, tuy nhiên sẽ không có tiếp đất khi các loại phích này, vốn không có chân tiếp đất nhô ra, được dùng. Do đó, vì lý do an toàn, cần dùng đúng phích loại K ở Đan Mạch. Có biến thể của loại này dùng để chống chập mạch. Mọi biến thể đều chịu cường độ dòng điện tối đa là 10 A. Loại L (Ý 3-chân) Loại này là tiêu chuẩn nối điện dân dụng có dây đất của Ý, CEI 23-16/VII, gồm kiểu 10 A và 16 A, khác nhau ở kích thước và khoảng cách giữa các chân. Chúng đối xứng, có thể cắm theo 2 chiều. CEI 23-16/VII, kiểu 10 A Kiểu 10 A giống loại C nhưng chân tiếp đất nằm giữa 2 chân tải điện. Các phích này không tương thích với các ổ điện loại khác, nhưng các ổ điện kiểu này có thể dùng với phích loại E, phích Schuko hay phích E lai F. Các phích này là tiêu chuẩn phổ biến ở Libya, Ethiopia và Chile. Chúng cũng có thể xuất hiện ở Bắc Phi hay trong các tòa nhà cổ ở Tây Ban Nha. CEI 23-16/VII, kiểu 16 A Với kiểu 16 A, các chân cách nhau xa thêm vài mm và chúng đều to hơn một tí. Các ổ điện cho loại này có thêm các lỗ đặc biệt dành cho phích kiểu 10 A và loại CEE 7/16. Có cả các ổ điện kiểu này chấp nhận phích CEE 7/7, CEI 23-16/VII 16 A và 23-16/VII 10 A. Loại M (D) BS 546, 15 A Loại nối điện M, thực tế là cải tạo từ loại D, để chịu được cường độ dòng điện 15 A. Các chân được làm to hơn loại D, với kích thước: 7.05 mm × 21.1 mm. Chân nóng và nguội cách nhau 25.4 mm và chân tiếp đất cách 2 chân kia 28.6 mm. Loại này cũng được dùng ở Ấn Độ, Sri Lanka, Nepal và Namibia cho các thiết bị tiêu thụ dòng lớn. Một vài ổ điện loại M có thể dùng được với phích loại D. Vài quốc gia, như Nam Phi, dùng loại này như hệ thống nối điện dân dụng chủ yếu, với các ổ điện luôn có công tắc đóng mở để tăng tính an toàn. Loại M này cũng được dùng rộng rãi ở Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland cho các rạp hay đại sảnh với hệ thống đèn chiếu thay đổi được cường độ sáng, hoặc hệ thống các ổ điện được điều khiển qua một trung tâm. Hệ thống này giúp tập trung dòng điện qua một cầu chì trung tâm, tránh rắc rối khi phải thay các cầu chì riêng lẻ. Phích cắm có cầu chì riêng không thuận lợi cho các hệ thống như vậy, nhưng chúng chiếm ưu thế trong gia đình vì chúng bảo đảm an toàn cho từng thiết bị, cho phép sử dụng các ổ điện dân dụng chịu dòng lớn đến 32 ampe. Chú ý về an toàn Với loại C, E, F, J, K, & L ở châu Âu Nhiều nước Châu Âu sử dụng cùng kiểu 2 chân nóng - nguội cơ bản, nhưng thay đổi về chân nối đất. Do đó khi di chuyển giữa các nước, rất dễ bị gặp phải trường hợp chân nối đất không tiếp xúc, dù 2 chân tải điện có thể tiếp xúc. Điều này cũng đúng cho các phích châu Âu bị ép cắm vào ổ điện của Anh. Nối đất ở nhiều nơi trên châu Âu cũng không có hoặc không đảm bảo chất lượng, đặc biệt là ở các khu nhà cũ. Cho các nước đang phát triển Tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, các tiêu chuẩn còn thiếu hoặc không được tuân thủ nghiêm ngặt. Ngoài ra chất lượng nguồn điện, gồm hiệu điện thế và tần số, có thể dao động, cùng với khả năng có các đợt mất điện không báo trước. Nhiều làng mạc có thể chưa có điện. Tại các thành phố, nhiều chuẩn về hiệu điện thế hoặc tần số có thể cùng tồn tại, thậm chí trong một khu nhà. Các chỗ nối đất có thể thiếu, hoặc nếu có cũng có thể không đảm bảo. Các chức năng an toàn phải luôn được kiểm tra cẩn thận trước khi tin dùng. Cho Việt Nam Ở Việt Nam, nhiều nhận xét trên áp dụng đúng. Hiệu điện thế thông dụng là 220 V nhưng có thể dao động mạnh. Tần số tương đối ổn định ở 50 Hz. Tình trạng mất điện có thể xảy ra bất ngờ bất cứ lúc nào, kể cả ở các thành phố. Tiêu chuẩn TCVN 6190:1999 quy định các phích cắm điện và ổ cắm theo kiểu A (2 chân), B (3 chân), C (2 chân) và K (3 chân). Nhưng thông dụng nhất là loại A và C, 2 chân, do đó các dây nối đất thường rất thiếu. Các phích cắm loại B thường bị bẻ chân nối đất đi để cắm vào ổ cắm loại A. Hầu như không thấy phích cắm loại K trên thị trường. Rất nhiều tiêu chuẩn khác cũng được sử dụng, kết hợp với các ổ chuyển tiếp. Nhiều phích điện đang lưu hành tại Việt Nam không đạt tiêu chuẩn về lực rút phích cắm, chiều dài đường rò, khe hở không khí, khả nǎng chịu nhiệt, không ghi địa chỉ cơ sở sản xuất, các chỉ tiêu chất lượng... Cho Hồng Kông, Anh... Cần sử dụng các phích có cầu chì theo tiêu chuẩn BS1362. Việc dùng các phích Schuko hay phích Pháp cho các ổ điện theo Tiêu chuẩn Anh sẽ không cho tiếp xúc đất tốt. Khi chọn ổ chuyển tiếp, cần đảm bảo chúng có cầu chì theo chuẩn BS1362 và (nếu thiết bị cần nối đất) các tiếp xúc nối đất phải tương thích. Khi mang đồ điện theo Tiêu chuẩn Anh (phải được cách điện kép) ra các nước khác, cũng cần mang theo chuyển tiếp tuân thủ chuẩn BS5733. Cho các sửa chữa Nếu phích điện của thiết bị mới mua không cắm vừa ổ điện, đừng nên sửa chữa lại phích điện và ổ điện. Ngay cả sau khi sửa, chúng có vẻ hoạt động, chúng vẫn có thể không an toàn. Một điều kiện sử dụng thay đổi có thể làm lộ ra nhược điểm của việc sửa chữa, và lúc đó có thể sẽ là quá muộn. Không nên tạo rủi ro cho cuộc sống và tài sản. Có thể dùng các ổ chuyển nối thay vì sửa chữa. Hỏi ý kiến các nhà chuyên môn nếu không chắc. Xem thêm Điện năng Dây điện Tham khảo (bằng tiếng Anh) The original content for this article came from http://www.worldstandards.eu/electricity.htm. IEC/TR 60083, a 359-page technical report that summarizes the national standards for domestic AC connectors up to 440 V used in IEC member countries. CEE Publication 7 (1963), a predecessor of IEC/TR 60083, summarizing the domestic AC connectors of continental Europe. Guidance Notes for the Electrical Products (Safety) Regulation (2001 Edition - with amendments), Electrical and Mechanical Services Department, Hong Kong Liên kết ngoài (bằng tiếng Việt) Trung tâm Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam Chất lượng ổ và phích cắm điện tại Việt Nam năm 2005 Thực trạng ổ và phích cắm điện ở Việt Nam năm 2005 (bằng tiếng Anh) IEC Zone: Plugs and sockets AC power cords Glossary of standards organisations World Standards.eu, Electricity around the world http://www.starkelectronic.com/fzfv.htm Change to UK electrical wire colours 2004 A company that supplies solutions for plug and socket issue for export Household electrical safety handbook, Electrcial and Mechanical Services Department, Hong Kong Special Administrative Region Government http://www.powerconnections.co.uk Điện lực Nối điện Tiêu chuẩn Công nghệ Thiết bị điện
7386
https://vi.wikipedia.org/wiki/B%C3%A1o%20l%E1%BB%ADa
Báo lửa
Báo lửa (danh pháp khoa học: Catopuma temminckii) hay còn gọi là beo vàng châu Á hay Kim miêu beo lửa (tiếng Anh: Asian Golden Cat) là một loài động vật ăn thịt thuộc họ Mèo có kích thước trung bình (dài 90 cm, cộng với đuôi dài 50 cm) cân nặng 12 đến 16 kg, chủ yếu sống hoang dã. Trong điều kiện giam cầm báo lửa sống tới 20 năm, nhưng tuổi thọ trung bình của chúng trong tự nhiên thì có lẽ ngắn hơn nhiều. Lông của chúng chủ yếu có màu đỏ đậm như lông cáo hay nâu vàng, nhưng cũng có thể có màu đen hay xám. Thông thường, lớp lông của chúng trơn một màu, nhưng phía dưới có thể có đốm, và thỉnh thoảng có những điểm đốm mờ trên toàn bộ phần lông. Tuy nhiên, tại Trung Quốc còn có các sắc thái màu khác có đốm giống như báo hoa mai, làm nó nhìn như giống mèo Bengal. Lớp lông đốm này là tính trạng lặn (trong di truyền học có nghĩa là khi cho giao phối báo lửa đốm với báo lửa trơn thì con cái của chúng có lông trơn). Phân bố và nơi sống Báo lửa sinh sống trong khu vực Đông Nam Á, phổ biến từ Tây Tạng và Nepal tới miền nam Trung Quốc và Sumatra. Chúng ưa thích sống trong rừng tiếp giáp với những khu vực núi đá, và chúng còn được tìm thấy trong những cánh rừng lá xanh quanh năm cận nhiệt đới hay rừng mưa nhiệt đới. Đôi khi người ta cũng tìm thấy chúng sống trong những khu vực có địa hình bằng phẳng, rộng rãi. Cao độ phân bố của chúng là từ những vùng đất thấp tới 3.000 mét ở Himalaya. Tập tính Người ta không biết nhiều về chúng ngoài việc chúng là động vật ăn thịt hay lẩn tránh con người, và phần lớn những điều người ta biết là khi chúng bị giam cầm. Các quan sát trước đây cho rằng chúng là loài ăn đêm, nhưng các nghiên cứu gần đây trên hai con báo lửa cho thấy các kiểu hoạt động săn mồi khác nhau. Người ta cũng cho rằng chúng sống đơn lẻ. Về mặt âm học, chúng có thể rít lên, phun phì phì, kêu meo meo, kêu gừ gừ hay gầm gừ. Các biện pháp liên lạc giữa chúng với nhau trong điều kiện giam cầm còn có việc đánh dấu lãnh thổ bằng mùi, phun nước tiểu, cào vào thân và gốc cây bằng vuốt cũng như cọ đầu vào các vật thể khác nhau. Tập tính săn mồi Báo lửa thích săn mồi dưới đất, nhưng khi cần thiết chúng vẫn trèo cây. Khi đi săn chúng sử dụng các phương thức tấn công của một con mèo điển hình. Chúng săn chủ yếu là chim, thằn lằn, động vật gặm nhấm, các loài động vật có vú nhỏ, và thỉnh thoảng cả những con hươu hay nai non, và rất thích nghi với các loại thức ăn kể trên. Báo lửa được coi là đi săn thành đôi khi săn đuổi những con mồi lớn. Trong điều kiện bị giam cầm, chúng nhổ lông của các con chim lớn trước khi ăn thịt. Người ta cũng quan sát thấy chúng dọn dẹp thức ăn, một hành vi không có ở họ Mèo nói chung. Thỉnh thoảng chúng cũng săn mồi ở gần khu vực người sinh sống hay các loại gia cầm. Sinh sản Mọi điều về sinh sản của báo lửa là theo các quan sát trong điều kiện giam cầm. Chúng trưởng thành khi có độ tuổi từ 1,5 đến 2 năm tuổi. Thời gian mang thai kéo dài khoảng 80 ngày; mỗi lần đẻ thông thường chỉ có một con. Con non được sinh ra trong các lỗ hổng trên cây, kẽ nứt đá và có thể trong các lỗ hổng và các nơi có chỗ ẩn nấp dưới đất. Da của con non là dày hơn và sẫm hơn, nhưng màu lông thì chúng duy trì cho đến tận cuối đời. Dựa trên những gì quan sát được trong điều kiện giam cầm, người ta cho rằng con bố đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dạy con cái. Huyền thoại Ở một số khu vực của Thái Lan báo lửa được gọi là seua fai ("hổ lửa"). Theo truyền thuyết của khu vực này thì việc đốt lông của báo lửa sẽ làm cho hổ phải tránh xa hay loài ăn thịt cũng có hiệu ứng tương tự. Tộc người Karen còn tin rằng chỉ cần mang theo người một sợi lông báo lửa cũng đủ để dọa hổ. Rất nhiều người bản địa tin rằng báo lửa rất hung tợn, nhưng trong điều kiện giam cầm nhận biết được chúng rất lặng lẽ và dễ điều khiển. Các phân loài Có ba phân loài được biết là: Catopuma temminckii temminckii, Himalaya, Đông Nam Á, Sumatra Catopuma temminckii dominicanorum, đông nam Trung Quốc Catopuma temminckii tristis, tây nam Trung Quốc Bảo tồn Quần thể chính xác của báo lửa là không rõ, nhưng chúng được liệt kê trong "CITES: Phụ lục I" và là "Nguy cấp" theo Sách đỏ IUCN và Việt Nam. Con người săn bắt chúng để lấy lông và ngày càng tăng lên để lấy xương phục vụ cho y học cổ truyền Trung Quốc. Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất đối với chúng là sự tàn phá môi trường sống. Hiện một số con báo lửa được nuôi trong các vườn thú (trong đó có Thảo cầm viên), nhưng chúng sinh đẻ rất kém. Năm 2005, Việt Nam được chọn là nơi giữ sổ cái (studbook keeper), sẽ nắm lý lịch, theo dõi và quản lý số lượng báo lửa, điều phối các hoạt động trao đổi của các loài báo lửa đang được nuôi nhốt ở các vườn thú thuộc khu vực Đông Nam Á. Chú thích Tham khảo T Động vật được mô tả năm 1827 Sách đỏ Việt Nam Động vật có vú Ấn Độ Động vật có vú Bangladesh Động vật có vú Bhutan Động vật có vú Đông Nam Á Động vật có vú Nepal Động vật có vú Trung Quốc Động vật có vú Việt Nam
7405
https://vi.wikipedia.org/wiki/Thi%C3%AAn%20An%20M%C3%B4n
Thiên An Môn
Thiên An Môn (giản thể: 天安门, phồn thể: 天安門, bính âm: Tiān'ānmén) là cổng chính vào Tử Cấm Thành tại Bắc Kinh. Nó nằm ở lề phía bắc của Quảng trường Thiên An Môn. Lúc đầu cổng này được gọi là Thừa Thiên Môn (). Cổng đã bị sét đánh làm thiệt hại trong năm 1457, và không được sửa lại cho đến 1465. Trong cuộc chiến trong cuối thời Nhà Minh, nó bị thiệt hại một lần nữa. Trong năm 1644 trong thời Nhà Thanh, cổng này lại bị quân phiến loạn dưới sự chỉ huy của Lý Tự Thành đốt cháy. Như những kiến trúc chính thức của Trung Quốc, cổng có trang trí nóc độc nhất vô nhị. Nó có số hình tượng nhiều nhất trên nóc - 10 trong mỗi bộ. Trước cổng có tượng hai con sư tử đứng trước cổng và hai con canh gác các cây cầu. Hai cột đá - mỗi cột có một con thú ở trên - cũng đứng trước cổng. Nhiệm vụ của chúng là bảo vệ vị hoàng đế trong Tử Cấm Thành; con thú nhìn ra ngoài (hướng nam) sẽ khiển trách hoàng đế nếu ông ấy ở ngoài quá lâu. Đồng thời, con thú nhìn vô trong (hướng bắc) cũng sẽ khiển trách hoàng đế nếu ông ở trong quá lâu. Cổng ở giữa có chân dung của Mao Trạch Đông khổng lồ được đặt phía trên, trong khi các tường ở hướng đông và tây có những biểu ngữ khổng lồ; phía bên trái viết "Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa muôn năm" (), trong khi phía bên phải có viết "Đại đoàn kết nhân dân thế giới muôn năm" (). Biểu ngữ phía bên phải trước kia viết "Chính phủ trung ương nhân dân muôn năm". Trước kia cả hai biểu ngữ đều được viết bằng chữ Hoa phồn thể nhưng nay được viết bằng chữ Hoa giản thể. Các biểu ngữ này có nghĩa tượng trưng lớn, vì cụm từ "muôn năm" () cũng như hoàng cung, trước kia chỉ dành cho hoàng đế, nhưng nay người dân cũng có thể dùng được. Thiên An Môn đã được đưa vào quốc huy Trung Quốc. Xem thêm Sự kiện Thiên An Môn Tham khảo Liên kết ngoài Bí mật trong việc xây dựng Quảng trường Thiên An Môn Năm 1969, Trung Quốc đã xây dựng lại Thiên An Môn như thế nào? Di tích lịch sử tại Trung Quốc Bắc Kinh Thành cổ Trung Quốc Công trình kiến trúc Bắc Kinh
7406
https://vi.wikipedia.org/wiki/V%C5%A9%20tr%E1%BB%A5
Vũ trụ
Vũ trụ bao gồm tất cả các vật chất, năng lượng và không gian hiện có, được xem là một khối bao quát. Vũ trụ hiện tại chưa xác định được kích thước chính xác, giả thuyết cho rằng nó đã được mở rộng kể từ khi khởi đầu ở vụ nổ Big Bang khoảng 13,8 tỷ năm trước. Vũ trụ bao gồm các hành tinh, sao, thiên hà, các thành phần của không gian liên sao, những hạt hạ nguyên tử nhỏ nhất, vật chất và năng lượng. Vũ trụ quan sát được có đường kính vào khoảng trong thời điểm hiện tại và ước tính có khoảng 2 nghìn tỉ thiên hà trong vũ trụ quan sát được. Các nhà thiên văn chưa biết được kích thước toàn thể của Vũ trụ là bao nhiêu và cũng có thể là gần như vô hạn. Những quan sát và phát triển của vật lý lý thuyết đã giúp suy luận ra thành phần và sự tiến triển của Vũ trụ. Xuyên suốt các thư tịch lịch sử, các giả thuyết vũ trụ học và tinh nguyên học, bao gồm các mô hình khoa học, đã từng được đề xuất để giải thích những hiện tượng quan sát của Vũ trụ. Các thuyết địa tâm định lượng đầu tiên đã được phát triển bởi các nhà triết học Hy Lạp cổ đại và triết học Ấn Độ. Trải qua nhiều thế kỷ, các quan sát thiên văn ngày càng chính xác hơn đã đưa tới thuyết nhật tâm của Nicolaus Copernicus và dựa trên kết quả thu được từ Tycho Brahe, cải tiến cho thuyết đó về quỹ đạo elip của hành tinh bởi Johannes Kepler, mà cuối cùng được Isaac Newton giải thích bằng lý thuyết hấp dẫn của ông. Những cải tiến quan sát được xa hơn trong Vũ trụ dẫn tới con người nhận ra rằng Hệ Mặt Trời nằm trong một thiên hà chứa hàng tỷ ngôi sao, gọi là Ngân Hà. Sau đó các nhà thiên văn phát hiện ra rằng thiên hà của chúng ta chỉ là một trong số hàng trăm tỷ thiên hà khác. Ở trên những quy mô lớn nhất, sự phân bố các thiên hà được giả định là đồng nhất và như nhau trong mọi hướng, có nghĩa là Vũ trụ không có biên hay một tâm đặc biệt nào đó. Quan sát về sự phân bố và vạch phổ của các thiên hà đưa đến nhiều lý thuyết vật lý vũ trụ học hiện đại. Khám phá trong đầu thế kỷ XX về sự dịch chuyển đỏ trong quang phổ của các thiên hà gợi ý rằng Vũ trụ đang giãn nở, và khám phá ra bức xạ nền vi sóng vũ trụ cho thấy Vũ trụ phải có thời điểm khởi đầu. Gần đây, các quan sát vào cuối thập niên 1990 chỉ ra sự giãn nở của Vũ trụ đang gia tốc cho thấy thành phần năng lượng chủ yếu trong Vũ trụ thuộc về một dạng chưa biết tới gọi là năng lượng tối. Đa phần khối lượng trong Vũ trụ này tồn tại dưới một dạng chưa từng biết đến là vật chất tối. Lý thuyết Vụ Nổ Lớn là mô hình vũ trụ học được chấp thuận rộng rãi, nó miêu tả về sự hình thành và tiến hóa của Vũ trụ. Không gian và thời gian được tạo ra trong Vụ Nổ Lớn, và một lượng cố định năng lượng và vật chất choán đầy trong nó; khi không gian giãn nở, mật độ của vật chất và năng lượng giảm. Sau sự giãn nở ban đầu, nhiệt độ Vũ trụ giảm xuống đủ lạnh cho phép hình thành lên những hạt hạ nguyên tử đầu tiên và tiếp sau là những nguyên tử đơn giản. Các đám mây khổng lồ chứa những nguyên tố nguyên thủy này theo thời gian dưới ảnh hưởng của lực hấp dẫn kết tụ lại thành các ngôi sao. Nếu giả sử mô hình phổ biến hiện nay là đúng, thì tuổi của Vũ trụ có giá trị tính được từ những dữ liệu quan sát là 13,799 ± 0,021 tỷ năm.. Có nhiều giả thiết đối nghịch nhau về số phận sau cùng của Vũ trụ. Các nhà vật lý và triết học vẫn không biết chắc về những gì, nếu bất cứ điều gì, có trước Vụ Nổ Lớn. Nhiều người phản bác những ước đoán, nghi ngờ bất kỳ thông tin nào từ trạng thái trước này có thể thu thập được. Có một số giả thuyết về đa vũ trụ, trong đó một vài nhà vũ trụ học đề xuất rằng Vũ trụ có thể là một trong số nhiều vũ trụ cùng tồn tại song song với nhau . Từ nguyên Từ "vũ trụ" trong tiếng Việt được vay mượn từ tiếng Hán "宇宙". Vũ "宇" trong vũ trụ "宇宙" có nghĩa là không gian, còn trụ "宙" có nghĩa là thời gian. Vũ trụ nghĩa mặt chữ là không gian và thời gian. Định nghĩa Vũ trụ có thể được định nghĩa là mọi thứ đang tồn tại, mọi thứ đã tồn tại, và mọi thứ sẽ tồn tại. Theo như hiểu biết hiện tại, Vũ trụ chứa các thành phần: không thời gian, các dạng năng lượng (bao gồm bức xạ điện từ và vật chất), và các định luật vật lý liên hệ giữa chúng. Vũ trụ bao hàm mọi dạng sống, mọi lịch sử, và thậm chí một số nhà triết học và khoa học gợi ý rằng nó bao hàm các ý tưởng như toán học và logic. Các tiến trình và Vụ Nổ Lớn Mô hình được chấp nhận rộng rãi về nguồn gốc của Vũ trụ đó là lý thuyết Vụ Nổ Lớn. Mô hình Vụ Nổ Lớn miêu tả trạng thái sớm nhất của Vũ trụ có mật độ và nhiệt độ cực kỳ lớn và sau đó trạng thái này giãn nở tại mọi điểm trong không gian. Mô hình dựa trên thuyết tương đối rộng và những giả thiết cơ bản như tính đồng nhất và đẳng hướng của không gian. Phiên bản của mô hình với hằng số vũ trụ học (Lambda) và vật chất tối lạnh, gọi là mô hình Lambda-CDM, là mô hình đơn giản nhất cung cấp cách giải thích hợp lý cho nhiều quan sát khác nhau trong Vũ trụ. Mô hình Vụ Nổ Lớn giải thích cho những quan sát như sự tương quan giữa khoảng cách và dịch chuyển đỏ của các thiên hà, tỉ lệ giữa số lượng nguyên tử hiđrô với nguyên tử heli, và bức xạ nền vi sóng vũ trụ. Trạng thái nóng, đặc ban đầu được gọi là kỷ nguyên Planck, một giai đoạn ngắn kéo dài từ lúc thời gian bằng 0 cho tới một đơn vị thời gian Planck xấp xỉ bằng 10−43 giây. Trong kỷ nguyên Planck, mọi loại vật chất và mọi loại năng lượng đều tập trung trong một trạng thái đặc, nơi lực hấp dẫn được cho là trở lên mạnh ngang với các lực cơ bản khác, và tất cả các lực này có thể đã thống nhất làm một. Từ kỷ nguyên Planck, Vũ trụ đã giãn nở cho tới hình dạng hiện tại, mà có khả năng nó đã trải qua một giai đoạn lạm phát rất ngắn khiến cho kích thước của Vũ trụ đạt tới kích thước lớn hơn nhiều chỉ trong ít hơn 10−32 giây. Giai đoạn này làm đều đặn đi các khối cục vật chất nguyên sơ của Vũ trụ và để lại nó trong trạng thái đồng đều và đẳng hướng như chúng ta quan sát thấy ngày nay. Các thăng giáng cơ học lượng tử trong suốt quá trình này để lại các thăng giáng mật độ trong Vũ trụ, mà sau đó trở thành mầm mống cho sự hình thành các cấu trúc trong Vũ trụ. Sau kỷ nguyên Planck và lạm phát tới các kỷ nguyên quark, hadron, và lepton. Theo Steven Weinberg, ba kỷ nguyên này kéo dài khoảng 13,82 giây sau thời điểm Vụ Nổ Lớn. Sự xuất hiện của các nguyên tố nhẹ có thể được giải thích bằng lý thuyết dựa trên sự giãn nở của không gian kết hợp với vật lý hạt nhân và vật lý nguyên tử. Khi Vũ trụ giãn nở, mật độ năng lượng của bức xạ điện từ giảm nhanh hơn so với mật độ của vật chất bởi vì năng lượng của một photon giảm theo bước sóng của nó. Cùng với Vũ trụ giãn nở và nhiệt độ giảm đi, các hạt cơ bản kết hợp lại thành những hạt tổ hợp lớn hơn và ổn định hơn. Do vậy, chỉ vài giây sau Vụ Nổ Lớn, hình thành các hạt proton và neutron ổn định và rồi hình thành lên các hạt nhân nguyên tử thông qua các phản ứng hạt nhân. Quá trình này, gọi là tổng hợp hạt nhân Vụ Nổ Lớn, dẫn tới sự có mặt hiện nay của các hạt nhân nhẹ, bao gồm hiđrô, deuteri, và heli. Tổng hợp hạt nhân Vụ Nổ Lớn kết thúc sau khoảng 20 phút, khi nhiệt độ Vũ trụ giảm xuống mức không còn đủ để xảy ra các phản ứng tổng hợp hạt nhân nữa. Ở giai đoạn này, vật chất trong Vũ trụ chủ yếu là plasma nóng đặc chứa các electron mang điện tích âm, các hạt neutrino trung hòa và các hạt nhân mang điện tích dương. Các hạt và phản hạt liên tục va chạm và hủy thành cặp photon và ngược lại. Kỷ nguyên này được gọi là kỷ nguyên photon, kéo dài trong khoảng 380 nghìn năm. Với photon không còn tương tác với vật chất nữa, Vũ trụ bước vào giai đoạn vật chất chiếm đa số về mật độ (matter-dominated era; lưu ý là giai đoạn này sau khoảng 47 nghìn năm kể từ Vụ Nổ Lớn, bởi Vũ trụ vẫn như màn sương mờ đục-optical thick-đối với bức xạ. Trước giai đoạn này là bức xạ chiếm đa số và động lực của Vũ trụ bị chi phối bởi bức xạ.). Đến thời điểm của kỷ nguyên tái kết hợp - sau khoảng 380 nghìn năm, electron và các hạt nhân hình thành lên các nguyên tử ổn định, cho phép Vũ trụ trở lên trong suốt với sóng điện từ. Lúc này ánh sáng có thể lan truyền tự do trong không gian, và nó vẫn còn được quan sát cho tới tận ngày nay với tên gọi bức xạ nền vi sóng vũ trụ (CMB). Sau khoảng 100 đến 300 triệu năm, những ngôi sao đầu tiên bắt đầu hình thành; đây là những ngôi sao rất lớn, sáng và chịu trách nhiệm cho quá trình tái ion hóa của Vũ trụ. Bởi không có các nguyên tố nặng hơn lithi từ giai đoạn tổng hợp hạt nhân Vụ Nổ Lớn, những ngôi sao này đã tạo ra các nguyên tố nặng đầu tiên bởi quá trình tổng hợp hạt nhân sao. Vũ trụ cũng chứa một dạng năng lượng bí ẩn gọi là năng lượng tối; mật độ năng lượng của năng lượng tối không thay đổi theo thời gian. Sau khoảng 9,8 tỷ năm, Vũ trụ đã giãn nở đến mức độ khiến cho mật độ của vật chất nhỏ hơn mật độ của năng lượng tối, đánh dấu bắt đầu của giai đoạn năng lượng tối thống lĩnh Vũ trụ (dark-energy-dominated era). Trong giai đoạn này, sự giãn nở gia tăng của Vũ trụ là do năng lượng tối. Tính chất Không thời gian của Vũ trụ thường được thể hiện từ khuôn khổ của không gian Euclid, khi coi không gian có ba chiều vật lý, và thời gian là một chiều khác, trở thành "chiều thứ tư". Bằng cách kết hợp không gian và thời gian thành một thực thể đa tạp toán học duy nhất gọi là không gian Minkowski, các nhà vật lý đã đưa ra nhiều lý thuyết vật lý miêu tả các hiện tượng trong Vũ trụ theo một cách thống nhất hơn từ phạm vi siêu thiên hà cho tới mức hạ nguyên tử. Các sự kiện trong không thời gian không được xác định tuyệt đối từ khoảng không gian và khoảng thời gian mà có quan hệ tương đối với chuyển động của một quan sát viên. Không gian Minkowski miêu tả gần đúng Vũ trụ khi không có lực hấp dẫn; đa tạp tựa-Riemann của thuyết tương đối rộng miêu tả Vũ trụ chính xác hơn khi đưa trường hấp dẫn và vật chất vào không thời gian bốn chiều. Lý thuyết dây giả thiết có tồn tại những chiều ngoại lai khác của không thời gian. Trong bốn tương tác cơ bản, lực hấp dẫn thống trị Vũ trụ trên phạm vi kích thước lớn, bao gồm thiên hà và các cấu trúc lớn hơn. Các hiệu ứng hấp dẫn có tính tích lũy; ngược lại, trong khi đó các hiệu ứng của điện tích âm và điện tích dương có xu hướng hủy lẫn nhau, khiến cho lực điện từ không có ảnh hưởng nhiều trên quy mô lớn của Vũ trụ. Hai tương tác còn lại, tương tác yếu và tương tác mạnh, giảm cường độ tác dụng rất nhanh theo khoảng cách và các hiệu ứng của chúng chủ yếu đáng kể trên phạm vi hạ nguyên tử. Vũ trụ chứa vật chất nhiều hơn phản vật chất, một sự chênh lệch có khả năng liên quan tới sự vi phạm CP trong tương tác yếu. Dường như Vũ trụ cũng không có động lượng hay mômen động lượng. Sự vắng mặt của điện tích hay động lượng trên tổng thể có thể xuất phát từ các định luật vật lý được đa số các nhà khoa học công nhận (tương ứng định luật Gauss và tính không phân kỳ của giả tenxơ ứng suất-năng lượng-động lượng) nếu Vũ trụ có biên giới hạn. Hình dạng Thuyết tương đối tổng quát miêu tả không thời gian bị cong như thế nào do ảnh hưởng của vật chất và năng lượng. Tô pô hay hình học của Vũ trụ bao gồm cả hình học cục bộ trong vũ trụ quan sát được và hình học toàn cục. Các nhà vũ trụ học thường nghiên cứu trên một nhát cắt kiểu không gian nhất định của không thời gian gọi là các tọa độ đồng chuyển động. Phần không thời gian có thể quan sát được là phần nhìn ngược về nón ánh sáng mà phân định ra chân trời vũ trụ học. Chân trời vũ trụ học (cũng gọi là chân trời hạt hoặc chân trời ánh sáng) là khoảng cách đo được mà từ đó có thể khôi phục được thông tin hay khoảng cách lớn nhất mà hạt có thể đạt được để tới quan sát viên trong phạm vi tuổi của Vũ trụ. Chân trời này là ranh giới biên giữa những vùng quan sát được và không quan sát được của Vũ trụ. Sự tồn tại, tính chất và ý nghĩa của chân trời Vũ trụ học phụ thuộc vào từng mô hình vũ trụ học cụ thể. Một tham số quan trọng xác định lên tương lai tiến hóa của Vũ trụ đó là tham số mật độ, Omega (Ω), định nghĩa bằng mật độ vật chất trung bình của Vũ trụ chia cho một giá trị giới hạn của mật độ này. Việc có một trong ba khả năng của hình dạng Vũ trụ phụ thuộc vào Ω có bằng, nhỏ hơn hay lớn hơn 1. Tương ứng với các giá trị này là Vũ trụ phẳng, mở hay Vũ trụ đóng. Các quan sát, bao gồm từ các tàu Cosmic Background Explorer (COBE), Tàu thăm dò Bất đẳng hướng Vi sóng Wilkinson (WMAP), và Planck vẽ bản đồ CMB, cho thấy Vũ trụ mở rộng vô hạn với tuổi hữu hạn như được miêu tả bởi mô hình Friedmann–Lemaître–Robertson–Walker (FLRW). Mô hình FLRW cũng ủng hộ các mô hình vũ trụ lạm phát và mô hình chuẩn của vũ trụ học, miêu tả vũ trụ phẳng và đồng nhất với sự chiếm lĩnh chủ yếu của vật chất tối và năng lượng tối. Tô pô toàn cục của Vũ trụ rất khó xác định và người ta chưa biết chính xác tính chất này của Vũ trụ. Từ các dữ liệu quan trắc CMB của tàu Planck, một số nhà vật lý cho rằng tô pô của vũ trụ là mở, lớn vô hạn có biên hoặc không có biên. Kích thước và các khu vực Xác định kích thước chính xác của Vũ trụ là một vấn đề khó khăn. Theo như định nghĩa có tính giới hạn, Vũ trụ là những thứ trong phạm vi không thời gian mà có thể có cơ hội tương tác với chúng ta và ngược lại. Theo thuyết tương đối tổng quát, một số khu vực của không gian sẽ không bao giờ tương tác được với chúng ta ngay cả trong thời gian tồn tại của Vũ trụ bởi vì tốc độ ánh sáng là giới hạn và sự giãn nở của không gian. Ví dụ, thông điệp vô tuyến gửi từ Trái Đất có thể không tới được một số khu vực của không gian, ngay cả nếu như Vũ trụ tồn tại mãi mãi: do không gian có thể giãn nở nhanh hơn ánh sáng truyền bên trong nó. Các vùng không gian ở xa được cho là tồn tại và là một phần thực tại như chúng ta, cho dù chúng ta không bao giờ chạm tới được chúng. Vùng không gian mà chúng ta có thể thu nhận được thông tin gọi là Vũ trụ quan sát được. Nó phụ thuộc vào vị trí của người quan sát. Bằng cách di chuyển, một quan sát viên có thể liên lạc được với một vùng không thời gian lớn hơn so với quan sát viên đứng yên. Tuy vậy, ngay cả đối với quan sát viên di chuyển nhanh nhất cũng không thể tương tác được với toàn bộ không gian. Nói chung, Vũ trụ quan sát được lấy theo nghĩa của phần không gian Vũ trụ được quan sát từ điểm thuận lợi của chúng ta từ Ngân Hà. Khoảng cách riêng—khoảng cách được đo tại một thời điểm cụ thể, bao gồm vị trí hiện tại từ Trái Đất cho tới biên giới của Vũ trụ quan sát được là bằng , do đó đường kính của Vũ trụ quan sát được vào khoảng . Khoảng cách ánh sáng từ biên của Vũ trụ quan sát được là xấp xỉ bằng tuổi của Vũ trụ nhân với tốc độ ánh sáng, , nhưng khoảng cách này không biểu diễn cho một thời điểm bất kỳ khác, bởi vì biên giới của Vũ trụ và Trái Đất đang di chuyển dần ra xa khỏi nhau. Để so sánh, đường kính của một thiên hà điển hình gần bằng 30.000 năm ánh sáng, và khoảng cách điển hình giữa hai thiên hà lân cận nhau là khoảng 3 triệu năm ánh sáng. Ví dụ, đường kính của Ngân Hà vào khoảng 100.000 năm ánh sáng, và thiên hà lớn gần nhất với Ngân Hà, thiên hà Andromeda, nằm cách xa khoảng 2,5 triệu năm ánh sáng. Bởi vì chúng ta không thể quan sát không gian vượt ngoài biên giới của Vũ trụ quan sát được, chúng ta không thể biết được kích thước của Vũ trụ là hữu hạn hay vô hạn. Tuổi và sự giãn nở Các nhà thiên văn tính toán tuổi của Vũ trụ bằng giả thiết rằng mô hình Lambda-CDM miêu tả chính xác sự tiến hóa của Vũ trụ từ một trạng thái nguyên thủy rất nóng, đậm đặc và đồng nhất cho tới trạng thái hiện tại và họ thực hiện đo các tham số vũ trụ học mà cấu thành lên mô hình này. Mô hình này được hiểu khá tốt về mặt lý thuyết và được ủng hộ bởi những quan trắc thiên văn với độ chính xác cao gần đây như từ các tàu WMAP và Planck. Các kết quả này thường khớp với các quan trắc từ các dự án khảo sát sự bất đẳng hướng trong bức xạ vi sóng vũ trụ, mối liên hệ giữa dịch chuyển đỏ và độ sáng từ các vụ nổ siêu tân tinh loại Ia, và khảo sát các cụm thiên hà trên phạm vi lớn bao gồm đặc điểm dao động baryon tựa âm thanh (baryon acoustic oscillation). Những quan sát khác, như nghiên cứu hằng số Hubble, sự phân bố các cụm thiên hà, hiện tượng thấu kính hấp dẫn yếu và tuổi của các cụm sao cầu, đều cho dữ liệu nhất quán với nhau, từ đó mang lại phép thử chéo cho mô hình chuẩn của Vũ trụ học ở giai đoạn trẻ của vũ trụ nhưng bớt chính xác hơn đối với những đo đạc trong phạm vi gần Ngân Hà. Với sự ưu tiên về mô hình Lambda-CDM là đúng, sử dụng nhiều kỹ thuật đo cho những tham số này cho phép thu được giá trị xấp xỉ tốt nhất về tuổi của Vũ trụ vào khoảng 13,799 ± 0,021 tỷ năm (tính đến năm 2015). Theo thời gian Vũ trụ và các thành phần trong nó tiến hóa, ví dụ số lượng và sự phân bố của các chuẩn tinh và các