id
stringlengths
1
8
url
stringlengths
31
389
title
stringlengths
1
250
text
stringlengths
184
322k
19811703
https://vi.wikipedia.org/wiki/Sennacherib
Sennacherib
Sennacherib (chữ hình nêm Tân Assyria: hay , có nghĩa "Sîn thế chỗ các anh") là vua của Đế quốc Tân Assyria từ khi kế vị Sargon II năm 705TCN đến khi bị giết năm 681TCN. Làm vua đời thứ hai nhà Sargon, Sennacherib là một trong những vua Assyria nổi tiếng nhất vì được Kinh Thánh Hebrew ký thuật lại về chiến dịch Levant. Dưới thời cai trị, ông cho phá hủy thành Babylon năm 689TCN, kiến thiết và mở rộng kinh đô vĩ đại cuối cùng của Assyria là Nineveh. Tuy là một trong những vị vua Assyria hùng mạnh và có ảnh hưởng rộng rãi nhất nhưng Sennacherib gặp khó khăn đáng kể trong việc kiểm soát Babylon thuộc miền nam đế chế. Nhiều rắc rối ở Babylon là do thủ lĩnh Chaldea Marduk-apla-iddina II, nhân vật này từng là vua Babylon cho đến khi bị Sargon II đánh bại. Ngay sau khi Sennacherib thừa kế ngai vàng năm 705TCN, Marduk-apla-iddina chiếm lại Babylon và liên minh với người Elam. Năm 700TCN, Sennacherib giành lại được miền nam nhưng Marduk-apla-iddina tiếp tục di họa, như xúi giục chư hầu của Assyria ở Levant nổi dậy, dẫn đến Chiến tranh Levant năm 701 TCN. Bản thân Marduk thì gây chiến với vua chư hầu của Sennacherib là Bel-ibni. Sau khi Babylon và Elam bắt giết trưởng nam Sennacherib là Ashur-nadin-shumi đang làm vua chư hầu Babylon, Sennacherib tiến đánh cả hai vùng. Do Babylon nằm bên trong lãnh thổ đế quốc cũng như đã gây ra cái chết của con trai, Sennacherib phá hủy thành phố năm 689 TCN. Trong chiến tranh Levant, các nước phía nam không dễ chịu khuất phục như phía bắc, đặc biệt là vương quốc Judah dưới quyền vua Hezekiah. Do đó, quân Assyria tiến hành xâm lược Judah. Dù chuyện Kinh Thánh ghi lại rằng Chúa đã sai thiên sứ xuống giúp tiêu diệt quân Sennacherib đánh Jerusalem nhưng khó có thể cho rằng quân Assyria thua trận, vì cuối cùng Hezekiah cũng phải quy thuận Sennacherib. Những ghi chép đương thời, kể cả từ phía kẻ thù của Assyria đều không hề đề cập đến việc quân Assyria bại trận tại Jerusalem. Sennacherib dời kinh đô tới Nineveh, nơi ông từng ở nhiều khi còn là thái tử. Mong muốn biến Nineveh thành kinh đô xứng tầm đế chế, Sennacherib khởi động một trong những dự án xây dựng tham vọng nhất trong lịch sử cổ đại. Ông mở rộng thành và dựng những tường thành vĩ đại, nhiều đền thờ và vườn thượng uyển. Công trình nổi tiếng nhất trong thành là Cung điện Tây Nam, được Sennacherib gọi là "Cung điện không đối thủ". Sau khi trưởng nam thái tử Ashur-nadin-shumi qua đời, Sennacherib ban đầu chỉ định nhị hoàng tử là Arda-Mulissu kế vị. Sau đó, không rõ lý do nào mà hoàng tử nhỏ hơn Esarhaddon lại được làm thái tử năm 684TCN. Arda-Mulissu nhiều lần xin được phục hồi kế vị nhưng không được. Năm 681TCN, hai anh em Arda-Mulissu và Nabu-shar-usur sát hại tiếm ngôi Sennacherib. Dân Babylon và Levant mừng rỡ khi biết tin Sennacherib chết, coi đây là bị thần phạt. Còn Assyria kinh hoàng và phẫn nộ. Lễ đăng quang của Arda-Mulissu bị trì hoãn, còn Esarhaddon dấy binh và chiếm giữ Nineveh, tự tuyên bố là vua như Sennacherib đã sắp đặt. Nguồn gốc Nguồn gốc và thuở nhỏ Sennacherib là con trai kế vị vua Tân Assyria Sargon II. Sargon làm vua Assyria trong khoảng năm 722-705 TCN và là vua Babylon năm 710-705 TCN. Danh tính mẹ Sennacherib là chưa chắc chắn. Quan điểm phổ biến nhất trong lịch sử cho rằng bà là Ataliya, vợ Sargon, dù điều này hiện coi là rất khó xảy ra. Nếu là mẹ Sennacherib, Ataliya phải ra đời muộn nhất vào năm 760 TCN và sống được ít nhất đến 692 TCN với tư cách là "thái hậu" được nhắc đến khi ấy. Nhưng mộ Ataliya tại Nimrud được phát hiện vào thập niên 1980, cho bà sống tối đa được đến 35 tuổi. Nhà Assyria học Josette Elayi cho rằng sẽ hợp lý hơn nếu mẹ Sennacherib là Ra'īmâ, một người vợ khác của Sargon. Một tấm bia từ Assur (từng là kinh đô Assyria) được phát hiện năm 1913 có nhắc đến bà là "mẹ của Sennacherib". Việc này phải đến 2014 khi giải nghĩa dòng chữ trên mới khám phá được sự tồn tại của Ra'īmâ. Sargon tự nhận là người kế vị Tiglath-Pileser III, nhưng điều này không chắc chắn vì thực ra ông đã soán ngôi Shamaneser V. Sennacherib sinh 745 TCN tại Nimrud. Nếu Sargon thực sự là con trai kế vị của Tiglath-Pileser thì chắc chắn tuổi thơ và tuổi trẻ Sennacherib lớn lên trong cung điện hoàng gia ở Nimrud. Sargon tiếp tục ở tại Nimrud rất lâu sau khi lên ngôi, đến năm 710 TCN mới chuyển qua Babylon, tới năm 706 TCN thì dời đến kinh đô mới Dur-Sharrukin. Khi Sargon chuyển đến Babylon, thái tử Sennacherib cũng rời đến Nineveh. Nineveh cũng là đất các thái tử Assyria cai quản từ thời Tiglath-Pileser. Ngoài ra, ở Tabisu cũng có điền trang thái tử. Sennacherib và các anh chị em được thầy là Hunnî dạy dỗ. Họ được hưởng nền giáo dục gọi là Eduba, học số học, học đọc viết bằng tiếng Sumer và Akkad. Sennacherib có vài anh em trai và ít nhất một chị em gái. Một số anh trai chết trước khi Sennacherib chào đời, một số em trai thì còn sống đến tận năm 670 TCN, phục vụ dưới triều con trai Sennacherib là Esarhaddon. Người chị em gái duy nhất được biết đến là Ahat-abisha. Bà được gả cho vua Tabal Ambaris nhưng có thể đã trở về Assyria ngay khi Sargon đánh bại Tabal lần đầu. Trong tiếng Akkad, tên của Sennacherib Sîn-aḥḥē-erība có nghĩa là "Sîn (thần mặt trăng) đã thay thế các anh". Có lẽ tên này bắt nguồn từ việc Sennacherib không phải là trưởng nam mà do tất cả các anh trai đều chết trước khi ông ra đời. Tên ông trong tiếng Do Thái là Snḥryb và trong tiếng Aram là Šnḥ'ryb. Theo một văn bản từ năm 670 TCN khi Sennacherib đã là cựu vương, dân thường vẫn không được phép dùng tên này, nếu làm trái sẽ bị coi là phạm thượng. Thời thái tử Với tư cách thái tử, Sennacherib có quyền lực hoàng gia cùng với phụ vương hoặc một mình nhiếp chính khi Sargon tuần du viễn chinh. Trong thời gian Sargon không có mặt tại kinh đô, hành cung của Sennacherib sẽ giữ vai trò trung tâm triều đình, thái tử đảm nhận trách nhiệm chính trị và hành chính trọng yếu. Điều này cho thấy mức độ tin tưởng nhất định giữa vua và thái tử. Các phù điêu khắc họa cả Sargon và Sennacherib cho thấy hai người ngang hàng nhau. Nhiếp chính Sennacherib sẽ duy trì liên hệ với các quan tổng đốc và tướng lĩnh Assyria, giám sát mạng lưới quân báo rộng lớn. Sennacherib giám sát nội vụ và tấu trình cho Sargon về tiến độ xây dựng khắp đế chế. Sargon cũng ủy quyền cho thái tử tiếp nhận cống phẩm và quyết định ban phát tặng phẩm. Sau khi xong việc, Sennacherib thường gửi thư cho cha báo về các quyết định của mình. Qua một lá thư có thể thấy Sennacherib kính trọng Sargon và có mối quan hệ cha con thân tình. Ông không bao giờ làm trái ý vua cha. Những thư khác cho thấy ông thấu hiểu và muốn cha hài lòng. Không rõ vì sao Sargon không bao giờ mang theo Sannecherib trong các chuyến chinh phạt. Elayi tin rằng Sennacherib có thể tức giận vì bỏ lỡ mất nhiều vinh quang chiến thắng. Tuy vậy, Sennacherib không bao giờ chống lại Sargon hoặc định tiếm đoạt để tự lên ngôi. Assyria và Babylon Khi Sennacherib lên ngôi, đế chế Tân Assyria đã là cường quốc thống trị ở Cận Đông trong hơn 30 năm, chủ yếu là binh lực hùng hậu thiện chiến so với bất kỳ vương quốc đương đại nào khác. Mặc dù Babylon ở phía nam cũng từng là một vương quốc lớn nhưng thường yếu hơn nước láng giềng phía bắc, do nội bộ chia rẽ và thiếu một đội quân được tổ chức tốt. Dân số Babylon gồm nhiều nhóm sắc tộc với những mối ưu tiên và lý tưởng khác nhau. Dù người Babylon bản địa nắm hầu hết các thành như Kish, Ur, Uruk, Borsippa, Nippur và thành Babylon, các thủ lĩnh bộ tộc Chaldea thống trị hầu hết vùng đất cực nam và cũng thường xung đột với nhau. Người Aram sống ở rìa những vùng định cư và nổi tiếng vì việc tấn công cướp bóc các vùng lân cận. Trước ba phe nội bộ lớn thường có tranh chấp, quân Assyria coi Babylon là mục tiêu hấp dẫn để tiến đánh. Hai vương quốc cạnh tranh nhau từ khi Đế quốc Trung Assyria trỗi dậy vào thế kỷ 14 TCN. Đến thế kỷ 8 TCN, Assyria liên tục chiếm thế thượng phong. Các yếu điểm bị khai thác và vua Assyria Tiglath-Pileser III chinh phục Babylon năm 729 TCN. Trong quá trình bành trướng trở nên đế chế lớn, Assyria chinh phục nhiều vương quốc láng giềng, sáp nhập thành các tỉnh trực thuộc hoặc biến chúng thành các chư hầu thần phục đế quốc. Với sự ngưỡng mộ lịch sử và văn hóa Babylon lâu đời, Assyria đã bảo tồn nơi này thành vương quốc trọn vẹn, chỉ định vua cai trị hoặc do chính vua Assyria đứng đầu bằng liên minh cá nhân. Mối quan hệ giữa Assyria và Babylon có thể so sánh với Hy Lạp và La Mã về sau; phần lớn văn hóa, văn bản và truyền thống Assyria được du nhập từ phía nam. Assyria và Babylonia cũng chia sẻ cùng một ngôn ngữ là tiếng Akkad. Assyria và Babylon theo nghĩa nào có quan hệ được ví von như tình cảm khác giới: các bản khắc Tân Assyria ẩn dụ gọi Assyria là "chồng" còn Babylon là "vợ". Theo lời nhà Assyria học Eckart Frahm, "Assyria yêu nhưng cũng muốn thống trị Babylon". Dù được coi là cội nguồn văn minh nhưng Babylon vẫn bị động về chính trị trong quan hệ với Assyria. Trị vì Kế vị Năm 705 TCN, Sargon tuổi lục tuần dẫn quân Assyria đánh vua Gurdî của Tabal tại trung Anatolia. Chiến trận thảm khốc, quân Assyria đại bại, Sargon tử trận, mất xác về tay quân Anatolia. Sargon chết khiến thất bại càng trầm trọng vì quân Assyria tin rằng họ bị thần trừng phạt do các lỗi lầm trước đây. Thần thoại Lưỡng Hà cho rằng những kẻ chết trận mà không được chôn cất sẽ chịu số phận đau khổ đời đời như người ăn mày. Tháng 8 năm 705 TCN, Sennacherib lên ngôi khi khoảng 35 tuổi. Ông có nhiều kinh nghiệm cai trị đế chế từ lúc làm thái tử. Đối diện với số phận bi thảm của Sargon, ông muốn cách xa những gì liên quan đến vua cha. Frahm mô tả phản ứng của Sennacherib là "một trong những sự phủ nhận gần như hoàn toàn", Sennacherib "dường như cảm thấy không thể thừa nhận và trong lòng không chịu được về những gì đã xảy ra với Sargon". Sennacherib ngay lập tức chuyển kinh đô Dur-Sharrukin do Sargon lập nên về Nineveh. Một trong những hành động đầu tiên của Sennacherib trên ngôi vua là tái thiết đền thờ thần Nergal, thần chết, thảm họa và chiến tranh, tại thành Tarbisu. Ngay cả khi tâm trí đã phủ nhận ra bên ngoài, Sennacherib vẫn mê tín và dành nhiều thời gian hỏi các nhà tiên tri rằng liệu Sargon đã phạm tội gì để phải chịu số phận như vậy, phải chăng việc kiểm soát Babylon đã xúc phạm thần linh tại đó. Người ta tìm được một văn bản trong đó Sennacherib tuyên bố đang điều tra bản chất "tội lỗi" mà cha mình phạm phải, dù có thể văn bản này ra đời sau khi Sennacherib đã chết. Năm 704 TCN, Sennacherib mở chiến dịch nhỏ (không được đề cập trong các ghi chép lịch sử sau này về Sennacherib) đánh Gurdî ở Tabal để báo thù cho Sargon, vua không thân chinh mà sai quan tướng dẫn quân đi. Sennacherib dành nhiều thời gian và tâm sức để loại bỏ hình ảnh Sargon khỏi đế chế. Vua cho nâng nền sân lên để người ta không còn nhìn thấy những hình ảnh Sargon tạo ra tại ngôi đền ở Assur. Khi vợ Sargon là Ataliya qua đời, bà được chôn cất vội vàng vào cùng một quan tài với hoàng hậu tiên vương Tiglath-Pileser. Sargon không bao giờ được nhắc đến trong các bia ký thời Sennacherib. Chiến dịch Babylon thứ nhất Sargon II chết trận mất xác làm dấy lên nhiều cuộc nổi loạn khắp đế quốc. Sargon đã cai trị Babylonia từ năm 710 TCN sau khi đánh bại thủ lĩnh bộ tộc Chaldea Marduk-apla-iddina II. Marduk vốn thống lĩnh miền nam sau khi Shalmaneser V chết năm 722 TCN. Giống như các tiên vương, Sennacherib nắm giữ các tước vị thống trị cả Assyria và Babylonia khi lên ngôi, nhưng sự trị vì của ông tại Babylonia bất ổn hơn. Khác với Sargon và các thủ lĩnh Babylon trước đó chỉ dám xưng shakkanakku (phó vương) để tôn kính thần Marduk mới là "vua" Babylon, Sennacherib tuyên bố rõ ràng mình là vua Babylon. Hơn nữa, ông cũng không "nắm tay" tượng thần Marduk nghĩa là không tôn vinh thần bằng cách trải qua nghi lễ đăng quang truyền thống của Babylon. Phẫn nộ trước sự bất kính này, các cuộc nổi dậy cách nhau một tháng năm 704 hoặc 703 TCN đã lật đổ quyền cai trị của Sennacherib ở phía nam. Đầu tiên, Marduk-zakir-shumi II lên ngôi nhưng bị Marduk-apla-iddina (người từng kiểm soát thành và giao chiến với Sargon) phế truất chỉ sau hai hay bốn tuần. Marduk-apla-iddina tập hợp đông đảo người Babylon dưới trướng, cả người Babylon thành thị và người Chaldea bộ tộc, ông cũng chiêu mộ thêm quân từ nước láng giềng Elam (tây nam Iran ngày nay). Việc huy động lực lượng này mất nhiều thời gian nhưng do Sennacherib chậm phản ứng đã cho phép Marduk-apla-iddina đồn trú lượng quân binh lớn tại thành Kutha và Kish. Năm 704 TCN, một số lực lượng Assyria vẫn đang ở Tabal. Sennacherib có thể cảm thấy rủi ro khi phải đối đầu trên hai mặt trận nên để yên cho Marduk-apla-iddina trong vài tháng. Năm 703 TCN, sau khi chinh phạt xong Tabal, Sennacherib tập hợp quân Assyria tại Assur, nơi thường hội quân khi đánh miền nam. Sennacherib chỉ huy quân Assyria tấn công bất thành ở gần thành Kish, liên quân đối kháng được đà thắng lợi chính danh. Tuy nhiên, Sennacherib cũng nhận ra rằng lực lượng đối kháng đang bị chia rẽ nên dốc toàn quân giao chiến, tiêu diệt quân đối phương đóng tại Kutha. Sau đó, ông chuyển sang đánh Kish và giành thắng lợi. Marduk-apla-iddina phải bỏ chạy khỏi chiến trường để bảo toàn mạng sống. Các bia ký Sennacherib chép rằng trong số tù binh bị bắt có con riêng của Marduk-apla-iddina cũng như anh trai nữ hoàng Ả Rập Yatie tham gia liên minh đối kháng. Sennacherib sau đó hành quân đến Babylon. Khi mới thấy quân Assyria xuất hiện nơi chân trời, Babylon đã mở cổng đầu hàng. Thành bị Sennacherib trách phạt, cướp bóc một ít nhưng dân chúng thì không bị tổn hại gì. Sau một thời gian ngắn nghỉ tại Babylon, Sennacherib dẫn quân tề chỉnh tới miền nam Babylon vẫn đang chống đối, ông bình định cả các thành lẫn những bộ tộc. Bản khắc ghi lại hơn 200.000 tù nhân đã bị bắt. Bởi vì chính sách làm vua cả Assyria lẫn Babylon không hiệu quả, Sennacherib thử phương án khác. Ông bổ nhiệm Bel-ibni là một người Babylon được nuôi dưỡng lớn lên tại triều đình Assyria làm vua chư hầu phương nam. Sennacherib mô tả Bel-ibni là "một người gốc Babylon lớn lên trong cung điện của ta như một con cún con". Chiến tranh Levant <div class="thumb tmulti tright"><div class="thumbinner multiimageinner" style="width:342px;max-width:342px">Cảnh trong phù điêu Lachish của Sennacherib<div class="trow"><div class="tsingle" style="width:169px;max-width:169px"><div class="thumbimage" style="height:110px;overflow:hidden"></div>Máy hãm thành Assyria tấn công tường thành Lachish</div><div class="tsingle" style="width:169px;max-width:169px"><div class="thumbimage" style="height:110px;overflow:hidden"></div>Lính Assyria chuẩn bị chặt đầu một tù nhân Lachish</div></div><div class="trow"><div class="tsingle" style="width:169px;max-width:169px"><div class="thumbimage" style="height:110px;overflow:hidden"></div>Người Judah bị lưu đày sau khi Lachish thất thủ </div><div class="tsingle" style="width:169px;max-width:169px"><div class="thumbimage" style="height:110px;overflow:hidden"></div>Sennacherib (ngồi trên ngai ngoài cùng bên phải) tại Lachish, tiếp quan tướng và xem xét tù nhân</div></div></div></div> Sau chiến tranh Babylon, chiến dịch thứ hai của Sennacherib là ở dãy núi Zagros. Tại đây, ông đã khuất phục được người Yasubigallia, một dân tộc đến từ phía đông sông Tigris, và người Kassite từng cai trị Babylon nhiều thế kỷ trước. Chiến dịch thứ ba là tiến đánh các vương quốc và thành bang ở Levant. Cuộc chiến này được ghi chép rất rõ ràng so với nhiều sự kiện Cận Đông cổ đại khác và được ký thuật tốt nhất tron lịch sử Israel thời Đền Thờ thứ nhất. Năm 705 TCN, vua Judah Hezekiah ngừng cống nạp hàng năm cho Assyria và bắt đầu theo đuổi chính sách đối ngoại hiếu chiến rõ rệt, có lẽ do làn sóng nổi dậy khắp đế quốc. Sau khi âm mưu với Ai Cập (thời Kush) và vua thành Ashkelon Sidqia nhằm có thêm ủng hộ, Hezekiah tấn công các thành của người Philistine trung thành với Assyria và bắt vua chư hầu Ekron Padi về giam tại Jerusalem. Ở phía bắc Levant, các thành chư hầu Assyria tập hợp xung quanh vua Týros và Sidon là Luli. Marduk-apla-iddina lợi dụng xúi lên tinh thần chống Assyria trong một số chư hầu phía tây. Ông đã trao đổi thư từ và tặng phẩm cho các thủ lĩnh phía tây như Hezekiah với hy vọng thiết lập liên minh rộng lớn chống Assyria. Năm 701 TCN, Sennacherib lần đầu hành quân đánh các thành Syro-Hittite và Phoenicia phía bắc. Giống như các thủ lĩnh trước đây, Luli lên thuyền tháo chạy thay vì đối đầu với quân Assyria hung bạo. Sennacherib đưa nhà quý tộc Ethbaal lên làm vua Sidon trở thành chư hầu thần phục mình, đồng thời cho ông ta cai trị các thành xung quanh. Trước đội quân Assyria khổng lồ gần đó, nhiều thủ lĩnh Levant như Budu-ilu dân Ammon, Kamusu-nadbi dân Moab, Mitinti thành Ashdod và Malik-rammu thành Edom đã nhanh chóng quy thuận Sennacherib để tránh bị trừng phạt. Miền nam Levant tiếp tục kháng cự, buộc Sennacherib phải xâm chiếm khu vực này. Quân Assyria khởi chiếm Ashkelon và đánh bại Sidqia, rồi tiếp tục bao vây và chiếm nhiều thành khác. Khi quân Assyria chuẩn bị tái chiếm Ekron, đồng minh Ai Cập của Hezekiah liền can thiệp vào. Assyria đánh bại hoàn toàn đoàn viễn chinh Ai Cập trong trận chiến gần thành Eltekeh. Họ chiếm các thành Ekron và Timnah, chỉ còn lại Judah với Jerusalem lọt vào tầm ngắm. Điều một phần quân lực chuẩn bị phong tỏa Jerusalem, Sennacherib đích thân dẫn phần còn lại đánh thành Lachish trọng yếu của Judah. Thế trận bao vây cả Jerusalem lẫn Lachish đã cắt đứt viện trợ từ Ai Cập cho Hezekiah, đồng thời đe dọa các vua thành bang nhỏ xung quanh. Lachish thất thủ và bị phá hủy sau thế trận vây hãm lâu đến mức trong thành cạn sạch tên, quân thủ thành buộc phải dùng cả xương để thay thế. Để chiếm thành, quân Assyria dựng gò đất đá cao xung quanh chạm đến tường thành. Sau khi phá hủy Lachish, những người sống sót bị điều đi phục dịch xây dựng khắp đế chế, một số khác trở thành cận vệ riêng của nhà vua. Tại cổng thành Jerusalem Tường thuật của Sennacherib về diễn biến chiến sự Jerusalem bắt đầu bằng câu "Còn Hezekiah... như con chim bị ta nhốt trong lồng là thành phố hoàng gia Jerusalem của hắn. Ta khóa chặt hắn bằng các tiền đồn, ngăn chặn hắn trên các lối ra thành." Thực ra Jerusalem chỉ bị phong tỏa ở một mức độ nào đó, không có các hoạt động quân sự quy mô lớn cùng những thiết bị công thành lớn cho thấy đây có thể không phải trận bao vây toàn diện. Kinh Thánh ký thuật lại tướng Assyria Rabshakeh đứng trước vách thành kêu gọi đầu hàng đồng thời đe dọa dân Do Thái sẽ phải 'ăn phẩn mình và uống nước tiểu mình' khi bị bao vây. Ghi chép của Assyria rằng Sennacherib đích thân hiện diện nhưng điều này là chưa rõ ràng và các phù điêu mô tả trận chiến cho thấy Sennacherib ngồi trên ngai vàng tại Lachish thay vì đốc quân đánh Jerusalem. Kinh Thánh cũng chép khi các sứ thần Assyria sau khi tới gặp Hezekiah quay về thì thấy Sennacherib đang lâm trận đánh thành Libnah. Câu chuyện vây Jerusalem khác với biên niên sử Sennacherib cũng như các phù điêu lớn tại Nineveh mô tả chiến thắng vây hãm Lachish hơn là diễn tiến tại Jerusalem. Dù đây không phải là một trận vây hãm đúng nghĩa nhưng tất cả các nguồn tư liệu đều chỉ ra rằng đạo binh Assyria lớn đã đóng gần thành, có thể ở phía bắc. Rõ ràng trận bao vây kết thúc mà không có giao tranh đáng kể, nhưng chi tiết thế nào thì không rõ, nhất là điều gì đã ngăn được đội quân đông đảo của Sennacherib. Kinh Thánh thì ký thuật dù quân lính Hezekiah trấn giữ tường thành, nhưng một thiên thần hủy diệt do Yahweh sai đến đã giết chết 185.000 lính Assyria trước cổng thành Jerusalem. Sử gia Hy Lạp cổ đại Herodotos mô tả "vô số chuột đồng" tràn xuống trại quân Assyria, ngấu nghiến hết cả ống tên và dây cung, khiến không còn vũ khí và quân Assyria phải tháo chạy. Có thể câu chuyện về chuột là ám chỉ đến một loại dịch bệnh nào đó lây lan trong trại Assyria, rất có thể là dịch hạch. Một giả thuyết khác được nhà báo Henry T. Aubin đưa ra lần đầu năm 2001 cho rằng Jerusalem nhờ quân Kush đến từ Ai Cập can thiệp vào giải vây. Nói chung thì quân Assyria cũng không phải thất bại hoàn toàn, chỉ là các biên niên sử Assyria đều không nhắc đến trận thua này. Dù cho việc phong tỏa Jerusalem bất phân thắng bại hay ra sao đi nữa, Assyria đã giành phần thắng trong chiến dịch Levant. Sau khi nhiều thành kiên cố rơi vào tay quân Assyria, nhiều thành và làng mạc khác bị phá hủy, Hezekiah nhận ra chống lại Assyria chỉ là sai lầm nên quay lại đầu phục. Hezekiah buộc phải cống nạp nặng nề hơn trước, có thể cộng với cả khoản cống phẩm đã không dâng từ 705-701 TCN. Ông cũng buộc phải trả tự do vua Ekron Padi đang bị tù. Sennacherib cũng cắt nhiều phần đất đai của Judah cho các nước xung quanh là Gaza, Ashdod và Ekron. Giải quyết vấn đề Babylon Đến năm 700 TCN, tình hình Babylon lại tồi tệ đến mức Sennacherib phải đưa quân xâm lăng tái khẳng định quyền lực mình. Bel-ibni khi ấy phải đối mặt với hai thủ lĩnh bộ tộc công khai nổi loạn: Shuzubu (về sau làm vua Babylon Mushezib-Marduk) và Marduk-apla-iddina đã cao tuổi. Sennacherib đi nước đầu tiên phế bỏ Bel-ibni do bất tài hoặc đồng lõa rồi đưa về Assyria, từ đó các tư liệu không nhắc gì đến nhân vật này nữa. Quân Assyria lục soát vùng đầm lầy phía bắc Babylon nỗ lực săn tìm bắt giữ Shuzubu nhưng thất bại. Sennacherib liền cho săn lùng gắt gao đến nỗi Marduk-apla-iddina phải cùng thuộc hạ lên thuyền vượt vịnh Ba Tư đến trốn tại thành Nagitu của dân Elam. Sau thắng lợi này, Sennacherib thay đổi phương án cai trị khi đặt con trai mình Ashur-nadin-shumi làm vua chư hầu Babylon. Ashur-nadin-shumi cũng được gọi là māru rēštû mang nghĩa "con trai ưu tú" hoặc "trưởng nam". Việc được chỉ định làm vua Babylon cùng danh hiệu mới cho thấy rằng Ashur-nadin-shumi đang được chuẩn bị để kế vị Sennacherib làm vua Assyria. Danh hiệu Māru rēštû với nghĩa "ưu tú" thì cũng chỉ có thể dùng cho thái tử nên cả hai nghĩa đều cho thấy Ashur-nadin-shumi sẽ kế vị. Đa phần người Assyria đều tuân theo nguyên tắc trưởng nam thừa kế. Thêm bằng chứng ủng hộ Ashur-nadin-shumi trở thành thái tử là việc Sennacherib xây cung điện tại Assur cho con trai mình, giống như về sau Sennacherib cũng làm điều tương tự cho thái tử Esarhaddon. Là vua người Assyria của Babylon, vị trí Ashur-nadin-shumi rất quan trọng về mặt chính trị, đồng thời giúp ông có kinh nghiệm quý giá để có thể kế thừa cả đế quốc Tân Assyria. Những năm sau đó, Babylonia tương đối yên bình, không có bất kỳ hoạt động quan trọng nào được chép trong các biên niên sử. Trong cùng thời gian, Sennacherib mở chiến dịch tới các vùng khác. Năm 699 TCN, ông thân chinh một loạt các cuộc tấn công vào làng mạc quanh chân núi Judi đông bắc Nineveh. Các chiến dịch nhỏ khác do tướng lĩnh chỉ huy như đánh dẹp tổng đốc Kirua nổi dậy ở Cilicia năm 698 TCN và đánh thành Tegarama năm 695 TCN. Năm 694 TCN, Sennacherib xâm lược Elam với mục tiêu rõ ràng là nhổ tận gốc Marduk-apla-iddina và những người Chaldea đang lẩn trốn. Chiến dịch Elam và báo thù Chuẩn bị đánh Elam, Sennacherib tập hợp hai hạm đội lớn trên sông Euphrates và Tigris. Hạm đội sông Tigris về sau dùng để chở quân Assyria đến thành Opis, tại đó thuyền được kéo lên bờ, vận chuyển đường bộ tới kênh nối với sông Euphrates. Hai hạm đội nhập làm một tiếp tục đi xuống vịnh Ba Tư. Ở đầu vịnh Ba Tư, một cơn bão ập xuống trại làm quân Assyria phải trú trên thuyền. Sau đó, thuyền đi qua vịnh Ba Tư, các bia ký thời Sennacherib chỉ ra rằng hải trình đầy khó khăn, nhiều lần phải dâng tế cho thần biển sâu Enki. Đổ bộ thành công lên bờ biển Elam, quân Assyria liền săn lùng và tấn công dân Chaldea tị nạn, tư liệu Babylon và Assyria đều viết quân Assyria thực hiện suôn sẻ. Sử về Sennacherib mô tả chiến dịch là một "chiến thắng vĩ đại", liệt kê một số thành chiếm được và cướp phá. Sennacherib cuối cùng cũng báo thù được nhưng Marduk-apla-iddina lại không sống đến lúc đó mà đã chết trước khi quân Assyria đổ bộ Elam. Bất ngờ tiếp theo là vua Elam Hallutash-Inshushinak I lợi dụng quân Assyria cách xa quê nhà để xâm chiếm Babylonia. Được quân Chaldea còn sót lại hỗ trợ, Hallutash-Inshushinak chiếm được thành Sippar, bắt sống Ashur-nadin-shumi và giải về Elam. Từ đó không còn thông tin gì về Ashur-nadin-shumi nữa, có lẽ đã bị hành quyết. Một người Babylon bản xứ Nergal-ushezib lên làm vua Babylon thay cho Ashur-nadin-shumi. Sử liệu Babylon viết Hallutash-Inshushinak đặt Nergal-ushezib lên nắm quyền, trong khi phía Assyria lại cho rằng chính người Babylon bầu ông lên làm vua. Bị quân Elam bao vây tại miền nam Babylon, quân Assyria hạ sát con trai Hallutash-Inshushinak trong một trận giao tranh nhưng vẫn bị kẹt lại trong ít nhất chín tháng. Mong muốn củng cố ngôi báu, Nergal-ushezib lợi dụng tình hình chiếm và cướp thành Nippur. Vài tháng sau, quân Assyria tổ chức tấn công và chiếm được thành Uruk phía nam. Nergal-ushezib sợ hãi bèn kêu gọi quân Elam trợ giúp. Chỉ bảy ngày sau khi chiếm Uruk, quân Assyria giành chiến thắng quyết định trước quân Babylon trong trận Nippur, đánh tan liên quân Elam-Babylon và bắt được Nergal-ushezib, khai thông bế tắc phía nam. Theo một số nguồn chưa rõ, Sennacherib đã lén rút khỏi giao tranh vài tháng trước đó nên không hiện diện trong trận cuối, có thể vua đang trên đường dẫn quân tiếp viện từ Assyria tới. Khi vua hội quân phía nam, chiến tranh Babylon đã kết thúc. Ngay sau đó, Elam xảy ra bạo loạn, Hallutash-Inshushinak bị phế truất, Kutur-Nahhunte lên ngôi. Quyết tâm dứt điểm hậu họa từ Elam, Sennacherib tái chiếm thành Der rồi tiến quân vào phía bắc Elam. Kutur-Nahhunte không thể tổ chức phòng thủ hiệu quả trước quân Assyria nên đành chạy lên thành Haidalu trên núi. Thời tiết khắc nghiệt buộc Sennacherib phải rút quân về nước. Phá hủy Babylon Bất chấp Nergal-ushezib thua trận và quân Elam tháo chạy, Babylon không chịu đầu hàng. Năm 692 TCN, Mushezib-Marduk lên ngôi vua Babylon mà không cần ngoại viện, đây vốn là Shuzubu gây loạn bị Sennacherib săn lùng khi xâm lược phía nam năm 700 TCN. Cho đến năm 691 TCN, sử liệu Assyria cũng không coi đây là "nổi loạn" nên có thể Sennacherib đã chấp nhận việc này. Đồng thời khi ấy, Elam cũng đổi chủ khi phế truất Kutur-Nahhunte và Humban-menanu lên thay đã tập hợp lại liên minh chống Assyria. Mushezib-Marduk mua chuộc để được Humban-menanu hỗ trợ. Ghi chép của Assyria coi quyết định ủng hộ Babylon của Humban-menanu là thiếu khôn ngoan, gọi ông là "không biết nhận định hay đoán xét gì cả". Sennacherib đối mặt kẻ thù trong trận chiến gần thành Halule. Humban-menanu và thống lãnh Humban-undasha chỉ huy quân Babylon và Elam. Không rõ chính xác kết quả trận chiến ra sao vì cả hai bên đều tuyên bố thắng lợi vẻ vang. Sennacherib tuyên bố trong biên niên sử rằng Humban-undasha bị giết và các vua khác chạy thoát thân nhưng biên niên sử Babylon lại viết chính quân Assyria mới phải tháo lui. Kể cả nếu Babylon thắng trận thì tổn thất phía Assyria cũng không đáng kể vì Babylon vẫn đang bị bao vây cuối hè năm 690 TCN (và dường như đã bị bao vây ít lâu rồi). Tuy nhiên, các chiến dịch đánh những nơi khác được chép lại cho thấy Assyria không hành quân tới Babylon ngay. Năm 1973, nhà Assyria học John A. Brinkman viết rằng có khả năng là quân miền nam đã thắng trận dù chịu nhiều thương vong, bằng chứng là cả hai kẻ thù của Sennacherib vẫn yên vị trên ngai vàng sau trận giao tranh. Năm 1982, nhà Assyria học Louis D. Levine lại viết quân Assyria thắng khiến quân miền nam phải bỏ chạy, nhưng đây không phải là chiến thắng quyết định, và Assyria tạm dừng đánh tiếp Babylon. Việc quân Assyria chuyển hướng chiến dịch có thể bị các nhà sử gia Babylon diễn giải thành hành động rút lui. Năm 690 TCN, Humban-menanu bị đột quỵ, cứng hàm không nói được. Lợi dụng tình hình, Sennacherib bắt tay vào chiến dịch cuối cùng đánh Babylon. Mặc dù Babylon có thắng lợi ban đầu nhưng chỉ trong thời gian ngắn, cùng năm ấy, Babylon dễ dàng bị vây hãm. Có thể sau 15 tháng vây hãm, tình thế Babylon đã rất nguy ngập khi rơi vào tay Sennacherib năm 689 TCN. Sennacherib từng lo lắng xem xét việc Sargon tử trận do xúc phạm thần linh khi đánh Babylon, nhưng thời điểm này thì không còn do dự nữa. Cuối cùng, Sennacherib quyết định hủy diệt Babylon. Brinkman cho rằng Sennacherib thay đổi thái độ vì muốn báo thù cho con trai và cũng không thể chịu nổi một thành cứ liên tục nổi dậy chống lại mình. Theo Brinkman, Sennacherib có thể không còn sợ các thần Babylon nữa vì chính những vị thần này đã truyền cảm hứng cho dân chúng chống lại mình. Chính Sennacherib cũng viết về sự hủy diệt Babylon: Tuy phá hủy thành nhưng dường như Sennachrib vẫn còn chút sợ các thần Babylon cổ. Trong đoạn tường thuật chiến dịch, ông đề cập cụ thể các thần điện Babylon đã hỗ trợ tài chính cho kẻ thù mình. Đoạn mô tả việc đập phá tượng thần và chiếm đoạt tài sản trong điện thờ là một trong số ít đoạn Sennacherib viết là "dân ta" thay vì "ta". Năm 1973, Brinkman giải thích là không phải do cá nhân Sennachrib ra chỉ thị diệt thần, mà chính là những kẻ trông giữ đền thờ quyết định và dân Assyria đã làm điều đó. Trong khi hủy diệt thành, Sennacherib phá hủy đền thờ và hình ảnh các vị thần, ngoại trừ hình ảnh Marduk được mang về Assyria. Chính Assyria cũng kinh hoàng về điều này vì họ rất coi trọng Babylon và thần linh tại đó. Sennacherib cố gắng biện minh cho hành động mình với dân Assyria bằng một chiến dịch tuyên truyền tôn giáo. Một trong số đó là huyền thoại thần Marduk bị đưa ra xét xử trước thần Assyria Ashur. Chuyện này chỉ còn vài mảnh rời rạc, nhưng có vẻ như thần Marduk bị quy kết một số trọng tội. Sennacherib mô tả việc mình đánh bại quân nổi dậy Babylon bằng ngôn ngữ thần thoại sáng thế Babylon, đồng nhất Babylon với nữ ác quỷ Tiamat còn mình là Marduk. Trong lễ hội năm mới, thần Ashur đã thay thế thần Marduk, và ông đặt vào trong đền đống gạch vụn tượng trưng lấy từ Babylon. Chính sách của Sennacherib đã gây ra lòng căm thù sâu sắc trong phần lớn dân chúng Babylon. Mục tiêu của Sennacherib là xóa bỏ hoàn toàn Babylon như một thực thể chính trị. Dù cho một số lãnh thổ miền bắc Babylon đã trở thành các tỉnh thuộc Assyria nhưng người Assyria không nỗ lực xây dựng lại Babylon, các biên niên sử miền nam gọi thời kỳ này là "không vua". Kiến thiết Nineveh Sau cuộc chiến cuối cùng với Babylon, Sennacherib dành thời gian kiến thiết kinh đô mới Nineveh thay vì lại đánh đông dẹp bắc. Nineveh từng là một thành trọng yếu phía bắc Lưỡng Hà qua nhiều thiên niên kỷ. Dấu vết con người định cư lâu đời nhất là từ thiên niên kỷ 7 TCN. Từ thiên niên kỷ 4 TCN trở đi, tại đây hình thành trung tâm hành chính quan trọng ở phía bắc. Khi được chọn làm kinh đô, Nineveh trải qua một trong những dự án xây dựng tham vọng nhất lịch sử cổ đại, được biến đổi hoàn toàn khỏi tình trạng có phần bị lãng quên trước khi Sennachrib trị vì. Trong khi kinh đô mới Dur-Sharrukin của phụ vương ít nhiều bắt chước kinh đô Nimrud trước đó, Sennacherib dự định biến Nineveh thành một thành phố có quy mô và vẻ đẹp lộng lẫy khiến thế giới văn minh phải kinh ngạc. Những bản khắc sớm nhất thảo luận về dự án xây dựng tại Nineveh có từ năm 702 TCN liên quan đến việc xây dựng Cung điện Tây Nam. Sennacherib gọi cung điện này là ekallu ša šānina la išu "Cung điện không đối thủ". Trong quá trình xây dựng, một cung điện nhỏ hơn bị phá bỏ, dòng nước làm xói mòn chân đế được cho chuyển hướng, nền cung điện mới được dựng lên và nâng lên độ cao 160 lớp gạch. Tuy các bản khắc thời trước đề cập đến cung điện như thể đã hoàn thành nhưng đây chỉ là cách viết thông thường về việc xây dựng của Assyria cổ. Hình ảnh Nineveh được mô tả trong những lời kể sớm nhất về quá trình xây dựng kiến thiết thực ra chỉ mới nằm trong trí tưởng tượng của Sannecherib. Đến năm 700 TCN, tường ngai phòng Cung điện Tây Nam đang được xây dựng, tiếp theo là đắp nhiều phù điêu bên trong. Bước cuối cùng là dựng tượng bò đực và sư tử khổng lồ đặc trưng cho kiến trúc Hậu Assyria. Tại Nineveh đã khai quật được những tượng đá như vậy, nhưng tượng tương tự bằng kim loại quý được đề cập trong bia ký thì hiện vẫn không thấy đâu. Mái cung điện làm từ gỗ bách và tuyết tùng trên núi miền tây, cung điện có nhiều cửa sổ lấy sáng và được trang trí bằng các chốt bạc hay đồng ở bên trong và gạch men ở bên ngoài. Toàn bộ cấu trúc chạy dọc hết gò đất dài và rộng . Trên một con sư tử đá có khắc chữ dành tặng hoàng hậu Tashmetu-sharrat mong muốn vua và hoàng hậu khỏe mạnh và trường thọ trong cung điện mới. Nội dung thân mật lạ thường như sau: Tuy cùng ý tưởng với cung điện Sargon tại Dur-Sharrukin, cung điện của Sennacherib cho thấy điểm khác biệt, đặc biệt là những tác phẩm nghệ thuật đặc trưng bên trong. Phù điêu Sargon thường khắc họa nhà vua gần gũi với các quý tộc Assyria, còn tranh khắc Sennacherib thường để nhà vua cao hơn tất cả xung quanh do được ngồi trên cỗ xe. Phù điêu về Sannechrib thể hiện khung cảnh lớn hơn, một số là toàn cảnh nhìn từ trên xuống. Hoặc cũng thể hiện nghệ thuật tự nhiên hơn; tượng bò đực khổng lồ trong cung điện Sargon có đến năm chân để từ hai bên có thể nhìn thấy hai chân, còn từ phía trước thì nhìn được hai chân, trong khi tất cả tượng bò đực của Sannechrib đều có bốn chân. Sennacherib cho xây dựng những khu vườn xinh đẹp tại cung điện mới, mang về nhiều loại cây từ khắp đế chế và còn từ xa hơn nữa. Cây bông có thể đã được nhập về từ những nơi xa xôi như Ấn Độ. Một số ý kiến cho rằng kỳ quan cổ đại Vườn treo Babylon nổi tiếng thực ra chính là những khu vườn của Sannecherib tại Nineveh. Eckhart Frahm phản đối ý tưởng khó xảy ra này với lập luận vườn hoàng gia tại chính Babylon mới thực ấn tượng. Ngoài cung điện, Sennacherib cũng giám sát những việc xây dựng khác tại Nineveh. Vua xây dựng một cung điện lớn thứ hai tại gò đất phía nam thành, để làm kho vũ khí và một phần quân đội Assyria đồn trú thường trực. Một lượng lớn đền thờ được xây dựng hoặc trùng tu, nhiều trong số đó nằm trên gò Kuyunjik (nơi có Cung điện Tây Nam), bao gồm một ngôi đền dâng lên thần Sîn (gọi theo tên vua). Sennacherib nhanh chóng mở rộng thành về phía nam, dựng lên tường thành mới khổng lồ, có hào bao quanh cao tới và dày . Bị mưu sát và người kế vị Khi thái tử Ashur-nadin-shumi biến mất và rất có thể đã bị giết chết, Sennacherib chọn người con kế tiếp Arda-Mulissu làm thái tử mới. Đến năm 684 TCN, Sennacherib bất ngờ đưa người em Esarhaddon lên thay thế làm thái tử. Không rõ vì sao Arda-Mulissu mất quyền kế vị và các bia ký đương thời cho thấy ông rất thất vọng. Có thể mẹ Esarhaddon là Naqi'a đã thuyết phục thành công Sennacherib trong thay đổi người kế vị. Arda-Mulissu vẫn là một nhân vật nổi bật, một số chư hầu ngầm ủng hộ ông kế thừa ngôi báu. Sennacherib buộc Arda-Mulissu phải thề trung thành với Esarhaddon nhưng Arda-Mulissu nhiều lần xin cha phục hồi kế vị cho mình. Sennacherib thấy danh tiếng Arda-Mulissu ngày càng tăng, nên lo ngại cho ngôi vị thái tử liền phái Esarhaddon đến các tỉnh miền tây. Việc Esarhaddon ở xa khiến cho Arda-Mulissu ở đỉnh cao danh tiếng nhưng lại không động vào được em trai mình. Arda-Mulissu quyết định cần hành động nhanh và chiếm lấy ngai vàng bằng vũ lực. Ông lập "thỏa ước nổi dậy" với một người em trai khác là Nabu-shar-usur. Ngày 20 tháng 10 năm 681 TCN, họ tấn công và hạ sát cha mình trong một ngôi đền tại Nineveh, có thể là điện thờ Sîn. Vụ ám sát người đứng đầu một trong những đế quốc mạnh nhất khi ấy đã gây chấn động thế giới đương thời. Dân chúng Cận Đông kinh động nhận tin và có cảm xúc lẫn lộn. Dân Levant và Babylonia hoan hỉ và coi đây là do thần phạt tội Sennacherib đã tấn công họ. Còn ở Assyria có lẽ là bầu không khí phẫn nộ kinh hoàng. Nhiều nguồn tư liệu chép lại vụ này, trong đó có cả Kinh Thánh gọi Arda-Mulissu là Adrammelech (A-tra-mê-léc). Mưu sát thành công nhưng Arda-Mulissu không thể chiếm ngôi. Những người vốn ủng hộ ông cũng cảm thấy phẫn nộ về việc này, nên ngày đăng quang dự kiến bị trì hoãn. Trong lúc đó, Esarhaddon tập hợp binh mã. Quân của Arda-Mulissu và Nabu-shar-usur chạm trán với binh lực Esarhaddon tại Hanigalbat thuộc miền tây đế quốc. Hầu hết binh lính đã đào ngũ sang phe Esarhaddon. Esarhaddon dẫn quân tiến về Nineveh mà không gặp kháng cự nào và trở thành tân vương Assyria. Ngay khi lên ngôi, Esarhaddon xử tử tất cả những kẻ chủ mưu và kẻ thù chính trị bị mình nắm trong tay, kể cả gia đình anh em mình. Các đầy tớ canh gác cung điện Nineveh cũng bị hành quyết. Arda-Mulissu và Nabu-shar-usur sống sót qua đợt thanh trừng này, đào thoát lưu vong sang vương quốc phía bắc Urartu. Gia đình và con cái Theo truyền thống quân vương Assyria, Sennacherib có hậu cung đông đảo. Hai người vợ có danh tính ghi lại là Tashmetu-sharrat (Tašmetu-šarrat) và Naqi'a (Naqiʾā). Không chắc cả hai có phải cùng là hoàng hậu hay không, nhưng các nguồn tư liệu đương thời cho rằng vua có thể nhiều vợ, nhưng tại mỗi thời điểm chỉ có một là hoàng hậu chính thất mà thôi. Trong phần lớn thời gian Sennacherib trị vì, Tashmetu-sharra nghĩa là "Tashmetum là hoàng hậu" có thể giữ vị trí mẫu nghi thiên hạ. Các bản khắc cho thấy Sennacherib và Tashmetu-sharrat yêu nhau, vua gọi bà là "nương tử yêu dấu của ta" và công khai khen ngợi sắc đẹp của bà. Chưa rõ liệu Naqi'a có từng là hoàng hậu hay không. Bà được gọi là "thái hậu" dưới triều Esarhaddon, nhưng vì bà là mẹ đẻ Esarhaddon nên nghiễm nhiên có được danh hiệu này vào cuối triều Sennacherib hoặc do con trai phong dâng. Tashmetu-sharrat giữ ngôi chính thất lâu hơn nhưng ngày nay người ta biết nhiều hơn về vị thế Naqi'a dưới thời Esarhaddon. Khi làm vợ Sennacherib, bà lấy tên trong tiếng Akkad là Zakututu (Naqi'a là tiếng Aram). Hai cái tên có thể chỉ ra rằng Naqi'a sinh ra bên ngoài Assyria như Babylonia hoặc ở Levant, nhưng không có bằng chứng đáng kể để truy được gốc tích. Sennacherib có ít nhất bảy con trai và một con gái. Ngoại trừ Naqi'a là mẹ Esarhaddon thì không rõ ai là mẹ của những người con còn lại. Tashmetu-sharrat có thể là mẹ của một trong số đó: Ashur-nadin-shumi (Aššur-nādin-šumi) – có lẽ là trưởng nam của Sennacherib. Được đặt làm vua Babylon và ngôi vị thái tử năm 700 TCN. Đến năm 694 TCN, ông bị quân Elam bắt và giết chết. Ashur-ili-muballissu (Aššur-ili-muballissu) – có lẽ là con trai thứ hai (còn được gọi là māru terdennu - "con trai thứ hai"). Với tên gọi "được sinh ra dưới bệ chân Ashur" có thể cho thấy ông giữ chức thầy tư tế. Ông được vua cha ban nhà ở Assur khoảng trước năm 700 TCN. Người ta cũng khai quật được một chiếc lọ quý tại Nineveh xác chứng là ban cho ông. Arda-Mulissu (Arda-Mulišši) – con trai lớn nhất còn sống khi Ashur-nadin-shumi bị giết năm 694 TCN, Giữ ngôi thái tử 694-684 TCN rồi bị phế bỏ không rõ lý do. Năm 681 TCN, ông mưu sát phụ hoàng để đoạt ngôi. Bị Esarhaddon đánh bại, ông trốn đến Urartu. Ashur-shumu-ushabshi (Aššur-šumu-ušabši) - một người con trai không rõ thứ mấy. Sennacherib ban nhà tại Nineveh. Những viên gạch khắc nội dung xây nhà được tìm thấy tại Nineveh có thể cho thấy rằng Ashur-shumu-usabshi đã qua đời chết trước khi nhà xây xong. Esarhaddon (Aššur-aḫa-iddina) – con trai thứ từng là thái tử 684–681 TCN rồi kế vị làm vua Assyria, trị vì 681-669 TCN. Nergal-shumu-ibni (Nergal-šumu-ibni) – tên này không được ghi đầy đủ trên các văn tự nên chỉ phỏng dựng lại. Ông được nhắc đến là người thuê đông đầy tớ, hẳn cả một giám mã riêng tên Sama. Ông cũng thể đồng nhất với viên tín quan đề cập vào năm 683 TCN. Tên ông cũng có thể là Nergal-shumu-usur, và giữ chức thái tử bên cạnh Arda-Mulissu để kế vị ngôi Babylon, nhưng không có bằng chứng thuyết phục. Nabu-shar-usur (Nabû-šarru-uṣur) – người cùng với Arda-Mulissu mưu giết Sennacherib. Ông cùng Arda-Mulissu trốn đến Urartu. Shadditu (Šadditu) – con gái duy nhất của Sennacherib được nhắc đến tên, tên Shadditu xuất hiện trong các giấy bán đất và nghi lễ phòng vệ được thực hiện đại diện cho bà. Có thể mẹ là Naqi'a vì bà cũng có vị thế dưới triều Esarhaddon. Bà hoặc người con gái khác kết hôn với quý tộc Ai Cập tên là Shushanqu năm 672 TCN. Một bảng nhỏ được khai quật tại Nineveh, trên đó liệt kê tên các anh hùng thần thoại Lưỡng Hà (như Gilgamesh) cùng một số tên riêng khác. Vì Ashur-ili-muballissu xuất hiện