id
stringlengths 1
8
| url
stringlengths 31
389
| title
stringlengths 1
250
| text
stringlengths 184
322k
|
---|---|---|---|
19816003 | https://vi.wikipedia.org/wiki/Jinbei | Jinbei | (còn gọi là hoặc ) là bộ quần áo mặc trong nhà truyền thống của Nhật Bản dành cho đàn ông, phụ nữ và trẻ em được mặc trong mùa hè. Với cấu tạo gồm một chiếc áo kiểu kimono đi kèm với quần, ban đầu chỉ dành cho nam giới, tuy nhiên, trong những năm gần đây, dành cho phụ nữ đã trở nên phổ biến.
Mô tả
Một bộ tiêu chuẩn thường là một bộ hoàn chỉnh bao gồm áo và quần. Quần của Jinbei có thể ngắn hoặc dài tùy theo ý thích . Mặc dù quần được may theo kiểu phương Tây, song phần áo của nó lại được may theo kiểu kimono truyền thống, với phần cổ áo dài được vắt phía trước tạo thành đường chéo. Tuy nhiên, khác với kimono, một bộ tiêu chuẩn sẽ không được may phần mép phía trước (được gọi là ), thay vào đó nó sẽ có hai dây buộc, một dây nằm ngoài và một dây nằm ở mặt trong, giúp thắt kín áo lại. Phần áo phía trên có chiều dài gần đến hông và được quấn từ bên trái qua bên phải, và phần dây bên trong sẽ được buộc chặt trước khi thắt các dây buộc bên ngoài.
Theo phong cách truyền thống, được may từ vải dệt bông hoặc cây gai dầu, và thường được nhuộm màu đơn sắc như chàm, xanh dương hoặc màu lục. Trong khi đó, kiểu hiện đại thường được may từ vải in và có nhiều kết cấu khác nhau cùng với những hoa văn đầy màu sắc. dành cho những phụ nữ quý tộc thường có màu sắc tươi sáng hơn, và thường có in hình của các nhân vật và các hình mẫu trong văn hóa đại chúng.
có đường may rất lỏng lẻo giúp cho người mặc có cảm giác thông thoáng trong thời tiết nóng bức, cũng như giúp bộ đồ trông có vẻ đồng nhất hơn khi nhìn từ xa.
Sử dụng
thường được sử dụng như đồ ngủ hay đồ mặc ở nhà, và được coi như loại quần áo không được dùng cho những dịp trang trọng. Thông thường, chỉ được mặc bên ngoài trong những chuyến du lịch ngắn như đi làm một việc vặt ở địa phương, thu thập thư hay đi mua sắm. Việc mặc Jinbei một cách "trang trọng", tức là mặc nó khi đi ra ngoài trong một thời gian dài bị coi là một điều thô lỗ.
cũng có thể được dùng để thay thế trong mùa hè, đặc biệt là trong các lễ hội.
Tại Nhật Bản loài cá nhám voi được gọi là hay , do loài động vật này có màu da trông giống như màu của .
Xem thêm
Tham khảo
Trang phục
Trang phục Nhật Bản
Trang phục theo mùa |
19816006 | https://vi.wikipedia.org/wiki/Beatrice%20c%E1%BB%A7a%20Li%C3%AAn%20hi%E1%BB%87p%20Anh | Beatrice của Liên hiệp Anh | Beatrice của Liên hiệp Anh và Ireland, hay Beatrice của Liên hiệp Anh (tiếng Anh: Princess Beatrice of the United Kingdom; tên đầy đủ:Beatrice Mary Victoria Feodore; 14 tháng 4 năm 1857 – 26 tháng 10 năm 1944), sau này là Thân vương tử phi Heinrich xứ Battenberg, là con gái thứ năm và là người con út của Victoria I của Liên hiệp Anh và Albrecht xứ Sachsen-Coburg và Gotha. Beatrice cũng là người con qua đời cuối cùng của Nữ vương Victoria, gần 66 năm sau khi người con đầu tiên của Victoria qua đời là Vương nữ Alice.
Tuổi thơ của Beatrice trùng với thời điểm Nữ vương Victoria đau buồn vì cái chết của chồng vào ngày 14 tháng 12 năm 1861. Khi các chị gái của Beatrice đã kết hôn và không còn gần bên mẹ, Nữ vương Victoria dựa dẫm vào người con gái út, và gọi Beatrice là "Đứa con bé nhỏ" trong phần lớn thời thơ ấu của vương nữ. Beatrice luôn được nuôi dưỡng bên nữ vương Victoria và vương nữ chấp thuận điều này. Nữ vương Victoria phản đối việc kết hôn của Beatrice đến nỗi từ chối thảo luận về hôn sự của con gái. Dù vậy, có nhiều người đã ngỏ lời cầu hôn Beatrice, trong đó có Louis-Napoléon, Hoàng thái tử Pháp, con trai của Hoàng đế lưu vong Napoléon III của Pháp, và Ludwig IV xứ Hessen, góa vợ của Vương nữ Alice, chị gái của Beatrice. Vương nữ bị thu hút bởi Louis-Napoléon và đã có những thảo luận về hôn nhân của hai người, nhưng Louis-Napoléon đã bị giết trong Chiến tranh Anh-Zulu năm 1879.
Beatrice sau đó đem lòng yêu Thân vương tử Heinrich xứ Battenberg, con trai của Đại Công tử Alexander xứ Hessen và Rhine và Julia Hauke, đồng thời là em chồng của Đại Công nữ Viktoria xứ Hessen và Rhine, cháu gọi dì của Vương nữ Beatrice. Sau một năm thuyết phục, Nữ vương Victoria, người có thẩm quyền cho phép Beatrice và Heinrich kết hôn chiếu theo Đạo luật Hôn nhân Vương thất, cuối cùng đã đồng ý cho cuộc hôn nhân diễn ra tại Whippingham trên Đảo Wight vào ngày 23 tháng 7 năm 1885. Nữ vương Victoria đã đồng ý mối hôn sự với điều kiện Beatrice và Heinrich phải ở gần Nữ vương và Beatrice tiếp tục nhiệm vụ thư ký không chính thức của Victoria. Heinrich và Beatrice có với nhau bốn người con, nhưng 10 năm sau cuộc hôn nhân của hai vợ chồng, vào ngày 20 tháng 1 năm 1896, Thân vương tử Heinrich qua đời vì bệnh sốt rét khi chiến đấu trong Chiến tranh Anh-Ashanti. Beatrice vẫn ở bên mẹ cho đến khi Nữ vương Victoria qua đời vào ngày 22 tháng 1 năm 1901. Beatrice đã dành 30 năm tiếp theo để biên tập nhật ký của Nữ vương Victoria với tư cách là người phụ trách được chỉ định của Victoria và tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trước công chúng. Vương nữ Beatrice qua đời ở tuổi 87 vào năm 1944.
Những năm đầu đời
Beatrice sinh ngày 14 tháng 4 năm 1857 tại Cung điện Buckingham, Luân Đôn, là con gái thứ năm và là người con út trong số chín người con của Victoria của Liên hiệp Anh và Albrecht của Sachsen-Coburg và Gotha. Ca sinh nở này của Victoria đã gây ra tranh cãi khi có thông báo rằng Nữ vương sẽ sử dụng chloroform được cung cấp bởi Tiến sĩ John Snow nhằm giảm bớt cơn đau đớn do sinh nở. Chloroform được coi là nguy hiểm đối với người mẹ và đứa trẻ và bị Giáo hội Anh và các cơ quan y tế phản đối. Tuy nhiên, Victoria vẫn quyết định sử dụng "chất chloroform diệu kỳ" cho lần mang thai cuối cùng của mình. Hai tuần sau, Nữ vương Victoria đã ghi lại trong nhật ký rằng "Ta đã được đền đáp xứng đáng và quên đi tất cả những gì mình phải trải qua khi nghe tiếng Albert thân yêu nói rằng 'Đó là một đứa bé khỏe mạnh, và là một bé gái!'" Albert và Victoria quyết định đặt tên cho đứa trẻ là Beatrice Mary Victoria Feodore: Mary theo tên của Vương nữ Mary của Liên hiệp Anh, người con cuối cùng còn sống của George III của Liên hiệp Anh ; Victoria theo tên của Nữ vương và Feodore theo Feodora xứ Leiningen, Thân vương phi xứ Hohenlohe-Langenburg, chị gái cùng mẹ khác cha của Victoria. Vương nữ Beatrice được rửa tội trong nhà nguyện riêng ở Cung điện Buckingham vào ngày 16 tháng 6 năm 1857. Cha mẹ đỡ đầu của Beatrice là Thái Công tước phu nhân xứ Kent (bà ngoại); Victoria Adelaide, Vương nữ Vương thất (chị cả); và Vương tôn Friedrich của Phổ (anh rể tương lai của Beatrice).
Ngay từ khi sinh ra, Beatrice đã trở thành đứa trẻ được yêu thích trong gia đình. Người con gái lớn được yêu thích nhất của Albert là Victoria, Vương nữ Vương thất sắp chuyển đến sống ở Đức với chồng là Friedrich ("Fritz") của Phổ. Cùng lúc đó, đứa trẻ Beatrice mới sinh nhận được sự yêu mến. Albert đã viết cho Augusta, mẹ của Fritz rằng "Con bé luyện giọng giống như một prima donna tài năng trước khi biểu diễn và có một giọng hát hay!" Mặc dù Nữ vương Victoria được biết là không thích trẻ sơ sinh, nhưng Victoria lại thể hiện sự yêu thích đối với Beatrice và cho rằng cô con gái út rất cuốn hút. Điều này mang lại lợi thế cho Beatrice so với các anh chị của mình. Nữ vương Victoria từng nhận xét Beatrice là "một đứa trẻ xinh xắn, mũm mĩm và khỏe mạnh... với đôi mắt xanh to tròn, cái miệng nhỏ xinh và làn da rất mịn màng". Mái tóc dài và vàng óng của Beatrice là tâm điểm trong các bức tranh do Nữ vương ủy quyền, người rất cho Beatrice tắm, trái ngược hoàn toàn so với những người con còn lại của nữ vương. Beatrice thể hiện bản thân là đứa trẻ thông minh, điều này càng khiến cho Vương nữ được cha quý mến và thích thú với sự trưởng thành sớm của con gái.
Albert đã viết cho Nam tước Stockmar rằng Beatrice là "đứa trẻ thú vị nhất mà chúng ta có." Mặc dù cũng tiếp nhận chương trình giáo dục nghiêm khắc đến từ Vương phu Albert và cố vấn thân cận là Nam tước Stockmar, Beatrice có một thời thơ ấu thoải mái hơn so với các anh chị của mình vì mối quan hệ giữa vương nữ với cha mẹ. Khi mới 4 tuổi, vì là người con út và là đứa trẻ vương thất nhỏ tuổi nhất, Beatrice không bị buộc phải chịu sự kiểm soát của cha mẹ như các anh chị của mình, và tính cách hài hước của Beatrice đã mang lại niềm an ủi cho người cha đau ốm của mình.
Người bạn tâm tình của Nữ vương Victoria
Vào tháng 3 năm 1861, mẹ của Nữ vương Victoria là Victorie xứ Sachsen-Coburg-Saafeld, Công tước phu nhân xứ Kent qua đời tại Frogmore. Nữ vương Victoria đã suy sụp trong đau buồn và tội lỗi vì sự xa cách giữa hai người trong khoảng thời gian đầu triều đại của Victoria. Beatrice đã cố gắng an ủi mẹ mình bằng cách nhắc nữ vương rằng Bà Công tước xứ Kent đang "ở trên thiên đường, nhưng Beatrice hy vọng bà ấy sẽ trở lại". Sự an ủi này rất có ý nghĩa với Victoria vì nữ vương đã tự cô lập mình với các con ngoại trừ cô con gái lớn nhất chưa lập gia đình là Alice và Beatrice. Victoria một lần nữa nương tựa vào Beatrice và Alice sau cái chết của chồng vì bệnh thương hàn vào ngày 14 tháng 12.
Nỗi đau buồn sâu sắc của Nữ vương Victoria trước cái chết của chồng đã khiến cả gia đình, các triều thần, chính trị gia và dân chúng nói chung kinh ngạc. Như khi bà mẹ nữ vương qua đời, Victoria tự tách biệt mình ra khỏi gia đình— đặc biệt nhất là Thân vương xứ Wales (người mà Victoria đổ lỗi cho cái chết của chồng mình), ngoại trừ Alice và Beatrice. Nữ vương Victoria thường bế Beatrice khỏi giường, vội vã mang đến giường của mình và "nằm đó không ngủ, ôm chặt lấy đứa con nhỏ của mình, quấn trong bộ đồ ngủ của một người đàn ông sẽ không bao giờ mặc chúng nữa." Sau năm 1871, khi người chị gái cuối cùng của Beatrice kết hôn, Nữ vương Victoria dựa dẫm vào cô con gái út, người đã tuyên bố từ khi còn nhỏ rằng: "Con không thích đám cưới chút nào. Con sẽ không bao giờ kết hôn. Con sẽ ở mãi với mẹ." Với tư cách là thư ký của mẹ, Beatrice thực hiện các nhiệm vụ như viết thư thay mặt Nữ vương và giúp xử lý thư từ chính trị. Những nhiệm vụ thường trực này phản ánh những công việc đã được thực hiện liên tiếp bởi các chị gái của Beatrice là Alice, Helena và Louise. Tuy nhiên, Nữ vương Victoria đã bổ sung thêm nhiều nhiệm vụ cá nhân hơn. Trong một trận ốm nặng vào năm 1871, Victoria đã đọc cho con gái nghe về các hoạt động trong ngày để Beatrice ghi nhận lại, và vào năm 1876, Victoria cho phép Beatrice sắp xếp lại các bản nhạc mà nữ vương và vương phu đã chơi, vốn không được chơi kể từ khi Albert qua đời mười lăm năm trước đó.
Sự tận tâm mà Beatrice dành cho mẹ đã được ghi nhận trong các bức thư và nhật ký của Nữ vương, nhưng nhu cầu liên tục của Victoria đối với con gái ngày càng lớn hơn. Victoria tiếp tục chịu đả kích khi biết tin về sự qua đời của một người cận thần là John Brown vào năm 1883 tại Balmoral. Một lần nữa, Victoria đắm chìm trong sự thương tiếc và phải nhờ cậy đến Beatrice để tìm đến sự an ủi. Không giống như các anh chị của mình, Beatrice không hề tỏ ra ghét Brown, và cả hai thường xuyên đi với nhau và họ đã làm việc cùng nhau để thực hiện những mong muốn của Victoria.
Hôn nhân
Những ứng cử viên tiềm năng
Mặc dù nữ vương Victoria phản đối việc Beatrice kết hôn với bất kỳ ai vì nữ vương mong muốn rằng con gái sẽ luôn ở bên mình, nhưng đã có một số ứng cử viên đã ngỏ lời cầu hôn Beatrice, trước khi Beatrice kết hôn với Heinrich xứ Battenberg. Một trong số đó là Napoléon Eugéne, Hoàng thái tử nước Pháp, con trai và là người thừa kế của Hoàng đế lưu vong Napoléon III của Pháp và vợ là Hoàng hậu Eugenia. Sau khi Phổ đánh bại Pháp trong Chiến tranh Pháp-Phổ, Napoléon III bị phế truất và cùng gia đình sang Anh năm 1870. Sau cái chết của Hoàng đế vào năm 1873, Nữ vương Victoria và Hoàng hậu Eugenia đã hình thành một mối quan hệ gắn bó thân thiết, và các tờ báo đã đưa tin về việc Beatrice sắp đính hôn với Hoàng thái tử. Tuy nhiên, hững tin đồn này kết thúc với cái chết của Napoléon Eugéne trong Chiến tranh Anh-Zulu vào ngày 1 tháng 6 năm 1879. Victoria ghi lại trong nhật ký rằng: "Beatrice yêu quý, cũng đã khóc rất nhiều như ta, đã gửi cho ta bức điện tín... lúc ấy trời đã sáng và ta chẳng ngủ được là bao... Beatrice đã rất đau khổ; mọi người thì khá sốc."
Sau cái chết của Hoàng thái tử Pháp, Vương tử Albert Edward, Thân vương xứ Wales đã đề nghị Beatrice kết hôn với người chồng của chị gái Alice quá cố là Đại Công tước Ludwig IV xứ Hessen. Alice đã qua đời vào năm 1878, và Thân vương lập luận rằng Beatrice có thể đóng vai trò là người mẹ thay thế cho những đứa con nhỏ của Ludwig và Alice và dành phần lớn thời gian ở Anh để chăm sóc cho nữ vương Victoria. Albert Edward cũng gợi ý rằng Nữ vương cũng có thể giám sát việc nuôi dạy những người cháu nhà Hessen của mình một cách dễ dàng hơn. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, luật pháp cấm Beatrice kết hôn với người chồng góa vợ của chị gái mình. Điều này đã bị phản đối bởi Thân vương xứ Wales, người đã kịch liệt ủng hộ việc thông qua Dự luật Chị em gái của Người vợ đã khuất tại Nhà Quốc hội, theo đó sẽ loại bỏ trở ngại ngăn cản Beatrice kết hôn với Ludwig IV. Bất chấp sự ủng hộ cho dự luật này và mặc dù đã được thông qua tại Hạ viện, dự luật đã bị Thượng viện bác bỏ vì sự phản đối của các Giám mục tại Thượng viện. Mặc dù Nữ vương Victoria thất vọng vì dự luật không được thông qua, nữ vương rất vui khi được giữ con gái ở bên mình.
Một số ứng cử viên khác, bao gồm hai anh trai của Thân vương tử Hdeinrich là Thân vương tử Alexander ("Sandro") và Thân vương tử Ludwig xứ Battenberg, được đề cử trở thành chồng của Beatrice nhưng không thành công. Mặc dù Alexander chưa bao giờ chính thức theo đuổi Beatrice, mà chỉ tuyên bố rằng "có thể đã đính hôn với người bạn thời thơ ấu của mình trong một khoảng thời gian, là Beatrice của Anh" trong khi đó Ludwig tỏ ra quan tâm hơn vơi môn hôn sự này. Nữ vương Victoria đã mời Ludwig ăn tối nhưng lại ngồi giữa Ludwig và Beatrice, và căn dặn Beatrice phớt lờ Ludwig để ngăn cản mối hôn sự này. Ludwig, không nhận ra nguồn cơn của sự im lặng này trong nhiều này, kết hôn với cháu gái gọi dì của Beatrice là Đại Công nữ Viktoria xứ Hessen. Mặc dù hy vọng của Beatrice về một cuộc hôn nhân đã một lần nữa không thành, khi tham dự đám cưới của Ludwig tại Darmstadt, Beatrice đã đem lòng yêu Thân vương tử Heinrich, người cũng đã đáp lại tình cảm của vương nữ.
Đính hôn và đám cưới
Sau khi trở về từ Darmstadt, Beatrice đã thông báo với nữ vương Victoria về dự định kết hôn của mình. Trước thông tin này, Nữ vương đã phản ứng bằng sự im lặng đáng sợ. Mặc dù hai mẹ con vẫn ở bên cạnh nhau, nhưng Victoria đã không nói chuyện với con gái trong suốt bảy tháng mà chỉ giao tiếp thông qua những tờ giấy ghi chú. Hành vi của Nữ vương là điều cả gia đình cũng không ngờ tới, có thể à vì nỗi sợ rời xa con gái của Victoria. Nữ vương coi Beatrice như một "Đứa bé" (Baby) - đứa con ngây thơ của mình - và nhận định rằng việc quan hệ tình dục vốn đi kèm với hôn nhân chính là dấu chấm hết cho sự trong trắng của con gái út.
Nhờ những lời thuyết phục tinh tế từ Thân vương phi xứ Wales và Vương thái tử phi nước Phổ, người đã nhắc nhở nữ vương nhớ về niềm hạnh phúc mà Beatrice đã mang lại cho Vương phi Albert, đã khiến cho nữ vương Victoria nói chuyện lại với Beatrice. Victoria cũng đồng ý cho phép Beatrice kết hôn với điều kiện Heinrich sẽ phải từ bỏ những ràng buộc từ dòng máu Đức và sống lâu dài với Beatrice và Nữ vương.
Beatrice và Heinrich kết hôn tại Nhà thờ Thánh Mildred ở Whippingham, gần Điện Osborne vào ngày 23 tháng 7 năm 1885. Trong ngày cưới, Beatrice đã trùm tấm màn cưới bằng đăng ten Honiton của nữ vương Victoria và được hộ tống bởi mẹ và anh cả là Thân vương xứ Wales. Vương nữ Beatrice còn được hộ tống bởi mười phù dâu, tất cả đều là cháu gái của vương nữ: Vương tôn nữ Louise (18), Victoria và Maud xứ Wales; Đại Công nữ Irene và Alix xứ Hessen và Rhine; Vương tôn nữ Marie, Victoria Melita và Alexandra xứ Edinburgh; Vương tôn nữ Helena Victoria và Marie Louise của Schleswig-Holstein . Bên chú rể gồm có các anh em trai là Thân vương Alexander của Bulgaria và Thân vương tử Franz Joseph xứ Battenberg.
Buổi lễ không có sự tham dự của chị cả và anh rể của Beatrice là Thái tử và Thái tử phi nước Phổ vì họ không thể rời khỏi Đức; William Ewart Gladstone; hay cô họ của Beatrice là Vương tôn nữ Mary Adelaide, Công tước phu nhân xứ Teck, người đang chịu tang cha chồng – kết thúc bằng việc cặp đôi lên đường đi hưởng tuần trăng mật tại Nhà Tu viện Quarr, cách Osborne vài dặm. Nữ vương từ giã hai vợ chồng và "dũng cảm chịu đựng cho đến điểm khởi hành và sau đó lùi bước cho hai vợ chồng" , theo như nữ vương chia sẻ với con gái cả Vicky .
Những năm cuối đời của Nữ vương Victoria của Liên hiệp Anh
Sau khoảng thời gian trăng mật ngắn ngủi, Beatrice và chồng đã thực hiện lời hứa của mình và trở về bên Nữ vương. Nữ hoàng nói rõ rằng bà không thể tự mình xử lý mọi việc và cặp đôi không thể đi đâu mà không có nữ vương. Mặc dù Victoria đã nới lỏng hạn chế này sau một khoảng thời gian từ khi hai người kết hôn, Beatrice và Heinrichy chỉ đi thăm gia đình ông trong thời gian ngắn. Tình yêu của Beatrice dành cho Heinrich, giống như tình yêu của Nữ vương Victoria dành cho Vương phu Albert, dường như sâu đậm qua thời gian. Khi Heinrich đi xa mà không có Beatrice, vương nữ trở nên vui vẻ hơn khi chồng trở về.
Việc Heinrich trở thành một thành viên của vương thất đã khiến Vương nữ Beatrice và Nữ vương Victoria trở nên tích cực hơn, và triều đình trở nên tươi sáng hơn so với kể từ khi cố Vương phu Albert qua đời. Mặc dù vậy, Heinrich với sự ủng hộ của Beatrice, vẫn quyết tâm tham gia vào các chiến dịch quân sự, điều khiến Victoria khó chịu và phản đối việc Heinrich tham gia vào những cuộc chiến đe dọa đến tính mạng. Xung đột cũng nảy sinh khi Heinrich tham dự lễ hội hóa trang Ajaccio và Beatrice đã cử một sĩ quan Hải quân Vương thất đến để phòng ngừa bất kỳ sự sa đọa nào có thể xảy ra. Trong một lần, Heinrich trốn đến Corsica với anh trai Ludwig; Nữ vương đã gửi một tàu chiến để đưa con rể trở về. Heinrich cảm thấy bị khó chịu bởi việc Nữ vương thường xuyên cần đến sự bầu bạn của hai vợ chồng.
Mặc dù đã kết hôn, Beatrice vẫn thực hiện lời hứa của mình với Nữ vương bằng cách tiếp tục là người bầu bạn cũng như là thư ký toàn thời gian của Victoria. Nữ vương Victoria cũng có thái độ ấm áp với Heinrich. Tuy nhiên, Nữ vương Victoria đã chỉ trích hành vi của Beatrice trong lần mang thai đầu tiên. Cụ thể là khi vương nữ ngừng đến tham dự các bữa tối của Nữ vương khoảng một tuần trước khi sinh và ăn một mình trong phòng, Victoria đã tức giận viết thư cho bác sĩ của mình làJames Reid rằng, "Ta (mong muốn Vương nữ tiếp tục) đến ăn tối, chứ không ủ rũ trong phòng riêng, điều rất có hại cho con bé. Nếu là ta, ta sẽ thường xuyên đến ăn tối, trừ khi thực sự không khỏe (ngay cả khi phải chịu đựng rất nhiều) cho đến tận ngày cuối ngày." Tuần sau đó, với sự hỗ trợ chloroform, Beatrice đã hạ sinh con trai đầu lòng Alexander vào tuần sau. Mặc dù bị sẩy thai trong những tháng đầu của cuộc hôn nhân, Beatrice sinh được bốn người con: Alexander, gọi là "Drino", sinh năm 1886; Victoria Eugenie, gọi là "Ena", năm 1887; Leopold năm 1889; và Maurice vào năm 1891. Sau này, Beatrice quan tâm nhiệt thành đến các vấn đề xã hội, chẳng hạn như điều kiện làm việc ở các mỏ than. Tuy nhiên, mối quan tâm của Beatrice không mở rộng đến việc thay đổi tình trạng nghèo đói như anh trai là Thân vương xứ Wales.
Mặc dù có rất ít các hoạt động giải trí trong cung đình từ khi Albert qua đời, Beatrice và Nữ vương Victoria rất thích chụp ảnh hoạt cảnh, thường được thực hiện tại các dinh thự vương thất. Trong khi đó Heinrich, ngày càng chán nản vì lượng hoạt động ít ỏi tại triều đình, khao khát được thực hiện nhiệm vụ và Nữ vương đã phong Heinrich làm Thống đốc của Đảo Wight vào năm 1889. Tuy nhiên, Heinrich khao khát được ở trong quân đội và cầu xin mẹ vợ cho mình tham gia cuộc chinh phạt Ashanti trong Chiến tranh Anglo-Asante. Bất chấp những lo ngại, Victoria đã đồng ý, Heinrich và Beatrice tạm biệt nhau vào ngày 6 tháng 12 năm 1895 mà không biếtranngg282 cả hai sẽ không còn gặp lại nhau. Heinrich sau đó mắc bệnh sốt rét và được gửi về nhà. Vào ngày 22 tháng 1 năm 1896, Beatrice, trong lúc đang đợi chồng trở về ở Madeira, nhận được một bức điện thông báo về cái chết của Heinrich vào hai ngày trước đó.
Đau khổ vì mất chồng, Beatrice rời khỏi triều đình trong một tháng nhằm để tang chồng trước khi trở lại bên mẹ. Nữ vương Victoria đã ghi lại trong nhật kỳ của mình rằng ngài đã "đến phòng của Beatrice và ngồi bên con bé một lúc. Con bé thật đáng thương với nỗi khốn khổ mà nó phải chịu đựng." Bất chấp sự đau, Beatrice vẫn tiếp tục kề bên nữ vương, và khi Victoria già đi, nữ vương phụ thuộc nhiều hơn vào Beatrice trong việc giải quyết thư từ. Tuy nhiên, nhận ra rằng Beatrice cần một vị trí cho riêng mình, Victoria đã cho con gái các dãy phòng của Cung điện Kensington vốn từng là nơi ở của Nữ vương và cố Công tước phu nhân xứ Kent. Victoria cũng bổ nhiệm Beatrice vị trí thống đốc của Đảo Wight đã bị bỏ trống từ khi Heinrich qua đời. Đối với sở thích chụp ảnh của Beatrice, Victoria đã cho lắp đặt một căn phòng tối tại Điện Osborne. Những thay đổi trong gia đình, bao gồm cả sự ưu tiên hàng đầu của Beatrice dành cho mẹ, có thể đã ảnh hưởng đến những đứa con của vương nữ, khiến chúng trở nên nổi loạn ở trường học. Beatrice đã viết rằng Ena là đứa trẻ "rắc rối và nổi loạn", và Alexander thì nói "những điều sai sự thật không chấp nhận".
Cuộc sống sau này
Cuộc sống của Beatrice bị đảo lộn Nữ vương Victoria qua đời vào ngày 22 tháng 1 năm 1901. Vương nữ đã viết thư cho Hiệu trưởng của Đại học Glasgow vào tháng 3, "...ông có thể tưởng tượng nỗi đau tệ như thế nào. Ta, người chưa bao giờ xa cách người mẹ thân yêu của mình, ta khó mà hình dung được cuộc sống sẽ ra sao nếu không có mẹ, người đã từng là trung tâm của mọi thứ." Beatrice vẫn tiếp tục xuất hiện trước công chúng, nhưng vị trí của vương nữ tại triều đình đã bị suy giảm. Khác với chị gái là Vương nữ Louise, Beatrice không thân thiết với tân vương Edward VII, người cũng là anh trai vương nữ, và không được đưa vào vòng tròn giao thiệp của Nhà vua. Mặc dù mối quan hệ của hai anh em không hoàn toàn tồi tệ, nhưng đôi khi cũng trở nên căng thẳng, chẳng hạn như khi Beatrice vô tình (một cách ồn ào) đánh rơi cuốn sách kinh của mình từ phòng trưng bày vương thất xuống một chiếc bàn bằng vàng trong lễ đăng quang của Edward VII.
Sau khi thừa kế Điện Osborne, Edward VII đã cho dỡ bỏ những bức ảnh và vật dụng cá nhân của mẹ mình và thậm chí là một số trong số chúng đã bị cho tiêu hủy, đặc biệt là tài liệu liên quan đến John Brown, người mà Quốc vương căm ghét. Nữ vương Victoria đã dự định cho điện Osborne trở thành nơi ở riêng tư cho con cháu của nữ vương, tránh xa sự hào hoa và nghi lễ của cuộc sống cung đình. Tuy nhiên, vị tân vương không có nhu cầu tương tự đối với điện Osborne và đã hỏi ý kiến các luật sư của mình về việc xử lý điện Osborne, biến cánh chính trở thành nhà điều dưỡng, mở cửa các dãy phòng cho công chúng và xây dựng Trường Cao đẳng Hải quân trong khuôn viên. Tuy nhiên, kế hoạch của Edward VII vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Beatrice và Louise. Nữ vương Victoria đã để lại cho hai chị em những ngôi nhà trong vùng lãnh thổ của Vương thất, và sự riêng tư mà nữ vương đã hứa với hai chị em bị đe dọa. Khi Edward VII thảo luận về số phận của ngôi nhà với hai chị em, Beatrice phản đối việc để ngôi nhà tách rời khỏi vương thất, với lý do rằng đây là nơi quan trọng đối với cha mẹ họ.
Tuy nhiên, Quốc vương không muốn điện Osborne cho bản thân và đã tặng nó cho người thừa kế của mình, cháu trai gọi cô của Beatrice là Vương tử George nhưng Vương tử đã từ chối vì chi phí bảo trì cao. Edward VII sau đó đã mở rộng khuôn viên nơi ở của Beatrice là Osborne Cottage, để đền bù cho việc sự riêng tư Vương nữ sắp bị ảnh hưởng. Ngay sau đó, Nhà vua tuyên bố với thủ tướng là Arthur Balfour, rằng phần nhà chính sẽ được trao cho quốc gia như một món quà. Tuy nhiên với các dãy phòng cá nhân thì chỉ mở cửa cho các thành viên vương thấtviì khu vực này đã được dựng thành điện thờ để tưởng nhớ cố nữ vương.
Vương nữ Beatrice tiếp tục vai trò Thống đốc của Đảo Wight từ năm 1896 cho đến khi qua đời vào năm 1944, đồng thời là Chủ tịch của Bệnh viện Tưởng niệm Frank James tại Đông Cowes từ năm 1903 cho đến khi qua đời.
Beatrice tiếp tục xuất hiện trước công chúng sau khi nữ vương Victoria qua đời. Các nhiệm vụ công khai mà vương nữ thực hiện thường liên quan đến Nữ vương Victoria, vì công chúng luôn liên tưởng hình ảnh Beatrice kề bên nữ vương.
Nhật ký của Nữ vương Victoria
Sau cái chết của Nữ vương Victoria, Beatrice bắt đầu nhiệm vụ quan trọng là ghi lại và biên tập nhật ký của Nữ vương Victoria. Hàng trăm tập nhật ký từ năm 1831 trở đi chứa đựng những quan điểm cá nhân của Nữ vương về công việc hàng ngày trong cuộc đời Victoria, đồng thời bao gồm các vấn đề cá nhân, gia đình cũng như các vấn đề của quốc gia.
Nữ vương Victoria đã giao cho Beatrice nhiệm vụ biên tập các cuốn nhật ký để xuất bản, điều đó có nghĩa là loại bỏ các tài liệu riêng tư cũng như những đoạn văn mà nếu được xuất bản thì có thể gây tổn hại cho những người còn sống. Beatrice đã xóa nhiều tài liệu đến nỗi các cuốn nhật ký đã qua chỉnh sửa chỉ có độ dài bằng một phần ba so với bản gốc. Việc phá hủy những đoạn nhật ký lớn như vậy của Nữ vương Victoria khiến cháu trai của Beatrice là Quốc vương George V, và vợ là Vương hậu Mary, đau buồn nhưng không thể can thiệp. Beatrice đã sao chép một bản nháp từ bản gốc và sau đó sao lại bản nháp của vương nữ vào một tập sách màu xanh. Cả bản gốc và bản nháp đầu tiên của Beatrice đều bị phá hủy trong quá trình biên tập. Nhiệm vụ này kéo dài ba mươi năm và hoàn thành vào năm 1931. 111 cuốn sổ ghi chú còn sót lại được lưu giữ trong Văn khố Vương thất tại Lâu đài Windsor.
Vương hậu Victoria Eugenie "Ena" của Tây Ban Nha
Nhan sắc của con gái Beatrice là Ena, được biết đến khắp châu Âu, và mặc dù có địa vị không cao nhưng Ena là một nàng dâu đáng mơ ước. Alfonso XIII của Tây Ban Nha đã ngỏ lời cầu hôn Victoria Eugenie và được Vương tôn nữ chấp nhận . Tuy nhiên, cuộc hôn nhân đã gây ra tranh cãi ở Anh, vì kết hôn với Quốc vương Tây Ban Nha đồng nghĩa là Ena phải cải đạo sang Công giáo. Chuyện này đã bị phản đối bởi anh trai của Beatrice là Edward VII, và những người Tây Ban Nha cực kỳ bảo thủ đã phản đối cuộc hôn nhân của Alffonso XIII với một tín hữu Kháng Cách có xuất thân thấp kém, vì cha của Victoria Eugenie, Thân vương tử Heinrich, là con trai của một cuộc hôn nhân bất đăng đối. Vì vậy, họ coi Ena chỉ là một phần huyết mạch Vương thất và do đó không thích hợp để trở thành Vương hậu Tây Ban Nha. Tuy nhiên, cặp đôi đã kết hôn vào ngày 31 tháng 5 năm 1906. Cuộc hôn nhân bắt đầu không suôn sẻ khi một kẻ vô chính phủ cố gắng đánh bom họ vào ngày cưới. Ban đầu, cặp đôi rất gần gũi với nhau nhưng sau này lại ngày càng xa cách. Ena không được yêu thích ở Tây Ban Nha và tình hình trở nên nghiêm trọng hơn khi người con trai cả Alfonso Pio, trữ quân của ngai vàng Tây Ban Nha, mắc bệnh máu khó đông . Alfonso XIII quy trách nhiệm cho Beatrice vì đã mang căn bệnh này đến vương thất Tây Ban Nha và quay lưng lại với Ena một cách cay nghiệt.
Trong thời gian đảm nhiệm vai trò là Vương hậu Tây Ban Nha, Ena đã nhiều lần trở lại thăm mẹ ở Anh, nhưng luôn không có mặt Alfonso và ít khi có mặt các con của mình. Trong khi đó, Beatrice sống tại Osborne Cottage ở Đông Cowes cho đến khi bán nơi này vào năm 1913, khi Lâu đài Carisbrooke, dinh thự của Thống đốc Đảo Wight, bị bỏ trống. Beatrice chuyển đến Lâu đài trong khi vẫn giữ một dãy phòng tại Cung điện Kensington ở Luân Đôn. Vương nữ đã tham gia tích cực vào việc thu thập tài liệu cho bảo tàng của Lâu đài Carisbrooke, mà đức nữ cho mở cửa vào năm 1898.
Chiến tranh thế giới thứ nhất và rời xa khỏi công chúng
Sự hiện diện của Beatrice tại triêu đình ngày càng giảm khi vương nữ già đi. Đau buồn bởi cái chết của người con trai yêu dấu Maurice trong Thế chiến thứ nhất năm 1914, vương nữ bắt đầu rút lui khỏi công chúng. Trước tình hình của Thế chiến thứ nhất, Quốc vương George V đã đổi tên vương tộc từ Saxe-Coburg và Gotha thành Windsor, đồng thời lấy tên đó làm họ của vương thất, để làm lu mờ dòng máu Đức của vương thất. Sau đó, Beatrice và gia đình vương nữ từ bỏ các tước hiệu thuộc Đức của họ; do đó Beatrice đã ngừng sử dụng danh xưng Thân vương tử phi Henry xứ Battenberg, thay vào đó sử dụng danh xưng thời con gái là HRH Vương nữ Beatrice. Các con trai của Beatrice đã từ bỏ tước hiệu Thân vương tôn xứ Battenberg . Alexander, người con trai cả, trở thành Ngài Alexander Mountbatten và sau đó được phong tước hiệu Hầu tước xứ Carisbrooke trong Đẳng cấp quý tộc của Vương quốc Liên hiệp Anh . Người con trai thứ, Leopold, trở thành Ngài Leopold Mountbatten và được hưởng địa vị của con trai thứ của một hầu tước. Leopold cũng mắc bệnh máu khó đông, "căn bệnh vương thất" thừa hưởng từ mẹ và qua đời trong một ca phẫu thuật đầu gối vào năm 1922, chỉ một tháng trước sinh nhật lần thứ 33.
Sau chiến tranh, Beatrice là một trong số các thành viên của vương thất trở thành người bảo trợ của Liên đoàn Ypres, được thành lập dành cho các cựu chiến binh của Khu vực Ypres và thân thích của những chiến sĩ thiệt mạng trong trận chiến ở Khu vực Ypres. Bản thân Beatrice cũng là một người mẹ mất con tại chiến trường, vì con trai út Maurice của Battenberg, đã tử trận trong Trận chiến Ypres lần thứ nhất. Những lần xuất hiện hiếm hoi trước công chúng của Beatrice sau khi Maurice qua đời bao gồm các lễ kỷ niệm, đặt vòng hoa tại mộ gió Cenotaph vào năm 1930 và 1935 để đánh dấu ngày kỷ niệm 10 và 15 ngày thành lập Liên đoàn.
Những năm cuối đời
Ngay cả khi ở tuổi 70, Beatrice vẫn tiếp tục trao đổi thư từ với bạn bè, người thân của mình và hiếm khi xuất hiện trước công chúng, chẳng hạn như lần xuất hiện trên xe lăn để chứng kiến vòng hoa được đặt lên sau cái chết của George V vào năm 1936. Vương nữ đã xuất bản tác phẩm dịch thuật cuối cùng của mình vào năm 1941. Với tiêu đề "Trong những tháng ngày của Napoléon", đó là cuốn nhật ký cá nhân của bà ngoại của Nữ vương Victoria là Augusta, Công tước xứ Sachsen-Coburg-Saalfeld. Beatrice đã trao đổi thư từ với nhà xuất bản là John Murray, người đã rất tán thành tác phẩm. Beatrice sau này sống tại Brantridge Park ở Tây Sussex, thuộc sở hữu của em trai Vương hậu Mary là Alexander Cambridge, Bá tước thứ nhất của Athlone (sinh ra là Alexander xứ Teck), và vợ là Vương tôn nữ Alice, cháu gái gọi cô của Beatrice; nhà Athlone bấy giờ đang sống ở Canada, nơi ngài Bá tước đảm nhận vai trò Toàn quyền Canda. Tại nơi này, Beatrice qua đời trong giấc ngủ vào ngày 26 tháng 10 năm 1944, hưởng thọ 87 tuổi (một ngày trước kỷ niệm 30 năm ngày mất của con trai út Maurice). Sau khi tổ chức tang lễ cho Vương nữ tại Nhà nguyện St George, Lâu đài Windsor, quan tài của Beatrice được đặt trong Hầm mộ Hương thất vào ngày 3 tháng 11. Ngày 27 tháng 8 năm 1945, thi thể của Beatrice được di dời và đặt bên trong một ngôi mộ chung để an táng cùng với chồng tại Nhà thờ Thánh Mildred, Whippingham. Ước nguyện cuối cùng của Beatrice là được chôn cất cùng chồng trên hòn đảo quen thuộc nhất với Vương nữ, đã được thành toàn trong một buổi lễ riêng tư tại Whippingham, chỉ được tham dự bởi con trai Alexander, Hầu tước Carisbrooke và vợ.
Di sản
Beatrice là người nhút nhát nhất trong số các con của Nữ vương Victoria. Tuy nhiên, vì hầu như luôn tháp tùng Nữ vương Victoria tại mọi nơi có sự xuất hiện của mình, Beatrice trở thành một trong những thành viên vương thất được biết đến nhiều nhất. Mặc dù có tính nhút nhát, vương nữ là một diễn viên và vũ công có năng lực cũng như một nghệ sĩ và nhiếp ảnh gia sắc sảo. Vương nữ là người mẹ hết lòng vì con cái và lo lắng khi họ cư xử không đúng mực ở trường học. Đối với bạn bè, Beatrice là người trung thành và có khiếu hài hước, và với tư cách là người của công chúng, đức nữ có tinh thần trách nhiệm cao. Vương nữ là Người bảo trợ của Chi nhánh Đảo Wight của Viện Thuyền cứu sinh Quốc gia Vương thất từ năm 1920 cho đến khi qua đời. Giống với Nữ vương Victoria và Vương phu Albert, âm nhạc là niềm đam mê của Beatrice và bản thân vương nữ cũng rất xuất sắc trong lĩnh vực này. Beatrice chơi đàn piano theo tiêu chuẩn chuyên nghiệp và đôi khi cũng cũng là một nhà soạn nhạc. Giống như mẹ mình, Beatrice là một Cơ đốc nhân sùng đạo, có sự đam mê với thần học cho đến khi qua đời. Với tính cách điềm tĩnh và ấm áp, vương nữ được nhều người yêu mến.
Những yêu cầu đặt ra đối với Beatrice trong thời kỳ trị vì của nữ vương Victoria rất cao. Mặc dù mắc bệnh phong thấp, Beatrice buộc phải chịu đựng thời tiết lạnh giá mà nữ vương yêu thích. Việc chơi piano của Beatrice bị ảnh hưởng khi bệnh phong thấp dần trở nên tồi tệ hơn, làm cho vương nữ không thích thú chơi đàn như trước; tuy nhiên vương nữ vẫn sẵn sàng thực hiện nếu như nữ vương muốn. Sự nỗ lực của vương nữ quả thật không bị công chúng Anh phớt lờ.
Năm 1886, khi Beatrice đồng ý mở Buổi biểu diễn của Hiệp hội Làm vườn Vương thất ở Southampton, ban tổ chức đã gửi cho vương nữ một lời cảm ơn, bày tỏ "sự ngưỡng mộ đối với thái độ yêu thương mà từ đó vương nữ đã an ủi và giúp đỡ cho người mẹ góa bụa của mình, Nữ vương đáng kính của chúng tôi". Như một món quà cưới, Quý ông Moses Montefiore, một chủ ngân hàng và nhà từ thiện, đã tặng Beatrice và Heinrich một bộ trà bằng bạc có ghi: "Nhiều người con gái có lối sống đạo đức, nhưng ngài là người đức hạnh hơn cả." Thời báo Times, ngay trước lễ cưới của Vương nữ Beatrice, đã viết rằng: "Sự hy sinh của Vương thân Điện hạ đối với vị Quân chủ yêu dấu của chúng tôi đã có được sự ngưỡng mộ nồng nhiệt và lòng biết ơn sâu sắc nhất của chúng tôi. Cầu mong những phước lành mà từ trước đến nay mà ngài đã trao cho người khác giờ đây sẽ được trở lại với chính ngài." Cau nói này, có khả năng là, chỉ trích việc Nữ vương quá kiểm soát con gái.
Vương nữ Beatrice qua đời tại Brantridge Park, ngôi nhà của cháu gái là Vương tôn nữ Alice và chồng là Bá tước xứ Athlone, lúc đó đang đảm nhiệm chức vụ Toàn quyền Canada. Điện Osborne, nơi ở yêu thích của nữ vương Victoria, được mở cửa cho công chúng tiếp cận. Các dinh thự thuộc Điện Osborne của Beatrice, bao gồm Osborne và Albert Cottages, vẫn thuộc sở hữu tư nhân sau khi được bán vào năm 1912.
Tước hiệu, kính xưng, huân chương và vương huy
Tước hiệu và kính xưng
14 tháng 4 năm 1857 – 23 tháng 7 năm 1885: Her Royal Highness The Princess Beatrice (Vương nữ Beatrice Điện hạ)
23 tháng 7 năm 1885 – 14 tháng 7 năm 1917: Her Royal Highness The Princess Beatrice, Princess Henry of Battenberg (Vương nữ Beatrice, Thân vương tử phi Henry Điện hạ)
17 tháng 7 năm 1917 – 26 tháng 10 năm 1944: Her Royal Highness The Princess Beatrice (Vương nữ Beatrice Điện hạ)
Huân chương
Tại Vương quốc Liên hiệp Anh
1 tháng 1 năm 1878: Huân chương Đế miện Ấn Độ
8 tháng 1 năm 1919: Bậc Dame Grand Cross của Huân chương Đế quốc Anh
12 tháng 6 năm 1926: Bậc Dame Grand Cross của Huân chương Thánh John
11 tháng 5 năm 1937: Bậc Dame Grand Cross của Huân chương Vương thất Victoria
Huân chương Vương thất Victoria và Albert
Hội Chữ thập Đỏ Vương thất
Huân chương quốc tế
Bậc Grand Cross của Huân chương Thánh Ekaterina
11 tháng 9 năm 1875: Bậc Dame của Huân chương Vương hậu Thánh Isabel
25 tháng 4 năm 1885: Bậc Dame của Huân chương Sư tử Vàng
27 tháng 5 năm 1889: Bậc Dame của Huân chương Vương hậu María Luisa
Vương huy
Năm 1858, Beatrice và ba người chị gái được trao quyền sử dụng vương huy, ở giữa là một biểu tượng chiếc khiên của Công quốc Sachsen và được phân biệt bằng dải bạc có ba vạch kẻ. Trong đó, hai vạch kẻ ở hai bên có biểu tượng hoa hồng đỏ và vạch kẻ ở giữa có biểu tượng hình trái tim màu đỏ. Năm 1917, biểu tượng chiếc khiên đã bị xóa bỏ bởi sắc lệnh vương thất từ George V của Liên hiệp Anh.
Hậu duệ
Gia phả
<center>
Ghi chú
Chú thích
Nguồn tài liệu
Aspinall-Oglander, C. F., "Princess Beatrice (1857–1944)", Dictionary of National Biography (archive), Oxford University Press, 1959; accessed 26 December 2007
Beatrice, HRH The Princess, A Birthday Book (Smith, Elder & Co. London, 1881)
The Adventures of Count Georg Albert of Erbach (John Murray, London, 1890)
In Napoleonic Days: Extracts from the private diary of Augusta, Duchess of Saxe-Coburg-Saalfeld, Queen Victoria's maternal grandmother, 1806 to 1821 (John Murray, London, 1941)
Benson, E. F., Queen Victoria's Daughters (Appleton and Company, 1938)
Bolitho, Hector, Reign of Queen Victoria (Macmillan, London, 1948)
Buckle, George Earle, The Letters of Queen Victoria (Second Series [3rd volume]) (John Murray, London, 1928)
Corley, T. A. B., Democratic Despot: A Life of Napoleon III (Barrie and Rockliff, London, 1961)
Dennison, Matthew, The Last Princess: The Devoted Life of Queen Victoria's Youngest Daughter (Weidenfeld and Nicolson, Great Britain, 2007);
Duff, David, The Shy Princess (Evans Brothers, Great Britain, 1958)
Epton, Nina, Victoria and her Daughters (Weidenfeld & Nicolson, Great Britain, 1971)
Jagow, Kurt, Letters of the Prince Consort 1831–1861 (John Murray, London, 1938)
Hibbert, Christopher, Queen Victoria in her letters and journals (Sutton Publishing Ltd, 2000);
Lee, Sir Sidney, King Edward VII: A Biography (Volume I) (Macmillan company, 1925)
Longford, Elizabeth Victoria R. I. (Weidenfeld & Nicolson, Great Britain, 1964)
Magnus, Philip, Edward the Seventh (John Murray, London, 1964)
Noel, Gerard, Ena: Spain's English Queen (Constable, London, 1985);
Liên kết ngoài
Ceremonial observed at Beatrice's wedding:
Information about Queen Victoria's journals
Carisbrooke Castle Museum
Osborne House
Princess Beatrice letter, MSS SC 1247 at L. Tom Perry Special Collections, Harold B. Lee Library, Brigham Young University
Vương nữ Liên hiệp Anh
Vương nữ Anh
Vương nữ Scotland
Vương tộc Saxe-Coburg và Gotha (Anh)
Vương tộc Windsor
Vương nữ
Hoàng nữ
Công chúa của Sachsen-Coburg và Gotha
Gia tộc Battenberg
Sinh năm 1857
Mất năm 1944
Nữ giới thời Victoria
Người Kensington
Người Vương quốc Liên hiệp Anh thế kỷ 20
Người Vương quốc Liên hiệp Anh thế kỷ 19 |
19816007 | https://vi.wikipedia.org/wiki/Helena%20c%E1%BB%A7a%20Li%C3%AAn%20hi%E1%BB%87p%20Anh | Helena của Liên hiệp Anh | Helena của Liên hiệp Anh và Ireland, hay Helena của Liên hiệp Anh (tiếng Anh: Princess Helena of the United Kingdom; tên đầy đủ: Helena Augusta Victoria; 25 tháng 5 năm 1846 – 9 tháng 6 năm 1923), sau này là Công tử phu nhân Christian xứ Schleswig-Holstein, là con gái thứ ba và là người con thứ năm của Victoria I của Liên hiệp Anh và Albrecht xứ Sachsen-Coburg và Gotha (tên Anh hóa là Albert).
Helena được giáo dục bởi các gia sư được lựa chọn bởi Vương phu Albert và người bạn thân cũng như là cố vấn cố vấn của Albert là Nam tước Stockmar. Helena trải qua tuổi thơ bên cạnh cha mẹ và thường qua lại nhiều dinh thự vương thất khác nhau ở Anh. Bầu không khí thân mật của triều đình Anh kết thúc vào ngày 14 tháng 12 năm 1861, khi cha của Helena qua đời và mẹ của vương nữ thì ở trong thời kỳ thương tiếc mãnh liệt vì cái chết của chồng. Vào đầu những năm của thập niên 1860, Helena bắt đầu tán tỉnh một thủ thư người Đức của Vương phu Albert là Carl Ruland. Mặc dù mối quan hệ hầu như không được biết đến, nhưng những bức thư lãng mạn của Helena gửi cho Ruland vẫn còn tồn tại. Sau khi Nữ vương Victoria phát hiện ra mối quan hệ giữa con gái và Carl Ruland vào năm 1863, Victoria đã cho sa thải Ruland, Ruland do đó đã trở về quê hương Đức. Ba năm sau, vào ngày 5 tháng 7 năm 1866, Helena kết hôn với Công tử Christian xứ Schleswig-Holstein nghèo khó. Cặp đôi vẫn ở Anh, vì nữ vương muốn các các con gái ở gần mình. Helena, cùng với em gái út là Vương nữ Beatrice, trở thành thư ký không chính thức của mẹ mình. Tuy nhiên, sau cái chết của Nữ vương Victoria vào ngày 22 tháng 1 năm 1901, Helena ít gặp gỡ những người anh chị em còn sống của mình.
Helena là thành viên hoạt động tích cực nhất của vương thất, thực hiện một lượng lớn phong phú về các cuộc chương trình thuộc nhiệm vụ vương thất. Vương nữ cũng là người bảo trợ tích cực cho các tổ chức từ thiện và là một trong những thành viên sáng lập của Hội Chữ thập đỏ Anh. Helena còn là chủ tịch sáng lập của Trường May vá Vương thất, đồng thời là chủ tịch của Hiệp hội Điều dưỡng Bệnh xá Cứu tế và Hiệp hội Y tá Vương thất Anh. Với tư cách là chủ tịch sau này, Vương nữ Helena là người ủng hộ mạnh mẽ việc thống kê y tá theo lời khuyên của Florence Nightingale. Năm 1916, Helena trở thành thành viên đầu tiên trong gia đình kỷ niệm 50 năm ngày cưới, nhưng chồng của Vương nữ đã qua đời chỉ một năm sau đó. Helena sống lâu hơn chồng sáu năm và qua đời ở tuổi 77 vào năm 1923.
Những năm đầu đời
Helena được sinh ra tại Cung điện Buckingham, nơi ở chính thức của vương thất ở Luân Đôn, là con gái thứ ba và là người con thứ năm của Victoria của Liên hiệp Anh và Albrecht xứ Sachsen-Coburg và Gotha. Helena ra đời vào ngày 25 tháng 5 năm 1846, một ngày sau sinh nhật lần thứ 27 của Victoria. Albrecht/Albert đã chia sẻ với anh trai của mình là Ernst II, Công tước xứ Sachsen-Coburg và Gotha rằng Helena "khá xanh xao khi mới sinh, nhưng hiện tại con bé đã ổn hơn nhiều". Vương phu còn chia sẻ rằng nữ vương Victoria "đã phải chịu đau đớn lâu hơn so với những lần khác và nàng sẽ phải nghỉ ngơi rất nhiều để hồi phục." Albert và Victoria quyết định đặt tên cho con gái là Helena Augusta Victoria. Biệt danh tiếng Đức của Helena là Helenchen, sau này được rút ngắn thành Lenchen và là cái tên mà các thành viên vương thất thường gọi Helena. Là con gái của một quân chủ Anh, Helena được gọi là Vương nữ Helena Điện hạ (Her Royal Highness The Princess Helena) từ khi sinh ra. Helena được rửa tội vào ngày 25 tháng 7 năm 1846 tại nhà nguyện riêng ở Cung điện Buckingham. Cha mẹ đỡ đầu của vương nữ là Đại Công tước Mecklenburg-Strelitz (chồng của Augusta xứ Cambridge, em họ của Nữ vương Victoria); Công tước phu nhân xứ Orléans, đại diện bởi Thái Công tước phu nhân xứ Kent (mẹ của Nữ vương Victoria); và Công tước phu nhân xứ Cambridge (thím của Victoria).
Helena là một đứa trẻ hoạt bát và bộc trực, vương nữ đã đáp trả lại sự trêu chọc của anh trai bằng hành động đấm vào mũi. Vương nữ còn có tài năng về hội họa. Phu nhân Augusta Stanley, một thị tùng của nữ vương Victoria đã đưa ra lời nhận xét có cánh về tác phẩm nghệ thuật của vương nữ Helena ba tuổi.
Giống như các chị gái của mình, Helena có thể chơi piano với tiêu chuẩn cao ngay từ khi còn nhỏ. Các sở thích khác của vương nữ gồm có khoa học và công nghệ giống với cha của Helena là Vương phu Albert và cưỡi ngựa và chèo thuyền, hai trong số những hoạt động vương nữ ưa thích khi còn nhỏ. Tuy nhiên, Helena trở thành con gái thứ sau khi em gái là Vương nữ Louise chào đời vào năm 1848, và khả năng của Helena đã bị lu mờ bởi những người chị em gái khác.
Cái chết của Vương phu Albert
Cha của Helena, Vương phu Albert đã qua đời vào ngày 14 tháng 12 năm 1861. Nữ vương Victoria vô cùng đau buồn và ra lệnh cho các thành viên trong hộ gia cùng với các con gái của mình chuyển từ Windsor đến Điện Osborne thuộc Đảo Wight. Helena cũng vô cùng đau buôn trước việc cha mình qua đời, và một tháng sau, vương nữ đã viết cho một người bạn kể rằng:
Nữ vương Victoria giao cho cô con gái lớn thứ hai là Vương nữ Alice vai trò thư ký không chính thức, nhưng Alice cũng cần một trợ lý của riêng mình. Mặc dù Helena là người chị lớn chỉ sau Victoria (Vương nữ Vương thất) và Alice, nhưng Helena bị Victoria coi là không đáng tin cậy vì không thể đảm nhận trong thời gian dài mà không bật khóc. Vì vậy, Louise đã được chọn để đảm nhận vai trò này thay cho Helena. Năm 1862, Vương nữ Alice kết hôn với Đại Công tử Ludwig xứ Hessen, do đó Helena đảm nhận vai trò của chị gái. Helena được một người viết tiểu sử mô tả là "cái nạng" cho tuổi già của nữ vương - và luôn bên cạnh mẹ mình. Với vai trò mới, Helena thực hiện các nhiệm vụ như viết thư cho nữ vương, giúp mẹ mình xử lý thư từ chính trị và bầu bạn cùng mẹ.
Hôn nhân
Những tranh cãi
Vương nữ Helena bắt đầu tán tỉnh người thủ thư cũ của cha là Carl Ruland, sau khi Carl được bổ nhiệm vào Hộ gia Vương thất theo lời giới thiệu của Nam tước Stockmar vào năm 1859. Carl Ruland được tín nhiệm để dạy tiếng Đức cho anh trai của Helena là Thân vương xứ Wales trẻ tuổi, và được Nữ vương Victoria mô tả là "hữu ích và có năng lực". Khi Nữ vương phát hiện ra rằng Helena có quan hệ tình cảm với một cận thần của vương thất, Carl đã nhanh chóng bị cho nghỉ việc và phải trở về quê hương Đức và anh ta không bao giờ cải thiện được sự thù địch mà Nữ vương Victoria dành cho mình.
Sau khi Ruland trở về Đức vào năm 1863, Nữ vương Victoria tiến hành tìm kiếm một người chồng cho Helena. Tuy nhiên, vì là người con giữa, triển vọng về một liên minh hùng mạnh với một vương thất châu Âu là rất thấp. Ngoại hình của Helena cũng là một mối quan tâm, vì ở độ tuổi mười lăm, người viết tiểu sử của Helena đã mô tả Vương nữ có dáng người mập mạp, xuề xòa và có hai cằm. Hơn nữa, Victoria nhấn mạnh rằng người chồng tương lai của Helena phải sống gần Nữ vương, do đó Victoria sẽ được ở gần con gái. Sau cùng, Helena đã chọn kết hôn với Công tử Christian xứ Schleswig-Holstein; tuy nhiên, việc kết giao này đã gây ra sự khó xử về mặt chính trị và gây ra sự rạn nứt nghiêm trọng trong vương thất.
Schleswig và Holstein là hai lãnh thổ bị tranh chấp giữa Phổ và Đan Mạch trong Chiến tranh Schleswig lần thứ nhất và lần thứ hai. Phổ và Áo đánh bại Đan Mạch, nhưng Áo đã tuyên bố các công quốc này thuộc về gia tộc Công tử Christian. Tuy nhiên,do hệ quả từ Chiến tranh Áo-Phổ, trong đó Phổ xâm lược và chiếm đóng các công quốc, do đó hai công quốc Schleswig và Holstein thuộc về Phổ, nhưng tước hiệu Công tước xứ Schleswig-Holstein vẫn được gia tộc Công tử Christian tuyên bố thuộc về họ.
Do đó, cuộc hôn nhân đã khiến con gái của Quốc vương Christian IX của Đan Mạch là Alexandra, Vương phi xứ Wales kinh hoàng, người đã thốt lên rằng: "Các Công quốc ấy thuộc về cha." Alexandra nhận được sự ủng hộ từ chồng, em chồng là Vương tử Alfred và người chị gái thứ hai của chồng là Vương nữ Alice, người đã công khai buộc tội nữ vương Victoria đã hy sinh hạnh phúc của Helena vì lợi ích của mình. Alice cũng lập luận rằng điều đó sẽ làm giảm mức độ yêu thích vốn đã thấp của người chị cả là Vương nữ Victoria Adelaide hiện là Vương thái tử phi nước Phổ tại triều đình ở Berlin. Tuy nhiên, bất ngờ thay là Vương nữ Victoria, người là bạn thân của gia đình Christian trong nhiều năm, lại nhiệt tình ủng hộ liên minh hôn nhân này.