thiên hà đều thay đổi và chính không gian cũng giãn nở. Vì sự giãn nở này, các nhà khoa học có thể ghi lại được ánh sáng từ một thiên hà nằm cách xa Trái Đất 30 tỷ năm ánh sáng cho dù ánh sáng mới chỉ đi được khoảng thời gian khoảng 13 tỷ năm; lý do không gian giữa chúng đã mở rộng ra. Sự giãn nở này phù hợp với quan sát rằng ánh sáng từ những thiên hà ở xa khi tới được thiết bị đo thì đã bị dịch chuyển sáng phía đỏ; các photon phát ra từ chúng đã mất dần năng lượng và chuyển dịch sang bước sóng dài hơn (hay tần số thấp hơn) trong suốt quãng đường hành trình của chúng. Phân tích phổ từ các siêu tân tinh loại Ia cho thấy sự giãn nở không gian là đang gia tốc tăng. Càng nhiều vật chất trong Vũ trụ, lực hút hấp dẫn giữa chúng càng mạnh. Nếu Vũ trụ quá đậm đặc thì nó sẽ sớm co lại thành một kỳ dị hấp dẫn. Tuy nhiên, nếu Vũ trụ chứa quá ít vật chất thì sự giãn nở sẽ gia tốc quá nhanh không đủ thời gian để các hành tinh và hệ hành tinh hình thành. Sau Vụ Nổ Lớn, Vũ trụ giãn nở một cách đơn điệu. Thật ngạc nhiên là, Vũ trụ của chúng ta có mật độ khối lượng vừa đúng vào cỡ khoảng 5 proton trên một mét khối cho phép sự giãn nở của không gian kéo dài trong suốt 13,8 tỷ năm qua, một quãng thời gian đủ để hình thành lên vũ trụ quan sát được như ngày nay. Có những lực mang tính động lực tác động lên các hạt trong Vũ trụ mà ảnh hưởng tới tốc độ giãn nở. Trước năm 1998, đa số các nhà vũ trụ học cho rằng sự tăng giá trị của hằng số Hubble sẽ tiến tới giảm dần theo thời gian do sự ảnh hưởng của tương tác hấp dẫn, do vậy họ đưa ra một đại lượng đo được trong Vũ trụ đó là tham số giảm tốc mà họ hi vọng nó có liên hệ trực tiếp tới mật độ vật chất của Vũ trụ. Vào năm 1998, hai nhóm các nhà thiên văn độc lập với nhau đã đo được tham số giảm tốc có giá trị xấp xỉ bằng −1 nhưng khác 0, hàm ý rằng tốc độ giãn nở ngày nay của Vũ trụ là gia tăng theo thời gian. Không thời gian Không thời gian là bối cảnh cho mọi sự kiện vật lý xảy ra—một sự kiện là một điểm trong không thời gian xác định bởi các tọa độ không gian và thời gian. Các yếu tố cơ bản của không thời gian là các sự kiện. Trong một không thời gian bất kỳ, sự kiện được xác định một cách duy nhất bởi vị trí và thời gian. Bởi vì các sự kiện là các điểm không thời gian, trong vật lý tương đối tính cổ điển, vị trí của một hạt cơ bản (giống như hạt điểm) tại một thời điểm cụ thể có thể được viết bằng . Có thể định nghĩa không thời gian là hợp của mọi sự kiện giống như cách một đường thẳng là hợp của mọi điểm trên nó, mà theo phát biểu toán học gọi là đa tạp. Vũ trụ dường như là một continum không thời gian chứa ba chiều không gian một chiều thời khoảng (thời gian). Trên trung bình, Vũ trụ có tính chất hình học gần phẳng (hay độ cong không gian xấp xỉ bằng 0), có nghĩa là hình học Euclid là mô hình xấp xỉ tốt về hình học của Vũ trụ trên khoảng cách lớn của nó. Ở cấu trúc toàn cục, tô pô của không thời gian có thể là không gian đơn liên (simply connected space), tương tự như với một mặt cầu, ít nhất trên phạm vi Vũ trụ quan sát được. Tuy nhiên, các quan sát hiện tại không thể ngoại trừ một số khả năng rằng Vũ trụ có thêm nhiều chiều ẩn giấu và không thời gian của Vũ trụ có thể là không gian tô pô đa liên toàn cục (multiply connected global topology), tương tự như tô pô của không gian hai chiều đối với mặt của hình trụ hoặc hình vòng xuyến. Thành phần Vũ trụ chứa phần lớn các thành phần năng lượng tối, vật chất tối, và vật chất thông thường. Các thành phần khác là bức xạ điện từ (ước tính chiếm từ 0,005% đến gần 0,01%) và phản vật chất. Tổng lượng bức xạ điện từ sản sinh ra trong Vũ trụ đã giảm đi một nửa trong 2 tỷ năm qua. Tỷ lệ phần trăm của mọi loại vật chất và năng lượng thay đổi trong suốt lịch sử của Vũ trụ. Ngày nay, vật chất thông thường, bao gồm nguyên tử, sao, thiên hà, môi trường không gian liên sao, và sự sống, chỉ chiếm khoảng 4,9% thành phần của Vũ trụ. Mật độ tổng hiện tại của loại vật chất thông thường là rất thấp, chỉ khoảng 4,5 × 10−31 gram trên một centimét khối, tương ứng với mật độ của một proton trong thể tích bốn mét khối. Các nhà khoa học vẫn chưa biết được bản chất của cả năng lượng tối và vật chất tối. Vật chất tối, một dạng vật chất bí ẩn mà các nhà vật lý vẫn chưa nhận ra dạng của nó, chiếm thành phần khoảng 26,8%. Năng lượng tối, có thể coi là năng lượng của chân không và là nguyên nhân gây ra sự giãn nở gia tốc của Vũ trụ trong lịch sử gần đây của nó, thành phần còn lại chiếm khoảng 68,3%. Vật chất, vật chất tối, năng lượng tối phân bố đồng đều trong toàn thể Vũ trụ khi xét phạm vi khoảng cách trên 300 triệu năm ánh sáng. Tuy nhiên, trên những phạm vi nhỏ hơn, vật chất có xu hướng tập trung lại thành cụm; nhiều nguyên tử tích tụ thành các ngôi sao, các ngôi sao tập trung trong thiên hà và phần lớn các thiên hà quần tụ lại thành các đám, siêu đám và cuối cùng là những sợi thiên hà (galaxy filament) trên những khoảng cách lớn nhất. Vũ trụ quan sát được chứa xấp xỉ 3 ngôi sao và hơn 100 tỷ (1011) thiên hà. Các thiên hà điển hình xếp từ loại thiên hà lùn với vài chục triệu (107) sao cho tới những thiên hà chứa khoảng một nghìn tỷ (1012) sao. Giữa những cấu trúc này là các khoảng trống (void) lớn, với đường kính vào cỡ 10–150 Mpc (33 triệu–490 triệu ly). Ngân Hà nằm trong Nhóm Địa Phương, rồi đến lượt nó thuộc về siêu đám Laniakea. Siêu đám này trải rộng trên 500 triệu năm ánh sáng, trong khi Nhóm Địa Phương có đường kính xấp xỉ 10 triệu năm ánh sáng. Vũ trụ cũng có những vùng trống hoang vu tương đối lớn; khoảng trống lớn nhất từng đo được có đường kính vào khoảng 1,8 tỷ năm ánh sáng (550 Mpc). Trên quy mô lớn hơn các siêu đám thiên hà, Vũ trụ quan sát được là đẳng hướng, có nghĩa rằng những dữ liệu mang tính chất thống kê của Vũ trụ có giá trị như nhau trong mọi hướng khi quan sát từ Trái Đất. Vũ trụ chứa đầy bức xạ vi sóng có độ đồng đều cao mà nó tương ứng với phổ bức xạ vật đen trong trạng thái cân bằng nhiệt động ở nhiệt độ gần 2,72548 kelvin. Tiên đề coi Vũ trụ là đồng đều và đẳng hướng trên phạm vi khoảng cách lớn được gọi là nguyên lý vũ trụ học. Nếu vật chất và năng lượng trong Vũ trụ phân bố đồng đều và đẳng hướng thì sẽ nhìn thấy mọi thứ như nhau khi quan sát từ mọi điểm và Vũ trụ không có một tâm đặc biệt nào. Năng lượng tối Tại sao sự giãn nở của Vũ trụ lại tăng tốc vẫn là một câu hỏi hóc búa đối với các nhà vũ trụ học. Người ta thường cho rằng "năng lượng tối", một dạng năng lượng bí ẩn với giả thuyết mật độ không đổi và có mặt khắp nơi trong Vũ trụ là nguyên nhân của sự giãn nở này. Theo nguyên lý tương đương khối lượng-năng lượng, trong phạm vi cỡ thiên hà, mật độ của năng lượng tối (~ 7 × 10−30 g/cm³) nhỏ hơn rất nhiều so với mật độ của vật chất thông thường hay của năng lượng tối chứa trong thể tích của một thiên hà điển hình. Tuy nhiên, trong thời kỳ năng lượng tối thống trị hiện nay, nó lấn át thành phần khối lượng-năng lượng của Vũ trụ bởi vì sự phân bố đồng đều của nó ở khắp nơi trong không gian. Các nhà khoa học đã đề xuất hai dạng mà năng lượng tối có thể gán cho đó là hằng số vũ trụ học, một mật độ năng lượng không đổi choán đầy không gian vũ trụ, và các trường vô hướng như nguyên tố thứ năm (quintessence) hoặc trường moduli, các đại lượng động lực mà mật độ năng lượng có thể thay đổi theo không gian và thời gian. Các đóng góp từ những trường vô hướng mà không đổi trong không gian cũng thường được bao gồm trong hằng số vũ trụ học. Ngoài ra, biến đổi nhỏ ở giá trị trường vô hướng bởi sự phân bố bất đồng nhất theo không gian khiến cho rất khó có thể phân biệt những trường này với mô hình hằng số vũ trụ. Vật lý lượng tử cũng gợi ý hằng số này có thể có nguồn gốc từ năng lượng chân không (ví dụ sự xuất hiện của hiệu ứng Casimir). Tuy vậy giá trị đo được của mật độ năng lượng tối lại nhỏ hơn 120 lần bậc độ lớn so với giá trị tính toán của lý thuyết trường lượng tử. Vật chất tối Vật chất tối là loại vật chất giả thiết không thể quan sát được trong phổ điện từ, nhưng theo tính toán nó phải chiếm phần lớn vật chất trong Vũ trụ. Sự tồn tại và tính chất của vật chất tối được suy luận từ ảnh hưởng hấp dẫn của nó lên vật chất baryon, bức xạ và các cấu trúc lớn trong Vũ trụ. Ngoài neutrino, một loại được các nhà thiên văn vật lý xếp vào dạng vật chất tối nóng - có thể phát hiện thông qua các máy dò đặt dưới lòng đất, thì cho tới nay chưa thể phát hiện tác động trực tiếp của vật chất tối lên các thiết bị thí nghiệm, khiến cho nó trở thành một trong những bí ẩn lớn nhất của ngành thiên văn vật lý hiện đại. Vật chất tối không phát ra hay hấp thụ ánh sáng hay bất kỳ bức xạ điện từ nào ở mức đáng kể. Theo kết quả quan trắc từ bức xạ nền vi sóng vũ trụ, vật chất tối chiếm khoảng 26,8% tổng thành phần năng lượng-vật chất và 84,5% tổng thành phần vật chất trong Vũ trụ quan sát được. Vật chất thường Thành phần khối lượng-năng lượng chiếm 4,9% còn lại của Vũ trụ là "vật chất thông thường", tức là bao gồm các loại nguyên tử, ion, electron và các vật thể mà chúng cấu thành lên. Chúng bao gồm các sao, loại thiên thể tạo ra phần lớn ánh sáng phát ra từ các thiên hà, cũng như khí và bụi trong môi trường liên sao (vd. các tinh vân) và liên thiên hà, các hành tinh, và mọi vật thể có mặt trong cuộc sống hàng ngày mà chúng ta có thể cầm nắm, sản xuất, nghiên cứu và phát hiện ra. Vật chất thông thường tồn tại trong bốn trạng thái (hay pha): thể rắn, lỏng, khí, và plasma. Tuy nhiên, những tiến bộ trong kỹ thuật thực nghiệm đã cho phép hiện thực hóa được những trạng thái mới của vật chất mà trước đó chỉ được tiên toán tồn tại trên lý thuyết, đó là ngưng tụ Bose–Einstein và ngưng tụ fermion. Vật chất bình thường cấu thành từ hai loại hạt cơ bản: quark và lepton. Ví dụ, hạt proton hình thành từ hai hạt quark lên và một hạt quark xuống; hạt neutron hình thành từ hai hạt quark xuống và một hạt quark lên; và electron là một loại thuộc họ lepton. Một nguyên tử chứa một hạt nhân nguyên tử, mà do các proton và neutron liên kết với nhau, và các electron trên obitan nguyên tử. Bởi vì phần lớn khối lượng của nguyên tử tập trung tại hạt nhân của nó, mà cấu thành từ các hạt baryon, các nhà thiên văn học thường sử dụng thuật ngữ vật chất baryon để miêu tả vật chất thông thường, mặc dù một phần nhỏ của loại "vật chất baryon" này là các electron và neutrino. Ngay sau vụ nổ Big Bang, các proton và neutron nguyên thủy hình thành từ dạng plasma quark–gluon của giai đoạn sơ khai khi Vũ trụ "nguội" đi dưới hai nghìn tỷ độ. Một vài phút sau, trong quá trình tổng hợp hạt nhân Big Bang, các hạt nhân hình thành nhờ sự kết hợp của các hạt proton và neutron nguyên thủy. Quá trình tổng hợp này tạo ra các nguyên tố nhẹ như lithi và beryllium, trong khi các nguyên tố nặng hơn chúng lại được sản sinh từ quá trình khác. Một số nguyên tử boron có thể hình thành vào giai đoạn này, nhưng đối với nguyên tố nặng hơn kế tiếp, carbon, đã không hình thành ra một lượng đáng kể. Tổng hợp hạt nhân Vụ Nổ Lớn kết thúc sau khoảng 20 phút do sự giảm nhanh chóng của nhiệt độ và mật độ bởi sự giãn nở của Vũ trụ. Sự hình thành các nguyên tố nặng hơn là do kết quả của các quá trình tổng hợp hạt nhân sao và tổng hợp hạt nhân siêu tân tinh. Hạt sơ cấp Vật chất thông thường và các lực tác dụng lên vật chất được miêu tả theo tính chất và hoạt động của các hạt sơ cấp. Các hạt này đôi khi được miêu tả là cơ bản, bởi vì dường như chúng không có cấu trúc bên trong, và người ta chưa biết liệu chúng có phải là hạt tổ hợp của những hạt nhỏ hơn hay không. Lý thuyết quan trọng trung tâm miêu tả các hạt sơ cấp là Mô hình Chuẩn, lý thuyết đề cập đến các tương tác điện từ, tương tác yếu và tương tác mạnh. Mô hình Chuẩn đã được kiểm chứng và xác nhận bằng thực nghiệm liên quan tới sự tồn tại của các hạt cấu thành lên vật chất: các hạt quark và lepton, và những "phản hạt" đối ngẫu với chúng, cũng như các hạt chịu trách nhiệm truyền tương tác: photon, và boson W và Z , và gluon. Mô hình Chuẩn cũng tiên đoán sự tồn tại của loại hạt gần đây mới được xác nhận tồn tại đó là boson Higgs, loại hạt đặc trưng cho một trường trong Vũ trụ mà chịu trách nhiệm cho khối lượng của các hạt sơ cấp. Bởi vì nó đã thành công trong giải thích rất nhiều kết quả thí nghiệm, Mô hình Chuẩn đôi lúc được coi là "lý thuyết của mọi thứ". Tuy nhiên, Mô hình Chuẩn không miêu tả lực hấp dẫn. Một lý thuyết thực thụ "cho tất cả" vẫn còn là mục tiêu xa của ngành vật lý lý thuyết. Hadron Hadron là những hạt tổ hợp chứa các quark liên kết với nhau bởi lực hạt nhân mạnh. Hadron được phân thành hai họ: baryon (như proton và neutron) được cấu thành từ ba hạt quark, và meson (như hạt pion) được cấu thành từ một quark và một phản quark. Trong các hadron, proton là loại hạt ổn định với thời gian sống rất lâu, và neutron khi liên kết trong hạt nhân nguyên tử cũng là loại ổn định. Các hadron khác rất không bền dưới các điều kiện bình thường và do vậy chúng là những thành phần không đáng kể trong Vũ trụ. Từ xấp xỉ 10−6 giây sau vụ nổ Big Bang, trong giai đoạn gọi là kỷ nguyên hadron, nhiệt độ của Vũ trụ đã giảm đáng kể cho phép các hạt quark liên kết với các gluon để tạo thành hadron, và khối lượng của Vũ trụ giai đoạn này chủ yếu đóng góp từ các hadron. Nhiệt độ lúc đầu đủ cao để cho phép hình thành các cặp hadron/phản-hadron, mà giữ cho vật chất và phản vật chất trong trạng thái cân bằng nhiệt động. Tuy nhiên, khi nhiệt độ Vũ trụ tiếp tục giảm, các cặp hadron/phản-hadron không còn tồn tại nữa. Đa số các hadron và phản-hadron hủy lẫn nhau trong phản ứng hủy cặp hạt-phản hạt, chỉ để lại một lượng nhỏ hadron tại lúc Vũ trụ mới trải qua quãng thời gian một giây. Lepton Lepton là loại hạt sơ cấp có spin bán nguyên không tham gia vào tương tác mạnh nhưng nó tuân theo nguyên lý loại trừ Pauli; không có hai lepton cùng một thế hệ nào có thể ở cùng một trạng thái tại cùng một thời gian. Có hai lớp lepton: các lepton mang điện tích (còn được biết đến lepton giống electron), và các lepton trung hòa (hay các hạt neutrino). Electron là hạt ổn định và là lepton mang điện phổ biến nhất trong Vũ trụ, trong khi muon và tau là những hạt không bền mà nhanh chóng phân rã sau khi được tạo ra từ các va chạm năng lượng cao, như ở phản ứng tia vũ trụ bắn phá bầu khí quyển hoặc thực hiện trong các máy gia tốc. Các lepton mang điện có thể kết hợp với các hạt khác để tạo thành nhiều loại hạt tổ hợp khác nhau như các nguyên tử và positronium. Electron chi phối gần như mọi tính chất hóa học của các nguyên tố và hợp chất do chúng tạo nên các obitan nguyên tử. Neutrino tương tác rất hiếm với các hạt khác, và do vậy rất khó theo dõi được chúng. Các dòng hạt chứa hàng tỷ tỷ neutrino bay khắp Vũ trụ nhưng hầu hất đều không tương tác với vật chất thông thường. Có một giai đoạn ngắn trong quá trình tiến hóa lúc sơ khai của Vũ trụ mà các hạt lepton chiếm lĩnh khối lượng chủ yếu. Nó bắt đầu gần 1 giây sau Vụ Nổ Lớn, sau khi phần lớn các hadron và phản hadron hủy lẫn nhau khi kết thúc kỷ nguyên hadron. Trong kỷ nguyên lepton, nhiệt độ của Vũ trụ vẫn còn đủ cao để duy trì các phản ứng sinh cặp lepton/phản-lepton, do đó lúc này các lepton và phản-lepton ở trong trạng thái cân bằng nhiệt động. Đến xấp xỉ 10 giây kể từ Vụ Nổ Lớn, nhiệt độ của Vũ trụ giảm xuống dưới điểm mà cặp lepton và phản-lepton không thể tạo ra được nữa. Gần như toàn bộ lepton và phản-lepton sau đó hủy lẫn nhau, chỉ còn lại dư một ít lepton. Khối lượng-năng lượng của Vũ trụ khi đó chủ yếu do các photon đóng góp và Vũ trụ tiến tới giai đoạn kỷ nguyên photon. Photon Photon là hạt lượng tử của ánh sáng và tất cả các bức xạ điện từ khác. Nó cũng là hạt truyền tương tác của lực điện từ, thậm chí đối với trường hợp tương tác thông qua các photon ảo. Hiệu ứng của lực điện từ có thể dễ dàng quan sát trên cấp vi mô và vĩ mô bởi vì photon có khối lượng nghỉ bằng 0; điều này cho phép tương tác có phạm vi tác dụng trên khoảng cách lớn. Giống như tất cả các hạt sơ cấp khác, photon được giải thích bằng cơ học lượng tử và nó thể hiện lưỡng tính sóng hạt, các tính chất có của sóng lẫn của hạt. Kỷ nguyên photon bắt đầu sau khi đa phần các lepton và phản-lepton hủy lẫn nhau tại cuối kỷ nguyên lepton, khoảng 10 giây sau Big Bang. Hạt nhân nguyên tử được tạo ra trong quá trình tổng hợp hạt nhân xuất hiện trong thời gian một vài phút của kỷ nguyên photon. Vũ trụ trong kỷ nguyên này bao gồm trạng thái vật chất plasma nóng đặc của các hạt nhân, electron và photon. Khoảng 380.000 năm sau Big Bang, nhiệt độ của Vũ trụ giảm xuống tới giá trị cho phép các electron có thể kết hợp với hạt nhân nguyên tử để tạo ra các nguyên tử trung hòa. Kết quả là, photon không còn thường xuyên tương tác với vật chất nữa và Vũ trụ trở lên "sáng rõ" hơn. Các photon có dịch chuyển đỏ lớn từ giai đoạn tạo nên bức xạ nền vi sóng vũ trụ. Những thăng giáng nhỏ trong nhiệt độ và mật độ phát hiện thấy trong CMB chính là những "mầm mống" sơ khai mà từ đó các cấu trúc trong Vũ trụ hình thành lên. Các mô hình vũ trụ học Mô hình dựa trên thuyết tương đối tổng quát Thuyết tương đối rộng là lý thuyết hình học về lực hấp dẫn do Albert Einstein đưa ra vào năm 1915 và là miêu tả hiện tại của hấp dẫn trong vật lý hiện đại. Nó là cơ sở cho các mô hình vật lý của Vũ trụ. Thuyết tương đối tổng quát mở rộng phạm vi của thuyết tương đối hẹp và định luật vạn vật hấp dẫn của Newton, đưa đến cách miêu tả thống nhất về hấp dẫn như là tính chất hình học của không gian và thời gian, hay không thời gian. Đặc biệt, độ cong của không thời gian có liên hệ trực tiếp với năng lượng và động lượng của vật chất và bức xạ có mặt trong một thể tích cho trước. Liên hệ này được xác định bằng phương trình trường Einstein, một hệ phương trình vi phân riêng phần. Trong thuyết tương đối rộng, sự phân bố của vật chất và năng lượng xác định ra hình học của không thời gian, từ đó miêu tả chuyển động có gia tốc của vật chất. Do vậy, một trong các nghiệm của phương trình trường Einstein miêu tả sự tiến triển của Vũ trụ. Kết hợp với các giá trị đo về số lượng, loại và sự phân bố của vật chất trong Vũ trụ, các phương trình của thuyết tương đối tổng quát miêu tả sự vận động của Vũ trụ theo thời gian. Với giả sử của nguyên lý vũ trụ học về Vũ trụ có tính chất đồng nhất và đẳng hướng ở khắp nơi, có một nghiệm cụ thể chính xác của phương trình trường miêu tả Vũ trụ đó là tenxơ mêtric gọi là mêtric Friedmann–Lemaître–Robertson–Walker, trong đó (r, θ, φ) là các tọa độ tương ứng trong hệ tọa độ cầu. Mêtric này chỉ có hai tham số chưa xác định. Đó là tham số không thứ nguyên tỷ lệ dịch chuyển độ dài (dimensionless length scale factor) R miêu tả kích thước của Vũ trụ như là một hàm số của thời gian; giá trị R tăng biểu thị cho sự giãn nở của Vũ trụ. Chỉ số độ cong k miêu tả hình học của Vũ trụ. Chỉ số k được định nghĩa bằng 0 tương ứng cho hình học Euclid phẳng, bằng 1 tương ứng với không gian có độ cong toàn phần dương, hoặc bằng −1 tương ứng với không gian có độ cong âm. Giá trị của hàm số R theo biến thời gian t phụ thuộc vào chỉ số k và hằng số vũ trụ học Λ. Hằng số vũ trụ học biểu diễn cho mật độ năng lượng của chân không trong Vũ trụ và có khả năng liên hệ tới năng lượng tối. Phương trình miêu tả R biến đổi như thế nào theo thời gian được gọi là phương trình Friedmann mang tên nhà vật lý Alexander Friedmann. Kết quả thu được cho R(t) phụ thuộc vào k và Λ, nhưng nó có một số đặc trưng tổng quát. Đầu tiên và quan trọng nhất, tỷ lệ dịch chuyển độ dài R của Vũ trụ sẽ không đổi chỉ khi nếu Vũ trụ là đẳng hướng hoàn hảo với độ cong toàn phần dương (k=1) và có một giá trị chính xác về mật độ ở khắp nơi, như được lần đầu tiên chỉ ra bởi Albert Einstein. Tuy vậy, trạng thái cân bằng này là không ổn định: bởi vì các quan sát cho thấy Vũ trụ có vật chất phân bố bất đồng nhất trên phạm vi nhỏ, R phải thay đổi theo thời gian. Khi R thay đổi, mọi khoảng cách không gian trong Vũ trụ cũng thay đổi tương ứng; dẫn tới có một sự giãn nở hoặc co lại trên tổng thể của không gian Vũ trụ. Hiệu ứng này giải thích cho việc quan sát thấy các thiên hà dường như đang lùi ra xa so với nhau; bởi vì không gian giữa chúng đang giãn ra. Sự giãn nở của không gian cũng giải thích lý do vì sao hai thiên hà có thể nằm cách nhau 40 tỷ năm ánh sáng, mặc dù chúng có thể hình thành ở một thời điểm nào đó cách đây gần 13,8 tỷ năm và không bao giờ chuyển động đạt tới tốc độ ánh sáng. Thứ hai, trong các nghiệm có một đặc tính đó là tồn tại kỳ dị hấp dẫn trong quá khứ, khi R tiến tới 0 và năng lượng và vật chất có mật độ lớn vô hạn. Dường như đặc điểm này là bất định bởi vì điều kiện biên ban đầu để giải phương trình vi phân riêng phần dựa trên giả sử về tính đồng nhất và đẳng hướng (nguyên lý vũ trụ học) và chỉ xét tới tương tác hấp dẫn. Tuy nhiên, định lý kỳ dị Penrose–Hawking chứng minh rằng đặc điểm kỳ dị này xuất hiện trong những điều kiện rất tổng quát. Do vậy, theo phương trình trường Einstein, R lớn lên nhanh chóng từ một trạng thái nóng đặc cực độ, xuất hiện ngay lập tức sau kỳ dị hấp dẫn (tức khi R có giá trị nhỏ hữu hạn); đây là tính chất cơ bản của mô hình Vụ Nổ Lớn của Vũ trụ. Để hiểu bản chất kỳ dị hấp dẫn của Big Bang đòi hỏi một lý thuyết lượng tử về hấp dẫn, mà vẫn chưa có lý thuyết nào thành công hay được xác nhận bằng thực nghiệm. Thứ ba, chỉ số độ cong k xác định dấu của độ cong không gian trung bình của không-thời gian trên những khoảng cách lớn (lớn hơn khoảng 1 tỷ năm ánh sáng). Nếu k=1, độ cong là dương và Vũ trụ có thể tích hữu hạn. Những vũ trụ như thế được hình dung là một mặt cầu 3 chiều nhúng trong một không gian bốn chiều. Ngược lại, nếu k bằng 0 hoặc âm, Vũ trụ có thể tích vô hạn. Có một cảm nhận phản trực giác đó là dường như một vũ trụ lớn vô hạn được tạo ra tức thì từ thời điểm Vụ Nổ Lớn khi R=0 và mật độ vô hạn, nhưng điều này đã được tiên đoán chính xác bằng toán học khi k không bằng 1. Có thể hình dung một cách tương tự, một mặt phẳng rộng vô hạn có độ cong bằng 0 và diện tích lớn vô hạn, trong khi một hình trụ dài vô hạn có kích thước hữu hạn theo một hướng và một hình xuyến có cả hai đều là hữu hạn. Vũ trụ với mô hình dạng hình xuyến có tính chất giống với Vũ trụ thông thường với điều kiện biên tuần hoàn (periodic boundary conditions). Số phận sau cùng của vũ trụ vẫn còn là một câu hỏi mở, bởi vì nó phụ thuộc chủ yếu vào chỉ số độ cong k và hằng số vũ trụ Λ. Nếu mật độ Vũ trụ là đủ đậm đặc, k sẽ có thể bằng +1, có nghĩa rằng độ cong trung bình của nó đa phần là dương và Vũ trụ cuối cùng sẽ tái suy sụp trong Vụ Co Lớn, và có thể bắt đầu một vũ trụ mới từ Vụ Nẩy Lớn (Big Bounce). Ngược lại, nếu Vũ trụ không đủ đậm đặc, k sẽ bằng 0 hoặc −1 và Vũ trụ sẽ giãn nở mãi mãi, lạnh dần đi và cuối cùng đạt tới Vụ đóng băng lớn và cái chết nhiệt của vũ trụ. Các số liệu hiện tại cho thấy tốc độ giãn nở của Vũ trụ không giảm dần, mà ngược lại tăng dần; nếu quá trình này kéo dài mãi, Vũ trụ cuối cùng sẽ đạt tới Vụ Xé Lớn (Big Rip). Trên phương diện quan trắc, Vũ trụ dường như có dạng hình học phẳng (k = 0), và mật độ trung bình của nó rất gần với giá trị tới hạn giữa khả năng tái suy sụp và giãn nở mãi mãi. Xem thêm Vũ trụ song song Vụ Nổ Lớn Vụ Co Lớn Vũ trụ luận Bản đồ vũ trụ 3 chiều Không thời gian nhiều chiều Lý thuyết dây Lý thuyết siêu dây Phản vũ trụ Toàn vũ trụ Đa vũ trụ Hệ vũ trụ Vụ Nảy Lớn Vụ Rách Lớn Tương lai của một vũ trụ giãn nở Số phận sau cùng của vũ trụ Tham khảo Đọc thêm Albert Einstein (1952). Relativity: The Special and the General Theory (Fifteenth Edition). ISBN 0-517-88441-0 For lay readers. Liên kết ngoài Khái niệm Vũ trụ trong toán học trên trang PlanetMath How old is the Universe at WMAP-NASA My So-Called Universe by Jim Holt, on various arguments for and against an infinite Universe and parallel universes. Parallel Universes by Max Tegmark. Why Does Anything Exist? Cosmic Evolution is a multi-media web site that explores the cosmic-evolutionary scenario from big bang to humankind. Thiên văn học Vật lý học Vũ trụ học vật lý Nơi chốn Vũ trụ học
7411
https://vi.wikipedia.org/wiki/Qu%E1%BA%A3ng%20tr%C6%B0%E1%BB%9Dng%20Thi%C3%AAn%20An%20M%C3%B4n
Quảng trường Thiên An Môn
Quảng trường Thiên An Môn (giản thể: 天安门广场, phồn thể: 天安門廣場, bính âm: Tiān'ānmén Guǎngchǎng) là một quảng trường rất lớn tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Nó được đặt tên theo Thiên An Môn, cổng thành ở phía bắc chia cách nó với Tử Cấm Thành. Nhiều người xem nơi đây là nơi tượng trưng trung tâm của Trung Quốc. Ở ngoài Trung Quốc, quảng trường này được nhiều người biết đến qua một cuộc biểu tình trong năm 1989. Sơ lược Lịch sử xây dựng quảng trường bắt đầu vào năm 1417 với một hành lang dài hình chữ " T" nối giữa Thừa Thiên Môn (năm 1651, nhà Thanh tu bổ và đổi tên thành Thiên An Môn) và Đại Minh Môn (năm 1651 đổi tên thành Đại Thanh Môn, năm 1912 đổi tên thành Trung Hoa Môn, nay đã bị phá bỏ) ở phía Bắc và Nam, và giữa Trường An Môn đông (đã bị phá bỏ) và Trường An Môn tây (đã bị phá bỏ) ở phía Đông và Tây được gọi là "Thiên bộ lang" (hành lang dài 1000 bước chân); hai bên hành lang là các công sở triều đình. Quảng trường được bao quanh bởi tường cao và người dân bị cấm tiếp cận trừ những dịp nhất định. Năm 1911, nhà Thanh sụp đổ, chính quyền Trung Hoa Dân quốc đã cho phá bỏ phần tường bao quanh và một số các công trình đã bị phá bỏ khiến quảng trường trở nên thông thoáng, tạo điều kiện cho người dân đi vào quảng trường.Từ đây, quảng trường trở thành nơi tụ họp của các phong trào chính trị liên quan đến vận mệnh toàn Trung Hoa. Ngày 4 tháng 5 năm 1919, phong trào Ngũ Tứ của học sinh, sinh viên, trí thức, thị dân,... Trung Quốc đấu tranh chống lại những nhượng bộ của chính quyền trước ngoại bang đã bùng nổ ở đây. Ngày 1 tháng 10 năm 1949, trên thành lầu Thiên An Môn, Chủ tịch Mao Trạch Đông đã đọc diễn văn khai sinh nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa. Năm 1955 đến năm 1959, hướng tới kỷ niệm 10 năm quốc khánh thì quảng trường được cải tạo thành như hiện nay với chiều dài 880m nam-bắc và chiều rộng 500m đông-tây, diện tích 440.000m². Hàng loạt công trình lớn trong Thập đại công trình được xây dựng xung quanh quảng trường như: Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh, Bảo tàng Cách mạng, Đài tưởng niệm các anh hùng dân tộc... Năm 1969 đến 1970, cổng Thiên An Môn được tu bổ hoàn toàn. Năm 1976, sau khi Chu Ân Lai qua đời, một cuộc biểu tình chống "Bè lũ bốn tên" được tổ chức tại đây, bắt đầu cho sự kết thúc hoàn toàn của Cách mạng văn hoá. Năm 1989, tại đây đã diễn ra Thảm sát Thiên An Môn nhằm vào các sinh viên, học sinh biểu tình đòi tự do dân chủ. Hiện nay, quảng trường được sử dụng làm nơi tổ chức những sự kiện chính trị quan trọng. Đặc trưng Trong năm 1949, nó được nới rộng ra thành diện tích bây giờ. Ở giữa quảng trường có Bia Kỷ niệm Anh hùng Nhân dân và Lăng Mao Trạch Đông. Quảng trường nằm ở giữa hai cổng đồ sộ cổ xưa: phía bắc là Thiên An Môn và phía nam là Tiền Môn. Dọc theo phía tây của quảng trường là Đại lễ đường Nhân dân. Dọc theo phía đông là Viện bảo tàng quốc gia về Lịch sử Trung Hoa. Đại lộ Trường An, được dùng trong các cuộc diễn hành, nằm giữa Thiên An Môn và quảng trường. Dọc theo lề phía đông và phía tây quảng trường có cây, nhưng trong quảng trường thì trống rỗng, không có cây cối hay ghế ngồi. Quảng trường được tỏa sáng bởi những cây cột đèn lớn với máy thu hình theo dõi. Khu vực bị giám sát chặt chẽ bởi cảnh sát (có và không mặc đồng phục). Sự kiện Quảng trường Thiên An Môn là nơi xảy ra nhiều sự kiện chính trị như là việc Mao Trạch Đông thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào ngày 1 tháng 10 năm 1949 và các buổi mít tinh trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa. Nó cũng là nơi xảy ra nhiều phong trào phản đối, trong đó có Phong trào Ngũ Tứ (1919) đòi khoa học và dân chủ, các cuộc biểu tình trong 1976 sau cái chết của Chu Ân Lai và các cuộc biểu tình tại Thiên An Môn trong năm 1989. Trong cuộc biểu tình Sự kiện Thiên An Môn vào tháng 6 năm 1989, một số người biểu tình đã thiệt mạng trên đường về phía tây của quảng trường và một số khu vực lân cận. Một số nguồn (Graham Earnshaw và Columbia Journal Review ) cho rằng không ai bị thiệt mạng tại quảng trường. Trong báo chí các nước Tây phương, sự kiện này được gọi là Cuộc thảm sát Quảng trường Thiên An Môn (Tiananmen Massacre). Những người chống lại phong trào đòi dân chủ tại Trung Quốc phản đối cách gọi này. Tham khảo Liên kết ngoài Quảng trường Thiên An Môn nhìn từ vệ tinh Điểm tham quan ở Bắc Kinh Đông Thành, Bắc Kinh Quảng trường Bắc Kinh Quảng trường quốc gia
7412
https://vi.wikipedia.org/wiki/Thanh%20long%20%28th%E1%BB%B1c%20v%E1%BA%ADt%29
Thanh long (thực vật)
{{Bảng phân loại tự động | image = Pitaya cross section ed2.jpg | taxon = Cactaceae | genus_text = Hylocereus Selenicereus| species_text = H. undatus; H. costaricensis; H. megalanthus| authority = Wilkes, 1810 – plant; (L.) Mill. – animal | diversity_link = #Species }} Thanh long một loài cây được trồng chủ yếu để lấy quả và cũng là tên của một vài chi của họ xương rồng. Thanh long là loài thực vật bản địa tại México, các nước Trung Mỹ và Nam Mỹ. Hiện nay, loài cây này cũng được trồng ở các nước trong khu vực Đông Nam Á như Việt Nam, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia (đặc biệt là ở miền tây đảo Java); miền nam Trung Quốc, Đài Loan và một số khu vực khác. Tên khoa học Quả của thanh long có ba loại, tất cả đều có vỏ giống như da và có một chút lá. Chúng có tên gọi khoa học như sau:Hylocereus undatus thuộc chi Hylocereus, ruột trắng với vỏ hồng hay đỏ.Hylocereus costaricensis (đồng nghĩa: Hylocereus polyrhizus) thuộc chi Hylocereus, ruột đỏ với vỏ hồng hay đỏ.Hylocereus megalanthus, trước đây được coi là thuộc chi Selenicereus, ruột trắng với vỏ vàng.Hylocereus undatus costaricensis thuộc chi Hylocereus, ruột tím hồng với vỏ hồng hay đỏ. Các hạt giống như hạt vừng đen nằm lẫn lộn trong ruột. Lớp cùi thịt trong ruột thường được ăn ở dạng quả tươi, có mùi vị thơm dịu, ngọt vừa phải và ít cung cấp calo. Hương vị của nó đôi khi giống như hương vị của quả kiwi (Actinidia deliciosa). Quả có thể chế biến thành nước quả hay rượu vang; hoa có thể ăn được hay ngâm vào nước giống như chè. Mặc dù các hạt bé tí xíu của chúng được ăn cùng với thịt của ruột quả nhưng chúng không bị tiêu hóa. Thanh long tại Việt Nam còn được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất bánh mì thanh long. Thông tin dinh dưỡng Thành phần axit béo của hai giống thanh long: Trồng tại Việt Nam Loại ruột trắng vỏ hồng hay đỏ được trồng rộng rãi ở các tỉnh như Bình Thuận, Long An, Tiền Giang v.v. Loại ruột đỏ vỏ đỏ được nghiên cứu và lai tạo bởi Viện Cây Ăn Quả Miền Nam SOFRI (ấp Đông, xã Long Định, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) hiện nay đã được trồng rộng rãi và phổ biến khắp các tỉnh tập trung ở Bình Thuận, Tiền Giang, Long An, Quảng Ngãi... Bên cạnh đó hiện nay giống thanh long ruột tím hồng cũng được nghiên cứu và lai tạo bởi Viện Cây Ăn Quả Miền Nam cũng đã được đưa vào trồng đại trà. Hình ảnh Tham khảo [2008]: Essential fatty acids of pitaya (dragon fruit) seed oil. Food Chemistry'' (in press) Quả Thực vật biểu sinh Trái cây nhiệt đới Họ Xương rồng Nông nghiệp nhiệt đới Cây trồng bắt nguồn từ châu Mỹ Ẩm thực Trung Bộ châu Mỹ Cactoideae