trong danh sách tên riêng, cùng một tên khác có thể viết thành Ashur-nadin-shumi (hoặc Ashur-shumu-ushabshi) và Esarhaddon, có thể suy đoán phần còn lại cũng là các hoàng tử của Sennacherib. Những tên này gồm Ilee-bullutu-Aššur, Aššur-mukkaniš-ilija, Ana-Aššur-taklak, Aššur-bani-beli, Samaš-andullašu (hoặc Samaš-salamšu) và Aššur-šakin-liti. Tính cách Nguồn tư liệu chính có thể luận được tính cách con người Sennacherib cơ bản là các bản khắc triều đình dưới thời ông, không phải vua tự tay viết nhưng do các thư lại chép. Các văn bản thường nhằm tuyên truyền xưng tụng vua tốt đẹp hơn tất cả vua cùng thời hoặc trước đó. Hơn nữa, bia ký hoàng gia Assyria thường chỉ nói về chiến trận và xây dựng theo một công thức chung, nên có ít khác biệt giữa các vua. Soi xét các bản này, đối chiếu với bia ký các vua khác hoặc những văn bản không thuộc hoàng gia có thể suy ra một số khía cạnh tính cách Sennacherib. Giống như các vua Assyria khác, ông thể hiện niềm tự hào và lòng tự trọng cao, chẳng hạn: "Ashur, cha các thần, để mắt vững vàng nhìn ta giữa các vua, ngài chế cho ta vũ khí lớn hơn những kẻ trên ngai khác". Một số chỗ lại nhấn mạnh sự khôn ngoan trác tuyệt của Sennachrib "thần Ninshiku ban cho ta sự khôn ngoan bằng với hiền triết Adapu (và) phú cho ta tri thức rộng". Một số bia ký gọi ông là "người đứng đầu tất cả các vua" (ašared kal malkī) và "người toàn hảo" (eṭlu gitmālu). Sennacherib quyết định giữ nguyên tên khai sinh khi làm vua thay vì dùng tên hiệu như ít nhất 19 trong số 21 tiên vương đã làm, điều này cho thấy ông có sự tự tin. Sennacherib còn được xưng tụng bằng những mỹ từ mà chưa được dùng cho bất cứ vua Assyria nào khác "người bảo vệ lẽ phải" và "người yêu công lý", cho thấy mong muốn để lại dấu ấn cá nhân trong khởi đầu kỷ nguyên mới do ông trị vì. Khi lên ngôi, Sennacherib thực sự đã trưởng thành với 15 năm làm thái tử, hiểu rõ cách điều hành đế chế. Khác với nhiều quân vương Assyria trước đó và về sau (kể cả vua cha Sargon), Sennacherib không thể hiện mình là một kẻ chinh phạt hay có mong muốn chinh phục thế giới. Thay vào đó, các văn bản thường mô tả về việc xây dựng quy mô lớn của ông. Hầu hết các chiến dịch quân sự của Sennacherib không nhằm mục đích chinh phạt mà nhằm trấn áp các cuộc nổi loạn, khôi phục lãnh thổ bị chiếm và đảm bảo ngân khố chi cho việc xây dựng. Việc để cho các tướng lĩnh chỉ huy một số chiến dịch chứ vua không thân chinh cho thấy Sennacherib không đặt nặng chiến trận như các tiên vương. Việc trừng phạt kẻ thù thảm khốc có thể không phản ánh sự thật, mà đơn thuần có khi chỉ dùng để tuyên truyền gây sợ hãi và chiến tranh tâm lý. Dù rõ ràng không quan tâm đến việc thống trị thế giới, Sennacherib có được các danh hiệu Lưỡng Hà truyền thống về quyền lực này như "vua vũ trụ" và "vua bốn phương thế gian". Các danh hiệu khác như "vua mạnh mẽ" và "vua hùng mạnh" nhấn mạnh sức mạnh và sự vĩ đại của ông, cùng với các biệt danh như "chiến binh dũng mãnh" (zikaru qardu) và "bò rừng hung tợn" (rīmu ekdu). Sennacherib ký thuật toàn bộ chiến dịch quân sự của mình là chiến thắng, kể cả thực tế không phải như vậy. Điều này không nhất thiết là do tự hào cá nhân mà đơn thuần vì thần dân có thể sẽ coi thất bại là không còn được thần linh ủng hộ vua trị vì nữa. Sennacherib hoàn toàn tin rằng các thần đã tiếp trợ mình và các cuộc chiến đều phải theo đường hướng này. Frahm tin rằng có thể Sennacherib bị hậu chấn tâm lý trước số phận thảm khốc của vua cha. Các nguồn tư liệu cho thấy có vẻ như tin xấu dễ dàng khiến Sennacherib nổi giận và phát triển thành các vấn đề tâm lý nghiêm trọng. Vua Esarhaddon về sau viết rằng "quỷ alû " làm hại Sennacherib mà lúc đầu không có thầy tiên tri nào dám nói với vua rằng họ nhận thấy các dấu hiệu của quỷ. Không rõ "quỷ alû" là gì nhưng triệu chứng điển hình được đề cập là bệnh nhân không biết mình là ai, đồng tử co lại, tay chân căng cơ, không nói được và ù tai. Frahm và nhà Assyria học Julian E. Reade cân nhắc ý tưởng rằng Sennacherib có thể được xếp loại thành người vì nữ quyền. Triều đình Sennacherib có phụ nữ nổi bật và hưởng đặc quyền hơn so với những tiền triều. Hiện không rõ chính sách thời đó dành cho phụ nữ hoàng tộc ra sao. Có thể vua muốn lấy quyền từ tướng lĩnh và thủ lĩnh hùng mạnh chuyền về gia tộc mình, học theo các nữ hoàng Ả Rập quyền lực lãnh đạo quân đội và tự quyết. Hoặc vua muốn cân bằng lại điều này theo ký ức về sự cai trị của cha mình. Bằng chứng về gia tăng vị thế phụ nữ hoàng tộc có thể thấy thông qua số lượng lớn văn bản nói đến các hoàng hậu vào thời Sennacherib so với thời kỳ trước, họ cũng có quân đội thường trực riêng giống như vua. Phản ánh vị thế phụ nữ hoàng tộc gia tăng, các nữ thần cũng được mô tả thường xuyên hơn. Chẳng hạn thần Ashur thường được kèm với một nữ thần như Mullissu. Bất chấp sự mê tín của Sennacherib liên quan đến số phận vua cha và niềm tin được thần linh tiếp trợ, Reade tin rằng vua hoài nghi tôn giáo ở một mức độ nào đó; minh chứng là dám phạm thượng phá hủy Babylon và các điện thờ tại đó, đồng thời vua cũng dường như bỏ bê các đền thờ Assyria cho đến cuối triều đại mới tiến hành cải tạo đền thờ Ashur ở Assur. Di sản Ký ức phổ biến Suốt hàng thiên niên kỷ trôi qua, hình ảnh phổ biến về Sennacherib chủ yếu là tiêu cực. Lý do đầu tiên do Kinh Thánh khắc họa ông là kẻ chinh phục độc ác định chiếm Jerusalem; thứ hai là việc hủy diệt Babylon, một trong những thành nổi bật nhất thế giới cổ đại. Quan điểm tiêu cực này vẫn tồn tại cho đến thời hiện đại. Sennacherib được miêu tả giống như con thú săn mồi tàn nhẫn, tấn công Judah như "sói giữa bầy cừu" trong bài thơ nổi tiếng của Lord Byron năm 1815 The Destruction of Sennacherib (Sự hủy diệt của Sennacherib): Năm 2014, nhà khảo cổ học Kinh Thánh Isaac Kalimi và nhà sử học Seth Richardson gọi cuộc tấn công năm 701 TCN của Sennacherib vào Jerusalem là một "sự kiện thế giới" vì kéo theo số phận của nhiều nhóm dân khác nhau. Theo Kalimi, sự kiện này ảnh hưởng và để lại hậu quả không chỉ với người Assyria và Israel, mà còn cả người Babylon, Ai Cập, Nubia, Syro-Hitti và Anatolia. Trận vây hãm không chỉ được đề cập trong nguồn tư liệu đương thời, mà còn ghi nhận trong văn hóa dân gian và truyền thống sau này, chẳng hạn như văn hóa dân gian Aram, lịch sử Hy La Cận Đông về sau, rồi trong các câu chuyện Ả Rập và Cơ Đốc giáo Syria trung cổ. Chiến dịch Levant là sự kiện quan trọng trong nhiều phân đoạn Kinh Thánh, đáng chú ý là Các Vua II 18:13–19:37, 20:6 và Sử ký II 32:1–23. Phần lớn phần Kinh thánh về triều đại của vua Hezekiah trong sách Các Vua là dành cho chiến dịch của Sennacherib, xác định đây như là sự kiện quan trọng nhất thời Hezekiah. Trong Sử ký đã nhấn mạnh thất bại của Sennacherib và thắng lợi của Hezekiah. Chiến dịch quân sự này (bị coi là xâm lược hơn là hành động trấn áp Hezekiah nổi loạn) bị coi là thất bại ngay từ đầu. Theo như ký thuật, không kẻ thù nào kể cả vua Assyria hùng mạnh có thể đánh thắng vì Đức Chúa Trời đứng về phía Hezekiah. Trận chiến được khắc họa theo tinh thần thánh chiến: cuộc chiến của Chúa chống lại Sennacherib ngoại giáo. Có hơn một trăm vị vua trong lịch sử Assyria lâu đời, Sennacherib (cùng con trai là Esarhaddon và các cháu là Ashurbanipal và Shamash-shum-ukin) là một trong số vẫn còn được tưởng nhớ và khắc họa trong văn hóa dân gian Aram và Syria rất lâu sau khi vương quốc sụp đổ. Truyện cổ Aram về Ahikar miêu tả Sennacherib như người bảo trợ cho nhân vật chính, còn Esarhaddon thì tiêu cực hơn. Truyện Syria trung cổ mô tả Sennacherib là vị vua ngoại giáo điển hình bị ám sát trong thảm kịch gia tộc, mà con cái đều cải đạo sang Cơ Đốc giáo. Truyền thuyết các thánh Behnam và Sarah thế kỷ 4 đã lấy Sennacherib dưới cái tên Sinharib để làm người cha trong hoàng tộc của các thánh. Khi Behnam cải đạo sang Cơ Đốc giáo liền bị Sinharib ra lệnh xử tử, nhưng Sinharib bị bệnh hiểm nghèo và được chữa lành nhờ thánh Matthew rửa tội ở Assur. Với lòng biết ơn, Sinharib cũng cải đạo sang Cơ Đốc giáo và thành lập tu viện quan trọng Deir Mar Mattai ở gần Mosul. Hình ảnh Sennacherib cũng giữ nhiều vai trò khác nhau trong truyền thống Do Thái sau này. Trong Midrash, các sự kiện năm 701 TCN thường được khám phá chi tiết; nhiều lần nhắc đến đạo binh khổng lồ và Sennacherib liên tục cầu hỏi các nhà chiêm tinh khiến cho hành động bị trì hoãn. Trong các câu chuyện này, quân đội Sennacherib bị tiêu diệt khi Hezekiah đọc thi thiên Hallel vào đêm trước lễ Vượt Qua. Sự kiện này thường được miêu tả như kịch bản mạc khải, Hezekiah tượng trưng cho nhân vật thiên sai còn Sennacherib cùng quân lính là hiện thân của Gog và Magog.{ Với vị trí xuất hiện trong Kinh Thánh, Sennacherib vẫn là một trong những vua Assyria nổi tiếng nhất cho đến ngày nay. Khám phá khảo cổ Sư phát hiện ra dòng văn tự của chính Sennacherib vào thế kỷ 19 kỷ, trong đó có những hành động tàn bạo và độc ác như ra lệnh cắt cổ, chặt tay và cắt môi kẻ thù Elam, đã nhân gấp bội danh tiếng vốn đã hung bạo của ông. Ngày nay đã biết đến nhiều bản khắc như vậy, hầu hết nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Cận Đông ở Berlin và Bảo tàng Anh ở Luân Đôn, còn nhiều bản khác thuộc về các tổ chức và bộ sưu tập tư nhân trên khắp thế giới. Một số di vật lớn có chữ khắc của Sennacherib vẫn ở lại Nineveh, thậm chí còn được chôn trở lại. Những ghi chép của chính Sennacherib về việc xây dựng và chiến tranh thường gọi là "biên nên sử", được sao chép nhiều lần và lan truyền khắp Đế quốc Tân Assyria khi ông còn trị vì. Sáu năm đầu triều đại Sennacherib, chữ được khắc lên các trụ gốm, sau đó được thay bằng lăng trụ để bề mặt viết được nhiều hơn. Thư từ liên quan đến Sennacherib có ít hơn so với lượng thu thập được từ thời Sargon cha ông và thời Esarhaddon con trai ông, hầu hết lại đến từ thời kỳ ông làm thái tử. Các văn tự không thuộc hoàng gia thì nhiều hơn vào thời Sennacherib, chẳng hạn như tài liệu hành chính, kinh tế và sử ký. Ngoài các văn tự, nhiều tác phẩm nghệ thuật cũng đã tồn tại từ thời Sennacherib, đặc biệt các phù điêu của vua trong cung điện Nineveh. Chúng thường khắc họa những cuộc chinh phạt của Sennacherib, đôi khi có đoạn văn ngắn giải thích cho hình ảnh. Được nhà khảo cổ học người Anh Austen Henry Layard phát hiện và khai quật lần đầu tiên năm 1847-1851, phù điêu tại Cung điện Tây Nam khắc họa trận vây hãm Lachish là bằng chứng khảo cổ đầu tiên xác nhận về một sự kiện được nhắc đến trong Kinh Thánh. Các nhà Assyria học Hormuzd Rassam và Henry Creswicke Rawlinson vào năm 1852-1854, William Kennett Loftus năm 1854-1855 và George Smith năm 1873-1874 đã dẫn đầu các cuộc khai quật tiếp theo tại Cung điện Tây Nam. Trong số nhiều văn bản tìm được, Smith phát hiện ra bản tường thuật không trọn vẹn về trận lụt, gây nhiều hứng khởi cho giới học giả lẫn công chúng. Kể từ thời Smith, địa điểm này trải qua nhiều giai đoạn khai quật và nghiên cứu ráo riết; Rassam trở lại năm 1878-1882, nhà Ai Cập học E. A. Wallis Budge giám sát khai quật năm 1889-1891, nhà Assyria học Leonard William King năm 1903-1904 và Reginald Campbell Thompson vào năm 1905 và 1931-1932. Bộ Cổ vật Iraq dưới sự chỉ đạo của nhà Assyris học Tariq Madhloom tiến hành thám sát gần đây nhất năm 1965-1968. Nhiều phù điêu của Sennacherib ngày nay được trưng bày tại Bảo tàng Cận Đông, Bảo tàng Anh, Bảo tàng Iraq ở Bagdad, Bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan ở New York và Bảo tàng Louvre ở Paris. Học thuật hiện đại dần không còn đánh giá tiêu cực Sennacherib như một kẻ chinh phục tàn bạo giống như trước đây nữa. Năm 1978, Reade đánh giá Sennacherib là người nổi bật trong số các vua Assyria với tư tưởng cởi mở cùng tầm nhìn xa và rằng ông là người "không chỉ đối phó hiệu quả với các khủng hoảng thông thường mà thậm chí còn biến chúng thành lợi thế khi dự định hoặc thực sự tạo cấu trúc đế quốc ổn định miễn nhiễm với những vấn đề truyền đời". Reade tin rằng đế quốc Assyria sụp đổ trong vòng 70 năm sau khi Sennacherib chết có thể một phần là do các vua về sau bỏ đi chính sách và cải cách do ông đưa ra. Năm 2018, Elayi kết luận rằng Sennacherib khác biệt với hình ảnh tiêu cực thường thấy cũng như hình ảnh hoàn hảo mà vua muốn đánh bóng bản thân thông qua văn tự, nhưng phần nào trong đó thì cả hai đều có chỗ chính xác. Theo Elayi, Sennacherib "chắc chắn thông minh, khéo léo, có khả năng thích ứng", nhưng "sự sùng đạo thì trái nghịch, vì một mặt ông ngang nhiên phá hủy tượng thần và đền thờ Babylon nhưng mặt khác, ông lại thường cầu xin ý thần linh trước khi hành động". Elayi tin rằng khuyết điểm lớn nhất của Sennacherib là "tính cách nóng nảy, hay thù hận và thiếu kiên nhẫn" và khi xúc động, ông có thể bị thúc đẩy đi đến những quyết định phi lý. Năm 2011, một con dốc lớn được phát hiện ở đồi Qasr Shemamok-Kilizu tại Erbil, cầu thang nhiều bậc có chiều cao rất thấp, bậc thang làm bằng gạch chắc, một viên có khắc dòng chữ hình nêm rằng cầu thang được dựng mang tên vua Assyria Sennacherib. Người Pháp tiến hành khai quật và tìm thấy nhiều bản khắc chữ hình nêm, hầu hết đề cập đến các danh hiệu của Sennachrib, việc xây dựng tường thành và cung điện. Danh hiệu Sennacherib dùng các danh hiệu sau đây trong những ghi chép ban đầu về chiến dịch Babylon năm 703 TCN: Các danh hiệu này được thay đổi trong bản khắc ở Cung điện Tây Nam tại Nineveh, được viết sau chiến dịch Babylon năm 700 TCN: Xem thêm Sinharib Ghi chú Tham khảo Trích dẫn Tư liệu Ấn bản Trang web Liên kết ngoài Nhu liệu Thánh Kinh - San-chê-ríp Công an nhân dân - Vườn treo Babylon không phải ở... Babylon Quân vương Trung Đông Nguyên thủ quốc gia bị ám sát Người trong Kinh Thánh Hebrew Gia đình hoàng gia Trung Đông Lịch sử Assyria Mất năm 681 TCN Bài viết có văn bản tiếng Akkad
19811704
https://vi.wikipedia.org/wiki/Leonardo%20Sernicola
Leonardo Sernicola
Leonardo Sernicola (sinh ngày 30 tháng 7 năm 1997) là một cầu thủ bóng đá người Ý hiện tại đang thi đấu ở vị trí hậu vệ cánh trái cho câu lạc bộ Cremonese tại Serie B. Sự nghiệp thi đấu Đầu sự nghiệp Sernicola sinh ra ở Civita Castellana thuộc vùng Lazio của Ý. Khi còn trẻ, các đội trẻ của những gã khổng lồ địa phương như Lazio và Roma đã quan tâm đến anh, nhưng đánh giá anh quá nhỏ con và nhẹ để thi đấu chuyên nghiệp. Anh cũng đã sự thử việc không thành công với Perugia, trước khi ký hợp đồng với đội trẻ của Ternana qua biên giới ở Umbria. Anh đã có gần 50 lần ra sân cho đội Primavera. Ternana Sernicola đã chơi ở nhiều độ tuổi khác nhau trong đội trẻ Ternana và sự phát triển thể chất của anh là 20 cm trong hai năm cho phép anh ấy thi đấu với các đối thủ lớn hơn, trái ngược với niềm tin của các đội đã từ chối anh. Anh hiện cao . Năm 2016, anh được đôn lên đội một khi kết thúc mùa giải 2015–16 và ở lại với đội với tư cách Rossoverdi chuẩn bị cho mùa giải 2016–17. Anh ra mắt đội một vào ngày 7 tháng 5 năm 2016, vào sân thay cho Fabiano Santacroce ở phút thứ 63 trong trận hòa 1-1 với Cesena. Anh đã chơi trọn vẹn 90 phút của hai trận tiếp theo và hai trận cuối cùng của mùa giải. Sernicola đã không thi đấu thường xuyên trong mùa giải 2016–17, và sau đó được cho mượn vào tháng 1 năm 2017 tại Fondi của giải Lega Pro. Trận ra mắt của anh cho đội bóng là khi vào sân thay người trong trận hòa 1-1 trước Catania vào ngày 23 tháng 1 năm 2017. Sassuolo Vào ngày 28 tháng 7 năm 2018, Sernicola ký hợp đồng với câu lạc bộ Sassuolo tại Serie A. Ngày 9 tháng 7 năm 2019, anh gia nhập Virtus Entella dưới dạng cho mượn đến ngày 30 tháng 6 năm 2020. Ngày 29 tháng 1 năm 2020, anh chuyển tới Ascoli theo dạng cho mượn. Ngày 25 tháng 9 năm 2020, anh gia nhập SPAL dưới dạng cho mượn. Cho mượn tại Cremonese Vào ngày 20 tháng 7 năm 2021, Sernicola được đem cho mượn tại câu lạc bộ Cremonese. Cremonese Vào ngày 8 tháng 7 năm 2022, Cremonese đã thông báo về việc ký hợp đồng lâu dài với Sernicola. Thống kê sự nghiệp Tham khảo Liên kết ngoài Sinh năm 1997 Nhân vật còn sống Cầu thủ bóng đá Ý Cầu thủ đội tuyển bóng đá trẻ quốc gia Ý Hậu vệ bóng đá Cầu thủ bóng đá Serie A Cầu thủ bóng đá Serie B Cầu thủ bóng đá Serie C Cầu thủ bóng đá Ternana Calcio Cầu thủ bóng đá S.S. Racing Club Fondi Cầu thủ bóng đá Feralpisalò Cầu thủ bóng đá U.S.D. Matera Grumentum Cầu thủ bóng đá U.S. Sassuolo Calcio Cầu thủ bóng đá Virtus Entella Cầu thủ bóng đá Ascoli Calcio 1898 F.C. Cầu thủ bóng đá S.P.A.L. Cầu thủ bóng đá U.S. Cremonese Người Ý thế kỷ 20 Người Ý thế kỷ 21
19811708
https://vi.wikipedia.org/wiki/S%E1%BB%AD%20d%E1%BB%A5ng%20lao%20%C4%91%E1%BB%99ng
Sử dụng lao động
Sử dụng lao động (Employment) là mối quan hệ giữa hai bên quy định việc cung cấp các dịch vụ lao động có trả tiền công và thường dựa trên hợp đồng lao động giữa một bên là người sử dụng lao động (có thể là công ty, tổ chức phi lợi nhuận, hợp tác xã hoặc bất kỳ tổ chức nào khác) trả tiền cho bên kia là nhân viên, người lao động, người làm công, làm thuê để đổi lấy việc thực hiện công việc được giao. Người lao động làm việc để được trả lương, có thể được trả trên cơ sở mức lương theo giờ, theo công việc hoặc lương hàng năm, tùy thuộc vào loại công việc mà người lao động làm, điều kiện phổ biến của ngành và kết quả thương lượng giữa các bên. Nhân viên trong một số lĩnh vực có thể nhận được tiền thưởng, thù lao hoặc quyền chọn cổ phiếu (thường là cổ phiếu thưởng hoặc ESOP). Trong một số loại hình việc làm, nhân viên có thể nhận được trợ cấp ngoài khoản thanh toán. Các lợi ích có thể bao gồm bảo hiểm y tế, nhà ở, bảo hiểm tàn tật. Việc làm thường được luật lao động điều chỉnh hoặc theo quy định của tổ chức hoặc hợp đồng pháp lý. Nhân viên đóng góp sức lao động và chuyên môn cho nỗ lực của người sử dụng lao động hoặc của người điều hành doanh nghiệp hoặc công việc (PCB) và thường được thuê để thực hiện các nhiệm vụ cụ thể được xác định trọn gói trong một công việc. Trong bối cảnh công ty, nhân viên là người được thuê để cung cấp dịch vụ cho công ty một cách thường xuyên để đổi lấy thù lao và là người không cung cấp các dịch vụ này như một phần của hoạt động kinh doanh độc lập. Chú thích Tham khảo Liên kết ngoài Business Link (archived from the original on 29 September 2012) Lao động
19811714
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%ADnh%20s%C3%A1ch%20C%C3%A1i%20g%E1%BA%ADy%20l%E1%BB%9Bn
Chính sách Cái gậy lớn
Chính sách "Cái gậy lớn" là một cách ngôn thường được phát biểu bởi tổng thống thứ 26 của Hoa Kỳ, Theodore Roosevelt; "nói năng nhỏ nhẹ và cầm một cái gậy lớn; anh sẽ tiến xa đấy". Bắt nguồn từ đó nên báo chí Mỹ lúc bấy giờ, cùng một số sử gia thời hiện đại, sử dụng cụm từ "cái gậy lớn" để chỉ lập trường đối ngoại của Hoa Kỳ dưới thời Roosevelt cầm quyền. Chú thích Tham khảo Liên kết ngoài Trang web về Tư tưởng Cái gậy lớn Thông tin về bình diện chính trị của Cái gậy lớn Bá quyền Khẩu hiệu chính trị Mỹ Lịch sử chủ nghĩa đế quốc Mỹ Ngoại giao quân sự
19811715
https://vi.wikipedia.org/wiki/V%C3%B2m%20nhi%E1%BB%87t
Vòm nhiệt
Vòm nhiệt (Heat dome) là hiện tượng đợt nóng xuất hiện ra khi một vùng áp suất cao kéo dài hình thành phía trên khu vực nhất định và không di chuyển trong vòng một tuần trở lên. Đây là một hiện tượng thời tiết giữ nhiệt độ lại ở một khu vực và ngăn các hệ thống thời tiết khác di chuyển đến. Vòm nhiệt xảy ra khi điều kiện khí quyển áp suất cao kết hợp với ảnh hưởng của La Niña. Vòm nhiệt khiến nhiệt bị giữ lại bên trong nó. Các kiểu thời tiết không khí phía trên di chuyển chậm, được các nhà khí tượng học gọi là khối Omega. Áp suất cao dẫn đến thời tiết đẹp với bầu trời nhiều nắng và ít mây, nó khiến không khí bị dìm xuống bên dưới, khi không khí chìm xuống, nó sẽ nóng lên khiến nhiệt độ tăng lên. Đây là một hiện tượng thời tiết gây khó chịu và nguy hiểm. Thời tiết mùa hè thường gắn liền những đợt sóng nhiệt gay gắt được gọi là vòm nhiệt. Đây là một hình thái thời tiết nguy hiểm đối với sức khoẻ của con người vì những điều kiện thời tiết trên có thể gây chết người. Các nhà dự báo thời tiết cho biết, chỉ số nhiệt cơ thể cảm nhận kết hợp với mức độ ẩm tương đương với gió mùa đông có thể gây nên nhiều tình trạng nguy hiểm, tăng nguy cơ kiệt sức vì nóng, say nắng, và thậm chí là tử vong. Nền nhiệt đạt đỉnh kết hợp độ ẩm tăng cao gây tình trạng nguy hiểm. Độ ẩm cao làm chậm quá trình bốc hơi, hay đổ mồ hôi, được biết đến như một cơ chế tự động làm mát của cơ thể. Biện pháp chính là giữ mát, uống nhiều nước, mặc quần áo thoáng mát và hạn chế các hoạt động ngoài trời dùng sức, đồng thời cơ quan này cho biết thêm người già, trẻ nhỏ, người mắc bệnh mãn tính và những người không được sử dụng điều hòa nhiệt độ vốn là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước một đợt nắng nóng đỉnh điểm. Trong tháng 5 năm 2023, Việt Nam ghi nhận kỷ lục về nắng nóng nhất trong lịch sử được cảnh báo là do vòm nhiệt là biến đổi khí hậu gây nên Chú thích Liên kết ngoài What is a Heat Dome?—Scientific American BBC reference sky.com reference telegraph.co.uk reference severe-weather.eu/ on heat domes YouTube reference Thiên tai Nguy hiểm thời tiết
19811718
https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BB%99ng%20%C4%91%E1%BA%A5t%20ngo%C3%A0i%20kh%C6%A1i%20Iwate%202022
Động đất ngoài khơi Iwate 2022
là trận động đất xảy ra vào lúc 23:25 (theo giờ địa phương), ngày 18 tháng 3 năm 2022. Trận động đất có cường độ 5,5 richter. Tâm chấn độ sâu khoảng 15km, nằm ngoài khơi bờ biển tỉnh Iwate. Không có cảnh báo sóng thần cho trận động đất này. Trận động đất không có thiệt hại về người, nhưng tình trạng mất điện đã xảy ra trên diện rộng, giao thông bị gián đoạn và các nhà máy phải tạm ngừng hoạt động. Cường độ địa chấn Tham khảo
19811723
https://vi.wikipedia.org/wiki/Malahai
Malahai
Malahai ( or , , chuyển tự: malaqai) là một loại mũ đội đầu trong lịch sử có nguồn gốc từ Kazakhstan, được sử dụng ở một số khu vực khác của Trung Á và trên khắp Đế quốc Nga từ giữa thế kỷ 18 đến giữa thế kỷ 19. Đây là một loại mũ lông thú có chóp cao hình nón, hình trụ hoặc tứ giác và thường có bốn vạt: hai vạt bên dài che tai, một vạt phía sau rộng che cổ và vai, và một vạt trước ngắn che mắt. Malahai được lót bằng lông thú của nhiều loài động vật khác nhau bao gồm lửng, cáo và sói. Đàn ông đội malahai vào mùa đông để chống chọi với cái lạnh và thời tiết khắc nghiệt khi đi đường. Ngoài ra, chiếc mũ còn được dùng để bảo vệ đầu khỏi vũ khí có lưỡi. Phụ nữ ở một số vùng của Nga cũng đội malahai. Trong số các Cựu Tín đồ, nó đã bị cấm vì lý do tôn giáo. Từ nguyên Nguồn gốc của từ malahai đang gây tranh cãi. Mặc dù hầu hết các nhà bác ngữ học đều đồng ý rằng nó bắt nguồn từ malgai trong tiếng Mông Cổ (малгай, ), có nghĩa là "mũ", họ không thống nhất về cách từ này xuất hiện trong tiếng Nga. Sự phân bố rộng rãi của từ này trong các ngôn ngữ Turk dẫn đến giả thuyết rằng nó đã du nhập vào tiếng Nga thông qua tiếng Turk, nhưng lại có ý kiến rằng nó xuất phát từ những người nói tiếng Mãn Châu và Mông Cổ ở đông nam Siberia và sau này mới được du nhập vào tiếng Turk thông qua tiếng Nga. Thiết kế và chất liệu Các họa sĩ Trung Quốc và Tây Âu vẽ nhiều tranh miêu tả đàn ông Kazakh đội malahai trong thế kỷ 18 và 19. Đến cuối thế kỷ 19, các quan chức, binh lính và nhà lữ hành Nga chụp ảnh họ. Tính đến năm 2012, bảy chiếc malahai chuẩn với mức độ hư hại khác nhau vẫn được trưng bày trong các viện bảo tàng và bộ sưu tập tư nhân ở Trung Quốc, Kazakhstan và Nga. Chóp mũ nói chung cao và có dạng hình nón, hình trụ hoặc hình tứ giác. Mũ đội đầu thường có bốn vạt; trong đó vạt phía trước hình chữ nhật và ngắn hơn những vạt còn lại, thường được gập lên trên và chỉ hạ xuống để che trán của người đeo trong những đợt rét đậm hoặc bão tuyết. Hai vạt bên hoặc "tai" () được buộc lại với nhau trên cằm hoặc dưới cằm người đội, bằng dây da hoặc ruy băng được khâu trên vạt. Vạt sau rộng che kín cổ và vai người đội. Malahai có chất liệu da cừu, da hươu và da bê, lót bằng lông thú của nhiều loại động vật khác nhau như hải ly, cáo, lửng và sói, trong khi lớp ngoài cùng được làm bằng vải, thổ cẩm, lụa hoặc nhung. Tại Nga Các dân tộc Bashkir và Kalmyk mang malahai đến Nga vào giữa thế kỷ 18, đưa chiếc mũ trở thành trang phục của người dân Nga. Vào giữa thế kỷ 19, dân chúng khắp Siberia và nước Nga thuộc châu Âu cũng sử dụng malahai; tuy nhiên vai trò của mũ bị ushanka thay thế trước khi thế kỷ này kết thúc. Người dân Nga thường dùng malahai khi ra đường. Do đó, chiếc mũ đã trở thành vật đội đầu đặc biệt của những người đánh xe ngựa vùng Siberia. Đàn ông đội mũ vào mùa đông để chống chọi với cái lạnh và thời tiết khắc nghiệt, đồng thời bảo vệ đầu khỏi vũ khí có lưỡi. Ở một số vùng của Nga phụ nữ cũng đội nó. Với Cựu Tín đồ—những người theo Chính thống giáo Đông phương duy trì phụng vụ và nghi lễ của Giáo hội Chính thống giáo Nga như trước khi Thượng phụ Nikon tiến hành cải cách ở Moskva—việc đội malahai bị cấm vì tạo ra chiếc bóng có hình dạng được cho là giống một con quỷ có sừng. Một số mũ được lót bằng lông sói, thứ mà họ bị cấm mặc, đặc biệt là trong các buổi cầu nguyện nhóm. Xem thêm Danh sách mũ đội đầu Mũ chóp Ushanka Ghi chú Tham khảo Thời trang thế kỷ 18 Thời trang thế kỷ 19 Lịch sử trang phục châu Á Văn hóa Kazakhstan Mũ nhọn Trang phục Nga Trang phục mùa đông Mũ
19811724
https://vi.wikipedia.org/wiki/Shiokara
Shiokara
, là một món ăn thuộc nền Ẩm thực Nhật Bản được chế biến từ nhiều loại hải sản cùng một vài mẩu thịt nhỏ trong một hỗn hợp sền sệt màu vàng nâu của phủ tạng được lên men và ướp muối của nhiều loại động vật khác nhau. Khi chế biến Shiokara, phần nội tạng sống sẽ được trộn với 10% muối, 30% bột gạo mạch nha, tất cả đều được gói trong lọ kín và được ủ men trong thời gian tối đa là một tháng. Món ăn này thường được bán trong những chiếc bình đựng được làm từ thủy tinh hoặc nhựa. Shiokara có vị mặn và mùi tanh tương tự như món cá cơm muối của châu Âu, nhưng món ăn này có kết cấu khác. Là một trong những ''Chinmi'' (từ này nghĩa là "mùi vị hiếm có") được biết tới nhiều nhất, món ăn này có mùi vị khá mạnh và hương vị hấp dẫn, ngay cả đối với khẩu vị của người Nhật bản địa. Món ăn này cũng từng là nguồn cung cấp protein quý giá trong thời kỳ hậu chiến của Nhật Bản vì tình trạng kham hiếm thực phẩm, cũng như việc không có điều kiện làm lạnh thức ăn thời bấy giờ. Sau này, món ăn tiếp tục trở thành một loại gia vị ăn với cơm và được phục vụ trong các quán rượu. Một trong những cách để tận hưởng hương vị của Shiokara đó là: Đầu tiên hãy húp sạch toàn bộ món ăn chỉ với một ngụm, sau đó uống ngay một chai rượu Whisky. Một vài quán bar tại Nhật Bản chỉ chuyên nấu và phục vụ Shiokara. Phân loại Ika no shiokara—được chế biến từ mực nang, đây là loại phổ biến nhất Hotaruika no shiokara—được chế biến từ mực đom đóm Katsuo no shiokara—được chế biến từ cá ngừ vằn Kaki no shiokara—được chế biến từ hàu Uni no shiokara—được chế biến từ trứng nhím biển Ami no shiokara—được chế biến từ Mysidacea, một loài giáp xác giống nhuyễn thể. Ngoài ra còn có một số loại Shiokara có tên gọi đặc biệt: Ganzuke — được chế biến từ cua giò Konowata — được chế biến từ dưa chuột biển Mefun — được chế biến từ cá hồi Chum Uruka (shiokara) — được chế biến từ cá nước ngọt Ayu Shuto — được chế biến từ cá ngừ vằn (katsuo). Xem thêm Dayok, món ăn tượng tự của Philippines Bekasang, món ăn tương tự của Indonesia Các món từ cá cơm Jeotgal Natto Tham khảo Ẩm thực Ẩm thực Nhật Bản Hải sản Nhật Bản Hải sản Món ăn lên men Bài viết có văn bản tiếng Nhật
19811725
https://vi.wikipedia.org/wiki/C%C3%A0%20ph%C3%AA%20mu%E1%BB%91i
Cà phê muối
Cà phê muối là một món thức uống từ các nguyên liệu chính là cà phê, sữa (sữa đặc, sữa tươi lên men) và muối ăn tinh. Cà phê muối có nguồn gốc xuất xứ từ Huế và là thức uống đặc sản của xứ Huế, đây là món đồ uống rất riêng, mang hương vị đặc trưng của mảnh đất cố đô Huế. Thức uống này ra đời cách đây hơn 10 năm song đến nay vẫn giữ được sức hút mạnh mẽ đối với nhiều thế hệ người dân địa phương và du khách thập phương. Tuy chưa nổi tiếng như cà phê trứng Hà Nội hay cà phê sữa đá Sài Gòn nhưng món cà phê muối có vị mặn, béo của vùng cố đô Huế này lôi cuốn, theo thời gian, thức uống này đã có mặt và tạo thành “cơn sốt” ở khắp mọi miền đất nước. Món thức uống này đã trở nên phổ biến ở Việt Nam, từ những đô thị lớn là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh (riêng tại một tiệm cà phê muối trên đường Bình Long, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân thì khách hàng đến mua cà phê bất kể khung giờ nào trong ngày) cho đến những vùng như Quảng Nam cũng có một xu hướng cà phê len lỏi vào từng quán xá, vỉa hè phố thị Tam Kỳ. Sức hút của món thức uống này rất lớn, có những cửa hàng bán cà phê muối ở thủ đô Hà Nội đã thu hút rất đông thực khách tới xếp hàng chờ mua và thưởng thức, hoặc có cửa hàng bán hơn 1.000 ly cà phê muối mỗi ngày ở thành phố Hồ Chí Minh hay chuỗi Cà phê muối chú Long là thương hiệu đang thịnh hành với giới trẻ cho thấy sức cuốn hút rất lớn của món thức uống này. Hương vị Cà phê muối được pha theo cách truyền thống bằng dụng cụ phin nên không chỉ giữ nguyên được hương vị mà còn tạo cơ hội để thực khách kiên nhẫn trước khi thưởng thức đặc sản cố đô. Thực khách khi gọi cà phê muối sẽ được phục vụ một ly/cốc với lớp sữa đặc bên dưới, thêm sữa lên men và muối. Trên cùng là phin cà phê. Cà phê khi chảy nhỏ giọt xuống sẽ hòa tan vào các nguyên liệu phía dưới, khiến màu sắc ly nước từ từ thay đổi khá thú vị, khi chờ cà phê chảy hết, chừng 3-4 phút thì thực khách chỉ cần khuấy đều là có thể thưởng thức. Món cà phê này mang hương vị mới lạ khi kết hợp chút béo nhẹ, chút mằn mặn của muối và kem trong ly cà phê truyền thống, vị cà phê hiện đại mang đến cảm xúc cho người thưởng thức, đầu tiên là vị mặn, đến một chút vị béo và cuối cùng là vị đắng. Tùy từng công thức mà lượng muối được cho vào một ly cà phê cũng khác nhau, dao động từ 2-5g muối Món này khá lạ miệng nên những người chưa quen sẽ cảm thấy cà phê muối hơi khó uống, lạ miệng vì sự hòa trộn lẫn lộn giữa các vị mặn, ngọt và đắng nhưng khi nhấp nhẹ môi, vị đầu tiên chạm vào đầu lưỡi là vị mặn, sau đó mới có một tầng ngọt thơm lan tỏa khắp khoang miệng. Ly cà phê chia thành 3 phần rõ rệt gồm dưới cùng là sữa đặc, ở giữa cà phê, phía trên phủ một lớp giống như kem sánh mịn và đá để riêng. Khi uống, dùng muỗng khuấy đều cho 3 tầng quyện vào nhau, sau đó tùy thuộc sở thích mỗi người mà cho ít hay nhiều nước đá. Ly cà phê dù để lâu vẫn không bị nhạt vị, mà còn đậm đà. Vị mặn của muối tưởng chừng không ăn nhập gì trong ly cà phê nhưng thực chất lại càng làm nổi bật hương vị nồng nàn, tiết chế vị đắng gắt của cà phê và tôn lên vị ngọt thơm của sữa. Những nguyên liệu tưởng chừng không liên quan nhưng khi kết hợp lại tạo nên thức uống thơm ngon, đậm đà vì muối có vai trò trung hòa, làm bật lên vị ngọt của sữa và tiết chế vị đắng của cà phê rang xay. Cơ chế Các chuyên gia tin rằng muối có khả năng làm giảm vị đắng trong khi thực sự tăng hương vị của cà phê. Nhiều người thường cho thêm đường hoặc sữa vào cà phê để giảm vị đắng của nó, điều này không những làm át mất hương vị của thức uống mà còn bổ sung thêm nhiều chất béo vào cơ thể, tuy vậy, khi thêm chút muối vào ly cà phê là một mẹo hay giúp giảm vị đắng đồng thời làm bật các hương vị khác của nó. Muối ăn thường được sử dụng để loại bỏ vị đắng khỏi nhiều loại thực phẩm, muối phản ứng tốt để che giấu vị đắng nên uống một ly cà phê có vị ngọt nhẹ và quá đắng, hãy thêm một chút muối, nó sẽ khiến cho ly cà phê của chúng ta ngọt và ít đắng hơn, khi uống cà phê thêm một chút muối, cả vị đắng và mặn cùng được kích hoạt đồng thời dẫn đến vị mặn sẽ ngăn chặn não bộ phát hiện vị đắng, đồng thời kích thích những vị giác khác như vị ngọt đè lên, ở nồng độ cao hơn, muối sẽ kích hoạt các thụ thể đắng, ở Việt Nam, cà phê mặn thường được kết hợp với sữa đặc để tạo ra một thức uống có vị hơi caramen. Nguy cơ Có ý kiến tỏ ra lo ngại nếu uống loại cà phê muối này sẽ vô tình nạp thêm muối vào cơ thể tạo ra gánh nặng với tim, thận, huyết áp vì người Việt đang tiêu thụ lượng muối gấp gần 2 lần so với khuyến cáo của WHO (Tổ chức Y tế thế giới) nên nếu uống thêm cà phê cho muối nữa sẽ khiến lượng muối tiêu thụ vào cơ thể lớn hơn. Việc ăn nhiều muối không mang lại lợi ích cho sức khoẻ mà tăng nguy cơ bệnh tật do đó khuyến cáo không nên uống quá nhiều cà phê muối, tránh việc dung nạp thêm muối vào cơ thể. Nếu mỗi ly cà phê cho 1/2 muỗng cà phê (2,5g muối) thì mỗi ngày chỉ nên uống một ly. Còn những công thức cho cả một muỗng cà phê muối (5g muối) vào thì không nên uống dù chỉ một ly. Bởi lẽ, chỉ uống một ly cà phê này đã thừa lượng muối cần trong một ngày, chưa kể lượng muối từ các bữa ăn, gia vị, uống cà phê muối có lượng muối nhiều hơn mức tiêu thụ muối được khuyến cáo mỗi ngày, người uống sẽ thừa muối, dễ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch, cao huyết áp, ung thư dạ dày. Đối với những người mắc bệnh tim mạch, cao huyết áp, có bệnh gan, thận thì không nên uống cà phê muối. Chú thích Ẩm thực Việt Nam
19811730
https://vi.wikipedia.org/wiki/Barbara%20Roymans
Barbara Roymans
Barbara Roymans (sinh ngày 7 tháng 6 năm 1997) là một trợ lý đường sắt, Hoa hậu người Bỉ. Cô đăng quang Hoa hậu Trái Đất Bỉ 2023. Với danh hiệu đạt được, Barbana sẽ đại diện Bỉ thi đấu tại Hoa hậu Trái Đất 2023 diễn ra ở Nha Trang, Khánh Hòa, Việt Nam. Cô sẽ trải qua khóa huấn luyện đặc biệt ở Philippines, tại Kagandahang Flores Beauty Pageant Camp dưới sự hướng dẫn của Rodgil Flores. Chú thích Người sinh năm 1997
19811734
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ga%20Icheon
Ga Icheon
Ga Icheon (Tiếng Hàn: 이천역, Hanja: 利川驛) là ga đường sắt trên Tuyến Gyeonggang của Tàu điện ngầm vùng thủ đô Seoul ở Yulhyeon-dong, Icheon-si, Gyeonggi-do, Hàn Quốc. Bố trí ga Xung quanh nhà ga Tòa thị chính Icheon Sở cảnh sát Incheon Văn phòng thuế Icheon Hội trường nghệ thuật Icheon Jeungil Hyundai Home Town APT Ga kế cận Liên kết ngoài Icheon Icheon Icheon Icheon Icheon
19811735
https://vi.wikipedia.org/wiki/Supermodel%20Me%20%28M%C3%B9a%207%29
Supermodel Me (Mùa 7)
Mùa thứ bảy của Supermodel Me hay (Supermodel Me: Fashion Future) được phát sóng vào tháng 9 năm 2022 với địa điểm quay được tiếp tục tại Singapore. Toàn bộ ban giám khảo hầu hết được thay thế bằng ban giám khảo của Asia's Next Top Model, với người mẫu Thái Lan Cindy Bishop được chỉ định làm người dẫn chương trình kiêm giám khảo chính và Yu Tsai được chỉ định làm cố vấn sáng tạo. Ase Wang sẽ trở lại hội đồng giám khảo lần thứ tư liên tiếp. Chương trình cũng sẽ đánh dấu sự ra mắt của Catriona Gray. Người chiến thắng mùa giải này là Emma Nguyễn, 22 tuổi đến từ Việt Nam. Cô nhận được các giải thưởng sau: 1 hợp đồng người mẫu với Storm Model Management tại Luân Đôn Chụp ảnh bìa cho tạp chí Harper's Bazaar Singapore Trở thành đại sứ thương hiệu của Subaru Sở hữu 1 chiếc xe Subaru XV GT đời mới Giám khảo Thí sinh (Tính tuổi thí sinh khi tham gia chương trình) Tham Khảo
19811738
https://vi.wikipedia.org/wiki/Eastbourne%20International%202023
Eastbourne International 2023
Eastbourne International 2023 (còn được biết đến với Rothesay International Eastbourne vì lý do tài trợ) là một giải quần vợt nam và nữ thi đấu trên mặt sân cỏ ngoài trời. Đây là lần thứ 48 (nữ) và lần thứ 12 (nam) giải đấu được tổ chức. Giải đấu là một phần của WTA 500 trong WTA Tour 2023 và ATP Tour 250 trong ATP Tour 2023. Giải đấu diễn ra tại Devonshire Park Lawn Tennis Club ở Eastbourne, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland từ ngày 26 tháng 6 đến ngày 1 tháng 7 năm 2023. Điểm và tiền thưởng Phân phối điểm Tiền thưởng *mỗi đội Nội dung đơn ATP Hạt giống 1 Bảng xếp hạng vào ngày 19 tháng 6 năm 2023. Vận động viên khác Đặc cách: Liam Broady George Loffhagen Ryan Peniston Vượt qua vòng loại: Daniel Elahi Galán Marc-Andrea Hüsler Luca Van Assche Aleksandar Vukic Thua cuộc may mắn: Jan Choinski Rút lui Alex de Minaur → thay thế bởi Jan Choinski Grigor Dimitrov → thay thế bởi Nuno Borges Jack Draper → thay thế bởi Grégoire Barrère Yoshihito Nishioka → thay thế bởi Mackenzie McDonald Nội dung đôi ATP Hạt giống 1 Bảng xếp hạng vào ngày 19 tháng 6 năm 2023. Vận động viên khác Đặc cách: Liam Broady / Jonny O'Mara Julian Cash / Luke Johnson Rút lui Marcelo Arévalo / Jean-Julien Rojer → thay thế bởi Robert Galloway / Miguel Ángel Reyes-Varela Rohan Bopanna / Matthew Ebden → thay thế bởi Matthew Ebden / John-Patrick Smith Wesley Koolhof / Neal Skupski → thay thế bởi André Göransson / Ben McLachlan Nội dung đơn WTA Hạt giống 1 Bảng xếp hạng vào ngày 19 tháng 6 năm 2022. Vận động viên khác Đặc cách: Katie Boulter Harriet Dart Caroline Garcia Bảo toàn thứ hạng: Markéta Vondroušová Vượt qua vòng loại: Ana Bogdan Madison Brengle Lauren Davis Camila Osorio Jasmine Paolini Wang Xiyu Thua cuộc may mắn: Jodie Burrage Linda Fruhvirtová Rebecca Marino Petra Martić Tereza Martincová Barbora Strýcová Heather Watson Rút lui Paula Badosa → thay thế bởi Marie Bouzková Barbora Krejčiková → thay thế bởi Rebecca Marino Petra Kvitová → thay thế bởi Barbora Strýcová Magda Linette → thay thế bởi Shelby Rogers Anastasia Potapova → thay thế bởi Heather Watson Elena Rybakina → thay thế bởi Petra Martić Maria Sakkari → thay thế bởi Tereza Martincová Markéta Vondroušová → thay thế bởi Jodie Burrage Nội dung đôi WTA Hạt giống 1 Bảng xếp hạng vào ngày 19 tháng 6 năm 2023. Vận động viên khác Đặc cách: Harriet Dart / Heather Watson Tereza Martincová / Barbora Strýcová Nhà vô địch Đơn nam Francisco Cerúndolo đánh bại Tommy Paul, 6–4, 1–6, 6–4 Đơn nữ Madison Keys đánh bại Daria Kasatkina, 6–2, 7–6(15–13) Đôi nam Nikola Mektić / Mate Pavić đánh bại Ivan Dodig / Austin Krajicek, 6–4, 6–2 Đôi nữ Desirae Krawczyk / Demi Schuurs đánh bại Nicole Melichar-Martinez / Ellen Perez, 6–2, 6–4 Tham khảo Liên kết ngoài Trang web Quần vợt Anh năm 2023 in English tennis Eastbourne International 2023
19811740
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ga%20Bubal
Ga Bubal
Ga Bubal (Tiếng Hàn: 부발역, Hanja: 夫鉢驛) là ga đường sắt trên Tuyến Gyeonggang của Tàu điện ngầm vùng thủ đô Seoul và Tuyến Jungbu Naeryuk ở Bubal-eup, Icheon-si, Gyeonggi-do, Hàn Quốc. Tuyến đầu tiên được sử dụng bởi các chuyến tàu ngoại ô dùng chung hệ thống bán vé của Tàu điện ngầm Seoul và tuyến sau là các chuyến tàu cao tốc Korea Train Express (KTX). Bố trí ga Ga kế cận Tham khảo Liên kết ngoài Bubal Bubal Bubal Bubal Bubal
19811741
https://vi.wikipedia.org/wiki/%C3%81m%20%E1%BA%A3nh%20t%C3%ACnh%20d%E1%BB%A5c
Ám ảnh tình dục
