text
stringlengths
1
148k
label
int64
0
2
__index_level_0__
int64
0
113k
Ngô Đặng Hồng Vân, thường được biết đến với nghệ danh Hồng Vân (sinh ngày 26 tháng 5 năm 1966), là một nữ diễn viên kiêm đạo diễn sân khấu người Việt Nam. Tiểu sử. Bà tên thật là Ngô Đặng Hồng Vân, quê ở phường Châu Khê, thị xã Từ Sơn (nay là thành phố Từ Sơn), tỉnh Bắc Ninh. Năm 9 tuổi, Hồng Vân cùng gia đình chuyển vào Sài Gòn sinh sống. Sự nghiệp. Từ năm 1989 đến năm 2000, bà là diễn viên Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ Thành phố Hồ Chí Minh. Từ năm 2001, bà là diễn viên, đạo diễn đồng thời là Giám đốc Công ty Cổ phần Sân khấu Điện ảnh Vân Tuấn. Hồng Vân cũng là bầu sô của Sân khấu kịch Phú Nhuận tại Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2011, bà được công nhận là Nghệ sĩ Nhân dân. Bà từng là Đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (nhiệm kỳ 2012-2016). Hồng Vân được coi là một trong những nghệ sĩ thành công ở cả chính kịch và hài kịch tại Sài Gòn cùng với Thành Lộc. Ở cả hai mảng đó bà đều được coi là một tượng đài, là một trong những người có sức ảnh hưởng lớn tới thế hệ trẻ sau này như: NSƯT Tuyết Thu, NSƯT Trịnh Kim Chi, Thái Hòa, Việt Hương, Cát Phượng, Đức Thịnh, Thúy Nga, Đào Vân Anh, Thanh Thúy, Xuân Trang, Kim Huyền, Ốc Thanh Vân, Lan Phương, Lê Lộc, Xuân Nghị, Tuấn Dũng... Ở lĩnh vực hài kịch, bà là nghệ sĩ duy nhất có thể kết hợp ăn ý với cả hai "Vua hài" của hai miền là NSƯT Xuân Hinh và NSƯT Hoài Linh. Bên cạnh đó bà còn là bạn diễn ăn ý với hàng loạt ngôi sao lớn khác của làng hài như NSƯT Bảo Quốc, NSƯT Thành Lộc, NSƯT Đức Hải, Lê Vũ Cầu, Minh Nhí... Những vở diễn nổi tiếng của Hồng Vân có thể kể đến như: Mẹ Và Người Tình, Ngôi Nhà Không Có Đàn Ông, Kỹ Nghệ Lấy Tây, Lôi Vũ... Gia đình. Mẹ cô là bà Đặng Thị Hồng Phương (sinh 1940) và cha cô là ông Ngô Kế Sương (sinh 1938). Bà đã có 2 đời chồng, lần đầu với một kiến trúc sư có 2 đứa con tên là Nguyễn Ngô Hoàng Châu (Xí Ngầu) (sinh 1994) và Nguyễn Hoàng Khôi Nguyên (Trê Phi) (sinh 1997) và lần hai với diễn viên Lê Tuấn Anh có một đứa con tên là Lê Ngô Ngọc Châu (Bí Ngô) (sinh 2007).
1
null
Bãi ngầm Tam Thanh (tiếng Anh: "Glasgow Bank"; , Hán-Việt: "Nam Nhạc ám sa") là một bãi ngầm thuộc cụm An Bang của quần đảo Trường Sa. Theo Findlay (1878), bãi trải dài khoảng 3 hải lý (5,6 km) và cấu thành từ cát và chỏm đá - vài chỗ nhô cao 6,4 - 9,8 m so với mặt biển. Bãi này nằm về phía đông bắc đá Công Đo. Bãi ngầm Tam Thanh là đối tượng tranh chấp giữa Việt Nam, Đài Loan, Philippines và Trung Quốc. Có nguồn dẫn rằng Malaysia đã vẽ bãi này vào tấm bản đồ thể hiện ranh giới lãnh hải và thềm lục địa của mình. Hiện chưa rõ nước nào thực sự kiểm soát bãi ngầm này.
1
null
Sinh học lượng tử là ngành ứng dụng cơ học lượng tử và hóa học lý thuyết vào các khía cạnh của sinh học không thể được diễn giải một cách chính xác bằng các định luật của vật lý cổ điển. Sự hiểu biết về các tuơng tác lượng tử nền tảng là cần thiết vì những thứ này sẽ quyết định các đặc tính của cấp độ tổ chức tiếp theo trong các hệ thống sinh học. Nhiều tiến trình sinh học bao gồm việc chuyển đổi năng lượng thành các dạng để có thể sử dụng được cho các quá trình chuyển đổi hóa học, và đây được xem là cơ học lượng tử trong thế giới tự nhiên. Những tiến trình như vậy bao gồm các phản ứng hóa học, hấp thụ ánh sáng, hình thành trạng thái được kích thích của điện tử, vận chuyển năng lượng exciton, và vận chuyển các electron và proton (ion H+) trong các quá trình hóa học; các tiến trình được đề cập ở trên gặp trong quang hợp, hệ thống khứu giác và hô hấp tế bào. Sinh học lượng tử có thể sử dụng các tính toán để mô hình hóa các tương tác sinh học dựa trên các hiệu ứng của cơ học lượng tử. Thông thường nó liên quan tới những đặc điểm lượng tử "không tầm thường" như chồng chập lượng tử, tính bất định xứ, vướng víu lượng tử và hiệu ứng xuyên hầm, có thể được giải thích bằng cách thu nhỏ các tiến trình sinh học về mức vật lý của các hạt, mặc dù các hiệu ứng này khó để có thể nghiên cứu và có thể mang tính suy đoán. Lịch sử. Sinh học lượng tử là một lĩnh vực mới nổi, vì hầu hết các nghiên cứu hiện nay đều mang tính lí thuyết và có nhiều câu hỏi cần thực nghiệm thêm. Mặc dù lĩnh vực này hiện chỉ mới nhận được nhiều sự chú ý gần đây, nhưng khái niệm về nó đã được đặt ra bởi các nhà vật lý trong suốt thế kỷ XX. Có ý kiến cho rằng sinh học lượng tử có thể đóng một vai trò tối quan trọng trong y học tương lai. Những người tiên phong của vật lý lượng tử đã nhìn thấy những ứng dụng của cơ học lượng tử trong các vấn đề sinh học. Cuốn sách "What Is Life?" (1944) của Erwin Schrödinger thảo luận về các ứng dụng của cơ học lượng tử trong sinh học. Schrödinger đề xuất ý tưởng về một "tinh thể không tuần hoàn" chứa thông tin di truyền bên trong cấu hình của các liên kết cộng hóa trị. Ông còn đề xuất thêm ý tưởng các đột biến được tạo ra bởi "các bước nhảy lượng tử". Các nhà tiên phong khác Niels Bohr, Pascual Jordan, và Max Delbrück lập luận ý tưởng lượng tử về tính tổng thể là cơ sở của khoa học sự sống. Năm 1963, Per-Olov Löwdin đã đưa ra ý tưởng xuyên hầm lượng tử proton như một cơ chế khác gây đột biến ADN. Trong bài đăng, ông tuyên bố đây là một lĩnh vực nghiên cứu mới mang tên "sinh học lượng tử". Năm 1979, nhà vật lý Soviet người Ukraina Alexander Davydov xuất bản cuốn sách đầu tiên về sinh học lượng tử với tiêu đề "Биология и Квантовая Механика (Sinh học và cơ học lượng tử)." Ứng dụng. Quang hợp. Các sinh vật quang hợp bằng cách hấp thụ năng lượng ánh sáng thông qua quá trình kích thích điện tử diễn ra trong các antenna. Các antenna khác nhau tùy theo dạng sinh vật. Ví dụ, vi khuẩn sử dụng antenna có dạng vòng, trong khi đó thực vật sử dụng sắc tố diệp lục để hấp thụ photon. Quang hợp hình thành các exciton Frenkel, giúp phân tách điện tích mà tế bào chuyển đổi thành năng lượng hóa học có thể sử dụng được. Năng lượng được tạo ra ở các vị trí phản ứng cần phải được chuyển đi nhanh chóng trước khi thất thoát do phát huỳnh quang hoặc dao động nhiệt. Các cấu trúc khác nhau, như phức hợp FMO ở vi khuẩn lưu huỳnh màu lục, có vai trò chuyển năng lượng từ các antenna tới vị trí phản ứng. Quang phổ điện tử FT nghiên cứu cho thấy mức độ chuyển đổi và hấp thụ electron có hiệu quả trên 99%, điều này không thể được giải thích bằng các mô hình cơ học cổ điển tương tự như mô hình khuếch tán. Thay vào đó, ngay từ năm 1938, các nhà khoa học đã đưa ra giả thuyết chính tính gắn kết lượng tử ("quantum coherence") mới là cơ chế cho sự chuyển dịch năng lượng kích thích. Các nhà khoa học gần đây đã tìm kiếm bằng chứng thực nghiệm cho cơ chế vận chuyển năng lượng bằng tính gắn kết lượng tử. Một nghiên cứu được công bố năm 2007 tuyên bố đã xác định được tính gắn kết lượng tử điện tử ở nhiệt độ -196 °C (77 K). Một nghiên cứu lí thuyết khác vào năm 2010 cung cấp bằng chứng cho thấy tính gắn kết lượng tử tồn tại lâu tới 300 femto giây ở nhiệt độ phù hợp cho dạng sống (4 °C hoặc 277 K). Trong cùng năm đó, các thí nghiệm đã được tiến hành trên tảo cryptophyte quang hợp sử dụng quang phổ phản hồi photon hai chiều thu được bằng chứng xác nhận thêm cho sự gắn kết lượng tử về mặt dài hạn. Những nghiên cứu này cho thấy thông qua quá trình tiến hóa, tự nhiên đã phát triển cách thức để bảo vệ tính gắn kết lượng tử nhằm tăng cường hiệu quả của quá trình quang hợp. Tuy nhiên, các nghiên cứu tiếp theo đặt câu hỏi về cách diễn giải của những kết quả này. Quang phổ phân tử đơn giờ đây cho thấy các đặc điểm lượng tử của quá trình quang hợp mà không có sự can thiệp của rối loạn tĩnh, và một vài nghiên cứu sử dụng phương thức này để gán các dấu hiệu được báo cáo về tính gắn kết lượng tử cho các quá trình động học hạt nhân diễn ra bên trong các chromophore. Một số lượng các đề xuất được đưa ra để giải thích cho tính gắn kết tồn tại lâu bất thường. Theo đó, một đề xuất cho rằng, nếu mỗi vị trí bên trong phức hợp cảm nhận được sự nhiễu động môi trường của chính nó, electron sẽ không duy trì ở mức tối thiểu cục bộ nào do cả tình gắn kết lượng tử và môi trường nhiệt mà sẽ tiến tới vị trí phản ứng thông qua các bước đi lượng tử.
1
null
"Now" là một bài hát bởi nhóm nhạc rock của Mỹ Paramore. Đây là đĩa đơn đầu tiên từ album mang tên nhóm "Paramore". Hậu trường. "Now" là bài hát giúp Paramore chuyển tiếp từ quá khứ đến tương lai sau khi Zac và Farro rời nhóm. Theo Hayley Williams, "Nửa đầu ca khúc... là về việc đến một nơi mới và tiếp tục tiến lên trong cuộc sống. Và khi chúng tôi viết "Now", trước khi kết thúc nó, tôi nghĩ "Chúng ta đã tới. Chúng tôi đã đến được điểm đó và giờ thì chúng ta có thể thật sự tập trung cho những thứ tiếp theo. ("The first half of this record... was all about getting to a new place, moving forward. And when we wrote 'Now,' by the end of the song I was like 'We're there. We got to that point and now we can really focus on what's next...") Video ca nhạc. Video chính thức cho đĩa đơn ra mắt ngày 11 tháng 2 năm 2013 trên MTV, và Fueled by Ramen tải lên kênh Youtube chính thức ngày hôm sau. Video bắt đầu với Hayley Williams và một binh sĩ ở giữa cánh đồng có sương mù giăng nhẹ. Williams và binh sĩ kia nhìn chằm chằm vào nhau, sau đó binh sĩ đó ném lựu đạn. Nhạc bắt đầu lúc Williams nhắm mắt, ngay trước khi lựu đạn nổ. Williams ngã xuống và những người có vẻ là về phe Williams, bao gồm Jermy Davis và Taylor York, đang đánh nhau với người phe binh sĩ kia. Khi Williams tiến về phía binh sĩ kia, Davis và York liên tục tấn công bất kì ai định lại gần cô ấy. Có người đưa cho Williams một bom khí gas, cô đốt nó và làm binh lính xung quanh ho sặc sụa và phải mang mặt nạ khí gas vào. Hàng loạt người bị đánh toả ra một lớp bụi màu đỏ, tượng trưng cho máu. Williams cuối cùng cũng mặt đối mặt với binh sĩ kia. Sau đó, Williams bị đánh gậy vào sau đầu, làm bụi xanh túa ra phủ lên khắp nơi, trong đó tóc tai của cô. Cô nhìn quanh, thấy Davis và York bị đè xuống, liền tấn công binh sĩ thì bị người của phe địch bắt giữ. Binh sĩ rút cây gậy dùi cui ra định đánh cô, nhưng cô thoát được khỏi tay đám linh và chạy lại ôm lấy binh sĩ. Binh sĩ này chết lặng, làm rơi gậy và ôm Williams lại. Mọi người xung quanh đều bất ngờ. Video khép lại với cảnh hai người họ vẫn ôm nhau.
1
null
Tượng Nhân sư lớn ở Giza ( , ), thường được biết đến với tên gọi tượng Nhân sư, là một bức tượng làm bằng đá vôi hình một con nhân sư (một sinh vật truyền thuyết với thân sư tử và đầu người) trong tư thế phủ phục nằm ở cao nguyên Giza, trên tả ngạn sông Nile tại Giza, Ai Cập. Đây là bức tượng nguyên khối lớn nhất thế giới, dài và cao và là một trong những bức điêu khắc nguyên khối lâu đời nhất. Bức tượng được cho là do người Ai Cập cổ đại ở thời kỳ Cổ Vương quốc xây dựng, dưới triều đại của Pharaon Khafra (2558-2532 trước công nguyên). Nguồn gốc và đặc điểm. Tượng Nhân sư là bức tượng lớn và lâu đời nhất thế giới, nhưng những thông tin cơ bản về nó như thời điểm và người xây dựng vẫn đang bị tranh cãi. Những câu hỏi này đã dẫn tới quan niệm phổ biến về "Câu đố của Nhân sư," ám chỉ huyền thoại Hy Lạp về Bí ẩn Nhân sư. Pliny The Elder đã nhắc đến tượng Nhân sư trong cuốn sách "Natural History" của mình, nhận xét rằng người Ai Cập tôn thờ bức tượng như một vị thần và "Vua Harmais đã được mai táng ở đó". Tên gọi. Tên mà người xây dựng nên bức tượng dùng để gọi nó không được biết đến, bởi tượng Nhân sư không hề xuất hiện trong bất kỳ văn tự nào từ thời kỳ Cựu vương quốc. Trong thời kỳ Tân Vương quốc, tượng Nhân sư được gọi là "Hor-em-akhet" (; Hellenized: "Harmachis"), pharaon Thutmose IV (1401-1391 hoặc 1397-1388 trước công nguyên) cũng gọi bức tượng như vậy trong "Tấm bia Giấc mơ" của mình. Tên thường gọi "Nhân sư" được đặt cho bức tượng vào khoảng 2000 năm sau thời điểm xây dựng do những điểm tương đồng với con thú trong thần thoại Hy Lạp có thân sư tử, đầu người phụ nữ và cánh đại bàng (mặc dù tượng Nhân sư có đầu người đàn ông và không có cánh giống như những con Nhân sư Ai Cập khác). Từ tiếng Anh "sphinx" bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp cổ đại Σφίγξ ( ), dường như từ động từ σφίγγω ( / ), dựa trên truyền thuyết rằng con nhân sư Hy Lạp đã bóp cổ bất kỳ ai không trả lời được câu đố của nó. Từ tiếng Anh "sphincter" cũng có chung nguồn gốc. Cũng có thể tên gọi này có nguồn gốc từ việc phát âm sai từ tiếng Ai Cập cổ "Ssp-anx", tên gọi dành cho hoàng gia ở Vương triều thứ Tư (2575-2467 trước công nguyên trở đi) cũng như cho tượng Nhân sư trong thời kì Tân vương quốc (1570-1070 trước công nguyên), mặc dù về mặt phát âm hai từ này không hề giống nhau. Các nhà văn Ả Rập thời trung cổ, bao gồm al-Maqrīzī, gọi tượng Nhân sư là "balhib" và "bilhaw", cho thấy ảnh hưởng của tiếng Copt. Ngày nay, tên tiếng Ả Rập của bức tượng là (, ). Quá trình xây dựng và khung thời gian. Mặc dù có những xung đột về chứng cứ và ý kiến trong nhiều năm, quan điểm chung của hầu hết giới Ai Cập học hiện đại là tượng Nhân sư được xây dựng vào khoảng năm 2500 trước công nguyên bởi Pharaon Khafra, người xây Kim tự tháp Khafre ở Giza. Selim Hassan trong khi viết về những cuộc khai quật tượng Nhân sư vào năm 1949 đã khái quát lại vấn đề: "Sau khi đã xem xét tất cả mọi thứ, có vẻ như chúng ta phải ghi nhận công xây dựng bức tượng tuyệt vời nhất thế giới này cho Khafre, nhưng phải luôn lưu ý rằng: không hề có một văn tự nào chỉ ra mối quan hệ giữa tượng Nhân sư và Khafre; vì vậy, dù các chứng cứ trông có vẻ đúng đắn bao nhiêu đi chăng nữa, chúng ta phải coi chúng là do suy diễn, cho đến khi một nhát xẻng của nhà khảo cổ nào đó tiết lộ cho cả thế giới biết thông tin chính xác về việc tạo ra tượng Nhân sư." Chứng cứ "suy diễn" được Hassan nhắc tới bao gồm vị trí của bức tượng nằm trong khu mai táng xung quanh Kim tự tháp Khafre, thường được coi là có mối liên hệ với Khafra. Ngoài Kim tự tháp và tượng Nhân sư, khu tổ hợp này còn bao gồm ngôi đền Nhân sư và ngôi đền Thung lũng, cả hai đều có chung một kiểu kiến trúc và được xây dựng từ những khối đá nặng 200 tấn. Một bức tượng làm bằng đá diorit của Khafre, được tìm ra trong trạng thái bị chôn vùi trong đống đổ nát ở ngôi đền Thung lũng, cũng được xem là bằng chứng cho giả thuyết về Khafra. Tấm bia Giấc mơ, xuất hiện rất lâu sau đó dưới Triều đại của pharaon Thutmose IV (1401-1391 hoặc 1397-1388 trước công nguyên) cũng liên kết tượng Nhân sư với Khafra. Khi tấm bia được tìm thấy, những dòng văn tự trên bề mặt của nó đã bị hủy hoại và chỉ nhắc tới "Khaf", chứ không phải Khafra. "... chúng ta mang tới cho ngài: bò... và rau quả tươi tốt; và chúng ta sẽ ngợi ca "Wenofer"... "Khaf"... bức tượng dành cho "Atum-Hor-em-Akhet"." Nhà Ai Cập học Thomas Young, khi tìm ra các ký tự "Khaf" trong một hình ô van bao quanh tên hoàng gia, đã thêm vào ký tự "ra" để hoàn chỉnh tên của Khafra. Khi tấm bia được khai quật lại vào năm 1925, những dòng chữ nhắc đến "Khaf" đã bong ra và bị phá hủy. Những giả thuyết bất đồng. Những giả thuyết mà các nhà Ai Cập học đưa ra về thời điểm xây dựng tượng Nhân sư lớn ở Giza đã gặp phải sự phản đối, đồng thời nhiều giả thuyết khác cũng đã được nêu lên để giải thích việc xây dựng bức tượng. Các nhà Ai Cập học đầu tiên. Một số những nhà Ai Cập học và khảo cổ học đầu tiên cho rằng tượng Nhân sư và các công trình xung quanh nó có từ trước thời điểm xây dựng được công nhận (Triều đại của Khafre hay Khephren, 2520-2492 TCN. Năm 1857, Auguste Mariette, người sáng lập Bảo tàng Ai Cập ở Cairo, đã khai quật được những tấm bia có niên đại ước tính khoảng năm 678-525 trước công nguyên ở Vương triều thứ 26 kể về việc Khufu tìm thấy tượng Nhân sư đang bị cát chôn vùi. Mặc dù các tấm bia chứa một vài bằng xác thực, đoạn văn này bị xem là kết quả của việc viết lại lịch sử trong thời kỳ Hậu nguyên. Gaston Maspero, nhà Ai Cập học người Pháp và là giám đốc thứ hai của Bảo tàng Ai Cập ở Cairo, đã thực hiện một cuộc khảo sát về tượng Nhân sư vào năm 1886 và kết luận: "Tấm bia tượng Nhân sư cho thấy, ở dòng 13, hình ô van chứa tên của Khephren. Tôi tin điều này chỉ ra rằng một cuộc khai quật đã được vị hoàng tử đó thực hiện, nghĩa là tượng Nhân sư đã bị chôn vùi trong cát ở thời đại của Khafre và các vị vua tiền nhiệm [ví dụ như Vương triều thứ Tư, 2575-2467 trước công nguyên]." Năm 1904, nhà Ai Cập học người Anh E. A. Wallis Budge viết trong tác phẩm "The Gods of the Egyptians": "Vật vĩ đại này [tượng Nhân sư] đã tồn tại từ thời của Khafre, hay Khephren, và rất có thể nó còn lâu đời hơn cả Triều đại của ông, từ thời xa xưa [2686 trước công nguyên]. Những giả thuyết bất đồng hiện nay. , cựu giám đốc Viện Khảo cổ Đức ở Cairo, đã nghiên cứu ý nghĩa biểu tượng học đặc trưng của chiếc mũ đội đầu "nemes" và bộ râu đã bị rời ra của tượng Nhân sư và kết luận rằng kiểu trang phục này liên quan nhiều hơn tới Pharaon Khufu (2589-2566 trước công nguyên), người đã xây Kim tự tháp Kheops và là cha của Khafra. Ông giải thích cho giả thuyết này rằng Khafra đã xây một con đường đắp cao cho phù hợp với một công trình có từ trước mà, dựa trên vị trí của nó, chỉ có thể là tượng Nhân sư. Colin Reader, một nhà địa chất học người Anh, người đã độc lập thực hiện một cuộc khảo sát về khu vực xung quanh bức tượng, chỉ ra rằng những mỏ đá được khai quật ở địa điểm này đều nằm xung quanh con đương đắp cao. Vì những mỏ đá này từng được Khufu sử dụng, Reader kết luận rằng con đường đắp cao (và hai ngôi đền ở hai bên) phải có từ trước Triều đại của Khufu, từ đó đưa ra những nghi ngờ về niên đại học truyền thống của Ai Cập. Năm 2004, Vassil Dobrev của Institut Français d'Archéologie Orientale ở Cairo công bố phát hiện của mình về những bằng chứng rằng tượng Nhân sư có thể đã được xây dựng bởi vị pharaon ít được biết đến Djedefre (2528-2520 trước công nguyên), anh em cùng cha khác mẹ với Khafra, con trai của Khufu. Dobrev cho rằng Djedefre xây bức tượng dựa theo hình ảnh của cha mình, liên kết ông với vị thần mặt trời Ra để phục hồi sự kính trọng đối với Vương triều của họ. Dobrev cũng nhận thấy rằng việc con đường đắp cao kết nối kim tự tháp của Khafre với hai ngôi đền được xây xung quanh tượng Nhân sư cho thấy bức tượng đã tồn tại ở thời điểm đó. Frank Domingo, một nhà khoa học pháp y của Sở Cảnh sát thành phố New York và là chuyên gia pháp y nhân chủng học đã sử dụng kích thước chi tiết của bức tượng, những bức vẽ giải phẫu và đồ họa máy tính để kết luận rằng Khafra, được mô tả trên những tác phẩm điêu khắc còn sót lại, không phải là hình mẫu cho khuôn mặt của tượng Nhân sư. Giả thuyết về sự xói mòn do nước. Giả thuyết về sự xói mòn của tượng Nhân sư do nước cho rằng sự phong hóa trên những bức tường xung quanh tượng Nhân sư chỉ có thể được gây ra bởi mưa lớn kéo dài, và rằng bức tượng do đó phải có từ trước pharaon Khafra. Giả thuyết này chủ yếu được ủng hộ bởi nhà địa chất học Robert M. Schoch, giáo sư khoa học tự nhiên của trường đại học Boston và John Anthony West, nhà văn và nhà Ai Cập học. Giả thuyết về sự tương quan với chòm sao Lạp Hộ. Giả thuyết về sự tương quan với chòm sao Lạp Hộ, do các tác giả nổi tiếng Graham Hancock và Robert Bauval đề xướng, được dựa trên vị trí tương quan tuyệt đối của 3 kim tự tháp Giza với 3 ngôi sao ζ Ori, ε Ori và δ Ori, các ngôi sao tạo nên đai lưng Lạp Hộ, dựa trên vị trí tương đối của 3 ngôi sao này vào năm 10500 trước công nguyên. Hai tác giả cho rằng mối quan hệ về mặt địa lý giữa tượng Nhân sư, các kim tự tháp Giza và sông Nile tương xứng trực tiếp lần lượt với các chòm sao Sư Tử, Lạp Hộ và dải Ngân Hà. Giả thuyết này bị coi là đi ngược lại với các học thuyết thông thường. Giả thuyết về thần Anubis. Tác giả Robert K. G. Temple đưa ra giả thuyết rằng tượng Nhân từ đầu đã là một bức tượng của Anubis, vị thần của việc mai táng, và rằng khuôn mặt của bức tượng đã được tạc lại để trông giống Amenemhet II, một vị pharaoh của giai đoạn Trung Vương quốc, dựa trên cách trang điểm mắt cũng như kiểu nếp gấp của mũ đội đầu. Đặc điểm sắc tộc. Một số tác giả đã nhận xét về những đặc điểm mà họ gọi là "Negroid" trên khuôn mặt của tượng Nhân sư. Vấn đề này đã trở thành một phần của những tranh cãi về sắc tộc của người Ai Cập cổ đại, cũng như toàn bộ loài người cổ đại. Khuôn mặt của bức tượng đã bị phá hủy trong suốt nhiều thiên niên kỷ. Phân tích y khoa. Bác sĩ phẫu thuật Ashrafian của học viện Hoàng gia London đã phân tích tượng Nhân sư và cho rằng bức tượng có thể đã tượng trưng cho một người mắc chứng hàm nhô, tức là được xây dựng dựa trên hình ảnh của một người mắc chứng bệnh này. Ngoài ra, vì tượng Nhân sư có hình dáng của một con sư tử, người đó cũng có thể đã mắc một chứng bệnh liên quan gây ra những đặc điểm giống sư tử (Leontiasis ossea). Trùng tu. Sau khi khu lăng mộ Giza bị bỏ hoang, tượng Nhân sư dần bị cát vùi lấp đến vai. Nỗ lực khai quật đầu tiên được ghi lại có từ năm 1400 trước công nguyên, khi vị vua trẻ Thutmose IV (1401-1391 hay 1397-1388 trước công nguyên), sau nhiều cố gắng đã tìm cách đào ra hai chân trước. Ông đặt giữa chúng một tấm bia làm bằng đá hoa cương, được biết đến với tên gọi Tấm bia Giấc mơ, có khắc những văn tự sau (trích): ... người con hoàng tộc, Thothmos, lúc đến đây, khi đang đi giữa buổi trưa và ngồi dưới bóng của vị thần đầy quyền năng này, đã bị cơn buồn ngủ xâm chiếm và thiếp đi ngay tại thời điểm Ra ở trên đỉnh [thiên đường]. Chàng thấy vị thần tháng tám nói chuyện với mình, như một người cha nói chuyện với con trai, rằng: Hãy ngắm nhìn, chiêm ngưỡng ta, hỡi con trai ta Thothmos; ta là cha con, Harmakhis-Khopri-Ra-Tum; ta ban cho con quyền cai trị vùng đất của ta, sự tối thượng trên hết tất cả;... Hãy làm theo điều kiện của ta rằng con sẽ bảo vệ chân tay hoàn mỹ của ta. Cát của sa mạc nơi ta nằm đã vùi lấp ta. Hãy cứu ta, giải phóng tất cả những gì ta có trong tim. Sau đó, Ramesses II (1279-1213 trước công nguyên) có thể đã thực hiện một cuộc khai quật thứ hai. Nhà Ai Cập học Mark Lehner lúc đầu cho rằng đã có những cuộc trùng tu sớm hơn giai đoạn Cổ Vương quốc (2686-2184 trước công nguyên) rất nhiều, nhưng sau đó đã chối bỏ tư tưởng "dị giáo" của mình. Năm 1817, cuộc khai quật khảo cổ học đầu tiên, do thuyền trưởng Giovanni Battista Caviglia người Ý giám sát, đã giải phóng toàn bộ phần ngực của bức tượng. Việc khai quật tượng Nhân sư được hoàn thành từ năm 1925 đến năm 1936 với những cuộc khai quật do Émile Baraize chỉ đạo. Năm 1931 các kỹ sư của chính phủ Ai Cập đã sửa lại phần đầu bức tượng khi một số phần của mũ đội đầu bị rơi ra vào năm 1926 do xói mòn cắt sâu vào phần cổ. Chiếc mũi và bộ râu bị mất. Chiếc mũi rộng 1 mét trên gương mặt của bức tượng đã bị mất. Kết quả khảo sát cho thấy những vết đục bao gồm một vết từ sống mũi và một vết bên dưới lỗ mũi, từ đó toàn bộ chiếc mũi bị rời ra. Nhà sử học người Ả Rập al-Maqrīzī đã viết vào thế kỷ XV rằng việc chiếc mũi bị mất là do sự phá hoại của Muhammad Sa'im al-Dahr, một người Hồi giáo mật tông đến từ Sa'id al-Su'ada. Năm 1378, khi chứng kiến việc những nông dân trong vùng cúng lễ vật cho bức tượng để cải thiện mùa màng, Sa'im al-Dahr trở nên phẫn nộ đến mức phá hủy chiếc mũi, rồi sau đó bị treo cổ vì tội phá hoại. Al-Maqrīzī miêu tả tượng Nhân sư là "tấm bùa của sông Nile" bởi người dân trong vùng tin rằng bức tượng quyết định chu kỳ nước lũ. Cũng có một câu chuyện cho rằng chiếc mũi bị vỡ do đạn đại bác mà quân lính của Napoleon bắn. Theo một số dị bản khác thì việc này là do binh lính Anh, các chiến binh Mamluk, vân vân. Những bản vẽ tượng Nhân sư của Frederic Louis Norden, người Đan Mạch, tên là "View of the Sphinx, near Cairo", thực hiện năm 1737 và xuất bản năm 1755, cho thấy bức tượng đã bị mất mũi. Bên cạnh chiếc mũi, một bộ râu pharaon cũng được cho là đã nằm trên khuôn mặt của bức tượng, mặc dù có thể nó được thêm vào sau khi bức tượng đã được hoàn thành. Nhà Ai Cập học Vassil Dobrev cho rằng nếu bộ râu đã từng là một phần của bức tượng ngay từ đầu thì chiếc cằm cũng phải bị phá hủy khi nó rơi xuống. Việc không có sự phá hủy rõ rệt nào đã hỗ trợ cho giả thuyết này của ông. Thần thoại. Colin Reader đưa ra giả thuyết rằng tượng Nhân sư có lẽ đã từng là trung tâm của tín ngưỡng tôn thờ mặt trời ở thời kỳ Sơ Triều đại, trước khi cao nguyên Giza trở thành khu vực mai táng trong giai đoạn Cổ vương quốc (2686-2134 trước công nguyên). Ông cũng kết luận rằng tượng Nhân sư, ngôi đền Nhân sư, con đường đắp cao và ngôi đền tổ chức đám tang Khafra tất cả đều nằm trong một khu phức hợp có từ trước Vương triều thứ năm (2613-2494 trước công nguyên). Sư tử từ lâu đã trở thành biểu tượng liên quan đến mặt trời ở các nền văn minh Tây Á cổ đại. Những hình ảnh mô tả vị vua Ai Cập dưới dạng một con sư tử đang tấn công kẻ thù bắt đầu xuất hiện từ giai đoạn Sơ Triều đại. Trong thời kỳ Tân vương quốc, tượng Nhân sư mang mối liên hệ đặc biệt với vị thần "Hor-em-akhet" ("Harmachis") hay "Horus trên Đường chân trời", đại diện cho pharaon trong vai trò "Shesep-ankh" ("Hình ảnh sống") của vị thần Atum. Pharaon Amenhotep II (1427-1401 hay 1397 trước công nguyên) đã xây một ngôi đền về phía đông bắc của tượng Nhân sư gần 1000 năm sau khi bức tượng được xây dựng để thờ thần "Hor-em-akhet".
1
null
Mèo lớn hay đại miêu (tên tiếng Anh thông dụng là big cat) là một thuật ngữ dùng để chỉ về năm loài trong Chi Báo thuộc Họ Mèo có khối lượng cơ thể lớn và đô con, đồng thời đều có khả năng cất tiếng gầm, chúng bao gồm hổ, sư tử, báo đốm, báo hoa mai và báo tuyết. Thuật ngữ "mèo lớn" không phải là một ngữ chuyên ngành phân loại sinh học mà là thuật ngữ được sử dụng chính thức để phân biệt các loài mèo này với các loài mèo khác nhỏ hơn. Cả bốn loài mèo lớn đều là những động vật ăn thịt đầu bảng trong hệ sinh thái của mình với khả năng săn mồi siêu hạng. Chúng cũng là những loài mãnh thú rất hung dữ, đầy sức mạnh và nguy hiểm; được xem là mối đe dọa và khủng bố cho con người, tiêu biểu là các loài hổ, sư tử và báo hoa mai. Chỉ tính riêng trong một thập kỷ qua, các loài mèo lớn đã giết hại khoảng 100 người ở khu vực Mumbai ở Ấn Độ. Các loài. Các loài mèo lớn được xếp hạng với các thành viên chính theo mức độ kích thước và khối lượng to lớn của cơ thể và biết gầm, gồm: Hổ, Sư tử, Báo đốm, Báo hoa mai. Trong bốn thành viên này thì hổ là lớn nhất, sau đó là sư tử và báo đốm, trong khi báo hoa mai và báo tuyết xếp ở vị trí thứ tư và thứ năm. Một định nghĩa mở rộng hơn của thuật ngữ "mèo lớn" cũng bao gồm các loài mèo có kích thước và thể vóc tương tự hơn gồm Báo sư tử, Báo săn và báo tuyết. Các thành viên chính thức của mèo lớn đều có khả năng cất tiếng gầm vang và là những động vật săn mồi và là những loài mãnh thú hung dữ. Mặc dù có sự khác biệt rất lớn trong kích thước, các loài khác nhau họ mèo là khá giống nhau trong cả hai cấu trúc cơ thể và hành vi, với ngoại lệ đối với loài mèo lớn mở rộng là báo săn (cấu trúc cơ thể khác biệt, móng vuốt không thu vào được, không cất được tiếng gầm), đó là đáng kể khác nhau từ bất kỳ của những con mèo lớn hay nhỏ. Tất cả các loài mèo này đều là động vật ăn thịt và được xếp là động vật ăn thịt đầu bảng. Phạm vi phân bố của chúng gồm các nước ở châu Phi, châu Á và châu Mỹ. Khả năng cất tiếng gầm gừ và gầm rống là một đặc trưng điển hình của mèo lớn (chỉ có bốn loài mèo lớn nhất mới có thể gầm). Trong đó thanh quản của sư tử là dài nhất, cho chúng tiếng gầm lớn nhất và mạnh mẽ nhất với cường độ không khác gì trong một buổi biểu diễn nhạc rock. Báo tuyết không cất được tiếng gầm mà chỉ có thể phát ra tiếng gừ gừ. Báo săn không gầm được, chúng chỉ phát ra tiếng kêu líu ríu như chim chóc, khi giận giữ, chúng nhăn mặt và phát ra tiếng khè khè. Bảng quan hệ họ hàng: Sau khi phân tích gen của loài hổ Siberi và so sánh nó với gen của loài hổ Bengal trắng, sư tử châu Phi, sư tử trắng châu Phi và báo tuyết cho thấy chuỗi các gen nổi bật của các loài thuộc Họ Mèo này có những đặc điểm giống nhau, chuỗi gen giống nhau này tạo cho chúng sức mạnh cơ bắp cũng như khả năng chuyển hóa thức ăn ở loài động vật có chế độ ăn trên 70% là thịt (được gọi là động vật chuyên ăn thịt hay hypercarnivorous) này, tuy nhiên, cũng có những biến thể quyết định sự khác nhau như màu lông hay trong trường hợp của báo tuyết, chỉ có khả năng thích nghi với môi trường sống trên cao và lạnh giá. So sánh. Bảng chi tiết so sánh (một cách tương đối) các chỉ số có thể thống kê hoặc nhận định được của các loài mèo lớn. Đối với một số số liệu thống kê thì sử dụng số liệu trung bình lớn nhất. Phân biệt. Giữa các loài mèo lớn. Việc phân biệt các loài mèo lớn đôi khi cũng gặp khó khăn, nhất là những loài dị hình lưỡng tính không rõ rệt gồm 03/4 loài mèo lớn, báo săn, báo sư tử thì khá khó trong việc xác định con đực và con cái. Ngoài ra, việc phân biệt giữa báo hoa mai và báo đốm cũng không hề đơn giản vì hai loài này rất giống nhau đến gần như lầm lẫm. Hổ là loài có thể dễ dàng phân biệt với các loài mèo lớn khác với đặc trưng là bộ lông sọc vằn vện không lẫn vào đâu được, chỉ có hổ và mèo là thuộc nhóm họ mèo có sọc, chỉ khó là việc phân biệt được hổ đực với hổ cái. Báo sư tử nhìn xa trông khá giống một con sư tử cái cỡ nhỏ hoặc sư tử đực còn non (vì vậy chúng còn được gọi là báo "sư tử" hay sư tử núi) do chúng là những loài mèo không có họa tiết trên bộ lông, cả hai loài đều có bộ lông không tạp màu và có màu nâu vàng, nhưng vẫn phân biệt được do cấu trúc của chúng mông dốc lên, phần thân sau to hơn thân trước (phù hợp cho những cú bật nhảy), trái ngược với sư tử thực thụ, cái đầu của báo sư tử có kích cỡ nhỏ so với tương quan cơ thể trái với sư tử, đuôi chúng không có chỏm lông, và điều hiển nhiên là báo sư tử có kích cỡ nhỏ hơn rất nhiều so với sư tử, kể cả sư tử cái, báo sư tử thì có vệt đen như tuyến lệ trên mặt. Báo sư tử có họ hàng gần với báo hoa mai hơn là sư tử. Đối với sư tử đực thì rất dễ dàng nhận ra được bởi bờm của nó, dễ phân biệt với sư tử cái, cũng như phân biệt với bất kỳ loài động vật nào khác. Sư tử là thành viên duy nhất của gia đình mèo hiển thị hình thái lưỡng cực tình dục rõ ràng. Con đực mạnh hơn con cái, có đầu rộng hơn và bờm nổi bật, bao phủ phần lớn đầu, cổ, vai và ngực. Bờm thường có màu nâu hoặc màu vàng, rỉ sét và đen. Đặc điểm đặc biệt nhất ở sư tử là phân cuối đuôi có màu tối, riêng con đực có 1 túm lông ở cuối đuôi. Sư tử là loài thú họ mèo duy nhất có lông duôi, nhưng chức năng của chúng vẫn chưa được biết. Túm lông này chưa mọc lúc sư tử mới sinh, nhưng chúng bắt đầu phát triển khoảng 5 đến 2 tháng tuổi và dễ nhận biết ở tuổi bảy tháng. Sư tử là loài mèo duy nhất sống thành bầy đàn. Báo hoa và báo đốm. Sự đa dạng của các loài mèo lớn được gọi là báo cũng gây khó khăn khi phân biệt, nếu như báo săn hay báo tuyết cũng như nhiều loài báo khác có thể dễ dàng nhận ra ngay vì cấu trúc cơ thể đặc biệt không giống các loại báo khác thì sự khác nhau giữa báo đốm (Jaguar) và báo hoa mai (Leopard) lại khác nhau khá nhỏ. Nhiều người cảm thấy lúng túng khi phân biệt báo đốm và báo hoa mai là những sinh vật với nhiều đốm hoa thị trên thân mình, ngoài ra, báo hoa mai và báo đốm còn bị nhầm lẫn nhất vì ngoại hình khá giống nhau, nhiều phân loài báo đốm và báo hoa mai có kích thước khá giống nhau. Tuy vậy, báo hoa mai có thể dễ dàng phân biệt với báo đốm Mỹ nếu người ta biết nhìn vào những điểm cần thiết. Mỗi loài báo này đều có loại hoa văn hay họa tiết riêng biệt trên mình, điểm khác biệt cụ thể và chính xác nhất khi phân biệt hai loài báo này chính là các hoa văn hay hoa thị (đốm) trên người chúng mặc dù nhìn qua thì có vẻ cũng không khác biệt nhiều. Phần lớn báo hoa mai không có đốm trong các hoa thị mà báo đốm Mỹ luôn luôn có đốm nhỏ trong hoa thị này (chỉ có Báo hoa mai Amur và báo hoa mai Hoa Bắc thỉnh thoảng là ngoại lệ), tức là báo đốm Mỹ thì có đốm to và chấm tròn nhỏ ở giữa, còn báo hoa mai không có các chấm đen bên trong hình hoa thị trong khi báo đốm có nhiều hơn một đến hai đốm nhỏ bên trong, mật độ đốm thưa hơn, hoa thị của báo hoa mai thường nhỏ hơn báo đốm nên mật độ đốm hoa thị ở báo hoa mai cũng nhiều hơn báo đốm, trông dày đặc hơn, vòng viền hoa thị của báo đốm lớn hơn báo hoa mai, đốm của báo hoa mai chụm lại giống hình cánh hoa mai. Điểm khác biệt thứ hai là màu da của báo hoa mai sáng hơn so với báo đốm, các loài báo đốm thường có da màu nâu đậm, sẫm hơn, có pha chút màu cam, trong khi màu lông báo hoa mai thì nhạt màu hơn, một số phân loài báo hoa mai thường có bộ lông thiên về màu xám xanh hơn. Về cấu trúc cơ thể, có thể phân biệt được hai loài này, báo hoa mai có chiều dài hơn báo đốm, chúng có thân hình thon thả, gọn gàng và cao dỏng hơn so với báo đốm, chân dài hơn, đặc biệt là đuôi của báo hoa mai dài hơn, khi di chuyển chúng hay dựng lên là cuộn cao. Trong khi đó, báo đốm lùn hơn, chân ngắn hơn, đuôi chúng ngắn cũn cỡn và thường không ngỏng lên khi di chuyển (chiều ngang tự nhiên), cơ thể báo đốm chắc nịch, cơ bắp hơn, ngoại hình giống hổ hơn, chúng nặng gần gấp đôi báo hoa mai, chúng có đầu to hơn, mặt rộng hơn, hàm rộng hơn báo hoa mai, khi chúng ngoắc mồm ra thì lớn hơn. Về tập tính, báo hoa mai sinh sống ở châu Á và châu Phi, trong khi báo đốm sinh sống ở châu Mỹ (hiện nay chỉ con ở Trung Mỹ và Nam Mỹ). Báo đốm Mỹ đã quen với cuộc sống trong các rừng mưa nhiệt đới, thích sống gần nước, bơi lội tốt giống hổ hơn, trong khi báo hoa mai thông thường là tránh ẩm ướt, chúng thích sống ở vùng đồng cỏ khô, bìa rừng, rừng thưa, và là sống trên cây nhiều hơn. Báo đốm Mỹ khi săn mồi, chúng sẽ giết con mồi bằng cách tấn công vào đầu, cắn thủng sọ vì có hàm khỏe, đây là phương pháp đặc trưng của loài báo đốm so với tất cả các loài mèo lớn khác, chúng không trở lại để ăn xác con mồi sau khi ăn. Báo hoa mai giết con mồi bằng cách cắn cổ, làm nghẹt con mồi, chúng thường lôi xác con mồi đem lên cây để ăn. Báo đốm Mỹ đặc biệt có khẩu vị ưa các loài bò sát máu lạnh, nhất là chúng thích bắt và ăn thịt cá sấu, trong khi báo hoa mai không kén ăn, chén hết các thứ từ kích cỡ từ bọ hung trở lên, không chê xác thối, và đặc biệt báo hoa mai là kẻ thèm thịt chó.
1
null
là tên một bộ manga 12 tập của Esuno Sakae, định kỳ trên Shōnen Ace (Kadokawa Shoten) từ 2006 đến 2011. Manga đã được chuyển thể thành một series anime 26 tập phát sóng trên Chiba TV và một phim truyền hình dài 11 tập chiếu trên Fuji TV. Truyện có 2 ngoại truyện lần lượt là "Mirai Nikki: Mosaic" và "Mirai Nikki: Paradox". Ngoại truyện "Mosaic" kể những tình tiết chưa được tiết lộ trước đó, còn "Paradox" lại kể về Akise Aru và Murumuru ở một chiều không gian khác. Cốt truyện. Amano Yukiteru là một nam sinh 14 tuổi cô đơn, nhút nhát và mơ mộng, luôn quan sát cuộc sống và ghi lại những sự kiện diễn ra trong ngày một cách nhàm chán trên điện thoại di động của mình. Những người bạn duy nhất của cậu là Deus Ex Machina, vị thần Không - Thời gian trong tưởng tượng và trợ lý của ông ta là nữ tiểu quỷ Muru Muru. Một ngày, Deus hiện ra trước mắt cậu và biến điện thoại của Yukiteru thành Nhật ký Tương lai, có khả năng dự đoán tương lai lên đến chín mươi ngày. Yukiteru mau chóng phát hiện ra mình và mười một người khác đã được Deus chọn để tham gia Trò chơi Sinh tồn do ông tổ chức. Có tất cả 12 người chơi, và mỗi người đều được cấp một Nhật ký Tương lai với chức năng khác nhau để loại bỏ những người chơi khác, hay còn gọi là các Chủ nhân Nhật ký, và người duy nhất sống sót đến cuối cùng sẽ là người thừa kế ngai vàng Chúa tể từ Deus. Kỳ lạ thay, Yukiteru lại được Gasai Yuno - một nữ sinh nổi tiếng xinh đẹp và chăm ngoan trong trường yêu thương và bảo vệ xuyên suốt trò chơi, một bạn cùng lớp quyến rũ nhưng tâm thần không ổn định, và đặc biệt cô yêu cậu vô điều kiện. Cùng nhau, cặp đôi đã tiêu diệt được bốn Chủ nhân Nhật ký đầu tiên là Hiyama Takao - thầy giáo chủ nhiệm và cũng là một kẻ sát nhân hàng loạt; cùng Kasugano Tsubaki - người đứng đầu 14 tuổi bạc mệnh của Giáo phái Omekata; Hirasaka Yomotsu - người tự xưng là anh hùng công lý với niềm tin công lý mù quáng; Houjou Reisuke - thần đồng 5 tuổi sống trong một gia đình đầy mâu thuẫn Hai Chủ nhân Nhật ký thân quen mà họ thường xuyên gặp phải là nữ khủng bố khét tiếng Uryuu Minene - người muốn tiêu diệt tất cả các tôn giáo sau khi cha mẹ cô chết trong một cuộc chiến tranh tôn giáo; và Kurusu Keigo, vị cảnh sát trưởng được Deus đưa vào nhằm làm cân bằng trò chơi, đặc biệt Keigo dường như không hứng thú với ngai vàng Chúa tể mà chỉ mong muốn làm giảm số người thương vong khi cuộc chơi diễn ra. Ban đầu, Keigo, Yukiteru và Yuno lập một liên minh với nhau nhưng sau đó, ông lại phản bội cặp đôi khi phát hiện ra con trai đang mắc bệnh tim nặng của mình sắp không qua khỏi, và ông kiên quyết phải trở thành Chúa tể để cứu sống gia đình mình. Keigo ám sát Chủ nhân Nhật ký Số 10 Tsukishima Karyuudo và buộc tội Yukiteru và Yuno là kẻ ám sát nhằm lấy cớ để sử dụng lực lượng của mình truy nã cặp đôi. Không may, Minene lại nắm giữ bằng chứng phạm tội của Keigo và cô đưa nó cho thuộc cấp của ông là Nishijima Masumi, vạch trần tội ác của vị cảnh sát trưởng. Bị dồn đến đường cùng, Keigo yêu cầu Minene hãy bảo vệ vợ và con trai mình rồi tự sát, rút khỏi cuộc chơi. Sau đó, Yukiteru và Yuno cũng hạ gục Ikusaba Marco và Mikami Ai - cặp đôi chiến binh đường phố với tình yêu mãnh liệt và sâu đậm. John Bacchus, thị trưởng Thành phố Sakurami và cũng chính là người đã sáng tạo nên Nhật ký Tương lai cùng Deus, nhằm hạ gục Yukiteru đã cố gắng thao túng người cha đang nợ nần của cậu là Kurou. John yêu cầu Kurou phải tiếp cận con trai mình, ánh cắp nhật ký của cậu và phá hủy nó để được xóa nợ. Kurou thất bại lại vô tình giết chết vợ cũ của mình và cũng là mẹ Yukiteru - Rea. Không hoàn thành nhiệm vụ, Kurou bị những tay sai xã hội đen của John đâm đến chết. Từ sự kiện đó, Yukiteru thề sẽ chiến thắng Trò chơi Sinh tồn và hồi sinh cha mẹ mình. Cậu và người tình Yuno quyết tâm nhắm vào những Chủ nhân Nhật ký còn lại là Minene, John và Ueshita Kamado - người điều hành một trại trẻ mồ côi. Trong khi đó, Akise Aru - thám tử học sinh sắc sảo, là bạn thân của Yukiteru và Nishijima đã phát hiện ra ba xác chết trong nhà của Yuno. Aru tìm ra danh tính của hai cái xác đầu tiên chính là cha mẹ cô và cái xác thứ ba được xác định lại chính là Gasai Yuno, và cậu nghi ngờ rằng Yuno hiện tại là giả. Nhật ký của Kamado có khả năng cung cấp các nhật ký con dự đoán được tương lai cho một số thường dân trong thành phố, và John đã ép buộc bà hợp tác với ông bằng cách giao nộp nhật ký của mình, sau đó John kết nối nó với một siêu máy tính và mọi người dân trong thành phố đều sở hữu được khả năng tiên đoán tương lai, mà theo John đó là kế hoạch hoàn hảo nhằm đưa nhân loại lên bước tiến mới. Yukiteru và Yuno, Minene, Nishijima và bạn bè của Yukiteru đều xông vào trụ sở của John nhằm ngăn chặn kế hoạch điên rồ trên và đưa thành phố trở lại trật tự ban đầu. Trên đường ngăn cản ông ta, Nishijima - sĩ quan cảnh sát và hôn phu của Minene bị tay sai của ông bắn chết trong khi cố bảo vệ cô. John sau đó đã chạy trốn vào hầm ngân hàng có độ bảo mật cao tuyệt đối nằm bên trong trụ sở của mình. Minene trong cơn tuyệt vọng và tức giận tột độ vì mất Nishijima, đã quyết định hy sinh thân mình bằng cách cài bom cảm tử để phá hủy hầm ngân hàng nhưng không thành công. Bằng mưu kế của mình, Yuno đã mở được của hầm và giết chết vị thị trưởng. Riêng Akise Aru, vì vẫn còn phân vân tại sao lại có hai Yuno, một còn sống và một đã chết, nên cậu kiên quyết hỏi Deus nhưng ông tiết lộ cậu thực chất là một hình nhân của Thiên đường được thiết kế y hệt con người để quan sát Trò chơi và giữ cân bằng. Yukiteru với quyết tâm của mình đã thẳng tay giết tất cả những người bạn thân và sau đó là Kamado. Trong khi đó, Aru chiến đấu với Yuno và phá hủy nhật ký của cô nhưng phát hiện ra cô còn sở hữu một bản sao thứ hai của nó. Nhận ra sự thật rằng cả cái xác và cô đều là Yuno đích thực, và người đang đứng trước mặt cậu là bản thể đầu tiên đến từ Thế giới Thứ Nhất - một dòng thời gian đã sụp đổ, tồn tại song song với thế giới hiện tại. Thực chất, trước khi Trò chơi Sinh tồn diễn ra ở thế giới hiện tại, đã có một Trò chơi Sinh tồn được tổ chức ở Thế giới Thứ Nhất và người chiến thắng cuối cùng là Yuno, nhưng vì muốn được tiếp tục ở bên Yukiteru, cô đã đến Thế giới Thứ Hai này, giết chết Yuno của thế giới này và thay thế cô, sau đó chính thức tham gia Trò chơi Sinh tồn thứ hai. Aru trước khi chết đã cố gắng viết sự thật này vào điện thoại di dộng và đưa cho Yukiteru để cậu giác ngộ nó. Khi đến ngày tận thế, Yukiteru và Yuno chính thức trở thành một đôi. Tuy nhiên, Yukiteru tiết lộ với Yuno những gì Aru đã nói với mình và mong cô chịu thừa nhận sự thật, nhưng cô ngay lập nổi điên lên và tìm cách giết cậu để tạo ra Thế giới Thứ Ba và tìm một Yukiteru khác thay thế. Muru Muru tạm thời đưa Yukiteru chạy trốn khỏi Yuno và đưa cho cậu xem toàn bộ những gì đã xảy ra với bản thể của chính cậu trong Thế giới Thứ Nhất; ở đó, cậu là một thiếu niên dũng cảm, bằng sức mạnh của mình đã sống sót đến cuối với Yuno và quyết định tự tử cùng nhau, nhưng cô lại không chết và nghiễm nhiên trở thành kẻ sống sót cuối cùng, nhận lấy ngai vàng Chúa tể. Nhận ra rằng bản thân không có khả năng hồi sinh Yukiteru đã chết, trong đau buồn, Yuno đã quay ngược thời gian, tạo ra Thế giới Thứ Hai - thế giới hiện tại, giết người Yuno của thế giới này và thay thế cô ta. Yuno và Muru Muru lại quay ngược thời gian một lần nữa, tạo ra Thế giới Thứ Ba. Bất ngờ, Minene cũng xuất hiện; thực chất khi sắp chết ở hầm ngân hàng, cô được Deus cứu và ban cho một phần sức mạnh của ông, biến cô trở thành một bán thần và tay sai của mình. Minene sau đó đã đưa Yukiteru đuổi theo Yuno để ngăn chặn một vòng lặp Trò chơi Sinh tồn mới diễn ra. Cả hai phe chiến đấu với nhau tại Thế giới Thứ Ba ngay trong đêm. Yuno vì không thể giết Yukiteru nên đành nhốt anh vào một quả cầu giấc mơ nhằm giam giữ anh trong đó, tiếp đến cô tìm thấy Yuno của Thế giới Thứ Ba và quyết định giết bản thể của chính mình để thay thế như lần trước. Toan vung dao xuống, Yuno Thứ Nhất bị Yukiteru ngăn lại; cậu đã thoát khỏi quả cầu giam giữ vô hình bằng ý chí và tình yêu của mình dành cho cô. Mặc dù Yukiteru yêu cầu Yuno giết chết mình để cô được sống, thay vào đó Yuno lại tự sát và tự loại chính mình khỏi cuộc chơi, lìa đời trong vòng tay người mình yêu. Yukiteru nghiễm nhiên trở thành Chúa tể và được Muru Muru kéo trở lại Thế giới Thứ Hai, lúc này đã bị phá hủy hoàn toàn, chỉ còn lại một khoảng không vô định. Tại Thế giới Thứ Ba, vì không có một Trò chơi Sinh tồn nào xuất hiện nên toàn bộ thế giới được bền vững và bình yên. Ở thế giới này, Minene thứ hai - nữ bán thần đã kết hôn với Nishijima Masumi thứ ba, sinh cho anh hai con trai và họ sống hạnh phúc cùng nhau dưới một mái nhà. Minene thứ ba vẫn còn là một khủng bố mới vào nghề và đang bị truy nã. Kurusu Keigo đã kịp thời đưa con trai mình chữa bệnh tim và cậu được cứu sống; vào ngày cậu xuất viện, Keigo và vợ ông là Naoko đã đưa cậu trở về nhà. Hiyama Takao phải đi tù cho hành vi sát nhân và đang được cải tạo. John Bacchus làm tốt công việc thị trưởng của mình và kết hôn với Ueshita Kamado sau một thời gian dài hẹn hò. Ikusaba Marco và Mikami Ai kết hôn và sống hạnh phúc cùng năm đứa con, Marco trở thành công nhân nhà máy còn Mikami Ai làm giúp việc trong ngôi đền của Kasugano Tsubaki - nữ tư tế đang thầm thương trộm nhớ Akise Aru. Hirasaka Yomotsu vẫn là một anh hùng công lý thường xuyên làm các công việc thiện nguyện. Houjou Reisuke sống hạnh phúc với bố mẹ và trở thành phụ tá nhí cho Akise Aru - thám tử học sinh tài năng. Tsukishima Karyuudo cũng có một cuộc sống vui vẻ và lành mạnh với bầy thú cưng và thường xuyên được mời đến các chương trình quảng cáo. Yukiteru và Yuno của thế giới thứ ba cũng sống hạnh phúc bên gia đình của họ. Riêng Yukiteru thứ hai sau khi trở thành Chúa tể vì quá thương nhớ Yuno đã không sử dụng sức mạnh của mình để tạo nên thế giới mới, cậu dành một khoảng thời gian rất dài chỉ để theo dõi xem Yuno của Thế giới Thứ Ba sống có tốt không, và cố gắng giữ cho Thế giới Thứ Ba luôn bình yên để cô được sống hạnh phúc. Anh nhìn chằm chằm vào nhật ký của mình, đau buồn rằng mình sẽ không bao giờ được ở bên Yuno thêm lần nào nữa. Tuy nhiên, bằng ý chí lạ thường, Yuno thứ ba phá vỡ bức tường ngăn cách không gian và thời gian, sau đó Muru Muru đã cho cô nhận lấy toàn bộ ký ức của Yuno thứ nhất. Yukiteru và Yuno sau đó đã tái hợp với nhau, anh chia sẻ cho cô sức mạnh thần thánh, họ trở thành hai vị Chúa tể và sống trong tình yêu vĩnh cửu mãi mãi về sau. Nhân vật. Mirai Nikki kể về Amano Yukiteru "Yuki", một cậu bé ngại giao tiếp xã hội và là thành viên chính của trò chơi, người chỉ muốn được sống sót; Gasai Yuno, một người chơi khác của trò chơi và là người bạn sẵn sàng làm mọi thứ để được bên Yuki; Uryū Minene, một nữ khủng bố tai tiếng sự giận dữ với thánh thần; và Akise Aru, một thiên tài thiếu niên và là một người bạn của Yuki, cậu điều tra về bản chất thực sự của trò chơi và bí mật đen tối của Yuno. Phát hành. "Mirai Nikki" được định kỳ trên Shōnen Ace (Kadokawa Shoten) từ năm 2006 đến 2010 và được tổng hợp thành 14 tập truyện, 12 tập chính truyện và 2 ngoại truyện. Tính đến nay, "Mirai Nikki" đã bán được hơn 4 triệu bản tại Nhật Bản. Danh sách. Tháng 12 năm 2012, Anime News Network đưa tin "Mirai Nikki" sẽ có một ngoại truyện phát hành vào tháng 7 năm 2013 mang tên "Mirai Nikki Redial". Tập truyện mới sẽ đính kèm một DVD anime mới nhất dài 25 phút. Truyện bắt đầu được định kỳ trên Shōnen Ace số tháng 5 năm 2013. Chuyển thể. Anime. Một đoạn phim "pilot" (anime ngắn để thăm dò ý kiến) dài 8 phút đã xuất hiện trong DVD kèm theo phiên bản giới hạn của manga tập 11, phát hành ngày 9 tháng 12 năm 2010. Sau đó, manga chính thức được chuyển thể thành anime truyền hình bởi studio Asread và được đạo diễn bởi Hosoda Naoto, bắt đầu phát sóng từ ngày 10 tháng 10 năm 2011. Cuối series, màn hình di động nhân vật hiện lên chữ và thông tin chính về dự án đó sẽ được thông báo ở buổi hoà nhạc "Mirai Nikki The Live World" ngày 29 tháng 7 tại Nhật. Tập pilot sử dụng nhạc chủ đề là bài "The Creator" trình bày bởi Teihoku. Còn series sử dụng bốn bản nhạc chủ đề. 14 tập đầu nhạc mở đầu là hát bởi Teikoku Yōsei, và nhạc cuối phim là "Blood Teller" hát bởi Faylan. Từ tập 15 trở đi, bản nhạc mở đầu được đổi thành bài "Dead End" của Faylan, và nhạc kết thúc là bài "Filament" của Teihoku. Visual Novel. Kadokawa Shoten phát hành một visual novel dựa trên dành cho dòng máy Playstation Portable mang tên vào ngày 28 tháng 1 năm 2010 tại Nhật. Sau đó, nó được tái bản với diễn viên lồng tiếng cho anime tham gia vào ngày 26 tháng 4 năm 2012. Phim truyền hình. Từ 21 tháng 4 đến 30 tháng 6 năm 2011, Fuji TV cho chiếu loạt phim truyền hình dài 11 tập dựa trên manga với tựa đề . Tuy có chung ý tưởng về nhật ký tương lai, cốt truyện và nhân vật của phim truyền hình hoàn toàn khác với manga.
1
null
Cầu Thủ Bộ bắc qua sông Cần Giuộc nối liền hai xã Long An và Long Phụng thuộc địa phận huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Khởi công vào ngày 20 tháng 9 năm 2001, Cầu có chiều dài 544 m, rộng 12 m, tổng vốn đầu tư xây dựng công trình là 83 tỷ đồng, thời gian thi công 18 tháng.
1
null
Trận Kircholm (27 tháng 9 năm 1605, hoặc 17 tháng 9 theo lịch các nước Tin Lành) là một trong những trận đánh lớn của chiến tranh Ba Lan-Thụy Điển giai đoạn 1600-1611. Cục diện chiến trường được quyết định chỉ sau 20 phút tàn sát của khinh kỵ binh Ba Lan, và được xem là một trong những chiến thắng vĩ đại nhất của Vương quốc Ba Lan và Đại Công quốc Litva (gọi tắt là Liên Bang Ba Lan-Litva). Trước trận chiến. Buổi sáng ngày 27 tháng 9 năm 1605, liên quân và các lực lượng Thụy Điển gặp nhau gần thị trấn nhỏ của Kircholm (nay là Salaspils ở Latvia, cách thủ đô Riga 18 km về phía Đông Nam). Karl IX có tổng cộng 10.800 quân và 11 khẩu pháo. Trong quân đội Thụy Điển, có vài nghìn người Đức và lính đánh thuê Hà Lan, cùng vài trăm quân Scotland. Liên quân Ba Lan dưới quyền chỉ huy của Jan Karol Chodkiewicz bao gồm khoảng 1.300 bộ binh (1.040 lính đánh thương và 260 Ngự lâm quân), 2.400 kỵ binh và chỉ có 4-7 khẩu pháo. Tuy nhiên, lực lượng Ba Lan-Litva được nghỉ ngơi đầy đủ và kỵ binh của họ chủ yếu là khinh kỵ binh Towarzysz hay kỵ binh nặng với thương dài, trong khi đó kỵ binh Thụy Điển chất lượng kém hơn, trang bị súng ngắn và súng cacbin, ngựa cũng yếu hơn, và tất cả đã mệt mỏi sau khi hành quân trong cơn mưa xối xả đêm hôm trước. Phần lớn kỵ binh đến từ Đại Công quốc Litva, khoảng 200 của vua Ba Lan, hầu hết là lính đánh thuê hay các đồng minh gần gũi của Chodkiewicz. Quân Ba Lan-Litva cũng được hỗ trợ bởi một số ít người Thát Đát. Triển khai lực lượng. Quân Thụy Điển đóng trên ngọn đồi đối diện, cách người Ba Lan khoảng một cây số. Quân Thụy Điển dường như xếp theo thế trận bàn cờ, hình thành bởi 13 khối bộ binh (mỗi khối gồm 600-650 lính) và 11 liên đội kỵ binh (200-220 người mỗi đơn vị), cách nhau một tầm súng. Bảy khối bộ binh tạo thành hàng đầu (4600 lính), phía sau là 6 liên đội kỵ binh (1.500 binh sĩ). Tướng Brandt chỉ huy cánh trái, công tước Friedrich xứ Lüneburg phụ trách bên phải. Cánh quân thứ 2 gồm 3.700 bộ binh và 1.000 kỵ binh dựa lưng vào nhà thờ Kircholmu. Chiều rộng đội hình khoảng 800m. Kỵ binh Thụy Điển và Đức phụ trách bảo vệ 2 bên sườn, các khẩu pháo dàn trước đội hình. Jan Karol Chodkiewicz bố trí lực lượng của mình theo đội hình truyền thống Ba Lan-Litva,với cánh trái mạnh hơn đáng kể và được chỉ huy bởi Thomas Dąbrowa (1250 kỵ binh), trong khi cánh phải ít hơn dưới quyền của Paweł Jan Sapieha (700 kỵ binh). Khu trung tâm là đại đội riêng của Chodkiewicz gồm 300 kỵ binh do Woyna lãnh đạo và đơn vị kỵ binh Đức do Công tước xứ Courland gửi đến. Bộ binh Litva trang bị kiểu Hungary, tạo thành hai khối ở trung tâm. Khoảng 280 kỵ binh cánh trái đóng vai trò như ngự lâm quân, dưới quyền Teodor Lacki. Diễn biến trận chiến. Trong suốt ba giờ, hai bên giữ vị trí, chỉ thỉnh thoảng trao đổi vài phát đại bác. Quân Thụy Điển không muốn rời khỏi ngon đồi, nơi phòng thủ hiệu quả các đợt tấn công của kỵ binh. Cuối cùng Chodkiewicz quyết định dùng một đòn đánh nhử để dụ đối phương. Những người Thụy Điển theo Karl tưởng rằng người Litva và viện quân Ba Lan đang rút lui, do đó dâng cao, dãn đội hình của mình để dễ dàng đuổi theo. Đó là những gì Chodkiewicz đang chờ đợi. Hỏa lực của liên quân bắt đầu gây ra một số thiệt hại cho người Thụy Điển, lúc này các khinh kỵ binh nhanh chóng tập hợp thành đội hình tác chiến và quay lại tấn công. Vì khoảng cách xa, quân trên đồi đã không kịp tiếp ứng, và như vậy do đánh giá sai tình hình, quân Thụy Điển chỉ còn một nửa khi giáp mặt người Ba Lan, tuy nhiên vẫn có số lượng đông đảo hơn. Chodkiewicz nhận thấy cánh trái của Thụy Điển mạnh hơn cánh phải, ông quyết định tấn công vị trí này. Trận chiến bắt đầu với cuộc đột kích vào sườn trái Thụy Điển. Đồng thời, khoảng 300 khinh kỵ quấy rối bộ binh ở trung tâm, ngăn cản họ hỗ trợ hai cánh. Lính đánh thuê Đức không có cơ hội nào khi xáp chiến với kỵ binh mạnh nhất châu Âu, và bỏ chạy sau vài phút chiến đấu. Thấy kỵ binh địch bị đánh lui, Chodkiewicz ra lệnh ngay cho cánh trái của mình và tất cả các đơn vị dự bị còn lại tấn công sườn phải quân Thụy Điển. Kỵ binh đánh thuê nhanh chóng vỡ cả hai cánh và bộ binh ở trung tâm bị tấn công từ ba mặt cùng một lúc. Tướng Anders Lenartssona và công tước Frederick xứ Lüneburg tử trận. Bị bám riết, kỵ binh Thụy Điển chạy loạn, xéo lên bộ binh của chính mình, người Thụy Điển mất hết tinh thần và sụp đổ chỉ trong chốc lát. Thảm họa bắt đầu! Vua Thụy Điển mình đầy vết thương,có lẽ đã không thể sống sót nếu không có Wrede Henry, người đã nhường vua con ngựa của mình trước khi hy sinh(vì sự hy sinh này, vợ góa ông ta được ban tặng đất đai ở Phần Lan năm 1608 và con cháu được nữ hoàng Kristina phong danh hiệu nam tước). Sau 20 đến 30 phút giao tranh, cường quốc Bắc Âu hoàn toàn bị đánh bại. Quân đội của Karl IX đã mất ít nhất một nửa, có lẽ nhiều hơn hai phần ba sức mạnh ban đầu của nó (70% quân số và 90% bộ binh theo các tài liệu thời đó). Phía Ba Lan-Litva khoảng 100 người chết (trong số này chỉ có 13 kỵ binh) và 250 con ngựa, 200 người bị thương; mặc dù phần lớn ngựa còn lại đều gặp phải vấn đề-do các vết thương trong khi giao chiến-và cần được thay thế. Như tất cả các chiến thắng mang tính hủy diệt trong thời kỳ này, quân Thụy Điển phải chịu tổn thất nặng nề khi rút chạy bởi những cánh rừng rậm và đầm lầy trên đường trở lại Riga. Nông dân địa phương cũng tham gia truy đuổi, để trả thù các vụ cướp phá. Tướng Brandt bị bắt cùng 500 tù binh, một số nhỏ khác được tha. Thương vong nhẹ phía Ba Lan-Litva phần lớn do tốc độ ấn tượng của chiến thắng. Trong các đợt xung phong liên hồi, tổn thương lớn nhất thuộc về những con ngựa trong khi đa số kỵ binh được bảo vệ bởi đầu và cổ con ngựa họ cưỡi. Ngày hôm sau, trong trại quân Thụy Điển ở Riga, những người chiến thắng thu được thực phẩm, đạn dược, toàn bộ pháo dùng trong cuộc vây hãm, thậm chí cả tủ quần áo khảm bạc của vua Charles IX. Theo lệnh của Chodkiewicz, tướng Lennartsson được chôn cất với đầy đủ nghi thức quân đội tại nhà thờ Riga, và thi thể Công tước xứ Lüneburg được gửi về cho Charles IX. Sau trận chiến. Sau thất bại, Charles IX buộc phải từ bỏ cuộc bao vây thành Riga, rút về bằng tàu qua biển Baltic và Thụy Điển mất quyền kiểm soát Bắc Latvia và Estonia. Tuy nhiên, phía Liên Bang không thể khai thác triệt để chiến thắng này vì không còn tiền trả cho binh lính, trong tình hình đã nợ lương nhiều tháng. Họ thiếu lương thực, thức ăn cho ngựa và các thiết bị quân sự khác, vì vậy những chiến dịch tiếp theo chỉ tiến hành nửa vời. Một yếu tố khác là không dễ bổ sung số lượng lớn ngựa chiến, vốn đòi hỏi công huấn luyện và chăm sóc chu đáo. Cuối cùng, một hòa ước đã được ký kết trong năm 1611 khi Nga can thiệp vào xung đột vùng Baltic, và tuy đạt những chiến thắng rất quan trọng, song việc các lãnh đạo Liên Bang bất hòa cộng với tham gia nhiều mặt trận đã cho Thụy Điển cơ hội xây dựng lại lực lượng. Đến 1617, chiến tranh lại tiếp tục nhưng với kết quả đảo ngược. Năm 1621, nhà vua Thụy Điển mới, Gustavus Adolphus đổ bộ xuống gần Riga và đánh chiếm thành phố này sau một cuộc bao vây ngắn, xóa đi trong mắt người Thụy Điển - phần lớn sự tủi nhục tại Kircholm. 400 năm sau. Ngày 27 tháng 9 năm 2005, lại một lần nữa quốc kỳ Ba Lan tung bay trên chiến trường 400 năm tuổi này. Tại Salaspils-trước 1917 là Kircholm, có một tượng đài kỷ niệm, trên đó khắc những dòng chữ viết bằng tiếng Ba Lan và Latvia: "Tại đây, ngày 27 tháng 9 năm 1605, diễn ra một trong những trận chiến lớn nhất trong lịch sử Kircholm (Salaspils). Các lực lượng Ba Lan, Đại công quốc Litva và Công quốc Courland dưới sự chỉ huy của Hetman Jan Karol Chodkiewicz đã đánh bại hoàn toàn quân đội của nhà vua Thụy Điển Charles IX " Lễ kỷ niệm chính thức diễn ra khiêm tốn: đặt hoa, đọc diễn văn và quay phim, chụp ảnh. Thành phần tham gia gồm: đại diện Đại sứ quán Ba Lan ở Latvia, đại sứ Litva, đại sứ Thụy Điển, tùy viên quân sự Thụy Điển, đoàn đại biểu Liên minh người Ba Lan ở Latvia và chính quyền thành phố. Điều thú vị là các bài phát biểu được đọc tại đài tưởng niệm phía Thụy Điển, không phải của Ba Lan.
1
null
Urban Dictionary là một từ điển chứa các thành ngữ và tiếng lóng. Urban Dictionary đã chứa khoảng gần 7 triệu định nghĩa. Các đóng góp thường được đóng góp bởi các tình nguyện viên và được người dùng đánh giá. Phóng viên tạp chí "Time", Anita Hamilton, đã đưa trang web này vào một trong 50 trang web được yêu thích nhất.
1
null
Circus Maximus (tiếng Latinh có nghĩa là "lớn" hay "vĩ đại"; tiếng Ý: Circo Massimo) là một trường đua xe ngựa thời La Mã cổ đại và là một điểm vui chơi giải trí tại Roma, Ý. Tọa lạc tại vị trí nằm giữa đồi Aventinus và Palatinus, đây là đường đua đầu tiên và đường đua lớn nhất thời La Mã cổ đại và thời kỳ đế quốc sau này. Với chiều dài là 621 m (2.037 ft) và bề ngang là 118 m (387 ft). Mặc dù được xây dựng từ rất sớm nhưng những khán đài của trường đua có thể chứa được khoảng 150.000 khán giả. Khi đã được phát triển hoàn chỉnh, nó trở thành mô hình cho các đường đua khác trong khắp đế quốc La Mã. Di chỉ của trường đua này hiện nay là một công viên công cộng. Lịch sử. Từ thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên, khu đàm lầy giữa hai đồi Palatine và Aventine đã được hút cạn và sau đó có thể được sử dụng cho các cuộc thi khác nhau. Vua Lucius Tarquinius Priscus được cho là đã xây dựng nhựng khán đài gỗ đầu tiên, nhưng bị ụp đổ hết lần này đến lần khác, nơi thỉnh thoảng có nhiều thương vong. Julius Caesar đãi mở rộng phạm vi của trường đua, và sau chiến thắng vào năm 46 trước Công nguyên, xây dựng một phần khán đài bằng đá cẩm thạch và bao quanh đấu trường bằng một con hào để tách nó ra khỏi khu vực khán giả. Sau vụ hỏa hoạn vào năm 31 TCN Augustus mở rộng trường đua và xây cột Obelisk đầu tiên ở giữa, vào năm 10 trước Công nguyên. Sự kiện và sử dụng. Circus là địa điểm lớn nhất và tốt nhất dành cho "ludi" tại Roma, một loài hình trò chơi công cộng có liên kết tới những lễ hội tôn giáo La Mã. Ludi được tài trợ bởi những nhân vật đứng đầu La Mã hoặc nhà nước La Mã nhằm đem lại cho lợi ích dân chúng của họ "(populus Romanus)" và cũng như đem lại ích lợi cho các vị thần. Phần lớn các cuộc đua đều được tổ chức định kỳ hàng năm hoặc theo chu kỳ hàng năm theo lịch La Mã. Đôi khi nhiều lễ hội có thể được thực hiện một lời thề tôn giáo, chẳng hạn như các trò chơi nhằm kỷ niệm chiến thắng. Lễ khải Khải hoàn sớm nhất được biết đến, cử hành tại Circus là của vua Lucius Tarquinius Superbus tôn vinh thần Jupiter ở cuối thời kỳ Vương quốc nhằm ăn mừng chiến thắng của mình trước Pometia.
1
null
Nguyễn Thế Hùng (1945 – 1 tháng 10 năm 1977) sinh ra tại thị trấn Bạch Hạc, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, là một Trung úy của Không quân Nhân dân Việt Nam. Ông được nhà nước Việt Nam trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 2000. Sau khi tham gia khóa đào tạo phi công phản lực tại Liên Xô từ năm 1966 đến năm 1969, ông trở thành phi công lái máy bay chiến đấu MiG-19 cho đến năm 1975 thì chuyển sang loại lái máy bay tiêm trong Chiến tranh biên giới Tây Nam. Ngày 1 tháng 10 năm 1977, ông đã hy sinh trong trận chiến tại biên giới địa bàn ấp Cây Me, xã Long Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh.
