text
stringlengths
1
148k
label
int64
0
2
__index_level_0__
int64
0
113k
Lã Toản () (?-401), tên tự Vĩnh Tự (永緒), gọi theo thụy hiệu là (Hậu) Lương Linh Đế ((後)涼靈帝), là một hoàng đế của nước Hậu Lương trong lịch sử Trung Quốc. Ông là con trai cả của hoàng đế khai quốc Lã Quang song lại không phải là người thừa kế hợp pháp do ông không phải được Thạch vương hậu sinh ra. Sau khi Lã Quang chết vào khoảng tết năm 400, ông đã chiếm lấy ngai vàng từ tay em trai là Lã Thiệu trong một cuộc chính biến. Lã Toản được coi là một vị tướng giỏi về sách lược, song lại không khéo léo trong chiến lược tổng thể. Dưới thời ông trị vì, Hậu Lương tiếp tục suy sụp so các cuộc tấn công của Bắc Lương và Nam Lương. Mặc dù vậy, Lã Toản vẫn tiếp tục bận rộn với việc săn bắn và những thứ không quan trọng khác. Năm 401, ông bị ám sát bởi một người anh em họ tên là Lã Siêu (呂超), người này sau đó ủng hộ anh trai mình là Lã Long lên ngôi hoàng đế. Dưới thời Lã Quang trị vì. Lã Toản được mô tả là ưa thích các bài tập về bắn cung, cưỡi ngựa, và săn bắn khi ông còn trẻ, khi còn là một tu sinh tại kinh thành Trường An của Tiền Tần trong thời gian Phù Kiên trị vì, ông đã không hiếu học. Khi Tiền Tần sụp đổ bởi nhiều cuộc nổi loạn vào các năm 384 và 385, Lã Toản ban đầu chạy trốn đến Thượng Khuê (上邽, nay thuộc Thiên Thủy, Cam Túc), và sau đó đến Cô Tang (姑臧, nay thuộc Vũ Uy, Cam Túc), nơi cha của ông đã lập nên nước Hậu Lương và định đô. Năm 392, Lã Toản là một trong các tướng của cha trong chiến dịch chống lại vua Khất Phục Càn Quy của nước Tây Tần, Lã Toản đã không thành công trong cuộc tấn công Khất Phục Càn Quy của mình. Năm 397, Lã Quang, khi này đã xưng đế, đã cử con trai Lã Toản (lúc đó là Thái Nguyên công) cùng với em trai Lã Diên (呂延) đi đánh Khất Phục Càn Quy do người này trước đó đã chấp thuận trở thành chư hầu song sau lại thay đổi. Ban đầu, Lã Toản đã chiến thắng và chiếm được Kim Thành (金城, nay thuộc Lan Châu, Cam Túc), song sau khi thúc phụ bị đánh bại và bị giết khi rơi vào bẫy của Khất Phục Càn Quy, Lã Toản đã buộc phải rút lui. Trong suốt thời gian trị vì còn lại của Lã Quang, Lã Toản trở thành một tướng lĩnh được cha trông cậy vào nhiều nhất. Năm 397, khi tướng Hung Nô là Thư Cừ Mông Tốn nổi loạn, Lã Quang đã cử Lã Toản đi đánh dẹp, Lã Toản ban đầu giành được thắng lợi trước Thư Cừ Mông Tốn và buộc ông ta phải chạy trốn. Tuy nhiên, sau khi một người anh em họ của Thư Cừ Mông Tốn tên là Thư Cừ Nam Thành (沮渠男成) thuyết phục viên quan Đoàn Nghiệp tham gia cùng mình và lập nên nước Bắc Lương, Lã Quang đã phải đối mặt với một cuộc nổi loạn nghiêm trọng ở chính kinh thành Cô Tang của tướng Dương Quỹ (楊軌) và pháp sư Quách Nôn (郭黁). Lã Toản trong lúc này đang bao vây kinh thành Kiến Khang (建康, nay thuộc Trương Dịch, Cam Túc), đã buộc phải rút quan để đánh Dương Quỹ và Quách Nôn, điều này đã cho phép đất nước non trẻ của Đoàn Nghiệp tiếp tục tồn tại. Năm 398, Lã Toản và em trai là Lã Hoằng (呂弘) hội quân và đánh bại Dương và Quách, buộc họ phải đến đầu hàng Nam Lương và Tây Tần, tương ứng. Năm 399, Lã Toản cùng với em trai là Lã Thiệu (thái tử của Lã Quang), tiến đánh Bắc Lương, họ giành được thắng lợi ban đầu song sau khi vua Thốc Phát Ô Cô của Nam Lương cử Dương Quỹ và Thốc Phát Lợi Lộc Cô đến viện trợ cho Bắc Lương, Lã Toản và Lã Thiệu buộc phải lui quân. Chính biến. Khoảng tết năm 400, Lã Quang lâm bệnh nặng. Ông ta đã lệnh cho Lã Thiệu lên ngôi với tước hiệu "Thiên vương", còn mình thì trở thành Thái thượng hoàng. Lã Toản được giao phụ trách việc binh còn Lã Hoằng phụ trách về triều chính. Lã Quang đã bảo ba người phải thống nhất với nhau, rằng Lã Thiệu cần tin tưởng các anh trai. Ông ta cũng bảo Lã Toản và Lã Hoằng rằng dù Lã Thiệu có thể không có tài song vẫn là người kế thừa hợp pháp, và họ nên giúp đỡ em trai với lòng trung thành. Lã Quang qua đời ngay sau đó. Ban đầu, Lã Thiệu đã không lập tức thông báo về cái chết của cha do lo sợ rằng kẻ thù sẽ tấn công, song Lã Toản đã phá cửa và dùng vũ lực để tiến vào hoàng cung và than khóc. Lã Thiệu cảm thấy lo sợ và nhường ngôi vị lại cho Lã Toản song Lã Toản từ chối. Một người anh em họ của Lã Thiệu tên là Lã Siêu (呂超) sau đó đã bí mật đề xuất rằng Lã Thiệu nên cho bắt giữ và giết chết Lã Toản song Lã Thiệu đã từ chối. Tuy nhiên, ngay sau đó, Lã Thiệu đã cử Khương Kỉ (姜紀) đến thuyết phục Lã Toản nhận lấy ngai vàng. Sau đó, đến tối, Lã Toản đã dẫn tư binh tiến đánh hoàng cung, Lã Hoằng cũng tham gia cùng ông. Các cận binh của Lã hiệu ban đầu vẫn kháng cự và một người trong số họ là Tề Tòng (齊從), đã dùng kiếm tấn công vào đầu của Lã Toản song không giết được ông. Lã Siêu cũng cố gắng giúp đỡ cho Lã Thiệu song quân của họ vì lo sợ Lã Toản nên đã sụp đổ. Lã Thiệu chạy đến một cung điện và tự sát. Lã Toản lên ngôi. Trị vì. Lã Toản ban đầu ủy thác toàn bộ việc triều chính cho Lã Hoằng, và cũng đã cố thể hiện sự rộng lượng bằng việc tha cho Tề Tòng và Lã Siêu. Tuy nhiên, Lã Toản và Lã Hoằng ngay sau đó đã nghi ngờ lẫn nhau, và đến mùa xuân năm 400, Lã Hoằng đã nổi loạn. Lã Toản đã đánh bại cuộc nổi loạn của Lã Hoằng, và cho phép quân đội của mình cướp bóc ngay cả kinh thành Cô Tang, ban thưởng phụ nữ ở huyện Đông Uyển (東苑, nửa phía đông Cô Tang) cho quân lính của ông, bao gồm cả vợ và các con gái của Lã Hoằng. Mặc dù sau đó ông đã hạ giảm và hủy bỏ những lệnh này theo đề nghị của Phòng Quỹ (房晷) song hậu quả đã xảy ra. Lã Hoằng sau đó bị bắt khi đang trên đường tới Nam Lương, Lã Toản đã cho hành hình em trai một cách tàn nhẫn. Cũng trong năm 400, Lã Toản lập vợ mình làm Hoàng hậu. Lã Toản ngay sau đó đã thực hiện một chiến dịch chống lại Nam Lương (lúc này đang do Thốc Phát Lợi Lộc Cô cai trị) song ông đã bị Thốc Phát Nục Đàn đánh bại. Đến mùa hè, ông bắt đầu một chiến dịch khắc nhằm vào Bắc Lương và đạt được thành công bước đầu, ông đã bao vây được tân đô của Bắc Lương là Trương Dịch (張掖, nay thuộc Trương Dịch, Cam Túc), song đúng như lời dự đoán của Khương Kỉ (姜紀), người trước đó đã khuyên ông không nên thực hiện chiến dịch, Thốc Phát Nục Đàn đã thực hiện một cuộc tấn công lớn và thậm chí đã vào được thành Cô Tang trước khi rút lui, buộc Lã Toản phải kết thúc chiến dịch chống lại Bắc Lương. Mặc dù có những thất bại trong quân sự, Lã Toản lại dành nhiều thời gian cho việc uống rượu và săn bắn. Khi viên quan Dương Dĩnh (楊穎) cố thuyết phục ông thay đổi cách thức sinh hoạt của mình, ông đã cảm tạ và tạ lỗi với Dương Dĩnh song vẫn không thể thay đổi được các thói quen này. Năm 401, Lã Siêu trong khi không có sự chấp thuận từ trước của Lã Toản, đã tiến đánh tộc trưởng Tiên Ti là Tư Bàn (思盤). Tư Bàn đã cử em trai Khất Trân (乞珍) đến phản đối với Lã Toản, và Lã Toản đã triệu hồi cả Lã Siêu và Tư Bàn về Cô Tang. Đến khi Lã Toản gặp gỡ hai người, ông đã dọa giết Lã Siêu song việc này chỉ đơn thuần là hù dọa. Ông sau đó tổ chức một bữa tiệc cho Lã Siêu và Tư Bàn, có ý định để hai người giảng hòa. Trong bữa tiệc, một huynh đệ của Lã Siêu là Lã Long đã liên tục dâng rượu cho Lã Toản, và vì thế Lã Toản đã say rượu từ sớm. Ông ngồi trên một chiếc xe và cho Lã Siêu cùng Tư Bàn đi một vòng quanh hoàng cung. Khi chiếc xe đến một ngưỡng cửa giữa hai cung, nó đã không thể vượt qua, và các cận binh của Lã Toản là Đậu Xuyên (竇川) và Lạc Đằng (駱騰) đã bỏ gươm ra theo lệnh để nâng chiếc xe lên. Khi họ làm theo, Lã Siêu đã lấy gươm của họ và tấn công Lã Toản. Lã Toản cố gắng chống lại Lã Siêu song vì không có vũ khí nên Lã Siêu đã có thể đâm ông. Cả Đậu Xuyên và Lạc Đằng đều cố gắng chống lại Lã Siêu song cũng bị Lã Siêu giết chết. Dương Hoàng hậu đã cố gắng huy động các cận binh để chống lại Lã Siêu, song các cận binh đã nhanh chóng bỏ rơi bà, và Lã Siêu sau đó đã lập Lã Long làm hoàng đế. Đầu của Lã Toản bị cắt và bêu trước người dân, song ông vẫn được truy phong thụy hiệu hoàng đế.
1
null
Gián châu Á (danh pháp hai phần: Blattella asahinai) là một loài gián thuộc họ Blattellidae. Gián châu Á sinh sống ở đảo Okinawa, Nhật Bản. Loài này dài khoảng 15 mm. Gián châu Á là gần giống với con gián Đức (Blattella germanica) trừ vài sự khác biệt hình thái học. Giống như con gián Đức, nó dài 1,6 cm, có màu nâu vàng nhạt. Tuy nhiên, đôi cánh của nó dài hơn gián Đức, và có một sự khác biệt giữa một rãnh ở vùng bụng giữa hai loài. Ngoài ra còn có sự khác biệt khác. Cách nhanh nhất để biết sự khác biệt giữa hai loài là con gián châu Á đó là gián châu Á là một loài bay mạnh mẽ (giống như một con bướm đêm) và bị thu hút bởi ánh sáng, không giống như con gián Đức. Loài này có xu hướng thích ở ngoài trời, trong khi Đức gián thích sống trong nhà. Phân bố. Gián châu Á được tìm thấy ở vùng khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới, và lần đầu tiên được xác định tại Hoa Kỳ năm 1986 tại Lakeland, Florida. Nó đã mở rộng suốt nhiều của Florida và đang lan rộng vào các tiểu bang miền nam khác. Ngoài Florida, nó được báo cáo ở Alabama, Georgia, Nam Carolina và Texas. Dân số của nó đạt đến đỉnh cao của nó trong cuối tháng 8 và sự sụt giảm nhanh chóng với sự khởi đầu của thời tiết mát mẻ (Snoddy và Appel 2007). Trong điều kiện thời tiết bất lợi như điều kiện thời tiết lạnh hoặc khô gián châu Á sẽ đào hang xuống dưới lớp rác lá rụng (Snoddy và Appel 2007).
1
null
Lã Thiệu () (?-400), tên tự Vĩnh Nghiệp (永業), gọi theo thụy hiệu là (Hậu) Lương Ẩn Vương ((後)涼隱王), là một hoàng đế có thời gian trị vì ngắn ngủi của nước Hậu Lương trong lịch sử Trung Quốc. Dù không phải là con trai cả của hoàng đế khai quốc Lã Quang song ông vẫn được coi là người kế thừa hợp pháp vì mẹ ông là vợ chính của vua cha. Không rõ về năm sinh của ông song khi lên ngôi vào năm 400, ông chưa đủ 19 tuổi. Dưới thời Lã Quang trị vì. Khi Lã Quang lập nước Hậu Lương vào năm 386 (ly khai từ chính quyền Tiền Tần), Lã Thiệu và Thạch phu nhân của Lã Quang đã không ở cùng ông, họ khi đó vẫn ở tại kinh thành Trường An của Tiền Tần. Hai người buộc phải chạy trốn đến Cừu Trì khi Trường An thất thủ trước Tây Yên vào năm 385. Đến năm 389, họ cùng với một người anh em của Lã Quang là Lã Đức Thế (呂德世) đến được lãnh thổ của Hậu Lương. Lã Quang lúc đó đang xưng là Tam Hà vương và đã lập Lưu Thiệu làm thế tử. Năm 396, sau khi Lã Quang xưng làm "Thiên vương", Lã Thiệu được lập làm thái tử. Tuy nhiên, Lã Thiệu không phải là con trai cả của Lã Quang. Ông còn có ít nhất hai người anh trai khác là Thái Nguyên công Lã Toản và Thương Sơn công Lã Hoằng (呂弘), cả hai đều được coi là có tài quân sự. Lã Thiệu được coi là người yếu đuối và bất tài, và các kẻ thù của Hậu Lương (gồm Nam Lương và Bắc Lương) đã nắm lấy cơ hội này để tấn công Hậu Lương. Chiến dịch duy nhất mà Lã Thiệu tham gia được ghi lại là một trận vào mùa hè năm 399, khi đó ông và Lã Toản đã tiến đánh vua Bắc Lương là Đoàn Nghiệp. Đoàn Nghiệp cầu viện vua Nam Lương là Thốc Phát Ô Cô. Thốc Phát Lợi Lộc Cô được cử mang viện binh đến, Lã Thiệu và Lã Toản đã buộc phải rút lui. Khoảng tết năm 400, Lã Quang lâm bệnh nặng, ra lệnh cho Lã Thiệu lên ngôi với danh hiệu Thiên vương còn bản thân mình trở thành Thái thượng hoàng. Lã Toản được giao phụ trách việc binh, và Lã Hoằng phụ trách việc triều chính. Lã Quang đã bảo ba người phải thống nhất, và Lã Thiệu nên tin tưởng các anh trai. Ông cũng bảo Lã Toản và Lã Hoằng rằng Lã Thiệu không có tài, nhưng là người kế vị hợp pháp, và rằng họ nên giúp em trai với lòng trung thành. Lã Quang qua đời ngay sau đó. Chính biến và qua đời. Ban đầu, Lã Thiệu đã không lập tức thông báo về cái chết của Lã Quang vì lo sợ rằng các kẻ thù có thể nhân dịp này mà tấn công, song Lã Toản đã phá cửa và dùng vũ lực để tiến vào hoàng cung và than khóc. Lã Thiệu trở nên sợ hãi và nhường ngôi cho Lã Toản song Lã Toản đã từ chối. Một người anh em họ của Lã Thiệu là Lã Siêu (呂超) sau đó đã bí mật thuyết phục Lã Thiệu rằng ông nên bắt và giết chết Lã Toản song Lã Thiệu đã từ chối. Tuy nhiên, ngay sau đó, Lã Thiệu đã cử thuộc hạ là Khương Kỉ (姜紀) đi thuyết phục Lã Toản tiếp nhận lấy ngôi vị. Đến tối, Lã Toản dẫn tư binh tấn công hoàng cung. Lã Hoằng cũng hội quân với ông. Cận binh của Lã Thiệu ban đầu chống lại và một người trong số họ là Tề Tòng (齊從) đã đánh trúng vào đầu của Lã Toản với một thanh kiếm song không thể giết chết ông ta. Lã Siêu cũng cố trợ giúp cho Lã Thiệu, song quân của họ sợ hãi trước Lã Toản và tan rã. Lã Thiệu chạy trốn đến một cung điện và tự sát. Lã Toản lên ngôi và truy phong cho Lã Thiệu thụy hiệu là "vương" chứ không phải "đế".
1
null
Lã Long () (?-416), tên tự Vĩnh Cơ (永基), là hoàng đế cuối cùng của nước Hậu Lương trong lịch sử Trung Quốc. Ông là cháu trai của vị hoàng đế khai quốc, Lã Quang, và ông giành được ngôi vị sau khi em trai mình là Lã Siêu (呂超) giết chết hoàng đế Lã Toản vào năm 401 và trao ngôi vị cho ông. Dưới thời ông trị vì, Hậu Lương bị Bắc Lương và Nam Lương tấn công liên tục và chỉ còn gần như mỗi khu vực kinh thành Cô Tang (姑臧, nay thuộc Vũ Uy, Cam Túc). Năm 403, Lã Long đã quyết định chấm dứt sự tồn tại của đất nước bằng việc dâng Cô Tang cho hoàng đế Diêu Hưng của Hậu Tần. Ông trở thành một quan của Hậu Tần, song sau khi về phe Diêu Bật (姚弼) trong nỗ lực nhằm đoạt lấy vị trí thái tử từ Diêu Hoằng, ông đã bị Diêu Hoằng xử tử sau khi Diêu Hưng chết vào năm 416. Trước khi lên ngôi. Sử sách không biết về cuộc sống ban đầu của Lã Long, và cũng không nhắc gì về người cha Lã Bảo của ông. Ông được mô tả là một người tuấn tú và có tài cưỡi ngựa cùng bắn cung. Trong thời gian trị vì của Lã Quang, ông là một vị tướng, song ông đã không có được sự nổi bật giống như người em trai là Lã Siêu (呂超). Năm 401, Lã Siêu ám sát con trai của Lã Quang là Lã Toản và giết chết em trai của Lã Toản là Lã Vĩ (呂緯), Lã Siêu sau đó đưa Lã Long lên ngôi. Ban đầu Lã Long còn do dự, song Lã Siêu đã so sánh điều này với việc cưỡi một con rồng lên trời và không thể thoát ra được, và Lã Long đã chấp thuận và sử dụng tước hiệu "Thiên vương". Ông phong cho mẹ mình, tức Vĩ phu nhân làm thái hậu, và lập vợ mình làm Hoàng hậu. Ông phong cho Lã Siêu là An Định công và giao phó hầu hết các công việc quân sự và triều chính cho người em trai này. Trị vì. Tuy nhiên, Lã Long thay vì sửa chữa các lỗi lầm trong thời gian Lã Toản trị vì (được coi là bạo lực và chuyên quyền), thì lại tiếp tục cai trị một cách bạo lực và đã thảm sát nhiều gia tộc hùng mạnh trong nước để nhằm thể hiện quyền lực, vì vậy người dân tiếp tục xa lánh triều đình. Sau khi biết được điều này, vào mùa hè năm 401, hoàng đế Diêu Hưng của Hậu Tần đã cử thúc phụ Diêu Thạc Đức (姚碩德) mở một chiến dịch lớn tiến đánh Hậu Lương. Quân Hậu Tần nhanh chóng tiếp cận được Cô Tang và vây thành. Nhiều người không phải dân bản địa ở Cô Tang đã lập kế hoạch nổi loạn để trao thành cho Hậu Tần, song kế hoạch bị phát giác và Lã Long đã cho thảm sát tất cả bọn họ, song do nghe lời thuyết phục của Diêu Thạc Đức, Hậu Lương đã khuất phục Hậu Tần trên danh nghĩa, theo đó Lã Long phải gửi cháu trai và khoảng 50 gia tộc đến kinh thành Trường An của Hậu Tần để làm con tim. Theo sắp xếp của Diêu Thạc Đức, Diêu Hưng đã lập Lã Long làm Kiến Khang công, mặc dù vậy, Lã Long vẫn tiếp tục sử dụng tước hiệu Thiên vương. Diêu Thạc Đức sau dó lui quân. Tuy nhiên, Lã Long tiếp tục bị cả Nam Lương và Bắc Lương tấn công và chỉ sau vài tháng sau khi Diêu Thạc Đức rút quân, Lã Siêu đã phải chịu một thất bại lớn dưới tay tướng Thốc Phát Nục Đàn của Nam Lương. Do các cuộc chiến tranh, Hậu Lương xảy ra một nạn đói nghiêm trọng, đến nỗi có khoảng 100.000 người đã chết đói. Hàng ngày, có hàng trăm cư dân của Cô Tang cầu xin để được ra khỏi thành, thậm chí khi biết rằng họ sẽ bị bắt làm nô lệ. Lã Long đã nổi giận với các hành vi này, ông tin rằng điều này đã khiến cho hình ảnh của đất nước bị hủy hoại, và vì thế hành quyết toàn bộ số người này. Lã Long đã cố gắng thiết lập hòa bình với cả Bắc Lương và Nam Lương, và đến năm 402 ông đã có một thời gian hòa bình ngắn ngủi với cả hai, thậm chí còn nhận được một số viện trợ cứu đói từ vua Thư Cừ Mông Tốn của Bắc Lương. Song hòa bình đã không kéo dài và quân Hậu Tần cũng không có sự giúp đỡ nào. Năm 403, Lã Long đã tuyệt vọng. Trong khi đó, các quan lại của Hậu Tần khuyên Diêu Hưng hãy nắm lấy quyền kiểm soát trực tiếp đối với Hậu Lương, họ tin rằng nếu Lã Long có thể sóng sót sau các biến loạn này thì ông sẽ không còn là chư hầu của Hậu Tần nữa. Diêu Hưng do vậy đã triệu Lã Siêu đến Trường An, có ý muốn lợi dụng sự vắng mặt của người này để buộc Lã Long khuất phục. Khi Lã Long nhận được lệnh, ông đã quyết định chấm dứt tình trạng bị bao vây bằng cách dâng lãnh thổ (lúc này không lớn hơn vùng Cô Tang) cho Hậu Tần. Diêu Hưng cử tướng Tề Nan (齊難) cùng một đội quân lớn đến bảo vệ và hộ tống Lã Long về Trường An. Lã Long nghênh đón quân Hậu Tần và sau đó nói lời từ biệt ở miếu thờ của Lã Quang rồi tới Trường An. Quân Hậu Tần tiếp quản kinh thành, Hậu Lương cũng diệt vong. Làm quan Hậu Tần. Lã Long trở thành một quan của Hậu Tần, và ông sử dụng tước hiệu được Diêu Hưng ban cho là Kiến Khang công. Sử sách ít thuật lại về thời gian ông làm quan cho Hậu Tần. Tuy nhiên, đến cuối thời kỳ trị vì của Diêu Hưng, ông có dính líu đến một âm mưu của Diêu Bật (姚弼) nhằm cướp lấy ngôi vị thái tử từ Diêu Hoằng, và đến năm 416, sau một nỗ lực chính biến thất bại của Diêu Bật, Diêu Bật bị buộc phải tự sát, còn Lã Long và các đồng sự khác thì bị bắt giữ. Diêu Hoằng đã cho xử tử ông cùng với em trai Lã Siêu chỉ một thời gian ngắn sau khi Diêu Hưng qua đời.
