text
stringlengths 82
354k
|
---|
Cuộc sống cá nhân.
Nilüfer Verdi được sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc ở Istanbul vào năm 1956. Cha bà là Nejat Verdi, một nghệ sĩ chơi nhạc cụ bộ gõ có tổ tiên là người di cư từ đảo Crete, Mẹ bà, Liselotte "Lilo" Auer Verdi là một họa sĩ. Anh trai Murat Verdi của bà cũng là nghệ sĩ trống.
Verdi bắt đầu quan tâm đến âm nhạc từ khi con bé. Bà bắt đầu theo học piano cho đến những năm trung học. Sau khi theo học Özel Eseniş Lisesi, một trường trung học tư thục ở Arnavutköy, Istanbul, Verdi chuyển đến Hoa Kỳ để tiếp tục học âm nhạc trong đó có piano, hòa âm, biên soạn âm nhạc và sáng tác âm nhạc. Bà được học tại trường Juilliard ở thành phố New York, và được đào tạo bởi các nghệ sĩ piano nổi tiếng của Mỹ bao gồm Jack Reilly tại The New School ở Thành phố New York, và Ray Santisi, Bob Winter và Billie Pierce tại Đại học Âm nhạc Berklee ở Boston.
Verdi kết hôn với nghệ sĩ guitar jazz Neşet Ruacan ở thành phố New York năm 1978 sau khi họ gặp nhau ở Istanbul. Năm 1979, bà sinh người con trai duy nhất là Nedim Ruacan, người về sau trở thành nghệ sĩ bộ gõ. Bà ly hôn chồng vào năm 1999.
Theo một số nguồn tin, Nilüfer Verdi được xem là nữ nghệ sĩ biểu diễn piano jazz đầu tiên tại Thổ Nhĩ Kỳ. Bà đã biểu diễn với nhiều nhạc sĩ trong và ngoài nước tại các câu lạc bộ và lễ hội nhạc jazz ở Thổ Nhĩ Kỳ và cả nước ngoài, bao gồm cả Akbank, Yapı Kredi, Bilsak, Boğaziçi, Kuşadası, Istanbul (2009), Afyonkarahisar (2007) và Houston, CanAm và Port Heron. Verdi cũng từng biểu diễn trong chuyến lưu diễn kéo dài 28 ngày ở Trung Quốc.
Năm 1997, Verdi phát hành album CD đầu tiên mang tên "Mânâ", một album biểu diễn nhạc cụ jazz thông qua hãng thu âm Ada Müzik. Verdi đã sáng tác bảy trong số chín bản nhạc của album, trong đó bà thu âm piano với chồng mình là Neşet Ruacan chơi guitar, John Ormondon chơi guitar bass và Ari Hoenig chơi trống.
Album thứ hai của Verdi, "İZhar" được phát hành bởi A.K. Müzik vào năm 2007. Chín trong số mười tác phẩm là nhạc không lời trong khi tác phẩm cuối cùng của album "Unutmayın" được viết để tưởng nhớ sự ra đi của người cô ruột tên Nükhet Ruacan của con trai bà. Verdi chơi piano và cùng với Kamil Özler chơi guitar, Kağan Yıldız chơi contrebass và con trai bà Nedim Ruacan chơi trống. Album có một số bản phối khí bao gồm "Kara Toprak" của nhà thơ dân gian Thổ Nhĩ Kỳ şık Veysel (1894–1973), bản ballad năm 1938 "Prelude to a Kiss" của Duke Ellington, "Oggigiorno" của Franco Cerri và "Mrs. Waterlilly" của Kamil Özler.
Năm 2016, Verdi phát hành CD thứ ba, một album gồm sáu tác phẩm mang tên "Knidost" thông qua hãng thu âm Ada Müzik. Album có sự chuyển soạn của bà về âm nhạc dân gian Thổ Nhĩ Kỳ từ thể loại nhạc türküs từ vùng Tiểu Á, bao gồm Âşık Veysel và Neşet Ertaş (1938–2012) cũng như bài hát dân gian nổi tiếng của Istanbul "Kâtibim", được hát bởi Ülkü Aybala Sunat với Verdi trên phần đệm piano và Apostolos Sideris biểu diễn contrebass.
Verdi biểu diễn trong ban nhạc Nilüfer Verdi Jazz Trio của riêng bà sáng lập, bao gồm bản thân bà biểu diễn piano với Apostolos Sideris chơi bass và Turgut Alp Bekoğlu chơi trống.
Ý tưởng bình đẳng giới.
Nilüfer Verdi đã dành dặng tặng hai bản album đầu tiên của mình cho những người phụ nữ. Bà chứng minh cho quyết định của mình rằng "Trên khắp thế giới, sự phân biệt đối xử tiêu cực đang được áp dụng đối với phụ nữ, điều này là không còn phù hợp với thế kỷ mà chúng ta đang sống. Tôi muốn nhấn mạnh rằng những phước lành của nền văn minh nên dành cho mọi giới tính. Điều này đang thực sự khó khăn để giải thích quan điểm của phụ nữ cho đàn ông." Nhắc đến con trai mình, bà nói rằng "Bản thân tôi không dành cho con trai mình những đặc quyền mà gia đình dành cho con trai. Thằng bé lớn lên giữa những người phụ nữ thành đạt, thể hiện tiếng nói trong đời sống xã hội". |
Binh đoàn Châlons () là một đạo quân của Pháp tham gia Chiến tranh Pháp–Phổ năm 1870. Được thành lập tại trại Châlons vào ngày 17 tháng 8 năm 1870, từ một phần của Binh đoàn sông Rhin, Binh đoàn Châlons đã tham gia các trận chiến ở Beaumont và Sedan trước khi tan rã sau khi đầu hàng quân Đức vào ngày 2 tháng 9 năm 1870.
Sau những thảm bại của Binh đoàn sông Rhin () đầu tháng 8 tại Wissembourg, Wörth, Forbach, Hoàng hậu Eugénie, vốn được Hoàng đế Napoleon III chỉ định làm Nhiếp chính, đã triệu tập hai viện vào ngày 9 tháng 8 năm 1870. Ba ngày sau, Hoàng đế quyết định giao quyền chỉ huy Binh đoàn sông Rhin cho Thống chế Bazaine.
Vào ngày 17 tháng 8, Hoàng đế đang ở Châlons và trong một động thái cải tổ bộ máy chiến tranh, đã quyết định bổ nhiệm Bazaine vào chức vụ Généralissime của quân đội Pháp, tướng Trochu làm thống đốc Paris và Thống chế de MacMahon làm chỉ huy Binh đoàn Châlons. Theo đó, binh đoàn mới này được cấu thành từ những đơn vị sẵn có, bao gồm Quân đoàn 1 gia nhập trại Châlons từ ngày 14 đến ngày 17 tháng 8, Quân đoàn 5 của tướng Failly, Quân đoàn 7 của tướng Douay, và Quân đoàn 12 mới được thành lập từ các trung đoàn bộ binh sẵn có, các trung đoàn mới tổ chức thành lập bởi 4 tiểu đoàn dự bị còn sót lại và các trung đoàn cận vệ. Cả bốn quân đoàn được tập hợp tại Reims vào ngày 20 tháng 8 năm 1870.
Trong khi Mac Mahon mong muốn rút lui về Paris để tái thiết binh đoàn, những áp lực chính trị lại hướng ông về việc giải cứu Bazaine, vốn đang bị vậy hãm tại Metz sau các cuộc giao tranh mới tại Rezonville và Saint-Privat vào ngày 16 và 18 tháng 8. Ngày 23 tháng 8, Mac Mahon quyết định rời Reims và binh đoàn hành quân về phía đông bắc để vượt qua sông Meuse giữa Sedan và Verdun.
Trong khi bốn quân đoàn của Mac Mahon tiến về phía đông bắc, quân Đức, vốn đã giành được nhiều thắng lợi trước đó, đã tổ chức lại thành hai cụm:
Quân Pháp hành quân chậm chạp, bị quân Đức đuổi kịp trước khi kịp tiến đến sông Meuse. Vào ngày 29 tháng 8, sau cuộc giao chiến đầu tiên tại Nouart với Quân đoàn XII Sachsen, Quân đoàn 5 của tướng de Failly đóng quân tại Beaumont. Khoảng giữa trưa ngày 30 tháng 8, loạt đạn đầu tiên đã pháo kích trúng trại. Ba quân đoàn của Đức giao tranh với quân Pháp tại Beaumont: Quân đoàn I Bayer ở bên trái, Quân đoàn IV Phổ ở trung tâm và Quân đoàn XII Sachsen ở bên phải. Mặc dù chiến đấu anh dũng và kháng cự quyết liệt, quân đoàn của tướng de Failly vẫn bị đánh bại và phải rút lui về Sedan.
Trận chiến Beaumont dẫn đến hậu quả Thống chế Mac Mahon buộc phải từ bỏ kế hoạch đến giải cứu Bazaine tại Metz. Thay vào đó, từ ngày 30 tháng 8, ông đã phải triển khai các quân đoàn đến các thành phố Bazeilles và Sedan.
Vào ngày 31 tháng 8, Quân đoàn I Bayer của tướng Von der Tann giao chiến với Quân đoàn 12 trong khi đánh chiếm một cầu đường sắt bắc qua sông Meuse ở phía nam Bazeilles. Ngày hôm sau, ngày 1 tháng 9 năm 1870, quân đoàn III và IV của Đức tấn công binh đoàn của Mac Mahon đóng ở hai thành phố. Thống chế Mac Mahon bị thương trong khi đang tìm cách tham gia chỉ huy Quân đoàn 12 của tướng Lebrun, khi ấy đang bị Quân đoàn I Bayer tấn công tại Bazeilles. Ban đầu tướng Ducrot lên nắm quyền chỉ huy binh đoàn, nhưng sau đó ông bị thay thế bởi lệnh của Bộ trưởng Chiến tranh, bởi tướng Winpffen, người vừa được bổ nhiệm làm Tư lệnh Quân đoàn 5 trước đó không lâu. Do mâu thuẫn và thiếu nhất quán trong hành động của các chỉ huy Pháp, quân Đức đã kịp hoàn thành việc bao vây binh đoàn Châlons ở Sedan. Sáng ngày 2 tháng 9, lệnh đầu hàng có hiệu lực. Trận chiến này chứng kiến sự tan rã của Binh đoàn Châlons, khiến Pháp tổn thất 124.000 người.
Thành phần binh đoàn.
Ngày 23 tháng 8 năm 1870, Binh đoàn Châlons được thành lập, gồm 4 Quân đoàn cùng với pháo binh và kỵ binh dự bị, bao gồm 105.000 bộ binh, 14.709 kỵ binh, 393 khẩu pháo và 76 súng máy. Trung tá Rousset đã đưa ra một sự phân chia binh lực ước tính theo các đơn vị lớn: |
Hầm chui Kim Liên
Hầm chui Kim Liên là Hầm chui của Đường vành đai 1 ở Thủ đô Hà Nội
Hầm chui Kim Liên là một đường hầm vượt ở Thủ đô Hà Nội, Việt Nam. Đây là một hạng mục của dự án Đường Vành đai 1 đường hầm có 4 làn xe. Đây là hầm chui đầu tiên ở Hà Nội.Vào thời điểm xây dựng, công trình được xem là đường hầm hiện đại nhất Đông Nam Á.Hầm Kim Liên là hạng mục giao thông quan trọng của Hà Nội. Công trình đã giúp cải thiện tình trạng ùn tắc tại khu vực Đại Cồ Việt - Xã Đàn. |
Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Livermore
Lawrence Livermore National Laboratory (LLNL) là một trung tâm nghiên cứu Liên Bang Hoa Kỳ đặt tại Livermore, California. Phòng thí nghiệm được thành lập vào năm 12952 và hiện nay trực thuộc Bộ Năng Lượng Hoa Kỳ và nằm dưới quyền quản lý của Lawrence Livermore National Security, LLC.
Phòng thí nghiệm ban đầu được thành lập dưới cái tên Phòng thí nghiệm phóng xạ Đại học California, phân viện Livermore từ năm 1952 để đáp lại hành động thử quả bom nguyên tử đầu tiên của Liên Xô. Phòng thí nghiệm hoạt động độc lập từ năm 1971 và trở thành phòng thí nghiệm quốc gia từ năm 1981.
Trung tâm nghiên cứu sử dụng nguồn vốn Liên Bang federally funded research and development center, Lawrence Livermore Lab có vốn đầu tư chủ yếu từ Bộ Năng Lượng Hoa Kỳ và vận hành trực thuộc quyền quản lý của Lawrence Livermore National Security, LLC.
LLNL là viện nghiên cứu các vấn đề trọng điểm liên quan đến an ninh quốc gia. Tiêu chí chủ đạo của nó là đảm bảo sự an toàn, an ninh và bảo đảm cho vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ thông qua các chương trình nghiên cứu và kỹ thuật công nghệ cao. Phòng thí nghiệm đồng thời cũng có kinh nghiệm trong việc xử lý và bảo vệ nước Mỹ khỏi các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt, đảm bảo an ninh quốc gia và giải quyết các vấn đề quan trọng của đất nước, bao gồm vấn đề về năng lượng và môi trường, đảm bảo tính cạnh tranh về kinh tế.
Phòng thí nghiệm Lawrence Livermore tọa lạc trên khu vực rộng 1 dặm vuông (2,6 km2) ở góc phía đông Livermore. Phòng thí nghiệm cũng sở hữu khu vực thử nghiệm rộng còn được biết đến dưới cái tên Site 300, nằm cách phòng thí nghiệm khoảng về phía đông nam. LLNL có nguồn vốn đầu tư hàng năm khoảng 2,7 tỉ đô la và có gần 9.000 nhân viên.
Lịch sử hình thành.
LLNL được thành lập năm 1952, dưới hình thức một phân viện của Phòng thí nghiệm bức xạ Đại học California. Phòng thí nghiệm có nhiệm vụ chính là nghiên cứu và tăng tính cạnh tranh với Phòng thí nghiệm Quốc Gia Los Alamos, nơi đã triển khai dự án Manhattan phát triển bom nguyên tử đầu tiên của loài người. Edward Teller và Ernest Lawrence, giám độc của Phòng thí nghiệm bức xạ tại Berkeley, là những người đã khai sinh ra cơ sở nghiên cứu tại Livermore.
Cơ sở của Phòng thí nghiệm mới được đặt tại căn cứ không quân Hải quân Mỹ đã từng sử dụng trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Đây cũng là nơi thực hiện phần lớn các dự án của Phòng thí nghiệm bức xạ Đại học California do nhiều dự án đòi hỏi diện tích thử nghiệm quá lớn, đồng thời cơ sở mới cũng đảm bảo được an ninh tốt hơn nhiều cho các dự án nghiên cứu tuyệt mật.
Lawrence cùng với sinh viên cũ của mình là Herbert York, 32 tuổi, cùng điều hành Livermore. Dưới sự lãnh đạo của York, Phòng thí nghiệm thực hiện bốn chương trình nghiên cứu chính là: Project Sherwood (chương trình năng lượng hợp hạch), Project Whitney (chương trình thiết kế vũ khí), thí nghiệm vũ khí tia X (cùng với phòng thí nghiệm Los Alamos), và các chương trình vật lý cơ bản. Lawrence qua đời tháng Tám năm 1958 và sau đó phòng thí nghiệm đổi tên thành Phòng thí nghiệm bức xạ Lawrence-Lawrence Radiation Laboratory để vinh danh ông.
Về mặt lịch sử, Phòng thí nghiệm Berkeley và Livermore có mối quan hệ gần gũi trong các dự án nghiên cứu khoa học, và cả thành phần lãnh đạo. Livermore Lab được thành lập ban đầu như là một phân viện của Berkeley laboratory. Phòng thí nghiệm Livermore hoạt động dưới sự quản lý của phòng thí nghiệm Berkeley cho đến năm 1971. Hiện nay, phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley được gọi dưới cái tên Site 100, phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Livermore được đặt là Site 200, và khu vực thử nghiệm từ xa của LLNL được đặt tên là Site 300.
Các chương trình nghiên cứu chính.
Vũ khí hạt nhân.
Ngay từ những ngày đầu thành lập, Livermore đã tập trung thiết kế các loại vũ khí hạt nhân mới. Năm 1957, phòng thí nghiệm Livermore được chọn để phát triển đầu đạn cho tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ tàu ngầm UGM-27 Polaris. Phòng thí nghiệm đã thiết kế loại đầu đạn có kích thước nhỏ để có thể lắp vừa trong khoang đầu đạn cỡ nhỏ hình côn của tên lửa.
Trong chiến tranh Lạnh, nhiều thiết kế đầu đạn của Livermore đã được đưa vào triển khai, từ đầu đạn cỡ nhỏ cho tên lửa đất đối đất chiến thuật MGM-52 Lance cho đến tên lửa phòng thủ chống tên lửa đạn đạo cỡ Megaton LIM-49A Spartan. Tổng cộng LLNL đã phát triển: đầu đạn W27 (sử dụng trên tên lửa hành trình SSM-N-8 Regulus7 năm 1955; dự án chế tạo cùng với Phòng thí nghiệm Los Alamos), đầu đạn W38 (ICBM Atlas/Titan; 1959), B41 (bom B52 1957), W45 (Little John/RIM-2 Terrier; 1956), W47 (UGM-27 Polaris; 1957), W48 (đạn pháo 155 ly; 1957), W55 (rocket chống ngầm; 1959), W56 (ICBM LGM-30 Minuteman; 1960), W58 (SLBM UGM-27 Polaris; 1960), W62 (ICBM LGM-30 Minuteman; 1964), W68 (UGM-73 Poseidon; 1966), W70 (MGM-52 Lance; 1969), W71 (LIM-49 Spartan; 1968), W79 (đạn pháo; 1975), W82 (đạn pháo 155mm; 1978), B83 (1979), và W87 (LGM-118 Peacekeeper/MX ICBM; 1982). Đầu đạn W87 và B83 là những vũ khí hạt nhân duy nhất còn trong kho vũ khí hạt nhân của Mỹ do LLNL thiết kế.
Sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991 và sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ giảm dần các vụ thử nghiệm và phát triển các vũ khí hạt nhân mới. Để duy trì các đầu đạn hiện tại cho tương lai, một chương trình có tên gọi Stockpile Stewardship Program (SSP) được tiến hành nhằm phát triển các ứng dụng giúp tăng khả năng kỹ thuật của vũ khí hạt nhân về độ an toàn, an ninh và độ tin cậy mà không cần tiến hành các vụ thử nghiệm hạt nhân. Nói riêng để duy trì uy lực của vũ khí hạt nhân mà không cần thực hiện thử hạt nhân, có thể được thực hiện bằng cách bảo trì thông qua giám sát kho đạn hạt nhân, đánh giá, cấp giấy chứng nhận và nâng cấp vũ khí hạt nhân hoặc thay thế mới.
Do không phát triển thêm đầu đạn mới, các đầu đạn hạt nhân của Mỹ sẽ phải được kéo dài tuổi thọ hoạt động. Do các thành phần đầu đạn và vật liệu chế tạo đã quá cũ, nên có thể xảy ra rủi ro. Chương trình kéo dài tuổi thọ kho vũ khí hạt nhân có khả năng giúp kéo dài tuổi thọ của đầu đạn nhưng đồng thời cũng không đảm bảo hiệu suất hoạt động của vũ khí và đòi hỏi bảo trì các vũ khí và vật liệu đã quá lạc hậu. Do lo ngại về khả năng duy trì các vũ khí hạt nhân đã quá cao tuổi, Bộ năng lượng/nguyên tử Hoa Kỳ đã đưa ra chương trình thay thế vũ khí hạt nhân "(Reliable Replacement Warhead) (RRW)". Theo đó chương trình này sẽ giảm dần các vũ khí hạt nhân không đảm bảo, cải thiện và tăng cường an ninh vũ khí. Kể từ thời điểm đó, Quốc hội Mỹ đã ngừng cung cấp vốn cho chương trình RRW. |
Yếu tố kích thích dòng bạch cầu hạt - đại thực bào
Yếu tố kích thích dòng bạch cầu hạt - đại thực bào (tiếng Anh: "granulocyte-macrophage colony-stimulating factor", viết tắt: GM-CSF), hay yếu tố kích thích phát triển đơn dòng 2 ("colony-stimulating factor 2", viết tắt: CSF2) là một glycoprotein đơn phân tử được tạo ra bởi đại thực bào, tế bào T, dưỡng bào, tế bào NK, tế bào nội mô và nguyên bào sợi, có chức năng như một cytokine. Sargramostim và molgramostim là hai đồng phân cấu trúc của GM-CSF được tạo ra bằng công nghệ DNA tái tổ hợp dùng trong điều trị kích thích miễn dịch.
Trong khi yếu tố kích thích dòng bạch cầu hạt (G-CSF) chỉ kích thích đặc hiệu trên sự tăng sinh và phát triển của bạch cầu hạt trung tính, GM-CSF có tác dụng trên nhiều dòng tế bào, đặc biệt là đại thực bào và bạch cầu ưa acid.
GM-CSF kích thích các tế bào gốc sản sinh ra bạch cầu hạt (bạch cầu hạt trung tính, bạch cầu ưa acid và bạch cầu ưa kiềm) và bạch cầu đơn nhân. Bạch cầu đơn nhân sau khi được sinh ra trong hệ tuần hoàn sẽ di chuyển đến các mô, nơi chúng được biệt hóa thành các đại thực bào và tế bào tua. Vì vậy, GM-CSF được xem như một thành phần của trong chuỗi tín hiệu viêm/miễn dịch tạo ra số lượng lớn đại thực bào giúp chống lại sự viêm nhiễm.
Ở các tế bào trưởng thành của hệ miễn dịch, GM-CSF làm tăng sự di chuyển của bạch cầu trung tính và thay đổi mức độ biểu hiện các thụ thể trên bề mặt tế bào.
GM-CSF truyền tín hiệu thông qua STAT3/5 (protein chuyển đổi và hoạt hóa tín hiệu phiên mã 3/5), kích thích đại thực bào làm tăng hàm lượng gốc tự do oxy hoạt động ("reactive oxygen species") và gây thiếu hụt hàm lượng kẽm tự do nội bào, dẫn đến ức chế sự phát triển của nấm bệnh. Bằng cách này, GM-CSF hỗ trợ sự phát triển của hệ thống miễn dịch và thúc đẩy sự bảo vệ chống lại các nhiễm trùng.
Trong quá trình phát triển phôi thai, GM-CSF được xem như một embryokine, làm thay đổi sự biểu hiện gene (đặc biệt là các gene liên quan đến quá trình biệt hóa và chết rụng tế bào) và làm tăng số lượng tế bào bên trong khối nội phôi ("embryoblast").
GM-CSF được mã hóa bởi gene "CSF2" (~2.5 kbp), nằm cạnh gene "IL3" (gene mã hóa interleukin 3) thuộc chùm gene T helper type 2-associated cytokine, nhiễm sắc thể 5, cánh q, băng 31 (5q31). Vùng nhiễm sắc thể này có liên quan đến hội chứng mất đoạn 5q và bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính (AML). Giữa "CSF2" và "IL3" là trình tự cách ly ("insulator"), nên chúng được điều hòa riêng biệt.
"CSF2" được giải trình tự và clone lần đầu tiên vào năm 1985. Bằng công nghệ DNA tái tổ hợp, các clone của GM-CSF đã được nghiên cứu sản xuất sau đó và trở thành các dược phẩm tiềm năng. Molgramostim được tạo ra từ "Escherichia coli", không glycosyl hóa (Genetics Institute, Inc.); sargramostim được tạo ra từ "Saccharomyces cerevisae", leucine ở vị trí 23 được thay thế bằng proline, glycosyl hóa ít (Immunex); và regramostim được tạo ra từ tế bào buồng trứng chuột Hamster Trung Quốc ("CHO cell"), glycosyl hóa nhiều hơn sargramostim (Sandoz). Sự glycosyl hóa có liên quan đến sự tương tác giữa thuốc và cơ thể.
Molgramostim cuối cùng được đồng phát triển và tiếp thị bởi Novartis và Schering-Plough dưới tên thương mại là Leucomax, sử dụng trong hỗ trợ khôi phục hàm lượng bạch cầu sau hóa trị. Năm 2002, Novartis đã nhượng quyền sở hữu của mình cho Schering-Plough.
Năm 1991, sargramostim được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận dưới tên thương mại Leukine, cho phép sử dụng trong ghép tủy với tác dụng tăng tái tạo bạch cầu. Sau nhiều lần chuyển nhượng, Leukine hiện tại thuộc quyền sở hữu của Partner Therapeutics (PTx).
Năm 2015, FDA và EMA đều chấp thuận liệu pháp điều trị ung thư bằng virus ("oncolytic virotherapy") talimogene laherparepvec (tên thương mại Imlymic) được phát triển bởi Amgen Inc. Talimogene laherparepvec là một loại virus biến đổi gene, khi vào cơ thể sẽ tạo ra GM-CSF từ chính khối u giúp phân hủy của các tế bào ung thư.
Ý nghĩa lâm sàng.
GM-CSF được sinh ra nhiều trong khớp ở các bệnh nhân viêm khớp dạng thấp. Vì thế, GM-CSF được xem như đích tác dụng sinh học trong trường hợp này, ức chế GM-CSF có thể làm giảm các thương tổn và viêm nhiễm. Một số thuốc đã được phát triển để ức chế GM-CSF như otilimab, namilumab và lenzilumab. GM-CSF cũng được áp dụng trong điều trị các trường hợp suy giảm miễn dịch ở các bệnh hiễm nghèo, giúp khôi phục chức năng bạch cầu đơn nhân và bạch cầu trung tính. Tuy nhiên, tác động lên kết quả điều trị của bệnh nhân hiện vẫn chưa rõ ràng và cần các nghiên cứu thử nghiệm chuyên sâu cho việc trị liệu này.
Thử nghiệm lâm sàng.
Các kháng thể đơn dòng chống lại GM-CSF đang được sử dụng trong các thử nghiệm lâm sàng điều trị viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp và COVID-19. |
Dobje pri Lesičnem (]) là một khu định cư thuộc đô thị Šentjur, miền đông Slovenia. Khu định cư, cũng như toàn bộ đô thị này, được bao gồm trong vùng thống kê Savinja, mà nó nằm trong phân vùng Slovenia của Công quốc lịch sử Styria.
Tên gọi của khu định cư từng được thay đổi từ "Dobje" thành "Dobje pri Lesičnem" vào năm 1953.
Nhà thờ địa phương được xây dựng để dâng hiến cho Saint Oswald () và thuộc về giáo xứ xứ Prevorje. Nó có niên đại từ thế kỷ 15 với cuộc xây dựng đại bổ túc lại vào thế kỷ 19. |
Tuyên ngôn độc lập Phần Lan
Tuyên ngôn độc lập Phần Lan (; #đổi ; ) là một văn kiện được Quốc hội Phần Lan thông qua vào ngày 6 tháng 12 năm 1917, tuyên bố thành lập nước Cộng hoà Phần Lan độc lập và chấm dứt sự tồn tại của Đại công quốc Phần Lan với danh nghĩa là quốc gia tự trị thuộc Nga sau khi chính phủ Bolshevik lên nắm quyền vào tháng 10 năm 1917.
Việc tuyên bố độc lập là một phần trong quá trình trường kỳ đấu tranh để giành quyền độc lập cho đất nước Phần Lan. Mỗi năm tại Phần Lan, Nhà nước và nhân dân đều kỷ niệm ngày bản tuyên ngôn trên được Quốc hội thông qua với tên gọi là Ngày Độc lập.
Cách mạng Tháng Hai thành công đã dẫn tới sự kiện Sa hoàng Nikolai II kiêm Đại Thân vương Phần Lan thoái vị. Vì thế theo quan điểm Helsinki thì vào ngày 15 tháng 3 năm 1917 (lịch Julius: 2 tháng 3), chế độ bang liên đồng chủ giữa Nga và Phần Lan đã mất đi một trụ cột pháp lý quan trọng. Chính quyền Phần Lan và Chính phủ Lâm thời của Nga từng thực hiện nhiều cuộc trao đổi và thương lượng.
Kết quả từ những nỗ lực trên là một đề xuất đã được Chính phủ Lâm thời Nga phê chuẩn. Tuy nhiên, đề xuất trên bị Quốc hội Phần Lan sửa đổi đáng kể và đưa ra để nghị sĩ Quốc hội biểu quyết với tên gọi là Luật về Quyền lực (, #đổi ), theo đó quy định Quốc hội Phần Lan nắm giữ quyền lực thuộc nhánh lập pháp liên quan đến tất cả các lĩnh vực ngoại trừ chính sách đối ngoại và quân sự, đồng thời nhấn mạnh rằng quyền giải thể Quốc hội Phần Lan thuộc về Quốc hội Phần Lan. Vào thời điểm biểu quyết, có luồng ý kiến cho rằng Chính phủ Lâm thời Nga có khả năng bị lật đổ một cách nhanh chóng trong một cuộc nổi dậy tại thành phố Petrograd. Tuy nhiên, điều ngược lại đã xảy ra. Chính phủ Lâm thời Nga đã dẹp được cuộc khởi nghĩa, không thông qua Luật về Quyền lực và giải tán Quốc hội Phần Lan.
Sau khi hoàn thành tổng tuyển cử tại Phần Lan và chứng kiến sự thất thủ của Chính phủ Lâm thời Nga trong cuộc Cách mạng Tháng Mười, Quốc hội Đại công quốc Phần Lan đã quyết định thành lập Hội đồng nhiếp chính gồm ba thành viên, dựa vào Hiến pháp Phần Lan mà chính xác hơn là vào khoản §38 trong Văn kiện về Tổ chức chính quyền năm 1772 của Thụy Điển, được Quốc hội Thụy Điển phục hồi hiệu lực sau khi vua Gustav III bị lật đổ trong một cuộc cách mạng ôn hoà. Khoản này quy định cách thức bầu chọn ra một vị quân chủ mới khi dòng máu hoàng tộc bị đứt đoạn, và tại Phần Lan người ta cho rằng điều khoản này trao chủ quyền tối cao trong thời kỳ không có người đứng đầu nhà nước cho Hội nghị các đẳng cấp, mà hậu thân là Quốc hội Phần Lan. Các thành viên Hội đồng Nhiếp chính không được bầu lên do sự phản đối mạnh mẽ cũng như các cuộc tổng đình công của phong trào Xã hội chủ nghĩa, buộc Hội đồng nhiếp chính Phần Lan phải có thêm nhiều động thái cực đoan hơn.
Ngày 15 tháng 11 năm 1917 (lịch Julius: 2 tháng 11), chính phủ Nga Bolshevik ban hành Tuyên ngôn về Quyền của các dân tộc Nga (), trong đó nêu ra quyền tự quyết của các dân tộc mà cụ thể là quyền được ly khai hoàn toàn. Cùng ngày, Quốc hội Phần Lan ra một tuyên ngôn, nêu rõ rằng Quốc hội tạm thời nắm giữ mọi quyền lực của Đại Thân vương Phần Lan.
Lúc này, Văn kiện về Tổ chức chính quyền năm 1772 của Thụy Điển không còn phù hợp với bối cảnh mới. Giới lãnh đạo từ lâu đã coi chế độ quân chủ và giai cấp quý tộc cha truyền con nối là lỗi thời, đồng thời ủng hộ việc thành lập một nền cộng hòa tại Phần Lan.
Thượng viện Phần Lan – do Quốc hội bổ nhiệm vào tháng 11, đã tiến hành soạn ra dự thảo Tuyên ngôn độc lập và dự thảo Văn kiện về Tổ chức chính quyền (Hiến pháp) cho nền cộng hòa mới. Vào ngày 4 tháng 12 năm 1917, Chủ tịch Thượng viện (tức Thủ tướng) Phần Lan P. E. Svinhufvud đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập trước Quốc hội. Bản Tuyên ngôn độc lập được viết dưới dạng phần mở đầu của Văn kiện về Tổ chức chính quyền và được Quốc hội thông qua vào ngày 6 tháng 12 năm 1917.
Ngày 18 tháng 12 cùng năm (lịch Julius: 31 tháng 12), Hội đồng Dân uỷ Nga Xô-viết đã ban hành một sắc lệnh về việc công nhận Phần Lan là một nước độc lập. Đến ngày 22 tháng 12 năm 1917 (lịch Julius: 4 tháng 1), Ủy ban Chấp hành Trung ương toàn Nga – cơ quan hành pháp tối cao của nhà nước Xô-viết – đã thông qua sắc lệnh này.
Bản Tuyên ngôn và ngày 15 tháng 11.
Dẫn chứng bản Tuyên ngôn ngày 15 tháng 11 về quyền tự do của các dân tộc Nga:
Nhân dân Phần Lan, bằng bước tiến này, đã tự mình nắm lấy số phận của mình; một bước tiến vừa hợp lý vừa tất yếu trong điều kiện hiện tại. Nhân dân Phần Lan cảm nhận sâu sắc rằng họ không thể thực hiện được các nghĩa vụ dân tộc và nghĩa vụ quốc tế khi đất nước chưa được độc lập hoàn toàn. Niềm khát khao tự do từ thế kỷ trước—nay đang chờ được thoả mãn; Nhân dân Phần Lan, một dân tộc tự do cùng tiến bước với các dân tộc trên thế giới
(...) Nhân dân Phần Lan dám tự tin chờ đợi ngày các dân tộc khác trên thế giới thừa nhận rằng với nền độc lập và tự do hoàn toàn của mình, người dân Phần Lan có thể nỗ lực hết mình để thực hiện những ý định đó và xứng đáng với một vị trí trong hàng ngũ của các dân tộc văn minh. |
Dobrina (]) là một khu định cư thuộc đô thị Šentjur, miền đông Slovenia. Khu định cư, cũng như toàn bộ đô thị này, được bao gồm trong vùng thống kê Savinja, mà nó nằm trong phân vùng Slovenia của Công quốc lịch sử Styria. Dobrina bao gồm các thôn Brode, Drenovc, Glažuta, Hrastje, Svetilka, và Žusem.
Dobrina lần đầu tiên được đề cập đến trong các nguồn văn bản vào khoảng năm 1480 qua các tên gọi như "Dobring", "Dobryn", và "Dobrin". Tên gọi được bắt nguồn từ tên cá nhân rút gọn "*Dobrъ" và do đó ý nghĩa thực sự của nó là 'làng của Dobrъ'. Tên gọi cho người "*Dobrъ" được dựa trên tính từ Slavic "*dobrъ" 'tốt'.
Thôn Žusem được chứng thực lần đầu tiên vào năm 1202 với tên gọi "Sůzzenheim" (cũng như với tên gọi "Sůzzenhaim" vào năm 1208). Tên gọi Slovene bắt nguồn từ Mittelhochdeutsch, theo đó cũng mang tên tiếng Đức vào thế kỷ 19, "Süssenheim". Tên gọi là một từ ghép trong tiếng Mittelhochdeutsch "süze" 'ngọt' + "heim" 'ngôi nhà, nhà ở, nhà'.
Cho tới tận Thế Chiến Thứ Hai, thôn Žusem là một khu định cư độc lập. Cùng với Lâu đài Žusem (), nó là một ấp của Krško. Nó từng thuộc về Lãnh chúa Süssenheim từ 1203 cho tới 1478, với một giai đoạn sở hữu ngắn hạn bởi Bá tước Celje. Về sau này, nó trở thành tài sản của các thống đốc hoàng gia; Leopold Fieglmüller đã cho san bằng lâu đài vào năm 1876.
Nhà thờ giáo xứ địa phương, được xây dựng trên một ngọn đồi về phía nam của Lâu đài Žusem, một lâu đài thế kỷ thứ 12 bị bỏ hoang vào năm 1871, được biết đến với tên gọi Nhà thờ Žusem. Nó được xây dựng để dâng hiến cho Thánh Valentine và thuộc về Giáo phận Công giáo La Mã Celje. Nó được xây dựng vào đầu thế kỷ thứ 18 trên địa điểm tiền thân có từ thế kỷ 16. Gác chuông có niên đại từ năm 1894. Ngay bên cạnh nó là một nhà thờ thứ hai, được xây dựng để dâng hiến cho Thánh James (). Nó là một toà nhà theo phong cách Gothic từ giữa thế kỷ thứ 15 với gác chuông từ thế kỷ thứ 17. |
Dole (]) là một khu định cư thuộc khu đô thị Šentjur, miền đông Slovenia. Nó nằm trên con đường dẫn về phía bắc từ thị trấn Šentjur, hướng đến Dramlje. Khu định cư, cũng như toàn bộ đô thị này, được bao gồm trong vùng thống kê Savinja, mà nó nằm trong phân vùng Slovenia của Công quốc lịch sử Styria.
Dole trước đây là một thôn của Trnovec pri Dramljah. Nó được tách biệt về mặt hành chính khỏi khu định cư đó và trở thành một khu định cư riêng biệt vào năm 1994. |
Payback 2023 là sự kiện phát trực tiếp và trả tiền cho mỗi lần xem đấu vật chuyên nghiệp (PPV) lần thứ bảy do WWE sản xuất. Nó được tổ chức cho các đô vật từ bộ phận thương hiệu Raw và SmackDown. Sự kiện diễn ra vào Ngày Lao động vào Thứ Bảy, ngày 2 tháng 9 năm 2023, tại PPG Paints Arena ở Pittsburgh, Pennsylvania. Nó cũng đánh dấu sự kiện Payback đầu tiên được tổ chức vào Thứ Bảy và tháng 9.
Sự kiện phát trực tiếp trên Peacock ở Hoa Kỳ và Binge ở Úc. Đây là sự kiện phát trực tiếp và PPV đầu tiên của WWE được tổ chức tại Pittsburgh kể từ Extreme Rules vào tháng 7 năm 2018, diễn ra tại cùng nhà thi đấu. Chủ đề của sự kiện là các đô vật tìm cách trả thù đối thủ của họ. John Cena là người chủ trì sự kiện. Sáu trận đấu đã được diễn ra tại sự kiện này. Trong trận đấu tâm điểm, Seth "Freakin" Rollins đã đánh bại Shinsuke Nakamura để giữ đai World Heavyweight Championship của Raw. Sự kiện này cũng có sự trở lại của Jey Uso, người đã "rời" WWE vài tuần trước sự kiện và được chuyển sang Raw khi trở lại.
Trong buổi chiếu Kickoff, đã có thông báo rằng John Cena sẽ là trọng tài khách mời đặc biệt cho trận đấu giữa LA Knight và The Miz, bên cạnh nhiệm vụ dẫn chương trình cho sự kiện này.
Các trận đấu sơ bộ.
Trish Stratus đối đầu với Becky Lynch. Trong trận đấu, Becky Lynch đã thực hiện động tác superplex trên dây. Zoey Stark can thiệp để tạo đà cho Stratus. Becky đã đánh trả và đánh cú Manhandle Slam vào Stratus để giành chiến thắng. Stratus đã mắng mỏ Zoey sau trận đấu.
Trận đấu tiếp theo có sự góp mặt của John Cena với tư cách là trọng tài khách mời đặc biệt, LA Knight đã thực hiện một cú body slam vào Miz. Miz đã đánh cú codebreaker trong trận đấu. Miz tung cú DDT. Miz sau đó thực hiện cú Skull Crushing Finale và five-knuckle shuffle của mình. Cuối cùng, LA Knight tung đòn BFT (Blunt Force Trauma) để giành chiến thắng.
Rey Mysterio đối đầu với Austin Theory. Đầu trận đấu, Theory tung cú clothesline Rey. Theory tung cú suplex vào Rey. Rey sau đó thực hiện cú moonsault trên dây vào Theory. Theory đã bỏ lỡ cú A-Town Down. Rey tung cú 619 vào Theory. Cuối cùng, cú A-Town Down của Theory đã bị phản tác dụng và Rey bằng chiến thắng. Sau trận đấu, Rey đã ăn mừng với LWO.
Trận đấu tâm điểm.
Trong trận đấu tranh đai Undisputed WWE Tag Team Championship, vũ khí nhanh chóng được rút ra. Balor dùng ghế đánh Owens. Cuộc chiến sau đó diễn ra vào đám đông. The Judgment Day đã can thiệp. Sami Zayn bối rối đẩy Balor vào góc. Priest ném thùng rác vào đầu Sami. JD McDonagh bước vào để ngăn Sami lại. Rhea Ripley cũng can thiệp. Dominik đã can thiệp để mang lại chiến thắng cho Balor và Priest.
Trận đấu giữa Rhea Ripley và Raquel Rodriguez đã xảy ra tình trạng xô đẩy. Sau đó, Rodriguez trúng vào Prism Trap. Rodriguez tung cú powerlam. Dominik Mysterio đã can thiệp và điều đó đã giúp Ripley giữ được danh hiệu của mình.
Trong trận đấu cuối cùng, Nakamura đối đầu Rollins. Rollins tung cú suicide dive vào Nakamura. Nakamura dùng đầu gối húc vào góc sàn thi đấu. Nakamura đã thực hiện một cú trượt German suplex. Nakamura tung cú đá Kinshasa vào Rollins. Rollins bất ngờ tung cú stomp để giành chiến thắng. |
Dramlje (]; ) là một trong những khu định cư đông đúc nhất trong đô thị Šentjur, miền đông Slovenia. Khu định cư, cũng như toàn bộ đô thị này, được bao gồm trong vùng thống kê Savinja, mà nó nằm trong phân vùng Slovenia của Công quốc lịch sử Styria.
Tên gọi của khu định cư từng được chuyển từ "Šent Ilj" (dịch nghĩa là, 'Thánh Giles') thành "Dramlje" vào năm 1955. Tên gọi này đã được thay đổi trên cơ sở Luật đặt Tên cho các Khu Định Cư và định danh cho quảng trường, đường phố và tòa nhà năm 1948 như một phần trong nỗ lực của đám chính phủ cộng sản hậu chiến Slovenia nhằm loại bỏ các yếu tố tôn giáo khỏi địa danh. Trước khi tên gọi "Dramlje" () được áp dụng cho khu định cư, nó từng là tên một khu vực để đề cập đến một vùng rộng lớn ở phía bắc Šentjur, trải dài từ Vojnik tới Ponikva. Tên khu vực này đã được chứng thực vào năm 1043 qua tên gọi "Teramperch" (và tên gọi "Dremel" vào năm 1354, "Dreming" vào năm 1377, "Dremyng" vào năm 1401, và "Dråming" vào năm 1450). Nguồn gốc của nó không được rõ ràng; nó có thể được dựa trên tên cá nhân "*Drama" (nhằm chỉ định một số loại quyền sở hữu) hoặc có thể là có nguồn gốc substratum tiền-Slavic. Xem thêm Dramlja.
Những nhân vật đáng chú ý.
Những người nổi tiếng từng sinh ra hoặc sống ở Dramlje bao gồm: |
Gorica pri Slivnici (]) là một ngôi làng, và là một trong những khu dân cư đông đúc nhất thuộc đô thị tự trị Šentjur, miền đông Slovenia. Khu định cư, cũng như toàn bộ đô thị này, được bao gồm trong vùng thống kê Savinja, mà nó nằm trong phân vùng Slovenia của Công quốc lịch sử Styria.
Tên gọi của khu định cư từng được đổi từ "Gorica" thành "Gorica pri Slivnici" vào năm 1953.
Nhà thờ địa phương được xây dựng để hiến dâng cho Thánh Urban và thuộc về giáo xứ của Slivnica pri Celju. Nó có niên đại từ đầu thế kỷ thứ 17 và được thánh hiến vào năm 1621. Vào thế kỷ thứ 19, nó được xây dựng lại một phần và được dựng vòm. |
Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Liên bang Nga
Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Liên bang Nga (), viết tắt Genshtab ("Генштаб"), GSh VS RF ("ГШ ВС РФ"), là cơ quan Tổng tham mưu của Lực lượng Vũ trang Liên bang Nga. Đây là cơ quan chỉ huy trung ương và giám sát hoạt động của các lực lượng vũ trang thuộc Bộ Quốc phòng Nga.
Tổng Tham mưu trưởng đương nhiệm là Đại tướng Valery Gerasimov (từ 2012) và Phó Tổng Tham mưu trưởng thứ nhất là Thượng tướng Nikolay Bogdanovsky (từ 2014).
Tòa nhà Bộ Tổng tham mưu nằm tại Phố Znamenka, Quận Arbat, Moskva. Cùng với Trụ sở chính của Bộ Quốc phòng và một số tòa nhà văn phòng của cơ quan tham mưu gần đó, nó tạo thành cái gọi là "Quân khu Arbat", như các quân nhân Nga thường gọi, để chỉ đến cơ quan chỉ huy cao nhất của Lực lượng Vũ trang Nga.
Thời kỳ Đế quốc Nga.
Trước thời Yekaterina II, cụm từ "Genshtab" ("Генштаб") có ý nghĩa tổng quát, dùng để chỉ các sĩ quan làm công tác tham mưu tổng hợp. Vai trò quan trọng của các sĩ quan tham mưu được hiện thực qua các cấp bậc quân sư, lần đầu tiên được đề cập trong các quy định quân sự của Pyotr Đại đế vào năm 1698, do Adam Weide biên soạn. Bốn năm sau, ngày 9 tháng 2 năm 1702, Pyotr I đã bổ nhiệm Vương công Andrey Shakhovskoy vào chức vụ Tổng chỉ huy hành dinh ("Генерал-квартирмейстер"), tiền thân của chức vụ Tổng tham mưu trưởng sau này.
Vào tháng 2 năm 1711, Pyotr I đã thông qua "Quy định về nhân sự của cơ quan Tổng tham mưu ("Генштаб")" đầu tiên, trong đó thiết lập chức vụ Tổng chỉ huy hành dinh với tư cách là người đứng đầu một đơn vị quân sự đặc biệt. Ban đầu, cơ quan Tổng tham mưu không đại diện cho một tổ chức riêng biệt và chỉ được thành lập bởi các chỉ huy quân sự cấp cao trên chiến trường trong thời chiến. Cơ quan này chỉ mang tính chất tạm thời, và rất ít được chú ý trong thời bình. Bản thân nó cũng được hiểu không phải là cơ quan chỉ huy, kiểm soát quân sự mà là tập hợp các sĩ quan cao cấp. Tình trạng này đã tác động tiêu cực đến khả năng kiểm soát của quân đội Nga trong Chiến tranh Bảy năm (1756-1763), dù Nga đã giành được một số chiến thắng.
Lịch sử của Bộ Tổng tham mưu Nga được xem như bắt đầu từ ngày ngày 25 (14 theo lịch Julius) tháng 1 năm 1763 dưới thời Đế quốc Nga, theo sắc lệnh thành lập Bộ Tổng tham mưu ("Генеральный штаб") của Nữ hoàng Yekaterina II. Lần đầu tiên, Bộ Tổng tham mưu được thành lập như một cơ quan độc lập, chịu trách nhiệm chỉ huy quân sự thường trực trong thời chiến và giải quyết các vấn đề chuẩn bị cho các cuộc chiến trong tương lai trong thời bình. Đứng đầu Bộ Tổng tham mưu vẫn là một Tổng chỉ huy hành dinh, nhưng cơ quan Bộ Tổng tham mưu lại đặt dưới quyền Giám đốc Trường Cao đẳng Quân sự.
Hoàng đế Pavel I sau khi lên ngôi, đã bãi bỏ cơ quan Bộ Tổng tham mưu. Tuy nhiên, không lâu sau đó, nó đã được hồi sinh dưới danh nghĩa Đoàn tùy tùng quân sự của Hoàng đế Bệ hạ ("Свита Его Императорского Величества по квартирмейстерской части"). Đoàn tùy tùng này trên thực tế thực hiện một số chức năng chính của Bộ Tổng tham mưu trước đây. Người đứng đầu Đoàn tùy tùng ban đầu là một tướng lĩnh gốc Đức Johann Hermann von Fersen (tên Nga hóa là "Ivan Ivanovich German"). Tình trạng của Đoàn tùy tùng dưới thời quyền "Ivan German" rất tồi tệ, như lời ông ta đã than phiền trong một bức thư gửi cho Pavel I, rằng các sĩ quan "không có chức vụ thực sự, thậm chí ở đây không nhận được lương, bởi vì Ủy ban Tiếp vận không biết chính xác nên cấp họ những gì trong thời bình".
Cuộc Chiến tranh Vệ quốc năm 1812 cho thấy cả vai trò và tầm quan trọng ngày càng tăng của cơ quan tham mưu cũng như những khuyết điểm của nó cần phải sửa chữa. Do đó, vào năm 1815, theo sắc lệnh của Aleksandr I, cơ quan Tổng hành dinh của Hoàng đế Bệ hạ ("Главный штаб Его Императорского Величества") được thành lập và được trao quyền kiểm soát toàn bộ quân đội. Một cơ quan tham mưu đặc biệt của Tổng tư lệnh quân đội cũng bắt đầu hoạt động, song song với Đoàn tùy tùng. Hầu hết các sĩ quan của Đoàn tùy tùng đã được chuyển đến Tổng hành dinh.
Sự kiện Khởi nghĩa tháng Chạp năm 1825 có sự tham gia của một số sĩ quan thuộc Đoàn tùy tùng đã dẫn đến việc nó bị thất sủng. Ngày 27 tháng 6 năm 1827, Đoàn tùy tùng được đổi tên thành Bộ Tổng tham mưu ("Генеральный штаб"). Năm 1832, cơ quan Bộ Tổng tham mưu bị bãi bỏ tư cách là một cơ quan quản lý độc lập và quyền kiểm soát trung ương được chuyển giao cho Bộ trưởng Chiến tranh. Bộ Tổng tham mưu bị hạ xuống thành Ban Tổng tham mưu ("Департамент Генерального штаба"), trở thành một phần của Bộ Chiến tranh. Năm 1863, nó được chuyển thành Tổng cục Tổng tham mưu ("Главное управление Генерального штаба").
Ngày 12 tháng 1 năm 1866 (lịch cũ: 31 tháng 12 năm 1865), Tổng bộ Tham mưu Quân đội Đế quốc Nga ("Главный штаб Русской императорской армии") được thành lập, trên cơ sở sáp nhập Cục Thanh tra với Tổng cục Tổng tham mưu (Bộ Tổng tham mưu Cận vệ đã được sát nhập vào Tổng cục Tổng tham mưu một năm trước đó), có nhiệm vụ quản lý lực lượng vũ trang, điều động, công tác nhân sự và tuyển dụng quân đội và các tổ chức quân sự, sự sắp xếp, phục vụ, triển khai, huấn luyện chiến đấu và làm kinh tế.
Ngày 20 tháng 6 năm 1905, trong một động thái cải tổ Bộ Chiến tranh, một số bộ phận của Tổng bộ Tham mưu được tách ra để tái tập Tổng cục Tổng tham mưu ("Главное управление Генерального штаба"), tồn tại như một cơ quan tham mưu độc lập với Bộ Chiến tranh, chịu trách nhiệm quản lý hoạt động và chiến lược của Lực lượng Vệ binh và Quân đội Nga. Tuy nhiên, đến năm 1908, nó là chuyển trực thuộc Bộ Chiến tranh, song song hoạt động với Tổng bộ Tham mưu.
Khi Thế chiến thứ nhất nổ ra, Nga thành lập Đại bản doanh Tổng tư lệnh tối cao ("Ставка Верховного главнокомандующего") hay Stavka, với thành phần nòng cốt là các sĩ quan của Tổng cục Tổng tham mưu. Đây cơ quan chỉ đạo trực tiếp dưới quyền Tổng tư lệnh tối cao, giữ vai trò tham mưu tác chiến của Đế quốc Nga trên chiến trường Mặt trận phía Đông trong Thế chiến thứ nhất.
Thời kỳ Nga Xô viết.
Hình thái 3 cơ quan tham mưu trung ương gồm Tổng bộ Tham mưu phụ trách hoạch định chiến lược, Tổng cục Tổng tham mưu phụ trách xây dựng phương án tác chiến và Đại bản doanh Tổng tư lệnh tối cao phụ trách tác chiến chiến trường cùng tồn tại cho đến tận năm 1918. Tuy nhiên, kể từ sau Cách mạng tháng Hai, quân đội Đế quốc Nga gần như tan rã, và các cơ quan này trên thực tế không thể hoạt động do sự chia rẽ giữa các phe phái. Sau Cách mạng tháng Mười, những người Bolshevik dần nắm được quyền lực và bắt đầu kiểm soát chính quyền. Tuy vậy, nguy cơ cuộc Nội chiến Nga đã chia rẽ đội ngũ sĩ quan Tổng tham mưu, những người về sau hoạt động tích cực trong nhiều quân đội đối lập (không chỉ trong các lực lượng Hồng quân và Bạch vệ, mà còn trong quân đội của các quốc gia biên giới mới thành lập và trong các đơn vị quân đội nước ngoài). Điều này đã làm giảm khả năng tự vệ của nước Nga trước nguy cơ ly khai và sự xâm lược từ các đạo quân nước ngoài.
Trước tình hình đó, chính quyền Xô viết đã quyết định thành lập lực lượng quân đội chuyên nghiệp thay cho lực lượng tình nguyện Cận vệ Đỏ. Ngày 28 tháng 1 năm 1918, Hội đồng Dân ủy đã ra sắc lệnh thành lập lực lượng Hồng quân, với nòng cốt là lực lượng Cận vệ Đỏ. Cơ quan hành chính cao nhất quản lý quân đội là Dân ủy Quân sự và Hải quân ("Наркомат по военным и морским делам"), ban đầu do một ủy ban đứng đầu, gồm V.A. Antonov-Ovseenko, N.V. Krylenko và P.Ye. Dybenko. Tháng 3 năm 1918, Leon Trotsky trở thành Ủy viên nhân dân Quân sự và Hải quân, kiêm Chủ tịch Hội đồng quân sự tối cao ("Высший военный совет"), một sơ quan được thành lập để thay thế chức năng của Đại bản doanh Tổng tư lệnh tối cao. Ngày 8 tháng 5 năm 1918, Bộ Tổng tham mưu Toàn Nga ("Всероссийский главный штаб"), gọi tắt là Vseroglavshtab ("Всероглавштаб"), được thành lập, trên cơ sở sát nhập 2 cơ quan Tổng bộ Tham mưu và Tổng cục Tổng tham mưu của Bộ Chiến tranh Đế quốc Nga trước đây. Ngày 6 tháng 9 năm 1918, Hội đồng quân sự tối cao được cải tổ thành Hội đồng quân sự cách mạng ("Революцио́нный Вое́нный Сове́т" - "РВС"). Cơ quan tham mưu của Hội đồng quân sự cách mạng được chính thức thành lập, với tên gọi Bộ tham mưu ("Штаб"), trên cơ sở bộ phận tham mưu của Hội đồng quân sự tối cao trước đó. Ngày 8 tháng 11 năm 1918, Bộ Tham mưu của Hội đồng quân sự cách mạng được đổi tên thành Bộ Tham mưu chiến trường ("Полевой штаб").
Cuối năm 1920, Nội chiến về cơ bản đã kết thúc. Ngày 10 tháng 2 năm 1921, Bộ Tổng tham mưu Toàn Nga và Bộ Tham mưu chiến trường được sát nhập với nhau để thành lập một cơ quan tham mưu thống nhất cho Hồng quân, lấy tên gọi là Bộ Tham mưu Hồng quân (" Штаб РККА"). Riêng lực lượng Hải quân, thành lập một cơ quan tham mưu riêng, lấy tên gọi là Bộ Tham mưu Hải quân Hồng quân ("Морской штаб РККА").
Thời kỳ Liên Xô.
Trong Lực lượng Vũ trang Liên Xô, Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Liên Xô ("Генеральный штаб Вооружённых сил СССР") đóng vai trò là cơ quan chỉ huy và giám sát chính của quân đội. Bộ Tham mưu Hồng quân được thành lập đầu tiên vào năm 1921 nhưng, nhà sử học John Erickson cho biết, cho đến năm 1924 đã phát triển thành một nhóm cơ quan phức tạp và chồng chéo liên quan đến huấn luyện chiến đấu, các công việc thường ngày của Hồng quân và chính sách quốc phòng, tất cả đều không có định nghĩa thực sự. Erickson xác định thời điểm phát triển Bộ Tham mưu với tư cách là "bộ não quân sự" của Liên Xô kể từ khi Mikhail Frunze được bổ nhiệm làm Tham mưu trưởng theo Lệnh số 78 ngày 1 tháng 4 năm 1924. 'Kể từ ngày nà'.
Ngày 22 tháng 9 năm 1935, Hội đồng Dân ủy Liên Xô đã đổi tên Bộ Tham mưu Hồng quân thành Bộ Tổng tham mưu Hồng quân, về cơ bản là tái sinh cơ cấu Bộ Tổng tham mưu của Đế quốc Nga. Nhiều cán bộ thời kỳ đầu của Bộ Tổng tham mưu Hồng quân từng là sĩ quan Bộ Tổng tham mưu Đế quốc Nga. Các sĩ quan Bộ Tổng tham mưu thường có kinh nghiệm chiến đấu sâu rộng và được đào tạo học thuật vững chắc.
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Bộ Tổng tham mưu duy trì các kế hoạch của Liên Xô nhằm xâm chiếm Tây Âu, kế hoạch có quy mô lớn đã được các điệp viên như Ryszard Kukliński bí mật tiết lộ cho phương Tây và sau đó được các nhà nghiên cứu Đức làm việc với các hồ sơ của Quân đội Cộng hòa Dân chủ Đức công bố, và "Dự án Lịch sử Song song" và các tài liệu diễn tập liên quan của Ba Lan, "Bảy ngày tới sông Rhine" (1979).
Thời kỳ Liên bang Nga.
Bộ Tổng tham mưu hiện tại của Nga được thành lập vào ngày 10 tháng 6 năm 1992, trên cơ sở chuyển đổi từ Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Liên Xô.
Kể từ khi Liên Xô tan rã, và đặc biệt là từ năm 2004, Bộ Tổng tham mưu và Bộ Quốc phòng Nga đã cố gắng phân chia quyền chỉ đạo các lực lượng vũ trang giữa họ, thường xảy ra những bất đồng quan liêu căng thẳng. Có nguồn tin cho rằng vai trò chính của Bộ Tổng tham mưu hiện nay như là một cơ quan hoạch định chiến lược của Bộ Quốc phòng, và bản thân Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là lãnh đạo nắm quyền điều hành quân đội. Tuy nhiên, điều này khá mâu thuẫn với một số nhà bình luận và phân tích quốc phòng Nga.
Bộ trưởng Quốc phòng Anatoliy Serdyukov, người khởi xướng cuộc cải cách quân sự năm 2008, nhằm tách biệt chức năng tác chiến và hành chính. Quá trình chuyển đổi sang nguyên tắc trách nhiệm ba cấp đã được tiến hành: Chỉ huy các quân binh chủng chịu trách nhiệm huấn luyện chiến đấu, Bộ Tổng tham mưu chỉ đạo chiến lược liên hợp, và các đơn vị chịu trách nhiệm huấn luyện tác chiến. Nhờ đó, Bộ Tổng tham mưu đã được giải phóng khỏi các chức năng chồng chéo và trở thành cơ quan hoạch định chiến lược chính thức, tổ chức và thực hiện kiểm soát các lực lượng vũ trang trong việc hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Tổ chức Bộ Tổng tham mưu.
"Tính đến tháng 9 năm 2015:"
Đây là một đổi hướng từ một trang đó đã được . Trang này được giữ lại dưới dạng một trang đổi hướng để tránh phá vỡ các liên kết, cả bên trong và bên ngoài, có thể đã được liên kết tới tên trang cũ. |
Maha Thiha Thura Dhammaraja (, ; tên khai sinh Pe Khin; 27 tháng 10 năm 1812 – 15 tháng 4 năm 1838), thường được gọi là Setkya Min ( "Chakravarti") hay Thân vương Nyaungyan (), là một thái tử Miến Điện triều Konbaung, con trai của vua Bagyidaw và hoàng hậu Hsinbyume. Ông được tôn thờ như một "weizza" (pháp sư) cùng với Bo Bo Aung.
Maung Pe Khin (မောင်ဖေခင်) sinh ngày 27 tháng 10 năm 1812 tại Mingun, gần Ava, là con của Thái tử Sagaing (người sau này trở thành vua Bagyidaw) và Hsinbyume. Tương truyền, những việc thần kỳ đã xảy ra khi ông chào đời và cơ thể của ông được cho là mang dấu hiệu của một vị quân vương tương lai. Cụ nội Bodawpaya đã phong cho ông tước hiệu Thatoe Minhla Shwetaung đồng thời là Thân vương Nyaungyan. Mẹ ông qua đời bảy ngày sau khi sinh con. Theo sử sách, ông được thần dân tôn kính và gọi là Setkya Min. Sau thất bại của Miến Điện trong Chiến tranh Anh-Miến lần thứ nhất, dân chúng hy vọng rằng ông sẽ kế vị ngai vàng của cha mình, đánh đuổi người Anh và mở ra một kỷ nguyên thịnh vượng cho Miến Điện và Phật giáo.
Setkya Min kết hôn với Công chúa Shwetantin, người đã sinh ra một cô con gái tên là Me Tin Gyi. Công chúa Shwetantin là con gái của hoàng tử Hlaing (con trai vua Bodawpaya) và công chúa Danubyu (con gái vua Bodawpaya). Vì vậy, hoàng tử Setkya và công chúa Shwetantin là anh em cùng cha khác mẹ.
Khi Bagyidaw bị em trai Tharrawaddy lật đổ, Setkya Min bị hành quyết vào ngày 15 tháng 4 năm 1838. Ông bị ném xuống sông trong một chiếc bao nhung - một phương thức hành quyết được hoàng gia Miến Điện ưa chuộng.
Nhiều người tin rằng Setkya Min không bị dìm chết. Họ nói rằng "weizza" hùng mạnh Bo Bo Aung đã giải cứu ông, rồi đưa đến một thánh địa ẩn giấu. Tại đây ông học các phương pháp bí truyền và cuối cùng trở thành một "weizza". Sử dụng sức mạnh tâm linh của mình, Bo Bo Aung đã đưa Setkya Min lên thiên đường, nơi được cho là các vị vua tương lai sẽ chờ đợi thời cơ trước khi trở về Trái Đất.
Phong trào chống thực dân.
Setkya Min gắn liền với phong trào chống thực dân ở Miến Điện. Trong hầu hết thời kỳ thuộc địa, nhân vật Setkya Min đại diện cho cuộc kháng chiến chống thực dân, và một loạt cuộc nổi dậy được lãnh đạo bởi những người tự xưng là nhân vật bí ẩn này. Sau khi người Anh sáp nhập toàn bộ Miến Điện và phế truất vị vua Miến Điện cuối cùng vào năm 1885, những cuộc nổi dậy này chủ yếu tìm cách khôi phục chế độ quân chủ nơi nhà vua đảm nhận vai trò là người quảng bá và ủng hộ quan trọng nhất cho Giáo lý của Đức Phật. |
Nội dung khiêu dâm hiếp dâm
Nội dung khiêu dâm hiếp dâm là một thể loại con của nội dung khiêu dâm liên quan đến việc mô tả hoặc diễn đạt về hiếp dâm. Phim khiêu dâm kiểu này có thể liên quan đến cưỡng hiếp mô phỏng, theo đó những người trưởng thành đồng ý quan hệ tình dục giả vờ bị ép buộc, hoặc có thể là bị cưỡng hiếp thật. Nạn nhân của cưỡng hiếp thực sự có thể bị ép buộc thể hiện sự đồng tình để khiến cho phim khiêu dâm được sản xuất ra trông giống như là hiếp dâm mô phỏng hoặc phim khiêu dâm phi ép buộc. Sự biểu đạt về hiếp dâm trong truyền thông phi khiêu dâm thường không được xem là nội dung khiêu dâm hiếp dâm. Các cảnh quay mô phỏng về hiếp dâm và các hình thức khác của bạo lực tình dục từng xuất hiện trong điện ảnh phổ thông, bao gồm các bộ phim cưỡng hiếp và trả thù, kể cả từ thời điểm xuất hiện của nó.
Tính hợp pháp của phim khiêu dâm hiếp dâm mô phỏng là khác nhau, tùy theo từng khu vực pháp lý. Nó gây nhiều sự tranh cãi vì quan điểm cho rằng nó khuyến khích mọi người phạm tội hiếp dâm. Tuy nhiên, các nghiên cứu về tác động của nội dung khiêu dâm mô tả bạo lực tình dục lại cho ra những kết quả trái ngược nhau. Việc tạo ra nội dung khiêu dâm hiếp dâm thật là một tội phạm tình dục ở những quốc gia mà cưỡng dâm là bất hợp pháp. Phim khiêu dâm hiếp dâm thật, bao gồm cả hiếp dâm theo luật định trong nội dung khiêu dâm trẻ em, được tạo ra vì lợi nhuận và các nguyên do khác. Phim khiêu dâm hiếp dâm, cũng như phim khiêu dâm trả thù và các thể loại phụ tương tự mô tả bạo lực khác, có liên quan đến văn hóa hiếp dâm.
Việc sở hữu nội dung khiêu dâm hiếp dâm là bất hợp pháp ở Scotland, Anh và xứ Wales.
Tại Scotland, "Đạo luật Tư pháp Hình sự và Cấp phép năm 2010 (Criminal Justice and Licensing; Scotland Act 2010)" đã hình sự hóa việc sở hữu nội dung khiêu dâm "cực đoan". Điều này bao gồm các mô tả về cưỡng hiếp, và "hoạt động tình dục xâm nhập không có sự đồng thuận, dù là bạo lực hay không", bao gồm cả những hoạt động liên quan đến sự đồng ý của người trường thành và các hình ảnh làm giả. Hình phạt tối đa là phạt tiền không giới hạn và 3 năm tù giam. Đạo luật này không được sử dụng thường xuyên, và nó chỉ dẫn đến một vụ truy tố duy nhất trong bốn năm đầu tiên có hiệu lực của luật này.
Ở Anh và xứ Wales, phải mất thêm 5 năm nữa, nội dung khiêu dâm mô tả hành vi cưỡng hiếp (bao gồm cả những sự mô phỏng liên quan đến đồng thuận của người trưởng thành) mới bị xem là bất hợp pháp ở Anh và xứ Wales, nâng luật này lên ngang hàng với luật của Scotland. Mục 63 của Đạo luật Tư pháp Hình sự và Nhập cư năm 2008 "(Section 63 of the Criminal Justice and Immigration Act 2008)" đã hình sự hóa việc sở hữu "nội dung khiêu dâm cực đoan" nhưng nó lại không nêu rõ các mô tả về cưỡng hiếp. Vào thời điểm đó, người ta cho rằng việc buôn bán nội dung khiêu dâm cưỡng hiếp có thể đã là bất hợp pháp ở Anh và xứ Wales do Đạo luật xuất bản tục tĩu năm 1959 "(Obscene Publications Act 1959)", nhưng phán quyết trong vụ "R v Peacock" vào tháng 1 năm 2012 đã chứng minh rằng điều này không phải vậy. Việc đưa ra đạo luật mới được thủ tướng Anh David Cameron công bố lần đầu tiên vào năm 2013. Trong một bài phát biểu trước NSPCC, ông tuyên bố rằng nội dung khiêu dâm mô tả cưỡng hiếp "bình thường hóa bạo lực tình dục đối với phụ nữ", mặc dù đơn vị chính sách hình sự của Bộ Tư pháp trước đó đã tuyên bố rằng "chúng tôi không có bằng chứng nào cho thấy việc tạo ra các vụ cưỡng hiếp dàn dựng gây ra bất kỳ tác hại nào đối với người tham gia hoặc gây tổn hại cho xã hội phần lớn".
Vào tháng 2 năm 2015, Mục 16 của Đạo luật Tòa án và Tư pháp Hình sự năm 2015 "(Criminal Justice and Courts Act 2015)" đã sửa đổi luật Tư pháp Hình sự và Di trú năm 2008 "(Criminal Justice and Immigration Act 2008)" để hình sự hóa việc sở hữu hình ảnh khiêu dâm mô tả hành vi hiếp dâm. Luật chỉ áp dụng cho tài liệu có sự đồng thuận, mô phỏng, tưởng tượng. Việc sở hữu hình ảnh ghi lại một vụ hiếp dâm thực tế, chẳng hạn như đoạn phim CCTV, không phải là bất hợp pháp; nhưng hình ảnh "làm cho người khác tin là" được tạo ra bởi người lớn cho người lớn đồng thuận sẽ bị truy tố. Vào tháng 1 năm 2014, các nhóm chiến dịch tự do tình dục đã chỉ trích Mục 16 là được định hình một cách tồi tệ và có khả năng hình sự hóa nhiều loại tài liệu hơn so với đề xuất ban đầu. Tuy nhiên, vào tháng 4 năm 2014, bài thuyết trình của BBFC trước Quốc hội gợi ý rằng, luật được đề xuất sẽ không bao gồm "các mô tả hư cấu rõ ràng về cưỡng hiếp và bạo lực tình dục khác, trong đó những người tham gia rõ ràng là diễn viên đang diễn theo kịch bản".
Ở Đức, việc phát tán nội dung khiêu dâm có cảnh hiếp dâm dù thật hoặc giả đều là bất hợp pháp.
Có rất ít hạn chế pháp lý thực tế đối với nội dung khiêu dâm hiếp dâm ở Hoa Kỳ. Các cơ quan thực thi pháp luật Hoa Kỳ tập trung vào các ví dụ mà họ tin rằng tội phạm đã diễn ra trong quá trình sản xuất. Nội dung khiêu dâm hiếp dâm "ảo" mô tả những sự cưỡng hiếp mô phỏng có sự đồng thuận của người lớn không phải là ưu tiên của công an.
Đáp lại phán quyết trong vụ tấn công tình dục "People v. Turner", xHamster đã thiết lập "quy tắc Brock Turner", cấm các video liên quan đến cưỡng hiếp, bao gồm cả những video liên quan đến quan hệ tình dục với bạn tình bất tỉnh hoặc thôi miên.
Những vụ hiếp dâm có thật.
Nữ diễn viên khiêu dâm người Mỹ Linda Lovelace từng viết trong cuốn tự truyện của mình, "Ordeal", rằng cô đã bị ép buộc và cưỡng hiếp trong các bộ phim khiêu dâm vào những năm 1970.
Việc kiểm soát Internet liên quan đến việc điều tra tội phạm thực tế ngày càng trở nên khó khăn hơn do các trang web khiêu dâm hiếp dâm hoạt động một cách ẩn danh, phớt lờ các quy định của ICANN và cung cấp thông tin sai lệch cho cơ sở dữ liệu Whois.
Theo lời kể của các nạn nhân và các tài liệu từ một vụ kiện, từ năm 2009 đến năm 2020, công ty khiêu dâm GirlsDoPorn đã tạo ra hàng trăm video khiêu dâm, trong đó các thiếu nữ được miêu tả là đã bị thao túng, ép buộc, nói dối, cho dùng cần sa hoặc các loại ma túy khác hoặc bị cưỡng ép quan hệ tình dục. Sáu người liên quan đến trang web đã bị buộc tội buôn bán tình dục bằng vũ lực, lừa đảo và ép buộc vào tháng 11 năm 2019. Các video chính thức của công ty đã được xem hơn một tỷ lần, bao gồm cả dịch vụ đăng ký trả phí trên trang web của công ty, cũng như có khoảng 680 triệu lượt xem theo ước tính trên trang web khiêu dâm Pornhub, nơi có kênh channel chính thức của công ty lọt trong top 20 kênh được xem nhiều nhất của trang web. Các bản sao lậu của video cũng được xem hàng trăm triệu lần. Theo một vụ kiện, các video vẫn có thể được tìm thấy trên các trang web khiêu dâm chính thống ít nhất là cho đến tháng 12 năm 2020.
