text
stringlengths
93
20.7k
Nước vối hay trà vối là một loại đồ uống giải khát được nấu bằng nụ, hoặc lá vối đã ủ chín rồi phơi khô, cũng có thể dùng ngay khi lá còn tươi. Đây là loại đồ uống rất thông dụng ở nông thôn, thậm chí cả thành thị vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Nước vối được dùng để uống hàng ngày giống như nước chè xanh. Lá vối tươi hay nụ tươi có thể sử dụng được ngay, hoặc lá vối tươi phơi nắng thật kỹ, thật khô giòn rồi dùng. Tuy nhiên để nước vối được ngon, theo kinh nghiệm dân gian cổ truyền người ta thực hiện qua giai đoạn gọi là ủ lá. Sau quá trình ủ thì chất ngái do nhựa và chất diệp lục của lá sẽ bị phá huỷ và nước vối sẽ ngon hơn. Lá hoặc nụ vối sau khi thu hoạch được rửa sạch nhựa, cho vào thùng, thúng, bồ,... rồi phủ rơm rạ cho đến khi đen đều thì lấy ra rửa sạch phơi khô. Nếu dùng chum, vại để ủ thì chất lượng sản phẩm sẽ ngon do chum, vại giữ được nhiệt và giữ được độ ẩm trong quá trình ủ tốt hơn. Lót lá chuối khô hoặc ít rơm xuống đáy chum, lấy lá vối và các cuống con, bỏ các cuống già, các lá chết, cho vào chum, phía trên lớp lá vối lại phủ kín bằng rơm rạ hay lá chuối khô, sau đó úp sấp chum xuống mặt đất, để vào nơi thoáng mát, sau một thời gian theo kinh nghiệm (và tùy theo mùa) lấy ra phơi thật khô rồi cất đi để dùng dần. Ở nông thôn người dân thường cất lá vối lên gác bếp vì ở bếp khô ráo luôn có khói và bồ hóng nên các vi khuẩn bị hạn chế phát triển, lá vối không bị ẩm mốc. Quá trình ủ tốt là khi lấy ra phơi lá chín tới và chín đều, tức là sau khi ủ lấy ra phơi lá phải ngả màu vàng chuyển đen đều nhau. Lá vối ủ đúng cách thì được nước và uống thơm ngon hơn. Trong lá vối, nụ vối có tanin, một số chất khoáng, vitamin và có khoảng 4% tinh dầu với mùi thơm dễ chịu, một số chất kháng sinh có khả năng diệt được nhiều loại vi khuẩn gây bệnh như Streptococcus, Staphylococcus, vi khuẩn bạch hầu, phế cầu, Salmonella, Bacillus subtilis,...Lá vối tươi hay khô sắc đặc được coi là một thuốc sát khuẩn dùng chữa nhiều bệnh ngoài da như ghẻ lở, mụn nhọt. Trong thực tế, nhân dân ta thường lấy lá vối để tươi vò nát, nấu với nước sôi lấy nước đặc gội đầu chữa chốc lở rất hiệu nghiệm. Theo tài liệu"Thuốc và sức khỏe": Lá vối có tác dụng kiện tỳ, giúp ăn ngon, tiêu hóa tốt. Chất đắng trong vối sẽ kích thích tiết nhiều dịch tiêu hóa, chất tanin bảo vệ niêm mạc ruột, còn chất tinh dầu có tính kháng khuẩn nhưng không hại vi khuẩn có ích trong ruột. Theo kinh nghiệm của dân gian, lá vối tươi có kết quả trị bệnh cao hơn so với lá đã ủ. Lá vối nấu nước uống có thể trợ giúp tốt trong việc chữa các bệnh hoặc tổn thương sau: Chữa bỏng, viêm gan, vàng da,viêm da lở ngứa. Nước vối sử dụng giải khát, giải nhiệt, có tác dụng lợi tiểu và mát, dùng thích hợp cho tất cả các mùa trong năm đặc biệt là mùa nóng. Những nghiên cứu gần đây cho thấy nếu chỉ uống nước lọc, nước trắng thì sau một thời gian ngắn (30-40 phút) cơ thể sẽ đào thải hết, nhưng nếu uống nước vối hoặc nước chè tươi, sau thời gian ấy cơ thể chỉ thải loại 1/5 lượng nước đã uống, phần còn lại sẽ thải ra từ từ sau đó. Phương thức nấu nước vối rất đơn giản: lá vối khô rửa sạch cho vào ấm, cho nước lạnh vào đun đến sôi rồi uống nóng hoặc uống lạnh. Nụ vối cũng được đun trong nước đến khi sôi hoặc, thường hơn, có thể được hãm trong nước sôi như cách hãm trà. Nước vối có màu đỏ nâu nhạt, uống có vị đắng nhẹ, hơi ngọt, hương thơm ngai ngái, thường sử dụng chủ yếu làm đồ uống giải khát, cũng dùng chan cơm như một loại canh, ăn kèm cà pháo muối chua. Bên cạnh đó, nước sắc đặc có thể dùng làm thuốc sát khuẩn chữa nhiều bệnh ngoài da như ghẻ lở, mụn nhọt. Ngoài ra, lá vối để tươi vò nát, nấu với nước sôi có thể gội đầu chữa chốc lở. Hiện nay, nụ vối khô được đóng gói bày bán nhiều trong các siêu thị. Cây vốiMẹ lên thành phố với con Nhớ hoài cây vối vẫn còn dưới quê Một năm may có dịp về Mẹ ngồi bên gốc ủ ê nỗi buồn Hắt hiu run rẩy cánh chuồn Mây trời teo tóp mặt khuôn quê nhàQuán hàng nước đầy Coca Mẹ tôi ủ lá vối già làm vui Thương cây gốc đã sần sùi Ra đi Mẹ cứ ngậm ngùi vấn vương....Mẹ ơi! Quê ta đêm nay có nặng hạt mưa giông Ấm vối đặc chắc vẫn nồng trong giỏ Tháng năm rồi vối trong vườn kết nụ Cô láng giềng còn hái giúp mẹ không?... (Nước vối quê hương - Nguyễn Trọng Định)
Cream pie là một loại bánh với phần kem rất dày bên trên một lớp vỏ bánh, được làm từ các nguyên liệu cơ bản bao gồm kem sữa, đường, bột mì, trứng. Các loại nhân cream pie đa dạng có thể sử dụng thêm các nguyên liệu khác nhau, ví dụ như vani, chanh, bơ đậu phộng, chuối, dừa và sô cô la. Một phần rất quan trọng trong hầu như tất cả các loại cream pie đó là phần nhân kem tươi ở phía trên.
Giò là món ăn sử dụng nguyên liệu chính là thịt (gia súc, gia cầm) giã nhuyễn, phối trộn với một số nguyên liệu khác, được gói chặt và thường được làm chín bằng cách luộc hay hấp, thịnh hành trong ẩm thực Việt Nam từ Bắc tới Nam với rất nhiều biến thể. Thịt: tùy theo loại giò, thịt được sử dụng khác nhau (thịt bò, thịt thủ lợn, thịt nạc thăn lợn, thịt gà v.v.) tuy nhiên hầu hết đều phải lựa chọn miếng thịt ngon, còn rất tươi, thậm chí còn nóng hổi khi hoàn tất mổ gia súc, gia cầm. Nước mắm: chọn nước mắm loại ngon. Nguyên liệu, gia vị khác: trứng (với giò hoa), mộc nhĩ (với giò thủ), hạt tiêu (với giò bò), nấm hương (giò gà), mỡ phần (giò bò), bì lợn (giò bì) v.v. Lá chuối và lạt giang để gói. Ngoại trừ món giò xào sử dụng thịt thái miếng xào chín và gói, ép, lợi dụng thành phần cốt giao (gelatin và collagen) trong bì ở phần thịt thủ làm chất kết dính, các loại giò khác thường sử dụng thịt thăn gia súc (bò, lợn) hoặc gia cầm (gà), giã nhuyễn mịn, trộn với chút nước mắm ngon và tùy theo loại giò, trộn thêm với các nguyên liệu, gia vị phụ khác, bó chặt bằng lá chuối và luộc hoặc hấp chín. Trước kia thịt làm giò thường được lựa chọn thịt tươi, gia súc gia cầm mới mổ chưa quá lâu. Thịt được giã thủ công với chày và cối đá, giã đều tay (không nhanh không chậm) đến khi nhuyễn mịn, nhấc đầu chày lên không bị dính. Hiện nay có một số nơi sử dụng máy để giã thịt thay thế sức lao động thủ công. Không sử dụng thịt xay vì khiến miếng giò thành phẩm sẽ bị bã, không ngon. Giò sống: thịt thăn lợn được giã nhuyễn như cách làm giò lụa, nhưng dùng để chế biến những món ăn khác như nặn viên với nấm hương để nấu canh bóng mọc; làm bún mọc; rán, nướng như một loại chả nướng v.v. Giò lụa: sử dụng thịt thăn lợn giã nhuyễn gia thêm chút nước mắm ngon và gói trong lá chuối, luộc chín. Những miếng giò màu trắng ngà hơi ngả sang hồng nhạt, thơm thoảng mùi lá chuối rất thịnh hành trong ẩm thực Việt Nam từ Bắc vô Nam như một món ăn vừa phổ thông vừa cao cấp. Theo Nguyễn Tuân trong thiên tùy bút Giò lụa tặng Thạch Lam, đây là món ăn quốc hồn quốc túy là tiết mục độc đáo chỉ có ta mới có, chỉ người Việt Nam ta mới nghĩ ra và làm ra mà thôi. Giò bò: thịt thăn bò giã nhuyễn, gia thêm mỡ phần, nước mắm, hạt tiêu giã giập, gói và luộc chín. Miếng giò có màu hơi nâu xậm, điểm chút hạt tiêu thơm gắt. Một biến thể khác của món giò này là sự kết hợp thêm thịt gân bò, nhằm khiến thành phẩm dai giòn tương tự giò tai hay giò bì lợn. Giò gà: lựa thịt gà ta lọc bỏ xương, thái miếng thịt và trộn đều với giò sống, chút nấm hương, gói và luộc chín như quy trình làm giò lụa, giò bò. Giò gà thường có thể được lót một lớp lá chanh bên trong lớp lá chuối để tạo hương thơm đặc trưng. Một phương thức chế biến khác cũng thường bắt gặp là xào nguyên liệu, tương tự giò thủ, tạo nên món giò gà xào nấm Giò hoa: sử dụng giò sống trộn đều với trứng tráng xắt miếng mỏng, gói và luộc, khi xắt miếng giò sẽ tạo những vân màu vàng của trứng rất đẹp. Một số nơi còn làm giò hoa ngũ sắc, sử dụng cả nấm mèo, cà rốt, đậu cô ve, lòng đỏ trứng muối khiến miếng giò thành phẩm có nhiều màu sắc rất đẹp mắt. Giò thủ hay giò xào: là món ăn dễ thực hiện và phổ thông, nên hầu khắp các gia đình đều có thể có điều kiện để làm ngày tết. Các nguyên liệu chính của giò xào là thịt ở hầu hết các bộ phận phần thủ (đầu) lợn như: tai, mũi lưỡi, má, có chất keo dính của bì, kết hợp với mộc nhĩ. Các nguyên liệu được sơ chế sạch, chần qua nước sôi, xắt miếng mỏng, ướp gia vị, hạt tiêu rồi mới đem xào thật chín. Gói chặt nguyên liệu đã xào trong lá chuối, lá dong khi nguyên liệu còn nóng, dùng các thanh tre nẹp xung quanh và buộc lạt thật chặt ở đầu thanh tre để ép giò cho chảy nước mỡ xuống phía bát hứng phía dưới. Giò xào ăn giòn và thơm ngon, không ngán. Giò bì: được làm từ giò sống và bì lợn trắng, sạch luộc chín xắt hạt lựu, gói thành những chiếc giò bé bằng ngón tay, luộc chín. Tại Hưng Yên có món giò bì nổi tiếng, giò bì phố Xuôi, sử dụng bì làm sạch luộc chín và thái chỉ trộn giò sống, gói trong lá chuối thành những chiếc giò to. Miếng giò bì giòn sần sật, là món ăn lai rai của các đấng mày râu và cũng là món gia thêm vào một số tô bún như bún cá, bún riêu. Giò tai: gần tương tự như cách làm giò bì, nhưng thay bì bằng tai lợn thái mỏng kết hợp với giò sống, gói chiếc giò bé như ngón tay và luộc. Giò tai rất thịnh hành khi được gia thêm vào bát bún riêu Nam Bộ hay bún nước lèo. Giò ngựa, được làm từ phần thịt nạc không có gân của ngựa, giã nhuyễn với chút mỡ lợn cho không bị khô, gói và luộc. Giò nạc và ngọt, không dai, ăn lạ miệng, thịnh hành tại Ngọc Lý, Tân Yên, Bắc Giang. Giò me (giò bê): nổi tiếng Nghệ An, giò me Nam Đàn có nguyên liệu chính là thịt bê (bê dưới 1 năm tuổi), trứng gà ri (gà ác) kết hợp với các loại gia vị, đặc biệt là nước mắm nguyên chất Cửa Lò. Giò được hấp cách thủy trong vòng 12 tiếng đồng hồ. Miếng giò có màu hồng của thịt bê chín đều, không bị khô. Thường giò được xắt miếng và bày lên đĩa theo những hình thức trang trí mang tính thẩm mỹ, đặc biệt khi bày mâm cỗ giỗ, tết. Một số loại giò rất hợp khi ăn kèm với dưa muối (như giò thủ), hoặc xôi (như giò bò, giò lụa), hoặc bánh giầy (giò lụa). Món cơm tám giò chả gồm cơm nấu từ gạo tám xoan ăn kèm giò bò, chả quế (hay chả lợn, chả mỡ, chả hạt lựu...) và một số loại dưa muối như dưa cải, dưa giá, dưa cần, dưa bắp cải, là món ngon nức tiếng của Hà Nội xưa.
Vla (phát âm ) là một chế phẩm sữa có nguồn gốc từ Hà Lan, được làm từ sữa tươi. Từ ngữ vla được sử dụng lần đầu tiên vào thế kỷ 13 và nó ban đầu được dùng để chỉ bất kỳ chất nào giống sữa trứng bao phủ bánh hoặc các loại bánh nướng khác. Từ vlaai có liên quan và được dùng để chỉ một loại bánh. Vla truyền thống thường được làm từ trứng, đường và sữa tươi, mặc dù một số nhà sản xuất công nghiệp sử dụng bột ngô như ngày nay. Vla có nhiều hương vị khác nhau, trong đó vani là phổ biến nhất. Các hương vị khác bao gồm socola, caramel, chuối, cam và táo. Vla ban đầu được bán trong chai thủy tinh và tính nhất quán khiến việc chiết xuất toàn bộ số lượng trở nên khó khăn, vì vậy cạp chai (flessenschraper hoặc flessenlikker) đặc biệt đã được thiết kế riêng. Mặc dù vla hiện nay thường được bán trong thùng giấy, nhưng những dụng cụ nạo này vẫn phổ biến trong nhà bếp của các gia đình Hà Lan. Mặc dù vla ban đầu là một sản phẩm đặc trưng của Hà Lan, nhưng nó đã được Campina giới thiệu tại Wallonia và Đức vào năm 2010 và đã được bán tại một số cửa hàng ở đó kể từ đó.
Muối bơ là gia vị bột phát triển vào cuối thế kỷ 20 nhằm mục đích phối hợp và pha trộn hai vị của muối ăn và bơ. Nó là một loại bột mịn vàng có nguồn gốc từ muối và có hương bơ. Muối bơ thường dùng nêm vào bắp rang.Thánh phần bao gồm muối, hương bơ và màu thực phẩm.
Mắm tép là loại thực phẩm lên men được làm với nguyên liệu chính là tép, một loại động vật họ tôm đồng nhưng nhỏ hơn. Thịnh hành trên khắp đất nước Việt Nam, mắm tép cũng là đặc sản có giá trị thương mại tại nhiều địa phương. Con tép to nhất chỉ cỡ đầu đũa, thường sống ở bãi sông nước ngọt nơi có nhiều rong rêu hoặc ở đồng lúa gần ven sông. Mắm tép trước kia thường sử dụng nguyên liệu rất đơn giản, các cỡ tép to, tép nhỏ đều có thể làm mắm, thậm chí cả các loại tép co, tép mòng. Tép sau khi bắt về (thường bắt bằng riu hoặc te, một dụng cụ đan bằng tre, nứa hình con tôm cong ngược, đẩy trong nước để hớt tép), nhặt bỏ rác, rửa rất sạch. Nếu không rửa sạch mắm sẽ mất màu đỏ thơm và ngả sang nâu, thậm chí bị hỏng. Tép được trộn với muối và bột gạo rang nghiền thành thính gạo theo tỷ lệ khoảng cứ mười bát tép là bốn bát muối, hai bát gạo rang giã nhỏ. Trộn đều nguyên liệu sau đó cho vào hũ hoặc vò rồi bịt kín bằng bát ăn cơm ngoài cùng chít đất, ủ khoảng 1 tháng thì ăn được. Một số địa phương sử dụng cả đường, bột ngọt, gừng, riềng, tỏi, ớt băm, rượu trắng để trộn vào tép làm mắm. Sau khi thành phẩm hoàn tất mắm lại được trộn với đu đủ mỏ vịt (tức loại đu đủ ương, ửng đỏ nhưng chưa chín mềm) xắt nhỏ. Mắm tép màu đỏ hồng tươi, vị ngọt đậm và không nặng mùi như mắm tôm hoặc mắm cá, sánh đặc, để càng lâu càng ngon. Nếu muốn nấu nước mắm với nguyên liệu là mắm tép, người ta cho mắm tép vào một túi vải, rồi vắt kiệt lấy nước cốt cho vào nồi nấu lên, khi đun vừa lửa, nếu muốn mắm đặc thì đun lâu hơn. Mắm tép được sử dụng trong bữa cơm rất gọn gàng và dễ dùng nên có nhiều cách ăn từ đơn giản đến cầu kỳ, phức tạp: ăn sống mắm tép nguyên chất với cơm nguội hoặc kết hợp mắm tép với đu đủ ương; phối trộn mắm tép với gừng, tỏi, ớt để làm nước chấm cho rau thơm, cá lóc nướng trui hay cá lóc chiên xù; cuốn bánh tráng với mắm tép, thịt ba chỉ luộc và tôm đất luộc lột vỏ v.v. Những thực phẩm rất hợp khi kèm mắm tép là thịt lợn luộc, rau thơm, khế xanh, gừng, hành hoa, bún. Tại nhiều vùng duyên hải miền Bắc, miền Trung, Nam Bộ Việt Nam, thậm chí tại các vùng hồ, món mắm tép rất phổ biến và nhiều nơi đã nâng lên thành đặc sản địa phương, như mắm tép Hà Yên, mắm tép Trà Vinh, mắm tép Gia Viễn v.v. Ở Hà Nội, quanh chợ Hàng Bè có những nghệ nhân làm món mắm tép chưng thịt nổi tiếng.
Sanuki udon (讃岐うどん) là một loại mì udon phổ biến nhất trong khu vực Shikoku, nhưng hiện nay dễ dàng tìm thấy trên khắp các khu vực lân cận và phần lớn vùng Kansai của Nhật Bản. Loại mỳ này có đặc trưng bởi sợi mỳ hình vuông và cạnh dẹt. Hiện có nhiều cửa hàng chuyên phục vụ mỳ Sanuki udon, và thường viết tên mỳ "Sanuki" bằng chữ hiragana (さぬき) xuất trên tên của các cửa hàng hoặc trên các bảng hiệu. Món mỳ này thường được phục vụ dạng mỳ nước, và ban đầu được phổ biến rộng rãi ở tỉnh Kagawa của Nhật Bản. Nước dùng được làm từ một loại dashi khác nhau về độ đậm và hương vị trên khắp Nhật Bản. Sanuki udon được đặt tên theo tên trước đây của tỉnh Kagawa, tỉnh Sanuki. == Chú thích ==
Gỏi nhệch là món gỏi được chế biến từ cá nhệch, được coi là đặc sản tại các vùng ven vịnh Bắc Bộ của Việt Nam thuộc thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa. Cá nhệch được xát muối, có thể dùng tro, lá tre, lá lúa hay lá nhái, rửa sạch cho hết chất nhờn, sau đó được cắt tiết rồi mổ. Thịt nhệch được cắt thành từng miếng nhỏ, lau khô bằng giấy bản rồi bóp thính gạo cùng một số loại gia vị.Cùng với những biến tấu trong cách chế biến thì các loại rau ăn kèm cũng như nước chấm gỏi sẽ tạo hương vị riêng cho gỏi nhệch ở mỗi miền quê. Trong khi ở Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, gỏi nhệch được gói trong bánh đa nem và sử dụng nước chấm dạng lỏng thì tại Ninh Bình và Thanh Hóa, gỏi nhệch được đặt trực tiếp trên lá sung gói thành hình phễu, chấm với nước chẻo, được làm từ xương nhệch xay hoặc giã nhỏ, sau đó bóp với mẻ rồi nấu lên . Chẻo khá đặc, màu vàng sẫm, vị béo và mùi thơm đặc trưng.Món gỏi nhệch có vị hơi đắng, bùi, ngọt và thơm. Gỏi nhệch Tràng Cát, Hải Phòng sử dụng dấm bỗng chua đã nêm các vị cay, mặn, ngọt; ăn kèm lá mơ, sắn thuyền, lá bứa, đinh lăng, mùi ta, các loại húng, khế chua, chuối xanh... Các loại rau gia vị này cho vào miếng bánh đa nem, cuộn thêm với một gắp gỏi nhệch trộn riềng và gia vị, cuốn lại cho chặt rồi chấm vào bát bỗng . Gỏi cá nhệch Tràng Cát cùng với gỏi cá mè (Bắc Giang) và gỏi cá trích Phú Quốc (Kiên Giang) là ba món gỏi cá được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) đã công bố trong danh sách Top 5 đặc sản gỏi nổi tiếng Việt Nam . Tại Thái Thụy, Thái Bình, nhệch được làm sạch bằng tro và lá nhái, sau đó mổ bụng vứt ruột, bỏ đầu đuôi. Thân nhệch được cắt ra nhiều đoạn; mỗi đoạn dài từ 2 cm đến 3 cm, được cắt ra làm nhiều khúc nhỏ nhưng không đứt hẳn, sau đó lấy khăn sạch thấm nước và cho vào bát, rắc mì chính, ớt khô, riềng giã nhỏ, thính gạo nếp và để đến khi "dậy mùi".Nước dùng được chế biến từ quả chay luộc hay cà chua và nêm đường. Các loại rau gia vị gồm lá chanh, lá sung, rau húng, tía tô... Tại Giao Thủy, Nam Định, người ta dùng tro bếp phủ lên mình nhệch để hút nhờn, hay lấy lá tre hóp tuốt sạch chất nhờn rồi ngâm trong nước muối hay nước vôi trong.... Sau khi làm sạch nhệch, người ta mổ nhệch, bỏ ruột, lấy mật đem hoà cùng với rượu trắng (để uống cùng với gỏi nhệch) và lọc tách thịt khỏi xương. Thịt nhệch sau khi lọc được thấm khô, thái nhỏ dọc thớ với độ dài khoảng 3 cm, ướp cùng với các gia vị như riềng giã nhỏ, nước nghệ tươi, hạt nêm, muối, mắm tôm, sả, ớt... sau đó trộn cùng với thính gạo rang.Nước chấm gỏi nhệch Giao Thủy được gọi là dấm. Xương nhệch và phần đầu, đuôi cá nhệch được băm nhỏ, nấu cùng bỗng mẻ cùng với hành, ớt, muối, đường để làm nước chấm. Gỏi nhệch ăn kèm với lá sung, lá đinh lăng, vọng cách, lá mơ lông, khế, sung, ớt; rau thơm có thể nguyên lá hoặc thái nhỏ và trộn lẫn với nhau. Khi ăn thì dùng miếng bánh đa nem cuộn với các loại rau gia vị và một gắp thịt nhệch cuộn chặt lại rồi chấm vào bát dấm. Gỏi nhệch có thể ăn cùng với bánh đa vừng. Tại các huyện phía nam tỉnh Nam Định trong đó có Nghĩa Hưng thì câu thành ngữ "Chim gà cá nhệch" nói lên rằng trong các loài cá thì nhệch ngon đầu bảng. Cá nhệch được xử lý bằng cách ngâm nước muối, dùng lá lúa tuốt sạch cho hết nhớt. Mật nhệch được pha vào rượu và xương được róc để làm món rán giòn nhắm rượu. Thịt nhệch róc ra rồi dùng giấy bản lau sạch, thái nhỏ dọc thớ, ướp với riềng, thính gạo rang và nước nghệ tươi. Riêng loại nhệch nghệ có thịt màu vàng nên không cần ngâm nước nghệ. Để gỏi nhệch thêm ngon, người ta dùng thính gạo tám xoan trộn với thính bột đậu xanh và tẩm riềng đã rửa sạch, giã nhỏ. Tại Kim Sơn, Ninh Bình, da cá được rán giòn để cuộn với gỏi.Gỏi nhệch ở đây được ăn kèm nhiều loại rau, gia vị như lá sung, lá ổi, lá đinh lăng, lá lộc vừng, lá mơ, khế chua, lá vọng cách. Người ta quấn các loại lá ấy thành một chiếc phễu, cho thịt nhệch vào, quết nước chẻo lên, thêm vài hạt muối trắng, vài lát hành khô và có thể thêm lát ớt tươi rồi gói lại.Ngoài chẻo, món gỏi nhệch Ninh Bình còn dùng nước chấm được làm từ nước mắm, gừng tươi, tỏi, ớt, mì chính, hạt tiêu hoặc chấm với mắm tôm. Tại huyện Nga Sơn, Thanh Hóa, thịt cá nhệch sau khi cắt lát thì được ngâm với hỗn hợp nước chanh, riềng băm, sả băm trong khoảng 5 phút. Sau đó vắt thịt cá nhệch thật khô rồi mới trộn cùng thính gạo rang. Da và xương nhệch được rán giòn, rồi cho xay nhuyễn với vỏ quýt khô sau đó mới đun thành chẻo. Thứ nước chấm sền sệt này cùng với các loại gia vị đã tạo nét đặc sắc cho gỏi nhệch Nga Sơn.Gỏi nhệch không dùng bánh đa nem để cuốn mà dùng các loại lá như lá sung, lá lộc nhòn, lá cúc tần, rau ngổ, lá mơ, mùi tàu, đinh lăng, rau má, bạc hà… Cuốn lá sung cùng với các loại lá này thành hình phễu, cho lượng cá nhệch vừa ăn vào, rưới chẻo lên trên và thêm ớt tươi, hành củ tươi, riềng, sả, có thể thêm chút mắm tôm. Cuối cùng, đậy lên bằng miếng bánh đa nhỏ đậy cái phễu lại và ăn cả miếng phễu này.Gỏi nhệch Nga Sơn có vị bùi, vị thơm, vị mát, vị cay của rau; vị ngọt, vị béo, bùi, ngậy của chẻo; vị mặn vừa phải của mắm tôm; vị cay, nồng, thơm, nóng của riềng, của ớt, của sả; vị bánh đa bùi và giòn tan và cuối cùng là vị ngọt, dai mà giòn của cá nhệch.
Kem bột bánh quy chip sô cô la (tiếng Anh: Chocolate chip cookie dough ice cream) là một hương vị kem phổ biến, trong đó khối bột bánh quy sô cô la chip được nhúng trong Kem vani. Bánh quy kem sô cô la chip được cho là có nguồn gốc từ năm 1984 tại "cửa hàng xúc xích" đầu tiên của Ben & Jerry ở Burlington, Vermont, từ một gợi ý ẩn danh trên bảng gợi ý hương vị của họ. Năm 1991, Ben & Jerry bắt đầu bán những loại rượu có hương vị nhanh chóng trở nên phổ biến với người tiêu dùng. Đến năm 1992, bột bánh quy sô cô la chiếm 20% tổng doanh số bán kem của công ty và các nhà sản xuất kem khác như Dreyer's và Mrs. Fields bắt đầu tạo ra các phiên bản hương vị của riêng họ. Bắt đầu từ năm 1990, Rhino Foods đã sản xuất bột bánh quy được sử dụng cho kem bột bánh quy sô cô la của Ben & Jerry. Họ đã phát minh ra một kỹ thuật để duy trì tính nhất quán 'nhai' của bột bánh quy khi đông lạnh, mà người sáng lập mô tả là một "bước đột phá công nghệ".Do những rủi ro về sức khỏe khi ăn bột bánh quy thô, bột được sử dụng trong kem bột bánh quy được tiệt trùng và xử lý nhiệt. Vì lý do này, bột không thích hợp để nướng.
Bagnet (phát âm ở miền Bắc Ilokano và trong tiếng Tagalog: [bɐgˈnɛt], phát âm ở miền Nam Ilokano: [bɐgˈnɯt]), còn được gọi là "chicharon" trong tiếng Ilokano, là một món ăn của người Philippines bao gồm thịt ba chỉ (liempo) luộc và được chiên ngập dầu cho đến khi giòn. Nó được nêm nếm với tỏi, tiêu đen, lá nguyệt quế và muối. Đầu tiên, thịt được luộc chín và sau đó để khô hoàn toàn qua đêm trước khi chiên để đạt được kết cấu giống chicharrón đặc trưng. Bagnet có thể ăn không hoặc ăn với cơm trắng. Nó cũng có thể được ăn như một phần của các món ăn khác như pinakbet và dinardaraan.Bagnet theo truyền thống được nhúng trong nước sốt làm từ giấm (thường là sukang iloko), bagoong (cá lên men hoặc mắm tôm), hoặc (hiếm hơn) là máu lợn. Bagnet có nguồn gốc từ từ "bagnetin", có nghĩa là "bảo quản thịt lợn". Chúng được bảo quản bằng cách luộc và chiên các phiến thịt lợn trước khi cho vào tủ lạnh, sau đó chiên hai lần trước khi sẵn sàng phục vụ. Sự phổ biến của bagnet đóng vai trò là điểm cốt truyện của nhân vật trong bộ phim Philippines, I'm Drunk, I Love You với Carson, do Maja Salvador thủ vai, miêu tả thèm món ăn đến mức tạo ra một "điệu nhảy bagnet" ngẫu hứng để ăn mừng nó.
Bánh trứng kiến là một trong những món ăn của đồng bào dân tộc vùng núi đông bắc: Tày Nùng Thái. Bánh được làm từ nguyên liệu: trứng của con kiến và bột nếp, bột tẻ (đã được ngâm xay bột ủ qua đêm). Đúng như tên gọi, nguyên liệu chính để làm bánh trứng kiến chính là trứng non của kiến làm nhân bánh, bột nếp nương và lá non của cây vả bọc bên ngoài (một loại cây quen thuộc ở vùng núi cao phía bắc). Nguyên liệu và công đoạn tuy không quá cầu kỳ nhưng muốn bánh được ngon thì yêu cầu người làm bánh cũng cần phải có sự khéo léo. Để có được trứng kiến non, người ta phải lên rừng tìm ổ những loại kiến lành như kiến đen thân nhỏ, đuôi nhọn, thường làm tổ trên các loại cây như vầu, nứa hay găng. Trứng kiến thường to bằng hạt gạo, có màu trắng sữa, thân mẩy và tròn. Trứng kiến sau khi rửa sạch sẽ được bắc lên chảo phi với hành khô. Muốn nhân ngon hơn người ta còn cho thêm một ít thịt lợn băm, lạc rang rã nhỏ và một ít lá kiệu thái nhỏ trộn thêm. Phần củ kiệu cũng thái nhỏ, phi chảo thơm rồi cho trứng kiến vào đảo cùng cho đến khi chín thì bắc xuống. Phần bánh được làm từ gạo nếp nương, hạt to và dẻo, đãi sạch rồi ngâm với nước lạnh qua đêm, sau đó để ráo nước, xay thành bột và nhào nặn với nước. Sau khi nhào nặn cho bột thật dẻo và mịn, bột nếp sẽ được cán mỏng cỡ nửa phân, to hình vuông cỡ bằng bàn tay, rồi ốp miếng bột nếp đó vào một chiếc lá vả, rắc nhân lên mặt bột bánh, cuối cùng là ốp miếng lá vả tiếp theo lên bề mặt nhân bánh đó, gói lá sao cho phần bánh và nhân được bọc trọn vẹn không bị hở ra bên ngoài. Bánh được hấp cách thủy khoảng 45 đến 50 phút là chín. == Tham khảo ==
Haleem (tiếng Ả Rập: حلیم‎, tiếng Urdu: حلیم‎, tiếng Thổ Nhĩ Kỳ: Halim aşı, tiếng Ba Tư: حَلیم‎, tiếng Bengal: হালিম, tiếng Hindi: हलीम) là một món hầm phổ biến ở Trung Đông, Trung Á, Pakistan và Ấn Độ. Mặc dù món ăn này thay đổi từ vùng này sang vùng khác, luôn luôn gồm có lúa mì, lúa mạch, đậu lăng và thịt. Biến thể phổ biến bao gồm keşkek ở Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Azerbaijan và miền bắc Iraq; harissa trong thế giới Ả Rập và Armenia; khichda ở Pakistan và Ấn Độ; và Hyderabadi haleem tại Telangana, Ấn Độ. == Tham khảo ==
Vang nóng (tiếng Đức:Glühwein) là một thức uống nóng, thường được làm bằng rượu nho đỏ pha với các gia vị khác đun nóng lên. Vang nóng thường được uống theo truyền thống vào mùa đông, một món uống không thể thiếu tại các chợ giáng sinh Đức.
Mắm tép chưng thịt là món ăn bình dân trong bữa cơm hàng ngày của người Việt. Mắm tép (hay còn gọi là mắm ruốc là món ăn nổi tiếng ở miền Bắc, đặc biệt ở chợ Hàng Bè, Hà Nội. Mặc dù hiện nay chợ Hàng Bè không còn, nhưng những người dân dãy phố Hàng Bè và xung quanh khu chợ cũ vẫn còn bày bán món này. Mắm tép chưng thịt tuy chỉ là món ăn dân dã nhưng đã trở thành nét đặc sắc trong ẩm thực Hà Thành. Có hàng trăm thương hiệu mắm tép được bày bán ở khắp nơi, không chỉ ở miền Bắc, mà còn được ưa chuộng ở miền Trung, miền Nam và vươn ra thế giới. Món ăn này thường được ăn với cơm, dưa leo, đặc biệt trong những ngày thời tiết lạnh. Mắm tép có thể ăn không nhưng sẽ ngon hơn nếu chưng với thịt. Mắm tép là món ăn dễ chế biến, có thể làm sẵn khi cần thì mang ra dùng, món này tiện lợi khi đi du lịch hay cắm trại. Nếu bảo quản tốt trong tủ lạnh thì món ăn có thể giữ được lâu, khi cần thì mang ra dùng ngay hoặc hâm lại cho nóng. Ngoài ra, khi ăn nên dùng riêng 1 chiếc muỗng để múc thịt cho vào bát, tránh dùng đũa ăn cơm để gắp sẽ giữ cho món ăn tránh bị ôi thiu.
Bánh vòng (tiếng Anh: donut hay doughnut) là một loại bánh ngọt rán hoặc nướng để ăn tráng miệng hay ăn vặt. Đây là loại bánh rất nổi tiếng và phổ biến ở nhiều nước phương Tây, có thể được mua trong cửa hàng hoặc tự làm ở nhà. Thường bánh có dạng hình vòng nhồi nhân bên trong hoặc không nhồi nhân bên trong. Bánh thường được phủ nhiều loại kem socola và trang trí bằng hạt đường, hạt cốm,... Hai loại bánh vòng thường thấy là bánh vòng hình vòng và bánh vòng tròn nhồi nhân mứt, thạch, kem trứng, sô cô la bên trong. Hầu hết các bánh bánh vòng thường được trang trí đường bông tuyết, kem, sô cô la, dừa vụn hoặc thậm chí áo đường hay dừa vụn lên toàn bộ bánh. Cho bột mì, bột nở, sữa bột, men, đường, muối vào một cái tô, trộn cho hỗn hợp đều nhau. Tiếp theo, cho trứng và nước vào hỗn hợp bột và từ từ nhồi cho bột mịn.Cho bơ vào nhồi tiếp đến khi bột thật dai và kéo được màng mỏng. Vo tròn bột và để vào tô rồi bọc lại bằng ny lon và để bột nghỉ đến khi nở to gấp đôi. Khi bột nở xong, đập bột xẹp hết hơi rồi cán mỏng khoảng 1 cm. Nếu làm bánh vòng vòng thì cắt bánh vòng thành những vòng tròn nhỏ bằng khuôn,còn với bánh vòng tròn thì nhồi nhân ngọt vào bánh rồi vo tròn.Để bột nghỉ tiếp khoảng 45 phút rồi chiên ngập dầu với lửa nhỏ đến khi bánh ngả màu vàng. Nếu sợ béo phì thì làm nóng lò nướng với nhiệt độ là 200 °C, phết dầu ăn và nướng bánh. Bánh chín với ra để ráo dầu rồi trang trí đường và socola. Đối với lò nướng,nướng trong khoảng 10 – 15 phút thì lấy bánh ra. Bánh vòng dùng ăn sáng với cà phê nóng, ăn tráng miệng hay ăn vặt đều được. Bánh được bán ở nhiều nơi, từ các tiệm bánh, nhà hàng hay tiệm tạp hóa, hoặc có thể tự làm ở nhà. Bánh vòng gây hại nếu ăn quá nhiều. Chúng chứa nhiều chất béo do được chiên bằng dầu. Ăn nhiều chất béo sẽ có nguy cơ tắc động mạch chủ. Bánh vòng cũng chứa nhiều bột đường, vốn là các nguyên liệu tạo thành mỡ sau này. Chúng là nỗi lo sức khỏe tại Canada, nơi mỗi người ăn nhiều bánh vòng mỗi năm hơn bất cứ nước nào trên thế giới.