Ám ảnh tình dục (Sexual obsessions) là những suy nghĩ dai dẳng và khôn nguôi về hoạt động tình dục. Những nghiên cứu ở xã hội phương Tây và các nước công nghiệp phát triển cho thấy trong bối cảnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) thì những suy nghĩ ám ảnh này cực kỳ phổ biến và có thể làm cho cơ thể và tinh thần của bệnh nhân trở nên cực kỳ suy nhược, khiến người bệnh xấu hổ về các triệu chứng và miễn cưỡng tìm kiếm sự giúp đỡ. Tuy nhiên, mối bận tâm về các vấn đề tình dục không chỉ xảy ra như một triệu chứng của OCD, chúng có thể là sự kích thích trong các bối cảnh khác (tức là tưởng tượng về tình dục). Rối loạn ám ảnh cưỡng chế liên quan đến những suy nghĩ hoặc hình ảnh không mong muốn gây lo lắng hoặc can thiệp vào cuộc sống của một cá nhân, sau đó là các hành động tạm thời làm giảm sự lo lắng do ám ảnh gây ra. Đại cương Các chủ đề ám ảnh điển hình tập trung vào ô nhiễm, bệnh tật, lo lắng về thảm họa và sự trật tự-hỗn loạn. Tuy nhiên, những người mắc chứng OCD cũng bị ám ảnh về bạo lực, các câu hỏi về tôn giáo và trải nghiệm xác thịt. Có tới một phần tư số người mắc chứng OCD có thể bị ám ảnh tình dục, và một số ám ảnh tình dục OCD có liên quan đến lạm dụng tình dục thời thơ ấu của những người mắc chứng OCD. Những suy nghĩ cứ lặp đi lặp lại về tình dục được nhận thấy ở nhiều rối loạn ngoài OCD, nhưng những rối loạn này không liên quan đến OCD. Ví dụ, những suy nghĩ về tình dục không liên quan đến OCD thường phổ biến ở những người mắc paraphilia, rối loạn căng thẳng sau sang chấn, rối loạn chức năng tình dục hoặc nghiện tình dục. Những suy nghĩ và cảm xúc thân xác cứ lặp đi lặp lại trong những tình huống này đôi khi được gọi là ám ảnh tình dục, có thể bao gồm khuynh hướng tình dục của một người, nghi ngờ và hoặc sợ hãi về việc đồng tính luyến ái hoặc bị người khác coi là đồng tính luyến ái. Tuy nhiên, nội dung, hình thức và ý nghĩa của chúng khác nhau tùy thuộc vào chứng rối loạn, với những ám ảnh tình dục của OCD không chỉ là không tự nguyện mà còn không mong muốn, và gây ra sự đau khổ và đau khổ về tinh thần cho người mắc OCD. Bởi vì tình dục mang tầm quan trọng đáng kể về mặt cảm xúc, đạo đức và tôn giáo nên nó thường trở thành thỏi nam châm thu hút những nỗi ám ảnh ở những người dễ mắc chứng OCD. Các chủ đề phổ biến bao gồm sự không chung thủy, hành vi lệch lạc, ấu dâm, sự không chung thủy hoặc phù hợp của bạn đời và những suy nghĩ kết hợp giữa tôn giáo và tình dục. Những người bị ám ảnh tình dục có thể có những lo lắng chính đáng về sức hấp dẫn, tiềm năng hoặc đối tác của họ, điều này có thể đóng vai trò là chất xúc tác vô thức cho những ám ảnh. Nỗi ám ảnh tình dục có nhiều hình thức. Ví dụ, một người mẹ có thể ám ảnh về lạm dụng tình dục con mình. Cô ấy có thể tự hỏi liệu những suy nghĩ này có nghĩa là cô ấy là một kẻ ấu dâm hay không và lo lắng rằng cô ấy có thể hành động như vậy, mặc dù thực tế là cô ấy chưa bao giờ lạm dụng tình dục bất kỳ ai và cảm thấy kinh tởm với ý tưởng đó. Một ví dụ khác là một người đàn ông lo lắng rằng anh ta có thể vô tình làm một người phụ nữ có thai khi bắt tay cô ấy vì anh ta không đủ cẩn thận trong việc rửa tay sau khi chạm vào bộ phận sinh dục của mình. Bệnh nhân cũng có thể trải qua nỗi sợ hãi rằng nỗi ám ảnh của họ đã được thực hiện, và điều này khiến họ đau khổ và đau khổ về tinh thần. Sự thiếu hiểu biết và hiểu lầm của công chúng về OCD, phần lớn là do thông tin sai lệch về chứng rối loạn này, thường dẫn đến giả định rằng những người mắc bệnh là tội phạm hoặc kẻ lệch lạc xã hội. Sau đó, điều này có thể củng cố niềm tin hằn lên trong tâm trí của người đau khổ rằng họ thực sự đã phạm tội hoặc hành động trái đạo đức, trong khi họ không phạm tội hoặc dẫn đến nghi ngờ. Điều này gây ra sự đau khổ lớn cho người mắc chứng OCD, và đôi khi dẫn đến việc người mắc bệnh phải "thú tội" - đôi khi là với cảnh sát - và có ý định hoặc ý định tự tử. Giữa những dòng suy nghĩ miên man, những ám ảnh về tình dục có vẻ như thật. Đôi khi, những người mắc chứng OCD tin rằng nỗi ám ảnh của họ là có thật, và trong trường hợp như vậy, họ sẽ bị cho là "kém sáng suốt". Nhưng đại đa số những người mắc chứng OCD ở một thời điểm nào đó đều nhận ra rằng nỗi sợ hãi của họ là cực đoan và không thực tế. Vấn đề là mặc dù họ biết nỗi ám ảnh là sai, nhưng nó cảm thấy là thật. Những cá nhân này không thể hiểu tại sao họ không thể gạt bỏ nỗi ám ảnh ra khỏi tâm trí. Nỗi ám ảnh có thể tạm thời giảm bớt khi đối mặt với một lập luận hợp lý hoặc sự trấn an từ người khác, nhưng có thể tăng đột biến khi mất cảnh giác trước một tác nhân tình dục. Nỗi ám ảnh về tình dục có thể đặc biệt gây rắc rối cho người mắc chứng OCD, vì một điều gì đó quan trọng và được trân trọng lại trở thành cơn ác mộng đối lập với nó. Những người bị ám ảnh tình dục đặc biệt có khả năng đồng thời bị ám ảnh tôn giáo và hung hăng, trầm cảm lâm sàng và tỷ lệ rối loạn kiểm soát xung lực cao hơn mặc dù sau này ít phổ biến hơn ở bệnh nhân OCD. Chú thích Tham khảo Liên kết ngoài Bệnh Tình dục
19811744
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ga%20Siheung%20Neunggok
Ga Siheung Neunggok
Ga Siheung Neunggok (Tiếng Hàn: 시흥능곡역, Hanja: 始興陵谷驛) là ga tàu điện ngầm trên Tuyến Seohae nằm ở Neunggok-dong, Siheung-si, Gyeonggi-do. Lịch sử 21 tháng 10 năm 2013: Công bố kinh doanh tuyến đường sắt và quyết định đặt tên ga là Ga Yeonseong 6 tháng 4 năm 2018: Thông báo về bảng khoảng cách đường sắt và đổi tên ga thành Ga Siheung Neunggok 16 tháng 6 năm 2018: Hoạt động kinh doanh bắt đầu với việc khai trương Tuyến Seohae của Tàu điện ngầm Seoul Bố trí ga Xung quanh nhà ga Trường trung học Siheung Neunggok Trường tiểu học Seungji Thư viện Neunggok Trung tâm phúc lợi người cao tuổi thành phố Siheung Tổng công ty Bảo hiểm Y tế Quốc gia Chi nhánh Siheung Tổng công ty thành phố Siheung Văn phòng đăng ký xe thành phố Siheung Công viên Seungji Công viên tiền sử Neunggok Đồn cảnh sát Neunggok Công viên Youngmojae Trung tâm phúc lợi hành chính Neunggok-dong Trường tiểu học Siheung Neunggok Trường trung học Siheung Neunggok Công viên trung tâm Thư viện Ga kế cận Tham khảo Siheung Neunggok Siheung Neunggok Siheung Neunggok Siheung Neunggok
19811746
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ga%20Dalmi
Ga Dalmi
Ga Dalmi (Tiếng Hàn: 달미역, Hanja: 달미驛) là ga tàu điện ngầm trên Tuyến Seohae nằm ở Seonbu-dong, Danwon-gu, Ansan-si, Gyeonggi-do. Lịch sử 21 tháng 10 năm 2013: Công bố kinh doanh tuyến đường sắt và quyết định đặt tên ga là Ga Seoksugol 6 tháng 4 năm 2018: Thông báo về bảng khoảng cách đường sắt và đổi tên ga thành Ga Dalmi 16 tháng 6 năm 2018: Hoạt động kinh doanh bắt đầu với việc khai trương Tuyến Seohae của Tàu điện ngầm Seoul Bố trí ga Xung quanh nhà ga Trường trung học quản lý du lịch Gyeongil Trường tiểu học Seoksu Trường trung học cơ sở Seonbu Trường tiểu học Hwajeong Trung tâm phúc lợi hành chính Seonbu 3-dong Cơ quan quản lý giao thông đường bộ Trung tâm sát hạch giấy phép lái xe Ansan Trường tiểu học Ansan Seoksu Trường trung học cơ sở Seoksu Chợ tổng hợp số 1 Ansan Trường tiểu học Jeongji Ansan Metrotown Prugio Hill State APT Thư viện Ga kế cận Tham khảo Dalmi Dalmi Dalmi Dalmi
19811748
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ga%20Seonbu
Ga Seonbu
Ga Seonbu (Tiếng Hàn: 선부역, Hanja: 仙府驛) là ga tàu điện ngầm trên Tuyến Seohae nằm ở Seonbu-dong, Danwon-gu, Ansan-si, Gyeonggi-do. Lịch sử 21 tháng 10 năm 2013: Công bố kinh doanh tuyến đường sắt và quyết định đặt tên ga là Ga Seonbu 6 tháng 4 năm 2018: Thông báo về bảng khoảng cách đường sắt 16 tháng 6 năm 2018: Hoạt động kinh doanh bắt đầu với việc khai trương Tuyến Seohae của Tàu điện ngầm Seoul Bố trí ga Xung quanh nhà ga Trung tâm phúc lợi lao động thành phố Ansan Homeplus Ansan Seonbu Trường tiểu học Seonbu Văn phòng thuế Ansan Trường trung học cơ sở Seonil Trung tâm phúc lợi hành chính Seonbu 1-dong Trung tâm an toàn Seonbu 119 Trường tiểu học Wonil Trường trung học Wongok Trung tâm phúc lợi hành chính Baekwoon Trường tiểu học Hwarang Trường trung học Ansan Gangseo Trường trung học Wonil Hộp cảnh sát Seonbu Bệnh viện Hando Thư viện Ga kế cận Tham khảo Seonbu Seonbu Seonbu Seonbu
19811749
https://vi.wikipedia.org/wiki/Eastbourne%20International%202023%20-%20%C4%90%C6%A1n%20nam
Eastbourne International 2023 - Đơn nam
Francisco Cerúndolo là nhà vô địch, đánh bại Tommy Paul trong trận chung kết, 6–4, 1–6, 6–4. Taylor Fritz là đương kim vô địch, nhưng thua ở vòng 2 trước Mackenzie McDonald. Hạt giống 4 hạt giống hàng đầu được miễn vào vòng 2. Kết quả Chung kết Nửa trên Nửa dưới Vòng loại Hạt giống Vượt qua vòng loại Thua cuộc may mắn Kết quả vòng loại Vòng loại thứ 1 Vòng loại thứ 2 Vòng loại thứ 3 Vòng loại thứ 4 Tham khảo Liên kết ngoài Kết quả vòng đấu chính Kết quả vòng loại Eastbourne International - Đơn nam Đơn nam 2022
19811753
https://vi.wikipedia.org/wiki/Eastbourne%20International%202023%20-%20%C4%90%C6%A1n%20n%E1%BB%AF
Eastbourne International 2023 - Đơn nữ
Madison Keys là nhà vô địch, đánh bại Daria Kasatkina trong trận chung kết, 6–2, 7–6(15–13). Đây là danh hiệu Eastbourne thứ 2 của Keys. Petra Kvitová là đương kim vô địch, nhưng rút lui do mệt mỏi. Hạt giống Kết quả Chung kết Nửa trên Nửa dưới Vòng loại Hạt giống Vượt qua vòng loại Thua cuộc may mắn Kết quả vòng loại Vòng loại thứ 1 Vòng loại thứ 2 Vòng loại thứ 3 Vòng loại thứ 4 Vòng loại thứ 5 Vòng loại thứ 6 Tham khảo Liên kết ngoài Kết quả vòng đấu chính Kết quả vòng loại WTA Tour 2023 Eastbourne International 2023 - Đơn nữ
19811757
https://vi.wikipedia.org/wiki/Eastbourne%20International%202023%20-%20%C4%90%C3%B4i%20nam
Eastbourne International 2023 - Đôi nam
Nikola Mektić và Mate Pavić là đương kim vô địch và bảo vệ thành công danh hiệu, đánh bại Ivan Dodig và Austin Krajicek trong trận chung kết, 6–4, 6–2. Hạt giống Kết quả Kết quả Tham khảo Liên kết ngoài Kết quả vòng đấu chính Eastbourne International - Đôi nam Đôi nam 2023
19811759
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%ADnh%20tr%E1%BB%8B%20Nga
Chính trị Nga
Nền chính trị Nga (Politics of Russia) diễn ra trong khuôn khổ chính thể cộng hòa bán tổng thống liên bang của Nga. Theo Hiến pháp Nga thì Tổng thống Nga là nguyên thủ quốc gia, và trong một hệ thống đa đảng với quyền hành pháp do chính phủ thực thi, đứng đầu là Thủ tướng Nga là người được Tổng thống bổ nhiệm với sự chấp thuận của quốc hội. Quyền lập pháp được trao cho hai viện của Quốc hội Liên bang Nga, trong khi Tổng thống và chính phủ ban hành nhiều đạo luật ràng buộc về mặt pháp lý. Chính trị Nga hiện đang bị chi phối dưới quyền của Tổng thống Putin thông qua đảng Nước Nga Thống nhất của ông và Thủ tướng Mikhail Mishustin. Tại cuộc bầu cử lập pháp năm 2003, Đảng Nước Nga Thống nhất đã giảm ảnh hưởng tất cả các đảng khác xuống tình trạng thiểu số. Các đảng khác giữ ghế trong Duma Quốc gia, hạ viện của cơ quan lập pháp, là Đảng Cộng sản Liên bang Nga, Đảng Dân chủ Tự do Nga và Một nước Nga công bằng. Cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên được tổ chức vào ngày 26 tháng 3 năm 2000 và Putin là người trước đây đã được bổ nhiệm Thủ tướng Nga và sau khi Yeltsin từ chức là quyền tổng thống Nga, đã giành chiến thắng trong vòng đầu tiên với 53% số phiếu bầu, xã hội nói chung có đánh giá chung các cuộc bầu cử tự do và công bằng. Putin đã giành được nhiệm kỳ đầy đủ thứ hai mà không gặp khó khăn gì trong Cuộc bầu cử tổng thống tháng 3 năm 2004. Trong khi Tổ chức An ninh và Hợp tác ở Châu Âu (OECD) báo cáo rằng các cuộc bầu cử nói chung được tổ chức chuyên nghiệp nhưng cũng đã có những lời chỉ trích về việc đối xử bất bình đẳng với các ứng cử viên khác từ các phương tiện truyền thông do Nhà nước kiểm soát cùng các vấn đề khác nảy sinh. Sau cuộc bầu cử vào ngày 24 tháng 2 năm 2004, Thủ tướng Mikhail Kasyanov và nội các của ông đã bị Putin cách chức. Các chuyên gia ở Nga tin rằng điều này không phải do tổng thống không hài lòng với chính phủ mà là với chính Kasyanov, vì hiến pháp Nga không cho phép thủ tướng bị cách chức mà không sa thải toàn bộ nội các. Kasyanov sau đó tiếp tục trở thành một người chỉ trích Putin gay gắt. Mặc dù các khu vực của Nga được hưởng một mức độ tự trị tự trị, cuộc bầu cử các thống đốc khu vực đã được thay thế bằng sự bổ nhiệm trực tiếp của tổng thống vào năm 2005. Tháng 9 năm 2007, Putin chấp nhận đơn từ chức của Thủ tướng Mikhail Fradkov, bổ nhiệm Viktor Zubkov làm Thủ tướng mới. Trong cuộc bầu cử Tổng thống Nga năm 2008, Dmitry Medvedev là người được đề cử được Tổng thống sắp mãn nhiệm Vladimir Putin ủng hộ đã giành chiến thắng áp đảo. Theo các nhà phân tích, đất nước hiện được cai trị hiệu quả dưới tay một "bộ đôi" với một Tổng thống quyền lực theo hiến pháp và một Thủ tướng có ảnh hưởng và được lòng dân. Đại cương Kể từ khi Liên Xô sụp đổ vào cuối năm 1991, Nga đã phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng trong nỗ lực xây dựng một hệ thống chính trị tuân theo gần 75 năm dưới sự cai trị của Liên Xô. Ví dụ, những nhân vật hàng đầu trong ngành lập pháp và hành pháp đã đưa ra những quan điểm đối lập về đường lối chính trị của Nga và các công cụ hành chính nên được sử dụng để tuân theo đường lối đó. Nền chính trị Nga trở nên phức tạp và rối ren với những cuộc đấu đá nội bộ, thanh trừng băng nhóm. Xung đột đó lên đến đỉnh điểm vào tháng 9 và tháng 10 năm 1993, khi Tổng thống Boris Yeltsin sử dụng vũ lực quân sự để giải tán quốc hội và kêu gọi bầu cử cơ quan lập pháp mới (xem Khủng hoảng hiến pháp Nga 1993). Người ta lập luận rằng Yeltsin đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Nga năm 1996 nhờ sự hỗ trợ rộng rãi của đội ngũ truyền thông và chuyên gia PR từ Hoa Kỳ và sau đó là sự lại quả cho Mỹ. Sự kiện này đánh dấu sự kết thúc của thời kỳ hiến pháp đầu tiên của Nga, được xác định bởi hiến pháp đã được sửa đổi nhiều do Xô Viết Tối cao của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết Liên bang Nga thông qua vào năm 1977. Một hiến pháp mới, tạo ra một tổng thống mạnh mẽ, đã được thông qua trong cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 12 1993. Với một hiến pháp mới và một quốc hội mới đại diện cho các đảng phái và phe phái khác nhau, cấu trúc chính trị của Nga sau đó đã có dấu hiệu ổn định. Khi giai đoạn chuyển tiếp kéo dài đến giữa những năm 1990, quyền lực của chính phủ quốc gia tiếp tục suy yếu khi các khu vực của Nga giành được những nhượng bộ chính trị và kinh tế từ Moscow. Với sự đồng ý của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, các cải cách nhằm tăng cường kiểm soát của Liên bang đã được thực hiện, đẩy lùi việc giành quyền lực trong khu vực, bao gồm cả ở 22 nước Cộng hòa. Hiện nay, trong bối cảnh mới nhất, nền chính trị Nga cũng trở nên phức tạp, phân hóa và rộ lên các phong trào đối lập ở Nga và chính trị Nga cũng bọc lộ những bất cập trong quan điểm khi diễn ra cuộc chiến thế kỷ giữa Nga và Ukraine. Lập pháp Quy trình lập pháp ở Nga bao gồm ba phiên điều trần tại Duma Quốc gia, sau đó được sự chấp thuận của Hội đồng Liên bang, thượng viện và được Tổng thống Nga ký ban hành Luật. Dự thảo luật có thể được khởi thảo từ viện lập pháp hoặc chúng có thể được đệ trình từ Tổng thống, Chính phủ, cơ quan lập pháp địa phương và Tòa án Tối cao, Tòa án Hiến pháp hoặc Tòa án Trọng tài Tối cao trong thẩm quyền tương ứng của họ. Dự thảo luật được xem xét đầu tiên trong Duma Quốc gia. Sau khi được đa số toàn bộ thành viên Duma Quốc gia thông qua, dự thảo luật sẽ được Hội đồng Liên bang xem xét, hội đồng này có mười bốn ngày để đưa dự luật vào lịch của mình. Một điều khoản hiến pháp quy định rằng các dự thảo luật liên quan đến các khoản thu và chi có thể được xem xét "chỉ khi những phát hiện của Chính phủ được biết đến" hạn chế đáng kể quyền kiểm soát của Quốc hội Liên bang đối với tài chính nhà nước. Hai viện của cơ quan lập pháp cũng có quyền bác bỏ quyền phủ quyết của tổng thống đối với các đạo luật. Hiến pháp yêu cầu ít nhất hai phần ba phiếu bầu trong tổng số thành viên của cả hai viện. Phân quyền Trong nhiệm kỳ tổng thống của Boris Yeltin thì ông ta đã ký tổng cộng 46 hiệp ước chia sẻ quyền lực với các chủ thể liên bang khác nhau của Nga bắt đầu với Tatarstan vào ngày 15 tháng 2 năm 1994 và kết thúc tại Moscow vào ngày 16 tháng 6 năm 1998 trao cho họ quyền tự chủ lớn hơn từ chính phủ liên bang. Theo Thủ tướng Viktor Chernomyrdin, chính phủ dự kiến ký kết các thỏa thuận chia sẻ quyền lực với tất cả 89 chủ thể liên bang Nga. Sau cuộc bầu cử của Vladimir Putin vào ngày 26 tháng 3 năm 2000 và cuộc đại tu hệ thống liên bang sau đó của ông này, các hiệp ước chia sẻ quyền lực bắt đầu bị bãi bỏ. Phần lớn các hiệp ước đã bị chấm dứt từ năm 2001 đến năm 2002 trong khi những hiệp ước khác bị buộc phải hủy bỏ vào ngày 4 tháng 7 năm 2003. Các hiệp ước của Bashkortostan, Moscow và Tatarstan hết hạn vào ngày chúng được ấn định. Vào ngày 24 tháng 7 năm 2017, hiệp ước chia sẻ quyền lực của Tatarstan đã hết hạn, khiến nước này trở thành chủ thể liên bang cuối cùng mất quyền tự trị. Bị chỉ trích Phương Tây cho rằng nước Nga đã bị suy thoái dân chủ trong các nhiệm kỳ của Putin và Medvedev. Tổ chức Freedom House đã liệt kê Nga là "không tự do" từ năm 2005. Năm 2004, Freedom House cảnh báo rằng "sự rút lui khỏi tự do của Nga đánh dấu một điểm thấp chưa từng thấy kể từ năm 1989, khi đất nước này là một phần của Liên Xô.". Alvaro Gil-Robles (khi đó là người đứng đầu bộ phận nhân quyền của Hội đồng Châu Âu) đã tuyên bố vào năm 2004 rằng "nền dân chủ non trẻ của Nga tất nhiên vẫn còn lâu mới hoàn hảo, nhưng sự tồn tại và thành công của nó không thể bị từ chối". Economist Intelligence Unit đã đánh giá Chính trị Nga là "độc tài" kể từ năm 2011 trong khi trước đó nó đã được coi là một "chế độ hỗn hợp" (với "một số hình thức chính phủ dân chủ" tại chỗ) vào cuối năm 2007. Liên bang Nga tuyên bố rằng Nga là một quốc gia dân chủ liên bang tuân theo luật pháp với hình thức chính phủ cộng hòa, điều này đã được chứng minh là không bị hành động ngày nay. Nhà khoa học chính trị Larry Diamond, viết vào năm 2015, tuyên bố "không có học giả nghiêm túc nào coi nước Nga ngày nay là một nền dân chủ". Natalia Arno, cựu giám đốc hoạt động của Viện Cộng hòa Quốc tế tại Nga, mô tả các cuộc bầu cử ở "dân chủ được quản lý" của Nga như vậy, có thể Ủy ban bầu cử trung ương sẽ phát hiện ra vấn đề với chữ ký mà ứng cử viên thu thập để đăng ký, hoặc có thể ứng cử viên sẽ bị buộc tội dựa trên bằng chứng đáng ngờ, nhưng điều gì đó sẽ luôn xảy ra. Việc bắt giữ đầu sỏ chính trị Mikhail Khodorkovsky nổi tiếng với tội danh gian lận, tham ô và trốn thuế đã vấp phải sự chỉ trích trong nước và các nước phương Tây rằng vụ bắt giữ mang tính chính trị và phiên tòa xét xử ông ta có nhiều sai sót. Tuy nhiên, động thái này đã được công chúng Nga hưởng ứng tích cực và phần lớn đầu tư từ nước này không hề nao núng, tiếp tục tăng trưởng với tốc độ hai con số. Năm 2005, Nga bắt đầu tăng dần giá bán khí đốt được trợ giá mạnh cho các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ và Nga đã bị phương Tây cáo buộc sử dụng tài nguyên thiên nhiên của mình như một vũ khí chính trị. Ngược lại, Nga cáo buộc phương Tây áp dụng tiêu chuẩn kép liên quan đến các nguyên tắc thị trường, chỉ ra rằng Nga đã cung cấp khí đốt cho các quốc gia có vấn đề với mức giá thấp hơn đáng kể so với mức thị trường thế giới và trong hầu hết các trường hợp, giá vẫn như vậy ngay cả sau khi giá tăng. Các chính trị gia ở Nga lập luận rằng không bắt buộc phải trợ cấp hiệu quả cho nền kinh tế của các quốc gia hậu Xô Viết bằng cách cung cấp cho họ các nguồn lực với giá thấp hơn thị trường. Bất kể động cơ chính trị bị cáo buộc là gì, các nhà quan sát đã lưu ý rằng việc tính giá thị trường là quyền hợp pháp của Nga, và chỉ ra rằng Nga đã tăng giá ngay cả đối với đồng minh thân cận của mình là Belarus. Chú thích Liên kết ngoài Roderic Lyne, Strobe Talbott, Koji Watanabe: Engaging With Russia – The Next Phase, A Report to The Trilateral Commission; Washington, Paris, Tokyo; 2006 Heiko Pleines (ed.): How to explain Russia's post-Soviet Political and Economic System, September 2005 Library of Congress: Russian Political Profile Deputy prime ministers & Ministries of Russia Erik Herron's Guide to Politics of East Central Europe and Eurasia Chính trị Nga
19811765
https://vi.wikipedia.org/wiki/Lutjanus%20mizenkoi
Lutjanus mizenkoi
Lutjanus mizenkoi là một loài cá biển thuộc chi Lutjanus trong họ Cá hồng. Loài này được mô tả lần đầu tiên vào năm 1985. Từ nguyên Từ định danh mizenkoi trong tiếng Latinh được đặt theo tên của David Mizenko, người đến từ Đại học Rhode Island, vì những đóng góp của ông trong việc thu thập các mẫu định danh của loài cá này. Phân bố và môi trường sống L. mizenkoi là một loài ít khi được nhìn thấy, được ghi nhận tại đảo Sulawesi (Indonesia), đảo Panay (Philippines), tỉnh Milne Bay (Papua New Guinea), Tây Úc và Samoa. L. mizenkoi được thu thập trên các rạn san hô hoặc nơi có nền đáy bùn với các mỏm đá ngầm, độ sâu khoảng 10–150 m. Mô tả Chiều dài cơ thể lớn nhất được ghi nhận ở L. mizenkoi là 32 cm. Lưng và thân màu đỏ, chuyển dần sang màu hồng, phần bụng và vùng dưới đầu màu trắng. Hai bên thân có các sọc ngang màu vàng nhạt, mỗi sọc nằm trên một hàng vảy cá. Các vây trắng nhạt hoặc vàng. Số gai ở vây lưng: 10; Số tia vây ở vây lưng: 13; Số gai ở vây hậu môn: 3; Số tia vây ở vây hậu môn: 8; Số tia vây ở vây ngực: 16. L. mizenkoi nằm trong nhóm phức hợp cá hồng sọc vàng với 6 loài khác, là Lutjanus adetii, Lutjanus lutjanus, Lutjanus madras, Lutjanus ophuysenii, Lutjanus vitta và Lutjanus xanthopinnis. Giá trị L. mizenkoi là một loại cá thực phẩm chất lượng, đôi khi được tìm thấy ở các chợ cá Samoa, bán chủ yếu ở dạng tươi sống. Tham khảo M Cá Thái Bình Dương Cá Philippines Cá Papua New Guinea Động vật Samoa Động vật được mô tả năm 1985
19811767
https://vi.wikipedia.org/wiki/Eastbourne%20International%202023%20-%20%C4%90%C3%B4i%20n%E1%BB%AF
Eastbourne International 2023 - Đôi nữ
Desirae Krawczyk và Demi Schuurs là nhà vô địch, đánh bại Nicole Melichar-Martinez và Ellen Perez trong trận chung kết, 6–2, 6–4. Aleksandra Krunić và Magda Linette là đương kim vô địch, nhưng chọn không tham dự giải đấu. Hạt giống Kết quả Kết quả Tham khảo Liên kết ngoài Kết quả vòng đấu chính Eastbourne International - Đôi Đôi nữ 2023
19811768
https://vi.wikipedia.org/wiki/Semyon%20Nomokonov
Semyon Nomokonov
Semyon Danilovich Nomokonov (tiếng Nga: Семён Данилович Номоконов; sinh ngày 12 tháng 8 năm 1900 – mất ngày 15 tháng 7 năm 1973) là một tay súng bắn tỉa của Liên Xô trong Thế chiến thứ hai, ông là người Anh hùng Liên Xô được ghi nhận thành tích với 367 lần tiêu diệt địch (có thông tin khác cho rằng ông có đến 368-369 lần tiêu diệt địch). Ông được kẻ thù đặt biệt danh là "Pháp sư rừng Taiga" (Taiga Shaman). Cuộc đời Nomokonov sinh ra tại khu định cư Delyun ở Zabaykalsky Krai thuộc Nga (sau đó là Đế quốc Nga), trong một gia đình thợ săn nghèo và từ nhỏ đã sống ở trong những khu rừng Taiga. Nomokonov lần đầu tiên sử dụng súng trường vào năm 7 tuổi khi ông ấy đi săn chồn zibelin, nai Mãn Châu và nai sừng xám và được đặt biệt danh là Mắt diều hâu (Eye of the Kite). Nomokonov làm lễ rửa tội vào tuổi 15 và nhận cái tên là Semyon. Năm 1928, Nomokonov chuyển đến khu định cư Nizhny Stan ở Quận Shilkinsky của Nga. Ông tiếp tục đi săn và cũng hành nghề thợ mộc. Nomokonov bắt đầu thực hiện nghĩa vụ quân sự vào tháng 8 năm 1941, ban đầu ông phục vụ trong một trang trại tự cung tự cấp của một trung đoàn. Rồi ông làm nạng cho những người bị thương. Nomokonov tình cờ trở thành một tay xạ thủ bắn tỉa. Vào mùa thu năm 1941, ông đang sơ tán một trong những người bị thương thì nhận thấy một gã người Đức đang nhắm vào mình. Nomokonov đã giết gã bằng chính khẩu súng trường của mình. Theo một giai thoại khác, vào tháng 10 năm 1941, Nomokonov nhận được một khẩu súng trường và quyết định thử nghiệm nó. Để tránh lãng phí đạn, Nomokonov đã thử khẩu súng trường với một người Đức đang đi xuống dọc theo bờ hồ có nhiều cây cối rậm rạp. Sau đó Nomokonov được chuyển sang trung đội bắn tỉa. Ông bắt đầu bắn tỉa từ khẩu súng trường Mosin–Nagant mà không có ống ngắm. Trong chiến tranh, Nomokonov đã chiến đấu tại Valdai Heights, Karelian Isthmus, Ukraine, Lithuania, Đông Phổ và sau đó ở Mãn Châu. Ban đầu, ông ta đánh dấu số lần tiêu diệt địch trên ống hút thuốc của mình. Nomokonov bị thương tám lần và bị chấn thương do vụ nổ hai lần. Là huấn luyện viên bắn tỉa, Nomokonov đã huấn luyện hơn 150 binh sĩ. Sau cuộc chiến, Nomokonov cưỡi ngựa trở về nhà. Ông sống cuộc sống bình dị bằng việc tiếp tục hành nghề mộc ở Nizhny Stan, nhưng sau đó chuyển đến khu định cư Zugalay, nơi các con trai lớn của ông đang sinh sống. Ông xây nhà và tiếp tục đi săn trong thời gian rảnh rỗi sau này. Vào mùa thu năm 1945, Nomokonov nhận được một con ngựa, ống nhòm và một khẩu súng trường số 24638 để thực hiện nghĩa vụ quân sự của mình. Theo con gái của Nomokonov là Zoya Babuyeva thì ông là một người ít nói và không thích nói nhiều về chiến tranh. Nomokonov mất ở Zugalay và được chôn cất ở đó. Nhà thơ Vasily Lebedev-Kumach đã dành một bài thơ cho ông ấy. Nomokonov để lại 9 người con và 49 đứa cháu. Chú thích Xạ thủ
19811771
https://vi.wikipedia.org/wiki/T%C3%B4n%20gi%C3%A1o%20ph%C6%B0%C6%A1ng%20T%C3%A2y
Tôn giáo phương Tây
Tôn giáo phương Tây (Western religions) là những tôn giáo bắt nguồn từ văn hóa phương Tây (hay còn gọi là Âu Mỹ), do đó khác biệt về mặt lịch sử, văn hóa và thần học với các tôn giáo phương Đông, tôn giáo châu Phi và Iran. Thuật ngữ các tôn giáo Áp-ra-ham (Hồi giáo, Cơ đốc giáo và Do Thái giáo) thường được sử dụng thay vì sử dụng thuật ngữ ranh giới Đông và Tây (East–West dichotomy) vì những tôn giáo này có nguồn gốc từ Trung Đông. Bản thân văn hóa phương Tây đã bị ảnh hưởng đáng kể từ sự xuất hiện của Cơ đốc giáo và việc nó được coi là Giáo hội của Đế chế La Mã vào cuối thế kỷ thứ 4 và thuật ngữ "Vương quốc Cơ đốc giáo" hay Thiên quốc/Nước trời (Christendom) phần lớn chỉ ra lịch sử đan xen này. Thế giới phương Tây, bao gồm Châu Âu, Châu Mỹ, châu Úc-New Zealand và (một phần) Nam Phi da trắng và thuộc địa Philippines, có tôn giáo chủ yếu là Cơ đốc giáo phương Tây chiếm 77,4% ở Bắc Mỹ (2012), chiếm gần 76,2% ở Châu Âu (2010) (bao gồm 35% Cơ đốc nhân châu Âu theo Chính thống giáo Đông phương, đặc biệt là ở Đông Âu, khoảng 76%, không thuộc "tôn giáo phương Tây" và 46% Cơ đốc nhân châu Âu là thuộc về Công giáo La Mã, gần 18% Cơ đốc nhân châu Âu là theo đạo Tin lành), tỷ lệ này là 61,1% ở Úc và New Zealand (2011). Cơ đốc giáo phương Tây chịu ảnh hưởng đáng kể của tôn giáo Hy Lạp (đặc biệt là chủ nghĩa tân Platon) cũng như sự sùng bái đế quốc La Mã. Cơ đốc giáo phương Tây phần lớn dựa trên truyền thống Giáo hội Latinh của Giáo hội Công giáo, trái ngược với Chính thống giáo Đông phương, từ đó nó bị chia rẽ trong cuộc Đại ly giáo thế kỷ 11, và hơn nữa bao gồm tất cả các truyền thống Tin lành đã chia rẽ với Giáo hội Công giáo từ thế kỷ 16 trở đi. Kể từ thế kỷ 19, tôn giáo phương Tây đã đa dạng hóa thành nhiều phong trào tôn giáo mới, bao gồm Huyền bí học, Thần linh học, Thông thiên học và các hình thức đa dạng của Tân ngoại giáo. "Phương Tây" với tư cách là một nền văn hóa hoặc nền văn minh đã phát triển trong lịch sử từ Hy Lạp-La Mã thời cổ đại. Những nền văn hóa này có các tôn giáo đa thần và đa thần Hy Lạp và đa thần La Mã. Ảnh hưởng của "phương Đông" đối với các tôn giáo này được thể hiện rõ ràng từ thời kỳ đầu tiên, Thời kỳ Đông phương hóa vào đầu thời kỳ cổ đại Hy Lạp. Trong cùng thời kỳ, các truyền thống kế thừa của tôn giáo La Mã bản địa đã bị interpretatio graeca tức giáo phái hoàng gia phát triển thành một tôn giáo dân sự liên quan đến nghi lễ nhà nước hơn là hơn niềm tin tôn giáo hoặc trải nghiệm. Tôn giáo Celtic và Tôn giáo Đức được dân tộc học La Mã mô tả là nguyên thủy, nhưng đồng thời cũng thuần khiết hoặc hoang sơ man dại so với cái gọi là sự suy đồi đô thị của La Mã. Cơ đốc giáo phương Tây là một tập hợp con của Cơ đốc giáo, ban đầu dựa trên Cơ đốc giáo Latinh của Giáo hội Công giáo, trái ngược với Chính thống giáo Đông phương – từ đó nó bị chia rẽ trong Đại ly giáo của thế kỷ 11 và nhiều phong trào Cơ đốc giáo phi phương Tây khác. Bản thân Cơ đốc giáo phương Tây đã bị chia rẽ từ chính cuộc Cải cách Tin lành vào thế kỷ 16, và các hình thức Cơ đốc giáo rõ ràng là "phương Tây" bao gồm Thanh giáo và Truyền giáo, các phong trào bắt nguồn từ các "Đại thức tỉnh" khác nhau trong thế kỷ 18 đến 20 thế kỷ thế giới nói tiếng Anh và được thực hành phổ biến ở Hoa Kỳ. Trong ít nhất một thiên niên kỷ rưỡi, văn hóa Châu Âu gần như tương đương với văn hóa Cơ đốc giáo. Văn hóa Kitô giáo là lực lượng chiếm ưu thế trong nền văn minh phương Tây, định hướng quá trình phát triển của triết học, nghệ thuật, âm nhạc, khoa học, cấu trúc xã hội và kiến trúc. Chú thích Tôn giáo So sánh tôn giáo Văn hóa phương Tây
19811773
https://vi.wikipedia.org/wiki/T%C3%B4n%20gi%C3%A1o%20ph%C6%B0%C6%A1ng%20%C4%90%C3%B4ng
Tôn giáo phương Đông
Tôn giáo phương Đông (Eastern religions) là những truyền thống tín ngưỡng tôn giáo bắt nguồn từ châu Á như Đông Á, Nam Á và Đông Nam Á và do đó có những điểm khác biệt với các tôn giáo phương Tây, tín ngưỡng châu Phi và tôn giáo Iran. Tôn giáo phương Đông bao gồm hệ thống các tôn giáo tín ngưỡng Á Đông (East Asian religions) như Nho giáo, Đạo giáo, tín ngưỡng dân gian Trung Quốc, Thần đạo của Nhật Bản và Đạo giáo Hàn Quốc; các tôn giáo Ấn Độ như Ấn Độ giáo, Phật giáo, Kỳ na giáo (đạo Jain) và đạo Sikh cùng các tôn giáo Đông Nam Á như tín ngưỡng dân gian Việt Nam cũng như các tín ngưỡng bản địa theo thuyết vật linh. Sự phân biệt tôn giáo Đông-Tây này, cũng như sự phân biệt văn hóa Đông-Tây, và những hệ lụy phát sinh từ nó, là có phạm vi rộng và không chính xác. Hơn nữa, sự khác biệt về địa lý ít có ý nghĩa hơn trong bối cảnh chuyển văn hóa toàn cầu hiện nay. Trong khi nhiều nhà quan sát phương Tây cố gắng phân biệt giữa triết học phương Đông và tôn giáo phương Đông nhưng đây là sự phân biệt không tồn tại trong một số truyền thống phương Đông vì yếu tố này hòa quyện với nhau. Chú thích Tham khảo De Bary, William Theodore & Tu, Weiming. Confucianism and Human Rights. Columbia University Press (1998). . Fisher, Mary Pat. Living Religions: An Encyclopaedia of the World's Faiths. I.B. Tauris (1997). . Flood, Gavin D. An Introduction to Hinduism. Cambridge University Press (1996). . Huang, Siu-chi. Essentials of Neo-Confucianism: Eight Major Philosophers of the Song and Ming Periods. Greenwood Press (1999). . Leaman, Oliver. Key Concepts in Eastern Philosophy. Routledge (1999). . LaFargue, Michael. Tao and Method: A Reasoned Approach to the Tao Te Ching. SUNY Press (1994). . Markham, Ian S. & Ruparell, Tinu. Encountering Religion: an introduction to the religions of the world. Blackwell Publishing (2001). . Maspero, Henri. Translated by Frank A. Kierman, Jr. Taoism and Chinese Religion. University of Massachusetts (1981). Morgan, Diane. The Best Guide to Eastern Philosophy and Religion. St. Martin's Griffin (2001). . Ono, Sakyo. Shinto: The Kami Way. Tuttle Publishing (2004). . Pilgrim, Richard B. Buddhism and the Arts of Japan. Columbia University Press (1999). . Rausch, Thomas P. & Chapple, Christopher Key. The College Student's Introduction to Theology. Liturgical Press (1993). . Segal, Robert Alan. The Blackwell Companion to the Study of Religion. Blackwell Publishing (2006). . Sharot, Stephen. A Comparative Sociology of World Religions: virtuosos, priests, and popular religion. NYU Press (2001). . Slingerland, Edward Gilman. Effortless Action: Wu-Wei as Conceptual Metaphor and Spiritual Ideal in Early China. Oxford University Press (2003). . Smart, Ninian. World Philosophies. Routledge UK (2000). . Swami Bhaskarananda. The Essentials of Hinduism. Viveka Press (1994). . Weightman, Simon. Hinnells, John (ed). Handbook of Living Religions. Penguin Books (1997). . Yao, Xinzhong. An Introduction to Confucianism. Cambridge University Press (2000). . York, Michael. Pagan Theology: Paganism as a World Religion. NYU Press (2005). . Tôn giáo
19811774
https://vi.wikipedia.org/wiki/C%C3%A2u%20chuy%E1%BB%87n%20hoa%20h%E1%BB%93ng
Câu chuyện hoa hồng
Câu chuyện hoa hồng (tiếng Anh: The Tale of Rose, tiếng Trung: 玫瑰故事, bính âm: Méiguī gùshì) là một bộ phim truyền hình hiện đại Trung Quốc do Uông Tuấn đạo diễn với sự tham gia của Lưu Diệc Phi và Hoắc Kiến Hoa. Bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả Diệc Thư, sản xuất bởi truyền thông Tân Lệ. Bộ phim xoay quanh cuộc đời Hoàng Diệc Mai trải dài từ tuổi trẻ đến khi trở thành một người mẹ đơn thân, nếm qua mọi thăng trầm đời người, từ đó nhận ra giá trị của bản thân cùng ý nghĩa của sự tự do. Cốt truyện Hoàng Diệc Mai biệt danh là Rose (hoa hồng), sinh ra trong một gia đình tri thức, được cha mẹ và anh trai yêu thương bảo bọc từ nhỏ cho đến lớn, bộc lộ năng khiếu nghệ thuật từ khi còn nhỏ. Khi cô ấy nhận được giấy báo thi đại học, cả gia đình mới biết rằng cô ấy sẽ theo học chuyên ngành lịch sử nghệ thuật tại Học viện Mỹ thuật. Cô mới vừa đi làm đã rất nhanh chóng nhận được sự trọng dụng, cô đã gặp gỡ và yêu đối tác của mình là Trang Quốc Đống, nhưng cuối cùng lại bỏ lỡ lẫn nhau, khoảng thời gian đào tạo tại nơi làm việc này cũng giúp cô có một kế hoạch rõ ràng hơn cho cuộc đời mình, và cô quyết định trở lại trường học chuyên sâu hơn. Sau khi tốt nghiệp, cô và tiền bối Phương Hiệp Văn kết hôn với nhau. Nhưng sau khi kết hôn, hướng phát triển của cả hai khác xa nhau, cuối cùng họ lựa chọn ly hôn. Hoàng Diệc Mai bắt đầu lập nghiệp, và dốc sức làm việc trong lĩnh vực giám tuyển nghệ thuật, trong thời gian này, cô cũng gặp được tâm giao của mình là Phổ Gia Minh, nhưng anh lại chỉ còn sống được vài tháng, tình yêu giữa hai người cuối cùng cũng kết thúc bởi sự chia cắt sinh tử. Nhưng Hoàng Diệc Mai không để tinh thần sa sút như vậy, cô vẫn như thường lệ, nỗ lực để bản thân sống một cuộc sống thật đặc sắc. Sản xuất và phân phối Dự án phim lần đầu được công bố vào ngày 3 tháng 11 năm 2022 với tựa đề Câu chuyện hoa hồng và đội ngũ sản xuất. Ngày 19 tháng 6 năm 2023, đoàn làm phim chính thức công bố dàn diễn viên chính bao gồm Lưu Diệc Phi, Đồng Đại Vi, Bành Quán Anh, Lâm Canh Tân, Hoắc Kiến Hoa, cùng ngày áp phích đầu tiên của phim được công bố. Tranh cãi Bộ phim gây tranh cãi trên các nền tảng mạng xã hội tại Trung Quốc, theo đó khi đoàn phim đang ghi hình tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, ê-kíp đã gỡ bảng hiệu ngôi trường trên tường tòa nhà và thay bằng biểu tượng của Đại học Thanh Hoa. Có thông tin rằng các giảng viên và sinh viên của trường bày tỏ sự khó chịu khi bị đoàn phim lạm quyền, chiếm dụng hết các lối đi. Một sinh viên đang theo học tại Đại học Nhân dân Trung Quốc cho biết, không có chuyện đoàn phim của Câu chuyện hoa hồng lạm quyền, tất cả đều hợp tác vui vẻ. Một số người cũng cho rằng đội ngũ sản xuất đang cố gắng hết sức để giảm thiểu sự bất tiện bằng cách thương lượng các điều kiện với trường đại học trước khi quay phim và hiện tại, đoàn phim chỉ đang làm theo đúng quy trình. Đội ngũ sản xuất Công ty sản xuất: Tencent, Tân Lệ TV Biên kịch: Lý Tiêu, Diệc Thư Đạo diễn: Uông Tuấn, Trình Nguyên Hải (phó đạo diễn) Nhà sản xuất: Trịnh Trung Lỵ Chỉ đạo hình ảnh: Trương Văn Kiệt Chỉ đạo mỹ thuật: Vương Cạnh Chỉ đạo tạo hình: Mixwei, Ngải Văn Chỉ đạo ánh sáng: Tôn Cảnh Lương Tổ tạo kiểu tóc Đỗ Mỹ Hoa Tổ trang điểm: Lý Diễm Băng Tổ trang phục: Tôn Nghị Á Diễn viên Lưu Diệc Phi vai Hoàng Diệc Mai Hoắc Kiến Hoa vai Phổ Gia Minh Vạn Thiến Lâm Canh Tân Đồng Đại Vi Bành Quán Anh Chu Châu Xuyết Ny Tham khảo Phim truyền hình Trung Quốc Phim truyền hình Trung Quốc thập niên 2020
19811775
https://vi.wikipedia.org/wiki/Dinatri%20helide
Dinatri helide
Dinatri helide là một hợp chất vô cơ của natri và khí hiếm heli với công thức hóa học Na2He. Hợp chất này ổn định ở áp suất cao, trên . Lần đầu tiên hợp chất được dự đoán bằng cách sử dụng thuật toán dự đoán cấu trúc tinh thể USPEX và sau đó được tổng hợp vào năm 2016. Tổng hợp Na2He được dự đoán là ổn định về mặt nhiệt động học ở áp suất trên 160 GPa và ổn định trên 100 GPa. Điều này có nghĩa là nó có thể hình thành ở áp suất cao hơn và có thể ổn định khi giảm áp suất xuống 100 GPa, nhưng dưới mức đó nó sẽ bị phân hủy. So với các hợp chất nhị phân của các nguyên tố khác và heli, Na2He được dự đoán là ổn định ở áp suất thấp nhất trong số tất cả các hợp chất khí hiếm. Hợp chất kali-heli tương ứng được dự đoán cần áp suất cao hơn nhiều, ở mức vài terapascal. Hợp chất này được tổng hợp bằng cách đặt các tấm natri cực nhỏ vào một lớp đe kim cương cùng với heli ở áp suất 1600 bar, sau đó nén xuống 130 GPa và làm nóng đến 1.500 K bằng laser. Dinatri helide được dự đoán là chất cách điện và có bề ngoài trong suốt. Ở 200 GPa, các nguyên tử natri có điện tích là +0,599, điện tích của heli là −0,174 và điện tích điểm giữa hai electron gần bằng −0,511. Dinatri helide nóng chảy ở nhiệt độ khoảng 1.500 K, cao hơn nhiều so với nhiệt độ nóng chảy của natri. Khi được giảm áp suất, hợp chất có thể ổn định đến mức áp suất thấp nhất là 113 GPa. Khi áp suất tăng, natri được dự đoán sẽ thu được nhiều điện tích dương hơn, heli mất điện tích âm và mật độ electron tự do tăng lên. Năng lượng được bù lại bằng sự co giãn tương đối của các nguyên tử heli và chỗ trống của các electron. Cấu trúc Dinatri helide có cấu trúc thuộc hệ tinh thể lập phương, giống cấu trúc fluorit. Ở 300 GPa, hằng số mạng của tinh thể là . Cấu trúc mạng tinh thể chứa bốn nguyên tử heli ở tâm của các mặt và góc của khối lập phương, và tám nguyên tử natri ở các vị trí nằm giữa tâm và mỗi góc. Các electron kép (2e-) được đặt trên mỗi cạnh và tâm của mạng tinh thể. Mỗi cặp electron được ghép spin. Sự tồn tại của các electron độc lập này làm cho chúng trở thành điện tích. Các nguyên tử heli không tham gia vào bất kỳ liên kết nào; tuy nhiên, các cặp electron vẫn được coi là liên kết hai electron tám tâm. Tham khảo Hợp chất natri Hợp chất khí hiếm
19811777
https://vi.wikipedia.org/wiki/Danh%20s%C3%A1ch%20lo%C3%A0i%20l%E1%BB%A3n
Danh sách loài lợn
Phân bộ Lợn (Suina hay Suiformes) là một phân bộ thú gồm các loài ăn tạp, không nhai lại thuộc Bộ Guốc chẵn (Artiodactyla). Trong tiếng Anh, mỗi loài trong nhánh này được gọi là suine. Phân bộ này bao gồm Suidae (lợn) và họ Tayassuidae (lợn peccary). Các loài lợn phần lớn có nguồn gốc từ châu Phi, Nam Mỹ và Đông Nam Á, ngoại trừ lợn rừng, loài này cũng có nguồn gốc từ châu Âu và châu Á và được du nhập vào Bắc Mỹ và châu Úc, bao gồm cả việc sử dụng rộng rãi phân loài lợn nhà trong chăn nuôi. Chúng có kích thước khác nhau, từ lợn lùn dài 55 cm (22 in) đến lợn rừng lớn dài 210 cm (83 in). Các loài chủ yếu được tìm thấy trong các khu sinh học như rừng, cây bụi và đồng cỏ, mặc dù một số loài có thể được tìm thấy ở sa mạc, đất ngập nước hoặc ven biển. Hầu hết các loài không được ước tính về số lượng, mặc dù có khoảng hai tỷ con lợn nhà được sử dụng trong nông nghiệp, trong khi một số loài được coi là loài nguy cấp hoặc cực kỳ nguy cấp với số lượng thấp tới 100 con. Phân bộ Lợn có 20 loài còn tồn tại, gồm 17 loài trong 6 chi thuộc họ Suidae và 3 loài trong 3 chi thuộc họ Tayassuidae. Tất cả các loài còn tồn tại đều thuộc phân họ Suinae. Các loài tuyệt chủng cũng được xếp vào Suinae, cũng như các phân họ khác. Hàng chục loài tuyệt chủng đã được tìm thấy, mặc dù do các nghiên cứu và khám phá vẫn đang tiếp diễn, số lượng và phân loại chưa chắc chính xác. Quy ước Mã tình trạng bảo tồn được liệt kê tuân theo Sách đỏ các loài bị đe dọa của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Bản đồ phân bố được đính kèm nếu có thông tin. Khi không có thông tin về bản đồ phân bố, sẽ được thay thế bằng mô tả về phạm vi môi trường hoạt động của loài. Vùng phân bố dựa trên danh sách đỏ IUCN cho loài đó trừ khi có ghi chú khác. Tất cả các loài hoặc phân loài đã tuyệt chủng được liệt kê cùng với các loài còn tồn tại đã tuyệt chủng sau năm 1500 và được biểu thị bằng biểu tượng thập tự "". Số liệu quần thể được làm tròn đến phần hàng trăm. Phân loại Phân bộ Lợn gồm 20 loài còn tồn tại thuộc 9 chi, và được chia tiếp thành hàng chục phân loài. Phân bộ Lợn được chia thành 2 họ: họ Suidae gồm 17 loài thuộc 6 chi, và họ Tayassuidae gồm 3 loài thuộc 3 chi. Danh sách này không bao gồm các loài lai (như là boar–pig hybrid) hoặc các loài tuyệt chủng từ thời tiền sử. Họ Suidae (Lợn) Chi Babyrousa: 3 loài Chi Hylochoerus: 1 loài Chi Phacochoerus: 2 loài Chi Porcula: 1 loài Chi Potamochoerus: 2 loài Chi Sus: 8 loài Họ Tayassuidae (Lợn peccary) Chi Catagonus: 1 loài Chi Dicotyles: 1 loài Chi Tayassu: 1 loài Phân bộ Lợn Phân loại sau đây dựa trên phân loại của Mammal Species of the World (2005), cùng với các đề xuất bổ sung được chấp nhận rộng rãi kể từ khi sử dụng phân tích phát sinh chủng loại phân tử. Có một số đề xuất bổ sung đang bị tranh cãi, chẳng hạn như loài lợn peccary lớn (Pecari maximus), thì không được đưa vào đây. Họ Lợn (Suidae) Họ Lợn peccary (Tayassuidae) Tham khảo Thư mục lợn
19811778
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%E1%BB%AFa%20b%E1%BB%87nh%20b%E1%BA%B1ng%20%C4%91%E1%BB%A9c%20tin
Chữa bệnh bằng đức tin