Phụ nữ Nhật Bản bị ép đóng phim khiêu dâm vào những năm 2010.
Các video hiếp dâm phụ nữ và bé gái có thật được quay trong các vụ án "Phòng Bác Sĩ" và "các sự kiện phòng thứ N" ở Hàn Quốc vào cuối những năm 2010 và đầu những năm 2020.
Các video quay cảnh hiếp dâm thực sự đã và đang được lưu trữ trên các trang web khiêu dâm cũng như các trang web chia sẻ video khiêu dâm phổ biến. Những trang web này đã bị những người khởi kiện chỉ trích.
Buôn bán tình dục qua mạng.
Nạn nhân của nạn buôn bán tình dục qua mạng đã bị ép buộc phải phát trực tiếp livestream nội dung khiêu dâm hiếp dâm, nội dung này có thể được ghi hình, sao lưu lại và buôn bán sau đó. Họ bị những kẻ buôn người cưỡng hiếp trước webcam hoặc bị ép thực hiện hành vi tình dục trên chính họ hoặc các nạn nhân khác. Những kẻ buôn người quay phim và phát sóng tội phạm tình dục theo thời gian thực. Nạn nhân thường xuyên bị buộc phải xem những khán giả tiêu dùng trả tiền trên màn hình và làm theo các yêu cầu của họ. Nó xảy ra ở các địa điểm, thường được gọi là 'các tụ điểm cybersex', có thể là ở nhà, khách sạn, văn phòng, quán cà phê internet, và các cơ sở kinh doanh khác. |
Giải vô địch bóng ném nam thế giới 2023
Đây là một đổi hướng từ một trang đó đã được . Trang này được giữ lại dưới dạng một trang đổi hướng để tránh phá vỡ các liên kết, cả bên trong và bên ngoài, có thể đã được liên kết tới tên trang cũ.
Giải vô địch bóng ném nam thế giới 2023 là giải đấu lần thứ 28 do Liên đoàn bóng ném quốc tế tổ chức. Giải đấu do Ba Lan và Thụy Điển đồng đăng cai tổ chức, diễn ra từ ngày 11 đến ngày 29 tháng 1 năm 2023.
Nhà đương kim vô địch của 2 giải đấu liên tiếp 2019 và 2021, Đan Mạch lập kỷ lục của giải đấu khi trở thành đội tuyển đầu tiên 3 lần liên tiếp lên ngôi vô địch thế giới sau khi đánh bại Pháp với tỷ số 34–29 ở trận chung kết. Tây Ban Nha giành huy chương đồng của giải đấu sau khi đánh bại đồng chủ nhà, đương kim vô địch châu Âu và cũng là đương kim Á quân của giải đấu Thụy Điển với tỷ số 39–36 ở trận tranh hạng ba.
Bầu chọn chủ nhà.
Có 8 quốc gia bày tỏ nguyện vọng mong muốn được đăng cai giải đấu:
Tuy nhiên, khi giai đoạn đấu thầu kết thúc vào ngày 15 tháng 4 năm 2015 thì chỉ có 3 quốc gia nộp hồ sơ đấu thầu đăng cai giải đấu. Vào ngày 21 tháng 4 năn 2015, có thông báo cho rằng Ba Lan và Thụy Điển cùng liên minh để đăng cai giải đấu này.
Quyết định ban đầu được đưa ra vào ngày 4 tháng 6 năm 2015, nhưng Đại hội của Liên đoàn bóng ném quốc tế quyết định lùi lại vào ngày 6 tháng 11 năm 2015. Liên minh Ba Lan–Thụy Điển thắng thầu và giành quyền đăng cai giải đấu. Đây là lần đầu tiên Ba Lan đăng cai một giải vô địch bóng ném nam thế giới.
Địa điểm thi đấu.
Giải đấu được diễn ra trên 9 thành phố (4 thành phố của Ba Lan và 5 thành phố của Thụy Điển): Kraków, Gdańsk, Katowice, Płock, Stockholm, Malmö, Gothenburg, Jönköping and Kristianstad. Trận khai mạc diễn ra tại Katowice (Ba Lan) trong khi trận chung kết diễn ra tại Stockholm (Thụy Điển).
Logo của giải đấu được công bố vào ngày 23 tháng 8 năm 2021. Logo của giải đấu được thiết kế dựa trên nền màu xanh đậm, lấy cảm hứng từ sao chổi đang thắp sáng trên bầu trời. Biểu tượng này truyền tải sự năng động và biểu cảm. Các đường mòn tạo nên một bàn tay, kết hợp với quả bóng ở phía trước, tạo nên một hình thức đồ họa đặc trưng và thân thiện. Màu sắc của logo tượng trưng cho màu sắc trên quốc kỳ của Ba Lan và Thụy Điển, hai quốc gia đăng cai giải đấu. Logo này mang thông điệp về bộ môn bóng ném. Sự phân chia màu sắc khéo léo và cân đối thể hiện sự hợp tác, đoàn kết của các đơn vị tổ chức sự kiện và gắn bó với nhau với mong muốn giải đấu sẽ thành công tốt đẹp. Logo của giải đấu do Studio Signature, một công ty đồ họa của Ba Lan thiết kế. Khẩu hiệu: "Stick Together" (tạm dịch là: "Cùng nhau gắn bó") được công bố vào ngày 15 tháng 9 năm 2021. Khái niệm này là khuôn khổ cho mọi hoạt động giao tiếp của mỗi con người và là người gửi tất cả các bài đăng hoặc cách thể hiện khác trong giải đấu. Câu khẩu hiệu này tượng trưng bằng nhiều khái niệm khác nhau:
Câu khẩu hiệu này cũng là một phần của các khái niệm về sự phát triển bền vững trong các mối quan hệ hợp tác giữa Ba Lan và Thụy Điển.
Buổi lễ bốc thăm diễn ra vào ngày 2 tháng 7 năm 2022 tại Trung tâm Dàn nhạc Giao hưởng Đài Phát thanh Quốc gia Ba Lan ở Katowice, Ba Lan.
Các nhóm hạt giống.
Các đội được xếp vào các nhóm hạt giống dựa theo bảng xếp hạng giải đấu trước, cộng với quy tắc xếp hạng khu vực của Liên đoàn bóng ném quốc tế.
Các quốc gia chủ nhà có thể chọn một đội thi đấu ở mỗi thành phố chủ nhà khác nhau. Trong đó Tây Ban Nha sẽ thi đấu tại bảng A, Na Uy thi đấu tại bảng F (đều diễn ra tại Krakow) và nhà đương kim vô địch Đan Mạch thi đấu tại bảng H (diễn ra tại Malmö). Đức thi đấu tại bảng E (diễn ra tại Katowice), Iceland thi đấu tại bảng D (diễn ra tại Kristianstad) và Croatia thi đấu tại bảng G (diễn ra tại Jönköping).
Danh sách các trọng tài được công bố vào ngày 16 tháng 11 năm 2022.
Giai đoạn vòng bảng.
"Tất ca các trận đấu đều diễn ra theo (UTC+1)."
Kết quả các đội đi tiếp từ Bảng A và Bảng B sẽ được tính vào kết quả của bảng đấu.
Kết quả các đội đi tiếp từ Bảng C và Bảng D sẽ được tính vào kết quả của bảng đấu.
Kết quả các đội đi tiếp từ Bảng E và Bảng F sẽ được tính vào kết quả của bảng đấu.
Kết quả các đội đi tiếp từ Bảng G và Bảng H sẽ được tính vào kết quả của bảng đấu.
Bảng xếp hạng và các giải thưởng.
Các đội đứng từ vị trí thứ 1 đến 8 và từ 25 đến 32 sẽ được quyết định qua vòng đấu loại trực tiếp hoặc phân hạng. Các đội cán đích ở vị trí thứ 3 của vòng chính sẽ đứng từ các vị trí thứ 9 đến 12, các đội cán đích ở vị trí thứ 4 của vòng chính sẽ đứng từ các vị trí thứ 13 đến 16, các đội cán đích ở vị trí thứ 5 của vòng chính sẽ đứng từ các vị trí thứ 17 đến 20 và các đội cán đích ở vị trí cuối bảng của vòng chính sẽ đứng từ các vị trí thứ 21 đến 24.
Đội hình tiêu biểu.
Đội hình tiêu biểu của giải đấu được công bố vào ngày 29 tháng 1 năm 2023. |
Eppelheim ( ]#đổi ) là một thị trấn nằm ở phía bắc bang Baden-Württemberg, giáp với Heidelberg. Nơi đây thuộc huyện Rhein-Neckar-Kreis.
Đây là một đổi hướng từ một trang đó đã được . Trang này được giữ lại dưới dạng một trang đổi hướng để tránh phá vỡ các liên kết, cả bên trong và bên ngoài, có thể đã được liên kết tới tên trang cũ. |
Grobelno (]) là một khu định cư ở miền đông Slovenia. Grobelno nằm tại biên giới giữa đô thị Šmarje pri Jelšah (về phía nam và đông) và đô thị Šentjur (về phía bắc và tây). #đổi , 58% dân số Grobelno sống tại Šmarje pri Jelšah, với 42% ở Šentjur. Toàn bộ khu định cư, cũng như toàn bộ đô thị này, được bao gồm trong vùng thống kê Savinja, mà nó nằm trong phân vùng Slovenia của Công quốc lịch sử Styria.
Các tuyến đường sắt chạy qua khu định cư, bao gồm một điểm giao nhau ở đoạn Šentjur để chuyển giữa một tuyến từ Celje và một tuyến từ Maribor. |
Binh đoàn số 3 (Phổ-Đức)
Binh đoàn số 3 () là một biên chế đơn vị quân sự được thành lập trong thời gian ngắn trong Chiến tranh Pháp–Phổ. Nó được tạo thành từ các đơn vị quân đội của Phổ và các tiểu quốc Nam Đức, khiến nó trở thành binh đoàn toàn Đức đầu tiên trong lịch sử nước Đức.
Sau Chiến tranh Áo – Phổ và việc thành lập Liên bang Bắc Đức, Thủ tướng Phổ Otto von Bismarck đã ký kết các hiệp ước liên minh phòng vệ với các tiểu quốc Nam Đức còn lại, cung cấp hành động chung trong trường hợp xảy ra xung đột với nước ngoài. Khi chiến tranh trở nên không thể tránh khỏi do bê bối từ bức mật điện Ems và lời tuyên chiến sau đó của Pháp, Binh đoàn số 3 của liên minh được thành lập để bổ sung cho các binh đoàn số 1 và số 2 của Phổ. Tổng tư lệnh của binh đoàn là Thái tử Friedrich Wilhelm của Phổ, tướng Leonhard von Blumenthal được bổ nhiệm làm Tổng tham mưu trưởng. Binh lực của Binh đoàn số 3 tính vào thời điểm sau khi bổ sung thêm Quân đoàn VI lên đến 153 tiểu đoàn (155.000 quân), 134 phân đội (19.800 kỵ binh) và 96 khẩu đội (576 pháo), với tổng hành dinh đặt tại Mannheim.
Biên chế chủ lực ngày 1 tháng 8 năm 1870.
Quân đoàn V Phổ dưới quyền Trung tướng Hugo von Kirchbach
Quân đoàn XI Phổ dưới quyền Trung tướng Julius von Bose
Quân đoàn I Bayern dưới quyền Thượng tướng Bộ binh Ludwig von der Tann-Rathsamhausen
Quân đoàn II Bayern dưới quyền Thượng tướng Bộ binh Jakob von Hartmann
Quân đoàn Württemberg-Baden dưới quyền Trung tướng August von Werder
Từ đầu tháng 9 năm 1870 Quân đoàn VI vẫn ở Silesia như một lực lượng dự bị vào đầu cuộc chiến để bảo vệ khỏi khả năng Áo tham chiến.
Quân đoàn VI Phổ dưới quyền Thượng tướng kỵ binh Wilhelm von Tümpling
Tổng binh lực (gồm cả Quân đoàn VI): 153 tiểu đoàn, 134 phân đội và 96 khẩu đội (576 pháo)
Trận Weißenburg, Wörth và Beaumont.
Binh đoàn số 3 tham chiến lần đầu tiên với cuộc tấn công qua biên giới vào Alsace. Các quân đoàn I Bayern, quân đoàn V và XI, và Sư đoàn Württemberg tiến đánh khu vực giữa Germersheim và Landau, Quân đoàn II Bayern tiến công gần Bergzabern ở Pfalz của Bayern. Chỉ có sư đoàn Baden được giữ lại ở hữu ngạn sông Rhine gần Rastatt để có thể phản ứng nhanh trước một cuộc xâm lược có thể xảy ra từ Strasbourg trên đất Baden. Trong trận Weißenburg vào ngày 4 tháng 8 năm 1870, 22 tiểu đoàn Đức và 11 tiểu đoàn Pháp tham chiến. Quân Đức giành được chiến thắng trong trận chiến này một mặt là nhờ ưu thế về quân số và thực tế là chỉ huy quân Pháp, tướng Douay, dường như chưa chuẩn bị cho một cuộc chiến. Thái tử Frederick của Phổ tiếp tục cho binh đoàn tiến công theo hướng tây nam và chuyển tổng hành dinh đến Sulz.
Chỉ huy quân chủ lực của Pháp, Thống chế MacMahon, đến ngày 5 tháng 8, đã cho quân Pháp chiếm lĩnh một vị trí vững chắc ở rìa cao phía tây của thung lũng lạch Sauer, trải dài từ Frœschwiller qua Reichshofen đến Görsdorf. Lúc 7 giờ sáng Trận chiến Wörth bắt đầu. Vào khoảng 8 giờ sáng, tướng von Kirchbach, tư lệnh Quân đoàn V của Phổ, đã ra lệnh ngừng chiến. Tuy nhiên, ông sớm phải tấn công trở lại, khi Quân đoàn II của Bayern tiến đến hỗ trợ. Kirchbach sau đó điều động Sư đoàn 9 dưới sự chỉ huy của tướng von Sandrart tiến vào tham chiến ở Wörth. Cùng lúc đó Quân đoàn XI của Phổ đã tiến hành tấn công ở cánh trái. Lúc 1 giờ chiều, Thái tử Friedrich đích thân chỉ huy chiến trường. Vào khoảng 1 giờ 30 chiều, Quân đoàn V của Phổ tấn công rìa phía tây của Sauer giữa Wörth và Frœschwiller, đồng thời kỵ binh Württemberg xuất hiện ở cánh trái và Quân đoàn XI của Phổ cũng phát động tấn công. Toàn bộ vùng rìa của Niederwald dần rơi vào tay quân Đức. Tướng von Bose điều toàn bộ dàn pháo binh ở tả ngạn Sauer để hỗ trợ cuộc tấn công của Quân đoàn V vào Frœschwiller. Tướng von Bose lần thứ hai bị thương nặng, tham mưu trưởng bị mất một con ngựa, Thiếu tướng von Schkopp nắm quyền chỉ huy trận chiến trong thời gian ngắn. Vào khoảng 3 giờ 15 chiều, quân Phổ tấn công Frœschwiller từ phía nam và phía đông. Chỉ khi vòng vây kép trở nên rõ ràng, Thống chế Pháp MacMahon mới ra lệnh rút lui qua Niederbronn đến Saverne. Quân Đức đã mất 10.642 người tại Wörth.
Sau khi mất dấu đối phương, Sư đoàn 4 kỵ binh dưới sự chỉ huy của Vương tử Albrecht của Phổ, đã tiến hành trinh sát khu vực Saar. Ngày 19 tháng 8, Binh đoàn số 3 được lệnh tạm dừng trên tuyến sông Meuse để cho các đơn vị của Binh đoàn sông Mass mới thành lập dưới sự chỉ huy của Thái tử Albert của Sachsen công kích. Sau khi nhận ra lực lượng chủ lực của Pháp đang tập trung tại Châlons, Binh đoàn số 3 được lệnh tiến tới Châlons; đồng thời, Binh đoàn sông Maas sẽ tiến xa hơn về phía bắc tới Paris. Đến ngày 24 tháng 8 năm 1870, quân Đức đã nhận được tổng cộng 150.000 quân tiếp viện, bù đắp cho những tổn thất trong vài tuần đầu tiên. Ngoài việc tăng cường quân số, Binh đoàn số 3 còn được bổ sung thêm Quân đoàn VI dưới sự chỉ huy của tướng von Tümpling. Quân đoàn này cho đến ngày 6 tháng 8 vẫn ở Silesia để dự phòng cho một cuộc xung đột có thể xảy ra với Áo. Binh đoàn Châlons của Pháp tập trung ở Châlons, bắt đầu từ ngày 23 tháng 8, đã hành quân đến Reims với ý định tiếp tục đi qua Montmédy rồi dọc biên giới Bỉ để tiếp cận với Binh đoàn sông Rhin đang bị bao vây ở Metz. Ngày 26 tháng 8, cả hai binh đoàn của Đức bắt đầu rẽ sang phải và tiến về phía Binh đoàn Châlons. Tổng tham mưu trưởng của liên quân Đức, tướng Moltke, đã ra lệnh cho các quân đoàn V và XI tiến vào giữa Sedan và biên giới với Bỉ, đồng thời lệnh cho Binh đoàn số 3 hành quân chặn được quân Pháp rút về phía Mézieres. Ngày 25 tháng 8, Quân đoàn XI tiến đến phía nam sông Marne và tiếp theo đó là Quân đoàn V phải rẽ phải về hướng bắc tới Sainte-Menehould. Kết quả các cuộc hành quân của Binh đoàn số 3 của Đức đã đẩy binh đoàn của MacMahon tới biên giới Bỉ.
Ngày 27 tháng 8, Binh đoàn số 3 được lệnh tiến quân vào Damvillers và bảo vệ các điểm giao cắt Meuse tại Dun và Stenay. Ngày 30 tháng 8, Trận Beaumont diễn ra, hai binh đoàn Đức dần thu hẹp khoảng cách giữa họ và cuối cùng gặp nhau gần Beaumont, nơi Quân đoàn V của Pháp đóng quân, kiệt sức sau trận giao tranh ngày hôm trước và một đêm hành quân. Đồng thời, quân Pháp hoàn toàn bất ngờ khi bị Quân đoàn IV (Binh đoàn sông Mass) tấn công ở cánh trái và Quân đoàn I Bayern (Binh đoàn số 3) tấn công ở cánh phải khi đang di chuyển. Quân Pháp bị mắc kẹt giữa 2 quân đoàn Đức, đã gắng sức phản công nhưng đều bị quân Đức đẩy lui. Về phía Đức, toàn bộ pháo binh của Quân đoàn IV, gồm cả các khẩu đội của Quân đoàn XII Sachsen và Quân đoàn Bayern hỗ trợ. Quân đoàn cận vệ Phổ tiến xa tới Beaumont; Giao tranh ác liệt xảy ra sau đó, kéo dài cho đến khi màn đêm buông xuống, quân Pháp bị đẩy lùi vào thung lũng Meuse. Không có phương tiện tổ chức để tự vệ, quân Pháp đã bị đánh lui với 5.700 người chết và bị thương, bị bắt 1.800 tù binh và mất hầu hết trang thiết bị. Tổn thất của quân Đức lên tới 3.400 người.
Trận chiến quyết định tại Sedan.
Ngày 31 tháng 8, Quân đoàn XI đã chiếm được trọng điểm Donchery trên sông Meuse và do đó kiểm soát hữu ngạn sông Meuse, cũng như tuyến đường sắt tới Mezieres. Đánh giá thấp sức mạnh và tốc độ của đội hình quân Đức, Mac-Mahon tin tưởng ở Sedan rằng ông có thể tập hợp quân đội của mình để tổ chức lại và bổ sung nguồn cung cấp. Vào buổi sáng ngày 1 tháng 9, Trận Sedan bắt đầu. Đầu tiên, các đơn vị của Quân đoàn I Bayern vượt sông Meuse lúc 4 giờ sáng và xâm nhập vào Bazeilles. Quân đoàn XI tiến đến lập trại ở thị trấn Floing. Quân đoàn V phong tỏa con đường dẫn ra khỏi Illy. Khi cao điểm bị chiếm, Sedan bị bao vây tứ phía. Cuộc tấn công vào Fond de Givonne đã đánh sập phòng tuyến của quân Pháp và quân Pháp rút lui hỗn loạn về pháo đài cũ của Sedan. Chi huy mới của Binh đoàn Châlons, tướng Wimpffen, cho rằng vẫn có khả năng tiến hành cuộc tấn công tập trung cuối cùng nhằm vào Balan từ pháo đài với phần binh lực còn lại của ông ta và đẩy lùi liên quân Đức tại đây. Tuy nhiên, liên quân Đức nhanh chóng phản công và tái chiếm lại được Balan. Vì các sĩ quan Pháp lúc này đã từ chối tuân lệnh Wimpffen và buộc ông ta phải tuân theo chỉ thị của Napoléon III rút lui về pháo đài. Tuy nhiên, đến 1 giờ sáng, những nỗ lực chung của Bismarck và Moltke đã thành công trong việc thuyết phục Wimpffen về sự vô ích của việc tiếp tục giao tranh, sau đó lệnh ngừng bắn được kéo dài đến 9 giờ sáng để hội đồng chiến tranh Pháp có thể đưa ra quyết định cuối cùng về việc có nên tiếp tục chiến đấu hay không, đầu hàng hay tiếp tục chiến đấu. Hội đồng chiến tranh đã họp lúc 7 giờ sáng ngày 2 tháng 9 và kết thúc bằng việc chấp nhận đầu hàng: Hoàng đế Pháp, 39 tướng lĩnh, 2.830 sĩ quan và 83.000 binh lính bị bắt làm tù binh. Sau chiến thắng tại Sedan, Quân đoàn I Bayern, dưới sự chỉ huy của tướng von der Tann, vẫn ở lại Sedan trong thời gian này để giám sát việc di chuyển tù nhân.
Cuộc vây hãm Paris.
Tại Paris, dưới áp lực của người dân, ngày 4 tháng 9 năm 1870, Đế chế bị bãi bỏ và nền Cộng hòa thứ ba được tuyên bố thành lập. Lực lượng quân Đức dưới quyền của các thái tử Phổ và Sachsen, sau khi kết thúc giao tranh tại Sedan, đã ngay lập tức hành quân đến Paris để có thể kết thúc chiến tranh bằng cách nhanh chóng chiếm thủ đô nước Pháp. Quân đoàn VI dưới sự chỉ huy của tướng von Tümpling đã có mặt ở Reims với tư cách là đội tiên phong. Trước đó, tướng Trochu đã được Napoléon bổ nhiệm làm Toàn quyền và người đứng đầu lực lượng phòng thủ Paris. Quân đoàn 13 của Pháp dưới sự chỉ huy của tướng Vinoy đã may mắn thoát khỏi thảm họa Sedan, đã hội quân và tham gia bảo vệ mặt trận phía nam của thành phố, giữa Créteil qua Sceaux đến Meudon. Ngày 10 tháng 9, phần lớn các đơn vị của Binh đoàn số 3 đã tiến đến phòng tuyến Dormans - Sézanne, trong khi Quân đoàn VI vượt sông Marne tại Château-Thierry. Ngày 16 tháng 9, đạo quân dưới quyền Thái tử Albert của Sachsen đã tiến đến Nanteuil, Sư đoàn 5 kỵ binh có mặt tại Beaumont và Sư đoàn 6 kỵ binh đã tiến đến Saint-Denis, Bộ chỉ huy Đức cũng tiến về Meaux. Quân đoàn II Bayern dưới sự chỉ huy của tướng von Hartmann đã vượt sông Seine tại Corbeil, tuyến đường sắt giữa Paris và Orléans bị gián đoạn. Binh đoàn số 3 hành quân về phía nam Paris. Ngày 18 tháng 9, quân của Vinoy bất ngờ tấn công gần Villeneuve Saint Georges để bảo vệ kho tiếp tế ở đó, nhưng họ đã bị đẩy lùi bởi hỏa lực pháo binh của Quân đoàn V Phổ. Tướng Hugo von Kirchbach sau trận Sceaux, ngày 19 tháng 9 đã chiếm được Versailles. Quân đoàn II Bayern tiến đến Longjumeau và bố trí ở mặt trận phía nam trong những ngày tiếp theo trên cao nguyên Bicetre. Ở phía đông gần Villers. Quân đoàn VI đã chiếm lĩnh được hai bên bờ sông Seine. Sư đoàn dã chiến Württemberg dưới sự chỉ huy của tướng von Obernitz cũng đã bảo đảm được các điểm giao cắt Marne tại Lagny và Gounay ở phía đông. Quân đội dưới quyền Thái tử Albert của Sachsen đóng chặt Paris ở phía bắc và phía đông, còn quân đội của Thái tử Phổ ở phía nam và phía tây. Đường phân chia giữa hai đạo quân bao quanh Paris, với tổng cộng 6 quân đoàn, hình thành nên tuyến bao vây ở cả bờ bắc và bờ nam sông Seine.
Tuy nhiên, trước tình hình đó, tướng Moltke lại không tỏ rõ động thái muốn tấn công thành phố. Ngay sau cuộc vây hãm Paris, người ta đã thấy rõ rằng người dân sẽ kiệt sức vì đói. Tướng Trochu cho phép Vinoy xuất kích từ mặt trận phía nam chống lại quân Đức. Tướng Vinoy phát động tấn công vào ngày 30 tháng 9 tại Chevilly với 20.000 binh sĩ, nhưng bị Quân đoàn VI đẩy lui. Ngày 13 tháng 10, Quân đoàn II Bayern bị đẩy lùi khỏi Châtillon, nhưng quân Pháp cũng buộc phải rút lui sau đó do áp lực hỏa lực của pháo binh và cuộc phản công của liên quân Đức. Từ ngày 10 đến 16 tháng 10, quân Đức nhận được tiếp viện đáng kể. Sư đoàn 17 sau khi công phá Pháo đài Toul thành công, đã được điều đến tăng viện, được bố trí giữa quân đoàn Bayern và Quân đoàn V tại Meudon và Sư đoàn Cận vệ Landwehr (do tướng von Löen chỉ huy) cũng đã tiến vào mặt trận tại St. Germain.
Tướng Carrey de Bellemare, chỉ huy lực lượng phòng thủ khu vực phía bắc thành phố tại Saint-Denis, ngày 29 tháng 10, đã cho quân tấn công Vệ binh Phổ tại Le Bourget và chiếm lĩnh nơi này dù không nhận được lệnh. Tướng chỉ huy Sư đoàn 2 Vệ binh Phổ Rudolph von Budritzki không mấy quan tâm đến việc chiếm lại các vị trí nhỏ không quan trọng, nhưng Thái tử Albert đã ra lệnh cho ông phải tái chiếm lại vị trí này. Trong trận Le Bourget, quân Phổ đã chiếm lại được cứ điểm và bắt khoảng 1.200 tù binh Pháp. Ngày 19 tháng 1 năm 1871, khoảng 90.000 người chia thành ba cánh quân dưới sự chỉ huy của Trochus đã thực hiện nỗ lực cuối cùng để đột phá Buzenval gần tổng hành dinh của quân Phổ ở phía tây Paris. Quân Đức dễ dàng đẩy lùi cuộc tấn công từ Pháo đài Mont Valérien. Nỗ lực đột phá này đã cướp đi sinh mạng của hơn 4.000 quân Pháp, trong khi phía Đức chỉ thiệt hại 600 binh sĩ. Trochu từ chức thống đốc quân sự, giao quyền chỉ huy đơn vị đồn trú, vốn vẫn còn 146.000 người, cho tướng Vinoy. Bộ trưởng Favre vào ngày 24 tháng 1 đã đích thân đến Versailles và đàm phán các điều khoản đình chiến với Bismarck vào ngày 26. Cuộc bắn phá chấm dứt vào ngày 28 tháng 1 năm 1871. Hiệp ước đình chiến được ký kết, có hiệu lực ở Paris vào ngày 29 tháng 1 năm 1871. |
Đây là một đổi hướng từ một trang đó đã được . Trang này được giữ lại dưới dạng một trang đổi hướng để tránh phá vỡ các liên kết, cả bên trong và bên ngoài, có thể đã được liên kết tới tên trang cũ.
Venetian Las Vegas là một khu nghỉ dưỡng sang trọng với khách sạn và sòng bạc, nằm trên Las Vegas Strip tại Paradise, Nevada, Hoa Kỳ. Khu nghỉ dưỡng này thuộc sở hữu của Vici Properties và do Apollo Global Management điều hành. Dự án này được doanh nhân Sheldon Adelson phát triển thông qua công ty Las Vegas Sands. Venetian được xây dựng trên vị trí trước đây của khách sạn và sòng bạc Sands, đã đóng cửa và bị phá hủy vào năm 1996.
Xây dựng Venetian bắt đầu vào tháng 4 năm 1997 và khu nghỉ dưỡng mở cửa vào ngày 4 tháng 5 năm 1999. Một số tiện nghi vẫn chưa hoàn thành, và công việc xây dựng tiếp tục cho đến cuối năm. Các nhà thầu phụ sau đó đã nộp đơn mechanic's liens đối với dự án do công việc chưa được thanh toán, dẫn đến các vụ kiện kéo dài. Venetian cũng có xích mích với Culinary Workers Union về quyết định của Adelson mở cửa khu nghỉ dưỡng như một nơi không thuộc công đoàn.
Khu nghỉ dưỡng Venetian được thiết kế bởi Stubbins Associates và Wimberly Allison Tong Goo, lấy cảm hứng từ Venice với các bản sao của nhiều công trình nổi tiếng và kênh với gondola. Với sòng bạc rộng 120,000 feet vuông, Venetian mở cửa với 3,036 căn hộ trong tòa tháp 35 tầng. Một tòa tháp 12 tầng mang tên Venezia hoàn thành vào năm 2003, đưa số lượng căn hộ lên 4,049. The Palazzo, khách sạn và sòng bạc liên quan, mở cửa ở phía bắc Venetian vào năm 2007.
Venetian được xây dựng để phục vụ đặc biệt cho người tham dự hội nghị, với không gian họp riêng cùng với Venetian Expo. Tài sản cũng bao gồm Grand Canal Shoppes và từ năm 2001 đến 2008, Guggenheim Hermitage Museum. Venetian có nhiều sân khấu biểu diễn, đã tổ chức các chương trình giải trí như Blue Man Group (2005–2012), Phantom: The Las Vegas Spectacular (2006–2012), và Human Nature (2013–2020). Một khu vực và sân vận động hình cầu, Sphere at The Venetian Resort, dự kiến sẽ mở cửa vào tháng 9 năm 2023.
Vào cuối năm 2020, Las Vegas Sands tập trung vào tài sản ở Macau, bao gồm cả The Venetian Macao. Tháng 2 năm 2022, Apollo Global Management mua lại hoạt động của Venetian, Palazzo, và Venetian Expo với giá 2.25 tỷ đô la, còn Vici Properties mua lại mảnh đất dưới cơ sở với giá 4 tỷ đô la.
Lý thuyết và xây dựng.
Venetian được xây dựng trên diện tích từng thuộc về Sands Hotel and Casino, khách sạn và sòng bạc khai trương vào năm 1952. Las Vegas Sands, công ty do doanh nhân Sheldon Adelson thành lập, mua lại Sands resort vào năm 1989. Adelson lập kế hoạch thay thế khu nghỉ dưỡng cũ, không còn cạnh tranh với những tài sản mới hơn. Sands đóng cửa vào tháng 6 năm 1996 và bị phá hủy năm tháng sau để xây Venetian.
Xây dựng bắt đầu ngày 14 tháng 4 năm 1997 với lễ khởi công nhẹ nhàng. Lehrer McGovern Bovis đảm nhận vai trò nhà thầu chính. Công việc bắt đầu mà không cần có giấy phép cuối cùng, chiến lược đã được sử dụng bởi một số khu nghỉ dưỡng khác trên Las Vegas Strip. Nền móng của Venetian được đổ hai tháng sau lễ khởi công, sau đó là xây dựng ba tầng. Việc tiếp tục không thể tiến hành cho đến khi một nghiên cứu về giao thông được phê duyệt. Một hệ thống extranet được sử dụng trong quá trình xây dựng để duy trì tiến độ. Hệ thống này chứa 4,500 mục, bao gồm hình ảnh, minh họa, tài liệu pháp lý và ngân sách. Các thành viên trong nhóm dự án, đặt ở nhiều vị trí khác nhau, có thể truy cập các mục qua extranet, tăng cường hiệu suất công việc.
Một nhóm dân số quan trọng trong trường hợp này là những người tham gia hội nghị, mà Adelson cho là chưa được đáp ứng đầy đủ tại Las Vegas. Vào cuối năm 1997, dự án đã thu được 523 triệu đô la thông qua việc bán trái phiếu. Tổng kinh phí cuối cùng là 1,5 tỷ đô la. Các nhà phân tích tài chính đã thể hiện sự hoài nghi về việc liệu dự án có hoàn thành không, trong khi các quản lý cờ bạc đã đặt câu hỏi về quyết định của Adelson tập trung vào khách đi công tác và hội nghị. Đến thời điểm đó, cờ bạc đã là nguồn tạo doanh thu quan trọng nhất tại Las Vegas. Dự kiến Venetian sẽ tạo việc làm cho hơn 4,000 người, và đã nhận hơn 100,000 đơn xin việc.
An toàn tại hiện trường xây dựng đã được đặt câu hỏi sau một số vụ tai nạn, bao gồm một công nhân tử vong vào tháng 1 năm 1998 sau một vụ té ngã. Vào cuối năm, một công nhân khác bị nghiền và chết khi một bức tường nặng 8,000 pound đổ từ độ cao 32 tầng trong quá trình nâng bằng cần cẩu. Vào tháng 2 năm 1999, ba công nhân đã phải được cứu từ bề mặt ngoại vi của tòa tháp sau khi cáp giàn giáo bị mắc kẹt do gió mạnh, làm cho công nhân bị kẹt ở độ cao 22 tầng trên mặt đất. Vào tháng 3 năm 1999, một vụ rò rỉ khí tự nhiên đã xảy ra tại hiện trường sau khi công nhân vô tình va vào ống khí, đóng cửa một khối đường The Strip trong hai giờ. Ngày hôm sau, một thợ điện đã tử vong sau khi rơi hơn 30 feet qua một lỗ trống, đánh dấu cái chết thứ ba kể từ khi bắt đầu xây dựng. Trước đó, Bovis đã bị phạt 9,300 đô la vì vi phạm an toàn, bao gồm việc thiếu bảo vệ chống ngã gần các lỗ trống.
Ban đầu, ngày mở cửa dự kiến là ngày 21 tháng 4 năm 1999. Adelson muốn mở cửa sớm hơn một tuần để phục vụ khách tham dự hội nghị ở khách sạn. Nhưng cả hai ngày mở cửa đều bị trì hoãn vì công việc xây dựng và kiểm tra công trình chưa hoàn thành. Kết quả, 900 khách tham dự hội nghị đã phải chuyển đến khách sạn khác.
Sau đó, một lễ khai trương nhẹ nhàng đã được lên kế hoạch vào ngày 3 tháng 5 năm 1999. Buổi lễ mở cửa riêng tư diễn ra vào buổi sáng và có hàng ngàn khách VIP tham dự, bao gồm nữ diễn viên Sophia Loren và hơn 500 nhà báo từ khắp nơi trên thế giới. Các cuộc kiểm tra của hạt đã làm trì hoãn việc mở cửa cho công chúng cho đến 12:45 sáng hôm sau. Nó là một trong ba khu nghỉ mới mở cửa trên đại lộ Strip trong năm 1999, cùng với Mandalay Bay và Paris Las Vegas.
Bởi vì công trình vẫn đang tiếp tục, khu nghỉ dưỡng đã mở cửa mà không có đầy đủ tiện nghi như trung tâm mua sắm và nhà hàng. Một phần lớn tòa tháp khách sạn cũng không khả dụng ban đầu do công việc kiểm tra. Vì vậy, nhiều khách đã phải chuyển đến các khu nghỉ dưỡng khác. Cuộc kiểm tra tiếp tục trong vài ngày sau khi mở cửa, chỉ có 6 tầng đầu và 320 phòng được phê duyệt để hoạt động. Xây dựng tiếp tục sau khi mở cửa, và hoàn thành vào tháng 12 năm 1999. Khu nghỉ dưỡng không nhận được giấy phép sử dụng chính thức cho đến tháng 6 năm 2001.
Tranh chấp xây dựng.
Ngay sau khi khai trương, nhiều nhà thầu phụ tố cáo rằng họ đang nợ tiền cho công việc đã thực hiện tại Venetian. Hơn 230 triệu đô la trong quyền thế cơ khí đã được nộp đơn, trong đó có 145 triệu đô la từ Lehrer McGovern Bovis, cũng đã đệ đơn kiện vụ gian lận đối với khu nghỉ dưỡng. Venetian tuyên bố rằng theo hợp đồng với Bovis, họ không phải chịu trách nhiệm bồi thường chi phí của nhà thầu phụ. Khu nghỉ dưỡng cũng nói rằng, mặc dù có yêu cầu từ Adelson, Bovis đã không thực hiện việc thu thập giấy từ bỏ quyền thế cơ khí khi thuê nhà thầu phụ. Theo Bovis, Venetian đã thực hiện hơn 400 thay đổi thiết kế trong 8 tháng cuối cùng của quá trình xây dựng, đồng thời từ chối các yêu cầu gia hạn xây dựng.
Vào tháng 7 năm 1999, khu nghỉ dưỡng đã đệ đơn kiện liên bang trị giá 50 triệu đô la đối với Bovis về các quyền thế cơ khí, cũng như vi phạm hợp đồng. Khu nghỉ dưỡng cho rằng danh tiếng của họ đã bị hại do việc mở cửa phân tán các tiện ích. Bovis đệ đơn kiện quyền thế cơ khí trị giá 145 triệu đô la vào tháng sau. Sau đó, cả hai bên đã đồng ý cố gắng giải quyết tranh chấp ngoài tòa. Tuy nhiên, việc này không thành công. Cuối cùng, một phiên tòa dân sự đã bắt đầu vào tháng 8 năm 2002 và kéo dài trong 10 tháng. Đây là phiên tòa dân sự kéo dài nhất và vụ kiện quyền thế cơ khí lớn nhất trong lịch sử Nevada. Phiên tòa kết thúc vào tháng 6 năm 2003, khi ban thẩm phán tìm thấy cả Venetian và Bovis đều vi phạm hợp đồng. Đối với công việc xây dựng chưa hoàn thành và bị lỗi, Bovis phải trả 2.3 triệu đô la tiền bồi thường cho khu nghỉ dưỡng, và khu nghỉ dưỡng cũng phải trả 44.2 triệu đô la cho Bovis. Las Vegas Sands đã kháng cáo quyết định này, và cuối cùng đã đạt được thỏa thuận với Bovis vào năm 2005.
Các năm tiếp theo.
Đến năm 2002, "Condé Nast Traveler" đã xếp tên Venetian vào danh sách 20 khách sạn hàng đầu tại Bắc Mỹ. Khách sạn cũng đã nhận được đánh giá Four Diamond và Four Star từ American Automobile Association và Mobil Travel Guide tương ứng. Đến năm 2004, Venetian đã thuộc một trong những khu nghỉ dưỡng có lợi nhuận cao nhất ở Las Vegas, chỉ đứng sau Bellagio. Một đối tác tương tự tại Trung Quốc, The Venetian Macao, đã khai trương tại Macao vào năm 2007. Trong năm đó, địa điểm ở Las Vegas cũng mở thêm một tòa nhà khách sạn kết nối, The Palazzo. Năm 2020, độc giả của "USA Today" xếp hạng Venetian và Palazzo vào danh sách 10 khách sạn sòng bạc tốt nhất ở Las Vegas.
Vào năm 2004, Venetian đã đồng ý trả một khoản phạt 1 triệu đô la để giải quyết một vụ khiếu nại 12 điểm từ Bộ Kiểm soát Trò chơi Nevada. Một trong các khiếu nại đã cho rằng khách sạn đã tổ chức một cuộc xổ số để trao một chiếc xe Mercedes-Benz được sắp đặt để giành cho một người chơi lớn đã thua một số tiền lớn trong sòng bạc. Các nhà quản lý liên quan đã bị sa thải.
Vào buổi sáng ngày 10 tháng 10 năm 2012, một người đàn ông đã vào một khu vực cờ bạc bị đóng cửa và lấy đi 1,6 triệu đô la chip sòng bạc từ một hộp bị khóa mà anh ta đã đập mở. Anh ta rời khỏi khu nghỉ dưỡng mà không bị nhận ra, và vụ trộm không được phát hiện cho đến sáng hôm sau. Anh ta bị bắt vào cuối tháng đó, với cơ quan chức năng thu hồi được 396.000 đô la chip.
Năm 2013, Las Vegas Sands đã đạt thỏa thuận không bị truy tố với Bộ Tư pháp Hoa Kỳ sau hai năm điều tra về việc rửa tiền tại Venetian. Doanh nhân và người chơi cờ bạc Zhenli Ye Gon, nghi ngờ vận chuyển ma túy, đã gửi nhiều khoản tiền lớn vào sòng bạc vào năm 2006 và 2007. Las Vegas Sands thừa nhận họ đã không xem xét nghiêm túc vấn đề và đồng ý trả 47,4 triệu đô la cho Bộ Tư pháp.
Tương tự như các sòng bạc khác ở Nevada, Venetian đã đóng cửa vô thời hạn vào tháng 3 năm 2020 vì dịch COVID-19 và ảnh hưởng đối với tiểu bang. Tháng sau, khu nghỉ dưỡng thông báo kế hoạch sử dụng nhân viên y tế khẩn cấp và quét nhiệt độ cơ thể bằng camera tự động khi mở cửa trở lại vào ngày 4 tháng 6 năm 2020.
Vào cuối năm 2020, Las Vegas Sands quyết định tập trung vào hoạt động kinh doanh tại Macau, vì khu vực châu Á được dự kiến sẽ phục hồi từ tác động của đại dịch nhanh hơn. Công ty đã bắt đầu các cuộc thảo luận sớm để bán Venetian, Palazzo và khu triển lãm Sands Expo đối diện. Sheldon Adelson qua đời vào tháng 1 năm 2021, và Las Vegas Sands thông báo hai tháng sau rằng họ sẽ bán ba khu tại Las Vegas với giá 6,25 tỷ đô la. Trong thỏa thuận này, Vici Properties mua đất dưới các tài sản với giá 4 tỷ đô la và Apollo Global Management mua phần hoạt động với giá 2,25 tỷ đô la, như một phần của hợp đồng thuê triple net lease với Vici. Thương vụ bán được hoàn tất vào tháng 2 năm 2022.
Lịch sử liên đoàn.
Trước khi bắt đầu xây dựng, Adelson đã cho biết Venetian sẽ là một khu nghỉ không có liên đoàn, khác với Sands. Điều này đã khiến cho Liên đoàn Công nhân Nhà hàng Culinary, đại diện cho phần lớn công nhân khu nghỉ tại Strip, phê phán. Liên đoàn mong muốn Adelson tái tuyển công nhân Sands mà không phải qua quy trình nộp đơn xin việc. Vào tháng 3 năm 1997, liên đoàn đã kêu gọi Ủy ban Quận Clark từ chối dự án Venetian, bất đồng về mối lo ngại về tình trạng giao thông nếu dự án được xây dựng. Vào cuối năm đó, liên đoàn đã tổ chức biểu tình trước một trung tâm xem trước Venetian, dẫn đến lệnh cấm giới hạn mức độ tiếng ồn được phép trong suốt cuộc biểu tình.
Các quản lý khu nghỉ nói rằng tài sản sẽ cung cấp gói lương và lợi ích tương đương hoặc vượt trội so với những gì được cung cấp bởi liên đoàn. Adelson đã giao việc các yếu tố quan trọng của khu nghỉ cho các bên thứ ba, bao gồm hoạt động nhà hàng và bán lẻ. Ông nói rằng việc có liên đoàn sẽ do nhân viên quyết định, tuyên bố hành động của Culinary là "một cố gắng để đe dọa các nhà tuyển dụng như tôi ký hợp đồng cho những người lao động mà tôi chưa thuê, để ngăn tôi cố gắng để cơ hội để tương lai của tôi nhân viên quyết định xem họ có muốn có đại diện của liên đoàn hay không, và ngăn tôi khỏi việc thu hút những nhà hàng có tên tuổi tương tự muốn đem lại cho nhân viên của họ tự do tương tự". Liên đoàn tìm đảm bảo rằng Venetian sẽ giữ thái độ trung lập trong cuộc bầu cử liên đoàn sắp tới. Cuối cùng, khu nghỉ không bao giờ liên đoàn dưới sở hữu của Las Vegas Sands.
Biểu tình năm 1999 và hậu quả.
Một nghiên cứu giao thông cho thấy vỉa hè trước khu Venetian tương lai cần bị di chuyển để mở rộng Las Vegas Boulevard. Khu nghỉ dưỡng đã đồng ý xây vỉa hè trên tài sản riêng với điều kiện mọi người có thể tiếp cận. Hơn 1.000 thành viên Culinary biểu tình trước khu Venetian vào ngày 1 tháng 3 năm 1999, hai tháng trước khi khu nghỉ dưỡng khai trương. Ban quản lý khu nghỉ dưỡng cáo buộc họ xâm phạm và cảnh báo về việc bắt giữ, nhưng công tố viên quận xác định vỉa hè là tài sản công cộng. Nghị sĩ Georgia John Lewis phát biểu tại cuộc biểu tình và cố gắng gặp Adelson, nhưng bị từ chối vì Lewis muốn kết hợp đại diện công đoàn. Mặc dù có giấy phép biểu tình, Venetian liên hệ với Sở Cảnh sát Đô thị Las Vegas (LVMPD) để can thiệp, mặc dù LVMPD tuyên bố sẽ không can thiệp. Venetian cảnh báo công đoàn không nên biểu tình trước khu nghỉ dưỡng qua loa và một nhân viên bảo vệ Venetian thực hiện bắt giữ một thành viên công đoàn.
Một vài ngày sau cuộc biểu tình, khu nghỉ đã nộp đơn kiện liên bang chống lại liên đoàn, quận, công tố viên huyện và Sở Cảnh sát Las Vegas. Khu nghỉ tuyên bố rằng cuộc biểu tình diễn ra trên một con đường riêng biệt khỏi vỉa hè và nó đệ đơn tòa để xác định khu vực trước đây là tài sản riêng. Liên đoàn đã đáp lại: "Chúng tôi đã trải qua điều này trước đây và chúng tôi sẽ trải qua điều này lần nữa. Chúng tôi đã đấu tranh với người đàn ông này trước đó và chúng tôi sẽ đấu tranh với anh ta miễn là cần thiết. Chúng tôi sẽ không bao giờ biến mất. Đây là một hành trình dài và chưa dừng lại". Một thẩm phán đã từ chối yêu cầu của Venetian về lệnh cấm, và hàng ngàn thành viên của Culinary đã biểu tình tại lễ khai trương khu nghỉ. Tuy nhiên, hầu hết khách du lịch được cho là không hay biết hoặc không quan tâm đến cuộc chiến tranh của liên đoàn, tiếp tục tham quan khuôn viên. Venetian buộc tội liên đoàn xâm phạm và tổ chức biểu tình bất hợp pháp, và nộp đơn kiện để ngăn chặn hoạt động như vậy trong tương lai. Một tòa án huyện sau đó vào năm 1999 đã quyết định rằng vỉa hè của khu nghỉ là một diễn đàn công cộng nơi mọi người có thể thực hiện quyền Hiến pháp Thứ Nhất của họ. Quyết định đã bị kháng cáo nhưng được duy trì vào năm 2001.
Sau quyết định của tòa án huyện, liên đoàn đã nộp đơn phàn nàn với Hội đồng Quan hệ Lao động Quốc gia (NLRB) liên quan đến tranh chấp vỉa hè. Cuối cùng, cơ quan này đã quyết định rằng khu nghỉ vi phạm Đạo luật Quan hệ Lao động Quốc gia (NLRA). Venetian đã kháng cáo, nhưng cuối cùng đã thua vụ kiện khi nó đến Tòa án Tối cao Hoa Kỳ, người đã từ chối nghe vụ này vào năm 2008. Tuy nhiên, một năm sau đó, NLRB đã rút lại phát hiện rằng Venetian đã vi phạm NLRA khi liên hệ với cảnh sát.
Sau khi việc mua lại của Apollo được công bố vào năm 2021, Liên đoàn Đầu bếp đã đặt vấn đề về quản lý trước đó của công ty đối với Caesars Entertainment (trước đây là Harrah's Entertainment), bao gồm việc cắt giảm hơn 20.000 nhân công trong vòng 10 năm. Khi tiếp quản vào năm 2022, Apollo đã không phản đối việc hợp thức hóa công đoàn. Năm 2023, đã đạt được thỏa thuận trung lập card check giữa Apollo và Liên đoàn Đầu bếp, cũng như các công đoàn khác. Thỏa thuận này cho phép nhân viên quyết định việc hợp thức hóa công đoàn trong khi lãnh đạo Apollo không thể thể hiện ý kiến về vấn đề này.
Venetian được thiết kế theo chủ đề Venice trong thế kỷ 15 và 16, với nhiều địa danh nổi tiếng. Ban đầu, Adelson không kế hoạch cho khu nghỉ dưỡng có chủ đề. Ông Miriam, vợ thứ hai của ông, đề xuất ý tưởng tạo dựng khu nghỉ dưỡng theo chủ đề Venice, nơi họ trăng mật vào năm 1991.
Dự án được thực hiện bởi hai công ty kiến trúc: Stubbins Associates và Wimberly Allison Tong Goo. Nhiều địa danh và tượng điêu khắc của khu nghỉ dưỡng được tạo bởi Treadway Industries. Dự án thiết kế có sự tham gia của 250 nghệ sĩ và nhà điêu khắc. Với mục tiêu lịch sử chân thực, khu nghỉ dưỡng thuê hai nhà sử học Venice, và Treadway gửi đội ngũ đến đó để chụp ảnh thành phố. Thị trưởng Venice, Massimo Cacciari, chỉ trích thiết kế, gọi đó là một "ví dụ về nghệ thuật phiến loạn cỡ thiên hà" và so sánh khu nghỉ dưỡng với một "người phụ nữ đường phố".
Lối vào bên ngoài dọc theo Las Vegas Strip được mô phỏng theo Dinh Doge và bao gồm một bản tái hiện của Cầu Rialto. Nơi này còn có phiên bản cao 315 feet của Tháp Campanile St. Mark, trên đỉnh có tượng Gabriel. Một nhà hàng xoay hoặc phòng lounge cũng đã được xem xét cho đỉnh tháp, nhưng kích thước quá nhỏ, chỉ 40 feet vuông. Khu mua sắm Grand Canal Shoppes nằm trong một quảng trường trong nhà, thể hiện Quảng trường St. Mark và có trần nhà sơn màu trời. Khu vực khác của khu nghỉ mát có 21 bức tranh giả tưởng thời Phục hưng được đóng khung và gắn vào trần nhà.
Venetian còn bao gồm phiên bản của Kênh Lớn Venice chạy qua nội thất và bên ngoài khu nghỉ mát. Những thuyền gondola di chuyển dọc kênh và du khách có thể tham gia với một khoản phí. Năm 2013, các kênh trong nhà đã được xả nước để sửa chữa trong một tháng, lần đầu tiên kể từ khi khu nghỉ mát mở cửa. Lúc đó, thuyền gondola thu hút 500.000 hành khách hàng năm. |
Đường cao tốc Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu
Thông tin tuyến đường.
Đoạn Hà Tiên – Rạch Giá.
Tuyến đường có chiều dài 100 km, điểm đầu tại cửa khẩu Hà Tiên thuộc thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang và điểm cuối tiếp giáp đoạn Rạch Giá - Bạc Liêu tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Tuyến cao tốc này dự kiến được khởi công xây dựng trước năm 2030.
Đoạn Rạch Giá – Bạc Liêu.
Tuyến đường có chiều dài 112 km, điểm đầu tại tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang và điểm cuối tại thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu; trong đó đoạn qua Kiên Giang dài 44 km, đoạn qua Hậu Giang dài 17 km, đoạn qua Sóc Trăng dài 15 km và đoạn qua Bạc Liêu dài 36 km. Tuyến cao tốc này dự kiến được khởi công xây dựng sau năm 2030. |
Vòng loại giải vô địch bóng đá châu Âu 2024 (Bảng I)
Bảng I của Vòng loại giải vô địch bóng đá châu Âu 2024 là một trong 10 bảng để quyết định đội sẽ vượt qua vòng loại cho vòng chung kết Giải vô địch bóng đá châu Âu 2024 diễn ra tại Đức. Bảng I bao gồm 6 đội: Andorra, Belarus, Israel, Kosovo, România và Thụy Sĩ. Các đội tuyển sẽ thi đấu với nhau mỗi trận khác trên sân nhà và sân khách với thể thức đấu vòng tròn.
Hai đội tuyển đứng nhất và nhì bảng sẽ vượt qua vòng loại trực tiếp cho trận chung kết. Các đội tham gia vòng play-off sẽ được quyết định dựa trên thành tích của họ trong UEFA Nations League 2022–23.
Lịch thi đấu đã được xác nhận bởi UEFA vào ngày 10 tháng 10 năm 2022, sau lễ bốc thăm một ngày. Thời gian là CET/CEST, như được liệt kê bởi UEFA (giờ địa phương, nếu khác nhau, nằm trong dấu ngoặc đơn).
Một cầu thủ sẽ bị đình chỉ tự động trong trận đấu tiếp theo cho các hành vi phạm lỗi sau đây:
Các đình chỉ sau đây sẽ được thực hiện xuyên suốt các trận đấu vòng loại: |
Neckarbischofsheim (]) là một thị trấn thuộc huyện Rhein-Neckar-Kreis, bang Baden-Württemberg, Đức. Nơi đây nằm cách Sinsheim 8 km về phía đông bắc và cách Heidelberg 24 km về phía đông nam.
Đây là một đổi hướng từ một trang đó đã được . Trang này được giữ lại dưới dạng một trang đổi hướng để tránh phá vỡ các liên kết, cả bên trong và bên ngoài, có thể đã được liên kết tới tên trang cũ. |
Chợ Đầu mối Hoà Cường
Chợ Đầu mối Hoà Cường là một ngôi chợ tại phía nam thành phố Đà Nẵng.
Chợ tọa lạc trên địa bàn phường Hoà Cường Bắc, quận Hải Châu, tiếp giáp với bốn tuyến đường Lê Sát, Lê Nổ, Lê Thanh Nghị, Hồ Nguyên Trừng và cách cầu Tiên Sơn không xa.
Chợ Đầu mối Hòa Cường được hình thành từ đầu những năm 2000. Hiện nay, chợ là trung tâm mua sắm lớn và sầm uất của thành phố. |
Tính thông hiểu lẫn nhau
Trong ngôn ngữ học, tính thông hiểu lẫn nhau là mối quan hệ giữa các ngôn ngữ hoặc phương ngữ khi mà người sử dụng các biến thể khác nhau nhưng có liên quan có thể hiểu được nhau một cách dễ dàng mà không cần quen biết trước hay tốn nhiều nỗ lực. Đôi khi, thông hiểu lẫn nhau được sử dụng như một tiêu chí quan trọng để phân biệt giữa ngôn ngữ và phương ngữ, dù các yếu tố thuộc lĩnh vực Ngôn ngữ học xã hội cũng thường được đưa vào xem xét.
Việc thông hiểu giữa các ngôn ngữ có thể không đối xứng, tức là người dùng một ngôn ngữ có thể hiểu được nhiều hơn về ngôn ngữ kia so với người dùng ngôn ngữ thứ hai hiểu về ngôn ngữ đầu tiên. Khi sự thông hiểu đối xứng tương đối, nó được gọi là "thông hiểu lẫn nhau". Sự thông hiểu lẫn nhau tồn tại ở nhiều mức độ khác nhau giữa các ngôn ngữ có liên quan hoặc gần nhau về địa lý trên thế giới, thường xuyên xuất hiện trong bối cảnh của một dãy phương ngữ.
Việc một cá nhân đạt được độ thành thạo hoặc hiểu biết ở mức độ vừa phải trong một ngôn ngữ (gọi là NN2) khác ngoài ngôn ngữ mẹ đẻ của họ (NN1) thường đòi hỏi nhiều thời gian và nỗ lực thông qua việc học tập và thực hành, nếu hai ngôn ngữ không có mối quan hệ gần gũi với nhau. Những người thành thạo một ngôn ngữ thứ hai thường hướng tới sự thông hiểu, đặc biệt là trong những tình huống họ làm việc bằng ngôn ngữ thứ hai và việc cần được hiểu là rất quan trọng.
Tuy nhiên, nhiều nhóm ngôn ngữ có mức độ thông hiểu lẫn nhau một phần, tức là hầu hết người nói một ngôn ngữ thì thường dễ dàng đạt được một mức độ hiểu biết nào đó về ngôn ngữ liên quan. Thường thì hai ngôn ngữ có mối quan hệ di truyền với nhau, và chúng có khả năng tương tự nhau về ngữ pháp, từ vựng, phát âm, hoặc các đặc điểm khác.
Sự thông hiểu giữa các ngôn ngữ có thể thay đổi giữa các cá nhân hoặc nhóm trong một dân số ngôn ngữ, tùy thuộc vào kiến thức của họ về các [[ngữ vực] và từ vựng trong ngôn ngữ của mình, sự tiếp xúc với các ngôn ngữ liên quan khác, sự quan tâm đến hoặc quen thuộc với nền văn hóa khác, lĩnh vực thảo luận, đặc điểm [[tâm lý học|tâm lý]]-[[nhận thức]], phương thức ngôn ngữ được sử dụng (viết so với nói), và các yếu tố khác.
[[Khoảng cách ngôn ngữ]] là khái niệm về việc tính toán một số liệu để định lượng độ khác biệt giữa các ngôn ngữ. Khoảng cách ngôn ngữ càng lớn, sự thông hiểu lẫn nhau càng thấp.
Sự thông hiểu không đối xứng.
Sự thông hiểu không đối xứng ám chỉ hai ngôn ngữ được xem là có một phần thông hiểu lẫn nhau, nhưng một nhóm người nói có nhiều khó khăn trong việc hiểu ngôn ngữ kia hơn so với chiều ngược lại. Có thể có nhiều lý do cho điều này. Ví dụ, nếu một ngôn ngữ có liên quan đến ngôn ngữ khác nhưng lại đơn giản hóa ngữ pháp của nó, thì người nói ngôn ngữ gốc có thể hiểu được ngôn ngữ đã được đơn giản hóa, nhưng ngược lại thì ít hơn. Ví dụ, người nói tiếng [[tiếng Hà Lan|Hà Lan]] có xu hướng dễ hiểu [[tiếng Afrikaans|Afrikaans]] hơn so với chiều ngược lại do ngữ pháp của tiếng Afrikaans đã được đơn giản hóa.
Giữa các ngôn ngữ ký hiệu.
[[Ngôn ngữ ký hiệu]] không phải là phổ biến và thường không thông hiểu lẫn nhau, mặc dù cũng có sự giống nhau giữa các ngôn ngữ ký hiệu khác nhau. Ngôn ngữ ký hiệu độc lập với [[ngôn ngữ nói]] và theo đuổi con đường phát triển riêng của chúng. Ví dụ, [[Ngôn ngữ ký hiệu Anh Quốc|British Sign Language]] (BSL) và [[Ngôn ngữ ký hiệu Mỹ|American Sign Language]] (ASL) khá khác nhau và không thông hiểu lẫn nhau, mặc dù những người có thính giác ở [[Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland|Vương quốc Liên hiệp Anh]] và [[Hoa Kỳ]] chia sẻ cùng một ngôn ngữ nói. Ngữ pháp của ngôn ngữ ký hiệu thường không giống nhưng ngữ pháp của ngôn ngữ nói được sử dụng trong cùng một khu vực địa lý; thực tế, về cú pháp, ASL lại chia sẻ nhiều điểm tương đồng với ngôn ngữ nói [[tiếng Nhật]] hơn so với tiếng Anh.
[[Thể loại:Ngôn ngữ học]] |
Trần Thị Thu Uyên
Trần Thị Thu Uyên (sinh ngày 8 tháng 12 năm 2000) là một hoa hậu, người mẫu người Việt Nam. Cô đăng quang ngôi vị Hoa hậu tại cuộc thi Hoa hậu Đại dương Việt Nam 2023. Trước đó cô đăng quang Hoa khôi Đại học Nam Cần Thơ 2019.
Thu Uyên sinh năm 2000 tại Sóc Trăng, Thu Uyên tốt nghiệp cử nhân ngành quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, tại Trường Đại học Nam Cần Thơ. Hiện cô đang làm việc tại khách sạn The Reverie Saigon tại trung tâm Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Hoa khôi Đại học Nam Cần Thơ 2019.
Cô ghi danh và xuất sắc đạt danh hiệu Hoa khôi chung cuộc.
Hoa khôi Sinh viên Việt Nam 2019, Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2019, Hoa hậu Siêu quốc gia Việt Nam 2022.
Sau đăng quang Hoa khôi Đại học Nam Cần Thơ 2019 cô tiếp tục thử sức và lọt vào Top 30 Hoa khôi Sinh viên Việt Nam 2019, Top 40 chung kết Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2019 và Top 20 Hoa hậu Siêu quốc gia Việt Nam 2022.
Hoa hậu Đại dương Việt Nam 2023.
Sáng ngày 25/8 tại Hồ Tràm (Vũng Tàu), cô đã chính thức đăng quang tại chung kết cuộc thi Hoa hậu Đại dương Việt Nam 2023. |
Sơ lược về Việt Nam
Bài sau đây cung cấp một cái nhìn tổng quan cũng như hướng dẫn chủ đề về Việt Nam:
Việt Nam – quốc gia có chủ quyền nằm ở phía đông bán đảo Đông Dương ở Đông Nam Á. Nó giáp ranh với Trung Quốc ở phía bắc, với Lào ở phía tây bắc, với Campuchia ở phía tây nam và Biển Đông về phía đông. Với dân số hơn 98 triệu người, Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới.
Việt Nam từng nằm dưới sự cai trị của các triều đại Trung Hoa trong một nghìn năm, trước khi trở thành một quốc gia vào thế kỷ thứ 10. Các triều đại kế tiếp phát triển mạnh mẽ cùng với sự mở rộng về mặt địa lý cũng như chính trị sâu rộng hơn vào Đông Nam Á, cho đến khi bị người Pháp đô hộ vào giữa thế kỷ 19. Những nỗ lực chống lại người Pháp cuối cùng đã dẫn đến việc người Pháp bị trục xuất khỏi đất nước vào giữa thế kỷ 20, để lại một quốc gia bị chia cắt về mặt chính trị thành hai đất nước. Giao tranh gay gắt giữa hai bên tiếp tục diễn ra trong Chiến tranh Việt Nam, kết thúc với chiến thắng của cộng sản vào năm 1975.
Nổi lên sau một cuộc chiến tranh lâu dài và gay gắt, quốc gia bị chiến tranh tàn phá này đã bị cô lập về mặt chính trị. Các quyết sách kinh tế kế hoạch hóa tập trung của chính phủ đã cản trở quá trình tái thiết sau chiến tranh và những đối xử với bên thua cuộc đã gây ra nhiều bất bình hơn là hòa giải. Năm 1986, đất nước này tiến hành cải cách kinh tế, chính trị và bắt đầu con đường hướng tới tái hội nhập quốc tế. Cho tới năm 2000, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hầu hết các nước. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đứng vào hàng cao nhất thế giới trong thập kỷ qua. Những nỗ lực này đã đạt đến đỉnh điểm khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2007 và thành công trong việc trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào năm 2008.
Địa lý Việt Nam.
Địa lý Việt Nam
* Đường bờ biển: (ngoại trừ các đảo)
Môi trường Việt Nam.
Môi trường tại Việt Nam
Các vùng của Việt Nam.
Các vùng của Việt Nam
Các vùng sinh thái của Việt Nam.
Danh sách các vùng sinh thái ở Việt Nam
Các đơn vị hành chính của Việt Nam.
Các đơn vị hành chính của Việt Nam
Các vùng của Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam thường nhóm các tỉnh thành làm 8 vùng bộ. Sự phân cấp như thế này không phải lúc nào cũng được sử dụng, cũng như có những loại phân cấp khác dùng thay thế.
Các tỉnh của Việt Nam.
Các tỉnh của Việt Nam
Việt Nam được phân chia thành 58 tỉnh.
Các huyện của Việt Nam.
Các huyện của Việt Nam
Các tỉnh của Việt Nam được chia thành các "huyện", "thành phố trực thuộc tỉnh" và "thị trấn" (hoặc "thị xã").
Nhân khẩu học Việt Nam.
Nhân khẩu của Việt Nam
Chính phủ và chính trị Việt Nam.
Các nhánh của chính phủ Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam
Cơ quan tư pháp của Chính phủ Việt Nam.
Tư pháp Việt Nam
Quan hệ đối ngoại của Việt Nam.
Quan hệ đối ngoại của Việt Nam
Thành viên tổ chức quốc tế.
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên của:
Luật pháp và trật tự tại Việt Nam.
Luật pháp Việt Nam
Quân đội Việt Nam.
Quân đội của Việt Nam
Chính quyền địa phương tại Việt Nam.
Chính quyền địa phương tại Việt Nam
Lịch sử Việt Nam.
Lịch sử Việt Nam
Văn hóa Việt Nam.
Văn hóa Việt Nam
Tôn giáo tại Việt Nam.
Tôn giáo tại Việt Nam
Thể thao tại Việt Nam.
Thể thao tại Việt Nam
Kinh tế và cơ sở hạ tầng của Việt Nam.
Kinh tế Việt Nam
Giáo dục tại Việt Nam.
Giáo dục tại Việt Nam
Sức khỏe tại Việt Nam.
Sức khỏe tại Việt Nam
Mặc dù tất cả các phương tiện truyền thông tại Việt Nam phải được một tổ chức của đảng cộng sản tài trợ và đăng ký với chính phủ, thế nhưng các nguồn truyền thông sau đây có ít sự kiểm soát của chính phủ hơn các nguồn khác. |
Chung kết Cúp EFL 2021
Chung kết Cúp EFL 2021 là trận chung kết của Cúp EFL 2020-21. Trận đấu diễn ra giữa Manchester City và Tottenham Hotspur tại Sân vận động Wembley ở London, Anh diễn ra vào ngày 25 tháng 4 năm 2021. Đây là trận chung kết cúp EFL lần thứ 61 và là trận thứ 14 được diễn ra tại sân vận động Wembley đã được xây dựng lại.
Đường đến trận chung kết.
Manchester City, với tư cách là một câu lạc bộ Premier League tham gia UEFA Champions League 2020–21, bắt đầu thi đấu ở vòng thứ ba. Họ đánh bại đội vô địch EFL Championship Bournemouth, đội được huấn luyện bởi Jason Tindall vào thời điểm đó và giành chiến thắng 2–1 trong trận đấu sân nhà duy nhất của họ trong giải đấu với các bàn thắng của Liam Delap và Phil Foden cho Manchester City và một bàn thắng của Sam Surridge cho Bournemouth.
Ở vòng 4, họ đánh bại đội bóng ở Premier League Burnley với tỉ số 3–0 tại Turf Moor với hai bàn thắng của Raheem Sterling và một bàn thắng của Ferran Torres.
Trận tứ kết, họ đã đánh bại Arsenal 4–1 tại Sân vận động Emirates với mỗi bàn thắng cho Man City từ Gabriel Jesus, Riyad Mahrez, Phil Foden và Aymeric Laporte và một bàn thắng cho Arsenal từ Alexandre Lacazette. Trận đấu này cũng chứng kiến cuộc đối đầu giữa Mikel Arteta và Pep Guardiola khi Arteta làm việc dưới thời Guardiola trước khi trở thành huấn luyện viên Arsenal.
Trận bán kết, họ đã đánh bại Manchester United trong Trận Derby Manchester với tỉ số 2–0 tại Old Trafford với mỗi bàn thắng của Manchester City là Fernandinho và John Stones. Các trận bán kết được diễn ra theo thể thức một lượt thay vì thể thức hai lượt truyền thống để giảm tắc nghẽn lịch thi đấu.
Tottenham, với tư cách là đội bóng Premier League tham gia UEFA Europa League 2020–21, ban đầu dự kiến bắt đầu thi đấu ở vòng ba vào ngày 22 tháng 9 năm 2020. Tuy nhiên, trận đấu gặp Leyton Orient, đã bị hoãn lại sau khi nhiều cầu thủ của Orient có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19. Vào ngày 25 tháng 9, có thông tin xác nhận rằng Tottenham đặc cách thắng vòng 4 do Orient không thể tham dự trận đấu.
Vòng 4, Tottenham đánh bại Chelsea tại Sân vận động Tottenham Hotspur, 5–4 trên loạt sút luân lưu, sau 90 phút thi đấu kết thúc 1-1 với một bàn thắng cho Tottenham Hotspur của Érik Lamela và một bàn thắng cho Chelsea của Timo Werner. Trong loạt sút luân lưu Eric Dier, Lamela, Pierre-Emile Højbjerg, Lucas và Harry Kane đều thực hiện thành công cho Spurs và Tammy Abraham, Chelsea với César Azpilicueta, Jorginho và Emerson đều thực hiện thành công cho Chelsea. Tuy nhiên, Mason Mount đá hỏng quả phạt đền và kết quả là Chelsea bị loại. Trận đấu này là cuộc đối đầu giữa José Mourinho và Frank Lampard người đã chơi dưới thời Mourinho tại Stamford Bridge.
Tottenham làm khách trước Stoke City tại sân vận động Bet365 trong trận tứ kết, trận đấu kết thúc với chiến thắng 3-1 cho Spurs với các bàn thắng của Gareth Bale, Ben Davies, Kane và một bàn thắng cho Stoke City của Jordan Thompson.
Trận bán kết, Tottenham gặp Brentford thi đấu tại EFL Championship. Tottenham lọt vào trận chung kết với chiến thắng 2–0 tại Sân vận động Tottenham Hotspur với các bàn thắng của Moussa Sissoko và Son Heung-min. Các trận bán kết được diễn ra theo thể thức một lượt thay vì thể thức hai lượt truyền thống để giảm tắc nghẽn lịch thi đấu. |
Samsung Galaxy A73 5G
Samsung Galaxy A73 5G là điện thoại thông minh chạy Android tầm trung được phát triển và sản xuất bởi Samsung Electronics và là một phần của dòng Galaxy A. Chiếc điện thoại này được công bố vào ngày 17 tháng 3 năm 2022 tại sự kiện Samsung Galaxy Unpacked cùng với Galaxy A33 5G và Galaxy A53 5G.
Màn hình được làm bằng kính cường lực Corning Gorilla Glass 5. Mặt sau và cạnh bên được làm bằng nhựa mờ.
Điện thoại thông minh này có thiết kế tương tự như người tiền nhiệm của nó, nhưng giống như trên Samsung Galaxy A33 5G và Samsung Galaxy A53 5G, mặt sau giờ đây hoàn toàn phẳng và phần mặt sau với bộ phận camera được làm một cách trông mượt mà hơn. Galaxy A73 5G, không giống như Samsung Galaxy A72, không có giắc âm thanh 3,5 mm. Chiếc máy này cũng có khả năng bảo vệ chống ẩm và bụi theo tiêu chuẩn IP67.