1
null
Gián Đức (danh pháp hai phần: Blattella germanica) là một loài gián thuộc họ Blattellidae. Loài gián này dài từ 1.3 cm đến 1.6 cm và có trường hợp lớn hơn. Nó có thể có màu nâu vàng nhạt đến gần như đen, và có hai sọc song song tối chạy từ đầu đến chân cánh. Dù có cánh, nó không thể bay. Loài này được tìm thấy ở các khu định cư của con người. Loài này thường sinh sống ở các nhà hàng, khu vực chế biến thực phẩm, khách sạn và bệnh xá. Trong khu vực khí hậu lạnh hơn, chúng được tìm thấy gần nơi cư trú của con người, vì chúng không chịu được lạnh. Tuy nhiên, gián Đức đã được tìm thấy như xa phía bắc tận Alert, Nunavut, và phía nam tận Patagonia.
1
null
Phương diện quân Leningrad (tiếng Nga: "Ленинградский фронт") là một tổ chức tác chiến chiến lược của Hồng quân Liên Xô trong Thế chiến thứ hai. Lịch sử. Phương diện quân Leningrad được thành lập ngày 27 tháng 8 năm 1941 dựa trên chỉ lệnh của Bộ tổng tư lệnh tối cao Liên Xô (STAVKA) ra ngày 23 tháng 8 năm 1941 về việc chia Phương diện quân Bắc ra thành phương diện quân Karelia và phương diện quân Leningrad. Biên chế gồm các tập đoàn quân 8, 23, 48, các cụm tác chiến Koporskaya, Nam và Slutsk Kolpinsky. Sau đó được bổ sung thêm các tập đoàn quân xung kích 1, 2, 4; cận vệ 6, 10; 3, 13, 15, 20, 21, 22, 42, 51, 52, 54, 55, 59, 67. Nhiệm vụ của phương diện quân là phòng thủ Leningrad ngăn không cho quân Đức chiếm được thành phố này. Ngày 30 tháng 8 năm 1941, phương diện quân được phối thuộc thêm Hạm đội Baltic. Ngày 08 tháng 9 năm 1941, các trận chiến đấu đã diễn ra trong sự phong tỏa Leningrad của quân Đức. Đến cuối tháng 9, các cuộc tấn công của quân Đức tạm dưng. 17 tháng 12 năm 1941, các đơn vị ở cánh trái phương diện quân được tổ chức thành Phương diện quân Volkhov. Một số nỗ lực để giải phóng Leningrad đã không thành công. 25 tháng 11 năm 1942, các đơn vị không quân của phương diện quân Leningrad hợp nhất thành tập đoàn quân không quân 13. Tháng 1 năm 1943, phương diện quân Leningrad cùng với phương diện quân Volkhov đã phá vỡ sự phong tỏa Leningrad của quân Đức, Leningrad lại được nối liền với Liên Xô. Các cuộc tấn công để phá bỏ sự phong tỏa của quân Đức bắt đầu vào năm 1944. 21 tháng 4 năm 1944, các đơn vị ở cánh trái phương diện quân Leningrad được hợp nhất thành Phương diện quân Baltic 3. Các đơn vị của phương diện quân đã giair phóng eo đất Karelia, Vyborg, buộc Phần Lan phải rút khỏi chiến tranh. Tháng 9-11 năm 1944, phương diện quân Leningrad tham gia giải phóng các quốc gia ở vùng Baltic, gồm Estonia và quần đảo Moonsund, đây là các chiến dịch cuối cùng của phương diện quân Leningrad. 16 tháng 10 năm 1944, tập đoàn quân 67 của phương diện quân Baltic 3 chuyển cho phương diện quân Leningrad. Ngày 24 tháng 7 năm 1945, theo chỉ lệnh của STAVKA ra ngày 09 tháng 7 năm 1945, phương diện quân được tổ chức lại thành Quân khu Leningrad.
1
null
Frederik Magle sinh ngày 17.4.1977 tại Stubbekøbing, Falster là nhà soạn nhạc, nhạc sĩ chơi đàn organ và nghệ sĩ dương cầm người Đan Mạch. Tiểu sử. Frederik Magle là con của nhà văn kiêm nữ diễn viên Mimi Heinrich và nhạc sĩ chơi đàn organ, họa sĩ kiêm điêu khắc gia Christian Reesen Magle (1925-1996). Anh là cháu gọi nhà soạn nhạc Emil Reesen (1887-1964) bằng ông cậu (anh/em của bà anh). Anh được coi là thần đồng âm nhạc, đã xuất hiện trên truyền hình và các phương tiện truyền thông từ khi lên 9 tuổi.. Frederik Magle học nhạc lý và sáng tác với Leif Thybo, học chơi đàn organ với Ib Bindel, sau đó vào học ở Nhạc viện hoàng gia Đan Mạch. Cuộc trình diễn trước công chúng các sáng tác nhạc đầu tiên của anh diễn ra vào buổi sáng lễ Phục Sinh 7.4.1985 tại nhà thờ Stubbekøbing. Cha của Magle từ trần năm 1996, ngay trước buổi trình diễn đầu tiên bản cantata lễ Giáng Sinh "A newborn child, before eternity, God!" của Magle, được hiến tặng cho ông. Frederik Magle nổi tiếng là một nhạc sĩ chơi đàn organ điêu luyện và cũng tham gia vào việc làm đàn organ, tạo ra thiết kế âm cho đàn organ 25 dãy ống ở nhà thờ Jørlunde (một làng ở bắc đảo Zealand, Đan Mạch), được khai trương trong tháng 10 năm 2009. Năm 2010 anh phát hành một đĩa CD đôi, "Like a Flame", với các ứng tác tự do được thu từ đàn organ của nhà thờ Jørlunde. Phong cách nhạc. Phong cách âm nhạc của Frederik Magle có thể được mô tả như có âm điệu du dương nói chung, trong khi vẫn duy trì một số yếu tố của phong cách phi giai điệu (atonality), được mô tả như là "phong cách hiện đại đúng mức" (moderate modernism). Những nhạc phẩm sáng tác nổi tiếng của anh là những tác phẩm viết cho Vương thất Đan Mạch, trong đó có bản nhạc cho lễ rửa tội của hoàng tử Nikolai năm 1999, lễ rửa tội của hoàng tử Felix năm 2002, và một Cantabile (giai điệu diễn cảm), dựa trên thơ của Vương tế Henrik (phu quân nữ vương Đan Mạch) trong đó phần đầu "Souffle le vent" đã được trình diễn lần đầu năm 2004, còn hai phần sau "Cortège & Danse Macabre" và "Carillon", được trình diễn trong tháng 6 năm 2009 tại Koncerthuset ("Nhà hòa nhạc Copenhagen"), đều do Danish National Symphony Orchestra ("Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Đan Mạch") trình diễn dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Thomas Dausgaard.
1
null
Mộ Dung Bảo () (355–398), tên tự Đạo Hựu (道佑), là hoàng đế thứ nhì của nước Hậu Yên thời Thập Lục Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Sau khi Mộ Dung Thùy kiến lập Hậu Yên, ông được lập làm thái tử, từng lĩnh quân Yên công phạt Bắc Ngụy. Tuy nhiên, trong trận Tham Hợp Pha, quân Hậu Yên dưới quyền Mộ Dung Bảo thất bại thảm hại trước quân Bắc Ngụy. Sau khi kế vị, ông phải đối phó với sự xâm lược từ phía nam của Bắc Ngụy, cuối cùng không thể giữ được đất đai của Hậu Yên tại Trung Nguyên, phải mang thuộc hạ chạy về Long Thành thuộc Liêu Ninh ngày nay. Tuy nhiên, Mộ Dung Bảo lại phải đương đầu với việc con là Mộ Dung Hội và đại thần Đoàn Tốc Cốt làm phản. Mộ Dung Bảo chạy trốn, bị Lan Hãn dụ về Long Thành rồi sát hại. Trước khi thành lập Hậu Yên. Mộ Dung Bảo sinh năm Nguyên Tỷ thứ 4 (355) thời Hoàng đế Mộ Dung Tuấn của Tiền Yên trị vì. Ông là con trai thứ tư của Mộ Dung Thùy với người vợ đầu là Đoàn vương phi, lúc đó phụ thân ông đang có tước hiệu Ngô vương. Ban đầu, ông không được lập làm thế tử mà là anh cùng mẹ là Mộ Dung Lệnh. Đoàn vương phi mất năm 358 trong ngục sau khi bị vu cáo dùng yêu thuật chống lại hoàng đế và Khả Túc Hồn hoàng hậu. Sau đó, Mộ Dung Thùy bị Khả Túc Hồn thái hậu và nhiếp chính vương Mộ Dung Bình nghi ngờ trong thời gian trị vì của Mộ Dung Vĩ. Mộ Dung Bảo là một trong số các thành viên của gia đình Mộ Dung Thùy cùng chạy trốn đến hàng Tiền Tần. Sau đó, anh cả Mộ Dung Lệnh rơi vào bẫy của thừa tướng Tiền Tần là Vương Mãnh khi trốn thoát trở lại Tiền Yên và rồi bị giết chết, Mộ Dung Bảo vì thế trở thành thế tử. Khi niên thiếu, ông là người nhanh nhẹn quả cảm, giữ chí hướng, song thân thiết với người nịnh bợ mình. Thời Hoàng đế Phù Kiên của Tiền Tần, ông được bổ nhiệm là Thái tử tẩy mã, vạn niên lệnh. Năm 383, khi Phù Kiên tiến hành chiến dịch chống Đông Tấn nhằm thống nhất Trung Quốc, Mộ Dung Bảo được giữ chức Giang Lăng tướng quân. (song quân Tiền Tần đại bại trong trận Phì Thủy). Đến khi quân Tiền Tần sụp đổ, hoàng đế Phù Kiên của Tiền Tần đã chạy đến chỗ của Mộ Dung Thùy. Mộ Dung Bảo cố thuyết phục phụ thân giết chết Phù Kiên và nổi loạn, trung hưng quốc gia giống Thiếu Khang khi xưa, song Mộ Dung Thùy từ chối. Tuy nhiên, Mộ Dung Thùy sau khi được Phù Kiên cử đi bình định vùng đông bắc của đế quốc thì quyết định nổi dậy. Đến mùa xuân năm 384, sau khi Mộ Dung Thùy xưng làm Yên vương, tuyên bố độc lập trên thực tế khỏi Tiền Tần, Mộ Dung Bảo đã được lập làm Yên vương thái tử. Dưới thời Mộ Dung Thùy trị vì. Sau đó Mộ Dung Thùy xưng là hoàng đế, Mộ Dung Bảo trở thành thái tử. Khi là thái tử, Mộ Dung Bảo miệt mài tự học, đôn sùng Nho học, giỏi đàm luận, giỏi thuộc văn, xử lý tốt quan hệ với tả hữu tiểu thần của Mộ Dung Thùy. Ông được các triều sĩ khen ngợi, Mộ Dung Thùy do vậy xem ông có thể bảo toàn gia nghiệp, hết sức xem trọng. (Tuy nhiên Mộ Dung Thùy vẫn chuộng khả năng quân sự của các con trai khác là Mộ Dung Nông, Mộ Dung Long và Mộ Dung Lân.) Khi Hoàng hậu Đoàn Nguyên Phi nhắc nhở Mộ Dung Thùy rằng Mộ Dung Bảo có tư chất ung dung, mềm yếu không quyết đoán, không phải là người mạnh mẽ để tế thế, và rằng Mộ Dung Nông và Mộ Dung Long sẽ là những người kế vị thích hợp hơn, tuy nhiên Mộ Dung Thùy không nghe theo và nói rằng mình không phải là Tấn Hiến công. Mộ Dung Bảo thường được giao trọng trách trấn thủ kinh thành Trung Sơn trong lúc phụ hoàng thân chinh. Ngày Ất Hợi tháng 3 năm Mậu Tý (7 tháng 5 năm 388), Mộ Dung Thùy chuyển giao phần lớn quyền lực cho Mộ Dung Bảo, chỉ giữ lại quyền quyết định những vấn đề quan trọng nhất. Sau đó, Mộ Dung Thùy lại cho Mộ Dung Bảo lĩnh tước "Đại thiền vu". Năm 391, Quốc vương Bắc Ngụy là Thác Bạt Khuê khiển kì đệ Thác Bạt Cô (拓拔觚) đi nộp triều cống cho Hậu Yên. Theo sử sách, tử đệ của Mộ Dung Thùy bắt giam Thác Bạt Cô và yêu cầu Thác Bạt Khuê chuộc bằng cách cung cấp ngựa tốt. Thác Bạt Khuê từ chối, tuyệt giao quan hệ với Hậu Yên. Thác Bạt Cô chạy trốn song bị Mộ Dung Bảo đuổi theo bắt giữ.Thác Bạt Khuê quay sang liên minh với Tây Yên, và sau đó, ngay cả khi Tây Yên bị Hậu Yên tiêu diệt vào năm 393, ông ta vẫn tiếp tục quấy nhiễu vùng biên của Hậu Yên. Tháng 5 năm Ất Mùi (395), Mộ Dung Thùy khiển Mộ Dung Bảo cùng với Mộ Dung Nông và Mộ Dung Lân dẫn 8 vạn quân đi chinh phạt Bắc Ngụy. Thác Bạt Khuê khi nghe tin về đội quân của Mộ Dung Bảo thì bỏ kinh thành Thịnh Lạc và rút lui về Hà Tây (phía tây Hoàng Hà). Tháng 9 ÂL, quân của Mộ Dung Bảo nhanh chóng tiến đến Hoàng Hà vào mùa thu năm 395 và chuẩn bị vượt sông bằng thuyền, song trời chợt nổi gió, thổi vài chục thuyền sang bờ nam sông. Bắc Ngụy bắt được hơn ba trăm giáp sĩ song chỉ cởi áo giáp và thả ra. Quân Bắc Ngụy cắt đứt được đường thông tin liên lạc giữa quân của Mộ Dung Bảo và kinh thành Trung Sơn của Hậu Yên, bắt hết sứ giả, mấy tháng mà Mộ Dung Bảo không có tin tức về việc Mộ Dung Thùy đã khỏi bệnh. Thác Bạt Khuê cho sứ giả Hậu Yên bị bắt đến bờ sông nói rằng Mộ Dung Thùy đã mất, Mộ Dung Bảo và những người khác đau buồn và sợ hãi, sĩ tốt Hậu Yên náo loạn. Thuật sĩ Cận An nói với Mộ Dung Bảo rằng thiên thời bất lợi nên cần nhanh chóng quay về để tránh thất bại, song Mộ Dung Bảo không nghe theo. Quân Hậu Yên và Bắc Ngụy lâm vào thế bí trong suốt hơn hai tuần, tức hơn 20 ngày, những người ủng hộ Mộ Dung Lân muốn làm phản để đưa Mộ Dung Lân trở thành hoàng đế song đã thất bại. Đến ngày Tân Mùi (25) tháng 10 (23 tháng 11), Mộ Dung Bảo đốt thuyền, nhân đêm tối rồi rút lui. Đương thời, băng trên Hoàng Hà chưa kết, Mộ Dung Bảo cho rằng quân Bắc Ngụy không thể vượt được sông nên không cho dò xét tình hình quân địch. Ngày Kỉ Mão (3) tháng 11 (1 tháng 12), có bão, Hoàng Hà đóng băng, Thác Bạt Khuê dẫn quân Bắc Ngụy vượt sông truy kích. Ngày Ất Dậu (9) (7 tháng 12), quân Ngụy đến được phía tây Tham Hợp pha, đến ngày Bính Tuất (8 tháng 12) thì giao chiến với quân Hậu Yên, gần như toàn bộ quân Hậu Yên bị bắt hoặc giết, chỉ có Mộ Dung Bảo cũng một số tướng lĩnh là có thể chạy thoát. Thác Bạt Khuê sau đó đã cho tàn sát tất cả tù binh Hậu Yên. Do lo rằng Bắc Ngụy sau đó sẽ xem nhẹ Mộ Dung Bảo, đầu năm sau Mộ Dung Thùy đích thân dẫn quân đi đánh Bắc Ngụy và giành được thành công bước đầu và giết được đường đệ của Thác Bạt Khuê là Thác Bạt Kiền. Tuy nhiên, khi quân Hậu Yên đi đến Tham Hợp pha, thấy xương chất như núi, binh sĩ Hậu Yên gào khóc thảm thiết, Mộ Dung Thùy giận dữ rồi lâm bệnh, quân Hậu Yên lại phải rút về Trung Sơn. Mộ Dung Thùy chết trên đường về kinh. Ngày Nhâm Dần (29) tháng 4 (21 tháng 6), Mộ Dung Bảo tức hoàng đế vị, đại xá, cải nguyên Vĩnh Khang. Trị vì. Ngày Ất Sửu tháng 5 (14 tháng 7), Mộ Dung Bảo buộc Đoàn Nguyên Phi phải tự sát thì mới tha cho tông thất họ Đoàn. Đoàn Nguyên Phi tức giận, nói rằng ngày vong quốc sẽ không lâu nữa rồi tự sát. Mộ Dung Bảo cho rằng Đoàn hậu âm mưu phế mình, không có đạo mẫu hậu, định không thành táng theo lễ của hoàng hậu, song do Trung thư lệnh Thúy Dương khuyên nhủ nên ông quyết định thành táng. Thanh Hà công Mộ Dung Hội là con của Mộ Dung Bảo, có mẹ xuất thân thấp kém song lớn tuổi, dũng mãnh tài giỏi, có tài nghệ, được Mộ Dung Thùy yêu mến. Khi Mộ Dung Bảo dẫn quân đánh Ngụy, Mộ Dung Thùy đối đãi với Mộ Dung Hội như với thái tử. Khi Mộ Dung Thùy thân chinh Bắc Ngụy, Mộ Dung Hội được giao phụ trách cai quản Long Thành. Khi Mộ Dung Thùy bệnh nặng từng di ngôn mệnh Mộ Dung Bảo lập Mộ Dung Hội làm người tự vị, song Mộ Dung Bảo lại yêu mến người con nhỏ tuổi hơn là Mộ Dung Sách (慕容策) và không ủng hộ Mộ Dung Hội. Hơn nữa, Trường Lạc công Mộ Dung Thịnh sinh cùng năm với Mộ Dung Hội, cũng không muốn Mộ Dung Hội trở thành thái tử và cùng với Triệu vương Mộ Dung Lân khuyên Mộ Dung Bảo lập Mộ Dung Sách làm thái tử. Ngày Ất Hợi (4) tháng 8 (22 tháng 9), Mộ Dung Sách được lập làm thái tử còn Mộ Dung Hội và Mộ Dung Thịnh được phong vương. Mộ Dung Hội thấy Mộ Dung Sách còn nhỏ, ngu si yếu đuối, nên trong lòng oán giận. Tháng 8 ÂL năm đó, Thác Bạt Khuê đã dẫn quân Bắc Ngụy tập kích Tĩnh châu, đánh bại Mộ Dung Nông và buộc tướng này phải chạy trốn về Trung Sơn. Thác Bạt Khuê sau đó đã tiến về phía đông, sẵn sàng tấn công kinh thành nước Hậu Yên. Chấp thuận lời đề nghị của Mộ Dung Lân, Mộ Dung Bảo chuẩn bị phòng thủ Trung Sơn, để cho quân Bắc Ngụy tự do di chuyển trên lãnh thổ của mình, Mộ Dung Bảo cho rằng quân Bắc Ngụy sẽ phải rút lui khi quân lính của họ kiệt sức. Tuy nhiên, điều này khiến cho quân đồn trú tại tất cả các thành ở Hà Bắc bỏ thành, quận huyện ngả theo Bắc Ngụy, ngoại trừ ba thành là Trung Sơn, Nghiệp Thành và Tín Đô. Tháng 1 năm Đinh Dậu (397), Tín Đô thất thủ. Trong khi đó, Thác Bạt Khuê nhận được tin về một cuộc nổi loạn gần kinh thành Thịnh Lạc của mình và cầu hòa với Mộ Dung Bảo song đã bị bác bỏ, Mộ Dung Bảo tấn công quân Bắc Ngụy khi Thác Bạt Khuê chuẩn bị lui quân, song quân Hậu Yên lại chịu thất bại thảm hại. Mộ Dung Long muốn dẫn số quân còn lại ở Trung Sơn đi đánh một trận với Bắc Ngụy và được mộ Dung Bảo chấp thuận, song Mộ Dung Bảo sau đó lại lưỡng lự và cuối cùng đã hủy bỏ kế hoạch do Mộ Dung Lân phản đối. Ông cũng dao động trước việc trao trả Thác Bạt Cô hay nhượng Tĩnh châu cho Bắc Ngụy để cầu hòa. Đến khi Mộ Dung Lân nổi loạn, Mộ Dung Bảo lo lắng rằng Mộ Dung Lân sẽ đoạt lấy quân của Mộ Dung Hội (đang tiến về kinh thành để giải vây song do Mộ Dung Hội còn oán giận nên tiến chậm), và quyết định bỏ Trung Sơn để đến Long Thành. Mộ Dung Long chấp thuận kế hoạch song đề nghị với hoàng đế rằng một khi đã ở Long Thành thì trong một thời gian dài không nên trở về phía nam. Mộ Dung Bảo đồng ý và họ cùng bỏ Trung Sơn để đến chỗ quân của Mộ Dung Hội. Mộ Dung Hội trong khi đó đang trên đường trở lại Long Thành, người này quyết định đoạt quyền. Mộ Dung Hội cử sát thủ đến giết chết Mộ Dung Long và Mộ Dung Nông, song chỉ giết chết được Mộ Dung Long. Quân của Mộ Dung Bảo và Mộ Dung Nông nhanh chóng chạy đến Long Thành, còn Mộ Dung Hội cho quân vây thành. Tuy nhiên, trong một cuộc tấn công bất ngờ của Cao Vân, quân của Mộ Dung Hội sụp đổ, và bản thân Mộ Dung Hội phải chạy về Trung Sơn, Trung Sơn lúc này do quân đồn trú của Mộ Dung Tường (do Mộ Dung Bảo để lại) trấn giữ nên Mộ Dung Hội bị giết. Trong khi đó, Mộ Dung Bảo nhận Cao Vân làm dưỡng tử và phong tước Tịch Dương công. Do Mộ Dung Bảo ở