Chữa bệnh bằng đức tin (Faith healing) hay chữa bệnh bằng tâm linh là việc thực hành cầu nguyện và dùng các cử chỉ biểu đạt tôn giáo (chẳng hạn như phép đặt tay) được một số người tin rằng có thể hiện ra sự can thiệp của thần thánh trong việc chữa lành tâm linh và chữa lành thể chất, đặc biệt là trong các phép thực hành bí tích của Cơ đốc giáo. Các tín đồ khẳng định rằng việc chữa lành bệnh tật và khuyết tật có thể được thực hiện thông qua đức tin tôn giáo thông qua cầu nguyện hoặc các nghi lễ khác mà theo các tín đồ sẽ có thể khơi dây sự hiện diện và quyền năng của thần thánh. Niềm tin tôn giáo vào sự can thiệp của thần thánh không phụ thuộc vào bằng chứng thực nghiệm về kết quả dựa trên bằng chứng đạt được thông qua chữa bệnh bằng đức tin. Hầu như tất cả các nhà khoa học và triết gia đều coi việc chữa bệnh bằng đức tin là ngụy khoa học. Những tuyên bố rằng "vô số kỹ thuật" chẳng hạn như cầu nguyện, sự tác động của thần thánh hoặc sự phục vụ của một người chữa bệnh cá nhân có thể chữa khỏi bệnh đã trở nên phổ biến trong suốt lịch sử. Đã có những tuyên bố rằng đức tin có thể chữa mù, điếc, ung thư, HIV/AIDS, rối loạn phát triển, thiếu máu, viêm khớp, nói ngọng, đa xơ cứng, phát ban da, tê liệt toàn thân và nhiều vết thương khác nhau. Sự phục hồi của người bệnh (là tín hữu) đã được quy cho nhiều kỹ thuật thường được phân loại là chữa bệnh bằng đức tin. Kết quả này có thể liên quan đến việc cầu nguyện, viếng thăm một ngôi đền tôn giáo, hoặc đơn giản là niềm tin mãnh liệt vào một đấng tối cao sẽ tiếp thêm sức mạnh vượt qua tình thế hiểm nghèo. Nhiều người giải thích rằng Kinh Thánh, đặc biệt là Tân Ước đã rao giảng niềm tin và thực hành chữa bệnh bằng đức tin. Theo một cuộc thăm dò năm 2004 của Newsweek có đến 72% người Mỹ cho biết họ tin rằng cầu nguyện Chúa có thể chữa khỏi bệnh cho một người nào đó, ngay cả khi khoa học nói rằng người đó mắc bệnh nan y. Không giống như chữa bệnh bằng đức tin, những người ủng hộ chữa bệnh bằng tâm linh không cố gắng tìm kiếm sự can thiệp của thần thánh, thay vào đó họ tin vào năng lượng thần thánh. Mối quan tâm ngày càng tăng đối với y học thay thế vào cuối thế kỷ XX đã làm nảy sinh mối quan tâm song song giữa các nhà xã hội học về mối quan hệ của tôn giáo với sức khỏe. Chữa bệnh bằng đức tin có thể được phân loại là một chủ đề tâm linh, siêu nhiên hoặc huyền bí và trong một số trường hợp, niềm tin vào việc chữa bệnh bằng đức tin có thể được phân loại là tư duy ma thuật. Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ tuyên bố "bằng chứng khoa học hiện có không ủng hộ tuyên bố rằng chữa bệnh bằng đức tin thực sự có thể chữa khỏi các bệnh về thể chất". "Cái chết, tàn tật và những kết quả không mong muốn khác đã xảy ra khi việc chữa bệnh bằng đức tin được lựa chọn thay vì chăm sóc y tế cho những vết thương hoặc bệnh tật nghiêm trọng.". Khi cha mẹ thực hành chữa bệnh bằng đức tin hơn là chăm sóc y tế, nhiều trẻ em đã chết mà lẽ ra không đáng phải như vậy, những kết cục tương tự cũng được ghi nhận ở người lớn. Chú thích Tham khảo Beyer, Jürgen (2013) "Wunderheilung". In Enzyklopädie des Märchens. Handwörterbuch zur historischen und vergleichenden Erzählforschung, vol. 14, Berlin & Boston: Walter de Gruyter, coll. 1043–1050 Tâm linh Y học thay thế Ma thuật Tranh cãi y học Ngụy khoa học Trải nghiệm và hành vi tôn giáo Thuật ngữ tôn giáo
19811779
https://vi.wikipedia.org/wiki/Miles%20Morales
Miles Morales
Miles Gonzalo MoralesAhmed, Saladin (w), Garrón, Javier (a). Miles Morales: Spider-Man #1 (2018) Marvel Comics (New York). () là một nhân vật hư cấu, một siêu anh hùng xuất hiện trong các cuốn truyện tranh Mỹ xuất bản bởi Marvel Comics. Anh là một trong những nhân vật được gọi là Người Nhện, được tạo ra vào năm 2011 bởi nhà văn Brian Michael Bendis và nghệ sĩ Sara Pichelli, với sự đóng góp của biên tập viên trưởng lúc bấy giờ của Marvel Axel Alonso. Nhân vật sở hữu sức mạnh tương tự như sức mạnh của Người Nhện ban đầu, có nguồn gốc từ vết cắn của một con nhện được biến đổi gen bởi kẻ thù của Người Nhện Norman Osborn nhằm cố gắng nhân đôi những khả năng đó. Con trai tuổi thiếu niên mang hai dòng máu của cha người Mỹ gốc Phi và mẹ người Puerto Rico, Miles Morales là Người nhện thứ hai xuất hiện trong Ultimate Marvel, một dấu ấn với một sự liên tục riêng biệt từ Vũ trụ Marvel được gọi là Ultimate Universe (Earth-1610), xuất hiện lần đầu trong Ultimate Fallout #4 (tháng 8 năm 2011), sau cái chết của Ultimate Peter Parker. Anh đã xuất hiện trong loạt truyện tranh Ultimate Comics: Spider-Man, và sau khi Marvel kết thúc ấn bản Ultimate năm 2015, Miles trở thành một nhân vật trong Vũ trụ Marvel chính (Earth-616), bắt đầu câu chuyện dưới thương hiệu All-New, All-Different Marvel ra mắt cùng năm đó, với người đồng cấp Earth-616 ban đầu của Miles, Ultimatum hung ác, ra mắt trong Spider-Men II năm 2017. Phản ứng với nhân vật rất đa dạng. Một số, bao gồm cả người đồng sáng tạo Người Nhện, Stan Lee, đã tán thành việc tạo ra một hình mẫu tích cực cho trẻ em da màu. Những người khác bày tỏ sự không hài lòng với việc thay thế Peter Parker, với việc The Guardian, Fox News, và Culture Map Houston báo cáo rằng một số người hâm mộ coi quyết định này là nỗ lực của Marvel Comics để thể hiện đúng đắn về chính trị và việc giới thiệu một Người Nhện thiểu số chỉ đơn giản là trò chơi đóng thế công khai để thu hút nhiều độc giả hơn, một cáo buộc mà Alonso đã bác bỏ. Alexandra Petri của The Washington Post kêu gọi đánh giá nhân vật dựa trên chất lượng câu chuyện của anh, điều này đã nhận được những đánh giá tích cực. Do sự nổi tiếng của nhân vật, Miles Morales đã được chuyển thể trên nhiều phương tiện truyền thông bên ngoài truyện tranh. Nhân vật này không phải là nhân vật chính trong loạt phim truyền hình hoạt hình Ultimate Spider-Man, nhưng sau đó đã được thêm vào dàn diễn viên chính, như một Người Nhện thay thế từ một vũ trụ khác được lồng tiếng bởi Donald Glover trong mùa ba và Ogie Banks trong mùa bốn, giờ có tên là Kid Arachnid. Nadji Jeter lần đầu lồng tiếng nhân vật trong series hoạt hình của Disney XD Spider-Man (2017–20), và đóng lại vai này trong loạt trò chơi điện tử Marvel's Spider-Man được phát triển bởi Insomniac Games, và Marvel Ultimate Alliance 3: The Black Order (2019). Nhân vật là nhân vật chính của loạt phim hoạt hình Spider-Verse sản xuất bởi Sony Pictures Animation, với Shameik Moore lồng tiếng nhân vật trong bộ phim đoạt Giải Oscar Spider-Man: Into the Spider-Verse (2018), cũng như các phần hậu truyện Across the Spider-Verse (2023) và Beyond the Spider-Verse (2024). Lịch sử xuất bản Tiểu sử nhân vật hư cấu Năng lực va khả năng Đón nhận Các phiên bản thay thế Trong các phương tiện khác Các ấn bản được sưu tầm Tham khảo Liên kết ngoài Marvel page: Spider-Man (Miles Morales), MMTUS-M2014, S-M2016, MMS-M2018, ACMM2019, MMS-MA2021, MMS-M2022 Miles Morales. Comic Vine Jennings, Jackie (August 8, 2017). "Ultimate Spider-Man in 2 Minutes". Syfy Wire. Miles Morales. Spider-Man Wiki. Siêu anh hùng người Mỹ gốc Phi Nhân vật Avengers (truyện tranh) Nhân vật da đen trong hoạt hình Nhân vật da đen trong phim Nhân vật da đen trong trò chơi điện tử Người da đen trong truyện tranh
19811782
https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BB%93ng%20t%C3%ADnh%20n%E1%BB%AF%20t%E1%BA%A1i%20%C4%90%E1%BB%A9c%20Qu%E1%BB%91c%20x%C3%A3
Đồng tính nữ tại Đức Quốc xã
Tại Đức Quốc xã, những người phụ nữ đồng tính bị gửi đến trại tập trung thường bị phân loại là "không hòa nhập", trừ khi họ bị nhắm đến vì chủng tộc hoặc quan điểm chính trị. Tại các khu vực khác của Đức Quốc Xã, hành vi đồng tính nữ không bị xem là vi phạm pháp luật, trái ngược với nước Áo - nơi đã hình sự hóa hành vi này. Vì chính phủ Quốc xã ít chú trọng đến người đồng tính nữ so với đồng tính nam, việc ghi chép hoàn cảnh của phụ nữ đồng tính trong thời Đức Quốc xã gặp nhiều hạn chế vì thiếu nguồn tài liệu. Bối cảnh Sau Thế chiến thứ nhất, các quán bar và hộp đêm dành cho phụ nữ đồng tính được khai trương tại Berlin. Đáng chú ý trong số đó là Mali und Igel, do doanh nhân Elsa Conrad điều hành. Bên trong quán bar này có một câu lạc bộ được gọi là "Monbijou des Westens". Câu lạc bộ này chỉ dành riêng cho giới tri thức đồng tính nữ tại Berlin; nữ diễn viên Marlene Dietrich là khách hàng nổi tiếng của câu lạc bộ này. Câu lạc bộ tổ chức các buổi dạ hội với sự tham gia của 600 người phụ nữ mỗi năm. Một chiến dịch nhằm đóng cửa tất cả các quán bar dành cho người đồng tính, bao gồm cả quán bar dành cho đồng tính nữ đã được phát động vào tháng 3 năm 1933. Tất cả các tạp chí (như Die Freundin) và các tổ chức liên quan đến cộng đồng đồng tính nữ đều bị đặt trong tầm ngắm để đình chỉ hoạt động. Sử học Các nhà sử học điều tra các trường hợp riêng lẻ đã đưa ra những kết luận khác nhau. Tùy thuộc vào các yếu tố cá nhân, phụ nữ ở Đức Quốc xã bị buộc tội có mối quan hệ đồng tính nữ có thể phải đối mặt với những hậu quả khác nhau. Những phụ nữ Do Thái, người da đen, hoặc những ai phản đối chế độ Quốc xã có thể bị giam cầm trong trại tập trung hoặc bị tử hình - trong một số trường hợp, án phạt có thể bị tăng nặng nếu họ bị xác định là người đồng tình nữ. Trái lại, theo nhà sử học Samuel Clowes Huneke, những phụ nữ đồng tính bị cáo về những tội danh không liên quan đến chính trị không hề bị đối xử khác biệt chỉ vì họ là người đồng tính nữ. Trong thực tế, việc bị tố cáo là người đồng tính nữ thường chỉ dẫn tới một cuộc điều tra của phía cảnh sát mà không hề kèm theo bất kỳ hình phạt nào. Do đó, ông đưa ra khái niệm "bức hại đa dạng" như một cách để mô tả trải nghiệm của phụ nữ đồng tính trong thời kỳ Đức Quốc xã. Nhà sử học Laurie Marhoefer cho rằng "Dù không trực tiếp bị nhà nước bức hại, nhưng những phụ nữ từ chối tuân theo chuẩn mực giới tính truyền thống, hoán tính và những người bị đánh đồng với đồng tính luyến ái đều có thể gây lo ngại cho hàng xóm, bạn bè và các quan chức nhà nước. Và cuối cùng, nỗi lo này có thể dẫn tới việc nhà nước sử dụng bạo lực, như trường hợp [Ilse] Totzke bị giam ở trại tập trung Ravensbrück." Tưởng niệm Vào năm 2008, một cuộc tranh cãi đã nổ ra liên quan đến Bia tưởng niệm cho Người đồng tính bị bức hại Dưới Chế độ Quốc xã tại Tiergarten. Tranh cãi này bắt nguồn từ việc người đồng tính nữ ban đầu không được nhắc trong danh sách tưởng niệm. Các nhà phê bình cho rằng, mặc dù người đồng tính nữ không phải chịu bức hại có tổ chức như người đồng tính nam, nhưng việc tưởng nhớ những phụ nữ đã bị giam giữ trong các trại tập trung vẫn là điều cần thiết. Một kế hoạch thay thế video ban đầu bằng một video khác bao gồm cả phụ nữ đã gặp phải sự phản đối từ các nhà sử học, nhà hoạt động và những người quản lý bia tưởng niệm. Họ cho rằng việc bao gồm người đồng tính nữ sẽ là "bóp méo sự thật". Mặc dù đã có những nỗ lực từ một số nhà hoạt động đồng tính nữ nhằm tưởng nhớ những phụ nữ đồng tính bị giam giữ và giết tại trại tập trung Ravensbrück. Tuy nhiên đến năm 2021, vẫn chưa thống trong việc thiết lập một bia tưởng niệm cho họ tại trại tập trung. Xem thêm Bách hại người đồng tính tại Đức Quốc xã Margarete Rosenberg Tham khảo Nguồn Đọc thêm Liên kết ngoài LGBT Đức Xã hội Đức Quốc xã Nữ giới tại Đức Lịch sử LGBT thế kỷ 20
19811783
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ph%C3%A9p%20%C4%91%E1%BA%B7t%20tay
Phép đặt tay
Phép đặt tay (tiếng Anh: Laying on of hands hay chirotony, tiếng Do Thái là סמיכה/Semikhah) là một thực hành tôn giáo trong Do Thái giáo và Cơ Đốc giáo đi kèm với việc ban phước lành hoặc chỉ dấu về quyền hạn, nghi thức trừ tà. Trong Giáo hội Công giáo thì Phép đặt tay được sử dụng như một phương pháp tượng trưng và chính thức để cầu khẩn Chúa Thánh Thần chủ yếu trong các lễ rửa tội và các lễ xác nhận, lễ chữa bệnh, phước lành, và phong chức của linh mục, trưởng lão, phó tế, và các quan chức nhà thờ khác, cùng với nhiều loại của bí tích nhà thờ khác và các nghi lễ thánh. Một tập tục đặt tay tương tự cũng được sử dụng trong các nghi lễ tôn giáo Navajo. Phép đặt tay cũng có thể ám chỉ đến việc đặt tay lên con vật hiến tế (lễ tạ tội) của một người, trước khi nó bị giết thịt. Phép đặt tay là một hành động được nhắc đến nhiều lần trong Kinh thánh tiếng Do Thái để đi kèm với việc ban phước lành hoặc quyền hạn. Moses sắc phong cho Joshua qua lễ Semikhah—tức là bằng cách đặt tay. Kinh thánh cho biết thêm rằng Giô-suê nhờ đó được "tràn đầy thần khí khôn ngoan". Môi-se cũng tấn phong 70 trưởng lão. Các trưởng lão sau đó đã tấn phong những người kế vị của họ theo cách này. Những người kế vị của họ lần lượt phong chức cho những người khác. Chuỗi thực hành semikhah này tiếp tục trong suốt thời gian của Ngôi đền thứ hai cho đến một thời điểm không xác định. Nhiều nhà chức trách thời trung cổ tin rằng điều này xảy ra dưới triều đại của Hillel II vào khoảng năm 360 Tây lịch. Tuy nhiên, nó dường như đã tiếp tục ít nhất cho đến năm 425 Tây lịch khi Theodosius II đàn áp Tổ phụ và Sanhedrin. Trong Tân Ước phép đặt tay có liên quan đến việc nhận Chúa Thánh Thần. Ban đầu Sứ đồ đặt tay trên những tín đồ mới cũng như những người đã tin theo đạo. Tân Ước cũng liên hệ đến phép đặt tay với việc trao quyền hoặc chỉ định một người vào một vị trí trách nhiệm. Phép đặt tay cho chuyện phong chức các quan chức nhà thờ vẫn tiếp tục trong nhiều nhánh của Cơ đốc giáo. Nghi lễ Đặt tay là một phần của sự xác nhận của Anh giáo, phép xức dầu và các nghi thức khác của các văn phòng phụng vụ và mục vụ. Sự tự đánh giá trong lễ xác nhận yêu cầu giám mục chỉ đặt một tay, tượng trưng rằng có ít thẩm quyền thuộc linh hơn một sứ đồ đặt cả hai tay. Trong Giáo hội Công giáo La Mã, tục lệ này vẫn tiếp tục và vẫn được sử dụng trong nhiều nghi lễ khác nhau của nhà thờ, chẳng hạn như trong bí tích xác nhận. Trong Cơ đốc giáo truyền giáo, việc đặt tay diễn ra cho mục vụ phong chức. Chú thích Tham khảo New Bible Dictionary () Tôn giáo
19811784
https://vi.wikipedia.org/wiki/Retsuko%20hung%20h%C4%83ng
Retsuko hung hăng
Aggretsuko hay Retsuko hung hăng () là một bộ phim truyền hình hoạt hình anime Nhật Bản hài kịch dựa trên nhân vật cùng tên do "Yeti" tạo ra cho công ty linh vật Sanrio. Nhân vật lần đầu tiên xuất hiện trong một loạt phim hoạt hình ngắn của Fanworks được phát sóng trên Đài truyền hình TBS từ tháng 4 năm 2016 đến tháng 3 năm 2018. Một bộ anime ONA chuyển thể đã được ra mắt trên toàn thế giới trên Netflix vào tháng 4 năm 2018, tiếp theo là phần thứ hai vào tháng 6 năm 2019, phần thứ ba vào tháng 8 năm 2020 và phần thứ tư vào tháng 12 năm 2021. Phần thứ năm và phần cuối cùng ra mắt vào tháng 2 năm 2023. Một bộ truyện tranh do Daniel Barnes và DJ Kirkland chuyển thể đã được Oni Press ra mắt. Số đầu tiên được phát hành vào ngày 5 tháng 2 năm 2020. Trò chơi dành cho thiết bị di động, Aggretsuko: The Short Timer Strikes Back, được Hive phát hành cho Android và iOS vào tháng 7 năm 2020. Trò chơi có sẵn trên toàn thế giới, bao gồm toàn bộ 100 tập phim ngắn, cần được mở khóa riêng lẻ thông qua lối chơi bình thường. Trong khi các tập phim thông thường có phụ đề, các tập phim ngắn không có sẵn các ngôn ngữ khác. Nội dung Retsuko là một cô gấu trúc đỏ độc thân 25 tuổi, làm việc trong bộ phận kế toán của một công ty thương mại Nhật Bản. Cô luôn cố gắng hết sức để vượt qua những vấn đề điển hình mà thanh niên Nhật Bản thế kỷ 21 gặp phải. Đối mặt với sự thất vọng liên tục mỗi ngày từ cấp trên và đồng nghiệp, Retsuko giải tỏa cảm xúc của mình bằng cách đến một quán karaoke mỗi tối và hát nhạc death metal. Sau 5 năm làm việc liên tục, sự đau khổ của Retsuko làm cô phải trải qua một loạt sự kiện, khiến công việc của cô gặp nguy hiểm, buộc cô phải thay đổi mối quan hệ với đồng nghiệp và cuối cùng thay đổi cuộc đời cô theo những cách không ngờ tới. Sau đó, cô ấy tiếp tục nghĩ ra những cách để tìm kiếm hạnh phúc, và cuối cùng đi đến kết luận rằng một ngày nào đó cô ấy sẽ muốn kết hôn và xây dựng gia đình. Thật không may, sự lo lắng xã hội của cô ấy kết hợp với tính rụt rè thường khiến cô ấy vướng vào nhiều tình huống hơn những gì cô ấy mong đợi khi theo đuổi ước mơ của mình. Trong Mùa 4, chương trình ít tập trung hơn vào Retsuko với tư cách là nhân vật chính, mà tập trung nhiều hơn vào các đồng nghiệp của cô ấy tại văn phòng, với mỗi người đều có những vấn đề riêng. Trong Mùa 5, chương trình chủ yếu tập trung vào Retsuko tại chính phủ Nhật Bản với việc cô ấy tranh cử một ghế trong Quốc hội, cùng với cuộc sống của Haida sau khi bỏ công việc văn phòng và bị đuổi khỏi căn hộ của cha mẹ anh ấy, cho đến khi anh ấy gặp Shikabane, một game thủ 21 tuổi đã từ bỏ cuộc sống và trở thành người tị nạn ở quán cà phê Internet. Nhân vật Rtsuko là một con gấu trúc đỏ 25 tuổi làm việc tại phòng kế toán của công ty cô ấy. Cô bộc lộ sự thất vọng về công việc của mình bằng cách hát nhạc death metal tại một quán karaoke. Cô ấy là một người hướng nội hòa nhã, mắc chứng lo âu xã hội và dễ có những giấc mơ viển vông đến mức nó tác động tiêu cực đến cô ấy và những người xung quanh. Sau khi Retsuko nói xấu sếp của cô ấy, Ton, trên TV, Ton đã đặt biệt danh cho cô ấy là "Short-Timer" (lồng tiếng Nhật) hoặc "Calendar" (lồng tiếng Anh), ngụ ý rằng công việc của cô ấy đang bị đe dọa. Khi đối mặt với một vấn đề mới, dù là vấn đề cá nhân hay vấn đề khác, cô ấy nhanh chóng lui vào một góc và cố gắng giải quyết vấn đề một mình, nếu như cô ấy không đầu hàng hoàn toàn. Điều này cho thấy cô ấy vẫn chưa trưởng thành hoàn toàn về cảm xúc và không muốn tâm sự với người khác. Tuy nhiên, cô ấy dần dần phát triển trạng thái cảm xúc lành mạnh hơn với sự giúp đỡ từ bạn bè và trớ trêu thay, cũng là những đồng nghiệp mà cô ấy thường không thể chịu đựng được. Đến Mùa 3, cô ấy hoàn toàn công khai với giọng hát death metal của mình, từ đó bắt đầu một công việc kiếm tiền hấp dẫn. Giám đốc Ton là một con lợn nhà làm Giám đốc phòng kế toán, người thường xuyên gây khó dễ cho Retsuko bằng cách phân biệt giới tính trắng trợn hoặc buộc làm việc quá sức. Anh ấy dành thời gian đáng kể để chơi golf thay vì làm việc, mặc dù điều đó cho thấy rằng anh ấy là một kế toán viên cực kỳ giỏi và nhanh nhẹn mặc dù không biết gì về công nghệ. Mặc dù anh ấy thường xuyên coi thường Retsuko, nhưng cũng có nghĩa là anh ấy rất tôn trọng cô ấy và có thể coi cô ấy là người kế vị của mình. Anh đã hơn một lần bước vào cuộc sống cá nhân của cô với sự khôn ngoan kịp thời để cứu cô khỏi những tình huống khiến cô đau buồn. Bất chấp sự cứng rắn của mình, anh ấy có một điểm yếu ttrong gia đình của mình và ban đầu giấu họ sự thật rằng anh ấy đã bị buộc thôi việc trong Mùa 4. Anh ấy cũng bảo vệ cấp dưới của mình, từ chối sa thải bất kỳ ai trong bộ phận kế toán khi được lãnh đạo mới khuyến khích làm vậy. Fenneko là một con cáo fennec, là đồng nghiệp và bạn thân nhất của Retsuko tại văn phòng. Cô ấy có khả năng nhận thức cao và sâu sắc, có thể suy ra trạng thái tinh thần của bất kỳ ai chỉ thông qua việc quan sát thói quen của họ và những sai lệch so với khuôn mẫu thông thường của họ - cụ thể là thông qua việc xem xét kỹ lưỡng mạng xã hội của người khác. Cô ấy có bản chất hoài nghi, thường công khai chỉ trích điều gì đó chỉ để sau đó thích thú với nó, đôi khi đến mức ám ảnh. Cô ấy cũng có mối quan hệ thân thiết với Haida và có cạnh tranh bất thường với Tsunoda. Cô ấy có một điệu cười đơn điệu đặc trưng, rất đặc biệt. Haida là một con linh cẩu đốm 27 tuổi, là một đồng nghiệp hiền lành của Retsuko và là người có cảm tình với Retsuko. Cách tiếp cận đường vòng để thú nhận tình cảm của anh ấy khiến anh ấy rơi vào nhiều tình huống hài hước; theo nhiều cách, anh ấy có chung các vấn đề về sự tự tin và lo lắng xã hội giống như Retsuko, dẫn đến việc giao tiếp kém với cô ấy. Mặc dù bị từ chối, anh ấy vẫn cố gắng để bước tiếp và tiếp tục dành tình cảm cho cô ấy, và thường phản ứng rất tệ mỗi khi cô ấy hẹn hò với ai đó. Tuy nhiên, anh ấy cho Retsuko không gian để kiểm soát bản thân và thực sự quan tâm đến sức khỏe và hạnh phúc của Retsuko. Haida là một người hâm mộ nhạc punk rock cuồng nhiệt và chơi guitar bass. Haida có kỹ năng trong lập trình và mảng công nghệ thông tin, nhưng công việc của anh ấy thường xuyên bị các tiền bối mù chữ công nghệ trong kế toán loại bỏ, khiến anh ấy thất vọng. Trong Mùa 4, Haida bất ngờ được thăng chức Giám đốc Kế toán, nhưng sau đó đã rời công ty hoàn toàn sau khi bị buộc tham gia vào một vụ gian lận tài chính. Gori là một quý cô khỉ đột làm giám đốc tiếp thị tại công ty của Retsuko. Cùng với Washimi, cô ấy tập yoga với Retsuko và sau đó cùng cô ấy hát karaoke. Mặc dù bản tính nghiêm túc trong công việc, cô ấy rất dễ bị kích động và rất quan tâm đến việc gắn bó với Retsuko. Một điều đáng buồn với Gori là việc cô ấy than khóc tột độ về những mối tình không thành, thường là những mối tình lãng mạn. Mặc dù đã 40 tuổi và vô cùng đam mê sự nghiệp, cô ấy vẫn có nhiều hy vọng sẽ kết hôn vào một ngày nào đó và tiếp tục thực hiện những nỗ lực táo bạo để tìm kiếm "nửa kia". Washimi là một cô diều ăn rắn làm thư ký cho Giám đốc điều hành của công ty, và được cho là Giám đốc điều hành trên thực tế của công ty do sự kém cỏi của Giám đốc điều hành thực tế. Với ý chí mạnh mẽ và tự tin, cô ấy rất khôn ngoan và cho Retsuko rất nhiều lời khuyên tốt khi cô ấy không bận kiểm tra tính dễ bị kích động của Gori. Đôi khi cô ấy đá rìu để đe dọa những người làm cô ấy thất vọng (chủ yếu là sếp của cô ấy), thể hiện hành vi săn mồi cổ điển của loài của cô ấy. Mặc dù rất điềm tĩnh, cô ấy mất bình tĩnh đáng kể khi đề cập đến chủ đề hôn nhân, sau khi trải qua cuộc ly hôn cay đắng sau cuộc hôn nhân kéo dài 4 tháng trong quá khứ. Tsunoda là một đồng nghiệp linh dương gazelle vui tươi của Retsuko, là người thường xuyên lấy lòng Ton để giữ vị trí thuận lợi và giảm bớt khối lượng công việc của chính mình. Cách tiếp cận không biết xấu hổ của cô ấy đối với chính trị văn phòng và ngôi sao trên mạng xã hội khiến cô ấy bị nhiều người chỉ trích. Tuy nhiên, cô ấy có sự tự nhận thức cao về bản thân và chân thật hơn so với tính cách của cô ấy. Cô ấy là một chuyên gia trong việc phân biệt trạng thái cảm xúc và tinh thần của những người xung quanh. Khi bộ phim tiếp tục, cô ấy dần dần phát triển tình bạn thân thiết hơn với Fenneko. Komiya là cấp dưới cánh tay phải meerkat của Ton. Giống như Tsunoda, Komiya rất thích Ton, nhưng anh ấy dường như làm vậy vì sự ngưỡng mộ thực sự dành cho Ton trong khi Tsunoda chỉ làm như vậy vì lợi ích đã tính toán của riêng cô ấy. Trong Mùa 3 tiết lộ rằng anh ấy điều hành một blog nổi tiếng về các thần tượng JPop và trở thành một người hâm mộ cuồng nhiệt của Retsuko sau khi xem cô ấy hát trên sân khấu. Tsubone là một con rồng Komodo và là đàn chị của Retsuko trong phòng kế toán. Cô ấy rất trịch thượng và được cho là thích xem người khác thất bại, thường bằng cách đưa cho họ một trong nhiều lọ đồ ăn nhẹ kín khí của cô ấy để mở. Giống như Ton, cô ấy thường sử dụng thâm niên của mình để giao thêm công việc cho Retsuko. Cô ấy được cho là có một mối quan hệ đáng kể với Ton, đã làm việc trong bộ phận Kế toán gần như cùng thời gian với anh ấy. Tương tự như vậy, cô ấy cũng mù công nghệ và tỏ ra phòng thủ khi được yêu cầu cập nhật cách làm việc. Kabae là đồng nghiệp hà mã hay nói chuyện của Retsuko. Kabae là một phụ nữ trung niên thường xuyên bị cho là người tung tin đồn của công ty. Cô ấy dễ bị kích động bởi những câu chuyện phiếm mới nhưng tuyên bố sẽ không bao giờ lan truyền bất cứ điều gì ác ý. Cô kết hôn hạnh phúc với chồng và có ba đứa con ở nhà. Tính cách người mẹ của cô ấy, khi được áp dụng tại nơi làm việc, có kết quả phân cực đối với những người lao động trẻ hơn tại văn phòng. Trong Mùa 4, cô ấy tiết lộ rằng cô ấy có một số kỹ năng gián điệp và tàng hình đáng kể, đồng thời cũng chỉ cho Retsuko cách lẻn quanh các trục thông gió của tòa nhà văn phòng. Reasuke là bạn trai gấu trúc đỏ một thời và bị lãng quên của Retsuko trong Mùa 1, là người làm việc trong Bộ phận Kinh doanh tại công ty thương mại của họ. Được đặt biệt danh là "Pocket Prince" (lồng tiếng Nhật) hay "Space Cadet" (lồng tiếng Anh), anh ta thường xuyên đặt giới hạn, vô trách nhiệm với nhiệm vụ công việc, ăn nói nhẹ nhàng và không có nhận thức về xã hội. Anh ấy có một bộ sưu tập lớn các loại cây phát triển tốt ở nhà, cho thấy rằng đặc điểm của anh ấy là một cách chơi chữ của thuật ngữ tiếng Nhật 草食(系)男子 (herbivore men). Anai là con lửng Nhật Bản vừa tốt nghiệp đại học và là người mới được thuê trong bộ phận kế toán của Retsuko từ Mùa 2. Bề ngoài, anh ấy rất vui vẻ và háo hức, nhưng không xem nhẹ bất kỳ loại phản hồi nào, coi đó như một cuộc tấn công cá nhân. Điều này khiến anh ta bị quấy rối thần kinh, và bất cứ ai "chỉ trích" anh ta qua email đều bị yêu cầu một lời xin lỗi bằng văn bản và ghi âm tất cả các cuộc trò chuyện trong tương lai với nguy cơ leo thang. Do đó, các kỹ năng xã hội và chuyên môn của anh ấy rất mờ nhạt, mặc dù cách tiếp cận của anh ấy trước những lời chỉ trích cũng khiến anh ấy miễn nhiễm với chính trị văn phòng mà những người khác tự do thực hiện. Tuy nhiên, anh ấy dễ tiếp thu cách tiếp cận như một người mẹ của Kabae và dần dần học cách hòa đồng với mọi người thông qua cô ấy, cho thấy rằng anh ấy thường xuyên phải chịu đựng sự lo lắng tột độ. Anh ấy cũng là một đầu bếp xuất sắc và sau đó bán thức ăn nấu tại nhà của mình cho đồng nghiệp. Trong Mùa 3, anh ấy trở nên ổn định hơn về mặt cảm xúc sau khi tìm được bạn gái và viết sách dạy nấu ăn như một công việc phụ. Tanado là một con lừa và là bạn trai của Retsuko trong mùa 2. Tanado ban đầu được thể hiện là một kẻ lười biếng, thất nghiệp, nhưng sau đó anh sáng lập công ty AI của riêng mình. Công ty này đang nhanh chóng tăng giá và vừa cực kỳ giàu có vừa thông minh. Sự lười biếng của Tadano được cho là do anh ta nhanh chóng mất hứng thú với bất kỳ công việc nào mà anh ta cho là tầm thường, và luôn cố gắng đưa chương trình AI của mình đến với đại chúng với hy vọng đưa xã hội vượt qua chủ nghĩa tư bản giai đoạn cuối, hỗ trợ các chương trình như thu nhập cơ bản vô điều kiện. Retsuko dần dần phải lòng Tadano sau khi gặp anh ta trong lớp học lái xe, nhưng cô không biết danh tính thực sự của anh ta và bắt đầu một mối quan hệ hạnh phúc, chân chính với anh ta. Tuy nhiên, mối quan hệ kết thúc khi Tadano tiết lộ rằng anh không quan tâm đến việc có con hay kết hôn. Tadano vẫn là một nhân vật có mặt trong các mùa sau, kết bạn với những người xung quanh Retsuko và tiếp tục hỗ trợ cô ấy và bạn bè của cô ấy mà không yêu cầu đáp lại bất cứ điều gì. Mẹ của Retsuko Người mẹ gấu trúc đỏ hống hách của Retsuko, hiện chưa được đặt tên. Bắt đầu từ mùa 2, cô ấy thường xuyên đến thăm Retsuko mà không báo trước, cố gắng gây áp lực buộc cô ấy phải kết hôn với một trong nhiều anh chàng độc thân được tìm thấy qua mai mối. Bất chấp những hành động đáng ngờ của cô ấy, chẳng hạn như sao chép chìa khóa căn hộ của Retsuko mà không xin phép cô ấy, cô ấy thực sự quan tâm đến sức khỏe của Retsuko và cho con gái mình nhiều cơ hội hơn để trưởng thành bằng cách thường xuyên gây áp lực tinh thần lớn, đẩy cô ấy ra khỏi vùng "làm việc, ở nhà, điện thoại, ngủ" (work, home, phone, sleep) thoải mái của mình, cũng như nấu ăn và dọn dẹp cho cô ấy khi cô ấy đến thăm. Hyodo là một con báo hoa mai làm công việc lau cửa sổ tại tòa nhà của Retsuko vào ban ngày và là người quản lý của nhóm nhạc thần tượng đang lên "OTM Girls" (viết tắt của Ōtemachi) vào ban đêm. Retsuko lần đầu gặp anh ta khi cô vô tình đâm vào chiếc xe tải của anh ta, buộc cô phải nhận công việc thứ hai là giám đốc kế toán của tập đoàn để trả nợ. Khi Hyodo vô tình phát hiện ra cô ấy hát death metal tại điểm karaoke quen thuộc của cô, anh ấy quyết định chuyển OTM Girls sang phong cách kết hợp pop/metal và ép buộc Retsuko làm trung tâm của nhóm. Anh ấy giữ bí mật về công việc hàng ngày của mình với các cô gái, cho thấy cảm giác xấu hổ về điều đó. Mặc dù rất hung hăng và đáng sợ, nhưng sự tức giận của anh ta được coi là bình phong để che đậy cảm xúc của anh ta về những thất bại và kém cỏi của bản thân, vì anh ta rất nghèo về tài chính. Manaka là một con chinchilla và là ca sĩ chính của OTM Girls. Trái ngược hoàn toàn với tính cách cực kỳ thụ động của Retsuko, Manaka rất tự tin và bộc trực. Cô ấy thường cư xử như một ngôi sao, nhưng cô ấy thực sự quan tâm đến những người xung quanh mình, bao gồm cả Retsuko. Tính cách táo bạo của cô ấy xuất phát từ việc cô ấy không mong muốn cũng như không quan tâm đến sự chấp thuận của người khác, đồng thời khuyến khích Retsuko bớt sợ làm người khác khó chịu, tai nạn hay cách khác. Khi cô ấy không biểu diễn, cô ấy là nhân viên bán hàng tại một cửa hàng tiện lợi địa phương. Inui là một cô chó Borzoi làm việc trong bộ phận Tổng hợp tại công ty của Retsuko. Được giới thiệu trong mùa 3, Inui là một người phụ nữ ngọt ngào, dịu dàng và chu đáo, luôn cố gắng theo đuổi mối quan hệ với Haida sau một cuộc gặp gỡ tình cờ. Mặc dù ban đầu họ có một khởi đầu thuận lợi do cùng yêu thích nhạc punk rock, nhưng Fenneko và Gori đều gây áp lực buộc Haida phải chấp nhận cô ấy, nhưng cuối cùng Haida đã từ chối. Mặc dù rõ ràng là bị tổn thương, Inui vẫn duyên dáng chấp nhận lời từ chối. Himuro là một con chó Saluki làm Giám đốc đối ngoại của công ty Retsuko. Được giới thiệu trong mùa 4, Himuro được thăng chức làm Giám đốc điều hành sau khi Giám đốc điều hành ban đầu nhập viện. Anh ấy rất nghiêm khắc và có thể là bị bệnh tâm lý, ưu tiên sự tuân theo và quyết tâm hiện đại hóa công ty bằng bất cứ giá nào. Trong khi các phương pháp hợp lý về mặt tài chính ban đầu của anh ấy, Himuro bắt đầu sa thải nhân viên trong Phòng Kế toán để tiết kiệm chi phí và thăng chức cho Haida lên làm Giám đốc Kế toán. Do bị bao vây bởi các thành viên hội đồng quản trị thù địch, những người coi anh như một kẻ ngoại đạo mới nổi, Himuro cuối cùng phải ra lệnh cho Haida sáng tạo kế toán. Anh ta nghỉ việc sau khi bị các thành viên khác của Phòng Kế toán vạch trần hành vi gian lận. Shikabane là một con chồn hôi màu tím 21 tuổi được giới thiệu trong mùa 5, là một người đang vỡ mộng về tình trạng của thế giới xung quanh mình. Cô ấy là một nhân vật trầm tính, sống trong một quán cà phê internet và đắm mình trong thế giới trực tuyến trong khi làm công việc tự do để duy trì lối sống của mình. Cô và Haida gặp nhau trong một trò chơi điện tử trực tuyến; cô ấy đóng vai một nhân vật nam vì những người bạn trước đó bày tỏ mong muốn thiết lập các mối quan hệ sau khi biết cô ấy là con gái. Haida cố gắng khuyến khích cô ấy làm nhiều hơn với cuộc sống của mình nhưng cuối cùng Retsuko đã cố gắng khuyến khích cô ấy thông qua karaoke, và cô ấy quyết định tìm nhà ở. Truyền thông TV anime Một series 100 tập phim hoạt hình ngắn dài một phút do Rarecho đạo diễn và được Fanworks phát sóng trên Tokyo Broadcasting System Television từ ngày 2 tháng 4 năm 2016 đến ngày 31 tháng 3 năm 2018, như một phần của chương trình truyền hình Ō-sama Brunch. Pony Canyon bắt đầu phát hành phim ngắn trên DVD từ ngày 18 tháng 1 năm 2017. Trò chơi di động Vào tháng 7 năm 2020, trò chơi di động Aggretsuko: The Short Timer Strikes Back được Hive phát hành cho các thiết bị Android và iOS. Trò chơi này là một trò chơi giải đố xếp hình với tiền đề là Aggretsuko bắt đầu làm việc để xây dựng đồ đạc trong tòa nhà công ty mới, tương tự với các trò chơi như Gardenscapes. Đối với mỗi 10 cấp độ hoàn thành, người dùng có thể tải xuống và xem các tập của TV Anime ngắn dài một phút ban đầu. Series trên Netflix Một loạt phim gốc của Netflix đã được công bố vào tháng 12 năm 2017, với Rarecho trở lại làm đạo diễn và biên kịch tại Fanworks. Mùa 1, bao gồm mười tập, được phát hành trên toàn thế giới vào ngày 20 tháng 4 năm 2018. Mùa 2 được phát hành vào ngày 14 tháng 6 năm 2019. Mùa 3 được công chiếu vào ngày 27 tháng 8 , 2020. Mùa 4 được công chiếu vào ngày 16 tháng 12 năm 2021. Mùa 5 và cũng là mùa cuối cùng được phát hành vào ngày 16 tháng 2 năm 2023. Một tập Giáng sinh đặc biệt đã được phát hành vào ngày 20 tháng 12 năm 2018. Tổng quan series Mùa 1 (2018) Tập đặc biệt (2018) Mùa 2 (2019) Mùa 3 (2020) Mùa 4 (2021) Mùa 5 (2023) Đón nhận Đánh giá của giới phê bình Aggretsuko đã nhận được sự hoan nghênh của giới phê bình ở Hoa Kỳ. Toàn bộ series hiện đang giữ 8/10 sao trên IMDb, theo xếp hạng 6,3K. Mùa 1 Mùa 1 của series Netflix được đánh giá tốt 100% trên Rotten Tomatoes dựa trên 25 bài đánh giá, với sự đồng thuận của các nhà phê bình trên trang web: "Sự ảm đạm duy nhất đối với một tài sản của Sanrio, Aggretsuko cân bằng giữa sự châm biếm công ty với các nhân vật đáng yêu và hài kịch phi lý để tạo ra một sự ngạc nhiên, bổ sung sâu sắc cho thế giới hoạt hình." Phần này đã được ca ngợi vì miêu tả châm biếm văn hóa nơi làm việc của Nhật Bản và những áp lực mà phụ nữ thế hệ Millennials phải đối mặt trong lực lượng lao động. IndieWire đã cho mùa này điểm B+ và ghi nhận các yếu tố phong cách hoạt hình Nhật Bản rõ ràng đã khiến nó nổi bật so với các tác phẩm của Mỹ. The A.V. Club ca ngợi Aggretsuko vì đã giải quyết các chủ đề dành cho người trưởng thành như kỳ thị nữ giới và lo lắng tại nơi làm việc, nhưng lại chỉ trích tình tiết phụ lãng mạn của mùa, gọi nó là "tệ hại một cách hung hãn". Tập Giáng sinh đặc biệt Aiden Strawhun của IGN đã nói rằng tập đặc biệt "lấy niềm vui của mùa 1 và lấp lánh trong một chút tinh tế của ngày lễ" và khen ngợi tập phim vì bình luận về chứng nghiện mạng xã hội, nhưng nói rằng nó đã bị giảm bớt do "cảm thấy giống" như mùa trước. Trên Polygon, nhà văn Allegra Frank dánh giá tập phim này là "ấm lòng" và nói rằng nó "xứng đáng là một tác phẩm kinh điển dành cho kỳ nghỉ lễ." Allegra đã nhận xét về Haida và sự say mê của anh ấy dành cho Retsuko, gọi anh ấy là "đỉnh cao của một tình yêu đáng yêu." Mùa 2 Mùa 2 đạt 100% trên Rotten Tomatoes dựa trên 8 bài đánh giá. Caitlin Moore của The Daily Dot đã viết rằng mùa 2 "kém hài lòng hơn" so với mùa 1, đồng thời lưu ý rằng mùa này tập trung nhiều hơn vào "hành trình cá nhân" của Retsuko, do đó khiến nó ít liên quan hơn đến khán giả nói chung, nhưng được gọi là mùa "vui vẻ trong một khoảng khắc." Charlie Ceates của Cultured Vultures cho biết mùa này có "nhiều điểm hấp dẫn giống như mùa trước", nhưng chỉ ra rằng diễn biến cốt truyện phản ánh chặt chẽ diễn biến của mùa đầu tiên và cách chương trình "có thể bị đình trệ và nhàm chán" nếu các mùa sau làm tương tự. Mùa 3 Mùa 3 đạt 100% trên Rotten Tomatoes dựa trên 5 bài phê bình. Karen Han từ Polygon ca ngợi mùa này đã giải quyết "các vấn đề cụ thể và hiện đại hơn", chẳng hạn như mối quan hệ xã hội giữa người hâm mộ và người nổi tiếng trên mạng xã hội, nhưng chỉ trích mùa này chuyển hướng thành "phim kinh dị thẳng thắn" cùng với hiện trạng kết thúc cho làm tổn thương tính tương đối của chương trình. Jacob Oller từ The Spool đã viết rằng mùa 3 diễn ra "đủ kiểu thú vị" và rằng "Aggretsuko tiếp tục gây tiếng vang, vang vọng qua hộp sọ của những nhân viên văn phòng đầy giận dữ ở khắp mọi nơi với thái độ chống chủ nghĩa tư bản của Retsuko. Mùa 4 Mùa 4 đạt 67% trên Rotten Tomatoes theo 21 bài phê bình. Nhà văn Britteny Vincent của IGN đã viết rằng mùa 4 "mang đến sự phi lý và gây cười cho thực tế của một nơi làm việc đầy thao túng", nhưng lại chỉ trích sự năng động giữa Retsuko và Haida, coi họ là hai trong số "những nhân vật khó chịu nhất" của chương trình vì làm loãng trải nghiệm tổng thể. Petrena Radulovic của Polygon đã viết rằng mùa 4 "sẽ truyền cảm hứng cho mọi người đoàn kết ở nơi làm việc của họ", đồng thời ca ngợi khả năng cân bằng "các kịch bản hoang dã với các tình huống cụ thể và dễ hiểu hơn của chương trình." Giải thưởng Aggretsuko đã được đề cử cho Giải thưởng Ursa Major ở hạng mục Phim chính kịch hay nhất. Giải thưởng Ursa Major được trao cho lĩnh vực các tác phẩm về cộng đồng furry và là giải thưởng chính trong lĩnh vực nhân hóa. Chú thích Tham khảo Liên kết ngoài Aggretsuko trên Netflix Liên kết liên quan Anime truyền hình dài tập năm 2016 Anime năm 2018 Anime và manga hài Chương trình Tokyo Broadcasting System Nhãn hiệu đồ chơi Phim truyền hình về nơi làm việc
19811786
https://vi.wikipedia.org/wiki/Houssen%20Abderrahmane
Houssen Abderrahmane
Houssen Abderrahmane (sinh ngày 3 tháng 2 năm 1995) là một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp hiện tại đang thi đấu ở vị trí hậu vệ cho câu lạc bộ Marignane Gignac CB tại Championnat National. Sinh ra tại Pháp, anh thi đấu cho Đội tuyển bóng đá quốc gia Mauritanie. Sự nghiệp thi đấu RWDM47 Vào tháng 7 năm 2020, Abderrahmane ký hợp đồng với câu lạc bộ RWDM tại Belgian First Division B theo bản hợp đồng kéo dài 1 năm, với tùy chọn gia hạn thêm một năm. Francs Borains Vào ngày 29 tháng 8 năm 2021, anh gia nhập câu lạc bộ Francs Borains tại giải hạng 3 Bỉ. Anh đã có trận ra mắt cho đội bóng vào ngày 12 tháng 9 năm 2021, trong một trận đấu gặp La Louvière Centre, đồng thời ghi bàn thắng đầu tiên để mang về chiến thắng 2–0 cho đội nhà. Quốc tế Abderrahmane ra mắt quốc tế cho Mauritanie vào ngày 7 tháng 10 năm 2016, trong trận thua 4-0 trước Canada. Tham khảo Liên kết ngoài US Raon Profile Sinh năm 1995 Cầu thủ bóng đá Pháp Cầu thủ bóng đá Mauritanie Cầu thủ bóng đá Pháp ở nước ngoài Cầu thủ bóng đá Mauritanie ở nước ngoài Cầu thủ bóng đá nước ngoài ở Pháp Cầu thủ bóng đá nước ngoài ở Bỉ Cầu thủ đội tuyển bóng đá quốc gia Mauritanie Hậu vệ bóng đá Cầu thủ bóng đá Louhans-Cuiseaux FC Cầu thủ bóng đá US Raon-l'Étape Cầu thủ bóng đá R.W.D. Molenbeek (2015) Cầu thủ bóng đá Francs Borains Cầu thủ bóng đá Marignane Gignac Côte Bleue FC Cầu thủ Cúp bóng đá châu Phi 2021 Cầu thủ bóng đá Championnat National 2 Cầu thủ bóng đá Championnat National 3 Cầu thủ bóng đá Championnat National Cầu thủ bóng đá Belgian First Division B Nhân vật còn sống
19811787
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ga%20Sau
Ga Sau
Ga Sau (Văn phòng Gimpo) (Tiếng Hàn: 사우(김포시청)역, Hanja: 沙隅(金浦市廳)驛) là ga tàu điện ngầm của Tuyến Gimpo Goldline nằm ở Gimpo-si, Gyeonggi-do. Lịch sử 20 tháng 6 năm 2016: Tên ga được xác nhận là Ga Tòa thị chính Gimpo (金浦市廳驛) 3 tháng 8 năm 2018: Đổi tên ga thành Ga Sau (Tòa thị chính Gimpo) 28 tháng 9 năm 2019: Bắt đầu hoạt động Bố trí ga Xung quanh nhà ga Khu liên hợp thể thao Gimpo Tòa thị chính Gimpo Trường trung học kỹ thuật Gimpo Jeil Trường tiểu học Geumpa Trường trung học Geumpa Trường tiểu học Sáu Trường THPT Sau Trung tâm Y tế Công cộng Thành phố Gimpo Khu liên hợp thể thao Gimpo Trung tâm phúc lợi hành chính Sau-dong Trung tâm phúc lợi người cao tuổi thành phố Gimpo Trung tâm Y tế Công cộng Gimpo Quỹ Phát triển Thanh niên Thành phố Gimpo Hội đồng thành phố Gimpo Ga kế cận Tham khảo Sau Sau
19811788
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ga%20Unyang%20%28Gimpo%29
Ga Unyang (Gimpo)
Ga Unyang (Tiếng Hàn: 운양역, Hanja: 雲陽驛) là ga tàu điện ngầm của Tuyến Gimpo Goldline nằm ở Unyang-dong, Gimpo-si, Gyeonggi-do. Lịch sử 20 tháng 6 năm 2016: Tên ga được xác nhận là Ga Unyang 28 tháng 9 năm 2019: Bắt đầu hoạt động Bố trí ga Xung quanh nhà ga Trường tiểu học Cheongsu Trường trung học Gimpo Jeil Văn phòng Giáo dục Gimpo Trường tiểu học Haneulbit Trường THCS Haneulbit Trung tâm phúc lợi hành chính Unyang-dong Công viên sinh thái chim hoang dã sông Hán Gimpo Công viên Modam Ga kế cận Tham khảo Unyang (Gimpo) Unyang (Gimpo)
19811789
https://vi.wikipedia.org/wiki/Kigami%20Yoshiji
Kigami Yoshiji
(28 tháng 12, 1957 – 18 tháng 7, 2019) là đạo diễn hoạt hình người Nhật Bản. Ông đã từng làm việc tại công ty Shin-Ei Animation và sau đó trở thành nhân viên làm việc tại Kyōto Animation. Vào ngày 18 tháng 7 năm 2019, trong Vụ phóng hỏa Kyōto Animation, Kigami đã thiệt mạng cùng với 35 đồng nghiệp của mình. Kigami ban đầu được tuyên bố là mất tích sau vụ phóng hoả. Nhưng đến ngày 2 tháng 8 năm 2019, ông đã xác nhận tử vong. Tham khảo
19811790
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ga%20Janggi
Ga Janggi
Ga Janggi (Tiếng Hàn: 장기역, Hanja: 場基驛) là ga tàu điện ngầm của Tuyến Gimpo Goldline nằm ở Janggi-dong, Gimpo-si, Gyeonggi-do. Lịch sử 20 tháng 6 năm 2016: Tên ga được xác nhận là Ga Janggi 28 tháng 9 năm 2019: Bắt đầu hoạt động Bố trí ga Xung quanh nhà ga Đồn cảnh sát Gimpo Cơ quan thuế dài hạn Trường tiểu học Janggi Trường tiểu học Unyu Trường trung học dài hạn Trường trung học cơ sở Unyang Bệnh viện New Goryeo Dịch vụ Hưu trí Quốc gia Chi nhánh Gimpo Ganghwa Công viên trung tâm Hangang Trường trung học cơ sở Gochang Ga kế cận Tham khảo Janggi Janggi
19811794
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ga%20Geolpo%20Bukbyeon
Ga Geolpo Bukbyeon
Ga Geolpo Bukbyeon (Tiếng Hàn: 걸포북변역, Hanja: 傑浦北邊驛) là ga tàu điện ngầm của Tuyến Gimpo Goldline nằm ở Bukbyeon-dong, Gimpo-si, Gyeonggi-do. Lịch sử 20 tháng 6 năm 2016: Tên ga được xác nhận là Ga Geolpo Bukbyeon 28 tháng 9 năm 2019: Bắt đầu hoạt động Bố trí ga Xung quanh nhà ga CGV Gimpo Hangang Trường tiểu học Geolpo Trường tiểu học Gimpo Seo Trung tâm phúc lợi hành chính Gimpo Bon-dong Thư viện Jungbong Bệnh viện Gimpo Woori Ga kế cận Tham khảo Geolpo Bukbyeon Geolpo Bukbyeon
19811797
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ga%20Pungmu
Ga Pungmu