Bên dưới là cổng kết nối USB-C, loa và micro. Tùy theo phiên bản, có khe cắm cho 1 thẻ SIM và thẻ nhớ microSD lên đến 1 TB hoặc khe cắm lai cho 2 thẻ SIM hoặc 1 thẻ SIM và thẻ nhớ microSD lên đến 1 TB và micrô thứ hai. Cạnh phải là nút âm lượng và nút khóa.
Thông số kỹ thuật.
Galaxy A73 5G là điện thoại thông minh có dạng nguyên khối, có kích thước 159,6 × 74,8 × 8,1 mm và nặng 189 gram.
Máy được trang bị kết nối GSM, HSPA, LTE và 5G, Wi-Fi 802.A/b/g/n/ac/ax băng tần kép, hỗ trợ Bluetooth 5, Wi-Fi Direct và hỗ trợ điểm phát sóng với A2DP và LE, GPS with BeiDou, Galileo, GLONASS và QZSS và NFC. Nó có cổng USB-C 2.0 và không có đầu vào giắc âm thanh 3,5 mm. Nó có khả năng chống nước và bụi với chứng nhận IP67.
Máy có màn hình cảm ứng 6,7 inch, Super AMOLED+ Infinity-O, các góc được bo tròn và độ phân giải FHD+ 1080 × 2400 pixel. Màn hình hỗ trợ tốc độ làm mới 120 Hz. Để bảo vệ màn hình, nó sử dụng kính Gorilla Glass 5.
Samsung Galaxy A73 5G được trang bị pin lithium polymer dung lượng cao 5000 mAh được tích hợp sẵn và không thể tháo rời khỏi thiết bị.
Ngoài ra, pin của Galaxy A73 5G hỗ trợ công nghệ sạc cực nhanh 25-watt, cho phép thời gian sạc nhanh và thời gian ngừng sạc ở mức tối thiểu. Điều này có nghĩa là người dùng có thể sạc thiết bị của mình một cách nhanh chóng và hiệu quả, đảm bảo rằng thiết bị luôn sẵn sàng hoạt động bất cứ khi nào họ cần.
Chipset của máy là Qualcomm Snapdragon 778G với CPU hình bát giác (4 lõi tốc độ 2,4 GHz + 4 lõi tốc độ 1,8 GHz). Bộ nhớ trong UFS loại 2 (128/256 GB), có thể mở rộng bằng thẻ nhớ microSD lên tới 1 TB, trong khi RAM là 6 hoặc 8 GB (tùy theo phiên bản đã chọn).
Camera sau có cảm biến chính 108 MP với khẩu độ f/1. D-SLR-Focus được trang bị chế độ PDAF, OIS, HDR và chế độ đèn flash LED, có khả năng ghi hình lên tới 4K với 30 khung hình/giây, trong khi camera trước là camera đơn 32MP có khả năng ghi hình lên tới 8 mm.
Máy được cài sẵn hệ điều hành Android 12, đây là phiên bản Android mới nhất tại thời điểm ra mắt. Android 12 nổi tiếng với thiết kế đẹp mắt, giao diện trực quan cũng như các tính năng bảo mật và quyền riêng tư được cải thiện.
Ngoài Android 12, Samsung Galaxy A73 5G còn được cài sẵn One UI 4.1, giao diện người dùng độc quyền của Samsung. One UI 4.1 được thiết kế để mang lại trải nghiệm liền mạch và thân thiện với người dùng cho người dùng thiết bị Samsung. Nó bao gồm các tính năng như đa nhiệm chia đôi màn hình, màn hình chính có thể tùy chỉnh và quản lý thời lượng pin được cải thiện.
Hơn nữa, Samsung Galaxy A73 5G cũng có thể nâng cấp lên Android 13 với One UI 5.1. Android 13 dự kiến sẽ là phiên bản chính tiếp theo của hệ điều hành Android và dự kiến sẽ bao gồm nhiều tính năng và cải tiến nâng cao hơn so với phiên bản tiền nhiệm. One UI 5.1 cũng dự kiến sẽ bao gồm các cải tiến và tối ưu hóa dành riêng cho Samsung Galaxy A73 5G. |
Sông Breitach là một dòng sông núi dài 24 kilômét (15 mi), nguồn Tây Nam (phía trái) của Iller ở Alps Allgäu, chạy qua bang Vorarlberg (Áo) và Bayern (Đức).
Dòng sông bắt nguồn từ Baad, thuộc Mittelberg, trong Kleinwalsertal, Áo là sự kết hợp của ba nguồn suối nhỏ hơn. Nó chảy theo hướng Tây Bắc qua thung lũng mà trước đó được gọi là Breitachtal ("Thung lũng Breitach") tên theo dòng sông. Tại Walserschanze, biên giới Áo-Đức, Breitach đi vào lãnh thổ Đức và chạy quanh co trong Breitachklamm hẹp. Sau đó, Starzlach chảy từ phía tây vào Breitach. Tại cái gọi là nguồn sông iller, Oberstdorf, Breitach, Stillach và Trettach cùng nhập lại tạo thành sông iller.
Đặc biệt về địa chất là cái gọi là đá breitach; Một khoáng chất màu nâu và có đường gãy nhỏ, nó chỉ được tìm thấy trong breitach. |
Binh đoàn số 1 (Phổ-Đức)
Binh đoàn số 1 () là một đại đơn vị quân sự của Phổ trong Chiến tranh Pháp–Phổ năm 1870-1871. Đơn vị này từng chiến đấu ở Lorraine vào đầu cuộc chiến và sau đó chuyển sang chiến trường mới ở miền bắc nước Pháp.
Sau Chiến tranh Áo – Phổ và việc thành lập Liên bang Bắc Đức, Thủ tướng Phổ Otto von Bismarck đã ký kết hiệp ước liên minh phòng vệ chung với các tiểu quốc Nam Đức còn lại, cung cấp hành động chung trong trường hợp xảy ra xung đột với nước ngoài. Khi vụ bê bối Mật điện Ems nổ ra (13 tháng 7 năm 1870) và lời tuyên chiến sau đó của Pháp cho thấy rằng một cuộc chiến tranh đã trở nên không thể tránh khỏi.
Chiến tranh đã nổ ra. Trong khi Binh đoàn 3 đột nhập vào khu vực phía nam ở Alsace, Binh đoàn số 1 ở phía nam Luxembourg tiến đến hội quân ở Moselle, phía sau họ là Binh đoàn 2. Tổng tư lệnh Binh đoàn 1 là Thượng tướng Bộ binh Karl Friedrich von Steinmetz, Tổng tham mưu trưởng là Thiếu tướng Oscar von Sperling. Sau khi Binh đoàn 1 hội quân, tổng binh lực của binh đoàn này là 75.000 người, với 9.500 kỵ binh và 288 khẩu pháo. Khi bắt đầu cuộc chiến, tổng hành dinh của binh đoàn đặt tại Koblenz.
Biên chế chủ lực ngày 31 tháng 8 năm 1870.
Quân đoàn VII dưới quyền Thượng tướng bộ binh Heinrich Adolf von Zastrow
Quân đoàn VIII dưới quyền Thượng tướng Bộ binh August Karl von Goeben
Quân đoàn I dưới quyền Thượng tướng kỵ binh Edwin von Manteuffel
Tổng binh lực của Binh đoàn 1 là: 75 tiểu đoàn, 64 phân đội và 45 khẩu đội
Lược sử tham chiến.
Binh đoàn 1 được thành lập ban đầu từ các quân đoàn VII, VIII và các sư đoàn kỵ binh 1 và 3. Sau đó tiếp tục nhập thêm Quân đoàn I, tổng cộng 75 tiểu đoàn, 64 phân đội và 45 khẩu đội. Tất cả đều là các đơn vị của Phổ. Binh đoàn được bố trí ở cánh phải mặt trận. Tướng von Steinmetz ban đầu muốn tự mình bắt đầu chiến dịch nhưng ông buộc phải tuân theo chỉ thị từ Tổng hành dinh của tướng Montke, chờ cho việc triển khai Binh đoàn 2 dưới quyền của Vương tử Friedrich Karl thực hiện xong. Ngày 6 tháng 8 năm 1870, von Steinmetz đã ra lệnh tấn công Spicheren Höhen mà không đợi mệnh lệnh từ Tổng hành dinh, đồng thời tuyến hành quân của Binh đoàn 1 lại chồng lấn với Binh đoàn 2. Điều này đã gây ra mối bất hòa giữa hai chỉ huy binh đoàn. Trận giao chiến kết tiếp, von Steinmetz lại tiếp tục cho Binh đoàn 1 vào tham chiến, trái với ý định của Tổng ham mưu trưởng von Moltke. Điều này dẫn đến việc Tổng tư lệnh Binh đoàn sông Rhin của Pháp, Thống chế Bazaine, đã kịp ra lệnh cho binh đoàn của mình rút lui về bảo vệ Pháo đài Metz, thoát khỏi mối đe dọa bao vây của lực lượng Đức.
Binh đoàn 1 dưới sự chỉ huy của tướng Steinmetz tiếp cận Metz với Quân đoàn I. Ở cánh bên phải, Sư đoàn 3 kỵ binh dưới quyền của Bá tước von der Groeben đã dọn sạch quân Pháp cho đến Pháo đài Thionville và đảm bảo ngăn ngừa mọi mối đe dọa tấn công bên sườn từ phía bắc. Ngày 14 tháng 8 năm 1870, lực lượng quân Pháp, gồm Quân đoàn 6 (Canrobert) và phần lớn Quân đoàn 2 (Frossard), đã vượt qua bờ trái sông Moselle khi trước khi tướng von Manteuffel tự mình quyết định mở cuộc tấn công nhằm giữ chân quân đoàn Pháp còn lại ở bờ phải sông Moselle. Bazaine dừng việc tiến quân về phía tây và chấp nhận giao chiến tại Trận Colombey-Nouilly . Vì các đơn vị của Quân đoàn I Phổ vẫn còn ở phía sau nên Quân đoàn VII (von Zastrow) phát động cuộc tấn công đầu tiên bằng sư đoàn 13. Vài giờ sau, Quân đoàn I cũng vào trận và cùng với Sư đoàn 1 (von Bentheim) tấn công Montoy. Trong khi điều này giúp ổn định cuộc chiến không cân sức trên đỉnh Colombey, thì vị thế của Sư đoàn 3 Phổ (von Pritzelwitz) ở cánh phải xung quanh Nouilly có vấn đề. Trận đánh được quyết định vào lúc 18 giờ 45, khi Sư đoàn 14 xuất hiện ở Colombey. Đồng thời, từ phía Nam, các đơn vị của Quân đoàn IX (Binh đoàn 2) tiến đánh mạnh mẽ vào cánh phải vị trí của quân Pháp tại làng Mercy le Haut.
Ngày 15 tháng 8, Quân đoàn II Phổ dưới sự chỉ huy của tướng von Fransecky tiến vào chiến trường và tấn công quân Pháp.
Trong trận Gravelotte, chỉ các quân đoàn VII và VIII của Binh đoàn 1 tham chiến trong khi các đơn vị còn lại trấn thủ bên hữu ngạn sông Moselle trước Metz. Dù vậy, các đơn vị Pháp dưới quyền Bazaine vẫn bị đánh thiệt hại nặng, và đến ngày 20 tháng 8, bị bao vậy trong pháo đài Metz với khoảng 180.000 người.
Cuộc vây hãm Metz.
Cả 2 binh đoàn 1 và 2 của Phổ được lệnh đóng lại Metz và tiếp tục vây hãm binh đoàn sông Rhin Pháp bị mắc kẹt trong pháo đài Moselle. Quyền Tổng chỉ huy chiến trường của cả 2 binh đoàn được trao cho Vương tử Friedrich Karl. Điều này, đã làm cho tướng von Steinmetz, cho đến lúc đó là chỉ huy một đạo quân độc lập, giờ đây lại được đặt dưới sự chỉ huy của vị vương tử trẻ tuổi, cảm thấy bị thương tổn sâu sắc. Để giải quyết những tranh cãi trong giới chỉ huy cấp cao, tướng Steinmetz đã được miễn nhiệm chức vụ chỉ huy và được bổ nhiệm làm Tổng đốc Poznań theo ý chỉ của vua Phổ. Cho đến khi có thông báo mới, các chỉ huy cấp cao của Binh đoàn 1 và 2 đều đặt dưới quyền của Vương tử Friedrich Karl.
Mặc dù vậy, một phần Binh đoàn 1 vẫn được đặt dưới sự chỉ huy của tướng von Manteuffel, để sau khi pháo đài Metz thất thủ, để đề phòng, cơ quan chỉ huy có thể được chuyển dụng cho các hoạt động khác. Trong cuộc bao vây Metz, tướng von Manteuffel nắm quyền chỉ huy tối cao ở bờ đông sông Moselle, Quân đoàn I đóng quân ở hai bờ sông Seille, giữa Servigny và Rupigny trên đỉnh Pouilly; còn Quân đoàn II thì giữa Remilly và Pont-à-Mousson.
Trong tình thế bị vậy ngặt, Thống chế Bazaine dự kiến dùng dùng hết binh lực còn lại đột phá vòng vây của kẻ thù ở hữu ngạn Moselle, vượt qua Moselle tại Diedenhofen và nhập vào đạo quân của Thống chế MacMahon đang hành quân về hướng Sedan. Tuy nhiên, nỗ lực đột phá được lên kế hoạch kỹ lưỡng của Bazaine đã tan vỡ với các thất bại trong Trận Noisseville.
Tham chiến trên Somme, tiến vào Normandie.
Sau khi Pháo đài Metz đầu hàng vào cuối tháng 10 năm 1870, Binh đoàn 1 được rảnh tay. Một phần của binh đoàn (gồm Quân đoàn VIII và một bộ phận của Quân đoàn I) dưới quyền tướng von Manteuffel đã di chuyển đến Somme để đảm bảo cuộc bao vây Paris chống lại Binh đoàn phương Bắc () mới thành lập của Pháp.
Sau nhiều cuộc giao chiến nhỏ của các đơn vị trinh sát, ngày 27 tháng 11, trận giao chiến thực sự đã nổ ra gần làng Villers-Bretonneux, phía đông chiến trường chính Amiens. Trong trận Amiens, Binh đoàn phương Bắc của Pháp, dưới sự chỉ huy của tướng Jean-Joseph Farre, đã giao chiến với Quân đoàn VIII Phổ, dưới quyền tướng von Goeben. Quân Pháp nhanh chóng thất bại và tìm cách rút về bảo vệ pháo đài Arras. Ngày 28 tháng 11, Quân đoàn VIII dưới sự chỉ huy của tướng von Goeben đã tiến chiếm thành phố Amiens, bức hàng quân Pháp trong pháo đài. Sau đó, Binh đoàn 1 đã vượt qua Normandie, tiếp chiến với một đạo quân Pháp đang tập hợp lại dưới sự chỉ huy của tướng Louis Faidherbe.
Binh đoàn 1 trong ngày 23 và 24 tháng 12 năm 1870 được điều động tham chiến trong Trận Hallue. Binh đoàn phương Bắc của Pháp bao gồm 2 quân đoàn XXII và XXIII, với khoảng 43.000 người và 80 khẩu pháo. Binh lực của Phổ đối chiến trực tiếp chỉ có quân số khoảng 22.000 người, bao gồm cả quân đoàn VIII (gồm các sư đoàn 15 và 16), một lữ đoàn của sư đoàn 2, sư đoàn 3 kỵ binh và một số đơn vị nhỏ. Tuy nhiên, quân Pháp vẫn ở thế hạ phong, vì vậy vào ngày 25. tháng 12, tướng Faidherbe phải ra lênh chấm dứt giao tranh và rút lui, đưa Sư đoàn Barnekow và Sư đoàn 3 dự bị về Pháo đài Péronne. Sau khi các lực lượng mới của Pháp tại Amiens bị đánh tan và Mezieres thất thủ, ngày 1 tháng 1 năm 1871, Quân đoàn VIII cũng tập trung về Bapaume. Tại Arras, tướng Faidherbe tập hợp lại lực lượng, 3 tháng 1, tiếp tục phát động tấn công với trận Bapaume nhưng thất bại.
Sau khi Manteuffel được bổ nhiệm làm chỉ huy Binh đoàn phương Nam Südarmee, tướng von Goeben lên nắm quyền chỉ huy Binh đoàn 1 vào ngày 9 tháng 1 năm 1871. Binh đoàn phương Bắc của Pháp dưới sự chỉ huy của tướng Faidherbe bị đánh bại vào ngày 19 tháng 1 trong Trận Saint-Quentin. Ngày 28 tháng 1, Hiệp định đình chiến Versailles kết thúc chiến sự được ký kết. |
1. FC Heidenheim 1846, thường được biết đến là FC Heidenheim hoặc chỉ Heidenheim, là một câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp của Đức đến từ thành phố Heidenheim, Baden-Württemberg. Kể từ mùa giải 2023–24, họ thi đấu ở Bundesliga, hạng đấu hàng đầu ở hệ thống giải đấu bóng đá Đức.
Thành tích của câu lạc bộ:
"Tính đến ngày 1 tháng 9 năm 2023" |
Nội các Srettha tên chính thức được gọi là Hội đồng Bộ trưởng thứ 63 (คณะรัฐมนตรีไทย คณะที่ 63), được thành lập sau cuộc Tổng tuyển cử thành viên Hạ viện Thái Lan ngày 14 tháng 5 năm 2023. Sau cuộc Tổng tuyển cử không có đảng nào chiếm đa số tuyệt đối trong Quốc hội, giai đoạn đầu Đảng Tiến lên lãnh đạo việc thành lập chính phủ liên minh bằng cách tập hợp 6 đảng chính trị. Đảng sau đó tăng lên 8 đảng và cùng nhau ký biên bản ghi nhớ đề cử Pita Limjaroenrat là thủ tướng thứ 30 nhưng sau cuộc họp Quốc hội bỏ phiếu chống theo đa số, Đảng Tiến lên trao quyền thành lập chính phủ cho Đảng Pheu Thai. Đảng Pheu Thai đã hủy bỏ biên bản ghi nhớ nói trên. Sau đó, tập hợp phiếu bầu gồm 11 đảng chính trị trong vòng mới và đề cử Srettha Thavisin, cựu chủ tịch và giám đốc điều hành Sansiri, làm Thủ tướng thứ 30, người sau này nhận được phiếu ủng hộ từ Thượng viện Thái Lan khóa 12, trong đó phần lớn là cảnh sát và quân đội thân cận với Hội đồng Hòa bình và Trật tự Quốc gia, đặc biệt là những người liên quan đến Tướng Prayut Chan-o-cha, ngoài ra, Settha còn nhận được phiếu bầu từ Tướng Sereepisuth Temeeyaves, cựu thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia bỏ phiếu. Nội các là Nội các dân sự đầu tiên sau cuộc đảo chính năm 2014.
Đảng Tiến lên thành lập Chính phủ.
Sau cuộc tổng tuyển cử thành viên Hạ viện Thái Lan năm 2023, Đảng Tiên lên, đảng có số đại biểu Hạ viện lớn nhất, là lãnh đạo đầu tiên thành lập chính phủ, với Chaitawat Tulathon, Tổng thư ký Đảng Tiên lên đóng vai trò quản lý chính phủ. Tập hợp tất cả các đảng chính trị từng là đảng đối lập trong chính phủ trước được bầu lần này để thành lập chính phủ, cụ thể là Đảng Pheu Thái, Đảng Prachachat, Đảng Thai Sang Thai và Đảng Thai Seri Ruam Thai và các đảng bổ sung sau này là Đảng Công bằng, Đảng Quyền lực Xã hội Mới và Đảng Pheu Thai Ruam Palang. Đã có cuộc họp báo thành lập chính phủ vào ngày 18 tháng 5 năm 2023, trong đó cả 8 đảng đều nhất trí ủng hộ Pita Limjaroenrat, lãnh đạo đảng và người được đề cử làm thủ tướng từ Đảng Tiến lên là thủ tướng thứ 30 của Thái Lan, thành lập nhóm công tác chuyển đổi chính phủ để giải quyết nhiều vấn đề khác nhau và chuẩn bị Biên bản ghi nhớ (MOU) để thành lập chính phủ. Đây được coi là lần đầu tiên trong lịch sử chính trị Thái Lan thành lập chính phủ theo cách này. Sau đó có tin Đảng Mới và Đảng Chart Pattana Kla cũng đã đồng ý tham gia chính phủ. Nhưng vấp phải sự phản đối của người dân nên sau đó đã rút lui.
Biên bản ghi nhớ.
Tất cả 8 đảng đã ký một biên bản ghi nhớ để thành lập chính phủ vào ngày 22 tháng 5 năm 2023, nhân kỷ niệm 9 năm cuộc đảo chính năm 2014 của Hội đồng Hòa bình và Trật tự Quốc gia. Cùng thời điểm với thời điểm đảo chính, MOU này dựa trên nguyên tắc thúc đẩy các chính sách không ảnh hưởng đến hình thức nhà nước Dân chủ với nhà vua là nguyên thủ quốc gia và sống trong vị trí tôn kính nghĩa là không có nghị trình sửa đổi Mục 112 Bộ luật Hình sự. Hiến pháp mới được Quốc hội lập hiến thông qua, hôn nhân bình đẳng, cải cách quân đội và cảnh sát, nghĩa vụ quân sự tự nguyện, phân cấp quản lý và phục hồi kinh tế,
Đảng Pheu Thái thành lập chính phủ.
Trong vòng bỏ phiếu đầu tiên chọn Thủ tướng Thái Lan ngày 13/7, Pita chỉ nhận được 324 phiếu để được phê chuẩn làm thủ tướng trong một cuộc họp quốc hội chung, không đủ 376 phiếu theo yêu cầu của Hiến pháp năm 2017 Vương quốc Thái Lan. Và đến ngày 19 tháng 7, Pita lại được đề cử làm Thủ tướng. Nhưng Quốc hội đã giải quyết rằng việc đề cử Thủ tướng được coi là một động thái lặp lại. Kết quả là Pita không thể được đề cử lại trong cùng một cuộc họp. Hai ngày sau, Chaithawat tuyên bố sẽ trao cho Đảng Pheu Thai quyền lãnh đạo chính phủ thay thế. Ông nói rằng có những nhóm chính trị chống đối ông và ông sẽ không cho phép đảng tiến lên thành lập chính phủ thành công.
Ngày hôm sau, Đảng Pheu Thai bắt đầu đàm phán với Đảng Bhumjaithai, Đảng Chart Pattana Kla, và Đảng Quốc gia Thái thống nhất, và ngày hôm sau đàm phán với Đảng Chart Thai Pattana và Đảng Lực lượng Công dân, cả 5 đảng đều tuyên bố sẽ không tham gia chính phủ với một đảng chính trị có chính sách bãi bỏ hoặc sửa đổi Mục 112 Bộ luật Hình sự. Sau đó, vào ngày 30 tháng 7, Pheu Đảng Thái công bố đề cử Srettha Thavisin làm Thủ tướng để cuộc họp chung của quốc hội biểu quyết. Sau đó, vào ngày 2 tháng 8, Đảng Pheu Thái hủy bỏ bản ghi nhớ thành lập chính phủ với Đảng Tiến lên. Và vào ngày 7 tháng 8, Đảng Pheu Thái tuyên bố thành lập một chính phủ chính phủ chung với Đảng Bhumjaithai với điều kiện không sửa đổi Mục 112 Bộ luật Hình sự, và không thành lập chính phủ thiểu số, và không đưa Đảng Tiến lên vào chính phủ. Sau đó, vào ngày 9 tháng 8, có thêm một số đảng cùng tham gia chính phủ với Đảng Pheu Thái, đó là Đảng Pheu Thai Rumphalang, Đảng Prachachat, Đảng Tự do Thái Lan, Đảng Quyền lực Xã hội Mới, Đảng Nông thôn Thái Lan và ngày hôm sau, Đảng Chart Thai Pattana được thêm vào. Sau đó có tin Đảng Pheu Thai sẽ nhận được sự ủng hộ từ Đảng Lực lượng Công dân và Đảng Quốc gia Thái thống nhất và có thể được tập hợp lại để thành lập một chính phủ. Điều này đi ngược lại những nguyên tắc mà Đảng Pheu Thái vận động trong thời gian bầu cử. Điều này đã gây ra sự chỉ trích từ dư luận. Đảng Tiến lên ngày 15 tháng 8 đã ra quyết định không chấp thuận việc bổ nhiệm một người được Đảng Pheu Thai đề cử làm Thủ tướng. Cùng ngày, Đảng Pheu Thai đã thông qua nghị quyết, tên của Settha đã được đệ trình lên Quốc hội để xem xét và phê chuẩn bổ nhiệm làm Thủ tướng. Hai ngày sau, Đảng Quốc gia Thái thống nhất công bố thành lập chính phủ chung với Đảng Pheu Thai.
Và ngày 21/8, Đảng Pheu Thái đã đưa tất cả các đảng phái chính trị đồng ý tham gia chính phủ. Bao gồm cả Đảng Lực lượng Công dân, tổng cộng 11 đảng đã cùng nhau tổ chức họp báo thành lập chính phủ. Các bộ trong liên hiệp được phân bổ theo tỷ lệ. Và tất cả các đảng đã đồng ý cùng nhau thúc đẩy các chính sách chính của Đảng Pheu Thai, như ví kỹ thuật số, tăng mức lương tối thiểu, nghĩa vụ quân sự tự nguyện. Bao gồm cả việc sửa đổi hiến pháp. Cuối cùng, trong cuộc bầu cử Thủ tướng lần thứ ba vào ngày 22 tháng 8, Srettha đã được bầu chọn ủng hộ Thủ tướng từ phiên họp quốc hội chung, 482 phiếu thuận, 165 phiếu chống và 81 phiếu trắng. Kết quả là Srettha trở thành Thủ tướng thứ 30 của Thái Lan.
Bổ nhiệm nội các.
Ngày 1 tháng 9 năm 2023, Quốc vương Vajiralongkorn ban sắc lệnh hoàng gia bổ nhiệm Nội các mới. Việc bổ nhiệm Nội các mới lần này diễn ra 110 ngày sau cuộc bầu cử, khiến đây là Nội các mất nhiều thời gian nhất để hình thành trong lịch sử nội các Thái Lan.
Đảng Pheu Thai có tỷ lệ người nắm giữ chức vụ trong Nội các cao nhất, với 19 ghế, tiếp theo là Đảng Bhumjaithai với 9 ghế, Đảng Quốc gia Thái thống nhất với 5 ghế, Đảng Lực lượng Công dân với 4 ghế và Đảng Chart Thai Pattana và Đảng Prachachat, mỗi đảng 1 ghế. Srettha giữ thêm một chức vụ là Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Trong Nội các này, Sadawan Wangsuphakijkosol là bộ trưởng trẻ nhất (41 tuổi), còn Sermsak Pongpanich là bộ trưởng lớn tuổi nhất (77 tuổi) và có 5 phụ nữ giữ các chức vụ trong Nội các.
Vào ngày 5 tháng 9 năm 2023, Thủ tướng Srettha Thavisin lãnh đạo Nội các mới gồm 33 người đến yết kiến Nhà vua. Tuyên thệ trước khi nhận nhiệm vụ bằng một cuộc họp đặc biệt được tổ chức vào ngày hôm sau để chuẩn bị cho một tuyên bố chính sách trước Quốc hội.
Bỏ phiếu Thủ tướng.
Cuộc bỏ phiếu đầu tiên được tổ chức vào ngày 13 tháng 7 năm 2023. Cuộc bỏ phiếu yêu cầu chấp thuận từ Thành viên Hạ viện kết hợp với Thành viên Thượng viện đủ 375 phiếu theo quy định của Hiến pháp Vương quốc Thái Lan 2017 (ban đầu phải là 376 phiếu, nhưng Renu Tunkachivangoon, Thượng nghị sĩ đã từ chức 1 ngày trước cuộc bỏ phiếu do đó chỉ cần 375 phiếu).
Cuộc bỏ phiếu đầu tiên do Pita Limjaroenrat chỉ nhận được 324 phiếu tán thành, không đạt số lượng yêu cầu, Chủ tịch Quốc hội phải quyết định hoãn bỏ phiếu.
Sau cuộc bỏ phiếu đầu tiên, không tìm được người trở thành Thủ tướng. Vì vậy, cuộc bỏ phiếu tiếp theo đã được hoãn đến ngày 19/7. Sutin Klungsang, đại biểu Hạ viện Đảng Pheu Thai, trình bày lại đề xuất bỏ phiếu cho ứng viên Pita. Nhưng có một số đại biểu phản đối cho rằng theo Mục 41 thì không được lặp lại ứng viên giống nhau, trừ khi có sự thay đổi khác. Sau đó, Chủ tịch Hạ viện mở cuộc họp cho các thành viên Hạ viện và Thượng viện bỏ phiếu về vấn đề này.
Nghị quyết trên đưa ra kết quả Pita không thể được đề cử làm Thủ tướng trong nhiệm kỳ này. Cuộc bỏ phiếu lần thứ ba bị hoãn đến ngày 27 tháng 7 và lại đến ngày 4 tháng 8, sau đó lại bị hoãn vô thời hạn do Văn phòng Thanh tra Thái Lan gửi đơn lên Tòa án Hiến pháp về việc cuộc bỏ phiếu ngày 19 tháng 7 có vi hiến hay không. Kết quả là việc bỏ phiếu bầu Thủ tướng bị hoãn lại cho đến ngày 16/8, khi Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã ra phán quyết bác bỏ khiếu nại của Đảng Tiến lên. Quyết định Tòa án cho rằng "quyền lợi của những người khởi kiện không bị vi phạm và họ không có quyền khiếu kiện". Không thực hiện được quyền khiếu nại theo Điều 213 Hiến pháp nên không thể đề cử Pita làm Thủ tướng lần nữa trong nhiệm kỳ này.
Khi quyết định ban hành, vòng bỏ phiếu thứ ba chọn Thủ tướng có thể tiếp tục. Cuộc bỏ phiếu diễn ra vào ngày 22 tháng 8.
Cuộc bỏ phiếu thứ ba được tổ chức vào ngày 22 tháng 8. Cuộc bỏ phiếu yêu cầu chấp thuận từ Thành viên Hạ viện kết hợp với Thành viên Thượng viện đủ 375 phiếu theo quy định của Hiến pháp Vương quốc Thái Lan 2017 (Pita Limjaroenrat chỉ bị tạm đình chỉ đại biểu Hạ viện nên không giảm số phiếu tối thiểu).
Cuộc bỏ phiếu thứ ba này, ứng viên Srettha Thavisin đã nhận được tổng cộng 482 phiếu bầu, cuối cùng ông trở thành Thủ tướng. |
Sportverein Darmstadt 1898 e.V., thường được biết đến là Darmstadt 98 (]#đổi ), là một câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp của Đức có trụ sở ở Darmstadt, Hesse. Câu lạc bộ được thành lập vào ngày 22 tháng 5 năm 1898 với tên FC Olympia Darmstadt. Đầu năm 1919, đơn vị có thời gian ngắn được biết đến là "Rasen-Sportverein Olympia" trước khi sáp nhập với Darmstädter Sport Club 1905 vào ngày 11 tháng 11 năm đó để trở thành Sportverein Darmstadt 98. Đối tác sáp nhập SC là sản phẩm của liên minh năm 1905 giữa Viktoria 1900 Darmstadt và Germania 1903 Darmstadt. Các cầu thủ bóng đá ngày nay là thành viên của một câu lạc bộ thể thao cũng có hơn 13.500 thành viên bóng rổ, đi bộ đường dài, futsal, judo, và bóng bàn.
Đội bóng đá đã thi đấu ở Bundesliga cho mùa giải 2015–16 và 2016–17 sau 33 năm thi đấu ở các giải đấu thấp hơn. Vào năm 2023, Darmstadt 98 quay trở lại Bundesliga.
Thành tích của câu lạc bộ:
"Tính đến ngày 31 tháng 8 năm 2023" |
Mũi Agulhas (chữ Bồ Đào Nha: "Cabo das Agulhas", chữ Anh: "Cape Agulhas") là điểm cực nam của lục địa châu Phi, nằm ở toạ độ 34°49′42″ vĩ nam, 20°00′33″ kinh đông. Mũi Agulhas đồng thời được định nghĩa là chỗ giáp giới của Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương. Trong lịch sử, mũi Agulhas là một vùng biển nguy hiểm nổi tiếng, nó nằm ở khu vực thôn quê cách Cape Town 170 kilômét (105 dặm Anh) về phía đông nam. Nhà hàng hải Bồ Đào Nha đem nó đặt tên là "mũi Agulhas", dịch nghĩa là "mũi Kim (la bàn)", nguồn gốc của tên này, là cực Bắc từ của khu vực này trùng khớp với phương hướng của cực Bắc địa lí.
Có rất nhiều người, rất nhiều quyển sách đều cho rằng điểm cực nam của lục địa châu Phi là mũi Hảo Vọng. Kì thực, mũi Agulhas mới là điểm cực nam của lục địa châu Phi, khoảng cách giữa nó và mũi Hảo Vọng là 147 kilômét.
Tháng 8 năm 1487, Bartolomeu Dias - nhà hàng hải Bồ Đào Nha, xuất phát từ Lisbon, đi về phía nam men theo bờ biển Tây châu Phi, lúc đến cảng Walvis gặp phải gió bão, đã trôi nổi trên biển cả 12 ngày đêm, cuối cùng neo đỗ tại vịnh Mossel - bờ biển Nam châu Phi, vào ngày 3 tháng 2 năm 1488. Trong cung đường trở về, đã gặp phải sóng lớn gió dữ tại mũi Hảo Vọng, hiểu lầm rằng ông đã đến "điểm cực nam của lục địa châu Phi", liền lấy tên "mũi Bão Táp" đặt cho mũi đất này. João II - quốc vương Bồ Đào Nha, đem nó đổi tên thành "mũi Hảo Vọng". Nghĩa là đi vòng qua mũi đất này thì ta có thể đến được phương Đông dồi dào sản vật, đông đúc dân số, con đường thương mại sẽ được khai thông. Từ góc độ hình dạng mà nhìn, mũi Hảo Vọng cao ngất và hiểm trở, mũi Agulhas thì ôn hoà hơn rất nhiều, sóng gió cũng ít hơn.
Bãi biển của mũi Agulhas không có vách núi, sườn núi dốc đứng như mũi Hảo Vọng, cũng không có sóng gió hãi hùng như mũi Hảo Vọng, ven biển chỉ có đống đá lộn xộn, sóng vỗ ập bờ, bờ biển rất bằng phẳng. Chỗ này là chân trời góc biển của lục địa châu Phi, cũng là đường phân giới địa lí giữa Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương. Một toà bia đá khối lập phương đứng vững trên bờ biển bao quanh bởi đống đá lộn xộn, rất tĩnh lặng. Vẻ đẹp huy hoàng của mũi Hảo Vọng đã che lấp vẻ đẹp của mũi Agulhas, du khách nơi đây cũng không nhiều. Người Bồ Đào Nha không để lại quá nhiều vết tích ở nơi đây. Tháp hải đăng trên quả đồi quan sát một cách trung thực vùng biển cả yên lặng nhưng lạ thường - hải lưu ấm Mozambique và hải lưu ấm Agulhas ở Ấn Độ Dương xuôi theo bờ biển Đông châu Phi mà đi xuống phía nam, hải lưu lạnh Benguela ở Đại Tây Dương men theo bờ biển Tây châu Phi mà đi lên phía bắc, hai đại dương hội tụ tại chỗ này, nước biển của Ấn Độ Dương ấm hơn một chút so với Đại Tây Dương. Tuy nhiên, theo người ta nói gió bão và sóng lớn ở vùng biển mũi Agulhas vào mùa đông vô cùng nổi tiếng. Lúc gió yên sóng lặng, đó đang là mùa hè.
Liên quan đến sai lầm của mũi Hảo Vọng là do lịch sử tạo ra, ngoài điều kiện tự nhiên của mũi Hảo Vọng có sức hấp dẫn hơn mũi Agulhas ra, lai lịch của mũi Hảo Vọng cũng lớn hơn so với mũi Agulhas.
Dựa vào khái niệm sai lầm về mũi Hảo Vọng, rất nhiều tài liệu nói rằng: "Mũi Hảo Vọng là đường phân giới và chỗ hội tụ của Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương". Kì thực, đường phân giới địa lí của hai đại dương này vẫn là mũi Agulhas, hơn nữa chỗ hội tụ thực tế của nó thì không ngừng di động trong vùng biển giữa mũi Agulhas và mũi Hảo Vọng, với sự thay đổi của cường độ hải lưu, chênh lệch nhiệt độ và độ lớn lực hấp dẫn của Mặt Trăng cho nên nó không ngừng biến động, hoàn toàn không phải là nhất thành bất biến, giữ vững trên một đường thẳng.
Tháng 8 năm 1487, Bartolomeu Dias - nhà hàng hải Bồ Đào Nha, hiểu lầm rằng ông đã đến "điểm cực nam của lục địa châu Phi", liền lấy tên "mũi Bão Táp" đặt cho mũi đất này. João II - quốc vương Bồ Đào Nha, cho biết việc phát hiện "mũi Bão Táp" là một điềm tốt, bởi vì đi vòng qua mũi đất này thì ta có thể đến được phương Đông dồi dào sản vật, đông đúc dân số, bèn đem nó đổi tên thành "mũi Hảo Vọng". Từ đây nhìn ra rằng, đem "mũi Hảo Vọng" ngộ nhận thành "điểm cực nam của lục địa châu Phi" trước tiên là sai lầm của lịch sử.
Đáng mừng là, sai lầm này về sau đã được phương Tây cải chính. Năm 1966, một nhà báo Pháp đã công tác 17 năm tại châu Phi, đã viết quyển "Lịch sử Nam Phi", trong sách có đoạn: "Điểm cực nam của lục địa châu Phi là khu vực này (mũi Agulhas), mà không phải là mũi Hảo Vọng như mọi người thường hay biết".
Mũi Agulhas là điểm cực nam của lục địa châu Phi, nằm ở khu vực thôn quê cách Cape Town 170 kilômét về phía đông nam. Trên bia đá cao hơn nửa người, chữ Afrikaans và chữ Anh - hai loại ngôn ngữ chính thức của Cựu Nam Phi, ghi rõ: "Bạn hiện tại đến được mũi Agulhas - điểm cực nam của lục địa châu Phi", bên dưới ghi rõ vị trí địa lí - 34°49′42″ vĩ nam, 20°00′33″ kinh đông. Trên nền đá hướng phía tây viết Ấn Độ Dương, hướng phía đông viết Đại Tây Dương.
Mũi Agulhas trong tiếng Bồ Đào Nha nghĩa là "kim la bàn", tên này bắt nguồn từ một hiện tượng thú vị: Tàu biển mỗi khi đến mũi biển này - điểm cực nam của lục địa châu Phi, kim nam châm của la bàn luôn chỉ về hướng chính bắc mà không có góc lệch chút nào. Bởi vì cực Bắc từ của khu vực này trùng khớp với phương hướng của cực Bắc địa lí.
Tổ chức Đo lường Hải đạo Quốc tế đem mũi Agulhas định nghĩa là biên giới giữa biển và đại dương, điểm phân giới giữa Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương. Hải lưu ấm Agulhas ở phía nam mũi Agulhas men theo bở biển Đông châu Phi chảy vào Ấn Độ Dương. Một phần dòng nước của hải lưu hình thành hoàn lưu tại mũi Agulhas, rồi bị phản xạ đi về phía nam Đại Tây Dương, mang đến nhiệt lượng và độ mặn cho hải dương lân cận. Quá trình này là một vòng Tuần hoàn nhiệt muối đại dương trọng yếu giúp trao đổi nhiệt lượng và độ mặn toàn cầu.
Cái khác biệt với mũi Hảo Vọng chính là, mũi Agulhas không quá nổi tiếng, cũng không hoàn toàn nổi bật. Nó do một dãy đường bờ biển chuyển sang thoai thoải do bờ biển đá tạo thành. Một cột mốc đo lường ghi rõ vị trí của mũi Agulhas, nếu không ghi thì khó tìm ra vị trí chính xác của mũi Agulhas. Nước gần bờ tương đối nông, là một ngư trường nổi tiếng của Nam Phi.
Những hòn đá tạo thành mũi Agulhas thuộc nhóm Núi Bàn, có lúc cũng được gọi là sa thạch Núi Bàn. Chúng có liên quan chặt chẽ với kết cấu địa chất của các vách đá hùng vĩ ở núi Bàn, mũi Point và mũi Hảo Vọng.
Gió bão và sóng lớn ở vùng biển mũi Agulhas vào mùa đông vô cùng nổi tiếng. Sóng lớn ở nơi đây có thể cao đến 30 mét, thậm chí tàu lớn sẽ bị đắm tàu. Có rất nhiều yếu tố dẫn đến tình huống này. Đới gió gầm thét 40 độ () tự nhiên quét từ tây sang đông ở nơi đây đồng hướng với hải lưu cực vòng Nam Cực rét lạnh, tranh đoạt với hải lưu Agulhas - hải lưu ấm khu vực Agulhas. Mật độ của những hải lưu tranh đấu lẫn nhau thế này không giống nhau, hơn nữa hướng gió Tây đúng lúc ngược hướng với hải lưu Agulhas. Những cơn gió và hải lưu không giống nhau này sẽ hình thành sóng biển vô cùng nguy hiểm. Cộng thêm dòng nước phía trước mũi Agulhas khá nông. Thềm lục địa ở chỗ đó từ mũi Agulhas liên tục kéo dài 250 kilômét về phía nam, sau đó đột nhiên rơi xuống đến đồng bằng biển thẳm.
Do mũi Agulhas là vùng biển nguy hiểm nổi tiếng, lúc đó đã có rất nhiều thuyền tàu chìm đắm. Nơi đây có một tháp hải đăng được xây dựng vào năm 1848. |
Oh Se-hoon (Tiếng Hàn: 오세훈, Hanja: 吳世勳; sinh ngày 4 tháng 1 năm 1961) là một chính trị gia Hàn Quốc hiện là Thị trưởng Seoul kể từ ngày 8 tháng 4 năm 2021. Trước đây ông cũng từng là thành viên của Quốc hội Hàn Quốc từ năm 2000 đến 2004, và thị trưởng Seoul từ năm 2006 đến năm 2011. Oh là một luật sư chuyên nghiệp.
Lịch sử cá nhân.
Oh sinh ra ở Seongdong-gu, Hàn Quốc. Ông tốt nghiệp trường trung học Daeil và tiếp tục theo học tại Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc. Ông tốt nghiệp Trường Luật của Đại học Hàn Quốc và trở thành luật sư. Năm 1994, anh xuất hiện trong chương trình MBC Lawyer Oh và Lawyer Bae (Tiếng Hàn: ) và trở nên rất nổi tiếng.
Năm 2000, Oh được bầu làm đại biểu Quốc hội Hàn Quốc.
Vào ngày 1 tháng 7 năm 2006, Oh bắt đầu nhiệm kỳ thị trưởng đầu tiên của Seoul. Oh được tái đắc cử vào nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2010 nhưng ông đã thua trong cuộc trưng cầu dân ý về bữa trưa miễn phí ở Seoul và phải từ chức sau khi thất cử vào năm 2011.. Năm 2021, ông là người chiến thắng trong cuộc bầu cử thị trưởng Seoul, bắt đầu từ năm 2011. nhiệm kỳ thứ ba của ông vào ngày 8 tháng 4 năm 2021.
Oh đã dành thời gian ở London, Vương Quốc Anh với tư cách là thành viên Khoa Khoa học Xã hội Chính sách công tại Đại học Nhà vua Luân Đôn, tập trung vào các thành phố lớn trên thế giới đang tìm cách tạo việc làm và giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trong cuộc bầu cử quốc hội lần thứ 21 tại Gwangjin-gu, ông đã thua Ko Min-jung, một tân binh chính trị.
Ông là người công giáo và tên rửa tội của anh ấy là Stephen.
Oh đã tham gia vào Quỹ Văn hóa và Nghệ thuật Seoul, tham gia quay video kỷ niệm tổ chức này cùng với chủ tịch quỹ Park Bum-Shin và Giám đốc Nghệ thuật Seoul Ahn Eun-Mi.
Dongdaemun Design Plaza được xây dựng trong nhiệm kỳ của ông.
Khi được hỏi về Lễ hội Văn hóa Queer Seoul trong cuộc đua thị trưởng Seoul năm 2021, Oh đã nói rằng, "Trong phạm vi rộng hơn, nguyên tắc là quyền của người thiểu số, bao gồm cả người thiểu số về giới tính, phải được bảo vệ và không được có sự phân biệt đối xử." Anh ấy tiếp tục nói: "Tôi nghĩ cuộc tranh luận là về lễ hội dành cho người đồng tính được tổ chức ở khu vực trung tâm gần Tòa thị chính và Quảng trường Gwanghwamun, và thành phố Seoul có một ủy ban đặc biệt để đưa ra quyết định và cũng có những quy định về việc đó."
Vũ khí hạt nhân.
Oh Se-hoon ủng hộ việc Hàn Quốc có vũ khí hạt nhân, vào tháng 3 năm 2023, anh ấy đã kêu gọi điều đó.
Dự án nước thành phố Seoul.
Mặc dù hầu hết người dân Seoul chọn uống nước khoáng đóng chai, nhưng có thông tin cho rằng Oh Se-hoon không chỉ đảm bảo mà còn uống nước máy của thành phố. Khuyến khích người dân Seoul uống nước máy và giảm sự phụ thuộc vào nước đóng chai, cũng như quảng bá độ sạch của nước máy Seoul là một dự án thú vị của Oh. Thành phố Seoul gần đây đã đưa ra các quy định mới về nước máy và trọng tâm không chỉ là nước an toàn mà còn là nước có hương vị thơm ngon.
Từ năm 2006 đến 2011, Oh tuyên bố sẽ biến Seoul thành thành phố nước, và thực hiện dự án Phục hưng sông Hàn nhằm xây dựng đường dành cho xe đạp ven sông và đảo nổi Sebitseom ở bờ nam sông Hán cạnh cầu Banpo.
Vì ông đã khởi xướng rất nhiều sáng kiến liên quan đến nước nên khi lũ lụt nghiêm trọng xảy ra vào các năm 2011, 2022 và 2023, ông đã bị chỉ trích bằng biệt danh Oseidon, sự kết hợp giữa tên ông và Poseidon.
Trong một tài liệu do WikiLeaks công bố, có thông tin cho rằng trong cuộc thảo luận của Oh với Alexander Vershbow vào năm 2006, ông đã tuyên bố rằng việc sáp nhập giữa Đảng Hàn Quốc Tự do and the Đảng Dân chủ sẽ có lợi cho GNP. |
Đề cương về văn hóa Việt Nam
Đề cương về văn hóa Việt Nam là văn kiện do Trường Chinh, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương, viết năm 1943. Đây được xem là cương lĩnh văn hóa đầu tiên của Đảng cộng sản Việt Nam.
Đề cương về văn hóa Việt Nam được viết vào năm 1943 khi Nhật đưa quân vào Đông Dương, chiến tranh thế giới thứ hai sắp kết thúc. Do ảnh hưởng của chiến tranh, nền kinh tế Việt Nam kiệt quệ, nông dân bị phát xít Nhật bóc lột để cung ứng cho chiến tranh. Tình hình chính trị, xã hội đang diễn biến phức tạp mở ra thời cơ để thực hiện cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.
Đề cương về văn hóa Việt Nam khẳng định cách mạng văn hóa chuẩn bị cho cách mạng chính trị và ngược lại khi nào cách mạng chính trị thành công thì cách mạng văn hóa mới hoàn thành. Muốn cải tạo xã hội thì phải làm cách mạng văn hóa. Ðề cương cho rằng Ðảng Cộng sản Ðông Dương lãnh đạo cách mạng văn hóa thì cuộc cách mạng này mới thành công. Cuộc cách mạng văn hóa tại Việt Nam dựa trên ba nguyên tắc ""Dân tộc hóa - Đại chúng hóa - Khoa học hóa" nhằm xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa.
Đề cương về văn hóa Việt Nam xác định công việc phải làm là tranh đấu về học thuyết, tư tưởng nhằm "đánh tan những quan niệm sai lầm của triết học Âu, Á có ít nhiều ảnh hưởng tai hại ở ta" như triết học của Khổng Tử, Mạnh Tử, Descartes, Kant, Bergson, N, "chống chủ nghĩa cổ điển, chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa tự nhiên, chủ nghĩa tượng trư"" nhằm làm cho xu hướng tả thực xã hội chủ nghĩa thắng." |
Ga Busan (Tiếng Hàn: 부산역, Hanja: 釜山驛) là ga đường sắt và ga cuối của Tuyến Gyeongbu và Đường sắt cao tốc Gyeongbu ở Choryang-dong, Dong-gu, Busan. Đây là ga quản lý của Trụ sở Busan-Gyeongnam của Tổng công ty Đường sắt Hàn Quốc và Trụ sở chính Busan-Gyeongnam của Tổng công ty Đường sắt Hàn Quốc nằm trong khuôn viên nhà ga. Nó có số lượng người dùng lớn thứ ba ở Hàn Quốc sau Ga Seoul và Ga Dongdaegu. Bạn có thể sử dụng tàu KTX, ITX-Saemaeul, Mugunghwa-ho hướng Seoul và SRT hướng Suseo và có lối vào Ga Busan trên Tàu điện ngầm Busan tuyến 1 ở quảng trường. |
Todd Haberkorn là nam một diễn viên và đạo diễn lồng tiếng người Mỹ, người đã lồng tiếng cho nhiều bộ anime, phim điện ảnh và trò chơi video.
Dù công tác trong nhà hát, song Haberkorn vẫn đồng thời tham gia Funimation với vai trò diễn viên lồng tiếng, qua các vai nhỏ trong "One Piece", "Black Cat" và "Peach Girl". Kể từ đó, anh đã lồng tiếng cho nhiều nhân vật như Natsu Dragneel trong "Fairy Tail", Italy trong "", Hitachiin Hikaru trong "Ōran Kōkō Hosuto Kurabu", Allen Walker trong "D.Gray-man", Death the Kid trong "Soul Eater", Aono Tsukune trong "Rosario + Vampire", Watanuki Kimihiro trong "xxxHolic" và Akitsuki Yamato trong "Suzuka". Haberkorn kể rằng một trong những khía cạnh yêu thích anh trong việc lồng tiếng Natsu là việc rời khỏi phòng thu trong tình trạng bị mất giọng do phải hét quá nhiều. Anh cũng từng làm diễn viên, đạo diễn, nhà sản xuất và biên kịch ở Los Angeles. Anh còn là người lồng tiếng cho Ceylan Jones trong "Tenkai Knights".
Anh còn thủ vai Akise Aru, một trong những nhân vật chính trong "Mirai Nikki" và lồng tiếng Anh cho Hasegawa Hiroki trong "Shin Godzilla", cũng như Razor cho "Genshin Impact" và The Drifter trong "Destiny 2". Trong mảng phim người đóng, anh đã lồng tiếng cho các thành viên khác nhau của Cell trong mùa thứ ba của "Danger Force".
Haberkorn có một phần dòng máu gốc Việt bên ngoại, trong khi bên nội có gốc Scandinavia. Haberkorn kết hôn với Bonnie Vanwinkle vào ngày 29 tháng 2 năm 2008. Họ ly hôn vào ngày 19 tháng 11 năm 2010. Anh có một con trai từ mối quan hệ trước, cậu bé sinh năm 2004. Năm 2021, anh kết hôn với bạn gái Nicole Corona. |
ITX-Maum (Tiếng Hàn: ITX-마음) là tên loại tàu của Tổng công ty Đường sắt Hàn Quốc. Nó xuất hiện với mục đích thay thế tuyến Mugunghwa-ho đã cũ và bắt đầu hoạt động trên Tuyến Gyeongbu, Tuyến Honam, Tuyến Jeolla và Tuyến Taebaek từ ngày 1 tháng 9 năm 2023. Về mặt pháp lý, hạng này giống như ITX-Saemaeul và giá vé được đặt ở mức tương tự như ITX-Saemaeul hiện có. Tàu điện chở hàng (EMU-150) do Dawonsys sản xuất đang đi vào hoạt động.
Thông số kỹ thuật/tàu.
Đây là loại tàu điện chở hàng và được vận hành ở dạng tàu 4 toa hoặc tàu đôi.
Sau 210000 ITX-Saemaeul, nó sẽ được vận hành theo số 220000. Tổng cộng có 9 đoàn tàu đang hoạt động, 10 đoàn tàu đang chạy thử và 8 đoàn tàu bổ sung dự kiến sẽ được đưa vào vận hành.
Điểm dừng bắt buộc được chỉ định bằng chữ in đậm. |
Đá Zubof (hay Đá Zuboff) là một hòn đảo nhỏ gần Sitka, Alaska, Hoa Kỳ, nằm ngoài khơi bờ biển phía đông bắc của đảo Baranof. Đá Zubof nằm trong một khu vực có tên là The Basin trong Vịnh Kelp. Hòn đảo được đưa vào Hệ thống Thông tin Địa danh của Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ vào ngày 31 tháng 3 năm 1981. Hòn đảo bắt đầu có tên là Zuboff kể từ năm 1895, là một họ của người Nga, theo báo cáo của Trung tá Hải quân J. F. Moser của Hải quân Hoa Kỳ.
Đá Zubof thường được thấy khi thủy triều xuống, có chiều dài khoảng . Hòn đảo nằm về phía tây nam của Đảo Crow khoảng .
Đây là một đổi hướng từ một trang đó đã được . Trang này được giữ lại dưới dạng một trang đổi hướng để tránh phá vỡ các liên kết, cả bên trong và bên ngoài, có thể đã được liên kết tới tên trang cũ. |
Breitachklamm là một khe núi có sông Breitach chạy qua ở Allgäu. Nó nằm phần đầu của thung lũng Kleinwalsertal ở Tiefenbach, thuộc xã Oberstdorf. Cổng vào phía dưới ở Tiefenbach nằm ở vị trí , cổng vào phía trên nằm ở Walserschanz thuộc Áo.
Bên cạnh Höllentalklamm nó là hẻm núi sâu nhất ở Bayerischen Alpen (Từ đỉnh xuống đoạn cuối ở dưới đất) và là khe núi đá sâu nhất Trung Âu (đường thẳng từ núi xuống mặt nước ở dưới). Mỗi năm có khoảng 300.000 du khách đến đi dạo đoạn đường đi qua khe núi dài 2,5 km.
Vào mùa xuân hay mùa thu, Breitachklamm đóng cửa nhiều tuần. Trong thời gian này, khe núi được dọn dẹp và sửa chữa để
bảo đảm an toàn cho du khách và nhân viên.
Breitachklamm được Bayerischen Landesamt für Umwelt xếp loại là khu vực thiên nhiên đặc biệt cần được bảo vệ. (Geotop-Nummer: 780R017).
Khi nước chảy nhanh cuốn theo nhiều cục đá vụn với nó, đất và đá bị ăn mòn tạo thành một hẻm núi có sông chảy qua.
Thường thì bạn sẽ tìm thấy một hẻm núi ở cuối cái gọi là thung lũng treo (thung lũng mà đáy ở phần trên cao hơn nhiều so với phần dưới). Thung lũng treo hình thành từ các thung lũng phụ (phân biệt với thung lũng chính) của dòng sông băng lớn trong kỷ băng hà. Bởi vì sông băng chính đào sâu hơn vào địa hình so với các sông băng phụ, sau khi khối băng giảm, có sự khác biệt về chiều cao giữa thung lũng chính và phụ.
Theo kiến thức hiện tại, sự hình thành của breitachklamm đã bắt đầu vào cuối thời kỳ Würm khoảng 10.000-15.000 năm trước và nó vẫn đang chuyển động. Người ta cho rằng Breitach hoạt động xoáy mòn núi đá khoảng một phần triệu milimeter mỗi ngày. Các sông băng đã cuốn đi các tảng đá mềm và để các tảng đá cứng lại. Khi các sông băng tan chảy, Breitach cắt dần vào tảng đá cứng. Điều này đã xảy ra trên một chiều dài 2,5 km và sâu khoảng 150 m vào núi đá.
Đá sụp 1995 và lũ ở vùng núi alps 2005.
Vào ngày 23 tháng 9 năm 1995 lúc 6:00 sáng, đá sụp, với khoảng 50.000 m³ đá và lở tích đã rơi xuống hẻm núi. Kết quả là 300.000 m³ nước tích tụ cao khoảng 30 m. Vào ngày 23 tháng 3 năm 1996 lúc 11:30 sáng, nước đã phá vỡ, tàn phá hẻm núi và gây ra thiệt hại khoảng 300.000 DM (đơn vị tiền Đức cũ).
Tại lũ vùng núi alps năm 2005, mực nước cao nhất được ghi nhận vào ngày 23 tháng 8 năm 2005 với 6,60 mét cao hơn cây cầu.
Vào cuối thế kỷ 19, đã có những nỗ lực không thành công để có thể đi bộ dọc theo Breitachklamm. Mục sư Tiefenbach trẻ tuổi Julian Schiebel cuối cùng đã chịu đứng ra khai phá hẻm núi, tìm kiếm các nhà tài trợ và thành lập Breitachklammverein. Ông đã làm điều này để cung cấp cho cộng đồng nghèo của mình một nguồn thu nhập và thúc đẩy sự khởi đầu của việc du lịch vùng núi alps.
Vụ phá nổ đầu tiên được thực hiện vào ngày 25 tháng 7 năm 1904 và vào ngày 4 tháng 7 năm 1905, Breitachklamm được khánh thành cho người đi dạo.
Vào tháng 12 năm 2004, một tòa nhà cho lối vào mới ở Tiefenbach đã được đưa vào hoạt động. Vào tháng 10 năm 2005, một nhánh của chương trình Núi Đồi được đặt ở đó, chú trọng về ảnh hưởng của nước với núi bằng các mô hình tương tác. Mô hình nhựa không còn hoạt động nữa. Các bảng triển lãm tiếp tục cung cấp thông tin về lịch sử của hẻm núi và các điều đáng biết về hẻm núi, địa chất, dạng đá, động vật trong breitachklamm
Tòa nhà ở Walserschanz đã để trống kể từ năm 2013 và được Breitachklammverein mua lại vào năm 2016 cùng với khu vực lân cận. Kể từ đó, nhiều khái niệm sử dụng đã được xem xét và các kịch bản được phát triển làm thế nào địa điểm này có thể thu hút du khách và tiếp tục hoạt động. |
Eredivisie 2023–24 là mùa giải thứ 68 của Eredivisie, giải đấu bóng đá hàng đầu ở Hà Lan. Giải bắt đầu vào ngày 11 tháng 8 năm 2023 và sẽ kết thúc vào ngày 19 tháng 5 năm 2024.
Kể từ khi Hà Lan thăng hạng từ vị trí thứ bảy lên vị trí thứ sáu trong bảng xếp hạng hệ số hiệp hội UEFA vào cuối mùa giải 2022–23, ba đội bóng đứng đầu giải giờ đây đủ điều kiện tham dự UEFA Champions League (đội vô địch và á quân được vào thẳng vòng bảng, đội xếp thứ ba được vào vòng loại thứ ba). Đội vô địch KNVB Cup đủ điều kiện tham dự các nhóm UEFA Europa League trong khi đội xếp thứ tư đủ điều kiện tham dự vòng sơ loại thứ hai UEFA Europa League và các đội đứng từ thứ năm đến thứ tám đủ điều kiện tham dự vòng play-off UEFA Europa Conference League.
Heracles Almelo, PEC Zwolle và Almere City đã được thăng hạng từ Eerste Divisie 2022–23. Heracles Almelo và PEC Zwolle đều được thăng hạng sau một năm vắng bóng còn Almere City là lần đầu tiên trong lịch sử lên chơi tại Eredivisie.
Sau 23 năm thi đấu ở Eredivisie, FC Groningen bị xuống hạng Eerste Divisie, cùng với SC Cambuur sau hai năm và FC Emmen sau một năm.
Vị trí theo vòng.
Bảng liệt kê vị trí của các đội sau mỗi vòng thi đấu. Để duy trì các diễn biến theo trình tự thời gian, bất kỳ trận đấu bù nào (vì bị hoãn) sẽ không được tính vào vòng đấu mà chúng đã được lên lịch ban đầu, mà sẽ được thêm vào vòng đấu diễn ra ngay sau đó.
"Tính đến ngày 18/12/2023"
(*) Trận đấu giữa chủ nhà Ajax và Feyenoord diễn ra vào ngày 24/9/2023. Trong hiệp 1 đội Feyenoord dẫn trước 3–0, trong đó có 2 bàn thắng của Santiago Giménez. Đến đầu hiệp 2 thì cổ động viên của Ajax gây náo loạn trên sân vận động nên trận đấu phải tạm dừng. Ngày 27/9/2023 trận đấu được tiếp tục diễn ra trên sân vận động không có khán giả và Giménez đã ghi thêm 1 bàn thắng tạo ra hat-trick.
"Tính đến ngày 18/12/2023"
Giải thưởng hàng tháng.
Đội hình của tháng. |
Chung kết Cúp EFL 2018
Chung kết Cúp EFL 2018 (còn gọi là Chung kết Carabao Cup 2018) là trận đấu đấu cuối cùng của Cúp EFL 2017-18 diễn ra vào ngày 25 tháng 2 năm 2018 tại Sân vận động Wembley. Đây là trận chung kết League Cup đầu tiên được tổ chức dưới tên "Carabao Cup" sau sự tài trợ của Nước tăng lực Carabao. Trận đấu diễn ra giữa Manchester City và Arsenal và Manchester City đã giành chiến thắng với tỉ số 3–0. Lẽ ra họ đã lọt vào vòng sơ loại thứ hai của UEFA Europa League 2018–19, nhưng thay vào đó họ đã lọt vào vòng bảng UEFA Champions League 2018–19 nhờ lên ngôi vô địch Premier League 2017–18.
Trận đấu này là trận chung kết Cúp Liên đoàn lần thứ 6 của Manchester City và là trận đấu thứ ba trong năm mùa giải của họ - việc lọt vào trận chung kết cũng đánh dấu lần đầu tiên Pep Guardiola lọt vào trận chung kết với Manchester City. Đối với Arsenal, đây là trận chung kết thứ 8 của họ trong giải đấu và là trận đấu thứ ba trong triều đại quản lý của Arsène Wenger.
Đường đến trận chung kết.
Cúp EFL là giải đấu cúp dành cho các câu lạc bộ ở Premier League và EFL. Giải đấu tổ chức theo thể thức loại trực tiếp, ngoại trừ vòng bán kết được thi đấu hai lượt trận (lượt đi - lượt về).
Manchester City là câu lạc bộ thi đấu tại Premier League tham dự UEFA Champions League, bắt đầu chiến dịch Cúp EFL ở vòng ba, nơi họ bị đối thủ là West Bromwich Albion cầm hòa. Tại The Hawthorns, cầu thủ chạy cánh Leroy Sané ghi hai bàn giúp Man City giành chiến thắng 2-1. Ở vòng 4, họ gặp đội Championship là Wolverhampton Wanderers trên sân nhà. Đội khách phòng ngự tốt và trở thành đội đầu tiên giữ sạch lưới trước đội đầu bảng Premier League. Không bên nào ghi bàn sau thời gian 90 phút và hiệp phụ, đồng nghĩa với việc trận đấu được quyết định bằng loạt sút luân lưu. City thắng lợi với tỷ số 4–1.
Ở vòng tứ kết, Manchester City đã bị Leicester City cầm hòa trên Sân vận động King Power. Tiền vệ Bernardo Silva ghi bàn cho đội khách, nhưng đến phút bù giờ, tiền đạo Jamie Vardy gỡ hòa cho Leicester từ chấm phạt đền. Trận đấu kết thúc với tỷ số 1–1 và giống như vòng trước, Man City cần loạt sút luân lưu để đi tiếp, họ đã giành chiến thắng với tỉ số 4–3.
Trận bán kết giữa Manchester City và Bristol City. Trận lượt đi diễn ra trên sân Etihad chứng kiến đội khách dẫn trước vào cuối hiệp một nhờ quả phạt đền do Bobby Reid thực hiện. Kevin De Bruyne gỡ hòa cho Manchester City và ở phút bù giờ, đồng đội của anh, Sergio Agüero, đã ghi bàn thắng quyết định giúp đội bóng kiểm soát chặt chẽ thế trận. Bristol City đã ghi hai bàn tại Ashton Gate trong trận lượt về, nhưng Manchester City tiến vào trận chung kết khi ghi ba bàn và giành chiến thắng với tổng tỷ số 5–3 sau hai lượt đấu.
Arsenal, giống như Manchester City, tham dự cúp châu Âu (UEFA Europa League và vào vòng 3 Cúp EFL). Họ bị cầm hòa trên sân nhà trước đội bóng League 1 Doncaster Rovers. Trên Sân vận động Emirates, bàn thắng của Theo Walcott ở phút 25 là đủ để giành chiến thắng cho Arsenal. Ở vòng 4, họ gặp câu lạc bộ thi đấu tại Championship là Norwich City trên sân nhà. Arsenal đi tiếp với chiến thắng 2-1 ở hiệp phụ sau khi Eddie Nketiah được tung vào sân thay người và ghi hai bàn thắng đầu tiên cho đội.
Arsenal đấu với West Ham United ở tứ kết, nơi trên sân nhà họ thắng 1–0 nhờ bàn thắng của Danny Welbeck.
Trận bán kết giữa Arsenal và Chelsea. Sau trận lượt đi không bàn thắng tại Sân vận động Stamford Bridge, Arsenal tiến vào trận chung kết sau chiến thắng 2-1 tại Sân vận động Emirates nhờ bàn phản lưới nhà của Antonio Rüdiger của Chelsea và bàn thắng của Granit Xhaka. Kết quả là Arsenal lọt vào trận chung kết mà không phải rời London vì 4 trong 5 trận của họ diễn ra trên sân nhà, với trận bán kết lượt đi diễn ra ở London. Tổng số 6 bàn thắng của họ trên đường tới trận chung kết là số bàn thắng thấp nhất so với bất kỳ đội nào lọt vào trận chung kết Cúp EFL. |
Vòng loại giải vô địch bóng đá châu Âu 2024 (Bảng J)
Bảng J của Vòng loại giải vô địch bóng đá châu Âu 2024 là một trong 10 bảng để quyết định đội sẽ vượt qua vòng loại cho vòng chung kết Giải vô địch bóng đá châu Âu 2024 diễn ra tại Đức. Bảng J bao gồm 6 đội: Bosnia và Herzegovina, Iceland, Liechtenstein, Luxembourg, Bồ Đào Nha và Slovakia. Các đội tuyển sẽ thi đấu với nhau mỗi trận khác trên sân nhà và sân khách với thể thức đấu vòng tròn.
Hai đội tuyển đứng nhất và nhì bảng sẽ vượt qua vòng loại trực tiếp cho trận chung kết. Các đội tham gia vòng play-off sẽ được quyết định dựa trên thành tích của họ trong UEFA Nations League 2022–23.
Lịch thi đấu đã được xác nhận bởi UEFA vào ngày 10 tháng 10 năm 2022, sau lễ bốc thăm một ngày. Thời gian là CET/CEST, như được liệt kê bởi UEFA (giờ địa phương, nếu khác nhau, nằm trong dấu ngoặc đơn).
Một cầu thủ sẽ bị đình chỉ tự động trong trận đấu tiếp theo cho các hành vi phạm lỗi sau đây:
Các đình chỉ sau đây sẽ được thực hiện xuyên suốt các trận đấu vòng loại: |
Thoả thuận Pereiaslav hay Thoả thuận Pereyaslav (, ), là một cuộc họp chính thức được triệu tập vào tháng 1 năm 1654, để người Cossack thực hiện nghi lễ cam kết trung thành với Sa hoàng Nga (lúc này là Aleksey, trị vì 1645–1676) tại thị trấn Pereiaslav thuộc miền Trung Ukraina. Buổi lễ diễn ra đồng thời với các cuộc đàm phán bắt đầu theo sáng kiến của Hetman Bohdan Khmelnytsky nhằm giải quyết vấn đề Quốc gia hetman Cossack, trong lúc Khởi nghĩa Khmelnytsky đang diễn ra chống lại Thịnh vượng chung Ba Lan–Litva. Bản thân hiệp định được hoàn tất tại Moskva vào tháng 4 năm 1654 (vào tháng 3 theo lịch Julius).
Khmelnytsky được Sa hoàng Nga bảo hộ về quân sự và đổi lại phải trung thành với Sa hoàng. Ban lãnh đạo của Quốc gia hetman Cossack thực hiện tuyên thệ trung thành với quân chủ Nga, sau đó các quan chức khác, giáo sĩ và cư dân Quốc gia hetman cũng tuyên thệ. Bản chất chính xác của mối quan hệ được quy định theo thỏa thuận giữa Quốc gia hetman và Nga là một vấn đề gây tranh cãi về mặt học thuật. Tiếp sau hội nghị Pereiaslav là cuộc trao đổi các văn kiện chính thức: Các điều khoản tháng Ba (từ Quốc gia hetman Cossack) và Tuyên bố của Sa hoàng (từ Muscovy).
Một phái đoàn từ Moskva do Vasiliy Buturlin dẫn đầu tham dự hội nghị. Ngay sau sự kiện này là việc thông qua cái gọi là Các điều khoản Tháng Ba tại Moskva quy định tình trạng tự trị của Quốc gia hetman trong nhà nước Nga. Thỏa thuận này dẫn đến Chiến tranh Nga-Ba Lan (1654–67). Việc giải quyết dứt điểm về pháp lý được thực hiện theo Hiệp ước Hòa bình vĩnh viễn năm 1686 được Nga và Ba Lan ký kết, theo đó tái khẳng định chủ quyền của Nga đối với các vùng đất Sich Zaporozhia và Ukraina tả ngạn, cũng như thành phố Kiev.
Bối cảnh đàm phán.
Vào tháng 1 năm 1648, một cuộc khởi nghĩa lớn chống lại Ba Lan do Bohdan Khmelnytsky lãnh đạo bắt đầu tại vùng đất Zaporizhia. Quân khởi nghĩa được quần chúng nhân dân và Hãn quốc Krym ủng hộ, họ giành được một số chiến thắng trước quân chính phủ Thịnh vượng chung Ba Lan-Litva]. Họ làm suy yếu sự áp bức của tầng lớp quý tộc Ba Lan, sự áp bức của người Do Thái vốn là những người quản lý tài sản, cũng như khôi phục vị thế của Giáo hội Chính thống giáo. Tuy nhiên, quyền tự trị mà Khmelnytsky giành được lúc này bị kẹp giữa ba cường quốc: Thịnh vượng chung Ba Lan-Litva, nước Nga Sa hoàng và Đế quốc Ottoman.
Bohdan Khmelnytskyi là người lãnh đạo chính của cuộc khởi nghĩa, ông không thể tuyên bố độc lập vì ông không phải là một quân chủ hợp pháp, và không có một ứng cử viên nào như vậy trong số các thủ lĩnh khác của cuộc khởi nghĩa. Xét về nguồn lực kinh tế và nhân lực, khởi nghĩa đang diễn ra trên các khu vực của Vương quốc Ba Lan, tại các tỉnh Kijów (Kyiv), Czernihow (Chernihiv) và Bracław (Bratslav). Đồng minh duy nhất là hãn của Krym thì không quan tâm đến chiến thắng quyết định của người Cossack.
Dòng thời gian đàm phán Cossack-Moskva.