Long Thành, Trung Sơn và Nghiệp Thành mất liên lạc với ông. Mộ Dung Tường tự xưng đế, song ngay sau đó bị Mộ Dung Lân đánh bại rồi giết chết, Mộ Dung Lân xưng đế. Mộ Dung Lân lại bị quân Bắc Ngụy đánh bại và phải chạy đến Nghiệp Thành, từ bỏ tước hiệu hoàng đế và thuyết phục người trấn thủ Nghiệp Thành là Mộ Dung Đức bỏ thành và chạy về phía nam đến Hoạt Đài. Mộ Dung Đức làm theo và tại Hoạt Đài, và vào tháng 1 năm Mậu Tuất (398), Mộ Dung Đức xưng làm Yên vương và cải niên hiệu, lập nên nước Nam Yên. Trong khi đó, do không biết về điều này mà chỉ nhận được tin tức Mộ Dung Đức báo là đi xuống phía nam, nên Mộ Dung Bảo chuẩn bị cho một chiến dịch để lấy lại lại lãnh thổ bị mất, bất chấp can gián từ Mộ Dung Nông và Mộ Dung Thịnh rằng binh lính đã kiệt sức. Ngày Kỉ Mão tháng 2 (20 tháng 3), quân Hậu Yên rời Long Thành. Tuy nhiên ngay sau đó, ngày Nhâm Ngọ cùng tháng (23 tháng 3), tướng Đoàn Tốc Cốt (段速骨) tiến hành nổi loạn, và Mộ Dung Bảo phải trở lại Long Thành. Trong khi đó, Đoàn Tốc Cốt buộc con của Mộ Dung Long là Mộ Dung Sùng (慕容崇) làm lãnh đạo và bao vây Long Thành. Ngay cả với sự giúp đỡ bí mật của Lan Hãn, Đoàn Tốc Cốt ban đầu không thành công. Tuy nhiên, Mộ Dung Nông lại đầu hàng quân của Đoàn Tốc Cốt, điều này làm tổn hại đến tinh thần của binh lính tại Long Thành và thành thất thủ. Mộ Dung Bảo và Mộ Dung Thịnh chạy về phía nam. Ngày Canh Tý tháng 3 (10 tháng 4), Lan Hãn tập kích Đoàn Tốc Cốt, chiếm Long Thành và đề nghị Mộ Dung Bảo quay trở lại. Mộ Dung Bảo lúc này đến Kế Thành và muốn quay lại song Mộ Dung Thịnh thuyết phục ông hãy cố đi về phía nam để tìm kiếm trợ giúp từ Mộ Dung Đức mà không biết rằng Mộ Dung Đức đã tuyên bố độc lập. Tuy nhiên, khi họ đến vùng lân cận Hoạt Đài thì biết tin tức và lại chạy về phía bắc. Nhiều thành trên đường đi đã sẵn sàng kết hợp lại dưới quyền của Mộ Dung Bảo để bắt đầu kháng Bắc Ngụy song Mộ Dung Bảo lại quyết định trở lại Long Thành. Mộ Dung Thịnh do nghi ngờ Lan Hãn nên cố thuyết phục Mộ Dung Bảo song vẫn không khiến ông thay đổi tâm trí, Mộ Dung Thịnh do vậy rời bỏ phụ thân. Ngày Đinh Hợi (26) tháng 4 (27 tháng 5) Mộ Dung Bảo đến Sách Mạc Hãn hình, cách Long Thành 40 lý, trong thành đều vui mừng. Lan Hãn đã khiển đệ là Lan Gia Nan (蘭加難) suất 500 kị binh đến nghênh đón Mộ Dung Bảo, song cho đóng cổng thành, cấm người ra vào. Chống lại lời khuyên của Dĩnh Âm Liệt công Dư Sùng (餘崇), Mộ Dung Bảo chấp thuận để cho Lan Gia Nan hộ tống. Đi được vài lý, Lan Gia Nan bắt và giết Dư Sùng, đưa Mộ Dung Bảo đến lữ quán ngoài Long Thành rồi giết chết. Lan Hãn truy thụy cho Mộ Dung Bảo là Linh Đế, tàn sát hầu hết các thành viên trong hoàng tộc Mộ Dung. Sau đó, Mộ Dung Thịnh lật đổ Lan Hãn, tái lập Hậu Yên và xưng đế, truy thụy hiệu cho Mộ Dung Bảo là Huệ Mẫn hoàng đế, miếu hiệu Liệt Tổ.
1
null
Mộ Dung Thịnh () (373–401), tên tự Đạo Vận (道運), gọi theo thụy hiệu là (Hậu) Yên Chiêu Vũ Đế ((後)燕昭武帝), là một hoàng đế của nước Hậu Yên trong lịch sử Trung Quốc. Ông là con trai của Mộ Dung Bảo (tức Huệ Mẫn Đế), và sau khi Mộ Dung Bảo bị Lan Hãn (nhạc phụ của Mộ Dung Thịnh) giết, ông đã báo thù cho cha bằng cách tiến hành chính biến và giành lại ngai vàng. Phần lớn thời gian trị vì của mình, ông sử dụng tước hiệu "Thứ Nhân Thiên Vương" (庶人天王). Mộ Dung Thịnh được mô tả là một chiến lược gia và một tướng có tài, song do rút kinh nghiệm từ triều đại yếu kếm của cha mình, ông đã áp dụng chính sách cai trị khắc nghiệt và nó đã khiến cho các triều thần luôn cám thấy không an toàn để rồi nổi loạn chống lại ông. Tại một trong các cuộc nổi loạn vào năm 401, ông đã bị thương rồi qua đời. Kế vị ông là thúc phụ Mộ Dung Hi. Dưới thời Tiền Tần và Tây Yên. Mộ Dung Thịnh sinh năm 373, là con của Mộ Dung Bảo và Đinh phu nhân, và có lẽ được sinh ra tại gần kinh thành Trường An của Tiền Tần do Mộ Dung Bảo lúc bấy giờ đang là một viên quan cấp thấp ở đó. Tư liệu lịch sử đầu tiên nói về ông là sự kiện diễn ra trong khoảng thời gian tết năm 385, khi đó hoàng đế Phù Kiên của Tiền Tần để đối phó với nỗ lực nổi dậy của Mộ Dung Vĩ (cựu hoàng đế Tiền Yên) đã ra lệnh giết chết toàn bộ người Tiên Ti tại Trường An. Ông nội của Mộ Dung Thịnh, tức Mộ Dung Thùy thì đã nổi dậy từ cuối năm 383 và lập nước Hậu Yên năm 384. Thúc phụ của Mộ Dung Thịnh là Mộ Dung Nhu (慕容柔) không bị giết do ông ta trước đó đã được hoạn quan Tống Nha (宋牙) nhận nuôi. Mộ Dung Nhu có lẽ đã bảo vệ cho Mộ Dung Thịnh và anh trai là Mộ Dung Hội, và ngay sau đó cả ba người đã chạy khỏi Trường An và tính cách lánh nạn ở chỗ một cựu thân vương Tiền Yên khác là Mộ Dung Xung, là một người anh em họ của Mộ Dung Thịnh, Mộ Dung Xung trước đó đã sẵn tiến hành một cuộc nổi loạn chống Tiền Tần ở gần Trường An. Vào mùa xuân năm 385, khi nghe được tin Mộ Dung Vĩ bị giết, Mộ Dung Xung đã xưng đế và lập nước Tây Yên. Tuy nhiên, Mộ Dung Thịnh không ấn tượng với Mộ Dung Xung và đã bí mật kể với Mộ Dung Nhu rằng ông tin là Mộ Dung Xung rốt cuộc sẽ chẳng làm được điều gì. Suy nghĩ của ông có vẻ là chính xác, mặc dù Mộ Dung Xung đã chiếm được Trường An vào mùa hè năm 385 song người này lại không thể cai trị dân chúng một cách hiệu quả, và những người dân Tiên Ti của thì trở nên bực bội vì ông ta vẫn ở lại Trường An (do ông thích thành này và cũng do lo sợ Mộ Dung Thùy) thay vì đi về phía đông để trở lại quê hương. Vào mùa xuân năm 386, tướng Hàn Diên (韓延) đã ám sát Mộ Dung Xung. Quân Tây Yên sau đó đã bỏ Trường An và tiến về phía đông, hướng về đất tổ và trong hành trình này họ đã có tới hơn năm người lãnh đạo nối tiếp nhau (Đoàn Tùy, Mộ Dung Nghĩ, Mộ Dung Dao, Mộ Dung Trung và Mộ Dung Vĩnh) mỗi người chỉ nắm quyền trong khoảng một vài tháng. Chế độ Tây Yên ổn định dưới sự cai trị của Mộ Dung Vĩnh, người này đã định đô ở Trường Tử (長子, nay thuộc Trường Trị, Sơn Tây). Mộ Dung Thịnh, cùng với thúc phụ Mộ Dung Nhu và anh trai Mộ Dung Hội cũng định cư tại đó. Tuy nhiên, vài tháng sau đó, vào mùa đông năm 386, Mộ Dung Thịnh đã cảnh báo Mộ Dung Nhu và Mộ Dung Hội rằng do họ là người thuộc gia tộc của Mộ Dung Thùy, nên Mộ Dung Vĩnh (một họ hàng xa) nghi ngờ họ. Theo đốc thúc của ông, ba người lại chạy đến Hậu Yên. Quan sát của ông rất chính xác vì chỉ một năm sau đó, Mộ Dung Vĩnh đã cho thảm sát tất cả hậu duệ của Mộ Dung Thùy và Mộ Dung Tuấn còn ở Tây Yên. Ba người đã mất vài tháng để đến được kinh thành Trung Sơn (中山, nay thuộc Bảo Định, Hà Bắc) của Hậu Yên. Mộ Dung Thùy rất hài lòng và đã tuyên bố đại xá để chào mừng. Khi Mộ Dung Thùy hỏi Mộ Dung Thịnh về tình hình tại Trường Tử, Mộ Dung Thịnh khi ấy mới 14 tuổi, đã kể với cha rằng Tiền Yên là một nước rối loạn và rằng một khi Mộ Dung Thùy có thể cai quản được Hậu Yên thì khi ông ta tấn công Tây Yên thì binh lính Tây Yên sẽ rời bỏ Mộ Dung Vĩnh. Mộ Dung Thùy lập Mộ Dung Thịnh làm Trường Lạc công. Dưới thời Mộ Dung Thùy. Năm 389, ở tuổi 16, Mộ Dung Thịnh được phụ hoàng giao trọng trách cai quản cố đô của Tiền Yên là Kế Thành (薊城, nay thuộc Bắc Kinh). Năm 391, ông được ban tước hiệu thân vương. Ông vẫn ở tại Kế Thành cho đến khoảng tết năm 396, khi đó, trong bối cảnh quân Hậu Yên của Mộ Dung Bảo thua trận trước Thác Bạt Khuê của Bắc Ngụy trong trận Tham Hợp Pha, Mộ Dung Thùy đã triệu hồi Mộ Dung Thịnh và Mộ Dung Long (đang trấn giữ cố đô Long Thành (龍城, nay thuộc Cẩm Châu, Liêu Ninh) đem quân quay trở lại Trung Sơn, để chuẩn bị cho một cuộc tấn công Bắc Ngụy. Vào mùa xuân năm 396, chiến dịch chống Bắc Ngụy của Mộ Dung Thùy đạt được thành công ban đầu, song ông ta sau đó đã lâm bệnh và buộc phải cho quân Hậu Yên rút về kinh thành Trung Sơn, tuy nhiên Mộ Dung Thùy đã chết trên đường. Mộ Dung Bảo trở thành hoàng đế Hậu Yên. Dưới thời Mộ Dung Bảo. Mộ Dung Bảo sau đó phải đối mặt với vấn đề thừa kế. Thanh Hà công Mộ Dung Hội được Mộ Dung Thùy coi là đứa cháu có tài năng nhất, và khi Mộ Dung Thùy tiến hành chiến dịch cuối cùng của ông, ông ta đã để cho Mộ Dung Hội trấn thủ Long Thành. Khi Mộ Dung Thùy nằm trên giường bệnh, ông ta thậm chí còn bảo Mộ Dung Bảo lập Mộ Dung Hội làm thái tử, song Mộ Dung Bảo lại quý mến người con tên là Mộ Dung Sách (慕容策), và không ủng hộ Mộ Dung Hội. Mộ Dung Thịnh cũng không muốn Mộ Dung Hội làm thái tử và khuyến khích cha lập Mộ Dung Sách làm thái tử. Mộ Dung Sách lên ngôi thái tử vào năm 396, còn Mộ Dung Hội và Mộ Dung Thịnh được phong tước vương, Mộ Dung Thịnh khi đó trở thành Trường Lạc vương. Mộ Dung Hội đã không hài lòng trước việc này và bí mật tính kế nổi loạn. Sau đó cũng trong năm 396, Bắc Ngụy mở một chiến dịch lớn chống lại Hậu Yên và nhanh chóng chiếm được Tĩnh Châu (并州, nay là trung bộ và bắc bộ Sơn Tây) và sau đó tiến về Trung Sơn và bao vây kinh thành. Vào mùa xuân năm 397, sau khi không thể buộc quân Bắc Ngụy từ bỏ việc bao vây và sau khi Triệu vương Mộ Dung Lân nổi loạn, Mộ Dung Bảo đã quyết định từ bỏ Trung Sơn và chạy về Long Thành. Mộ Dung Thịnh đi theo cha và cùng đến chỗ quân của Mộ Dung Hội, Mộ Dung Hội lúc này lại đang từ Long Thành tiến về phía nam. Sau đó, Mộ Dung Hội giết chết Mộ Dung Long và làm bị thương nặng Mộ Dung Nông với mục đích tiến hành chính biến nhằm buộc Mộ Dung Bảo phải lập mình làm thái tử, tuy nhiên, cuối cùng thì Mộ Dung Hội bị đánh bại và bị giết. Trong khi đó, Mộ Dung Thịnh trở thành một trong các đại tướng. Năm 398, bất chấp lời khuyên của Mộ Dung Thịnh và Mộ Dung Nông, Mộ Dung Bảo khăng khăng mở một chiến dịch khác để chiếm lại các lãnh thổ đã bị mất, ông ta giao cho Mộ Dung Thịnh trấn thủ Long Thành trong lúc mình xuất quân. Các binh lính đã kiệt sức nên họ đã nổi loạn trên đường tiến quân, Mộ Dung Bảo vì vậy phải quay lại Long Thành để cùng Mộ Dung Thịnh thủ thành, song đến khi Mộ Dung Nông ra hàng quân nổi loạn thì Long Thành đã thất thủ, và hai cha con Mộ Dung Bảo và Mộ Dung Thịnh buộc phải chạy đến Kế Thành. Nhạc phụ của Mộ Dung Thịnh là Lan Hãn sau đó chiếm được Long Thành và thỉnh cầu Mộ Dung Bảo quay trở lại. Mộ Dung Thịnh không tin tưởng vào nhạc phụ của mình nên đã khuyên bảo cha cùng bí mật tiến về phía nam để đến chỗ Mộ Dung Đức (ông tin là đang trấn giữ Nghiệp Thành), song lại không biết rằng vào lúc đó Mộ Dung Đức đã từ bỏ Nghiệp Thành và đến Hoạt Đài (滑台, nay thuộc An Dương, Hà Nam) và lập nước Nam Yên. Khi Mộ Dung Bảo và Mộ Dung Thịnh đến vùng lân cận Hoạt Đài, họ đã biết tin tức trên thực tế và lại chạy về phía bắc. Trên đường đi, Mộ Dung Thịnh đã cố gắng thu hút được nhiều ủng hộ từ những người dân nay nằm dưới quyền cai trị của Bắc Ngụy tập hợp lại dưới tay của Mộ Dung Bảo để tiến hành kháng chiến, song Mộ Dung Bảo lại tin tưởng vào lòng trung thành của Lan Hãn nên đã trở về Long Thành. Mộ Dung Thịnh không thuyết phục nổi cha nên đã rời bỏ cha và đi ẩn náu. Các lo lắng của Mộ Dung Thịnh về Lan Hãn là chính xác, khi Mộ Dung Bảo đến vùng lân cận Long Thành, Lan Hãn đã cử Lan Gia Nan (蘭加難) đến chỗ Mộ Dung Bảo rồi giết chết. Lan Hãn sau đó giết chết Mộ Dung Sách, cùng với hầu hết các thành viên trong hoàng tộc Mộ Dung, và tự xưng là Xương Lê vương, nắm quyền cai trị lãnh thổ còn lại của Hậu Yên. Chính biến chống lại Lan Hãn. Khi nghe tin về cái chết của cha và việc Lan Hãn tiến hành chính biến, Mộ Dung Thịnh ngay lập tức đi đến Long Thành để tỏ lòng thương tiếc cha, tin rằng Lan Hãn sẽ thương hại mà không giết con rể. Sau đó, do được phu nhân của Mộ Dung Thịnh cùng mẹ của bà đã cầu xin nên Lan Hãn đã tha chết cho ông, bất chấp việc Lan Đê (蘭堤) và Lan Gia Nan nhiều lần yêu cầu giết chết Mộ Dung Thịnh. Lan Hãn cũng tha cho Thái Nguyên vương Mộ Dung Kì (慕容奇) do mẹ của người này là con gái của Lan Hãn. Mộ Dung Thịnh và Mộ Dung Kì sau đó đã âm mưu để Mộ Dung Kì chạy ra khỏi thành và bắt đầu tiến hành nổi loạn. Trong lúc này, Mộ Dung Thịnh đã thuyết phục Lan Hãn rằng đứng sau cuộc nổi loạn này là Lan Đê. Hơn nữa, vào lúc này, do hạn hán nghiêm trọng, Lan Hãn đã đi cầu nguyện ở tông miếu của Hậu Yên và linh hồn Mộ Dung Bảo, đổ hết tội giết Mộ Dung Bảo cho Lan Gia Nan. Khi hay những tin này, Lan Đê và Lan Gia Nan trở nên giận dữ và bắt đầu một cuộc nổi loạn riêng. Thái tử Lan Mục của Lan Hãn lúc này đã thuyết phục cha giết chết Mộ Dung Thịnh, và Lan Hãn ban đầu đã chấp thuận, song Mộ Dung Thịnh đã được vợ mình báo tin nên đã không đến một cuộc họp triều đình do Lan Hãn gọi tới, và Lan Hãn ngay sau đó đã thay đổi ý định. Ngay sau đó, khi Lan Mục giành chiến thắng trước Lan Đê và Lan Gia Nan, Lan Hãn đã tổ chức một bữa tiệc cho binh lính, và ông ta cùng Lan Mục đều say rượu. Mộ Dung Thịnh đã lợi dụng thời cơ này để cùng với một số người giết chết Lan Hãn và Lan Mục, sau đó họ còn giết chết Lan Đê và Lan Gia Nan cùng các con trai khác của Lan Hãn là Lan Hòa (蘭和) và Lan Dương (蘭揚). Mộ Dung Thịnh tuyên bố khôi phục Hậu Yên và lên ngôi, song để thể hiện sự khiêm nhường, ông đã không ngay lập tức xưng đế mà vẫn tạm sử dụng tước hiệu Trường Lạc vương. Trị vì. Ban đầu, mọi người đều vui mừng về chiến thắng của Mộ Dung Thịnh, tin tưởng rằng ông là một người có tài cai trị. Tuy nhiên, triều đại của Mộ Dung Thịnh lại là một triều đại khắc nghiệt, ông đã sát hại gia tộc của Lan Hãn và còn tính đến việc giết chết Lan vương phi. Người mẹ họ Dinh của ông đã phản đối do người con dâu này đã bảo vệ cho cả Mộ Dung Thịnh và bản thân bà và vương phi vì vậy đã được tha thứ, song đã không bao giờ được trở thành hoàng hậu (Mộ Dung Thịnh cũng không lập bất kỳ người vợ nào làm Hoàng hậu). Vào mùa đông năm 398, ông chính thức xưng đế, và phong chính thất của cha là Đoàn Hoàng hậu làm thái hậu, và phong cho mẹ mình làm Hiến Trang Hoàng hậu (獻莊皇后). Thời kỳ Mộ Dung Thịnh trị vì đã cho thấy sự mạnh mẽ của ông, ông xa lánh và đối xử khắc nghiệt với các triều thần và người dân của mình. Kết quả là nhiều triều thần đã bị xử tử do họ có âm mưu hoặc bị nghi ngờ có âm mưu phản nghịch, bao gồm: Tuy nhiên, Mộ Dung Thịnh cũng được các sử gia ca ngợi vì đã để tâm đến các trường hợp tội phạm thông thường, và ông đã có thể lập nên một hệ thống mà trong đó đích thân ông sẽ nghe về kháng cáo hình sự và có thể phân biệt được sự thật mà không cần phải dùng đến biện pháp tra tấn. Trong vài năm sau đó, Hậu Yên tiến hành nhiều trận chiến với Bắc Ngụy song không có bên nào có được ưu thế. Khoảng tết năm 400, Mộ Dung Thịnh lập con trai là Mộ Dung Định (慕容定) làm Liêu Tây công. Ngay sau đó, Đoàn Thái hậu qua đời, và ông đã đưa mẹ mình lên làm thái hậu, cùng lúc đó, ông lập Mộ Dung Định làm thái tử. Ông ngay sau đó cũng chấm dứt việc sử dụng tước hiệu hoàng đế để tỏ lòng khiêm nhường, thay vào đó ông gọi mình là "Thứ Dân Thiên vương." Cùng năm 400, nhà Hậu Yên (đời vua Mộ Dung Thịnh) xua quân tấn công Cao Câu Ly (đời vua Quảng Khai Thổ Thái Vương). Quảng Khai Thổ Thái Vương phản ứng mau chóng, ông ta đoạt lại được phần lớn đất đai mất vào tay người Tiên Ty và đánh đuổi quân Hậu Yên ra khỏi Cao Câu Ly. Vào mùa thu năm 401, các tướng Mộ Dung Quốc (慕容國), Tần Dư (秦輿), và Đoàn Tán (段讚) đã bí mật âm mưu tiến hành chính biến, song tin tức đã bị lọt ra và hơn 500 người đã bị xử tử. Năm ngày sau đó, tướng Đoàn Ki (段璣) cùng với con trai của Tần Dư là Tần Hưng (秦興) và con của Đoàn Tán là Đoàn Thái (段泰) đã tiến đánh hoàng cung. Mộ Dung Thịnh đã đích thân dẫn cận binh hoàng cung giao chiến với quân nổi loạn và có được thành công bước đầu. Tuy nhiên, một lính nổi loạn đã xuất hiện từ nơi trú ẩn trong cung và đâm chết Mộ Dung Thịnh. Sau khi Mộ Dung Thịnh qua đời, Đinh Thái hậu do có mối quan hệ với người chú ít tuổi của ông là Mộ Dung Hi nên đã bỏ qua Thái tử con ông mà đưa Mộ Dung Hi lên ngôi kế vị.