7434
https://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BB%99i%20h%E1%BB%8Da
Hội họa
Hội họa là một ngành nghệ thuật trong đó con người sử dụng màu vẽ để tô lên một bề mặt như là giấy, hoặc vải,... để thể hiện các ý tưởng nghệ thuật. Thông thường, công việc này do họa sĩ thực hiện. (Họa sĩ là từ dùng để chỉ những người coi hội họa là nghề nghiệp của mình). Kết quả của công việc đó là các tác phẩm hội họa hay còn gọi là các tranh vẽ. Hội họa là một trong những loại hình nghệ thuật quan trọng và phổ biến nhất. Nói cách khác, hội họa là một ngôn ngữ để truyền đạt ý tưởng của người nghệ sĩ bằng các tác phẩm hội họa sử dụng kỹ thuật (nghệ) và phương pháp (thuật) của họa sĩ. Một phần lịch sử hội họa trong nghệ thuật phương Đông lẫn phương Tây bị chi phối bởi nghệ thuật tôn giáo. Ví dụ về các loại tác phẩm này bao gồm các bức tranh miêu tả nhân vật thần thoại trên đồ gốm, các bức tranh tường, trần nhà miêu tả cảnh tượng trong kinh thánh, đến các bức tranh về cuộc đời Đức Phật và các tôn giáo phương Đông khác. Đồng thời, hội họa cũng là một trong những loại hình nằm trong 7 loại hình nghệ thuật cơ bản. Lịch sử Những hình vẽ về thú vật đã xuất hiện vào khoảng 30000 tới 10000 năm trước Công nguyên trên trong các hang động miền Nam nước Pháp và Tây Ban Nha. Theo các nhà khoa học, người hang động dùng mỡ động vật trộn với các loại bột màu làm màu nước và dùng lông thú hay cành cây để vẽ. Tiêu biểu là những bức hình trong hang Chauvet tại Pháp có 32.000 năm tuổi được xem là tác phẩm hội họa cổ nhất được biết đến ngày nay. Ở đây, người nguyên thủy đã dùng đất đỏ và than để thể vẽ ngựa, tê giác, sư tử, bò và voi ma mút. Đây là những bức vẽ thuộc hội họa hang động. Cách đây 30000 năm, con người đã phát minh ra các dụng cụ căn bản để vẽ tranh và không ngừng cải tiến trong các thế kỷ tiếp theo. Người Ai Cập khoảng 5000 năm trước, đã phát huy kỹ thuật vẽ tranh của riêng mình bằng cách sơn màu nước trên bùn thạch cao hay đá vôi. Việc phát minh ra nhiếp ảnh có tác động lớn đến hội họa. Trong nhiều thập kỷ sau khi bức ảnh đầu tiên được sản xuất vào năm 1829, các quy trình chụp ảnh đã được cải thiện và được thực hành rộng rãi hơn, làm mất đi phần lớn mục đích lịch sử của hội họa là cung cấp bản ghi chính xác về thế giới quan sát được. Một loạt các phong trào nghệ thuật vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20—đáng chú ý là Chủ nghĩa Ấn tượng, Chủ nghĩa Hậu Ấn tượng, Chủ nghĩa Dã thú, Chủ nghĩa Biểu hiện, Chủ nghĩa Lập thể và Chủ nghĩa Dada—đã thách thức quan điểm về thế giới thời Phục hưng. Tuy nhiên, hội họa phương Đông và châu Phi vẫn tiếp tục một lịch sử lâu dài về sự cách điệu và không trải qua quá trình biến đổi tương đương cùng một lúc. Nghệ thuật hiện đại và đương đại đã rời xa giá trị lịch sử của tính thủ công và ghi nhận lại mà chuyển sang hình thức khái niệm. Điều này đã không ngăn cản phần lớn các họa sĩ còn sống tiếp tục thực hành vẽ toàn bộ hoặc một phần tác phẩm của họ. Sức sống và tính linh hoạt của hội họa trong thế kỷ 21 bất chấp những "tuyên bố" trước đây về sự sụp đổ của nó. Trong một thời đại được đặc trưng bởi ý tưởng về sự đa nguyên, không có sự đồng thuận nào về phong cách đại diện cho thời đại. Các nghệ sĩ tiếp tục tạo ra những tác phẩm nghệ thuật quan trọng với nhiều phong cách và tính khí thẩm mỹ khác nhau—công lao của họ được giao cho công chúng và thị trường đánh giá. Phong trào nghệ thuật Nữ quyền bắt đầu từ những năm 1960 trong làn sóng nữ quyền thứ hai. Phong trào tìm cách giành quyền bình đẳng và cơ hội bình đẳng cho các nghệ sĩ nữ trên toàn thế giới. Kỹ thuật Kỹ thuật vẽ bao gồm: Vật liệu Giấy Vải Gỗ Tường Kính Nhựa Màu vẽ-Chất liệu Các màu vẽ gồm chất màu được trộn lẫn trong một chất mang. Các tính chất của hai thành phần này như độ nhớt, độ hòa tan, tốc độ bay hơi,... quyết định đặc trưng của các loại màu khác nhau. Ví dụ: Phong cách Từ "phong cách" được sử dụng với hai nghĩa: dùng để chỉ các yếu tố, kỹ thuật và phương pháp để phân biệt một họa sĩ này với các họa sĩ khác. dùng để chỉ một trường phái hội họa trong đó phân loại một nhóm các họa sĩ có chung một kỹ thuật và phương pháp thể hiện. Trường phái Thuật ngữ Chân dung Phong cảnh Tĩnh vật Danh sách các họa sĩ Xem: Danh sách họa sĩ. Một số họa sĩ nổi tiếng: Xem thêm Nghệ thuật Lịch sử hội họa Chú thích Đọc thêm Howard Daniel (1971). Encyclopedia of Themes and Subjects in Painting: Mythological, Biblical, Historical, Literary, Allegorical, and Topical. New York: Harry N. Abrams Inc. W. Stanley Taft, Jr. and James W. Mayer (2000). The Science of Paintings. Springer-Verlag. Liên kết ngoài A Treatise on Painting by Leonardo da Vinci (Kessinger Publishing) Alberti, Leone Battista, De Pictura (On Painting), 1435. On Painting, in English, De Pictura, in Latin Doerner, Max – The Materials of the Artist and Their Use in Painting: With Notes on the Techniques of the Old Masters Kandinsky - Concerning the Spiritual in Art (Dover Publications) The Journal of Eugene Delacroix (Phaidon Press) The Letters of Vincent van Gogh (Penguin Classics) Hội họa Tác phẩm nghệ thuật Bài cơ bản sơ khai
7435
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%E1%BB%A7%20ngh%C4%A9a%20l%E1%BA%ADp%20th%E1%BB%83
Chủ nghĩa lập thể
Chủ nghĩa lập thể, còn gọi là trường phái lập thể, (Cubism) là một trường phái hội họa tạo ra cuộc cách mạng về hội họa và điêu khắc châu Âu vào đầu thế kỷ 20. Trong tác phẩm của họa sĩ lập thể, đối tượng được mổ xẻ, phân tích và được kết hợp lại trong một hình thức trừu tượng. Người họa sĩ không quan sát đối tượng ở một góc nhìn cố định mà lại đồng thời phân chia thành nhiều mặt khác nhau, nhiều khía cạnh khác nhau. Thông thường các bề mặt, các mặt phẳng giao với nhau không theo các quy tắc phối cảnh làm cho người xem khó nhận ra chiều sâu của bức tranh. Chủ nghĩa lập thể do Georges Braque và Pablo Picasso khởi xướng năm 1906 tại khu Montmartre của kinh đô ánh sáng Paris, Pháp. Họ gặp nhau năm 1907 và làm việc cùng nhau cho đến năm 1914 khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bắt đầu. Nhà phê bình hội họa người Pháp Louis Vauxcelles sử dụng danh từ "lập thể" lần đầu tiên để ngụ ý rằng đó là những hình lập phương kỳ quặc vào năm 1908. Sau đó danh từ này được hai nhà khai phá của trường phái lập thể sử dụng một vài lần và cuối cùng trở thành tên gọi chính thức. Trường phái Lập thể khai sinh ở đồi Montmartre, sau đó lan ra các họa sĩ khác ở gần đó và được nhà buôn tranh Henry Kahnweiler truyền bá. Nó nhanh chóng trở nên phổ biến vào năm 1910 và được gọi là chủ nghĩa lập thể. Tuy nhiên, một số họa sĩ khác cũng tự coi là họa sĩ lập thể khi đi theo các khuynh hướng khác với Braque và Picasso. Lập thể ảnh hưởng tới các nghệ sĩ vào thập niên 1910 và khơi dậy một vài trường phái nghệ thuật mới như chủ nghĩa vị lai, chủ nghĩa cấu trúc và chủ nghĩa biểu hiện. Các nghệ sĩ thiên tài, Braque và Picasso mở ra phương pháp mới trong cách diễn đạt và thể hiện không gian trong hội họa nhưng chính họ lại bị ảnh hưởng của các nghệ sĩ khác như Paul Cezanne, Georges Seurat, điêu khắc Iberi, nghệ thuật điêu khắc châu Phi và như sau này Braque thừa nhận, họ bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa dã thú. Lập thể phân tích Picasso và Braque sát cạnh bên nhau để mở đường cho ý tưởng tiền lập thể vào những năm 1906-1909 sau đó là "chủ nghĩa lập thể phân tích" (1909-1912). Vào thời kỳ này, hội họa của họ là nhiều bề mặt gần như đơn sắc, những đường thẳng không hoàn thiện, những hình khối đan xen lẫn nhau. Bức họa Les Demoiselles d'Avignon (Những cô nàng ở Avignon) của Picasso không được coi là lập thể nhưng nó lại được coi là cột mốc quan trọng để tiến đến trường phái lập thể. Trong tác phẩm này, lần đầu tiên Picasso thể hiện các hướng nhìn khác nhau cùng một lúc của vật thể ba chiều trên không gian hai chiều của bức tranh. Dựa trên ý tưởng này, Braque khai triển thêm nhiều khía cạnh khác và hai người này đã tạo ra trường phái lập thể. Một số nhà sử học còn gọi giai đoạn này của chủ nghĩa lập thể là giai đoạn bí hiểm vì các công trình được vẽ theo lối đơn sắc và khó có thể hiểu được. Người họa sĩ chỉ để lại một chút dấu vết trên bức tranh để có thể nhận ra đối tượng của họ. Lúc này, chủ nghĩa lập thể rất gần với chủ nghĩa trừu tượng. Một số chữ cái cũng được đưa vào các bức tranh để làm đầu mối gợi ý ý nghĩa của các bức tranh. Lập thể tổng hợp Giai đoạn tiếp theo của lập thể phân tích là "lập thể tổng hợp", bắt đầu vào năm 1912. Trong lập thể tổng hợp, bố cục của bức tranh gồm các chi tiết chồng chất lên nhau, những chi tiết này được tô sơn hoặc được trát sơn lên nền vải, chúng có màu sắc sặc sỡ hơn. Không giống như lập thể phân tích (ở đó vật thể bị bẻ gãy làm nhiều mảnh), lập thể tổng hợp cố gắng kết hợp nhiều vật thể với nhau để tạo nên các hình khối mới. Thời kỳ này còn đánh dấu sự ra đời của tranh dán và tranh dán giấy. Picasso đã phát minh ra tranh dán với bức tranh nổi tiếng của ông là Tĩnh vật với chiếc mây trong đó ông đã dán những miếng vải dầu lên một phần của chiếc ghế mây. Braque cũng lấy cảm hứng từ bức tranh này để tạo ra tác phẩm Đĩa hoa quả và cốc thủy tinh. Tranh dán giấy cũng gồm các vật liệu dùng để dán nhưng có điều khác là các mẩu giấy dán chính là các vật thể. Ví dụ, cốc thủy tinh trong bức tranh Đĩa hoa quả và cốc thủy tinh chính là một mẩu giấy báo được cắt thành hình chiếc cốc. Trước đó Braque đã sử dụng chữ cái nhưng các tác phẩm của thời kỳ lập thể tổng hợp đã đưa ý tưởng này đến một tầm cao mới. Các chữ cái trước đây dùng để gợi ý cho chủ đề thì này chúng chính là chủ đề. Các mẩu giấy báo là các vật dụng được các họa sĩ dùng nhiều nhất. Họ còn đi xa hơn nữa là dùng giấy với hình khắc gỗ. Sau đó còn đưa thêm các mẩu quảng cáo trên báo vào tác phẩm của họ và điều này làm cho các công trình của các nhà lập thể có thêm phần màu sắc. Các họa sĩ lập thể nổi tiếng Các nhà phê bình (Andre Salamon, Guillaume Apollinaire), các nhà thơ (Max Jacob, Pierre Reverdy, Gertrude Stein) và những người khác Jacques Lipchitz, các nhà điêu khắc Raymond Duchamp-Villon và Elie Nadelman. Xem thêm Tham khảo Liên kết ngoài About Cubism and Czech Cubism Cubism and the Cubists Pioneering Cubism Trào lưu nghệ thuật Nghệ thuật hiện đại Trường phái trừu tượng Thời kỳ Edward
7443
https://vi.wikipedia.org/wiki/Eddy%20Merckx
Eddy Merckx
Eddy Merckx (sinh ngày 17 tháng 6 năm 1945 tại Meensel-Kiezegem, Bỉ) là một cựu tay đua xe đạp đường trường người Bỉ Trong khoảng thời gian từ 1965 đến 1978 ông đã chiến thắng hơn 530 cuộc đua, trong số đó có Tour de France và Giro d'Italia, mỗi giải 5 lần. Khả năng có một không hai của ông là có thể nổi bật trong tất cả các lãnh vực của bộ môn thể thao xe đạp: ông đã thắng các cuộc đua trong một ngày cổ điển, các cuộc đua vòng lớn và các cuộc đua sáu ngày, ông từng chiếm tư thế áp đảo trong các chặng leo núi, đua tính giờ và nước rút. Ngày nay Merckx được xem như là tay đua xe đạp có nhiều thành công nhất từ trước đến nay. Ngay từ năm 1966, năm thứ hai trong sự nghiệp đua xe đạp chuyên nghiệp của ông, Eddy Merckx đã bắt đầu chuỗi dài chiến thắng của mình trong bộ môn thể thao xe đạp quốc tế bằng cách chiến thắng hai "đài kỷ niệm của thể thao xe đạp": Milano-San Remo và cuộc đua vòng Flanders. Trong hai năm tiếp theo đó bên cạnh nhiều cuộc đua cổ điển ông đã thắng lần đầu giải vô địch đua xe đạp thế giới (World Cycling Championship) năm 1967 và cuộc đua vòng quanh quốc gia đầu tiên của ông, giải Giro d'Italia. Tiếp theo đó, năm 1969 ông tham dự lần đầu tiên Tour de France và đã chiếm tư thế áp đảo với một phong cách có một không hai: bên cạnh chiến thắng chung cuộc, ông về nhất trong 7 chặng đua và, ngoài ra, là tay đua độc nhất trong lịch sử đồng thời đoạt được chiếc áo dành cho cua rơ leo núi nhanh nhất và chiếc Áo xanh cho tay đua nước rút tốt nhất. Như vậy người Bỉ này thật sự đã chiến thắng tất cả những gì có thể chiến thắng được trong bộ môn thể thao xe đạp ngay từ lúc mới 24 tuổi. Mặc dù vậy thời kỳ của Merckx chỉ mới bắt đầu, thời kỳ mà ông chủ yếu ở trong các đội tuyển chuyên nghiệp Faema (1968-1970) và Molteni (1971-1975). Cho đến khi chấm dứt sự nghiệp vào năm 1977, "kẻ ăn thịt người" này, ông được gọi như vậy vì có một ý chí tấn công không ngừng nghỉ, đã thắng nhiều cuộc đua hơn tất cả các tay đua khác và đã lập vô số kỷ lục. Ông là người đứng thứ nhì trong số hiện nay là 4 người đã chiến thắng giải Tour de France 5 lần, mang chiếc Áo vàng tổng cộng 96 ngày (kỷ lục) và về nhất 34 chặng đua (kỷ lục). Mãi đến năm 2004 Lance Armstrong với 6 lần chiến thắng mới đặt ra một kỷ lục mới về chiến thắng Tour de France. Tờ báo thể thao Pháp L'Equipe, như được dự đoán trước, đã chọn ông là quán quân lớn nhất của Tour nhân dịp lễ kỷ niệm 100 năm Tour de France vào năm 2003. Nhưng ngược với những người đoạt giải Tour de France khác, trên thực tế ông cũng đã thắng tất cả các cuộc đua khác: Giro d'Italia, cuộc đua vòng khó khăn thứ nhì thế giới, cũng 5 lần (kỷ lục, chung với Alfredo Binda và Fuato Coppi). Vì cũng thắng giải Vuelta a España năm 1973, ông là một trong số chỉ có 4 tay đua đã thắng được tất cả ba giải lớn (Grands Tours). Ông cũng đã thắng Tour de Suisse một lần. Ngoài ra còn phải ghi lại cho Merckx 3 lần đoạt giải vô địch đua xe đạp thế giới (kỷ lục, chung với Alfredo Binda, Rik van Steenbergen và Óscar Freire Gómez). Gây ấn tượng nhất là danh sách chiến thắng của ông cho các cuộc đua trong ngày lớn nhất, 5 giải gọi là "đài kỷ niệm của thể thao xe đạp", các giải mà bên cạnh ông chỉ còn có Rik van Looy và Roger de Vlaeminck là đã có thể thắng được tất cả: 7 lần Milano-San Remo (kỷ lục) 2 lần vòng Flanders (tiếng Hà Lan: Ronde van Vlaanderen) 3 lần Paris-Roubaix 5 lần Lüttich-Bastogne-Lüttich (kỷ lục) 2 lần vòng đua Lombardy (tiếng Ý: ''Giro di Lombardia) Ngoài ra ông cũng nổi bật trong giải đua 6 ngày được tổ chức trong nhà vào mùa đông với 17 lần đoạt giải. Năm 1972 ông đoạt kỷ lục về vận tốc ở México: với một chiếc xe đạp đua bình thường ông đã chạy 49,431 km trong vòng 60 phút. Ông 3 lần là vận động viên của thế giới (1969, 1971, 1974) và được bầu là vận động viên của thế kỷ tại Bỉ. Tiếp theo đó Liên đoàn Xe đạp Quốc tế UCI đã bình chọn ông là vận động viên đua xe đạp xuất sắc của thế kỷ thứ 20. Ngày nay Merckx là nhà kinh doanh với một thương hiệu xe đạp mang tên ông. Ngoài ra ông còn là người tổ chức và bình luận cho nhiều cuộc đua xe đạp. Con trai Axel Merckx là tay đua có nhiều thành tích cho đội tuyển Bỉ Lotto-Domo, đoạt huy chương đồng trong Thế vận hội 2004 tại Athena (Hy Lạp). Ngày 15 tháng 9 năm 2003 trạm tàu điện ngầm mang tên ông đã được khánh thành tại Brussels. Tham khảo Merckx, Eddy Merckx, Eddy Nhân vật còn sống
7447
https://vi.wikipedia.org/wiki/Tranh%20%C4%90%C3%B4ng%20H%E1%BB%93
Tranh Đông Hồ
Tranh Đông Hồ, hay tên đầy đủ là tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ, là một dòng tranh dân gian Việt Nam với xuất xứ từ làng Đông Hồ (phường Song Hồ, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Trước kia tranh được bán ra chủ yếu phục vụ cho dịp Tết Nguyên Đán, người dân nông thôn mua tranh về dán trên tường, hết năm lại lột bỏ, dùng tranh mới. Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh và các cơ quan chuyên môn tiến hành nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học cho Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ để đệ trình UNESCO đề nghị công nhận Di sản văn hóa phi vật thể. Thơ Tú Xương có tranh Đông Hồ về ngày Tết là: Đì đoẹt ngoài sân tràng pháo chuộtLoẹt lòe trên vách bức tranh gà Đó cũng là lí do để chứng minh rằng tranh gỗ dân gian Đông Hồ rất phổ biến. Tại Bắc Ninh, có thể về làng tranh Đông Hồ, Song Hồ, Thuận Thành để xem tranh Tại Hà Nội, có thể xem tranh tại 19 ngõ 179 Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội Dụng cụ vẽ tranh Đông Hồ Giấy in tranh Đông Hồ được gọi là giấy điệp: người ta nghiền nát vỏ con điệp, một loại sò vỏ mỏng ở biển, trộn với hồ dán (hồ được nấu từ bột gạo tẻ, hoặc gạo nếp, có khi nấu bằng bột sắn - hồ dùng để quét nền tranh thường được nấu loãng từ bột gạo tẻ hoặc bột sắn, hồ nấu từ bột nếp thường dùng để dán) rồi dùng chổi lá thông quét lên mặt giấy dó. Chổi lá thông tạo nên những ganh chạy theo đường quét và vỏ điệp tự nhiên cho màu trắng với ánh lấp lánh của những mảnh điệp nhỏ dưới ánh sáng, cũng có thể pha thêm màu khác vào hồ trong quá trình làm giấy điệp. Màu sắc được sử dụng trong tranh Đông Hồ là màu tự nhiên: màu đen lấy từ than gỗ xoan, rơm nếp hay than lá tre được ngâm kĩ trong chum vại vài tháng rồi mới sử dụng được; màu xanh lấy từ gỉ đồng hay lá chàm – lá ở vùng dân tộc thiểu số phía Bắc, họ thường dùng để nhuộm quần áo; màu vàng lấy từ hoa dành dành, hoa hòe – loài hoa về mùa hè người ta vẫn dùng để sắc nước uống thanh nhiệt; màu đỏ lấy từ gỗ vang và sỏi son trên núi Thiên Thai; màu trắng lấy từ điệp. Những chất màu thô này được trộn với nhau và hoà với một lượng bột nếp trước khi in để tạo một lớp hồ, làm cho giấy tranh cứng hơn sau khi phơi khô. Ván khắc in tranh có hai loại: ván in nét và ván in màu. Ván in nét thường được làm từ gỗ thị hoặc gỗ thừng mực. Gỗ thị có thớ đa chiều, vừa mềm, dễ khắc. Dụng cụ khắc ván là những mũi đục hay còn gọi là bộ ve, được làm bằng thép cứng. Mỗi bộ ve có khoảng 30-40 chiếc. Ván in màu được làm bằng gỗ mỡ bởi vì khi phết màu nên để in tranh gỗ mỡ có khả năng giữ màu cao hơn nhiều loại gỗ khác. Các loại tranh Đông Hồ Về thể loại, dựa vào nội dung chủ đề, có thể chia tranh Đông Hồ thành bảy loại chính, gồm tranh thờ, tranh chúc tụng, tranh lịch sử, tranh truyện, tranh phương ngôn, tranh cảnh vật và tranh phản ánh sinh hoạt. Những thay đổi đối với thời xưa Tranh Đông Hồ rất gần gũi với đại đa số dân chúng Việt Nam, nhắc đến hầu như ai cũng đều biết cả. Tranh Đông Hồ gần gũi còn vì hình ảnh của nó đã đi vào thơ, văn trong chương trình giáo dục phổ thông. Ngày nay tục lệ mua tranh Đông Hồ treo ngày Tết đã mai một, làng tranh cũng thay đổi nhiều: làng Đông Hồ ngày nay có thêm nghề làm vàng mã. Nghề giấy dó ở làng Yên Thái (Bưởi, Tây Hồ) cũng đã không còn. Tuy vậy, tranh Đông Hồ vẫn đóng vai trò như một di sản văn hóa, một dòng tranh dân gian không thể thiếu. Theo đánh giá của một số họa sĩ, tranh Đông Hồ in ở thời điểm hiện tại thường không có màu sắc thắm như tranh cổ, nguyên nhân là người ta trộn màu trắng vào điệp quét giấy để bớt lượng điệp khiến giấy mất độ óng ánh và trở nên "thường", màu sắc sử dụng cũng chuyển sang loại màu công nghiệp, các bản khắc mới có bản không được tinh tế như bản cổ. Một điểm đáng lưu ý khác nữa là một số bản khắc đã đục bỏ phần chữ Hán (hoặc chữ Nôm) bên cạnh phần hình của tranh khiến tranh ít nhiều bị què cụt về mặt ý nghĩa. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này ước đoán là: Thời kỳ sau năm 1945, chữ Hán và chữ Nôm bị chính quyền coi là phong kiến lạc hậu, liệt vào danh mục bài xích nên thợ in đục bỏ cho đỡ phiền nhiễu. Thế hệ sau này không phải ai cũng đọc và hiểu được các ký tự ấy nên tự ý bỏ đi. Cũng do không đọc hiểu được nên các ván khắc truyền lại "tam sao thất bản", đến mức còn lại các ký tự nhưng không đọc được ra chữ gì. Về nội dung tranh, lưu ý rằng có sự gần gũi nhất định giữa nội dung tranh khắc gỗ màu của Việt Nam với của Trung Quốc, có những tranh mà cả hai nước đều có, song tranh Đông Hồ phát triển thành một hướng riêng tồn tại nhiều thế kỷ và được thừa nhận như dòng tranh dân gian được biết đến nhiều nhất ở Việt Nam. Làng tranh Đông Hồ Làng tranh Đông Hồ xưa là làng nghề nổi tiếng về tranh dân gian, thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội chừng trên 25 km. Làng Đông Hồ (đôi khi dân địa phương chỉ gọi đơn thuần là làng Hồ) nằm trên bờ nam sông Đuống, cạnh bến đò Hồ, nay là cầu Hồ. Quanh năm rất nhiều khách du lịch trong ngoài nước đến làng tranh Đông Hồ thăm và mua tranh Đông Hồ làm kỷ niệm. Một số khách sạn, nhà hàng từ Hà Nội, [Thành phố Hồ Chí Minh] cũng về đây đặt những bức tranh khổ lớn để trang trí cho cách phòng khách, hoặc phòng ăn lớn. Từ Hà Nội muốn đi Đông Hồ đường gần nhất du khách thường đi là xuôi theo đường Quốc lộ số 5 (đường đi Hải Phòng) đến ga Phú Thụy, cách Hà Nội chừng 15 km thì rẽ trái, đi chừng 18 km nữa, qua các địa danh khá nổi tiếng của huyện Gia Lâm (Hà Nội) như phố Sủi, chợ Keo, chợ Dâu (Thuận Thành-Bắc Ninh) là đến phố Hồ-huyện lỵ Thuận Thành. Rẽ trái thêm 2 km là đến làng Hồ. Cũng có thể đi hết phố Hồ, lên đê rẽ trái, gặp điếm canh đê thứ hai sẽ có biển chỉ dẫn đường xuống làng Đông Hồ. Làng Đông Hồ xưa còn gọi là làng Mái. Các cụ làng Đông Hồ vẫn truyền lại mấy câu ca rằng: Hỡi cô thắt lưng bao xanh Có về làng Mái với anh thì về Làng Mái có lịch có lề Có sông tắm mát có nghề làm tranh. Làng Đông Hồ nằm ngay sát bờ sông Đuống, ngày xưa chỉ cách sông một con đê, đó là ý trong câu "Có sông tắm mát có nghề làm tranh". Ngày nay, do sự bồi lấp của dòng sông nên từ đê ra đến mép nước giờ khá xa. Còn "làng Mái có lịch có lề" thì nghĩa là gì? Tục ngữ Việt Nam có câu: giấy rách phải giữ lấy lề. Chữ "lề" ở đây tượng trưng cho những quy tắc đạo đức của người xưa, rất trọng danh dự, khí tiết. Còn dân làng Mái, dân nghệ thuật rất trọng lời ăn tiếng nói. Không như nhiều làng quê khác, người dân làng Hồ, nhất là phụ nữ, ăn nói rất lịch lãm, trên dưới thưa gửi rất rõ ràng. Người làng kể rằng kể cả từ xưa, rất hiếm khi trong làng có tiếng người mắng chửi nhau. Do công nghệ phát triển, tranh dân gian làng Hồ bây giờ không tiêu thụ nhiều như trước. Qua nhiều thế kỷ, 17 dòng họ đã quy tụ về làng, vốn xưa tất cả đều làm tranh. Nhưng đến nay, dân làng Hồ hiện chủ yếu sống bằng nghề làm vàng mã. Hiện nay chỉ còn hai gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế và Nguyễn Hữu Sam cùng con cháu là theo nghề tranh, gìn giữ di sản tranh Đông Hồ. Ngày xưa, làng Đông Hồ có chợ tranh tấp nập dịp tháng Chạp (tháng 12 Âm lịch) với 5 phiên chợ vào các ngày 6, 11, 16, 21, 26. Trong mỗi phiên chợ có hàng nghìn, hàng triệu bức tranh các loại được mang ra bán cho lái buôn, hoặc bán lẻ cho các gia đình mua về làm tranh treo Tết để mang phú quý, vinh hoa cho nhà mình. Sau phiên chợ tranh cuối cùng (26/12 Âm lịch) những gia đình nào còn lại tranh đều bọc kín đem cất chờ đến mùa tranh năm sau mang ra chợ bán. Hàng năm làng Hồ có hội làng vào rằm tháng vào 3 âm lịch. Trong hội làng có những nghi thức truyền thống như tế thần, thi mã, thi tranh rất vui vẻ. Làng còn có các làn điệu dân ca như: Hỡi anh đi đường cái quanDừng chân ngắm cảnh mà tan nỗi sầu Mua tờ tranh điệp tươi màuMua đàn gà lợn thi nhau đẻ nhiều. Hình ảnh Xem thêm Tranh Hàng Trống Tranh thờ Đạo Giáo Mỹ thuật dân gian Việt Nam Khắc gỗ Tranh ghép Tranh Kim Hoàng Tranh làng Sình Tranh lụa Tham khảo Liên kết ngoài Tranh Đông Hồ Nghề làm tranh Đông Hồ là di sản quốc gia Tranh Đông Hồ đôi khi vẫn cần cho con người hiện đại Lập hồ sơ cho Nghề làm tranh Đông Hồ Tranh Đông Hồ trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Chùm ảnh: Hồn Tết xưa trong tranh Đông Hồ, báo Giáo dục Việt Nam, 03/01/12 Tranh dân gian Đông Hồ tại Cục Di sản Văn hoá, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Đông Hồ Văn hóa dân gian Việt Nam Hội họa dân gian Việt Nam Văn hóa Bắc Ninh Thuận Thành Tranh Việt Nam Văn hóa Việt Nam Di sản văn hóa phi vật thể tại Việt Nam
7449
https://vi.wikipedia.org/wiki/Gi%E1%BA%A5y%20%C4%91i%E1%BB%87p
Giấy điệp
Giấy điệp là loại giấy dân gian của Việt Nam, thường được nhắc tới cùng với tranh Đông Hồ. Trong quy trình sản xuất giấy điệp, người ta nghiền nát vỏ con điệp, một loại sò vỏ mỏng ở biển, rồi trộn bột đã nghiền với hồ (có lẽ là bột gạo nếp đã được nấu) rồi dùng chổi lá cây thông quét lên mặt giấy dó. Chổi lá thông tạo nên những ganh chạy theo đường quét và vỏ điệp tự nhiên cho màu trắng, có ánh lấp lánh những mảnh điệp nhỏ dưới ánh sáng, có thể pha thêm màu khác vào hồ trong quá trình làm giấy điệp. Các tranh dân gian vẽ trên giấy điệp Xem thêm Giấy dó Tham khảo Hoàn toàn không có nguồn tham khảo Đ
7454
https://vi.wikipedia.org/wiki/Tranh%20th%E1%BB%9D%20%C4%90%E1%BA%A1o%20gi%C3%A1o
Tranh thờ Đạo giáo
Tranh phục vụ cho mục đích tôn giáo vốn rất phổ biến, tranh thờ Đạo giáo, như tên gọi của nó, được sử dụng trong các nghi lễ Đạo Giáo và là một phần trong hệ thống các đồ thờ cúng khác như mũ áo, thầy Tào, ấn, kiếm, mặt nạ...dùng trong những dịp lễ cúng. Đặc điểm Tranh thờ mang sắc thái và giá trị thẩm mỹ rất riêng. Tranh có lối bố cục lạ: hẹp, dài với dày đặc các nhân vật thần linh. Các nhân vật thần chủ này lại tuân theo một quy tắc xã hội: nhân vật nào có quyền năng lớn được vẽ to, chiếm vị trí trung tâm, và các thần ít quyền năng hơn thì được vẽ đơn giản, nhỏ. Màu sắc tranh thờ là màu tự nhiên, ít pha trộn như đỏ, vàng, trắng, đen, xanh lá cây... đây đó họa công còn dùng cả vàng lá, bạc lá thếp thêm vào tranh tạo nên sự quyện ấm tươi tắn - có thể dễ dàng đoán được những màu ấy trong tranh mang tính ước lệ, biểu trưng nhiều hơn là tả thực. Phong cách nghệ thuật Một trong những điều đáng chú ý nhất là phong cách nghệ thuật Đồng Hiện và Liên Hoàn được sử dụng triệt để, tạo nên hiệu quả rất cao. Nghĩa là trong cùng một khuôn tranh, người ta bắt gặp đủ các lớp không gian, thời gian, thực và ảo khác nhau; các thần chính, thần phụ, ma quỷ và con người trên cùng một mặt tranh. Lại có những bức tranh thờ vẽ đủ cả các cảnh từ mặt đất lên bầu trời, từ núi sông tới biển cả, từ địa ngục tới tiên cảnh tùy theo trí tưởng tượng của người vẽ tranh. Điều ấy khiến không gian tranh mênh mang, thời gian trong tranh vô tận chứ không ghim chặt vào một thời điểm sáng hay chiều nào. Xét về mặt nào đó, đây là một sự giải phóng về mặt tư tưởng, là một thành công trong tư duy sáng tác của các họa công tranh thờ. Các nhân vật chính Tranh vẽ một loạt các hình tượng nhân vật đáng chú ý khác nữa. Đó chính là những vị thần chủ như Thập điện diêm vương, Tứ đại nguyên súy, Tả Sư Hữu Thánh... và các thần phụ đi kèm. Những vị thần chủ chính thường được khắc họa nổi bật, các chi tiết tạo hình chọn lựa kỹ càng, mang tính biểu trưng cao, ví như hình ảnh những lưỡi lửa bừng bừng cháy trên thanh gươm của vị Tả Sư và con rắn xanh quấn quanh gươm của vị Hữu Thánh - trong bộ tranh đôi Tả Sư Hữu Thánh. Những hình ảnh nói trên là ví dụ về sự khái quát, cô đọng bằng đường nét: diễn tả sức mạnh bừng bừng không gì cản nổi (như ngọn lửa), thâm sâu lạnh lẽo (như nọc độc của con rắn xanh), thứ quyền lực bao trùm, mạnh mẽ khủng khiếp của hai vị quan chấp pháp. Các nhân vật phụ Trong khi đó, các nhân vật phụ thường được vẽ không mấy cụ thể, mang những tư thế giống hệt nhau, thậm chí đôi khi là những bản sao hoàn chỉnh về sắc độ. Chính những hình tượng phụ này cũng là một điểm rất đáng lưu ý: hàng chục hình tượng vẽ lặp lại, na ná nhau, lại xếp liền tù tì thành một hàng hay nhiều hàng chồng chéo, giống như một loại họa tiết trang trí độc đáo. Đời sống tâm linh Với các dân tộc thiểu số, người thầy cúng và các lễ thờ cúng luôn là chỗ dựa cho đời sống tâm linh của họ. Người thầy cúng được kính trọng, có uy tín trong cộng đồng và phải được cấp sắc, được học hành. Các lễ cúng không chỉ là phong tục tập quán đối với người dân tộc thiểu số mà còn là hoạt động sinh hoạt văn hóa. Gắn liền với các lễ cúng ấy, tranh thờ đóng một vai trò quan trọng (xem thêm Vai trò của Tranh thờ Đạo Giáo trong tín ngưỡng) thể hiện và diễn tả các tín ngưỡng, lối tư duy và cách hành xử trong cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Vai trò trong tín ngưỡng Tranh thờ nằm trong một hệ thống các đồ thờ Trong sinh hoạt thường ngày, người dân miền núi phía Bắc không dùng tranh để trang trí nơi ăn ở của mình, không chỉ tranh mà tượng hay các tác phẩm điêu khắc cũng vậy. Tranh thờ Đạo giáo - do các họa công tranh thờ vẽ và sao chép - nằm trong một hệ thống các đồ dành cho thờ cúng như áo choàng mũ, kiếm cúng, lệnh bài, mặt nạ, nhạc cụ, sách cúng... Những vật này thuộc sở hữu của thầy Tào và chỉ được bày ra trong mỗi dịp lễ cúng. Các quy tắc bảo vệ sự linh thiêng của tranh thờ Các thầy Tào có những quy tắc bảo vệ sự linh thiêng của bộ tranh thờ rất chặt chẽ: Nếu không đủ các nghi lễ trọng thể thì không được mở tranh ra vì như thế các thần tướng âm binh sẽ tràn ra phá hoại. Vì vậy, cúng xong thì phải làm lễ thu hồi âm binh thần tướng trở lại trong tranh, rồi tranh được cuộn lại, cất đi. Thầy Tào khi già yếu không còn khả năng đi cúng thì phải làm lễ "kế nghiệp" trang trọng để trao lại tranh cúng và ấn tín cho người kế cận. Nếu không có người kế cận thì phải làm lễ đem tranh cất vào đáy hang sâu, coi như giam hãm thần tướng âm binh vào đó. Khi mời họa công đến vẽ thì phải lập ra một gian riêng, biệt lập với nữ giới. Họa công còn làm các lễ thu thần chủ của tranh cũ vào gương rồi chuyển các vị sang tranh thờ mới vẽ xong, rồi lại trang trọng làm lễ tạ rồi mới sử dụng bộ tranh. Vai trò của thầy Tào Với các dân tộc thiểu số, thầy Tào và các lễ thờ cúng luôn là chỗ dựa cho đời sống tâm linh của họ. Người thầy cúng được kính trọng, có uy tín trong cộng đồng và phải được cấp sắc, được học hành. Các lễ cúng không chỉ là phong tục tập quán đối với người dân tộc thiểu số mà còn là hoạt động sinh hoạt văn hóa. Gắn liền với các lễ cúng ấy, tranh thờ đóng một vai trò quan trọng thể hiện và diễn tả các tín ngưỡng, lối tư duy và cách hành xử trong cuộc sống của đồng bào. Xem thêm Tranh Đông Hồ Tranh Hàng Trống Tranh làng Sình Tranh Kim Hoàng Tham khảo Liên kết ngoài Tranh thờ Đạo Giáo Nghệ thuật tranh thờ miền núi Văn hóa tranh thờ Đạo Giáo Hội họa Việt Nam Tranh tín ngưỡng Việt Nam