Có quan điểm cho rằng các cuộc đàm phán nhằm thống nhất vùng đất Zaporizhia với Nga bắt đầu ngay từ năm 1648. Ý tưởng như vậy rất phổ biến trong các nhà sử học Liên Xô tại Ukraina và Nga như Mykola Petrovsky. Nhiều nhà sử học Ukraina khác như Ivan Krypiakevych, Dmitriy Ilovaisky, Myron Korduba, Valeriy Smoliy diễn giải các cuộc đàm phán là một nỗ lực nhằm thu hút Sa hoàng ủng hộ quân sự cho người Cossack và thúc đẩy ông ta đấu tranh nhằm tranh đoạt vương vị Ba Lan sau khi Władysław IV Vasa mất.
Chuẩn bị cho cuộc họp chính thức.
Zemsky Sobor diễn ra tại Moskva vào mùa thu năm 1653 đã thông qua quyết định sáp nhập Ukraina vào Muscovy và vào ngày 2 tháng 11 năm 1653, chính phủ Moskva tuyên chiến với Thịnh vượng chung Ba Lan-Litva. Để tiến hành đàm phán giữa hai nhà nước, một phái đoàn lớn do boyar Vasili Buturlin dẫn đầu rời Moskva đến Ukraina. Trong thành phần của họ còn có okolnichiy I.Olferiev, dyak L.Lopukhin và đại diện của giới giáo sĩ.
Cuộc hành trình kéo dài gần ba tháng. Ngoài việc những con đường xấu và tình trạng hỗn loạn, thì một cờ hiệu hoàng gia mới phải được làm, văn bản bài phát biểu của Buturlin, và chiếc chùy (bulawa) được chỉ định cho Hetman đã bị mất một số viên đá quý cần phải được thu hồi. Ngoài ra, phái đoàn phải đợi gần một tuần thì Bohdan Khmelnytskyi mới đến, do ông bị trì hoãn ở Chyhyryn trong lễ chôn cất con trai lớn Tymofiy Khmelnytsky và sau đó không thể vượt qua sông Dnepr vì băng trên sông không đủ cứng.
Cuộc họp Pereiiaslav và nhà nước Cossack tự trị.
Một cuộc họp giữa hội đồng của người Cossack Zaporozhia với Vasiliy Buturlin là đại diện của Sa hoàng Nga Alexey I diễn ra trong bối cảnh Khởi nghĩa Khmelnytsky. Hội đồng Pereiaslav của người Ukraina diễn ra vào ngày 18 tháng 1, nhằm mục đích hoạt động với tư cách là hội đồng Cossack tối cao và thể hiện sự đoàn kết và quyết tâm của "dân tộc Rus'". Các nhà lãnh đạo quân sự và đại biểu của các trung đoàn, quý tộc và thị dân lắng nghe bài phát biểu của Hetman Cossack Bohdan Khmelnytsky, ông giải thích tính cần thiết của việc tìm kiếm sự bảo hộ từ Nga. Khán giả đáp lại bằng những tràng pháo tay và sự đồng ý. Hiệp định được khởi xướng sau đó trong cùng ngày, chỉ cầu khẩn Sa hoàng bảo hộ Nhà nước Cossack và được cho là một hành động chính thức tách rời Ukraina khỏi Thịnh vượng chung Ba Lan-Litva (nền độc lập của Ukraina đã được tuyên bố không chính thức trước đó trong cuộc khởi nghĩa). Những người tham gia chuẩn bị hiệp định tại Pereiaslav bao gồm Khmelnytsky, Trưởng thư lại Ivan Vyhovsky và nhiều trưởng lão Cossack khác, cũng như một đội ngũ lớn đến từ Nga.
Các thủ lĩnh Cossack cố gắng một cách vô ích để yêu cầu Buturlin đưa ra một số tuyên bố ràng buộc; phái viên từ chối, cho rằng thiếu thẩm quyền và trì hoãn việc giải quyết các vấn đề cụ thể cho Sa hoàng quyết định trong tương lai, điều mà ông ta mong đợi là sẽ có lợi cho người Cossack. Khmelnytsky và nhiều người Ukraina (tổng cộng có 127.000 người, trong đó có 64.000 người Cossack, theo tính toán của Nga) cuối cùng đã tuyên thệ trung thành với Sa hoàng. Tại nhiều thị trấn của Ukraina, người dân buộc phải đến quảng trường trung tâm để tuyên thệ. Một bộ phận tầng lớp giáo sĩ Chính thống giáo chỉ tuyên thệ sau một cuộc kháng cự kéo dài, và một số thủ lĩnh Cossack không thực hiện tuyên thệ. Các chi tiết thực tế của thỏa thuận được các sứ giả Cossack và Sa hoàng đàm phán vào tháng 3 và tháng 4 năm sau tại Moskva. Người Nga đồng ý đa số các yêu cầu của người Ukraina, như trao quyền tự trị rộng rãi cho nhà nước Cossack, quân Cossack đăng ký có quy mô lớn và duy trì tình trạng của Giáo mục đô thành Chính thống giáo Kiev, người này báo cáo cho Thượng phụ Constantinople (thay vì Moskva). Hetman Cossack bị cấm thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, đặc biệt là đối với Thịnh vượng chung và Đế quốc Ottoman, vì Sa hoàng hiện đã cam kết cung cấp phòng vệ cho Quốc gia hetman. Do đó, tình trạng của Ukraina đã được giải quyết, khi các nhà đàm phán nhìn nhận là lúc này đang liên minh với nhà nước Nga (chứ không phải Ba Lan). Các chính sách sai lầm nhưng cứng đầu của Thịnh vượng chung được nhiều người cho là nguyên nhân khiến người Cossack thay đổi hướng đi, tạo ra một cơ cấu quyền lực mới và lâu dài ở Trung, Đông và Nam châu Âu.
Các điều khoản có vẻ hào phóng của hiệp ước Pereiaslav-Moskva đã sớm bị chính trị thực tế hủy hoại, do các chính sách đế quốc của Moskva và thủ đoạn của chính Khmelnytsky. Thất vọng trước Thỏa thuận đình chiến Vilna (1656) và các động thái khác của Nga, Khmelnytsky cố gắng giải thoát Quốc gia hetman khỏi sự phụ thuộc. Hiệp định Pereyaslav dẫn đến bùng phát Chiến tranh Nga-Ba Lan (1654-1667) cùng với Thỏa thuận đình chiến Andrusovo 1667, theo đó miền đông Ukraina được Ba Lan nhượng lại cho Nga (trên thực tế, điều đó có nghĩa là Thịnh vượng chung sẽ thu hồi có giới hạn miền tây Ukraina). Quốc gia hetman Cossack, nhà nước tự trị Ukraine do Khmelnytsky thành lập, sau đó bị giới hạn ở Ukraina tả ngạn và tồn tại dưới quyền Đế quốc Nga cho đến khi bị Nga phá hủy vào năm 1764-1775.
Các ghi chép đương thời về các giao dịch Pereiaslav-Moskva vẫn tồn tại và được lưu giữ trong Kho lưu trữ Nhà nước Nga về các đạo luật cổ xưa tại Moskva.#đổi
Hậu quả lịch sử.
Hậu quả cuối cùng đối với Quốc gia hetman là Quân đoàn Zaporizhia giải thể vào năm 1775 và việc áp đặt chế độ nông nô trong khu vực.
Đối với Nga, thỏa thuận cuối cùng dẫn đến việc sáp nhập hoàn toàn Quốc gia hetman vào nhà nước Nga, cung cấp sự biện minh cho tước hiệu của các sa hoàng và hoàng đế Nga là "Độc tài của toàn thể người Nga" (""). Nga vào thời điểm đó là phần duy nhất của Kiev Rus' cũ không bị thế lực ngoại bang thống trị, họ tự coi mình là nước kế thừa của Kiev Rus' và là thế lực tái thống nhất toàn bộ đất đai của người Rus'. Thế kỷ 20, trong lịch sử và nhận thức luận Xô viết, hội nghị Pereiaslav được nhìn nhận và giới thiệu là một hành động "tái thống nhất Ukraina với Nga".
Hiệp định là một kế hoạch chính trị để cứu Ukraina khỏi sự thống trị của Ba Lan. Đối với Thịnh vượng chung Ba Lan-Litva, thỏa thuận này là một trong những dấu hiệu ban đầu về quá trình suy tàn dần dần của liên bang, và bước sụp đổ cuối cùng vào cuối thế kỷ 18.
Năm 1954, các lễ kỷ niệm "Ukraina tái thống nhất với Nga" được tổ chức rộng rãi tại Liên Xô và bao gồm chuyển giao bán đảo Krym từ Liên bang Nga sang Ukraina.
Năm 2004, sau lễ kỷ niệm 350 năm sự kiện này, chính quyền của Tổng thống Ukraina Leonid Kuchma ấn định ngày 18 tháng 1 là ngày chính thức kỷ niệm sự kiện.
Quyết định được thông qua tại Pereiaslav bị những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraina nhìn nhận tiêu cực là một cơ hội thất bại cho nền độc lập của Ukraina. Sau đó, nền độc lập của Ukraina trong Nội chiến Nga chỉ tồn tại trong thời gian ngắn do Chiến tranh Ukraina–Xô viết, và đất nước giành được độc lập khi Liên Xô tan rã. các đảng Ukraina thân Nga kỷ niệm ngày diễn ra sự kiện này và nhắc lại lời kêu gọi tái thống nhất ba quốc gia Đông Slav: Nga, Ukraina và Belarus.
Năm 2023, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đề xuất Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelenskyy về ý tưởng đưa người Nga đến Pereiaslav sau một thất bại giả định của Nga trong cuộc xâm lược Ukraina để làm dấu hiệu cho một hiệp ước hòa bình. |
Ông tên thật là Lê Minh Khánh, sinh năm 1940, quê ở Gò Vấp, cha mất sớm, mẹ buôn bán nhỏ. Trong gia đình không có ai theo nghề ca hát.
Lúc còn học văn hóa, ông học ca tân nhạc và vọng cổ theo đài phát thanh. Thấy ông có giọng ca tốt, một bà bạn của má ông khuyên má ông cho ông đi học ca cổ nhạc. Nhạc sĩ Út Trong đặt nghệ danh cho ông là Út Hiền vì tính của ông rất hiền lành, ăn nói nhỏ nhẹ. Nhạc sĩ Út Trong giới thiệu Út Hiền cho đoàn hát Thanh Minh vì lúc ấy danh ca Út Trà Ôn tách ra lập đoàn hát Kim Thanh – Út Trà Ôn. Giọng ca của Út Hiền thật là trong, êm như nhung tơ, cùng một kỷ thuật ca và giọng ca của Hữu Phước.
Khởi đầu từ đoàn hát Thanh Minh.
Sau khi ông Út Trà Ôn rời đoàn hát Thanh Minh thì danh ca vọng cổ còn lại chỉ có Năm Nghĩa, Minh Tấn, Út Bạch Lan, Thu Ba nên bà bầu Thơ chiêu mộ những giọng ca trẻ như Út Hiền, Út Hậu, Quang Nhiều và nữ diễn viên Mỹ Hiền.
Các diễn viên trẻ Út Hiền, Út Hậu, Quang Nhiều được ký hợp đồng hai chục ngàn đồng mỗi người và được cho hát vai kép nhì nhưng có ca nhiều câu vọng cổ trong các tuồng "Núi liễu sông bằng", "Lửa hờn", "Thiên thần trên thiết mã".
Sau suất diễn đầu tiên, báo chí kịch trường nhiệt liệt ngợi khen ba giọng ca trẻ với những lời quảng cáo đao to búa lớn như: Danh ca trẻ Út Hậu, truyền nhân đích thực của vua vọng cổ Út Trà Ôn; danh ca Út Hiện, giọng ca êm dịu như nhung như tơ; Quang Nhiều, lối ca với làn hơi sung mãn, nghệ thuật luyến láy tuyệt vời.
Bà bầu Thơ và ông bầu Nghĩa chưa kịp vui mừng vì hai ông bà đã khám phá và giới thiệu với khán giả những giọng ca vàng thì khi đoàn hát chưa kịp tập vở tuồng kế tiếp, cả ba nghệ sĩ trẻ Út Hiền, Út Hậu, Quang Nhiều thối lại 20 ngàn tiền hợp đồng và bồi thường đúng theo giao kèo là trả thêm cho bà Bầu Thơ mỗi người 20 ngàn đồng nữa. Chỉ mới một tháng mà bà Bầu Thơ lời được 60 ngàn; bà không ham nhưng muốn giữ lại các diễn viên đó thì bà phải trả cho Bầu Long, mỗi diễn viên 120 ngàn đồng vì Bầu Long Kim Chung đã ký cho họ mỗi người 60 ngàn đồng.
Gia nhập đoàn hát Kim Chung 1.
Nghệ sĩ Út Hiền hát ở đoàn Kim Chung 1, hát thường trực tại rạp Aristo ở đường Lê Lai. Nghệ sĩ Út Hậu và Quang Nhiều hát cho đoàn Kim Chung 2 ở rạp Olympic trên đường Hồng Thập Tự.
Các ký giả kịch trường Sài Gòn giận Bầu Long mua đào bán kép trắng trợn nên họ không viết bài phê bình tuồng tích và đào kép của hai gánh hát Kim Chung. Do đó các nghệ sĩ cộng tác với đoàn hát Kim Chung trong thời gian này chịu nhiều thiệt thòi vì không được quảng bá nhiều trên các trang kịch trường. Chỉ biết qua sân khấu Kim Chung, nghệ sĩ Út Hiền vẫn hát vai kép nhì, sau kép Thanh Hải, nhưng Út Hiền, Thanh Hải và Út Hậu được hãng dĩa Hoành Sơn của ông Ba Bản mời thu thanh nhiều bài vọng cổ do soạn giả Thu An sáng tác. Nhờ vậy mà giọng ca của Út Hiền, Thanh Hải, Út Hậu được rèn luyện thêm và được thính giả ái mộ.
Năm 1963, nghệ sĩ Út Hiền rời đoàn Kim Chung và gia nhập đoàn hát Thủ Đô Ba Bản. Nhưng ở đoàn Thủ Đô Ba Bản lúc đó có hai danh ca Út Trà Ôn và Thanh Hải nên Út Hiền cũng chỉ nổi danh được trong địa hạt đĩa nhựa chớ về sân khấu, ông còn nhỏ và chưa có kinh nghiệm diễn xuất dù giọng ca của Út Hiền đã được rất nhiều khán giả và ký giả ái mộ.
Vai chính đoàn hát Hương Mùa Thu.
Giọng ca của Út Hiền nghe rất mùi, êm dịu, sâu lắng. Những chữ hò vô vọng cổ, ông ca êm như tiếng ca vuốt nhuyễn cho thật nhỏ dần rồi mất hút trong không gian. Các chữ ca cuối câu vọng cổ với hơi ngân dài mênh mang. Bài ca vọng cổ được Út Hiền nghiên cứu kỹ, ca diễn đạt nội dung, gây cảm xúc cho người nghe. Soạn giả Thu An biết rõ khả năng ăn khách của giọng ca Út Hiền nên khi ông rời đoàn hát Thủ Đô Ba Bản, ông đã lập gánh hát Hương Mùa Thu với đào – kép chính là Ngọc Hương và Út Hiền.
Dưới bảng hiệu Hương Mùa Thu, hai nghệ sĩ Út Hiền và Ngọc Hương là một cặp diễn viên xứng đào xứng kép. Về sắc diện, cả hai đều đẹp sắc xảo dưới ánh đèn sân khấu, về giọng ca thì đó là một sự hòa hợp kỳ diệu: giọng ca của Ngọc Hương cao vút, một thứ giọng kim sang trọng hòa với giọng thổ của Út Hiền tạo nên cảm giác vừa êm dịu vừa trầm buồn sâu lắng. Khi xem đoàn hát Hương Mùa Thu, khán giả có thể bị mê hoặc vì hai giọng ca của Út Hiền và Ngọc Hương trên sân khấu.
Út Hiền đã hát qua các tuồng "Lá của rừng xanh", "Ảo ảnh Châu Bích Lệ", "Cô gái sông Đà", "Người anh khác mẹ", "Con cò trắng", "Gánh cỏ sông Hàn", "Chuyến đò thương", "Sài Gòn thác bạc", "Tiếng còi sa mạc"...
Đoàn hát Hương Mùa Thu thành lập từ năm 1964 đến năm 1975 mới tạm ngưng hát. Trong thời gian này có rất nhiều nghệ sĩ cộng tác với đoàn Hương Mùa Thu như Thanh Hải, Út Hiền, Minh Chí, Hà Bửu Tân, Hà Bửu Bửu, Hiếu Liêm, Thanh Liêm, Giang Châu, Minh Dịch, Hữu Lợi, các nữ diễn viên Ngọc Hương, Ngọc Lan, Kim Thủy, Ngọc Thủy, Kiều Lệ Thanh, Yến Nhung, Lệ Châu; hề Bảy Xê, hề Tẩu Tẩu, hề Minh. Chỉ có cặp đào kép chánh Út Hiền và Ngọc Hương chống đỡ cho bảng hiệu Hương Mùa Thu lâu nhất.
Tiếc vì đoàn Hương Mùa Thu chuyên đi lưu diễn ở các tỉnh miền Trung, có năm có đến 8 tháng hát ở miền Trung và nhiều tháng hát ở xa nên nghệ sĩ của đoàn Hương Mùa Thu ít được các ký giả kịch trường giới thiệu cho khán thính giả biết về tài năng của các diễn viên Hương Mùa Thu.
Cuộc sống của nghệ sĩ Út Hiền đúng như cái tên Hiền đã được gán cho ông, ông không có gây nên tai tiếng gì, không cờ bạc, không hút xách, không trai gái đỉ bợm, chỉ có mỗi cái tật là ông nhậu rượu không bao giờ biết ngừng.
Sau năm 1975, giọng ca của ông không còn hay như hồi trước, dù kỹ thuật ca vẫn còn phong độ của một kép hát chánh tài danh.
Sau này, ông bị ung thư gan, hậu quả của những trận nhậu rượu không biết dừng lại trong thời niên thiếu. Ông mất ngày 16 tháng 6 năm 1986.
Các bài tân cổ, vọng cổ.
Các tuồng cải lương. |
Danh sách đảng phái chính trị Phần Lan
Dưới đây là danh sách các đảng phái chính trị cấp quốc gia của Phần Lan và không bao gồm các đảng phái chính trị dưới cấp quốc gia (ví dụ như các đảng phái chính trị tại Åland). Tại Phần Lan, một hiệp hội được phép hoạt động với tư cách đảng phái chính trị khi có tên trong Danh bạ đảng phái chính trị của Bộ Tư pháp.
Hệ thống chính trị của Phần Lan là một hệ thống đa đảng. Một liên minh gồm nhiều đảng với tổng số ghế chiếm vị thế đa số sẽ thành lập Chính phủ mới, và các đảng không chấp chính liền trở thành đảng đối lập. Việc không thiết lập một ngưỡng bầu cử (tức số lượng ghế nhất định nhằm đảm bảo một đảng được tham chính) dẫn tới sự đa dạng về mặt thành phần đảng phái trong Quốc hội Phần Lan, và cũng vì thế mà một đảng nhất định gần như không thể giành được số ghế quá bán trong Quốc hội. Trước đây, cũng vì lý do này hai khối xã hội chủ nghĩa và khối phi xã hội chủ nghĩa thường không giành được đủ số ghế để thành lập một chính phủ của riêng mình.
Các đảng viên hoạt động theo nhóm nghị sĩ tương ứng của đảng mình tại Quốc hội, biểu quyết theo kỷ cương của đảng và đôi khi các đảng viên không bỏ phiếu theo đồng thuận của nhóm nghị sĩ.
Tổ chức của một đảng phái gồm có các chi bộ cơ sở tại các đơn vị hành chính cấp khu tự quản. Đảng viên thuộc nhiều đảng được bầu làm ủy viên tại các Hội đồng điều phối khu tự quản, tuy nhiên chính họ phải cạnh tranh với các tổ chức xã hội phi đảng phái trong các cuộc bầu cử Hội đồng điều phối tại địa phương.
Pháp luật Phần Lan quy định về điều kiện để một hiệp hội chính trị được phép chuyển đổi hình thức hoạt động để trở thành một đảng phái chính trị mà quá trình chuyển đổi này không yêu cầu nộp lệ phí thành lập đảng, đó là:
Các đảng chính trị hợp lệ có quyền đề cử đảng viên của mình làm ứng cử viên trong các cuộc bầu cử Quốc hội hoặc bầu cử Hội đồng điều phối cấp khu tự quản. Chính phủ chi trả một khoản trợ cấp cho các đảng có đại điện trong Quốc hội với độ lớn tỷ lệ với số nghị sĩ thuộc đảng ấy. Trường hợp một đảng không giành được một ghế nghị sĩ Quốc hội nào trong hai kỳ bầu cử liên tiếp, tên của đảng ấy sẽ bị loại khỏi Danh bạ đảng phái chính trị và được phép nộp đơn đăng ký lại. |
Vụ tàn sát Istanbul
Cuộc tàn sát Istanbul, còn được gọi là cuộc bạo loạn ở Istanbul hoặc sự kiện tháng 9 (; ), cũng gọi là Kristallnacht Thổ Nhĩ Kỳ,) là một loạt các cuộc tấn công của đám đông chống Hy Lạp do nhà nước bảo trợ, chủ yếu nhắm vào cộng đồng thiểu số Hy Lạp ở Istanbul vào ngày 6–7 tháng 9 năm 1955. Cuộc tàn sát được dàn dựng bởi Đảng Dân chủ cầm quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ với sự hợp tác của nhiều tổ chức an ninh khác nhau (Nhóm Huy động Chiến thuật, Phản du kích và Cơ quan An ninh Quốc gia). Các sự kiện được kích hoạt bởi một câu chuyện giả mạo nói rằng một ngày trước đó, người Hy Lạp đã đánh bom lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Thessaloniki, Macedonia, Hy Lạp, - ngôi nhà nơi Mustafa Kemal Atatürk sinh năm 1881. Một quả bom do một người Thổ Nhĩ Kỳ đặt vào lãnh sự quán, người sau đó bị bắt và nhận tội, đã kích động sự việc. Báo chí Thổ Nhĩ Kỳ im lặng về vụ bắt giữ, thay vào đó, họ bóng gió rằng người Hy Lạp đã cho nổ quả bom..
Một đám đông người Thổ Nhĩ Kỳ, hầu hết thành viên được chở bằng xe tải vào thành phố trước, đã tấn công cộng đồng người Hy Lạp ở Istanbul trong chín giờ. Mặc dù đám đông không kêu gọi rõ ràng việc giết người Hy Lạp, nhưng hơn chục người đã chết trong hoặc sau các cuộc tấn công do bị đánh đập và đốt phá. Người Armenia và người Do Thái cũng bị tổn hại. Cảnh sát hầu như không có hành động hiệu quả, và bạo lực vẫn tiếp tục cho đến khi chính phủ tuyên bố thiết quân luật ở Istanbul, triệu tập quân đội và ra lệnh dập tắt bạo loạn.
. Thiệt hại vật chất ước tính khoảng 500 triệu USD, bao gồm việc đốt nhà thờ, tàn phá các cửa hàng và nhà riêng. |
Herbert Frank York (24 tháng Mười một năm 1921 – 19 tháng Năm năm 2009) là một nhà vật lý hạt nhân người Mỹ. Ông đã có nhiều công trình nghiên cứu và nắm giữ vai trò quản lý tại nhiều viện nghiên cứu khoa học của Hoa Kỳ.
York sinh tại Rochester, New York. Ông đã nhận được bằng Cử nhân Khoa học và Thạc sĩ Khoa học của trường Đại học Rochester cùng vào năm 1943, sau đó nhận bằng Ph.D. tại trường University of California, Berkeley năm 1949. Trong Chiến tranh thế giới 2 ông là nhà vật lý tại Phòng thí nghiệm bức xạ Berkeley và làm việc tại Phòng thí nghiệm quốc gia Oak Ridge, trong khuôn khổ Dự án Manhattan. Ông cũng là giám đốc đầu tiên của Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Livermore từ năm 1952 đến năm 1958. Sau khi rời khỏi Phòng thí nghiệm vào năm 1958, ông đã giữ nhiều vị trí trong chính phủ và các viện nghiên cứu bao gồm Nhà nghiên cứu chính tại Cơ quan Chỉ đạo các Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến, và giám đốc đầu tiên của cơ quan Nghiên cứu và Kỹ thuật Quốc phòng.
York là giáo sư của University of California, Berkeley. Ông cũng là hiệu trưởng danh dự University of California San Diego (1961–1964, 1970–1972). Ông cũng là đại diện của Hoa Kỳ trong Tổ chức Hiệp ước Cấm thử Hạt nhân Toàn diện tại Geneva, Switzerland (1979–1981).
Herbert York qua đời ngày 19 tháng Năm năm 2009 tại San Diego hưởng thọ 87 tuổi. |
Chung kết Cúp EFL 2019
Trận Chung kết Cúp EFL 2019 diễn ra vào ngày 24 tháng 2 năm 2019 tại Sân vận động Wembley ở London, Anh để xác định đội vô địch Cúp EFL 2018-19 (được gọi là Carabao Cup vì lý do tài trợ). Trận đấu giữa Chelsea và đương kim vô địch Manchester City, đội đã bảo vệ thành công danh hiệu của mình với chiến thắng 4–3 trên loạt sút luân lưu sau trận hòa 0–0 và cả hiệp phụ; đây là lần đầu tiên Manchester City bảo vệ thành công danh hiệu. Với tư cách là đội đương kim vô địch, họ lẽ ra đã vào vòng sơ loại thứ hai của UEFA Europa League 2019–20, nhưng thay vào đó họ đã vào vòng bảng UEFA Champions League 2019–20 bằng cách lên ngôi vô địch ở Premier League 2018–19. Trận chung kết cũng là trận tái đấu Siêu cúp Anh 2018 mà Manchester City đã thắng 2–0.
Đường đến trận chung kết.
Việc Chelsea tham dự UEFA Europa League 2018–19 đồng nghĩa với việc họ lọt vào vòng 3 Cúp EFL, nơi họ bị đội bóng thi đấu ở Premier League là Liverpool cầm hòa. Sau khi bị dẫn trước, các bàn thắng của Emerson Palmieri và Eden Hazard đã giúp Chelsea giành chiến thắng 2-1.
Ở vòng 4, họ bị đội Championship Derby County cầm hòa trên sân nhà. Lần này, Chelsea dẫn trước sớm nhờ bàn phản lưới nhà của Fikayo Tomori, nhưng Jack Marriott đã gỡ hòa cho Derby bốn phút sau đó. Một bàn phản lưới nhà khác lần này là của Richard Keogh, đưa Chelsea vượt lên dẫn trước một lần nữa ở phút 21, sau đó Martyn Waghorn san bằng tỷ số sáu phút sau đó. Bốn phút trước khi hiệp một kết thúc, Cesc Fàbregas đã ghi bàn thắng quyết định khi hiệp hai diễn ra không bàn thắng.
Ở vòng tứ kết, Chelsea gặp Bournemouth trên sân nhà, Hazard một lần nữa chứng tỏ sự khác biệt giữa hai bên trong chiến thắng 1–0 của Chelsea.
Vòng bán kết chứng kiến Chelsea bị cầm hòa trước Tottenham Hotspur. Quả phạt đền của Harry Kane giúp Tottenham dẫn trước trên Sân vận động Wembley trong trận lượt đi, nhưng N'Golo Kanté đã san bằng tỷ số chung cuộc sau 27 phút của trận lượt về. Hazard sau đó đưa Chelsea vượt lên dẫn trước với bàn thắng thứ ba của giải đấu ở phút 38, sau đó Fernando Llorente gỡ hòa một lần nữa năm phút sau hiệp một. Thời gian còn lại của trận đấu không có thêm bàn thắng nào được ghi thêm và do luật bàn thắng sân khách không có hiệu lực nên trận đấu chuyển sang loạt sút luân lưu. Cả hai bên đều thực hiện hai quả đá đầu tiên, trước khi Eric Dier thực hiện cú sút vọt xà ngang, tạo điều kiện cho Jorginho đưa Chelsea vượt lên dẫn trước. Kepa Arrizabalaga cản phá quả đá của Lucas Moura, trước khi David Luiz ghi bàn đưa Chelsea vào chung kết.
Manchester City đã vào vòng bảng UEFA Champions League 2018–19, và do đó cũng lọt vào vòng 3 Cúp EFL, nhưng bị cầm hòa trước đội thi đấu ở League One là Oxford United. Tại sân vận động Kassam, Manchester City giành chiến thắng 3–0 nhờ các bàn thắng của Gabriel Jesus, Riyad Mahrez và Phil Foden. Ở vòng 4, họ cầm hòa câu lạc bộ thi đấu ở Premier League Fulham trên sân nhà. Tại sân vận động Etihad, Manchester City đã giành chiến thắng 2–0 nhờ cú đúp của Brahim Díaz.
Ở tứ kết, họ bị đội bóng thi đấu ở Premier League là Leicester City cầm hòa. Trận đấu kết thúc với tỷ số 1-1 tại Sân vận động King Power, với bàn thắng ở phút 73 của Marc Albrighton - bàn thắng duy nhất mà Manchester City để thủng lưới trên đường vào chung kết - pha lập công sớm của Kevin De Bruyne bị từ chối, nhưng Manchester City đã thắng trong loạt sút luân lưu với tỉ số 3–1 để đi tiếp.
Trong trận bán kết hai lượt, Manchester City gặp Burton Albion của League One. Manchester City đã thắng trận lượt đi tại sân vận động Etihad với tỷ số 9–0 là trận thắng đậm nhất của họ trong 31 năm, với cú poker của Jesus và một bàn của Kevin De Bruyne, Oleksandr Zinchenko, Foden, Kyle Walker và Mahrez. Trong trận lượt về tại Sân vận động Pirelli, Sergio Agüero đã ghi bàn thắng đầu tiên của giải đấu giúp Manchester City giành chiến thắng 1–0 (tổng tỷ số 10–0) và tiến vào trận chung kết. |
María Isabel Francisca de Asís của Tây Ban Nha
María Isabel Francisca de Asís của Tây Ban Nha, Isabel của Tây Ban Nha hay Isabel de Borbón y Borbón (; 20 tháng 12 năm 1851 – 22 tháng 4 năm 1931) là con gái lớn của Isabel II của Tây Ban Nha và Francisco de Asís của Tây Ban Nha. Isabel là người thừa kế ngai vàng Tây Ban Nha từ năm 1851 đến 1857 và từ 1874 đến 1880 và được phong là Thân vương xứ Asturias, tước hiệu dành cho người thừa kế của Tây Ban Nha. Năm 1868, Isabel kết hôn với Gaetano của Hai Sicilie, Bá tước xứ Girgenti, con trai của Ferdinando II của Hai Sicilie và Maria Theresia Isabella của Áo. Tuy nhiên, Gaetano đã tự sát ba năm sau đó.
Infanta Isabel là một nhân vật nổi bật tại triều đình Tây Ban Nha dưới thời trị vì của em trai là Quốc vương Alfonso XII và trong khoảng thời gian cháu trai gọi bác của Isabel là Quốc vương Alfonso XIII còn nhỏ tuổi. Isabel là thành viên được yêu thích nhất của Vương thất Tây Ban Nha trong phần lớn cuộc đời mình. Sau khi chế độ quân chủ sụp đổ dưới thời Alfonso XIII, Vương nữ từ chối lời đề nghị của các quan chức của Đệ Nhị Cộng hòa Tây Ban Nha để tiếp tục cư trú tại Tây Ban Nha. Vương nữ qua đời chỉ vài ngày sau khi bắt đầu cuộc sống mới ở Pháp kể từ khi sống lưu vong.
María Isabel Francisca de Asís được sinh ra tại Cung điện Vương thất Madrid vào ngày 20 tháng 12 năm 1851, là con gái lớn còn sống của Isabel II của Tây Ban Nha và Francisco de Asís của Tây Ban Nha. Sự ra đời của Vương nữ vô cùng được mong đợi vì trước đó Isabel II đã sinh ra một cậu con trai đã qua đời chỉ trong vòng vài giờ. Trong thời đại hỗn loạn của các cuộc nổi dậy của phái Carlist và cũng như các cuộc nội chiến lẻ tẻ, Vương nữ Isabel ngay lập tức được công nhận là người thừa kế ngai vàng và được phong làm Thân vương xứ Asturias.
Vương nữ được rửa tội một ngày sau khi sinh và được đặt tên là María Isabel Francisca de Asís. Cuộc hôn nhân của cha mẹ Vương nữ không được hạnh phúc. Ở tuổi mười sáu, Nữ vương Isabel II đã bị buộc phải kết hôn với Francisco de Asís của Tây Ban Nha, người em họ của mình . Nữ vương Isabel II không bao giờ mất đi ác cảm đối với chồng và tìm niềm vui cho bản thân bằng những mối quan hệ tình ái với tình nhân của mình. Nhiều nhà sử học và nhà viết tiểu sử cho rằng người cha ruột của Infanta Isabel là José Ruiz de Arana y Saavedra (1826–1891), một sĩ quan quân đội và quý tộc trẻ người Tây Ban Nha. Ruiz de Arana được nữ vương biết đến từ giới bên trong cung điện. Mối quan hệ giữa Nữ vương Isabel II và José Ruiz de Arana kéo dài từ năm 1851 đến năm 1856. Với một chút miễn cưỡng, Phối vương Francisco de Asís đã công nhận Isabel là con gái của mình, tương tự với tất cả những đứa con mà Nữ vương Isabel II sinh ra trong cuộc hôn nhân của hai người.
Vào ngày 2 tháng 2 năm 1852, khi Isabel II thực hiện chuyến thăm truyền thống tới Vương cung thánh đường Vương thất Đức Mẹ Atocha, đang khi giới thiệu con gái với công chúng thì Nữ vương bị một linh mục điên đâm. Nữ vương đã được cứu nhờ độ dày của áo nịt ngực, do đó vết thương không nguy hiểm đến tính mạng. Khi lớn lên, María Isabel bắt đầu xuất hiện trước công chúng cùng với bố mẹ của mình. Vương nữ được nhiều người biết đến với biệt danh trìu mến "La Chata" - ám chỉ đầu mũi tròn của Vương nữ. Trong sáu năm đầu đời, Isabel chính là người con một của gia đình, sau đó với sự ra đời của Alfonso, Pilar, Paz, Eulalia đã hoàn chỉnh gia đình của nữ vương Isabel II. Isabel mất danh hiệu Công chúa của Asturias khi anh trai cô chào đời vào Ngày 28 tháng 11 năm 1857, khi em trai Alfonso chào đời, Isabel mất đi tước hiệu Thân vương xứ Asturias và thay vào đó chỉ còn là một infanta .
María Isabel Francisca de Asís được nuôi dưỡng tách biệt với những em của mình. Mối quan hệ giữa Phối vương Francisco với các con rất xa cách và mang tính hình thức. Phần Isabel II thì lại có những mối bận tâm đến triều đại đầy sóng gió cũng như cuộc sống riêng tư của bản thân, hết mực yêu thương con cái nhưng cũng có lúc xa cách với các con, một điều thường thấy ở thời bấy giờ. Vương nữ nhận được một nền giáo dục tốt hơn nhiều so với mẹ và là người duy nhất trong số các con của nữ vương được nuôi dưỡng dưới thời trị vì của mẹ. María Isabel được chú trọng về ngôn ngữ và nàng Vương nữ trẻ rất quan tâm đến âm nhạc và cưỡi ngựa.
Vì chỉ có một người em trai có sức khỏe yếu ớt đứng trước mình trong danh sách kế vị ngai vàng, María Isabel Francisca de Asís rất được quan tâm đến việc kết hôn để sinh ra hậu duệ. Leopoldo O'Donnell, Công tước thứ 1 xứ Tetuán, thủ tướng của Nữ vương Isabel II, đã đề xuất ý tưởng gả Vương nữ cho Vương tử Amadeo của Ý, người có em gái là Maria Pia vừa kết hôn với Luís I của Bồ Đào Nha. Nữ vương Isabel II không thích đề xuất này nhưng đồng ý cho một gặp giữa cô con gái mười bốn tuổi của mình với Vương tử hai mươi tuổi của nhà Savoia. Vào tháng 9 năm 1865, Amadeo gặp Infanta Isabel ở Zarautz, nơi Vương thất Tây Ban Nha đang nghỉ dưỡng và mối hôn sự giữa hai người đã thất bại.
Vì lý do chính trị, Isabel II đã phải công nhận sự thống nhất của nước Ý dưới sự cai trị của Vương tộc Savoia, và để bù đắp cho nhánh họ hàng Borbone-Hai Sicilie của Vương quốc Hai Sicilie vốn không hài lòng với sự công nhận này, đảng bảo thủ tại Triều đình Tây Ban Nha, đứng đầu là Vương quân Francisco de Asís đã thuyết phục Nữ vương Isabel II sắp xếp cuộc hôn nhân của con gái lớn của họ với một trong những người em trai khác mẹ của Quốc vương Francesco II của Hai Sicilie vừa bị phế truất là Vương tử Gaetano, Bá tước xứ Girgenti (1846– 1871), con trai của Ferdinando II của Hai Sicilie và Maria Theresia Isabella của Áo. Vương tử Gaetano lúc bấy giờ vừa mất mẹ và một người em trai và gia đình Vương tử đang gặp khó khăn về tài chính. Xét theo dòng dõi Gaetano là người em họ của cả mẹ và cha của Isabel .
Tháng 4 năm 1868, Vương tử Gaetano đến Tây Ban Nha và cuộc hôn nhân được tiến hành trong vài tuần sau đó. Cả Vương nữ Isabel và Vương tử Gaetano đều không hứng thú với cuộc hôn nhân này. Gaetano là người cao ráo và tốt tính, nhưng lại không có tài chính và bệnh tật, có tiếng xấu là không được thông minh. Isabel thì thấp bé, có mái tóc vàng cùng đôi mắt xanh lam sáng và chiếc mũi nhỏ hơi hếch lên. Vương nữ là người có trách nhiệm, bảo thủ và kiên định.
Bá tước phu nhân xứ Gergenti.
Cuộc hôn nhân của Isabel diễn ra vô cùng hoành tráng vào ngày 13 tháng 5 năm 1868. Sau khi kết hôn, Isabel II đã phong cho Gaetan tước hiệu Infante. Sau đám cưới, đôi vợ chồng trẻ tận hưởng thời gian trăng mật và Isabel lần đầu đến thăm gia đình chồng bấy giờ đang cư trú tại Cung điện Farnese ở Roma. Hai tháng sau, đôi vợ chồng trẻ tới triều đình Áo, nơi họ hàng ngoại của Gaetano sinh sống. Trên đường trở về Tây Ban Nha, khi đến thăm Hoàng đế Napoléon III và Hoàng hậu Eugenia tại Fontainebleau, María Isabel và Gaetano nhận được tin về Cuộc Cách mạng Vinh quang đã đã dẫn đến việc Nữ vương Isabel II bị phế truất. Gaetano vội vã đến Tây Ban Nha và chiến đấu để bảo vệ chế độ quân chủ trong Trận Alcolea thế những đã thất bại. Triều đại của Isabel II chính thức kết thúc và cả gia đình phải vượt biên sang Pháp. Khi sống lưu vong, nữ vương Isabel II định cư ở Paris, nơi Infanta Isabel chờ đợi mẹ mình. Ban đầu, María Isabel và Gaetano sống ở Paris trong một ngôi nhà thuộc về chú của Gaetano là Vương tử Luigi của Hai Sicilie, Bá tước xứ Aquila.
Gaetano bị ảnh hưởng nặng bởi tình trạng sức khỏe kém và trầm cảm. Trong hai năm, cặp đôi bắt đầu một loạt chuyến đi khắp châu Âu, bao gồm Áo, Đức và Anh để tìm kiếm giải pháp cho sức khỏe của Gaetan nhưng vô vọng. Mùa hè năm 1870, vợ chồng Isabel định cư ở Luzern, Thụy Sĩ, với hy vọng được sống trong hòa bình và thầm lặng. Với sự giúp đỡ của hai sĩ quan phụ tá, Gaetano đã cố gắng che giấu vợ mình càng lâu càng tốt về bản chất thực sự của căn bệnh chính là động kinh. Thế nhưng một ngày nọ, Gaetano lên cơn co giật trước mặt Isabel và Vương nữ không được hề cảnh báo trước về bản chất thực sự của căn bệnh mà chồng mình mắc phải.
Đầu mùa hè năm 1871, Isabel và chồng ở lại Genève để để đoàn tụ với Vương thất Tây Ban Nha, những người đã trốnthoát khỏi sự hỗn loạn đang diễn ra ở Paris. Vào tháng 8 năm 1871, vợ chồng Bá tước xứ Girgenti quay trở lại Luzern. mang thai không được bao lâu thì María Isabel bị sẩy thai vào tháng 9 năm 1871. Việc vợ sẩy thai, Nữ vương Isabel II bị phế truất khỏi ngai vàng Tây Ban Nha và sức khỏe suy giảm đã góp phần khiến Gaetano bị trầm cảm nặng và Vương tử đã cố gắng tự tử bằng cách nhảy từ cửa sổ xuống. Sau đó, Gaetano không bao giờ được phép ở một mình, và luôn Isabel và các phụ tá của Gaetan giám sát Vương tử. Tuy nhiên, vào ngày 26 tháng 11 năm 1871, khi họ đang ở trong một khách sạn ở Luzern, Gaetano đã nhốt mình trong phòng và tự bắn vào đầu. Gaetano được tìm thấy khi vẫn còn sống nhưng đã qua đời ngay sau đó.
Trở thành góa phụ khi chỉ độ hai mươi tuổi, Vương nữ Isabel, người rất gắn bó với chồng, đã vô cùng thương tiếc cái chết bi thảm của Gaetano. Vương nữ chuyến đến Cung điện Castilla ở Paris cùng với mẹ cô, cựu Vương Isabel II. Trong ba năm tiếp theo, María Isabel Francisca sống một cuộc sống êm đềm và giám sát việc học hành của ba cô em gái; thăm viếng cha là cựu Phối vương Francisco de Asís sống tách biệt với vợ ở Épinay; và trên hết, lo lắng cho tương lai của em trai Alfonso, người vừa hoàn tất cương trình giáo dục ở ở Viên. Trong khoảng năm 1872 và 1873, Infanta Isabel thường xuyên đến München để thăm Infanta Amalia của Tây Ban Nha, cô của Vương nữ và đến Viên để ở gần em trai Alfonso với tư cách là khách mời của Nữ Đại vương công Maria Karolina Luise của Áo (dì của Gaetano), người mà Vương nữ đã trở nên rất thân thiết trong cuộc hôn nhân của mình. Ở hậu phương, Infanta Isabel đã rất nỗ lực thúc đẩy việc khôi phục chế độ quân chủ Tây Ban Nha với thay mặt cho Alfonso trong một thỏa thuận với chính trị gia Tây Ban Nha Antonio Cánovas del Castillo, người làm việc từ Madrid thay mặt cho Alfonso.
Cuộc sống sau này.
Ngày 29 tháng 12 năm 1874, em trai của María Isabel Francisca được phục vị ngai vàng Tây Ban Nha với tên hiệu Alfonso XII nhờ có Martinez Campos. Vương thất Tây Ban Nha sau đó đã đoàn tụ tại Paris để đón giao thừa. Vào ngày 14 tháng 1 năm 1875, Alfonso XII đã đến Tây Ban Nha. Một tháng sau đó thì Vương nữ Isabel được chính phủ triệu tập trở lại Tây Ban Nha với tư cách là người phụ nữ tôn quý nhất tại triều đình và là người thừa kế ngai vàng lâm thời. Vào ngày 5 tháng 3, María Isabel lên đường đến Marseille để đến Madrid hai ngày sau đó.
Ngày 24 tháng 3 năm 1875, Isabel một lần nữa được tấn phong là Thân vương xứ Asturias với tư cách là người thừa kế vương miện Tây Ban Nha. Nữ Thân vương và em trai rất được yêu mến lúc bấy giờ, và đã có một số đề xuất được đưa ra để Isabel tái hôn. Đại vương công Ludwig Salvator của Áo, bấy giờ đang sống ở Tây Ban Nha, là lựa chọn đầu tiên của chính phủ, nhưng khi hành vi lập dị của Ludwig Salvator bị biết đến thì đề xuất này đã bị bãi bỏ. Một ứng cử viên khác là Vương tôn Arnulf của Bayern, nhưng Isabel không muốn tái hôn, và Alfonso XII - người rất thân thiết với chị gái - cuối cùng cũng tôn trọng mong muốn của Isabel.
Trong những năm đầu tiên trị vì của em trai, Isabel đã làm việc không ngừng để thúc đẩy tương lai của chế độ quân chủ và là phụ tá đắc lực của Alfonso XII. Sau khi mẹ của họ là cựu Vương Isabel II quyết định sống lâu dài ở Pháp, ba cô em gái út của Isabel được Vương nữ chăm sóc và María Isabel đã cho các em được hưởng một nền giáo dục tốt. Trong khi María del Pilar và María de la Paz là những cô em dễ bảo và không gây rắc rối cho chị gái, thì María Isabel lại thường xung đột với cô em út María Eulalia bướng bỉnh.
Isabel cũng từng đảm nhiệm vai trò bảo ban cho người em họ là Vương tôn nữ María de las Mercedes của Tây Ban Nha, người đã kết hôn với Alfonso XII vào năm 1878 và thay thế María Isabel trở thành đệ nhất phu nhân của vương quốc với tư cách là tân hậu. Cuộc hôn nhân của Alfonso XII cho phép Vương nữ có nhiều thời gian hơn cho bản thân để làm điều mình thích và đi du lịch. Sau cái chết sớm của Vương hậu María de las Mercedes vào cùng năm, Isabel đã chọn Nữ Đại vương công Maria Christina Henriette của Áo cho vị trí Vương hậu cũng như là vợ của em trai. Maria Christina Henriette là cháu gái của người bạn thân của Isabel là Maria Karolina Luise của Áo, người giống như là người mẹ thứ hai của Gaetano và các anh chị em của Gaetano.
Việc em trai Alfonso XII qua đời sớm vào năm 1885 là một điều khủng khiếp đối với María Isabel Francisca de Asís, người rất quý trọng mối quan hệ tình thân với em trai. Infanta María Isabel là một nhân vật có ảnh hưởng lớn trong suốt thời kỳ nhiếp chính của Thái hậu Maria Christina Henriette và luôn ủng hộ người em dâu góa bụa cũng như là người mẹ thứ hai đối với những đứa con của người em trai quá cố.
Những năm cuối đời.
Vương nữ Isabel rất được yêu mến và kính trọng ở Tây Ban Nha. Năm 1885, một tàu tuần dương của Hải quân Tây Ban Nha được đặt tên là "Infanta Isabel" dựa theo tên của Vương nữ. Một trong những hoạt động công khai quan trọng nhất của Isabel là chuyến đi năm 1910 tới Buenos Aires, Argentina, với tư cách là đại diện của Vương quốc Tây Ban Nha nhân dịp kỷ niệm 100 năm của Cách mạng Tháng Năm, được coi là cột mốc khởi đầu của cuộc Chiến tranh giành độc lập của Argentina. Một con phố ở Buenos Aires, có tên là Paseo de la Infanta Isabel vốn được đặt theo tên của Infanta María Isabel. Ngoài ra còn có một con phố có tên tương tự ở Madrid.
María Isabel Francisca qua đời vào ngày 22 tháng 4 năm 1931, thọ 79 tuổi, khi đang sống lưu vong ở Pháp. Cái chết của Vương nữ xảy ra 5 ngày sau khi cháu trai gọi bác của Isabel là Quốc vương Alfonso XIII bị phế truất khỏi ngai vàng Tây Ban Nha và toàn bộ Vương thất Tây Ban Nha phải sống lưu vong. Sau chiến thắng của đảng cộng hòa ở Tây Ban Nha, María Isabel được chính quyền cộng hòa thông báo rằng Vương nữ không cần phải rời khỏi đất nước như các thành viên khác - một minh chứng cho tình cảm mà người dân dành cho Vương nữ - nhưng Infanta Isabel đã tự nguyện chọn sống lưu vong như các thành viên trong gia đình. Vương nữ để lại hầu hết trang sức của mình cho cháu trai, và chiếc Mellerio Shell Tiara nổi tiếng của María Isabel đã được truyền lại cho Vương thất Tây Ban Nha hiện tại và thường xuyên được Thái thượng Vương hậu Sofía đeo. Năm 1991, Juan Carlos I của Tây Ban Nha ra lệnh chuyển hài cốt của Isabel từ Pháp sang Tây Ban Nha và cho chôn cất trong nhà nguyện của Cung điện Vương thất La Granja de San Ildefonso gần Segovia, và một phòng khách trong cung điện sau đó đã được đổi tên để vinh danh Infanta María Isabel.
Có một tác phẩm điêu khắc hoành tráng về Vương nữ Isabel tại Parque del Oeste, một công viên công cộng ở Madrid. Bên cạnh đó, trong khuôn viên của công viên thuộc Cung điện Vương thất La Granja de San Ildefonso còn có một tác phẩm điêu khắc bằng đá cẩm thạch cỡ lớn khác về Infanta María Isabel cùng với một bó hoa hồng.
Đây là một đổi hướng từ một trang đó đã được . Trang này được giữ lại dưới dạng một trang đổi hướng để tránh phá vỡ các liên kết, cả bên trong và bên ngoài, có thể đã được liên kết tới tên trang cũ.
Tây Ban Nha: Hiệp sĩ Danh dự thứ 886 của Huân chương Lông cừu Vàng
Đây là một đổi hướng từ một trang đó đã được . Trang này được giữ lại dưới dạng một trang đổi hướng để tránh phá vỡ các liên kết, cả bên trong và bên ngoài, có thể đã được liên kết tới tên trang cũ.
Tây Ban Nha: Hiệp sĩ Grand Cross của Huân chương Carlos III
Đây là một đổi hướng từ một trang đó đã được . Trang này được giữ lại dưới dạng một trang đổi hướng để tránh phá vỡ các liên kết, cả bên trong và bên ngoài, có thể đã được liên kết tới tên trang cũ.
Tây Ban Nha: Quý bà thứ 473 của Huân chương Vương hậu María Luisa
Đây là một đổi hướng từ một trang đó đã được . Trang này được giữ lại dưới dạng một trang đổi hướng để tránh phá vỡ các liên kết, cả bên trong và bên ngoài, có thể đã được liên kết tới tên trang cũ.
Đây là một đổi hướng từ một trang đó đã được . Trang này được giữ lại dưới dạng một trang đổi hướng để tránh phá vỡ các liên kết, cả bên trong và bên ngoài, có thể đã được liên kết tới tên trang cũ.
Bồ Đào Nha: Dame of the Huân chương Vương thất Thánh Isabel |
María del Pilar của Tây Ban Nha
María del Pilar của Tây Ban Nha (; 4 tháng 6 năm 1861 – 5 tháng 8 năm 1879) là người con thứ ba cũng như là con gái thứ hai sống qua tuổi ấu thơ của Isabel II của Tây Ban Nha và Francisco de Asís của Tây Ban Nha . María del Pilar là em gái của Alfonso XII của Tây Ban Nha.
Năm bảy tuổi, María del Pilar cùng mẹ sống lưu vong ở Paris, nơi Vương nữ theo học Trường Cao đẳng Thánh Tâm. Sau sự sụp đổ của Napoléon III, gia đình vương thất định cư ở Genève. Năm 1875, với việc khôi phục chế độ quân chủ do anh trai Pilar là Alfonso XII là Quốc vương, Vương nữ trở về Tây Ban Nha. Khi Nữ vương Isabel II trở về Pháp, Pilar cùng các em gái Paz và Eulalia chuyển đến Cung điện Vương thất Madrid. Vương nữ đã hoàn thành chương trình học của mình dưới sự giám sát của chị cả là Isabel, Thân vương xứ Asturias.
Đã có dự định gả Pilar cho Napoléon, Hoàng thái tử Pháp, con trai và là người thừa kế của hoàng đế Pháp Napoléon III. Mẹ của Hoàng tử Napoléon, Hoàng hậu Eugenia và Nữ vương Isabel II ủng hộ mối hôn sự này, nhưng hoàng thái tử trẻ đã bị giết trong Chiến tranh Anh-Zulu. Hai tháng sau, Vương nữ Pilar 18 tuổi đột ngột qua đời ở Eskoriatza. Hoàng hậu Eugenia đã lấy một vòng hoa từ mộ con trai mình và gửi nó đến khu mộ của Pilar ở El Escorial.
Những năm đầu đời.
María del Pilar sinh vào ngày 4 tháng 6 năm 1861 tại Cung điện Vương thất Madrid, là người con thứ ba sống đến tuổi trưởng thành của Isabel II của Tây Ban Nha và Francisco de Asís của Tây Ban Nha. Một ngày sau khi sinh, Infanta được rửa tội và được đặt tên là María del Pilar Berenguela Isabel Francisca de Asís Cristina Sebastiana Gabriela Francisca Caracciolo Saturnina. Cha mẹ đỡ đầu của María del Pilar là hai vợ chồng María Cristina Isabel của Tây Ban Nha và Sebastião của Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. María Cristina Isabel là cô của María del Pilar còn Sebastião là chú họ của Infanta và hai người đã kết hôn được một năm khi đỡ đầu cho Infanta Pilar.
Nữ vương Isabel II ít quan tâm đến chồng, người mà Nữ vương bị ép phải kết hôn ở tuổi 16. Tuy nhiên, trong cuộc hôn nhân của hai người, Nữ vương Isabel II đã mang thai 12 lần. Nhiều nhà sử học và viết tiểu sử đều tin rằng Phối vương Francisco là cha ruột của rất ít người con trong số 12 người. Quan hệ cha con của những người con của Isabel II được cho là của nhiều người tình khác nhau. Từ năm 1859 đến năm 1865, Isabel II dành một sự quan tâm lãng mạn danh cho nhà ngoại giao và chính trị gia Miguel Tenorio de Castilla (1818-1912). Hơn Isabel II mười hai tuổi, Miguel Tenorio đến triều đình Madrid vào tháng 4 năm 1859 với tư cách là thư ký cho Nữ vương. Miguel Tenorio là một quả phu có một cậu con trai và có một sự nghiệp chính trị sâu rộng. Mối quan hệ của Miguel Tenorio với Nữ vương rất êm đềm và Miguel Tenorio đã phục vụ Isabel II một cách trung thành và hiệu quả. Vào tháng 8 năm 1865, Miguel bị cách chức vì cả Leopoldo O'Donnell, chủ tịch chính phủ và người kế nhiệm của Miguel Tenorio là Ramón María Narváez, đều mệt mỏi trước ảnh hưởng của Tenorio đối với Nữ vương. Tenorio thường xuyên được coi là cha của ba cô con gái của Nữ vương Isabel II là Infantas Pilar, Paz và Eulalia. Tuy nhiên, Vương quân Francisco đã công nhận tất cả những đứa con được sinh ra là của mình. Trong số bốn cô con gái và một con trai sống đến tuổi trưởng thành, María del Pilar là người Francisco yêu nhất và là người mà Phối vương cảm thấy gần gũi hơn.
María del Pilar trải qua những năm đầu đời trong bầu không khí lễ nghi của triều đình Tây Ban Nha. Cho đến khi bốn tuổi, Vương nữ được nuôi dưỡng bởi một nhũ mẫu đã được lựa chọn cẩn thận. Năm 7 tuổi, việc học của Infanta Pilar được giám sát bởi Bà Công tước xứ Berwick và Alba. Vào thời điểm đó, sự ổn định của triều đại Isabel II đang bị lung lay. Nữ vương nhanh chóng mất đi hai chính trị gia nổi bật nhất trong chính phủ của mình. Leopold O'Donell qua đời vào tháng 11 năm 1867 và Narvaez qua đời vào tháng 4 năm 1868 khi vẫn đang điều hành chính phủ. Mùa hè năm 1868, sau vài ngày ở Cung điện La Granja, Vương thất Tây Ban Nha chuyển đến Bờ biển Cantabrian. Họ đến Lekeitio để dành thời gian tắm biển, một việc mà Nữ vương được yêu cầu thực hiện vì mắc bệnh về da. Khi đó María del Pilar mới bảy tuổi. Những người bạn của Vương nữ là em gái Paz sáu tuổi và Eulalia bốn tuổi. Anh trai của ba chị em là Alfonso 10 tuổi được giáo dục riêng vì là người thừa kế ngai vàng. Còn người chị là Isabel thì đã kết hôn với người em họ là Vương tử Gaetano của Hai Sicilie, Bá tước xứ Girgenti vào tháng 5 và hiện đang ở nước ngoài để tận hưởng thời gian trăng mật. Trong khi Vương thất đang ở Lekeitio, một cuộc nổi dậy quân sự đã nổ ra. Vào ngày 28 tháng 9, với sự thất bại của quân đội phe bảo hoàng do Tướng Novaliches chỉ huy trong trận Alcolea đã đánh dấu sự kết thúc của triều đại của Nữ vương Isabel II. Hai ngày sau, Nữ vương cùng gia đình vượt biên bằng tàu hỏa đến Biarritz.
Nơi đầu tiên mà Vương thất Tây Ban Nha cư trú là Lâu đài Pau, một lâu đài có kiến trúc thời phục hưng và từng là nơi sinh của Henri IV của Pháp, tổ phụ của Vương thất . Lâu đài Pau nằm ở vị trí thuận tiện gần biên giới Tây Ban Nha và được Napoléon III trao cho gia đình làm nơi ở tạm thời. Vì lâu đài rất khó chịu nên các cả gia đình sống ở đó không quá một tháng. Isabel II quyết định định cư ở Paris và Nữ vương đã mua Cung điện Basilweski ở đại lộ du Roi-de-Rome. Nằm gần Khải Hoàn Môn, Cung điện Basilweski được đổi tên thành Cung điện Castille và trở thành nơi cư trú của María del Pilar và gia đình.
Thoát khỏi triều đình Tây Ban Nha nặng tính lễ nghi, cuộc sống lưu vong mang lại nhiều tự do hơn cho María Pilar và các em gái của Vương nữ. Họ trở thành những Vương nữ Tây Ban Nha đầu tiên không được giáo dục trong khuôn khổ cung điện. Infanta Pilar, Paz và Eulalia đăng ký học tại Sacré-Coeur, một trường Công giáo do các nữ tu ở la rue de Varnnes điều hành. Mặc dù Sacré-Coeur là một trường nội trú, ba nàng Vương nữ vẫn đến lớp hàng ngày trong khi vẫn sống tại Cung điện Castille. Tiếng Pháp nhanh chóng trở thành ngôn ngữ đầu tiên của ba chị em. Isabel II, người cảm thấy phẫn uất vì mẹ ruột đã không quan tâm đến mình, đã hết lòng vì con cái. Sự gia giảm về hộ gia ("household") và sự gần gũi do tình cảnh lưu vong mang lại đã khiến mối quan hệ giữa Nữ vương Isabel II và ba cô con gái trở nên gắn kết hơn. Anh trai Alfonso được gửi đi học ở Viên trong khi người chị cả Isabel thì sống ở Thụy Sĩ với chồng.
Trong khoảng thời gian kỉ niệm 2 năm sống ở Pháp, sự sụp đổ của chế độ quân chủ của Napoléon III và sự hỗn loạn ở Paris đã buộc Nữ vương Isabel II và các con rời thành phố vào ngày 29 tháng 9 năm 1871. Cả gia đình dành một năm tiếp theo ở Hotel de la paix ở Genève, Thụy Sĩ. Ngày 26 tháng 11 năm 1871, anh rể của María del Pilar là Vương tử Gaetano, Bá tước xứ Girgenti đã tự sát. Tháng 8 năm 1872, một tháng kể từ khi công xã bị giải thể, Nữ vương quyết định trở về Paris. Cung điện Castille, dinh thự của gia đình vẫn tồn tại qua cơn hỗn loạn. Tuy nhiên vì được sử dụng như một bệnh viện, nội thất và vật trang trí đã bị phá hủy và cần phải cải tạo lại. Trở lại Paris, Infanta Pilar 11 tuổi trở lại học ở Sacré-Coeur thêm hai năm nữa và sống một cách bình lặng. Trong một chuyến thăm đến Roma năm 1873, Infanta Pilar và hai em gái được rước lễ lần đầu bởi Giáo hoàng Piô IX.
Ngày 29 tháng 12 năm 1874, anh trai Alfonso của María del Pilar trở thành Quốc vương Alfonso XII của Tây Ban Nha, kết thúc Đệ Nhất Cộng hòa Tây Ban Nha. Vương thất Tây Ban Nha sau đó đã đoàn tụ tại Paris đừng đón Giao Thừa. Ngày 14 tháng 1 năm 1875, Alfonso XII đến Tây Ban Nha, kế đó là Infanta Isabel vào tháng 3, người được phong là Thân vương xứ Asturias. Pilar, lúc bấy giờ 13 tuổi, ở lại Pháp với mẹ và hai em gái.
Trở về Tây Ban Nha.
Antonio Cánovas del Castillo, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, cuối cùng đã cho phép Nữ vương Isabel II trở lại vào mùa hè năm 1876. Sau gần tám năm sống lưu vong, María del Pilar đến Tây Ban Nha từ Pháp bằng đường biển, cập bến Santander vào ngày 30 tháng 7 năm 1876. Trước đó Vương nữ đã đón sinh nhật 15 tuổi một tháng trước đó. Chào đón Isabel II, Pilar, Paz và Eulalia. Quốcc vương Alfonso XII và Nữ Thân vương xứ Asturias chào đón mẹ và em gái, nhưng họ rời thành phố ngay trong đêm. Pilar, cùng mẹ và các em gái thì vẫn ở lại Santander. Họ cùng đến Ontaneda để tắm biển và sau đó đi từ Santander đến El Escorial bằng tàu hỏa. Vào ngày 13 tháng 10, bốn mẹ con đến thăm Madrid trong bảy giờ. Isabel II không được chính phủ cho phép sống ở Madrid nên Pilar, mẹ và các em gái ở lại El Escorial cho đến khi cựu Vương quyết định sống cùng các cô con gái nhỏ ở Sevilla.
Trong gần một năm, từ tháng 11 năm 1876 đến tháng 9 năm 1877, María del Pilar sống với mẹ và các em gái tại Alcázar của Sevilla. Ngay sau khi họ đến Andalusia, dượng của Pilar là Antoine của Pháp, Công tước xứ Montpensier , cũng đến sống ở thành phố cùng gia đình. Infanta Pilar và các em gái thường xuyên lui tới thăm những người em họ của họ, con của dì là Vương nữ María Luisa Fernanda của Tây Ban Nha và Antoine của Pháp. Gia đình của María Luisa Fernanda cùng từng sống lưu vong ở Pháp gần như cùng lúc với gia đình của Isabel II và sau khi chế độ quân chủ của Tây Ban Nha được tái lập thì họ sống tại cung điện San Telmo ở Sevilla. Quốc vương và Nữ Thân vương xứ Asturias đến thăm Sevilla đến thăm mọi người và ở với họ trong một khoảng thời gian năm 1877. Alfonso XII đem lòng yêu người em họ là Vương tôn nữ María de las Mercedes của Tây Ban Nha và đã ngỏ lời cầu hôn Vương tôn nữ. Isabel II phản đối sự kết hợp này vì nữ vương căm ghét em rể của mình, người đã từng không tiếc tiền để góp phần hạ bệ nữ vương. Bực bội với sự lựa chọn của con trai về đối tượng kết hôn và cảm thấy bị bỏ rơi ở Sevilla, vào tháng 8, Isabel II quyết định quay trở lại Paris và sống lâu dài ở đó. Ngày 28 tháng 9 năm 1877, Infanta Pilar, Paz và Eulalia chuyển đến Madrid sống tại Cung điện Vương thất Madrid cùng với các chị cả và anh lớn. Vào tháng 11, Isabel II rời Tây Ban Nha đến Paris và María del Pilar không bao giờ gặp lại mẹ nữa.
Mùa thu năm 1877, một cuộc sống mới bắt đầu với María del Pilar tại Cung điện Vương thất Madrid, nơi Vương nữ được sinh ra vào mười sáu năm về trước. Việc học của María del Pilar được tiếp tục tại đây dưới sự giám sát của chị gái María Isabel. Ba cô em út sống trong một khu của cung điện tách biệt với chị cả và anh lớn. Sự sắp xếp này đã mang lại cho ba người một sự độc lập nhất định. Việc chăm sóc Pilar, Paz và Eulalia được giám sát bởi Bà Hầu tước xứ Santa Cruz. Pilar và em gái Paz kém một tuổi có mối quan hệ đặc biệt thân thiết.
Triển vọng hôn nhân.
Vào ngày 23 tháng 1 năm 1878, tại Vương cung Thánh đường Nuestra Señora de Atocha ở Madrid, Quốc vương Alfonso XII của Tây Ban Nha kết hôn với người em họ là Vương tôn nữ María de las Mercedes của Tây Ban Nha. Infanta Pilar, Paz và Eulalia rất thân thiết với María de las Mercedes, nhưng cuộc hôn nhân giữa Alfonso XII của Mercedes rất ngắn ngủi. Vương hậu bị sẩy thai và qua đời chỉ sáu tháng sau cuộc hôn nhân vì bệnh sốt thương hàn vào ngày 26 tháng 6 năm 1878. Pilar đã đến Sevilla để thăm cha của Mercedes là Antoine của Pháp, Công tước xứ Montpensier. Vào thời điểm này, có một đề xuất gả María del Pilar cho cháu trai của Antoine là Pierre của Orléans, Công tước xứ Penthièvre, một người họ hàng xa. Isabel II đã phản đối ý tưởng này và đề xuất bị bãi bỏ.
Vì anh trai Alfonso XII và chị gái Isabel đều chưa có hậu duệ nên Infanta Pilar đứng vị trí thứ ba trong danh sách kế vị ngai vàng Tây Ban Nha. Không có người thừa kế trực hệ, việc tìm kiếm một người chồng cho María del Pilar là vấn đề khẩn thiết. Kể từ những năm sống lưu vong ở Paris, Nữ vương Isabel II và bạn của ngài là Hoàng hậu Eugenia của Pháp đã ấp ủ một dự tính hôn nhân giữa Vương nữ và Hoàng thái tử Napoléon. Kế hoạch đã bị hoãn lại do sự sụp đổ của Đế quốc Pháp và cuộc lưu đày ở Anh của Hoàng thất Pháp, Isabel II đã nảy ra một ý tưởng về một cuộc hôn nhân thậm chí còn lừng lẫy hơn cho con gái mình. Đại vương công Rudolf, Thái tử nước Áo, bấy giờ đang tìm kiếm một người vợ. Nữ vương Isabel II đã yêu cầu con trai Alfonso XII gửi lời mời Rudolf đến Tây Ban Nha. Thái tử Rudolf đã đến tham gia chuyến thám hiểm săn bắn cùng với anh rể là Vương tôn Leopold của Bayern. Rudolf đã gặp gỡ María del Pilar và đã ngạc nhiên khi thấy Vương nữ có mái tóc vàng với đôi mắt trong veo vì Thái tử Áo nghĩ rằng tất cả phụ nữ Tây Ban Nha đều có màu tóc tối, nhưng Rudolf tỏ ra không quan tâm đến Pilar mà chỉ tập trung vào việc săn thú.
María del Pilar đã hy vọng được kết hôn với Hoàng thái tử Pháp. Hai người đã từng gặp nhau khi còn nhỏ, lúc ấy Pilar và em gái thỉnh thoảng được mời đến chơi với Louis-Napoléon tại Cung điện Tuileries. Lúc đó Louis-Napoléon đang sống lưu vong ở Anh. Thái tử Pháp dự kiến sẽ có chuyến thăm chính thức tới Madrid khi trở về từ Nam Phi, nơi Louis-Napoléon đang chiến đấu cùng quân đội Anh trong Chiến tranh Anh-Zulu. Trước khi có thể trở về thì Louis-Napoléon đã bị giết ở Nam Phi vào ngày 1 tháng 6 năm 1879. Pilar vô cùng đau buồn trước cái chết của người mình thương. Vương nữ chỉ sống lâu hôn Louis-Napoléon hai tháng sau đó.
Vào đầu mùa hè năm 1879, Pilar, Paz và Eulalia được dự tính sẽ dành một thời gian ở Eskoriatza, một thị trấn nhỏ nổi tiếng với các suối nước khoáng nóng. Vào ngày 10 tháng 7, ba chị em đến Eskoriatza ở tỉnh Gipuzkoa sau một hành trình dài và mệt mỏi. Trong những tuần tiếp theo, khi họ đang nghỉ ngơi và tận hưởng một cuộc sống yên bình, dành thời gian đi dạo quanh vùng quê và đọc sách. María de la Paz đã nhận thấy chị gái María del Pilar trông xanh xao và mệt mỏi nhưng vì hai chị em thường đọc thư của nhau nên Paz không viết về điều đó cho hai anh chị lớn María Isabel và Alfonso XII để tránh đánh động đến Infanta María del Pilar.
Vào ngày 1 tháng 8, người dân địa phương tổ chức một lễ hội nhỏ để vinh danh Infanta Pilar. Mặc một chiếc váy trắng và đội chiếc mũ nồi đỏ trên đầu, Vương nữ Pilar tham dự một lễ hội miền quê với một chiếc váy trằng và chiếc mũ nồi đỏ cũng như tận hưởng những thú vui giản dị như cưỡi lừa, cưỡi bò và khiêu vũ ngoài trời. Đêm đó, Infanta Pilar phàn nàn rằng bản thân cảm thấy mệt mỏi. Ngày 3 tháng 8, Vương nữ cảm thấy không khỏe và nằm trên giường cả ngày. Ban đêm, khi đang đọc Graziella của Alphonse de Lamartine, María del Pilar lên cơn co giật cấp tính, bất tỉnh và không bao giờ tỉnh lại nữa. Vương nữ đã qua đời, có lẽ vì bệnh lao màng não. Tuy nhiên, báo cáo y tế chính thức được chẩn đoán là bị tràn dịch nghiêm trọng. María del Pilar được chôn cất vài ngày sau đó ở El Escorial.
Isabel và Alfonso XII đã không kịp đến bên Pilar lúc Vương nữ còn sống. "Mọi người", theo Infanta Paz viết là "yêu Pilar nhất". Vào ngày Thái tử Pháp Louis-Napoléon qua đời là ngày 1 tháng 6 năm 1879, một bông hoa tím - loài hoa của Vương tộc Bonaparte - được cho là đã rơi ra khỏi cuốn sách cầu nguyện của Pilar và bị gãy ở cuống. Theo đồn đại, khi Pilar biết tin Louis-Napoléon qua đời vài tuần sau đó, Vương nữ đã suy sụp và qua đời vì đau lòng.
Hoàng hậu Eugenia đã viết thư từ Camden vào ngày 9 tháng 8 năm 1879 cho mẹ của Hoàng hậu là Bá tước phu nhân xứ Montijo rằng: "Con đã nhận một tin khủng khiếp về cái chết của Infanta Pilar, người rất thân thiết với con trai con. Mẹ đã nói với con rằng con bé cảm thấy ốm mệt sau một buổi khiêu vũ ở Eskoriatza. Phải chăng Chúa đã thực sự quyết định đưa hai linh hồn vốn nên ở bên nhau này chăng.” Eugenia đã lấy một trong những vòng hoa từ nơi chôn cất của con trai mình và gửi nó đến nơi an nghỉ của María del Pilar ở El Escorial.