Dị ứng gạo là một loại dị ứng thực phẩm. Người dị ứng với gạo phản ứng với một số protein gạo sau khi ăn cơm hoặc hít hơi từ cơm. Mặc dù một số phản ứng có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, các bác sĩ có thể chẩn đoán dị ứng gạo bằng nhiều phương pháp và giúp người dị ứng tránh các phản ứng bất lợi. Một số protein gạo được coi là nguyên nhân gây dị ứng ở người. Người bị dị ứng với gạo có thể bị hắt hơi, chảy nước mũi (sổ mũi), ngứa, hen suyễn, đau bụng hoặc chàm sau khi ăn cơm. Bên cạnh việc ăn cơm, những người bị dị ứng gạo có thể có phản ứng thở hơi nước từ gạo nấu chín. Những người bị dị ứng có thể bị phát ban và sưng phồng da. Hơn nữa, họ có thể ngừng thở và chết do ngừng tim. Những người nghi ngờ bị dị ứng gạo có thể tự mình thử chế độ ăn kiêng gạo. Đầu tiên, họ phải tránh ăn cơm trong vài tuần. Nếu họ không có triệu chứng trong thời gian kiêng nhưng có những triệu chứng khi tiếp xúc với gạo, họ có nhiều khả năng bị dị ứng với gạo.Cụ thể IgE gạo, một loại kháng thể trong máu người, sẽ tăng lên đáng kể khi mọi người bị dị ứng với gạo. Xét nghiệm máu cho thấy mức độ kháng thể.Xét nghiệm dị ứng da, chẩn đoán hiệu quả nhất, cho thấy các phản ứng trong một thời gian ngắn. Sau khi bị tiêm vào trong da với một số hỗn hợp gạo, người dị ứng sẽ bị ngứa và sưng trong khoảng 30 phút. Một số triệu chứng có thể suy yếu nếu người bị dị ứng. Sau khi điều trị bằng một số phương pháp trong một thời gian dài, một số người dị ứng sẽ không có phản ứng sau đó nữa.Một số phản ứng đã được giảm bớt bằng cách thay thế gạo nguyên thủy bằng gạo biến đổi gen. Đây được coi là một lựa chọn mới cho người bị dị ứng gạo.Phản ứng có thể giảm bớt bằng cách tránh xa việc tiếp xúc với gạo dài hạn. Không giống như dị ứng thực phẩm khác, dị ứng gạo tương đối không phổ biến. Nó đã được báo cáo trên toàn thế giới nhưng chủ yếu ở Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc. Vì gạo là thực phẩm chính ở châu Á, những người đến từ châu Á có nguy cơ dị ứng cao hơn so với những người từ nơi khác đến. == Tham khảo ==
Kem quả mâm xôi hay Dâu rừng gợn sóng (tiếng Anh là Raspberry Ripple) là một hương vị phổ biến của kem đặc biệt là ở Vương quốc Anh và các nơi khác. Nó bao gồm siro mâm xôi được tiêm vào kem vani. "Raspberry Ripple" là tên được đặt cho các sản phẩm thực phẩm có vị mâm xôi khác trong những năm 1920.Thuật ngữ "gợn sóng" trong sản xuất và tiêu thụ kem có thể có nguồn gốc từ Hoa Kỳ, từ những năm 1930, nó được sử dụng để chỉ bất kỳ loại kem nào được trang trí kiểu dải băng thông qua siro màu và thêm hương vị. Trong khoảng thời gian này, máy móc đã được phát triển cho phép kem kết hợp trái cây trong một hiệu ứng gợn sóng của đá cẩm thạch. Raspberry Ripple đã là một biến thể phổ biến kể từ đó.
Brownie nóng hổi là món tráng miệng có xuất xứ từ Ấn Độ, được các quán cà phê và nhà hàng ở Mumbai & Kerala ưa chuộng. Đây là dạng bánh brownie sô-cô-la kèm theo muỗng kem bên trên được chế biến cùng với lượng sô-cô-la nóng chảy đổ lên trên kem. Người ta ăn món này trực tiếp ở dạng cực nóng trên các đĩa bánh nóng hổi mới ra lò. Nói chung, brownie óc chó sô-cô-la, kem vani và sô-cô-la đen tan chảy được sử dụng để chế biến món tráng miệng này. Các loại bánh brownie làm từ hạt khác và hương vị kem còn được dùng làm nguyên liệu trong một số loại thực phẩm nhất định. Bánh brownie sô-cô-la Gooey cũng dùng chung với các loại trái cây theo mùa để tạo ra những biến thể của món này. == Tham khảo ==
Waterzooi là một món hầm từ Bỉ và có nguồn gốc ở Flanders. Nửa sau của tên bắt nguồn từ tiếng Hà Lan "sode", "zo(o)de" và "soot",đề cập đến những hành động luộc hoặc các nguyên liệu bị luộc. Đôi khi người ta gọi nó là Gentse Waterzooi mà đề cập đến thị trấn Ghent của Bỉ nơi mà nó bắt nguồn. Món ăn ban đầu là thường làm từ cá, nước mặn hoặc nước ngọt (gọi là Viszooitje), mặc dù ngày nay waterzooi gà (Kippenwaterzooi) phổ biến hơn. Giả thuyết được chấp nhận là các con sông xung quanh Ghent đã trở nên quá ô nhiễm và cá ở đó biến mất. Người ta nói rằng nó là món ăn yêu thích của Karl V của Thánh chế La Mã, người sinh ra ở Ghent. Tất cả các phiên bản đều dựa trên một loại súp từ lòng đỏ trứng, kem sữa và nước dùng rau. Món hầm này bao gồm cá hoặc gà, cà rốt, hành tây, cần tây, tỏi tây, khoai tây và các loại rau thơm như mùi tây, cỏ xạ hương, nguyệt quế và xô thơm.
Cốm là món ăn được làm từ lúa nếp làm chín bằng cách rang sau đó mang đi giã và được làm sạch bằng cách sàng sảy cho hết vỏ trấu, loại bỏ hết tạp chất, sau đó cũng có loại cốm mang đi hồ cốm bằng nước lá cốm. Món ăn này thường được thấy tại nhiều vùng miền trên đất nước Việt Nam và cũng là món ăn rất thịnh hành trong ẩm thực đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt là tại Hà Nội. Trong các dân tộc tại miền Bắc Việt Nam lúa nếp để làm cốm thường là nếp non, hạt lúa bấm ra sữa, tuy ở miền Trung và Nam Bộ cốm thường sử dụng loại lúa nếp già tháng hơn rang nổ bung ra và sau đó được ngào với đường. Tại các quốc gia châu Á, cốm dẹp cũng được sử dụng phổ biến trong các món ăn khác nhau tùy thuộc vào khẩu vị và văn hóa từng quốc gia. Trong cộng đồng người Việt tại miền Bắc Việt Nam cốm được làm từ lúa nếp non, ngon nhất là cốm làm từ nếp cái hoa vàng, trong cả hai mùa: lúa chiêm và lúa mùa, tuy thường dùng lúa mùa vào khoảng cuối hè đầu thu (từ khoảng rằm tháng 7 đến hết tháng 9 âm lịch). Vào tháng 4, tháng 5 âm lịch có nơi như ở cánh đồng Gôi (Dịch Vọng, Từ Liêm, Hà Nội) đã gặt lúa sớm nên đã có cốm bán gọi là cốm chiêm. Cốm chiêm không khác cốm mùa, nhưng có lẽ do thời tiết còn nóng bức nên người ăn không cảm thấy ngon như cốm mùa Thu. Tại Hà Nội bên cạnh cốm Vòng là cốm Lũ và cốm Mễ Trì. Các bà, các mẹ bán cốm thường ăn mặc theo lối xưa với khăn xếp, áo cánh cổ lá sen, gánh đôi thúng với một bó lạt bằng rơm nếp nhuộm mạ xanh ngắt gắn trên đầu quang gánh, và chiếc mẹt đặt úp trên một bên thúng xếp vài chiếc lá sen để gói cốm. Từ Đèo Ngang trở vào trong Nam, cốm hay bánh cốm thường được làm từ lúa nếp già tháng, gạo nếp, thậm chí là ngô, rang nở phồng sau đó ngào với đường. Các dân tộc thiểu số Việt Nam cũng có những loại cốm tương tự như cốm người Việt. Người Tày ở Yên Bái còn có lễ hội giã cốm mang tên Tăm Khảu Mau. Lễ hội tổ chức tổ chức vào khoảng tháng 9, tháng 10 âm lịch, là lúc lúa nếp vừa chớm vào trắc, hạt lúa ngả màu vàng nhạt là thời điểm người dân tập trung làm cốm. Cốm được làm từ thóc nếp. Để làm cốm thóc được chọn rất cầu kỳ, phải là thóc nếp hạt mẩy và có màu vàng nhạt đều. Cốm được làm theo hai cách, hoặc có thể luộc thóc hoặc rang thóc vừa chín tới, sau đó để nguội rồi đem giã, sàng sẩy để loại bớt vỏ trấu rồi đem bỏ vào đuống giã tiếp. Dân tộc Mường tại Việt Nam có lễ hội giã cốm gõ máng, tổ chức vào mùa xuân. Dân tộc Thái tại huyện Phong Thổ có hẳn một lễ hội cốm mang tên Kin Lẩu Khẩu Mẩu, cũng là nơi người dân cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi phát triển. Không những thế lễ hội còn là nơi giao lưu tình cảm giữa các cư dân trên địa bàn. Lễ hội đã từng bị mai một vào năm 1946 và thời gian gần đây được phục dựng trở lại, tổ chức rằm tháng 9 (âm lịch). Cốm Thái cũng dùng lúa non như cách của người Việt Bắc Bộ và thường gọi là khầu hang. Cộng đồng người Khmer ở Nam Bộ có món cốm dẹp. Theo truyền thống vào mỗi vụ mùa trước khi thu hoạch lúa chín người dân Khmer sẽ ra đồng gặt nếp về làm om bóc srâu thmây (cốm dẹp đầu mùa). Người Khmer gọi cốm dẹp là "om bóc" (tiếng Khmer: អកអំបុក) đặc sản từ hơn 100 năm trước đến nay vẫn được bà con làm để cúng các vị thần: thần Neac ta srê (thần đồng) và Preas chanh (thần Mặt trăng) nhằm tỏ lòng biết ơn cho một vụ mùa bội thu và nguyện cầu cho năm sau thời tiết đất trời thuận lợi cho mùa màng tốt tươi. Nếu người Hà Nội tự hào vì có cốm Làng Vòng thì người Khmer ở Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang cũng có món nếp dẹp để mời khách phương xa mỗi khi đến thăm nhà vào mùa gặt.. Nguyên liệu làm cốm trong cộng đồng người Việt thường là lúa nếp non tuy có địa phương sử dụng thóc già tháng. Có rất nhiều loại lúa nếp có thể làm cốm như lúa lương phượng, lúa nếp thơm, nếp tan, nếp quýt, nếp hoa, nhưng lúa nếp cái hoa vàng cho ra thành phẩm thơm ngon đặc biệt. Lúa gặt về tuốt hạt, sàng bỏ rơm và những hạt thóc lép, đãi qua nước rồi cho vào chảo rang. Bếp lò để rang cốm nếu cầu kỳ thường phải đắp xỉ than nhưng không đốt than mà dùng củi, và chảo rang thường bằng gang đúc. Cốm được rang trong lửa nhỏ, đảo liên tục sao cho nóng đều. Rang khoảng 30 phút thì xem thử bằng cách đặt 5 hạt lên miếng gỗ, dùng ngón tay miết mạnh, nếu thấy hạt "2 quằn 3 róc", tức 2 hạt chưa róc vỏ nhưng bị quằn lại, còn 3 hạt còn lại róc vỏ nhưng không bị quằn là được. Thóc rang xong, người làm cốm đợi nguội rồi cho từng mẻ, mỗi mẻ khoảng vài kilogam vào cối giã. Thóc được giã đều và vừa tay mươi phút, thấy có trấu thì xúc ra sảy bỏ trấu rồi lại giã tiếp. Tùy theo độ non của lúa khi gặt mà người giã cốm sẽ ước tính, trung bình khoảng 7 lần giã là hoàn tất. Tại làng Vòng, người giã cốm thường giã đến lần thứ 5 thì phân loại thành ba loại: cốm rón, cốm non và cốm gốc, sau đó mới giã riêng từng loại trong hai lần cuối. Cuối cùng, cốm thành phẩm sẽ được gói trong hai lớp lá, và buộc bằng lạt nếp màu xanh trước khi đưa đến tay người tiêu dùng. Lớp trong là lá ráy xanh và mát giữ cho cốm khỏi khô và không phai nhạt màu xanh ngọc; lớp ngoài là lá sen có hương thơm thoang thoảng. Một số dân tộc thiểu số có thể làm cốm bằng cách luộc thóc nếp và giã thành cốm. Cũng có khi trong cộng đồng người Việt, với trường hợp thóc hơi già tháng cũng thường được luộc cho mềm và giã thành cốm thay vì rang. Người Khmer ở Trà Vinh có cách làm cốm rất riêng. Nếp trước lúc thu hoạch khoảng 10 ngày còn chưa già sẽ được gặt về trút lấy hạt ngâm nước nửa ngày vớt ra để ráo. Ngâm nếp phải canh giờ nếu không ngâm lâu hạt nếp mềm cốm sẽ nhão, ngâm thời gian ngắn thì hạt nếp sẽ khô cứng. Rang nếp phải là người quen tay và rang trong nồi đất nhằm giữ được nhiệt nóng lâu hơn. Một lần rang rất mất thời gian và công sức chỉ một chén nếp, trút vừa đáy nồi đất giúp việc đảo rang được dễ dàng và hạt nếp nở chín dẻo đều. Khi nếp rang vừa nổ thì trút ra cối bồng (cối giã gạo ngày xưa nhưng khoét rất sâu lòng) để vọt (giã). Chày vọt, cối, nạy (dùng để đảo cốm lúc giã) được làm từ thân cây vú sữa già, bởi người Khmer quan niệm thân cây vú sữa có chứa dòng sữa của sự sinh sôi nảy nở tốt cho mùa màng về sau. Vọt cốm thường có hai người đứng đối diện nhau, mỗi người một chày, vừa vọt vừa dùng cây nạy đảo nếp để hạt cốm không bị gãy nát. Vọt khéo thì hạt cốm dẹp tròn đều, mạnh tay quá thì hạt cốm bị nát nhỏ vụn mất đẹp. Cốm giã xong đến công đoạn sàng sảy làm sạch. Người Khmer dùng nia sàng sẩy hết vỏ (trấu), cám, tấm trong cốm. Nếu bạn cùng người dân Khmer tham gia làm cốm mới thấy hết được sự kì công của món ăn truyền thống này. Cốm dẹp trước khi ăn bao giờ cũng được trộn thêm đường, dừa vào. Dừa chọn trái già nạo nhỏ cho vào trong cốm, trộn đều với đường, vừa trộn vừa rắc thêm ít nước dừa cho mềm và thêm chút muối cho đậm đà. Ủ cốm khoảng 2 giờ cho dừa, đường thấm vào từng hạt nếp là có thể thưởng thức. Ngày nay ở một số gia đình người Khmer làm cốm dẹp để bán có thêm đậu phộng giã vào cho tăng phần bùi béo. Nhưng ngon nhất vẫn là ăn cốm dẹp theo cách truyền thống. Cho một ít cốm lên trên miếng lá chuối dùng tay bốc ăn, nhâm nhi để cảm nhận tròn vị dẻo dai, ngọt, thơm, nồng, béo, bùi trong từng hạt cốm. Cách ăn này vẫn còn trong Lễ hội Ok om bok (lễ cúng trăng tạ ơn và cầu cho mùa màng tốt tươi). Thành phẩm cốm thường có ba loại: cốm đầu mùa có hạt mỏng, mềm, dẻo thích hợp cho ăn chay hoặc ăn kèm chuối tiêu, là loại cốm sử dụng nguyên liệu lúa nếp non đầu mùa còn dẻo; cốm giữa mùa thường dùng để làm chả cốm; cốm cuối mùa hạt thường to, dày, ăn hơi cứng, chỉ phù hợp cho việc nấu chè hoặc làm xôi cốm. Một số trường hợp khác còn phân tách thành bốn loại cốm:: cốm non dùng nguyên liệu là lúa nếp vừa đông sữa, tuốt hạt rang và giã, sàng sảy để lấy cốm; cốm già chọn và gặt lúa nếp vừa xong giai đoạn đông sữa tuốt lấy hạt, luộc chín, hong khô sau đó mới giã sàng giống như làm cốm non. Cốm mộc được làm khi lúa đã thành dạng hột cứng hoàn toàn nhưng chưa đủ để gặt và hạt cũng không còn sắc xanh đẹp nữa. Cốm làm ở dạng này có màu vàng xanh ngã qua màu ngà một chút. Cốm hồ là loại cốm được giã với lá lúa non cho ra dạng cốm ướt, dẻo. Về cơ bản ba loại cốm non, cốm già, cốm mộc có nguyên liệu và thành phẩm tương tự như phân loại ở trên, còn loại cốm hồ thì là một sản phẩm không phụ thuộc vào nguyên liệu là lúa nếp già hay non. Trong quy trình làm cốm, mỗi mẻ cốm cũng có thể được phân chia thành nhiều loại cốm có chất lượng khác nhau: cốm lá me, là những mầm nếp mỏng dính như thể hoặc hơn lá me, bé tí bay ra trong khi đang sàng cốm sau đợt giã cuối. Loại cốm này số lượng bao giờ cũng ít và hiếm, nếu có chỉ dành cho gia chủ thưởng thức mà thôi. Loại ngon thứ nhì và nhiều hơn là cốm rón, là những hạt nếp non sau khi giã đã tự vón vào với nhau thành từng hạt ngô, hạt đỗ. Tuy vậy, mỗi mẻ cốm cũng chỉ được khoảng 2/10 khối lượng cốm rón, thậm chí ít hơn, đặc biệt đến cuối mùa thì càng hiếm. Cốm còn lại trong cối giã gọi bằng tên cốm loại 1 hay cốm non, cốm loại 2 hay cốm mộc, là những loại cốm thường thấy bán đại trà tại các chợ. Cũng thường bắt gặp hai khái niệm cốm bột và cốm vắt tuy không hoàn toàn giống như những phân loại cốm nói trên. Cốm bột dùng gạo hoặc ngô rang vàng, giã bột nhỏ mịn, trộn đường, hơi giống như làm bánh in, bánh khảo. Cốm vắt thì để nguyên hạt bỏng rang trộn đường, vo thành từng vắt tròn. Cốm làng Vòng: nổi tiếng trong ẩm thực Hà Nội. Là đặc sản của làng Vòng (thôn Hậu) cách trung tâm Hà Nội khoảng 5–6 km, nay là phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội và loại cốm này còn được miêu tả trong tập: ''Hà Nội băm sáu phố phường'' của Thạch Lam. Cốm Mễ Trì: mỏng hơn và không dẻo bằng cốm làng Vòng, nhưng tại Hà Nội hiện nay có tình trạng người Mễ Trì bán cốm người làng Vòng bán thương hiệu. Cốm Thanh Hương: Cốm được sản xuất đại trà tại làng Thanh Hương, xã Đồng Thanh, huyện Vũ Thư, Thái Bình. Mỗi ngày hàng trăm nhà dân sản xuất cốm của làng cho ra lò khoảng 4.000-5.000 kg cốm trong đó xuất ra Hà Nội khoảng 2.500-3.000 kg. Làng cốm Thanh Hương có tuổi nghề hàng trăm năm, nhưng hiện vẫn phải mượn danh thương hiệu cốm Vòng khi bán tại Hà Nội. Cốm dẹp: Từ xa xưa cốm do người Khơ Me làm là chính, sau đó truyền đến người Việt. Cốm dẹp thịnh hành tại các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, dùng loại nếp vừa đỏ đuôi, chưa chín rộ, hạt còn mềm, đem quết bằng cối bồng. Ở nông thông người ta thường chọn những đêm trăng sáng để quết cốm, và hai người quết cốm bên cối bồng thường là một đôi nam nữ. Cốm được làm chủ yếu vào lúc giáp hạt, khoảng tháng 10, tháng 11 âm lịch, là một trong những món ăn bà con phum làng mừng mùa lúa mới. Ở phương diện nào đó quy trình làm cốm và thành phẩm cốm dẹp tương tự như cốm Vòng, tuy nhiên, thường thấy cách ăn cốm dẹp theo đúng điệu là trộn cốm với đường trắng, rưới nước dừa tươi và đậy vài tiếng đồng hồ cho cốm mềm ra. Cốm hộc Phan Thiết: gọi là cốm nhưng sử dụng gạo nếp rang nở bung, ngào với đường, dứa, gừng cho dẻo và nén trong các "hộc" (khuôn) hình vuông để thành phẩm là những miếng cốm vuông, phơi thật khô và đóng gói. Cốm nếp Phong Hậu: làm từ thóc nếp rang vàng (cũng có khi sử dụng ngô), tán bột mịn, ngào với đường tương tự như cách làm cốm hộc Phan Thiết. Thành phẩm đóng bánh bột trắng mịn gần giống như món bánh khảo ở miền Bắc Việt Nam. Khi cốm được thương mại hóa trong cơ chế thị trường, rất nhiều nhà sản xuất và bán sản phẩm thiếu lương tâm tại Hà Nội đã sử dụng hóa chất, phẩm màu (màu xanh, màu vàng) để hồ cốm mộc cho có màu xanh đẹp; và đường hóa học để cốm có thêm vị ngọt; thậm chí cả loại hạt hóa chất không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thành phần hóa học nhằm làm cốm được dẻo hơn. Những chiếc cối giã cốm đen xì, chiếu hồ cốm cáu bẩn và nơi chế biến cốm xung quanh bụi bẩn, rác rưởi và ruồi bu kín, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm,. Là một thức quà vừa sang trọng vừa bình dân, cốm tươi thường được ăn thanh cảnh, nhẹ nhàng không phải là món ăn lấy no. Cốm được gói trong lá sen hoặc lá ráy thơm mùi hương đồng gió nội chứ không bày đĩa hay gói túi nilon. Dùng tay để nhón từng chút cốm trong gói lá sen và bỏ vào miệng chứ không trút ra bát và dùng thìa xúc. Người sành ăn cốm không ăn kèm với bất kỳ thứ gì khác nhằm cảm nhận toàn diện vị ngọt và ngon của cốm. Tuy nhiên, cũng thường thấy cốm tươi được sử dụng ăn kèm với hồng chín đỏ hoặc chuối tiêu chín trứng cuốc. Cốm tươi hoặc cốm sấy khô có thể trở thành nguyên liệu để chế biến một số món ăn đặc biệt như: Chè cốm: Đây là món chè rất dễ thực hiện, chỉ bao gồm cốm, bột sắn dây, đường và chút nước hoa bưởi. Đun sôi nước đường, hòa chút bột sắn dây và chế vào nồi cho đến khi có độ sánh nhất định thì rải cốm vào, vẩy chút nước hoa bưởi và múc ra bát. Chè cốm thường dùng cốm cuối mùa, tương đối cứng. Chè ngô cốm: Gần tương tự chè cốm nhưng có kèm thêm ngô nếp non và cơm dừa nạo, không cần nước hoa bưởi. Ngô nếp non bào ra, bỏ hết phần mày ráp, đun sôi trong nước cho đến khi chín nhừ thì đổ đường và chế thêm bột năng hoặc bột sắn dây cho đến khi nồi sánh thì rải cốm vào, múc ra bát và rắc chút dừa nạo. Bánh cốm: Bánh làm từ cốm, nhân đậu xanh dừa nạo và mứt bí hoặc mứt sen trần, thường dùng cho lễ ăn hỏi. Cốm được trộn nước theo tỷ lệ nhất định, đảo đều trên lửa, hoặc hấp chín trộn chút đường và nước hoa bưởi. Nhân bánh được làm từ đậu xanh hấp chín xay nhuyễn sau đó ngào đường và lại đun nhỏ lửa. Sau đó cho dừa nạo và mứt bí xắt hạt lựu hoặc mứt sen. Công đoạn cuối cùng là gói bánh, với nhân được chia ra từng nắm nhỏ và áo bên ngoài bằng cốm đã chế biến. Tại Hà Nội, bánh cốm Hàng Than ngon nổi tiếng, thường được đặt hàng cho các lễ ăn hỏi hoặc đem biếu bạn bè phương xa. Chả cốm: Chả làm bằng thịt lợn nạc (ngon nhất là nạc vai có chút mỡ lợn) và cốm (thường là cốm giữa mùa). Thịt nạc giã nhuyễn trộn với cốm và chút gia vị, nặn miếng hấp chín sau đó đem rán trong chảo mỡ. Vũ Bằng trong cuốn Món ngon Hà Nội cho rằng hương vị thanh tao của cốm không thể đi với hương vị tục của thịt. Xôi cốm: Được làm từ cốm hơi già cánh, cốm cuối mùa. Cốm được đồ chín, sau đó trộn với hạt sen đã nấu nhừ giã nhỏ và một chút đường kính trắng. Kem cốm, kẹo cốm: các món kem lạnh, kẹo có sử dụng cốm như một phần nguyên liệu, thường được sản xuất ở quy mô công nghiệp. Bánh mochi cốm : Bánh cốm được lấy cảm hứng từ bánh mochi của Nhật Bản. Trong tiếng Việt còn có một số khái niệm sử dụng từ "cốm", dùng để chỉ những hạt nhỏ giống như hạt cốm (cốm calci, vàng cốm, thuốc cốm); màu sắc (như màu xanh cốm); đặc tính (giọt chanh cốm),... Một số bánh kẹo có ghi "hương cốm" nhưng thực chất là hương lá dứa (pandan)...
Thịt đà điểu là thịt của loài đà điểu mà chủ yếu là đà điểu châu Phi. Thịt đà điểu là một trong những nguyên liệu cơ bản trong một số món ăn ẩm thực ở Nam Phi, được chế biến và phục vụ ở nhiều nhà hàng ở Nam Phi. Ngày nay có cũng đã trở nên thông dụng ở nhiều nơi, trong đó có Việt Nam. Tại Mỹ, thịt đà điểu được coi là một món đặc sản có giá trị cao được nhiều người ưa chuộng. Việc nuôi đà điểu lấy thịt đã trở nên phổ biến trên thế giới. Đà điểu là một loài chim lớn, không biết bay mà chỉ chạy nhanh trên đồng cỏ, do khối lượng cơ thể lớn kèm theo là lượng thịt dồi dào để con người khai thác. Chúng cao tới 2,7 mét và sở hữu đôi chân dài, thân hình to lớn cùng cặp mắt to như nắm tay của trẻ em đó là những đặc điểm nổi bật của một con đà điểu trưởng thành. Chúng là loài chim lớn nhất hành tinh. Trên thế giới có nhiều loại đà điểu và phụ thuộc vào mỗi loại mà đà diểu mang một vài đặc điểm khác nhau. Đà điểu là loài chim đẻ trứng, mỗi trứng có thể nặng khoảng 1,3-1,4 kg, dài 15 cm và rộng khoảng 13 cm. Đà điểu có một điểm khác biệt với những người anh em trong họ hàng nhà chim là chúng không biết bay. Tuy nhiên, khi muốn chạy trốn khỏi những kẻ săn mồi bởi chúng có thể chạy nước rút với vận tốc lên tới 70 km/h và chạy đường dài ở vận tốc khoảng 50 km/h. Chính vì vậy mà đà điểu được mệnh danh là loài động vật hai chân nhanh nhất trên thế giới dù chúng có trọng lượng tới hơn 180 kg, đôi cánh của đà điểu giúp đà điểu giữ thăng bằng trong khi chạy và hoạt động như bánh lái để có thể đổi hướng nhanh chóng với tốc độ nhanh nhất. Đà điểu sống chủ yếu ở vùng sa mạc hoang vắng nên thường rất linh hoạt trong chế độ ăn uống. Chúng có thể ăn hầu như tất cả mọi thứ: thực vật, thằn lằn, các loại hạt, châu chấu và sỏi (bởi sỏi giúp chúng nghiền thức ăn dễ dàng hơn trong quá trình tiêu hóa). Đối với những con đà điểu được nuôi ở trang trại, đặc tính dễ ăn uống đã khiến chúng trở thành một khoản đầu tư mang lại lợi nhuận tương đối cao. Chúng phát triển nhanh, tiêu thụ ít thức ăn hơn và sinh sản thường xuyên hơn so với một số loại gia súc khác. Thịt đà điểu không những bổ và lành mà còn mềm và thơm ngon. Thịt đà điểu có vị ngon đặc trưng, thịt dai chứ không bở, ngọt vị, mềm hơn thịt bò và đặc biệt chế biến được nhiều món, kết hợp với nhiều loại gia vị khác nhau, có thể dùng thịt và trứng đà điểu để chế biến thành nhiều món ăn ngon như xào, nướng, nấu canh, nấu cà ry, luộc, nấu xúp, chiên. Không nên ướp thịt đà điểu lâu với gia vị có vị mặn vì làm mất đi vị ngọt của thịt. Không nên ướp thịt đà điểu với các gia vị mặn: muối, tiêu, ớt, bột canh, nước mắm sẽ làm thịt ra nước, đánh mất vị ngọt và giảm chất lượng của thịt. Chỉ nên ướp thịt với: dầu hào và một chút bột ngọt, các loại gia vị khác chỉ nên nêm vào khi chế biến trên lửa. Nếu thịt đông lạnh, chỉ nên để ra ngoài khoảng 1 tiếng trước khi chế biến, hoặc có thể cho vào lò vi sóng để rã đông. Nếu không bảo quản đúng cách thì đây cũng là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi phát triển, quy trình chế biến bảo quản nếu không đảm bảo vệ sinh thì dễ bị nhiễm khuẩn so với các loại thịt khác. Do độ pH của thịt giảm nhanh sau khi giết mổ, đây là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi nẩy nở, vì vậy cần phải hết sức chú ý khâu bảo quản, không nên để lâu ở môi trường bên ngoài. Trường hợp nếu bảo quản lạnh chỉ nên kéo dài 2-3 tuần, thịt bao gói chân không thời gian bảo quản lạnh có thể kéo dài thêm. Vào thế kỷ 18, đà điểu có nguy cơ bị tuyệt chủng. Sang đến thế kỷ 19, loại chim này mới được bắt đầu nuôi trở lại, ngày nay, rất nhiều quốc gia trên thế giới tập trung nuôi đà điểu để lấy thịt. Thịt đà điểu được ví ngon như thịt nạc của bò, rất ít cholesterol nên tốt cho sức khỏe người ăn. Từng được xem là thực phẩm của thế kỷ 21, thịt đà điểu được nhiều người đánh giá cao ngang với phần nạc ngon nhất của thịt bò. Thịt đà điểu gần đây được biết đến như một món ăn bổ dưỡng, giàu vitamin và là sự lựa chọn cho nhiều bà nội trợ để cải thiện bữa ăn cho gia đình. Do được chăn nuôi ở nhiều tỉnh thành trên Việt Nam, thịt đà điểu được xem là thực phẩm sạch của thế kỷ 21 bởi chế độ chăm sóc và nguồn thức ăn hoàn toàn tự nhiên, và hàm lượng chất béo, cholesterol thấp, giàu Protein so với các loại thực phẩm khác như: Thịt gà, thịt bò, thịt gà tây, và thịt lợn. Mặt khác, ăn thịt đà điểu không làm thay đổi thói quen ăn thịt đỏ của nhiều người vì thịt đà điểu có thể chế biến theo cách rán, nướng hay xào giống như thịt đỏ và hấp dẫn không kém thịt đỏ. Hiện nay, trên thị trường Việt Nam xuất hiện các cơ sở sản xuất sản phẩm thịt đà điểu giả được phù phép từ thịt heo nái, thịt bò và phụ gia. Nhiều cơ sở biến thịt heo thành thịt đà điểu để kiếm lợi phi pháp, làm ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng và những doanh nghiệp kinh doanh. Các cơ sở sản xuất sản phẩm thịt đà điểu giả thường mua thịt heo nái, heo bệnh từ các chợ đầu mối, trang trại nuôi heo với giá rẻ. Sau khi đưa về, với vài thao tác ngâm tẩm, các cơ sở kinh doanh biến thành loại thịt đặc sản có giá trị cao bán ra thị trường. Thịt đà điểu giả thường được bán tại các địa phương có nhiều quán nhậu bình dân, nhất là điểm nấu tiệc giá rẻ. Thịt đà điểu giả luôn có giá thấp hơn thịt đà điểu thật. Thịt giả dùng phẩm màu và các hóa chất khác để tẩm, nhuộm thịt cho đỏ như màu thịt thật. Để "phù phép" thịt heo thành các loại "đặc sản" chỉ cần trộn thịt heo vào tiết, cấp đông và đóng gói. Những bệnh do thực phẩm giả gây nên không chỉ là các bệnh cấp tính như: ngộ độc thức ăn, tiêu chảy mà còn là các bệnh mãn tính do nhiễm và tích lũy chất độc hại từ môi trường bên ngoài vào thực phẩm, gây rối loạn chuyển hóa các chất trong cơ thể, trong đó có bệnh tim mạch và ung thư. Đặc sản thành phẩm sẽ được phân phối cho các mối hàng ở các tỉnh miền Trung bằng xe khách, trung bình mỗi ngày gần 200 kg. Từng phát hiện gần 2 tấn thịt heo trộn thịt đà điểu không có giấy chứng vệ sinh an toàn thực phẩm tại quận Thủ Đức hay vụ Bắt xe tải chở hơn nửa tấn thịt heo, đà điểu đã bốc mùi, ô tô tải này chở 600 kg thịt, trong đó 500 kg thịt heo và 100 kg thịt đà điểu không rõ nguồn gốc, không có chứng nhận kiểm dịch đã bốc mùi hôi thối.
Gỏi bồn bồn là một món ăn miền Tây Nam bộ. Là món ăn thông dụng ở các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau. Là một loại cây mọc hoang ở những vùng đất thấp, phèn. Bồn bồn là ăn đặc sản của vùng đất Cà Mau, Bạc Liêu. có nhiều hình thức, cách chế biến. Cách chế biến thông dụng và đơn giản nhất là làm gỏi. Gỏi bồn bồn là một món khai vị kết hợp của các vị mặn, ngọt, chua, cay giúp kích thích vị giác, tạo cho người ăn cảm giác ngon miệng khi đang ăn, góp phần tăng độ ngon của các món ăn khác trong bữa ăn. Bồn bồn dùng để làm gỏi là Dưa bồn bồn hoặc Bồn bồn tươi đều được. Làm với bồn bồn tươi sẽ giúp món ăn có vị ngọt thanh hơn và ngon hơn. Các loại thức ăn có thể kết hợp với bồn bồn để làm Gỏi bồn bồn: thịt ba chỉ, lỗ tai heo, tôm luộc, gà... tùy theo sở thích của người ăn mà phối hợp. Là món ăn có thể phù hợp với rất nhiều đối tượng, dễ đổi mới.
Saimin là loại mì bằng bột mì pha trứng được sáng chế tại Hawaii (Mỹ). Nó có nguồn gốc từ ramen của người Nhật, mì của người Hoa, và pancit của người Philippines, và được sáng chế vào thời đồn điền của Hawaii. Nó cũng là món canh được ăn nóng; canh này làm bằng dashi (bột bằng cá ngừ vằn hay tôm). Không như ramen, mì saimin có trứng và hay co lại khi nấu lên. Canh này được trộn hành lá, cải ngọt non (baby bok choy), kamaboko (một loại chả cá), xá xíu, thịt hộp (nhất là SPAM) hay linguiça (xúc xích thịt bò của Bồ Đào Nha), và nori (tảo biển kho), cũng như nhiều thành phần khác. Ngoài ra saimen còn có thể thêm gyoza (một bánh Nhật làm giống sủi cảo) và mì hoành thánh Trung Quốc vào những ngày lễ đặc biệt. Một món mì saimin xào, xuất phát từ pancit của Philippines, cũng được ăn nhiều, nhất là ở hội chợ và cỗ tiệc. Từ saimin xuất từ tiếng Trung Quốc. Chữ 細 (bính âm: xì; Quảng Đông: sai; Hán-Việt: tế) có nghĩa là "nhỏ", và 麵 (miàn, mein, miến) có nghĩa là "mì", hợp lại là mì sợi nhỏ. Saimin là một trong những món truyền thống chính thức của tiểu bang Hawaii, do tính lịch sử và văn hóa của nó. Món này có tể xem như cuộc giao thoa của các chủng tộc phải chung đụng khi làm việc tại đồn điền mía và dứa vào đầu thế kỷ 20, trong đó có người Trung Quốc, Philippines, Nhật, Triều Tiên, Hawaii, và Bồ Đào Nha. Ban chiều, những người làm việc tại đồn điền về gia đình ở những nhà nhỏ mướn ngay tại đồn điền, và mọi gia đình bắt đầu nấu bữa. Đôi khi đồ ăn được nấu chung để tiết kiệm. Mọi gia đình mang một thành phần còn dư. Thí dụ gia đình Philippines có thêm hành xanh mọc lên bên cạnh nhà; gia đình Bồ Đào Nha có xúc xích còn dư; những gà của gia đình thổ dân Hawaii đã đẻ thêm vài trứng; và gia đình Triều Tiên còn lại cải ngọt sau khi làm kim chi. Họ bỏ các thành phần vào nồi và ăn chung. Để cho mọi người hiểu nhau, họ mượn những từ và cách nói của nhau, trở thành tiếng lai Hawaii. Người ta bắt đầu coi saimin là món ăn nhanh tại Sân vận động Honolulu tại góc đường King và Isenberg. Dân địa phương đến coi Babe Ruth, Joe DiMaggio, hay những đội bóng bầu dục của trường trung học tại sân vận động này, những người hâm mộ hay ghé vào quán ăn để mua một bao đậu lạc sôi và tô saimin nóng. Đây là lần đầu tiên mà một món ăn bán hơn hot dog và hamburger tại sân vận động. Ngày nay, những nhà hàng như Palace Saimin được coi là "nơi địa phương thường tới" tại Hawaii. Chỉ ở Hawaii, saimin được bán tại các sân vận động bên cạnh hot dog và hamburger, tại những tiệm ăn nhanh như McDonald's và Jack in the Box, và ngay cả tại những nhà hàng đắt tiền nhất ở quần đảo.