1
null
Mộ Dung Hi () (385–407), tên tự Đạo Văn (道文), gọi theo thụy hiệu là (Hậu) Yên Chiêu Văn Đế ((後)燕昭文帝), là một hoàng đế của nước Hậu Yên trong lịch sử Trung Quốc. Ông là một trong những người con trai nhỏ tuổi nhất của Mộ Dung Thùy (Vũ Thành Đế). Sau cái chết của cháu trai Mộ Dung Thịnh (Chiêu Vũ Đế), ông đã lên ngôi hoàng đế nhờ mối quan hệ tình ái giữa ông và mẹ của Mộ Dung Thịnh, Đinh Thái hậu. Ông là được coi là một người cai trị tàn bạo và thất thường, các hành động bất thường của ông cùng với hoàng hậu Phù Huấn Anh đã hủy hoại nước Hậu Yên. Sau khi Phù Hoàng hậu qua đời năm 407, ông rời khỏi kinh đô Long Thành (龍城, nay thuộc Cẩm Châu, Liêu Ninh) để chôn cất bà, các binh lính tại Long Thành đã nhân cơ hội này để quay sang nổi loạn và thay thế ông bằng con trai nuôi của Mộ Dung Bảo là Mộ Dung Vân, bản thân Mộ Dung Hi sau đó bị giết. Bởi Mộ Dung Vân là con nuôi và sau này đã cải sang họ gốc là "Cao" nên một số sử gia coi Mộ Dung Hi là vị hoàng đế cuối cùng của Hậu Yên, còn Cao Vân là hoàng đế đầu tiên của Bắc Yên. Cuộc sống đầu đời. Mộ Dung Hi sinh năm 385, là con trai của Mộ Dung Thùy và Đoàn quý tần, ngay sau khi Mộ Dung Thùy lập nước Hậu Yên. Năm 393, Mộ Dung Thùy lập ông làm Hà Gian vương. Ông cũng là một trong những người con trai được Mộ Dung Thùy yêu mến. Sử sách ít ghi chép các thông tin ông trong thời gian trị vì của cha. Dưới thời Mộ Dung Bảo và Mộ Dung Thịnh. Sau khi Mộ Dung Thùy qua đời vào năm 396 và anh ông là thái tử Mộ Dung Bảo lên kế vị, Hậu Yên đã phải hứng chịu cuộc tấn công của vua Thác Bạt Khuê của nước Bắc Ngụy, và kinh thành Trung Sơn (中山, nay thuộc Bảo Định, Hà Bắc) đã bị quân Bắc Ngụy bao vây. Năm 397, Mộ Dung Bảo quyết định bỏ Trung Sơn và dời đô về cố đô của Tiền Yên là Long Thành (龍城, nay thuộc Cẩm Châu, Liêu Ninh), và ban đầu, Mộ Dung Hi cùng các anh em là Bột Hải vương Mộ Dung Lãng (慕容朗) và Bác Lăng vương Mộ Dung Giám (慕容鑒) do tuổi còn nhỏ nên đã không thể đuổi kịp nhóm của Mộ Dung Bảo, Cao Dương vương Mộ Dung Long phải quay trở lại để tìm họ, song họ cuối cùng đã đuổi kịp Mộ Dung Bảo và tiến về Long Thành. Năm 398, quân của Mộ Dung Bảo đã kiệt sức với chiến tranh nên khi Mộ Dung Bảo tiến quân về phía nam để đánh Bắc Ngụy, họ đã nổi loạn dưới sự chỉ huy của Đoàn Tốc Cốt (段速骨), họ Đoàn đưa con trai của Mộ Dung Long là Mộ Dung Sùng (慕容崇) lên làm lãnh đạo trên danh nghĩa. Trong cuộc nổi loạn, nhiều thân vương đã bị giết chết, song nhờ Mộ Dung Hi và Mộ Dung Sùng là bạn bè nên Mộ Dung Sùng đã sử dụng ảnh hưởng của mình để quân nổi loạn tha cho Mộ Dung Hi. Sau khi Đoàn Tốc Cốt bị Lan Hãn giết chết, Lan Hãn đặt bẫy Mộ Dung Bảo và nắm lấy quyền lực, Lan Hãn không giết chết mà lập Mộ Dung Hi làm Liêu Đông công để thờ phụng tổ tiên dòng họ Mộ Dung. Khi con trai của Mộ Dung Bảo là Mộ Dung Thịnh giết chết Lan Hãn trong một cuộc chính biến vào cuối năm 398 và phục hồi nước Hậu Yên, ông ta ban đầu vẫn chỉ xưng vương, do vậy các vương gia cũng chỉ được mang tước công. Theo đúng quy định, tước hiệu Mộ Dung Hi trở thành Hà Gian công. Mộ Dung Thịnh cũng phong cho ông làm một tướng quân chính yếu. Năm 400, khi Mộ Dung Thịnh tấn công Cao Câu Ly, Mộ Dung Hi trở thành tướng tiên phong, và đóng góp rất lớn cho chiến thắng của Hậu Yên. Lúc đó, Mộ Dung Thịnh nhận xét: Song một kẻ mưu mẹo và tàn nhẫn như Mộ Dung Thịnh cũng không biết rằng, ông chú của mình đã lăm le ngồi lên ngai vàng từ lâu. Và người đứng sau giúp đỡ Mộ Dung Hi không phải ai khác chính là người mẹ của Mộ Dung Thịnh – Đinh Thái hậu. Trong lúc những tông thất họ Mộ Dung còn đang mải mê chém giết tranh giành ngai báu thì vị vương tử đa tình Mộ Dung Hi bắt đầu để ý người chị dâu cô đơn trong chốn thâm cung là Đinh thái hậu - mẹ của Mộ Dung Thịnh. Năm ấy, Mộ Dung Hi mới 15 tuổi, lại khôi ngô tuấn tú xuất chúng, nổi tiếng khắp Hậu Yên. Trong khi đó, Mộ Dung Bảo chinh chiến liên miên bên ngoài rồi bị sát hại. Tuổi còn xuân sắc, Đinh Hoàng hậu đã phải lên chức Thái hậu. Vì vậy chuyện hai người đến với nhau. Khi Mộ Dung Thịnh bị sát hại trong một cuộc chính biến vào năm 401, hầu hết các triều thần muốn người kế vị phải nhiều tuổi hơn thái tử Mộ Dung Định (慕容定), và hầu hết tiến cử em trai của Mộ Dung Thịnh là Mộ Dung Nguyên (慕容元). Tuy nhiên, Đinh Thái hậu vì có quan hệ với Mộ Dung Hi nên lại nói rõ rằng bà muốn Mộ Dung Hi kế vị con trai mình. Các triều thần bị ép phải theo ý muốn của bà, và khi Mộ Dung Hi chính thức trao ngôi vị cho Mộ Dung Nguyên, Mộ Dung Nguyên đã không dám chấp thuận, và do vậy Mộ Dung Hi đã lên ngôi. Ông sử dụng tước hiệu "Thiên vương". Thế là bằng vẻ ngoài tuấn tú và mối tình với bà hoàng cô độc, Mộ Dung Hi đã leo lên được ngai vàng một cách dễ dàng khi 16 tuổi. Nhưng Mộ Dung Hi chẳng vì thế mà chung tình với Đinh Thái hậu. Trị vì. Mộ Dung Hi là một người cai trị tàn ác và chuyên quyền, sẵn sàng trừ khử bất kỳ ai không nghe lời ông hay bị ông xem là một mối đe dọa tiềm tàng. Nạn nhân đầu tiên là Mộ Dung Nguyên, ông đã bắt người này phải tự sát chỉ vài ngày sau khi lên ngôi. Khi một âm mưu liên quan đến các tướng Mộ Dung Đề (慕容提) và Trương Phất (張佛) nhằm đưa thái tử của vua cũ là Mộ Dung Định lên ngôi bị phát hiện chưa đầy một tháng sau đó, Mộ Dung Hi cũng đã ra lệnh cho người cháu trai nhỏ tuổi của mình phải tự sát. Năm 402, Mộ Dung Hi đã lấy hai con gái của viên quan quá cố Phù Mô (苻謨) làm thê thiếp, tức Phù Nhung Nga (苻娀娥) và Phù Huấn Anh. Phù Mô vốn thuộc hoàng tộc Tiền Tần. Chính vì vậy mà 2 cô con gái của ông đều nổi tiếng vì nhan sắc xinh đẹp và thông minh hơn người. Vốn tính háo sắc, ưa của lạ nên Mộ Dung Hi rất yêu chiều hai chị em họ Phù. Mộ Dung Hi tỏ ý thiên vị Phù Huấn Anh khi phong cô chị Phù Tung Nga làm Quý nhân, còn em gái lại làm Quý tần, suốt ngày quấn quýt chơi đùa không biết chán. Đinh Thái hậu từ chỗ là tình nhân duy nhất giờ bị lép vế bởi hai chị em họ Phù, vì vậy bà đã trở nên ghen tuông và giận dữ. Thái hậu đã âm mưu cùng với cháu trai Đinh Tín (丁信) định lật đổ Mộ Dung Hi và đưa con trai của Mộ Dung Bảo là Mộ Dung Uyên (慕容淵) lên ngôi. Kế hoạch bị phát giác và Mộ Dung Hi đã xử tử Đinh Tín cùng Mộ Dung Uyên và buộc Đinh Thái hậu phải tự sát. Đinh Thái hậu tuy vậy vẫn được an táng với danh dự của một thái hậu. Mộ Dung Hi ngay sau đó đã cho xây dựng một số công trình lớn. Cùng năm 402 vua Quảng Khai Thổ Thái Vương nước Cao Câu Ly xua quân tấn công và đánh bại Hậu Yên (đời vua Mộ Dung Hi), chiếm một số thành trì của họ dọc biên giới hai nước. Năm 403, ông cho xây Long Đằng uyển (龍騰苑) bên trong lâm viên của hoàng cung, được mô tả là rộng tới 2 km² và phải cần đến 20.000 người xây cất. Ông còn tiếp tục xây dựng một ngọn đồi nhân tạo bên trong cung điện mới này và được mô tả là rộng 500 bước và cao 57 mét. Sau đó, ông phong cho mẹ mình làm thái hậu và lập Phù Huấn Anh làm hoàng hậu. Mộ Dung Hi yêu chiều Huấn Anh tới mức bất cứ việc gì khiến cô ta vui, Hy đều thực hiện bằng được. Năm 404 vua Quảng Khai Thổ Thái Vương nước Cao Câu Ly xua quân tấn công vào bán đảo Liêu Đông của nước Hậu Yên. Mộ Dung Hi tin tưởng quân đội nước mình cản được quân Cao Câu Ly nên không chi viện cho tiền tuyến. Vào mùa hè năm 404, Mộ Dung Hi cho xây Tiêu Diêu cung (逍遙宮) ở Long Đằng uyển, với hàng trăm căn phòng, và cũng cho xây một hồ nhân tạo. Các binh sĩ được sử dụng làm lao công song không được nghỉ ngơi, và hơn một nửa trong số đó được thuật lại là đã chết vì nóng bức và kiệt sức. Tất cả chỉ là để Phù Hoàng hậu có chỗ vui chơi. Vào mùa thu năm 404, Phù Tung Nga lâm bệnh. Ngự y Vương Vinh (王榮) nói rằng ông có thể chữa khỏi cho bà song cuối cùng bà đã qua đời. Mộ Dung Hi trói Vương Vinh ở một cửa cung điện và hành hình rồi đốt cháy thi thể. Ông truy phong cho bà là Hoàng hậu. Sau cái chết của Phù Tung Nga, Mộ Dung Hi thậm chí còn say mê Phù Hoàng hậu hơn. Bất cứ chuyện lớn nhỏ gì trong triều Mộ Dung Hi đều hỏi qua ý kiến của Phù Hoàng hậu rồi mới quyết định. Phù Hoàng hậu yêu thích săn bắn và du ngoạn. Mộ Dung Hi bỏ hết việc triều chính để đưa bà đi khắp mọi nơi, không kể là vùng núi non hiểm trở hay cao nguyên khắc nghiệt. Vào mùa đông năm 404, họ đã đi săn bắn dài ngày, xa về phía bắc đến Bạch Lộc sơn (白鹿山, nay thuộc Thông Liêu, Nội Mông), về phía đông đến Thanh Lĩnh (青嶺, được mô tả là cách khoảng 100 km về phía đông của Long Thành), và về phía nam xa đến Hải Dương (海陽, nay thuộc Tần Hoàng Đảo, Hà Bắc) trước khi trở về Long Thành. Vì vậy mà người dân khốn khổ không thôi. Sách sử ghi lại rằng trong hành trình này đã có trên 5.000 binh sĩ hộ tống đã chết vị bị hổ hay chó sói tấn công hoặc do thời tiết lạnh giá. Phù Hoàng hậu thích đi bơi, Mộ Dung Hy liền dẫn nàng đi khắp tìm những sông hồ đẹp nhất để nàng thỏa thích bơi lội. Phù Hoàng hậu thích ăn ngon lại rất kén chọn, Mộ Dung Hi chẳng ngại ngần mà ra lệnh cho quan ở các nơi vận chuyển sơn hào hải vị đến kinh thành cho mình. Phù Hoàng hậu lại còn sở thích ăn những món trái mùa. Mùa hè nóng nực thì đòi ăn vây cá đông, mùa đông tuyết rơi thì đòi ăn địa hoàng tươi. Ở thời cổ đại, việc trồng trọt săn bắt đều phụ thuộc vào thời tiết, ăn còn không đủ nói gì đến thức ăn trái mùa. Nhưng tất thảy đều được Mộ Dung Hi chiều theo. Bất cứ ai không thực hiện được theo yêu cầu của Phù Hoàng hậu đều bị tội chặt đầu. Đầu năm 405 vua Quảng Khai Thổ Thái Vương nước Cao Câu Ly đã đánh chiếm toàn bộ bán đảo Liêu Đông của nước Hậu Yên. Mộ Dung Hi lúc này mới giật mình thức tỉnh về mối đe dọa của Cao Câu Ly từ phía đông. Càng về sau, Mộ Dung Hi càng không thể rời khỏi Phù Hoàng hậu, đến mức dẫn quân đi đánh trận, cũng phải mang theo. Vào mùa xuân năm 405, Mộ Dung Hi tấn công thành Liêu Đông (遼東, nay thuộc Liêu Dương, Liêu Ninh) của Cao Câu Ly và gần như chiếm được thành. Tuy nhiên, ông lại ra lệnh cho các binh sĩ của mình san bằng các bức tường thành để ông cùng Hoàng hậu có thể tiến vào bằng xe ngựa. Sự chậm trễ này đã cho phép quân Cao Câu Ly có thể củng cố lại thành, và ông không thể chiếm được nó. Khoảng tết năm 406, Mộ Dung Hi cùng với Phù Hoàng hậu thực hiện một cuộc tấn công bất ngờ nhằm vào các bộ lạc Khiết Đan và khi ông thấy rằng người Khiết Đan quá mạnh và định rút lui thì Hoàng hậu lại không nghe, muốn được xem đánh trận. Để chiều lòng người đẹp, ông đã bỏ qua đội cận binh nặng nề của mình và cùng với kị binh tiến đánh Cao Câu Ly. Đường hành quân dài hơn 3 nghìn dặm, binh sĩ mệt mỏi chết ở dọc đường vô số. Quân đội của Mộ Dung Hi chẳng bị ai đánh cũng tự tan tác, tất cả chỉ vì một cái lắc đầu của Phù Hoàng hậu. Cuộc tấn công đã không thành công và ông đã buộc phải rút quân. Tướng Mộ Dung Vân đã bị một mũi tên trong trận chiến làm cho bị thương và do lo sợ sự tàn ác của Mộ Dung Hi, ông ta đã dùng việc này để từ bỏ chức vụ và ở nhà. Năm 407, Mộ Dung Hi cho xây một cung điện mới cho Phù Hoàng hậu, Thừa Hoa cung (承華殿), triều đình sử dụng nhiều đất tơi đến nỗi nó được mô tả là đắt như ngũ cốc. Vào mùa hè năm 407, Phù Hoàng hậu qua đời. Theo sử sách ghi khi Phù Hoàng hậu qua đời vì bạo bệnh, Mộ Dung Hi được sử cũ miêu tả là “đau buồn như mất cha, mất mẹ”. Hoàng đế “điên cuồng khóc lóc”, ôm thi thể của Huấn Anh vào người mà lẩm bẩm: “Thi thể đã lạnh, sinh mạng cũng không còn.”Mộ Dung Hi ngất đi trong nỗi bi thương tột độ. Khi ông tỉnh lại, thi thể của Hoàng hậu đã được đưa đi khâm liệm, nhập quan. Chính tại thời điểm này, Mộ Dung Hi đã làm nên một việc “hoang đường” chấn động trong lịch sử Trung Quốc. Khi việc nhập quan cho Hoàng hậu đã xong xuôi, Mộ Dung Hi tự tay cậy nắp quan tài, bò vào bên trong để làm chuyện đồi bại với thi thể của Phù Huấn Anh ngay trước mặt mọi người. Tương truyền rằng, chỉ đến khi thi thể của Hoàng hậu phát ra mùi hôi, Hoàng đế mới miễn cưỡng cho người đi chôn cất. Ngày đưa tang Hoàng hậu, Mộ Dung Hi xuất hiện trong bộ dạng không hề giống một đấng quân vương: Tóc tai bù xù, y phục xộc xệch, chân không mang giày. Ông đích thân đi bộ cùng xe tang để tiễn đưa Phù Huấn Anh về nơi an nghỉ. (Ông dùng sạch tiền trong quốc khố để xây cho Phù Hoàng hậu một nơi gọi là “Chinh Bình Lăng” có chu vi lên tới vài dặm để an táng, dự định sau này sẽ chôn cùng Phù Hoàng hậu tại đây). Khi linh cữu đi tới cổng thành, vì xe tang quá cao nên không thể ra khỏi cửa, Mộ Dung Hi lập tức sai người phá cổng Bắc Môn để xe đi qua. Lúc đó, có bậc cao nhân không khỏi cảm thán: “Gia tộc Mộ Dung tự tay hủy cổng thành, chẳng bao lâu nữa ắt sẽ bại vong.” Mộ Dung Hi thương tiếc bà đến nỗi đã ra lệnh xây cho bà một lăng mộ tráng lệ, và buộc chị dâu của mình, Trương vương phi (vợ của Mộ Dung Long) là người có chút nhan sắc phải tự sát để chôn cùng với Phù Hoàng hậu… cho có bạn. Để tỏ lòng thương tiếc, Mộ Dung Hi còn hạ lệnh cho các quan phải khóc thật lớn và cho người bí mật giám sát. Ai khóc to, khóc nhiều sẽ được thưởng, ai giả khóc hay khóc không có lệ sẽ bị xử nặng, vì vậy họ đã để ớt vào trong mồm để kích thích tiết ra nước mắt. Cuối cùng, Mộ Dung Hi đã đi đưa tang Phù Hoàng hậu ra bên ngoài Long Thành. Sau khi Mộ Dung Hi rời khỏi Long Thành, tướng Phùng Bạt và anh em trai là Phùng Tố Phất (馮素弗) (hai người này trước đó đã đi ở ẩn vì Mộ Dung Hi muốn giết họ) đã âm mưu cùng với người anh em họ là Phùng Vạn Nê (馮萬泥) để bắt đầu nổi loạn. Họ đã tiến hành kế hoạch với sự giúp đỡ của Trương Hưng (張興) và những người trước đó đã âm mưu chính biến bất thành cùng với tướng Phù Tiến (苻進) vào hồi đầu năm. Do Phùng Bạt là bạn của Mộ Dung Vân nên ông ta đã thuyết phục được Mộ Dung Vân làm lãnh đạo của cuộc nổi loạn, và họ đã nhanh chóng chiếm được hoàng cung và đóng cửa thành. Mộ Dung Vân xưng làm Thiên vương. Mộ Dung Hi trở về Long Thành và ở bên ngoài thành, tại Long Đằng uyển để chuẩn bị tấn công vào thành. Vào thời điểm này, một cận binh hoàng cung tên là Trữ Đầu (褚頭) đã chạy trốn đến chỗ ông và thông báo với ông rằng các cận binh hoàng cũng khác đã sẵn sàng quay sang chống lại Mộ Dung Vân ngay khi ông tấn công vào thành. Tuy nhiên, không rõ vì nguyên cớ gì, Mộ Dung Hi lại hoảng sợ trước tin này và chạy trốn. Tướng của ông là Mộ Dung Bạt (慕容拔) đã cố duy trì cuộc tấn công nhằm vào Long Thành và bước đầu đã thành công, song đến khi các binh sĩ bắt đầu nhận ra rằng Mộ Dung Hi đã bỏ trốn nên đội quân này đã sụp đổ, còn Mộ Dung Bạt thì bị Phùng Bật giết chết. Sau đó, Mộ Dung Hi được tìm thấy khi đang mặc quần áo dân thường ở trong một khu rừng, ông bị bắt và giao cho Mộ Dung Vân. Mộ Dung Vân đã đích thân đọc cáo trạng về các tội ác của ông và sau đó chặt đầu cựu hoàng đế cùng các con trai. Cái chết của Mộ Dung Hi là dấu chấm hết cho nhà Hậu Yên. Cũng vì sự si tình của vị vua cuối cùng này, người ta đã quyết định chôn Mộ Dung Hi cùng với Phù Hoàng hậu để hoàn thành tâm nguyện cuối cùng của ông.