Bất chấp những tranh cãi về chính trị và sự chênh lệch tuổi tác giữa hai người - Christian lớn hơn Helena mười lăm tuổi - Helena vẫn hạnh phúc với Christian và quyết tâm gả cho Công tử. Là con trai thứ của một công tước không trị vì, việc không có bất kỳ cam kết ngoại quốc nào cho phép Christian ở lại Anh vĩnh viễn - đáp ứng được mối quan tâm hàng đầu của Nữ vương Victoria - và nữ vương tuyên bố cuộc hôn nhân sẽ được tiến hành. Helena và Christian cũng là họ hàng năm đời thông qua Frederick, Thân vương xứ Wales. Mối quan hệ giữa Helena và Alexandra vẫn căng thẳng, và Alexandra không sẵn sàng chấp nhận Christian (người cũng là anh năm đời của Alexandra thông qua Quốc vương Frederik V của Đan Mạch) với tư cách là anh họ hay là em rể. Nữ vương Victoria không bao giờ dung thứ cho Alexandra vì những cáo buộc về tính chiếm hữu, và đã viết về nhà Wales ngay sau đó: "Bertie là người tình cảm và tốt bụng nhất nhưng Alix (tên thân mật của Alexandra) hoàn toàn hành xử không phù hợp. Sẽ rất lâu, nếu có, trước khi con bé lấy lại được lòng tin của ta."
Đính hôn và đám cưới
Lễ đính hôn được thông báo vào ngày 5 tháng 12 năm 1865, và bất chấp việc Thân vương xứ Wales ban đầu từ chối tham dự, Vương nữ Alice đã can thiệp và đám cưới đã rở thành một sự kiện vui vẻ. Nữ vương Victoria cho phép buổi lễ diễn ra tại Lâu đài Windsor, mặc dù l2 trong Nhà nguyện riêng chứ không phải tại Nhà nguyện Thánh George vốn rộng lớn hơn vào ngày 5 tháng 7 năm 1866. Nữ vương đội lên mình chiếc mũ tang màu trắng phủ qua lưng để giảm sự u ám từ trang phục tang màu đen của mình. Những người tham gia chính tiến vào nhà nguyện theo âm thanh của Bản nhạc khải hoàn của Beethoven, tuy nhiên buổi lễ bị gián đoạn bởi sự biến mất đột ngột của Vương tôn George, Công tước xứ Cambridge, người bị một cơn gút đột ngột. Christian tiến vào nhà nguyện cùng với Edward xứ Sachsen-Weimar-Eisenach và Frederic xứ Schleswig-Holstein, còn Helena được nữ vương trao cho Christian, người đã hộ tống vương nữ vào lễ đường cùng với Thân vương xứ Wales và tám phù dâu. Christian trông già hơn thường ngày, và một vị khách nhận xét rằng Helena trông như thể đang kết hôn với một ông chú lớn tuổi. Thật tế, khi lần đầu tiên được triệu tập đến Anh, Christian cho rằng vị Nữ vương góa chồng đang xem xét cưới Christian như một người chồng mới hơn là một ứng cử viên cho một trong những cô con gái của nữ vương. Cặp đôi trải qua đêm đầu tiên trong cuộc sống hôn nhân tại Điện Osborne, trước khi hưởng tuần trăng mật ở Paris, Interlaken và Genoa.
Đời sống hôn nhân
Vương nữ Helena và chồng là Christian sống hết lòng vì nhau và có một cuộc sống bình lặng so với những người chị em của Helena. Sau khi đã kết hôn, Helena và Christian cư trú tại Cumberland Lodge ở Đại Công viên Windsor, nơi ở truyền thống của Kiểm soát viên Đại Công viên Windsor, chức vị danh dự được Nữ vương ban tặng cho Christian. Khi ở Luân Đôn, họ sống tại Dãy phòng Bỉ trong Cung điện Buckingham. Cặp đôi có với nhau sáu người con: Christian Victor vào năm 1867, Albert vào năm 1869, và Helena Victoria và Marie Louise lần lượt vào năm 1870 và 1872. Hai người con trai cuối cùng của hai vợ chồng qua đời từ khi còn rất nhỏ; trong đó Harald qua đời tám ngày sau khi ra đời vào năm 1876, và một đứa con trai chưa được đặt tên đã qua đời sau khi sinh vào năm 1877. Vương nữ Louise, em gái của Helena, đã ủy quyền cho nhà điêu khắc người Pháp Jules Dalou điêu khắc một đài tưởng niệm những đứa bé sơ sinh đã chết của chị gái.
Hai vợ chồng được cấp một khoản tiền từ quốc hội là 6.000 bảng Anh hằng năm, được đích thân nữ vương Victoria yêu cầu. Ngoài ra còn có thêm khoản hồi môn trị giá 30.000 bảng Anh và Nữ vương cũng trao tặng cho cặp đôi 100.000 bảng Anh, kèm theo đó là thu nhập hằng năm khoảng 4.000 bảng Anh. Bên cạnh chức vị Kiểm soát viên của Công viên Windsor, Christian đã được trao vị trí danh dự là Đại Cận thần Cấp cao của Phố chợ Windsor, và được bổ nhiệm làm thành viên của Ủy ban Triển lãm Vương thất năm 1851. Tuy nhiên, Christian thường vắng mặt tại các cuộc họp, thay vào đó là dành thời gian chơi với chú chó Corrie, cho đàn chim bồ câu ăn và bắt tay vào các chuyến đi săn bắn.
Helena, như đã hứa, tiếp tục sống gần Nữ vương Victoria và cùng với Beatrice thực hiện nghĩa vụ của mình đối với mẹ. Beatrice, người được Victoria chuẩn bị để đảm nhận vai trò bên cạnh nữ vương, thực hiện những nhiệm vụ quan trọng hơn, còn Helena đảm nhận những công việc đơn giản hơn mà Beatrice không có thời gian để thực hiện. Trong những năm sau đó, Helena được hỗ trỡ bởi cô con gái chưa lập gia đình là Helena Victoria, người thực hiện việc ghi nhận thông tin từ Victoria vào nhật ký của nữ vương.
Sức khỏe của Helena không được tốt và vương nữ bị nghiện thuốc phiện và laudanum. Tuy nhiên, Nữ vương Victoria không tin rằng Helena thực sự bị bệnh và buộc tội con gái mắc chứng hoang tưởng thái quá về sức khỏe và bị thúc đẩy từ người chồng nuông chiều của vương nữ. Nữ vương Victoria đã viết thư cho con gái cả Vicky, phàn nàn rằng Helena có xu hướng "bảo vệ bản thân quá mức (và cả Christian nữa) và dễ suy sụp với mọi thứ và mục tiêu lớn nhất của các bác sĩ và y tá là khích lệ con bé và khiến nó bớt nghĩ về bản thân và bớt tự cô lập chính mình". Tuy nhiên không phải mọi nỗi sợ hãi về sức khỏe của Helena chỉ đơn giản là hệ quả của chứng hoang tưởng về sức khỏe; năm 1869, vương nữ phải hủy chuyến đi đến Lâu đài Balmoral khi bị bệnh ở nhà ga. Năm 1870, vương nữ bị bệnh thấp khớp nặng và các khớp xương của bà gặp vấn đề. Vào tháng 7 năm 1871, Helena bị tắc nghẽn phổi, nghiêm trọng đến mức bên Thông tư Triều đình thông báo rằng căn bệnh của vương nữ đem lại "nhiều lo lắng cho các thành viên vương thất". Năm 1873, vương nữ buộc phải dưỡng bệnh ở Pháp và vào những năm 1880, Helena đến Đức để gặp bác sĩ nhãn khoa.
Các hoạt động xã hội
Điều dưỡng
Helena rất quan tâm đến công việc điều dưỡng và là chủ tịch sáng lập của Ủy ban Phụ nữ của Hội Chữ thập đỏ Anh vào năm 1870, đóng vai trò tích cực trong việc tuyển dụng y tá và các tổ chức tiếp tế trong Chiến tranh Pháp-Phổ. Sau đó, vương nữ trở thành Chủ tịch của Hiệp hội Y tá Anh (RBNA) được thành lập vào năm 1887. Năm 1891, hiệp hội nhận được từ "Vương thất" vào tên và nhận được hiến chương vương thất vào năm sau. Helena là người ủng hộ mạnh mẽ việc đăng ký y tá, một vấn đề bị cả Florence Nightingale và những nhân vật hàng đầu phản đối. Trong một bài phát biểu của vào năm 1893, vương nữ đã phát biểu rằng RBNA đang hướng tới việc "cải thiện giáo dục và địa vị của những người phụ nữ tận tụy và hy sinh, cả đời cống hiến cho việc chăm sóc người bệnh, người đau khổ và người đang hấp hối". Cũng trong bài phát biểu, Helena cảnh báo về sự phản đối và xuyên tạc mà họ đã gặp phải. Mặc dù RBNA ủng hộ việc đăng ký như một phương tiện để nâng cao và đảm bảo tình trạng chuyên nghiệp của các y tá đã qua đào tạo, nhưng việc kết hợp với Hội đồng Cơ mật đã cho hiệp hội duy trì một danh sách các y tá hơn là một sổ đăng ký y tá chính thức.
Sau cái chết của Nữ vương Victoria vào năm 1901, tân vương hậu Alexandra nhất quyết thay thế Helena trở thành Chủ tịch của Dịch vụ Điều dưỡng Quân đội. Điều này đã làm gia tăng thêm sự rạn nứt giữa các thành viên nữ trong vương thất, và Edward VII bị mắc kẹt giữa em gái và vợ của mình. Quý bà Roberts, một cận thần, đã viết cho một người bạn: "Các vấn đề đôi khi rất khó khăn và không phải lúc nào cũng dễ chịu." Tuy nhiên, xét theo cấp bậc, Helena đồng ý từ chức để thành toàn cho Alexandra, và vương nữ tiếp tục giữ chức vụ chủ tịch của Khu bảo tồn Điều dưỡng Quân đội. Mặc dù được cho là chỉ đơn thuần là một thực hành được tạo ra bởi các quý cô thượng lưu, Helena đã tạo nên một thể chế chuyên quyền và hiệu quả—"nếu có ai dám không đồng ý với Vương thân Điện hạ, vương nữ chỉ cần nói, 'Đó là ý muốn của ta, thế là đủ.'"
Hiệp hội RBNA dần đi vào suy thoái sau Đạo luật Đăng ký Y tá năm 1919; sau sáu lần thất bại từ năm 1904 đến năm 1918, Quốc hội Liên hiệp Anh đã thông qua dự luật cho phép đăng ký y tá chính thức. Kết quả là Trường Đại học Điều dưỡng Vương thất (RCN) và RBNA mất tư cách thành viên và quyền thống trị. Helena ủng hộ đề xuất hợp nhất RBNA với RCN, nhưng không thành công khi RBNA rút lui khỏi các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, vương nữ vẫn hoạt động tích cực trong các tổ chức điều dưỡng khác, và là chủ tịch của các chi nhánh Đường sắt Đảo Wight, Windsor và Great Western của Huân chương Thánh John. Ở vị trí này, Helena đã đích thân ký và xuất trình hàng ngàn chứng chỉ thành thạo về điều dưỡng.
Công việc may vá
Helena cũng tích cực trong việc quảng bá nghề may vá, và trở thành chủ tịch đầu tiên của Trường Nghệ thuật May vá thành lập vào năm 1872; vào năm 1876, trương được nhận thêm có tiền tố "vương thất" vào tên gọi, do đó trở thành Trường May vá Vương thất. Theo như Helena, mục tiêu của trường học là: "thứ nhất, hồi sinh một môn nghệ thuật đẹp đẽ đã gần như bị mai một; và thứ hai, thông qua sự hồi sinh của nó, cung cấp việc làm cho những quý cô không có phương tiện kiếm sống phù hợp." Cũng như các tổ chức khác của mình, Helena là một chủ tịch tích cực và cố gắng để giữ cho trường được ngang hàng với các trường học khác. Vương nữ đã viết thư cho Ủy viên Vương thất yêu cầu tiền; chẳng hạn, vào năm 1895, Helena đã viết thư yêu cầu và nhận được 30.000 bảng Anh để xây dựng một tòa nhà cho trường học ở Nam Kensington. Thân phận vương thất của Helena cũng hỗ trợ cho việc quảng bá, và vương nữ đã tổ chức các bữa tiệc trà chiều thứ Năm tại trường học dành cho các quý cô thượng lưu, những người muốn được xuất hiện trước các thành viên vương thất như Vương nữ Helena. Khi Hội chợ Giáng sinh được tổ chức, Helena đóng vai trò là người bán hàng chính, khiến nhiều người xếp thành các hàng dài với mong muốn được phục vụ tận tay bởi vương nữ.
Helena rất nhiệt thành trong việc giúp đỡ trẻ em và những người thất nghiệp, và bắt đầu tổ chức các bữa tối miễn phí vì lợi ích của nhóm người này tại Tòa thị chính Windsor. Vương nữ đã chủ trì hai trong số những bữa tối này vào tháng 2 và tháng 3 năm 1886, và hơn 3.000 bữa ăn đã được phục vụ cho trẻ em và những người đàn ông thất nghiệp trong mùa đông khắc nghiệt năm đó. Thông qua các hoạt động từ thiện, vương nữ được mọi người yêu mến; một cây viết đương thời là C. W. Cooper đã viết rằng "những người nghèo khổ ở Windsor tôn thờ đức ngài".
Sự nghiệp viết lách
Một những sở thích khác của Helena chính là viết lách, đặc biệt là dịch thuật . Năm 1867, khi cuốn tiểu sử đầu tiên về cha của ngài là Vương phu Albert được chắp bút, tác giả của cuốn sách là Quý ông Charles Grey đã ghi nhận rằng những bức thư của Vương phu được Helena dịch từ tiếng Đức sang tiếng Anh "với độ chính xác đáng ngạc nhiên". Năm 1887, helena xuất bản bản dịch Hồi ký của Wilhelmine của Phổ, Phong địa Bá tước phu nhân xứ Bayreuth. Tờ Saturday Review đã ghi nhận rằng Helena đã dịch nên một phiên bản tiếng Anh hoàn toàn sống động, với khả năng dịch thuật từ rất sát nghĩa và có tinh thần chính xác cao. Bản dịch cuối cùng của vương nữ được thực hiện vào năm 1882, dựa trên một cuốn sách nhỏ bằng tiếng Đức có tựa đề Sơ cứu cho người bị thương (First Aid to the Injured), ban đầu được xuất bản bởi anh rể của Christian. Bả dịch được tái bản nhiều lần cho đến năm 1906.
Sự việc Bergsträsser
Một vấn đề về bản quyền đã nảy sinh sau khi xuất bản bộ sưu tập những bức thư được viết bởi chị gái của Helena, Vương nữ Alice. Ở Đức, một ấn bản những bức thư của Alice đã được xuất bản vào năm 1883, bởi một giáo sĩ người Darmstadt có tên là Carl Sell. Carl Sell đã chọn một số bức thư của Alice đã được Nữ vương gửi cho mình để xuất bản. Khi bộ sưu tập được xuất bản, Helena đã viết thư cho Sell với mong muốn được phép xuất bản bản dịch tiếng Anh. Việc dịch thuật đã được chấp thuận, nhưng nhà xuất bản là Tiến sĩ Bergsträsser thì không hề hay biết về chuyện này. Vào tháng 12 năm 1883, Helena đã viết thư cho Ngài Theodore Martin, một nhà viết tiểu sử được vương thất ưu ái, thông báo với Theodore rằng Bergsträsser đang khiếu nại về bản quyền các bức thư của Alice, và trên cơ sở đó yêu cầu trì hoãn xuất bản ấn bản tiếng Anh. Martin đảm nhiệm vai trò trung gian giữa Helena và Bergsträsser, người tuyên bố rằng đã nhận được nhiều lời đề nghị từ các nhà xuất bản Anh, và người được chọn sẽ nhận được một khoản thù lao cao.
Bergsträsser đã được thuyết phục từ bỏ yêu cầu trì hoãn việc xuất bản và sửa đổi các khiếu nại về bản quyền để đổi lấy một khoản tiền. Tuy nhiên, Nữ vương Victoria và Vương nữ Helena đã từ chối và cho rằng bản quyền vốn thuộc về Nữ vương và chỉ có lời tựa mở đầu của Sell mới có thể được thương lượng. Các quý bà của vương thất coi những tuyên bố của Bergsträsser là "không thể chấp nhận được nếu không muốn nói là láo xược", và sẽ không giao tiếp trực tiếp với Bergsträsser. Cuối cùng, Bergsträsser đến Anh vào tháng 1 năm 1884, sẵn sàng chấp nhận 100 bảng Anh cho 3.000 ấn bản đầu tiên và thêm 40 bảng cho mỗi 1.000 ấn bản tiếp theo được tiêu thụ. Martin đã chọn nhà xuất bản John Murray, người sau khi đàm phán thêm với Bergsträsser, đã in những ấn bản đầu tiên vào giữa năm 1884. Bản dịch đã bán hết gần như ngay lập tức; và đối với lần xuất bản thứ hai, Murray đã thay thế bản phác thảo tiểu sử của Carl Sell về Vương nữ Alice bằng phần hồi ký dài 53 trang do Vương nữ Helena viết. Do đó, vấn đề về bản quyền đã được giải quyết, và việc Helena đặt tên của mình cho cuốn hồi ký về chị gái đã thu hút sự quan tâm nhiều hơn cho cuốn sách.
Cuộc sống sau triều đại của Nữ vương Victoria của Liên hiệp Anh
Thời đại Edward
Người con trai cưng của Helena, Vương tôn Christian Victor qua đời năm 1900, ba tháng sau đó thì mẹ của Helena là Nữ vương Victoria cũng qua đời tại Điện Osborne vào ngày 22 tháng 1 năm 1901. Tân vương Edward VII không có quan hệ thân thiết với những người chị em gái còn sống của mình, ngoại trừ Vương nữ Louise. Người cháu trai gọi bác của Helena là Vương tôn Alexander của Battenberg (sau này là Hầu tước xứ Carisbrooke) đã ghi nhận rằng Vương hậu Alexandra ghen tị với các hành viên vương thất và sẽ không mời các chị em chồng của mình đến Sandringham. Hơn nữa, Alexandra chưa bao giờ hòa giải hoàn toàn với Helena và Christian sau những tranh cãi về hôn nhân của hai vợ chồng vào những năm 1860.
Helena tương đối ít gặp những người anh chị em còn sống của mình nhưng vẫn tiếp tục vai trò hỗ trợ cho chế độ quân chủ và là người vận động cho nhiều tổ chức từ thiện mà vương nữ đại diện. Helena và Christian có một cuộc sống bình lặng, nhưng hai người đều thực hiện một số nhiệm vụ vương thất. Trong một lần, cặp đôi đã đại diện cho Quốc vương tại lễ kỷ niệm đám cưới bạc vào năm 1906 của Hoàng đế Wilhelm II của Đức (cháu trai gọi dì của Helena) và vợ ông là Auguste Viktoria (cháu gái gọi chú của Christian). Trong thời đại Edward, Helena đã đến thăm mộ của con trai, Vương tôn Christian Victor, người đã qua đời vào năm 1900 sau một cơn sốt rét khi phục vụ trong Chiến tranh Boer lần thứ hai.Vương nữ đã được gặp Thủ tướng Nam Phi là Louis Botha, nhưng Jan Smuts từ chối gặp Helena, một phần vì không quên được Nam Phi đã thua trong cuộc chiến và một phần vì con trai ông đã chết trong trại tập trung của Anh.
Năm 1902, Công tử Christian và Vương nữ Helena chuyển đến Điện Schomberg, số 77–78 Đường Pall Mall, Luân Đôn, một nửa con đường hiện là một phần của Câu lạc bộ Oxford và Cambridge.
Trước Chiến tranh thế giới thứ nhất, Helena là một trong số ít họ hàng bên ngoại mà cháu trai Wilhelm II thân thiết. Khi đứa con đầu lòng ra đời, Wilhelm II đã đi ngược lại truyền thống của Phổ khi yêu cầu Helena, chứ không phải mẹ mình, chỉ định một nhũ mẫu cho con trai, gây ra một vụ bê bối trong gia đình.
Những năm cuối đời
Sau khi Quốc vương Edward VII qua đời năm 1910, Chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra vào năm 1914. Helena tiếp tục cống hiến cho việc điều dưỡng, và con gái của vương nữ, Vương tôn nữ Marie Louise, đã ghi lại trong hồi ký của mình rằng những yêu cầu về tin tức của những người thân tín đã đến tai Helena và các chị em gái của vương nữ. Các bức thư sau đó được quyết định rằng nên được chuyển tiếp tớiVương tôn nữ Margaret, Thái tử phi Thụy Điển, cháu gái gọi bác của Vương nữ Helena, vì Thụy Điển trung lập trong chiến tranh. Cũng trong khoảng thời gian này, Helena và Christian tổ chức lễ kỷ niệm đám cưới vàng của hai vợ chồng vào năm 1916, và bất chấp thực tế là Anh và Đức đang có chiến tranh, Kaiser Wilhelm II đã gửi một bức điện tín chúc mừng tới dì và dượng của mình thông qua Thái tử phi Thụy Điển. Quốc vương George V và Vương hậu Mary đã có mặt khi nhận được bức điện tín, và George V đã nhận xét với con gái của Helena là Marie Louise rằng chồng cũ của vương tôn nữ, Công tử Aribert xứ Anhalt, đã làm phước cho Marie Louise khi rời bỏ Vương tôn nữ. Khi Marie Louise nói rằng vương tôn nữ sẽ bỏ trốn đến Anh nếu vẫn còn kết hôn, George V đã đáp trả lại, "với một cái nháy mắt", rằng quốc vương sẽ phải giam Marie Louise lại.
Năm 1917, trước làn sóng bài Đức bao trùm cuộc chiến, Quốc vương George V đã đổi tên vương tộc từ Saxe-Coburg và Gotha thành Windsor. George V cũng tước bỏ các danh hiệu và kính xưng Đức của gia đình, vì vậy Helena và các con gái chỉ được gọi đơn giản là Công tử phu nhân Christian, Vương tôn nữ Helena Victoria và Vương tôn nữ Marie Louise mà không có hậu tố chỉ định lãnh thổ. Người con trai còn sống của Helena là Albert chiến đấu theo phe Phổ nhưng tuyên bố rằng bản thân sẽ không chiến đấu chống lại đất nước của mẹ mình. Cùng năm đó, vào ngày 28 tháng 10, Công tử Christian qua đời tại Điện Schomberg. Trong những năm cuối đời của Helena phải nhiều lần tranh cãi với các Ủy viên vì họ muốn đuổi vương nữ ra khỏi Điện Schomberg và Cumberland Lodge vì chi phí duy trì các hộ gia của Helena. Tuy nhiên, phía Ủy viên đã thất bại vì có các bằng chứng rõ ràng rằng Helena có quyền được sống tại những nơi này suốt đời.
Qua đời
Vương nữ Helena qua đời tại Điện Schomberg vào ngày 9 tháng 6 năm 1923 ở tuổi 77. Đám tang của vương nữ được nhà viết tiểu sử Seweryn Chomet mô tả là một "khung cảnh hoàng tráng", do Quốc vương George V dẫn đầu. Trung đoàn của người con trai Christian Victor xếp hàng dọc theo các bậc thang của Nhà nguyện St. George tại Lâu đài Windsor. Helena ban đầu được chôn cất trong Hầm mộ Vương thất tại Nhà nguyện Thánh George vào ngày 15 tháng 6 năm 1923, sau đó thi thể của vương nữ đã được cải táng tại Khu Chôn cất Vương thất tại Frogmore, cách Windsor vài dặm, sau khi được thánh hiến vào ngày 23 tháng 10 năm 1928.
Di sản
Helena tận tâm với công việc điều dưỡng và dẫn đầu các tổ chức từ thiện mà vương nữ đại diện. Vương nữ cũng là một nhà vận động tích cực, và đã viết thư cho các tờ báo và tạp chí để thúc đẩy lợi ích của việc đăng ký y tá. Thân phận vương thất của Helena đã giúp thúc đẩy sự quan tâm của công chúng và xã hội bao quanh các tổ chức như Hiệp hội Y tá Vương thất Anh. Hiệp hội vẫn tồn tại cho đến ngày nay với Aubrey Rose là chủ tịch. Emily Williamson, người thành lập Hiệp hội Việc làm cho Phụ nữ ở Manchester; một trong những dự án của nhóm này là Trường Cao đẳng Đào tạo Y tá của Helena ở Fallowfield, Manchester.
Về ngoại hình, John Van der Kiste miêu tả Helena có dáng người bụ bẫm và xuề xòa; và về tính cách, thì là người điềm tĩnh và thích kinh doanh, với tinh thần độc đoán. Vào một dịp nọ, trong một cuộc Đình công Bến tàu Quốc gia, Tổng Giám mục Canterbury đã soạn một bài cầu nguyện với hy vọng sự việc này sẽ nhanh chóng kết thúc. Helena đã đến nhà thờ, xem xét giấy tờ và bằng giọng nói được mô tả là "tiếng thì thầm xuyên thấu của vương thất, vang xa hơn bất kỳ chiếc loa phóng thanh nào" của con gái, nhận xét rằng: "Lời cầu nguyện đó sẽ không giải quyết được bất kỳ cuộc đình công nào." Ngoại hình và tính cách của Helena đã bị Nữ vương Victoria chỉ trích trong các bức thư và nhật ký của mình, và các nhà viết tiểu sử cũng cùng quan điểm với nữ vương. Tuy nhiên, con gái của Helena, Vương tôn nữ Marie Louise, mô tả mẹ của mình như sau
Âm nhạc là một trong những niềm đam mê của Helena; khi còn trẻ, vương nữ đã chơi piano với Charles Hallé, Jenny Lind và Clara Butt, những người bạn thân của đức nữ, và Helena là một trong những thành viên đầu tiên của Dàn hợp xướng Bach ở Luân Đôn, được thành lập bởi chồng của Lind (và là giáo viên dạy piano cũ của Helena) là Otto Goldschmidt. Quyết tâm thực hiện nhiều nghĩa vụ vương thất của Helena đã khiến đức ngài nhận được sự yêu mến của công chúng. Vương nữ đã hai lần đại diện cho mẹ tại Phòng Vẽ (Drawing Rooms), việc tham dự sự kiện được coi như là được diện kiến chính nữ vương.
Helena thân thiết nhất với anh trai Alfred, người coi Helena là em gái cưng của mình. Mặc dù được những người đương thời mô tả là hết lòng vì Nữ vương Victoria, đến mức không có lập trường của riêng mình, nhưng Helena đã tích cực vận động cho quyền của phụ nữ, một lĩnh vực mà nữ vương ghê tởm. Tuy nhiên, cả cô và Beatrice vẫn là những người gần gũi với mẹ nhất, và Helena vẫn ở bên nữ vương cho đến khi Victoria qua đời. Helena là người cuối cùng được đề cập đến trong nhật ký bảy mươi tuổi của nữ vương Victoria.
Tước hiệu, kính xưng, huân chương và vương huy
Tước hiệu và kính xưng
25 tháng 5 năm 1846 – 5 tháng 7 năm 1866: Her Royal Highness The Princess Helena (Vương nữ Helena Điện hạ)
5 tháng 7 năm 1866 – 17 tháng 7 năm 1917: Her Royal Highness The Princess Helena, Princess Christian of Schleswig-Holstein (Vương nữ Helena, Công tử phi Christian xứ Schleswig-Holstein Điện hạ)
17 tháng 7 năm 1917 – 9 tháng 6 năm 1923: Her Royal Highness Princess Christian (Công tử phi Christian Điện hạ)
Huân chương
Huân chương tại Anh
1 tháng 1 năm 1878: Huân chương Đế miện Ấn Độ
29 tháng 4 năm 1883: Thành viên Hội Chữ thập Đỏ Vương thất
23 tháng 3 năm 1896: Quý bà của Huân chương Công lý của Thánh John
10 tháng 2 năm 1904: Huân chương Vương thất của Edward VII
3 tháng 6 năm 1911: Huân chương Vương thất của George V
3 tháng 6 năm 1918: Dame Grand Cross của Huân chương Đế quốc Anh .
Thành viên hạng nhất của Huân chương Vương thất Victoria và Albert
Huân chương quốc tế
31 tháng 3 năm 1863: Bậc Quý bà của Huân chương Vương hậu Thánh Isabel
Bậc Quý bà của Huân chương Luise, Đẳng thứ 1
1 tháng 6 năm 1872: Thập giá Công đức cho Phụ nữ và Bé gái
Vương huy
Năm 1858, Helena và ba người chị em gái được trao quyền sử dụng vương huy, ở giữa làvới một dấu khắc trên một biểu tượng chiếc khiên của Công quốc Sachsen, và được phân biệt bằng một dải bạc gồm 3 vạch kẻ. Trong đó, hai vạch kẻ ở hai bên có biểu tượng hoa hồng đỏ và vạch kẻ ở giữa có biểu tượng chữ thập đỏ. Năm 1917, biểu tượng chiếc khiên đã bị xóa bỏ sắc lệnh vương thất từ George V của Liên hiệp Anh.
Hậu duệ
Christian và Helena có với nhau sáu người con, bốn người trong đó đã sống đến tuổi trưởng thành. Hai vợ chồng có một người cháu là Valerie Marie zu Schleswig-Holstein, mất năm 1953 với tư cách là hậu duệ cuối cùng của Christian và Helena.
Gia phả
<center>
Ghi chú
Chú thích
Nguồn tài liệu
Battiscombe, Georgina, Queen Alexandra (Constable & Company Ltd, London, 1969)
Bennett, D., Queen Victoria's Children (Gollancz, London, 1980)
Chomet, Seweryn, Helena: A Princess Reclaimed (Begell House, New York, 1999)
Dennison, Matthew, The Last Princess: The Devoted Life of Queen Victoria's Youngest Daughter (Weidenfeld & Nicolson, 2007)
Eilers, Marlene A., Queen Victoria's Descendants (Genealogical Publishing Company, 1987)
Longford, Elizabeth, Victoria R. I. (Weidenfeld & Nicolson, Second Edition 1987)
Marie Louise (Princess Marie Louise of Schleswig-Holstein), My Memories of Six Reigns (Second edition, Penguin, Middlesex, 1959)
Packard, Jerrold M., Victoria's Daughters (St Martin's Griffin, New York, 1998)
Van der Kiste, John, Queen Victoria's Children (Sutton Publishing, Gloucester, 2006)
"Helena, Princess [Princess Christian of Schleswig-Holstein] (1846–1923)", Oxford Dictionary of National Biography, Oxford University Press, Sept 2004; online ed., Jan 2008, accessed 22 February 2008. .
Wake, Jehanne, Princess Louise: Queen Victoria's Unconventional Daughter (Collins, London, 1988)
Thomas Weiberg: ... wie immer Deine Dona. Verlobung und Hochzeit des letzten deutschen Kaiserpaares. Isensee-Verlag, Oldenburg 2007,
Liên kết ngoài
Vương nữ Liên hiệp Anh
Vương nữ Anh
Vương nữ Scotland
Vương tộc Saxe-Coburg và Gotha (Anh)
Vương tộc Windsor
Vương nữ
Hoàng nữ
Nữ giới thời Victoria
Người Vương quốc Liên hiệp Anh thế kỷ 20
Người Vương quốc Liên hiệp Anh thế kỷ 19
Sinh năm 1846
Mất năm 1923 |
19816012 | https://vi.wikipedia.org/wiki/Juan%20Carlos%20Zubczuk | Juan Carlos Zubczuk | Juan Carlos Zubczuk Miszuk (sinh ngày 31 tháng 3 năm 1965 ở Oberá, Misiones) là một thủ môn bóng đá chuyên nghiệp người Argentina-Peru. Ông là người gốc Ukraina.
Sự nghiệp câu lạc bộ
Ông chơi cho Racing Club de Avellaneda ở Argentina, và Universitario de Deportes cũng như Alianza Atlético ở Peru.
Tham khảo
Liên kết ngoài
Juan Carlos Zubczuk tại BDFA.com.ar
Sinh năm 1965
Nhân vật còn sống
Người Oberá
Người Argentina di cư tới Peru
Công dân nhập quốc tịch Peru
Người Argentina gốc Ukraina
Người Peru gốc Ukraina
Thủ môn bóng đá
Cầu thủ bóng đá Argentina
Cầu thủ bóng đá Peru
Cầu thủ bóng đá Racing Club de Avellaneda
Cầu thủ bóng đá Club Universitario de Deportes
Cầu thủ bóng đá Alianza Atlético
Cầu thủ Giải bóng đá hạng nhất Peru
Cầu thủ Cúp bóng đá Nam Mỹ 1993
Cầu thủ bóng đá Misiones (tỉnh) |
19816016 | https://vi.wikipedia.org/wiki/Adel%20al-Zubeidi | Adel al-Zubeidi | Adel al-Zubeidi là một luật sư bào chữa trong các phiên toà xét xử Hussein thuộc nhóm pháp lý đại diện cho Taha Yassin Ramadan.
Ông bị giết vào ngày 8 tháng 11 năm 2005, bởi ba tay súng lái một chiếc Opel hoặc một "chiếc xe của chính phủ" bên ngoài Adil, một khu lân cận có đông người theo Hồi giáo Sunni của Baghdad. Ông đi cùng với Thamer Hamoud al-Khuzaie, một luật sư khác cũng liên quan đến các phiên tòa, người đã bị thương trong vụ tấn công. Ông đã dự đoán được mình sẽ bị giết vào ngày hôm trước.
Ông là luật sư thứ hai của Saddam bị sát hại bởi các thế lực không rõ danh tính, cái chết của ông xảy ra chưa đầy ba tuần trước cái chết của Saadoun Sughaiyer al-Janabi.
Xem thêm
Saadoun Sughaiyer al-Janabi, luật sư bào chữa cho Awad Hamed al-Bandar, bị sát hại năm 2005
Khamis al-Obeidi, luật sư bào chữa cho Saddam Hussein, bị sát hại năm 2006
Tham khảo
"Saddam's lawyer predicted his death". (10 tháng 11, 2005). New Straits Times, tr. 34.
Năm sinh thiếu
Mất năm 2005
Luật sư Iraq thế kỷ 20
Người Iraq bị ám sát
Nạn nhân khủng bố Iraq
Tử vong do khủng bố ở Iraq
Giết người năm 2005 ở Iraq
Luật sư Iraq thế kỷ 21 |
19816019 | https://vi.wikipedia.org/wiki/Danh%20s%C3%A1ch%20ti%E1%BB%81n%20ch%E1%BA%A5n%20v%C3%A0%20d%C6%B0%20ch%E1%BA%A5n%20%C4%90%E1%BB%99ng%20%C4%91%E1%BA%A5t%20v%C3%A0%20s%C3%B3ng%20th%E1%BA%A7n%20T%C5%8Dhoku%202011 | Danh sách tiền chấn và dư chấn Động đất và sóng thần Tōhoku 2011 | Theo Cục Khí tượng Nhật Bản, Nhật Bản đã trải qua hơn 900 cơn dư chấn sau trận động đất và sóng thần Tōhoku với khoảng 63 dư chấn mạnh có cường độ trên 6.0 richter. Dưới đây là Danh sách các tiền chấn và dư chấn Động đất và sóng thần Tōhoku 2011.
Tiền chấn
Động đất chính
Dư chấn
Tham khảo
Động đất và sóng thần Tōhoku 2011 |
19816022 | https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%C6%B0%E1%BB%9Dng%20s%E1%BA%AFt%20cao%20t%E1%BB%91c%20Suseo%E2%80%93Pyeongtaek | Đường sắt cao tốc Suseo–Pyeongtaek | Đường sắt cao tốc Suseo–Pyeongtaek (Tiếng Hàn: 수서평택고속선, Hanja: 水西平澤高速線)là tuyến đường sắt cao tốc bắt đầu tại Ga Suseo ở Gangnam-gu, Seoul đi qua Ga Dongtan và Ga PyeongtaekJije, và kết nối với Đường sắt cao tốc Gyeongbu tại Tuyến kết nối Pyeongtaek. Hướng di chuyển là giao thông bên trái ở mọi nơi.
Thông tin tuyến đường
Tên tuyến: Đường sắt cao tốc Suseo–Pyeongtaek
Số tuyến: 103
Chiều dài: 61.1 km
Tổ chức điều hành: SR
Khổ đường sắt: 1.435mm (Đường sắt khổ tiêu chuẩn)
Hướng di chuyển: Giao thông bên trái
Số ga: 3
Thiết bị bảo mật: TVM430
Dịch vụ xe lửa: SRT
Đặc trưng
Không giống như Đường sắt cao tốc Gyeongbu và Đường sắt cao tốc Honam, được xây dựng dưới dạng các tuyến cao tốc lần lượt chạy dọc theo Tuyến Gyeongbu và Tuyến Honam, không có tuyến thông thường nào chạy dọc theo chúng.
Hầu hết chúng đều ở dạng tàu cao tốc ngầm có đường hầm.
Cầu và đường hầm chính
Đường hầm Yulhyeon (52.250m)
Đường hầm Tongbok (4.612m)
Tương lai
Trong tương lai, Đường sắt cao tốc Suseo–Pyeongtaek được lên kế hoạch sử dụng cho tuyến đường sắt cao tốc khu vực đô thị tuyến A.
Lịch sử
28 tháng 6 năm 2011: Một buổi lễ khởi công đã được tổ chức ở phía tây nam của Giao lộ Giheung-Dongtan trên Đường cao tốc Gyeongbu
27 tháng 12 năm 2013: Hoạt động SR được xác nhận
24 tháng 6 năm 2015: Lễ thông đường hầm Yulhyeon
29 tháng 4 năm 2016: Công bố bảng khoảng cách đường sắt cho Đường sắt cao tốc vùng thủ đô.
10 tháng 11 năm 2016: Tên tuyến được đổi thành Đường sắt cao tốc Suseo–Pyeongtaek cùng với việc sửa đổi bảng khoảng cách đường sắt và 0,2 km về phía bắc của Ga Suseo được chỉ định bổ sung để thay đổi chiều dài của tuyến thành 61,1 km
9 tháng 12 năm 2016: Khai trương
24 tháng 11 năm 2020: Ga Jije đổi tên thành Ga PyeongtaekJije
23 tháng 4 năm 2021: Tuyến kết nối cao tốc Pyeongtaek được bổ sung làm tuyến nhánh thông qua thông báo chỉ định tuyến đường sắt kinh doanh
Danh sách ga
Tên ga và khoảng cách kinh doanh đã được công bố trong Thông báo số 2016-219 của Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông vận tải và được sửa đổi trong Thông báo số 2016-732 của Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông vận tải.
Tuyến nhánh
Đường sắt cao tốc Suseo–Pyeongtaek có tổng cộng 1 nhánh đường sắt.
Tuyến cao tốc kết nối Pyeongtaek
Tuyến cao tốc kết nối Pyeongtaek kết nối Đường sắt cao tốc Suseo–Pyeongtaek và Tuyến Gyeongbu. Số tuyến trên Bảng khoảng cách kinh doanh đường sắt Hàn Quốc của Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông vận tải là 10301. Nó đang được xây dựng như một phần của dự án KTX từ Suwon.
Đoàn tàu
KTX-Sancheon Class 120000
KTX-Sancheon Class 130000
Hình ảnh
Tham khảo
Đường sắt cao tốc Suseo–Pyeongtaek
Tuyến đường sắt cao tốc ở Hàn Quốc
Tuyến đường sắt mở cửa năm 2016
Đường sắt cao tốc Hàn Quốc |
19816024 | https://vi.wikipedia.org/wiki/Chi%E1%BA%BFn%20tranh%20Pool | Chiến tranh Pool | Chiến tranh Pool là cuộc xung đột giữa Cộng hòa Congo và Ninja ở khu vực hành chính Pool, 1 khu vực hành chính của Congo. Căng thắng gia tăng giữa Frédéric Bintsamou (được biết đến là Pastor Ntumi) và tổng thống Congo là Denis Sassou-Nguesso, sau khi Bintsamou đặt vấn đề về việc sự thay đổi trong việc xây dựng. Bintsamou trước đó đã hợp tác với Sassou-Nguesso.
Giữa tháng 4 năm 2017 đến tháng 4 năm 2017, tổng cộng đã có 115 người chết trong cuộc xung đột. 1 ước tính cho rằng có 13,000 người đã mất chỗ ở do xung đột.
Liên kết |
19816034 | https://vi.wikipedia.org/wiki/V%C3%B2ng%20lo%E1%BA%A1i%20gi%E1%BA%A3i%20v%C3%B4%20%C4%91%E1%BB%8Bch%20b%C3%B3ng%20%C4%91%C3%A1%20th%E1%BA%BF%20gi%E1%BB%9Bi%202006%20khu%20v%E1%BB%B1c%20ch%C3%A2u%20%C3%81 | Vòng loại giải vô địch bóng đá thế giới 2006 khu vực châu Á | Vòng loại Giải vô địch bóng đá thế giới 2006 khu vực châu Á được tổ chức nhằm chọn ra những đội tuyển quốc gia ưu tú là thành viên của Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) tham dự Giải vô địch bóng đá thế giới 2006 diễn ra tại Đức.
44 đội tuyển là thành viên của AFC và FIFA đều đủ điều kiện tham dự Vòng loại. , , và Brunei không tham gia vòng loại; bị cấm tham dự vòng loại. Do đó, có tổng cộng 39 đội tham gia để tranh 4,5 suất dự World Cup 2006.
Thể thức
Vòng loại được tổ chức với 4 vòng như sau:
- Vòng 1: 14 đội xếp cuối cùng theo Bảng xếp hạng FIFA được bốc thăm chia cặp với nhau, mỗi cặp thi đấu 2 trận theo thể thức sân nhà – sân khách. 7 đội chiến thắng và 25 đội còn lại (tổng cộng 32 đội) giành quyền vào vòng 2.
- Vòng 2: 32 đội được chia thành 8 bảng với mỗi bảng 4 đội. Các đội trong mỗi bảng sẽ thi đấu với nhau 2 trận sân nhà – sân khách. 8 đội đứng đầu mỗi bảng giành quyền vào vòng 3.
- Vòng 3: 8 đội được chia thành hai bảng với mỗi bảng 4 đội thi đấu theo thể thức sân nhà – sân khách. Hai đội đứng đầu mỗi bảng (tổng cộng 4 đội) giành quyền tham dự FIFA World Cup 2006. Hai đội đứng thứ ba ở mỗi bảng sẽ giành quyền vào vòng 4 (play-off AFC).
- Vòng 4: Hai đội đá với nhau hai lượt trận trên sân nhà và sân khách để chọn ra một đội đá play-off với khu vực CONCACAF ở loạt trận play-off liên lục địa. Đội chiến thắng ở loạt trận play-off liên lục địa sẽ giành vé dự FIFA World Cup 2006.
Vòng 1
Trận đấu giữa và đã được lên lịch thi đấu, sau đó Nepal đã rút lui nên Guam được vào vòng 2 nhưng sau đó Guam cũng rút lui.
Do đó, FIFA quyết định bầu ra một "đội thua cuộc may mắn" để chọn ra đội xuất sắc nhất trong số các đội thua cuộc đi tiếp vào vòng 2.
Những đội thua cuộc được xếp hạng dựa trên: a) điểm số; b) hiệu số bàn thắng bại; c) số bàn thắng ghi được.
là đội bước tiếp vào vòng 2.
Vòng 2
Ở vòng này, 25 đội được vào thẳng cùng với 7 đội thắng vòng 1 được bốc thăm vào 8 bảng với mỗi bảng 4 đội. Các đội chơi các trận sân nhà và sân khách với các đội còn lại trong bảng của họ. 8 đội đứng đầu ở 8 bảng đấu giành quyền vào vòng 3.
Bảng 1
Bảng 2
Bảng 3
Bảng 4
Bảng 5
Bảng 6
Bảng 7
Bảng 8
Vòng 3
Ở vòng này, 8 đội được chia thành hai bảng với mỗi bảng 4 đội. Mỗi đội thi đấu với các đội còn lại trong bảng của mình hai lượt trận sân nhà – sân khách để chọn ra 4 đội đứng đầu ở hai bảng (2 đội/bảng) giành quyền dự FIFA World Cup 2006. Trong khi đó, hai đội xếp thứ ba (ở hai bảng) tham gia trận play-off (AFC) để xác định một đội sẽ tranh suất play-off AFC – CONCACAF.
Bảng 1
Ả Rập Saudi và Hàn Quốc giành quyền dự FIFA World Cup 2006.
Uzbekistan tham dự vòng play-off AFC.
Bảng 2
Nhật Bản và Iran giành quyền dự FIFA World Cup 2006.
Bahrain tham dự vòng play-off AFC.
Vòng 4 (play-off AFC)
Hai đội đứng thứ ba ở vòng loại 3 sẽ thi đấu với nhau để xác định một suất tham dự vòng play-off liên lục địa. Trận lượt đi ban đầu được diễn ra vào ngày 3 tháng 9 năm 2005 nhưng trận đấu đã được FIFA yêu cầu đá lại sau một sai lầm của trọng tài. Khi Uzbekistan dẫn trước 1–0, họ được hưởng một quả phạt đền nhưng trọng tài không công nhận bàn thắng và cho Bahrain một quả phạt gián tiếp vì phạm lỗi.
Bahrain giành quyền tham dự vòng play-off liên lục địa nhờ luật bàn thắng sân khách.
Vòng play-off liên lục địa
Đội chiến thắng vòng play-off AFC (Bahrain) sẽ tham dự vòng này và gặp đại diện đến từ CONCACAF (). Hai đội sẽ đấu hai trận (sân nhà – sân khách). Đội chiến thắng chung cuộc sẽ giành quyền tham dự FIFA World Cup 2006.
Các đội giành quyền tham dự FIFA World Cup 2006
1 In đậm là năm đội đó vô địch. In nghiêng là năm quốc gia đó làm chủ nhà.
Danh sách
Có tổng cộng 401 bàn thắng/136 trận đấu (kể cả 1 bàn thắng ở hai lượt trận play-off liên lục địa), trung bình có 2,95 bàn thắng/trận đấu.
9 bàn thắng
Ali Daei
6 bàn thắng
A'ala Hubail
Lee Dong-gook
Ali Ashfaq
Begençmuhammet Kulyýew
5 bàn thắng
Husain Ali
Ilham Jaya Kesuma
Bashar Abdullah
Maksim Shatskikh
4 bàn thắng
Vahid Hashemian
Hong Yong-jo
Bader Al-Mutawa
Badar Al-Maimani
Yasser Al-Qahtani
Alexander Geynrikh
3 bàn thắng
Talal Yousef
Hao Haidong
Li Jinyu
Huang Wei-yi
Javad Nekounam
Razzaq Farhan
Qusay Munir
Takashi Fukunishi
Mitsuo Ogasawara
Takayuki Suzuki
Badran Al Shagran
Roda Antar
Ali Nasseredine
Sergey Chikishev
Ibrahim Fazeel
Ahmed Thoriq
Roberto Kettlun
Saad Al-Harthi
Sami Al-Jaber
Ibrahim Sowed
Rejepmyrat Agabaýew
Guwançmuhammet Öwekow
Mohamed Omer
Server Djeparov
Mirjalol Qosimov
Anvarjon Soliev
Phan Văn Tài Em
2 bàn thắng
Li Xiaopeng
Shao Jiayi
Chen Jui-te
Chu Siu Kei
P. Renedy Singh
Arash Borhani
Reza Enayati
Mehdi Mahdavikia
Alireza Vahedi Nikbakht
Ebrahim Taghipour
Salih Sadir
Ahmad Mnajed
Tatsuhiko Kubo
Yuji Nakazawa
Masashi Oguro
An Yong-hak
Kim Yong-su
Kim Do-heon
Lee Young-pyo
Park Chu-young
Mesaed Al Enezi
Faraj Laheeb
Evgeny Boldygin
Mohamed Nizam
Ahmed Mubarak
Mohamed Al Hinai
Amad Ali
Khalifa Ayil Al-Naufli
Taysir Amer
Safwan Habaib
Sayed Ali Bechir
Mubarak Fazli
Waleed Hamzah
Waleed Jassem
Talal Al-Meshal
Mohammad Al-Shalhoub
Mohammed Noor
Indra Sahdan Daud
Raja Rafe
Yousef Shekh Eleshra
Pirmurod Burkhanov
Numonjon Hakimov
Akmal Kholmatov
Yusuf Rabiev
Kiatisuk Senamuang
Nazar Bayramov
Wladimir Baýramow
Leonid Koshelev
Ali Al Nono
1 bàn thắng
Duaij Naser Abdulla
Mohamed Hubail
Mohamed Husain
Salman Isa
Sayed Mahfoodh
Li Weifeng
Sun Jihai
Xu Yunlong
Yu Genwei
Chang Wu-yeh
Chiang Shih-lu
Chuang Yao-tsung
Kwok Yue Hung
Ng Wai Chiu
Wong Chun Yue
Elie Aiboy
Ismed Sofyan
Budi Sudarsono
Mohammad Nosrati
Rahman Rezaei
Nashat Akram
Ahmad Salah Alwan
Saad Attiya
Hussam Fawzi
Younis Mahmoud
Emad Mohammed
Jassim Swadi
Toshiya Fujita
Akira Kaji
Tsuneyasu Miyamoto
Shunsuke Nakamura
Shinji Ono
Naohiro Takahara
Keiji Tamada
Atsushi Yanagisawa
Abdelhadi Al Maharmeh
Haitham Al Shboul
Hatem Aqel
Moayad Mansour
Awad Ragheb
Mustafa Shehdeh
Mahmoud Shelbaieh
An Chol-hyok
Choe Chol-man
Kim Chol-ho
Nam Song-chol
Ri Han-jae
Ri Hyok-chol
Pak Song-gwan
Sin Yong-nam
Ahn Jung-hwan
Cha Du-ri
Cho Byung-kuk
Choi Jin-cheul
Lee Chun-soo
Park Ji-sung
Abdul Al Dawood
Fahad Al Hamad
Hamad Al Harbi
Waleed Jumah
Nawaf Humaidan
Husain Seraj
Vyacheslav Amin
Valeri Berezovsky
Vladimir Chertkov
Azamat Ishenbaev
Emil Kenjisariev
Andrey Krasnov
Phutthadavong Chanthalome
Visay Phaphouvanin
Sengphet Thongphachan
Faysal Antar
Mahmoud Chahoud
Khaled Hamieh
Haitham Zein
Fu Weng Lei
Rosdi Talib
Mohd Amri Yahyah
Assad Ghani
Mohamed Nazeeh
Ali Umar
Ahmed Al Mukhaini
Yousef Shaaban
Francisco Atura
Ziyad Al-Kord
Ahmed Keshkesh
Imad Zatara
Meshal Abdullah
Mohamed Salem Al Hamad
Nayef Al Khater
Saad Al-Shammari
Bilal Mohammed
Nasser Kamil Mubarak
Wesam Rizik
Sami Al-Anbar
Talal Al-Meshal
Fahad Fallata
Saud Kariri
Omar Sulaimani
Khairul Mohd
Channa Ediri
Mohamed Hameed
Kasun Jayasuriya
Dudley Steinwall
Chandradasa Karunaratne
Rathnayake Mudyanselage
Isuru Perera
Jehad Al-Hussain
Mohamad Yehya Al Rashed
Meaataz Kailouni
Sukhrob Hamidov
Sarayoot Chaikamdee
Therdsak Chaiman
Jiensathawong Jakapong
Anon Nanok
Niweat Siriwong
Sutee Suksomkit
Nirut Surasiang
Dovlet Bayramov
Omar Berdiýew
Gurbangeldi Durdiyev
Artem Nazarov
Didargylyç Urazow
Rashid Abdulrahman
Saleh Obaid
Mohamed Rashid
Bakhtiyor Ashurmatov
Marat Bikmaev
Vladimir Shishelov
Nguyễn Minh Hai
Phạm Văn Quyến
Radwan Abduljabar
Akram Al Selwi
Saleh Al-Shehri
Fathi Jaber
1 bàn phản lưới nhà
Mohamed Salmeen (trong trận gặp )
Yahya Golmohammadi (trong trận gặp )
Ebrahim Mirzapour (trong trận gặp )
Nitsavong Khoupchansy (trong trận gặp )
Battulga Khishigdalai (trong trận gặp )
Tham khảo
Liên kết ngoài
Vòng loại giải vô địch bóng đá thế giới 2006 khu vực châu Á tại RSSSF.com
2006 |
19816039 | https://vi.wikipedia.org/wiki/Hu%E1%BB%B3nh%20Minh%20Ki%C3%AAn | Huỳnh Minh Kiên | Huỳnh Minh Kiên (sinh ngày 21 tháng 01 năm 2004) là một Á hậu người Việt Nam. Với nhan sắc của độ tuổi 19 cô xuất sắc đạt thành tích Á hậu 2 cuộc thi Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2023.
Tiểu sử
Huỳnh Minh Kiên sinh năm 2004 tại Ninh Thuận cô là người Kinh lai dân tộc Chăm. Cha mẹ Minh Kiên ly hôn từ khi cô chưa chào đời. Từ nhỏ đã sống thiếu cha, lại thường xuyên chứng kiến việc cha bạo lực gia đình với mẹ khiến tâm lý Minh Kiên bị ảnh hưởng không nhỏ. Vì thương mẹ, cô đã luôn tỏ ra mạnh mẽ như cái tên của mình. Cô hiện tại là sinh viên ngành Quản trị Kinh doanh tại Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh.
Sự nghiệp
Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2023
Cô lần đầu ghi danh tham dự đấu trường nhan sắc với cuộc thi Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2023. Trong các phần thi, cô đã lọt vào Top 16 Người đẹp Nhân ái, Top 5 Người đẹp Thời trang, Top 5 Người đẹp Thể thao và Top 10 Người đẹp Bản lĩnh. Vào đêm chung kết của cuộc thi, cô đã đăng quang ngôi vị Á hậu 2, bên cạnh Hoa hậu Huỳnh Trần Ý Nhi và Á hậu 1 Đào Thị Hiền.
Thành tích
Á hậu 2 Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2023 với các giải phụ:
Top 16 Người đẹp Nhân ái
Top 5 Người đẹp Thời trang
Top 5 Người đẹp Thể thao
Top 10 Người đẹp Bản lĩnh
Tham khảo
Liên kết ngoài
Nữ người mẫu Việt Nam
Á hậu Việt Nam
Á hậu Thế giới Việt Nam
Người Ninh Thuận
Nhân vật còn sống
Sinh năm 2004
Nữ giới Việt Nam thế kỷ 21 |
19816042 | https://vi.wikipedia.org/wiki/Hu%E1%BB%B3nh%20Tr%E1%BA%A7n%20%C3%9D%20Nhi | Huỳnh Trần Ý Nhi | Huỳnh Trần Ý Nhi (sinh ngày 18 tháng 6 năm 2002) là một hoa hậu người Việt Nam. Cô là người đăng quang Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2023 và sẽ đại diện Việt Nam tại Hoa hậu Thế giới 2024. Trước đó cô từng đạt danh hiệu Á khôi 2 Duyên dáng Sinh viên Bình Định 2023.
Tiểu sử và học vấn
Huỳnh Trần Ý Nhi sinh năm 2002 tại Bình Định. Cô từng theo học tại Trường Trung học cơ sở Tăng Bạt Hổ và Trường Trung học phổ thông Hoài Ân. Hiện tại, cô là sinh viên ngành Quản trị Kinh doanh tại Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Cô từng đăng quang ngôi vị Á khôi 2 tại cuộc thi Duyên dáng Sinh viên Bình Định 2023 cùng giải phụ Người đẹp Truyền thông.
Sự nghiệp
Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2023
Năm 2023, Ý Nhi đã ghi danh vào cuộc thi Hoa hậu Thế giới Việt Nam. Trước đêm chung kết, cô đã đạt được các giải phụ Người đẹp Thời trang, Top 16 Người đẹp Nhân ái, Top 5 Người đẹp Biển và Top 10 Người đẹp Bản lĩnh.
Tại đêm chung kết của cuộc thi diễn ra vào ngày 22 tháng 7 tại Bình Định, Ý Nhi chính thức đăng quang ngôi vị cao nhất của cuộc thi và được trao vương miện bởi hoa hậu tiền nhiệm Huỳnh Nguyễn Mai Phuơng, Á hậu 1 là Đào Thị Hiền và Á hậu 2 là Huỳnh Minh Kiên.
Hoa hậu Thế giới 2024
Với tư cách là người chiến thắng tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2023, cô đã chính thức trở thành đại diện Việt Nam tham dự Hoa hậu Thế giới 2024.
Đời tư
Ngay sau khi đăng quang Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2023, Ý Nhi đã công khai mối tình kéo dài 6 năm của mình là bạn trai Nguyễn Anh Kiệt, sinh năm 2002, hiện đang là sinh viên Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh. Cả hai quen nhau từ lúc còn học trung học ở Bình Định. Khi được hỏi về việc liệu bạn trai có cần thay đổi gì sau khi cô đăng quang, Ý Nhi trả lời: "Tôi hiện tại đã ở một cương vị mới [...] Chắc chắn bạn trai của tôi cũng phải có những sự thay đổi nhanh chóng, tiến bộ nhiều hơn để có thể theo kịp tôi". Phát ngôn này đã trở thành một chủ đề tranh cãi lớn trên truyền thông Việt Nam cũng như mạng xã hội nước này. Anh Kiệt sau đó cũng lên mạng xã hội giải thích rằng bản thân không bị ảnh hưởng bởi những câu trả lời của bạn gái, đồng thời khuyên cộng đồng mạng "có cái nhìn khách quan" hơn đối với cô.
Trong một cuộc phỏng vấn không lâu sau khi đăng quang, Ý Nhi tiếp tục gây tranh cãi với phát ngôn về bạn bè đồng trang lứa. Theo Ý Nhi, trong khi giới trẻ Việt Nam cùng độ tuổi với cô dành thời gian cho việc ngủ, chơi, uống trà sữa, thì cô đã tham gia cuộc thi Hoa hậu; vì vậy bây giờ cô đã trưởng thành hơn, trở thành Hoa hậu và có công việc trong khi các bạn trẻ khác vẫn chỉ là sinh viên hoặc vừa học vừa làm. Phát ngôn này tiếp tục trở thành chủ đề gây tranh cãi trên các trang mạng xã hội.
Ngày 1 tháng 8 năm 2023, cô cùng hai Á hậu của cuộc thi Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2023 ghé thăm bệnh nhân tại một bệnh viện cao cấp. Hình ảnh tân hoa hậu và á hậu với trang phục cầu kỳ đi kèm với vương miện tiếp tục trở thành đề tài tranh cãi trên các trang mạng xã hội trước khi ban tổ chức xác nhận đây không hoạt động từ thiện mà là hoạt động của các thi sinh nằm trong top 3 cuộc thi theo lịch trình với nhà tài trợ.
Sau 10 ngày đăng quang Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2023, số lượng các nhóm tẩy chay (antifan) tăng lên nhanh chóng, thậm chí có nhóm hơn 600.000 thành viên.
Thành tích
Á khôi 2 Duyên dáng Sinh viên Bình Định 2023 với các giải phụ:
Người đẹp Truyền thông
Đăng quang Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2023 với các giải phụ:
Người đẹp Thời trang
Top 16 Người đẹp Nhân ái
Top 5 Người đẹp Biển
Top 10 Người đẹp Bản lĩnh
Một số nhận xét
Sau phát ngôn của Ý Nhi về câu trả lời liên quan đến Hàn Mặc Tử, Quang Trung, tiến sĩ khoa học Đoàn Hương nhận xét rằng cô bị thiếu thốn về kiến thức chứ không thể đơn thuần là vạ miệng. Còn Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho rằng cho rằng Hoa hậu Ý Nhi không có ý ngạo mạn gì trong câu trả lời này, chỉ là do chưa được dạy dỗ kỹ lưỡng; "Rất nhiều người ở tuổi cô đã có những ứng xử rất văn hoá và hiểu biết. Sự thiếu hụt văn hoá làm cô trở nên kệch cỡm... Ngày nay, hầu hết những đứa trẻ 4 tuổi cũng đã biết phải chào ai trước khi đi nhà trẻ về".