1
null
Người Ba Tư là một dân tộc thuộc nhóm người Iran, những người nói tiếng Ba Tư hiện đại và có liên quan chặt chẽ về ngôn ngữ lẫn sắc tộc với người Iran địa phương. Nguồn gốc của họ bắt nguồn từ các dân tộc Iran cổ đại, bản thân họ là một phần của nhánh Ấn-Iran thuộc nhóm dân tộc Ấn-Âu lớn hơn. Thuật ngữ "người Ba Tư" ("persian") trong hệ thống ngôn ngữ châu Âu bắt nguồn từ Persis, một vùng đất nằm ở phía bắc vịnh Ba Tư, là nơi mà Cyrus Đại đế đã thành lập nên Đế quốc Achaemenes, thống nhất tất cả các vương quốc Iran khác (chẳng hạn như Đế quốc Media) và mở rộng ảnh hưởng văn hóa và xã hội Ba Tư bằng cách sáp nhập Đế quốc Babylon và Đế quốc Lydia. Mặc dù không phải là đế chế đầu tiên tại Iran, nhưng nhà Achaemenes là đế chế Ba Tư đầu tiên được các sử gia phương Tây lẫn Ba Tư công nhận vì ảnh hưởng văn hóa, quân sự và xã hội của nó vượt xa các nền văn minh cùng thời như Athena, Ai Cập, Libya. Lịch sử. Theo một số quyển sử do người Âu viết, những người Ba Tư đã bắt đầu thành lập một đế quốc riêng của mình từ hai Vương quốc Đông Ba Tư (Parsua) và Tây Ba Tư (Anshan) do nhà Achaemenes (690–328 trước Công nguyên) trị vì. Nhà Achaemenes thuộc sắc tộc Ba Tư của người Aryan xuất phát từ khu vực tỉnh Pars của Iran ngày nay. Trong nghiên cứu lịch sử Đế quốc Ba Tư cổ đại, người ta thường bị lệ thuộc nhiều vào các nhà sử học Hy Lạp cổ đại, điển hình như các tác phẩm kinh điển của Herodotos và Xenophon. Số là người Ba Tư xưa chỉ thể hiện lòng sùng kính các vị vua của họ qua việc cúng tế tông miếu, chứ không viết sách vở gì cả. Tuy nhiên, một số người có tư tưởng "Đại dân tộc Iran", liệt một số triều đại người ngoại quốc vào lịch sử Iran. Theo cách nhìn này đế quốc Ba Tư được khởi đầu với những người Media, sau khi họ cùng với người Babylonia tiêu diệt đế quốc Assyria, và khởi lập đế quốc Media. Vua xứ Anshan là Cyrus II (khoảng năm 575 - 529 trước Công Nguyên), tức Cyrus Đại Đế, lên nối ngôi vào năm 559 trước Công Nguyên) và đánh bại vua Media là Astyages tại Ecbatana, thống nhất hai dân tộc Ba Tư và Media thành một Đế quốc Achaemenes vào năm 550 trước Công Nguyên. Với chiến thắng hiển hách này, người Ba Tư trở thành bá chủ của châu Á, vì họ là nỗi sở hãi của các lân bang hùng mạnh. Dường như Cyrus Đại Đế đã chinh phạt một Vương quốc lân cận và giết cả vua nước ấy. Ông cũng thực hiện chiến thuật xuất sắc và giành chiến thắng vang dội, chinh phạt được Đế quốc Lydia vào nam 547 trước Công Nguyên. Sau đó, ông tiêu diệt được Đế quốc Tân Babylonia, rôi đưa người Do Thái trở về Jerusalem. Ông lập nên một Đế quốc Thế giới đầu tiên và để lại tiếng vang cho đến ngày nay. Đế quốc Ba Tư trở thành đế quốc huy hoàng nhất trong mọi quốc gia châu Á đương thời, do đó nhân dân tôn vinh Cyrus Đại Đế là vị "Quốc tổ" của họ. Đế quốc Achaemenes. Nhà Achaemenes nước Ba Tư, thuộc tộc người Aryan. Vị vua đầu tiên được biết đến của triều đại này có tên là Hakhamanish, khởi đầu huyền thoại. Tên ông bị các sử gia Cổ Hy Lạp đọc trại và Hy Lạp hóa thành Achaemenes, vì thế triều đại này có tên nhà Achaemenes trong tiếng Anh. Bi văn của Hoàng đế Darius Đại Đế có ghi nhận về gia phả của Hoàng gia Achaemenes, và: "Tất cả chúng ta đều là hậu duệ của vua Achaemenes. Hoàng gia ta từ lâu đã danh giá. Hoàng gia ta từ lâu đã xưng đế xưng vương". Một "huyền thoại về người sáng lập" cho thấy vua Achaemenes được một con đại bàng nuôi nấng. Nhưng Hoàng đế Cyrus Đại Đế không ghi nhận về ông trong phần gia phả trên Trụ Cyrus, và ông có thể là thần thoại. Song, Hoàng đế Xerxes Đại Đế sau này có đề cập đến ông. Xứ của ông có tên là Parsumash, nay ở miền tây nam Iran, tỉnh Pars. Ông không hùng mạnh lắm, nên phải chịu làm chư hầu của xứ Elam gần bên. Các vua Ba Tư buổi đầu có lẽ là những vị tiểu vương cai trị như những vị thủ lĩnh bộ lạc. Vua Achaemenes qua đời năm 681 TCN. Con là vua Cishpish (Hy Lạp hóa thành, và thường được sách Anh Pháp viết là Teispes) nối ngôi. Vào năm 655 TCN, Teispes chiếm được nước lân bang là Parsua. Sau đó ông chia vương quốc của mình ra làm hai: xứ Parsua cho con trưởng là Ariaramnes, xứ Parsumash cho con thứ là Cyrus I. Hai vua này lên ngôi năm 652 TCN, Cyrus I làm chư hầu của anh. Một tu sĩ có tiên đoán với vua Cyrus I về việc con cháu ông sẽ lên làm vua của cả thế giới, và điều này sẽ trở thành hiện thực với Hoàng đế Cyrus Đại Đế về sau. Xứ Parsumash cũng có tên gọi là xứ Anshan. Trong Trụ Cyrus của Hoàng đế Cyrus Đại Đế, các vua Teispes, Cyrus I và Cambyses I đều được gọi là "Đức Vua xứ Anshan". Tài liệu của Đế quốc Tân Assyria có ghi lại năm 647 TCN có sứ giả của vua Anshan là Cyrus I vào chầu. Vua Ariaramnes truyền ngôi cho con là vua Arsames. Vua Arsames là cha của quan Tổng trấn Hystaspes, và là ông nội của Hoàng đế Darius I sau này. Có lẽ cựu vương Arsames và quan Tổng trấn Hystaspes còn sống khi Darius I lên ngôi Hoàng đế Ba Tư vào năm 521 TCN. Vào năm 625 TCN, một dân tộc Aryan ở phía bắc Ba Tư là người Media thoát được ách đô hộ của người Scythia, giành lại toàn bộ đất nước. Dưới triều vua Cyaxares, Đế quốc Media trở nên hùng cường. Dần dần, các xứ Elam, Parsua và Anshan đều thành thuộc quốc của Đế quốc Media. Vua xứ Anshan là Cambyses I hẳn là có tài ngoại giao, và ông được vua nước Media là Astyages gả con gái là công chúa Mandane cho. Mandane sinh được một người con kỳ tài là vua Cyrus Đại đế trong tương lai. Do được báo mộng là Hoàng tử Cyrus sẽ cướp ngôi vua nước Media, vua Astyages đã truyền lệnh cho giết ông, nhưng một vị thống soái là Harpagus đã cứu ông. Đây là một huyền thoại về vị vua sáng lập Ba Tư, được Herodotos ghi nhận. Thế nhưng, theo nhà sử học Ctesias thì vua Cyrus II không phải là cháu ngoại của vua Astyages, cũng không phải là một thành viên của Hoàng gia Achaemenes, nhưng có xuất thân bình dân, thuộc về bộ lạc của người Mardioi. Theo đó, khi mẹ ông là Argoste có mang, bà mộng thấy con mình sẽ làm "tai to mặt lớn" ở châu Á. Sinh ra, Cyrus vào cung hầu hạ vua Astyages. Ông dần dần được nhà vua sủng ái, nhưng sau này ông khởi nghĩa lật đổ nhà vua, và lên ngôi vua nước Ba Tư và Media. Ghi nhận của Ctesias khó có thể tin được, vì nhà sử học Herodotos và tư liệu bằng chữ tượng hình Ba Tư đều ghi nhận ông thuộc dòng dõi nhà Achaamenes - Vương triều đang trị vì bộ lạc của người Ba Tư ở Pasargadae. Hoàng đế Darius Đại Đế - một vị vua có tài tổ chức và quân sự - đã tiến hành cải tổ Đế quốc, và là vị vua châu Á đầu tiên tiến hành chinh phạt châu Âu. Hoàng đế Xerxes Đại Đế kéo đại quân đánh vào phương Tây, giành nhiều chiến thắng vang dội nhưng sau đó bại trận rút quân. Kể từ sau khi Hoàng đế Cyrus Đại Đế chinh phạt Đế quốc Babylon (538 TCN), các vị vua nhà Achaemenes xưng hiệu "Vua của các vị vua". Đế quốc Ba Tư kéo dài từ năm 550 TCN cho đến khi quân Macedonia của vua Alexandros Đại Đế đánh bại Hoàng đế Darius III, rồi chinh phạt luôn cả Đế quốc vào năm 328 TCN. Trong suốt thời gian đó, Đế quốc Ba Tư là đế quốc hùng mạnh nhất và rộng lớn nhất trong thế giới cổ đại. Đế quốc Achaemenes là Đế quốc thế giới đầu tiên trong lịch sử, với 200 tồn tại dưới thời trị vì của các vị Hoàng đế. Là một dân tộc sùng đạo, người Ba Tư thiết kế và xây nên nhiều thành phố nguy nga tráng lệ. Trong lịch sử Trung Đông, Đế quốc của họ là Đế quốc đầu tiên thống nhất cả khu vực này thành một Nhà nước có tổ chức. Dưới triều vua Xerxes Đại Đế, có biết bao nhiêu dân tộc sinh sống trong Đế quốc này. Đế quốc Parthia. Đế quốc này do vua Arsaces I sáng lập, gắn liền với nhà Arsaces có nguồn gốc từ Parthia (đại khái ở tây bộ Khurasan, thuộc miền đông bắc Iran). Sau đó là một satrapy (tỉnh) trong cuộc nổi loạn chống lại đế chế Seleukos. Mithridates I của Parthia (rc 171-138 BC) đã mở rộng đế chế bằng cách chiếm lấy Media và Lưỡng Hà từ vương quốc Seleukos. Ở thời đỉnh cao, Đế chế Parthia trải dài từ phía bắc của sông Euphrates, nay là phía đông Thổ Nhĩ Kỳ, tới phía đông Iran. Đế quốc nằm trên tuyến đường tơ lụa giữa Đế chế La Mã ở lưu vực Địa Trung Hải và nhà Hán ở Trung Quốc, nhanh chóng trở thành một trung tâm buôn bán và thương mại. Là triều đại lấn chiếm đất và kế tục nhà Seleukos cùng với một số diadochi (sứ quân của Macedonia - Hy Lạp) khác, các vua Parthia, khác với các diadochi, trở thành triều đại bản xứ của dân Iran, mặc dù họ yêu thích nền văn minh Hy Lạp đến mức tự nhận là "philhellenes" (bạn của những người Hy Lạp) trên những đồng tiền mà họ ban hành. Các nhà vua triều đại Arsacid đã sử dụng danh hiệu là "Vua của các vua", như một tuyên bố là người thừa kế thực sự đế chế Achaemenid, họ chấp nhận nhiều vị vua địa phương như các chư hầu lệ thuộc sẽ phải trực do chính quyền Trung ương chỉ định, mặc dù phần lớn đều tự trị, hay là các phó vương. Triều đình đã chỉ định một số lượng nhỏ các phó vương, chủ yếu là bên ngoài Iran, nhưng các satrapies này nhỏ hơn và ít mạnh mẽ hơn so với những người cai trị địa phương dưới thời Achaemenid. Với việc mở rộng quyền lực của Arsacid, chính quyền trung ương đã chuyển từ Nisa, Turkmenistan tới Ctesiphon dọc theo sông Tigris (phía nam Baghdad, Iraq), mặc dù một số nơi khác cũng từng là thủ đô. Những văn liệu còn tồn tại được của triều đại này rất hiếm. Nhiều điều chúng ta biết được về họ ngày nay chỉ hoàn toàn dựa vào các tài liệu của người Hy Lạp, La Mã hoặc Trung Quốc. Những kẻ thù đầu tiên của đế quốc Parthia là vương quốc Seleukos ở phía tây và người Scythia ở phía đông. Tuy nhiên, vì Parthia mở rộng về phía tây, họ bước vào cuộc xung đột với Vương quốc Armenia, và cuối cùng Cộng hòa La Mã. Rome và Parthia đã cạnh tranh với nhau để thiết lập các vị vua của Armenia là các chư hầu của mình. Người Parthia đã đánh bại Marcus Licinius Crassus trong trận Carrhae năm 53 trước Công nguyên, và trong năm 40-39 trước Công nguyên, lực lượng Parthia chiếm được toàn bộ vùng Cận Đông - ngoại trừ Týros - từ những người La Mã. Tuy nhiên, Mark Antony đã dẫn đầu một cuộc phản công chống lại Parthia và một số hoàng đế La Mã đã xâm chiếm Lưỡng Hà trong cuộc chiến tranh La Mã-Parthia. Người La Mã chiếm được thành phố Seleucia và Ctesiphon nhiều lần trong những cuộc xung đột. Những cuộc nội chiến giữa những người tranh đoạt ngai vàng của Parthia đã tỏ ra nguy hiểm hơn các thế lực ngoại xâm, và quyền lực của Parthia biến mất khi Ardashir I, vua chư hầu của Estakhr ở Fars, nổi dậy chống lại triều đại Arsaces và giết chết vị vua cuối cùng của họ, Artabanus IV, trong năm 224 CN. Ardashir đã thành lập Đế chế Sassanid, cai trị Iran và phần lớn vùng Cận Đông cho đến khi những cuộc chinh phục Hồi giáo xảy ra vào thế kỷ thứ 7, mặc dù vậy triều đại Arsaces vẫn tồn tại thông qua triều đại Arsaces của Armenia. Thành tựu. Phát minh. Người Ba Tư đã từng xây dựng những "chiếc tủ lạnh" lớn, có hình nón để chứa thức ăn. Họ gọi chúng là "Yakhchāl" (tiếng Ba Tư: یخچال) trong tiếng Ba Tư (có nghĩa là hầm trữ lương thực lạnh). Ngoài việc chứa thức ăn, người Ba Tư cũng dùng chúng để chứa đá (băng) trong mùa hè nóng nực. Hầu hết những chiếc hầm này đều có cửa sổ thông gió và hoạt động như một chiếc tủ lạnh thực sự. Điều này có nghĩa rằng "tủ lạnh" của người Ba Tư được thiết kế để không khí được đưa vào làm mát đi, trong khi đó không khí nóng sẽ được đưa ra ngoài. Để làm ra những chiếc ‘tủ lạnh’ này, người Ba Tư dùng hỗn hợp làm từ cát, đất sét, lòng trắng trứng, chanh, lông dê. "Tủ lạnh" này còn có cả một hệ thống rãnh thu nước để thu nước và giúp làm lạnh nước vào ban đêm – khi mà nhiệt độ ở vùng sa mạc giảm xuống rất nhiều so với nhiệt độ ban ngày. Đá, thức ăn và "tủ lạnh" chỉ được dùng để phục vụ cho hoàng gia chứ không dành cho dân thường.
1
null
Chuyện tình xa xứ là một bộ phim hài hước - tình cảm - tâm lý Việt Nam của đạo diễn Victor Vũ, được khởi chiếu vào ngày 13 tháng 2 năm 2009 ở Việt Nam và ngày 9 tháng 10 năm 2009 ở Mỹ. Phim có sự tham gia của Bình Minh, Huy Khánh, Ngọc Diệp, Kathy Uyên và Tăng Bảo Quyên. Tựa phim chính thức trong tiếng Anh là Passport to Love (dịch sang tiếng Việt: Hộ chiếu đến tình yêu). Nội dung. Khang và Hiếu là đôi bạn thân chơi với nhau hồi còn nhỏ, Khang ỷ lại bố mình là tổng giám đốc giàu có nên anh ta chỉ biết ăn chơi trác táng với số tiền to lớn của ông bố, còn Hiếu có xuất thân nghèo khó nên chỉ biết chăm chỉ học hành để sau này có thể trở thành "Bill Gates Việt Nam" lo cho mẹ. Người yêu của Hiếu là một cô nàng giáo viên tên Thảo, hai người yêu nhau suốt 8 năm, Hiếu nói rằng sẽ cưới Thảo khi nào anh học thành tài. Khang và Hiếu có cơ hội đi du học ở Mỹ, trước khi đi Hiếu dặn Thảo ở nhà chăm sóc mẹ giùm. Khi qua đến Mỹ, Khang và Hiếu được người quen của Khang là ông Sáu lái xe hơi ra sân bay đón về. Khang và Hiếu ở chung trong một căn hộ, hằng ngày Hiếu vẫn ôn bài kỹ lưỡng chuẩn bị cho kỳ thi, còn Khang vẫn cứ ăn chơi với các cô gái. Hiếu đến nhà vợ chồng bà Mai, bạn thân của mẹ Hiếu, để trò chuyện với họ. Vợ chồng bà Mai có cô con gái xinh đẹp tên Jennifer, cô này luôn ước mơ thắng giải hoa hậu nhưng vì nói tiếng Việt không rành nên đành phải nhận giải á hậu nhiều lần. Vợ chồng bà Mai thuê Hiếu dạy tiếng Việt cho Jennifer, chưa đầy một tháng, Hiếu đã dạy Jennifer nói tiếng Việt rành rẽ. Jennifer bắt đầu nảy sinh tình cảm với Hiếu, hai người cũng có ngủ với nhau. Một ngày kia, lúc đang đi ăn phở ở Little Saigon, Khang gặp gỡ cô cảnh sát Tiffany. Khang thích Tiffany ngay từ cái nhìn đầu tiên, không những thế anh ta còn rất nể phục cô sau khi thấy cô hạ gục tên tội phạm có súng. Khang không biết làm cách nào để gặp lại Tiffany cho đến khi anh ta bị cảnh sát bắt về đồn vì đang lái xe trong tình trạng say rượu. Khang cố gắng làm quen với Tiffany, Tiffany khuyên Khang hãy nên đi làm kiếm tiền cực khổ như bao người khác, may ra cô ta còn suy nghĩ lại. Khang đi phụ việc trong quán kem, mới ngày đầu mà Khang đã bị đuổi do bất cẩn. Tiffany giới thiệu Khang qua làm ảo thuật tại một công viên giải trí, về sau Khang trở thành Phó quản lý của cả công viên này, bố Khang rất hài lòng. Khang và Tiffany lên kế hoạch về Việt Nam tổ chức đám cưới, mặc dù biết Tiffany đã có một đứa con với đời chồng trước nhưng Khang vẫn yêu Tiffany. Còn về chuyện của Hiếu, vừa nghe tin mẹ bệnh nặng thì Hiếu liền trở về Việt Nam, bỏ dở chuyện học hành ở Mỹ. Nếu Hiếu chịu cưới Jennifer thì vợ chồng bà Mai sẽ bỏ tiền ra lo cho mẹ Hiếu, rốt cuộc mẹ Hiếu cũng qua đời, bà có viết lá thư để lại cho Hiếu, bà dặn Hiếu không nên bỏ rơi Thảo. Hiếu nghe lời mẹ, anh ta nói chia tay với Jennifer để trở lại với Thảo. Jennifer tức giận đi thẳng đến ngôi trường Thảo đang dạy và đưa Thảo xem cuốn album có hình Hiếu và Jennifer ân ái với nhau, sau đó Jennifer về Mỹ. Vào ngày đám cưới của Khang và Tiffany, Thảo chỉ nói Hiếu vài câu rồi lên xe bỏ đi, không ai biết cô ta đi đâu, Khang cố trấn an Hiếu và bảo Hiếu vào trong tiếp tục bữa tiệc. Giải thưởng. Tại lễ trao giải Cánh Diều Vàng 2008, "Chuyện tình xa xứ" đã đoạt "Giải Khán giả bình chọn", diễn viên Kathy Uyên cũng đoạt giải "Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất".
1
null
Sweet Flower là đĩa đơn thứ ba của Tenjouchiki The Grace tại Nhật Bản. "Sweet Flower" được chọn làm nhạc chủ đề tháng tư cho chương trình TBS Count Down TV (CDTV). "Rock'n' Roll Star" là B-side của album này và được biểu diễn bởi Lina. Thông tin album. So với các single trước, "Sweet Flower" là single có lượng bán thấp nhất, đạt thứ 151 trên Oricon Weekly Charts, với 572 bản. Tenjouchiki chỉ quảng bá album này trong một buổi ra mắt single nhỏ, mà không quảng bá trên truyền hình. RZTV đã chiếu trên truyền hình về hậu trường và phỏng vấn các thành viên, nhưng phải mất một khoảng thời gian sau khi single phát hành. "Sweet Flower" cũng được phát hành tại Hàn Quốc bởi SM Entertainment.
1
null
Lina là tên riêng phổ biến ở Thụy Điển, Estonia, Latvia và Litva, đặc biệt là những người sinh sau năm 1980. Vào năm 2011 đây là một trong những tên riêng phổ biến nhất dành cho nữ tại Đức. Ban đầu tên này được sử dụng làm cách gọi ngắn gọn của Karolina, Nikolina, Adelina, Evelina và Paulina. Tên này trong tiếng Đan Mạch và Na Uy là "Line". Lina cũng là dạng viết tắt của bất kỳ tên riêng nào kết thúc bằng "-lina", ví dụ như Angelina, Evangelina, Carolina, Melina. Lina là giống cái của Linas, một tên riêng phổ biến của người Litva. Nó cũng được coi là dạng giống cái của Linus. Trong tiếng Nga, Lina () là dạng rút gọn của Avelina.
1
null
Động đất Alaska 1964, cũng gọi là Đại động đất Alaska, Động đất cảng vận chuyển và Động đất Thứ sáu Tuần Thánh, là trận siêu động đất bắt đầu vào 5:36 P.M. AST vào ngày thứ sáu Tuần Thánh, 27 tháng 3 năm 1964. Toàn bộ vùng trung-nam Alaska bị ảnh hưởng bởi mặt đất bị nứt, công trình sụp đổ và sóng thần xuất hiện khiến 143 người thiệt mạng. Diễn ra trong gần 3 phút, nó là trận động đất mạnh nhất trong lịch sử Hoa Kỳ và Bắc Mỹ, và mạnh thứ hai trong số các trận động đất từng đo bằng địa chấn kế. Nó có độ lớn 9,2, và trận mạnh thứ hai trong lịch sử địa chấn học mà con người đo được. Sức mạnh của trận động đất tạo ra hiện tượng hóa lỏng đất trong vùng. Đất sụt lở gây đổ sập công trình công cộng, đường giao thông và nhà dân ở vài khu cộng đồng. Thành phố Anchorage chịu thiệt hại nặng nhất với nhiều nhà trụ sở với thiết kế chống động đất đã không đứng vững, các công trình hạ tầng công cộng bị ảnh hưởng bởi sạt lở (vỉa hè, đường đi bộ, đường cấp thoát nước, đường điện và những công trình khác), và có vài vụ sạt lở ở Knik Arm. Có đoạn nứt gãy dài hai trăm dặm theo hướng tây nam, một số vùng gần Kodiak mặt đất bị nâng cao tới . Phía đông nam của Anchorage, vùng bao quanh phía đầu Turnagain Arm gần Girdwood và hải cảng bị sụt tới , dẫn đến chính quyền phải xây dựng lại hoàn toàn và nâng nền đường cao tốc Seward Highway cao hơn mực nước thủy triều. Ở Prince William Sound, cảng Valdez chịu một trận sạt lở đất lớn dưới nước, khiến 30 người thiệt mạng khi đang đứng trên khu vực cảng và cầu tàu cũng như ở trong những thuyền đang đậu tại cảng lúc xảy ra động đất. Gần đó, một trận sóng thần cao tới tràn vào làng Chenega, làm thiệt mạng 23 người trong số 68 sống ở đây; những người sống sót được nhờ chạy lên vùng đất cao hơn. Dư chấn của động đất cũng như của sóng thần ảnh hưởng đến cộng đồng Whittier, Seward, Kodiak, và những vùng Alaska khác cũng như đối với người dân và tài sản ở vùng British Columbia, Oregon, và California. Sóng thần cũng gây một số thiệt hại tại Hawaii Nhật Bản. Báo cáo về những ảnh hưởng của trận động đất này đến từ khắp nơi trên toàn vùng Thái Bình Dương.
1
null
Nhà thờ Bảo Lộc là một trong những nhà thờ của giáo hội Công giáo Việt Nam. Đây được coi là nhà thờ có sức chứa lớn nhất ở Việt Nam, với khả năng chứa khoảng 3000 giáo dân và là nhà thờ có hình "Bánh chưng bánh giầy" duy nhất ở Việt Nam. Đây cũng là nhà thờ Công giáo có những công trình kiến trúc độc đáo, thu hút nhiều du khách tham quan tại Bảo Lộc, Lâm Đồng. Vị trí. Nhà thờ Bảo Lộc, nằm trên quốc lộ 20, thuộc Phường Blao, thành phố Bảo lộc, tỉnh Lâm Đồng (thuộc Giáo hạt Bảo Lộc, Giáo phận Đà Lạt). Xây dựng. Nhà thờ Bảo Lộc được xây dựng từ năm 1994, khánh thành năm 1999, theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ (Khôi nguyên La Mã - Prix de Rome), với sự tham gia thực hiện đồ án của kiến trúc sư Nguyễn Hồng Sơn. Theo các nhà nghiên cứu lịch sử kiến trúc Việt Nam, thì nhà thờ Bảo Lộc là công trình cuối cùng của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ (tác giả của đồ án thiết kế Dinh Độc Lập, dinh của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa trước đây). Ý nghĩa công trình. Qua đồ án, Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ "diễn tả nguyên tắc dùng hài hoà khối bằng kim số" một cách tinh vi và khoa học. Tuy mang dáng dấp kiến trúc Tây Phương, nhưng nhà thờ lại có những nét dân tộc độc đáo. Phía ngoài hình vuông tượng trưng cho đất. Phía trong hình tròn tượng trưng cho trời, được chống đỡ bởi 12 cây cột biểu hiệu cho 12 tông đồ của Giáo hội Công giáo. Kiến trúc nhà thờ là sự phối hợp rất rõ giữa hai khối mỹ thuật VUÔNG (hình chiếc bánh chưng) và TRÒN (hình chiếc bánh giầy), tượng trưng cho "Trời tròn đất vuông". Điều này gợi cho các tín hữu cũng như du khách đến nhà thờ nghĩ đến truyền thống văn hóa và lịch sử Việt Nam qua sự tích "Bánh chưng bánh giầy" thời các vua Hùng. Phần trần nhà thờ là một mái vòm tròn đường kính 36m, được chia thành 12 cánh ôm lấy vòng trung tâm (đường kính 6m). Trần nhà thờ được làm bằng chất liệu thạch cao với những nét khắc tinh tế, đây cũng là điểm nhấn của công trình này. Trong nhà thờ có bộ tranh kính màu có diện tích 66m2 gồm 33 bức, đây cũng là bộ tranh kính màu lớn nhất trong các nhà thờ của Việt Nam. Lịch sử. Sự hình thành Giáo xứ Bảo Lộc gắn liền với sự hình thành vùng Blao, nên cũng có một lịch sử lâu đời và trải qua nhiều thay đổi Đầu thế kỷ 20, vùng Blao (được đổi lại là Bảo Lộc từ năm 1960) còn là rừng rú hoang dã, với vài ba làng người dân tộc (Công Hinh, Đạ Bình, Công Hinh Đăng, Công Hinh Đà, Công Hinh Conteh, Công Hinh Blach, Công Hinh Blao) sinh sống rải rác. Năm 1930 người Pháp đến đây lập Trung tâm thực nghiêm Canh Nông và mở đồn điền Cà Phê, vài ba trại công nhân (đa số là người dân tộc, chỉ có ít người kinh) được thành lập để mở quốc lộ. Năm 1934, quốc lộ được khánh thành, việc đi lại dễ dàng hơn: ban đầu 6 gia đình người kinh (3 gia đình là Công giáo) kế đó thêm nhiều gia đình khác ồ ạt tới lập nghiệp. Thời gian này, Linh mục chánh xứ Jean Cassaigne và linh mục phó Nguyễn Vĩnh Tiên của họ Di Linh thỉnh thoảng xuống làm lễ và chuẩn bị lập giáo xứ Blao. Tháng 5 năm 1948, Linh mục Giacôbê Nguyễn Văn Mầu (sau này là Giám mục Vĩnh Long) về nhận xứ và bắt đầu hình thành giáo xứ, đồng thời cũng khởi công xây nhà thờ, nhà xứ. Sau hơn ba năm xây dựng, năm 1957, nhà thờ cũ của Bảo Lộc được khánh thành. Nhà thờ có chiều dài 41m, rộng 14m, tháp chuông cao 18m. Vì là một giáo xứ có đông đảo tín hữu và là nơi sinh hoạt về Phụng vụ của giáo hạt nhưng nhà thờ lại khá nhỏ và cũ, nên linh mục Vương Văn Điền đã phác họa và khởi công xây dựng nhà thờ mới. Nhà thờ mới phải có tầm vóc quy mô cho mọi sinh hoạt Phụng Vụ chung của cả giáo hạt. Năm 1993, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ đã thiết kế đồ án ban đầu để xây dựng nhà thờ Bảo Lộc là: phần nhà thờ có diện tích 60mx 60m= 360 m², không kể công trình phụ là tháp chuông bên cạnh. Nếu thực hiện đúng thiết kế thì nhà thờ Bảo Lộc sẽ là nhà thờ lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á. Nhưng khi mới chỉ thực hiện được một phần 20 của công trình thì linh mục Vương Văn Điền chánh xứ nhà thờ, người phụ trách quản lý trông coi việc xây dựng nhà thờ qua đời. Việc xây dựng nhà thờ do đó bị bỏ dở dang, công việc xây cất đã bị ngưng lại một năm. Năm 1995, chương trình xây dựng ngôi Thánh đường mới đã được khởi công, nhưng công trình mời vừa được thực hiện thì linh mục Vương Văn Điền bị bệnh và qua đời tháng 2 năm 1996. Tháng 4 năm 1996, linh mục Giuse Nguyễn Hữu Duyên được bổ nhiệm làm quản xứ mới, đã tiếp tục công việc đang dang dở. Nhờ nỗ lực của linh mục quản xứ mới và sự cộng tác giáo dân trong và ngoài giáo phận, ngôi thánh đường mới đã hoàn thành được những phần cơ bản và được đưa vào sử dụng để chuẩn bị đón mừng cho Năm Thánh 2000. Do khó khăn về tài chánh, nhà thờ đã được thu nhỏ lại, chỉ bằng 1/2 diện tích so với đồ án nguyên thủy. Ngày 31 tháng 5 năm 1999, giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn đã chủ sự thánh Lễ khánh thành và cung hiến nhà thờ Bảo Lộc.
1
null
Tranh tường là loại tranh nghệ thuật mà người họa sĩ dùng sơn để vẽ trực tiếp lên tường, lên trần, hay các bề mặt khác như đá trong hang động (tranh hang động). Thông thường, tường phải được xử lý nhẵn và sơn một lớp lót. Tranh tường được thực hiện bằng nhiều cách như dùng sơn dầu hay màu nước. Kiểu thức ngày nay rất đa dạng có thể là "trompe-l'œil" hay trừu tượng, hiện thực hay cách thể. Lịch sử. Thời Tiền sử. Tranh tường xuất phát từ phương tây. Tranh tường lúc đầu chỉ được vẽ trong các hang động. Những bức tranh hang động sớm nhất mà người ta biết được có niên đại 40.000 năm. Các nhà khảo cổ đã khám ra các bức tranh hang động thông qua kiểm tra xác định bằng phóng xạ carbon có niên đại khoảng 37.000 năm về trước từ Thời đại đồ đá cũ trong hang Chauvet, thuộc Ardèche, miền Tây Nam nước Pháp. Năm 2007, tại di chỉ Abri Castanet, ngành khảo cổ phát hiện phiến đá nặng khoảng 1,5 tấn với bức họa được cho là cổ nhất tại châu Âu hiện nay, thuộc văn minh Aurignacian. Nền văn minh này có mặt không những ở Pháp, Đức, và cả miền Bắc nước Ý. Họa tiết ở Abri Castanet khá đa dạng, vẽ hình ngựa và biểu tượng bộ phận sinh dục nữ. Nét khắc chạm có phần thô ráp, không tinh xảo bằng các bức vẽ động vật được tìm thấy năm 1994 trong hang Chauvet. Thời cổ đại. Ai Cập cổ đại và cổ đại Hy-La cũng thực hiện tranh tường như khai quật ở phế tích Pompeii. Sang thời Phục Hưng, kỹ thuật bích họa phổ biến mạnh ở châu Âu, được dùng để trang trí nhiều công trình kiến trúc tôn giáo. Châu Á và châu Mỹ. Châu Á có một số di chỉ nổi tiếng còn lưu lại những bức họa trên vách đá, trong đó có hệ thống hang động Ajanta, Ấn Độ và hang Long Môn ở Trung Hoa. Ở châu Mỹ, nền văn minh Maya cũng đóng góp những bức vẽ rực rỡ như ở di chỉ San Bartolo, Guatemala. Hiện đại. Thuật ngữ tranh tường được biết đến nhiều hơn với phong trào nghệ thuật tranh tường Mexico (Diego Rivera, David Siqueiros và Jose Orozco). Bức tranh tường đầu tiên được vẽ vào thế kỷ 20 là “The Tree of Life” của Roberto Montenegro. Có rất nhiều phong cách và kỹ thuật khác nhau. Nổi tiếng nhất có lẽ là bích họa, sử dụng sơn hòa tan trong nước với whitewash ẩm, sử dụng nhanh chóng hỗn hợp thu được trên một bề mặt rộng và thường là từng phần (nhưng có cảm giác tổng thể). Màu sắc sáng dần khi khô. Phương pháp "marouflage" cũng đã được sử dụng trong nhiều thiên niên kỷ.
1
null
Cầu Ông Thìn nằm trên trục đường Quốc lộ 50, bắt qua sông Cần Giuộc thuộc địa phận xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh. Được khởi công xây dựng vào tháng 11 năm 1999 nhưng mãi đến tháng 6 năm 2001 mới hoàn thành. Đây là công trình do Tổng công ty Công trình giao thông 5, thuộc Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư theo hình thức BOT, với tổng mức đầu tư gần 30 tỷ đồng. Cầu có 7 nhịp, có chiều dài hơn 237 mét, rộng 9,5 mét, trọng tải H30 tấn, 2 đường dẫn lên cầu dài 437 mét. Thu phí. Theo dự kiến sẽ thu phí giao thông từ tháng 9 năm 2001 và dự kiến kết thúc vào năm 2013. Mức thu phí là "4.000 đồng/lượt đối với xe lam, xe máy kéo, xe bông sen; từ 7.000 - 30.000 đồng/lượt đối với xe ô tô các loại, không thu phí giao thông đối với xe gắn máy, xe đưa rước học sinh - sinh viên đi học, xe buýt, xe của Thường trực Thành ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Thành phố theo đề nghị của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh." Tuy nhiên Cầu đã được Bộ GTVT mua lại với số tiền 31,2 tỷ đồng, chính vì vậy từ ngày [[1 tháng 1]] năm [[2006]] đã chấm dứt việc thu phí. Chú thích. [[Thể loại:Cầu tại Thành phố Hồ Chí Minh|Ông Thìn]]
1
null
Mộ Dung Phục Doãn (, 597–635), hiệu là Bồ Tát Bát khả hãn (步薩鉢可汗), là một quân chủ của nước Thổ Dục Hồn. Ông đăng cơ sau khi người anh trai Mộ Dung Thế Phục bị ám sát vào năm 597, và trở thành một trong những vị quân chủ cai trị lâu dài nhất trong lịch sử của Thổ Dục Hồn. Trong thời gian trị vì, ông đã tiến hành các cuộc xung đột lớn với nhà Tùy và nhà Đường, và vào năm 635, trong một cuộc xâm lược của Đường, ông đã bị ám sát do các thần dân cho rằng thái độ thù địch của ông đã khiến Đường Thái Tông xâm lược đất nước. Bối cảnh. Phụ thân của Mộ Dung Phục Doãn là Mộ Dung Khoa Lã- một khả hãn có tính khí thất thường và trị vì trong khoảng thời gian 540-591, thậm chí ngay cả các hoàng tử của ông ta cũng lo lắng về tính mạng của mình. Trong mối quan hệ với triều đại Trung Hoa, sau khi có mâu thuẫn giữa nhà Tùy (dưới thời Văn Đế) và nhà Trần (dưới thời Trần Thúc Bảo), Khoa Lã liên tục tấn công vào các châu của Tùy giáp với Thổ Dục Hồn, song sau khi Tùy diệt Trần vào năm 589, Khải Lỗ lo sợ và bỏ trống vùng biên giới, Khoa Lã qua đời vào năm 591 và người kế vị là Mộ Dung Thế Phục- huynh trưởng của Mộ Dung Phục Doãn, Thế Phục quyết định khuất phục Văn Đế và còn đưa một người con gái sang làm thiếp của Văn Đế song Văn Đế từ chối. Sau đó là một khoảng thời gian hòa bình giữa Thổ Dục Hồn và Tùy. Vào năm 596, Văn Đế phong con gái của một thành viên hoàng tộc làm Quang Hóa công chúa và gả cho Mộ Dung Thế Phục. Năm 597, Thổ Dục Hồn đại loạn, quốc nhân giết Mộ Dung Thế Phục bị sát hại. Các thần dân lập Mộ Dung Phục Doãn làm khả hãn. Ông cử các sứ thần đến Tùy để giải thích việc phế lập và xin được cho phép kết hôn với Quảng Hóa công chúa theo phong tục Thổ Dục Hồn. Văn Đế chấp thuận. Ông và Quảng Hóa công chúa sau này có ít nhất một người con trai là Mộ Dung Thuận. Trong thời gian Tùy Dạng Đế trị vì. Văn Đế băng hà năm 604 và con trai là Dương Quảng lên kế vị (tức Dạng Đế). Ban đầu, mối quan hệ giữa Thổ Dục Hồn và Tùy vẫn hòa bình, khi đó Mộ Dung Phục Doãn cử sứ thần sang nộp cống cho Dạng Đế vào năm 607, cùng với các sứ thần của Cao Xương và đích thân khả hãn Đông Đột Quyết là Khải Dân khả hãn A Sử Na Nhiễm Cán. Tuy nhiên, cũng trong năm đó, quan viên nhà Tùy là Bùi Củ (裴矩) trở về sau khi thực hiện một chuyến vi hành các nước Tây Vực, và do biết rằng Dạng Đế đang tìm kiếm các mục tiêu để tiến hành chinh phục, Bùi Củ đề xuất với Dạng Đế rằng các nước Tây Vực có rất nhiều châu báu và rằng sẽ dễ dàng thôn tính Thổ Dục Hồn. Do vậy, Dạng Đế bắt đầu tính đến việc tấn công Thổ Dục Hồn. Tại một thời điểm, khi Mộ Dung Phục Doãn cử con là Mộ Dung Thuận làm sứ thần sang Tùy, Dạng Đế đã cho giam giữ Thuận. Năm 608, Bùi Củ đã thuyết phục các bộ tộc Thiết Lặc tấn công Thổ Dục Hồn, quân Thiết Lặc đại phá quân Thổ Dục Hồn. Mộ Dung Phục Doãn đưa các thần dân chạy về phía đông, vào Tây Bình quận (gần tương ứng với Tây Ninh, Thanh Hải ngày nay), khiển sứ thỉnh hàng cầu cứu Tùy Dạng Đế. Dạng Đế phái An Đức vương Dương Hùng (楊雄) và Hứa công Vũ Văn Thuật (宇文述) đến tiếp ứng cho Mộ Dung Phục Doãn. Tuy nhiên, khi quân của Vũ Văn Thuật đến Lâm Khương thành, Mộ Dung Phục Doãn trở nên sợ hãi trước sức mạnh của quân Tùy và quyết định chạy trốn về phía tây. Vũ Văn Thuật dẫn binh truy kích, chiếm được hai thành Mạn Đầu và Xích Thủy, chém được trên 3000 thủ cấp, bắt được 200 quý tộc và 4.000 hộ Thổ Dục Hồn mới về. Mộ Dung Phục Doãn chạy về tây nam đến vùng núi tuyết hoang vu, đất cũ của Thổ Dục Hồn rộng 4000 lý theo chiều đông tây và 2000 lý theo chiều bắc nam rơi vào tay nhà Tùy. Nhà Tùy đem đất cũ của Thổ Dục Hồn phân làm châu huyện trấn thú, đưa những tội nhân đến đày ở đất này. Tuy nhiên, vào năm 609, Mộ Dung Phục Doãn đã dẫn quân thoát ra khỏi vùng núi tuyết và đoạt lại đất đai bị mất, sang tháng 5 ÂL, Dạng Đế thân chinh tấn công Thổ Dục Hồn. Quân của Dạng Đế mặc dù gặp những thất bại nhỏ song đã một lẫn nữa buộc Mộ Dung Phục Doãn phải chạy trốn, tái khẳng định quyền kiểm soát của Tùy đối với các vùng đất cũ của Thổ Dục Hồn. Có trong tay Mộ Dung Thuận, Dạng Dế phong người này làm khả hãn, dưới sự trợ giúp của Đại Bảo vương Ni Lặc Chu (尼洛周), tiến về phía tây để cố nắm quyền kiểm soát đối với người Thổ Dục Hồn. Tuy nhiên, đến Tây Bình quận thì Ni Lặc Chu bị bộ hạ sát hại, và Mộ Dung Thuận lại trở về Tùy. Năm 613, Bùi Củ lại thuyết phục các bộ tộc quy thuận Hạt Sa Na khả hãn của Tây Đột Quyết tấn công Thổ Dục Hồn. Không biết nhiều về tình hình của Thổ Dục Hồn dưới quyền cai trị của Mộ Dung Phục Doãn trong các thập niên sau đó, song trong thời điểm này, nhà Tùy suy sụp, bị nhấn chìm trong các cuộc khởi nghĩa nông dân trên toàn quốc. Trong thời gian trị vì của Đường Cao Tổ. Năm 619, Dạng Đế bị sát hại ở Giang Đô (江都, nay thuộc Dương Châu, Giang Tô), Mộ Dung Thuận từng cùng với Dạng Đế ở Giang Đô, khi này quay trở về kinh đô Trường An của Tùy, mà Trường An khi đó do một tướng nổi loạn chống lại Dạng Đế là Lý Uyên chiếm giữ. Lý Uyên đăng cơ và lập ra nhà Đường, tức Đường Cao Tổ, song vẫn phải tiếp tục chiến đấu để đánh bại các thủ lĩnh nổi dậy khác. Cao Tổ điều đình với Mộ Dung Phục Doãn- nay đã khôi phục lại các vùng đất của Thổ Dục Hồn, để tấn công một trong các kình địch là Lương Đế Lý Quỹ (李軌). Mộ Dung Phục Doãn chấp thuận, và yêu cầu phóng thích Mộ Dung Thuận. Cao Tổ chấp thuận, khởi binh đánh Lý Quỹ, và Mộ Dung Thuận có thể trở về Thổ Dục Hồn. (Tuy nhiên, vào thời điểm này, Mộ Dung Phục Doãn đã lập một người con trai khác làm thái tử, và sử sách tường thuật rằng Mộ Dung Thuận sau đó đã phiền muộn). Bắt đầu từ năm 622, có lẽ do nghe theo kiến nghị của Thiên Trụ vương- một vị quân sư, Mộ Dung Phục Doãn bắt đầu tiến đánh các vùng đất của Đường giáp với Thổ Dục Hồn một cách thường xuyên, với vài cuộc tấn công mỗi năm. Các cuộc tấn công tiếp tục trong suốt thời gian trị vì còn lại của Cao Tổ. Trong thời gian trị vì của Đường Thái Tông. Các cuộc tấn công của Thổ Dục Hồn đã giảm tần suất khi Thái Tông hoàng đế lên ngôi, song vẫn tiếp tục. Vào một thời điểm nào đó trước năm 634, Mộ Dung Phục Doãn cầu hòa bằng cách khiến sứ nhập cống Thái Tông hoàng đế— song thậm chí trước cả khi sứ thần dời đi, quân Thổ Dục Hồn đã tấn công và cướp phá Thiện châu (鄯州, nay thuộc Hải Đông, Thanh Hải). Khi Thái Tông hoàng đế cử các sứ thần đến khiển trách Mộ Dung Phục Doãn và triệu Mộ Dung Phục Doãn đến Trường An yết kiến, Mộ Dung Phục Doãn xưng bệnh không đến, và yêu cầu lại rằng nhà Đường phải đưa một công chúa sang kết hôn với con trai của ông là Tôn vương. Thái Tông hoàng đế chấp thuận, song hạ lệnh rằng Tôn vương phải đích thân đến Trường An để kết hôn với công chúa. Khi Tôn vương không làm như vậy, Thái Tông hoàng đế tuyệt hôn. Trong khi đó, Mộ Dung Phục Doãn lại khiến binh tấn công Lan châu (涼州, nay gần tương ứng với Vũ Uy, Cam Túc) và Khuếch châu (廓州, cũng thuộc Hải Đông ngày nay) và giam giữ sứ thần Triệu Đức Khải (趙德楷) của Đường. Thái Tông hoàng đế cử một số sứ thần sang Thổ Dục Hồn để thảo luận vấn đề và cũng triệu kiến các sứ thần Thổ Dục Hồn và đích thân thảo luận với họ. Tuy vậy, Mộ Dung Phục Doãn vẫn không đổi ý. Tháng 6 ÂL, Thái Tông hoàng đế cử Tả kiêu vệ đại tướng quân Đoàn Chí Huyền (段志玄) làm Tây Hải đạo hành quân tổng quản, Tả kiêu vệ tướng quân Phàn Hưng (樊興) làm Xích Thủy đạo hành quân tổng quản, hợp với quân từ các bộ tộc Khiết Bật (契苾) và Đảng Hạng để tấn công Thổ Dục Hồn. Tuy nhiên, khi Đoàn Chí Huyền bắt đầu tấn công, sau các chiến thắng nhỏ, quân Thổ Dục Hồn bắt đầu từ chối và tránh giao chiến. Ngay sau khi quân Đường rút lui, quân Thổ Dục Hồn lại bắt đấu tấn công Lương châu. Ngày Tân Sửu (3) tháng 12 năm Giáp Ngọ (28 tháng 12 năm 634), Thái Tông hoàng đế phong Lý Tĩnh làm Tây Hải đạo hành quân đại tổng quản, đem quân đi đánh Thổ Dục Hồn. Tháng 1 năm Ất Mùi (635), người Đảng Hạng phản Đường theo Thổ Dục Hồn, Tháng 3 ÂL, người Khương ở Thao châu phản Đường, chạy sang Thổ Dục Hồn. Vào mùa hè cùng năm, quân Đường bắt đầu giao chiến với quân Thổ Dục Hồn, và sau khi Lý Đạo Tông- thuộc cấp của Lý Tĩnh, giành được một số chiến thắng nhỏ, Mộ Dung Phục Doãn theo chiến lược từng áp dụng với Đoàn Chí Huyền khi trước mà đốt cháy các đồng cỏ và bỏ chạy. Hầu hết các thuộc cấp của Lý Tĩnh cho rằng sẽ nguy hiểm nếu liều lĩnh tiến xa hơn trong khi không có đủ nguồn thức ăn cho gia súc và khuyên nên lui quân, song Hầu Quân Tập phản đối ý này và chỉ ra rằng đây là cơ hội để tiêu diệt Thổ Dục Hồn. Lý Tĩnh chấp thuận, và chia quân làm hai đạo: đich thân Lý Tĩnh cùng Tiết Vạn Quân (薛萬均) và Lý Đại Lượng (李大亮) dẫn một đạo quân tiến về tây bắc, còn Hầu Quân Tập và Lý Đạo Tông dẫn một đạo quân tiến về tây nam. Cả hai đạo quân đều đạt được thành công. Cuối cùng, Lý Tĩnh nhận được tin về vị trí của Mộ Dung Phục Doãn và tiến hành đột kích, đánh phá đội quân còn lại của Mộ Dung Phục Doãn. Bản thân Mộ Dung Phục Doãn xoay xở để chạy trốn, song các quý tộc do Mộ Dung Thuận lãnh đạo giết chết Thiên Trụ vương và đầu hàng. Theo Tư trị thông giám, Mộ Dung Phục Doãn đã bị thuộc hạ giết chết trong lúc chạy trốn, song Cựu Đường thư, và Tân Đường thư, thì viết rằng ông tự sát. Thái Tông hoàng đế lập Mộ Dung Thuận làm Tây Bình quận vương và Truật Cố Lã Ô Cam Đậu khả hãn, cho kế vị Mộ Dung Phục Doãn.
1
null
"Give Peace a Chance" là ca khúc được viết bởi John Lennon tại Montréal, Canada (vẫn được ghi dưới tên Lennon-McCartney), được phát hành dưới dạng đĩa đơn bởi Apple Records với sự thể hiện Plastic Ono Band trong tuyển tập Apple 13 ở Anh, và tuyển tập Apple 1809 tại Mỹ. Đây là đĩa đơn solo đầu tiên của Lennon, được phát hành khi anh vẫn đang là thành viên của The Beatles và trở thành giai điệu chính của phong trào phản chiến những năm 1970. Ca khúc có được vị trí số 14 ở "Billboard" Hot 100 và số 2 ở UK Singles Chart.
1
null
là một diễn viên, ca sĩ và người mẫu Nagoya, Nhật Bản. Khi vẫn còn là học sinh trung học, anh được một nhân viên tìm kiếm tài năng phát hiện. Anh lần đầu tiên ra mắt màn ảnh nhỏ với vai diễn trong phim "Am I Weird?" (私ってへん? "Watashitte Hen?") vào năm 1998. Anh dần trở nên nổi tiếng khi xuất hiện trong phim "Waterboys" năm 2001. Sự nghiệp ca hát của anh bắt đầu với đĩa đơn "Seasons", được phát hành vào hè năm 2004. Một vai diễn khác cũng khiến tiếng tăm của anh lên cao là vai diễn trong phim "Nodame Cantabile", anh vào vai nam chính "Chiaki Shinichi", bạn gái của Shinichi là "Noda Megumi", do Ueno Juri thủ vai. Bộ phim lên sóng đài Fuji tập đầu tiên vào ngày 16 tháng 10 năm 2006. Anh cũng là người hồi sinh lại game-show truyền hình về nấu ăn "Iron Chef", vốn đang lên sóng đài Fuji TV vào tháng 10 năm 2012.
1
null
Mộ Dung Thuận (, ?- 635), hiệu là Truật Cố Lã Ô Cam Đậu khả hãn (趉故呂烏甘豆可汗) giản lược là Cam Đậu khả hãn (甘豆可汗), tước hiệu nhà Đường Tây Bình vương (西平王), là một vị khả hãn có thời gian trị vì ngắn ngủi của nước Thổ Dục Hồn. Ông vốn được trông đợi là thái tử của cha mình- Bộ Tát Bát khả hãn Mộ Dung Phục Doãn, do ông là con trai trưởng của Bộ Tát Bát khả hãn và Quảng Hóa công chúa của nhà Tùy, song đã bị bỏ qua. Đến năm 635, khi Đường tấn công Thổ Dục Hồn, ông đã dẫn một nhóm các quý tộc đầu hàng Đường và sau đó được phong làm khả hãn, kế vị cha (người đã chết trong khi chạy trốn). Tuy nhiên, ông không nhận được sự ủng hộ từ các thần dân và đã bị sát hại trong cùng năm. Kế vị ông là con trai Mộ Dung Nặc Hạt Bát. Thân phận. Không rõ thời điểm Mộ Dung Thuận ra đời, song ông là con trai cả của Bộ Tát Bát khả hãn Mộ Dung Phục Doãn và Quảng Hóa công chúa của nhà Tùy. Quảng Hóa công chúa ban đầu kết hôn với bá phụ của Mộ Dung Thuận là Mộ Dung Thế Phục vào năm 596 khi người này làm khả hãn. Năm 597, sau khi Mộ Dung Thế Phục bị sát hại, Mộ Dung Phục Doãn kế vị khả hãn, và theo phong tục của Thổ Dục Hồn, ông ta kết hôn với Quảng Hóa công chúa. Trong thời nhà Tùy. Năm 604, Tùy Văn Đế qua đời, và Dương Quảng lên kế vị, tức Dạng Đế. Năm 607, Dạng Đế bắt đầu tính đến việc chinh phục Thổ Dục Hồn, sau khi Bùi Củ (裴矩) tin chắc hành động này sẽ tiến hành dễ dàng. Trong một dịp, Mộ Dung Phục Doãn đã phái Mộ Dung Thuận làm sứ thần đến Tùy, song Dạng Đế đã bắt ông làm con tim. Vào năm 608 và 609, Dạng Đế cho tiến hành các cuộc tấn công lớn nhằm vào Thổ Dục Hồn, chiếm đoạt đất đai của nước này và buộc Mộ Dung Phục Doãn phải chạy trốn. Dạng Đế thay vào đó đã phong Mộ Dung Thuận làm khả hãn và cho một tông thất Thổ Dục Hồn là Đại Bảo vương Ni Lạc Chu (尼洛周) làm người trợ giúp cho Mộ Dung Thuận, hy vọng rằng Mộ Dung Thuận có thể tiếp quản Thổ Dục Hồn. Tuy nhiên, trên đường quay trở lại vùng đất cũ của Thổ Dục Hồn, đến Tây Bình quận (gần tương ứng với Tây Ninh, Thanh Hải ngày nay) thì Ni Lặc Chu bị bộ hạ sát hại, Mộ Dung Thuận phải trở về Tùy, song vào những năm sau đó, triều đại này bắt đầu sụp đổ trước các cuộc khởi nghĩa nông dân. Năm 618, trong lúc Mộ Dung Thuận ở cùng với Dạng Đế tại Giang Đô (江都, nay thuộc Dương Châu, Giang Tô), vị hoàng đế này đã bị phản tướng Vũ Văn Hóa Cập (宇文化及) sát hại. Mộ Dung Thuận sau đó đã quay trở về kinh đô Trường An của nhà Tùy, song thành nay nằm dưới quyền kiểm soát của phản tướng Lý Uyên. Trong thời nhà Đường. Cũng vào năm 618, Lý Uyên buộc Tùy Cung Đế phải nhường ngôi cho ông ta, lập ra nhà Đường và bản thân trở thành Cao Tổ. Do Cao Tổ hoàng đế còn phải chiến đấu với các lãnh đạo nổi dậy khác để giành quyền bá chủ Trung Hoa, ông ta đã đề nghị Mộ Dung Phục Doãn- người khi này đã đoạt lại quyền kiểm soát cố địa của Thổ Dục Hồn từng bị Tùy chiếm, tấn công một trong các đối thủ của mình là Lương Đế Lý Quỹ. Mộ Dung Phục Doãn chấp thuận và yêu cầu Mộ Dung Thuận được phóng thích về chỗ mình. Cao Tổ hoàng đế chấp thuận, và vào năm 619, Mộ Dung Thuận trở về Thổ Dục Hồn. Tuy nhiên, sự trở về này không hoàn toàn viên mãn đối với Mộ Dung Thuận vì sau một thời gian dài ông vắng mặt, cha đã lập một người con trai khác làm thái tử. Ông chỉ được phong làm Đại Ninh vương và không hài lòng trước việc này. Mặc dù ban đầu Đường và Thổ Dục Hồn là đồng minh, song hòa bình đã không kéo dài, khi mà công cuộc thống nhất Trung Quốc của Đường đã gần như hoàn thành vào năm 623, còn Mộ Dung Phục Doãn thì nghe theo lời khuyên của chiến lược gia Thiên Trụ vương mà thực hiện một số cuộc tấn công cướp phá hàng năm vào lãnh thổ Đường trong thời gian trị vì còn lại của Cao Tổ hoàng đế. Đến khi Thái Tông hoàng đế kế vị vào năm 626, Thổ Dục Hồn mới giảm bớt tần suất các cuộc tấn công, song vẫn tiếp tục. Năm 635, dưới sự chỉ huy của tướng Lý Tĩnh, quân Đường tiến hành một cuộc tấn công nhằm triệt hạ Thổ Dục Hồn, buộc Mộ Dung Phục Doãn phải chạy trốn. Các quý tộc Thổ Dục Hồn bực bội với Thiên Trụ vương, và Mộ Dung Thuận đã lãnh đạo họ sát hại Thiên Trụ vương và đầu hàng quân Đường. Mộ Dung Phục Doan chết trong khi chạy trốn, vì thế Thái Tông hoàng đế đã phong cho Mộ Dung Thuận làm Tây Bình vương và Truật Cố Lã Ô Cam Đậu khả hãn, kế vị cha. Cai trị ngắn ngủi. Tuy nhiên, thời gian trị vì của Mộ Dung Thuận chỉ kéo dài ngắn và trong tình trạng hỗn loạn, các thần dân được cho là không tôn trọng ông do ông đã phải làm con tim trong một thời gian dài tại Trung Hoa, và hỗn loạn vẫn không giảm bớt ngay cả khi quân Đường dưới quyền tướng Lý Đại Lượng (李大亮) đến đóng ở Thổ Dục Hồn nhằm giúp đỡ Mộ Dung Thuận. Cũng vào năm 635, Mộ Dung Thuận bị sát hại. Con trai ông là Yên vương Mộ Dung Nặc Hạt Bát trở thành người kế vị.
1
null
Mộ Dung Nặc Hạt Bát (, ?- 688), tước hiệu là Ô Địa Dã Bạt Lặc Đậu khả hãn (烏地也拔勒豆可汗) hay giản hóa thành Lặc Đậu khả hãn (勒豆可汗), tước hiệu nhà Đường Thanh Hải vương (青海王), là vị khả hãn cuối cùng của Thổ Dục Hồn. Ông trở thành khả hãn vào năm 635 sau khi tổ phụ Bộ Tát Bát khả hãn Mộ Dung Phục Doãn và cha Cam Đậu khả hãn Mộ Dung Thuận, bị sát hại trong cùng năm. Quyền kiểm soát của mộ Dung Nặc Hạt Bát đối với thần dân của mình ban đầu rất mong manh và đã phải cần đến sự hiện diện quân sự của Đường trong ít nhất hai lần, song đến khi quyền kiểm soát đã trở nên vững chắc hơn, ông lại phải đối mặt với mối đe dọa từ Thổ Phồn ở phía tây nam. Năm 663, do không thể chịu được áp lực của Thổ Phồn, ông đã đưa bộ chúng di chuyển đến đất Đường để xin tị nạn, và vào năm 672, Thổ Phồn đã tiếp quản toàn bộ lãnh thổ trước đó của Thổ Dục Hồn. Người Thổ Dục Hồn đã định cư trong lãnh thổ Đại Đường, còn Mộ Dung Nặc Hạt Bát trở thành một viên quan của triều đình Đường. Ông vẫn tiếp tục giữ tước khả hãn cho đến khi qua đời vào năm 688, tuy nhiên Thổ Dục Hồn được tính là đã diệt vong vào năm 663 hoặc 672. Thân thế. Không rõ về thời điểm Mộ Dung Nặc Hạt Bát sinh. Năm 635, tổ phụ của ông là Bộ Tát Bát khả hãn Mộ Dung Phục Doãn đã bị nhà Đường phái tướng Lý Tĩnh suất quân tiến công, hậu quả sau nhiều năm Thổ Dục Hồn tiến hành đột kích qua biên giới vào đất Đường, Mộ Dung Phục Doãn chết trong khi chạy trốn. Cha của Mộ Dung Nặc Hạt Bát là Mộ Dung Thuận đã đầu hàng và được phong làm Cam Đậu khả hãn để kế vị, song do Mộ Dung Thuận đã ở đất Trung Hoa trong nhiều năm và mẹ của ông ta là Quảng Hóa công chúa của nhà Tùy, ông ta bị xem là quá Hán hóa và không được sự ủng hộ của thần dân. Cũng trong năm 635, Mộ Dung Thuận bị sát hại. Mộ Dung Nặc Hạt Bát, khi đó còn nhỏ tuổi và có tước hiệu Yên vương, trở thành khả hãn. Thái Tông hoàng đế đã cử tướng Hầu Quân Tập (侯君集) đem quân Đường đến để giúp Mộ Dung Nặc Hạt Bát bình định người Thổ Dục Hồn. Trị vì. Vào mùa xuân năm 636, Mộ Dung Nặc Hạt Bát cử sứ thần sang Đường, chịu làm một chư hầu và phái một hay nhiều người em trai sang Đường làm con tin. Thái Tông hoàng đế phong cho ông các tước hiệu Hà Nguyên quận vương và Ô Địa Dã Bạt Lặc Đậu khả hãn (hay gọi tắt là Lặc Đậu khả hãn). Tuy nhiên, vào năm 638, Thổ Dục Hồn phải đương đầu với các cuộc tấn công liên miên từ Thổ Phồn của Tùng Tán Cán Bố, lý do là vì Tùng Tán Cán Bố cho rằng Mộ Dung Nặc Hạt Bát đã cản trở nỗ lực kết hôn với một công chúa Đường của ông ta. Trong các cuộc tấn công, Thổ Phồn đã bắt được nhiều người dân Thổ Dục Hồn và buộc những người còn lại phải bắc tiến đến khu vực hồ Thanh Hải. Năm 639, Mộ Dung Nặc Hạt Bát viếng thăm kinh đô Trường An của Đường. Thái Tông hoàng đế đã phong con gái của một thành viên trong tông thất làm Hoằng Hóa công chúa và gả cho Mộ Dung Nặc Hạt Bát. Vào năm 641 hoặc trước đó, thừa tướng của Mộ Dung Nặc Hạt Bát là Tuyên vương đã nắm quyền kiểm soát chính quyền, và ông ta lập kế hoạch tấn công Hoằng Hóa công chúa và bắt giữ bà cùng Mộ Dung Nặc Hạt Bát rồi đầu hàng Thổ Phồn. Khi Mộ Dung Nặc Hạt Bát hay biết về âm mưu này, ông đã suất khinh kị đến thành Thiện Thiện, đại tướng Uy Tín vương suất binh nghênh đón. Một viên quan của Đường là Tịch Quân Mãi (席君買) đã hợp quân cùng Uy Tín vương phục kích và giết chết ba huynh đệ Tuyên vương. Tuy nhiên, Thổ Dục Hồn lại rơi vào tình cảnh hỗn loạn, và Thái Tông hoàng đế đã cử dân bộ thượng thư Đường Kiệm đến giúp Mộ Dung Nặc Hạt Bát bình định dân chúng. Năm 652, Mộ Dung Nặc Hạt Bát và Hoằng Hóa công chúa cùng đến viếng thăm Trường An, Cao Tông hoàng đế đã phong cho Mộ Dung Nặc Hát Bát làm phò mã đô úy, phong một người con gái trong tông thất làm Kim Thành huyện chúa để gả cho con trưởng của Mộ Dung Nặc Hát Bát là Mộ Dung Tô Độ Mạc Mạt (慕容蘇度摸末). Sau khi Mộ Dung Tô Độ Mạc Mạt mất, Cao Tông hoàng đế đã phong một người con gái khác trong tông thất làm Kim Minh huyện chúa để gả cho con thứ của Mộ Dung Nặc Hạt Bát là Lương Hán vương Mộ Dung Tháp Lô Mạc Mạt (慕容闒盧摸末). Chạy trốn đến lãnh thổ Đại Đường. Trong khi đó, mối quan hệ giữa Thổ Dục Hồn và Thổ Phồn tương đối hòa bình trong nhiều năm, song đến năm 660, đại luận (thừa tướng) Thổ Phồn là Lộc Đông Tán (祿東贊) đã lệnh cho con trai là Khởi Chính (起政) phục hồi các cuộc tấn công chống lại Thổ Dục Hồn, lý do được cho là vì Thổ Dục Hồn quy phục triều Đường. Cả Thổ Phồn và Thổ Dục Hồn đều cử sứ thần sang Đường để cáo buộc đối phương và thỉnh cầu sự giúp đỡ của Đường. Cao Tông hoàng đế từ chối cả hai lời đề nghị. Tuy nhiên, Thổ Dục Hồn đã suy yếu trước các cuộc tấn công của Thổ Phồn, và vào năm 663, tình thế càng trở nên trầm trọng hơn khi đại thần Tố Hòa Quý (素和貴) của Thổ Dục Hồn do bị cáo buộc phạm tội nên đã chạy trốn sang Thổ Phồn và tiết lộ nhiều bí mật quốc gia. Quân Thổ Phồn sau đó đã tấn công và tiêu diệt quân Thổ Dục Hồn. Mộ Dung Nặc Hạt Bát và Hoằng Hóa công chúa đã từ bỏ lãnh thổ Thổ Dục Hồn và đưa thần dân đến Lương châu (涼州, nay gần tương ứng với Vũ Uy, Cam Túc) của Đường, thỉnh cầu được định cư trong lãnh thổ Đại Đường. Cao Tông hoàng đế đã cử tướng Tô Định Phương (蘇定方) đưa quân về phía tây nhằm bảo vệ tàn dư của Thổ Dục Hồn, song không thực hiện cuộc tấn công nào chống lại Thổ Phồn, song ông cũng cử sứ thần đến trách mắng Lộc Đông Tán khi Lộc Đông Tán cử sứ thần đến để buộc tội Thổ Dục Hồn và thỉnh cầu quốc hôn với triều Đường. Năm 665, khi Thổ Phồn đưa ra một đề xuất hòa bình, thỉnh cầu hòa thân với Thổ Dục Hồn và xin được chăn thả gia súc tại khu vực Xích Thủy (赤水, có thể là đầu nguồn của Hoàng Hà), Cao Tông hoàng đế đã từ chối đề xuất. Khoảng năm 666, Cao Tông hoàng đế phong Mộ Dung Nặc Hạt Bát làm Thanh Hải quận vương—một tước hiệu cao cấp hơn tước hiệu Hà Nguyên quận vương—có lẽ để nhằm thể hiện cho Thổ Phồn rằng ông ta vẫn có ý khôi phục Thổ Dục Hồn. Năm 669, Cao Tông hoàng đế lệnh dân Thổ Dục Hồn định cư tại Kỳ Liên Sơn, song nhiều đại thần cho rằng điều này sẽ khiến họ gặp nguy hiểm trước các cuộc tấn công của Thổ Phồn và rằng trước tiên cần có một cuộc tấn công chống lại Thổ Phồn. Tể tướng Diêm Lập Bản (閻立本) phản đối và giải thích rằng phần lớn Đại Đường đã chịu cảnh mất mùa vào năm 668 và không đủ khả năng thực hiện một chiến dịch quân sự lớn, và do đó, người Thổ Dục Hồn đã không được định cư tại Kỳ Liên Sơn. Năm 670, Thổ Phồn tiến hành các cuộc tấn công lớn nhằm vào các đơn vị đồn trú của Đường tại Tây Vực. Đáp lại, Cao Tông hoàng đế cử tướng Tiết Nhân Quý, với sự trợ giúp của các tướng A Sử Na Đạo Chân (阿史那道真) và Quách Đãi Phong (郭待封) đi thu hồi lại lãnh thổ Thổ Dục Hồn để cho những người dân Thổ Dục Hồn có thể quay trở lại lãnh thổ của họ. Tuy nhiên, các chiến dịch chịu ảnh hưởng từ bất đồng giữa Tiết Nhân Quý và Quách Đãi Phong và quân Đường cuối cùng đã phải chịu một thất bại lớn trước Luận Khâm Lăng (論欽陵)- con trai và người kế thừa của Lộc Đông Tán, chấm dứt hy vọng người Thổ Dục Hồn có thể trở về quê hương. Năm 672, Cao Tông hoàng đế đã cho định cư người Thổ Dục Hồn tại Thiện châu (鄯州, nay thuộc Hải Đông, Thanh Hải), song ngay cả Thiện châu cũng được xem là quá nguy hiểm trước các cuộc tấn công của Thổ Phồn, và người Thổ Dục Hồn lại sớm phải dời đến định cư tại Linh châu (靈州, gần tương ứng với Ngân Xuyên, Ninh Hạ ngày nay), song triều đình lập một châu riêng cho họ là An Lạc châu (安樂州). Mộ Dung Nặc Hạt Bát trở thành An Lạc châu thứ sử. Mộ Dung Nặc Hạt Bát qua đời vào năm 688. Người con trai Mộ Dung Trung (慕容忠) kế thừa tước hiệu của ông, và các tước hiệu này được truyền qua ít nhất là bốn đời nữa trước khi dòng tộc này không có người kế tự, mặc dù trên thực tế đã không còn cơ hội nào để khôi phục Thổ Dục Hồn.
1
null
Đinh Trầm Ca (sinh năm 1941) là một nhạc sĩ, nhà thơ và nhà giáo Việt Nam. Ông là tác giả một số ca khúc như "Ru con tình cũ", "Sông quê", "Trai tài gái sắc" được nhiều người biết đến. Cuộc đời. Ông tên thật là Mạc Phụ, sinh năm 1941 tại thị trấn Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Bút danh Đinh Trầm Ca là lấy từ họ mẹ ông (Đinh), tuy nhiên hiện nay nhiều người vẫn quen thuộc với cái tên bị sai là Đynh Trầm Ca. Sau khi học xong trung học, ông vào Sài Gòn học Đại học Sư phạm rồi tốt nghiệp, dạy ngữ văn ở đây cho đến năm 1975. Đinh Trầm Ca bắt đầu làm thơ từ đầu thập niên 1960 rồi sau đó mới học nhạc với nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn. Ca khúc "Ru con tình cũ" viết năm 1967 được ca sĩ Lệ Thu thâu âm đầu tiên và phát trên các đài phát thanh như Sài Gòn, Quân Đội. Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, ông trở ra Quảng Nam làm ruộng được sáu năm rồi phiêu bạt nhiều nơi ở miền Tây như Sóc Trăng, An Giang, Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh... Năm 2004, ông về lại Quảng Nam định cư, mở quán cà phê "Thạch Trúc Viên" là nơi anh em văn nghệ sĩ Quảng Nam hay lui tới. Sáng tác. Thơ. Năm 1969, ông xuất bản tập thơ đầu tay Mắt đêm được viết từ năm 1960. Tập thơ được một nhà nghiên cứu thời đó giới thiệu là "một trong 5 tập thơ tiêu biểu của năm 1969". Ngoài ra thơ tình tuổi học trò của ông cũng được đưa vào trong một số tuyển tập thơ xuất bản trước 1975 như Tuyển tập thơ tình tuổi học trò Việt Nam và thế giới, Lục bát tình... Nhạc. Một số ca khúc viết sau 1975 được ký bút danh là Mã Thu Giang, tên vợ ông. Dưới đây là một số sáng tác tiêu biểu trong số trên 80 ca khúc của ông được viết từ trước 1975 đến nay:
1
null
Cử Lê Bỉ công (chữ Hán: 莒犂比公, ?-542 TCN, trị vì 577 TCN-542 TCN), tên thật là Mật Châu (密州) hay Mãi Chu Tư (買朱鉏), là vị vua thứ 17 của nước Cử, chư hầu nhà Chu trong lịch sử Trung Quốc. Mật Châu là con của Cử Cừ Khâu công, vua thứ 16 của nước Cử. Năm 578 TCN, Cử Cừ Khâu công qua đời, Mật Châu lên nối ngôi, tức là Cử Lê Bỉ công. Trong thời gian ở ngôi, Cử Lê Bỉ công thần phục nước Tấn, nhiều lần đến hội chư hầu. Từ năm 565 TCN đến 561 TCN, nước Cử và nước Lỗ liên tục xảy ra chiến tranh, quân Cử ba lần đem quân đánh Lỗ nhưng sau phải rút lui. Năm 555 TCN, nhân việc Tề Linh công lấn chiếm biên giới phía bắc nước Lỗ. Tấn Bình công hội 12 nước chư hầu đánh Tề. Cử Lê Bỉ công đem quân giúp đỡ quân Tấn. Tướng Tấn là Tuân Yển sai cắm nhiều cờ trong rừng làm nghi binh khiến quân Tề tưởng rằng quân các nước rất đông đảo. Tề Linh công bỏ chạy về cố thủ ở kinh thành Lâm Tri. Quân chư hầu đốt phá nhà cửa ở ngoại thành rồi rút đi. Theo Tả truyện, Cử Lê Bỉ công bạo ngược vô đạo, thường xuyên đem quân chiến tranh với các nước láng giềng làm dân chúng khổ sở. Ban đầu Lê Bỉ công lập con trưởng là Triển Dư làm thái tử. Năm 542 TCN, Lê Bỉ công định phế Triển Dư lập người khác. Triển Dư biết chuyện, đem quân tấn công vào cung, giết chết Lê Bỉ công để đoạt ngôi, tức Cử quân Triển Dư. Em ông là Khứ Tật chạy trốn sang nước Tề. Cử Lê Bỉ công ở ngôi được 35 năm.
1
null
Việt vương Vô Chuyên (chữ Hán: 越王無顓), tên thật là Lạc Vô Chuyên (雒無顓) hay Lạc Thảm Trục Mão (雒菼蠋卯), là vị vua thứ 42 của nước Việt, chư hầu nhà Chu trong lịch sử Trung Quốc. Vô Chuyên là con của Việt vương Vô Dư, vua thứ 41 của nước Việt. Năm 361 TCN, Vô Dư qua đời, Vô Chuyên lên nối ngôi. Năm 343 TCN, Việt vương Vô Chuyên qua đời. Ông ở ngôi 18 năm. Con ông là Vô Cương lên nối ngôi.