1
null
Huyện Cheb (tiếng Séc: "Okres Cheb") là một huyện ("okres") nằm trong vùng Karlovy Vary của Cộng hòa Séc. Huyện Cheb có diện tích 933 km², dân số năm 2002 là 89107 người. Thủ phủ huyện đóng ở Cheb. Huyện này có 39 khu tự quản. Các khu tự quản. Huyện Cheb có 39 khu tự quản sau: Aš - Cheb - Dolní Žandov - Drmoul - Františkovy Lázně - Hazlov - Hranice - Krásná - Křižovatka - Lázně Kynžvart - Libá - Lipová - Luby - Mariánské Lázně - Milhostov - Milíkov - Mnichov - Nebanice - Nový Kostel - Odrava - Okrouhlá - Ovesné Kladruby - Plesná - Podhradí - Pomezí nad Ohří - Poustka - Prameny - Skalná - Stará Voda - Trstěnice - Třebeň - Tři Sekery - Tuřany - Valy - Velká Hleďsebe - Velký Luh - Vlkovice - Vojtanov - Zádub-Závišín
1
null
Huyện Karlovy Vary (tiếng Séc: "Okres Karlovy Vary") là một huyện ("okres") nằm trong vùng Karlovy Vary của Cộng hòa Séc. Huyện Karlovy Vary có diện tích 1628 km², dân số năm 2002 là 121886 người. Thủ phủ huyện đóng ở Karlovy Vary. Huyện này có 55 khu tự quản. Các khu tự quản. Huyện Karlovy Vary có 55 khu tự quản sau: Abertamy - Andělská Hora - Bečov nad Teplou - Bochov - Boží Dar - Božičany - Březová - Černava - Chodov - Chyše - Čichalov - Dalovice - Děpoltovice - Hájek - Horní Blatná - Hory - Hroznětín - Jáchymov - Jenišov - Karlovy Vary - Kolová - Krásné Údolí - Krásný Les - Kyselka - Merklín - Mírová - Nejdek - Nová Role - Nové Hamry - Ostrov - Otovice - Otročín - Pernink - Pila - Potůčky - Pšov - Sadov - Smolné Pece - Stanovice - Stráž nad Ohří - Stružná - Šemnice - Štědrá - Teplá - Teplička - Toužim - Útvina - Valeč - Velichov - Verušičky - Vojkovice - Vrbice - Vysoká Pec - Žlutice
1
null
Huyện Sokolov (tiếng Séc: "Okres Sokolov") là một huyện ("okres") nằm trong vùng Karlovy Vary của Cộng hòa Séc. Huyện Sokolov có diện tích 753  km², dân số năm 2002 là 93227 người. Thủ phủ huyện đóng ở Sokolov. Huyện này có 38 khu tự quản. Các khu tự quản. Huyện Sokolov có 38 khu tự quản sau:
1
null
Huyện Beroun (tiếng Séc: "Okres Beroun") là một huyện ("okres") nằm trong vùng Trung Bohemia của Cộng hòa Séc. Huyện Beroun có diện tích 662 km², dân số năm 2002 là 76101 người. Thủ phủ huyện đóng ở Beroun. Huyện này có 85 khu tự quản. Các khu tự quản. Huyện Beroun có 85 khu tự quản sau: Bavoryně - Beroun - Běštín - Broumy - Březová - Bubovice - Bykoš - Bzová - "Cerhovice" - Drozdov - Felbabka - Hlásná Třebaň - Hořovice - Hostomice - Hředle - Hudlice - Hvozdec - Hýskov - Chaloupky - Chlustina - Chodouň - Chrustenice - Chyňava - Jivina - "Karlštejn" - "Komárov" - Koněprusy - Korno - Kotopeky - Králův Dvůr - Kublov - Lážovice - Lhotka - Libomyšl - "Liteň" - Loděnice - Lochovice - Lužce - Malá Víska - Málkov - Měňany - Mezouň - Mořina - Mořinka - Nenačovice - Nesvačily - Neumětely - Nižbor - Nový Jáchymov - Olešná - Osek - Osov - Otmíče - Otročiněves - Podbrdy - Podluhy - Praskolesy - Rpety - Skřipel - Skuhrov - Srbsko - Stašov - Suchomasty - Svatá - Svatý Jan pod Skalou - Svinaře - Tetín - Tlustice - Tmaň - Točník - Trubín - Trubská - Újezd - Velký Chlumec - Vinařice - Vižina - Vráž - Všeradice - Vysoký Újezd - Zadní Třebaň - Zaječov - Záluží - Zdice - Žebrák - Železná
1
null
Huyện Kladno (tiếng Séc: "Okres Kladno") là một huyện ("okres") nằm trong vùng Trung Bohemia của Cộng hòa Séc. Huyện Kladno có diện tích 692 km², dân số năm 2002 là 150181 người. Thủ phủ huyện đóng ở Kladno. Huyện này có 100 khu tự quản. Các khu tự quản. Huyện Kladno có 100 khu tự quản sau: Běleč - Běloky - Beřovice - Bílichov - Blevice - Brandýsek - Braškov - Bratronice - Buštěhrad - Černuc - Chržín - Cvrčovice - Dolany - Drnek - Družec - Dřetovice - Dřínov - Hobšovice - Horní Bezděkov - Hořešovice - Hořešovičky - Hospozín - Hostouň - Hradečno - Hrdlív - Hřebeč - Jarpice - Jedomělice - Jemníky - Kačice - Kamenné Žehrovice - Kamenný Most - Kladno - Klobuky - Kmetiněves - Knovíz - Koleč - Královice - Kutrovice - Kvílice - Kyšice - Lány - Ledce - Lhota - Libochovičky - Libovice - Libušín - Lidice - Líský - Loucká - Makotřasy - Malé Kyšice - Malé Přítočno - Malíkovice - Neprobylice - Neuměřice - Otvovice - Páleč - Pavlov - Pchery - Pletený Újezd - Plchov - Podlešín - Poštovice - Pozdeň - Přelíc - Řisuty - Sazená - Slaný - Slatina - Smečno - Stehelčeves - Stochov - Stradonice - Studeněves - Svárov - Svinařov - Šlapanice - Třebichovice - Třebíz - Třebusice - Tuchlovice - Tuřany - Uhy - Unhošť - Velká Dobrá - Velké Přítočno - Velvary - Vinařice - "Vraný" - Vrbičany - Zájezd - Zákolany - Zichovec - "Zlonice" - Zvoleněves - Želenice - Žilina - Žižice -
1
null
Huyện Mladá Boleslav (tiếng Séc: "Okres Mladá Boleslav") là một huyện ("okres") nằm trong vùng Trung Bohemia của Cộng hòa Séc. Huyện Mladá Boleslav có diện tích 1058 km², dân số năm 2002 là 114042 người. Thủ phủ huyện đóng ở Mladá Boleslav. Huyện này có 123 khu tự quản. Các khu tự quản. Huyện Mladá Boleslav có 123 khu tự quản sau: Bakov nad Jizerou - Bělá pod Bezdězem - Benátky nad Jizerou - Bezno - Bílá Hlína - Bítouchov - Boreč - Boseň - Bradlec - Branžež - Brodce - Březina - Březno - Březovice - Bukovno - Ctiměřice - Čachovice - Čistá - Dalovice - Dlouhá Lhota - Dobrovice - Dobšín - Dolní Bousov - Dolní Krupá - Dolní Slivno - Dolní Stakory - Domousnice - Doubravička - Horky nad Jizerou - Horní Bukovina - Horní Slivno - Hrdlořezy - Hrušov - Husí Lhota - Charvatce - Chocnějovice - "Chotětov" - Chudíř - Jabkenice - Jivina - Jizerní Vtelno - Josefův Důl - Katusice - Klášter Hradiště nad Jizerou - Kluky - Kněžmost - Kobylnice - Kochánky - Kolomuty - Koryta - Kosmonosy - Kosořice - Košátky - Kováň - Kovanec - Krásná Ves - Krnsko - Kropáčova Vrutice - Ledce - Lhotky - Lipník - Loukov - Loukovec - Luštěnice - Mečeříž - Mladá Boleslav - Mnichovo Hradiště - Mohelnice nad Jizerou - Mukařov - Němčice - Nemyslovice - Nepřevázka - Neveklovice - Niměřice - Nová Telib - Nová Ves u Bakova - Obrubce - Obruby - Pěčice - Pětikozly - Petkovy - Písková Lhota - Plazy - Plužná - Prodašice - Předměřice nad Jizerou - Přepeře - Ptýrov - Rabakov - Rohatsko - Rokytá - Rokytovec - Řepov - Řitonice - Sedlec - Semčice - Sezemice - Skalsko - Skorkov - Smilovice - Sojovice - "Sovínky" - Strašnov - Strážiště - Strenice - Sudoměř - Sukorady - Tuřice - Ujkovice - Velké Všelisy - Veselice - Vinařice - Vinec - Vlkava - Vrátno - Všejany - Zdětín - Žďár - Žerčice - Židněves
1
null
Huyện Praha Đông hay Praha-východ (tiếng Séc: "Okres Praha-východ") là một huyện ("okres") nằm trong vùng Trung Bohemia của Cộng hòa Séc. Huyện Praha-východ Đông có diện tích 584 km2, dân số năm 2002 là 98453 người. Trung tâm hành chính huyện đóng ở Praha. Huyện này có 91 khu tự quản. Các khu tự quản. Babice - Bašť - Borek - Bořanovice - Brandýs nad Labem-Stará Boleslav - Brázdim - Březí - Čelákovice - Černé Voděrady - Čestlice - Dobročovice - Dobřejovice - Doubek - Dřevčice - Dřísy - Herink - Hlavenec - Horoušany - Hovorčovice - Hrusice - Husinec - Jenštejn - Jevany - Jirny - Kaliště - Kamenice - Káraný - Klecany - Klíčany - Klokočná - Konětopy - Konojedy - Kostelec u Křížků - Kostelec nad Černými lesy - Kostelní Hlavno - Kozojedy - Křenek - Křenice - Křížkový Újezdec - Kunice - Květnice - "Lázně Toušeň" - Lhota - Líbeznice - Louňovice - Máslovice - Měšice - Mirošovice - Mnichovice - Modletice - Mochov - Mratín - Mukařov - "Nehvizdy" - Nová Ves - Nový Vestec - Nučice - Nupaky - Odolena Voda - Oleška - Ondřejov - Oplany - Panenské Břežany - Pětihosty - Petříkov - Podolanka - Polerady - Popovičky - Prusice - Předboj - Přezletice - Radějovice - Radonice - Říčany - Sedlec Senohraby - Sibřina - Sluhy - Sluštice - Strančice - Struhařov - Stříbrná Skalice - Sudovo Hlavno - Sulice - Svémyslice - Světice - Svojetice - Šestajovice - "Škvorec" - Štíhlice - Tehov - Tehovec - Úvaly - Veleň - Veliká Ves - Velké Popovice - Větrušice - Vlkančice - Vodochody - Všestary - Vyšehořovice - Výžerky - Vyžlovka - "Zápy" - Záryby - Zdiby - Zeleneč - Zlatá - Zlonín - Zvánovice -
1
null
Huyện Praha Tây (tiếng Séc: "Okres Praha-západ") là một huyện ("okres") nằm trong vùng Trung Bohemia của Cộng hòa Séc. Huyện Praha-západ Tây có diện tích 586 km2, dân số năm 2002 là 86777 người. Trung tâm hành chính huyện là Praha. Huyện này có 80 khu tự quản. Các khu tự quản. Bojanovice - Bratřínov - Březová-Oleško - Buš - Černolice - Černošice - Červený Újezd - Číčovice - Čisovice - Davle - Dobrovíz - Dobříš - Dobřichovice - Dolní Břežany - Drahelčice - Holubice - Horoměřice - Hostivice - Hradištko - Hvozdnice - Choteč - Chrášťany - Chýně - Chýnice - Jeneč - Jesenice - Jílové u Prahy - Jíloviště - Jinočany - Kamenný Přívoz - Karlík - Klínec - Kněževes - Kosoř - Kytín - Lety - Libčice nad Vltavou - Libeř - Lichoceves - Líšnice - Měchenice - Mníšek pod Brdy - Nučice - Ohrobec - Okoř - Okrouhlo - Ořech - Petrov - Pohoří - Průhonice - Psáry - Ptice - Roblín - Roztoky - Rudná - Řevnice - Řitka - Slapy - Statenice - Středokluky - Svrkyně - "Štěchovice" - Tachlovice - Trnová - Třebotov - Tuchoměřice - Tursko - Úholičky - Úhonice - Únětice - Velké Přílepy - Vestec - Vonoklasy - Vrané nad Vltavou - Všenory - Zahořany - Zbuzany - Zlatníky-Hodkovice - Zvole
1
null
Huyện Příbram (tiếng Séc: "Okres Příbram") là một huyện ("okres") nằm trong vùng Trung Bohemia của Cộng hòa Séc. Huyện Příbram có diện tích 1628 km², dân số năm 2002 là 107260 người. Thủ phủ huyện đóng ở Příbram. Huyện này có 120 khu tự quản. Các khu tự quản. Huyện Příbram có 120 khu tự quản sau:
1
null
Huyện Hradec Králové (tiếng Séc: "Okres Hradec Králové") là một huyện ("okres") nằm trong vùng Hradec Králové của Cộng hòa Séc. Huyện Hradec Králové có diện tích 875 km², dân số năm 2002 là 159622 người. Thủ phủ huyện đóng ở Hradec Králové. Huyện này có 101 khu tự quản. Các khu tự quản. Huyện Hradec Králové có 101 khu tự quản sau:
1
null
Huyện Jičín (tiếng Séc: "Okres Jičín") là một huyện ("okres") nằm trong vùng Hradec Králové của Cộng hòa Séc. Huyện Jičín có diện tích 887 km², dân số năm 2002 là 77368 người. Thủ phủ huyện đóng ở Jičín. Huyện này có 111 khu tự quản. Các khu tự quản. Huyện Jičín có 111 khu tự quản sau:
1
null
Huyện Náchod (tiếng Séc: "Okres Náchod") là một huyện ("okres") nằm trong vùng Hradec Králové của Cộng hòa Séc. Huyện Náchod có diện tích 851 km², dân số năm 2002 là 112448 người. Thủ phủ huyện đóng ở Náchod. Huyện này có 78 khu tự quản. Các khu tự quản. Huyện Náchod có 78 khu tự quản sau:
1
null
Huyện Rychnov nad Kněžnou (tiếng Séc: "Okres Rychnov nad Kněžnou") là một huyện ("okres") nằm trong vùng Hradec Králové của Cộng hòa Séc. Huyện Rychnov nad Kněžnou có diện tích 998 km², dân số năm 2002 là 79003 người. Thủ phủ huyện đóng ở Rychnov nad Kněžnou. Huyện này có 83 khu tự quản. Các khu tự quản. Huyện Rychnov nad Kněžnou có 83 khu tự quản sau:
1
null
Huyện Trutnov (tiếng Séc: "Okres Trutnov") là một huyện ("okres") nằm trong vùng Hradec Králové của Cộng hòa Séc. Huyện Trutnov có diện tích 1147 km², dân số năm 2002 là 119996 người. Thủ phủ huyện đóng ở Trutnov. Huyện này có 75 khu tự quản. Các khu tự quản. Huyện Trutnov có 75 khu tự quản sau:
1
null
Huyện Česká Lípa (tiếng Séc: "Okres Česká Lípa") là một huyện ("okres") nằm trong vùng Liberec của Cộng hòa Séc. Huyện Česká Lípa có diện tích 1137 km², dân số năm 2002 là 106411 người. Thủ phủ huyện đóng ở Česká Lípa. Huyện này có 59 khu tự quản. Các khu tự quản. Huyện Česká Lípa có 59 khu tự quản sau:
1
null
Huyện Jablonec nad Nisou (tiếng Séc: "Okres Jablonec nad Nisou") là một huyện ("okres") nằm trong vùng Liberec của Cộng hòa Séc. Huyện Jablonec nad Nisou có diện tích 402 km², dân số năm 2002 là 88232 người. Thủ phủ huyện đóng ở Jablonec nad Nisou. Huyện này có 34 khu tự quản. Các khu tự quản. Huyện Jablonec nad Nisou có 34 khu tự quản sau:
1
null
Huyện Liberec (tiếng Séc: "Okres Liberec") là một huyện ("okres") nằm trong vùng Liberec của Cộng hòa Séc. Huyện Liberec có diện tích 925 km², dân số năm 2002 là 158988 người. Thủ phủ huyện đóng ở Liberec. Huyện này có 57 khu tự quản. Các khu tự quản. Huyện Liberec có 57 khu tự quản sau:
1
null
Huyện Semily (tiếng Séc: "Okres Semily") là một huyện ("okres") nằm trong vùng Liberec của Cộng hòa Séc. Huyện Semily có diện tích 699 km², dân số năm 2002 là 74660 người. Thủ phủ huyện đóng ở Semily. Huyện này có 65 khu tự quản. Các khu tự quản. Huyện Semily có 65 khu tự quản sau:
1
null
Huyện Bruntál (tiếng Séc: "Okres Bruntál") là một huyện ("okres") nằm trong vùng Moravia–Silesia của Cộng hòa Séc. Huyện Bruntál có diện tích 1658 km², dân số năm 2002 là 104480 người. Thủ phủ huyện đóng ở Bruntál. Huyện này có 67 khu tự quản. Các khu tự quản. Huyện Bruntál có 67 khu tự quản sau:
1
null
Huyện Frýdek-Místek (tiếng Séc: "Okres Frýdek-Místek") là một huyện ("okres") nằm trong vùng Moravia–Silesia của Cộng hòa Séc. Huyện Frýdek-Místek có diện tích 1273 km², dân số năm 2002 là 226592 người. Thủ phủ huyện đóng ở Frýdek-Místek. Huyện này có 72 khu tự quản. Các khu tự quản. Huyện Frýdek-Místek có 72 khu tự quản sau: Baška Bílá Bocanovice BrušperkBruzoviceBukovecBystřiceČeladnáDobráDobraticeDolní DomaslaviceDolní LomnáDolní TošanoviceFryčoviceFrýdek-MístekFrýdlant nad OstravicíHnojníkHorní DomaslaviceHorní LomnáHorní TošanoviceHrádekHrčavaHukvaldyJablunkovJanoviceKaňoviceKomorní LhotkaKošařiskaKozloviceKrásnáKrmelínKunčice pod OndřejníkemLhotkaLučinaMalenoviceMetyloviceMilíkovMorávkaMosty u JablunkovaNávsíNižní LhotyNošoviceNýdekOstravicePalkovicePaskovPazdernaPísečnáPísekPražmoPržnoPstružíRaškoviceRopiceŘekaŘepištěSedlištěSmiloviceSoběšoviceStaré HamryStaré MěstoStaříčStřítežSviadnovTřanoviceTřinecVělopolíVendryněVojkoviceVyšní LhotyŽabeňŽermanice
1
null
Huyện Karviná (tiếng Séc: "Okres Karviná") là một huyện ("okres") nằm trong vùng Moravia–Silesia của Cộng hòa Séc. Huyện Karviná có diện tích 347 km², dân số năm 2002 là 277244 người. Thủ phủ huyện đóng ở Karviná. Huyện này có 17 khu tự quản. Các khu tự quản. Huyện Karviná có 17 khu tự quản sau:
1
null
Huyện Nový Jičín (tiếng Séc: "Okres Nový Jičín") là một huyện ("okres") nằm trong vùng Moravia–Silesia của Cộng hòa Séc. Huyện Nový Jičín có diện tích 918 km², dân số năm 2002 là 159473 người. Thủ phủ huyện đóng ở Nový Jičín. Huyện này có 53 khu tự quản. Các khu tự quản. Huyện Nový Jičín có 53 khu tự quản sau:
1
null
Huyện Opava (tiếng Séc: "Okres Opava") là một huyện ("okres") nằm trong vùng Moravia–Silesia của Cộng hòa Séc. Huyện Opava có diện tích 1144 km², dân số năm 2002 là 180769 người. Thủ phủ huyện đóng ở Opava. Huyện này có 77 khu tự quản. Các khu tự quản. Huyện Opava có 77 khu tự quản sau: Bělá, Bohuslavice, Bolatice, Branka u Opavy, Bratříkovice, "Březová," Brumovice, Budišov nad Budišovkou, Budišovice, Čermná ve Slezsku, Chlebičov Chuchelná, Chvalíkovice, Darkovice, Děhylov, Dobroslavice, Dolní Benešov, Dolní Životice, Háj ve Slezsku, Hať, Hlavnice, Hlubočec, Hlučín, Hněvošice, Holasovice, Hrabyně, Hradec nad Moravicí, Jakartovice, Jezdkovice, Kobeřice, Kozmice, Kravaře, Kružberk, Kyjovice, Lhotka u Litultovic, "Litultovice", Ludgeřovice, Markvartovice, Melč, Mikolajice, Mladecko, Mokré Lazce, Moravice, Neplachovice, Nové Lublice, Nové Sedlice, Oldřišov, Opava, Otice, Píšť, Pustá Polom, Radkov, Raduň, Rohov, Šilheřovice, Skřipov , Slavkov, Služovice, Sosnová, Štáblovice, Staré Těchanovice, Stěbořice, Štěpánkovice, Štítina, Strahovice, Sudice, Svatoňovice, Těškovice, Třebom, Uhlířov, Velké Heraltice, Velké Hoštice, Větřkovice, Vítkov, Vřesina, Vršovice, Závada.