Mohinga (tiếng Miến Điện: မုန့်ဟင်းခါး; MLCTS: mun.hang: hka:, IPA: [mo̰ʊɰ̃hɪ́ɰ̃ɡá]; còn phát âm là mont hin gar) là món bún nước lèo với cá tại Myanmar và là một phần thiết yếu trong ẩm thực Miến Điện. Ngoài ra, món ăn này còn được xem là quốc thực của Myanmar. Mohinga luôn có mặt tại hầu khắp vùng miền trên đất nước. Tại thành phố lớn, gánh hàng rong và hàng quán đường phố thường bán hàng tá tô bún mohinga cho dân địa phương và người qua đường. Thường được ăn vào bữa sáng, ngày nay món ăn này ngày càng được thưởng thức nhiều hơn trong ngày. Nguồn gốc của mohinga rất khó xác định do không còn ghi chép nào sót lại. Công cụ chế biến món có niên đại từ thời thành bang Pyu dùng để lên men gạo đã được phát hiện, dẫn đến kết luận rằng truyền thống làm bún gạo – loại tinh bột cốt yếu dùng đế nấu mohinga - đã có từ lâu đời. Đề cập sớm nhất về mohinga có từ triều đại Konbaung, trong bài thơ alinga của nhà thơ U Ponnya. Nhà sử học Miến Điện Khin Maung Nyunt đã kết luận rằng trong thời kỳ tiền thuộc địa, mohinga có thể là một món ăn của dân thường, vì công thức chế biến "mohinga" không thể tìm ra trong các ghi chép và sách dạy nấu ăn.Vào nửa sau thời Bagyidaw, một nhà thơ tên là U Min nổi lên và gọi "mohinga" là "mont di" (မုန့်တီ) trong một cuộc thi thơ ca. Trong lúc từ ngữ mont ti hiện tại dùng để chỉ đến hàng loạt các món bún gạo khác ở Myanmar ngày nay, thì một bộ phận nhỏ tiếp tục sử dụng "mont ti" để chỉ đến món mohinga. Nhiều vùng miền khác nhau trong cả nước cũng chỉ đơn giản gọi mohinga là "mont" (မုန့်) hay "mont hin" (မုန့်ဟင်း). Thành phần chính của mohinga là bột đậu gà và/hoặc gạo rang giã nhỏ, tỏi, hẹ, hành, sả, thân chuối, gừng, nước mắm, cá xay và cá da trơn hay các loại cá khác, như cá trôi trắng nấu chín trong nước lèo đậm đà và giữ sôi trong vạc. Món ăn với bún gạo, dọn lên và trang trí với nước mắm, vắt chanh, hành phi, rau mùi, hành lá, ớt khô giã nhuyễn và phần phủ trên tùy chọn, chả chiên Miến Điện ngập dầu như đậu gà tách vỏ (ပဲကြော်, pè gyaw), đậu mười (ဗယာကြော်, baya gyaw) hay bầu bí (ဘူးသီးကြော်, bu thee gyaw) hay miếng quẩy rán lát mỏng (အီကြာ‌ကွေး), cũng như trứng luộc và bánh cá rán nga hpè (ငါးဖယ်ကြော်). Có nhiều dạng bún cá mohinga biến thể theo vùng miền khác nhau trên khắp Myanmar, tùy thuộc vào nguyên liệu sẵn có và sở thích nấu nướng. Ví dụ, mohinga tại bang Rakhine có nhiều cá xay hơn và ít nước lèo hơn. Phiên bản chuẩn tại vùng Hạ Miến, nơi có nhiều cá tươi hơn. Biến thể đa dạng mohinga phổ biến nhất đến từ đồng bằng sông Irrawaddy, thường được gọi là tawchet mohinga ( n.đ. 'phong cách nông thôn mohinga'). Một số quán mohinga nổi tiếng ở Yangon phục vụ món bún kiểu đồng bằng Irrawaddy, bao gồm Myaungmya Daw Cho và Bogalay Daw Nyo. Đồng bằng Irrawaddy Bogale mohinga - nấu trong nước lèo cá và nhiều tiêu đen Myaungmya mohinga - nấu với ba loại cá, cụ thể là cá lóc sọc (ငါး ရံ့), cá da trơn (ငါးခူ) và cá chép Hamilton (ငါး ကြင်း ဖြူ) Pyapon mohinga Pathein mohinga Yangon mohinga - nấu trong nước lèo hầm cá da trơn, đậu xanh và đậu phộng Vùng Bago Hinthada Mohinga - nấu với Hilsa (ngathalauk) thay cho cá da trơn Madauk mohinga - nấu với tôm ngâm và ăn kèm với cà chua sống Nyaunglebin và Pyuntaza mohinga - nấu với cá ngâm chua, ăn kèm với dưa chua táo tàu Taungoo mohinga - được thưởng thức với nước lèo loãng hơn giống với món salad mì khô, với cà chua sống, đậu xanh băm nhỏ và một bên là củ kiệu trắng ngâm chua Miền nam và miền đông Myanmar Dawei mohinga - tương tự như mohinga thông thường, với hạt tiêu đen thay cho ớt bột Kayin mohinga - được thưởng thức trong một trong hai loại nước lèo (ngọt hoặc cay), dùng với cà chua sống, giá đỗ, đậu xanh và bạc hà thay cho rau mùi Mawlamyine mohinga - nấu thành nước lèo loãng hơn với đậu Hà Lan luộc, đậu xanh, bạc hà, chả cá và đường thốt nốt Mon mohinga - tương tự như mohinga thông thường, được nấu không có thân chuối và bột gạo Thaton mohinga - ăn kèm với cá chép Hamilton, bạc hà, đậu xanh, giá đỗ, cà chua và chả bánh gạo vàng lên men (gọi là သထုံ ထမင်း ဝါ) Thượng Myanmar Anya mohinga - mohinga nấu trong nước lèo thịt gà, cá và bột đậu gà thay cho bột gạo nướng, phổ biến ở các thị trấn Thượng Myanmar như Monywa, Wetlet, Shwebo, Kyaukpadaung và Myingyan Mohinga nấu bằng nước lèo hầm cá da trơn và hành lá Mohinga là món ăn sáng quen thuộc của người Myanmar, song cũng được bán suốt cả ngày như một món ăn nhẹ phổ biến ở các gánh hàng rong tại nhiều thị trấn và thành phố. Người Myanmar nấu món này bằng bất cứ loại cá nào mà ngư dân đánh bắt được. Mohinga cũng được thưởng thức với tất cả các loại rau thơm ở nhiều kiểu cách ăn và cũng được bán dưới dạng gói khô như một loại bột làm sẵn dùng để nấu nước lèo. Gánh hàng rong là nguồn cung cấp món ăn phổ biến này tỏa đi khắp các khu phố, nơi họ có khách hàng thường xuyên. Họ mang vạc nấu súp trên bếp ở một bên là đòn gánh và bún gạo cùng các nguyên liệu khác cùng với bát và thìa ở gánh bên kia. Món thường chỉ có sẵn vào buổi sáng sớm và tại các pwè đường phố hoặc các buổi biểu diễn sân khấu ngoài trời và zat pwè hoặc nhà hát lưu động vào ban đêm. Người bán rong kéo xe bắt đầu xuất hiện vào những năm 1960 và một số người trong số này đã lập các quầy hàng trên vỉa hè để bán bún mohinga cả ngày.
Bỏng gạo cũng gọi là Cốm gạo hay Bỏng ống hoặc Bỏng mật là một thức quà vặt phổ biến ở các làng quê Bắc Bộ với nguyên liệu chính là gạo và đường, có nhiều hình thù và cách làm khác nhau. Bỏng này có ruột rỗng, trông như cái ống nên gọi là Bỏng ống hay Bỏng gậy hoặc Bỏng que dài tầm 20 cm hoặc hơn. Bỏng làm từ gạo tẻ, đường, dừa khô, một ít gạo nếp và chút muối. Ngày nay cũng có nơi làm bằng gạo lứt, có khi thêm cả mì tôm vụn, đậu xanh, hạt lạc hay bột milo... Các nguyên liệu được trộn đều và cho vào máy nổ. Khi thành phẩm chui ra còn rất nóng thì người thợ làm bỏng sẽ cắt thành khúc luôn và đóng gói ngay khi còn ấm để giữ độ giòn. Một số nơi làm bỏng gạo - ngô thì hạt ngô khô là chính, bỏng sẽ có màu vàng. Cũng có nơi làm bằng ngũ cốc và cho thêm củ mài. Bỏng cũng nổ bằng máy rỗng ruột như bỏng ống nhưng người ta cắt ngắn, tạo hình như kim tự tháp, gọi là Bánh ngũ cốc củ mài phổ biến quanh Chùa Hương, Hà Tây cũ. Bỏng làm từ gạo nếp đem rang trên chảo gang nhưng chưa đến mức nổ bung mà vẫn còn nguyên hình, to gấp ba lần hạt ban đầu. Loại bỏng này cũng gọi là Cốm gạo (dùng đường) hay Bỏng mật (dùng mật mía) và đều nhỏ cỡ nắm tay. Đun mật mía hoặc đường, và phải có mạch nha để tạo thành hỗn hợp. Sau đó đổ gạo rang vào trộn đều. Khi gần nguội, người thợ sẽ nhanh tay nắm thành các nắm hình tròn. Cũng có khi đổ ra thành mảng và cắt thành miếng hình vuông hay chữ nhật. Bỏng sẽ dính tay nên phải để nguội mới giòn và đóng gói được. Cũng có nơi làm bỏng mật từ ngô thay gạo và thêm ít gừng giã vụn. Còn nếu gạo rang đến mức nổ bung thì cũng gọi là Bim bim, nếu đem nghiền thành bột sẽ là nguyên liệu chính của Bánh Chè lam. Mỗi khi trời mưa dầm dài ngày hay chuyển lạnh, người ta thường đi nổ Bỏng ống để ăn vặt. Loại bỏng này luôn phải bọc kín và sau 1-2 tuần cũng không giòn nữa. Còn Bỏng nắm có mật mía và mạch nha, bảo quản được lâu hơn và bày bán thường xuyên. Ngày nay, bỏng gạo trở thành một món quà thú vị với cả người Hà Nội và khách du lịch nước ngoài. == Tham khảo ==
Ponzu (ポン酢, Ponzu) là một loại nước sốt làm từ cam hoặc chanh thường được dùng trong ẩm thực Nhật Bản. Nó có vị chua hơi gắt, ít đặc, loãng giống nước và có màu nâu đậm. Ponzu shōyu hoặc ponzu jōyu (ポン酢醤油) là loại nước xốt ponzu và thêm vào nước tương (shōyu), và sản phẩm hỗn hợp thường được gọi đơn giản là ponzu. Thuật ngữ này ban đầu được đưa vào ngôn ngữ Nhật Bản là ponsu, như một từ mượn của pons - một từ tiếng Hà Lan đã lỗi thời - đồng nghĩa với punch, một thức uống làm từ nước ép trái cây. Vị chua tự nhiên của nước sốt này dẫn đến việc âm su ở cuối được đánh vần với ký tự 酢 (su, 酢) có nghĩa là giấm.Ponzu được làm bằng cách đun sôi mirin, giấm gạo, vụn katsuobushi (từ cá ngừ) và rong biển (kombu) trên lửa vừa. Chất lỏng sau đó được làm lạnh, lọc để loại bỏ vụn katsuobushi và cuối cùng thêm vào nước ép của một hoặc nhiều loại trái cây sau đây: yuzu, sudachi, daidai, kabosu hoặc chanh vàng. Ponzu thương phẩm thường được bán trong chai thủy tinh, có thể có một số cặn lắng. Theo truyền thống, ponzu shoyu được sử dụng như một loại nước sốt gia vị cho tataki (thịt hoặc cá được nướng nhẹ, sau đó xắt nhỏ), và cũng là một loại nước chấm cho nabemono (một món ăn trong nồi lẩu) như shabu-shabu. Nó được sử dụng như một loại nước chấm cho sashimi. Trong khu vực Kansai, nó được dùng làm gia vị phết lên takoyaki.
Đậu dải trắng rốn nâu hay đậu trắng (tiếng Tày: thua khao) (danh pháp hai phần: Vigna unguiculata subsp. unguiculata), là một phân loài thực vật thuộc họ Đậu. Trước đây, phân loài này được xếp trong chi Phaseolus. Vigna unguiculata subsp. dekindtiana là phân loài đậu dại và Vigna unguiculata subsp. sesquipedalis phân loài đậu trồng có liên hệ gần. Vigna unguiculata subsp. unguiculata được trồng chủ yếu ở châu Phi và châu Mỹ Latinh, với nhiều giống khác nhau. Tại Việt Nam chỉ có một giống có hoa màu trắng, quả giống đậu đũa nhưng rộng hơn, vỏ già màu trắng, hạt to và hơi dẹt, màu trắng, có vết nâu quanh rốn. Quả non dùng làm rau xanh, hạt dùng nấu xôi, nấu chè... Cây trồng ở Lạng Sơn, Cao Bằng. Đậu dải trắng rốn nâu có thể được thuần hóa đầu tiên ở Tây Phi nhưng hiện nay trồng nhiều ở châu Á;nó được di thực vào miền nam Hoa Kỳ vào đầu thế kỉ 17. Hạt đậu dải trắng rốn nâu chứa nhiều calci (211 mg trong 1 cup serving), folate (209mcg) và vitamin A (1.305 IU) cùng nhiều chất dinh dưỡng khác.
Nồi cơm điện là một thiết bị gia dụng tự động được thiết kế để nấu cơm bằng cách hấp hơi gạo. Nó có một nguồn nhiệt, một nồi nấu, và một thiết bị cảm ứng nhiệt. Thiết bị cảm ứng này đo nhiệt độ của nồi nấu và kiểm soát nhiệt lượng. Nồi cơm điện phức tạp có thể có nhiều cảm biến hơn và các thành phần khác, và có thể nấu đa chức năng. Nồi cơm điện là thiết bị gia dụng tự động có xuất xứ từ Nhật Bản, ra đời vào giữa thế kỷ 20, tên gốc là “Suihanki” và được thiết kế để nấu cơm bằng phương pháp hấp hơi gạo.Có thể nói tiền thân của nồi cơm điện hiện đại ra đời từ tay một kỹ sư sửa vô tuyến có tên Masaru Ibuka sau chiến tranh thế giới thứ 2. Chiếc nồi cơm điện này không được ứng dụng vào thực tế do nhiều lần thực nghiệm thất bại với những nhược điểm chí mạng, nghiên cứu cũng bị bỏ dở trong tiếc nuối.Cho đến năm 1956, cặp vợ chồng Yoshitada Minami, Fumiko đã nghiên cứu và cho ra đời chiếc nồi cơm điện có tính ứng dụng đầu tiên dưới thương hiệu Toshiba, mở ra cuộc đua sản xuất nồi cơm điện hết sức khốc liệt cho đến tận ngày nay. Nồi nấu được đổ đầy gạo và nước. Trong thời gian nấu, hỗn hợp nước và gạo được làm nóng với toàn bộ công suất. Nước đạt đến nhiệt độ 100 °C (212 °F); nó không thể nóng hơn nhiệt độ điểm sôi này (tất cả năng lượng dư sẽ chuyển hóa nước thành hơi). Vào cuối thời gian nấu sẽ không có nước còn lại nữa; hầu hết sẽ được gạo hấp thụ, và một phần nước đã bay hơi. Nồi tiếp tục được nung nóng, nhiệt độ bây giờ có thể vượt lên trên điểm sôi của nước; điều này làm cho cảm biến nhiệt thay đổi. Một số nồi cơm điện chuyển sang chế độ "hâm nóng" để tiết kiệm năng lượng, giữ cho gạo ở nhiệt độ an toàn ở khoảng 65 °C (150 °F); các nồi cơm điện có mô hình đơn giản hơn thì tắt điện nguồn. Nakano, Yoshiko (2009), Where There Are Asians, There Are Rice Cookers: How 'National' Went Global via Hong Kong, Hong Kong University Press, ISBN 978-988-8028-08-5
Chả chìa là một món ăn làm bằng sườn heo chặt khúc ngắn, tuốt thịt về một đầu (đầu còn lại để làm tay cầm), chiên vàng và rang ngọt. Chả chìa thực ra là phần thịt ba chỉ của heo rang cháy cạnh kết hợp nêm gia vị, bỏ đường và hành lá. Nguyên liệu chính làm chả chìa chính là thịt heo mà cụ thể là sườn heo (ba chỉ/ba rọi) nhưng cũng có thể thay thế bằng sườn cừu. Chả chìa cũng là tên gọi một món đặc sản của Hải Phòng và Hội An. Sườn hoặc thịt ba chỉ chặt khúc, kéo phần thịt lên phía trên để lòi phần xương làm tay cầm. Bên cạnh đó ướp sườn với tỏi, hành, nước mắm, ít đường (có thể cho thêm tiêu) để cho gia vị ngấm, sau đó đem nướng trên bếp than. Món này ăn cùng cà chua, xà lách hoặc củ kiệu muối chua. Có thể dùng làm món ăn chơi, nhậu hoặc ăn với cơm.Cần lưu ý nếu chọn thịt ba chỉ thì phải chọn những miếng thịt ba chỉ loại ngon, thịt có màu hồng tươi và phần nạc phải nhiều hơn phần mỡ. Có thể làm chả chìa bằng thịt mông, thịt vai, sườn heo,… nhưng món này hợp với thịt ba chỉ hơn cả để khi chế biến miếng thịt không bị khô, vị béo của mỡ làm tăng mùi vị của món ăn. Thịt phải được rửa sạch và nên bỏ bì (da) sau đó thái mỏng, đem rang cho cháy cạnh, đến khi có màu hanh vàng bỏ thêm gia vị cho vừa ăn, nêm đường và sau cùng là hành lá.
Hokey pokey là một hương vị của kem ở New Zealand, bao gồm kem vani đơn giản với những cục kẹo bơ cứng nhỏ, rắn chắc. Hokey pokey là thuật ngữ New Zealand cho kẹo bơ cứng tổ ong. Công thức ban đầu cho đến khoảng năm 1980 bao gồm kẹo bơ cứng, nhưng trong một thay đổi tiếp thị, Tip-Top đã quyết định sử dụng những viên kẹo bơ cứng tổ ong nhỏ thay thế. Đó là hương vị phổ biến nhất sau hương vị vani ở New Zealand, và là một ví dụ tiêu chuẩn của Kiwiana. Nó cũng được xuất khẩu sang Nhật Bản và khắp Thái Bình Dương. "Hokey pokey" là một thuật ngữ tiếng lóng cho kem nói chung trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 ở một số khu vực - bao gồm Thành phố New York và một phần của Vương quốc Anh - đặc biệt kem được bán bởi những người bán hàng rong. Các nhà cung cấp, chủ yếu là người gốc Ý, được cho là đã sử dụng một một lời hát rao hàng có cụm từ "hokey pokey". Tên này có thể xuất phát từ thuật ngữ "hocus-pocus", hoặc nó có thể liên quan một số cụm từ tiếng Ý. Theo "Bách khoa toàn thư về thực phẩm" (xuất bản năm 1923, New York) hokey pokey (ở Mỹ) là "thuật ngữ áp dụng cho màu sắc hỗn hợp và hương vị của kem ở dạng bánh". Bách khoa toàn thư cho biết thuật ngữ này bắt nguồn từ cụm từ tiếng Ý oh che poco - "oh how little". Các nguồn khác có thể là các cụm từ tiếng Ý: ví dụ ecco un poco - "here is a (little) piece".
Hội Khoa học Công nghệ Chè Việt Nam là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của những người làm việc trong lĩnh vực trồng, chế biến và trao đổi chè tại Việt Nam . Tên Hội được dịch ra tiếng Anh nêu trong website chính thức của Hội Lưu trữ 2018-03-04 tại Wayback Machine là Vietnamese Tea Science-Technology Association và viết tắt là VITESTA . Hội được thành lập trên cơ sở Bộ Nội vụ phê duyệt tại Quyết định số 1561/QĐ-BNV ngày 12 tháng 11 năm 2009 . Văn phòng Hội đặt tại địa chỉ Km7, Khu 18, xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ . Hội có mục đích là tập hợp lực lượng cán bộ khoa học - công nghệ ngành chè trong cả nước, động viên nhiệt tình và khả năng sáng tạo của hội viên hướng vào việc nghiên cứu, tổng kết, phổ biến và áp dụng những thành tựu khoa học- công nghệ vào sản xuất nhằm tăng năng suất, nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế- xã hội và phát triển bền vững. hững nhiệm vụ đặt ra cho Hội là . Khuyến khích và giúp đỡ hội viên nâng cao trình độ khoa học - công nghệ về chọn tạo giống, kỹ thuật canh tác, công nghệ bảo quản chế biến chè, nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp phục vụ lợi ích của ngành và của xã hội. Tiến hành các hoạt động tư vấn, giám định, phản biện, tuyển chọn, đánh giá các đề tài/dự án nghiên cứu, chuyển giao công nghệ về chè. Triển khai các công trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ và cấp Nhà nước, vận động quần chúng áp dụng những tiến bộ kỹ thuật về chè vào sản xuất. Thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học - công nghệ về chè trong Hội viên và nhân dân. Tiến hành hợp tác với các tổ chức khoa học - công nghệ về Chè của quốc tế và đại diện nghề nghiệp về khoa học - công nghệ chè của Việt Nam tham gia các tổ chức quốc tế và khu vực. Ngày Chè Quốc tế được tổ chức hàng năm vào ngày 15 tháng 12. Nó được tổ chức từ năm 2005 tại các quốc gia sản xuất trà như Bangladesh, Sri Lanka, Nepal, Việt Nam, Indonesia, Kenya, Malawi, Malaysia, Uganda, Ấn Độ và Tanzania . Ngày Chè Quốc tế nhằm thu hút sự chú ý toàn cầu của chính phủ và người dân đối với tác động của thương mại trà toàn cầu đối với người lao động và người trồng, và có liên quan đến các yêu cầu hỗ trợ giá và thương mại công bằng.Ngày Chè quốc tế được Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) thông qua năm 2015 .
Hotteok là một loại bánh rán Hàn Quốc rất đa dạng, và là thức ăn đường phố nổi tiếng của Triều Tiên. Nó thường được dùng trong suốt mùa đông. Phần bột của hotteok được làm từ bột mì, nước, sữa, đường, và men. Bộ được ủ trong vài giờ. Phần bột được trộn với hỗn hợp gồm đường nâu, mật ong, đậu phộng giã nhuyễn, và quế. Phần bột được đặt trên một vỉ nướng bôi dầu, và được ép thành một vòng tròn lớn bởi dụng cụ đặc biệt với khung tròn bằng sắt và tay cầm bằng gỗ.Ở Hàn Quốc, hỗn hợp hotteok trộn sẵn được bán dưới dạng bao bì nhựa. Hỗn hợp còn đi kèm với nhân đường nâu và đậu phộng hoặc vừng. Người ta tin rằng hotteok có nguồn gốc từ thương gia Trung Quốc nhập cư vào Hàn Quốc cuối thế kỉ 19. Không giống hầu hết bánh Trung Quốc thường trộn thêm nhân thịt, hotteok được trộn với nhân ngọt, cho phù hợp với khẩu vị người Hàn Quốc. Các loại hotteok vẫn tiếp tục thay đổi mặc dù nhân truyền thống của nó là quế và đậu phộng. Rất nhiều biến thể được phát triển từ đầu thế kỉ 21, như hotteok trà xanhphoto, bokbunja hotteok hồng, hotteok bắp... Sản phẩm "hotteok" thương mại được phát triển và bán ra bởi công ty "Samyang", "Ottogi" và "CJ". Sản phẩm được thiết kế có thể nấu tại nhà. Hotteok thường được dùng trong suốt mùa đông. Do hàm lượng đường cao, một cái hotteok có thể hơn 230 calo. Hai biến thể của hotteok Công thức Hotteok Lưu trữ 2015-05-02 tại Wayback Machine Công thức Hotteok Công thức Hotteok với video Chủ đề về nguồn gốc của Hotteok và Hobbang (tiếng Hàn)
Bún thang là một đặc sản ẩm thực của người Hà Nội. Làm bún thang là một quá trình cầu kỳ, từ phần chuẩn bị đến nấu. Ước tính phải cần đến 20 nguyên liệu mới đủ để làm bún thang. Rau răm, mùi tàu, trứng gà rán mỏng, lườn gà xé, giò lụa thái sợi rải đều trên nền bún trắng. Bún phải là loại bún sợi nhỏ. Trên rắc ruốc tôm. Nước dùng phải là loại nước trong, nóng chan vừa bát. Ăn bún thang có thể kèm gia vị như giấm, ớt, tỏi, hạt tiêu hoặc thêm chút mắm tôm. Để có nồi nước dùng ngon cũng là một sự tổng hợp có chọn lọc từ xương gà và mực khô (để ngọt nước). Sẽ vô cùng thiếu sót nếu viết về bún thang Hà Nội mà không nhắc đến phần đặc biệt nhất của nó: tinh dầu cà cuống. Chỉ cần một chút đầu tăm điểm vào bát bún thang sẽ dậy mùi thơm đặc biệt. Tiếc là hiện nay cà cuống đã không còn nhiều nữa, người ta đã dùng hóa chất để thay thế song mùi thơm hơi hắc hơn. Một bát bún thang đầy đủ sẽ không thể thiếu củ cải ngâm, hay còn được biết dưới cái tên gốc Tàu là ca-la-thầu. Một dị bản của bún thang là bún thang khô: nước dùng không chan cùng bát mà chỉ tráng qua bún cho nóng. Vẫn đầy đủ các vị kể trên song không húp như khi ăn bún nước.
Bœuf bourguignon (phát âm tiếng Pháp: [bœf buʁ.ɡi.ɲɔ̃]), hay bœuf à la Bourguignonne, hay gọi là thịt bò Bourguignon là một món ăn truyền thống trong ẩm thực Pháp. Món ăn này bắt nguồn từ vùng Bourgogne-Franche-Comté ở miền Đông nước Pháp, cũng như những món khác như coq au vin, escargot. Nó là một món hầm được chuẩn bị với thịt bò ngâm trong rượu vang đỏ, theo truyền thống là rượu Bourgogne, và nước lèo bò, được thêm gia vị như tỏi, hành tây, bó rau thơm, với hành ngọc, và nấm ăn được thêm vào khi thịt gần nhừ. Theo truyền thống thịt được nhét mỡ lợn vào, nhưng thịt bò ngày nay thì đủ mềm và có mỡ, cho nên kỹ thuật này tốn nhiều thì giờ thường không được dùng nữa. Tuy nhiên, thịt hông lợn muối xông khói, được cắt từng cục nhỏ vẫn được dùng để tạo ra mỡ và phần thịt còn lại được thêm vào món ăn lúc cuối.
Caramel, còn gọi nước hàng, đường thắng hay kẹo đắng, là loại nước có màu nâu, thu được bằng cách đun nóng các loại đường. Nước caramel được dùng để tạo hương vị cho các loại bánh (bánh flan, bánh trứng), kẹo, kem lạnh hoặc dùng trong chế biến một số món ăn châu Á như thịt kho, cá kho... Quá trình caramel hóa xảy ra khi gia nhiệt chậm các loại đường ở nhiệt độ khoảng 170 °C (340 °F). Khi đường tan chảy, các phân tử bị phá vỡ và tái tạo thành các hợp chất có màu sắc và hương vị đặc trưng. Caramel hóa là việc loại bỏ nước khỏi đường, dẫn đến đồng phân hóa và trùng hợp đường thành các hợp chất cao phân tử. Các hợp chất như difructoza-anhydrid có thể được tạo ra từ các monosacarit sau khi mất nước. Các phản ứng phân mảnh tạo nên các hợp chất phân tử lượng thấp dễ bay hơi và có thể tạo hương vị. Phản ứng trùng hợp tạo thành các hợp chất cao phân tử sẽ làm cho sản phẩm có màu nâu đậm. Chất tạo màu caramel (150/E150) là chất lỏng, đậm đặc, màu nâu đậm, vị đắng thu được từ phản ứng caramel hóa đường và được đóng chai để dùng trong công nghiệp thực phẩm. Các loại đồ uống như nước cola sử dụng màu caramel.
Coffee cabinet là một loại sữa lắc làm từ kem hầu như chỉ được tìm thấy ở bang Rhode Island và vùng đông nam Massachusetts, bao gồm kem cà phê, xi rô cà phê và sữa. Các thành phần đều được trộn trong máy xay sinh tố hoặc máy xay sữa lắc.Trong số các cửa hiệu bán sữa bơ kem nổi tiếng ở Rhode Island phục vụ loại đồ uống này có Delekta's Pharmacy ở Warren, và Original Vanilla Bean ở South Kingstown. Newport Creamery, một chuỗi nhà hàng gia đình hầu như chỉ có ở Rhode Island, phục vụ biến thể của cabinet làm bằng kem sữa đá với thương hiệu "Awful Awful". Một ly cabinet thường được những nơi khác tại New England gọi là frappe (sữa khuấy có chứa kem). Tài liệu tham khảo sớm nhất có đề cập đến Coffee Cabinet được xuất bản trong tờ The Spatula vào năm 1903.Cũng giống như trường hợp downcity, từ nguyên của thuật ngữ này vẫn còn mơ hồ. Một lời giải thích phổ biến nhưng không có cơ sở là người bán hàng ở quầy nước soda hoặc dược sĩ đã giữ xi rô cà phê tại một trong những chiếc tủ gỗ bóng loáng phía sau quầy. Một số người cũng đưa ra giả thuyết rằng cái tên này là biến thể của loại đồ uống được gọi là Royal Cabinet, món kem trứng lần đầu tiên được phổ biến ở Chicago. == Tham khảo ==
Okonomiyaki (御好み焼き (御好み燒き) (Ngự hiếu thiêu)/ おこのみやき/ オコノミヤキ, o-konomi-yaki, thường viết là お好み焼き) là một loại bánh xèo áp chảo gồm nhiều loại nguyên liệu. Tên của bánh được ghép từ okonomi nghĩa là "thứ bạn thích/muốn", và yaki nghĩa là nấu nướng. (ví dụ như "yaki" trong tên các món yakitori- gà nướng và yakisoba- mì nấu). Okonomiyaki được xem là món ăn đặc trưng của vùng Kansai hoặc Hiroshima, nhưng món này có mặt khắp nơi trên đất Nhật. Nguyên liệu làm đế bánh và làm nhân thay đổi tùy từng vùng. Okonomiyaki của Tokyo nhỏ hơn ở Hiroshima và Kansai. Món ăn này trong tiếng Việt đôi khi được gọi là bánh xèo Nhật Bản do có những nét tương đồng với món bánh xèo Việt Nam. Loại okonomiyaki theo kiểu Kansai hoặc Osaka là phổ biến nhất, có mặt ở hầu khắp đất nước. Đế bánh được làm từ bột khoai nghiền, nước hoặc nước dùng dashi, trứng, bắp cải xắt sợi và thường có thêm các loại nguyên liệu khác như hành lá, thịt (thường là thịt heo hoặc thịt xông khói), bạch tuộc, mực, tôm, rau củ, kim chi, viên bánh dày mochi hoặc phô mai. Okonomiyaki thường được so sánh với trứng chiên hoặc bánh pancake và thường được người phương Tây gọi là "pancake Nhật Bản". Món này còn được gọi là món "tâm hồn Osaka".Vài nhà hàng okonomiyaki để cho thực khách tự nướng món này, họ phục vụ một tô lớn đựng các nguyên liệu sống để khách hàng tự trộn và nướng tại bàn theo kiểu nướng teppan, sử dụng các loại bàn bếp đặc biệt. Họ cũng có thể bày trí bếp ngay trước mặt khách để khách được chiêm ngưỡng quá trình nấu nướng. Ở Osaka (thành phố lớn nhất vùng Kansai), nơi được xem là cội nguồn của món này, okonomiyaki được nấu rất giống như món pancake. Đế bánh và các nguyên liệu khác được chiên vàng hai mặt trên một cái chảo hoặc một cái bàn nướng teppan, sử dụng một cái spatula, sau đó có thể dùng dụng cụ này để cắt miếng bánh sau khi đã chiên xong. Món này được phủ trên mặt loại sốt ngọt và đặc otafuku/okonomiyaki, miếng tảo biển xanh (aonori), cá ngừ xông khói bào thành miếng (katsuobushi), mayonnaise Nhật Bản, và gừng đỏ muối (beni shoga). Ở Hiroshima, các nguyên liệu được xếp lớp chứ không phải được trộn đều. Các lớp gồm có đế bánh, bắp cải, thịt heo và các món tự chọn như bạch tuộc, mực và phô mai. Các loại mì (yakisoba, udon) cũng được để lên trên cùng với trứng chiên và rất nhiều sốt okonomiyaki. Lượng bắp cải ở đây được dùng gấp 3-4 lần ở Osaka. Lúc chưa chín, bắp cải được xếp thành chồng cao và xẹp dần trong quá trình nấu. Thứ tự các lớp tùy thuộc vào cách nấu và sở thích của đầu bếp, và nguyên liệu thay đổi tùy vào sở thích của khách hàng. Mọi người ở cho rằng sự linh hoạt này mới đúng là cách làm okonomiyaki. Bánh xèo làm theo cách này gọi là Hiroshima-yaki hoặc Hiroshima-okonomi. Okonomi-mura,ở Naka-ku, Hiroshima, là công viên ẩm thực hàng đầu dành cho các gia đình Nhật Bản theo một bình chọn vào tháng 4 năm 2004. Thị trấn Tsukishima ở Tokyo nổi tiếng với cả món okonomiyaki và món monjayaki. Monjayaki là một loại bánh xèo mềm. Khu vực bán món này là đường Monja.Ở Hamamatsu, củ cải trắng muối (takuan) được ăn với okonomiyaki. Ở Okinawa, okonomiyaki được gọi là hirayachi (ヒラヤーチー) và mỏng hơn những vùng khác. Mọi người thường tự làm nó tại nhà nên thường ít có nhà hàng bán bánh xèo ở Okinawa, và hầu như không có nhà hàng nào bán loại hirayachi.
Dobos torte hay còn gọi là Dobosh (phiên âm: [ˈdoboʃ], tiếng Hungary: Dobos torta), là một loại bánh bông lan Hungary với nhiều lớp kem bơ sôcôla xếp chồng lên nhau và lớp trên cùng phủ caramel. Loại bánh này được đặt tên theo người làm ra nó: bếp trưởng người Hungary, József C. Dobos. Vào cuối những năm 1800, Dobos đã tạo ra một loại bánh để được lâu hơn các loại bánh kem khác cùng thời, khi mà kỹ thuật bảo quản lạnh vẫn còn hạn chế. Viền ngoài của bánh thường được phủ một lớp hạt phỉ, hạt dẻ, óc chó hoặc hạnh nhân và lớp caramel cứng bên trên giúp bánh không bị khô, nên bảo quản được lâu hơn. Bánh Dobos torte được ra mắt lần đầu tại Triển lãm Quốc gia Budapest vào năm 1885. Một trong những người đầu tiên nếm thử bánh là Hoàng đế Franz Joseph I và Hoàng hậu Elisabeth. Sau đó, bánh Dobosh nhanh chóng trở nên nổi tiếng khắp Châu Âu, do tính hữu dụng trong vận chuyển và vẻ ngoài độc đáo của nó. Với mặt trên của bánh phẳng, bóng láng, phủ caramel, chiếc bánh trông đơn giản nhưng lại trang nhã, trái ngược hẳn với những chiếc bánh kem cầu kỳ cùng thời. Ngoài ra, chất kem của bánh Dobos torte cũng là một điểm đặc biệt so với những chiếc bánh kem khác. Tại thời điểm đó, chất kem để làm bánh thường là kem trứng (pastry cream) hoặc kem đánh (whipped cream), còn của Dobos torte là kem bơ sôcôla. Điểm thú vị là Dobos đã khám phá ra kem bơ khi đi du lịch qua Pháp, rồi sau đó ông đã sáng tạo ra bánh kem Dobos torte. Dobos torte được rất nhiều các đầu bếp khác tìm cách bắt chước để làm lại nhưng không ai làm được giống như Dobos. Bí quyết ở đây chính là sự kết hợp giữa kem sữa và bơ ca cao, tạo nên độ sánh mịn cho chất kem của chiếc bánh. Dobos đã đi qua nhiều nước Châu Âu để quảng bá chiếc bánh của mình. Ông còn gửi bánh theo đơn đặt hàng trong những chiếc hộp gỗ được thiết kế đặc biệt. Vào khoảng gần cuối sự nghiệp, năm 1906, Dobos đã tặng lại công thức làm bánh Dobos torte cho hiệp hội làm bánh.