1
null
Nguyễn Thị Hoàng (sinh năm 1939) là một nữ nhà văn, nhà thơ người Việt Nam. Bà là một trong những nhà văn miền Nam được nhiều người biết đến trước năm 1975. Bà sinh ngày 11 tháng 12 năm 1939 tại Huế thuộc Liên bang Đông Dương. Năm 1957, bà chuyển vào sinh sống ở Nha Trang rồi đến năm 1960 bà vào Sài Gòn học Đại học Văn khoa và Luật nhưng bà bỏ ngang, không học hết mà lên Đà Lạt dạy học. Đến năm 1966, bà chuyển sang chuyên tâm viết tiểu thuyết. Cùng với văn xuôi, Nguyễn Thị Hoàng còn tham gia sáng tác thơ và từ đó bà trở thành một người nổi tiếng trong giới văn nghệ chuyên viết về những mâu thuẫn nội tại của giới trẻ Sài Gòn trong suốt thập niên 1960. Theo Phạm Chu Sa, Nguyễn Thị Hoàng là một trong những nhà văn nữ tài năng thật sự và tên tuổi đã được khẳng định ở miền Nam trước 1975. Bà có những tiểu thuyết với giọng văn trau chuốt bóng bẩy và là một trong vài tác giả có sách bán chạy nhất thời đó . Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, bà hầu như biến mất khỏi giới nghệ thuật và sống một cuộc sống yên lặng đến tận 1990, khi bà cho ra đời "Nhật ký của im lặng". Vào năm 2007, bà lại xuất hiện qua một tùy bút nhan đề "Nghĩ từ thơ Thái Kim Lan" được đăng trên Tạp chí Văn hoá Phật giáo (số xuân Mậu Tí, 12.2007). Tháng 3 năm 2021, Nhã Nam và NXB Hội nhà văn đã tái bản Vòng tay học trò và 4 tác phẩm khác của Nguyễn Thị Hoàng Tác phẩm. Văn xuôi. Tác phẩm đầu tay của bà có nhan đề Vòng tay học trò được sáng tác dưới bút danh Hoàng Đông Phương. Đây là một tiểu thuyết hiện sinh mô tả vấn đề tình yêu, tình dục giữa một cô giáo tên Tôn Nữ Quỳnh Trâm và cậu học trò Nguyễn Duy Minh, được đăng dưới hình thức nhiều kỳ trên tạp chí Bách Khoa. Tác phẩm trở thành một trong những tác phẩm gây tranh cãi nhất thời kỳ này , và về sau được tái bản nhiều lần. Ngoài "Vòng tay học trò" (1966), Nguyễn Thị Hoàng còn sáng tác nhiều tác phẩm khác, ví dụ như: Thơ. Các tập thơ:
1
null
Bác sĩ Carlo Urbani (1956-2003) là một bác sĩ người Ý. Ông là người đầu tiên đã phát hiện căn bệnh sau được đặt tên là Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (Severe acute respiratory syndrome - SARS), căn bệnh đã bùng phát ở khu vực Viễn Đông vào khoảng cuối năm 2002, đầu năm 2003 và khiến 8.096 bị bệnh và 774 người chết. Mặc dù sau đó chính ông cũng bị phơi nhiễm và qua đời vì căn bệnh này, những cảnh báo sớm của ông tới Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã gây nên những phản ứng kịp thời ở quy mô lớn và được cho là đã cứu được hàng triệu người khắp thế giới. Tiểu sử. Carlo Urbani tốt nghiệp Y khoa năm 1981 tại Đại học Ancona và lấy bằng chuyên khoa trong lĩnh vực bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới tại Đại học Messina, và sau đó lấy bằng về bệnh ký sinh trùng nhiệt đới. Ông làm việc tại Viện các bệnh truyền nhiễm Ancona đến năm 1985, từ 1986 đến 1989 ông mở phòng mạch riêng tại Castelplanio. Năm 1993, ông trở thành chuyên gia tư vấn cho Tổ chức Y tế Thế giới, trong vai trò này ông đã tham gia nhiều sứ mệnh nhân đạo ở Châu Phi và Châu Á. Từ năm 1996 ông trở thành thành viên của Tổ chức Bác sĩ không biên giới, trong các năm 1996, 1997 ông đã điều phối dự án đầu tiên của tổ chức này tại Campuchia, Lào, Việt Nam và Philippines. Năm 1999 ông trở thành người đứng đầu Tổ chức Bác sĩ không biên giới tại Ý, và trong vai trò đó ông là một trong các đại diện của tổ chức đến nhận giải Nobel Hòa Bình tại Oslo cũng trong năm này. Những nhiệm vụ tình nguyện đầu tiên. Từ khi còn trẻ, Carlo Urbani đã rất tích cực trong các công tác tình nguyện và làm việc với các tổ chức Công giáo như Mani Tese và Unitalsi. Khi làm việc với Mani Tese, ông đã tham gia vào việc thu thập thuốc chữa bệnh để gửi tới các nước châu Phi cũng như tổ chức trại hè cho trẻ em khuyến tật trong Viện Santo Stefano ở Porto Potenza Picena. Với Unitalsi ông đã tham gia vào việc đưa đón bệnh nhân tới Nhà thờ Loreto. Ông cũng tham gia tổ chức một nhóm nam thanh niên gặp nhau hàng tuần để thảo luận về các chủ đề liên quan đến các quốc gia thuộc Thế giới thứ ba. Công tác tại Campuchia. Ngay sau khi tham gia vào tổ chức Bác sĩ không biên giới, bác sĩ Carlo Urbani đã nhận nhiệm vụ đầu tiên của mình: kiểm soát các bệnh dịch, các bệnh ký sinh trùng như sán máng ở Campuchia. Ông cùng gia đình chuyến đến thủ đô Phnom Penh của Campuchia vào tháng 9 năm 1996. Vị bác sĩ ngay lập tức tham gia vào công việc, ông đã dạy cho người dân địa phương cách điều trị khi bị lây nhiễm, cách trách bệnh do ký sinh trùng. Nguy cơ bị tấn công bởi Khmer Đỏ đã buộc ông phải được hộ tổng di chuyển liên tục giữa các ngôi làng, nhưng mối nguy hiểm đó không ngăn cản được ông thực hiện sứ mạng của mình. Công tác tại Việt Nam. Ngày 6 tháng 1 năm 2000, Carlo Urbani nhận công việc mới tại WHO, và nhiệm vụ lần này của ông là ở Việt Nam. Ông và gia đình đến Hà Nội vào khoảng tháng 5 năm 2000. Tại Việt Nam, vị trí công tác của ông là chuyên gia tư vấn cho WHO về kiểm soát bệnh do ký sinh trùng ở khu vực Tây Thái Bình Dương, kỳ hạn công tác là 3 năm. Vào ngày 28 tháng 2 năm 2003, bác sĩ Carlo Urbani được mời tới Bệnh viện Việt Pháp (Hà Nội) để theo dõi bệnh của Johny Chen, doanh nhân người Mỹ đã bị ốm và được các bác sĩ chẩn đoán là bị bệnh cúm nặng. Ông nhận thấy Johny Chen không phải bị cúm mà có thể là một căn bệnh mới rất dễ lấy nhiễm. Ngay lập tức ông đã thông báo tới WHO, từ đó bắt đầu một chiến dịch phản ứng hữu hiệu nhất trong lịch sử trong việc phòng chống bệnh dịch nghiêm trọng. Ông cũng đã thuyết phục Bộ Y tế Việt Nam cho cách ly và theo dõi khách du lịch, do đó làm chậm sự lây lan của căn bệnh này. Vào ngày 11 tháng 3 năm 2003, trong chuyến bay từ Hà Nội đi Bangkok để đến dự một cuộc hội nghị về bệnh do ký sinh trùng ở trẻ em mà ông sẽ là chủ tọa, Carlo Urbani bị sốt và ông nhận ra rằng mình cũng đã bị nhiễm bệnh do thường xuyên theo dõi, chăm sóc bệnh nhân trước đó. Khi máy bay hạ cánh, ngay lập tức ông được đưa tới bệnh viện và được cách ly để điều trị. Phòng bệnh của ông dược cách ly tuyệt đối, đo đó vợ của ông, bà Chiorrini, chỉ có thể nhìn qua cửa và nói chuyện với ông qua bộ đàm. Bà chỉ nhìn thấy ông tỉnh táo đúng một lần trong suốt thời gian này. Trong khoảng khắc tỉnh táo đó, Carlo Urbani đã đề nghị các bác sĩ cắt lá phổi của mình để lại làm tiêu bản nghiên cứu. Sau 18 ngày được điều trị đặc biệt, Carlo Urbani đã qua đời vào lúc 11:45 sáng ngày 29 tháng 3 năm 2003. Sau khi ông mất 2 tuần, một loại virus chủng corona (sau được đặt tên là virus SARS) đã được nhận diện là nguyên nhân gây bệnh và đại dịch SARS được khống chế. Vinh danh. Ngày 7 tháng 4 năm 2003, bác sĩ Carlo Urbani được truy tặng Huân chương công trạng vì Y tế cộng đồng hạng Vàng, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ các vấn đề xã hội Ý. Nhờ có bác sĩ Carlo Urbani, Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên tuyên bố đã tiêu diệt được bệnh SARS. Ngày 9 tháng 5 năm 2003, Bộ Y tế Việt Nam đã truy tặng ông Huân chương Hữu nghị và Huy chương Vì sức khỏe nhân dân. Để tưởng nhớ công lao và sự hi sinh của ông, WHO và các nhà nghiên cứu đã dành tặng ông các kết quả nghiên cứu về virus SARS. Dự án xây dựng Trung tâm Carlo Urbani đặt tại Trường Đại học Y Dược Huế được khởi công xây dựng vào năm 2007 với sự tài trợ bởi chính phủ Ý và Hiệp hội các Đại học Ý. Đây là trung tâm lớn thứ hai của Việt Nam trong lĩnh vực chẩn đoán vi sinh vật, đào tạo và nghiên cứu khoa học về các nhiễm trùng đường hô hấp bao gồm cả nhiễm trùng do vi khuẩn lao. Dự án gồm hai giai đoạn:
1
null
Tuân Doanh (chữ Hán: 荀盈, 567 TCN-533 TCN), hay Trí Doanh (智盈), Tri Doanh (知盈), tức Trí Điệu tử (智悼子), là vị tông chủ thứ tư của họ Trí, một trong Lục khanh nước Tấn thời Xuân Thu trong lịch sử Trung Quốc. Tuân Doanh là cháu nội của Tuân Oanh, tông chủ thứ ba của họ Trí. Cha ông là Tuân Sóc mất sớm nên ông trở thành người kế tập. Năm 560 TCN, Tuân Oanh qua đời khi Tuân Doanh mới 8 tuổi, kế vị ngôi tông chủ họ Trí. Do Tuân Doanh còn nhỏ, Tấn Điệu công bãi bỏ chức khanh của họ Trí, giao cho Trình Trịnh tạm thời lên chức khanh. Từ sau khi Tuân Doanh kế tự, thế lực họ Trí suy yếu do không còn nắm giữ cương vị Khanh đại phu. Tuân Doanh được tông chủ họ Trung Hàng là Tuân Yển giúp đỡ. Năm 548 TCN, Tuân Doanh đã trưởng thành, Tấn Bình công cho họ Trí phục hồi cương vị Khanh đại phu và phong ông là Hạ quân tá, đảm đương chính sự nước Tấn. Năm 533 TCN, Tuân Doanh qua đời, khi đó ông 35 tuổi. Con ông là Tuân Lịch lên thế tập.
1
null
Dưới đây là Danh sách đầy đủ các Hãn của Thanh Trướng hãn quốc, Bạch Trướng hãn quốc, Kim Trướng hãn quốc và Đại Trướng hãn quốc. Các Hãn của Thanh Trướng hãn quốc được liệt kê như là một thành phần chính của Kim Trướng hãn quốc mặc dù nhiều Hãn thời kỳ sau có nguồn gốc từ Bạch Trướng Hãn quốc.
1
null
Ngư Triều Ân (chữ Hán: 魚朝恩; 722-770) là hoạn quan nhà Đường trong lịch sử Trung Quốc. Ông dự triều chính từ thời Đường Huyền Tông đến thời Đường Đức Tông và tham gia dẹp loạn An Sử. Trong loạn An Sử. Ngư Triều Ân người Lư Xuyên thuộc Lư châu. Cuối niên hiệu Thiên Bảo (742-756) đời Đường Minh Hoàng, ông làm chức Hoàng môn, được đánh giá là người tỉ mỉ, giảo hoạt, giỏi tuyên truyền và tiếp nhận các chiếu lệnh. Cuối năm 755 loạn An Sử nổ ra. Năm 756, quân An Lộc Sơn đánh vào kinh thành Trường An. Ngư Triều Ân trong số triều thần theo thái tử Lý Hanh chạy về Linh Vũ. Thái tử Hanh lên ngôi tức là Đường Túc Tông. Năm 757 thời Đường Túc Tông, Ngư Triều Ân làm giám sát cánh quân Lý Quang Bật. Trận Nghiệp Thành. Tháng 9 năm 758, Đường Túc Tông điều động 9 Tiết độ sứ đi đánh vua Yên là An Khánh Tự (giết An Lộc Sơn cướp ngôi) ở Nghiệp Thành. Quân Đường có tổng cộng 60 vạn người. Đường Túc Tông lại cho rằng vì 2 danh tướng Tử Nghi và Quang Bật có công trận ngang nhau, không thể đặt ai trên ai, nên sai Ngư Triều Ân Quân dung tuyên úy, Xử trí sứ, tức đóng vai trò tổng chỉ huy. Tháng 2 năm 759, Tiết độ sứ 9 phương của nhà Đường dẫn quân đông đảo tới bao vây Nghiệp Thành. Sử Tư Minh từ Phạm Dương đến cứu An Khánh Tự, nhưng thấy thế quân Đường mạnh mẽ bèn dẫn quân đến Phẫu Dương đóng lại không tiến. Quân Đường dẫn nước sông Chương vào thành. Trong thành nước ngập rất nguy cấp, nhưng An Khánh Tự vẫn cố phòng thủ chờ viện binh của Sử Tư Minh. Ngư Triều Ân không hiểu việc quân sự nên dùng dằng không ra lệnh đánh thành. Sử Tư Minh nhân cơ hội phái quân cướp lương cho quân Đường đói rồi đánh úp vào đại doanh khiến quân Đường thua lớn, các Tiết độ sứ chạy tản mỗi người một nơi. Ngư Triều Ân vốn ganh ghét với công trạng của Tử Nghi, dâng sớ kể tội Tử Nghi làm quân Đường bại trận ở Nghiệp Thành. Đường Túc Tông bèn triệu Tử Nghi về triều, sai Lý Quang Bật chỉ huy quân đội. Trận Mang Sơn. Sử Tư Minh giết An Khánh Tự, tự mình làm vua Yên, mang quân đối đầu với Lý Quang Bật ở Lạc Dương. Lý Quang Bật tạm rút khỏi Lạc Dương rồi dùng kế đánh bại Sử Tư Minh tại Hà Dương. Chiến thắng của Lý Quang Bật lại khiến Ngư Triều Ân ghen ghét, tâu với Đường Túc Tông rằng quân Yên ô hợp dễ đánh khiến Túc Tông có ý định phải thu hồi ngay Lạc Dương, bắt Quang Bật phải mở tấn công ngay. Lý Quang Bật nhận định quân địch còn mạnh chưa thể đánh chiếm thành được, nên nhiều lần viết thư về kháng nghị chưa nên ra quân. Nhưng Túc Tông vẫn nóng lòng thắng trận, liên tiếp sai sứ ra thúc giục, lại cử Ngư Triều Ân ra làm chỉ huy. Vì bị triều đình cưỡng bách, đầu năm 761, Lý Quang Bật đành phải ra quân. Lý Quang Bật và Ngư Triều Ân gặp đại quân Yên của Sử Tư Minh ở núi Mang Sơn ở phía tây bắc Lạc Dương. Hai bên giao chiến lâu ngày không phân thắng bại. Sử Tư Minh sai người trà trộn vào quân Đường, phao tin rằng: ""Quân Yên đều là người U châu, nhớ nhà, mong về quê"." Ngư Triều Ân nghe tin đó, hạ lệnh cho Lý Quang Bật và các Tiết độ sứ khác phải thừa cơ đánh úp quân Yên ngay. Thế là quân Đường rầm rộ tiến công. Quân Yên giả thua rút chạy, lại vứt đồ ra đầy đường. Quân Đường tranh nhau nhặt đồ, bị quân Yên quay lại phản kích, đánh tan quân Đường ở phía bắc Mang Sơn. Giữ Thiểm châu. Lý Quang Bật bị quy trách nhiệm để thua trận Mang Sơn, dâng biểu tạ tội và bị cách chức. Sử Tư Minh thừa thắng mang quân tấn công. Đường Túc Tông lo sợ, phải điều quân Thiểm châu về phòng ngự cho Trường An, giao cho Ngư Triều Ân phòng thủ Thiểm châu. Vệ Bá Ngọc ra cầm quân, Ngư Triều Ân lại được giao làm chỉ huy. Bá Ngọc chặn được mấy đợt tấn công của tướng Yên là Khang Văn Cảnh khiến quân Yên phải tạm lui. Giữa lúc đó cha con Sử Tư Minh có hiềm khích. Con lớn của Tư Minh là Sử Triều Nghĩa sợ bị cha trị tội xây thành muộn kỳ hạn bèn giết cha giành ngôi vua Yên. Triều Nghĩa không có tài cầm quân, bị quân Đường đánh bại liên tiếp. Năm 762, quân Đường phản công giành lại Lạc Dương. Ngư Triều Ân được chuyển về đóng ở Biện châu, giữ chức Khai phủ nghi đồng tam ty, Phùng Vũ quận công. Chống quân Thổ Phiên. Năm 763, khi Sử Triều Nghĩa vừa bị dẹp thì quân Thổ Phiên vào đánh. Đường Đại Tông chạy về phía đông đến Thiểm châu, Ngư Triều Ân mang hết quân bản bộ ra hộ giá tại Hoa Âm. Đại Tông thưởng công hộ giá cho Triều Ân, phong ông làm Thiên hạ quan quân dung, Tuyên úy, Xử trí sứ, chuyên trách thống lĩnh các sắc quân và ban thưởng rất nhiều. Sau đó Đường Đại Tông phải trọng dụng Quách Tử Nghi trở lại. Tử Nghi đuổi được quân Thổ Phiên. Ngư Triều Ân có công điều động Lưu Đức Tiến đánh lui một cánh quân Thổ Phiên nên tỏ ra cậy công. Sang năm 764, Thổ Phiên lại uy hiếp kinh thành Trường An. Triều đình lại dựa vào Quách Tử Nghi một lần nữa đẩy lui được quân Thổ Phiên. Ngư Triều Ân tâu với Đại Tông nên bỏ Trường An thiên đô sang Lạc Dương để tránh xa địch, nhưng bị Quách Tử Nghi và các cận thần phản đối. Đại Tông không theo lời Triều Ân. Thời bình. Quyền lớn trong triều. Ngư Triều Ân thích lôi kéo những người trẻ tuổi đến nhà mình, giảng giải Ngũ Kinh, làm văn chương để xưng tụng tài năng văn võ của mình. Cũng do vậy ông được sự tín nhiệm của vua Đường. Lần đầu tiên khi Ngư Triều Ân ra giảng bài tại Quốc tử giám, vua Đường hạ lệnh cho các tể tướng trở xuống bày tiệc yến đón tiếp, đưa đội nhạc, vũ nữ cung đình vào mua vui. Năm 767, Triều Ân đố kỵ Quách Tử Nghi, khi Tử Nghi cầm quân ở ngoài đã sai thủ hạ đi đào mộ tổ tiên họ Quách. Vua Đại Tông lo lắng Tử Nghi sẽ bất mãn làm phản nhưng Tử Nghi về triều tâu về trấn an vua Đại Tông, Đại Tông mới yên tâm. Dụng tâm cướp của cải người khác để làm giàu, Ngư Triều Ân dùng Đô hậu đầu Lưu Hy Xiêm và bọn lưu manh, vu tội bắt bừa bãi những người có tiền của, quy kết tội trạng của họ. Họ đều bị xử tội chết bí mật trong khi những người xung quanh tưởng lại bị sung vào quân đội, còn tài sản bị Triều Ân tịch biên. Khi Đường Đại Tông lâm triều, Ngư Triều Ân thường tranh giành tâu bày lấn át người khác, đề cao bản thân. Ông thường tranh cãi với thừa tướng Nguyên Tái, Lang trung bộ Lễ là Tương Lý Tạo và Điện trung thị ngự sử Lý Hàm, vì vậy thành thù oán với những người này. Ngư Triều Ân tham dự triều chính tỏ ra kiêu căng cậy quyền khiến vua Đường không bằng lòng. Bị giết. Nguyên Tái căm thù Ngư Triều Ân, dùng tiền mua chuộc thủ hạ của Triều Ân là Hoàng Phụ Ôn và Chu Hạo. Những mưu kế ý định của ông đều bị Phụ Ôn biết được tiết lộ. Vua Đường không bằng lòng Triều Ân cũng muốn dựa vào Nguyên Tái để trừ bỏ ông. Ngư Triều Ân khi vào triều thường ngang nhiên mang theo 100 quân hộ vệ giao cho Chu Hạo và Hoàng Phụ Ôn thống lĩnh. Quách Tử Nghi cầm quân ở ngoài đưa thư cảnh báo với Đường Đại Tông: Được sự chấp thuận của Đại Tông, Nguyên Tái bèn hợp mưu với Hoàng Phụ Ôn và Chu Hạo để giết Ngư Triều Ân. Nhằm ngày tết hàn thực, sau khi tiệc trong cung tan, Đường Đại Tông ban chiếu cho ông ở lại bàn việc. Khi vào gặp mặt, Đại Tông trách Ngư Triều Ân có mưu sự không thành. Triều Ân lớn tiếng phản bác, Chu Hạo bèn dẫn quân sĩ xông lại bắt Triều Ân mang giết chết. Ngư Triều Ân hưởng dương 49 tuổi. Thi hài ông được đưa về quê nhà, vua Đường ban cho 600 vạn quan tiền làm tang lễ. Những người cùng phe cánh với ông như Bùi Sĩ Yêm, Phan Độ Chi, Đệ Ngũ Ký đều bị liên lụy giáng chức.
1
null
Chùa Kompông Chrây (có nghĩa là "bến cây đa") , còn có tên là Kompongnikroth (tên chính của chùa là Kompông Chrây, vì hồi xưa phía trước cổng chùa có một bến đò ở dưới gốc cây đa). Sau này, người dân thấy cổng phụ được thiết kế như một cái hang nên người ta mới gọi là "Chùa Hang." Ngôi chùa thuộc hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer; tọa lạc tại khóm 4, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, Việt Nam. Vị trí, lịch sử. Từ chợ Trà Vinh, theo đường Điện Biên Phủ khoảng 6 cây số, qua cống ngăn mặn Tầm Phương là đến chùa Kompông Chrây. Chùa tọa lạc trong khuôn viên có diện tích hơn 6 ha, trong đó khoảng một nửa diện tích là vườn cây cổ thụ (đa phần là sao, dầu). Chùa được thành lập năm 1637 và đã trải qua 22 đời sư trụ trì. Năm 1968 trong sự kiện Tết Mậu Thân, chùa bị bom đạn tàn phá nặng nề. Năm 1977, sư Thạch Suông (nay là sư trụ trì đời thứ 23) trở về, và vận động phục dựng lại chùa. Từ đó đến nay, qua nhiều lần trùng tu, ngôi chùa trở nên khang trang và bề thế. Kiến trúc. Cổng chính Kompông Chrây hướng ra phía bờ sông. Hai bên cổng chính hai tượng chằn Yak to bằng người thật. Cổng phụ nằm ven tỉnh lộ 36, xây dựng vòm cuốn, tường rất dày, dài 12 m, có hình dạng giống như cái hang, nên người ta quen gọi là chùa Hang. Chánh điện chùa tọa lạc trên nền cao 3 m, có nhiều bậc cấp dẫn lên, được trang trí lộng lẫy với nhiều hoa văn, họa tiết. Mái của chính điện được cấu tạo gồm nhiều lớp chồng lên nhau làm nên khoảng không gian cao vút, đỉnh nhọn như một chóp tháp. Ở các đầu cột đều có tượng vũ nữ Kẽn naarr dang đôi tay chống đỡ mái. Bên trong chánh điện là hai hàng cột cao lớn uy nghi. Giữa chánh điện là bàn thờ. Tượng Phật Thích Ca to lớn đặt trên cao, phía dưới là những tượng Phật Thích Ca nhỏ hơn trong nhiều tư thế khác nhau. Cột cờ trước chánh điện chùa có cấu trúc tượng hình rắn thần Nara 7 đầu tượng trưng cho 7 ngày 7 đêm chuyên tâm bảo vệ Phật Thích Ca ngồi tu luyện . Trước kia, trong khuôn viên chùa có rất nhiều dơi. Tết Mậu Thân (1968), bom đạn đã làm chùa hư hại nặng, khiến đàn dơi bay mất. Ngày nay, có nhiều loại chim đến trú ẩn ở nơi ấy, trong đó nhiều nhất là cò . Cũng giống như bao ngôi chùa thuộc hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer khác, chùa Kompông Chrây có vai trò rất quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Khmer ở đây. Bởi chùa không chỉ là nơi tu hành của các vị sư, mà còn là nơi giáo dục đạo đức cho các thanh niên Khmer và bảo tồn truyền thống văn hóa nghệ thuật của dân tộc. Xưởng điêu khắc gỗ. Điều đặc biệt nhất ở chùa Kompông Chrây là trong chùa có hẳn một xưởng thủ công điêu khắc gỗ. Theo lời sư cả Thạch Suông, vì trong chiến tranh, nhiều cây cổ thụ trong vườn chùa đã bị tàn phá, và hiện còn để lại trong lòng đất nhiều bộ gốc rễ nguyên vẹn với nhiều hình thù kỳ thú. Sư cả nghĩ rằng nếu được các bàn tay tài hoa của các nghệ nhân khắc gỗ điểm xuyết, chắc chắn nó sẽ trở thành những tác phẩm nghệ thuật quý giá. Từ ý nghĩ đó, sư cả đã tìm cách mời anh Thạch Buôl (một nghệ nhân điêu khắc gỗ nổi tiếng, quê ở Vĩnh Long) về chùa mở lớp dạy nghề cho các sư sãi và các thanh niên có năng khiếu. Từ đó cho đến nay, chùa đã đào tạo trên 20 học viên lành nghề. Những tác phẩm điêu khắc ở chùa rất đa dạng và phong phú như tượng Phật, tượng cầm thú, v.v... rất được du khách trong và ngoài nước tán thưởng.
1
null
Sự cố Three Mile Island xảy ra vào ngày 28 tháng 3 năm 1979 tại nhà máy điện hạt nhân Three Mile Island ở quận Dauphin, Pennsylvania, Hoa Kỳ. Nguyên nhân do hệ thống làm nguội trung tâm lò bị hỏng, nhà máy điện hạt nhân Three Mile Island xảy ra tai nạn hạt nhân làm rò rỉ 1,59 petabecquerel (43.000 curie) krypton phóng xạ ra môi trường. Đây là sự cố nhà máy hạt nhân thương mại nghiêm trọng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
1
null
Bóng ma học đường là một bộ phim điện ảnh Việt Nam thuộc thể loại kinh dịtâm lýchính kịch ra mắt vào năm 2011, do Lê Bảo Trung làm đạo diễn kiêm viết kịch bản, với sự tham gia diễn xuất của các diễn viên gồm Hoài Linh, Hoàng Sơn, Wanbi Tuấn Anh, Trương Quỳnh Anh, Ngọc Diệp, Elly Trần, Thiên Minh, Tim và Hoài An. Phim được khởi chiếu tại các cụm rạp trên toàn quốc vào ngày 26 tháng 1 năm 2011. Đây cũng là bộ phim đầu tiên của điện ảnh Việt Nam được ra mắt dưới định dạng 3D. Nội dung. Nam Linh là một nhà văn chuyên viết những truyện ngắn cho những người ở tuổi thành niên, nhưng ông lại không có nhiều hiểu biết về tuổi thành niên, đồng thời càng không hiểu được đứa con trai Minh Quân của mình. Quá túng quẫn khi bị những người xung quanh khinh rẻ, Nam Linh đã uống thuốc tự tử. Khi trở thành một hồn ma, ông đã gặp lão trùm ma cùng với ba con ma trẻ tuổi khác là Thanh Mai, Nana Ly và Ngô Vinh. Lão trùm ma và ba con ma kia dẫn Nam Linh về sào huyệt để dạy cho ông cách giết người, khiến cho Nam Linh dần dần đã nhìn thấy được mặt tối của thế giới học đường. Một hồi tưởng cho biết khi Nam Linh chết đi, bà vợ của ông đã lấy ông nhà giàu khác làm chồng, nhưng ông chồng giàu có này thường xuyên hành hung hai mẹ con Minh Quân. Minh Quân có yêu cô nàng tên Thiên Kim trong trường, nhưng cũng chính vì thế mà tên học sinh du côn Jimmy Long luôn tìm cách bắt nạt Minh Quân, còn Thiên Kim và mẹ cũng bị ba của cô đánh đập không thương tiếc. Mặc dù lão trùm ma và ba người hầu ép buộc Nam Linh giết người, nhưng ông hoàn toàn không muốn giết ai mà ngược lại, ông còn định cảm hóa trái tim của ba người hầu xấu số kia. Khi Minh Quân sắp tự tử, Nam Linh hiện ra và cố gắng động viên tinh thần cho cậu con trai. Nhờ có ba mình an ủi, Minh Quân cảm thấy mạnh mẽ hơn, sau đó cậu đã đánh bại được Jimmy Long và cứu sống được Thiên Kim khi cô định tự sát. Hồn ma Ngô Vinh giờ đây đã hiểu được sự nhân đạo và cuối cùng cậu cũng được siêu thoát. Nam Linh thuyết phục hai hồn ma Thanh Mai và Nana Ly hợp sức với mình để tiêu diệt lão trùm ma độc ác, và tên trùm ma đã bị tiêu diệt sau trận chiến ác liệt. Nhiều ngày sau, Nam Linh trở thành một trùm ma mới, hai hồn ma Thanh Mai và Nana Ly vẫn đi theo phục vụ cho ông. Nam Linh ra lệnh rằng từ nay về sau chỉ đi vun đắp hạnh phúc cho mọi người chứ không được giết người nữa, và ông cùng hai người hầu rời đi trong hạnh phúc. Sau bao nhiêu sóng gió, Minh Quân và Thiên Kim cùng nhau vui đùa dưới sân trường.
1
null
Rạn san hô vòng Kure (tiếng Anh: "Kure Atoll", tiếng Hawaii: "Mokupāpapa" hay "Kānemilohaʻi") là một rạn san hô vòng ở cực bắc quần đảo Tây Bắc Hawaii và cũng là rạn san hô vòng cực bắc của thế giới. Rạn san hô này nằm dưới sự quản lý hành chính của quận Honolulu, tiểu bang Hawaii, Hoa Kỳ. Tên gọi. Theo Rauzon (2001) thì vào năm 1827, thuyền trưởng người Nga Stanikowitch có thể đã đặt tên rạn vòng này theo tên nhà hàng hải người Nga là Kure. Tuy nhiên, vào thời điểm năm 1835 thì thực thể này được gọi là "Cure Island"; tên gọi "Kure Atoll" như ngày nay là do Ủy ban Địa danh Hoa Kỳ (BGN) đặt. Có tài liệu cho rằng "Mokupāpapa" là tên tiếng Hawaii của rạn san hô vòng Kure trong khi nguồn khác cho rằng "Kānemilohaʻi" mới là tên đúng cho rạn vòng này còn Mokupāpapa là dành cho các bãi cạn Frigate Pháp. Tài liệu của Tượng đài Quốc gia Hải dương Papahānaumokuākea liệt kê rằng cả các bãi cạn Frigate Pháp và rạn san hô vòng đều có hai tên là Mokupāpapa và Kānemilohaʻi. Trong thần thoại Hawaii, "Kānemilohaʻi" là tên của một trong những người anh của vị thần Pele. Người ta nghĩ rằng trong chuyến du hành từ Kahiki đến Hawaiʻi, Kānemilohaʻi đã ở lại để làm người canh gác tại rạn san hô vòng Kure này (Kimura, 1998). Địa lý. Nằm cách Honolulu 2.200 km về phía tây bắc và cách rạn san hô vòng Midway 104 km về phía tây, rạn san hô vòng Kure là rạn vòng xa nhất về phía bắc của thế giới và nằm gần điểm Darwin. Tại đây san hô tạo rạn phát triển rất chậm chạp nhưng đủ để bắt kịp với tốc độ sụt lún, giữ cho rạn san hô vòng này tồn tại. Vượt khỏi điểm Darwin, xa về phía tây bắc của rạn vòng Kure là chuỗi núi ngầm Emperor - nơi san hô không thể phát triển ở vùng nước sâu và lạnh. Rạn san hô vòng Kure có dạng hình tròn với vành san hô đường kính tối đa khoảng 6 hải lý (11,1 km) và chu vi khoảng 15 hải lý (27,8 km). Tổng diện tích đất nổi đạt 0,86 km², trong khi diện tích rạn san hô tính đến độ sâu 100 m là 167 km². Vụng biển có diện tích 46 km², khá nông và sâu không quá 14 m. Phía nam của rạn vòng có một đảo và hai bãi cát. Đảo Green là một đảo san hô được cây cối xanh tốt bao phủ, có chiều dài khoảng 1,5 dặm (2,4 km), chiều rộng chỉ nửa dặm (khoảng 0,8 km), diện tích 0,77685 km² và cao 25 ft (7,6 m). Đảo (bãi cát) Sand rất nhỏ, có diện tích chỉ 1 mẫu Anh (0,4 ha) và định kì bị sóng biển tràn ngập vào mùa đông. Lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ đã xây dựng một đường băng dài 1.200 m và một tháp LORAN cao 625 ft (190 m) trên đảo Green. Lịch sử. Năm 1825, thuyền trưởng thuyền buồm "Tartar" là Benjamin Morrell Jr. tuyên bố "khám phá" ra rạn vòng này. Từ năm 1837, vô số tàu thuyền đâm vào rạn san hô của Kure khiến thủy thủ đoàn mất nhiều tháng mắc kẹt tại đây cho tới khi đóng được tàu bè nhỏ hơn để trở về các đảo chính của Hawaii. Ngày 20 tháng 9 năm 1886, đặc phái viên James Harbottle-Boyd đi tàu "Waialeale" đến rạn vòng Kure và tuyên bố chiếm hữu nơi này dưới danh nghĩa vua Kaläkaua và Vương quốc Hawaii. Ngày 7 tháng 7 năm 1898, Hoa Kỳ chiếm hữu rạn san hô vòng này như một phần của Lãnh thổ Hawaii. Năm 1909, tổng thống Theodore Roosevelt lập "Khu bảo tồn chim quần đảo Hawaii" với Kure là một phần trong đó. Sinh thái. Người ta ghi nhận 27 loài san hô cứng tại rạn vòng Kure, trong đó "Porites compressa", "Porites evermanni", "Pavona duerdeni" và "Montipora turgescens" có mặt tại nhiều địa điểm trong vụng biển của rạn vòng. Loài sao biển ăn san hô "Acanthaster planci" có mức độ tập trung dày đặc nhất tại phía ngoài vành san hô phía đông của rạn vòng Kure so với các nơi khác trong quần đảo Tây Bắc Hawaii. Tại Kure còn có nhiều động vật không xương sống lớn như da gai, thân mềm, giáp xác. Kết quả khảo sát của chuyến thám hiểm Tanager năm 1923 ghi nhận được 35 loài côn trùng. Trong vụng biển và các rạn san hô gần bờ của rạn san hô vòng Kure, có nhiều đàn cá heo, cá mập, cá khế, cá phèn, cá chình moray...và cả loài quý hiếm "Epinephelus quernus" bơi lội. Hàng trăm ngàn con chim biển sinh sống và làm tổ trên đảo Green, nhưng chim chóc ở đây ít hơn so với các nơi khác trong cùng quần đảo Tây Bắc Hawaii. Rạn vòng còn là nơi nghỉ ngơi quan trọng của loài hải cẩu thầy tu Hawaii. Sau một giai đoạn suy giảm số lượng vào thập niên 1960 thì nay số cá thể hải cẩu đang tăng trở lại. Trên đảo Green có 13 loài thực vật có mạch, trong đó có rất nhiều thực vật thuộc chi "Scaevola" (họ Goodeniaceae) cao 5–6 ft, lá dai màu xanh bóng, hoa và quả đều có màu trắng bao phủ các đụn cát của đảo. Đe doạ. Một điều không may mắn cho hệ sinh thái đảo Green là việc loài kiến xâm lấn "Pheidole megacephala" bùng nổ về số lượng và tràn ngập khắp đảo. Số kiến này ăn dịch ngọt của côn trùng nhỏ trong bộ Cánh nửa trong khi số côn trùng này lại sinh sản trên loài cây "Verbesina encilioides" - một loài thực vật ngoại lai và xâm lấn khác. Bên cạnh đó, do nằm trên đường đi của một hải lưu lớn trong Thái Bình Dương nên rạn san hô vòng Kure phải tiếp nhận hàng tấn lưới đánh cá và rác rưởi từ nơi khác đến. Rác thải đại dương là mối nguy đối với cuộc sống của hải cẩu thầy tu, rùa biển, chim biển, cá và tôm.
1
null
Xe tăng trinh sát T-60 là một loại xe tăng hạng nhẹ được sản xuất bởi Liên Xô từ năm 1941 đến 1942. Trong thời gian này, hơn 6.292 chiếc đã được sản xuất và nó được thiết kế để thay thế các xe tăng trinh sát đổ bộ T-38 lỗi thời. Thiết kế. Đội ngũ thiết kế của Nicholas Astrov tại Nhà máy số 37 được giao nhiệm vụ thiết kế xe tăng trinh sát đổ bộ và không đổ bộ vào năm 1938. Họ sản xuất T-30A và T-30B nguyên mẫu. Các mẫu thử nghiệm T-30B, dùng khung xe T-40, đã được chấp nhận như là xe tăng trinh sát T-60, và bắt đầu sản xuất vào tháng 7 năm 1941, ngay sau cuộc xâm lược của Đức. Mặc dù lúc đầu dự định lắp một khẩu súng máy 12,7 mm như T-40, sau đó nâng cấp thành khẩu pháo TNSh 20 mm, vũ khí này có thể xuyên thủng 15 mm giáp vuông góc ở cự ly 500 m. Một nỗ lực đã được thực hiện vào năm 1942 để lắp pháo ZIS-19 37 mm với T-60, nhưng Liên Xô bị thiếu đạn 37 mm. Một dự án mới bắt đầu là lắp các khẩu pháo tiêu chuẩn 45mm trên một tháp pháo sửa đổi. Điều đó đã trở thành không thể do tháp pháo cũ quá nhỏ, và một tháp pháo mới được thiết kế và thử nghiệm thành công vào mùa hè 1942, cho ra đời loại T-70. Dự án kết thúc khi STAVKA chọn T-70 là xe tăng hạng nhẹ tiêu chuẩn mới. T-60 cũng được sử dụng trong các thiết kế của xe tăng phòng không thử nghiệm T-90.
1
null
Thảm sát là sự kiện một nhóm người/sinh vật bị giết trong tình trạng không có sức chống đỡ hoặc vô tội trong khi kẻ giết chóc nắm quyền kiểm soát hoàn toàn. Không có một định nghĩa rõ ràng về lượng để xác định một sự việc có phải là thảm sát hay không, nó phụ thuộc vào người hoặc nhóm người đánh giá sự việc."Thảm sát" cũng dùng như một động từ để chỉ việc giết chóc người hay sinh vật khác với số lượng lớn, đặc biệt tàn bạo và bừa bãi.
1
null
Năng lượng thể, linh thể hay hư linh là một dạng sống trên lý thuyết được cấu tạo từ năng lượng thay vì vật chất. Chúng thường xuất hiện trong thần thoại, truyền thuyết, huyền bí, UFO và một số tác phẩm hư cấu. Thay vì xuất hiện với nghĩa năng lượng vật lý, các năng lượng thể thường được mô tả dưới dạng một bóng mờ phát sáng, phần lớn là ma.
1
null
Bảo tàng văn hóa dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh nằm trong quần thể Khu di tích Ao Bà Om và Chùa Âng, tọa lạc tại khóm 4, phường 8, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh, Việt Nam. Giới thiệu. Bảo tàng được xây dựng năm 1995, và đưa vào sử dụng năm 1997 trên diện tích 1.700 m² trong một khuôn viên rộng 1 ha. Tòa nhà chính được xây theo kiểu kiến trúc truyền thống kết hợp với kiến trúc hiện đại, gồm một trệt một lầu. Tầng trệt là văn phòng làm việc của cán bộ, nhân viên bảo tàng. Tầng trên gồm có ba phòng dùng để trưng bày gần 1.000 hiện vật, phản ánh đời sống văn hóa, vật chất tinh thần rất phong phú của dân tộc Khmer ở Nam Bộ. Phòng đầu tiên dùng để trưng bày các hiện vật về mô hình các ngôi chùa của người Khmer, có sala dùng để các nhà sư ngồi... Phòng thứ hai trưng bày các nông cụ và các công cụ để đánh bắt thủy sản. Ngoài ra, ở đây còn trưng bày các loại trang phục truyền thống và chữ viết của dân tộc Khmer ở Nam Bộ. Nổi bật là những văn tự cổ chứ kinh Phật, các lời huấn ca về đạo đức, lối sống và các truyện kể nhân gian...Trong số đó, độc đáo nhất là sách viết trên lá buông và giấy xếp bằng tiếng Phạn. Phòng thứ ba là phòng trưng bày các nhạc cụ truyền thống, các trang phục, đạo cụ, mặt nạ... Những hình ảnh trưng bày tại đây đã tái hiện hai loại hình nghệ thuật sân khấu là sân khấu Rồ-băm (kịch múa) xuất xứ từ nghệ thuật cung đình, sân khấu Dù-kê (kịch hát) ra đời trong dân gian từ đầu thế kỷ 20 và phát triển mạnh hơn từ sau năm 1945. Các nhạc cụ của người Khmer ở đây cũng rất phong phú và đa dạng, được chia làm hai loại: dàn nhạc dân gian (nhạc dây) và dàn nhạc lễ (nhạc ngũ âm). Dàn nhạc ngũ âm được chế tác bằng năm chất liệu khác nhau gồm đồng, sắt, gỗ, da và hơi. Bảo tàng văn hóa dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh là nơi khách đến tham quan và nghiên cứu học tập.
1
null
Kệ chứa hàng (hay còn gọi là khung để hàng hoặc kệ để hàng) là vật dụng để nâng, đỡ và chứa hàng hóa. Kệ chứa hàng gồm nhiều loại đa dạng về tải trọng và kiểu dáng nên được sử dụng phổ biến trong nhà kho tất cả các ngành nghề. Kệ tải trọng nặng. Kệ tải trọng nặng là loại kệ chứa hàng được thiết kế nhiều tầng chứa pallet hàng hóa nặng với tải trọng trên 800 kg/tầng. Loại kệ này được sử dụng phổ biến trong kho hàng của nhiều ngành công nghiệp. Giá kệ lựa chọn chứa pallet. Giá kệ lựa chọn chứa pallet có tên Tiếng Anh là Selective Pallet Racking Systems, đây là hệ thống kệ chứa Pallet phổ biến và kinh tế nhất hiện nay. Hệ thống giá kệ Selective Pallet Racking tối ưu sự lựa chọn hàng hóa đạt 100%, có thể đạt chiều cao lưu trữ lên đến 12.8m, tận dụng được các khoảng không gian trong nhà kho. Sản xuất và lắp đặt hệ thống giá kệ Selective Pallet Racking đáp ứng hầu như tất cả các kích thước Pallet chứa hàng hoặc trọng lượng hàng hóa theo yêu cầu, phù hợp với tất cả các loại xe nâng hàng phổ biến hiện nay. Việc thiết kế và chế tạo một loạt các phụ kiện giá kệ tiêu chuẩn thông dụng để đáp ứng với các nhu cầu sử dụng lưu trữ hàng hóa không tiêu chuẩn, các chi tiết giá kệ được sơn tĩnh điện hoặc mạ kẽm theo tiêu chuẩn công nghiệp. Đặc tính kỹ thuật Giá Kệ Selective Racking Giá Kệ Drive-in Racking Là loại kệ kho lưu trữ chứa pallet hàng đồng nhất sản phẩm, mật độ hàng hóa lớn, hiệu quả đầu tư cao, loại bỏ diện tích kho dành cho lối đi. Đây là hệ thống kho chứa hàng cung cấp dung lượng lưu trữ tối đa bằng cách tận dụng gần như tất cả diện tích kho.Thông thường giải pháp kệ này được kết hợp với giải pháp kệ chứa hàng Selective Racking, Double Deep Racking... trong hệ thống kho chứa hàng hỗn hợp. Đặc biệt thích hợp để lưu trữ rất lớn với số lượng sản phẩm đồng nhất. Hệ thống kệ Drive-In chứa pallet được thiết kế kết cấu có rãnh dẫn vào hoặc rãnh dẫn xuyên suốt. Các pallet hàng được đặt cạnh sát nhau dọc theo chiều sâu của hệ thống rãnh đỡ bằng xe nâng. Mỗi rãnh sau như vậy có thể thiết kế để được từ 1 đến 8 pallet hoặc hơn, độ cao của kệ có thể để được từ 2 đến 6 tầng rãnh sâu. Hệ thống Kệ này được phân loại làm hai loại theo theo nguyên tắc xuất nhập hàng như sau: Drive-In Racking/Nhập sau – Xuất trước(Firt In – Last Out/FILO) Hệ thống Kệ Drive–In pallet được thiết kế để nhập xuất hàng từ một hướng. Hệ thống kệ này hàng hóa nhập sau sẽ xuất trước theo nguyên lý (Nhập sau – Xuất trước / FILO) Drive–Through Racking/Nhập trước – Xuất trước(First In – First Out/FIFO) Hệ thống Kệ Drive–Through pallet được thiết kế để nhập hàng và xuất hàng từ hai hướng. Hệ thống giá kệ này hàng nhập trước sẽ xuất trước theo nguyên lý (Nhập trước – Xuất trước/ FIFO). Với hệ thống Kệ Drive-In/Drive-Through này chi phí đầu tư thấp nhưng sức chứa trong kho hàng cao + Sử dụng được 60% diện tích kho khi sử dụng loại kệ này + Sự chọn hàng hóa đạt 30% Ưu điểm hệ thống kệ Drive-In Racking + Giải pháp này cho chi phí đầu tư thấp nhưng sức chứa pallet trong kho hàng cao hơn nhiều + Sử dụng được tối đa diện tích, không gian kho chứa hàng + Thuận lợi cho việc sử dụng đa dạng các loại xe nâng + Có thể thiết kế với giải pháp "FILO" hoặc "FIFO" tùy vào nhu cầu kho chứa hàng hoặc khi lưu kho với một lượng lớn sản phẩm cùng chủng loại + Qua thực tế cung cấp tại thị trường Việt nam, hệ thống kệ này rất phù hợp với nhiều lĩnh vực công nghiệp gồm các ngành công nghiệp cơ bản, thực phẩm, và đặc biệt ngành thủy sản, kho lạnh... + Có thể lưu trữ hàng hóa với mật độ cao + Giảm diện tích dành cho lối đi xe nâng hàng + Đặc biệt thích hợp cho việc lưu trữ hàng hóa có thời gian sử dụng (date) + Dễ dàng nâng cấp mở rộng thêm giá kệ + Sự lựa chọn lựa hàng hóa 30% + Thiết kế với cấu trúc chắc chắn, an toàn theo tiêu chuẩn FEM(EU), đạt các tiêu chuẩn tốt nhất về tải trọng và độ an toàn + Thi công lắp đặt một cách dễ dàng, nhanh chóng + Những bộ phận cấu thành hệ thống kệ Drive-In/Drive-Through được tiêu chuẩn hóa nên việc lắp đặt rất nhanh chóng Các giải pháp kệ Drive-in/Drive-Through liên kết với nhau, tạo thành một thể thống nhất giữ cho hệ thống giá kệ tránh được các sự cố trong quá trình sử dụng, tăng tuổi thọ và thời gian sử dụng. Kệ khuôn. Giá Kệ chứa khuôn mẫu là loại kệ chứa hàng tải trọng nặng thường dùng trong các ngành cơ khí nhựa, công nghiệp xe hơi, tàu biển, lưu trữ khuôn mẫu... Ưu điểm Giá Kệ Chứa Khuôn Mẫu: Kệ tải trung bình. Kệ tải trung bình là loại kệ chứa hàng được thiết kế nhiều tầng hàng chứa hàng, mỗi tầng được ngăn bới mâm tole hoặc ván ép. Loại kệ này phù hợp với việc lưu trữ hàng hóa có tải trọng trung bình, tải trọng phù hợp từ 300–700 kg/tầng tương ứng với chiều dài kệ từ 1m-2,5m. Thích hợp cho việc lưu trữ nhiều chủng loại hàng hóa. Kệ Medium Duty Racking là hình ảnh giá kệ Selective Racking thu nhỏ (chân trụ, thanh đỡ (beam), tấm lót mặt tầng ….), Loại giá kệ này phù hợp với hàng hóa có tải trọng trung bình. Thích hợp với nhiều chủng loại hàng hóa đa dạng về kích thước, hình dáng. Tải trọng phù hợp từ 200 – 500 kg/tầng kệ tương ứng với chiều dài kệ(beam bar) từ 1m – 2,5m. Kệ tải trọng nhẹ. Kệ tải trọng nhẹ là loại kệ chứa hàng được thiết kế nhiều tầng chứa hàng, mỗi tầng được ngăn bới mâm tole, mica, ván ép, ván okal...Loại kệ này phù hợp với việc lưu trữ hàng hóa có tải trọng nhẹ, tải trọng phù hợp dưới 200 kg/tầng. Loại kệ này được sử dụng rộng rãi trong các nhu cầu lưu trữ hàng hóa như: lưu trữ hồ sơ văn phòng, lưu trữ phụ tùng nhà kho, lưu giữ vật dụng gia đình, trưng bày hàng hóa. Kệ giá siêu thị. Loại kệ này có nhiều quy cách thông dụng tùy theo mặt bằng trưng bày sản phẩm, chủng loại sản phẩm cần trưng bày. Số tầng của kệ siêu thị cũng tùy biến theo nhu cầu có thể từ 03 đến 06 tầng hoặc hơn. Các chi tiết của kệ siêu thi được sản xuất theo tiêu chuẩn phù hợp với việc trưng bày hàng hóa có tải trọng từ 50Kg/tầng ÷ 150Kg/ tầng. Giá Kệ siêu thị gồm có các loại như sau Kệ giá tay đỡ. Kệ tay đỡ là loại kệ chứa hàng được thiết kế cho phép chứa các sản phẩm có kích thước dài một cách hiệu quả và tiết kiệm thời gian. Chi tiết kệ gồm cột đứng và tay đỡ: Kệ tay đỡ kiểu I. Kệ giá tay đỡ kiểu I thiết kế, sản xuất phù hợp với các loại hàng hóa đa dạng về hình dáng, kích thước sản phẩm. Việc xếp dỡ hàng hóa từ phía trước nhanh chóng loại bỏ được những khó khăn dọc theo từ trên xuống dưới như các loại kệ khác do không vướng các thanh ngang (Beam bar) phía trước, chiều dài kệ là khoảng không gian chứa hàng. Kệ giá tay đỡ là giải pháp tối ưu trong việc lưu trữ các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ, ống thép, ống nhựa, máy móc, thiết bị, đồ nội thất, vật liệu xây dựng. Hệ thống kệ tay đỡ với tay đỡ nghiêng chữ I. Các cột và cánh tay đòn là những thanh đỡ chữ I (dốc vào phía trong), chắc khỏe có thể chứa được các loại hàng hóa nặng. Các cánh tay đòn có thể điều chỉnh đứng từ trung tâm 100mm và có nhiều góc xoay để duy trì việc tải hàng. Các bộ phận bệ đỡ cũng có kết cấu dạng chữ I và được cố định với cột bằng vít. Loại kệ này cũng có thể thiết kế tay đỡ một bên hay 2 bên cột tùy vào nhu cầu. Khả năng tải cột lên đến trên 18 tấn một bên. Khả năng tải trên cánh tay đòn lên đến trên 6 tấn. Kệ sàn (sàn kệ). Kệ sàn (sàn kệ) là một giải pháp lưu trữ phổ biến trong hệ thống kho chứa hàng. Hệ thống này phù hợp với những mặt bằng nhà xưởng, kho bãi chứa hàng còn rất hạn hẹp. Việc tận dụng không gian xây dựng hệ thống kệ sàn công nghiệp vừa có thể làm văn phòng, vừa làm nhà kho. Để tận dụng được khoảng không gian của nhà kho hoặc nơi sản xuất. Hệ thống kệ sàn là lựa chọn thích hợp để lắp đặt trong kho lưu trữ hàng hoá hoặc làm khu vực sản xuất, văn phòng, nơi làm việc. Có thể kết hợp với các loại giá kệ khác với hệ thống sàn nhằm làm tăng lượng hàng hóa lưu trữ. Với hệ thống sàn-kệ sàn này, có thể tạo ra mặt bằng mới nhanh chóng, tiết kiệm chi phí đầu tư so với việc xây dựng mới hoặc mở rộng thêm nhà xưởng. Khi lắp đặt hệ thống này không làm ảnh hưởng đến sản xuất hoặc thay đổi cấu trúc hiện có tại mặt bằng. Hệ thống sàn kệ có thể tháo lắp, di dời sang vị trí khác một cách nhanh chóng. Đặc biệt hệ thống sàn kệ được thiết kế phù hợp theo yêu cầu của từng mục đích sử dụng, Với những kinh nghiệm thiết kế, chế tạo, lắp đặt cho phép đáp ứng được những yêu cầu cao nhất về tính năng cũng như tính kinh tế của sản phẩm sàn kệ. Sản phẩm phụ trợ. Pallet sắt. Tại Việt Nam pallet thép mạ kẽm hoặc sơn tĩnh điện đáp ứng các thông số nghiêm ngặt của sản phẩm sử dụng lưu trữ hàng hóa nhà kho. Các thiết kế đơn giản cùng với sức chịu tải trọng tối đa của pallet thép và được sản xuất hàng loạt, trọng lượng phù hợp với hầu hết các yêu cầu sử dụng trong các kho hàng sẵn có trên thị trường..., Việc sản xuất pallet thép trong nước và xuất khẩu một loạt các sản phẩm pallet sắt thép với nhiều kích thước nâng hàng khác nhau và được sản xuất bằng nguyên vật liệu sắt thép chất lượng tốt nhằm tối ưu đảm bảo hiệu suất cao.Các nhà sản xuất pallet có thể làm theo các thông số kỹ thuật, chi tiết theo yêu cầu từ người sử dụng Chúng được sử dụng cho các mục đích sử dụng lưu trữ khác nhau trong các ngành khác nhau,và nhiều hơn nữa... Pallet xếp chồng. Pallet xếp chồng được sản xuất để phù hợp với yêu cầu lưu trữ hàng hóa trong nhà kho theo yêu cầu được xác định bởi kích thước có thể sử dụng bên trong của khung chứa hàng Cao x Dài x Rộng. Tất cả ba kích thước này là theo tiêu chuẩn sẵn có hoặc được sản xuất theo yêu cầu.Khả năng tải trọng khoảng từ 500 kg đến 2000 kg, và có thể xếp chồng lên nhau 03 tầng hoặc 04 tầng với các thiết kế về cấu hình có sẵn để đáp ứng tải trọng khác nhau và các yêu cầu lưu trữ. Pallet xếp chồng cung cấp những lợi ích thiết thực cho khách hàng
1
null
Biểu tượng cảm xúc (tiếng Anh: emoticon /ɪˈməʊ.tɪ.kɒn/ US  /ɪˈmoʊ.t̬ə.kɑːn/), viết tắt cho “emotion icon”, cũng được gọi đơn giản là emote, là một hình ảnh đại diện của các biểu hiện trên gương mặt bằng cách sử dụng những kí tự - thường là các dấu câu, số và chữ - để diễn tả cảm xúc hoặc tâm trạng của một người hoặc được dùng như một biện pháp tiết kiệm thời gian. Những ASCII emoticon đầu tiên là:-) và:-(được viết bởi Scott Fahlman vào năm 1982, nhưng emoticon thực chất có nguồn gốc xuất phát từ hệ thống máy tính PLATO IV vào năm 1972. Ở các nước phương Đông, emoticon thường được viết theo hướng của văn bản. Những người dùng ở Nhật Bản thì ưa thích một loại emoticon gọi là , sử dụng bộ ký tự Katakana mà có thể hiểu được mà không cần nghiêng đầu về hướng bên trái. Phong cách này nổi lên ở nền tảng ASCII NET ở Nhật Bản vào năm 1986. Khi SMS và mạng internet trở nên phổ biến vào cuối những năm 1990, emoticon đã dần trở nên thịnh hành và được dùng thường xuyên trong những tin nhắn văn bản, diễn đàn internet và email. Emoticon đã đóng vai quan trọng trong việc giao tiếp qua công nghệ; một vài thiết bị và ứng dụng đã cung cấp những hình ảnh cách điệu mà không sử dụng các dấu câu. Chúng cung cấp một phạm vi “ngữ điệu” và cảm xúc thông qua văn bản mà những văn bản này khắc họa rõ nét những cảm xúc cụ thể thông qua các cử chỉ gương mặt trong khi đang giao tiếp trực tuyến bằng văn bản. Lịch sử hình thành của Emoticons. Pre-emoticons. Emoticon bắt đầu với gợi ý rằng sự kết hợp của các dấu câu có thể được sử dụng trong kiểu chữ để thay thế ngôn ngữ. Mặc dù đề xuất của Scott Fahlman vào những năm 1980 là sự ra đời của biểu tượng cảm xúc, nhưng đây không phải là lần đầu tiên:) hoặc:-) được sử dụng trong ngôn ngữ. 10  Stamp, Jimmy. "Who Really Invented the Smiley Face?". Smithsonian. https://www.smithsonianmag.com/arts-culture/who-really-invented-the-smiley-face-2058483/ Năm 1648, nhà thơ Robert Herrick bao gồm các dòng: Tác phẩm của Herrick có trước bất kỳ sản phẩm nào sử dụng dấu ngoặc như một mặt cười được ghi lại trong khoảng 200 năm vừa qua. Tuy nhiên, các chuyên gia đã cân nhắc liệu việc đưa dấu hai chấm vào bài thơ có phải là có chủ ý hay không và liệu nó có nghĩa là đại diện cho một khuôn mặt cười hay không. Giáo sư người Anh Alan Jacobs lập luận rằng " Ở thế kỷ 17, dấu câu chưa thực sự được thống nhất... Herrick có vẻ như không tự thực hành chấm câu nhất quán, và ngay cả khi ông có tự mình thực hành điều này, ông ấy cũng không thể mong đợi các nhà in của mình hoặc độc giả của mình chia sẻ cách sử dụng của các dấu câu như những mặt cười như thế." Nhiều hình thức giao tiếp khác nhau hiện được xem là tiền thân của emoticon và gần đây nhất thậm chí là emojis. Việc sử dụng biểu tượng cảm xúc có thể bắt nguồn từ thế kỷ 17, được vẽ bởi một công chứng viên Slovakia để cho thấy sự hài lòng của ông đối với hồ sơ tài chính đô thị của thị trấn vào năm 1635, nhưng chúng thường được sử dụng trong văn bản giản dị và hài hước. Các dạng biểu tượng cảm xúc kỹ thuật số trên Internet được đưa vào một đề xuất của Scott Fahlman thuộc Đại học Carnegie Mellon ở Pittsburgh, Pennsylvania, trong một tin nhắn vào ngày 19 tháng 9 năm 1982. “Hiệp hội Hướng dẫn vận hành và đánh giá điện báo quốc gia” vào tháng 4 năm 1857 đã ghi lại việc sử dụng số 73 trong mã Morse để thể hiện "tình yêu và nụ hôn" (sau đó được giảm xuống thành "lời chào trân trọng"). Hướng dẫn của Dodge năm 1908 đã xác nhận lại sự tái sử dụng "tình yêu và nụ hôn" dưới việc sử dụng số 88. Gajadhar và Green nhận xét rằng cả hai chữ viết tắt mã Morse đều ngắn gọn hơn các chữ viết tắt hiện đại như LOL . Lần đầu tiên một biểu tượng cảm xúc xuất hiện trong văn bản là trong bản phiên âm của một trong những bài diễn văn của Abraham Lincoln được viết vào năm 1862. Nó bao gồm những điều sau đây: (vỗ tay và cười;) Theo tờ New York Times, đã có một số tranh luận về việc liệu biểu tượng cảm xúc trong bài phát biểu của Abraham Lincoln là một lỗi đánh máy, một cấu trúc dấu câu hợp pháp hay là những biểu tượng cảm xúc đầu tiên . Vào cuối những năm 1800, các biểu tượng cảm xúc đầu tiên được tạo ra như một hình thức nghệ thuật trên tạp chí châm biếm Hoa Kỳ Puck. Tổng cộng, bốn thiết kế biểu tượng cảm xúc khác nhau đã được hiển thị, tất cả đều sử dụng dấu chấm câu để tạo ra các khuôn mặt biểu tượng cảm xúc đánh máy khác nhau. Các thiết kế biểu tượng cảm xúc tương tự như trên đã được hình thành nhiều năm sau tại Nhật Bản, thường được gọi là "Kaomoji" và có thiết kế khá phức tạp.Mặc dù có sự đổi mới, các biểu tượng cảm xúc phức tạp này đã không phát triển ở Nhật Bản cho đến gần một thế kỷ sau đó. Năm 1912, tác giả người Mỹ Ambrose Bierce là người đầu tiên đề xuất rằng một dấu ngoặc câu có thể được sử dụng để thể hiện một khuôn mặt tươi cười. Ông tuyên bố, "Đây là một sự cải thiện về dấu câu - điểm sniggers, hoặc như là một ghi chú của bộ nhớ đệm: bởi vì nó được viết dưới dạng ‿ và nhìn giống như một cái miệng cười, nó nên được dùng với dấu chấm câu để tạo nên một mặt cười hoàn chỉnh trong các dạng câu châm biếm. Sau tuyên bố đột phá này, các nhà văn và chuyên gia ngôn ngữ khác bắt đầu đưa ra các lý thuyết về cách sử dụng dấu chấm câu trong các bộ sưu tập để thể hiện một khuôn mặt. Chuyển từ lý thuyết của Bierce rằng có thể sử dụng dấu ngoặc ngang để đại diện cho mặt cười, Alan Gregg là người đầu tiên được ghi nhận cho rằng bằng cách kết hợp các dấu chấm câu, những cảm xúc phức tạp hơn có thể được thể hiện. Có một lập luận cho rằng đây là bộ emoticon hoàn chỉnh đầu tiên, mặc dù về sau, đã được sử dụng như là tiêu chuẩn cho các emoticon khác. Gregg đã công bố lý thuyết của mình vào năm 1936, trong một bài báo của Harvard Lampoon. Ông đề nghị rằng bằng cách xoay khung sang một bên, nó có thể được sử dụng cho hai bên miệng hoặc má, với các dấu câu khác được sử dụng giữa các dấu ngoặc để hiển thị các cảm xúc khác nhau. Lý thuyết của Gregg đã hiện thực hóa bước tạo ra nhiều hơn một mặt cười, với (-) cho một nụ cười bình thường và (--) cho một nụ cười lớn. Logic đằng sau những thiết kế này là nhiều răng hơn được hiển thị trên các thiết kế rộng hơn. Hai biểu tượng cảm xúc khác đã được đề xuất trong bài viết, với (#) cho một cái nhíu mày và (*) cho một cái nháy mắt. Các emoticon đã được sử dụng trong fandom khoa học viễn tưởng vào những năm 1940, The Magazine of Fantasy & Science Fiction, Vol. 90, No. 6 (June 1996), p. 90, mặc dù dường như đã có một sai sót trong sự tiếp nối văn hóa giữa các cộng đồng. Số tháng 9 năm 1962 của tạp chí MAD bao gồm một bài báo có tiêu đề "hoạt hình bằng chữ". Bài báo này, với các tác phẩm nghệ thuật do máy đánh chữ tạo ra được ghi là "Royal Portable", hoàn toàn được tạo thành từ những kiểu chữ được sử dụng lại, bao gồm chữ in hoa P giống như một bức tượng lớn, hơn là khi sử dụng chữ I, chữ thường b và d như đại diện cho việc mang thai, dấu hoa thị trên đầu một kí tự để chỉ kí tự này vừa mới đi dưới trời tuyết và một lớp học bao gồm các học sinh được biểu thị là các kí tự n thì bị gián đoạn bởi một ký tự h "giơ tay". 2 tập truyện khác của “Typewri-ton” xuất hiện trên tạp chí MAD vào năm 1965 và 1987 Khởi nguồn của:-) và:-(. Emoticon là một từ kết hợp của 2 từ trong tiếng Anh là "cảm xúc" và "biểu tượng". Trong các diễn đàn web, tin nhắn tức thời và trò chơi trực tuyến, các emoticon văn bản thường được tự động thay thế bằng những hình ảnh nhỏ tương ứng, chúng cũng được gọi là các emoticon. Emoticon cho khuôn mặt cười:-) và khuôn mặt buồn bã:-(là những emoticon được ghi nhận là đã xuất hiện đầu tiên ở dạng kỹ thuật số. Một số các kết hợp ký tự phức tạp chỉ có thể được thực hiện trong các tập lệnh phi Latinh, điều này đã tạo nền tảng phát triển cho các hình thức đặc biệt phức tạp của emoticon, mà đôi lúc được biết đến dưới cái tên Nhật Bản mà đã được Latin hóa là Kaomoji Trong một cuộc phỏng vấn của New York Times vào tháng 4 năm 1969, Alden Whitman đã hỏi nhà văn Vladimir Nabokov: "Làm thế nào để ngài xếp hạng mình trong số các nhà văn (ở thời điểm hiện tại) và về quá khứ đương đại?" Nabokov trả lời: "Tôi thường nghĩ rằng nên tồn tại một dấu hiệu đánh máy đặc biệt cho một nụ cười - một loại dấu lõm, một dấu ngoặc tròn, mà bây giờ tôi muốn dùng để trả lời câu hỏi của bạn." Cho đến thời điểm này, nhiều thiết kế được coi là các emoticon đời đầu đã được tạo bằng cách sử dụng dấu chấm câu khá cơ bản, sử dụng một dấu chấm câu duy nhất thay vì một từ hoặc để diễn tả cảm giác, trước khi các cá nhân bắt đầu kết hợp hai dấu chấm câu (thường là dấu hai chấm và dấu ngoặc) để tạo một cái gì đó giống như một khuôn mặt tươi cười. Scott Fahlman được coi là người tạo ra emoticons đầu tiên khi anh bắt đầu thử nghiệm sử dụng nhiều dấu chấm câu để hiển thị cảm xúc và thay thế ngôn ngữ. Anh ấy là người đầu tiên sử dụng một biểu tượng cảm xúc phức tạp gồm ba dấu chấm câu trở lên, với:-) và:-(với một gợi ý cụ thể rằng chúng được sử dụng để thể hiện cảm xúc. Fahlman không chỉ tạo ra hai biểu tượng cảm xúc khác nhau, anh ấy còn sử dụng các emoticon trong văn nói để thể hiện cảm xúc. Trong khi Nabokov đã đề xuất một cái gì đó tương tự Fahlman, có rất ít phân tích về sự cân nhắc rộng hơn về những gì Nabokov có thể làm với thiết kế. Mặt khác, Fahlman còn đưa ra giả thuyết rằng các emoticon của anh ta có thể nhanh chóng thay thế ngôn ngữ thông thường trên quy mô lớn. Hai thiết kế dấu hai chấm, dấu gạch nối và dấu ngoặc cũng được điều chỉnh rất nhanh để mô tả một loạt các cảm xúc, do đó tạo ra bộ biểu tượng cảm xúc thực sự đầu tiên. Tin nhắn từ Fahlman được gửi qua hội đồng khoa học máy tính của Đại học Carnegie Mellon vào ngày 19 tháng 9 năm 1982. Cuộc trò chuyện đã diễn ra giữa nhiều nhà khoa học máy tính đáng chú ý, bao gồm David Touretzky, Guy Steele và Jaime Carbonell. Bản ghi tin nhắn được coi là đã bị mất, trước khi nó được phục hồi 20 năm sau bởi Jeff Baird từ các băng dự phòng cũ Trong vòng vài tháng, nó đã xuất hiện trên ARPANET và Usenet. Nhiều biến thể về chủ đề ngay lập tức được đề xuất bởi Scott và những người khác. Sự phát triển của Emoticon. Lấy cảm hứng từ ý tưởng sử dụng khuôn mặt trong ngôn ngữ của Scott Fahlman, gia đình Loufrani đã thành lập Công ty Smiley vào năm 1996. Nicolas Loufrani đã phát triển hàng trăm biểu tượng cảm xúc khác nhau, bao gồm cả những phiên bản 3D. Các thiết kế của ông đã được đăng ký tại Văn phòng Bản quyền Hoa Kỳ vào năm 1997 và xuất hiện trực tuyến dưới dạng tệp.gif vào năm 1998. Đây là những biểu diễn đồ họa đầu tiên của biểu tượng cảm xúc dựa trên văn bản ban đầu. Ông cũng đã xuất bản các biểu tượng cũng như các emoticon do người khác tạo ra, cùng với các phiên bản ASCII của họ trong từ điển Smiley trực tuyến vào đầu những năm 2000. Từ điển này bao gồm hơn 3.000 mặt cười khác nhau và được xuất bản thành một cuốn sách có tên Dico Smileys vào năm 2002 Fahlman đã tuyên bố trong nhiều cuộc phỏng vấn rằng ông coi emojis là hậu duệ và di sản của mình = Sự đa dạng về phong cách của emoticon = Phong cách phương Tây. Thông thường, các emoticon theo phong cách phương Tây có mắt bên trái, tiếp theo là mũi và miệng. Phiên bản hai ký tự:) mà bỏ qua mũi cũng rất phổ biến. Các emoticon cơ bản nhất tương đối nhất quán về hình thức, nhưng mỗi cái trong số chúng có thể được biến đổi bằng cách xoay (biến chúng thành các ambigram nhỏ), có hoặc không có dấu gạch nối (mũi). Ngoài ra còn có một số biến thể của các emoticon để có thể đưa ra được những cách sử dụng, định nghĩa mới. Như thay đổi một ký tự để thể hiện cảm giác mới hoặc để thay đổi trạng thái cảm xúc, tâm trạng của emoticon. Ví dụ::(là buồn và:((là rất buồn. Khóc có thể được viết là:'(. Một gương mặt ngại ngùng, đỏ mặt có thể được biểu thị là:">. Những người khác bao gồm nháy mắt;), cười với miệng đáng yêu:3, một nụ cười tươi, lớn là:D, tự mãn là:->, và thè lưỡi là:P. Một sự kết hợp thường được sử dụng là <3 tượng trưng cho một trái tim và </ 3 là cho một trái tim tan vỡ.:O đôi khi cũng được sử dụng để mô tả biểu cảm sốc. Một nụ cười lớn đôi khi được thể hiện với đôi mắt nhăn nheo để thể hiện sự thích thú hơn nữa; XD và việc thêm các chữ cái "D" có thể gợi ý tiếng cười hoặc sự giải trí cực độ, ví dụ: XDDDD. Có hàng trăm biến thể khác bao gồm >:(cho sự tức giận, hoặc >:D cho một nụ cười xấu xa, và một lần nữa, khi được sử dụng ngược lại, sẽ cho một khuôn mặt tức giận không vui, trong hình dạng của D:<; =K cho ma cà rồng răng;:s để nhăn mặt, và;P có thể được sử dụng để biểu thị một giọng điệu tán tỉnh hoặc nói đùa, hoặc có thể ngụ ý nghĩa thứ hai nào đó trong câu trước nó. Khi máy tính cung cấp sự hỗ trợ tích hợp ngày càng tăng cho các hệ thống chữ viết bên ngoài phương Tây, người ta có thể sử dụng các glyph khác nhau để xây dựng biểu tượng cảm xúc. Emoticon “nhún vai”, ¯\_(ツ)_/¯, sử dụng glyph ツ từ hệ thống chữ viết katakana của Nhật Bản. Một dấu bằng thường được sử dụng cho mắt thay cho dấu hai chấm, được xem là =), mà không thay đổi ý nghĩa của biểu tượng cảm xúc. Trong các trường hợp này, dấu gạch nối hầu như luôn bị bỏ qua hoặc đôi khi được thay thế bằng "o" như trong =O). Trong hầu hết các vòng tròn, có thể chấp nhận bỏ qua dấu gạch nối, cho dù dấu hai chấm hoặc dấu bằng được sử dụng cho mắt,  nhưng trong một số lĩnh vực sử dụng, mọi người vẫn thích biểu tượng cảm xúc truyền thống hơn,:-) hoặc:^). Một nghiên cứu ngôn ngữ đã chỉ ra rằng việc sử dụng mũi trong biểu tượng cảm xúc có thể liên quan đến tuổi của người dùng, với những người trẻ tuổi ít sử dụng mũi hơn. Các ký tự trông tương tự thường được thay thế cho nhau: ví dụ, o, O và 0 đều có thể được sử dụng thay thế cho nhau, đôi khi để tạo hiệu ứng khác nhau hoặc trong một số trường hợp, một loại ký tự có thể trông tốt hơn trong một phông chữ nhất định và do đó được ưu tiên hơn các phông chữ khác. Người dùng cũng thường thay thế các dấu ngoặc tròn được sử dụng cho miệng bằng các dấu ngoặc khác, tương tự, chẳng hạn như ] thay vì). Một số biến thể cũng phổ biến hơn ở một số quốc gia do bố trí bàn phím. Ví dụ: Smiley =) có thể xảy ra ở Scandinavia, nơi các phím cho = và) được đặt ngay cạnh nhau. Tuy nhiên, biến thể:) chắc chắn là phiên bản thống trị ở Scandinavia, khiến phiên bản =) trở nên hiếm. Dấu phụ đôi khi cũng được sử dụng. Các chữ cái Ö và Ü có thể được xem như một emoticon, như phiên bản thẳng đứng của:O (có nghĩa là ngạc nhiên) và:D (có nghĩa là rất hạnh phúc). Một số emoticon cũng có thể được đọc từ phải sang trái và trên thực tế, theo cách này, chỉ có thể được viết bằng các ký tự bàn phím ASCII tiêu chuẩn; ví dụ D: trong đó đề cập đến việc bị sốc hoặc lo lắng, ngược lại với nụ cười lớn của:D. Phong cách Nhật Bản (kaomoji). Kaomojis trên điện thoại di động NTT Docomo của Nhật Bản Một hình vẽ Kaomoji ở Nhật Bản Người dùng từ Nhật Bản đã phổ biến một kiểu emoticon (顔 字 字, kaomoji, lit. "Khuôn mặt từ các ký tự") mà có thể được hiểu mà không cần nghiêng đầu sang trái. Phong cách này phát sinh trên ASCII NET, một dịch vụ trực tuyến đầu tiên tại Nhật Bản vào năm 1986.Các emoticon tương tự cũng đã được sử dụng trên Sàn giao dịch thông tin Byte Information Exchange (BIX) vào lúc đó. Những emoticon này thường được tìm thấy trong một định dạng tương tự (*_*). Các dấu hoa thị chỉ mắt; một ký tự ở trung tâm, thường là một gạch dưới đóng vai trò như miệng; và dấu ngoặc đơn đóng vai trò như đường viền của khuôn mặt. Những cảm xúc khác nhau có thể được thể hiện bằng cách thay đổi ký tự đại diện cho đôi mắt: ví dụ: "T" có thể được sử dụng để thể hiện tiếng khóc hoặc nỗi buồn: (T_T). T_T cũng có thể được sử dụng với nghĩa là "không ấn tượng". Sự nhấn mạnh vào đôi mắt trong phong cách này được phản ánh trong cách sử dụng phổ biến của các emoticon chỉ sử dụng đôi mắt, ví dụ: ^^.Trông căng thẳng được thể hiện bằng cách emoticon (x_x), trong khi (-_-;) là một emoticon chung cho sự lo lắng, dấu chấm phẩy đại diện cho một giọt mồ hôi gây lo lắng (sẽ được thảo luận thêm bên dưới). /// có thể biểu thị sự bối rối bằng cách tượng trưng cho sự đỏ mặt. Các ký tự như dấu gạch nối hoặc dấu chấm có thể thay thế dấu gạch dưới; dấu chấm này thường được sử dụng cho một cái miệng nhỏ hơn, "dễ thương" hơn hoặc để đại diện cho mũi, ví dụ: (^.^). Ngoài ra, miệng hay mũi có thể được loại bỏ hoàn toàn, ví dụ: (^^) Dấu ngoặc đơn đôi khi được thay thế bằng dấu ngoặc hoặc dấu ngoặc vuông, ví dụ: {^_^} hoặc [o_0]. Trong một vài lần sử dụng, dấu ngoặc đơn cũng có thể được lược bỏ hoàn toàn, ví dụ: ^^, >.<, o_O, O.O, e_e hoặc e.e. Một dấu ngoặc kép ", dấu nháy đơn ‘ hoặc dấu chấm phẩy; có thể được thêm vào biểu tượng cảm xúc để ám chỉ sự e ngại hoặc bối rối, giống như cách sử dụng giọt mồ hôi trong manga và anime của Nhật Bản. Microsoft IME 2000 (tiếng Nhật) và các phiên bản sau đó đã hỗ trợ đầu vào của các emoticon được nêu trên bằng cách bật chức năng “Từ điển ngôn ngữ/cảm xúc” của Microsoft IME. Trong IME 2007, hỗ trợ này đã được chuyển sang từ điển “Biểu tượng cảm xúc”. Những từ điển emoticon như vầy cho phép người dùng ghi ra các emoticon dễ dàng bằng cách gõ các từ đại diện cho chúng. Phần mềm giao tiếp này cho phép sử dụng Shift JIS mà đã được mã hóa các ký tự tiếng Nhật thay vì chỉ trên ASCII cho phép phát triển kaomoji mới bằng cách sử dụng bộ ký tự mở rộng, chẳng hạn như (^ム^) hoặc (益). Phần mềm giao tiếp hiện đại thường sử dụng Unicode, cho phép kết hợp các ký tự từ các ngôn ngữ khác nhau (ví dụ: từ bảng chữ cái Cyrillic) và một loạt các ký hiệu vào kaomoji, như trong (`Д´) hoặc (◕‿◕✿). Các biến thể khác có thể được tạo ra bằng cách sử dụng các ký tự kết hợp Unicode, như trong ٩(͡๏̯͡๏)۶ hoặc ᶘᵒᴥᵒᶅ Sự kết hợp giữa phong cách Nhật Bản và phương Tây. Các diễn đàn anime tiếng Anh đã sử  dụng những emoticon kiểu Nhật Bản mà có thể được sử dụng với các ký tự ASCII tiêu chuẩn có sẵn trên bàn phím phương Tây. Bởi vì điều này, chúng thường được gọi là các emoticon mang "phong cách anime" trong tiếng Anh [cần dẫn nguồn]. Kể từ đó, các emoticon này đã được sử dụng ở các kênh chính thống hơn, bao gồm chơi game trực tuyến, nhắn tin tức thời và các diễn đàn thảo luận không liên quan đến anime. Các biểu tượng cảm xúc như <(^.^)>, <(^_^<), <(O_o<), <(-'.'-)>, <('.'-^) hoặc (>';..;')> bao gồm dấu ngoặc đơn, miệng hoặc mũi và sau đó là cánh tay (đặc biệt là các dấu hiệu nhỏ hơn < hoặc lớn hơn >) cũng thường được gọi là các "Kirbys" vì giống với nhân vật Kirby trong trò chơi điện tử của Nintendo. Các dấu ngoặc đơn đôi khi bị bỏ đi khi được sử dụng trong ngữ cảnh tiếng Anh và dấu gạch dưới tượng trưng cho miệng có thể được mở rộng như một sự tăng cường cho emoticon trong câu hỏi, ví dụ: ^_________^ cho rất hạnh phúc. Biểu tượng cảm xúc t(-_- t) sử dụng kiểu phương Đông, nhưng kết hợp với hành động "búng ngón tay giữa" của phương Tây bằng cách sử dụng "t" làm cánh tay, bàn tay và ngón tay. Sử dụng một cú nhấp lateral cho mũi như trong (͡° ͜ʖ ͡°) được cho là bắt nguồn từ bảng tin dựa trên hình ảnh của  đài truyền hình Ylilauta ở Phần Lan và được gọi là "khuôn mặt Lenny"..Một phát minh khác của phương Tây là việc sử dụng các biểu tượng cảm xúc như *..,* hoặc `;..;´ để chỉ ma cà rồng hoặc các con thú thần thoại khác có răng nanh. Việc tiếp xúc với cả emoticon phương Tây và Nhật Bản hoặc kaomoji thông qua blog, tin nhắn tức thời và diễn đàn có sự pha trộn của văn hóa nhạc pop phương Tây và Nhật Bản đã tạo ra nhiều emoticon có định dạng xem thẳng đứng. Các dấu ngoặc đơn thường bị bỏ đi và các biểu tượng cảm xúc này thường chỉ sử dụng các ký tự chữ và số và các dấu chấm câu tiếng Anh được sử dụng phổ biến nhất. Các biểu tượng cảm xúc như -O-, -3-, -w-, '_',;_;, T_T,:>, và.V. được sử dụng để truyền đạt những cảm xúc lẫn lộn khó truyền tải hơn với các emoticon truyền thống. Các nhân vật đôi khi được thêm vào emoticon để truyền tải “giọt mồ hôi” theo phong cách anime hoặc manga, ví dụ  ^_^', !>_<!, <@>_____<@>;;,;O;, và *u*. Dấu bằng cũng có thể được sử dụng cho mắt nhắm, trông giống anime, ví dụ =0=, =3=, =w=, =A=, and =7=. Khuôn mặt uwu (và các biến thể của nó UwU và OwO), là một biểu tượng cảm xúc có nguồn gốc từ Nhật Bản, để biểu thị một biểu cảm dễ thương hoặc đáng yêu. [40] Thomas, Miles. "Why Did the Official Twitter Account Tweet "uwu"???". Crunchyroll. Truy cập 2019-05-02. [41] Inches, Giacomo; Carman, Mark James; Crestani, Fabio (2011). Christiansen, Henning; De Tré, Guy; Yazici, Adnan; Zadrozny, Slawomir; Andreasen, Troels; Larsen, Henrik Legind (eds.). "Investigating the Statistical Properties of User-Generated Documents" (PDF). Flexible Query Answering Systems. Lecture Notes in Computer Science. Springer Berlin Heidelberg. 7022: 198–209. doi:10.1007/978-3-642-24764-4_18. ISBN . Ở Brazil, đôi khi các ký tự kết hợp (dấu) được thêm vào emoticon để thể hiện lông mày, như trong ò_ó, ó_ò, õ_o, ù_u, hoặc o_Ô. Phong cách emoticon của 2channel. Người dùng của Hội thảo thảo luận Nhật Bản 2channel, đã phát triển rất nhiều emoticon độc đáo bằng cách sử dụng các ký tự từ nhiều ngôn ngữ khác nhau, như Kannada, như trong ಠ_ಠ (để thể hiện một cái nhìn không tán thành, không tin tưởng hoặc nhầm lẫn). Những emoticon này đã nhanh chóng được 4chan chọn và nó đã lan tràn sang các trang web phương Tây khác ngay sau đó. Một vài emoticon đã có chỗ đứng và phong cách cho riêng mình, như các emoticon thuộc Monā. Phong cách emoticon của Hàn Quốc. Ở Hàn Quốc, emoticon sử dụng chữ cái Hangul của Hàn Quốc, các emoticon mang phong cách phương Tây thì rất hiếm khi được sử dụng. Cấu trúc của các emoticon Hàn Quốc và Nhật Bản có phần giống nhau, nhưng chúng có một số khác biệt. Phong cách Hàn Quốc chứa jamo Hàn Quốc (chữ cái) thay vì các ký tự khác. Có rất nhiều emoticon được hình thành với sự kết hợp các chữ cái jamo Hàn Quốc như vậy. Các Jamos phụ âm như ㅅ, ㅁ và ㅂ đóng vai trò là như miệng/mũi và ㅇ, ㅎ và ㅍ đóng vai trò như mắt. Ví dụ: ㅇㅅㅇ, ㅇㅂㅇ, ㅇㅁㅇ and -ㅅ-. Các khuôn mặt như 'ㅅ', "ㅅ", 'ㅂ' và 'ㅇ', sử dụng dấu ngoặc kép " và dấu nháy đơn ' cũng là các kết hợp được sử dụng phổ biến. Các nguyên âm jamo như ㅜ, ㅠ mô tả khuôn mặt đang khóc (giống với chức năng của T theo phong cách phương tây). Đôi khi (không phải là em-dash "-" mà là nguyên âm jamo), dấu phẩy hoặc dấu gạch dưới được thêm vào và hai bộ ký tự có thể được trộn lẫn với nhau, như trong. ㅜ.ㅜ, ㅠ.ㅜ, ㅠ.ㅡ, ㅜ_ㅠ, ㅡ^ㅜ và ㅜㅇㅡ. Ngoài ra, dấu chấm phẩy và dấu mũ thường được sử dụng trong các emoticon Hàn Quốc; dấu chấm phẩy có nghĩa là đổ mồ hôi (xấu hổ). Nếu chúng được sử dụng với ㅡ hoặc – chúng mô tả một cảm giác tồi tệ. Ví dụ: -;/, --^, ㅡㅡ;;;, -_-;; and -_^. Tuy nhiên, ^^, ^오^ có nghĩa là cười (hầu hết tất cả mọi người sử dụng các emoticon này mà không phân biệt giới tính hoặc tuổi tác). Một số emoticon khác cũng bao gồm như: ~_~, --a, -6-, +0+. Phong cách emoticons của Trung Quốc. Ký tự 囧 (U + 56E7), có nghĩa là "sáng", có thể được kết hợp với biểu tượng cảm xúc tư thế Orz, chẳng hạn như 囧rz. Ký tự này tồn tại trong tập lệnh bone của Oracle, nhưng việc sử dụng nó làm biểu tượng cảm xúc đã được ghi nhận vào đầu ngày 20 tháng 1 năm 2005. Các biến thể khác cho 囧 bao gồm 崮 (vua 囧), 莔 (hoàng hậu 囧), 商 (囧 với mũ), 囧興 (con bùa) và 卣 (Bomberman). Ký tự 槑 (U + 69D1), mà nghe giống như từ "mận" (梅 (U + FA44)), được sử dụng để biểu thị gấp đôi 呆 (nhàm chán) hoặc tăng cường ý nghĩa nhàm chán hơn nữa. Trong tiếng Trung, các ký tự đầy đủ thông thường (trái ngược với cách sử dụng槑) có thể được nhân đôi để thể hiện sự nhấn mạnh hoặc tăng cường ý nghĩa cảm xúc của ký tự đó. = Mục đích sử dụng = Các emoticons thường được sử dụng để diễn tả tâm trạng, cảm giác của người viết trong các cuộc trò chuyện bằng văn bản khô khan, từ đó tăng thêm “gia vị” cho cuộc thảo luận giữa hai hay nhiều người. Emoticon cũng được sử dụng với mục đích thể hiện các mức độ khác nhau của cảm xúc như vui, rất vui, cực kỳ vui hoặc buồn, rất buồn, cực kỳ tức giận... Chúng giúp người viết có thể biểu đạt rõ nhất suy nghĩ, tâm trạng từ tận sâu bên trong họ, nhằm giúp người đọc có thể hiểu được. = Ứng dụng của Emoticons = Biến thể của Emoticon trong những năm tiếp theo dần trở nên phổ biến hơn. Đầu tiên là Kaomoji - Đây là một loại emoticon sử dụng các dấu hoa thị, dấu gạch dưới và dấu ngoặc đơn như (*_*) - được đưa vào sử dụng tại Nhật vào khoảng năm 1986. Tiếp theo đó là Emoji - các chữ tượng hình và mặt cười được sử dụng trên các nền tảng kỹ thuật số. Về sau, emoji được sử dụng ngày một nhiều hơn nhằm thay thế cho các Emoticon truyền thống. Cụ thể ứng dụng của Emoticon trong các lĩnh vực khác nhau như sau: Trong môi trường làm việc. Trong một nghiên cứu năm 2013, 152 chuyên gia đã đọc một email thông báo có và không có emoticons. Sau khi đọc xong, họ được hỏi về những emails này, kết quả cho thấy các emoticons làm giảm hiệu ứng tiêu cực trong các tin nhắn email liên quan đến kinh doanh. Họ nói thêm rằng các emoticons có thể giúp nhân viên ở các địa điểm xa hơn đọc chính xác nội dung cảm xúc của tin nhắn, điều đó giúp giảm thiểu sự gây hấn và xung đột qua email bằng cách làm rõ các tin nhắn và tạo cho cuộc trò chuyện một giai điệu nhẹ nhàng hơn Trong giao tiếp trên mạng xã hội. Sử dụng Emoticons giúp người dùng được biết đến nhiều hơn trên mạng xã hội. Một phân tích của hơn 31 triệu tweet và nửa triệu bài đăng trên Facebook đã phát hiện ra một thực tế rằng các emoticons tích cực có thể là một dấu hiệu của trạng thái phương tiện truyền thông xã hội. Simo Tchokni (thuộc Phòng thí nghiệm máy tính của Đại học Cambridge)và các đồng nghiệp đã sử dụng các số liệu khác nhau như số lượng người theo dõi và điểm số Klout để xác định các đặc điểm của người chia sẻ phương tiện truyền thông xã hội mà có ảnh hưởng và trong đó, emoticon là một yếu tố phổ biến. “Các tính năng emoticon đạt được hiệu suất cao, cho thấy rằng có một mối liên kết mạnh mẽ giữa việc sử dụng emoticon và sức mạnh xã hội. Những người sử dụng nhiều có xu hướng sử dụng emoticons thường xuyên và điểm Klout cao có liên quan chặt chẽ với các emoticon tích cực”, nghiên cứu kết luận Trong đời sống hằng ngày. Emoticon có sự liên kết đặc biệt với đời sống hằng ngày:
1
null
Vị vua cuối cùng của Scotland (tên chính thức tiếng Anh: The Last King of Scotland) là một bộ phim của Anh được sản xuất vào năm 2006 dựa trên tiểu thuyết cùng tên, được viết kịch bản bởi hai nhà văn là Peter Morgan và Jeremy Brock và được đạo diễn bởi Kevin MacDonald. Phim được dán nhãn R do trong phim có đầy những cảnh bạo lực, máu me và tình dục. Cốt truyện. Nội dung chính của phim kể về câu chuyện của một bác sĩ trẻ Nicholas Garrigan người Scotland, tốt nghiệp y khoa và muốn ngao du đây đó trên thế giới để tập sự tài năng y khoa, cuối cùng anh đến Uganda và vô tình gặp gỡ tướng quân Idi Amin một cách định mệnh và giúp việc cho viên tướng này do sự ngưỡng mộ và bị thu hút bởi sức hấp dẫn của một lãnh tụ đầy mạnh mẽ, hoài bão và uy quyền của nhà độc tài Amin. Sau đó theo thời gian Nicolas đã dần thấy rõ bản chất, dã tâm và sự tàn độc của Amin. Cuối cùng anh đã chạy thoát khỏi xứ sở Uganda với biết bao kỷ niệm. Tại Châu Phi, những năm đầu thập niên 70, tướng quân Idi Amin đã thực hiện thành công cuộc đảo chính quân sự lật đổ Tổng thống dân sự Milton Obote rồi trở thành nhà độc tài thống trị đất nước Uganda với nhiều tham vọng và cải cách. Cùng thời gian này, chàng trai trẻ Nicholas Garrigan (do James McAvoy thủ vai) tốt nghiệp trường Y khoa hàng đầu ở Scotland, cảm giác anh trống rỗng và muốn ngao du để thể hiện tài năng, anh nhắm mắt, xoay quả địa cầu và chấm tay vào đó, quả địa cầu dừng lại ở vị trí Uganda trên đầu ngón tay, và thế là anh đến Uganda. Lúc này Scotland có chương trình y tế công cộng và cho bay sang châu Phi dẫn đầu một phái đoàn hoạt động cứu trợ y tế, tại đây bác sĩ Nicolas làm chung với bác sĩ Sarah Merrit (do Gillian Anderson vào vai), một nữ bác sĩ đã có chồng và cô đang tích cực làm công tác từ thiện. Những ngày tháng ở ngôi làng, chàng bác sĩ trẻ chứng kiến nhiều câu chuyện ở xứ sở châu Phi này, một tối do cảm giác trống vắng và thu hút Nicolas muốn quan hệ tình dục với Sarah Merrit nhưng bị từ chối vì cô này không muốn có lỗi với chồng của mình, là một người đàn ông tốt. Hai người trở lại bình thường. Trong một dịp được biết tin là tướng quân Amin sẽ ghé thăm ngôi làng và có bài hùng biện, Nicolas nài nỉ Sara cùng đi xem. Tại đây anh được nhìn thấy tướng quân Amin oai vệ, hùng dũng và cuốn hút lạ lùng qua bộ quân phục và bài diễn văn hào sảng. Và tình cờ anh làm quen được với tướng quân Amin và vô tình trở thành người được nhà độc tài tin dùng như một cố vấn đặc biệt kiêm bác sĩ riêng. Ban đầu anh không có ý cộng tác với Amin mà chỉ là ngưỡng mộ, nhưng Amin đã cho anh sống trong cuộc sống vương giả, sang trọng, thuyết phục anh bằng những buổi dạ tiệc, liên hoan linh đình, cho ở nhà sang trọng, mua cho xe hơi, cho tham gia vào đời sống của tầng lớp thượng lưu ở Thủ đô của Uganda cùng những dự án và hứa hẹn lớn lao khiến anh đổi ý và cộng tác như một người phục vụ đáng tin cậy. Lúc đầu, anh thấy mình trở thành nhân vật quan trọng trong chính quyền Amin, nhưng rồi bác sĩ Garrigan dần thức tỉnh do sự tác động của nhiều phía. Anh ngỡ ngàng nhận thấy mình đã ngu xuẩn đóng vai kẻ tòng phạm (mọi người ở đây gọi anh là con khỉ da trắng của Amin) trong các quyết định độc đoán của Idi Amin khiến rất nhiều cảnh tang thương đã diễn ra và anh cũng khám phá ra là đã có hơn 300.000 người dân phải chết dưới chế độ độc tài của Amin. Trong khi cố gắng sửa sai và tìm cách thoát khỏi Uganda, vị bác sĩ trẻ này gặp tai ương vì lỡ dan díu với một trong những người vợ của Amin là Kay Amin (Kerry Washington đóng) và làm cô này có bầu. Bộ mặt thật của nhà độc tài Amin ngày càng lộ rõ, ông ta hiện hình là một kẻ độc tài, bạo chúa đến tàn nhẫn, ông đã sai thuộc hạ dưới quyền cùng đám đàn em giết cả bà vợ của mình vì ngoại tình và coi đó là hành động đích đáng và trả thù Nicolas bằng cách hành hạ anh này. Nicolas sau đó đã trốn thoát trên một chuyến bay, thoát khỏi Uganda và vị bạo chúa Amin.