Infanta María de la Paz, khi ấy mới mười bảy tuổi, đã bị ảnh hưởng sâu sắc trước cái chết của chị gái. Nhiều năm sau, khi Paz kết hôn với Vương tôn Ludwig Ferdinand của Bayern, Paz đã quyết định đặt tên cho cô con gái duy nhất của mình là Maria del Pilar để tưởng nhớ người chị yêu dấu của mình. Do đó, María de la Paz đã đặt một cái tên Tây Ban Nha cho một thành viên thuộc Vương tộc Wittelsbach.
Tước hiệu, kính xưng và huân chương.
Đây là một đổi hướng từ một trang đó đã được . Trang này được giữ lại dưới dạng một trang đổi hướng để tránh phá vỡ các liên kết, cả bên trong và bên ngoài, có thể đã được liên kết tới tên trang cũ.
Tây Ban Nha: Quý bà Grand Cross của Huân chương Vương hậu María Luisa.
Tư liệu liên quan tới |
María de la Paz của Tây Ban Nha
María de la Paz của Tây Ban Nha (; 23 tháng 6 năm 1862 – 4 tháng 12 năm 1946) là một Vương nữ Tây Ban Nha, con gái của Isabel II của Tây Ban Nha và Francisco de Asís của Tây Ban Nha, Paz kết hôn với em họ là Ludwig Ferdinand của Bayern. Infanta Paz dành phần đời còn chủ yếu sống ở Đức kể từ khi kết hôn, dành thời gian cống hiến cho gia đình, làm từ thiện và làm thơ. Infanta María de la Paz đã viết một cuốn hồi ký có tên tiếng Anh là Through Four Revolutions: 1862–1933 ("Qua bốn cuộc cách mạng: 1862–1933").
Những năm đầu đời.
Vương nữ được sinh ra tại Cung điện Vương thất Madrid vào ngày 23 tháng 6 năm 1862, là con gái thứ ba sống đến tuổi trưởng thành của Isabel II của Tây Ban Nha và Francisco de Asís của Tây Ban Nha. Ở tuổi mười sáu, Nữ vương Isabel II buộc phải kết hôn với người anh họ Francisco de Asís . Nữ vương Isabel II coi thường người chồng của mình và tìm lối thoát cho mình bằng một danh sách tình nhân. Mối quan hệ giữa Phối vương Francisco với các con rất xa cách và mang tính hình thức. Phần Isabel II thì lại có những mối bận tâm đến triều đại đầy sóng gió cũng như cuộc sống riêng tư của bản thân, hết mực yêu thương con cái nhưng cũng có lúc xa cách với các con, một điều thường thấy ở thời bấy giờ.
Theo nhiều nhà sử học, người cha thực sự của María de la Paz là nhà ngoại giao và chính trị gia Miguel Tenorio de Castilla (1818–1916), từng đảm nhiệm vai trò thư ký của Nữ vương Isabel II trong vài năm.
María de la Paz có lẽ cũng nghi ngờ Tenorio de Castilla chính là cha ruột của mình. Năm 1890, khi về già, Tenorio de Castilla dọn đến ở trong một căn phòng ở cánh phía nam của Cung điện Nymphenburg, nơi ở của Vương nữ. Tenorio de Castilla sống ở đó 26 năm cho đến khi qua đời vào ngày 11 tháng 12 năm 1916. Ông để lại tất cả tài sản của mình cho María de la Paz và Vương nữ đã chấp nhận chúng với tư cách là người thừa kế của ông.
Infanta Paz được rửa tội bởi tổng giám mục Toledo và được đặt tên là María de la Paz Juana Amelia Adalberta Francisca de Paula Juana Bautista Isabel Francisca de Asís. Mẹ đỡ đầu của Vương nữ là Amalia của Tây Ban Nha, cô của Paz. Trong những năm đầu tiên,María de la Paz được nuôi dưỡng cùng với chị gái Pilar và em gái Eulalia trong Cung điện Vương thất Madrid. Trong bầu không khí lễ nghi của triều đình Tây Ban Nha, các Vương nữ ít được tiếp xúc với cha mẹ của mình.
Năm 1868, khi mới sáu tuổi, María de la Paz và gia đình buộc phải rời Tây Ban Nha do cuộc cách mạng ("Cách mạng Vinh quang") khiến Nữ vương Isabel II bị phế truất khỏi ngai vàng. Lúc đó cả gia đình đang ở San Sebastián, và vào ngày 30 tháng 9 năm 1868, họ phải vượt biên và sống lưu vong ở Pháp. Isabel II định cư ở Paris cùng các con, trong khi Vương quân Francisco de Asís đến sống ở Épinay. Paz được giáo dục cùng với Pilar và Eulalia tại Sacré-Coeur, một trường Công giáo do các nữ tu điều hành. Vương nữ được rước lễ lần đầu tại Roma bởi Giáo hoàng Piô IX.
Năm 1874, anh trai của Infanta Paz là Alfonso được đưa lên ngai vàng thay cho mẹ của họ là Nữ vương Isabel II. Ba năm sau, María de la Paz trở lại Tây Ban Nha cùng với chị María del Pilar và María Eulalia. Lúc đầu Vương nữ sống ở El Escorial với mẹ, nhưng sau đó chuyển đến Alcázar của Sevilla. Khi Isabel II quyết định sống lâu dài ở Paris, María de la Paz và các chị gái em chuyển đến Cung điện Vương thất Madrid cùng với Alfonso XII. Việc giáo dục và chăm sóc ba chị em María del Pilar, María de la Paz và María Eulalia được giám sát bởi chị cả María Isabel. Paz đặc biệt thân thiết với chị gái Pilar, người chỉ hơn Vương nữ một tuổi. Năm 1879, Infanta Pilar, vốn có sức khỏe yếu, đột ngột qua đời khi hai chị em đang ở thị trấn nhỏ Eskoriatza. Infanta Paz, lúc đó mới mười bảy tuổi, bị ảnh hưởng sâu sắc bởi cái chết của chị gái.
Trong số năm người con sống đến tuổi trưởng thành của Isabel II, María de la Paz là người giống mẹ nhất. Paz có dáng người thấp bé, ngoại hình không nổi bật với chiếc mũi nhỏ hếch lên và đôi mắt nhỏ ánh lên vẻ tinh nghịch. Không giống như hai chị gái Isabel và em gái Eulalia, Paz không có cá tính mạnh mẽ. Vương nữ là người đơn giản, thân thiện và dễ tính. Là người lãng mạn và có khiếu nghệ thuật, Vương nữ rất thích làm thơ và còn là một họa sĩ tài năng. Khi còn nhỏ, Paz đã nghiên cứu lịch sử Tây Ban Nha và luôn quan tâm đến chủ đề này. Trong những năm sau đó, Vương nữ đã viết bài đăng trên tờ "ABC". Infanta cũng có khiếu âm nhạc; Vương nữ chơi được đàn hạc và thưởng thức các bài hát của Paolo Tosti cũng như các vở opera của Giuseppe Verdi và Charles Gounod. María de la Paz còn là một tín hữu Công giáo sùng đạo.
Mùa xuân năm 1880, Vương nữ María de la Paz được dự tính gả cho người em họ là Vương tôn Ludwig Ferdinand của Bayern. Mẹ của Ludwig Ferdinand là Vương nữ Amalia của Tây Ban Nha, em gái của Phối vương Francisco de Asís, cha của Paz, và Amalia cũng là em họ của Nữ vương Isabel II. Amalia muốn gả con trai mình cho Paz, con gái đỡ đầu của mình, và với suy nghĩ này, Infanta Amalia đã viết thư cho anh trai và chị họ và họ đã đồng ý với đề xuất này.
Alfonso XII, người đã từng học tập trong một thời gian ngắn ở München với em họ Ludwig Ferdinand, đã mời Ludwig đến Madrid để gặp Vương nữ María de la Paz. Ngày 5 tháng 6 năm 1880, Infanta Paz đã viết trong nhật ký rằng: "Cô Amalia của Bayern (góa phụ của của Vương tử Adalbert) đang ở Paris cùng các con trai Ludwig và Alfons và con gái lớn Isabella. Ludwig rất háo hức được gặp tôi vì em ấy thích bức chân dung của tôi. Anh trai tôi đã mời tất cả họ tới Madrid. Hai anh em sẽ đến vào mùa thu. Tôi đã nghe nhiều điều tốt đẹp về Ludwig. Họ nói em ấy là người nghiêm túc và lịch sự. Có lẽ em ấy tin rằng tôi trông đẹp hơn thực tế là vì bức chân dung. Tôi chỉ có thể phó thác mọi việc trong tay Chú"
Cuối cùng, khi Vương nữ María de la Paz gặp Vương tôn Ludwig Ferdinand vào mùa thu năm 1880, Infanta cảm thấy Ludwig không hấp dẫn và không muốn kết hôn với Vương tôn. Paz đã từ chối lời cầu hôn nhưng Ludwig Ferdinand không từ bỏ mong muốn kết hôn của mình. Tháng 1 năm 1883, Ludwig Ferdinand trở lại Tây Ban Nha để ngỏ lời cầu hôn Paz. Khi cùng nhau đi dạo trong khu vườn La casa de campo vào ngày 22 tháng 1 năm 1883, Vương tôn đã cầu hôn Paz và đã được chấp nhận. Hôn lễ diễn ra tại nhà nguyện của Cung điện Vương thất Madrid vào ngày 2 tháng 4 năm 1883. Paz vẫn được giữ quyền kế vị đối với ngai vàng Tây Ban Nha và nhận được số tiền trợ cấp hàng năm là 150.000 peseta. Vương nữ bấy giờ được hai mươi tuổi. Trong số những món quà của Paz có chiếc vương miện tiara hình tia nắng theo phong cách Bayern, vẫn được giữ trong gia đình cho đến khi được bán đấu giá vào năm 2013.
Trên đường đến München, María de la Paz và chồng dừng chân ở Paris và đến thăm cựu Phối vương Francisco de Asís bấy giờ đang sống ở Épinay. Tại Bayern, cặp đôi sống tại Cung điện Nymphenburg bên ngoài München. Vương tôn Ludwig Ferdinand không chỉ là em họ của Quốc vương Ludwig II của Bayern mà còn được Ludwig II rất quý mến và được giao phụ trách một số công việc tài chính của Quốc vương. Khi Infanta Paz gặp Quốc vương Ludwig II tại München, hai người đã trò chuyện bằng tiếng Pháp và Ludwig II đã chào đón Vương nữ nồng nhiệt. Tiếc thay, mối quan hệ thân thiết của Paz với quân chủ Bayern lại nhanh chóng kết thúc. Ludwig II bị phế truất và qua đời một cách bí ẩn vào năm 1886. Ludwig II được kế vị bởi người em trai duy nhất là Otto, người chưa bao giờ thực sự cai trị với tư cách là quân chủ kể từ khi bị tuyên bố là mất trí vào năm 1875. Do đó chú của Otto là Luitpold của Bayern trở thành nhiếp chính vương tử. Trong dịp lễ hội mừng María de la Paz đến triều đình Bayern, Paz đã gặp Luitpold, người đảm nhiệm vai trò nhiếp chính của Bayern cho đến khi qua đời vào năm 1912. Ở Tây Ban Nha, María de la Paz đã gặp hai người con trai của Luitpold là Arnulf và Leopold. Leopold sau này đã kết hôn với Gisela của Áo, con gái của Franz Joseph I của Áo và Elisabeth xứ Bayern; Paz và Gisela trở thành bạn tốt của nhau. Giống như tất cả các thành viên của Vương thất Bayern, Paz có mối liên hệ với con trai cả của Luitpold là Ludwig, người trở thành Quốc vương Bayern vào năm 1913 với tên hiệu là Ludwig III. Vợ của Ludwig III, Maria Theresia Henriette của Áo-Este, là chị gái khác cha của Maria Christina Henriette của Áo, Vương hậu Tây Ban Nha. Infanta Paz cũng có bạn bè thuộc nhánh tước công của Vương tộc Wittelsbach ở Bayern.
Cuộc sống ở Bayern.
Ludwig Ferdinand là một người rất yêu âm nhạc và chơi violin trong dàn nhạc vương thất München. Ngoài việc theo đuổi sự nghiệp quân sự ở cấp bậc cao nhất, Ludwig Ferdinand còn hành nghề y, ngành mà Vương tôn đã theo học tại Đại học München. Ludwig Ferdinand tránh xa những mưu kế trong cung điện vì không thích cuộc sống cung đình. Hai vợ chồng thích sống lặng lẽ với ba đứa con của họ trong Cung điện Nymphenburg. Xung quanh María de la Paz và Ludwig Ferdinand là những nghệ sĩ Tây Ban Nha đến thăm Bayerna: nghệ sĩ soạn nhạc Tomás Bretón, nghệ sĩ vĩ cầm Pablo Sarasate và các họa sĩ Eduardo Rosales và José Moreno Carbonero.
Ở München, Paz dành rất nhiều thời gian cho công việc từ thiện. Vương nữ đã mở rộng một trại tị nạn cho trẻ em nghèo ở Neuhausen-Nymphenburg được gọi là Marien-Ludwig-Ferdinand. Năm 1913, Infanta Paz thành lập một trường học ở München trong khuôn viên Cung điện Nymphenburg để tiếp nhận 38 học sinh đến từ các tỉnh khác nhau của Tây Ban Nha. Tổ chức này đã bị giải thể vào năm 1918 vào thời điểm Cách mạng Đức 1918-19 kết thúc chế độ quân chủ ở Bayern. Infanta María de la Paz cũng phụ trách buổi triển lãm nghệ thuật được tổ chức hàng năm tại München Glaspalast cho đến khi nó bị phá hủy bởi một cơn hỏa hoạn vào năm 1931. Ngoài những nhân vật biểu tưởng người Tây Ban Nha nêu trên, Infanta còn đón tiếp các nhà văn và nghệ sĩ như nhà soạn nhạc Richard Strauss, họa sĩ Franz von Lenbach và người đoạt giải Nobel Paul Heyse và những người khác.
Từ Bayern, Infanta Paz vẫn dõi theo cuộc sống của Vương thất Tây Ban Nha thông qua những bức thư từ chị gái Isabel. Anh trai duy nhất của Paz là Alfonso XII đã qua đời khi còn trẻ vào năm 1886. Paz duy trì mối quan hệ nồng ấm với chị dâu là Vương hậu Maria Christina Henriette, bấy giờ là nhiếp chính hậu của Tây Ban Nha. Sau này, cháu trai gọi cô của María de la Paz là Alfonso XIII cũng dành nhiều tình cảm cho Vương nữ. Mối liên hệ của Paz với quê hương càng được củng cố bằng cuộc hôn nhân của con trai cả của Paz là Vương tôn Ferdinand của Bayern với người chị họ là Vương nữ María Teresa Isabel, con gái của anh trai Alfonso XII quá cố. Năm 1905, cháu trai Alfonso XIII đến thăm Paz trong chuyến công du châu Âu để tìm vợ. Năm sau đó, Paz và gia đình đến Madrid và đại diện cho Bayern dự đám cưới của Alfonso XIII của Tây Ban Nha với Victoria Eugenia của Battenberg. Như một món quà cưới, María de la Paz đã tặng cho Victoria Eugenia một chiếc vương miện làm bằng vàng được tìm thấy ở sông Darro vốn thuộc về Isabel II của Tây Ban Nha.
Năm 1914, María de la Paz thực hiện chuyến hành trình bằng ô tô đến Salamanca, León, Oviedo, Covadonga và bờ biển Cantabrian cùng với Hầu tước de la Vega de Anzo, chị gái María Isabel và con gái Maria del Pilar. Khi Thế chiến thứ nhất bùng nổ vào tháng 8 năm đó, Vương nữ ở lại Nymphenburg. Con trai Paz là Adalbert, người chỉ huy pháo binh, gia nhập lực lượng Đức. Em gái María Eulalia thường thăm hỏi Infanta Paz và đã giúp đỡ rất nhiều sau sự tàn phá do Chiến tranh thế giới thứ nhất gây ra.
María de la Paz và Ludwig Ferdinand có một cuộc hôn nhân lâu dài và hạnh phúc. Hai vợ chồng có với nhau ba người con. Người con cả là Vương tằng tôn Ferdinand, tiếp nối truyền thống hôn nhân giữa Bayern và Tây Ban Nha và sống phần lớn cuộc đời ở Tây Ban Nha. Những đứa con út của María de la Paz được thừa hưởng sở thích nghệ thuật và văn học của Vương nữ. Vương tằng tôn Adalbert Afons là một nhà văn và nhà sử học; Vương tằng tôn nữ Maria del Pilar là một họa sĩ và đã viết một cuốn sách về triều đại của người anh họ là Alfonso XIII của Tây Ban Nha. Kể từ khi con trai cả của Vương nữ định cư ở Tây Ban Nha, Paz thường xuyên về quê hương để thăm những đứa cháu của mình:
Sau chiến tranh và sự sụp đổ của chế độ quân chủ ở Bayern, María de la Paz và gia đình Vương nữ được phép tiếp tục sống trong Cung điện Nymphenburg. Tài sản của gia đình giảm sút nghiêm trọng nhưng Paz vẫn có thu nhập riêng với tư cách là thành viên của Vương thất Tây Ban Nha. Vương nữ đã có những chuyến thăm lẻ tẻ tới Tây Ban Nha. Khi ở Madrid, Paz và chồng ở tại cung điện vương thất. Paz cũng sở hữu một bất động sản nông thôn ở Cuenca mà Vương nữ được thừa kế từ bà ngoại là Maria Cristina của Hai Sicilie và ngôi nhà của Công tước xứ Riánsares ở Tarancón, nơi Infanta María de la Paz từng dành những chuyến đi dài để tận hưởng những cánh đồng khô cằn ở La Mancha. Gần đó, Paz mua một khu đất ở nông thôn tên là Saelices mà chồng của Vương nữ đã biến thành mô hình trang trại nông nghiệp. Nhiều năm sau, nơi đây được mua lại bởi đấu sĩ đấu bò Luis Miguel Dominguín. Tháng 10 năm 1928, María de la Paz đến thị trấn nhỏ tên là Santillana del Mar, nơi Vương nữ đã đến thăm trước đó vào năm 1881, và hội đồng của thị trấn đã cấp cho Infanta Paz một ngôi nhà để nghỉ hè tại đó.
Chữ Paz trong tên của Vương nữ có nghĩa là "hòa bình" trong tiếng Tây Ban Nha, và Vương nữ đã vinh danh tên của mình bằng việc ủng hộ chủ nghĩa hòa bình. María de la Paz tham gia các đại hội theo chủ nghĩa hòa bình năm 1921 tại Paris, 1923 tại Friburg, 1924 tại Luân Đôn, 1926 tại Luxembourg và 1926 tại Bierville thuộc Pháp.
Sau khi cháu trai Alfonso XIII bị phế truất vào năm 1931, María de la Paz mất đi nguồn thu nhập từ Tây Ban Nha. Cuộc sống của Vương nữ ở Đức trở nên khó khăn hơn sau khi Adolf Hitler lên nắm quyền vào tháng 1 năm 1933. Không giống như dòng chính của Vương tộc Wittelsbach ở Bayern, các thành viên thuộc nhánh của Vương tử Aldabert - gia đình của Paz - không công khai phản đối chế độ Đức Quốc xã. Con trai của María de la Paz là Adalbert cùng hai con trai của Aldabert là Konstantin và Alexander phục vụ trong quân đội trong Thế chiến thứ hai cho đến khi bị trục xuất khi Hitler quay lưng lại với các Vương tử người Đức. Các sĩ quan Gestapo đã kiểm tra nhà cô; Những bức thư của cô gửi cho các phóng viên người Tây Ban Nha đã được mở và đọc lục soát nhà Vương nữ; Những bức thư của Paz gửi cho những người đưa tin Tây Ban Nha đã bị mở và đọc trước khi chúng được gửi đi.
Năm 1945, quân đội Mỹ tiến vào München. Binh lính lục soát nhà của María de la Paz và mang theo một số đồ trang sức mà Vương nữ được thừa kế từ mẹ nhưng hóa ra chúng là đồ giả.
Năm 1946, María de la Paz vô tình ngã xuống cầu thang và qua đời vài giờ sau đó. Vương nữ được chôn cất trong hầm mộ vương thất ở Nhà thờ Thánh Michael ở München. Chồng của Infanta Paz qua đời sau Vương nữ ba năm.
María de la Paz là tác giả của những cuốn sách sau:
Vương nữ cũng dịch những cuốn sách lịch sử do con trai Adalbert viết từ tiếng Đức sang tiếng Tây Ban Nha. Nhật ký cá nhân của Paz đã được con trai Vương nữ tận dụng và đã trích lấy một số đoạn trong đó và thêm các đoạn trích từ những bức thư của Infanta gửi cho các thành viên trong gia đình mà đã xuất bản một cuốn sách với tựa đề "Qua bốn cuộc cách mạng: 1862–1933".
Huân chương và Vương huy.
Tư liệu liên quan tới |
María Eulalia của Tây Ban Nha
María Eulalia của Tây Ban Nha (; 12 tháng 2 năm 1864 – 8 tháng 3 năm 1958), là con gái út và là người con cuối cùng sống qua tuổi ấu thơ của Isabel II của Tây Ban Nha và Francisco de Asís của Tây Ban Nha và là em gái út của Alfonso XII của Tây Ban Nha. Infanta Eulalia cũng là tác giả của những cuốn hồi ký mang tính tranh cãi vì quan điểm phê phán các chính sách chính trị của chính phủ Tây Ban Nha cũng như là của chính phủ nước ngoài.
Những năm đầu đời.
Vương nữ sinh ngày 12 tháng 2 năm 1864 tại Cung điện Vương thất Madrid, là người con út trong số năm người con của Isabel II của Tây Ban Nha và Francisco de Asís của Tây Ban Nha sống đến tuổi trưởng thành. Infanta được rửa tội vào ngày 14 tháng 2 năm 1864 và được đặt tên là María Eulalia Francisca de Asís Margarita Roberta Isabel Francisca de Paula Cristina María de la Piedad. Cha mẹ đỡ đầu của María Eulalia là Roberto I xứ Parma và chị gái Margherita của Parma.
Năm 1868, María Eulalia và gia đình buộc phải rời Tây Ban Nha sau cuộc cách mạng. Gia đình Vương nữ sống ở Paris và María Eulalia được giáo dục tại đây. Vương nữ được rước lễ lần đầu tại Roma bởi Giáo hoàng Piô IX.
Năm 1874, anh trai của María Eulalia là Alfonso được tôn là Quốc vương thay cho mẹ của họ là Nữ vương Isabel II. Ba năm sau, María Eulalia trở lại Tây Ban Nha. Ban đầu Infanta Eulalia sống ở El Escorial với mẹ, nhưng sau đó chuyển đến Alcázar của Sevilla và sau đó là Madrid.
Hôn nhân và con cái.
Vào ngày 6 tháng 3 năm 1886, María Eulalia kết hôn với người em họ Antonio María của Orléans, Công tước xứ Galliera, con trai của Antoine của Pháp, Công tước xứ Montpensier và María Luisa Fernanda của Tây Ban Nha tại Madrid. Người chủ trì là Đức Hồng Y Zeferino González y Díaz Tuñón, Tổng Giám mục Sevilla. Đám cưới của hai người bị trì hoãn vài tháng do cái chết của anh trai của María Eulalia là Quốc vương Alfonso XII của Tây Ban Nha. María Eulalia và Antonio María đã trải qua tuần trăng mật tại Dinh Vương thất ở Aranjuez .
Eulalia và Antonio có ba người con:
Sau khi sinh người con trai út, María Eulalia sống tách biệt với chồng. Vương nữ cư trú lâu dài ở Tây Ban Nha và Paris và thường xuyên đến thăm nước Anh.
Đến thăm Hoa Kỳ.
Vào tháng 5 năm 1893, María Eulalia đến thăm Hoa Kỳ; chuyến thăm gây tranh cãi của Vương nữ tới Triển lãm Thế giới Colombia ở Chicago đã được ghi chép đặc biệt rõ ràng. Đầu tiên Eulalia đi đến Puerto Rico, sau đó đến Havana, Cuba, và đến New York vào ngày 18 tháng 5 trên Tàu tuần dương Infanta Isabel của Tây Ban Nha, trước khi lên đường đến Washington, DC, nơi Vương nữ được Tổng thống Grover Cleveland tiếp đón tại Nhà Trắng. María Eulalia tiếp tục đến thành phố New York và sau đó được kết nạp làm thành viên của Những người con gái của Cách mạng Mỹ với tư cách là hậu duệ của Carlos III của Tây Ban Nha.
María Eulalia là tác giả của một số tác phẩm gây tranh cãi trong giới vương thất, mặc dù vương nữ không bao giờ ngừng liên lạc với người thân của mình cả ở Tây Ban Nha cũng như là ở các nơi khác.
Năm 1912, dưới bút danh là "Comtesse de Avila", Infanta Eulalia đã viết nên cuốn "Au fil de la vie" (Paris: Société française d'Imprimerie et de Librarie, 1911), tựa đề khi dịch sang tiếng Anh là "The Thread of Life" (New York: Duffield, 1912). Cuốn sách bày tỏ những suy nghĩ của María Eulalia về các khía cạnh giáo dục, sự độc lập của phụ nữ, sự bình đẳng giữa các giai cấp, chủ nghĩa xã hội, tôn giáo, hôn nhân, định kiến và truyền thống. Cháu trai của Vương nữ, Quốc vương Alfonso XIII của Tây Ban Nha đã điện báo cho Vương nữ yêu cầu dì của mình đình chỉ việc xuất bản cuốn sách cho đến khi Quốc vương đã xem nó và cho phép xuất bản nhưng Eulalia từ chối tuân theo yêu cầu của cháu trai.
Tháng 5 năm 1915, Eulalia đã viết một bài về Hoàng đế Đức Wilhelm II cho "Tạp chí Strand". Một tháng sau đó Vương nữ xuất bản ấn phẩm "Court Life from Within" (London: Cassell, 1915; tái bản ở New York: Dodd, Mead, 1915).
Vào tháng 8 năm 1925, María Eulalia viết một bài báo có tên là "" (London: Hutchinson, 1925; tái bản ở New York: Dodd, Mead, 1925). Trong tác phẩm này, Vương nữ bình luận về tình hình chính trị thế giới và bày tỏ niềm tin của mình rằng không bao giờ có thể có hòa bình giữa Pháp và Đức. Infanta Eulalia cũng đã đưa ra một nhận xét nổi tiếng về nước Ý của Benito Mussolini bằng việc cho biết rằng Vương nữ đã vượt qua biên giới Ý và nghe thấy cụm từ " "Il treno arriva all'orario" " [tàu hỏa sẽ đến đúng giờ], một câu nói có tính khoe khoang thường được trích dẫn liên quan đến Chế độ phát xít lúc bấy giờ.
Năm 1935, María Eulalia xuất bản hồi ký của mình bằng tiếng Pháp có tên là "Mémoires de SAR l'Infante Eulalie, 1868–1931" (Paris: Plon, 1935). Vào tháng 7 năm 1936, tác phẩm được xuất bản bằng tiếng Anh dưới cái tên là "Memoirs of a Spanish princess, H.R.H. the Infanta Eulalia (Hồi ký của một Vương nữ Tây Ban Nha, HRH Infanta Eulalia)" (London: Hutchinson, 1936; tái bản ở New York: WW Norton, 1937).
Vào ngày 9 tháng 2 năm 1958, María Eulalia lên cơn đau tim tại nhà riêng ở Irun. Vương nữ qua đời tại đó vào ngày 8 tháng 3 và được chôn cất tại Pantheon of the Princes ở El Escorial. María Eulalia là người cháu cuối cùng còn sống của Fernando VII của Tây Ban Nha.
Tước hiệu và kính xưng.
Đây là một đổi hướng từ một trang đó đã được . Trang này được giữ lại dưới dạng một trang đổi hướng để tránh phá vỡ các liên kết, cả bên trong và bên ngoài, có thể đã được liên kết tới tên trang cũ.
Vương thất Tây Ban Nha: Hiệp sĩ Grand Cross của Huân chương Carlos III
Đây là một đổi hướng từ một trang đó đã được . Trang này được giữ lại dưới dạng một trang đổi hướng để tránh phá vỡ các liên kết, cả bên trong và bên ngoài, có thể đã được liên kết tới tên trang cũ.
Vương thất Tây Ban Nha: Quý bà Grand Cross thứ 620 của Huân chương Vương hậu María Luisa |
Độ cứng Brinell là phép kiểm tra độ cứng vết lõm của vật liệu thông qua thang đo độ xuyên thấu của mũi đo, được nạp lên mẫu thử vật liệu. Đây là một trong một số định nghĩa về độ cứng trong khoa học vật liệu .
Được đề xuất bởi kỹ sư người Thụy Điển Johan August Brinell vào năm 1900, đây là phép kiểm tra độ cứng được tiêu chuẩn hóa và sử dụng rộng rãi đầu tiên trong kỹ thuật và luyện kim. Kích thước vết lõm lớn và khả năng biến dạng mẫu thử sẽ hạn chế tính hữu dụng của nó. Tuy nhiên, phương pháp này cũng có một tính năng hữu ích là giá trị độ cứng khi chia cho 2 sẽ cho ra UTS gần đúng tính bằng ksi đối với thép. Tính năng này đã góp phần giúp nó sớm được áp dụng trong các bài kiểm tra độ cứng cạnh tranh.
Thử nghiệm điển hình sử dụng quả bóng thép có đường kính như một vết lõm với lực. Đối với vật liệu mềm hơn thì sử dụng lực nhỏ hơn; đối với các vật liệu cứng hơn, bi thép được thay thế bằng bi wolfram carbide. Độ lõm được đo và độ cứng được tính như sau:
BHN = Chỉ số độ cứng Brinell (kgf/mm2)
"P" = tải trọng tác dụng tính bằng kilogam lực (kgf)
"D" = đường kính đầu lõm (mm)
"d" = đường kính vết lõm (mm)
Độ cứng Brinell đôi khi được biểu thị bằng megapascal; số độ cứng Brinell được nhân với gia tốc trọng trường, 9,80665 m/s2, để chuyển đổi thành megapascal.
BHN có thể được chuyển đổi thành độ bền kéo giới hạn (UTS), mặc dù mối quan hệ này phụ thuộc vào vật liệu và do đó được xác định theo kinh nghiệm. Mối quan hệ này dựa trên chỉ số Meyer (n) từ định luật Meyer. Nếu chỉ số Meyer nhỏ hơn 2,2 thì tỷ số giữa UTS và BHN là 0,36. Nếu chỉ số Meyer lớn hơn 2,2 thì tỷ lệ này sẽ tăng lên.
"BHN" được chỉ định theo các tiêu chuẩn thử nghiệm được sử dụng phổ biến nhất (ASTM E10-14 và ISO 6506–1:2005) là "HBW" (H từ độ cứng (Hardness), B từ Brinell và W từ vật liệu của đầu đo, Wolfram carbide). Trong các tiêu chuẩn trước đây, HB hoặc HBS được sử dụng để chỉ các phép đo được thực hiện bằng mũi lõm bằng thép.
HBW được tính theo cả hai tiêu chuẩn bằng cách sử dụng đơn vị SI như:
"F" = tải trọng tác dụng (N)
"D" = đường kính đầu lõm (mm)
"d" = đường kính vết lõm (mm)
Khi trích dẫn số đo độ cứng Brinell (BHN hoặc phổ biến hơn là HB), phải xác định rõ các điều kiện thử nghiệm được sử dụng để có được số đó. Bạn có thể xem định dạng tiêu chuẩn để chỉ định các bài kiểm tra trong ví dụ "HBW 10/3000". "HBW" là dụng cụ đo sử dụng bóng wolfram carbide, khác với "HBS", là dụng cụ đo sử dụng một quả bóng thép cứng. "10" là đường kính quả bóng tính bằng milimét. "3000" là lực tính bằng kilôgam.
Độ cứng cũng có thể được hiển thị là XXX HB YY "D" 2 . XXX là lực tác dụng (tính bằng kgf) lên vật liệu loại YY (5 đối với hợp kim nhôm, 10 đối với hợp kim đồng và 30 đối với thép). Do đó độ cứng điển hình của thép có thể được viết là: 250 HB "30D" 2. Nó có thể là mức tối đa hoặc tối thiểu.
[[Thể loại:Số không thứ nguyên]] |
Ben Gardane hay Ben Guerdane (; Berber:"Bin Guirdan") là một thành phố ở Tunisia, cách Tunis về phía đông nam. (dân số tỉnh 79.912 người năm 2014), và là một thành phố cảng Địa Trung Hải. Sfax có 79912 người (2014). Hoạt động kinh tế chính ở đây là chế biến trồng trọt (cây ôliu), và nhập-xuất khẩu. |
Đầu đạn Mark 56 có đương lượng nổ hay , gần với loại vũ khí lớn nhất mà con người từng chế tạo là bom B41 với đương lượng nổ hay . Tuy nhiên khác với bom hạt nhân B41 vốn chưa từng được thử nghiệm, đầu đạn W56 đã được thử nghiệm thực tế trong chiến dịch thử nghiệm hạt nhân Operation Dominic năm 1962.
Việc sản xuất phiên bản đầu đạn W56 Mod 1 được bắt đầu từ tháng Ba năm 1963. Phiên bản Mod 4 bắt đầu được sản xuất từ tháng Năm năm 1967 và kết thúc tháng Năm năm 1969. Đã có tổng cộng 1.000 đầu đạn được chế tạo trong đó có 455 đầu đạn Mod 4. Các đầu đạn W56 bắt đầu bị loại biên năm 1991 và 1993, đầu đạn W56 cuối cùng bị loại khỏi trang bị vào tháng Sáu năm 2006. Trong quá trình vô hiệu hóa đầu đạn tại Nhà máy Pantex, một đầu đạn có độ nhạy cao đã gần như chạm ngưỡng nổ vào năm 2005 khi không áp dụng các biện pháp an toàn đúng quy trình. |
Hiệp ước Nhật-Triều, 1905
Hiệp ước Nhật–Triều năm 1905 (tiếng Anh: "Treaty of Japan–Korea"; tiếng Hàn: 한일 조약), còn được gọi là Hiệp ước Eulsa (tiếng Hàn: 을사조약), Hiệp ước bất đắc chí Eulsa hay Hiệp ước bảo hộ Nhật–Triều, được ký kết giữa Đế quốc Nhật Bản và Đế quốc Đại Hàn vào năm 1905. Các cuộc đàm phán kết thúc vào ngày 17 tháng 11 năm 1905. Hiệp ước đã tước bỏ chủ quyền ngoại giao của Đại Hàn và biến nó trở thành nước bảo hộ của Đế quốc Nhật Bản. Đây là kết quả của việc Đế quốc Nhật Bản đánh bại Đế quốc Nga, trong Chiến tranh Nga-Nhật năm 1905.
Chỉ 5 năm sau khi ký Hiệp ước Bảo hộ Nhật-Triều 1905, Đế chế Nhật Bản đã xoá sổ Đế quốc Đại Hàn bằng Hiệp ước Nhật-Triều 1910, mở ra thời kỳ Nhật Bản thuộc địa hoá Bán đảo Triều Tiên trong 35 năm.
Sau chiến thắng của Đế quốc Nhật Bản trong Chiến tranh Nga-Nhật, sự rút lui của Đế quốc Nga tại các lãnh thổ mà trước đó họ có tầm ảnh hưởng và Hiệp định Taft–Katsura, trong đó Hoa Kỳ được cho là đã đồng ý không can thiệp trong các vấn đề liên quan đến Đế quốc Đại Hàn, Chính phủ Nhật Bản tìm cách hợp thức hóa phạm vi ảnh hưởng của mình trên Bán đảo Triều Tiên.
Các đại biểu của cả hai Đế chế đã gặp nhau tại Seoul để giải quyết những khác biệt trong các vấn đề liên quan đến chính sách đối ngoại trong tương lai của Đại Hàn; tuy nhiên, với việc Hoàng cung Hàn Quốc đang bị quân đội Nhật Bản chiếm đóng và Quân đội Đế quốc Nhật Bản đóng quân tại các địa điểm chiến lược trên khắp Bán đảo Triều Tiên, phía Đại Hàn gặp bất lợi rõ rệt trong các cuộc thảo luận.
Dùng vũ lực để thực hiện hiệp ước.
Vào ngày 9 tháng 11 năm 1905, Itō Hirobumi đến Hanseong và chuyển một lá thư của Thiên hoàng cho Cao Tông, Hoàng đế Đại Hàn, yêu cầu ông ký hiệp ước. Ngày 15 tháng 11 năm 1905, ông ra lệnh cho quân Nhật bao vây hoàng cung Đại Hàn và đe dọa hoàng đế nhằm buộc ông phải đồng ý với hiệp ước.
Vào ngày 17 tháng 11 năm 1905, Ito và Thống chế Nhật Bản Hasegawa Yoshimichi bước vào Jungmyeongjeon Hall, một tòa nhà do Nga thiết kế từng là một phần của Cung điện Deoksu, để thuyết phục Hoàng đế Cao Tông đồng ý, nhưng ông từ chối. Ito gây áp lực buộc nội các phải ký hiệp ước với ngụ ý và sau đó tuyên bố đe dọa gây tổn hại. Theo 한계옥 (Han-Gyeok), thủ tướng Đại Hàn Han Gyu-seol không đồng tình và hét to. Ito ra lệnh cho lính canh nhốt ông trong phòng và nói nếu ông ấy tiếp tục la hét, họ có thể giết ông. Nội các Đại Hàn đã ký một thỏa thuận do Ito chuẩn bị tại Jungmyeongjeon. Hiệp định trao cho Đế quốc Nhật Bản hoàn toàn chịu trách nhiệm về các vấn đề đối ngoại của Đại Hàn, và đặt mọi hoạt động thương mại qua các cảng của Bán đảo Triều Tiên dưới sự giám sát của Đế quốc Nhật Bản.
Điều khoản hiệp ước.
Hiệp ước này tước bỏ chủ quyền ngoại giao của Đế quốc Đại Hàn, trên thực tế khiến toàn bộ Bán đảo Triều Tiên trở thành đất bảo hộ của Đế quốc Nhật Bản. Kết quả là, Hàn Quốc đã phải đóng cửa các cơ quan đại diện ngoại giao của mình ở nước ngoài, bao gồm cả Công sứ tại Bắc Kinh, và Công sứ ở Washington, D.C mới được lập trong một thời gian ngắn trước đó.
Các điều khoản của hiệp ước có hiệu lực vào ngày 17 tháng 11 năm 1905, và nó đặt nền móng cho Hiệp ước Nhật-Triều, 1907, và việc sáp nhập Đại Hàn vào Nhật Bản sau đó vào năm 1910.
Hiệp ước được coi là đã có hiệu lực sau khi nhận được chữ ký của 5 bộ trưởng trong nội các chính phủ Đại Hàn:
Hoàng đế Cao Tông của Đại Hàn không đồng ý hay ký vào hiệp ước. Các quan chức khác phản đối hiệp ước bao gồm:
Hoàng đế Cao Tông đã gửi thư cá nhân tới các nguyên thủ quốc gia lớn đương thời để kêu gọi họ phản đối hiệp ước bất bình đẳng này. Tính đến ngày 21 tháng 2 năm 1908, ông đã gửi 17 bức thư mang dấu ấn hoàng gia của mình tới 8 nguyên thủ quốc gia sau:
Năm 1907, Hoàng đế Cao Tông cử 3 đặc sứ bí mật tới Công ước Hòa bình La Haye, Hội nghị Hoà bình quốc tế lần thứ hai để phản đối sự bất công của Hiệp ước Eulsa. Nhưng các cường quốc trên thế giới đều từ chối cho phép Đại Hàn tham gia hội nghị.
Không chỉ Hoàng đế mà cả những người dân Hàn Quốc khác cũng phản đối Hiệp ước. Jo Byeong-se và Min Yeong-hwan, những quan chức cấp cao và lãnh đạo cuộc kháng chiến chống lại hiệp ước Eulsa, đã tự sát để phản kháng. Những người Lưỡng ban địa phương và thường dân đã gia nhập Đội quân chính nghĩa. Họ được gọi là "Eulsa Euibyeong" (을사의병, 乙巳義兵) có nghĩa là "Quân đội chính nghĩa chống lại Hiệp ước Eulsa".
Sau khi hoàn thành hiệp ước, Hoàng đế Cao Tông đã cố gắng cho thế giới biết sự bất công của hiệp ước, bao gồm cả việc cử một đặc phái viên đến The Hague. Điều này trực tiếp góp phần khiến vua Cao Tông buộc phải thoái vị.
Tuyên bố hủy bỏ của Hoàng đế Cao Tông.
Cao Tông đã cố gắng thông báo cho cộng đồng quốc tế về sự bất công của Hiệp định Triều-Nhật lần thứ 2, nhưng theo logic của tình hình quốc tế lúc đó, những đáp trả của Cao Tông không có tác dụng. Tuyên bố hủy bỏ Hiệp ước Eulsa của Cao Tông nhưng nó không được quốc tế công nhận:
Hiệp ước này sau đó đã được xác nhận là "đã vô hiệu" bởi Hiệp ước về Quan hệ cơ bản giữa Nhật Bản và Đại Hàn ký kết năm 1965.
Trong một tuyên bố chung vào ngày 23 tháng 6 năm 2005, các quan chức Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên nhắc lại lập trường của họ rằng Hiệp ước Eulsa là vô hiệu dựa trên yêu sách ép buộc của Đế chế Nhật Bản.
Tính đến năm 2010, Hàn Quốc đã tịch thu tài sản và các tài sản khác từ con cháu của những người được xác định là cộng tác thân Nhật Bản ("Chinilpa") tại thời điểm ký hiệp ước.
Sau hiệp ước, ảnh hưởng của Nhật Bản đối với Bán đảo Triều Tiên tăng lên đáng kể. Toàn bộ cơ quan đại diện ngoại giao của Đại Hàn bị giải tán. Toàn bộ quan hệ đối ngoại của Đại Hàn được quản lý bởi một Tổng thường trú Nhật Bản. Itō Hirobumi được bổ nhiệm làm Tổng thường trú đầu tiên. |
Brijendparal Singh (sinh ngày 27 tháng 4 năm 1949 tại Dehradun, Ấn Độ), còn được biết đến với nghệ danh B. P. Singh, là một nam đạo diễn, diễn viên, biên kịch và nhà sản xuất người Ấn Độ. Ông nổi tiếng là người làm nên thành công cho loạt phim truyền hình phát sóng lâu nhất tại Ấn Độ "Đội đặc nhiệm CID". Trong bộ phim này, ông cũng vào vai "Tổng Thanh tra Samsher Singh Chitrole".
Ông cũng từng là đạo diễn của loạt phim truyền hình "Aahat" (1995–2005). Ông cũng từng giữ chức vụ Chủ tịch của Viện Điện ảnh và Truyền hình Ấn Độ từ tháng 12 năm 2018 đến tháng 9 năm 2020.
Tiểu sử và sự nghiệp.
B. P. Singh sinh ngày 27 tháng 4 năm 1949 tại Dehradun, Ấn Độ. Ông tùng tốt nghiệp Viện Điện ảnh và Truyền hình Ấn Độ, Pune. Ông bắt đầu sự nghiệp của mình khi ông làm việc cho kênh truyền hình Nhà nước Doordashan vào năm 1973 với tư cách là một nhà quay phim và tiếp tục cầm máy thêm 10 năm nữa (1983) trước khi chuyển đến Mumbai sinh sống và làm việc. Ông đã làm nên thành công cho bộ phim kinh dị trên kênh Doordashan, Sirf Char Din. Trong quá trình chuẩn bị bộ phim, ông đến thăm Sở Cảnh sát và kết bạn với Thanh tra Jayant Wadge, từ đó, ông bắt đầu đam mê với công việc của một thám tử. Ông cũng đã làm nên thành công của một số bộ phim Bollywood, tiêu biểu là "Đội đặc nhiệm CID", "Aahat"... |
Yếu tố tăng trưởng nội mạch
Yếu tố tăng trưởng nội mạch hay yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu (tiếng Anh: "vascular endothelial growth factor", viết tắt: VEGF) hay yếu tố thấm mạch ("vascular permeability factor", viết tắt: VPF), là một protein tín hiệu kích thích sự hình thành mạch máu ("vasculogenesis") và tân sinh mạch ("angiogenesis"). VEGF thuộc họ yếu tố tăng trưởng có nguồn gốc từ tiểu cầu (PDGF), chứa các motif nút cystein trong cấu trúc protein hoàn chỉnh.
VEGF được tìm thấy nhiều trong huyết tương của bệnh nhân hen phế quản và đái tháo đường. Sự biểu hiện quá mức của VEGF có thể dẫn đến chứng tắc tĩnh mạch võng mạc ("retinal vascular disease") hoặc các bộ phận khác trên cơ thể. Ở các khối u rắn, VEGF giúp tăng cường quá trình tân sinh mạch, dẫn nhiều máu đến cung cấp oxy và dinh dưỡng cho khối u phát triển và di căn. Hiện nay, đã có các thuốc ức chế trực tiếp lên VEGF (aflibercept, bevacizumab, ranibizumab, pegaptanib) giúp kiểm soát hoặc làm chậm sự tiến triển bệnh.
Từ cuối thập niên 30 đến giữa thập niên 40, đã có những giả thuyết về "yếu tố kích thích tăng trưởng mạch máu" ("blood vessel growth stimulating factor"), thúc đẩy quá trình tăng sinh mạch máu tạo điều kiện thuận lợi cho khối u phát triển. Năm 1970, Judah Folkman đã mô tả một yếu tố được tiết ra từ khối u dẫn đến tân sinh mạch và đặt tên là yếu tố tân sinh mạch khối u ("tumor angiogenesis factor"), ông cho rằng "kháng tân sinh mạch" ("anti-angiogenesis") có thể trở thành một chiến lược trong điều trị ung thư và các bệnh khác. Năm 1983, Senger cùng cộng sự đã xác định một yếu tố thấm mạch máu ("vascular permeability factor") được tiết ra từ khối u của chuột lang và chuột hamster. Vào cuối những năm 80, Ferrara và Henzel đã mô tả một yếu tố tương tự được tinh chế từ tế bào nang tuyến yên bò, clone và đặt tên là VEGF. Tischer cùng cộng sự cũng khám phá ra một VEGF tương tự từ quá trình cắt nối luân phiên RNA năm 1991. Giữa năm 1996 và 1997, Christinger và De Vos lần đầu tiên thu được cấu trúc tinh thể VEGF ở độ phân giải 2.5 Å và sau đó là 1.9 Å.
Ở động vật có vú, họ VEGF bao gồm 5 thành viên: VEGF-A, yếu tố tăng trưởng nhau thai (PIGF), VEGF-B, VEGF-C và VEGF-D. Ngoài ra, VEGF-E là một protein liên quan VEGF được tạo ra bởi một số loài virus và VEGF-F được tìm thấy trong nọc của một số loài rắn.
Hoạt tính của VEGF-A đa phần được nghiên cứu trên tế bào nội mạch, mặc dù một số tế bào khác (bạch cầu đơn nhân, đại thực bào, tế bào thần kinh, tế bào ung thư và tế bào biểu mô thận) cũng chịu ảnh hưởng từ tín hiệu VEGF. Các nghiên cứu "in vitro" cho thấy VEGF-A có khả năng kích thích quá trình nguyên phân và di chuyển của tế bào nội mô. VEGF-A cũng được xem như một tác nhân gây giãn mạch ("vasodilator"), làm tăng tính thâm của các vi mạch.
VEGF-A có nhiều đồng dạng nhờ quá trình cắt nối luân phiên mRNA sau phiên mã từ gene "VEGFA" (8 exon). Dựa vào vị trí cắt nối trên exon 8, các đồng dạng VEGF được chia ra 2 phân họ: VEGFxxx (điểm cắt gần) và VEGFxxxb (điểm cắt xa). Sự cắt nối các exon 6 và 7 cũng dẫn đến sự thay đổi về ái lực liên kết với heparin và số lượng amino acid. Các đồng dạng VEGF ở người (VEGF121, VEGF121b, VEGF145, VEGF165, VEGF165b, VEGF189, VEGF206) có nhiều hơn vài amino acid so với các VEGF ở động vật gặm nhấm. Sự cắt nối luân phiên các exon sau phiên mã quyết định chức năng của các đồng dạng VEGF. Trong khi phân họ VEGFxxx được biểu hiện trong quá trình tân sinh mạch và được xem như một yếu tố tiền tân sinh mạch ("pro-angiogenic"), phân họ VEGFxxxb được biểu hiện ở mô thường và được xem như yếu tố kháng tân sinh mạch ("anti-angiogenic"). Bên cạnh đó, sự thêm vào/cắt bỏ exon 6 hoặc 7 sẽ ảnh hưởng đến sự kích hoạt thụ thể VEGF thông qua sự tương tác với heparan sulfate proteoglycan (HSPG) và đồng thụ thể neuropilin trên bền mặt tế bào. Gần đây, VEGF-C được phát hiện có vai trò quan trọng trong quá trình hình thành thần kinh ("neurogenesis") trong vùng dưới não thất (SVZ) ở chuột, không gây ra tác động lên sự phát triển mạch máu.
Để kích thích các đáp ứng tế bào, VEGF liên kết với thụ thể VEGF (VEGFR) tương ứng, thu hút các thụ thể ghép đôi và kích hoạt thông qua phosphoryl hóa chéo ("transphosphorylation"). Các VEGF khác nhau có vị trí, thời điểm và cường độ kích thích khác nhau. Cấu trúc VEGFR gồm 3 phần chính: vùng ngoại bào, vùng xuyên màng và vùng nội bào. Vùng ngoài bào chứa 7 domain giống immunoglobulin (Ig-like), nơi nhận tín hiệu từ VEGF; và vùng nội bào chứa một domain tyrosine kinase không liên tục, nới quá trình phosphoryl hóa chéo diễn ra sau khi hai thụ thể ghép cặp ("receptor dimerization"). Trong khi tất cả VEGF đều tương tác với thụ thể VEGF 2 (VEGFR2), thụ thể VEGF 1 (VEGFR1) chỉ nhận tín hiệu từ VEGF-A. VEGFR1 được xem như một thụ thể mồi ("decoy receptor"), ngăn VEGF liên kết với VEGFR2 (đặc biệt quan trọng trong quá trình hình thành mạch máu ở phôi thai). VEGF-C/D là phối tử của thụ thể VEGF 3 (VEGFR3), đóng vai trò quan trọng trong quá trình tân sinh mạch bạch huyết.
Ngoài kích thích truyền tín hiệu lên các VEGFR, VEGF cũng tương tác với neuropilin ghép cặp VEGFR. Phức hợp neuropilin-VEGFR làm tăng tín hiệu VEGF trên tế bào nội mô trong quá trình tạo mạch máu. Neuropilin là một receptor đa phối tử, ngoài VEGF, neuropilin cũng nhận tín hiệu từ các semaphorin nhóm 3, cạnh tranh với VEGF165 và vì vậy có thể điều hòa quá trình tân sinh mạch kích thích từ VEGF.
VEGF-A được mã hóa bởi gene "VEGFA" và sự biểu hiện gene được điều hòa ở cấp độ phiên mã và dịch mã (tính bền mRNA thông qua liên kết với các protein điều hòa tại vùng 3'-UTR và trình trự IRES trên 5'-UTR). Sự điều hòa biểu hiện VEGF được ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố bên ngoài, đặc biệt là sự giảm oxy huyết ("hypoxia"). VEGF-A được sản xuất trong điều kiện tế bào thiếu oxy cung cấp. Khi tế bào trong tình trạng thiếu oxy, yếu tố cảm ứng thiếu oxy (HIF) được tạo ra, kích thích tế bào tiết VEGF-A đi vào máu, truyền tín hiệu đến các thụ thể VEGF trên bề mặt tế bào nội mô, kích thích quá trình tân sinh mạch.
"VEGFA" nằm trên nhiễm sắc thể 6, cánh p, vùng 2, băng 1, băng phụ 3 (6p21.3). Cấu tạo gene gồm 8 exon và 7 intron xen kẽ nhau, vùng mã hóa khoảng 14 kbp. Vùng khởi động không chứa hộp TATA và chứa nhiều điểm liên kết với các yếu tố phiên mã, đặc biệt là trình tự đáp ứng giảm oxy huyết (HRE), nơi liên kết với phức dị thể HIF-1β/HIF-1α, khơi mào quá trình phiên mã. Ngoài ra, sự biểu hiện của "VEGFA" cũng được điều hòa bằng các nội tiết tố như 17β estradiol thông qua trình tự đáp ứng estrogen (ERE), progesterone thông qua trình tự đáp ứng progresterone PRE1/2/3. Thụ thể gan X (LXRα/β), retinoid và protein chuyển đổi và hoạt hóa tín hiệu phiên mã 3 (STAT3) cũng tham gia vào quá trình điều hòa phiên mã VEGF.
Ý nghĩa lâm sàng.
VEGF-A và các thụ thể tương ứng được tăng cường biểu hiện sau chấn thương hệ thần kinh trung ương (CNS), đặc biệt là các chấn thương cấp tính và bán cấp. Thời gian biểu hiện của VEGF-A sau đó được giảm dần, tương ứng với thời gian tái tạo mạch sau chấn thương. Vì vậy, VEGF-A/VEGF165 được xem xét như một đích tác dụng tiềm năng trong điều trị chấn thương hệ thần kinh trung ương thông qua kích thích quá trình tân sinh mạch. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tranh cãi về tác dụng điều trị VEGF-A trên các mô hình tổn thương hệ thần kinh trung ương.
Trong ung thư vú, sự tăng cường biểu hiện của VEGF-A ở khối u có liên quan đến tiên lượng xấu dựa vào đường cong sinh tồn. Sự quá biểu hiện này có thể là bước đầu cho quá trình di căn, có liên quan đến quá trình chuyển mạch ("angiogenic switch"). Tuy nhiên, cơ chế về sự liên quan của VEGF-A và tỉ lệ sống sót vẫn chưa được hiểu rõ.
Trong viêm khớp dạng thấp, VEGF được tiết ra trong đáp ứng với yếu tố hoại tử khối u alpha (TNF-α), làm các tế bào nội mạch trương to và tăng tính thấm, kích thích quá trình tân sinh mạch.
VEGF-A cũng quan trọng trong bệnh võng mạc đái tháo đường (DR). Những vấn đề về tuần hoàn vi mạch máu trong võng mạc của người mắc bệnh có thể gây ra tình trạng thiếu máu võng mạc, dẫn đến việc giải phóng VEGF-A, các đồng dạng VEGFxxx được sinh ra nhiều hơn các đồng dạng VEGFxxxb, hình thành thêm nhiều mạch máu mới trong võng mạc, gây cản trở thị lực. VEGF-A cũng đóng vai trò quan trọng trong chứng thoái hóa điểm vàng tuổi già (AMD) thể ướt, gây mù cho người cao tuổi ở những quốc gia công nghiệp hóa. Tình trạng bệnh lý mạch máu ở AMD có một số điểm tương đồng với bệnh võng mạc đái tháo đường, mặc dù nguyên nhân gây bệnh và nguồn gốc thông thường của quá trình tân mạch hóa ("neovascularization") khác nhau giữa hai bệnh này.
VEGF-A cũng được xem là một đích tác dụng tiềm năng trong điều trị ung thư. Khi được giải phóng, VEGF-A có thể gây ra một số đáp ứng giúp tế bào sống sót, di chuyển và biệt hóa. Bevacizumab là thuốc ức chế kháng thể đơn dòng trên VEGF đầu tiên được FDA chấp thuận năm 2004. Khoảng 10-15% bệnh nhân có đáp ứng điều trị tốt với thuốc. Tuy nhiên, các dấu ấn sinh học cho đáp ứng bevacizumab hiện vẫn chưa được khám phá.
Ở thận, sự tăng cường biểu hiện của VEGF-A ở tiểu cầu thận ("glomerulus") trực tiếp gây ra phì đại tiểu cầu thận và có liên quan đến tình trạng tồn dư protein niệu.
Ở bệnh sarcoma mạch máu (angiosarcoma), VEGF-D được tìm thấy nhiều trong huyết thanh. VEGF-D cũng được tìm thấy nhiều ở bệnh phổi đột lỗ ("lymphangioleiomyomatosis") và được sử dụng như một dấu ấn sinh học trong chẩn đoán bệnh này.
Nồng độ VEGF tăng cao có thể tiên đoán cho đợt khởi phát sớm của tiền sản giật. |
Nghị viện New Zealand
Nghị viện New Zealand hay Quốc hội New Zealand () là cơ quan lập pháp đơn viện của New Zealand, bao gồm Vua New Zealand (Vua trong Nghị viện) và Hạ viện New Zealand. Nhà vua thường do Toàn quyền đại diện. Trước năm 1951, Nghị viện có thượng viện là Hội đồng Lập pháp New Zealand. Nghị viện New Zealand được thành lập vào năm 1854 và là một trong những cơ quan lập pháp hoạt động liên tục lâu đời nhất trên thế giới. Cơ quan này hoạt động tại Wellington, thủ đô của New Zealand, từ năm 1865.
Hạ viện thường có 120 nghị sĩ quốc hội, mặc dù đôi khi nhiều hơn do vẫn còn nhiều ghế trống. Có 72 nghị sĩ được bầu trực tiếp tại các khu vực bầu cử, trong khi số ghế còn lại được phân công để dành cho các nghị sĩ dựa trên tỷ lệ phiếu bầu trên tổng phiếu của mỗi đảng. Người Māori có đại diện trong Quốc hội từ năm 1867, và phụ nữ bắt đầu tham gia tuyển cử vào năm 1893. Mặc dù bầu cử có thể được tiến hành sớm, nhưng cứ ba năm một lần Quốc hội lại bị giải tán và tiến hành tái tranh cử.
Nghị viện có quyền tối thượng đối với tất cả các tổ chức chính phủ khác. Cơ quan lập pháp có mối liên hệ chặt chẽ với cơ quan hành pháp. Chính phủ New Zealand bao gồm một thủ tướng (người đứng đầu chính phủ) và các bộ trưởng. Theo nguyên tắc trách nhiệm chính phủ, những cá nhân này luôn được rút ra khỏi Hạ viện và phải chịu trách nhiệm trước Hạ viện.
Cả quốc vương (hiện là Vua Charles III) và toàn quyền của ông đều không tham gia vào quá trình lập pháp, ngoại trừ việc đại diện sự chấp thuận của Nhà vua đối với một dự luật được Hạ viện thông qua, được gọi là việc cấp Sự chấp thuận hoàng gia ("Royal Assent"), điều cần thiết để một dự luật được thông qua và được ban hành như luật. Toàn quyền có trách nhiệm chính thức là triệu tập và giải tán Quốc hội — việc giải tán nhằm mở đường cho tổng tuyển cử.
Ở New Zealand, thuật ngữ "parliament" (nghị viện) có một số nghĩa khác nhau. Thứ nhất, thuật ngữ này đề cập đến toàn bộ nhánh lập pháp, bao gồm Nhà vua (có vai trò hiến định trong quá trình lập pháp bị hạn chế) và Hạ viện. Thứ hai, nó có thể có nghĩa là các nghị sĩ được bầu vào nghị viện sau một cuộc tổng tuyển cử. Theo nghĩa này, Nghị viện khóa 1 hoạt động từ ngày 24 tháng 5 năm 1854 đến ngày 15 tháng 9 năm 1855. Nghị viện hiện hành, tức Nghị viện khóa 53, bắt đầu hoạt động vào ngày 25 tháng 11 năm 2020.
Cuối cùng, "Parliament" cũng có thể đề cập đến một địa điểm vật lý: cụ thể nhất là phòng tranh luận nơi các nghị sĩ gặp nhau, đồng thời là tòa nhà nơi đặt văn phòng (thường là Tòa nhà Nghị viện, Wellington), và nói rộng ra thì vẫn là tòa nhà này với một số tòa nhà khác nơi các nghị sĩ đặt văn phòng. |
Động đất Đảo Awaji 2013
Động đất Đảo Awaji 2013 (淡路島地震 (Đạm Lộ đảo địa chấn), Awaji-shima jishin) là trận động đất xảy ra vào lúc 5:33 (JST), ngày 13 tháng 4 năm 2013. Trận động đất có cường độ 6.3 richter, tâm chấn độ sâu khoảng 15 km. Không có cảnh báo sóng thần cho trận động đất này. Hậu quả trận động đất đã làm 35 người bị thương. |
Bom hạt nhân B41
B-41 (hay Mk-41) là vũ khí nhiệt hạch được Bộ chỉ huy không quân chiến lược Hoa Kỳ triển khai đầu những năm 1960s. Đây là loại vũ khí hạt nhân mạnh nhất được Mỹ trang bị với đương lượng nổ . Bom nhiệt hạch B-41 là loại vũ khí nhiệt hạch ba giai đoạn duy nhất được Mỹ triển khai. Tổng cộng quân đội Mỹ đã sản xuất và trang bị 500 quả bom B-41. Nó sau này được thay thế bởi bomb hạt nhân B-53 từ tháng 11 năm 1963 đến tháng 7 năm 1976.
B-41 có chiều dài cùng với đường kính . Nó có trọng lượng . B-41 có thể mang được trên các máy bay ném bom B-52 Stratofortress và B-47 Stratojet. Nó cũng có cả chế độ kích nổ trên không hoặc chạm đất. Bom hạt nhân không có chế độ nằm chờ (là chế độ bom thả rơi bằng dù để bom không bị tổn hại khi chạm đất, sau đó sẽ kích nổ chậm) do yêu cầu phải thiết kế lại và tiến hành thử nghiệm.
Bom nhiệt hạch B-41 là loại bom hạt nhân ba giai đoạn duy nhất được Mỹ triển khai. Nó cũng là loại vũ khí hạt nhân có đương lượng nổ lớn nhất của Mỹ, cũng như là có tỉ lệ đương lượng nổ/trọng lượng bom lớn nhất trong số các loại vũ khí từng được biết.
Trong thời gian được triển khai trong quân đội Mỹ, bom B-41 là loại bom nhiệt hạch có hiệu suất lớn nhất xét theo tỉ lệ đương lượng nổ trên trọng lượng là (đương lượng nổ là ). Đương lượng nổ của nó bằng từ đến đương lượng nổ của "AN602 Tsar Bomba", với đương lượng nổ , tùy thuộc vào cấu hình của bom là bon nhiệt hạch sạch hay bom bẩn. Tuy nhiên kể cả khi đương lượng nổ của Tsar là , thì nó vẫn chỉ có tỉ lệ đương lượng nổ trên trọng lượng là ~ , do đó B-41 là loại vũ khí có tỉ lệ này lớn nhất trong số các loại vũ khí mà con người từng chế tạo.
Tháng Mười một năm 1956, việc phát triển đầu đạn hạt nhân W41 để trang bị trên B41 được bắt đẩu tại Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Livermore. Các nghiên cứu cho thấy nó có thể sử dụng đầu đạn tương tự như loại trên tên lửa hành trình SM-64 Navaho cũng đang trong giai đoạn phát triển, các nghiên cứu phát triển liên quan tiếp tục được tiến hành cho đến tháng Bảy năm 1957 khi chương trình phát triển bị hủy bỏ. |
Giải bóng đá Ngoại hạng Bồ Đào Nha 2023–24
Giải bóng đá Ngoại hạng Bồ Đào Nha 2023-24 (còn được gọi là Liga Portugal Betclic vì lý do tài trợ) là mùa giải thứ 90 của Giải bóng đá Ngoại hạng Bồ Đào Nha, giải đấu chuyên nghiệp hàng đầu dành cho các câu lạc bộ bóng đá của hiệp hội Bồ Đào Nha và là mùa giải thứ ba dưới danh hiệu Primeira Liga hiện nay. Đây là mùa giải thứ bảy sử dụng video trợ lý trọng tài (VAR).
Do tụt hạng từ vị trí thứ sáu xuống thứ bảy trong bảng xếp hạng hệ số hiệp hội UEFA vào cuối mùa giải 2022–23, nên Bồ Đào Nha chỉ có hai đội có thứ hạng tốt nhất đủ điều kiện tham dự UEFA Champions League (đội vô địch vào thẳng vòng bảng, đội á quân tham gia vòng loại thứ ba). Đội chiến thắng Taça de Portugal (Cúp Quốc gia Bồ Đào Nha) đủ điều kiện tham dự vòng bảng UEFA Europa League trong khi đội đứng thứ ba đủ điều kiện tham dự vòng sơ loại thứ hai UEFA Europa League. Còn đội đứng thứ tư sẽ giành quyền tham dự vòng loại thứ hai UEFA Europa Conference League.
Moreirense, Farense (lần lượt sau một và hai năm vắng bóng) và Estrela da Amadora (lên hạng lần đầu tiên trong lịch sử với hình thức hiện tại, thành lập vào năm 2020 hoặc sau mười bốn năm vắng bóng nếu tính cả câu lạc bộ giải thể vào năm 2011 do phá sản) được thăng hạng từ 2022–23 Liga Portugal 2, thay thế cho các câu lạc bộ Marítimo, Paços de Ferreira và Santa Clara (xuống hạng lần lượt sau 38, 4 và 5 năm ở giải đấu hàng đầu).
Mùa giải này đánh dấu mùa giải đầu tiên của bóng đá Bồ Đào Nha đỉnh cao kể từ mùa giải 1984-85 mà không có đội nào từ quần đảo Azores hay Madeira tham gia.
Vị trí theo vòng.
Bảng liệt kê vị trí của các đội sau mỗi vòng thi đấu. Để duy trì các diễn biến theo trình tự thời gian, bất kỳ trận đấu bù nào (vì bị hoãn) sẽ không được tính vào vòng đấu mà chúng đã được lên lịch ban đầu, mà sẽ được thêm vào vòng đấu diễn ra ngay sau đó.
"Tính đến ngày 30/12/2023"
"Tính đến ngày 30/12/2023" |
Vòng loại Cúp bóng đá trong nhà châu Á 2024
Vòng loại Cúp bóng đá trong nhà châu Á 2024 là quá trình vòng loại được tổ chức bởi Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) để xác định các đội tuyển tham gia cho Cúp bóng đá trong nhà châu Á 2024, lần thứ 17 của giải Cúp bóng đá trong nhà châu Á nam quốc tế châu Á.
Tổng cộng 16 đội tuyển giành quyền tham dự vòng chung kết, bao gồm cả Thái Lan giành quyền tham dự với tư cách chủ nhà.
Thay đổi định dạng.
Ủy ban điều hành AFC đã thông qua một số khuyến nghị chiến lược do Ủy ban thi đấu AFC đưa ra. Một trong số đó là việc loại bỏ nguyên tắc phân vùng trong các giải đấu bóng đá trong nhà và và bóng đá bãi biển của AFC, theo đó vòng loại của Cúp bóng đá trong nhà châu Á và Cúp bóng đá bãi biển châu Á sẽ không còn chia theo khu vực Đông Nam Á, Đông Á, Tây Á, Nam Á và Trung Á.
31 đội tuyển sẽ tham dự vòng loại. Các đội được xếp theo nhóm hạt giống dựa vào thành tích tại Cúp bóng đá trong nhà châu Á 2022 và các đội không tham dự giải đấu trước sẽ được xếp loại hạt giống thấp nhất. Lễ bốc thăm diễn ra vào ngày 22 tháng 6 tại trụ sở của AFC ở Kuala Lumpur, Malaysia.
Tất cả các trận đấu sẽ diễn ra từ ngày 7 tháng 10 đến 13 tháng 10 năm 2023.
Các đội vượt qua vòng loại.
Các đội sau đủ điều kiện tham dự Cúp bóng đá trong nhà châu Á 2024.
section begin="qual table" /
section end="qual table" / |
Fujii Sōta ( (Đằng Tỉnh Thông Thái), Fujii Sōta , sinh ngày 19 tháng 7, 2002 (Bình Thành thứ 14) tại TP Seto, tỉnh Aichi) là một kỳ thủ shogi chuyên nghiệp đạt cấp độ Cửu đẳng người Nhật Bản. Hiện anh là kỳ thủ shogi số 1 Nhật Bản với việc đang sở hữu tất cả 8 danh hiệu chuyên nghiệp shogi Nhật Bản, bao gồm Long Vương, Danh Nhân, Vương Vị, Duệ Vương, Vương Tọa, Kỳ Vương, Vương Tướng và Kỳ Thánh. Anh là kỳ thủ trẻ tuổi nhất lịch sử trở thành kỳ thủ chuyên nghiệp trực thuộc Liên đoàn Shogi Nhật Bản, và là một trong số 5 kỳ thủ làm được điều này khi vẫn đang là học sinh THCS.
Kể từ khi được thăng lên Tứ đẳng - trở thành kỳ thủ chuyên nghiệp vào năm 2016, Fujii đã phá vỡ nhiều kỷ lục của giới shogi chuyên nghiệp, mở đầu bằng kỷ lục chuỗi 29 ván thắng liên tiếp gây chấn động báo giới. Anh đã đạt được những kỷ lục về kỳ thủ trẻ tuổi nhất: thăng lên Lục - Thất - Bát - Cửu đẳng, giành chức vô địch giải chuyên nghiệp không danh hiệu, khiêu chiến danh hiệu, giành danh hiệu, giành Nhị - Tam - Tứ - Ngũ - Lục - Thất quán, giành danh hiệu Danh Nhân. Sau khi đánh bại Nagase Takuya tại loạt tranh ngôi Vương Toạ Chiến kỳ 71, anh trở thành người đầu tiên trong lịch sử độc chiếm 8 danh hiệu (Bát quán). Anh còn là người đầu tiên trong lịch sử duy trì được tỉ lệ thắng trên 80% trong vòng 6 năm liên tiếp (hiện vẫn đang duy trì), 17 lần giành chiến thắng liên tiếp trong loạt trận tranh danh hiệu (hiện vẫn đang duy trì) và là người đầu tiên trong lịch sử giành được Grand Slam - 4 chức vô địch của 4 giải shogi chuyên nghiệp không danh hiệu lớn nhất trong năm (gồm Cúp NHK, Ngân Hà Chiến, Cúp Nhật báo Asahi mở rộng và Giải vô địch toàn Nhật Bản Cúp JT).
Thành công của Fujii Sōta đã gây ra một cơn sốt shogi chưa từng có trong và ngoài Nhật Bản, và được báo giới nước này gọi là "Cơn sốt Fujii" (藤井フィーバー, "Cơn sốt Fujii" "Fujii Fever").
Tuổi thơ và sự nghiệp shogi.
Fujii sinh ra tại Thành phố Seto, tỉnh Aichi vào ngày 19 tháng 7 năm 2002 (Bình Thành 14), có mẹ là nội trợ và bố là nhân viên công ty nhà ở. Fujii được ông bà ngoại dạy chơi shogi vào năm 5 tuổi. Cậu bé Fujii học chơi shogi rất nhanh và thường chơi với ông ngoại, nhưng ngay mùa thu năm đó, ông ngoại đã không thể đánh thắng cậu. Tháng 12 cùng năm, cậu bắt đầu đi học shogi tại một lớp học ở Seto.
Dù chưa biết đọc biết viết, Fujii đã hiểu và ghi nhớ hết cuốn "Định thức chấp quân" dày 500 trang của Shoshi Kazuharu Thất đẳng mà thầy cậu đưa cho ở lớp học shogi chỉ trong vòng 1 năm, chỉ bằng việc đọc các hình cờ trong sách. Theo lời kể của thầy dạy ở lớp học shogi, lớp này tổ chức 3 buổi học 1 tuần, mỗi buổi 3 tiếng, nhưng khi Fujii tham gia học đã yêu cầu 4 buổi 1 tuần, và lớp học đã sắp xếp thêm buổi học cho cậu. Khi cậu vào lớp 1, cậu đã bắt đầu đánh shogi với cả các học sinh trung học.