Trong ẩm thực châu Á, bún là loại thực phẩm dạng sợi tròn, trắng mềm,được làm từ tinh bột gạo ,tạo sợi qua khuôn và được luộc chín trong nước sôi. Là một nguyên liệu,thành phần chủ yếu để chế biến nhiều món ăn mà tên món ăn thường có chữ bún ở đầu (như bún cá, bún mọc, bún chả, bún thang, bún qua cầu Vân Nam (Trung Quốc), laksa (Malaysia), bún bò Nam Bộ, bún bò Huế, bún thịt nướng..., bún là một trong những loại thực phẩm phổ biến nhất chỉ xếp sau các món ăn cơm và phở . Từ bún là một từ Hán Việt cổ, bắt nguồn từ cách phát âm trong tiếng Hán trung cổ sơ kỳ của một từ tiếng Hán được viết bằng chữ Hán là “粉”. E. G. Pulleyblank phục nguyên cách phát âm trong tiếng Hán trung cổ sơ kỳ của từ “粉” là punˀ. Chữ Hán “粉” có âm Hán Việt tiêu chuẩn hiện đại là phấn, âm này bắt nguồn từ cách phát âm trong tiếng Hán trung cổ hậu kỳ của từ “粉”. Pulleyblank phục nguyên cách phát âm trong tiếng Hán trung cổ hậu kỳ của từ “粉” là fjyn´ (do punˀ biến đổi thành, về sau fjyn´ biến đổi thành fun´) và fun´ (do fjyn´ biến đổi thành). Theo Pulleyblank âm Hán Việt phấn của chữ “粉” bắt nguồn từ âm fjyn´ của từ “粉”. Nhiều người thường thắc mắc là bên Trung Hoa có bún, phở, miến, bánh đa hay không, xin trả lời ngay rằng họ có đủ cả, chỉ là hơi khác ta về cách gọi tên mà thôi. Trong phạm vi bài này ta chỉ tập trung vào một món duy nhất là bún. Bún trong chữ Nôm viết là 𥻸. Phần bên trái là chữ mễ (米) nghĩa là gạo, phần bên phải là chữ bốn (𦊚) để đọc ra âm bún. Bún là thức ăn tinh bột phổ biến thứ ba tại nước ta, chán cơm chán cả phở thì đi ăn bún. Từ Bắc chí Nam, ở đâu vùng nào cũng đều gọi là bún. Bún và phở cùng làm từ bột gạo tẻ nhưng có một số đặc điểm khác nhau như sau: Thứ nhất, rõ ràng nhất về mặt hình thức, bún sợi nhỏ, tiết diện tròn, màu trắng tinh, phở sợi to, dẹt, tiết diện hình chữ nhật, màu trắng đục. Thứ hai, bột gạo làm bún sau khi đẩy qua lỗ nhỏ thành sợi được thả ngay vào nồi nước sôi luộc khoảng một phút còn phở thì phải hấp, tráng như bánh cuốn rồi mới cắt sợi. Thứ ba, bột bún phải được lên men còn bột phở xay ra phải nấu ngay cho khỏi chua. Về cơ bản người Hoa có hai loại “thức ăn sợi” là miến điều (麵條) và mễ phấn (米粉). Miến điều tiếng Việt ta dịch là mì, nghĩa là các loại sợi làm bằng bột mì. Mễ phấn là tên gọi chung tất cả các loại sợi làm bằng bột gạo tẻ hay nói cách khác bao gồm phở, bún, hủ tiếu, mì Quảng, bánh hỏi, bánh đa (cua). Miền Bắc Trung Quốc ăn bột mì nhiều nên dùng miến điều là chính, miền Nam Trung Quốc giống ta ăn nhiều gạo hơn nên mới có mễ phấn. Bún là mễ phấn sợi nhỏ, phổ biến ở các nước Đông Nam Á hơn là Trung Quốc. Tiếng Hán gọi bún là Quế Lâm mễ phấn (Quế Lâm là thành phố lớn của Quảng Tây – tỉnh giáp với Đông Bắc Việt Nam). Tiếng Anh gọi bún là rice vermicelli để phân biệt với rice noodles, rice là gạo còn vermicelli là một loại pasta có sợi rất nhỏ. Người Hán giải thích việc ra đời của mễ phấn có hai giả thuyết. Thứ nhất là vào thời Ngũ Hồ loạn Hoa (304 – 439) chiến tranh liên miên dẫn đến sự rút lui của nhà Tấn về miền Nam Trung Quốc, trên đường vừa chạy giặc vừa phải đảm bảo việc ăn uống, người ta nghĩ ra cách làm bún. Là món ăn làm từ gạo, đã nấu chín sẵn, khi ăn chỉ việc thả vào nước sôi (kiểu mì ăn liền) mà lại dễ dàng vận chuyển, không rơi vãi như gạo. Phương án thứ hai được đưa ra là sự di cư của người Hán từ phía Bắc xuống phía Nam mang theo văn hóa làm mì, trong khi miền Nam lại không có lúa mì nên họ thay bằng bột gạo. Bún không bảo quản được lâu như mì, tốn gạo, làm lại vất vả nên ngày xưa bún là món ăn cao cấp, bún xào là món đãi khách của nhà quan thời đó. Vậy thì ngày nay ta còn có thể ăn được bún Trung Quốc ở đâu? Hồng Kông và Quảng Đông – Phúc Kiến hay thậm chí Đài Loan có rất nhiều món mì gạo nhưng chúng giống phở hơn là bún. Muốn ăn bún sợi nhỏ phải đi sâu xuống miền Nam với hai món nổi tiếng đó là Bún qua cầu Vân Nam và Bún ốc Liễu Châu. Các dân tộc thiểu số như người Hà Nhì, người Choang luôn yêu chuộng việc làm bún và dùng bún để ăn trong dịp Tết Nguyên Đán. Bún qua cầu mà hay được dịch qua tiếng Việt là mì qua cầu, rất nổi tiếng ở tỉnh Vân Nam. Cái tên gọi rất thú vị Quá kiều mễ tuyến – bún qua cầu này xuất phát từ một câu chuyện cảm động (phải phục người Trung Quốc hay nghĩ ra những truyền thuyết mĩ miều). Món này ăn ngon nhất ở huyện Mông Tự, vì câu chuyện cũng diễn ra ở đây. Có một anh chàng dùi mài kinh sử để chờ ngày lên kinh ứng thí nên chọn địa điểm ngồi học là hòn đảo nhỏ giữa hồ cho yên tĩnh. Hằng ngày vợ anh mang cơm ra, nhưng từ nhà đến chỗ chồng ngồi học phải đi khá xa, lại phải qua một cái cầu mới sang được đảo, đến nơi thì thức ăn nguội cả, canh thì lạnh, bún thì nhũn. Cô vợ thương chồng quá mới nghĩ ra một cách là nấu nước dùng trong nồi đất, ninh thịt gà đến khi nước đặc lại, có một lớp mỡ dày nổi ở trên để giữ nhiệt cho nước dùng bên dưới. Bún và thịt gà để riêng sang một bát khác, khi ăn mới thả vào nước. Người chồng ăn bún nóng hổi ngon quá mới hỏi vợ đây là món bún gì. Cô vợ nghĩ đến con đường hằng ngày mình đi mà trả lời chồng là món bún qua cầu. Đại loại truyện uyên ương tình cảm là vậy và quan trọng là cách ăn như thế vẫn truyền lại đến tận ngày nay. Món thứ hai là bún ốc Liễu Châu, có vị cay nồng của nước dùng. Người Hoa có câu nổi tiếng về các thành phố ở Giang Nam: “Sinh ở Tô Châu, sống ở Hàng Châu, ăn ở Quảng Châu, chết ở Liễu Châu”. Tô Châu nhiều gái đẹp, sinh ở đấy thì được cái mặt tiền tử tế, Hàng Châu cảnh đẹp, sạch sẽ lắm chỗ chơi bời, Quảng Châu giáp biển, khí hậu ấm áp nên đủ món ngon rừng biển (người Quảng Châu ăn tất cả những gì hai chân trừ con người, tất cả những gì bốn chân trừ cái ghế). Thế còn “chết ở Liễu Châu”? Là vì Liễu Châu có nhiều gỗ tốt, nổi tiếng với nghề đóng quan tài. Dân ở đây cho rằng “quan tài” là viết tắt của “thăng quan phát tài” nên mới có chuyện độc nhất vô nhị là bán quan tài nhỏ xinh làm đồ lưu niệm, quan chức mua quan tài biếu nhau dịp lễ tết. Thế nhưng ngoài việc mua quan tài về làm quà thì cũng nên thử qua món bún. Có giả thiết cho rằng, người Hán truyền cho người Thái cách làm bún, vì người Thái vốn sống ở miền nam Trung Quốc trước khi tràn xuống chiếm đất Thái Lan bây giờ. Bún của người Thái gọi là Khanom chin mà trong đó chữ chin nghĩa là Trung Quốc. Còn các trường hợp Lào, Campuchia, Myanmar, Malaysia và Indonesia thì có ý kiến cho rằng do Hoa Kiều đến định cư rồi dần bản địa hóa món bún. Người Thái hay ăn bún với canh tom yum. Về cơ bản bún, mì sợi, bánh phở, bánh đa, miến hay hủ tiếu khô đều sử dụng tinh bột của ngũ cốc, chủ yếu là gạo tẻ, có quy trình làm bột và ra thành phẩm gần tương tự nhau. Tuy vậy, giữa chúng ít nhiều có sự phân biệt nhất định theo thành phần nguyên liệu hoặc phương thức chế biến: Bún được làm thủ công, sử dụng tinh bột gạo tẻ, sợi có tiết diện tròn, mềm. Mì sợi dùng tinh bột gạo tẻ hoặc bột mì, đôi khi kết hợp với một số nguyên liệu khác như trứng (mì trứng); được cắt sợi vuông hoặc sợi tròn nhỏ và thường được phơi khô. Bánh phở dùng tinh bột gạo tẻ, tráng mỏng và cắt thành sợi dài. Bánh đa có cách làm gần tương tự như bánh phở nhưng có thể kết hợp với cả bột đao, và thành phẩm thường được phơi khô; có loại bánh đa như bánh đa cua dùng bột gạo kết hợp với thịt cua, phơi khô. Miến có sợi tiết diện hình vuông nhỏ, thường làm từ bột đao, bột dong, phơi khô thành phẩm. Một sản phẩm khác, thịnh hành tại miền Nam Việt Nam, gần tương tự như bún là món hủ tiếu, tuy có sợi nhỏ, dai và dài nuột hơn sợi bún. Quy trình làm bún nhìn chung khá cầu kỳ và mất nhiều thì giờ tuy về cơ bản trong mọi làng nghề, mọi gia đình làm bún thủ công đều có cách thức tương tự: gạo tẻ được lựa chọn kỹ càng để lấy gạo dẻo cơm, thường là gạo mùa. Gạo được vo, đãi sạch và đem ngâm nước qua đêm. Sau đó đưa gạo đã ngâm vào máy xay nhuyễn cùng với nước để tạo thành bột gạo dẻo, nhão. Bột lại được ủ và chắt bỏ nước chua, rồi đưa lên bàn ép, xắt thành quả bột to cỡ bắp chân người lớn. Các quả bột lại tiếp tục được nhào, trộn trong nước sạch thành dung dịch lỏng rồi đưa qua màn lọc sạch sạn, bụi tấm để tạo thành tinh bột gạo. Tinh bột gạo được cho vào khuôn bún. Khuôn bún thường làm bằng chất liệu dạng ống dài, phía đầu khuôn có một miếng kim loại đục các lỗ tròn. Công đoạn vắt bún thường được thực hiện bằng tay hoặc dùng cánh tay đòn để nén bột trong khuôn qua các lỗ. Bột chảy đều qua các lỗ khi khuôn bị vặn, nén, tạo thành sợi bún, rơi xuống nồi nước sôi đặt sẵn dưới khuôn. Sợi bún được luộc trong nồi nước sôi khoảng vài ba phút sẽ chín, và được vớt sang tráng nhanh trong nồi nước sạch, nguội để sợi bún không bị bết dính vào nhau. Cuối cùng là công đoạn vớt bún trong nồi nước tráng và dùng tay vắt thành con bún, lá bún, hoặc bún rối. Bún thành phẩm được đặt trên các thúng tre có lót sẵn lá chuối, hong khô và ủ trước khi đem ra chợ bán. Hiện nay bún đã được sản xuất bằng máy, làm tăng sản lượng bún, rút ngắn thời gian. Trong ẩm thực Việt Nam, bún là loại thực phẩm dạng sợi tròn, trắng mềm, được làm từ tinh bột gạo tẻ, tạo sợi qua khuôn và được luộc chín trong nước sôi. Là một nguyên liệu, thành phần chủ yếu để chế biến nhiều món ăn mà tên món ăn thường có chữ bún ở đầu (như bún cá, bún mọc, bún chả, bún thang, v.v.), bún là một trong những loại thực phẩm phổ biến nhất trong cả nước, chỉ xếp sau các món ăn dạng cơm, phở. Các món ăn sử dụng bún như một nguyên liệu chính, trong ẩm thực Việt Nam rất đa dạng và thường chia thành vài nhóm như sau: Là một trong những thực phẩm hết sức phổ biến ở Việt Nam, vừa như một thức quà lại vừa như một đồ ăn thay bữa ăn chính, nhưng cách thức sản xuất bún vẫn mang tính chất địa phương nhỏ lẻ, thiếu sự kiểm soát chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm cần thiết. Cá biệt có nơi việc sản xuất và tiêu thụ bún được quy tụ thành làng nghề như làng nghề bún Nghĩa Mỹ (Quảng Ngãi), Phú Đô (Hà Nội), Song Thằn (Bình Định), Đa Mai (Bắc Giang), Đông Cận (Hải Dương), Viên Tiêu (Hưng Yên), Ném Tiền (Bắc Ninh), Yên Trì (Quảng Ninh), Tái Kênh (Hà Nam) v.v... Nhưng tất cả mọi công đoạn làm bún vẫn mang tính chất thủ công và có thể gây mất vệ sinh. Bên cạnh đó, có tình trạng người làm bún thiếu lương tâm đã sử dụng những hóa chất đặc biệt như formol, tinopal để bảo quản bún, gây độc hại cho sức khỏe người sử dụng. == Chú thích ==
Jasus là một chi trong họ Tôm rồng sống ở vùng biển đại dương thuộc Nam Bán cầu Chi này gồm các loài: Jasus caveorum Webber & Booth, 1995 Jasus edwardsii (Hutton, 1875) – Nam Australia: Tây Australia tời New South Wales & Tasmania. Đảo Nam của New Zealand Jasus frontalis (H. Milne-Edwards, 1837) – Juan Fernández Islands, Đảo Desventuradas Jasus jlemingi Glaessner, 1960 – Từ Miocene cho tới New Zealand Jasus lalandii (H. Milne-Edwards, 1837) – Nam Phi (Namibia to Vịnh Algoa, Nam Phi Jasus paulensis (Heller, 1862) – Đảo St. Paul và Đảo Amsterdam Jasus tristani Holthuis, 1963 – Tristan da Cunha archipelago Sagmariasus.
Highlands Coffee là chuỗi cửa hàng kinh doanh cà phê và các loại đồ ăn nhanh của Việt Nam, do David Thái sáng lập vào năm 1999. David Thái sinh năm 1972 tại Việt Nam. Năm 1979, gia đình anh tới định cư tại tiểu bang Washington, thành phố Seattle, Mỹ. Sau này, David theo học khoa Quản trị kinh doanh tại Đại học Washington. Năm 1996, David Thái trở lại Việt Nam. Anh bắt đầu sự nghiệp với quán cà phê Âu Lạc tự mở gần hồ Hoàn Kiếm. Tuy vậy, sau này anh phải rút khỏi cửa hàng do không được đầu tư.Với doanh thu có được từ Âu Lạc, David Thái bắt đầu lại với các dự án mới. Năm 1998, anh trở thành người Việt kiều đầu tiên được cấp phép thành lập công ty tư nhân tại Hà Nội. Năm 2000, anh là Việt kiều đầu tiên đăng ký thành lập công ty cổ phần.Tập đoàn Việt Thái (Viet Thai International - chủ sở hữu Highlands) được David Thái thành lập năm 2002. Tập đoàn mở cửa hàng cà phê đầu tiên ở thành phố Hồ Chí Minh, gần nhà thờ Đức Bà, sau đó có thêm một cửa hàng nữa ở Hà Nội. Sản phẩm chủ chốt của Highlands Coffee là đồ uống (cà phê, nước ngọt, nước hoa quả, v.v.) và thức ăn nhanh (thịt, bánh mì, bánh ngọt). Hãng còn có hai thương hiệu chị em cùng thuộc Viet Thai International là Meet & Eat và Nineteen 11 (đều về ẩm thực).
Bánh trứng đường (tiếng Anh: meringue, , mə-RANG; phát âm tiếng Pháp: [məʁɛ̃ɡ]) là một loại bánh tráng miệng, thường gắn liền với ẩm thực Pháp, Thụy Sĩ và cả Ý. Món này làm từ lòng trắng trứng đánh đều lên, thêm đường, đôi khi thêm một số gia vị có tính axit như chanh vàng, giấm hay xốt tartar.
Bún bò Nam Bộ (còn gọi là bún bò xào) là một món ăn Việt Nam phổ biến ở vùng Nam Bộ. Tại Miền Nam (Việt Nam) , món bún thịt xào đã xuất hiện từ năm 1926 với cách chế biến và nguyên liệu giống như món Bún bò Nam bộ ngày nay : "… năm 1926, có một ông già, từ Thủ Đức gánh bò bún bánh hỏi xuống bán, tháp tùng xe lửa nới tiền, xin nhớ bò bún, thịt nướng hay xào và bún rau thơm, không phải bún bò, món ăn đặc biệt của Huế. Ông ấy tuy già nhưng khương kiện, tiếng rao lảnh lót, chủ nhựt ngồi chơi bài, nghe tiếng rao lật đật gọi, mỗi đứa một tràn bánh, giá hai cắc, rượu nguyên chai sâm banh hiệu Veuve Amiot, chín cắc một chai, đủ gật gù say say, tuổi chưa tới ba mươi, ăn sắt cũng tiêu hóa được, và hạnh phúc đã qua rồi mới biết!”( Vương Hồng Sển, Nửa đời còn lại, trang 64-65). " Có câu chuyện cho rằng món ăn này hoàn toàn xuất xứ ở Hà Nội vào thập niên 80. Sở dĩ có tên như vậy vì món ăn này được xuất phát từ phố Nam Bộ, nay là đường Lê Duẩn, Hà Nội. Quán đầu tiên bán món bún này nằm trên vỉa hè của Khách sạn Đồng Lợi. Quán gốc là do một người phụ nữ tên Can mở vào khoảng những năm 1980. Đầu tiên có tên là bún bò trộn, dần theo thời gian người ăn quen miệng gọi là bún bò trên phố Nam Bộ hay còn gọi là món bún bò Nam Bộ. Nguyên liệu của món ăn gồm thăn bò, bún, đậu phộng, giá, hành phi, rau thơm, chanh, tỏi, nước mắm, giấm, đường, tiêu và bột nêm. Thịt bò xắt miếng vừa ăn để riêng một dĩa Cho 2 muỗng canh dầu ăn, tiêu và ít sả bằm vào trộn đều. Làm nóng chút dầu ăn trong chảo, thêm sả bằm vào cho thơm, hơi cháy vàng rồi cho hành tây vào chung với sả, hành tây đã xào mềm chút thì bỏ thịt bò vào xào lửa lớn cho đến khi thịt bò chín, thêm tí bột nêm. Thính gạo: Một nắm gạo và chút xíu nếp rửa sơ qua nước rồi đem rang lên lửa cho chín vàng thì đem xay mịn. Đồ chua : 2 củ cà rốt bào vỏ và rửa sạch, vắt sơ bớt nước. Cho một chén nước (250ml), nửa chén giấm vào một cái tô lớn, thêm 100g đường vào và khuấy tan. Cho cà rốt vào và ngâm. Đậu phộng rang vàng và bóc vỏ hoặc bỏ vào máy chiên không dầu Air Fryer thì 200 độ C khoảng 3 phút cho một nắm tay đậu phộng là vàng đều. Đậu bóc vỏ và giã dập. Nước mắm chua ngọt : Xay tỏi ớt hoặc giã nhuyễn 3 tép tỏi và 2 trái ớt sừng, 1 trái ớt xiêm rồi cho vào tô, thêm 50g đường và một chén nước (250ml), khuấy tan đều. Cho từ từ từng muỗng nước mắm vào, khuấy và nếm cho đến khi ưng ý thì ngưng lại và nặn khoảng 1 trái chanh vào. Mỡ hành : Làm nóng mỡ heo (hoặc dầu ăn) rồi tắt bếp, cho hành lá đã cắt nhỏ vào. Bỏ bún vào tô, rau thơm , giá, dưa leo, đồ chua, cho thính gạo, đậu phộng rang giã dập, mỡ hành và đến phần thịt bò bỏ vào rồi tới nước mắm chua ngọt chan lên. Theo CNN, bún bò Nam Bộ nằm trong danh sách 40 món ăn ngon của ẩm thực Việt Nam, top 10 món ăn đường phố Việt Nam.
Bánh đa là từ chỉ một loại thực phẩm Việt Nam, nó có thể là: Một loại bánh cán mỏng như bánh phở, làm bằng bột gạo, làm thành món ăn có nước dùng, ví dụ như trong bánh đa cua... Cách gọi tắt chỉ bánh đa nướng; Đôi khi được hiểu là bánh tráng;
Kem cuộn (tiếng Thái: ไอศกรีมผัด hoặc ไอติมผัด), hay còn gọi là kem chiên chảo lạnh, là một món ăn tráng miệng đông lạnh của ẩm thực đường phố Thái Lan, được làm từ sữa, kem và đường cũng như các thành phần bổ sung khác để tăng hương vị. Hỗn hợp kem lỏng trộn đều sau đó đổ trên một chảo lạnh có mặt phẳng, và được làm lạnh ở nhiệt độ khoảng −25 độ C đến −30 độ C. Sau khi hoàn tất quá trình xào trộn bằng xẻng dẹt làm đều hỗn hợp kem lỏng, chúng được để lạnh cho đặc trong hình dạng mỏng. Tiếp theo là dùng xẻng cạo lớp kem mỏng, cuộn kem lại và đặt chúng thẳng đứng vào trong một cốc kem, rồi phủ lên trên các cuộn kem nhiều lớp phủ gia vị khác nhau, như đậu phộng, hạnh nhân hay kẹo chip. Phong cách chính của kem cuộn là hình dạng cuộn của nó. Phong cách mới của món kem này xuất phát từ Đông Nam Á đã lan rộng đến Hoa Kỳ và Canada. Lan rộng từ Montréal đến Brooklyn, Los Angeles đến Atlanta, những tiệm kem nhỏ đông nghẹt người mua. Tại Anh, các hệ thống bán kem cuộn đầu tiên là Frew & Co và Kreemlicious Dessert Bar ở Luân Đôn. Món kem cuộn trở nên phổ biến trên toàn thế giới bắt đầu từ năm 2015.Điều đáng chú ý của kem cuộn Thái Lan là với những nguyên liệu có sẵn, khách hàng có thể yêu cầu người làm kem tạo ra những chiếc kem có hình dáng trang trí và hương vị theo mong muốn tùy thích. Có đến hàng trăm hương vị và cách trang trí khác nhau được tạo ra. Theo Tele Madrid, cửa hàng Thai Scoops mở ở Madrid, Tây Ban Nha có 30 loại hương vị kết hợp cuộn kem khác nhau và các hương vị biến thể được chọn lựa của chúng vẫn tiếp tục được phát triển. Nguồn gốc của kem cuộn Thái Lan bắt đầu vào cuối những năm 1990, khi những người bán hàng rong ở các chợ đêm Phuket làm món ăn hoàn toàn bằng tay này. Món tráng miệng đông lạnh này bùng phát ở Thái Lan vào năm 2009, dưới cái tên "Kem cuộn Thái" hoặc "kem chiên chảo lạnh". Bắt đầu ở Thái Lan như một món ăn đường phố phổ biến được nhiều người ưa chuộng, kem cuộn nhanh chóng lan sang các nước láng giềng Đông Nam Á.Từ năm 2015, ở Hoa Kỳ đã phổ biến món tráng miệng này, kem cuộn được bán với một số lượng lớn tại hàng loạt địa điểm, món được gọi là "I-Tim-Pad", "ice pan ice cream", "kem cuộn" ("rolled ice cream") hay "cuộn kem" ("ice cream rolls").Kem cuộn được giới thiệu ở Philippines vào năm 2015, nhờ một video của một người đàn ông làm món kem cuộn trong 3 phút và video này đã lan truyền rất nhanh trên mạng internet. Trong video, quá trình "xào" và "cuộn" kem được mô tả tỉ mỉ.Những video tương tự video này đã lan truyền nhanh chóng và các quốc gia khác bắt đầu đón nhận xu hướng này."Các loại kem dạng cuộn được chuộng lúc này không có chất bảo quản. Đó là một cách làm kem bắt đầu lan sang các quốc gia khác ngoài lục địa châu Á như Hoa Kỳ, Bolivia, Brazil và México, và những quốc gia khác". - Alejandra Pereyra, chủ sở hữu Sweet Rolls, thông cáo với báo chí, trên tạp chí Economix, tháng 12 năm 2017.Theo IBIS World, nhượng quyền thương hiệu kem Cold Stone Creamery đã phát triển thương hiệu kem cuộn của riêng họ ra toàn thế giới. Đây là một thương hiệu lớn trong ngành công nghiệp kem trị giá 8 tỷ USD tại Hoa Kỳ, cũng theo IBIS World. Cold Stone Creamery đã bán kem cuộn tại hơn 1.000 địa điểm kinh doanh trong hệ thống của họ tại Hoa Kỳ và tại hàng trăm địa điểm khác trên toàn thế giới. Kem cuộn được đánh giá có thành phần chính sữa trộn với các thành phần sẽ tạo hương vị cho kem, về độ tươi so sánh với các sản phẩm kem công nghiệp, kem cuộn không có chất bảo quản hay hương vị nhân tạo và sử dụng trái cây tự nhiên hơn.Kem cuộn Thái Lan được xem là món kem có mức chi phí nguyên liệu rất thấp. Lợi nhuận cao không dưới 400−500 % mỗi cốc kem. Mặc dù, phải chú trọng chọn địa điểm kinh doanh.Kem cuộn bày bán thường xuyên tại các lễ hội đường phố từ thành phố New York đến Nashville, Tennessee. Tại Sweet Charlie, một cửa hàng ở Philadelphia, khách hàng thường xếp hàng và chờ đợi trong hơn hai giờ để có thể thưởng thức món kem cuộn ở đây. Món tráng miệng này được yêu thích phổ biến không chỉ trẻ em mà cả người lớn. Việc đặt hàng được ghi nhận là có thể mất hơn một giờ tại các khu vực đô thị lớn như New York và Boston.Theo Usman Babar, giám đốc phát triển kinh doanh của cửa hàng Chills 360 ở Deep Ellum, những người tìm kiếm món tráng miệng vào buổi ăn tối chờ tới hai tiếng "khá nhiều mỗi đêm". Mặc dù thực tế rằng kem cuộn là một món kem có quá trình chế biến nhanh.Chủ sở hữu của Orchid City Fusion Cafe là ông Martin Doan ở Arlington cho biết ông là người đầu tiên mang kem cuộn đến Dallas vào tháng 5 năm 2016. Kể từ đó, khách hàng đã đến chỗ ông từ rất xa để có thể thưởng thức, có khách hàng lái xe từ thành phố Oklahoma, cách đó khoảng 215 dặm, chỉ để đến cửa hàng ông. Khi kem cuộn bắt đầu được biết đến nhiều, những khách hàng sẵn sàng đứng thành hàng dài một tại Carlo's Bakery, Heim BBQ và Shake Shack. Nhiều người tìm món tráng miệng này nhiệt tình sẵn sàng xếp hàng chờ đợi.Một kênh YouTube phổ biến có tên là Ice Cream Rolls được báo cáo rằng món tráng miệng đông lạnh này đã được phổ biến bắt đầu từ đây. Hàng triệu người xem các video mới nhất của kênh hằng tuần.Quá trình toàn cầu hóa đã khiến món kem được xuất khẩu sang khu vực Bắc Mỹ và Mỹ Latinh. Theo ông Won Ihmel, tổng giám đốc của Welbex SA, cho biết trong một bài báo năm 2007 trên tờ báo 'La Jornada' thì tại các nước như México và Brazil, có rất nhiều nhượng quyền thương mại để mở rộng thị trường món kem cuộn.Năm 2017, kem cuộn đã giành chiến thắng giải thưởng Potenciate Gastronómico, một cuộc thi với sự tham gia của 150 đơn vị doanh nghiệp ẩm thực trên khắp Argentina tại Buenos Aires, và đã nhận hơn 300.000 peso tiền thưởng.Tại các nước như Colombia, Venezuela, Panama và Puerto Rico, có những biến thể tương tự của món kem cuộn như những món kem được gọi là "raspao" hoặc "quả cầu tuyết", bao gồm kem hoặc kem với đá vụn thêm hương vị và màu sắc với siro, sữa đặc hoặc nước ép trái cây tươi.Louis Kim, người chủ cửa hàng kem Holy Roly Ice Cream ở Los Angeles, mở vào năm 2017 và một cửa hàng thứ hai tại Arcadia, mở vào tháng 6 năm 2018 nói rằng xu hướng kem cuộn sẽ giảm trong vòng một vài năm tới, dù càng ngày càng có nhiều cửa hàng kem cuộn được mở khắp nơi, nhưng xu thế chung là khách hàng sẽ chán với món kem này.
Lúa châu Phi hạt đỏ hay Lúa châu Phi (Oryza glaberrima) là một loài cây lương thực thuộc chi Lúa. Nó được tin rằng đã được con người gieo trồng từ cách đây 2000-3000 năm tại vùng châu thổ lục địa ở Thượng nguồn sông Niger (ngày nay thuộc Mali). Tổ tiên của nó - hiện nay vẫn còn tồn tại ở châu Phi - là loài lúa hoang Oryza barthii. Lúa châu Phi được gieo trồng ở Tây Phi và có một vài đặc tính tương quan với lúa tẻ châu Á (Oryza sativa) như hạt rời, thô ráp và chất lượng xay xát kém. Quan trọng hơn, năng suất của lúa châu Phi thấp hơn lúa tẻ, bù lại nó có sức chống chịu tốt hơn đối với sự thay đổi thất thường của mực nước, của tình trạng ngộ độc sắt, với đất bạc màu, khí hậu khắc nghiệt và sự thiếu chăm bón của con người. Chúng cũng bền bỉ hơn trước các loài sâu hại và bệnh dịch, chẳng hạn như các loài giun tròn (Heterodera sacchari hay Meloidogyne), ruồi nhuế mụn cây châu Phi African gall midge, RSNV, vi rút gây bệnh đốm vàng lúa và các cây ký sinh thuộc chi Voòng phá. Các nhà khoa học thuộc Trung tâm Lúa châu Phi đã thành công trong việc lai tạo lúa châu Phi với lúa tẻ để tạo nên một giống lúa mới mang tên "Lúa mới cho châu Phi (New Rice for Africa - NERICA]]).
Miến lươn là một món ăn phổ biến tại Việt Nam, nổi tiếng tại một số nhà hàng Hà Nội như miến lươn phố Hàng Điếu, phố Tuệ Tĩnh, phố Hàn Thuyên v.v. Miến lươn cũng được một số nơi như Ninh Bình và Nghệ An coi là đặc sản ẩm thực đặc trưng của địa phương. Miến: tốt nhất là sử dụng miến tàu làm bằng đậu xanh, sợi giòn mà không nát. Lươn: có thể dùng thịt lươn tươi. Lươn được tuốt hết nhớt, sơ chế bằng cách đập dập, lọc xương ninh nước dùng còn thịt lươn xào săn. Rau, gia vị: giá đỗ, mộc nhĩ, hành hoa, rau răm, hạt tiêu, ớt chưng, dấm... Miến lươn được nấu từ miến với thịt lươn, và trong thực tế thường có hai dạng: dạng miến lươn khô được chế biến bằng phương thức đem mỡ cho vào chảo nóng đun rồi cho hành khô vào phi thơm. Bỏ thịt lươn xào rồi cho mộc nhĩ vào xào cùng. Đem miến xào săn hoặc chần cho mềm trong vài phút rồi bắc ra, trộn với lươn đã xào đều và bày ra đĩa cùng với rau răm, hành thái thật nhỏ, ăn kèm với ớt chưng. Dạng miến lươn nước nấu nước dùng là nước xương lươn, có muối, gừng đập dập cho vào, đun sôi lâu, hớt bọt cho nước trong và ngọt. Miến rửa sạch chần mềm trong nước dùng cho thấm đậm hương vị, cho vào bát, thường là bát chiết yêu loại nhỏ, đặt thịt lươn lên trên cùng với hành răm thái thật nhỏ và chan nước dùng vừa đủ xâm xấp bề mặt để miến không trương nở quá. Hiện nay tại Hà Nội nhiều nhà hàng dùng thịt lươn khô, tẩm bột chiên giòn. Món miến lươn nước cũng thường được kết hợp với giá đỗ và hành khô phi thơm.