1
null
Văn hóa Cái Bèo có niên đại trước nền văn hóa Hạ Long. Di chỉ Cái Bèo được phát hiện vào năm 1938 trong lần tiến hành thám sát khảo cổ học ven biển khu vực liên quan thuộc vùng vịnh Hạ Long ngày nay. Di chỉ Cái Bèo khai quật được hơn 479 công cụ như chày, bàn nghiền, bàn mài, hòn kê, rìu bôn, đục, chì lưới … bằng đá cuội. Đồ gốm thô cứng làm từ đất sét và cát hạt khô, bếp, di cốt người; các xương răng động vật, xương thú như lợn rừng, nai, dê núi. Theo các nhà khảo cổ học, di chỉ Cái Bèo thuộc nền văn hóa Hạ Long, bởi phân tích rõ ra là cư dân Cái Bèo cùng với thời gian và xu hướng chuyển cư của người Hòa Bình – Bắc Sơn từ vùng núi xuống biển. Riêng cư dân đảo Cát Bà, trong đó có người cổ Cái Bèo làm nghề đánh cá là chủ yếu.
1
null
The Final Riot! là album trực tiếp thứ hai của ban nhạc rock người Mỹ Paramore. Album được phát hành vào ngày 25 tháng 11 năm 2008 với một DVD đính kèm bao gồm bản đầy đủ của buổi biểu diễn và các cảnh hậu trường khác. DVD được quay vào ngày 12 tháng 8 năm 2008 tại nhà hát Congress Theater ở Chicago, là một phần của chuyến lưu diễn mùa hè The Final Riot! Summer Tour của ban nhạc. DVD này cũng bao gồm một bộ phim tài liệu có tên "40 Days of Riot!", với nội dung về ban nhạc khi họ đang đi lưu diễn. "The Final Riot!" được phát hành dưới hai định dạng: phiên bản tiêu chuẩn, và phiên bản đặc biệt giới hạn có chứa một sách ảnh 36 trang màu về chuyến lưu diễn, cùng với một bộ phim tài liệu khác có tên "40 MORE Days of Riot!". Đây cũng là album đầu tiên có sự có mặt của tay guitar Taylor York.
1
null
Marathon Luân Đôn (, còn có tên gọi khác là "Virgin London Marathon" vì lý do tài trợ của Virgin Money) là một cuộc thi chạy việt dã lớn nhất thế giới được tổ chức tại thủ đô Luân Đôn, Anh. Cuộc thi chạy việt dã này được tổ chức lần đầu tiên vào ngày 29 tháng 3 năm 1981 và từ đó được tổ chức vào khoảng tháng 3, 4 hàng năm. Từ năm 2010, cuộc thi này được tài trợ bởi Virgin Money. Mùa London Marathon 2013 sẽ được tổ chức vào ngày 21 và 22 tháng 4 năm 2013. Lịch sử tổng quát. London Marathon được tổ chức bởi sáng kiến của cựu vô địch Olympic và nhà báo Chris Brasher và vận động viên John Disley. Nó được tổ chức bởi Hugh Brasher (con trai của Chris). Đường đua đặt trên một đoạn xung quanh sông Thames. Cuộc đua bắt đầu tại Blackheath và kết thúc tại St James Park. Ngoài việc là một trong những cuộc thi marathon lớn nhất thế giới với chiều dài chạy 42,195 km, tiêu chuẩn IAAF cho marathon được thành lập vào năm 1921 và ban đầu được sử dụng cho Thế vận hội London 1908, Marathon London cũng là một cuộc thi thể thao về số lượng người tham gia. Sự kiện này đã quyên góp được hơn £ 450 triệu USD cho quỹ từ thiện năm 1981, và lập kỷ lục thế giới Guinness là sự kiện lớn nhất hàng năm gây quỹ trên thế giới, với 2009 người tham gia và đã đóng góp hơn £ 47,2 triệu USD cho tổ chức từ thiện. Năm 2007, 78% số vận động viên tham gia đều đã quyên góp từ thiện. Năm 2011, tổ chức từ thiện chính thức của cuộc thi London Marathon được thành lập.
1
null
Giới thiệu chung. Thiền phái Sahaj Marg (tiếng Sanskrit là "Con đường tự nhiên"), hay còn gọi là thiền Heartfulness, là một phái thiền theo Raja Yoga. Hệ thống này thiền trên đối tượng là trái tim và Ánh Sáng Thiêng Liêng. Các thành phần chính của thực hành thiền theo hệ thống Sahaj Marg là: Ngoài ra, người hành thiền còn phải sống và làm theo 10 câu châm ngôn, vốn được coi là rất quan trọng cho sự tiến bộ tâm linh trong quá trình tập thiền. Vì đối tượng thực hành của trái tim, cho nên việc thực hành thiền theo hệ thống này còn được gọi là thiền Heartfulness. Thực hành. Bắt đầu. Để có thể tự tập thiền hàng ngày, người hành thiền phải có sự chỉ dẫn của người hướng dẫn thiền có chứng chỉ (preceptor). Người tập không phải trả bất cứ một khoản phí nào cho việc hướng dẫn và tập luyện của mình. Các thành phần đặc biệt. Có một số thành phần chỉ có ở hệ thống Sahaj Marg: Sahaj Marg ở Việt Nam. Ở Việt Nam hiện nay, có hai trung tâm thiền, một trung tâm thiền ở Hà Nội với khoảng 30 người hành thiền (abhyasi) thường xuyên, và một trung tâm ở thành phố Hồ Chí Minh Tham khảo thêm. is a heart-based meditation system.
1
null
Võ lâm truyền kỳ là một bộ phim hài hước - hành động - võ thuật - tâm lý Việt Nam do đạo diễn Lê Bảo Trung thực hiện, sản xuất bởi Hãng phim Phước Sang. "Võ lâm truyền kỳ" được khởi chiếu vào ngày 9 tháng 2 đến qua Tết năm 2007, phim dựa theo một trò chơi có cùng tên nổi tiếng toàn quốc Việt Nam ngay sau hai năm nó ra mắt ở Việt Nam. Nội dung. Bộ phim xoay quanh nhân vật tên Thắng, một sinh viên nhà nghèo nhưng lại không lo học mà chỉ lo chơi game online Võ Lâm Truyền Kỳ với nick "Anh hùng cờ lau". Thắng có quen cô nàng tên Bảo Hương trên mạng, anh ta không hề biết cô nàng này chính là người yêu của lớp trưởng Minh trong lớp. Minh cũng có chơi game Võ Lâm Truyền Kỳ cùng với những người bạn khác là Đông, Tây, Nga và Thúy. Với tư cách là bang chủ, Minh đã cất giữ giùm báu vật cho tất cả bạn bè. Một hôm nọ, Minh phát hiện ra báu vật trong game đã bị nick "Anh hùng cờ lau" lấy hết. Minh kêu đám bạn chia nhau ra điều tra và tìm bắt người có nick "Anh hùng cờ lau". Cuối cùng Minh bắt được Thắng, Minh đánh đập Thắng để buộc Thắng trả lại báu vật trong game. Thắng luôn miệng bảo rằng không có lấy báu vật nhưng Minh không nghe, Minh vẫn cứ hành hạ Thắng. Bảo Hương đã chứng kiến mọi chuyện, cô ta thấy Minh quá tàn nhẫn nên giải thoát cho Thắng. Minh cùng với Đông, Tây, Nga và Thúy lấy xe đuổi theo Thắng và Bảo Hương. Sau đó Tây bị mông đổ máu do bị kẹt ở trong hẻm. Rượt đuổi ra đến tận bờ sông, Thắng và Bảo Hương trốn trong bến sông bị bỏ hoang, nhóm của Minh cố tìm kiếm nhưng không thấy. Thắng và Bảo Hương nảy sinh tình cảm với nhau. Sáng sớm hôm sau, Thắng và Bảo Hương nhảy xuống tàu canô lái đi, nhóm của Minh phát hiện rồi đuổi theo tiếp. Khi lên bờ, Minh tức giận đâm Thắng một nhát dao, mặc dù trước đó Bảo Hương có khuyên Minh hãy tỉnh lại và đừng nên giết người chỉ vì mấy món đồ ảo trên mạng. Lực lượng công an chạy đến bắt Minh về đồn, còn Thắng được đưa đến bệnh viện. Sau này, Đông và Tây vào đồn công an thăm Minh, họ tiết lộ ra rằng chính họ đã lén mở rương lấy hết báu vật trong game rồi đổ lỗi cho Thắng bằng kế hoạch rất tinh vi. Minh hối hận vì đã hiểu lầm Thắng, anh ta chấp nhận hiến máu của mình cho Thắng để cứu Thắng sống, sau đó Minh phải ở tù. Bộ phim kết thúc với cảnh Thắng và Bảo Hương cưỡi ngựa dạo chơi trên một ngọn đồi.
1
null
Vật đổi sao dời (tựa tiếng Anh: Chances Are...) là một bộ phim tình cảm – tâm lý – hài hước của Việt Nam do đạo diễn Charlie Nguyễn thực hiện, công chiếu vào năm 2001. Phim có sự góp mặt của một dàn nghệ sĩ hải ngoại như là Vân Sơn, Bảo Liêm, Tawny Trúc Nguyễn, Bé Mập và cặp vợ chồng Quang Minh – Hồng Đào. Nội dung. Huy là thợ chụp hình từ Mỹ về Việt Nam để cưới vợ. Trước ngày đám cưới, hai người bạn thân của Huy là Long và Quang rủ Huy đi vũ trường. Được sự đồng ý của Lan – cô vợ sắp cưới, Huy đi vũ trường với hai anh bạn thân. Chờ cho Huy say rượu, Long và Quang đưa Huy lên một chiếc xe lửa rồi nhờ một cô gái tên Phương trông chừng anh. Long và Quang định trêu chọc Huy một chút, nhưng không ngờ xe lửa lại chạy thẳng ra Phan Thiết, chứ không dừng lại giữa chừng như cả hai nghĩ. Ra đến Phan Thiết, Huy không có tiền mua vé về Sài Gòn. Anh đành về nhà Phương ngủ tạm, anh cũng không dám kể cho Lan nghe rằng mình đang ở Phan Thiết. Trong lúc này Long và Quang chạy xe máy đi tìm Huy, nhưng liên tục bị lạc đường. Huy và Phương thỏa thuận với nhau, nếu Huy chịu đóng giả bạn trai của Phương thì Phương sẽ đưa tiền cho Huy mua vé về Sài Gòn. Huy đồng ý vì chiều nay đám cưới sẽ diễn ra, anh cần về Sài Gòn nhanh. Phương dẫn Huy về nhà ba mẹ cô ở Mũi Né. Huy đóng giả bạn trai Phương thành công, tạo ấn tượng tốt trong mắt gia đình Phương. Phương đưa tiền cho Huy, nhưng có những rắc rối xảy ra khiến Huy xài hết tiền. Không còn cách nào khác, Phương phải bán mái tóc dài của mình để có tiền đưa Huy. Họ tạm biệt nhau và Huy lên xe lửa về Sài Gòn. Huy về nhà Lan thì đám cưới đang diễn ra. Huy lên phòng tìm Lan, Lan nổi giận và đuổi Huy đi, hai người chia tay nhau. Huy gặp lại Long và Quang, anh không giận mà chấp nhận tha thứ cho hai anh bạn thân. Sau này Huy nhìn mấy cô gái có mái tóc dài trên đường phố Sài Gòn, anh chợt nhớ đến Phương. Huy trở lại Phan Thiết tìm Phương, và gặp lại Phương ngay tại đồi cát Bàu Trắng.
1
null
Amicare Ponchielli (; 1834-1886) là nhà soạn nhạc, nghệ sĩ đàn organ, nhạc trưởng, nhà sư phạm người Ý thuộc thời kỳ Lãng mạn. Ông nổi tiếng với "Vũ điệu của thời gian" trong vở opera "La Gioconda". Cuộc đời và sự nghiệp. Amicare Ponchielli sinh ngày 31 tháng 8 năm 1834, tại Paderno, gần Cremona. Ông học nhạc tại Nhạc viện Milan, tốt nghiệp môn organ. Sau đó, ông là chỉ huy dàn nhạc ở Cremona. Những năm tiếp theo, ông trở thành giáo sư Nhạc viện Milan. Học trò của ông có Puccini, Mascagni. Đồng thời ông còn là người chỉ đạo dàn hợp xướng cappella nhà thờ lớn ở Bergamo. Vở opera "La Gioconda" trở nên nổi tiếng thế giới. ông qua đời vào năm 1886 tại Milan. Các tác phẩm. Ông đã sáng tác 10 vở opera, đáng chú ý có "Lễ đính hôn" (1872), "La Gioconda"(1876); 2 vở ballet; cantata chào mừng Donizetti (1875); những tác phẩm âm nhạc nhà thờ; hành khúc tang lễ "29 tháng 5" tưởng niệm Manzoni. Liên kết ngoài. (a recording)
1
null
Quách Ái (chữ Hán: 郭爱; ? -1435), thường gọi Quách tần (郭嬪), là một phi tần của Minh Tuyên Tông Chu Chiêm Cơ. Bà được biết đến như một tài nữ bạc mệnh trong lịch sử văn học Trung Quốc với bài từ tuyệt mệnh trước khi qua đời. Tiểu sử. Quách tần có biểu tự là Thiện Lý (善理), người Phượng Dương (An Huy, Trung Quốc), cuộc đời quá ngắn ngủi nên tài liệu lịch sử ghi chép về bà rất ít ỏi. Trước khi nhập cung, bà nổi danh là tài nữ đương thời. Minh Tuyên Tông Chu Chiêm Cơ khi ấy đã nghe danh, bèn nạp bà vào cung làm Tần. Tuy nhiên, nhập cung chưa được 20 ngày thì Quách tần qua đời. Trước khi chết, bà để lại bài từ tuyệt mệnh với nhan đề Bệnh cách tự ai (病革自哀), câu câu đều chứa chan nước mắt thể hiện sự sinh tử biệt ly với cha mẹ. Sách Minh sử, phần "Hậu phi liệt truyện", mục "Hậu phi nhất", đánh giá Quách Ái rất cao, đặt cho bà danh hiệu [Hiền nhi hữu văn; 賢而有文; tức "Vừa hiền huệ vừa biết văn thơ"]. Tuy nhiên, cái chết của Quách Ái không có liên quan đến cái chết của Minh Tuyên Tông như người thời nay lầm tưởng, mà bà chỉ qua đời vì bạo bệnh. Nhưng do truyền kì về Quách Ái trong Minh sử, cùng với thời gian Tuyên Tông qua đời quá khớp nhau, nên người thời nay thường ngộ nhận Quách Ái là phi tần bị bắt tuẫn táng của Minh Tuyên Tông.
1
null
Friedrich Franz II (1823-1883) là một quý tộc và tướng lĩnh của quân đội Phổ. Ông cũng là Đại Công tước của Mecklenburg-Schwerin từ ngày 7 tháng 3 năm 1842 cho tới khi từ trần ngày 15 tháng 4 năm 1883. Mecklenburg đã tham gia chỉ huy quân đội Phổ – Đức trong cuộc chiến tranh thắng lợi của Đức với Pháp (1870 – 1871). Cuộc đời và sự nghiệp. Ông sinh ngày 28 tháng 2 năm 1823 tại lâu đài Ludwigslust, là con trai trưởng của Đại Công tước Thừa kế Paul Friedrich xứ Mecklenburg và vợ của ông này là Công chúa Alexandrine của Phổ. Ông đã trở thành người thừa kế của đại công quốc sau khi cụ của ông là Đại Công tước Friedrich Franz I vào ngày 1 tháng 2 năm 1837. Friedrich Franz được giáo dục tại gia cho đến năm 1838, sau đó ông tham gia học viện Blochmann tại thành phố Dresden, trước khi nhập học tại Đại học Bonn. Friedrich Franz đã kế vị cha mình như một Đại Công tước vào ngày 7 tháng 3 năm 1842. Friedrich Franz đã phục vụ trong Bộ Tổng tham mưu của Thống chế Friedrich Graf von Wrangel trong cuộc Chiến tranh Schleswig lần thứ hai. Trong cuộc Chiến tranh Áo-Phổ năm 1866, ông chỉ huy các lực lượng chiếm đóng Leipzig và bao vây Nürnberg. Ông cũng tham chiến trong cuộc Chiến tranh Pháp-Phổ, trong đó ông được phong làm Toàn quyền của thành phố Reims và trên cương vị là người chỉ huy của Quân đoàn XIII của Liên bang Bắc Đức, ông là tổng tư lệnh các lực lực lượng của Đức tiến hành vây hãm Toul. Sau những cuộc công pháo dữ dội của người Đức, đến ngày 23 tháng 9 năm 1870, Mecklenburg đã đánh chiếm được Toul, qua đó thu được về tay mình một số lượng tù binh lớn gồm 109 sĩ quan và 2.240 binh lính, cùng với một số lượng khí giới và đạn dược rất lớn. Sau khi chiếm được Toul, đoàn quân vây hãm dưới quyền Mecklenburg đã chuyển về hướng tây bắc và tiến hành cuộc vây hãm Soissons từ ngày 28 tháng 9 cho đến ngày 10 tháng 6 năm 1870, và Soissons cuối cùng thất thủ về tay quân đội Đức sau các đợt pháo kích. Chiếm được Soissons, các lực lượng của Mecklenburg đã thu được 4.700 tù binh Pháp và nhiều vũ khí. Vào ngày 7 tháng 11 năm 1870, ông được Tổng tham mưu trưởng Helmuth von Moltke Lớn bổ nhiệm làm chỉ huy của một "Phân bộ quân" hùng mạnh, bao gồm các lực lượng đến từ Phổ và Bayern, để phòng vệ cho các lực lượng của Phổ trong cuộc vây hãm Paris trước sự tấn công của "Binh đoàn Loire". Mặc dù vậy, Moltke đã hạn chế đã quyền hành của Mecklenburg đối với đạo quân này: ông chỉ giữ chức vụ trên danh nghĩa và thực quyền thuộc về tay viên tham mưu của ông là tướng Albrecht von Stosch, một sĩ quan tài năng của Phổ. Các lực lượng dưới quyền ông liên tiếp giành chiến thắng trước quân đội Pháp trong các trận chiến tại Beaune-La-Rolande và Loigny-Poupry từ cuối tháng 11 cho đến đầu tháng 12 năm 1870, sau đó cùng với "Binh đoàn thứ hai" dưới quyền Hoàng thân Friedrich Karl góp phần giành chiến thắng trong trận Orléans lần thứ hai kéo dài hai ngày (3 – 4 tháng 12 năm 1870), và thất bại nặng nề này đã khiến cho các lực lượng thuộc "Binh đoàn Loire" bị suy nhược nghiêm trọng. Sau chiến thắng Orléans, "Phân bộ quân" của Mecklenburg, với tư cách là một lực lượng trực thuộc "Binh đoàn thứ hai" của Friedrich Karl, đã tấn công quân Pháp dưới quyền tướng Antoine Chanzy và đánh bại cuộc kháng cự quyết liệt của đối phương trong trận chiến ở Beaugency từ ngày 8 cho đến ngày 10 tháng 12, và các thắng lợi của ông đã gây cho "Binh đoàn Loire" thiệt hại nặng nề (trong đó có nhiều người bị bắt làm tù binh). Mecklenburg cũng tham gia vào trận Le Mans Vào tháng 1 năm 1871, trong đó Quân đoàn XIII thuộc quyền của ông là lực lượng cánh trái của các đoàn quân Phổ dưới quyền chỉ huy của Hoàng thân Friedrich Karl. Trận đánh kết thúc với thất bại thê lương của "Binh đoàn Loire" của Pháp do Chanzy chỉ huy, trong đó 5 vạn quân Pháp đã đào ngũ. Không những giữ vai trò là một tướng lĩnh trong quân đội Phổ, ông đồng thời là một Nguyên soái của Đế quốc Nga. Friedrich Franz II qua đời vào ngày 15 tháng 4 năm 1883 tại Schwerin. Ông được kế vị làm Đại Công tước bởi con trai trưởng của mình là Friedrich Franz III. Gia đình. Đại Công tước Friedrich Franz II đã kết hôn với Công nương Augusta xứ Reuss-Köstritz (1822 – 1862) vào ngày 3 tháng 11 năm 1849 tại Ludwigslust. Họ có sáu người con: Friedrich Franz II tái hôn tại Darmstadt vào ngày 4 tháng 7 năm 1864 với Công nương Anne xứ Hesse và lưu vực sông Rhine. Họ có một đứa con gái: Người vợ thứ ba của ông là Công nương Marie xứ Schwarzburg-Rudolstadt, và với người này ông có 4 đứa con:
1
null
Carlisle United FC là một câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp Anh, có trụ sở chính tại Carlisle, Cumbria và sân vận động Brunton Park. Câu lạc bộ là thành viên của Hiệp hội Bóng đá Anh. Thành lập vào năm 1904, hiện nay đội đang chơi ở Hạng 3 của giải bóng đá Anh
1
null
Augustus (số nhiều augusti), tiếng Latinh có nghĩa là "oai nghiêm" hoặc "tôn kính" là một danh hiệu thời La Mã cổ đại bao gồm cả tên và danh hiệu của Gaius Julius Caesar Augustus (thường được gọi đơn giản là Augustus), hoàng đế đầu tiên của Đế quốc La Mã. Sau khi Augustus mất, nó trở thành một danh hiệu chính thức của người kế vị ông, và được sử dụng bởi các hoàng đế La Mã sau này. Một dạng khác của Augustus là Augusta được sử dụng bởi các hoàng hậu La Mã cùng các thành viên nữ khác trong gia đình hoàng đế. Danh hiệu Augustus bắt nguồn từ thời Cộng hòa La Mã, trong mối liên hệ của nó với những điều thiêng liêng trong tôn giáo truyền thống La Mã. Nó được sử dụng như một danh hiệu cho các vị thần La Mã được hệ thống bởi hoàng gia, dựa trên đức hạnh La Mã và ý chí của thần linh, và có thể được coi là một đặc trưng của sự tôn thờ hoàng đế. Tại các tỉnh La Mã nói tiếng Hy Lạp, "Augustus" trở thành "sebastos" (σεβαστός,"tôn kính") hoặc dưới dạng "augoustos" (αὔγουστος). Sau sự sụp đổ của đế chế La Mã, Augustus trở thành tên được đặt cho những người có nguồn gốc quý tộc, đặc biệt tại đế quốc La Mã thần thánh. Nó vẫn còn được sử dụng làm tên người cho đến ngày nay. Augustus. Cách dùng sớm nhất. Khoảng ba mươi năm trước khi được sử dụng bởi Octavianus, "augustus" là một danh hiệu tối nghĩa của các tổ chức tôn giáo La Mã.Một đoạn văn viết vào năm 58 TCN liên kết nó tới Lares (vị thần giữ nhà của người La Mã). Trong thơ văn nó mang nghĩa "sự nâng cao","sự tăng lên" của những gì mang tính thiêng liêng..Một số tài liệu khác nhắc nó tới việc dự đoán điềm báo trước,bởi La Mã được thành lập nhờ "sự tiên đoán tôn nghiêm" của Romulus. Danh hiệu. Người đầu tiên được biết đến là "augustus" (và cũng là hoàng đế La Mã đầu tiên) là Gaius Julius Caesar Octavianus. Ông là con nuôi và là người thừa kế của nhà độc tài Julius Caesar, người bị sát hại vì đã muốn vươn tới một nền quân chủ, sau đó đã chính thức được phong thần. Octavianus đã cố gắng tránh những tuyên bố của Caesar, nói cách khác là thừa nhận vị trí và nhiệm vụ của mình như một Divi filius "con của thần linh". Tuy nhiên vị trí đó lại duy nhất và vĩ đại hơn cả. Octavianus đã kết thúc một cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài với chiến thắng ở Actium và thiết lập một nền hòa bình lâu dài, nhờ đó mà ông hiển nhiên được lựa chọn bởi các vị thần.Trong vai trò của một "Princeps senatus" (người đứng đầu viện nguyên lão), ông chủ trì các buổi họp ở nghị viện với các nguyên lão. Ông cũng là "Pontifex maximus", đại tư tế của nhà nước La Mã. Ông còn nắm consular "imperium", quyền lực tối thượng; là chỉ huy tối cao của tất cả các quân đoàn La Mã và nắm "tribunicia potestas" ("quyền lực của quan bảo dân"), được coi là bất khả xâm phạm, có quyền phủ quyết mọi hành động hay đề nghị của mọi quan tòa ở La Mã. Octavianus chính thức đổi tên thành "Augustus" bởi Viện nguyên lão La Mã vào ngày 16 tháng 1 năm 26 TCN, có lẽ do Nghị viện phê chuản sự lựa chọn thận trọng đó của ông, bởi danh hiệu "Romulus" đã bị xem xét và từ chối.. Do đó, việc đổi tên của ông gần như một hình thức gắn liền với truyền thống cộng hòa, nhưng chưa bao giờ tồn tại như một cognomen, có thể là để cho thấy rằng Octavianus mang ơn sự chấp thuận của La Mã về vị trí hiện tại của mình và các vị thần, và có thể có chút độc đáo cho riêng mình, nâng cao, bản chất "thần thánh" và tài năng. Danh hiệu đầy đủ của ông là "Imperator Caesar Divi Filius Augustus". Cuộc cải cách tôn giáo của Augustus đã khẳng định "augusti" là một danh hiệu phổ biến cho các vị thần nhỏ, bao gồm cả "Lares Augusti" cùng với các thần địa phương khác như "Marazgu Augustus" ở Bắc Phi. Sự mở rộng của một danh hiệu hoàng đế tới các vị thần La Mã lớn nhỏ là một nét đặc trưng của sự thờ cúng hoàng đế. Nó tiếp tục cho đến khi Kitô giáo thay thế tôn giáo truyền thống La Mã. Tên và danh hiệu của Augustus được tiếp nhận bởi những người kế vị ông, được thể hiện trong cuộc sống của họ bằng đạo đức, quyền lực, kể cả các hoàng đế Kitô giáo. Hầu hết các hoàng đế cũng sử dụng danh hiệu "imperator" nhưng một số khác có thể mang các danh hiệu khác cùng nghĩa. "Caesar" cũng được sử dụng và cũng là tên của dòng họ nổi tiếng Julia Caesaris. Augusta. Augusta là dạng tương đương của Augustus với phụ nữ, và cũng có nguồn gốc tương tự. Nó được ban cho các phụ nữ trong gia đình hoàng đế như một ví dụ về sức mạnh và ảnh hưởng ngang với thần linh. Danh hiệu này nhắc tới các vị nữ thần bảo hộ nhà nước La Mã, chẳng hạn như Ceres, Bona Dea, Juno, Minerva hay Ops hoặc tất cả các nữ thần địa phương khác trên toàn đế chế. Những danh hiệu khác đi kèm với Augusta bao gồm "Pax" (hòa bình) hay "Victoria" (chiến thắng). Người phụ nữ đầu tiên nhận danh hiệu Augusta là Livia Drusilla theo di chúc của chồng bà là Augustus. Sau khi ông mất (năm 14 CN), bà được biết đến với tên Julia Augusta cho đến khi mất vào năm 29. Sự phân chia của đế chế. Dưới thời Tứ đầu chế, đế quốc chia thành 2 nửa Đông và Tây, mỗi phần được cai trị bởi một hoàng đế lớn với danh hiệu "augustus" và một phó hoàng đế với danh hiệu "caesar". Các danh hiệu "imperator", "caesar" và "augustus" được chuyển sang tiếng Hy Lạp thành " autokratōr", "kaisar" và "augoustos" (hoặc "sebastos"). Các danh hiệu này được sử dụng trong Đế quốc Byzantine cho đến khi nó sụp đổ vào năm 1453, mặc dù "sebastos" dần được ít dùng và thay vào đó là "autokratōr". Hoàng đế La Mã cuối cùng cai trị ở phía Tây, Romulus Augustus, được biết đến với tên "Augustulus" ("Augustus nhỏ"), do triều đại của ông quá mờ nhạt. Giai thoại. Danh hiệu Latinh của Hoàng đế La Mã Thần thánh thường là "Imperator Augustus", biểu thị khái niệm mới về hoàng đế là một bậc quân chủ cai trị đế quốc. Augustus vẫn được sử dụng làm tên người cho đến nay.
1
null
Quan hệ Frank-Mông Cổ được thiết lập vào thế kỷ 13, khi mà Thập tự quân Kitô giáo và đế quốc Mông Cổ cố gắng thành lập nên một liên minh Pháp-Mông Cổ nhằm chống lại người Hồi giáo. Một liên minh như vậy có thể có vẻ như là một sự lựa chọn hiển nhiên: người Mông Cổ đã cảm tình với Thiên Chúa giáo, cộng với sự hiện diện của nhiều người theo Cảnh giáo trong triều đình Mông Cổ. Những người Frank (người Tây Âu và những người sinh sống tại các quốc gia của Thập tự quân tại Levant) đã chấp nhận ý tưởng hỗ trợ từ phương Đông, do huyền thoại về tư tế Gioan, một vị vua cai trị một vương quốc huyền diệu ở phương Đông mà nhiều người tin rằng sẽ có một ngày họ hỗ trợ Thập tự quân chiếm lại Đất Thánh. Người Frank và người Mông Cổ đều có chung một kẻ thù đó là những người Hồi giáo, nhưng mặc dù hai bên thường đi lại, quà cáp, và thường xuyên cho gửi sứ giả trong nhiều thập kỷ với nhau, nhưng một liên minh giữa người châu Âu và người Mông Cổ thường được nhắc đến thời bấy giờ đã không bao giờ trở thành hiện thực. Liên quan giữa châu Âu và Mông cổ bắt đầu vào khoảng năm 1220, với nhiều thông điệp được gửi đi từ Giáo hoàng cũng như các vị Quân vương châu Âu thời bấy giờ tới Đại Hãn của Đế quốc Mông Cổ, hay của Y Nhi Hãn ở Iran sau này. Sự giao thiệp có xu hướng đi theo mô hình định kỳ: người châu Âu yêu cầu quân Mông Cổ chuyển sang đạo Thiên Chúa trong khi quân Mông Cổ đáp ứng điều này bằng việc nhận cống nộp và sự thần phục của người châu Âu. Trong cuộc Tây chinh của mình, người Mông Cổ đã chinh phạt nhiều cuốc gia Kitô giáo cũng như Hồi giáo, và sau này là hai triều đại Hồi giáo Abbas và Ayyub. Vào lúc này chỉ còn mỗi một vương triều Hồi giáo lớn còn tồn tại trong khu vực, đó là vương triều của người Mamluk tại Ai Cập. Hayton I, vua của vương quốc Kitô giáo Armenia Cilicia đã thần phục người Mông Cổ vào năm 1247 đã khuyến khích nhiều quân vương khác tham gia vào liên mình Kitô-Mông Cổ nhưng ông chỉ thuyết phục được mỗi con rể của mình là Bohemond VI của Antiochia, người đã thần phục vào năm 1260. Trong khi đó, rất nhiều nhà lãnh đạo Kitô giáo khác điển hình như nhà nước Thập tự quân Acre đều không tin tưởng tính trung thực của người Mông Cổ và nhận thức rằng, đây mới là mối đe dọa lớn nhất trong khu vực. Nam tước Acre đã ký kết một hiệp ước liên minh "không bình thường" với người Mamluk Hồi giáo, cho phép người Ai Cập có thể đi lại tự do trong lãnh thổ Acre và tạo điều kiện cho họ đánh bại quân Mông Cổ trong trận Ain Jalut năm 1260. Thái độ của người châu Âu đã bắt đầu thay đổi vào giữa những năm 1260, từ nhận thức rằng người Mông Cổ mới là kẻ thù đáng sợ nếu như cứ coi họ là đồng minh tiềm năng để chống lại người Hồi giáo. Người Mông Cổ đã tìm cách tận dụng điều này, điển hình là việc hứa hẹn chiếm lại Jerusalem cho người châu Âu nhằm kêu gọi sự hợp tác giữa hai bên. Những cố gắng nhằm thiết lập một liên minh tiếp tục diễn ra thông qua các cuộc đàm phán với các nhà lãnh đạo của Y Nhi hãn quốc ở Iran, kể từ Húc Liệt Ngột cho tới các hậu duệ của ông như A Bát Ha, Thiếp Cổ Điệt Nhi, A Lỗ Hồn, Hải Hợp Đô, Bái Đô, Hợp Tán hay Hoàn Giả Đô nhưng tất cả đều bất thành. Người Mông Cổ đã xua quân xâm lược Syria nhiều lần giữa những năm 1281 cho đến 1312, và thỉnh thoảng nhận được sự hỗ trợ của người Frank, nhưng những khó khăn liên quan đến vấn đề Quân nhu khiến người Mông Cổ không thể chinh chiến lâu dài. Đi cùng với đó, Đế quốc Mông Cổ cuối cùng đã bị tan rã do nội chiến, và người Mamluk ở Ai Cập đã chiếm lại tất cả các vùng đất của Thập tự quân ở Palestina và Syria. Sau khi Acre thất thủ vào mùa thu năm 1291, tàn quân Kitô giáo rút về đảo Síp. Họ đã cố gắng thực hiện nỗ lực cuối cùng để thiết lập một đầu cầu tại hòn đảo Ruad ngoài khơi bờ biển của Tortosa, một lần nữa họ lại cố gắng thiết lập liên minh với người Mông Cổ nhưng kế hoạch lại thất bại. Những người Hồi giáo đã phản ứng bằng cách bao vây đảo. Với việc Ruad thất thủ vào năm 1302 hay cũng có thể là 1303, Thập tự quân đánh mất chỗ đứng cuối cùng của họ tại Đất Thánh. Bối cảnh (1209-1244). Trong tâm trí nhiều người Tây Âu, từ lâu đã rộ ra tin đồn rằng một đồng minh đến từ phương Đông sẽ giúp đỡ người Kitô giáo. Những tin đồn sớm nhất xuất hiện vào cuộc Thập tự chinh thứ nhất (1096-1099), và ngày càng phổ biến rộng rãi hơn sau khi Thập tự quân bị quân Hồi giáo đánh bại trong một trận đánh. Một truyền thuyết phát sinh về một nhân vật được gọi là Tư tế Gioan, sống ở nước Ấn Độ xa xôi, Trung Á, hoặc thậm chí là ở Ethiopia. Huyền thoại này đã phát triển theo một chiều hướng, và người châu Âu tin rằng một số nhân vật đến từ phương Đông đã được chào đón với kỳ vọng rằng, có thể họ được gửi đến bởi Tư tế Gioan để giúp dân chúng Kitô giáo. Năm 1210, tin tức về một trận đánh của một người Mông Cổ tên là Khuất Xuất Luật (mất 1218), nhà lãnh đạo của bộ tộc Nãi Man, một tộc có dân chúng phần lớn theo Kitô giáo lan truyền đến châu Âu. Quân đội của Khuất Xuất Luật đã giao chiến với Đế quốc Hồi giáo Khwarezm dưới sự lãnh đạo của Muhammad II của Khwarezm. Một tin đồn lại lưu hành tại châu Âu rằng Khuất Xuất Luật, người đang giao tranh với những người Hồi giáo ở phía Đông chính là vị Tư tế Gioan trong truyền thuyết. Trong cuộc Thập tự chinh thứ năm (1213-1221), quân Thập tự đã thất bại trong việc bao vây thành phố Damietta của Ai Cập. Truyền thuyết về Tư tế Gioan đã tiếp tục được đúc kết với sự xuất hiện của Thành Cát Tư Hãn. Người Mông Cổ đã bắt đầu xâm nhập vào thế giới Hồi giáo từ phía đông, ở Transoxiana và Ba Tư trong năm 1219-1221. Tin đồn lưu hành trong Thập tự quân rằng một vị vua "Kitô giáo người Ấn", vua David hoặc Tư tế Gioan hoặc cũng có thể là một trong những hậu duệ của ông, đã tiến đánh người Hồi giáo từ phía đông và đang trên con đường của mình nhằm giúp đỡ các Kitô hữu trong cuộc thập tự chinh. Trong một bức thư được gửi ngày 20 tháng 6 năm 1221, Đức Giáo hoàng Hônôriô III thậm chí còn đưa ra lời nhận xét ​​về "đội quân đến từ vùng Viễn Đông để giải cứu đất Thánh". Sau khi Thành Cát Tư Hãn qua đời vào năm 1227, đế quốc Mông Cổ bị chia thành bốn phần nhỏ hay Hãn quốc, họ đã bị đẩy vào một cuộc nội chiến. Phần phía Tây Bắc là Hãn quốc Kipchak hay còn được biết đến với tên gọi Kim Trướng hãn quốc dưới quyền của Bạt Đô, thường xuyên cho quân đánh phá vào châu Âu qua đường Ba Lan và Hungaria. Bạt Đô xưng bá ở đây do không muốn phục tùng vị Đại Hãn là em họ mình đang đóng đô ở tận Mông Cổ. Trong khi đó, phần phía Tây Nam thường được biết đên với tên gọi Y Nhi hãn quốc, dưới sự lãnh đạo của cháu nội Thành Cát Tư Hãn là Húc Liệt Ngột thường xuyên hỗ trợ anh trai mình là Hốt Tất Liệt chống lại Bạt Đô cùng con cháu ông ta. Song song với đó, Húc Liệt Ngột cũng đã mở rộng lãnh thổ của mình tới sát vùng đất thánh. Can thiệp của Giáo hoàng (1245–1248). Các cuộc đi lại thư từ chính thức giữa Tây Âu và đế quốc Mông Cổ bắt đầu giữa Giáo hoàng(1243-1254) với Đại Hãn Mông Cổ. Các sứ giả đã được phái đi bằng đường bộ và phải mất nhiều năm trời để đến nơi. Cuộc xâm lược châu Âu của người Mông Cổ kết thúc với cái chết của Khã Hãn Oa Khoát Đài, người thừa kế của Thành Cát Tư Hãn năm 1241. Các tướng lĩnh chỉ huy được biết tin xấu này khi họ đang trên đường tiến tới thành Wien, đã rút lui để về tham dự hội nghị Ikh kurultai để chọn một Khã Hãn mới tại Mông Cổ, và không bao giờ tiến quân xa như thế về phương tây nữa.
1
null
Bắc Tề Phế Đế (chữ Hán: 北齊廢帝; 545–561), tên húy là Cao Ân (高殷), tên tự Chính Đạo (正道), là một hoàng đế có thời gian trị vì ngắn ngủi của triều đại Bắc Tề trong lịch sử Trung Quốc. Ông là con trai cả của hoàng đế khai quốc là Văn Tuyên Đế Cao Dương, và đăng cơ sau khi cha qua đời vào năm 559. Tuy nhiên, do ông còn nhỏ tuổi, các quan trong triều đã tranh giành quyền lực, và vào năm 560, thúc phụ của Phế Đế là Thường Sơn vương Cao Diễn đã sát hại Dương Âm và đoạt lấy quyền lực, và ngay sau đó đã phế truất Cao Ân và đoạt lấy ngai vàng, trở thành Hiếu Chiêu Đế. Năm 561, lo sợ trước hậu hoạn một khi Phế Đế lại lên ngôi, Hiếu Chiêu Đế đã bí mật giết chết Phế Đế. Trước khi lên ngôi. Cao Ân sinh năm 545, cha Cao Dương của ông khi đó đang có tước hiệu Thái Nguyên công và không được đánh giá là một nhân vật quan trọng trong cấu trúc chính quyền Đông Ngụy, song cha của Cao Dương là Cao Hoan lại là một đại tướng của quốc gia, người kế tự của Cao Hoan là con trưởng Cao Trừng chứ không phải là Cao Dương. Mẹ của Cao Ân là một người Hán tên là Lý Tổ Nga (李祖娥), là chính thất của Cao Dương và do đó có tước hiệu Thái Nguyên công phu nhân, bà còn sinh hạ được một người con trai nữa tên là Cao Thiệu Đức (高紹德). Năm 547, Cao Hoan qua đời, Cao Trừng trở thành người cai quản trên thực tế của Đông Ngụy, nắm giữ triều chính, và ngay sau đó ông ta đã tính đến chuyện tiếm vị Đông Ngụy Hiếu Tĩnh Đế. Tuy nhiên, trong khi đang chuẩn bị hành động thì ông ta bị đầu bếp Lan Kinh sát hại vào năm 549. Sau khi Cao Trừng qua đời, do là con thứ của Cao Hoan, Cao Dương đã nắm lấy quyền kiểm soát triều đình Đông Ngụy. Năm 550, khi đang mang tước hiệu Tề vương, Cao Dương đã được Hiếu Tĩnh Đế ngoại thiện và trở thành Văn Tuyên Đế, triều Đông Ngụy kết thúc và mở ra triều Bắc Tề. Mặc dù vấp phải sự phản đối của một số đại thần do bà là người Hán, Văn Tuyên Đế đã lập chính thất Lý Tổ Nga làm hoàng hậu và lập Cao Ân làm hoàng thái tử. Khi còn nhỏ, Cao Ân được đánh giá là một đứa trẻ thông minh và chu đáo. Như khi tổ chức yến tiệc ở Bắc cung, ông muốn mời các anh em họ hàng, song đã không mời con trai của Cao Trừng là Cao Hiếu Uyển (高孝琬) do Cao Trừng đã qua đời ở Bắc cung, và ông không muốn Cao Hiếu Uyển phải dự tiệc tại nơi cha qua đời. Trong một chuyện khác về ông được nói đến trong "Bắc Tề thư", Cao Ân đã rất cảm kích trước "tính đạo đức" của một vị quan tên là Hứa Tán Sầu (許散愁) và đã ban thưởng cho Hứa một lượng lớn tơ lụa. (Nó cũng có thể là một câu chuyện nhằm ngầm khen ngợi về "tính đạo đức" của bản thân Cao Ân, trong khi cha và các bá thúc của ông là những người "tính lạm giao") Tuy nhiên, Văn Tuyên Đế là người có tư tưởng bạo lực và quân sự và không chuộng lối suy nghĩ Hán, ông ta cảm thấy rằng Cao Ân quá nhu mì và từng tính đến việc phế truất Cao Ân. Văn Tuyên Đế thường đích thân hành hình các tù nhân đã bị kết tội ngay trong cung, và trong một lần, ông ta lệnh cho Cao Vân phải tiến hành việc hành hình. Văn Tuyên Đế đã giận dữ khi Cao Vân không thể tự làm được điều này, và đã đánh đập con trai bằng cán của một chiếc roi da. Sau lần đó, Cao Ân đã bị một chứng bệnh khủng hoảng tinh thần, nhiều khi không thể nói hoặc hành xử một cách bất thường. Trong nhiều lần Văn Tuyên Đế say rượu, ông đã tuyên bố rằng cuối cùng sẽ trao lại ngai vàng cho thúc phụ của Cao Ân là Thường Sơn vương Cao Diễn, tiếp tục gây nên vấn đề về việc kế vị. Vào mùa thu năm 559, Văn Tuyên Đế bị mặc một căn bệnh nặng và các sử gia tin rằng nó có nguyên nhân từ việc nghiện rượu. Ông ta nói với Lý hoàng hậu: "Một con người sẽ sinh rồi tử, nên không có gì phải hối tiếc, song con trai Cao Ân của chúng ta còn quá trẻ, và người khác sẽ đoạt lấy ngai vàng của nó." Ông ta nói với Cao Diễn: "Hãy tiến lên và đoạt lấy ngai vàng, song đừng giết nó!" Tuy nhiên, Văn Tuyên Đế đã không thay đổi thứ tự kế vị, và sau khi ông ta băng hà, Cao Ân đăng cơ kế vị. Trị vì. Năm Thiên Bảo thứ 10 (560), Cao Ân trở thành hoàng đế khi mới 16 tuổi. Sau khi kế vị, theo di nguyện của cha, việc triều chính được đặt trong tay một vài người mà ông ta tin tưởng—gồm Khai Phong vương Dương Âm (楊愔), Bình Tần vương Cao Quy Ngạn (高歸彥), Yên Tử Hiến (燕子獻), và Trịnh Di (鄭頤). Mặc dù được thần dân kính trọng song Cao Diễn chỉ được ban chức thái phó, không có quyền lực đặc biệt lớn. Mẹ của Cao Diễn (và Văn Tuyên Đế) là Lâu Chiêu Quân thái hậu ở một mức độ nhất định muốn Cao Diễn làm hoàng đế, song khi đó hành động này không có đủ sự ủng hộ. Dương Âm lo ngại rằng Cao Diễn và hoàng đệ khác của Văn Tuyên Đế là Trường Quảng vương Cao Đam muốn đoạt lấy quyền lực, vì thế Dương Âm đã thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế quyền lực của hai người. Phế Đế tôn phong tổ mẫu làm thái hoàng thái hậu và tôn phong mẹ làm thái hậu. Phế Đế cũng đã hạ chiếu chỉ cho tạm dừng các dự án xây dựng cung điện mà cha ông đã cho khởi công, các dự án này đã gây ra nhiều thống khổ cho người dân trong nước vào những năm cuối cha ông trị vì. Phế Đế ở bên cha trong giờ phút lâm chung tại bồi đô Tấn Dương (晉陽, nay thuộc Thái Nguyên, Sơn Tây) và lên ngôi ở đó. Đến khi Phế Đế trở về kinh đô Nghiệp thành vào mùa xuân năm 560, người ta cho rằng Cao Diễn hoặc Cao Đam sẽ được giao trọng trách trấn thủ Tấn Dương- lúc đó có lẽ là thành an toàn nhất về mặt quân sự của đế quốc; tuy nhiên, dưới sự sắp xếp của Dương Âm và các đồng sự, hai vị hoàng thúc được lệnh phải hộ tống thiếu hoàng đế đến Nghiệp thành. Khi đoàn hoàng tộc đến Nghiệp thành, tình hình càng trở nên căng thẳng khi một cộng sự của Dương Âm tên là Khả Chu Hồn Thiên Hòa (可朱渾天和) bị thuyết phục rằng Phế Đế sẽ không được an toàn cho đến khi hai hoàng thúc bị trừ khử. Cùng với đó, Yên Tử Hiến nghĩ đến việc quản thúc tại gia đối với Lâu thái hoàng thái hậu do bà vẫn nắm giữ nhiều quyền lực và buộc thái hoàng thái hậu phải trao quyền của mình cho Lý thái hậu. Trong khi đó, Dương Âm đã tiến hành một kế hoạch tái tổ chức chính quyền nhằm tinh giản các chức vụ và tước hiệu không cần thiết và để loại bỏ các quan lại bất tài. Các quan lại chịu tổn thất từ các hành động của Dương Âm đã trở nên bất mãn và họ trở nên hi vọng rằng Cao Diễn hoặc Cao Đam sẽ có hành động và bắt đầu khuyến khích hai người này làm như vậy. Dương Âm đã tính đến việc đưa Cao Diễn và Cao Đam ra ngoài kinh thành để làm châu mục, song Phế Đế ban đầu đã không chấp thuận. Dương Âm viết một tấu trình cho Lý thái hậu để xin bà cho quyết định, Thái hậu đã hỏi ý của Lý Xương Nghi (李昌儀) song người này lại để lộ tin tức cho Lâu thái hoàng thái hậu. Thái hoàng thái hậu đã thông báo cho hai hoàng thúc, và họ đã mưu tính về một cuộc phục kích cùng với Cao Quy Ngạn và các tướng Hạ Bạt Nhân (賀拔仁) và Hộc Luật Kim tại một buổi lễ mà Cao Diễn có một chức vụ lễ nghi. Dương Âm, Khả Chu Hồn Thiên Hòa, Yên Tử Hiến, Trịnh Di và Tống Khâm Đạo (宋欽道) đều bị đánh đập dữ dội và bị bắt. Cao Diễn và Cao Đam sau đó tiến vào hoàng cung và công khai buộc tội Dương Âm cùng các cộng sự; Dương Âm và các cộng sự bị hành quyết, và Cao Diễn nắm quyền kiểm soát triều đình. Ngay sau đó, Cao Diễn đã nắm giữ chức vụ ở Tấn Dương và kiểm soát triều đình từ xa. Bị phế truất và qua đời. Vào mùa thu năm 560, sau khi Cao Diễn thuyết phục được Lâu thái hoàng thái hậu về sự cần thiết của hành động này, Thái hoàng thái hậu đã ban hành một chiếu chỉ phế truất Cao Ân và lập Cao Diễn làm hoàng đế, tức Hiếu Chiêu Đế. Song bên cạnh đó, Lâu Chiêu Quân cũng lệnh cho Hiếu Chiêu Đế phải thề nhất định không làm thương hại đến tính mạng của Cao Ân. Cựu hoàng đế được phong làm Tế Nam vương. Ông buộc phải dời khỏi chính cung song được đưa đến sống tại một cung phụ tại Nghiệp thành. Do Hiếu Chiêu Đế giành phần lớn thời gian của ông ta tại Tấn Dương, Cao Đam phụ trách cai quản Nghiệp thành, canh chừng Tế Nam vương. Vào mùa thu năm 561, các pháp sư thông báo cho Hiếu Chiêu Đế rằng linh khí đế quốc vẫn nằm ở Nghiệp thành, điều này khiến Hiếu Chiêu Đế lo lắng. Trong khi đó, Cao Quy Ngạn lo rằng bản thân sẽ bị trừng phạt một khi Cao Ân đoạt lại ngôi vị, vì thế ông ta đã thuyết phục Hiếu Chiếu Đế rằng cần loại bỏ người cháu này, cuối cùng Hiếu Chiêu Đế đã ban một thánh chỉ triệu Cao Ân đến Tấn Dương. Cao Đam lúc này đang thất vọng trước việc Hiếu Chiêu Đế lập con trai ruột Cao Bá Niên làm thái tử chứ không phải ông ta, vì thế trong một thời gian ngắn Cao Đam đã định tuyên bố phục vị cho Cao Ân và khởi đầu một cuộc nổi dậy chống lại Hiếu Chiêu Đế. Tuy nhiên, Cao Đam cuối cùng đã không thực hiện điều này do các pháp sư của Cao Đam thông báo rằng họ tin Cao Đam sẽ trở thành hoàng đế vào một ngày nào đó, do đó ông ta đã đưa Cao Ân đến Tấn Dương. Ngay sau đó, Hiếu Chiêu Đế đã bí mật cử sát thủ đem rượu độc đến cho Cao Ân. Do Cao Ân từ chối uống rượu độc nên các sát thủ đã siết cổ ông đến chết. Cao Ân được mai táng với danh dự của một thân vương thay vì hoàng đế.
1
null
Mervyn Edward "Merv" Griffin, Jr. (6 tháng 7 năm 1925 – 12 tháng 8 năm 2007) là một MC truyền hình người Mỹ, nhạc sĩ, diễn viên, và ông bầu truyền thông. Khởi nghiệp ông là phát thanh viên radio và ca sĩ cho ban nhạc và ông đã xuất hiện trên sân khấu Broadway. Từ 1965 đến 1986 Griffin là người dẫn chương trình cho trò chơi truyền hình ông đạo diễn, "The Merv Griffin Show", do hãng truyền thông Westinghouse sản xuất (còn gọi là Group W). Ông cũng nghĩ ra game show "Jeopardy!", "Wheel of Fortune", "Click", và "Merv Griffin's Crosswords" do chính công ty ông sáng lập sản xuất "Merv Griffin Enterprises" và "Merv Griffin Entertainment". Trong suốt đời mình, Griffin còn được coi là ông chủ quản lý các công ty truyền thông.
1
null
William Henry Seward (16 tháng 5 năm 1801 - 10 tháng 10 năm 1872) là một chính trị gia người Mỹ từ bang New York. Ông là thống đốc thứ 12 của tiểu bang New York, thượng nghị sĩ và ngoại trưởng Hoa Kỳ dưới thời các tổng thống Abraham Lincoln và Andrew Johnson. Ông là người phản đối sự mở rộng của chế độ nô lệ trong những năm dẫn đến cuộc nội chiến Mỹ, là một nhân vật nổi bật trong đảng Cộng hòa trong những năm mới thành lập đảng, và được coi là ứng cử viên hàng đầu cho đề cử tranh cử tổng thống của đảng vào năm 1860. Từ chối đề cử, ông là thành viên trung thành trong nội các của Lincoln trong giai đoạn nội chiến, và đóng vai trò quan trọng ngăn cản sự can thiệp của nước ngoài vào thời gian đầu cuộc nội chiến. Vào đêm Lincoln bị ám sát, ông và gia đình cũng đã bị Lewis Powell đột nhập vào nhà định ám sát ông, một số con trai và người nhà ông bị thương, còn ông đã phải trải qua nỗi khiếp sợ này. Khi là ngoại trưởng dưới thời Johnson, ông là người đã đề xuất và thực hiện đàm phán mua lại bang Alaska năm 1867 từ đế quốc Nga với giá 7,2 triệu $ và bị những người đương thời chế giễu gọi là " sự điên rồ của Seward." Bộ trưởng Nội vụ Hoa Kỳ Carl Schurz cùng thời với ông miêu tả Seward là "người có tinh thần đi trước công chúng thay vì chỉ biết phục vụ cho họ."
1
null
Philip M. Breedlove (sinh 21 tháng 9 năm 1955) là một vị tướng 4 sao Không quân Hoa Kỳ. Philip M. Breedlove đã được Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama bổ nhiệm làm Tư lệnh quân đội Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào này 28/3/2013, thay thế tướng hải quân James Stavridis. Việc bổ nhiệm này còn chờ biểu quyết của Thượng viện Hoa Kỳ mới có hiệu lực. Breedlove sinh năm 1955, hiện là tư lệnh các đơn vị không quân Mỹ tại châu Âu và châu Phi. Ông bắt đầu sự nghiệp sĩ quan phi công năm 1977 và thăng tiến đến chức phó tổng tham mưu trưởng không quân. Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel ngợi khen ông "có tài năng đặc biệt" khi thông báo quyết định bổ nhiệm của Tổng thống Hoa Kỳ. Breedlove sinh năm 1955, hiện là tư lệnh các đơn vị không quân Mỹ tại châu Âu và châu Phi. Ông bắt đầu sự nghiệp sĩ quan phi công năm 1977 và thăng tiến đến chức phó tổng tham mưu trưởng không quân. Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel ngợi khen ông "có tài năng đặc biệt" khi thông báo quyết định nói trên. Breedlove lớn lên ở Forest Park, Georgia, và nhận nhiệm vụ sau khi tốt nghiệp Học viện Công nghệ Georgia vào năm 1977. Từ tháng 3 năm 1978 và tiếp theo năm sau, ông là sinh viên phi công hai năm đầu được huấn luyện tại Căn cứ không quân Williams.
1
null
Charles Jennens (1700–1773) là một địa chủ và là nhà bảo trợ nghệ thuật. Ông là bạn của Handel, một số bản oratorio, nổi tiếng nhất là Trường ca Messiah, do Handel phổ nhạc trên nền ca từ của Jennens. Tiểu sử. Jennens được trưởng dưỡng tại Gopsall Hall ở Leicestershire, Anh, là con trai của Charles Jennens và người vợ thứ hai của ông, Elizabeth Burdett. Jennens theo học tại Balliol College, Đại học Oxford, nhưng không tốt nghiệp. Ông là một tín hữu Cơ Đốc mộ đạo, không chịu tuyên thệ trung thành với tân vương mà vẫn tin rằng Nhà Stuart đã bị phế truất là hợp pháp. Ông quan tâm đến tinh thần và giáo huấn của Cơ Đốc giáo thời kỳ tiên khởi và của John Chrysostom. Nhiều người xem ông là có khuynh hướng chống Thần giáo (Deism). Sau khi thân phụ qua đời năm 1747, Jennens tái thiết toàn bộ Gopsall Hall theo phong cách Palladian, trong khuôn viên lãnh địa ông cho xây nhà tưởng niệm một người bạn là thi sĩ và học giả, Edward Holdsworth. Bị cấm đảm nhiệm các chức vụ công do lập trường chính trị, Jennens cống hiến đời mình cho nghệ thuật, bảo trợ âm nhạc và sưu tập tranh (ông sở hữu một trong những bộ sưu tập đắt giá nhất ở Anh Quốc thời ấy). Rất yêu thích những sáng tác của Handel, hai người trở thành bạn thân. Handel là vị khách thường xuyên có mặt ở Gopsall Hall. Jennens cũng yêu cầu Thomas Hudson vẽ chân dung Handel – Hudson cũng là tác giả bức chân dung Jennens hiện đang trưng bày tại Viện Bảo tàng Nhà Handel, Luân Đôn. Jennens từ trần ngày 20 tháng 11 năm 1773 tại Gopsall Hall, em họ của ông, Heneage Fine, Bá tước Aylesford thừa kế thư viện âm nhạc của Jennens vẫn được lưu giữ tại Thư viện Âm nhạc Watson thuộc Thư viện Trung tâm Manchester, gồm các bản thảo và ấn bản âm nhạc của Handel và những nhà soạn nhạc người Anh và người Ý đương thời; có 368 bộ bản thảo của Handel, bản thảo những bản sonata vĩ cầm "Manchester" của Vivaldi và bản thảo tác phẩm "The Four Seasons". Ngoài ra, trong bộ sưu tập của Jennens còn có các tác phẩm của Shakespeare, sách văn học, triết học và thần học, hầu hết đều bị phân tán trong năm 1918. Cộng tác với Handel. Sự thông tuệ trong lĩnh vực Kinh Thánh và văn học là nhân tố thúc đẩy Jennens, từ năm 1735, viết ca từ cho Handel phổ nhạc. Handel soạn nhạc dựa trên ý tưởng và ca từ của Jennens cho các sáng tác: "Saul" (1735-9), "L’Allegro, il Penseroso ed il Moderato" (1740-1), "Messiah" (1741-2), "Belshazzar" (1744-5), và có thể là "Israel in Egypt" (1738-9). Jennens không đòi hỏi tác quyền và luôn luôn ẩn danh. "Saul" và "Belshazzar" được xem là "sự thể hiện một tài năng đầy ấn tượng trong nghệ thuật phối cảnh và khắc họa tính cách nhân vật, cũng như khả năng vận dụng những ám chỉ chính trị cách điệu nghệ". Thông thạo cả âm nhạc và văn chương, Jennens góp ý và chỉnh sửa những vở opera của Handel. Rõ là Handel cũng sẵn lòng chấp nhận những đóng góp của Handel. Tác phẩm nổi tiếng nhất hình thành từ sự cộng tác giữa Jennens và Handel là Trường ca Messiah. Theo nhận xét của nhà âm nhạc học Watkins Shaw, Messiah là "một sự trầm mặc sâu lắng về Chúa chúng ta là Đấng Messiah trong tư duy và niềm tin Cơ Đốc".
1
null
Đông phương học là ngành của khoa học xã hội với mục tiêu nghiên cứu con người và xã hội phương Đông. Theo cách hiểu của môn này thì phương Đông gồm các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên, Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ hay cả Úc hoặc Đông Nam Á nói chung. Về lịch sử ngành này được những thương nhân và nhà truyền giáo châu Âu khi sang châu Á lập ra nhằm nghiên cứu nền văn hóa, phong tục tập quán của những nước ở phương Đông. Vì vậy tuy về mặt địa lý, Ấn Độ không nằm ở Đông Á nhưng vẫn được nghiên cứu trong ngành này. Ngành này là một ngành lớn với những ngành học con như Nhật Bản học, Trung Quốc học, Đông Nam Á học, Úc học, Hàn Quốc học, Ấn Độ học và Việt Nam học. Do đó để có thể nghiên cứu được những ngành con thì điều quan trọng người nghiên cứu phải nắm vũng được ngôn ngữ chính thức được sử dụng tại từng quốc gia rồi sau đó mới có thể tìm hiểu được lịch sử, địa lý, văn hóa, kinh tế, chính trị tại những nước này, cũng như mối quan hệ lịch sử giữa các nền văn hóa phương Đông.