Trưởng ban tổ chức cuộc thi nêu trên, bà Phạm Kim Dung, đã có văn bản gửi đến các cơ quan chức năng "đề xuất chia sẻ, hỗ trợ Hoa hậu Huỳnh Trần Ý Nhi trước việc bị bạo lực mạng xã hội khi phát ngôn vụng về".
Tham khảo
Liên kết ngoài
Nữ người mẫu Việt Nam
Hoa hậu Việt Nam
Hoa hậu Thế giới Việt Nam
Người Bình Định
Nhân vật còn sống
Sinh năm 2002
Nữ giới Việt Nam thế kỷ 21 |
19816043 | https://vi.wikipedia.org/wiki/Ph%C3%BA%20Qu%C3%BD%20%28ngh%E1%BB%87%20s%C4%A9%29 | Phú Quý (nghệ sĩ) | NSƯT Phú Quý (sinh 1946) là nghệ sĩ hài kịch và cải lương gạo cội ở Việt Nam.
Tiểu sử
NSƯT Phú Quý tên thật là Huỳnh Phú Quý, sinh năm 1946 tại quận Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn (nay là huyện Đức Hòa, tỉnh Long An). Ông là con út trong một gia đình nghèo có 10 người con, ba ông làm nghề chài lưới, mẹ ông bán cháo ở các gánh hát.
Thuở nhỏ, ông phụ mẹ bán cháo ở trước gánh hát nên khi các nghệ sĩ biểu diễn thì ông nghe và học lỏm theo. Sau này, ông thường được dẫn đi hát ở chùa, đình, miếu,… do còn nhỏ nên ông thường hát vai đào và được mọi người gọi là "thần đồng Phú Quý" vì có thể hát giọng nữ . Năm ông 16 tuổi, có đoàn cải lương Thanh Tao về biểu diễn ở quê ông, vì quá mê hát nên ông đã xin ba mẹ cho theo đoàn hát và được đồng thuận.
Sau 1 năm theo đoàn Thanh Tao, vì nhớ nhà nên NSƯT Phú Quý đã trốn về quê và học nghề thợ bạc rồi vào Sài Gòn lập nghiệp.
Sự nghiệp
Cải lương
Năm 1976, NSƯT Phú Quý làm công nhân ở Bến xe Miền Tây và tham gia vào đoàn văn công do Giám đốc Bến xe tổ chức, trong đoàn lúc đó còn có Khắc Triệu (chồng của danh ca Cẩm Vân). Với giọng ca thiên phú, ông đã được nhận Huy chương Vàng ở Liên hoan Văn nghệ Thành phố.
Năm 1978, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc đó đang là Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh quyết định đến Bến xe Miền Tây để ăn Tết, NSƯT Phú Quý đã tự sáng tác và hát bài ca cổ Vợ chồng anh lái xe cho Võ Văn Kiệt nghe, sau khi nghe xong NSƯT Phú Quý được ông Võ Văn Kiệt khen và khích lệ: "Đây là hạt nhân phong trào, phải ráng có chế độ nuôi dưỡng đàng hoàng."
Trong những năm sau đó, ông miệt mài tham gia các cuộc thi văn nghệ quần chúng và đạt được nhiều huy chương nhưng vẫn chỉ là nghệ sĩ nghiệp dư khi ông vừa làm ở Bến xe vừa đi hát kiếm thêm tiền. Năm 1980, NSƯT Phú Quý xuất hiện trên truyền hình, ông được NSND Kim Cương chú ý đến và mời về Đoàn kịch nói Kim Cương diễn vở Dưới hai màu áo, vở diễn thành công rực rỡ và NSƯT Phú Quý chính thức bước vào con đường nghệ thuật chuyên nghiệp vào năm 1981.
Sau đoàn Kim Cương, NSƯT Phú Quý đầu quân về Đoàn Cải lương Sài Gòn 2 và để lại dấu ấn trong lòng khán giả qua các vở diễn Tìm lại cuộc đời, Khách sạn hào hoa, Ánh lửa rừng khuya,…. Rời Đoàn Cải lương Sài Gòn 2, NSƯT Phú Quý về diễn tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang và trở nên nổi tiếng sau vai diễn Tên Trộm trong vở Nàng Xê Đa do cố NSƯT Đoàn Bá (khi đó là Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang) làm đạo diễn, vở cải lương gây tiếng vang lớn và trở thành vở diễn kinh điển trong nghệ thuật Cải lương, ngoài ra NSƯT Phú Quý còn góp mặt trong các vở Hòn đảo Thần Vệ nữ, Tình yêu và lời đáp,….
Trong thời kì hoàng kim của sân khấu Cải lương, tên tuổi NSƯT Phú Quý vang danh lẫy lừng cùng các nghệ sĩ khác như NSND Minh Vương, NSND Lệ Thủy, cố NSND Diệp Lang, cố NSƯT Thanh Sang, cố NSƯT Út Bạch Lan, cố NS Thanh Tú, NS Phượng Liên,….
Hài kịch
Sau khi Cải lương dần đi xuống, NSƯT Phú Quý chuyển sang sân khấu hài kịch, tên tuổi ông gắn liền với chương trình hài kịch Trong nhà ngoài phố của Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh cùng với các nghệ sĩ như NSƯT Bảo Quốc, NSND Hồng Vân, cố NS Lê Vũ Cầu, cố NS Hoàng Lan, NS Duy Phương,….
Nhờ có Trong nhà ngoài phố nên NSƯT Phú Quý rất đắt show hài, ông được xem như là Bảo chứng phòng vé của các sân khấu hài kịch thời bấy giờ, ông cùng với cố NS Văn Chung, NSƯT Bảo Quốc và NS Duy Phương được mệnh danh là tứ đại danh hài một thời.Các bạn diễn ăn ý với NSƯT Phú Quý trên sàn diễn hài kịch là cố NSƯT Kim Ngọc, NSƯT Bảo Quốc, NS Kiều Mai Lý, NS Duy Phương.
Hiện tại
Hiện tại, dù hài kịch và cải lương đã qua đi thời hoàng kim nhưng NSƯT Phú Quý vẫn miệt mài tham gia nghệ thuật, ông thường đi hát ở các hội chợ, đám cưới hoặc tham gia các gameshow truyền hình.Ngoài ra, NSƯT Phú Quý còn làm MC cho chương trình truyền hình Nhịp cầu vàng và thường tổ chức các buổi từ thiện.
Năm 2019, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.
Đời tư
NSƯT Phú Quý có đường tình duyên khá lận đận, ông từng trải qua nhiều mối tình và có 3 đời vợ. Sau 2 cuộc hôn nhân đầu tiên không thành, ông có 5 người con, 3 trai 2 gái và tất cả đều đã trưởng thành. Hiện tại, ông sống một cuộc sống viên mãn bên bà xã kém ông 22 tuổi Hoàng Diệu - người vừa là fan vừa là trợ lý của ông.
Các vai diễn nổi bật
Cải lương
Tình mẫu tử
Vợ chồng anh lái xe (do chính NSƯT Phú Quý sáng tác)
Dưới hai màu áo (vai Ông Công, đóng thế cố NS Ngọc Đức)
Tìm lại cuộc đời (vai Đại tá Quang, đóng thế cố NS Văn Chung)
Khách sạn hào hoa (vai Cao Mạnh, đóng thế cố NS Văn Chung)
Ánh lửa rừng khuya (vai Hương Quản Chép)
Tình yêu và lời đáp (vai Đàm Trọng Mẫn)
Hòn đảo Thần Vệ nữ (vai Zoóc)
Nàng Xê Đa (vai Tên Trộm)
Thạch Sanh (vai Lý Thông)
Một tháng làm vua (vai Tả Thừa tướng)
Hai Lúa thời nay (vai Tám Thủ)
Cưới vợ ăn Tết (vai Tư Ếch)
Chí Phèo (vai Xã Cường)
Đại phát tài (vai Tài)
Bùi Kiệm đòi vợ (vai Bùi Kiệm)
Năm con vợ
Tình anh bán chiếu
Vợ tôi tôi sợ
Rock Xàng Xê
Ba ly Rượu
Hài kịch
Cúm gà
Bác sĩ dỏm
Bác sĩ bất đắc dĩ
Lương y
Ta tắm ao ta
Chuyện mai mối
Trong nhà ngoài phố
Chương trình truyền hình
Sau Ánh Hào Quang (Khách mời)
Phú Quý Du Ký (Host)
Gõ Cửa Thăm Nhà (Khách mời)
Ca Sĩ Bí Ẩn (Khách mời)
Người Kể Chuyện Đời (Khách mời)
Sao Nối Ngôi (Giám khảo khách mời)
Ký Ức Vui Vẻ (Khách mời)
Giải Mã Tri Kỷ (Khách mời)
Liveshow
Đời Vui Phú Quý Vui (2006)
Giải thưởng
Huy chương Vàng Liên hoan Văn nghệ Thành phố
3 Huy chương Vàng ngành Giao thông vận tải
3 Huy chương Vàng Liên hoan Sân khấu Quần chúng Toàn quốc
Huy chương Vàng Hội diễn Sân khấu Toàn quốc 1985 (tập thể diễn viên trong vở Tình yêu và lời đáp)
Nghệ sĩ Ưu tú (2019)
Xem thêm
Bảo Quốc
Kiều Mai Lý
Văn Chung
Kim Cương
Minh Vương
Lệ Thủy
Chú thích
Liên kết ngoài
Sinh 1946
Nhân vật còn sống
Nghệ sĩ hài Việt Nam
Nam diễn viên sân khấu Việt Nam
Nghệ sĩ cải lương
Nghệ sĩ ưu tú Việt Nam
Người Long An
Sinh tại Long An |
19816054 | https://vi.wikipedia.org/wiki/V%C3%B2ng%20lo%E1%BA%A1i%20gi%E1%BA%A3i%20v%C3%B4%20%C4%91%E1%BB%8Bch%20b%C3%B3ng%20%C4%91%C3%A1%20th%E1%BA%BF%20gi%E1%BB%9Bi%202006%20khu%20v%E1%BB%B1c%20ch%C3%A2u%20%C3%81%20%28V%C3%B2ng%203%29 | Vòng loại giải vô địch bóng đá thế giới 2006 khu vực châu Á (Vòng 3) | Vòng loại Giải vô địch bóng đá thế giới 2006 khu vực châu Á (vòng 3) bắt đầu vào ngày 9 tháng 2 năm 2005 và kết thúc vào ngày 17 tháng 8 năm 2005.
Hai đội đứng đầu ở mỗi bảng (tổng cộng 4 đội) sẽ giành quyền tham dự Giải vô địch bóng đá thế giới (FIFA World Cup) 2006, còn hai đội thứ ba ở mỗi bảng sẽ đá play-off để chọn ra một đội đá play-off tranh vé dự FIFA World Cup với một đội đến từ CONCACAF.
Thể thức
8 đội đứng đầu ở 8 bảng đấu tại vòng 2 được chia vào hai bảng đấu, mỗi bảng 4 đội. Mỗi đội sẽ đá hai trận sân nhà − sân khách với các đội còn lại trong bảng của mình để chọn ra hai đội đứng đầu ở mỗi bảng giành quyền tham dự FIFA World Cup 2006.
Bảng 1
Ả Rập Xê Út và Hàn Quốc giành quyền dự FIFA World Cup 2006.
Uzbekistan giành vé dự vòng play-off AFC.
Bảng 2
Nhật Bản và Iran giành quyền dự FIFA World Cup 2006.
Bahrain giành quyền dự vòng play-off AFC.
Chú thích: Trận đấu này được dùng làm bối cảnh cho bộ phim "Offside" của Iran.
Chú thích: Vì có sự cố về khán giả trong hai trận đấu sân nhà trước đó của Triều Tiên, FIFA đã quyết định rằng trận đấu tiếp theo của Triều Tiên sẽ được chuyển đến một địa điểm trung lập (Thái Lan) và thi đấu trên sân không khán giả.
Xem thêm
Giải vô địch bóng đá thế giới 2006
Vòng loại Giải vô địch bóng đá thế giới 2006
Vòng loại giải vô địch bóng đá thế giới 2006 khu vực châu Á
Vòng loại giải vô địch bóng đá thế giới 2006 khu vực châu Á (Vòng 1)
Vòng loại giải vô địch bóng đá thế giới 2006 khu vực châu Á (Vòng 2)
Tham khảo
Liên kết ngoài
Vòng loại giải vô địch bóng đá thế giới 2006 khu vực châu Á tại RSSSF.com
Vòng loại giải vô địch bóng đá thế giới 2006 khu vực châu Á tại FIFA.com
Vòng loại Giải vô địch bóng đá thế giới 2006 |
19816056 | https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%C3%A0o%20Th%E1%BB%8B%20Hi%E1%BB%81n | Đào Thị Hiền | Đào Thị Hiền (sinh ngày 18 tháng 05 năm 2001) là một Hoa hậu, người dẫn chương trình. Cô là Á Hậu của cuộc thi Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2023 và đạt giải thưởng phụ Người đẹp Nhân ái. Trước đó, cô từng lọt vào Top 5 cuộc thi Hoa hậu Du lịch Việt Nam 2022 với giải phụ Người đẹp Biển.
Tiểu sử
Đào Thị Hiền sinh năm 2001 tại Đô Lương, Nghệ An. Cô hiện tại là sinh viên của trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Cô còn có chị gái là Đào Thị Hà cũng từng thi các cuộc thi sắc đẹp như: Đăng quang Người đẹp Phố biển Cửa Lò 2016, lọt vào Top 5 hai cuộc thi lớn Hoa hậu Việt Nam 2016 và Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2019.
Sự nghiệp
Hoa hậu Du lịch Việt Nam 2022
Năm 2022, Đào Thị Hiền đã ghi danh tại cuộc thi Hoa hậu Du lịch Việt Nam. Tại đêm chung kết của cuộc thi cô đã lọt vào Top 5 chung cuộc của cuộc thi và đạt được giải phụ Người đẹp Biển.
Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2023
Năm 2023, Đào Thị Hiền trở lại đường đua nhan sắc với cuộc thi Hoa hậu Thế giới Việt Nam. Qua các vòng thi, cô đã lọt vào Top 5 Người đẹp Biển, Top 5 Người đẹp Du lịch và Top 4 Người đẹp Bản lĩnh. Vào đêm chung kết tổ chức vào ngày 22 tháng 7, cô đã đăng quang ngôi vị Á hậu 1 của cuộc thi .
Thành tích
Top 5 Hoa hậu Du lịch Việt Nam 2022 với các giải phụ:
Người đẹp Biển
Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2023 với các giải phụ:
Người đẹp Nhân ái
Top 5 Người đẹp Du lịch
Top 5 Người đẹp Biển
Top 4 Người đẹp Bản lĩnh
Tham khảo
Liên kết ngoài
Nữ người mẫu Việt Nam
Á hậu Việt Nam
Á hậu Thế giới Việt Nam
Người Nghệ An
Nhân vật còn sống
Sinh năm 2001
Nữ giới Việt Nam thế kỷ 21 |
19816063 | https://vi.wikipedia.org/wiki/Pablo%20Sanz | Pablo Sanz | Pablo Sanz Iniesta (sinh ngày 30 tháng 8 năm 1973) là một cựu cầu thủ bóng đá người Tây Ban Nha từng thi đấu ở vị trí tiền vệ, và hiện tại là trợ lý huấn luyện viên tại câu lạc bộ Wolverhampton Wanderers.
Tham khảo
Sinh năm 1973
Nhân vật còn sống
Cầu thủ bóng đá Tây Ban Nha
Cầu thủ bóng đá La Liga
Cầu thủ bóng đá Segunda División
Cầu thủ bóng đá Rayo Vallecano
Cầu thủ bóng đá FC Barcelona Atlètic |
19816064 | https://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BA%A7m%20Guryong | Hầm Guryong | Hầm Guryong (Tiếng Hàn: 구룡터널, Hanja: 九龍터널) là một đường hầm ở Seoul nối Naegok-dong, Seocho-gu và Gaepo-dong, Gangnam-gu dài 1.180m, rộng 17m cả hai chiều, cao 6.8m, hoàn thành ngày 30 tháng 4 năm 1998. Đường hầm này được đào xuyên qua núi Guryongsan, và được đặt tên là đường hầm Guryong theo tên núi Guryongsan.
Lịch sử
Ngày bắt đầu: 30 tháng 12 năm 1992
Ngày khai trương: 30 tháng 4 năm 1998
Thông tin lân cận
Núi Guryong
Gaepo 6 Chawooseong APT
Gaepo 1 Danji Jugong APT
Trường tiểu học Seoul Gaewon
Trường trung học Gaepo
Làng Guryong
Heoninneung
Tham khảo
Công trình xây dựng Seoul
Giao thông Seoul
Hầm đường bộ Hàn Quốc
Khởi đầu năm 1998 ở Hàn Quốc
Đường hầm hoàn thành vào năm 1998
Sơ khai tòa nhà hoặc kiến trúc Hàn Quốc |
19816065 | https://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BA%A7m%20World%20Cup | Hầm World Cup | Hầm World Cup (Tiếng Hàn: 월드컵터널) là một đường hầm ở Seongsan-dong, Mapo-gu, Seoul và đi qua núi Maebongsan để nối phía tây của Sân vận động World Cup Sangam và Giao lộ Sangam. Nó là một phần của Jeungsan-ro .
Thông tin xây dựng
Năm hoàn thành: 2001
Tổng phần mở rộng: 305m
Chiều rộng: 14m
Chiều cao: 9m
Thông tin lân cận
Sân vận động World Cup Seoul
Digital Media City
Công viên World Cup
Cầu World Cup
Tham khảo
Công trình xây dựng Seoul
Giao thông Seoul
Hầm đường bộ Hàn Quốc
Khởi đầu năm 2001 ở Hàn Quốc
Đường hầm hoàn thành vào năm 2001
Sơ khai tòa nhà hoặc kiến trúc Hàn Quốc |
19816311 | https://vi.wikipedia.org/wiki/Ti%E1%BA%BFng%20Armenia%20c%E1%BB%95%20%C4%91i%E1%BB%83n | Tiếng Armenia cổ điển | Tiếng Armenia cổ điển (, trong cách phát âm tiếng Armenia Đông: Grabar, tiếng Armenia Tây: Krapar; nghĩa là "[ngôn ngữ] văn học"; còn được gọi là tiếng Armenia cổ hoặc tiếng Armenia thiêng liêng) là một dạng được chứng thực cổ nhất của tiếng Armenia. Nó được viết lần đầu tiên và đầu thế kỉ 5, và tất cả văn học Armenia từ đó đến thế kỉ 18 được viết bằng tiếng Armenia cổ điển. Nhiều bản thảo cổ đại ban đầu được viết bằng tiếng Hy Lạp cổ đại, tiếng Ba Tư, tiếng Hebrew, tiếng Syriac và tiếng Latinh chỉ tồn tại trong bản dịch tiếng Armenia.
Tiếng Armenia cổ điển tiếp tục là một ngôn ngữ thiêng liêng của Giáo hội Tông truyền Armenia và Giáo hội công giáo Armenia và thường được học tập bởi các học giả Kinh Thánh, Liên Ước, và Giáo Phụ dành riêng cho nghiên cứu văn bản. Tiếng Armenia cổ điển cũng quan trọng cho việc phục đựng tiếng Ấn-Âu nguyên thủy.
Ngữ âm
Nguyên âm
Có bảy nguyên âm đơn:
(ա), (ի), hoặc schwa (ը), hoặc e mở (ե), hoặc e đóng (է), (ո), và (ու) (phiên âm tương ứng là a, i, ə, e, ē, o, và u). Nguyên âm được phiên âm u được đánh vần bằng các chữ cái tiếng Armenia cho từ ow (ու) nhưng nó không thực sự là một nguyên âm đôi.
Ngoài ra còn có sáu nguyên âm đôi theo truyền thống:
ay (այ), aw (աւ, sau đó là օ), ea (եա), ew (եւ), iw (իւ), oy (ոյ).
Phụ âm
Dưới đây là bảng hệ phụ âm trong tiếng Armenia cổ điển. Các phụ âm tắc và tắc xát, ngoài chuỗi hữu thanh và vô thanh phổ biến hơn, cũng là một chuỗi âm bật hơi riêng biệt, phiên âm với ký hiệu được sử dụng cho âm thở thô tiếng Hy Lạp cổ đại sau chữ: p῾, t῾, c῾, č῾, k῾. Mỗi ngữ âm có hai ký hiệu trong bảng. Bên trái biểu thị cách phát âm trong Bảng mẫu tự ngữ âm quốc tế (IPA); bên phải là ký hiệu tương ứng trong bảng chữ cái Armenia.
Xem thêm
Danh sách nhà văn Armenia
Tiếng Armenia nguyên thủy
Bảng chữ cái Armenia
Nguồn
Adjarian, Hrachia. (1971-9) Etymological Root Dictionary of the Armenian Language. Vol. I – IV. Yerevan: Yerevan State University.
Meillet, Antoine. (1903) Esquisse d'une grammaire comparée de l'arménien classique.
Thomson, Robert W. (1989) An Introduction to Classical Armenian. Caravan Books. ()
Godel, Robert. (1975) An Introduction to the Study of Classical Armenian. Wiesbaden: Dr. Ludwig Reichert Verlag ()
Tham khảo
Liên kết ngoài
Classical Armenian Online by Todd B. Krause and Jonathan Slocum, free online lessons at the Linguistics Research Center at the University of Texas at Austin
New Dictionary of the Armenian Language (Nor Bargirk Haekazian Lezvi, Նոր Բառգիրք Հայկազեան Լեզուի), Venice 1836-1837. The seminal dictionary of Classical Armenian. Includes Armenian to Latin, and Armenian to Greek.
Pocket Dictionary of the Armenian Language (Arrdzern Barraran Haekazian Lezvi, Առձեռն Բառարան Հայկազնեան Լեզուի), Venice 1865 (second edition).
New Dictionary Armenian-English (Նոր Բառգիրք Հայ-Անգլիարէն), Venice, 1875-9.
Grabar Dictionary (Գրաբարի Բառարան), Ruben Ghazarian, Yerevan, 2000.
Grabar Thesaurus (Գրաբարի Հոմանիշների Բառարան), Ruben Ghazarian, Yerevan, 2006.
A grammar, Armenian and English by Paschal Aucher and Lord Byron. Venice 1873
Brief introduction to Classical Armenian also known as Grabar
glottothèque - Ancient Indo-European Grammars online, an online collection of introductory videos to Ancient Indo-European languages produced by the University of Göttingen |
19816316 | https://vi.wikipedia.org/wiki/V%C4%83n%20ph%C3%B2ng%20N%E1%BB%99i%20c%C3%A1c%20%28Nh%E1%BA%ADt%20B%E1%BA%A3n%29 | Văn phòng Nội các (Nhật Bản) | (tiếng Anh: Cabinet Office, viết tắt: CAO) là một cơ quan trong Nội các Nhật Bản. Cơ quan này chịu trách nhiệm xử lý các công việc hàng ngày của Nội các. Văn phòng Nội các chính thức do Thủ tướng đứng đầu.
Tham khảo
Liên kết ngoài
Văn phòng Nội các
Chính phủ Nhật Bản |
19816320 | https://vi.wikipedia.org/wiki/Matsumoto%20Takeaki | Matsumoto Takeaki | là một một chính trị gia người Nhật Bản. Ông từng là Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản trong năm 2011 và hiện là Bộ trưởng Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản trong Nội các của Thủ tướng Kishida Fumio.
Gia phả
Tham khảo
Liên kết ngoài
Website chính thức bằng tiếng Nhật.
|-
|-
|-
|-
|-
|-
Sinh 1959
Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản
Bộ trưởng Nhật Bản
Người còn sống
Hạ nghị sĩ Nhật Bản
Cựu sinh viên Đại học Tokyo
Chính khách từ Tōkyō |
19816323 | https://vi.wikipedia.org/wiki/Plutoni%28IV%29%20sulfat | Plutoni(IV) sulfat | Plutoni(IV) sulfat là một hợp chất vô cơ của plutoni và acid sulfuric có công thức hóa học Pu(SO4)2 – tinh thể màu đỏ, tan trong nước, tạo thành tinh thể ngậm nước.
Điều chế
Plutoni(IV) sulfat được điều chế bằng cách hòa tan plutoni(IV) oxide trong acid sulfuric đậm đặc có thêm acid fluorhydric, sau đó làm bay hơi trong cốc platin để thu được muối:
Sau đó, cho dung dịch plutoni(IV) sulfat kết tủa bằng hỗn hợp methanol và acid sulfuric loãng, thu lấy tinh thể.
Tính chất vật lý
Plutoni(IV) sulfat tạo thành tinh thể màu đỏ.
Nó hòa tan tốt trong nước.
Nó tạo thành Pu(SO4)2·4H2O, tồn tại dưới hai dạng. Cả hai dạng đều là tinh thể màu đỏ thuộc hệ tinh thể trực thoi.
Với dạng α-, nhóm không gian Pnma, các hằng số mạng tinh thể a = 1,4544 nm, b = 1,098 nm, c = 0,5667 nm, Z = 4.
Với dạng β-, nhóm không gian Fddd, các hằng số mạng tinh thể a = 0,56011 nm, b = 1,20323 nm, c = 2,6525 nm, Z = 8.
Tính chất hóa học
Với sulfat kim loại kiềm, nó tạo thành muối kép M4[Pu(SO4)4]·nH2O có màu xanh lá cây.
Tham khảo
Đọc thêm
Muối sulfat
Hợp chất plutoni |
19816332 | https://vi.wikipedia.org/wiki/Nh%E1%BA%ADt%20B%E1%BA%A3n%20T%C3%A2n%20%C4%90%E1%BA%A3ng | Nhật Bản Tân Đảng | là một đảng phái chính trị ở Nhật Bản tồn tại từ năm 1992 đến năm 1994.
Đảng này được coi là theo khuynh hướng tự do, được thành lập bởi Hosokawa Morihiro, cựu nghị sĩ Quốc hội và là Thống đốc tỉnh Kumamoto, người đã rời Đảng Dân chủ Tự do để phản đối các vụ bê bối tham nhũng trong đảng này. Năm 1992, đảng đã bầu bốn thành viên vào Tham Nghị viện, bao gồm cả Hosokawa. Mặc dù đây là một kết quả đáng thất vọng đối với họ, nhưng vào năm 1993, họ đã có thể tận dụng sự bất mãn của cử tri đối với Đảng Dân chủ Tự do, bầu tổng cộng 35 thành viên (bao gồm 3 người tham gia sau cuộc bầu cử). Hosokawa trở thành Thủ tướng lãnh đạo một liên minh rộng rãi, nhưng nhanh chóng bị buộc phải từ chức do nội bộ liên minh này liên tục gặp lục đục.
Đảng bảo vệ chủ nghĩa chính trị cải lương, quyền của người tiêu dùng và hỗ trợ phân quyền.
Đến năm 1994, Nhật Bản Tân Đảng giải thể, các thành viên của đảng này chuyển sang Đảng Tân tiến (新進党).
Danh sách lãnh đạo Nhật Bản Tân Đảng
Kết quả bầu cử
Chúng Nghị viện
Tham Nghị viện
Xem thêm
Edano Yukio, chính khách tự do cánh tả của Nhật Bản, người tự nhận mình là "dòng chính Bảo thủ" bởi vì sự nghiệp chính trị ban đầu của ông là trong Nhật Bản Tân Đảng tự do trung hữu.
Tham khảo
Khởi đầu năm 1992 ở Nhật Bản
Đảng phái chính trị Nhật Bản
Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ hai
Chính trị Nhật Bản |
19816343 | https://vi.wikipedia.org/wiki/S%C3%A2n%20v%E1%BA%ADn%20%C4%91%E1%BB%99ng%20Perth%20Rectangular | Sân vận động Perth Rectangular | Sân vận động Perth Rectangular (; còn được gọi là HBF Park vì lý do tài trợ) là một sân vận động thể thao ở Perth, thủ phủ của bang Tây Úc của Úc. Sân nằm gần quận kinh doanh trung tâm của Perth. Sân vận động hiện có sức chứa tối đa là 20.500 người cho các sự kiện thể thao và 25.000 người cho các buổi hòa nhạc, với số lượng khán giả kỷ lục của sân là 32.000 người được thiết lập trong buổi hòa nhạc của Ed Sheeran vào năm 2015. Sân vận động được xây dựng trên khu đất có tên gọi là Loton Park, một khu bảo tồn công cộng được thành lập vào năm 1904, với sân vận động chính được xây dựng vài năm sau đó.
Từ năm 1910 đến năm 2002, sân được gọi là Perth Oval và là sân nhà của East Perth Football Club thuộc West Australian Football League (WAFL). Sân đã tổ chức một số trận chung kết của giải đấu trong thời gian đó. Vào năm 2004, sân vận động đã được tái phát triển, chuyển đổi từ mặt sân hình bầu dục thành mặt sân hình chữ nhật. Hiện tại, đây là sân nhà của hai câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp lớn: Perth Glory FC, một câu lạc bộ bóng đá thi đấu tại A-League và Western Force, một câu lạc bộ rugby union thi đấu tại Super Rugby Pacific. Sân cũng được sử dụng bởi West Coast Pirates, một câu lạc bộ rugby league bán chuyên nghiệp thi đấu tại S. G. Ball Cup, cũng như cho các buổi hòa nhạc.
Tham khảo
Liên kết ngoài
Perth Glory FC
Sân vận động A-League
Sân vận động W-League (Úc)
Sân vận động rugby league Úc
Sân vận động West Australian Football League
Sân vận động rugby union Úc
East Perth Football Club
Địa điểm thể thao hoàn thành năm 1904
Western Force
Địa điểm bóng đá Perth, Tây Úc
Các sân vận động giải vô địch bóng đá nữ thế giới 2023 |
19816344 | https://vi.wikipedia.org/wiki/Truy%E1%BB%87n%20G%E1%BB%91i%20%C4%91%E1%BA%A7u | Truyện Gối đầu | là một tập truyện nói về những quan sát và suy ngẫm của nữ văn sĩ Sei Shōnagon trong khoảng thời gian bà làm nữ quan cho Hoàng hậu Teishi từ những năm 990 đến đầu những năm 1000 vào thời kỳ Heian của Nhật Bản. Tác phẩm được hoàn thành vào năm 1002.
Tác phẩm Truyện Gối Đầu là tổng hợp tất cả những văn kiện, truyền thuyết, thơ ca, và cả những đoạn mô tả ít có mối liên hệ với nhau, chỉ trừ điểm chung duy nhất là chúng đều là những ý tưởng nảy ra bất chợt mà Shōnagon đã nghĩ ra dựa trên những khoảnh khắc trong cuộc sống thường nhật của bà, trong đó chứa đựng rất nhiều những thể loại, hình thức diễn đạt khác nhau như những sự kiện cung đình quan trọng, những bài thơ, cách nhìn nhận của tác giả đối với những nhân vật quan trọng thời đó cũng như những suy nghĩ của chính bà. Dù chỉ là tác phẩm mang dấu ấn cá nhân, song kỹ năng viết lách và sáng tác thơ tuyệt vời của nữ quan Shōnagon đã giúp cho Truyện gối đầu được nâng tầm và trở thành một tác phẩm văn học thực sự, và được coi là một tư liệu lịch sử có giá trị. Mặc dù Shōnagon chỉ dùng góc nhìn và quan điểm cá nhân để viết nên Truyện gối đầu, nhưng một phần của tác phẩm ấy đã phản ánh gần như toàn bộ cuộc sống chốn cung đình, nơi mà nữ tác giả đã sống trong gần hết cuộc đời : "Bà đã vô tình đặt nó [tác phẩm] lên chiếc đệm được chuẩn bị cho khách, và vị khách đó đã mang nó đi bất chấp lời cầu xin của bà." Shōnagon viết Truyện gối đầu như một thú vui riêng tư trong cuộc sống hằng ngày; có lẽ đó là cách để bà có thể giãi bày tâm sự và bộc lộ những xúc cảm thầm kín - thứ mà những người có địa vị thấp kém trong cung không thể bộc lộ một cách trực tiếp. Mặc dù Shōnagon chưa bao giờ chia sẻ tác phẩm cho ai khác ngoài chính mình, song qua nhiều thế kỉ, nó đã trở thành một tác phẩm văn học nổi tiếng. Sáu đoạn văn thuộc tác phẩm đã được dịch sang tiếng Anh lần đầu tiên vào năm 1889 bởi T. A. Purcell và W. G. Aston. Một bản dịch tiếng Anh đáng chú ý khác là bản dịch của Arthur Waley; một phần của tác phẩm đã được dịch vào năm 1928, Ivan Morris đã dịch trọn vẹn tác phẩm này vào năm 1967, và bản dịch hoàn thiện của Meredith McKinney vào năm 2006.
Sơ lược về tác phẩm
Được bắt đầu bởi "tính toàn diện" với việc "thu thập lại những điều giản đơn" và cách diễn đạt với những cụm từ như "giống như những chú sâu", "tựa như hoa của cây", "những điều ta không thích" và "những điều tươi đẹp" – chúng là những cụm từ mô tả theo lối viết cổ xưa, được ví như "danh sách kiểu Borgesian". Ta có thể thấy rằng, "những lời tản mạn" của tác giả Sei Shōnagon là thành quả của việc quan sát quang cảnh thiên nhiên và sắc thái bốn mùa trong năm, và dùng những câu từ để miêu tả chúng dưới dạng "hồi ức" (còn gọi là "nhật ký"), qua đó thể hiện sự hồi tưởng của tác giả đối với cuộc sống cung đình xoay quanh chủ nhân của bà là Hoàng hậu Teishi, nằm trong những điều khác mà tác phẩm đã khắc họa.
Theo lời Meredith McKinney trong tờ báo Kyoto Journal, (người đã đóng góp bản dịch tiếng Anh cho tác phẩm),Truyện gối đầu là một tác phẩm đặc biệt, nó là tổ hợp những tác phẩm có dung lượng ngắn hơn và nội dung của chúng không hề liên quan đến nhau . Thành quả văn chương của nữ sĩ Shōnagon có thể được chia làm 3 phần; phần đầu là những mẩu chuyện tường thuật, nội dung của nó tập trung vào những sự kiện mà tác giả từng được chứng kiến và nếm trải trong suốt thời gian phục vụ trong cung đình, phần hai bao gồm những suy nghĩ và quan điểm của bà về những sự việc khác nhau trong cuộc sống, và phần cuối là danh sách các văn kiện có tiêu đề, ví dụ như văn kiện với tiêu đề "Những thứ khiến trái tim trở nên yếu mềm." Tác phẩm Truyện gối đầu chứa tổng cộng tất cả 164 văn kiện mang tiêu đề, nơi chứa đựng những chi tiết có giá trị về mặt mỹ học và ít cởi mở hơn so với những câu chuyện truyền thuyết của Shōnagon. Ý tưởng phân chia tác phẩm làm ba phần đã được đề xuất bởi Kikan Ikeda. Tuy nhiên, cũng có những phần khá mơ hồ và rất khó để phân loại (ví dụ như đoạn đầu trong phần tản văn của tác phẩm, "Tựa như mùa xuân, (đó là) cảnh bình minh [tuyệt đẹp]", đã có những tranh cãi về việc phân loại đoạn văn trên).
Tác phẩm chủ yếu được biết bằng chữ hiragana của Nhật; đó là những kí tự bản địa bắt nguồn từ Trung Quốc, và có rất mẩu chuyện trong tác phẩm được viết theo phong cách hóm hỉnh và dí dỏm. Vào thời đó, những người phụ nữ như Shōnagon thường sử dụng chữ Hiragana làm ngôn ngữ viết. Theo Matthew Penney trong bài bình về "Truyện Gối đầu", những địa danh, chức tước là những trường hợp duy nhất cho phép các kí tự Hán ngữ xuất hiện trong tác phẩm, những phần còn lại đều được viết bằng Hiragana. Những lời thú nhận cảm xúc của tác giả đã được khéo léo lồng ghép vào trong những câu văn diễn tả sự suy sụp của Nhiếp chính quan Fujiwara no Michitaka cũng như việc cha ruột bà qua đời, và cả tình cảnh bất hạnh của Thiên hoàng và Hoàng hậu Teishi.
Tác phẩm là cả một thể hòa hợp đồng nhất giữa giác quan nhạy cảm và góc nhìn tinh tế của tác giả; vì nếu ta so sánh với cảm xúc của (Mầm mống của sự vật) được tìm thấy trong Truyện kể Genji, ta cũng sẽ thấy vẻ đẹp của thế giới này đã được diễn tả qua cách sử dụng từ ('đáng yêu') một cách đầy thông minh.
Nhìn chung, Truyện gối đầu được viết dưới dạng những câu văn ngắn gọn, với những đoạn văn không quá dài với nội dung dễ đọc và dễ hiểu đối với những người nói tiếng Nhật trong thời hiện đại. Những câu chuyện được sưu tầm ngẫu hứng đã từng được tạm chia thành 3 loại, về sau chúng đã được tổng hợp lại và phân loại theo nhiều cách khác nhau và được biên soạn lại bởi những người không phải là Sei Shōnagon. Dựa trên niềm tin của một số học giả, ta có thể cho rằng hầu hết các tác phẩm văn học của Shōnagon đều được viết trong khoảng thời gian bà ở trong cung ; tuy vậy, bà vẫn có một số tác phẩm khác được viết trong những năm tháng cuối đời và nội dung của chúng chỉ đề cập đến những kí ức về khoảng thời gian trước đây khi còn làm Nữ quan trong Triều đình.
Điểm khác biệt giữa tác phẩm Truyện gối đầu của Shōnagon với những tác phẩm khác cùng thể loại vào thời đó và thậm chí cả vào thời nay, đó là bản thân tác giả của nó không hề bỏ ra thời gian để cố tìm kiếm linh hồn cho tác phẩm, cũng như không tìm kiếm thái độ hay quan điểm của độc giả về tác phẩm, đơn giản là vì chính tác giả cũng không kỳ vọng đây sẽ là tác phẩm viết cho mọi người, chỉ là tác phẩm cho riêng mình mà thôi. Truyện gối đầu của Shōnagon được viết dựa trên cơ sở của những điều đáng yêu và đáng ghét trên trần thế dựa trên cảm xúc chủ quan của tác giả; tác phẩm thể hiện những thứ được quan tâm về mặt cá nhân và những điều tốt đẹp hiện hữu xung quanh thế giới riêng của người viết ra nó. Trong bài báo mang tên Kyoto Journal, McKinney giải thích rằng Shōnagon "có thể thu hút bạn [độc giả] qua nhiều thế kỉ, cho rằng bạn đã quen thuộc với bà ấy cũng như thế giới riêng của bà, sau đó khiến bạn phải gật đầu và mỉm cười." Thông thường, các phần được chọn lựa từ tuyển tập này đều hướng người đọc đến những suy nghĩ và giai thoại của Shonagon. Như vậy, ta có thể thấy rằng, Truyện gối đầu là cả một tuyển tập bao gồm những câu chuyện truyền thuyết, những điều hữu ích được liệt kê, tất cả đều hòa chung thành một tác phẩm văn học kiệt xuất và là nguồn thông tin tuyệt vời để tìm hiểu về đời sống cung đình vào hơn 1000 năm trước, và đã trở thành một dấu mốc lịch sử quan trọng đánh dấu sự phát triển của nền văn học Nhật Bản . Truyện gối đầu được viết hoàn toàn bằng tiếng Nhật. Trong suốt khoảng thời gian từ cuối thế kỷ 10 đến đầu thế kỉ 11, trong khi hầu hết đàn ông Nhật Bản đều lấy Hán tự làm ngôn ngữ viết thì những người phụ nữ đã viết bằng ngôn ngữ bản địa của họ với việc sử dụng các ký tự hiragana, một loại chữ tượng hình bản địa có nguồn gốc từ Trung Quốc. Do đó, ta có thể thấy rằng, Truyện gối đầu là một phần của truyền thống văn chương rộng lớn dành cho nữ giới. Phong cách văn học quyến rũ và tối giản của Shonagon đã được dùng làm hình mẫu chuẩn mực cho văn xuôi Nhật Bản cho đến tận ngày nay. Theo Penney và Matthew thì Shōnagon đã từng bị các độc giả đánh giá là một người kiêu căng và thích đối đầu; mặc dù vậy, ta cũng không thể phủ nhận lối diễn đạt cảm xúc theo cách tự do, phóng khoáng pha chút dí dỏm đã được thể hiện rất rõ trong tác phẩm.
Truyện Gối đầu có sức ảnh hưởng rất lớn tới một thể loại văn xuôi của Nhật Bản được gọi là .
Bối cảnh ra đời
Truyện Gối đầu ra đời vào thời kỳ Heian - nơi được xem là thời kỳ huy hoàng của giới quý tộc Nhật Bản. Thơ ca và nghệ thuật là một trong những phần quan trọng trong triều đình, tác giả Sei Shōnagon cũng là một phần trong đó. Vào thời đó, tất cả mọi người trong triều đình và Hoàng cung đều phải có kiến thức văn chương xuất sắc. Văn học thời kỳ này được xem như là một phương tiện giao tiếp quan trọng đến mức kỹ năng viết của một người được cho là có thể tạo nên hoặc phá vỡ danh tiếng của họ. Chẳng hạn như trong tác phẩm Truyện Gối đầu, Shōnagon đã đề cập đến việc một cận thần tới xin lời khuyên của bà để viết một bài thơ và rồi cuối cùng ông ta đã bị từ chối vì kỹ năng viết văn kém. Phụ nữ thời kỳ Heian cũng đóng vai trò quan trọng trong xã hội, đặc biệt là những người phụ nữ thuộc tầng lớp thượng lưu. Các tác giả nữ ở Nhật Bản trong thời kỳ này được biết đến rộng rãi hơn vì hầu hết các tác phẩm của họ đều được viết bằng Nhật ngữ, được gọi là "ngôn ngữ của nhân dân", trong khi các tác giả nam sử dụng Hán ngữ để sáng tác vì thứ ngôn ngữ này vẫn được coi là có vị thế cao hơn. Vì các tác phẩm của những tác giả nữ thời đó phổ biến hơn với tầng lớp bình dân, nên chúng ta có thể chắc chắn rằng chúng có sức ảnh hưởng lớn đến xã hội lúc bấy giờ.
Mặc dù phụ nữ trong thời kỳ Heian nắm giữ ít trọng trách hơn về mặt xã hội so với nam giới, song ngày nay, đã có nhiều nhà văn nghiên cứu về khả năng sáng tạo và cách chơi chữ hiragana của họ, vì nam giới thời Heian thường có xu hướng chỉ dùng Hán tự để thể hiện khả năng sử dụng hệ thống chữ viết vay mượn từ nước láng giềng Trung Hoa, trong khi Hiragana là loại chữ viết mới mẻ hơn và được những người phụ nữ độc quyền sử dụng. Hiragana (Bình giá danh) là hệ thống ngôn ngữ viết bao gồm các ký tự và các âm tiết cho phép thể hiện suy nghĩ bên trong theo cách tự do phóng khoáng hơn so với chữ Hán biểu trưng. Vì phụ nữ trong thời kỳ Heian thường không có những hoạt động xã hội, nên những người thuộc tầng lớp thượng lưu và có học thức cao thường có rất nhiều thời gian viết lách và sáng tác văn thơ. Bên cạnh đó, việc loại bỏ phụ nữ khỏi những nơi quan trọng như triều chính cũng góp phần bảo vệ họ khỏi những bất ổn chính trị. Chữ mềm Hiragana cho phép phụ nữ có thể truyền đạt suy nghĩ và cảm xúc của họ về cuộc sống bằng ngôn ngữ của riêng mình. Họ không cần thiết phải đi học chữ nhiều để có thể diễn tả mọi cảm giác trên giấy; vì các âm tiết của hiragana không giống như chữ kanji, nó có thể ghi nhận các biến tố nghe được trong lời nói. Tuy nhiên, những phụ nữ có học thức như Shōnagon thỉnh thoảng cũng sử dụng chữ Hán. Do Hán tự (hay Kanji) được xem là chữ viết của nam giới nên việc một người phụ nữ sử dụng và hiểu nó đúng cách chứng tỏ người đó đã dày công nghiên cứu Hán tự trong nhiều năm. Đó cũng là cách để Shōnagon thể hiện trí thông minh của mình thông qua việc sáng tác.
Lịch sử biên soạn và dịch thuật
Truyện Gối đầu đã được phổ biến rộng rãi trong cung đình và nó đã tồn tại trong suốt hàng trăm năm qua dưới dạng các bản viết tay. Được in lần đầu vào thế kỷ 17, tác phẩm đã tồn tại với nhiều phiên bản khác nhau: thứ tự các mục có thể đã được thay đổi bởi người biên soạn, cùng với đó là những lời bình về tác phẩm và các đoạn văn đã được thêm vào, chỉnh sửa hoặc xóa đi. Bốn biến thể chính của tác phẩm đã được các học giả hiện đại biết đến. Hai bản văn kiện được coi là đầy đủ và chính xác nhất là phiên bản của Sankanbon và Nōinbon. Các biên tập viên sau này đã giới thiệu số phần và các bộ phận của một trong hai phiên bản trên; phiên bản Sankanbon được chia thành 297 phần, với 29 phần "bổ sung" - có thể đại diện cho những phần bổ sung sau này của tác giả hoặc người chép lại tác phẩm này.
Các bản dịch tham khảo (bằng tiếng Anh)
T. A. Purcell and W. G. Aston, in Transactions of the Asiatic Society of Japan XVI (1889), pp. 215-24.
The Pillow-Book of Sei Shōnagon, trans. Arthur Waley (George Allen & Unwin, 1928).
The Pillow Book of Sei Shōnagon, trans. Ivan Morris (in two volumes, Oxford University Press, 1967
The Pillow Book, trans. Meredith McKinney (Penguin, 2006).
Machiko Midorikawa miêu tả bản dịch của McKinney là "sát nghĩa hơn nhiều so với bản dịch của Morris".
Những điều ngoài lề xoay quanh Truyện Gối đầu
Nói một cách tổng quát hơn, Truyện gối đầu là tập hợp tất cả các ghi chép đã được đối chiếu để thể hiện một giai đoạn trong cuộc đời của một người hay để thể hiện một điều gì đó. Ở Nhật Bản, thể loại văn chương "nhàn rỗi" như vậy thường được gọi là . Các tác phẩm lớn khác trong cùng thời kỳ bao gồm của Kamo no Chōmei và của Yoshida Kenkō. đã trở nên phổ biến rộng rãi vào thời Edo khi nó đã thu hút một lượng lớn khán giả trong các tầng lớp thương nhân mới phát triển. Hơn thế nữa, thể loại văn học này đã đạt được một chỗ đứng nhất định trong giới học thuật, khi các học giả cổ điển Nhật Bản bắt đầu sáng tác văn học theo phong cách . Các tác giả có uy tín trong thể loại này bao gồm Motoori Norinaga, Yokoi Yayu và Matsudaira Sadanobu .
Tác phẩm Truyện Gối đầu đã được Peter Greenaway chuyển thể thành phim (xem thêm: Truyện Gối đầu (phim)) vào năm 1996. Với sự tham gia của Vivian Wu và Ewan McGregor, phim kể một câu chuyện hiện đại có liên quan đến tác phẩm của Sei Shōnagon.
Ngoài ra, Truyện Gối đầu cũng là tên của một loạt phim kinh dị trên đài phát thanh được viết bởi Robert Forrest và được phát trên BBC Radio 4 thuộc chương trình Woman's Hour Drama . Đây là những câu chuyện trinh thám với Sei Shōnagon là nhân vật chính và cũng với những danh sách xuất hiện trong tác phẩm của bà.
Xem thêm
Văn học thời Heian
Chuyện loài chó, phiên bản "nhái lại" của Truyện Gối đầu vào thời Edo
Truyện kể Genji, một tác phẩm cùng thời
Murasaki Shikibu
Tham khảo
Tư liệu tham khảo
Bundy, Roselee. “Japan’s First Woman Diarist and the Beginnings of Prose Writings by Women in Japan.” Women’s Studies, vol. 19, no. 1, July 1991, p. 79. Academic Search Complete, doi:10.1080/00497878.1991.9978855.
Originally published in 1967 by Columbia University Press.
Gibney, Michele. "Defining the Feminine Impact on the Progression of Japanese Language: An inquiry into the development of Heian period court diaries" (2004) Library of the University of Pacific
Penney, Matthew. “The Pillow Book.” Salem Press Encyclopedia 2016: Research Starters. Accessed 21 February 2017.
Reese, Lyn. Heian Period. Women In World History Curriculum. www.womeninworldhistory.com/Heian9.htm. Accessed 27 February 2017.
Liên kết ngoài
The Pillow Book - World History Encyclopedia
English excerpts from The Pillow Book
Synopses of Robert Forrest's original five radio series
Synopsis of further radio series by Robert Forrest
Văn học
Văn học Nhật Bản
Văn học cổ điển
Văn học cổ đại
Sách năm 1002
Văn học thời Heian |
19816346 | https://vi.wikipedia.org/wiki/T%E1%BB%95ng%20gi%C3%A1o%20ph%E1%BA%ADn%20Lyon | Tổng giáo phận Lyon | Tổng giáo phận Lyon (; ), trước đây là Tổng giáo phận Lyon–Vienne–Embrun là một tổng giáo phận đô thành của Giáo hội Latinh trực thuộc Giáo hội Công giáo Rôma ở Pháp. Các tổng giám mục của Lyon phục vụ dưới danh nghĩa là người kế vị của các thánh Irênê và Pothinô, lần lượt là giám mục tiên khởi và thứ hai của Lyon, đồng thời là Giáo trưởng xứ Gaul. Các tổng giám mục của tổng giáo phận thường được thăng hồng y. Giám mục Olivier de Germay đã được chỉ định làm tổng giám mục vào ngày 22/10/2020.
Giáo phận trực thuộc
Giáo phận Annecy
Giáo phận Belley-Ars
Tổng giáo phận Chambéry
Giáo phận Grenoble-Vienne
Giáo phận Saint-Étienne
Giáo phận Valence (-Die-Saint-Paul-Trois-Châteaux)
Giáo phận Viviers
Lãnh đạo qua từng thời kì
Giám mục Giáo phận Lyon
chưa đầy đủ
Thánh Pothinô ( –177)
Thánh Irênê
Tổng giám mục Tổng giáo phận Lyon
chưa đầy đủ
Zechariah thành Lyon (195 – after 202)
Helios thành Lyon
Faustinus (nửa sau thế kỉ thứ 3)
Lucius Verus
Julius
Ptolémaeus
Vocius fl.314
Maximus (Maxime)
Tétradius (Tetrade)
Verissimus fl. 343
Thánh Justus (374–381)
Thánh Alpinus fl.254
Thánh Martin (tông đồ của thánh Martin thành Tours; cuối thế kỉ 4)
Thánh Antiochus (400–410)
Thánh Elpidius (410–422)
Thánh Sicarius (422–433)
Thánh Eucherius (kh. 433–450)
Thánh Patiens (456–498) người đã chống chọi thành công nạn đói và chủ nghĩa Arian, và là người được Sidonius Apollinaris khen ngợi qua một bài thơ
Thánh Lupicinus (491–494)
Thánh Rusticus (494–501)
Thánh Stephanus (501 – trước 515), người đã cùng với Avitus thành Vienne lập một hội đồng ở Lyon để cho người Arian nhập đạo
Thánh Viventiolus (515–523), người cùng với thánh Avitus chủ trì Hội đồng Epaone năm 517
Thánh Lupus (535–542), một tu sĩ, có thể là tổng giám mục đầu tiên, người đã thêm danh hiệu "metropolitanus" khi kí tại Hội đồng Orléans năm 538
Licontius (Léonce)
Thánh Sardot hay Sacerdos (549–552)
Thánh Nicetius hay Nizier (552–73), Thượng phụ
Thánh Priscus thành Lyon (573–588), Thượng phụ
Thánh Ætherius (588–603), cộng sự của Thánh Gregory Đại đế và có thể là người đã phong thánh cho thánh Augustinô, Sứ đồ Anh quốc
Thánh Aredius (603–615)
Thánh Viventius
Thánh Annemund hay Chamond (kh. 650), bạn của thánh Wilfrid, cha đỡ đầu của Clotaire III, bị xử chết bởi Ebroin và anh trai, và là bổn mạng của thị xã Saint-Chamond, Loire
Thánh Genesius hay Genes (660–679 hay 680), Viện phụ dòng Biển Đức của of Fontenelle, người phát chẩn và bộ trưởng phục vụ Nữ hoàng Bathilde
Thánh Lambertus (c. 680–690), cũng là Viện phụ của Fontenelle
Leidrad (798–814)
Agobard, Chorbishop ( –814)
Agobard (814–834, 837–840)
Amalarius thành Metz (834–837) (Giám quản)
Amulo, (840-852)
Remigius (852–875)
Thánh Aurelian (d. 895)
Burchard II thành Lyon (?–?)
Burchard III thành Lyon (?–1036)
Halinard (1046–1052)
Giáo trưởng xứ Gaul kiêm Tổng giám mục Lyon
1077–1082 Saint Gebuin
1081–1106 Hugh thành Die
1128–1129 Renaud thành Semur
1131–1139 Peter I
fl. 1180 Guichard thành Pontigny
1193–1226 Renaud de Forez
1227–1234 Robert thành Auvergne
1289 Bérard de Got
1290–1295 Louis thành Naples
1301–1308 Louis de Villars
1308–1332 Peter thành Savoy
1340–1342 Guy III d'Auvergne, Hồng y của Boulogne, nhà ngoại giao từ Tòa Thánh
1342–1354 Henri II de Villars
1356–1358 Raymond Saquet
1358–1365 Guillaume II de Thurey
1365–1375 Charles d'Alençon
1375–1389 Jean II de Talaru
1389–1415 Philippe III de Thurey
1415–1444 Amédée II de Talaru
1444–1446 Geoffroy II de Versailles
1447–1488 Charles II thành Bourbon
1488–1499 Hugues II de Talaru
1499–1500 André d'Espinay (Hồng y)
1501–1536 François II de Rohan
1537–1539 John, Hồng y của Lorraine
1539–1551 Ippolito II d'Este, người được vua François I chỉ định làm Hồng y bổn mạng cho hoàng gia Pháp dưới sự chứng kiến của Giáo hoàng Phaolô III, và một hội đồng học giả
1551–1562 Hồng y François de Tournon, người đã có nhiều cuộc đàm phán với vua François I và Charles V, chống lại Cải cách Kháng nghị và thành lập Collège de Tournon, nơi mà những tín đồ Dòng Tên đã biến thành một trong những cơ sở giáo dục nổi tiếng nhất vương quốc
1562–1564 Ippolito II d'Este, người được vua François I chỉ định làm Hồng y bổn mạng cho hoàng gia Pháp dưới sự chứng kiến của Giáo hoàng Phaolô III, và một hội đồng học giả
1564–1573 Antoine d'Albon, người biên soạn cuốn Rufinus và Ausonius
1573–1599 Pierre d'Epinac, phụ tá cho Liên minh Công giáo
1612–1626 Denis-Simon de Marquemont
1628–1653 Alphonse-Louis du Plessis de Richelieu (9/1628 – 23/3/1653)
1653–1693 Camille de Neufville de Villeroy
1714–1731 François-Paul de Neufville de Villeroy (15/8/1714 – 6/2/1731)
1732–1739 Charles-François de Châteauneuf de Rochebonne
1740–1758 Pierre Guérin de Tencin (11/11/1740 – 2/3/1758)
1758–1788 Antoine de Malvin de Montazet (16/3/1758 – 2/5/1788), có chiều hướng theo giáo phái Gianxen, là là người đã đưa 6 phần của bộ "Institutiones theologicæ" được biết đến là "Théologie de Lyon" viết bởi thành viên Giáo hội Oratorian Joseph Valla, các tác phẩm này đã được lan truyền khắp nước Ý bởi Scipio Ricci tới khi bị hạn chế vào năm 1792.
1788–1799 Yves-Alexandre de Marbeuf (12/5/1788 – 15/4/1799)
1791–1794 Antoine-Adrien Lamourette (1742–1794), giám mục hợp hiến của Lyon từ ngày 27/3/1791 đến ngày 11/1/1794, ngày ông bị đưa lên giàn treo cổ.
Giáo trưởng xứ Gaul kiêm Tổng giám mục Lyon-Vienne
(Hồng y) Joseph Fesch (29/7/1802 – 13/5/1839) (Tổng giám mục Lyon-Vienne-Embrun đến năm 1822)
(Hồng y) Joachim-Jean d'Isoard (13/6/1839 – 7/10/1839)
(Hồng y) Louis-Jacques-Maurice de Bonald (4/12/1839 – 25/2/1870)
Jacques-Marie Ginoulhiac (2/3/1870 – 17/11/1875), được biến đến bởi cuốn "Histoire du dogme catholique pendant let trois premiers siècles".
(Hồng y) Louis-Marie Caverot (20/4/1876 – 23/1/1887)
(Hồng y) Joseph-Alfred Foulon (23/3/1887 – 23/1/1893)
(Hồng y) Pierre-Hector Coullie (14/6/1893 – 11/9/1912)
(Hồng y) Hector Sévin (2/12/1912 – 4/5/1916)
(Hồng y) Louis-Joseph Maurin (1/12/1916 – 16/11/1936)
(Hồng y) Pierre-Marie Gerlier (30/7/1937 – 17/1/1965)
(Hồng y) Jean-Marie Villot (17/1/1965 – 7/4/1967)
(Hồng y) Alexandre Renard (28/5/1967 – 29/10/1981)
(Hồng y) Albert Decourtray (29/10/1981 – 16/9/1994)
(Hồng y) Jean Marie Balland (27/5/1995 – 1/3/1998)
(Hồng y) Louis-Marie Billé (10/7/1998 – 12/3/2002)
(Hồng y) Philippe Barbarin (16/7/2002 – 6/3/2020)
Olivier de Germay (20/12/2020 – hiện tại)
Tham khảo
Tài liệu tham khảo
Văn bản
(Use with caution; obsolete)
(in Latin)
(in Latin)
Cuộc điều tra
Liên kết ngoài
Centre national des Archives de l'Église de France, L'Épiscopat francais depuis 1919 , retrieved: 2016-12-24.
Lyon |
19816348 | https://vi.wikipedia.org/wiki/Tuy%C3%AAn%20th%E1%BB%87%20nh%E1%BA%ADm%20ch%E1%BB%A9c%20%28C%E1%BB%99ng%20h%C3%B2a%20x%C3%A3%20h%E1%BB%99i%20ch%E1%BB%A7%20ngh%C4%A9a%20Vi%E1%BB%87t%20Nam%29 | Tuyên thệ nhậm chức (Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) | Tuyên thệ nhậm chức tại Việt Nam là điều bắt buộc với cá nhân được bầu đảm nhiệm vai trò của chức Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Lịch sử
Trước năm 2013 các cá nhân được bầu giữ chức Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao không có quy định và không cần tuyên thệ nhậm chức, khác với Việt Nam Cộng hòa người được bầu phải tuyên thệ nhậm chức. Sau khi sửa đổi Hiến pháp năm 2013 và được cụ thể hoá trong nội quy kỳ họp Quốc hội vào ngày 24 tháng 11 năm 2015, Chủ tịch nước với tư cách là nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu Nhà nước và 3 chức danh là Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án tòa án nhân dân tối cao đại diện cho các khối cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp ngay sau khi được Quốc hội bầu phải thực hiện việc tuyên thệ. Trần Đại Quang là người đầu tiên tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước vào ngày 2 tháng 4 năm 2016, Nguyễn Xuân Phúc là người đầu tiên tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Chính phủ vào ngày 7 tháng 4 năm 2016, Nguyễn Thị Kim Ngân là người đầu tiên tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch Quốc hội vào ngày 31 tháng 3 năm 2016, Nguyễn Hòa Bình là người đầu tiên tuyên thệ nhậm chức Chánh án Tòa án nhân dân tối cao vào ngày 8 tháng 4 năm 2016.
Tuyên thệ
Theo quy định:
1. Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp.