1
null
Huyện Ostrava (tiếng Séc: "Okres Ostrava") là một huyện ("okres") nằm trong vùng Moravia–Silesia của Cộng hòa Séc. Huyện Ostrava có diện tích 214 km2, dân số năm 2002 là 314102 người. Thủ phủ huyện đóng ở Ostrava. Huyện này có 13 khu tự quản. Các khu tự quản. Huyện Ostrava có 13 khu tự quản sau:
1
null
Huyện Jeseník (tiếng Séc: "Okres Jeseník") là một huyện ("okres") nằm trong vùng Olomouc của Cộng hòa Séc. Huyện Jeseník có diện tích 719 km², dân số năm 2002 là 42251 người. Thủ phủ huyện đóng ở Jeseník. Huyện này có 24 khu tự quản. Các khu tự quản. Huyện Jeseník có 24 khu tự quản sau:
1
null
Huyện Olomouc (tiếng Séc: "Okres Olomouc") là một huyện ("okres") nằm trong vùng Olomouc của Cộng hòa Séc. Huyện Olomouc có diện tích 1451 km², dân số năm 2002 là 224156 người. Thủ phủ huyện đóng ở Olomouc. Huyện này có 92 khu tự quản. Các khu tự quản. Huyện Olomouc có các khu tự quản sau: Babice - Bělkovice-Lašťany - Bílá Lhota - Bílsko - Blatec - Bohuňovice - Bouzov - Bukovany - Bystročice - Bystrovany - Červenka - Charváty - Cholina - Daskabát - Dlouhá Loučka - Dolany - Doloplazy - Domašov nad Bystřicí - Domašov u Šternberka - Drahanovice - "Dub nad Moravou" - Dubčany - Grygov - Haňovice - Hlásnice - Hlubočky - Hlušovice - Hněvotín - Hnojice - Horka nad Moravou - Horní Loděnice - Hraničné Petrovice - Huzová - Jívová - Komárov - Kožušany-Tážaly - Krčmaň - Křelov-Břuchotín - Liboš - Lipina - Lipinka - Litovel - Loučany - Loučka - Luběnice - Luká - Lutín - Lužice - Majetín - Medlov - Měrotín - Mladeč - Mladějovice - Moravský Beroun - Mrsklesy - Mutkov - Náklo - "Náměšť na Hané" - Norberčany - Nová Hradečná - Olbramice - Olomouc - Paseka - Pňovice - Přáslavice - Příkazy - Řídeč - Samotišky - Senice na Hané - Senička - Skrbeň - Slatinice - Slavětín - Strukov - Střeň - Suchonice - Svésedlice - Štarnov - Štěpánov - Šternberk - Šumvald - Těšetice - Tovéř - Troubelice - Tršice - Újezd - Uničov - Ústín - Velká Bystřice - Velký Týnec - "Velký Újezd" - Věrovany - Vilémov - Želechovice - Žerotín
1
null
Huyện Přerov (tiếng Séc: "Okres Přerov") là một huyện ("okres") nằm trong vùng Olomouc của Cộng hòa Séc. Huyện Přerov có diện tích 884 km², dân số năm 2002 là 138895 người. Thủ phủ huyện đóng ở Přerov. Huyện này có 104 khu tự quản. Các khu tự quản. Huyện Přerov có 104 khu tự quản sau:
1
null
Huyện Prostějov (tiếng Séc: "Okres Prostějov") là một huyện ("okres") nằm trong vùng Olomouc của Cộng hòa Séc. Huyện Prostějov có diện tích 770 km², dân số năm 2002 là 109524 người. Thủ phủ huyện đóng ở Prostějov. Huyện này có 96 khu tự quản. Các khu tự quản. Huyện Prostějov có 96 khu tự quản sau:
1
null
Huyện Šumperk (tiếng Séc: "Okres Šumperk") là một huyện ("okres") nằm trong vùng Olomouc của Cộng hòa Séc. Huyện Šumperk có diện tích 1316 km2, dân số năm 2002 là 125924 người. Thủ phủ huyện đóng ở Šumperk. Huyện này có 78 khu tự quản. Các khu tự quản. Huyện Šumperk có 78 khu tự quản sau:
1
null
Huyện Chrudim (tiếng Séc: "Okres Chrudim") là một huyện ("okres") nằm trong vùng Pardubice của Cộng hòa Séc. Huyện Chrudim có diện tích 1030 km², dân số năm 2002 là 104748 người. Thủ phủ huyện đóng ở Chrudim. Huyện này có 113 khu tự quản. Các khu tự quản. Huyện Chrudim có 113 khu tự quản sau:
1
null
Huyện Pardubice (tiếng Séc: "Okres Pardubice") là một huyện ("okres") nằm trong vùng Pardubice của Cộng hòa Séc. Huyện Pardubice có diện tích 889 km², dân số năm 2002 là 160251 người. Thủ phủ huyện đóng ở Pardubice. Huyện này có 115 khu tự quản. Các khu tự quản. Huyện Pardubice có 115 khu tự quản sau:
1
null
Huyện Svitavy (tiếng Séc: "Okres Svitavy") là một huyện ("okres") nằm trong vùng Pardubice của Cộng hòa Séc. Huyện Svitavy có diện tích 1335 km², dân số năm 2002 là 101832 người. Thủ phủ huyện đóng ở Svitavy. Huyện này có 113 khu tự quản. Các khu tự quản. Huyện Svitavy có 113 khu tự quản sau:
1
null
Huyện Ústí nad Orlicí (tiếng Séc: "Okres Ústí nad Orlicí") là một huyện ("okres") nằm trong vùng Pardubice của Cộng hòa Séc. Huyện Ústí nad Orlicí có diện tích 1265 km2, dân số năm 2002 là 138753 người. Thủ phủ huyện đóng ở Ústí nad Orlicí. Huyện này có 111 khu tự quản. Các khu tự quản. Huyện Ústí nad Orlicí có 111 khu tự quản sau:
1
null
Huyện Domažlice (tiếng Séc: "Okres Domažlice") là một huyện ("okres") nằm trong vùng Plzeň của Cộng hòa Séc. Huyện Domažlice có diện tích 1140 km², dân số năm 2002 là 58895 người. Thủ phủ huyện đóng ở Domažlice. Huyện này có 86 khu tự quản. Các khu tự quản. Huyện Domažlice có 86 khu tự quản sau:
1
null
Huyện Klatovy (tiếng Séc: "Okres Klatovy") là một huyện ("okres") nằm trong vùng Plzeň của Cộng hòa Séc. Huyện Klatovy có diện tích 1939 km², dân số năm 2002 là 87680 người. Thủ phủ huyện đóng ở Klatovy. Huyện này có 95 khu tự quản. Các khu tự quản. Huyện Klatovy có 95 khu tự quản sau:
1
null
Mộ Dung Đức () (336–405), năm 400 đổi tên thành Mộ Dung Bị Đức (慕容備德), tên tự Huyền Minh (玄明), gọi theo thụy hiệu là (Nam) Yên Hiến Vũ Đế ((南)燕獻武帝), là hoàng đế khai quốc của nước Nam Yên thời Thập lục quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông là một trong số các con trai của hoàng đế khai quốc của nước Tiền Yên là Mộ Dung Hoảng và là em trai của cả hoàng đế Tiền Yên Mộ Dung Tuấn và hoàng đế Hậu Yên Mộ Dung Thùy, và bởi vậy, ông từng là một thân vương và tướng lĩnh của cả hai nước. Sau khi con trai của Mộ Dung Thùy là Mộ Dung Bảo để mất phần lớn lãnh thổ của Hậu Yên vào tay Bắc Ngụy, Mộ Dung Đức đã cho quân dưới quyền chỉ huy của mình đi về phía nam và lập nước Nam Yên, kiểm soát vùng Sơn Đông hiện nay, song đã thất bại khi tìm cách mở mang lãnh thổ hơn nữa, và nước Nam Yên cuối cùng đã bị Đông Tấn tiêu diệt sau khi Mộ Dung Đức qua đời. Phụng sự Tiền Yên. Mộ Dung Đức sinh năm 336, là con của Mộ Dung Hoảng và Công Tôn phu nhân, bà trước đó cũng đã sinh hạ Mộ Dung Nạp (慕容納). Vào thời điểm đó, Mộ Dung Hoảng đang có tước hiệu Liêu Đông công và là một chư hầu của Đông Tấn, mặc dù vậy, đến năm 337 ông đã xưng làm Yên vương. Vì Đông Tấn không ban cho ông tước hiệu này (phải đến năm 341 Tấn Thành Đế mới sắc phong), nên sự kiện này được coi là dấu mốc thành lập nước Tiền Yên độc lập. Khi còn trẻ, Mộ Dung Đức đã được coi là người hiếu học, tuấn tú và tài năng. Năm 354, sau khi anh trai Mộ Dung Tuấn chính thức tuyệt giao với Đông Tấn và xưng đế, Mộ Dung Đức được anh phong là Lương công. Sau khi Mộ Dung Tuấn qua đời năm 360 và con trai Mộ Dung Vĩ kế vị, Mộ Dung Đức được lập làm Phạm Dương vương. Năm 368, ông được giao trấn thủ Nghiệp Thành (鄴城, nay thuộc Hàm Đan, Hà Bắc) khi bốn công tước của nước Tiền Tần kình địch nổi loạn chống hoàng đế Phù Kiên. Mộ Dung Đức đề xuất với người nhiếp chính là Mộ Dung Bình (em Mộ Dung Hoảng), rằng Tiền Yên nên đưa quân đến trợ giúp một trong số này là Phù Sưu (苻廋) và sau đó nắm lấy cơ hội để chinh phục Tiền Tần, song Mộ Dung Bình đã từ chối làm theo kế sách của ông. Năm 369, khi tướng Hoàn Ôn của Đông Tấn mở một chiến dịch lớn nhắm vào Tiền Yên nhằm tiêu diệt nước này, Hoàn Ôn ban đầu đã thành công và tiếp cận được vùng lân cận của Nghiệp Thành. Anh trai của Mộ Dung Đức là Mộ Dung Thùy đã tình nguyện tiến hành một trận cuối cùng với Đông Tấn, và Mộ Dung Đức khi đó là một tướng dưới quyền chỉ huy của anh trai. Họ đã khiến cho Hoàn Ôn phải thất bại và buộc Hoàn phải từ bỏ chiến dịch của mình. Tuy nhiên, sau đó Mộ Dung Thùy do bị Mộ Dung Bình và Khả Túc Hồn Thái hậu nghi ngờ, đã buộc phải chạy trốn đến Tiền Tần, và do Mộ Dung Đức có mối quan hệ thân cận với Mộ Dung Thùy nên Mộ Dung Đức đã bị thu hồi chức vụ trấn thủ Nghiệp Thành. Sau khi Tiền Tần chính phục Tiền Yên vào năm 370, Mộ Dung Đức cũng như các thân vương khác trong hoàng tộc Mộ Dung, đã đầu hàng quân Tiền Tần. Phụng sự Tiền Tần. Phù Kiên phong cho hầu hết các thân vương của Tiền Yên làm thái thú các quận trong đế quốc, trong đó có Mộ Dung Đức và Mộ Dung Nạp. Song Mộ Dung Nạp đã sớm bị loại bỏ khỏi chức vụ, rồi cả Mộ Dung Nạp và Công Tôn phu nhân đều đến chỗ Mộ Dung Đức cai quản là quận Trương Dịch (張掖, gần tương ứng với Trương Dịch, Cam Túc ngày nay). Khoảng năm 383, khi Phù Kiên chuẩn bị một chiến dịch để tiêu diệt Đông Tấn và thống nhất Trung Quốc, Mộ Dung Đức và quân của ông đã được huy động. Ông để các con trai, Mộ Dung Nạp và Công Tôn phu nhân ở lại Trương Dịch; trước khi đi, ông đưa cho mẫu thân một con dao vàng để thể hiện sự hiếu thảo của mình. Sau khi Phù Kiên đại bại trước Đông Tấn tại trận Phì Thủy, Mộ Dung Đức ban đầu đã cố thuyết phục Mộ Dung Thùy (đang giữ trại nơi Phù Kiên chạy đến) rằng hãy giết chết Phù Kiên và tiến hành nổi dậy để phục nước Yên. Khi Mộ Dung Thùy từ chối với lý do là để đáp lại lòng tốt của Phù Kiện với mình, Mộ Dung Đức sau đó lại cố thuyết phục Mộ Dung Vĩ hành động song Mộ Dung Vĩ cũng từ chối. Tuy nhiên, vào mùa xuân năm 384, Mộ Dung Thùy đã nổi dậy gần Lạc Dương. Sau khi ông ta xưng là Yên vương, lập nước Hậu Yên, Mộ Dung Đức lại được phong tước hiệu cũ là Phạm Dương vương. Khi tin đến Trương Dịch, thái thú Phù Xương (苻昌) đã bắt giữ và xử tử Mộ Dung Nạp và tất cả các con trai của Mộ Dung Đức (và có lẽ cả mẹ của họ). Công Tôn phu nhân được tha vì tuổi tác, trong khi vợ của Mộ Dung Nạp là Đoàn phu nhân, lúc bấy giờ đang mang thai và đã bị tống giam để chờ ngày hành hình sau khi sinh. Tuy nhiên, Công Tôn phu nhân và Đoàn phu nhân đã được cứu thoát nhờ thuộc cấp lúc trước của Mộ Dung Đức là Hô Diên Bình (呼延平). Hô Diên Bình hộ tống hai người đến chỗ các bộ lạc người Khương. Phụng sự Hậu Yên. Dưới thời Mộ Dung Thùy. Trong thời gian trị vì của Mộ Dung Thùy, Mộ Dung Đức giữ vai trò là một quan lại và tướng lĩnh chính, và Mộ Dung Thùy thường nghe lời khuyên của ông. Trong những năm đầu tiên của Hậu Yên, ông thường tiến hành các chiến dịch để chiếm giữ các khu vực do các quân phiệt bán độc lập cai quản. Đặc biệt, khoảng tết năm 387, ông cùng với sự hỗ trợ của cháu trai Mộ Dung Long, đã đánh bại được một chư hầu của Đông Tấn là Ôn Tường (溫詳) và quân nổi loạn của Đông Tấn là Trương Nguyện (張願), chiếm được lãnh thổ ở gần Hoàng Hà. Trong hoặc khoảng tết năm 388, Mộ Dung Đức đã kết hôn với Đoàn Quý Phi, em gái của Hoàng hậu Đoàn Nguyên Phi - vợ Mộ Dung Thùy. Người vợ trước đó của ông (nếu có) có thể đã bị xử tử khi ông nổi loạn cùng với Mộ Dung Thùy. Năm 389, Mộ Dung Đức cùng với cháu trai là Mộ Dung Lân, đã tiến hành một chiến dịch thành công chống lại bộ lạc Hạ Lan (賀蘭) của người Tiên Ti, buộc tộc trưởng Hạ Lan Nột (賀蘭訥) phải khuất phục. Năm 393, khi Mộ Dung Thùy tính đến việc chinh phục đối thủ Mộ Dung Vĩnh của Tây Yên để giành quyền thừa kế hợp pháp duy nhất của Tiền Yên, hầu hết các triều thần đã phản đối, cho rằng quân Hậu Yên đã kiệt sức. Mộ Dung Đức là một trong số những người hưởng ứng ý định này, cho rằng Mộ Dung Vĩnh đã gây ra bối rối trong nhân dân về việc ai mới là người thừa kế hợp pháp. Mộ Dung Thùy quyết định tiến hành kế hoạch, và vào năm 394 Tây Yên đã bị tiêu diệt. Năm 395, Mộ Dung Đức là một trong các tướng nằm dưới sự chỉ huy của thái tử Mộ Dung Bảo đi đánh nước Bắc Ngụy của Thác Bạt Khuê vì nước này đã tiến hành cướp bóc vùng biên giới của Hậu Yên. Song với sự bất tài của Mộ Dung Bảo, quân Hậu Yên đã bị quân Bắc Ngụy đánh bại trong trận Tham Hợp Pha và hầu hết binh sĩ đã bị Bắc Ngụy bắt rồi thảm sát. Sau thất bại ở Tham Hợp pha, Mộ Dung Đức đề nghị với Mộ Dung Thùy phải đánh Bắc Ngụy vì nước này sẽ là một mối đe dọa trong tương lai do Thác Bạt Khê đã xem thường Mộ Dung Bảo. Mộ Dung Thùy chấp thuận và năm 396 lại đích thân mang quân tấn công Bắc Ngụy. Các chiến dịch ban đầu đạt được thành công, song khi quân Hậu Yên đi qua Tham Hợp pha, họ đã tỏ vẻ thê lương trước xương chất đống của quân Yên tử trận khi trước. Điều đó khiến cho Mộ Dung Thùy trở nên bối rối và tức giận rồi lâm bệnh nặng hơn. Quân Hậu Yên buộc phải rút lui và Mộ Dung Thùy chết trên đường trở về kinh thành Trung Sơn (中山, nay thuộc Bảo Định, Hà Bắc). Mộ Dung Bảo lên kế vị phụ thân. Dưới thời Mộ Dung Bảo. Sau khi Mộ Dung Bảo lên ngôi hoàng đế đã lập Mộ Dung Đức làm đại tướng quân và trấn thủ Nghiệp Thành cùng phía nam đất nước. Tuy nhiên, ngay sau đó, Bắc Ngụy lại tấn công Hậu Yên và Mộ Dung Bảo đã quyết định chỉ phòng thủ các thành lớn ở đồng bằng Hà Bắc. Quân Bắc Ngụy có thể dễ dàng kiểm soát toàn bộ lãnh thổ còn lại. Cuối cùng, chỉ có Trung Sơn và Nghiệp Thành là còn nằm trong tay Hậu Yên. Mộ Dung Đức chiến đấu với quân Bắc Ngụy để giữ Nghiệp Thành, song trong lúc này, Mộ Dung Bảo đã bỏ Trung Sơn và chạy về cố đô của Tiền Yên là Long Thành (龍城, nay thuộc Cẩm Châu, Liêu Ninh) và Mộ Dung Đức đã mất liên lạc với vua cháu. Vào một số dịp, các thuộc hạ đã hỏi ông về việc xưng đế, song mỗi lần, sau khi nhận được tin Mộ Dung Bảo vẫn còn sống, ông đã không làm như vậy. Cuối năm 397, đề xuất của Mộ Dung Đức về việc Mộ Dung Bảo tiến xuống phía nam để thu hồi lại các lãnh thổ đã mất cuối cùng đã đến tay Mộ Dung Bảo. Mộ Dung Bảo chấp thuận và chuẩn bị một chiến dịch lớn vào năm 398. Tuy nhiên, trong khi đó, Mộ Dung Lân, người đã xưng đế trong một thời gian ngắn, đã chạy trốn đến Nghiệp Thành và đề nghị Mộ Dung Đức bỏ Nghiệp Thành (vì ông ta cho rằng quá lớn để có thể phòng thủ), và tiến về phía nam Hoàng Hà để đến Hoạt Đài (滑台, nay thuộc An Dương, Hà Nam). Mộ Dung Đức đồng ý và đến mùa xuân năm 398, ông bỏ Nghiệp Thành và đem quân đến Hoạt Đài. Tại đây, Mộ Dung Lân nhường tước đế cho Mộ Dung Dức. Mặc dù Mộ Dung Đức từ chối, ông lại xưng tước hiệu Yên vương (tước hiệu mà Mộ Dung Thùy đã có) để thể hiện độc lập và lập nên nước Nam Yên. Trị vì. Mâu thuẫn nội tộc. Sau khi Mộ Dung Lân trao tước đế cho Mộ Dung Đức, ông ta ngay lập tức lại âm mưu tiến hành nổi loạn. Mộ Dung Đức vì thế đã giết chết người cháu này. Ngay sau đó, Mộ Dung Đức phải tính đến việc có nên giết chết các cháu trai không. Trong lúc đó, Mộ Dung Bảo vẫn chưa biết rằng thúc phụ đã tuyên bố độc lập nên vẫn bắt đầu một chiến dịch chống lại Bắc Ngụy, song binh lính của ông ta do mệt mỏi với chiến tranh nên đã nổi loạn, buộc ông ta phải trở về Long Thành. Sau đó quân nổi loạn tiếp tục chiếm được Long Thành