1
null
Bài ca Xuất Hành (tiếng Do Thái: שירת הים, "Shirat Hayam", còn được gọi là Az Yashir Moshe) là một bài thơ xuất hiện trong Sách Xuất Hành của Kinh Thánh của Do Thái giáo (Cựu Ước của Kitô giáo) ở chương 15, câu 1-18 cho đến câu 20 và 21 (lời riêng của bà Miriam). "Bài ca Xuất Hành" là một trong những lời nổi tiếng nhất mà người Israel đã vang lên sau khi họ vượt qua Biển Sậy (được cho là Biển Đỏ ngày nay) một cách an toàn, để lại quân đội của Ai Cập đuổi theo sau nhưng bị nhấn chìm trong lòng biển. Bài thơ này hiện được liệt kê trong sách cầu nguyện của người Do Thái, được đọc hàng ngày vào buổi cầu nguyện ban sáng. Ngày nay, bài thơ cũng có vị trí quan trọng trong phụng vụ Kitô giáo. Văn bản. Sách Xuất Hành 15.1-15.18 א אָז יָשִׁיר-מֹשֶׁה וּבְנֵי יִשְׂרָאֵל אֶת-הַשִּׁירָה הַזֹּאת, לַיהוָה, וַיֹּאמְרוּ, {ר} לֵאמֹר: {ס} אָשִׁירָה לַיהוָה כִּי-גָאֹה גָּאָה, {ס} סוּס {ר} וְרֹכְבוֹ רָמָה בַיָּם. {ס} 1 <br>Bấy giờ ông Mô-sê cùng với con cái Israel hát mừng ĐỨC CHÚA bài ca sau đây. Họ ca rằng: Tôi xin hát mừng CHÚA, Đấng cao cả uy hùng: Kỵ binh cùng chiến mã, Người xô xuống đại dương..<br> ב עָזִּי וְזִמְרָת יָהּ, וַיְהִי-לִי {ר} לִישׁוּעָה; {ס} זֶה אֵלִי וְאַנְוֵהוּ, {ס} אֱלֹהֵי {ר} אָבִי וַאֲרֹמְמֶנְהוּ. {ס} 2 <br>CHÚA là sức mạnh tôi, là Đấng tôi ca ngợi, chính Người cứu độ tôi. Người là Chúa tôi thờ, xin dâng lời vinh chúc, Người là Chúa tổ tiên, xin mừng câu tán tụng.<br> ג יְהוָה, אִישׁ מִלְחָמָה; יְהוָה, {ר} שְׁמוֹ. {ס} 3 <br>Người là trang chiến binh, danh Người là ĐỨC CHÚA!<br> ד מַרְכְּבֹת פַּרְעֹה וְחֵילוֹ, יָרָה בַיָּם; {ס} וּמִבְחַר {ר} שָׁלִשָׁיו, טֻבְּעוּ בְיַם-סוּף. {ס} 4 <br>Xa mã Pha-ra-ô, Người xô xuống lòng biển, tướng dũng với binh hùng chết chìm trong Biển Sậy.<br> ה תְּהֹמֹת, יְכַסְיֻמוּ; יָרְדוּ בִמְצוֹלֹת, כְּמוֹ {ר} אָבֶן. {ס} 5 <br>Vực thẳm vùi lấp chúng, chúng chìm xuống nước sâu chẳng khác nào hòn đá.<br> ו יְמִינְךָ יְהוָה, נֶאְדָּרִי בַּכֹּחַ; {ס} יְמִינְךָ {ר} יְהוָה, תִּרְעַץ אוֹיֵב. {ס} 6 <br>Lạy CHÚA, tay hữu Ngài đã biểu dương sức mạnh. Tay hữu Ngài, lạy CHÚA, đã nghiền nát địch quân.<br> ז וּבְרֹב גְּאוֹנְךָ, תַּהֲרֹס {ר} קָמֶיךָ; {ס} תְּשַׁלַּח, חֲרֹנְךָ—יֹאכְלֵמוֹ, כַּקַּשׁ. {ס} 7 <br>Lấy dũng lực oai hùng, Chúa quật ngã đối phương; Ngài nổi cơn thịnh nộ, thiêu chúng cháy như rơm.<br> ח וּבְרוּחַ {ר} אַפֶּיךָ נֶעֶרְמוּ מַיִם, {ס} נִצְּבוּ כְמוֹ-נֵד {ר} נֹזְלִים; {ס} קָפְאוּ תְהֹמֹת, בְּלֶב-יָם. {ס} 8 <br>Nộ khí Ngài, lạy Chúa, đã khiến nước dâng lên, sóng trùng dương dồn lại dựng đứng như tường thành; giữa lòng biển thẳm sâu, nước bỗng đâu ngừng chảy.<br> ט אָמַר {ר} אוֹיֵב אֶרְדֹּף אַשִּׂיג, {ס} אֲחַלֵּק שָׁלָל; תִּמְלָאֵמוֹ {ר} נַפְשִׁי-- {ס} אָרִיק חַרְבִּי, תּוֹרִישֵׁמוֹ יָדִי. {ס} 9 <br>Địch quân tự nhủ rằng: Ta đuổi theo bắt lấy, chiến lợi phẩm đem chia, mới no lòng thoả dạ; ta tuốt lưỡi gươm trần, cứ thẳng tay tiêu diệt.<br> י נָשַׁפְתָּ {ר} בְרוּחֲךָ, כִּסָּמוֹ יָם; {ס} צָלְלוּ, כַּעוֹפֶרֶת, בְּמַיִם, {ר} אַדִּירִים. {ס} 10 <br>Ngài hà hơi nổi gió, biển vùi lấp chúng đi, chìm lỉm tựa như chì giữa nước sâu cuồn cuộn.<br> יא מִי-כָמֹכָה בָּאֵלִם יְהוָה, {ס} מִי {ר} כָּמֹכָה נֶאְדָּר בַּקֹּדֶשׁ; {ס} נוֹרָא תְהִלֹּת, עֹשֵׂה {ר} פֶלֶא. {ס} 11 <br>Ai trong bậc thần minh được như Ngài, lạy CHÚA? Ai sánh được như Ngài, Đấng rạng ngời thánh thiện, lập chiến công khủng khiếp, làm nên việc diệu kỳ?<br> יב נָטִיתָ, יְמִינְךָ—תִּבְלָעֵמוֹ, אָרֶץ. {ס} 12 <br>Tay hữu Ngài giơ lên, đất rẽ ra nuốt chúng.<br> יג נָחִיתָ {ר} בְחַסְדְּךָ, עַם-זוּ גָּאָלְתָּ; {ס} נֵהַלְתָּ בְעָזְּךָ, אֶל-נְוֵה {ר} קָדְשֶׁךָ. {ס} 13 <br>Còn dân đã chuộc về, Ngài yêu thương dìu dắt, lấy quyền lực dẫn đưa tới đất thiêng Ngài ngự.<br> יד שָׁמְעוּ עַמִּים, יִרְגָּזוּן; {ס} חִיל {ר} אָחַז, יֹשְׁבֵי פְּלָשֶׁת. {ס} 14 <br>Khi vừa nghe tin đó, chư dân run lẩy bẩy; người xứ Phi-li-tinh phải đớn đau quằn quại.<br> טו אָז נִבְהֲלוּ, אַלּוּפֵי {ר} אֱדוֹם-- {ס} אֵילֵי מוֹאָב, יֹאחֲזֵמוֹ רָעַד; {ס} נָמֹגוּ, {ר} כֹּל יֹשְׁבֵי כְנָעַן. {ס} 15 <br>Bấy giờ tại Ê-đôm, các thủ lĩnh kinh hoàng, và quan quyền Mô-áp đều sợ hãi khiếp run, người xứ Ca-na-an phải rụng rời hốt hoảng.<br> טז תִּפֹּל עֲלֵיהֶם אֵימָתָה {ר} וָפַחַד, {ס} בִּגְדֹל זְרוֹעֲךָ יִדְּמוּ כָּאָבֶן: {ס} עַד {ר} יַעֲבֹר עַמְּךָ יְהוָה, {ס} עַד-יַעֲבֹר עַם-זוּ {ר} קָנִיתָ. {ס} 16 <br>Kinh hoàng và sợ hãi ập xuống trên đầu họ. Cánh tay hùng mạnh Ngài làm chúng đờ như đá, bao lâu dân của Ngài vẫn còn đang qua biển, lạy CHÚA chúng con thờ, bao lâu dân Ngài tậu vẫn còn đang qua biển.<br> יז תְּבִאֵמוֹ, וְתִטָּעֵמוֹ בְּהַר נַחֲלָתְךָ-- {ס} מָכוֹן {ר} לְשִׁבְתְּךָ פָּעַלְתָּ, יְהוָה; {ס} מִקְּדָשׁ, אֲדֹנָי כּוֹנְנוּ {ר} יָדֶיךָ. {ס} 17 <br>gài cho dân tiến vào, định cư họ trên núi, núi gia nghiệp của Ngài. Lạy CHÚA, chính nơi đây Ngài chọn làm chỗ ở, đây cũng là đền thánh tự tay Ngài lập nên.<br> יח יְהוָה יִמְלֹךְ, לְעֹלָם וָעֶד. {ס} 18 CHÚA là vua hiển trị đến muôn thuở muôn đời.
1
null
August Karl von Goeben (hay còn viết là Göben) (1816-1880) là một tướng lĩnh trong quân đội Đế quốc Đức, người có nguồn gốc từ xứ Hanover. Ông được nhìn nhận là một trong những viên tướng tài năng nhất của Đế quốc Đức, về cả lý thuyết và thực tiễn. Khoảng từ năm 1848, với tư cách là một sĩ quan tham mưu, Goeben đã bắt đầu tình bạn lâu dài với Helmuth von Moltke Lớn – Tổng tham mưu trưởng quân đội Phổ và Đế quốc Đức trong tương lại. Trên cương vị là một tư lệnh trong lực lượng bộ binh Phổ, ông đã đóng góp đến nhiều thắng lợi vang dội của quân đội Phổ trong cuộc Chiến tranh Schleswig lần thứ hai năm 1864, Chiến tranh Áo-Phổ năm 1866 và cuộc Chiến tranh Pháp-Phổ các năm 1870 – 1871. Ông đã được ban tặng "Đại Thập tự của Huân chương Thập tự Sắt" vì những cống hiến của mình đối với quân đội Đức trong cuộc Chiến tranh Pháp-Phổ. Đầu đời. Ông sinh ngày 10 tháng 12 năm 1816, tại Stade, cách Hamburg 30 km về phía tây tại Vương quốc Hanover. Cha của ông là một đại úy hưởng nửa lương đã nghỉ hưu, về sau được phong hàm Thiếu tá danh dự. Năm 10 tuổi, Goeben được gửi đến trường trung học Celle, khi ấy được xem là một trong những trung tâm giáo dục tốt nhất ở Đức. Trong thời gian học tập tại đây, ông đã định hướng đến một sự nghiệp quân sự trong tương lai. Thay vì tham gia quân đội Hanover, ông đã dành những năm đầu đời của mình cho việc phục vụ trong quân đội Phổ: chàng trai trẻ Goeben gia nhập quân ngũ Phổ vào tháng 10 năm 1833. Ông tham gia trong Trung đoàn Bộ binh số 14 (Ngự lâm quân), khi đó đóng quân tại Neruppin. Khoảng 12 tháng sau đó, ông đã trở thành người cầm cờ của đơn vị, vào ngày 15 tháng 2 năm 1835, ông được phong hàm Trung tá. Goeben là một người lính năng động và ông mong ước binh nghiệp của mình khởi đầu với một cơ hội cho ông được áp dụng vốn kiến thức quân sự của ông trong chiến tranh thực tế. Tuy nhiên, do nước Phổ lúc bấy giờ đang ở trong một kỷ nguyên hòa bình lâu dài, khát vọng của ông là không thể trở thành hiện thực. Vì vậy, Goeben đã quyết định từ bỏ quân đội Phổ, và mang thanh kiếm của mình đến Tây Ban Nha, nơi đang diễn ra cuộc Chiến tranh Carlos lần thứ nhất vào năm 1836. Nhận thấy rằng trong hai người đang đánh nhau giành ngai vàng Tây Ban Nha là Don Carlos và Maria Cristina (trên danh nghĩa con gái bà ta là Isabel II), Don Carlos hợp pháp hơn, Goeben đã quyết định đầu quân cho ông này. Vì khả năng của mình, viên sĩ quan trẻ tuổi đã được đón nhận nồng hậu tại đại bản doanh của Don Carlos. Trong năm đầu tiên phục vụ dưới ngọn cờ của Don Carlos, ông làm thiếu úy, và đã chiến đấu tốt trong một trận đánh. Sang năm 1837, ông đã tham gia trong nhiều trận đánh ở Tây Ban Nha. Vào năm 1838, ông cũng tham chiến trong cuộc viễn chinh đến Castilla với tư cách là đại úy, và bị thương nặng tại Sotoca. Đến năm 1839, ông ban đầu phục vụ trong lực lượng công binh, nhưng sau được chuyển sáng bộ binh. Trong nhiều cuộc giao chiến, ông đã thể hiện khả năng của mình. Đến năm 1840, thiếu tá Goeben lại bị thương nặng tại trận Teruel. Giờ đây, ông được phong làm thiếu tá trong quân đoàn công binh, và việc thăng cấp này cho thấy sự nghiệp quân sự đầy hứa hẹn của ông tại Tây Ban Nha đã đến hồi kết. Mặc dù vậy, ông vẫn trung kiên với Don Carlos cho đến khi ông này bỏ cuộc trong tuyệt vọng, buộc Goeben phải từ bỏ ông ta và Tây Ban Nha. Trong suốt cuộc chiến, người sĩ quan gốc Đức đã bị thương nặng hai lần và bị thương nhẹ ba lần. Ông cũng đã bị quân đội của Maria Cristina bắt làm tù binh hai lần, lần thứ nhất ông ở tù 8 tháng trước khi trốn thoát, và trong lần thứ hai thì ông ở tù trong một thời gian lâu dài và khắc nghiệt. Năm 1840, ông lên đường trở về Phổ với bộ dạng chẳng khác gì một người ăn mày không có lấy một miếng ăn. Ông phải đi lang thang trên đất Pháp, trong một chuyến hành trình vô cũng gian khổ. Tuy nhiên, ông đã vượt qua mọi khó khăn, và về được đến nhà cha mình vào tháng 9 năm 1840. Năm sau, ông ghi lại về cuộc chiến đấu ở Tây Ban Nha trong cuốn "Bốn năm ở Tây Ban Nha", gây nên một số sự quan tâm trong giới quân sự và chính trị. Con đường thăng tiến. Viên thiếu tá của quân đội Carlos trở nên phấn khởi vì được tái nhập ngũ trong quân lực Phổ, và dĩ nhiên, con đường thăng tiến của ông phải quay trở lại từ đầu. Vào ngày 26 tháng 2 năm 1842, ông được cử một chức vụ trong Trung đoàn Bộ binh số 8, nhưng ngay lập tức được lệnh gia nhập Bộ Tổng tham mưu. Thanh danh mà ông đã tạo nên cho mình, sự hiểu biết sâu rộng của ông về khoa học quân sự cùng với trải nghiệm thực tế của ông đã tạo điều kiện cho ông được thăng tiến nhanh chóng, thay vì phải đứng chung hàng ngũ của những sĩ quan trẻ thông thường và không có tầm ảnh hưởng trong quân lực. Chỉ trong vòng 3 năm, ông đã được thăng cấp từ thiếu úy đến đại úy. Đến năm 1848, ông được đưa tới đại bản doanh của Quân đoàn IV tại Magdeburg, trong đó thiếu tá Moltke là viên sĩ quan cao hơn ông một cấp. Hai người nhanh chóng trở thành một đôi bạn gắn bó với nhau, và tình bạn của họ không bao giờ bị tổn hại. Ông cũng đã từng tham gia trong sư đoàn Hanneken, với nhiệm vụ dập tắt cuộc nổi dậy tại Westfalen. Sau đó, trong cuộc nổi dậy tại Baden, Goeben đã thể hiện tài năng của mình khi phục vụ trong ban tham mưu của Hoàng tử Wilhelm (sau này là Hoàng đế Đức). Ông tham gia các trận giao tranh tại Ludwigshafen, Waghausel, Ubstadt, Bruchsal, Durlach, Kuppenheini, và Eastatt. Cũng như những sĩ quan thông thường của Phổ, trong vòng vài năm sau, có khi ông thực hiện trách nhiệm trong ban tham mưu, có khi trong trung đoàn, cho đến năm 1863 ông được phong hàm Thiếu tướng, chỉ huy Lữ đoàn Bộ binh số 26. Cũng cần lưu ý rằng, vào năm 1860, được phong hàm đại tá, ông và một số sĩ quan khác của Phổ được gửi đến tham gia các chiến dịch của quân đội Tây Ban Nha tại Maroc. Ở đây, ông đã gặp nhiều địch thủ cũ của mình trong cuộc Chiến tranh Carlos lần thứ nhất. Goeben ở lại với quân đội Tây Ban Nha trong suốt chiến dịch năm 1860, và có mặt trong trận Tetuan. Ba cuộc chiến tranh thống nhất nước Đức. Trong cuộc Chiến tranh Schleswig lần thứ hai chống Đan Mạch năm 1864 – cuộc chiến đầu tiên trong quá trình thống nhất nước Đức, Goeben đã chỉ huy lữ đoàn của mình ở phía trước Dybbøl, và tham gia trong trận đột chiếm Dybbøl. Ngoài ra, lữ đoàn của ông cũng góp phần vượt biển tới đảo Als và đánh chiếm đảo này. Trong tất cả các trận đánh với quân Đan Mạch, ông đã thể hiện tài thao lược của mình và nhờ đó ông được trao tặng Huân chương Quân công ("Pour le Mérite") của Vương quốc Phổ, cùng với nhiều huân chương khác của Phổ, Đức và Áo. Ông cũng được thăng làm tư lệnh của Sư đoàn số 10, và không bao lâu sau ông được chuyển sang chỉ huy Sư đoàn số 13 vào tháng 10 năm 1865, với cấp bậc Trung tướng. Lữ đoàn bộ binh do ông chỉ huy trước đó là một phần thuộc Sư đoàn này. Điều đáng chú ý là trong khi những tướng lĩnh có tên tuổi khác của Phổ như Vogel von Falckenstein, Herwarth von Bittenfeld và Karl Friedrich von Steinmetz phải trải qua 47 năm trước khi được phong hàm Trung tướng, Goeben chỉ leo lên được chức vụ này sau 23 năm. Đến cả viên tướng được ưa chuộng Edwin von Manteuffel cũng chỉ trở thành Trung tướng sau gần 35 năm phục vụ trong quân ngũ. Ông đã tham chiến trong cuộc Chiến tranh Áo-Phổ năm 1866, và trên cương vị là chỉ huy của Sư đoàn số 13, Goeben một lần nữa chứng tỏ năng lực của mình như là một chỉ huy quân sự kỳ cựu cũng như là một nhà chiến thuật điêu luyện. Ban đầu, ông tham gia chiến dịch tại Hanover, và sau đó ông đã trở thành viên tướng dưới quyền đắc lực nhất của Vogel von Falckenstein – Tổng tư lệnh "Tập đoàn quân Main" trong chiến dịch trên con sông cùng tên. Tướng Falckenstein thấu hiểu cách tận dụng đầy đủ tài dụng binh của Goeben. Goeben đã dẫn đầu các lực lượng của mình trong các trận thắng tại Dermbach, Kissingen, Laufach, Aschaffenburg, Werbach, Gerchsheim, Tauberbischofsheim và Würzburg. Vào năm 1870, cuộc Chiến tranh Pháp-Phổ, Goeben được thăng cấp thành "Thượng tướng Bộ binh", và cuộc tổng động viên trong năm đó đã đặt ông vào vai trò Tướng tư lệnh Quân đoàn XIII (Rheinland), một trong 3 quân đoàn của Tập đoàn quân số 1 dưới quyền tổng chỉ huy của tướng Steinmetz. Sự chỉ huy năng động và quyết đoán của Goeben đã góp một phần lớn đến chiến thắng của quân đội Phổ trong trận Spicheren vào ngày 6 tháng 8.. Vào ngày 16 tháng 8 năm 1870, viên tướng này cũng đóng một vai trò quan trọng trong trận Mars-la-Tour. Ngoài ra, ông đã mang lại cho quân cánh phải Phổ những thành công duy nhất của họ trong trận Gravelotte vào ngày 18 tháng 8 năm 1870. Sau trận chiến khốc liệt này, Quân đoàn VIII đã được thuyên chuyển sang Tập đoàn quân số 2 dưới quyền của Thân vương Friedrich Karl, tham gia vây hãm Tập đoàn quân Rhine chủ lực của Đế chế Pháp tại Metz từ ngày 19 tháng 8 cho đến ngày 26 tháng 10 năm 1870. Sau khi Metz thất thủ và Tập đoàn quân Rhine đầu hàng, Quân đoàn VIII một lần nữa thuộc về Tập đoàn quân số 1, vốn đã được tái cấu trúc dưới quyền chỉ huy của tướng Manteuffel. Tập đoàn quân số 1 được đưa đến miền bắc nước Pháp để theo dõi các hoạt động của Tập đoàn quân phương Bắc mới được thành lập của Pháp do viên tướng tài năng Louis Faidherbe chỉ đạo. Trong các trận đánh ở Amiens, Hallue và Bapaume, 3 sư đoàn của tập đoàn quân Manteuffel đã đánh thắng đối phương, giữa lúc toàn bộ Quân đoàn VII được để lại ở Metz. Trong 3 sư đoàn đã nêu, Goeben chỉ huy 2 sư đoàn và điều này cho thấy vai trò nổi bật của ông trong các trận thắng quân Pháp. Vào ngày 8 tháng 1 năm 1871, Tướng Manteuffel, sau khi được bổ nhiệm làm Tổng tư lệnh của Tập đoàn quân phương Nam mới được thành lập, với dự kiến cứu viện cho tướng Werder, đã trao quyền chỉ huy Tập đoàn quân số 1 cho Tướng Goben. Chỉ sau 10 ngày chỉ huy tập đoàn quân, Goeben đã dứt điểm cuộc chiến tranh ở miền Bắc Pháp với đại thắng của người Đức, bằng thắng lợi quyết định tại trận St. Quentin từ ngày 18 cho đến ngày 19 tháng 1 năm 1871. Trận chiến đã mang lại thiệt hại rất lớn cho Tập đoàn quân phương Bắc, trong đó 12.000 tù binh không bị thương và 6 khẩu pháo đã rơi vào tay quân đội Đức. Với thảm bại này, Tập đoàn quân phương Bắc, lực lượng cuối cùng của Pháp có hy vọng giải vây cho thủ đô Paris thật sự đã bị xóa sổ. Thắng lợi của Goeben tại St. Quentin được xem là một trong những chiến công hiển hách nhất của phía Đức trong suốt cuộc chiến tranh. Với sự kết thúc của Chiến tranh Pháp-Phổ, ông được nhìn nhận là một trong những người tài giỏi nhất trong đoàn quân chiến thắng. Vào tháng 1 năm 1871, Goeben được nhận Đại Thập tự của Huân chương Thập tự Sắt cùng với nhiều huân chương khác. Ông là một Đại tá trong Trung đoàn Bộ binh số 28, và chỉ huy Quân đoàn VIII tại Coblenz cho đến khi tạ thế. Ông qua đời vào ngày 13 tháng 11 năm 1880, thọ 64 tuổi. Di sản và vinh danh. Pháo đài cũ fort de Queuleu của Pháp tại Metz đã được người Đức đổi thành Goeben theo tên ông, và Trung đoàn Bộ binh số 28 của Đế quốc Đức cũng mang tên của ông. Một bức tượng của viên tướng này cũng được Fritz Schaper tạc tại Coblenz vào năm 1884. Chiến hạm , một tuần dương thiết giáp thuộc lớp "Moltke" của Hải quân Đế quốc Đức ("Kaiserliche Marine"), hạ thủy vào năm 1911, cũng được đặt theo tên ông. Các văn kiện. Tướng von Goeben đã viết nhiều văn kiện. Các hồi ký của ông có thể được tìm thấy trong các công trình:
1
null
Di Tử Hà (Trung văn giản thể: 弥子瑕, phồn thể: 彌子瑕, bính âm: Mí Zǐ Xiá, ?-?), là đại phu nước Vệ thời Xuân Thu trong lịch sử Trung Quốc. Ông cũng là sủng thần của Vệ Linh công, vua thứ 28 của nước Vệ. Ông được đề cập trong quyển sách Thuyết nan của Hàn Phi. Sủng thần của vua Vệ. Di Tử Hà là một nho sĩ thông minh, vô cùng khôi ngô tuấn tú, được Vệ Linh công sủng ái, phong cho làm đại phu. Năm 504 TCN, Lỗ Định công đem quân đánh nước Trịnh, chiếm được đất Khuông. Trên đường về, tướng nước Lỗ là Dương Hổ không báo trước với nước Vệ mà tự ý hành quân gần kinh đô nước Vệ. Vệ Linh công tức giận, sai Di Tử Hà truy kích quân Lỗ. Sau nhờ có đại phu Công thúc Văn tử hòa giải, Vệ Linh công mới lui quân, giảng hòa với nước Lỗ. Di Tử Hà được Vệ Linh công trọng đãi, cho phép tự do ra vào cung cấm. Theo luật pháp nước Vệ, kẻ dùng xe của vua sẽ phải bị chặt chân. Một ngày mẹ Tử Hà bị bệnh, Có người nghe tin đang đêm đến báo với Di Tử Hà. Tử Hà giả mệnh quốc quân, tự ý lấy xe của Vệ Linh công xuất cung về thăm mẹ. Vệ Linh công do quá yêu Di Tử Hà nên khi biết chuyện chẳng những không phạt mà còn khen: "Thực là người có hiếu! Vì mẹ mà phạm tội bị chặt chân". Một lần khác Di Tử Hà cùng Vệ Linh công thăm hoa viên, Di Tử Hà thấy có một quả đào ngon, tự ý hái đào ăn trước mặt Vệ Linh công, ăn không hết bèn đem phần cắn dở đút vào miệng Vệ Linh công. Vệ Linh công cũng khen: "Tử Hà thật yêu ta! Quên cái miệng đói của mình mà nhớ đến ta." Dân gian gọi quan hệ giữa Vệ Linh công là "tình chia đào" (dư đào đoạn tụ). Tuy nhiên sử sách không nói rõ đây là quan hệ đồng tính luyến ái hay chỉ là tình bạn thân thiết. Về sau Di Tử Hà ngày một già đi và không còn được Vệ Linh công quý mến. Có lần Vệ Linh công dùng roi đánh Di Tử Hà. Từ đó Di Tử Hà thường cáo ốm ít lên triều. Vệ Linh công hỏi quan đại phu Chúc Đà xem Tử Hà có oán mình không. Chúc Đà gièm pha với Vệ Linh công rằng Di Tử Hà giống như loài chó, gặp hội ma thì oán hận chủ nhân. Từ đó Vệ Linh công bắt đầu xa lánh ông. Một đại phu khác của nước Vệ là Sử Ngư bất bình việc Di Tử Hà được trọng dụng, và tiến cử người hiền là Cừ Bá Ngọc. Vệ Linh công ban đầu không nghe. Ít lâu sau Sử Ngư chết, người nhà không hạ táng, lại khuyên ngăn Vệ Linh công. Thời gian trôi qua, Di Tử Hà mỗi ngày một già và xấu, không còn được Vệ Linh công yêu quý, lại phạm tội. Vệ Linh công lại nghe theo lời Sử Ngư, trọng dụng Cừ Bá Ngọc rồi trị tội trộm xe và tự ý ăn đào trước đây của Tử Hà, nói: "Nó đã có lần tự tiện đi xe ngựa của ta, lại có lần bắt ta ăn quả đào thừa của nó." Rồi đuổi ra khỏi cung. Đánh giá. Tư Mã Thiên trong Sử ký có lời bình luận về mối tình của Vệ Linh công và Di Tử Hà như sau: "Việc làm của Di Tử không khác, nhưng lần trước được khen là hiền, lần sau lại phạm tội, đó là vì lòng yêu ghét hết sức thay đổi. Cho nên được nhà vua yêu thì cái khôn của mình càng làm cho mình được thân, bị nhà vua ghét thì cái tội của mình càng làm cho mình bị ruồng bỏ."
1
null
"Scream & Shout" là một bài hát của rapper người Mỹ will.i.am cùng với nữ ca sĩ Britney Spears. Trước đó, "Scream & Shout" đã bị rò rỉ một bản hoàn tất trên mạng ngày 17 tháng 11 năm 2012. Ca khúc này được phát hành ở dạng đĩa đơn trích từ album "#willpower" của will.i.am vào ngày 27 tháng 11 năm 2012 qua việc gởi bản thu tới các đài phát thanh chính trên toàn nước Mỹ. Bài hát được sáng tác bởi chính will.i.am (William Adams), Jef Martens và Jean Baptiste trong khi được sản xuất bởi Martens (Lazy Jay). Nhìn chung, "Scream & Shout" mang thể loại nhạc future house, dance và electropop (pop điện tử) với nhịp độ nhanh. Bài hát còn mang câu nói nổi tiếng của Britney, "It's Britney, Bitch!" (tạm dịch: "Britney đây, đồ quỷ cái!") trong bài hát "Gimme More" của cô năm 2007. "Scream & Shout" chủ yếu nhận được những đánh giá tích cực từ phía phê bình âm nhạc. Đa số họ nói rằng ca khúc là một bản nhạc "đen tối" trong câu lạc bộ; trong khi họ lại chỉ trích sự lạm dụng thiết bị chỉnh giọng Auto-Tune trong bài hát. Nhìn chung, "Scream & Shout" là một thành công toàn thế giới, đạt vị trí số một trên bảng xếp hạng âm nhạc của hơn 18 quốc gia, trong khi lại lọt vào tốp mười của hơn 20 quốc gia. Đây là bài hát quán quân tại nước Liên hiệp Anh trên bảng xếp hạng UK Singles Chart đầu tiên của Britney kể từ đĩa đơn "Everytime" năm 2004. Một video ca nhạc cho bài hát đã được ra mắt trên "The X Factor" ngày 28 tháng 11 năm 2012 và đã có mặt trên trang mạng xã hội YouTube. Ngoại hình của Britney Spears trong video được các nhà phê bình đánh giá là "khác hoàn toàn so với trước." Thực hiện. Sau khi Britney Spears phát hành album phòng thu thứ bảy mang tên "Femme Fatale" (2011) và gặt hái những thành công lớn, chủ tịch hãng RCA Records (liên minh mới Jive Records - hãng đĩa lúc đó của Britney) nói rằng Britney sẽ có một năm nghỉ ngơi để chăm sóc gia đình. Tháng 4 năm 2012, tạp chí E! Online thông báo là Simon Comwell sẽ mời Britney Spears làm giám khảo cho chương trình "The X Factor" của Mỹ, với lương là 15 triệu đô la Mỹ. Ngày 9 tháng 5, "X Factor" thông báo là Britney đã ký hợp đồng để làm giám khảo. Ngày 14 tháng 5, thông tin Britney Spears cùng Demi Lovato làm giám khảo "The X Factor" được chính thức xác nhận. Ngày 28 tháng 8 năm 2012, Britney thông báo là đang thu âm một bản thu mới cùng rapper will.i.am và thông báo điều ấy trên trang mạng xã hội twitter. Trước đó, will.i.am đã từng hợp tác chung vơi Britney trong ca khúc "Big Fat Bass" từ "Femme Fatale". Còn ca khúc "Sexy Sexy" được dự tính là cũng sẽ nằm trong "Femme Fatale" thì lại bị hủy vì không rõ lý do, nên will.i.am đã đem bài hát đó vào album "#willpower" của mình năm 2012. Ngày 12 tháng 10 năm 2012, Britney thông báo rằng ca khúc mà cô được will.i.am mời hợp tác sẽ có tên là "Scream & Shout". Ngày 17 tháng 11, toàn bộ bài hát bị rò rỉ trên mạng. Britney nói trên trang tài khoản Facebook của mình là mặc dù cô rất thất vọng vì "Scream & Shout" bị rò rỉ, nhưng cô cũng cho biết thêm là cũng rất háo hức. Tạp chí "Billboard" nhận định ngày phát hành của "Scream & Shout" trên đài radio 102.7 KIIS-FM là vào 12 giờ trưa (giờ chuẩn Thái Bình Dương) vào ngày 19 tháng 11 năm 2012. Cùng ngày đó, "Scream & Shout" cũng được ra mắt trên đài radio Capitol FM của Anh vào 8 giờ tối (giờ chuẩn quốc tế) và được phát hành dưới dạng đĩa đơn quảng bá trên toàn châu Âu. Ngày hôm sau, bài hát được phát hành dưới dạng đĩa đơn tải kỹ thuật số toàn thế giới và được gửi tới các đài phát chính ngày 27 tháng 11 năm 2012 tại Mỹ. will.i.am tiết lộ bìa đĩa của "Scream & Shout" trên trang mạng xã hội Facebook ngày 19 tháng 11. Sáng tác. "Scream & Shout" là một bản upbeat mang thể loại nhạc dance và electropop. Bài hát được viết trên giọng D thứ và có nhịp độ nhanh, 130 nhịp/phút. Giọng hát của hai người dao động từ nốt G3 đến nốt A5. Lời bài hát nói về việc chơi đêm ở ngoài một cách vui vẻ. Bắt đầu bài hát là câu nói ""Bring the Action" và kế tiếp phần đọc rap của Britney Spears, "When you hear this in the club, you gotta turn this shit up..."" và phần rap này được so sánh với Nicki Minaj. Bài hát có sử dụng câu nói nổi tiếng của Britney Spears, "It's Britney, bitch!" trong bài hát năm 2007 "Gimme More". Nhà phê bình Marc Hogan từ tạp chí "Spin" nhận thấy "Scream & Shout" có điểm tương đồng với bài hát "212" của Azelia Banks (2012) và so sánh phần hát nền của bài hát với "Are We All We Are" (2012) của P!nk. Keith Caulfield từ tạp chí "Billboard" nhận thấy "Scream & Shout" cho ta sự khác biệt hoàn toàn so với trước của Britney Spears. Rebecca Macatee từ E! Online so sánh giọng hát của Britney Spears trong "Scream & Shout" với "Bà hoàng nhạc Pop" Madonna và có đề cập tới sự chỉnh âm của thiết bị Auto-Tune trong bài hát. Đánh giá chuyên môn. "Scream & Shout" chủ yếu nhận được các đánh giá tích cực từ phía phê bình. Michael Murrey từ trang mạng RyanSeacrest.com nhận xét rằng bài hát "không giống như những gì trước kia chúng ta từng nghe." Jocelyn Vena từ MTV nói bài hát là "một thứ làm nổ câu lạc bộ". Robert Copsey từ Digital Spy thì nói rằng lần đầu nghe bài hát anh có một chút là lạ, nhưng khi nghe nhiều lần thì là một bản thuộc tính robot bất ngờ. Bill Lamp từ trang mạng About.com thì nhận xét bài hát có "giai điệu và đoạn hook hấp dẫn không thể nào từ chối được." AOL thì nhận xét bài hát là "ca khúc đại diện cho sàn nhảy" và nói rằng một trong những điều hay nhất từ bài hát là câu nói "It's Britney B---" từ "Gimme More" (2007). Diễn biến thương mại. "Scream & Shout" có mặt trên bảng xếp hạng âm nhạc đầu tiên là vào ngày 28 tháng 11 năm 2012, khi bài hát ra mắt ở vị trí #27 trên bảng xếp hạng PROMUSICAE của Tây Ban Nha. Vào tuần thứ 14 từ khi "Scream & Shout" có mặt trên bảng xếp hạng, bài hát đã đạt vị trí số một tại đây. Ngày 19 tháng 11 năm 2012, "Scream & Shout" ra mắt trên bảng xếp hạng French Singles Chart ở vị trí #6. Tuần kế tiếp, bài hát đạt tới vị trí #2 và trụ ở đó hai tuần. Vào ngày 26 tháng 1 năm 2012, "Scream & Shout" đã đạt tới vị trí số một. Tại Liên hiệp Anh, "Scream & Shout" ra mắt trên tốp-năm bảng xếp hạng UK Singles Chart, trở thành hit tốp-năm bảng xếp hạng này liên tiếp thứ năm của will.i.am và hit tốp-năm đầu tiên của Britney Spears kể từ bài hát "Womanizer" năm 2008. Ngày 13 tháng 1 năm 2013, "Scream & Shout" đạt vị trí #1 tại đây, trở thành hit quán quân UK Singles Chart thứ hai liên tiếp của will.i.am và hit #1 đầu tiên của Britney Spears kể từ bài hát "Everytime" năm 2004. Sau hai tháng phát hành, bài hát đã tiêu thụ tổng cộng 513.000 bản sao đĩa đơn. Trên toàn châu Âu, "Scream & Shout" cũng đạt được thành công vang dội khi đạt vị trí số một tại Bỉ, Bulgary, Croatia, Đan Mạch, Phần Lan, Đức, Ireland cùng nhiều quốc gia khác. Tại Mỹ, bài hát này ban đầu chỉ xếp hạng #3 trên bảng xếp hạng Bubbling Under Hot 100 Singles do sự phát thanh yếu. Sau đó, "Scream & Shout" ra mắt ở vị trí #12 trên bảng xếp hạng chính thức "Billboard" Hot 100 và sau nhiều tuần lên hạng, bài hát này đạt vị trí cao nhất là thứ 3. Tại các quốc gia khác, bài hát cũng gặt hái được thành công không kém khi quán quân tại Canada, Israel, New Zealand, Venezuela cùng với vị trí tốp-mười ở tất cả các quốc gia mà "Scream & Shout" lọt vào bảng xếp hạng của quốc gia đó, chỉ trừ Nhật Bản (vị trí #43).
1
null
Silent Hill 3 (サイレントヒル 3 Sairento Hiru Surī, tạm dịch: "Đồi Câm Lặng 3") là trò chơi điện tử thuộc thể loại kinh dị sinh tồn được phát triển bởi Team Silent, một nhóm sản xuất thuộc Konami Computer Entertainment Tokyo. Game được hãng Konami phát hành cho hệ máy PlayStation 2 và PC. Đây là phần ba trong loạt game "Silent Hill" và là phần nối tiếp câu chuyện của bản "Silent Hill" đầu tiên. Trò chơi được phát hành vào tháng 5 năm 2003, phiên bản chuyển thể sang Microsoft Windows được phát hành vào tháng 10 cùng năm. Một phiên bản độ nét cao làm lại trong bộ sưu tập Silent Hill HD Collection dành cho hệ máy PlayStation 3 và Xbox 360 được phát hành vào ngày 20 tháng 3 năm 2012. Lấy bối cảnh 17 năm kể từ sau các sự kiện xảy ra trong bản "Silent Hill", khi Harry Mason đánh bại chúa tể của giáo phái The Order trong thị trấn Silent Hill và nhận chăm sóc một bé gái được hạ sinh từ vị chúa đó. Silent Hill 3 kể về cuộc phiêu lưu của Heather, một thiếu nữ 17 tuổi đang bị lôi kéo vào các sự kiện kỳ lạ của Silent Hill sau những trải nghiệm kinh hoàng vào một buổi chiều tại một trung tâm mua sắm. Heather khám phá ra rằng, bản thân mình là một phần của một nghi lễ cuồng tín từ một giáo phái bí mật trong thị trấn Silent Hill nhằm buộc cô phải hạ sinh vị chúa trời mới của họ. Không rõ là do cố ý hay chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên mà tất cả những gì xảy ra đều có liên quan mật thiết tới thị trấn Silent Hill. Lòng đầy thù hận và hoang mang, Heather quyết tâm trở về nơi đó để tìm ra kẻ chủ mưu, và khám phá những bí mật khủng khiếp được che giấu trong suốt những năm qua. Cách chơi. Lối chơi trong "Silent Hill 3" tương tự gần giống như hai bản tiền nhiệm, ba yếu tố cách chơi chính là chiến đấu, thăm dò và giải đố. Chiến đấu cũng như thăm dò đều diễn ra dưới góc nhìn thứ ba, với người chơi có thể trang bị vũ khí được tìm thấy xuyên suốt cuộc hành trình của game. Heather còn có thể đỡ đòn và nhảy sang một bên né đòn từ kẻ thù. Vật dụng bất ly thân đóng vai trò chính yếu xuyên suốt dòng game là cây đèn pin và đài phát thanh sẽ phát tiếng tách tách khi quái vật ở gần đều được giữ nguyên. "Silent Hill 3" có gần tám loại quái vật và chúng sẽ thay phiên nhau chạm trán người chơi dưới nhiều hình thức khác nhau. Một số con sẽ chỉ xuất hiện khi người chơi đi ngang qua một số khu vực nhất định, trong khi số còn lại xuất hiện mọi lúc mọi nơi. Đặc biệt khi bước vào cổng bệnh viện Brookhaven người chơi sẽ gặp lại nữ y tá xuất hiện từ thời "Silent Hill" đầu tiên đã được nhà sản xuất chỉnh sửa lại hình dáng và bổ sung thêm một số chi tiết như đội tóc giả và vẽ thêm khuôn mặt góp phần tăng thêm vẻ ghê rợn kết hợp với tướng đi khập khiễng của chúng. Số quái vật còn lại trong game tùy từng hoàn cảnh người chơi bắt gặp sẽ trở nên nguy hiểm hay không. Trong những màn đầu tiên, quái vật tương đối dễ tiêu diệt do có kích thước nhỏ và chậm chạp, nhưng ở những màn sau, mức độ nguy hiểm sẽ tăng cao khi quái vật xuất hiện theo bầy, kích thước to lớn cũng như biết sử dụng rìu và cả súng đạn. "Silent Hill 3" có số lượng và chủng loại vũ khí đa dạng. Ban đầu, người chơi sẽ khá vất vả với hai loại vũ khí: con dao xếp và khẩu súng lục ai đó đánh rơi trên sàn nhà. Càng về sau, người chơi sẽ càng nhặt được nhiều thứ vũ khí lợi hại hơn, một số dùng để tấn công trực tiếp như một đoạn ống nước rỉ sét, một thanh kiếm Katana của Nhật hay thậm chí một quả chùy đầy gai nhọn. Ngoài ra còn có nhiều loại súng khác như khẩu shotgun đầy uy lực, súng tiểu liên với tốc độ bắn cực nhanh phù hợp với những quái vật có tốc độ di chuyển cao như con Pendulum... Trong game, không có vũ khí nào được xem là vô dụng cũng như không phải lúc nào cũng có thể sử dụng một vũ khí đối với nhiều loại quái vật khác nhau. Trong đa số trường hợp, người chơi cần phải phối hợp tấn công mới mang hiệu quả tốt nhất, chẳng hạn như người chơi dùng súng hạ quái vật ngã xuống sàn sau đó tiếp tục dùng chùy hay kiếm sẽ tiết kiệm được khá nhiều thời gian cũng như thuốc tăng máu. Vũ khí trong game đa dạng nhưng đạn dược không phải vô hạn do đó buộc người chơi phải hết sức tiết kiệm và chỉ sử dụng khi cần thiết. Người chơi có thể thiết lập độ khó phần chiến đấu và các yếu tố giải đố của trò chơi một cách riêng biệt. Trong trường hợp câu đố quá khó, có một sự khác biệt lớn giữa độ khó "trung bình" (medium) và độ khó "cao" (hard); một trong các câu đố về độ khó "trung bình" chỉ yêu cầu nhận dạng mẫu vật đơn giản, trong khi ở mức khó "cao" cũng cùng câu đố lại đòi hỏi người chơi cần hiểu biết về các vở kịch của Shakespeare thì mới giải được. Trò chơi còn có tính năng mở khóa vũ khí và trang phục của nhân vật chính. Cốt truyện. Tiếp đến, cô gặp phải một người đàn bà bí ẩn tên Claudia, kẻ hay nói bóng gió về số phận của Heather. Bất chợt cô nhận mình đã rơi vào một thế giới ác mộng gọi là Otherworld giờ đây tràn ngập lũ quái vật dị hợm cùng khung cảnh hoang phế mà mãi lúc sau mới chuyển đổi trở lại như cũ, cũng chính tại đây cô lại bắt gặp Douglas và ông đã thú nhận rằng ông được Claudia thuê tìm kiếm Heather. Heather rời khỏi trung tâm mua sắm và được chào đón bởi thế giới ác mộng một lần nữa khi đón tàu điện ngầm về nhà. Vừa đặt chân về đến nhà chưa kịp hỏi thăm thì cô bàng hoàng nhận ra cha mình đã bị giết bởi một con quái vật theo lệnh của Claudia, kèm theo một lá thư cho biết bà ta sẽ đợi cô ở thị trấn Silent Hill để tiết lộ thân phận thật sự của Heather và rồi bỏ đi nhanh chóng. Heather lòng đầy thù hận đã quyết định đi tới Silent Hill với ý định giết chết Claudia nhằm trả thù cho cha. Đúng lúc ấy cô lại gặp Douglas ngay tại nhà mình và chấp nhận lời đề nghị của ông chở cô tới đó. Trên đường đi, Douglas giải thích rằng Vincent có để lại cho ông một lời nhắn, bảo họ cố tìm một người đàn ông tên là Leonard, trong khi Heather lôi ra đọc quyển nhật ký còn lại của cha mình trước khi mất, vô tình tiết lộ rằng cô chính là cô bé Cheryl khi xưa được Harry Mason nhận nuôi vào lúc kết thúc của phần đầu tiên, sau khi ông đánh bại vị chúa trời được hạ sinh bởi Alessa Gillespie. Claudia tìm kiếm Heather nhằm mục đích hạ sinh vị chúa trời của giáo phái, vì chính bản thân Heather đang mang trong mình hình hài của Alessa sẽ được tái sinh. Ngay khi đặt chân đến Silent Hill, một thị trấn hoang vắng luôn bị sương mù bao phủ dày đặc. Việc đầu tiên mà Heather cần làm là kiểm tra Bệnh viện Brookhaven để kiếm Leonard nhằm tìm hiểu đầu đuôi sự việc. Sau khi phát hiện ra rằng Leonard chính là cha ruột của Claudia, người mà Heather gặp là Leonard bị biến dạng trong hình hài một con quái vật gớm ghiếc đã lao vào tấn công cô sau khi phát hiện cô không phải là thành viên của giáo phái; sau một hồi chiến đấu cật lực Heather mới tiêu diệt được hắn. Cuối cùng cô đã gặp Vincent, người hướng dẫn cô đến một nhà thờ qua một công viên giải trí địa phương, đã thừa nhận là làm theo yêu cầu của Douglas. Sau khi đến công viên giải trí, Heather được chuyển sang thế giới ác mộng Otherworld và tìm thấy Douglas đang bị thương ở đó. Cô đến nhà thờ và đối mặt với Claudia khi bà ta vừa ra tay giết chết Vincent. Sau khi nuốt một chất gì đó bên trong mặt dây chuyền mà cha Heather đã giao nó lại cho cô, đột nhiên Heather nôn ra vị chúa trời trong hình hài một thai nhi. Claudia chớp thời cơ vội nuốt bào thai và chết ngay lập tức sau khi hạ sinh vị chúa trời; tức thì Heather xông vào chiến đấu và sau cùng đã tiêu diệt được vị Chúa Trời yểu mệnh này. Có ba kết thúc xuất hiện trong trò chơi gồm Normal, Possessed và Revenge. Kết thúc đầu tiên "Normal" (thông thường) là kết thúc duy nhất ngay lần chơi đầu tiên của game chiếu cảnh cho thấy Heather và Douglas đã sống sót sau trận chiến. Kết thúc thứ hai "Possessed" (ám ảnh) thì Douglas bị Heather giết chết. Kết thúc thứ ba "Revenge" (trả thù) chỉ là một cái kết đùa cợt bằng cách thực hiện một số hành động trong game, trong đó sẽ hiện lên cảnh Heather nói chuyện với Harry và những chiếc UFO đã cho nổ tung Silent Hill được vẽ theo kiểu hoạt họa. Bối cảnh. "Silent Hill 3" lấy bối cảnh thế giới hư cấu của dòng game Silent Hill. Mười bảy năm trước khi mở đầu các sự kiện trong "Silent Hill 3", Harry Mason đã đánh bại một vị "Chúa Trời" được hồi sinh nhờ một nghi lễ cuồng tín được những cư dân thuộc một giáo phái bí mật của thị trấn Silent Hill thực hiện và lúc gần cuối game, anh nhận nuôi một bé gái là một phần của vị Chúa đó. Nhân vật. Nhân vật chính điều khiển được trong "Silent Hill 3" là Heather, một thiếu nữ mười bảy tuổi và là con nuôi của Harry Mason. Claudia Wolf, một nữ tu sĩ của giáo phái mưu tính mang về một thiên đường trên Trái Đất, đóng vai trò là nhân vật phản diện trong game. Khi Heather cố gắng làm sáng tỏ nguyên nhân vì sao giáo phái của Silent Hill lại bám theo cô, rồi cô lần lượt gặp gỡ một số nhân vật kỳ lạ như viên thám tử tư Douglas Cartland; Vincent, một thành viên giáo phái kỳ lạ trông có vẻ căm ghét Claudia; và sau cùng là Leonard Wolf, cha của Claudia người luôn hành hạ bà lúc nhỏ. Phát triển. "Silent Hill 3" được phát triển bởi Team Silent, một nhóm sản xuất trực thuộc Konami Computer Entertainment Tokyo. Quá trình phát triển phiên bản thứ ba trên PlayStation 2 được bắt đầu sau khi phát hành "Silent Hill 2", được thực hiện gần như đồng thời với việc phát triển một bản "Silent Hill" khác dùng để khám phá một hướng đi khác cho thương hiệu và không phải là một phần chính của dòng game; được gọi là "Room 302", trò chơi này cuối cùng được hợp nhất vào phần chính của sê-ri với tên gọi "". Nhóm phát triển cho công việc lặp đi lặp lại này nhỏ hơn so với việc phát triển "Silent Hill 2", với khoảng 40 nhân viên làm game, tạo thành đội ngũ nòng cốt từ tựa game thứ hai và một số người mới đến. Một nhóm nhân viên nhỏ hơn của Konami Computer Entertainment Tokyo về sau còn phát triển phiên bản chuyển thể cho Microsoft Windows. Giống như tất cả các phiên bản "Silent Hill", "Silent Hill 3" chịu một trong những ảnh hưởng đến từ bộ phim "Jacob's Ladder": một trong những nhà ga tàu điện ngầm được đặt tên là Trạm đường Bergen (Bergen Street Station), trạm mà Jacob hỏi thăm nằm ở khúc đầu của bộ phim. Nhà phát triển cũng trích dẫn trong vô vàn tác phẩm của nhà văn kinh dị bậc thầy Stephen King như là một trong số những ảnh hưởng của họ. Silent Hill 3 kết hợp các tài liệu tham khảo được rút ra từ đời thực của những nam diễn viên và nữ diễn viên. Những người sáng tạo ban đầu đã đặt tên cho nhân vật chính là Heather "Helen", nhưng nó mang tiếng là quá cổ hủ và kiểu cách. Sau đó họ quyết định rằng nhân vật sẽ được đặt theo tên nữ diễn viên lồng tiếng Heather Morris, người lồng tiếng cho nhân vật chính. Heather được mô hình hóa dựa theo nữ diễn viên người Pháp Charlotte Gainsbourg và Vanessa Paradis trong một vài bản phác thảo thô sơ. Sự xuất hiện của nhân vật nữ có thể điều khiển được trong phần này ảnh hưởng từ hai yếu tố: thứ nhất, nhà viết kịch bản Hiroyuki chán nhân vật chính là nam và thứ hai, một người đàn ông về mặt tự nhiên không thể nào là mẹ của "Chúa Trời". Heather Morris, trong một cuộc phỏng vấn đã lưu ý rằng cô rất may mắn khi được vào vai chính trong Silent Hill, khi nó tạo cơ hội cho nữ diễn viên lồng tiếng "nhìn vào thế giới của một trò chơi điện tử". Morris đã rất ấn tượng với tài năng và sự sáng tạo của đội ngũ phát triển trong "một quá trình rất nghiêm ngặt nhằm tạo ra thế giới xung quanh tôi đã được đầu tư một khối lượng lớn công việc". Nữ diễn viên này đã mô tả nhân vật của mình là "một cô gái xinh xắn và hơi chút tomboy", dù tuổi đời còn trẻ nhưng rất can đảm, kiên cường và thú vị. Tạp chí "Gambling" gọi đó là nữ anh hùng trong game thực tế nhất "mọi thời đại". Cái tên Douglas Cartland lấy từ tên nam diễn viên người Mỹ Douglas Fairbanks. Nhà phát triển nói rằng tên của ông "dường như chỉ hợp với anh ấy" và chẳng có mối liên hệ nào trùng với tên anh. Trong quá trình phác thảo, nhân vật của anh đã được mô hình hóa dựa theo hai nam diễn viên Giancarlo Giannini và Ian Holm. Nhóm thiết kế đã lưu ý rằng ngay cả trong phần thiết kế khái niệm về nhân vật Cartland được thiết kế như một thám tử tư tầm trung niên. Nhân vật Claudia Wolf được coi là khó thiết kế nhất. Những bản phác thảo đầu tiên tiết lộ rằng những người sáng tạo muốn bà ta ăn mặc giống như một người phụ nữ thánh thiện, và thỉnh thoảng có cái đầu bị cạo trọc và cơ thể đầy hình xăm. Cuối cùng, những người sáng tạo quyết định dựng mô hình của bà ta dựa trên Julianne Moore và sau đó loại bỏ phần lông mày đi, do vậy bộ dạng có phần hơi nghiêng. Bà ta ban đầu được đặt tên là "Christie", nhưng nó được cho là quá "dễ thương" và là nhân vật cuối cùng được đặt theo tên nữ diễn viên Claudia Cardinale. Cái tên Vincent có nguồn gốc từ tên của nam diễn viên Vincent Gallo vì vẻ ngoài mày râu xồm xoàng. Mẫu thiết kế ban đầu dựa theo nam diễn viên Ethan Hawke và tập trung vào việc nắm bắt được bộ dạng trông "loạn trí và ủ rũ". Soundtrack. Bản soundtrack cho "Silent Hill 3" do chính Akira Yamaoka sáng tác, chúng được phát hành tại Nhật Bản ngày 16 tháng 7 năm 2003 và tại Bắc Mỹ ngày 6 tháng 8 năm 2004. Bài hát "You're Not Here" được đưa vào trong bản chuyển thể PlayStation 2 tựa game "Dance Dance Revolution Extreme". Nó còn được gộp vào trong bản phim UMD "Silent Hill Experience". Bản soundtrack của trò chơi sử dụng giọng ca đầu tiên khá nổi bật. Hầu hết các phần xướng âm đều được thực hiện bởi giọng ca Mary Elizabeth McGlynn (mà trong phần credit ghi là Melissa Williamson). Chỉ có một bài là do Joe Romersa hát. Phim dựa theo. Một bộ phim dựa theo "Silent Hill 3" mang tên "" được hãng Open Road Films phát hành vào ngày 26 tháng 10 năm 2012. Bộ phim là phần tiếp theo của bộ phim chuyển thể phiên bản đầu tiên trong loạt game "Silent Hill". Đón nhận. "Silent Hill 3" nhận được những đánh giá tích cực, với mức điểm 83.77% mà Game Rankings trao cho phiên bản PlayStation 2 và 71.15% đối với phiên bản PC. Về phần Metacritic chấm cho phiên bản PlayStation 2 số điểm 85/100, trong khi phiên bản PC chỉ được số điểm 72/100. Phiên bản PC gặp khó khăn hơn, với một số nhận xét rút ra từ việc so sánh bất lợi với những tựa game chiến đấu khác được tìm thấy trên hệ máy PC, trong khi số khác nêu bật một số vấn đề kỹ thuật, chẳng hạn như việc hỗ trợ tay cầm kém cỏi. Những phản hồi tích cực nhìn chung hướng về yếu tố kinh dị và bầu không khí ảm đạm của trò chơi, bao gồm "những phần kinh hoàng thực sự", nó "gói gọn một vài nỗi sợ hãi chân thật" và "cái cảm giác kỳ quái và chết chóc gần như áp đảo". Câu chuyện được kể như là một phần của bầu không khí ghê rợn được nhận ra rõ ràng, đáp ứng "sự thỏa mãn về phần tiếp theo mạch lạc, dù cho tình trạng như vậy có nghĩa rằng "nó có thể đôi chút khó khăn khi theo dõi với những ai chưa chơi phần đầu tiên, mặc dù có "một nỗ lực đáng khen ngợi để giúp mọi người nắm bắt kịp thời". Ngoài ra, phần đồ họa, âm thanh và giá trị sản xuất đều được gộp vào trong credit với việc thêm yếu tố xác thực cho bầu không khí âm u đúng chất kinh dị của game. Những chỉ trích tiêu cực phần lớn bắt nguồn từ việc không có bất kỳ sự đổi mới nào trong game; trò chơi "không có gì mới mẻ mà dòng game chưa làm trước đó" hay "một chút đổi mới giới hạn" và "chẳng đưa thứ gì vượt ra ngoài các phiên bản khác trong dòng game này". Đồng thời còn chỉ trích góc quay camera và hệ thống điều khiển của game, mặc dù có phần cải thiện từ các phiên bản trước, thế nhưng chúng vẫn bị mô tả kiểu như "vụng về, mất phương hướng và chuyển động yếu ớt". Một số lời chỉ trích bắt nguồn từ độ dài của game, vì nó "có thể dễ dàng phá đảo chỉ trong một vài giờ chơi". Trong bài đánh giá trở về trước của họ, Honestgamers.com đã viết "những gì mở đầu từ sự rực rỡ hiếm thấy trên hệ máy PlayStation đã thoái hóa thành một bài tập phức tạp và vô nghĩa tựa như cơ bắp bị uốn cong theo bản năng trong khi kiến nghị về lối chơi hấp dẫn ngày càng ít đi. Và xu hướng giảm dần bắt đầu từ đây", mặc dù có cùng nhận xét như vậy đồng thời còn khen ngợi chất lượng hình ảnh, âm thanh và âm nhạc cho rằng "đây là một tác phẩm nghệ thuật theo chuẩn mực PlayStation 2". Tạp chí "Thế Giới Game" bình luận: "Điều đặc biệt đáng chú ý về "Silent Hill": cốt truyện có thể thay đổi, nhân vật có thể khác nhau, quái vật có thể xuất hiện nhiều loại mới, nhưng có một thứ đã không hề thay đổi trong suốt lịch sử của dòng game "Silent Hill": thị trấn Silent Hill, nơi tập trung của những mâu thuẫn và mắt xích của toàn bộ câu chuyện lẫn trong nội tâm nhân vật. Trong quảng cáo, Silent Hill được biết đến như một ngọn đồi thanh bình, yên tĩnh và có cảnh đẹp thơ mộng. Toàn bộ thị trấn Silent Hill được bao phủ bởi một lớp sương mù huyền ảo trắng xoá có thể khiến những du khách hiếu kỳ đến ngọn đồi này nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng. Thế nhưng thực sự khuất sau khung cảnh thiên nhiên đó, Silent Hill có một quá khứ đen tối đầy tội lỗi và bí hiểm. Những vụ án không tìm ra thủ phạm, những cái chết mà nguyên nhân vẫn còn là điều bí ẩn chồng chất lên nhau. Những mẩu chuyện ma, vần thơ rùng rợn... nằm rải rác trong game khiến người chơi sởn tóc gáy. Dễ dàng nhận thấy là bản đồ Silent Hill có rất ít thay đổi ngay từ phiên bản đầu tiên". Tạp chí này còn khen ngợi câu chuyện trong "Silent Hill" mới chính là điểm nhấn của game: "chúng ta nhận thấy chính cốt truyện của SH tạo nên sức hút và sự lôi cuốn. Nếu bạn từng chơi hai phiên bản trước chắc sẽ nhận thấy những nhân vật trong SH dường như có một mối liên kết nào đó, không phải dựa trên quan hệ họ hàng mà là một cái gì đó tận đáy tâm hồn gắn kết họ tại chính thị trấn mông lung Silent Hill này. Con người của Silent Hill cũng không kém phần bí ẩn, game không tạo cho họ một thân thế rõ ràng, không có quá khứ cũng chẳng có tương lai, tất cả những gì thể hiện chỉ là những con người của hiện tại. Hoặc họ đang chạy trốn quá khứ hoặc chạy trốn bản thân, nhưng kết cục họ vẫn phải đối mặt với nó tại thị trấn Silent Hill, nơi mà nỗi sợ hãi được cụ thể hoá thành những hình thù quái vật kỳ dị luôn săn đuổi họ ở bất kỳ nơi đâu. Để khi có được những giây phút yên tĩnh, bất chợt họ hồi tưởng lại và chợt nhận ra họ đã để sót một lời hứa hay một thứ gì đó trong thị trấn Silent Hill". "Silent Hill 3" đã bán được hơn 300.000 bản tính đến tháng 11 năm 2003. Trò chơi cũng đứng đầu bảng xếp hạng tại Nhật Bản sau khi phát hành.
1
null
Viễn tải lượng tử là một quá trình mà theo đó toàn bộ thông tin của một qubit (đơn vị cơ bản của thông tin lượng tử) có thể được truyền chính xác từ địa điểm này đến địa điểm khác mà không kèm theo sự di chuyển trong không gian của vật thể mang qubit. Tốc độ truyền tải không phải là tức thời, do tốc độ truyền tải thông tin không thể nhanh hơn tốc độ ánh sáng. Hiện tại khoảng cách kỉ lục về viễn tải lượng tử là 143 km. Mô hình. Gồm có một qubit cần truyền, một kênh truyền thông cổ điển, một cặp qubit vướng lượng tử với nhau 1.Một cặp qubit vướng lượng tử được tạo ra, một gửi đến A, một gửi đến B là nơi cần truyền đến 2.Tại vị trí A, một phép đo Bell của qubit cần chuyển và một qubit của hệ vướng lượng tử được thực hiện 3.Thông tin phép đo được gửi đến B qua kênh truyền thông cổ điển 4.Tại B, dựa vào thông tin truyền đến, qubit còn lại của hệ vướng lượng tử được biến đổi thành qubit cần truyền Chi tiết. Giả sử Alice có một electron e1 có trạng thái formula_1 = a formula_2 + b formula_3 và muốn truyền trạng thái của hạt này cho Bob. Alice tạo ra một hệ hai electron vướng lượng tử với nhau e2, e3 có trạng thái formula_4 = formula_5 (formula_6formula_7) Alice giữ e2 lại cho mình và đưa e3 cho Bob. Trạng thái của hệ ba hạt là: formula_8 = formula_1 formula_4 Alice đo trạng thái của hệ 2 hạt e1, e2. Có bốn khả năng xảy ra: formula_11 = formula_5formula_13formula_14 formula_15 = formula_5formula_17formula_14 formula_19 = formula_5formula_21formula_22 formula_23 = formula_5formula_25formula_22 Trạng thái của hệ ba hạt: formula_8 = formula_1 formula_4 = (a formula_30 + b formula_3) (formula_5 (formula_6formula_7)) = formula_35(formula_36) + formula_37(formula_38) Nhân vô hướng các khả năng với formula_8 ta có: formula_40 formula_41 formula_42 formula_43 Bởi vì: formula_44 Ta có: formula_45 = formula_46 = formula_47 Từ phương trình trên, suy ra: Nếu Alice đo được formula_48 thì e3 sẽ có trạng thái formula_49 Bob tác động formula_50 Nếu Alice đo được formula_51 thì e3 sẽ có trạng thái formula_52 Bob tác động formula_53 Nếu Alice đo được formula_54 thì e3 sẽ có trạng thái formula_55 Bob tác động formula_56 Nếu Alice đo được formula_57 thì e3 sẽ có trạng thái formula_58 Bob tác động formula_59
1
null
Grumman TB2F là một dự án máy bay thả ngư lôi hai động cơ đã bị hủy bỏ, được dự định trở thành máy bay kế nhiệm của TBF Avenger. Tuy nhiên, chỉ có một mô hình được chế tạo. Năm 1944, trong Chiến tranh thế giới thứ hai, các tàu sân bay lớp "Midway" được chế tạo và Grumman đã cố gắng thiết kế một máy bay thả ngư lôi mới để vận hành trên các tàu sân bay đó. Tuy nhiên, người ta sớm quyết định rằng trong số những khó khăn khác, sẽ không thực tế nếu triển khai máy bay hai động cơ với kích cỡ này từ một tàu sân bay, do đó kế hoạch đã bị gác lại.
1
null
Một Màn hình võng mạc ảo, hay máy chiếu võng mạc, màn hình quét võng mạc là một kỹ thuật hiển thị hình ảnh bằng vẽ các đối tượng ảnh thẳng lên võng mạc của con mắt. Người dùng nhìn thấy hình ảnh giống như nó xuất hiện trước mắt họ. Lịch sử. Trong quá khứ các hệ thống tương tự đã được thực hiện bằng cách chiếu lên một màn hình nhỏ trước mắt người dùng, thường là kính mắt. Người dùng hướng đôi mắt vào một màn hình ảo, nơi các hình ảnh hiển thị. Nhược điểm của phương pháp này là khu vực hiển thị bị hạn chế bởi "màn hình", và hình ảnh chỉ hiện rõ khi mắt người dùng ở một góc nhìn và chiều sâu thích hợp. Hạn chế về độ sáng làm cho kiểu hiển thị này chỉ thích hợp trong nhà. Chỉ một số phát triển gần đây thực hiện được một hệ thống màn hình võng mạc ảo đúng nghĩa. Các điốt phát quang độ sáng mạnh cho phép tạo các màn hình đủ sáng để sử dụng trong ánh sáng ban ngày, và kỹ thuật tự thích ứng quang học cho phép hệ thống tự chuẩn hóa khi gặp những bất thường trong mắt. Kết quả là một kỹ thuật hiển thị không màn hình tuyệt vời có độ phân giải cao, ánh sáng và màu sắc tốt hơn các công nghệ hiển thị tốt nhất. Kỹ thuật màn hình võng mạc ảo được Kazuo Yoshinaka của hãng Nippon Electric phát minh năm 1986 Các nghiên cứu tại Đại học Washington cũng đưa ra một hệ thống tương tự năm 1991. Hầu hết các nghiên cứu về kỹ thuật màn hình ảo đều có liên quan tới các hệ thống thực tại ảo. Kỹ thuật có ưu thế hơn các kỹ thuật hiển thị truyền thống do nhỏ hơn, tuy cũng có những nhược điểm chung như cần một hệ thống quang học để chuyển tải hình ảnh, trước đây thường là một hệ thống giống kính mát. Màn hình cũng có thể sử dụng như một phần của một hệ thống máy tính. Gần đây, có một vài hướng nghiên cứu mới tích hợp màn hình võng mạc ảo với các thiết bị di động như [[điện thoại]], [[Thiết bị kỹ thuật số hỗ trợ cá nhân|PDA]] và một số máy hiển thị video. Trong trường hợp này thiết bị được đặt trước mắt người dùng, tự động xác định tình trạng của mắt và chiếu hình ảnh vào mắt bằng [[thuật toán vận động bồi thường]]. Bằng cách này ta có được một màn hình full size trên một thiết bị nhỏ. Ứng dụng. Quân sự. Màn hình võng mạc ảo đã được nghiên cứu để sử dụng thay thế cho [[Màn hình trên mũ bảo hiểm]]. Tuy nhiên, hiện không có hệ thống sử dụng màn hình võng mạc ảo nào đã được đưa vào sử dụng, các hệ thống màn hình trên mũ bảo hiểm vẫn được sử dụng và phát triển theo hướng hiển thị ba chiều. Y tế. Một hệ thống hỗ trợ có thể giúp các bác sĩ trong những hoạt động y tế phức tạp. Ví dụ khi một bác sĩ phẫu thuật, họ có thể theo dõi các thông quan trọng của bệnh nhân, chẳng hạn huyết áp hay nhịp tim. Đối với các quy trình như đặt ống đỡ động mạch, các hình ảnh như [[ảnh chụp cộng hưởng từ]], [[ảnh chụp cắt lớp]] có thể được lồng vào hình ảnh thực tế để hỗ trợ cho ca phẫu thuật. Liên kết ngoài. [[Thể loại:Kỹ thuật hiển th]] [[Thể loại:Tương tác đa phương]] [[Thể loại:Thực tại ảo]] [[Thể loại:Thực tại ảo kết hợp]] [[Thể loại:Giả định công nghệ]] [[Thể loại:Công nghệ mới]] [[Thể loại:Thực tế ảo]] [[Thể loại:Công nghệ hiển thị]] [[Thể loại:Công nghệ mới nổi]]
1
null
Định lý không nhân bản là một kết quả của cơ học lượng tử nói rằng việc tạo ra một bản sao giống hệt của một trạng thái lượng tử chưa biết là không thể. Nó được khẳng định bởi Wootters, Zurek và Dieks vào năm 1982 và có ý nghĩa sâu sắc trong tính toán lượng tử và các vấn đề liên quan. Trạng thái của một hệ thống có thể bị vướng víu lượng tử với trạng thái của một hệ thống khác. Ví dụ có thể sử dụng cổng cổng CNOT hoặc cổng Hadamard để làm vướng víu lượng tử hai qubit. Đấy không phải là nhân bản. Nhân bản là một quá trình mà mà kết quả là một trạng thái tách rời với các yếu tố giống hệt nhau. Chứng minh. Giả sử có một electron e1 mà không rõ trạng thái formula_1 formula_1 = a formula_3 + b formula_4 với các biên độ a,b không biết. Giả sử có một electron e2 có trạng thái formula_5 Mục tiêu là tạo ra một bản sao của e1 lên e2 mà không phá hủy trạng thái của e1. Giả sử có một hệ thống lượng tử C cho phép làm điều đó. Hệ thống này được biểu diễn bởi toán tử formula_6. Ta có: formula_7 formula_8 = formula_1 formula_10 (1) formula_6 là toán tử Unita: formula_12 Chọn một trạng thái lượng tử formula_13 sao cho formula_14. Ta có: formula_15 formula_8 = formula_17 formula_18 (2) Nhân vô hướng (1) với (2) ta có: formula_19 Do đó: formula_20 Điều này chỉ xảy ra khi formula_21, vô lý. Vậy không tồn tại toán tử formula_6, định lý được chứng minh.