2. Ngoài nội dung quy định tại khoản 1 Điều này, người tuyên thệ quyết định nội dung tuyên thệ phù hợp với trách nhiệm được giao.
3. Vị trí tuyên thệ là vị trí trang trọng của lễ đài. Đại biểu Quốc hội, người được mời tham dự, dự thính tại phiên họp đứng trang nghiêm chứng kiến Lễ tuyên thệ.
4. Lễ tuyên thệ được tiến hành theo trình tự sau đây:
a) Quân nhạc cử nhạc nghi lễ và đội tiêu binh vào vị trí.
b) Người tuyên thệ chào Quốc kỳ, tiến vào vị trí tuyên thệ và tiến hành tuyên thệ.
c) Sau khi tuyên thệ, người tuyên thệ phát biểu nhậm chức.
Trước đây, thời gian tuyên thệ được quy định giới hạn không quá 3 phút nhưng hiện tại thời gian tuyên thệ không còn quy định giới hạn.
Hiện tại, Việt Nam không có quy định cụ thể về lời tuyên thệ, người tuyên thệ được phép quyết định nội dung tuyên thệ phù hợp với trách nhiệm được giao và yêu cầu người tuyên thệ phải trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp do đó lời tuyên thệ mỗi người đều khác nhau. Tuy nhiên dựa vào các bài báo và video quay lại được thì lời tuyên thệ dưới đây là lời tuyên thệ không chính thức đang được các cá nhân dùng để tuyên thệ sau khi được Quốc hội Việt Nam bầu giữ chức:
"Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước, tôi, tên chức vụ cá nhân được bầu nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó."
Hình ảnh và video
Video
Video Lễ tuyên thệ nhậm chức của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân năm 2016
Video Toàn cảnh lễ tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước của TBT Nguyễn Phú Trọng
Video Tân Thủ tướng Phạm Minh Chính tuyên thệ nhậm chức
Video Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức
Video Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình tuyên thệ nhậm chức
Clip: Chủ tịch nước Trần Đại Quang tuyên thệ nhậm chức
Hình ảnh
Tham khảo
Tuyên thệ nhậm chức |
19816350 | https://vi.wikipedia.org/wiki/V%C3%B2ng%20lo%E1%BA%A1i%20gi%E1%BA%A3i%20v%C3%B4%20%C4%91%E1%BB%8Bch%20b%C3%B3ng%20%C4%91%C3%A1%20th%E1%BA%BF%20gi%E1%BB%9Bi%202006%20khu%20v%E1%BB%B1c%20ch%C3%A2u%20%C3%81%20%28V%C3%B2ng%202%29 | Vòng loại giải vô địch bóng đá thế giới 2006 khu vực châu Á (Vòng 2) | Vòng loại Giải vô địch bóng đá thế giới 2006 khu vực châu Á (vòng 2) bắt đầu vào ngày 18 tháng 2 năm 2004 và kết thúc vào ngày 17 tháng 11 năm 2004.
Thể thức
Ở vòng này, 32 đội (gồm 25 đội được vào thẳng cùng với 7 đội thắng vòng 1) được bốc thăm vào 8 bảng với mỗi bảng 4 đội. Các đội chơi các trận sân nhà và sân khách với các đội còn lại trong bảng của họ. 8 đội đứng đầu ở 8 bảng đấu giành quyền vào vòng 3.
Bảng 1
Ghi chú: FIFA quyết định trận Iran vs Qatar đá trên sân không khán giả do hành vi bạo lực trong trận gặp CHDCND Triều Tiên trong khuôn khổ Vòng loại Cúp bóng đá châu Á vào ngày 12 tháng 11 năm 2003.
Bảng 2
Bảng 3
Bảng 4
Bảng 5
Bảng 6
Bảng 7
Bảng 8
Xem thêm
Giải vô địch bóng đá thế giới 2006
Vòng loại Giải vô địch bóng đá thế giới 2006
Vòng loại giải vô địch bóng đá thế giới 2006 khu vực châu Á
Vòng loại giải vô địch bóng đá thế giới 2006 khu vực châu Á (Vòng 1)
Vòng loại giải vô địch bóng đá thế giới 2006 khu vực châu Á (Vòng 3)
Vòng loại giải vô địch bóng đá thế giới 2006 khu vực châu Á (Vòng 4)
Tham khảo
Liên kết ngoài
Vòng loại giải vô địch bóng đá thế giới 2006 khu vực châu Á tại RSSSF.com
Vòng loại giải vô địch bóng đá thế giới 2006 khu vực châu Á tại FIFA.com
Vòng loại giải vô địch bóng đá thế giới 2006
Vòng loại Giải vô địch bóng đá thế giới 2006 khu vực châu Á |
19816351 | https://vi.wikipedia.org/wiki/H%C3%ACnh%20%E1%BA%A3nh%20l%C3%A2m%20s%C3%A0ng%2C%20ch%E1%BA%A9n%20%C4%91o%C3%A1n%20v%C3%A0%20%C4%91i%E1%BB%81u%20tr%E1%BB%8B%20trong%20chuy%C3%AAn%20ng%C3%A0nh%20da%20li%E1%BB%85u | Hình ảnh lâm sàng, chẩn đoán và điều trị trong chuyên ngành da liễu | Hình ảnh lâm sàng, chẩn đoán và điều trị trong chuyên ngành da liễu là bộ sách y học chuyên ngành da liễu của PGS.TS Nguyễn Văn Thường. Bộ sách bao gồm 2 cuốn đã đoạt giải A, giải cao nhất của Giải thưởng sách quốc gia năm 2020.
Hoàn cảnh sáng tác
PGS.TS Nguyễn Văn Thường công tác tại Bệnh viện Da liễu Trung ương. Từ năm 2017 ông có ý tưởng biên soạn một cuốn sách da liễu để giúp cho người dạy, người học và các độc giả muốn tìm hiểu bệnh học da liễu dễ dàng nghiên cứu, tham khảo. Ý tưởng là kết hợp hình ảnh chi tiết với phần giải thích triệu chứng lâm sàng và chẩn đoán điều trị.
Đầu năm 2018, PGS.TS Nguyễn Văn Thường bắt đầu thực hiện ý tưởng của mình. Ông phối hợp với nhiều chuyên gia hàng đầu trong ngành da liễu đã lưu giữ và chọn lọc gần 10.000 bức ảnh đặc trưng nhất về bệnh da liễu, để từ đó biên soạn thành 2 cuốn sách gồm 35 chương và 272 bài.
Bộ sách được phát hành vào năm 2019. Năm 2020, bộ sách được trao giải A giải thưởng sách quốc gia. Đây là bộ sách y học đầu tiên được trao giải thưởng này.
Tham khảo
Giải thưởng sách quốc gia |
19816353 | https://vi.wikipedia.org/wiki/Herv%C3%A9%20Renard | Hervé Renard | Hervé Jean-Marie Roger Renard (sinh ngày 30 tháng 9 năm 1968) là một huấn luyện viên và cựu cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp người Pháp, hiện là huấn luyện viên của Đội tuyển bóng đá nữ quốc gia Pháp.
Renard trước đây đã từng là huấn luyện viên của Đội tuyển quốc gia Zambia, đội mà ông đã giành được Cúp bóng đá châu Phi 2012; ông cũng đã vô địch giải đấu năm 2015 với Bờ Biển Ngà, trở thành huấn luyện viên đầu tiên giành được hai Cúp bóng đá châu Phi với các đội bóng khác nhau. Ngoài ra, ông đã huấn luyện Maroc tại FIFA World Cup 2018. Năm 2019, ông được bổ nhiệm làm huấn luyện viên của Ả Rập Xê Út.
Đầu đời
Hervé Jean-Marie Roger Renard sinh ngày 30 tháng 9 năm 1968 tại Aix-les-Bains, Auvergne-Rhône-Alpes.
Sự nghiệp cầu thủ
Sinh ra ở Aix-les-Bains, Renard thi đấu ở vị trí hậu vệ cho các đội bóng Pháp AS Cannes, Stade de Vallauris và SC Draguignan trong sự nghiệp thi đấu kéo dài từ 1983 đến 1998. Sau khi giải nghệ với tư cách là một cầu thủ chuyên nghiệp, ông làm công việc dọn dẹp, làm việc ở đó vào buổi sáng và tập luyện với Draguignan vào buổi tối, cuối cùng ông thành lập công ty dọn dẹp của riêng mình.
Sự nghiệp huấn luyện
Những năm đầu
USM Alger
Nhiệm kỳ thứ hai với Zambia
Sochaux
Bờ Biển Ngà
Lille
Renard trở thành huấn luyện viên của câu lạc bộ Pháp Lille vào tháng 5 năm 2015. Vào ngày 11 tháng 11 năm 2015, ông bị sa thải sau khi chỉ giành được 13 điểm sau 13 trận tại giải VĐQG.
Maroc
Ả Rập Xê Út
Đội tuyển nữ Pháp
Vào tháng 3 năm 2023, Renard được mời làm huấn luyện viên của Đội tuyển bóng đá nữ quốc gia Pháp sau khi Corinne Diacre bị sa thải. Vào ngày 29 tháng 3, Liên đoàn bóng đá Ả Rập Xê Út đã chấp nhận đơn từ chức của Renard để bắt đầu nhiệm kỳ huấn luyện viên đội tuyển nữ Pháp. Vào ngày 30 tháng 3, Renard chính thức trở thành huấn luyện viên của đội tuyển quốc gia nữ Pháp, kế nhiệm Diacre với hợp đồng kéo dài đến tháng 8 năm 2024. Ông được giao nhiệm vụ chuẩn bị đội cho 2023 FIFA Women's World Cup giữa những thay đổi và xung đột của người chơi, đặc biệt là với việc quản lý.
Renard trở thành huấn luyện viên đầu tiên huấn các đội ở hai kỳ World Cup cấp cao khác nhau trong cùng một năm. Vào ngày 29 tháng 7, ông trở thành huấn luyện viên đầu tiên giành chiến thắng trong một trận đấu ở cả hai kỳ World Cup nam và nữ sau khi Pháp đánh bại Brasil ở vòng bảng.
Đời tư
Renard đang có mối quan hệ với Viviane Dièye, góa phụ của huấn luyện viên Bruno Metsu.
Ông bà ngoại của ông đến từ Ba Lan.
Danh hiệu
Tham khảo
Sinh năm 1968
Người còn sống
Người từ Aix-les-Bains
Cầu thủ bóng đá từ Savoie
Cầu thủ bóng đá nam Pháp
Người Pháp gốc Ba Lan
Hậu vệ bóng đá nam
Cầu thủ AS Cannes
Cầu thủ SC Draguignan
Cầu thủ Ligue 1
Huấn luyện viên bóng đá Pháp
Huấn luyện viên SC Draguignan
Huấn luyện viên Cambridge United F.C.
Huấn luyện viên bóng đá AS Cherbourg
Huấn luyện viên đội tuyển bóng đá quốc gia Zambia
Huấn luyện viên đội tuyển bóng đá quốc gia Angola
Huấn luyện viên USM Alger
Huấn luyện viên FC Sochaux-Montbéliard
Huấn luyện viên đội tuyển bóng đá quốc gia Bờ Biển Ngà
Huấn luyện viên Lille OSC
Huấn luyện viên đội tuyển bóng đá quốc gia Maroc
Huấn luyện viên bóng đá người Pháp ở nước ngoài
Vận động viên Pháp ở Anh
Huấn luyện viên bóng đá nước ngoài ở Anh
Vận động viên Pháp ở Việt Nam
Huấn luyện viên bóng đá nước ngoài tại Việt Nam
Vận động viên Pháp ở Zambia
Huấn luyện viên bóng đá nước ngoài ở Zambia
Vận động viên Pháp ở Angola
Huấn luyện viên bóng đá nước ngoài ở Angola
Vận động viên Pháp ở nước ngoài tại Algérie
Huấn luyện viên bóng đá nước ngoài ở Algérie
Vận động viên Pháp ở Bờ Biển Ngà
Huấn luyện viên bóng đá nước ngoài ở Bờ Biển Ngà
Vận động viên Pháp ở Maroc
Huấn luyện viên bóng đá nước ngoài ở Maroc
Huấn luyện viên Cúp bóng đá châu Phi 2010
Huấn luyện viên Cúp bóng đá châu Phi 2012
Huấn luyện viên Cúp bóng đá châu Phi 2013
Huấn luyện viên Cúp bóng đá châu Phi 2015
Huấn luyện viên Cúp bóng đá châu Phi 2017
Huấn luyện viên Giải vô địch bóng đá thế giới 2018
Cambridge United F.C. nhân viên không chơi
Huấn luyện viên Cúp bóng đá châu Phi 2019
Huấn luyện viên đội tuyển bóng đá quốc gia Ả Rập Xê Út
Vận động viên Pháp ở Ả Rập Xê Út
Huấn luyện viên bóng đá nước ngoài ở Ả Rập Xê Út
Huấn luyện viên Giải vô địch bóng đá thế giới 2022
Huấn luyện viên đội tuyển bóng đá nữ quốc gia Pháp
Huấn luyện viên Giải vô địch bóng đá nữ thế giới 2023
Cầu thủ bóng đá AS Cannes
Cầu thủ bóng đá Ligue 1
Nhân vật còn sống |
19816374 | https://vi.wikipedia.org/wiki/They%20Knew%20Too%20Much%20About%20Flying%20Saucers | They Knew Too Much About Flying Saucers | They Knew Too Much About Flying Saucers là cuốn sách phi hư cấu xuất bản năm 1956 của tác giả huyền bí Gray Barker. Đây là cuốn sách đầu tiên cho rằng "Men in Black" đang che đậy sự tồn tại của đĩa bay.
Bối cảnh
Vào mùa hè năm 1947, phi công Kenneth Arnold báo cáo đã nhìn thấy những vật thể được gọi là đĩa bay; Báo cáo của Arnold đã gây ra một làn sóng bắt chước. Đến năm 1949, các tác giả như Frank Scully và Donald Keyhoe cho rằng bên Không quân biết nhiều về những cái đĩa hơn là họ tiết lộ công khai.
Năm 1952, nhà nghiên cứu UFO nghiệp dư Albert K. Bender thành lập Cục Đĩa bay Quốc tế, câu lạc bộ UFO dân sự lớn đầu tiên. Grey Barker là một thành viên. Tháng 10 năm 1953, nhóm xuất bản số cuối cùng của bản tin, thông báo về việc giải tán tổ chức này. Số báo cuối cùng đưa tin rằng "Bí ẩn về đĩa bay không còn là bí ẩn nữa. Theo như nguồn tin cho biết thì bất kỳ thông tin nào về vụ việc đang được giữ kín theo lệnh từ một nguồn cấp cao hơn".
Tháng 4 năm 1956, University Books of New York City đã ấn hành They Knew Too Much About Flying Saucers, lời kể đầy kịch tính của Barker về sự tham gia của ông với IFSB.
Tóm tắt
Cuốn sách tuyên bố nổi tiếng rằng Bender và các nhà điều tra UFO khác đã bị những kẻ lạ mặt vận bộ vest đen "bịt miệng".
Tác phẩm này bắt đầu từ mối quan tâm ban đầu của Barker đối với những chiếc đĩa bay trong cuộc điều tra "Quái vật Flatwoods" năm 1952 và những cuộc điều tra về chiếc đĩa bay sau đó của ông ở Brush Creek, California.
Barker mô tả sự quan tâm của mình đối với Bí ẩn Shaver và mấy cuốn tạp chí của Raymond Palmer, sau cùng đã khiến ông ấy trao đổi thư từ với Albert K. Bender và gia nhập "Cục Đĩa bay Quốc tế" của Bender. Theo lời kể, Bender nhận được mẫu kim loại được cho là từ một UFO, sau đó có ba kẻ lạ mặt bất chợt đến thăm ông, mỗi tên đều mặc đồ đen, đám người này đã tịch thu lại các bản tin của nhóm. Bender nhớ lại có một gã trong bọn họ đã nói với Barker rằng nghiên cứu của ông ấy là vô nghĩa, tuyên bố rằng "Trong chính phủ của chúng tôi, chúng tôi có những kẻ thông minh nhất đất nước. Họ khó mà biện minh về chuyện này. Làm sao ngài có thể làm được gì đây?" Trước khi họ khởi hành, một tên trong bọn họ bèn cảnh báo Bender: "Tôi cho rằng ngài biết là ngài rất vinh dự với tư cách là một người Mỹ. Nếu tôi nghe thấy lời nói nào khác thốt ra từ văn phòng của ngài thì ngài hãy liệu hồn đấy".
Barker kể lại câu chuyện năm 1947 về sự kiện đảo Maury, nơi có sự hiện diện của đĩa bay mà nhân chứng tuyên bố mình được một gã mặc đồ vest đen cảnh báo không được thảo luận về vụ việc. Barker suy đoán những chiếc đĩa bay này có thể có mối liên kết với Nam Cực hoặc hiện tượng yêu tinh quấy phá. Barker liệt kê những người khác mà ông ấy tin rằng đã phải "giữ mồm giữ miệng", một số ở các quốc gia khác.
Ảnh hưởng
They Knew Too Much About Flying Saucers đã nhanh chóng lọt vào danh sách bán chạy nhất năm 1956.
Học giả theo thuyết âm mưu Michael Barkun viết rằng 'người áo đen' (Men in Black) trong sách này "nhanh chóng trở thành một yếu tố chính trong văn hóa dân gian về UFO".
Nhà sử học Aaron Gulyas, mô tả cuốn sách là "một trong số ít cuốn sách về đĩa bay mà tôi có thể đọc đi đọc lại", lưu ý rằng "trong thập niên 1970, 1980 và 1990, những người theo thuyết âm mưu UFO kết hợp MIB vào quan điểm ngày càng phức tạp và hoang tưởng của họ". Nhà sử học văn hóa dân gian Curtis Peebles gợi ý rằng câu chuyện về người áo đen của Barker có thể được lấy cảm hứng từ câu chuyện của "người tiếp xúc UFO" George Adamski về cuộc chạm trán với đám đặc vụ FBI.
Theo bài viết "Gray Barker: My Friend, the Myth-Maker" đăng trên tờ Skeptical Inquirer, có thể có "một phần sự thật" đối với các bài viết của Barker về Men in Black, trong đó các cơ quan chính phủ đã cố gắng ngăn cản sự quan tâm của công chúng đối với UFO trong thập niên 1950. Tuy vậy, Barker được cho là đã tô điểm rất nhiều cho sự thật trong tình huống này. Trong cùng một bài viết của Skeptical Inquirer, Sherwood tiết lộ rằng, vào cuối những năm 1960, ông và Barker đã hợp tác trong một thông báo hư cấu ngắn ám chỉ đến Men in Black, được xuất bản lần đầu trên tạp chí Flying Saucers của Raymond A. Palmer và một số ấn phẩm riêng của Barker. Trong câu chuyện này, Sherwood (viết là "Tiến sĩ Richard H. Pratt") kể lại rằng ông ấy đã bị "người áo đen" ra lệnh im lặng sau khi biết rõ UFO là cỗ máy du hành thời gian. Barker sau đó có viết cho Sherwood rằng "rõ ràng là người hâm mộ đã nuốt chửng chuyện này chỉ trong một ngụm".
Năm 1962, chính Bender là tác giả của một tài liệu viết về các sự kiện, Flying Saucers and the Three Men có mô tả "Men in Black" là thực thể siêu nhiên, lơ lửng trên sàn và phát ra luồng ánh sáng màu xanh lam.
The Knew Too Much About Flying Saucer đã ảnh hưởng đến nền văn hóa đại chúng thập niên 1990, đáng chú ý nhất là phim The X-Files và dòng phim Men in Black. Một tác giả đã ví The X-Files như một "phần phụ của thuyết phúc âm theo lời Barker".
Tham khảo
Liên kết ngoài
Toàn văn They Knew Too Much About Flying Saucers tại Internet Archive.
UFO
Đĩa bay
Nghiên cứu về UFO
Sách phi hư cấu năm 1956
Tài liệu liên quan đến UFO
Sách về sự sống ngoài Trái Đất |
19816375 | https://vi.wikipedia.org/wiki/The%20Report%20on%20Unidentified%20Flying%20Objects | The Report on Unidentified Flying Objects | The Report on Unidentified Flying Objects là cuốn sách phi hư cấu xuất bản năm 1956 của nhà điều tra UFO của Không quân Mỹ lúc bấy giờ đã về hưu Edward J. Ruppelt, trình bày chi tiết kinh nghiệm của ông khi điều hành Dự án Blue Book. Cuốn sách này gây được sự chú ý từ dư luận vì gợi ý rằng một vài trường hợp nhìn thấy UFO có thể liên quan đến các đợt phóng xạ nguyên tử.
Giới truyền thông đương đại tóm tắt bốn chủ đề được thảo luận trong cuốn sách này:
Không có "bằng chứng xác thực" nào cho thấy đĩa bay tồn tại—không có bức ảnh đáng tin cậy, không có "phần cứng".
Trong khi Không quân chính thức bác bỏ lý thuyết tàu vũ trụ, kết luận đó "còn lâu mới được nhất trí".
Một số nhân viên trong Không quân đã đưa ra một phân tích về UFO, được gọi là "Đánh giá Tình hình", kết luận rằng một số UFO là tàu vũ trụ liên hành tinh. Phân tích đó đã bị một nhóm các nhà khoa học họp vào tháng 1 năm 1953 bác bỏ.
Những lời giải thích về công nghệ đã không được xem xét: "Không ai trong cuộc họp đưa ra suy nghĩ thứ hai về khả năng UFO có thể là máy bay siêu bí mật của Mỹ hoặc thành tựu của Liên Xô".
Năm 1960, Ruppelt là tác giả của ấn bản thứ hai qua đó ông tường thuật mang tính "tích cực" rằng UFO không tồn tại.
Nội dung
Ruppelt là đại úy trong Không quân Mỹ, từng là giám đốc điều tra chính thức về UFO: Dự án Grudge và Dự án Blue Book. Trong thời gian làm giám đốc, Ruppelt đã đặt ra thuật ngữ UFO. Trong phần đề tựa, Ruppelt đưa ra lập luận: "Ai cũng biết rằng kể từ khi chiếc đĩa bay đầu tiên được báo cáo vào tháng 6 năm 1947, Không quân đã chính thức tuyên bố rằng không có bằng chứng nào cho thấy một thứ như tàu vũ trụ liên hành tinh tồn tại. Nhưng điều gì không ổn được biết là kết luận này còn lâu mới được sự nhất trí giữa quân đội và các cố vấn khoa học của họ".
Bản 1960
Bốn năm sau lần xuất bản đầu tiên, Ruppelt đã phát hành một ấn bản mới với ba chương bổ sung. Trong đó, Ruppelt "dường như đã thay đổi hướng đi", tuyên bố UFO là một "Thần thoại về Thời đại Không gian".
Trong chương đầu tiên mang tên "And They're Still Flying", Ruppelt đã kể về những lần nhìn thấy UFO vào cuối thập niên 1950 ở Ohio, Colorado và Kansas. Ruppelt thảo luận về việc thành lập Ủy ban Điều tra Hiện tượng Không trung Quốc gia (NICAP), một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập để điều tra các báo cáo về UFO, và lời khai sau đó của ông trước Ủy ban Thượng viện Hoa Kỳ về Hoạt động của Chính phủ. Trong chương mới thứ hai nhan đề "Off They Go into the Wild Blue Yonder", Ruppelt kể chi tiết những câu chuyện hoang đường của George Adamski về việc liên tục du hành tới Sao Kim trên một chiếc đĩa bay, ví Adamski với P.T. Barnum.
Trong chương cuối cùng "Do They or Don't They?", Ruppelt đáp lại câu hỏi "Các vật thể bay không xác định có tồn tại không?" với câu trả lời: "Tôi khẳng định là không".
Nhận định
Cuốn sách này được coi là "quan trọng nhất" trong thời đại của nó. Tờ Buffalo News đã đưa tin về cuốn sách với hàng tít trên trang nhất "You Saw a Spacehip? Air Force Won't Deny It", viết rằng "Ruppelt báo cáo kết luận của họ là một trong những sự bác bỏ giả thuyết cho rằng vật thể nêu trên là tàu vũ trụ, trên thực tế không có bằng chứng rõ ràng. Tuy nhiên, họ không bác bỏ khả năng này và ra sức thúc giục Không quân tiếp tục điều tra thêm nữa".
Một bài đánh giá năm 1956 đã mô tả sách này là "bản báo cáo tỉnh táo của một người đàn ông phụ trách một trong những cuộc điều tra chính thức", lập luận rằng "Ruppelt chẳng bao giờ đưa ra lời giải thích về những gì không thể giải thích được". Vào thập niên 1970, nhà nghiên cứu UFO J. Allen Hynek gợi ý rằng "cuốn sách của Ruppelt nên được đọc đối với bất kỳ ai quan tâm nghiêm túc đến lịch sử của chủ đề này".
Nhà sử học Curtis Peebles kết luận rằng cuốn sách "lẽ ra phải chấm dứt suy đoán về sự che đậy của Không quân. Trên thực tế, những tuyên bố của Ruppelt đã được chuyển thành sự ủng hộ cho ý tưởng che đậy".
Tham khảo
Liên kết ngoài
Toàn văn có sẵn tại sách trực tuyến NICAP
UFO
Đĩa bay
Nghiên cứu về UFO
Làn sóng UFO năm 1952
Cơn sốt đĩa bay năm 1947
Sách phi hư cấu năm 1956
Tài liệu liên quan đến UFO
Sách về sự sống ngoài Trái Đất
Sự cố hàng không liên quan đến UFO
Hiện tượng quan sát thấy UFO ở Hoa Kỳ |
19816399 | https://vi.wikipedia.org/wiki/T%E1%BB%95ng%20gi%C3%A1o%20ph%E1%BA%ADn%20%C4%90%C3%A0i%20B%E1%BA%AFc | Tổng giáo phận Đài Bắc | Tổng giáo phận Đài Bắc (; ) là một Tổng giáo phận của Giáo hội Công giáo Rôma ở Đài Loan. Ban đầu, Giáo hoàng Piô XII đã thành lập Hạt Phủ doãn Tông tòa Đài Bắc vào ngày 30/12/1949. Vào ngày 7/8/1952, hạt được nâng cấp thành một tổng giáo phận, quản lí các giáo phận trực thuộc là Giáo phận Gia Nghĩa, Giáo phận Tân Trúc, Giáo phận Hoa Liên, Giáo phận Cao Hùng, Giáo phận Đài Trung, và Giáo phận Đài Nam.
Nhà thờ chính tòa của tổng giáo phận là Nhà thờ chính tòa Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội. Vì đây là tổng giáo phận duy nhất ở Đài Loan, tổng giáo phận Đài Bắc là nơi có tòa giám mục chính của quốc gia này. Ngày 23/5/2020, Giáo hoàng Phanxicô đã chấp thuận cho Tổng giám mục Gioan Hồng Sơn Xuyên từ nhiệm khi đến tuổi về hưu theo Giáo luật và chỉ định Tôma Chung An Trụ làm Tổng giám mục Tổng giáo phận Đài Bắc. Trong nhiều năm, các cá nhân giữ vị trí Tổng giám mục Đài Bắc cũng đã được chỉ định là Giám quản Tông tòa của đảo Kim Môn and quần đảo Mã Tổ mà trên lí thuyết do Giáo phận Hạ Môn quản lí.
Lãnh đạo tổng giáo phận
Giuse Quách Nhã Thạch (13/6/1950 – 4/12/1959 từ nhiệm)
Hồng y Tôma Điền Canh Tân (Giám quản Tông tòa, 16/12/1959 – 15/2/1966 từ nhiệm)
Stanislaô La Quang (15/2/1966 – 5/8/1978 từ nhiệm)
Mátthêu Giả Ngạn Văn (15/11/1978 – 11/2/1989 từ nhiệm)
Giuse Địch Cương (11/2/1989 – 24/1/2004 từ nhiệm)
Giuse Trịnh Tái Phát (24/1/2004 – 9/11/2007 từ nhiệm)
Gioan Hồng Sơn Xuyên (9/11/2007 – 23/5/2020 từ nhiệm)
Tôma Chung An Trụ (23/5/2020 – hiện tại)
Xem thêm
Công giáo tại Đài Loan
Tham khảo
Liên kết ngoài
Tổng giáo phận Đài Bắc
Catholic-Hierarchy
GCatholic.org
Giáo phận Công giáo Đài Loan
Đài Bắc |
19816404 | https://vi.wikipedia.org/wiki/Wayfair | Wayfair | Wayfair Inc. là một công ty thương mại điện tử của Mỹ có trụ sở chính tại Boston, Massachusetts. Công ty này kinh doanh bán đồ nội thất và hàng gia dụng trực tuyến. Trước đây được biết đến với tên CSN Stores, công ty được thành lập vào năm 2002 và hiện nay cung cấp hơn 14 triệu sản phẩm từ hơn 11.000 nhà cung cấp trên toàn cầu.
Wayfair có các văn phòng và nhà kho trải rộng khắp Hoa Kỳ và tại Canada, Đức, Ireland và Vương quốc Anh.
Wayfair điều hành năm trang web bán lẻ mang thương hiệu riêng bao gồm: trang chủ chính thức Wayfair, Joss & Main, AllModern, Birch Lane, và Perigold.
Chú thích
Công ty Mỹ |
19816406 | https://vi.wikipedia.org/wiki/T%C3%B2a%20nh%C3%A0%20TV%20Asahi | Tòa nhà TV Asahi | là tòa nhà 8 tầng nằm ở Roppongi, Minato, Tokyo, Nhật Bản. Tòa nhà trên là trụ sở của đài truyền hình TV Asahi. Tòa nhà được thiết kế bởi kiến trúc sư Fumihiko Maki. Năm 2000, tòa nhà đã khởi công xây dựng và hoàn thành vào năm 2003.
Tòa nhà TV Asahi là một phần của khu thương mại Roppongi Hills. Lối vào chính dành cho du khách là giếng trời. Vườn Mōri, dinh thự cũ của gia tộc Mōri nằm ngay tại tòa nhà này.
Tham khảo |
19816407 | https://vi.wikipedia.org/wiki/Kyahan | Kyahan | là loại quần vải truyền thống của Nhật được mặc bởi các samurai và thuộc hạ của Nhật trong thời kỳ phong kiến. Trong tiếng Nhật, từ này còn được dùng để ám chỉ dáng đi của các chiến binh cổ của phương Tây.
Mô tả
đã từng được mặc như một lớp đệm phía dưới trang phục của các samurai (). Một số loại có thể được bao phủ bởi một lớp áo giáp ( được gọi là hay ); chúng từng được mặc bởi những người lính đường bộ () hay các samurai với mục đích bảo vệ. cũng thường được mặc bởi khách lữ hành nhằm bảo vệ họ khỏi nhiệt độ lạnh, côn trùng và bụi rậm.
thường được làm từ vải linen, hưng cũng có thể làm từ những chất liệu khác như cotton. Chất liệu dùng để may tùy thuộc vào từng mùa. Khi buộc , dải dây bên trong luôn ngắn hơn dải dây bên ngoài; dây thường được buộc ở mặt trong của chân thay vi mặt bên hay mặt ngoài, nhằm tránh cảm giác khó chịu bởi chất vải thô cứng của .
Xem thêm
Danh sách trang phục truyền thống được mặc ở Nhật Bản
Tham khảo
Tư liệu nguồn
Turnbull, Stephen (1998). Sách nguồn Samurai. London: Arms & Armour Press.ISBN 1-85409-371-1 [in lại bởi Cassell & Co., London, 2000.ISBN 1-85409-523-4 ]
Liên kết ngoài
Thể loại:Thuật ngữ tiếng Nhật
Thể loại:Trang phục Nhật Bản
Thể loại:Bài viết có văn bản tiếng Nhật
Samurai |
19816408 | https://vi.wikipedia.org/wiki/%D4%AC | Ԭ | Dche (Ԭ ԭ, chữ nghiêng: Ԭ ԭ) là một chữ cái trong bảng chữ cái Kirin. Hình dạng của Dche là chữ ghép của hai chữ cái De (Д д Д д) và Che (Ч ч Ч ч).
Dche từng được sử dụng trong bảng chữ cái Kirin cũ của tiếng Komi.
Sử dụng
Chữ cái này đại diện cho âm . Dche có thể được Latinh hóa thành ⟨đ⟩.
Dche từng được dùng cho tiếng Komi, một ngôn ngữ được nói bởi người Komi, là dân tộc sống chủ yếu ở vùng đông bắc lãnh thổ nước Nga thuộc châu Âu.
Mã máy tính
Xem thêm
Chữ Kirin trong Unicode
Tiếng Komi
Ђ ђ: Chữ Kirin Dje
Ԇ ԇ: Chữ Kirin Komi Dzje
Tham khảo
Mẫu tự Kirin
Nhóm ngôn ngữ Permi
Ngôn ngữ tại Nga |
19816415 | https://vi.wikipedia.org/wiki/Charles%20Antoine%20Fran%C3%A7ois%20Thomson | Charles Antoine François Thomson | Charles Antoine François Thomson (ngày 25 tháng 9 năm 1845 – ngày 8 tháng 7 năm 1898) là một công chức người Pháp từng là phó tỉnh trưởng rồi sau lên làm tỉnh trưởng của nhiều tỉnh thuộc vùng thủ đô nước Pháp. Từ năm 1882 đến năm 1885, ông là Thống đốc Nam Kỳ ở miền nam Việt Nam ngày nay. Khi còn tại vị, ông đã buộc Quốc vương Norodom xứ Campuchia chấp nhận tăng cường quyền kiểm soát của thực dân Pháp đối với chế độ bảo hộ tại Campuchia.
Tiểu sử
Thân thế
Charles Antoine Françis Thomson sinh ngày 25 tháng 9 năm 1845 tại Si-Mustapha, Algeria. Cha tên là Peter John Sydney Arnold Thomson (1815–1865) và mẹ là Gabrielle Félicie Bourguet (1825–1880). Ông là tùy viên của Bộ trưởng Bộ Tài chính từ năm 1864 đến năm 1870, sau đó được bổ nhiệm làm Phó Tỉnh trưởng Vervins vào ngày 26 tháng 11 năm 1870. Ông lần lượt là Phó Tỉnh trưởng Briançon, Brignoles và Vendôme. Về sau ông lên làm Tỉnh trưởng Drôme rồi Doubs và sau tới tỉnh Loire. Ngày 11 tháng 4 năm 1874, Thomson kết hôn với Louise Valentine Virginie Carilian (1855–1917) ở Briançon, Hautes-Alpes. Các con của họ bao gồm Charlotte (1875–1876), Madeleine Virginie (1876–1951), Jeanne-Louise (1878–1896) và Andrée (1886–1967).
Thống đốc Nam Kỳ
Thomson được Đô đốc Jean Bernard Jauréguiberry bổ nhiệm làm Thống đốc Nam Kỳ năm 1882. Thomson là Thống đốc Nam Kỳ thuộc Pháp từ ngày 7 tháng 11 năm 1882 đến ngày 27 tháng 7 năm 1885. Ông lên thay thế cho vị Thống đốc tiền nhiệm là Charles Le Myre de Vilers. Trên cương vị là Thống đốc Nam Kỳ, Thomson chịu trách nhiệm bảo hộ Campuchia. Ông muốn đạt được một thỏa thuận với Quốc vương Norodom của Campuchia mà nhà vua cam kết tôn trọng thỏa thuận này.
Norodom chống lại yêu cầu của người Pháp rằng ông phải trang trải chi phí cho chế độ bảo hộ của thực dân Pháp. Các cuộc thảo luận vào tháng 7 năm 1883 đã dẫn đến một thỏa thuận vào tháng 9 năm 1883 rằng bắt đầu từ năm 1884, chính quyền Pháp sẽ thu thuế bán thuốc phiện và rượu để trang trải chi phí. Người Pháp cũng kỳ vọng rằng Norodom cho phép thành lập các đồn cảnh sát trên khắp Campuchia và trao cho Thomson một bản dự thảo hiến pháp nhằm củng cố các cải cách đã được thống nhất. Tháng 4 năm 1884, Thomson đề xuất thêm rằng người Pháp nên tiếp quản ngành hải quan của Campuchia. Đồng thời Thomson đang đàm phán riêng với Sisowath, vị hoàng đệ cùng cha khác mẹ của Norodom, mà ông từng ca tụng "ông hoàng này, người tuyệt đối trung thành với chính sách của chúng ta, [người] từ lâu đã chấp nhận quan điểm chung của chúng ta dẫn đến sự thay đổi chế độ bảo hộ".
Norodom cuối cùng buộc phải ký Công ước Phnôm Pênh vào ngày 17 tháng 6 năm 1884 để tránh việc người Pháp tôn phò Sisowath lấp vào ngôi vị của ông như một con rối của họ. Thomson dẫn theo một đội quân đến cung điện nơi ký kết bản công ước này, cùng các pháo hạm đóng gần đó được phô trương. Hiệp ước thiết lập chính quyền trực tiếp hơn của Pháp đối với xứ bảo hộ Campuchia, đứng đầu là một viên Thống sứ Pháp báo cáo trực tiếp lên Thống đốc Nam Kỳ.
Thomson hăng hái bắt tay vào thực hiện những thay đổi đã được thống nhất trong công ước. Thế nhưng, vào đầu tháng 1 năm 1885, phần lớn đất nước Campuchia đã nổi dậy chống lại người Pháp. Ngày 21 tháng 7 năm 1885 Thompson được lệnh quay trở lại Pháp bằng thuyền tiếp theo để báo cáo tình hình, giao cho Tướng Charles Auguste Frédéric Bégin làm Quyền Thống đốc. Bégin là viên tư lệnh quân sự cao cấp của xứ Nam Kỳ từ ngày 20 tháng 3 năm 1885. Bégin không thích các chính sách của Thomson, và điều động lực lượng để đảm bảo rằng Thomson không trở lại. Ngày 28 tháng 10 năm 1885, ông viết,
Cuối đời
Thomson về mặt chuyên môn là Thống đốc Nam Kỳ cho đến tháng 3 năm 1886, nhưng không trở lại thuộc địa sau tháng 7 năm 1885. Ông là Công sứ Pháp quốc tại Copenhagen năm 1891, Giám đốc Ngân khố Hérault và sau đó là Bouches-du-Rhône.
Thomson qua đời vào ngày 8 tháng 7 năm 1898 tại Marseille, Bouches-du-Rhône.
Chú thích
Tham khảo
Sinh năm 1845
Mất năm 1898
Thống đốc Nam Kỳ |
19816416 | https://vi.wikipedia.org/wiki/Charles%20Auguste%20Fr%C3%A9d%C3%A9ric%20B%C3%A9gin | Charles Auguste Frédéric Bégin | Charles Auguste Frédéric Bégin (ngày 2 tháng 7 năm 1835 – ngày 27 tháng 7 năm 1901) là một vị tướng lĩnh người Pháp từng giữ chức Quyền Thống đốc Nam Kỳ năm 1885–1886, và là Tổng Tư lệnh Quân đội Pháp ở Đông Dương từ năm 1887 đến năm 1889.
Tiểu sử
Những năm đầu đời (1835–1863)
Charles Auguste Frédéric Bégin sinh ngày 2 tháng 7 năm 1835 tại Marie-Galante, Guadeloupe. Cha tên là Joseph Charles Pierre Bégin (1800–1859), Phó ủy viên hải quân, và mẹ là Elisabeth Giraud. Ông theo học trường École spéciale militaire de Saint-Cyr, và vào ngày 1 tháng 10 năm 1856, ông được bổ nhiệm làm Thiếu úy trong Bộ binh Hải quân. Bégin được điều động đến công tác tại Guadeloupe suốt 5 năm, rồi sau thăng cấp Trung úy vào ngày 19 tháng 9 năm 1859. Ông trở lại Pháp vào năm 1861 và được chỉ định vào tiểu đoàn huấn luyện lính thủy đánh bộ fusilier tại đồn Lorient.
Đại úy và Tiểu đoàn trưởng (1863–1873)
Bégin được thăng Đại úy ngày 13 tháng 5 năm 1863, và đến Sài Gòn, Nam Kỳ vào tháng 1 năm 1864. Ông tham gia một đội quân viễn chinh nhỏ dẹp loạn ở tỉnh Tây Ninh, và được tuyên dương vào tháng 9 năm 1866. Tháng 3 năm 1867, ông được thưởng Huân chương Bắc Đẩu Bội tinh. Năm 1868, ông trở lại Pháp và gia nhập lại tiểu đoàn huấn luyện lính fusilier. Ngày 1 tháng 1 năm 1869, ông là sĩ quan phụ tá của Trung đoàn Bộ binh Thủy quân lục chiến số 2 ở Brest. Ông được bổ nhiệm làm Thiếu tá hay Tiểu đoàn trưởng vào ngày 16 tháng 3 năm 1870. Ông bèn trở lại Nam Kỳ đảm nhận chức chỉ huy trưởng quân Pháp ở các tỉnh miền Tây. Năm 1872, ông đem quân đánh dẹp quân nổi dậy bản xứ các tỉnh Mỏ Cày, Trà Vinh, Vĩnh Long. Ông lại được tuyên dương, và vào ngày 25 tháng 7 năm 1872 được thăng cấp Sĩ quan Quân đoàn Danh dự.
Trung tá và Đại tá (1873–1882)
Bégin được thăng cấp Trung tá vào ngày 10 tháng 3 năm 1873. Ông quay về Pháp và phục vụ trong Trung đoàn Bộ binh Thuộc địa số 3 ở Rochefort trong vài tháng. Năm 1874, ông đến Saint-Louis, Sénégal nắm quyền chỉ huy quân đội thuộc địa suốt hai năm liền. Ông có công trấn áp các cuộc nổi loạn từ các sắc dân Cayor, Toro và Dimar (Wolof). Bégin bèn quay trở lại Pháp năm 1876. Ngày 13 tháng 8 năm 1878, ông được thăng cấp Đại tá và được trao quyền chỉ huy Trung đoàn Thuộc địa số 1 ở Cherbourg. Vài tháng sau, ông trở lại Nam Kỳ thêm hai năm nữa. Sau đó ông về nước và được bổ nhiệm làm chỉ huy trưởng Trung đoàn Bộ binh Thủy quân lục chiến số 2.
Chuẩn tướng (1882–1901)
Bégin được thăng cấp Chuẩn tướng vào ngày 24 tháng 12 năm 1881. Ông được bổ nhiệm làm trợ lý tổng thanh tra quân đội của mình và được phong làm Tư lệnh Quân đoàn Danh dự. Ngày 20 tháng 3 năm 1885, ông được bổ nhiệm làm Tư lệnh Quân đội xứ Nam Kỳ. Bégin là Quyền Thống đốc Nam Kỳ từ ngày 27 tháng 7 năm 1885 đến ngày 19 tháng 6 năm 1886. Ông thay thế Charles Thomson là vị Thống đốc tiền nhiệm đã góp phần mở rộng vai trò của Pháp ở Campuchia. Bégin không thích các chính sách của Thomson, và dùng thủ đoạn để đảm bảo rằng Thomson không quay trở lại đây nữa. Ngày 28 tháng 10 năm 1885, ông viết,
Bégin chiêu mộ những người Campuchia để thành lập một trung đoàn lính thuộc địa. Người kế vị ông là Ange Michel Filippini.
Bégin trở lại Pháp làm Thanh tra trong một thời gian ngắn trước khi trở lại Sài Gòn vào tháng 11 năm 1887 với tư cách là Tổng Tư lệnh Quân đội Liên bang Đông Dương. Chính phủ Pháp vào thời điểm này lo ngại về chi phí cho các hoạt động quân sự ở Đông Dương và ủng hộ việc thành lập lực lượng dân quân, lực lượng này có chi phí thấp hơn nhiều so với quân chính quy vì họ có ít quân châu Âu hơn và không cần doanh trại. Công sứ Hải Dương là Neyret cho thấy rằng một lực lượng dân quân được vũ trang tốt, tích cực thu thập thông tin tình báo tỏ ra có hiệu quả trong việc chống lại bọn cướp. Quân đội phản ứng bằng cách cáo buộc Neyret che giấu thông tin tình báo với họ. Đến lượt Neyret cáo buộc Trung đoàn 4 Quân đoàn bộ binh Bắc Kỳ, được tuyển mộ ở Hải Dương, đã bán vũ khí cho quân nổi dậy. Bégin đòi mở một cuộc điều tra, nhận thấy Neyret không có bằng chứng cho lời buộc tội của mình, và đề nghị thuyên chuyển anh ta. Toàn quyền Đông Dương Jean Antoine Ernest Constans trả lời rằng Neyret chỉ làm tròn phận sự của mình và có lẽ trung đoàn này nên được thuyên chuyển thế chỗ anh ta thì hơn.
Vài ngày sau, Constans được triệu hồi về Pháp và chức Quyền Thống đốc Nam Kỳ do Étienne Richaud thay thế. Richaud có thiện cảm hơn với quân đội, và xác định vai trò của quân đội là đẩy lùi các cuộc tấn công và dẹp loạn, trong khi vai trò của dân quân là duy trì hòa bình thông qua hành động của cảnh sát. Bégin đồng ý với đề xuất của Richaud, kẻ giữ chức vụ này từ tháng 4 năm 1888 đến tháng 5 năm 1889, về sự hợp tác giữa quân đội và dân thường. Các chỉ huy quân sự sẽ cố gắng giành được sự ủng hộ của người dân địa phương cho quá trình bình định của thực dân Pháp. Tổng số quân hiện hữu của Bégin thấp hơn nhiều so với con số trên giấy tờ, một phần do nhu cầu về lực lượng đặc biệt, nhưng phần lớn là do bệnh tật, với số lượng lớn quân nhân chết trong bệnh viện hoặc hồi hương. Năm 1888, Bégin ước tính rằng để có 8.000 tay súng trường người Âu đang hoạt động, ông cần một lực lượng trên danh nghĩa là 15.000 quân. Tháng 7 năm 1888, Bégin đã đánh giá cao một kế hoạch chi tiết nhằm bình định các tỉnh miền bắc do Auguste Pavie đệ trình. Ông viết rằng,
Những năm cuối đời
Bégin trở lại Pháp vào tháng 7 năm 1889 trong vai trò là Phó Tổng thanh tra quân đội dưới quyền mình, và vào ngày 29 tháng 12 năm 1889 được bổ nhiệm làm Đại Trưởng quan Quân đoàn Danh dự. Ông được thăng cấp Thượng tướng ngày 10 tháng 10 năm 1891. Ngày 1 tháng 1 năm 1892, ông giữ chức Phó Tổng thanh tra và là thành viên ủy ban kỹ thuật của tổng thanh tra hải quân. Ngày 1 tháng 1 năm 1894, ông lên làm Tổng thanh tra và là chủ tịch ủy ban kỹ thuật của tổng thanh tra hải quân cho đến tận năm 1899.
Bégin về hưu ngày 1 tháng 6 năm 1899. Ngày 6 tháng 6 năm 1899, ông được phong quân hàm Đại Thập Tự Quân đoàn Danh dự. Ông qua đời ngày 27 tháng 7 năm 1901 tại Pleumeur-Bodou, Côtes-d'Armor.
Chú thích
Tham khảo
Sinh năm 1835
Mất năm 1901
Quân nhân Pháp
Thống đốc Nam Kỳ |
19816419 | https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%ADnh%20ph%E1%BB%A7%20Ph%E1%BA%A7n%20Lan | Chính phủ Phần Lan | Chính phủ Phần Lan là cơ quan hành pháp tối cao của Phần Lan. Theo Hiến pháp năm 1999 của Phần Lan, Chính phủ nắm quyền lực hành pháp, có thẩm quyền ban hành nghị định; thực hiện các nghị quyết của Quốc hội và quyết định của Tổng thống Cộng hòa; chịu trách nhiệm tập thể và là cơ quan đại diện cho Cộng hòa Phần Lan tại Hội đồng Liên minh châu Âu.
Nếu không tính đến một số ngoại lệ trong lịch sử, đặc trưng của nội các Phần Lan là sự liên hiệp của các đại biểu thuộc hai đảng lớn và một số đảng nhỏ hơn; nói cách khác thì Chính phủ Phần Lan thường là một chính phủ liên hiệp.
Thành phần
Chính phủ – gồm thủ tướng và các bộ trưởng – là cơ quan hành pháp quan trọng nhất của Phần Lan. Hiến pháp Phần Lan năm 1999, Điều 3, Khoản 2 quy định quyền lực tối cao của Chính phủ:Quyền lực nhà nước do Tổng thống nước Cộng hòa và Chính phủ – bao gồm các thành viên do Quốc hội tín nhiệm – thực thi. Quyền lực về tư pháp do các tòa án độc lập thực thi, trong đó Tòa án tối cao và Tòa án hành chính tối cao là hai cơ quan xét xử cao nhất.
Danh sách các Bộ và cơ quan ngang Bộ
Tham khảo
Chính trị Phần Lan
Nội các quốc gia |
19816455 | https://vi.wikipedia.org/wiki/Liverpool%20F.C.%209%E2%80%930%20A.F.C.%20Bournemouth | Liverpool F.C. 9–0 A.F.C. Bournemouth | Trong trận đấu thuộc vòng 4 Giải bóng đá Ngoại hạng Anh 2022–23 giữa hai câu lạc bộ Liverpool và Bournemouth trên sân vận động Anfield, Liverpool vào ngày 27 tháng 8 năm 2022, câu lạc bộ Liverpool đã giành chiến thắng với tỷ số 9-0. Chiến thắng này của Liverpool cùng với trận thắng 9-0 của câu lạc bộ Manchester United trước Ipswich Town vào năm 1995 và 2021 đã trở thành những trận thắng đậm nhất trong lịch sử Giải bóng đá Ngoại hạng Anh.
Trận đấu này cân bằng trận thắng đậm nhất của Liverpool tại giải đấu. Họ cũng đã từng giành chiến thắng với cùng tỷ số trước Crystal Palace vào mùa giải 1989–90. Đây cũng là trận thua đậm nhất của Bournemouth tại Giải bóng đá Ngoại hạng Anh. Huấn luyện viên của đội bóng, Scott Parker đã bị sa thải chỉ 3 ngày sau trận đấu đó.
Bối cảnh
Bước vào vòng 4 Giải bóng đá Ngoại hạng Anh 2022–23, Liverpool, á quân mùa trước, đang chịu đựng một sự khởi đầu mùa giải tồi tệ nhất của họ tại Premier League dưới thời của huấn luyện viên Jürgen Klopp. Họ cầm hòa tân binh Fulham và Crystal Palace, trước khi để thua trước Manchester United ở trận derby Tây Bắc. Phía bên kia chiến tuyến, dù để thua trước Aston Villa trên sân nhà ở vòng đấu mở màn, Bournemouth, tân binh được thăng hạng từ EFL Championship, cũng đang trải qua một khởi đầu mùa giải tương tự với một trận thắng và hai trận thua.
Trước trận đấu
Đội hình
Liverpool thực hiện một thay đổi đối với đội hình xuất phát trong trận thua trước Manchester United; trung vệ người Brasil, Fabinho được thay thế cho James Milner. Trung vệ Virgil van Dijk và tiền vệ Jordan Henderson
có ra sân lần thứ 200 và 400 tại Premier League.
Bournemouth có 3 sự thay đổi trong đội hình thua 3–0 trước Arsenal với Lewis Cook, Ryan Christie và Jaidon Anthony được xuất phát ngay từ đầu.
Tri ân Olivia Pratt-Korbel
Ở phút thứ 9 của trận đấu, khi Liverpool đang dẫn trước 2–0, một phút vỗ tay bắt đầu để tri ân cô bé 9 tuổi Olivia Pratt-Korbel: một cô gái đến từ Liverpool người đã bị sát hại bởi một kẻ xâm phạm trong chính ngôi nhà của mình. Đây là trận đấu đầu tiên của Liverpool kể từ sau vụ nổ súng đó. Hai ngày trước, trong một cuộc họp báo, huấn luyện viên Klopp đã mô tả vụ giết người là "một thảm kịch" trước khi nói "Nếu chúng tôi có thể giúp, chúng tôi sẽ làm". Vào ngày diễn ra trận đấu, Klopp đã viết trong nhật ký của mình: "9 tuổi? Làm thế nào điều này có thể xảy ra? Làm thế nào là nó thậm chí có thể? Tôi không thể hiểu nó và càng nghĩ về nó, nó càng trở nên khó hiểu. Điều đó có thể xảy ra ở một thành phố đặc biệt như thành phố này, nơi mọi người luôn quan tâm đến nhau và sát cánh cùng nhau thậm chí còn ít ý nghĩa hơn. Tôi muốn chuyển sự đồng cảm của mọi người ở Liverpool tới gia đình của Olivia. Họ ở trong suy nghĩ và lời cầu nguyện của tôi."
Sau trận đấu, đội trưởng Jordan Henderson bên phía Liverpool đã cởi chiếc áo sơ mi của anh với một chiếc áo vest bên dưới có khẩu hiệu: "RIP Olivia YNWA". Anh đã đăng dòng trạng thái "That was for Olivia" trên Twitter vào tối ngày hôm đó.
Diễn biến
Diễn biến thi đấu
Liverpool dẫn trước 2–0 trong 6 phút đầu tiên nhờ cú đánh đầu của Luis Díaz và nỗ lực tầm xa của Harvey Elliott, bàn thắng đầu tiên của anh tại Premier League. Các pha dứt điểm tiếp theo từ Trent Alexander-Arnold và Roberto Firmino nâng tỷ số lên 4–0, trước khi Virgil van Dijk đánh đầu từ quả phạt góc ngay trước khi hiệp một kết thúc.
Hậu vệ của Bournemouth, Chris Mepham phản lưới nhà trong vòng một phút sau khi hiệp hai bắt đầu, trước khi Firmino chọc khe ở bàn thắng thứ 7, trong quá trình đạt được 100 bàn thắng cho câu lạc bộ. Fábio Carvalho vô lê tạo ra bàn thắng đầu tiên của mình cho Liverpool trước khi Díaz đánh đầu ấn định tỷ số 9-0.
Chi tiết
Thống kê
Sau trận đấu
Sau trận đấu, huấn luyện viên Scott Parker của Bournemouth nói rằng ông "không hề ngạc nhiên" trước kết quả này, nói rằng đội "được trang bị kém". Sau đó, ông bị câu lạc bộ sa thải vào ngày 30 tháng 8, với chủ sở hữu Maxim Demin với lý do cần "... [sự liên kết] vô điều kiện trong chiến lược của chúng tôi để điều hành câu lạc bộ bền vững", điều này được hiểu là phản ứng trước những nhận xét của Parker. Parker được thay thế Gary O'Neil cùng ngày; trên cơ sở tạm quyền, sau đó được bổ nhiệm vào ghế huấn luyện viên trưởng của đội bóng vào ngày 27 tháng 11.
Hai đội gặp lại nhau vào ngày 11 tháng 3 năm 2023 trên Sân vận động Vitality, nhưng lần này Bournemouth đánh bại Liverpool với tỷ số tối thiểu 1–0 nhờ bàn thắng duy nhất trong hiệp 1 của Philip Billing và pha đá hỏng phạt đền trong hiệp 2 của Mohamed Salah. Kết quả này được coi như là một cú sốc, đưa ra kết quả trước đó và phong độ của 2 đội - Liverpool đã bất bại trong 5 trận gần nhất, sau trận thắng lịch sử 7–0 trước Manchester United, trong khi Bournemouth bước vào vòng đấu với vị trí cuối bảng.
Tham khảo
Giải bóng đá Ngoại hạng Anh
A.F.C. Bournemouth
Trận đấu của Liverpool F.C.
Trận đấu bóng đá |
19816458 | https://vi.wikipedia.org/wiki/Somerset%20%28%C4%91%E1%BB%8Bnh%20h%C6%B0%E1%BB%9Bng%29 | Somerset (định hướng) | Somerset có thể là:
địa danh
Anh
Somerset, một hạt ở Tây Nam Anh.
Canada
Đảo Somerset, Nunavut.
Hoa Kỳ
Somerset, Ohio.
Somerset, Pennsylvania.
Somerset, Texas.
Somerset, Wisconsin.
Thị trấn Somerset, Wisconsin
Quận Somerset
Xã Somerset
Singapore
, vùng Trung tâm.
Nhân danh
Công tước xứ Somerset, một tước hiệu quý tộc đã được tạo ra 5 lần, thuộc Đẳng cấp quý tộc Anh.
Mary Somerset, Công tước phu nhân xứ Beaufort
William Somerset Maugham, (1874 – 1965), nhà văn, kịch tác gia người Anh.
Giải Somerset Maugham, một giải thưởng văn học của Anh.
Khác
Mid-Somerset Football League, một giải bóng đá Anh.
Somerset County League một giải bóng đá Anh.
Tiếng Anh |
19816462 | https://vi.wikipedia.org/wiki/V%C3%B2ng%20lo%E1%BA%A1i%20gi%E1%BA%A3i%20v%C3%B4%20%C4%91%E1%BB%8Bch%20b%C3%B3ng%20%C4%91%C3%A1%20th%E1%BA%BF%20gi%E1%BB%9Bi%202006%20khu%20v%E1%BB%B1c%20ch%C3%A2u%20%C3%81%20%28V%C3%B2ng%201%29 | Vòng loại giải vô địch bóng đá thế giới 2006 khu vực châu Á (Vòng 1) | Vòng loại Giải vô địch bóng đá thế giới 2006 khu vực châu Á (vòng 1) là vòng đầu tiên của Vòng loại giải vô địch bóng đá thế giới 2006 khu vực châu Á. Vòng này bao gồm 14 đội là thành viên của Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) xếp hạng thấp nhất theo Bảng xếp hạng FIFA, được bốc thăm thành 7 cặp thi đấu hai lượt trận sân nhà – sân khách để chọn ra 7 đội thắng cuộc vào vòng 2.
Tóm tắt
|}
Các trận đấu
Turkmenistan thắng với tổng tỉ số 13–0 và giành quyền vào vòng 2.
Đài Bắc Trung Hoa thắng với tổng tỉ số 6–1 và giành quyền vào vòng 2.
Tajikistan thắng với tổng tỉ số 4–0 và giành quyền vào vòng 2.
Sri Lanka thắng với tổng tỉ số 3–0 và giành quyền vào vòng 2.
Kyrgyzstan thắng với tổng tỉ số 6–0 và giành quyền vào vòng 2.
Maldives thắng với tổng tỉ số 13–0 và giành quyền vào vòng 2.
Bảng xếp hạng các đội thua cuộc
Cả Guam và Nepal sẽ đối đầu với nhau để chọn ra đội đi tiếp vào vòng trong. Sau khi Nepal rút trước, lẽ ra Guam sẽ vào vòng 2 nhưng sau đó Guam cũng rút lui. Vì vậy, FIFA đã quyết định bầu ra một "đội thua cuộc may mắn", để tìm ra một đội xuất sắc nhất trong số các đội thua cuộc bước tiếp vào vòng 2.
Tiêu chí xếp hạng các đội thua theo thứ tự ưu tiên như sau:
a) điểm số
b) hiệu số bàn thắng bại
c) số bàn thắng ghi được
Cuối cùng, Lào là đội bước tiếp vào vòng 2.
Xem thêm
Giải vô địch bóng đá thế giới 2006
Vòng loại Giải vô địch bóng đá thế giới 2006
Vòng loại giải vô địch bóng đá thế giới 2006 khu vực châu Á
Vòng loại giải vô địch bóng đá thế giới 2006 khu vực châu Á (Vòng 2)
Vòng loại giải vô địch bóng đá thế giới 2006 khu vực châu Á (Vòng 3)
Tham khảo
Vòng loại Giải vô địch bóng đá thế giới 2006 khu vực châu Á |
19816476 | https://vi.wikipedia.org/wiki/L%C3%AA%20Ph%E1%BA%A1m%20Th%C3%A0nh%20Long | Lê Phạm Thành Long | Lê Phạm Thành Long (sinh ngày 5 tháng 6 năm 1996 tại tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam) là một cầu thủ bóng đá người Việt Nam hiện đang thi đấu ở vị trí tiền vệ cho câu lạc bộ Đông Á Thanh Hoá.
Sự nghiệp câu lạc bộ
Hoàng Anh Gia Lai (2007-2018)
11 tuổi, Thành Long trúng tuyển vào khóa 1 Học viện HAGL - JMG. Cùng lứa với anh là Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… Nhưng chỉ sau một năm ăn tập, Thành Long đã phải xuống chơi ở đội năng khiếu vì không phát triển tốt như các đồng đội.