Bánh hòn còn gọi là Bánh hòn tai hay Bánh tai là một loại bánh đặc sản của Xứ Đoài được làm từ gạo tẻ. Ở Phú Thọ, bánh hình bán nguyệt hơn 10 cm, nhân chỉ có thịt và thường ăn nguội, có khi cắt đôi ra. Ở Hà Tây cũ, bánh hình thoi khoảng 5 cm, nhân tóp mỡ và hành lá, ăn nóng và ít người chấm mắm. Ở Vĩnh Phúc, bánh hình tròn khoảng 2-3 cm, nhân thịt và mộc nhĩ, ăn kèm rau húng. Gạo tẻ ngon được đãi sạch, ngâm nước từ ba đến bốn tiếng, sau đó đem nghiền mịn thành bột nước. Ở Phú Thọ, gặn bột qua vải dày sao cho thành khối kết dính, rồi lại cho vào cối đá giã nhuyễn cho dẻo. Ở Vĩnh Phúc và Hà Tây, bột nước được đem ráo (đun) một lần cho chín dở. Nhân bánh được làm từ thịt hoặc tóp mỡ với hành khô hoặc hành lá, quện nhuyễn cùng gia vị. Nếu thêm mộc nhĩ phải xào sơ qua trước và xay rất nhỏ chứ không to như bánh tẻ. Nặn bánh cùng với nhân. Ở Vĩnh Phúc và Hà Tây do bột đã chín dở nên cả gia đình phải tập trung làm luôn, không để được lâu. Ngoài ra bánh nhỏ nên nặn mất thời gian hơn ở Phú Thọ. Xếp bánh vào khay hoặc chõ để đồ (hấp cách thủy). Bánh ở Phú Thọ to và chưa ráo qua nên cần khoảng 30 phút. Còn bánh ở Vĩnh Phúc và Hà Tây cần khoảng 15 phút. Ở Hà Tây xưa, người ta thường ủ bánh nóng trong thúng tre được lót nhiều lớp để giữ nhiệt. Sau đó quảy gánh đi quanh làng, khi bán thì gói bằng lá dong và buộc bằng rơm, không có nước chấm hay gì cả. == Tham khảo ==
Khoai tây lốc xoáy (tiếng Hàn: 회오리 감자; hoeori gamja), còn được gọi là khoai tây xoắn hoặc khoai tây chiên lốc xoáy, là một món ăn đường phố phổ biến ở Hàn Quốc, ban đầu được phát triển bởi Jeong Eun Suk của Agricultural Hoeori Inc. Đó là một củ khoai tây nguyên miếng được cắt xoắn ốc được chiên giòn trên xiên que, được tẩm nhiều gia vị khác nhau như hành tây, phô mai hoặc mật ong. Một số có kèm xúc xích nối ở giữa. == Tham khảo ==
Cá rô Tổng Trường là loại cá rô sống ở môi trường hang động ngập nước vùng đất Hoa Lư, Ninh Bình. Gọi là cá rô Tổng Trường vì loài cá này được phát hiện thấy ở vùng hang động ngập nước thuộc Tổng Trường Yên, nay là quần thể di sản thế giới Tràng An ở huyện Hoa Lư. Từ năm 2009, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam) chính thức đưa giống cá rô Tổng Trường và cá tràu tiến vua vào chương trình bảo tồn và phục vụ phát triển du lịch. Cá rô Tổng Trường có thịt béo, thơm, dai, ngon, có giá trị thương phẩm cao, được coi là một đặc sản ẩm thực của Ninh Bình. Cá rô Tổng Trường có hình thái giống cá rô đồng song do sống lâu năm ở vùng đầm lầy, hang động Hoa Lư nên có một số biến dị. Cá có màu xanh xám, phần bụng có màu sáng hơn phần lưng, với một chấm màu thẫm ở đuôi và chấm khác ở sau mang. Các gờ của vảy và vây có màu sáng. Nắp mang cá có hình răng cưa. Chúng có một cơ quan hô hấp đặc biệt dưới mang là mang phụ, cho phép chúng có thể hấp thụ được oxy trong không khí. Chúng có răng chắc, sắc, xếp thành dãy trên hai hàm, trên hai hàm còn có răng nhỏ nhọn: hàm răng ở giữa to hơn hai bên và răng có trên xương lá mía. Cá rô Tổng Trường là loài dễ cho sinh sản nhân tạo, chương trình bảo tồn của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản đã cho 337 con đẻ, tỷ lệ cá đẻ đạt trung bình 85%, thụ tinh đạt 74,5%, tổng số cá bột thu 324 vạn con. Cuối năm 2009, Chi cục Thủy sản Ninh Bình đã tiếp nhận 120 con cá Tràu tiến vua bố mẹ cỡ 0,3 - 0,5 kg/con; 730 con cá rô Tổng Trường bố mẹ cỡ 0,08 - 0,12 kg/con. Cá rô Tổng Trường cũng là loài động vật ăn tạp. Chúng có thể ăn cả các loài động vật thân mềm, cá con và thực vật, kể cả cỏ. Chúng có thể ăn các chất hữu cơ và vô cơ được coi là "bẩn" trong nước. Nó có thể ăn lẫn nhau trong trường hợp đói. Vì vậy phân cỡ rất quan trọng đối với loài cá này. Cùng với các đặc sản đặc trưng của địa phương như rượu Kim Sơn, Dê núi Ninh Bình, cơm cháy Ninh Bình, khoai lang Hoàng Long... Cá rô Tổng Trường cũng được xây dựng thành một thương hiệu đặc sản Ninh Bình. Nhắc đến đặc sản cá rô Tổng Trường, kho tàng văn hóa dân gian cố đô Hoa Lư có câu: "Dập dìu cánh hạc chơi vơi Tiễn thuyền Vua Lý đang dời kinh đô Khi đi nhớ cậu cùng cô Khi về lại nhớ cá rô Tổng Trường" Cá rô Tổng Trường có thịt rắn, vàng, thơm và có thể chế biến thành nhiều món ăn như: rang, rán, nấu canh cá rô hoặc kho khô. Món rô rang không tốn mỡ, còn nguyên chất cá rô. Khi được om kỹ bằng ngọn lửa than hoặc củi lom rom, thịt cá rô chín mất dần nước; cả xương, thịt cá trở nên giòn, bùi, ngậy. Thường chọn loại rô don, dùng niêu đất rang cháy cạnh, còn nóng hổi, chấm với nước mắm gừng, ớt, cho thêm chanh chua. Món rô rán cũng cần rán kỹ cháy cạnh, ăn lúc còn nóng. Canh cá rô: cá rô luộc xong gỡ lấy xương giã (nghiền) lọc lấy nước ngọt nấu canh còn thịt cá rô xào lên cùng các gia vị gừng giã nhỏ, nước mắm ngon, nấu cùng rau cải xanh. Món canh cá rô nấu rau cải có vị ngọt, thơm rất riêng. So với loại canh cá khác, nấu canh cá rô mất nhiều thì giờ và cầu kỳ hơn.Cá rô, rau cải nấu gừng Ăn còn để lại, xin đừng bỏ đi.Cá rô kho: để kho cá rô phải tự chế lấy kẹo đắng làm bằng đường cô đặc có màu nâu mật, khi kho với cá có tác dụng tẩy hết mùi tanh và nhuộm cá có màu đậm, khi ăn có vị ngọt, bùi. Cá rô kho với nước mắm, xì dầu hoặc với tương, thái vào đó vài lát gừng cho cá kho thêm hương sắc. Trứng cá rô bùi ngậy, thơm ngon. Cá rô kho còn rất lành có thể dùng nhiều bữa cho phụ nữ thai nghén, sinh nở hoặc người già đau ốm.
Bánh vua, Bánh ba vua (hay là tiếng Anh: king cake, kingcake, kings’ cake, king’s cake, three kings cake và tiếng Pháp: galette des rois, tiếng Đức: Dreikönigskuchen), là một loại bánh truyền thống thường xuất hiện tại một số quốc gia vào Lễ hiển linh vào tháng 1, sau khi kết thúc mùa Giáng sinh. Tại một số quốc gia khác, bánh hay được làm trong dịp lễ hội Mardi Gras/Carnival trước khi mùa chay bắt đầu. Chiếc bánh thường có một hình nộm nhỏ (hình em bé, được cho là đại diện cho Jesus lúc bé) làm bằng nhựa được giấu bên trong (đôi khi được đặt xuống dưới), và người nào tìm được miếng bánh có chứa bức tượng trên sẽ nhận được nhiều quyền lợi và nghĩa vụ. Tại Pháp, bánh thường bán kèm thêm 1 vương miện bằng giấy, để người bắt gặp hình nộm sẽ đội vào và là vua/nữ hoàng của buổi tiệc. "Bánh vua" được đặt tên theo 3 vua trong Kinh thánh. Theo truyền thống Công giáo, Lễ hiển linh - thường rơi vào ngày 6 tháng 1-kỷ niệm chuyến viếng thăm của các đạo sĩ tới chúa Giê su vừa giáng sinh. Đêm trước Lễ hiển linh (đêm ngày 5 tháng 1) còn được biết đến như là Đêm thứ 12 (12 ngày kể từ khi Chúa giáng sinh). King cake được phục vụ từ khi kết thúc Đêm thứ 12 cho đến mùa Mardi Gras (hay là "Thứ ba béo" ("Fat Tuesday")), một ngày trước khi bắt đầu mùa chay. Nhiều tổ chức, hội, nhóm thực hiện các buổi tiệc king cake (king cake party) hàng tuần xuyên suốt mùa Carnival. Tại Bồ Đào Nha và Pháp, người nào nhận được bức tượng nhỏ trong miếng bánh thường sẽ là người mua bánh trong buổi tiệc tiếp theo. Bắt đầu từ khoảng 300 năm trước với những chiếc bánh Pháp làm từ bột bánh mì khô rắc chút đường, nay đã trở thành một loại bánh ngọt. Bánh vua là một loại thực phẩm rất phổ biến trong Mùa Giáng sinh (từ đêm trước Giáng sinh tới Lễ hiển linh) tại Bỉ, Pháp, Quebec và Thụy Sĩ (bánh galette), Bồ Đào Nha (bánh bolo rei), Tây Ban Nha (bánh tortell), Hy Lạp và đảo Síp (bánh vasilopita) và tại Bulgaria (banitsa). Tại Mỹ, Carnival thường được tổ chức tại các bang phía Tây Nam, đặc biệt là tại New Orleans, Saint Louis, Mobile, Pensacola, Galveston và tại một số thị trấn và thành phố khác thuộc Mississippi (Mississippi Gulf Coast, gồm 3 hạt Jackson, Hancock và Harrison). Tại các địa phương này, king cake gắn liền với Lễ Mardi Gras và được phục vụ xuyên suốt mùa Carnival. Một số loại bánh truyền thống có công thức và chức năng tương tự như king cake gồm: tortell của vùng Catalonia (thuộc Tây Ban Nha), gâteau des Rois hay reiaume tại tỉnh Provence hay galette des Rois tại miền bắc nước Pháp, và vasilopita tại Hy Lạp và đảo Síp. Theo truyền thống, một ít đậu sẽ được đưa vào trong bánh dựa trên tập tục từ lễ Saturnalia của đế chế La Mã: người nào ăn được những hạt đậu sẽ được gọi là "vua của buổi tiệc". Với bánh galette des Rois, từ năm 1870, những hạt đậu đã được thay bởi những hình nộm bằng sứ và sau này là bằng nhựa. Bánh gâteau des Rois còn được biết đến là Rosca de Reyes tại Mexico. Ban đầu, vật may mắn trong chiếc bánh là quả đậu tằm (hiện nay vẫn gặp tại một số vùng châu Âu hay Mexico, nhưng hiếm gặp tại Mỹ). Tại miền nam bang Mississippi từ những năm 1950, hình nộm phổ biến là những con búp bê nhỏ bằng nhựa. Trước đó, những hình nộm làm từ gốm sứ khá phổ biến tại New Orleans vào thập niên 30. Sau giai đoạn này, người ta thường thấy những hình nộm là một vị vua đội vương miện. Trong lịch sử, nhiều hình nộm với những hình dáng và chất liệu khác nhau cũng đã được ghi lại. Tại New Orleans những năm gần đây, các hình nộm thường được bán vào lễ kỷ niệm Mardi Gras trên những chuyến diễu hành xe hoa. Những hình nộm bằng nhựa phổ biến ngày nay thường có màu hồng, nâu, trắng và vàng. Nhiều nhà làm bánh đã đặt những hình nộm rời khỏi bánh để tránh tình trạng nghẹt thở khi nuốt phải. Các nghi lễ truyền thống được đưa tới miền Nam Hoa Kỳ, trải dài từ vùng Florida Panhandle (cán chảo Florida) tới đông Texas, bởi thực dân Pháp và Tây Ban Nha, từ thế kỷ thứ mười tám. Bánh vua vùng Louisiana được chế biến với nhiều công thức khác nhau. Đơn giản nhất, và cũng là công thức lâu đời nhất, là bánh quế được nặn thành dải, xoắn lại thành hình tròn, bên trên được phủ một lớp kem hay đường với màu tím, xanh và vàng (các màu sắc truyền thống của Mardi Gras). Năm 1972, một tiệm bánh nhỏ tại Picayune, Mississippi tên Paul’s Pastry, thêm một số nguyên liệu khác vào như kem phô mai, praline, quế và dâu tây vào để tăng hương vị cũng như màu sắc cho bánh. Ngày nay, nhiều thợ bánh tự do trong việc chế biến king cake sao cho phù hợp với những nghi lễ khác nhau, như bánh với đường xanh và đỏ được phục vụ cho Giáng sinh, đường đỏ và hồng cho Valentine, và bánh xanh và trắng cho Ngày thánh Patrick. Một số cách trang trí khác cũng được sử dụng vào các dịp khác: khai mạc mùa bóng bầu dục, Halloween, lễ Tạ ơn. Tại các bang phía Nam này, người nào nhận được hình nộm từ king cake sẽ phải mang king cake tới hoặc trực tiếp chủ trì bữa tiệc tiếp theo. Bánh roscón de reyes tại Tây Ban Nha hay rosca de reyes tại Mỹ La tinh thường được thưởng thức vào ngày 6 tháng 1 hay ngày Lể hiển linh, ngày của các đạo sĩ (Día de los reyes magos). Theo truyền thống, tại Tây Ban Nha, Mexico và các nước La tinh thân Mỹ, đây là ngày trẻ em được nhận quà từ ba vị đạo sĩ. Trước khi đi ngủ, trẻ em tại Mexico sẽ bỏ một chiếc giày bên ngoài, phủ lên cỏ hay rơm khô và một bát nước, như một món quà dành cho các động vật trong chuyến hành trình, cùng với một tờ giấy ghi lời ước tới các reyes (vua). Bánh rosca de reyes có hình oval, tượng trưng cho vương miện. Về mặt trang trí, mọi người thường sử dụng các loại mứt hoa quả hay hoa quả khô như sung, mộc qua, anh đào như những loại đá quý được gắn lên vương miện. Các loại đậu, kẹo hay hình nộm chúa Giê su lúc bé cũng được giấu trong bánh. Bất cứ ai nhận được những vật này cũng phải đưa tới nhà thờ gần nhất vào ngày 2 tháng 2 để dự Lễ dâng Chúa vào đền thánh (Candlemas Day). Lễ kiệu nến được cử hành tượng trưng cho ánh sáng của Chúa hiện diện trên thế giới. Tại Mexico và cộng đồng người Mexico tại Mỹ, những ai nhận được hình nộm chúa Giê su trong miếng bánh của họ thường sẽ là người chủ trì buổi tiệc vào ngày 2 tháng 2 và mời khách tamale và atole (món ăn truyền thống của người Mexico).Tại Argentina cũng có truyền thống thưởng thức bánh rosca vào ngày 6 tháng 1, tuy nhiên không có những hình nộm được giấu trong bánh. Ngoài ra, một loại bánh tương tự với những quả trứng phủ lên trên được phục vụ trong lễ Phục sinh với tên gọi rosca de pascua. Tại một số vùng, rosca de reyes được thay thế bởi panettone. Các loại bánh truyền thống kỷ niệm Lễ hiển linh tại Pháp và Quebec được bán tại rất nhiều cửa hàng trong suốt tháng 1. Có 2 phiên bản bánh: tại miền bắc nước Pháp và Quebec, bánh được gọi là galette des rois (hình tròn hoặc hình chữ nhật) bao gồm các lát bánh mỏng cùng nhân tạo bởi frangipane (một loại nhân bánh thường làm bởi bột hạnh nhân, đường, bơ, trứng). Tại miền nam nước Pháp - Occitania, Roussillon, Provence, Catalan, bánh được gọi là tortell, bao gồm bánh mỳ (brioche) được uốn lại thành hình vành khăn (torus), trang trí bởi kẹo hoa quả và đường, hình dáng và màu sắc đều mô phỏng vương miện. Loại bánh này cũng khá phổ biến tại Tây Ban Nha và có nhiều nét tương đồng với king cake New Orleans. Theo truyền thống, chiếc bánh này gợi nhớ tới những vị vua trong Lễ hiển linh. Những hình nộm (la fève), có thể mô phỏng mọi thứ, từ chiếc ô tô cho đến nhân vật hoạt hình, được giấu trong chiếc bánh và người nào tìm được hình nộm trong lát bánh của họ sẽ trở thành vua trong ngày và sẽ mang tới chiếc bánh trong buổi tiệc sau. Theo đúng nghĩa gốc, la fève có nghĩa là hạt đậu, tuy nhiên nó đã được thay đổi từ năm 1870 với nhiều hình nộm khác Những hình nộm thường được sưu tập và chúng cũng được bán riêng. Nhiều tiệm bánh độc lập thường tung ra các dòng sản phẩm hình nộm với chủ đề khác nhau, từ các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng đến ngôi sao điện ảnh cổ điển và các nhân vật hoạt hình. Bánh thường được bán trong những chiếc túi đặc biệt, một vài được chế tạo để có thể hâm nóng bánh trong lò vi sóng mà không sợ làm vỡ vỏ giòn của chiếc bánh. Một chiếc vương miện bằng giấy đi kèm để đội cho "vị vua", người tìm được hình nộm trong miếng bánh. Để đảm bảo chiếc bánh được chia một cách ngẫu nhiên, người nhỏ tuổi nhất thường ngồi dưới bàn, sau đó lần lượt đọc tên người nhận bánh để dược phục vụ theo thứ tự. Vì quy tắc nghi thức, tổng thống Pháp không được phép "tạo các vị vua" vào Lễ hiển linh. Do đó, bánh gallette truyền thống được phục vụ tại cung điện Elysée không có hình nộm và vương miện kèm theo.
Bungeoppang (nghĩa là “bánh cá chép”) là tên Triều Tiên của một loại bánh cá tương tự taiyaki của Nhật Bản. Bungeoppang được chế biến từ một dụng cụ tương tự như khuôn ép bằng sắt. Bột nhão được đổ vào một khuôn hình con cá, kèm theo nhân đậu đỏ, sau đó đổ thêm bột để phủ đầy đậu đỏ. Đóng khuôn lại, và nướng.Trong tiếng Triều Tiên, bung'eo (붕어) có nghĩa là cá chép và ppang (빵) nghĩa là bánh. Tên này đơn giản vì hình dạng cá chép và nhân đậu đỏ bên trong, và nó không chứa bất kỳ nguyên liệu nào từ cá. Bungeoppang lần đầu tiên xuất hiện vào thời Triều Tiên thuộc Nhật năm 1930.Vào năm 2016, một đô la Mỹ có thể mua ba hoặc bốn cái bungeoppang, tùy thuộc vị trí. Ngoài ra còn có bungeoppang- bánh quế phủ đầy kem và pat (đường và đậu đỏ hoặc đậu azuki). Bánh quế thường được sản xuất tại các xưởng và bán bởi nhà phân phối. Các biến thể của nó bao gồm: Gukhwappang (국화빵, “bánh Chi Cúc”) giống với bungeoppang, nhưng có hình dạng là một bông hoa. Gyeranppang (계란빵, nghĩa là “bánh trứng”) được phủ đầu trứng và có hình chữ nhật bo tròn.
Gà tây nhà là tên gọi giống gà thuộc loài gà tây hoang (Meleagris gallopavo) đã được thuần hóa và nuôi dưỡng như một loại gia cầm để cung cấp nguồn thực phẩm. Thịt gà tây đặc biệt thông dụng tại các nước phương Tây. Trong tiếng Việt, chúng được gọi là gà tây vì chúng được du nhập vào Việt Nam từ các nước phương Tây. Gà tây nhà là loại gia cầm có nguồn gốc từ châu Mỹ, hiện được nuôi ở nhiều nước trên thế giới. Thịt gà tây thường được người Mỹ và người các nước phương Tây dùng cho các món nướng và ngày nay, chúng được dùng nhiều cho lễ Tạ ơn hay những buổi tiệc gia đình. Gà tây trống có thân hình lớn hơn gà mái. Khi con người đem về thuần hóa để cho chúng trở thành loài gia cầm thì trọng lượng của gà tây trống có thể đạt từ 7,8 kg cho đến 11 hay 12 kg. Trong khi đó, gà tây mái thì có thể trọng nhỏ hơn, chỉ khoảng 3 cho đến 4 kg. Khi được thuần hóa, chúng có thân hình quá nặng nề nên không thể bay dù chỉ một đoạn ngắn và sau khi được thuần chủng và lai tạp, chúng có thêm một loại trắng và bông từ đó Gà tây có màu lông bông xám đen hoặc xám trắng, một số ít có màu lông trắng, gà trống có màu lông sặc sỡ. Gà tây trống khi đạt đến tuổi trưởng thành là khoảng 10 tháng, vì chúng có thể trọng lớn. Còn gà tây mái trưởng thành sớm hơn, khoảng 8 tháng tuổi. Gà tây con rất khó nuôi, nhưng khi chúng được 2 tháng tuổi, chúng sẽ lớn rất nhanh. Gà tây trống khi trưởng thành, có thể xòe đuôi ra, trong giống như một con công vậy, gà tây mái cũng có thể làm được, nhưng rất hiếm thấy. Khi trời vừa sáng, gà tây trống thường xòe đuôi, ve vãn gà mái, để đáp lại, gà mái cũng xòe đuôi, nhưng nhỏ hơn gà trống. Thức ăn của gà tây cũng giống như gà ta. Gà tây rất dễ nuôi. Nó hiền lành và chăm kiếm mồi. Món ưa thích của gà tây lại là cỏ. Thực ra, nó ăn nhiều loại cỏ, lá khác nhau. Nó cũng ăn ngũ cốc, đậu đỗ, cám bã. Ngoài ra, nó ăn tới 30-40% là rau xanh, cỏ lác. Vì vậy, người nuôi gà tây thường chăn thả trên những bãi cỏ, những cánh đồng hoặc nuôi nhốt trong những sân chơi rộng. Gà trưởng thành 28-30 tuần tuổi có thể đạt 5–6 kg/con trống và 3–4 kg/con mái và bắt đầu đẻ trứng. Gà tây chỉ khó nuôi ở giai đoạn từ 3 tháng tuổi. Sau 3 tháng tuổi, nuôi chúng dễ hơn nhiều. Chúng ăn khỏe, lớn nhanh và ít bị bệnh tật. Gà tây nuôi 6-7 tháng thì bán. Tùy từng giống (gà tây đen, gà tây trắng hoặc gà tây lông màu đồng) mà trọng lượng của chúng có thể đạt từ 10–20 kg/con. Con đực lớn hơn con cái.Gà tây đẻ trứng và tự ấp, mỗi lứa đẻ từ 10-12 quả, trọng lượng trứng 60-65g/quả, thời gian ấp nở 28-30 ngày, tỉ lệ ấp nở 65-70%, tỉ lệ nuôi sống 60-65%, sản lượng trứng 70-80 quả/mái/năm. Gà tây có khả năng sử dụng tốt các loại thức ăn thô xanh, tiết kiệm được lương thực, có thể trọng lớn, thời gian sinh trưởng dài, phẩm chất thịt ngon, chất lượng tốt, tỉ lệ protein cao (trên 22%), tỉ lệ mỡ rất thấp (dưới 0,5%). Giai đoạn úm gà con từ 1-4 tuần tuổi. Cho gà ăn nhiều lần trong ngày (ít nhất 4-5 lần/ ngày). Về nước uống. Dùng nước sạch, mát cho gà uống, không để cho gà thiếu nước, trong tháng đầu nên bổ sung sinh tố tổng hợp: B-complex hoặc Ovimix cho gà uống. Giai đoạn gà choai 5-8 tuần tuổi thì về thức ăn cần yêu cầu Protein thô 20%, năng lượng trao đổi 2.800-2.900 Kcal/kg Tă. có thể dùng thức ăn hỗn hợp hoặc thức ăn tự trộn, nhưng phải cân đối đầy đủ các chất dinh dưỡng, nhất là đạm, khoáng và sinh tố... Gà tây có khả năng tiêu hóa và hấp thu tốt thức ăn thô xanh, cho nên ngay từ giai đoạn này cần tập cho gà ăn rau xanh. Cho ăn 3-4 lần/ngày. Giai đoạn thả vườn 9-28 tuần tuổi đây là Giai đoạn nuôi thịt thả vườn. Trong thực phẩm thì yêu cầu Protein thô 16-18%, năng lượng trao đổi 2800-2900 Kcal/kg thức ăn. Vỗ béo gà tây từ 7-10 ngày trước khi xuất bán, nên vỗ béo gà tây bằng lúa gạo, tấm, bắp xay nấu (bung)... Cho gà ăn tự do nhưng giai đoạn nuôi hậu bị thả vườn thì cho gà ăn vừa phải để khống chế khối lượng, tránh mập quá hay ốm quá, gà đều đẻ kém, không vỗ béo gà hậu bị đe nuôi sinh sản. Thức ăn cho gà đẻ yêu cầu cao hơn gà thịt, protein thô 18-20%, năng lượng trao đổi 2800-2900 Kcal/kg thức ăn cho nên cần bổ sung thêm thức ăn giàu đạm, khoáng và sinh tố cho gà như: cá, tôm, cua, còng, hến, giun đất, bột xương, bột sò, bột cỏ và rau xanh các loại... gà tây ăn nhiều rau xanh, mỗi ngày có thể ăn từ 300-400 g/con. Khoảng 620 triệu con gà tây được giết mổ hàng năm trên toàn thế giới để lấy thịt. Gà tây thường được ăn trong các bữa tiệc lễ Giáng sinh tại hầu hết các nước nói tiếng Anh (gà tây nhồi) kể từ khi xuất hiện ở Anh vào thế kỷ 16, cũng như trong ngày Lễ Tạ Ơn tại Hoa Kỳ và Canada. Trước đây, ăn gà tây chủ yếu chỉ xảy ra trong các dịp đặc biệt như thế này, nhưng hiện nay, gà tây được ăn quanh năm và trở thành một phần thường xuyên trong nhiều chế độ ăn uống. Gà tây được bán đã cắt lát và băm nhỏ, cũng như "nguyên con" như gà với đầu, chân và lông đã được loại bỏ. Gà tây nguyên con đông lạnh vẫn phổ biến. Gà tây lát thường được dùng như một loại thịt bánh mì hoặc được phục vụ như món thịt nguội; trong một số trường hợp, khi các công thức yêu cầu gà, có thể thay thế bằng gà tây. Ngoài ra, gà tây băm thường được quảng cáo như một loại thịt bò băm lành mạnh. Nếu không chuẩn bị cẩn thận, thịt gà tây nấu chín có thể không ẩm ướt như các loại thịt gia cầm khác như gà hay vịt. Ngực gà tây có thể được nhúng vào bột mì để thay thế cho miếng gà viên rán. Gà tây hoang dã, mặc dù thuộc cùng một loài với gà tây nhà, có mùi vị rất khác biệt so với gà tây nuôi trong trang trại. Trái ngược với gà tây nhà, hầu hết thịt gà tây hoang dã đều có màu "tối" (kể cả ngực) và hương vị đậm đà hơn. Hương vị cũng có thể thay đổi theo mùa với sự thay đổi trong thức ăn có sẵn, thường khiến thịt gà tây hoang dã có hương vị đậm đà hơn vào cuối mùa hè do lượng côn trùng lớn hơn trong khẩu phần ăn của nó trong những tháng trước đó. Gà tây hoang dã đã ăn chủ yếu cỏ và ngũ cốc sẽ có hương vị nhẹ hơn. Các giống gà tây cổ truyền cũng có hương vị khác nhau. Khác với trứng gà, vịt và cú, trứng gà tây không được bán phổ biến như thực phẩm do nhu cầu cao về gà tây nguyên con và sản lượng trứng gà tây thấp hơn so với các loại gia cầm khác. Giá trị của một quả trứng gà tây được ước tính là khoảng 3,50 USD trên thị trường mở, cao hơn đáng kể so với một hộp trứng gà tô một tá.Thịt gà tây trắng thường được coi là có lợi cho sức khỏe hơn thịt tối do chứa ít chất béo hơn, nhưng sự khác biệt về dinh dưỡng nhỏ. Mặc dù gà tây được cho là gây buồn ngủ, nhưng các bữa tiệc lễ thường là bữa ăn lớn với các loại tinh bột, chất béo và cồn được phục vụ trong môi trường thư giãn, tất cả đều góp phần làm người ta buồn ngủ sau bữa ăn hơn là tryptophan trong gà tây.
Taco ( hoặc UK: ) là món ăn truyền thống của người México được làm từ bột ngô hoặc bột mì cho lớp vỏ giòn rụm bên ngoài, trong khi nhân bên trong với nhiều lựa chọn khác nhau. Với người Mexico, bánh Tacos được coi là món ăn truyền thống dân dã và nhanh chóng. Taco còn mang giá trị lịch sử. Món ăn này khiến người ta gợi nhớ về cuộc di cư của người châu Âu vào Mexico. Tacos đã được những người châu Âu đầu tiên trong những cuộc viễn chinh đã khám phá và du nhập khắp Nam Mỹ, châu Âu, Trung Đông và châu Á. Giống với sandwich, tacos được tạo nên bằng nhiều loại thức ăn được chuẩn bị theo những cách khác nhau và có thể ăn tacos như một món khai vị hoặc bữa ăn nhẹ. Một số tài liệu còn cho thấy, người dân Mexico sống ở các vùng hồ còn chế biến thêm taco nhân cá. Những quầy hàng rong bán taco có mặt trên hầu hết các ngõ ngách phố phường. Người Mexico thường dùng taco như một món ăn nhẹ sau bữa tối. Sau bữa chính, nhiều người lựa chọn taco như một cena (bữa tối nhẹ) được bán trong những quầy bán hàng di động cho đến nửa đêm tại các thành phố lớn. Vào cuối tuần các vũ trường và câu lạc bộ mở cửa đến tận gần sáng và taco là món ăn nhanh cho những người vui chơi thâu đêm. Từ những năm đầu của thế kỷ 20, đã có rất nhiều loại tacos được phổ biến tại Mỹ - Canada và xuất hiện trong những cuốn sách nấu ăn vào năm 1949. Ngoài ra tacos còn được bày bán trong những hệ thống bán đồ thức ăn nhanh như Taco Bell,Taco Del Mar, Mighty Taco… và các nhà hàng fastfood như Burger King và Jack in the Box của người Mexico tại đây. Thậm chí, ở đất nước này, người ta còn phát triển nhiều hệ thống nhà hàng chuyên về taco như Taco Del Mar, Taco Bell và Mighty Taco. Trong một chiếc Tacos, bánh tráng sẽ được rán qua để mềm và gấp cùng với nhân. Nhân bánh được làm từ thịt bò, thịt heo, cá, thịt gà, nước sốt cà chua, nấm, ớt …tất cả sẽ được nướng (hoặc hấp) cùng. Người thưởng thức có thể thay đổi thành phần của nhân để phù hợp với khẩu vị và cách chế biến. Món ăn này đậm chất Mexico không chỉ ở vỏ bánh tráng bằng bột ngô mà còn vì vị ớt được ăn kèm với bánh và nước sốt. Màu sắc của nhân chính là từ những loại thức ăn trong đó, có thể thưởng thức một chiếc tacos thịt và nước sốt thơm ngon ngầy ngậy hoặc một chiếc tacos với thành phần chính là rau xanh kèm theo một chút thịt nướng Nhờ vào danh sách dài lựa chọn và phương pháp chế biến nhân bên trong, taco càng thuyết phục được nhiều người đam mê món ăn truyền thống này và trở nên phổ biến khắp Mexico. Nhìn chung, taco gồm hai loại, taco vỏ cứng và taco vỏ mềm. Theo truyền thống của người Mexico, taco vỏ mềm đại diện cho nguyên liệu bột ngô, thường theo phương pháp hấp hoặc nướng. Tuy nhiên, loại taco phổ biến nhất vẫn là vỏ ngô kẹp thịt xay nhỏ, hành, rau diếp, lê tàu và nước tương cà chua cay của Mexico. Taco nướng với lớp vỏ được nướng trên vỉ than hồng cho đến khi đạt độ giòn nhất định, ăn kèm với nước tương chorizo asado. Ở miền Bắc Mexico, người ta gọi taco nướng ăn kèm với pho mát Oaxaca và thịt là mulita. Taco đầu bò lại là một phiên bản taco độc đáo với nhân từ não, lưỡi, má, môi và mắt bò. Vỏ taco đầu bò được hấp để luôn giữ độ mềm, trong khi người ta bổ sung thêm hành, rau mùi cho lớp nhân bên trong. Taco de cazo lại được phục vụ trên một bát bằng kim loại, sánh lớp dầu ăn phía dưới nhằm ngụ í về cách chế biến vỏ chiên ngập dầu và giòn tan. Loại taco này chủ yếu sử dụng thịt heo, thay vì bò. Taco sudados tạo nên sự khác biệt với hỗn hợp nhân gồm bánh mỳ mềm, thịt cay. Vỏ bên ngoài bao bọc lấy toàn bộ nhân, giúp cho món taco này luôn nóng và tỏa hơi nước để làm mềm vỏ. Cũng theo cách chế biến tương tự, có taco tôm, taco cá và taco thịt cừu.Một số loại taco được ưa chuộng tại Mỹ như: Taco al Pastor (đây là loại taco phổ biến nhất tại Mexico) nguyên liệu chính của là thịt lợn được ướp gia vị đã được cắt xén nhỏ và được xiên qua và nướng trên lửa. Đây được coi là món ăn phỏng theo món thịt nướng từ những người nhập cư Li Băng, hay như món Breakfast Tacos luôn có sẵn trong các quán ăn nhà hàng dọc theo Southwest- đặc biệt là ở New Mexico và Texas- nhân của breakfast tacos là từ thịt được tẩm gia vị, trứng hay pho mát và những thành phần khác như củ hành…
Đậu phụ thối (臭豆腐 xú đậu phụ) là một loại đậu phụ lên men khá nặng mùi. Đây mà một món ăn nhẹ, bình dân, thường được bày bán ở các chợ đêm hoặc lề đường hơn là trong các nhà hàng. Đậu phụ thối có mùi thum thủm giống với mùi bít tất thối hoặc phân bón mục rữa. Có người so sánh vị của nó với pho mát xanh trong khi người khác thì nghĩ nó giống thịt thối rữa. Với những người sành ăn thì đậu phụ thối càng nặng mùi thì càng ngon. Đậu phụ thối có thể dùng để ăn sống, hoặc hấp, hầm, hoặc thông dụng nhất là rán và ăn kèm với tương ớt. Màu sắc của đậu phụ thối cũng khá đa dạng, ở Triết Giang, đậu hũ thối được chiên vàng còn ở Hồ Nam, đậu hũ thối có màu đen. Tương truyền vào đời Khang Hy nhà Thanh có một người tên Vương Trí Hòa đã phát minh ra đậu phụ thối. Có nhiều dị bản về nguồn gốc món ăn này.
Tôm sú (tên khoa học: Penaeus monodon) là một loài động vật giáp xác đại dương được nuôi để dùng làm thực phẩm. Phân bổ tự nhiên của loài này là khu vực Ấn-Tây-Thái Bình Dương, trải từ bờ đông châu Phi, bán đảo Ả Rập, đến tận Đông Nam Á và biển Nhật Bản. Ở đông Úc cũng có loài này, và một lượng nhỏ tôm sú cũng đi vào Địa Trung Hải qua kênh đào Suez. Ngoài ra còn có ở Hawaii và bờ biển Đại Tây Dương của Mỹ (Florida, Georgia và Nam Carolina). Cả con đực lẫn con cái đều đạt tới kích thước khoảng 36 cm chiều dài, con cái có thể nặng tới 650 g, khiến nó trở thành loài tôm pan đan lớn nhất thế giới. P. monodon là loài tôm pan đan được nuôi rộng rãi nhất trên thế giới, mặc dù loài tôm thẻ chân trắng Litopenaeus vannamei ngày càng chiếm ưu thế. Hàng năm hơn 900.000 tấn tôm sú được tiêu thụ, hai phần ba số đó đến từ các trại tôm ở Đông Nam Á.