Fujii gia nhập Hội Nghiên cứu Shogi Tōkai vào tháng 3 năm 2010 khi đang học lớp 1. Tại đây, cậu lần đầu gặp kỳ thủ Sugimoto Masataka Thất đẳng, người mà sau này sẽ trở thành sư phụ của cậu, và vào năm lớp 3 Takada Akihiro cũng tham gia Hội Nghiên cứu này. Tháng 8 năm 2011, cậu giành chức vô địch hạng mục lớp nhỏ (lớp 1-2-3 Tiểu học) tại giải đấu Tiểu học Vương Tướng Chiến Kurashiki toàn Nhật Bản lần thứ 10. Tháng 10 năm đó, cậu cũng giành chức vô địch hạng mục lớp nhỏ tại Giải vô địch shogi toàn Nhật Bản Cúp JT khu vực Tōkai. Vào tháng 1 năm 2012, Fujii đã đối đầu với Itō Takumi tại Giải vô địch Shogi Tiểu học toàn quốc Cúp Tạp chí học sinh Shogakukan lần thứ 9.
Nhìn lại những ngày tham gia Hội Nghiên cứu, Fujii nói rằng: "Tôi đã được cùng chăm chỉ nghiên cứu với các bạn đồng trang lứa, cũng như thường xuyên được học hỏi từ các kỳ thủ chuyên nghiệp. Tôi đã có nhiều cơ hội ngồi lại phân tích sau các ván đấu - điều khá khó thực hiện được ở các giải đấu, và trưởng thành lên nhiều." Vào tháng 6 năm 2012, khi đang học lớp 4, cậu được thăng lên hạng B1 ở Hội Nghiên cứu, và vào tháng 9 cùng năm cậu gia nhập Trường Đào tạo Kỳ thủ với xếp hạng Lục cấp (6-kyu). Tại thời điểm này, cậu xuất hiện trên chương trình phát thanh địa phương ở Seto "Radio Thank You", phát biểu rằng "Tôi muốn vượt qua cả Danh Nhân".
Trường Đào tạo Kỳ thủ.
Cậu di chuyển đến Trường Đào tạo ở Hội quán Shogi Kansai bằng tàu cao tốc và tham gia hội nghiên cứu tại nhà của kỳ thủ nghiệp dư Inaba Satoshi. Vào năm lớp 6 (2014), Fujii trở thành người trẻ tuổi nhất lịch sử được thăng lên Sơ đẳng (1-dan) và Nhị đẳng (2-dan). Cậu còn giành chức vô địch Cuộc thi giải cờ chiếu hết (tsumeshogi) vào tháng 3 năm 2015, bảo vệ thành công chức vô địch 5 năm liên tiếp từ 2015 đến năm 2019. Sau những buổi học thường kỳ tại Trường Đào tạo, cậu cùng với Takada Akihiro và những học viên khác cùng nhau đấu tập shogi 10 giây hoặc giải cờ chiếu hết, nhưng người ta nói rằng các bài chiếu hết này đều là do Fujii sáng tác ra. Vào ngày 18 tháng 10 năm 2015, Fujii trở thành người trẻ tuổi nhất lịch sử được thăng lên Tam đẳng (3-dan), lúc đó cậu mới 13 tuổi 2 tháng.
Tuy nhiên, Giải Tam đẳng lần thứ 58 - lần thứ 2 của năm 2015 đã bắt đầu 2 tuần trước khi Fujii được thăng lên Tam đẳng, vào ngày 3 tháng 10. Do đó, Fujii đã phải chờ thêm 6 tháng mới được thi đấu tại Giải Tam đẳng. Trong thời gian này, sư phụ của cậu Sugimoto Bát đẳng đã tìm cách liên hệ để cậu có cơ hội được thi đấu cọ xát. Fujii đạt hạng 3 tại Giải vô địch Trường Đào tạo Kỳ thủ Kansai Cúp Nakasone vào tháng 3 năm 2016, và cùng năm đó - vào năm lớp 8, Fujii đã tham gia Giải Tam đẳng lần thứ 59 - lần thứ nhất của năm 2016. Trong thời gian diễn ra Giải Tam đẳng lần này, Fujii nhận lời đề nghị của Chida Shota, bắt đầu nghiên cứu shogi máy tính.
Vào ngày 3 tháng 9 năm 2016, tại vòng cuối cùng của Giải Tam đẳng lần thứ 59, Fujii đã đánh bại Nishiyama Tomoka Tam đẳng và giành vị trí nhất bảng xếp hạng với thành tích 13 thắng - 5 thua. Do đó, vào ngày 1 tháng 10 năm đó, Fujii đã được thăng lên Tứ đẳng (4-dan), qua đó chính thức trở thành kỳ thủ chuyên nghiệp, lúc này Fujii mới 14 tuổi 2 tháng. Với thành tích này, Fujii đã trở thành người trẻ tuổi nhất trong lịch sử trở thành kỳ thủ chuyên nghiệp, phá vỡ kỷ lục được Katō Hifumi thiết lập vào 62 năm trước đó (14 tuổi 7 tháng - vào ngày 1 tháng 8 năm 1954). Qua đó, cậu trở thành người thứ 5 trở thành kỳ thủ chuyên nghiệp lúc đang là học sinh THCS, sau Katō Hifumi, Tanigawa Kōji, Habu Yoshiharu và Watanabe Akira. Cậu cũng trở thành người thứ 6 trở thành kỳ thủ chuyên nghiệp chỉ sau 1 kỳ Giải Tam đẳng, sau Ogura Hisashi, Yashiki Nobuyuki, Kawakami Takeshi, Matsuo Ayumu và Sanmaidō Tatsuya.
Sự nghiệp shogi chuyên nghiệp.
Khởi đầu sự nghiệp bằng kỷ lục 29 ván thắng liên tiếp (tháng 12/2016 - tháng 6/2017).
Ván đấu khởi đầu sự nghiệp kỳ thủ shogi chuyên nghiệp của Fujii Sōta là ván đấu với Katō Hifumi Cửu đẳng tại Vòng Xếp hạng Tổ 6 - Long Vương Chiến kỳ 30 (2016-17), diễn ra vào ngày 24 tháng 12 năm 2016. Chênh lệch độ tuổi giữa hai kỳ thủ là 62 năm 6 tháng, phá vỡ kỷ lục về chênh lệch độ tuổi lớn nhất giữa hai kỳ thủ trong một ván đấu chuyên nghiệp. Fujii đã đánh bại Katō sau 110 nước đi, đồng thời trở thành người trẻ tuổi nhất giành chiến thắng một ván đấu chính thức (14 tuổi 5 tháng).
Vào ngày 4 tháng 4 năm 2017, Fujii đánh bại Kobayashi Hiroshi tại Vòng Sơ loại thứ nhất Vương Tướng Chiến kỳ 67, qua đó phá kỷ lục số trận thắng liên tiếp từ khi ra mắt (11 trận thắng). Tuy nhiên chuỗi thắng của Fujii chưa dừng lại ở đó, và vào ngày 26 tháng 6 cùng năm, cậu đánh bại Masuda Yasuhiro Tứ đẳng - Nhất Tổ 5 tại Vòng Chung kết Long Vương Chiến kỳ 30, qua đó phá vỡ kỷ lục 28 ván thắng liên tiếp trước đó do Kamiya Hiroshi nắm giữ trong gần 30 năm, thiết lập kỷ lục 29 ván thắng liên tiếp mà không để thua một ván nào kể từ khi ra mắt.
Chuỗi thắng kéo dài trong vòng 6 tháng của Fujii kết thúc ở ván đấu tiếp theo tại Vòng 2 Vòng Chung kết Long Vương Chiến kỳ 30 vào ngày 2 tháng 7 năm 2017, khi Fujii để thua trước Sasaki Yūki Ngũ đẳng. Đây cũng là trận thua đầu tiên của Fujii trong sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp. Dẫu vậy, chuỗi thắng kỷ lục của Fujii đã gây chấn động báo giới, và cậu trở nên nổi tiếng đến nỗi tạo ra "Cơn sốt Fujii" khắp nước Nhật. Cái tên này cũng đã được đề cử giải Từ mới và Từ khoá thịnh hành của năm 2017.
Kỳ thủ trẻ tuổi nhất vô địch giải đấu dành cho tất cả kỳ thủ chuyên nghiệp (mùa giải 2017).
Vào ngày 1 tháng 2 năm 2018, tại Vòng 9 - Thuận Vị Chiến kỳ 76 (2017-18) - Hạng C tổ 2, Fujii đánh bại Kajiura Hirotaka Tứ đẳng, qua đó với thành tích 9 trận toàn thắng đã giành ngôi nhất Hạng C tổ 2 sớm 1 vòng đấu và được thăng lên Hạng C tổ 1, cũng như thăng lên Ngũ đẳng (5-dan) vào cùng ngày. Đây cũng là trận thắng thứ 50 của Fujii trong sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp của anh. Sau đó ở vòng 10 vào ngày 15 tháng 3 cùng năm, Fujii cũng đã đánh bại Sanmaidō Tatsuya Tứ đẳng, và như vậy hoàn thành Thuận Vị Chiến kỳ 76 với thành tích 10 trận toàn thắng. Như vậy Fujii đã trở thành kỳ thủ thứ 6 toàn thắng Hạng C tổ 2 trong mùa đầu tiên tham gia, và cũng là kỳ thủ đầu tiên được thăng lên Ngũ đẳng và Hạng C tổ 1 khi vẫn đang học THCS.
Tại Giải vô địch Shogi mở rộng Cúp Nhật báo Asahi lần thứ 11 (2017-18), sau khi vượt qua các vòng sơ loại thứ nhất và thứ hai để đến với Vòng Chung kết, Fujii đã có lần đầu tiên đối đầu và giành chiến thắng trước một kỳ thủ giữ danh hiệu khi gặp Satō Amahiko Danh Nhân ở vòng Tứ kết vào ngày 14 tháng 1 năm 2018. Sau đó vào ngày 17 tháng 2 cùng năm, Fujii đã lần lượt đánh bại Habu Yoshiharu Long Vương (Kỳ Thánh) ở Bán kết và Hirose Akihito Bát đẳng (khi đó đã là kỳ thủ Hạng A Thuận Vị Chiến) ở trận Chung kết để lên ngôi vô địch. Nước thứ 93 trong trận Chung kết ▲M*44 của Fujii được Watanabe Akira nhận xét rằng "Nước đi này sẽ còn được nhắc đến nhiều như nước ▲B*52 của Habu Long Vương lúc ông 18 tuổi." Vào cùng ngày, Fujii đã được thăng lên Lục đẳng (6-dan) do thoả mãn tiêu chí "Vô địch một giải đấu dành cho tất cả kỳ thủ chuyên nghiệp sau khi thăng lên Ngũ đẳng". Như vậy sau giải đấu này, Fujii đã phá vỡ 3 kỷ lục (15 tuổi 6 tháng): kỳ thủ trẻ tuổi nhất vô địch một giải đấu chuyên nghiệp, kỳ thủ trẻ tuổi nhất vô địch một giải đấu dành cho tất cả kỳ thủ chuyên nghiệp, và kỳ thủ trẻ tuổi nhất được thăng lên Lục đẳng. Fujii chỉ giữ cấp độ Ngũ đẳng trong vòng vỏn vẹn 16 ngày, điều này khiến tờ tạp chí "Thế giới Shogi" không thể xuất bản theo kịp với tốc độ thăng cấp của Fujii. Để vinh danh những thành tựu của anh, vào ngày 26 tháng 2, chính quyền tỉnh Aichi đã quyết định trao tặng Fujii "Bằng khen Đặc biệt của Tỉnh Aichi", và sau đó vào ngày 23 tháng 3 thành phố Seto cũng trao tặng cho Fujii giải thưởng "Công dân Danh dự thành phố Seto". Anh cũng là người đầu tiên nhận được giải thưởng này.
Vào ngày 2 tháng 4 năm 2018, Liên đoàn Shogi Nhật Bản công bố danh sách kỳ thủ được vinh danh tại lễ Đại Thưởng lần thứ 45 (mùa giải 2017), và Fujii đã giành được các giải thưởng: "Giải thưởng Đặc biệt", "Tân binh của năm", "Nhiều ván đấu nhất năm" (73 ván), "Nhiều ván thắng nhất năm" (61 ván), "Tỉ lệ thắng cao nhất năm" (.836), "Chuỗi thắng dài nhất năm" (chuỗi 29 ván thắng), và "Giải Đặc biệt cho Ván đấu hay nhất năm" (Chung kết Cúp Nhật báo Asahi lần thứ 11, gặp Hirose Akihito Bát đẳng). Hội đồng thẩm định Đại Thưởng đã có những bất đồng khi phân định xem Fujii hay Habu sẽ được trao giải thưởng "Kỳ thủ xuất sắc nhất năm", và cuối cùng Habu có 9 phiếu trong khi Fujii chỉ có 4 phiếu bầu, như vậy Habu giành được giải thưởng "Kỳ thủ xuất sắc nhất năm" của kỳ Đại Thưởng thứ 45, còn Fujii giành "Giải thưởng Đặc biệt" (hiện nay là giải thưởng "Kỳ thủ Ưu tú"). Như vậy Fujii trở thành người thứ 3 giành được 4 giải thưởng trong cùng 1 năm tại Đại Thưởng, sau Naitō Kunio (mùa giải 1969) và Habu (các mùa giải 1988, 1989, 1992 và 2000).
Vô địch Tân Nhân Vương Chiến, bảo vệ thành công chức vô địch Cúp Asahi (mùa giải 2018).
Vào ngày 18 tháng 5 năm 2018, tại Bán kết Vòng Xếp hạng Tổ 5 - Long Vương Chiến kỳ 31 (2017-18), Fujii đã đánh bại Kōhei Funae Lục đẳng và giành quyền thăng lên Tổ 4, qua đó được thăng lên Thất đẳng (7-dan) do thoả mãn tiêu chí "Thăng tổ lần thứ 2 liên tiếp tại Long Vương Chiến". Qua đó, Fujii đã phá kỷ lục kỳ thủ trẻ tuổi nhất được thăng lên Thất đẳng (15 tuổi 9 tháng). Theo quy định thăng đẳng hiện tại, Fujii là trường hợp đầu tiên (và cho đến nay là duy nhất) được thăng đẳng 3 lần trong một năm.
Vào ngày 17 tháng 10 năm 2018, Fujii đã đánh bại Deguchi Wakamu Tam đẳng tại Ván 2 - Loạt 3 ván Chung kết Tân Nhân Vương Chiến kỳ 49, qua đó đánh bại Deguchi tại loạt trận Chung kết với tỉ số 2-0 và giành chức vô địch Tân Nhân Vương Chiến kỳ 49. Anh phá kỷ lục Tân Nhân Vương trẻ tuổi nhất lịch sử (16 tuổi 2 tháng) sau 31 năm, thành tựu này cùng với việc đây cũng sẽ là lần cuối cùng Fujii thi đấu tại Tân Nhân Vương Chiến do tốc độ thăng đẳng quá nhanh của anh, và việc trận Chung kết này là trận đối đầu với học viên Trường Đào tạo đã trở thành những chủ đề nóng được bàn tán vào thời điểm đó.
Tại Giải vô địch Shogi mở rộng Cúp Nhật báo Asahi lần thứ 12 (2018-19), Fujii được đặc cách vào thẳng Vòng Chung kết do đang là đương kim vô địch giải đấu này. Fujii bảo vệ thành công chức vô địch sau khi đánh bại Namekata Hisashi Bát đẳng ở Bán kết và Watanabe Akira Kỳ Vương ở trận Chung kết vào ngày 16 tháng 2 năm 2019. Như vậy anh đã phá kỷ lục kỳ thủ trẻ tuổi nhất bảo vệ thành công chức vô địch ở một giải đấu chuyên nghiệp (16 tuổi 6 tháng).
Tại Hạng C tổ 1 - Thuận Vị Chiến kỳ 77 (2018-19), Fujii chịu thất bại trước Kondō Seiya Ngũ đẳng vào ngày 5 tháng 2 năm 2019 ở vòng 9 và bước vào vòng 10 với hiệu số 8 thắng - 1 bại. Tại thời điểm đó, Fujii có cùng hiệu số 8-1 với 3 kỳ thủ khác, tuy nhiên có Thuận vị thấp nhất trong số 4 kỳ thủ này và đang ở thế bất lợi khi xét thăng hạng (nếu Fujii thắng và 2 trong số 3 kỳ thủ còn lại thua vòng 10, anh sẽ được thăng hạng). Ở vòng 10 vào ngày 5 tháng 3 cùng năm, Fujii giành chiến thắng trước Tonari Ryūma Ngũ đẳng và hoàn thành Thuận Vị Chiến với thành tích 9-1, tuy nhiên cả 3 kỳ thủ còn lại đang có cùng hiệu số với Fujii (gồm Kondō Seiya Ngũ đẳng, Sugimoto Masataka Thất đẳng và Funae Kōhei Lục đẳng) đều giành chiến thắng ở vòng 10 và có cùng hiệu số 9-1, như vậy Fujii đã không thể thăng lên Hạng B tổ 2 vào năm đó do chênh lệch Thuận vị. Fujii và sư phụ Sugimoto Thất đẳng đã có thể cùng thăng lên Hạng B tổ 2 vào năm đó, nếu thực hiện được sẽ trở thành lần đầu tiên sau 32 năm lại có hai thầy trò cùng được thăng lên 1 hạng cùng lúc, vì vậy sự kiện này đã gây chú ý với báo giới, tuy nhiên sau cùng trong hai thầy trò chỉ có Sugimoto Thất đẳng được thăng hạng.
Ở mùa giải 2018, Fujii lọt vào top 12 kỳ thủ có tiền thưởng cao nhất (20,31 triệu Yên), qua đó lần đầu tiên giành quyền tham dự Giải vô địch Shogi toàn Nhật Bản Cúp JT lần thứ 40 - hạng mục chuyên nghiệp vào mùa giải 2019. Chỉ có 12 kỳ thủ được tham gia hạng mục chuyên nghiệp ở giải đấu này.
Kỳ vọng trở thành kỳ thủ trẻ tuổi nhất giành danh hiệu (mùa giải 2019).
Vào thời gian này, các ván đấu tại các giải danh hiệu của Fujii đặc biệt thu hút sự chú ý của báo giới khi Fujii càng ngày càng tiến gần tới giới hạn thời gian để phá kỷ lục kỳ thủ trẻ tuổi nhất giành danh hiệu.
Tại Vòng Xếp hạng Tổ 4 - Long Vương Chiến kỳ 32 (2018-19), vào ngày 24 tháng 4 năm 2019, Fujii giành chiến thắng trước Takami Taichi Thất đẳng ở Bán kết Tổ 4, qua đó giành quyền thăng lên Tổ 3 - lần thăng tổ thứ 3 liên tiếp từ khi Fujii tham gia Long Vương Chiến lần đầu tiên ở kỳ 30. Vào ngày 31 tháng 5 cùng năm, Fujii giành chiến thắng trận Chung kết Tổ 4 trước Sugai Tatsuya Thất đẳng, trở thành người thứ 3 giành chiến thắng tổ trong 3 kỳ Long Vương Chiến liên tiếp, sau Kimura Kazuki và Nagase Takuya. Sau khi Fujii chịu thất bại trước Toyoshima Masayuki ở Tứ kết tại Vòng Chung kết Long Vương Chiến kỳ 32, Fujii trở thành người trẻ tuổi nhất có khả năng khiêu chiến Vương Tướng, Duệ Vương và Kỳ Thánh kỳ tiếp theo. Tuy nhiên sau đó vào ngày 29 tháng 8, Fujii đã chịu thất bại trước Murayama Yasuaki Thất đẳng tại Vòng 2 Thất đẳng chiến - Duệ Vương Chiến kỳ 5 (2019-20), và đánh mất cơ hội khiêu chiến Duệ Vương.
Fujii lần đầu tiên vào Vòng Xác định Khiêu chiến giả Vương Tướng Chiến ở kỳ 69 (2019-20). Ở vòng 6 - vòng cuối cùng, Fujii với hiệu số 4 thắng - 1 bại đối đầu với Hirose Akihito Bát đẳng cũng đang có cùng hiệu số, và ai giành chiến thắng ván này sẽ giành quyền khiêu chiến Vương Tướng. Ban đầu Fujii có lợi thế, tuy nhiên Fujii đã không nhìn ra chuỗi chiếu hết Vua của mình khi bước vào thời gian "byōyomi" và để thua ván đấu trước Hirose, qua đó không thể giành quyền khiêu chiến danh hiệu lần đầu tiên. Ván đấu với Hirose được kỳ vọng là ván đấu Fujii sẽ phá kỷ lục khiêu chiến giả danh hiệu trẻ tuổi nhất lịch sử, vì vậy ván đấu thu hút rất nhiều chú ý từ giới truyền thông, tới nỗi trước ván đấu đã có tới hơn 50 phóng viên từ các báo đến đưa tin về ván đấu, đống tới mức các nhóm phóng viên phải liên tục thay nhau chụp ảnh đưa tin ván đấu này.
Tại Hạng C tổ 1 - Thuận Vị Chiến kỳ 78 (2019-20), Fujii toàn thắng 8 trận liên tiếp từ đầu mùa, sau đó vào ngày 4 tháng 2 năm 2020, Fujii đánh bại Takano Hideyuki Lục đẳng, qua đó nâng thành tích lên 9 trận toàn thắng, lọt vào top 2 và được thăng lên Hạng B tổ 2 sớm 1 vòng đấu.
Kỳ thủ trẻ tuổi nhất khiêu chiến danh hiệu, giành danh hiệu và giành Nhị quán (mùa giải 2020).
Fujii đứng trước nguy cơ không thể phá vỡ kỷ lục kỳ thủ trẻ tuổi nhất khiêu chiến danh hiệu khi cơ hội cuối cùng của anh ở Vòng Chung kết Kỳ Thánh Chiến kỳ 91 (2019-20) đã bị hoãn lại do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên sau đó tình trạng khẩn cấp ở Nhật Bản đã được nới lỏng và Fujii đã được xếp lại lịch thi đấu để có thể phá vỡ kỷ lục. Vào ngày 4 tháng 6 năm 2020, Fujii đã đánh bại Nagase Takuya Vương Tọa ở Trận Xác định Khiêu chiến giả, chính thức thành công phá kỷ lục kỳ thủ trẻ tuổi nhất khiêu chiến danh hiệu (17 tuổi 10 tháng 20 ngày). Đây cũng là lần đầu tiên Fujii khiêu chiến một danh hiệu chuyên nghiệp. Trong loạt tranh ngôi Kỳ Thánh (5 ván) đối đầu với Watanabe Akira Đương kim Kỳ Thánh bắt đầu vào ngày 8 tháng 6, Fujii giành chiến thắng 2 ván đầu tiên, để thua ván 3 và cuối cùng sau khi giành chiến thắng ván 4 vào ngày 16 tháng 7 và kết thúc loạt trận với tỉ số chung cuộc 3-1, Fujii đã thành công đoạt danh hiệu Kỳ Thánh, qua đó chính thức trở thành kỳ thủ trẻ tuổi nhất giành danh hiệu (17 tuổi 11 tháng). Thành tích này đã thu hút rất nhiều sự chú ý của truyền thông khi có nhiều đài truyền hình đưa tin về sự kiện, cũng như các phụ bản báo được xuất bản để chúc mừng cho kỳ tích của Fujii. Với thành tích to lớn này, Fujii đã lần đầu tiên giành được giải thưởng "Kỳ thủ xuất sắc nhất năm" tại lễ Đại Thưởng lần thứ 48 (mùa giải 2020).
Sau đó tại Vương Vị Chiến kỳ 61 (2019-20), Fujii lại một lần nữa đánh bại Nagase Vương Tọa tại Trận Xác định Khiêu chiến giả, lần thứ hai khiêu chiến danh hiệu. Đối đầu với đương kim Vương Vị Kimura Kazuki trong loạt tranh ngôi 7 ván, Fujii đã giành chiến thắng 4 ván không gỡ với tỉ số chung cuộc 4-0 để giành danh hiệu Vương Vị. Như vậy Fujii đã trở thành kỳ thủ trẻ tuổi nhất lịch sử (18 tuổi 1 tháng) giành danh hiệu Vương Vị, giành Nhị quán (giữ 2 danh hiệu cùng lúc) và được thăng lên Bát đẳng (8-dan) (thỏa mãn tiêu chí "Giành 2 kỳ danh hiệu").ref name="2-crown/8d"/ref
Tại Long Vương Chiến kỳ 33 (2019-20), Fujii đã đánh bại Chida Shōta Thất đẳng ở trận Bán kết Vòng Xếp hạng Tổ 3 vào ngày 3 tháng 4 năm 2020, qua đó giành quyền thăng lên Tổ 2 vào kỳ 34. Sau đó vào ngày 20 tháng 6, Fujii đánh bại chính sư phụ của mình là Sugimoto Masataka Bát đẳng ở trận Chung kết Tổ 3 và giành chiến thắng Tổ 3. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử Long Vương Chiến một kỳ thủ giành chiến thắng tổ của mình trong vòng 4 kỳ liên tiếp. Sau đó ở kỳ 34 tại trận Chung kết Tổ 2, Fujii lại một lần nữa giành chiến thắng, lần này là trước Matsuo Ayumu Bát đẳng để giành ngôi Nhất Tổ 2, thăng lên Tổ 1 và tiến vào Vòng Chung kết. Đây là lần thứ 5 một kỳ thủ được thăng lên Tổ 1 Long Vương Chiến trong thời gian ngắn nhất có thể - 5 kỳ Long Vương Chiến.
Tại Ngân Hà Chiến kỳ 28 (2019-20), tại trận Chung kết được phát sóng vào ngày 12 tháng 12 (thi đấu trước đó vào ngày 15 tháng 10), Fujii đã đánh bại Itodani Tetsurō Bát đẳng để lần đầu tiên lên ngôi vô địch giải đấu này sau 3 kỳ tham gia. Anh cũng phá vỡ kỷ lục kỳ thủ trẻ tuổi nhất vô địch giải đấu này.
Tại Giải vô địch Shogi mở rộng Cúp Nhật báo Asahi lần thứ 14, Fujii giành chiến thắng trước Toyoshima Masayuki Long Vương ở Tứ kết vào ngày 17 tháng 1 năm 2021, đánh dấu lần đầu tiên Fujii giành chiến thắng trước Toyoshima sau 7 lần đối đầu. Sau đó Fujii tiếp tục lần lượt đánh bại Watanabe Akira Danh Nhân ở Bán kết và Miura Hiroyuki Cửu đẳng ở Chung kết vào cùng ngày 11 tháng 2 để lần thứ 3 lên ngôi vô địch Cúp Asahi mở rộng.
Tại Thuận Vị Chiến kỳ 79 (2020-21) - Hạng B tổ 2, một lần nữa Fujii giành 8 trận toàn thắng từ đầu mùa giải, và vào ngày 9 tháng 2 năm 2021, Fujii đánh bại Kubota Yoshiyuki Thất đẳng tại vòng 10 để nâng thành tích lên 9 trận toàn thắng, qua đó lọt vào top 3 Hạng B tổ 2 và giành quyền thăng lên Hạng B tổ 1 sớm 1 vòng đấu. Sau đó vào ngày 10 tháng 3, Fujii tiếp tục đánh bại Nakamura Taichi Thất đẳng ở vòng 11 và hoàn thành Thuận Vị Chiến với kết quả toàn thắng 10-0. Với thành tích này, Fujii trở thành kỳ thủ thứ hai trong lịch sử giành kết quả toàn thắng tại hai kỳ Thuận Vị Chiến liên tiếp, cũng như là kỳ thủ đầu tiên trong lịch sử đạt tỉ lệ thắng trên .800 trong 4 mùa giải và trong 4 mùa giải liên tiếp.
Giành Long Vương và vươn lên vị trí số 1 - "Thời đại Fujii" đến gần - Đoạt Ngũ quán (mùa giải 2021).
Trong lần đầu tiên phòng thủ danh hiệu ở loạt tranh ngôi 5 ván Kỳ Thánh Chiến kỳ 92 (2020-21), Fujii đã đánh bại khiêu chiến giả Watanabe Akira Danh Nhân 3 ván không gỡ, qua đó thành công bảo vệ danh hiệu Kỳ Thánh và trở thành kỳ thủ trẻ tuổi nhất bảo vệ thành công danh hiệu. Với thành tích này, Fujii cũng đã đủ điều kiện được thăng lên Cửu đẳng (9-dan) (thỏa mãn tiêu chí "Giành 3 kỳ danh hiệu"), qua đó trở thành kỳ thủ trẻ tuổi nhất được thăng lên Cửu đẳng (18 tuổi 11 tháng) sau khi chiến thắng ván 3 vào ngày 3 tháng 7 năm 2021. Sau đó tại loạt tranh ngôi 7 ván Vương Vị Chiến kỳ 62 (2020-21), mặc dù để thua ở ván 1, Fujii cũng đã xuất sắc bảo vệ thành công danh hiệu Vương Vị trước khiêu chiến giả Toyoshima Masayuki Long Vương sau khi giành chiến thắng liên tiếp 4 ván còn lại với tỉ số chung cuộc 4-1. Sau ván 5 vào hai ngày 24-25 tháng 8, Fujii cũng trở thành kỳ thủ trẻ tuổi nhất bảo vệ thành công danh hiệu Vương Vị khi anh 19 tuổi 1 tháng.
Tại Duệ Vương Chiến kỳ 6 (2020-21), Fujii chiến thắng Bát đẳng chiến và lần lượt đánh bại Nagase Takuya Vương Tọa và Saitō Shintarō Bát đẳng tại Vòng Chung kết để khiêu chiến Duệ Vương Toyoshima Masayuki. Loạt tranh ngôi 5 ván Duệ Vương kỳ 6 diễn ra cùng lúc với hai loạt tranh ngôi Kỳ Thánh và Vương Vị - hai danh hiệu Fujii cùng đang bảo vệ, như vậy đây là lần đầu tiên lại có một kỳ thủ xuất hiện tại 3 loạt tranh ngôi đang diễn ra cùng lúc kể từ khi Nakahara Makoto thi đấu cùng lúc tại ba loạt tranh ngôi Thập Đẳng, Kỳ Thánh và Vương Tướng vào hai năm 1977-78. Chung cuộc, Fujii sau khi giành chiến thắng ván 5 trước Toyoshima vào ngày 13 tháng 9 năm 2021 đã thành công đoạt danh hiệu Duệ Vương với tỉ số chung cuộc 3-2. Như vậy Fujii trở thành kỳ thủ trẻ tuổi nhất giành được Tam quán (giữ 3 danh hiệu cùng lúc) khi anh 19 tuổi 1 tháng.
Tại Long Vương Chiến kỳ 34 (2020-21), Fujii đã đánh bại Yashiro Wataru Thất đẳng ở trận Chung kết Vòng Xếp hạng Tổ 2 vào ngày 16 tháng 4 năm 2021 và trở thành kỳ thủ đầu tiên trong lịch sử giành ngôi Nhất tổ ở 5 kỳ Long Vương Chiến liên tiếp. Sau đó ở Vòng Chung kết, Fujii đã lần lượt đánh bại Yamasaki Takayuki Bát đẳng và Yashiro Thất đẳng để tiến vào Loạt 3 ván Xác định Khiêu chiến giả đối đầu với Nagase Takuya Vương Tọa. Fujii đã giành chiến thắng loạt trận với tỉ số 2-0 sau khi thắng ván 1 vào ngày 12 tháng 8 và ván 2 vào ngày 30 tháng 8 để giành quyền khiêu chiến Long Vương Toyoshima Masayuki. Sau đó ở loạt trận tranh ngôi, Fujii lần thứ ba giành chiến thắng trước Toyoshima trong một trận tranh ngôi, và sau khi thắng ván 4 vào các ngày 12-13 tháng 11, Fujii kết thúc loạt trận với tỉ số tuyệt đối 4-0, chính thức giành danh hiệu Long Vương và trở thành kỳ thủ số 1 Nhật Bản, qua đó cũng trở thành kỳ thủ trẻ tuổi nhất giành Tứ quán (giữ 4 danh hiệu cùng lúc). Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử một kỳ thủ đạt thành tích toàn thắng ở Vòng Xếp hạng giành được danh hiệu Long Vương. Với những kỳ tích này, Fujii trở thành mối quan tâm hàng đầu của truyền thông cả nước, một số người bắt đầu gọi đây là "Thời đại Fujii".
Tại Vương Tướng Chiến kỳ 71 (2021-22), Fujii phải tham gia từ Vòng Sơ loại thứ hai do bị giáng khỏi Vòng Xác định Khiêu chiến giả ở kỳ 70, tuy nhiên Fujii đã vượt qua Sơ loại và quay trở lại Vòng Xác định Khiêu chiến giả kỳ 71. Sau ván thắng trước Kondō Seiya Thất đẳng ở vòng 5, Fujii đứng đầu bảng với thành tích 5 trận toàn thắng và giành quyền khiêu chiến Watanabe Akira Vương Tướng. Đối đầu với Watanabe trong loạt tranh ngôi 7 ván, Fujii một lần nữa xuất sắc giành chiến thắng chung cuộc với tỉ số 4-0 sau khi chiến thắng ván 4 vào hai ngày 11-12 tháng 2 năm 2022, thành công đoạt danh hiệu Vương Tướng và trở thành kỳ thủ trẻ tuổi nhất lịch sử giành Ngũ quán (giữ 5 danh hiệu cùng lúc). Cho tới nay mới chỉ có 4 người đã từng giành được Ngũ quán.
Vào ngày 9 tháng 3 năm 2022, tại Vòng 13 - Thuận Vị Chiến kỳ 80 - Hạng B tổ 1, Fujii đã giành chiến thắng trước Sasaki Yūki Thất đẳng, hoàn thành Thuận Vị Chiến với thành tích 10 thắng 2 bại và giành quyền thăng lên Hạng A. Anh cũng đã tự phá kỷ lục của bản thân khi giữ tỉ lệ thắng trên .800 trong vòng 5 mùa giải và trong vòng 5 mùa giải liên tiếp.
Đoạt Lục quán, Grand Slam các giải không danh hiệu, đoạt nhiều chức vô địch nhất năm trong các giải đấu chính thức (mùa giải 2022).
Tại loạt 5 ván tranh ngôi Duệ Vương Chiến kỳ 7 (2021-22), Fujii phòng thủ danh hiệu trước khiêu chiến giả là Deguchi Wakamu Lục đẳng. Đây là lần đầu tiên Fujii đối đầu với một kỳ thủ hậu bối trong một trận tranh ngôi. Fujii dễ dàng giành chiến thắng với tỉ số 3-0 sau khi chiến thắng ván 3 vào ngày 24 tháng 5 năm 2022, trở thành người đầu tiên bảo vệ thành công danh hiệu Duệ Vương.
Tại loạt 5 ván tranh ngôi Kỳ Thánh Chiến kỳ 93 (2021-22) đối đầu với khiêu chiến giả Nagase Takuya Vương Toạ, Fujii giành chiến thắng với tỉ số 3-1 sau khi chiến thắng ván 4 vào ngày 17 tháng 7, bảo vệ thành công danh hiệu Kỳ Thánh (3 kỳ liên tiếp). Sau đó tại loạt 7 ván tranh ngôi Vương Vị Chiến kỳ 63 (2021-22) đối đầu với khiêu chiến giả Toyoshima Masayuki Cửu đẳng, Fujii sau khi chiến thắng ván 5 vào các ngày 5-6 tháng 9 đã bảo vệ thành công danh hiệu Vương Vị (3 kỳ liên tiếp) với tỉ số chung cuộc 4-1.
Tại loạt 7 ván tranh ngôi Long Vương Chiến kỳ 35 (2021-22) bắt đầu từ ngày 7 tháng 10, Fujii đối đầu với khiêu chiến giả Hirose Akihito Bát đẳng. Fujii để thua ván 1 và ván 5, nhưng xuất sắc giành chiến thắng ván 6 vào các ngày 2-3 tháng 12 để giành chiến thắng loạt trận với tỉ số chung cuộc 4-2, qua đó trở thành kỳ thủ trẻ tuổi nhất bảo vệ thành công danh hiệu Long Vương.
Tại loạt 7 ván tranh ngôi Vương Tướng Chiến kỳ 72 (2022-23), Fujii đối đầu với khiêu chiến giả là huyền thoại Habu Yoshiharu Cửu đẳng. Cuộc đối đầu giữa hai ngôi sao của giới shogi thu hút rất nhiều sự chú ý của báo giới. Mặc dù để thua ván 2 và ván 4, Fujii đã giành chiến thắng ván 6 vào các ngày 12-13 tháng 3 năm 2023 để giành chiến thắng chung cuộc với tỉ số 4-2 và trở thành kỳ thủ trẻ tuổi nhất bảo vệ thành công danh hiệu Vương Tướng.
Vào ngày 2 tháng 3 năm 2023, tại Vòng 9 - Thuận Vị Chiến kỳ 81 - Hạng A, Fujii đã giành chiến thắng trước Inaba Akira Bát đẳng, hoàn thành Thuận Vị Chiến với thành tích 7 thắng 2 bại cùng với Hirose Akihito Bát đẳng. Theo thể thức của Thuận Vị Chiến, Fujii và Hirose sẽ thi đấu thêm một trận Playoff Xác định Khiêu chiến giả vào ngày 8 tháng 3. Fujii giành chiến thắng ván đấu này và giành quyền khiêu chiến Danh Nhân.
Tại Vòng Xác định Khiêu chiến giả Kỳ Vương Chiến kỳ 48, Fujii sau khi để thua Satō Amahiko Cửu đẳng ở Bán kết nhánh thắng đã lần lượt đánh bại Itō Takumi Ngũ đẳng và Habu Yoshiharu Cửu đẳng để gặp lại Satō ở Chung kết tổng. Fujii đã xuất sắc giành chiến thắng cả 2 ván để giành quyền khiêu chiến Đương kim Kỳ Vương Watanabe Akira. Fujii giành chiến thắng loạt tranh ngôi 5 ván với tổng tỉ số 3-1 sau khi chiến thắng ván 4 vào ngày 19 tháng 3 năm 2023, thành công đoạt danh hiệu Kỳ Vương lần đầu tiên. Như vậy Fujii khi 20 tuổi 8 tháng đã trở thành kỳ thủ trẻ tuổi nhất lịch sử giành Lục quán (giữ 6 danh hiệu cùng lúc), và mới chỉ là người thứ 2 đạt được thành tích này sau Habu Yoshiharu Cửu đẳng, đồng thời trở thành kỳ thủ giành nhiều chức vô địch các giải shogi chuyên nghiệp nhất trong cùng 1 năm với 10 chức vô địch. Đây cũng là trận đấu cuối cùng của Fujii trong mùa giải 2022, và Fujii đã đạt tỉ lệ thắng trên .800 ở mùa giải thứ 6 liên tiếp từ khi bắt đầu sự nghiệp.
Trong mùa giải 2022, Fujii giành chức vô địch 6 trong số 7 giải danh hiệu có anh tham gia trận tranh ngôi (trừ Danh Nhân sẽ khiêu chiến ở mùa giải 2023), chỉ chịu thất bại ở Vòng Chung kết Vương Toạ Chiến kỳ 70. Fujii cũng đã giành được cú Grand Slam các giải shogi chuyên nghiệp không danh hiệu (sẽ trình bày cụ thể dưới đây). Nhà báo Shogi Matsumoto Hirofumi gọi đây là "mùa giải gần như toàn bích".
Grand Slam các giải shogi chuyên nghiệp không danh hiệu.
Tại buổi họp báo sau Lễ Tựu vị Vương Tướng kỳ 71 vào tháng 4 năm 2022, Fujii phát biểu: "Tôi đã không đạt được kết quả như ý ở các giải cờ nhanh, bởi vậy tôi mong muốn khắc phục điều đó". Trước đó ở mùa giải 2021, Fujii đã không thể giành chức vô địch ở các giải không danh hiệu mặc dù giành được tới 5 danh hiệu.
Tại Giải vô địch Shogi toàn Nhật Bản Cúp JT lần thứ 43 (2022), lần đầu tiên Fujii đã giành chức vô địch giải đấu này sau khi lần lượt đánh bại Habu Yoshiharu Cửu đẳng, Inaba Akira Bát đẳng và Saitō Shintarō Bát đẳng. Anh cũng phá kỷ lục kỳ thủ trẻ tuổi nhất giành chức vô địch Cúp JT, và trở thành người đầu tiên vô địch ở cả hạng mục dành cho thiếu niên và hạng mục dành cho kỳ thủ chuyên nghiệp.
Tại Ngân Hà Chiến kỳ 30 (2022), Fujii đã đánh bại Takami Taichi Thất đẳng ở Vòng loại, sau đó lần lượt đánh bại Nakamura Osamu Cửu đẳng, Nagase Takuya Vương Toạ và Toyoshima Masayuki Cửu đẳng ở Vòng Chung kết để gặp lại Takami Thất đẳng ở trận Chung kết. Fujii đã giành chiến thắng chung cuộc và lần thứ hai giành chức vô địch Ngân Hà Chiến sau 2 năm.
Tại Giải vô địch Shogi mở rộng Cúp Nhật báo Asahi lần thứ 16 (2022-23), Fujii đánh bại Akutsu Chikara Bát đẳng ở Vòng 1 và Masuda Yasuhiro ở Vòng 2 để tiến vào Bán kết. Vào ngày 23 tháng 2 năm 2023, Fujii lần lượt đánh bại Toyoshima Masayuki Cửu đẳng ở Bán kết và Watanabe Akira Danh Nhân ở Chung kết để giành chức vô địch Cúp Asahi mở rộng lần thứ 4.
Tại Giải vô địch Shogi trên truyền hình Cúp NHK lần thứ 72 (2022-23), ở trận Chung kết phát sóng vào ngày 19 tháng 3 năm 2023, Fujii đã giành chiến thắng trước Sasaki Yūki Thất đẳng và lần đầu tiên giành chức vô địch Cúp NHK. Với thành tích này, Fujii trở thành kỳ thủ đầu tiên trong lịch sử đạt Grand Slam - vô địch tất cả các giải đấu chuyên nghiệp không danh hiệu trong cùng 1 năm.
Đạt Thất quán - Danh Nhân trẻ tuổi nhất lịch sử - Người đầu tiên trong lịch sử độc chiếm Bát quán (mùa giải 2023).
Mùa giải 2023 của Fujii bắt đầu bằng 2 loạt trận tranh ngôi cùng lúc: Loạt 7 ván tranh ngôi Danh Nhân Chiến kỳ 81 (2022-23) mà Fujii đã giành quyền khiêu chiến vào mùa giải 2022, và loạt 5 ván tranh ngôi Duệ Vương Chiến kỳ 8 (2022-23) khi Fujii phòng thủ danh hiệu. Trong cả hai loạt trận, Fujii đã để thua 1 ván, nhưng cuối cùng anh đã đánh bại khiêu chiến giả Sugai Tatsuya Bát đẳng với tỉ số 3-1 sau ván 4 vào ngày 28 tháng 5 năm 2023 để bảo vệ thành công danh hiệu Duệ Vương (3 kỳ liên tiếp). Ván 4 giữa Fujii và Sugai đã hoà cờ do lặp nước tới tận 2 lần và phải đến ván đánh lại thứ 2 (tức là ván đấu thứ 3 của ngày hôm đó) mới có thể phân định được thắng thua. Sau đó tại loạt tranh ngôi Danh Nhân Chiến kỳ 81, Fujii đã đánh bại đương kim Danh Nhân Watanabe Akira ở ván 5 vào các ngày 31 tháng 5 - 1 tháng 6 để giành chiến thắng chung cuộc với tỉ số 4-1, trở thành Danh Nhân trẻ tuổi nhất lịch sử (20 tuổi 10 tháng), lần đầu đoạt danh hiệu Danh Nhân trong sự nghiệp cũng như trở thành kỳ thủ thứ 5 cùng lúc giữ hai danh hiệu Long Vương và Danh Nhân. Anh cũng trở thành kỳ thủ thứ 2 trong lịch sử đoạt Thất quán (giữ 7 danh hiệu cùng lúc) sau khi huyền thoại Habu Yoshiharu đạt được thành tích này vào năm 1995.
Tại loạt 5 ván tranh ngôi Kỳ Thánh Chiến kỳ 94 (2022-23), anh đối đầu với khiêu chiến giả Sasaki Daichi Thất đẳng và giành chiến thắng chung cuộc 3-1 sau ván 4 vào ngày 18 tháng 7, qua đó bảo vệ thành công danh hiệu Kỳ Thánh (4 kỳ liên tiếp). Với thành tích này, anh đã giành chiến thắng 16 loạt tranh ngôi liên tiếp mà anh từng tham gia, cũng như đứng trước cơ hội đạt được danh dự Vĩnh thế Kỳ Thánh - danh dự Vĩnh thế đầu tiên trong sự nghiệp của Fujii.
Tại loạt 7 ván tranh ngôi Vương Vị Chiến kỳ 64 (2022-23), một lần nữa anh đối đầu với Sasaki Daichi Thất đẳng và giành chiến thắng chung cuộc với tỉ số 4-1 sau ván 5 vào ngày 23 tháng 8, qua đó bảo vệ thành công danh hiệu Vương Vị (4 kỳ liên tiếp). Đây là chiến thắng thứ 17 liên tiếp trong các trận tranh ngôi mà Fujii đã từng tham gia, đồng thời anh cũng đứng trước cơ hội giành được danh dự Vĩnh thế Vương Vị.
Trong các giải đấu danh hiệu, chỉ có Vương Toạ Chiến là Fujii chưa từng vào được trận Xác định Khiêu chiến giả chứ chưa nói đến việc khiêu chiến danh hiệu, tuy nhiên tại Vương Toạ Chiến kỳ 71 (2022-23), Fujii đã tiến tới trận Xác định Khiêu chiến giả để đối đầu với Toyoshima Cửu đẳng, và sau cùng đánh bại Toyoshima để giành quyền khiêu chiến Nagase Takuya Vương Toạ - cũng là cơ hội để lần đầu tiên trong lịch sử độc chiếm Bát quán. Fujii đã để thua ván 1, nhưng giành chiến thắng các ván 2 và 3, và vào ngày 11 tháng 10, giành chiến thắng ván 4 để đoạt danh hiệu Vương Toạ và trở thành người đầu tiên trong lịch sử độc chiếm Bát quán (giữ cùng lúc toàn bộ 8 danh hiệu). Với kỳ tích này, Fujii sẽ được trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Nhật Bản.
Tại Long Vương Chiến kỳ 36 (2022-23), Fujii sẽ phòng thủ danh hiệu trước khiêu chiến giả là Itō Takumi Thất đẳng. Đây là lần đầu tiên Fujii đối đầu với một kỳ thủ trẻ tuổi hơn mình trong một trận tranh ngôi. Tại thời điểm loạt tranh ngôi Long Vương Chiến kỳ 36 bắt đầu, tổng số tuổi của hai kỳ thủ Fujii và Itō sẽ là 41 - tổng số tuổi nhỏ nhất của một trận tranh ngôi trong lịch sử. Hơn nữa, do hai kỳ thủ cùng sinh năm 2002, đây sẽ là loạt trận tranh ngôi đầu tiên trong lịch sử có cả hai kỳ thủ cùng sinh vào thế kỳ 21. Fujii đã đánh bại Itō với tỉ số tuyệt đối 4-0 sau chiến thắng ở ván 4 vào ngày 11 tháng 11 năm 2023, qua đó bảo vệ thành công danh hiệu Long Vương (3 kỳ liên tiếp).
Thành tích tại các giải đấu không chính thức.
Loạt 7 ván quyết chiến của Fujii Sōta Tứ đẳng - Câu chuyện của Thế hệ mới.
Fujii đã tham gia loạt trận đấu không chính thức "Loạt 7 ván quyết chiến của Fujii Sōta Tứ đẳng - Câu chuyện của Thế hệ mới" (藤井聡太四段 炎の七番勝負 - New Generation Story -) được phát sóng trên Kênh Shogi của Abema TV vào tháng 3 - tháng 4 năm 2017, đối đầu với những cái tên nổi danh trong làng shogi Nhật Bản tại thời điểm đó, gồm có: Masuda Yasuhiro Tứ đẳng (Tân Nhân Vương kỳ 47 - 2016), Nagase Takuya Lục đẳng (Khiêu chiến giả Kỳ Thánh Chiến kỳ 87 - 2016), Saitō Shintarō Thất đẳng (Tỉ lệ thắng cao nhất mùa giải 2016), Nakamura Taichi Lục đẳng (Khiêu chiến giả Kỳ Thánh Chiến kỳ 83 - 2012, Khiêu chiến giả Vương Tọa Chiến kỳ 61 - 2013), Fukaura Kōichi Cửu đẳng (Hạng A Thuận Vị Chiến), Satō Yasumitsu Cửu đẳng (Hạng A Thuận Vị Chiến, Chủ tịch Liên đoàn) và Habu Yoshiharu Tam quán (Hạng A Thuận Vị Chiến). Phóng viên Tsue Shōji của Thông tấn xã Kyōdō khi biết về chương trình này đã rất bất ngờ bởi các đối thủ của Fujii tại thời điểm đó đều là các kỳ thủ rất mạnh - từ những kỳ thủ trẻ xuất sắc đến các kỳ thủ hàng đầu, và cho rằng chương trình này quá mạo hiểm khi để một kỳ thủ chuyên nghiệp mới như Fujii làm nhân vật chính. Ông dự đoán rằng Fujii cùng lắm chỉ có thể thắng được 2 ván, và nếu thua cả 7 ván thì cũng không lấy gì làm bất ngờ. Tuy nhiên, Fujii đã giành chiến thắng 6 trên 7 ván đấu trong loạt trận này, chỉ để thua 1 ván đối đầu với Nagase. Đặc biệt, ván Fujii giành chiến thắng trước Habu phát sóng ngày 23 tháng 4 (ghi hình ngày 18 tháng 2), mặc dù là ván đấu không chính thức nhưng đã thu hút rất nhiều báo chí đưa tin bên cạnh đơn vị truyền thông chính thức của loạt trận này là Abema TV. Habu đã so sánh Fujii với chính bản thân ông khi ông trở thành kỳ thủ chuyên nghiệp lúc còn là học sinh trung học, nhận xét rằng: "Tôi nghĩ rằng hiện tại Fujii đã khá trưởng thành, nói đúng hơn là có lối chơi rất chắc chắn, khác với tôi lúc mới lên chuyên nghiệp".
Tại ABEMA Tournament lần thứ nhất (2018), Fujii giành chiến thắng trong loạt 3 ván Chung kết (phát sóng trên Kênh Shogi của Abema TV vào ngày 9 tháng 9) với tỉ số 2-1 trước Sasaki Yūki Lục đẳng và giành chức vô địch. Vào năm sau đó (2019) tại ABEMA Tournament lần thứ 2, Fujii tiếp tục giành chức vô địch sau khi giành chiến thắng loạt 3 ván Chung kết trước Itodani Tetsurō Bát đẳng (phát sóng ngày 21 tháng 7).
ABEMA Tournament lần thứ 3 (2020) thay đổi thể thức thành giải đồng đội với mỗi đội 3 thành viên. Ở giải này, Fujii là thành viên của Đội Nagase cùng Nagase Takuya Vương Toạ và Masuda Yasuhiro Lục đẳng. Fujii cùng các đồng đội đã lọt vào trận chung kết và đánh bại Đội Watanabe (gồm Watanabe Akira Danh Nhân, Kondō Seiya Thất đẳng và Ishii Kentarō Lục đẳng) sau khi thắng 5 ván liên tiếp để giành chức vô địch vào ngày 22 tháng 8 năm 2020. Như vậy cá nhân Fujii đã giành chức vô địch giải đấu này 3 năm liên tiếp.
Tại ABEMA Tournament lần thứ 4 (2021), Fujii trở thành đội trưởng và dẫn dắt những người đồng đội là Itō Takumi Tứ đẳng và Takami Taichi Thất đẳng. Trong trận chung kết diễn ra vào ngày 18 tháng 9 năm 2021 đối đầu với Đội Kimura (gồm Kimura Kazuki Cửu đẳng, Sasaki Yūki Thất đẳng và Ikenaga Takashi Ngũ đẳng), Đội Fujii đã giành chiến thắng với tỉ số 5-3 và giành chức vô địch. Cá nhân Fujii cũng có 3 ván thắng liên tiếp trong loạt trận này. Như vậy cá nhân Fujii cũng đã giành chức vô địch giải đấu này 4 năm liên tiếp.
Tại ABEMA Tournament lần thứ 5 (2022), bên cạnh Fujii, Đội Fujii có sự góp mặt của Moriuchi Toshiyuki Cửu đẳng và Fujii Takeshi Cửu đẳng. Đội Fujii chịu thất bại trước Đội Watanabe (gồm Watanabe Akira Danh Nhân, Kondō Seiya Thất đẳng và Watanabe Kazushi Lục đẳng) và Đội Tân binh (gồm Orita Shōgo Tứ đẳng, Tomita Seiya Tứ đẳng và Kuroda Takayuki Ngũ đẳng), qua đó lần đầu tiên không vượt qua vòng bảng cũng như cá nhân Fujii không thể giành chức vô địch lần thứ 5 liên tiếp.
Tại ABEMA Tournament lần thứ 6 (2023), Fujii một lần nữa dẫn dắt Đội Fujii gồm Sawada Shingo Thất đẳng và Saitō Yūya Tứ đẳng. Đội Fujii vượt qua Vòng bảng với thành tích toàn thắng 2-0 và tiến vào Vòng Chung kết, tuy nhiên đã phải chịu thất bại trước Đội Inaba (gồm Inaba Akira Bát đẳng, Deguchi Wakamu Lục đẳng và Hattori Shin'ichirō Lục đẳng) tại Bán kết với tỉ số 4-5 sát nút sau cuộc lội ngược dòng ngoạn mục của Đội Inaba. Như vậy một lần nữa Fujii lỡ hẹn với chức vô địch ABEMA Tournament.
Tân Ngân Hà Chiến.
Tại Tân Ngân Hà Chiến kỳ 1 (2022), trong loạt 3 ván Chung kết đối đầu với Kubo Toshiaki Cửu đẳng phát sóng vào ngày 27 tháng 12 năm 2022, Fujii đã giành chiến thắng 2-0 để giành chức vô địch.
Cờ chiếu hết (tsumeshogi).
Giải cờ chiếu hết.
Fujii cũng đã gây dấu ấn ở các cuộc thi giải cờ chiếu hết từ lúc nhỏ. Lần đầu tiên Fujii tham gia cuộc thi giải cờ chiếu hết là tại Cuộc thi giải Cờ chiếu hết lần thứ 8 (bảng Osaka) vào năm 2011. Tham gia cuộc thi này có cả các kỳ thủ chuyên nghiệp và các học viên Trường Đào tạo, và các đề chiếu hết này khó đến mức các kỳ thủ chuyên nghiệp trẻ cũng không dễ gì giải được. Ở cuộc thi này, Fujii đã đạt hạng 13 trong số 23 thí sinh tham gia. Ở lần thứ 5 tham gia của Fujii tại Cuộc thi giải Cờ chiếu hết lần thứ 12 (lúc Fujii mới 12 tuổi, học lớp 6), Fujii trở thành thí sinh nhỏ tuổi nhất giành chức vô địch khi giải đúng tất cả các đề chiếu hết.
Đây là chức vô địch gây bất ngờ và chấn động báo giới, bởi lúc đó Fujii vẫn đang là học sinh tiểu học và cuộc thi này có cả các kỳ thủ chuyên nghiệp hàng đầu tham gia, mà Fujii lại có thể vô địch bằng cách trả lời đúng tất cả các đề bài. Một số người cho rằng đây là "dấu ấn đầu tiên của Fujii lên thế giới shogi". Morishita Taku Cửu đẳng đã rất kinh ngạc trước kết quả này: "Vô địch cuộc thi giải cờ chiếu hết khi còn đang học lớp " Phóng viên Thông tấn xã Kyōdō Tsue Shōji khi theo dõi cuộc thi cũng phát biểu rằng: "Khi tôi biết được tin này, tim tôi dường như ngừng đập."
Kể từ đó, Fujii đã giành chức vô địch cuộc thi này trong 5 năm liên tiếp cho đến cuộc thi lần thứ 16 (2019). Đây là lần đầu tiên trong lịch sử một người vô địch Cuộc thi giải Cờ chiếu hết 5 lần liên tiếp. Xét về tổng số lần vô địch, Fujii chỉ thua Miyata Atsushi Thất đẳng. Vào ngày 16 tháng 7 năm 2017, Liên đoàn Shogi Chiếu hết Toàn Nhật Bản đã trao tặng cho cả Fujii và Miyata Giải thưởng Yoshio Kadowaki để vinh danh thành tích vô địch cuộc thi này 3 năm liên tiếp, qua đó cùng nhau giữ kỷ lục (tại thời điểm đó) trong lịch sử cuộc thi.
Sáng tác cờ chiếu hết.
Fujii cũng được đánh giá cao với tư cách là tác giả sáng tác các bài chiếu hết. Vào năm 2012, Fujii đã nhận được Giải thưởng Tanigawa cho bài chiếu hết thứ 2 của anh được đăng tải trên mục "Tsumeshogi Salon" của tờ "Thế giới Shogi". Ōsaki Yoshio (nhà báo, nguyên Tổng biên tập tờ "Thế giới Shogi") nói rằng "Tôi rất kinh ngạc khi cậu ấy giành được giải thưởng này khi mới 9 tuổi. Quả thực là kỳ tích."
Vào năm 2013, bài chiếu hết thứ nhất của Fujii được tuyển chọn trong tập sách "Tsumeshogi Paradise" (xuất bản tháng 8 năm 2013 - cao đẳng) được đề cử cho Giải thưởng Kanju. Tác giả cờ chiếu hết nổi tiếng Urano Masahiko nhận xét về Fujii (lúc đó còn đang học lớp 6) rằng: "Tôi luôn muốn giải được nhiều bài chiếu hết của các tác giả tôi cảm thấy uy tín, và Fujii Sōta là một trong số đó. Cậu ta thuộc vào những tác giả hàng đầu."
Khi Fujii còn là học viên Trường Đào tạo, Tanigawa Kōji Cửu đẳng thông qua sư phụ của cậu là Sugimoto Masataka Thất đẳng đã khuyên Fujii nên giảm bớt việc sáng tác cờ chiếu hết. Nghe lời thầy, Fujii ngừng sáng tác từ khoảng năm 2014 và tập trung thi đấu ở Trường Đào tạo. Itō Hatasu Bát đẳng, một tác giả cờ chiếu hết nổi tiếng cũng đánh giá rất cao Fujii với tư cách tác giả, nhưng ông cũng nói rằng chính ông là người khuyên sư phụ Sugimoto rằng "Fujii không nên sáng tác cờ chiếu hết đến khi cậu giành được một danh hiệu lớn." Vào năm 2017, Fujii trả lời phỏng vấn của phóng viên Hosaka Katsugo rằng "Hiện tại tôi đang bận rộn thi đấu nên không thể tiếp tục sáng tác cờ chiếu hết."
Phong cách thi đấu.
Fujii là người chơi Cư Phi Xa. Anh là tuýp kỳ thủ dành nhiều thời gian suy nghĩ, với tỉ lệ thắng đặc biệt cao tại các ván đấu có thời gian suy nghĩ dài như ở Thuận Vị Chiến và các ván thi đấu trong 2 ngày ở các trận tranh ngôi. Tuy vậy kể cả khi có ít thời gian, Fujii vẫn rất mạnh với độ chính xác đáng kinh ngạc ở tàn cuộc - điều này có thể do kinh nghiệm được tích luỹ từ thói quen giải cờ chiếu hết từ nhỏ. Fujii nghiên cứu rất sâu khai cuộc, có năng lực phân tích thế cờ tốt ở trung cuộc và độ sắc bén ở tàn cuộc, cũng như kỹ năng tấn công trong 1 nước đi và phòng thủ rất kín kẽ. Fujii là kỳ thủ mạnh toàn diện, không có chiến pháp nào quá sở trường, và được cho là không có điểm yếu. Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2021, Fujii nói rằng "Trong lúc suy nghĩ (trong ván cờ), cơ bản không cần gì ngoài đọc cờ và đánh giá thế trận", ngụ ý rằng anh không bị những yếu tố như "kinh nghiệm" hay "trực giác" ảnh hưởng lên ván đấu - điều mà khá nhiều người coi trọng.
Chiến pháp thuận tay của Fujii khi đi Tiên vào khoảng năm 2016 giữa mùa Giải Tam đẳng ở Trường Đào tạo là khai cuộc Yagura. Từ giữa mùa giải này, Fujii cũng bắt đầu chơi khai cuộc Đổi Tượng, được cho là phù hợp với anh bởi khả năng sử dụng Tượng và Mã rất tốt của Fujii. Anh hay sử dụng Yagura ở mùa giải 2020, sau 2021 là Đối công cánh Xe (Aigakari) và từ giữa mùa giải 2022 anh lại quay về Đổi Tượng, như vậy mỗi giai đoạn anh lại có một chiến pháp "tủ" khác nhau. Bởi Fujii đã đạt tới tỉ lệ thắng trên 90% khi sử dụng Aigakari khi cầm Tiên, nhiều kỳ thủ hoài nghi việc anh thay đổi chiến pháp qua các năm, nhưng cũng có người giải thích rằng "Lựa chọn chiến pháp phù hợp với bản thân tuỳ từng thời điểm mới đúng là "Phong cách Fujii"."
Trong các ván cầm Hậu từ khi lên chuyên, Fujii thường đáp trả nước đầu tiên bằng nước T-84, và khi đối đầu với Yagura anh thường thu hẹp các chiến pháp mình sử dụng, thường là Tấn công nhanh. Anh không sử dụng những khai cuộc như Bắt Tốt ngang (Yokofudori) hay Gangi, mặc kệ chiến pháp đối phương sử dụng, và bám sát với những khai cuộc thuận tay của mình. Tuy nhiên, ở Ván 3 trong Loạt 7 ván tranh ngôi Danh Nhân Chiến kỳ 81, để đối phó với những nước đi của đối phương, anh đã chọn từ chối đổi Tượng và xây thành Gangi.
Các kỳ thủ chuyên nghiệp thường sử dụng nhiều chiến pháp để cố gắng vượt mặt các nghiên cứu của đối phương, và hiếm có ai cố định chiến pháp mình sử dụng qua các ván đấu khác nhau như Fujii. Về việc xây thành, Fujii nói: "Tôi không thực sự thích thành nào cả", "Tôi nhìn vào hình trận của đối phương để quyết định cách xây thành."
Nghiên cứu với phần mềm shogi.
Fujii bắt đầu sử dụng phần mềm shogi để nghiên cứu từ khoảng tháng 5 năm 2016 lúc anh còn đang Tam đẳng, theo đề xuất của Chida Shota. Chida cũng là người chỉ cho anh cách cài đặt phần mềm shogi lên máy tính. Người ta cho rằng việc Fujii thay đổi chiến pháp từ Yagura sang Đổi Tượng trong thời kỳ Tam đẳng là do ảnh hưởng của việc nghiên cứu bằng phần mềm. Hơn nữa, Fujii là người không thích chơi những ván cờ biến động và mạo hiểm nên không chủ động chọn khai cuộc Aigakari khi cầm Tiên từ khi anh lên chuyên, tuy nhiên do ảnh hưởng của phần mềm học sâu "dlshogi" - phần mềm được cho là mang lại những góc nhìn mới mà Fujii bắt đầu sử dụng trong nghiên cứu từ mùa thu năm 2020, Fujii đã sử dụng chiến pháp Aigakari nhiều hơn trong khoảng từ tháng 2 năm 2021 đến tháng 5 năm 2022.
Vào năm 2020, anh tiết lộ rằng anh đang sử dụng phần mềm shogi "Suisho" - một phần mềm chạy bằng CPU được xây dựng trên cơ sở NNUE. Sau đó vào khoảng cuối Vòng Xác định Khiêu chiến giả của Vương Tướng Chiến kỳ 69 (2020), Fujii là một trong các kỳ thủ đầu tiên giới thiệu phần mềm "dlshogi" - phần mềm học sâu chạy bằng GPU. Fujii nhận định rằng "dlshogi" phân tích khai cuộc tốt hơn các phần mềm shogi thông thường chạy bằng CPU, nhưng cũng đánh giá cao "Suisho" hơn về độ chính xác khi phân tích cờ tàn. Một số người cũng chỉ ra rằng họ nhìn thấy những nước đi mang tính đặc trưng của phần mềm shogi học sâu khi sử dụng "dlshogi" để nghiên cứu.
Trong một buổi phỏng vấn vào năm 2021, Fujii cũng nói rằng anh không chỉ nghiên cứu shogi bằng những phương pháp thông thường như nghiên cứu kỳ phổ và cờ chiếu hết (tsumeshogi), mà còn đánh tập với máy từ các thế cờ cân bằng được dùng để phát triển phần mềm shogi để giúp anh tăng khả năng nhận định thế trận ở trung cuộc. Nhà phát triển phần mềm "Suisho" là Sugimura Tatsuya đã phát biểu rằng: "Đây là cách sử dụng phần mềm rất độc đáo mà tôi chưa từng thấy bao giờ."
Trong các ván đấu được phát sóng trực tuyến, tỉ lệ thắng do phần mềm tính ra theo thế trận thực tế trên bàn cờ thường được thể hiện theo mỗi nước đi trên một đồ thị, tuy nhiên trong đồ thị các ván thắng của Fujii, tỉ lệ thắng thường tăng lên rất đều mà không có sự sụt giảm hay lật ngược thế trận và thường tạo ra một đường cong mềm mại. Những đồ thị như vậy thể hiện phong cách thi đấu của Fujii - tích luỹ những lợi thế dù là nhỏ nhất và không để mắc những sai lầm nghiêm trọng, và được gọi là "đường cong Fujii" cũng như được báo chí và truyền thông nhắc đến rất nhiều từ năm 2021. Bởi Fujii rất cẩn thận chắc chắn, tích luỹ từng lợi thế nhỏ nhất và không để mắc sai lầm, thường các đối thủ của anh sẽ trả lời phỏng vấn sau khi thua cuộc rằng: "Tự nhiên tôi thấy thế cờ bất lợi dần đi", hoặc "Tôi không biết tôi đã đánh mất thế trận vào lúc nào".
Cách suy nghĩ độc đáo.
Thông thường một kỳ thủ chuyên nghiệp khi suy nghĩ trong ván cờ sẽ tưởng tượng ra một bàn cờ shogi trong đầu và thử đi quân trên bàn cờ tưởng tượng ấy. Tuy nhiên Fujii nói rằng anh không dùng bàn cờ tưởng tượng trong đầu và những nước đi tự đến với anh, điều này đã làm cả những kỳ thủ chuyên nghiệp không khỏi ngạc nhiên. Anh cũng nói rằng anh có thể giải được các bài chiếu hết ngắn ngay khi anh nhìn thấy đề bài, giải thích rằng "Trước khi tôi chủ động suy nghĩ thì chắc là trong tiềm thức tôi cũng đã đọc cờ và có lẽ nó đã tạo ra cảm hứng suy nghĩ."
Công nhận từ các kỳ thủ khác.
Vào ngày 4 tháng 1 năm 2017, trước khi chuỗi thắng 29 ván của Fujii trở thành chủ đề nóng, Habu Yoshiharu đã nói với Tanigawa Kōji trong một chương trình talkshow rằng "Vốn Fujii làm nên tên tuổi từ cuộc thi giải cờ chiếu hết, nhưng cậu ấy cũng đang tiến bộ từng ngày. Cách cậu ta kết thúc ván cờ nhanh nhất có thể khá giống với "Cờ tàn tốc độ ánh sáng" của Tanigawa tiên sinh". Sau này, khi chuỗi 29 trận thắng của Fujii đang gây nhiều sự chú ý, vào ngày 15 tháng 6 năm 2017 Habu cũng đã nhận xét rằng lối chơi của Fujii làm ông liên tưởng đến "Cờ tàn tốc độ ánh sáng".
Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2018, Masuda Yasuhiro đã nhận xét về năng lực khai cuộc của Fujii rằng: "Không phải là cậu ta nghiên cứu khai cuộc mà là cậu ta nghĩ ra những nước đi tốt ngay trong ván đấu, nên rất khó để bắt chước lối chơi của cậu ta."
Ngay sau khi thua trận đầu tiên đối đầu với Fujii vào ngày 16 tháng 2 năm 2019, Watanabe Akira đã đăng tải lên blog nói rằng: "Cậu ta đọc cờ rất sâu, hiểu sâu về khai cuộc, và (hiện tại) tôi không thể tìm được điểm yếu nào của cậu ta." Trong một cuộc phỏng vấn, Watanabe nhận xét rằng: "Fujii đánh cờ tàn với phong cách tương tự như Tanigawa, và trong tình hình hiện nay càng ngày có càng nhiều kỳ thủ định hình phong cách khai cuộc thì một kỳ thủ có phong cách tàn cuộc đặc trưng như Fujii có thể sẽ trở nên giá trị." Sau này, Watanabe lại đối đầu với Fujii trong loạt 5 ván tranh ngôi Kỳ Thánh Chiến kỳ 91, anh nhận xét Fujii ở ván 1 là "cậu ta thắng như cách Tanigawa tiên sinh thắng vậy", và ở ván 2 là "thắng ván cờ từ trung cuộc [...] bằng một nước đi đơn giản nhưng giành lợi thế quyết định [...] hệt như Habu vậy", và "cậu ta có thể giành chiến thắng dẫu thế trận có phát triển ra sao".
Tanigawa Kōji nhận xét rằng: "Khi Fujii mới lên chuyên, cậu ta thường thắng các ván đấu nhờ lật ngược thế cờ từ một tình thế khó khăn bằng khả năng đánh cờ tàn được tôi rèn từ việc giải cờ chiếu hết. Tuy nhiên trong những ván đấu gần đây (tại thời điểm đó là tháng 10 năm 2021), cách mà cậu ta giành chiến thắng đã thay đổi - giờ đây là do những nước đi chính xác ở khai cuộc, cũng như do cảm quan ("cảm hứng") của cậu để bắt được những điểm mấu chốt của thế cờ đã trở nên chính xác hơn rất nhiều". Ông cũng nhận xét rằng sức mạnh lớn nhất của Fujii Sōta là khả năng tập trung và suy nghĩ trong thời gian dài. Fujii nổi bật hơn hẳn so với các kỳ thủ chuyên nghiệp cũng có khả năng tương tự, và có thể suy nghĩ cả ngày mà không mất tập trung trong ván đấu.
Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 1 năm 2022, Nagase Takuya đã được hỏi rằng anh nghĩ điểm mạnh của Fujii là gì, và anh nhận xét rằng: "Fujii mạnh ở tàn cuộc, và Fujii cũng có tinh thần thi đấu rất máu lửa." Về câu hỏi rằng khả năng của Fujii là do tài năng thiên phú hay do nỗ lực chăm chỉ mà thành, Nagase cho rằng: "Tôi đã chứng kiến quá trình Fujii trưởng thành, nên tôi nghĩ là do chăm chỉ, nhưng tất nhiên Fujii cũng sở hữu tài năng tuyệt vời. Nếu của tôi là "9 phần nỗ lực, 1 phần tài năng" thì của Fujii chắc phải là "10 phần nỗ lực, 10 phần tài năng" đấy."
Ảnh hưởng từ các kỳ thủ khác.