7455
https://vi.wikipedia.org/wiki/Th%C3%A0nh%20H%C6%B0ng%20H%C3%B3a
Thành Hưng Hóa
Thành Hưng Hóa xưa là lỵ sở của đạo thừa tuyên Hưng Hóa, sau đổi là trấn Hưng Hóa (thời Lê Trung hưng), rồi tỉnh Hưng Hóa (thời nhà Nguyễn). Thành nằm ở ven bờ đầm Dị Nậu thuộc thị trấn Hưng Hóa, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ ngày nay. Lịch sử Tháng 6 âm lịch Năm Quang Thuận thứ bảy (1466) triều Hậu Lê, vua Lê Thánh Tông chia nước Đại Việt thành 13 đạo thừa tuyên thì Hưng Hóa là một trong 13 đơn vị hành chính đó. Những đạo còn lại từ nam ra bắc là Thuận Hóa, Nghệ An, Thanh Hóa, Thiên Trường, Nam Sách, Quốc Oai, Bắc Giang, An Bang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, và phủ Trung Đô. Sang thời nhà Nguyễn, phân chia hành chính thay đổi và đạo thừa tuyên Hưng Hóa chuyển thành tỉnh Hưng Hóa. Thành Hưng Hóa được dùng làm tỉnh lỵ, đặt các dinh phủ của quan sở tại. Ngày 10 tháng 4 năm 1884 (tức 15 tháng 3 âm lịch), tại khu vực thành Hưng Hóa đã diễn ra cuộc giao tranh quyết liệt giữa quân Pháp và liên quân Việt Nam dưới sự chỉ huy của Hoàng Kế Viêm, Nguyễn Quang Bích cùng với quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc. Sách Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim viết: Ngày 19 tháng 4 lực lượng chính quy của Pháp rút về Hà Nội, chỉ để lại một số ít đóng đồn tại Hưng Hóa. Ngày 1 tháng 5 năm 1895, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập thị xã Hưng Hóa. Chú thích Phú Thọ Hưng Hóa
7459
https://vi.wikipedia.org/wiki/M%E1%BB%B9%20thu%E1%BA%ADt%20nguy%C3%AAn%20th%E1%BB%A7y%20v%C3%A0%20c%E1%BB%95%20%C4%91%E1%BA%A1i
Mỹ thuật nguyên thủy và cổ đại
Mỹ thuật thời kỳ nguyên thủy và cổ đại có thể được chia thành hai thời kỳ là Mỹ thuật thời nguyên thủy kéo dài từ khoảng 40.000 đến 10.000 năm trước công nguyên (TCN) và thời kỳ tiếp theo là Mỹ thuật thời cổ đại với đặc trưng nổi bật thuộc về nền văn minh Ai Cập. Bài này chỉ trình bày những nhận định tổng quát chung về mỹ thuật của các thời kỳ đó. Mỹ thuật thời nguyên thủy Thời kỳ: Mỹ thuật nguyên thủy. Thời gian: từ 40.000 đến 10.000 năm TCN. Đặc điểm địa lý, văn hóa, xã hội Công cụ sản xuất thô sơ, đời sống săn bắt hái lượm. Xã hội chưa phân chia giai cấp, cuộc sống bầy đàn chế độ mẫu hệ. Các vết tích Mỹ thuật nguyên thủy tìm thấy ở Nam Âu, châu Á và châu Phi. Đặc điểm nghệ thuật Mỹ thuật ở thời kỳ này tồn tại dưới ba hình thức: hội họa, điêu khắc và kiến trúc và mang các tính chất sau: Nghệ thuật hang động Chủ yếu là tả thực, phản ánh chân thực và sinh động cuộc sống xung quanh. Giả thiết có nguồn gốc xuất hiện từ nhu cầu cuộc sống: do lao động, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng ma thuật hay để giải trí. Hội họa Nội dung: Các hình vẽ thú vật (bò, ngựa, hươu...) trên thành và trần hang động và chân thực, hình khắc trên đất sét rồi đắp lên thành hang. Hình người sinh hoạt nhưng sơ lược, khái quát. Màu sắc: Dùng màu sắc tự nhiên. Ví dụ: hình đàn bò rừng trong hang Altarmira, hình đàn ngựa rừng trong hang Latxcô.v.v. Điêu khắc Nội dung: chủ yếu là hình người, đặc biệt miêu tả người phụ nữ, mang ý nghĩa phồn thực, nhấn mạnh những đặc điểm giới tính. Chất liệu: các tượng tròn, phù điêu trên đá. Ví dụ: tượng Vệ Nữ Wilendoff. Kiến trúc Nội dung: Các hình thức sắp xếp đá tảng thành những công trình phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, thờ cúng. Chất liệu: đá tảng to. Ví dụ: ba hình thức như Đônmen: để chôn người chết, Menhia: dùng để thờ cúng hay Crômlếch: dùng làm nơi tế lễ. Mỹ thuật cổ đại Thời kỳ: Mỹ thuật Ai Cập Thời gian: Từ 4.000 năm đến thế kỷ 4 TCN Đặc điểm địa lý, văn hóa, xã hội Vị trí địa lý: Nằm bên bờ sông Nin, vùng đông bắc Châu Phi, phía tây là sa mạc Libya, phía đông là Hồng Hải, phía bắc là Địa Trung Hải, phía nam là Ethiopia. Nên đất nước ít giao lưu với bên ngoài, văn hóa mang đậm tính chất dân tộc. Đất nước chia thành hai vùng rõ rệt: thượng Ai Cập và hạ Ai Cập. Văn hóa, tôn giáo: tín ngưỡng đa thần đóng vai trò quan trọng trong đời sống nhân dân. Tin tưởng và coi trọng thế giới sau cái chết, coi đó mới là cuộc sống vĩnh hằng nên văn hóa nghệ thuật cũng gắn liền với ý nghĩa này. Xã hội: đất nước đầu tiên có giai cấp. Đặc điểm nghệ thuật Tồn tại đủ ba hình thức: hội họa, kiến trúc và điêu khắc. Kiến trúc Thời kỳ đầu Nội dung: Nổi bật nhất là kiến trúc Kim Tự Tháp. Đó là nơi đặt xác nhà vua sau khi qua đời. Do tín ngưỡng của Ai Cập tin về một cuộc sống vĩnh cửu ở thế giới bên kia nên sau khi nhà vua qua đời, người ta tiến hành ướp xác và đặt nó trong một khu lăng mộ kỳ vĩ để mong linh hồn con người được tồn tại vĩnh viễn. Thời cổ vương quốc là thời đại ưu thế của Kim Tự Tháp. Chất liệu: Kim Tự Tháp được xây bằng gạch có bậc thang, hình đơn giản. Sau đó là những khối đá tảng to xếp chồng lên nhau, càng lên cao càng thu nhỏ dần. Ví dụ như ở Gizeh (hay Giza) còn một quần thể kim tự tháp vĩ đại bao gồm ba kim tự tháp: Cheops, Kephren và Mykerinus, trong đó Cheops nổi tiếng nhất (xây dựng khoảng 2.900 năm TCN): cao 138 m, đáy hình vuông cạnh dài 225m. Thời kỳ sau Nội dung: Người Ai Cập không xây dựng các lăng mộ đồ sộ dựa lưng vào vách núi nữa. Đồ án kiến trúc đơn giản, với bộ phận kiến trúc cột rất quan trọng, có một số cột chính: cột hình cây thốt nốt, cột hình hoa súng và cột hình cây sậy, ngoài ra còn có cột hình người, khắc họa các sự tích. Chất liệu: Lăng tẩm bằng đá dựa lưng vào vách đá. Ví dụ như lăng vua Tuttankhamun, đền thờ Karnak, Et phu v.v.. Điêu khắc Tác phẩm: Các pho tượng Tham khảo Mỹ thuật
7460
https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%85n%20Sinh%20S%E1%BA%AFc
Nguyễn Sinh Sắc
Nguyễn Sinh Sắc (chữ Nho: 阮生色, còn gọi là Nguyễn Sinh Huy; sách báo thường gọi bằng tên cụ Phó bảng; cụ Sắc, 1862–30 tháng 12, 1929) là cha ruột của Chủ tịch nước Việt Nam đầu tiên - Hồ Chí Minh. Gia đình và sự nghiệp Nguyễn Sinh Sắc là con của ông Nguyễn Sinh Nhậm (người Thanh Chương, Nghệ An) và bà Hà Thị Hy làm nghề hát rong. Theo gia phả dòng họ Hà thì Ông tổ của Nguyễn Sinh Nhậm là Nguyễn Bá Phổ ở làng Kim Liên (làng Sen, Nam Đàn, Nghệ An), đến thế hệ thứ tư thì ông tộc trưởng Nguyễn Bá Dân xin đổi chữ lót họ mình thành Nguyễn Sinh. Dòng họ này về sau có người đỗ đạt, thành danh. Đến thế hệ thứ 9 chia thành nhiều nhánh, có người đến Mậu Tài cùng huyện. Ông Nguyễn Sinh Nhậm (tức Nguyễn Sinh Vượng) sinh trưởng trong gia đình khá giả ở làng Sen, được học hành, lớn lên lấy vợ, sinh ra Nguyễn Sinh Trợ (tức Thuyết); chẳng bao lâu vợ mất. Tự mình nuôi con trưởng thành, ông Nhậm lấy vợ lẽ là bà Hà Thị Hy. Năm Nhâm Tuất 1862 (có tài liệu là 1863), bà Hy sinh ra Nguyễn Sinh Sắc. Một năm sau khi sinh, ông Nhậm mất. Ít lâu sau, bà Hà Thị Hy cũng qua đời, Nguyễn Sinh Sắc về ở với gia đình anh trai là ông Nguyễn Sinh Thuyết. Ông được nhà nho Hoàng Xuân Đường nhận làm con nuôi và cho học hành tử tế cũng như gả con gái đầu của mình là Hoàng Thị Loan, một trong hai con gái làm vợ (cô kia là Hoàng Thị An). Lúc này ông 18 tuổi còn bà Loan 13 tuổi. Năm 1891, ông vào Vinh thi tú tài nhưng không đỗ. Năm 1894, ông tham dự kỳ thi Hương và đỗ cử nhân tại trường thi Nghệ An. Năm sau (1895), ông Sắc vào Huế thi hội bị hỏng, đã xin đi làm hành tẩu bộ Hộ. Ba năm sau, ông hỏng kỳ thi hội một lần nữa vào năm 1898. Nhờ sự vận động của ông Hồ Sĩ Tạo, với các quan lại đồng liêu quen biết ở triều đình Huế, Nguyễn Sinh Sắc được nhận vào học Quốc Tử Giám ở Huế. Nguyễn Sinh Sắc, đổi tên là Nguyễn Sinh Huy, đem vợ và hai con trai vào Huế và đi học Quốc Tử Giám. Trước khi dự kỳ thi hội năm 1901, với tư cách là một quan chức của triều đình Huế, ông còn tham dự Hội đồng giám khảo chấm thi kỳ thi hương tại Bình Định năm 1897 và Thanh Hóa năm 1900. Ngày 22 tháng 12 năm Canh Tý (10 tháng 2 năm 1901) bà Hoàng Thị Loan ốm mất ở Huế, sau khi sinh đứa con trai út (đứa con trai này ít ngày sau cũng chết). Ông đem hai con trai về làng Chùa gửi mẹ vợ chăm sóc giùm rồi trở vào Kinh thi Hội. Khoa Tân Sửu (1901) này, ông đậu Phó bảng. Ông làm thừa biện bộ Lễ từ 1902 đến 1909. Tháng 5 năm 1907, ông bị đổi đi Tri huyện Bình Khê (xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Trong một lần truyền đánh đòn những người chống việc nộp thuế và sau này có một trong số họ qua đời, ông bị kiện lên cấp trên, vụ việc sau đó đến tai nhà vua Duy Tân. Vì vậy ngày 19 tháng 5 năm 1910, ông bị đưa về kinh xét xử vì các tội: - Để tù chính trị phạm vượt ngục - Hà khắc với hào lý - Bênh vực dân đen - Không thu đủ thuế. Dù biện hộ rằng không phải vì trận đòn của ông mà người kia chết, ông vẫn bị triều đình nhà Nguyễn ra sắc chỉ ngày 17 tháng 9 năm 1910 phạt đánh 100 trượng. Nhờ có Thượng thư Hồ Đắc Trung, các ông Cao Xuân Dục và Đào Tấn cùng dập đầu xin vua, hình phạt này được chuyển đổi thành hạ bốn cấp quan và sa thải. Ngày 26 tháng 2 năm 1911, Nguyễn Sinh Sắc xuống tàu từ Đà Nẵng vào Sài Gòn, cùng Nguyễn Tất Thành xuống Mỹ Tho gặp Phan Châu Trinh (một người bạn của ông đang hoạt động cách mạng, cũng là người có nhiều quan điểm giống ông), lúc này Phan Châu Trinh đang chuẩn bị sang Pháp. Ông ở lại Sài Gòn một thời gian, dạy chữ Nho cho nhà báo Diệp Văn Kỳ, rồi đi Lộc Ninh làm giám thị đồn điền. Ông sống lang thang ở miền Nam bằng nghề đông y, và nghề viết liễn đối cho dân chúng. Ông giúp nhiều chùa ở Nam Bộ dịch, chú giải kinh Phật, góp nhiều ý kiến cho phong trào Chấn hưng Phật giáo do các hoà thượng Khánh Hoà khởi xướng. Ông cũng có quan hệ với nhiều tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội ở đồng bằng sông Cửu Long. Gần cuối đời, ông đến định cư tại làng Hội Hòa An, Sa Đéc. Ông từ trần ngày 27 tháng 11 năm 1929. Phần mộ của ông hiện nằm ở 123/1 đường Phạm Hữu Lầu, phường 4, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Ông có năm người con, 4 người con trai và 1 người con gái. Người con trai thứ 4 tên là Nguyễn Sinh Nhuận, thường gọi là Xin, mất sớm không lâu sau khi bà Hoàng Thị Loan qua đời. Con gái đầu là Nguyễn Thị Thanh, còn gọi là O (cô) Chiêu Thanh, con trai giữa là Nguyễn Sinh Khiêm, thường gọi là Cả Khiêm. Người con trai thứ ba của ông là Nguyễn Sinh Cung tức Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hai người con là bà Nguyễn Thị Thanh và Hồ Chí Minh đều không có con, ông Khiêm có ba người con nhưng đều mất sớm. Khu di tích Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc thuộc phường 4, thành phố Cao Lãnh. Với diện tích 10 ha, khu di tích gồm có: khu mộ Nguyễn Sinh Sắc (gồm phần mộ chính và hồ sen, đài sen); nhà trưng bày giới thiệu về thân thế và cuộc đời của ông; nhà sàn Bác Hồ (được xây dựng giống như ngôi nhà của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội với tỉ lệ 1:1), v.v... Hằng năm, lượng người từ khắp nơi kéo về nơi đây để tham quan và tìm hiểu lịch sử ngày càng tăng, làm cho nơi đây trở thành một di tích lịch sử quan trọng và nổi tiếng của tỉnh Đồng Tháp. Di tích Huyện đường Bình Khê (nay thuộc xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) được xếp hạng năm 2000. Đầu năm 2014, UBND tỉnh Bình Định tổ chức lễ khởi công xây dựng Khu tưởng niệm Cụ Nguyễn Sinh Sắc tại di tích Huyện đường Bình Khê. Thư viện ảnh Xem thêm Gia đình Hồ Chí Minh Chú thích Nguồn William J. Duiker (2000). Ho Chi Minh: A Life, Hyperion Chuyện về hai người con đầu của cụ Phó Bảng Bài viết trên báo Nhân dân về hai người con đầu của cụ Phó bảng Lời truyền miệng dân gian về thân thế của Hồ Chí Minh, Trần Quốc Vượng kể lại Sinh năm 1862 Mất năm 1929 Người Nghệ An Gia đình Hồ Chí Minh Phó bảng Dòng họ Nguyễn Sinh
7461
https://vi.wikipedia.org/wiki/B%E1%BA%A3o%20Ninh
Bảo Ninh
Bảo Ninh (sinh ngày 18 tháng 10 năm 1952) là nhà văn Việt Nam viết tiểu thuyết và truyện ngắn. Tiểu sử Bảo Ninh tên thật là Hoàng Ấu Phương, sinh tại huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, quê ở xã Bảo Ninh, huyện Quảng Ninh (nay thuộc thành phố Đồng Hới), tỉnh Quảng Bình, Việt Nam. Ông là con trai của Giáo sư Hoàng Tuệ (1922 - 1999), nguyên Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học. Ông vào bộ đội năm 1969. Thời chiến tranh, ông chiến đấu ở mặt trận B-3 Tây Nguyên, tại tiểu đoàn 5, trung đoàn 24, sư đoàn 10. Năm 1975, ông giải ngũ. Từ 1976-1981 học đại học ở Hà Nội, sau đó làm việc ở Viện Khoa học Việt Nam. Từ 1984-1986 học khoá 2 Trường viết văn Nguyễn Du. Làm việc tại báo Văn nghệ Trẻ. Là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ 1997. Tác phẩm Năm 1987 xuất bản truyện ngắn Trại bảy chú lùn. Năm 1991, tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh (in lần đầu năm 1987 tên là Thân phận của tình yêu, được tặng Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam và đã được đón chào nồng nhiệt. Đó là câu chuyện một người lính tên Kiên, đan xen giữa hiện tại hậu chiến với hai luồng hồi ức về chiến tranh và về mối tình đầu với cô bạn học Phương. Khác với những tác phẩm trước đó mang tính sử thi, miêu tả chiến tranh từ góc độ cộng đồng, hùng tâm tráng chí của người lính chiến đấu vì vận mệnh đất nước, Bảo Ninh đã miêu tả chiến tranh từ một góc độ khác, góc độ cá nhân, thân phận con người, đi sâu vào những nỗi niềm cá nhân. Nhà văn Nguyên Ngọc ca ngợi: "Về mặt nghệ thuật, đó là thành tựu cao nhất của văn học đổi mới". Tuy nhiên, trong hơn 10 năm sau đó tác phẩm đã bị cấm, không được in lại, có lẽ do quá nhạy cảm; mặc dù vậy, với làn sóng đổi mới ở Việt Nam, cuốn sách vẫn rất được ưa thích. Cuốn sách được dịch sang tiếng Anh bởi Frank Palmos và Phan Thanh Hảo, xuất bản năm 1994 với nhan đề "The Sorrow of War", được ca tụng rộng rãi, và một số nhà phê bình đánh giá là một trong những tiểu thuyết cảm động nhất về chiến tranh. Bản dịch này được photo bán rộng rãi cho du khách nước ngoài. Đây là một cuốn sách được đọc rộng rãi ở phương Tây, và là một trong số ít sách nói về chiến tranh từ quan điểm phía Việt Nam được xuất bản ở đây. Một điều đáng khâm phục là Bảo Ninh đã trình bày quan điểm này mà không hề lên án phía bên kia. Năm 2005, tác phẩm này được tái bản với nhan đề ban đầu là Thân phận của tình yêu; năm 2006 tái bản với nhan đề đã trở thành nổi tiếng: Nỗi buồn chiến tranh. Bảo Ninh còn viết một số truyện ngắn về đề tài chiến tranh, trong đó truyện Khắc dấu mạn thuyền đã được dựng thành phim. Truyện ngắn "Bội phản" trong tập truyện "Văn Mới" do Nhà xuất bản Văn học xuất bản, cũng đã được ông gửi gắm nhiều tình cảm và suy nghĩ vào trong các nhân vật. Chú thích Liên kết ngoài Báo Thể thao và Văn hóa, Nhà văn Bảo Ninh: Cái thật bao giờ cũng có sức quyến rũ, đăng lại trên Báo Tuổi trẻ online ngày 07/08/2005. Nhà văn Việt Nam Quân nhân trong Chiến tranh Việt Nam Người Quảng Bình Sinh năm 1952 Nhân vật còn sống Tác giả sách cấm Sinh tại Nghệ An
7462
https://vi.wikipedia.org/wiki/L%E1%BB%9Di%20k%C3%AAu%20g%E1%BB%8Di%20to%C3%A0n%20qu%E1%BB%91c%20kh%C3%A1ng%20chi%E1%BA%BFn
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, do Hồ Chí Minh soạn thảo, là lời phát động cuộc kháng chiến chống Pháp vào cuối năm 1946, sau khi những nỗ lực đàm phán hòa bình giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với Pháp vào giữa năm 1946 để công nhận một nước Việt Nam độc lập không thành công. Lời kêu gọi này được phát ra vào sáng ngày 20 tháng 12 năm 1946. Đêm hôm trước - ngày 19 tháng 12, khi chiến sự bùng nổ - là ngày được gọi là "Toàn quốc kháng chiến". Câu nói Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh trong một bức thư của Hồ Chí Minh gửi những người lính của Việt Minh ở Hà Nội những ngày đầu toàn quốc kháng chiến đã được nhắc đến như một biểu tượng cho sự "hy sinh vì nền độc lập" của đất nước Việt Nam. Hoàn cảnh Trước khi Chiến tranh Đông Dương nổ ra, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được cho là đã tìm mọi cách "cứu vãn hòa bình", chí ít cũng làm chậm lại chiến tranh để chuẩn bị đối phó, đồng thời khéo léo tìm được thế bắt đầu chiến tranh tốt nhất có thể (hay là ít xấu nhất). Hiệp định sơ bộ Việt–Pháp 6/3/1946 và Tạm ước Việt–Pháp 14/9/1946 lần lượt được ký kết, Hồ Chí Minh sang Pháp đàm phán. Quân của Tưởng Giới Thạch phải theo các điều ước rút về nước. Pháp liên tiếp gây ra các cuộc thảm sát ở Hải Phòng và Hà Nội. Sau đó Pháp đòi tước vũ khí của Việt Minh. Chiến tranh xảy ra vào đêm 19/12/1946 bởi trận đánh Hà Nội 1946. Ngày này được gọi là Toàn quốc kháng chiến. Ngày 3 tháng 12 năm 1946, Hồ Chí Minh đã về làng Vạn Phúc, Hà Đông, sống trong nhà ông Nguyễn Văn Dương. Tại đây, vào ngày 19 tháng 12, trên căn gác xép nhỏ, Bác đã viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, dùng để phát động cuộc kháng chiến chống Pháp vào cuối năm, sau khi những nỗ lực đàm phán hòa bình giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với Pháp, vào giữa năm 1946, để công nhận một nước Việt Nam độc lập, không thành công. Văn bản này đã được Trường Chinh chỉnh sửa một số chi tiết trước khi được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc. Ngày 20 tháng 12 tại Hang Trầm (huyện Chương Mỹ, Hà Tây), Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) đã phát đi "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến". Nội dung Nội dung toàn văn của "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" đã được in trong Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 15, trang 130, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1995 như sau: Chú thích Liên kết ngoài Tác phẩm của Hồ Chí Minh Văn kiện trong Chiến tranh Đông Dương Toàn quốc kháng chiến Năm 1946 Bảo vật quốc gia của Việt Nam
7468
https://vi.wikipedia.org/wiki/Hi%E1%BB%87u%20%E1%BB%A9ng%20Hall
Hiệu ứng Hall
Hiệu ứng Hall là một hiệu ứng vật lý được thực hiện khi áp dụng một từ trường vuông góc lên một bản làm bằng kim loại hay chất bán dẫn hay chất dẫn điện nói chung (thanh Hall) đang có dòng điện chạy qua. Lúc đó người ta nhận được hiệu điện thế (hiệu thế Hall) sinh ra tại hai mặt đối diện của thanh Hall. Tỷ số giữa hiệu thế Hall và dòng điện chạy qua thanh Hall gọi là điện trở Hall, đặc trưng cho vật liệu làm nên thanh Hall. Hiệu ứng này được khám phá bởi Edwin Herbert Hall vào năm 1879. ('tác động của lực chân không h=π*1/325147) 1cm=1000mtimet . Cơ chế Hiệu ứng Hall được giải thích dựa vào bản chất của dòng điện chạy trong vật dẫn điện. Dòng điện này chính là sự chuyển động của các điện tích (ví dụ như electron trong kim loại). Khi chạy qua từ trường, các điện tích chịu lực Lorentz bị đẩy về một trong hai phía của thanh Hall, tùy theo điện tích chuyển động đó âm hay dương. Sự tập trung các điện tích về một phía tạo nên sự tích điện trái dầu ở 2 mặt của thanh Hall, gây ra hiệu điện thế Hall. Công thức liên hệ giữa hiệu thế Hall, dòng điện và từ trường là:VH = (IB)/(den) với VH là hiệu thế Hall, I là cường độ dòng điện, B là cường độ từ trường, d là độ dày của thanh Hall, e là điện tích của hạt mang điện chuyển động trong thanh Hall, và n mật độ các hạt này trong thanh Hall. Công thức này cho thấy một tính chất quan trọng trong hiệu ứng Hall là nó cho phép phân biệt điện tích âm hay dương chạy trong thanh Hall, dựa vào hiệu thế Hall âm hay dương. Hiệu ứng này lần đầu tiên chứng minh rằng, trong kim loại, electron chứ không phải là proton được chuyển động tự do để mang dòng điện. Điểm thú vị nữa là, hiệu ứng cũng cho thấy trong một số chất (đặc biệt là bán dẫn), dòng điện được mang đi bởi các lỗ trống(có điện tích tổng cộng là dương) chứ không phải là electron đơn thuần. Khi từ trường lớn và nhiệt độ hạ thấp, có thể quan sát thấy hiệu ứng Hall lượng tử, thể hiện sự lượng tử hóa điện trở của vật dẫn. Với các vật liệu sắt từ, điện trở Hall bị tăng lên một cách dị thường, được biết đến là hiệu ứng Hall dị thường, tỷ lệ với độ từ hóa của vật liệu. Cơ chế vật lý của hiệu ứng này hiện vẫn còn gây tranh cãi. Ứng dụng Hiệu ứng Hall được sử dụng chủ yếu trong các thiết bị đo, đầu dò. Các thiết bị này thường phát ra tín hiệu rất yếu và cần được khuếch đại. Đầu thế kỷ 20, các máy khuếch đại dùng bóng chân không quá tốn kém, nên các đầu đo kiểu này chỉ được phát triển từ khi có công nghệ vi mạch bán dẫn. Ngày nay, nhiều "đầu dò hiệu ứng Hall" chứa sẵn các máy khuếch đại bên trong. Đo cường độ dòng điệnXem thêm Ampe kếHiệu ứng Hall nhạy cảm với từ trường, mà từ trường được sinh ra từ một dòng điện bất kỳ, do đó có thể đo cường độ dòng chạy qua một dây điện khi đưa dây này gần thiết bị đo. Thiết bị có 3 đầu ra: một dây nối đất, một dây nguồn để tạo dòng chạy trong thanh Hall, một dây ra cho biết hiệu thế Hall. Phương pháp đo dòng điện này không cần sự tiếp xúc cơ học trực tiếp với mạch điện, hầu như không gây thêm điện trở phụ của máy đo trong mạch điện, và không bị ảnh hưởng bởi nguồn điện (có thể là cao thế) của mạch điện, tăng tính an toàn cho phép đo. Có vài cách để đưa dây điện mang dòng vào gần thiết bị đo như sau: Cuốn dòng cần đo Dòng điện cần đo có thể được cuốn quanh thiết bị đo. Các độ nhạy ứng với các cường độ dòng điện khác nhau có thể được thay đổi bằng số vòng cuốn quanh thiết bị đo. Phương pháp này thích hợp cho các ampe kế lắp vĩnh cửu vào cùng mạch điện. Kẹp vào dòng cần đo Thiết bị được kẹp vào dây dẫn điện. Phương pháp này dùng trong kiểm tra đo đạc, không lắp vĩnh cửu cùng mạch điện. Tính nhân Về cơ bản ứng dụng này dựa vào công thức của hiệu ứng Hall: hiệu thế Hall là tích của cường độ dòng điện (tỷ lệ với hiệu điện thế áp dụng lên thanh Hall, nhờ định luật Ohm) với cường độ từ trường (có thể được sinh ra từ một cuộn cảm, tỷ lệ với hiệu điện thế áp dụng lên cuộn cảm). Đo công suất điện Công suất tiêu thụ của một mạch điện là tích của cường độ dòng điện và hiệu điện thế trên mạch. Vậy có thể đo công suất này bằng cách đo dòng điện (như mô tả ở trên) đồng thời với việc dùng hiệu điện thế của mạch điện để nuôi dòng qua thanh Hall. Phương pháp như vậy có thể được cải tiến để đo công suất dòng điện xoay chiều trong sinh hoạt dân dụng. Nó thường chính xác hơn các thiết bị truyền thông và ít gây cản trở dòng điện Xác định vị trí và chuyển động Hiệu ứng Hall có thể dùng để xác định vị trí cơ học. Các thiết bị kiểu này không có một chi tiết cơ học chuyển động nào và có thể được chế tạo kín, chịu được bụi, chất bẩn, độ ẩm, bùn lầy... Điều này giúp các thiết bị này có thể đo đạc vị trí tiện hơn dụng cụ quang học hay cơ điện. Khởi động ô-tô Khi quay ổ khóa khởi động ô tô, một nam châm gắn cùng ổ khóa quay theo, gây nên thay đổi từ trường, được cảm nhận bởi thiết bị dùng hiệu ứng Hall. Phương pháp này tiện lợi vì nó không gây hao mòn như phương pháp cơ học khác. Dò chuyển động quay Việc dò chuyển động quay tương tự như trên rất có ích trong chế tạo hệ thống hãm phanh chống trượt nhạy bén hơn của ô tô, giúp người điều khiển xe dễ dàng hơn. Lịch sử khám phá Năm 1878, Edwin Herbert Hall, khi đang là sinh viên của trường Đại học Johns Hopkins, đọc quyển sách "Luận về thuyết Điện từ" viết bởi James Clerk Maxwell. Ông đã thắc mắc với giáo sư của mình là Henry Rowland về một nhận xét của Maxwell rằng "lực điện từ đặt lên dây dẫn không tác dụng trực tiếp lên dòng điện mà tác động lên dây dẫn mang dòng điện đó". Rowland cũng nghi ngờ tính xác thực của kết luận đó nhưng những kiểm tra bằng thực nghiệm của ông đã không mang lại kết quả phản bác. Hall quyết định tiến hành nhiều thí nghiệm và cũng đã thất bại. Cuối cùng, ông làm lại thí nghiệm của Rowland, nhưng thay thế dây dẫn kim loại trong thí nghiệm này bằng một lá vàng mỏng. Hall đã nhận thấy từ trường làm thay đổi sự phân bố điện tích trong lá vàng và làm lệch kim của điện kế nối với các mặt bên của nó. Thí nghiệm đã không chỉ thỏa mãn thắc mắc của Hall về nhận xét của Maxwell, mà đã khẳng định bản chất dòng điện trong kim loại. Ngày nay, ta biết là điều kiện thí nghiệm thời ấy chỉ tạo được từ trường yếu và hiệu ứng chỉ quan sát được khi kim loại dẫn điện rất tốt như vàng. Hall đã đi đúng hướng khi sử dụng vàng trong thí nghiệm của mình, để khám phá ra một hiệu ứng cơ bản trong vật lý chất rắn hiện đại. Phát hiện này cũng đã mang lại cho Hall một vị trí tại trường Đại học Harvard. Công trình của ông được xuất bản năm 1879. Năm 1881, sách của Maxwell được tái bản lần hai với chú thích: "Ông Hall đã phát hiện rằng một từ trường ổn định có thể làm thay đổi chút ít sự phân bố dòng điện trong phần lớn các dây dẫn, vì vậy tuyên bố của Maxwell chỉ được xem như là gần đúng." Hiệu ứng Hall không chỉ được ứng dụng trong nhiều ngành công nghệ từ cuối thế kỷ 20, mà còn là tiền đề cho các khám phá tương tự cùng thời kỳ này như hiệu ứng Hall lượng tử, một hiệu ứng đã mang lại giải thưởng Nobel vật lý cho người khám phá ra nó. Xem thêm Giải Nobel vật lý Hiệu ứng Hall lượng tử Hiệu ứng Hall spin lượng tử Tham khảo Liên kết ngoài (bằng tiếng Việt) Lịch sử khám phá hiệu ứng Hall (bằng tiếng Anh) "The Hall Effect ". nist.gov. Hall, Edwin, "On a New Action of the Magnet on Electric Currents ''". American Journal of Mathematics vol 2 1879. Hiệu ứng vật lý Vật lý chất rắn Điện từ học Vật lý vật chất ngưng tụ Điện trường và từ trường trong vật chất
7470
https://vi.wikipedia.org/wiki/Rau%20r%C4%83m
Rau răm
Rau răm (danh pháp hai phần: Persicaria odorata) là một loài thực vật ăn được thuộc họ Polygonaceae - họ Thân đốt hay họ Rau răm). Mô tả Rau răm là cây thân thảo, lá của chúng được sử dụng rộng rãi trong các món ăn của khu vực Đông Nam Á. Trong một số văn bản thuộc các ngôn ngữ khác, chẳng hạn như tiếng Anh đôi khi người ta gọi nó là Vietnamese mint(?), Vietnamese cilantro, Vietnamese coriander(?) hay Cambodian mint, tiếng Đan Mạch là Vietnamesisk koriander (?) v.v. Có tên gọi như vậy là do lá và thân non của nó được sử dụng rộng rãi và rất đặc trưng trong nghệ thuật ẩm thực của Việt Nam - mà các du khách ngoại quốc rất thích, chủ yếu nó được ăn sống như một loại rau gia vị trong đĩa rau sống hay được sử dụng ở dạng thái nhỏ cho vào các món ăn như bún thang (một đặc sản của Hà Nội), miến (với thịt vịt hay ngan), cháo nấu bằng trai hay hến hoặc ăn kèm trứng vịt lộn cùng với hạt tiêu xay mịn và một chút muối ăn. Món gỏi gà xé phay cũng dùng rau răm làm tăng hương vị. Người dân ở khu vực Huế còn có món gà bóp, trong đó thịt gà trộn lẫn với rau dăm và hạt tiêu, tỏi, đường, ớt, dấm hay chanh. Rau răm còn là một trong những thành phần chính của bánh tráng trộn (1 món ăn vặt đường phố của Việt Nam). Đặc điểm Rau răm là một loại cây lưu niên sinh trưởng tốt nhất trong vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới trong điều kiện nóng ẩm nhưng không sống được nếu vĩ độ trên 32° hay quá nhiều nước. Trong điều kiện thuận lợi, thân cây có thể cao từ 15 đến 30 cm. Khi quá lạnh hoặc quá nóng, cây rau răm sẽ lụi tàn. Mặt trên lá răm màu lục sẫm, điểm đốm màu nâu nhạt còn mặt dưới màu hung đỏ. Thân răm có đốt. Ở Việt Nam răm được trồng làm rau hoặc có khi mọc tự nhiên. Rau răm có thể sinh trưởng tốt trong mùa hè ở vùng khí hâu ôn đới châu Âu. Cây rau răm ưa sáng và chịu được đất thoát nước tốt. Thành phần chính Trong tinh dầu của rau răm người ta tìm thấy các aldehyd chuỗi dài như decanal (28%), dodecanal (44%), ngoài ra là decanol (11%). Các sesquiterpene (α-humulene, β-caryophyllene) chiếm khoảng 15% trong tinh dầu. Sử dụng ở khu vực Đông Nam Á Tại Singapore và Malaysia, lá rau răm thái nhỏ là thành phần thiết yếu của món súp laksa, người ta dùng nhiều đến mức tên gọi theo tiếng Malay daun laksa có nghĩa là "lá laksa". (Tên gọi rau răm theo tiếng Malay là Daun kesum hay Daun lak) Chưa có nghiên cứu khoa học nào đo được tác động của rau răm lên ham muốn tình dục. Theo truyền thống, ở Việt Nam, các loại thảo dược được cho là kiềm chế ham muốn tình dục. Có một câu nói trong tiếng Việt, "rau răm, giá sống", trong đó đề cập đến niềm tin phổ biến rằng rau răm làm giảm ham muốn tình dục, trong khi giá đậu có tác dụng ngược lại. Nhiều tu sĩ Phật giáo trồng rau răm trong khu vườn riêng của họ và ăn nó thường xuyên, để giúp họ sống trong đời sống độc thân Rau răm và văn hóa Việt Nam Vì là một loại rau phổ biến, rau răm có mặt trong vài câu ca dao Việt Nam như: Những người con mắt lá răm Lông mày lá liễu đáng trăm quan tiền. Gió đưa cây cải về trời Rau răm ở lại chịu lời đắng cay. Chú thích Tham khảo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam (Đỗ Tất Lợi - Nhà xuất bản Khoa Học Kỹ thuật, 1977). Cây thân thảo O Cây thuốc Thực vật Việt Nam O Thực vật được mô tả năm 1974 Thảo mộc Thực vật Indomalesia Thực vật Đông Nam Á Thực vật được mô tả năm 1790
7477
https://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BB%A9ng%20v%E1%BB%8Bt%20l%E1%BB%99n
Trứng vịt lộn