Bánh nướng chảo, dịch từ pancake trong tiếng Anh, hay bánh phèng la/ phèn la trong tiếng Việt, là một loại bánh phẳng được chế biến từ bột làm từ tinh bột có thể chứa trứng, sữa và bơ. Món ăn thường mỏng và tròn và có thể nấu trên một bề mặt nóng như vỉ nướng hoặc chảo rán, thường chiên với dầu hoặc bơ. Bằng chứng khảo cổ học cho thấy bánh nướng chảo có lẽ là thực phẩm ngũ cốc sớm nhất và phổ biến nhất được tiêu thụ trong xã hội thời tiền sử. Trong tiếng Anh nó được gọi là Pancake hoặc hotcake, griddlecake, bánh nóng, bánh xèo hay flapjack, không nên nhầm lẫn với thanh yến mạch flapjacks. Hình dạng và cấu trúc của bánh nướng chảo khác nhau trên toàn thế giới. Ở Anh, bánh nướng chảo thường không có men và giống như bánh crêpe. Ở Bắc Mỹ, một chất men được sử dụng (thường là bột nở) tạo ra một chiếc bánh nướng chảo dày và mềm mại. Một biến thể nổi tiếng có nguồn gốc từ Đông Nam Âu là palačinke, một loại bánh nướng chảo ẩm mỏng được chiên ở cả hai mặt và chứa đầy mứt, phô mai kem, sô cô la hoặc quả óc chó xay, nhưng cũng có thể sử dụng nhiều chất làm đầy khác. Khi khoai tây được sử dụng như một phần chính của bột, kết quả là một chiếc bánh kếp khoai tây. Hỗn hợp bánh nướng chảo chuẩn bị trước tại cửa hàng có sẵn ở một số nước. Khi buttermilk được sử dụng thay thế hoặc ngoài sữa, bánh kếp sẽ phát triển hương vị tart và được gọi là bánh nướng chảo buttermilk, phổ biến ở Scotland và Mỹ. Bột kiều mạch có thể được sử dụng trong bột bánh nướng chảo, làm cho một loại bánh kiều mạch, một loại bao gồm Blini, Kaletez, Ploye, và Memil-buchimgae. Bánh nướng chảo có thể được phục vụ bất cứ lúc nào trong ngày với nhiều loại toppings hoặc nhân nhưng ở Mỹ chúng thường được coi là một món ăn sáng. Bánh nướng chảo phục vụ một chức năng tương tự như bánh quế. Ở Anh và Khối thịnh vượng chung, chúng được liên kết với Thứ ba Shrove, thường được gọi là "Ngày Bánh nướng chảo", khi, trong lịch sử, các thành phần dễ hỏng phải được sử dụng trước thời điểm ăn chay của Mùa Chay. Những người Hy Lạp cổ đại làm bánh nướng chảo gọi là τηγανίτης (tēganitēs), ταγηνίτης (tagēnitēs) hay ταγηνίας (tagēnias), tất cả các từ bắt nguồn từ τάγηνον (tagēnon), "chảo". Các tài liệu tham khảo sớm nhất về tagenias là trong các tác phẩm của các nhà thơ thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên Cratinus và Magnes. Tagenites được làm bằng bột mì, dầu ô liu, mật ong và sữa đông, và được phục vụ cho bữa sáng. Một loại bánh là σταιτίτης (staititēs), từ σταίτινος (staitinos), "bột hoặc bột nhồi từ lúa mì", có nguồn gốc từ σταῖς (stais), "bột nhồi làm từ lúa mì". Athenaeus đề cập, trong Deipnosophistae của mình, staititas với mật ong, vừng và phô mai ở trên. Từ pancake từ tiếng Anh xuất hiện trong tiếng Anh vào thế kỷ 15.Người La Mã cổ đại gọi món đồ để chiên của họ là alia dulcia, tiếng Latinh là "đồ ngọt khác". Chúng khác nhiều so với những gì được gọi là bánh nướng chảo ngày nay. Tại Mỹ, Mexico và Canada, chuỗi nhà hàng nhượng quyền International House of Pancakes (IHOP) phục vụ bánh kếp cả ngày. The Pancake House là một chuỗi nhà hàng bánh nướng chảo khác trên khắp Hoa Kỳ, và Walker Brothers là một chuỗi các nhà hàng bánh nướng chảo ở khu vực Chicago được phát triển dưới dạng nhượng quyền của The Original Pancake House. Sự phổ biến của bánh nướng chảo ở Úc đã sinh ra các nhà hàng nhượng quyền Pancake Parlor và Pancakes on the Rocks. Tại British Columbia và Alberta, Canada, chuỗi nhà hàng De Dutch phục vụ món pannenkoeken kiểu Hà Lan và Flemish. Hội chứng bánh nướng chảo là một phản ứng dị ứng mà một số người mắc phải sau khi ăn bánh nướng chảo ở vùng nhiệt đới nơi một số con ve có thể làm nhiễm bẩn bột trong bánh nướng chảo. Bánh nướng chảo thường được ăn vào Thứ ba Shrove, được gọi là "Ngày bánh nướng chảo" ở Canada, Vương quốc Anh, Ireland, New Zealand, và Úc, và "Thứ ba bánh nướng chảo" ở Ireland và Scotland. (Thứ ba Shrove được biết đến nhiều hơn ở Hoa Kỳ, Pháp và các quốc gia khác như Mardi Gras hoặc Thứ ba béo.) Trong lịch sử, bánh nướng chảo được làm vào Thứ ba Shrove để phần cuối cùng của mỡ hoặc mỡ được sử dụng hết trước Mùa Chay. Không nên ăn các sản phẩm thịt trong Mùa Chay. Các sự kiện từ thiện và trường học được tổ chức vào Ngày bánh nướng chảo: trong một "cuộc đua bánh nướng chảo", mỗi người tham gia mang một chiếc bánh nướng chảo trong chảo rán. Tất cả những người chạy bộ phải ném bánh nướng chảo của họ khi họ chạy và bắt chúng trong chảo rán. Sự kiện này được cho là bắt nguồn từ Olney, Anh vào năm 1445 khi một bà nội trợ vẫn đang bận rán ăn bánh xèo trước khi ăn chay khi nghe tiếng chuông của Nhà thờ St Peter và St Paul gọi cô đến Dịch vụ Shishing. Háo hức đến nhà thờ, cô chạy ra khỏi nhà vẫn cầm chiếc chảo rán hoàn chỉnh với bánh kếp, quăng nó để tránh bị cháy, và vẫn đeo tạp dề và khăn trùm đầu. Mỗi thứ ba Shriver kể từ năm 1950, các thị trấn Olney và Liberal, Kansas đã thi đấu trong Cuộc đua bánh kếp quốc tế. Chỉ phụ nữ địa phương có thể cạnh tranh; họ đua, và thời gian của họ được so sánh để xác định người chiến thắng quốc tế. Ở Olney, chủng tộc nữ chính được tăng cường bởi các chủng tộc dành cho học sinh địa phương và nam giới. Cuộc đua bánh nướng chảo Nghị viện Vương quốc Anh diễn ra vào thứ ba hàng tuần, với các đội từ Hạ viện Anh, thượng viện và Đệ tứ quyền, tranh giành danh hiệu Nhà vô địch cuộc đua bánh nướng chảo quốc hội. Cuộc đua tiếp sức thú vị là nâng cao nhận thức về công việc của tổ chức từ thiện chấn thương não quốc gia, Rehab UK, và nhu cầu của những người bị chấn thương não mắc phải. Albala, Ken (2008). Pancake: A Global History. Reaktion Books. ISBN 978-1-86189-392-5. (At press.uchicago.edu via archive.org.) Olin College students create machine that makes pancakes
Bánh khúc cây hay là Bûche de Noël (phát âm tiếng Pháp: [byʃ də nɔɛl]), Yule log là bánh Giáng sinh truyền thống của Pháp và các quốc gia nói tiếng Pháp và thuộc địa cũ của Pháp,là Thụy Sĩ, Bỉ, Canada, Liban, Việt Nam,... Theo truyền thống. nó là một món tráng miệng cho bữa ăn tối Giáng sinh. Đúng như tên gọi, bánh thường được chuẩn bị, bày biện và trang trí cho giống khúc gỗ chuẩn bị đốt trong lò sưởi theo phong tục cũ hay là làm lửa ở lễ hội lửa trong những ngày Đông chí. "Bûche de Noël" được nhắc đến lần đầu tiên vào năm 1879.Tuy nhiên, không rõ liệu chiếc bánh này có do một đầu bếp tại Lyon hay Paris sáng tạo ra hay không.Bánh khúc cây truyền thống được làm từ bánh xốp, nướng tương tự bánh cuộn (Swiss roll) hay bánh quy (Génoise), trong một chảo lớn và nông rồi cuộn lại, phết bên ngoài là kem bơ sô cô la. Bánh thường được phục vụ với một đầu được cắt ra. Người ta dùng đường bột (giống như tuyết), cành cây, dâu tươi và nấm làm từ bánh trứng meringue để trang trí bánh. Bánh khúc cây có thể coi là một loại bánh roulade ngọt.
Tháng Kem Quốc gia là ngày lễ kỷ niệm được cử hành vào tháng Bảy hàng năm và Ngày Kem Quốc gia được cử hành vào ngày Chủ nhật thứ ba tháng Bảy ở nước Mỹ.Lễ kỷ niệm này bắt nguồn từ nghị quyết chung số 298 tại Thượng viện Hoa Kỳ, dưới sự bảo trợ của Thượng nghị sĩ Walter Dee Huddleston bang Kentucky vào ngày 17 tháng 5 năm 1984, và nghị quyết chung số 543 tại Hạ viện Hoa Kỳ, được sự bảo trợ của Dân biểu Kika de la Garza bang Texas vào ngày 11 tháng 4 năm 1984. Nghị quyết công bố tháng 7 năm 1984 là "Tháng Kem Quốc gia" và ngày 15 tháng 7 năm 1984, là "Ngày Kem Quốc gia". Tổng thống Ronald Reagan đã đem bản nghị quyết này ký thành luật công vào ngày 9 tháng 7 năm 1984, với Tuyên ngôn Tổng thống số 5219.Dù nghị quyết này chỉ đề cập đến một ngày tháng cụ thể trong năm 1984, buổi lễ kỷ niệm vẫn được tổ chức trong suốt nhiều năm kể từ đó do các nhà sản xuất kem công bố.
Họ Tôm hùm càng (danh pháp khoa học: Nephropidae) là tên gọi dùng để chỉ một họ bao gồm các loài tôm hùm. Họ Tôm hùm càng có đặc điểm gồm thân dài và có một cái đuôi cơ bắp, hầu hết họ tôm hùm này đều có một đôi càng lớn và đầy sức mạnh. Các loài tôm này sống ở biển trong điều kiện sống khắt khe với vùng biển ấm, lặng, ở các khe hoặc hang hốc dưới đáy biển và là một loại hải sản có giá trị, việc khai thác, nuôi trồng tôm hùm có vai quan trọng về kinh tế và thường là một trong những mặt hàng có lợi nhuận nhất trong khu vực ven biển ở các quốc gia có phân bố loài này. Acanthacaris Acanthacaris caeca A. Milne-Edwards, 1881 Acanthacaris tenuimana Bate, 1888Dinochelus Ahyong, Chan & Bouchet, 2010Dinochelus ausubeli Ahyong, Chan & Bouchet, 2010Eunephrops Smith, 1885Eunephrops bairdii Smith, 1885 Eunephrops cadenasi Chace, 1939 Eunephrops luckhursti Manning, 1997 Eunephrops manningi Holthuis, 1974Homarinus Kornfield, Williams & Steneck, 1995Homarinus capensis (Herbst, 1792) – Tôm hùm CapeHomarus Weber, 1795Homarus americanus H. Milne-Edwards, 1837 – Tôm hùm MỹHomarus gammarus (Linnaeus, 1758) – Tôm hùm châu ÂuMetanephrops Jenkins, 1972Metanephrops andamanicus (Wood-Mason, 1892) – Tôm hùm Andaman Metanephrops arafurensis (De Man, 1905) Metanephrops armatus Chan & Yu, 1991 Metanephrops australiensis (Bruce, 1966) – Tôm hùm Australia Metanephrops binghami (Boone, 1927) – Tôm hùm Caribe Metanephrops boschmai (Holthuis, 1964) – Tôm hùm Boschma Metanephrops challengeri (Balss, 1914) – Tôm hùm New Zealand Metanephrops formosanus Chan & Yu, 1987 Metanephrops japonicus (Tapparone-Canefri, 1873) – Tôm hùm Nhật Metanephrops mozambicus Macpherson, 1990 Metanephrops neptunus (Bruce, 1965) Metanephrops rubellus (Moreira, 1903) Metanephrops sagamiensis (Parisi, 1917) Metanephrops sibogae (De Man, 1916) Metanephrops sinensis (Bruce, 1966) – Tôm hùm Trung Quốc Metanephrops taiwanicus (Hu, 1983) Metanephrops thomsoni (Bate, 1888) Metanephrops velutinus Chan & Yu, 1991Nephropides Manning, 1969Nephropides caribaeus Manning, 1969Nephrops Leach, 1814Nephrops norvegicus (Linnaeus, 1758) – Tôm hùm Na Uy, tôm vịnh DublinNephropsis Wood-Mason, 1872Nephropsis acanthura Macpherson, 1990 Nephropsis aculeata Smith, 1881 – Tôm hùm nhỏ Florida Nephropsis agassizii A. Milne-Edwards, 1880 Nephropsis atlantica Norman, 1882 Nephropsis carpenteri Wood-Mason, 1885 Nephropsis ensirostris Alcock, 1901 Nephropsis holthuisii Macpherson, 1993 Nephropsis malhaensis Borradaile, 1910 Nephropsis neglecta Holthuis, 1974 Nephropsis occidentalis Faxon, 1893 Nephropsis rosea Bate, 1888 Nephropsis serrata Macpherson, 1993 Nephropsis stewarti Wood-Mason, 1872 Nephropsis suhmi Bate, 1888 Nephropsis sulcata Macpherson, 1990Thaumastocheles Wood-Mason, 1874Thaumastocheles dochmiodon Chan & Saint Laurent, 1999 Thaumastocheles japonicus Calman, 1913 Thaumastocheles zaleucus (Thomson, 1873)Thaumastochelopsis Bruce, 1988Thaumastochelopsis brucei Ahyong, Chu & Chan, 2007 Thaumastochelopsis wardi Bruce, 1988Thymopides Burukovsky & Averin, 1977Thymopides grobovi (Burukovsky & Averin, 1976) Thymopides laurentae Segonzac & Macpherson, 2003Thymops Holthuis, 1974Thymops birsteini (Zarenkov & Semenov, 1972)Thymopsis Holthuis, 1974Thymopsis nilenta Holthuis, 1974 Tôm hùm Mỹ nổi bật bởi hai chiếc càng to quá khổ, rất khỏe, thịt tôm ngon nhất cũng ở hai chiếc càng. Tôm hùm châu Mỹ là một món ăn được ưa chuộng. Ngành công nghiệp đánh bắt tôm hùm châu Mỹ ước tính khoảng 3 tỷ đô la Mỹ hàng năm với 360 triệu tấn. Chúng chủ yếu được đánh bắt theo mùa ở Mỹ và Canada. Trong đó, Canada nắm giữ 60% thị phần và Mỹ là 40%. Tôm hùm châu Mỹ được xuất khẩu khắp thế giới dưới dạng đông lạnh/chế biến (75%) hoặc tươi sống (25%) và luôn giữ vai trò quan trọng trong nền công nghiệp du lịch của các nước nhập khẩu. == Chú thích ==
Thức ăn rác hay thực phẩm vớ vẩn, tên gốc tiếng Anh là junk food là một từ tiếng lóng mang tính chất miệt thị để chỉ về những đồ ăn có mức dinh dưỡng thấp nhưng lại có quá nhiều chất không tốt cho sự phát triển lành mạnh của cơ thể như đường, mỡ, chất béo, và muối có hại cho cơ thể. Trong tiếng Anh, từ "junk" có nghĩa là cái gì đó không có giá trị, bạn có thể quăng nó đi và Junk food là loại đồ ăn không tốt. Theo tiếng Việt có nghĩa là đồ ăn rác - vô giá trị. Đây là một từ mới xuất hiện trong ngành dinh dưỡng học để phân biệt với thực phẩm dinh dưỡng (nutritional foods) như thịt, trứng, cá, sữa... Những thức ăn bị gọi là Junk Food đều là các loại thức ăn chứa nhiều đường, tinh bột, như các loại bánh kẹo, nước ngọt. Những món thức ăn rác thông thường phải kể là món khoai tây chiên, pizza, bánh kẹo, các loại thức ăn khô giòn (chip), các loại thức ăn nhẹ (snack food). Các thức uống ngọt như Coca, Pepsi có thể được xem là Junk Food. Những món ăn này lâu lâu ăn vui miệng, nhưng không nên dùng thường xuyên dễ bị mập, béo phì và cao mỡ, cao máu, nhiều người Mỹ thích "junk food". Tất cả những thứ giòn, ngọt, và có nhiều calorie đều bán rất chạy. Junk Food là sản phẩm của ngành công nghiệp thực phẩm nên không có chất xơ và chất dinh dưỡng, hay bất cứ vitamin nào, Junk Food còn chứa rất nhiều Carb có chỉ số đường huyết cao (High GI) gây béo phì và bệnh tật. Khi hấp thụ hoàn toàn Carb high GI vào cơ thể. Ngay lập tức đường huyết bị đẩy lên cao, nếu người có tiền sử bị huyết áp cao, tiểu đường thì có khả năng bị shock và đột quỵ. Còn người bình thường ăn nhiều junk food lâu ngày cũng làm cho cơ thể phải tiết ra insulin liên tục dẫn đến các loại bệnh rối loạn chuyển hóa như mụn, buồng trứng đa nang...
Chao hay đậu phụ nhự (tiếng Trung Quốc: 豆腐乳 - đậu hũ nhũ), là một loại đậu phụ lên men, một món ăn của ẩm thực Quảng Đông (Trung Quốc) và Việt Nam. Ở Việt Nam, chao phổ biến hơn ở miền Trung và miền Nam. Nhiều người cảm thấy sản phẩm này có vị thơm ngon, béo ngậy, đặc trưng, kích thích ăn ngon miệng. Nó còn được nhắc đến là "phô mai châu Á" vì nó có lớp mốc bên ngoài béo như phô mai Roquefort hay Camembert. Chao thường được dùng trong các món ăn chay. Tuy nhiên, ít người biết chao còn được dùng nhiều trong việc ướp thịt, cá, tôm mực, các món xào như khổ qua xào trứng, mướp xào thịt bằm... nhờ hàm lượng muối có sẵn trong lúc lên men và tác dụng kích thích ăn ngon. Các món mặn dùng chao làm gia vị ướp thay cho nước tương, nước mắm làm hương vị món mặn phong phú hơn, kích thích vị giác ăn ngon miệng đồng thời hàm lượng dinh dưỡng cao hơn và cung cấp nhiều protein hơn so với nước tương, nước mắm. Quá trình lên men chao được tiến hành bằng cách dùng các miếng đậu hũ đã ráo nước, tiến hành cấy bào tử của các loại nấm mốc như Actinomucor elegans, Mucor sufu, Mucor rouxanus, Mucor wutuongkiao, Mucor racemosus, hay Rhizopus spp.. Các loại mốc trên được biết với tên "mốc đậu hũ" (霉豆腐). Trong cách sản xuất chao truyền thống, đậu hũ được cắt thành từng miếng cỡ 20 × 20 × 20 mm, làm ráo nước, rồi ủ cho lên men tự nhiên, sau đó cho thêm gia vị vào. Trong giai đoạn nuôi mốc, có xuất hiện nhiều loại mốc, phổ biến là các loại mốc có màu trắng, màu vàng nâu, màu đen. Mốc có màu đen được loại bỏ trước khi thực hiện quá trình ủ chao. Gia vị thêm vào chao có thể là muối bột hoặc nước muối, ớt. Sản xuất chao theo phương pháp công nghiệp đã và đang được thực hiện ở Khoa Sinh, Đại học Khoa học Tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh. Một số nước như Trung Quốc đã sản xuất đậu phụ nhự trên quy mô công nghiệp, tạo ra những màu sắc đặc trưng phù hợp với thị hiếu.
Rượu Bó Nặm là một loại rượu trắng nổi tiếng của Bắc Kạn, được lên men từ ngô và thảo dược, sau đó chưng cất theo phương pháp truyền thống của các dân tộc thiểu số địa phương. Trước đây, rượu Bó Nặm chỉ được tiêu thụ tại Bắc Kạn. Tuy nhiên, gần đây nó được tiêu thụ nhiều tại các thị trường lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu và cũng đã được xuất khẩu sang Đông Âu. Rượu Bó Nặm có đặc trưng là hương thơm, vị hơi ngọt. Rượu Bó Nặm có nhiều loại với các độ cồn và dùng men khác nhau và được sử dụng tùy theo từng dịp. Những loại có độ cồn cao thường được chưng cất hơn một lần. Rượu Bó Nặm nấu theo phương pháp thủ công truyền thống có màu hơi đục do quá trình chưng cất thủ công không loại trừ hết được các hạt tinh bột siêu nhẹ và các chất đường. Rượu Bó Nặm được nấu bằng nguyên liệu địa phương (ngô và thảo dược địa phương) theo phương pháp truyền thống tại các hộ gia đình dân tộc ít người. Sản phẩm sẽ được bán lại cho nhà máy để lọc trong, khử Alđêhyt axetic, ổn định độ cồn, đóng chai, đóng gói và đem tiêu thụ. == Tham khảo ==
Trấu (hay còn gọi là vỏ trấu, tiếng Anh: rice hulls) là phần vỏ cứng bao bên ngoài hạt gạo. Ngoài việc bảo vệ hạt gạo trong mùa sinh trưởng, vỏ trấu cũng có thể dùng làm vật liệu xây dựng, phân bón, vật liệu cách nhiệt trong xây dựng hay nhiên liệu.
Patty melt là một loại bánh mì kẹp bao gồm một miếng thịt bò xay với pho mát tan chảy (theo truyền thống là pho mát Thụy Sĩ) và cùng với hành tây nướng giữa hai lát bánh mì (theo truyền thống là bánh mì đen, mặc dù bánh mì chua hay bánh mì nướng Texas đôi khi được thay thế ở một số khu vực, bao gồm cả miền Nam Hoa Kỳ). Patty melt là một biến thể của cheeseburger truyền thống Mỹ, về cơ bản biến nó thành một chiếc bánh sandwich, phục vụ nó trên bánh mì cắt lát thay vì bun. Không rõ món patty melt được phát minh ra khi nào, nhưng rất có thể là vào giữa thế kỷ 20, hoặc trong thời kỳ Đại khủng hoảng hay Sự mở rộng kinh tế sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Một số nhà văn ẩm thực đã gợi ý rằng nhà hàng Tiny Naylor ở Los Angeles có thể đã phát minh ra món patty melt vào khoảng giữa năm 1930 và 1959, tùy thuộc vào nguồn. Ngay cả khi Naylor không phát minh ra bánh sandwich, người ta đồng ý rằng anh và gia đình đã giúp phổ biến bánh sandwich trong các nhà hàng tương ứng của họ, bao gồm Tiny Naylor's, Du-par's, và Wolfgang Puck's Granita, trong hơn nửa thế kỷ trở lại đây.
Món hầm là một sự kết hợp của các thành phần thực phẩm rắn được nấu chín trong nước và được dùng với nước xốt nấu ra. Các thành phần trong một món hầm có thể bao gồm bất kỳ sự kết hợp của các loại rau (chẳng hạn như cà rốt, khoai tây, hành tây, đậu, ớt và cà chua) hoặc thịt, đặc biệt thịt dai hơn phù hợp nấu lâu với lửa nhỏ như thịt bò. Gia cầm, xúc xích, và hải sản cũng được dùng. Trong khi nước có thể được dùng để nấu món hầm, rượu vang, nước lèo, và bia cũng phổ biến. Gia vị và hương liệu cũng có thể được thêm vào. Món hầm được nấu chín thường ở nhiệt độ tương đối thấp, ninh không đun sôi, cho phép hương vị trộn lẫn nhau. Hầm là thích hợp cho các phần thịt ít mềm nhất trở nên mềm và ngon ngọt với phương pháp nấu với nhiệt độ thấp. Điều này làm cho nó phổ biến trong nấu ăn ít tốn kém. Những miếng thịt có một số lượng nhất định của vân mỡ và mô làm cho món hầm ngon ngọt, trong khi thịt nạc dễ có thể trở nên khô. Món hầm có thể làm đặc lại bằng cách giảm nước hoặc với bột, bằng cách phủ miếng thịt với bột trước khi chiên, hoặc dùng những chất làm đặc như bột ngô hoặc bột hoàng tinh. Hầm tương tự như súp, và trong một số trường hợp không có một sự phân biệt rõ ràng giữa hai món ăn. Nói chung, các món hầm có ít nước hơn súp, đặc hơn nhiều và đòi hỏi nấu lâu hơn trên lửa nhỏ. Trong khi súp gần như luôn luôn được ăn trong một cái bát, các món hầm có thể đủ đặc để ăn bằng đĩa với nước chan lên các thành phần rắn như nước sốt. Bœuf bourguignon, một món hầm thịt bò ninh trong rượu vang đỏ của Pháp. Beef Stroganoff, một món hầm thịt bò với nấm của Nga Bò kho, một món hầm thịt bò với sả và cà rốt của Việt Nam Chili con carne Goulash, một món hầm thịt kiểu Hungary với ớt chuông Pot-au-feu, một món hầm thịt bò đơn giản của Pháp, phở được cho là biến hóa với nguyên liệu và khẩu vị người việt từ món này Ratatouille, một món hầm rau quả của Pháp
Kem vani là loại kem lạnh sử dụng vani làm hương vị, đặc biệt là ở Bắc Mỹ và châu Âu. Kem vani, giống như các hương vị kem khác, ban đầu được tạo ra bằng cách làm lạnh hỗn hợp làm từ kem, đường và vani bên trên một hộp đựng đá và muối. Loại vani được sử dụng để làm hương vị kem ở các địa phương khác nhau. Ở Bắc Mỹ và châu Âu, người tiêu dùng quan tâm đến hương vị khói nổi bật hơn, trong khi ở Ireland họ muốn có hương vị giống như cây hồi. Để tạo độ đặc mịn của kem, thỉnh thoảng hỗn hợp phải được khuấy và sau đó đặt trở lại thùng chứa đá và muối để tiếp tục quá trình đông cứng. Theo Iced: 180 Very Cool Concoctions, nhiều người thường coi vani là hương vị "mặc định" hoặc "đơn giản" của kem (xem "Plain vanilla").Kem vani là hương vị kem phổ biến nhất ở Mỹ. Vani lần đầu tiên được sử dụng bởi người México. Vào những năm 1500, những người chinh phục Tây Ban Nha đã khám phá México, họ thấy những người Trung Bộ châu Mỹ sử dụng vani trong đồ uống và thực phẩm. Hạt vani được đưa đến Tây Ban Nha bởi những người chinh phục. Ở Tây Ban Nha, "vani được sử dụng để tạo hương vị cho thức uống sô-cô-la kết hợp đậu cacao, vani, ngô, nước và mật ong". Thức uống này cuối cùng đã lan sang Pháp, Anh, và sau đó là toàn bộ châu Âu vào đầu những năm 1600. Năm 1602, Hugh Morgan, người bào chế thuốc của Nữ hoàng Elizabeth I khuyến cáo rằng vani nên được sử dụng riêng với cacao.Kem có thể có nguồn gốc từ thời Nguyên vào thế kỷ 14. Có ghi nhận cho thấy kem đã được phục vụ tại triều đình Mogul. Ý tưởng sử dụng hỗn hợp nước đá và muối để làm lạnh kem là một phần của quá trình tạo ra kem có nguồn gốc từ châu Á. Phương pháp này lan rộng từ phương Đông sang châu Âu khi người Ả Rập và người Moors đến Tây Ban Nha, trong khoảng thời gian từ 711 đến 1492. Khi phương pháp làm lạnh trộn đá và muối đã lan sang châu Âu, người Ý đã biết làm kem theo cách đó. Vào đầu thế kỷ 18, công thức làm kem đã xuất hiện ở Pháp. Dựa theo Frozen Desserts: The Definitive Guide to Making Ice Creams, Ices, Sorbets, Gelati, and Other Frozen Delights, người Pháp đã biến kem thành một món ăn hoàn hảo hơn và phong phú hơn với việc thêm trứng hoặc lòng đỏ trứng vào công thức kem. Công thức làm kem đầu tiên được người Pháp ghi lại vào đầu thế kỷ thứ 18 không bao gồm lòng đỏ trứng. Tuy nhiên, đến giữa thế kỷ 18, công thức làm kem của Pháp bắt đầu bao gồm lòng đỏ trứng.Khi việc sử dụng vani trong thực phẩm và đồ uống trở nên tách riêng với việc dùng chung cacao, nó trở nên nổi bật hơn trong các công thức nấu ăn của Pháp. Người Pháp đã sử dụng vani để hương vị kem vani của Pháp. Kem vani được giới thiệu đến Hoa Kỳ khi Thomas Jefferson phát hiện ra hương vị này ở Pháp và mang công thức đến Hoa Kỳ. Trong những năm 1780, Thomas Jefferson đã viết công thức riêng cho kem vani. Công thức được lưu trữ tại Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ. Trong thế kỷ 18, tại Hoa Kỳ, để làm kem, các đầu bếp và người làm bánh kẹo cần một thùng gỗ lớn, một nồi đông lạnh bằng kim loại có nắp đậy, đá, muối và hỗn hợp kem mà họ dự định dùng để đóng băng. Quá trình bắt đầu với việc tìm đá có kích thước vừa đủ rồi trộn với muối và thêm hỗn hợp kem vào thùng. Kết hợp với nhau, nước đá và muối tạo ra hiệu ứng làm lạnh. Sau đó thêm hỗn hợp kem vào nồi đông lạnh và đậy nắp. Nồi đông lạnh được đặt vào thùng gỗ, nơi nó được khuấy và lắc để hòa quyện hỗn hợp kem. Thỉnh thoảng, nồi đông lạnh phải được mở ra, để kem đông lạnh có thể được lấy ra từ hai bên. Công việc được thực hiện bởi nô lệ và người hầu.Năm 1843, Nancy M. Johnson đã phát minh ra máy làm kem đầu tiên có tay quay đặt ở bên ngoài bồn gỗ. Các tay quay dùng trộn kem vừa cạo kem đông lạnh ra khỏi các cạnh của nồi. Trước năm 1843, làm kem cần nhiều thời gian hơn. Tay quay ở bên ngoài bồn gỗ loại bỏ bước tháo nồi ra khỏi bồn gỗ, chỉ cần cạo kem trong nồi. Sau khi ứng dụng phát minh của Nancy Johnson, các công ty kem thương mại bắt đầu sử dụng các máy làm kem được cung cấp bởi máy chạy bộ chạy bằng ngựa, động cơ hơi nước và cuối cùng là động cơ điện. Những người làm kem tại nhà cũng bắt đầu sử dụng máy làm kem điện. Sản xuất kem phổ biến hơn khi đường trở nên rẻ hơn và nước đá dễ lấy hơn. Sau khi Nội chiến Hoa Kỳ kết thúc, giá kem ở Hoa Kỳ đã giảm và nhiều nhà bán buôn đã đẩy mạnh tham gia kinh doanh làm kem. Kem vani được tạo hương vị bằng hương liệu vani nhân tạo hoặc tự nhiên. Hương liệu nhân tạo chứa 100% vanillin, thành phần chính góp phần tạo nên hương vị của vani tự nhiên. Chiết xuất vani tự nhiên cũng chứa gần 200 hợp chất hơn ngoài vanillin. Các tính chất hóa học khác nhau của các hợp chất này có thể gây ra vấn đề tương thích với các chế phẩm kem khác nhau. Kem vani có thể được phân loại theo loại hương liệu được sử dụng. Nếu chiết xuất vani tự nhiên được sử dụng, thì sản phẩm được gọi là "kem vani". Nếu vanillin từ vani tự nhiên được sử dụng, thì sản phẩm được gọi là "kem có hương vani". Nếu vanillin nhân tạo được sử dụng, thì sản phẩm được dán nhãn là "kem vani có hương vị nhân tạo". Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ phân loại kem vani thành ba loại: (1) kem chỉ chứa chiết xuất vani; (2) kem chứa 1 ounce (28 g) vani tổng hợp mỗi gallon (3,8 L) chiết xuất vani một lần; (3) kem chỉ chứa thành phần tổng hợp.
Bánh dẻo lạnh, bánh dẻo tuyết, bánh trung thu vỏ lạnh, hay bánh trung thu da tuyết (tiếng Anh: Snow skin mooncake, Snowy mooncake, Ice skin mooncake hoặc Crystal mooncake; tiếng Trung: 冰皮月餅, băng bì nguyệt bính) là một loại bánh dẻo không nướng, được bảo quản lạnh, sử dụng trong dịp tết trung thu và có xuất xứ từ Hồng Kông. Bánh dẻo lạnh được một nhà hàng ở Hồng Kông phát triển từ năm 1989 khi nhận thấy các loại bánh trung thu truyền thống với lòng đỏ trứng vịt muối, hạt sen hoặc đậu nghiền mịn dùng một lượng đường và dầu quá cao. Trong bối cảnh đồ ăn nhiều dầu mỡ và đường ngày càng ít quyến rũ thực khách thời hiện đại, bánh trung thu ít chất béo với nhân trái cây và sử dụng rất ít hay hầu như không sử dụng dầu ăn trở nên được ưa chuộng. Từ một sản phẩm của Hồng Kông, bánh dẻo lạnh trung thu dần phổ biến tại nhiều vùng miền, quốc gia châu Á khác, thậm chí manh nha hiện diện tại Việt Nam, nơi luôn sẵn có loại bánh dẻo đặc trưng. Bánh dẻo lạnh tương tự bánh kem mochi hay Yukimi Daifuku, có lớp vỏ nếp và phải được giữ đông lạnh. Các yêu cầu sản xuất, lưu trữ, vận chuyển và sử dụng của bánh dẻo lạnh nghiêm ngặt hơn so với bánh nướng, bởi vì bánh không được nướng trong lò, tận dụng được nhiệt độ cao để diệt khuẩn. Các nhà máy, cơ sở sản xuất bánh cũng phải giữ điều kiện vô trùng, và nhiều nhà sản xuất đang được yêu cầu áp dụng HACCP trong đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Bánh cũng luôn phải được giữ nhiệt độ thấp khi vận chuyển, lưu trữ và kinh doanh tại các cửa hàng bán lẻ để tránh bị hỏng. Bánh dẻo lạnh khó tìm thấy tại Trung Quốc trước những năm 2000 chính vì sự cần thiết phải giữ lạnh sản phẩm liên tục từ nhà sản xuất tới tận tay người tiêu dùng. Hiện nay, thị trường bánh đã lan tỏa ra nhiều quốc gia châu Á lân cận như Trung Quốc đại lục, Ma Cao, Đài Loan, Malaysia, Singapore. Nguyên liệu làm bánh dẻo lạnh bao gồm nguyên liệu làm vỏ và nguyên liệu làm nhân. Vỏ bánh được làm từ bột nếp rang, đường bột, chất béo thực vật tạo xốp (shorterning), nước lạnh hay sữa tươi lạnh. Màu đặc trưng của vỏ bánh là màu trắng. Tuy nhiên, bánh có thể được biến tấu với những màu sắc khác và hương vị khác, chẳng hạn chocolate giúp tạo màu nâu, lá dứa thơm cho màu xanh. Nhân bánh trung thu dẻo lạnh (khác với bánh trung thu truyền thống thường sử dụng lòng đỏ trứng vịt muối, hạt sen hoặc đậu đỏ nghiền mịn), có thể sử dụng đậu xanh, trái cây, mứt các loại, chocolate, cà phê, pho mát và các chất tạo hương vị khác, trong đó phổ biến là dâu tây, sầu riêng, vừng, trà xanh, xoài, khoai mỡ v.v.. Cũng không hiếm khi nhân bánh được biến tấu bằng kem lạnh (bán sẵn hay tự làm) và các loại mứt trái cây tùy thích. Một công thức nhân bánh chi tiết có thể được tìm thấy với dừa tấm khô, bơ chảy, đường kính trắng, nước đá lạnh, bột bánh, mứt hoa quả các loại thái vụn, hạt lạc, hạt óc chó hoặc hạt điều rang chín giã nhỏ. Bánh dẻo lạnh thường được đóng gói trong túi hay hộp nhựa theo cặp, hoặc riêng lẻ. Bánh có thể được giữ lạnh trong tủ cấp đông với thời hạn sử dụng lên đến vài tuần. Khác với các bánh trung thu truyền thống được phục vụ ở nhiệt độ phòng, bánh dẻo lạnh thường được ăn lạnh. Bánh được rã đông vài giờ trước khi ăn để làm mềm; nên sử dụng hết trong vòng 2 giờ sau khi bỏ ra khỏi tủ lạnh và tránh đưa trở lại tủ cấp đông khi đã để bánh trong nhiệt độ phòng một thời gian. Điều thú vị ở bánh dẻo lạnh là phải ăn lạnh nên hương vị đặc biệt hơn hẳn, vị bánh cũng bớt ngọt hơn lại hòa tan trong cái man mát vẫn còn vương lại sau khi lấy khỏi tủ lạnh.
Don là một món ăn đồng thời cũng là tên gọi của một loài động vật thuộc họ hến sống ở vùng nước lợ sông Trà Khúc và sông Vệ, tỉnh Quảng Ngãi, Trung Bộ Việt Nam. Loài này được bình dân khai thác từ lâu đời để chế biến thành nhiều món ăn. Con don tựa như hến, có vỏ hình quả trám, mỏng, sắc vàng đậm, dài tối đa khoảng 2 cm. Ở vùng đầm An Khê don có màu đen, còn được gọi là con déc. Sau khi rửa sạch bùn đất người ta đổ don vào nước sôi. Khi don chín đãi lấy ruột, thêm vào các loại gia vị. Lúc ăn còn thêm hành lá, hành tây, bánh tráng sống hoặc chín và ít ớt xiêm xanh. Có lẽ trong quá trình chung sống với người Chăm cổ, người Việt đã kế thừa món ăn từ don của người bản địa.Ngoài ra, ruột don còn được nấu canh rau cải, rau muống để ăn với cơm. Có khi người ta dùng ruột don đem xào với hành tây. Ngày trước ở Vạn Tượng là nơi bán don ngon nổi tiếng. Ngày nay don được bán ở hầu hết các nơi trong tỉnh, nhưng nổi tiếng nhất là don ở Cổ Lũy (Nghĩa Phú), Nghĩa Hòa, Nghĩa Hiệp. Ngoài việc bán tại chỗ, ngay nay người ta còn dùng đá ướp don chở vào Thành phố Hồ Chí Minh để bán. Nói về nghề bán don, hiện nay người Quảng Ngãi còn truyền tụng các câu ca: hoặc:
Kẹo là loại thực phẩm ở dạng viên, thỏi có chứa thành phần chính là đường ăn. Từ này cũng được gọi chung là bánh mứt kẹo, bao hàm bất kỳ loại kẹo ngọt nào, gồm sô-cô-la, kẹo cao su và kẹo đường. Rau quả, các loại hạt mà được lên men và phủ đường được gọi là kẹo hoa quả. Về cấu tạo, đặc trưng của kẹo là chứa hàm lượng đường đáng kể hoặc kẹo không chứa đường thì sử dụng chất thay thể đường. Không giống như bánh kem hay bánh mì có thể chia sẻ cho nhiều người, kẹo thường được làm thành những miếng nhỏ hơn. Tuy nhiên, định nghĩa về kẹo còn phụ thuộc vào cách mọi người sử dụng. Khác với các món bánh ngọt được phục vụ vào bữa tráng miệng cuối mỗi bữa ăn, kẹo thì có ăn một cách ngẫu nhiên vào bất cứ lúc nào, dùng tay, như món ăn vặt giữa bữa ăn. Mỗi nền văn hóa có định nghĩa riêng về kẹo chứ không phải là món tráng miệng. Có thể cùng một món ăn nhưng ở nền văn hóa này coi là kẹo nhưng ở nơi khác lại là món tráng miệng. Giữa thế kỷ thứ 6 và thứ 4 trước Công nguyên, người Ba Tư, tiếp theo là người La Mã phát hiện thấy người ở Ấn Độ có những "chiếc khuôn dùng để sản xuất mật ong mà không cần ong". Họ tiếp thu và truyền bá ngành nông nghiệp mía đường.Cây mía có xuất xứ từ vùng nhiệt đới Nam Á và Đông Nam Á, trong đó từ đường có nguồn gốc trong từ tiếng Phạn là Sharkara. Những mẩu đường được sản xuất bằng các đun sôi nước mía ép ở Ấn Độ cổ đại và được dùng làm Khanda, tên gọi ban đầu của kẹo.Trước khi biết đến đường, kẹo được làm từ mật ong. Mật ong được sử dụng ở Trung Quốc cổ, Trung Đông, Ai Cập, Hy Lạp và Đế quốc La Mã dùng để phủ ngoài trái cây và hoa, bảo quản chúng hoặc tạo ra các loại kẹo. Kẹo vẫn còn sử dụng với cách thức đó cho đến ngày nay, dù bây giờ nó thường coi là một kiểu trang trí với bánh kem nhiều hơn. Kẹo là sản phẩm thực phẩm ngọt. Các loại kẹo chứa đường bao gồm kẹo cứng, kẹo mềm, kẹo caramel, kẹo dẻo, kẹo bơ cứng và các loại kẹo khác mà chứa thành phần chủ yếu là đường. Về mặt thương mại, kẹo chứa đường được thành nhiều nhóm tùy theo lượng đường và cấu tạo của chúng. Sự khác nhau giữa các loại kẹo Sô-cô-la đôi khi được coi là một nhánh riêng biệt của bánh kẹo. Theo khuôn mẫu này, kẹo sô-cô-la là những thanh kẹo sô-cô-là và những viên kẹo sô-cô-la truffle (loại kẹo chocolate có nhân mềm bên trong và lớp vỏ cứng bên ngoài). Sô-cô-la nóng và những đồ uống là từ ca cao bị loạt trừ như kẹo là từ sô-cô-la trắng. Tuy nhiên, khi coi sô-cô-la là một nhánh riêng biệt, nó cũng bao gồm các loại được phân ra không khó khăn, không hẳn là kẹo mà cũng không hoàn toàn là những món nướng như đồ ăn nhúng sô-cô-la, bánh tart nhân hoa quả có vỏ ngoài là sô-cô-la và bánh quy phủ sô-cô-la. So sánh các loại sô-cô la Kẹo có thể chia làm các loại kết tinh và không kết tinh. Kẹo không kết tinh thì có tính đồng nhất và có thể mềm hay cứng như kẹo cứng, kẹo caramel, kẹo cà phê, kẹo nuga. Kẹo kết tinh kết hợp nhiều tinh thể bên trong cấu tạo của chúng, chứa nhiều kem, tan trong miệng hay dễ nhai gồm fondant và kẹo mềm fudge.