Fujii nói rằng "Tôi không đặc biệt ngưỡng mộ bậc tiền bối (kỳ thủ shogi chuyên nghiệp) nào cả, tôi chỉ học hỏi những điều tốt nhất từ họ thôi". Anh cũng nói rằng "Cờ tàn tốc độ ánh sáng" của Tanigawa Kōji là "điều mà tôi ngưỡng mộ từ khi còn nhỏ". Khi anh còn đang ở trong Trường Đào tạo, anh học từ cuốn "Ōyama Yasuharu toàn tập - Tập 1: Cho đến khi giành Ngũ quán". Sau này anh nhận xét rằng: "Ōyama tiên sinh có khả năng phi thường khi sắp xếp thế trận cân bằng để đối phó với các đòn tấn công của đối phương thay vì phòng thủ một cách tiêu cực. Ngay cả khi bây giờ tôi xem các ván cờ từ rất lâu của tiên sinh, tôi vẫn cảm nhận được sự tính toán trước của ông". Sau khi lên chuyên, anh được phỏng vấn về huyền thoại Habu Yoshiharu và trả lời rằng "từng ngưỡng mộ ông với tư cách một người xa lạ", nhưng "tôi phải thoát khỏi sự ngưỡng mộ đó để thi đấu."
Nagase Takuya là kỳ thủ duy nhất Fujii luyện tập (nghiên cứu 1 vs 1) cùng sau khi lên chuyên. Khoảng 1-2 lần mỗi tháng Fujii sẽ đến Tokyo hoặc Nagase sẽ đến Aichi và đánh cờ ở nhà của bố mẹ sư phụ Sugimoto của Fujii. Dù hai người sẽ nghỉ đánh tập khi gặp nhau trong một trận tranh ngôi, họ vẫn tiếp tục đánh tập với nhau sau khi loạt trận đó đã được định đoạt. Nagase ấn tượng với tài năng và sự khiêm tốn của Fujii, và Fujii cũng đồng tình với niềm tin của Nagase rằng "có công mài sắt, có ngày nên kim". Họ là hai người bạn tôn trọng và công nhận lẫn nhau dẫu họ có đang cạnh tranh với nhau trong các giải danh hiệu. Về kỹ thuật shogi, Fujii đánh giá cao khả năng đỡ đòn tấn công của Nagase, và nói rằng anh đã học được một ít kỹ thuật của Nagase thông qua đấu tập.
Cả khi đối đầu với các kỳ thủ hàng đầu cùng nhiều chiến thuật khác nhau, Fujii vẫn kiên nhẫn dành thời gian và vượt qua những vấn đề của mình để giành chiến thắng. Tanigawa Kōji nhận xét rằng: "Mọi đối thủ Fujii từng gặp đều đang giúp cho Fujii trở nên mạnh hơn". Trong loạt tranh ngôi Vương Tướng Chiến kỳ 72 đối đầu với Habu Yoshiharu, Fujii đã gặp phải những chiến thuật khác nhau trong mỗi ván đấu, và sau này Katsumata Kiyokazu Thất đẳng đã so sánh cách đi của Fujii trong loạt Danh Nhân Chiến kỳ 81 với những nước đi của Habu trong loạt Vương Tướng Chiến kỳ 72, nhận xét rằng Fujii đã tiếp thu được phong cách của Habu "nhường nước đi cho đối phương khi khó đưa ra nước đi tốt nhất" và "kết hợp nhanh chậm để điều chỉnh nhịp độ của thế trận".
Fujii xem xét tình hình thi đấu tại Giải Tam đẳng và chọn thi vào một trường trung học liên cấp để tránh phải vượt qua kỳ thi vào THPT. Mặc dù anh đưa ra quyết định khá muộn vào khoảng tháng 12 năm lớp 6, anh đã đỗ vào Trường THCS liên kết với Khoa Giáo dục của Trường đại học Nagoya mà không cần thông qua lò luyện thi. Anh trở thành kỳ thủ chuyên nghiệp khi học lớp 8 THCS, nhưng do thành công quá lớn của anh vào năm 2017 - năm cuối cùng trong chương trình giáo dục bắt buộc, Fujii đã bị kín lịch và phân vân không biết có nên học tiếp lên THPT hay không. Quyết định này của Fujii được công chúng rất chú ý. Vào ngày 25 tháng 10, Liên đoàn Shogi Nhật Bản thông báo rằng Fujii đã quyết định học tiếp tại Trường THPT của Khoa Giáo dục Trường đại học Nagoya. Quyết định này được nhiều đồng nghiệp kỳ thủ shogi chuyên nghiệp và một số nhà phê bình giáo dục ủng hộ. Đây cũng là quyết định được đưa ra bởi 4 kỳ thủ ngoài Fujii đã trở thành kỳ thủ chuyên nghiệp lúc còn học THCS. Phát biểu về quyết định này, Fujii nói rằng "Tôi muốn tiếp tục tiến lên và cố gắng sao cho mỗi trải nghiệm đều là trải nghiệm tích cực".
Khi Fujii bước vào năm lớp 12 THPT (2020), do tình trạng khẩn cấp của đại dịch COVID-19, các trận đấu chính thức yêu cầu di chuyển đường dài từ ngày 11 tháng 4 đến hết tháng 5 bị dời xuống tháng 6. Khi tình trạng khẩn cấp kết thúc, trường học mở cửa trở lại cùng lúc với lịch thi đấu dày đặc từ các trận đấu bị hoãn trước đó, khiến cho lịch trình của Fujii bị quá tải, anh không thể đi học và do đó không đủ điều kiện tốt nghiệp do không đủ số ngày điểm danh. Vào cuối tháng 1 năm 2021, Fujii tự nguyện xin thôi học và Liên đoàn đã công bố thông tin này vào ngày 16 tháng 2 cùng năm.
Fujii nói rằng: "Việc giành được danh hiệu khiến tôi càng thêm quyết tâm cống hiến trọn vẹn cho shogi. Tôi đã quyết định từ mùa thu, trao đổi với nhà trường và nộp đơn xin thôi học vào cuối tháng 1. Tôi sẽ tiếp tục chăm chỉ cố gắng hơn nữa, rất mong nhận được sự ủng hộ của mọi người." Hiệu trưởng nhà trường cũng phát biểu rằng: "Em Fujii vẫn sẽ luôn được xem là cựu học sinh của trường. Rất mong nhận được sự giúp đỡ của mọi người. Chúng tôi cũng rất mong chờ những thành công sắp tới của em Fujii." Ngoài ra, kỳ thủ cờ vây chuyên nghiệp Katō Yūki cũng là bạn cùng lớp với Fujii ở THCS và THPT.
Đọc sách - "Từ của Fujii".
Fujii rất chăm đọc sách và đọc nhiều sách văn học cũng như báo chí. Với vốn từ rộng và khả năng viết tốt, Fujii sử dụng những từ vựng mà một học sinh THCS thông thường chưa biết để sử dụng như là từ bōgai ( (vọng ngoại), bōgai, ngoài kỳ vọng) khi phát biểu sau ván đấu và điều này trở thành chủ đề được bàn tán nhiều ở thời điểm Fujii mới lên chuyên. Tổng biên tập tờ Thế giới Shogi cũng dành nhiều lời khen ngợi cho những ghi chép của Fujii sau ván đấu của bản thân, trong đó anh sử dụng những câu từ như: "chỉ có thể nói đó là kiểu hãnh (may mắn trời ban)" (僥倖としか言いようがない), "một thế trận rất mang dương (hoang mang vô định)" (茫洋とした局面), "ván cờ bạch mi (tuyệt tác) (白眉の一局), "tôi không muốn câu nệ quá nhiều vào chuyện thắng thua" (勝敗に拘泥したくない), hay "tôi đã bị kẹt vào nơi ải lộ (thế chật hẹp, hiểm ác)" (隘路に嵌まり込む). Sau khi Fujii giành được danh hiệu Vương Tướng và đạt Ngũ quán, anh được hỏi rằng vị trí của bản thân bây giờ như thế nào so với núi Phú Sĩ, và trả lời rằng: "Tôi mới chỉ ở ngay trước đường giới hạn cây gỗ mà thôi" (森林限界の手前).
Fujii được biết đến là có sở thích đặc biệt về tàu hoả, và khi di chuyển đến các tỉnh để thi đấu tranh ngôi, anh thường không đi tàu cao tốc hay máy bay mà đi tàu hoả thông thường, và cũng hay chơi trò Train Simulator để giải trí. Vào ngày 29 tháng 5 năm 2023 - 1 ngày sau ván 4 của trận tranh ngôi Duệ Vương Chiến kỳ 8, sau khi Fujii bảo vệ thành công danh hiệu, anh đã cùng với Koyama Reo Tứ đẳng làm việc với tư cách Trưởng ga tại Ga Miyako của Công ty đường sắt Sanriku trong vòng 1 ngày. Chuyến đi này được thực hiện theo yêu cầu của Fujii, họ đã đi tham quan sân ga và trải nghiệm lái thử một con tàu.
Fujii thích ăn các món mì như là ramen và mì miso nikomi udon. Những món mà Fujii ăn trong các trận tranh ngôi cũng trở thành chủ đề nóng trên các kênh truyền thông. Thống kê cho thấy tại thời điểm anh mới lên chuyên anh thường hay chọn món mì, và việc anh hay chọn các món cà ri trong các trận tranh ngôi năm 2021 cũng được chú ý. Fujii nói rằng anh chỉ chọn món gần như ngẫu nhiên, nhưng anh cũng cho rằng mì udon không gây nặng bụng nên rất thích hợp trong các trận đấu, và cũng giải thích rằng anh chọn các món cà ri vì những món này ăn rất nhanh.
Thỉnh thoảng Fujii sẽ chọn món gà karaage trong các ván đấu, và vì lý do này anh được Hiệp hội Karaage Nhật Bản chọn là "Nhà Karaage-học của năm" (hạng mục Kỳ thủ Shogi) vào các năm 2019 và 2022. Anh cũng nói rằng anh không thích ăn nấm và yêu cầu bỏ nấm khỏi những món ăn của anh trong các ván đấu, nhưng từ cuối năm 2021 anh bày tỏ mong muốn vượt qua nỗi sợ nấm, và đầu năm 2023 anh nói rằng đã có thể ăn món tempura nấm maitake.
Fujii cũng là người giỏi các môn điền kinh. Năm anh 14 tuổi (2017), kỷ lục cá nhân của anh ở nội dung chạy 50m là 6,8 giây. Các nữ sinh cùng lớp nói rằng Fujii là người "nhanh nhẹn và chăm vận động". Theo kế hoạch, Fujii là một trong những người tham gia chạy rước đuốc cho Thế vận hội Mùa hè Tokyo 2020 tại thành phố Seto - điểm xuất phát của cuộc rước đuốc tại tỉnh Aichi trên quãng đường khoảng 200m. Tuy nhiên vào tháng 2 năm 2021, Fujii từ chối tham gia rước đuốc do "sự trì hoãn tổ chức Thế vận hội và tương lai đang không thể lường trước được".
Những câu chuyện bên lề liên quan đến shogi.
Ghét bị thua từ khi còn nhỏ.
Fujii từ nhỏ đã rất ghét thua cuộc, và khi còn nhỏ anh hay khóc nhè khi thua cờ, gây chú ý cho những người xung quanh. Thục trưởng của lớp học shogi là Fumimoto tiết lộ rằng khi Fujii còn nhỏ, sau khi thua cậu rất hay khóc, nhưng khi khóc một lúc rồi cậu lại nở nụ cười và không quá cay cú về ván cờ vừa bị thua. Ông nói rằng cậu không phải là đứa bé mít ướt, nhưng lần nào thua cờ cậu cũng oà lên khóc. Ngay từ khi còn nhỏ, Fujii đã có trí nhớ và sự tập trung tuyệt vời cùng khả năng tư duy và ghi nhớ các nước đi cũng như giải các thế cờ chiếu hết rất nhanh. Thục trưởng Fumimoto cũng nhận xét rằng điều làm Fujii nổi bật hơn các bạn cùng lớp chính là tinh thần chiến đấu của cậu ta: "Tinh thần thi đấu của cậu ta mạnh mẽ đến mức có lẽ rằng khi thua cuộc cậu ta dùng cảm xúc tức giận cay cú đó làm bàn đạp để trui rèn khả năng shogi và trở nên mạnh hơn".
Khi Fujii đang học lớp 2 tiểu học, tại sự kiện Ngày Shogi (17 tháng 11) năm 2010, cậu có cơ hội đối đầu với Tanigawa Kōji trong một ván chấp 2 quân. Tanigawa đưa được Vua vào thế Nhập Ngọc và đang có thế thắng, do đó ông đã đề nghị hoà. Tuy nhiên Fujii bắt đầu oà lên khóc to và bám chặt không chịu rời khỏi bàn cờ. Lúc đó Sugimoto Masataka Thất đẳng đang có mặt đã tới dỗ Fujii đến khi mẹ cậu tới và kéo cậu ra khỏi bàn cờ. Theo lời của Sugimoto, cảnh tượng này luôn xảy ra mỗi khi Fujii thua cờ và ông rất ngạc nhiên khi chứng kiến "sự ám ảnh bất thường với chiến thắng" của cậu ta. 8 năm sau vào năm 2018, Fujii lúc này đã trở thành kỳ thủ chuyên nghiệp Thất đẳng, giải thích về suy nghĩ của anh lúc đó rằng: "Tôi khóc vì trong tâm trí non nớt của tôi lúc đó tôi nghĩ rằng tôi vẫn còn cơ hội giành chiến thắng. Tôi đã không thể kiểm soát được cảm xúc của mình." Sau khi lên chuyên, anh đối đầu với Tanigawa lần đầu tiên vào ngày 1 tháng 9 năm 2019 tại Chung kết Vòng Sơ loại thứ 2 Vương Tướng Chiến kỳ 68 và giành chiến thắng sau 57 nước đi.
Tự lắp ráp máy tính PC.
Chiếc máy tính do Fujii tự lắp ráp để sử dụng phần mềm shogi trở thành chủ đề được bàn tán trong ngành máy tính cũng như trong dư luận. Vào ngày 1 tháng 12 năm 2018, anh tiết lộ rằng anh đang sử dụng máy tính có CPU "Ryzen 7" của AMD cho nghiên cứu shogi, và anh cũng đang có hứng thú với "Zen 2" - một kiến trúc CPU mà AMD đang phát triển. Phản hồi lại động thái này, CEO của AMD là Lisa Su đăng tải trên Twitter rằng bà rất vui khi Fujii yêu thích dòng CPU "Ryzen". Vào ngày 21 tháng 8 năm 2020, tại một buổi họp báo sau ngày Fujii giành danh hiệu Vương Vị kỳ 61, anh nói rằng để nâng cao hơn nữa kỳ lực của mình, "tôi muốn tự lắp một bộ PC khi tôi đã bình tĩnh lại". Theo một cuộc phỏng vấn vào tháng 9 năm 2020, anh nhấn mạnh tầm quan trọng của CPU bởi nó ảnh hưởng đến tốc độ đọc cờ, và tại thời điểm đó anh đang sử dụng chip "Ryzen Threadripper 3990X", cho rằng nó "phù hợp nhất cho việc nghiên cứu shogi". Cuối giai đoạn Xác định Khiêu chiến giả Vương Tướng Chiến kỳ 69 (2020), Fujii đã tự tay thay thế GPU trong dàn máy của mình để sử dụng phần mềm mới "dlshogi" - một phần mềm shogi học sâu chạy bằng GPU.
Vào ngày 8 tháng 9 năm 2022, AMD Nhật Bản thông báo rằng Fujii sẽ xuất hiện trong một quảng cáo của AMD và sẽ có một ấn bản đặc biệt. Trong một video phỏng vấn Fujii của AMD được phát hành cùng ngày, CEO của AMD là Lisa Su đã gửi một tin nhắn video đến Fujii. Để kỷ niệm việc Fujii xuất hiện trong quảng cáo của nhãn hàng, AMD đã cho ra mắt hai dòng CPU: "Ryzen Threadripper PRO 5995WX" và loạt CPU "Ryzen 7000" chuyên sử dụng làm máy tính luyện tập shogi. Chiếc máy tính trước đó Fujii sử dụng được tặng lại cho sư phụ Sugimoto của anh và được dùng trong các lớp học shogi của ông. Trong năm 2023, dự kiến Fujii sẽ có một buổi nói chuyện với bà Lisa Su.
19 ván đối đầu với Toyoshima.
Tại mùa giải 2020, Fujii đã đối đầu với Toyoshima Masayuki trong 19 ván đấu trong 3 trận tranh ngôi liên tiếp, bao gồm: Vương Vị Chiến kỳ 62, Duệ Vương Chiến kỳ 6 và Long Vương Chiến kỳ 34. Từ khi lên chuyên đến trước ván đấu đầu tiên trong "loạt 19 ván" này, Fujii có thành tích đối đầu với Toyoshima là 1 thắng 6 thua, và được xem là đối thủ cửa dưới. Tuy nhiên, Fujii đã giành chiến thắng cả ba loạt trận, trở thành kỳ thủ trẻ tuổi nhất giành Tứ quán. Trong các trận tranh danh hiệu này, Fujii giành chiến thắng tới 11 ván và chỉ để thua 3 ván, và khi "loạt 19 ván" này kết thúc, thành tích đối đầu của Fujii đối với Toyoshima đã bị đảo ngược hoàn toàn - trở thành 13 tháng 9 thua. Việc Fujii giành chiến thắng trước đối thủ "truyền kiếp" Toyoshima, giành danh hiệu Long Vương (cao quý ngang hàng với Danh Nhân) và giành Tứ quán đã giúp Fujii lần đầu tiên vươn lên vị trí số 1 tại thế giới shogi chuyên nghiệp, và "loạt 19 ván" này được xem là khởi đầu cho "Thời đại Fujii" của thế giới shogi.
Tại mùa giải 2021, Fujii đối đầu với Toyoshima 2 lần: tại Vòng Xác định Khiêu chiến giả Vương Tướng Chiến kỳ 71 (cầm Tiên, thắng sau 101 nước) và tại trận Chung kết Giải vô địch toàn Nhật Bản Cúp JT lần thứ 42 (cầm Hậu, thua sau 95 nước).
"Người ngoài hành tinh Shogi" và "Đại diện Trái Đất".
Fukaura Kōichi Cửu đẳng có tổng thành tích đối đầu với Fujii là 3 thắng và 1 thua tính đến cuối năm 2021, tại thời điểm đó trở thành kỳ thủ duy nhất đánh bại Fujii với chênh lệch 2 trận thắng hoặc nhiều hơn. Vào tháng 10 năm 2021, Fukaura đánh bại Fujii, lúc đó đang là Tam quán, tại Vòng 2 Cúp NHK lần thứ 71. Ông cũng đánh bại Fujii tại ABEMA Tournament lần thứ 4 vào tháng 8 năm 2021 (giải không chính thức). Tháng 3 năm 2022, khi Fujii đang là Ngũ quán, Fukaura cũng đánh bại Fujii tại Giải Sư phụ - Sư đồ ABEMA lần thứ nhất. Fukaura nói rằng ở trận đấu tại Cúp NHK vào tháng 10 năm 2021, Fujii đã sử dụng chiến thuật không thuận tay Gangi, nhưng vẫn có thể đưa ra những nước đi chính xác như máy tính ngay cả ở những thế cờ anh chưa gặp bao giờ. Điều này đã nằm trong nghiên cứu trước đó của Fukaura, và ông chỉ có thể thắng do Fujii đã hết thời gian suy nghĩ.
Toyoshima Masayuki được gọi là "thiên địch" của Fujii bởi trước đây anh đã giành chiến thắng 6 ván liên tiếp trước Fujii, tuy nhiên ở mùa giải 2021 Fujii đã giành những chiến thắng để đảo ngược tỉ số này. Mặt khác, Fukaura sau khi giành chiến thắng trước Fujii trong mùa giải 2021 cũng được gọi là "thiên địch" mới của Fujii khi ông đã vượt qua Fujii trên bình diện tổng tỉ số đối đầu. Bắt nguồn từ một bài đăng trên một bản tin mạng, Fujii và Habu Yoshiharu được gọi là "Người ngoài hành tinh Shogi" bởi năng lực shogi phi thường của họ khiến công chúng không thể tin được họ là người Trái Đất, và mặt khác khi Fukaura giành chiến thắng trước Fujii, ông được gọi là "Đại diện của Trái Đất".
Sư đồ của Fukaura là Sasaki Daichi Thất đẳng đã khiêu chiến Fujii ở loạt tranh ngôi Kỳ Thánh Chiến kỳ 94 và Vương Vị Chiến kỳ 64, tuy nhiên Fujii đã đánh bại Sasaki trong cả hai loạt trận, lần lượt với tỉ số 3-1 và 4-1.
Hiện tượng xã hội.
Kỷ lục chuỗi 29 ván thắng liên tiếp của Fujii được rất nhiều cơ quan truyền thông đưa tin và được bàn tán trên các chương trình truyền hình, tạo ra một sự bùng nổ chưa từng có của bộ môn shogi, khiến các sản phẩm shogi đều bán hết. Doanh số các sản phẩm liên quan và sách shogi đều tăng vọt, các bộ truyện tranh và phim điện ảnh liên quan đến chủ đề shogi cũng gây được sự chú ý lớn, và shogi cũng đã thu hút được nhiều sự chú ý hơn từ giới trẻ và nữ giới. Một số võ sĩ sumo còn đổi nghệ danh (shikona) của mình thành Sōta để vinh danh Fujii cùng thành tích 29 chuỗi thắng kỷ lục. Hiện tượng Fujii đã thay đổi tình thế của giới shogi, giúp cho Liên đoàn phục hồi cả về uy tín trước công chúng lẫn về kinh tế sau vụ Bê bối sử dụng phần mềm shogi để gian lận vào năm 2016-17.
Nakamura Taichi nói rằng, ảnh hưởng của Fujii đã khiến một bộ phận công chúng trở thành người hâm mộ shogi vì bản thân các kỳ thủ chuyên nghiệp, tức là "họ không chơi shogi nhưng họ thích xem kỳ thủ chuyên nghiệp thi đấu". Ishida Kazuo Cửu đẳng cũng cho rằng: "Số người chơi (shogi) thời Habu có lẽ nhiều hơn bây giờ, nhưng hiện nay thời thế đã thay đổi - số người hâm mộ chỉ xem thi đấu lại tăng lên chóng mặt", "Thời kỳ "cơn sốt Habu" cũng rất tuyệt vời, nhưng Fujii hơn Habu ở chỗ anh là một (kỳ thủ) chuyên nghiệp được cả nước biết đến. Ông cũng cho biết rằng số học sinh tham gia lớp học shogi dành cho trẻ em do ông đứng lớp đang ngày càng gia tăng.
Ba phong bì niêm phong nước đi của Fujii tại Vương Vị Chiến kỳ 61 (2020) đã được đấu giá trực tuyến để quyên góp cho các khu vực bị mưa lớn ảnh hưởng ở Kyūshū. Phong bì niêm phong nước đi của ván 4 - nơi Fujii trở thành Nhị quán trẻ nhất lịch sử được đấu giá cao nhất với mức giá 15 triệu Yên, và cả 3 phong bì đã được bán đấu giá thành công với tổng mức giá là 22,5 triệu Yên. Mức giá rất cao này đã được dư luận bàn tán sôi nổi sau khi những phong bì này được bán đấu giá, và báo giới cũng rất ngạc nhiên trước mức giá này.
Giải Từ mới và Từ khoá thịnh hành của năm.
Tại "Lễ trao giải Từ mới và Từ khoá thịnh hành của năm You Can" năm 2017, từ khoá "chuỗi 29 ván thắng" - chuỗi thắng kỷ lục của Fujii đã được trao Giải Đặc biệt của Ban Giám khảo, trong khi từ khoá "Hifumin" cũng được lựa chọn trong top 10, và từ khoá "cơn sốt Fujii" cũng được đề cử trong hạng mục liên quan đến shogi.
Nước đi thứ 58 △B*31 của Fujii tại Ván 2 - Loạt 5 ván tranh ngôi Kỳ Thánh Chiến kỳ 91 (2020) là "nước đi Fujii đã mất 23 phút suy nghĩ để đi và trùng khớp với nước đi tốt nhất do máy tính đề xuất sau khi đã đọc 600 triệu nước đi". Nhờ sự kiện này, từ khoá "vượt qua AI" đã được đề cử trong số 30 đề cử cho "Giải Từ mới và Từ khoá thịnh hành của năm You Can" năm 2020. Tuy nhiên một CPU hiệu năng cao (như chip "Ryzen Threadripper 3990X" mà Fujii đang sử dụng) tại thời điểm đó có thể đọc được 600 triệu nước đi trong vòng 10 giây.
Do thành công của Fujii vào năm 2017, những đồ vật như bộ đồ chơi Cuboro của Thuỵ Sĩ mà Fujii từng chơi lúc 3 tuổi, cuốn sách "NEW Study Shogi" (NXB Kumon) mà Fujii dùng để học chơi shogi, và phương pháp giáo dục Montessori của Italia mà Fujii được dạy thời mẫu giáo cũng được công chúng để ý.
Trước ngày lễ Tình nhân năm 2018, Hội quán Shogi Kansai của Liên đoàn Shogi Nhật Bản đã gửi lời xin lỗi vì đã từ chối nhận sô-cô-la gửi trực tiếp cho Fujii - ngày hôm đó anh có lịch thi đấu. Sau đó Liên đoàn thông qua Twitter chính thức đã đề nghị người hâm mộ gửi sô-cô-la cho Hội quán Kansai trước nếu muốn gửi cho Fujii. Do đã có thông báo rằng "sô-cô-la gửi cho các kỳ thủ phải thông qua Liên đoàn", các kỳ thủ khác cũng đã nhận được sô-cô-la do người hâm mộ gửi đến, và Watanabe Akira đã nhận được cả một thùng sô-cô-la từ người hâm mộ thông qua Liên đoàn.
Do một phần ảnh hưởng của việc phát sóng trực tiếp các trận đấu shogi trên mạng, "Đồ ăn shogi" - các món ăn nhẹ và bữa chính của các kỳ thủ trong các trận đấu cũng trở thành chủ đề được bàn tán trên mạng. Vào năm 2021, doanh số của loại bánh ngọt "Piyorin" mà Fujii đã dùng trong một ván đấu trong loạt tranh ngôi Vương Vị Chiến đã tăng gấp đôi. Các loại bánh ngọt khác mà Fujii đã dùng trong các loạt tranh ngôi Duệ Vương Chiến vào tháng 9 và Long Vương Chiến vào tháng 10 cùng năm cũng đã bán hết ngay sau khi ván đấu kết thúc.
Chữ in đậm nền đỏ là danh hiệu đang giữ tính đến , ns10/ns
redirect title="Bản mẫu:Currentyear" /
commentĐổi hướng đến /comment
Để so sánh với các kỳ thủ khác, xin tham khảo các bài Kỷ lục giành danh hiệu shogi và Danh sách người giữ danh hiệu shogi Nhật Bản.
Vô địch các giải không danh hiệu.
Chữ in đậm nền đỏ là đương kim vô địch.
"Chi tiết về hạng/tổ của kỳ thủ vui lòng xem các bài Thuận Vị Chiến và Long Vương Chiến."
"Giải Kỳ thủ xuất sắc nhất năm hoặc tương đương được ký hiệu bằng chữ in đậm."
Kỳ thủ trẻ tuổi nhất thăng đẳng.
"Xem phần Lịch sử thăng cấp."
Các kỷ lục khác.
Thành tích từng mùa giải.
Ô màu đỏ biểu thị hạng nhất trong toàn bộ kỳ thủ. (Số trong ngoặc) là thứ hạng trong mùa giải đó. |
Thu âm và tái tạo âm thanh
Ghi âm và phát lại âm thanh là việc ghi chép và tái tạo lại các sóng âm bằng hệ thống điện, cơ khí, điện tử, hoặc kỹ thuật số, bao gồm giọng nói, ca hát, âm nhạc bằng nhạc cụ, hoặc hiệu ứng âm thanh. Có hai lớp công nghệ ghi âm chính là ghi âm analog và ghi âm số. Ghi âm là việc chuyển các dao động không thấy bằng mắt trong không khí vào một phương tiện lưu trữ như đĩa than. Quy trình này được đảo ngược trong việc phát lại âm thanh, và các biến đổi đã lưu trữ trên phương tiện được biến đổi trở lại thành sóng âm. |
Mega Millions (ban đầu gọi là "The Big Game" vào năm 1996 và sau đó đổi tên tạm thời thành "The Big Game Mega Millions" sau sáu năm) là một trò chơi xổ số đa quốc gia Hoa Kỳ. Tính đến ngày 30 tháng 6 năm 2023, nó đã được phát hành tại 45 tiểu bang, Quận Columbia và Quần đảo Virgin thuộc Hoa Kỳ. Trò chơi Mega Millions bắt đầu vào năm 2002. Lúc đầu, nó chỉ được cung cấp tại sáu tiểu bang và sau khi tên The Big Game bị loại bỏ, logo của trò chơi hiển thị một quả bóng màu vàng có sáu ngôi sao, tượng trưng cho sáu tiểu bang tham gia ban đầu.
Mega Millions được quay vào 11 giờ tối giờ Đông (Eastern Time) vào các tối thứ Ba và thứ Sáu, kể cả các ngày lễ. Trò chơi này do một liên minh của 12 hệ thống xổ số gốc quản lý, và buổi quay số diễn ra tại studio của WSB-TV ở Atlanta, Georgia, do Georgia Lottery giám sát. Các người dẫn chương trình là John Crow, Carol Blackmon, và Adria Wofford. |
La hét là một tiếng lớn và mạnh trong đó không khí đi qua dây tiếng với lực lượng mạnh hơn so với việc nói thông thường hoặc ở gần. Điều này có thể được thực hiện bởi bất kỳ sinh vật nào có phổi, bao gồm con người.
Tiếng la hét thường là một phản xạ hoặc hành động bản năng, thường kèm theo cảm xúc mạnh như sợ hãi, đau đớn, tức giận, vui mừng, ngạc nhiên, và khó chịu.
Cường độ âm thanh.
Cường độ âm thanh của những tiếng la hét có thể rất cao, đặc biệt trong môn thể thao tennis, như tiếng kêu lớn của Maria Sharapova đã đo lên đến 101.2 decibel. Kỷ lục về tiếng la hét mạnh nhất từ con người là 129 dBA, được thiết lập bởi trợ giảng Jill Drake vào năm 2000. |
Nói chuyện là cách con người giao tiếp bằng giọng nói và ngôn ngữ. Mỗi ngôn ngữ sử dụng sự kết hợp âm vị của nguyên âm và phụ âm để tạo ra âm thanh cho từng từ. Trong khi nói, người nói thực hiện nhiều hành động ngôn ngữ, như thông báo, tuyên bố, hỏi, thuyết phục, chỉ dẫn, và sử dụng cách phát âm, ngữ điệu, âm lượng, nhịp độ, cùng các khía cạnh không biểu đạt khác như cử chỉ và giọng điệu để truyền đạt ý nghĩa. Thông qua giọng điệu, người nói cũng không ý muốn thể hiện nhiều khía cạnh về tình trạng xã hội của họ, như giới tính, tuổi, nơi xuất thân, tình trạng tâm lý, tình trạng sức khỏe, trình độ học vấn, và nhiều khía cạnh khác. |
Đường dẫn âm () là khoảng trống trong cơ thể người và động vật, nơi âm thanh được tạo ra tại nguồn âm thanh (thanh quản ở động vật có vú; ống tiêu ở các loài chim) và sau đó được lọc.
Ở chim, đường tiếng bao gồm khí quản, ống tiêu, khoang miệng, phần trên của minh quản, và mỏ. Ở động vật có vú, nó gồm khoang thanh quản, cổ họng, khoang miệng và khoang mũi.
Chiều dài trung bình của đường tiếng ở nam giới là 16,9 cm và ở nữ giới là 14,1 cm. |
Các khu phố của Washington, D.C.
Washington, D.C. (tên chính thức là Đặc khu Columbia) là thủ đô của Hoa Kỳ. Nó được chia thành 131 khu phố "(neighborhood)" với bề dày lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nhân khẩu học và địa lý lâu đời. Tên của 131 khu phố này được xác định một cách không chính thức bởi Văn phòng Quy hoạch của thành phố. Các khu phố có thể được xác định bởi ranh giới giữa các phường, quận lịch sử hoặc do các Ủy ban Tư vấn Khu phố, các hiệp hội dân sự hay các khu cải tiến kinh doanh (BID); đôi khi những ranh giới này sẽ chồng lên nhau.
Về mặt hành chính, các khu phố này nằm dưới cấp phường. Tổng cộng Washington có 8 phường; mỗi phường bầu một thành viên vào Hội đồng Quận Columbia (tức hội đồng thành phố) và ranh giới của các phường sẽ được phân chia lại mỗi mười năm.
Ủy viên Hội đồng đại diện cho Phường 1:
Dân số (2022): 88,846
Ủy viên Hội đồng đại diện cho Phường 2:
Dân số (2022): 89,518
Ủy viên Hội đồng đại diện cho Phường 3:
Dân số (2022): 81,883
Ủy viên Hội đồng đại diện cho Phường 4:
Dân số (2022): 83,996
Ủy viên Hội đồng đại diện cho Phường 5:
Dân số (2022): 86,794
Ủy viên Hội đồng đại diện cho Phường 6:
Dân số (2022): 99,652
Ủy viên Hội đồng đại diện cho Phường 7:
Dân số (2022): 77,456
Ủy viên Hội đồng đại diện cho Phường 8:
Dân số (2022): 77,756 |
Gennady Vladimirovich Anashkin (tiếng Nga: Генна́дий Влади́мирович Ана́шкин, sinh ngày 17 tháng 12 năm 1968) là một thượng tướng của Lực lượng Vũ trang Liên bang Nga, Tư lệnh Quân đoàn binh chủng hợp thành cận vệ số 8, Anh hùng Liên bang Nga (2008).
G.V. Anashkin sinh ngày 17 tháng 12 năm 1968 tại thành phố Kuibyshev (nay là Samara), Liên Xô.
Tháng 6 năm 1987, ông được gọi đi nghĩa vụ quân sự trong Quân đội Liên Xô và phục vụ trong Nhóm Lực lượng Liên Xô ở Đức.
Tháng 8 năm 1989, ông vào Trường Cao đẳng Sĩ quan Nhảy dù Ryazan; sau đó vào năm 1993, được điều động phục vụ trong Trung đoàn Nhảy dù Cận vệ 337 (Sư đoàn Dù Cận vệ 104, Ulyanovsk); từ tháng 8 cùng năm, ông chỉ huy một trung đội nhảy dù cùng trung đoàn. Tháng 8 năm 1994, ông được bổ nhiệm giữ chức vụ đại đội phó; đến tháng 7 năm 1995, được bổ nhiệm làm đại đội trưởng một đại đội nhảy dù cùng trung đoàn.
Kể từ tháng 4 năm 1998, ông phục vụ trong tiểu đoàn nhảy dù độc lập 116 (Lữ đoàn dù cận vệ biệt động 31, Ulyanovsk), nơi ông chỉ huy một đại đội.
Từ tháng 12 năm 1999 đến tháng 8 năm 2000, G.V. Anashkin thực hiện một nhiệm vụ ở Nam Tư cũ, nơi ông chỉ huy một tiểu đoàn nhảy dù thuộc Lực lượng gìn giữ hòa bình ở Bosnia và Herzegovina.
Năm 2003, ông tốt nghiệp Học viện Các binh chủng hợp thành của Lực lượng Vũ trang Liên bang Nga.
Từ tháng 6 năm 2003, ông giữ chức tham mưu trưởng - phó tư lệnh sư đoàn 226, và từ tháng 9 - trung đoàn huấn luyện nhảy dù 285 của trung tâm huấn luyện huấn luyện chuyên gia dù cơ sở 242 (Omsk).
Tháng 8 năm 2006, ông được bổ nhiệm vào chức vụ Tham mưu trưởng - Phó Lữ đoàn dù cận vệ biệt động số 31 (Ulyanovsk). Là một phần của các đơn vị hợp thành, ông đã được phái tới Chechnya trong cuộc Chiến tranh Chechnya lần thứ nhất và thứ hai.
Kể từ tháng 6 năm 2007, ông chỉ huy Trung đoàn tấn công đường không cận vệ 104 (Sư đoàn tấn công đường không cận vệ 76, Pskov).
Chính thức, vào sáng ngày 8 tháng 8 năm 2008, trung đoàn 104 được báo động và vài giờ sau, Đại tá G. V. Anashkin, chỉ huy một tiểu đoàn chiến thuật, bay tới Bắc Ossetia. Vào đêm ngày 9 tháng 8, một nhóm quân dưới sự chỉ huy của Anashkin bắt đầu hành quân đến Nam Ossetia và đến sáng ngày 9 tháng 8 đã đến được Tskhinvali. Vào ngày 10 tháng 8, một nhóm gồm hai đại đội nhảy dù trên BMD, được tăng cường bởi bốn pháo tự hành Nona và bốn xe bọc thép chở quân, đã tiến hành đột kích vào thành phố Gori. Trên đường đi, nhóm bị máy bay Gruzia tấn công nhưng đã bắn rơi một máy bay bằng vũ khí phòng không. Gần làng Khetagurovo, nhóm này bị xe tăng Gruzia bắn vào, nhưng sau trận chiến họ đã đẩy lui đối phương. Tiến từ Shindisi đến Gori, nhóm của Anashkin đã tấn công và phá hủy một kho thiết bị quân sự gần làng Variani. Vào ngày 12 tháng 8, sau một trận chiến ngoan cường, nhóm quân do ông chỉ huy đã chiếm được tháp truyền hình, và tiêu diệt một khẩu đội pháo binh của Gruzia. Trong cuộc đột kích, nhóm bị mất một người lính và bị thương chín người. Theo sắc lệnh của Tổng thống Liên bang Nga ngày 5 tháng 9 năm 2008, “vì lòng dũng cảm và chủ nghĩa anh hùng thể hiện trong việc thực hiện nghĩa vụ quân sự”, Đại tá cận vệ Gennady Vladimirovich Anashkin đã được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên bang Nga cùng với Huân chương Vàng, Huân chương Ngôi sao (số 917).
Anashkin tiếp tục phục vụ trong Quân đội Nga. Cuối năm 2008, trung đoàn dưới sự chỉ huy của Đại tá G. V. Anashkin được công nhận là trung đoàn xuất sắc nhất trong Lực lượng Dù Nga.
Từ tháng 8 năm 2009, ông làm phó tư lệnh Sư đoàn dù cận vệ 106. Từ tháng 11 năm 2010 đến tháng 1 năm 2011, làm quyền tư lệnh Sư đoàn dù cận vệ 106.
Năm 2012, ông tốt nghiệp Học viện Quân sự Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Liên bang Nga.
Từ tháng 8 năm 2012 đến tháng 8 năm 2014, ông chỉ huy Lữ đoàn xung kích đường không cận vệ 31.
Từ tháng 8/2014, ông làm Phó Tư lệnh Quân đoàn 58 Quân khu Nam.
Theo Nghị định của Tổng thống Liên bang Nga ngày 11 tháng 12 năm 2015, ông được phong quân hàm Thiếu tướng.
Từ tháng 7/2017, ômg làm Phó Tư lệnh Tập đoàn quân hỗn hợp cận vệ 8 Quân khu Nam.
Theo Nghị định của Tổng thống Liên bang Nga số 355 ngày 11 tháng 6 năm 2021, ông được phong quân hàm Trung tướng.
Từ ngày 25 tháng 9 năm 2021 đến ngày 11 tháng 1 năm 2022, ông chỉ huy lực lượng gìn giữ hòa bình Nga tại Nagorno-Karabakh.
Ngày 7 tháng 9 năm 2023, ông được phong quân hàm Thượng tướng. |
Sotima John (, sinh ngày 29 tháng 3 năm 2000) là người mẫu và hoa hậu người Campuchia từng đăng quang cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Campuchia 2023. Cô sẽ đại diện cho Campuchia tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2023 ở El Salvador.
Các cuộc thi sắc đẹp.
Hoa hậu Hòa bình Campuchia 2017.
Vào ngày 17 tháng 8 năm 2017, John thi đấu tại Miss Grand Campuchia 2017 tại Nagaworld Hotel Grand Ballroom ở Phnom Penh. Cô đứng ở vị trí Á hậu 2 và thua người chiến thắng cuối cùng là Khloem Sreykea.
Hoa hậu Hoàn vũ Campuchia 2019.
Ngày 31 tháng 3 năm 2019, John đại diện cho Tboung Khmum tại Hoa hậu Hoàn vũ Campuchia 2019 và tranh tài với 25 thí sinh khác tại Nagaworld – NABA Theatre ở Phnom Penh, Campuchia. Cô là Á hậu 2 sau Somnang Alyna và đăng quang Hoa hậu Du lịch Campuchia 2019.
Hoa hậu Du lịch Quốc tế 2019.
Vào ngày 8 tháng 11 năm 2019, John đại diện cho Campuchia tại Hoa hậu Du lịch Quốc tế 2019 và tranh tài với 39 thí sinh khác tại Sunway Resort Hotel and Spa ở Bandar Sunway, Selangor, Malaysia. Cô đứng ở vị trí Á hậu 4 và thua người chiến thắng cuối cùng là Cyrille Payumo và đăng quang Dreamgirl of the Year International 2019.
Hoa hậu Hoàn vũ Campuchia 2023.
Vào ngày 7 tháng 9 năm 2023, John đại diện cho Kampong Cham tại Hoa hậu Hoàn vũ Campuchia 2023 và tranh tài với 35 thí sinh khác tại Bayon TV Steung Meanchey Studio ở Phnom Penh.
Kết thúc sự kiện, John đã giành được danh hiệu và được kế vị bởi Manita Hang.
Hoa hậu Hoàn vũ 2023.
Vào ngày 18 tháng 11 năm 2023, John sẽ đại diện cho Campuchia tại Hoa hậu Hoàn vũ 2023 ở San Salvador, El Salvador. |
Binh đoàn sông Rhin (1870)
Binh đoàn sông Rhin () là một đại đơn vị quân sự Pháp tham gia Chiến tranh Pháp–Phổ. Nó được thành lập ngay sau khi Pháp tuyên chiến với Phổ vào ngày 18 tháng 7 năm 1870. Đơn vị này tham gia chiến đấu ở Lorraine, sau đó được tách ra một phần để thành lập binh đoàn thứ hai của Pháp, Binh đoàn Châlons.
Với thất bại của người Pháp, Binh đoàn sông Rhin đã đầu hàng liên quân Đức vào ngày 27 tháng 10 trong Cuộc vây hãm Metz.
Binh đoàn sông Rhin được thành lập ngày 1 tháng 8 năm 1870, là đại binh đoàn đầu tiên của Pháp được thành lập sau khi tuyên chiến với Phổ, được hình thành từ số quân sẵn có trong thời bình. Ban đầu được binh đoàn được chỉ huy trực tiếp bởi Hoàng đế Napoléon III, với các thành phần chủ lực gồm lực lượng Vệ binh Hoàng gia (), 7 quân đoàn và lực lượng tổng trù bị. Mỗi quân đoàn gồm có 3 hoặc 4 sư đoàn bộ binh và 1 sư đoàn kỵ binh. Mỗi sư đoàn gồm 2 hoặc 3 lữ đoàn, một đơn vị pháo binh và một đơn vị công binh dự bị. Mỗi lữ đoàn có 2 hoặc 3 trung đoàn bộ binh hoặc kỵ binh chủ lực. Các sư đoàn bộ binh được biên chế một cụm pháo binh với 2 khẩu đội pháo lớn 4 ngựa kéo và 1 khẩu đội súng máy, trong khi các sư đoàn kỵ binh gồm 2 khẩu đội pháo 1 ngựa kéo. |
Ký hiệu thiên văn
Ký hiệu thiên văn là những ký hiệu hình ảnh trừu tượng được sử dụng để thể hiện các thiên thể, các cấu trúc lý thuyết và các sự kiện quan sát trong thiên văn học châu Âu. Hình thái sớm nhất của các ký hiệu này xuất hiện trong các văn bản giấy cói của Hy Lạp vào cuối thời cổ đại. Các sổ ghi chép của đế quốc Byzantine trong đó có nhiều văn bản giấy cói được bảo tồn của người Hy Lạp vẫn tiếp tục và mở rộng thêm các ký hiệu thiên văn. Các ký hiệu mới đã được sáng chế để đại diện cho nhiều hành tinh và hành tinh nhỏ được phát hiện vào thế kỷ 18 đến thế kỷ 21.
Các ký hiệu này từng được sử dụng phổ biến bởi các nhà thiên văn học chuyên nghiệp và nghiệp dư, nhà giả kim và nhà chiêm tinh học. Mặc dù chúng vẫn được sử dụng phổ biến trong niên lịch và các ấn phẩm chiêm tinh học, nhưng sự xuất hiện của chúng trong các nghiên cứu và văn bản xuất bản về thiên văn học tương đối hiếm, với một số ngoại lệ như ký hiệu Mặt Trời và Trái Đất xuất hiện trong các hằng số thiên văn và một số cung hoàng đạo nhất định được sử dụng để chỉ các điểm chí và điểm phân.
Unicode đã mã hóa các ký hiệu này, chủ yếu là trong các khối Ký hiệu Khác, khối Ký hiệu và Mũi tên Khác, khối Ký hiệu và Chữ tượng hình Khác và khối Ký hiệu giả kim.
Ký hiệu của Mặt Trời và Mặt Trăng.
Việc sử dụng các ký hiệu thiên văn cho Mặt Trời và Mặt Trăng đã có từ thời cổ đại. Hình thái của các ký hiệu xuất hiện trong văn bản gốc bằng giấy cói của tử vi Hy Lạp là một vòng tròn có một dòng tia () tượng trưng cho Mặt Trời và hình lưỡi liềm tượng trưng cho Mặt Trăng. Ký hiệu hiện đại của Mặt Trời là một vòng tròn có dấu chấm ở giữa (☉), xuất hiện lần đầu ở châu Âu vào thời Phục hưng.
Trong văn bản học thuật hiện đại, ký hiệu Mặt Trời được sử dụng cho các hằng số thiên văn liên quan đến Mặt Trời Teff☉ biểu thị nhiệt độ hiệu dụng của Mặt Trời và độ sáng, khối lượng và bán kính của các ngôi sao thường được biểu thị bằng các hằng số Mặt Trời tương ứng (lần lượt là #đổi
Đây là một đổi hướng từ một trang đó đã được . Trang này được giữ lại dưới dạng một trang đổi hướng để tránh phá vỡ các liên kết, cả bên trong và bên ngoài, có thể đã được liên kết tới tên trang cũ.
, #đổi , and #đổi
Đây là một đổi hướng từ một trang đó đã được . Trang này được giữ lại dưới dạng một trang đổi hướng để tránh phá vỡ các liên kết, cả bên trong và bên ngoài, có thể đã được liên kết tới tên trang cũ.
) làm đơn vị đo.
Ký hiệu của các hành tinh.
Ký hiệu của các hành tinh cổ điển xuất hiện trong nhiều mật mã Byzantine thời trung cổ, trong đó nhiều lá số tử vi cổ xưa đã được lưu giữ. Các ký hiệu viết về Sao Thuỷ, Sao Kim, Sao Mộc và Sao Thổ bắt nguồn từ các hình thái được tìm thấy trong các văn bản giấy cói của Hy Lạp thời kỳ cuối. Các ký hiệu của Sao Mộc và Sao Thổ được xác định bằng chữ lồng của tên các vị thần Hy Lạp tương ứng, và ký hiệu của Sao Thủy là một cây caduceus cách điệu. Theo Annie Scott Dill Maunder, tiền thân của các ký hiệu hành tinh được sử dụng trong nghệ thuật để đại diện cho các vị thần gắn liền với các hành tinh cổ điển. "Bình đồ địa cầu của Bianchini", được nhà triết học Francesco Bianchini phát hiện vào thế kỷ 18 và được chế tạo vào thế kỷ 2, đã chỉ ra rằng sự nhân cách hoá các thần hành tinh của người Hy Lạp được tính trong các phiên bản đầu tiên của ký hiệu hành tinh: Ký hiệu của Sao Thủy là một cây gậy caduceus, Sao Kim là một vòng cổ của nữ thần và một sợi dây có gắn các vòng cổ khác, Sao Hỏa là ngọn giáo, Sao Mộc là cây trượng, Sao Thổ là lưỡi hái, Mặt Trời là một vòng tròn có các dòng tia bắn ra từ nó, Mặt Trăng là một cái mũ đính thêm trăng lưỡi liềm.
Một sơ đồ trong Bản yếu lược Chiêm tinh học thế kỷ 12 của nhà thiên văn học của Đế quốc Byzantine Johannes Kamateros cho thấy ký hiệu Mặt Trời được biểu thị là vòng tròn có một dòng tia, Sao Mộc là chữ "Zeta" (chữ cái đầu tiên của vị thần Zeus, phiên bản Hy Lạp của vị thần La Mã Jupiter), Sao Hỏa là một tấm khiên có một ngọn giáo bắt chéo, và các hành tinh cổ điển còn lại là các ký hiệu giống với các hành tinh hiện đại, không có dấu chéo ở dưới các phiên bản hiện đại của ký hiệu Sao Thủy và Sao Kim. Những dấu chéo này xuất hiện lần đầu vào khoảng thế kỷ 16. Theo Maunder, việc bổ sung các dấu chữ thập dường như là "một nỗ lực nhằm mang lại nét Cơ đốc giáo đến ký hiệu của các vị thần ngoại giáo trước đây".
Các ký hiệu của Sao Thiên Vương được tạo ra ngay sau khi phát hiện ra nó. Một ký hiệu của Sao Thiên Vương là , do Johann Gottfried Koehler sáng tạo và được Bode tinh chỉnh, nhằm đại diện cho kim loại mới được phát hiện là bạch kim. Vì bạch kim (thường được gọi là vàng trắng) được các nhà hóa học tìm thấy khi pha trộn với sắt, nên ký hiệu của bạch kim kết hợp với ký hiệu thuật giả kim đối với các nguyên tố hành tinh là sắt ♂ và vàng ☉. Một ký hiệu khác , được Joseph Jérôme Lefrançois de Lalande đề xuất vào năm 1784. Trong một lá thư gửi đến người khám phá Sao Thiên Vương là William Herschel, Lalande đã mô tả nó: "un Globe surmonté par la première lettre de votre nom" ("một quả cầu nằm bên dưới chữ cái đầu trong tên của ông"). Ngày nay, ký hiệu của Köhler phổ biến hơn trong giới thiên văn học và ký hiệu của Lalande phổ biến hơn trong giới chiêm tinh học, mặc dù không có gì lạ khi nhìn thấy từng ký hiệu trong văn cảnh khác.
Một số ký hiệu đã được đề xuất cho Sao Hải Vương đi kèm với những cái tên gợi ý cho hành tinh này. Cho rằng mình có quyền đặt tên cho hành tinh mà mình khám phá, Urbain Le Verrier ban đầu đề xuất cái tên "Neptune" và ký hiệu của hành tinh là một cây đinh ba, trong khi ông lại tuyên bố sai rằng tên gọi này đã được "Bureau des Longitude" của Pháp chính thức công nhận. Vào tháng 10, ông tìm cách đặt tên cho hành tinh này là "Le Verrier", và ông nhận được sự ủng hộ trung thành từ giám đốc Đài quan sát là François Arago, người lần lượt đề xuất ký hiệu mới cho hành tinh (). Tuy nhiên, đề xuất này vấp phải sự phản đối gay gắt từ bên ngoài nước Pháp. Niên lịch của Pháp nhanh chóng giới thiệu lại cái tên "Herschel" cho Sao Thiên Vương, theo tên của nhà thiên văn học William Herschel, và "Le Verrier" cho hành tinh mới. Giáo sư James Pillans của Đại học Edinburgh đã giữ tên gọi "Janus" cho hành tinh mới và đề xuất về ký hiệu của hành tinh. Trong khi đó, nhà thiên văn học người Đức gốc Nga Friedrich Georg Wilhelm von Struve đã đặt tên là "Neptune" cho Viện Hàn lâm Khoa học Saint Petersburg vào ngày 29 tháng 12 năm 1846. Vào tháng 8 năm 1847, "Bureau des Longitude" công bố quyết định tuân theo thông lệ thiên văn phổ biến và áp dụng lựa chọn "Neptune", trong đó Arago không dự đến quyết định này.
Hiệp hội Thiên văn Quốc tế (IAU) không khuyến khích việc sử dụng các ký hiệu này trong các bài báo, mặc dù chúng vẫn diễn ra. Trong một vài trường hợp nhất định khi các ký hiệu hành tinh có thể sử dụng, chẳng hạn như trong các tiêu đề của bảng, Bản hướng dẫn thể văn của IAU cho phép một số chữ viết tắt một và (để phân biệt Sao Thủy và Sao Hỏa) đối với tên của các hành tinh.
Ký hiệu của các tiểu hành tinh.
Sau khi nhà thiên văn học và linh mục Công giáo người Ý Giuseppe Piazzi phát hiện ra Ceres vào năm 1801, một nhóm các nhà thiên văn học đã phê chuẩn cái tên mà Piazzi đề xuất. Vào thời điểm đó, ký hiệu lưỡi hái được chọn làm ký hiệu của hành tinh.
Ký hiệu của 2 Pallas là ngọn giáo của Pallas Athena, được phát minh bởi Nam tước Franz Xaver von Zach, người đã tổ chức một nhóm gồm 24 nhà thiên văn học để tìm kiếm một hành tinh nằm giữa quỹ đạo của Sao Hỏa và Sao Mộc. Ký hiệu này được von Zach giới thiệu vào năm 1802. Trong một lá thư gửi von Zach, nhà khám phá Heinrich Wilhelm Matthäus Olbers (người đã phát hiện và đặt tên cho Pallas) bày tỏ sự tán thành của ông đối với ký hiệu được đề xuất, nhưng mong muốn rằng tay cầm lưỡi hái của Ceres được trang trí bằng một núm chuôi kiếm thay vì một thanh ngang, để phân biệt rõ hơn với ký hiệu của Sao Kim.
Nhà thiên văn học người Đức Karl Ludwig Harding đã tạo ra ký hiệu cho 3 Juno. Harding cũng là người phát hiện ra tiểu hành tinh này vào năm 1804, đã đề xuất tên gọi "Juno" và sử dụng vương trượng có hình ngôi sao làm ký hiệu thiên văn của nó.
Ký hiệu của 4 Vesta được tạo ra bởi nhà toán học người Đức Carl Friedrich Gauss. Tiến sĩ Olbers, người trước đây đã phát hiện và đặt tên cho 2 Pallas, đã vinh dự Gauss đặt tên cho phát hiện mới nhất của mình. Gauss quyết định đặt tên tiểu hành tinh mới theo tên nữ thần Vesta, đồng thời đưa ra ký hiệu của Vesta (): bàn thờ của nữ thần, với ngọn lửa thiêng đang cháy trên bàn thờ đó. Thay vào đó, các nhà văn đương thời khác sử dụng một ký hiệu phức tạp hơn ().
Karl Ludwig Hencke, nhà thiên văn nghiệp dư người Đức, đã phát hiện thêm hai tiểu hành tinh tiếp theo là 5 Astraea và 6 Hebe. Hencke yêu cầu ký hiệu của 5 Astraea là một mỏ neo lộn ngược. Tuy nhiên, ký hiệu này đôi khi được thay thế bằng ký hiệu cán cân. Gauss đặt tên là "6 Hebe" theo yêu cầu của Hencke và chọn chiếc ly rượu làm ký hiệu thiên văn của nó.
Khi có thêm nhiều tiểu hành tinh mới được phát hiện, các nhà thiên văn học tiếp tục gán các ký hiệu cho chúng. Do đó, 7 Iris có ký hiệu là cầu vồng với một ngôi sao, 8 Flora là một đóa hoa, 9 Metis là một con mắt có một ngôi sao, 10 Hygiea là một con rắn thẳng đứng với một ngôi sao trên đầu, 11 Parthenope là một con cá đứng với một ngôi sao, 12 Victoria là một ngôi sao trên đỉnh một cành cây của nguyệt quế, 13 Egeria là một chiếc khiên, 14 Irene là một chim bồ câu ngậm cành ô liu với một ngôi sao trên đầu, 15 Eunomia là một trái tim có gắn một ngôi sao trên đỉnh, 16 Psyche là một đôi cánh bướm có một ngôi sao, 17 Thetis là cá heo có một ngôi sao, 18 Melpomene là một dao găm trên một ngôi sao, và 19 Fortuna là một ngôi sao gắn trên bánh xe của Fortuna.
Johann Franz Encke đã thực hiện một thay đổi lớn trong "Niên giám Thiên văn học tại Berlin" (BAJ) của Đức năm 1854, xuất bản vào năm 1851. Ông đưa ra các con số được bao quanh thay vì các ký hiệu, mặc dù cách đánh số của ông bắt đầu từ Astraea, bốn tiểu hành tinh đầu tiên tiếp tục được biểu thị bằng các ký hiệu truyền thống của chúng. Sự đổi mới mang tính biểu tượng này đã được cộng đồng thiên văn học áp dụng rất nhanh chóng. Năm 1852, số hiệu của Astraea tăng lên 5, nhưng Ceres đến Vesta không được liệt kê theo số của chúng cho đến khi ấn bản được đăng vào năm 1867. Tạp chí Thiên văn do Benjamin Apthorp Gould biên tập đã áp dụng ký hiệu dạng này, với Ceres đánh số 1 và Astraea đánh số 5. Hình thái này trước đây đã được đề xuất trong một bức thư năm 1850 của Heinrich Christian Schumacher gửi Gauss. Vòng tròn sau đó trở thành một cặp dấu ngoặc đơn và các dấu ngoặc đơn đôi khi bị bỏ qua hoàn toàn trong vài thập kỷ tiếp theo.
Một số tiểu hành tinh đã được những nhà thiên văn phát hiện ra chúng đặt ký hiệu sau khi việc đánh số đã trở nên phổ biến. Các tiểu hành tinh 26 Proserpina, 28 Bellona, 35 Leukothea và 37 Fides đều được phát hiện bởi nhà thiên văn học người Đức Robert Luther, ký hiệu của chúng lần lượt gán cho một quả lựu có một ngôi sao bên trong, một dây roi và một ngọn giáo, một ngọn hải đăng cổ đại, và một cây thánh giá. Những ký hiệu này đã được vẽ trong các báo cáo khám phá. Tiểu hành tinh 29 Amphitrite được đặt tên và một vật có hình lớp vỏ là ký hiệu của nó được gán bởi George Bishop, chủ sở hữu Đài quan sát nơi nhà thiên văn học Albert Marth phát hiện ra nó vào năm 1854, mặc dù ký hiệu này không được nêu trong báo cáo phát hiện.
Ký hiệu của các thiên thể bên ngoài Sao Hải Vương.
Tên gọi và ký hiệu của Sao Diêm Vương được những người khám phá công bố vào ngày 1 tháng 5 năm 1930. Ký hiệu của Sao Diêm Vương là chữ cái lồng của các chữ cái P-L, có thể được hiểu là viết tắt của tên gọi "Pluto" hoặc Percival Lowell, nhà thiên văn học đã khởi xướng cuộc tìm kiếm tại Đài thiên văn Lowell để truy tìm một hành tinh nằm ngoài quỹ đạo của Sao Hải Vương. Sao Diêm Vương có ký hiệu thay thế gồm một quả cầu hành tinh phía trên cây gậy của vị thần Pluto, ký hiệu này lại phổ biến trong chiêm tinh học hơn trong thiên văn học và được nhà chiêm tinh học Paul Clancy phổ cập, nhưng đã được NASA sử dụng để gọi Sao Diêm Vương là một "hành tinh lùn". Có một số ký hiệu chiêm tinh khác của Sao Diêm Vương được sử dụng tại địa phương. Sao Diêm Vương còn có chữ viết tắt của IAU là P khi nó được coi là hành tinh thứ chín.
Ký hiệu của các chòm sao hoàng đạo.
Các ký hiệu cung hoàng đạo có một số cách giải thích về mặt thiên văn học. Tùy thuộc vào ngữ cảnh, ký hiệu cung hoàng đạo có thể biểu thị một chòm sao, một điểm hoặc một khoảng trên mặt phẳng hoàng đạo.
Danh sách các hiện tượng thiên văn được xuất bản trong các niên lịch, đôi khi cũng bao gồm sự liên kết giữa các ngôi sao và hành tinh hoặc Mặt Trăng. Thay vì in ra tên đầy đủ của ngôi sao, một chữ cái Hy Lạp và ký hiệu của chòm sao đôi khi được sử dụng để thay thế tên gọi của chúng. Đường hoàng đạo đôi khi được chia thành 12 "dấu hiệu", mỗi dấu hiệu được biểu diễn là một cung phân chia một góc 30°, và thành phần ký hiệu của kinh độ hoàng đạo được đánh số từ 0 đến 11, hoặc ký hiệu cung hoàng đạo tương ứng.
Trong các văn bản thiên văn học hiện đại, tất cả các chòm sao bao gồm cả 12 cung hoàng đạo, đều có chữ viết tắt gồm ba chữ cái đặc biệt đề cập đến các "chòm sao" hơn là các "dấu hiệu" hoàng đạo. Các ký hiệu cung hoàng đạo đôi khi cũng được sử dụng để biểu thị các điểm trên đường hoàng đạo, đặc biệt là các điểm chí và điểm phân. Mỗi ký hiệu được coi là đại diện cho "điểm đầu tiên" của mỗi "dấu hiệu" chứ không phải là vị trí trong "chòm sao" nhìn thấy được, nơi quan sát được sự thẳng hàng. Do đó, ký hiệu ♈︎ đại diện cho chòm sao Bạch Dương, đại diện cho điểm phân Tháng 3. Ký hiệu ♋︎ là chòm sao Cự Giải, đại diện cho điểm chí Tháng 6. ♎︎ là ký hiệu của Thiên Bình, đại diện cho điểm phân Tháng 9. ♑︎ là ký hiệu của chòm sao Ma Kết, đại diện cho điểm chí Tháng 12.
Mặc dù việc sử dụng các ký hiệu cung hoàng đạo chiêm tinh là rất hiếm, nhưng ký hiệu cụ thể ♈︎ dành cho Bạch Dương là một ngoại lệ. Nó thường được sử dụng trong thiên văn học hiện đại để biểu thị vị trí của điểm tham chiếu chuyển động (chậm) cho hệ tọa độ thiên thể hoàng đạo và xích đạo.
Xà Phu được đề xuất bởi nhà chiêm tinh Walter Berg, là dấu hiệu thứ 13 của cung Hoàng Đạo vào năm 1995. Ông đã tạo ra ký hiệu đối với Xà Phu đã trở nên phổ biến ở Nhật Bản.
Các ký hiệu khác.
Ký hiệu đối với các góc hợp và điểm nút xuất hiện trong các văn bản thời trung cổ, mặc dù cách sử dụng các ký hiệu giao điểm thời trung cổ và hiện đại có sự khác biệt. Ký hiệu hiện đại của điểm nút lên (☊) trước đây tượng trưng cho điểm nút xuống và ký hiệu hiện đại của điểm nút xuống (☋) được sử dụng đối với điểm nút lên. Khi mô tả các tham số Kepler của một quỹ đạo, ký hiệu ☊ đôi khi được dùng để biểu thị kinh độ hoàng đạo của điểm nút lên, mặc dù người ta thường sử dụng Ω (omega viết hoa và omega viết hoa đảo ngược), và chúng là các ký hiệu thay thế ban đầu về bề mặt in ăn cho các ký hiệu thiên văn.
Ký hiệu cho các góc hợp xuất hiện lần đầu trong mật mã Byzantine. Trong số các ký hiệu đối với năm góc hợp của Ptolemy, chỉ có ba góc hợp được biểu thị và sử dụng trong thiên văn học: giao hội, xung đối và cầu phương.
Ký hiệu của một sao chổi (☄) và một ngôi sao () đã được sử dụng trong các quan trắc thiên văn được xuất bản về các sao chổi. Trong bảng về các quan sát này, ☄ đại diện cho sao chổi đang được thảo luận và đại diện cho ngôi sao được so sánh liên quan đến phép đo vị trí của sao chổi đã được thực hiện. |
Ngữ điệu cảm xúc
Ngữ điệu cảm xúc hay ngữ điệu tình cảm là các khía cạnh phi ngôn ngữ của ngôn ngữ, giúp truyền đạt hoặc hiểu được cảm xúc. Điều này bao gồm cách cá nhân sử dụng giọng điệu trong lời nói để truyền tải thông điệp, bao gồm cao độ, âm lượng, âm sắc, tốc độ nói và khoảng dừng. Nó tồn tại độc lập với nội dung ngôn ngữ và tương tác bằng lời nói, ví dụ như mỉa mai.
Ngữ điệu cảm xúc trong lời nói có thể được cảm nhận hoặc giải mã với độ chính xác biến đổi theo tình trạng cảm xúc. Sự tức giận và nỗi buồn thường dễ dàng nhận biết nhất, tiếp theo là sự sợ hãi và hạnh phúc, trong khi sự ghê tởm thường được cảm nhận kém nhạy hơn. |
Sự mâu thuẫn là trạng thái khi có cảm xúc, niềm tin hoặc tình cảm đối với một đối tượng mà đồng thời mâu thuẫn và xung đột. Nó cũng có thể ám chỉ tình huống khi người ta trải qua sự phân vân hoặc không chắc chắn.
Mặc dù thái độ thường hướng dẫn hành vi liên quan đến thái độ, những thái độ mâu thuẫn thường không làm như vậy một cách ít quyết định. Đối với người có thái độ không chắc chắn, thái độ của họ càng không kiên định, dẫn đến việc dự đoán tương lai trở nên ít chắc chắn hoặc ít quyết định hơn. Thái độ mâu thuẫn cũng dễ bị ảnh hưởng bởi thông tin tạm thời (ví dụ, tâm trạng), điều này có thể dẫn đến một đánh giá linh hoạt hơn. Tuy nhiên, vì người có thái độ mâu thuẫn nghĩ nhiều hơn về thông tin liên quan đến thái độ, họ cũng thường bị thuyết phục hơn bởi thông tin liên quan đến thái độ (thông tin thuyết phục) so với những người ít mâu thuẫn hơn.
Sự mâu thuẫn rõ ràng có thể hoặc không phải lúc nào cũng là trạng thái tinh thần không thoải mái khi các khía cạnh tích cực và tiêu cực của một đối tượng xuất hiện trong tâm trí của người đó cùng một lúc. Mâu thuẫn tinh thần không thoải mái, còn gọi là xung đột tri thức, có thể dẫn đến sự tránh né, trì hoãn, hoặc cố gắng giải quyết mâu thuẫn một cách cố ý. Mức độ không thoải mái từ mâu thuẫn thường cao nhất khi người đó cần phải đưa ra quyết định trong tình huống cụ thể. Mức độ nhận biết sự mâu thuẫn thay đổi từ người này sang người khác và từ tình huống này sang tình huống khác. Đó là lý do tại sao các nhà nghiên cứu đã xem xét hai hình thức của sự mâu thuẫn, trong đó chỉ một trong số chúng được trải nghiệm như là một trạng thái xung đột. |
Trong tâm lý học, thái độ là một khái niệm tâm lý, là một tình cảm và quan điểm tinh thần tồn tại hoặc đặc trưng cho một người, đối với cách họ tiếp cận một vấn đề hoặc quan điểm cá nhân về nó. Thái độ bao gồm tư duy, quan điểm và cảm xúc của người đó. Thái độ phức tạp và được hình thành thông qua trải nghiệm trong cuộc sống. Nó là tâm trạng sẵn có của một người đối với một giá trị cụ thể và được kích thích thông qua phản ứng đối với bản thân, một người, nơi chốn, vật thể hoặc sự kiện (đối tượng thái độ) và ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành động của người đó.
Một cách đơn giản, thái độ trong tâm lý học là cảm xúc của người cá nhân về bản thân và thế giới. Nhà tâm lý học nổi tiếng Gordon Allport mô tả khái niệm tâm lý tiềm ẩn này như "khái niệm quan trọng và không thể thiếu nhất trong tâm lý xã hội đương đại." Thái độ có thể hình thành từ quá khứ và hiện tại của một người. Các chủ đề quan trọng trong nghiên cứu về thái độ bao gồm độ mạnh của thái độ, thay đổi thái độ, hành vi người tiêu dùng, và mối quan hệ giữa thái độ và hành vi. |
Từ chối thường có ít nhất ba nghĩa: khẳng định rằng một tuyên bố cụ thể nào đó không đúng (có thể chính xác hoặc không); từ chối một yêu cầu; và khẳng định rằng một tuyên bố đúng là không đúng.
Trong tâm lý học, từ chối là việc người ta lựa chọn từ chối hiện thực như một cách để tránh sự thật tâm lý không thoải mái.
Những người có triệu chứng của tình trạng y tế nghiêm trọng đôi khi từ chối hoặc lờ đi chúng vì ý nghĩa của việc có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng là không thoải mái. Hội Đồng Những Người Từ Thiện Mỹ đưa ra rằng sự từ chối là một nguyên nhân chính dẫn đến việc trễ trong điều trị đau tim. Do triệu chứng đa dạng và thường có những giải thích khác, bệnh nhân thường từ chối thừa nhận tình trạng khẩn cấp, thường dẫn đến hậu quả chết người. Thông thường, bệnh nhân trì hoãn việc thực hiện các xét nghiệm hoặc siêu âm vú do sợ ung thư, mặc dù điều này thường làm tồi đi kết quả y tế trong dài hạn. |
Cúp Nhà vua Thái Lan 2023
Cúp Nhà vua Thái Lan 2023 (, ) hay còn gọi là King's Cup 2023, là giải đấu giao hữu Cúp Nhà vua Thái Lan lần thứ 49 được tổ chức bởi Hiệp hội bóng đá Thái Lan (FAT). Giải đấu được tổ chức ở tỉnh Chiang Mai, Thái Lan, diễn ra từ ngày 7 đến ngày 10 tháng 9 năm 2023. Hai trận bán kết diễn ra vào ngày 7 tháng 9, hai đội giành chiến thắng hai trận bán kết tham dự trận chung kết vào ngày 10 tháng 9. Hai đội còn lại bước vào trận tranh hạng ba vào cùng ngày diễn ra trận chung kết.
Thái Lan là chủ nhà của giải đấu. 3 đội tuyển ngoài đội tuyển của nước chủ nhà tham gia giải đấu lần này là: Ấn Độ, Iraq và Liban.
Nhà đương kim vô địch là Tajikistan không tham dự.
Iraq đã có lần đầu tiên vô địch giải đấu khi đánh bại Thái Lan trong loạt sút luân lưu với tỷ số 5–4 sau khi hòa 2–2 trong hai hiệp thi đấu chính thức.
Các đội tham dự.
Dưới đây là danh sách các đội tham gia giải đấu.
Tất cả các trận đấu sẽ diễn ra ở sân vận động kỷ niệm 700 năm, tỉnh Chiang Mai, Thái Lan. |
commentSửa câu cú, lược bớt đoạn không nguồn./comment
Karl Patterson Schmidt (19 tháng 6 năm 1890 – 26 tháng 9 năm 1957) là một nhà bò sát-lưỡng cư học người Mỹ.