Ga Pungmu (Tiếng Hàn: 풍무역, Hanja: 豊舞驛) là ga tàu điện ngầm của Tuyến Gimpo Goldline nằm ở Sau-dong, Gimpo-si, Gyeonggi-do. Lịch sử 20 tháng 6 năm 2016: Tên ga được xác nhận là Ga Pungmu 18 tháng 4 năm 2018: Đổi tên ga thành Ga Pungmusau 19 tháng 4 năm 2018: Đổi tên ga trở lại thành Ga Pungmu 28 tháng 9 năm 2019: Bắt đầu hoạt động Bố trí ga Xung quanh nhà ga Thương nhân E-mart Gimpo Công viên khu phố số 26 Trường tiểu học Gimpo Shinpung Thư viện Pungmu Trung tâm phúc lợi hành chính Pungmu-dong Trường trung học Yangdo Ga kế cận Tham khảo Pungmu Pungmu
19811800
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ga%20Masan%20%28Gimpo%29
Ga Masan (Gimpo)
Ga Masan (Tiếng Hàn: 마산역(김포 FC), Hanja: 麻山驛) là ga tàu điện ngầm của Tuyến Gimpo Goldline nằm ở Masan-dong, Gimpo-si, Gyeonggi-do. Lịch sử 20 tháng 6 năm 2016: Tên ga được xác nhận là Ga Masan 28 tháng 9 năm 2019: Bắt đầu hoạt động Bố trí ga Xung quanh nhà ga Phòng tập thể dục Gimpo Trung Tâm An Toàn Masan 119 Công viên thể thao Salteo Sân bóng đá Gimpo Salter (Sân nhà của bóng đá chuyên nghiệp K League 2 Gimpo FC) Ga kế cận Tham khảo Masan (Gimpo) Masan (Gimpo)
19811807
https://vi.wikipedia.org/wiki/Damac%20FC
Damac FC
Câu lạc bộ bóng đá Damac () là một câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp có trụ sở tại Khamis Mushait. Được thành lập năm 1972, đội hiện thi đấu tại Giải Vô địch quốc gia Ả Rập Xê Út Đội hình Danh hiệu Saudi First Division Á quân (1): 2018–19 Saudi Second Division Vô địch (2): 1980–81, 2014–15 Á quân (2): 1989–90, 2004–05 Saudi Third Division Á quân (1): 2002–03 Tham khảo Liên kết ngoài Damac FC trên Football Critic Damac FC Câu lạc bộ bóng đá Ả Rập Xê Út Câu lạc bộ bóng đá ở Khamis Mushait Câu lạc bộ bóng đá thành lập năm 1972 Khởi đầu năm 1972 ở Ả Rập Xê Út
19811814
https://vi.wikipedia.org/wiki/Abha%20Club
Abha Club
Câu lạc bộ bóng đá Abha () là một câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp có trụ sở tại Abha, hiện thi đấu ở Saudi Professional League, cấp độ cao nhất của bóng đá Ả Rập Xê Út. Sân nhà của đội là sân vận động Hoàng tử Sultan bin Abdul Aziz. Đội hình Tính đến ngày 7 tháng 2 năm 2021: Tham khảo Liên kết ngoài Abha trên SPL Abha Club Khởi đầu năm 1966 ở Ả Rập Xê Út Câu lạc bộ bóng đá thành lập năm 1966 Câu lạc bộ bóng đá Ả Rập Xê Út Câu lạc bộ bóng đá ở Abha
19811820
https://vi.wikipedia.org/wiki/Al%20Raed%20FC
Al Raed FC
Al Raed Saudi Football Club ( Nādī ar-Rāʾid, "Câu lạc bộ tiên phong") là một câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp có trụ sở tại Buraidah. Thành lập vào năm 1954, đội hiện thi đấu tại Saudi Pro League, giải đấu hàng đầu của bóng đá Ả Rập Xê Út, kể từ năm 2008. Đôi hình Danh hiệu Saudi First Division League Vô địch (2): 1991–92, 2007–08 Á quân (4): 1985–86, 1988–89, 1998–99, 2001–02 Tham khảo Al Raed FC Câu lạc bộ bóng đá Ả Rập Xê Út Câu lạc bộ bóng đá thành lập năm 1954 Buraidah Khởi đầu năm 1954 ở Ả Rập Xê Út Câu lạc bộ bóng đá ở Buraidah
19811827
https://vi.wikipedia.org/wiki/L%C6%B0u%20T%C3%ADch%20Qu%C3%A2n
Lưu Tích Quân
Sara Lưu Tích Quân (), là một ca sĩ nhạc pop Trung Quốc nổi tiếng người Khách Gia, đã kinh qua các cuộc thi hát trên truyền hình. Sinh ngày 30 tháng 4 năm 1988 tại Thâm Quyến, Quảng Đông, cô bắt đầu sự nghiệp khi đứng thứ năm trong mùa thứ tư (2009) của một cuộc thi hát ở Trung Quốc tên là Super Girls (), or Happy Girl. Tham khảo Sinh năm 1988 Ca sĩ Mandopop Người Quảng Đông Người Khách Gia
19811828
https://vi.wikipedia.org/wiki/Gi%E1%BA%A3i%20Grammy%20l%E1%BA%A7n%20th%E1%BB%A9%2066
Giải Grammy lần thứ 66
Lễ trao giải Grammy thường niên lần thứ 66 của Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Thu âm Quốc gia (NARAS) nhằm tuyên dương những bản sáng tác, thu âm và những nghệ sĩ xuất sắc nhất trong năm 2023 sẽ được tổ chức vào ngày 4 tháng 2 năm 2024 tại Vũ đài Crypto.com, thành phố Los Angeles, tiểu bang California, Hoa Kỳ. Đây là lần thứ 21 buổi lễ được tổ chức tại đây. Buổi lễ sẽ được truyền hình trực tiếp tại Hoa Kỳ bởi đài truyền hình CBS cùng với Paramount+ với thời gian đề cử bắt đầu từ ngày 1 tháng 10 năm 2022 đến ngày 15 tháng 9 năm 2023. Thay đổi Trong lễ trao giải lần này, Viện Hàn lâm đã thông báo một vài sự thay đổi đối với những hạng mục khác nhau và định chọn đề cử: Hạng mục Thêm ba hạng mục mới, bao gồm có Trình diễn nhạc châu Phi xuất sắc nhất, Album alternative jazz xuất sắc nhất và Thu âm nhạc dance-pop xuất sắc nhất. Hai hạng mục, Nhà sản xuất của năm và Nhạc sĩ của năm sẽ được chuyển sang Lĩnh vực chung và có thể được bầu chọn bởi toàn bộ cử tri của Grammy. Lượng đề cử của cả bốn hạng mục lớn (Album của năm, Thu âm của năm, Bài hát của năm và Nghệ sĩ mới xuất sắc nhất) sẽ giảm từ 10 xuống còn 8 đề cử. Để tác phẩm có thể đủ điều kiện đề cử cho hạng mục Album của năm, các nghệ sĩ [chính], nghệ sĩ nổi bật, nhạc sĩ, nhà sản xuất, kỹ sư âm thanh và nhà hòa âm sẽ phải đánh tổng cộng 20% thời lượng của album. Trước đó, tại hai giải Grammy gần đây không hề có yêu cầu về mức độ tham gia tối thiểu. Hạng mục Phim âm nhạc xuất sắc nhất sẽ loại bỏ yêu cầu tác phẩm phải có 51% tài liệu dựa trên thành tích để đủ điều kiện. Album nhạc Mexico và Tejano địa phương xuất sắc nhất sẽ được đổi tên thành Album nhạc mexico và tejano xuất sắc nhất. Hạng mục Ứng tác đơn ca jazz xuất sắc nhất sẽ được đổi tên thành Trình diễn đơn ca jazz xuất sắc nhất. Lĩnh vực Tổng số lĩnh vực trên lá phiếu của Grammy sẽ giảm từ 26 xuống còn 11 lĩnh vực (không tính cả Lĩnh vực chung). Viện Hàn lâm giải thích điều này được thực hiện để bảo đảm cho tất cả các cử tri bầu chọn đều có thể thực hiện và bố trí toàn bộ mười phiếu bầu của riêng họ. Cũng vì trước đây, do các lĩnh vực chỉ có mỗi một hạng mục duy nhất khiến cho nhiều cử tri yêu cầu ngăn chặn những lĩnh vực này. Ngoài các phiếu bầu của cử tri trong lĩnh vực chung, các cử tri còn có thể bỏ tối đa thêm 10 phiếu bầu hạng mục thể loại trải rộng trên ba lĩnh vực tối đa. Điều kiện đề cử Viện Hàn lâm đã từng chỉ định rằng, chỉ có những tác phẩm được tạo ra bởi con người mới có thể đủ điều kiện để được đề cử hoặc đoạt giải Grammy. Một tác phẩm không có quyền tác giả và được làm ra bởi con người sẽ không thể đủ điều kiện trên toàn bộ hạng mục. Nhưng nếu tác phẩm đó có sự trợ giúp từ trí tuệ nhân tạo thì có thể đủ điều kiện và áp dụng trên một số hạng mục nhất định. Tuy nhiên, những yếu tố đó cũng có những giới hạn như: Yếu tố về quyền tác giả từ con người trong tác phẩm phải có giá trị và hơn mức tối thiểu. Yếu tố quyền tác giả từ con người phải có liên quan đến hạng mục mà tác phẩm đó được đưa vào. Nếu tác giả có sử dụng bất kỳ kỹ thuật trí tuệ nhân tạo vào trong tác phẩm đều sẽ không đủ điều kiện để được đề cử hay nhận giải Grammy trừ khi 20% đóng góp của họ được có mặt trong tác phẩm đó. Đề cử và chiến thắng Lần bỏ phiếu đầu tiên sẽ diễn ra từ ngày 11 tháng 10 đến ngày 20 tháng 10 năm 2023 với các đề cử sẽ được công bố vào ngày 10 tháng 11 năm 2023. Lần bỏ phiếu thứ hai diễn ra từ ngày 14 tháng 12 năm 2023 đến ngày 4 tháng 1 năm 2024 với danh sách tác phẩm và nghệ sĩ được cuộc sẽ được công bố tại Lễ trao giải Grammy. Lĩnh vực chung Lĩnh vực khác Lĩnh vực cổ điển Lĩnh vực Hoa Kỳ Lĩnh vực tôn giáo Lĩnh vực nhạc nhẹ Lĩnh vực đa thể loại Lĩnh vực sản phẩm Lĩnh vực nhạc điện Lĩnh vực đội ngũ Lĩnh vực thông điệp Lĩnh vực nhạc nặng Tham khảo Ghi chú Chú thích Liên kết ngoài Lễ trao giải Grammy Âm nhạc Hoa Kỳ năm 2024 Los Angeles năm 2024 Giải thưởng âm nhạc 2024 Giải thưởng Hoa Kỳ năm 2024 Sự kiện tháng 2 năm 2024 tại Hoa Kỳ
19811836
https://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BB%8Bnh%20%C4%90an%20Ny
Trịnh Đan Ny
Trịnh Đan Ny (giản thể: 郑丹妮, phồn thể: 鄭丹妮, bính âm: Zhèng Dān Nī; sinh ngày 26 tháng 1 năm 2001) là một nữ ca sĩ và diễn viên người Trung Quốc trực thuộc công ty giải trí Shanghai STAR48 Culture Media Co., Ltd. Cô là thành viên thế hệ thứ 6 của nhóm nhạc nữ thần tượng SNH48, và là thành viên của Đội NIII thuộc GNZ48. Ngày 18 tháng 1 năm 2016, Trịnh Đan Ny trở thành thực tập sinh thế hệ thứ 6 của SNH48. Ngày 20 tháng 4, cô gia nhập Đội NIII của GNZ48. Ngày 29 tháng 4 cô chính thức ra mắt trên sân khấu biểu diễn. Ngày 29 tháng 7 năm 2017, cô giành được vị trí thứ 45 trong tổng tuyển cử hằng năm của SNH48 GROUP. Ngày 28 tháng 7 năm 2018, cô giành được vị trí thứ 18 tổng tuyển cử hằng năm lằn thứ 5 của SNH48 GROUP. Ngày 27 tháng 7 năm 2019, trong tổng tuyển cử lần thứ 6 của SNH48 GROUP cô giành được vị trí thứ 19 chung cuộc, thấp hơn 1 hạng so với năm ngoái. Sự nghiệp Ngày 18 tháng 1 năm 2016, Trịnh Đan Ny trở thành thành viên thế hệ thứ 6 của SNH48. Ngày 20 tháng 4, cô gia nhập Đội NIII của GNZ48. Ngày 29 tháng 4, cô tham gia buổi ra mắt "Mặt trời của tôi" và chính thức xuất hiện với tư cách là thành viên của GNZ48. Ngày 30 tháng 7, cô tham gia Vòng chung kết mức độ phổ biến hàng năm của thần tượng "Fly Together" cùng SNH48 và giành vị trí thứ 4 trong GNZ48. Ngày 26 tháng 8, cô tham gia đêm nhạc "Nhạc tình chắp cánh" GNZ48 Dream Set Sail SHOWCASE. Ngày 3 tháng 9, cô tham gia Lễ hội âm nhạc Sydney cùng GNZ48. Ngày 7 tháng 9, cô cùng GNZ48 phát hành đĩa mở rộng đầu tiên "You Don't Know Me". Ngày 12 tháng 9, MV ca khúc chủ đề You Don't Know Me nằm trong đĩa mở rộng cùng tên đã được tung ra. Ngày 5 tháng 11, cô tham gia SNH48 2nd Annual Fashion Awards. Ngày 10 tháng 12, GNZ48 giành được Giải thưởng Nhóm tiên phong mới hàng năm "Danh sách tiên phong âm nhạc" và Giải thưởng Nhóm tiên phong trực tuyến được yêu thích nhất hàng năm. Ngày 7 tháng 1 năm 2017, cô tham gia Annual Golden Melody Awards BEST 50 lần thứ 3 của SNH48 GROUP và bài hát "Pure Emotion" đã giành được vị trí thứ 17. Ngày 20 tháng 1, cô cùng GNZ48 phát hành EP thứ hai "BOOM! BOOM! BOOM!", đồng thời xuất hiện trong MV của bài hát chủ đề "Happy New Year" cho năm mới. Ngày 5 tháng 4, cô phát hành EP kỷ niệm đầu tiên "I.F" cùng với GNZ48, cô đóng vai chính trong MV ca khúc chủ đề "Dấu chân bồ công anh". Ngày 19 tháng 5, cô phát hành EP độc quyền "Summer Pirates" cho tổng tuyển cử lần thứ 4 với SNH48 GROUP, và xuất hiện trong MV của bài hát. Ngày 29 tháng 7, cô tham gia chung kết thường niên lần thứ 4 về độ nổi tiếng của thần tượng "My Heart Soars" của SNH48 GROUP, và giành hạng 45 toàn nhóm và hạng 3 trong GNZ48. Ngày 21 tháng 9, cô cùng GNZ48 phát hành EP thứ 4 "SAY NO", đồng thời đảm nhận vai chính trong MV "Ngốc nghếch". Ngày 27 tháng 10, MV cho đĩa đơn báo cáo "Cậu và tôi trong ký ức" của nhóm ước mơ tổng tuyển cử lần thứ 4 SNH48 tham gia quay phim được phát hành. Ngày 18 tháng 11, cô tham gia Giải thưởng Thời trang Thường niên lần thứ 3 của SNH48 GROUP. Ngày 1 tháng 12, GNZ48 đã giành được giải Nhóm nhạc được yêu thích nhất trên Bảng xếp hạng bài hát tiếng Quảng Đông lần thứ 4. Ngày 9 tháng 12, cô tham gia show thực tế về ẩm thực ngoài trời "Phong Vị", trong chương trình cô đảm nhận vai trò giám khảo nếm thức ăn. Ngày 3 tháng 2 năm 2018, tham gia Annual Golden Melody Awards BEST 50 lần thứ 4 của SNH48 GROUP với bài hát "Quả chuối ngây ngô" cùng Trần Kha và đã giành vị trí thứ 3. Ngày 8 tháng 5, bộ phim Ancient detective do cô tham gia đã được công chiếu. Ngày 17 tháng 5, SNH48 GROUP đã phát hành EP độc quyền "Quy luật rừng xanh" cho tổng tuyển cử lần thứ 5. Ngày 29 tháng 6, MV đĩa đơn "Never Say Never" của GNZ48 được phát hành. Ngày 8 tháng 7, cô tham gia chương trình biểu diễn khởi động "Dream Studio" cho tổng tuyển cử lần thứ 5 của SNH48, và biểu diễn vũ đạo của ca khúc "The Boys". Ngày 28 tháng 7, cô tham gia chung kết Moving Forward của SNH48 GROUP về mức độ nổi tiếng hàng năm của nhóm thần tượng lần thứ 5, và giành được hạng 18 trong toàn nhóm và hạng 2 trong GNZ48. Ngày 25 tháng 10, MV báo cáo tổng tuyển cử lần thứ 5 của SNH48 "Chung vô diễm" được phát hành. Ngày 27 tháng 10, cô tham gia Giải thưởng Thời trang Thường niên lần thứ 4 của SNH48 GROUP. Ngày 14 tháng 11, cô đến Macau cùng GNZ48 để tham gia lễ trao giải Global Chinese Golden Melody Awards 2018. Ngày 20 tháng 12, cô phát hành đĩa đơn năm mới "Now and Forever" cùng SNH48 GROUP. Ngày 19 tháng 1 năm 2019, cô tham gia Annual Golden Melody Awards BEST 50 lần thứ 5 của SNH48 GROUP, cô cùng Trần Kha biểu diễn hai ca khúc "Dấu chân bồ công anh" và "Điệu tango lặng im", hai người giành được vị trí 25 trong nhóm Ngôi Sao và vị trí thứ 2 trong nhóm Hạo Nguyệt, bài hát "Điện thoại thủy tinh của lọ lem" được cô thể hiện cùng Phí Thấm Nguyên giành được hạng 9 trong nhóm Ngôi Sao và bài hát "Không buông tay" trình diễn cùng Đội NIII của GNZ48 giành được vị trí 2 trong nhóm Ngôi Sao. Ngày 29 tháng 4, MV đĩa đơn kỷ niệm 3 năm thành lập GNZ48 "HERO" được phát hành. Ngày 24 tháng 5, MV của đĩa đơn mùa hè "Giấc mơ mùa hè năm ấy" của SNH48 được phát hành. Ngày 27 tháng 7, cô tham gia tổng tuyển cử lần thứ 6 của SNH48 GROUP "Hành trình mới", cô giành được vị trí thứ 19 toàn nhóm và vị trí thứ 5 trong GNZ48. Ngày 22 tháng 10, MV đĩa đơn bào cáo "Brave or not" của nhóm Cao Phi trong lần tổng tuyển cử thứ 6 của SNH48 được phát hành. Ngày 21 tháng 12, cô tham gia Annual Golden Melody Awards BEST 50 lần thứ 6 của SNH48 GROUP, ca khúc tham dự "Thô tâm nữ hài" giành được vị trí thứ 25 trong nhóm Lưu Huỳnh, và bài hát "Nhất thể đồng tâm" được Trịnh Đan Ny và Trần Kha cùng nhau trình diễn giành được vị trí thứ 4 trong nhóm Vân Khả. Ngày 29 tháng 5 năm 2020, cô cùng 15 thành viên của SNH48 GROUP tham gia chương trình thi đấu giữa các nhóm nhạc Chúng ta nhiệt huyết. Ngày 15 tháng 6, MV đĩa đơn "Trời trong rồi" cho tổng tuyển cử lần thứ 7 của SNH48 được phát hành. Ngày 15 tháng 8, cô tham gia tổng tuyển cử Sáng tạo thanh xuân nhiệt huyết của SNH48 GROUP, cô giành được vị trí thứ 15 toàn nhóm và vị trí thứ 2 trong GNZ48. Ngày 21 tháng 10, bộ phim truyền hình Như Ý Phương Phi có sự góp mặt của cô được phát sóng. Ngày 23 tháng 10, MV đĩa đơn "Biệt lai vô dạng" của SNH48 được phát hành. Ngày 25 tháng 12, MV đĩa đơn "This Moment of the New Year" hát cùng gia đình Siba được phát hành. Ngày 16 tháng 1 năm 2021, cô tham gia Annual Golden Melody Awards BEST 50 lần thứ 7 của SNH48 GROUP, ca khúc cô thể "Cuộc gọi nhỡ" cô thể hiện cùng Vương Tiểu Gia đã giành vị trí thứ 25 và bài hát "Ái vị ương" của cô cùng Trần Kha đã giành giải kim khúc hàng năm. Ngày 9 tháng 2, cô cùng GNZ48 tham gia Gala lễ hội mùa xuân Trùng Khánh 2021, biểu diễn ca khúc "Thanh xuân bất bại". Ngày 7 tháng 8, cô tham gia tổng tuyển cử 48 khả năng của thế giới của SNH48 GROUP, cô giành được vị trí thứ 17 toàn nhóm và vị trí thứ 5 trong GNZ48. Ngày 8 tháng 1 năm 2022, cô tham gia Annual Golden Melody Awards BEST 50 lần thứ 8 của SNH48 GROUP, cô cùng Trần Kha trình diễn ca khúc "Look Out (Tần số)", bài hát giành được vị trí thứ 7 trong Danh sách bài hát nổi bật của nhóm Diệu Dương. Ngày 29 tháng 7, đợt đầu tiên của Hướng Tiền Trùng được thông báo, Trịnh Đan Ny sẽ tham gia. Ngày 20 tháng 8, trong đợt tổng tuyển cử thứ 9 của SNH48 GROUP cô đã giành được vị trí thứ 6 toàn nhóm. Ngày 15 tháng 1 năm 2023, nhóm của cô đã tham gia Đêm giao thừa phiêu lưu của Truyền hình vệ tinh Hà Nam, cả nhóm trình diễn ca khúc "Thực dục tân niên", và điệu nhảy chủ đề năm mới "Thỏ vũ tân niên". Danh sách đĩa nhạc GNZ48 EP SNH48 EP Bài hát khác SNH48 Group Ca khúc biểu diễn trong "Chúng ta nhiệt huyết" Trình diễn sân khấu Trình diễn hòa nhạc Danh sách phim Phim điện ảnh Phim truyền hình Tham khảo Liên kết ngoài Sinh năm 2001 Nhân vật còn sống Họ Trịnh Người Thâm Quyến Ca sĩ Trung Quốc Nữ ca sĩ Trung Quốc Người Quảng Đông Nữ diễn viên Trung Quốc Diễn viên Trung Quốc Nghệ sĩ Trung Quốc sinh năm 2001 Thành viên của GNZ48 Thành viên của SNH48
19811840
https://vi.wikipedia.org/wiki/Antonio%20Raimondo
Antonio Raimondo
Antonio Raimondo (sinh ngày 18 tháng 3 năm 2004) là một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp người Ý hiện tại đang thi đấu ở vị trí tiền đạo cho câu lạc bộ Bologna tại Serie A. Sự nghiệp thi đấu Bologna Raimondo bắt đầu chơi bóng trước khi gia nhập học viện của Cesena, trước khi chuyển đến Bologna vào năm 2018. Tiền đạo này ký bản hợp đồng chuyên nghiệp đầu tiên với Bologna vào tháng 12 năm 2020. Sau đó, anh được đôn lên các đội trẻ của họ và ra mắt chuyên nghiệp cho Bologna vào ngày 17 tháng 5 năm 2021, khi vào sân thay người trong trận hòa 2–2 Serie A với Hellas Verona. Sau một mùa giải nữa với đội U-19, Raimondo xuất phát ngay từ đầu vào ngày 21 tháng 5 năm 2022, thi đấu 75 phút trong trận đấu cuối cùng của mùa giải gặp Genoa, kết thúc với tỷ số 1-0 nghiêng về Bologna. Cùng ngày, huấn luyện viên Siniša Mihajlović đã thông báo rằng tiền đạo này sẽ chính thức được đôn lên đội một bắt đầu từ mùa giải 2022–23, cùng với Wisdom Amey, Riccardo Stivanello và Kacper Urbański. Quốc tế Raimondo là cầu thủ trẻ đại diện cho Ý trên đấu trường quốc tế, đã từng thi đấu cho đội U-18. Anh có tên trong đội hình tham dự Đại hội thể thao Địa Trung Hải 2022 ở Oran, Algérie. Ghi 6 bàn thắng trong 5 trận đấu, tiền đạo này đóng vai trò trụ cột trong chiến dịch của Azzurrini, khi Ý giành vị trí á quân sau khi thua 1–0 trước Pháp trong trận chung kết. Tham khảo Liên kết ngoài FIGC Profile Sinh năm 2004 Nhân vật còn sống Cầu thủ bóng đá Ý Tiền đạo bóng đá Cầu thủ bóng đá A.C. Cesena Cầu thủ bóng đá Bologna F.C. 1909 Cầu thủ bóng đá Serie A Cầu thủ đội tuyển bóng đá trẻ quốc gia Ý Người Ý thế kỷ 21
19811842
https://vi.wikipedia.org/wiki/Josh%20Wilson-Esbrand
Josh Wilson-Esbrand
Joshua Darius Kamani Wilson-Esbrand (sinh ngày 26 tháng 12 năm 2002) là một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp người Anh hiện tại đang thi đấu ở vị trí hậu vệ cho câu lạc bộ Reims tại Ligue 1 theo dạng cho mượn từ Manchester City tại Giải bóng đá Ngoại hạng Anh. Đầu đời Joshua Darius Kamani Wilson-Esbrand được sinh ra vào ngày 26 tháng 12 năm 2002 ở Hackney, Đại Luân Đôn. Sự nghiệp thi đấu Manchester City Năm 2019, Wilson-Esbrand rời West Ham United để gia nhập học viện của câu lạc bộ Manchester City. Vào ngày 21 tháng 9 năm 2021, anh có tên trong đội hình xuất phát của Manchester City trong chiến thắng 6-1 tại Cúp EFL trước Wycombe Wanderers. Cho mượn tại Coventry City Vào ngày 10 tháng 1 năm 2023, Wilson-Esbrand gia nhập Coventry City theo dạng cho mượn ở phần còn lại của mùa giải 2022–23. Sự nghiệp quốc tế Tháng 11 năm 2019, Wilson-Esbrand đại diện cho đội tuyển U-18 Anh. Vào ngày 11 tháng 11 năm 2021, anh ra mắt quốc tế cho U-20 Anh, trong trận thua 2–0 trước Bồ Đào Nha tại U-20 Elite League 2021–22. Thống kê sự nghiệp Tham khảo Liên kết ngoài Thông tin trên website của câu lạc bộ Manchester City Sinh năm 2002 Hậu vệ bóng đá Nhân vật còn sống Cầu thủ bóng đá Anh Cầu thủ bóng đá Premier League Cầu thủ bóng đá English Football League Cầu thủ bóng đá Manchester City F.C. Cầu thủ bóng đá Coventry City F.C. Cầu thủ đội tuyển bóng đá trẻ quốc gia Anh Cầu thủ bóng đá Đại Luân Đôn
19811843
https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BB%99ng%20%C4%91%E1%BA%A5t%20ngo%C3%A0i%20kh%C6%A1i%20Fukushima%202013
Động đất ngoài khơi Fukushima 2013
là trận động đất xảy ra vào lúc 2:10 (theo giờ địa phương), ngày 26 tháng 10 năm 2013. Trận động đất có cường độ 7.1 richter, tâm chấn ở độ sâu 56 km ngoài khơi tỉnh Fukushima. Ngay sau khi động đất xảy ra, cơ quan Khí tượng Nhật Bản đã phát cảnh báo sóng thần tại bờ biển Tōhoku giáp Thái Bình Dương và các tỉnh Ibaraki, Chiba. Hậu quả trận động đất chỉ làm 1 người bị thương, không có thiệt hại lớn nào xảy ra. Tham khảo
19811844
https://vi.wikipedia.org/wiki/Marek%20Zub
Marek Zub
Marek Zub (sinh ngày 24 tháng 8 năm 1964) là một huấn luyện viên bóng đá và cựu cầu thủ người Ba Lan, hiện đang là huấn luyện viên của Stal Rzeszów. Danh hiệu Huấn luyện viên Žalgiris Vilnius A Lyga: 2013, 2014 Cúp bóng đá Litva: 2012–13, 2013–14 Siêu cúp Litva: 2013 Cá nhân Huấn luyện viên của năm tại Litva: 2014 Tham khảo Tham khảo Marek Zub official website at marekzub.pl (English) (French) (Polish) (Russian) Interview with Marek Zub at weszlo.com (Polish) Sinh năm 1964 Nhân vật còn sống Người Tomaszów Lubelski Vận động viên Lubelskie Cầu thủ bóng đá Ba Lan Cầu thủ bóng đá Ba Lan ở nước ngoài Cầu thủ bóng đá nước ngoài ở Bỉ Vận động viên Ba Lan ở Bỉ Cầu thủ bóng đá Igloopol Dębica Cầu thủ bóng đá Polonia Warsaw Hậu vệ bóng đá Huấn luyện viên bóng đá Ba Lan Huấn luyện viên bóng đá Ba Lan ở nước ngoài Vận động viên Ba Lan ở Litva Vận động viên Ba Lan ở Trung Quốc Vận động viên Ba Lan ở Belarus Vận động viên Ba Lan ở nước ngoài tại Kazakhstan Vận động viên thể thao Ba Lan ở Latvia Huấn luyện viên bóng đá nước ngoài ở Lithuania Huấn luyện viên bóng đá nước ngoài ở Trung Quốc Huấn luyện viên bóng đá nước ngoài ở Belarus Huấn luyện viên bóng đá nước ngoài ở Kazakhstan Huấn luyện viên bóng đá nước ngoài ở Latvia Huấn luyện viên FK Žalgiris Huấn luyện viên GKS Bełchatów Huấn luyện viên Widzew Łódź Huấn luyện viên FC Shakhtyor Soligorsk Huấn luyện viên FC Tobol Huấn luyện viên Stal Rzeszów Huấn luyện viên Ekstraklasa Huấn luyện viên I liga Huấn luyện viên A Lyga Huấn luyện viên Giải bóng đá vô địch quốc gia Latvia Huấn luyện viên Giải bóng đá ngoại hạng Kazakhstan
19811859
https://vi.wikipedia.org/wiki/Joshua%20Zirkzee
Joshua Zirkzee
Joshua Orobosa Zirkzee (sinh ngày 22 tháng 5 năm 2001) là một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp người Hà Lan hiện tại đang thi đấu ở vị trí tiền đạo cho câu lạc bộ Bologna tại Serie A. Sự nghiệp thi đấu Đầu sự nghiệp Sinh ra ở Schiedam với mẹ là người Nigeria và cha là người Hà Lan, Zirkzee bắt đầu sự nghiệp bóng đá của mình khi mới 5 tuổi ở câu lạc bộ VV Hekelingen sau khi gia đình chuyển đến Spijkenisse. Sau khi gây ấn tượng từ rất sớm, anh chuyển đến đội trẻ của Spartaan '20 vào năm 2010, nơi anh thi đấu cùng với anh họ của mình, Nelson Amadin. Sau đó, anh rời ADO Den Haag vào năm 2013, trước khi gia nhập học viện đào tạo trẻ Feyenoord vào năm 2016. Một năm sau, Zirkzee rời học viện Feyenoord ở quê hương Hà Lan để gia nhập đội trẻ của Bayern Munich. Bayern Munich Vào ngày 1 tháng 3 năm 2019, Zirkzee đã lập một cú hat-trick trong trận ra mắt cho Bayern Munich II. Chỉ một ngày sau, anh ghi bàn thắng ấn định chiến thắng cho đội U-19 khi họ đánh bại 1. FC Nürnberg với tỷ số 2–1. Zirkzee ra mắt chuyên nghiệp ở 3. Liga cho Bayern Munich II vào ngày 20 tháng 7 năm 2019, vào sân thay người ở phút thứ 74 cho Oliver Batista Meier trong trận đấu trên sân khách gặp Würzburger Kickers. Vào ngày 11 tháng 12 năm 2019, Zirkzee ra mắt cho đội một trước Tottenham Hotspur trong trận đấu cuối cùng ở vòng bảng của UEFA Champions League. Sau đó, anh ra mắt tại giải Bundesliga vào ngày 18 tháng 12, vào sân thay người ở phút 90 trong trận đấu gặp Freiburg khi tỷ số đang là 1–1; anh đã ghi bàn thắng quý hơn vàng cho đội bóng, nâng tỷ số lên 2–1, để rồi Serge Gnabry ấn định chiến thắng 3–1 cho đội nhà. Hai ngày sau, anh lại vào sân từ băng ghế dự bị ở những phút cuối cùng của trận đấu và ghi bàn thắng mở tỷ số trong chiến thắng 2-0 trước Wolfsburg. Vào ngày 13 tháng 6 năm 2020, Zirkzee ghi bàn mở tỷ số trong chiến thắng 2-1 của Bayern Munich trước Borussia Mönchengladbach. Anh đã kết thúc mùa giải đầu tiên của mình với một cú ăn 3. Cho mượn tại Parma Vào ngày 31 tháng 1 năm 2021, Zirkzee chuyển đến Parma theo dạng cho mượn. Thỏa thuận bao gồm một tùy chọn để mua. Vào ngày 2 tháng 4 năm 2021, anh ấy bị chấn thương dây chằng chéo sợi và sự cho mượn của anh bị giới hạn trong 4 lần ra sân, tất cả đều là vào sân từ ghế dự bị. Cho mượn tại Anderlecht Vào ngày 3 tháng 8 năm 2021, Anderlecht thông báo việc ký hợp đồng với Zirkzee theo dạng cho mượn kéo dài một mùa giải từ Bayern Munich. Bologna Vào ngày 30 tháng 8 năm 2022, Zirkzee chuyển tới câu lạc bộ Bologna tại Serie A. Sự nghiệp quốc tế Sinh ra tại Hà Lan với bố là người Hà Lan và mẹ là người Nigeria, Zirkzee là cầu thủ trẻ của Hà Lan. Thống kê sự nghiệp Danh hiệu Bayern Munich II Regionalliga Bayern: 2018–19 Cúp bóng đá quốc tế Ngoại hạng Anh: 2018–19 Bayern Munich Bundesliga: 2019–20 Cúp bóng đá Đức: 2019–20 Siêu cúp Đức: 2020, 2022 UEFA Champions League: 2019–20 Siêu cúp bóng đá châu Âu: 2020 Tham khảo Liên kết ngoài Joshua Zirkzee at the Bologna F.C. 1909 website Joshua Zirkzee at LegaSerieA.it Ons Oranje U21 Profile Sinh năm 2001 Nhân vật còn sống Cầu thủ bóng đá Hà Lan Cầu thủ đội tuyển bóng đá trẻ quốc gia Hà Lan Cầu thủ đội tuyển bóng đá U-21 quốc gia Hà Lan Cầu thủ bóng đá Hà Lan ở nước ngoài Cầu thủ bóng đá nước ngoài ở Đức Cầu thủ bóng đá nước ngoài ở Ý Tiền đạo bóng đá Cầu thủ bóng đá FC Bayern Munich II Cầu thủ bóng đá FC Bayern Munich Cầu thủ bóng đá Parma Calcio 1913 Cầu thủ bóng đá R.S.C. Anderlecht Cầu thủ bóng đá Bologna F.C. 1909 Cầu thủ bóng đá Bundesliga Cầu thủ bóng đá 3. Liga Cầu thủ bóng đá Regionalliga Cầu thủ bóng đá Belgian First Division A Cầu thủ bóng đá Serie A
19811862
https://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%C6%B0%E1%BB%9Dng%20Cao%20%C4%91%E1%BA%B3ng%20Y%20t%E1%BA%BF%20H%C3%A0%20%C4%90%C3%B4ng
Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông
Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông (tiếng Anh: Ha Dong Medical College - viết tắt HDMC) là cơ sở giáo dục công lập của Nhà nước, trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, được thành lập năm 1960. Trường đào tạo các chuyên ngành về Y - Dược. Trường hiện nay có 1 cơ sở duy nhất được đặt tại Số 39 phố Nguyễn Viết Xuân, phường Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội. Lịch sử Tiền thân của Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông là Trường Y sỹ Hà Đông được thành lập ngày 26/10/1960. Sau nhiều lần thay đổi tên gọi do sự sát nhập và phân tách của các tỉnh cũ và thành phố Hà Nội, năm 2008 trường được mang tên Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông cho đến ngày nay. Bộ máy tổ chức Hiêụ trưởng trường hiện nay là Tiến sĩ Nguyễn Đăng Trường, được UBND Thành phố Hà Nội bổ nhiệm vào 21/8/2017 Trường có 10 bộ môn, 6 phòng chức năng và 3 trung tâm: 10 bộ môn gồm: Dược, Bào chế và Công nghiệp Dược, Điều dướng, Nhi, Chăm sóc Sức khỏe Sinh sản, Lâm sàng & Cận Lâm Sàng, Y học Cơ sở, Y tế Cộng đồng, Văn hóa - Tin học - Ngoại ngữ, Chính trị - Giáo dục Thể chất - Giáo dục Quốc phòng 6 phòng chức năng gồm: Tổ chức cán bộ, Hành chính Tổng hợp, Kế hoạch - Tài chính, Đào tạo và Nghiên cứu Khoa học, Thanh tra và Đảm bảo Chất lượng Giáo dục, Quản lý Học sinh Sinh viên 3 trung tâm gồm: Trung tâm Đào tạo theo nhu cầu xã hội và Hợp tác quốc tế, Trung tâm Thông tin Thư Viện và In ấn, Trung tâm Thực hành Khám chữa bệnh Đào tạo Các hệ đào tạo Hệ đào tạo Cao đẳng chính quy: Dược, Điều dưỡng, Hộ sinh, Kỹ thuật xét nghiệm y học Hệ đào tạo Trung cấp chính quy: Y sĩ đa khoa Hệ đào tạo liên thông Liên thông từ Trung cấp lên Cao đẳng Bằng Trung cấp thứ hai Bằng Cao đẳng thứ hai Hệ đào tạo ngắn hạn Hợp tác Quốc tế Lớp Điều dưỡng Chất lượng cao du học tại Đức Lớp Điều dưỡng Chất lượng cao du học tại Nhật Bản Khen thưởng Trường đã được nhận được nhiều phần thưởng: Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba Cờ thi đua của Chính phủ Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ Cờ thi đua của Bộ Y tế Cờ thi đua của UBND thành phố Hà Nội Bằng khen của UBND Tỉnh Hà Tây Bằng khen của UBND thành phố Hà Nội Ngoài ra, về các lĩnh vực chuyên đề khác, nhà trường cũng được tặng nhiều Giấy khen, Bằng khen của các cấp, các ngành. Xem thêm Danh sách trường đại học, học viện và cao đẳng tại Hà Nội Danh sách trường đại học, học viện và cao đẳng tại Việt Nam Tham khảo Liên kết ngoài Website Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông Page Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông Trường đại học và cao đẳng tại Hà Nội Đại học và cao đẳng y dược Việt Nam Đại học và cao đẳng công lập tại Việt Nam Y tế Hà Nội Trường cao đẳng tại Việt Nam
19811864
https://vi.wikipedia.org/wiki/Federico%20Ravaglia
Federico Ravaglia
Federico Ravaglia (sinh ngày 11 tháng 11 năm 1999) là một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp người Ý hiện tại đang thi đấu ở vị trí thủ môn cho câu lạc bộ Bologna tại Serie A. Sự nghiệp thi đấu Bologna Anh trưởng thành ở lò đào tạo trẻ Bologna và bắt đầu chơi cho đội U-19 của họ trong mùa giải 2016–17. Trong các mùa giải 2016–17 và 2017–18, anh có tên trên băng ghế dự bị trong các trận Serie A 40 lần, nhưng không được ra sân lần nào. Trong mùa giải 2020–21, anh trở thành thủ môn thứ 2 của Bologna (sau Łukasz Skorupski) trong mùa giải, và anh ấy cũng có trận ra mắt câu lạc bộ ở Serie A vào ngày 13 tháng 12 năm 2020, trong trận thua 1–5 trận thua trên sân nhà trước Roma. Cho mượn tại Südtirol Vào ngày 10 tháng 7 năm 2018, anh gia nhập câu lạc bộ Südtirol theo dạng cho mượn kéo dài một mùa giải tại Serie C. Anh ra mắt chuyên nghiệp tại Serie C cho Südtirol vào ngày 5 tháng 5 năm 2019 trong trận đấu với Monza. Anh đã thay thế cho Michele Nardi trong hiệp một. Đó vẫn là lần ra sân duy nhất của anh cho Südtirol khi liên tục ngồi dự bị trong phần còn lại của mùa giải. Cho mượn tại Gubbio Ngày 23 tháng 7 năm 2019, anh được đem cho mượn tại câu lạc bộ Gubbio tại Serie C. Anh ấy xuất hiện lần đầu trong đội hình xuất phát của Gubbio vào ngày 25 tháng 8 năm 2019 trong trận thua 2-1 trước Triestina tại Serie C. Cho mượn tại Frosinone Vào ngày 17 tháng 7 năm 2021, anh gia nhập câu lạc bộ Frosinone tại Serie B theo dạng cho mượn. Cho mượn tại Reggina Ngày 21 tháng 7 năm 2022, Ravaglia gia nhập câu lạc bộ Reggina dưới dạng cho mượn, nhưng nó đã chấm dứt sớm vào tháng 1 năm 2023 sau khi Nicola Bagnolini dính chấn thương dài hạn và Bologna cần một thủ môn thứ 3. Tham khảo Liên kết ngoài Sinh năm 1999 Nhân vật còn sống Cầu thủ bóng đá Ý Thủ môn bóng đá Cầu thủ bóng đá Bologna F.C. 1909 Cầu thủ bóng đá F.C. Südtirol Cầu thủ bóng đá A.S. Gubbio 1910 Cầu thủ bóng đá Frosinone Calcio Cầu thủ bóng đá Reggina 1914 Cầu thủ bóng đá Serie A Cầu thủ bóng đá Serie B Cầu thủ bóng đá Serie C
19811867
https://vi.wikipedia.org/wiki/Elena%20Rybakina
Elena Rybakina
Elena Andreyevna Rybakina (sinh ngày 17 tháng 6 năm 1999) là một vận động viên quần vợt chuyên nghiệp người Kazakhstan gốc Nga. Cô là tay vợt Kazakhstan đầu tiên vô địch Grand Slam (tại Wimbledon 2022). Cô có thứ hạng đánh đơn cao nhất là vị trí số 3 thế giới trên bảng xếp hạng của Hiệp hội Quần vợt Nữ (WTA). Rybakina cũng đã vào 13 trận chung kết tại các giải đấu khác ở WTA Tour, giành bốn danh hiệu, trong đó có hai danh hiệu WTA 1000 tại Indian Wells Open 2023 và Internazionali BNL d'Italia 2023. Thống kê sự nghiệp Grand Slam Đơn Đôi Chú thích: Rybakina chuyển liên đoàn từ Nga sang Kazakhstan vào tháng 6 năm 2018. Chung kết giải Grand Slam Đơn: 2 (1 danh hiệu, 1 á quân) Giải thưởng Huân chương Hữu nghị (Kazakhstan) hạng II Chú thích Tham khảo Liên kết ngoài Sinh năm 1999 Nhân vật còn sống Vận động viên Moskva Nữ vận động viên quần vợt Kazakhstan Nữ vận động viên quần vợt Nga Công dân nhập quốc tịch Kazakhstan Vận động viên quần vợt Thế vận hội của Kazakhstan Vận động viên quần vợt Thế vận hội Mùa hè 2020
19811868
https://vi.wikipedia.org/wiki/Al%20Fateh%20SC
Al Fateh SC
Câu lạc bộ thể thao Al Fateh () là một câu lạc bộ thể thao đa năng có trụ sở tại Al-Mubarraz, Al-Hasa, Ả Rập Xê Út. Câu lạc bộ chủ yếu được biết đến với bộ môn bóng đá. Đội hình Cầu thủ chưa đăng ký Cho mượn Danh hiệu Liên đoàn Saudi Professional League (Cấp độ 1) Vô địch (1): 2012–13 Saudi First Division (Cấp độ 2) Á quân (1): 2008–09 Second Division (Cấp độ 3) Vô địch (3): 1982–83, 1996–97, 1998–99 Á quân (1): 2002–03 Cúp Saudi Super Cup Vô địch (1): 2013 Tham khảo Liên kết ngoài Al Fateh SC Câu lạc bộ bóng đá Ả Rập Xê Út Khởi đầu năm 1958 ở Ả Rập Xê Út Câu lạc bộ bóng đá thành lập năm 1958 Câu lạc bộ bóng đá ở Al-Hasa Thể thao Al-Hasa
19811870
https://vi.wikipedia.org/wiki/Th%E1%BA%A1ch%20Bao
Thạch Bao
Thạch Bao (chữ Hán: 朱异, 195 – 273) là tướng lãnh nhà Tào Ngụy thời Tam quốc , khai quốc công thần nhà Tây Tấn trong lịch sử Trung Quốc. Khởi nghiệp Bao tự Trọng Dung, người huyện Nam Bì, quận Bột Hải . Bao tính phóng khoáng, mưu trí, độ lượng, không coi trọng tiểu tiết; có dung mạo khôi ngô, đẹp đẽ, nên người đương thời nói: “Thạch Trọng Dung, đẹp vô song.” Bao được huyện triệu làm lại, giữ chức Cấp nông tư mã. Năm Kiến An thứ 23 (218), yết giả Quách Huyền Tín chịu liên lụy cuộc nổi loạn của Cát Bản, phải quay về Nghiệp Thành, muốn tìm người đánh xe, Điển nông tư mã bèn lấy Bao và Tương Thành điển nông bộ dân Đặng Ngải giao cho ông ta. Đi hơn 10 dặm, Huyền Tín cùng họ trò chuyện, lấy làm hài lòng, nói: “Các anh về sau đều làm đến khanh tướng.” Bao đáp: “Bọn tôi là tôi tớ mà thôi, sao làm được khanh tướng.” Quách Ban cho biết Bao và Ngải cùng tuổi, khi ấy đều được 23. Về sau Bao lại được vời đến Nghiệp, nhưng mãi chưa được bổ nhiệm, bèn bán sắt ở chợ Nghiệp. Trưởng chợ là Triệu Nguyên Nho, người nước Bái, có tiếng biết nhìn người, gặp Bao, lấy làm lạ, cùng ông kết giao. Nguyên Nho khen Bao chí hướng cao xa, sẽ làm đến tam công, nhờ vậy mà ông nổi tiếng. Bao gặp Lại bộ lang Hứa Doãn, xin nắm huyện nhỏ. Doãn nói với Bao rằng: “Anh cùng một bực người với tôi, sẽ được tôi tiến dẫn lên triều đình, sao lại đến cái huyện nhỏ vậy?” Bao trở về than thở, không ngờ Doãn cũng là tri kỷ của mình. Bao dần được thăng làm Tư mã dưới quyền Trung hộ quân Tư Mã Sư. Tư Mã Ý nghe việc Bao hiếu sắc chơi bời, bèn cảnh báo Sư, Sư cho rằng Bao tuy phẩm hạnh có chút khiếm khuyết nhưng lại có tài kinh bang tế thế, Ý mới thôi. Sau đó Bao được dời làm Nghiệp (huyện) Điển nông trung lang tướng. Bấy giờ quý tộc nhà Ngụy phần nhiều cư trú ở Nghiệp, thượng thư Đinh Mật cùng cánh với Tào Sảng, quyền thế khuynh đảo trong ngoài triều đình. Bao dâng tấu kể tội Mật, do vậy lại càng nổi tiếng. Tiếp đó Bao được dời làm Đông Lai, Lang Da thái thú, ở chức đều có thành tích; rồi được thăng làm Từ Châu thứ sử. Thời Tào Ngụy Bao theo Tư Mã Chiêu đánh Đông Ngô, thua trận Đông quan (252), chỉ có ông bảo toàn được cánh quân của mình mà về. Chiêu trỏ cây cờ tiết của mình mà nói với Bao: “Hận không đem thứ này trao cho anh, để tính việc lớn.” rồi thăng Bao làm Phấn vũ tướng quân, Giả tiết, Giám Thanh Châu chư quân sự. Khi Gia Cát Đản nổi dậy ở Hoài Nam (257), Bao thống lãnh các cánh quân Thanh Châu, chỉ huy Duyện Châu thứ sử Châu Thái, Từ Châu thứ sử Hồ Chất, chọn binh sĩ tinh nhuệ tổ chức cánh quân lưu động, đề phòng bị Đông Ngô. Tướng Ngô là bọn Chu Dị, Đinh Phụng đến giúp Đản, nên bọn Đản bỏ quân nhu ở lại Đô Lục, trang bị gọn nhẹ vượt sông Lê. Bọn Bao quay về đánh trả, đại phá phản quân. Thái Sơn thái thú Hồ Liệt đem kỳ binh theo đường nhỏ tập kích Đô Lục, thiêu hủy xe cộ của địch. Quân Ngô phải lui, cuộc nổi dậy của Gia Cát Đản bị dẹp, triều đình bái Bao làm Trấn đông tướng quân, phong tước Đông Quang hầu, Giả tiết. Ít lâu sau, Bao được thay Vương Cơ làm Đô đốc Dương Châu chư quân sự. Bao nhân đó vào chầu, sắp trở về, bèn từ biệt Ngụy đế Tào Mao, được giữ lại trò chuyện cả ngày. Bao ra ngoài, nói với Tư Mã Chiêu rằng: “Bậc chúa phi thường đấy.” Vài ngày sau, Tào Mao dấy binh và bị giết; còn Bao được tiến vị Chinh đông đại tướng quân, tiếp đó thăng vị Phiếu kỵ tướng quân. Tư Mã Chiêu mất, Giả Sung, Tuân Úc bàn về nghi lễ chưa xong; Bao về chịu tang, đề nghị dùng nghi lễ vượt mức dành cho bề tôi, nhờ vậy nghi lễ được xác định. Sau đó Bao cùng Trần Khiên nhiều lần nói khí số của nhà Tào Ngụy đã hết, mệnh trời đã thuộc về họ Tư Mã. Vì thế Bao ra sức tham dự vào việc ép Tào Ngụy Nguyên đế nhường ngôi (265). Tấn Vũ đế lên ngôi, Bao được thăng làm Đại tư mã, phong tước Nhạc Lăng quận công, gia chức Thị trung, các bộ nhạc Vũ bảo, Cổ xuy. Thời Tây Tấn Sau khi đánh dẹp Gia Cát Đản, Bao được trấn thủ vùng Hoài Nam, nắm giữ quân đội hùng mạnh. Vùng biên nhiều việc, Bao siêng năng coi sóc, dùng oai đức để khuất phục mọi người. Hoài Bắc giám quân Vương Sâm xem thường xuất thân hàn vi của Bao, dựa vào câu đồng dao: “Trong cung (có) ngựa lớn sắp làm lừa, đá lớn ép nó không thoải mái.” mà dâng mật biểu nói Bao tư thông với Đông Ngô. Trước đó có lời tiên đoán “đông nam có đại binh dấy lên”, nay biểu của Sâm đến, Tấn Vũ đế nghi ngờ lắm. Bấy giờ Kinh Châu thứ sử Hồ Liệt dâng biểu nói người Ngô muốn đưa đại binh vào cướp, Bao cũng nghe tin quân Ngô sắp xâm phạm, bèn đắp lũy ngăn sông để tự giữ. Đế nghe nói, bảo với Dương Hỗ rằng: “Người Ngô mỗi khi đến, luôn có đông – tây (chỉ Tây Thục) hỗ trợ lẫn nhau, lần này vô cớ đơn độc hành động, há chẳng phải Bao có lòng bất thuận à?” Hỗ hết sức giải thích, mà đế vẫn còn ngờ vực. Gặp lúc con của Bao là Thạch Kiều đang giữ chức Thượng thư lang, được đế triệu mà vài ngày vẫn chưa đến. Đế cho rằng Bao ắt phản, muốn đánh dẹp ông nhưng vẫn giữ kín ý định này. Triều đình bèn hạ chiếu cho rằng Bao không liệu tình thế của địch, đắp lũy ngăn sông, vất vả trăm họ, ra sách miễn quan của ông. Triều đình sai Thái úy, Nghĩa Dương vương Tư Mã Vọng soái đại quân đi đón Bao, để phòng việc bất thường; lại sắc cho Trấn đông tướng quân, Lang Da vương Tư Mã Trụ từ Hạ Bi dời đến Thọ Xuân. Bao theo kế của viên Duyện là Tôn Thước, rời khỏi quân đội, đi đến Đô Đình để chịu tội. Đế nghe tin, có ý nguôi. Khi Bao vào chầu, được giữ tước công mà quay về phủ đệ. Bao tỏ ra xấu hổ vì không xứng chức, chứ không hề oán trách. Bấy giờ Nghiệp hề quan đốc Quách Dị dâng thư nói lý cho Bao, đế lấy làm phải, chọn ông làm Tư đồ. Hữu tư phản đối, đế giáng chiếu bác bỏ, vẫn cho Bao giữ chức Tư đồ. Bao ở chức trung thành, siêng năng, được đế rất tín nhiệm. Hậu sự Ngày quý tị tháng 2 ÂL năm Thái Thủy thứ 9 (30/3/273), Bao mất. Đế cử hành nghi lễ ai điệu ở triều đường, ban quan tài, một bộ triều phục, một bộ quần áo, 30 vạn tiền, trăm xúc vải. Khi chôn, đội nghi trượng có các loại cờ tiết, tràng, huy, lọng cán cong, xe Truy phong, bộ nhạc Cổ xuy, còn có giáp sĩ, xe lớn, đều giống như nghi lễ dành cho Tư không Trần Thái nhà Tào Ngụy; xa giá đưa tiễn ở cửa Đông Dịch; thụy hiệu là Vũ. Bao di ngôn an táng đơn giản, các con đều tuân theo, còn không cho thân thích, thuộc cấp cũ đến viếng. Năm Hàm Ninh đầu tiên (275), triều đình giáng chiếu liệt Bao vào nhóm vương công được cúng tế. Hậu nhân Bao có 6 con trai: Việt, Kiều, Thống, Tuấn (浚), Tuấn (儁), Sùng. Thống được kế tự, Sùng là người nổi tiếng nhất. Việt tự Hoằng Luân, mất sớm. Kiều tự Hoằng Tổ, từng được làm Thượng thư lang, Tán kỵ thị lang. Kiều được triệu mà không đến, khiến đế nghi ngờ Bao làm phản. Khi Bao vào gặp, đế có vẻ thẹn, nói: “Con khanh suýt phá nhà khanh.” Bao bèn phế tư cách con đích của Kiều, trọn đời không cho làm quan. Kiều lại có tiếng xấu, bị đuổi ra Đốn Khâu. Về sau Kiều cùng em út Sùng bị Tôn Tú sát hại. Con là Siêu, Hi trốn thoát trong tai nạn ấy. Thành Đô vương Tư Mã Dĩnh dấy binh tham gia chống lại Tư Mã Luân, lấy Siêu làm Chiết Xung tướng quân. Dẹp xong Tư Mã Luân, Tôn Tú, Siêu nhờ công được phong hầu. Sau đó Siêu được làm Chấn vũ tướng quân, đánh dẹp nghĩa quân Lý Thìn ở Kinh Châu. Khi Dĩnh giao tranh với Trường Sa vương Tư Mã Nghệ, Siêu luôn làm tiền phong, được thăng làm Trung hộ quân. Bọn Đông Hải vương Tư Mã Việt, Hữu vệ tướng quân Trần Chẩn đưa Tấn Huệ đế đi đánh Dĩnh, ban đầu Siêu chạy về với Dĩnh ở Nghiệp, sau đó được Dĩnh sai đi chống lại quan quân ở Đãng Âm. Siêu đánh bại quan quân, bắt Huệ đế về Nghiệp. Gặp lúc Vương Tuấn đánh Nghiệp, Siêu được làm Hữu tướng quân để chống lại ông ta, đại bại mà về. Siêu theo Dĩnh đưa Huệ đế đi Lạc Dương, rồi dời sang Trường An. Hà Gian vương Tư Mã Ngung liên kết với Dĩnh chống lại Việt, lấy Siêu làm Bắc trung lang tướng. Siêu mộ binh ở Huỳnh Dương, Hữu tướng quân Vương Xiển và Điển binh trung lang Triệu Tắc đều chịu sự chỉ huy của ông, tiếp viện cho Dự Châu thứ sử Lưu Kiều. Khi ấy Phạm Dương vương Tư Mã Hao dấy binh ở Ký Châu, chém Siêu ở Huỳnh Dương. Hi ở Huỳnh Dương một lần nữa trốn thoát, thời Tấn Hoài đế, được làm tham quân của Tư Mã Việt. Không rõ hậu sự của Hi. Thống tự Hoằng Tự, từng được làm Xạ Thanh hiệu úy, Đại hồng lư. Con là Thuận, được làm đến Thượng thư lang. Tuấn (浚) tự Cảnh Luân, có nhân phẩm và học thức, là danh sĩ đương thời, được làm đến Hoàng môn thị lang. Mất sớm. Tuấn (儁) tự Ngạn Luân, từ nhỏ đã nổi tiếng, người đời khen là có khí độ của tể tướng, được làm đến Dương Bình thái thú. Mất sớm. Sùng, cố sự được chép phụ vào truyện của cha. Tham khảo Ghi chú
19811871
https://vi.wikipedia.org/wiki/Al-Hazem%20F.C.
Al-Hazem F.C.