Trứng vịt lộn (hay hột vịt lộn) là món ăn được chế biến từ quả trứng vịt khi phôi đã phát triển thành hình. Trứng vịt lộn là một trong những món ăn nhẹ bình dân ở Việt Nam... và vẫn được quan niệm ở các nước phương Đông coi là món ăn bổ dưỡng. Trứng được bán rong hoặc tại các góc phố, các hàng ăn nhỏ. Món ăn này cũng được ưa chuộng ở một số nước châu Á khác như là Trung Quốc, Philippines và Campuchia, tuy cách chế biến có khác nhau một chút. Tại Trung Quốc, nó được gọi là áp tử đản (), phổ biến ở các tỉnh miền Nam. Trong khi đó, Thái Lan gọi trứng vịt lộn là khày khao (), thường được ăn khi luộc hoặc đem nướng chín với mỡ cùng hành lá. Trứng vịt lộn tại Việt Nam thường là phôi thai vịt từ 9 đến 11 ngày tuổi, luôn được ăn cùng rau răm, gừng thái chỉ và muối khô vắt thêm chanh hoặc quất, một số địa phương khác còn ăn kèm với đồ chua ngọt. Bên cạnh đó còn có các món biến thể khác như trứng vịt lộn nhúng lẩu, trứng vịt lộn chiên, trứng gà lộn và trứng cút lộn. Tại Philippines, trứng vịt lộn (gọi là Balut theo tiếng địa phương) và được thưởng thức rộng rãi ở tại mọi tầng lớp nhân dân,có điều trứng thường chỉ được ấp đến 7 ngày và không dùng rau răm. Chế biến Trứng vịt khi phôi thành hình: rửa sạch trứng, luộc lên, để sôi kỹ 8 phút, tắt bếp và để nguyên đó 20 phút, rồi mới lấy ra, đập vỏ, ăn phần bên trong ngay lúc còn nóng. Các gia vị phổ biến đi kèm là rau răm, gừng tươi thái chỉ, muối tiêu chanh hoặc muối tiêu vắt nước tắc (quất), và dấm ớt. Thưởng thức Mỗi vùng miền khác nhau có cách thưởng thức trứng vịt lộn khác nhau. Tại Hà Nội quả trứng được gỡ khỏi vỏ và bỏ ngay vào bát nhỏ, dùng thìa xắn, ăn bình thường. Tại Sài Gòn, trứng sau khi luộc chín được đặt trên một cái chung nhỏ, đầu to của trứng hướng lên trên, sau đó chỉ việc dùng thìa bóc vỏ ở đầu trên của trứng, rồi ăn với các gia vị đi kèm. Đây cũng là món nhậu rất được người miền Nam ưa chuộng. Tại Đà Nẵng, phần gia vị ăn kèm cũng có khác hơn so với những vùng miền khác. Người ta thường làm nước mắm và đu đủ chua ngọt, thêm vào những gia vị cay và nóng như rau răm, ớt hiểm, gừng để giảm vị tanh của trứng. Tại Phan Thiết, ngoài các gia vị thông dụng, người ta còn ăn kèm trứng vịt lộn với đồ chua ngọt làm từ cà rốt và củ cải. Cách thức ăn thì giống như của miền Bắc và miền Nam. Khách du lịch phương Tây và những người lần đầu nhìn thấy và ăn thử trứng vịt lộn thường thấy e ngại và không dám ăn trứng vịt lộn. Nguyên nhân có lẽ là con vịt trong quả trứng đã hình thành rõ ràng đủ hết mọi bộ phận, lông cánh khiến họ thấy kinh sợ, đến nỗi món ăn này thường xuyên xuất hiện trong chương trình thử thách lòng can đảm Fear Factor (chương trình TV mà người tham gia còn phải ăn giun xay và các thứ tương tự khác). Ngoài ra trứng vịt lộn còn xuất hiện 2 lần trong Survivor: Palau, 1 lần trong Survivor: China. Dinh dưỡng Trứng là một hệ thống gần như khép kín tạo nên một quả trứng tươi và một quả trứng vịt lộn sẽ tương đồng về tỷ lệ các nguyên tố,sự khác biệt ở đây là biến đổi cấu trúc của các đại phân tử. Nhiều người thường có quan niệm cho rằng trứng vịt lộn có giá trị dinh dưỡng cao hơn trứng gà hoặc trứng vịt thông thường.Tuy vậy,xét trên một quả trứng thì giữa chúng chênh lệch nhau không đáng kể,xét tổng thể thì chúng có cùng giá trị dinh dưỡng. Ở Phillippines và Đông Nam Á, trứng vịt/gà lộn là thức ăn phổ biến. Trứng được ăn sau khi được luộc.Có nhiều giá trị dinh dưỡng khác nhau về trứng lộn vì nó có thể là trứng gà lộn hoặc trứng vịt lộn.Tuy nhiên, giá trị dinh dưỡng cho trứng gà lộn hoặc trứng vịt lộn là gần như nhau. Giai thoại Vào thời vua Minh Mạng, tháng 10 năm 1822, triều đình nhà Nguyễn đã chiêu đãi đại sứ Anh John Crawfurd một bữa tiệc trong đó có món trứng lộn. Ba tô trứng lộn (hatched eggs – có thể là trứng vịt lộn hoặc gà lộn) và đã được vị đại sứ chú ý. Khi ông hỏi cậu phục vụ người Nam Kỳ, cậu ta đã rất "ngây thơ" (naïveté) nói rằng hột vịt lộn là một cao lương mĩ vị nằm ngoài tầm với của dân nghèo, chỉ được dùng cho những người đặc biệt. Thực tế, Crawfurd sau đó được biết, trứng lộn được bày bán khá phổ biến ngoài chợ với giá chỉ đắt hơn 30% so với trứng tươi. Ông cho rằng, khi người ta mới vừa mời tiệc nhau, thì trứng được đem cho gà ấp, sau 10-12 ngày, trứng sẽ chín, và lúc đãi tiệc, nó sẽ rất hợp khẩu vị của một người Việt sành ăn. Tham khảo Liên kết ngoài Món ăn - bài thuốc từ vịt Ẩm thực Việt Nam Ẩm thực Trung Quốc Ẩm thực Philippines Ẩm thực Campuchia Ẩm thực Đông Nam Á
7478
https://vi.wikipedia.org/wiki/Mi%E1%BA%BFn
Miến
Miến hay bún tàu là loại thực phẩm dạng sợi khô, được chế biến từ bột khoai lang, bột dong, bột đậu xanh hoặc bột sắn, bán thành từng bó khoảng 1 lạng. Sợi miến làm từ bột dong thường ngon hơn: dai, trong, không "trương" lên trong lúc ăn. Nói chung, miến là một thứ đồ ăn khô sơ chế phổ biến trong các hàng quán ăn nhanh lẫn trong gia đình Việt Nam, chỉ đứng sau bún. Ở các thành phố lớn, miến cũng góp mặt trong các món ăn đường phố thông dụng như miến ngan, miến cua, miến lươn, miến trộn Hàn Quốc,... Từ nguyên Từ "miến" (chữ Hán: 麵) trong tiếng Việt được vay mượn từ tiếng Trung. Trong tiếng Trung "miến" 麵 có nghĩa là loại thức ăn dạng sợi làm từ bột, khi ăn cần phải trụng nước sôi, nhưng trong tiếng Việt "miến" lại được dùng để chỉ riêng một dạng của thức ăn này. Miến trong tiếng Trung được gọi là "粉絲" (Hán-Việt: phấn ti) hoặc "粉條" (phấn điều). Một số nơi làm miến Hiện nay có rất nhiều nơi làm miến được nhiều người biết đến như: miến Cự Đà, miến Minh Khai (Hoài Đức), miến So... ở Hà Nội; miến Bình Lư ở Lai Châu; miến Phia Đen ở Cao Bằng; miến Cẩm Bình ở Thanh Hóa, miến Lại Trạch ở Hưng Yên, miến Việt Cường ở Thái Nguyên,... Chế biến Khi ăn rửa qua cho sạch và trụng trong nồi nước dùng, rồi bỏ trực tiếp vào bát. Thưởng thức trong ngày lễ, tết, cúng, giỗ ở các vùng nông thôn miền Bắc Việt Nam không thể nào thiếu bát miến măng khô nấu cùng với lòng gà, mộc nhĩ, nấm hương và các gia vị khác. Có thể ăn chan với cơm tẻ, có thể ăn không. Trong món nem, người ta cũng cắt nhỏ miến trộn vào. Tham khảo Liên kết ngoài Cách làm món miến ngan bởi CandyCanCook Nguyên liệu thực phẩm Ẩm thực Việt Nam Ẩm thực Philippines Mì sợi
7486
https://vi.wikipedia.org/wiki/Danh%20s%C3%A1ch%20b%E1%BB%87nh%20c%C3%B3%20li%C3%AAn%20quan%20%C4%91%E1%BA%BFn%20dioxin
Danh sách bệnh có liên quan đến dioxin
Trang này là trang liệt kê và sẽ được cập nhật thường xuyên. Do vậy, thông tin trên đây có thể thay đổi theo các lần cập nhật. Danh sách các bệnh đã được chính phủ Hoa Kỳ công nhận Dị tật bẩm sinh Bệnh Hodgkin Lymphoma không Hodgkin Sarcoma cơ trơn Các loại ung thư đường hô hấp trên và ung thư phổi. Ung thư tiền liệt tuyến Chloracne (Mụn nhọt mặt do clo) Bệnh sạm da Porphyria cutanea tarda Bệnh đa u tuỷ (multiple myeloma) Bệnh đái tháo đường typ II Nứt đốt sống gây thoát vị não tuỷ spina bifida (có tài liệu ghi không chính xác là gai đôi cột sống) Bệnh thần kinh ngoại vi Các bệnh do rối loạn sinh sản ở nữ giới (thai chết lưu, đẻ non, sẩy thai, đẻ trứng...) Danh sách các bệnh khác Tham khảo Liên kết ngoài Các loại bệnh có liên quan đến chất độc da cam/dioxin tổng hợp từ nhiều nguồn được đăng tải trên VAVA Tờ rơi về tác hại của dioxin của Hội Health Care Without Harm và Tổ chức Hoà bình Xanh (GreenPeace) Xem thêm Chất độc màu da cam Dioxin Dioxin
7488
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ung%20th%C6%B0%20ph%E1%BB%95i
Ung thư phổi
Ung thư phổi là căn bệnh trong đó xuất hiện một khối u ác tính được mô tả qua sự tăng sinh tế bào không thể kiểm soát trong các mô phổi. Nếu người bệnh không được điều trị, sự tăng trưởng tế bào này có thể lan ra ngoài phổi đến các mô hoặc bộ phận khác của cơ thể, quá trình này gọi là di căn. Hầu hết các loại ung thư khởi nguồn từ trong phổi (ung thư phổi nguyên phát) là ung thư biểu mô,. Ung thư phổi được chia làm hai loại chính là ung thư phổi tế bào nhỏ (SCLC) và ung thư phổi không phải tế bào nhỏ (NSCLC). Triệu chứng phổ biến nhất của căn bệnh này là ho (bao gồm cả ho ra máu), sụt cân, khó thở, và đau ngực. Đa phần các ca ung thư phổi (85%) có nguyên nhân bắt nguồn từ việc hút thuốc lá trong một thời gian dài. Khoảng 10–15% trường hợp còn lại bệnh xảy ra ở những người chưa từng hút thuốc. Đối với những trường hợp này, nguyên nhân là do sự kết hợp của các nhân tố di truyền, việc tiếp xúc trực tiếp với khí radon, amiăng, hút thuốc thụ động, hay không khí ô nhiễm. Ung thư phổi có thể quan sát qua những tấm ảnh X quang ngực và chụp cắt lớp vi tính (CT). Cách thức chẩn đoán là làm sinh thiết và thường được thực hiện bằng nội soi phế quản hay theo chỉ dẫn của chụp cắt lớp. Phương pháp phòng bệnh là tránh các nhân tố nguy cơ như khói thuốc và không khí ô nhiễm. Việc điều trị và kết quả lâu dài phụ thuộc vào loại ung thư, giai đoạn bệnh (mức độ lây lan của khối u), và sức khỏe của người bệnh. Đa số trường hợp là không thể chữa khỏi. Các phương pháp chữa trị phổ biến gồm có phẫu thuật, hóa trị và xạ trị. Ung thư phổi không phải tế bào nhỏ đôi khi áp dụng phương pháp phẫu thuật, còn với ung thư phổi tế bào nhỏ thì hóa trị và xạ trị thường đạt hiệu quả tốt hơn. Tính trên phạm vi toàn thế giới trong năm 2012, số ca mắc ung thư phổi là 1,8 triệu, trong đó 1,6 triệu người đã tử vong. Điều này làm cho ung thư phổi là loại ung thư khiến số nam giới tử vong là cao nhất và số nữ giới tử vong là cao thứ nhì sau ung thư vú. Độ tuổi chẩn đoán thường gặp nhất là 70. Tại Mỹ, 17,4% số bệnh nhân sống sót sau năm năm kể từ thời điểm xác định mắc bệnh, còn đối với những nước đang phát triển kết quả về mặt trung bình là kém hơn. Dấu hiệu và triệu chứng Những dấu hiệu và triệu chứng có thể là của ung thư phổi bao gồm: Triệu chứng về đường hô hấp: ho, ho ra máu, thở khò khè, khó thở Triệu chứng toàn thân: sụt cân, mệt mỏi, sốt, móng tay dùi trống Triệu chứng do ung thư chèn ép nhiều sang các cơ quan kề bên: đau ngực, đau xương, tắc nghẽn tĩnh mạch chủ trên, khó nuốt Nếu ung thư phát triển ở đường thở, nó có thể chặn dòng khí lưu thông, gây ra chứng khó thở. Sự cản trở này có thể dẫn tới việc tích lũy chất bài tiết phía sau chỗ tắc, qua đó mở đường cho viêm phổi. Tùy thuộc vào loại khối u, hội chứng cận ung thư (paraneoplastic syndrome) có thể là dấu hiệu thu hút sự chú ý ban đầu đến căn bệnh. Đối với ung thư phổi, những hiện tượng này có thể bao gồm chứng tăng calci huyết, hội chứng tăng tiết hormone chống bài niệu không phù hợp (SIADH, nước tiếu đậm đặc và máu loãng một cách bất thường), hormon vỏ thượng thận (ACTH) sản xuất lệch vị trí, hội chứng nhược cơ Lambert–Eaton (cơ bắp yếu đi do rối loạn tự miễn dịch). Các khối u trên đỉnh phổi, biết đến với tên gọi khối u Pancoast, có thể xâm lấn hệ thần kinh giao cảm, dẫn tới hội chứng horner (sụp mí mắt và co đồng tử cùng bên) và gây tổn hại đến đám rối thần kinh cánh tay (brachial plexus). Phần lớn các triệu chứng của ung thư phổi (chán ăn, sụt cân, sốt, mệt mỏi) là không đặc biệt. Đối với nhiều người, vào thời điểm họ phát hiện ra những dấu hiệu bệnh tật và đi tìm sự chăm sóc y tế, khối u đã lan ra ngoài địa điểm khởi phát. Các triệu chứng có thể báo hiệu quá trình di căn đã xuất hiện bao gồm sụt cân, đau xương và các triệu chứng về thần kinh (đau đầu, ngất xỉu, co giật, yếu chi). Những địa điểm khối u lan sang thường gặp đó là não, xương, tuyến thượng thận, lá phổi còn lại, gan, màng ngoài tim, và thận. Khoảng 10% số ca ung thư phổi không thấy những triệu chứng khi chẩn đoán, những trường hợp này bệnh tình cờ phát hiện nhờ việc chụp X quang ngực định kỳ. Nguyên nhân Ung thư phát triển từ tổn thương DNA về mặt di truyền và những sự biến đổi ngoại di truyền (epigenetic). Những đột biến này ảnh hưởng đến các chức năng bình thường của tế bào, bao gồm sự tăng sinh tế bào, quá trình chết theo chương trình của tế bào (apoptosis) và sửa chữa DNA. Tổn thương tích lũy càng nhiều thì nguy cơ mắc ung thư càng tăng lên. Hút thuốc Hút thuốc, đặc biệt là thuốc lá điếu, cho đến nay là tác nhân chính gây ra ung thư phổi. Trong khói thuốc lá có chứa ít nhất 73 chất gây ung thư đã biết, như là benzo(a)pyren, NNK, buta-1,3-dien, và một đồng vị phóng xạ của poloni đó là poloni-210. Tại các nước phát triển, 90% số ca tử vong do ung thư phổi ở nam giới trong năm 2000 được cho là do hút thuốc, tỉ lệ này đối với phụ nữ là 70%. Hút thuốc cũng là nguyên nhân của khoảng 85% số ca mắc bệnh. Việc hít phải khói thuốc từ một người khác đang hút thuốc, hay thường được gọi là hút thuốc thụ động, là một trong những nguyên nhân gây ra ung thư phổi ở những người không hút thuốc. Các nghiên cứu tới từ Mỹ, châu Âu, và Anh đã cùng nhất quán chỉ ra mức độ rủi ro là gia tăng đáng kể đối với những trường hợp hút thuốc thụ động. Nguy cơ mắc bệnh đối với những người sống cùng với người hút thuốc tăng lên từ 20–30% trong khi đối với những người làm việc trong môi trường có khói thuốc là 16–19%. Các nghiên cứu chỉ ra khói thuốc bay ra ngoài không khí từ điếu thuốc cháy (sidestream smoke) nguy hiểm hơn nhiều so với loại khói mà người hút thuốc trực tiếp hít vào (mainstream smoke). Khói cần sa cũng chứa nhiều chất gây ung thư tương tự như khói thuốc lá. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa việc hút cần sa và nguy cơ mắc ung thư phổi là không rõ ràng. Một cuộc xem xét lại thực hiện năm 2013 đã không tìm thấy sự gia tăng nguy cơ từ việc dùng cần sa ít đến trung bình. Tuy nhiên đợt kiểm tra năm 2014 lại chỉ ra hút cần sa làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc ung thư phổi. Khí Radon Radon là một loại khí không màu, không mùi được tạo ra từ hoạt động phân rã chất phóng xạ radi là sản phẩm phân rã của urani và được tìm thấy trong lớp vỏ Trái Đất. Các sản phẩm phân rã của quá trình phóng xạ ion hóa vật chất di truyền, gây ra những sự đột biến mà đôi khi chuyển đổi thành ung thư. Tại Mỹ, Radon là nguyên nhân gây ra ung thư phổi phổ biến thứ hai khiến khoảng 21.000 người tử vong mỗi năm. Mức độ tập trung khí Radon tăng lên mỗi 100 Bq/m³ thì nguy cơ mắc bệnh tăng lên từ 8–16%. Hàm lượng khí Radon có sự khác biệt tùy vào khu vực và thành phần đất đá ở dưới mặt đất. Amiăng Amiăng là loại chất có thể gây ra nhiều loại bệnh ở phổi khác nhau, trong đó có ung thư phổi. Hút thuốc lá và amiăng có ảnh hưởng kết hợp trong việc dẫn tới sự hình thành ung thư phổi. Đối với những người hút thuốc có tiếp xúc với amiăng, nguy cơ mắc bệnh tăng tới 45 lần. Ngoài ra amiăng còn có thể gây ra ung thư màng phổi, được gọi là u trung biểu mô màng phổi (khác với ung thư phổi). Ô nhiễm không khí Ô nhiễm không khí ngoài trời có một tác động nhỏ đến sự gia tăng nguy cơ mắc ung thư phổi. Các hạt vật chất nhỏ (bụi PM2.5) và các sol khí sunfat (có trong khí thải xe cộ) có liên quan tới sự gia tăng nguy cơ nhẹ. Lượng nitơ dioxide trong không khí tăng lên 10 phần tỉ sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh lên 14%. Theo ước tính, ô nhiễm không khí ngoài trời là nguyên nhân của 1–2% số trường hợp mắc ung thư phổi. Có bằng chứng tạm thời ủng hộ rằng ô nhiễm không khí trong nhà liên quan tới việc đốt củi, than, phân hay tàn dư thực vật phục vụ cho nấu nướng hay sưởi ấm trong gia đình làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư phổi. Phụ nữ tiếp xúc (phơi nhiễm) với khói than trong nhà có nguy cơ khoảng chừng gấp đôi và các sản phẩm phụ của việc đốt cháy sinh khối là, hoặc bị nghi ngờ là tác nhân gây ung thư. Nguy cơ này ảnh hưởng đến khoảng 2,4 tỉ người trên toàn cầu và người ta tin rằng nó là nguyên nhân của 1,5% số ca tử vong do ung thư phổi. Di truyền Khoảng 8% số ca ung thư phổi có nguyên nhân tới từ các yếu tố di truyền. Một người có quan hệ họ hàng với người bị ung thư phổi thì nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng lên 2,4 lần. Điều này khả năng là do sự kết hợp gen. Tính đa hình của các nhiễm sắc thể 5, 6 và 15 có tác động đến nguy cơ mắc ung thư phổi. Nguyên nhân khác Ngoài các nguyên nhân kể trên, còn nhiều yếu tố khác có mối liên hệ với ung thư phổi, như các chất (hóa học), nghề nghiệp, và kiểu tình trạng tiếp xúc với môi trường. Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) phát biểu rằng có "bằng chứng đầy đủ" chỉ ra các yếu tố dưới đây là tác nhân gây ra ung thư ở phổi: Một số kim loại (sản phẩm nhôm, cadmi và các hợp chất của cadmi, các hợp chất crom (VI), beryli và các hợp chất của beryli, sắt và thép nóng chảy, các hợp chất của niken, asen và các hợp chất vô cơ của asen, hematit khai thác dưới mặt đất) Một số sản phẩm của sự cháy (cháy không hoàn toàn, than đá [khí thải phát ra trong nhà từ việc đốt than], khí hóa than, dầu nhựa than đá, than cốc, bồ hóng, khí thải động cơ diesel) Bức xạ ion hóa (bức xạ tia X, bức xạ gamma, plutoni) Một số khí độc (metyl ete [dùng trong công nghiệp], Bis-(clorometyl) ete, mù tạc lưu huỳnh, MOPP [ hỗn hợp vincristin-prednison-mù tạc nitơ-procarbazin ], hơi sơn) Sản phẩm cao su và bụi silic oxide kết tinh (bụi tinh thể SiO2) Sự phát sinh Tương tự như nhiều loại ung thư khác, ung thư phổi khởi nguồn từ sự hoạt hóa các gen gây ung thư (oncogene) hoặc sự bất hoạt các gen ức chế khối u (hay gen chống ung thư, antioncogene). Các tác nhân gây ung thư gây ra đột biến ở những gen này, qua đó mở đường cho sự phát triển của bệnh. Những đột biến trong gene tiền ung thư (proto-oncogene) K-ras là nguyên nhân của 10–30% số ca ung thư biểu mô tuyến phổi. Khoảng 4% số trường hợp ung thư phổi không phải tế bào nhỏ có liên quan tới gen tổ hợp tyrosine kinase EML4-ALK. Những đột biến ngoại di truyền (epigenetic); như sự biến đổi quá trình metyl hóa DNA, sự sửa đổi đuôi histon, hay sự điều chỉnh microRNA; có thể làm cho các gen ức chế khối u ngừng hoạt động. Thụ thể yếu tố tăng trưởng thượng bì (EGFR) điều chỉnh quá trình tăng sinh tế bào, quá trình chết theo chương trình của tế bào (apoptosis), tân sinh mạch (angiogenesis), và sự xâm lấn của khối u. Những đột biến và khuếch đại EGFR thường gặp ở ung thư phổi không phải tế bào nhỏ cung cấp cơ sở cho việc điều trị bằng các chất ức chế EGFR. Thụ thể HER2/neu ít bị ảnh hưởng thường xuyên. Các gen thường bị đột biến hay khuếch đại khác là c-MET, NKX2-1, LKB1, PIK3CA, và BRAF. Cho tới nay con người chưa hiểu biết hết về các dòng tế bào gốc. Cơ chế có thể liên quan tới sự hoạt hóa một cách bất thường các tế bào gốc. Trong đường thở gần (hay đường dẫn khí, [proximal airways—tạm dịch], khí quản—phần gần nhất với đỉnh của cây hô hấp), các tế bào gốc biểu hiện keratin 5 nhiều khả năng bị tác động và thường dẫn tới ung thư phổi tế bào vảy (ung thư biểu mô tế bào vảy của phổi). Trong đường thở giữa (middle airways), các tế bào gốc liên quan bao gồm tế bào club (ban đầu được biết đến với tên gọi tế bào Clara) và tế bào biểu mô thần kinh biểu lộ protein chế tiết của tế bào club. Ung thư phổi tế bào nhỏ có thể có nguồn gốc từ những dòng tế bào này hoặc tế bào thần kinh nội tiết, và có thể biểu hiện glycoprotein CD44. Sự di căn của ung thư phổi đòi hỏi quá trình chuyển đổi kiểu tế bào từ biểu mô thành trung mô. Điều này có thể xảy ra thông qua sự hoạt hóa các đường truyền tín hiệu như Akt/GSK3Beta, MEK-ERK, Fas, và Par6. Chẩn đoán Chiếu chụp lồng ngực bằng tia X là một trong những bước khảo sát đầu tiên nếu người bệnh thông báo các triệu chứng có thể là của ung thư phổi. Việc làm này có thể tiết lộ một trung thất khuếch trương dễ quan sát, tình trạng xẹp phổi, viêm phổi hoặc tràn dịch màng phổi. Ảnh chụp cắt lớp vi tính (CT) thường được sử dụng để cung cấp thêm thông tin về loại bệnh và mức độ bệnh. Nội soi phế quản hoặc làm sinh thiết theo chỉ dẫn CT thường được dùng để lấy mẫu khối u phục vụ cho việc khám nghiệm mô (mô bệnh học). Ung thư phổi thường xuất hiện với hình ảnh một nốt phổi đơn độc (SPN) trên ảnh X quang chụp lồng ngực. Tuy nhiên, phạm vi chẩn đoán phân biệt là rộng. Dấu hiệu này cũng có ở nhiều loại bệnh khác như lao, nhiễm nấm, ung thư di căn hay viêm phổi tổ chức hóa. Ngoài ra còn các nguyên nhân ít gặp hơn cũng làm xuất hiện nốt đơn độc ở phổi là u mô thừa, nang phế quản, u tuyến, dị dạng động tĩnh mạch, phổi biệt lập, nốt thấp, granulomatosis với polyangiitis (trước đây gọi là u hạt wegener), hoặc lymphoma (u lympho hay ung thư hạch bạch huyết). Ung thư phổi còn có thể được phát hiện một cách tình cờ (incidentaloma) nhờ quan sát thấy hình ảnh nốt phổi đơn độc trên ảnh X quang lồng ngực hoặc ảnh chụp cắt lớp vi tính thực hiện vì một lý do không liên quan. Chẩn đoán xác định ung thư phổi dựa trên kết quả kiểm tra các mô đáng ngờ xét trong bối cảnh các đặc điểm lâm sàng và X quang. Các hướng dẫn thực hành lâm sàng (CPG) khuyên áp dụng việc giám sát nốt phổi thường xuyên. Không nên lạm dụng việc chụp CT lâu dài hoặc thường xuyên hơn so với chỉ định bởi kéo dài thời hạn và mức độ sẽ làm con người phơi nhiễm với sự gia tăng bức xạ. Phân loại Ung thư phổi được phân loại dựa theo kết quả xét nghiệm mô bệnh học. Sự phân loại này là quan trọng cho việc theo dõi, điều trị và dự đoán kết quả bệnh. Các loại ung thư phổi là ung thư biểu mô, những khối u ác tính phát sinh từ tế bào biểu mô. Ung thư biểu mô phổi được phân theo kích cỡ và diện mạo của các tế bào ác tính quan sát thấy dưới kính hiển vi bởi một nhà mô bệnh học. Để phục vụ cho mục đích điều trị, người ta phân ra hai loại lớn: ung thư phổi không phải tế bào nhỏ và ung thư phổi tế bào nhỏ. Ung thư phổi không phải tế bào nhỏ Ung thư phổi không phải tế bào nhỏ (NSCLC) được chia thành các loại nhỏ hơn, ba loại chính trong đó là ung thư biểu mô tuyến, ung thư biểu mô tế bào vảy và ung thư biểu mô tế bào lớn. Gần 40% số ca ung thư phổi là ung thư biểu mô tuyến, loại này thường bắt nguồn từ mô phổi ngoại vi. Mặc dù hầu hết các ca ung thư biểu mô tuyến có liên quan tới việc hút thuốc, nhưng đây cũng là hình thái ung thư phổ biến nhất ở những người hút ít hơn 100 điếu thuốc trong suốt cuộc đời ("những người không hút thuốc") và những người có tiền sử hút thuốc khiêm tốn. Một phân loại phụ của ung thư biểu mô tuyến, AIS (tạm dịch: Ung thư biểu mô tuyến phổi tại chỗ, trước đây gọi là ung thư biểu mô bronchioloalveolar), thường gặp hơn ở những nữ giới không hút thuốc và có thể khả năng sống sót về lâu dài là cao hơn. Ung thư biểu mô tế bào vảy chiếm khoảng 30% số trường hợp ung thư phổi. Loại này thường xảy ra ở gần đường dẫn khí lớn. Một khoảng trống và sự chết tế bào thường được tìm thấy ở trung tâm khối u. Khoảng 9% số ca ung thư phổi thuộc loại ung thư biểu mô tế bào lớn. Sở dĩ tên gọi như vậy vì tế bào ung thư là lớn, với sự dư thừa tế bào chất, nhân tế bào lớn và hạch nhân dễ thấy. Ung thư phổi tế bào nhỏ Ở ung thư phổi tế bào nhỏ (SCLC), các tế bào chứa dày đặc các hạt tiết thể dịch thần kinh (các túi tiết chứa hormon thần kinh nội tiết), do đó khối u loại này có liên đới với hội chứng cận ung thư/nội tiết. Đa số trường hợp bệnh phát sinh ở đường dẫn khí lớn (phế quản chính và phế quản thùy). 60 đến 70% trường hợp bệnh đã lan rộng (không thể xạ trị tại một phạm vi đơn lẻ) tại thời điểm quan sát. Loại khác Có bốn loại phụ chính được công nhận, mặc dù một số trường hợp có thể bao hàm sự kết hợp của các loại phụ khác nhau như ung thư biểu mô tuyến vảy. Các loại phụ hiếm gặp gồm có U carcinoid, ung thư biểu mô tuyến phế quản, và ung thư biểu mô sarcomatoid. Di căn Phổi là nơi thường chứng kiến khối u từ các bộ phận khác của cơ thể lây lan sang. Ung thư thứ phát được phân loại dựa theo địa điểm phát sinh ban đầu, ví dụ: ung thư vú lan sang phổi được gọi là ung thư vú di căn. Khối u di căn thường có diện mạo tròn trên ảnh X quang. Những trường hợp ung thư phổi nguyên phát hay di căn tới não, xương, gan, và tuyến thượng thận. Nhuộm miễn dịch (immunostaining) một mẫu sinh thiết thường giúp ích cho việc xác định nguồn gốc. Sự hiện diện của các loại protein Napsin-A, TTF-1, CK7 và CK20 giúp xác định loại ung thư phổi. Ung thư phổi tế bào nhỏ có nguồn gốc từ các tế bào thần kinh nội tiết có thể biểu hiện CD56, phân tử kết dính tế bào thần kinh, synaptophysin hoặc chromogranin. Tham khảo Liên kết ngoài Ung thư phổi và những điều nên biết Các dấu hiệu ung thư phổi P Khoa hô hấp Ung thư phổi
7490
https://vi.wikipedia.org/wiki/K%C3%ADnh%20hi%E1%BB%83n%20vi
Kính hiển vi
Kính hiển vi là một thiết bị phục vụ cho mục đích khoa học dùng để quan sát các vật thể có kích thước nhỏ bé mà mắt thường không thể quan sát được bằng cách tạo ra các hình ảnh phóng đại của vật thể đó. Kính hiển vi có thể gấp độ phóng đại bình thường lên từ 40 - 3000 lần. Kỹ thuật quan sát và ghi nhận hình ảnh bằng các kính hiển vi được gọi là kỹ thuật hiển vi (microscopy). Ngày nay, kính hiển vi có thể bao gồm nhiều loại từ các kính hiển vi quang học sử dụng ánh sáng khả kiến, cho đến các kính hiển vi điện tử, hay các kính hiển vi quét đầu dò, hoặc các kính hiển vi phát xạ quang... Kính hiển vi được sử dụng rộng rãi trong nhiều ngành như vật lý, hóa học, sinh học, khoa học vật liệu, y học và được phát triển không chỉ là công cụ quan sát mà còn là một công cụ phân tích mạnh Lịch sử Những kính hiển vi ban đầu được phát minh vào năm 1590 ở Middelburg, Hà Lan . Ba người thợ tạo kính là Hans Lippershey (người đã phát triển các kính viễn vọng trước đó), Zacharias Janssen, cùng với cha của họ là Hans Janssen là những người đầu tiên xây dựng nên những kính hiển vi sơ khai. Năm 1611, nhà toán học người Đức Johannes Kepler (1571 - 1630) đã bỏ nhiều thời gian nghiên cứu và cải tiến tổ hợp thấu kính hội tụ và phân kỳ nói trên. Những kết quả nghiên cứu của Kepler được sử dụng cho đến bây giờ trong các loại kính hiển vi quang học hiện đại, đặc biệt là thị kính Kepler. Năm 1619, Cornelius Drebbel ở Luân Đôn đã chế tạo một kính hiểu vi phức tạp hơn bao gồm: thị kính được lắp bằng 2 thấu kính lồi, vật kính là 1 tổ hợp của kính phẳng và kính lồi, ngoài ra còn màn chắn; ảnh nhìn qua kính hiển vi này là ảnh ngược. Năm 1625, Giovanni Faber là người xây dựng một kính hiển vi hoàn chỉnh đặt tên là Galileo Galilei . Các cấu trúc của kính hiển vi quang học tiếp tục được phát triển tiếp theo đó, và kính hiển vi chỉ được sử dụng một cách phổ biến hơn ở Italia, Anh quốc, Hà Lan vào những năm 1660, 1670. Marcelo Malpighi ở Italia bắt đầu sử dụng kính hiển vi để nghiên cứu cấu trúc sinh học ở phổi. Đóng góp lớn nhất thuộc về nhà phát minh người Hà Lan Antoni van Leeuwenhoek, người đã phát triển kính hiển vi để tìm ra tế bào hồng cầu và tinh trùng và đã công bố các phát hiện này . Các phát triển ban đầu về kính hiển vi là thiết bị quang học sử dụng ánh sáng khả kiến và các thấu kính thủy tinh để quan sát. Đầu thế kỷ 20, kỹ thuật hiển vi tạo sự nhảy vọt với sự ra đời của các kính hiển vi điện tử, mà mở đầu là kính hiển vi điện tử truyền qua được phát minh năm 1931 bởi Max Knoll và Ernst Ruska ở Đức , và sau đó là sự ra đời của kính hiển vi điện tử quét... Cuối thế kỷ 20, một loạt các kỹ thuật hiển vi khác được phát triển như kính hiển vi quét đầu dò, hiển vi quang học trường gần... Các loại kính hiển vi Kính hiển vi quang học Là nhóm kính hiển vi sử dụng ánh sáng khả kiến rọi lên vật cần quan sát, và các thấu kính thủy tinh để phóng đại thông qua các nguyên lý khúc xạ của ánh sáng qua thấu kính thủy tinh. Đây là kính hiển vi đầu tiên được phát triển. Ban đầu, người ta phải sử dụng mắt để nhìn trực tiếp hình ảnh được phóng đại, nhưng các kính hiển vi quang học hiện đại ngày nay có thể được gắn thêm các bộ phận chụp ảnh như phim quang học, hoặc các CCD camera để ghi hình ảnh, hoặc video. Các bộ phận chính của kính hiển vi quang học bao gồm: Nguồn sáng; Hệ hội tụ và tạo chùm sáng song song; Giá mẫu vật; Vật kính (có thể là một thấu kính hoặc một hệ thấu kính) là bộ phận chính tạo nên sự phóng đại; Hệ lật ảnh (lăng kính, thấu kính); Thị kính là thấu kính tạo ảnh quan sát cuối cùng; Hệ ghi ảnh. Trên nguyên lý, kính hiển vi quang học có thể tạo độ phóng đại lớn tới vài ngàn lần, nhưng độ phân giải của các kính hiển vi quang học truyền thống bị giới hạn bởi hiện tượng nhiễu xạ ánh sáng và cho bởi: với là bước sóng ánh sáng, NA là thông số khẩu độ. Vì thế, độ phân giải của các kính hiển vi quang học tốt nhất chỉ vào khoảng vài trăm nm. Kính hiển vi quang học quét trường gần Kính hiển vi quang học quét trường gần (tiếng Anh: Near-field scanning optical microscope) là một kỹ thuật hiển vi quang học cho phép quan sát cấu trúc bề mặt với độ phân giải rất cao, vượt qua giới hạn nhiễu xạ ánh sáng khả kiến ở các kính hiển vi quang học truyền thống (trường xa). Kỹ thuật này được thực hiện bằng cách đặt một detector rất gần với bề mặt của mẫu vật để thu các tín hiệu từ trường phù du của sóng ánh sáng phát ra khi quét một chùm sáng trên bề mặt của mẫu vật. Với kỹ thuật này, người ta có thể chụp ảnh bề mặt với độ phân giải ngang cỡ 20 nm, phân giải đứng cỡ 2-5 nm, và chỉ phụ thuộc vào kích thước của khẩu độ . Kính hiển vi điện tử Là nhóm kỹ thuật hiển vi mà ở đó nguồn bức xạ ánh sáng được thay thế bằng các chùm điện tử hẹp được tăng tốc dưới hiệu điện thế từ vài chục kV đến vài trăm kV. Thay vì sử dụng thấu kính thủy tinh, kính hiển vi điện tử sử dụng các thấu kính từ để hội tụ chùm điện tử, và cả hệ được đặt trong buồng chân không cao. Có nhiều loại kính hiển vi điện tử khác nhau, tùy thuộc vào cách thức tương tác của chùm điện tử với mẫu vật như kính hiển vi điện tử truyền qua sử dụng chùm điện tử chiếu xuyên qua vật, hay kính hiển vi điện tử quét sử dụng chùm điện tử quét trên vật. Kính hiển vi điện tử có độ phân giải giới hạn bởi bước sóng của sóng điện tử, nhưng do sóng điện tử có bước sóng rất ngắn nên chúng có độ phân giải vượt xa các kính hiển vi quang học truyền thống, và kính hiển vi điện tử truyền qua hiện đang là loại kính hiển vi có độ phân giải tốt nhất tới cấp độ hạ nguyên tử . Ngoài ra, nhờ tương tác giữa chùm điện tử với mẫu vật, kính hiển vi điện tử còn cho phép quan sát các cấu trúc điện từ của vật rắn, và đem lại nhiều phép phân tích hóa học với chất lượng rất cao. Kính hiển vi quét đầu dò Kính hiển vi quét đầu dò (tiếng Anh: Scanning probe microscopy, thường viết tắt là SPM) là tên gọi chung của nhóm kính hiển vi mà việc tạo ảnh bề mặt của mẫu vật được thực hiện bằng cách quét một mũi dò nhỏ trên bề mặt của mẫu vật. Nhóm kính hiển vi này ra đời vào năm 1981 với phát minh của Gerd Binnig và Heinrich Rohrer (IBM Zürich) về kính hiển vi quét chui hầm (cả hai đã giành giải Nobel Vật lý năm 1986 cho phát minh này). Khác với các loại kính hiển vi khác như quang học, hay hiển vi điện tử, kính hiển vi quét đầu dò không sử dụng nguồn bức xạ để tạo ảnh, mà tạo ảnh thông qua tương tác giữa đầu dò và bề mặt của mẫu vật. Do đó, độ phân giải của kính hiển vi đầu dò chỉ bị giới hạn bởi kích thước của đầu dò. Kính hiển vi tia X Hình ảnh Các bộ phận cơ khí của kính hiển vi Tham khảo Xem thêm Danh sách phát minh và khám phá của người Hà Lan Liên kết ngoài nOOpia , nOOpia microscopy blog Milestones in Light Microscopy, Nature Publishing FAQ on Optical Microscopes Nikon MicroscopyU, tutorials from Nikon Molecular Expressions: Exploring the World of Optics and Microscopy, Florida State University. Microscopes made from bamboo at Nature.com Microscope videos Audio microscope glossary Thiết bị vi sinh học Dụng cụ quang học Dụng cụ giúp quan sát Khoa học và công nghệ Cộng hòa Hà Lan Phát minh của Hà Lan Giới thiệu thế kỷ 17 Thiết bị khoa học
7497
https://vi.wikipedia.org/wiki/X%C3%A3%20h%E1%BB%99i
Xã hội