1
null
Cao Trừng (, 521–549), tên tự Tử Huệ (子惠), hiệu Bột Hải Văn Tương vương (勃海文襄王), sau này được triều Bắc Tề truy thụy hiệu Văn Tương hoàng đế (文襄皇帝) cùng miếu hiệu Thế Tông (世宗), là đại thừa tướng của triều Đông Ngụy trong lịch sử Trung Quốc. Ông là con trai trưởng của Cao Hoan, và do cha nắm giữ quyền cai trị thực thế trong thời gian Hiếu Tĩnh Đế trị vì, quyền lực của Cao Trừng cũng ngày càng lớn, và ông trở thành người cai trị trên thực tế của đế quốc sau khi cha qua đời vào năm 547. Ông được đánh giá là người tài giỏi song phù phiếm và kiêu ngạo, cũng như thiếu thận trọng trong vấn đề quan hệ nam nữ. Năm 549, ông bị đầy tớ là Lan Kinh ám sát, và em trai ông Cao Dương tiếp quản quyền kiểm soát Đông Ngụy. Bối cảnh. Cao Trừng sinh năm 521, lúc đó cha ông là Cao Hoan vẫn là một người chạy dịch trạm chuyển văn thư giữa kinh đô Lạc Dương và cố độ Bình Thành (平城, nay thuộc Đại Đồng, Sơn Tây) của Bắc Ngụy. Mẹ ông là Lâu Chiêu Quân, bà xuất thân trong một gia đình giàu có, song gia đình Cao Hoan lại nghèo túng. Năm 525, Cao Hoan tham gia vào cuộc khởi nghĩa nông dân do Đỗ Lạc Chu lãnh đạo. Sau đó, Cao Hoan cho rằng Đỗ Lạc Chu không phải là một lãnh tụ thành công nên đã tìm cách đào tẩu khỏi doanh trại của Đỗ Lạc Chu cùng với các cộng sự Úy Cảnh (尉景), Đoàn Vinh (段榮), và Thái Tuyển (蔡雋). Lâu thị cùng Cao Trừng và một người con gái cũng chạy trốn bằng cách cưỡi một con bò. Trong cuộc đào tẩu này, Cao Trừng đã nhiều lần rơi khỏi lưng bò, vì thế Cao Hoan từng tính đến chuyện dùng tên giết chết Cao Trừng, song Đoàn Vinh đã cứu giúp ông. Đến năm 531, khi đã là một tướng của Bắc Ngụy, Cao Hoan nổi dậy chống lại gia tộc Nhĩ Chu Vinh vốn kiểm soát nền chính trị của đế quốc. Khi một lãnh đạo khởi nghĩa nông dân, cũng là một họ hàng rất xa của Cao Hoan, là Cao Ngao Tào (高敖曹) từ chối đi theo Cao Hoan, Cao Hoan đã cử Cao Trừng đến viếng thăm Cao Ngao Tào và thể hiện sự kính trọng với người này, thuyết phục Cao Ngao Tào về sự thành thật của Cao Hoan. Phụng sự cho phụ thân. Cao Hoan đánh bại gia tộc Nhĩ Chu vào năm 532 và tiến vào kinh thành Lạc Dương, ông ta lập Bình Dương vương Nguyên Tu làm hoàng đế, tức Hiếu Vũ Đế. Do phụ thân giành được thắng lợi, Cao Trừng lúc này mới 11 tuổi song đã nhận được các chức tước cao cấp, song ông không phải chịu trách nhiệm trên thực tế trong cả việc triều chính và quân sự. Cùng với việc phụ thân được phong làm Bột Hải vương, Cao Trừng do là con trưởng nên cũng được ban tước là Bột Hải vương thế tử. Năm 534, Hiếu Vũ Đế do tranh chấp quyền lực với Cao Hoan nên đã chạy trốn sang lãnh địa của tướng Vũ Văn Thái, dẫn đến việc triều Bắc Ngụy phân liệt, khi đó Cao Hoan đã lập Thanh Hà vương thế tử Nguyên Thiện Kiến làm hoàng đế, tức Hiếu Tĩnh Đế. Các khu vực nằm dưới quyền kiểm soát của Cao Hoan được gọi là Đông Ngụy, còn các khu vực nằm dưới quyền kiểm soát của họ Vũ Văn được gọi là Tây Ngụy. Cao Hoan đã cho chuyển kinh đô Đông Ngụy về Nghiệp thành. Năm 535, Cao Hoan khám phá ra chuyện tình giữa người thiếp Trịnh Đại Xa (鄭大車) và con trai Cao Trừng. Trong cơn giận dữ, Cao Hoan đã quất Cao Trừng 100 phát roi rồi cho bắt giam. Cao Hoan cũng đã nghiêm túc xem xét đến việc lập con trai khác với người thiếp Nhĩ Chu Anh Nga (con gái của Nhĩ Chu Vinh) là Cao Du (高浟) làm vương thế tử thay thế Cao Trừng. Cao Trừng đã cầu cứu sự giúp đỡ từ một người bạn của cha là Tư Mã Tử Như (司馬子如). Người này đã thuyết phục được Cao Hoan thay đổi ý định khi nhắc cho Cao Hoan nhớ lại các đóng góp của Lâu vương hậu, và sau đó cũng buộc các nhân chứng về chuyện tình giữa Cao Trừng và Trịnh Đại Xa phải rút lại lời khai. Tuy nhiên, Cao Trừng bị buộc phải liên tục cúi đầu và bò trên mặt đất để cầu xin Cao Hoan tha thứ, cuối cùng Cao Hoan đã quyết định vẫn để Cao Trừng làm vương thế tử. Năm 536, Cao Trừng lúc này đã 15 tuổi và khi đó ở cùng với cha tại trụ sở quân sự tại Tấn Dương, song ông đã thỉnh cầu được trấn thủ kinh đô Nghiệp thành. Cao Hoan ban đầu từ chối, song do Tôn Khiên (孫搴) nói giúp cho Cao Trừng nên cuối cùng Cao Hoan đã chấp thuận. Ngay sau dó, Cao Trừng đến Nghiệp thành và nắm quyền kiểm soát chính quyền đế quốc. Ông trở thành một nhà cai trị khắc nghiệt song có khả năng thực thi luật pháp, tương phản với chính sách của cha. Cao Trừng cũng bãi bỏ hệ thống thăng chức dựa trên thâm niên vốn làm cho triều đình trì trệ, tìm kiếm các cá nhân có tài và nhanh chóng thăng chức cho họ. Trong khoảng thời gian này, Cao Trừng đã kết hôn với em gái của Hiếu Tĩnh Đế là Phùng Dực công chúa. Năm 540, Phùng Dực công chúa hạ sinh một người con trai là Cao Hiếu Uyển (高孝琬). Hoàng đế đã đích thân đến dinh thự của Cao Trừng để chúc mừng, và tất cả các quan lại đều gửi tặng các món quà quý giá. Cao Trừng ban đầu từ chối, nói rằng Cao Hiếu Uyển là ngoại sanh của hoàng đế, vì thế hoàng đế nên được chúc mừng trước tiên, song ông cuối cùng đã chấp thuận. Năm 543, các hành động của Cao Trừng cùng viên quan phụ chính tin cẩn là Thôi Xiêm (崔暹) đã khiến tướng Cao Trọng Mật (高仲密) làm phản. Cao Trọng Mật từng kết hôn với em gái của Thôi Xiêm song sau lại bỏ rơi bà, điều này dẫn đến hận thù giữa Cao Trọng Mật và Thôi Xiêm. Thêm vào đó, trong một lần, Cao Trừng đã ấn tượng với vẻ đẹp của vợ chính mới của Cao Trọng Mật là Lý Xương Nghi (李昌儀) khi trông thấy bà, và cố gắng cưỡng hiếp bà. Tuy nhiên, Lý thị đã chạy thoát và kể lại sự việc cho Cao Trọng Mật. Do đó, khi Cao Trọng Mật trở thành thứ sử của Bắc Dự châu (北豫州, nay gần tương ứng với Trịnh Châu, Hà Nam), ông đã dâng trọng trấn Hổ Lao (虎牢)- thủ phủ của Bắc Dự châu, cho Tây Ngụy. Cao Hoan đổ tội cho Thôi Xiêm về hành động phản loạn của Cao Trọng Mật. Ban đầu Cao Hoan muốn giết Thôi Xiêm hoặc ít nhất là phạt roi thật nặng. Tuy nhiên, Cao Trừng đã thuyết phục cha thông qua Trần Nguyên Đạt (陳元達, trợ thủ của Cao Hoan) rằng việc trừng phạt Thôi Xiêm sẽ khiến quyền lực của Cao Trừng bị suy yếu, vì thế Cao Hoan đã không bao giờ trừng phạt Thôi Xiêm. Trong các trận chiến sau đó nhằm tranh giành quyền kiểm soát khu vực Hổ Lao và Lạc Dương, cả Vũ Văn Thái và Cao Hoan đều hao tổn lực lượng. Sau khi quân Đông Ngụy chiếm được Hổ Lao trong cùng năm, và Lý thị được đưa đến Nghiệp thành, Cao Trừng đã lập bà làm thiếp. Năm 544, do tin rằng các quan gồm Tư Mã Tử Như, Tôn Đằng (孫騰), Cao Nhạc và Cao Long Chi (高隆之) đang trở thành những nhân vật có quyền thế lớn và hủ bại, Cao Hoan đã quyết định chuyển giao nhiều trọng trách lớn trong chính quyền của những người này sang cho Cao Trừng. Cao Trừng càng thể hiện sức mạnh của mình khi đối xử một cách hống hách đối với các quan lại đó. Giả dụ như khi Tôn Đằng đến chỗ Cao Trừng và thể hiện sự thiếu tôn trọng, Cao Trừng đã cho lính canh quăng Tôn Đằng xuống nền và đánh người này bằng cán kiếm. Cao Trừng cũng phong trợ thủ Thôi Quý Thư (崔季舒) của mình làm tổng giám cho Hiếu Tĩnh Đế, canh trừng vị hoàng đế bù nhìn này. Sang năm 544, Cao Trừng muốn dẹp bỏ hủ bại trong chính quyền Đông Ngụy nên đã trao quyền cho Thôi Xiêm và Tống Du Đạo (宋遊道) tiến hành điều tra tội tham ô của các quan lại cao cấp. Cả Thôi Xiêm và Tống Du Đạo đều đưa ra một số lời buộc tội và kết quả là Cao Trừng đã tước bỏ toàn bộ tước hiệu và chức quan của Tư Mã Tử Như và tước bỏ chức quan của Hàm Dương vương Nguyên Thản (元坦). Để thể hiện rằng Thôi Xiêm được trao quyền để tiến hành điều tra, Cao Trừng đã lệnh cho Thôi Xiêm phải cố tình thể hiện sự bất kính với mình ở nơi công cộng mà không phải chịu trừng phạt, do đó các quan lại càng trở nên e sợ Thôi Xiêm. Cuối năm 546, Cao Hoan lâm bệnh trọng và ông ta đã cho triệu Cao Trừng đến Tấn Dương để giao phó những công việc quan trọng. Vào thời điểm đó, Cao Trừng lo sợ rằng tướng Hầu Cảnh (người trấn thủ các châu ở bờ nam Hoàng Hà) sẽ làm phản, vì thế Cao Hoan đã trao cho kì tử danh sách các quan lại mà ông có thể tin cậy, và chỉ dẫn rằng hãy phái Mộ Dung Thiệu Tông dẫn quân đi đánh Hầu Cảnh nếu người này thật sự làm phản. Cao Hoan qua đời vào mùa xuân năm 547, song do làm theo lời chỉ dẫn của phụ thân, Cao Trừng đã không công khai thông báo về sự việc này; thay vào đó, ông trở về Nghiệp thành, giả bộ rằng Cao Hoan vẫn còn sống. Làm nhiếp chính. Cũng vào mùa xuân năm 547, do cho rằng Cao Hoan đã chết, Hầu Cảnh đã nổi dậy, ban đầu đem 13 châu do mình kiểm soát gồm: Dự, Quảng, Toánh, Lạc, Dương, Tây Dương, Đông Kinh, Bắc Kinh, Tương, Đông Dự, Nam Duyện, Tây Duyện và Tề đầu hàng Tây Ngụy, và sau đó là đầu hàng nhà Lương. Cao Trừng ban đầu cử Hàn Quỹ (韓軌) đi đánh Hầu Cảnh, Hàn Quỹ đã giành được một số lợi thế trước quân của Hầu Cảnh, tuy nhiên đã buộc phải triệt thoái khi quân Tây Ngụy kéo đến. Hầu Cảnh đã phải mất 4 châu cho Tây Ngụy để đổi lấy sự ủng hộ này. Sau đó, Hầu Cảnh tuyệt giao với Tây Ngụy, quân Tây Ngụy vì thế đã triệt thoái. Trong khi đó, Lương Vũ Đế đã ủy nhiệm cho cháu là Trinh Dương hầu Tiêu Uyên Minh đem một đội quân lớn đến trợ giúp cho Hầu Cảnh. Cao Trừng cuối cùng đã tiết lộ về việc cha qua đời, giao trọng trách phụ trách quân đội cho Mộ Dung Thiệu Tông. Ông cũng đã đề nghị nghị hòa với Hầu Cảnh, hứa sẽ để Hầu Cảnh làm chủ các châu phía nam nếu người này chịu quy phục, tuy nhiên Hầu Cảnh đã từ chối. Lúc này, Cao Trừng cũng phải đương đầu với một mối đe dọa từ bên trong. Sau khi phụ thân qua đời, Cao Trừng bắt đầu thể hiện sự coi thường với Hiếu Tĩnh Đế và trong một lần, khi Hiếu Tĩnh Đế trách mắng Cao Trừng vì tội bất kính nơi công cộng, Cao Trừng đã lệnh cho Thôi Quý Thư đấm Hiếu Tĩnh Đế ba phát. Hiếu Tĩnh Đế lo sợ về viễn cảnh của mình sau này nên đã lập mưu chống lại Cao Trừng. Vào mùa đông năm 547, âm mưu bị phát giác, Cao Trừng cho bắt giữ Hiếu Tĩnh Đế và hành quyết những đồng mưu của hoàng đế. Cũng vào năm 547, Mộ Dung Thiệu Tông đã đè bẹp quân của Tiêu Uyên Minh ở Hàn Sơn (寒山, nay thuộc Từ Châu, Giang Tô), bắt được Tiêu Uyên Minh. Khi Tiêu Uyên Minh được giải đến chỗ Cao Trừng, ông ta đã được Cao Trừng đối đãi một cách tôn trọng, lý do là vì Cao Trừng có ý dùng Tiêu Uyên Minh làm một quân cờ để chống lại Hầu Cảnh. Sang mùa xuân năm 548, Mộ Dung Thiệu Tông đã tiêu diệt đội quân của Hầu Cảnh, bản thân Hầu Cảnh phải chạy trốn sang Lương, lấy thành Thọ Dương (壽陽, nay thuộc Lục An, An Huy) ở vùng biên giới của Lương làm căn cứ cho các hoạt động của mình. Cao Trừng sau đó bắt đầu điều đình hòa bình với Lương Vũ Đế, có ý nhằm tạo ra bất ổn trong mối quan hệ giữa Vũ Đế và Hầu Cảnh. Cuối cùng, Hầu Cảnh tin rằng mình sẽ bị Vũ Đế phụ và rồi sẽ bị đưa về Đông Ngụy để đổi lấy Tiêu Uyên Minh, vì thế ông ta đã nổi dậy chống Lương vào mùa thu năm 548. Cuối cùng, Hầu Cảnh đã chiếm được kinh thành Kiến Khang của Lương và buộc Lương Vũ Đế và Lương Giản Văn Đế làm bù nhìn. Sau khi Hầu Cảnh giành được thắng lợi này, ông ta đã có lời đề nghị hòa bình với Cao Trừng, song lần này Cao Trừng đã không hồi đáp. Tại Đông Ngụy, Cao Trừng cố gắng tái chiếm các châu mà Hầu Cảnh trao cho Tây Ngụy trước đây. Cũng trong năm 548, ông cử Cao Nhạc và Mộ Dung Thiệu Tông đem quân đi bao vây Trường Xã (長社, nay thuộc Hứa Xương, Hà Nam), song Trường Xã do tướng Vương Tư Chính của Tây Ngụy trấn thủ không phải là nơi có thể đánh chiếm dễ dàng, và trong trận chiến, quân Tây Ngụy đã giết chết Mộ Dung Thiệu Tông và một trọng tướng khác của Đông Ngụy là Lưu Phong Sinh (劉豐生). Vào mùa hè năm 549, Cao Trừng thân chinh đem quân Đông Ngụy đến Trường Xã. Cao Trừng tăng cường bao vây và khiến Trường Xã thất thủ ngay sau đó, ông cũng bắt được Vương Tư Chính và đối đãi một cách tôn trọng với người này. Sau khi Trường Xã thất thủ, quân Tây Ngụy cũng triệt thoái khỏi ba châu khác mà họ chiếm được trước đây, Đông Ngụy vì thế đã tái chiếm được toàn bộ các vùng đất mà Hầu Cảnh từng nắm giữ. Bị giết. Trong khi đó, Cao Trừng bắt đầu trao đổi với các cộng sự của mình về việc làm thế nào để có thể đoạt lấy ngai vàng. Vào mùa thu năm 549, ông có mặt trong một cuộc hội đàm với Trần Nguyên Khang (陳元康), Thôi Quý Thư và Dương Âm (楊愔) để thảo luận về các thủ tục của hành động tiếm vị. Một trong các nô bộc phục vụ cho ông là Lan Kinh, người này là con trai của tướng Lương Lan Khâm và trở thành tù binh sau khi bị bắt trong chiến trận. Cao Trừng đã nhiều lần từ chối phóng thích Lan Kinh mặc dù Lan Khâm và Lan Kinh thỉnh cầu nộp tiền chuộc để được phóng "thích". Trong buổi hội đàm, Lan Kinh đã dâng một món ăn cho Cao Trừng và những người tham dự khác. Khi Lan Kinh bước ra, Cao Trừng bình rằng "Đêm qua ta nằm mơ thấy tên nô lệ này dùng đao chặt ta, tức thì ta ở trên lưng ngựa nắm lấy hắn mà giết đi!". Lan Kinh tình cờ nghe được câu nói đó nên đã quay vào phòng và giết chết Cao Trừng bằng một con dao, bất chấp các nỗ lực Trần Nguyên Khang.
1
null
Quá trình mở rộng lãnh thổ của Việt Nam bắt đầu từ khoảng thế kỷ 11 đến thế kỷ 19, dân tộc Việt đã mở mang lãnh thổ ra hướng tây, hướng nam và mở rộng chủ quyền trên biển Đông. Phần quan trọng nhất của quá trình này là "nam tiến", hướng bành trướng xuống phía nam. Lãnh thổ do người Việt quản lý đạt mức rộng lớn nhất dưới thời nhà Nguyễn. Quá trình mở rộng lãnh thổ của Việt Nam diễn ra trên đất liền lẫn trên biển, trải qua gần một nghìn năm, chịu lực cản rất lớn từ các nước láng giềng. Quá trình mở rộng trải qua nhiều thay đổi, không chỉ lãnh thổ được mở rộng mà còn bao gồm việc mất chủ quyền một số vùng đã chiếm các giai đoạn sau đó, và việc tái chiếm trở lại một số khu vực. Mở rộng của nước Việt đã tiêu diệt hoàn toàn Chăm Pa, sáp nhập toàn bộ vùng Tây Nguyên, chiếm diện tích lớn lãnh thổ Chân Lạp, và chiếm một phần lãnh thổ của Lào. Sau khi Pháp chiếm Việt Nam làm thuộc địa, chính quyền Đông Dương đã sắp xếp lại, phạm vi lãnh thổ ngày nay thu hẹp so với trước đó. Biên giới Việt Nam cùng hai láng giềng Lào, Campuchia đã được Pháp vẽ lại và hầu như ổn định cho đến nay. Lãnh thổ Việt Nam ngày nay có hình chữ S chạy dài từ bắc xuống nam ở phần phía đông của bán đảo Đông Dương, từ Hà Giang tới Cà Mau, diện tích khoảng 331.230,8 km². Khoảng cách từ bắc tới nam là khoảng 1.650 km. Đường bờ biển dài 3.444 km không kể các đảo. Lãnh hải rộng lớn, Việt Nam tuyên bố 12 hải lý (22,2 km) phạm vi lãnh hải, thêm 12 hải lý vùng tiếp giáp lãnh hải, và 200 hải lý (370,4 km) vùng đặc quyền kinh tế. Hai quần đảo lớn là Trường Sa, Hoàng Sa. Đảo lớn nhất là Phú Quốc và hàng nghìn đảo nhỏ khác. Mở rộng phía Bắc và Tây Bắc. Chiếm sau chiến tranh. Năm 1014, tướng của Vương quốc Đại Lý là Dương Trường Huệ và Đoàn Kính Chí đem 200.000 quân vào cướp châu Bình Lâm, vùng đất thuộc tỉnh Tuyên Quang ngày nay. Vua Lý Thái Tổ sai Dực Thánh vương đem quân đi đánh, quân Đại Lý bị đánh bại. Nhân đó Vua Lý Thái Tổ sáp nhập vùng đất mà ngày nay là Hà Giang. Năm 1294, Trần Nhân Tông, cùng Phạm Ngũ Lão, đi đánh bại Ai Lao thu nạp đất đai. Năm 1297, Trần Anh Tông sai Trần Nhật Duật đánh A Lộc (Ai Lao), Trần Quốc Tảng đánh Sầm Tử, Phạm Ngũ Lão đánh Ai Lao thu lại đất cũ ở sông Chàng Long. Năm 1301, Phạm Ngũ Lão đánh Ai Lao ở Mường Mai (Châu Mai, nay là đất Mai Châu). Các vùng đất thu nạp được thời kỳ này nhà Trần đặt làm huyện Mông đạo Đà Giang, đến thời thuộc Minh là đất hai huyện Mông và Tư Mang, sang thời nhà Lê sơ là toàn bộ châu Mộc (Mộc Châu (nay là Mộc Châu, Vân Hồ), Đà Bắc, Mã Nam) và châu Mai phủ Gia Hưng. Năm 1467, Lê Thánh Tông thu nạp vùng sách Câu Lộng (Mã Giang) từ Ai Lao (nay là khoảng huyện Sông Mã tỉnh Sơn La). Năm 1478, vua Lê Thánh Tông, sau khi thu phục tiểu vương quốc Bồn Man đã sáp nhập vùng phía tây Sơn La (thượng lưu sông Mã, nay là khoảng các huyện Sốp Cộp, Sông Mã tỉnh Sơn La), các huyện phía tây Thanh Hóa, Nghệ An và tỉnh Hủa Phăn của Lào ngày nay vào đất Đại Việt. Hàng phục các dân tộc thiểu số. Năm 1158-1159, nhân khi Đại Lý suy yếu, vua Lý Anh Tông và Tô Hiến Thành đã tiến hành thu phục vùng đất của các tù trưởng dân tộc thiểu số người Thái (châu Văn Bàn, châu Thủy Vĩ) ở bắc Yên Bái, nam Lào Cai vào lãnh thổ Đại Việt." Năm 1280, Trần Nhân Tông sai Trần Nhật Duật coi giữ đạo Đà Giang, đi thu phục Trịnh Giác Mật ở đạo Đà Giang (vùng sông Đà thuộc khoảng các huyện Đà Bắc và Cao Phong tỉnh Hòa Bình ngày nay). Năm 1329, thượng hoàng Trần Minh Tông đi đánh mán Ngưu Hống ở Mang Việt đạo Đà Giang thu nạp đất châu Yên (Mang Việt), Phù Hoa, Mường Mỗi (châu Thuận) là các vùng đất nay là các huyện Yên Châu, Phù Yên, Thuận Châu, Tuần Giáo, Sơn La, Mai Sơn tỉnh Sơn La. Đến năm 1431, Lê Lợi thu phục Đèo Cát Hãn, có thêm châu Phục Lễ (Mường Lễ), vùng thượng lưu sông Đà do Đèo Cát Hãn cai quản, từng là châu Ninh Viễn của Vân Nam, nhập về. Mường Lễ sau đổi Thành Phục Lễ phủ An Tây gồmː đất Mường Lễ (châu Lai), Tuy Phụ (Mường Tè), Hoàng Nham (Mường Toong, Mường Nhé), Chiêu Tấn (Phong Thổ), Lễ Tuyền (Mường Boum), Hợp Phì (Xiềng My, nay là Giả Mễ huyện Kim Bình, Vân Nam), Khiêm Châu (Mường Tinh), Quảng Lăng (Mường La, nay là Mường Lạp huyện Kim Bình, Vân Nam), Tung Lăng (Phù Phang), Luân Châu (Mường Báng), Quỳnh Nhai (Mường Chăn). Thu nạp đất đai từ quân cát cứ. Năm 1768–1769, quân nhà Lê-Trịnh, tiến đánh Hoàng Công Chất cát cứ Mường Thanh của Lào Lung, thu nạp đất này lập ra châu Ninh Biên (Điện Biên Phủ) thuộc trấn Hưng Hóa. Thỏa thuận chuyển nhượng lãnh thổ. Cuối thế kỷ 19, từ sau các thỏa thuận của Pháp với triều đình nhà Thanh, các vùng đất thuộc Đại Thanh ngày nay là một phần của Lai Châu, Điện Biên được trao cho Việt Nam, nhưng đổi lại Việt Nam mất các phần lãnh thổ phía đông bắc. Các sách lược của Nam tiến. Quá trình mở rộng lãnh thổ đã trải qua nhiều cách thức khác nhau. Trong hầu hết các cách thức, di dân đến định cư trước tiên là bước đi quan trọng hàng đầu. Vào giữa thế kỷ 18 được ghi nhận một cách rõ ràng ở tầm mức chính sách với tên gọi kế sách Tàm thực. Nguyễn Cư Trinh - một danh sĩ dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát và Nguyễn Phúc Thuần được xem là người đã tạo nên kế sách này. Kế sách này thông qua chiến tranh để lấy đất hoặc nhận đất do các vua Chân Lạp dâng lên. Mở rộng bờ cõi trước hết lấy đất mới giữ vững phần đất phía sau lưng. Tiếp tục lấy đất từng bước. Cho dân tụ họp về định cư. Vào năm 1756, kế sách này lần đầu thực thi, Chúa Nguyễn Phúc Khoát đã cho thu lấy hai vùng đất Tầm Bôn và Lôi Lạp, ngày nay là Gò Công và Tân An, ủy thác cho quan chức dưới quyền "xem xét hình thế, đặt lũy đóng binh, cấp điền sản cho quân, dân, vạch rõ địa giới, cho lệ thuộc châu Định Viễn để thu lấy toàn thể vùng đất ấy". Như thế, lấn dần từng bước, dân đi trước khai phá, khai phá đến đâu chính quyền xác lập chủ quyền đến đó là các bước của Tàm thực. Năm 1757, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, "Nam tiến" được xem là đã hoàn thành. Nhà Nguyễn thúc đẩy mở rộng sang hướng Tây, hướng về phần đất lãnh thổ Campuchia ngày nay. Kế sách này tiếp tục được sử dụng. Thông qua cắt nhượng bồi thường. Năm 1069, với lý do Chăm Pa bỏ triều cống 4 năm, vua Lý Thánh Tông thân chinh mang đại quân vào đánh Chăm Pa, bắt được vua Chăm Pa bấy giờ là Chế Củ ("Rudravarman III"). Nhà dân trong và ngoài thành Phật Thệ, hơn 2.660 căn, đều bị thiêu rụi sạch. Để chuộc tội, Chế Củ dâng đất của ba châu Bố Chính, Địa Lý và Ma Linh cầu hòa. Vua Lý cho đổi châu Địa Lý làm châu Lâm Bình, châu Ma Linh làm châu Minh Linh. Năm 1402, Hồ Hán Thương đem đại quân đi chinh phạt Chăm Pa. Hai bên đụng trận, tướng Việt là Đinh Đại Trung và tướng Chăm Pa là Chế Tra Nan đều tử trận. Vua Chăm Pa là Ba Đích ("Jaya Indravarman VII") yếu thế đành phải đem dâng đất Chiêm Động, Cổ Lũy để cầu hòa. Vùng đất này thuộc các huyện Thăng Bình, Tam Kỳ, Quế Sơn, Duy Xuyên Quảng Nam và các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ, Quảng Ngãi ngày nay. Năm 1732, ở đất Chân Lạp thời bấy giờ Prea Sot xách động dân Chân Lạp tàn sát người Việt sinh sống tại nơi đây. Sau đó Chúa Ninh cho quân tiến đánh, vua Nặc Tha ("Satha II") của Chân Lập sợ bị vạ lây nên đã gửi thư cho tướng Nguyễn Cửu Triêm xin dâng vùng Longhor và Peam Mesar, sáp nhập vào Đàng Trong ngày nay là Vĩnh Long và một phần của Mỹ Tho. Năm 1756, vua Chân Lạp là Nặc Nguyên ("Ang Snguon") sau khi bị Chúa Nguyễn Phúc Khoát đánh bại đã dâng vùng đất ngày nay thuộc Long An, Tiền Giang để cầu hòa. Thông qua hôn nhân. Năm 1306, Nhà Trần gả Công chúa Huyền Trân cho vua Chăm Pa bấy giờ là Chế Mân ("Jaya Simhavarman"), Chế Mân đã dâng đất cho Đại Việt để làm sính lễ gồm Châu Ô và Châu Rí. Các vùng đất này được vua Trần Anh Tông đổi tên là Thuận Châu và Hóa Châu, lãnh thổ Đại Việt phía nam tới Hải Vân Quan (đèo Hải Vân ngày nay). Năm 1620, Công nữ Ngọc Vạn gả cho vua Chân Lạp Chey Chettha II. Năm 1623, chúa Nguyễn Phúc Nguyên nhân quan hệ cha vợ – con rể đã mượn vùng đất Prey Nokor (Sài Gòn ngày nay) của Chân Lạp đặt trạm và quan chức thu thuế lưu dân Việt đang sinh sống xung quanh Sài Gòn, Biên Hòa, Bà Rịa. Cuộc hôn nhân này tuy không trực tiếp mang về lãnh thổ, nhưng đặt nền móng vững chắc cho giai đoạn sau đó. Ngoài ra, năm 1631, Công nữ Ngọc Khoa, em Ngọc Vạn, người con gái thứ ba của chúa Nguyễn Phúc Nguyên cũng được gả cho vua Chăm Pa là Po Rome. Điều này củng cố quan hệ với người Chăm. Thông qua xâm chiếm. Năm 1471, vua Lê Thánh Tông phái danh tướng Đinh Liệt đưa 20 vạn quân đánh Chăm Pa. Năm 1471, quân Việt phá tan kinh đô Chà Bàn (thuộc Bình Định ngày nay), vua Trà Toàn ("Maha Sajan") bị bắt và chết trên đường về Thăng Long. Lê Thánh Tông đã sáp nhập miền bắc Chăm Pa, từ đèo Hải Vân đến đèo Cù Mông vào Đại Việt, đặt tên vùng đất mới là thừa tuyên Quảng Nam. Năm 1611, do người Chăm Pa lấn chiếm biên ải, chúa Nguyễn Hoàng đã sai một viên tướng gốc Chăm là Văn Phong đưa quân vào dẹp loạn và đặt ra phủ Phú Yên gồm hai huyện Tuy Hòa và Đồng Xuân ngày nay, phong cho Văn Phong làm lưu thủ đất này. Năm 1653, vua Chăm Pa là Bà Tấm ("Po Nraop") xâm phạm Phú Yên, chúa Nguyễn Phúc Tần sai quân đánh dẹp, Chăm Pa đầu hàng. Nhân đó lấy đất từ Phú Yên vào đến sông Phan Rang đặt làm 2 phủ Thái Khang, Diên Ninh và gồm 5 huyện: Quảng Phước, Tân Định (thuộc phủ Thái Khang), Phước Điền, Vinh Xương và Hoa Châu (thuộc phủ Diên Ninh). Phủ Diên Ninh ngày nay là tỉnh Khánh Hoà, phủ Thái Khang ngày nay là Ninh Thuận. Từ sông Phan Rang về phía nam vẫn do vua Chăm kiểm soát. Năm 1693, với lý do vua nước Chăm Pa là Bà Tranh ("Po Saot") bỏ không tiến cống, chúa Nguyễn là Nguyễn Phúc Chu sai tổng binh Nguyễn Hữu Cảnh đem binh đi đánh bắt được Bà Tranh cùng thân thuộc áp giải về Phú Xuân (Huế). Chúa Nguyễn đổi đất Chăm Pa làm Thuận Thành trấn, nay thuộc Bình Thuận. Đất này cho con cháu của Bà Tranh làm đề đốc trấn giữ, bắt họ đổi y phục như người Việt Nam để phủ dụ dân Chăm Pa. Thông qua tiếp nhận dâng đất nhờ bảo vệ. Mạc Cửu, một người gốc Quảng Đông, khi nhà Thanh diệt nhà Minh đã cùng gia quyến bỏ sang Chân Lạp vào năm 1680. Ông khai khẩn và cai quản 7 xã gồm toàn lưu dân, gọi là Hà Tiên, Mạc Cửu mở rộng đất đai của mình gồm vùng đất Hà Tiên, Rạch Giá, Phú Quốc khi đó đang thuộc Chân Lạp nhưng Chân Lạp không kiểm soát được. Năm 1708, để tránh áp lực thường xuyên của Xiêm La sang cướp phá, Mạc Cửu đã dâng đất khai phá xin nội thuộc về chúa Nguyễn Phúc Chú, chúa Nguyễn đổi tên thành Trấn Hà Tiên, phong cho Mạc Cửu làm chức tổng binh, cai quản đất Hà Tiên. Năm 1758, sau khi Nặc Nhuận chết, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã hỗ trợ Nặc Tôn ("Outey II") lên ngôi và bảo vệ Chân Lạp trước sự tấn công của Xiêm La, vua Nặc Tôn đã dâng vùng đất ngày nay là thuộc An Giang, Đồng Tháp cho chúa Nguyễn. Thông qua khai phá mở rộng. Từ năm 1735 đến 1739, Mạc Thiên Tứ mở rộng đất đai kiểm soát của mình sang phần đất Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang, Cần Thơ ngày nay. Đưa thêm các vùng đất mới này vào Trấn Hà Tiên thuộc lãnh thổ xứ Đàng Trong. Sau khi đến Cà Mau, "Nam tiến" coi như hoàn tất. Thông qua tiếp nhận dâng đất để được tấn phong. Năm 1757, Nặc Nguyên ("Ang Snguon") mất, chú họ là Nặc Nhuận dâng hai phủ Trà Vinh và Ba Thắc (Sóc Trăng) xin chúa Nguyễn Phúc Khoát phong cho làm vua Chân Lạp. Thông qua tiếp nhận dâng đất từ hỗ trợ tranh chấp ngai vàng Chân Lạp. Năm 1658, vua nước Chân Lạp là Nặc Chân ("Ramathipadi I") mất, nội bộ nước Chân Lạp lục đục vì tranh giành ngôi vua. Chúa Nguyễn Phúc Tần đã giúp một hoàng thân Chân Lạp là Nặc Xô ("Barom Reachea VIII") lên ngôi, đáp lại vị vua mới của Chân Lạp đã ký hiệp ước triều cống chúa Nguyễn hàng năm và cho phép người Việt được làm chủ vùng đất đã khai hoang ở Sài Gòn, Đồng Nai, Bà Rịa. Năm 1757, vua Nặc Nhuận bị người con rể là Nặc Hinh giết và cướp ngôi. Quan tổng suất là Trương Phúc Du thừa kế sang đánh thắng Nặc Hinh. Chúa Nguyễn cho lập Nặc Tôn ("Outey II"), con Nặc Nhuận vốn đang nương nhờ Mạc Thiên Tứ ở Hà Tiên trong lúc hoạn nạn làm vua Chân Lạp. Nặc Tôn dâng đất Tầm Phong Long (vùng đất nằm giữa Sông Tiền và Sông Hậu tương ứng với Châu Đốc, Sa Đéc) để tạ ơn chúa Nguyễn. Nặc Tôn lại dâng 5 phủ là Vũng Thơm, Cần Bột, Chân Rùm, Sài Mạt, Linh Quỳnh để tạ ơn riêng Mạc Thiên Tứ, Mạc Thiên Tứ đem những đất ấy dâng chúa Nguyễn, chúa cho thuộc về trấn Hà Tiên cai quản. Thông qua trừng phạt khởi nghĩa, xóa bỏ tàn tích Chăm Pa. Năm 1693, Chúa Nguyễn Phúc Chu cho thành lập khu tự trị Thuận Thành trấn của Chăm Pa, chúa Chăm Pa là trấn vương, là thần hạ của chúa Nguyễn. Năm 1832, khi Lê Văn Duyệt từ trần, Minh Mạng cho quân chiếm khu tự trị Thuận Thành trấn, trừng phạt những quan chức Chăm Pa đã phục tùng Lê Văn Duyệt, xóa bỏ chế độ tự trị lập ra Ninh Thuận phủ. Thông qua lệ triều cống, kiểm soát rồi sáp nhập. Từ thời các chúa Nguyễn, các bộ lạc ở Tây Nguyên mà mạnh nhất là bộ tộc người Gia Rai với các vị tiểu vương Thủy Xá, Hỏa Xá đã từng triều cống chính quyền Đàng Trong. Từ năm 1830-1834, vua Minh Mạng cho sáp nhập các vùng đất của các bộ tộc thiểu số Tây Nguyên, ngày nay thuộc Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng. Tây tiến về hướng Tây Nam. Tây tiến Tây Nam: xâm lược dứt điểm Chân Lạp, lập Trấn Tây Thành. Năm 1757, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, "Nam tiến" được xem là đã hoàn thành. Từ đó, quá trình "Nam tiến" chuyển dần sang hướng Tây, hướng về lãnh thổ Campuchia ngày nay. Trong khi quá trình "Nam tiến" sáp nhập hoàn toàn Chăm Pa, nhà Nguyễn thúc đẩy quá trình "Tây tiến" mạnh nhất từ trước đến nay, hoàng đế Minh Mạng đã được đề nghị là dứt điểm quốc gia láng giềng Chân Lạp. Tuy vậy, xa hơn về phía tây là Xiêm La, một thế lực mạnh hơn Chân Lạp cũng có ý định chiếm lãnh thổ nước này. Sau một cuộc tranh chấp giữa hai nước, Đại Việt thỏa thuận với Xiêm La chia đất Chân Lạp, xóa bỏ hoàn toàn đất nước này. Quá trình Tây tiến đứng sựng và chấm dứt khi nhà Nguyễn đối mặt với cuộc xâm lược của quân Pháp và Việt Nam trở thành thuộc địa. Người Pháp đã vẽ lại bản đồ, lập lại Campuchia. Tây tiến Tây Nam: Thỏa thuận phân chia lãnh hải. Đường Brévié và Hiệp định về Vùng nước lịch sử Việt Nam–Campuchia Xác lập chủ quyền biển Đông. Cùng với việc mở rộng lãnh thổ trên đất liền, chính quyền Đàng Trong lần lượt đưa người ra khai thác và kiểm soát các hòn đảo lớn và quần đảo trên Biển Đông và vịnh Thái Lan. Quần đảo Hoàng Sa được khai thác và kiểm soát từ đầu thế kỷ XVII, Côn Đảo từ năm 1704, Phú Quốc từ năm 1708 và quần đảo Trường Sa từ năm 1711. Năm 1816, vua Gia Long nhà Nguyễn đã cho cắm cờ tái xác định chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tranh chấp lãnh thổ lịch sử. Đối với chủ quyền đất liền. Vào năm 1975, Khmer Đỏ nắm quyền ở Campuchia. Sau đó đã xung đột với Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam bao gồm nhiều động cơ, trong đó có ý định phục hồi lãnh thổ. Năm 1978, chính quyền Khmer Đỏ của Campuchia huy động 19 sư đoàn tấn công Việt Nam, với gần 100.000 quân. Đây là hành động mạnh mẽ nhất từng có của Campuchia trong việc khôi phục chủ quyền lịch sử của họ. Việt Nam đã tập trung 180.000 quân tổ chức phản công để bảo vệ chủ quyền hiện tại của mình, quân Việt Nam đánh đến tận thủ đô Phnompenh, tiêu diệt quân đội Khmer Đỏ, lật đổ chính quyền của Campuchia và kiểm soát đất nước này trong hơn 10 năm. Cuộc chiến đã giết hầu hết quân đội Khmer Đỏ. Năm 2000, Việt Nam ký kết với Trung Quốc Hiệp ước biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc, chính thức niêm phong mọi tranh chấp lãnh thổ trên bộ. Việt Nam hiện không có tranh chấp lãnh thổ đất liền với Trung Quốc và Lào, Campuchia là nước duy nhất còn lại vẫn còn tồn đọng các yêu sách lãnh thổ lịch sử. Các phong trào chính trị Campuchia hiện nay theo khuynh hướng bài Việt Nam vẫn đưa ra yêu sách phục hồi lãnh thổ đối với lãnh thổ đã mất. Đối với chủ quyền biển-đảo. Đảo Bạch Long Vĩ trong vịnh Bắc Bộ bị Trung Hoa Dân quốc chiếm vào năm 1949, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã chiếm vào năm 1955 và bàn giao trở lại cho phía Việt Nam vào năm 1957. Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ về việc phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ, chính thức niêm phong mọi tranh chấp lãnh hải trên phạm vi vịnh Bắc Bộ. Hiện nay, Việt Nam chỉ còn tranh chấp trên biển Đông với các nước Trung Quốc, lãnh thổ Đài Loan, Philippines, Malaysia, Brunei. Quan điểm của chính phủ Việt Nam. Quan điểm của Việt Nam về Chăm Pa, Chăm Pa cùng Đại Việt là các bộ phận thống nhất lịch sử của Việt Nam hiện đại, chứ không phải là bộ phận tách biệt. Quan điểm này tương tự quan điểm của Trung Quốc đối với Liêu, Kim, Tây Hạ, Mãn Châu...đã trở thành bộ phận của Trung Quốc hiện đại, cả về mặt lịch sử lẫn lãnh thổ. Các phong trào chính trị bài Việt Nam ở Campuchia đang ra sức tuyên truyền phục hồi lãnh thổ đã mất, bao gồm Nam Bộ, Phú Quốc, các đảo trong vịnh Thái Lan do Việt Nam quản lý. Đối với các yêu sách chính trị này, phía Việt Nam bác bỏ, việc đòi hỏi lãnh thổ là vô lý, không phản ánh rõ các thỏa thuận giữa các nhà cầm quyền Việt Nam với các vua Campuchia trong nhiều thế kỷ trước. Đồng thời, không phản ánh rõ các thỏa thuận và hiệp định đã ký kết, như Hiệp định giữa Pháp và Campuchia về việc phân định biên giới năm 1870, Hiệp định về Vùng nước lịch sử Việt Nam–Campuchia năm 1982.
1
null
Albert I của Sachsen (tên đầy đủ: "Friedrich August Albrecht Anton Ferdinand Joseph Karl Maria Baptist Nepomuk Wilhelm Xaver Georg Fidelis") (sinh ngày 23 tháng 4 năm 1828 tại Dresden – mất ngày 19 tháng 6 năm 1902 tại lâu đài Sibyllenort (Szczodre)) là một vị vua của Sachsen là một thành viên trong hoàng tộc Wettin có dòng dõi lâu đời. Ông là con trai trưởng của Hoàng tử Johann (người sẽ kế vị ngai vàng Sachsen sau khi anh trai mình là Friedrich August II qua đời vào năm 1854) và vợ của ông này là Công chúa Amalie Auguste của Bayern. Khi còn ở ngôi Thái tử, Albert đã theo đuổi sự nghiệp quân sự. Năm 1866, khi Chiến tranh Áo-Phổ bùng nổ, ông chỉ huy lực lượng được huấn luyện tốt của Sachsen chiến đấu về phía Áo chống lại Phổ. Các lực lượng dưới quyền ông đã đóng vai trò quan trọng các trận chiến dọc theo sông Iser, Gitschin và trận đánh quyết định tại Königgrätz mặc dù phần thắng trong chiến tranh thuộc về người Phổ. Cuộc chiến đã khẳng định danh tiếng quân sự của ông, và sau chiến tranh ông đã tỏ ra là một đồng minh trung kiên với Phổ trong Liên bang Bắc Đức. Khi cuộc Chiến tranh Pháp-Phổ bùng nổ năm 1870, Thái tử Sachsen đã tham gia cuộc chiến với tư cách là Tổng tư lệnh quân đội Sachsen – một phần của Liên bang Bắc Đức do Phổ lãnh đạo, và góp phần quyết định cho chiến thắng của quân đội Đức trong Gravelotte. Về sau, ông trở thành tổng tư lệnh Tập đoàn quân Maas của Phổ - Sachsen, và tham gia trong nhiều chiến thắng của quân đội Đức (trong đó có các trận đánh quan trọng tại Gravelotte, Sedan và Villiers). Với những thắng lợi của mình, Albert đã đóng góp đến sự thành lập Đế quốc Đức vào năm 1871. Đến cuối tháng 10 năm 1873, ông lên kế ngôi vua cha ở Sachsen. Thời kỳ trị vì của ông không xảy ra biến động. Đầu đời. Friedrich August Albert sinh ngày 23 tháng 4 năm 1828. Trong khi một trong những người anh em của ông mất sớm, người em còn sống duy nhất của Albert là Friedrich August Albert sau này cũng tham gia chiến đấu và thể hiện khả năng của mình trong cuộc Chiến tranh Pháp-Phổ. Ông đã nhận được một nền giáo dục bài bản dưới sự giám sát của thân phụ ông là Johann, và ông nội ông là Hoàng tử Maximilian, người đã qua đời khi Albert vừa tròn 10 tuổi. Những người thầy có ảnh hưởng trên con đường học vấn của Albert là Thượng tá Minkwitz và Tướng Engel, những sĩ quan tài năng của quân đội Phổ; Tiến sĩ Langern, một trong những nhà làm luật hàng đầu tại Đức đồng thời là một trong các nhà sử học tiêu biểu nhất của thời đại; Tiến sĩ Schneider, sau này giữ một chức bộ trưởng trong chính phủ, cũng là một nhà làm luật nổi danh, và nhiều trí giả khác cũng có tên tuổi lớn. Cũng giống như các vương công khác tại Đức, các vấn đề quân sự đóng vai một vai trò quan trọng trong nền giáo dục của Albert. Từ nhỏ, Albert đã bộc lộ niềm khao khát có một sự nghiệp quân sự của mình. Khi chỉ mới 15 tuổi (1843), ông đã gia nhập lực lượng pháo binh Sachsen với quân hàm Trung úy. Hai năm sau, một sĩ quan tài năng trong quân đội, Thiếu tá Mangoldt (sau là một viên tướng), đã được bổ nhiệm làm giảng viên quân sự của vị hoàng tử; Mangoldt cũng hộ tống hoàng tử đến trường Đại học Bonn vào mùa thu năm 1847. Tại Bonn – điểm đến ưa thích của con em các vương tộc ở Đức, Hoàng tử Albert đã tham dự các khóa học của Dahlmann và Perthes, và nhiều người khác, nhưng cơn bão cách mạng năm 1848 đã buộc ông phải rời khỏi Đại học Bonn. Sau khi trở về Sachsen, ông luôn chủ trương giao du và đàm thoại với các sĩ quan nổi tiếng, chẳng hạn như Fabrics, Stieglitz, Abendroth, Montbe, và nhiều người khác. Albert cũng sẵn sàng chợp lấy mọi cơ hội để mở rộng kiến thức của mình trong lĩnh vực quân sự. Cuộc đời binh nghiệp. Trải nghiệm của ông đầu tiên trong chiến tranh là vào năm 1849, khi ông phục vụ trong bộ tham mưu của viên tướng Phổ Prittwitz trong cuộc Chiến dịch Schleswig-Holstein chống lại Đan Mạch, với quân hàm Đại úy. Mặc dù chiến dịch là một thất bại nặng nề của quân đội Liên minh các quốc gia Đức, Albert đã chứng tỏ bản lĩnh của mình và ông được vua bác Friedrich August phong tặng Huân chương St. Heinrich của xứ Sachsen. Vào năm 1849, Hoàng tử Albert được thăn cấp Thiếu tá, và sang năm sau ông trở thành Thượng tá, chỉ huy Lữ đoàn Bộ binh số 3. Vào năm 1851, ông được phong hàm Thiếu tướng, và đến năm 1852 ông trở thành Trung tướng và tư lệnh của Sư đoàn Bộ binh số 1. Khi đó, ông chỉ mới 24 tuổi. Điều đáng chú ý rằng, các vương thân trong hoàng tộc Phổ không được thăng tiến nhanh đến mức đó trong quân đội Phổ. Ngay cả Hoàng thân Friedrich Karl, người cùng tuổi với Albert và được thăng quân hàm cực kỳ nhanh, cũng phải chờ đến vài năm nữa mới leo lên được đến hàm Trung tướng. Sau khi cha ông là Johann kế ngôi vào năm 1854, Albert được phong làm Thái tử. Năm 1861, Albert được gửi đến Königsberg, thủ phủ tỉnh Đông Phổ của Phổ, để tham dự lễ đăng quang của vua Phổ Wilhelm I. Chính tại đây, ông gặp gỡ Thống chế Pháp Patrice Maurice de Mac-Mahon lần đầu tiên, và định mệnh cho thấy là ông sẽ tái ngộ ông này 9 năm sau trên chiến trường Beaumont. Vào năm 1866, khi cuộc Chiến tranh Áo-Phổ bùng nổ, Albert được cử làm chỉ huy của 4 vạn quân Sachsen được trang bị và huấn luyện bài bản, và có lực lượng pháo binh hiệu quả, để chống lại bước tiến của quân đội Phổ dưới quyền chỉ huy của Hoàng thân Friedrich Karl. Albert đã không thực hiện một nỗ lực nào để phòng vệ cho Sachsen, thay vì đó, ông rút quân xuống xứ Böhmen để giúp các lực lượng Áo dưới quyền Tổng tư lệnh Ludwig von Benedek ngăn chặn bước tiến của quân Phổ vào Böhmen. Vào ngày 22 tháng 6 năm 1866, quân đội Sachsen đã gia nhập một quân đoàn của Đế quốc Áo do tướng Cam-Gallas chỉ huy. Quân Sachsen đã đóng một vai trò quan trọng trong các trận đánh dọc theo chiến tuyến sông Iser, mặc dù quân đội Phổ cuối cùng đã chọc thủng trận tuyến này. Sau khi thua trận Münchengrätz vào ngày 28 tháng 6, Thái tử Sachsen rút quân về Gitschin. Trong trận Gitschin vào ngày 29 tháng 6, quân Sachsen dưới sự chỉ đạo tài tình của ông đã chiến đấu hết sức ác liệt với quân Phổ, mặc dù quân Phổ cuối cùng cũng đã làm chủ được trận địa với thương vong lớn cho cả hai phe. Mặc dù quân đội Sachsen rút lui trong trật tự, quân đội Áo cuống cuồng tháo chạy cho đến ngày 2 tháng 7. Trong trận đánh quyết định tại Königgrätz vào ngày 3 tháng 7 năm 1866, quân Sachsen của ông phòng ngự bên cánh cực tả của quân đội Áo. Mặc dù quân Sachsen đã kháng cự bền bỉ để phòng vệ vị trí của mình, quân đồng minh Áo - Sachsen đã bị đánh thảm bại. Lực lượng pháo binh của Sachsen đã đóng góp lớn trong việc yểm trợ cho cuộc rút chạy của liên quân. Sau trận chiến Königgrätz, gia đình hoàng tộc Sachsen (trong đó có Thái tử) đã cư ngụ tại Viên cho tới khi hòa ước được ký kết, sau đó họ trở về kinh thành Dresden. Các chiến dịch năm 1866 đã mang lại thanh danh cho Albert như một chiến binh mẫu mực. Chỉ huy quân Sachsen trong Chiến tranh Pháp-Phổ. Sau khi chiến tranh 1866 kết thúc, nhà Vua và Thái tử Sachsen đã tuyên bố trung thành với Liên bang Bắc Đức mới được thành lập dưới sự điều hành của Phổ. Thái tử tỏ ra rất có thiện chí trong việc tái cơ cấu quân đội Sachsen thành một phần không thể thiếu được của các lực lượng Liên bang Bắc Đức, và Quốc vương Wilhelm I của Phổ ngay lập tức phong ông làm Tổng chỉ huy của Quân đoàn XII trong Liên bang Bắc Đức, hay nói cách khác là quân đội Sachsen. Cùng với Tướng Fabrice – Bộ trưởng Bộ Chiến tranh Sachsen, Albert đã hoạt động không ngừng nghỉ để đưa Quân đoàn Sachsen đạt đến trình độ hoàn hảo, và thành công của các nỗ lực của ông đã được chứng tỏ trong cuộc Chiến tranh Pháp-Đức (1870 – 1871). Khi chiến tranh nổ ra, Quân đoàn XII dưới quyền chỉ huy của ông đã trở thành một phần thuộc Tập đoàn quân số 2 của Phổ - Đức do địch thủ cũ của ông là Friedrich Karl chỉ đạo. Ông được lệnh đưa quân đến Mayence vào ngày 2 tháng 8, nhưng trước đó, nhờ sự chu đáo của Bộ Tổng tham mưu Phổ đối với sức khỏe và tinh thần của binh lính, ông và quân sĩ dưới quyền đã hoàn toàn sẵn sàng chiến đấu từ hai ngày trước. Cùng với đoàn quân của mình, Albert đã đến trước Metz vào buổi tối ngày 16 tháng 8 năm 1870. Ngay sau khi ông hội kiến vua Wilhelm I tại Pont-a-Mousson, tin tức về thắng lợi khó nhọc của quân đội Phổ tại trận Mars-la-Tour đã được loan đến. Sau thắng lợi này, phía Đức phát động tấn công quân địch trong trận Gravelotte ngày 18 tháng 8. Lực lượng của Albert nằm ở cánh cực tả của quân đội Đức trong trận đánh này. Trận Gravelotte đã góp phần chứng tỏ tài dụng binh của ông. Tại đây, quân Sachsen đã chiến đấu hết sức mạnh mẽ, và họ cùng với Quân đoàn Vệ binh Phổ đã mở cuộc tấn công cuối cùng vào St. Privat, quyết định thắng lợi của Đức trong trận chiến. Hiểu được những cống hiến của Albert và quân Sachsen dưới quyền ông cho người Đức trong trận Gravelotte, Wilhelm I đã đến gặp ông trong đêm hôm đó và trong cho ông Huân chương Thập tự Sắt. Ngày hôm sau, nhà vua nước Phổ và Moltke giao cho Albert chỉ huy một tập đoàn quân mới, bao gồm Quân đoàn Sachsen, Quân đoàn Vệ binh Phổ, cùng với các sư đoàn kỵ binh Rheinhaben và Công tước Wilhelm I xứ Alenburg. Albert đã chọn tướng Schlotheim, người mà 4 năm trước đó đã chiến đấu dưới quyền tướng Phổ Herwarth von Bittenfeld chống lại Albert ở Prim và Probus trong trận Königgrätz, làm tham mưu trưởng của mình. Quyền chỉ huy Quân đoàn XII được phó thác cho em của Albert là Georg xứ Sachsen. Ban đầu, do Bộ Tổng tham mưu Đức tin rằng các lực lượng của Pháp sẽ tập kết ở đằng trước Paris, Tập đoàn quân số 3 của Đức do Thái tử Phổ Friedrich Wilhelm chỉ huy tiến nhanh về chiến trường xưa Catalaunian, trong khi "Tập đoàn quân Maas" hay nói cách khác là "Tập đoàn quân số 4" của Thái tử Sachsen được lệnh vượt sông Meuse và tiến theo hướng đó. Quân của Albert đã đi được một nửa chặn đường, nhưng trong đêm ngày 25 tháng 8, người của Bộ Tổng tham mưu là Thượng tá Verdy du Vernois đã thông báo cho Albert về việc Thống chế Mac-Mahon của Pháp tiến qua Reims theo đường Mézières để giải vây cho Metz. Tình hình này đòi hỏi một sự thay đổi trong việc bố trí quân lực của Đức, và Albert đã thiết lập tổng hành dinh tại Clermont-en-Argonne vào ngày 26 tháng 8 năm 1870, và không lâu sau thì vua Phổ cũng thành lập Tổng hành dinh tại đây. Đêm hôm đó, Schlotheim đã hội kiến với Tổng tham mưu trưởng Helmuth von Moltke, và vào buổi sáng ngày 27 tháng 8, Albert và Schlotheim đã nhận được những chỉ thị mới nhất từ Moltke. Trong ngày hôm đó, lực lượng kỵ binh dưới quyền Albert bất ngờ tấn công kỵ binh Pháp trong trận Buzancy, và đánh tan kỵ binh Pháp, gần như là tiêu diệt số quân này. Vào ngày 29 tháng 8, lực lượng tiền vệ của Sachsen đã đánh thắng quân Pháp trong cuộc giao tranh tại Nouart. Mặc dù vậy, quân Sachsen không có ý định dứt điểm quân Pháp trong trận chiến này, do Moltke – rút kinh nghiệm từ các đợt tấn công ngoài ý muốn của các tướng Phổ Steinmetz và Alvensleben tại Spicheren, Mars-la-Tour và Gravelotte, đã cho Albert biết rằng mục tiêu tối hậu của Moltke là hợp vây và tiêu diệt Tập đoàn quân Châlons dưới quyền Mac-Mahon. Đến ngày 30 tháng 8 năm 1870, ông giành chiến thắng trong trận Beaumont, một thắng lợi quan trọng đã quyết định đến số phận của tập đoàn quân MacMahon. Trong trận Sedan, các lực lượng dưới quyền ông đã thực hiện hợp vây quân đội Pháp ở phía đông và phía bắc. Cuộc đầu hàng của Napoléon III và quân đội dưới quyền ông ta trong trận chiến đã quyết định cho cuộc chiến với phần thắng thuộc về Phổ. Vào ngày 4 tháng 9, Thái tử Sachsen đến tổng hành dinh của vua Phổ tại Vendresse, và được Wilhelm tấm tắc khen ngợi vì những chiến thắng của ông. Vua Phổ đã trao tặng cho Huân chương Thập tự Sắt hạng nhất, và Tổng tham mưu trưởng Moltke cũng nhiệt liệt hoan nghênh ông. Chính trong dịp này, đội quân của ông chính thức được đặt tên là "Tập đoàn quân Maas". Vào ngày 5 tháng 9, quân đội Đức bắt đầu tiến về thủ đô Pháp, và vào ngày 19 tháng 9, trận vây hãm Paris khởi đầu, trong đó lực lượng của ông được bố trí ở phân khu phía đông bắc của đội quân vây hãm. Thái tử Sachsen đã thiết lập tổng hành dinh tại Grand Tremblay, và cho đến ngày 8 tháng 10 ông dời sang Margency. Vào ngày 27 tháng 10, quân Pháp do tướng Carey de Bellemare chỉ huy đánh chiếm Le Bourget. Nhận thấy nguy cơ quân Pháp sẽ thiết lập hàng loạt khẩu đội pháo tại đây, Albert ra lệnh phản công bằng mọi giá, trong khi người Đức và Moltke tỏ ra do dự khi Thái tử Sachsen phát lệnh tái chiếm Bourget. Vào buổi sáng 30 tháng 10, sau một ngày công pháo, Vệ binh Phổ đã đánh bật quân Pháp ra khỏi ngôi làng này, bắt sống một số lượng lớn tù binh Pháp. Từ ngày 30 tháng 11 cho đến ngày 2 tháng 12, quân đội Sachsen và Württemberg phải chịu gánh nặng chính trong một cuộc phá vây lớn của quân Pháp. Mặc dù bị đánh thiệt hại nặng, quân Đức đã đẩy lùi được cuộc phá vây này. Trong trận Le Bourget lần thứ hai vào cuối tháng 12, các nỗ lực phá vây của quân Pháp cũng bị đánh bại. Vào ngày 27 tháng 12, núi Avron bị công pháo, và đến ngày 30, các công trình do quân Pháp dựng nên bị các lực lượng của Albert phá hủy. Vào ngày 18 tháng 1 năm 1871, Albert đã tham dự trong lễ thành lập Đế quốc Đức tại điện Versailles, trong đó ông được vị tân Hoàng đế ("Kaiser") Wilhelm I phong tặng Huân chương Quân công của Phổ ("Pour le Mérite") với biểu tượng lá sồi. Ngày hôm sau (19 tháng 1), pháo binh của Quân đoàn IV đã hỗ trợ cho Quân đoàn V của Đức do tướng Kirchbach chỉ huy đập tan cuộc phá vây cuối cùng của Pháp trong trận Buzenval. Sau khi Pháp đầu hàng, ông giữ vai trò chỉ lực lượng chiếm đóng của Đức tại Pháp. Vào ngày 9 tháng 3 năm 1871, Tập đoàn quân số 3, đến thời điểm này là do Thái tử Phổ-Đức chỉ huy, và Tập đoàn quân Maas đã hợp nhất dưới quyền chỉ đạo của Albert. Ông đóng quân tại Compiègne, và luôn luôn quan sát những diễn biến khốc liệt trong phong trào Công xã Paris. Vào ngày 17 tháng 5, ông dời lại tổng hành dinh từ Compiègne về Margency cho gần chiến trường hơn, và được tin Paris thất thủ vào ngày 28 tháng 5. Vào ngày 9 tháng 6, ông ca khúc khải hoàn trở về Đức, được dân chúng Berlin đón chào và được Hoàng đế Đức trao tặng Đại Thập tự của Huân chương Thập tự Sắt. Vào ngày 11 tháng 7, ông tiến hành cuộc diễu binh chiến thắng vào Dresden, và trở thành vị Thống chế đầu tiên không phải là người Phổ của Đế quốc Đức. Ông cũng được phong làm Cục trưởng Cục thanh tra quân đội I của Đức. Vua xứ Sachsen. Sau khi vua cha Johann qua đời 29 tháng 10 năm 1873, Thái tử lên kế ngôi với tư cách là Vua Albert. Thời kỳ trị vì của ông không xảy ra biến động, và chỉ đóng một vai trò nhỏ trong các vấn đề chính trị. Thay vì đó, ông chú tâm vào các vấn động quân sự, và những ý kiến cũng như trải nghiệm thực tiễn của nhà vua đều trở nên có giá trị rất lớn, không chỉ đối với việc xây dựng Quân đoàn Sachsen nói riêng, mà còn đối với Quân đội Đế quốc Đức nói chung. Trong chính sách đối ngoại hòa hiếu của mình, ông chủ trương thân thiện với Phổ và giữ vững chế độ liên bang của Đế quốc Đức. Trong thập niên 1870, Albert khởi công xây dựng một khu vực ngoại thành của kinh thành Sachsen, Albertstadt. Trong thời điểm này, Albertstadt là khu phức hợp quân sự lớn nhất của nước Đức. Ngoài khu phức hợp quân sự này, nhiều công trình và địa danh khác cũng được đặt tên theo ông cho đến ngày nay: Albertbrücke, Alberthafen, Albertplatz và Albertinum. Dưới triều đại của Albert, chính quyền cũng thực hiện chính sách cải thiện đời sống của người nghèo, và cải cách toàn bộ hệ thống thuế năm 1878, và đến năm 1887, sở đúc tiền của Sachsen được dời từ Dresden sang Muldenhütten. Vào năm 1879, ông khởi đầu công cuộc trùng tu cho Trường Saint Afra tại Meissen. Năm 1897, ông được giao cho vai trò phân xử những người đòi quyền thừ kế Công quốc Lippe. Ngoài ra, dưới thời trị vì của ông, nền quân chủ lập hiến đã được thiết lập tại Sachsen. Ông đã trở thành Hiệp sĩ thứ 954 của Huân chương Golden Fleece tại Áo năm 1850, Hiệp sĩ thứ 1776 của Huân chương Garter vào năm 1882 đồng thời là Hiệp sĩ Đại Thập tự thứ 95 của Huân chương Tower and Sword. Gia đình. Tại Dresden vào ngày 18 tháng 6 năm 1853, Albert kết hôn với Công chúa Carola, con gái của Gustav, Hoàng tử Vasa và là cháu nội của Gustav IV Adolf, vị vua áp chót của Vương triều Holstein-Gottorp trong lịch sử Thụy Điển. Vua Albert qua đời vào năm 1902 mà không có con nối dõi. Em trai ông lên nối ngôi, đó là Vua Georg. Danh hiệu giải thưởng. Để vinh danh ông, người ta đã đặt tên một loài chim thiên đường là Vua Saxony; trong khi tên của Chim thiên đường Hoàng hậu Carola được đặt để vinh danh vợ ông.
1
null
David Rocastle (biệt danh Rocky) (2 tháng 5 năm 1967-31 tháng 3 năm 2001) là một cầu thủ, tiền vệ bóng đá Anh, anh đã trưởng thành từ lò đào tạo của Arsenal, sau đó chơi cho Ledds United, Chelsea F.C., Manchester City, Norwich City F.C., Sabah. Anh mất ngày 31 tháng 3 năm 2001 vì bệnh ung thư.
1
null
T-44 là thế hệ xe tăng hạng trung được sản xuất gần cuối Chiến tranh thế giới thứ hai của Liên Xô, và là sự kế thừa cho T-34. Khoảng 2.000 T-44 đã được sản xuất,việc thiết kế đã trở thành cơ sở cho các dòng xe tăng chiến đấu chủ lực T-54/55, loại chiếc xe tăng được sản xuất nhiều nhất mọi thời đại. Lịch sử phát triển. Khởi điểm. Đến cuối năm 1940, khi sản xuất T-34 bắt đầu, các nhà kỹ thuật quân sự Hồng quân Liên Xô đã có kế hoạch để cải thiện độ tin cậy và khả năng hoạt động của xe bằng cách áp dụng công nghệ hiện đại hơn. Thiết kế dự án này đã được chỉ định là T-34M nhằm tăng cường giáp bảo vệ, ba người trong tháp pháo hình lục giác, hệ thống treo thanh xoắn thay vì Christie, bánh xe hấp thụ giảm xóc, gia tăng nhiên liệu và công suất động cơ, và tăng đạn dự trữ (100 viên đạn pháo 76mm thay vì 77 viên trong tiêu chuẩn T-34). Các mô hình ban đầu phát triển động cơ diesel 500 mã lực (373 kW) V-2 12 xi-lanh được thay thế bởi một động cơ diesel 12 xi-lanh mới 600 mã lực (450 kW). Đó là thiết kế xe tăng đầu tiên có vị trí đặt động cơ ngang, mà làm cho nó nhỏ gọn hơn so với T-34 và tạo cho kíp lái nhiều không gian hơn. T-34-85. Trong các trận đấu trên Mặt trận phía Đông, có một thực tế trở nên rõ ràng rằng Hồng quân cần một chiếc xe tăng mới, mạnh hơn so với T-34. Họ yêu cầu là nó phải có bảo vệ tốt hơn với một trọng lượng tối thiểu. Năm 1942, dự án thiết kế xe tăng T-43 bắt đầu. Nó có hệ thống treo, tháp pháo mới và ngắn hơn. Tuy nhiên T-43 đã bị hủy bỏ, một số chi tiết trong thiết kế của T-43 được dùng để nâng cấp T-34, dẫn đến một thiết kế mới gọi là T-34-85 mang pháo 85mm và tháp pháo 3 người. Trận Vòng cung Kursk lần đầu tiên chứng kiến loại xe tăng hạng trung mới của phát xít Đức với cái tên Panther, với sức mạnh vượt trội hoàn toàn so với các xe dòng Panzer IV lúc đó đang là trụ cột trong lực lượng tăng thiết giáp Đức, cũng như đối thủ T-34-76 của Liên Xô. Việc này dẫn tới T-34 cần được nâng cấp, và tới tháng 3-1944 thì loại xe T-34-85 được sản xuất hàng loạt, lắp pháo ZiS-S-53 85mm vốn là pháo phòng không 52-K. Khẩu pháo này đủ sức bắn hạ Tiger I, được trang bị thử nghiệm lên T-34 từ trước trận Kursk nhưng không kịp tham chiến. Theo những thử nghiệm về sau của Liên Xô trên những chiếc Panther thu được, cũng như kết quả thực tế từ chiến trường, T-34-85 chỉ có thể xuyên thủng phía trước tháp pháo của Panther từ khoảng cách 500 m. Nếu bắn vào giáp sườn thì cả hai loại tăng đều có thể xuyên thủng giáp của nhau từ một khoảng khá xa, tới trên 2.000 mét. Tuy vậy, tháng 10-1943, các kỹ sư Liên Xô đã nhận thấy ngay cả khi được nâng cấp thì T-34 vẫn khó lòng đánh trực diện với hai loại xe tăng hạng nặng Panther và Tiger I. Do đó việc thiết kế một loại xe tăng mới là cần thiết, với tính năng phải mạnh hơn đối thủ (khi so sánh với Tiger I nói riêng và xe tăng hạng nặng nói chung của Đức), và dự án được đặt tên là "dự án 136". Nguyên mẫu đầu tiên được đặt tên được hoàn thiện vào tháng 1-1944 và thêm 2 chiếc nữa vào tháng 2. Vũ khí của 2 chiếc đầu là pháo 85mm D5T tương tự trên T-34-85, xe được đặt tên là T-44-85, trong khi chiếc thứ 3 trang bị pháo D-25-44T 122mm, và được đặt là T-44-122. T-44-122 đã trải qua nhiều lần thử nghiệm, thậm chí còn được sử dụng để bắn thử trực diện với Panther. Mặc dù hỏa lực vượt trội hơn, tuy nhiên đạn 122mm quá nặng, khiến cho tốc độ bắn tối đa chỉ đạt 3 phát/phút, cũng như cơ số đạn mang theo chỉ có 24 viên. Do đó phiên bản sử dụng pháo 122mm không được tiếp tục thử nghiệm và đưa vào sản xuất hàng loạt. T-44 có hình dáng gần tương tự T-34, tuy nhiên đã được làm cho rộng hơn. Thay vì sử dụng lại hệ thống treo lò xo Christie cồng kềnh, T-44 sử dụng hệ thống treo thanh xoắn, cũng như 2 bên thân thay vì làm dốc thì được đặt thẳng đứng, giúp cho trong xe có thêm nhiều không gian trống, cũng như vượt qua các khu vực địa hình gồ ghề được êm ái và nhanh hơn. Động cơ mới V-44 được đặt ngang thay vì dọc như động cơ trên T-34, bên cạnh đó, kích thước của động cơ này cũng giảm đi 300mm chiều dài do đổi chỗ máy bơm nước và dầu, cho phép có thêm không gian làm giáp dày hơn. Về tổng thể, chiều cao xe giảm 300mm. Nhờ việc khoang động cơ được thu hẹp lại, khoang chiến đấu được mở rộng thêm về phía sau, giúp kíp lái thêm thoải mái trong quá trình vận hành. Điều này cũng làm cho tháp pháo được đặt lùi về gần chính giữa xe, giúp tải trọng được phân bố đều trên các con lăn. Vị trí tháp pháo cũng giúp cho giáp tháp pháo được tăng lên 120mm cong hình bán cầu, trong khi giáp trước thân lên tới 90mm thép nghiêng 60° (tương đương 180mm khi chiếu theo phương ngang). Tầm nhìn của lái xe cũng được cải thiện đáng kể so với trước đây. Thiết kế xe mới cũng giảm kíp lái từ 5 người trên T-34 xuống còn 4 người, chỉ huy sẽ kiêm liên lạc viên, nhận lệnh trực tiếp từ cấp cao hơn, giúp việc điều hành xe được hiệu quả hơn. Súng máy nằm ở mặt trước T-34 thì giờ đã được loại bỏ, và chuyển lên tháp pháo, giúp đảm bảo an toàn cho lái xe. Chiếc xe được nhập biên chế Hồng quân từ tháng 11-1944. Đã có tổng cộng 190 chiếc được sản xuất cho tới 4-1945, tuy nhiên chúng không kịp tham chiến. Sau chiến tranh, đã có ý tưởng nâng cấp T-44 từ pháo 85mm lên pháo LB-1 100mm (Lavrenty Beria) cùng việc trang bị giáp rỗng 2 bên thân. Ý tưởng này đã bị bác bỏ, chỉ có 2 nguyên mẫu được chế tạo. Đồng thời nhu cầu của lục quân về xe tăng cũng thay đổi, họ cần xe tăng mới có thể lắp pháo 100mm. Trong thời gian này, những nguyên mẫu đầu tiên của dòng T-54 được chế tạo. Chiếc T-54-2 đã tỏ ra vượt trội hơn T-44A. Do đó T-54 đã được chấp nhận sử dụng vào năm 1950. Tổng cộng đã có 1823 chiếc T-44 được Hồng quân sử dụng.
1
null
Động cơ tuốc bin trục (tiếng Anh - "Turboshaft engine", viết tắt - "TurboShaft"; tiếng Nga - "Турбовальный двигатель", viết tắt - "ТВаД") là một dạng của "động cơ phản lực không khí" (Jet engine, Воздушно-реактивный двигатель) có máy nén, tạo ra lực nâng nhờ cánh quạt rộng. Động cơ tuốc bin trục không tạo ra lực đẩy nhờ khí phụt ra ngoài mà tạo lực đẩy gián tiếp (hay có thể hiểu là lực nâng) bằng cách tạo ra mô-men quay thông qua hộp truyền chuyển động, đổi góc quay, tạo lực nâng chủ yếu nhờ cánh quạt rộng nhằm tối ưu hóa để sản xuất năng lượng trục, chứ không phải là lực đẩy phản lực. Động cơ tuốc bin trục có nhiều điểm tương đồng với "động cơ tuốc bin phản lực" (TurboJet) và "động cơ phản lực cánh quạt" (TurboProp). Động cơ tuốc bin trục thường được sử dụng nhiều trong các máy bay trực thăng, tàu thuyền, tàu đệm khí, xe tăng, thủy phi cơ v.v.