Cú sốc đầu đời đó giúp cậu bé quê Quảng Ngãi buộc phải nỗ lực hơn trên sân tập nếu như không muốn tiếp tục bị đào thải.
Nhưng khổ nỗi Học viện HAGL - JMG và tuyến năng khiếu lại đào tạo ra nhiều tiền vệ trung tâm xuất sắc như Tuấn Anh, Xuân Trường, Minh Vương, Triệu Việt Hưng… Vì vậy, Thành Long và nhiều cầu thủ khác buộc phải tìm đường đến các CLB hạng thấp để được thi đấu.
Năm 2014, Thành Long được cho CLB Phú Yên mượn thi đấu ở Giải hạng nhì 2014 rồi Giải hạng nhất 2015 khi đội giành quyền thăng hạng.
Lứa 1 và 2 của Học viện HAGL-JMG đa số đều được bầu Đức đôn lên chơi ở V-League 2015. Nhưng Thành Long vẫn không có chỗ ở đội 1 HAGL vì không thể cạnh tranh được nơi tuyến giữa.
Rời Phú Yên sau 2 năm, Thành Long tiếp tục được cho CLB Đắk Lắk mượn thi đấu ở Giải hạng nhất 2016 rồi lượt đi của mùa 2017.
Những năm tháng sau đó anh thi đấu cho Long An và Hải Phòng theo dạng cho mượn cho đến khi được Hải Phòng mua đứt vào cuối năm 2018.
Long An(2017)
Mùa giải 2017, Thành Long lọt vào mắt xanh nhà cầm quân Minh Phương khi ấy vị HLV này đang dẫn dắt Long An. Thành Long được câu lạc bộ chủ quản Hoàng Anh Gia Lai cho Long An mượn đến hết mùa giải 2017. Anh sớm trở thành nhân tố chủ chốt khi thi đấu tất cả các trận ở giai đoạn 2 nhưng tiếc là không đủ để giúp Long An ở lại V. League. Sau khi kết thúc mùa giải, Thành Long lại chuyển sang câu lạc bộ Hải Phòng dưới hình thức cho mượn cầu thủ.
Hải Phòng (2018-2019)
Mùa giải 2018, Thành Long chính thức chuyển sang thi đấu cho Hải Phòng dưới dạng cho mượn từ Hoàng ANh Gia Lai. Tại đây, Thành Long là cầu thủ tạo ấn tượng tốt nhất khi thể hiện tài kiểm soát bóng tốt hơn hẳn so với các cầu thủ đang thi đấu cho CLB Hải Phòng lúc bấy giờ. Qua những trận bóng, Thành Long ghi được 3 bàn, 3 kiến tạo và thi đấu 20 trận. Thành Long đã góp công lớn giúp đội nhà lọt vào top 6 cuối mùa.
Với những màn thể hiện mãn nhãn của Thành Long trên sân bóng, giúp Thành Long trở thành cầu thủ được yêu mến bậc nhất tại Hải Phòng mùa rồi. Chính vì vậy ngay sau khi V. League 2018 khép lại, lãnh đạo CLB Hải Phòng đã tích cực đàm phán với phía HAGL, và tìm được sự đồng thuận về việc gia hạn hợp đồng cho mượn. Như vậy Thành Long vẫn chơi ở câu lạc bộ Hải Phòng trong mùa giải tới.
Mùa giải 2019, Thành Long thi đấu nổi bật và là mắt xích rất quan trọng của Hải Phòng. Mặc dù thi đấu vẫn nổi bật nhưng anh không thể giúp Hải Phòng thi đấu tốt hơn và cả đội chỉ trụ hạng ở những vòng cuối cùng.
Thanh Hóa (2020-)
Anh chuyển sang thi đấu cho Thanh Hóa từ mùa giải 2020.
Mùa giải 2023, Thành Long được huấn luyện viên Popov kéo xuống đá thấp nhất ở tuyến giữa để vừa thu hồi vừa giữ nhịp và phân phối bóng. Có thể nói, phát hiện lớn nhất của HLV Popov khi đến CLB Thanh Hóa chính là Thành Long. Đánh giá cậu học trò có kỹ thuật và nhãn quan chiến thuật tốt, ông không ngần ngại biến Thành Long thành một "Andrea Pirlo của Thanh Hóa" như cuộc nói chuyện với chính ban huấn luyện. Sự tỏa sáng của Thành Long đã góp phần giúp CLB Thanh Hóa đang bay cao ở ngôi đầu bảng xếp hạng V-League 2023. Tiền vệ cao 1,65m này cũng được HLV Philippe Troussier gọi vào đội tuyển Việt Nam.
Sự nghiệp đội tuyển Quốc gia
Thành Long đã được triệu tập vào danh sách tập trung của Olympic Việt Nam chuẩn bị cho ASIAD 2018. Dù không thể trụ lại song đây có thể xem là cột mốc đáng chú ý trong sự nghiệp non trẻ của Thành Long.
Anh được triệu tập lên đội tuyển Việt Nam sau giai đoạn thăng hoa cùng đội bóng xứ Thanh ở V League 2023. Thành Long hoàn toàn có cơ hội nếu thể hiện được mình trên sân tập và trong những trận giao hữu sắp tới với Hong Kong và Syria vào tháng 6 này. Thành Long có những điểm mạnh mà HLV Troussier muốn ở một tiền vệ trung tâm. Anh có thể phòng ngự, chuyền bóng chính xác ở mọi cự ly, quan sát nhạy bén và chơi bóng sáng tạo. Điều quan trọng chỉ là Thành Long hòa nhập như thế nào ở môi trường mới. Tiếc thay anh bị chấn thương trong lúc tập luyện và vẫn chưa thể ra sân được.
Thống kê sự nghiệp
Thành tích
Thanh Hóa
Cúp Quốc gia Việt Nam
Vô địch: 2023
Hạng ba: 2022
Tham khảo
Sinh năm 1996
Nhân vật còn sống
Cầu thủ bóng đá nam Việt Nam
Tiền vệ bóng đá nam
Cầu thủ giải bóng đá vô địch quốc gia Việt Nam
Cầu thủ giải bóng đá hạng nhất quốc gia Việt Nam
Cầu thủ giải bóng đá hạng nhì quốc gia Việt Nam
Cầu thủ câu lạc bộ bóng đá Hoàng Anh Gia Lai
Cầu thủ câu lạc bộ bóng đá Phú Yên
Cầu thủ câu lạc bộ bóng đá Đắk Lắk
Cầu thủ câu lạc bộ bóng đá Long An
Cầu thủ câu lạc bộ bóng đá Hải Phòng
Cầu thủ câu lạc bộ bóng đá Thanh Hóa |
19816495 | https://vi.wikipedia.org/wiki/Eiga%20Monogatari | Eiga Monogatari | là một tác phẩm văn học của Nhật Bản thuộc thể loại monogatari, kể về những sự kiện quan trọng diễn ra trong cuộc đời của Nhiếp chính quan bạch Fujiwara no Michinaga. Nhiều người cho rằng tác phẩm này do một lượng lớn các tác giả sáng tác ra trong khoảng thời gian từ năm 1028 đến năm 1107. Đây được coi là nguồn tư liệu quan trọng và đáng giá về gia tộc Fujiwara, đặc biệt là về Michinaga. Tác phẩm đã được dịch sang tiếng Anh bởi William H. và Helen Craig McCullough vào năm 1980 với tiêu đề A Tale of Flowering Fortunes (tạm dịch: Chuyện Vinh hoa). Nó được coi là bản dịch chuẩn mực và thường được sử dụng làm tư liệu tham khảo. Trong phiên bản kể lại của Fumiko Enchi, tác phẩm còn có tiêu đề khác là "Câu chuyện về thời vinh quang đã mất" (A Tale of False Fortunes).
Tóm tắt tác phẩm
Trong văn học Nhật Bản, nội dung của thể loại monogatari có liên quan mật thiết đến cuộc sống chốn cung đình, chẳng hạn như tác phẩm Rikkokushi, cũng như các tác phẩm văn xuôi khác như Truyện kể Genji. Tác phẩm đã miêu tả chi tiết cuộc đời cũng như những sự kiện mà Michinaga và gia tộc từng nếm trải cho đến tận lúc ông qua đời. Phần đầu tác phẩm gồm 30 tập truyện, đi sâu vào những chi tiết trong thời gian trị vì của Thiên hoàng Uda kéo dài cho đến khi Michinaga qua đời. Tác phẩm được cho là đã được viết trong khoảng thời gian từ 1028 đến năm 1034 bởi Akazome Emon và/hoặc Fujiwara no Tamenari. Phần hai của tác phẩm chứa 10 tập truyện khác nhau, nói về triều đại của Thiên hoàng Horikawa và tất cả những tập truyện này được gọi chung là zokuhen. Nó thường được quy vào thể loại Idewa no Ben và người ta cho là phần này được viết trong khoảng thời gian từ năm 1092 đến năm 1107. Tác phẩm là tổng hợp đầy đủ của 40 cuộn văn kiện được viết bằng kana, trong đó có chứa nhật ký và ghi chép của các Nữ quan cung đình. Trong đó có đến 28 cuộn văn kiện nói về vai trò của Michinaga trong triều, trong khi 12 chủ đề còn lại đều nói về những thứ khác có liên quan tới nội dung chính của tác phẩm như những khía cạnh khác trong cuộc sống của Michinaga cũng như các thành viên khác trong gia tộc.
Lịch sử biên soạn
Dựa vào định dạng của cuốn sách mà người ta chia dòng văn bản của tác phẩm thành ba dòng riêng biệt: dòng cổ đại, dòng phổ biến và dòng biến thể.
Các loại văn kiện chính được sử dụng bao gồm Umezawa-bon và Yōmeibunko-bon (thuộc dòng cổ đại); Nishihonganji-bon, Kokatsuji-bon, Meirekikan-bon, và Eirikyūkanshōshutsu-bon (dòng phổ biến); và Tomioka-bon (dòng biến thể).
Trong số các văn kiện ấy có Umezawa-bon là bản chép tay hoàn chỉnh lâu đời nhất, được chép lại vào giữa thời kỳ Kamakura, sau đó đã được mua lại bởi Sanjōnishi Sanetaka và được truyền lại cho con cháu của ông. Nó đã được công nhận là Quốc bảo vào năm 1935 theo quy định hiện hành về việc Bảo vệ Bảo vật Quốc gia. Nó lại được công nhận một lần nữa vào năm 1955 theo Luật Bảo vệ tài sản văn hóa. Văn kiện này là một sự kết hợp hoàn hảo giữa Ōgata-bon (bản chép tay của tác phẩm vào giữa thời kỳ Kamakura, được chép lại cho đến cuốn thứ 20) và Masugata-bon (bản chép lại đầu thời kỳ Kamakura kéo dài cho đến cuốn thứ 40). Các chi tiết về việc Sanetaka mua lại bản chép tay này đã được trình bày cụ thể trong các văn bản được viết vào vào ngày thứ tư và thứ tám của tháng thứ mười một năm Eishō thứ 8 (1509). Văn kiện Umezawa-bon đã được sử dụng làm hình mẫu văn bản chuẩn mực cho những ấn phẩm xuất bản khác như Iwanami bunko, Nihon koten bungaku taikei và Shinpen nihon koten bungaku zenshū.
Danh sách chương truyện
Bản dịch tiếng Anh được đề cập ở đây được lấy từ bản dịch 30 chương đầu tiên của Helen và William McCullough và từ bản dịch trực tuyến của Takeshi Watanabecho phần chương zokuhen. Những ấn phẩm tiếng Nhật đều được lấy từ Nihon koten bungaku zenshū.
Xem thêm
Sáng kiến văn bản lịch sử Nhật Bản
Tham khảo
Đọc thêm
Sansom, George (1958). 'A History of Japan to 1334'. Stanford, California: Stanford University Press.
Liên kết ngoài
Bản scan bản thảo tại Thư viện Đại học Waseda : 10 tập (không rõ ngày), 9 tập (không rõ ngày)
Văn học Nhật Bản
Văn học thời Heian
Văn học cổ đại
Sách thế kỉ 11
Monogatari
Bài viết có văn bản tiếng Nhật |
19816510 | https://vi.wikipedia.org/wiki/Vlaai | Vlaai | Vlaai Limburg (tiếng Limburg: vlaai, vlaoj hoặc flaai. Số nhiều: vlaaien) là một loại bánh pastry bao gồm bột và nhân, theo truyền thống, nó gắn liền với các tỉnh Limburg được tìm thấy ở cả Hà Lan và Bỉ, cùng với Đức thông qua đường biên giới.
Vlaai thường được ăn vào những dịp đặc biệt và cho các sự kiện quan trọng trong đời, đặc biệt là ở tỉnh Limburg của Hà Lan, ví dụ như dịp sinh nhật và tang lễ. Khi ăn vào dịp đám tang, vlaai thường được làm bằng mận đen (được gọi là: "Zwarte pruimenvlaai").
Lịch sử
Có thể nói chắc chắn rằng có rất ít thông tin về lịch sử của vlaaien, ngoại trừ việc chúng không phải là một loại bánh ngọt thuần túy của người Limburg.
Một truyền thuyết khẳng định rằng vlaiien có từ trước thế kỷ 12. Theo một đề cập trong biên niên sử của tu viện của Sint-Truiden (bản sao còn tồn tại đến năm 1503), Công tước Henry van Leuven bao vây thành phố (ngày nay nằm ở Bỉ), vào năm 1189. "Những hoạn quan và những tên trộm trung thực và thận trọng của thị trấn" đã đề nghị anh "Placenta" (như nó được diễn đạt bằng tiếng Latinh thời trung cổ) được nướng theo công thức cũ của địa phương. Nó được cho là điều này đã thuyết phục Henry từ bỏ cuộc bao vây. "Placenta" đồng nghĩa với từ tiếng Hà Lan Trung cổ "vlade" nhưng truyền thuyết không được xác minh theo cách khác, cũng như không thể chắc chắn chính xác những món nướng nào có thể đã được cung cấp.
"Bản thảo Gent KANTL", một cuốn sách dạy nấu ăn của người Trung cổ Hà Lan từ thế kỷ 15, liệt kê một số loại nhân cho "vlade" giống như nhân trái cây hoặc sữa trứng, cũng như một công thức vỏ bánh nước nóng cho vlade. Chỉ riêng văn bản thì không rõ liệu các công thức nấu ăn vlade có được đặt trong một lớp vỏ hay không và một trong số chúng có đề cập cụ thể đến việc làm đầy một cái bát - vla trong tiếng Hà Lan hiện đại ám chỉ bánh flan hoặc bánh pudding. Tuy nhiên, nó cũng liệt kê các loại bánh nướng (tarten) với nhân táo hoặc anh đào được nướng đặc biệt trong bánh mì (broot), có nét giống vlaai hiện đại hơn.
Cho đến giữa thế kỷ 20, vlaai được coi là một mặt hàng xa xỉ ở Limburg và chỉ được ăn trong các lễ kỷ niệm. Ở nông thôn, chúng hầu như luôn được người dân tự nướng, thường là theo cách truyền thống là trong những tiệm bánh. Vlaaien sẽ được phục vụ vào khoảng 4 giờ chiều trong giờ giải lao uống cà phê, thường là hai hoặc ba phần khác nhau cho mỗi người. Do sự thịnh vượng kinh tế ngày càng tăng sau Chiến tranh thế giới thứ hai, mọi người bắt đầu ăn chúng thường xuyên hơn.
Vlaaien bắt đầu được biết đến rộng rãi hơn bên ngoài Limburg vào cuối thế kỷ 19 chủ yếu là do du lịch ngày càng tăng ở phía Nam Limburg thuộc Hà Lan. Nhiều khách du lịch đã mang vlaai về nhà từ những người thợ làm bánh địa phương. Năm 1986, cửa hàng vlaaien đầu tiên được mở tại Amsterdam. Việc bán vlaaien của một số chuỗi siêu thị cũng giúp phổ biến loại bánh ngọt này. Maria Hubertina Hendrix, còn được gọi là 'Antje van de Stasie', cũng giúp chúng phổ biến ra bên ngoài Limburg. Vào đầu thế kỷ 20, cô đã bán 'Weerter vlaaitjes' của mình tại nhà ga xe lửa ở Weert, và điều này đã khiến món bánh ngọt trở nên nổi tiếng bởi du khách từ khắp Hà Lan. Sau một thời gian, Weerter vlaaien cũng được bán ở Nijmegen. Cô đã có một bức tượng ở Weert từ năm 1988.
Biến thể
Các biến thể tồn tại trên khắp Hà Lan, Bỉ và các khu vực ở bang Nordrhein-Westfalen của Đức gần biên giới với Hà Lan. Một chiếc bánh vlaai thường có đường kính 26–31 centimet. Nó có sẵn trong nhiều loại nhân trái cây khác nhau, chẳng hạn như anh đào, mơ, dâu tây và mận. Các biến thể khác là một hỗn hợp bơ vụn và đường ("greumellevlaai" trong tiếng Limburg, hoặc "kruimelvlaai" trong tiếng Hà Lan) và cháo sữa trứng ("rijstevlaai").
Chỉ dẫn địa lý
Vào ngày 17 tháng 11 năm 2022, Hà Lan và Bỉ đã nộp đơn xin bảo hộ cho Vlaai Limburg như một đặc sản truyền thống và chỉ định địa phương của Liên Âu.
Tham khảo
Ẩm thực Hà Lan
Ẩm thực Limburg
Văn hóa Hà Lan
Bánh Tart
Bánh ngọt
Món tráng miệng
Thức ăn nhẹ
Món ngọt
Món ăn với hoa quả |
19816554 | https://vi.wikipedia.org/wiki/Qu%E1%BB%91c%20l%E1%BB%99%209E | Quốc lộ 9E | Quốc lộ 9E là một tuyến quốc lộ thứ yếu của khu vực miền Trung và Tây Nguyên, nằm hoàn toàn trong địa phận tỉnh Quảng Bình.
Lộ trình
Tuyến đường có chiều dài là 43 km, là đường giao thông cấp III - IV, rộng 2-4 làn xe. Điểm đầu của tuyến giao cắt với đường ven biển thành phố Đồng Hới, và điểm cuối cắt với đường Hồ Chí Minh, thuộc huyện Quảng Ninh. Ngoài ra, quốc lộ 9E còn giao cắt với quốc lộ 1 tại xã Đức Ninh, thành phố Đồng Hới.
Tham khảo
Giao thông Quảng Bình
Quốc lộ Việt Nam |
19816557 | https://vi.wikipedia.org/wiki/Akshata%20Murty | Akshata Murty | Akshata Narayan Murty (sinh ngày 25 tháng 4 năm 1980) là một nữ doanh nhân, nhà thiết kế thời trang và nhà đầu tư người Ấn Độ. Bà là phu nhân của Thủ tướng và lãnh đạo Đảng Bảo thủ Anh Rishi Sunak. Theo Sunday Times Rich List, Murty và Sunak là những người giàu thứ 222 ở Anh tính đến năm 2022, với tổng tài sản trị giá 730 triệu bảng Anh (830 triệu USD).
Năm 2022, tài sản cá nhân của bà trở thành đề tài tranh luận của giới truyền thông Anh trong bối cảnh bà không đăng ký thường trú, một thỏa thuận được coi là có lợi cho giới "siêu giàu". Murty sau đó tự nguyện từ bỏ các lợi ích tài chính từ tình trạng cư trú của mình.
Cha bà là N. R. Narayana Murthy, người sáng lập công ty đa quốc gia Infosys, mẹ là Sudha Murty. Bà nắm giữ 0,93% cổ phần của Infosys, cùng với cổ phần tại một vài doanh nghiệp khác của Anh.
Đầu đời và học vấn
Akshata Murty sinh vào tháng 4 năm 1980 tại Hubli, Ấn Độ, Murty được ông bà ngoại nuôi nấng khi cha bà N. R. Narayana Murthy và mẹ Sudha Murty làm việc để thành lập công ty công nghệ Infosys. Mẹ bà là nữ kỹ sư đầu tiên làm việc tại Tata Motors, nhà sản xuất ô tô lớn nhất Ấn Độ lúc đó, rồi trở thành một nhà từ thiện. Murty có một người em trai là Rohan Murty, cả hai lớn lên ở Jayanagar vùng ngoại ô của Bangalore. Ông bà ngoại của Murty là R. H. Kulkarni, một bác sĩ phẫu thuật, vợ ông Vimala Kulkarni là giáo viên.
Thập niên 1990, Murty theo học Trường trung học Nữ sinh Baldwin ở Bangalore, đến năm 1998 theo học ngành kinh tế và tiếng Pháp tại Đại học Claremont McKenna ở California. Bà có bằng cấp về chế tạo quần áo của Học viện Thiết kế Thời trang & Kinh doanh, và bằng MBA từ Đại học Stanford.
Sự nghiệp kinh doanh
Năm 2007, Murty gia nhập công ty Tendris của Hà Lan khi là giám đốc marketing, bà công tác trong hai năm, trước khi thành lập công ty thời trang.
Nhãn hiệu thời trang của bà dừng hoạt động vào năm 2012. Năm 2013, bà là giám đốc quỹ đầu tư mạo hiểm Catamaran Ventures. Bà cùng chồng Rishi Sunak đồng sáng lập, chi nhánh Luân Đôn của công ty Ấn Độ thuộc sở hữu của cha bà, N. R. Narayana Murthy. Sunak chuyển nhượng cổ phần cho vợ trước khi ông được bầu làm nghị sĩ Đảng Bảo thủ đại diện cho khu vực bầu cử Richmond vào năm 2015. Từ năm 2015, bà sở hữu 0,91% hoặc 0,93% cổ phần của công ty công nghệ Infosys, trị giá khoảng 700 triệu bảng Anh vào tháng 4 năm 2022, và có vốn trong hai nhà hàng kinh doanh của Jamie Oliver là Wendy's ở Ấn Độ và Koro Kids. Điều này khiến vợ chồng bà giàu hơn cả Nữ hoàng Elizabeth II kể từ tháng 4 năm 2022, và giàu hơn Vua Charles III từ tháng 10 năm 2022 (nếu chỉ tính tài sản cá nhân). Từ năm 2022, Murthy là giám đốc của Digme Fitness và Soroco, công ty chuyển đổi số do người em trai Rohan Murty đồng sáng lập.
Đời tư
Murty là công dân Ấn Độ. Vào tháng 8 năm 2009, Murty kết hôn với Rishi Sunak, họ gặp nhau tại Đại học Stanford. Họ có hai con gái – Anoushka và Krishna. Cả hai là chủ Điền trang Kirby Sigston ở làng Kirby Sigston, Bắc Yorkshire, cũng như một ngôi nhà cải tạo từ chuồng ngựa ở Earl's Court ở trung tâm Luân Đôn, một căn hộ trên Đường Old Brompton, Nam Kensington và một căn hộ penthouse trên Ocean Avenue ở Santa Monica, California. Vào tháng 4 năm 2022, Sunak và Murty được cho là đã chuyển khỏi số 11 Phố Downing đến một ngôi nhà mới được trang hoàng lại ở Tây Luân Đôn.
Vào tháng 4 năm 2022, tài sản của Murty trở thành tâm điểm tranh luận của giới truyền thông Anh khi tình trạng không đăng ký thường trú của bà ở Vương quốc Liên hiệp Anh, cho phép bà không phải trả thuế đối với thu nhập ngoài nước Anh, với khoản thanh toán hàng năm là 30.000 bảng Anh. Cuối tháng đó, Murty thông báo bà sẽ từ bỏ tình trạng không thường trú và tự nguyện nộp thuế đối với thu nhập trên toàn thế giới. Nếu Murty đóng thuế đối với thu nhập trên toàn thế giới của bà, nhưng vẫn là không nơi cư trú, bà được lợi từ một điều khoản trong hiệp ước năm 1956 tránh đánh thuế hai lần của công dân Ấn Độ cũng như Vương quốc Liên hiệp Anh.
Chú thích
Liên kết ngoài
Bhat, Chandrashekar. (14 April 2022) Rishi Sunak's wife set to receive £6m from Infosys (EasternEye) |
19816560 | https://vi.wikipedia.org/wiki/Li%C3%AAn%20minh%20Th%E1%BA%A7n%20th%C3%A1nh%20%281684%29 | Liên minh Thần thánh (1684) | Liên minh Thần thánh (tiếng Latinh: Sacra Ligua; tiếng Anh: Holy League) năm 1684 là một liên minh gồm các quốc gia châu Âu được thành lập trong Đại chiến Thổ Nhĩ Kỳ. Ra đời từ Hiệp ước Warszawa, liên minh được thành lập như một phương tiện để ngăn chặn sự bành trướng của Đế quốc Ottoman vào châu Âu. Sự hợp nhất này của một phần lớn quân đội châu Âu có thể dẫn đến những thành công quân sự chưa từng có, với những vùng đất rộng lớn đã được nhượng lại trước đây ở Morea, Dalmatia và Danubia trong cái được mệnh danh là "cuộc thập tự chinh thứ 14".
Sự hình thành của Liên minh đã được công nhận là một bước ngoặt trong lịch sử Ottoman. Bằng cách buộc Đế chế đầu hàng nhiều lần, nó đã chuyển cán cân quyền lực ra khỏi Ottoman, dẫn đến sự hiện diện của Ottoman giảm dần ở châu Âu và sự giải thể sau đó của Liên minh vào năm 1699.
Chú thích
Tham khảo
Nguồn
Quân sự Đế quốc Ottoman
Khởi đầu năm 1684 ở châu Âu
Chấm dứt năm 1699
Quan hệ quốc tế năm 1684
Liên minh Thần thánh |
19816563 | https://vi.wikipedia.org/wiki/Hall%20of%20Fame%20Open%202023 | Hall of Fame Open 2023 | Hall of Fame Open 2023 (còn được biết đến với Infosys Hall of Fame Open vì lý do tài trợ) là một giải quần vợt nam chuyên nghiệp thi đấu trên mặt sân cỏ ngoài trời. Đây là lần thứ 47 giải đấu được tổ chức, và là một phần của ATP 250 trong ATP Tour 2023. Giải đấu diễn ra tại International Tennis Hall of Fame ở Newport, Rhode Island, Hoa Kỳ, từ ngày 17 tháng 7 đến ngày 23 tháng 7 năm 2023.
Điểm và tiền thưởng
Phân phối điểm
Tiền thưởng
*mỗi đội
Nội dung đơn
Hạt giống
1 Bảng xếp hạng vào ngày 3 tháng 7 năm 2023.
Vận động viên khác
Đặc cách:
Kevin Anderson
Ethan Quinn
Eliot Spizzirri
Vượt qua vòng loại:
Alex Bolt
Chung Yun-seong
Mukund Sasikumar
Li Tu
Rút lui
Radu Albot → thay thế bởi Abdullah Shelbayh
Christopher Eubanks → thay thế bởi Steve Johnson
Dominik Koepfer → thay thế bởi Shintaro Mochizuki
Jason Kubler → thay thế bởi Aleksandar Kovacevic
Michael Mmoh → thay thế bởi Alex Michelsen
Yosuke Watanuki → thay thế bởi Gijs Brouwer
Nội dung đôi
Hạt giống
1 Bảng xếp hạng vào ngày 3 tháng 7 năm 2023.
Vận động viên khác
Đặc cách:
Kevin Anderson / Ethan Quinn
Tommy Paul / Eliot Spizzirri
Rút lui
Christopher Eubanks / Reese Stalder → thay thế bởi Rinky Hijikata / Reese Stalder
Rinky Hijikata / Jason Kubler → thay thế bởi Théo Arribagé / Luca Sanchez
Marcelo Melo / John Peers → thay thế bởi Chung Yun-seong / Aleksandar Kovacevic
Nhà vô địch
Đơn
Adrian Mannarino đánh bại Alex Michelsen, 6–2, 6–4
Đôi
Nathaniel Lammons / Jackson Withrow đánh bại William Blumberg / Max Purcell, 6–3, 5–7, [10–5]
Tham khảo
Liên kết ngoài
Hall of Fame Open
Hall of Fame Open
Hall of Fame Open
Halloffame |
19816565 | https://vi.wikipedia.org/wiki/Hall%20of%20Fame%20Open%202023%20-%20%C4%90%C6%A1n | Hall of Fame Open 2023 - Đơn | Adrian Mannarino là nhà vô địch, đánh bại Alex Michelsen trong trận chung kết, 6–2, 6–4.
Maxime Cressy là đương kim vô địch, nhưng thua ở vòng 1 trước Michelsen.
Hạt giống
4 hạt giống hàng đầu được miễn vào vòng 2.
Kết quả
Chung kết
Nửa trên
Nửa dưới
Vòng loại
Hạt giống
Vượt qua vòng loại
Kết quả vòng loại
Vòng loại thứ 1
Vòng loại thứ 2
Vòng loại thứ 3
Vòng loại thứ 4
Tham khảo
Liên kết ngoài
Hall of Fame Open - Đơn nam
Đơn nam 2022 |
19816566 | https://vi.wikipedia.org/wiki/Hall%20of%20Fame%20Open%202023%20-%20%C4%90%C3%B4i | Hall of Fame Open 2023 - Đôi | William Blumberg và Steve Johnson là đương kim vô địch, nhưng Johnson chọn không tham dự giải đấu. Blumberg đánh cặp với Max Purcell, nhưng thua trong trận chung kết trước Nathaniel Lammons và Jackson Withrow, 3–6, 7–5, [5–10]. Blumberg có cơ hội giành 3 danh hiệu liên tiếp tại Newport với ba tay vợt khác nhau, nhưng thua trong trận chung kết.
Hạt giống
Kết quả
Kết quả
Tham khảo
Liên kết ngoài
Kết quả vòng đấu chính
Hall of Fame Open - Đôi
Đôi 2023 |
19816568 | https://vi.wikipedia.org/wiki/Swiss%20Open%20Gstaad%202023 | Swiss Open Gstaad 2023 | Swiss Open Gstaad 2023 (còn được biết đến với EFG Swiss Open Gstaad vì lý do tài trợ) là một giải quần vợt nam thi đấu trên mặt sân đất nện ngoài trời. Đây là lần thứ 55 Giải quần vợt Thụy Sĩ Mở rộng được tổ chức, và là một phần của ATP Tour 250 trong ATP Tour 2023. Giải đấu diễn ra tại Roy Emerson Arena ở Gstaad, Thụy Sĩ, từ ngày 17 đến ngày 23 tháng 7 năm 2023.
Điểm và tiền thưởng
Phân phối điểm
Tiền thưởng
*mỗi đội
Nội dung đơn
Hạt giống
† Bảng xếp hạng vào ngày 3 tháng 7 năm 2023
Vận động viên khác
Đặc cách:
Fabio Fognini
Alexander Ritschard
Dominic Stricker
Vượt qua vòng loại:
Facundo Bagnis
Zizou Bergs
Hamad Medjedovic
Jurij Rodionov
Thua cuộc may mắn:
Otto Virtanen
Rút lui
Félix Auger-Aliassime → thay thế bởi Arthur Rinderknech
Jiří Lehečka → thay thế bởi Jaume Munar
Denis Shapovalov → thay thế bởi Stan Wawrinka
Jan-Lennard Struff → thay thế bởi Dominic Thiem
Mikael Ymer → thay thế bởi Otto Virtanen
Nội dung đôi
Hạt giống
† Bảng xếp hạng vào ngày 3 tháng 7 năm 2023
Vận động viên khác
Đặc cách:
Mika Brunold / Kilian Feldbausch
Dominic Stricker / Stan Wawrinka
Thay thế:
Zizou Bergs / Jurij Rodionov
Rút lui
Sriram Balaji / Jeevan Nedunchezhiyan → thay thế bởi Sriram Balaji / Zhang Zhizhen
Roberto Carballés Baena / Luis David Martínez → thay thế bởi Zizou Bergs / Jurij Rodionov
Jamie Murray / Michael Venus → thay thế bởi Boris Arias / Federico Zeballos
Petros Tsitsipas / Sem Verbeek → thay thế bởi Arthur Rinderknech / Sem Verbeek
Nhà vô địch
Đơn
Pedro Cachin đánh bại Albert Ramos Viñolas, 3–6, 6–0, 7–5
Đôi
Dominic Stricker / Stan Wawrinka đánh bại Marcelo Demoliner / Matwé Middelkoop, 7–6(10–8), 6–2
Tham khảo
Liên kết ngoài
Swiss Open Gstaad
Giải quần vợt Thụy Sĩ Mở rộng
Quần vợt Thụy Sĩ năm 2023 |
19816569 | https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BB%99ng%20%C4%91%E1%BA%A5t%20ngo%C3%A0i%20kh%C6%A1i%20Qu%E1%BA%A7n%20%C4%91%E1%BA%A3o%20Kuril%202007 | Động đất ngoài khơi Quần đảo Kuril 2007 | là trận động đất xảy ra lúc 13:23 (JST), ngày 13 tháng 1 năm 2007. Trận động đất có cường độ 8.1 richter, tâm chấn độ sâu khoảng 5.7 km. Trận động đất trên được coi là động đất kép sau sự kiện động đất năm 2006 xảy ra vài tháng trước đó.
Tham khảo |
19816571 | https://vi.wikipedia.org/wiki/Swiss%20Open%20Gstaad%202023%20-%20%C4%90%C6%A1n | Swiss Open Gstaad 2023 - Đơn | Pedro Cachin là nhà vô địch, đánh bại Albert Ramos Viñolas trong trận chung kết, 3–6, 6–0, 7–5. Đây là danh hiệu đơn ATP Tour đầu tiên của Cachin.
Casper Ruud là đương kim vô địch, nhưng chọn tham dự ở Båstad.
Hạt giống
4 hạt giống hàng đầu được miễn vào vòng 2.
Kết quả
Chung kết
Nửa trên
Nửa dưới
Vòng loại
Hạt giống
Vượt qua vòng loại
Thua cuộc may mắn
Kết quả vòng loại
Vòng loại thứ 1
Vòng loại thứ 2
Vòng loại thứ 3
Vòng loại thứ 4
Tham khảo
Liên kết ngoài
Swiss Open Gstaad - Đơn nam |
19816573 | https://vi.wikipedia.org/wiki/Swiss%20Open%20Gstaad%202023%20-%20%C4%90%C3%B4i | Swiss Open Gstaad 2023 - Đôi | Dominic Stricker và Stan Wawrinka là nhà vô địch, đánh bại Marcelo Demoliner và Matwé Middelkoop trong trận chung kết, 7–6(10–8), 6–2.
Tomislav Brkić và Francisco Cabral là đương kim vô địch, nhưng Brkić chọn không tham dự và Cabral chọn tham dự ở Båstad.
Hạt giống
Kết quả
Kết quả
Tham khảo
Liên kết ngoài
Kết quả vòng đấu chính
Swiss Open Gstaad - Đôi
Đôi 2023 |
19816575 | https://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BB%8Bnh%20Xu%C3%A2n%20Ho%C3%A0ng | Trịnh Xuân Hoàng | Trịnh Xuân Hoàng (sinh ngày 6 tháng 11 năm 2000) là một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp người Việt Nam, chơi ở vị trí thủ môn cho câu lạc bộ V League 1 Đông Á Thanh Hóa.
Sự nghiệp câu lạc bộ
Thanh Hóa
Trịnh Xuân Hoàng được đôn lên từ đội trẻ Thanh Hóa vào giữa năm 2020 để thi đấu trong mùa giải 2020. Trận bắt chính đàu tiên của anh là trận ặp SHB Đà Nẵng ngày 6 tháng 7 năm 2020. Với sự non kinh nghiệm cũng như hàng thủ đội bóng chơi không thực sự tốt, anh để thủng lưới 3 bàn và đội thua tỉ số 0-3 trên san nhà. Sau đó là những lần ngồi dự bị và không được đăng kí. Anh được ra sân thêm 1 lần nữa vào ngày 31 tháng 10 năm 2022, vẫn là đội SHB Đà Nẵng và tiếp tục thủng lưới 3 bàn, nhưng lần này đội bóng có tỉ số hòa 3-3.
Dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Petrovic và trợ lý năm 2021 và 2022, Hoàng thi đấu tròn vai và thể hiện được phẩm chất tốt của 1 thủ môn. Kết thúc mùa giải 2022, Xuân Hoàng thi đấu 5 trận trên mọi mặt trận và đạt huy chương đồng Cúp Quốc gia 2022 cùng đội bóng.
Sang mùa giải 2023, Xuân Hoàng có tên trong danh sách đăng kí thi đấu của đội ngay từ đầu nhưng chưa được ra sân nhiều và chưa chiếm được lòng tin tưởng của huấn luyện viên mới Velizar Popov, 1 phần nữa là thủ thành Thanh Diệp thi đấu rất xuất sắc. Anh được ra sân từ vòng 8 sau khi thủ thành chính của đội là Thanh Diệp dính chấn thương sau khi vòng 7 kết thúc.
Sự nghiệp quốc tế
Với thể hình, kỹ năng bắt bóng tốt, có tiềm năng để phát triển, HLV Park Hang Seo đã sớm gọi Xuân Hoàng lên đội tuyển U22 Việt Nam. Chuẩn bị cho SEA Games 31 và đặc biệt là vòng loại giải U23 châu Á 2022. Trận U23 Việt Nam thắng U23 Thái Lan 1-0 là lần đầu tiên thủ môn Trịnh Xuân Hoàng có cơ hội xuất phát ngay từ đầu do thủ môn số 1 Y Êli Niê không thể thi đấu do nhiễm Covid-19. Trong trận đấu này, thủ môn trẻ của Đông Á Thanh Hóa đã tỏa sáng rực rỡ trong màu áo U23 Việt Nam. Thủ môn Trịnh Xuân Hoàng đã truyền đi thông điệp xúc động khi chúc các đồng đội sớm chiến thắng dịch Covid-19. Cụ thể, anh đã khoe dòng chữ được viết trên áo: “Sớm khỏe nhé các đồng đội của tôi”, như lời động viên đầy cảm xúc đến các đồng đội đang phải cách ly điều trị Covid-19.
Thống kê sự nghiệp
Câu lạc bộ
Danh hiệu
Câu lạc bộ
Thanh Hóa
Cúp Quốc Gia: 2022
Tham khảo |
19816576 | https://vi.wikipedia.org/wiki/Swedish%20Open%202023 | Swedish Open 2023 | Swedish Open 2023 (còn được biết đến với Nordea Open vì lý do tài trợ) là một giải quần vợt chuyên nghiệp thi đấu trên mặt sân đất nện ngoài trời. Giải đấu là một phần của ATP Tour 250 trong ATP Tour 2023 và WTA 125. Giải đấu diễn ra ở Båstad, Thụy Điển, từ ngày 10 đến ngày 15 tháng 7 năm 2023 (nữ), và từ ngày 17 đến ngày 23 tháng 7 năm 2023 (nam). Đây là lần thứ 75 (nam) và lần thứ 13 (nữ) giải đấu được tổ chức.
Điểm và tiền thưởng
Phân phối điểm
Tiền thưởng
1 Tiền thưởng vượt qua vòng loại cũng là tiền thưởng vòng 1/32
* mỗi đội
Nội dung đơn ATP
Hạt giống
1 Bảng xếp hạng vào ngày 3 tháng 7 năm 2023.
Vận động viên khác
Đặc cách:
Leo Borg
Dragoș Nicolae Mădăraș
Elias Ymer
Vượt qua vòng loại:
Hugo Dellien
Pavel Kotov
Jozef Kovalík
Filip Misolic
Rút lui
Tallon Griekspoor → thay thế bởi Juan Manuel Cerúndolo
Aslan Karatsev → thay thế bởi Thiago Monteiro
Nội dung đôi ATP
Hạt giống
1 Bảng xếp hạng vào ngày 3 tháng 7 năm 2023.
Vận động viên khác
Đặc cách:
Filip Bergevi / Dragoș Nicolae Mădăraș
Leo Borg / Simon Freund
Rút lui
Sergio Martos Gornés / Jaume Munar → thay thế bởi Victor Vlad Cornea / Sergio Martos Gornés
Ariel Behar / Adam Pavlásek → thay thế bởi Ariel Behar / Orlando Luz
Hugo Nys / Jan Zieliński → thay thế bởi Diego Hidalgo / Cristian Rodríguez
Nội dung đơn WTA
Hạt giống
1 Bảng xếp hạng vào ngày 3 tháng 7 năm 2023.
Vận động viên khác
Đặc cách:
Bella Bergkvist Larsson
Jacqueline Cabaj Awad
Nellie Taraba Wallberg
Lisa Zaar
Bảo toàn thứ hạng:
Polona Hercog
Thay thế:
Emily Appleton
Oana Gavrilă
Malene Helgø
Rút lui
Trước giải đấu
Lucia Bronzetti → thay thế bởi Mirjam Björklund
Léolia Jeanjean → thay thế bởi Peangtarn Plipuech
Anna Kalinskaya → thay thế bởi Réka Luca Jani
Sofia Kenin → thay thế bởi Polona Hercog
Nuria Párrizas Díaz → thay thế bởi Irina Khromacheva
Kamilla Rakhimova → thay thế bởi Emily Appleton
Alison Riske-Amritraj → thay thế bởi Malene Helgø
Clara Tauson → thay thế bởi Nigina Abduraimova
Jil Teichmann → thay thế bởi Chloé Paquet
Taylor Townsend → thay thế bởi Oana Gavrilă
Martina Trevisan → thay thế bởi Louisa Chirico
Simona Waltert → thay thế bởi Darja Semeņistaja
Nội dung đôi WTA
Hạt giống
1 Bảng xếp hạng vào ngày 3 tháng 7 năm 2023.
Nhà vô địch
Đơn nam
Andrey Rublev đánh bại Casper Ruud, 7–6(7–3), 6–0
Đơn nữ
Olga Danilović đánh bại Emma Navarro 7–6(7–4), 3–6, 6–3
Đôi nam
Gonzalo Escobar / Aleksandr Nedovyesov đánh bại Francisco Cabral / Rafael Matos, 6–2, 6–2
Đôi nữ
Irina Khromacheva / Panna Udvardy đánh bại Eri Hozumi / Jang Su-jeong 4–6, 6–3, [10–5]
Tham khảo
Liên kết ngoài
Swedish Open
Swedish Open
Giải quần vợt Thụy Điển Mở rộng
Swedish Open |
19816577 | https://vi.wikipedia.org/wiki/Swedish%20Open%202023%20-%20%C4%90%C6%A1n%20nam | Swedish Open 2023 - Đơn nam | Andrey Rublev là nhà vô địch, đánh bại Casper Ruud trong trận chung kết, 7–6(7–3), 6–0.
Francisco Cerúndolo là đương kim vô địch, nhưng thua ở vòng bán kết trước Rublev.
Hạt giống
4 hạt giống hàng đầu được miễn vào vòng 2.
Kết quả
Chung kết
Nửa trên
Nửa dưới
Vòng loại
Hạt giống
Vượt qua vòng loại
Kết quả vòng loại
Vòng loại thứ 1
Vòng loại thứ 2
Vòng loại thứ 3
Vòng loại thứ 4
Tham khảo
Liên kết ngoài
Swedish Open - Đơn nam
Đơn nam 2022 |
19816578 | https://vi.wikipedia.org/wiki/Swedish%20Open%202023%20-%20%C4%90%C3%B4i%20nam | Swedish Open 2023 - Đôi nam | Rafael Matos và David Vega Hernández là đương kim vô địch, nhưng Vega Hernández chọn tham dự ở Gstaad. Matos đánh cặp với Francisco Cabral, nhưng thua trong trận chung kết trước Gonzalo Escobar và Aleksandr Nedovyesov, 2–6, 2–6.
Hạt giống
Kết quả
Kết quả
Tham khảo
Liên kết ngoài
Kết quả vòng đấu chính
Swedish Open - Đôi nam
Đôi nam |
19816584 | https://vi.wikipedia.org/wiki/Gustavo%20Sant%27Ana%20Santos | Gustavo Sant'Ana Santos | Gustavo Sant'Ana Santos (sinh ngày 23 tháng 2 năm 1995), thường gọi là Gustavo, là một cầu thủ bóng đá người Brasil hiện tại thi đấu ở vị trí hậu vệ cho Đông Á Thanh Hóa.
Sự nghiệp câu lạc bộ
Đông Á Thanh Hóa
Ngày 21 tháng 7 năm 2022, Gustavo gia nhập Đông Á Thanh Hóa trong nửa sau mùa giải 2022 V League 1. Anh thi đấu hầu hết các trận cho Thanh Hóa. Kết thúc mùa giải, anh thi đấu 14 trận và giành được huy chương đồng cúp Quốc gia 2022 cùng đội bóng. Cuối năm 2022, anh kí hợp đồng mới và tiếp tục thi đấu cho Đông Á Thanh Hóa.
Mùa giải 2023, Gustavo là mảnh ghép không thể thiếu trong đội hình Thanh Hóa và tiếp tục được câu lạc bộ giữ lại. Anh thi đấu xông xáo năng nổ, thể hiện sức mạnh ở hàng thủ đội bóng xứ Thanh. Ngày 17 tháng 4 năm 2023, anh ghi bàn thắng đầu tiên cho câu lạc bộ trong chiến thắng 5-3 trên sân nhà trước Hồng Lĩnh Hà Tĩnh. Ngày 22/7/2023 trong chiến thắng giòn giã 3-0 trước Hải Phòng, anh đã ghi được 1 cú đại bác không thể cản phá, khiến thủ môn Đình Triệu bó tay. Cho đến hiện tại anh đã có 4 bàn thắng sau 14 trận đá chính cho Thanh Hóa.
Thống kê sự nghiệp
Tính đến ngày 22 tháng 7 năm 2023
Danh hiệu
Đông Á Thanh Hóa
Cúp Quốc gia Việt Nam: 2023
Tham khảo
Cầu thủ bóng đá nam Brasil
Sinh năm 1995
Nhân vật còn sống
Hậu vệ bóng đá nam
Cầu thủ bóng đá nam Brasil ở nước ngoài
Cầu thủ giải bóng đá vô địch quốc gia Việt Nam
Cầu thủ câu lạc bộ bóng đá Viettel
Cầu thủ câu lạc bộ bóng đá Sài Gòn
Cầu thủ câu lạc bộ bóng đá Sông Lam Nghệ An
Cầu thủ câu lạc bộ bóng đá Than Quảng Ninh
Cầu thủ câu lạc bộ bóng đá Thanh Hóa
Vận động viên thể thao Brasil ở Việt Nam
Cầu thủ bóng đá nam nước ngoài ở Việt Nam
Cầu thủ bóng đá người São Paulo |
19816588 | https://vi.wikipedia.org/wiki/Swedish%20Open%202023%20-%20%C4%90%C6%A1n%20n%E1%BB%AF | Swedish Open 2023 - Đơn nữ | Jang Su-jeong là đương kim vô địch, nhưng thua ở vòng 1 trước Rebecca Peterson.
Olga Danilović là nhà vô địch, đánh bại Emma Navarro trong trận chung kết, 7–6(7–4), 3–6, 6–3.
Hạt giống
Kết quả
Chung kết
Nửa trên
Nửa dưới
Tham khảo
Liên kết ngoài
Kết quả vòng đấu chính
Swedish Open - Đơn
Swedish Open 2023 |
19816591 | https://vi.wikipedia.org/wiki/Swedish%20Open%202023%20-%20%C4%90%C3%B4i%20n%E1%BB%AF | Swedish Open 2023 - Đôi nữ | Misaki Doi và Rebecca Peterson là đương kim vô địch, nhưng chọn không tham dự giải đấu.
Irina Khromacheva và Panna Udvardy là nhà vô địch, đánh bại Eri Hozumi và Jang Su-jeong trong trận chung kết, 4–6, 6–3, [10–5].
Hạt giống
Kết quả
Kết quả
Tham khảo
Liên kết ngoài
Kết quả vòng đấu chính
Swedish Open - Đôi
Swedish Open 2023 |
19816600 | https://vi.wikipedia.org/wiki/Budapest%20Grand%20Prix%202023 | Budapest Grand Prix 2023 | Budapest Grand Prix 2023 (tên chính thức là Hungarian Grand Prix) là một giải quần vợt nữ thi đấu trên mặt sân đất nện ngoài trời. Đây là lần thứ 21 giải đấu được tổ chức, và là một phần của WTA 250 trong WTA Tour 2023. Giải đấu diễn ra tại Római Tennis Academy ở Budapest, Hungary, từ ngày 17 đến ngày 23 tháng 7 năm 2023.
Nội dung đơn
Hạt giống
† Bảng xếp hạng vào ngày 3 tháng 7 năm 2023
Vận động viên khác
Đặc cách:
Fanny Stollár
Natália Szabanin
Amarissa Tóth
Bảo toàn thứ hạng:
Kristína Kučová
Evgeniya Rodina
Vượt qua vòng loại:
Irene Burillo Escorihuela
Louisa Chirico
Kaja Juvan
Astra Sharma
Anna Sisková
Kateryna Volodko
Thua cuộc may mắn:
Valentini Grammatikopoulou
Maria Timofeeva
Rút lui
Sorana Cîrstea → thay thế bởi Tamara Korpatsch
Camila Giorgi → thay thế bởi Valentini Grammatikopoulou
Anna Kalinskaya → thay thế bởi Carole Monnet
Kaia Kanepi → thay thế bởi Polina Kudermetova
Tereza Martincová → thay thế bởi Maria Timofeeva
Anastasia Potapova → thay thế bởi Rebecca Šramková
Viktoriya Tomova → thay thế bởi Storm Hunter
Taylor Townsend → thay thế bởi Tímea Babos
Nội dung đôi
Hạt giống
† Bảng xếp hạng vào ngày 3 tháng 7 năm 2023
Vận động viên khác
Đặc cách:
Adrienn Nagy / Amarissa Tóth
Rebeka Stolmár / Natália Szabanin
Nhà vô địch
Đơn
Maria Timofeeva đánh bại Kateryna Baindl, 6–3, 3–6, 6–0
Đôi
Katarzyna Piter / Fanny Stollár đánh bại Jessie Aney / Anna Sisková, 6–2, 4–6, [10–4]
Tham khảo
Liên kết ngoài
Budapest Grand Prix
Budapest Grand Prix |
19816602 | https://vi.wikipedia.org/wiki/Budapest%20Grand%20Prix%202023%20-%20%C4%90%C6%A1n | Budapest Grand Prix 2023 - Đơn | Maria Timofeeva là nhà vô địch, đánh bại Kateryna Baindl trong trận chung kết, 6–3, 3–6, 6–0. Timofeeva vô địch giải đấu trong lần đầu tham dự vòng đấu chính ở WTA Tour. Cô trở thành tay vợt thua cuộc may mắn đầu tiên giành một danh hiệu đơn WTA Tour sau Coco Gauff vào năm 2019 (là tay vợt thứ tư làm được), và là tay vợt đầu tiên giành một danh hiệu trong lần đầu tham dự tour sau Angelique Widjaja vào năm 2001.
Bernarda Pera là đương kim vô địch, nhưng thua ở vòng 1 trước Diana Shnaider.
Hạt giống
Kết quả
Chung kết
Nửa trên
Nửa dưới
Vòng loại
Hạt giống
Vượt qua vòng loại
Thua cuộc may mắn
Kết quả vòng loại
Vòng loại thứ 1
Vòng loại thứ 2
Vòng loại thứ 3
Vòng loại thứ 4
Vòng loại thứ 5
Vòng loại thứ 6
Tham khảo
Liên kết ngoài
Kết quả vòng đấu chính
Kết quả vòng loại
WTA Tour 2023 |
19816603 | https://vi.wikipedia.org/wiki/V%C3%B2ng%20lo%E1%BA%A1i%20gi%E1%BA%A3i%20v%C3%B4%20%C4%91%E1%BB%8Bch%20b%C3%B3ng%20%C4%91%C3%A1%20th%E1%BA%BF%20gi%E1%BB%9Bi%202006%20khu%20v%E1%BB%B1c%20ch%C3%A2u%20%C3%81%20%28V%C3%B2ng%204%29 | Vòng loại giải vô địch bóng đá thế giới 2006 khu vực châu Á (Vòng 4) | Vòng loại Giải vô địch bóng đá thế giới 2006 khu vực châu Á (vòng 4) được tổ chức vào ngày 8 tháng 10 và 12 tháng 10 năm 2005 giữa hai đội đứng thứ ba ở hai bảng tại vòng 3.
Đội thắng cuộc ở vòng này sẽ đá play-off với đại diện đến từ CONCACAF () để tranh tấm vé duy nhất dự FIFA World Cup 2006.
Trận lượt đi ban đầu được diễn ra vào ngày 3 tháng 9 năm 2005 nhưng trận đấu đã được FIFA yêu cầu đá lại sau một sai lầm của trọng tài. Khi dẫn trước 1–0, họ được hưởng một quả phạt đền nhưng trọng tài không công nhận bàn thắng và cho Bahrain một quả phạt gián tiếp vì phạm lỗi. Uzbekistan đã đề nghị được xử thắng 3–0 hoặc bắt đầu trận đá lại từ phút 39 khi họ đang dẫn 1–0 và được chơi hơn người.
Tóm tắt
Các trận đấu
Tổng tỉ số là 1–1. Bahrain giành chiến thắng theo luật bàn thắng sân khách và sẽ gặp đại diện đến từ CONCACAF () để tranh một tấm vé dự FIFA World Cup 2006.
Ghi chú
Xem thêm
Giải vô địch bóng đá thế giới 2006
Vòng loại Giải vô địch bóng đá thế giới 2006
Vòng loại giải vô địch bóng đá thế giới 2006 khu vực châu Á
Vòng loại giải vô địch bóng đá thế giới 2006 khu vực châu Á (Vòng 1)
Vòng loại giải vô địch bóng đá thế giới 2006 khu vực châu Á (Vòng 2)
Vòng loại giải vô địch bóng đá thế giới 2006 khu vực châu Á (Vòng 3)
Tham khảo
Vòng loại giải vô địch bóng đá thế giới 2006
Bóng đá châu Á năm 2005 |
19816604 | https://vi.wikipedia.org/wiki/Qu%E1%BB%91c%20l%E1%BB%99%2046C | Quốc lộ 46C | Quốc lộ 46C là một tuyến quốc lộ thứ yếu nằm hoàn toàn trong địa phận tỉnh Nghệ An.
Lộ trình
Quốc lộ 46C dài 112 km, là đường cấp III-IV, với 2-4 làn xe, có điểm đầu tại phường Nghi Hải thuộc thị xã Cửa Lò, và điểm cuối tại xã Nam Sơn thuộc huyện Đô Lương. Tuyến đường trên đi qua các địa phương bao gồm: thị xã Cửa Lò, huyện Nghi Lộc, thành phố Vinh, huyện Hưng Nguyên, huyện Nam Đàn, huyện Thanh Chương, huyện Đô Lương. Tuyến đường cũng đi qua huyện lỵ của một số địa phương như: thị trấn Hưng Nguyên (huyện Hưng Nguyên), thị trấn Nam Đàn (huyện Nam Đàn), thị trấn Thanh Chương (huyện Thanh Chương), thị trấn Đô Lương (huyện Đô Lương).
Dự án nâng cấp cầu treo sông Giăng
Quốc lộ 46C vượt sông Giăng qua cầu treo sông Giăng. Cây cầu này được khởi công xây dựng năm 1985 và đưa vào sử dụng năm 1987, có chiều dài 120 m, bề rộng 4 m. Sau nhiều năm sử dụng, cầu treo sông Giăng đã xuống cấp và dễ xảy ra tai nạn cho người dân. Sau đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đề xuất xây dựng cầu cứng mới thay cho cầu treo, có tổng mức đầu tư khoảng 68 tỷ đồng để đáp ứng nhu cầu lưu thông cao qua khu vực trên.
Tham khảo
Giao thông Nghệ An
Giao thông Việt Nam |
19816605 | https://vi.wikipedia.org/wiki/Budapest%20Grand%20Prix%202023%20-%20%C4%90%C3%B4i | Budapest Grand Prix 2023 - Đôi | Katarzyna Piter và Fanny Stollár là nhà vô địch, đánh bại Jessie Aney và Anna Sisková trong trận chung kết, 6–2, 4–6, [10–4].
Ekaterine Gorgodze và Oksana Kalashnikova là đương kim vô địch, nhưng chọn không bảo vệ danh hiệu.
Hạt giống
Kết quả
Kết quả
Tham khảo
Liên kết ngoài
Kết quả vòng đấu chính
Budapest Grand Prix - Đôi
Đôi 2023 |
19816612 | https://vi.wikipedia.org/wiki/L%E1%BA%BD%20th%C6%B0%E1%BB%9Dng | Lẽ thường | Lẽ thường, hay lương thức (tiếng Anh: Common sense) là phán đoán đúng đắn, thực tế liên quan đến các vấn đề hàng ngày hoặc vấn đề cơ bản để từ đó cách nhận thức, hiểu và phán đoán được gần như tất cả mọi người truyền đạt cho nhau.
Sự hiểu biết hàng ngày về lẽ thường xuất phát từ cuộc thảo luận triết học lịch sử liên quan đến một số ngôn ngữ châu Âu. Các thuật ngữ liên quan trong các ngôn ngữ khác bao gồm tiếng Latinh , tiếng Hy Lạp () và tiếng Pháp , nhưng đây không phải là cách dịch hợp lý trong mọi ngữ cảnh. Tương tự như vậy trong tiếng Anh, từ này có nhiều sắc thái nghĩa khác nhau, hàm ý ít nhiều liên quan đến học vấn và trí tuệ: "good sense" đôi khi được coi là tương đương với "common sense", đôi khi thì không.
"Lẽ thường" có ít nhất hai ý nghĩa triết học cụ thể. Một là khả năng của linh hồn động vật (, ) do Aristotle đề xuất để giải thích cách các ý thức khác nhau kết hợp với nhau và cho phép con người và các động vật khác phân biệt các đối tượng cụ thể. Lẽ thường này khác với tri giác giác quan cơ bản và lý tính của con người, nhưng có liên quan chặt chẽ với cả hai.
Ý nghĩa triết học thứ hai của thuật ngữ này chịu ảnh hưởng của La Mã và được sử dụng cho sự nhạy cảm tự nhiên của con người đối với những người khác và cộng đồng. Giống như nghĩa thông thường, cả hai nghĩa này đều đề cập đến một loại nhận thức cơ bản và khả năng phán đoán mà hầu hết mọi người đều mong muốn truyền đạt một cách tự nhiên, ngay cả khi họ không thể giải thích tại sao. Tất cả những ý nghĩa của "lẽ thường", bao gồm cả những ý nghĩa hàng ngày, được kết nối với nhau trong một lịch sử phức tạp và đã phát triển trong các cuộc tranh luận chính trị và triết học quan trọng trong nền văn minh phương Tây hiện đại, đặc biệt là liên quan đến khoa học, chính trị và kinh tế. Sự tương tác giữa các ý nghĩa đã trở nên đặc biệt đáng chú ý trong tiếng Anh, trái ngược với các ngôn ngữ Tây Âu khác, và thuật ngữ tiếng Anh đã được quốc tế hóa.
Kể từ Thời kỳ Khai Sáng, thuật ngữ "lẽ thường" đã được sử dụng để biện chứng cả về mặt tán thành, như một tiêu chuẩn cho gu thẩm mỹ tốt và nguồn gốc của các tiên đề khoa học và logic, và mặt không tán thành, tương đương với định kiến và mê tín dị đoan. Vào đầu thế kỷ 18, thuật ngữ triết học cũ này lần đầu tiên có được nghĩa tiếng Anh hiện đại: "Những sự thật đơn giản, hiển nhiên hoặc trí tuệ thông thường mà người ta không cần sự phức tạp để nắm bắt và không cần bằng chứng để chấp nhận chính xác bởi vì chúng rất phù hợp với năng lực và kinh nghiệm trí tuệ cơ bản (common sense) của mọi mặt xã hội." Điều này bắt đầu với sự chỉ trích của Descartes đối với nó, và lẽ thường trở thành cái được gọi là tranh chấp giữa "chủ nghĩa duy lý" và "chủ nghĩa kinh nghiệm". Trong dòng mở đầu của một trong những cuốn sách nổi tiếng nhất của ông, Discourse on Method, Descartes đã thiết lập ý nghĩa hiện đại phổ biến nhất cùng những tranh cãi của lẽ thường, khi ông tuyên bố rằng mọi người đều có một mức độ thông thường tương tự nhau và đủ (), nhưng nó hiếm khi được sử dụng tốt. Do đó, cần phải tuân theo một phương pháp logic hoài nghi do Descartes mô tả và không nên quá tin tưởng vào lẽ thường. Trong thế kỷ 18 giữa Thời kỳ Khai Sáng, lẽ thường đã được nhìn nhận tích cực hơn như là cơ sở cho tư duy hiện đại. Nó trái ngược với siêu hình học, giống như thuyết Descartes, gắn liền với . Cuốn sách mang tính luận chiến Common Sense (1776) của Thomas Paine được mô tả là tác phẩm về chính trị có ảnh hưởng nhất trong thế kỷ 18, ảnh hưởng đến cả hai cuộc cách mạng Mỹ và Pháp. Ngày nay, khái niệm về lẽ thường, và cách sử dụng nó tốt nhất, vẫn được liên kết với nhiều chủ đề lâu đời nhất trong tri thức luận và luân lý học, đặc biệt tập trung vào lĩnh vực triết học của khoa học xã hội hiện đại.