Xã hội là một nhóm những cá nhân liên quan đến tương tác xã hội một cách thường xuyên, hoặc một nhóm xã hội lớn có chung lãnh thổ không gian hoặc xã hội, thường chịu cùng thẩm quyền chính trị và các kỳ vọng văn hóa chi phối. Các xã hội được đặc trưng bởi các mô hình mối quan hệ (quan hệ xã hội) giữa các cá nhân có chung một nền văn hóa và thể chế đặc biệt; một xã hội nhất định có thể được mô tả là tổng số các mối quan hệ như vậy giữa các thành phần của nó. Trong khoa học xã hội, một xã hội lớn hơn thường thể hiện các mô hình phân tầng hoặc thống trị trong các nhóm nhỏ. Các xã hội xây dựng các mô hình hành vi bằng cách coi các hành động hoặc lời nói nhất định là chấp nhận hoặc không thể chấp nhận. Những mô hình hành vi trong một xã hội nhất định được gọi là chuẩn mực xã hội. Các xã hội, và các quy tắc của họ, trải qua những thay đổi dần dần và vĩnh viễn. Trong chừng mực hợp tác, một xã hội có thể cho phép các thành viên của mình được hưởng lợi theo những cách mà nếu không sẽ khó khăn trên cơ sở cá nhân; do đó, cả lợi ích cá nhân và xã hội (chung) đều có thể được phân biệt hoặc trong nhiều trường hợp được tìm thấy trùng lặp. Một xã hội cũng có thể bao gồm những người cùng chí hướng bị chi phối bởi các chuẩn mực và giá trị của chính họ trong một xã hội thống trị, lớn hơn. Điều này đôi khi được gọi là văn hóa nhóm, một thuật ngữ được sử dụng rộng rãi trong tội phạm học. Rộng hơn, và đặc biệt là trong tư tưởng cấu trúc, một xã hội có thể được minh họa như một cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội, công nghiệp hoặc văn hóa, bao gồm, nhưng khác biệt với một tập hợp các cá nhân khác nhau. Về mặt này, xã hội có thể có nghĩa là các mối quan hệ khách quan mà con người có với thế giới vật chất và với những người khác, chứ không phải là "những người khác" ngoài cá nhân và môi trường xã hội quen thuộc của họ. Khái niệm Xã hội, nói chung, giải quyết thực tế là một cá nhân có phương tiện khá hạn chế như một đơn vị tự trị. Những con vật họ người luôn là những động vật xã hội nhiều hơn (Bonobo, Homo, Pan) hoặc ít hơn (Gorilla, Pongo), vì vậy những tình huống giống Robinson Crusoe là hư cấu hoặc những trường hợp góc bất thường đối với sự phổ biến của bối cảnh xã hội đối với con người, những người rơi vào giữa xã hội và eusocial trong phổ của đạo đức động vật. Thuyết tương đối văn hóa như một cách tiếp cận rộng rãi hoặc đạo đức đã thay thế phần lớn các khái niệm "nguyên thủy", tốt hơn / tồi tệ hơn hoặc "tiến bộ" liên quan đến văn hóa (bao gồm văn hóa vật chất / công nghệ và tổ chức xã hội). Theo nhà nhân chủng học Maurice Godelier, một điều mới lạ quan trọng trong xã hội, trái ngược với họ hàng sinh học gần nhất của loài người (tinh tinh và bonobos), là vai trò của cha mẹ được con đực tiếp nhận, mà người ta cho rằng sẽ không có mặt trong họ hàng gần nhất của chúng ta. khi mà việc xác định cha của các con non là không thể. Trong khoa học chính trị Xã hội cũng có thể được cấu trúc chính trị. Theo thứ tự tăng kích thước và sự phức tạp, có các băng nhóm, bộ lạc, tù trưởng và xã hội nhà nước. Những cấu trúc này có thể có mức độ quyền lực chính trị khác nhau, tùy thuộc vào môi trường văn hóa, địa lý và lịch sử mà các xã hội này phải đối mặt. Do đó, một xã hội biệt lập hơn với cùng trình độ công nghệ và văn hóa như các xã hội khác có nhiều khả năng tồn tại hơn một xã hội gần với những người khác có thể xâm phạm tài nguyên của họ. Một xã hội không thể đưa ra một phản ứng hiệu quả cho các xã hội khác mà nó cạnh tranh thường sẽ được đưa vào văn hóa của xã hội cạnh tranh. Trong xã hội học Nhà xã hội học Peter L. Berger định nghĩa xã hội là "... một sản phẩm của con người, và không có gì ngoài một sản phẩm của con người, mà liên tục tác động đến các nhà sản xuất của nó." Theo ông, xã hội được tạo ra bởi con người, nhưng sự sáng tạo này quay trở lại và tạo ra hoặc nhào nặn con người mỗi ngày. Nhà xã hội học Gerhard Lenski phân biệt các xã hội dựa trên trình độ công nghệ, truyền thông và kinh tế của họ: (1) thợ săn và hái lượm, (2) nông nghiệp đơn giản, (3) nông nghiệp tiên tiến, (4) công nghiệp và (5) đặc biệt (ví dụ: xã hội đánh cá hoặc xã hội hàng hải). Hệ thống này tương tự như hệ thống được phát triển trước đó bởi các nhà nhân chủng học Morton H. Fried, một nhà lý luận xung đột và Elman Service, một nhà lý thuyết hội nhập, người đã tạo ra một hệ thống phân loại cho các xã hội trong tất cả các nền văn hóa của con người dựa trên sự tiến hóa của bất bình đẳng xã hội và vai trò của nhà nước. Hệ thống phân loại này chứa bốn loại: Các nhóm săn bắt hái lượm (phân loại nhiệm vụ và trách nhiệm). Rồi đến xã hội nông nghiệp. Các xã hội bộ lạc trong đó có một số trường hợp hạn chế về cấp bậc xã hội và uy tín. Cấu trúc phân tầng, được các thủ lĩnh lãnh đạo. Các nền văn minh, với hệ thống phân cấp xã hội phức tạp và các chính phủ có tổ chức, có tổ chức. Ngoài ra, còn có: Nhân loại, loài người, dựa trên tất cả các yếu tố của xã hội, bao gồm cả niềm tin của xã hội. Xã hội ảo, một xã hội dựa trên danh tính trực tuyến, đang phát triển trong thời đại thông tin. Theo thời gian, một số nền văn hóa đã tiến tới các hình thức tổ chức và kiểm soát phức tạp hơn. Sự phát triển văn hóa này có ảnh hưởng sâu sắc đến các mô hình cộng đồng. Các bộ lạc săn bắn hái lượm định cư xung quanh kho lương thực theo mùa để trở thành làng nông nghiệp. Làng phát triển để trở thành thị trấn và thành phố. Các thành phố biến thành các quốc gia thành phố và quốc gia. Nhiều xã hội phân phối rộng rãi theo lệnh của một số cá nhân hoặc một số nhóm lớn hơn. Kiểu hào phóng này có thể được nhìn thấy trong tất cả các nền văn hóa đã biết; thông thường, uy tín tích lũy cho cá nhân hoặc nhóm hào phóng. Ngược lại, các thành viên của một xã hội cũng có thể tránh xa hoặc giơ đầu chịu báng bất kỳ thành viên của xã hội nào vi phạm của các chuẩn mực. Các cơ chế như tặng quà, mối quan hệ đùa giỡn và chọn người làm dê tế thần, có thể được nhìn thấy trong nhiều loại hình nhóm con người, có xu hướng được thể chế hóa trong một xã hội. Sự tiến hóa xã hội như một hiện tượng mang theo nó một số yếu tố có thể gây bất lợi cho dân số mà nó phục vụ. Một số xã hội ban trạng thái của một cá nhân hoặc một nhóm người khi cá nhân hoặc nhóm đó thực hiện một hành động được xã hội ngưỡng mộ hoặc mong muốn. Loại công nhận này được ban tặng dưới dạng tên, tiêu đề, cách ăn mặc hoặc phần thưởng bằng tiền. Trong nhiều xã hội, tình trạng nam hay nữ trưởng thành phải tuân theo một nghi thức hoặc quá trình thuộc loại này. Hành động vị tha trong lợi ích của nhóm lớn hơn được nhìn thấy trong hầu hết các xã hội. Các hiện tượng của hành động cộng đồng, trốn tránh, ghê tởm, hào phóng, chia sẻ rủi ro và phần thưởng là phổ biến cho nhiều hình thức của xã hội. Phân loại Xã hội là những nhóm xã hội khác nhau theo chiến lược sinh tồn, cách con người sử dụng công nghệ để cung cấp nhu cầu cho chính họ. Mặc dù con người đã thành lập nhiều loại xã hội trong suốt lịch sử, các nhà nhân học có xu hướng phân loại các xã hội khác nhau theo mức độ mà các nhóm khác nhau trong xã hội có quyền truy cập bất bình đẳng vào các lợi thế như tài nguyên, uy tín hoặc quyền lực. Hầu như tất cả các xã hội đã phát triển một số mức độ bất bình đẳng trong nhân dân của họ thông qua quá trình phân tầng xã hội, phân chia các thành viên của một xã hội thành các cấp độ với sự giàu có, uy tín hoặc quyền lực không đồng đều. Các nhà xã hội học phân loại xã hội theo ba loại lớn: tiền công nghiệp, công nghiệp và hậu hiện đại. Tiền công nghiệp Trong một xã hội tiền công nghiệp, sản xuất thực phẩm, được thực hiện thông qua việc sử dụng lao động của con người và động vật, là hoạt động kinh tế chính. Những xã hội này có thể được phân chia theo mức độ công nghệ và phương pháp sản xuất thực phẩm của họ. Các phân khu này là săn bắn và hái lượm, mục vụ, làm vườn, nông nghiệp và phong kiến. Săn bắn và hái lượm Hình thức chính của sản xuất thực phẩm trong các xã hội như vậy là bộ sưu tập thực vật hoang dã hàng ngày và săn bắn động vật hoang dã. Những người săn bắn hái lượm di chuyển liên tục để tìm kiếm thức ăn. Kết quả là, họ không xây dựng các ngôi làng cố định hoặc tạo ra nhiều loại cổ vật và thường chỉ tạo thành các nhóm nhỏ như các băng nhóm và bộ lạc. Tuy nhiên, một số xã hội săn bắn và hái lượm ở những khu vực có nguồn tài nguyên dồi dào (như người tlingit) sống trong các nhóm lớn hơn và hình thành các cấu trúc xã hội phân cấp phức tạp như tù trưởng. Nhu cầu di chuyển cũng giới hạn quy mô của các xã hội này. Họ thường bao gồm ít hơn 60 người và hiếm khi vượt quá 100. Các trạng thái trong bộ lạc tương đối bình đẳng và các quyết định được đưa ra thông qua thỏa thuận chung. Các mối quan hệ ràng buộc bộ lạc phức tạp hơn so với các nhóm. Lãnh đạo là cá nhân có sức lôi cuốn, và được sử dụng cho các mục đích đặc biệt chỉ trong xã hội bộ lạc. Không có cơ quan chính trị nào chứa đựng quyền lực thực sự, và một người đứng đầu chỉ là một người có ảnh hưởng, một loại cố vấn; do đó, hợp nhất bộ lạc cho hành động tập thể không phải là chính phủ. Gia đình tạo thành đơn vị xã hội chính, với hầu hết các thành viên có liên quan đến nhau bằng cách sinh hoặc kết hôn. Loại hình tổ chức này đòi hỏi gia đình phải thực hiện hầu hết các chức năng xã hội, bao gồm cả sản xuất và giáo dục. Mục súc Mục súc là một hình thức sinh hoạt hiệu quả hơn một chút. Thay vì tìm kiếm thức ăn hàng ngày, các thành viên của một xã hội mục vụ dựa vào động vật chăn gia súc để đáp ứng nhu cầu thực phẩm của họ. Những người chăn gia súc sống một cuộc sống du mục, di chuyển đàn gia súc của họ từ đồng cỏ này sang đồng cỏ khác. Bởi vì nguồn cung cấp thực phẩm của họ đáng tin cậy hơn nhiều, các xã hội mục vụ có thể hỗ trợ dân số lớn hơn. Vì có thặng dư thực phẩm, nên cần ít người hơn để sản xuất thực phẩm. Do đó, sự phân công lao động (chuyên môn hóa của các cá nhân hoặc nhóm trong việc thực hiện các hoạt động kinh tế cụ thể) trở nên phức tạp hơn. Ví dụ, một số người trở thành thợ thủ công, sản xuất công cụ, vũ khí và trang sức, trong số các mặt hàng khác có giá trị. Việc sản xuất hàng hóa khuyến khích thương mại. Giao dịch này giúp tạo ra sự bất bình đẳng, vì một số gia đình có được nhiều hàng hóa hơn những người khác. Những gia đình này thường có được quyền lực thông qua sự giàu có của họ. Việc truyền tài sản từ thế hệ này sang thế hệ khác giúp tập trung sự giàu có và quyền lực. Theo thời gian xuất hiện các thủ lĩnh di truyền, hình thức chính phủ điển hình trong các xã hội mục súc. Làm vườn Trái cây và rau được trồng trong các mảnh vườn đã được dọn sạch từ rừng hoặc rừng cung cấp nguồn thực phẩm chính trong một xã hội làm vườn. Những xã hội này có trình độ công nghệ và sự phức tạp tương tự như xã hội mục vụ. Một số nhóm làm vườn sử dụng phương pháp đốt và đốt để trồng trọt. Thảm thực vật hoang dã bị cắt và đốt, và tro được sử dụng làm phân bón. Những người làm vườn sử dụng lao động của con người và các công cụ đơn giản để canh tác đất trong một hoặc nhiều mùa. Khi đất đai trở nên cằn cỗi, những người làm vườn dọn dẹp một âm mưu mới và rời khỏi âm mưu cũ để trở lại trạng thái tự nhiên. Họ có thể trở lại vùng đất ban đầu vài năm sau đó và bắt đầu lại quá trình. Bằng cách xoay các mảnh vườn của họ, những người làm vườn có thể ở trong một khu vực trong một khoảng thời gian khá dài. Điều này cho phép họ xây dựng các làng bán vĩnh viễn hoặc vĩnh viễn. Quy mô dân số của một ngôi làng phụ thuộc vào diện tích đất canh tác; do đó, các ngôi làng có thể dao động từ khoảng 30 người đến 2000 người. Cũng như các xã hội mục súc, thực phẩm dư thừa dẫn đến sự phân công lao động phức tạp hơn. Vai trò chuyên biệt trong các xã hội làm vườn bao gồm thợ thủ công, pháp sư (lãnh đạo tôn giáo) và thương nhân. Chuyên môn hóa vai trò này cho phép mọi người tạo ra một loạt các đồ tạo tác. Như trong các xã hội mục vụ, thực phẩm dư thừa có thể dẫn đến sự bất bình đẳng về sự giàu có và quyền lực trong các hệ thống chính trị làm vườn, được phát triển do tính chất ổn định của cuộc sống làm vườn. Nông nghiệp Các xã hội nông nghiệp sử dụng tiến bộ công nghệ nông nghiệp để canh tác cây trồng trên một diện tích lớn. Các nhà xã hội học sử dụng cụm từ cách mạng nông nghiệp để chỉ những thay đổi công nghệ xảy ra từ cách đây 8.500 năm dẫn đến việc trồng trọt và chăn nuôi gia súc. Sự gia tăng nguồn cung cấp thực phẩm sau đó dẫn đến dân số lớn hơn so với các cộng đồng trước đó. Điều này có nghĩa là một khoản thặng dư lớn hơn, dẫn đến việc các thị trấn trở thành trung tâm thương mại hỗ trợ các nhà cai trị, nhà giáo dục, thợ thủ công, thương nhân và các nhà lãnh đạo tôn giáo không phải lo lắng về việc sắp xếp việc phân phối thức ăn. Mức độ phân tầng xã hội lớn hơn xuất hiện trong các xã hội nông nghiệp. Ví dụ, phụ nữ trước đây có địa vị xã hội cao hơn vì họ chia sẻ lao động bình đẳng hơn với nam giới. Trong các xã hội săn bắn và hái lượm, phụ nữ thậm chí còn thu thập nhiều thức ăn hơn đàn ông. Tuy nhiên, khi các cửa hàng thực phẩm được cải thiện và phụ nữ đảm nhận vai trò ít hơn trong việc cung cấp thực phẩm cho gia đình, họ ngày càng trở thành cấp dưới của đàn ông. Khi các làng và thị trấn mở rộng sang các khu vực lân cận, xung đột với các cộng đồng khác chắc chắn xảy ra. Nông dân cung cấp cho các chiến binh thực phẩm để đổi lấy sự bảo vệ chống lại sự xâm lược của kẻ thù. Một hệ thống những người cai trị có địa vị xã hội cao cũng xuất hiện. Giới quý tộc này đã thiết lập các đội chiến binh để bảo vệ xã hội khỏi sự xâm lược. Theo cách này, giới quý tộc đã tìm cách trích xuất hàng hóa từ các thành viên "nhỏ hơn" trong xã hội. Phong kiến Chế độ phong kiến là một hình thức xã hội dựa trên quyền sở hữu đất đai. Không giống như nông dân ngày nay, các chư hầu dưới chế độ phong kiến nhất định canh tác đất đai của lãnh chúa của họ. Để đổi lấy sự bảo vệ của quân đội, các lãnh chúa đã khai thác nông dân để cung cấp lương thực, hoa màu, đồ thủ công, sự tôn kính và các dịch vụ khác cho chủ sở hữu đất. Các bất động sản của hệ thống của chế độ phong kiến thường là đa quốc gia; gia đình nông dân có thể đã canh tác đất đai của lãnh chúa của họ qua nhiều thế hệ. Công nghiệp Giữa thế kỷ 15 và 16, một hệ thống kinh tế mới xuất hiện bắt đầu thay thế chế độ phong kiến. Chủ nghĩa tư bản được đánh dấu bằng sự cạnh tranh mở trong một thị trường tự do, trong đó các phương tiện sản xuất thuộc sở hữu tư nhân. Thăm dò châu Mỹ của châu Âu trở thành một động lực cho sự phát triển của chủ nghĩa tư bản. Sự ra đời của kim loại lạ, lụa và gia vị đã kích thích hoạt động thương mại lớn trong các xã hội châu Âu. Các xã hội công nghiệp phụ thuộc nhiều vào máy móc chạy bằng nhiên liệu để sản xuất hàng hóa. Điều này tạo ra sự gia tăng mạnh mẽ hơn nữa về hiệu quả. Hiệu quả sản xuất của cuộc cách mạng công nghiệp tăng lên thậm chí còn dư thừa lớn hơn trước. Bây giờ thặng dư không chỉ là hàng nông sản, mà còn là hàng sản xuất. Thặng dư lớn hơn này khiến tất cả những thay đổi được thảo luận trước đó trong cuộc cách mạng thuần hóa trở nên rõ rệt hơn. Một lần nữa, dân số bùng nổ. Tăng năng suất làm nhiều hàng hoá có sẵn cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, sự bất bình đẳng càng trở nên lớn hơn so với trước đây. Sự tan vỡ của các xã hội phong kiến dựa vào nông nghiệp khiến nhiều người rời bỏ đất đai và tìm kiếm việc làm trong các thành phố. Điều này tạo ra một sự dư thừa lớn lao động và mang lại cho các nhà tư bản rất nhiều lao động có thể được thuê với mức lương cực thấp. Hậu công nghiệp Xã hội hậu công nghiệp là xã hội bị chi phối bởi thông tin, dịch vụ và công nghệ nhiều hơn là sản xuất hàng hóa. Các xã hội công nghiệp tiên tiến hiện đang chứng kiến sự thay đổi theo hướng gia tăng các ngành dịch vụ so với sản xuất và sản xuất. Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên có hơn một nửa lực lượng lao động làm việc trong các ngành dịch vụ. Các ngành dịch vụ bao gồm chính phủ, nghiên cứu, giáo dục, y tế, bán hàng, luật và ngân hàng. Sử dụng đương đại Thuật ngữ "xã hội" hiện đang được sử dụng để bao hàm cả một số ý nghĩa chính trị và khoa học cũng như một loạt các hiệp hội. Phương Tây Sự phát triển của thế giới phương Tây đã mang theo những khái niệm mới nổi về văn hóa, chính trị và ý tưởng phương Tây, thường được gọi đơn giản là "xã hội phương Tây". Về mặt địa lý, nó bao gồm ít nhất là các quốc gia Tây Âu, Bắc Mỹ, Úc và New Zealand. Nó đôi khi cũng bao gồm Đông Âu, Nam Mỹ và Israel. Các nền văn hóa và lối sống của tất cả những người này bắt nguồn từ Tây Âu. Tất cả họ đều được hưởng nền kinh tế tương đối mạnh và chính phủ ổn định, cho phép tự do tôn giáo, đã chọn dân chủ làm hình thức quản trị, ủng hộ chủ nghĩa tư bản và thương mại quốc tế, chịu ảnh hưởng nặng nề của các giá trị Judeo-Christian và có một số hình thức liên minh hoặc hợp tác chính trị và quân sự. Thông tin Mặc dù khái niệm xã hội thông tin đã được thảo luận từ những năm 1930, nhưng trong thế giới hiện đại, nó hầu như luôn được áp dụng cho cách thức mà công nghệ thông tin đã tác động đến xã hội và văn hóa. Do đó, nó bao gồm các tác động của máy tính và viễn thông đối với gia đình, nơi làm việc, trường học, chính phủ và các cộng đồng và tổ chức khác nhau, cũng như sự xuất hiện của các hình thức xã hội mới trong không gian ảo. Một trong những lĩnh vực quan tâm của Liên minh Châu Âu là xã hội thông tin. Ở đây các chính sách hướng tới việc thúc đẩy một nền kinh tế kỹ thuật số mở và cạnh tranh, nghiên cứu công nghệ thông tin và truyền thông, cũng như ứng dụng của chúng để cải thiện hòa nhập xã hội, dịch vụ công cộng và chất lượng cuộc sống. Hội nghị thượng đỉnh thế giới về xã hội thông tin của Hiệp hội viễn thông quốc tế ở Geneva và Tunis (2003 và 2005) đã dẫn đến một số lĩnh vực chính sách và ứng dụng với các hành động được dự kiến thực hiện. Tri thức Khi quyền truy cập vào các nguồn thông tin điện tử tăng lên vào đầu thế kỷ 21, sự chú ý đặc biệt đã được mở rộng từ xã hội thông tin đến xã hội tri thức. Một phân tích của chính phủ Ireland cho biết: "Khả năng thao túng, lưu trữ và truyền tải một lượng lớn thông tin với giá rẻ đã tăng với tốc độ đáng kinh ngạc trong những năm gần đây. Số hóa thông tin và tính phổ biến liên quan của Internet đang tạo điều kiện cho một cường độ mới trong việc áp dụng kiến thức vào hoạt động kinh tế, đến mức nó trở thành yếu tố chính trong việc tạo ra sự giàu có. Có đến 70 đến 80 phần trăm tăng trưởng kinh tế hiện được cho là do kiến thức mới và tốt hơn. " Công dụng khác Người dân của nhiều quốc gia thống nhất bởi các truyền thống chính trị và văn hóa, tín ngưỡng hoặc giá trị chung đôi khi cũng được cho là hình thành một xã hội (như Judeo-Christian, phương Đông và phương Tây). Khi được sử dụng trong bối cảnh này, thuật ngữ này được sử dụng như một phương tiện tương phản hai hoặc nhiều "xã hội" mà các thành viên đại diện cho các thế giới quan xung đột và cạnh tranh thay thế. Một số hiệp hội học thuật, chuyên nghiệp và khoa học tự mô tả là xã hội (ví dụ, Hiệp hội toán học Hoa Kỳ, Hiệp hội kỹ sư xây dựng Hoa Kỳ hoặc Hiệp hội Hoàng gia). Ở một số quốc gia, ví dụ như Hoa Kỳ, Pháp và Mỹ Latinh, thuật ngữ "xã hội" được sử dụng trong thương mại để biểu thị sự hợp tác giữa các nhà đầu tư hoặc bắt đầu kinh doanh. Trong Vương quốc Anh, quan hệ đối tác không được gọi xã hội, nhưng hợp tác xã hoặc tổ chức hỗ trợ lẫn nhau thường được gọi là xã hội (ví dụ như các xã hội thân thiện và xây dựng xã hội). Tổ chức xã hội Khái niệm tổ chức xã hội Tổ chức xã hội là một dạng nhóm thứ cấp khá phổ biến. Theo nghĩa rộng, tổ chức xã hội chỉ bất kể tổ chức nào trong xã hội. Theo nghĩa hẹp, tổ chức xã hội chính là một tiểu hệ thống xã hội trong một tổ chức xã hội nào đó. Xã hội là một cấu trúc tổ chức lớn trong đó bao gồm các tổ chức cấu trúc nhỏ hơn, như vậy tổ chức xã hội là sự sắp xếp chọn lọc tạo thành một tổ hợp cấu trúc tôn trọng trong xã hội, được chấp nhận tồn tại trong xã hội con người. Loại hình xã hội Xã hội loài người thường được tổ chức theo nghĩa gốc của chúng "Sự tồn tại": các nhà khoa học về Xã hội nhận ra xã hội bắt nguồn từ tiến trình phát triển xã hội: "xã hội săn bắt - sống bầy đàn", xã hội sống di cư - di tản sống ngày đây mai đó không cố định một nơi nhất định mưu sinh bằng lao động nông nghiệp như chăn nuôi gia súc, xã hội sống bằng nghề trồng trọt để mưu sinh hay còn được gọi là quần xã mưu sinh bằng nghề làm vườn, và cũng có thể gọi là xã hội nông nghiệp, sự tiến triển và thay đổi đó còn được gọi là "nền văn minh" nhân loại. Một số khác quan tâm đến nền công nghiệp trực tiếp và trạm trung gian - có nghĩa là thu mua lại về sử dụng hay thu mua lại về phân phối lại cho cá nhân, tổ chức khác - xã hội (tầng lớp) này không phù hợp với truyền thống của quần thể (tầng lớp) nông nghiệp; xã hội công nghiệp. Loại hình xã hội còn được định dạng bởi các thể chế xã hội, tạo nên các định dạng ra các loại hình của một xã hội. Nghi thức xã hội Nhiều xã hội sẽ được phân bổ rộng hơn, làm theo mệnh lệnh chỉ thị của những cá nhân hay nhóm người khác lớn hơn. Sự rộng lượng này được tìm thấy ở sự hiểu biết về văn hóa; điển hình là uy tín và vai trò văn hóa sinh ra từ sự rộng lượng của từng cá nhân hoặc từng nhóm người. Bổn phận xã hội Một vài cộng đồng sẽ trao tặng một vị trí cho một vài cá nhân hoặc một nhóm người rộng hơn, khi cá nhân hay tập thể đó hành động đáng khâm phục hay cống hiến lớn; loại "danh hiệu" này được trao tặng bởi các thành viên của cộng đồng đó cho cá nhân hoặc tổ chức dưới hình thức danh nghĩa, tước hiệu, quần áo, hay tiền thưởng... Đàn ông thường rất muốn thực hiện việc này và nhận phần thưởng sau đó, mắc cho những nguy hiểm trong cuộc sống của họ. Hành động bởi một vài cá nhân hay một tập thể lớn nhân danh một lý tưởng của nền văn hóa họ được nhìn nhận bởi cả cộng đồng. Đặc trưng xã hội Thậm chí những xã hội nguyên thủy cũng biểu lộ những đặc điểm của các hoạt động mang tính chất xã hội, cao cả, và phân chia công bằng (cả rủi ro và thắng lợi), giống như các nền văn minh với công nghệ cao hơn. Tín ngưỡng Nhiều dân tộc ở nhiều quốc gia thống nhất bởi những truyền thống, niềm tin hay giá trị về văn hóa và chính trị chung, những dân tộc này đôi khi cũng được gọi là một xã hội (ví dụ như Judeo-Christian, Eastern, Western,...) Sử dụng trong văn cảnh này cụm từ được sử dụng theo nghĩa đối lập với hai hay nhiều "xã hội" có những thành viên tiêu biểu cho những quan điểm thế giới đang mâu thuẫn và tranh cãi. Giáo dục Ngoài ra, một số tổ chức học thuật, nghiên cứu hay mang tính học giả và các đoàn hội như Hội toán học Mĩ, coi họ như là một xã hội. Tại Anh, những tổ chức như thế này thường hoạt động phi lợi nhuận và hoạt động từ thiện. Trong khoa học, người ta phân loại theo kích cỡ thành các hội khoa học quốc gia như hội hoàng gia, thành các hội lịch sử tự nhiên mang tính địa phương. Xã hội học thuật có thể quan tâm đến những chủ đề rộng như nghệ thuật, khoa học nhân văn và khoa học. Định nghĩa thương mại Ở Mĩ và Pháp, cụm từ "society" được dùng trong thương mại để chỉ một hiệp hội giữa những nhà đầu tư hay để bắt đầu một công việc kinh doanh. Tại Anh, các hiệp hội không gọi là societies nhưng các hợp tác xã hay các tổ đổi công thường được gọi là societies (như là các tổ đổi công thân thiện thân thiện hay các hợp tác xã xây dựng Bản thể Một ghi chú liên quan là vẫn còn nhiều tranh luận về tuần hoàn xã hội, tuần hoàn thế giới nếu có tồn tại một thực thể mà chúng ta có thể gọi là xã hội. một số học thuyết Mac xít, như Louis Althusser, Ernesto Laclau và Slavoj Zizek đã tranh luận rằng xã hội chỉ là kết quả của hệ tư tưởng cầm quyền trong một hệ thống giai cấp nào đó, và không nên sử dụng xã hội là một khái niệm xã hội. Định nghĩa của Mac về xã hội là một tổng hợp của các mối quan hệ xã hội giữa những thành viên của một cộng đồng đối lập với những cách hiểu về viễn cảnh của chủ nghĩa siêu hình: xã hội chỉ đơn giản là tống hợp những cá nhân trong một khu vực. Xem thêm Chú thích Tham khảo Liên kết ngoài Các dạng tổ chức
7504
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ph%C3%B3%20b%E1%BA%A3ng
Phó bảng
Phó bảng (; Tiến sĩ Ất khoa) là một học vị trong hệ thống khoa bảng Việt Nam trong thời Nguyễn, được áp dụng từ 1829 đến 1919. Cống sĩ đã dự thi Hội khi đậu đại khoa chia 2 hạng: hạng dưới gọi là Phó bảng/Tiến sĩ Ất khoa, hạng trên gọi là Chính bảng/Tiến sĩ Giáp khoa. Lịch sử Học vị Phó bảng được cho là xuất phát từ danh hiệu "Phụ bảng" trong hệ thống khoa cử nhà Thanh, trong đó, những người đỗ Phụ bảng là những sĩ tử giỏi, có năng lực, nhưng số lượng quá nhiều, dẫn đến vượt quá giải ngạch mà triều đình đương thời cho phép. Áp dụng tương tự cho hệ thống khoa cử trong nước, vua Minh Mạng phê chuẩn thiết lập danh hiệu Phó bảng nhằm “ngoài những quyển trúng cách, thể văn quyển nào đầy đủ, tuy không bằng người có tên trong chính bảng, nhưng cũng có thực học thì xin vào Phó bảng” để “không để sót nhân tài”. Tuy mượn hình thức Phụ bảng của Trung Quốc, nhưng triều Nguyễn đã thay đổi theo cách riêng của mình nhằm tìm ra nhân tài phục vụ bộ máy chính quyền, chẳng hạn như ở Trung Quốc, Phụ bảng thấp hơn Cử nhân, tuy nhiên ở Việt Nam thì Phó bảng thấp hơn Tiến sĩ nhưng lại cao hơn Cử nhân. Năm 1807, vua Gia Long sau khi lên ngôi, với việc chú trọng tuyển chọn nhân tài nhằm kiến thiết đất nước, đã cho tổ chức khoa thi Hương đầu tiên, nhưng chưa tổ chức kỳ thi Hội. Từ thời Minh Mạng, hệ thống khoa cử được tổ chức quy củ hơn với hai kỳ thi Hương và thi Hội được định lệ mỗi ba năm một lần. Khoa thi Hương và thi Hội diễn ra nối tiếp nhau, cứ năm trước thi Hương thì năm sau thi Hội, thi Đình. Đến năm 1829, Minh Mạng quy định đỗ Đại khoa chia thành hạng Chính bảng (hạng trên) và Phó bảng (hạng dưới). Những người đỗ Chính bảng gọi là "trúng cách", được tiếp tục dự thi Đình. Những người đỗ Thứ bảng, gọi là "thứ trúng cách", được trao học vị Phó bảng và dừng lại ở kỳ thi Hội. Tuy nhiên, đến thời Tự Đức, quy định tuyển chọn Phó bảng đã thay đổi về cách tính điểm và thể lệ dự thi ở các kỳ thi Hội và thi Đình nhằm mở rộng quy mô tìm kiếm nhân tài phục vụ chính quyền. Chẳng hạn, những người chỉ đỗ "thứ trúng cách", tức Phó bảng, đều được cho vào thi Đình chứ không dừng lại ở kỳ thi Hội và tên của họ cũng được ghi danh chung một bảng với "trúng cách". Ở kỳ thi Đình thì những sĩ tử thứ trúng cách không gọi là Phó bảng, đợi sau khi thi Đình xong mới xác định Chính bảng và Phó bảng. Đến năm 1873, quy định cho phép Phó bảng vào thi Đình bị bãi bỏ vì triều đình tuy muốn tuyển chọn càng nhiều nhân tài càng tốt nhưng lo ngại việc "lấy nhiều không thể không lạm". Ân điển và phẩm chức Trong lịch sử khoa bảng triều Nguyễn, ở một số kỳ thi Đình, Phó bảng được dự thi cùng với những người đỗ Chính bảng để chọn ra Tiến sĩ (gồm Cập đệ Tam khôi, Hoàng giáp, Đồng tiến sĩ xuất thân), những người không đủ điểm sẽ được ban học vị Phó bảng. Khi đó, ân điển mà triều đình dành cho người thi đỗ Tiến sĩ và Phó bảng, như lễ Truyền lô, ban yến, ân tứ vinh quy, tương đối khác biệt. Trong đại lễ Truyền lô được tổ chức sau mỗi kỳ thi Đình, tên của những người đỗ Tiến sĩ được ghi trên giấy vàng (long đằng hoặc long tiên), gọi là danh sách Hoàng bảng (bảng vàng) đặt ở điện Thái Hòa; còn những người đỗ Phó bảng được ghi tên vào danh sách Phó bảng, viết trên giấy đỏ (hồng điều), đặt ở Tả Đãi Lậu Viện. Sau khi lễ Truyền lô kết thúc, bảng vàng ghi danh các Tiến sĩ được treo ở Phu Văn Lâu; danh sách Phó bảng chỉ được treo ở cánh hữu Phu Văn Lâu. Tuy nhiên, càng về sau, ân điển của triều đình dành cho Phó bảng càng gần giống với Tiến sĩ. Về phẩm chức, khi mới được lập vào đời vua Minh Mạng, những sĩ tử đỗ học vị Phó bảng được bổ làm Hàn lâm viện Kiểm thảo, tương đương Tòng thất phẩm. Đến các đời vua triều Nguyễn sau, vị trí bổ nhiệm quan chức cho học vị Phó bảng càng lúc càng tăng. Theo Cao Xuân Dục, vị trí cao nhất mà các Phó bảng triều Nguyễn từng nắm giữ lên đến chức Thượng thư, phẩm hàm tương đương Chánh nhị phẩm. Một số danh nhân Nguyễn Văn Siêu (1799–1872), Phó bảng năm 40 tuổi, khoa thi Hội năm Mậu Tuất – Minh Mạng thứ 19 (1838), làm quan đến Thị giảng học sĩ (hàm Tòng tứ phẩm), phụ trách giảng dạy hoàng tử, từng làm Ất sứ sang nhà Thanh. Vũ Duy Thanh (1807–1859), đỗ Phó bảng năm 44 tuổi, đỗ Thủ khoa Chế khoa, làm Tư nghiệp rồi Tế tửu Quốc tử giám Huế. Đỗ Đăng Đệ (1814–1888), đỗ Phó Bảng năm 29 tuổi, khoa Nhâm Dần – Thiệu Trị thứ 2 (1842), làm quan đến Lễ bộ Thượng thư, là nhà thơ. Hoàng Diệu (1829–1882), đỗ Phó Bảng năm 25 tuổi, khoa Quý Sửu – Tự Đức thứ 6 (1853), từng giữ chức Tổng đốc Hà Ninh (bao gồm Hà Nội và vùng phụ cận). Nguyễn Thuật (1842–1911), đỗ Phó bảng năm 27 tuổi, khoa thi Hội năm Mậu Thìn – Tự Đức thứ 21 (1868), từng làm đến chức Thượng thư, Tổng đốc Thanh Hóa. Nguyễn Sinh Sắc (1862–1929), Phó bảng năm 40 tuổi, làm quan Thừa biện bộ Lễ là thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phan Châu Trinh (1872–1926), đỗ Phó bảng năm 30 tuổi, khoa thi năm Tân Sửu (1901). Phạm Hy Lượng (1834-1886) , đỗ Phó bảng năm 29 tuổi, Án sát Ninh Bình Ghi chú Chú thích Tham khảo Lịch sử hệ thống giáo dục Việt Nam Thi cử Nho học Học vị Nho học Nho giáo Việt Nam
7513
https://vi.wikipedia.org/wiki/Wimbledon%20%28%C4%91%E1%BB%8Bnh%20h%C6%B0%E1%BB%9Bng%29
Wimbledon (định hướng)
Trong sách báo tiếng Việt, khi nói đến Wimbledon thì hầu như người ta hiểu là Giải quần vợt Wimbledon, một giải thi đấu thường niên lớn (một trong 4 giải Grand Slam), tổ chức ở khu * Trong sách báo tiếng Việt, khi nói đến Wimbledon thì hầu như người ta hiểu là Giải quần vợt Wimbledon, một giải thi đấu thường niên lớn (một trong 4 giải Grand Slam), tổ chức ở khu Wimbledon, Luân Đôn. Ngoài ra Wimbledon có thể là: Wimbledon, Luân Đôn - một thị trấn ở tây nam Luân Đôn Một đơn vị bầu cử vào Nghị viện Anh của khu vực ấy, Wimbledon (đơn vị bầu cử) Wimbledon, Bắc Dakota - một thị trấn nhỏ ở bang Bắc Dakota, Hoa Kỳ AFC Wimbledon - một câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp Wimbledon F.C. - một câu lạc bộ bóng đá, tiền thân của Milton Keynes Dons Wimbledon (phim) - một bộ phim dựa trên giải quần vợt Wimbledon Wimbledon (SEGA) và Wimbledon 2 (SEGA) - các trò chơi video , Luân Đôn. Ngoài ra Wimbledon có thể là: Wimbledon, Luân Đôn - một thị trấn ở tây nam Luân Đôn Một đơn vị bầu cử vào Nghị viện Anh của khu vực ấy, Wimbledon (đơn vị bầu cử) Wimbledon, Bắc Dakota - một thị trấn nhỏ ở bang Bắc Dakota, Hoa Kỳ AFC Wimbledon - một câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp Wimbledon F.C. - một câu lạc bộ bóng đá, tiền thân của Milton Keynes Dons Wimbledon (phim) - một bộ phim dựa trên giải quần vợt Wimbledon Wimbledon (SEGA) và Wimbledon 2 (SEGA) - các trò chơi video