1
null
Động cơ phản lực không khí (jet engine) là một kiểu động cơ sử dụng sức đẩy phản lực, trong đó nhờ luồng khí phụt ra phía sau ở vận tốc cao để tạo ra phản lực đẩy phương tiện về phía trước theo định luật 3 Newton. Trong khi động cơ sử dụng sức đẩy phản lực mang nghĩa rộng hơn, có thể kể đến bao gồm động cơ tên lửa, động cơ phản lực nước, động cơ lực đẩy hybrid, thì thuật ngữ "động cơ phản lực không khí"- chỉ bao gồm các động cơ hoạt động trong môi trường không khí, như động cơ turbojet, turbofan, ramjet, hay động cơ phản lực không khí dạng xung (pulse jet). Động cơ phản lực "lấy không khí từ môi trường khí quyển bên ngoài (air breathing)" (từ đây gọi tắt là "hút khí ngoài") thông thường có một khoang có các cánh quạt đảm nhận nhiệm vụ nén khí, các cánh quạt này được dẫn động bởi turbine, cùng với năng lượng từ dòng khí phụt qua miệng xả (ống đẩy-propelling nozzle)—quá trình này còn được gọi dưới cái tên chu trình nhiệt động học Brayton. Vào đầu kỷ nguyên máy bay phản lực, các máy bay sử dụng động cơ tuốc bin phản lực luồng (turbojet) cũng là loại động cơ phản lực có thiết kế đơn giản, loại động cơ này không hiệu quả khi bay ở tốc độ nhỏ hơn tốc độ âm thanh. Phần lớn các máy bay chở khách bay dưới tốc độ âm hiện nay thường sử dụng động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt có tỉ lệ không khí chảy xung quanh/lượng không khí nạp vào lõi động cơ cao (high-bypass) rất phức tạp. Máy bay sử dụng động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt có tốc độ bay lớn hơn, và hiệu suất sử dụng nhiên liệu tốt hơn động cơ piston và động cơ cánh quạt khi máy bay phải bay chặng hành trình dài. Các động cơ phản lực lấy khí ngoài đặc biệt được sử dụng trên các phương tiện bay tốc độ cao (động cơ phản lực dòng thẳng và động cơ phản lực tĩnh siêu âm-scramjet) sử dụng hiệu ứng búa thủy động (ram effect) khi phương tiện bay ở tốc độ cao để nén khí, thay cho cơ cấu nén khí bằng cánh quạt thông thường. Lực đẩy của động cơ phản lực không khí thông thường từ (động cơ tuốc bin phản lực luồng de Havilland Ghost) giai đoạn những năm 1950s cho tới (động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt General Electric GE90) ra đời những năm 1990s, và độ tin cậy của chúng tăng từ 40 lần ngừng động cơ mỗi 100.000 h bay cho tới ít hơn 1 lần ngưng động cơ cho mỗi 100.000 h bay vào cuối những năm 1990. Điều này cùng với sự tiết giảm lượng nhiên liệu tiêu thụ đã giúp các chuyến bay vượt Đại Tây dương bằng máy bay chở khách hai động cơ được chấp nhận rộng rãi khi bước sang thiên niên kỷ mới, khi mà các chuyến bay tương tự trước đây bắt buộc phải thực hiện tiếp nhiên liệu thường xuyên trên đường bay. Lịch sử. Nguyên lý của động cơ phản lực không khí không phải là một khái niệm mới; tuy nhiên phải đến thế kỷ 20 thì những tiến bộ về kỹ thuật mới khiến cho ý tưởng về động cơ phản lực không khí trở thành hiện thực. Một mô hình thô sơ áp dụng nguyên lý phản lực là aeolipile, được mô tả bởi Hero of Alexandria, thế kỷ thứ nhất sau công nguyên, Ai Cập thuộc La Mã. Thiết bị này dẫn trực tiếp hơi nước qua hai miệng phụt, làm quay quả cầu quanh trục. Đây là một thiết bị lạ thường vào thời điểm đó. Các ví dụ về turbine ta có thể thấy trực tiếp ở bánh xe chạy bằng nước hoặc các cối xay gió. Lực đẩy phản lực cũng được áp dụng trong việc sử dụng thuốc súng-đốt cháy tạo thành khí đẩy các mũi tên bay về phía kẻ địch, được người Trung Quốc phát minh vào thế kỷ 13. Ban đầu thuốc súng được sử dụng trong việc chế tạo pháo hoa, nhưng đã dần trở thành một thứ vũ khí nguy hiểm. Nguyên lý mà người Trung Quốc áp dụng trong các mũi tên lửa và pháo hoa tương tự như nguyên lý của động cơ phản lực khí hiện nay. Năm 1551, Taqi ad-Din Muhammad ibn Ma'ruf, người thuộc tỉnh Ai Cập, Đế quốc Ottoman, đã phát minh ra đòn bẩy được dẫn động bằng tuốc bin hơi nước. Đây là một thiết bị sử dụng nguyên lý phản lực thực tiễn đầu tiên, một thiết bị tương tự cũng được mô tả bởi John Wilkins vào năm 1648. Vào năm 1633, một người lính Ottoman tên là Lagâri Hasan Çelebi đã sử dụng một tên lửa có dạng hình côn. Nỗ lực đầu tiên trong việc thiết kế động cơ phản lực không khí thực tế là động cơ hybrid, trong đó sử dụng một nguồn năng lượng từ bên ngoài để nén khí, sau đó trộn lẫn khí nén với nhiên liệu và đốt cháy chúng, tạo ra lực đẩy. Động cơ sử dụng trên Caproni Campini N.1, cùng với động cơ phản lực Tsu-11 của Nhật dự định sử dụng trên máy bay kamikaze Yokosuka MXY7 Ohka đều không phát triển thành công. Ngay trước khi diễn ra chiến tranh thế giới II, các kỹ sư đã nhận thấy giới hạn của máy bay động cơ cánh quạt lúc đó do giới hạn về hiệu suất của cánh quạt, mà theo đó, tốc độ đầu cánh quạt không thể vượt quá tốc độ âm thanh. Để tăng cường hiệu suất của máy bay, cần phải thiết kế một loại động cơ mới. Đây chính là động lực cho sự ra đời của động cơ tuốc bin khí, dạng động cơ phổ biến nhất của động cơ phản lực không khí. Chìa khóa trong nguyên lý của động cơ phản lực không khí nằm ở tuốc bin, sử dụng chính năng lượng từ động cơ, để làm quay các cánh quạt máy nén khí. Tuốc bin khí không phải là một ý tưởng thiết kế mới: bằng sáng chế về trạm tuốc bin đã được John Barber đưa ra tại Anh vào năm 1791. Tuốc bin khí đầu tiên có khả năng tự duy trì đã được chế tạo vào năm 1903 bởi kỹ sư người Na Uy Ægidius Elling. Các động cơ như vậy không thể đưa vào sản xuất do các vấn đề về độ an toàn, độ tin cậy, trọng lượng, và nhất là hoạt động liên tục. Bằng sáng chế tuốc bin khí đầu tiên sử dụng cho máy bay được đưa ra vào năm 1921 bởi Maxime Guillaume. Động cơ của ông là loại động cơ tuốc bin phản lực luồng, nhưng không bao giờ được chế tạo, do khoa học công nghệ thời kỳ này không thể chế tạo máy nén khí đạt yêu cầu. Alan Arnold Griffith xuất bản cuốn Lý thuyết khí động học trong thiết kế tuốc bin ("An Aerodynamic Theory of Turbine Design)" vào năm 1926, dẫn đến các thử nghiệm tại Royal Aircraft Establishment. Năm 1928, học viên trường đào tạo Cranwell không quân Hoàng gia Anh là Frank Whittle đã trình bày ý tưởng về động cơ tuốc bin phản lực với người hướng dẫn của mình. Tháng 10 năm 1929, Whittle đã tiếp tục phát triển thêm ý tưởng của mình. Vào ngày 16 tháng 1 năm 1930, tại Anh, Whittle đã đệ trình bằng sáng chế đầu tiên của mình (được cấp năm 1932). Bằng sáng chế của ông đưa ra là một máy nén hướng tâm hai tầng, cấp khí nén cho một máy nén ly tâm. Máy nén khí hướng trục đã được chế tạo từ ý tưởng đưa ra trong bài thuyết trình của A.A.Griffith vào năm 1926 ("An Aerodynamic Theory of Turbine Design"). Whittle sau đó chỉ tập trung nghiên cứu máy nén khí ly tâm đơn giản. Tuy nhiên thiết kế của Whittle không làm chính phủ Anh quan tâm, và việc phát triển động cơ diễn ra rất chậm chạp. Vào năm 1935, Hans von Ohain bắt đầu nghiên cứu một thiết kế tương tự tại Đức, cả bộ nén khí và tuốc bin đều nằm trên một trục, đặt đối diện nhau trên cùng một đĩa, nhưng Ohain không biết tới những thiết kế của Whittle. Động cơ của Von Ohain là một động cơ thử nghiệm khác hoàn toàn và chỉ có thể chạy dưới nguồn điện bên ngoài, nhưng ông đã chứng minh được nguyên lý cơ bản của động cơ phản lực. Ohain sau đó được giới thiệu với Ernst Heinkel, một trong những nhà chế tạo máy bay lớn nhất tại Đức để thực hiện ý tưởng của von Ohain. Heinkel sau đó đã mua lại công ty động cơ Hirth, và Ohain cùng với Max Hahn-một thợ máy bậc thầy, đã được đưa tới làm việc tại công ty động cơ Hirth. Họ đã chế tạo động cơ ly tâm đầu tiên của mình, động cơ HeS 1, thử nghiệm vào tháng 9 năm 1937. Không giống như thiết kế của Whittle, Ohain sử dụng nhiên liệu là hydrogen, được nạp ở áp suất cao từ bên ngoài. Tiếp sau đó họ đã thiết kế động cơ HeS 3 nhiên liệu xăng, có lực đẩy , được trang bị trên máy bay He 178, buổi bay thử nghiệm diễn ra bởi phi công thử nghiệm Erich Warsitz sáng sớm ngày 27/8/1939, bay từ Rostock đến sân bay Marienehe. Qua đó đánh dấu chiếc He 178 là chiếc máy bay động cơ tuốc bin phản lực đầu tiên trên thế giới. Heinkel đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế của Hoa Kỳ cho Động cơ máy bay của Hans Joachim Pabst von Ohain vào ngày 31/5/1939; số đăng ký US2256198, với Max Hahn là người phát minh. Kỹ sư người Áo Anselm Franz làm việc tại bộ phận động cơ của hãng Junkers ("Junkers Motoren" hay viết tắt là "Jumo") đã phát triển máy nén khí dọc trục sử dụng cho động cơ phản lực. Kết quả là ông đã chế tạo động cơ phản lực Jumo 004. Sau khi các vấn đề kỹ thuật khác được giải quyết, việc sản xuất loạt động cơ này đã được tiến hành từ năm 1944, để sử dụng trên chiếc tiêm kích phản lực đẩu tiên trên thế giới Messerschmitt Me 262 (sau đó nó cũng được trang bị trên máy bay ném bom phản lực đẩu tiên trên thế giới Arado Ar 234). Chiếc Me 262 đã tham chiến quá muộn để cứu vãn tình thế của phát xít Đức, tuy nhiên, đây vẫn là loại động cơ phản lực đầu tiên được đưa vào trang bị. Trong khi đó, tại Anh, máy bay phản lực Gloster E28/39 thực hiện chuyến bay thử lần đầu vào ngày 15/5/1941, Gloster Meteor được đưa vào trang bị trong Không quân Hoàng gia Anh từ tháng 7 năm 1944. Chúng được trang bị động cơ phản lực của công ty động cơ Power Jets Ltd., do Frank Whittle thành lập. Sau khi chiến tranh kết thúc, máy bay phản lực và động cơ phản lực của Đức đã được quân Đồng minh nghiên cứu và là nền tảng cho các mẫu máy bay chiến đấu phản lực của Liên Xô và Hoa Kỳ thời kỳ đầu. Tất cả các động cơ phản lực trên máy bay cánh cố định đều dựa trên thiết kế này. Đến cuối những năm 1950, động cơ phản lực không khí đã được sử dụng trên hầu hết các máy bay chiến đấu, trừ các máy bay vận tải, máy bay liên lạc, và một số kiểu máy bay đặc biệt khác. Cũng trong thời gian này, một số máy bay dân dụng của Anh cũng được thiết kế để sử dụng động cơ phản lực, ví dụ như de Havilland Comet và Avro Canada Jetliner. Vào những năm 1960, tất cả các máy bay dân dụng cỡ lớn đều được trang bị động cơ phản lực, các máy bay động cơ piston chỉ còn dùng để chở hàng. Hiệu suất sử dụng nhiên liệu của động cơ tuốc bin phản lực luồng lúc đầu còn thấp hơn so với động cơ piston, nhưng vào những năm 1970, với việc phát minh ra động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt high-bypass đã giúp cho động cơ phản lực có hiệu suất tiêu thụ nhiên liệu tương đương với các mẫu động cơ piston và động cơ cánh quạt tốt nhất. Sử dụng. Động cơ phản lực không khí được sử dụng trên máy bay phản lực, tên lửa hành trình và máy bay không người lái. Đối với động cơ rocket, chúng được sử dụng trong pháo hoa, tên lửa, du hành vũ trụ... Động cơ phản lực không khí cũng được sử dụng trong các mẫu xe hơi tốc độ cao, đặc biệt là trong các xe đua. Xe đua ThrustSSC chạy bằng động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt, hiện đang nắm giữ kỷ lục về tốc độ trên mặt đất. Thiết kế động cơ phản lực không khí cũng thường được sửa đổi để hoạt động trong các lĩnh vực không liên quan đến máy bay, như tuốc bin khí công nghiệp hoặc động cơ đẩy trong hàng hải. Động cơ tuốc bin phản lực không khí được sử dụng để phát điện, để bơm nước, khí tự nhiên, hay dầu, và cung cấp lực đẩy cho tàu thủy hoặc tàu hỏa. Các động cơ tuốc bin khí công nghiệp có khả năng tạo ra công suất 50.000 mã lực. Phần lớn các động cơ này đều là được chuyển đổi từ các động cơ tuốc bin phản lực luồng dùng trong quân sự, như động cơ Pratt & Whitney J57 và J75. Cũng có những phiên bản của động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt P&W JT8D low-bypass có công suất 35.000 mã lực (HP). Động cơ phản lực khí được phát triển thành các loại động cơ như động cơ tuốc bin trục hoặc động cơ tuốc bin cánh quạt, chúng có các thành phần cốt lõi của động cơ giống nhau, sử dụng trên máy bay trực thăng và một số loại máy bay cánh quạt. Các loại động cơ phản lực không khí. Có nhiều loại động cơ nhưng chúng có điểm chung là sử dụng lực đẩy phản lực của luồng phụt để tiến về phía trước theo nguyên lý "sức đẩy phản lực". Động cơ lấy không khí từ khí quyển (air breathing). Nói chung máy bay được đẩy đi bằng động cơ tuốc bin phản lực hút khí ngoài. Phần lớn các động cơ phản lực hút khí ngoài là động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt, có hiệu suất tốt ở tốc độ cận âm. Động cơ tuốc bin khí. Tuốc bin khí là động cơ dạng quay, theo đó lấy năng lượng từ chuyển động của dòng khí cháy trong buồng đốt. Nó bao gồm một máy nén ở đầu cùng với tuốc bin ở cuối và buồng đốt ở giữa. Trong động cơ hàng không, 3 thành phần cơ bản này thường được gọi là bộ phận "sinh khí". Có nhiều kiểu tuốc bin khí khác nhau, nhưng chúng đểu sử dụng chung hệ thống sinh khí. Động cơ tuốc bin phản lực luồng. Một động cơ tuốc bin phản lực là một động cơ tuốc bin khí mà hoạt động bằng cách nén không khí đi qua miệng hút khí của động cơ bằng máy nén khí (dọc trục, ly tâm hoặc cả hai), trộn không khí áp suất cao với nhiên liệu, đốt cháy hỗn hợp ở trong buồng đốt, và hỗn hợp khí nóng sau đó sẽ chảy qua các cánh tuốc bin và được đẩy ra bên ngoài qua miệng xả. Các cánh quạt của máy nén khí sẽ được dẫn động bởi trục lá tuốc bin, trong khi các lá tuốc bin này chuyển động nhờ khí nóng giãn nở chảy qua nó. Động cơ sẽ chuyển đổi năng lượng của nhiên liệu thành động năng khí xả, và tạo ra lực đẩy. Tất cả lượng khí nạp vào động cơ qua cửa hút khí sẽ đi qua các cánh quạt của máy nén khí, buồng đốt, và cánh quạt tuốc bin, khác với động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt mô tả sau đây. Động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt. Turbofan không giống với động cơ tuốc bin phản lực ở chỗ nó có cánh bổ sung ở phía trước của động cơ, giúp gia tốc dòng khí đi trước khi đi vào tuốc bin lõi động cơ. Động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt chủ yếu được sử dụng trên các máy bay chở khách tầm trung và tầm xa. Động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt thường có hiệu suất vượt trội hơn động cơ tuốc bin phản lực luồng ở tốc độ cận âm, nhưng ở tốc độ lớn, đường kính của động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt lớn hơn động cơ tuốc bin phản lực luồng sẽ dẫn đến lực cản lớn hơn. Ngoài ra, trong khi bay ở tốc độ siêu âm, nhất là ở các máy bay tiêm kích quân sự, yếu tố tiêu hao nhiên liệu cao hơn của động cơ tuốc bin phản lực ít được quan tâm hơn so với các yếu tố khác, các cánh quạt do đó sẽ được thiết kế nhỏ hơn, hoặc thậm chí là không có cánh quạt ở phía trước động cơ. Vì những khác biệt này, nên động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt thường được đặc trưng bởi tỉ lệ lượng khí chảy xung quanh động cơ/lượng khí đi qua lõi động cơ (từ nay gọi là tỉ lệ đường vòng-bypass ratio) thấp hoặc cao, (low-bypass hay high-bypass). Động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt có tỉ lệ đường vòng thấp (low-bypass), tỉ lệ này vào khoảng 2:1 hoặc thấp hơn. Động cơ phản lực nén khí bằng hiệu ứng búa thủy động. Động cơ nén không khí bằng hiệu ứng búa thủy động là một động cơ tương tự như động cơ tuốc bin khí, cả hai đều tuân theo chu trình Brayton. Tuy nhiên, động cơ chạy bằng tuabin khí và động cơ chạy bằng ram khác nhau ở cách chúng nén luồng không khí đi vào. Trong khi động cơ tuabin khí sử dụng các cánh quạt nén dọc trục hoặc ly tâm để nén không khí vào, động cơ ram chỉ dựa vào cửa hút khí hoặc bộ khuếch tán để nén không khí. Một động cơ ram chỉ yêu cầu vận tốc ban đầu của không khí đi vào động cơ phải lớn trước khi động cơ hoạt động. Động cơ phản lực ram là loại động cơ phản lực đơn giản nhất, do thiết kế động cơ không có một bộ phận nào chuyển động. Động cơ phản lực dòng thẳng là một động cơ phản lực ram. Chúng rất đơn giản về mặt cơ khí, và vận hành với hiệu suất thấp hơn tất cả các động cơ tuốc bin phản lực nói chung, trừ khi phương tiện bay hoạt động ở vận tốc rất lớn. Động cơ phản lực tĩnh siêu âm (Scramjet) khác với các động cơ khác ở chỗ chúng sử dụng buồng đốt không khí ở vận tốc siêu âm. Do đó chúng tỏ ra hiệu quả ở các phương tiện bay có vận tốc lớn hơn. Loại động cơ này vẫn đang trong quá trình thử nghiệm. Các kiểu động cơ phản lực khác. Động cơ tên lửa. Động cơ tên lửa sử dụng cùng nguyên lý phản lực của động cơ phản lực, nhưng nó khác với động cơ phản lực không khí là nó không cần lấy ô xy từ không khí bên ngoài, thay vào đó tên lửa sẽ sử dụng ô xy lỏng từ bể chứa trong thân. Bởi vì tên lửa không lấy không khí từ môi trường khí quyển bên ngoài nên tên lửa có khả năng hoạt động ở độ cao lớn và trong không gian vũ trụ. Động cơ tên lửa được sử dụng trong các tên lửa phóng vệ tinh, tàu thăm dò, tàu vũ trụ có người lái, và nhờ động cơ tên lửa, con người mới có thể đặt chân lên Mặt trăng vào năm 1969. Động cơ tên lửa thường sử dụng trong các chuyến bay ở độ cao lớn, hoặc trên các tên lửa đẩy cần khả năng gia tốc lớn do tỉ lệ lực đẩy/trọng lượng của động cơ tên lửa rất lớn. Tuy nhiên, vận tốc luồng khí phụt cao cùng với nhiên liệu giàu chất ô xy hóa khiến cho động cơ tên lửa sử dụng nhiều nhiên liệu hơn động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt. Mặc dù vây, khi đạt đến vận tốc lớn, các động cơ tên lửa lại có hiệu suất cao về năng lượng. Lực đẩy của động cơ tên lửa được tính theo công thức: formula_2 là lực đẩy, formula_3 là xung lực đẩy riêng, formula_4 là gia tốc trọng trường tiêu chuẩn, formula_5 là sự suy giảm khối lượng nhiên liệu theo thời gian kg/s, formula_6 là diện tích của miệng phụt của động cơ tên lửa, và formula_7 là áp suất khí quyển. Nguyên lý vật lý cơ bản. Các động cơ phản lực không khí đều là động cơ phản lực, theo đó tạo ra lực đẩy từ lực phụt của dòng chất lưu ở vận tốc cao. Các động cơ phản lực không khí tạo ra luồng khí phụt nhờ đốt cháy nhiên liệu được chứa trong bể chứa trong động cơ (đối với động cơ tên lửa). Tương tự, đối với động cơ phản lực hàng không nhờ hút khí từ bên ngoài và đẩy hỗn hợp khí cháy từ buồng đốt, qua ống xả ở vận tốc cao hơn nhiều. Vòi phun đẩy. Miệng xả ("vòi phun, miệng phụt") của động cơ phản lực được sử dụng để tạo ra luồng phụt về phía sau. Miệng xả là nơi mà năng lượng của khí cháy ở áp suất cao được chuyển thành động năng của dòng khí phụt ở vận tốc lớn. Áp suất tổng và nhiệt độ của khí không thay đổi khi đi qua miệng xả nhưng các giá trị tĩnh giảm xuống và vận tốc của khí được tăng lên. Tốc độ của dòng khí khi đi vào miệng vòi phun là thấp, ở vào khoảng Mach 0,4, để giảm tổn thất áp suất của dòng khí dẫn đến miệng phụt. Nhiệt độ đầu vào của khí khi đi vào miệng xả khá thấp, ở mức nhiệt độ không khí tại mực nước biển đối với miệng xả cánh quạt trên động cơ bay ở độ cao hành trình. Nhiệt độ của dòng khí phụt qua miệng xả có thể đạt tới 1000K đối với động cơ phản lực siêu âm có đốt sau và 2200K với động cơ đốt sau. Áp suất khí khi đi vào vòi phun cao gấp từ 1,5 lần áp suất khí bên ngoài vòi phun, đối với động cơ phản lực tuốc bin cánh quạt, đến gấp 30 lần áp suất không khí bên ngoài, đối với động cơ của máy bay có người lái bay ở tốc độ lớn hơn mach 3. Miệng xả hội tụ thường chỉ có khả năng gia tốc khí đến Mach 1. Để có thể bay ở tốc độ cao, cần phải đạt được vận tốc khí phụt cao hơn nữa. Các máy bay bay ở tốc độ cao thường sử dụng động cơ có miệng xả dạng hội tụ-phân kỳ. Lực đẩy vòi phun là cao nhất nếu áp suất tĩnh của khí đạt giá trị bằng với áp suất xung quanh tại đầu ra của vòi phun. Điều này chỉ xảy ra nếu như diện tích miệng vòi phun đúng theo tỉ lệ áp suất vòi phun (nozzle pressure ratio (npr)). Do tỉ lệ npr thay đổi theo sự thay đổi lực đẩy của động cơ và tốc độ bay, nên lực đẩy vòi phun hiếm khi đạt giá trị tối đa. Ngoài ra tại tốc độ bay siêu âm diện tích phân kỳ là nhỏ hơn mức để khí giãn nở tới khi bằng áp suất môi trường xung quanh để cân bằng với lực cản bên ngoài. Whitford đưa ra ví dụ là máy bay F-16. Các động cơ XB-70 and SR-71. Vòi phun của động cơ, cùng với diện tích tuốc bin, sẽ quyết định đến áp suất làm việc của máy nén. Hiệu suất tạo ra lực đẩy. Hiệu suất của động cơ tuốc bin phản lực hút khí ngoài, sẽ thấp hơn hiệu suất của động cơ tên lửa. Hiệu suất của động cơ sẽ phụ thuộc vào tỉ lệ giữa tốc độ (v) của phương tiện bay với tốc độ khí xả (ve) như biểu đồ dưới đây. Hiệu suất chuyển hóa năng lượng riêng của nhiên liệu thành lực đẩy (formula_8) của động cơ phản lực bao gồm hai thành phần chính: Hiệu suất formula_8 là: đối với các động cơ phản lực "hiệu suất tạo ra lực đẩy" "(propulsive efficiency)" đạt giá trị cao nhất khi vận tốc của luồng khí phụt gần bằng vận tốc của máy bay đồng nghĩa với động năng dư thừa là nhỏ nhất. Đối với động cơ phản lực nạp khí từ khí quyển thì vận tốc xả bằng vận tốc của phương tiện bay, hay formula_9 bằng 1, sẽ cho lực đẩy tối đa, và không thay đổi động lượng của máy bay. Công thức cho các động cơ phản lực nạp khí từ khí quyển, vận tốc khí ở cửa hút gió là formula_14 (cũng là vận tốc thực của máy bay) và vận tốc khí phụt formula_15, bỏ qua dòng chảy của nhiên liệu, là: Và đối với động cơ tên lửa: Ngoài ra, khi xét đến hiệu suất đẩy của động cơ người ta còn xét đến "hiệu suất chu trình nhiệt" ("cycle efficiency)" do động cơ phản lực là một dạng động cơ nhiệt. Hiệu suất của động cơ nhiệt được xác định bằng tỉ số giữa nhiệt độ bên trong động cơ và nhiệt độ của dòng khí ở miệng xả. Hiệu suất này được cải thiện theo thời gian do áp dụng các vật liệu mới cho phép tăng nhiệt độ tối đa của chu trình nhiệt trong động cơ. Ví dụ, vật liệu composite, kết hợp giữa kim loại và gốm, đã được các kỹ sư phát triển để chế tạo các lá tuốc bin, hoạt động trong điều kiện nhiệt độ rất cao. Hiệu suất cũng được giới hạn bởi tỉ lệ áp suất tổng thể có thể đạt được. "Hiệu suất chu trình nhiệt (Cycle efficiency)" đạt tới giá trị cao nhất ở các động cơ tên lửa (~60% hoặc cao hơn), do chúng có khả năng tạo khí cháy với nhiệt độ đặc biệt cao ở trong buồng đốt. Hiệu suất chu trình nhiệt đối với động cơ tuốc bin phản lực luồng và các động cơ tương tự là gần 30%, do chúng có nhiệt độ cao nhất của chu trình nhiệt thấp hơn nhiều. Hiệu suất buồng đốt của phần lớn các động cơ máy bay tại thời điểm cất cánh là gần bằng 100%. Hiệu suất của buồng đốt sẽ giảm xuống 98% ở độ cao bay hành trình. Tỉ lệ hỗn hợp không khí/nhiên liệu là từ 50:1 (giàu) đến 130:1 (nghèo). Ở ngoài khoảng hai tỉ lệ này, thì nhiên liệu sẽ không thể cháy trong buồng đốt. Giới hạn giữa sự pha trộn hỗn hợp giàu/nghèo nhiên liệu này sẽ giảm dần khi vận tốc dòng khí tăng lên. Nếu tăng lượng khí hút vào động cơ, trong khi tỉ lệ nhiên liệu giảm xuống quá giới hạn, sẽ không thể đốt cháy hỗn hợp khí/nhiên liệu trong buồng đốt. Mức tiêu thụ nhiên liệu. Một đại lượng liên quan (nhưng khác) với hiệu suất năng lượng là tốc độ tiêu thụ nhiên liệu. Mức tiêu thụ nhiên liệu ở động cơ phản lực không khí được xác định bằng suất tiêu hao nhiên liệu riêng theo lực đẩy (thrust-specific fuel consumption), xung lực đẩy riêng, hay tốc độ phụt khí hiệu dụng. Chúng đều dùng để đo một đại lượng. Xung lực đẩy riêng và tốc độ phụt khí hiệu dụng tỉ lệ với nhau, trong khi mức tiêu thụ nhiên liệu riêng tỉ lệ nghịch với các đại lượng trên. Đối với các động cơ nạp khí từ khí quyển như động cơ tuốc bin phản lực luồng, hiệu suất năng lượng và hiệu suất lực đẩy là rất giống nhau, do chất đẩy của động cơ là nhiên liệu và là nguồn năng lượng. Đối với động cơ tên lửa, chất đẩy dần mất đi, cạn dần, đồng nghĩa với việc chất đẩy năng lượng cao sẽ cho hiệu suất lực đẩy tốt hơn, nhưng có thể trong một vài trường hợp hiệu suất năng lượng mà nó mang lại là thấp hơn. Lấy ví dụ, động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt dưới âm General Electric's CF6 sử dụng ít nhiên liệu để tạo lực đẩy mỗi giây hơn là động cơ tuốc bin phản lực luồng Rolls-Royce/Snecma Olympus 593 trang bị trên chiếc Concorde. Tuy nhiên, do tốc độ của Concorde là lớn hơn, nên thực tế năng lượng được tạo ra bởi động cơ với cùng một lượng nhiên liệu của máy bay Concorde bay ở tốc độ Mach 2 là lớn hơn động cơ CF6. Do đó, động cơ của máy bay Concorde có hiệu suất lớn hơn xét theo năng lượng/dặm. (Xem ví dụ) Tỉ lệ lực đẩy/trọng lượng. Tỉ lệ lực đẩy/trọng lượng của các loại động cơ phản lực không khí là tương tự như nhau. Với một động cơ cho trước, động cơ càng nhẹ, lực đẩy/trọng lượng động cơ càng cao, thì càng tiêu tốn ít nhiên liệu để bù cho trọng lượng của động cơ và gia tốc khối lượng động cơ. Động cơ tên lửa thường có tỉ lệ lực đẩy/trọng lượng cao hơn động cơ tuốc bin phản lực không khí như động cơ tuốc bin phản lực luồng và động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt. Nguyên nhân là do tên lửa sử dụng động cơ phản lực nhiên liệu lỏng hoặc rắn có mật độ cao, tức sẽ chiếm ít thể tích hơn và do đó hệ thống nén sẽ nhỏ hơn rất nhiều và nhẹ hơn ở cùng một hiệu suất. Động cơ tuốc bin phản lực luồng và động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt sử dụng không khí hút trực tiếp từ khí quyển, loãng hơn nhiều và do đó cần máy nén khí lớn hơn nhiều, và bộ nén khí do đó nặng hơn nhiều, xét cùng một hiệu suất. So sánh các kiểu động cơ phản lực không khí. Động cơ cánh quạt có khả năng gia tốc dòng khí đi qua động cơ kém hơn động cơ phản lực. Do đó lực đẩy tạo ra bởi động cơ cánh quạt là nhỏ. Tuy nhiên, do bay ở vận tốc thấp, các động cơ cánh quạt có hiệu suất tạo lực đẩy (hiệu suất chuyển hóa năng lượng riêng của nhiên liệu thành động năng của máy bay/tên lửa) cao. Ngoài ra, động cơ tuốc bin phản lực chỉ gia tốc một lượng khí nhỏ hơn nhiều, và đốt cháy hỗn hợp khí+nhiên liệu trong buồng đốt, nhưng sau đó chúng thải ra tất cả khí cháy ở vận tốc rất cao. Cộng với việc thiết kế miệng xả Laval, dùng để gia tốc khí cháy nóng, vận tốc xả khí có thể đạt tới tốc độ siêu âm. Động cơ tuốc bin phản lực thông thường được sử dụng trên các máy bay có vận tốc bay lớn. Ở động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt, hỗn hợp khí phụt bao gồm không khí đi chung quanh (bypass-đi vòng qua) lõi động cơ và hỗn hợp khí cháy ở nhiệt độ cao sau khi đi qua buồng đốt. Lượng không khí mà đi vòng qua lõi động cơ và lượng không khí đi vào trong lõi động cơ được gọi là tỉ lệ đường vòng của động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt (bypass ratio (BPR)). Trong khi động cơ tuốc bin phản lực luồng sử dụng toàn bộ động cơ để tạo ra lực đẩy, dưới dạng luồng khí phụt ở vận tốc cao, động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt làm mát bằng không khí đi đường vòng vận tốc thấp chỉ sản sinh 30% đến 70% tổng lực đẩy là từ hệ thống tuốc bin. Lực đẩy ròng (FN) của động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt có thể được tính bởi công thức: trong đó: Động cơ tên lửa sản sinh ra dòng phí phụt ở vận tốc lớn, và do đó động cơ tên lửa phù hợp cho các phương tiện bay ở độ cao lớn, bay ở tốc độ siêu vượt âm. Ở bất kỳ mức lực đẩy nào, lực đẩy và hiệu suất của động cơ tên lửa sẽ tăng nhẹ theo độ cao mà tên lửa lên được (do áp suất ở phía đuôi tên lửa giảm xuống nên lực đẩy sẽ tăng lên tại miệng phụt của động cơ), trái lại, đối với động cơ tuốc bin phản lực luồng (hay động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt), khi máy bay tăng dần độ cao, sự giảm mật độ của không khí hút vào sẽ làm cho lực đẩy của động cơ bị giảm xuống theo độ cao. Động cơ tên lửa thậm chí còn có hiệu suất lớn hơn cả động cơ tĩnh phản lực siêu âm (scramjet) bay ở tốc độ Mach 15. Vận tốc và độ cao bay. Động cơ phản lực tuốc bin không thể hoạt động bình thường nếu không khí đi vào động cơ ở tốc độ siêu âm. Nguyên nhân là do khi vận tốc khí đi vào động cơ ở tốc độ siêu âm, thì kết hợp cùng với sóng xung kích tạo ra khi bay siêu âm sẽ hư hại hoặc gây rung động nguy hiểm cho các cánh quạt của động cơ, làm động cơ bị mất lực đẩy hoặc bị hỏng. Do đó, với máy bay bay ở tốc độ siêu âm, không khí trước khi đi vào động cơ phải được làm chậm xuống vận tốc dưới tốc độ âm thanh trước khi dòng khi đi tới cánh quạt nén và cánh quạt tuốc bin. Trừ động cơ tĩnh phản lực siêu âm, động cơ phản lực, thiếu đi hệ thống hút khí sao cho chỉ cho phép không khí ở vận tốc khoảng 0,5 lần tốc độ âm thanh lọt được vào động cơ. Ở các máy bay bay ở tốc độ M từ 0,8 đến 1,2 (transsonic) hay máy bay bay siêu âm, động cơ của chúng có khả năng làm chậm luồng không khí đi vào cửa hút khí và có thể nén không khí một cách sơ bộ. Giới hạn độ cao tối đa của động cơ được xác định bằng "khả năng cháy" - tại độ cao rất lớn, không khí trở nên quá loãng để có thể bốc cháy, hoặc là sau khi nén, không khí trở nên quá nóng. Đối với động cơ tuốc bin phản lực, độ cao giới hạn để động cơ hoạt động là khoảng 40 km, trong khi đối với động cơ phản lực dòng thẳng là 55 km. Động cơ tĩnh phản lực siêu âm về lý thuyết có thể hoạt động ở độ cao tối đa 75 km. Còn động cơ tên lửa, thì tất nhiên nó không có giới hạn. Về mặt tốc độ, máy bay bay nhanh sẽ nén không khí ở phía trước động cơ, và do đó làm tăng nhiệt độ của không khí đi vào động cơ. Giới hạn tốc độ tối đa của động cơ máy bay là khoảng từ Mach 5 đến Mach 8, nitơ trong khí quyển có xu hướng phản ứng do nhiệt độ cao tại cửa hút khí và làm tiêu hao một lượng năng lượng đáng kể. Hiệu ứng này không xảy ra ở động cơ tĩnh phản lực siêu âm, do nó hoạt động ở tốc độ khoảng Mach 15 hay lớn hơn. Động cơ tên lửa không có giới hạn về tốc độ. Tiếng ồn. Tiếng ồn từ động cơ phản lực từ nhiều bộ phận động cơ khác nhau, trong trường hợp động cơ khí, tiếng ồn gây ra bởi cánh quạt, máy nén khí, buồng đốt, tuốc bin và luồng phụt từ động cơ. Luồng phụt phản lực tạo ra tiếng ồn do tương tác của dòng khí phụt tốc độ cao với không khí xung quanh miệng xả. Khi bay ở vận tốc nhỏ hơn tốc độ âm thanh, tiếng ồn gây ra bởi xoáy, khi bay ở tốc độ vượt âm, tiếng ồn là do sóng Mach gây ra. Năng lượng sóng âm từ luồng phụt phản lực thay đổi theo tốc độ của luồng phụt phản lực. Vì vậy, luồng phụt phản lực có vận tốc thấp hơn như ở động cơ có tỉ lệ đường vòng cao (high bypass) sẽ có độ ồn thấp hơn, trong khi đó, những luồng phụt từ động cơ như tên lửa, động cơ tuốc bin phản lực luồng, động cơ phản lực dòng thẳng, sẽ gây ra tiếng ồn lớn nhất. Đối với các máy bay chở khách, tiếng ồn phản lực được giảm dần do máy bay chuyển từ sử dụng động cơ tuốc bin phản lực luồng, sang động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đường vòng, nhờ giảm tốc độ dòng khí phụt phản lực. Tiếng ồn từ động cơ phản lực cánh quạt (còn gọi là "buzz saw" chủ yếu gây ra bởi sự hình thành của sóng xung kích trên các lá cánh quạt quay ở vận tốc siêu âm khi máy bay cất cánh.
1
null
Tiểu đậu khấu (danh pháp hai phần: Elettaria) là chi thực vật gồm một hoặc hai loài đậu khấu, bản địa Ấn Độ qua Sri Lanka, thường mọc trong các rừng mưa nhiệt đới. Ngoài ra, tiểu đậu khấu cũng được trồng ở Nepal, Việt Nam, Thái Lan và Trung Mỹ. Các loài. Một số tác giả coi "Elettaria cardamomum" là loài duy nhất của chi Tiểu đậu khấu, nhưng một số khác cho rằng những cây ở Sri Lanka thuộc về loài riêng là "Elettaria repens" Sonner. Danh sách ghi nhận tháng 12 năm 2020: Chuyển đi. Các loài ngoài khu vực Ấn Độ và Sri Lanka được chuyển sang chi "Sulettaria" từ năm 2018. Thành phần hóa học. Cây tiểu đậu khấu chứa 2–8% tinh dầu, thành phần chính gồm 1,8-cineol (20–40%), (+)-α-terpinyl acetat (30–42%), α-terpineol (4–45%), limonen (6%), linalool, linalool acetat...
1
null
Bọ cạp giả (tiếng Anh: pseudoscorpion) là lớp Hình nhện thuộc vào bộ "Pseudoscorpionida" và được biết đến với tên "Pseudoscorpiones" hoặc "Chelonethida". Nhìn chung, bọ cạp giả mang ích lợi cho con người khi chúng ăn ấu trùng bướm đêm, ấu trùng kiến, mối hay ruồi. Kích thước của chúng nhỏ và vô hại. Chúng ít được nhìn thấy vì có kich thước nhỏ và vô hại. Đặc điểm. Bọ cap giả nhỏ như lớp Hình nhện với cơ thể dẹp và bầu như quả lê và có kìm răng giống như bọ cạp. Chúng có chiều dài từ . Loài lớn nhất được biết đến là loài "Garypus titanius" ở đảo Ascension có chiều dài đến . Tiến hóa. Mẫu hóa thạch bò cạp giả lâu nhất cách đây 300 triệu năm ở kỷ Devon. Nó có đầy đủ đặc điểm của bò cạp giả hiện nay, chỉ ra rằng bọ cạp giả đã tiến hóa rất sớm trong lịch sử các động vật trên mặt đất. Phân loại. Danh sách này theo cách phân loại sinh học của Joel Hallan. Số lượng chi và loài gần đây trong dấu ngoặc vuông.
1
null
Hứa Vĩ Văn (sinh ngày 25 tháng 12 năm 1979) là một nam người mẫu, ca sĩ và diễn viên người Việt gốc Hoa. Anh bắt đầu sự nghiệp từ năm 16 tuổi với vai trò người mẫu, sau đó từng là thành viên nhóm nhạc GMC ở đầu thập niên 2000. Hiện tại Vĩ Văn hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực phim truyền hình và điện ảnh. Những bộ phim nổi bật của Hứa Vĩ Văn là "Đam Mê", "Giao Lộ Định Mệnh", phim truyền hình "Lời Thú Nhận Của Eva", ""Thái Sư Trần Thủ Độ""... Vĩ Văn có mặt trong các phim điện ảnh đạt doanh thu cao và nhận được nhiều lời khen của giới chuyên môn như "Thần Tượng", "Chàng Trai Năm Ấy", ""Em Là Bà Nội Của Anh"". Trong vai trò diễn viên, Hứa Vĩ Văn nhận được các giải thưởng quan trọng như Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất tại Cánh Diều Vàng 2012 cho vai diễn trong phim Đam Mê, Nam diễn viên truyền hình được yêu thích nhất của HTV Awards 2015. Hứa Vĩ Văn còn là MC trong nhiều sự kiện, chương trình truyền hình. Trong hai năm liên tiếp 2013 và 2014, anh được đề cử tại lễ trao giải Men of the Year của tạp chí Thể thao Văn Hóa & Đàn ông. Tiểu sử. Hứa Vĩ Văn sinh ngày 25 tháng 12 năm 1979 tại Chợ Lớn, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh. Anh sinh ra trong một gia đình người gốc Hoa. Theo lời Vĩ Văn, trước khi kết hôn, ba mẹ anh xuất thân từ gia đình giàu có, nhưng sau khi kết hôn, họ không được hỗ trợ tài chính. Ba của Vĩ Văn phụ bán hàng cho ông nội từ sáng đến khuya, còn mẹ anh vun vén cho gia đình hai bên nội ngoại và mở quán ăn nhỏ. Từ nhỏ, vì ba mẹ bận rộn mưu sinh nên Vĩ Văn được giao chăm sóc em trai cho đến khi người em học tiểu học. Sự nghiệp. Thời niên thiếu và khởi nghiệp từ vai trò người mẫu. Khi còn nhỏ Hứa Vĩ Văn tham gia Nhà văn hóa thiếu nhi và bộc lộ năng khiếu nghệ thuật từ sớm. Năm 16 tuổi anh đoạt giải nhất trong cuộc thi nam sinh thanh lịch của trường PTTH Bùi Thị Xuân. Vào thời điểm đó, anh đang tham gia câu lạc bộ người mẫu Hoa Học Đường tại Nhà văn hóa Thanh Niên. Năm 2000, Vĩ Văn đoạt giải nhất cuộc thi thời trang xuân do Nhà văn hóa Thanh Niên tổ chức. Năm 2002, Vĩ Văn theo học tại trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, đây cũng là thời điểm anh bắt đầu gia nhập làng giải trí. Cùng năm này, anh xuất hiện trong Quảng cáo Bột ngot Ajinomoto. Năm 2003, Vĩ Văn đoạt giải Người mẫu được yêu thích nhất cùng với Hồ Ngọc Hà. Ca hát và gia nhập nhóm nhạc GMC. Sau khi đoạt giải Người mẫu được yêu thích nhất, Hứa Vĩ Văn thử sức với lĩnh vực âm nhạc. Tháng 3 năm 2004, anh phát hành album đầu tiên do chính anh biên tập và thực hiện nhưng thất bại vì chưa có tên tuổi. Không lâu sau, Vĩ Văn gia nhập nhóm nhạc GMC của công ty Nhạc Xanh cùng với Nhật Thăng. Lúc này, album vol 2 của anh đã được hoàn thiện. Sau khi cùng GMC phát hành album Vẫn yêu như thuở ấy, anh dần vắng mặt vì bận rộn đóng phim, cuối cùng anh quyết định rời nhóm. Năm 2005, Vĩ Văn ra mắt album thứ hai có tên Quán cafe mùa hè gồm 8 ca khúc nhẹ nhàng, đậm chất trữ tình mang tới hình ảnh trưởng thành. Anh mạnh dạn hát lại các ca khúc khá quen thuộc với khán giả như Quán cafe mùa hè từng được diva Mỹ Linh thể hiện thành công, Đừng hát khi buồn (Hồ Ngọc Hà)... Album có sự tham gia của ca sĩ Hiền Thục và Khánh Linh.  Năm 2007, Vĩ Văn phát hành album vol 3 nhưng không tạo được nhiều sự chú ý. Tháng 4 năm 2016, Vĩ Văn tung ra MV Chỉ Mong Trái Tim Người theo phong cách phim ngôn tình. Đây là ca khúc chủ đề của bộ phim Trung Quốc "Bí mật bị thời gian vùi lấp" chuyển thể từ tiểu thuyết ngôn tình cùng tên. Bài hát được mua bản quyền, lời Việt sát với nội dung bản gốc. Truyền hình và tranh cãi bỏ vai. Năm 2002, Hứa Vĩ Văn đoạt giải ba trong cuộc thi tuyển diễn viên điện ảnh triển vọng toàn quốc do Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức. Sau đó, anh có vai diễn đầu tiên trong phim truyền hình Cây Huê Xà chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Sơn. Trong phim Vĩ Văn đóng vai con trai của diễn viên gạo cội Thương Tín. Nhân vật Lợi - chàng nông dân miệt vườn của Vĩ Văn tạo được cảm tình với người xem. Anh được khen có lối diễn mộc mạc, chân chất, tạo nên tính cách của người thanh niên Nam Bộ hiền lành, hiếu thảo. Sau Cây Huê Xà, Vĩ Văn đóng vai nhỏ trong nhiều phim truyền hình khác như: Lời thề Đất Mũi, Người đẹp Yasan, Ảo ảnh, Chuyện tình yêu, Công ty thời trang, Nợ đời, Ghen, Ai, Tình yêu pha lê... Năm 2007, Vĩ Văn là một trong những khách mời (cameo) trong phần 2 của phim truyền hình ăn khách Nhật ký Vàng Anh. Năm 2011, Vĩ Văn đóng vai chính trong phim viễn tưởng tình cảm Anh Chàng Vượt Thời Gian được phát sóng trên kênh VTV3 Đài truyền hình Việt Nam. Trong phim Vĩ Văn đóng vai Đỗ Hải Anh - một đạo diễn trẻ du học nước ngoài khi trở về quê hương làm việc bị tai nạn giao thông và rơi vào hôn mê. Trong giấc mơ, anh trở thành một con người khác cùng với những chuyến du hành trở về quá khứ xa xưa hàng ngàn năm trước. Bộ phim bị báo chí và người xem nhận xét chất lượng kém, "thảm họa phim Việt" và bị ngừng phát sóng sau khi kết thúc phần một. Riêng Vĩ Văn bỏ vai diễn nửa chừng khi phim trình chiếu được 9 tập vì cách làm việc cẩu thả và thiếu chuyên nghiệp của nhà sản xuất làm giảm chất lượng phim, còn các diễn viên bị khán giả chỉ trích rất nhiều. Ngay sau đó, Vĩ Văn bị nhà sản xuất của bộ phim đổ trách nhiệm và buông lời xúc phạm trước truyền thông, mặc dù thắng kiện trong việc đòi lại danh dự và các trang mạng đăng tải thông tin sai lệch đã lên tiếng xin lỗi nhưng sự việc đã gây không ít khó khăn và tổn thất cho sự nghiệp của anh. Tháng 4 năm 2011, sau Anh chàng vượt thời gian, một bộ phim truyền hình khác mà Vĩ Văn đóng vai nam chính là Lời Thú Nhận Của Eva lên sóng VTV3. Nhân vật của anh là Trần Nguyên - một ông bố trẻ đơn thân hết mực yêu thương gia đình, đồng thời là giám đốc thành đạt được nhiều cô gái theo đuổi. Trong phim Vĩ Văn đóng cặp với nữ diễn viên Huyền Lizzie. Bộ phim thu hút sự chú ý của truyền thông và khán giả. Nhân vật Trần Nguyên của Vĩ Văn cũng tạo nên cơn sốt với người xem. Cũng trong thời gian Lời Thú Nhận Của Eva trình chiếu, Vĩ Văn còn đảm nhận vai chính trong phim Gieo Gió phát sóng vào tháng 6 năm 2011 trên kênh HTV7. Nhân vật của anh là một luật sư chính trực phải đối phó với nhiều thế lực xấu để tìm ra hung thủ gây ra cái chết của người bạn thân của mình là luật sư Khang (do Quốc Cường thủ vai). Lần này anh kết hợp với nữ diễn viên Nhật Kim Anh. Trong thời gian từ cuối năm 2007 đến 2010, Vĩ Văn còn tham gia dự án phim truyền hình khá lớn là Thái sư Trần Thủ Độ, trong vai Thái tử Sảm. Phim được sản xuất nhân dịp kỷ niệm mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội có chi phí sản xuất lên đến hơn 50 tỷ đồng, được khán giả và truyền thông mong đợi. Tác phẩm lên sóng từ tháng 10 năm 2013 trên VTV1 và giành được ba giải thưởng lớn tại lễ trao giải Cánh Diều Vàng gồm Phim truyện truyền hình xuất sắc nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất và Biên kịch xuất sắc nhất. Năm 2013, Vĩ Văn có bộ phim truyền hình gây chú ý khác là Váy Hồng Tầng 24. Tác phẩm được mua bản quyền từ bộ phim ăn khách nhất Đài Loan năm 2010 Unbeatable 1 - bộ phim được xem là phiên bản Sex and the City của châu Á. Tháng 3 năm 2015, sau hai năm vắng bóng trên màn ảnh nhỏ, Vĩ Văn trở lại qua bộ phim Mặt Nạ Thiên Thần. Nhân vật của anh là một ngôi sao nổi tiếng nhưng vì muốn bảo vệ em gái nên đã đứng ra nhận tội giết người thay cho em. Năm 2017, Vĩ Văn có dự án phim truyền hình lớn là phần ba của Hồ Sơ Lửa dự kiến kéo dài 1100 tập, lấy cảm hứng từ những câu chuyện phá án có thật của các chiến sĩ công an. Anh đóng vai đội trưởng đội cảnh sát hình sự thuộc Phòng Cảnh sát hình sự Thành phố Hồ Chí Minh. Đột phá với phim điện ảnh. Năm 2006, Hứa Vĩ Văn có vai chính đầu tiên trong phim điện ảnh "Chuyện tình Sài Gòn "(Saigon Love Story) của đạo diễn Ringo Lê. Cùng tham gia bộ phim còn có diễn viên - ca sĩ Ngô Thanh Vân, NSƯT Kim Xuân, tài tử điện ảnh Nguyễn Chánh Tín và Yến Vy. Tuy nhiên vì scandal của Yến Vy. và nhiều sự cố khác nên bộ phim bị hoãn ra rạp. Sau hai năm bị trì hoãn, tháng 2 năm 2008, Chuyện tình Sài Gòn mới được công chiếu. Năm 2010, Vĩ Văn vào vai Kiệt trong phim điện ảnh Giao lộ định mệnh của đạo diễn Victor Vũ, anh thể hiện mình ở một hình ảnh hoàn toàn mới. Năm 2012, Vĩ Văn đảm nhận vai phụ trong phim Đam Mê của đạo diễn Phi Tiến Sơn. Đây là lần đầu tiên anh đóng vai phản diện. Mặc dù bộ phim không được đánh giá cao, nhưng vai diễn của Vĩ Văn được giới chuyên môn ghi nhận. Tại lễ trao giải Cánh Diều Vàng năm 2012, anh nhận giải "Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất" thuộc thể loại phim truyện điện ảnh. Trong năm anh còn tham gia một vai diễn cameo trong bộ phim điện ảnh Âm mưu giày gót nhọn của đạo diễn Hàm Trần và một vai nặng ký khác trong phim điện ảnh Thần Tượng của đạo diễn Quang Huy, công ty sản xuất WePro, cùng các diễn viên Harry Lu, Hoàng Thùy Linh, Ngô Kiến Huy, Vĩnh Thụy... Vai diễn trong phim giúp Vĩ Văn tiếp tục được đề cử Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất của giải thưởng Cánh diều vàng 2013. Sang năm 2014, Vĩ Văn tiếp tục cộng tác với đạo diễn Quang Huy trong dự án Chàng Trai Năm Ấy, phim dựa theo cuộc đời cố ca sĩ Wanbi Tuấn Anh. Vĩ Văn vào vai Lâm – người quản lý tham tiền của Đình Phong (do Sơn Tùng M-TP thủ vai). Bộ phim đạt doanh thu 70 tỷ đồng, trở thành một trong những phim ăn khách nhất điện ảnh Việt Nam năm 2015. Năm 2015, Vĩ Văn tham gia dự án Em Là Bà Nội Của Anh do nhà phê bình Phan Gia Nhật Linh lần đầu làm đạo diễn. Tác phẩm làm lại từ phim ăn khách của Hàn Quốc Susanghan Geunyeo (Miss Granny). Anh thể hiện vai nhà sản xuất âm nhạc có cảm tình với nữ chính Miu Lê. Bộ phim ra rạp vào tháng 12 năm 2015 và đem về doanh thu 102 tỷ đồng, trở thành cơn sốt phòng vé. Tháng 10 năm 2015, anh sang Hàn Quốc dự Liên hoan phim Busan - sự kiện điện ảnh lớn nhất châu Á. Tháng 7 năm 2016, dự án phim hài hành trình Chạy Đi Rồi Tính được công bố, trong đó có sự tham gia chính của Vĩ Văn. Anh đóng vai chồng của ca sĩ phòng trà do Diễm My 9x thủ vai. Khác với người vợ hám danh vọng, nhân vật của Vĩ Văn chỉ là người bán sữa đậu nành, tính tình nhu nhược nhưng hết lòng thương yêu vợ con. Tác phẩm dự kiến ra mắt vào dịp Tết Nguyên Đán 2017 nhưng sau đó được công chiếu sớm hơn kế hoạch một tháng. Phim nhận được nhiều lời khen ngợi của báo giới. Năm 2017, Vĩ Văn tiết lộ trong một bài phỏng vấn rằng anh sẽ thủ vai nam chính trong hai bộ phim điện ảnh remake của Hàn Quốc và một phim quốc tế của Singapore. Anh cũng sẽ thử sức trong vai trò nhà sản xuất của một dự án phim thuộc thể loại kinh dị. Đời tư. Năm 2004, Hứa Vĩ Văn vướng tin đồn hẹn hò ca sĩ Hiền Thục sau khi vài bức ảnh cưới được công bố trên một tờ báo. Trong một bài phỏng vấn trên báo VnExpress, Vĩ Văn tiết lộ rằng thời thanh xuân anh từng có ba mối tình. Sau mối tình đầu kéo dài ba năm, Vĩ Văn phải lòng cô bạn học chung thời phổ thông nhưng mối quan hệ trở nên rắc rối. Sang đến cuộc tình thứ ba cũng là người khiến anh đau khổ nhất. Bước sang tuổi 40, Vĩ Văn luôn từ chối tiết lộ về đời sống tình cảm riêng. Anh tự gọi mình là "độc thân quý tộc". Vĩ Văn từng rời khỏi showbiz một thời gian ngắn. Đó là vào năm 2007, khi có một vị trí nhất định trong nghề, nhưng vì sự tự mãn khiến Vĩ Văn trở nên trầm lắng và phải sang Mỹ sống ẩn dật.
1
null
Rà đẹt lửa, rà đẹt đền Hùng hay đại khải (danh pháp hai phần: Mayodendron igneum) là loài thực vật thuộc họ Chùm ớt, đặc hữu của miền bắc Thái Lan và bắc Lào, ngoài ra còn gặp trong khu vực từ Myanmar đến đảo Hải Nam. Cây đại khải có chiều cao đến 20 m, hoa màu vàng cam mọc trực tiếp từ thân cây. Đây là cây biểu tượng của tỉnh Chiang Rai, Thái Lan.
1
null
"Oh, Pretty Woman" là ca khúc được phát hành vào tháng 8 năm 1964 của Roy Orbison. Ca khúc được viết bởi Roy Orbison, Bill Dees và được thu âm bởi Monument Records tại Nashville, Tennessee. Tại "Billboard" Hot 100, "Oh, Pretty Woman" cũng có được 3 tuần ở vị trí quán quân, đây cũng là đĩa đơn thứ ba của Orbison lập được thành tích này. Billy Sanford, Jerry Kennedy và Wayne Moss là những người chơi guitar trong ca khúc. Don Williams là người giới thiệu Sanford cho Orbison khi họ vừa đặt chân tới Nashville. Cho dù được phát hành vào năm 1964, The Beatles cho rằng ca khúc này thực tế đã được viết từ giữa năm 1963 khi Orbison cùng họ thực hiện những chuyến đi tour cùng nhau. 5 năm sau khi phát hành, "Oh, Pretty Woman" đạt chứng chỉ Vàng của RIAA. Cũng với ca khúc này, Orbison đã giành giải Grammy cho Giọng Pop nam xuất sắc nhất vào năm 1991 khi phần trình diễn trực tiếp của ông được phát trong chương trình đặc biệt "Roy Orbison and Friends, A Black and White Night" của đài HBO. Ca khúc này cũng có tên trong Grammy Hall of Fame Award và danh sách "500 bài hát Rock and Roll" của Đại sảnh Danh vọng Rock and Roll. Năm 2004, tạp chí "Rolling Stone" xếp "Oh, Pretty Woman" ở vị trí số 222 trong danh sách "500 bài hát vĩ đại nhất".
1
null
là một tập sách văn của Murakami Haruki (Haruki gọi đó là "memoir") phát hành năm 2007. Tựa đề. Tựa đề cuốn sách lấy ý tưởng từ tựa đề tập truyện ngắn của Raymond Carver có tên "What We Talk About When We Talk About Love" (nghĩa là "Chúng mình nói gì khi nói về chuyện yêu"). Phát hành. Sách lần đầu được phát hành tại Nhật năm 2007 và được phát hành bằng tiếng Anh, dịch bởi Philip Gabriel, năm 2008. Năm 2011, bản tiếng Việt mang tên "Tôi nói gì khi nói về chạy bộ" được Nhã Nam mua bản quyền và phát hành qua Nhà xuất bản Hội Nhà Văn; sách được Thiên Nga dịch lại từ tiếng Anh. Bìa sách tiếng Việt được làm lại trên bìa phát hành ở Mỹ nên có thể thấy hình Murakami Haruki đạp trên tựa tiếng Anh của sách.
1
null
Heinkel He 277 là một bản thiết kế máy bay ném bom hạng nặng tầm xa 4 động cơ, được bắt nguồn từ loại He 177, dự định trang bị cho "Luftwaffe" trong Thế chiến thứ hai. Tính năng kỹ chiến thuật (He 277 với cấu hình cơ bản). From Griehl, Manfred and Dressel, Joachim. "Heinkel He 177-277-274", Airlife Publishing, Shrewsbury, England 1998, pp. 159 & 184.
1
null
Leopold Kronecker (7 tháng 12 năm 1823 – 29 tháng 12 năm 1891) là một nhà toán học người Đức nổi tiếng với công trình về lý thuyết số và đại số. Ông là học trò và sau đó là bạn suốt đời của Ernst Kummer. Ông cũng có nhiều học trò nổi tiếng, trong số đó có Cantor, nhưng về sau phê phán kịch liệt lý thuyết tập hợp của Cantor. Tiểu hành tinh 25624 Kronecker được đặt theo tên ông.
1
null
Tăng Cách Lâm Thấm (chữ Hán: 僧格林沁, ,; 24 tháng 7 năm 1811 - 18 tháng 5 năm 1865), quý tộc Mông Cổ, người Khoa Nhĩ Thấm Tả Dực Hậu kỳ , thị tộc Bác Nhĩ Tế Cát Đặc, tướng lĩnh nhà Thanh. Ông đã từng bắt được các tướng lĩnh khét tiếng của Thái Bình Thiên Quốc là Lâm Phượng Tường, Lý Khai Phương; tham gia vệ quốc trong chiến tranh Nha phiến lần thứ hai; bắt được thủ lĩnh tối cao của quân Niệp là Trương Lạc Hành. Thân thế. Tên của ông, trong tiếng Tây Tạng, 「僧格」() nghĩa là "sư tử", 「林沁」() nghĩa là "báu vật". Sengge Rinchen là cháu đời thứ 26 của Cát Bố Đồ Cát Táp Nhĩ, em trai thứ hai của Thành Cát Tư Hãn . Dòng họ Borjigin (chuyển ngữ Hán:Bo'erjijin, Bột Nhi Chỉ Cân) của Thành Cát Tư Hãn đời nhà Thanh được chuyển ngữ Hán thành Bo'erqijite, tức Bác Nhĩ Tể Cát Đặc. Ông sinh ra trong một gia đình Tứ đẳng Đài cát, cha là Tất Khải (Mãn ngữ) hay Bố Hòa Đức Lực Cách Nhĩ (Mông Cổ ngữ), được truy phong Bối lặc. Thuở nhỏ nhà nghèo, Tăng Cách Lâm Thấm từng theo cha đi chăn thuê cho nhà giàu. Năm 12 tuổi, ông được đưa đến học tập ở cung Văn Xương, thành cũ Xương Đồ. Khoa Nhĩ Thấm Quận vương Tác Đặc Nạp Mộc Đa Bố Tể cưới Công chúa của Gia Khánh Đế (tức Hòa Thạc Trang Kính Công chúa). Công chúa không có con, Đạo Quang Đế tuyển chọn trong lứa con cháu của thị tộc Bác Nhĩ Tể Cát Đặc, thấy Tăng Cách Lâm Thấm dáng vẻ phi thường, lập làm người kế tự. Năm Đạo Quang thứ 5 (1825), được tập phong tước Khoa Nhĩ Thấm Trát Tát Khắc Đa La Quận vương . Sự nghiệp. Thăng tiến. Tháng 12 cùng năm, phụng mệnh hành tẩu tại Ngự tiền, được thưởng đeo Tam nhãn hoa linh. Năm thứ 6 (1826), được thưởng dùng dây cương đỏ. Năm thứ 9 (1829), được thưởng mặc Hoàng mã quái. Tháng 2 cùng năm, được mệnh làm Quản Thượng ngu bị dụng xứ sự. Tháng 9, được quản lý sự vụ Hỏa khí doanh. Năm thứ 14 (1834), thụ chức Ngự tiền đại thần, Chính Bạch kỳ Lĩnh thị vệ Nội đại thần. Tháng 9, làm Hậu Hỗ Đại thần. Tháng giêng năm thứ 15 (1835), được thay quyền Đô thống Mông Cổ Tương Hồng kỳ. Tháng 2, được sung làm Am đạt (Đốc lĩnh thị vệ), quản lý sự vụ Hổ Thương doanh. Tháng 7, được mệnh làm Tổng lý hành doanh. Tháng 12, làm Duyệt binh Đại thần. Năm thứ 16 (1836), thụ chức Đô thống Mãn Châu Tương Bạch kỳ. Năm thứ 17 (1837), được thưởng dùng dây cương vàng. Năm thứ 21 (1841), tháng 9, điều làm làm Đô thống Mãn Châu Chính Hoàng kỳ. Năm thứ 24 (1844), được sung làm Hữu dực giám đốc, thay quyền Đô thống Mãn Châu Chính Lam kỳ. Năm thứ 25 (1845), tháng 2, nhậm Tương Hoàng kỳ Lĩnh thị vệ Nội đại thần. Năm thứ 26 (1846), tháng 5, điều làm Chính Bạch kỳ Lĩnh thị vệ Nội đại thần. Năm thứ 30 (1850), làm Đô thống Mông Cổ Tương Hoàng kỳ. Tháng giêng, Đạo Quang Đế giá băng, Tăng Cách Lâm Thấm là một trong 10 Cố mệnh đại thần. Tháng 9, được mệnh đi huyện Mật Vân tiễu phỉ, thụ chức Tả dực giám đốc. Tháng 12, nhờ công được thưởng Tứ Đoàn Long bổ phục (còn gọi là bổ quái, tức áo khoác ngắn) rồi cho phép mặc. Năm Hàm Phong nguyên niên (1851), nhiệm Ngự tiền đại thần, thự chức Loan nghi vệ sự. Từng xin dừng ra quân trấn áp nông dân chống lại việc nộp tô. Năm thứ 2 (1852), dâng thư xin bắt những kẻ cầm đầu nông dân chống lại việc nộp tô là bọn Ngô Thái Bảo vào ngục. Chủ trì tang lễ của Đạo Quang Đế, làm việc cung kính cẩn thận, được thưởng 3 cấp. Nhìn chung, Tăng Cách Lâm Thấm thường xuyên ra vào cung cấm, được nhiều ân sủng. Tiêu diệt quân Bắc Phạt của Thái Bình Thiên Quốc. Tháng 5 năm Hàm Phong thứ 3 (1853), tướng lĩnh Thái Bình Thiên Quốc là bọn Lâm Phượng Tường, Lý Khai Phương tiến hành bắc phạt, triều đình mệnh Tăng Cách Lâm Thấm cùng bọn Tả đô Ngự sử Hoa Sa Nạp đốc trách tuần phòng kinh sư. Tháng 8, quân đội của Khâm sai đại thần Nột Nhĩ Kinh Ngạch tan chạy khỏi Lâm Minh Quan, kinh sư chấn động. Có chiếu thụ Huệ Thân vương Miên Du làm Đại Tướng quân, Tăng Cách Lâm Thấm làm Tham tán Đại thần. Tháng 9, Hàm Phong Đế đích thân đến cung Càn Thanh trao chức Quan phòng (tức là sắp đặt phòng vệ Tử Kinh Quan ), ban Nạp Khố Tố Quang đao (Ngự đao của Thanh Thái Tổ), mệnh cho ông suất quân đi trú phòng Trác Châu. Tháng 10, quân Thái Bình hạ được Tĩnh Hải, dòm ngó Thiên Tân. Quan quân tiến đến Vĩnh Thanh, rồi đến Vương Gia Khẩu. Quân Thái Bình không thể tiến lên, đành dừng lại ở Độc Lưu Trấn. Tháng giêng năm thứ 4 (1854), Tăng Cách Lâm Thấm hội quân với Khâm sai đại thần Thắng Bảo, nhân đêm tối vượt hào đốt lũy, nghĩa quân chạy về phía Tây Nam, đến phía Nam Tử Nha Trấn thì bị bắt kịp. Đôi bên giao chiến, quan quân giết được rất nhiều nghĩa quân, ông được ban hiệu Bác Đa La (có nghĩa là nước chảy xiết) Ba Đồ Lỗ. Tiếp đó liên tiếp đánh bại nghĩa quân ở thôn Thúc Thành thuộc Hà Gian, Đan Gia Kiều thuộc huyện Hiến, Phú Trang Dịch thuộc Giao Hà. Nghĩa quân chiếm cứ huyện Phụ Thành, lập đồn ở khắp các thôn, bảo trong huyện. Tăng Cách Lâm Thấm cùng Thắng Bảo soái các cánh quân của bọn Phó Đô thống Đạt Hồng A, Thị lang Thụy Lân, Tướng quân Thiện Lộc vây đánh, hủy các đồn Đôi Thôn, Liên Thôn, Đỗ Trường của nghĩa quân, tướng Thái Bình là Cát Văn Nguyên bị pháo bắn chết. Quan quân vây đồn cả tháng không hạ được, nghĩa quân từ huyện Phong thuộc Giang Bắc vượt sông đi Sơn Đông, xâm phạm Trực Lệ, muốn lôi kéo đại quân, Thắng Bảo cùng Thiện Lộc trước sau chia quân đón tiễu. Có chiếu đòi Tăng Cách Lâm Thấm đánh gấp Phụ Thành, vì thế cho đào hào sâu, dựng lũy dài vây khốn nghĩa quân. Tháng 4, nghĩa quân đột vây chạy đến Đông Liên Trấn. Liên Trấn chia làm 2 trấn đông – tây, được ngăn cách bởi Vận Hà. Tăng Cách Lâm Thấm tự soái Tây Lăng A đóng đồn Hà Đông, lệnh Thác Minh A đóng đồn Hà Tây, riêng sai kỵ binh chẹn giữ Tang Viên. Gặp lúc Thắng Bảo lui quân từ Sơn Đông về hợp vây Liên Trấn. Tháng 5, Lý Khai Phương đưa hơn 2000 kỵ binh đột vây, Thắng Bảo đuổi theo, vây chặt nghĩa quân ở Cao Đường Châu. Có chiếu trách Tăng Cách Lâm Thấm phòng bị sơ sài, đòi ông đánh gấp Liên Trấn để chuộc tội. Gặp lúc trời mưa, nước sông dâng lên, nghĩa quân ở nơi cao, quan quân ở chỗ thấp, thế rất nguy. Vì thế các tướng Thanh bàn nhau mở hào đắp đê, dẫn nước rót vào trấn. Đê làm xong, thế nước rất lớn, nghĩa quân mấy lần muốn đánh ra, đều bị đẩy lui trở vào. Tháng 9, các thôn, trang lân cận đều bị thu phục, nghĩa quân cạn lương. Tháng 12, tướng Thái Bình là kiểm điểm Hoàng mỗ bị giết, Chiêm Khải Luân ra hàng, Tây Liên Trấn bị thiêu hủy. Tháng giêng năm thứ 5 (1855), tường gỗ của Đông Liên Trấn bị phá, nghĩa quân liều chết xông ra, bị diệt sạch, chủ tướng Lâm Phượng Tường bị bắt, giải về Kinh sư làm tội. Bộ hạ của Tăng Cách Lâm Thấm diệt sạch nghĩa quân, ông được phong làm Bác Đa Lặc Cát Đài Thân vương, thăng con trai là Nhị đẳng Thị vệ Bá Ngạn Nột Mô Hỗ hành tẩu tại Ngự tiền, có sắc dời quân đến Cao Đường Châu làm Đốc biện quân vụ. Trước đó, Thắng Bảo vây đánh Cao Đường Châu đã lâu mà không hạ được, có mật chiếu cho Tăng Cách Lâm Thấm tra xét. Ông đến nơi, lập tức đàn hặc mà bãi chức Thắng Bảo. Đại quân mới đến, còn chưa sắp đặt xong, nghĩa quân nhân đêm tối thừa cơ đột vây, Tăng Cách Lâm Thấm tự soái 500 kỵ binh đuổi theo, vây chặt quân Thái Bình ở đồn Phùng Quan thuộc huyện Trì Bình. Quan quân hội họp tấn công, 4 mặt pháo kích, nghĩa quân đào 3 vòng hào, khoét hang giấu mình, đục lỗ dò xét. Quan quân xông vào bị thương vong rất nhiều, lại dùng thủy công, gánh đất đắp máng, dẫn nước sông Đồ Hãi rót vào đồn. Nghĩa quân nhiều lần xông ra, đều bị đẩy lui. Tháng 4, nghĩa quân bị chìm trong nước, nối nhau ra hàng, ông bắt được tướng lĩnh Lý Khai Phương cùng đồ đảng là bọn Hoàng Ý Đoan cả thảy tám người, giải về Kinh sư làm tội. Bình xong quân Bắc phạt của Thái Bình Thiên Quốc, Hàm Phong Đế mừng lắm, gia ân cho Tăng Cách Lâm Thấm được thế tập Thân vương võng thế. Tháng 5, ông xin rút quân về kinh, Đế ngự ở Dưỡng Tâm điện, làm lễ Bão Kiến, ban Triều châu cùng Tứ Đoàn Long bổ quái. Lại ngự ở cung Càn Thanh, cung kính trả lại chức vụ Tham tán đại thần Quan phòng, đặt tiệc ở Cần Chính điện, tướng sĩ tòng chinh, đại thần văn võ đều tham dự. Ông nhờ diệt được danh tướng Thái Bình là bọn Lâm Phượng Tường, Lý Khai Phương mà uy danh vang dội cả nước. Tham gia chiến tranh Nha phiến lần thứ 2. Khi ấy người Anh gây hấn tại đông bộ Quảng Đông, triều đình mệnh Tây Lăng A đưa quân chi viện Hồ Bắc, còn Tăng Cách Lâm Thấm ở lại Kinh sư. Năm thứ 6 (1856), mẹ mất, để tang trăm ngày; được điều làm Chính Hoàng kỳ Lĩnh thị vệ Nội đại thần. Tháng 4 năm thứ 7 (1857), thuyền chiến Anh đến hải khấu Thiên Tân, Tăng Cách Lâm Thấm được mệnh làm Khâm sai đại thần, Đốc biện quân vụ, trú ở Thông Châu; Thác Minh A đóng đồn Dương Thôn, Đốc tiền lộ. Quân Thanh được gọi đến vội vã, chưa thể tập hợp, quân Anh đã chiếm được pháo đài của hải khẩu, nhanh chóng tiến vào Nội Hà. Triều đình bàn rằng một mặt tháo nước Nam – Bắc Vận Hà để ngăn trở đường bộ, một mặt phái Đại thần Quế Lương, Hoa Sa Nạp đi Thiên Tân nghị hòa. Tháng 5, hòa nghị tạm xong, quân Anh lui. Còn nhiều chỗ khúc mắc nên bọn Quế Lương phải đến Thượng Hải bàn tiếp, vì thế triều đình muốn tổ chức phòng vệ biển, mệnh cho ông đi Thiên Tân, tra xét việc xây pháo đài Song Cảng, Đại Cô, tăng cường thủy quân; lấy Thụy Lân làm Trực Lệ Tổng đốc, cùng Tăng Cách Lâm Thấm làm việc. Ông tâu xin lấy Đề đốc mỗi năm vào tháng 2 và tháng 10 đến ở Đại Cô; từ Thiên Tân đến hải khẩu Sơn Hải Quan, các pháo đài Bắc Đường, Lô Đài, Giản Hà Khẩu, Bồ Hà Khẩu, Tần Hoàng Đảo, Thạch Hà Khẩu đều nhất loạt tu sửa. Năm thứ 9 (1859), bọn Quế Lương tại Thượng Hải nghị hòa thất bại. Tháng 5, chiến thuyền Anh, Pháp xâm phạm Thiên Tân, phá hủy công cụ phòng vệ hải khẩu, tiến đến Kê Tâm Than, bắn phá pháo đài, đề đốc Sử Vinh Xuân bị pháo bắn chết. Quân Anh, Pháp lên bờ, Tăng Cách Lâm Thấm đốc quân ra sức chiến đấu, đánh lui được, hủy đi 13 cỗ chiến thuyền tiến vào Nội Hà. Mấy ngày sau, quân Anh, Pháp bỏ đi. Tháng 6, hơn trăm cỗ chiến thuyền 4 nước Anh, Pháp, Nga, Mỹ lại đến xâm phạm, biết Đại Cô phòng ngự nghiêm ngặt kiên cố, nên lên bờ ở Bắc Đường, quân Thanh không địch nổi. Quân 4 nước chia vạn mã bộ đánh Tân Hà, thành Quân Lương , tiến hạ được Đường Nhân Cô. Tăng Cách Lâm Thấm chẹn giữ 2 bờ Đại Cô, ở hữu ngạn nghênh chiến thất bại, để mất pháo đài, Đề đốc Nhạc Thiện tử trận. Ông lui về giữ Thông Châu, bị tước đi Tam nhãn hoa linh và lột chức Lĩnh thị vệ Nội đại thần cùng Đô thống. Triều đình thay đại thần nghị hòa, vẫn không có kết quả. Quân 4 nước mỗi ngày mỗi tiến, quân Thanh đón đánh, bắt được Ba Hạ Lễ (Sir Harry Smith Parkes, 1828 – 1885), giải về Kinh sư. Đôi bên giao chiến ở cầu Bát Lý, Thông Châu, quân Thanh thua chạy. Thụy Lân lại thua ở ngoài cửa An Định, liên quân tiến vào Bắc Kinh. Hàm Phong Đế chạy ra Nhiệt Hà, vườn Viên Minh viên bị hủy, có chiếu lột hết chức, tước của Tăng Cách Lâm Thấm, vẫn giữ lại làm Khâm sai đại thần. Tiễu bình khởi nghĩa ở Giang Bắc. Tiễu bình khởi nghĩa Bạch Liên giáo. Năm Hàm Phong thứ 10 (1860), Tống Thiệu Minh lĩnh đạo mấy ngàn giáo đồ Bạch Liên giáo nổi dậy ở huyện Trâu, giết quan lại, ông lệnh cho Quốc Thụy, Tây Lăng A đi dẹp tan. Năm thứ 11 (1861), thủ lĩnh Tống Kế Minh nổi dậy ở núi Phượng Hoàng thuộc Tây Sung, lệnh Quốc Thụy, Đức Lăng Ngạch đánh dẹp, tại vùng ven phá được đồn trại của nghĩa quân, Kế Minh trốn chạy rồi xin hàng. Tháng 6 năm Đồng Trị nguyên niên (1861), Tăng Cách Lâm Thấm tiến đánh Kim Lâu Trại thuộc Thương Khâu. Thủ lĩnh Bạch Liên giáo là Hác Diêu Thị cùng Kim Minh Đình chiếm cứ Kim Lâu đã lâu, bộ hạ là bọn Vưu Bổn Lập, Thường Lập Thân rất hung hãn, quan quân nhiều lần tấn công vẫn không dẹp được. Ông trước tiên dùng kế ly gián, khiến Thường Lập Thân giết Kim Minh Đình. Quan quân tiến đánh, bọn du kích Hứa Đắc làm nội ứng, giết Hác Diêu Thị cùng hai con trai, Thường Lập Thân, Vưu Bổn Lập, Dương Ngọc Thông chịu trói, nghĩa quân bị diệt sạch, trại bị san bằng. Quan quân thừa thế phá nghĩa quân ở Hình Gia Vu, Ngô Gia Miếu, Doanh Khuếch Tập, tiền quân tiến thẳng vào nội địa Bạc Châu. Tăng Cách Lâm Thấm đến trú ở Hạ Ấp, có chiếu mệnh làm Thống hạt Sơn Đông, Hà Nam quân vụ, hợp với Trực Lệ, Sơn Tây là 4 tỉnh, Thống binh các cấp đốc, phủ, đề, trấn ở các tỉnh này đều chịu sự tiết chế của ông. Năm thứ 2 (1863), Tăng Cách Lâm Thấm dẹp xong Lưu Đức Bồi, tiến đánh huyện Trâu, thủ lĩnh Tống Kế Minh khi hàng khi phản, lúc này có hơn 2 vạn quân, cậy hiểm kháng cự. Ông lệnh Tổng binh Trần Quốc Thụy (sau trận đánh ở núi Phượng Hoàng, Quốc Thụy xin về quê, đổi lại họ Trần), Quách Bảo Xương đánh mạnh, phá được sơn trại của ông ta. Tống Kế Minh chạy đến Hồng Sơn, tử thủ một tháng, hết lương muốn trốn, Tăng Cách Lâm Thấm lệnh bọn Thư Thông Ngạch đặt mai phục dưới chân núi, Trần Quốc Thụy đánh lên phía bắc núi, đốt trại nghĩa quân, giết được quá nửa. Nghĩa quân chạy xuống núi, lọt vào ổ mai phục, quan quân bắt được thủ lĩnh Lý Cửu, thây Tống Kế Minh cùng gia thuộc của ông ta. Ông để Quốc Thụy ở lại, lùng bắt tàn dư nghĩa quân. Tiễu bình các lực lượng khác. Năm Đồng Trị thứ 2 (1863), sau khi giết được Đại thủ lĩnh Trương Lạc Hành của quân Niệp, Tăng Cách Lâm Thấm rút quân về, lệnh Hằng Linh, Tô Khắc Kim đi giao giới Trực Lệ, Sơn Đông, hội tiễu các cánh quân Niệp ở phía bắc đang cấu kết với giáo, hội các nơi quấy nhiễu, tự mình đi đánh Lưu Đức Bồi ở Truy Xuyên thuộc Tứ Xuyên . Tháng 6, ông hạ được Truy Xuyên, Đức Bồi trốn vào Đại Bạch Sơn, bắt chém hắn ta. Ngay hôm ấy, lệnh Trần Quốc Thụy đi An Huy tiễu Miêu Bái Lâm. Miêu Bái Lâm nổi dậy ở Hoài Bắc, quan quân An Huy không chế ngự nổi. Trần Quốc Thụy liên tiếp chiến thắng, tháng 10, đại quân tiến đến Bạc Châu, liên tiếp hạ được Tương Tập, Dương Gia Trại. Tăng Cách Lâm Thấm cùng Trần Quốc Thụy hợp công, cắt đứt nguồn tiếp ứng lương thực, phá Thái Gia Vu, lũy của nghĩa quân hai bên bờ sông Hoài đều không còn. Bái Lâm trong đêm vượt hào chạy trốn, bị bộ hạ giết chết, tổng binh Vương Vạn Thanh chém đầu dâng lên, bọn thủ lĩnh Miêu Cảnh Khai cũng bị làm tội. Ít lâu sau quan quân phá Tây Dương Tập, bắt bọn thủ lĩnh Cát Xuân Nguyên, bình định xong các đồn, trại ở Toánh Châu, Bạc Châu, Thọ Châu, đồng bằng sông Hoài dần được yên. Tiễu bình quân Niệp. Thời Hàm Phong. Tháng 9 năm Hàm Phong thứ 10 (1860), nghị hòa xong, triều đình mệnh cho Tăng Cách Lâm Thấm rút tàn quân, gọi gấp đến Hành tại; chưa lên đường, gặp lúc dân đói ở Kỳ Nam khởi nghĩa, quân Niệp ở Sơn Đông hoành hành, nên khôi phục Quận vương tước cho ông, cùng Thụy Lân đi tiễu. Quân đến Hà Gian, những người nổi dậy phần nhiều đã giải tán. Có chiếu đòi ông đến Tế Ninh, Duyện Châu làm Đốc sư. Tháng 11, đến Tế Ninh, quân Niệp phân tán bỏ trốn. Tăng Cách Lâm Thấm dâng sớ trình bày việc quân, cho rằng "quan quân ở bắc, quân Thái Bình ở nam, quân Niệp ở giữa; quân Thái Bình đã suy yếu sau khi Bắc phạt thất bại, quân Niệp mới thua nên phân tán khó diệt trọn; đề xuất tiễu quân Thái Bình trước rồi mới đến quân Niệp". Ít lâu sau quân Niệp từ phía bắc Từ Châu xông ra, ông đón đánh ở Dương Sơn thuộc huyện Cự Dã, đích thân soái Tây Lăng A, Quốc Thụy đảm nhận Kỳ Đông, Thụy Lân cùng phó đô thống Cách Banh Ngạch đảm nhận Kỳ Tây, giết nghĩa quân rất nhiều, nhưng Cách Banh Ngạch tử trận. Thụy Lân bị thương lui chạy, Tăng Cách Lâm Thấm hặc lên bãi chức ông ta, tiến cử Tây Lăng A, Quốc Thụy làm Bang biện quân vụ. Lại hặc Đoàn luyện đại thần Đỗ Kiều không thể chống giặc, trong việc cung ứng thì nhũng nhiễu dân lành, bãi nhiệm ông ta, quân Đoàn luyện quy về cho Tuần phủ đốc biện. Năm thứ 11 (1861), quân Niệp lại nổi dậy, Tăng Cách Lâm Thấm soái chư tướng từ Kim Hương đón tiễu. Gặp nghĩa quân ở Lý Gia Trang thuộc Hà Trạch, quan quân thất bại, Sát Cáp Nhĩ tổng quản Y Thập Vượng Bố tử trận, ông lui về Đường Gia Khẩu. Tháng 2, lệnh Tây Lăng A đi gấp Vấn Thượng, gặp lúc đô thống Y Hưng Ngạch, tổng binh Đằng Gia Thắng truy kích nghĩa quân đến Dương Liễu Tập, thua trận bị giết. Tăng Cách Lâm Thấm tự đến Vấn Thượng, lệnh Tây Lăng A về giữ Tế Ninh. Nghĩa quân từ Sa Câu vượt Vận Hà, chiếm cứ chung quanh Đông Bình, Vấn Thượng. Đức Lăng Ngạch đuổi đánh ở bờ bắc Tiểu Vận Hà, phá được, nghĩa quân theo đường thủy chạy về phía đông. Tháng 4, lệnh Thư Thông Ngạch tiến tiễu, giải vây huyện Đằng. Đức Lăng Ngạch hạ được Sa Câu Doanh, Lâm Thành Dịch, nghĩa quân chia 2 đường bỏ chạy. Quân Niệp tiến vào nội địa Tào Châu, cấu kết với Trương Thương hội quấy nhiễu Vận Thành, Cự Dã, ông lệnh tri phủ Triệu Khang Hầu tập hợp Hương đoàn các huyện chống lại. Tháng 6, Tăng Cách Lâm Thấm tự đến Tào Châu tiễu Trương Thương hội, liên tiếp phá được An Lăng Tập thuộc huyện Tào, Điền Đàm thuộc Bộc Châu, bắt bọn thủ lĩnh Lý Xán Tường, Trần Hoài Ngũ. Tháng 8, quận Niệp vượt Vận Hà, xâm phạm Thái An, Tế Nam. Ông soái đại quân đuổi nà, đánh bại họ ở Tôn Gia Trấn, nghĩa quân chạy đi Thanh Châu. Tháng 9, Tăng Cách Lâm Thấm tập kích nghĩa quân ở phía nam huyện Lâm Cù, men các thành đến Nghi Thủy; quân Niệp ngăn sông chống lại, ông chia quân ra đánh, đuổi kịp ở Lan Khế Trấn thuộc Lan Sơn mà diệt sạch. Nghe tin báo tiệp, triều đình cho Tăng Cách Lâm Thấm phục chức Ngự tiền đại thần, thưởng lại dây cương vàng, thụ Chánh Hồng kỳ Hán quân đô thống, quản lý Phụng Thần uyển. Đồng Trị đế lên ngôi, đặc chiếu khen ngợi ông cần lao, phục tước Bác Đa Lặc Cát Đài thân vương. Mùa đông năm ấy, quan quân hội họp cùng dẹp Tào Quận, phá được nghĩa quân ở Hồng Xuyên Khẩu thuộc Bộc Châu, lùng giết không tha. Tăng Cách Lâm Thấm phá hủy Lưu Gia Kiều, Quách Gia Đường, để tránh nghĩa quân dùng làm sào huyệt; lại phá chùa Đại Trương thuộc Định Đào, rồi quay về huyện Phạm. Bọn Tây Lăng A đánh bại quân trong nội địa Cự Dã, nghĩa quân ở Định Đào nghe tin bỏ trốn. Thủ lĩnh Quách Bỉnh Quân từ Hà Tây đến xâm phạm, quan quân liên tiếp đánh bại nghĩa quân từ Thôi Gia Bá đến bờ nam Hoàng Hà, dẹp yên Tào Quận. Thời Đồng Trị. Tháng giêng năm Đồng Trị đầu tiên (1862), hơn 2 vạn quân Niệp từ huyện Phong thuộc Giang Bắc xâm phạm Kim Hương, Ngư Đài, Tăng Cách Lâm Thấm lệnh cho Tô Khắc Kim đánh đuổi được. Tháng 2, thủ lĩnh Trương Lạc Hành hợp với Trường Thương hội đi về phía tây, thế rất mạnh. Ông soái kỵ binh đuổi đến Hứa Cương thuộc huyện Kỷ, Hà Nam, nghĩa quân bày trận dàn ngang hơn 10 dặm, bọn Tô Khắc Kim hăng hái chiến đấu, giết được hơn 2000 nghĩa quân. Quân Niệp từ phía tây đến giúp, quan quân Hà Nam cũng đến hội tiễu. Quan quân Hà Nam đóng chặt cửa thành mà giữ, liên tiếp mấy ngày nghĩa quân đánh thành dữ dội. Tăng Cách Lâm Thấm cho kỵ binh nép ở bên hào chờ đối phương trễ nải, trong thành bất ngờ thả kỵ binh mạnh xông vào trận địa của nghĩa quân, ông cũng cho quân giáp kích, phá hủy doanh trại nghĩa quân, chém hơn ngàn thủ cấp. Qua hôm sau Dư Tế Xương đưa quân đến, cùng Tô Khắc Kim hợp kích, xẻ nghĩa quân làm hai. Quan quân nhắm vào một cánh mà đánh, nghĩa quân mấy lần đến cứu đều bị đẩy lui, nên nhân đêm tối bỏ trốn. Ba lộ quan quân hợp tiễu, giết hơn vạn nghĩa quân. Được tin thắng trận, triều đình ban đặc chiếu khen ngợi. Tăng Cách Lâm Thấm đốc soái chư tướng đuổi theo, phá được nghĩa quân ở phía đông Úy Thị. Nghĩa quân chiếm cứ trại dân cố thủ, quan quân vây đánh, thả lỏng mặt đông để dụ nghĩa quân chạy ra, đến Phàn Gia Lâu thì diệt sạch. Tháng 5, ông được bổ làm Chánh Hoàng kỳ lĩnh thị vệ nội đại thần. Người hội Trường Thương là Đổng Trí Tín chạy đến Đông Minh, Tô Khắc Kim đuổi tiễu, nhận hàng. Doanh tổng Phú Hòa phá được sào huyệt của quân Niệp ở Thản Đầu Tập, chiêu dụ vài mươi trại. Hằng Linh phá Tiêu Quế Xương ở Tào Châu, Quế Xương xin hàng nhưng vẫn bị làm tội. Tháng 8, Tăng Cách Lâm Thấm lệnh bọn Hằng Linh, Trác Minh A đuổi đánh quân Niệp của Khương Đài Lăng đến Bác Vọng Dịch thuộc Dụ Châu, đại phá nghĩa quân, tàn dư trốn vào trong núi. Còn bọn Cổ Lý Thành, Triệu Hạo Nhiên nhân lúc quan quân đi về phía tây, họp quân quấy nhiễu Vĩnh Thành, rồi từ phía bắc Nãng Sơn mà đi. Phó đô thống Sắc Nhĩ Đồ Hỷ đuổi theo đến đồn La Gia thuộc Ngư Đài thì thua trận. Ông vội gọi bọn Hằng Linh về giúp, đích thân đốc quân giao chiến ở động Mãn Gia thuộc Cự Dã. Tăng Cách Lâm Thấm lệnh cho kỵ binh dụ nghĩa quân vào sâu, rồi quay lại đánh. Hằng Linh, Quốc Thụy chia nhau giáp kích, giết mấy ngàn nghĩa quân. Tiếp đó quan quân lại thắng trận ở Tử Sơn Tập, nghĩa quân chạy về phía đông nam. Tháng 9, ông đánh Lư Miếu, lệnh Hằng Linh, Quốc Thụy đánh Hình Đại Trang cùng Trương Đại Trang. Thủ lĩnh Lý Đình Ngạn thấy thế gấp, xin hàng, bị dụ ra mà làm tội. Các thủ lĩnh nghĩa quân nối nhau ra hàng, chỉ có Tôn Thái Lan ở Tôn Lão Trang là không chịu. Tăng Cách Lâm Thấm dùng hàng quân làm hướng đạo, bắt chém Thái Lan, các trại khác đều hạ được. Thủ lĩnh Tống Hỷ Nguyên ở đông bộ Bạc Châu cùng Tô Thiên Bách giết hại lẫn nhau, các trại Vương Đại Trang, Lưu Đại Trang ra hàng quan quân, Bạc Bắc được yên. Tháng giêng năm thứ 2 (1863), Tăng Cách Lâm Thấm tiễu bình các nơi Mã Lâm Kiều, Đường Gia Trại, Trương Gia Ngõa Phòng, Mạnh Gia Lâu, Đồng Câu Tập, các thủ lĩnh Ngụy Hỷ Nguyên, Tô Thiên Tài, Triệu Hạo Nhiên, Lý Đại Cá Tử, Điền Hiện, Lý Thành hoặc hàng hoặc trốn. Bọn Tôn Sửu, Lưu Đại, Lưu Nhị, Dương Nhị từ phía tây Lộc Ấp, ông lệnh bọn Thư Thông Ngạch, Tô Khắc Kim đuổi theo, giao chiến ở Ngụy Kiều, giết được rất nhiều. Đại thủ lĩnh Trương Lạc Hành muốn từ Túc Châu đi Từ Châu, bị tri châu Anh Hàn ngăn trở, lại nghe tin quân Niệp ở phía tây thất bại, bèn lui về sào huyệt cũ là Trĩ Hà Tập. Doãn Gia Câu, Bạch Long Miếu cùng Trĩ Hà Tập tạo thành thế ỷ giốc, tháng 2, lệnh bọn Thư Thông Ngạch tiến đánh Doãn Gia Câu, đánh tan nghĩa quân ở đây, rồi tấn công Trĩ Hà Tập. Lạc Hành chạy trốn trong đêm, quan quân đuổi đến bờ bắc sông Phì thì kịp, giết hơn ngàn nghĩa quân, bắt chém bọn thủ lĩnh Hàn Tứ Vạn. Do quân Niệp thường trốn tránh ở các trang, trại, Tăng Cách Lâm Thấm chia quân đóng giữ. Thủ lĩnh Lý Cần Bang ở Tây Dương Trại đầu hàng, dụ bắt Lạc Hành cùng con trai là Trương Hí dâng lên, ông cho phanh thây bọn họ. Trương Lạc Hành nổi dậy đã được 10 năm, đến nay bị hại, triều đình ban chiếu khen ngợi Tăng Cách Lâm Thấm mưu dũng kiêm bị, gia ân lại được thế tập Thân vương võng thế, được mặc Chương phục như trước. Sau khi bình định Miêu Bái Lâm ở Hoài Bắc, ông lệnh Tô Khắc Kim soái kỵ binh đi Hà Nam hội tiễu cháu của Trương Lạc Hành là Trương Tông Vũ. Mùa xuân năm thứ 3 (1864), quân Thái Bình và quân Niệp liên kết, cùng Trương Tông Vũ mưu tính tiến xuống phía nam, giúp nghĩa quân đang vây Giang Ninh. Tăng Cách Lâm Thấm bèn đốc quân đi Hứa Châu, tiến đến Nam Dương cùng quan quân ở Hà Nam, Hồ Bắc hội tiễu, chặn phá nghĩa quân ở khoảng Tín Dương, Ứng Sơn, Vân Dương. Tháng 6, quan quân giành lại Giang Ninh, khao thưởng quân đội các nơi, có chiếu gia cho con trai của ông là Bá Ngạn Nột Mô Hỗ thụ phong Bối lặc; khen ngợi kỵ binh Mông Cổ đắc lực, mệnh chọn người tiến cử lên triều đình, ban cho binh đinh 1 vạn lượng bạc. Tháng 7, quân Thái Bình và quân Niệp tụ họp ở Ma Thành, Tăng Cách Lâm Thấm lệnh bọn Tô Khắc Kim, Trương Diệu, Anh Hàn chia đường tiến đánh, phá được vài mươi lũy của nghĩa quân. Thủ lĩnh quân Niệp là Trần Đắc Tài đưa vạn quân đến đánh, giao chiến ở Hồng Thạch Yển. Tô Khắc Kim ra sức chiến đấu, giết nghĩa quân rất nhiều, nhưng trúng nắng mà chết, nên lấy Thành Bảo thay thế. Nghĩa quân chạy đến Mẫn Gia Tập về phía nam trong nội địa Ma Thành, kết lũy cố thủ, Thành Bảo đánh phá được. Tổng binh Quách Bảo Xương hạ được Thái Gia Phán, nghĩa quân chạy đi Quang Sơn, La Sơn thuộc Hà Nam. Ông tự đốc kỵ binh đuổi theo, giao chiến ở Tiêu Gia Hà. Nghĩa quân được tăng viên, lại thêm đường sá chật hẹp, kỵ binh Mông Cổ gặp bất lợi, quan quân thất bại, bọn tướng lĩnh Thư Thông Ngạch 12 người tử trận. Tháng 8, giao chiến ở Liễu Lâm Trại thuộc Quang Sơn, quan quân rơi vào ổ mai phục, lui theo đường thủy, tổng binh Ba Dương A tử trận. Tháng 9, Trương Tông Vũ đi về phía đông, cùng nghĩa quân ở Thượng Ba Hà, Kỳ Châu liên kết, chiếm cứ Phong Hỏa Sơn, Tăng Cách Lâm Thấm cùng quan quân Hồ Bắc tiến tiễu, liên tiếp thắng trận. Nghĩa quân tiến vào nội địa An Huy, chia nhau đi Tiềm Sơn, Thái Hồ, Anh Sơn. Tháng 10, ông liên tiếp phá được nghĩa quân ở Thổ Mạc Hà, Nhạc Nhân Lĩnh, Đào Gia Hà. Thủ lĩnh Hoàng Trung Dung đưa ngàn người đến hàng, Tăng Cách Lâm Thấm đuổi theo đến Hắc Thạch Độ, lệnh Hoàng Trung Dung làm tiền phong, tập kích doanh trại của nghĩa quân. Đại quân kéo đến, cắt nghĩa quân làm 2 đoạn, bọn thủ lĩnh Ôn Kỳ Ngọc soái hơn 9000 người ném khí giới xin hàng. Ông dò biết nghĩa quân chạy theo 3 đường, nên chia quân đi tiễu, thủ lĩnh quân Niệp là Mã Dung Hòa đưa 7 vạn người về hàng, nguyện làm tiền phong. Cam Hoài Đức dụ bắt Đoan vương Lam Thành Xuân của quân Thái Bình dâng lên, ông phanh thây Lam Thành Xuân trước cửa quân. Tàn dư nghĩa quân là bọn Uông Truyện Đệ, Ngô Thanh Tuyền, Ngô Thanh Thái, Phạm Lập Xuyên xin hàng, trước sau thu nhận mời mấy vạn người. Trần Đắc Tài cùng đường tự vẫn, chỉ có Trương Tông Vũ, Trần Đại Hí chạy về phía tây đi vào nội địa Hà Nam, Hồ Bắc, tiếp tục chiến đấu. Tháng 11, Tăng Cách Lâm Thấm đốc quân truy tiễu, đánh bại nghĩa quân trong nội Quang Sơn, tiến đến Tảo Dương. Bọn thủ lĩnh quân Thái Bình là Lại Văn Quang, Khâu Nguyên Tài, bọn thủ lĩnh quân Niệp là Ngưu Lạc Hồng, Nhiệm Trụ, Lý Doãn chiếm cứ Hoàng Sơn Đãng, Dục Sơn, quan quân tiến đánh thất bại, còn Trương Tông Vũ, Trần Đại Hí trong lúc này xâm phạm Phàn Thành. Đại quân đuổi theo đến Đường Pha thuộc Đặng Châu, rơi vào ổ mai phục, thương vong rất nhiều, ông lui về Nam Dương. Tháng 12, nghĩa quân từ Nam Triệu, Lỗ Sơn đi chiếm cứ Trương Bát Kiều thuộc Bảo Phong. Đại quân tiến đến, Tăng Cách Lâm Thấm lệnh Quách Bảo Xương, Hà Kiến Ngao chia 2 lộ nam - bắc, Hằng Linh, Thành Bảo đưa kỵ binh tiếp ứng. Quân bắc lộ lập doanh trại, nghĩa quân đến đánh, Thành Bảo tập kích phía sau, rồi thừa thắng ép đến gò núi. Quân nam lộ dụ nghĩa quân vào sâu, từ bên sườn thay nhau tiến đánh. Hai lộ quân đắc thắng, hợp lại tiến thẳng đến Trương Bát Kiều. Nghĩa quân trong đêm trốn vào núi, chạy về phía bắc đi Hà, Lạc. Ông đốc quân từ Lạc Dương giữ lấy đường đi Nghi Dương, đóng ở trấn Hàn Thành. Tháng giêng năm thứ 4 (1865), nghĩa quân rẽ sang phía nam xâm phạm Lỗ Sơn, đại quân đuổi kịp, giao chiến dưới thành. Quan quân rơi vào ổ mai phục, Hằng Linh tử trận. Thư Luân Bảo, Thường Thuận đưa kỵ binh đến tiếp ứng, Trần Quốc Thụy chẹn ngang cầu nên toàn quân mới lui được, nhưng Thư Luân Bảo, Thường Thuận cũng bị thương mà mất. Nghĩa quân đi huyện Diệp, Tương Thành, Trần Quốc Thụy nhân đêm tuyết tập kích, thả lửa đốt địch. Nghĩa quân đi Tân Trịnh, Úy Thị ở phía đông bắc, quan quân đuổi kịp ở Song Khê Hà, bọn Nặc Lâm Phi Lặc đánh đuổi nghĩa quân. Nghĩa quân đi về phía nam, từ Lâm Toánh, Yển Thành quấy nhiễu Tây Bình, cướp bóc đan chúng, rồi xâm phạm Nhữ Ninh. Tháng 2, Tăng Cách Lâm Thấm tiến đến Nhữ Ninh, nghĩa quân từ huyện Tức, La Sơn đi Tín Dương. Đại quân đến Tín Dương, nghĩa quân lại đi về phía bắc, đuổi đến Xác Sơn, bộ binh của bọn Trần Quốc Thụy cũng đến, ông lệnh cho họ cùng Toàn Thuận, Hà Kiến Ngao, Thường Tinh A, Thành Bảo mấy lộ hợp kích. Quách Bảo Xương đặt mai phục ở cửa núi, Tăng Cách Lâm Thấm lên núi đốc chiến, các lộ nghĩa quân cũng hợp lại, liều chết phản kháng. Trần Quốc Thụy hăng hái chiến đấu, Quách Bảo Xương nổi phục binh xông vào, nghĩa quân đại bại, từ Toại Bình, Tây Bình, Yển Thành, Hứa Châu, Phù Câu chạy thẳng đến Tuy Châu. Quan quân đuổi theo, nghĩa quân lại chạy vào nội địa Sơn Đông, vượt Vận Hà đến Ninh Dương, rẽ sang Khúc Phụ. Quan quân rong ruổi suốt một tháng trời, ngày đi trăm dặm, cả thảy hơn 3000 dặm, người ngựa mệt mỏi. Từ khi bọn Tô Khắc Kim, Thư Thông Ngạch, Hằng Linh mất đi, chiến tướng đắc lực hiếm hoi. Triều đình đã điều binh tướng Hoài quân, nhưng họ không chịu đến, mà Tăng Cách Lâm Thấm cũng không muốn dùng. Đến nay hành tung của nghĩa quân thoát ẩn thoắt hiện, đi lại trong khoảng Duyện, Nghi, Tào, Tế. Bởi Vấn Thượng cách Vận Thành chỉ một con khúc sông, nghĩa quân trốn lánh ở đấy lên đến mấy vạn. Ông đốc quân tiến đánh, nghĩa quân vừa thua vừa chạy, đến Bắc Cao Trang (còn gọi là Cao Lâu Trại) thuộc Tào Châu, nghĩa quân quay lại đánh trả. Ba lộ quan quân đều thua, lui về một tòa trang viện bỏ hoang. Quan quân bị vây, không có lương thực, vào nửa đêm hỗn chiến đột vây. Trời tối không rõ đường, chạy đến Ngô Gia Điếm thì chỉ còn một nửa số kỵ binh. Ông rút đao chiến đấu, ngã ngựa bị giết. Đó là ngày 24 tháng 4. Nội các Học sĩ Toàn Thuận, Tổng binh Hà Kiến Ngao cũng mất trong trận này. Hậu sự. Nghe tin, hai cung chấn động thương tiếc, có chiếu khen ông trung dũng thành tính, xem việc nước như việc nhà, cho tổ chức tang sự theo điển lễ dành cho Thân vương, được hưởng tử tuất. Mệnh Thị vệ chạy trạm đón linh cữu về Kinh, Hoàng đế phụng Hoàng thái hậu hai cung lên điện, ban vàng liệu tang, bái tế ở Trung từ; ở các địa phương đã lập công cho xây dựng Chuyên từ, đưa vào thờ trong Thái miếu, đặt thụy là Trung, vẽ hình treo trên gác Tử Quang. Năm thứ 7 (1868), bình xong Niệp, cho lập một đàn tế. Năm Quang Tự thứ 15 (1889), Từ Hy thái hậu trở lại nắm quyền chính, ban sắc cho xây Chuyên từ ở cửa An Định tại Kinh sư, từ đặt tên là Hiển Trung. Con là Bá Ngạn Nột Mô Hỗ tập tước Thân vương, cháu nội Na Nhĩ Tô tập phong Bối lặc, cháu nội thứ Ôn Đô Tô phong Phụ quốc công.