Tham khảo
Tài liệu
. The Loeb Classical Library edition of 1986 used the 1936 translation of W.S Hett, and the standardised Greek text of August Immanuel Bekker. The more recent translation by Joe Sachs (see below) attempts to be more literal.
Translated by Anthony Kenny. Descartes discusses his use of the notion of the common sense in the sixth meditation.
. Translated by Stephen H. Voss.
Stebbins, Robert A. Leisure's Legacy: Challenging the Common Sense View of Free Time. Basingstoke, UK: Palgrave Macmillan, 2017.
Vico, Giambattista. On the Study Methods of our Time, trans. Elio Gianturco. Ithaca, NY: Cornell University Press, 1990.
. Translated by Bergin and Fisch.
Đọc thêm
Niềm tin
Khái niệm nhận thức luận
Văn hóa dân gian
Triết học Đức
Tu từ học |
19816614 | https://vi.wikipedia.org/wiki/Hakan%20%C5%9E%C3%BCk%C3%BCr | Hakan Şükür | Hakan Şükür (; sinh ngày 1 tháng 9 năm 1971) là một cựu cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp người Thổ Nhĩ Kỳ thi đấu ở vị trí tiền đạo cắm. Có biệt danh là "Bò mộng Bosphorus" và Kral (vua), ông đã dành phần lớn sự nghiệp chuyên nghiệp của mình với Galatasaray, ba lần Gol Kralı (Goal King, danh hiệu và giải thưởng được trao cho cầu thủ ghi bàn hàng đầu hàng năm của Süper Lig), đại diện cho câu lạc bộ trong ba giai đoạn khác nhau và giành được tổng cộng 14 danh hiệu lớn.
Şükür đã đại diện cho Thổ Nhĩ Kỳ tổng cộng 112 lần, ghi được 51 bàn thắng, trở thành cầu thủ ghi bàn hàng đầu của quốc gia và hạng 19 thế giới vào thời điểm ông giải nghệ. Là một trong những tiền đạo ghi nhiều bàn thắng nhất trong kỷ nguyên hiện đại, ông đã ghi 383 bàn thắng trong suốt sự nghiệp cấp câu lạc bộ của mình cũng như bàn thắng nhanh nhất từ trước đến nay tại World Cup, vào năm 2002. Ông đã giã từ bóng đá vào năm 2008.
Trong cuộc Tổng tuyển cử năm 2011, ông được bầu làm nghị sĩ Istanbul cho Đảng Công lý và Phát triển. Ông đã từ chức khỏi đảng vào tháng 12 năm 2013, để phục vụ với tư cách là chính khách độc lập. Ông bị truy nã ở Thổ Nhĩ Kỳ kể từ tháng 8 năm 2016 vì là thành viên của phong trào Gülen và đã sống lưu vong ở Hoa Kỳ từ giữa năm 2016.
Sự nghiệp câu lạc bộ
Sự nghiệp quốc tế
Şükür có lần đầu tiên khoác áo Thổ Nhĩ Kỳ trong trận giao hữu với Luxembourg vào tháng 3 năm 1992 – trận ra mắt của ông được trao bởi huấn luyện viên người Đức Sepp Piontek – ghi bàn thắng quốc tế đầu tiên trong trận đấu tiếp theo, trước Đan Mạch, và ghi tổng cộng sáu bàn trong 11 lần ra sân đầu tiên. Ông ghi bảy bàn vòng loại cho UEFA Euro 1996 và đá chính tất cả các trận tại vòng chung kết ở Anh, trong đó họ bị loại ở vòng bảng mà không ghi nổi một bàn thắng nào.
Şükür đã ghi tám bàn tại vòng loại cho FIFA World Cup 1998: một nửa số đó trong chiến thắng 6–4 trên sân nhà trước Wales vào ngày 20 tháng 8 năm 1997, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ đã không lọt vào vòng play-off. Tại Euro 2000, ông ghi hai bàn cho đội vào tứ kết, trong chiến thắng 2–0 ở vòng bảng trước đội đồng chủ nhà Bỉ.
Tại FIFA World Cup 2002, được tổ chức tại Hàn Quốc và Nhật Bản, Şükür đã ghi một bàn cho Thổ Nhĩ Kỳ trong bảy trận đấu, khi đội tuyển quốc gia kết thúc ở vị trí thứ ba. Vào ngày 29 tháng 6, anh ghi bàn thắng nhanh nhất chưa từng có tại FIFA World Cup, vào lưới Hàn Quốc 10,8 giây trong trận play-off tranh hạng ba, mà Thổ Nhĩ Kỳ đã giành chiến thắng 3–2.
Trong số 112 lần ra sân cấp cao của ông, Şükür đeo băng đội trưởng Thổ Nhĩ Kỳ ở tuổi ba mươi. Sau khi xuất hiện ở một số Vòng loại Euro 2008, đáng chú ý là ghi bốn bàn vào lưới Moldova trong chiến thắng 5–0 trước Frankfurt, Đức, ông không được chọn vào vòng chung kết, trận đấu cuối cùng của ông là trận thua 0–1 trên sân nhà trước Hy Lạp ở tuổi 36 (17 tháng 10 năm 2007).
Đời tư
Şükür có nguồn gốc Albania. Cha mẹ anh đều là người nhập cư từ Nam tư, cha ông sinh ra ở Pristina, và mẹ ông ở Skopje. Họ của ông được đánh vần là "Shykyr" trong tiếng Albania. Người vợ đầu tiên của ông, Esra Elbirlik, kết hôn với ông trong một buổi lễ được truyền hình trực tiếp, được khởi xướng bởi Thủ tướng Tansu Çiller và được thực hiện bởi Thị trưởng Istanbul Recep Tayyip Erdoğan.
Cặp đôi ly hôn sau bốn tháng, Elbirlik và gia đình cô ấy chết trong trận động đất ở İzmit năm 1999. Şükür có ba người con với người vợ thứ hai, Beyda. Năm 2010, sân vận động bóng đá Sancaktepe được đặt theo tên ông. Vào tháng 4 năm 2014, tên của ông lại bị xóa.
Chính trị
Vào ngày 18 tháng 6 năm 2011, Şükür đã được bầu làm nghị sĩ quốc hội vào Hội nghị Đại quốc dân Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc Tổng tuyển cử năm 2011, từ Đảng Công lý và Phát triển (AKP), đại diện cho khu vực bầu cử thứ 2 của Tỉnh Istanbul.
Vào ngày 16 tháng 12 năm 2013, Şükür, được biết đến với mối liên hệ với phong trào Gülen Hồi giáo của giáo sĩ Thổ Nhĩ Kỳ Fethullah Gülen, đã từ chức để phản đối sau sự ngăn cấm của hệ thống "dershane" của nhóm, và quyết định tiếp tục làm việc với tư cách là một nghị sĩ độc lập. Sau đó, ông tiếp tục làm chuyên gia bóng đá cho Tập đoàn Phát thanh và Truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ.
Truy tố và đày ải
Vào tháng 2 năm 2016, Şükür bị buộc tội xúc phạm tổng thống Recep Tayyip Erdoğan trên Twitter. Vào tháng 8, lệnh bắt giữ ông được ban hành vì ông bị buộc tội là thành viên của phong trào Gülen, được chỉ định là một tổ chức khủng bố ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Şükür trốn khỏi Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 11 năm 2017, sống lưu vong ở San Francisco, California và dự định trở thành chủ nhà hàng ở Palo Alto. Ông bỏ nghề vì "người lạ cứ vào bar".
Vào tháng 1 năm 2020, Şükür nói với Welt am Sonntag của Đức rằng ông đang làm tài xế Uber và bán sách ở Hoa Kỳ. Ông cũng nói rằng nhà cửa, cơ sở kinh doanh và tài khoản ngân hàng của ông ở Thổ Nhĩ Kỳ đã bị chính phủ tịch thu.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ dường như vẫn rất nhạy cảm với chủ đề này. Vào tháng 12 năm 2022 trong buổi phát sóng của TRT của trận đấu World Cup giữa Canada và Maroc, bình luận viên Alper Bakircigil đã bình luận về bàn thắng ở phút thứ tư của Hakim Ziyech về kỷ lục do Şükür nắm giữ, người đã ghi bàn thắng nhanh nhất trong lịch sử World Cup với 10,8 giây, trong trận tranh hạng ba với Hàn Quốc tại World Cup 2002. Anh ta đã bị loại khỏi chương trình phát sóng vào giờ nghỉ giữa hiệp và bị đuổi việc vào cuối ngày hôm đó. Các tài khoản tin tức suy đoán rằng việc anh bị sa thải là do chủ của anh ta (TRT do nhà nước điều hành) phản ứng với việc nhắc đến cái tên này.
Thống kê sự nghiệp
Danh hiệu
Đọc thêm
Tham khảo
Danh mục
Liên kết ngoài
Sinh năm 1971
Người còn sống
Cầu thủ Giải vô địch bóng đá thế giới 2002
Cầu thủ bóng đá Blackburn Rovers F.C.
Cầu thủ bóng đá Bursaspor
Cầu thủ bóng đá Galatasaray S.K.
Phong trào Gülen
Cầu thủ bóng đá Inter Milan
Nhân vật còn sống
Cầu thủ bóng đá Parma Calcio 1913
Cầu thủ bóng đá Premier League
Cầu thủ bóng đá Serie A
Cầu thủ bóng đá Süper Lig
Cầu thủ bóng đá Torino F.C.
Cầu thủ đội tuyển bóng đá quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ
Cầu thủ đội tuyển bóng đá U-21 quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ
Cầu thủ đội tuyển bóng đá trẻ quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ
Người Thổ Nhĩ Kỳ lưu vong
Cầu thủ vàng UEFA |
19816615 | https://vi.wikipedia.org/wiki/Internazionali%20Femminili%20di%20Palermo%202023 | Internazionali Femminili di Palermo 2023 | Internazionali Femminili di Palermo 2023 (or Palermo Ladies Open) là một giải quần vợt nữ chuyên nghiệp thi đấu trên mặt sân đất nện ngoài trời. Đây là lần thứ 31 giải đấu được tổ chức và là một phần của WTA Tour 2023. Giải đấu diễn ra tại Country Time Club ở Palermo, Ý, từ ngày 17 đến ngày 23 tháng 7 năm 2023.
Nội dung đơn
Hạt giống
† Bảng xếp hạng vào ngày 3 tháng 7 năm 2023
Vận động viên khác
Đặc cách:
Fiona Ferro
Camilla Rosatello
Zheng Qinwen
Vượt qua vòng loại:
Tessah Andrianjafitrimo
Nuria Brancaccio
Tatiana Prozorova
Mia Ristić
Eva Vedder
Aurora Zantedeschi
Thua cuộc may mắn:
Francesca Curmi
Sofya Lansere
Rút lui
Anna-Lena Friedsam → thay thế bởi Francesca Curmi
Elizabeth Mandlik → thay thế bởi Sofya Lansere
Alycia Parks → thay thế bởi Viktorija Golubic
Elina Svitolina → thay thế bởi Dayana Yastremska
Ajla Tomljanović → thay thế bởi Erika Andreeva
Nội dung đôi
Hạt giống
† Bảng xếp hạng vào ngày 3 tháng 7 năm 2023
Rút lui
Anna-Lena Friedsam / Arantxa Rus → thay thế bởi Nigina Abduraimova / Sofya Lansere
Ankita Raina / Prarthana Thombare → thay thế bởi Sara Errani / Jasmine Paolini
Nhà vô địch
Đơn
Zheng Qinwen đánh bại Jasmine Paolini, 6–4, 1–6, 6–1
Đôi
Yana Sizikova / Kimberley Zimmermann đánh bại Angelica Moratelli / Camilla Rosatello, 6–2, 6–4
Tham khảo
Liên kết ngoài
Trang web chính thức
Internazionali Femminili di Palermo
Internazionali Femminili di Palermo
Thể thao nữ Ý năm 2023
Quần vợt Ý năm 2023 |
19816616 | https://vi.wikipedia.org/wiki/S%C3%A0n | Sàn | Sàn là bề mặt dưới của một căn phòng hoặc phương tiện di chuyển. Sàn có thể thay đổi từ đất trống đơn giản trong một hang động đến các bề mặt nhiều lớp được làm bằng công nghệ hiện đại. Sàn có thể là đá, gỗ, tre, kim loại hoặc bất kỳ vật liệu nào khác có thể chịu được tải trọng dự kiến.
Các tầng của một tòa nhà thường được gọi là các tầng, mặc dù đôi khi cũng được gọi là tầng.
Thường thì sàn bao gồm một lớp nền để hỗ trợ và một lớp phủ sàn được sử dụng để tạo ra bề mặt đi bộ tốt. Trong các tòa nhà hiện đại, lớp nền thường có dây điện, ống nước và các dịch vụ khác được tích hợp. Vì sàn phải đáp ứng nhiều nhu cầu, trong đó có những yêu cầu về an toàn, các sàn được xây dựng tuân thủ các mã xây dựng nghiêm ngặt ở một số khu vực.
Chú thích
Liên kết ngoài
Vật liệu xây dựng
Hệ thống kết cấu |
19816619 | https://vi.wikipedia.org/wiki/Internazionali%20Femminili%20di%20Palermo%202023%20-%20%C4%90%C6%A1n | Internazionali Femminili di Palermo 2023 - Đơn | Zheng Qinwen là nhà vô địch, đánh bại Jasmine Paolini trong trận chung kết, 6–4, 1–6, 6–1. Đây là danh hiệu đơn WTA Tour đầu tiên của Zheng, và cô là tay vợt Trung Quốc đầu tiên vô địch nội dung đơn tại Palermo.
Irina-Camelia Begu là đương kim vô địch, nhưng cô chọn tham dự giải WTA 125 ở Iași.
Hạt giống
Kết quả
Chung kết
Nửa trên
Nửa dưới
Vòng loại
Hạt giống
Vượt qua vòng loại
Thua cuộc may mắn
Kết quả vòng loại
Vòng loại thứ 1
Vòng loại thứ 2
Vòng loại thứ 3
Vòng loại thứ 4
Vòng loại thứ 5
Vòng loại thứ 6
Tham khảo
Liên kết ngoài
Kết quả vòng đấu chính
Kết quả vòng loại
WTA Tour 2023 |
19816622 | https://vi.wikipedia.org/wiki/Internazionali%20Femminili%20di%20Palermo%202023%20-%20%C4%90%C3%B4i | Internazionali Femminili di Palermo 2023 - Đôi | Anna Bondár và Kimberley Zimmermann là đương kim vô địch, nhưng Bondár chọn tham dự ở Budapest. Zimmermann đánh cặp với Yana Sizikova và bảo vệ thành công danh hiệu, đánh bại Angelica Moratelli và Camilla Rosatello trong trận chung kết, 6–2, 6–4. Đây là danh hiệu đôi thứ 3 liên tiếp của Zimmermann ở Palermo.
Hạt giống
Hạt giống hàng đầu được miễn vào vòng tứ kết.
Kết quả
Kết quả
Tham khảo
Liên kết ngoài
Kết quả vòng đấu chính
Internazionali Femminili di Palermo - Đôi
Đôi 2023 |
19816624 | https://vi.wikipedia.org/wiki/Pokemon%20Horizons | Pokemon Horizons | Pokémon Horizons: The Series(tiếng nhật:ポケットモンスター リコとロイの旅立 Tiếng anh:Liko and Roy's Departure) dịch sang tiếng Việt là Cuộc hành trình của Liko và Roy là mùa thứ 26 của Series Pokémon được công chiếu lần đầu tại Nhật Bản trên TV Tokyo vào ngày 14 tháng 4 năm 2023.Đây được coi là Phần Series pokemon đầu tiên không nhân vật chính Satoshi và Pikachu thay vào đó là Liko và Roy,Thiết kế nhân vật do Rei Yamazaki phụ trách, âm nhạc do Conisch sáng tác, biên tập âm thanh là Naotsugu Uchida và Akane Yamago.
Nhạc
Nhạc mở đầu của phim là ドキメキダイアリー, Dokimeki Daiarī (Tiếng việt:"Nhật ký thót tim") của asmi kết hợp với Chinozo. Nhạc kết thúc của phim là RVR〜ライジングボルテッカーズラップ〜 , RVR: Raijingu Borutekkāzu Rappu ("RVR: Rap Voltackers vang lên" ), là một bài hát do Suzuki Minori thực hiện trong vai Liko,do Yuka Terasaki trong vai Roy thể hiện.
Chú Thích
Anime truyền hình dài tập năm 2023 |
19816625 | https://vi.wikipedia.org/wiki/Danh%20s%C3%A1ch%20t%E1%BA%ADp%20phim%20Pok%C3%A9mon%3A%20Pokemon%20Horizons | Danh sách tập phim Pokémon: Pokemon Horizons | Pokémon Horizons: (tiếng nhật:ポケットモンスター リコとロイの旅立 Tiếng anh:Liko and Roy's Departure) dịch sang tiếng Việt là Cuộc hành trình của Liko và Roy là phần thứ 26 của Series Pokémon được công chiếu lần đầu tại Nhật Bản trên TV Tokyo vào ngày 14 tháng 4 năm 2023.Đây được coi là Phần Series pokemon đầu tiên không nhân vật chính Satoshi và Pikachu thay vào đó là Liko và Roy ,Thiết kế nhân vật do Rei Yamazaki phụ trách, âm nhạc do Conisch sáng tác, biên tập âm thanh là Naotsugu Uchida và Akane Yamago.
Chú Thích |
19816627 | https://vi.wikipedia.org/wiki/V%C3%A1n%20s%C3%A0n | Ván sàn | Ván sàn là thuật ngữ chung cho một lớp phủ cố định của một sàn, hoặc cho công việc lắp đặt một lớp phủ sàn như vậy. Lớp phủ sàn là một thuật ngữ để mô tả chung bất kỳ vật liệu hoàn thiện nào được áp dụng lên cấu trúc sàn để cung cấp một bề mặt đi lại. Cả hai thuật ngữ đều được sử dụng có thể thay thế cho nhau nhưng lớp phủ sàn thường chỉ đến các vật liệu rải lỏng.
Vật liệu hầu như luôn được phân loại là sàn bao gồm thảm, gỗ công nghiệp, gạch, và vinyl.
Sàn dưới
Sàn dưới lớp sàn được gọi là sàn dưới, nơi cung cấp sự hỗ trợ cho lớp sàn. Có các loại sàn dưới đặc biệt như sàn nổi, sàn nâng hoặc sàn nhảy có thể được lắp đặt trên một sàn dưới khác cung cấp độ cứng vững cấu trúc. Sàn dưới ở mức dưới mặt đất (dưới lòng đất) hoặc sàn tầng trệt trong các toà nhà không có tầng hầm thường có sàn dưới bằng bê tông. Sàn dưới ở mức trên mặt đất (trên mặt đất) thường có sàn dưới bằng gỗ dán.
Vật liệu sàn
Lựa chọn vật liệu cho lớp phủ sàn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như chi phí, độ bền, cách âm, sự thoải mái, và công sức làm sạch. Một số loại sàn không được lắp đặt dưới mặt đất, bao gồm gỗ công nghiệp và gỗ tự nhiên do tiềm năng hư hỏng từ độ ẩm.
Sàn dưới có thể được hoàn thiện theo cách mà nó có thể sử dụng mà không cần công việc thêm, xem:
Sàn đất bằng đất sét hoặc đất sét
Sàn bê tông, các lớp phẳng/nhám/granit bằng bê tông, bê tông cải tiến bằng polyme và các lớp phẳng/nhám.
Thảm
Thảm là một loại sàn mềm được làm từ sợi thảm buộc lại hoặc sợi đóng ghim. Thảm chỉ đến việc lót từ tường này sang tường kia, trong khi thảm lớn chỉ được sử dụng để che một không gian. Loại sàn này thường được sử dụng trong nhà và có thể được sử dụng ở cả khu vực lưu lượng lớn và thấp. Nó thường kéo dài 15-18 năm trước khi cần được thay thế. Chất lượng của một thảm thường được đo bằng trọng lượng mặt, hoặc có bao nhiêu sợi trên mỗi inch vuông. Trọng lượng mặt càng cao thì thảm càng mềm mại.
Thảm có nhiều loại vật liệu khác nhau bao gồm len, nylon, olefin và polyester.
Có các loại thảm khác nhau như thảm xoắn, thường được gọi là berber. Thảm xoắn được làm từ nhiều sợi xoắn được đặt vào lớp lót thảm. Nó thường được sử dụng ở khu vực lưu lượng thấp. Một loại thảm khác là thảm vòng, được làm từ sợi vòng được đặt vào lớp lót thảm. Loại thảm này thường được sử dụng ở khu vực lưu lượng lớn vì nó dễ dàng làm sạch.
Có bốn chiều rộng phổ biến cho thảm: 6' rộng, 12' rộng, 13'6" rộng, và 15' rộng.
Phương pháp lắp đặt
Hiện nay, có hai hình thức chính để lắp đặt thảm: lắp đặt không cần đinh và lắp đặt bằng keo trực tiếp. Lắp đặt không cần đinh xảy ra khi thanh đinh được lắp đặt xung quanh viền của một căn phòng và thảm được căng qua lớp đệm lên những thanh đinh đó để giữ nó ở vị trí. Trước phương pháp lắp đặt này, thảm được gắn đinh vào toàn bộ lắp đặt bằng ghim, do đó phương pháp mới được gọi là lắp đặt không cần đinh; vì bạn không còn cần móng tay ở giữa sàn. Lắp đặt bằng keo trực tiếp xảy ra khi bạn thoa keo đặc biệt cho thảm lên bề mặt và sau đó cuốn thảm lên lớp keo để giữ nó ở vị trí.
Lớp lót dưới thảm
Lớp đệm có thể được đặt dưới thảm để tăng thêm sự thoải mái và cung cấp một ít cách âm. Mức độ thoải mái phụ thuộc vào loại vật liệu sử dụng, có thể bao gồm bọt nhớ và cao su tái chế.
Lớp lót dưới thảm được đánh giá theo mật độ tính bằng đơn vị pound. Ví dụ, bạn có thể mua một lớp đệm thảm với đánh giá mật độ 8 pound, sẽ mềm hơn so với lớp đệm thảm có đánh giá mật độ 10 pound. Lớp đệm mềm hơn sẽ mang lại cảm giác đi trên thảm tốt hơn, nhưng có thể giảm độ bền của thảm đặt lên trên nó. Mật độ càng cao, thảm càng bền.
Sàn gỗ
Có nhiều loài gỗ khác nhau được chế tạo thành sàn gỗ với hai hình thức chính: sàn ván và đan chéo. Gỗ cứng thường bền hơn nhiều so với gỗ mềm. Gỗ tái chế có một diện mạo độc đáo và được sử dụng trong Xây dựng xanh|công trình xây dựng xanh (tiêu chuẩn môi trường). Khả năng dẫn nhiệt của sàn gỗ cứng thấp hơn so với sàn gỗ dán ép.
Sàn gỗ kỹ thuật có một lớp gỗ cứng mỏng ở phía trên với lõi composite. Đây có thể là một lựa chọn giá rẻ hơn so với việc mua sàn gỗ thật, nhưng không thể mài và sơn lại được. Loại sàn này thường được lắp đặt bằng phương pháp khóa chặt.
Sàn gỗ tre là một loại sàn được sản xuất từ cây tre và không phải là loại sàn gỗ. Tre được biết đến với tính bền và thân thiện với môi trường. Nó có sẵn trong nhiều mẫu, màu sắc và kết cấu khác nhau. Có ba loại cấu trúc sàn gỗ tre: cắt ngang, cắt dọc và dệt sợi tre. Dệt sợi tre là loại cứng nhất và bền nhất trong ba loại này.
Sàn nhựa bằng vật liệu sản xuất từ phụ phẩm của cây sồi nhựa (cork oak tree). Sàn nhựa được xem là thân thiện với môi trường vì vỏ cây sồi nhựa được lột mỗi chín đến mười năm và không gây hại cho cây. Sàn nhựa có dạng dạng viên gạch và thanh, có thể cần keo hoặc không cần keo khi lắp đặt.
Độ bền và cứng của gỗ cứng được xác định bởi hệ thống xếp hạng gọi là thang đo độ cứng Janka. Thang đo Janka là lượng PSI cần thiết để nhúng một quả bóng thép vào gỗ cứng. Càng cần nhiều PSI để làm điều đó, gỗ càng cứng.
Laminate
Laminate là một loại vật liệu lót sàn giống như gỗ cứng nhưng được làm từ lõi gỗ dán hoặc sợi gỗ trung bình ("MDF") với lớp phủ nhựa laminate trên cùng. Laminate HDF bao gồm sợi gỗ mật độ cao được phủ bởi một hoặc nhiều lớp giấy trang trí và một lớp bảo vệ trong suốt. Laminate có thể bền hơn gỗ cứng, nhưng không thể tái tạo như gỗ cứng. Sàn laminate có sẵn trong nhiều họa tiết khác nhau, có thể giống các loại gỗ khác nhau hoặc thậm chí gạch men. Nó thường được khóa hoặc gõ vào nhau. Cần có lớp đệm dưới sàn laminate để kiểm soát độ ẩm và tiếng ồn.
Phương pháp lắp đặt phổ biến cho sàn laminate là lắp đặt nổi, có nghĩa là sàn được kết nối với nhau để hình thành hệ thống sàn liên kết và không được gắn vào sàn phụ, có nghĩa là nó có thể "nổi" trên nhiều loại sàn khác nhau. Điều này bao gồm các loại sàn hiện có như gạch men và sàn gỗ cứng. Đây là phương pháp lắp đặt linh hoạt nhất vì nó có thể được đặt trên bất kỳ chất nền nào miễn là nó bằng phẳng.
Sàn hybrid
Hybrid kết hợp những đặc điểm tốt nhất của cả laminate và vinyl để tạo ra một sàn nổi cứng có thể được lắp đặt trên toàn bộ ngôi nhà. Hybrid được làm từ nhiều lớp vật liệu được ép chung lại với nhau để tạo ra một sàn cực kỳ bền.
Sàn cứng
Sàn cứng (không nên nhầm lẫn với "gỗ cứng") là một nhóm các vật liệu lót sàn bao gồm bê tông hoặc xi măng, gạch sứ, gạch kính, và các sản phẩm đá tự nhiên.
Gạch sứ là sản phẩm từ đất sét được tạo thành dạng gạch mỏng và nung cháy. Gạch sứ được đặt trên lớp vữa hoặc chất kết dính với các đường nối giữa các viên gạch được trám. Các loại gạch sứ bao gồm gạch đá mỏ, gạch sứ, gạch đất nung.
Nhiều loại đá tự nhiên khác nhau được cắt thành nhiều kích thước, hình dạng, và độ dày khác nhau để sử dụng làm sàn. Phương pháp lắp đặt sàn đá tương tự như gạch sứ. Đá phiến và đá cẩm thạch là các loại sàn đá phổ biến cần được đánh bóng và dùng chất kết dính. Các hạt đá dùng trong xây dựng, như Terrazzo, cũng có thể được sử dụng thay vì đá cắt thô và có sẵn dưới dạng viên gạch đã được tạo hình hoặc được xây dựng ngay tại chỗ bằng vữa xi măng.
Gạch sứ có thể được sử dụng thay cho đá tự nhiên. Đây là một vật liệu gốm giống như gạch; tuy nhiên, nó thường có độ dày và thường có dạng hình vuông với kích thước .
Bê tông mài bóng
Sàn bằng bê tông hoặc xi măng cũng được sử dụng vì khả năng của nó được xử lý để tạo cảm giác khác nhau và độ bền của nó, chẳng hạn như bê tông mài bóng. Việc tái tạo bề mặt sàn bằng epoxy được sử dụng để cập nhật hoặc nâng cấp bề mặt sàn bê tông trong các ứng dụng thương mại và nhà ở - xem mục sàn polymer liền mạch phía dưới.
Sàn gạch nổi, còn được gọi là sàn gạch mô-đun, bao gồm một loạt các sản phẩm gạch sứ và gạch men có thể được lắp đặt mà không cần sử dụng keo hoặc vữa. Nói chung, gạch được chỉnh sửa với các kích thước chính xác, và được kết nối với một cơ sở liên kết. Một số sản phẩm yêu cầu sử dụng vữa linh hoạt và một số sản phẩm khác có một dải vữa tích hợp. Những lợi ích bao gồm tốc độ lắp đặt, sự dễ dàng sử dụng, khả năng tái sử dụng, và chi phí thấp so với việc sử dụng các phương pháp lắp đặt gạch truyền thống.
Sàn dẻo
Khác với gạch men và đá, được làm từ khoáng chất, sàn dẻo được làm từ các vật liệu có độ đàn hồi nhất định, tạo cho sàn có một mức độ linh hoạt gọi là độ dẻo dai. Các bề mặt biểu diễn dùng cho múa hoặc thể thao thường được làm từ gỗ hoặc sàn dẻo.
Sàn dẻo bao gồm nhiều sản phẩm khác nhau bao gồm linoleum, vinyl dạng tấm, gạch vinyl tổng hợp (VCT), nút cây (dạng tấm hoặc gạch), và cao su.
Sàn vinyl có sẵn dưới dạng tấm lớn hoặc gạch đã cắt sẵn; loại trước là dẻo dai. Một số sản phẩm có keo đã được dán sẵn cho việc lắp đặt dạng b peel-and-stick, trong khi những sản phẩm khác yêu cầu keo phải được phết lên bề mặt nền.
Hai loại cơ bản của gạch vinyl là vinyl nguyên chất (sản phẩm với nội dung vinyl hoặc chất kết dính cao hơn 34%) và vinyl tổng hợp (sản phẩm với nội dung vinyl hoặc chất kết dính thấp hơn 34%), và ba loại cơ bản của sàn vinyl dạng tấm là đồng nhất, inlaid, và lớp phức hợp. Những loại sàn vinyl này khác nhau về quá trình sản xuất và nội dung, nội dung vinyl (polyvinyl chloride) dao động từ 11% đến 55%.
Các sản phẩm sàn dẻo, như PVC và polypropylene đang trở nên phổ biến hơn trong các ứng dụng đặc biệt như sàn của xe tải và sàn garage. Cũng có các ứng dụng mới xuất hiện cho sàn tàu biển. Có những yếu tố quan trọng cần xem xét trong các ứng dụng đặc biệt, có thể không có trong ứng dụng tiêu chuẩn. Ví dụ, một số loại lốp xe sẽ để lại dấu trên sàn PVC nhưng những dấu vết đó sẽ kém rõ rệt hơn trên các sản phẩm polypropylene. Keo dính cũng thay đổi dựa trên ứng dụng.
Sàn polymer liền mạch
Có nhiều loại vật liệu sàn liền mạch khác nhau có sẵn, từ polymer latex tự khô cho tới nhựa tự cứng thermoset resin như urethane, polyaspartic và epoxy không tan trong nước, trong dung môi hoặc không dung môi. Khi được áp dụng dưới dạng lỏng, khi cho phép khô và/hoặc cứng để tạo ra lớp phủ sàn hoàn toàn liền mạch.
Chúng được sử dụng trong các tình huống từ bảo vệ đơn giản sàn garage gia đình, tới việc phục hồi và bảo vệ sàn thương mại và công nghiệp. Chúng cũng được sử dụng để giải quyết một loạt các vấn đề trong công nghiệp như các khu vực ẩm trong phòng thí nghiệm hoặc nhà máy chế biến thực phẩm, nơi các chất tràn như dầu và mỡ có xu hướng dễ dàng hấp thụ và/hoặc khó làm sạch. Lý do khác để phủ bê tông bằng sàn nhựa tổng hợp là để cải thiện khả năng chống hóa chất, tăng cường khả năng chống va đập và mài mòn, và vì mục đích ngoại hình thẩm mỹ.
Sàn polymer liền mạch có thể có nhiều hình thức:
Lớp phủ sàn được áp dụng ở dưới 6 mil (0,15 mm)
Lớp phủ sàn được áp dụng ở 6 - 12 mil (0,15 – 0,3 mm)
Lớp phủ sàn dày được áp dụng ở 6 - 40 mil (0,15 – 1 mm)
Sàn có hạt nhúng được áp dụng vượt quá 80 mil (2 mm)
Dòng sàn tự phẳng/tự cân bằng được áp dụng ở 80 – 120 mil (2 – 3 mm)
Sàn nhựa dẻo gắn kết được hoàn thiện bằng xiên được áp dụng vượt quá 160 mil (4 mm)
Sàn dày dặn tự chảy được áp dụng ở 160 – 240 mil (4 – 6 mm)
Sàn nhựa dẻo chịu tải nặng được hoàn thiện bằng xiên được áp dụng vượt quá 240 mil (6 mm)
Chúng thường có các hạt cơ bản hoặc các hạt cao su được thêm vào để tạo độ bám tốt hơn/kháng trượt trên các lối đi và bậc thang, đặc biệt là ở các khu vực thường xuyên được rửa, và cho độ bám tốt hơn/kháng trượt trên các làn đi.
Sàn bền vững
Sàn bền vững được sản xuất từ các vật liệu bền vững hơn (và thông qua các quy trình bền vững hơn) giảm yêu cầu đối với các hệ sinh thái trong suốt chu kỳ đời của nó.
Các tính năng
Có một số tính năng đặc biệt có thể được sử dụng để trang trí hoặc cung cấp các dịch vụ hữu ích cho sàn:
Medallion sàn: Là những trung tâm trang trí tạo điểm nhấn cho thiết kế sàn.
Thảm cửa: Giúp giữ cho sàn luôn sạch sẽ.
Lưới lọc nước: Được sử dụng để thoát nước hoặc làm sạch bụi bẩn trên giày.
Vạch nổi hoặc vạch cảnh báo: Dùng để cảnh báo ví dụ như nơi có ramp xe lăn, thường được sơn màu hoặc có họa tiết đặc biệt.
Đèn dẫn đường: Sử dụng để chỉ đường thoát hiểm, đặc biệt là trên máy bay.
Tấm trang trí hoặc baseboard: Dùng để trang trí hai bên của sàn hoặc che phủ mép của sàn nổi.
Tấm chống trơn trượt: Có thêm hạt hoặc hạt cao su giúp bánh xe, giày hoặc chân có độ bám tốt hơn.
Xem thêm
Vệ sinh sàn
Tham khảo
Sàn nhà |
19816629 | https://vi.wikipedia.org/wiki/Mafalda%20c%E1%BB%A7a%20Castilla | Mafalda của Castilla | Mafalda của Castilla, hay Mafalda de Castilla y Plantagenet (tiếng Tây Ban Nha: Mafalda de Castilla; tiếng Anh: Mafalda of Castile; 1191—1204) là một Vương nữ Castilla, con gái của Alfonso VIII của Castilla và Eleanor của Anh, chị gái của Enrique I của Castilla và em gái của Berenguela I của Castilla.
Tiểu sử
Mafalda của Castilla sinh ra tại Plasencia, là người con thứ bảy và là con gái thứ năm của Alfonso VIII của Castilla và Eleanor của Anh. Năm 1204, Vương nữ đính hôn với Vương tử Fernando của León (qua đời năm 1214), con trai của Alfonso IX của León. Hôn ước giữa Mafalda và Fernando không thành vì Vương nữ đã qua đời vào năm 1204 tại Salamanca.
Mafalda được chôn cất tại Tu viện Thánh María la Real de Las Huelgas ở Burgos. Trên bia mộ của Mafalda có khắc dòng văn bia rằng:
"AQUÍ YACE DOÑA MAFALDA, HIJA DE ALFONSO VIII Y DE LA REINA DOÑA LEONOR Y HERMANA DE DOÑA BERENGUELA, QUE FINÓ EN SALAMANCA POR CASAR, EN 1204".
Vương tử Pedro de Castilla, Lãnh chúa xứ Cameros cũng được chôn cất trong cùng một gian với Mafalda.
Gia phả
Tham khảo
Nguồn tài liệu
Vương nữ Castilla
Vương nữ
Sinh năm 1191
Mất năm 1204 |
19816630 | https://vi.wikipedia.org/wiki/Mar%C3%ADa%20Isabel%20c%E1%BB%A7a%20T%C3%A2y%20Ban%20Nha | María Isabel của Tây Ban Nha | María Isabel của Tây Ban Nha, hay María Isabel de Borbón y Borbón-Parma (tiếng Tây Ban Nha: María Isabel de España; tiếng Ý: Maria Isabella di Spagna; tiếng Pháp: Marie-Isabelle d'Espagne; tiếng Đức: Maria Isabella von Spanien; tiếng Anh: Maria Isabella of Spain; 6 tháng 7 năm 1789 – 13 tháng 9 năm 1848) là một Infanta của Tây Ban Nha và là Vương hậu Hai Sicilie thông qua hôn nhân với Francesco I của Hai Sicilie.
Vương nữ Tây Ban Nha
María Isabel là con gái thứ 5 và là người con thứ 11 của Carlos IV của Tây Ban Nha và María Luisa của Parma. Sự ra đời của María Isabel trùng với thời điểm người cận thần yêu thích của mẹ vương nữ là Manuel Godoy, lên nắm quyền ở Tây Ban Nha. Có tin đồn trong triều đình cho rằng María Isabel không phải là con gái Quốc vương Tây Ban Nha mà là của cận thần Godoy trẻ tuổi, người đã trở thành thủ tướng Tây Ban Nha vào năm 1792.
Tuổi thơ của Vương nữ trùng hợp với khoảng thời gian diễn ra các sự kiện của cuộc cách mạng Pháp và bất ổn chính trị ở Tây Ban Nha. Là người con gái út còn sống sót trong một gia đình đông con, María Isabel được cả cha mẹ cưng chiều và tiếp nhận một nền giáo dục sơ sài. María Isabel cùng với các thành viên khác trong gia đình được Francisco Goya họa trong bức chân dung Carlos IV của Tây Ban Nha và Gia đình của Ngài vào khoảng thời gian từ năm 1800–1801.
Vào tháng 12 năm 1800, Lucien Bonaparte đã đến Tây Ban Nha với tư cách là đại sứ mới của Pháp. Thông qua Lucien, Vương hậu María Luisa đã ngỏ lời lập hôn ước giữa María Isabel với Napoléon Bonaparte vào tháng 4 năm 1801. Lúc đó Ngài Đại Lãnh sự Napoléon đã kết hôn với Joséphine de Beauharnais được hai năm, nhưng có ý kiến cho rằng Napoléon nên ly hôn với Joséphine để cưới một vương nữ mang dòng máu vương giả. Napoléon không coi trọng Vương tộc Borbón và có một nhận xét (một cách riêng tư) rằng: "Nếu tôi phải tái hôn, tôi sẽ để ý đến một gia tộc đổ nát cho hậu duệ của mình".
Hôn nhân
Nóng lòng tìm kiếm ngai vàng cho con gái, vào mùa xuân năm 1801, mẹ của María Isabel muốn gả vương nữ với người anh họ bên nội là Công tước xứ Calabria, Vương tử Francesco của Napoli và Sicilia, đã có vợ là Maria Klementine Josepha của Áo, khi đó vẫn còn sống, nhưng đã qua đời vì bệnh lao vào tháng 11 năm đó.
Ý tưởng này đến từ nhà ngoại giao Pháp Alquier, người từng là đại sứ ở Madrid và Napoli. Kế hoạch của Alquier là đưa Vương quốc Napoli, một đồng minh của Anh và thù địch với Pháp, vào liên minh Tây Ban Nha-Pháp mới thành lập bằng cách gắn kết hai bên Tây Ban Nha và Napoli thông qua cuộc hôn nhân kép. Trong đó, María Isabel và người anh cả Fernando, Thân vương xứ Asturias, sẽ kết hôn với anh em họ của hai anh em là: Maria Antonia của Napoli và Sicilie và Francesco, Công tước xứ Calabria. Maria Karolina của Áo, Vương hậu Napoli, người căm ghét nước Pháp và không tin tưởng vào sự thiện chí của Tây Ban Nha đối với Napoléon, đã phản đối mối hôn sự này. María Isabel bấy giờ mới được mười hai tuổi và ngay cả khi vào thời điểm đó các vương nữ thường kết hôn khi còn rất trẻ thì việc kết hôn ở độ tuổi của María Isabel vẫn là điều không bình thường. Nhưng cuộc hôn nhân của María Isabel được lý giải là để đảm bảo việc nối lại quan hệ thân thiết giữa Tây Ban Nha và Napoli một cách nhanh chóng vào thời điểm đặc biệt quan trọng đối với các triều đình châu Âu, đang gặp khó khăn với chính sách bành trướng của Napoléon.
Thỏa thuận của hai cuộc hôn nhân được ký kết tại Aranjuez vào tháng 4 năm 1802. Vào ngày 6 tháng 7 năm 1802 tại sinh nhật thứ mười ba, María Isabel kết hôn ủy nhiệm tại Madrid với người em họ 25 tuổi Francesco, do đó trở thành kế phối của Francesco. Anh trai vương nữ là Fernando đứng trong lễ đường thay mặt cho chú rể. Vương thất Tây Ban Nha đã đến Barcelona vào ngày 13 tháng 8. Hai cặp đôi trực tiếp kết hôn vào ngày 4 tháng 10 trước sự hiện diện của Francesco và em gái Maria Antonia. Các lễ hội kéo dài đến ngày 12 tháng 10 khi María Isabel, gọi theo tên Ý là Maria Isabella, rời Barcelona đến Napoli.
Vương thái tử phi
Maria Isabella không tạo được ấn tượng tốt khi đến triều đình Napoli. Cả bốn cô con gái của Carlos IV (Carlota Joaquina, María Amalia, María Luisa và María Isabel) đều thấp bé và không đơn điệu. Không giống như các chị gái của mình, María Isabel có những đường nét phổ biến, nhưng trông trẻ hơn so với tuổi mười ba của tân vương phi. María Isabel được mô tả là "nhỏ bé và tròn như một quả bóng". Mẹ chồng của vương nữ, Vương hậu Maria Karolina, rất thân thiết với người vợ đầu tiên của con trai, người đồng thời cũng là cháu gái gọi cô của Maria Karolina. Maria Karolina có ấn tượng ban đầu không tốt về nàng dâu trẻ María Isabel và đã viết rằng:
Khi chỉ mới mười lăm tuổi, María Isabel đã hạ sinh con gái đầu lòng Luisa Carlotta tại Portici vào ngày 24 tháng 10 năm 1804. María cũng có một người con chồng là Vương nữ Carolina, được dự tính sẽ kết hôn với Charles Ferdinand xứ Artois, Công tước xứ Berry (con trai thứ hai của Charles X của Pháp).
Cuộc đời của María Isabel chịu nhiều ảnh hưởng sâu sắc bởi những hành động của Napoléon. Lo sợ cho ngai vàng của mình, Quốc vương Ferdinando tham gia Liên minh thứ ba chống lại Napoléon Bonaparte. Quân đội của Napoléon đã đánh bại quân đội đồng minh trong Trận Austerlitz vào tháng 12 năm 1805 và quân đoàn của Napoli tại Campo Tenese. Sau những chiến thắng này, lực lượng của Napoléon đã chiếm đóng Napoli vào năm 1806 và Hoàng đế Pháp đã trao ngai vàng của Vương quốc Napoli cho anh trai Joseph Bonaparte, và bốn năm sau đó cho em rể Joachim Murat.
María Isabel, cùng với các thành viên còn lại của vương thất, phải chạy trốn từ Napoli đến Sicilia vào tháng 2 năm 1806. Bất chấp những nỗ lực liên tiếp của Murat nhằm xâm chiếm hòn đảo, Ferdinando và Maria Karolina vẫn giữ được địa vị và quyền lực của họ ở Sicilia dưới sự bảo vệ của quân đội Anh, nhưng sẽ không thể thách thức quyền kiểm soát của Pháp đối với lục địa Ý. Quyền lực thực sự ở Sicilia do Lãnh chúa William Bentinck, chỉ huy quân đội Anh trên đảo nắm giữ. Quốc vương do đó dành thời gian đẻ săn bắn trong những năm kế tiếp và chỉ xuất hiện ở Palermo khi cần thiết.
Năm 1812, Francesco, chồng của María Isabel, được bổ nhiệm làm nhiếp chính. María Isabel không tham gia vào các chính sự phức tạp của Sicilia của triều đình Napoli đang lưu vong ở Palermo. Francesco xung đột với tầng lớp quý tộc bản địa, những người phản đối các loại thuế mới nhằm tài trợ cho cuộc chiến chống Pháp và đòi quyền tự trị ở mức độ cao. Vương hậu Maria Karolina thì bị đày về Áo vào năm 1813 và qua đời tại quê nhà vào năm 1814.
Công tước phu nhân xứ Calabria
Năm 1815, dưới sự bảo hộ của Áo, Ferdinando trở lại Napoli. Ferdinando đã bãi bỏ hiến pháp của Sicilia và hợp nhất hai vương quốc Napoli và Sicilia thành Vương quốc Hai Sicilie vào năm 1816, phong cho con trai Francesco danh hiệu Công tước xứ Calabria với tư cách là người thừa kế của vương quốc mới. Vì phục vụ với tư cách là trung úy ở Sicilia (1815–20), Francesco và María Isabel vẫn ở Sicilia và hiếm khi đến thăm Napoli.
Dù rời Tây Ban Nha từ rất sớm nhưng María Isabel vẫn gắn bó với gia đình và quê hương. Vào mùa thu năm 1818, María Isabel đến thăm cha mẹ đang sống lưu vong ở Roma. Đức nữ vẫn ở với mẹ lúc Vương hậu María Luisa qua đời vào tháng 1 năm 1819. María Isabel có vai trò quan trọng trong việc lựa chọn hôn nhân của triều đình Napoli cho các con gái, trong đó bốn (trong số sáu) người đã kết hôn với các thành viên vương thất Tây Ban Nha. Cuộc hôn nhân đầu tiên trong số đó diễn ra vào tháng 4 năm 1819 giữa con gái cả của Bà Công tước là Luisa Carlotta và em trai của María Isabel là Francisco de Paula của Tây Ban Nha, do đó Francisco de Paola là chồng cũng như là cậu của Luisa Carlotta.
Trong những năm khó khăn này, María Isabel liên tục hoài thai. Trong khoảng thời gian chưa đầy hai năm, vương nữ đã sinh chín người con ở Palermo. Cuối cùng, María Isabel đã trở lại Napoli cùng chồng vào tháng 7 năm 1820. Bố chồng của vương phi, Quốc vương Ferdinando I của Hai Sicilie giờ đã hoàn toàn thần phục Áo; một người Áo là Bá tước Nugent trở thành tổng tư lệnh quân đội. Trong bốn năm tiếp theo, bố chồng của María Isabel trị vì như một quân chủ chuyên chế, không đưa ra cải cách hiến pháp nào. Trong thời kỳ này, María Isabel có thêm hai người con sinh ra ở Napoli.
Vương hậu Hai Sicilie
Quốc vương Ferdinando I của Hai Sicilie qua đời vào ngày 4 tháng 1 năm 1825, do đó chồng của María Isabel trở thành tân Vương và bản thân María Isabel trở thành Vương hậu. Francesco I, lúc này đã 47 tuổi, là một người đàn ông to lớn; thiện chí; có sở thích đơn giản và quan tâm đến nông nghiệp hơn là chính trị. Nông nghiệp là hoạt động ưa thích của nhà vua. Francesco I được giáo dục tốt hơn cha mình, nhưng lại có tuổi, tính cách và thể chất thì yếu ớt. Ngay từ đầu, Francesco I đã cư xử rất khác so với vị vương tử tự do khi còn là người thừa kế và triều đại ngắn ngủi của quốc vương về cơ bản là theo thể chế cũ. Mặc dù ghen tị với quyền lực của thủ tướng Luigi de' Medici (1759 - 1830), nhà vua vẫn giao chính quyền cho thủ tướng. Một người hầu cận của nhà vua, Michelangelo Viglia, và Caterina de Simone, thị tùng của Vương hậu, quản lý hộ gia vương thất và khiếnc cho nạn tham nhũng tràn lan.
Với vai trò mới là vương hậu, María Isabel không có tham vọng cũng như không quan tâm đến chính quyền để có thể hỗ trợ cho người chồng hiền lành của mình. Ba mươi bốn tuổi và là mẹ của mười hai đứa con, khi đó vương hậu vẫn đang cho chăm sóc cho con trai mình là Bá tước xứ Aquila mới sinh vào năm ngoái. Có dáng người mập mạp từ khi còn trẻ, nhiều năm sinh nở đã khiến Vương hậu phát tướng. María Isabel là người phù phiếm, trẻ con nhưng tốt bụng. Vương hậu yêu thích nhà hát, vũ hội và các lễ hội công cộng. Với tính cách đơn giản và hào phóng, María Isabel được yêu mến hơn chồng.
Cặp vợ chồng được bảo vệ bởi quân đội, luôn sợ hãi về khả năng nổ ra một cuộc cách mạng. An ninh của hai vợ chồng được đảm bảo bởi quân đội Áo đang đóng quân tại Napoli, nhưng chi phí cho quân đội là gánh nặng cho ngân khố nhà nước và là nguyên nhân chính dẫn đến mức nợ công cao. Theo lời khuyên của Luigi de' Medici, Francesco I và María Isabel mang theo đứa con trai một tuổi là Bá tước xứ Aquila đến Milano vào tháng 5 năm 1825 để giảm lượng binh lính. Sau một thỏa thuận giữa Medici và đại sứ Áo là Bá tước Karl Ludwig von Ficquelmont, Quốc vương và Vương hậu trở về Napoli vào ngày 18 tháng 7. Quân đội Áo giảm xuống còn 12.000 người, bắt đầu từ cuối năm và khởi hành vào tháng 2 năm 1827.
Người bạn tâm tình thường trực của Vương hậu là cô con gái thứ hai Maria Christina, người cũng có sở thích tán tỉnh như mẹ mình. Maria Christina đã ngoài hai mươi tuổi và cha mẹ vương nữ rất mong muốn tìm được một người chồng vương gia cho con gái. Cơ hội đến khi anh trai của María Isabel, Ferdinand VII của Tây Ban Nha, đột nhiên lâm vào cảnh góa vợ vào tháng 5 năm 1829. Con gái lớn của Maria Isabel, hiện là Infanta Luisa Carlota, đã nhanh chóng sắp xếp cuộc hôn nhân giữa em gái và bác của hai chị em.
Fernando VII đã mời em gái và anh rể cùng con gái họ đến dự đám cưới ở Madrid. Francesco I bị bệnh gút và sức khỏe giảm sút, nhưng María Isabel lại nóng lòng về thăm cố hương sau 27 năm xa cách. Vương hậu thuyết phục chồng thực hiện chuyến đi dài ngày đến Tây Ban Nha. Con trai cả của họ, Vương tử Ferdinando, Công tước xứ Calabria được giao vai trò nhiếp chính trong thời gian Quốc vương và Vương hậu vắng mặt.
Di chuyển bằng đường bộ, đoàn người Hai Sicilie khởi hành đến Tây Ban Nha vào ngày 28 tháng 9 năm 1829. Trên đường đi, họ đến thăm Giáo hoàng Piô VIII ở Roma. Tại Grenoble, hai vợ chồng gặp lại Vương nữ Maria Carolina, hiện là Công tước phu nhân xứ Berry, bản thân Công tước phu nhân cũng rất vui khi gặp lại cha mẹ sau mười ba năm. Khi đến Tây Ban Nha, hôn lễ được cử hành vào ngày 25 tháng 1 năm 1830. Trên đường trở về, hai vợ chồng lại lần nữa đoàn tụ với Bà Công tước xứ Berry, người đã giới thiệu cha mẹ với đứa con trai mới sinh là Henri xứ Artois, Công tước xứ Bordeaux, tại Chambord . María Isabel và chồng đến Paris, nơi họ được tiếp đãi bởi Quốc vương Charles X của Pháp. Vào tháng 6, Quốc vương và Vương hậu rời Genova đến Napoli vào ngày 30 tháng 7. Sau khi trở về, sức khỏe của nhà vua xấu đi nhanh chóng. Francesco I qua đời ngày 8 tháng 11 năm 1830.
Vương mẫu hậu
Sau cái chết của chồng, con trai cả của María Isabel trở thành Quốc vương Ferdinando II của Hai Sicilie. María Isabel không hề hay biết rằng bản thân là đối tượng của một âm mưu do Thân vương Vincenzo Ruffo xứ Scaletta và Peter Ugo, Hầu tước xứ Favare dựng nên. Mục tiêu của họ là đưa María Isabel trở thành nhiếp chính phòng kìm hãm quyền lực người con trai bảo thủ của Vương hẫu hậu trong ít nhất vài năm. Âm mưu bị phát hiện và ngay lập tức bị tân vương trẻ dập tắt. Ferdinando II khi đó mới 20 tuổi. Mặc dù nhút nhát và ít nói, Ferdinando II tràn đầy nhiệt huyết hơn hẳn cha và ông của mình và thực hiện nghĩa vụ của mình với tư cách là một vị vua một cách nghiêm túc hơn. Mối quan hệ giữa María Isabel và Ferdinando II vốn lạnh nhạt. Thái hậu dành sự ưa thích rõ rệt cho người con trai thứ hai Carlo Ferdinando, Thân vương xứ Capua, người hướng ngoại hơn và cũng sự phù phiếm với María Isabel.
Trong những năm đầu góa bụa, María Isabel vẫn còn trẻ, tràn đầy sức sống và tương đối xinh đẹp, dù tình trạng béo phì ngày càng gia tăng. Được bao quanh bởi những người ngưỡng mộ, Thái hậu có cảm tình với những cận thần đẹp trai và trẻ trung hơn mình. Theo tin đồn ở triều đình, María Isabel đã có người trong lòng. Hành vi của vương mẫu hậu khiến đức bà trở thành mục tiêu dễ dàng cho những lời phỉ báng và khiến Ferdinando II bực tức. María Isabel rất tốt với con dâu Maria Cristina của Sardegna, người đã kết hôn với Ferdinando II vào ngày 21 tháng 11 năm 1832. Tân hậu đã giúp cho quốc vương và vương hậu hàn gắn lại mối quan hệ.
Năm 1835, María Isabel bắt đầu mối quan hệ tình ái với Nam tước Peter von Schmuckher, một sĩ quan người Áo đã có gia đình. Mối quan hệ của họ rất sóng gió. Tuy nhiên, khi vợ của Schmuckher qua đời vào năm 1837, thái hậu đã có ý định kết hôn với Peter. Khi nam tước đầy tham vọng tuyên bố muốn hưởng kính xưng và đặc quyền của một Vương thân Điện hạ như một điều kiện để kết hôn với thái hậu, María Isabel đã từ chối và nhờ con trai xử lý tên người tình cũ. Ferdinando II đã trục xuất Schmuckher khỏi Napoli vào tháng 1 năm 1838.
Những năm sau này
Vào tháng 1 năm 1836, María Isabel trở thành mẹ đỡ đầu cho cháu trai Francesco, Công tước xứ Calabria . Vào tháng 3 cùng năm, Carlo Ferdinando, Thân vương xứ Capua có một cuộc hôn nhân bất đăng đối. María Isabel đã cầu xin cho đứa con trai yêu của mình, nhưng những nỗ lực của vương mẫu hậu để xin ân xá cho Carlo Ferdinando đều không có kết quả. Ferdinando II đã không tha thứ cho em trai mình: Carrlo Ferdinando phải sống lưu vong vĩnh viễn ở Anh, và María Isabel không bao giờ gặp lại con trai nữa.
Khi María Isabel quyết tâm tái hôn, con trai Ferdinando II đã đưa cho mẹ mình một danh sách tên các quý tộc trẻ của vương quốc để Thái hậu lựa chọn. Hai lựa chọn đầu tiên của María Isabel do dự và Vương mẫu hậu ấy đã rút lại lời cầu hôn của mình. Cuối cùng thì María Isabel đã chọn Francesco, Bá tước dal Balzo dei Duchi di Presenzano (1805–1882), một trung úy trẻ đẹp trai xuất thân từ một gia đình quý tộc cổ xưa nhưng nghèo khó. Cuộc hôn nhân của họ diễn ra một cách riêng tư vào ngày 15 tháng 1 năm 1839. Vương mẫu hậu lúc này đã 50 tuổi và chú rể được 34. Các cặp vợ chồng không có con với nhau. Hai vợ chồng từ giã triều đình Napoli và chuyển đến Cung điện Capodimonte.
Bi kịch ập đến với Thái hậu khi vào tháng 1 năm 1843, Antonio Pasquale, Bá tước xứ Lecce, con trai thứ tư của María Isabel bị giết. Con trai thứ năm của thái hậu, Luigi Carlo, Bá tước xứ Aquila, theo nghiệp hải quân. Vào tháng 7 năm 1843, vương tử đến Brasil khi Teresa Cristina, con gái út của María Isabel, kết hôn với Hoàng đế Pedro II của Brazil. Năm 1845, để giữ ngai vàng Tây Ban Nha trong tay Vương tộc Borbón, Louis-Philippe I của Pháp đã đưa ra ý tưởng về một cuộc hôn nhân giữa con trai út của María Isabel là Francesco di Paola, Bá tước xứ Trapani, người ban đầu được hướng đến đời sống thánh hiến, với Nữ vương Isabel II của Tây Ban Nha, cháu ngoại của María Isabel. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân đã không thành hiện thực.
Trong cuộc khủng hoảng chính trị vào cuối năm 1847, con trai của María Isabel là Leopoldo Beniamino, Bá tước xứ Syracuse và em chồng là Leopoldo Giovanni, Thân vương xứ Salerno, đã vận động ủng hộ các cải cách tự do một cách vô ích. Do tính cách niềm nở và hào phóng đối với người nghèo, María Isabel vẫn là một nhân vật được yêu mến cho đến cuối đời. María Isabel qua đời vào ngày 13 tháng 9 năm 1848 ở tuổi 59.
Hậu duệ
Francesco I và María Isabel rất hợp nhau và Francesco I đối xử tốt với vợ. Hai người có mười hai người con, sáu gái và sáu trai:
Luisa Carlota (1804–1844), kết hôn với em trai của mẹ là Francisco de Paula của Tây Ban Nha.
Maria Cristina (1806–1878), kết hôn lần đầu với anh trai của mẹ là Fernando VII của Tây Ban Nha và trở thành nhiếp chính hậu của Tây Ban Nha; kết hôn lần thứ hai với Agustín Fernando Muñoz, người được phong là Công tước xứ Rianzares.
Ferdinando II (1810–1859), trở thành người kế vị Francesco I của Hai Sicilie và kết hôn hai lần.
Carlo Ferdinando, Thân vương xứ Capua (1811–1862), có kết hôn và có hậu duệ.
Leopoldo Beniamino, Bá tước xứ Syracuse (1813–1860), kết hôn với Maria Vittoria của Savoia-Carignano; có hậu duệ.
Maria Antonia (1814–1898), kết hôn với Leopoldo II xứ Toscana.
Antonio Pasquale, Bá tước xứ Lecce (1816–1843).
Maria Amalia (1818–1857), kết hôn với Sebastião của Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.
Maria Carolina (1820–1861), kết hôn với Carlos Luis của Tây Ban Nha, Bá tước xứ Montemolín, người đòi ngai vàng Tây Ban Nha của phe Carlist; không có hậu duệ.
Teresa Cristina (1822–1889), kết hôn với Hoàng đế Pedro II của Brasil; có hậu duệ.