7516
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ng%E1%BB%8Dc%20xanh%20bi%E1%BB%83n
Ngọc xanh biển
Ngọc xanh biển hay ngọc berin hay là một loại đá quý màu xanh berin. Ngọc berin còn có tên là aquamarine (từ tiếng Latinh aqua marina nghĩa là "nước biển"). Công thức hóa học của ngọc berin là Be3Al2(SiO3)6, rất gần với ngọc lục bảo. Các loại berin có thể tìm thấy trên đất Mỹ ở gần trung tâm Colorado tại khu vực gần đỉnh núi Antero trong dãy núi Collegiate. Tại Brasil có các mỏ khai thác ở các bang Minas Gerais, Espírito Santo và Bahia. Viên ngọc berin lớn nhất đã được tìm thấy ở Marambaia, Minas Gerais. Nó nặng trên 110 kg, với kích thước dài 48,5 cm và cao 42 cm. Ngọc berin (aquamarine) là viên ngọc gắn với tháng Ba. Xem thêm Danh sách khoáng vật Xanh berin Hồng ngọc Kim cương Ngọc lam Ngọc Ngọc lục bảo Xa-phia Chú thích Liên kết ngoài Aquamarine - History and Folklore Ghi chú Khoáng vật silicat Xanh biển, ngọc en:Beryl#Aquamarine and maxixe simple:Aquamarine (color)
7520
https://vi.wikipedia.org/wiki/M%E1%BB%B9%20thu%E1%BA%ADt%20d%C3%A2n%20gian%20Vi%E1%BB%87t%20Nam
Mỹ thuật dân gian Việt Nam
Mỹ thuật dân gian Việt Nam được ghi nhận gồm các hình trang trí trên trống đồng, trên các đồ khảo cổ tới điêu khắc đình làng, chùa ở nông thôn Bắc bộ và tranh dân gian. Sau khi trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ra đời năm 1925, chính thức mới có sự đào tạo chính quy về hội họa. Trước mốc thời gian này, đáng kể nhất là vốn mỹ thuật dân gian với điêu khắc đình chùa và các dòng tranh dân gian như tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), tranh Hàng Trống (Hà Nội), tranh Làng Sình (Huế), tranh Kim Hoàng (Hà Tây), tranh thờ Đạo Giáo (miền núi phía Bắc). Tuy nhiên kho tàng mỹ thuật dân gian Việt Nam vẫn đang tiếp tục được khám phá. Mỹ thuật cổ Việt Nam có chương đầu từ vạn năm trước ở hang Đồng Nội, ở núi Đọ Thanh Hoá, có đỉnh đầu từ Văn hoá Đông Sơn khoảng 2500 năm trước, có sự phát triển liên tục từ nghìn năm lại đây. Nền mỹ thuật ấy có phải là mỹ thuật dân gian không, có phải là nghệ thuật tạo hình không? Trong nghệ thuật tạo hình cổ Việt Nam bao gồm tất cả những sáng tạo của nhân dân Việt Nam về kiến trúc, về tượng, về tranh, về trang trí, về đồ mỹ nghệ. Ở xã hội tiền sử và sơ sử, có thể xem văn hoá nguyên thủy là văn hoá dân gian thì mỹ thuật giai đoạn lịch sử ấy chính là cội nguồn của mỹ thuật dân gian. Xem thêm Mỹ thuật Lịch sử Việt Nam Tham khảo Liên kết ngoài Mỹ thuật Việt Nam
7523
https://vi.wikipedia.org/wiki/Nam%20K%E1%BB%B3
Nam Kỳ
Nam Kỳ (chữ Hán: 南圻) là lãnh thổ cực Nam của nước Đại Nam triều Nguyễn, là một trong ba kỳ hợp thành nước Việt Nam. Tên gọi này do vua Minh Mạng đặt ra năm 1832. Trong thời kỳ Pháp thuộc, chính quyền thực dân duy trì tên gọi 3 xứ của Việt Nam có từ trước đó, nhưng áp dụng chế độ riêng biệt với mỗi xứ: xứ thuộc địa Nam Kỳ, cùng với hai xứ bảo hộ Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Danh xưng Nam Kỳ được chính quyền Liên bang Đông Dương của Pháp duy trì cho đến năm 1945 khi được thay bằng tên gọi Nam Bộ. Quốc gia Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa cũng dùng tên gọi Nam Phần, vốn đã được sử dụng từ năm 1947 trong giai đoạn sau của Cộng hòa Tự trị Nam Kỳ. Diện tích Nam Kỳ là 67.293,1 km². Tên gọi Cochinchine Nguồn gốc tên gọi Cochinchine trong Pháp ngữ được các nhà nghiên cứu giải thích theo nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên, giả thuyết phổ biến nhất trước đây, là tên gọi Cochin hay Cocin gốc từ Coci là phiên âm của chữ Giao Chỉ. Do sợ nhầm với thành phố cảng Ấn Độ Cochin, nên người phương Tây thêm hậu tố chine /china (Trung Hoa), ý nói Cochin gần Trung Hoa để phân biệt. Theo Lý Đăng Thạnh, trong 'Lịch sử Đông Dương tập 7- Nước Việt thời Nam - Bắc phân tranh' (1994), thì tên gọi Cochinchine bao gồm hai từ tố là 'Cochin' và 'Chine'. Trong đó, Cochin có nguồn gốc từ tên gọi sông Cổ Chiên (tiếng Khmer: កោះជីន Koh Chin), là một đoạn sông của Thủy Chân Lạp thuộc hệ thống sông Mekong (sông Cửu Long), chảy qua nhiều cù lao (đảo nhỏ trong châu thổ) từ địa phận thành phố Vĩnh Long ngày nay, qua các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, rồi đổ ra biển Đông tại Cửa Koh Chin. Các nhà thám hiểm hàng hải châu Âu vào thế kỷ XV khi đến vùng đất đồng bằng sông Cửu Long để mua nước ngọt và lương thực, thực phẩm, có thể đã lấy tên cửa sông Koh Chin và sông Koh Chin của dải đất có cư dân đông đúc nhất đồng bằng sông Cửu Long thời ấy để gọi tên chung cho cả vùng đồng bằng sông Cửu Long là: Vùng Cochin. Do sợ nhầm với thành phố cảng Ấn Độ Cochin, nên người phương Tây thêm hậu tố chine vào thành Cochinchine. Tên gọi Cochinchine này sang đầu thế kỷ XVII có lúc đã được người Phương Tây đồng hóa với tên gọi toàn bộ dòng sông Mekong. Trong bản đồ Đông Nam Á năm 1609 (bên cạnh), có hai dòng chữ Cochinchine (in dòng lớn và dòng nhỏ) ở vị trí thuộc tỉnh Vân Nam ngày nay, tại thượng nguồn sông Mekong, mà rõ ràng không liên quan gì đến khu vực đồng bằng sông Hồng (Giao Chỉ cũ). Tài liệu nói trên cũng trích dẫn một đoạn trong tác phẩm của học giả Lê Hương nhan đề ‘Việt Kiều ở Kampuchia’, do Nhà xuất bản Khai Trí ấn hành tại Sài Gòn năm 1971, nguyên văn tại cuối trang 10 như sau: “Sau ngày ngày 11 tháng 4 năm 1970, Chính phủ Cao Miên trở thành một nước Cộng hòa, chấm dứt chế độ quân chủ 1.400 năm, báo chí Miên đả kích Hoàng gia cho rằng Quốc vương Chey Chetta II mê bà vợ Việt Nam tên ‘CÔ CHÍNH XINH’ mới làm mất phần đất ‘Cao Miên miền dưới’ (Kampuchéa Krom) chỉ miền Nam Việt Nam. Tài liệu Cao Miên cho rằng Công chúa Ngọc Vạn tên CÔ CHÍNH XINH nên vị quốc vương ấy mới đặt cho miền Nam và Pháp gọi là COCHINCHINE.” Và Lý Đăng Thạnh chú thêm là nếu việc đặt tên như thế là có thật thì sẽ xảy ra sau năm 1620, vì đây là thời điểm mà nhiều tài liệu chép rằng là năm Công nữ Ngọc Vạn được cha là Chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên gả cho vua Cao Miên. Công nữ Nguyễn Phước Ngọc Vạn sinh khoảng năm 1605, mất sau năm 1658, là con gái thứ hai của Chúa Sãi, nhưng không rõ có phải là ‘người con thứ chín’ nếu tính cả các người con trai của Chúa Sãi hay không, hoặc là Bà còn có một tên gọi ‘thân mật’ là Cô Chính hay không. Đầu thế kỷ XVII, dưới thời Trịnh-Nguyễn phân tranh, nước Việt Nam phân đôi thành Đàng Trong và Đàng Ngoài, thì Cochinchine được người Phương Tây dùng để chỉ Đàng Trong, còn Tonkin chỉ Đàng Ngoài. Cuối thế kỷ XVII, Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh khi vào thu phục vùng đồng bằng sông Cửu Long thì triều đình Đàng Trong đã gọi sông Koh Chin theo âm Hán-Việt là Cổ Chiên Giang (鼓栴江), và cửa sông Koh Chin là Cổ Chiên Tấn (鼓栴汛). Trên một số bản đồ cổ của Phương Tây in vào thế kỷ XVIII-XIX còn đọc Koh Chin bằng những âm khác như Kho Cin, Cocin. Coghien..., hoặc như bản đồ do Stielers Handatlas xuất bản vào tháng 8-1891 tại Đức còn ghi cửa sông Koh Chin là Ko-kien. Sự việc có lẽ càng thêm rắc rối, khi vào khoảng thế kỷ XVII-XVIII tại Trung Hoa và Nhật Bản,còn xuất hiện và lưu truyền một số bức họa có tựa đề như: bức ‘Chu Ấn thuyền Giao Chỉ độ hàng quyển’ (vẽ cảnh tàu buôn Nhật Bản ở Đàng Trong), bức họa ‘Giao Chỉ quốc mậu dịch độ hải đồ’ (vẽ cảnh thương cảng Hội An)..., có thể khiến cho ta nghĩ là Vương quốc Cochinchine (Đàng Trong) có liên quan đến cách dịch thành ‘Giao Chỉ Quốc’. Tuy nhiên, hầu như các tác giả Tây Phương đều dịch Cochinchine là Vương quốc Đàng Trong, chứ không phải là ‘Giao Chỉ Quốc’. Đối với các tác giả Hán ngữ (Trung Hoa, Nhật Bản) thời này, thường rất thông thạo lịch sử Trung Hoa và các cựu thuộc địa của nó, trong đó có các khái niệm 'Giao Chỉ Quận', 'Giao Chỉ Bộ'..., trong quá khứ, thì hầu như không 'thèm đếm xỉa gì' đến cách gọi Tonkin hay 'Cochinchine', mà khi nói đến Giao Chỉ đều hàm ý là lãnh thổ chung của người Việt mà trước hết là ở vùng châu thổ sông Hồng, rồi đến các miền có chung nền văn minh tương đồng ở xa hơn về phía Nam. Trong các tác phẩm thời này, các tác giả Nhật Bản, Trung Hoa đều gọi Giao Chỉ, hay An Nam chung cho cả Đàng Ngoài lẫn Đàng Trong. Đến thời Triều Nguyễn độc lập, người Pháp và người Việt làm việc cho Pháp (như Trương Vĩnh Ký) gọi Nam Kỳ là Basse Cochinchine, tương đương với tên gọi Nam Kỳ Lục tỉnh cùng thời. Giai đoạn Pháp chiếm Nam Kỳ (1867-1887), trước thời Pháp thuộc (1884-1945) người Pháp gọi Nam Kỳ Cochinchine Française (Nam Kỳ thuộc Pháp). Chỉ sau khi thành lập liên bang Đông Dương tên gọi Cochinchine mới dần dần chính thức được dùng để chỉ Nam Kỳ, trong khi Annam chỉ Trung Kỳ, còn Bắc Kỳ thì được gọi là Tonkin. Các đơn vị hành chính Thời Triều Nguyễn tự chủ Nam Bộ xưa được gọi là xứ Đồng Nai. Năm 1698, xứ Đồng Nai được thiết lập phủ huyện. Phủ Gia Định bao gồm toàn thể đất Nam Bộ và tồn tại suốt từ đó đến năm 1802 thì đổi thành trấn Gia Định. Năm 1808, vua Gia Long nhà Nguyễn đổi trấn Gia Định thành Gia Định Thành, bao gồm 5 trấn: Phiên An (địa hạt Gia Định), Biên Hòa, Vĩnh Thanh (sau chia ra Vĩnh Long và An Giang), Vĩnh Tường (sau này là Định Tường) và Hà Tiên. Vua Minh Mạng năm 1832 đã đặt ra Nam Kỳ và chia thành 6 tỉnh nên gọi là Nam Kỳ Lục tỉnh hay Lục tỉnh. Đó là các tỉnh: Phiên An, năm 1836 đổi thành Gia Định (tỉnh lỵ là tỉnh thành Sài Gòn), Biên Hòa (tỉnh lỵ là tỉnh thành Biên Hòa), Định Tường (tỉnh lỵ là tỉnh thành Mỹ Tho) ở miền Đông; Vĩnh Long (tỉnh lỵ là tỉnh thành Vĩnh Long), An Giang (tỉnh lỵ là tỉnh thành Châu Đốc) và Hà Tiên (tỉnh lỵ là tỉnh thành Hà Tiên) ở miền Tây. Thời Pháp thuộc Sau khi chiếm xong ba tỉnh miền Đông gồm Gia Định, Định Tường, Biên Hòa (1862) và ba tỉnh miền Tây gồm Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên (1867), thực dân Pháp xóa bỏ cách phân chia địa giới hành chính cũ của triều Nguyễn. Lúc đầu Pháp gọi département thay cho phủ, gọi arrondissement thay cho huyện. Tuy nhiên, các cấp hành chính dưới cấp huyện thì vẫn được giữ nguyên như thời nhà Nguyễn độc lập là hai cấp: cấp tổng (gọi theo tiếng Pháp là canton) và cấp làng xã (cấp tổng còn được duy trì tới tận năm 1945). Khoảng năm 1868, Nam Kỳ có hai mươi bảy inspection (lúc này tiếng Việt gọi là "hạt thanh tra", "địa hạt thanh tra", "khu thanh tra" hay "tiểu khu thanh tra", do Thanh tra cai trị). Từ 05/06/1871 inspection đổi thành arrondissement (lúc này tiếng Việt gọi là "hạt tham biện.", "địa hạt tham biện.", "khu tham biện. hay "hạt"). Đứng đầu arrondissement là administrateur, tiếng Việt gọi là Chính tham biện. Dinh hành chính gọi là tòa tham biện nhưng dân cũng quen gọi là tòa bố (giống như dinh quan bố chính của nhà Nguyễn cũ). Tham biện dưới quyền Thống đốc đóng ở Sài Gòn. Giúp việc Chính tham biện là hai phó tham biện; thư ký địa hạt cũng gọi là bang biện tức là secrétaire d’arrondissement. Đến năm 1871 giảm còn 18 hạt, năm 1876 thì tăng lên 19 hạt. Tháng 4 năm 1870, chính quyền Pháp ở Nam Kỳ (đứng đầu là Thống đốc Nam Kỳ) cùng với triều đình vương quốc Cao Miên do Pháp bảo hộ (đứng đầu là vua Norodom I) bắt đầu đàm phán ký kết thỏa ước phân định biên giới. Năm 1873, Pháp chính thức điều chỉnh lại biên giới giữa Cao Miên (Campuchia) với Nam Kỳ thuộc Pháp (Cochinchine Française), thay đổi lớn so với biên giới Cao Miên-Nam Kỳ Lục tỉnh tại 2 khu vực: địa phận các hạt thanh tra Trảng Bàng, Tây Ninh (tức vùng lồi Mỏ vịt) thành phủ (khet) Svay Teep (Thỏa ước ngày ngày 9 tháng 7 năm 1870), và vùng bờ bắc kênh Vĩnh Tế địa bàn các hạt Hà Tiên, Châu Đốc nhập vào (khet) Tréang (Hiệp định ngày ngày 15 tháng 7 năm 1873), cắt từ đất Nam Kỳ trả về cho Cao Miên. Năm 1876, Pháp chia Nam Kỳ thành 4 khu vực hành chính lớn, gọi là circonscription administrative, mỗi khu vực lại được chia nhỏ thành các "hạt" hay "tiểu khu" (arrondissement) như sau: Khu vực Sài Gòn có 5 tiểu khu: Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Bà Rịa và Sài Gòn Khu vực Mỹ Tho có 4 tiểu khu: Mỹ Tho, Gò Công, Tân An và Chợ Lớn Khu vực Vĩnh Long có 4 tiểu khu: Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh và Sa Đéc Khu vực Bát Xắc có 6 tiểu khu: Châu Đốc, Hà Tiên, Long Xuyên, Rạch Giá, Cần Thơ và Sóc Trăng. Mỗi hạt có Hội đồng Quản hạt, tức Conseil d'arrondissement làm nghị hội. Hội viên được bầu vào là người Việt. Ngày 8 tháng 1 năm 1877, Tổng thống Pháp ra Sắc lệnh thành lập thành phố cấp 1 (municipalité de première classe) Sài Gòn, đứng đầu là một viên Thị trưởng (Maire). Sắc lệnh này được ban hành ngày 16 tháng 5 năm đó. Ngày 20 tháng 10 năm 1879, Thống đốc Nam Kỳ ra Nghị định thành lập thành phố cấp 2 (municipalité de deuxième classe) Chợ Lớn, tương đương cấp tỉnh sau này. Đứng đầu thành phố cũng là một viên Thị trưởng. Ngày 13/12/1880 chính quyền Pháp tách một số làng (nằm kế cận thành phố Sài Gòn và thành phố Chợ Lớn) của hạt Sài Gòn (từ 16/12/1885 đổi tên là hat Gia Đinh) và hạt Chợ Lớn, lập hạt Hai Mươi (20e arrondissement). Hạt này do Nha Nội chính trực tiếp cai trị. Đến ngày 12/01/1888 hạt Hai Mươi giải thể, các làng trực thuộc sáp nhập vào thành phố Sài Gòn, hạt Chợ Lớn và hạt Gia Định. Năm 1882, Thống đốc Nam Kỳ lập thêm một hạt (tiểu khu) mới là hạt Bạc Liêu thuộc khu vực Bát Xắc từ đất của 2 tổng của hạt Sóc Trăng và 3 tổng của hạt Rạch Giá. Như vậy toàn bộ Nam Kỳ có 21 hạt (tức 19 hạt cũ, hạt Hai Mươi và hạt Bạc Liêu). Năm 1895 lập thêm thành phố tự trị (commune autonome) Cap Saint Jacques, tách từ hạt Bà Rịa (Cap Saint Jacques nhập vào hạt Bà Rịa năm 1898 để rồi năm sau lại tách ra). Năm 1899, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định đổi tên gọi "hạt" thành "tỉnh" (province) và chia Nam Kỳ thành 3 miền. Đồng thời, chức Tham biện đổi thành Chủ tỉnh (Chef-province hay Chef de la province), tòa tham biện gọi là tòa bố. Như vậy Nam Kỳ có tất cả 20 tỉnh, phân bố như sau: Miền Đông có 4 tỉnh: Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Biên Hòa và Bà Rịa Miền Trung có 9 tỉnh: Gia Định, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Gò Công, Tân An, Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh và Sa Đéc Miền Tây có 7 tỉnh: Châu Đốc, Hà Tiên, Long Xuyên, Rạch Giá, Cần Thơ, Sóc Trăng và Bạc Liêu Ngoài ra còn có 3 thành phố Sài Gòn (cấp 1), Chợ Lớn (cấp 2), thành phố tự trị Cap Saint Jacques và Côn Đảo không thuộc tỉnh nào. Năm 1905, xóa bỏ thành phố Cap Saint Jacques, chuyển thành đại lý hành chính thuộc tỉnh Bà Rịa. Tỉnh chia thành tổng (canton), đứng đầu là Chính tổng (Chef de la canton), còn gọi là Cai tổng. Tổng chia thành làng (village), đứng đầu là Hội đồng Hương chức (còn gọi là Ban Hội tề) do Hương cà phụ trách chung. Dưới đây là Danh sách các tỉnh Nam Kỳ vào năm 1910: Đầu thập niên 1900 lập thêm cấp quận (circonscription) và cơ sở phái viên hành chính (délégation administrative), cấp hành chính giữa tỉnh và tổng; đứng đầu là viên Chủ quận (Chef de la circonscription) và vị Phái viên hành chính (Délégué administratif) tương ứng. Năm 1913 ba tỉnh bị sáp nhập: Gò Công vào Mỹ Tho, Sa Đéc vào Vĩnh Long, Hà Tiên vào Châu Đốc nên Nam Kỳ còn 17 tỉnh. Đến năm 1924 các tỉnh này lại được tách ra như cũ. Ngày 11/05/1944 thành lập tỉnh Tân Bình, từ phần đất cắt ra của tinh Gia Định. Như thế Nam Kỳ có 21 tỉnh. Soái phủ Trụ sở của Dinh Thống đốc đặt tại Sài Gòn (về sau gọi là Dinh Gia Long). Người miền Nam quen gọi là Soái phủ Nam Kỳ (Gouvernement des Amiraux), vì cho tới năm 1878 nó còn là dinh của một võ quan Pháp, hàm Lieutenant-Gouverneur, tức Phó soái. Kể từ năm 1879 mới thay quan võ bằng quan văn, và Thống đốc Nam Kỳ (dân sự) đầu tiên là Charles Le Myre de Vilers. Mãi đến năm 1926, khi gọi Quyền Thống đốc Le Fol, người Nam Kỳ vẫn còn quen miệng kêu lẫn lộn là Thống soái, Phó soái, dù ông không phải là sĩ quan. Lịch sử Trước kia đây là lãnh thổ của nước Phù Nam và Chân Lạp. Vào thế kỷ XVII, Nam Kỳ là vùng đất hoang sơ, được Chúa Nguyễn ở Đàng Trong khai phá. Một số quan lại, tướng tá nhà Minh sau khi chống nhà Thanh thất bại, trốn sang Việt Nam được Chúa Nguyễn cho khai phá vùng này. Một nhóm khoảng 5000 người Hoa do Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên cầm đầu vào khai khẩn vùng Mỹ Tho, Biên Hòa, một nhóm khác do Mạc Cửu cầm đầu tiến vào tận Hà Tiên khai khẩn. Năm 1620, Chúa Chúa Sãi (Nguyễn Phước Nguyên) trấn thủ hai xứ Thuận Hóa, Quảng Nam ngừng nộp thuế cho chính quyền Lê-Trịnh. Năm 1627, Chúa Trịnh Tráng mới sai quan vào Thuận Hóa đòi tiền thuế. Chúa Sãi tiếp sứ nhưng không chịu nộp thuế. Tháng 3 năm 1627, chúa Trịnh mang quân đi đánh họ Nguyễn. Sự kiện này đánh dấu sự chia tách hoàn toàn cả về lý thuyết và thực tế của xứ Thuận Quảng tức Đàng Trong của Chúa Nguyễn với Đàng Ngoài của Chúa Trịnh. Nó cũng tạo ra thời kỳ Trịnh-Nguyễn phân tranh kéo dài 45 năm, từ 1627 đến 1672, với 7 cuộc đại chiến của 2 bên. Sau đó hai họ Trịnh, Nguyễn ngừng chiến, lấy sông Gianh làm ranh giới chia cắt lãnh thổ, miền Nam sông Gianh thuộc quyền chúa Nguyễn, được gọi là Đàng Trong. Năm 1859, Pháp đánh chiếm thành Gia Định, mở đầu cuộc xâm lược đất Việt Nam. Năm 1862, ngày 13 tháng 4, triều đình Huế cắt 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ (Biên Hòa, Gia Định và Định Tường) nhượng cho Pháp. Năm 1867, Pháp đơn phương tuyên bố toàn bộ 6 tỉnh Nam Kỳ là lãnh địa của Pháp. Từ đó, Nam Kỳ được hưởng quy chế thuộc địa, với chính quyền thực dân, đứng đầu là một Thống đốc người Pháp. Hiệp ước Quý Mùi (25 tháng 8 năm 1883) nhập thêm tỉnh Bình Thuận vào Nam Kỳ (thuộc địa Pháp) coi như trừ số tiền bồi thường chiến phí còn lại mà triều đình Huế chưa trả hết, nhưng năm sau, Hiệp ước Giáp Thân (6 tháng 6 năm 1884) lại trả tỉnh Bình Thuận về cho Trung Kỳ. Năm 1887, Nam Kỳ trở thành một vùng lãnh thổ nằm trong Liên bang Đông Dương. Năm 1933, quần đảo Trường Sa sáp nhập vào Nam Kỳ thuộc Pháp. Năm 1940, Đế quốc Nhật Bản chiếm Nam Kỳ từ tay Pháp. Tháng 3 năm 1945 Thống sứ Nhật Nashimura đổi Nam Kỳ thành Nam Bộ. Mãi đến năm 1945, thời Đế quốc Việt Nam với chính phủ Trần Trọng Kim tuyên bố sáp nhập Nam Kỳ lại thành một bộ phận của Đế quốc Việt Nam. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập. Ủy ban hành chính lâm thời Nam Bộ, hay Lâm ủy Nam Bộ, do chính quyền mới lập ra, đã tiếp quản vùng đất này. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng xóa bỏ việc phân chia Bắc-Trung-Nam Kỳ của Pháp, tuyên bố nước Việt Nam là một quốc gia thống nhất. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, chưa đầy một tháng sau khi độc lập, Pháp đã nổ súng gây chiến ở Sài Gòn rồi mở rộng đánh chiếm Nam Bộ. Pháp đã lập ra thể chế Nam Kỳ quốc hòng tách khu vực này ra khỏi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Không đánh bại được Việt Minh, Pháp phải dùng "giải pháp Bảo Đại", thành lập chính phủ Quốc gia Việt Nam vào năm 1949. Ngày 22 tháng 5 năm 1949, Quốc hội Pháp chính thức bỏ phiếu thông qua việc trao lãnh thổ Nam Bộ cho Quốc gia Việt Nam quản lý về hành chính. Sau năm 1975, danh xưng này không còn được sử dụng trong cách văn bản hành chính hoặc báo chí (trừ khi nói về sự kiện hoặc địa danh lịch sử). Dân số Năm 1905: Số dân toàn Nam Kỳ là 2.876.417 người. Năm 1909: 2.975.838 người. Năm 1920: khoảng 3.600.000 người. Vào thập niên 1940 số dân cư thành thị ở Nam Kỳ tăng đều. Những trung tâm đô thị lớn gồm: {| border=1 cellspacing=0 cellpadding=5 ! Thành phố, thị xã ! Dân số |- | Sài Gòn ! 220.000 |- | Chợ Lớn ! 200.000 |- | Cần Thơ ! 16.500 |- | Vĩnh Long ! 13.000 |- | Mỹ Tho ! 12.500 |} Xem thêm Nam Bộ Trung Kỳ Bắc Kỳ Tả Kỳ Trực Kỳ Hữu Kỳ Liên bang Đông Dương Nam Kỳ Quốc Thời Pháp thuộc Lịch sử hành chính Thành phố Hồ Chí Minh Nam Kỳ Lục tỉnh Chú thích Tham khảo Hoàng Cơ Thụy. Việt sử khảo luận. Paris: Nam Á, 2002. Liên kết ngoài Lịch sử Nam Kỳ trên website Thiên Lý Bửu Tọa An Nam 1858-1863 Địa danh cũ Việt Nam Nam Bộ Hành chính Việt Nam thời Nguyễn Thành viên Liên bang Đông Dương Khởi đầu năm 1862 ở Việt Nam Cựu thuộc địa ở châu Á Cựu quốc gia ở Đông Nam Á Chấm dứt năm 1949 ở Việt Nam Chấm dứt năm 1949 ở Liên bang Đông Dương Địa lý Việt Nam Lịch sử Việt Nam Vùng của Việt Nam Khởi đầu năm 1945 ở Việt Nam
7535
https://vi.wikipedia.org/wiki/T%C3%A1i%20chi%E1%BA%BFt%20kh%E1%BA%A5u
Tái chiết khấu
Tái chiết khấu là việc ngân hàng thương mại hoặc ngân hàng trung ương thực hiện việc mua lại các giấy tờ có giá còn thời hạn thanh toán và đáng tin cậy thuộc sở hữu của các ngân hàng khác theo tỉ suất tái chiết khấu nhất định. Các giấy tờ có giá này đã được các ngân hàng chiết khấu, tái chiết khấu trên thị trường thứ cấp. Quy trình như sau: Thường trong các giao dịch tín dụng thương mại, mối quan hệ "nợ nần" giữa người mua và người bán được cam kết thông qua việc phát hành thương phiếu và các giấy tờ có giá khác. Thương phiếu gồm hối phiếu (lệnh đòi tiền do người bán ký phát cho người mua yêu cầu trả tiền) và lệnh phiếu (do người mua ký phát cam kết trả tiền cho người bán) và có thể được đem đi chiết khấu tại ngân hàng. Tuỳ vào giá trị và mức độ tin cậy của giao dịch mà ngân hàng thương mại chấp nhận chiết khấu thương phiếu đó theo tỉ suất nhất định. Ngân hàng thương mại cũng có thể đem các giấy tờ có giá đó tái chiết khấu tại các ngân hàng thương mại khác hoặc ngân hàng Trung ương theo tỉ suất tái chiết khấu khác. Thông thường việc quy định tỉ suất tái chiết khấu từ phía ngân hàng Trung ương cao hay thấp hơn tỉ suất thị trường đều có ảnh hưởng tới lượng cung tiền tệ trong lưu thông. Tham khảo Tài chính
7538
https://vi.wikipedia.org/wiki/X%C6%B0%C6%A1ng
Xương
Xương là bộ phận quan trọng của cơ thể, với chức năng khác nhau, giúp cơ thể chuyển động, bảo vệ các cơ quan nội tạng. rất quan trọng với chúng ta giúp chúng đi đứng Xương của động vật (thuộc hệ vận động) đảm nhận các vai trò trong việc tạo hình cơ thể, tạo các khoang chứa cơ quan nội tạng, hỗ trợ quá trình vận động, là nơi sản sinh của các tế bào máu.... Về mặt cấu tạo, xương chủ yếu được tạo thành từ khoáng chất (đa phần là calci) và tế bào xương. Để thực hiện chức năng này, xương cần phải có cấu trúc đặc biệt. Chức năng Nâng đỡ cơ thể Hệ thống xương bảo vệ các cơ quan trong cơ thể: Như là tủy sống nằm trong ống sống, não bộ nằm trong hộp sọ, hệ tuần hoàn và hô hấp nằm trong lồng ngực.  Chức năng vận động:Các xương dài nối với cơ bắp bằng gân. Do các cơ bám vào xương được coi như hệ đòn bẩy đến từ các khớp. Dưới tác động của hệ thần kinh, cơ co duỗi làm các xương hoạt động nên xương đóng vai trò chủ động khi vận động. Các xương nối với nhau ở khớp bởi dây chằng. Tác động qua lại của xương với cơ được nghiên cứu trong cơ sinh học. Sản xuất máu Ngoài việc nâng đỡ cơ thể, xương còn là nơi sản xuất ra hồng cầu cho máu. Chính xác hơn là tuỷ xương - thứ chất giống như thạch ở bên trong ống xương làm ra. Có hai loại tuỷ xương, loại tuỷ vàng béo ngậy(ở người già) không sinh ra hồng cầu, chỉ có loại tuỷ đỏ (ở trẻ em)ở trong xương bả vai, xương hông, xương sườn, xương ức và xương chậu mới sản xuất hồng cầu. Những dây chuyền chế tạo năng suất cao này luôn sản xuất ra 1 lượng hồng cầu bù với số lượng hồng cầu mất đi. Cấu trúc Xương tương đối cứng và có thành phần nhẹ, tạo phần tạo bởi hai thành phần chính gồm chất vô cơ và chất hữu cơ. Chất vô cơ trong xương tồn tại dưới dạng Calci phosphate trong cách sắp xếp hóa học gọi là kiểu Ca5(PO4)3OH. Chất hữu cơ trong xương có tên gọi là Ossein hay còn được gọi là cốt giao. Có sức nén tương đối cao nhưng sức căng kém. Trong khi xương giòn, có độ co giãn phụ thuộc vào thành phần sinh học (chủ yếu vào sụn). Xương có cấu trúc mắt lưới, và độ đặc tùy vào từng điểm. Trên cơ thể người có 206 xương và được chia làm 3 phần: xương đầu, xương thân (xương mình) và xương chi. Xương có thể rắn chắc hay xốp. Vỏ (lớp ngoài) xương thì rắn chắc; 2 đề ngữ có thể dùng thay thế cho nhau. Lớp ngoài xương tạo nên phần lớn khối lương của xương; nhưng, bởi vì độ đặc của nó, nên có diện tích bề mặt ít. Xương xốp có cấu trúc tổ ong, có diện tích mặt ngoài cao, như chỉ tạo phần ít của xương. Xương có thể mềm hay cứng. Xương mềm có thể thay thế trong qua trình phát triển hay hồi phục. Được gọi như thế vì cấu trúc không đồng nhất và kết quả là có sức chịu kém. Ngược lại thì xương cứng có cấu trúc song song và cứng hơn nhiều. Xương mềm thường được thay thế bởi xương cứng trong khi lớn. Xương sọ Hộp sọ cũng có khớp xương, nhưng theo kiểu khác. Hộp sọ được cấu tạo gồm 22 mảnh xương riêng lẻ hợp thành, nhưng khớp xương giữa chúng không cử động được. Các khớp hộp sọ khít chặt với nhau giống như những miếng ghép hình. Vì thế hộp sọ rất chắc chắn, rất thích hợp để bảo vệ não cũng như giữ cho khuôn mặt ta được ổn định, chứ không méo mó khi ta cử động. Xương tay Cấu tạo xương tay khá linh hoạt để có thể hoạt động hằng ngày, ngay từ khi những tổ tiên ăn lông ở lỗ của chúng ta chuyển từ việc bò bằng 4 chân sang đứng thẳng trên hai chân, họ đã sử dụng đôi tay làm nhiều việc khác hơn. Một bàn tay có tới 27 xương nhỏ để có thể cử động dễ dàng, và các ngón tay có thể chạm vào nhau. Xương chi dưới Gồm có 31 xương: xương chậu, xương đùi, xương bánh chè, xương cẳng chân, xương cổ chân, xương bàn chân và xương ngón chân. Xương mình Gồm 33 đốt xương sống và có chiều dài từ 60 đến 70 cm, xương mình được chia làm 5 phần và 4 đoạn cong. Xem thêm Bộ xương Thiếu xương Hình ảnh Tham khảo Liên kết ngoài CIMSI VNN
7539
https://vi.wikipedia.org/wiki/B%E1%BB%99%20x%C6%B0%C6%A1ng
Bộ xương
Trong sinh học, bộ xương hay khung xương là một khung cứng, giúp bảo vệ và kết cấu ở nhiều loại động vật, đặc biệt là ngành động vật có dây sống và Siêu ngành Động vật lột xác. Có hai loại bộ xương khác nhau: bộ xương ngoài, đó là vỏ ngoài ổn định của một sinh vật, và bộ xương trong, mà hình thức cấu trúc hỗ trợ bên trong cơ thể. Ngoài ra còn có hai hình thức khác của bộ xương được gọi là khung xương thủy tĩnh (hydroskeleton) và khung tế bào (cytoskeleton). Bộ xương ngoài tồn tại ở nhiều động vật không có xương sống; và chúng vây quanh với những mô và cơ quan mềm của cơ thể. Bộ xương ngoài có thể trải qua thời kỳ lột xác khi động vật lớn lên. Bộ xương trong như ở những động vật có xương sống, thường được da và cơ bắp bao phủ, bộ xương này bảo vệ các cơ quan quan trọng. Bộ xương người chiếm khoảng 14% khối lượng cơ thể. Phân loại Bộ xương ngoài Bộ xương ngoài là khung xương bên ngoài cùng, và được tìm thấy trong nhiều động vật không xương sống; chúng bao bọc và bảo vệ mô mềm và các cơ quan của cơ thể. Một số loại bộ xương ngoài trải qua lột xác định kỳ khi các loài này phát triển, như trường hợp ở các động vật chân đốt bao gồm cả côn trùng và động vật giáp xác. Bộ xương ngoài được làm bằng vật liệu khác nhau bao gồm chitin (trong động vật chân đốt), các hợp chất calci (trong san hô đá và động vật thân mềm) và silicat (đối với tảo cát và radiolarians.) Bộ xương ngoài của côn trùng không chỉ là một lớp bảo vệ mà còn phục vụ như một bề mặt để gắn các cơ, như là một bảo vệ chống thấm nước và chống bị khô, và như một giác quan để động vật tương tác với môi trường. Vỏ nhuyễn thể cũng thực hiện tất cả các chức năng tương tự, ngoại trừ trong nhiều trường hợp nó không chứa các giác quan. Bộ xương ngoài có thể là khá nặng nề khi so với khối lượng tổng thể của một con vật, vì vậy trên đất liền, sinh vật có một bộ xương ngoài hầu hết là tương đối nhỏ. Các động vật thủy sản lớn có thể hỗ trợ một bộ xương ngoài to hơn vì trọng lượng chúng nhẹ hơn khi ở dưới nước. Ngao khổng lồ phía Nam, một loài ngao nước mặn cực lớn ở Thái Bình Dương, có lớp vỏ lớn cả về kích cỡ và trọng lượng. Syrinx aruanus là một loài ốc biển có vỏ rất lớn. Chú thích Giải phẫu học động vật Bộ xương người
7540
https://vi.wikipedia.org/wiki/Sinh%20tr%C6%B0%E1%BB%9Fng%20s%C6%A1%20c%E1%BA%A5p
Sinh trưởng sơ cấp
Sinh trưởng sơ cấp là quá trình sinh trưởng ở thực vật do sự phân chia của các mô phân sinh ngọn (apical meristems) làm thực vật gia tăng chiều cao (chiều dài) tại đỉnh chồi, đỉnh rễ, đầu lá, mầm Sinh trưởng sơ cấp xảy ra ở cây Một lá mầm và phần thân non của cây Hai lá mầm Liên kết Tổ chức cơ thể của thực vật bậc cao và sự thích nghi Tham khảo
7546
https://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%C6%B0%E1%BB%9Dng%20%C4%90%E1%BA%A1i%20h%E1%BB%8Dc%20M%E1%BB%B9%20thu%E1%BA%ADt%20Vi%E1%BB%87t%20Nam
Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam
Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, tiền thân là Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương thuộc Viện Đại học Đông Dương, là một trường đại học hàng đầu của Việt Nam về đào tạo nhóm ngành Mỹ thuật. Nơi đây đã sản sinh ra nhiều họa sĩ tài danh Việt Nam. Đầu năm 2008 trường đã được đổi tên là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, trước đó là Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Lịch sử Trường Mỹ thuật Đông Dương Trường Mỹ thuật Đông Dương được thành lập ngày 27 Tháng Mười năm 1924 với sắc lệnh của Toàn quyền Đông Dương Martial Merlin. Tên tiếng Pháp của trường khi đó là École Supérieure des Beaux-Arts de l'Indochine (en) nhưng nếu theo hệ thống giáo dục chính quy của Pháp thì không thể coi Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương là trường cao đẳng vì École Supérieure phải thuộc hệ thống trường lớn (Grandes écoles), tức những trường bậc đại học danh tiếng nhất. Đúng ra theo hệ thống giáo dục Pháp thì trường cao đẳng là trường đại học chuyên ngành, thể thức thi tuyển vào còn khó khăn hơn các trường Đại học (Université) bình thường. Tuy nhiên trường Cao đẳng Mỹ thuật đã thành công như một bước đột phá mang quy thức nghệ thuật Tây phương đến Đông Dương. Người đảm nhiệm thành lập trường là họa sĩ người Pháp Victor Tardieu; ông được bổ làm hiệu trưởng. Khi ông mất năm 1937, Évariste Jonchère (en 1892-1956) là người kế nhiệm. Vào thời Nhật chiếm (1940-45) hoạt động của trường bị hạn chế rất eo hẹp. Năm 1943 vì nạn oanh tạc của máy bay Đồng minh Trường phải tản cư dời bỏ Hà Nội. Khoa hội họa do Joseph Inguimberty (en) điều hành và một phần khoa điêu khắc dời lên Sơn Tây. Khoa kiến trúc và phần lớn khoa điêu khắc thì theo Jonchère vào Đà Lạt. Một số lớp mỹ thuật trang trí thì lánh xuống Phủ Lý. Khi Nhật đảo chính Pháp Tháng Ba năm 1945 thì Trường bị giải tán. Trường hoạt động trong thời gian 20 năm (1925-45), trao bằng tốt nghiệp cho 128 sinh viên họa sĩ, trong đó có những tên tuổi lớn của nền mĩ thuật Việt Nam sau này như Nam Sơn, tên thật Nguyễn Vạn Thọ (1890-1973), Nguyễn Phan Chánh, Georges Khanh, Tô Ngọc Vân và Lê Phổ. Thể thức thi cử nhập học và học trình Nhà trường tổ chức tuyển sinh tại Hà Nội – Huế - Sài Gòn –Phnompenh – Vientiane cùng một lúc, bao gồm các môn thi sau: Hình họa, vẽ người mẫu trong 6 buổi, mỗi buổi 3 giờ. Bố cục trang trí theo đề tài, mỗi buổi 8 giờ liền. Định luật xa gần, mỗi buổi 4 giờ. Một bài luận Pháp văn, chỉ kiểm tra. Các bài thi của thí sinh đều niêm phong gửi về Hà Nội chấm và xếp hạng. Thời kì cuối cùng Tháng 12/1943, Mỹ ném bom Hà Nội, theo chủ trương của Nha học chính Đông Dương các trường phải sơ tán khỏi Hà Nội, trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã chia thành 3 bộ phận sơ tán 3 nơi: Các lớp mỹ nghệ sơ tán xuống Phủ Lý do Geogie Khánh và Bùi Tường Viên phụ trách. Khoa kiến trúc và một phần lớn khoa điêu khắc vào Đà Lạt do E. Jonchère phụ trách. Năm 1944, Khoa Kiến trúc ở Đà Lạt được nâng thành Trường Kiến trúc, nhưng vẫn trực thuộc Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (Nghị định ngày 22-2-1944). Khoa hội họa và một bộ phận nhỏ khoa điêu khắc lên Sơn Tây do giáo sư Inguimberty cùng với các họa sĩ Nam Sơn và Tô Ngọc Vân phụ trách. Chương trình học vẫn như cũ, nhưng do tình trạng sơ tán các môn phụ và lý thuyết phải bỏ, chỉ học được những môn chính. Việc học tập của sinh viên gần với thiên nhiên và gắn với thực tế hơn. Đó chính là đặc điểm của thời kỳ này. Năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đóng cửa. Ở Đà Lạt, khoa Kiến trúc sau năm 1945 vẫn tiếp tục đào tạo, tên gọi của trường vẫn duy trì đến năm 1948. Triển lãm đã tổ chức Triển lãm thuộc địa tại Paris năm 1931. Những hoa sĩ tham gia gồm có Đặng Trần Cốc, Đỗ Đức Thuận, Hồ Văn Lái, Lê Phổ, Lê Thị Lựu, Lê Văn Đệ, Mai Trung Thứ, Nam Sơn, Nguyễn Hữu Đẩu, Nguyễn Phan Chánh, Phạm Hữu Khánh, Thang Trần Phềnh, Tô Ngọc Vân. Các chất liệu gồm có sơn dầu, lụa, khắc gỗ, màu nước và sơn. Khi triển lãm kết thúc, các tác phẩm phần được bán, phần được lưu giữ tại Pháp, được tiếp tục đem trưng bày tại Salon các nghệ sĩ Pháp, một phần còn lại được lưu giữ tại văn phòng kinh tế Đông Dương. Triển lãm tại Salon các nghệ sĩ Pháp tại Paris năm 1933 gồm có các họa sĩ Nam Sơn, Lê Văn Đệ, Lê Phổ. Năm 1943, Galerie Hessel triển lãm tranh của Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm Năm 1948, triển lãm về hội họa và điêu khắc của các họa sĩ đã từng theo học trường Mỹ thuật Đông Dương được tổ chức tại Khu học xá của trường Đại học Pháp Các tác phẩm hội họa của các học sinh trưởng Mỹ thuật Đông Dương được triển lãm tại Roma năm 1932, Cologne năm 1933, tại Milano 1934, tại Bỉ năm 1935 – 1937, tại San Francisco năm 1937, tại Nhật năm 1940… Viện Mỹ thuật Thành lập năm 1962 Viện Mỹ thuật do họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung làm Viện trưởng. Năm 1995 trường sáp nhập với trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam). Trong giai đoạn này Viện đã có nhiều công trình nghiên cứu đã xuất bản như: Mỹ thuật Lý, Trần, Lê, Mạc Mỹ thuật Nguyễn ở Huế, Bản rập họa tiết Mỹ thuật cổ Việt Nam, Hình tượng con người trong chạm khắc cổ Việt Nam, Mỹ thuật Việt Nam Hiện đại, Bãi đá cổ Sapa dưới con mắt tạo hình. Cơ sở vật chất Trường nằm giữa khu phố và dân cư đông đúc của thành phố, có diện tích khá nhỏ, một phần diện tích của trường Cao đẳng xưa đã bị cắt bớt để xây dựng trụ sở một cơ quan của Bộ Công An nằm kế bên. Trường có 5 khối nhà chính, với khoảng 20 phòng học, một nhà bảo tàng, một nhà triển lãm, 2 xưởng sơn mài, 1 xưởng đồ họa, 2 phòng máy tính với khoảng 50 máy và một thư viện. Trường có một ký túc xá nằm trong khuôn viên với khoảng gần 30 phòng. Phòng dành cho sinh viên trong nước thì nhỏ, kê 3 giường đôi, có nhà vệ sinh riêng và có bình nước nóng. Phòng dành cho sinh viên nước ngoài rộng, đẹp và thuận tiện hơn, với trang thiết bị giống một phòng khách sạn nhỏ. Ở khu nhà học có một cửa sau nối ra khu tập thể Đại học Mỹ thuật Hà Nội (Ngõ 149 Lê Duẩn). Hiện nay, cửa đã không được sử dụng và bị đóng vĩnh viễn. Tuyển sinh Từ năm 2013, trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam lựa chọn phương thức tuyển sinh kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển (tổ chức các môn thi năng khiếu, xét tuyển môn Ngữ văn). Địa điểm thi tại trường. Các môn thi Hình họa: Vẽ người toàn thân bằng chất liệu chì hoặc than, thời gian thi 01 ngày (8 tiết, mỗi tiết 45 phút). Thí sinh đứng theo vị trí sắp sẵn theo số báo danh. Giờ nghỉ giữa các tiết tất cả các thí sinh bắt buộc phải ra khỏi phòng và trở lại khi bắt đầu tiết sau. Trang trí: Vẽ một bài trang trí theo chủ đề. Kích thước tuỳ vào đề thi, chất liệu bột màu trên giấy thi của trường. Thời gian thi 01 ngày (8 giờ liền kể cả thời gian nghỉ ăn trưa). Thí sinh không được phép ra khỏi phòng suốt thời gian này. Người nhà được đưa thức ăn vào theo số báo danh, hoặc trong trường có bán cơm hộp hoặc bánh mì. Bố cục: Vẽ một bài bố cục theo chủ đề. Kích thước và thể lệ như môn trang trí. Tượng tròn: Nặn chân dung người, thời gian thi 01 ngày (8 tiết, mỗi tiết 45 phút). Phù điêu: Nặn phác thảo phù điêu, thời gian thi 01 ngày (8 giờ liền kể cả thời gian nghỉ ăn trưa). Văn:  Môn Ngữ văn chỉ xét tuyển chứ không thi. Điểm Ngữ văn được tính là điểm trung bình của kết quả thi tốt nghiệp phổ thông trung học và điểm tổng kết ba năm học trung học phổ thông của môn Ngữ văn, điểm trung bình môn Ngữ văn phải từ 5,0 trở lên. Riêng thí sinh dự thi ngành Sư phạm Mỹ thuật phải đạt 6,5 trở lên. Các chương trình đào tạo Trường đã từng có các chương trình đào tạo hệ sơ cấp và cao đẳng, song giờ chỉ còn hệ Đại học và sau Đại học. Hệ đại học Khoa Hội Họa Mỗi năm tuyển sinh chừng 30-40 người. Tuyển sinh thường niên. Thời gian học 5 năm. Mỗi năm chia làm 2 kì. Mục tiêu đào tạo: Đào tạo cử nhân nghệ thuật ngành Hội họa có trình độ và khả năng sáng tạo các tác phẩm hội họa và phục vụ các hoạt động mỹ thuật khác của xã hội. Đặc điểm chương trình học: chuyên về Hội họa với các chất liệu chủ yếu: Sơn dầu, Sơn mài, Lụa. Không học các môn in và khắc. Học Hình họa vào tất cả các buổi sáng (trừ kì học cuối cùng). Có đóng học phí. Khoa Đồ họa Mỗi năm tuyển sinh chừng 7-10 người. Tuyển sinh thường niên. Thời gian học 5 năm. Mỗi năm chia làm 2 kì. Đặc điểm chương trình học: chuyên về các kĩ thuật in ấn đồ họa và khắc như: in đá, in kẽm, khắc gỗ... Không học kĩ thuật Sơn mài. Học Hình họa vào tất cả các buổi sáng (trừ kì học cuối cùng). Có đóng học phí. Khoa Thiết kế đồ họa Mỗi năm tuyển sinh chừng 20-45 người. Tuyển sinh thường niên. Thời gian học 5 năm. 2 năm đầu được xem là 2 năm cơ bản về chuyên ngành, 3 năm sau là 3 năm học chuyên sâu. Mục tiêu đào tạo: Đào tạo cử nhân ngành Thiết kế đồ họa, có trình độ và khả năng thiết kế, sáng tác những tác phẩm đồ họa hai chiều với chức danh là nhà thiết kế đồ họa (Graphic Designer), đồng thời có thể làm một số công việc như là nhà thiết kế quảng cáo (Advertising Designer). Có đóng học phí. Khoa Điêu khắc Thời gian học 5 năm. Mỗi năm chia làm 2 kì. Mỗi năm tuyển sinh chừng 7-9 người. Tuyển sinh thường niên. Đặc điểm chương trình học: chuyên sâu về tạo hình khối với các bài nghiên cứu trên đất sét. Chỉ học Hình Họa 2 kì đầu tiên. Có đóng học phí. Khoa Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật Thời gian học 5 năm. Mỗi năm chia làm 2 kì. Tuyển sinh chừng 5-10 người. Tuyển sinh không thường niên. Đặc điểm chương trình học: nghiên cứu lịch sử mĩ thuật và các môn lý luận. Học Hình họa vào các buổi chiều mỗi 2 tuần. (2 tuần học liền 2 tuần không học) trong 6 kì học đầu. Có đóng học phí. Khoa Sư phạm Mỹ thuật Thời gian học 4 năm. Mỗi năm chia làm 2 kì. Mỗi năm tuyển sinh chừng 25 người. Tuyển sinh thường niên. Đặc điểm chương trình học: học đủ các chất liệu Lụa, Sơn mài, Sơn dầu, Khắc gỗ. Tăng cường các môn Lý luận và Sư phạm. Học Hình họa vào tất cả các buổi sáng (trừ năm học cuối cùng). Có 2 chuyến đi thực tập giảng dạy xa Hà Nội vào năm thứ 3 và 4. Mỗi chuyến từ 2-4 tuần. Không đóng học phí. Đặc điểm học Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam đào tạo sinh viên Mĩ thuật tạo hình Sinh viên không có quyền chọn lựa môn học, và phải hoàn thành đủ mọi môn. Với các môn chuyên ngành (tùy theo từng khoa), các bài vẽ đều được tính điểm. Bài cuối cùng mỗi kì được tính điểm số với mức quan trọng của một bài thi. Mỗi năm, các lớp đều có một chương trình gọi là Đi Thực Tế; kéo dài 4-8 tuần tại một vùng ngoại thành nào đó trong bán kính khoảng 600 km. Các địa điểm gồm miền núi, miền biển, và nông thôn (đồng bằng). Trong thời gian này sinh viên được liên hệ sống chung với gia đình người dân. Mục đích chuyến đi là lấy tư liệu vẽ thực tế bằng ghi chép, ký họa. Riêng khoa Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật, các chuyến đi có thể ngắn ngày hơn, song tới một chuỗi các địa danh khác nhau, và sinh viên ghi chép lại các thông tin về lịch sử mĩ thuật. Năm cuối cùng, mỗi sinh viên tự chọn nơi đi thực tế tự do, có thể đi một mình hoặc một nhóm. Có sinh viên chọn ở lại Hà Nội ghi chép cảnh phố xá, có sinh viên chọn đi xa như vào Tây Nguyên, Nam trung bộ. Các chương trình trao đổi sinh viên Một số bộ môn chuyên ngành Hình họa Bố cục Trang trí Kĩ thuật Lụa Kĩ thuật Sơn dầu Kĩ thuật Sơn mài Kĩ thuật Khắc và in gỗ Kĩ thuật Khắc và in kẽm Triển lãm tranh và tượng của sinh viên hàng năm Kì thi tốt nghiệp Hệ sau đại học Chương trình sau đại học được đào tạo không tập trung trong 3 năm, 2 năm đầu là 5 tháng năm cuối 8 tháng. Học phí và học bổng Học phí đóng theo từng kỳ, hiện là khoảng 2.400.000 VND (Khoảng 105,6 USD), đây là học phí cho Sinh viên là người Việt (được nhà nước bao cấp phần lớn chi phí). Với sinh viên nước ngoài học phí là từ 2500$-3000$. Sinh viên được cung cấp họa phẩm môn Hình họa theo từng đợt, chủ yếu bao gồm: bảng vẽ, giá vẽ, giấy vẽ (các loại), bút vẽ, màu bột, màu sơn dầu, xát xi, toan vẽ. Từ năm 2013-2014 trở đi không được cấp nữa. Hoạ phẩm các bài chuyên khoa (đồ hoạ. hội họa, điêu khắc) do học sinh tự túc (đổi mới từ năm học 2007-2008). Một số các bài vẽ chuyên khoa Sơn dầu, Lụa, in Đồ họa, và các bài Sơn mài tốt sẽ được trường lưu giữ lại với một khoản tiền dành cho sinh viên có bài tập tốt (Nhà trường mua tranh của sinh viên). Mọi sinh viên có điểm tổng kết trung bình trên 7.5, và không có môn học nào dưới 5.0 hoặc phải thi lại đều được nhận mức học bổng 120.000/tháng. Học bổng xét theo từng kì. Nhận vào cuối kỳ sau của kỳ xét đạt học bổng. Ngoài ra tất cả các sinh viên đều được tiền phụ cấp hàng tháng khoảng 200.000 đến 220.000 VND (trợ cấp nghề, do môi trường làm việc có tính chất độc hại). Cựu sinh viên tiêu biểu Khóa I: Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Nguyễn Phan Chánh, Lê Văn Đệ... Khóa II: Tô Ngọc Vân Khóa III: Nguyễn Cao Luyện, Trần Quang Trân, Hoàng Lập Ngôn, Lê Thị Lựu Khóa IV: Nguyễn Tường Lân Khóa V: Phạm Hậu Khóa VI: Trần Văn Cẩn, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Khang Khóa VII: Nguyễn Đỗ Cung, Lương Xuân Nhị Khóa VIII: Huỳnh Tấn Phát Khóa XI: Hoàng Tích Chù, Nguyễn Văn Tỵ, Bùi Trang Chước.. Một số nhạc sĩ cũng theo học vẽ tại đây: Đặng Thế Phong, Phạm Duy, Văn Cao, Nguyễn Đức Toàn, Nguyễn Đình Phúc... Thế hệ sau như: Nguyễn Bá Lăng, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm... Chú thích Trường đại học và cao đẳng tại Hà Nội Đại học Mỹ thuật Việt Nam Đại học và cao đẳng công lập tại Việt Nam Mỹ thuật Việt Nam Khởi đầu năm 1925 ở Việt Nam
7547
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ba%20Ng%C3%B4i
Ba Ngôi
Ba Ngôi (tiếng Latinh: Trinitas) là Thiên Chúa, theo giáo lý của hầu hết các giáo hội thuộc cộng đồng Kitô giáo, Thiên Chúa là duy nhất, hiện hữu trong ba ngôi vị: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần (Chúa Thánh Linh). Về phương diện lịch sử, học thuyết Ba Ngôi đã được khẳng định là giáo lý chính thức của hội thánh bởi các bản tín điều (creed) Nicaea (năm 325), và Athanasius (khoảng năm 500) nhằm chuẩn hoá các xác tín khi những bất đồng về thần học nảy sinh giữa hội thánh. Các bản tín điều này được xác lập bởi hội thánh trong thế kỷ thứ 3 và thứ 4 hầu đối phó với các thuyết dị giáo liên quan đến giáo lý Ba Ngôi cũng như vị trí của Chúa Cơ đốc trong Ba Ngôi. Bản tín điều Nicaea-Constantinopolis (năm 381) được công nhận bởi Chính thống giáo Đông phương, cũng được Giáo hội Công giáo Rôma công nhận với một sửa đổi và hầu hết các giáo phái Kháng Cách chấp nhận bản tín điều này. Tín điều Nicaea, cấu trúc căn bản của giáo lý Ba Ngôi, dùng từ "homousia" (trong Hi văn nghĩa là có cùng một bản thể) để định nghĩa mối quan hệ giữa các thành viên của Ba Ngôi. Khi đọc lên, hầu như không có sự khác biệt giữa từ này và một từ khác được sử dụng bởi những người chống thuyết Ba Ngôi, từ "homoiousia" (Hi văn: có bản thể tương tự - ngụ ý có ba thần linh riêng biệt). Sự dị biệt tưởng chừng như rất nhỏ này đã góp phần dẫn đến những bất đồng sâu sắc về thần học và những chia cắt không thề hàn gắn trong cộng đồng Cơ Đốc giáo vào thời kì đó. Kinh Thánh và truyền thống Mặc dù thuật từ Ba Ngôi (Hi văn: Τριάς Trias) không được tìm thấy trong Tân Ước, cũng không xuất hiện cho đến khi được sử dụng bởi Tertullian vào đầu thế kỷ thứ ba, những người ủng hộ thuyết Ba Ngôi tin rằng chính Tân Ước chứa đựng những nền tảng mà giáo lý Ba Ngôi được hình thành và các khái niệm của học thuyết đã được đề cập đến cách có hệ thống và xuyên suốt trong Kinh Thánh, trong các tín điều và các nguồn khác từ truyền thống giáo hội sơ khai. Họ chỉ ra ngay từ những trang đầu tiên của Cựu Ước như Sáng thế ký 18.1-16, trong các sách Phúc Âm và trong nhiều thư tín được truyền đọc trong vòng hội thánh tiên khởi. Bài học vỡ lòng Kitô hữu học biết về giáo lý Ba Ngôi khi chịu lễ rửa tội (báp thai). Cũng là bước khởi đầu để thấu hiểu tại sao giáo lý này quan trọng với Kitô hữu, ngay cả khi họ nhận ra rằng học biết về bản thể của Thiên Chúa là vượt quá sự hiểu biết của họ. Bản Tín điều các Sứ đồ, như là bản tóm lược về đức tin Kitô giáo, ngày càng phổ biến hơn. Bản tín điều này là kiểu mẫu cho sự xác tín giáo lý Ba Ngôi giúp người qui đạo xác chứng niềm tin của họ khi thụ lễ báp têm và vào những dịp khác theo lịch phụng vụ của hội thánh. Họ chịu lễ báp têm "nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần" (Mat. 28.19). Cung cách ban thánh lễ báp têm này đã có từ thời kỳ sơ khai của hội thánh, được chép lại trong tác phẩm Didache được thực hành bởi Ignatius, Tertullian, Hippolytus, Cyprian, và Gregory Thaumaturgus. Như thế, cuộc sống tôn giáo cũng như nhận thức của họ về sự cứu rỗi khởi đầu với lời xác chứng liên quan đến Ba Ngôi. Theo học thuyết Ba Ngôi, cả ba ngôi vị đều tỏ hiện vào lúc Chúa Giê-xu chịu lễ báp têm, "Vừa khi chịu phép rửa xong, Chúa Giê-su vừa lên khỏi nước, kìa, các tầng trời mở ra, Ngài thấy Thánh Linh của Thiên Chúa ngự xuống như chim bồ câu và đậu trên Ngài; Tức thì, có tiếng từ trời phán rằng, Này là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đàng" (Mat. 3.16-17). Đối với những tín hữu tin vào thuyết Ba Ngôi, ba thân vị của Ba Ngôi đã hiển lộ cùng một lúc vào dịp cử hành lễ thanh tẩy (báp têm). Đời sống Kitô giáo và Mầu nhiệm Ba Ngôi Tính duy nhất của bản thể Thiên Chúa cùng tính đa nguyên huyền nhiệm của ba ngôi giải thích bản chất của sự cứu rỗi và bày tỏ sự sống vĩnh cửu. "Ấy là nhờ Chúa Con mà chúng ta được phép đến gần Chúa, trong một Chúa Thánh Linh" (Eph.2.18). Mối tương giao với Cha là mục tiêu của cuộc sống Cơ Đốc, có được qua sự hiệp nhất của Thiên Chúa với bản thể nhân tính trong Chúa Giê-xu Cơ Đốc. Giê-xu là Thiên Chúa nhưng nhận lấy cái chết của một con người để cứu chuộc người có tội, hầu cho tín hữu nhận lãnh sự tha thứ và tình bằng hữu của Thiên Chúa qua sự vận hành của Chúa Thánh Linh, đấng làm Chúa Giê-xu sống lại từ kẻ chết, cũng là đấng thấu hiểu Thiên Chúa (vì Giê-xu là Thiên Chúa), soi dẫn và ban năng lực cho tín hữu để họ có thể thực thi ý chỉ của Thiên Chúa. Như thế, giáo lý này ảnh hưởng đến mọi phương diện trong đức tin và sống đạo của tín hữu Cơ Đốc. Cũng dễ hiểu khi có nhiều người, suốt theo dòng lịch sử Cơ Đốc giáo, đã tranh đấu quyết liệt để bảo vệ nó. Một Thiên Chúa Thiên Chúa là thực thể duy nhất. Cựu Ước xem xác tín này là trọng hơn hết. Đi cùng với nhiều lời cảnh báo, xác tín ấy là sự đòi hỏi tối hậu cho sự tuân giữ giao ước với Thiên Chúa. "Hỡi Israel, hãy lắng nghe, Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa duy nhất" (Phục truyền 6.4), "Trước mặt ta ngươi chớ có các thần khác" (Phục truyền 5.7) và "Thiên Chúa, là Vua và Đấng cứu chuộc của Israel, là Chúa toàn năng phán rằng: Ta là đầu tiên và cuối cùng, ngoài ta không có Thiên Chúa nào khác." (Isaiah 44.6). Theo quan điểm của học thuyết Ba Ngôi về Cựu Ước, bất kỳ giáo lý nào không tập chú vào khái niệm Thiên Chúa độc tôn mà khuyến khích thờ phụng các thần linh khác bên cạnh Thiên Chúa, hoặc hình dung Thiên Chúa được tạo dựng chứ không phải là đấng tự hữu hằng hữu thì không thể là con đường dẫn đến sự hiểu biết chân xác về Thiên Chúa. Quan điểm đó cũng được tìm thấy trong Tân Ước "chỉ có một Thiên Chúa, không có thần nào khác" (I Cor.8.4). Thiên Chúa hiện hữu trong ba ngôi vị Thiên Chúa duy nhất hiện hữu trong ba ngôi vị (tiếng Hy Lạp: hypostases). Chúa Cha chỉ có một bản thể thần thượng. Tín hữu Chalcedon, Công giáo, Chính Thống giáo và hầu hết tín hữu Kháng Cách (Protestant) tin rằng Thân vị thứ Hai trong Ba Ngôi - Chúa Con, Giêsu – mang lấy bản tính con người, vì vậy Chúa Giêsu có hai bản tính. Giêsu hoàn toàn là Người mà cũng hoàn toàn là Thiên Chúa. Ba Ngôi bình đẳng, đồng tồn tại vĩnh cửu, có cùng một bản thể (ousia), quyền năng, hành động và ý chí. Tuy nhiên, như đã xác lập bởi bản tín điều Anathasisus, Thiên Chúa là đấng tự mình mà có, không do ai tạo thành, không có khởi đầu và không có kết thúc, Người là alpha và omega. Chúa Con được sinh ra từ Chúa Cha. Chúa Thánh Linh nhiệm xuất từ Chúa Cha (hay từ Chúa Cha và Chúa Con). Ba Ngôi tuy riêng biệt nhưng cùng một bản thể và một quyền năng như nhau, nên Ba Ngôi chỉ là một Thiên Chúa mà thôi. Tuy còn nhiều tranh luận nhưng một luận giải được nhiều người yêu thích cho rằng bởi vì Thiên Chúa hiện hữu trong ba thân vị, Chúa luôn luôn yêu thương, và luôn luôn có mối giao hoà trọn vẹn giữa ba ngôi vị. Do đó, Thiên Chúa không cần phải tạo ra con người hầu Chúa có thể có cơ hội trò chuyện hoặc yêu thương. Chúa đã có rồi. Là một thực thể trọn vẹn, Chúa không cần tạo dựng con người để bù đắp sự thiếu thốn hoặc khiếm khuyết của Chúa như nhiều người vẫn nghĩ. Theo như cách diễn giải của thánh Augustine trong De Trinitate, Ba Ngôi Thiên Chúa: Cha, Con và Thánh Linh chính là Người yêu, Người được yêu và Tình Yêu. Thêm vào đó, theo Tiến sĩ Thomas Hopko, nếu Thiên Chúa không phải là Ba Ngôi, Chúa không thể trải nghiệm tình yêu thương trước khi Chúa tạo dựng các thực thể khác (con người) và yêu họ. Sáng thế ký 1.26 chép rằng "Chúng ta hãy tạo nên con người theo hình ảnh chúng ta". Cần nên lưu ý rằng người Do Thái không hiểu từ "chúng ta" ở đây theo nghĩa số nhiều ngụ ý các thân vị trong Ba Ngôi, họ cho đây chỉ là một cách dụng ngữ nhằm bày tỏ sự tôn kính. Tên của Thiên Chúa được đề cập trong Sáng thế ký trong tiếng Hêbrơ là El hoặc Elohim. Elohim là danh từ số nhiều nhưng có nghĩa số ít khi được dùng để chỉ Thiên Chúa. Tuy nhiên, theo học thuyết Ba Ngôi, Sáng thế ký 1.26 nhấn mạnh tính đa nguyên của Thiên Chúa, trong khi trong câu 27 kế tiếp, tập chú vào tính hiệp nhất của bản thể Thiên Chúa. Vì vậy, theo ngữ nghĩa, từ Elohim biểu lộ bản chất của Ba Ngôi. Đồng cư trú Một cách luận giải tương đối khó hiểu nhưng hữu dụng nhằm giải thích sự tương quan giữa ba ngôi vị của Thiên Chúa gọi là tính bao hàm hỗ tương (perichoresis). Khái niệm này đặt nền tảng trên Phúc âm John 14.17 khi Chúa Giêxu giải thích cho các môn đồ hiểu tại sao Chúa phải rời xa họ. Giê-xu đi đến cùng Cha vì điều đó ích lợi cho họ, như thế Chúa có thể ở trong họ khi "Đấng An ủi" (Chúa Thánh Linh) được ban cho họ. Chúa Giêxu tỏ cho họ biết Ngài ở trong Cha, Cha ở trong ngài và cả hai đều ngự trong họ. Như thế, theo thuyết bao hàm hỗ tương, ba ngôi vị "chứa đựng lẫn nhau hầu cho mỗi ngôi vị luôn luôn bao hàm và đồng thời luôn luôn được bao hàm". Tính đồng cư tỏ ra hữu ích khi giúp minh họa khái niệm ba ngôi vị tham gia vào sự cứu chuộc loài người. Ích lợi thứ nhất là giúp loại trừ ý tưởng Thiên Chúa có ba phần. Thuyết Ba Ngôi khẳng định Thiên Chúa là thực thể đơn, không phải là thực thể cộng dồn. Thiên Chúa không bị chia cắt thành ba phần. Lợi ích thứ hai là cách luận giải này tỏ ra phù hợp với học thuyết cho rằng sự hiệp nhất của tín hữu với Chúa Con trong nhân tính của Ngài sẽ giúp họ hiệp nhất trọn vẹn với các thân vị khác trong Ba Ngôi, bởi vì cả ba đồng cư trú trong nhau. Thuyết bao hàm hỗ tương cũng giúp chúng ta hình dung dễ dàng hơn ý nghĩa ẩn chứa trong thuyết Ba Ngôi. Chúa Con, là Ngôi Lời từ thuở ban đầu, trong vĩnh cửu, là chỗ cư trú của Thiên Chúa; Chúa Con là chỗ ở của Cha, do đó Con ở trong Cha và Thánh Linh khi Thánh Linh đến cùng các môn đồ như lời Chúa Giê-xu bảo họ trước đó, "Ta không để các ngươi mồ côi đâu, vì ta sẽ đến cùng các ngươi." Dù vậy, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng vấn đề Chúa Ba Ngôi là một bí mật đối với con người. Được sinh ra, không được tạo nên Luận giải về sự kiện Con được sinh ra chứ không được tạo dựng dựa vào sự khác biệt về bản thể của tạo vật và bản thể của thần linh. Vì Con được sinh ra, không được dựng nên, bản thể của Chúa Con là của Thiên Chúa. Công cuộc sáng tạo hình thành qua ngài, nhưng ngài không dự phần vào cho đến thời điểm ngài trở nên con người. Các giáo phụ thường dùng phép tương đồng để giải thích ý tưởng này. Thánh Irenaeus, nhà thần học sống vào thế kỷ thứ 2 viết "Cha là Thiên Chúa, Con cũng là Thiên Chúa, vì bất cứ ai sinh ra từ Thiên Chúa là Thiên Chúa". Thánh Justin tử đạo nói "tương tự như lúc chúng ta quan sát một ngọn lửa, khi khơi thêm một ngọn lửa khác, nó chẳng hề suy giảm nhưng vẫn y như cũ; trong khi ngọn lửa mới tự tồn tại. Cũng vậy, Ngôi Lời là Thiên Chúa được sinh từ Cha là cha của muôn loài". Tuy nhiên, mọi lời luận giải về Ba Ngôi đều có giới hạn, vì đây là một vấn đề thuộc về lãnh vực thần bí. Sự khác biệt giữa người ủng hộ và chống đối thuyết này là chấp nhận hay bác bỏ sự huyền nhiệm. Người chấp nhận sử dụng đức tin mà tin, người bác bỏ thì không. Các bất đồng Tuy hầu hết tín hữu Cơ đốc tin rằng học thuyết chính thống về Ba Ngôi là tâm điểm của đức tin Cơ Đốc, rằng bác bỏ thuyết này đồng nghĩa với sự bác bỏ toàn bộ đức tin Cơ Đốc, cho đến nay vẫn có vài nhóm khước từ nó. Dù tự nhận mình là người Cơ Đốc, họ khước từ công nhận học thuyết Ba Ngôi trong bất kỳ hình thức nào và cho rằng quan điểm của họ đã có từ rất lâu. Một số giáo phái cổ như Ebionite và thuyết Arius phủ nhận thần tính của Chúa Giêxu trong khi vẫn công nhận Giêsu là Đấng Messiah. Các giáo phái khác như Hội thánh Nhân chứng Jehovah, Christian Science, Nhất vị luận (Unitarianism) và phong trào Ngũ Tuần Nhất vị (Oneness Pentecostalism), dù có quan điểm khác nhau về Thiên Chúa, đều khước từ thuyết Ba Ngôi. Những người này cho rằng trong Kinh Thánh có một số đoạn tỏ ra không thích hợp với giáo lý Ba Ngôi, ví dụ như Giăng 17:3 viết: Vả, sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Jêsus-Christ, là Đấng Cha đã sai đến. Chú thích Liên kết ngoài Doctrine of the Trinity The Blessed Trinity Article in the Catholic Encyclopedia The Trinity at WikiChristian Trinity article at Theopedia Discussion of how God is triune and how God reaches man and works in man in His Trinity The Doctrine of the Trinity By James Montgomery Boice Eastern Orthodox Trinitarian Theology trinities.org - Summaries and discussions of present and past trinitarian theories The Jewish Trinity: When Rabbis Believed in the Father, Son, and Holy Spirit by Yoel Natan at Google Books Kitô giáo Thần học Thuật ngữ Kitô giáo
7551
https://vi.wikipedia.org/wiki/L%C3%BD%20thuy%E1%BA%BFt
Lý thuyết
Lí thuyết là một loại chiêm nghiệm và hợp lí của cái gì đó trừu tượng hoặc khái quát hóa của suy nghĩ về một hiện tượng, hoặc kết quả của suy nghĩ như vậy. Quá trình suy nghĩ chiêm nghiệm và lí trí thường gắn liền với các quá trình như nghiên cứu quan sát, nghiên cứu. Các lí thuyết có thể là khoa học hoặc khác với khoa học (hoặc khoa học ở mức độ thấp hơn). Tùy thuộc vào ngữ cảnh, các kết quả có thể bao gồm các giải thích tổng quát về cách thức hoạt động của tự nhiên. Trong khoa học hiện đại, thuật ngữ "lí thuyết" dùng để chỉ các lí thuyết khoa học, một kiểu gồm những lời giải thích về tự nhiên đã được khẳng định, được thực hiện theo cách phù hợp với phương pháp khoa học và đáp ứng các tiêu chí theo yêu cầu của khoa học hiện đại. Lí thuyết trên được mô tả theo cách mà các xét nghiệm khoa học sẽ có thể cung cấp kinh nghiệm hỗ trợ cho, hoặc mâu thuẫn với nó. Các lí thuyết khoa học là dạng tri thức khoa học đáng tin cậy, nghiêm ngặt và toàn diện nhất, trái ngược với cách sử dụng phổ biến hơn của từ "lí thuyết" ngụ ý rằng một cái gì đó không được chứng minh hoặc suy đoán (theo thuật ngữ chính thức thì đó là giả thuyết). Các lí thuyết khoa học được phân biệt với các giả thuyết, đó là những phỏng đoán có thể kiểm chứng bằng thực nghiệm và từ các định luật khoa học, là những ghi chép mô tả về cách thức vận hành của tự nhiên trong những điều kiện nhất định. Các lí thuyết hướng dẫn doanh nghiệp tìm kiếm sự kiện thay vì đạt được mục tiêu và trung lập liên quan đến các lựa chọn thay thế giữa các giá trị. Một lí thuyết có thể là một tập hợp kiến thức, có thể có hoặc không liên quan đến các mô hình giải thích cụ thể. Lí thuyết hóa là việc phát triển tập hợp các kiến thức này. Từ lí thuyết hay "theo lí thuyết" ít nhiều thường được mọi người sử dụng một cách sai lầm để giải thích một cái gì đó mà cá nhân họ không trải nghiệm hoặc thử nghiệm trước đó. Trong những trường hợp đó, về mặt ngữ nghĩa, nó đang được thay thế cho một khái niệm khác, một giả thuyết. Thay vì sử dụng từ theo giả thuyết, nó được thay thế bằng một cụm từ: "trên lí thuyết". Trong một số trường hợp, độ tin cậy của lí thuyết có thể bị tranh cãi bằng cách gọi nó là "chỉ là một lí thuyết" (ngụ ý rằng ý tưởng này thậm chí chưa được kiểm chứng). Do đó, từ "lí thuyết" đó thường rất trái ngược với " thực hành ". Một "ví dụ cổ điển" về sự khác biệt giữa "lí thuyết" và "thực tiễn" sử dụng kỷ luật của y học: lí thuyết y học bao gồm việc cố gắng tìm hiểu nguyên nhân và bản chất của sức khỏe và bệnh tật, trong khi khía cạnh thực tế của y học là cố gắng làm con người khỏe mạnh. Hai điều này có liên quan nhưng có thể độc lập, bởi vì có thể nghiên cứu sức khỏe và bệnh tật mà không cần chữa cho một bệnh nhân cụ thể, và có thể chữa cho bệnh nhân mà không biết bản chất của cách chữa trị này. Xem thêm Lí thuyết khoa học Chú thích Tham khảo Khái niệm triết học Bản thể học Siêu hình học Siêu triết học Nhận thức luận Hệ thống khái niệm Khái niệm triết học tinh thần Quan niệm trong siêu hình học Khái niệm nhận thức luận Khái niệm Trừu tượng Lý thuyết
7553
https://vi.wikipedia.org/wiki/H%C3%B3a%20h%E1%BB%8Dc%20l%C6%B0%E1%BB%A3ng%20t%E1%BB%AD
Hóa học lượng tử
Hóa học lượng tử, còn gọi là hóa lượng tử, là một ngành khoa học ứng dụng cơ học lượng tử để giải quyết các vấn đề của hóa học. Các ứng dụng có thể là miêu tả tính chất điện của các nguyên tử và phân tử liên quan đến các phản ứng hóa học giữa chúng. Hóa lượng tử nằm ở ranh giới giữa hóa học và vật lý do nhiều nhà khoa học thuộc hai lĩnh vực này phát triển. Nền tảng của hóa lượng tử là mô hình sóng về nguyên tử, coi nguyên tử được tạo thành từ một hạt nhân mang điện tích dương và các điện tử quay xung quanh. Tuy nhiên, không giống như mô hình nguyên tử của Bohr, các điện tử trong mô hình sóng là các đám mây điện tử chuyển động trên các quỹ đạo và vị trí của chúng được đặc trưng bởi một phân bố xác suất chứ không phải là một điểm rời rạc. Để biết được phân bố xác suất, người ta phải giải phương trình Schrödinger. Điểm mạnh của mô hình này là nó tiên đoán được các dãy nguyên tố có tính chất tương tự nhau về mặt hóa học trong bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học. Mặt khác, theo nguyên lý bất định, vị trí và năng lượng của các hạt này lại không thể xác định chính xác cùng một lúc được. Mặc dù cơ sở toán học của hóa lượng tử là phương trình Schrödinger, nhưng đa số mọi người chấp nhận rằng tính toán chính xác đầu tiên trong hóa lượng tử là do hai nhà khoa học người Đức là Walter Heitler và Fritz London tiến hành đối với phân tử hydro (H2) vào năm 1927. Phương pháp của Heitler và London được nhà hóa học người Mỹ là John C. Slater và Linus Pauling phát triển và trở thành phương pháp liên kết hóa trị (còn gọi là phương pháp Heitler-London-Slater-Pauling). Trong phương pháp này, người ta quan tâm đến các tương tác cặp giữa các nguyên tử và do đó, có liên hệ mật thiết với hiểu biết của các nhà hóa học cổ điển về liên kết hóa học giữa các nguyên tử. Một phương pháp khác được Friedrich Hund và Robert S. Mulliken phát triển, trong đó, các điện tử được miêu tả bằng các hàm sóng bất định xứ trên toàn bộ phân tử. Phương pháp Hund-Mulliken còn được gọi là phương pháp quỹ đạo phân tử khó hình dung đối với các nhà hóa học nhưng lại hiệu quả hơn trong việc tiên đoán các tính chất so với phương pháp liên kết hóa trị. Phương pháp này chỉ được dễ hình dung khi có sự giúp đỡ của máy tính vào những năm gần đây. Xem thêm Hóa học tính toán Xấp xỉ Born-Oppenheimer Lý thuyết phiếm hàm mật độ Henry Eyring Lý thuyết trường tự hợp Hartree-Fock Cấu hình tương tác Erich Hückel Rudolph Pariser Robert G. Parr John Pople Tham khảo Liên kết ngoài Lượng tử