Al-Hazem SC (còn được gọi là Alhazem; ) là một câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp có trụ sở tại Ar Rass. Được thành lập vào năm 1957, đội bóng hiện thi đấu tại Saudi Professional League, cấp độ cao nhất của bóng đá Ả Rập Xê Út . Danh hiệu Saudi First Division/MS League Vô địch (2): 2004–05, 2020–21 Á quân (1): 2017–18 Saudi Second Division Á quân (1): 1999–2000 Saudi Third Division Vô địch (1): 1997–98 Al-Qassim Regional League Vô địch (9): 1967–68, 1969–70, 1970–71, 1971–72, 1980–81, 1984–85, 1990–91, 1994–95, 1997–98 Đội hình Kể từ ngày 15 tháng 9 năm 2021: Cho mượn Tham khảo goalzz Al-Hazem F.C. Câu lạc bộ bóng đá Ả Rập Xê Út Câu lạc bộ bóng đá thành lập năm 1957 Khởi đầu năm 1957 ở Ả Rập Xê Út Câu lạc bộ bóng đá ở Ar Rass
19811880
https://vi.wikipedia.org/wiki/War%20Pigs
War Pigs
"War Pigs" là một bài hát tẩy chay phản chiến của ban nhạc heavy metal người Anh Black Sabbath, được phát hành năm 1970. Đây là bài mở đầu album phòng thu thứ hai của ban nhạc mang tên Paranoid (1970). Tổng quan Tựa gốc của "War Pigs" là "Walpurgis", ám chỉ ngày tụ họp của phù thủy. "Walpurgis như kiểu Giáng Sinh của tín đồ Satan vậy. Và với tôi, chiến tranh là Satan cỡ bự", tay bass kiêm viết lời Geezer Butler chia sẻ. "Nó [bài hát] không phải là về chính trị hay chính phủ hay bất cứ gì khác. Chính nó là ác quỷ. Vì vậy, tôi nói 'generals gathered in the masses/just like witches at black masses' nhằm thể hiện sự tương đồng. Nhưng khi chúng tôi đưa nó đến công ty thu âm, họ nghĩ rằng 'Walpurgis' nghe quá Satan. Và đó là khi chúng tôi đổi tên bài thành 'War Pigs'. Nhưng chúng tôi không đổi lời bài hát, bởi vì chúng vốn đã xong rồi." Trong khoảng thời gian này, nghĩa vụ quân sự bắt buộc vừa mới kết thúc ở Anh song với việc chiến tranh Việt Nam đang leo thang, nhiều thanh niên lo sợ rằng họ sẽ bị bắt nhập ngũ để chiến đấu. Butler kể: “Đó là cái khởi đầu toàn bộ cuộc nổi loạn này về việc đi chiến đấu chẳng vì ai cả... Tôi rất sợ bị réo tên." Trước khi phát hành chính thức, ban nhạc thường thay đổi đáng kể lời bài hát khi trình bày trực tiếp. Một ví dụ có thể thấy nằm ở đĩa tuyển tập The Ozzman Cometh của Ozzy Osbourne, trong đó chứa bản đầu tiên mà Black Sabbath thu âm cho BBC Radio 1 vào ngày 26 tháng 4 năm 1970. Trong khi Butler kể rằng "War Pigs" "hoàn toàn chống chiến tranh Việt Nam, về cách mà những người giàu và chính khách giàu có này khởi động mọi cuộc chiến tranh vì lợi ích của họ và làm người nghèo chết vì họ", còn giọng ca Osbourne lại phát biểu rằng nhóm "chẳng biết biết gì về Việt Nam. Nó chỉ là một bài hát phản chiến thôi." Đoạn kết bài phối khí không lời của bài hát có tên "Luke's Wall" trong các bản album phát hành tại Hoa Kỳ, được đổi thành "War Pigs/Luke's Wall". Kỷ niệm đầu tiên của tay trống Bill Ward khi biểu diễn bài hát là tại The Beat Club ở Thụy Sĩ vào năm 1968. Ban nhạc được yêu cầu diễn nhiều tiết mục mỗi đêm và có rất ít tác phẩm trong tiết mục của họ lúc ấy, vì vậy nhóm thể hiện các những màn chơi nhạc ngẫu hứng dài để lấp đầy các tiết mục. Đồng tác giả và nghệ sĩ lead guitar Tony Iommi kể rằng "War Pigs" bắt nguồn từ một trong những buổi chơi nhạc ngẫu hứng ấy. Việc bổ sung còi báo động không kích và tăng tốc phần kết bài hát do nhà sản xuất Rodger Bain và kỹ sư Tom Allom thực hiện. Ban nhạc không có ý kiến gì trong những quyết định này, mặc dù họ hài lòng với kết quả đạt được. Di sản Nhà báo âm nhạc Martin Popoff đã mệnh danh bài hát là một "nhạc phẩm kinh điển về phản chiến, xấu xí giờ đây được xem là một trong hai hoặc ba sáng tác trường tồn nhất của Sabbath". Guitar World thì mô tả ca khúc là "bài hát heavy metal hay nhất từ trước đến nay." Tạp chí còn đưa bài hát vào danh sách "100 khúc solo guitar hay nhất" và xếp bài ở vị trí thứ 56. Steve Huey của AllMusic ví bài hát là một "tiêu chuẩn". Kelefa Sanneh đã viết, "Điều đáng nhớ là cách mà Osbourne gợi lên không chỉ cái giá của chiến tranh mà cả sức hấp dẫn quyến rũ của nó. Một phần làm Black Sabbath có vẻ mới mẻ là nỗi chán ghét gây phấn chấn, gieo hy vọng hoặc tự cho mình là đúng." "War Pigs" được nhiều người xem là một trong những bài hát hay nhất của Black Sabbath. Năm 2020, Kerrang xếp ca khúc ở vị trí thứ 4 trong danh sách 20 bài hát hay nhất của Black Sabbath, và vào năm 2021, Louder Sound lại xếp bài hát ở vị trí số một trong danh sách 40 bài hát hay nhất của Black Sabbath do họ bầu ra. "War Pigs" được trang liệt là bài hát hay nhất của Black Sabbath. Ca khúc còn gây chú ý khi được đăng trên tạp chí âm nhạc dân gian Mỹ Broadside, ấn phẩm thường không nhắc đến các bài hát rock. Khúc guitar riff trứ danh của ca khúc đã truyền cảm hứng cho đĩa đơn "Arabella" năm 2014 của Arctic Monkeys, đến mức ban nhạc thường biểu diễn một đoạn nhạc dạo đầu của bài hát, để cho phép giọng ca chính Alex Turner lấy cây guitar của mình đúng lúc anh chơi phần solo. War Pigs là một trong 40 bài hát có mặt trong loạt Music Monday của Newseum, vì thế thành một phần của triển lãm Reporting Vietnam nhằm thể hiện phản ánh âm nhạc chính của thời đại. Nhân sự Ozzy Osbourne – hát Tony Iommi – guitar Geezer Butler – bass Bill Ward – trống Chứng nhận Xem thêm Danh sách bài hát phản chiến Chú thích Liên kết ngoài Lời bài hát trên Musixmatch Bài hát về chiến tranh Việt Nam Bài hát của Black Sabbath Nhạc phản chiến Bài hát năm 1970 Đĩa đơn năm 1970 Đĩa đơn của Vertigo Records Bài hát do Tony Iommi sáng tác Bài hát do Geezer Butler sáng tác Bài hát do Ozzy Osbourne sáng tác Bài hát của Faith No More
19811883
https://vi.wikipedia.org/wiki/S%C3%B4ng%20C%C3%A1i%20B%C3%A9
Sông Cái Bé
Sông Cái Bé là một con sông tại tỉnh Kiên Giang. Sông bắt nguồn từ xã Hòa Hưng, Giồng Riềng, chảy ngoằn ngoèo và đổ ra vịnh Rạch Giá. Sông có chiều dài khoảng 80 km, lòng sông rộng từ 100 m đến 200 m, sâu từ 6 đến 15 m. Sông chảy qua các huyện Châu Thành, Gò Quao và huyện Giồng Riềng. Chế độ dòng chảy của sông vào mùa mưa phụ thuộc vào lượng mưa tại chỗ và một phần nước sông Hậu cung cấp qua các kênh Thốt Nốt, Ô Môn, Thác Lác. Vào mùa khô, sông Cái Bé có phần từ Long Thạnh ra biển bị nhiễm mặn. Hai bên sông có 15 nhánh lớn nhỏ là các kênh nối với sông Cái Lớn và nối với sông Hậu (Cái Nhum, Tổng Quản, Giồng Riềng, Thác Lác, Chưng Bầu, Thốt Nốt, Thị Đội, Cái Đước, Tà Niên,...). Tham khảo (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (ngày 26 tháng 1 năm 2016). "Địa lí địa phương Kiên Giang" - Tái bản lần thứ hai). Liên kết ngoài
19811885
https://vi.wikipedia.org/wiki/Berber%2C%20Sudan
Berber, Sudan
Berber () là một thị trấn ở bang Sông Nin miền bắc Sudan, cách Atbara 50 kilômét (31 mi) về phía bắc, gần ngã ba sông Atbara và sông Nin. Lịch sử Thị trấn là điểm khởi đầu của tuyến đường caravan cũ băng qua sa mạc Nubia đến Biển Đỏ tại Suakin. Một đoạn Đường sắt quân sự Sudan đến Suakin từ một ngã ba gần sông Atbara được khánh thành tại đây năm 1906. Nhà thám hiểm người Anh Samuel Baker đi qua Berber khi khám phá ra hồ Albert Nyanza vào năm 1861. Khí hậu Berber có khí hậu sa mạc nóng (phân loại khí hậu Köppen BWh). Người nổi tiếng Mohammed Ahmed Mustafa al-Dabi (sinh năm 1948), tướng lĩnh quân sự và sĩ quan tình báo Tham khảo Khu dân cư ở Sông Nin (bang)
19811891
https://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BB%99i%20%C4%91%E1%BB%93ng%20Kh%E1%BA%A3o%20th%C3%AD%20ti%E1%BA%BFng%20Anh%20%C4%90%E1%BA%A1i%20h%E1%BB%8Dc%20Cambridge
Hội đồng Khảo thí tiếng Anh Đại học Cambridge
Hội đồng Khảo thí tiếng Anh Đại học Cambridge (tiếng Anh: Cambridge Assessment English) hoặc Cambridge English là tổ chức phát triển và sản xuất Cambridge English Qualifications và International English Language Testing System (IELTS). Tổ chức này đã đóng góp vào việc phát triển Khung tham chiếu trình độ ngôn ngữ chung của Châu Âu (CEFR), tiêu chuẩn được sử dụng toàn cầu để đánh giá kỹ năng ngôn ngữ và các chứng chỉ cũng như bài kiểm tra của họ được điều chỉnh phù hợp với các cấp độ CEFR. Cambridge Assessment English là một phần của Cambridge Assessment, một phòng ban không liên quan đến giảng dạy của Đại học Cambridge. Vào tháng 8 năm 2021, Cambridge Assessment đã hợp nhất với Cambridge University Press để thành lập Cambridge University Press & Assessment. Các chứng chỉ / kỳ thi Cambridge English hiện tại Mỗi Cambridge English Qualifications ttập trung vào một cấp độ của Khung tham chiếu chung Châu Âu (CEFR). Trường học Các chứng chỉ tiếng Anh này nhằm giúp cho học sinh trong độ tuổi học tập và thanh thiếu niên nâng cao kỹ năng tiếng Anh. Giáo dục phổ thông và giáo dục đại học Những chứng chỉ này được thiết kế cho người học trưởng thành. A2 Key, B1 Preliminary và B2 First có cùng định dạng Bài kiểm tra (ví dụ: số lượng bài thi, số lượng câu hỏi, thời gian cho phép) như các phiên bản dành cho trường học của những chứng chỉ này, nhưng sử dụng các chủ đề và nội dung khác phù hợp với người học trưởng thành. Kinh doanh Những chứng chỉ này được thiết kế cho người học trưởng thành đang học tiếng Anh để sử dụng trong ngữ cảnh kinh doanh. Bài kiểm tra đa cấp Bài kiểm tra đa cấp được sử dụng để tìm ra chương trình học tiếng Anh hoặc kỳ thi nào phù hợp với học sinh. Những bài kiểm tra này bao gồm nhiều cấp độ của CEFR trong một bài kiểm tra. Cambridge Exams Publishing, một liên doanh với Cambridge University Press, sản xuất tài nguyên và tài liệu IELTS mang thương hiệu Cambridge để giúp người học chuẩn bị và luyện tập cho kỳ thi của họ. Giảng dạy Chứng chỉ và khóa học dành cho giáo viên ở tất cả các cấp độ kinh nghiệm. Dòng thời gian từ năm 1209 đến 2021 1209 - Đại học Cambridge được thành lập. 1534 - Nhà xuất bản Đại học Cambridge được thành lập. 1858 - Hội đồng Kỳ thi Đại học Cambridge (UCLES) được thành lập. 1913 - Chứng chỉ Thành thạo tiếng Anh (CPE) được giới thiệu. Nay được biết đến với tên gọi C2 Proficiency. 1939 - Chứng chỉ Tiếng Anh Cơ bản (LCE) được giới thiệu. Đổi tên thành Chứng chỉ Tiếng Anh Sơ cấp (FCE) vào năm 1975 và hiện nay được gọi là B2 First. 1941 - Hiệp định chung với Hội đồng Anh – thành lập các trung tâm Hội đồng Anh. 1943–47 - Bài kiểm tra Tiếng Anh Sơ cấp (PET) được giới thiệu. Nó được tái giới thiệu vào năm 1980 và hiện nay được biết đến với tên gọi B1 Preliminary. 1971 - Khung tham chiếu chung cho các ngôn ngữ Châu Âu (CEFR) được khởi xướng. 1988 - Hội đồng Thi chứng chỉ Hội hội Hoàng gia (RSA) trở thành một phần của UCLES. 1989 - Đơn vị nghiên cứu và đánh giá tiếng Anh nghề nghiệp được thành lập. 1989 - IELTS được ra mắt. Một phiên bản đơn giản và rút gọn của ELTS được ra mắt vào năm 1980. 1990 - Hiệp hội Người kiểm tra Ngôn ngữ ở Châu Âu (ALTE) được thành lập. 1991 - Chứng chỉ Tiếng Anh Nâng cao (CAE) được giới thiệu. Nay được biết đến với tên gọi C1 Advanced. 1993 - Chứng chỉ Tiếng Anh Thương mại (BEC) được ra mắt. 1994 - Bài kiểm tra Tiếng Anh Khởi đầu (KET) được giới thiệu. Nay được biết đến với tên gọi A2 Key. 1995 - Hội đồng Kỳ thi Địa phương Đại học Oxford (UODLE) trở thành một phần của UCLES. 1997 - Bài kiểm tra Tiếng Anh Cho Trẻ em (YLE) được giới thiệu. Nay được biết đến với tên gọi Pre-A1 Starters, A1 Movers và A2 Flyers. 1997 - BULATS được ra mắt. 2001 - CEFR được xuất bản. 2002 - UCLES EFL đổi tên thành Hội đồng Kỳ thi Tiếng Anh của Đại học Cambridge (Cambridge ESOL). 2002 - Một triệu thí sinh kỳ thi Cambridge ESOL. 2010 - CaMLA được thành lập (Cambridge Michigan Language Assessments). 2011 - Liên doanh Cambridge Exams Publishing với Nhà xuất bản Đại học Cambridge được thành lập. 2013 - Cambridge ESOL đổi tên thành Cambridge English Language Assessment. 2015 - Cambridge English Scale được giới thiệu. 2016 - Linguaskill đọc và nghe được giới thiệu. 2016 - Linguaskill viết được giới thiệu. 2017 - Cambridge English Language Assessment đổi tên thành Cambridge Assessment English. 2020 - Đại học Cambridge thông báo kế hoạch sáp nhập hai phòng ban không liên quan đến giảng dạy của mình, Cambridge Assessment và Nhà xuất bản Đại học Cambridge. 2021 - Cambridge Assessment và Nhà xuất bản Đại học Cambridge hợp nhất thành Cambridge University Press & Assessment. Xem thêm CaMLA IELTS, Hệ thống Kiểm tra Tiếng Anh Quốc tế Studies in Language Testing (SiLT) TESOL chú thích Bài kiểm tra tiếng Anh chuẩn hóa Bài kiểm tra tiếng Anh Giáo dục tiếng Anh Kỳ thi Đại học Cambridge English
19811893
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%E1%BB%A3%20G%E1%BA%A1o%20%28%C4%91%E1%BB%8Bnh%20h%C6%B0%E1%BB%9Bng%29
Chợ Gạo (định hướng)
Chợ Gạo trong tiếng Việt có thể là Huyện Chợ Gạo thuộc tỉnh Tiền Giang Thị trấn Chợ Gạo huyện lỵ của huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Chợ gạo Bà Đắc là một khu chợ ở ấp An Thiện, xã An Cư, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang Phố Chợ Gạo thuộc phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội Phố Chợ Gạo thuộc phường Đông Ngàn, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh Chợ Gạo thuộc xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định Chợ Gạo ở Quốc lộ 39A, phường An Tảo, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên
19811911
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ngh%E1%BB%8B%20quy%E1%BA%BFt%20690%20c%E1%BB%A7a%20H%E1%BB%99i%20%C4%91%E1%BB%93ng%20B%E1%BA%A3o%20an%20Li%C3%AAn%20H%E1%BB%A3p%20Qu%E1%BB%91c
Nghị quyết 690 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc
Nghị quyết 690 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc được nhất trí thông qua vào ngày 29 tháng 4 năm 1991. Sau khi nhắc lại các nghị quyết 621 (1988) và 658 (1990) và ghi nhận báo cáo của Tổng Thư ký về tình hình ở Tây Sahara, Hội đồng Bảo an đã thông qua báo cáo và quyết định thành lập Phái bộ Trưng cầu dân ý của Liên Hợp Quốc tại Tây Sahara (MINURSO) theo khuyến nghị của Tổng Thư ký. Nhiệm vụ của phái bộ là thực hiện Kế hoạch Định cư cho một cuộc trưng cầu dân ý về quyền tự quyết của người dân Tây Sahara. Hội đồng kêu gọi Maroc và Mặt trận Polisario hợp tác với Tổng Thư ký và Phái đoàn, bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn đối với ông và Tổ chức châu Phi Thống nhất vì những nỗ lực của họ. Cơ quan cũng quyết định rằng giai đoạn chuyển tiếp sẽ bắt đầu sau tối đa 16 tuần kể từ khi Đại Hội đồng thông qua ngân sách của MINURSO. Tháng 5 năm 1991, Đại hội đồng thông qua ngân sách của phái bộ. Lệnh ngừng bắn có hiệu lực vào ngày 6 tháng 9 năm 1991 và MINURSO được triển khai sau đó. Xem thêm Cộng hòa Ả Rập Sahrawi Dân chủ Tham khảo Liên kết ngoài Text of the Resolution at undocs.org Quan hệ quốc tế năm 1991 Xung đột Tây Sahara Năm 1991 Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc
19811912
https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%C3%A1nh%20gi%C3%A1%20n%C4%83ng%20l%E1%BB%B1c
Đánh giá năng lực
Đánh giá năng lực (ĐGNL) là tên gọi chung cho một vài kỳ thi tuyển sinh sớm tại Việt Nam do các đại học và trường đại học tự tổ chức. Kỳ thi này được coi là một bài kiểm tra cơ bản để đánh giá năng lực của thí sinh một cách toàn diện hơn Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Nội dung bài thi đánh giá năng lực thường tích hợp những kiến thức và tư duy, dưới hình thức cung cấp số liệu và dữ liệu cũng như các công thức cơ bản. Qua đó, đánh giá được những khả năng suy luận và giải quyết vấn đề của thi sinh. Đại học Quốc gia Hà Nội Bài thi ĐGNL học sinh trung học phổ thông (HSA; ) bắt đầu được Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức vào năm 2015, sau đó tiếp tục tổ chức vào năm 2016 và ngưng tổ chức kể từ năm 2017. Năm 2021, kỳ thi được tổ chức trở lại với nhiều thay đổi so với năm 2015, tiếp cập theo hướng phi truyền thống nhằm đánh giá toàn diện năng lực học sinh chứ không đơn thuần phục vụ cho tuyển sinh đại học. Bài thi ĐGNL mỗi năm tổ chức 10 đợt thi, mỗi thí sinh chỉ được đăng ký dự thi tối đa 2 đợt, trừ năm 2021 vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 mà kỳ thi chỉ tổ chức được một nửa số đợt. Hình thức Thí sinh làm bài thi trên máy tính, câu hỏi dưới dạng trắc nghiệm khách quan (lựa chọn một trong bốn đáp án) và điền đáp án. Tổng thời gian làm bài là 195 phút, thang điểm 150. Theo Đại học Quốc gia Hà Nội, đề thi được rà soát từ hơn 12.000 câu hỏi của ngân hàng đề thi đánh giá năng lực năm 2016 để lựa chọn những câu phù hợp với ba nhóm năng lực nêu trên, kết hợp với hơn 3.500 câu hỏi được xây dựng trong giai đoạn 2017-2020, đảm bảo tính toàn diện của kỳ thi, cân bằng độ khó của từng đề. Tranh cãi Ngày 26 tháng 4 năm 2023, một tài khoản mạng xã hội đã đăng tải bài viết về việc đề thi phần Tư duy định tính của bài thi ĐGNL có sự trùng lặp giữa các đợt, thậm chí chỉ thay đổi khoảng 30% số câu. Về vấn đề này, đại diện của Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng khả năng lặp lại đề thi, đặc biệt là lặp đến 30% là điều không không thể xảy ra và không có căn cứ để phán đoán, chưa nói đến việc vội vã kết luận. Danh sách đơn vị tuyển sinh sử dụng kết quả kỳ thi Danh sách 70 trường đại học và học viện sử dụng kết quả thi ĐGNL của Đại học Quốc gia Hà Nội để xét tuyển năm 2023: Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội Trường Đại học Việt Nhật, Đại học Quốc gia Hà Nội Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội Trường Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội Trường Quản trị kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội Khoa các Khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Đại học Thái Nguyên Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Thái Nguyên Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên Trường Đại học Y Dược, Đại học Thái Nguyên Khoa Quốc tế, Đại học Thái Nguyên Trường Đại học Ngoại thương Học viện Ngân hàng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Trường Đại học Thương mại Trường Đại học Hà Nội Học viện Tài chính Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Trường Đại học Thăng Long Trường Đại học Y Dược Thái Bình Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định Trường Đại học Hồng Đức Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp Trường Đại học Vinh Trường Đại học Tân Trào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 Trường Đại học Điện lực Trường Đại học Tây Bắc Học viện Chính sách và Phát triển Trường Đại học Mở Hà Nội Trường Đại học Nguyễn Tất Thành Trường Đại học Duy Tân Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải Trường Đại học Lâm nghiệp Trường Đại học Nha Trang Trường Đại học Y tế Công cộng Trường Đại học Hoa Sen Trường Đại học Dầu khí Việt Nam Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu nghị Trường Đại học Đà Lạt Trường Đại học Xây dựng Miền Trung Trường Đại học Tài chính – Quản trị kinh doanh Trường Đại học Kinh tế Nghệ An Trường Đại học Nguyễn Trãi Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội Trường Đại học Kinh Bắc Trường Đại học Tài chính – Marketing Trường Đại học Quảng Bình Học viện Hàng không Việt Nam Trường Đại học Quy Nhơn Trường Đại học Nam Cần Thơ Trường Đại học Hòa Bình Trường Đại học Công nghệ Đông Á Trường Đại học Đông Đô Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội Trường Đại học Hải Phòng Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh Kỳ thi Đánh giá năng lực bắt đầu được Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vào năm 2018. Kỳ thi ĐGNL tổ chức tại nhiều cụm ở các tỉnh thành khác nhau, tạo điều kiện cho thí sinh ở nhiều địa phương tham dự. Một năm có 2 đợt thi ĐGNL được tổ chức, trừ năm 2020 vì những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 tại Việt Nam mà kỳ thi chỉ tổ chức một đợt duy nhất. Hình thức Thí sinh sẽ làm bài thi trên giấy với 120 câu hỏi trắc nghiệm trong 150 phút. Bài thi hướng đến đánh giá năng lực cơ bản để học đại học của thí sinh gồm: sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh; toán, suy luận logic và xử lý số liệu; giải quyết vấn đề liên quan lĩnh vực hóa, lý, sinh, địa, lịch sử, chính trị và xã hội. Đa phần các câu hỏi được xây dựng theo hướng cung cấp số liệu dữ kiện và kiến thức cơ bản để đánh giá mức độ vận dụng, phân tích của người học. Tuy nhiên, điểm của từng câu hỏi sẽ có trọng số khác nhau tùy thuộc vào độ khó và độ phân biệt của câu hỏi. Danh sách đơn vị tuyển sinh sử dụng kết quả kỳ thi Danh sách 92 trường đại học, học viện và cao đẳng sử dụng kết quả thi ĐGNL của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh để xét tuyển năm 2023: Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM Trường Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM Trường Đại học Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia TP.HCM Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia TP.HCM Khoa Y, Đại học Quốc gia TP.HCM Khoa Chính trị – Hành chính, Đại học Quốc gia TP.HCM Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn, Đại học Đà Nẵng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông Học viện Hàng không Việt Nam Trường Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu Trường Đại học Bạc Liêu Trường Đại học Bình Dương Trường Đại học Công nghệ Miền Đông Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh Trường Đại học Cửu Long Trường Đại học Dầu khí Việt Nam Trường Đại học Duy Tân Trường Đại học Đà Lạt Trường Đại học Đông Á Trường Đại học Đồng Tháp Trường Đại học Gia Định Trường Đại học Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh Trường Đại học Giao thông Vận tải Trường Đại học Hoa Sen Trường Đại học Hùng Vương Thành phố Hồ Chí Minh Trường Đại học Kiên Giang Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An Trường Đại học Kinh tế – Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh Trường Đại học Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ Trường Đại học Khánh Hòa Trường Đại học Lạc Hồng Trường Đại học Lâm nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Á Châu Trường Đại học Nam Cần Thơ Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh Trường Đại học Ngoại ngữ – Tin học Thành phố Hồ Chí Minh Trường Đại học Ngoại thương Trường Đại học Nguyễn Tất Thành Trường Đại học Nha Trang Trường Đại học Phạm Văn Đồng Trường Đại học Phan Châu Trinh Trường Đại học Phan Thiết Trường Đại học Phú Yên Trường Đại học Quảng Bình Trường Đại học Quang Trung Trường Đại học Quản lý và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng Trường Đại học Quốc tế Miền Đông Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn Trường Đại học Quy Nhơn Trường Đại học Sài Gòn Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long Trường Đại học Tài chính – Marketing Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh Trường Đại học Tân Tạo Trường Đại học Tây Đô Trường Đại học Tây Nguyên Trường Đại học Tiền Giang Trường Đại học Tôn Đức Thắng Trường Đại học Thái Bình Dương Trường Đại học Thủ Dầu Một Trường Đại học Trà Vinh Trường Đại học Văn Hiến Trường Đại học Văn Lang Trường Đại học Xây dựng Miền Tây Trường Đại học Xây dựng Miền Trung Trường Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột Trường Đại học Yersin Đà Lạt Trường Cao đẳng Miền Nam Trường Cao đẳng Sài Gòn – Gia Định Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng Trường Cao đẳng Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh Trường Cao đẳng Viễn Đông Trường Cao đẳng Sư phạm Bà Rịa – Vũng Tàu Bộ Công an Bài thi đánh giá tuyển sinh đại học Công an nhân dân bắt đầu được Bộ Công an tổ chức từ năm 2022 với mục đích lấy kết quả tuyển sinh vào các trường đại học, học viện công an nhân dân, sau 7 năm không tổ chức thi để tuyển sinh. Các trường đại học và học viện công an xét tuyển kết hợp kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông với kết quả bài thi đánh giá của Bộ Công an, trong đó bài thi đánh giá của Bộ Công an chiếm tỷ lệ 60% và điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông của 3 môn trong tổ hợp xét tuyển chiếm tỷ lệ 40%. Hình thức Bài thi được làm trên giấy với phương án đưa ra nhiều mà đề thi (CA1, CA2, CA3, CA4) sẽ thực tế và phù hợp với yêu cầu đối với người học của các trường đại học thuộc Bộ Công an. Đề tự luận Toán và Văn có sự phân hóa cao, có các câu hỏi ở mức nâng cao, vận dụng cao kiến thức và năng lực tư duy, nên có sự phân hóa rất tốt thí sinh. Điểm các môn tự luận, bao gồm Toán và Ngữ văn được nhân hệ số 4. Lĩnh vực khoa học tự nhiên gồm 25 câu (mỗi câu 1 điểm) tương ứng với 25 điểm; kiến thức cốt lõi gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học. Trong đó, 80% kiến thức lớp 12; 20% kiến thức lớp 10, 11, được đánh giá theo 4 cấp độ: cấp độ nhận biết, cấp độ thông hiểu, cấp độ vận dụng thấp, cấp độ vận dụng cao. Lĩnh vực khoa học xã hội gồm 25 câu (mỗi câu 1 điểm) tương ứng với 25 điểm; kiến thức cốt lõi gồm Lịch sử, Địa lý, Văn hóa kinh tế xã hội. Trong đó 80% kiến thức lớp 12; 20% kiến thức lớp 10, 11, được đánh giá theo 4 cấp độ: cấp độ nhận biết, cấp độ thông hiểu, cấp độ vận dụng thấp, cấp độ vận dụng cao. Lĩnh vực ngôn ngữ (thí sinh được lựa chọn một trong hai ngôn ngữ là tiếng Anh hoặc tiếng Trung Quốc theo nguyện vọng thí sinh đăng ký khi sơ tuyển) gồm 20 câu (mỗi câu 0,5 điểm) tương ứng với 10 điểm, được đánh giá theo 4 cấp độ: cấp độ nhận biết, cấp độ thông hiểu, cấp độ vận dụng thấp, cấp độ vận dụng cao. Môn Toán học có từ 3 - 5 câu với 40 điểm, trong đó 80% kiến thức lớp 12; 20% kiến thức lớp 10, 11, được đánh giá theo 4 cấp độ: cấp độ nhận biết, cấp độ thông hiểu, cấp độ vận dụng thấp, cấp độ vận dụng cao. Môn Ngữ văn gồm 2 câu với 40 điểm thuộc kiến thức lớp 12, trong đó câu 1 là đọc hiểu với 10 điểm; câu 2 làm văn với 30 điểm. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Năm 2022, lần đầu tiên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức thi đánh giá năng lực để xét tuyển đại học. Kỳ thi này gồm tám môn là Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý. Trong đó, đề thi Ngữ văn sẽ có 30% là câu hỏi trắc nghiệm về ngôn ngữ và 70% tự luận. Các môn còn lại có 70% câu hỏi trắc nghiệm và 30% tự luận. Để được tham dự kỳ thi, thí sinh có cần có hạnh kiểm tất cả học kỳ ở bậc THPT từ loại Khá và điểm trung bình chung của 5 học kỳ (lớp 10, 11 và học kỳ I lớp 12) từ 6,5 trở lên. Các em được đăng ký tối đa hai nguyện vọng. Các nguyện vọng này hoàn toàn độc lập với xét bằng phương thức khác như dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT. Nguyên tắc xét tuyển là theo từng ngành dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực hai môn (đã nhân hệ số và cộng điểm ưu tiên). Đối với các ngành có thi năng khiếu, trường xét tổng điểm các môn thi đánh giá năng lực cộng môn năng khiếu (đã nhân hệ số và cộng điểm ưu tiên). Danh sách đơn vị tuyển sinh sử dụng kết quả kỳ thi Danh sách 8 trường đại học và học viện sử dụng kết quả thi ĐGNL của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội để xét tuyển năm 2023: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên Trường Đại học Vinh Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 Trường Đại học Quy Nhơn Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh Kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức lần đầu từ năm 2022. Thí sinh sẽ làm bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt các môn Toán học, Vật lý học, Hóa học, Sinh học. Mỗi môn gồm 50 câu hỏi. Trong đó, 35 câu hỏi trắc nghiệm khách quan có 4 lựa chọn (một đáp án đúng duy nhất) và 15 câu hỏi ở dạng trả lời ngắn, thí sinh tính toán và điền kết quả vào phần trả lời trên hệ thống. Thời gian làm bài là 90 phút, bài thi được máy tính chấm tự động. Thí sinh sẽ được biết điểm thi ngay sau khi kết thúc dự thi. Riêng môn Ngữ văn, bài thi sẽ gồm 20 câu hỏi trắc nghiệm khách quan có 4 lựa chọn (một đáp án đúng duy nhất) và một bài viết luận chủ đề nghị luận xã hội (đề mở) với yêu cầu viết trong khoảng 600 từ. Thời gian làm bài là 90 phút, thí sinh làm bài trực tiếp trên hệ thống. Phần thi trắc nghiệm khách quan môn Ngữ Văn sẽ được máy tính chấm tự động. Phần viết luận sẽ được tổ chức theo 2 vòng chấm thi độc lập của các giám khảo, việc chấm thi phần viết luận được thực hiện bằng sự hỗ trợ của phần mềm để các giám khảo chấm thi trên máy tính. Kết quả bài thi sẽ được công bố trong thời gian không quá 15 ngày kể từ ngày dự thi. Về cấu trúc bài thi đánh giá năng lực Tiếng Anh, đề thi sẽ sử dụng dạng thức đánh giá năng lực tiếng Anh từ bậc 3 đến bậc 5 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Trong đó, bài thi có 4 phần, tương ứng với đủ cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Thời gian làm bài là 180 phút. Phần thi nghe và đọc sẽ do máy tính chấm điểm tự động. Các phần thi nói và viết sẽ được tổ chức theo 2 vòng chấm thi độc lập của các giám khảo, việc chấm thi phần viết luận được thực hiện bằng sự hỗ trợ của phần mềm để các giám khảo chấm thi trên máy tính. Kết quả bài thi sẽ được công bố trong thời gian không quá 15 ngày kể từ ngày dự thi. Xem thêm Đánh giá tư duy, kỳ thi tuyển sinh do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức Kỳ thi tuyển sinh đại học và cao đẳng (Việt Nam) Tham khảo Áp lực học tập trong văn hóa Á Đông Thi cử tại Việt Nam K Tuyển sinh đại học và cao đẳng Kỳ thi chuẩn hóa Thi tuyển
19811914
https://vi.wikipedia.org/wiki/Niklas%20Pyyhti%C3%A4
Niklas Pyyhtiä
Niklas Anton Juhana Pyyhtiä (sinh ngày 25 tháng 9 năm 2003) là một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp người Phần Lan hiện tại đang thi đấu ở vị trí tiền vệ cho câu lạc bộ Bologna tại Serie A. Sự nghiệp thi đấu Bologna Anh ra mắt cho câu lạc bộ vào ngày 18 tháng 1 năm 2022, trong trận thua 2-0 trên sân nhà trước Napoli tại Serie A. Thống kê sự nghiệp Câu lạc bộ Tham khảo Sinh năm 2003 Nhân vật còn sống Cầu thủ bóng đá Phần Lan Cầu thủ đội tuyển bóng đá trẻ quốc gia Phần Lan Cầu thủ đội tuyển bóng đá U-21 quốc gia Phần Lan Cầu thủ bóng đá Phần Lan ở nước ngoài Cầu thủ bóng đá nước ngoài ở Ý Tiền vệ bóng đá Cầu thủ bóng đá Turun Palloseura Cầu thủ bóng đá Bologna F.C. 1909 Cầu thủ bóng đá Veikkausliiga Cầu thủ bóng đá Serie A
19811917
https://vi.wikipedia.org/wiki/Andrea%20Cambiaso
Andrea Cambiaso
Andrea Cambiaso (sinh ngày 20 tháng 2 năm 2000) là một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp người Ý hiện tại đang thi đấu ở vị trí hậu vệ cánh cho câu lạc bộ Bologna tại Serie A, cho mượn từ Juventus. Sự nghiệp thi đấu Genoa Cambiaso là sản phẩm lò đào tạo trẻ Genoa. Anh đã trải qua các mùa giải 2017–18 và 2018–19 dưới dạng cho mượn ở các câu lạc bộ Serie D, Albissola và Savona. Anh đã giúp Albissola thăng hạng lên Serie C. Anh trở lại Genoa cho mùa giải 2021–22 và đã ghi bàn thắng đầu tiên ở Serie A vào ngày 29 tháng 8 năm 2021, trong trận thua 2-1 trên sân nhà trước Napoli. Cho mượn tại Alessandria Ngày 2 tháng 8 năm 2019, anh gia nhập câu lạc bộ Alessandria tại Serie C theo dạng cho mượn. Anh ra mắt chuyên nghiệp tại Serie C cho Alessandria vào ngày 25 tháng 8 năm 2019 trong trận mở màn mùa giải gặp Gozzano. Anh ra sân ngay từ đầu và chơi cả trận. Anh đã xuất phát ngay từ đầu trong trận đấu với Alessandria đầu mùa giải. Anh bị rách dây chằng chéo trước đầu gối vào ngày 4 tháng 12 năm 2019 trong trận gặp U-23 Juventus (là trận ra sân thứ 17 của anh ấy cho câu lạc bộ), chấn thương đã khiến anh không thể thi đấu trong phần còn lại của mùa giải 2019–20. Cho mượn tại Empoli Vào ngày 21 tháng 9 năm 2020, anh gia nhập câu lạc bộ Serie B, Empoli dưới dạng cho mượn kèm theo một tùy chọn mua. Juventus Ngày 14 tháng 7 năm 2022, Juventus thông báo về việc ký hợp đồng 5 năm với Cambiaso. Cho mượn tại Bologna Vào ngày 15 tháng 7 năm 2022, Cambiaso gia nhập Bologna theo dạng cho mượn kéo dài một mùa giải. Thống kê sự nghiệp Tham khảo Sinh năm 2000 Nhân vật còn sống Cầu thủ bóng đá Ý Cầu thủ đội tuyển bóng đá trẻ quốc gia Ý Cầu thủ đội tuyển bóng đá U-21 quốc gia Ý Hậu vệ bóng đá Cầu thủ bóng đá Albissola 2010 Cầu thủ bóng đá Savona F.B.C. Cầu thủ bóng đá U.S. Alessandria Calcio 1912 Cầu thủ bóng đá Empoli F.C. Cầu thủ bóng đá Genoa C.F.C. Cầu thủ bóng đá Juventus Cầu thủ bóng đá Bologna F.C. 1909 Cầu thủ bóng đá Serie A Cầu thủ bóng đá Serie B Cầu thủ bóng đá Serie C Cầu thủ bóng đá Serie D
19811927
https://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BB%93ng%20k%E1%BB%B3%20%28t%E1%BA%A1p%20ch%C3%AD%29
Hồng kỳ (tạp chí)
Hồng kỳ () là tạp chí chính luận do Đảng Cộng sản Trung Quốc xuất bản. Đây là một trong "Hai Tờ Báo và Một Tạp Chí" trong thập niên 1960 và 1970. Hai tờ báo là Nhân Dân nhật báo và Quang Minh nhật báo. Giải phóng quân báo cũng được coi là một trong số đó. Lịch sử Hồng kỳ bắt đầu ra mắt trong thời kỳ Đại nhảy vọt vào năm 1958. Tạp chí này là sự kế thừa của một tạp chí khác mang tên Học tập. Tên gọi Hồng kỳ do chính Mao Trạch Đông đặt ra. Trần Bá Đạt làm biên tập viên, từng là cơ quan truyền thông quan trọng trong Cách mạng Văn hóa. Năm 1966, Pol Pot sáng lập một tạp chí tương tự có cùng tên ở Campuchia bằng tiếng Khmer gọi là Tung Krahom phỏng theo Hồng kỳ. Trong thập niên 1960, Hồng kỳ tạm thời ngừng xuất bản, nhưng được tái khởi động vào năm 1968. Tạp chí bắt đầu phát hành hai tuần một lần. Sau đó ấn hành hàng tháng cho đến năm 1979. Hồng kỳ được xuất bản hai tháng một lần từ năm 1980 cho đến năm 1988. Hồng kỳ bao gồm các luận thuyết dưới sự ủng hộ của đảng. Nó cũng cho đăng các bài viết về những đảng cộng sản ở các quốc gia khác theo quan điểm của đảng. Ví dụ vào tháng 3 năm 1963, bài phát biểu của Palmiro Togliatti, lãnh đạo Đảng Cộng sản Ý, tại Đại hội lần thứ X đã được tạp chí này thảo luận và đánh giá chi tiết. Tháng 5 năm 1988, giới quan chức Trung Quốc thông báo rằng tạp chí này sẽ bị đình bản. Cuối cùng, nó ngừng xuất bản vào tháng 6 năm 1988, và được thay thế bằng tờ Cầu thị. Tham khảo Liên kết ngoài Khởi đầu năm 1958 ở Trung Quốc Chấm dứt năm 1988 ở Trung Quốc Tạp chí thành lập năm 1958 Tạp chí giải thể năm 1988 Bán nguyệt san Trung Quốc Tạp chí tiếng Trung Quốc Tạp chí cộng sản Cách mạng Văn hóa Truyền thông nhà nước Tạp chí Trung Quốc ngừng hoạt động Tạp chí chính trị ngừng hoạt động Tạp chí xuất bản ở Bắc Kinh Tạp chí chính trị xuất bản ở Trung Quốc Tạp chí hàng tháng xuất bản ở Trung Quốc Tạp chí xuất bản hai tuần một lần ở Trung Quốc
19811928
https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BB%99c%20gi%E1%BA%A3%20%28t%E1%BA%A1p%20ch%C3%AD%29
Độc giả (tạp chí)
Độc giả () là bán nguyệt san trích đăng bài viết từ các tờ báo và tạp chí khác. Đây là một trong những tạp chí được lưu hành rộng rãi nhất và là tạp chí hàng đầu tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Lịch sử Độc giả được xuất bản lần đầu tại Lan Châu vào tháng 3 năm 1981. Tạp chí có trụ sở chính tại Lan Châu, và do Nhà xuất bản Nhân dân Cam Túc xuất bản hai tuần một lần. Tạp chí này bao gồm các bài viết gốc, bài viết cô đọng được in lại từ các tạp chí khác, các đoạn trích sách và tuyển tập truyện cười, giai thoại, trích dẫn và các mẩu tin ngắn khác. Trong nửa đầu thập niên 2000, tạp chí được xuất bản hai tháng một lần. Năm 2003, Độc giả là một trong năm tạp chí hàng đầu ở Trung Quốc với số lượng phát hành là 3.000.000 bản. Cùng năm đó, nó cũng là tạp chí bán chạy thứ tư trên thế giới, sau Reader's Digest, National Geographic và Time. Tham khảo Liên kết ngoài Bán nguyệt san Tạp chí Trung Quốc Tạp chí tiếng Trung Quốc Truyền thông Lan Châu Tạp chí khởi đầu năm 1981 Khởi đầu năm 1981 ở Trung Quốc Tạp chí xuất bản hai tháng một lần ở Trung Quốc
19811929
https://vi.wikipedia.org/wiki/Sputnik%20%28t%E1%BA%A1p%20ch%C3%AD%29
Sputnik (tạp chí)
Sputnik () là tạp chí của Liên Xô do hãng thông tấn Novosti xuất bản từ năm 1967 đến năm 1991 bằng nhiều ngôn ngữ, nhắm mục tiêu đến cả các quốc gia thuộc Khối Đông Âu và các nước phương Tây. Ấn phẩm này dự định là một tờ báo của Liên Xô tương đương với tờ Reader's Digest, chuyên đăng các bản tin được trích từ báo chí Liên Xô với kích thước và loại giấy tương tự. Ngoài ra, Novosti còn có thêm ấn bản tiếng Anh gọi là Sputnik Monthly Digest ra mắt cùng thời kỳ với Sputnik. Dù đã bị chính phủ Liên Xô kiểm duyệt, Sputnik đôi lúc vẫn bị chính phủ các nước có mâu thuẫn với Điện Kremlin kiểm duyệt khi các biên tập viên của tạp chí này được thay thế bằng các biên tập viên thân Tư bản dưới thời kỳ glasnost, ví dụ điển hình nhất là Đông Đức vào tháng 11 năm 1988 và Cuba năm 1989. Tham khảo Liên kết ngoài Vài số báo giai đoạn 1968–1974 22 số báo tạp chí giai đoạn 1968–1982 Số tháng 12 năm 1982 (kỷ niệm 60 năm Liên Xô) Tạp chí Liên Xô Tạp chí đa ngôn ngữ Tạp chí xuất bản ở Moskva Truyền thông nhà nước cũ Tạp chí thành lập năm 1967 Tạp chí đình bản năm 1991 Khởi đầu năm 1967 ở Liên Xô Chấm dứt năm 1991 ở Liên Xô Truyền thông đại chúng Khối phía Đông
19811944
https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90i%E1%BB%83m%20l%C6%B0u%20tr%C3%BA
Điểm lưu trú
Điểm lưu trú (Motel) còn được gọi là khách sạn mô tô (Motor hotel) hay quán trọ mô tô (Motor inn) hoặc nhà nghỉ mô tô (Motor lodge) là một nhà nghỉ được thiết kế phục vụ cho những người lái ô tô đường dài, thường có mỗi phòng đi vào trực tiếp từ khu vực đỗ xe cơ giới chứ không phải qua sảnh trung tâm. Loại hình đầu tiên là Milestone Mo-Tel của San Luis Obispo, California (nay được gọi là Motel Inn of San Luis Obispo), được xây dựng vào năm 1925. Thuật ngữ này đề cập đến một loại khách sạn bao gồm một tòa nhà duy nhất gồm các phòng thông nhau có cửa đối diện với bãi đậu xe và trong một số trường hợp, một khu vực chung hoặc một loạt cabin nhỏ có bãi đậu xe chung. Các nhà nghỉ ven đường thường thuộc sở hữu cá nhân, mặc dù các chuỗi nhà nghỉ vẫn tồn tại. Đây là loại hình lưu trú cơ sở nhỏ, có cấu trúc đơn giản, nằm dọc theo các con đường quốc lộ. Motel hướng đến đối tượng khách hàng là những người cần một chỗ nghỉ ngơi qua đêm mà không cần các dịch vụ cầu kỳ. Khi các hệ thống đường cao tốc lớn bắt đầu được phát triển vào những năm 1920 thì các chuyến đi đường dài trở nên phổ biến hơn và nhu cầu về các địa điểm lưu trú qua đêm rẻ tiền, dễ tiếp cận gần các tuyến đường chính đã dẫn đến sự phát triển của khái niệm nhà trọ mô tô. Các nhà nghỉ ven đường đạt mức phổ biến cao nhất vào những năm 1960 với lượng khách du lịch bằng ô tô ngày càng tăng, chỉ suy giảm do sự cạnh tranh từ các chuỗi khách sạn mới hơn đã trở nên phổ biến tại các nút giao thông trên đường cao tốc khi giao thông bị bỏ qua trên các đường cao tốc mới được xây dựng. Một số nhà nghỉ có giá trị lịch sử được liệt kê trong Sổ đăng ký Địa danh Lịch sử Quốc gia Hoa Kỳ. Các nhà nghỉ ven đường thường được xây dựng theo bố cục hình chữ "I"-, "L"- hoặc "U" bao gồm các phòng dành cho khách trú; một văn phòng quản lý trực thuộc; một buồng tiếp tân nhỏ; và trong một số trường hợp, một quán ăn nhỏ và một hồ bơi. Nhà nghỉ ven đường thường có một tầng với các phòng mở thẳng ra bãi đậu xe, giúp khách dễ dàng dỡ hành lý xuống xe. Chú thích Du lịch
19811945
https://vi.wikipedia.org/wiki/V%C4%83n%20h%C3%B3a%20Kazakhstan
Văn hóa Kazakhstan
Văn hóa Kazakh trong thời kì hiện đại mang sự đặc trưng chủ yếu là do sự kết hợp giữa nền văn hóa du mục Tengrian, văn hóa Hồi giáo và văn hóa châu Âu. Các yếu tố thuộc về nền văn hóa du mục có nguồn gốc từ tổ tiên của người Kazakh, chẳng hạn như tộc người Hung, những dân cư thuộc hãn quốc Đột Quyết, hãn quốc Kim Trướng và hãn quốc Kazakh. Các yêu tố thuộc về chủ nghĩa du mục đã phần lớn định hình nên âm nhạc, trang phục, trang sức và nền văn học dân gian đặc biệt của riêng nó. Văn hóa Kazakhstan dường như cũng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của nền văn hóa du mục của tộc người Scythia. Nền văn hóa Kazakhstan đã phát triển mạnh kể từ thời kỳ hậu Xô Viết. Lối sống truyền thống của người Kazakh đã pha trộn với những ảnh hưởng từ xã hội phương Tây, cũng như từ nền văn hóa từ các nước láng giềng như Nga và Trung Quốc. Vì chăn nuôi là trọng tâm trong nền kinh tế truyền thống của người Kazakh nên hầu hết các phong tục và tập quán du mục của họ đều liên quan đến chăn nuôi theo một cách nào đó. Những lời chúc truyền thống của người Kazakh thường có liên quan đến bệnh tật hoặc sự sinh nở của vật nuôi. Để có một mối quan hệ tốt với khách, gia chủ trước tiên phải hỏi về sức khỏe vật nuôi của khách khi chào đón họ và sau đó mới hỏi về cuộc sống của họ. Nơi ở truyền thống của người Kazakh là yurt, một chiếc lều bao gồm một cái khung làm bằng gỗ liễu, được phủ bằng nỉ, có thể có độ dày khác nhau. Phần trên của lều có thiết kế một lỗ mở cho phép khói từ lò sưởi nằm ở trung tâm chiếc lều có thể thoát ra ngoài; nhiệt độ của lều và luồng gió đi vào lều có thể được kiểm soát bằng một cánh đảo gió giúp tăng hoặc giảm kích thước của lỗ mở trên. Một chiếc lều yurt được xây dựng đúng với thiết kế trên có thể làm cho không khí trong lều mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông, đồng thời có thể tháo ra hoặc lắp đặt chiếc lều trong vòng chưa đầy một giờ. Nội thất của lều yurt có ý nghĩa lễ nghi; bên phải thường dành cho nam và bên trái dành cho nữ. Hình ảnh về lều yurt cũng thường được sử dụng như một chi tiết trang trí trong các nhà hàng và các tòa nhà. Tôn giáo Hồi giáo là tôn giáo lớn nhất ở Kazakhstan, tiếp theo là Chính thống giáo Nga. Theo truyền thống, người Kazakh theo đạo Hồi dòng Sunni, còn tộc người Nga theo Chính thống giáo Nga. Khoảng 70% dân số theo đạo Hồi. Phần lớn là người theo đạo Hồi dòng Sunni thuộc trường phái Hanafi, bao gồm cả người Kazakh, chiếm khoảng 60% dân số, người Uzbek, người Duy Ngô Nhĩ và người Tatar. Ít hơn 25% dân số theo Chính thống giáo Nga, bao gồm người Nga, người Ukraina và người Belarus. Các tôn giáo khác bao gồm Do Thái giáo, Bahá'í giáo, Hare Krishnas, Phật giáo và Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa. Ẩm thực Ẩm thực truyền thống của Kazakhstan xoay quanh các món ăn được chế biến từ thịt cừu và thịt ngựa, cũng như nhiều loại thực phẩm từ sữa. Trong hàng trăm năm về trước, người Kazakh chăn nuôi các loài cừu đuôi béo, lạc đà hai bướu và ngựa, họ dựa vào những con vật này để vận chuyển quần áo và thức ăn. Các kỹ thuật nấu ăn và các thành phần chính của món ăn mang đậm sự ảnh hưởng mạnh mẽ từ lối sống du mục của quốc gia này. Ví dụ, hầu hết các kỹ thuật nấu ăn đều nhằm mục đích bảo quản thực phẩm lâu dài hơn. Có một phương pháp chế biến là ướp muối và làm khô thịt, từ đó thịt có thể giữ được lâu, ngoài ra họ còn thích dùng sữa chua, vì nó dễ tiết kiệm hơn. Trong những năm gần đây, đã có một làn sóng đầu bếp trẻ người Kazakhstan gốc Tây đến Astana, bao gồm cả Rania Ahmed, người đã dành những năm đầu tiên của mình để đào tạo tại các nhà hàng Sao Michelin ở phía Tây Luân Đôn. Điều này đã dẫn đến một phong cách ẩm thực mới, mang sự kết hợp giữa các món mặn truyền thống của Kazakhstan với các món ăn nhanh của châu Âu, chẳng hạn như betinjantabs, món ăn này đã trở nên rất phổ biến với thế hệ trẻ. Besbarmak là một món ăn bao gồm thịt ngựa hoặc thịt cừu luộc, là món ăn phổ biến nhất của người Kazakhstan. Besbarmak thường được ăn với mì ống luộc và nước dùng làm từ thịt được gọi là shorpa, và theo truyền thống, món này được phục vụ trong một loại bát gọi là kese. Còn có các món thịt phổ biến khác như kazy (món xúc xích làm từ thịt ngựa, chỉ những người giàu có mới có thể mua được), shuzhuk (món xúc xích thịt ngựa), kuyrdak (còn gọi là kuirdak, một món ăn được làm từ lòng của ngựa, cừu hoặc bò được nướng, sau đó thái hạt lựu và ăn kèm với hành và ớt), ngoài ra còn nhiều món ăn khác từ thịt ngựa, chẳng hạn như zhal (mỡ cổ ngựa xông khói) và zhaya (thịt hông và chân sau của ngựa xông khói). Pilaf (palaw) là món cơm phổ biến nhất của người Kazakhstan, bao gồm rau (cà rốt, hành tây và/hoặc tỏi) và thịt. Món đồ uống quốc gia là kumys (sữa ngựa lên men) và nước trà. Các phong tục tập quán Người Kazakh được biết đến với lòng hiếu khách và rất nhiều phong tục tập quán, truyền thống của người Kazakh dựa trên các tiêu chuẩn đạo đức của dân tộc này. Một số phong tục đã bị thất truyền, nhưng một số đang được phổ biến trở lại. Dưới đây là một số phong tục tập quán, truyền thống đã đóng một vai trò quan trọng trong xã hội Kazakhstan hiện đại: Konakasy (Qonaqası) (tiếng Kazakh: қонақасы; "konak/qonaq" - khách mời, "as" - đồ ăn) - một phong tục chào đón khách tới và làm cho kỳ nghỉ của họ trở nên thú vị nhất có thể bằng cách cung cấp thức ăn, chỗ nghỉ ngơi và nơi giải trí. Tùy thuộc vào hoàn cảnh mà vị khách đó đến từ đâu, họ có thể được gọi là "arnayy konak/arnayı qonaq" (tiếng Kazakh: арнайы қонақ) - một vị khách được mời đặc biệt, "kudayy konak/qudayı qonaq" (tiếng Kazakh: құдайы қонақ) - một vị khách du lịch bình thường, "kydyrma konak/qıdırma qonaq" (tếng Kazakh: қыдырма қонақ) - một vị khách bất ngờ. Korimdik (Kӧrimdik) (tiếng Kazakh: көрімдік; "kӧru" - nhìn) - một phong tục tặng một người một món quà để chúc mừng họ đã đạt được thành công trong cuộc sống. Phong tục đó được gọi là korimdik, nếu thành công là về một người hoặc một vật nuôi (ví dụ: con dâu hoặc vật nuôi của một người mới sinh con), và baygazy/bayghazı (tiếng Kazakh: байғазы), nếu thành công là về vật chất. Shashu (Shashū) (tiếng Kazakh: шашу) - phong tục tắm cho các vị anh hùng bằng đồ ngọt trong một lễ hội nào đó. Bởi vì người Kazakh tin rằng thú vui sưu tập sẽ mang lại may mắn. Bata (tiếng Kazakh: бата - phước lành) - một loại hình nghệ thuật thơ ca, thường được người được kính trọng nhất hoặc người lớn tuổi nhất biểu diễn để bày tỏ lòng biết ơn đối với sự hiếu khách, hoặc chúc phúc cho một người sắp bước sang một giai đoạn quan trọng trong cuộc đời, sẽ trải qua một trải nghiệm hoặc một chuyến đi đầy thử thách. Tusau kesu (Tusaū kesū) (tiếng Kazakh: тұсау кесу) - phong tục kỷ niệm những nỗ lực đầu tiên của một đứa trẻ để có thể đi được những bước đi đầu đời. Chân của đứa trẻ được buộc bằng một sợi dây có hai màu trắng và đen tượng trưng cho điều tốt và điều xấu trong cuộc sống. Sau đó, sợi dây được cắt bởi một người họ hàng là nữ, người đó có bản chất năng động và hoạt bát, để đứa trẻ có được những phẩm chất của cô ấy. Sau khi sợi dây bị cắt, nó được đốt. Kyz uzatu (Qız uzatū) (tiếng Kazakh: қыз ұзату) - tiệc cưới đầu tiên do bố mẹ cô dâu tổ chức. Dịch sát nghĩa là "tiễn con gái". Betashar (tiếng Kazakh: беташар; "bet" - mặt, "ashu" - mở) - phong tục (thường được thực hiện trong đám cưới) vén khăn che mặt cô dâu lên. Hôm đó, mullah được mời biểu diễn một bài hát ngẫu hứng, trong đó có đề cập đến những người thân của chú rể. Trong buổi biểu diễn của anh ấy, cô dâu phải cúi đầu mỗi khi nghe thấy tên. Sau bài hát, mẹ của chú rể sẽ vén khăn che mặt. Shildehana (Shildekhana) (tiếng Kazakh: шілдехана) - lễ kỷ niệm sự ra đời của một đứa trẻ (giống với ngày sinh nhật). Suinshi (Süyinshi) (tiếng Kazakh: сүйінші) - phong tục tặng quà cho người đã mang lại tin tốt. Ngôn ngữ Ngôn ngữ chính thức ở Kazakhstan là tiếng Kazakh, một ngôn ngữ Turk có quan hệ gần gũi với tiếng Nogai và tiếng Karakalpak. Một ngôn ngữ khác được sử dụng rộng rãi là tiếng Nga. Các chính sách ngôn ngữ gần đây cho thấy người có khả năng giao tiếp bằng ba ngôn ngữ là yếu tố quan trọng cho sự phát triển của đất nước trong tương lai. Nghệ thuật Mỗi năm các nghệ nhân Kazakhstan tham gia cuộc thi "Sheber". Cuộc thi nằm trong chương trình "Phát triển nghề thủ công và phục hồi nghệ thuật dân gian và hàng thủ công ở Kazakhstan" bắt đầu từ năm 2006 nhằm tăng khả năng cạnh tranh của các mặt hàng của các nghệ nhân Kazakhstan ở trong nước và quốc tế. Chương trình này đã được thực hiện bởi Hiệp hội Nghệ nhân Kazakhstan, "Chevron", Quỹ Á-Âu của Trung Á, Bộ Văn hóa và Thông tin Kazakhstan và Văn phòng Cụm UNESCO tại Almaty. Âm nhạc Bài ca kỳ diệu của thảo nguyên vĩnh cửu Bài ca kỳ diệu của thảo nguyên vĩnh cửu là một loạt các buổi hòa nhạc tại Carnegie Hall và Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật John F. Kennedy để kỷ niệm Ngày văn hóa Kazakhstan tại Hoa Kỳ. Các buổi hòa nhạc được tổ chức nhằm giới thiệu nền âm nhạc dân gian của Kazakhstan, các kiệt tác cổ điển phương Tây cũng như các bài hát Mỹ do Dàn nhạc cụ dân gian Quốc gia Kurmangazy Kazakhstan, Dàn hợp xướng Quốc gia Baikadamov Kazakhstan và một nhóm nghệ sĩ độc tấu Kazakhstan trình diễn. Dàn nhạc giao hưởng của Nhạc viện Quốc gia Kurmangazy Kazakhstan Dàn nhạc giao hưởng của Nhạc viện Quốc gia Kurmangazy Kazakhstan được thành lập năm 1947. Nhạc trưởng đầu tiên là Giáo sư K. Babayev. Dàn nhạc biểu diễn nhiều tiết mục do các nhạc sĩ Haydn, Mozart, Beethoven, Schubert, Brahms, Liszt, Saint-Saens, Bizet, Ravel, Franck, Mahler, Orff, Tchaikovsky, Rachmaninoff, Mussorgsky, Shostakovich và nhiều người khác sáng tác. Thể thao Kazakhstan rất quan tâm đến thể thao, giáo dục thể chất và các hoạt động ngoại khóa. Kazakhstan đã đạt được một số thành tựu trong các cuộc thi quốc tế về cử tạ, khúc côn cầu trên băng và quyền anh. Kazakhstan đã giành được tám huy chương trong Thế vận hội Mùa hè 2004, thành tích lớn nhất đối với bất kỳ quốc gia nào ở Trung Á. Bóng đá là môn thể thao phổ biến nhất ở Kazakhstan. Liên đoàn bóng đá Kazakhstan (FFK) là cơ quan quản lý quốc gia của môn thể thao này. FFK tổ chức các giải đấu đội tuyển quốc gia nam, nữ và futsal. Giải Bóng đá Ngoại hạng Kazakhstan là giải đấu cấp cao nhất của môn thể thao này trong nước. Đi xe đạp đường trường là môn thể thao thành công nhất của Kazakhstan. Nhiều tay đua xe đạp chuyên nghiệp đã được thi đấu trên đường đua châu Âu đến từ Kazakhstan. Đáng chú ý nhất là Alexander Vinokourov, người có thành tích bao gồm hai chiến thắng Paris–Nice (2002, 2003), đứng vị trí thứ ba trong Tour de France 2003 và vị trí đầu tiên trong Cuộc đua vàng Amstel 2003. Vinokourov lãnh đạo Astana, được hỗ trợ bởi liên minh các công ty Kazakhstan. Đội này được đăng ký với tư cách là UCI ProTeam và thi đấu trong các cuộc đua lớn, bao gồm cả Tour de France. Bóng bầu dục liên hiệp là môn thể thao phổ biến ở Kazakhstan, với hơn 10.000 người hâm mộ thường xuyên đến xem đội tuyển bóng bầu dục liên đoàn quốc gia Kazakhstan thi đấu. Những trận thắng đậm gần đây trước Sri Lanka và Đội bóng bầu dục vùng Vịnh Ả Rập đã cho đội Kazakhstan lý do để tin rằng họ có thể là ứng cử viên giành quyền tham dự Giải bóng bầu dục thế giới 2011. Kazakhstan hiện tại vẫn chưa đủ điều kiện tham dự Giải bóng bầu dục thế giới. Xem thêm Lịch sử Kazakhstan Trang phục Kazakh Ẩm thực Kazakhstan Tham khảo Ghi chú Bài viết này kết hợp văn bản từ nguồn này, thuộc phạm vi công cộng. Quốc Gia Học. Phòng Nghiên cứu Liên bang. - Kazakhstan Bruce Privratsky, Muslim Turkistan, trang 76–77 Liên kết ngoài Liên kết đại sứ quán cho các câu hỏi văn hóa hơn nữa Bảng tin bằng tiếng Kazakhstan Quỹ từ thiện Musagetes Civic vì Sự phát triển Văn hóa và Khoa học Nhân văn Kazakhstan: lịch sử, địa lý, con người, văn hóa, truyền thống, kỳ nghỉ, cuộc sống, lối sống Văn hóa Kazakhstan Văn hóa Trung Á Văn hóa Đông Âu Văn hóa Turk