Luigi Carlo, Bá tước xứ Aquila (1824–1897), kết hôn với Januária của Brasil (chị gái của Pedro II của Brazil và em gái của Maria II của Bồ Đào Nha); có hậu duệ.
Francesco di Paola, Bá tước xứ Trapani (1827–1892), kết hôn với Maria Isabella của Áo; có hậu duệ.
Gia phả
<center>
Chú thích
Tham khảo
Nguồn tài liệu
Acton, Harold. The Bourbons of Naples (1734-1825) . Prion Books Limited, London, 1989 (first published in 1957). ISBN 1-85375-291-6
Acton, Harold. The Last Bourbons of Naples (1825-1861) . St Martin's Press. London, 1961. ASIN: B0007DKBAO
Bearne Charlton, Catherine. A Royal Quartette. London: T. F. Unwin, 1908.
Majo, Silvio de. Maria Isabella di Borbone, regina del Regno delle Do Sicilie . Dizionario Biografico degli Italiani, Volume 62, 2004.
Rubio, Maria José. Reinas de España. La Esfera de los Libros, Madrid, 2009.ISBN 978-84-9734-804-1
Liên kết ngoài
|-
|-
Vương nữ Tây Ban Nha
Vương tộc Borbón (Tây Ban Nha)
Vương nữ
Vương tộc Borbone-Hai Sicilie
Tín hữu Công giáo Rôma Tây Ban Nha
Sinh năm 1789
Mất năm 1848
Nguồn CS1 tiếng Pháp (fr)
Bài viết có văn bản tiếng Tây Ban Nha |
19816642 | https://vi.wikipedia.org/wiki/Taiheiki | Taiheiki | (nghĩa đen: Biên niên sử hòa bình vĩ đại) là một sử thi lịch sử của Nhật Bản (xem thêm thể loại gunki monogatari) được viết vào cuối thế kỉ 14 và nội dung của nó bao trùm lên các sự kiện diễn ra trong khoảng thời gian từ năm 1319 đến năm 1367. Giai đoạn lịch sử cốt lõi trong tác phẩm này là thời kỳ Nam - Bắc triều, thời kì giao chiến giữa phe Bắc triều thuộc về Ashikaga Takauji ở Kyoto, và phe Nam triều của Thiên hoàng Go-Daigo tại Yoshino.
Nội dung
Bản dịch tiếng Anh mới nhất chứa 12 chương trong tổng số 40 chương sử thi, và thời gian trong tác phẩm được đánh dấu bởi lễ đăng cơ của Thiên hoàng Go-Daigo vào năm 1318 (khi ấy Takauji vẫn là một chư hầu cấp thấp trong gia tộc Hōjō thuộc Mạc phủ Kamakura ), tới khoảng thời gian Takauji mưu phản nhà Hōjō, Thiên hoàng Go-Daigo bị phế truất và bị Takauji đày ải vào năm 1333, cho đến khi Thiên hoàng trở về Kyoto năm 1338. Khác với những bậc tiên đế đi trước, Thiên hoàng Go-Daigo đã tìm cách thay thế quyền lực của các shōgun, và bắt đầu nắm thực quyền bên cạnh việc trị vì trên danh nghĩa. Đây cũng chính là nguyên do dẫn đến hàng loạt các cuộc nội chiếc xảy ra sau đó, cả trên phương diện chính trị lẫn quân sự, cộng với việc gia tộc Fujiwara vốn nắm quyền phụ chính cho Hoàng thất sau khi gia tộc Hōjō ngã ngựa cũng tìm cách duy trì sức ảnh hưởng. Nói chung, hầu hết các trận đánh, những thủ đoạn chính trị, và những thứ khác được phát triển qua thời gian đều được diễn tả trong Taiheiki.
Ý nghĩa lịch sử
Những trận đánh được thể hiện trong tác phẩm có giá trị lịch sử vô cùng lớn vì đã dẫn đến sự suy vong của phe Nam triều thuộc dòng dõi Hoàng gia Nhật, đây vẫn được coi là điều hợp pháp cho đến tận bây giờ. Mặc dù những thành viên thuộc phe Bắc triều bị nhận định là những kẻ ngụy Hoàng gia, song ta cũng không thể phủ nhận sự tồn tại của họ cũng chính là quy luật tất yếu của lịch sử. Một trong những hậu duệ của dòng dõi Nam triều, Kumazawa Hiromichi, sau Đệ nhị thế chiến đã tự xưng mình là Thiên hoàng của Nhật Bản, gọi Thiên hoàng lúc bấy giờ là một kẻ giả mạo vì toàn bộ dòng dõi của Nhật hoàng Hirohito đều đến từ dòng dõi Hoàng gia Bắc triều. Tuy vậy, Kumazawa đã không bị bắt vì tội khi quân vì ông ta đã có trong tay quyển koseki mô tả chi tiết mối quan hệ huyết thống của mình với Thiên hoàng Go-Daigo ở Yoshino. Cuối cùng, Kumazawa chỉ có thể thu được sự đồng cảm từ phía dư luận mà không thể tạo ra bất kỳ sự thay đổi chính trị nào.
Phân tích
Giống như hầu hết các tác phẩm sử thi khác của Nhật Bản, văn phong trong sử thi Taiheiki được nhận xét là mang khuynh hướng kịch tính và cường điệu, nhưng tính chính xác của nó lại được đánh giá cao. Nó là nguồn tư liệu tham khảo chính về các cuộc chiến thời bấy giờ, cũng như ghi lại các yếu tố dẫn đến sự sụp đổ của một gia tộc hùng mạnh và có tầm quan trọng trong lịch sử như gia tộc Hōjō.
Ảnh hưởng đến văn hóa
Một câu nói của võ sĩ Kusunoki Masashige trong Taiheiki (về việc "ngài ấy ước rằng mình có thể tái sinh bảy lần để chiến đấu cho Thiên hoàng một cách tốt hơn") đã trở nên nổi tiếng trong giới dân tộc chủ nghĩa Nhật Bản vào thế kỷ 19 và 20 và những truyền thuyết về vị võ sĩ ấy đã trở thành một hình mẫu lý tưởng để họ noi theo.
Tác phẩm Taiheiki đã được chuyển thể thành phim taiga vào năm 1991 do NHK sản xuất. Bộ phim được chú ý nhờ miêu tả Ashikaga Takauji như một tác nhân góp phần cải cách và chống lại suy đồi trong gia tộc Hōjō, chứ không phải là một kẻ phản quốc như các nhà sử học Nhật Bản thường nhìn nhận.
Xem thêm
Sáng kiến văn bản lịch sử Nhật Bản
Tham khảo
Đọc thêm
Liên kết ngoài
Toàn văn (bằng tiếng Nhật)
Hoàng đế khác của Nhật Bản
Bản scan tại Thư viện Đại học Waseda : 1603, 1698
Văn học Nhật Bản
Văn học cổ đại
Sách lịch sử thế kỷ 14
Bài viết có văn bản tiếng Nhật |
19816670 | https://vi.wikipedia.org/wiki/%EA%9A%9A | Ꚛ | O với dấu chữ thập (Ꚛ ꚛ, chữ nghiêng: Ꚛ ꚛ) là một chữ cái trong bảng chữ cái Kirin, tương tự như chữ Kirin O nhưng có thêm dấu chữ thập.
Chữ O với dấu chữ thập được sử dụng trong tiếng Slav Giáo hội cổ. Nó chủ yếu được sử dụng trong từ (xung quanh, trong khu vực) trong các văn bản viết tay đầu tiên của ngôn ngữ này, trong đó có nghĩa là "chữ thập".
Mã máy tính
Xem thêm
Chữ Kirin trong Unicode
Chữ Kirin O nhiều mắt
Tham khảo
Liên kết ngoài
Đề xuất mã hóa một số chữ cái Kirin cổ nổi bật bằng Unicode
Mẫu tự Kirin |
19816679 | https://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BA%A1t%20Ph%E1%BB%A7%20do%C3%A3n%20T%C3%B4ng%20t%C3%B2a%20Ulaanbaatar | Hạt Phủ doãn Tông tòa Ulaanbaatar | Hạt Phủ doãn Tông tòa Ulaanbaatar (; ) là một Hạt Đại diện Tông tòa (lãnh thổ truyền giáo tiền giáo phận) của Giáo hội Công giáo Rôma tại Mông Cổ và phụ trách toàn bộ lãnh thổ nước này.
Nhà thờ chính tòa của Hạt Phủ doãn Tông tòa là Nhà thờ chính tòa Thánh Phêrô và Thánh Phaolô, nằm tại thủ đô Ulaanbaatar của Mông Cổ.
Hạt Phủ doãn Tông tòa chịu sự quản lí trực tiếp từ Tòa Thánh và không trực thuộc một giáo tỉnh nào.
Vào ngày 28/8/2016, Đức ông Wenceslao Padilla đã tấn phong cho linh mục người Mông Cổ bản địa đầu tiên của Hạt Phủ doãn Tông tòa. Các chủng sinh khác hiện tại đang tu trì tại Hàn Quốc.
Lịch sử
14/3/1922, Giáo hội “sui iuris” Ngoại Mông () được thành lập dựa trên lãnh thổ tách ra từ Hạt Đại diện Tông tòa Trung Mông Cổ
Đổi tên năm 1924 thành Giáo hội sui iuris Urga (hay Ulanbator)
8/7/2002, được nâng cấp thành Hạt Phủ doãn Tông tòa Ulaanbaatar, nhưng vẫn chưa được trao cho một giám mục hiệu tòa quản lí.
Thống kê
Đến năm 2014, Hạt Phủ doãn Tông tòa có 919 giáo dân (0,03% trong dân số 3.227.000) trên diện tích 1,564,120 km2 với 6 giáo xứ và giáo hội với 17 linh mục (14 linh mục dòng và 3 linh mục triều), 61 giáo dân có đời sống tín ngưỡng (43 nữ, 18 nam) và 2 chủng sinh.
Tông truyền
Trưởng Giáo tỉnh Ngoại Mông
Giám quản Tông tòa Girolamo van Aertselaer, C.I.C.M. (1922 – 1924), đồng thời là Đại diện Tông tòa Hạt Đại diện Tông tòa Sát Cáp Nhĩ (Trung Quốc) & Giám mục hiệu tòa Zaraï (7/5/1898 – 12/1/1924)
Trưởng Giáo tỉnh Urga/Urgoo (hay Ulaanbaatar)
Giám quản Tông tòa Everard Ter Laak, C.I.C.M. (1924 – 5/5/1931), đồng thời là Phó Đại diện Tông tòa Sát Cáp Nhĩ (Trung Quốc) & Giám mục hiệu tòa Parœcopolis (1914-05-06 – 1931-05-05); trước là Đại diện Tông tòa Hạt Đại diện Tông tòa Nam Cam Túc (Trung Quốc) (21/6/1906 – 6/5/1914) và Đại diện Tông tòa Sát Cáp Nhĩ (Trung Quốc) (12/1/1924 – 3/12/1924); sau trở thành Đại diện Tông tòa Tây Loan Tử (Trung Quốc) (3/12/1924/ – 5/5/1931)
Đ.ô. Wenceslao Selga Padilla, C.I.C.M. (19/4/1992 – 8/7/2002)
Phủ doãn Tông tòa Ulaanbaatar
Wenceslao Selga Padilla, C.I.C.M. (8/7/2002 – 25/9/2018), Giám mục hiệu tòa Tharros (2/8/2003 – 25/9/2018)
Hồng y Giorgio Marengo, I.M.C. (2/4/2020 – hiện tại), Hồng y đẳng linh mục nhà thờ San Giuda Taddeo Apostolo (2022–hiện tại)
Tham khảo/Liên kết ngoài
GCatholic.org, with incumbent biography links - data for all sections
Catholic Hierarchy
Hạt Phủ doãn Tông tòa |
19816684 | https://vi.wikipedia.org/wiki/L%C5%A9%20l%E1%BB%A5t%20t%E1%BA%A1i%20H%C3%A0n%20Qu%E1%BB%91c%202023 | Lũ lụt tại Hàn Quốc 2023 | Mưa lớn trên Bán đảo Triều Tiên mùa hè năm 2023 (Tiếng Hàn: 2023년 여름 한반도 집중호우) là đợt mưa xối xả trên Bán đảo Triều Tiên kéo dài từ tháng 6 năm 2023 đến nay. Mưa lớn bắt đầu từ đầu tháng 6 đã tăng cường sau khi Cục Khí tượng Hàn Quốc thông báo vào ngày 25 tháng 6 rằng mùa mưa đầu tiên sẽ bắt đầu ở đảo Jeju.
Gunsan, Jeollabuk-do, đã ghi nhận lượng mưa 429,4 mm trong một ngày vào ngày 14 tháng 7, phá vỡ kỷ lục lượng mưa trong 24 giờ kể từ khi quan sát khí tượng vào năm 1968. Tính đến ngày 20 tháng 7, do trận mưa lớn xảy ra trong tháng 7, đã xảy ra nhiều thiệt hại khác nhau như ngập hầm chui Gungpyeong 2, khiến ít nhất 46 người chết và 4 người mất tích, 17.810 người thuộc 11.544 hộ gia đình ở 15 tỉnh, thành phải tạm thời sơ tán, gây ra nhiều thiệt hại về người và của.
Nguyên nhân
Ở Bán đảo Triều Tiên, mùa mưa phát triển vào đầu mùa hè hàng năm. Frông mùa mưa là một trong những frông tù đọng và được hình thành do sự xen kẽ của áp cao lục địa tương đối khô và lạnh ở lục địa châu Á và áp cao tương đối ấm và ẩm ở khu vực Bắc Thái Bình Dương. Mùa mưa bắt đầu ở Nhật Bản và đảo Jeju, nằm ở phía nam bán đảo Triều Tiên và dần dần di chuyển về phía bắc, tạo thành một phần của hệ thống khí hậu gió mùa Đông Á ảnh hưởng đến thời tiết ở Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc.
Frông mùa mưa được hình thành dưới ảnh hưởng của nhiều khối không khí khác nhau, chẳng hạn như khối không khí lục địa Siberi, khối không khí biển Okhotsk, áp cao Bắc Thái Bình Dương và khối không khí sông Dương Tử Nhìn chung, áp cao Bắc Thái Bình Dương tiếp tục phát triển mạnh từ đầu mùa hè đẩy áp cao lục địa dịch chuyển lên phía Bắc, front mùa mưa dịch chuyển lên phía Bắc rồi biến mất, sau đó bắt đầu một đợt nắng nóng toàn diện. Tuy nhiên, sự di chuyển của mặt trận mùa mưa ngày càng trở nên khó dự đoán do biến đổi khí hậu gần đây . Năm 2010, áp cao Bắc Thái Bình Dương phát triển chưa đủ nên front mùa mưa không dịch chuyển hẳn lên phía Bắc nên bị ứ đọng thời gian dài ở khu vực phía Nam và có động lượng yếu Năm 2022, mùa mưa biến mất mà không thể hiện rõ sức mạnh, nhưng đến giữa tháng 8, những cơn mưa lớn xuất hiện cùng với sự phát triển nhanh chóng của mặt trận tắc nghẽn.
Mùa mưa năm 2023 bắt đầu ở Nhật Bản vào đầu tháng 6 và cả ở Bán đảo Triều Tiên vào đầu tháng 7. Trong những ngày đầu, trời kèm theo mưa xen kẽ và các đợt nắng nóng, nhưng mô hình đã thay đổi khi một mặt trận tắc nghẽn hẹp và mạnh xảy ra vào ngày 13 tháng 7. Sự thay đổi kiểu mùa mưa là do áp cao lục địa phát triển mạnh hơn bình thường, có cường độ gần như tương đương với áp cao Bắc Thái Bình Dương. Khi kích thước của hai khối không khí vẫn tương tự nhau, mặt trận gió mùa bắt đầu mưa lớn trong một khu vực nhỏ, cho thấy sự tắc nghẽn.
Nguyên nhân mưa lớn xảy ra trong thời gian ngắn trên bán đảo Triều Tiên trong năm 2023 được cho là do sự va chạm mạnh của không khí ẩm từ rìa khối khí bắc Thái Bình Dương với không khí khô bốc lên từ bên dưới sau áp thấp từ phía bắc bán đảo Triều Tiên tràn xuống, tạo nên một vành đai mây mưa. Ngoài ra, có phân tích cho rằng hơi nước tạo ra lượng mưa lớn và mạnh như vậy được tạo ra khi nhiệt độ bề mặt nước biển tăng bất thường do biến đổi khí hậu
Ngày 17/7, Cục Khí tượng Hàn Quốc phân tích nguyên nhân chính gây ra mưa lớn không phải do áp suất thấp hay sự bất ổn của khí quyển mà do mưa tích tụ trong các đám mây mưa dọc theo các mặt trận tắc nghẽn. Trong khi lượng mưa lớn đổ xuống một khu vực rộng, lượng mưa rơi mỗi giờ ở một khu vực cụ thể lại tương đối nhỏ.
Ngoài ra, trong quá trình mưa lớn kéo dài, một loại 'lối thoát' được tạo ra, qua đó một lượng hơi nước khổng lồ bay lên bầu trời bán đảo Triều Tiên nên có thể mưa không ngớt . Các luồng khí quyển thường bắt đầu ở vùng nhiệt đới rơi xuống dưới dạng mưa lớn khi gặp đất liền, nhưng ở Hàn Quốc, chúng phát triển dọc theo rìa phía bắc của áp suất cao Bắc Thái Bình Dương vào mùa hè và tiếp tục gửi không khí ấm, rất ẩm từ phía nam lên phía bắc. Sông khí quyển cũng được chỉ ra là nguyên nhân gây ra những trận mưa lớn trên Bán đảo Triều Tiên xảy ra vào năm 2020 và 2022, và người ta đánh giá rằng sức mạnh của sông khí quyển trở nên mạnh hơn khi lượng hơi nước mà sông khí quyển có thể chứa tăng lên do biến đổi khí hậu.
Diễn biến
Tháng 6
15 ngày trước
Vào ngày 6 tháng 6, Cục Khí tượng Hàn Quốc thông báo rằng có 80% khả năng lượng mưa vào mùa hè năm 2023 sẽ tương đương hoặc nhiều hơn lượng mưa vào năm 2022, khi mưa lớn xảy ra và El Niño ở vùng nhiệt đới được cho là nguyên nhân dẫn đến lượng mưa dự đoán tăng lên. Vào lúc 11:40 ngày 8 tháng 6, một khuyến cáo về mưa lớn lần đầu tiên được đưa ra ở Gapyeong và Namyangju, tỉnh Gyeonggi, mưa rất lớn với lượng hơn 30 mm/giờ chủ yếu rơi ở khu vực tây bắc và đông bắc của Seoul và bắc Gyeonggi. Từ đêm ngày 8 tháng 6 đến sáng sớm ngày 9 tháng 6, mưa lớn đổ xuống khu vực trung tâm và Yeongseo, tỉnh Gangwon, sau đó giảm dần.
Vào ngày 10, mưa lớn và mưa đá đã đổ xuống phía bắc Gyeonggi và phía bắc Gangwon, bao gồm cả Pocheon-si, và một cảnh báo mưa lớn đã được đưa ra Tại Pocheon, Gyeonggi-do, mưa xối xả 60 mm một giờ đã đổ xuống theo cảnh báo mưa lớn, và nhiều thiệt hại do mưa lớn xảy ra ở phía bắc Gyeonggi-do. Gió mạnh cũng thổi ở một số khu vực, và trong trường hợp của Chupungnyeong, tốc độ gió tối đa là 22,6m/giây.
Vào ngày 10, ở Yangyang-gun, nơi có cảnh báo mưa lớn, sáu du khách đã bị sét đánh tại Bãi biển Seorak ở Ganghyeon-myeon và bị thương nhẹ hoặc trung bình. Theo những người chứng kiến, sét đánh bất ngờ khiến mọi người bất tỉnh và bắt đầu trôi xuống biển, người dân tại hiện trường cho biết họ đã cứu được những người bị thương bị cuốn trôi trước khi đội cứu hộ đến, và một trong sáu người bị sét đánh đã được chuyển từ bệnh viện và qua đời vào ngày hôm sau, sáng ngày 11. Tai nạn sét đánh này được ghi nhận là tai nạn lớn nhất ở Hàn Quốc kể từ năm 2009 khi có dữ liệu.
Vào ngày 11, mưa lớn cục bộ kèm theo gió giật đã đổ xuống phía bắc Chungcheongbuk-do và nhận được khoảng 10 báo cáo rằng cây cối bên đường bị đổ hoặc biển báo bị đổ. Người ta tin rằng trận mưa đá rơi xuống khu vực Chungju vào ngày 11 là do sự hình thành của các đám mây mưa do điều kiện khí quyển không ổn định tiếp tục diễn ra từ chiều ngày 10, ngày hôm trước, dẫn đến mưa đá bất ngờ. Tại Gyeonggi và một phần của Gangwon, mưa đá dày đặc đã trút xuống cùng với mưa bất chợt. Tốc độ gió tối đa tức thời đo được là 17,1 m một giờ ở Chungju, 16,7 m ở Jincheon Gwanghyewon (Trung tâm vệ tinh) · Eumseong Geumwang, và 13,7 m ở Eumseong.
Ngày 12, mưa lớn cục bộ kèm theo mưa đá và sét chủ yếu xảy ra ở Gyeongbuk và Daegu, trong đó có mưa lớn 60 mm/giờ ở Goryeong. Mưa lớn từ 4:00 chiều ngày 12 đã được dỡ bỏ lúc 10:30 tối ngày 12, nhưng mưa rào vẫn tiếp tục cho đến sáng sớm (03:00) ngày 13, tập trung ở Gyeongsan, Cheongdo, Pohang và Gyeongju ở phía nam Gyeongbuk.
Vào ngày 14, do mưa lớn cục bộ và sự bất ổn của khí quyển, những hạt mưa đá có đường kính khoảng 0,5 cm đã rơi xuống khu vực xung quanh Geumho-eup, Bukan-myeon và Nambu-dong, Yeongcheon-si, Gyeongsangbuk-do vào khoảng 4-5 giờ chiều. Đợt mưa lớn vào đầu và giữa tháng 6 tạm thời ngừng lại do đợt nắng nóng bắt đầu từ ngày 16.
25 tháng 6
Thời tiết chấm dứt sau giữa tháng 6 và tiếp tục có các đợt nắng nóng, lần đầu tiên xuất hiện vào lúc 2 giờ sáng ngày 25 tháng 6 ở các vùng núi của đảo Jeju và mưa lớn bắt đầu vào cuối tháng 6. Lúc 5 giờ sáng, mưa lớn lan rộng khắp đảo Jeju, lượng mưa dự kiến vào thời điểm đó được dự báo là 100 đến 200 mm trong 24 giờ. Mưa lớn mở rộng dần từ khu vực phía nam, đến 9 giờ, toàn bộ đảo Jeju được thay thế bằng cảnh báo mưa lớn từ cảnh báo mưa lớn. Lúc 1 giờ chiều, khuyến cáo mưa lớn được ban hành cho Wando, Geomundo và Chodo ở Jeollanam-do, Lúc 3:00, khuyến cáo mưa lớn được mở rộng đến Goheung-gun, Boseong-gun, Yeosu-si, Jangheung-gun, Gangjin-gun, Haenam-gun, Sinan-gun, Jindo, Heuksando và Hongdo ở Jeollanam-do. Lúc 5 giờ, Tongyeong-si và một khuyến cáo về mưa lớn cũng đã được ban hành cho Namhae-gun. Lúc 11:00, nó được mở rộng đến Gurye-gun, Gwangyang-si, Suncheon-si, và Hadong-gun, Gyeongsangnam-do.
Vào ngày hôm nay, ngày 25, khu vực Jeolla, khu vực Gyeongnam và đảo Jeju có mưa như trút nước do ảnh hưởng của mặt trận tắc nghẽn hướng bắc và áp thấp phát triển trên mặt trận tắc nghẽn, gió thổi rất mạnh với tốc độ gió tức thời từ 70 km/h (20 m/s) trở lên (hơn 90 km/h (25 m/s) ở vùng núi) cho đến ngày mốt (27) ở đảo Jeju, nơi đã đưa ra cảnh báo gió mạnh. Ngoài ra, lượng mưa trong 24 giờ vào ngày 25 được ghi nhận là 202,5 mm ở Jeju Samgakbong và 200,0 mm ở Trung tâm bão Seogwipo. Vào ngày 25, một số chuyến bay tại Sân bay Jegu bị hoãn do gió, và hầu hết các con đường mòn đến Hallasan đều bị cấm.
26 tháng 6
Từ nửa đêm ngày 26, các khuyến cáo về mưa lớn đã được ban hành cho Yeongam-gun, Muan-gun, Hampyeong-gun, Yeonggwang-gun, Mokpo-si ở Jeollanam-do và Geoje-si ở Gyeongsangnam-do. Vào lúc 3 giờ sáng, vùng mưa lớn cũng mở rộng đến Jeollabuk-do và Chungcheongnam-do, đồng thời khuyến cáo mưa lớn được ban hành cho Gochang-gun, Buan-gun, Gunsan-si, Gimje-si, Iksan-si, Jeongeup-si của Jeollabuk-do và Buyeo-gun, Cheongyang-gun, Taean-gun, Dangjin-si, Seosan-si, Boryeong-si, Seocheon-gun, và Hongseong-gun của Chungcheongnam-do. Lúc 4:00 khuyến cáo về mưa lớn đã được ban hành trên toàn Naju-si, Jeollanam-do, Hwasun-gun và Gwangju. Trận mưa xối xả này trở nên mạnh hơn, và vào lúc 4:20, cảnh báo mưa lớn ban hành ở Naju-si đã được thay thế bằng cảnh báo mưa lớn. Vào lúc 4:50, khuyến cáo về mưa lớn đã được ban hành cho Damyang-gun và Gokseong-gun ở Jeollanam-do và Namwon-si, Jeollabuk-do. Trong khi đó, khi lưu vực sông di chuyển vào đất liền, cảnh báo mưa lớn đã được dỡ bỏ đối với Taean, Seosan, Boryeong, Seocheon, Hongseong, Jeollanam-do, Wando, Yeongam, Muan, Hampyeong, Yeonggwang, Mokpo, Sinan (không bao gồm Heuksan-myeon), Jindo, Heuksando, Hongdo, Gochang, Buan và Gunsan ở Jeollabuk-do lúc 5 giờ. Lúc 6:00, cảnh báo mưa lớn một lần nữa được dỡ bỏ đối với Naju, Jeollanam-do, Buyeo, Cheongyang, Dangjin, Jeollanam-do Damyang, Goheung, Yeosu, Jangheung, Gangjin), Jeollabuk-do Gimje, Iksan, Jeongeup, Gyeongsangnam-do Tongyeong, Geoje, Namhae và Gwangju. Lúc 7:10, cảnh báo mưa lớn được dỡ bỏ đối với Gokseong, Hwasun, Boseong, Suncheon, Jeollanam-do và Namwon, Jeollabuk-do. Lúc 7:30, cảnh báo mưa lớn đã được dỡ bỏ cho tất cả các khu vực.
Mưa đã tạnh một lúc và bắt đầu mạnh trở lại lúc 12:40 chiều khi các khuyến cáo về mưa lớn được ban hành ở Gurye, Jeollanam-do và Namwon, Jeollabuk-do. Lúc 13 giờ 55, mưa lớn kéo dài vào nội địa và khuyến cáo mưa lớn được ban hành ở Sangju-si và Mungyeong-si, Gyeongsangbuk-do. Lúc 2 giờ chiều, khuyến cáo về mưa lớn đã được dỡ bỏ đối với Gurye và Namwon. Vào lúc 3:15, một khuyến cáo mưa lớn đã được đưa ra cho Yecheon-gun, Yeongju-si, Bonghwa Pyeongji, và Dongsan, Gyeongbuk-do, ở Gyeongsangbuk-do. Vào lúc 4:15, một cảnh báo mưa lớn đã được đưa ra ở Eumseong-gun, Chungcheongbuk-do. Lúc 4:30, khuyến cáo mưa lớn cũng được ban hành cho Goesan-gun, Chungju-si, Jecheon-si, Jincheon-gun và Jeungpyeong-gun, Chungcheongbuk-do. Sau 40 phút ở, Eumseong-gun,, Sau 50 phút, cảnh báo mưa lớn đã được thay thế bằng cảnh báo mưa lớn ở Chungju, Chungcheongbuk-do và Bonghwa Plains ở Gyeongsangbuk-do. Lúc 5:10, một khuyến cáo mưa lớn đã được mở rộng đến Yeongwol, Pyeongchang Pyeongji và Wonju-si ở Gangwon-do. Lúc 6 giờ, cảnh báo mưa lớn một lần nữa được mở rộng đến các khu vực miền núi của đảo Jeju và, đến Đồng bằng Jeongseon lúc 6:15 lúc 6:40 đến Jecheon-si, lúc 7 giờ, cảnh báo mưa lớn được thay thế bằng cảnh báo mưa lớn ở Wonju-si, Gangwon-do.
Từ 21h, mưa giảm dần, các khu vực từng được cảnh báo mưa to chuyển thành khuyến cáo mưa to. Tuy nhiên, bản thân khu vực mưa lớn đã được mở rộng, và lúc 9:15, Jangsu-gun, Jeollabuk-do, và, lúc 9:30, cảnh báo mưa lớn được đưa ra ở Gokseong và Hwasun, Jeollanam-do. Lúc 10 giờ, cảnh báo mưa lớn được đưa ra ở Namwon, Jeollabuk-do, và cảnh báo mưa lớn ở Jangsu-gun được thay thế bằng cảnh báo mưa lớn.,10:15, Muju, Jeollabuk-do,10:40, Gapyeong-gun, Gyeonggi-do Lúc 10:50, một khuyến cáo mưa lớn được ban hành cho Gangwon-do, Gangwon-do, Sancheong-gun, Hamyang-gun, Geochang-gun và Hapcheon-gun. Lúc 11:50, cảnh báo mưa lớn cho Quận Gapyeong đã được dỡ bỏ.
Vào ngày 26, mưa nhẹ khoảng 5 mm mỗi giờ đã rơi ở Seoul và khu vực thủ đô, nhưng đến chiều, Seoul đã tạm thời kiểm soát bốn con sông, bao gồm Cheonggyecheon, Seongbukcheon và Jeongneungcheon, vì lo ngại nước tràn. Ngoài ra, không có thiệt hại nào do mưa lớn được thống kê chính thức, nhưng các vụ tai nạn xe cộ đã được báo cáo ở nhiều nơi, chẳng hạn như một chiếc ô tô bị trượt trong mưa trên Đường cao tốc Dangjin–Yeongdeok gần Yesan, Chungcheongnam-do lúc 4:30 chiều . Cục Lâm nghiệp Hàn Quốc đã ban hành một cảnh báo khủng hoảng sạt lở đất ở Jeollanam-do, Chungcheongnam-do và Gyeongsangnam-do. Sau đó, cảnh báo khủng hoảng đã được nâng lên từ quan tâm đến thận trọng từ 7:00 tối, nói rằng dự kiến sẽ có mưa lớn cho đến ngày mai ở Gwangju, Gangwon-do, Chungcheongbuk-do và Gyeongsangbuk-do. Một cảnh báo bão đã được đưa ra ở vùng cực nam của Biển Tây, và 52 tuyến đường và 82 tàu khách ở khu vực Jeonnam, 13 tuyến đường và 17 tàu khách, bao gồm các tàu khách từ Mokpo đến và đi từ Hongdo, đã được kiểm soát. Tổng cộng có 8 trường hợp thiệt hại do mưa lớn được báo cáo chỉ riêng ở Gyeongsangbuk-do do mưa lớn tập trung ở Gyeongsang-do.
Khoảng 9 giờ tối, một khu chung cư ở Sang-dong, Jeongeup-si bị mất điện do mưa và sét, và nó đã được khôi phục sau khoảng hai giờ. Bốn bãi đậu xe ngầm, bao gồm Noam-dong, Namwon, bị ngập và đất nông nghiệp xung quanh Jangsu-gun bị ngập. Ngã ba Gaejeong-Anyang cũng bị ngập do mưa lớn, nhưng giao thông đã được nối lại vào ngày hôm sau.
27 tháng 6
Cơn mưa bắt đầu trút nước từ đêm ngày 26 lan rộng khi cảnh báo mưa lớn được mở rộng đến vùng đồng bằng Inje ở Gangwon-do và Goryeong-gun, Gyeongsangbuk-do lúc 0:40 ngày 27, Lúc 0:50, cảnh báo mưa lớn được mở rộng đến Andong-si và Uiseong-gun, Gyeongsangbuk-do, Mây mưa di chuyển về phía tây và ngày bắt đầu mở dần, và lúc 1:10, Jincheon, Eumseong, và Jeungpyeong, Chungcheongbuk-do, Lúc 2:00, Gangwon-do Wonju, Injepyeongji, và phía bắc Gangwon-do. Lúc 3:00, Goesan, Chungju, Jecheon và Jeolla, Chungcheongbuk-do Các khuyến cáo về mưa lớn lần lượt được dỡ bỏ đối với Gokseong và Hwasun ở tỉnh phía Nam, và lúc 4 giờ ở Yeongwol, Đồng bằng Pyeongchang và Đồng bằng Jeongseon tỉnh Gangwon Lúc 5 giờ, cảnh báo mưa lớn đã được dỡ bỏ cho tất cả các khu vực của Hàn Quốc. Từ ngày 25 đến rạng sáng ngày 27, có nơi mưa trên 360mm ở đảo Jeju, 30-180mm ở Gangwon-do, Chungcheong và khu vực phía nam, 30-100mm ở khu vực thủ đô. Cụ thể, đảo Jeju ghi nhận 372,0 mm đỉnh tam giác, 271,5 mm bức tường phía nam của núi Hallasan và 266,5 mm cánh đồng đỗ quyên, và 184,6 mm ở Jangsu, Jeollabuk-do.
Cây đổ và chặn đường ở Chang-ri, Nam-myeon, Yanggu-gun, ngập đường ở Gwangjeon-ri, Hanbando-myeon, Yeongwol-gun và đá lăn xuống ở Dodon-ri, Pyeongchang-eup, Pyeongchang-gun. Chỉ riêng ở Gangwon-do đã xảy ra tổng cộng 13 trường hợp thiệt hại do mưa lớn nhưng không có thương vong.
Từ 9h cùng ngày, cảnh báo mưa lớn được đưa ra ở vùng núi đảo Jeju, mây mưa bắt đầu bốc lên trở lại từ phía nam. Từ 4 giờ chiều, một khuyến cáo mưa lớn được ban hành cho Gangjin, Haenam, và Wando ở Jeollanam-do, lúc 5:30, một khuyến cáo mưa lớn được ban hành cho Goheung và Yeosu, Jeollanam-do, lúc 6:30 ở Namhae, Gyeongsangnam-do. Vào lúc 8:00, một khuyến cáo về mưa lớn được đưa ra cho Tongyeong và Geoje, Gyeongsangnam-do, và front mùa mưa di chuyển về phía bắc từ Biển Nam. Lúc 8:30, cảnh báo mưa lớn một lần nữa được đưa ra cho Damyang, Jangseong, Hampyeong, Yeonggwang ở Jeollanam-do và Gwangju. Lúc 8:50, một khuyến cáo mưa lớn cho Namhae, Gyeongsangnam-do đã được thay thế bằng một cảnh báo, lúc 9:00, một khuyến cáo mưa lớn đã được đưa ra cho Naju, Gokseong, Gurye, Hwasun, Muan, Jeollabuk-do Gochang, Sunchang, và Namwon, Jeollanam-do. Sau đó, lúc 9:10, cảnh báo mưa lớn được đưa ra ở Sacheon và Goseong ở Gyeongsangnam-do, và cảnh báo mưa lớn ở Jangseong, Hampyeong và Gwangju ở Jeollanam-do đã được thay thế bằng cảnh báo mưa lớn. Vào lúc 20 phút, 10 phút sau, khuyến cáo mưa lớn được ban hành cho Gwangyang, Jeollanam-do, và Jangsu, Imsil, và Jeongeup, Jeollabuk-do. Vào lúc 9:40, cảnh báo mưa lớn đã được ban hành ở Shinan, Jeollanam-do (không bao gồm Heuksan-myeon) và Hadong, Gyeongsangnam-do, đồng thời cảnh báo mưa lớn được ban hành ở Damyang, Gokseong, Muan, Jeollanam-do và Sunchang, Jeollabuk-do. Lúc 10:00, cảnh báo mưa lớn được đưa ra ở Suncheon, Jeollanam-do và Changwon-si, Jinju-si, Gyeongsangnam-do, và cảnh báo mưa lớn được đưa ra ở Naju, Gurye, Hwasun, và Goseong, Gyeongsangnam-do. Vào lúc 10:10, một khuyến cáo về mưa lớn đã được đưa ra ở Sancheong-gun, Gyeongsangnam-do, và lúc 10:40, Boseong, Jangheung, Yeongam, Mokpo, Gyeongsangnam-do Yangsan, Gimhae, Uiryeong, Haman, Hamyang và Busan. Vào lúc 11 giờ, cảnh báo mưa lớn đã được ban hành cho Changnyeong và Hapcheon ở Gyeongsangnam-do, và cảnh báo mưa lớn đã được ban hành cho Gwangyang và Suncheon ở Jeollanam-do và Hadong ở Gyeongsangnam-do. Lúc 11:45, cảnh báo mưa lớn được mở rộng đến Boseong và Yeongam ở Jeollanam-do, Gimhae-si ở Gyeongsangnam-do và Busan. Vào phút thứ 50, cảnh báo mưa lớn được ban hành cho Buan và Gimje, Jeollabuk-do, và vào phút thứ 55, cảnh báo mưa lớn được ban hành cho Geoje, Gyeongsangnam-do.
Từ 12 giờ ngày 27 đến nửa đêm ngày 28, lượng mưa hơn 100 mm đã đổ xuống khu vực ven biển Namhae trong 12 giờ, bao gồm 154,5 mm ở Hampyeong-gun, 140,0 mm ở Gwangsan, 130,4 mm ở Namhae, Gyeongsangnam-do và 123,0 mm ở Sacheon. Vào khoảng 10:30 đêm ngày 27, một trong những người quản lý cửa nước nửa đêm đi ra bờ sông để đề phòng mưa lớn đã bị vấp ngã, được phát hiện đã chết vào ngày 29, và cái chết đầu tiên xảy ra vào mùa mưa. Vào ngày 27 và 28, lượng mưa lớn 274,6 mm đã đổ xuống Thành phố Gwangju, báo cáo tổng cộng 185 trường hợp bị điện giật, lũ lụt và thiệt hại do sét vào ngày 27. Ngoài ra, vào khoảng 9:49 tối, một người đàn ông khoảng 50 tuổi đang mở cửa mái của một tòa nhà ở Ilgok-dong, Buk-gu, Gwangju thì nhận được tin báo rằng ông bị "sét đánh" và được lực lượng cứu hỏa đưa đến bệnh viện nhưng không hề hấn gì. Vào lúc 6:32 sáng, một bức tường núi phía sau một tòa nhà chung cư ở Pungam-dong, Seo-gu, Gwangju đã sụp đổ và một chẩn đoán an toàn chi tiết đã được tiến hành. Ga tàu điện ngầm Gwangju Buk-gu Punghyang-dong, Giai đoạn 1, Đoạn 6, bị ngập và một phần vỉa hè cũng bị ngập. Con đường phía trước trường Cao đẳng Nha khoa Đại học Chosun ở Dong-gu bị sạt lở đất.
Tại Chungju, Chungcheongbuk-do, mưa lớn vào đêm 27 đã làm sập bức tường và bờ kè không ổn định, buộc 27 cư dân của các ngôi làng ở ngoại ô Chungju phải sơ tán. Một khu chung cư ở Sang-dong, Jeongeup-si, Jeollabuk-do bị mất điện và mất điện sau hai giờ. Đường ba chiều Gaejeong ở Jangsu-gun bị ngập lụt và được kiểm soát trong khoảng một giờ, và một số đất nông nghiệp ở Jangsu-eup và Sanseo-myeon bị ngập lụt.
Bộ Hành chính và An ninh Hàn Quốc đã vận hành giai đoạn đầu tiên của Trụ sở Đối phó An toàn và Thảm họa Trung ương từ 9:00 tối ngày 27 và nâng mức cảnh báo khủng hoảng từ 'quan tâm' lên 'thận trọng'. Đến 11:45, mức độ ứng phó với mưa lớn của Trụ sở Trung tâm Ứng phó Thiên tai và An toàn đã được nâng lên cấp độ 2, đồng thời mức cảnh báo nguy cơ bão lũ cũng được nâng từ 'thận trọng' lên 'cảnh báo'.
28 tháng 6
Mùa mưa bắt đầu từ chiều ngày 27, kéo dài đến Wanju, Iksan và Jeonju ở Jeollabuk-do lúc 0:10 ngày 28 tháng 6 với việc ban hành cảnh báo mưa lớn. Vào lúc 20 phút, một cảnh báo mưa lớn đã được đưa ra ở Yeosu, Jeollanam-do và một khuyến cáo mưa lớn đã được đưa ra ở Yeongam 40 phút, một cảnh báo mưa lớn đã được đưa ra ở Geumsan, Chungcheongbuk-do, 50 phút sau, một cảnh báo mưa lớn đã được đưa ra ở Gunsan, Jeollabuk-do và một cảnh báo mưa lớn đã được đưa ra ở Buan, Jeollabuk-do và Tongyeong, Gyeongsangnam-do. Sau đó, lúc 1:30, Gimje, Jeollabuk-do, được thay thế bằng cảnh báo mưa lớn. Lúc 2:20, Gunsan và Jeongeup ở Jeollabuk-do được thay thế bằng cảnh báo mưa lớn. Lúc 30 sau, cảnh báo mưa lớn được đưa ra ở Seocheon-gun, Chungcheongnam-do,lúc 3 giờ ở Muan, Jeollanam-do, và cảnh báo mưa lớn được đưa ra ở Goheung, Jeollanam-do. Lúc 3:20, nó được thay thế bằng cảnh báo mưa lớn ở Gochang, Jeollabuk-do. Lúc 3:40, cảnh báo mưa lớn được đưa ra ở Jinan, Jeollabuk-do, và lúc 4:00, cảnh báo mưa lớn ở Changwon, Gimhae và Busan ở Gyeongsangnam-do đã được hạ cấp thành khuyến cáo mưa lớn. Vào lúc 5:00, cảnh báo mưa lớn ở Gangjin, Haenam, Wando, Yeongam và Mokpo ở Jeollanam-do đã được dỡ bỏ và cảnh báo mưa lớn ở Naju được thay thế bằng khuyến cáo mưa lớn và mưa bắt đầu giảm dần. Vào lúc 5:20, cảnh báo mưa lớn đã được dỡ bỏ đối với Geumsan, Seocheon, Chungcheongnam-do, Wanju, Iksan, Gyeongsangnam-do, Changnyeong, Hapcheon, và Đảo Jeju, và Gochang, Buan, Gunsan, Gimje, Sunchang, Jeongeup, Namwon, Jinju và Hadong, Jeollabuk-do, Sancheong, Tongyeong, Sacheon, Geoje, Goseong và Namhae đã hạ cấp xuống mức cảnh báo mưa lớn. Lúc 6:20, Shinan, Jeollanam-do (trừ Heuksan-myeon), Jinan, Jeollabuk-do, Jangsu, Imsil, Jeonju, Gyeongsangnam-do Yangsan, Changwon, Gimhae, Uiryeong, Haman, Jinju, Hadong, Sancheong, Hamyang, Tongyeong, Sacheon, Geoje, Cảnh báo mưa lớn cho Goseong, Namhae và Busan cũng đã được dỡ bỏ, và cảnh báo mưa lớn cho Gokseong, Gurye, Goheung, Boseong, Yeosu, Gwangyang và Suncheon ở Jeollanam-do đã bị hạ cấp xuống mức nghiêm trọng khuyến cáo mưa. Lúc 7:00, cảnh báo mưa lớn tại Damyang, Jangseong, Hwasun, Hampyeong và Gwangju ở Jeollanam-do cũng được hạ cấp thành cảnh báo mưa lớn, lúc 9:00, cảnh báo mưa lớn đã được dỡ bỏ cho tất cả Jeollanam-do, Gwangju, Gochang, Sunchang, và Namwon ở Jeollabuk-do Lúc 10 giờ, phần còn lại của Jeollabuk-do cũng được dỡ bỏ và cảnh báo mưa lớn được dỡ bỏ trên toàn quốc.
Theo Sở cứu hỏa Gwangju và thành phố Gwangju do mưa lớn xảy ra từ đêm 27 đến sáng ngày 28 nên tạm thời nhận được báo cáo về thiệt hại do lũ lụt từ khoảng 20 địa điểm trong khu vực Gwangju vào khoảng 10:00 chiều cùng ngày, rất nhiều báo cáo về thiệt hại do lũ lụt đã được nhận và vào khoảng 11:17 chiều Thông báo hướng dẫn an toàn có nội dung: 'Hiện tại, 119 cuộc gọi đang được tập trung do mưa lớn ở Gwangju', 'Vui lòng báo cáo các báo cáo không khẩn cấp qua tin nhắn tin nhắn hoặc ứng dụng báo cáo 119 để tiếp nhận ứng cứu khẩn cấp (cứu hỏa, cứu nạn, cứu thương)' cũng được gửi. Đặc biệt, lượng mưa lớn 283 mm đã đổ xuống Gwangju chỉ sau một đêm. Lượng mưa trung bình trong tháng 6 là 152 mm, gấp đôi lượng mưa hàng tháng trong một ngày và gấp sáu lần lượng mưa hàng ngày tối đa 44 mm được ghi nhận vào năm 2018.
Thiệt hại do mưa lớn tập trung ở khu vực Honam. Một tòa nhà chung cư ở Pungam-dong, Gwangju bị hư hại do trục đá rơi xuống từ phía sau núi và 100 cư dân của một ngôi làng gần đó có kè sông bị sập khoảng 50m đã được sơ tán đến nơi an toàn. một trường tiểu học. Khu vực xung quanh sông Seomjin ở Gokseong-gun cũng bị ngập lụt và một ngôi làng với 10 hộ gia đình bị cô lập. Vào ngày 27 và 28, 270 báo cáo về thiệt hại do mưa như lũ lụt đã được nhận ở Gwangju và Jeonnam, và 60 báo cáo ở Gyeongnam. Khoảng 2.800 hộ gia đình bị mất điện do sét đánh, và 1.900 ha đất canh tác ở Gwangju và Jeollanam-do bị ngập lụt.
29 tháng 6
Từ 4h30 ngày 29 khuyến cáo mưa lớn ở đảo thứ 5 trên Biển Tây, Trung Bộ bắt đầu có mưa lớn. Vào lúc 6:30, một khuyến cáo mưa lớn đã được đưa ra cho Gyoenggi-do Siheung-si, Bucheon-si, Gimpo-si, Goyang-si, Paju-si, Chungcheongnam-do, Taean, Dangjin, Seosan và Incheon. Lúc 7:30, các khuyến cáo về mưa lớn đã được ban hành cho Gwangmyeong-si, Gwacheon-si, Ansan-si, Dongducheon-si, Yeoncheon-gun, Pocheon-si, Gapyeong-gun, Yangju-si, Uijeongbu-si, Suwon-si, Seongnam-si, Anyang-si, Guri-si, Namyangju-si, Osan-si, Pyeongtaek-si, Gunpo-si, Uiwang-si, Hanam-si, Yongin-si, Hwaseong-si, Gwangju-si, Yangpyeong-gun và Seoul. Lúc 10h, mưa lớn mở rộng sang phía đông, bao gồm Cheorwon-gun, Hwacheon-gun, Hongcheon Pyeongji, và Chuncheon-si, Gangwon-do. Vào lúc 12:00, một cảnh báo mưa lớn đã được đưa ra cho Icheon-si, Anseong-si, và Yeoju-si ở Gyeonggi-do, và toàn bộ khu vực đô thị trở thành vùng cảnh báo mưa lớn. Mặt khác, lúc 10:40 Cheonan, Asan, Boryeong, Seocheon, Hongseong, Jeollabuk-do Buan, Gunsan, và Gimje lúc 10:40, Gangwon-do Yeongwol, Đồng bằng Pyeongchang, Đồng bằng Jeongseon, Hoengseong, Wonju, Đồng bằng Yanggu, Đồng bằng Inje, Khuyến cáo về mưa lớn đã được ban hành ở Chungju, Jecheon, Jincheon, Eumseong và Danyang, Chungcheongbuk-do. Vào lúc 11:30, các cảnh báo mưa lớn bổ sung đã được ban hành cho Gongju, Nonsan, Buyeo, Cheongyang, Yesan ở Chungcheongnam-do, Gochang, Wanju, Iksan, Jeongeup và Jeonju ở tỉnh Bắc Jeolla.
Mưa mở rộng ra khắp miền trung, mạnh dần về chiều, đến 13h cảnh báo mưa lớn ở vùng núi phía bắc và trung Gangwon, cảnh báo mưa lớn ở Chuncheon, Gangwon-do Lúc 1:20, Geumsan, Gyeryong ở Chungcheongnam-do, Daejeon và Sejong, từ 2:00, một khuyến cáo mưa lớn được đưa ra ở Cheongju, Boeun, Goesan, Okcheon, Yeongdong, Jeungpyeong, tỉnh Bắc Gyeongsang, Sangju, Mungyeong và Yeongju ở Gyeongsangbuk-do.
Tháng 7
Đến 20h30 ngày 13, mức cảnh báo khủng hoảng được nâng từ "cảnh báo" lên mức nghiêm trọng cao nhất.
Vào lúc 1 giờ sáng ngày 17, cơn mưa xối xả 73,1 mm mỗi giờ đã xảy ra ở Gwangyang-gun, Jeollanam-do.
Thiệt hại
Thương vong về người
Tháng 6
Vào khoảng 10:32 chiều ngày 27 tháng 6, tại Songro-ri, Um-myeon, Hampyeong-gun, Jeollanam-do, nơi có trận mưa xối xả 71mm, một người quản lý cổng xả lũ ở độ tuổi 60, đang cùng chồng kiểm tra cổng xả lũ Eomdacheon để ứng phó với cảnh báo mưa lớn, đã vấp ngã gần một khu đất nông nghiệp và rơi xuống sông rồi mất tích. Người mất tích được tìm thấy đã chết trên bến tàu tại một trạm bơm ở Um-myeon, Hampyeong-gun, vào khoảng 10:37 sáng ngày 29, hai ngày sau đó. Người này được ghi nhận là trường hợp thương vong đầu tiên ở khu vực Nam Jeolla liên quan đến mùa mưa bắt đầu vào ngày 25.
Tháng 7
Tại Baekseok-ri, Hyoja-myeon, Yecheon-gun, Gyeongsangbuk-do, 5 trong số 13 ngôi nhà bị chôn vùi và 6 người chết trong vụ lở đất. Tại Yecheon-gun, Gyeongsangbuk-do, vào năm 2019, Jang Byung-geun, người xuất hiện trong tập 341 của Tôi là người bình thường, đã mất tích và vợ anh ta được tìm thấy đã chết. Thật không may, vào ngày 18 tháng 7, Jang Byeong-geun được tìm thấy đã chết.
Vào ngày 19 tháng 7, Binh nhất Chae Su-geun, 20 tuổi, thuộc Lữ đoàn Pháo binh Sư đoàn 1 của Thủy quân lục chiến Hàn Quốc đã bị một dòng nước lũ cuốn trôi và mất tích trong một chiến dịch tìm kiếm ở Yecheon-gun, Gyeongsangbuk-do. Không giống như các thành viên mặc áo phao khi thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm trên thuyền cao su, thành viên được biết là đã được đưa vào nhiệm vụ tìm kiếm ven sông mà không mặc áo phao. Ba lính thủy đang tìm kiếm gần cầu Bomun mà không mặc áo phao đã rơi xuống sông khi mặt đất bất ngờ sụp xuống. Binh nhất Chae Soo-geun được thăng cấp hạ sĩ và được trao tặng Huân chương Bảo quốc.
Đập Goesan tràn
Lệnh sơ tán đã được ban hành cho Dalcheon, Chungju và các khu vực lân cận do đập Goesan ở Goesan-gun, Chungcheongbuk-do bị tràn.
Thiệt hại do lũ lụt
Đường hầm Gungpyeong 2 ở Cheongju-si, Chungcheongbuk-do cũng bị ngập. Nguyên nhân được tìm ra là phần kè đã bị dỡ bỏ một cách có chủ ý để phục vụ cho dự án mở rộng cầu Mihocheon.
Tài sản văn hóa gần Pháo đài Gongsanseong cũng bị nhấn chìm. Chùa Đá ba tầng ở Sinchang-ri, Anseong, Lăng mộ Hoàng gia của Vua Muryeong và Lăng mộ Hoàng gia ở Gongju đã bị hư hại.
Thiệt hại giao thông
Từ ngày 15 tháng 7 năm 2023, do mưa lớn trên toàn quốc, dịch vụ xe lửa thông thường đã bị tạm dừng trên các tuyến Mugunghwa-ho, ITX-Saemaeul, KTX, KTX-Eum và Nuriro.
Giữa Ga Shintanjin và Ga Maepo, một tai nạn trật bánh đã xảy ra trong đường hầm Macfor do cát đất va vào đường ray.
Dự báo
Vào ngày 13 tháng 6, Cục Khí tượng Hàn Quốc đã thông báo rằng một tin nhắn khẩn cấp về thảm họa sẽ được gửi đi khi 'mưa xối xả' đổ xuống khu vực đô thị. Ở đây, mưa cực lớn có nghĩa là mưa cực lớn đáp ứng cả hai điều kiện '50 mm trong 1 giờ' và '90 mm trong 3 giờ' ở khu vực đô thị. Ngoài ra, nếu trời mưa '72 mm mỗi giờ', một tin nhắn văn bản thảm họa sẽ được gửi đi.
Phản ứng
Ngày 15/7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bày tỏ lời chia buồn về thương vong do mưa lớn gây ra ở Hàn Quốc trong cuộc họp báo thông báo sau cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Yoon Seok-yeol.
Ngoài ra, phương tiện truyền thông nước ngoài đưa tin về vụ án ngập hầm chui Osong gây chết người.
Xem thêm
Mưa lớn ở Hàn Quốc năm 2020
Mưa lớn ở miền Trung Hàn Quốc năm 2022
Biến đổi khí hậu ở Hàn Quốc
Tham khảo
Liên kết ngoài
Cảnh báo tình trạng thời tiết hiện tại - Cục Khí tượng Hàn Quốc
Thời sự
Lũ lụt năm 2023
Khí tượng học năm 2023
Hàn Quốc năm 2023 |
19816685 | https://vi.wikipedia.org/wiki/Admiralty | Admiralty | Admiralty (tiếng Anh là một Bộ Hải quân) có thể là:
Địa danh
, vùng Trung tâm, Singapore.
Kim Chung (Admiralty), Hồng Kông.
Nhóm ngôn ngữ quần đảo Admiralty, một nhóm gồm khoảng 30 ngôn ngữ thuộc ngữ chi châu Đại Dương.
Quần đảo Admiralty, một nhóm gồm mười tám đảo thuộc quần đảo Bismarck.
Khác
Khải hoàn môn Admiralty, một công trình tưởng niệm lịch sử nằm ở Luân Đôn.
Short Admiralty Type 827, trinh sát hai chỗ của Anh trong thập niên 1910. Nó còn được gọi là Short Admiralty Type 827.
USS Admiralty Islands (CVE-99), một tàu sân bay hộ tống lớp Casablanca được Hải quân Hoa Kỳ chế tạo trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Tiếng Anh |
19816686 | https://vi.wikipedia.org/wiki/VTV%20%E2%80%93%20B%C3%A0i%20h%C3%A1t%20t%C3%B4i%20y%C3%AAu%20l%E1%BA%A7n%20th%E1%BB%A9%203 | VTV – Bài hát tôi yêu lần thứ 3 | VTV – Bài hát tôi yêu lần thứ 3 hay VTV – Bài hát tôi yêu 2004 diễn ra từ tháng 8 năm 2004 đến tháng 3 năm 2005. Sau lần tổ chức này VTV Bài hát tôi yêu bị hủy bỏ vô thời hạn, cho đến năm 2016, chương trình được tiếp tục với phiên bản mới.
Sản xuất
Đầu tư
Ban tổ chức chu cấp mức kinh phí 25 triệu cho mỗi ca khúc tham dự, các ca sĩ và đội ngũ sản xuất hầu như không đầu tư thêm để cuộc thi được công bằng. Có 40 ca sĩ và nhóm nhạc tham gia chương trình, mỗi ca sĩ và nhóm nhạc sẽ thực hiện 3 MV để chọn ra 1 MV để phát sóng và bình chọn; Ban tổ chức sắp xếp họ với các đạo diễn và nhà quay phim khác nhau để sản xuất MV.
Kinh phí 25 triệu mà Ban tổ chức phát cho các tổ sản xuất là không đủ cho họ làm MV. Công ty J Production và đạo diễn Jackie Chen đảm nhiệm 2 MV của Đoan Trang và Kasim Hoàng Vũ. Đại diện công ty cho biết họ đã bỏ thêm tiền để sản xuất và hoàn thiện các video.
Sản xuất và kiểm duyệt
Các ca sĩ, nhóm nhạc đăng ký gửi ca khúc chi ban tổ chức kiểm duyệt, được chia làm 3 công đoạn gửi soundtrack, gửi audio và cuối cùng là gửi video clip. Khi đã được chương trình chọn thì các MV này sẽ do Đài Truyền hình Việt Nam nắm bản quyền phát hành.
Chương trình lần này có 14 ca sĩ và nhóm nhạc lần đầu tham gia, ngoài các đạo diễn trong nước còn có hai đạo diễn người nước ngoài là đạo diễn Jackie Chen người Đài Loan với 2 clip Tuyết rơi mùa hè của Đoan Trang và Ánh sáng đêm trắng của Kasim Hoàng Vũ; đạo diễn Aaron Toronto người Mỹ với 2 clip Bài hát cho em và tôi của ca sĩ Quang Hà và Ước mơ cho ngày mai của nhóm MTV. Ca sĩ Tùng Dương tham gia với 2 ca khúc Đêm cuối và Ôi quê tôi; riêng ca khúc Ôi quê tôi được phối khí cầu kỳ với 60 luồng âm thanh, nhưng bị đạo diễn từ chối thực hiện clip vì cho rằng sẽ khó truyền tải hết cái hay của khúc. Ban đầu Tùng Dương còn lưỡng lự việc tham gia chương trình khi anh và Thanh Lam cùng chọn chung ca khúc Ôi, quê tôi.
Các ca sĩ Phương Thanh, Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng trở lại cuộc thi nhưng nhanh chóng bị loại trong quá trình kiểm duyệt ca khúc. Ca sĩ Mỹ Lệ cho rằng Ban tổ chức không công bằng trong việc sắp xếp đội ngũ ca sĩ và đạo diễn nên cũng sớm từ chối tham dự. Hồng Nhung và Mỹ Linh rút lui giữa chừng và được thay thế bởi Tùng Dương và Phương Anh.
Giải thưởng
Có 17 giải thưởng dành cho 17 trong tổng số 40 clip tham dự, mỗi tác phẩm nhận giải được tặng một chiếc cúp. Cúp được làm bằng pha lê, cao khoảng 40cm, nặng gần 1,5kg, do Trung tâm Caeser thực hiện.
Phát sóng
Dự định ban đầu, VTV – Bài hát tôi yêu bắt đầu phát sóng vào tháng 7 năm 2004 và chung kết diễn ra vào tháng 12 năm 2004, nhưng vì Ban Văn nghệ Đài Truyền hình Việt Nam bận sản xuất cuộc thi Sao mai điểm hẹn và một số lý do khách quan khác, VTV – Bài hát tôi yêu phải rời lịch.
Vòng 1
Sau ba tháng phát động và tiến hành quay video clip, chương trình VTV Bài hát tôi yêu lần 3 chính thức lên lịch phát sóng từ ngày 22 tháng 9 năm 2004.
Cuộc thi mở đầu với MV ca khúc Mãi mãi một tình yêu của ca sĩ Đan Trường, đạo diễn bởi Minh Vy, ca khúc được sáng tác bởi Hoài An.