Schmidt là con trai của George W. Schmidt và Margaret Patterson Schmidt. George W. Schmidt là một giáo sư giảng dạy tiếng Đức ở Lake Forest, Illinois vào thời điểm Karl Schmidt ra đời. Gia đình ông rời thành phố vào năm 1907 và định cư ở Wisconsin. Họ làm việc tại một trang trại gần Stanley, Wisconsin, nơi mẹ và em trai ông tử vong trong một vụ hỏa hoạn vào ngày 7 tháng 8 năm 1935. Em trai ông, Franklin J. W. Schmidt, từng là nhân vật nổi bật ở chuyên ngành quản lý động vật hoang dã mới mẻ lúc bấy giờ. Karl Schmidt kết hôn với Margaret Wightman vào năm 1919 và họ có hai con trai tên John và Robert.
Năm 1913, Schmidt nhập học tại Đại học Cornell để theo chuyên ngành sinh học và địa chất. Năm 1915, ông phát hiện ra sở thích đối với bò sát-lưỡng cư học trong khóa đào tạo kéo dài 4 tháng của mình tại Công ty Dầu Perdee ở Louisiana. Năm 1916, ông nhận bằng Cử nhân Nghệ thuật và tiến hành chuyến thám hiểm địa chất đầu tiên tới Santo Domingo. Năm 1952, ông được Đại học Earlham trao bằng Tiến sĩ Khoa học danh dự.
Từ năm 1916 đến năm 1922, ông làm trợ lý khoa học của bộ môn bò sát-lưỡng cư học tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ ở New York, dưới sự chỉ đạo của các nhà bò sát-lưỡng cư học học nổi tiếng người Mỹ Mary Cynthia Dickerson và Gladwyn K. Noble. Ông tiến hành chuyến thám hiểm sưu tầm đầu tiên tới Puerto Rico vào năm 1919, rồi trở thành trợ lý chuyên phụ trách các loài bò sát và lưỡng cư tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Field ở Chicago vào năm 1922. Từ năm 1923 đến năm 1934, ông thực hiện một số chuyến thám hiểm sưu tầm đến Trung và Nam Mỹ cho bảo tàng ấy, rồi ông còn đặt chân đến Honduras (1923), Brazil (1926) và Guatemala (1933–1934). Năm 1937, ông trở thành cây biên tập của tạp chí bò sát-lưỡng cư và ngư học "Copeia", ông nắm giữ vị trí này cho đến năm 1949. Năm 1938, ông đi phục dịch trong Quân đội Hoa Kỳ. Ông trở thành phụ trách chính của môn động vật học tại Bảo tàng Field vào năm 1941, nơi ông làm việc cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1955. Từ năm 1942 đến năm 1946, ông là chủ tịch Hiệp hội nhà ngư học và bò sát-lưỡng cư học Hoa Kỳ. Năm 1953, ông thực hiện chuyến thám hiểm cuối cùng, tới Israel.
Ngày 26 tháng 9 năm 1957, Schmidt vô tình bị một con rắn "Dispholidus typus" chưa trưởng thành cắn tại phòng thí nghiệm của ông ở Bảo tàng Field. Marlin Perkins (giám đốc Vườn thú Công viên Lincoln) đã gửi con rắn đến phòng thí nghiệm của Schmidt để nhận dạng. Vì nghĩ con rắn còn quá nhỏ, loài này lại chỉ có răng nanh mọc sau hàm, Schmidt đã tưởng nọc con rắn không thể gây tử vong. Ông bị cắn do giữ nó mà không phòng vệ. Nọc độc của "Dispholidus typus" gây đông máu nội mạch lan tỏa, tình trạng mà rất nhiều cục máu đông nhỏ hình thành trong máu làm nạn nhân mất khả năng đông máu thêm và chảy máu cho đến chết.
Tối hôm đó, Schmidt cảm thấy hơi ốm. Đến sáng hôm sau, nọc độc nhanh chóng phát tác. Ông không đi làm, đến trưa thì báo với bảo tàng rằng mình ốm nặng. Sau đó, ông ngã gục tại nhà riêng ở Homewood, Illinois, bị chảy máu ở phổi, thận, tim và não rồi qua đời trên đường đến Bệnh viện Ingalls Memorial. Sau khi bị cắn, ông ghi chú chi tiết về các triệu chứng mà mình gặp phải, gần như cho đến khi tử vong.
Schmidt là một trong những nhà bò sát-lưỡng cư học quan trọng nhất ở thế kỷ 20. Mặc dù chỉ tự mình thực hiện một số khám phá quan trọng nhưng ông đã đặt tên cho hơn 200 loài và là chuyên gia hàng đầu về rắn san hô. Việc ông quyên góp hơn 15.000 đầu sách văn học về bò sát-lưỡng cư đã tạo nên nền móng cho Thư viện bò sát-lưỡng cư tưởng niệm Karl P. Schmidt đặt tại Bảo tàng Field.
Các bài viết của ông tiết lộ rằng nhìn chung ông là người ủng hộ tuyệt đối chủ nghĩa phân tán các loài của W.D. Matthew.
Đơn vị phân loại.
Loài và phân loài được đặt tên theo Karl Schmidt.
Nhiều loài và phân loài lưỡng cư và bò sát được đặt tên để tôn vinh ông, bao gồm:
Ông là tác giả của hơn 200 bài báo và sách, trong đó có "Living Reptiles of the World", về sau trở thành cuốn sách bán chạy trên toàn cầu. |
Samsung Galaxy A12 là điện thoại thông minh chạy hệ điều hành Android do Samsung Electronics phát triển và là một phần của dòng Galaxy A. Điện thoại này được công bố vào tháng 11 năm 2020, đây là sản phẩm kế nhiệm của Samsung Galaxy A11.
Vào ngày 9 tháng 8 năm 2021, một biến thể mới của điện thoại có tên Samsung Galaxy A12 Nacho đã được công bố.
Thông số kỹ thuật.
Galaxy A12 có các tùy chọn màu sắc Đen Phá Cách, Xanh Bứt Phá, Trắng Tâm Điểm và Đỏ. Bốn camera phía sau được xếp thành hình vuông ở góc trên cùng bên trái, tương tự như cụm camera của Galaxy A42 5G. Mặt sau và các cạnh bên đều được làm bằng nhựa, trong khi mặt trước là kính. Kích thước vật lý của điện thoại là 6,46 x 2,98 x 0,35 in (164 x 75,8 x 8,9 mm) và điện thoại nặng .
Galaxy A12 có màn hình IPS LCD 6,5 inch (170 mm) với độ phân giải 720 × 1600 pixel, tỷ lệ khung hình 20:9, tỷ lệ màn hình so với thân máy ~85,8% và mật độ điểm ảnh ~264 ppi.
Điện thoại có 4 cấu hình RAM và bộ nhớ trong khác nhau: 32 GB/3 GB RAM, 64 GB/4 GB RAM, 128 GB/4 GB RAM và 128 GB/6 GB RAM. Bộ nhớ có thể được mở rộng bằng thẻ nhớ MicroSD, tối đa thêm 1 TB.
Điện thoại được cung cấp sức mạnh bởi Mediatek System-on-Chip (SoC), được xây dựng trên công nghệ tiến trình 12 nanomet (nm). SoC này có CPU lõi tám nhân được chia thành hai cụm bao gồm cụm hiệu suất cao và cụm tiết kiệm năng lượng. Cụm hiệu suất cao bao gồm bốn lõi Cortex-A53 có tốc độ 2,3 GHz, trong khi cụm tiết kiệm năng lượng cũng bao gồm bốn lõi Cortex-A53 có tốc độ 1,8 GHz.
Mediatek MT6765 Helio P35 SoC cũng đi kèm GPU tích hợp, hoạt động ở tốc độ 680 MHz.
Pin và những thứ khác.
Điện thoại được trang bị pin 5000 mAh không thể tháo rời, có thể sạc nhanh (15 W) thông qua cổng USB-C nằm giữa giắc cắm tai nghe 3,5 mm và loa đơn, cảm biến vân tay được tích hợp vào nút nguồn.
Samsung Galaxy A12 có 4 camera phía sau được tạo hình theo hình vuông được bo tròn màu đen. Camera chính được trang bị cảm biến 48MP với khẩu độ f/2.0, tiêu cự 26mm và tự động lấy nét. Camera siêu rộng là cảm biến 8 MP với khẩu độ f/2.2 và trường nhìn 123° (FoV). Camera chính có khả năng quay video lên tới 1080p ở tốc độ 30 khung hình/giây. Cả camera macro (để chụp ảnh cận cảnh) và cảm biến chiều sâu (để làm mờ hậu cảnh) đều là cảm biến 2 MP với khẩu độ f/2.4. Đèn flash LED cũng được trang bị để chiếu sáng cho ảnh chụp trong điều kiện ánh sáng yếu. Camera phía trước có độ phân giải 8 MP và quay video lên tới 1080p ở tốc độ 30 khung hình/giây.
Thiết bị đi kèm với One UI Core 2.5 dựa trên Android 10 và được cài đặt sẵn nhiều ứng dụng tiêu chuẩn của Google. Nó có thể được nâng cấp lên One UI Core 4 và Android 12. Phiên bản Nacho đi kèm One UI Core 3.1 và Android 11. Cả hai đều đi kèm với Samsung Knox để tăng cường bảo mật, được hỗ trợ bởi tính năng chống vi-rút của McAfee. |
Hoa hậu Quý bà Hòa bình Quốc tế
Hoa hậu Quý bà Hòa bình Quốc tế (tiếng Anh: Mrs Grand International) là một cuộc thi sắc đẹp quốc tế thường niên dành cho các quý bà, được tổ chức lần đầu vào năm 2022 tại Myanmar. Myanmar Real Pageant Production (MRPP), có trụ sở tại Mandalay, Myanmar và do ông Khunn Hsett Han sáng lập, là chủ sở hữu và nhà phân phối quyền sở hữu của Mrs Grand International. Cuộc thi này tập trung vào việc vận động cho quyền lợi của phụ nữ, gia đình và trẻ em, hợp tác với UNFPA và UNICEF để tăng cường quyền của trẻ em và phụ nữ trên toàn cầu.
Đương kim Hoa hậu Quý bà Hòa bình Quốc tế là Phan Kim Oanh đến từ Việt Nam được trao vương miện vào ngày tháng 11 năm 2022 tại Myanmar. Hoa hậu Quý bà Hòa bình quốc tế 2023 sẽ được tổ chức tại Myanmar vào tháng 9 năm 2023.
Hoa hậu Quý bà hòa bình Việt Nam 2023.
Hoa hậu Quý bà hòa bình Việt Nam 2023 diễn ra từ ngày 10 tháng 4 đến 30 tháng 8 tại Hà Nội. là một phần của cuộc thi Hoa hậu Quý bà hòa bình quốc tế 2023. Ban tổ chức sẽ lựa chọn một đại diện từ Việt Nam để tham gia cuộc thi quốc tế Hoa hậu Quý bà hòa bình 2023. Đoàn Thị Thu Hằng - đăng quang Hoa hậu Quý bà Hòa bình Việt Nam trong đêm chung kết diễn ra tại Hà Nội. |
Salman bin Ibrahim Al Khalifa
Sheikh Salman bin Ibrahim Al Khalifa (; sinh ngày 2 tháng 11 năm 1965 tại Bahrain) là một cựu cầu thủ và quan chức trong lĩnh vực bóng đá người Bahrain. #đổi , ông là Phó Chủ tịch Thường trực của Liên đoàn bóng đá thế giới. Ông là Chủ tịch thứ 10 của Liên đoàn bóng đá châu Á từ ngày 2 tháng 5 năm 2013. Trước đó, ông từng là Chủ tịch Hiệp hội bóng đá Bahrain từ năm 2002 đến năm 2013, đồng thời cũng là Chủ tịch Ủy ban Kỷ luật của AFC và Phó Chủ tịch Ủy ban Kỷ luật của FIFA.
Ông cũng là thành viên của đại gia đình Al-Khalifa, một gia đình hoàng gia ở Bahrain, và từng bị cáo buộc liên quan đến việc đàn áp những người bất đồng chính kiến kể từ khi diễn ra sự kiện Mùa Xuân Ả Rập ở Bahrain.
Tiểu sử và sự nghiệp.
Salman bin Ibrahim Al Khalifa sinh ngày 2 tháng 11 năm 1965 tại Bahrain. Ông là thành viên trong đại gia đình Al Khalifa, một đại gia đình hoàng gia ở Bahrain. Ông là con trai thứ hai của Ibrahim bin Hamad al-Khalifa và Aisha bint Salman al-Khalifa, con gái của Quốc vương Bahrain Salman bin Hamad Al Khalifa I, trị vì từ năm 1942 cho đến khi qua đời vào năm 1961.
Ông tốt nghiệp Đại học Bahrain với bằng cử nhân Anh học và lịch sử.
Sự nghiệp bóng đá.
Salman đã gắn bó với bóng đá suốt nhiều năm, kể từ đầu những năm 1980 khi ông thi đấu cho đội trẻ Câu lạc bộ bóng đá Riffa.
Hiệp hội bóng đá Bahrain.
Kể từ khi rời Câu lạc bộ bóng đá Riffa để tập trung cho việc học tập, Salman đã đảm nhận các chức vụ quan trọng tại Hiệp hội bóng đá Bahrain. Năm 1996, ông trở thành Giám đốc Kỹ thuật của đội tuyển quốc gia Bahrain. Năm 1998, ông được bầu làm Phó chủ tịch của Hiệp hội bóng đá Bahrain. 4 năm sau (2002), ông được bầu làm Chủ tịch của Hiệp hội này cho đến năm 2013, khi ông trở thành Chủ tịch thứ 10 của Liên đoàn bóng đá châu Á.
Trong thời gian tại vị, ông đã tạo ra một "thế hệ vàng" cho bóng đá Bahrain. Đội tuyển quốc gia của nước này đã tiến đến vòng play-off liên lục địa của hai kỳ World Cup 2006 và 2010, đạt hạng tư tại Cúp bóng đá châu Á 2004, giúp cho bóng đá Bahrain đạt thứ hạng cao nhất lịch sử, vị trí thứ 44 trên Bảng xếp hạng FIFA.
Liên đoàn bóng đá châu Á.
Vào tháng 5 năm 2013, Salman được bầu làm Chủ tịch Liên đoàn bóng đá châu Á, đồng thời ông cũng trở thành thành viên Ban chấp hành FIFA. Ngay sau khi đắc cử, ông đã thay đổi Điều lệ của AFC, dẫn đến việc Hoàng tử Ali bin Al Hussein (người Jordan) mất ghế trong Ủy ban điều hành của FIFA và gây ra sự rạn nứt trong mối quan hệ của hai người.
Vào ngày 6 tháng 4 năm 2019, Salman tiếp tục tái đắc cử Chủ tịch AFC nhiệm kỳ 2019–2023, được sự ủng hộ của Liên đoàn bóng đá Úc, bất chấp những lo ngại về những cáo buộc vi phạm nhân quyền của ông bị cựu danh thủ Craig Foster nêu ra.
Ông tiếp tục đắc cử Chủ tịch AFC tại Đại hội lần thứ 33 của AFC vào tháng 2 năm 2023, đảm nhận chức vụ này đến năm 2027.
Liên đoàn bóng đá thế giới.
Salman từng giữ chức đồng chủ tịch Ủy ban Kỷ luật của Giải vô địch bóng đá thế giới, Giải vô địch bóng đá bãi biển thế giới và Giải vô địch bóng đá các câu lạc bộ thế giới. Ông từng là Phó Chủ tịch Ủy ban Kỷ luật của FIFA tại Bắc Kinh (Trung Quốc) vào năm 2008. Ông trở thành Ủy viên Ban Chấp hành Liên đoàn bóng đá thế giới vào năm 2013, với tư cách là Chủ tịch của AFC.
Vào ngày 15 tháng 10 năm 2015, ông nộp đơn xin ứng cử vào vị trí Chủ tịch của FIFA sau cuộc bầu cử vào tháng 2 năm 2016, nhưng ông sau đó bị Tổng Thư ký của UEFA Gianni Infantino đánh bại. Điều này được cho là do ông bị cáo buộc có liên quan đến việc đàn áp tàn bạo những người tham gia biểu tình ủng hộ dân chủ ở Bahrain kể từ khi diễn ra sự kiện Mùa xuân Ả Rập ở Bahrain vào năm 2011.
Bị cáo buộc vi phạm nhân quyền.
Các nhà hoạt động nhân quyền như Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, Nhân quyền ở Bahrain và Viện Nhân quyền và Dân chủ Bahrain đã cho rằng: Salman đứng đầu một tổ chức có nhiệm vụ xác định các cầu thủ bóng đá người Bahrain và các vận động viên khác tham gia vào cuộc nổi dậy ở Bahrain vào năm 2011 trong sự kiện Mùa xuân Ả Rập. Nhiều người bị bỏ tù và/hoặc bị tra tấn.
Hoàng tử Nasser đã ban hành các Sắc lệnh Hoàng gia cho phép Quân đội thành lập các Tòa án Quân sự để đối phó với những người tham gia biểu tình dân chủ trong sự kiện Mùa xuân Ả Rập, lúc đó Salman đang là Tổng Thư ký của Hội đồng Thanh niên và Thể thao Tối cao Bahrain. Sau đó, ông đứng đầu một ủy ban được thành lập để điều tra ra "những vi phạm của các cá nhân có liên quan đến các phong trào thể thao trong những sự kiện gần đây xảy ra ở Bahrain". Hiệp hội bóng đá Bahrain (lúc đó Salman đang giữ chức chủ tịch) đe dọa sẽ trừng phạt những phần tử đã tham gia các cuộc biểu tình hoặc bất kỳ các hành động nào khác nhằm "lật đổ chế độ chính quyền của quốc gia". Khoảng 150 vận động viên và các nhà quản lý đã bị bắt theo sắc lệnh này, và một số người đã cáo buộc rằng họ phải chịu đựng sự tra tấn dã man trong thời gian bị tạm giam. Sau khi ban đầu từ chối trả lời các câu hỏi và giữ im lặng về vai trò của mình, ông đã phủ nhận tất cả các cáo buộc liên quan đến vi phạm nhân quyền, gọi các cáo buộc nói trên là "những lời nói dối sai trái, khó chịu, vô căn cứ".
Một số vận động viên, chẳng hạn như cựu danh thủ Hakeem al-Araibi, người đã từng thi đấu cho đội tuyển quốc gia Bahrain, đã trốn khỏi đất nước trong các cuộc thanh trừng vào những năm sau đó. Anh khẳng định rằng Salman đã biết về vụ tra tấn. Al-Araibi trở thành chủ đề của một chiến dịch nhân quyền quốc tế mang tên #savehakeem vào đầu năm 2020, và ba năm sau anh là nhân vật chính trong một bộ phim tài liệu, sau khi anh bị bắt giữ và tạm giam ở Thái Lan, nơi anh cùng vợ đi nghỉ, sau lệnh truy nã đỏ của Interpol do phía Bahrain đưa ra. |
Ipik Gandamana (30 tháng 11 năm 1906 – 6 tháng 8 năm 1979) là một chính trị gia và công chức người Indonesia, ông giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ dưới thời Sukarno từ năm 1959 đến năm 1964, và là Thống đốc Tây Java từ năm 1957 đến năm 1959. Ông bắt đầu sự nghiệp với tư cách là một công chức thuộc địa vào năm 1926, đồng thời giữ chức nhiếp chính và Bộ trưởng thường trú tại Bogor và Priangan trước khi trở thành thống đốc.
Gandamana sinh ra ở Purwakarta vào ngày 30 tháng 11 năm 1906. Ông được học tại trường tiểu học thuộc địa (ELS), và học một năm tại trường sơ đẳng nâng cấp (MULO) trước khi chuyển đến trường dự bị công chức. Ông hoạt động trong tổ chức Jong Java. Đến năm 1926, ông được nhận vào làm công chức thuộc địa, bắt đầu sự nghiệp với tư cách là phụ tá ở Bogor. Trước cuộc xâm lược của Nhật Bản, ông được tái bổ nhiệm vài lần đến các cơ quan khác khắp Tây Java và Jakarta. Trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng Đông Ấn Hà Lan, ông được bổ nhiệm trở thành "camat" (khu trưởng) của Cibeureum, Tasikmalaya.
Sau tuyên ngôn độc lập Indonesia, Gandamana được bổ nhiệm làm phó nhiếp chính ("wedana") của #đổi , sau đó là nhiếp chính của Bogor. Ông bị lực lượng Hà Lan bắt giữ sau Chiến dịch Kết quả, và bị lưu đày đến các vùng nông thôn của huyện Bogor, nơi ông tái thiết lập chính phủ cộng hòa thời kỳ nhiếp chính. Sau khi cuộc cách mạng kết thúc và chuyển giao chủ quyền, ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Thường trú Bogor, sau đó được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Thường trú Priangan vào năm 1951. Thời điểm này, ông là thành viên của phái đoàn nghiên cứu Indonesia đến Hoa Kỳ, ở đây trong ba tháng sau khi khởi hành vào tháng 9 năm 1953. Sau khi trở về Indonesia, Gandamana xuất bản "Melawat ke Negara Dollar" ("Đến thăm quốc gia đô la"), thuật lại chuyến thăm của ông. Báo cáo đã so sánh các vấn đề dân chủ ở Indonesia với các vấn đề ở Hoa Kỳ, cũng như cơ cấu chính phủ Hoa Kỳ.
Ngày 1 tháng 7 năm 1957, ông được bổ nhiệm giữ chức Thống đốc Tây Java. Ông khích lệ ủng hộ các viên chức địa phương được bầu hơn viên chức chính quyền trung ương. Gandamana quan niệm vai trò của các công chức là đào tạo những viên chức địa phương ít kinh nghiệm. Trong nhiệm kỳ thống đốc, ông đứng đầu một ủy ban thành lập Đại học Padjadjaran.
Gandamana được bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong #đổi của Tổng thống Sukarno vào ngày 10 tháng 7 năm 1959. Vì nội các hình thành một chính phủ không đảng phái, Gandamana cùng một vài bộ trưởng được bổ nhiệm khác rời khỏi đảng chính trị, #đổi . Ông giữ chức vụ này đến ngày 27 tháng 8 năm 1964, rồi được tái bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Phát triển Nông thôn. Sau nhiệm kỳ Bộ trưởng Bộ Nội vụ của Gandamana, không có thường dân nào khác đảm nhận vị trí cho đến khi #đổi được bổ nhiệm chức vụ này vào năm 2009.
Sau phong trào 30 tháng 9, Sukarno chỉ đạo cải tổ nội các và cách chức bộ trưởng đối với Gandamana vào ngày 21 tháng 2 năm 1966. Dưới sự lãnh đạo của Suharto, ông gia nhập Hội đồng Cố vấn Tối cao từ năm 1968 đến năm 1973.
Ông qua đời ở Bandung vào ngày 6 tháng 8 năm 1979 và an táng tại Nghĩa trang Anh hùng Cikutra trong thành phố. Ông có vợ và bốn người con. Một khu phố ở Purwakarta được đặt theo tên ông. |
Jason Bourne (/bɔːrn/) là nhân vật chính trong một loạt tiểu thuyết và các bộ phim chuyển thể tiếp theo. Nhân vật được tạo ra bởi tiểu thuyết gia Robert Ludlum. Anh xuất hiện lần đầu trong tiểu thuyết "The Bourne Identity (1980)", được chuyển thể cho truyền hình vào năm 1988. Tiểu thuyết được chuyển thể thành phim truyện cùng tên vào năm 2002 và có sự tham gia của Matt Damon trong vai chính.
Nhân vật này ban đầu xuất hiện trong ba cuốn tiểu thuyết của Ludlum, phát hành từ năm 1980 đến năm 1990, tiếp theo là mười một cuốn tiểu thuyết do Eric Van Lustbader viết từ năm 2004 đến năm 2019, và ba cuốn tiểu thuyết của Brian Freeman kể từ năm 2020. Cùng với bộ phim đầu tiên, Jason Bourne cũng xuất hiện trong ba bộ phim tiếp theo "The Bourne Supremacy" (2004), "The Bourne Ultimatum" (2007) và "Jason Bourne" (2016), với Damon lại đóng vai chính. Jeremy Renner đóng vai chính trong bộ phim thứ tư của loạt phim, "The Bourne Legacy", phát hành vào tháng 8 năm 2012.Damon tuyên bố trong các cuộc phỏng vấn rằng anh sẽ không làm một bộ phim Bourne nào khác nếu không có Paul Greengrass, người đã đạo diễn phần hai và phần ba. Greengrass đã đồng ý chỉ đạo Damon trong phần thứ năm của loạt phim. Greengrass đồng viết kịch bản với biên tập viên Christopher Rouse.
Bourne là một cựu đặc vụ CIA bị mất trí nhớ, đang tìm cách tìm hiểu danh tính và quá khứ của mình. Khởi đầu là kể về câu chuyện của Bourne, người tỉnh dậy ở một bờ biển ở Địa Trung Hải với một vết thương ở đầu và không có ký ức về quá khứ của mình. Bourne dần dần nhớ lại quá khứ của mình và phát hiện ra rằng anh là một cựu đặc vụ CIA đã bị bỏ rơi, và là một nhân vật bị tổn thương, người đang cố gắng vượt qua quá khứ của mình.
Thương hiệu và nhượng quyền.
Thương hiệu Bourne bao gồm một số tiểu thuyết, phim, loạt phim truyền hình, trò chơi điện tử và một địa điểm du lịch, tất cả đều có một trong nhiều phiên bản của nhân vật Jason Bourne. |
Horiguchi Kazushiza ( (Quật Khẩu Nhất Sử Tọa), Horiguchi Kazushiza) sinh ngày 28 tháng 2, 1975 (Chiêu Hòa thứ 50) tại TP Tokyo là một kỳ thủ shogi chuyên nghiệp đạt cấp độ Bát đẳng người Nhật Bản.
Vào tháng 3 năm 1996, Horiguchi đã kết thúc Giải Tam đẳng lần thứ 18 với vị trí nhất bảng xếp hạng và thành tích 14 thắng - 4 thua. Do đó, vào ngày 1 tháng 4 cùng năm, Horiguchi đã được thăng lên Tứ đẳng (4-dan). Vào năm 1998, năm thứ 3 của sự nghiệp của Horiguchi, anh đã tiến vào chung kết Cúp NHK lần thứ 48 (1998-1999). Đối thủ của anh là Habu Yoshiharu Tứ quán. Với lợi thế được cầm Tiên, Horiguchi đã bắt đầu ván đấu bằng chiến pháp Yokofudori khá thuận lợi cho đến nước thứ 14. Ở nước thứ 15, thay vì bắt Tốt với nước X-34, anh lại đi X-28, đổi chiến pháp thành Ai-gakari và sử dụng cấu trúc Bạc dựa tốt (koshikake gin). Habu đã thắng ván đấu này và bảo vệ thành công chức vô địch, và Horiguchi về nhì Cúp NHK lần thứ 48.
Vào năm 1999, Horiguchi một lần nữa về nhì một giải đấu, lần này là Tân Nhân Vương Chiến lần thứ 30. Kì thủ đã đánh bại anh và vô địch là Fujii Takeshi Thất đẳng.
Trong giải đấu chính thức đầu tiên của mình - Ngân Hà Chiến kì 8 năm 2000, Horiguchi đã tiến vào vòng Chung kết sau khi có cho mình chuỗi 15 trận thắng tại block D, bao gồm những trận thắng trước những kì thủ lão làng như Yonenaga Kunio Vĩnh thế Kì Thánh hay Shima Akira Bát đẳng. Tại vòng Chung kết, anh cũng đã xuất sắc vượt qua các kì thủ chiến thắng block C và A, lần lượt là Satō Yasumitsu Cửu đẳng và Moriuchi Toshiyuki Bát đẳng để rồi lại thất bại trước Habu Tứ quán và giành hạng nhì chung cuộc.
Với sự phát triển của Giải đấu Shogi chuyên nghiệp toàn Nhật Bản, vào năm 2001, giải đấu này đã đổi tên thành Giải vô địch Shogi Asahi mở rộng, và trong loạt chung kết 5 ván của kì đầu tiên của giải đấu này, Horiguchi đã chiến thắng 3-1 trước Sugimoto Masataka Lục đẳng để giành chức vô địch lần đầu tiên. Tại buổi tiệc sau loạt tranh ngôi, Horiguchi đã phát biểu rất rõ ràng: "Giải Asahi kiếm tiền rất tốt". Vào năm sau đó, trước thềm loạt tranh ngôi với Khiêu chiến giả Fukaura Kōichi, Horiguchi đã thể hiện quyết tâm bằng cách cạo trọc đầu nhưng cuối cùng đã để thua 1-3.
Tại Thuận Vị Chiến - Hạng C1 kì 61 và hạng B2 kì 62, Horiguchi đã được thăng hạng 2 lần liên tiếp để lên hạng B1.
Vào ngày 2 tháng 9 năm 2005, ở ván đấu với Aono Teruichi Cửu đẳng tại vòng 5 hạng B1 Thuận Vị Chiến kì 64, Horiguchi đã trở thành đề tài được bàn tán vì bữa trưa dài kỉ lục: 5 giờ 24 phút. Do thời gian cho mỗi bên tại Thuận Vị Chiến là 6 giờ, Horiguchi đã sử dụng thời gian bằng 90% thời gian suy nghĩ của mình để ăn trưa. Tại thời điểm đó, cả hai bên đều có thế cờ đổi Tượng giống nhau và hai bên đang tấn công nhau dữ dội. Horiguchi đã thắng ván đấu đó sau 76 nước đi. Khi phát biểu cho Tạp chí Igo - Shogi vào ngày sau đó, anh đã phát biểu "Tôi có thể suy nghĩ lâu như vậy vì tôi có nhiều năng lượng".
Vì phải nghỉ chữa bệnh từ tháng 7 năm 2013 nên Horiguchi không thể thi đấu các trận Thuận Vị Chiến kì 72 - Hạng B2 từ vòng 2 trở đi (8 ván) và tất cả các ván đấu còn lại trong năm 2013. Do đó nên Horiguchi đã bị giáng xuống hạng C1 Thuận Vị Chiến sau khi phải nhận điểm giáng hạng thứ 2. Sau đó, anh quay trở lại thi đấu chính thức từ ngày 10 tháng 6 năm 2014 với ván đấu trước Sawada Shingo Ngũ đẳng tại vòng 1 Thuận Vị Chiến kì 73 - Hạng C1.
Sau trận thắng vào ngày 28 tháng 8 năm 2018 trước Hirafuji Shingo Thất đẳng tại vòng 4 hạng C1 Thuận Vị Chiến kì 77, Horiguchi đã thua tất cả các ván còn lại trong năm 2018 và 2019, đồng thời bị giáng xuống hạng C2 Thuận Vị Chiến. Phải đến vòng 2 hạng C2 Thuận Vị Chiến kì 79 (năm 2020) thì anh mới dứt chuỗi thua 17 ván bằng 2 ván thắng trước Kajiura Hirotaka Lục đẳng và Fukusaki Bungo Cửu đẳng. Sau đó anh thua hết 7 ván còn lại và phải nhận 1 điểm giáng hạng. Ở kì 80 (năm 2021), anh thua hết 10 ván Thuận Vị Chiến và nhận điểm giáng hạng thứ 2.
Vào ngày 15 tháng 12 năm 2022, với chiến thắng trước Satō Shin'ichi Ngũ đẳng tại vòng 7 hạng C2 Thuận Vị Chiến kì 81, Horiguchi đã đạt đủ điều kiện để thăng lên Bát đẳng (8-dan) sau khi có chuỗi thua 12 ván trước đó. Tuy nhiên, cũng tại kì này, với thành tích 2 thắng - 8 thua, Horiguchi đã phải nhận điểm giáng hạng thứ 3 và xuống Free Class, đồng thời chấm dứt chuỗi thua 23 ván liên tiếp của anh tại Thuận Vị Chiến từ kì 79 (trừ ván thắng Satō Shin'ichi). Cho đến bây giờ thì 23 ván thua liên tiếp của Horiguchi vẫn là một kỉ lục tại Thuận Vị Chiến.
Phong cách thi đấu.
Anh là một người chơi Cư Phi Xa. Khi đối đầu với Chấn Phi Xa, anh thường xây thành rất kiên cố. Các chiến thuật khi đối đầu Cư Phi Xa của anh bao gồm Yagura, Ai-gakari, Yokofudori, và đổi Tượng.
Tuy Horiguchi thường suy nghĩ lâu nhưng cờ nhanh cũng là thế mạnh của anh.
"Chi tiết về hạng/tổ của kỳ thủ vui lòng xem các bài Thuận Vị Chiến và Long Vương Chiến." |
Tác động, trong lĩnh vực tâm lý học, ám chỉ đến trải nghiệm cơ bản về cảm xúc, tình cảm, sự gắn bó, hoặc tâm trạng.
Khái niệm về tác động phát triển vào thế kỷ 19 với Wilhelm Wundt. Từ này bắt nguồn từ tiếng Đức "Gefühl", có nghĩa là "cảm giác".
Nghiên cứu về sở thích tác động xã hội và tâm lý (tức là những điều mà người ta thích hoặc không thích) đã tiến hành nhiều thí nghiệm. Cụ thể, đã có nghiên cứu về sở thích, thái độ, hình thành ấn tượng, và quyết định. Các nghiên cứu này so sánh với trí nhớ nhận biết (đánh giá cũ-mới), cho phép các nhà nghiên cứu chứng minh sự khác biệt đáng tin cậy giữa hai khái niệm này. Các quyết định dựa trên tác động và quá trình nhận thức đã được nghiên cứu với sự khác biệt được chỉ ra, và một số người cho rằng tác động và nhận thức nằm dưới sự kiểm soát của các hệ thống riêng biệt và một phần độc lập có thể tác động lẫn nhau theo nhiều cách khác nhau (Zajonc, 1980). Cả tác động và nhận thức có thể tạo thành nguồn tác động độc lập trong hệ thống xử lý thông tin. Người khác đề xuất rằng cảm xúc là kết quả của kỳ vọng, trải nghiệm hoặc tưởng tượng về kết quả của một giao dịch thích ứng giữa cơ thể và môi trường, do đó, quá trình đánh giá nhận thức là yếu tố quan trọng trong việc phát triển và biểu đạt cảm xúc (Lazarus, 1982). |
Eredivisie 2022–23 là mùa giải thứ 67 của Eredivisie, giải đấu bóng đá hàng đầu ở Hà Lan. Giải đấu bắt đầu vào ngày 5 tháng 8 năm 2022 và kết thúc vào ngày 28 tháng 5 năm 2023. Vì Giải vô địch bóng đá thế giới 2022 bắt đầu vào ngày 20 tháng 11 nên vòng đấu cuối cùng trước khi tạm dừng của Eredivisie 2022–23 được tổ chức vào các ngày 12–13 tháng 11. Giải đấu được tiếp tục thi đấu vào ngày 6 tháng 1 năm 2023.
FC Emmen (lên hạng sau một năm vắng bóng), FC Volendam (lên hạng sau 13 năm vắng bóng) và Excelsior (lên hạng sau ba năm vắng bóng) được thăng hạng từ Eerste Divisie 2021–22. Willem II (xuống hạng sau tám năm ở giải đấu hàng đầu), PEC Zwolle (xuống hạng sau mười năm ở giải đấu hàng đầu) và Heracles Almelo (xuống hạng sau mười bảy năm ở giải đấu hàng đầu) đã bị xuống hạng Eerste Divisie 2022–23.
"Tính đến ngày 28/5/2023"
"Tính đến ngày 15/5/2023"
"Tính đến ngày 15/5/2023"
"Tính đến ngày 15/5/2023"
Đây là một đổi hướng từ một trang đó đã được . Trang này được giữ lại dưới dạng một trang đổi hướng để tránh phá vỡ các liên kết, cả bên trong và bên ngoài, có thể đã được liên kết tới tên trang cũ.
Đây là một đổi hướng từ một trang đó đã được . Trang này được giữ lại dưới dạng một trang đổi hướng để tránh phá vỡ các liên kết, cả bên trong và bên ngoài, có thể đã được liên kết tới tên trang cũ.
Đây là một đổi hướng từ một trang đó đã được . Trang này được giữ lại dưới dạng một trang đổi hướng để tránh phá vỡ các liên kết, cả bên trong và bên ngoài, có thể đã được liên kết tới tên trang cũ.
Iliass Bel Hassani (RKC Waalwijk)
Đây là một đổi hướng từ một trang đó đã được . Trang này được giữ lại dưới dạng một trang đổi hướng để tránh phá vỡ các liên kết, cả bên trong và bên ngoài, có thể đã được liên kết tới tên trang cũ.
Doğan Erdoğan (Fortuna Sittard)
Đây là một đổi hướng từ một trang đó đã được . Trang này được giữ lại dưới dạng một trang đổi hướng để tránh phá vỡ các liên kết, cả bên trong và bên ngoài, có thể đã được liên kết tới tên trang cũ.
Đây là một đổi hướng từ một trang đó đã được . Trang này được giữ lại dưới dạng một trang đổi hướng để tránh phá vỡ các liên kết, cả bên trong và bên ngoài, có thể đã được liên kết tới tên trang cũ.
Shurandy Sambo (Sparta Rotterdam)
Giải thưởng hàng tháng.
Đội hình của tháng: |
Damien Le Tallec (sinh ngày 19 tháng 4 năm 1990) là một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp người Pháp hiện đang thi đấu cho câu lạc bộ Hà Nội tại V.League 1 ở vị trí trung vệ.
Le Tallec đã thi đấu cùng các đội tuyển U-17, U-18 và U-19 Pháp trong suốt sự nghiệp của mình. Mặc dù ban đầu được sử dụng như một tiền đạo và đôi khi thi đấu ở vị trí tiền đạo cánh, trong những năm sau, anh chủ yếu chơi ở vị trí tiền vệ phòng ngự và trung vệ.
Sự nghiệp câu lạc bộ.
Sự nghiệp ban đầu.
Le Tallec sinh ra tại Poissy. Anh bắt đầu sự nghiệp của mình tại câu lạc bộ Le Havre khi chỉ mới năm tuổi. Anh đã dành một thập kỷ tại câu lạc bộ này và bắt đầu thu hút sự quan tâm từ nhiều câu lạc bộ ở Ligue 1. Cuối cùng, anh gia nhập Stade Rennais.
Le Tallec nhanh chóng khẳng định vị trí của mình tại câu lạc bộ và cùng những tài năng trẻ khác như Yann M'Vila, Yohann Lasimant, Abdoul Camara và Yacine Brahimi trở thành những cầu thủ triển vọng nhất của câu lạc bộ. Bốn cầu thủ này đã đóng vai trò quan trọng trong những thành công của câu lạc bộ ở cấp độ trẻ, giúp các đội trẻ của họ giành chiến thắng trong giải đấu U16 Tournoi Carisport năm 2006, đồng thời giành chức vô địch U18 cho mùa giải 2006-2007 và còn chiến thắng trong Coupe Gambardella năm 2008, ghi tổng cộng tám bàn thắng ấn tượng trong bảy trận đấu. Trong trận chung kết Coupe Gambardella gặp Bordeaux, anh đã ghi bàn cuối cùng trong chiến thắng ấn tượng 3-0 của đội. Sau mùa giải 2006-2007, vào ngày 11 tháng 8, Le Tallec cùng với đồng đội M'Vila và Camara ký hợp đồng chuyên nghiệp đầu tiên của mình, đồng ý với một hợp đồng ba năm. Anh đã dành cả mùa giải trong đội dự bị trước khi chính thức được thăng chức lên đội một và được giao áo số 22 cho mùa giải 2008-2009.
Mặc dù đã có mặt trong đội một, Le Tallec bắt đầu mùa giải với đội Championnat de France của câu lạc bộ. Anh đã tham gia vào 22 trận đấu, ghi được bốn bàn thắng, giúp đội xếp hạng đầu trong số các câu lạc bộ chuyên nghiệp trong nhóm của họ, qua đó giành quyền tham dự vòng play-off. Tuy nhiên, họ đã thất bại trước Lyon ở bán kết.
Sau mùa giải, có tin tức cho biết Le Tallec đã trở nên không ổn định tại Rennes, chủ yếu là do cơ hội thi đấu trong đội một của câu lạc bộ bị hạn chế. Anh rất háo hức bắt đầu sự nghiệp chuyên nghiệp của mình và ban đầu có tin đồn liên quan đến việc anh gia nhập câu lạc bộ La Liga Valencia và được cho là đang trong quá trình gia nhập câu lạc bộ này. Tuy nhiên, do có sự thay đổi trong ban lãnh đạo của câu lạc bộ, thương vụ này đã bị hoãn lại và sau đó đã bị hủy bỏ. Sau đó, anh đã bị liên kết với việc chuyển đến các câu lạc bộ Đức như Hertha BSC và VfB Stuttgart. Hai tháng sau đó, vào ngày 8 tháng 8 năm 2009, một câu lạc bộ Đức khác, Borussia Dortmund, thông báo họ đã ký hợp đồng ba năm với cầu thủ này và rằng anh sẽ được từ từ giới thiệu vào đội một.
Vào ngày 31 tháng 1 năm 2012, Le Tallec trở lại Pháp, ký hợp đồng với Nantes ở Ligue 2 .
Trong hai mùa giải tiếp theo, Le Tallec thi đấu cho FC Hoverla Uzhhorod tại giải Ukrainian Premier League. Câu lạc bộ này vừa mới giành chức vô địch giải hạng hai mùa trước và đang tìm kiếm sự gia cố, trong đó có cả Le Tallec. Mặc dù trong hai mùa giải mà Le Tallec thi đấu cho Hoverla, câu lạc bộ này thi đấu khá tầm thường ở vị trí giữa và cuối bảng xếp hạng, nhưng Le Tallec đã thi đấu đều đặn và các màn trình diễn của anh đã thu hút sự chú ý của nhiều câu lạc bộ khác.
Vào mùa hè năm 2014, Le Tallec chuyển đến Nga và ký hợp đồng với đội bóng Ngoại hạng Anh FC Mordovia Saransk. Mordovia vừa vô địch giải hạng hai và được thăng hạng lên Premier League. Tương tự như ở Hoverla, ở Mordovia, Le Tallec cũng biểu diễn thường xuyên. Vào kỳ nghỉ đông của mùa giải 2015–16, huấn luyện viên Miodrag Božović, một chuyên gia về bóng đá Nga mà ông vừa trải qua 8 năm huấn luyện ở Giải Ngoại hạng Nga, đã dẫn dắt đội bóng Serbia Sao Đỏ Beograd, đội đang thành lập một đội mạnh. để giành lấy danh hiệu từ đối thủ chính của họ là FK Partizan, người đã trở thành người chiến thắng kinh niên trong thập kỷ qua, và trong quá trình xây dựng đội bóng đó, Božović đã ưu tiên ký hợp đồng với cả hai cầu thủ Mordovia, Le Tallec và Mitchell Donald, và cả hai đều chuyển đến Beograd.
Vào ngày 29 tháng 1 năm 2016, Le Tallec ký hợp đồng 2,5 năm với Crvena Zvezda Beograd, Trong trận ra mắt giải đấu với Red Star chưa đầy một tháng sau, anh ghi bàn thắng vào lưới FK Mladost Lučani. Kết thúc mùa giải đầu tiên tại Red Star, họ đã giành chức vô địch Serbia và giành quyền tham dự vòng loại Champions League.
Đã chơi phần lớn mùa giải trước ở vị trí tiền vệ trung tâm, cùng với Mitchell Donald kể từ đầu mùa giải 2016–17, Le Tallec thường được huấn luyện viên Red Star Miodrag Božović cho làm trung vệ. Khi khoác áo Beograd, Le Tallec đã có 104 lần ra sân, ghi 7 bàn trên mọi đấu trường và giành 2 danh hiệu SuperLiga của Serbia, từ năm 2016 đến 2018. Vào tháng 5 năm 2018, Le Tallec tuyên bố chắc chắn sẽ rời câu lạc bộ vào mùa hè cùng năm, sau khi kết thúc hợp đồng.
Vào ngày 20 tháng 6 năm 2018, Le Tallec trở về quê hương và ký hợp đồng với câu lạc bộ Ligue 1 Montpellier.
Vào ngày 9 tháng 7 năm 2021, Le Tallec được công bố là bản hợp đồng mới của câu lạc bộ Giải bóng đá vô địch quốc gia Hy Lạp AEK Athens, sau khi ký hợp đồng hai năm, với tùy chọn gia hạn thêm một năm sau khi hợp đồng kết thúc.
Vào ngày 12 tháng 9, anh ghi bàn mở tỷ số bằng cú đánh đầu ở phút thứ 7 trước Ionikos, trong trận đấu kết thúc với chiến thắng 3–0 cho đội chủ nhà.
Vào ngày 30 tháng 8 năm 2022, Le Tallec trở lại Nga và ký hợp đồng với Torpedo Moscow. Hợp đồng của anh ấy với Torpedo đã bị chấm dứt theo sự đồng ý của cả hai vào ngày 13 tháng 1 năm 2023.
Vào ngày 31 tháng 1 năm 2023, Le Tallec ký hợp đồng với Sochaux-Montbéliard có thời hạn đến ngày 30 tháng 6 năm 2024.
Vào ngày 8 tháng 9 năm 2023, Le Tallec gia nhập câu lạc bộ Hà Nội tại V.League 1.
Anh có bàn phản lưới nhà ngay trận đầu tiên ra quân gặp Pohang Steelers ở AFC Champions League.
Sự nghiệp đội tuyển quốc gia.
Le Tallec đã thi đấu cho tất cả Đội tuyển trẻ quốc gia Pháp, bắt đầu với đội dưới 15 tuổi, được chọn lần đầu tiên vào tháng 3 năm 2006 #đổi . Anh là thành viên của đội tuyển U17 đã lọt vào bán kết tại Giải vô địch bóng đá U17 châu Âu UEFA 2007, trước khi thua tới Anh. Anh đã ghi hai bàn trong giải đấu, cả hai đều trong cùng một trận đấu với Đức. . Sau đó anh chơi cùng đội U-17 tại FIFA U-17 World Cup được tổ chức tại Hàn Quốc . Le Tallec xuất hiện trong cả năm trận đấu, ghi bốn bàn, một vào lưới Haiti, cú đúp vào lưới Tunisia ở vòng 16 đội, và một trận gặp Tây Ban Nha đội đã đánh bại Pháp trong các quả phạt đền ở tứ kết. Tổng cộng với đội U17, Le Tallec đã ghi 14 bàn sau 18 lần ra sân.
Với Đội tuyển U-19, Le Tallec ra sân 15 trận, ghi 6 bàn. Anh ấy đã ghi ba trong số những bàn thắng đó trong quá trình vượt qua vòng loại cho Giải vô địch U-19 UEFA trước Cộng hòa Ireland, Liechtenstein, và Romania. Chiến thắng trước Romania đảm bảo suất tham dự Giải vô địch châu Âu năm 2009. Tại Giải đấu được tổ chức tại Ukraina, Le Tallec xuất hiện trong cả 4 trận đấu, giúp Pháp lọt vào bán kết trước khi chịu thất bại trước Anh..
Năm 2019, Le Tallec bắt đầu quá trình nộp đơn xin quốc tịch Nga và cho biết anh sẽ rất vinh dự nếu được gọi cho đến Đội tuyển quốc gia Nga sau khi quá trình này hoàn tất. Vào tháng 4 năm 2020, anh ấy đã được cấp thẻ thường trú tại Nga trước khi nhận quốc tịch Nga vào tháng 10. Có thông tin cho rằng anh ấy không đủ điều kiện để chơi cho Nga vì anh ấy đã chơi trong các trận đấu quốc tế chính thức cho các đội trẻ của Pháp.
[[Thể loại:Cầu thủ đội tuyển bóng đá trẻ quốc gia Pháp]]
[[Thể loại:Cầu thủ câu lạc bộ bóng đá Hà Nội (2016)]]
[[Thể loại:Cầu thủ giải bóng đá vô địch quốc gia Việt Nam]]
[[Thể loại:Cầu thủ bóng đá Ligue 1]]
[[Thể loại:Cầu thủ Giải bóng đá ngoại hạng Nga]]
[[Thể loại:Cầu thủ Giải bóng đá ngoại hạng Ukraina]]
[[Thể loại:Cầu thủ bóng đá Ligue 2]]
[[Thể loại:Cầu thủ bóng đá Regionalliga]]
[[Thể loại:Cầu thủ bóng đá 3. Liga]]
[[Thể loại:Cầu thủ bóng đá Bundesliga]]
[[Thể loại:Cầu thủ bóng đá Montpellier HSC]]
[[Thể loại:Cầu thủ bóng đá Sao Đỏ Beograd]]
[[Thể loại:Cầu thủ bóng đá Borussia Dortmund]]
[[Thể loại:Tiền vệ bóng đá nam]]
[[Thể loại:Trung vệ bóng đá]]
[[Thể loại:Tiền đạo bóng đá nam]]
[[Thể loại:Cầu thủ bóng đá nam Pháp]]
[[Thể loại:Nhân vật còn sống]]
[[Thể loại:Sinh năm 1990]] |
Izumi Masaki ( (Tuyền Chính Thụ), Izumi Masaki) sinh ngày 11 tháng 1, 1961 (Chiêu Hòa thứ 39) tại khu Nerima, TP Tokyo là một kỳ thủ shogi chuyên nghiệp đạt cấp độ Bát đẳng người Nhật Bản.
Vào năm 1978, trong khi đang là thành viên của Trường đào tạo kì thủ với xếp hạng Nhị đẳng, Izumi đã giành hạng nhì Nhược Câu Chiến lần thứ 1 - giải đấu dành cho các kì thủ mới và các thành viên Trường đào tạo kì thủ từ Sơ đẳng đến Tam đẳng.
Vào năm 1980, Izumi được thăng lên Tứ đẳng, đồng thời là một phần của "Nhóm năm 55" (nhóm các kì thủ được thăng lên Tứ đẳng vào năm Chiêu Hòa thứ 55 - 1980).
Tại hạng C2 Thuận Vị Chiến kì 46 (năm 1987), cùng với Habu Yoshiharu Tứ đẳng, Izumi đã toàn thắng 10 ván của mình và cùng với Habu thăng lên hạng C1.
Vào ngày 3 tháng 6 năm 1999, tại Giải vô địch Shogi Nhanh, Izumi đã bị xử thua do phạm lỗi chiếu lặp lại trước Kawakami Takeshi Tứ đẳng.
Vào ngày 4 tháng 7 năm 2013, tại Vòng Trụ tổ của tổ 5 Long Vương Chiến kì 26, với chiến thắng trước Okazaki Hiroshi Lục đẳng, Izumi đã đạt đủ điều kiện để thăng lên Bát đẳng (8-dan).
Sau đó, vào ngày 4 tháng 10 năm 2017, ở vòng loại Vương Vị Chiến kì 59, với chiến thắng trước Kinoshita Kōichi Thất đẳng, anh đã đạt được 600 trận thắng chính thức, đồng thời nhận được Giải thưởng Vinh dự Shogi.
Tại hạng C1 Thuận Vị Chiến kì 77 (năm 2018), với thành tích 3 thắng - 7 thua, Izumi đã phải nhận điểm giáng tổ thứ 2 và bị giáng xuống hạng C2. Anh đã lựa chọn tự nguyện xuống Free Class và rời khỏi hệ thống Thuận Vị Chiến.
"Chi tiết về hạng/tổ của kỳ thủ vui lòng xem các bài Thuận Vị Chiến và Long Vương Chiến." |
Mask thanh quản hay mặt nạ thanh quản là thiết bị y tế giúp đường thở của bệnh nhân luôn thông thoáng trong khi gây mê hoặc khi bất tỉnh. Bác sĩ gây mê sử dụng mask thanh quản để đưa oxy hoặc thuốc mê dạng hít đến phổi trong khi phẫu thuật.
Mask thanh quản gồm một ống dẫn khí nối với mask hình elip có cuff (cớp/vòng bít). Mask được đưa qua miệng bệnh nhân, xuống khí quản và bịt kín hoàn toàn vùng trên thanh môn (không giống như ống khí quản là đi qua thanh môn) cho phép nhân viên y tế quản lý đường thở an toàn.
Bác sĩ gây mê người Anh Archibald Brain là người phát minh mask thanh quản vào đầu thập niên 1980. Tháng 12 năm 1987, mask thanh quản được đưa vào thương mại tại Vương quốc Anh. Ngày nay mask thanh quản vẫn được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới và có nhiều loại mask thanh quản chuyên dụng.
Mask thanh quản truyền oxy và thuốc gây mê dạng hít đến phổi. Dụng cụ này được sử dụng trong khi gây mê hoặc khi bệnh nhân bất tỉnh. Mask thanh quản được thiết kế để dễ dàng bảo vệ đường thở và thông khí cho bệnh nhân. Ưu điểm là mask dễ đặt hơn đặt nội khí quản trong trường hợp thiếu thuốc giãn cơ và ống soi thanh quản (lưỡi đèn thanh quản). Mask thanh quản ít khả năng làm gãy răng hoặc tổn thương thanh quản. Mask tự nó tạo ra đệm kín khí. Cuff có nhiều kích cỡ.
Mask thanh quản có thể là giải pháp thay thế cho việc sử dụng mask khi sử dụng bóng Ambu để ngăn chặn tình trạng căng phồng dạ dày.
Mask thanh quản thường không được sử dụng trong các ca phẫu thuật có nguy cơ cao hít phải chất chứa trong dạ dày. Yếu tố này hay gặp đối với những ca phẫu thuật kéo dài hơn 2 giờ. Mask thường sử dụng áp lực bơm hơi thấp, do đó có thể không phù hợp ở những bệnh nhân mắc những căn bệnh gây ra độ giãn nở phổi thấp. Vì kích thước mask thường lớn và choán vị trí không gian nhiều hơn so với đặt nội khí quản nên mask thường không được sử dụng để phẫu thuật miệng và cổ họng.
Không nên dùng cho người bệnh còn tỉnh vì có nguy cơ kích thích phản xạ nôn.
Mask thanh quản để lại nhiều khoảng chết giải phẫu trong khí quản hơn so với đặt nội khí quản. Hậu quả là làm giảm quá trình oxygen hóa của phổi và loại bỏ carbon dioxide. Mask cũng làm tăng nhẹ sức cản đường thở. Các biến chứng nghiêm trọng hơn bao gồm nôn mửa khi đang đeo mask thanh quản (có khả năng dẫn đến hít phải chất chứa trong dạ dày).
Mặc dù mask thanh quản được thiết kế đặc biệt để dễ đặt, nhưng khả năng thông khí mà dụng cụ này mang lại có thể không đủ. Nguyên nhân có thể là sự biến đổi trong giải phẫu cổ, vị trí cổ bất thường, tuột cuff, mask không đủ dài để đến thanh quản (hoặc mask quá dài), mask bị gập lại trong họng. Vì những lý do này, cần chụp X quang để đảm bảo rằng đường thở qua mask thanh quản ở đúng vị trí.
Mask thanh quản trước tiên phải được khử trùng hoàn toàn (có thể tái sử dụng nhiều lần). Cần thực hiện kiểm tra tiêu chuẩn chất lượng của dụng cụ, chẳng hạn như kiểm tra vết nứt trên nhựa. Đối với cuff bơm hơi, cuff phải được bơm căng và xì hơi trước khi đặt vào đường thở bệnh nhân để đảm bảo cuff hoạt động bình thường. Một tay cầm mask như cầm bút, di chuyển mask qua miệng và cổ họng của bệnh nhân, khi bệnh nhân được nâng cằm để làm thẳng đường thở. Ống dẫn khí của mask thanh quản cần được bôi trơn để đặt dễ dàng hơn.
Sau khi đặt mask vào đường thở đúng cách, cần bơm cuff đủ áp lực để tánh tuột. Mask cần phù hợp với cấu trúc giải phẫu của cổ, phần lõm của mask hướng vào khoảng trống giữa các dây thanh âm. Đầu của mask thanh quản nằm trong cổ họng áp vào cơ thắt thực quản trên.
Mask thanh quản thương mại đầu tiên.
Ngày 5 tháng 12 năm 1987, mask thanh quản LMA Classic, có cuff làm bằng silic, được sản xuất tại nhà máy do The Laryngeal Mask Company Limited phân phối. LMA Classic ra mắt tại Anh và cộng đồng gây mê ở Anh nhanh chóng nhận ra những lợi ích tiềm tàng của mask thanh quản. Trong vòng 3 năm kể từ khi ra mắt tại Anh, thiết bị này được sử dụng ở ít nhất 2 triệu bệnh nhân và có mặt ở mọi bệnh viện. Đến năm 1992, mask thanh quản được phép thương mại ở Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Malaysia, Ấn Độ và Hoa Kỳ. Cộng đồng gây mê kêu gọi ban hành các hướng dẫn thực hành. Năm 1992, ASA ủy quyền cho một lực lượng đặc nhiệm thiết lập các hướng dẫn thực hành để xử lý các tình huống đường thở khó. Phác đồ ASA cho đường thở khó được xuất bản vào năm 1993 và nhấn mạnh cần đặt sớm đặt mask thanh quản nếu thông khí bằng mask thông thường chưa cung cấp đủ lượng oxy. Mask thanh quản tạo nên một cuộc cách mạng trong thực hành gây mê. Đến năm 1995 hơn 100 triệu bệnh nhân được sử dụng và có mặt ở hơn 80 quốc gia trên toàn thế giới. Mask thanh quản hiện được chấp nhận rộng rãi như một hình thức kiểm soát đường thở. Từ năm 1988 đến năm 2017, hơn 200 triệu bệnh nhân đã được sử dụng mask thanh quản. |
Đây là một đổi hướng từ một trang đó đã được . Trang này được giữ lại dưới dạng một trang đổi hướng để tránh phá vỡ các liên kết, cả bên trong và bên ngoài, có thể đã được liên kết tới tên trang cũ.
Bất tỉnh là trạng thái mà một người không thể nhận biết môi trường xung quanh hoặc phản ứng với kích thích từ môi trường hoặc con người. Bất tỉnh có nhiều nguyên nhân như chấn thương não, thiếu oxy não, thuốc gây mê hoặc các nguyên nhân khác. Đây không nên bị lẫn lộn với tiềm thức tâm lý hoặc các trạng thái nhận thức biến đổi khác như ngủ, thôi miên, hoặc trải nghiệm thuốc gây thay đổi tâm trạng.
Ở nhiều quốc gia, người ta coi rằng người không hoàn toàn tỉnh táo không thể đưa ra sự đồng ý cho bất cứ điều gì. Điều này có thể liên quan đến các trường hợp xâm hại tình dục, giết người nhân đạo hoặc khi bệnh nhân đưa ra sự đồng ý đã được thông tin trước khi bắt đầu hoặc ngừng điều trị y học. |
Bán manh ("hemianopsia") là tình trạng mất thị lực hoặc mù một nửa trường thị giác (thị trường), không vượt qua đường giữa. Tuy nhiên, thuật ngữ "Bán manh" trong tiếng Việt ngoài chỉ tình trạng mất một nửa thị trường ("hemianopsia") còn có thể dùng cho trường hợp mất một phần tư thị trường ("quadrantanopia") của cả hai mắt.
Nguyên nhân phổ biến nhất của tổn thương này là đột quỵ, u não và chấn thương.
Bài viết này chỉ đề cập đến bán manh vĩnh viễn, không nhắc đến trường hợp bán manh tạm thời hoặc có sự dịch chuyển thị trường bị mù như William Wollaston đã xác định vào năm 1824. Bán manh tạm thời có thể gặp phải trong trường hợp bị migraine có aura (đau nửa đầu có tiền triệu).
Trong tiếng Anh, từ "hemianopsia" có nguồn gốc từ Hy Lạp, trong đó:
Các loại bán manh.
Bán manh đồng danh.
Bán manh đồng danh là mất một nửa trường thị giác cùng một bên ở cả hai mắt. Những hình ảnh ở bên phải của cả 2 mắt là do não trái chi phối, trong khi những hình ảnh ở bên trái thì lại là do não phải chi phối. Do đó, tổn thương phía bên phải của phần sau não hoặc tổn thương dải thị giác bên phải có thể gây mất thị trường bên trái ở cả hai mắt. Tương tự như vậy, tổn thương phía bên trái của phần sau não hoặc tổn thương dải thị giác bên trái có thể gây mất thị trường bên phải ở cả hai mắt.
Bán manh thái dương hai bên và bán manh phía mũi hai bên.
Bán manh thái dương hai bên ("bitemporal hemianopsia") và bán manh phía mũi hai bên ("binasal hemianopsia") là mất một nửa trường thị giác ở các phía khác nhau ở cả hai mắt.
Bán manh góc phần tư.
Bán manh góc phần tư ("quadrantanopsia" hoặc "quadrantic hemianopsia") là giảm thị lực hoặc mù ở một phần tư trường thị giác. Một phần tư cụ thể của tình trạng mất thị lực phụ thuộc vào vị trí của tổn thương não là thái dương hay đỉnh và bên tổn thương. Ví dụ, một tổn thương ở thùy thái dương bên phải gây tổn thương tia thị giác sẽ có hậu quả là bán manh góc phần tư trên bên trái.
Quên nửa người (quên không gian một bên) khác với bán manh ở chỗ đây là triệu chứng thiếu hụt sự chú ý, chứ không phải là tổn thương thị giác thực thể. Không giống như những bệnh nhân bị bán manh, những người bị quên nửa người không gặp khó khăn khi nhìn nhưng họ bị suy giảm khả năng tham gia và xử lý thông tin thị giác mà họ nhận được. Bệnh nhân quên nửa người còn có thể quên cả kích thích thính giác, xúc giác và thậm chí có thể khiến bệnh nhân không nhận thức được một nửa cơ thể của mình.
Ellis và Young (1998) nhận thấy rằng triệu chứng quên nửa người cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng định hướng bản đồ trong tiềm thức của bệnh nhân. Tức là nếu bệnh nhân được yêu cầu tưởng tượng mình đang đứng ở một địa điểm quen thuộc và gọi tên các tòa nhà xung quanh, họ sẽ bỏ qua việc gọi tên các tòa nhà ở phía bị "lãng quên" nhưng sẽ có thể gọi tên các tòa nhà đó khi được yêu cầu quay mặt về hướng ngược lại.
Một số bệnh nhân quên nửa người cũng có thể mắc bán manh, tuy nhiên cả hai thường xảy ra độc lập với nhau.
Một số dạng bán manh có thể được điều trị bằng cách lặp đi lặp lại các kích thích đa giác quan do quá trình tích hợp đa giác quan xảy ra ở gò trên.
Can thiệp bằng phẫu thuật được chứng minh là cải thiện một số dạng bán manh nhất định do tổn thương não có nguyên nhân gọi là là hiệu ứng Sprague . |
Trong kinh "Buddhavaṃsa" ("Phật chủng tính kinh") thuộc kinh điển Pali, ông đã được đề cập đến một cách ngắn gọn như sau:
Vô số kiếp trước, Đức Phật Taṇhaṅkara, Đức Phật Medhaṅkara, Đức Phật Saraṇaṅkara và Đức Phật Dīpaṃkara đã được sinh ra trong kiếp Sāramaṇḍa.
Ông đã tu tập pāramitā (ba-la-mật) trong 16 asaṃkhyeya (a-tăng-kỳ) và 100.000 (16×10^140 + 10^5) aeon để đạt được giác ngộ. Sau khi tu tập, ngài an trú ở cõi Tuṣita (Đâu-suất thiên).
Ông ra đời ở Puphavedi, là con trai của vua Sunanda và hoàng hậu Sunandā. Sau khi lên ngôi vua, ông đã trị vì đất nước của mình suốt mười nghìn năm. Sau khi con trai chào đời, ông đã quyết định rời khỏi lâu đài và bắt đầu tu luyện. Ông đã tu tập khổ hạnh trong bảy ngày, đạt giác ngộ dưới gốc cây bồ đề, hoa sữa.
Tiền kiếp của Phật Thích-ca đã trở thành đệ tử của ông và xin ông một điều ước. Tuy nhiên, ông đã không ứng nguyện cho người đệ tử. Sau khi chết, tái sinh thành một Deva trong cõi dục (kāma-dhātu).
Đức Phật Taṇhaṅkara sống 100.000 năm và đã giải thoát rất nhiều chúng sinh trong suốt cuộc đời của mình. |
Yuzuriha Karen (, Yuzuriha Karen 28 tháng 3 năm 2001 –) là một nữ diễn viên khiêu dâm người Nhật Bản. Cô thuộc về công ti T-Powers.
Tháng 2/2021, cô ra mắt ngành phim khiêu dâm.
Từ tháng 5/2021, cô là nữ diễn viên độc quyền của hãng OPPAI.
Tháng 8/2021, cô xếp thứ 14 trong "Bảng xếp hạng nữ diễn viên gợi cảm nửa đầu năm 2021 chọn bởi 300 độc giả" trong một cuộc thăm dò ý kiến của FLASH (Kobunsha).
Từ tháng 10/2021, cô là nữ diễn viên độc quyền của hãng OPPAI và Premium.
Phim của cô "Bắn không giới hạn! Khi chơi bạn có thể bắn ra với số lần tùy thích với lượng xà phòng không giới hạn!" (発射無制限!プレイの途中で何度発射してもOKいつでも出し放題ソープ) là phim khiêu dâm bán chạy nhất của OPPAI năm 2021 và phim đã được giới thiệu trên tạp chí Playboy hàng tuần của Shūeisha.
Cô đã xếp thứ 2 trong bảng xếp hạng nữ diễn viên gợi cảm do FLASH công bố.
Năm 2021, FANZA thông báo cô xếp thứ 19 theo bảng xếp hạng nữ diễn viên khiêu dâm hàng năm.
Tháng 3/2022, phim của cô "Bắn không giới hạn! Khi chơi bạn có thể bắn ra với số lần tùy thích với lượng xà phòng không giới hạn!" (発射無制限!プレイの途中で何度発射してもOKいつでも出し放題ソープ) đã nhận giải Hình ảnh tốt nhất tại Giải thưởng Erodemy 2022 do tạp chí Playboy hàng tuần tổ chức.
Tháng 4/2022, cô được chọn làm nữ diễn viên đại diện cho "Chiến dịch cảm ơn khán giả Tuần lễ Vàng năm 2022" của FANZA.
Tháng 5/2022, cô xếp thứ 39 trong bảng "bầu cử nữ diễn viên phim khiêu dâm SEXY đang hoạt động 2022" của Asahi Geino.
Tháng 7/2022, cô được chọn làm nữ diễn viên đại diện cho "Chiến dịch CSK năm 2022 Ngực! Mông! Eo!" của FANZA. Cô đã xếp thứ 7 trong bảng xếp hạng nữ diễn viên khiêu dâm nửa đầu năm 2022 của FANZA.
Được phát hành trước đó vào tháng 1, phim của cô "Mặc dù điều đó đáng lẽ bị cấ! Bắn không giới hạn 5 cảnh quan hệ của cô gái trong trang phục thỏ" (本番禁止のハズなのに…嬢からこっそり中出しおねだり! 発射無制限 逆バニー風俗5本番) đã trở thành phim bán chạy nhất năm của Premium.
Cô đã xếp thứ 4 trong bảng xếp hạng nữ diễn viên khiêu dâm hàng năm năm 2022 theo thông cáo của FANZA.
Trong bảng xếp hạng sàn video FANZA hàng tuần ngày 30/1/2023, phim của cô "Khi tôi phàn nàn với người hàng xóm về phòng chứa rác, bác Kodo trở thành một con quái vật tình dục! Tôi chịu bị quan hệ và chảy tràn tinh dịch mà không rút ra ngoài và không ngừng trong một mùi kì lạ Yuzuriha Karen" (隣家のゴミ部屋へ苦情を言ったらコドおじが性欲モンスター化!異臭の中で絶対に逃がさない抜かずの孕ませ絶倫ホールド中出し 楪カレン) đã xếp thứ nhất.
Tháng 5/2023, cô xếp thứ 40 trong bảng "bầu cử nữ diễn viên phim khiêu dâm SEXY đang hoạt động 2023" của Asahi Geinō. Số liệu cho rằng cô nổi tiếng hơn với "người lớn tuổi" hơn là người trẻ. Ngày 24/5, cô trình diễn trực tiếp lần đầu tại sự kiện "Chương trình đặc biệt của tân binh vol.73 Chúng ta hãy gặp nhau trên mặt trăng" (月で逢いましょうvol.73 ニューカマースペシャル).
Trong bảng xếp hạng sàn video FANZA hàng tuần ngày 19/6/2023, phim của cô "Tôi đã cương cứng khi thấy bạn gái ngực lớn bị hiếp dâm bởi dân anh chị (DQN) dùng thuốc kích dục và bị chảy tràn tinh dịch đến khi tinh dịch chảy ngược ra Yuzuriha Karen" (僕の巨乳彼女がDQN達に媚薬を使って犯●れブリブリ精子が逆流するまで中出しされるキメセク姿を見て勃起した 楪カレン) đã xếp thứ nhất. Cô cũng đã xếp thứ 8 trong bảng xếp hạng nữ diễn viên khiêu dâm nửa đầu năm 2023 của FANZA. |
Masoud Azizi (sinh ngày 2 tháng 2 năm 1985) là một vận động viên người Afghanistan. Thành tích cá nhân tốt nhất của anh trong môn chạy 100m là 11,11 giây, đạt được vào tháng 4 năm 2005 tại Mecca. Vào năm 2013, Azizi đã bị bắt doped tại Giải vô địch thế giới 2013 và bị treo giò trong vòng hai năm.
Azizi sinh ra trong một gia đình nổi tiếng người Pashtun Afghanistan thuộc tộc Azizi, một phân tộc của tộc Kheshgi.
Azizi đã đại diện cho Afghanistan tại Thế vận hội Mùa hè 2004 tại Athens, tham gia môn chạy 100m nam. Anh kết thúc cuối cùng trong bảng bắt đầu của mình, với thời gian 11,66 giây. Tại Giải Vô địch Châu Á 2005, Azizi đứng thứ 7 với thời gian 11,38 giây. Anh đã đại diện cho đất nước mình một lần nữa tại Thế vận hội Mùa hè 2008 tại Beijing. Anh tham gia vào nội dung chạy 100 mét và xếp thứ 8 trong bảng bắt đầu của mình mà không tiến vào vòng hai. Anh vượt qua quãng đường trong thời gian 11,45 giây. Azizi cũng xếp thứ 8 trong bảng bắt đầu của mình tại Giải vô địch Thế giới IAAF 2009 tại Berlin vào năm 2009, trong đó anh cạnh tranh cùng với Dwain Chambers và chủ nhân kỷ lục châu Phi Olusoji Fasuba. Anh đã tham gia vào vòng bắt đầu của Giải vô địch Thế giới 2011 và 2013 cũng như Thế vận hội 2012.
Vào năm 2013, Azizi đã bị bắt doped tại kỳ Giải vô địch thế giới 2013. Vận động viên này đã bị treo giò trong vòng hai năm. |
Husam Azzam là một vận động viên điền kinh người Palestine. Theo thông tin từ Ủy ban Paralympic Quốc tế, ông là "vận động viên Palestine đầu tiên tham gia Thế vận hội Paralympic" khi ông đại diện cho Palestine tại Thế vận hội Paralympic Mùa hè 2000 tại Sydney. Azzam đã giành được huy chương đồng ở bộ môn ném lao ở Sydney, với cú ném có khoảng cách 6,94 mét. Điều này là huy chương Paralympic đầu tiên cho Palestine.
Ông đã đại diện cho Palestine một lần nữa tại Thế vận hội Paralympic Mùa hè 2004 tại Athens và giành được huy chương bạc ở bộ môn ném lao.
Tham gia lần thứ ba tại Thế vận hội Paralympic Mùa hè 2008 tại Beijing, ông đã là người đại diện cờ của Palestine trong Lễ khai mạc của Thế vận hội. |
Subsets and Splits