19811947
https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BB%99ng%20%C4%91%E1%BA%A5t%20Geiyo%202001
Động đất Geiyo 2001
xảy ra vào lúc 15:27 (theo giờ địa phương), ngày 24 tháng 3 năm 2001. Trận động đất có cường độ địa chấn 6.7 richter, tâm chấn độ sâu khoảng 50km. Không có cảnh báo sóng thần cho trận động đất này. Nhưng trận động đất đã làm hai người chết, 288 người bị thương, hơn 3.700 tòa nhà bị hư hỏng ở Hiroshima. Tham khảo
19811948
https://vi.wikipedia.org/wiki/Nh%C3%A0%20ngh%E1%BB%89%20B%26B
Nhà nghỉ B&B
Nhà nghỉ B&B (tiếng Anh: Bed and breakfast, viết tắt là B&B hoặc BnB) là một cơ sở lưu trú nhỏ cung cấp chỗ ở qua đêm và kèm theo phục vụ bữa ăn sáng cho du khách. Nhà nghỉ chỉ phục vụ bữa sáng và thường không cung cấp thêm các bữa ăn khác, cũng thường là nhà riêng của các gia đình và thường có từ bốn đến mười một phòng, trung bình có sáu phòng. Ngoài ra, nhà nghỉ B&B thường có chủ nhà sống trong căn nhà này. Giường chiếu nghỉ ngơi và bữa ăn sáng cũng được sử dụng để mô tả mức độ phục vụ được bao gồm trong giá phòng của khách sạn, trái ngược với giá phòng chỉ bao ăn hai bữa hoặc bao ăn ba bữa. Những khách sạn lớn hiện nay cũng cung cấp loại hình dịch vụ này. Mô hình kinh doanh B&B thịnh hành tại các nước châu Âu và Mỹ hiện nay đang được kinh doanh của những hộ kinh doanh nhỏ tại nhà riêng thường có ít hơn 10 phòng ngủ, được sử dụng nhằm mục đích thương mại. Một phòng B&B thường ghép 5-10 giường đơn và tùy theo số lượng khách mà quản lý sẽ bố trí và sắp xếp. Dù quy mô không lớn như khách sạn hay các nhà nghỉ nhưng điều đó không có nghĩa B&B quá tồi tàn, không đáp ứng đầy đủ nhu cầu lưu trú của du khách. Ngược lại, B&B vẫn được trang bị đầy đủ các trang thiết bị, mang đến cho khách sự hài lòng, tiện nghi khi sử dụng loại hình lưu trú này. Nhà nghỉ B&B ra đời và phát triển cùng hàng loạt loại hình cư trú tiện ích để đáp ứng mọi nhu cầu của khách du lịch, từ những khách sạn sang trọng đến những nhà ở tự phục vụ. B&B là loại hình đang được ưa chuộng bởi khách du lịch bụi, dân phượt, vì giá cả rẻ và dịch vụ đơn giản giúp họ có nhiều thời gian để tận hưởng khám phá và trải nghiệm. Những quốc gia trên thế giới có ghi nhận loại hình này như ở Trung Quốc khi hầu hết khách hàng quen là khách du lịch nước ngoài nhưng họ đang ngày càng phổ biến đối với khách du lịch nội địa của Trung Quốc. Ở Ấn Độ thì chính phủ đang thúc đẩy khái niệm nhà nghỉ BnB. Nhà nghỉ B&B của Israel được gọi là zimmer (tiếng Đức có nghĩa là phòng) và trên khắp đất nước, nhưng đặc biệt là ở miền bắc Israel (Galilee, Thượng Galilee và Cao nguyên Golan), loại hình này đã phát triển thành một ngành công nghiệp rộng lớn. Ngành công nghiệp này bắt đầu phát triển vào những năm 1990, khi nông nghiệp mang lại ít lợi nhuận hơn và nhiều gia đình có trang trại và thậm chí ở các thành phố đã quyết định thử vận ​​may trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn. Trong thập kỷ qua, dịch vụ chỉ phục vụ bữa sáng cũng đã phát triển ở miền nam Israel ở Negev. Ở Ý có quy định khu vực B&B nhưng mỗi vùng lại duy trì một quy định cụ thể, mỗi vùng có thể áp dụng các quy định khác nhau nhưng họ phải tuân thủ luật pháp quốc gia về du lịch. Chú thích Du lịch
19811955
https://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BB%93%20V%C4%83n%20Ch%C3%A2m
Hồ Văn Châm
Hồ Văn Châm (Chữ Hán: 胡文箴; ngày 9 tháng 7 năm 1932 – ngày 31 tháng 7 năm 2013) còn gọi là Minh Vũ, là bác sĩ và chính khách, từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Chiêu hồi và Bộ trưởng Bộ Cựu Chiến binh Việt Nam Cộng Hòa. Từ sau biến cố năm 1975, ông bị chế độ cộng sản đưa đi cải tạo suốt mười ba năm về sau mới được trả tự do di cư sang Canada sinh sống cho đến cuối đời. Tiểu sử Hồ Văn Châm sinh ngày 9 tháng 7 năm 1932 tại làng Phước Tích, tỉnh Thừa Thiên, Trung Kỳ, Liên bang Đông Dương. Ông gia nhập Đại Việt Quốc dân Đảng năm 1955. Năm 1969, ông được bổ nhiệm làm Tổng ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đại Việt Quốc dân Đảng. Năm 1962, Hồ Văn Châm tốt nghiệp tiến sĩ y khoa tại Viện Đại học Sài Gòn. Ông còn lấy thêm bằng Tiến sĩ Khoa học dinh dưỡng tại Viện Đại học Columbia năm 1965 và tiến sĩ y tế công cộng cũng tại nơi đây vào năm 1969. Từ ngày 1 tháng 9 năm 1969 đến ngày 16 tháng 2 năm 1974, ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Chiêu hồi Việt Nam Cộng hòa, chịu trách nhiệm về kế hoạch chiêu hồi nhằm khuyến khích binh lính Việt Cộng đào thoát sang chính phủ Việt Nam Cộng hòa thông qua hoạt động tuyên truyền và tâm lý chiến. Ngày 18 tháng 2 năm 1974, ông giữ chức Bộ trưởng Bộ Cựu Chiến binh kiêm nhiệm Quyền Bộ trưởng Bộ Dân vận và Chiêu hồi Việt Nam Cộng hòa. Tháng 5 năm 1975, Hồ Văn Châm bị chính quyền mới bắt giữ và đưa vào trại cải tạo cho đến tháng 2 năm 1988. Tháng 5 năm 1993, ông di cư sang Canada và định cư tại Ottawa, làm chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu Sách lược Đại Việt Cách mạng Đảng. Ông qua đời tại Ottawa, Canada vào ngày 31 tháng 7 năm 2013, hưởng thọ 82 tuổi. Đời tư Hồ Văn Châm là một Phật tử với pháp danh Nguyên Minh. Vợ ông quê Quảng Ngãi. Hai vợ chồng có tất cả bảy người con. Ấn phẩm Les Relations Alimentaires dans les Corps de Troupes au Vietnam, luận án tiến sĩ, Khoa Y Viện Đại học Sài Gòn, 1962. Nutrition situation in Vietnam, Sài Gòn, 1965. Huân chương Bảo quốc Huân Đệ ngũ hạng Y tế Bội tinh Đệ nhất hạng Nông thôn Kiến thiết Bội tinh Dân tộc Phát triển Bội tinh Đệ nhất hạng Huân chương Lục quân Đệ nhị hạng Huân chương Danh dự Đệ nhất hạng Không vụ Bội tinh hạng Danh dự Chiến dịch Bội tinh năm 1960 Quân phong Bội tinh Đệ tam hạng Quân vụ Bội tinh Đệ tam hạng Tham khảo: Tham khảo Liên kết ngoài Chương trình Chiêu Hồi của Việt Nam Cộng Hòa THE CHIEU HOI PROGRAM OF VIETNAM Sinh năm 1932 Mất năm 2013 Người Huế Bác sĩ Việt Nam Phật tử Việt Nam Bộ trưởng Việt Nam Cộng hòa Chính khách Việt Nam Cộng hòa
19811956
https://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BB%93%20Nh%E1%BB%B1t%20T%C3%A2n
Hồ Nhựt Tân
Hồ Nhựt Tân (? – ?) biệt hiệu Thất Sơn Cư Sĩ, là bác sĩ y học cổ truyền và chính khách Việt Nam Cộng hòa, đồng thời là một trong ba ứng cử viên tham gia cuộc bầu cử tổng thống Việt Nam Cộng hòa năm 1961. Hồ Nhựt Tân từng tham gia phong trào dân tộc chống thực dân Pháp, nghỉ hưu vào thập niên 1950 rồi sau chuyển sang hành nghề y học cổ truyền. Ông đã ngoài 70 tuổi khi ra tranh cử tổng thống Việt Nam Cộng hòa năm 1961. Ứng cử viên trong liên danh của Hồ Nhựt Tân, Nguyễn Thế Truyền vốn là chính khách cánh tả trẻ tuổi từng tích cực trong các hoạt động dân tộc chủ nghĩa. Tham khảo Không rõ năm sinh Năm mất không rõ Chính khách Việt Nam Cộng hòa Nhà dân tộc chủ nghĩa Việt Nam
19811957
https://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BB%93%20Th%E1%BB%8B%20Qu%E1%BA%BF
Hồ Thị Quế
Hồ Thị Quế (? – 1965) còn gọi là Nữ Hổ Tướng Đồng Bằng Sông Cửu Long và 'Chị Cả', là y tá, quân y dã chiến và thượng sĩ thuộc Tiểu đoàn 44 Biệt động quân Việt Nam Cộng hòa có biệt danh “Cọp Đen” từng tham chiến chống lại Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (Việt Cộng) trong chiến Tranh Việt Nam. Tiểu sử Hồ Thị Quế là con gái của một nông dân. Trong chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, bà được người Pháp gài vào làm gián điệp trong nội bộ Việt Minh cho đến khi bà nhận thấy rằng những người cộng sản đang nắm quyền kiểm soát tổ chức này. Cùng lúc đó bà có dịp được gặp người chồng tương lai của mình là Thiếu tá Nguyễn Văn Dần, tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 44 Biệt động quân, một tiểu đoàn được xếp vào loại ưu tú của quân lực Việt Nam Cộng hòa vì có lực lượng rất thiện chiến và tinh nhuệ. Họ có tất cả sáu người con và hay cùng nhau ra trận. Đầu tháng 11 năm 1965, Hồ Thị Quế bị chồng bắn chết vì lý do tự vệ trong một cuộc cãi vã. Theo lời khai của Thiếu tá Dần, bà Quế đã dùng dao tấn công khi bắt gặp ông đang tư tình với một người phụ nữ trẻ ở Vị Thanh. Kiểm sát viên cho rằng Nguyễn Văn Dần đã giết vợ vì đổ lỗi cho vợ khiến sự nghiệp của ông sa sút. Ngày 5 tháng 5 năm 1966, Nguyễn Văn Dần bị tòa kết án một năm tù về tội giết người. Nhận định Hồ Thị Quế từng ba lần được tặng thưởng huân chương vì sự gan dạ và dũng cảm trên chiến trường. Tuy vậy, theo các nhà báo phương Tây, trên thực tế bà Quế không bao giờ tham gia các trận đánh mà chỉ đảm nhiệm việc cổ vũ tinh thần và chăm sóc thương binh ở tuyến sau. Trong số các chiến hữu biệt động quân của mình, bà nổi tiếng nhờ sự hung dữ nhưng cũng có lòng trắc ẩn; bà sẽ tấn công bất kỳ người lính nào mà bà thấy đang cướp bóc sau trận chiến, nhưng cũng sẽ an ủi và chăm sóc những người lính bị thương hoặc đang hấp hối, thường liều mạng để tiếp cận họ trên chiến trường. Đôi khi Hồ Thị Quế cạo trọc đầu nhằm bày tỏ nỗi đau buồn trước sự mất mát của những chiến hữu biệt động quân của mình. Bà cũng thể hiện lòng trắc ẩn sâu sắc đối với gia đình của những người lính biệt động quân đã chết, đấu tranh để họ nhận được những lợi ích thuộc về mình hoặc cho họ vay tiền để giúp họ trở nên độc lập về tài chính. Hồ Thị Quế còn là một nhân vật dễ nhận biết trên chiến trường. Tờ Chicago Tribune lưu ý rằng "cô ấy đã chiến đấu bên cạnh những người đàn ông với một cặp súng tự động .45 ("Colt .45 cán ngọc trai") được buộc vào hông và đội một chiếc mũ lính bằng thép bóng loáng có hình đầu hổ." Nữ Hổ Tướng là một nhân vật truyền cảm hứng, thường ở phía trước trận chiến với những người đàn ông, lao qua cánh đồng lúa, thúc đẩy toán lính của bà giành chiến thắng. Chỉ vài tháng trước khi qua đời, người ta truyền tụng rằng bà đã thoát ra khỏi trận chiến khốc liệt chống lại quân địch hàng ngàn người mà không bị trầy xước chút nào cả. Vinh danh Anh Dũng Bội Tinh (Việt Nam Cộng hòa) với 3 ngôi sao bạc Biểu chương Đơn vị Tổng thống (Hoa Kỳ) Tham khảo Năm sinh không rõ Mất năm 1965 Người bị sát hại ở Việt Nam Chết vì súng đạn ở Việt Nam Phụ nữ trong Chiến tranh Việt Nam Sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng hòa
19811959
https://vi.wikipedia.org/wiki/Th%C3%A2n%20v%C6%B0%C6%A1ng%20qu%E1%BB%91c%20S%C3%B4ng%20Hutt
Thân vương quốc Sông Hutt
Thân vương quốc Sông Hutt (tiếng Anh: Principality of Hutt River), thường được gọi bằng tên cũ, Tỉnh Sông Hutt (Hutt River Province), là một vi quốc gia ở Úc. Thân vương quốc tuyên bố là một quốc gia độc lập có chủ quyền giáp với Thịnh vượng chung Úc, được thành lập vào ngày 21 tháng 4 năm 1970. Nó bị giải thể vào ngày 3 tháng 8 năm 2020. Thân vương quốc nằm cách Perth 517 km (354 dặm) về phía Bắc, gần thị trấn Northampton ở bang Tây Úc. Nó có diện tích 75 km2 (29 dặm vuông), lớn hơn một số quốc gia được công nhận. Nó không được Chính phủ Úc cũng như bất kỳ chính phủ quốc gia nào khác công nhận là một quốc gia, và Tòa án Tối cao Úc và Tòa án Tối cao Tây Úc đã từ chối các đệ trình lập luận rằng nó không tuân theo luật pháp Úc. Thân vương quốc là một điểm thu hút khách du lịch trong khu vực cho đến khi tuyên bố đóng cửa đối với khách du lịch sau ngày 31 tháng 1 năm 2020. Nó phát hành tiền tệ, tem và hộ chiếu của riêng mình (không được chính phủ Úc hoặc bất kỳ chính phủ nào khác công nhận). Vi quốc gia này được thành lập vào ngày 21 tháng 4 năm 1970 khi Leonard Casley tuyên bố trang trại của mình là một quốc gia độc lập, Tỉnh Sông Hutt. Ông ta đã cố gắng ly khai khỏi Úc vì tranh chấp liên quan đến hạn ngạch sản xuất lúa mì. Vài năm sau, Casley bắt đầu tự phong mình là "Thân vương Leonard" và phong tước hiệu hoàng gia cho các thành viên trong gia đình, mặc dù ông không đưa từ "Thân vương quốc" vào tên chính thức cho đến năm 2006. Vào tháng 2 năm 2017, ở tuổi 91 và sau 45 năm trị vì, Casley thoái vị nhường ngôi cho con trai út, Thân vương Graeme.[9] Cựu Thân vương Leonard qua đời vào ngày 13 tháng 2 năm 2019. Vào tháng 12 năm 2019, Thân vương quốc đã thông báo rằng họ sẽ đóng cửa biên giới và ngừng các dịch vụ chính phủ bên ngoài kể từ ngày 31 tháng 1 năm 2020, cho đến khi có thông báo mới. Vào ngày 3 tháng 8 năm 2020, Thân vương quốc chính thức bị giải thể. Lịch sử Leonard Casley (28 tháng 8 năm 1925 – 13 tháng 2 năm 2019) tuyên bố Thân vương quốc là một tỉnh độc lập vào năm 1970 để đáp lại tranh chấp với chính phủ Tây Úc về điều mà gia đình Casley coi là hạn ngạch sản xuất lúa mì hà khắc. Trang trại Casley có khoảng 4.000 ha (9.900 mẫu Anh) lúa mì sẵn sàng thu hoạch khi hạn ngạch được ban hành, điều này cho phép Casley chỉ bán 1.647 giạ hoặc khoảng 40 ha (99 mẫu Anh). Ban đầu, năm gia đình sở hữu trang trại ở Hutt River đã liên kết với nhau để chống lại hạn ngạch, và Casley đã gửi đơn phản đối lên Thống đốc Tây Úc là Douglas Kendrew. Thống đốc đã không hỗ trợ. Hai tuần sau, Casley tuyên bố chính phủ đã đưa ra một dự luật trước Quốc hội để "nối lại" đất đai của ông và các gia đình khác theo luật mua lại bắt buộc. Tại thời điểm này, Casley tuyên bố rằng luật pháp quốc tế cho phép họ ly khai và tuyên bố độc lập khỏi Thịnh vượng chung Úc. Casley nói rằng ông vẫn trung thành với Nữ vương Elizabeth II. Vào khoảng thời gian này, Thân vương Leonard tuyên bố rằng trong một lần trao đổi thư từ với văn phòng Toàn quyền, Casley trong một lần vô tình được gọi là "Quản lý của tỉnh sông Hutt". Casley tuyên bố rằng điều này cấu thành sự công nhận ràng buộc về mặt pháp lý đối với Thân vương quốc. Ngay sau đó, Leonard Casley tự phong mình là "Thân vương Leonard I xứ Hutt". Casley làm điều này vì anh ta tin rằng nó sẽ cho phép anh ta lợi dụng Đạo luật phản quốc 1495 của Vương quốc Anh, quy định rằng vị vua trên thực tế của một quốc gia không thể phạm tội phản quốc liên quan đến bất kỳ hành động nào chống lại vị vua hợp pháp và bất kỳ ai can thiệp với nhiệm vụ của quốc vương đó có thể bị buộc tội phản quốc. Thân vương Leonard nói rằng ông tiếp tục bán lúa mì của mình bất chấp hạn ngạch. Casley tin rằng theo luật Úc, chính phủ liên bang có hai năm để đáp lại tuyên bố chủ quyền của Casley. Casley nói rằng việc không trả lời đã mang lại cho tỉnh "quyền tự trị trên thực tế" vào ngày 21 tháng 4 năm 1972, nhưng chính phủ Tây Úc vẫn có thể phản đối việc ly khai. Vào ngày 15 tháng 2 năm 1977, bất chấp những tuyên bố chủ quyền của Thân vương Leonard, ông đã bị truy tố thành công vì không tuân thủ các yêu cầu cung cấp cho Văn phòng Thuế vụ Úc (ATO) các tài liệu cần thiết. Vào ngày 2 tháng 12 năm 1977, Thân vương quốc tuyên chiến với Úc. Thân vương Leonard đã thông báo cho chính quyền về việc chấm dứt chiến sự vài ngày sau đó. Có thể không phải ngẫu nhiên mà lời tuyên chiến này được đưa ra chỉ vài tháng sau phán quyết của tòa án trong đó Casley bị phạt vì không cung cấp cho ATO một số tài liệu. Tình trạng chiến tranh ngắn hạn giữa Thân vương quốc và Úc là một kế hoạch theo đó mục đích của Thân vương là lập luận rằng, theo Công ước Hiệp ước Geneva ngày 12 tháng 8 năm 1949, một chính phủ nên thể hiện sự tôn trọng đầy đủ đối với một quốc gia bất bại trong tình trạng chiến tranh. Trạng thái Số liệu thống kê Gia đình Casley Thân vương xứ Sông Hutt Tiền tệ Tham khảo Chú thích Sources "Mini-states Down Under are sure they can secede" by Nick Squires, The Daily Telegraph, 24 February 2005 "If at first you don't secede…" by Mark Dapin, The Sydney Morning Herald, 12 February 2005, pp. 47–50 "Unusual World Coins", by Colin R. Bruce, Krause Publications, 2005, , p. 240 This 46-year-old Australian micronation has finally been recognised by Buckingham Palace Liên kết ngoài "Eternity" exhibition, National Museum of Australia "Prince Leonard", ABC TV transcript, 2003 Cabinet Magazine article on Hutt River Principality Khởi đầu năm 1970 ở Úc Vi quốc gia ở Úc Chế độ quân chủ ở Úc Cựu quốc gia không được công nhận Cựu thân vương quốc
19811960
https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%C3%A1nh%20gi%C3%A1%20t%C6%B0%20duy
Đánh giá tư duy
Đánh giá tư duy (tiếng Anh: Thinking Skills Assessment; TSA) hay Kiểm tra tư duy là một kỳ thi tuyển sinh đại học tại Việt Nam, do Đại học Bách khoa Hà Nội bắt đầu tổ chức từ năm 2020. Bài thi có mục đích nhằm đánh giá khả năng của học sinh về tư duy toán học, tư duy đọc hiểu, tư duy giải quyết vấn đề để có thể học tập tốt nhất tại môi trường giáo dục đại học, đặc biệt cho các ngành nghề về khoa học công nghệ, kinh tế, kỹ thuật, công nghiệp, nông nghiệp, tài chính, ngân hàng, y dược. Tại Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, TSA là bài kiểm tra đầu vào chung, được sử dụng như một phần trong quy trình tuyển sinh cho một số khóa học tại Đại học Cambridge và Đại học Oxford. Lịch sử TSA tại Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland ban đầu được phát triển và điều hành bởi Cambridge Assessment Admissions Testing. Bài thi được tạo ra nhằm giúp các trường đại học đánh giá và lựa chọn các ứng viên có đủ kỹ năng và yêu cầu cần thiết cho việc học tập ở bậc đại học. Cambridge Assessment Admissions Testing hiện sản xuất và phân phối các tài liệu thực hành, bao gồm các câu hỏi mẫu và các bài thi cũ trên trang web của họ. Tại Việt Nam, TSA lần đầu tiên được Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức vào năm 2020, sau khi Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia được chuyển đổi trở lại thành Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông do những tác động của đại dịch COVID-19 tại Việt Nam. Kỳ thi bị hủy bỏ vào năm 2021 vì đại dịch và tiếp tục được tổ chức từ năm 2022 đến nay. Hình thức 2020–2022 Bài thi Kiểm tra tư duy (2020) và kỳ thi Đánh giá tư duy (2022) bao gồm 3 tổ hợp cho thí sinh tự chọn (K01, K02 và K03). Bài thi tổ hợp diễn ra trong 270 phút, gồm ba phần: phần bắt buộc với môn Toán và Đọc hiểu (120 phút); phần tự chọn 1 gồm các môn khoa học tự nhiên: Lý, Hóa, Sinh (90 phút); phần tự chọn 2 là môn Tiếng Anh (60 phút) hoặc có thể quy đổi các chứng chỉ quốc tế như IELTS. Thí sinh bắt buộc làm các phần thi Toán – Đọc hiểu. Ở phần thi tự chọn, thí sinh có thể chọn phần thi khoa học tự nhiên hoặc tiếng Anh, hoặc cả hai. Phần thi bắt buộc được tổ chức vào buổi sáng, hai phần tự chọn tổ chức vào buổi chiều để đảm bảo các thí sinh có thể thi cả ba phần. Bài thi đánh giá tư duy sẽ được thi trên giấy, các câu hỏi là trắc nghiệm và trả lời trên phiếu như thi THPT. Riêng môn Toán và Tiếng Anh có một phần tự luận để đánh giá cách tư duy và khả năng trình bày của các thí sinh. 2023–nay Kể từ năm 2023, bài thi Đánh giá tư duy được thiết kế gồm bốn dạng trắc nghiệm gồm chọn đáp án, trả lời đúng sai, kéo thả và điền vào chỗ trống, chuyển từ thi trên giấy sang máy tính. Bài thi Đánh giá tư duy mới gồm ba phần Toán học, Đọc hiểu và Giải quyết vấn đề, diễn ra trong 150 phút trên máy tính với thang điểm tối đa 100. Các câu hỏi được thiết kế theo ba mức độ tư duy: tái hiện, suy luận và bậc cao. Trong đó, phần tái hiện chiếm 20-30% đề thi, mỗi phần còn lại chiếm 30-40%. Sau khi hoàn thành bài thi, thí sinh được cấp giấy chứng nhận có giá trị trong hai năm, được đăng ký xét tuyển vào bất cứ đại học nào sử dụng kết quả của kỳ thi Đánh giá tư duy. Danh sách đơn vị tuyển sinh sử dụng kết quả kỳ thi Danh sách 33 đại học, trường đại học và học viện sử dụng kết quả kỳ thi Đánh giá tư duy để xét tuyển đại học năm 2023. Đại học Bách khoa Hà Nội Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải Trường Đại học Giao thông Vận tải Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng Trường Đại học Thủy lợi Trường Đại học Xây dựng Hà Nội Trường Đại học Mỏ – Địa chất Học viện Tài chính Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp Trường Đại học Thương mại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội Trường Đại học Dược Hà Nội Trường Đại học Mở Hà Nội Trường Đại học Hà Nội Trường Đại học Công nghệ Đông Á Trường Đại học Kinh tế Nghệ An Trường Đại học Vinh Trường Đại học Hồng Đức Trường Đại học Dầu khí Việt Nam Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu nghị Trường Đại học Quy Nhơn Trường Đại học Nguyễn Trãi Trường Đại học Đông Đô Trường Đại học Chu Văn An Học viện Chính sách và Phát triển Trường Đại học Hải Phòng Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông Trường Đại học Lâm nghiệp Trường Đại học Thái Bình Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh Trường Đại học Quốc tế Bắc Hà Danh sách kỳ thi Đánh giá tư duy Xem thêm Đánh giá năng lực Kỳ thi tuyển sinh đại học và cao đẳng (Việt Nam) Tham khảo Liên kết ngoài Trang web chính thức Facebook chính thức Đại học Bách khoa Hà Nội Tuyển sinh đại học và cao đẳng Kỳ thi chuẩn hóa Thi cử tại Việt Nam Thi tuyển Áp lực học tập trong văn hóa Á Đông Hệ thống giáo dục Việt Nam
19811971
https://vi.wikipedia.org/wiki/Pav%20bhaji
Pav bhaji
Pav bhaji (tiếng Marathi: पाव भाजी) là một món ăn đường phố Ấn Độ, bao gồm cà ri rau dày (bhaji) ăn kèm với bánh mì mềm cuộn (pav). Nó có nguồn gốc ở thành phố Mumbai. Lịch sử Món ăn này có nguồn gốc là món ăn nhanh vào giờ ăn trưa của công nhân nhà máy dệt ở Mumbai. Pav bhaji sau đó được phục vụ tại các nhà hàng trên khắp thành phố. Pav bhaji hiện được cung cấp tại các cửa hàng từ xe đẩy tay đơn giản đến các nhà hàng sang trọng ở Ấn Độ và trên thế giới. Chuẩn bị Pav bhaji là một hỗn hợp gia vị gồm các loại rau nghiền trong nước sốt đặc ăn kèm với bánh mì. Các loại rau trong món cà ri thường bao gồm khoai tây, hành tây, cà rốt, ớt, đậu Hà Lan, ớt chuông và cà chua. Những người bán hàng rong thường nấu cà ri trên chảo phẳng (tava) và phục vụ món ăn nóng. Bánh mì cuộn trắng mềm là món ăn kèm thông thường của món cà ri, nhưng điều này không ngăn cản việc sử dụng các loại bánh mì khác như chapati, roti hoặc bánh mì nâu. Các biến thể Các biến thể của pav bhaji bao gồm: Cheese pav bhaji, với pho mát trên đầu bhaji Fried pav bhaji, với pav bên trong bhaji Paneer pav bhaji, với pho mát paneer trong bhaji Mushroom pav bhaji, với nấm trong bhaji Khada pav bhaji, trong đó rau ở dạng khối chứ không phải nghiền Jain pav bhaji, không có hành và tỏi and with plantain thay thế cho khoai tây Kolhapuri pav bhaji, sử dụng hỗn hợp gia vị phổ biến ở Kolhapur Tham khảo Ẩm thực đường phố Ẩm thực Ấn Độ Ẩm thực Maharashtra Cà ri
19811972
https://vi.wikipedia.org/wiki/Raphael%20Success
Raphael Success
Akwa Raphael Success (sinh ngày 10 tháng 3 năm 1998) là một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp người Nigeria hiện đang thi đấu ở vị trí tiền đạo cánh cho câu lạc bộ Công an Hà Nội tại Giải bóng đá Vô địch Quốc gia Việt Nam. Tham khảo Liên kết ngoài Sinh năm 1998 Nhân vật còn sống Cầu thủ bóng đá Nigeria Cầu thủ bóng đá Nigeria ở nước ngoài Tiền đạo bóng đá Cầu thủ bóng đá Ayeyawady United F.C. Cầu thủ bóng đá Shan United F.C. Cầu thủ bóng đá Kasetsart F.C. Cầu thủ bóng đá Police Tero F.C. Cầu thủ câu lạc bộ bóng đá Công an Hà Nội Cầu thủ Giải Vô địch quốc gia Myanmar Cầu thủ Giải bóng đá Ngoại hạng Thái Lan Cầu thủ giải bóng đá vô địch quốc gia Việt Nam Cầu thủ bóng đá nước ngoài ở Việt Nam Cầu thủ bóng đá nước ngoài ở Thái Lan Cầu thủ bóng đá nước ngoài ở Myanmar
19811978
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%ADnh%20Long
Chính Long
Chính Long có thể là: Chính Long (正隆) (正隆公司), Đài Loan Niên hiệu của Hoàn Nhan Lượng, nhà Kim (正隆). Chính Long (正龍) Diễn viên Đài Loan (藍正龍). Hương (正龙乡), quận Hưng Tân, thành phố Lai Tân, khu tự trị dân tộc Hoàng Quảng Tây, Trung Quốc. Chính Long (政隆) Chính khách nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Ngô Chính Long (吴政隆). Niên hiệu của Lý Anh Tông, nhà Lý (政隆寶應). Chính Long (政龍) Phó Chủ tịch (英皇集團) (楊政龍). Xem thêm Masataka ()
19811983
https://vi.wikipedia.org/wiki/D%C3%A3y%20n%C3%BAi%20Acarai
Dãy núi Acarai
Dãy núi Acarai (chữ Anh: Acarai Mountains, chữ Bồ Đào Nha: Serra do Acaraí, chữ Pháp: Montes Acaraí) là dãy núi phân chia ranh giới Brazil và phía nam Guyana, cao khoảng 600 mét (2.000 bước Anh) so với mặt nước biển, chạy theo hướng đông - tây, kéo dài khoảng 130 kilômét (80 dặm Anh), hình thành một phần đường phân thuỷ ở phía bắc bồn địa Amazon. Toàn bộ khu vực là rừng mưa nhiệt đới rậm rạp, xum xuê. Dãy núi Acarai là một trong bốn dãy núi lớn của Guyana, ba dãy nũi khác là dãy núi Imataka, dãy núi Kanuku và dãy núi Pacaraima. Đầu nguồn của sông Essequibo - sông dài nhất Guyana, và sông Courantyne, đều nằm trên dãy núi này. Đầu nguồn sông Essequibo là do đoàn thám hiểm người Guyana - Đức phát hiện vào năm 2013. Dãy núi lần đầu tiên được nhắc đến bởi A.H. Brué, ông gọi nó là Sierra do Acaray. Cuối niên đại 1970, vệ tinh nhân tạo đã chụp vẽ bản đồ khu vực này. Dãy núi là nơi sinh sống của người Wai-wai, họ là hậu duệ của bộ lạc Taruma. Họ lần đầu tiên được đề cập vào khoảng năm 1837. Dãy núi Acarai có điểm cao nhất nằm ở , cao 1.009 mét (3.310 bước Anh) so với mặt nước biển. Dãy núi duỗi dài về phía đông, trở thành dãy núi Tumuk Humak phân chia ranh giới giữa Brazil với Suriname và Guiana thuộc Pháp. Chú thích Liên kết ngoài Truyện kể Guyana, chương 3 Dãy núi tại Guyana Dãy núi tại Brazil
19811987
https://vi.wikipedia.org/wiki/Boeing%20KB-29%20Superfortress
Boeing KB-29 Superfortress
Boeing KB-29 là một loại máy bay được sửa đổi từ Boeing B-29 Superfortress dành cho nhiệm vụ tiếp nhiên liệu trên không của Không quân Hoa Kỳ (USAF). Có hai phiên bản chính được phát triển và sản xuất là KB-29M và KB-29P. Phi đội tiếp Nhiên liệu Trên không 509 (đóng quân tại Căn cứ Không quân Walker ở New Mexico), và Phi đội tiếp Nhiên liệu Trên không 43 (thuộc Căn cứ Không quân Davis–Monthan ở Arizona) được thành lập vào năm 1948 để vận hành các máy bay KB-29M. Phi đội Hệ thống Hàng không 303 tại căn cứ Davis-Monthan đã sử dụng B-29 và KB-29 từ năm 1951 đến năm 1953 để huấn luyện các hoạt động bắn phá chiến lược và tiếp nhiên liệu trên không nhằm đáp ứng các cam kết toàn cầu của Bộ tư lệnh Không quân Chiến lược (SAC). KB-29 cũng từng được triển khai tại Căn cứ Không quân Sidi Slimane ở Maroc thuộc Pháp từ ngày 5 tháng 10 đến ngày 6 tháng 11 năm 1952. Biến thể KB-29M Nguồn: Baugher và National B-29 đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển hoạt động tiếp nhiên liệu trên không vào cuối thập niên 1940. Máy bay đầu tiên tham gia vào hoạt động này là máy bay chở nhiên liệu KB-29M và máy bay nhận nhiên liệu KB-29MR. Lúc đầu, để tiếp nhiên liệu giữa 2 máy bay đang bay, họ sử dụng một hệ thống neo giữ bằng móc, được gọi là phương pháp ống vòi vòng; máy bay chở nhiên liệu sẽ bay theo đội hình ở phía sau, bên trên và bên trái của máy bay nhận. Sau đó, nó sẽ thả một sợi dây cáp được gắn với vật nặng 25 kg (để làm cho nó được treo lủng lẳng gần như thẳng đứng). Máy bay nhận cũng sẽ kéo theo một dây cáp (để làm cho dây gần như nằm ngang), đầu dây kết thúc bằng hình nón và có một cái móc. Khi cả hai dây cáp đều được 2 máy bay kéo theo, máy bay chở nhiên liệu sẽ băng qua bên phải của máy bay nhận để hai dây cáp quấn lấy nhau. Sau đó, máy bay tiếp liệu kéo cả hai dây vào thân của nó tại vị trí mà cáp của máy bay nhận kết nối với ống của máy bay tiếp liệu. Sau khi kết nối với các ngăn chứa nhiên liệu bên trong, quá trình bơm sẽ bắt đầu. Khi máy bay nhận đầy nhiên liệu, quy trình được đảo ngược cho phép máy bay tiếp liệu thu hồi ống vòi và máy bay nhận thu hồi dây cáp. Mặc dù phương pháp này còn vụng về, nhưng nó thường được sử dụng vào cuối thập niên 1940 trước khi có hệ thống khác tốt hơn được phát triển. Kiểu tiếp liệu này từng được sử dụng cho máy bay Lucky Lady II trong chuyến bay vòng quanh thế giới nổi tiếng của nó vào năm 1949. Điều này giúp làm lung lay lập luận về câu hỏi liệu nên để Không quân Hoa Kỳ hay Hải quân Hoa Kỳ (USN) cung cấp khả năng vận chuyển hạt nhân. USAF đã giành chiến thắng trước USN bằng việc mở rộng quy mô lớn Bộ Tư lệnh Không quân Chiến lược và các chương trình siêu tàu sân bay của Hải quân bị hủy bỏ. Phương pháp ống vòi vòng đòi hỏi cần nhiều người tham gia vào quá trinh kéo dây cáp và ống vòi, do đó nó chỉ được áp dụng với các máy bay lớn vì có nhiều thành viên phi hành đoàn. Để tiếp nhiên liệu trên không cho máy bay một hoặc hai chỗ ngồi chẳng hạn như các máy bay chiến đấu phản lực, một số chiếc KB-29M sử dụng phương pháp hệ thống ống dẫn đầu rổ và đầu dò (probe-and-drogue). Trong hệ thống này, một ống mềm được kéo thả ra từ máy bay tiếp liệu, đầu ống gắn với van và phụ kiện giống như cái rổ lớn (drogue), phụ kiện này giúp giữ ổn định ống trong khi bay, đồng thời nó cũng có một cái phễu để hỗ trợ đưa đầu dò trên máy bay nhận liên kết với ống mềm. Máy bay nhận có một đầu dò (probe) gắn trên mũi hoặc trên thân, phi công sẽ điều khiển máy bay đưa đầu dò vào bên trong phụ kiện rổ và kết nối với ống mềm của máy bay tiếp liệu. Một chiếc KB-29M được điều chỉnh để có thêm hai ống tiếp nhiên liệu trên đầu cánh, và đổi tên thành YKB-29T. Nó được xem là nguyên mẫu cho KB-50D. Các hệ thống tiếp nhiên liệu trên KB-29M được phát triển và lắp đặt bởi Flight Refueling Ltd tại Tarrant Rushton ở Anh. KB-29P Nguồn: Baugher và National Trong nỗ lực cải thiện hệ thống đầu rổ và đầu dò (probe-and-drogue), Boeing đã phát triển một hệ thống ống cứng (rigid flying boom system), lần đầu tiên được sử dụng trên KB-29P. Ống được gắn ở phía sau cùng của máy bay và sử dụng một bộ bề mặt điều khiển giống đuôi chữ V để giúp ổn định ở đầu phía xa của nó. Các bề mặt kiểu đuôi chữ V vẫn được sử dụng trên hầu hết các máy bay tiếp liệu của Không quân Mỹ trong thế kỷ 21, người phụ trách tiếp liệu có thể điều khiển hệ thống này. Hệ thống ống cứng trở thành phương pháp tiếp nhiên liệu phổ biến nhất trong USAF khi nó được trang bị trên KC-97 Stratofreighter, KC-135 Stratotanker, KC-10 Extender, KC-46 Pegasus, và được Bộ Tư lệnh Không quân Chiến lược chọn làm phương pháp ưa thích cho các máy bay ném bom của họ. KB-29P được vận hành bởi Phi đội tiếp Nhiên liệu Trên không 420 đóng tại Khu Huấn luyện Sculthorpe ở Norfolk vào giữa thập niên 1950. Quốc gia sử dụng Không quân Hoa Kỳ: 92 chiếc KB-29M, 74 chiếc KB-29MR, 116 chiếc KB-29P Thông số kỹ thuật (KB-29P) Dữ liệu lấy từ United States Military Aircraft since 1909 Đặc điểm tổng quát Chiều dài: 36,6 m (120 ft 1 in) Sải cánh: 43,05 m (141 ft 3 in) Chiều cao: 9,02 m (29 ft 7 in) Diện tích cánh: 161,3 m2 (1.736 ft2) Trọng lượng không tải: 31.303 kg (69.011 lb) Trọng lượng có tải: 62.823 kg (138.500 lb) Động cơ: 4 × động cơ piston hướng kính Wright R-3350 Duplex-Cyclone, mỗi động cơ có công suất 1.600 kW (2.200 mã lực) Hiệu suất bay Vận tốc tối đa: 640 km/h (400 dặm/giờ; 350 hải lý/giờ) ở độ cao 9.150 m (30.000 ft) Vận tốc bay hành trình: 507 km/h (315 dặm/giờ; 274 hải lý/giờ) Tầm bay: 3.700 km (2.300 dặm, 2.000 hải lý) Trần bay: 12.000 m (38.000 ft) Vận tốc tăng độ cao: 2,5 m/giây (500 ft/phút) Xem thêm Tupolev Tu-4 – Bản sao của Liên Xô cũng được sử dụng làm máy bay chở nhiên liệu Máy bay có sự phát triển liên quan Boeing KB-50 Máy bay có vai trò, cấu hình và thời đại tương đương Boeing KC-97 Stratofreighter Danh sách liên quan Danh sách máy bay quân sự của Hoa Kỳ Tham khảo Thư mục Swanborough, FG và Peter M. Bowers. United States Military Aircraft since 1909. Luân Đôn: Putnam, Ấn bản đầu tiên, năm 1963. Liên kết ngoài Bách khoa toàn thư về Máy bay ném bom của Baugher Trang mục lục B-29. Máy bay cánh giữa Bản mẫu webarchive dùng liên kết wayback Boeing B-29 Superfortress Máy bay quân sự Boeing Tiếp nhiên liệu trên không
19811989
https://vi.wikipedia.org/wiki/Guitar%20World
Guitar World
Guitar World là một tạp chí âm nhạc hàng tháng dành cho các nghệ sĩ guitar – và người hâm mộ âm nhạc và xu hướng dựa trên guitar – lần đầu được xuất bản từ tháng 7 năm 1980. Guitar World (tạp chí guitar bán chạy nhất tại Hoa Kỳ) chứa các buổi phỏng vấn và hồ sơ nghệ sĩ nguyên bản, cộng với các bài học/chuyên mục (với bản chép nhạc và các tệp âm thanh hoặc video liên quan), đánh giá trang thiết bị, tin tức và bản chép nhạc độc quyền (dành cho guitar và bass) của ba bài hát ở mỗi số in. Tạp chí được Future plc xuất bản 13 số mỗi năm (12 số hàng tháng và một số kì nghỉ lễ). Damian Fanelli là Tổng biên tập của Guitar World kể từ tháng 6 năm 2018. Lịch sử ra đời Stanley Harris (một nhà xuất bản tạp chí ở New York) đã cho ra đời tạp chí Guitar World vào tháng 7 năm 1980. Số đầu tiên của tạp chí có hình nghệ sĩ blues Johnny Winter trên trang bìa và có mảng ảnh của của The Allman Brothers Band, George Thorogood và guitar điện có bàn đạp chỉnh tiếng. Như cựu Tổng biên tập Brad Tolinski viết trong số tạp chí kỷ niệm 40 năm thành lập, "Đó là một khởi đầu tốt, nhưng mảng thiết kế và nội dung biên tập vẫn còn hơi mờ nhạt. Nếu bạn so sánh nó với một bộ khuếch đại, số ít vấn đề đầu tiên của GW là một combo tweed 40 watt rắn chắc, trong khi thứ mà Harris thực sự muốn là một dãy Marshalls 100 watt." Dennis Page (một đại diện quảng cáo tranh thủ phụ trách mảng kinh doanh của tạp chí mới) đã thuê một Tổng biên tập mới là Noe Goldwasser [hay được gọi là Noe Gold]; Gold đã để tâm đến giới nhạc metal underground, nên in bài đầu tiên trong số nhiều câu chuyện trang bìa với Eddie Van Halen. Ông là người biên tập một số số báo mang tính bước ngoặt ở thập kỷ đầu tiên của tạp chí, tính cả số kỷ niệm lần thứ 5 của GW vào năm 1985, trong đó có nguyên tập kỷ niệm Jimi Hendrix; và một lời tri ân dành cho Jimmy Page của Led Zeppelin vào tháng 7 năm 1986, ghi một cuộc phỏng vấn dài 15 trang với vị huyền thoại ẩn dật này, cùng với các bản chép lại những ghi chú đầu cho các khúc solo của Page với Stairway to Heaven và Rock and Roll. Khi Gold rời tạp chí vào năm 1988, những người thay thế ông là Tổng biên tập Joe Bosso và Giám đốc biên tập Matt Resnicoff. Do sở thích âm nhạc khác nhau của họ (Bosso thích đưa tin về các nghệ sĩ rock 'n' roll trong khi Resnicoff là một tín đồ của jazz-fusion), tạp chí đã vấp phải cách tiếp cận chia sẽ về mảng đưa tin. Như nhà xuất bản Page kể, "Có lúc tạp chí đã lạc lối. Chúng tôi bắt đầu đưa vào rất nhiều nhạc jazz, thứ mà độc giả của chúng tôi chẳng quan tâm. Tôi biết chìa khóa dành cho chúng tôi là trẻ hơn chứ không phải già đi." Thay đổi ấy đã đến vào năm 1989, khi Tolinski được mời đảm nhận vai trò lãnh đạo của tạp chí. Tolinski viết vào năm 2020: “Chỉ cần nhìn thoáng qua các số tháng 5 và tháng 6 năm 1989 là tóm tắt được câu chuyện. Ở một trang bìa, Allan Holdsworth trông có vẻ khá lo lắng rụt rè nấp sau cây đàn Steinberger của anh ấy, và ở trang tiếp theo, Zakk Wylde bùng nổ với cơn giận dữ con thú thuần túy trong khi tít báo hét lên SPECIAL REPORT! THE YOUNG GUNS OF METAL. GW đã chuyển từ đen trắng sang in màu đầy đủ." Tolinski vẫn ở lại tạp chí cho đến tháng 4 năm 2015, khi vị trí của ông được thay thế bởi Jeff Kitts (từng nằm trong ban biên tập của GW từ đầu thập niên 1990). Rồi người kế nhiệm Kitts là Damian Fanelli, làm tổng biên tập của GW kể từ tháng 6 năm 2018; Fanelli đã làm việc cho tạp chí từ năm 2011, lúc đầu làm biên tập viên quản lý mảng trực tuyến của tạp chí, rồi trở thành biên tập viên quản lý của tạp chí. Lịch sử xuất bản và tạp chí chị em Số đầu tiên của Guitar World chỉ dày 82 trang, có số lượng nhân viên và ngân sách rất nhỏ và thậm chí không có lịch phát hành hàng tháng trong khoảng 12 năm đầu tiên xuất bản. Đến năm 1984, GW bắt đầu nhân lên – các chi nhánh phát sinh trở thành một phần trọng tâm của ấn phẩm khi chủ nhân tìm cách mở rộng phạm vi tiếp cận sang các thị trường và nhân khẩu học khác. Năm ấy chứng kiến sự ra đời của Guitar Heroes, chuyên mục hướng dẫn one-shot cho hơn 100 người trong số các nghệ sĩ guitar vĩ đại nhất mọi thời đại. Đầu năm 1992, ý tưởng này được phục hồi với tên gọi Guitar World Legends bán thường niên, song đi kèm một thay đổi lớn: mỗi số báo được hình thành nhằm tôn vinh dành cho một nghệ sĩ hoặc thể loại, và chứa các cuộc phỏng vấn, các bài học, hướng dẫn trang thiết bị, ảnh hiếm, v.v cũ của GW. Revolver (một trong những ấn phẩm hard rock và metal hàng đầu vẫn đang hoạt động) được xem là ấn phẩm chị em của GW vào năm 1999. Khi xuất hiện trên các sạp báo vào mùa xuân năm 2000, số đầu tiên của Revolver chứa đựng sự kết hợp nội dung độc đáo, gồm lịch sử truyền miệng về The Doors, cảnh hậu trường về giới nhạc pop Nhật Bản và các thành viên của Slipknot mặc vest thời trang của nam. Nhưng có lẽ thế giới vẫn chưa sẵn sàng cho một sự kết hợp chiết trung như vậy: chỉ sau một vài số phát hành, Revolver đã được tái trang bị và tái ra mắt lại thành tạp chí mà người hâm mộ metal biết đến ngày nay. GW lần lượt được các đơn vị Harris Publications xuất bản từ 1980 đến 2003 và Future US xuất bản từ 2003 đến 2012. NewBay Media tiếp quản tạp chí từ năm 2012 đến 2018, cho đến khi Future plc mua lại tạp chí vào tháng 4 năm 2018. Guitar World từng mô tả ca khúc "War Pigs" của Black Sabbath là "bài hát heavy metal hay nhất từ trước đến nay." Nhân sự biên tập chủ chốt Tổng biên tập – Damian Fanelli Biên tập âm nhạc cấp cao – Jimmy Brown Biên tập công nghệ – Paul Riario Phó tổng biên tập – Andy Aledort, Chris Gill Giám đốc nghệ thuật – Mixie von Bormann GuitarWorld.com GuitarWorld.com được ra mắt lần đầu tiên vào năm 1994 dưới dạng bản sao trực tuyến của tạp chí Guitar World. Ấn bản do một nhóm điều hành riêng so với ấn phẩm in và đăng các tin tức, tính năng, cuộc phỏng vấn, bài học, bài đánh giá và hướng dẫn người mua về guitar cập nhật từng phút, cũng như nội dung chọn lọc từ tạp chí. Trang web đạt 3,3 triệu người dùng mỗi tháng. Kể từ năm 2020, ấn phẩm đã trở thành ngôi nhà trực tuyến của các thương hiệu guitar khác của Future, kể cả các tựa tạp chí Guitarist, Total Guitar, Guitar Techniques của Anh và Bass Player của Mỹ, trước đây tất cả đều được lưu trữ trên trang web chị em MusicRadar của GuitarWorld.com. Australian Guitar cũng là một phần trong danh mục thương hiệu GuitarWorld.com. Trong kỷ nguyên NewBay Media của Guitar World, trang web do Damian Fanelli làm biên tập (hiện đang nắm chức Tổng Tổng biên tập của tạp chí in). Kể từ năm 2019, Tổng biên tập của GuitarWorld.com là cựu biên tập viên mảng guitar của MusicRadar, Michael Astley-Brown. Nhân sự Tổng biên tập – Michael Astley-Brown Phó tổng biên tập – Jackson Maxwell Đội tác giả – Sam Roche, Matt Owen Chú thích Liên kết ngoài Trang web của Guitar World Tạp chí xuất bản ở thành phố New York Tạp chí thành lập vào năm 1980 Tạp chí guitar Tạp chí âm nhạc xuất bản ở Hoa Kỳ Tạp chí xuất bản hàng tháng ở Hoa Kỳ
19811998
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ti%E1%BB%87c%20tr%C3%A0
Tiệc trà
Tiệc trà (Tea party hay Tea meal) là một bữa tiệc sự kiện hội họp được tổ chức vào buổi chiều bắt nguồn từ truyền thống thượng lưu Anh quốc. Tiệc trà được coi là dành cho các cuộc họp kinh doanh trọng thể, lễ kỷ niệm xã hội trang trọng hoặc chỉ như là một bữa ăn nhẹ vào buổi chiều. Ban đầu, trong một bữa tiệc trà thì món trà lá được phục vụ để trong ấm trà cùng với sữa và đường. Nhiều loại thức ăn như bánh mì, bánh nướng, bánh ngọt và bánh quy được phục vụ cùng với trà theo cách xếp tầng. Thức ăn phục vụ trong tiệc trà tùy theo mùa. Mọi người thường dùng thức ăn khô vào mùa đông và sẽ dùng trái cây và quả mọng vào mùa hè và mùa xuân. Các bữa tiệc trà trang trọng thường nó nét đặc trưng với các dụng cụ sang trọng như đồ sứ, đồ bạc. Bàn tiệc có thể được phủ khăn ăn và cốc và đĩa được bài trí. Tiệc trà kiểu Anh là một văn hóa thưởng trà truyền thống của nước Anh. Thường thì người Anh dành một khoảng thời gian vào buổi chiều để thưởng thức những tách trà nóng cùng bánh ngọt. Tiệc trà kiểu Anh thường nặng về hình thức và kèm theo là một thực đơn gồm các loại bánh đắt tiền chứng tỏ sự cao sang, quý tộc và thịnh soạn gọi là trà bá tước. Nữ hoàng Victoria được cho là đã từng mua đồ thịnh soạn cho bữa tiệc trà tại Cung điện Buckingham. Theo truyền thống, những người hầu ở bên ngoài phòng cho đến khi được gọi vào. Trong quá khứ, tiệc trà chiều được tổ chức thường xuyên. Trong khi đó, các bữa tiệc trà hiện nay đang trở thành các sự kiện tụ tập xã hội trong các nhà hàng tiệc trà cao cấp. Tiệc trà là bữa ăn nhẹ với các loại bánh ngọt, trái cây, nước uống giúp thực khách thoải mái khi tham gia vào các sự kiện, hội nghị. Thông thường tiệc trà diễn ra vào giữa buổi tiệc nhưng cũng có những sự kiện thì tiệc này được tổ chức đầu hoặc cuối. Tiệc trà có thời gian tổ chức khoảng 30 đến 45 phút và thường được tổ chức ở hình thức tiệc đứng (buffet) đứng để tạo không gian thoải mái, linh động. Thực đơn tiệc trà nhẹ có sự góp mặt của các loại bánh ngọt teabreak đa dạng kết hợp với các hương vị tự nhiên của thức uống ấm nóng, thêm vào đó là trái cây tươi đã được cắt gọt sẵn. Tiệc trà thường được tổ chức với mục đích như khai trương cửa hàng, khai mạc các sự kiện hội nghị quan trọng hay các chương trình có giờ nghỉ giải lao giữa giờ. Chú thích Tham khảo Dawn L. Campbell, The Tea Book (1995), Pelican Publishing, Louisiana. Joanna Isles, A Proper Tea (1987), Johnson Editions Ltd, Helen Simpson, The London Ritz Book of Afternoon Tea: The Art and Pleasures of Taking Tea, (1986) Angus & Robertson Publishers, North Ryde and London, Flanders, Judith, The Victorian House: Domestic Life from Childbirth to Deathbed, 2003, Harper Perennial, Ẩm thực
19811999
https://vi.wikipedia.org/wiki/Kappa%20Mikey%20%28phim%29
Kappa Mikey (phim)