Mắm cáy là loại mắm làm từ con cáy, một loại cua nhỏ sống chủ yếu ở vùng duyên hải Việt Nam. Mắm cáy có màu nâu đỏ, hương vị đặc trưng, là món ăn dân dã của vùng duyên hải đồng bằng Bắc Bộ. Nhiều địa phương miền bắc Việt Nam nổi tiếng với loại mắm này như Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Thái Bình,, Hà Nam, Phú Thọ... được đánh giá là một nét độc đáo của ẩm thực Việt Nam. Mắm cáy trong người ta chỉ chế biến cáy sơ, làm sạch và ủ với muối trong các chum lớn, thời gian ủ kéo dài hàng năm, nước mắm trong suốt, có màu vàng cánh kiến đặc trưng. Mắm cáy xổi làm từ cáy sau khi được làm sạch, để ráo nước, lột yếm, bóc trứng, người ta xay hoặc giã cáy cho thật nhuyễn trong cối đá, rồi trộn muối (theo tỉ lệ 3 bơ cáy - 1 bơ muối), bóp kỹ. Sau đó, cho vào lọ sành hay chum vại, ủ kín ở nơi khô ráo thoáng mát, tránh để ruồi nhặng bâu hay nước mưa lẫn vào mắm. Khoảng mươi ngày sau, đem lọ mắm ra phơi. Ban ngày phơi nắng, ban đêm phơi sương, phơi chừng một tuần thì ngấu. Khi ngấu, người ta trộn thêm thính gạo và một ít men rượu loại ngon. Men rượu có tác dụng khử mùi hôi của cáy và tạo mùi thơm cho mắm cáy. Mắm cáy có thể sử dụng để nêm nếm vào canh nấu với 1 trong các loại rau cải hoặc hòa mắm với tỏi ớt bằm nhuyễn, bột ngọt, nước chanh quậy tan đều dùng để chấm các món động vật và thực vật luộc, hay món gỏi, dưa chua hoặc có thể ăn trực tiếp với cơm. Phổ biến nhất là: Chấm rau, củ quả luộc: cách sử dụng phổ biến nhất của mắm cáy là dùng làm nước chấm cho các loại sau củ quả luộc như (rau muống, rau khoai lang, rau dền,...), dưa muối, cà muối chấm mắm cáy. Bún mắm cáy: Bún ăn với mắm cáy, thịt ba chỉ luộc, giò lụa, và ít rau kinh giới.
Trong ẩm thực Ý, ragù (tiếng Ý: [raˈɡu] từ tiếng Pháp: ragoût) là một loại nước xốt được làm từ thịt thường được phục vụ với pasta. Một xã hội của ẩm thực Ý, Accademia Italiana della Cucina, ghi lại một số công thức nấu ăn của ragù. Đặc điểm chung của các công thức nấu ăn là có chứa thịt và thực tế là tất cả đều là nước sốt cho mì ống. Điển hình nhất là ragù alla bolognese (Xốt Bolognese, được làm từ thịt bò bằm). Các loại khác là ragù alla napoletana (Neapolitan ragù, được làm bằng nhiều loại thịt lợn và thịt bò, có thể bao gồm xúc xích Ý), ragù alla barese (ragù Bari, đôi khi được làm từ thịt ngựa), ragù alla veneta (ragù ở vùng Veneto, ragù thịt vịt truyền thống không có cà chua). Về mặt từ nguyên, thuật ngữ này xuất phát từ tiếng Pháp (ragoût) và đạt đến khu vực Emilia-Romagna vào cuối thế kỷ 18, có lẽ sau xâm lược và chiếm đóng các vùng phía bắc đó của Napoléon Bonaparte vào năm 1796.Ragù đầu tiên làm nước sốt, ragù per i maccheroni, được ghi lại bởi Alberto Alvisi, đầu bếp của Giáo hoàng Pope Pius VII (vào thời điểm maccheroni là một thuật ngữ chung cho pasta, cả khô và tươi). Công thức đã được sao chép và xuất bản thành Il Ragù del Cardinale ('The Cardinal's Ragù'). Alvisi được truyền cảm hứng bởi sự nổi tiếng của từ tiếng Pháp ragoût, trở nên phổ biến ở Ý khi những người lính của Napoléon mang nó đến trong cuộc xâm lược của họ vào năm 1796. Những người Ý giàu có và quý tộc bị mê hoặc bởi văn hóa và ẩm thực Pháp, vì vậy họ vui vẻ nắm lấy cơ hội đưa các món ăn cổ điển của đất nước này như ragoût vào truyền thống ẩm thực của họ.Sau đầu những năm 1830, công thức nấu món ragù thường xuyên xuất hiện trong sách dạy nấu ăn của vùng Emilia-Romagna. Vào cuối thế kỷ 19, giá thịt chứng kiến ​​việc sử dụng nước sốt thịt trên mì ống dành riêng cho lễ thánh quan thầy cùng các ngày Chủ Nhật, và chỉ trong số các tầng lớp giàu có hơn của nước Ý mới thống nhất.Nghiên cứu độc lập của Kasper và De Vita chỉ ra rằng, trong khi ragù với mì ống đã trở nên phổ biến trong suốt thế kỷ 19, thì phần lớn nó chỉ được những người giàu có ăn. Tuy nhiên, những sự tiến bộ của công nghệ đi kèm với cuộc cách mạng công nghiệp vào cuối thế kỷ 19 đã khiến bột mì trở nên hợp túi tiền hơn đối với những người ít giàu có hơn. Việc các tầng lớp bình dân chấp nhận mì ống được mở rộng hơn nữa trong thời kỳ thịnh vượng kinh tế sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Theo De Vita, trước Thế chiến II, 80% dân số nông thôn Ý ăn chế độ dựa trên thực vật; mì ống được dành riêng cho những ngày lễ đặc biệt và sau đó thường được phục vụ trong súp đậu. Ở miền Bắc Ý, ragù thường sử dụng thịt băm nhỏ hoặc xay, nấu với rau củ xào trong một hỗn hợp lỏng, theo truyền thống bao gồm cà chua thanh lý, nhưng cũng tồn tại trong các phiên bản không có cà chua được gọi là ragù in bianco (ragù trắng). Các loại thịt có thể bao gồm một hoặc nhiều loại thịt bò, thịt gà, thịt lợn, vịt, ngỗng, thịt cừu, thịt cừu, thịt bê hoặc thú săn, kể cả thịt nội tạng của chúng. Các chất lỏng có thể được nấu thành nước cốt hoặc nước dùng, nước, rượu, sữa, kem hoặc cà chua, thường kết hợp với nhau. Nếu bao gồm cả cà chua, chúng thường bị hạn chế so với thịt, khiến nó trở thành món thịt hầm hơn là nước sốt cà chua có thêm thịt. Còn ở miền Nam Ý, ragù thường được chuẩn bị từ số lượng đáng kể lớn, toàn bộ phần thịt bò và thịt lợn được loại bỏ và có thể được phục vụ như một món ăn riêng biệt không có mì ống. Ví dụ về những món ăn này là ragù alla Napoletana (Neapolitan ragù) và carne al ragù.
Bánh mì bơ tỏi là một sản phẩm đồ ăn bao gồm bánh mì là nguyên liệu chính với tỏi và dầu ô liu hoặc bơ và được chế biến theo phương pháp nướng (nướng theo phương pháp thông thường hoặc là nướng trong lò vi sóng). Món ăn này thường được thực hiện bằng cách sử dụng một bánh mì dài trong đó sử dụng một phần bánh mì đã được thái lát rồi cho các gia vị vào và nhúng ngập vào dầu hoặc bơ. Bánh mì sau đó được nhồi bông thông qua việc bớt dầu và tỏi băm nhỏ trước khi nướng. Ngoài ra, bơ và bột tỏi được sử dụng để nhồi vào bánh mì hoặc bánh mì được cắt thành lát mỏng riêng để trang trí. Một số biến thể của bánh mì bơ tỏi thông dụng là gia vì được thêm các loại pho mát, thường mozzarella, Cheddar hoặc feta. Một số nhà hàng sử dụng bơ thay cho dầu ô liu (như ở Việt Nam nơi nguồn dầu Oliu không phong phú). Bánh mì bơ tỏi đã được xuất hiện trong thực đơn nhà hàng ở Hoa Kỳ kể từ năm 1947.
Gukhwappang là một thức ăn đường phố được bán ở Triều Tiên. Nó có hình dạng của một bông hoa.
Gyūdon (牛丼, Gyūdon có nghĩa là "bát thịt bò"), là món cơm với thịt bò của Nhật Bản. Thành phần chính gồm cơm đựng trong bát to và sâu, phía trên là thịt bò nấu với hành tây và nước sốt ngọt chế từ dashi (thường là loại dashi từ cá hoặc rong biển), xì dầu và mirin (cơm rượu ngọt). Gyūdon cũng thường được ăn chung với mì sợi shirataki, và đôi khi còn ăn chung với trứng gà sống. Đây là một món ăn rất phổ biến ở Nhật Bản. Các thức ăn kèm theo gyūdon gồm beni shōga (gừng muối), shichimi (ớt bột) và có thể kèm theo món canh miso (canh nấu từ tương). Gyū có nghĩa là "thịt bò" hay "bò", và don là viết tắt của donburi, trong tiếng Nhật là cái "bát". Có rất nhiều cửa hàng và chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh phục vụ món gyūdon. Các công ty bán gyūdon lớn nhất ở Nhật Bản là Yoshinoya và Sukiya. Một chuỗi nhà hàng lớn khác, Matsuya, bán gyūdon dưới cái tên gyūmeshi (牛めし, gyūmeshi).
Kumis (cũng được viết là kumiss, koumiss, kumys, tiếng Kazakh: қымыз, kymyz) là một sản phẩm sữa lên men thường được làm từ sữa ngựa. Thức uống này phổ biến với những người sinh sống tại các thảo nguyên Trung Á, như những người Kazakh, người Bashkir, người Kalmyk, người Kyrgyz, người Mông Cổ, và người Yakut. Kumis cũng hiện diện tại Colombia và một số vùng khác của Mỹ Latinh, nơi nó được làm từ sữa bò. Kumis hơn tương tự kefir. Thậm chí ở những nơi kumis phổ biến hiện nay, sữa ngựa được sử dụng rất hạn chế trong sản xuất hàng loạt. Ở sản xuất cấp độ công nghiệp, do đó, thường dùng sữa bò (giàu hơn về chất béo và protein so với sữa ngựa nhưng ít lactose hơn). Sữa ngựa được cho vào một cái túi da, rồi treo lên bên trái của cửa ra vào lều rồi mỗi ngày đảo và đánh nhiều lần cho lên men hoặc sau khi vắt sữa ra 1/3 thùng phi rồi ủ cho sữa lên men để bảo quản tốt hơn. Sữa không quá lỏng như sữa tươi nhưng cũng không quá cô đặc và sánh giống sữa chua. Người Mông Cổ có thói quen uống sữa ngựa, sữa dê. Sữa là thức ăn cơ bản của thảo dân Mông Cổ, thường được gọi là "thức ăn trắng". Sữa ngựa được lên men sẽ được gọi là "rượu", dùng vào mùa đông để chống rét. Sữa ngựa có thể dùng quanh năm nhưng nếu uống quá nhiều sẽ bị say như say rượu. Một con ngựa, mỗi lần vắt sữa có thể cho từ 0.5 lít đến 2 lít cho 1 lần vắt và cứ khoảng 3 giờ thì vắt một lần. Tùy theo thể trạng của từng con ngựa mà lượng sữa thu được nhiều hay ít.
Tart Manchester là một loại bánh tart nướng truyền thống của Anh, bao gồm một lớp vỏ pastry, phết mứt mâm xôi, phủ một lớp nhân sữa trứng và bên trên là các mảnh dừa nạo cùng một quả anh đào Maraschino. Một biến thể phổ biến có một lớp chuối thái lát mỏng bên dưới phần sữa trứng.Tart Manchester đã từng là một mặt hàng chủ lực trong thực đơn của các bữa tối ở trường học cho đến giữa những năm 1980. Ban đầu, nó là một biến thể của một công thức trước đó, bánh pudding Manchester, lần đầu tiên được ghi lại bởi nhà văn nấu ăn thời Victoria, Isabella Beeton.Tiệm bánh Robinson ở Failsworth tự quảng cáo là quê hương của bánh tart Manchester.Tart Manchester cũng được nhắc đến trong The Hanging Tree của Ben Aaronovitch vào năm 2017.
Tôm he Nhật Bản hay còn gọi là tôm kuruma, cũng còn gọi là tôm thẻ bông, tôm vằn Nhật hoặc tôm hùm Nhật (Danh pháp khoa học: Marsupenaeus japonicus) là một loài tôm trong Họ Tôm he sống tại vùng Ấn Độ Dương, Tây Thái Bình Dương và thi thoảng là ở vùng Địa Trung Hải. Đây là một loài tôm có giá trị kinh tế và được khai thác ở Nhật Bản. Nhìn chung, loài tôm này phân bố rộng rãi trên thế giới chẳng hạn như ở Đông Phi, Hồng Hải, Ấn Độ, Triều Tiên, Nhật Bản, Malaixia, Philippin, Trung Quốc, ở ven biển Việt Nam, có nhiều ở vịnh Bắc bộ và ven biển miền Trung Việt Nam. Phân bố từ đầm vịnh có độ sâu vài mét tới vùng biển sâu 100m, nhưng khá nhiều ở vùng biển từ 5 - 15m, đáy cát bùn. Thích ứng với độ mặn tương đối cao 28 - 35%o và xuất hiện trong các đầm phá vào mùa khô. Là loài tôm có kích thước lớn, chiều dài từ 10 – 16 cm, nặng khoảng 70gam. Thân chúng màu nâu sáng, mặt vỏ có hoa vân ngang màu xanh lơ hoặc xám nhạt, vỏ đầu ngực có các vòng màu nâu tối, vàng nhạt và cam xen kẽ. Chân bơi và chân bò màu vàng viền đỏ, giữa nhánh đuôi có màu nâu, phần sau màu lục, viền lông màu hồng. Chân bò dày đặc các lông màu lam. Năm đôi chân bò đều có nhánh ngoài. Chuỷ có hướng chúc xuống, đoạn nhọn cuối chuỷ hơi cong lên, bằng hoặc ngắn hơn râu thứ nhất, mép trên có 8 - 11 răng, phần nhọn không có răng, mép dưới có 1 - 2 răng. Gờ sau chuỷ dài đến mép sau vỏ đầu ngực, có rãnh giữa rất sâu kéo dài tới cuối gờ. Gờ bên chuỷ song song với gờ sau chuỷ, rãnh bên chuỷ hơi hẹp hơn gờ sau chuỷ trán. Gờ gan rõ ràng, mặt lưng có rãnh dọc sâu, hai bên có 3 đôi gai lay động. Thức ăn thay đổi theo giai đoạn phát triển, thời kỳ ấu trùng chủ yếu ăn các loài vi to, khi lớn chủ yếu ăn sinh vật đáy, có ăn kèm một số thực vật và động vật nổi. Mùa vụ sinh sản từ tháng 10 đến tháng 3 - 4 năm sau, các tháng khác cũng có thể bắt gặp số ít cá thể thành thục. Khác với các loài trong giống này, trong túi nhận tinh là một túi rỗng, sau khi thụ tinh, có thể thấy ở miệng túi nhận tinh có một phiến sừng hoá. Con cái có thể đẻ đến 700,000 trứng.
Cơm nếp, trong ẩm thực Việt Nam, là một loại cơm được nấu bằng gạo nếp, nhưng khác với xôi chủ yếu ở phương thức nấu trực tiếp trong nước thay vì làm chín bằng hơi nước. Cơm nếp có thể được nấu dưới dạng cơm trắng đơn thuần chỉ từ gạo nếp các loại (nếp cái hoa vàng, nếp lứt, nếp sột soạt, nếp ba trăng, nếp nương, nếp cẩm hay còn gọi là nếp than, nếp lứt chưa giã bỏ cám v.v.), nước, một chút muối, tuy cũng thường thấy cơm nếp được nấu với một số nguyên liệu khác trong sự phối trộn tương tự cách làm xôi (như lạc, ngô nếp, đậu đen, đậu xanh). Đặc biệt hơn xôi, rất nhiều loại cơm nếp được nấu trong nước luộc gà (còn gọi là nước xuýt), nước ninh xương, nước luộc thịt, nước cốt dừa, nước dừa, nước lèo v.v. Cơm nếp được nấu/thổi gần tương tự như cơm tẻ, hay cơm nói chung, tuy có yêu cầu nghiêm ngặt hơn về sự chú ý đến tỷ lệ nước và gạo để cơm không bị nát. Trong các nồi nấu cơm bằng kim loại hay đất nung theo kiểu truyền thống, cơm được thực hiện bằng cách đun nước sôi, cho gạo nếp không ngâm mà vo sạch vào nồi, chờ một lúc nồi cơm sôi lại lập tức chắt bỏ cạn hoàn toàn phần nước còn dư trong nồi, khác biệt với cách nấu cơm tẻ vẫn phải để lại một lượng nước vừa phải nếu không cơm sẽ bị khô, khó chín. Hạ nhỏ lửa ủ đến khi thấy cơm thơm, chín dẻo. Với nồi cơm điện, cơm nếp thường được nấu bằng cách cho gạo đã vo sạch vào nồi, đổ nước sôi xăm xắp bề mặt gạo và bật điện, thực hiện nấu như các loại cơm thông thường. Cơm nếp thường: chỉ đơn thuần nấu gạo nếp trong nước trắng, có thể pha trộn với một chút muối cho thành phẩm khi ăn đỡ bị ngán. Cơm nếp bát bửu: kết hợp nhiều loại thực phẩm như thịt gà, nấm đông cô, củ năng, lạp xường, thịt xá xíu, đậu Hà Lan, cà rốt, hột điều; các gia vị và phụ gia khác như lòng trắng trứng gà, dầu mè, rượu trắng, nước lèo, ớt, ngò, nước tương v.v. được sử dụng để chế biến các thực phẩm kết hợp nói trên. Cơm được nấu với nước lèo cho chín. Thịt gà, nấm đông cô, củ năng, hột điều v.v. tất cả đều xắt hạt lựu cho vào xào nhanh trong chảo với hành, tỏi phi và mỡ nước. Trộn cơm với thực phẩm đã xào và ém mặt cơm cho chặt trên đĩa, phết lòng trắng trứng gà lên và bỏ lò nướng vàng. Cơm nếp cuộn lá chuối: nấu gạo nếp trong nước cốt dừa, gói trong lá chuối. Làm nước chấm cơm bằng tôm nõn khô giã nhuyễn phi trong chảo hành, tỏi, sả, mỡ cho thơm, nêm mắm ruốc và chút đường xào quện với nhau. Cơm gà: lấy nước dừa nấu cơm, khi cơm sôi cho cơm dừa xắt/nạo nhỏ vào, cơm cạn gia thịt gà xắt nhỏ đã được tẩm ướp gia vị, dầu ăn, hành khô, đảo đều một lượt và để nhỏ lửa cho thành phẩm chín đều. Cơm nếp đáp ứng nhu cầu chế biến nhanh, đơn giản và tiện lợi hơn làm xôi, có thể dùng trong bữa ăn như một loại cơm thông thường tuy rằng thực khách ít nhiều có thể bị ngán, đầy bụng khó tiêu nếu ăn quá nhiều. Đây cũng là một phương thức chế biến gạo nếp để làm nguyên liệu cho các món rượu nếp cái, bánh xuân cầu, cơm cháy v.v. Cơm nếp cũng là một thực phẩm chức năng khá tốt để phòng ngừa và chữa trị một số bệnh, như bệnh đau dạ dày, nó cũng được giã nát với gà nhép để đắp, bó nơi xương bị gãy v.v.
Sorbet là một món tráng miệng đông lạnh được làm từ nước ngọt có hương liệu (thường là nước quả hoặc quả purée, rượu vang (wine), rượu mùi (liqueur), hoặc mật ong). Từ sherbet du nhập vào tiếng Ý như sorbetto sau này trở thành sorbet bằng tiếng Pháp. Đề cập đầu tiên của phương Tây về sherbet là một tài liệu tham khảo của Ý về một thứ mà người Thổ Nhĩ Kỳ uống. Vào thế kỷ XVII, Anh bắt đầu nhập khẩu "bột sherbet" từ Đế chế Ottoman được làm từ hoa quả khô và hoa trộn với đường. Đến năm 1662, một quán cà phê ở Luân Đôn quảng cáo sự sẵn có của "những sherbet được sản xuất trong Turkie của Lemons, Roses và Violets có mùi hương (perfumed)". Năm 1670, Café Procope khai trương tại Paris và bắt đầu bán sorbet. Khi người châu Âu tìm ra cách để đóng băng sherbet họ bắt đầu làm sorbetto bằng cách thêm nước ép quả và hương liệu vào một cơ sở siro đơn giản đông lạnh. Trong sherbet của Mỹ thường có nghĩa là một sữa đá, nhưng công thức nấu ăn từ hướng dẫn sử dụng thùng hơi chứa nước soda (soda fountain) ban đầu (early) bao gồm các thành phần như gelatin, lòng trắng trứng, kem hoặc sữa đánh.Agraz là một loại sorbet thường được kết hợp với Maghreb và bắc Phi. Nó được làm từ hạnh nhân, verjuice, và đường. Nó có một hương vị chua mạnh mẽ, bởi vì verjuice. Givré, tiếng Pháp cho "mờ sương đục" (frosted), là thuật ngữ cho một sorbet phục vụ trong một vỏ dừa đông lạnh hoặc vỏ quả, chẳng hạn như vỏ chanh. Giống như các granita (một loại đá bào hương vị trái cây thanh mát xuất xứ từ Ý) và các loại đá khác, sorbet có thể được sản xuất mà không cần một máy làm kem (maker). Rượu, mật ong hoặc siro ngô có thể được thêm vào để làm giảm điểm đông và làm cho sorbets mềm hơn. Sorbet rượu vang sủi bọt (mulled wine) có thể được làm bằng rượu vang đỏ, cam, chanh, các loại gia vị nghiền, rượu vang Port (ruby Port) ​​và lòng trắng trứng. Sorbet Muscat được làm bằng rượu tráng miệng, nước cốt chanh và lòng trắng trứng. == Tham khảo ==
Chiên ngập dầu là một phương pháp nấu thực phẩm bằng cách đặt nó trong lượng lớn chất béo nóng (dầu hoặc mỡ). Phương pháp này làm chín thực phẩm rất nhanh chóng. Nếu làm tốt, chiên ngập dầu không làm cho thức ăn quá béo ngậy, bởi vì độ ẩm làm phần bên trong thực phẩm không thấm dầu. Dầu nóng đun nóng nước trong thực phẩm, hấp nó từ trong ra. Hơi nước đẩy bong bóng và nước từ trong ra về phía bề mặt thực phẩm ngăn cản sự xâm nhập của dầu từ ngoài vào. Miễn là dầu nóng và thực phẩm không bỏ trong dầu quá lâu, dầu sẽ chỉ nhập vào bề mặt của thực phẩm. Tuy nhiên, nếu thức ăn được nấu chín trong dầu quá lâu, nhiều nước sẽ bị mất và dầu sẽ bắt đầu thâm nhập vào trong thực phẩm. Nhiệt độ chiên chính xác phụ thuộc vào độ dày và loại thực phẩm, nhưng thường là từ 175 đến 190 °C (345-375 °F). Một số loại thực phẩm chiên được bọc một lớp phủ giòn trước khi chiên để bên ngoài thực phẩm giòn vàng, trong khi bên trong trở nên mềm và ẩm. Một số thực phẩm như khoai tây, gia cầm trên toàn bộ bề mặt đã có một lớp phủ tự nhiên và không yêu cầu lăn bột. Dầu quá nóng hoặc qua sử dụng chiên nhiều lần dẫn đến sự hình thành các sản phẩm của quá trình oxy hóa, trùng hợp, và các hợp chất khác gây hại sức khoẻ, không mong muốn hoặc thậm chí độc hại như acrylamide (từ các loại thực phẩm giàu tinh bột). Chiên ngập dầu trong chân không giúp làm giảm đáng kể hình thành acrylamide, nhưng quá trình này không được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp thực phẩm do chi phí đầu tư cao. Một số biểu hiện hữu ích và các dấu hiệu suy thoái dầu quá mức như sau: Bằng cảm giác: Thẫm màu, tạo bọt, khói dày lên, hương vị bị ôi và mùi khó chịu khi dầu nóng. Trong phòng thí nghiệm: Độ chua, giá trị anisidine, độ nhớt, tổng số hợp chất phân cực, cao phân tử chất béo trung tính.Các công cụ cho biết tổng số các hợp chất phân cực, hiện đang là thước đo tốt nhất có sẵn với độ chính xác đủ cho nhà hàng và ngành công nghiệp sử dụng kiểm tra dầu chiên khi chiên ngập dầu. Chiên ngập dầu rất tốn dầu. Loại bỏ dầu đúng cách có thể là một vấn đề. Hiện nay, dầu thải ngày càng được tái chế thành dầu diesel sinh học. Một số mỡ chiên chứa chất béo cấu hình trans. Dầu ăn cũng có thể bắt lửa nếu nó được sử dụng ở nhiệt độ quá cao. Dập tắt một ngọn lửa dầu đang cháy bằng nước làm cho đám cháy trở nên tệ hại hơn, thậm chí có thể tạo cột lửa rất mạnh có thể bốc cao 30-foot (9.1 m) trong điều kiện thử nghiệm, gây hoả hoạn nghiêm trọng . Thay vào đó, cháy dầu phải được chữa với một bình chữa cháy hoặc cách ly không khí. Chiên ngập dầu được các nhà khoa học về dinh dưỡng khuyến cáo không nên ăn quá thường xuyên vì trong đồ chiên ngập dầu thường chứa nhiều dầu mỡ gây ra các vấn đề về tim mạch và bệnh béo phì vì 1g dầu thường chứa đến 9 kcal và khi bị béo phì thì thường phải đối mặt với nguy cơ bị những bệnh về tim mạch hoặc tiểu đường cao hơn rất nhiều so với người bình thường, theo một nghiên cứu của trường y tế công cộng Havard, những người ăn thực phẩm chiên 4-6 lần/ tuần tăng 39% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 và tăng 23% nguy cơ mắc bệnh mạch vành so với người bình thường ăn quá nhiều đồ chiên rán nói chung và rất nhiều hệ lụi và tác hại lâu dài đối với sức khỏe của con người. Mặc dù phương pháp chiên ngập dầu mang lại nhiều nguy cơ cũng như hệ lụy lâu dài cho sức khỏe của con người nhưng cũng không thể phủ nhận rằng phương pháp này là phương pháp nấu ăn được ưa chuộng nhất trên thế giới cụ thể là những cửa hàng ăn nhanh của McDonald's hay KFC và nền công nghiệp thức ăn nhanh cũng như hương vị của nó mang lại cho thực khách sau đây là một số cách để giảm thiểu nguy cơ tiềm ẩn về sức khỏe mà phương pháp này gây ra. Không dùng dầu chiên đi chiên lại. Trong dầu thực vật thường chứa rất nhiều chất béo axit no bị phân hủy ở nhiệt độ cao, vì thế không nên sử dụng dầu chiên đi chiên lại ở nhiều lần ở Việt Nam các hàng quá vỉa hè như: bánh rán, quẩy, bánh ngô, bánh khoai.... thường xuyên dùng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần vì tiết kiệm chi phí đặc điểm của các loại dầu này thường có màu nâu đen và bốc mùi khó chịu đặc biệt trong dầu chiên đi chiên lại nhiều lần ở nhiệt độ cao sẽ sinh lượng lớn Aldehyde (andehit) - một chất hóa học gốc Ankan gây độc cho con người như các bệnh tim mạch, tiểu đường...... thậm chí là ung thư. Chọn đúng lượng giàu thực vật cần dùng. Trong một vài nghiên cứu gần đây các nhà khoa học đã chứng minh rằng dầu ngô và dầu hướng dương tạo ra lượng Aldehyde cao gấp 3 lần nếu so với đun nóng cùng một lượng bơ, vì trong dầu gốc từ các loại hạt hoặc dầu được sản xuất công nghiệp thường chứa một lượng lớn chất béo bão hòa cũng như là tỉ lệ rất cao Omega 6 và Omega 3 và 4% chất béo chuyển hóa độc hại như: Dầu đậu nành. Dầu ngô. Dầu hạt cải. Dầu hạt bông. Dầu cây rum. Dầu cám gạo. Dầu hạt nho. Dầu hướng dương. Dầu mè.Dùng các loại dầu này để chiên ở nhiệt độ cao sẽ có thể tạo ra một lượng lớn axit béo bị oxy hóa và các hợp chất có hại. Vì vậy nếu chiên ngập dầu chúng ta nên sử dụng những loại dầu có điểm bốc khói cao và chứa nhiều chất béo bão hòa cũng như là không phản ứng với oxy khi đun nóng ví dụ như: Dầu dừa Mỡ lợn, bơ thực vật hoặc các loại mỡ từ gốc động vật. Dầu oilve. Dầu quả bơ. Dầu đậu phộng. Dầu cọ.
Bánh chuối hấp là một món ăn vặt của miền Nam (Việt Nam) hấp dẫn được nhiều thực khách. Bánh chuối ngon dẻo được phủ lớp nước cốt dừa béo có một chút ít vị mặn vì vậy tuy là một món ăn ngọt nhưng lại không ngán, lại rắc một ít đậu phộng rang nghiền mịn và những hạt vừng vàng thơm đem lại sự hòa quyện và mùi vị. Chuối sứ: chọn những quả chuối chín vừa, to, dài, tròn mập, màu vàng phủ đều trái. Dừa khô: chọn những quả dừa màu sậm, nặng. Sau đó rửa sạch, loại bỏ phần xơ dừa bên ngoài của trái dừa. Chặt làm đôi và nạo nhỏ để trong thau. Bột năng: dừng để tạo độ sánh đặc. Bột gạo. Đường cát vàng. Đậu phộng. Vừng. Ống vani. Muối. Ít bột báng và mè trắng.
Jasus edwardsii là một loài tôm rồng được tìm thấy trên khắp các vùng ven biển của miền nam Australia và New Zealand bao gồm cả quần đảo Chatham. Loài này thường được gọi là crayfish hoặc cray ở New Zealand và Koura tiếng Maori. Chúng như tôm hùm, nhưng thiếu càng lớn đặc trưng lớn trên các cặp chân đi bộ đầu tiên. Loài tôm hùm đá gai này là loài ăn thịt, rời hốc đá nơi trú ẩn để kiếm thức ăn vào ban đêm. Chúng sinh sống trong và xung quanh các rạn san hô ở độ sâu khác nhau, 5–200 m (16–660 ft) sâu ở thềm lục địa. == Chú thích ==
Cá khoai (danh pháp hai phần: Harpadon nehereus) là một loài cá biển thuộc họ Synodontidae. Loài cá này là loài bản địa vùng nước từ Mumbai đến biển Ả Rập và một số lượng nhỏ cũng được tìm thấy ở vịnh Bengal. Số lượng lớn cũng hiện diện ở Biển Đông. Loài này được đánh bắt để tiêu thụ. Năm 1997, EU hạn chế nhập loài cá này do không rõ về tình trạng vệ sinh dịch tễ. Ở Việt Nam, cá này xuất hiện vào tháng 10 đến tháng 2 năm sau, Tập trung chủ yếu dọc ven biển Duyên hải Miền Trung.