Vòng 2
Đây là vòng thi cuối cùng để Ban tổ chức chọn ra những tác phẩm chiến thắng cuối cùng, buổi phát sóng của vòng 2 bắt đầu từ ngày 7 tháng 12 năm 2004.
Có 20 clip đã chiến thắng vòng một:
Giọt sương ban mai - Lam Trường
Tình ngỡ là mơ - Cẩm Ly
Ước mơ cho ngày mai - MTV
Tôi tìm thấy tôi - Hồ Quỳnh Hương
Miền cát trắng - Quang Vinh
Mãi mãi một tình yêu - Đan Trường
Tuyết rơi mùa hè - Đoan Trang
Thiên thần đáng yêu - GMC
Anh - Lê Kiều Như
Mùa đông mong manh - Trio 666
Tình hoàng hôn - Tuấn Hưng
Mùa thu giấu em - Ngọc Anh
Đêm nay có mưa rơi - AC&M
Bài hát cho em và tôi - Quang Hà
Người con gái khóc - Cao Thái Sơn
Thôi đừng chiêm bao - Lệ Quyên
Tình cuối mây ngàn - Quang Dũng
Bạn bè - Thủy Triều Đỏ
Tin nhắn của anh - Hồng Ngọc
Ca sĩ, nhóm nhạc tham gia
Cuộc thi lần này có sự trở lại của ca sĩ Thanh Lam với ca khúc Người ở người về do Lê Minh Sơn sáng tác. Các ca sĩ trẻ Tùng Dương, Ngọc Khuê, Hồ Quỳnh Hương, Lệ Quyên, Cao Thái Sơn, Phương Anh, Thu Minh, Hiền Thục, Kasim Hoàng Vũ, Tuấn Hưng, Kiều Như, Nghi Văn. Khánh Linh, Lê Kiều Như, nhóm Nhịp Điệu, Bông Mai, Tam ca Áo trắng 5 dòng kẻ, nhóm Anh em, Nghi Văn, nhóm Biển xanh, nhóm Trio 666, Quang Hà, Hà Bảo Thu, Ngọc Anh, Đoan Trang, Cẩm Ly, MTV, Quang Dũng, GMC, Thủy Triều Đỏ, Hồng Ngọc, Lam Trường, Lê Uyên Nhi
Trong số 14 ca sĩ và nhóm nhạc lần đầu tham dự có 4 ca sĩ giành được giải là Quang Hà, Lê Kiều Như, Hà Bảo Thu và Ngọc Anh
Trao giải
Lễ trao giải tổ chức ngày 6 tháng 3 năm 2005 tại Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh do Đinh Anh Dũng làm tổng đạo diễn. Buổi lễ có sự tham gia biểu diễn của 17 người mẫu nổi tiếng, 17 diễn viên múa, trùng với 17 giải thưởng sẽ được trao trong lễ trao giải. 17 giải thưởng bao gồm 10 video clip được khán giả bình chọn nhiều nhất trong số 20 clip được lọt vào vòng hai. Bên cạnh đó là năm giải do hội đồng nghệ thuật bình chọn và hai giải do Hội nhạc sĩ bình chọn. Trong đó giải thưởng của Hội đồng nghệ thuật là giải chính thức, giải của Hội nhạc sĩ mang tính động viên đội ngũ sản xuất. Theo đấy, giải của Hội đồng nghệ thuật được chọn các clip đã lọt vào vòng 2; còn giải của Hội Nhạc sĩ và giải khán giả bình chọn sẽ chọn từ 40 clip dự cuộc thi. Buổi lễ được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV3 do Anh Tuấn và Ngọc Linh dẫn chương trình.
Giải thưởng Hội đồng nghệ thuật
Giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam
Giải Khán giả bình chọn
Nhận xét
Ca sĩ Nam Khánh của nhóm AC&M chi rằng việc phải sản xuất 3 clip chỉ để chọn ra một khiến các ca sĩ rất mỏi mệt. Quá trình kiểm duyệt tốn kém, mức đầu tư của Ban Tổ chức không đủ khiến một số đội ngũ phải bỏ thêm kinh phí; cùng với việc không có quyền phát hành các MV do mình sản xuất khiến nhiều ca sĩ ngần ngại tham gia.
Một phần vì kinh phí eo hẹp các đạo diễn nước ngoài Jackie Chen, Aaron Toronto đều có hai clip dự thi nhưng đều không có sự vượt trội.
Cuộc thi lần này bị đánh giá là kém sức hấp dẫn khi các ca khi có lượng người hâm mộ lớn và ca sĩ chuyên nghiệp đều rút lui hoặc bị loại khỏi cuộc thi. Những đoạn trich hậu trường sản xuất clip cũng đơn điệu kém hấp dẫn.
Lễ trao giải được tổ chức kém sôi động, các hạng mục giải thưởng không có tính cạnh tranh phân chia thứ hạng trình độ. Cuộc thi chưa tôn vinh được tầm quan trọng của đạo diễn và quay phim.
Các MV dự thi
Theo trang web của Đông Tây Promotion nhà sản xuất VTV - Bài hát tôi yêu: Đội ngũ đạo diễn, quay phim của Mùa đông mong manh bên trên là của Tóc mây (Hiền Thục) và thuộc tuần 4
MTV - Ước mơ cho ngày mai, sáng tác Nguyễn Anh Tuấn, đạo diễn Aaron Toronto
Lam Trường - Giọt sương ban mai, sáng tác Lam Trường, đạo diễn Huỳnh Phúc Điền
Ngọc Anh - Mùa thu giấu em, sáng tác Phú Quang, đạo diễn Việt Hương
Nghi Văn - Đêm nằm mơ phố, sáng tác Việt Anh, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng
Thanh Lam - Người ở người về, sáng tác Lê Minh Sơn, đạo diễn Phạm Hoàng Nam
Phương Thùy - Tìm trong mắt nhau, đạo diễn Đoàn Minh Tuấn)
Tam ca Áo Trắng - Tóc dài ơi, sáng tác Sỹ Luân, đạo diễn Phan Điền)
Lê Kiều Như - Anh, sáng tác Hoài An, đạo diễn Phan Điền
Quang Hà - Bài hát cho tôi và em, sáng tác Quốc Việt, đạo diễn Aaron Toronto
Hà Bảo Thu - Dòng sông lặng trôi, sáng tác Bảo Phúc, đạo diễn Phạm Việt Thanh
Kasim Hoàng Vũ - Ánh sáng đêm trăng, sáng tác Trần Tiến, đạo diễn Aaron Toronto
Hiền Thục - Tóc mây, sáng tác Phạm Thế Mỹ, đạo diễn Nguyễn Trinh Hoan
Ca khúc đã rút lui
Phương Thanh - Vì em yêu anh, sáng tác Đức Trí, đạo diễn Đoàn Minh Tuấn. Ca khúc không được phê duyệt
Mỹ Tâm - Vì đâu, sáng tác Mỹ Tâm, đạo diễn Huỳnh Phúc Điền. Ca khúc được duyệt nhưng cuối cùng Ban tổ chức yêu cầu thay ca khúc khác; Mỹ Tâm không đủ thời gian quay MV nên xin rút lui.
Tham khảo |
19816687 | https://vi.wikipedia.org/wiki/Lavender%20%28%C4%91%E1%BB%8Bnh%20h%C6%B0%E1%BB%9Bng%29 | Lavender (định hướng) | Lavender (tiếng Anh là một Lavandula) có thể là:
, Kallang, vùng Trung tâm, Singapore.
Lavender Haze, một bài hát của nữ ca sĩ kiêm sáng tác nhạc người Mỹ Taylor Swift nằm trong album phòng thu thứ 10 của cô.
Lavender Town, một ngôi làng hư cấu trong trò chơi điện tử Pokémon Red and Blue.
Hôn nhân màu tím
Tiếng Anh |
19816688 | https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BB%99ng%20%C4%91%E1%BA%A5t%20ngo%C3%A0i%20kh%C6%A1i%20Sanriku%201994 | Động đất ngoài khơi Sanriku 1994 | là trận động đất xảy ra vào lúc 21:19 (JST), ngày 28 tháng 12 năm 1994. Trận động đất có cường độ 7.6 richter, tâm chấn độ sâu khoảng 33 km. Một cơn sóng thần cao 55 cm được ghi nhận tại Miyako, Iwate. Hậu quả trận động đất đã làm 3 người chết, 788 người bị thương.
Tham khảo |
19816694 | https://vi.wikipedia.org/wiki/L%E1%BB%B1c%20l%C6%B0%E1%BB%A3ng%20Ph%C3%B2ng%20v%E1%BB%87%20M%E1%BA%B7t%20%C4%91%E1%BA%A5t%20Sabaot | Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Sabaot | Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Sabaot (SLDF) là 1 lực lượng dân quân du kích hoạt động ở quận núi Elgon thuộc Kenya từ năm 2005. Nhóm này đã bị cáo buộc rằng giết khoảng 600 người, bao gồm việc thực hiện nhiều tội ác như giết người, đánh đạp và tra tấn, hãm hiếp, cướp bóc và tàn phá tài sản. Đồng thời nhóm này cũng đã khiến cho 66,000 người mất chỗ ở chỉ trong 18 tháng.
Điểm chính
Nhóm này được thành lập dựa trên nòng cốt từ người Sabaot, 1 nhánh gồm các bộ lạc nhỏ thuộc nhóm người Kalenjin, 1 nhóm sắc tộc chiếm khoảng 11% tổng dân số Kenya nhưng lại chiếm đa số ở tỉnh thung lũng Rift và đông Uganda. Họ được cho là cận vệ cũ của Tổng thống, người đã bị giết bởi lực lượng vũ trang.Wycliffe Matakwei Kirui là người đứng đầu của tổ chức này và tuyên bố sự lãnh đạo của ông đã vươn tới đỉnh cao với việc ông tuyên bố rằng kiểm soát hơn 35,000 dân quân. ĐIều khác biệt của nhóm này so với các nhóm ở địa phương là mặc đồng phục ngụy trang rừng rậm và có trang bị những khẩu AK-47 cùng với đạn dược từ Somalia, với giá 130$ khi mà đạn dược là vô cùng khó khăn để mua. SLDF đựoc hỗ trợ bởi ''tiền không chính thức'' của các cư dân địa phuơng, và nó đã được thực hiện thông quân 1 hệ thống song song.
Bình luận viên đã nói về kết quả của việc hỗ trợ là sự bùng nổ của bạo lực và sự phát triển của các nhóm dân quân có liên quan tới nhiều yếu tố khác nhau: xung đột ở những vùng đất có tài nguyên tiềm năng, thất nghiệp lan rộng của những người thuộc độ tuổi thanh niên và 1 quốc gia với dân số tăng nhanh (50% dân số Kenya dưới 16 tuổi). Theo truyền thống của Kenya thì có càng nhiều con nhất có thể sẽ càng tốt.
Liên kết |
19816695 | https://vi.wikipedia.org/wiki/Hopman%20Cup%202023 | Hopman Cup 2023 | Hopman Cup XXXII là lần thứ 32 giải Hopman Cup được tổ chức, một giải quần vợt giữa các quốc gia ở quần vợt nam và nữ. Giải đấu diễn ra từ ngày 19–23 tháng 7 năm 2023 trên mặt sân đất nện tại Nice Lawn Tennis Club ở Nice, Pháp.
Sau ba năm, vào ngày 6 tháng 12 năm 2022, Liên đoàn Quần vợt Quốc tế (ITF) thông báo giải Hopman Cup trở lại ở mùa giải quần vợt 2023 tại Nice vào tháng 7, lần đầu tiên giải đấu không tổ chức ở Úc và không diễn ra vào tuần đầu của mùa giải. Giải đấu năm 2023 có sáu đội tham dự, không giống như tám đội ở các giải đấu trước.
Donna Vekić và Borna Ćorić của Croatia là nhà vô địch, đánh bại Céline Naef và Leandro Riedi của Thụy Sĩ trong trận chung kết. Đây là danh hiệu Hopman Cup thứ 2 của Croatia, danh hiệu đầu tiên kể từ năm 1996. Đội Thụy Sĩ, đương kim vô địch giải đấu, có cơ hội giành ba danh hiệu Hopman Cup liên tiếp, nhưng thua trong trận chung kết.
Các tay vợt tham dự
Danh sách 12 tay vợt tham dự Hopman Cup 2023 được công bố vào ngày 4 tháng 4 năm 2023:
Vòng bảng
Lịch thi đấu được công bố vào ngày 11 tháng 5 năm 2023. 6 đội được chia thành 2 bảng, mỗi bảng 3 đội. Đội đứng nhất mỗi bảng giành quyền vào trận chung kết.
Bảng 1
Bảng xếp hạng
All times are local (UTC+1).
Đan Mạch vs. Thụy Sĩ
Đan Mạch vs. Pháp
Thụy Sĩ vs. Pháp
Bảng 2
Bảng xếp hạng
Bỉ vs. Croatia
Bỉ vs. Tây Ban Nha
Croatia vs. Tây Ban Nha
Chung kết
Thụy Sĩ vs. Croatia
Chú thích
Tham khảo
Liên kết ngoài
2023
Giải quần vợt ở Pháp
Quần vợt Pháp năm 2023
Thể thao Nice |
19816714 | https://vi.wikipedia.org/wiki/Malik%20Tillman | Malik Tillman | Malik Leon Tillman (sinh ngày 28 tháng 5 năm 2002) là một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp thi đấu ở vị trí tiền vệ tấn công cho câu lạc bộ Bayern München tại Bundesliga. Sinh ra ở Đức, anh đại diện cho đội tuyển quốc gia Hoa Kỳ.
Tham khảo
Liên kết ngoài
Cầu thủ bóng đá Rangers F.C.
Cầu thủ bóng đá Bundesliga
Cầu thủ bóng đá 3. Liga
Cầu thủ bóng đá Bayern München II
Cầu thủ bóng đá Bayern München
Người Mỹ gốc Đức
Cầu thủ đội tuyển bóng đá U-21 quốc gia Đức
Cầu thủ đội tuyển bóng đá trẻ quốc gia Đức
Cầu thủ đội tuyển bóng đá trẻ quốc gia Hoa Kỳ
Cầu thủ đội tuyển bóng đá quốc gia Hoa Kỳ
Nhân vật còn sống
Sinh năm 2002
Nguồn CS1 tiếng Đức (de) |
19816722 | https://vi.wikipedia.org/wiki/Rogers%20Cup%202019 | Rogers Cup 2019 | Rogers Cup 2019 là giải quần vợt trên sân cứng, diễn ra từ ngày 5 tháng 8 đến ngày 11 tháng 8 năm 2019 tại Canada. Giải là một trong những giải đấu chuẩn bị cho Mỹ Mở rộng cùng năm. Đây là lần thứ 130 (đối với nam) và lần thứ 118 (đối với nữ) giải đấu được tổ chức.
Điểm và tiền thưởng
Điểm từng vòng
Tiền thưởng
Các tay vợt tham dự giải ở nội dung đơn nam
Các hạt giống của giải
Các tay vợt sau đây được xếp hạng hạt giống dựa trên Bảng xếp hạng ATP tính đến ngày 29 tháng 7 năm 2019. Thứ hạng và điểm trước đó được tính đến trước ngày 5 tháng 8 năm 2019.
† Tay vợt không vượt qua vòng loại giải đấu năm 2018. Do đó, điểm cho kết quả tốt thứ 18 được thay vào.
Rút lui
Các tay vợt sau đây lẽ ra đã được xếp hạt giống, nhưng họ đã rút lui khỏi giải đấu.
Các tay vợt còn lại
Các tay vợt nhận được suất đặc cách (wildcard):
Peter Polansky
Vasek Pospisil
Brayden Schnur
Jo-Wilfried Tsonga
Tay vợt tham dự giải nhờ suất "special exempt":
Peter Gojowczyk
Các tay vợt tham dự giải sau khi vượt qua vòng loại:
Dan Evans
Ilya Ivashka
Bradley Klahn
Kwon Soon-woo
Feliciano López
Tommy Paul
Bernard Tomic
Tay vợt tham dự giải do một tay vợt khác (Kevin Anderson) rút lui:
Hubert Hurkacz
Tay vợt tham dự giải nhờ một suất "lucky loser":
John Millman
Bỏ cuộc
Trước khi giải diễn ra
Kevin Anderson → được thay thế bởi Hubert Hurkacz
Matteo Berrettini → được thay thế bởi John Millman
Pablo Cuevas → được thay thế bởi Grigor Dimitrov
Juan Martín del Potro → được thay thế bởi Jordan Thompson
Novak Djokovic → được thay thế bởi Mikhail Kukushkin
Roger Federer → được thay thế bởi Richard Gasquet
Frances Tiafoe → được thay thế bởi Cameron Norrie
Fernando Verdasco → được thay thế bởi Márton Fucsovics
Các tay vợt tham dự giải ở nội dung đôi nam
Các hạt giống
Các tay vợt khác
Các tay vợt nhận được suất đặc cách (wildcard):
Félix Auger-Aliassime / Vasek Pospisil
Feliciano López / Andy Murray
Peter Polansky / Brayden Schnur
Các tay vợt tham dự giải ở nội dung đơn nữ
Các tay vợt hạt giống
Các tay vợt còn lại
Các tay vợt nhận được suất đặc cách (wildcard):
Eugenie Bouchard
Leylah Annie Fernandez
Svetlana Kuznetsova
Kristina Mladenovic
Maria Sharapova
Các tay vợt tham dự giải sau khi vượt qua vòng loại:
Ekaterina Alexandrova
Marie Bouzková
Jennifer Brady
Francesca Di Lorenzo
Misaki Doi
Polona Hercog
Tatjana Maria
Anastasia Potapova
Alison Riske
Iga Świątek
Ajla Tomljanović
Wang Xiyu
Tay vợt tham dự giải do một tay vợt khác (Amanda Anisimova) rút lui:
Anastasia Pavlyuchenkova
Tay vợt tham dự giải nhờ một suất "lucky loser":
Zhang Shuai
Các tay vợt rút lui (trước giải)
Amanda Anisimova → replaced by Anastasia Pavlyuchenkova
Petra Kvitová → replaced by Venus Williams
Garbiñe Muguruza → replaced by Zheng Saisai
Lesia Tsurenko → replaced by Zhang Shuai
Wang Qiang → replaced by Camila Giorgi
Markéta Vondroušová → replaced by Victoria Azarenka
Các tay vợt bỏ cuộc giữa trận đấu
Simona Halep
Tatjana Maria
Carla Suárez Navarro
Ajla Tomljanović
Serena Williams
Các tay vợt tham dự giải ở nội dung đôi nữ
Các tay vợt hạt giống
Các tay vợt khác
Các đội nhận được suất đặc cách (wildcard):
Françoise Abanda / Carson Branstine
Eugenie Bouchard / Sharon Fichman
Leylah Annie Fernandez / Simona Halep
Tay vợt bỏ cuộc giữa trận đấu
Yang Zhaoxuan (viral illness)
Các trận chung kết
Đơn nam
Rafael Nadal thắng Daniil Medvedev, 6–3, 6–0
Đơn nữ
Bianca Andreescu thắng Serena Williams, 3–1, bỏ cuộc
Đôi nam
Marcel Granollers / Horacio Zeballos thắng Robin Haase / Wesley Koolhof, 7–5, 7–5
Đôi nữ
Barbora Krejčíková / Kateřina Siniaková thắng Anna-Lena Grönefeld / Demi Schuurs, 7–5, 6–0
Chú thích
Liên kết ngoài
Official website - Men's tournament
Official website - Women's tournament
Thể loại |
19816731 | https://vi.wikipedia.org/wiki/Gi%E1%BA%A3i%20G%E1%BA%A5u%20B%E1%BA%A1c%20cho%20di%E1%BB%85n%20vi%C3%AAn%20ch%C3%ADnh%20xu%E1%BA%A5t%20s%E1%BA%AFc%20nh%E1%BA%A5t | Giải Gấu Bạc cho diễn viên chính xuất sắc nhất | Giải Gấu bạc cho diễn viên chính xuất sắc nhất () là giải thưởng được trao tại Liên hoan phim quốc tế Berlin cho phần trình diễn xuất sắc trong vai chính và được ban giám khảo lựa chọn từ các bộ phim tranh giải chính tại liên hoan phim. Giải thưởng được trao lần đầu tiên tại Liên hoan năm 2021 thay cho Nam diễn viên xuất sắc nhất và Nữ diễn viên xuất sắc nhất.
Người thắng giải
Chú thích
Liên kết ngoài
Berlinale website
Liên hoan phim Berlin |
19816735 | https://vi.wikipedia.org/wiki/Gi%E1%BA%A3i%20%C4%91ua%20%C3%B4%20t%C3%B4%20C%C3%B4ng%20th%E1%BB%A9c%201%20Hungary%202023 | Giải đua ô tô Công thức 1 Hungary 2023 | Giải đua ô tô Công thức 1 Hungary 2023 (tên chính thức là Formula 1 Qatar Airways Hungarian Grand Prix 2023) là một chặng đua Công thức 1 được tổ chức vào ngày 16 tháng 7 năm 2023 tại trường đua Hungaroring ở Mogyoród, Hungary, và là chặng đua thứ 11 của giải đua xe Công thức 1 2023.
Bối cảnh
Bảng xếp hạng trước cuộc đua
Sau giải đua ô tô Công thức 1 Anh, Max Verstappen tiếp tục dẫn đầu trước Sergio Pérez (156 điểm) và Fernando Alonso (137 điểm) trong bảng xếp hạng các tay đua với 255 điểm. Trong bảng xếp hạng các đội đua, Red Bull Racing tiếp tục dẫn đầu trước Mercedes (205 điểm) và Aston Martin (181 điểm) với 411 điểm.
Thay đổi tay đua
Trước khi giải đua ô tô Công thức 1 Hungary diễn ra, Daniel Ricciardo quay trở lại Công thức 1 sau khi anh thay thế Nyck de Vries tại AlphaTauri.
Quy định sử dụng bộ lốp
Số lượng các bộ lốp đã được giảm xuống từ 13 xuống còn 11 sau khi quy định mới liên quan đến việc sử dụng bộ lốp đã được áp dụng tại chặng đua này với mục đích sử dụng lốp một cách bền vững hơn. Việc sử dụng các bộ lốp trong vòng phân hạng được áp dụng như sau: bộ lốp cứng (hard) tại Q1, bộ lốp trung bình (medium) tại Q2 và bộ lốp mềm (soft) tại Q3.
Lựa chọn bộ lốp
Nhà cung cấp lốp xe Pirelli cung cấp các bộ lốp hạng C3, C4 và C5 (được chỉ định lần lượt là cứng, trung bình và mềm) để các đội sử dụng tại sự kiện này.
Tường thuật
Buổi tập
Trong buổi tập đầu tiên với điều kiện thời tiết mưa ướt, George Russell lập thời gian nhanh nhất với 1:38,795 phút trước Oscar Piastri và Lance Stroll. Buổi tập này bị gián đoạn do cú va chạm của Sergio Pérez với hàng rào đường đua do mất lái ở giai đoạn đầu tiên của buổi tập.
Trong buổi tập thứ hai, Charles Leclerc lập thời gian nhanh nhất với 1:17,686 phút trước Lando Norris và Pierre Gasly. Buổi tập này diễn ra với điều kiện thời tiết khô ráo.
Trong buổi tập thứ ba, Lewis Hamilton lập thời gian nhanh nhất với 1:17,811 phút trước Max Verstappen và Sergio Pérez.
Vòng phân hạng
Vòng phân hạng bao gồm ba phần với thời gian chạy 45 phút. Trong phần đầu tiên (Q1), các tay đua có 18 phút để tiếp tục tham gia phần thứ hai vòng phân hạng. Tất cả các tay đua đạt được thời gian trong phần đầu tiên với thời gian tối đa 107% thời gian nhanh nhất được phép tham gia cuộc đua. 15 tay đua nhanh nhất trong Q1 lọt vào Q2. Ở Q1, tất cả các tay đua chỉ được phép sử dụng bộ lốp cứng. Chu Quán Vũ là tay đua nhanh nhất trong Q1. Sau khi Q1 kết thúc, cả hai tay đua Williams, Russell, Yuki Tsunoda và Kevin Magnussen bị loại.
Phần thứ hai (Q2) kéo dài 15 phút và mười tay đua nhanh nhất của phần này đi tiếp vào phần thứ ba của vòng phân hạng. Ở Q2, tất cả các tay đua chỉ được phép sử dụng bộ lốp trung bình. Norris là tay đua nhanh nhất trong Q2. Sau khi Q2 kết thúc, Carlos Sainz Jr., cả hai tay đua Alpine, Daniel Ricciardo và Lance Stroll bị loại.
Phần cuối cùng (Q3) kéo dài mười hai phút, trong đó mười vị trí xuất phát đầu tiên được xác định sẵn. Hamilton giành được vị trí pole với thời gian nhanh nhất là 1:16,609 phút trước Verstappen và Norris. Anh chính thức giành được vị trí pole thứ 104 của mình và đây cũng là vị trí pole đầu tiên của anh kể từ chặng đua GP Ả Rập Xê Út 2021. Ngoài ra, anh cũng lập kỷ lục khi trở thành tay đua có nhiều vị trí pole nhất tại một trường đua sau khi giành được vị trí pole lần thứ chín tại trường đua Hungaroring. Đối với Chu Quán Vũ, vị trí thứ năm là kết quả vòng phân hạng tốt nhất trong sự nghiệp Công thức 1 của anh cho đến nay.
Cuộc đua
Sau khi cuộc đua bắt đầu, Verstappen đã vượt qua Hamilton ở góc cua số 1 và chiếm lấy vị trí dẫn đầu một cách thoải mái cho đến khi cuộc đua kết thúc. Cũng tại góc cua số 1, cả hai tay đua Alpine, Pierre Gasly và người chiến thắng cuộc đua vào năm 2021 Esteban Ocon, đã va chạm với nhau và phải bỏ cuộc sau đó do xe hỏng. Vụ va chạm của họ được gây ra bởi màn xuất phát tồi của Chu Quán Vũ và điều đó khiến anh đâm vào đuôi xe của Ricciardo vào Ocon. Ocon không kịp thời phản ứng nhanh cho nên anh va chạm với Gasly. Sau vụ va chạm đó, Ricciardo tụt xuống vị trí thứ 18 và cuối cùng.
Vài vòng sau đó, giai đoạn thay lốp đã làm xáo trộn thứ tự cuộc đua. Pérez ra ngoài làn pit ở vị trí thứ hai sau Verstappen, tay đua đang dẫn đầu một cách thoải mái. Verstappen vào làn pit và giữ vị trí dẫn đầu. Charles Leclerc bị tấn công bởi Lance Stroll và Carlos Sainz Jr. nhưng Stroll đã tụt lại phía sau khi Fernando Alonso vượt qua anh ta. Sau khi Pérez vào làn pit để thay lốp, Lando Norris đứng ở vị trí thứ hai. Trong suốt cuộc đua, Pérez đã sớm vượt qua đồng đội của Norris là Piastri để giành vị trí thứ tư bằng một cú vượt khiến tay đua người Úc của McLaren chệch khỏi mặt đường đua và lao vào bãi cỏ. Ngay sau đó, Hamilton đã vượt qua Piastri để giành vị trí thứ tư nhưng không thể đuổi kịp Pérez. Trong khi đó, Leclerc vượt quá giới hạn tốc độ trong làn pit và nhận một án phạt 5 giây.
Sau khi cuộc đua kết thúc, Verstappen giành chiến thắng với khoảng cách 33 giây trước Norris và Pérez. Với chiến thắng này, Red Bull phá kỷ lục mới về số chiến thắng liên tiếp nhiều nhất của một đội đua sau khi vượt qua kỷ lục 11 chiến thắng liên tiếp của McLaren từ năm 1988. Các tay đua còn lại ghi điểm trong cuộc đua này là Hamilton, Piastri, Russell, Leclerc, Sainz jr., Alonso và Stroll.
Kết quả
Vòng phân hạng
Cuộc đua
Chú thích:
– Bao gồm một điểm cho vòng đua nhanh nhất.
– Charles Leclerc về đích ở vị trí thứ 6 nhưng nhận một án phạt 5 giây vì vượt tốc độ ở làn pit. Án phạt này khiến anh bị tụt xuống vị trí thứ 7.
– Logan Sargeant được xếp hạng do hoàn thành hơn 90% của cuộc đua.
Bảng xếp hạng sau cuộc đua
Bảng xếp hạng các tay đua
Lưu ý: Chỉ có mười vị trí đứng đầu được liệt kê trong bảng xếp hạng này.
Bảng xếp hạng các đội đua
Tham khảo
Chặng đua Công thức 1 năm 2023
Giải đua ô tô Công thức 1 Hungary |
19816737 | https://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BA%A7n%20Th%E1%BB%8B%20H%E1%BA%A3i%20Linh | Trần Thị Hải Linh | Trần Thị Hải Linh (sinh ngày 8 tháng 6 năm 2001) là một cầu thủ bóng đá nữ người Việt Nam thi đấu được cả ở vị trí trung vệ và tiền vệ cho Hà Nội Watabe và đội tuyển bóng đá nữ quốc gia Việt Nam.
Danh hiệu
Hà Nội Watabe
Giải bóng đá nữ Vô địch Quốc gia:
Á quân: 2019, 2020, 2021, 2022
Cúp Quốc gia:
Á quân: 2019, 2021, 2022, 2023
Hạng ba: 2020
Đội tuyển Việt Nam
Đại hội Thể thao Đông Nam Á:
Huy chương vàng: 2021, 2023
Tham khảo
Liên kết ngoài
Người họ Trần
Người Hà Nội
Trung vệ bóng đá nữ
Tiền vệ bóng đá nữ
Cầu thủ bóng đá nữ Việt Nam
Cầu thủ đội tuyển bóng đá nữ quốc gia Việt Nam
Cầu thủ Giải vô địch bóng đá nữ thế giới 2023
Phụ nữ Việt Nam thế kỷ 21 |
19816740 | https://vi.wikipedia.org/wiki/Sof%C3%ADa%20Otero | Sofía Otero | Sofía Otero (sinh ngày 31 tháng 3 năm 2013) là một nữ diễn viên người Tây Ban Nha. Cô đảm nhận vai chính trong bộ phim đầu tay 20.000 especies de abejas, vai diễn giúp Otero giành giải Gấu Bạc cho diễn viên chính xuất sắc nhất tại Liên hoan phim quốc tế Berlin lần thứ 73, trở thành diễn viên trẻ nhất giành được giải thưởng này.
Tiểu sử
Otero sinh ngày 31 tháng 3 năm 2013 tại Barakaldo và sống ở Basauri, Tây Ban Nha.
Otero ra mắt bộ phim khi đạo diễn giao cho cô đóng vai chính trong bộ phim 20.000 especies de abejas sau buổi thử vai 500 cô bé. Cốt truyện bộ phim kể về một cô gái chuyển giới và mối quan hệ của cô với gia đình. Để diễn tả chính xác, , một hiệp hội khu vực dành cho các gia đình của trẻ vị thành niên chuyển giới, đã trao đổi với đạo diễn và đảm nhận hướng dẫn cho Otero. Stephanie Bunbury của Deadline Hollywood khen sự diễn xuất của Otero, viết rằng Otero "diễn xuất theo bản năng, không bó buộc và thấu hiểu nhiều về cuộc sống của nhân vật của cô ấy phải khó khăn ra sao." Lee Marshall của Screen Daily viết rằng "Sofía Otero không bao giờ kém sức hút, khuôn mặt cô bé như vực sâu trở nên thu hút khán giả".
Giải thưởng
Otero được vinh danh trong hoạt động của cô trong 20.000 especies de abejas, bao gồm việc giành giải Gấu Bạc cho diễn viên chính xuất sắc nhất năm 2023, trở thành diễn viên trẻ nhất giành được giải thưởng này khi chỉ 9 tuổi. Cô là một trong những người được vinh danh khi 20.000 especies de abejas giành giải thưởng dành cho dàn diễn viên nữ tại Liên hoan phim quốc tế Hồng Kông năm 2023 và Giải Maguey cho diễn viên xuất sắc nhất của nhóm tại Liên hoan phim quốc tế Guadalajara năm 2023.
Tháng 4 năm 2023, Hội đồng Thành phố Basauri vinh danh Otero vì đoạt giải Gấu bạc.
Chú thích
Liên kết ngoài
Otero receives the Silver Bear, with text in Basque and voice-over in English.
Nữ diễn viên thiếu nhi Tây Ban Nha |
19816745 | https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BB%99ng%20%C4%91%E1%BA%A5t%20v%C3%A0%20s%C3%B3ng%20th%E1%BA%A7n%20Hokkaid%C5%8D%201993 | Động đất và sóng thần Hokkaidō 1993 | là trận động đất xảy ra vào lúc 22:17 (JST), ngày 12 tháng 7 năm 1993. Trận động đất có cường độ 7.8 richter, tâm chấn độ sâu 16.7 km. Trận động đất đã gây ra sóng thần rất lớn cho khu vực Biển Nhật Bản, gần như đảo Okushiri bị phá hủy hoàn toàn. Hậu quả đã làm 202 người chết.
Tham khảo |
19816749 | https://vi.wikipedia.org/wiki/Danh%20s%C3%A1ch%20h%C3%A3n%20Krym | Danh sách hãn Krym | Hãn quốc Krym là một quốc gia tồn tại ở miền nam Ukraina ngày nay từ năm 1441 đến năm 1783. Người Tatar Krym mặc dù không phải là một bộ phận của dân tộc Ukraina, nhưng có mối liên hệ sâu sắc với nhau, và họ cai trị một phần lớn Ukraina hiện đại trong khoảng thời gian 300 năm.
Vị trí của hãn ở Krym là do bầu cử và được chọn bởi các bey từ bốn trong số những gia đình cao quý nhất (còn được gọi là các bey Qarachi: Argyn, Kipchak, Shirin và Baryn) tại kurultai, nơi quyết định về ứng cử viên được thông qua. Vị hãn mới đắc cử được đưa lên trên một tấm vải nỉ trắng và bên trên ông đọc những lời cầu nguyện của người Hồi giáo, sau đó vị hãn này đăng quang một cách khải hoàn.
Danh sách
Sau đây là bảng niên đại trị vì của các hãn của Hãn quốc Krym từ triều đại Giray:
Xem thêm
Danh sách người thống trị Ukraina
Tham khảo
Liên kết ngoài
Hansaray.org.ua
Hãn quốc Krym
Chính trị Đế quốc Ottoman
Bột Nhi Chỉ Cân
Tatar Krym
Nguyên thủ cựu quốc gia
Vua châu Âu
Danh sách (Ukraina) |
19816752 | https://vi.wikipedia.org/wiki/Catarina%20c%E1%BB%A7a%20B%E1%BB%93%20%C4%90%C3%A0o%20Nha | Catarina của Bồ Đào Nha | Catarina của Bồ Đào Nha (tiếng Bồ Đào Nha: Catarina de Portugal; tiếng Tây Ban Nha: Catalina de Portugal; tiếng Anh: Catherine of Portugal; 26 tháng 11 năm 1436 – 17 tháng 6 năm 1463); () là một Infanta (Vương nữ) Bồ Đào Nha, con gái của Duarte I của Bồ Đào Nha và Alionor của Aragón.
Tiểu sử
Catarina sinh ra ở Lisboa vào ngày 26 tháng 11 năm 1436. Giống như hai chị em Leonor và Joana, Catarina được coi là người tham vọng, sắc sảo và kiên định. Catarina được hứa hôn với Carlos IV của Navarra nhưng Carlos đã qua đời trước khi hôn lễ diễn ra và anh trai cô, sau khi đảm bảo cuộc hôn nhân của các chị em Vương nữ với Quốc vương Castilla và Hoàng đế La Mã Thần thánh thì nhận thấy không cần phải liên minh hôn nhân với các gia tộc khác nữa. Do đó, Catarina chuyển sang đời sống tu trì trong Tu viện Thánh Clara. Catarina là tác giả của tác phẩm "Ho liuro que se escreue da regra e perfeyçam da conuersaçam dos monges: ho qual liuro foi copilado per ho reuerendo senhor Lourenço Justiniano primeryro patriarcha de Veneza".
Năm 1461, Catarina được anh trai định hôn ước với Edward IV của Anh. Thế nhưng Vương nữ qua đời vào ngày 17 tháng 6 năm 1463, do đó hôn ước không thành. Catarina hiện được chôn cất tại Tu viện Carmo, Lisboa.
Gia phả
<center>
<center>
Tham khảo
Vương nữ Bồ Đào Nha
Vương nữ
Người Lisboa
Vương tộc Avis
Mất năm 1463
Sinh năm 1436
Nguồn CS1 tiếng Bồ Đào Nha (pt) |
19816753 | https://vi.wikipedia.org/wiki/Maria%20Carolina%20c%E1%BB%A7a%20Hai%20Sicilie | Maria Carolina của Hai Sicilie | Maria Carolina Ferdinanda của Hai Sicilie (29 tháng 11 năm 1820 – 14 tháng 1 năm 1861) là Vương nữ Hai Sicilie, là con gái của Francesco I của Hai Sicilie và María Isabel của Tây Ban Nha và là Infanta của Tây Ban Nha thông qua hôn nhân với Carlos Luis của Tây Ban Nha, người đòi ngai vàng Tây Ban Nha phái Carlos với tên hiệu Carlos VI.
Thân thế
Maria Carolina sinh ra tại Cung điện Vương thất Caserta, Napoli vào ngày 29 tháng 11 năm 1820, dưới triều đại của ông nội là Ferdinando I của Hai Sicilie. Maria Carolina là con gái thứ năm và là người con thứ 9 của Francesco I của Hai Sicilie và María Isabel của Tây Ban Nha (bấy giờ là Công tước và Công tước phu nhân xứ Calabria). Ông bà nội của Maria Carolina là Ferdinando I của Hai Sicilie và Maria Karolina của Áo, còn ông bà ngoại là Carlos IV của Tây Ban Nha và María Luisa của Parma.
Hôn nhân và cuộc sống sau này
Maria Carolina kết hôn với Carlos Luis của Tây Ban Nha, Bá tước xứ Montemolín, con trai cả của Carlos María Isidro của Tây Ban Nha, Bá tước xứ Molina và Maria Francisca de Assis của Bồ Đào Nha, vào ngày 10 tháng 7 năm 1850 tại Cung điện Caserta ở Caserta, Hai Sicilie.
Maria Carolina và chồng qua đời vì bệnh sốt phát ban trong đó, Maria qua đời vào ngày 14 tháng 1 năm 1861 tại Trieste, sau chồng 1 ngày. Maria Carolina đã mắc bệnh khi chăm sóc chồng. Hai vợ chồng qua đời mà không hậu duệ và được chôn cất tại Nhà thờ Thánh Giusto ở Trieste.
Gia phả
<center>
<center>
Ghi chú
Tham khảo
Liên kết ngoài
Floriano Pietrocola, Maria Carolina (1850), Museo del Prado, Madrid
|-
Vương nữ Hai Sicilie
Vương tộc Borbone-Hai Sicilie
Vương nữ
Vương tức Tây Ban Nha
Vương tộc Borbón (Tây Ban Nha)
Sinh năm 1820
Mất năm 1861
Nguồn CS1 tiếng Tây Ban Nha (es)
Bài Wikipedia trích dẫn từ Encyclopaedia Britannica 1911 với dẫn chiếu từ Wikisource
Nguồn CS1 tiếng Pháp (fr)
Bài viết có văn bản tiếng Ý |
19816762 | https://vi.wikipedia.org/wiki/Jon%20Bellion | Jon Bellion | Jonathan David Bellion (sinh ngày 26 tháng 12 năm 1990) là một ca sĩ, nhạc sĩ, rapper và nhà sản xuất thu âm người Mỹ. Anh sinh ra và lớn lên ở Lake Grove, New York ở mảnh đất Long Island. Anh ấy được biết đến rộng rãi với bài hát "All Time Low," cùng với các bài nhạc khác do anh sáng tác và sản xuất. Bellion đã phát hành 4 mixtape và 2 album phòng thu. Album đầu tiên The Human Condition, được phát hành vào ngày 10 tháng 6 năm 2016, và đạt được vị trí thứ 5 trên bảng xếp hạng US Billboard 200. Anh phát hành album thứ hai, Glory Sound Prep, vào ngày 9 tháng 11 năm 2018. Sau đó, anh đã ký hợp đồng với Visionary Music Group và Capitol Records. Bellion cũng đã mở tour diễn từ Twenty One Pilots' Emotional Roadshow World Tour, nơi có sự góp mặt của các nghệ sĩ khác như Judah and the Lion. Bên cạnh đó, anh còn tham gia sáng tác và sản xuất nhạc cho các nghệ sĩ lớn như Maroon 5, Justin Bieber, the Jonas Brothers, Halsey, Camila Cabello, Selena Gomez và Max.
Đầu đời
Bellion sinh ra và lớn lên ở Lake Grove, New York . Tổ tiên của anh là người gốc Ý, và gia đình anh ấy đến từ Napoli. Bị giằng xé giữa tình yêu dành cho bóng rổ và âm nhạc trong suốt thời trung học, Bellion đã lựa chọn theo đuổi sự nghiệp âm nhạc của mình vào nhưng năm học Trung học. Sau khi tốt nghiệp Trung học, anh đã đăng ký tham gia học chương trình âm nhạc tại trường tư thục Five Towns College ở Dix Hills, New York. Năm 19 tuổi, anh quyết định bỏ học Đại học và tập trung vào việc viết nhạc chuyên nghiệp. Anh ấy đã làm việc với tư cách là nhạc sĩ kiêm giám đốc điều hành A&R của Warner Brothers cho Kara DioGuardi trong một năm và ký hợp đồng thông qua công ty xuất bản cá nhân của cô ấy. Thông qua trải nghiệm này, Bellion đã học cách viết nhạc cho nhiều nghệ sĩ khác nhau, ở nhiều thể loại như rock và hip hop.
Sự nghiệp
2011–2014: Giai đoạn đầu sự nghiệp và nhiều mixtape khác nhau
Mixtape đầu tiên của Bellion, Scattered Thoughts Vol. 1 được phát hành vào đầu năm 2011 thông qua trang Facebook của anh ấy và đã đạt hơn 11.000 lượt tải xuống. Bellion đã ký hợp đồng với Visionary Music Group vào năm 2012 và phát hành bản cover "The Motto" của Drake trên trang YouTube của VMG.
Năm 2012, Bellion đã viết phần điệp khúc cho bài hát "The Monster" của Eminem kết hợp với Rihanna. Bài hát này đã giành được giải Grammy trong Lễ trao giải Grammy 2015 cho màn Hợp tác Rap/Hát xuất sắc nhất. Bellion cũng đồng sáng tác và sản xuất bài hát "Trumpets" của Jason Derulo vào năm 2012, bài hát này mãi đến năm 2013 mới được phát hành ở Anh và 2014 ở Mỹ.
Bellion đã phát hành mixtape thứ hai của mình là Translations Through Speakers vào ngày 20 tháng 2 năm 2013, mixtape thứ ba, The Separation vào ngày 10 tháng 12 cùng năm và thứ tư, The Definition vào ngày 23 tháng 9 năm 2014, cùng với đĩa đơn "Luxury". Bellion cũng đã tổ chức chuyến lưu diễn quốc gia đầu tiên của mình mang tên The Beautiful Mind Tour vào tháng 10 năm 2014.
2015–2017: Các chuyến lưu diễn và The Human Condition
Bellion đã phát hành một số đĩa đơn vào đầu năm 2015, bao gồm "Woodstock (Psychedelic Fiction)", "All Time Low" và "Woke the F*ck Up" thông qua hãng đĩa Capitol Records. Vào ngày 31 tháng 3 năm 2015, Bellion công bố chuyến lưu diễn quốc gia thứ hai của mình, The Definition Tour. Chuyến lưu diễn bắt đầu vào ngày 26 tháng 5 và kết thúc vào ngày 2 tháng 7. Bellion cũng đã được giới thiệu trong "Beautiful Now", một bài hát trong album True Colors của Zedd, được phát hành vào ngày 15 tháng 5 năm 2015. Bellion cũng được giới thiệu trong album của rapper người Mỹ B.o.BPsycadelik Thoughtz với bài hát "Violence".
Bellion đã phát hành một số phiên bản acoustic cho các bài hát của mình, gồm "All Time Low" vào ngày 26 tháng 2 năm 2016 và "Human" vào ngày 4 tháng 3 năm 2016.
Bellion xác nhận rằng album đầu tay của anh The Human Condition sẽ được phát hành vào ngày 10 tháng 6 năm 2016. Anh ấy đã phát hành ba đĩa đơn quảng cáo từ album: "Guillotine", vào ngày 13 tháng 4 năm 2016, "80's Films", vào ngày 27 tháng 5 năm 2016 và "Có lẽ IDK" vào ngày 2 tháng 6 năm 2016. Đĩa đơn chính trong album, "All Time Low" được phát hành vào ngày 13 tháng 5 năm 2016 và trở thành đĩa đơn thành công nhất của anh ấy cho đến nay, đạt vị trí thứ 16 trên Bảng xếp hangk Billboard Hot 100 của Hoa Kỳ và được chứng nhận đĩa bạch kim kép ở Hoa Kỳ và Úc. Vào ngày 10 tháng 6, The Human Condition chính thức được phát hành. Bellion nói rằng album của anh chỉ đơn giản nói về con người và giải thích rằng, "Chúng ta là con người và ta đều có những vấn đề giống nhau. Chúng ta đấu tranh với niềm tự hào và vô số vấn đề khác nhau mà không ai thực sự muốn nói đến. Vì vậy, tôi nghĩ rằng nếu tôi là người trung thực cho thấy mình là con người như thế nào, điều đó sẽ khiến mọi người cảm thấy tốt hơn về bản thân họ." Trong âm nhạc của mình, Bellion nhắc đến rất nhiều về Chúa. Anh ấy không chỉ nói về một ý tưởng mơ hồ về đức tin mà anh ấy nhấn mạnh đến Chúa một cách cụ thể. Bellion cũng nói rằng âm thanh và tác phẩm nghệ thuật album cho The Human Condition được phát hành để thu hút sự chú ý của Disney / Pixar. Anh nói rằng "Nó giống như một kế hoạch kinh doanh khổng lồ cho Disney / Pixar bởi vì tôi luôn mơ ước được tham gia vào một bộ phim từ họ. Vì vậy, về cơ bản nếu album đầu tay của tôi thành công, John Lasseter [của Disney Pixar] và những người khác sẽ chú ý đến những tác phẩm của tôi. Các tác phẩm nghệ thuật cho album được tạo bởi nghệ sĩ phát triển thị giác David Ardinaryas Lojaya. Trong chuyến lưu diễn The Human Condition, Bellion thông báo rằng một đại diện từ Pixar đã gặp anh ấy tại một trong những buổi biểu diễn của anh ấy. Anh ấy được mời đến Cơ sở Pixar và nói rằng anh ấy có thể tham gia vào một bộ phim của Pixar trong tương lai gần.
Vào tháng 6 năm 2017, Bellion được chọn là Nghệ sĩ của tháng của Elvis Duran và được giới thiệu trên chương trình Today của NBC do Kathie Lee Gifford và Hoda Kotb tổ chức và phát sóng toàn quốc nơi anh biểu diễn trực tiếp "All Time Low". Bellion là người mở màn cho chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới của bộ đôi nhạc rock Twenty One Pilots vào năm 2017. Chuyến lưu diễn gồm 33 buổi diễn bắt đầu vào ngày 17 tháng 1 tại Providence, Rhode Island và kết thúc vào ngày 5 tháng 3 tại Louisville, Kentucky.
Vào ngày 13 tháng 10 năm 2017, Bellion đã phát hành mixtape của mình Translations Through Speakers, The Separation và The Definition trên các cửa hàng kỹ thuật số cũng như phát hành một bộ sưu tập gồm ba mixtape mang tên Growth .
2018: Glory Sound Prep
Vào ngày 25 tháng 1, Bellion đã giới thiệu một đoạn trích của bài hát sắp phát hành trên một video trên Instagram. Vào ngày 16 tháng 4, Bellion bắt đầu giới thiệu album tiếp theo của mình với 4 bức ảnh có chú thích là "GSP". Sau đó, anh ấy đã đổi tên Instagram của mình thành ban nhạc / nhóm "Beautiful Mind". Vào ngày 23 tháng 6, Bellion đã phát hành một video hậu trường của ca khúc cuối cùng trong album trước của anh ấy, "Hand of God (Outro)".
Vào ngày 9 tháng 10, Bellion đã đăng một bức ảnh lên tài khoản Twitter của mình từ "GSP Staff", ghi rằng: "Ngày mai, Hiệu trưởng Stormzy yêu cầu sự hiện diện của bạn cho một buổi lễ định hướng ở sảnh chính. Thời gian: 3:00 chiều EST." Ngày hôm sau, anh ấy thông báo về album phòng thu Glory Sound Prep trên tài khoản Twitter của mình, album này sẽ được phát hành vào ngày 9 tháng 11. Vào ngày 17 tháng 10, anh ấy đã phát hành bản xem trước trên các tài khoản mạng xã hội của mình về đĩa đơn đầu tiên trong album, "Conversations with My Wife", được phát hành vào ngày 19 tháng 10. Tuần sau, anh ấy phát hành bản xem trước trên các tài khoản mạng xã hội của đĩa đơn thứ hai, "JT", và phát hành nó vào ngày 26 tháng 10. "Stupid Deep", đĩa đơn thứ ba trong album, được phát hành vào ngày 2 tháng 11.
Vào ngày 9 tháng 11, Bellion phát hành Glory Sound Prep .
2019—nay: Sản xuất và sáng tác cho các nghệ sĩ khác
Bellion đã được chọn cho một vai lồng tiếng trong phim Dragon Ball Super: Broly với vai nam chiến binh Frieza nhưng phải chuyển sang một vai nhỏ hơn do xung đột lịch trình. Bellion đã phát hành sản phẩm hợp tác với DJ người Mỹ Illenium có tựa đề " Good Things Fall Apart " vào ngày 13 tháng 5 năm 2019. Anh ấy cũng đã phát hành một đĩa đơn có tựa đề "Crop Circles" vào ngày 30 tháng 5 năm 2019. Bellion bắt tay vào The Glory Sound Prep Tour bắt đầu vào ngày 12 tháng 6 và kết thúc vào ngày 12 tháng 11 cùng năm. Anh ấy cũng đồng sáng tác và đồng sản xuất " Vulnerable " từ album phòng thu thứ ba của Selena Gomez, Rare (2020) và đồng sáng tác " Daisies " của Katy Perry . Anh ấy đã giúp đồng sản xuất và đồng sáng tác các đĩa đơn nổi tiếng như "Stacy" và "Life Must Go On" của Quinn XCII, cũng như " Liar " và " Shameless " của Camila Cabello, " Graveyard " của Halsey và " Memories " của Maroon 5 . Bellion đồng sáng tác và đồng sản xuất nhiều bài hát trong album phòng thu thứ sáu của Justin Bieber, Justice (2021), bao gồm cả đĩa đơn " Holy " hợp tác với Chance the Rapper và " Ghost ", đĩa đơn sau Bellion nói rằng anh ấy đã viết về người bà quá cố của mình và đã đạt vị trí số một trên Đài phát thanh nhạc Pop Hoa Kỳ. Vào ngày 8 tháng 6 năm 2021, Bellion đã lên Twitter, nơi anh ấy đã tweet "Âm nhạc mới" trước khi nhanh chóng xóa tweet. Sau đó, anh ấy đã chuyển mạng xã hội của mình sang trạng thái "tắt điện" vài tuần sau đó. Bellion được giới thiệu trong bài hát "False Alarms" của Lawrence phát hành ngày 22 tháng 7 năm 2021. Bellion phát hành đĩa đơn đầu tiên sau hơn hai năm, "I Feel It" hợp tác với Burna Boy vào ngày 17 tháng 9 năm 2021. Vào ngày 19 tháng 2 năm 2023, Bellion đã phát hành một bài hát chưa hoàn thành có tên "Fallen" có Jon Batiste trên mạng xã hội của mình. Bellion cũng giúp đồng sáng tác và đồng sản xuất mọi bài hát trong album phòng thu thứ sáu của Jonas Brothers, The Album (2023), bao gồm ba đĩa đơn phát hành trước: " Wings ", " Waffle House " và " Summer Baby ". Sau đó, anh ấy đồng sáng tác và đồng sản xuất bài hát " Middle Ground " của Maroon 5.
Beautiful Mind Records
Vào tháng 7 năm 2019, Bellion thành lập hãng thu âm của riêng mình có tên là Beautiful Mind Records và ký hợp đồng với ban nhạc pop/soul Lawrence. Lawrence là người mở màn cho hầu hết các buổi biểu diễn của anh ấy trong Glory Sound Prep Tour. Anh đã giúph họ viết và sản xuất ba đĩa đơn trong album đầu tay năm 2021 của họ Hotel TV : "Casualty", "It's Not All About You" và "The Weather". Bellion đã tuyên bố rằng ý định của anh ấy với hãng thu âm mới này là "quan tâm các nghệ sĩ trong suốt phần còn lại của sự nghiệp" và tạo ra một nhóm gồm những nhà sáng tạo âm nhạc mà anh ấy ủng hộ và hợp tác cùng.
Sự ảnh hưởng
Bellion đã nhiều lần tuyên bố rằng Kanye West là một trong những nguồn cảm hứng lớn nhất của anh ấy. "Tôi yêu tất cả mọi thứ nhưng Kanye West mới là người thực sự thay đổi mọi thứ đối với tôi." Bellion cũng đã nói rằng anh được truyền cảm hứng bởi Eminem, Pharrell Williams, Coldplay, John Mayer, André 3000 và Paul Simon. Bellion cũng nói rằng anh là một người hâm mộ cuồng nhiệt của J Dilla và xưởng phim hoạt hình Pixar, lấy cảm hứng từ nhạc sĩ và xưởng phim hoạt hình The Definition và The Human Status. Bellion giải thích rằng anh ấy thích cách các bộ phim của Pixar "đơn giản nhưng được trình bày theo cách đột phá". Bellion ghi nhận phần lớn sự phát triển và thành công trong âm nhạc của anh ấy là nhờ những người bạn cùng ban nhạc mà anh ấy gặp khi còn học đại học, bày tỏ tình yêu của anh ấy dành cho họ trong "Beautiful Mind Documentary" của anh ấy nói rằng, "mọi người trong ban nhạc của tôi đã dạy tôi điều gì đó và giúp tôi đạt được vị trí hiện tại nhờ họ" tiếp tục "Tôi bao quanh mình với những người giỏi hơn tôi ở một lĩnh vực nào đó, bạn sẽ rất hiếm khi thấy ai đó xung quanh tôi, đặc biệt là về mặt âm nhạc, mà tôi không ngưỡng mộ".
Đời sống cá nhân
Bellion thông báo rằng anh ấy đã kết hôn vào những tháng đầu năm 2018. Bài hát "Conversations with My Wife" trong album năm 2018 của anh Glory Sound Prep nhắc đến cuộc hôn nhân của anh, khiến cộng đồng người hâm mộ của anh đặt câu hỏi về tình trạng mối quan hệ mà Bellion hiếm khi nhắc đến một cách công khai.
Bellion cũng được xác định là một Cơ đốc nhân.
Đĩa nhạc
Album phòng thu
The Human Condition (2016)
Glory Sound Prep (2018)
Mixtape
Scattered Thoughts, Vol. 1 (2011)
Translations Through Speakers (2013)
The Separation (2013)
The Definition (2014)
Tham khảo
Biography with signature
Ca sĩ nhạc alternative rock
Rapper Mỹ thế kỷ 21
Nghệ sĩ của Capitol Records
Tín hữu Kitô giáo Mỹ
Người Mỹ gốc Ý
Nhân vật còn sống
Nam ca sĩ Mỹ
Sinh năm 1990
Bài viết sử dụng hCard
Mô tả ngắn khác với Wikidata
Bài có mô tả ngắn
Trang có bản dịch chưa được xem lại |
19816779 | https://vi.wikipedia.org/wiki/Tri%E1%BB%81u%20%C4%91%E1%BA%A1i%20Giray | Triều đại Giray | Nhà Giray (; ) là triều đại dòng dõi Thành Cát Tư Hãn/ người Turk trị vì Hãn quốc Krym từ khi thành lập vào năm 1431 cho đến khi sụp đổ vào năm 1783. Thành viên của triều đại này cũng trở thành hãn của Kazan và Astrakhan trong khoảng thời gian từ 1521 đến 1550. Ngoài hãn tộc Giray, còn có một nhánh phụ là Giray Choban (Çoban Geraylar).
Trước khi đến tuổi trưởng thành, những thành viên trẻ của Nhà Giray được nuôi dưỡng tại một trong những bộ lạc Circassia, nơi họ được hướng dẫn về mưu kế chiến tranh. Các hãn Giray được bầu chọn bởi các thành viên người Tatar Krym khác được gọi là myrza (mırzalar). Họ cũng bầu ra một người thừa kế rõ ràng, được gọi là qalgha sultan (qalğa sultan). Trong những thế kỷ sau đó, sultan Ottoman có quyền phế lập các hãn theo ý muốn của mình.
Tổ tiên ban đầu của họ là Togay Timur (Tuqa Timur), con trai nhỏ của Jochi (Truật Xích). Câu chuyện về Nhà Giray bắt đầu với Öreng Timur, con trai của Togay Timur, nhận Krym từ Mengu-Timur.
Thời tôn chủ của Ottoman
Theo một số học giả, Nhà Giray được cho là gia tộc thứ hai của Đế quốc Ottoman sau Nhà Ottoman: "Nếu Roma và Byzantium đại diện cho hai trong ba truyền thống quốc tế về tính hợp pháp của đế quốc, thì dòng máu của Thành Cát Tư Hãn là cái thứ ba... Nếu người Ottoman tuyệt hậu, người ta hiểu rằng Nhà Giray thuộc dòng dõi Thành Cát Tư Hãn sẽ kế vị họ"
Trong thế kỷ 15 và đầu thế kỷ 16, các hãn Nhà Giray đứng thứ hai sau Sultan Ottoman - và do đó vượt trên so với Đại tể tướng - trong nghi thức lễ tân Ottoman. Sau sự bất tuân và việc loại bỏ Mehmed II Giray vào năm 1584, Sultan Ottoman đã giáng hãn Krym xuống cấp Đại tể tướng. Các hãn Nhà Giray cũng là những người có chủ quyền trong lãnh địa của họ. Họ có thể đúc tiền, ban hành luật bằng sắc lệnh và có các tughra của riêng mình.
Liên minh
Hãn quốc Krym đã liên minh với Thịnh vượng chung Ba Lan-Litva và với Sich Zaporizhia. Sự hỗ trợ của İslâm III Giray trong Khởi nghĩa Khmelnytsky năm 1648 đã góp phần rất lớn vào đà thành công quân sự ban đầu của người Cossack. Mối quan hệ với Thịnh vượng chung Ba Lan-Litva cũng rất bền chặt - triều đại Giray từng tìm kiếm nơi ẩn náu tại Litva vào thế kỷ 15 trước khi tự lập quyền lực trên bán đảo Krym.
Sụp đổ
Sau khi hãn quốc này bị Đế quốc Nga sáp nhập vào năm 1783, vị hãn cuối cùng Şahin Giray trên danh nghĩa vẫn nắm quyền cho đến năm 1787, khi ông lánh nạn tại Đế quốc Ottoman và bị xử tử tại Rhodes.
Các thành viên triều đại khác được chính quyền Nga cho phép cư trú trong cung điện Bakhchisaray của họ. Con trai nhỏ của Selim III là Qattı Giray, được các nhà truyền giáo cải đạo sang đạo Tin lành và kết hôn với một nữ thừa kế người Scotland là Anne Neilson.
Sau khi sụp đổ
Sau khi Abdul Hamid I hành quyết Şahin Giray, gia đình ông sống tại Burgazada, Istanbul.
Người đứng đầu Nhà Giray ngày nay là Dzhezzar Pamir Giray, hiện đang sống tại London.
Phả hệ
Xem thêm
Các dân tộc Turk
Danh sách hãn Krym
Danh sách hãn Kazan
Tham khảo
Hãn quốc Krym
Vương tộc châu Âu
Hồi giáo Ukraina
Triều đại châu Âu
Bột Nhi Chỉ Cân |