là một bộ phim hoạt hình của Mỹ được sản xuất bởi Larry Schwarz. Bộ phim này được thực hiện bởi hãng phim Animation Collective của Schwarz. Bộ phim này được công chiếu vào ngày 25 tháng 2 năm 2006 và kết thúc vào ngày 20 tháng 9 năm 2008. Bộ phim này có 52 tập. Tại Việt Nam, loạt phim ra mắt trọn bộ 52 tập đã có thuyết minh được phát sóng trên kênh An Viên - BTV9, SAM - BTV11. Bộ phim này được đón nhận lần đầu tiên vào năm 2002, khi có thông báo rằng nhóm thiếu niên The N của Noggin sẽ đồng phát triển và phát sóng bộ phim này. Animation World Network báo cáo rằng Noggin/The N đã ký hợp đồng với tư cách là nhà đồng sản xuất. Tuy nhiên, bộ phim này đã được chuyển sang Nicktoons Network, một kênh cùng loại với Noggin. Với động thái này, nó đã trở thành loạt phim dài nửa tiếng đầu tiên được công chiếu độc quyền trên Nicktoons. Cốt truyện Bộ phim này là một bản nhại (parody) của anime Nhật Bản, kể về một diễn viên trẻ người Mỹ tên là Mikey Simon, người có ngoại hình được tạo kiểu theo phim hoạt hình của phương Tây, và đến Nhật Bản để đóng vai chính trong một tokusatsu có tên "LilyMu", nơi các diễn viên chịu ảnh hưởng từ anime của họ đại diện cho những khuôn sáo anime phổ biến. Mỗi tập phim tuân theo những bước cụ thể. Một tập phim điển hình bắt đầu với việc dàn diễn viên quay một phân đoạn của "LilyMu", nhưng cảnh quay bị hỏng, đôi khi để lộ xung đột mà các nhân vật phải giải quyết trong suốt phần còn lại của tập phim, với một tình tiết phụ chạy bên dưới cốt truyện chính. Sau khi vấn đề được giải quyết, phân đoạn "LilyMu" sẽ được quay lại và hoàn thành xuất sắc lần thứ hai, thường được viết lại để kết hợp bất kỳ bài học nào đã học được trong câu chuyện chính. Vào sâu trong phần 2, Kappa Mikey đã ngừng chiếu phân cảnh "LilyMu" ở cuối tập phim bất cứ khi nào nó khiến tập phim quá dài, khi các nhân vật mặc đồng phục "LilyMu" của họ đủ như vậy hoặc khi họ quay thành công một phân cảnh mà không có bất kỳ chỗ nào sai lầm trước khi kết thúc. Nhân vật/Phân vai Michael Sinterniklaas vai Mikey Simon Sean Schemmel vai Gonard Gary Mack vai Guano Kether Donohue vai Lily Carrie Keranen vai Mitsuki Stephen Moverly vai Ozu Jesse Adams vai Yes Man Sản xuất Tiêu đề của bộ phim này là một cách chơi chữ "kappamaki", một loại sushi. Có ý kiến ​​​​cho rằng, bộ phim này là nguồn cảm hứng để đặt tên cho nhân vật tiêu đề là "Mikey" và sử dụng tiền tố "kappa". Giống như "Mikey", một "con cá ra khỏi nước" ở Nhật Bản, bản thân "kappa" là một sinh vật quỷ ở dưới nước có thể sống trên cạn. Các "kappa" lần đầu tiên xuất hiện trong bộ phim này trong tập "Kappa Mikey" vào ngày 5 tháng 8 năm 2007, nơi nguồn gốc của tiêu đề được giải thích. Thật trùng hợp, Mikey cũng chia sẻ tên của mình với diễn viên lồng tiếng. Không giống như các phim hoạt hình khác được sản xuất vào đầu thế kỷ 21, tài sản này thuộc sở hữu của hãng phim thay cho một công ty quản lý, phim này không được thuê bên ngoài và các tập phim được viết bởi nhân viên toàn thời gian. Sau khi sản xuất các dự án dựa trên Internet và các điểm truyền hình, loạt phim này đã trở thành loạt phim hoạt hình đầu tiên của Animation Collective. Bộ phim được sản xuất tại Thành phố New York; quá trình tiền sản xuất bắt đầu vào năm 2002 và hoạt hình bắt đầu vào mùa hè năm 2005. Quá trình sản xuất hai phần kết thúc vào tháng 9 năm 2007. Schwarz hình thành bộ phim này vào năm 2000, khi ông đang làm việc tại Rumpus Toys, một công ty thiết kế đồ chơi ở Thành phố New York, nhưng họ đã sắp xếp lại trước khi bất kỳ quá trình xây dựng bảng phân cảnh nào có thể bắt đầu. Nhiều năm sau, họ xuất hiện trở lại với tư cách là người của Animation Collective và sản xuất một cốt truyện thử nghiệm ban đầu để quảng cáo chiêu hàng cho MTV Networks, nơi các thiết kế và bối cảnh nhân vật gần giống với những gì được tìm thấy trong sê-ri "Perfect Hair Forever" dành cho người lớn, và sự hài hước cũng hướng đến người lớn hơn. Phần lớn dàn diễn viên hiện tại đã lồng tiếng cho các nhân vật của họ ngay cả trong giai đoạn đầu sản xuất. Vào tháng 9 năm 2001, Sunbow Entertainment đã ký hợp đồng cùng sản xuất với Rumpus Toys để sản xuất loạt phim này. Công ty mẹ của Sunbow TV-Loonland AG sẽ nắm giữ quyền phân phối video tại nhà và trên toàn thế giới. Vào tháng 5 năm 2002, dự án này đã được Noggin chọn cho khối lập trình dành cho thanh thiếu niên The N. Noggin/The N đã ký thỏa thuận đồng phát triển cho bộ phim, trong khi Animation Collective giữ bản quyền của loạt phim và tiếp quản quyền phân phối từ TV-Loonland. Chương trình đã được trang bị lại để thu hút nhóm nhân khẩu học trẻ hơn một chút so với khán giả chính từ 18-34 tuổi của MTV. Vì những lý do không rõ, Sunbow sau đó đã rút khỏi thỏa thuận và vào thời điểm hoạt hình hoàn thành, The N đã chuyển nhiều hơn sang các chương trình hành động trực tiếp và Kappa Mikey đã được chuyển đến Mạng lưới Nicktoons trẻ hơn, nơi loạt phim đã được điều chỉnh thậm chí hơn nữa để hướng đến đối tượng là trẻ nhỏ. Tài năng lồng tiếng thường là người địa phương và âm thanh của nó được ghi lại tại NYAV Post có trụ sở tại Manhattan, công ty chuyên sở hữu Michael Sinterniklaas. Larry Schwarz, cùng với các nhà sản xuất điều hành khác, giám sát tất cả các giai đoạn sản xuất, nhưng chỉ viết phần ghi công cho tập thử nghiệm, bao gồm "Mikey Impossible" và "A Christmas Mikey". Tất cả các tập phim đều do Sergei Aniskov đạo diễn. Phần nhạc được sáng tác bởi John Angier, người cũng đã viết lời cho các bài hát, như "The Recycling Song", "Ori and Yori's Hits", "Living With Mikey", "How Did We Get Here?" và các bài hát trong "The Karaoke Episode". Sê-ri được làm chuyển động bằng Adobe Flash, với công nghệ mô phỏng hình ảnh bằng máy tính (CGI), và được hiển thị bằng Maya. Để nhấn mạnh hơn nữa sự tương phản trong phong cách hoạt hình, một nhóm họa sĩ hoạt hình được giao cho các nhân vật anime và một nhóm khác phụ trách Mikey và các nhân vật người Mỹ khác. Các phương tiện trên "LilyMu" và xung quanh Tokyo, cũng như vũ khí, khinh khí cầu Gonard, tàu của Vua hải tặc, Máy Karaoke Genie, v.v., được tạo trong Maya và xuất sang Flash bằng Bộ lọc Toon. Nền được tạo mô hình trong Maya và kết cấu, chi tiết và các "Clouds" được thêm vào trong Photoshop. Một số hình nền được lấy cảm hứng từ các địa điểm thực tế ở Tokyo. Các nhân vật theo phong cách anime của chương trình thể hiện với việc dùng quá nhiều lỗi trên khuôn mặt một cách hài hước, chẳng hạn như khuôn mặt và/hoặc cơ thể biến thành một ngoại hình phóng đại hoặc trở nên nhỏ hơn nhiều. Điều này cho phép các nhà làm phim hoạt hình có nhiều quyền kiểm soát hơn đối với diện mạo và hành động của một nhân vật so với nhiều chương trình Flash khác và họ không phải lúc nào cũng phải giống người mẫu. Bộ phim sử dụng những khuôn sáo phổ biến trong anime, bao gồm giọt mồ hôi, đường kẻ trên mắt hoặc không có mắt, đầu to, mắt rực lửa và cơ thể nhỏ lại. Đôi khi Mikey sẽ cố gắng làm những điều này, đó là một trong những trò đùa của chương trình, nhưng không thể do được vẽ theo phong cách Mỹ. "Dancing Sushi" "Dancing Sushi" là một sê-ri phụ dựa trên các đoạn quảng cáo ngắn trong sê-ri. Bộ truyện có bốn nhân vật - Salmon, Larry, Roro và Meep - tất cả đều muốn trở thành ngôi sao nhạc pop lớn nhất thế giới. Không giống như bộ truyện chính, Dancing Sushi không có bất kỳ đoạn hội thoại nào. Các nhân vật này được "lồng tiếng" bởi những cá nhân có liên quan đến loạt phim Kappa Mikey gốc, bao gồm cả John Angier, nhà soạn nhạc của loạt phim và đạo diễn John Holt. Dancing Sushi được sản xuất từ ​​tháng 10 năm 2007 đến tháng 12 năm 2007. Nó được dự định là một cách để tiếp tục mang đến cho người hâm mộ Kappa Mikey nhiều loại nhân vật giống nhau hơn trong cùng một vũ trụ và cũng để giữ cho các nhà làm phim hoạt hình làm việc trong quá trình chuyển đổi giữa hai phần chính của hãng phim. "Speed ​​Racer: The Next Generation" đã được sản xuất ngay sau đó. Tại một thời điểm, người ta đã cân nhắc việc đưa một số nhân vật Kappa Mikey vào bộ truyện này. Chú thích The Encyclopedia of American Animated Television Shows. Rowman & Littlefield. Trang 332–333. ISBN 978-1538103739. Crump, William D. (2019). Happy Holidays—Animated! A Worldwide Encyclopedia of Christmas, Hanukkah, Kwanzaa and New Year's Cartoons on Television and Film. McFarland & Co. Trang 61. ISBN 9781476672939. https://www.awn.com/news/sunbow-and-noggins-n-co-develop-kappa-mikey https://www.c21media.net/the-n-comes-onboard-sunbows-kappa-mikey/ https://archive.today/20130102004609/http://mag.awn.com/index.php?article_no=3405 https://www.awn.com/news/sunbow-and-rumpus-produce-kappa-mikey-series https://www.cbr.com/three-delivery-nicktoons-anime-retrospective/ https://www.awn.com/news/animation-collective-delivers-comedy-action-and-chinese-food-natpe-2008 Tham khảo Liên kết ngoài Kappa Mikey trên Internet Movie Database Siêu nhân nhí Chương trình truyền hình tiếng Anh Phim truyền hình Mỹ ra mắt năm 2006 Kappa Mikey Nickelodeon Chương trình truyền hình siêu nhân Phim hoạt hình Nhật Bản Anime
19812001
https://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%C3%A0%20l%C3%BAa%20m%E1%BA%A1ch
Trà lúa mạch
Trà lúa mạch (tiếng Anh: Barley tea, tiếng Hán: 大麦茶/Đại mạch trà, tiếng Nhật: Mugi-cha, tiếng Hàn: Bori-cha) là một loại trà làm từ hạt rang từ lúa mạch. Trà lúa mạch là một mặt hàng chủ lực ở nhiều nước Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Trà lúa mạch có vị đắng, và hơi cay. Ở Hàn Quốc, trà lúa mạch được uống nóng hoặc dùng lạnh thường thay cho nước uống trong nhiều gia đình và nhà hàng. Ở Nhật Bản, trà lúa mạch thường được dùng lạnh và là thức uống giải khát phổ biến vào mùa hè. Trà lúa mạch cũng được bày bán rộng rãi dưới dạng trà túi lọc hoặc đóng chai ở Hàn Quốc và Nhật Bản. Trà lúa mạch đóng chai được bán tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi, và máy bán hàng tự động ở Nhật Bản và Hàn Quốc, trà lúa mạch lạnh là thức uống rất phổ biến vào mùa hè ở Nhật Bản. Tại Hàn Quốc, trà lúa mạch nóng đựng trong chai PET chịu nhiệt cũng được tìm thấy trong các máy bán hàng tự động và tủ giữ nhiệt ở các cửa hàng tiện lợi. Chú thích Ẩm thực
19812002
https://vi.wikipedia.org/wiki/Horchata
Horchata
Horchata hay Orxata là tên được đặt cho nhiều loại đồ uống khác nhau, thường có nguồn gốc từ thực vật (sữa thực vật), nhưng đôi khi có hàm chứa sữa động vật. Ở Tây Ban Nha, nó được làm bằng hạt hổ (Tiger nut) ngâm, xay và làm ngọt. Ở Châu Mỹ Latinh và các khu vực khác của Châu Mỹ, thức uống này có nguyên liệu là jicaro, dưa hoặc hạt mè, hoặc gạo trắng, cùng với các loại gia vị khác. Các loại khác nhau có thể được phục vụ nóng hoặc dùng lạnh và có thể được sử dụng làm tăng hương vị trong các loại đồ uống khác, chẳng hạn như cà phê sinh tố. Horchata trong vai trò như một hương vị còn hiện diện trong mùi vị kem, bánh quy và các loại đồ ngọt khác và các sản phẩm khác như RumChata, một loại đồ uống có cồn. Một số cửa hàng bán sinh tố, cà phê và nhà hàng McDonald's ở Hoa Kỳ đã thử nghiệm cà phê sinh tố có hương vị Horchata. Lịch sử Món đồ uống Horchata có một lịch sử từ lâu đời. Cái tên Horchata này có lẽ bắt nguồn từ một từ tiếng Latinh có nghĩa là lúa mạch, thuật ngữ Hordeata đến lượt nó lại xuất phát từ Hordeum (lúa mạch) có liên quan đến truyền thống chế độ ăn Địa Trung Hải về đồ uống làm từ ngũ cốc. Đồ uống này có nguồn gốc từ Bắc Phi và người ta ước tính rằng trong thế kỷ XI, nó bắt đầu lan rộng khắp Hispania (nay là bán đảo Tây-Bồ gồm Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha). Có những ghi chép từ thế kỷ XIII về một loại đồ uống giống như Horchata được sản xuất gần Valencia nơi mà nó là thức uống thông dụng. Từ Tây Ban Nha, khái niệm về Horchata đã được đưa đến Tân Thế giới. Ở đây, đồ uống được gọi là Agua de horchata hoặc đơn giản là Horchata được làm từ gạo trắng và quế hoặc canella thay thế hạt hổ. Đôi khi những thức uống này có thêm vani hoặc được phục vụ trang trí bằng trái cây. Chú thích Liên kết ngoài The Regulating Council of Denomination of Origin "Chufa de Valencia": Quality council regulating tiger nut horchata in Valencia Article about Horxata, Ltd.: Valencian Horchata in New York City Ẩm thực
19812003
https://vi.wikipedia.org/wiki/Kiev%20%28t%E1%BB%89nh%201708%E2%80%931764%29
Kiev (tỉnh 1708–1764)
Tỉnh Kiev (tiếng Nga tiền cải cách: , ), là một đơn vị hành chính (guberniya) của nước Nga Sa hoàng và sau là của Đế quốc Nga. Tỉnh được thành lập vào tháng 12 năm 1708 và là một trong tám guberniya đầu tiên được hình thành theo các cải cách của Pyotr Đại đế. Mô tả Tỉnh Kiev vào thế kỷ 18 khác rất nhiều so với tỉnh Kiev vào thế kỷ 19. Khi một đơn vị chỉ nằm ở tả ngạn sông Dnepr, còn đơn vị sau này lại nằm ​​bên kia sông. Trong cuộc cải cách lãnh thổ, Yekaterina Đại đế đã chuyển tỉnh thành phó vương quốc của Nga vào năm 1781. Tỉnh Kiev đầu tiên được thành lập trên phần lớn Quốc gia hetman Cossack, cùng cả một lãnh thổ rộng lớn ở phía đông của nó, trong khi Sich Zaporizhia đang là một lãnh thổ đồng cai trị của Đế quốc Nga và Thịnh vượng chung Ba Lan-Litva. Năm 1727, tỉnh này được tách thành tỉnh Kiev và tỉnh Belgorod. Năm 1764, có một sự phân chia khác khi tỉnh Tiểu Nga và Tân Nga được thành lập. Năm 1781, tỉnh Kiev và Tiểu Nga được tổ chức lại thành các phó vương quốc Kiev, Novhorod-Siversky và Chernihiv ngay sau khi Ba Lan bị phân chia. Năm 1796, phó vương quốc Kiev được đổi tên lại thành tỉnh Kiev. Biên giới của tỉnh đã trải qua những thay đổi đáng kể, đặc biệt là vào năm 1796 khi phần lớn lãnh thổ của nó được chuyển từ Ukraina tả ngạn sang Ukraina hữu ngạn. Kiev là trung tâm hành chính của guberniya. Thành lập và các cải cách Tỉnh Kiev cùng với bảy tỉnh khác được thành lập vào ngày 29 tháng 12 [lịch cũ 18 tháng 12], năm 1708, theo sắc lệnh của Sa hoàng Pyotr Đại đế. Cũng như các tỉnh còn lại, biên giới cũng như các phân khu nội bộ của tỉnh Kiev đều không được xác định; thay vào đó, lãnh thổ được định nghĩa là một tập hợp các thành phố và vùng đất liền kề với các thành phố đó. Lãnh thổ ban đầu gần như dựa trên "vùng đất Siever", bao quanh là các tỉnh Smolensk, Moskva và Azov. Ngoài ra, mười bảy thành phố (theo nguồn; chỉ có mười sáu thành phố thực sự được liệt kê) của tỉnh Azov được giao cho tỉnh Kiev do vị trí địa lý gần Kiev hơn Azov. Trong số những thành phố như vậy có Kharkov và Staroy Oskol. Ngoài ra, Kiev cũng được triều đình giao cho Trubchevsk và hai thành phố khác từ tỉnh Smolensk, trong khi một số thành phố của Kiev lại được giao cho Azov và Smolensk. Với tư cách là đơn vị hành chính, tỉnh này có tiền thân là đơn vị Trung đoàn của Quốc gia hetman Cossack. Đáng chú ý là thực tế cả hai đơn vị đã tồn tại trong hầu hết thế kỷ 18, trong đó đơn vị hành chính Trung đoàn đã bị loại bỏ dần và sau đó chỉ tồn tại cho mục đích quân sự. Vào thời điểm thành lập, tỉnh này có diện tích 231.000 km² lãnh thổ hiện là một phần Ukraina và tây nam nước Nga. Tỉnh ban đầu được chia thành các uyezd và razryad, tỉnh này đã bãi bỏ hệ thống hành chính lỗi thời của một đế chế đang phát triển nhanh chóng. Trong cuộc cải cách hành chính năm 1710, tất cả các tỉnh được chia thành các lô hành chính-tài chính (doli) và tỉnh Kiev bao gồm năm lô. Các lô được quản lý bởi landrat, bắt nguồn từ ủy viên hội đồng đất đai của Đức. Một sắc lệnh cải cách mới được ban hành vào ngày 29 tháng 5 năm 1719. Các lô bị bãi bỏ và tỉnh được chia nhỏ thành bốn tỉnh cấp hai có trung tâm là Belgorod, Kiev, Oryol và Sevsk, đồng thời được đặt tên theo thành phố đó. Đến năm 1719, tỉnh bao gồm 41 thành phố. Các tỉnh cấp hai lại được chia thành các huyện. Bất chấp cải cách, việc chia nhỏ tỉnh thành các trung đoàn vẫn được sử dụng song song với các tỉnh cấp hai. Trong quá trình cải cách hành chính năm 1727, các tỉnh cấp hai Belgorod, Oryol và Sevsk được tách ra thành tỉnh Belgorod, chỉ còn tỉnh cấp hai Kiev nằm trong tỉnh Kiev. Các guberniya vào thời điểm này được chia thành các uyezd thay thế các huyện. Xem thêm Hiệp định đình chiến Andrusovo Cossack Hetmanate Tham khảo Liên kết ngoài Shcherbina, V. Kiev voivodes, governors, and general governors from 1654 to 1775 (Кіевскіе воеводы, губеранаторы и генералъ-губернаторы отъ 1654 по 1775 г.). "Lectures in the Nestor the Chronicler Historical Society (Чтенія въ историческомъ общест†Нестора лЂтописца)". Kiev 1892. Tỉnh của Đế quốc Nga Guberniya của Ukraina Lịch sử tỉnh Chernihiv Lịch sử tỉnh Sumy Lịch sử Kiev Khởi đầu năm 1708 ở Nga Tỉnh Kharkiv Chấm dứt năm 1764
19812006
https://vi.wikipedia.org/wiki/Freik%C3%B6rperkultur
Freikörperkultur
Freikörperkultur (FKK) là một nền văn hóa xã hội và quan niệm sức khỏe bắt nguồn từ Đế quốc Đức, sự khởi đầu của Freikörperkultur là một phần lịch sử của phong trào xã hội Lebensreform vào cuối thế kỷ XIX. Thuật ngữ Freikörperkultur có nghĩa là văn hóa tự do thân thể, bao gồm sự kết nối các khía cạnh sức khỏe của việc khỏa thân phơi nắng, hưởng không khí và ánh nắng mặt trời, phong trào này diễn ra với ý định cải cách cuộc sống và xã hội. Nó giống một phần với văn hóa khỏa thân, chủ nghĩa trần trụi và chủ nghĩa khỏa thân theo nghĩa khỏa thân bình thường của mọi người và gia đình trong thời gian rảnh rỗi, trong hoạt động thể thao và cuộc sống hàng ngày. Đến thế kỷ XX, văn hóa khỏa thân ngoài trời công cộng thì "ở ngoài trời thật tuyệt vời" và những lợi ích của nó đối với sức khỏe cộng đồng đã nở rộ ở Đức như một giải pháp thay thế cho những căng thẳng và lo lắng của cuộc sống đô thị, và áp lực của xã hội công nghiệp hóa. Ngày nay, chỉ có một số hạn chế pháp lý đối với việc khỏa thân nơi công cộng ở Đức. Theo thuật ngữ "chủ nghĩa tự nhiên" (Naturism) và "chủ nghĩa khỏa thân" (Nudism) hiện nay nó đã lan rộng trên toàn thế giới, với các hiệp hội và môi trường giải trí công cộng được chỉ định ở nhiều quốc gia ở châu Âu, Bắc Mỹ và Nam Mỹ, châu Úc, châu Phi, châu Á và Caribe nơi diễn ra phong trào này quy mô nhất vẫn được ghi nhận ở khu vực các nước nói tiếng Đức và Scandinavia. Văn hóa khỏa thân đã tồn tại lâu đời ở Đức như đó là một nét văn hóa tiêu biểu của người Đức. Từ cuối thế kỷ XIX, rất nhiều người dân nước này tin rằng không mặc quần áo cho dù là đồ lót, khi bơi lội sẽ có lợi cho sức khỏe. Tổ chức về FKK đầu tiên ở Đức được thành lập năm 1898, hướng tới việc chăm sóc và cải thiện sức khỏe. Sau đó văn hoá này nhanh chóng phổ biến ở các vùng lân cận Berlin, vùng biển Bắc và biển Baltic. Ngày nay du khách được phép để mình trần tại nhiều khu vực tắm suối khoáng, xông hơi hay trung tâm chăm sóc sức khỏe cũng như bãi biển nơi mọi người với mọi vóc dáng đều cảm thấy thoải mái khi trút bỏ trang phục nhưng không hề liên quan đến tình dục và cũng không hướng đến vẻ ngoài, văn hóa khỏa thân có ý nghĩa hoàn toàn trái ngược với những quảng cáo khiêu dâm hay quan điểm chung của xã hội khác mà với nhiều nơi khác nếu ai đó được trông thấy đang khỏa thân ở nơi công cộng, họ có thể bị coi như một kẻ trụy lạc. Xu hướng mang tính tự nhiên này mang thông điệp rằng con người hãy tự tin với cơ thể của mình, mọi người đều bình đẳng. Chú thích Tham khảo Liên kết ngoài www.DFK.org "Deutscher Verband für Freikörperkultur", earliest & largest German NGO for FKK www.inf-fni.org INF-FNI, International Naturist Federation German Naturist Federation DFK homepage International Naturist Federation INF homepage German Naturist Federation Youth Section fkk-jugend e.V. homepage Văn hóa Đức
19812013
https://vi.wikipedia.org/wiki/One%20Piece%20%28phim%20truy%E1%BB%81n%20h%C3%ACnh%202023%29
One Piece (phim truyền hình 2023)
One Piece là một loạt phim truyền hình trực tuyến mang đề tài phiêu lưu của Mỹ do Matt Owens và Steven Maeda phát triển. Được chuyển thể người đóng từ bộ manga cùng tên của Nhật Bản được xuất bản vào năm 1997 bởi Oda Eiichiro. Loạt phim được sản xuất bởi Kaji Productions, Tomorrow Studios và Shūeisha với sự góp mặt của dàn diễn viên bao gồm có Iñaki Godoy, Arata Mackenyu, Emily Rudd, Jacob Romero Gibson và Taz Skylar. Loạt phim dự kiến sẽ công chiếu lần đầu tiên vào ngày 31 tháng 8 năm 2023 trên nền tảng Netflix. Tiền đề Các tập phim chủ yếu xoay quanh cuộc phiêu lưu của cậu bé Monkey D. Luffy và băng hải tặc Mũ Rơm với hành trình khám phá các đại dương nguy hiểm, những vùng đất xa xôi để tìm kiếm kho báu huyền thoại "One Piece". Tuy nhiên, họ lại phải chiến đấu với nhiều băng hải tặc xấu khác cũng đang tìm kiếm One Piece và Hải quân muốn diệt trừ hải tặc. Được trang bị với những kỹ năng và tình đồng đội không thể phá vỡ, băng Mũ Rơm sẽ phải trải qua bao nhiêu khó khăn, không lùi bước với ước mơ "trở thành Vua Hải Tặc". Nhân vật Vai chính Iñaki Godoy trong vai Monkey D. Luffy: Thuyền trưởng của băng Mũ rơm đầy nhiệt huyết. Cậu có sức mạnh có thể co giãn cơ thể do vô tình ăn phải một loại trái ác quỷ. Mục tiêu của cậu là có thể tiến vào Đại Hải Trình cùng với băng hải tặc của riêng mình và tìm ra kho báu "One Piece" thần thoại để trở thành Vua hải tặc. Luffy cũng là cháu trai của phó đô đốc Garp và là con trai của tư lệnh quân cách mạng Dragon. Colton Osorio được đóng trong vai Luffy hồi nhỏ. Arata Mackenyu trong vai Roronoa Zoro: Một bậc thầy kiếm pháp và cũng là thợ săn hải tặc, cậu sử dụng sức mạnh từ phong cách "Santoryu" hay còn được gọi là "Phong cách Tam kiếm". Mục tiêu của cậu là trở thành kiếm sĩ vĩ đại nhất thế giới. Emily Rudd trong vai Nami: Cô là một tên trộm luôn có tính thờ ơ, hay hung hăng và cố gắng tìm kiếm bản đồ đến Đại Hải Trình. Cô đã tự mình điều hướng với khát vọng có thể vẽ ra toàn bộ thế giới. Jacob Romero trong vai Usopp: Là một hải tặc luôn cao thượng với mọi người. Cậu có tài năng chuyên về thiện xạ với ước mơ trở thành một chiến binh dũng cảm, nổi tiếng của biển cả được người cha cướp biển nổi tiếng Yasopp công nhận. Taz Skylar trong vai Sanji: Một bậc thầy đầu bếp nhưng thô lỗ, luôn yêu thích và hay quyến rũ phụ nữ. Cậu từng là học viên võ thuật chủ yếu sử dụng đôi chân do bếp trưởng Zeff đã dạy cho cậu. Mục đích của cậu là tìm ra All Blue, một vùng biển chỉ có trong truyền thuyết nơi kết nối bốn vùng biển lại với nhau và cung cấp những bữa ăn chất lượng cho tất cả mọi người. Vai phụ Peter Gadiot trong vai Shanks: Thuyền trưởng của băng hải tặc Tóc Đỏ, ông là anh hùng đã từng cứu sống Luffy và là mục tiêu để cậu thành lập băng hải tặc của riêng mình. Morgan Davies trong vai Coby: Một cậu bé làm nô lệ cho băng Hải tặc Alvida với mơ ước được gia nhập vào Hải quân. Ilia Isorelýs Paulino trong vai Alvida: Bà là tên thủ lĩnh tàn nhẫn của băng Hải tặc Alvida, bà chiến đấu với một cây chùy sắt lớn có gai. Aidan Scott trong vai Helmeppo: Con trai của Thuyền trưởng Morgan, hắn luôn lợi dụng địa vị con trai của Thuyền trưởng để bắt nạt và đe dọa người khác thực hiện theo mệnh lệnh của mình. Langley Kirkwood trong vai Thuyền trưởng Morgan: Ông là thuyền trưởng Hải quân Lục chiến, người đã giam giữ Zoro và cũng là cha của Helmeppo. Jeff Ward trong vai Buggy: Thuyền trưởng của băng hải tặc Buggy, hắn có sức mạnh của trái ác quỷ với khả năng tự chia cơ thể mình thành nhiều mảnh và điều khiển chúng khi thấy phù hợp. Celeste Loots trong vai Kaya: Một cô gái giàu có nhưng mồ côi và là bạn thân của Usopp. Alexander Maniatis trong vai Kuro: Một trong những quản gia của Kaya và là thuyền trưởng của băng hải tặc Mèo Đen. Bianca Oosthuizen trong vai Sham: Một sĩ quan của băng hải tặc Mèo Đen và là cộng sự của Buchi. Chanté Grainger vai Banchina: Mẹ của Usopp và là vợ của Yasopp. Craig Fairbrass trong vai Zeff: Cựu cướp biển và cũng là bếp trưởng kiêm chủ sở hữu của nhà hàng Baratie, ông là người đã cứu sống cho Sanji. Milton Schorr trong vai Don Krieg: Một tên cướp biển nổi tiếng ở vùng Biển Đông. Steven Ward trong vai Dracule Mihawk: Một tên cướp biển được coi là kiếm sĩ vĩ đại nhất thế giới. McKinley Belcher III trong vai Arlong: Một tên người cá luôn tàn nhẫn và hèn hạ. Hắn là thủ lĩnh của băng hải tặc Arlong và cũng là người cai trị Công viên Arlong. Chioma Umeala vai Nojiko: Chị nuôi của Nami. Vincent Regan trong vai Monkey D. Garp: Một Phó đô đốc tài giỏi trong Hải quân, ông là ông nội của Luffy và cũng là cha của Dragon. Grant Ross trong vai Genzo: Cảnh sát trưởng của Làng Cocoyashi. Tamer Burjaq trong vai Higuma: Một tên sơn tặc độc ác đã từng cố giết chết Luffy hồi nhỏ. Stevel Marc trong vai Yasopp: Một thành viên của băng hải tặc Tóc Đỏ và cũng là cha của Usopp. Jandre le Roux trong vai Kuroobi: Một thành viên của băng hải tặc Arlong. Dean Damonse trong vai Monkey D. Dragon: Lãnh đạo và là tổng tư lệnh của Quân đội Cách mạng, ông là cha của Luffy và cũng là con trai của Garp. Michael Dorman trong vai Gol D. Roger: Cựu vua hải tặc. Ian McShane làm người dẫn chuyện. Tập phim Sản xuất Triển khai Vào tháng 7 năm 2017, tổng biên tập Nakano Hiroyuki từ tạp chí Weekly Shōnen Jump đã thông báo về việc công ty Tomorrow Studios và Shūeisha sẽ chuẩn bị sản xuất một bộ phim truyền hình người đóng được chuyển thể từ bộ manga One Piece của Oda Eiichiro nhằm để kỷ niệm 20 năm bộ truyện này ra mắt. Ngoài ra, Oda sẽ đóng vai trò là nhà sản xuất điều hành cho loạt phim cùng với giám đốc điều hành của Tomorrow Studios là ông Adelstein và Becky Clements. Theo báo cáo, loạt phim sẽ khởi đầu dựa trên phần hành trình tại Biển Đông (chương 1–100). Adelstein cũng dự đoán rằng, chi phí sản xuất cho loạt phim có thể lập kỷ lục mới. Vào đầu năm 2020, Netflix đã lệnh sẽ sở hữu cho mùa đầu tiên với tổng cộng mười tập. Đến tháng 5 năm 2020, nhà sản xuất Marty Adelstein đã công bố loạt phim dự định sẽ ghi hình ở Cape Town tại Cape Town Film Studios vào tháng 8. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã khiến cho công việc này phải bị trì hoãn đến tháng 9. Ngoài ra, ông cũng công bố có tổng cộng mười trang kịch bản đã được viết cho loạt phim và ông sẽ bắt đầu tuyển vai vào đầu tháng 6. Nhưng nhà sản xuất kiêm biên kịch điều hành Matt Owens lại thông báo rằng, quá trình tuyển chọn vẫn chưa được bắt đầu đến tháng 9 năm 2020. Quá trình sản xuất cho loạt phim bắt đầu được khởi công lần thứ hai vào tháng 3 năm 2021, người chạy sô Steven Maeda đã đặt tên mật cho loạt phim là Dự án Roger. Vào tháng 9 năm 2021, những cái nhìn đầu tiên về biểu trưng mới của loạt phim đã được hé lộ. Cùng tháng đó, Marc Jobst được công bố sẽ làm đạo diễn thử nghiệm cho loạt phim. Vào tháng 2 năm 2022, Kashiwagi Arisu được công bố sẽ đảm nhiệm vai trò giám đốc sáng tạo và thiết kế nhận diện thương hiệu. Sau khi công bố những thông tin tuyển vai phụ, biên kịch chính và là nhà sản xuất điều hành Matt Owens cũng sẽ đóng vai trò là người đồng sô với Maeda. Vào tháng 6 năm 2022, Emma Sullivan công bố đã hoàn thành đạo diễn cho toàn bộ loạt phim. Tuyển vai Dàn diễn viên chính của băng hải tặc Mũ Rơm đã được hé lộ lần đầu vào tháng 11 năm 2021 thông qua những áp phích truy nã. Iñaki Godoy được công bố sẽ trong vai Monkey D. Luffy, Mackenyu trong vai Roronoa Zoro, Emily Rudd trong vai Nami, Jacob Gibson trong vai Usopp và Taz Skylar trong vai Sanji. Vào tháng 3 năm 2022, Netflix đã bổ sung thêm dàn diễn viên định kỳ bao gồm có Morgan Davies vào vai Coby, Ilia Paulino vào vai Alvida, Aidan Scott vào vai Helmeppo, Jeff Ward vào vai Buggy, McKinley Belcher III vào vai Arlong, Vincent Regan vào vai Garp và Peter Gadiot vào vai Shanks. Langley Kirkwood được bổ sung thêm vào vai thuyền trưởng Morgan, Celeste Loots vào vai Kaya, Alexander Maniatis vào vai Klahadore, Craig Fairbrass vào vai bếp trưởng Zeff, Steven Ward vào vai Dracule Mihawk và Chioma Umeala vào vai Nojiko. Vào tháng 8 năm 2022, số diễn viên tham gia vào loạt phim đã lên 21 người khi Bianca Oosthuizen, Chanté Grainger và Grant Ross lần lượt được vào vai Sham, Banchina và Genzo. Đến tháng 3 năm 2023, hai diễn viên cuối cùng là Stevel Marc được chọn vào vai Yasopp. Jandre le Roux được chọn vào vai Kuroobi. Ghi hình Giai đoạn ghi hình chính đã bắt đầu vào ngày 31 tháng 1 năm 2022. Vào tháng 5 năm 2022, đội ngũ mới chỉ ghi hình xong hai tập đầu tiên của loạt phim. Tập phim đầu tiên được ghi hình tại Xưởng phim Cape Town ở thành phố Cape Town, Nam Phi. Nicole Hirsch Whitaker, nhà quay phim của loạt phim đã thông báo rằng, đoàn làm phim của cô đã hoàn thành ghi hình sáu tuần trước khi quá trình sản xuất bắt đầu. Quá trình quay phim chính thức kết thúc vào ngày 22 tháng 8 năm 2022. Âm nhạc Nhà soạn nhạc Sonya Belousova và Giona Ostinelli thông báo đã được chọn để soạn nhạc cho loạt phim. Quảng bá Vào ngày 21 tháng 7 năm 2023, Netflix đã chính thức ra mắt đoạn video trailer và một bức thư cá nhân được viết bởi Oda. Đọc thêm Danh sách phương tiện truyền thông của One Piece Tham khảo Liên kết ngoài Thương hiệu truyền thông của One Piece Chương trình truyền hình tiếng Anh Chương trình truyền hình lấy bối cảnh ở quốc gia giả tưởng Chương trình truyền hình lấy bối cảnh ở hòn đảo giả tưởng Phim truyền hình hài kịch Mỹ Phim truyền hình Mỹ thập niên 2020 Chương trình gốc sắp tới của Netflix Chương trình gốc Netflix tiếng Anh Phim truyền hình của ITV Studio Chương trình sắp phát sóng Phim truyền hình dựa trên manga Chương trình truyền hình được quay tại Nam Phi Loạt chương trình truyền hình về cướp biển Phim truyền hình Mỹ ra mắt
19812015
https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BB%99ng%20%C4%91%E1%BA%A5t%20ngo%C3%A0i%20kh%C6%A1i%20Ibaraki%202011
Động đất ngoài khơi Ibaraki 2011
xảy ra vào lúc 15:15 (theo giờ địa phương), ngày 11 tháng 3 năm 2011. Trận động đất có cường độ 7.7 richter, tâm chấn độ sâu khoảng 43 km, nằm ngay trên ngoài khơi tỉnh Ibaraki. Theo Cục Khí tượng Nhật Bản, đây là trận động đất có dư chấn lớn nhất trong Động đất và sóng thần Tōhoku 2011. Các cảnh báo nguy cơ sóng thần lớn tiếp tục đưa ra. Tham khảo
19812019
https://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BA%ADn%20Ambon
Trận Ambon
Trận Ambon (30 tháng 1-3 tháng 2 năm 1942) diễn ra tại đảo Ambon ở Đông Ấn Hà Lan (mà ngày nay là Indonesia), là một phần của các cuộc tiến công của Nhật Bản nhằm đánh chiếm Đông Ấn Hà Lan trong Thế chiến 2. Đối mặt với sự phòng thủ liên hợp giữa quân đội Úc và Hà Lan, các lực lượng Nhật Bản đã chinh phục thành công hòn đảo và sân bay chiến lược của nó chỉ trong vài ngày. Sau trận chiến, một cuộc thảm sát lớn nhiều tù binh chiến tranh Hà Lan và Úc (POW) của quân Nhật đã diễn ra. Hoàn cảnh Ambon thuộc quần đảo Maluku (Moluccas), ngay phía nam của đảo Seram (Ceram). Ambon có những gì có thể được mô tả hình dạng là "hình tám" hoặc "đồng hồ cát", và bao gồm 2 bán đảo được ngăn cách bởi một eo đất hẹp, với các vịnh hẹp dài ở 2 bên eo đất. Sân bay quan trọng tại Laha nằm ở phía tây của bán đảo Hitu-phần phía bắc của hòn đảo-đối diện với vịnh Ambon. Thị trấn Ambon nằm ở phía đối diện của vịnh, trên phần phía nam của hòn đảo, bán đảo Laitimor. Mặc dù là một trong những hòn đảo của các khu vực xa xôi hẻo lánh của Đông Ấn Hà Lan, người Hà Lan biết Ambon có tầm quan trọng chiến lược như một căn cứ không quân và đã tăng cường phòng thủ từ năm 1941, bổ sung thêm quân từ đảo Java. Tuy nhiên, từ năm 1940, Úc cũng coi tầm quan trọng của hòn đảo là bước đệm gần đó để các lực lượng Nhật Bản tấn công Úc từ phía bắc. Trong một thoả thuận với chính phủ lưu vong Hà Lan (vẫn giữ lập trường trung lập về Nhật Bản vào năm 1940), Canberra đã đồng ý tăng cường phòng thủ của Hà Lan bằng cách gửi quân và trang thiết bị đến các đảo Ambon và Timor. Chuẩn tướng Edmund Lind, tư lệnh Lữ đoàn 23 Úc đã có sự dè dặt đáng kể về việc gửi quân đến Ambon, do thiếu hoả lực và tài sản không quân có sẵn cho quân đội Úc, ngoài việc thiếu các đơn vị liên lạc quân sự Úc gắn liền với các lực lượng Hà Lan địa phương. Vào ngày 14 tháng 12 năm 1941, một đoàn tàu vận tải bao gồm các tàu hộ tống HMAS Adelaide và Ballarat cùng các tàu Hà Lan Both, Valentijn, và Patras chở 1,096 quân của "Lực lượng Mòng biển" rời Darwin và đi đến Ambon vào ngày 17 tháng 12. HMAS Swan hộ tống Bantam đi đến cùng lực lượng tăng viện vào ngày 12 tháng 1 năm 1942, tiếp tục không kích từ ngày 15-16 tháng 12 cho đến ngày 18 tháng 12. Mở đầu Đồng minh Bộ binh Khi chiến tranh nổ ra vào ngày 8 tháng 12, Ambon được đồn trú bởi Lữ đoàn Molukken gồm 2,800 người của Quân đội Hoàng gia Đông Ấn Hà Lan (KNIL), do Trung tá Joseph Kapitz chỉ huy và bao gồm quân đội thuộc địa người Indo, dưới sự chỉ huy của các sĩ quan châu Âu. Quân đồn trú được trang bị và huấn luyện kém, một phần là kết quả của việc Hà Lan đã bị Đức Quốc xã đánh chiếm. Các đơn vị KNIL không được trang bị radio và dựa vào điện thoại cố định và thông tin liên lạc bằng văn bản. Họ bao gồm 300 quân nhân dự bị được đào tạo một phần. Lực lượng Mòng biển của Quân đội Úc gồm 1,100 người, do Trung tá Leonard Roach chỉ huy, đã đến vào ngày 17 tháng 12. Lực lượng này bao gồm Tiểu đoàn 2/21 từ Sư đoàn 8 Úc, cũng như một số đơn vị pháo binh và hỗ trợ của sư đoàn. Kapitz được bổ nhiệm làm chỉ huy Đồng minh trên đảo Ambon. Vào đúng ngày Lực lượng Mòng biển lên bờ ở Ambon, Roach đã nêu lên những lo ngại phản ánh những gì Chuẩn tướng Lind bày tỏ. Roach nêu lên lo ngại về việc thiếu các nhiệm vụ trinh sát đang được tiến hành, trang thiết bị y tế, vũ khí chống tăng và không có bất kỳ khẩu súng dã chiến nào. Yêu cầu này được lặp lại vào ngày 23 tháng 12 năm 1941, mà Bộ Tư lệnh Lục quân đã từ chối và nhắc lại sự cần thiết phải phòng thủ với nguồn cung sẵn có. Vào ngày 6 tháng 1, sau khi các vùng lãnh thổ của Hà Lan và Anh ở phía bắc rơi vào tay Nhật Bản và một cuộc ném bom vào Ambon của máy bay Nhật Bản diễn ra, Roach một lần nữa nêu lên mối lo ngại với Bộ Tư lệnh Lục quân và tuyên bố rằng lực lượng của ông có thể cầm cự không quá một ngày mà không có quân tiếp viện. Sau cuộc liên lạc này, Roach bị cách chức và được thay thế bởi Trung tá John Scott vào ngày 14 tháng 1. Việc thay đổi chỉ huy này đã gây ra những vấn đề đáng kể vì Scott không biết trước về tình hình ở Ambon và không quen thuộc với phần lớn Lực lượng Mòng biển. Trong suốt từ đầu đến cuối tháng 1, nhiều binh sĩ của Lực lượng Mòng biển đã bị loại khỏi vòng chiến do sốt rét và kiết lỵ. Sở chỉ huy của Kapitz đặt tại Hạ Long, giữa Paso và thị trấn Ambon. Nó bao gồm 4 xe thiết giáp, một phân đội súng máy phòng không và 4 súng phòng không 40 mm. Với niềm tin rằng địa hình trên bờ biển phía nam của Laitimor không phù hợp để đổ bộ và bất kỳ cuộc tấn công nào cũng có khả năng xảy ra ở phía đông, xung quanh vịnh Baguala, lực lượng KNIL tập trung tại Paso, gần eo đất, dưới quyền chỉ huy của Thiếu tá H. H. L. Tieland. Có những phân đội KNIL nhỏ tại các địa điểm có khả năng đổ bộ ở phía bắc Hitu. 2 đại đội của Tiểu đoàn 2/21 và 300 quân Hà Lan đã có mặt tại sân bay Laha, dưới quyền chỉ huy của Thiếu tá Mark Newbury. Họ được hộ tống bởi pháo binh Hà Lan: 4 khẩu pháo dã chiến 75 mm, 4 súng chống tăng 37 mm, 4 súng phòng không 75 mm, 4 súng phòng không 40 mm, một trung đội súng máy phòng không và một khẩu đội súng máy phòng không. Tuy nhiên, Trung tá Scott, Sở chỉ huy Lực lượng Mòng biển và phần còn lại của quân Úc đã tập trung ở phần phía tây bán đảo Laitimor, trong trường hợp bị tấn công từ vịnh Ambon. Đại đội A của Tiểu đoàn 2/21 và một đại đội KNIL đóng quân tại Eri, ở phía tây nam của vịnh. Trung đội công binh của Tiểu đoàn 2/21 nằm trên cao nguyên xung quanh núi Nona (điểm cao nhất trên bán đảo Laitimor), với một phân đội súng máy phòng không Hà Lan. Các đơn vị nhỏ hơn của Úc ở: Latuhalat, gần mũi phía tây nam của Laitimor và tại mũi Batuanjut, ngay phía bắc Eri. Sở chỉ huy của Lực lượng Mòng biển và một lực lượng dự bị chiến lược, Đại đội D, nằm trên một tuyến từ cao nguyên Nona đến bãi biển Amahusu, giữa Eri và thị trấn Ambon. Không quân Đồng minh có rất ít máy bay dự phòng. Dịch vụ hàng không KNIL đã phái Chuyến bay 2, Nhóm 4 (2-Vl. G.IV) từ Java đến Laha. Trong số 4 chiếc Brewster Buffalos ban đầu, 2 chiếc đã bị rơi trên đường đến Ambon. Không quân Hoàng gia Úc (RAAF) đã phái 2 chuyến bay, bao gồm 12 máy bay ném bom hạng nhẹ Lockheed Hudson Mk 2, từ Phi đội 2 và 13, đến khu vực, dưới quyền chỉ huy của Tư lệnh cánh Ernest Scott (người không liên quan đến Trung tá John Scott). Một chuyến bay có sở chỉ huy tại Laha, và một chuyến bay khác được gửi đến Namlea trên đảo Buru lân cận. Phi đội Tuần tra 10 của Hải quân Hoa Kỳ, với Consolidated PBY Catalinas, đặt căn cứ tại trạm thuỷ phi cơ Hạ Long từ ngày 23 tháng 12. Sở chỉ huy Không đoàn di chuyển đến Java vào ngày 9 tháng 1, nhưng những chiếc Catalinas Hoa Kỳ tuần tra từ Hạ Long cho đến ngày 15 tháng 1, khi một cuộc không kích phá huỷ 3 máy bay tuần tra và làm hư hại nhiều chiếc khác. Quân Đồng minh sau đó đã từ bỏ căn cứ vì nó quá lộ liễu. Các tàu tiếp liệu thuỷ phi cơ của Không đoàn hỗ trợ tuần tra, nhưng đã rời đi sau ngày 8 tháng 1. Các cuộc tuần tra tiếp liệu từ các tàu sân bay USS William B. Preston và USS Heron tại các khu vực neo đậu xa hơn về phía Nam tiếp tục cho đến ngày 5 tháng 2. Không lực Hải quân Hoàng gia Hà Lan (Marineluchtvaartdienst) thực hiện các chuyến tuần tra từ Ambon/Hạ Long; GVT 17 với các chiếc Catalina tiếp tục bay từ khi bắt đầu chiến tranh cho đến ngày 14 tháng 1, khi nó được lệnh đi đến Java. Máy bay của Hải quân Hoa Kỳ và RAAF đã thực hiện một số chuyến bay sơ tán rất nguy hiểm vào Ambon/Laha trong những ngày cuối tháng 1 sau khi các lực lượng Đồng minh mất tất cả ưu thế trên không vào tay người Nhật. Hải quân HNLMS Gouden Leeuw, một tàu rải mìn của Hải quân Hoàng gia Hà Lan, đã rời Ambon vào đầu tháng 1, sau khi tiếp cận hòn đảo. Đến giữa tháng 1, tàu quét mìn USS Heron là tàu chiến duy nhất của Đồng minh tại Ambon. Nhật Bản Hải đoàn Hàng không mẫu hạm 2 được giao nhiệm vụ hỗ trợ chiến dịch. 2 tàu sân bay, Hiryū và Sōryū, tấn công vào Ambon vào ngày 24 tháng 1 năm 1942. Họ tung ra 54 máy bay (18 máy bay ném ngư lôi B5N2 "Kate", 18 máy bay ném bom bổ nhào D3A1 "Val" và 18 máy bay tiêm kích A6M2 "Zero") và ném bom các cơ sở cảng và các toà nhà trên đảo Ambon. Không có tổn thất nào được duy trì. Hạm đội tàu sân bay quay trở về Davao, Philippines vào ngày 25 tháng 1 năm 1942, trước cuộc đổ bộ vào ngày 30 tháng 1 năm 1942. Trận chiến 30 tháng 1 Từ ngày 6 tháng 1 trở đi, Ambon bị máy bay Nhật tấn công. Máy bay Đồng minh đã thực hiện một số phi vụ chống lại hạm đội Nhật Bản đang đến gần, nhưng không mấy thành công. Vào ngày 13 tháng 1, 2 máy bay tiêm kích Brewster Buffalo, do Trung uý Broers và Trung sĩ Blans lái, đã tấn công một chuyến bay gồm 10 máy bay tiêm kích Mitsubishi A6M Zero. Máy bay của Broers bị bắn trúng và bốc cháy, nhưng anh ta tiếp tục tấn công cho đến khi nó trở nên mất kiểm soát, tại thời điểm đó anh ta nhảy ra khỏi chiếc Buffalo, sử dụng dù của mình và hạ cánh xuống biển. Blans cũng bị bắn hạ nhưng cũng tìm cách sử dụng chiếc dù của mình, hạ cánh trên cây trên Ambon. Cả 2 người đàn ông đã được giải cứu. Broers bị bỏng nặng và Blans có 17 vết thương khác nhau. Căn cứ không hải quân tại Hạ Long đã sớm không thể sử dụng được bởi các cuộc không kích của Nhật Bản, và đã bị hải quân Hà Lan và Hoa Kỳ bỏ rơi vào giữa tháng 1. Vào ngày 30 tháng 1, khoảng 1,000 lính thuỷ quân lục chiến Nhật Bản và nhân viên IJA đã đổ bộ lên Hitu-lama trên bờ biển phía bắc. Các đơn vị khác của Trung đoàn 228 đổ bộ lên bờ biển phía nam của bán đảo Laitimor. Mặc dù lực lượng mặt đất Nhật Bản về số lượng không lớn hơn nhiều sơ với quân Đồng minh, nhưng người Nhật có ưu thế áp đảo về hỗ trợ trên không, hải quân và pháo binh dã chiến, và xe tăng. Những máy bay Đồng minh còn lại được rút lui vào ngày hôm đó, mặc dù nhân viên mặt đất của RAAF vẫn ở lại. Trong vòng một ngày sau cuộc đổ bộ của Nhật Bản, các đơn vị Hà Lan trong khu vực lân cận của họ đã bị tràn ngập và/hoặc đã rút lui về phía Paso. Việc phá huỷ các cây cầu trên Hitu đã không được thực hiện theo lệnh, đẩy nhanh bước tiến của Nhật Bản. Có một đợt đổ bộ thứ hai, tại Hutumori ở đông nam Laitimor, và tại Batugong, gần Paso. Một trung đội bộ binh Úc được tách ra để tăng cường cho lực lượng công binh tại cao nguyên Nona. Hệ thống phòng thủ tại Paso đã được thiết kế để đẩy lùi các cuộc tấn công từ phía bắc và phía tây, và bây giờ phải đối mặt với cuộc tấn công từ phía nam. Một trung đội KNIL đã được tách ra khỏi Paso để chống lại cuộc tấn công vào Batugong, gây ra một khoảng trống trong phòng tuyến của quân Hà Lan. Người Nhật đã lợi dụng điều này, và được hỗ trợ bởi sự thất bại của đường dây liên lạc của KNIL. 31 tháng 1 Batugong thất thủ vào sáng sớm ngày 31 tháng 1, cho phép quân Nhật bao vây sườn phía đông của các vị trí Passo. Trong khi đó, Kapitz ra lệnh cho đại đội KNIL Ambonese tại Eri chiếm một vị trí tại Kudamati, nơi có vẻ dễ bị tấn công. Vào trưa ngày 31 tháng 1, Kapitz chuyển sở chỉ huy của mình từ Halong đến Lateri, gần Passo hơn. Liên lạc qua điện thoại giữa Kapitz và cấp dưới của ông, bao gồm cả Scott, đã chấm dứt khi người Nhật cắt đứt đường dây. Quân Nhật đổ bộ lên Hitu-Lama sau đó tấn công tuyến phòng thủ Passo từ phía đông bắc. Sau đó, theo lời của nhà sử học người Úc: [a]t 6 giờ chiều, một chiếc motor với xe phụ đã được nhìn thấy trên con đường ở phía tây của vị trí Passo cho thấy cờ trắng và đi về phía người Nhật. Việc bắn vào chu vi Passo đã bị đình chỉ theo lệnh của các chỉ huy đại đội Hà Lan, và quân đội được phép nghỉ ngơi và ăn. Không rõ ai cho phép đầu hàng. Không có phản ứng ngay lập tức từ phía Nhật Bản, và-trong một cuộc họp với các chỉ huy đại đội-Kapitz và Tieland đã ra lệnh cho quân Hà Lan bắt đầu chiến đấu. Tuy nhiên, khi Tieland và các chỉ huy đại đội trở lại vị trí của họ, họ thấy rằng quân của họ đã bị bắt làm tù binh, và họ buộc phải đầu hàng. Cuộc tấn công trên bộ đầu tiên vào Laha xảy ra vào chiều ngày 31 tháng 1. Một trung đội Úc ở phía đông bắc sân bay đã bị tấn công bởi một lực lượng Nhật Bản mạnh hơn, và nó đã đẩy lùi. Các lực lượng Nhật Bản cũng đang tiếp cận thị trấn Ambon từ phía tây nam. Vào khoảng 16:00 ngày 31 tháng 1, quân Nhật chiếm được thị trấn, bao gồm thương binh Úc. 1 tháng 2 Nhiều cuộc tấn công của Nhật Bản đã được tung ra đồng thời vào ngày 1 tháng 2: Kapitz và nhân viên trụ sở của ông đã bị bắt làm tù binh vào đầu giờ. Kapitz đầu hàng các lực lượng còn lại trong khu vực Paso và gửi một bức thư cho Trung tá Scott thúc giục ông làm điều tương tự. (Tin nhắn đã không đến được với Scott trong 2 ngày.) 2-3 tháng 2 Kết quả Thảm sát Laha Các sự kiện tiếp theo Tham khảo
19812027
https://vi.wikipedia.org/wiki/Steven%20%C4%90%E1%BA%B7ng
Steven Đặng
Steven Đặng (tên tiếng Việt: Đặng Thanh Hoàng; sinh ngày 21 tháng 7 năm 1997) là cầu thủ bóng đá mang hai dòng máu Việt Nam – Hoa Kỳ hiện tại đang thi đấu ở vị trí hậu vệ cho câu lạc bộ Becamex Bình Dương tại Giải bóng đá Vô địch Quốc gia Việt Nam. Đời tư Steven Đặng được sinh ra tại Plano, Texas, Hoa Kỳ, nhưng có hộ chiếu quốc tịch Việt Nam thông qua cha mẹ của anh. Thống kê sự nghiệp Câu lạc bộ Tham khảo Liên kết ngoài Sinh năm 1997 Nhân vật còn sống Cầu thủ bóng đá Việt Nam Cầu thủ bóng đá Mỹ Hậu vệ bóng đá Cầu thủ câu lạc bộ bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Cầu thủ câu lạc bộ bóng đá Nam Định Cầu thủ câu lạc bộ bóng đá Becamex Bình Dương Cầu thủ giải bóng đá vô địch quốc gia Việt Nam Cầu thủ bóng đá nước ngoài ở Việt Nam Người Mỹ gốc Việt
19812033
https://vi.wikipedia.org/wiki/Alex%20Bruce%20%28c%E1%BA%A7u%20th%E1%BB%A7%20b%C3%B3ng%20%C4%91%C3%A1%2C%20sinh%201998%29
Alex Bruce (cầu thủ bóng đá, sinh 1998)
Alex Bruce (sinh ngày 28 tháng 10 năm 1998) là một cầu thủ bóng đá người Anh hiện tại đang thi đấu ở vị trí tiền đạo. Sự nghiệp thi đấu Texans SC Houston và San Antonio Bruce đã chơi cho đội trẻ của Texans SC Houston trong mùa giải 2016–17, nơi anh ghi 17 bàn sau 29 lần ra sân. Vào ngày 10 tháng 1 năm 2018, Bruce ký hợp đồng với câu lạc bộ San Antonio FC tại United Soccer League. North Texas SC Vào ngày 6 tháng 11 năm 2019, Bruce gia nhập câu lạc bộ North Texas SC tại USL League One. Tham khảo Liên kết ngoài Sinh năm 1998 Nhân vật còn sống Cầu thủ bóng đá Anh Cầu thủ bóng đá Anh ở nước ngoài Cầu thủ bóng đá nước ngoài tại Hoa Kỳ Cầu thủ bóng đá nước ngoài ở Việt Nam Tiền đạo bóng đá Cầu thủ bóng đá Lansing Ignite FC Cầu thủ bóng đá San Antonio FC Cầu thủ bóng đá North Texas SC Cầu thủ bóng đá Union Omaha Cầu thủ câu lạc bộ bóng đá Thành phố Hồ Chí Minh Cầu thủ bóng đá USL Championship Cầu thủ bóng đá USL League One Cầu thủ giải bóng đá vô địch quốc gia Việt Nam
19812036
https://vi.wikipedia.org/wiki/Bicou%20Bissainthe
Bicou Bissainthe
Bicou Bissainthe (sinh ngày 15 tháng 3 năm 1999) là một cầu thủ bóng đá người Haiti thi đấu ở vị trí hậu vệ cho câu lạc bộ Hải Phòng tại V.League 1. Tham khảo Sinh năm 1999 Cầu thủ bóng đá Haiti Hậu vệ bóng đá Cầu thủ câu lạc bộ bóng đá Hải Phòng Cầu thủ giải bóng đá vô địch quốc gia Việt Nam Cầu thủ đội tuyển bóng đá quốc gia Haiti
19812039
https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90u%C3%B4i%20c%C3%A1%20voi
Đuôi cá voi
Đuôi cá voi (Whale tail) là một từ lóng chỉ về phần phía sau hình chữ Y của quần lọt khe (quần lót dây Thong) hoặc quần lót G-string khi nhìn thấy phía trên vòng eo của quần cạp trễ, quần đùi hoặc váy mà hình dáng lộ tra trông giống cái đuôi của con cá voi. Thuật ngữ này chỉ về xu hướng ăn mặc được phổ biến từ cách ăn mặc của một số nữ minh tinh như Amy Dumas, Christina Aguilera, Victoria Beckham, Mariah Carey, Paris Hilton và Britney Spears, việc khoe phần đuôi cá voi trở nên phổ biến vào đầu những năm 2000, cùng với sự phổ biến của quần jean cạp trễ và quần lót lọt khe. Quần cạp trễ chẳng hạn như quần jean cạp trễ hoặc quần ôm sát hông (quần bó) và quần cạp trễ khiến phần đuôi cá voi lộ ra nhiều hơn. Xu hướng này cũng gắn liền với xu hướng xăm hình thể thao ở phần lưng dưới. Từ lóng Đuôi cá voi này đã được American Dialect Society bình chọn là "từ sáng tạo nhất" (most creative word) của năm 2005 vào tháng 1 năm 2006. Sự phổ biến ngày càng tăng của quần jean cạp trễ đã dẫn đến sự xuất hiện ngày càng nhiều của áo lọt khe vào đầu những năm 2000. Ban đầu xu hướng này được thể hiện của WWE với nữ đô vật Amy Dumas vào đầu năm 2000, những người khác như Britney Spears đã được miêu tả là nhân tố chính góp phần vào sự phổ biến của xu hướng Đuôi cá voi. Màn trình diễn Đuôi cá voi của cô ấy đã được nhắc đến trong những cuốn sách văn học sáng tạo như "Married to a Rock Star" của Shemane Nugent, "Thong on Fire" của Noire, The Magical Breasts of Britney Spears của Ryan G. Van Cleave và Off-Color của Janet McDonald. Thời báo The Oregonian một tờ báo Portland, Oregon, đã đăng tin rất nhiều vào năm 2004 loan báo rằng rất nhiều Đuôi cá voi đã trở thành một thứ gây xao nhãng trong khuôn viên trường. Nhà bình luận xã hội Ann C. Hall đã xác định xu hướng ăn mặc Đuôi cá voi trong khuôn viên trường này là "sự giao thoa rõ ràng giữa thời trang hàng ngày trong khuôn viên trường học và phim khiêu dâm mức độ nhẹ". Xu hướng quần áo nhiều lớp vào đầu những năm 2000 một phần được dẫn dắt theo phong cách Đuôi cá voi kết hợp quần jean ôm sát hông, crop top và thong cạp cao được những người nổi tiếng phổ biến. Chú thích Xem thêm Ngón chân lạc đà Rãnh ngực Crop top Váy vén (Upskirt) Underwear as outerwear Thời trang Xu hướng