1
null
Đại học Thánh Andrews hay Đại học St Andrews (tiếng Anh: "University of St Andrews", còn gọi là "St Andrews University" hay "St Andrews") là một đại học tổng hợp danh tiếng ở St Andrews, Fife, Scotland. Đây là đại học lâu đời nhất Scotland và thứ ba trong số các viện đại học của thế giới nói tiếng Anh, sau Đại học Oxford và Đại học Cambridge. Đai học St Andrews được thành lập vào khoảng năm 1410-1413. Là một trong những đại học hàng đầu tại UK, St Andrews là xếp thứ tư theo bảng xếp hạng của "The Guardian", nằm trong nhóm 20 viện đại học hàng đầu thế giới về các ngành khai phóng và nhân văn theo xếp hạng của Times Higher Education.
1
null
Trong ngành Khoa học máy tính, cổng CNOT(hay C-NOT) là một cổng lượng tử - thành phần thiết yếu để xây dựng máy tính lượng tử. Nó có thể được dùng để gỡ rối lượng tử hoặc tạo ra vướng víu lượng tử. Cách thức hoạt động. Đầu vào của cổng CNOT gồm 2 Qubit: Qubit thứ nhất là Qubit Điều khiển (control), Qubit thứ hai là Qubit mục tiêu (target). Qubit Điều khiển sẽ không bị thay đổi sau khi qua cổng CNOT. Qubit Mục tiêu sẽ bị đảo ngược khi và chỉ khi Qubit Điều khiển là 1. Giá trị của Qubit Mục tiêu chính là kết quả của phép XOR giữa hai Qubit đầu vào. CNOT: formula_1, formula_2, formula_3, formula_4, Cổng CNOT có thể được miêu tả bằng bảng: Cổng CNOT có thể được biểu diễn bằng Ma trận như sau: formula_5 Cách dùng ma trận để tính cổng CNOT. Xét qubit: formula_6. Ta sẽ dùng ma trận để tính kết quả của CNOT formula_7. Ta có: formula_8. formula_9. Với formula_10. Vậy formula_11 sau khi đi qua cổng CNOT sẽ thành formula_12. Khả năng gỡ rối lượng tử. Sự khác biệt chính giữa cổng lượng tử và cổng cổ điển là khả năng chấp nhận đầu vào là qubit, trong khi cổng cổ điển chỉ chấp nhận bit. Do đó các cổng lượng tử có khả năng xử lý tốt hơn. Như cổng CNOT có thể gỡ rối lượng tử. Xét hệ vướng víu: formula_13. Cho hệ đi qua cổng CNOT: formula_14. formula_15. Như vậy hệ formula_16 đã được gỡ rối. Khả năng tạo ra vướng víu lượng tử. Tương tự như khả năng gỡ rối lượng tử, cổng CNOT cũng có khả năng tạo ra vướng víu lượng tử. Xét hệ: formula_17. Cho hệ đi qua cổng CNOT: formula_18. formula_19. Như vậy hệ formula_20 đã bị vướng víu lượng tử sau khi đi qua cổng CNOT.
1
null
Phương pháp làm lạnh Doppler là một cơ chế được dùng để bẫy và làm lạnh nguyên tử hoặc ion. Phương pháp làm lạnh Doppler là một trong các phương pháp làm lạnh phổ biến bằng laser. Phương pháp làm lạnh này đã được đưa ra bởi Theodor W. Hänsch và Arthur Leonard Schawlow ở Đại học Stanford năm 1975 và được thí nghiệm thành công bởi Steven Chu ở Phòng thí nghiệm AT&T Bell vào năm 1985. =Phương pháp= Khi các nguyên tử hoặc ion đã được bẫy trong bẫy ion thì ta dùng các laser để chiếu photon theo nhiều chiều. Khi nguyên tử chuyển động ngược chiều với chiều chiếu photon, nguyên tử sẽ chuyển động chậm đi, vì thế nhiệt độ nguyên tử cũng giảm. =Giải thích= Khi chiếu chùm photon có bước sóng nhất định về phía một nguyên tử đang chuyển động ngược chiều, do hiệu ứng Doppler nguyên tử sẽ thấy photon có bước sóng dịch chuyển xanh. Nếu bước sóng này phù hợp, nguyên tử có thể hấp thụ photon và chuyển sang trạng thái kích thích trong một khoảng thời gian ngắn. Khi hấp thụ photon, nguyên tử nhận cả momen động lượng của photon đó nên sẽ chuyển động chậm lại, vì chiều chuyển động của photon và nguyên tử ngược chiều nhau. Do trạng thái kích thích không bền, nguyên tử sẽ giải phóng photon theo một hướng bất kỳ, đồng thời chuyển về mức năng lượng thấp hơn. Nếu photon phát ra theo hướng photon ban đầu thì nguyên tử càng mất momen động lượng. Còn nếu photon phát ra theo hướng ngược lại thì momen động lượng của nguyên tử tăng. Nhưng thường thì photon sẽ được phát ra theo nhiều hướng khác nên momen động lượng của nguyên tử vẫn giảm. Sự thay đổi tốc độ của nguyên tử khi hấp thụ photon có thể tính theo công thức : do đó Nếu nguyên tử chuyển động cùng chiều với chiều chiếu photon, theo hiệu ứng Doppler, nguyên tử sẽ thấy photon bị dịch chuyển đỏ, lệch khỏi bước sóng thích hợp và nguyên tử sẽ không thể hấp thụ photon. Khi các nguyên tử được bẫy trong bẫy ion và được chiếu laser theo nhiều chiều với tần số thích hợp, các nguyên tử sẽ liên tục hấp thụ và giải phóng photon, vì thế momen động lượng của nguyên tử sẽ giảm dần gần về 0. Khi đó các nguyên tử đã được làm lạnh. William D. Phillips đã đưa ra chứng minh và thí nghiệm việc sử dụng phương pháp làm lạnh Doppler để làm lạnh nguyên tử Na. =Hạn chế= Nhiệt độ thấp nhất có thể đạt được bằng phương pháp làm lạnh Doppler được gọi là : formula_3 với formula_4 là Hằng số Boltzmann =Ứng dụng= Phương pháp làm lạnh Doppler được rộng rãi trong phương pháp làm lạnh bằng laser, đặc biệt kết hợp với những phương pháp làm lạnh khác để tạo được hiệu suất làm lạnh tối ưu, làm lạnh vật thể lớn gần nhiệt độ 0 tuyệt đối. Phương pháp làm lạnh Doppler được sử dụng để làm giảm nhiệt độ của các chất bán dẫn, làm tiền đề cho việc chế tạo những con chip có khả năng tự làm lạnh, kích thước nhỏ hơn hoặc thiết bị tiết kiệm năng lượng. Phương pháp làm lạnh Doppler còn được sử dụng trong máy tính lượng tử =Tham khảo= =Liên kết ngoài=
1
null
Reimar Constantin von Alvensleben (26 tháng 8 năm 1809 – 28 tháng 3 năm 1892) là một tướng lĩnh trong quân đội Phổ (và quân đội Đế quốc Đức sau này). Ông đã tham gia chỉ huy quân đội trong ba cuộc chiến tranh thống nhất nước Đức từ năm 1864 cho đến năm 1871, và trong các cuộc chiến này đó ông đã thể hiện tài năng quân sự của mình. Ông được biết đến vì sự năng động và quyết đoán đã loại bỏ nguy cơ thất bại và mang lại chiến thắng cho các lực lượng bị áp đảo nặng nề về mặt quân số của Phổ trong trận đánh khốc liệt tại Mars-la-Tour với Pháp vào tháng 8 năm 1870, mặc dù đây là một trận tấn công do chính ông phát động mà không hề có sự chỉ thị của Tổng tham mưu trưởng Helmuth von Moltke và mang lại thiệt hại không nhỏ cho các lực lượng của Phổ. Anh trai của ông, Gustav von Alvensleben cũng là một tướng Phổ, nắm quyền chỉ huy Quân đoàn VI trong Chiến tranh Áo-Phổ năm 1866 và Chiến tranh Pháp-Phổ năm 1870. Tiểu sử. Alvensleben xuất thân trong gia đình quý tộc lâu đời. Ông chào đời vào ngày 26 tháng 8 năm 1809 tại Eichenbarleben ở tỉnh Sachsen của Vương quốc Phổ, và cũng giống như nhiều con em quý tộc khác của Phổ, Alvensleben đã được giáo dục tại học viện của đội Thiếu sinh quân tại kinh thành Berlin. Ông đã gia nhập Quân đoàn Vệ binh Phổ vào năm 1827, khi ông 18 tuổi, với quân hàm thiếu úy. Ông được thăng cấp trung úy vào năm 1842, đến năm 1849 ông trở thành đại úy, và vào năm 1853, ông trở thành một thiếu tá trong Bộ Tổng tham mưu Phổ. Bảy năm sau, ông tham gia trong Bộ Chiến tranh Phổ. Cho đến năm 1864, khi cuộc Chiến tranh Schleswig lần thứ hai chống Đan Mạch bùng nổ, ông giữ quân hàm đại tá, và chỉ huy một trung đoàn bộ binh Cận vệ. Trong cuộc chiến tranh này, ông được ghi nhận là đã thể hiện lòng dũng cảm và tài nghệ thao lược của mình trong việc chỉ huy trung đoàn dưới quyền ông ở một vài cuộc giao tranh với quân Đan Mạch. Sau khi cuộc chiến kết thúc, ông đã được thăng cấp Thiếu tướng, và nắm quyền chỉ đạo một lữ đoàn Cận vệ. Khi cuộc Chiến tranh Áo-Phổ bùng nổ vào năm 1866, ông đã dẫn dắt lữ đoàn của mình tham gia chiến đấu trong chiến dịch tấn công lãnh thổ Böhmen của Vương triều Habsburg. Ông được ghi nhận là đã thể hiện khả năng chiến đấu rất lớn trong trận chiến tại Soor. Song, tài năng của ông được biểu hiện rõ ràng hơn cả trong chiến dịch 1866 ở trận Königgrätz. Vốn là người chỉ huy đội tiền vệ của lực lượng Vệ binh Phổ trong trận chiến này, ông đã được trao quyền chỉ huy Sư đoàn số 1 của Quân đoàn Vệ binh sau khi tướng tư lệnh của sư đoàn này là Hiller V. Gärtringen. Nhờ những cống hiến của mình cho quân đội Phổ trong cuộc chiến, ông được Quốc vương Wilhelm I phong hàm Trung tướng, và giao luôn quyền chỉ huy Sư đoàn số 1 mà ông đã thạm thời nắm giữ tại Königgrätz. Ngoài ra, ông cũng được tặng thưởng Huân chương Quân công ("Pour le Mérite") của Phổ. Khi cuộc Chiến tranh Pháp-Phổ bùng nổ năm 1870, do Hoàng thân Friedrich Karl được bổ nhiệm làm Tổng tư lệnh Tập đoàn quân số 2 của Phổ - Đức, Alvensleben đã trở thành tư lệnh của Quân đoàn III thay thế cho vị thân vương. Đây chính là một phần của Tập đoàn quân số 2 dưới quyền của Friedrich Karl. Dưới sự chỉ đạo của Friedrich Karl và Alvensleben, các trung đoàn Brandenburg trong Quân đoàn III đã trở thành các lực lượng chiến đấu tốt nhất trong toàn bộ quân đội Đức, có lẽ chỉ ngoại trừ Quân đoàn Vệ binh Phổ; trong khi Friedrich Karl được nhìn nhận là người có công rèn luyện cho Quân đoàn III, Alvensleben đã đóng góp ở mức độ gần như là tương đương đến sự hiệu quả của lực lượng bộ binh Cận vệ. Các trận đánh vào các năm 1870 và 1871 đã thể hiện bản lĩnh của ông trên cương vị là một tư lệnh cấp cao. Ông đã tham gia tích cực trong trận Spicheren vào ngày 6 tháng 8 năm 1870, và sau chiến thắng này, trong khi tình hình trở nên hỗn loạn mà các chỉ huy cấp trên chưa có phương án giải quyết, Alvensleben đã chủ động tiếp tục bước tiến của quân lực dưới quyền ông. Quyết định này dẫn đến những trận đánh khốc liệt vào các ngày 14, 16 và 18 tháng 8 xung quanh Metz. Ngày 16 tháng 8, trong bối cảnh quân đội Phổ đang tiến về phía tây để cắt đường rút của quân Pháp, Quân đoàn III của ông sau khi đã đi ngang qua Metz về phía nam, hành binh về hướng bắc để cắt đứt các đoạn đường đến hướng tây từ Metz. Dọc theo các đoạn đường từ Vionville tới Mars-la-Tour, quân Phổ đã đối đầu với các lực lượng lớn của Pháp. Ban đầu, Alvensleben nghi ngờ rằng đây là lực lượng hậu vệ của quân đội Pháp, nhưng các diễn biến sau đó đã khiến cho vị trung tướng nhanh chóng kết luận rằng ông đã vô tình đặt quân sĩ vào đường rút của Tập đoàn quân Rhine của Pháp dưới quyền Thống chế Bazaine. Alvensleben biết rằng 3 vạn quân Đức dưới quyền ông sẽ bị áp đảo nghiêm trọng về mặt quân số. Quả thực, diễn biến của ngày hôm đó sẽ cho thấy là người Pháp huy động 10 vạn quân tấn công quân đoàn bị cô lập của Phổ. Mặc dù vậy, trước tình hình đó, Alvensleben đã trực tiếp điều hành quân lực của mình cố thủ, giam chân đối phương trước khi viện binh đến, trong khi người tham mưu trưởng của ông sẽ cố gắng đốc thúc các lực lượng khác của Đức vào trận tuyến. Và, đây chính là trận Mars-la-Tour, một trong những trận chiến đẫm máu nhất diễn ra thời Chiến tranh Pháp - Đức. Mặc dù trong ngày hôm đó Quân đoàn III không nhận được nhiều sự hỗ trợ, Alvensleben đã bám trụ vị trí của mình trong hàng tiếng đồng hồ, trước các quân đoàn Pháp của Canrobert, Decaen, Frossard, Ladmirault và lực lượng Cận vệ Đế chế. Hiểu rõ ưu thế vượt trội của súng trường "Chassepot" do lính Pháp sử dụng, ông cố gắng hạn chế huy động bộ binh ở một mức độ có thể và dựa vào các khẩu pháo nạp hậu hiệu "Krupp" bằng thép của Phổ có tầm bắn nhanh. Cuối ngày hôm đó, Canrobert đã gần chọc thủng được chiến tuyến của quân Phổ vốn đã cầm cự dữ dội trong cả ngày, nhưng đúng lúc ông này định tung 2 quân đoàn ở trung quân của mình tấn công vào Vionville, Alvensleben đã phát động một cuộc tấn công do hai trung đoàn của một sư đoàn kỵ binh nặng của Phổ thực hiện gần Mars-la-Tour. Mặc dù cuộc tấn công dữ dội của lực lượng kỵ binh Phổ đã mang lại cho họ thiệt hại đến 50% binh lực, đòn chiến thuật của Alvensleben đập tan chiến tuyến của quân Pháp và góp phần hỗ trợ cho người Phổ giữ được thị trấn. Mặc dù cả hai bên đều tổn thất 16.000 người, nhưng sau giao tranh ác liệt, Alvensleben cuối cùng đã giữ vững vị trí của mình và con đường rút lui của Pháp vẫn bị chặn đứng. Trong trận Gravelotte, Quân đoàn III dưới quyền ông cùng với Quân đoàn III là lực lượng trừ bị của Phổ, song một phần của bộ binh trong Quân đoàn III thực sự đã tích cực chiến đấu trong trận đánh. Sau chiến thắng Gravelotte của Đức, Quân đoàn III đã tham gia trong cuộc vây hãm Metz, và góp phần đánh bật cuộc phá vây cuối cùng của Bazaine trong trận Bellevue vào ngày 7 tháng 10 năm 1870. Sau khi Bazaine và đội quân của ông này đầu hàng, Friedrich Karl đã chuyển quân về hướng tây nam để phối hợp với Đại Công tước xứ Mecklenburg-Schwerin trên sông Loire. Cùng với Quân đoàn X, những người bạn chiến đấu cũng của họ tại Vionville, Quân đoàn III của Alvensleben đã tham gia tích cực trong trận Beaune-la-Rolande. Ngoài ra, binh lính của ông cũng chiến đấu hiệu quả trong các trận giao chiến ở Chilleurs-aux-Bois, Orléans, Vendôme và cuối cùng là thắng lợi quyết định của quân đội Đức tại Le Mans. Khi chiến tranh kết thúc, Alvensleben đã được ban tặng lá sồi của Huân chương Quân công "Pour le Mérite", Huân chương Thập tự Sắt hạng nhất và trợ cấp 10 vạn thaler. Vào năm 1873, ông được thăng cấp Thượng tướng Bộ binh và nghỉ hưu không lâu sau đó. Vào năm 1892, trong dịp kỷ niệm trận Le Mans, vị lão tướng đã được phong tặng Huân chương Đại bàng Đen. Ông qua đời ngày 28 tháng 3 năm 1892 tại thủ đô Berlin. Vào năm 1889, theo huấn lệnh của Đức hoàng ("Kaiser") Wilhelm II, Trung đoàn Bộ binh số 52 của Phổ – một trong những trung đoàn đã chiến đấu hiệu quả tại Vionville, giờ đây đóng quân tại Cottbus, đã đặt tên là "von Alvensleben" nhằm vinh danh ông.
1
null
Vườn quốc gia Iguaçu () là một vườn quốc gia thuộc bang Paraná, Brasil. Nó có tổng diện tích là với chiều dài khoảng , trong đó có là biên giới tự nhiên giữa Brasil và Argentina bao gồm khoảng . Vườn quốc gia được thành lập theo nghị định liên bang số 1035 ngày 10 tháng 1 năm 1939 và được UNESCO công nhận là Di sản thế giới từ năm 1986. Nó được quản lý bởi Viện Bảo tồn Đa dạng sinh học Chico Mendes (ICMBio). Cùng với Vườn quốc gia Iguazú của Argentina, nó bảo vệ một trong những thác nước lớn nhất thế giới trải dài trên . Đó cũng là quê hương của nhiều loài động thực vật quý hiếm bị đe dọa trong đó có thú ăn kiến khổng lồ và rái cá lớn. Những đám sương hơi nước do thác nước tạo ra có lợi cho sự phát triển của thảm thực vật xung quanh. Lịch sử. Vườn quốc gia Iguaçu bao gồm một khu vực quan trọng của sông Iguaçu với khoảng chiều dài của dòng sông tạo ra thác Iguazu nổi tiếng. Đây là vườn quốc gia quan trọng nhất ở lưu vực sông Prata, bởi cảnh quan tuyệt đẹp và cũng bởi vì nó là một nơi trú ẩn của các loài động thực vật quan trọng. Đây cũng là vườn quốc gia đầu tiên ở Brasil nhận được một kế hoạch quản lý cụ thể. Như dự kiến ​​bởi Rebouças, mục tiêu cơ bản của vườn quốc gia này là việc bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên và danh lam thắng cảnh, vì thế cho phép nghiên cứu khoa học, thúc đẩy hoạt động giáo dục môi trường, giải trí trong khung cảnh thiên nhiên và du lịch sinh thái. Vườn quốc gia Iguaçu có phong cảnh ngoạn mục và là một trong những khu bảo tồn rừng lớn nhất ở Nam Mỹ, vì thế nó là vườn quốc gia đầu tiên của Brasil được đề xuất thành lập nhằm giữ gìn môi trường và cảnh quan tự nhiên cho "thế hệ tương lai". Andre Rebouças, một kỹ sư đã viết trong cuốn sách "tỉnh Paraná, đường sắt Mato Grosso và Bolivia", cuốn sách được viết nhằm bắt đầu chiến dịch bảo tồn thác nước Iguazu vào năm 1876 đã mô tả: "nó đã được tạo ra bởi Đức Chúa Trời" và "đẹp tuyệt vời, đẹp như tranh vẽ", " một hệ thực vật chưa từng có tại khu vực thác nước Iguaçu tuyệt vời"... Địa lý. Vườn quốc gia gần với các thành phố của Brasil là Foz do Iguaçu, Medianeira, Matelândia, CEU Azul, São Miguel do Iguaçu, Santa Terezinha de Itaipu, Santa Tereza Oeste, Capitão Leonidas Marque, Capanema và Serranópolis. Nó nằm ở khu vực phía tây của tiểu bang Paraná, ở lưu vực sông Iguaçu, cách trung tâm thành phố Foz do Iguacu khoảng 17 km. Bên kia biên giới, vườn quốc gia này giáp với vườn quốc gia Iguazu, được hành lập vào năm 1934​​. Biên giới giữa hai nước và hai vườn quốc gia được chia tách bởi sông Iguacu, bắt nguồn từ dãy núi Serra do Mar gần Curitiba, đoạn chảy qua bang Paraná có chiều dài 18 km. Cửa sông của nó chảy vào sông Paraná, nằm cách thác Iguazu 18 km. Tại vị trí tụ họp của các con sông tạo thành ngã ba, biên giới tự nhiên giữa Brasil, Argentina và Paraguay.
1
null
Lê Hữu Kiều (黎有喬, 1691-1760) là đại thần nhà Lê trung hưng trong lịch sử Việt Nam. Thân thế. Lê Hữu Kiều người làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Cha Lê Hữu Kiều là Lê Hữu Danh (1642 - ?), đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) năm 1670, làm tới chức Hiến sát Sơn Tây. Lê Hữu Danh tính tình nhân từ rộng rãi không cạnh tranh với ai nên được mọi người gọi là Phật sống. Lê Hữu Kiều là con út (thứ 10) của Lê Hữu Danh. Sự nghiệp. Năm 18 tuổi (1708), Lê Hữu Kiều cùng anh là Lê Hữu Mưu cùng đỗ Hương giải. Năm 1715 ông đỗ khoa Hoành từ, được bổ làm quan văn ở kinh thành Thăng Long. Năm 1718, ông đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Tuất, được thăng làm Giám sát ở Thanh Hoa, quyền Hiến sát Kinh Bắc, tham dự việc trấn Thái Nguyên, Cao Bằng và Phó đô ngự sử. Năm 1737, ông được thăng làm thừa chỉ, rồi Hữu thị lang bộ Công. Cùng năm ông làm phó sứ trong đoàn đi sứ Trung Quốc cống nhà Thanh. Khi về, Lê Hữu Kiều được phong làm Tả thị lang bộ Công, tước Liêu Đình bá. Năm 1740, ông vào phủ chúa Trịnh làm Bồi tụng, thăng chức Đô đài, rồi sau đó được phong tước Liêu Đình hầu. Năm 1742 ông được thăng làm Thượng thư bộ Công. Năm đó ông lại ra làm Lưu thủ Thanh Hóa, rồi cùng Hà Tông Huân đi thị sát các quan lại và dân tình, xem xét việc phòng thủ của các đạo trước những cuộc nổi dậy của nông dân Đàng Ngoài. Năm 1743, Lê Hữu Kiều lại trở về kinh làm Tham tụng. Ông kiến nghị với chúa Trịnh Doanh rằng kỷ luật quân lính sơ sài, xin cấp thêm quân và quan cho mặt trận và đặt chức võ quan tuần phủ. Trịnh Doanh làm theo đề nghị của ông. Năm 1744, ông đi làm Đốc trấn Thái Nguyên. Năm 1746, Lê Hữu Kiều làm Tham tri Nghệ An. Năm 1747, ông lại được triệu về kinh lo việc giải quyết đơn từ kiện tụng. Năm 1748, ông được thăng làm Thượng thư bộ Lễ. Năm 1749, ông lại làm Tham tụng, quyền hành như Tể tướng trong triều. Năm 1752, ông được thăng làm Thượng thư bộ Binh. Năm 1754, ông vào giảng bài trong điện Kinh diên. Năm 1755, ông nghỉ hưu khi đã 65 tuổi. Lê Hữu Kiều được vua Lê Hiển Tông ban cho câu đối vào lá cờ thêu: Lê Hữu Kiều làm quan cho nhà Lê trung hưng hơn 50 năm, dưới 5 đời vua (Lê Dụ Tông, Lê Duy Phường, Lê Thuần Tông, Lê Ý Tông và Lê Hiển Tông) và 4 đời chúa (Trịnh Căn, Trịnh Cương, Trịnh Giang và Trịnh Doanh). Ông mất năm 1760, thọ 70 tuổi, được truy tặng làm Thiếu phó, tước Liêu quận công. Gia đình. Các anh em của Lê Hữu Kiều cũng có những người đỗ đạt cao. Người anh thứ 6 là Lê Hữu Hỷ (1674 - ?) năm 27 tuổi thi một lần trúng ngay đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân năm 1700, người anh thứ 9 là Lê Hữu Mưu (1675 - ?) năm 36 tuổi cũng thi một lần đỗ ngay đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân năm 1710. Người con thứ 6 của Lê Hữu Kiều là Lê Hữu Dung (1745 - ?) đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân năm 1775 khi 31 tuổi; người cháu họ là Lê Trọng Tín (1722 - ?, con Lê Hữu Mưu) đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân năm 1748 khi 27 tuổi. Danh y Lê Hữu Trác (1720 - 1791, con Lê Hữu Mưu) là cháu gọi ông bằng chú.
1
null
Khái niêm công nghệ pico là một thuật ngữ mới được đặt ra cùng với công nghệ nano. Nó là một mức kỹ thuật giả định Trong tương lai, khi công nghệ có thể thao tác vật chất ở kích thước phần ngàn tỉ mét, kích thước pico (10−12). Mức này nhỏ ba bậc (ngàn lần) so với nano, và hai bậc so với các biến đổi và thước đo hóa học. Công nghệ pico sẽ liên quan tới các thao tác vật chất mức nguyên tử. Ở một mức phát triển xa hơn, công nghệ femto thao tác vật chất ở mức hạ nguyên tử. Khoa học pico là khái niệm được các nhà tương lai học dùng để chỉ việc cấu trúc vật chất mức picômét. Đầu tiên, các xu hướng của công nghệ pico được suy đoán tương tự như liệu pháp vi lượng đồng căn, sử dụng thước đo mức pico và giá trị của việc cấu trúc các phân tử sinh học. Theo đó, công nghệ pico được mô tả như việc thay đổi cấu trúc và tính chất hóa học của các phân tử đơn lẻ, thường là thông qua thao tác trạng thái năng lượng của nguyên tử để tạo ra trạng thái siêu bền (hoặc không ổn định) với các tính chất đặc biệt, tạo ra một số dạng nguyên tử nạ dòng. Biến đổi tương tự đã được biết đến là quá trình oxy hóa-khử, quá trình oxy hóa có thể thao tác bằng cách chiếu tia laser, kích thích các electron chuyển từ trạng thái bền sang trạng thái kích thích; thao tác trạng thái của các electron kích thích trong nguyên tử Rydberg để mã hóa thông tin. However, none of these processes produces the types of exotic atoms described by futurists. Ray Kurzweil, một nhà tương lai học nổi tiếng, đã tiên đoán loài người có thể đạt tới mức công nghệ này trong thế kỷ 22. Ngoài ra, khái niệm công nghệ pico cũng được một số nhà nghiên cứu công nghệ nano dùng để chỉ các cấu trúc nguyên tử và thiết bị có độ chính xác dưới nano. Điều này thực sự quan trọng khi tương tác với một nguyên tử hay phân tử đơn lẻ, do lực hút giữa hai nguyên tử ở khoảng cách cực ngắn tăng lên rất nhanh. Ví dụ, lực hút giữa một nguyên tử trong đầu dò của kính hiển vi lực nguyên tử và một nguyên tử trong mẫu nghiên cứu thay đổi theo hàm mũ của khoảng cách, đặc biệt nhạy cảm với khoảng cách từ 50 tới 100 picômét (do ảnh hưởng của nguyên lý loại trừ Pauli trong khoảng cách ngắn và Lực Van der Waals ở khoảng cách dài)
1
null
"Comfortably Numb" là ca khúc của ban nhạc progressive rock người Anh Pink Floyd, lần đầu được xuất hiện trong album-kép năm 1979 của họ, "The Wall". Sau đó, ca khúc được phát hành dưới dạng đĩa đơn cùng với ca khúc "Hey You" ở mặt B. Đây là một trong số 3 bài hát duy nhất của album mà phần tác giả được ghi chung cho cả David Gilmour và Roger Waters. Giai điệu và hầu hết phần âm nhạc được viết bởi Gilmour, trong khi Waters phụ trách phần lời và hoàn thiện một vài chi tiết. Ban đầu, ca khúc có tên là "The Doctor". Một bản không chính thức của ca khúc này từng được phát hành dưới tên "Immersion Box Set" trong bản tái bản của "The Wall" vào năm 2012. Đây là ca khúc nổi tiếng nhất và điển hình nhất của sự nghiệp ban nhạc Pink Floyd, đặc biệt được nhắc tới với phần guitar solo vô cùng đặc trưng. Năm 2004, ca khúc được xếp ở vị trí 314 trong danh sách "500 bài hát vĩ đại nhất" của tạp chí "Rolling Stone". Năm 2005, đây cũng chính là ca khúc cuối cùng mà cả bốn thành viên cũ của ban nhạc là Waters, Gilmour, Wright, và Mason cùng hát chung. Thính giả của chương trình "Desert Island Discs" của đài BBC Radio 4 từng bình chọn "Comfortably Numb" ở vị trí số 5 trong số những ca khúc hay nhất vào năm 2011. Hoàn cảnh ra đời. Trong khi hầu hết các ca khúc của "The Wall" đều được một mình Waters viết thì "Comfortably Numb" lại là một sáng tác của David Gilmour. Gilmour đã thu âm bản demo không lời của ca khúc này, nhằm chuẩn bị cho album solo đầu tay sau này với hi vọng có thể sử dụng được nó một cách hữu ích. Rốt cuộc Gilmour lại đem bản demo tới buổi thu của "The Wall". Trong bản demo không lời đó, phần Gilmour hát có nhiều nét khác so với ấn bản cuối cùng được phát hành. Đoạn vào được viết ở giọng Mi thứ (theo thứ tự lần lượt Mi thứ, Rê trưởng, Đô trưởng, La thứ, rồi trở lại Mi thứ), chứ không phải là Si thứ như ấn bản được ngày nay biết tới. Tương tự, câu hát cuối cùng của đoạn điệp khúc – "I have become comfortably numb" – cũng không tồn tại trong bản demo. Vậy nên, nếu như công nhận ca khúc này là một sáng tác chủ yếu của Gilmour thì cũng phải đề cập rằng Waters thực tế đã đóng góp rất nhiều cho phần bè cũng như việc chuyển từ hợp âm Mi thứ sang Si thứ như ấn bản cuối cùng được phát hành. Cũng giống như các ca khúc khác của "The Wall", "Comfortably Numb" cũng được xây dựng theo câu chuyện của nhân vật chính, biểu trưng của album: Pink. Ca khúc này tạo liên tưởng tới cuộc chiến của Pink nhằm cứu giữ thế giới. Phần ca từ được viết bao gồm những lời nói chuyện của nhân vật với bác sĩ (phần đọc hát của Waters), đi kèm với những lời tự thoại nội tâm của Pink (phần điệp khúc hát bởi Gilmour). Sáng tác. Đoạn vào được viết ở giọng Si thứ, trong khi phần điệp khúc được viết ở giọng bè chuẩn, Rê trưởng. Ca khúc là một trong số 2 ca khúc của "The Wall" mà được cấu trúc một cách trọn vẹn chứ không có một đoạn "fade-in" hay "fade-out" với bất kể một ca khúc nào sau đó (ca khúc còn lại là "Mother"). Lý do rất đơn giản khi bản LP cần một ca khúc kết thúc cho mặt C. Đây cũng là ca khúc dài nhất của album với thời lượng 6:21. Theo tạp chí "Rolling Stone", phần ca từ được viết bởi Roger Waters lấy cảm hứng từ quá trình anh điều trị bệnh đau dạ dày nhằm tham gia chuyến lưu diễn năm 1977 của Pink Floyd có tên "In the Flesh". Waters nói: "Đó là 2 giờ dài nhất cuộc đời tôi. Tôi phải cố trình diễn trên sân khấu trong khi còn không nhấc nổi cánh tay mình." Trải nghiệm đó đã đem đến ý tưởng mà sau đó trở thành phần lời của "Comfortably Numb". Waters và Gilmour đã có nhiều tranh cãi về việc thu âm ca khúc này vì Gilmour thích nó được thể hiện một cách "grungy". Cuối cùng, bản thu với Waters hát phần mở đầu, còn Gilmour thể hiện phần sau với các đoạn guitar solo đã được cho vào album. Gilmour sau này nói: ""Chúng tôi đã tranh cãi về "Comfortably Numb" như những gã điên. Thực sự rất nảy lửa, như kiểu có thể kéo dài hàng năm vậy."" Ở phần nền của đoạn mà Gilmour hát, anh cùng tay guitar Lee Ritenour đã sử dụng chiếc acoustic guitar được chỉnh cao độ theo kiểu "Nashville" với việc dây E (Mi) thứ nhất (thấp nhất) được thay bởi dây E cuối cùng (thứ sáu – cao nhất). Điều đó giúp cho quãng tám trở nên đặc biệt cao với riêng cặp dây này. Cách chỉnh dây này cũng được áp dụng sau đó với ca khúc "Hey You". David Gilmour là người thể hiện trọn vẹn 2 đoạn guitar solo có trong ca khúc. Đoạn đầu ngắn hơn được chơi sau đoạn điệp khúc thứ nhất. Đoạn thứ hai được chơi để kết thúc ca khúc. Năm 1989, độc giả của tạp chí những người hâm mộ Pink Floyd – "The Amazing Pudding" – đã bình chọn đây là đoạn solo hay nhất trong số tất cả các ca khúc của Pink Floyd. Độc giả của tờ "Guitar World" cũng bình chọn đây là đoạn solo hay thứ tư của mọi thời đại. "Guitar World" đã nhấn mạnh rằng đoạn guitar solo này (chủ yếu là đoạn thứ hai) đã được Gilmour tạo nên từ rất nhiều đoạn solo khác mà anh đã từng nghe vào thời điểm đó; và anh đã thể hiện rất nhiều đoạn solo khác nhau trước khi chọn ra đoạn được thu trong ấn bản cuối cùng. Tháng 8 năm 2006, đây được bình chọn là đoạn solo hay nhất mọi thời đại từ thính giả của đài Planet Rock. Hơn nữa, nó cũng được chọn là đoạn guitar mẫu hay nhất bởi tạp chí "Guitarist" vào tháng 11 năm 2010. Phil Taylor – kỹ thuật viên của Pink Floyd – bình luận: "[David Gilmour] đã sử dụng hiệu ứng âm thanh kép trong đoạn thu đó, bao gồm Big Muff và các đoạn ngắt. Nhưng thực sự những ngón tay, khả năng tạo rung và việc chọn những nốt quan trọng của anh ấy đã tạo nên hiệu ứng cho đoạn solo này. Tôi cảm thấy khá buồn cười khi có nhiều người cho rằng họ có thể thể hiện lại đoạn này với việc bắt chước Gilmour. Thực tế thì cho dù bạn có thể bắt chước tốt cho tới đâu đi nữa, bạn cũng không bao giờ có thể bắt chước được tính cách và con người Gilmour." Trình diễn trực tiếp. Pink Floyd. Trong tour diễn "The Wall" 1980-1981, một bức tường lớn được dựng lên ngay chính giữa sân khấu, ca khúc này đã được trình bày với Roger Waters mặc chiếc áo bác sĩ ở góc bức tường, còn David Gilmour hát và chơi guitar ở phía trên của bức tường này với phần ánh sáng nền tập trung vào anh. Theo Gilmour, phần solo này là đoạn hiếm hoi mà anh có thể gây bất ngờ mỗi khi tham gia trình diễn trực tiếp: ""Tôi phải nói đó là một cảm giác tuyệt vời, khi đứng ở trên cao đó, còn Roger thì hát đoạn của anh ấy, tôi thì đứng đó và chờ đợi. Tôi đứng trong bóng tối nên không một ai biết rằng tôi đang ở đó. Và Roger nhẹ giọng và kết thúc đoạn của mình, tôi bắt đầu phần của tôi với tất cả mọi thứ. Cả khán phòng hẳn đã ngó từ trên xuống dưới, trái qua phải, và đột nhiên ánh sáng bật lên và tất cả họ đều hướng đầu lên phía trên rồi ở đó có tất cả mọi thứ họ tìm. Buổi tối nào cũng có một tiếng "[gasp!]" của khoảng 15.000 người."" Sau khi Waters rời nhóm, Gilmour đã chỉnh sửa lại đoạn vào theo phong cách "grungy" hơn mà anh mong muốn. Phần vào này được cấu trúc bởi tận 3 đoạn bè chứ không cố gắng bắt chước cách thể hiện của Waters. Trong những năm 1987-1988 và 1944, đoạn này được hát bởi Richard Wright, Guy Pratt và Jon Carin. Tháng 12 năm 1988, bản video của ca khúc này trong liveshow "Delicate Sound of Thunder" đạt vị trí số 11 tại Top 20 Video Countdown của MTV. Video ngắn hơn 2' so với bản trong album và lựa chọn một góc quay khá đặc biệt. Một bản 10-phút của ca khúc này đã được trình diễn tại Earls Court, London vào ngày 20 tháng 10 năm 1994 trong tour diễn "The Division Bell". Bộ phim "Pulse" sau này đã cắt một đoạn kết solo dài 1'14" và chỉ có những người xem pay-per-view mới có thể được xem đầy đủ bản gốc. Pink Floyd, với cả Waters, đã tái hợp trong buổi trình diễn Live 8 tại Hyde Park, London vào tháng 6 năm 2005. "Comfortably Numb" là ca khúc cuối cùng trong số 4 ca khúc mà họ trình diễn. David Gilmour. Gilmour luôn trình diễn ca khúc này trong mọi chuyến lưu diễn của mình. Năm 1984 trong tour diễn quảng bá album "About Face" của mình, Gilmour đã hát ca khúc dưới tên "Come On Big Bum". Phần đọc hát ở đoạn vào được phụ trách bởi Gregg Dechart và Mickey Feat. Trong những năm 2001 và 2002, phần hát này được đảm trách bởi rất nhiều ca sĩ khác nhau, như Robert Wyatt, Kate Bush hay Durga McBroom, đặc biệt là Bob Geldof – người thủ vai Pink trong bộ phim "The Wall". Năm 2006, David Gilmour đã hát lại ca khúc này trong buổi hòa nhạc với Dàn nhạc Giao hưởng Baltic trong đó phần của dàn nhạc đã được chỉnh sửa nhiều bởi băng thâu và máy chỉnh âm. Phần trình diễn sau này được cho vào trong album "Live in Gdańsk". Ngày 29 tháng 5 năm 2007 tại Royal Albert Hall, David Bowie trong vai trò khách mời đã thể hiện phần hát của Waters. Ngày hôm sau, Richard Wright là người hát phần này. Cả hai phần hát này đều nằm trong video nổi tiếng sau này của Gilmour, "Remember That Night". Roger Waters. Sau khi chia tay Pink Floyd, Waters đã hát lại "Comfortably Numb" trong tour diễn năm 1990 của mình "The Wall – Live in Berlin" vào ngày 21 tháng 7. Chương trình được thực hiện nhằm chào mừng sự sụp đổ của Bức tường Berlin. Waters vẫn hát đoạn vào của mình, còn Van Morrison phụ trách phần của Gilmour, phần hát nền do Rick Danko và Levon Helm của The Band thể hiện, còn các đoạn guitar solo được chơi bởi Rick Di Fonzo và Snowy White, phần giai điệu nền được chơi bởi dàn nhạc và hợp xướng Rundfunk. Phần trình bày này được đưa vào làm nhạc phim cho tác phẩm đoạt giải Oscar năm 2006, "The Departed", của đạo diễn Martin Scorsese. Nó cũng xuất hiện trong một tập của serie "The Sopranos" dưới tên "Kennedy and Heidi", khi Christopher Moltisanti bật nghe nhạc phim của "The Departed" trong xe hơi trước khi bị tai nạn. Phần hát này cũng nằm trong album biên tập năm 2007 của Morrison – "Van Morrison at the Movies – Soundtrack Hits". Waters cũng trình bày ca khúc này trong nhạc hội Guitar Legends ở Tây Ban Nha vào năm 1991 (với phần hát được thể hiện bởi Bruce Hornsby), sau đó là chương trình từ thiện Walden Woods ở Los Angeles năm 1992 (với phần hát của Don Henley). Trong suốt những năm 90, Doyle Bramhall II và Snowy White là những nghệ sĩ phụ trách phần hát và guitar solo của Gilmour, sau đó Chester Kamen đã thay thế Bramhall vào năm 2002. Trong những năm 2006-2007, phần hát của Gilmour được thể hiện bởi Jon Carin và Andy Fairweather-Low, trong khi phần guitar được dành cho Dave Kilminster và White. Trong tour diễn The Wall Live, Robbie Wyckoff phụ trách phần hát còn Dave Kilminster phụ trách phần guitar solo; và cả hai cùng đứng phía trên cùng của bức tường như phần thể hiện gốc của ca khúc. Ngày 12 tháng 5 năm 2011 tại London O2 Arena, David Gilmour đã bất ngờ xuất hiện để hát vầ chơi guitar ở vị trí đó như lần trình diễn ở Earls Court năm 1994. Đây là một trong những phần trình diễn đáng nhớ nhất của cả hai khi ở cuối ca khúc, Waters đã tìm tới màn chiếu bức tường, đấm thật mạnh khiến bức tường vỡ tung để hiện lên những tia sáng vô vàn màu sắc khi tới đoạn kết thúc. Ở buổi diễn 12-12-12: The Concert for Sandy Relief, Eddie Vedder là người hát đoạn của Gilmour cùng với Waters. Các bản hát lại. Một bản hòa tấu cổ điển của "Comfortably Numb", hòa âm bởi Jaz Coleman, và được trình bày bởi Dàn nhạc Giao hưởng London, chỉ huy bởi Peter Scholes, đã xuất hiện trong album nhạc hòa tấu "". Rất nhiều album tri ân Pink Floyd đã hát lại ca khúc này, trong đó có "Rebuild The Wall" (2001) của Luther Wright and the Wrongs, "A Fair Forgery of Pink Floyd" (2003) của Graham Parker, "Back Against the Wall" (2005) của Billy Sherwood cùng với 2 thành viên của Yes là Chris Squire và Alan White, "Pink Floyd Redux" (2006) của Sarah Slean, Mostly Autumn và Heather Findlay. Nhóm The Sisters of Mercy cũng hát ca khúc này trong rất nhiều buổi diễn của mình, chẳng hạn như buổi diễn ở Brixton Academy. London ngày 10 tháng 7 năm 1997. Ban nhạc Gregorian cũng đã thu ca khúc này trong album "Masters of Chant Chapter V" (2006). Staind cũng đã hát bản acoustic của ca khúc này trong album tuyển tập "The Singles 1996→2006". Bruce Hornsby trình diễn "Comfortably Numb" như một phần cho liên khúc cùng ca khúc "Fortunate Son" trong DVD năm 2005 của mình "Three Nights on the Town". Dar Williams cũng từng hát ca khúc này trong album 2005 "My Better Self". Scissor Sisters đã từng bè lại ca khúc này theo phong cách disco và phát hành vào tháng 1 năm 2004. Ấn bản đạt vị trí số 10 ở UK Singles Chart, và trở thành bản hát lại thành công nhất của "Comfortably Numb" tại Anh. David Gilmour và Nick Mason đều thích ấn bản này, Roger Waters thì chúc mừng thành công của Scissor Sisters cho dù phần lời đã có vài thay đổi ("a distant ship's smoke on the horizon" được sửa thành "a distant ship floats on the horizon"). Trưởng nhóm Jake Shears đã từng định mời Gilmour tới hát cùng ban nhạc vào năm 2006 song cuối cùng ý tưởng lại thất bại. Bản thu này giành được đề cử cho Giải Grammy cho Thu âm nhạc dance xuất sắc nhất, tuy nhiên lại thua trước "Toxic" của Britney Spears. Dream Theater cũng từng hát trực tiếp ca khúc này cùng Queensryche và phát hành nó trong bootleg "Dark Side of the Moon" vào năm 2006. Từ năm 2008, Van Morrison bắt đầu đưa ca khúc này vào một vài buổi trình diễn trực tiếp của mình, với việc song ca với bản thu mà ông từng hát cùng với Waters trong tour diễn The Wall ở Berlin năm 1990. Sau khi trình diễn ở Massey Hall, Toronto, Canada, Morrison nói: ""Tôi mong rằng các bạn thích nó. Tôi không bị chết lặng ("numb"), và tôi cũng không cảm thấy hài lòng ("comfortable")."" Nhóm Collide cũng từng thu ca khúc này trong album "These Eyes Before" (2009).
1
null
Trường Trung học phổ thông Công nghiệp Việt Trì là một trường Trung học phổ thông công lập của tỉnh Phú Thọ, ngày nay tọa lạc tại Khu đô thị Nam Đồng Mạ, phường Thanh Miếu, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Lược sử. Ngày 29 tháng 3 năm 1973, theo Quyết định của UBND tỉnh Vĩnh Phú, Trường THPT Công nghiệp Việt Trì được thành lập với tiền thân là Trường Bổ túc văn hóa vừa học, vừa làm. Ngày mới thành lập, trường tọa lạc tại đồi Gầu thuộc xã Dữu Lâu, thành phố Việt Trì với 4 lớp, 217 học sinh và 8 cán bộ, giáo viên. Năm học đầu tiên 1973 - 1974, trường tuyển sinh 113 học sinh vào lớp 8 (lớp 10 hiện nay). Trong những năm đầu mới thành lập, cơ sở vật chất của nhà trường còn rất khó khăn, thiếu thốn, lớp học là nhà tranh vách nứa. Trải qua hơn nửa thế kỷ, do yêu cầu phát triển giáo dục của tỉnh và thành phố, trường đã ba lần chuyển địa điểm: Năm 1976, trường chuyển về đồi Kê thuộc phường Thanh Miếu (nay là Trường Trung học cơ sở Lý Tự Trọng). Đến năm 1990, trường chuyển về phố Việt Thắng, phường Thanh Miếu, thành phố Việt Trì. (ngày nay là Trường THPT Trần Phú) Ngày 15 tháng 10 năm 2012, trước thềm kỷ niệm 40 năm thành lập, trường chính thức chuyển về cơ sở mới tại Khu đô thị Nam Đồng Mạ, phường Thanh Miếu, thành phố Việt Trì. Từ quy mô nhỏ lẻ với ban đầu là những lớp bổ túc văn hóa, đến nay quy mô nhà trường luôn phát triển ổn định. Năm học 2022-2023, trường có 22 lớp, 871 học sinh. Đội ngũ cán bộ, giáo viên 100% có trình độ đào tạo đạt chuẩn, 18 giáo viên (26,9%) có trình độ thạc sĩ; 62,1% giáo viên được công nhận là giáo viên dạy giỏi các cấp, 63,6% giáo viên là chiến sĩ thi đua các cấp. Cơ sở vật chất của nhà trường khang trang, sạch đẹp với những phòng học cao tầng, nhà lớp học bộ môn, thư viện được trang bị đầy đủ, hiện đại, đáp ứng tốt cho việc học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học của giáo viên và học sinh. Đảng bộ nhà trường với 4 chi bộ trực thuộc, 58 đảng viên (chiếm 86,6% biên chế). Nhiều năm liền Đảng bộ được công nhận hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Các tổ chức đoàn thể trong trường đều được công nhận là đơn vị vững mạnh. Từ mái trường này, đã có trên 21.170 học sinh được đào tạo với trên 7.000 học sinh tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng trở thành những công nhân, kỹ sư, bác sĩ, giáo viên, nghệ sĩ, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nhân,… Trong số đó có nhiều học sinh đã trở thành cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước với các cương vị quan trọng ở các lĩnh vực: Kinh tế, chính trị, văn hóa, quân sự, khoa học, giáo dục, nghệ thuật,… Hiệu trưởng Nhà trường (từ tháng 8/2023 - nay) là Tiến sỹ Nguyễn Xuân Quỳnh, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Việt Trì.
1
null
Vườn quốc gia Iguazú là một vườn quốc gia của Argentina, nằm ​​trong bộ Iguazú, ở phía bắc của tỉnh Misiones, vùng Argentina Mesopotamia. Nó có diện tích là 550 km2 (212 sq mi). Lịch sử. Vườn quốc gia được thành lập vào năm 1934 và nơi đây chứa đựng một trong những vẻ đẹp tự nhiên lớn nhất của Argentina, thác Iguazu, bao quanh bởi các khu rừng cận nhiệt đới. Qua sông Iguazu là phần lãnh thổ của Brazil (thuộc vườn quốc gia Iguaçu). Cả hai vườn quốc gia đã được tuyên bố là di sản thế giới của UNESCO vào năm 1984 và 1986. Khu vực vườn quốc gia là nơi sinh sống 10.000 năm trước của những người thu lượm săn bắn thuộc nền văn hóa "Eldoradense". Tiếp theo đó là những người Guarani, người đã đưa công nghệ nông nghiệp mới, và đã bị di dời bởi những người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha vào thế kỷ 16, mặc dù di sản của họ vẫn còn sống trong khu vực này (tên của công viên và sông là Guarani y guasu, "nước lớn"). Người đầu tiên khám phá ra khu vực này là Alvar Núñez Cabeza de Vaca, vào năm 1542, sau đó là những người dòng Tên vào năm 1609. Động thực vật. Vườn quốc gia nằm trong vùng sinh thái rừng Đại Tây Dương Alto Paraná [1]. Hệ động vật của nơi đây bao gồm một số loài có nguy cơ tuyệt chủng như: báo đốm, mèo cây châu Mỹ, heo vòi Nam Mỹ, mèo gấm Ocelot, vẹt xanh, thú ăn kiến​​, Cracidae, đại bàng Harpy và cá sấu Caiman. Một số loài cũng có thể tìm thấy ở đây như các loài chim: yến và chim Toucan, động vật có vú như "Nasua nasua", và sự đa dạng của các loài bướm. Sông Iguazú kết thúc đổ vào sông Paraná, cách thác Iguazu 23 km, sau một quá trình chảy dài 1320 km. Bên trong vườn quốc gia, thác nước tạo thành một hình chữ U lớn. Các đảo nhỏ trên thác có mật độ cao của các loài thực vật bao gồm cả Vông mồng gà, là quốc hoa của Argentina. Hệ thực vật cũng bao gồm cả "tabebuia heptaphylla" và "tabebuia pulcherrima" (họ Bignoniaceae), cũng như cọ và "Aspidosperma polyneuron" cao tới 40 mét (họ Apocynaceae).
1
null
John "(Johannes, Ioannes)" Duns Scotus (khoảng 1266-8 tháng 11 năm 1308) là một trong những triết gia - nhà thần học quan trọng nhất của thời Trung kỳ Trung Cổ. Người ta biết rất ít về gia đình và tuổi trẻ của Scotus. Ông sinh ra ở Scotland, học ở một trường dòng Francis Oxford khi trường này đang trong quá trình hình thành, sau đó giảng dạy ở Đại học Paris. Ông mất ở Köln, Đức. Scotus có ảnh hưởng đáng kể cả đối với tư tưởng Công giáo lẫn thế tục. Các giáo điều của ông được biết đến nhiều nhất là tính "đồng vọng của sinh thể" (univocity of being), hẳn là một trong những khái niệm trừu tượng nhất mà chúng ta từng có, áp dụng cho mọi vật hiện hữu, tính "khác biệt hình thức", cách thức phân biệt giữa những khía cạnh của cùng sự vật; và ý tưởng về "thứ hiện chỉ" (thisness hay haeccity), thuộc tính mà mỗi cá thể sự vật được cho là có để khiến nó là cá thể. Scotus cũng phát triển một lập luận rất phức tạp về sự tồn tại của chúa, và biện luận ủng hộ giáo lý về thụ thai tinh khiết của Maria. Lối suy nghĩ xuyên suốt và tinh tế của ông khiến ông được gọi bằng danh hiệu "Doctor Subtilis". Tuy nhiên, các triết gia ở thế kỷ 16 chê bai các tác phẩm của ông, cho ông là ngụy biện. Do đó tên của ông trở thành nguồn gốc của từ dunce trong tiếng Anh chỉ người đần độn không thể học hành. Cuộc đời. Duns Scotus được sinh ra tại Duns, Scotland. Sau khi khi thụ phong chức linh mục của Northampton của nước Anh, ông đi vào nghiên cứu và giảng dạy ở Oxford, Paris và có lẽ là cả ở Cambridge nữa. Cuối đời, ông đến Cologne, một thành phố của Đức để sinh sống. Ông mất ở đó, được chôn cất trong giáo đường Minorite. Trên quan tài của ông có khắc dòng chữ như sau: Câu này có nghĩa là: Sự nghiệp. Tóm tắt chung. Nói chung Duns Scotus là một nhà triết học và thần học xuất sắc. Ông được coi là một trong những nhà thần học quan trọng nhất của dòng Phanxicô. Ông cũng nhận được nhiều lời khen cũng như những lời chê bai. Blaise Pascal đã ca ngợi ông một trí óc tế nhị vì khả năng hòa hợp hòa hợp những cái khác biệt một cách tinh tế. Qua lời khen tặng đó của Pascal, ta không ngạc nhiên khi ông được gọi là "tiến sĩ sâu sắc, tế nhị". Tuy nhiên, những người sau Pascal lại đánh giá ông hoàn toàn khác. Họ có phần khắt khe đối với nhà triết học Scotland. Và có không ít người đã dùng tên ông để tạo ra từ "dunce". Từ này có nghĩa trong tiếng Anh là người ngu đần. Nó được tạo ra để chế giễu những học trò của ông. Những nét chính. Triết học. Tri thức luận. Duns Scotus đã thừa nhận một vài điều có trong triết học của Aristotle, đồng thời chấp nhận việc phải có những nguyên lý tiên thiên cho khái niệm, những nguyên lý mà ông gắn cho đó là của Augustine xứ Hippo. Tuy nhiên, không ai trong số hai nhà triết học này có thể làm vừa lòng Scotus, bởi vì một lẽ: Scotus cho rằng họ đã không đem đến một sự chắc chắn về tri thức của con người. Để giải quyết điều đó, ông đã chia sự chắc chắn thành 4 cấp độ khác nhau: Nhìn vào sự diễn giải này, ta có thể thấy Scotus đang cố gắng làm điều gì đó để không cho chủ nghĩa hoài nghi làm xa rời niềm tin và chủ thể của nó. Tri thức trực giác là tri thức bất khả nghi vì nó là một cái gì đó hiện hữu, cụ thể hơn là "chính xác về một đối tượng đang hiện diện (được nhận biết) như đang hiện diện và về một đối tượng hiện hữu (được nhận biết) như hiện hữu". Hơn nữa, đối tượng của tri thức là nguyên nhân của tri thức. Giả sử nếu bạn nhìn thấy Sokrates là người đàn ông da trắng thì, theo Scotus, tri thức trực giác của bạn gồm Sokrates và nước da trắng của ông. Duns Scotus cũng nói về một đặc điểm nữa của một số tri thức trực giác. Đó là bất toàn về quá khứ , có thể hơn tri thức trừu tượng nhưng lại không bằng tri thức trực giác hiện tại. Vấn đề này có vẻ không đáng tin. Scotus còn nêu lên quan điểm phản đối các nhà triết học thuộc chủ nghĩa duy lý. Những người này cho rằng, bản thân triết học là đầy đủ, thỏa mãn khao khát hiểu biết của con người. Scotus đã lập luận rằng thứ triết học kiểu Aristotle không thể nào hiểu hoàn toàn thân phận của con người vì nó đã không đề cập đến sự sa ngã và ân sủng. Theo ông, sự hạn chế lớn của triết học Aristotle đó là không thể chối cãi được việc Thượng đế xuất hiện như nguyên nhân số một của việc hình thành vũ trụ. Và để giải quyết điều này, Scotus đã đưa ra cách chứng minh mang tính chất siêu hình, ông có thêm lập luận của Anselm xứ Canterbury để nó thêm phần xác đáng. Scotus suy nghĩ rằng ý niệm hoàn hảo nhất về Thương đế không phải là nguyên nhân đệ nhất hay hữu thể tự thân mà là hữu thể vô cùng. Scotus đã đi ngược lại những người Hy Lạp thời cổ đại và những người Ả Rập trước và cùng thời ông khi cho rằng vũ trụ là bất tất, phải phụ thuộc vào ý chí của Thượng đế, chứ không phải những nguyên nhân tất yếu mới làm nên vấn đề. Các phổ biến niệm theo suy nghĩ của ông là những thứ trừu tượng, nhưng có những bản tính chung. Những bản tính chung là có thực và có quy luật riêng. Cá thể tính được sinh ra do thực tại tích cực gia tăng, khiến bản tính chung thuộc quyền sở hữu của một cá thể. Đó là cái mà Scotus gọi là "sự khác biệt cá thể" hay "cái này". Ưu thế của ý chí. Đây là tư tưởng nổi bật nhất trong triết học của Scotus. Ông tỏ ra không hài lòng với triết học của Thomas Aquinas. Scotus cho rằng thuyết duy trí của Thomas là một thuyết tất định, tức là nếu lý trí là quan năng cao siêu nhất thì duy trí đã hạn chế tính cá nhân của con người. Nó chỉ có vẻ ngoài, chứ không có nội dung, của một triết lý công giáo đích thực. Tiếp theo, ông lại lập luận rằng tự do ý chí không chỉ là hệ quả của lý trí, mà là tác động duy nhất thuộc bản tính con người.
1
null
Huy chương Sylvester là một huy chương đồng do Hội Hoàng gia Luân Đôn trao tặng để khuyến khích nghiên cứu khoa học, đi kèm với giải thưởng 1000 bảng Anh. Nó được đặt theo tên James Joseph Sylvester, Giáo sư Savilian về Hình học ở Đại học Oxford những năm 1880. Giải thưởng được đề xuất bởi Raphael Meldola và những người bạn khác của Sylvester tại Hội Hoàng gia sau cái chết của ông này vào năm 1897. Nó được trao 3 năm một lần, bắt đầu từ năm 1897 Hội Hoàng gia thông báo từ năm 2009 giải sẽ được trao hai năm một lần và dành cho những nhà khoa học ở chặng đầu hoặc giữa sự nghiệp thay vì những nhà toán học nổi tiếng. Cho tới năm 2008, có 36 huy chương đã được trao, trong đó có 27 người nhận giải là công dân Anh, và có một phụ nữ duy nhất (Mary Cartwright). Danh sách người được giải. Dưới đây là danh sách đầy đủ những người được Huy chương Sylvester:
1
null
Toucan là thành viên của họ Ramphastidae bao gồm các loài chim gần gũi với sẻ từ Neotropics. Ramphastidae liên quan chặt chẽ nhất với họ Capitonidae. Chúng bao gồm các loài chim có màu sáng, đốm lớn, đầy màu sắc. Họ này bao gồm 5 chi với khoảng 40 loài khác nhau. Tên của nhóm chim này có nguồn gốc từ tiếng Tupi là "tukana", thông qua tiếng Bồ Đào Nha . Họ này bao gồm chim Toucan và chim Aracari, họ hàng xa hơn bao gồm các họ khác nhau của chim gõ kiến.
1
null