Hủ tiếu sa tế là món hủ tiếu nguồn gốc từ Triều Châu, là món ăn chỉ được lưu truyền trong cộng đồng người Tiều. Không ai biết chính xác món ăn này có nguồn gốc từ đâu, nên cũng có người bảo nó là sự kết hợp ẩm thực của người Hoa và người Chà Và (Java). Điểm đặc trưng của món ăn này chính là bánh hủ tiếu có màu trắng đục, bản to như bánh phở của người Bắc nhưng nước dùng có màu vàng, sánh và thoang thoảng hương thơm. Nước dùng tạo nên hương vị cho món ăn khi nó không giống các loại nước dùng khác. Hủ tiếu sa tế được nấu chung với thịt bò tươi hồng, lòng bò, dưa leo, giá sống trắng muốt, rau quế, lá ngò gai, chanh... Nước dùng của hủ tiếu sa tế có gần 20 gia vị như tỏi, hành tím, gừng, sả, đại hồi, tiểu hồi, quế, ớt khô, bột ớt, vừng rang, đậu phộng... tạo nên một hương vị đầy đủ vị béo, mặn, chay, chua, ngọt, cay đậm đà. Đặc biệt là mùi thơm của sa tế cay nồng với mùi đậu phộng béo ngậy. Hủ tiếu sa tế đã thịnh hành tại Sài Gòn từ những năm 60, đặc biệt là tại Quận 5, và được ưa chuộng không khác gì hủ tiếu Nam Vang, hủ tiếu Mỹ Tho, hủ tiếu Sa Đéc tại Sài Gòn vào thời ấy. Ngày nay vẫn còn nhiều quán hủ tiếu sa tế tại đó có thâm niên hơn 50 năm, như quán Quảng Kỳ tại Chợ Lớn, do ông Tiết Chân Quảng lập nên từ xưa. == Chú thích ==
Kem lạnh (tiếng Anh: ice-cream) hay kem, hay còn gọi là cà rem (hoặc cà lem) (thường ở dạng kem que) là một loại thực phẩm đông lạnh, món ngọt thường dùng làm món ăn nhẹ hoặc món tráng miệng. Món này có thể được làm từ sữa hoặc kem và có hương vị với chất làm ngọt, đường hoặc chất tạo hương thay thế hoặc các phụ gia thực phẩm khác, chẳng hạn như ca cao hoặc vani. Chất tạo màu thường được thêm vào, ngoài các chất ổn định. Hỗn hợp làm kem được khuấy trộn để kết hợp các không gian không khí và làm mát dưới điểm đóng băng của nước để ngăn không cho tinh thể băng phát hiện được, tạo được thành phẩm là bọt mịn, bán rắn, rắn ở nhiệt độ rất thấp (dưới 2 °C hoặc 35 °F). Hỗn hợp trở nên dễ tạo hình hơn khi nhiệt độ tăng lên. Trong tiếng Việt, kem lạnh còn được gọi là cà rem (bắt nguồn từ tiếng Pháp: crème). hay cà lem. Tại Hồng Kông và Ma Cao thường được gọi là tuyết cao (雪糕), còn Singapore và Đài Loan thường được gọi băng kỳ lâm (冰淇淋, phiên âm từ tiếng Anh "ice cream"), hai món này được bán rộng rãi nhưng khác nhau.Ý nghĩa của từ tiếng Anh "ice cream" thay đổi theo từng quốc gia. Các tên gọi như "kem trứng đông lạnh", "sữa chua đông lạnh", "sorbet","gelato" và những cái tên khác được sử dụng để phân biệt các loại và kiểu khác nhau. Tại một số nước như Hoa Kỳ, "ice cream" chỉ áp dụng cho một loại cụ thể và hầu hết các chính phủ quy định việc sử dụng thương mại các thuật ngữ khác nhau theo số lượng tương đối của các thành phần chính, đáng chú ý là lượng kem. Theo Đạo luật Liên bang Thực phẩm, Dược phẩm và Mỹ phẩm Hoa Kỳ quy định hàm lượng chất béo sữa trong kem ít nhất là 10% trọng lượng. Các sản phẩm không đáp ứng các tiêu chí để được gọi là kem đôi khi được dán nhãn "món tráng miệng đông lạnh làm từ sữa" (frozen dairy dessert).Ở các quốc gia khác như Ý và Argentina, một từ được sử dụng cho tất cả các biến thể. Các sản phẩm thay thế tương tự sữa như sữa dê hoặc sữa cừu, hoặc các nguyên liệu thay thế sữa (ví dụ: đậu nành, hạt điều, dừa, sữa hạnh nhân hoặc đậu phụ) đáp ứng những người dị ứng lactose, dị ứng với protein trong sữa hoặc chế độ ăn thuần chay. Kem lạnh được phục vụ thành nhiều món ăn, có thể dùng thìa hoặc liếm từ kem ốc quế. Ngoài ra cũng có thể chế biến làm bánh táo, hoặc là một thành phần trong cốc soda kem hoặc float kem, kem mứt trái cây (sundae), sữa lắc, bánh kem lạnh và thậm chí các món nướng như bánh kem lạnh nướng Alaska với phần trứng đường meringue phủ lên trên. == Tham khảo ==
Tóp mỡ (hoặc Tép mỡ) là món ăn dân dã được chế biến từ những miếng thịt, chủ yếu là thịt mỡ được thái nhỏ vụn từng miếng nhỏ, tóp mỡ hình thành từ mỡ lợn thái miếng chiên lên, thái nhỏ ra và thắng cho kiệt nước, phần nước mỡ cất vào lọ dùng dần để chế biến các món xào, nấu, phần tóp mỡ khô quắt còn lại thường được tận dụng làm món ăn với cơm hoặc dùng với các món khác như bún ốc. Miếng tóp mỡ ngon phải còn chút thịt nạc dính vào để "trung hòa" độ béo, lại tăng độ giòn rụm. Ngoài việc là món ăn ngon, tóp mỡ cũng là một loại thực phẩm thông dụng trong thời bao cấp, lý do là nó là một trong những thực phẩm dùng thay thế cho dầu và thịt, những "xa xỉ phẩm" thời kỳ đó. Một điều đáng chú ý là tóp mỡ là món ăn vặt được nhiều người ưa chuộng không phải vì vị ngon mà vì vấn đề sức khỏe. Theo một số ý kiến, tóp mỡ có hàm lượng chất đạm rất cao (70%) cũng như hàm lượng cacbohydrat và chất béo thấp hơn rất nhiều so với các món quà vặt thông dụng khác (khoai tây chiên hay bánh biscuit). Chất béo của tóp mỡ cũng được cho rằng ít nguy hại hơn nhiều người nghĩ, vì chủ yếu chúng là chất béo không no, phần chất béo no chủ yếu là các chất béo "vô hại" vì chúng không làm tăng hàm lượng cholesterol. Tỉ lệ dinh dưỡng này khiến nó là thức ăn vặt lý tưởng cho những người đang thực hiện ăn kiêng theo khẩu phần nhiều đạm và ít cacbonhydrat (tỉ như khẩu phần Atkins).Tuy nhiên cũng có những ý kiến cho rằng việc tiêu thụ nhiều tóp mỡ thực chất là gây hại cho sức khỏe vì tóp mỡ chứa quá nhiều chất béo và cung cấp một lượng lớn calori. Theo Hội đồng Thông tin Thực phẩm Quốc tế ở Washington DC, điều này có thể dẫn đến các bệnh về tim, thận, gout và loãng xương. Jeanne Goldberg, Giám đốc Trung tâm Thông tin Dinh dưỡng tại Đại học Tufts ở Medford, Massachusetts nhận xét rằng tóp mỡ là một món ăn chóng gây chán, và khi người dùng chán tóp mỡ và quay về với thói quen ăn uống cũ, họ lại tăng cân rất nhanh. Tóp mỡ trên thị trường cũng có thể lẫn những loại không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn vệ sinh. == Chú thích ==
Kaasstengels, Kastengel hoặc kue keju là một loại bánh quy pho mát Hà Lan-Indonesia trong dạng que, thường được tìm thấy ở Hà Lan và Indonesia. Tên gọi mô tả nguyên liệu của nó; kaas là từ tiếng Hà Lan cho "pho mát", trong khi stengels nghĩa là "que". Không giống như bánh quy, kaasstengels có vị đậm đà và mặn thay vì ngọt. Ở Indonesia, do đã từng là thuộc địa của Hà Lan, kaasstengels, cùng với nastar , và kue putri salju là kue kering (kue khô hoặc bánh quy) phổ biến trong dịp lễ hội như Natal (Giáng Sinh) và Lebaran (Eid al Fitr).
Kẹo lạc (phương ngữ miền Nam gọi là kẹo đậu phộng hay kẹo thèo lèo) là một nhóm các loại kẹo truyền thống của các nước Châu Âu, Châu Mỹ và một số dân tộc ở châu Á làm từ lạc rang, đường mía hoặc đường thốt nốt hay siro cây phong, siro ngô. Ở Quảng Ngãi, món kẹo này được gọi là kẹo gương. Nguồn gốc của kẹo lạc có thể là từ kẹo hạt ngũ cốc brittle - là một loại kẹo bao gồm những miếng kẹo đường cứng dễ bẻ vỡ được nhúng với các loại hạt như quả hồ trăn, hạnh nhân, hạt điều hoặc lạc (đậu phộng), hạt hướng dương, hạt mắc ca, hạt óc chó và hạt bí; được các nước Châu Âu và Châu Mỹ sản xuất trước đó. Nó có nhiều biến thể trên khắp thế giới, chẳng hạn như pasteli ở Hy Lạp;croquant ở Pháp, gozinaki ở Georgia, gajak ở Ấn Độ bang Punjab,kotkoti ở Bangladesh.Ở các vùng của Trung Đông, kẹo brittle được làm bằng quả hồ trăn và hạnh nhân , trong khi nhiều nước châu Á sử dụng vừng và lạc. Người Nga dùng hạt hướng dương để làm kẹo là phổ biến nhất (kozinak - козинаки). Kẹo lạc là công thức phổ biến nhất ở Mỹ (peanut brittle).Thuật ngữ brittle xuất hiện lần đầu tiên trong bản in năm 1892, mặc dù bản thân kẹo đã tồn tại lâu hơn nhiều. Với lịch sử của kẹo lạc Châu Á, nó phổ biến ở Ấn Độ với tên kẹo ngũ cốc chikki ; sau đó qua con đường tơ lụa tràn vào miền Nam Trung Quốc. Ở các nước Đài Loan và Hồng Kông, người ta cũng làm thứ kẹo lạc; sau đó được du nhập vào Việt Nam nhưng với hình thù và màu sắc khác với kẹo lạc ở Việt Nam, ở Nam Định gọi kẹo lạc là kẹo sìu châu và cũng không phổ biến như ở Việt Nam, ở vùng Nghệ Tĩnh còn có kẹo cu đơ. Người Thái có phiên bản kẹo lạc tên là Thua Tat (ถั่วตัด). Trung Quốc và Đài Loan gọi kẹo lạc là hoa sinh đường (tiếng Trung: 花生糖; bính âm: Huāshēng táng), thế mà hoa sinh đường hay Thua Tat có cả vị cay nồng của ớt thách thức khẩu vị của người ăn. Nhìn chung, cách chế biến kẹo lạc có những công đoạn chung giữa các vùng đó là: Rang lạc nhân chín tới, sát sạch vỏ và giã nhỏ Đun chảy đường mía hay đường thốt nốt hoặc siro làm từ cây phong hay ngô với mạch nha rồi cho lạc vào trộn đều. Một số nơi có thể cho thêm bơ lạc (đậu phộng) để có chút vị ngậy béo và mặn kích thích vị giác (chỉ ở các nước Châu Âu và Châu Mỹ). Đa phần kẹo lạc của Trung Quốc đều chứa phụ gia tạo màu và mùi. Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam luôn cho vừng (mè) vào trong quá trình làm kẹo lạc. Trung Quốc và Việt Nam có thêm kẹo lạc vừng đen. Đổ hỗn hợp trên ra phản gỗ có tráng mỡ hoặc bột nếp rang (chỉ ở Việt Nam) rồi dàn mỏng và phẳng. Cuối cùng là công đoạn cắt nhỏ thành từng chiếc kẹo. Có thể ngay khi kẹo còn đang nóng và chưa rắn lại thì dùng dao có phết mỡ để sắt. Hoặc, sau khi hỗn hợp nguội và rắn lại thì chặt ra thành từng miếng nhỏ. Kẹo cắt thành từng chiếc nhỏ rồi sẽ được rắc qua bột nếp cho thơm và quan trọng nhất là để cho đỡ dính vào nhau.Kẹo lạc ăn giòn, bùi, ngọt. Ở Việt Nam, kẹo lạc ở Nam Định (kẹo Sìu Châu) là một trong những thứ kẹo lạc được nhiều người ưa thích nhất. Theo truyền thống của các nước Châu Âu và Châu Mỹ, hỗn hợp đường và nước được làm nóng đến giai đoạn nứt cứng tương ứng với nhiệt độ khoảng 300 ° F (149 ° C), mặc dù một số công thức nấu ăn cũng yêu cầu các thành phần như xi-rô ngô và muối trong bước đầu tiên. Các loại hạt ngũ cốc được trộn với đường caramel hóa. Tại thời điểm này, gia vị men, và thường là bơ lạc (đậu phộng) hoặc bơ thực vật được thêm vào. Kẹo nóng được đổ ra trên một bề mặt phẳng để làm mát, theo truyền thống là một tấm đá granit hoặc đá cẩm thạch. Các kẹo nóng có thể được kéo đến độ dày đồng đều. Khi giòn nguội, nó bị vỡ thành nhiều mảnh.
Cơm dừa là một món ăn được chế biến bằng cách ngâm gạo trắng trong nước cốt dừa hoặc nấu với dừa nạo sợi. Vì cả dừa và lúa gạo thường rất dễ tìm ở các vùng nhiệt đới trên toàn thế giới nên cơm dừa hầu như xuất hiện trên khắp các nền văn hóa thế giới. Món này trải dài qua đường xích đạo từ tiểu lục địa Ấn Độ, Đông Nam Á, Nam Mỹ, Trung Mỹ., Đông Phi, Tây Phi, Caribe và Châu Đại Dương.
Haleva hay haliva (tiếng Adygea: хьэлжъо [ħalʐʷa]) là một món chiên từ bột nhào, chứa nhân khoai tây hoặc pho mát Circassia. Haliva nhồi với pho mát cottage (Helive q'wey lhalhe delhu) Haliva nhồi với khoai tây (Helive ch'ert'of delhu) Haliva nhồi với khoai tây và pho mát (Helive ch'ert'ofre q'weyre delhu) Haliva nhồi với đậu cô ve (Heliva jesh delhu) Haliva nhồi với lê (Helive q'wzch delhu)
Rượu Hồng Đào là một "đặc sản" của Quảng Nam gắn liền với 2 câu ca dao nổi tiếng: Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm Rượu Hồng Đào chưa nhắm đã say Nhiều người cho rằng rượu Hồng Đào chỉ là sản phẩm "vật chất hóa một đặc sản tinh thần". Nhà thơ Lê Minh Quốc cũng cho rằng rượu Hồng Đào không có thật. "Hồng Đào" chỉ là một cách nói văn vẻ, văn hoa - vốn là một cách nói hiếm khi thấy người Quảng sử dụng trong giao tế.. Và cho rằng: "Với người Quảng Nam, rượu nào cũng có thể biến thành rượu Hồng Đào, miễn là nó được gói trong tờ giấy kiếng màu hồng, được thắt nơ hồng và được đưa vào mâm lễ ở các đám hỏi, đám cưới...".Tuy nhiên theo nhà báo Nguyễn Trung Dân thì: "rượu Hồng Đào khắp cả Quảng Nam nơi nào cũng có và thường chỉ làm ra dùng vào việc lễ, dịp cưới hỏi nghinh hôn, lấy làm rượu hợp cẩn giao bôi. Cách chế tác như sau: lấy rượu đế (trắng) thường nấu bằng gạo sau khi lên men, dùng cây tăm hương (chân hương đã đốt còn trong bát nhang) hay lấy cái vỏ bao hương nhúng vào rượu trắng, nhuộm màu hồng của chân hương hay vỏ bao hương cho rượu, nên rượu Hồng Đào" để khác với rượu thường ngày thường. Theo tác giả Phó Đức Vượng trong bài Rượu Hồng Đào có "gốc tích" từ làng Bảo An thì: rượu Hồng Đào có xuất phát từ Gò Nổi, làng Bảo An, xã Điện Quang, huyện Điện Bàn. Tuy nhiên theo hai tác giả Vĩnh Hảo-Thạch Trung trong bài viết Tìm "quê" cho rượu Hồng Đào thì: Rượu Hồng Đào được ngâm từ rượu Bàu Đá, ủ với trái đào tiên, có màu hồng tươi rất đẹp. Trái đào tiên có nhiều ở vùng núi phía Tây tỉnh Bình Định, rất tốt cho sức khỏe, bổ âm, xương cốt, trường thọ. Còn tại sao gốc tích rượu Hồng Đào ở Bình Định mà lại gắn liền với câu ca dao "Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm" thì tác giả cho rằng:" Đất Quảng hồi đó bao gồm các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên " == Chú thích và tham khảo ==
Bambino là một loại kem lạnh cơ bản được bán lần đầu tiên tại Cộng hòa Nhân dân Ba Lan (PRL). Nó có hình dạng như một que, cùng với một thanh gỗ. Nhiều nhà máy sản xuất nó, thay đổi bao bì và công thức của nó. Tên này xuất phát từ tiếng Ý "bambino", có nghĩa là "đứa trẻ". Từ năm 1968, việc sản phẩm được sản xuất bởi hợp tác xã sữa Jogo (từ năm 1968) tại Łódź. Việc sản xuất kem Bambino bắt đầu vào đầu những năm 1960, sau khi chính phủ Ba Lan mua lại máy móc của Đan Mạch. Trong số các vị kem có sô cô la, dâu tây và cà phê. Nó cũng có hương sô cô la phủ sương. Thông thường, kem được đóng gói trong giấy màu nâu, cứng và thường được bán trên bãi biển hoặc đường phố từ các hộp màu trắng chứa đầy mùn cưa hoặc đá nhân tạo. Người bán đã sử dụng khẩu hiệu để ca ngợi sản phẩm của họ. Trong một thời gian dài, bambino là loại kem duy nhất dạng que được bán trong nước. Ngày nay, bao bì đã được cập nhật và có màu nâu nhạt và xanh dương và có hình gấu bắc cực. Một biến thể của bambino mà không có que được gọi là Calypso. Đôi khi nó được bán giữa hai bánh quế. Nó được sản xuất rộng rãi. Nhà cung cấp lớn nhất là Kho lạnh Nhà nước ở Gdańsk, ngày nay được gọi là Lodmor . Bao bì bao gồm hình ảnh của người phụ nữ nhỏ gốc Phi bên cạnh logo của nhà sản xuất mô tả một con sư tử biển. Bài hát "Kem Bambino" (Lody Bambino) được phát hành bởi ban nhạc Diament. Bartek Koziczyński đã đề cập đến nó trong cuốn sách "333 popkultowe rzeczy. Lata 90. Ông nhấn mạnh sự hữu ích của que gỗ trong điều trị dự phòng sức khỏe tại nhà: nó được sử dụng thay cho thìa để kiểm tra cổ họng. == Tham khảo ==
Cháo khoái là một món ăn đường phố, có từ lâu đời, cách đây hàng trăm năm của thành phố Hải Phòng. Cháo được chế biến bằng cách khuấy bột gạo với nước xương hầm đun sôi, có màu xanh nhạt, mịn và sánh đặc trưng. Các nguyên liệu chính nấu cháo khoái gồm có: gạo tẻ xay thành bột, xương lợn (xương ống) hầm lấy nước, lá rau ngót (hoặc lá dứa) xay và lọc lấy nước để lên màu cho cháo, đỗ xanh, hành phi và các gia vị... Nước xương hầm đem đun sôi, khi sôi để nhỏ lửa, sau đó từ từ cho bột gạo tẻ vào với tỷ lệ vừa phải, vừa cho vừa khuấy đều tránh hiện tượng vón cục và khuấy cho đến khi có cảm giác tỷ lệ nước và bột vừa đủ, bột chín và có độ sánh quyện nhất định. Khi bột chín, rót từ từ nước rau ngót vào đảo đều và tắt bếp. Khi cho cháo ra bát, rắc ruốc, bột đậu xanh tán nhuyễn với tỉ lệ “3 cháo 1 xanh” và cuối cùng hành phi lên trên. == Chú thích ==
Gạo lứt, còn gọi là gạo rằn, gạo lật là loại gạo chỉ xay bỏ vỏ trấu, chưa được xát bỏ lớp cám gạo. Đây là loại gạo rất giàu dinh dưỡng đặc biệt là các sinh tố và nguyên tố vi lượng. Trong phương ngữ Nam Bộ của tiếng Việt, "lứt" và "lức" đồng âm, đều được đọc là /lɨk/ nên gạo lứt còn được viết là "gạo lức". Ngược lại, trong phương ngữ Bắc Bộ thì "lứt" (/lɨt/) và "lức" (/lɨk/) có cách đọc khác nhau, không thể thay thế. Thành phần của gạo lứt gồm chất tinh bột, chất đạm, chất béo, chất xơ cùng các vitamin như B1, B2, B3, B6; các axit như pantothenic (vitamin B5), paraaminobenzoic (PABA), folic (vitamin M), phytic; các nguyên tố vi lượng như calci, sắt, magiê, selen, glutathion (GSH), kali và natri. Trường hợp gạo trắng trải qua quá trình xay, giã sẽ chỉ còn 77% vitamin B3, 80% vitamin B1, 90% vitamin B6, một nửa lượng mangan và hầu hết chất xơ bị mất đi. Các chuyên gia dinh dưỡng cũng nhận thấy, một lon gạo lứt khi nấu thành cơm chứa 84 mg magnesi, trong khi đó ở gạo trắng chỉ có 19 mg. Lớp cám của gạo lứt cũng chứa một chất dầu đặc biệt có tác dụng điều hòa huyết áp, làm giảm cholesterol xấu, giúp ngăn ngừa qua các bệnh tim mạch. Gạo lứt muối mè tuy mạnh về mặt chất khoáng nhưng lại yếu về chất đạm và chất béo. Thiếu 2 chất này thì cơ thể không thể tổng hợp kháng thể, nội tiết tố... Một số người bị dị ứng, rối loạn kinh nguyệt, thiếu máu, suy nhược trầm trọng chỉ vì lạm dụng kiểu ăn ròng gạo lứt muối mè mà thiếu thịt cá. Trong thực tế, gạo lứt có thể sử dụng để nấu cơm ăn hàng ngày, tuy nhiên cũng thường thấy những món ăn sử dụng gạo lứt thuộc nhóm thực phẩm với chức năng dùng để chữa trị một số bệnh. Theo Đông y, gạo lứt rất bổ và có tính thanh nhiệt, an thần trấn kinh, trừ phiền. Gạo lức có khả năng ngăn sự xuất tiết của dạ dày và đại tràng nên có tác dụng tốt trong điều trị các bệnh đường ruột. Đông y dùng cháo gạo lứt để phòng ngừa và trừ bệnh thổ tả, kiết lỵ, cầm mồ hôi. Những nghiên cứu khác cho thấy gạo lứt đặc biệt tốt đối với phụ nữ, làm giảm nguy cơ ung thư và ruột kết, giảm cholesterol và tốt cho hệ tim mạch của phụ nữ sau mãn kinh. Đồng thời, với nguồn chất xơ dồi dào, gạo lứt giúp chống lại bệnh xơ vữa động mạnh, ung thư vú, thậm chí giảm nguy cơ mắc bệnh tim, ung thư và bệnh tiểu đường. Ngoài ra gạo lứt cũng có những tác dụng tương tự với nam giới cao tuổi nhưng không rõ rệt bằng. Gạo lứt muối mè tuy mạnh về mặt chất khoáng nhưng lại yếu về chất đạm và chất béo. Thiếu 2 chất này thì cơ thể không thể tổng hợp kháng thể, nội tiết tố... Một số người bị dị ứng, rối loạn kinh nguyệt, thiếu máu, suy nhược trầm trọng chỉ vì lạm dụng kiểu ăn ròng gạo lứt muối mè mà thiếu thịt cá. == Chú thích ==
Bánh Thánh còn gọi là Thánh Thể là một tượng trưng phổ biến của những người theo Kitô giáo. Bánh này thường làm bằng bột mì hoặc bột lúa mạch, thường không được lên men, cán mỏng và định thành hình tròn, màu trắng sữa, rất dễ tan trong miệng và không có mùi vị gì. Bánh cũng có thể làm thành những cái lớn rồi cắt ra thành những mảnh nhỏ.Trong Thánh lễ của Giáo hội Công giáo Rôma, các Linh mục còn làm phép bánh Thánh để tấm bánh đó trở thành Mình Thánh Chúa Kitô, rồi phân phát cho giáo dân. Trong mỗi Thánh lễ, sau khi bánh được truyền phép, giáo dân lần lượt đi lên trước bàn thờ để rước lễ, như được hưởng một phần Mình Thánh Chúa. Tất cả giáo dân đều tin rằng bánh Thánh là phần thưởng để được sống ở đời sau. Có nhiều phép lạ về bánh thánh được gọi là "Phép lạ Thánh Thể". Bánh Thánh trong Bí tích Thánh Thể là Bánh làm bằng bột mì tinh tuyền, không men và chưa bị hư mốc, Bánh bao gồm hai thể: Bản thể và Tùy thể. Bản thể là thực chất bánh của Bánh và Tùy thể là hình thức hay mùi vị của nó (như màu trắng, hình tròn, nếm thấy vị bùi). Cụ thể là sau lời Truyền phép, bản thể (bánh) trở thành Mình Chúa còn tùy thể (tròn, trắng) của bánh không chịu một ảnh hưởng nào cả. Như thế, Mình Chúa lúc ấy vẫn có hình tròn và trắng như lúc chưa truyền phép, nhưng bánh không còn là bánh nữa mà là Mình Thánh Chúa Kitô. Do đó, bản thể Mình Thánh của Mình Thánh chính là bản thể bánh của bánh. Khi nào bản thể bánh của bánh còn thì bản thể Mình Thánh của Mình Thánh còn. Khi nào bản thể bánh của bánh mất thì bản thể Mình Thánh của Mình Thánh cũng không còn tồn tại. Bánh còn có ý nghĩa sau khi làm phép thì những mẩu bánh biến thành thịt thật sự của Chúa, nghĩa là bánh bột thường đã trở thành "bánh Thánh", Jesus đã từng phát biểu: "Bánh Ta sẽ ban, chính là Thịt Ta, để cho thế gian được sống" (Ga 6,51) và họ tin rằng: Ngài là Bánh để ai đến với Ngài sẽ được no thỏa và dư tràn, Jesus cũng từng có nhận định "Ta là bánh hằng sống, ai đến cùng Ta không khi nào đói, ai tin kính Ta không bao giờ khát." (Jn 6:35). Theo Công giáo, giống như cái bánh cần thiết cho thân xác thể nào thì bánh Thánh cũng cần thiết cho linh hồn như vậy. Thân xác cần phải có bánh mới sống, linh hồn cần phải có Thánh Thể mới đủ sức đi về quê trời. Theo Sách Lễ Rôma, sau khi bẻ miếng bánh đã truyền phép, linh mục bẻ một miếng nhỏ vào trong Chén Thánh và đọc thầm một câu khấn Việc này nói lên việc hợp nhất Mình Thánh và Máu Thánh của Chúa trong công cuộc Cứu Chuộc, nghĩa là, Thân Thể vinh quang và sống động của Chúa Giêsu. Theo những truyền thống xa xưa, việc hợp nhất Mình và Máu Thánh Chúa nói lên tình trạng Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô mà chúng ta cử hành cách bí tích trong Thánh Lễ. Tách Máu ra khỏi thân thể nói lên tính cách "chết", hợp nhất hai yếu tố đó lại nói lên sự Sống Lại của Chúa Cứu Thế.
Cà phê Giảng (tiếng Pháp: Café Giảng) là thương hiệu một quán cà phê nay tọa lạc tại Hà Nội. Thương hiệu này nổi bật với món đặc sản của Hà Nội là cà phê trứng và được gọi là cà phê trứng Giảng. Quán Café Giảng do ông Nguyễn Văn Giảng mở tại phố Cầu Gỗ vào thập niên 1920. Ban đầu, ông Giảng nổi tiếng khu phố cổ Hà Thành với thương hiệu phở Giảng. Sau đó, quán có nhiều lần thay đổi địa điểm kinh doanh. Từ Cầu Gỗ, cafe Giảng chuyển qua Tạ Hiển rồi về số 7 Hàng Gai. Đến năm 2007, các con của ông Giảng chuyển đến 39 Nguyễn Hữu Huân, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Trước khi có cửa hàng riêng, ông làm đầu bếp pha chế tại khách sạn năm sao Sofitel Legend Metropole. Do tình trạng khan hiếm thực phẩm liên tục suốt thập niên 1930 cho đến Đệ nhị thế chiến, ông chủ quán đã nghĩ đến việc dựa theo công thức pha cappuccino để chế ra thứ cà phê trứng nhằm ứng phó với nạn thiếu sữa đương thời. Sau dần, cà phê trứng đã trở thành nhãn hiệu tiên phong của Café Giảng và là món uống quen thuộc với người Hà Nội.
Bánh trung thu là một loại bánh thường được ăn trong dịp Trung thu có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng các nước, các vùng có những biến thể khác nhau. Ở Việt Nam nó được chỉ cho loại bánh nướng và bánh dẻo có nhân ngọt thường được dùng trong dịp Tết Trung thu. Bánh trung thu thường có dạng hình tròn (đường kính khoảng 10 cm) hay hình vuông (chiều dài cạnh khoảng 7–8 cm), chiều cao khoảng 4–5 cm, không loại trừ các kích cỡ to hơn, thậm chí khổng lồ. Ngoài ra, bánh trung thu còn có nhiều kiểu dáng khác nhưng phổ biến hơn là kiểu lợn mẹ với đàn con, cá chép. Bánh trung thu có tên gọi trong tiếng Trung là nguyệt bính (tiếng Trung: 月餅 (Nguyệt bính)/ Yuèbǐng), tiếng Anh là moon cake, nghĩa đen là bánh mặt trăng. Bánh trung thu điển hình là bánh ngọt tròn, đường kính khoảng 10 cm và dày 3 trục4 cm, và thường được ăn ở khu vực miền Nam và miền Bắc Trung Quốc. Nhân bánh phong phú thường được làm từ đậu đỏ hoặc bột hạt sen được bao quanh bởi lớp vỏ mỏng (2,3mm) và có thể chứa lòng đỏ từ trứng vịt muối. Bánh trung thu thường được ăn trong nêm nhỏ kèm theo trà. Ngày nay, theo thông lệ, các doanh nhân và gia đình sẽ tặng chúng cho khách hàng hoặc người thân của họ làm quà tặng, giúp thúc đẩy nhu cầu về bánh trung thu cao cấp. Do ảnh hưởng của Trung Quốc, bánh trung thu và Tết Trung thu cũng được thưởng thức và tổ chức ở các khu vực khác của châu Á. Bánh trung thu cũng đã xuất hiện ở các nước phương tây như một hình thức tinh tế Những loại bánh trung thu truyền thống thường gồm có một lớp vỏ mỏng (bề dày không quá 1 cm), làm bằng bột mì, ít hương vị, bao bọc khối nhân rất ngọt và hơi có dầu. So với các loại bánh ngọt phương Tây, bánh trung thu có độ ngọt hơn rất nhiều. Thời xưa, nhân bánh thường là những quả trứng muối tượng trưng cho trăng rằm. Vị mặn của trứng muối dường như "trung hòa" cho vị ngọt của các nguyên liệu khác. Bánh trung thu được đem nướng sau khi đã định hình. Ở Trung Quốc, trên mặt bánh trung thu thường in những chữ mang thông điệp tốt lành (như "song hỷ", "cát tường"), hay tên của cơ sở sản xuất. Bên cạnh đó là biểu tượng của Mặt Trăng, Hằng Nga, Thỏ Ngọc, hình hoa lá, như là sự trang trí bổ sung. Bánh trung thu hiện đại phần lớn là sự cách tân kiểu dáng là nguyên liệu của nhân bánh. Nếu như truyền thống làm nhân bánh bằng trứng muối thì bây giờ nó có thể là đậu xanh, khoai môn, jambon, các hương liệu như: cà phê, sô-cô-la, matcha, tiramisu, các loại trái cây v.v. Thập kỷ 1980 xuất hiện các kiểu bánh trung thu được làm lạnh (bánh dẻo lạnh). Những năm gần đây còn xuất hiện loại bánh trung thu dành cho người ăn kiêng (bánh trung thu chay). Bánh trung thu thường đắt hơn nhiều so với giá trị thực của nó bởi lẽ việc sản xuất và kinh doanh chỉ mang tính thời vụ và thị trường phục vụ chỉ là những nơi mà Tết Trung thu có tầm ảnh hưởng lớn như các nước châu Á như Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc. Bánh trung thu bao gồm hai thành phần cơ bản là vỏ bánh và nhân bánh, và tùy theo vỏ bánh (làm bằng bột mì hay bằng bột gạo, bột gạo nếp) cũng như quy trình chế biến (làm chín bằng lò nướng hay không) mà người ta lại chia thành bánh nướng và bánh dẻo. Các nguyên liệu làm nhân bánh có thể bao gồm đậu xanh, mứt, xá xíu, lạp xường, trứng muối, đường, dầu ăn, mỡ lợn, hạt sen, hạt dưa v.v. Hiện hạt dưa để làm bánh Trung thu cũng có những mối lo về việc gây hại sức khoẻ nên người ta thay vào đó các loại hạt ngũ cốc khác như hạt óc chó, hạt mắc ca, hạt điều, hạt hướng dương,... Bánh nướng có vỏ làm từ bột mì, nước đường đun lẫn mạch nha, dầu ăn. Sau khi nặn bột đã ngào bao quanh nhân bánh, người làm bánh cho bánh vào khuôn ép rồi đem bánh nướng trong lò cho tới khi chín. Trong quá trình nướng bánh được phết thêm lòng đỏ trứng. Bánh dẻo có vỏ và nhân đều đã được làm chín từ trước, ngoài ra cũng thường gặp bánh dẻo chay không nhân. Bột vỏ bánh được làm từ gạo nếp rang rây mịn, chút hương liệu như vani hay nước hoa bưởi, nước đường. Người làm bánh ngào bột, bao nhân và đem ép trong khuôn đã rắc chút bột chống dính. Sau khi tháo khuôn bánh đã có thể sử dụng được ngay không cần bất cứ biện pháp chế biến nào khác.
Vatrushka (Moldova, nga và tiếng việt: ватрушка) là một loại bánh ngọt (pirog) của Đông Âu. Nó có hình một chiếc nhẫn bằng bột với pho mát quark ở giữa, đôi khi nho khô hoặc một ít hoa quả được thêm vào. Kích thước phổ biến của nó có đường kính khoảng 5 inch, nhưng cũng có phiên bản to hơn. Vatrushka thường được nướng bằng bột nhào với men nướng. Loại mặn được làm với bột nhào không ngọt và nhân có thêm hành tây.Từ nguyên của từ này chưa được chắc chắn. Một giả thuyết phổ biến rộng rãi là tên của nó bắt nguồn từ từ vatra nghĩa là "lửa" trong tiếng Slav. Một giả thuyết khác có liên quan đến động từ teret (тереть, "chà" hoặc "nạo") hoặc thuật ngữ tvorog (творог, "pho mát quark").
Bún Mạch Tràng (còn gọi là bún tiến vua, bún đen), là một món bún đặc sản thuộc làng Mạch Tràng, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội. Nhiều cơ quan báo chí tại Việt Nam cho rằng truyền thống làm bún này đã xuất hiện hơn 2000 năm và đây còn là món ăn yêu thích của vua An Dương Vương. Theo nhiều cơ quan báo chí tại Việt Nam, truyền thuyết về bún Mạch Tràng bắt nguồn từ việc trong lúc chuẩn bị yến tiệc cho lễ ăn hỏi công chúa Mỵ Châu, người đầu bếp đã làm đổ bột gạo vào chiếc rổ đặt trong vạc nước sôi. Vì quá hốt hoảng nên anh ta vội vàng nhấc chiếc rổ lên và thấy bột gạo đã kết thành những dây dài màu trắng. Tỏ ra tiếc của và không biết làm gì, anh ta bèn cho sợi bột trắng đó vào xào với rau cần, làm món ăn lót dạ dâng vua An Dương Vương. Khi món ăn được dâng lên, vua An Dương Vương tỏ ra thích thú khi thấy trên bàn tiệc xuất hiện một món ăn lạ nên hết lời khen ngợi. Từ đó, món bún xào rau cần trở thành món ăn đặc biệt trong thực đơn đãi khách của nhà vua. Theo Sở Văn hoá và thể thao Hà Nội, thời kì An Dương Vương, gạo để nấu cơm cho vua và làm bún là từ giống lúa Mạch được vua An Dương Vương mang từ Phú Thọ về và dạy cho dân chúng trồng, vì thế nên tên làng được đặt là Mạch. Sau này, thời vua Ngô Quyền đã chọn làng Mạch để mở trường học Quốc gia, nên gọi là Mạch Trường, dân gian nói lái là Mạch Tràng và thành tên gọi của làng từ đó đến nay.Cũng theo truyền thuyết trên, bún Mạch Tràng trở thành món ăn đặc sản của vùng Cổ Loa; được dâng cúng hằng năm vào dịp lễ hội đền Cổ Loa (ngày 6 tháng giêng âm lịch), hay ngày 13 tháng 8 (ngày ăn hỏi công chúa Mỵ Châu). Người làng Mạch Tràng cũng lấy làm "tự hào" vì nguồn gốc của sợi bún của làng mình gắn liền với truyền thuyết này. Bún Mạch Tràng mang màu trắng ngà được xem là đặc trưng. Sợi loại bún này dài và dai hơn sợi bún của nhiều vùng nông thôn tại Việt Nam khác, điều này là do là công thức riêng của những người làm bún Mạch Tràng.Sự khác biệt trong cách thức làm bún của làng Mạch Tràng với những vùng quê khác là trước khi mang đi xay thành bột, gạo thường được ủ bằng chăn trong khoảng 2 đến 4 ngày tùy thuộc vào điều kiện thời tiết, sau đó mang phần gạo đã ngâm vào xay cùng với nước để tạo thành bột gạo. Sau khi ủ, gạo được vớt ra rửa sạch rồi cho vào ngâm trong nước từ 1 đến 2 ngày cho đến khi hạt gạo mềm thì xay. Nước bột được mang đi ngâm khử chua 2 ngày rồi đưa lên bàn ép thành bột. Những người làm bún sẽ cắt bột, sau đó đem luộc chín rồi cho vào cối xay giã nhuyễn, cuối cùng đưa vào khuôn vắt tay thành sợi bún. Ở công đoạn xếp bún, họ rải một lớp lá ngái dưới đáy một chiếc thúng trước khi xếp vào.Theo những người làm bún, công nghệ làm bún Mạch Tràng kỹ tới mức chỉ cần bóp nhẹ tay là hạt gạo đã bị tan. Loại bún này chỉ bảo quản được trong 1 đến 2 ngày. Một tờ báo nhận định tuy không "trắng và bóng bẩy" như những loại bún ở địa phương khác tại Việt Nam nhưng bún Mạch Tràng vẫn được người ăn nhớ tới bởi hương vị. Báo Hànộimới nhận xét bún Mạch Tràng không chỉ là món ăn dân dã của người dân Cổ Loa mà còn là "sợi dây nối với lịch sử". Loại bún này cũng là món ăn được lưu truyền qua nhiều đời ở Cổ Loa và là ẩm thực không thể thiếu trong các dịp lễ, tết quan trọng của địa phương. Bún Mạch Tràng có thể kết hợp với nhiều món ăn khác và xuất hiện trong cuộc thi ẩm thực chuyên nghiệp Chiếc thìa vàng năm 2016. Dù nghề làm bún ở Mạch Tràng đã có bề dày lịch sử đáng kể, nhưng bún Mạch Tràng vẫn chưa có sức ảnh hưởng đáng kể với nhiều người ngoài khu vực. Tuy thường xuyên được mang tới các gian hàng hội chợ triển lãm, không chỉ dừng lại ở phạm vi thờ cúng nhưng loại bún này vẫn chỉ được biết đến và tiêu thụ chủ yếu ở một số xã và chợ lân cận trong huyện Đông Anh. Nguyên nhân được cho là do trong làng chỉ không còn nhiều nhà giữ nghề làm bún gia truyền, cùng với đó là lượng bún được sản xuất hàng ngày không nhiều nên chỉ đủ tiêu thụ trong vùng. Một tờ báo khác lại cho rằng bún Mạch Tràng vẫn được tiêu thụ "rất tốt" trên thị trường và khẳng định "sản phẩm làm ra không bao giờ lo ế" và đang chú trọng đến việc sản xuất sạch.