và buộc ông ta phải chạy về phía nam. Khi đến gần Hoạt Đài, Bảo vẫn không biết gì về việc Mộ Dung Đức đã xưng là Yên vương, và đã cử một hoạn quan tên là Triệu Tư (趙思) làm sứ thần đến chỗ Mộ Dung Đức, yêu cầu Mộ Dung Đức cử quan đến hộ tống ông ta đến nơi một cách an toàn. Mộ Dung Đức ban đầu đã tính đến việc thoái vị và nghênh đón sự trở lại của Mộ Dung Bảo, song sau khi nghe được những lời khuyên trái chiều của Trương Hoa (張華) và Mộ Dư Hộ (慕輿護), ông đã thay đổi ý định và chuẩn bị bắt Mộ Dung Bảo và đưa cháu trai đến với cái chết, song trong lúc Mộ Dư Hộ dẫn quân đến chỗ ẩn náu của Mộ Dung Bảo, Mộ Dung Bảo biết chuyện và chạy về phía bắc. Mộ Dung Đức giữ lại Triệu Tư, song sau khi bị Triệu Tư nguyền rủa là một người cướp ngôi, ông đã cho giết Triệu Tư. Chiếm Thanh châu xưng đế. Năm 399, tướng Phù Quảng (苻廣), anh em của hoàng đế Phù Đăng của Tiền Tần, đã nghe được lời tiên tri rằng Tiền Tần sẽ sớm được tái lập, và do đó đã tuyên bố nổi loạn, xưng là Tần vương. Mộ Dung Đức đã đích thân dẫn quân đi đánh Phù Quảng và giết chết người này. Tuy nhiên, khi ông đi đánh trận, cháu trai Mộ Dung Hòa (慕容和) ở lại để trấn thủ Hoạt Đài và đã bị tướng Lý Biện (李辯) ám sát, người này sau đó đã trao thành cho Bắc Ngụy. Tổng trấn của Bắc Ngụy là Tố Hòa Bạt (素和跋) đã nhanh chóng tiến vào Hoạt Đài và đánh bại đội quân của Mộ Dung Đức và một người anh em họ tên là Mộ Dung Trấn (慕容鎮), và các thành khác trong vùng Hoạt Đài sau đó cũng đã đầu hàng Bắc Ngụy. Mộ Dung Đức tính đến chuyện bao vây Hoạt Đài, song vì nghe theo lời khuyên của tướng Hàn Phạm (韓範) rằng vây Hoạt Đài sẽ khó, ông quyết định đem quân về phía đông và giao chiến với thứ sử Thanh Châu (青州, nay là trung bộ và đông bộ Sơn Đông) là Tịch Lư Hồn (辟閭渾) của Đông Tấn. Vào mùa thu năm 399, ông chiếm được đô phủ của Thanh Châu là Quảng Cố (廣固, nay thuộc Thanh Châu, Sơn Đông), giết chết Tịch Lư, và biến Quảng Cố thành kinh đô mới. Từ thời điểm này, Mộ Dung Đức còn thực hiện một vài chiến dịch quân sự khác, ông cuối cùng bằng lòng với việc kiểm soát một đế chế nhỏ song ổn định. Năm 400, Mộ Dung Đức xưng đế và đổi tên từ Mộ Dung Đức thành Mộ Dung Bị Đức (慕容備德) để cho phép người dân dễ dàng hơn trong việc kiêng húy, điều này có nghĩa rằng người dân sẽ chỉ phạm húy nếu họ sử dụng "Bị Đức" cùng nhau, còn nếu dùng "Bị" hoặc "Đức" một cách riêng biệt thì vẫn được phép vì cả hai chữ đều phổ biến. Ông phong cho Đoàn vương hậu là Hoàng hậu. Tìm người kế nghiệp. Khi Mộ Dung Đức định cư tại Quảng Cố, ông cử nhiều phái đoàn để cố tìm ra tung tích của Công Tôn phu nhân và Mộ Dung Nạp. Năm 401, ông cử quan Đỗ Hoằng (杜弘) đi, bồi thường cho Đỗ Hoằng bằng cách để cha ông ta là Đỗ Hùng (杜雄) làm quan một huyện, song sau khi Đỗ Hoằng đến Trương Dịch, ông ta bị bọn cướp giết chết trước khi có thể tìm hiểu được điều gì. Tuy nhiên, năm 403, sau khi thuộc hạ cũ là Triệu Dung (趙融) đến từ lãnh thổ Hậu Tần, ông ta kể cho ông rằng Công Tôn phu nhân và Mộ Dung Nạp đều đã chết, và Mộ Dung Đức đã thương tiếc họ rất nhiều, đến nỗi ông lâm bệnh và từ thời điểm này trở đi, sức khỏe của ông trở nên không ổn định. Cũng trong năm 403, theo sự cho phép của Mộ Dung Đức, một anh em của Hàn Phạm đã thực hiện cải cách một chính sách mà Mộ Dung Đức trước đó đã thiết lập, theo đó nếu người dân trong nước bị buộc phải tái định cư, họ sẽ được miễn các loại thuế sở hữu, tuy nhiên điều này dẫn đến các tuyên bố không trung thực về việc cướp ép di dân, và các loại thuế đó lại được khôi phục. Năm 402, do Hoàn Huyền chiếm quyền nhiếp chính tại Đông Tấn bằng vũ lực, nhiều tướng lĩnh không chống đối được Hoàn Huyền, gồm Lưu Quỹ (劉軌), Tư Mã Hưu Chi (司馬休之), Cao Nhã Chi (高雅之), và Lưu Kính Tuyên (劉敬宣) đã chạy trốn đến Nam Yên. Năm 403, Cao Nhã Chi đề xuất Mộ Dung Đức đánh Hoàn Huyền, hy vọng rằng nếu không chinh phục được Đông Tấn thì cũng có thể lấy được lãnh thổ của Đông Tấn ở phía bắc Trường Giang. Hàn Phạm đồng ý với đề xuất này, cảm thấy rằng Hoàn Huyền không phải là một tướng giỏi và có thể dễ dàng bị đánh bại. Tuy nhiên, Mộ Dung Đức đã do dự và ông giải thích rằng từ lâu chỉ muốn khôi phục lại lãnh thổ Hậu Yên cũ từ tay Bắc Ngụy và chưa từng tính đến việc tiến về phía nam. Sau đó, do được một số tướng đồng tình, kế hoạch của Cao đã không được thực hiện. Quá thất vọng, năm 404, Cao Nhã Chi và Lưu Kính Tuyên đã âm mưu ám sát Mộ Dung Đức và đưa Tư Mã Hưu Chi lên thay thế, song kế hoạch đã bị lộ sau khi họ kể nó với Lưu Quỹ, là người không đồng ý với kế hoạch. Lưu Quỹ và Cao Nhã Chi bị bắt giữ và giết chết, còn Lưu Kính Tuyên và Tư Mã Hưu Chi thì đào thoát về Đông Tấn (khi đó Hoàn Huyền đã bị Lưu Dụ đánh bại). Vào mùa hè năm 405, người con trai duy nhất còn sống sót của Mộ Dung Nạp là Mộ Dung Siêu (sinh sau cái chết của Mộ Dung Nạp), chạy trốn từ kinh thành Trường An của Hậu Tần đến Nam Lương, chứng minh danh tính của mình bằng cách trình cho Mộ Dung Đức con dao vàng mà Đức đã tặng cho Công Tôn phu nhân trước đây. Mộ Dung Đức vừa hạnh phúc lại vừa buồn rầu, và ông lập Mộ Dung Siêu là Bắc Hải vương, tương đương với tước hiệu của anh ông Mộ Dung Nạp khi còn là thân vương của Tiền Yên. Do Mộ Dung Đức không còn người con trai nào còn sống sót, ông dự định để Mộ Dung Siêu kế vị, và do đó đã lựa chọn những người đủ tài để phò tá cho Mộ Dung Siêu. Mộ Dung Siêu gây ấn tượng cho hầu hết các quan lại Nam Yên, và hầu hết trong số họ coi ông là người thừa kế hợp pháp. Vài tháng sau đó, trong mùa thu, Mộ Dung Đức lâm bệnh, ông lập Mộ Dung Siêu làm thái tử. Mộ Dung Đức qua đời ngay sau đó, thọ 70 tuổi. Mộ Dung Siêu lên ngôi suôn sẻ. Việc chôn cất Mộ Dung Đức được thực hiện theo một cách kỳ lạ, có lẽ là theo ý nguyện của chính ông: sau khi ông qua đời, trên 10 quan tài được đem ra khỏi thành qua các cửa khác nhau và chôn ở những địa điểm bí mật, và chỉ một trong số đó là có thi hài của Mộ Dung Đức. Sau khi đoạn tang, một quan tài rỗng được đem chôn với nghi thức của hoàng đế.
1
null
Huyện Plzeň (tiếng Séc: "Okres Plzeň") là một huyện ("okres") nằm trong vùng Plzeň của Cộng hòa Séc. Huyện Plzeň có diện tích 125 km2, dân số năm 2002 là 163791 người. Thủ phủ huyện đóng ở Plzeň. Huyện này có 15 khu tự quản. Các khu tự quản. Huyện Plzeň có 15 khu tự quản sau:
1
null
Huyện Plzeň-Nam (tiếng Séc: "Okres Plzeň-jih") là một huyện ("okres") nằm trong vùng Plzeň của Cộng hòa Séc. Huyện Plzeň-Nam có diện tích 1080 km2, dân số năm 2002 là 68495 người. Thủ phủ huyện đóng ở Pilsen. Huyện này có 90 khu tự quản. Các khu tự quản. Huyện Plzeň-Nam có 90 khu tự quản sau: Blovice - Bolkov - Borovno - Borovy - Buková - Chlum - Chlumčany - Chlumy - Chocenice - Chotěšov - Čižice - Čížkov - Čmelíny - Dnešice - Dobřany - Dolce - Dolní Lukavice - Drahkov - Honezovice - Horní Lukavice - Horšice - Hradec - Hradiště - Jarov - Kasejovice - Kbel - Klášter - Kotovice - Kozlovice - Kramolín - Letiny - Lisov - Líšina - Louňová - Lužany - Měcholupy - Merklín - Mileč - Milínov - Míšov - Mladý Smolivec - Mohelnice - Nebílovy - Nekvasovy - Nepomuk - Netunice - Neurazy - Nezdice - Nezdřev - Nová Ves - Nové Mitrovice - Oplot - Oselce - Otěšice - Polánka - Prádlo - Předenice - Přestavlky - Přeštice - Příchovice - Ptenín - Radkovice - Roupov - Řenče - Seč - Sedliště - Skašov - Soběkury - Spálené Poříčí - Srby - Stod - Střelice - Střížovice - Štěnovice - Tojice - Třebčice - Týniště - Únětice - Útušice - Ves Touškov - Vlčí - Vlčtejn - Vrčeň - Vstiš - Zdemyslice - Zemětice - Žákava - Ždírec - "Žinkovy" -
1
null
Huyện Plzeň-Bắc (tiếng Séc: "Okres Plzeň-sever") là một huyện ("okres") nằm trong vùng Plzeň của Cộng hòa Séc. Huyện Plzeň-Bắc có diện tích 1323 km2, dân số năm 2002 là 73610 người. Thủ phủ huyện đóng ở Plzeň-sever. Huyện này có 98 khu tự quản. Các khu tự quản. Huyện Plzeň-Bắc có 98 khu tự quản sau: Bdeněves - Bezvěrov - Bílov - Blatnice - Blažim - Bohy - Brodeslavy - Bučí - Čeminy - Černíkovice - Čerňovice - Česká Bříza - Chotíkov - Chříč - Dobříč - Dolany - Dolní Bělá - Dolní Hradiště - Dražeň - Druztová - Heřmanova Huť - Hlince - Hněvnice - Holovousy - Horní Bělá - Horní Bříza - Hromnice - Hvozd - Jarov - Kaceřov - Kaznějov - Kbelany - Kočín - Kopidlo - Koryta - Kozojedy - Kozolupy - Kožlany - Kralovice - Krašovice - Krsy - Křelovice - Kunějovice - Ledce - Líně - Líšťany - Líté - Lochousice - Loza - Manětín - Město Touškov - Mladotice - Mrtník - Myslinka - Nadryby - Nečtiny - Nekmíř - Nevřeň - Nýřany - Obora - Ostrov u Bezdružic - Pastuchovice - Pernarec - Pláně - Plasy - Plešnice - Pňovany - Potvorov - Přehýšov - Příšov - Rochlov - Rybnice - Sedlec - Slatina - Studená - Štichovice - Tatiná - Tis u Blatna - Tlučná - Trnová - Třemošná - Úherce - Újezd nade Mží - Úlice - Úněšov - Úterý - Vejprnice - Velečín - Vochov - Všehrdy - Všeruby - Výrov - Vysoká Libyně - Zahrádka - Zbůch - Zruč-Senec - Žihle - Žilov
1
null
Huyện Rokycany (tiếng Séc: "Okres Rokycany") là một huyện ("okres") nằm trong vùng Plzeň của Cộng hòa Séc. Huyện Rokycany có diện tích 575 km², dân số năm 2002 là 45574 người. Thủ phủ huyện đóng ở Rokycany. Huyện này có 68 khu tự quản. Các khu tự quản. Huyện Rokycany có 68 khu tự quản sau:
1
null
Huyện Tachov (tiếng Séc: "Okres Tachov") là một huyện ("okres") nằm trong vùng Plzeň của Cộng hòa Séc. Huyện Tachov có diện tích 1379 km², dân số năm 2002 là 51329 người. Thủ phủ huyện đóng ở Tachov. Huyện này có 51 khu tự quản. Các khu tự quản. Huyện Tachov có 51 khu tự quản sau:
1
null
Huyện České Budějovice (tiếng Séc: "Okres České Budějovice") là một huyện ("okres") nằm trong vùng Nam Bohemia của Cộng hòa Séc. Huyện České Budějovice có diện tích 1625 km2, dân số năm 2002 là 178523 người. Thủ phủ huyện đóng ở České Budějovice. Huyện này có 107 khu tự quản. Các khu tự quản. Huyện České Budějovice có 107 khu tự quản sau:
1
null
Huyện Český Krumlov (tiếng Séc: "Okres Český Krumlov") là một huyện ("okres") nằm trong vùng Nam Bohemia của Cộng hòa Séc. Huyện Český Krumlov có diện tích 1615 km², dân số năm 2002 là 59817 người. Thủ phủ huyện đóng ở Český Krumlov. Huyện này có 46 khu tự quản. Các khu tự quản. Huyện Český Krumlov có 46 khu tự quản sau:
1
null
Huyện Jindřichův Hradec (tiếng Séc: "Okres Jindřichův Hradec") là một huyện ("okres") nằm trong vùng Nam Bohemia của Cộng hòa Séc. Huyện Jindřichův Hradec có diện tích 1944 km², dân số năm 2002 là 92846 người. Thủ phủ huyện đóng ở Jindřichův Hradec. Huyện này có 106 khu tự quản. Các khu tự quản. Huyện Jindřichův Hradec có 106 khu tự quản sau:
1
null
Huyện Písek (tiếng Séc: "Okres Písek") là một huyện ("okres") nằm trong vùng Nam Bohemia của Cộng hòa Séc. Huyện Písek có diện tích 1138 km², dân số năm 2002 là 70419 người. Thủ phủ huyện đóng ở Písek. Huyện này có 76 khu tự quản. Các khu tự quản. Huyện Písek có 76 khu tự quản sau:
1
null
Huyện Prachatice (tiếng Séc: "Okres Prachatice") là một huyện ("okres") nằm trong vùng Nam Bohemia của Cộng hòa Séc. Huyện Prachatice có diện tích 1375 km², dân số năm 2002 là 51.41 người. Thủ phủ huyện đóng ở Prachatice. Huyện này có 65 khu tự quản. Các khu tự quản. Babice - Bohumilice - Bohunice - Borová Lada - Bošice - Budkov - Buk - Bušanovice - Chlumany - Chroboly - Chvalovice - Čkyně - Drslavice - "Dub" - Dvory - Horní Vltavice - Hracholusky - Husinec - Kratušín - Křišťanov - Ktiš - Kubova Huť - Kvilda - Lažiště - Lčovice - Lenora - "Lhenice" - Lipovice - Lužice - Mahouš - Malovice - Mičovice - Nebahovy - Němčice - Netolice - Nicov - Nová Pec - Nové Hutě - Olšovice - Pěčnov - Prachatice - Radhostice - Stachy - Stožec - Strážný - "Strunkovice nad Blanicí" - Svatá Maří - Šumavské Hoštice - Těšovice - Tvrzice - Újezdec - Vacov - Vimperk - Vitějovice - Vlachovo Březí - Volary - Vrbice - Záblatí - Zábrdí - Zálezly - Zbytiny - Zdíkov - Žárovná - Želnava - Žernovice
1
null
Huyện Strakonice (tiếng Séc: "Okres Strakonice") là một huyện ("okres") nằm trong vùng Nam Bohemia của Cộng hòa Séc. Huyện Strakonice có diện tích 1032 km², dân số năm 2002 là 69496 người. Thủ phủ huyện đóng ở Strakonice. Huyện này có 112 khu tự quản. Các khu tự quản. Huyện Strakonice có 112 khu tự quản sau:
1
null
Huyện Tábor (tiếng Séc: "Okres Tábor") là một huyện ("okres") nằm trong vùng Nam Bohemia của Cộng hòa Séc. Huyện Tábor có diện tích 1327 km², dân số năm 2002 là 102586 người. Thủ phủ huyện đóng ở Tábor. Huyện này có 111 khu tự quản. Các khu tự quản. Huyện Tábor có 111 khu tự quản sau:
1
null
Huyện Blansko (tiếng Séc: "Okres Blansko") là một huyện ("okres") nằm trong vùng Nam Moravia của Cộng hòa Séc. Huyện Blansko có diện tích 943 km², dân số năm 2002 là 107454 người. Thủ phủ huyện đóng ở Blansko. Huyện này có 130 khu tự quản. Các khu tự quản. Huyện Blansko có 130 khu tự quản sau:
1
null
Huyện Břeclav (tiếng Séc: "Okres Břeclav") là một huyện ("okres") nằm trong vùng Nam Moravia của Cộng hòa Séc. Huyện Břeclav có diện tích 1173 km², dân số năm 2002 là 123265 người. Thủ phủ huyện đóng ở Břeclav. Huyện này có 69 khu tự quản. Các khu tự quản. Huyện Břeclav có 69 khu tự quản sau:
1
null
Huyện Brno (tiếng Séc: "Okres Brno") là một huyện ("okres") nằm trong vùng Nam Moravia của Cộng hòa Séc. Huyện Brno có diện tích 230 km², dân số năm 2002 là 729509 người. Thủ phủ huyện đóng ở Brno. Huyện này có 1 khu tự quản. Các khu tự quản. Huyện Brno có 1 khu tự quản sau:
1
null
Huyện Brno-venkov (tiếng Séc: "Okres Brno-venkov") là một huyện ("okres") nằm trong vùng Nam Moravia của Cộng hòa Séc. Huyện Brno-venkov có diện tích 1108 km², dân số năm 2002 là 161269 người. Thủ phủ huyện đóng ở Brno-venkov. Huyện này có 137 khu tự quản. Các khu tự quản. Huyện Brno-venkov có 137 khu tự quản sau:
1
null
Huyện Hodonín (tiếng Séc: "Okres Hodonín") là một huyện ("okres") nằm trong vùng Nam Moravia của Cộng hòa Séc. Huyện Hodonín có diện tích 1086 km², dân số năm 2002 là 158602 người. Thủ phủ huyện đóng ở Hodonín. Huyện này có 81 khu tự quản. Các khu tự quản. Huyện Hodonín có 81 khu tự quản sau:
1
null
Huyện Vyškov (tiếng Séc: "Okres Vyškov") là một huyện ("okres") nằm trong vùng Nam Moravia của Cộng hòa Séc. Huyện Vyškov có diện tích 889 km², dân số năm 2002 là 114061 người. Thủ phủ huyện đóng ở Vyškov. Huyện này có 81 khu tự quản. Các khu tự quản. Huyện Vyškov có 81 khu tự quản sau:
1
null
Huyện Znojmo (tiếng Séc: "Okres Znojmo") là một huyện ("okres") nằm trong vùng Nam Moravia của Cộng hòa Séc. Huyện Znojmo có diện tích 1637 km2, dân số năm 2002 là 114061 người. Thủ phủ huyện đóng ở Znojmo. Huyện này có 148 khu tự quản. Các khu tự quản. Huyện Znojmo có 148 khu tự quản sau:
1
null
Huyện Chomutov (tiếng Séc: "Okres Chomutov") là một huyện ("okres") nằm trong vùng Ústí nad Labem của Cộng hòa Séc. Huyện Chomutov có diện tích 935 km², dân số năm 2002 là 124744 người. Thủ phủ huyện đóng ở Chomutov. Huyện này có 44 khu tự quản. Các khu tự quản. Huyện Chomutov có 44 khu tự quản sau:
1
null
Huyện Děčín (tiếng Séc: "Okres Děčín") là một huyện ("okres") nằm trong vùng Ústí nad Labem của Cộng hòa Séc. Huyện Děčín có diện tích 909 km², dân số năm 2002 là 133631 người. Thủ phủ huyện đóng ở Děčín. Huyện này có 52 khu tự quản. Các khu tự quản. Huyện Děčín có 52 khu tự quản sau:
1
null
Huyện Litoměřice (tiếng Séc: "Okres Litoměřice") là một huyện ("okres") nằm trong vùng Ústí nad Labem của Cộng hòa Séc. Huyện Litoměřice có diện tích 1032 km², dân số năm 2022 là 117 582 người. Thủ phủ huyện đóng ở Litoměřice. Huyện này có 105 khu tự quản. Các khu tự quản. Huyện Litoměřice có 105 khu tự quản sau: <br> Bechlín - Bohušovice nad Ohří - Brňany - Brozany nad Ohří - Brzánky - Bříza - Budyně nad Ohří - Býčkovice - Ctiněves - Černěves - Černiv - Černouček - Chodouny - Chodovlice - Chotěšov - Chotiměř - Chotiněves - Chudoslavice - Čížkovice - Děčany - Dlažkovice - Dobříň - Doksany - Dolánky nad Ohří - Drahobuz - Dušníky - Evaň - Hlinná - Horní Beřkovice - Horní Řepčice - Hoštka - Hrobce - Jenčice - Kamýk - Keblice - Klapý - Kleneč - Kostomlaty pod Řípem - Krabčice - Křesín - Křešice - Kyškovice - "Levín" - Lhotka nad Labem - Liběšice - Libkovice pod Řípem - Libochovany - Libochovice - Libotenice - Litoměřice - Lkáň - Lovečkovice - Lovosice - Lukavec - Malé Žernoseky - Malíč - Martiněves - Michalovice - Miřejovice - Mlékojedy - Mnetěš - Mšené-lázně - Nové Dvory - Oleško - Píšťany - Ploskovice - Podsedice - Polepy - Prackovice nad Labem - Přestavlky - Račice - Račiněves - Radovesice - Rochov - Roudnice nad Labem - Sedlec - Siřejovice - Slatina - Snědovice - Staňkovice - Straškov-Vodochody - Sulejovice - Štětí - Terezín - Travčice - Trnovany - Třebenice - Třebívlice - Třebušín - Úpohlavy - Úštěk - Vědomice - Velemín - Velké Žernoseky - Vchynice - Vlastislav - Vražkov - Vrbice - Vrbičany - Vrutice - Záluží - Žabovřesky nad Ohří - Žalhostice - Židovice - Žitenice
1
null
Huyện Louny (tiếng Séc: "Okres Louny") là một huyện ("okres") nằm trong vùng Ústí nad Labem của Cộng hòa Séc. Huyện Louny có diện tích 1118 km², dân số năm 2002 là 85830 người. Thủ phủ huyện đóng ở Louny. Huyện này có 70 khu tự quản. Các khu tự quản. Huyện Louny có 70 khu tự quản sau:
1
null
Huyện Most (tiếng Séc: "Okres Most") là một huyện ("okres") nằm trong vùng Ústí nad Labem của Cộng hòa Séc. Huyện Most có diện tích 467 km², dân số năm 2002 là 116786 người. Thủ phủ huyện đóng ở Most. Huyện này có 26 khu tự quản. Các khu tự quản. Huyện Most có 26 khu tự quản sau:
1
null
Huyện Teplice (tiếng Séc: "Okres Teplice") là một huyện ("okres") nằm trong vùng Ústí nad Labem của Cộng hòa Séc. Huyện Teplice có diện tích 469 km², dân số năm 2002 là 126635 người. Thủ phủ huyện đóng ở Teplice. Huyện này có 34 khu tự quản. Các khu tự quản. Huyện Teplice có 34 khu tự quản sau:
1
null
Huyện Ústí nad Labem (tiếng Séc: "Okres Ústí nad Labem") là một huyện ("okres") nằm trong vùng Ústí nad Labem của Cộng hòa Séc. Huyện Ústí nad Labem có diện tích 405 km2, dân số năm 2002 là 117589 người. Thủ phủ huyện đóng ở Ústí nad Labem. Huyện này có 23 khu tự quản. Các khu tự quản. Huyện Ústí nad Labem có 23 khu tự quản sau:
1
null
Huyện Havlíčkův Brod (tiếng Séc: "Okres Havlíčkův Brod") là một huyện ("okres") nằm trong vùng Vysočina của Cộng hòa Séc. Huyện Havlíčkův Brod có diện tích 1265 km², dân số năm 2002 là 94778 người. Thủ phủ huyện đóng ở Havlíčkův Brod. Huyện này có 120 khu tự quản. Các khu tự quản. Huyện Havlíčkův Brod có 120 khu tự quản sau:
1
null
Huyện Jihlava (tiếng Séc: "Okres Jihlava") là một huyện ("okres") nằm trong vùng Vysočina của Cộng hòa Séc. Huyện Jihlava có diện tích 1180 km², dân số năm 2020 là 113628 người. Thủ phủ huyện đóng ở Jihlava. Huyện này có 121 khu tự quản. Các khu tự quản. Huyện Jihlava có 121 khu tự quản sau:
1
null
Huyện Pelhřimov (tiếng Séc: "Okres Pelhřimov") là một huyện ("okres") nằm trong vùng Vysočina của Cộng hòa Séc. Huyện Pelhřimov có diện tích 1290 km², dân số năm 2002 là 72219 người. Thủ phủ huyện đóng ở Pelhřimov. Huyện này có 120 khu tự quản. Các khu tự quản. Huyện Pelhřimov có 120 khu tự quản sau:
1
null
Huyện Třebíč (tiếng Séc: "Okres Třebíč") là một huyện ("okres") nằm trong vùng Vysočina của Cộng hòa Séc. Huyện Třebíč có diện tích 1518 km², dân số năm 2002 là 116415 người. Thủ phủ huyện đóng ở Třebíč. Huyện này có 173 khu tự quản. Các khu tự quản. Huyện Třebíč có 173 khu tự quản sau:
1
null
Huyện Žďár nad Sázavou (tiếng Séc: "Okres Žďár nad Sázavou") là một huyện ("okres") nằm trong vùng Vysočina của Cộng hòa Séc. Huyện Žďár nad Sázavou có diện tích 1672  km², dân số năm 2002 là 118216 người. Thủ phủ huyện đóng ở Žďár nad Sázavou. Huyện này có 195 khu tự quản. Các khu tự quản. Huyện Žďár nad Sázavou có 195 khu tự quản sau: Baliny - Blažkov - Blízkov - Bobrová - Bobrůvka - Bohdalec - Bohdalov - Bohuňov - Borovnice - Bory - Březejc - Březí nad Oslavou - Březí - Březské - Budeč - Bukov - Býšovec - Bystřice nad Pernštejnem - Černá - Chlumek - Chlumětín - Chlum-Korouhvice - Cikháj - Dalečín - Daňkovice - Dlouhé - Dobrá Voda - Dolní Heřmanice - Dolní Libochová - Dolní Rožínka - Fryšava pod Žákovou horou - Hamry nad Sázavou - Herálec - Heřmanov - Hodíškov - Horní Libochová - Horní Radslavice - Horní Rožínka - Jabloňov - Jámy - Javorek - Jimramov - Jívoví - Kadolec - Kadov - Karlov - Kněževes - Koroužné - Kotlasy - Kozlov - Krásné - Krásněves - Křídla - Křižánky - Křižanov - Křoví - Kuklík - Kundratice - Kyjov - Lavičky - Lhotka - Lísek - Líšná - Malá Losenice - Martinice - Matějov - Měřín - Milasín - Milešín - Mirošov - Moravec - Moravecké Pavlovice - Netín - Nížkov - Nová Ves - Nová Ves u Nového Města na Moravě - Nové Dvory - Nové Město na Moravě - Nové Sady - Nové Veselí - Nový Jimramov - Nyklovice - Obyčtov - Ořechov - Oslavice - Osová Bítýška - Osové - Ostrov nad Oslavou - Otín - Pavlínov - Pavlov - Petráveč - Pikárec - Písečné - Počítky - Poděšín - Podolí - Pokojov - Polnička - Prosetín - Račice - Račín - Radenice - Radešín - Radešínská Svratka - Radkov - Radňoves - Radňovice - Radostín nad Oslavou - Radostín - Řečice - Rodkov - Rosička - Rousměrov - Rovečné - Rožná - Rozseč - Rozsochy - Ruda - Rudolec - Sázava - Sazomín - Sejřek - Sirákov - Sklené - Sklené nad Oslavou - Skorotice - Škrdlovice - Skřinářov - Sněžné - Spělkov - Štěpánov nad Svratkou - Strachujov - Stránecká Zhoř - Strážek - Střítež - Sulkovec - Světnov - Sviny - Svratka - Tasov - Tři Studně - Ubušínek - Uhřínov - Ujčov - Újezd - Unčín - Vatín - Věchnov - Věcov - Velká Bíteš - Velká Losenice - Velké Janovice - Velké Meziříčí - Velké Tresné - Vepřová - Věstín - Věžná - Vídeň - Vidonín - Vír - Vlachovice - Vlkov - Vojnův Městec - Vysoké - Záblatí - Zadní Zhořec - Ždánice - Žďár nad Sázavou - Znětínek - Zubří - Zvole
1
null
Huyện Kroměříž (tiếng Séc: "Okres Kroměříž") là một huyện ("okres") nằm trong vùng Zlín của Cộng hòa Séc. Huyện Kroměříž có diện tích 799 km2, dân số năm 2002 là 107852 người. Thủ phủ huyện đóng ở Kroměříž. Huyện này có 80 khu tự quản. Các khu tự quản. Huyện Kroměříž có 80 khu tự quản sau:
1
null
Huyện Uherské Hradiště (tiếng Séc: "Okres Uherské Hradiště") là một huyện ("okres") nằm trong vùng Zlín của Cộng hòa Séc. Huyện Uherské Hradiště có diện tích 991 km², dân số năm 2002 là 143763 người. Thủ phủ huyện đóng ở Uherské Hradiště. Huyện này có 78 khu tự quản. Các khu tự quản. Huyện Uherské Hradiště có 78 khu tự quản sau:
1
null
Huyện Vsetín (tiếng Séc: "Okres Vsetín") là một huyện ("okres") nằm trong vùng Zlín của Cộng hòa Séc. Huyện Vsetín có diện tích 1143 km², dân số năm 2002 là 145875 người. Thủ phủ huyện đóng ở Vsetín. Huyện này có 61 khu tự quản. Các khu tự quản. Huyện Vsetín có 61 khu tự quản sau: Branky - Bystřička - Choryně - Dolní Bečva - Francova Lhota - Halenkov - Horní Bečva - Horní Lideč - Hošťálková - Hovězí - Huslenky - Hutisko-Solanec - Jablůnka - Janová - Jarcová - Karolinka - Kateřinice - Kelč - Kladeruby - Krhová - Kunovice - Lačnov - Leskovec - Lešná - Lhota u Vsetína - Lidečko - Liptál - Loučka - Lužná - Malá Bystřice - Mikulůvka - "Nový Hrozenkov" - Oznice - Podolí - Police - Poličná - Pozděchov - Prlov - Prostřední Bečva - Pržno - Ratiboř - Rožnov pod Radhoštěm - Růžďka - Seninka - Střelná - Střítež nad Bečvou - Študlov - Ústí - Valašská Bystřice - Valašská Polanka - Valašská Senice - Valašské Meziříčí - Valašské Příkazy - Velká Lhota - Velké Karlovice - Vidče - Vigantice - Vsetín - Zašová - Zděchov - Zubří
1
null
Huyện Zlín (tiếng Séc: "Okres Zlín") là một huyện ("okres") nằm trong vùng Zlín của Cộng hòa Séc. Huyện Zlín có diện tích 1030 km2, dân số năm 2002 là 192994 người. Thủ phủ huyện đóng ở Zlín. Huyện này có 87 khu tự quản. Các khu tự quản. Huyện Zlín có 87 khu tự quản sau: Bělov - Bohuslavice nad Vláří - Bohuslavice u Zlína - Bratřejov - Březnice - Březová - Březůvky - Brumov-Bylnice - Dešná - Dobrkovice - Dolní Lhota - Doubravy - Drnovice - Držková - Fryšták - Halenkovice - Haluzice - Horní Lhota - Hostišová - Hřivínův Újezd - Hrobice - Hvozdná - Jasenná - Jestřabí - Kaňovice - Karlovice - Kašava - Kelníky - Komárov - Křekov - Lhota - Lhotsko - Lípa - Lipová - Loučka - Ludkovice - Luhačovice - Lukov - Lukoveček - Lutonina - Machová - Mysločovice - Napajedla - Návojná - Nedašov - Nedašova Lhota - Neubuz - Oldřichovice - Ostrata - Otrokovice - Petrůvka - Podhradí - Podkopná Lhota - Pohořelice - Poteč - Pozlovice - Provodov - Racková - Rokytnice - Rudimov - Šanov - Šarovy - Sazovice - Sehradice - Slavičín - Slopné - Slušovice - Spytihněv - Štítná nad Vláří-Popov - Tečovice - Tichov - Tlumačov - Trnava - Ublo - Újezd - Valašské Klobouky - Velký Ořechov - Veselá - Vizovice - Vlachova Lhota - Vlachovice - Vlčková - Všemina - Vysoké Pole - Zádveřice-Raková - Želechovice nad Dřevnicí - Zlín - Žlutava
1
null
Mộ Dung Siêu () (385–410), tên tự Tổ Minh (祖明), là hoàng đế cuối cùng của nước Nam Yên thời Ngũ Hồ thập lục quốc. Ông là cháu họ của hoàng đế khai quốc Mộ Dung Đức và từng bị giữ ở Hậu Tần, song được đón về Nam Yên sau khi được Mộ Dung Đức phát hiện tung tích. Do Mộ Dung Đức không còn người con trai nào còn sống sót, Mộ Dung Siêu được thừa kế hoàng vị sau khi chú qua đời vào năm 405. Mặc dù ban đầu được coi là có tài, song sau khi lên ngôi Mộ Dung Siêu lại thể hiện tính khí thất thường và không muốn chấp nhận những lời chỉ trích, và sau khi ông khiêu khích Đông Tấn, tướng Lưu Dụ của Đông Tấn đã bắt và giết chết ông vào năm 410, Nam Yên diệt vong. Ra đời. Cha của Mộ Dung Siêu là Bắc Hải vương Mộ Dung Nạp (慕容納) tại nước Tiền Yên. Mộ Dung Nạp là con trai của hoàng đế Mộ Dung Hoảng và là em trai của hoàng đế Mộ Dung Tuấn. Sau khi Tiền Tần tiêu diệt Tiền Yên vào năm 370, hoàng đế Phù Kiên của Tiền Tần ban đầu phong cho Mộ Dung Nạp làm Quảng Vũ thái thú, song sau đó Mộ Dung Nạp đã bị tước bỏ chức vụ và phải di chuyển cùng mẹ là Công Tôn phu nhân và vợ là Đoàn phu nhân đến chỗ em trai Mộ Dung Đức, người đang là thái thú ở quận Trương Dịch (張掖, gần tương ứng với Trương Dịch, Cam Túc ngày nay). Sau đó, khi Mộ Dung Đức và Mộ Dung Thùy nổi dậy chống lại Tiền Tần vào năm 384, Mộ Dung Thùy lập nước Hậu Yên và trở thành hoàng đế, thái thú Trương Dịch là Phù Xương (苻昌) của Tiền Tần đã bắt giữ và giết chết Mộ Dung Nạp cùng tất cả con trai của Mộ Dung Đức và Mộ Dung Nạp. Vào lúc đó, Đoàn thị chưa bị giết vì bà đang mang thai, song bà cũng bị cầm tù trong ngục của quận. Tuy nhiên, ngục duyện Hô Diên Bình (呼延平) là cố lại của Mộ Dung Đức, từng mang tử tội song được Mộ Dung Đức miễn cho, người này đưa Công Tôn thị và Đoàn thị chạy thoát đến vùng đất của các bộ lạc người Khương, Đoàn thị sinh hạ Mộ Dung Siêu ở đó. Lưu lạc ở Hậu Lương và Hậu Tần. Sau khi Công Tôn thị qua đời năm 394, Hô Diên Bình đưa Đoàn thị và Mộ Dung Siêu đến Hậu Lương. Sau đó, sau khi Hậu Lương khuất phục trước Hậu Tần vào năm 403, Hô Diên Bình, Đoàn thị và Mộ Dung Siêu nằm trong số dân thường tại kinh thành Cô Tang (姑臧, nay thuộc Vũ Uy, Cam Túc) của Hậu Lương buộc phải tái định cư đến kinh thành Trường An của Hậu Tần. Tại đây, Hô Diên Bình qua đời và Đoàn thị bảo Mộ Dung Siêu kết hôn với con gái của Hô Diên Bình. Mộ Dung Siêu e ngại rằng danh tính thực sự của ông sẽ bị phát hiện, và vì thế ông giả điên hành khất. Tuy nhiên, trong một dịp, anh em của Hoàng đế Diêu Hưng là Diêu Thiệu (姚紹) đã nhìn thấy ông, và thấy rằng đây không thực sự là một người điên vì ông trông khỏe mạnh. Diêu Thiệu thông báo cho Diêu Hưng về việc này và đề nghị Diêu Hưng ban cho Mộ Dung Siêu một tước vị để quản lý ông. Diêu Hưng triệu kiến Mộ Dung Siêu, song Mộ Dung Siêu tiếp tục cố ý trả lời sai hoặc không trả lời tất cả các câu hỏi của Diêu Hưng. Diêu Hưng không tin lời của Diêu Thiệu là chính xác và cho Mộ Dung Siêu đi. Trở về Nam Yên. Năm 405, sau khi Mộ Dung Đức (lúc này đang là hoàng đế Nam Yên) biết được việc Mộ Dung Siêu còn bị giữ ở Trường An, bèn bí mật cử những người đưa tin đến thuyết phục ông chạy trốn đến Nam Yên. Mộ Dung Siêu không dám nói với mẫu thê, và một mình trốn đến Nam Yên. Trên đường, ông băng qua lãnh thổ của Duyện Châu (兗州, nay là tây bộ Sơn Đông) thứ sử Mộ Dung Pháp (慕容法), Mộ Dung Pháp tin rằng ông không thực sự mang dõng dõi hoàng tộc nên đã coi thường ông, khiến ông mang hiềm khích với Mộ Dung Pháp. Tháng 4 ÂL, Mộ Dung Siêu đến kinh thành Quảng Cố(廣固, nay thuộc Thanh Châu, Sơn Đông) của Nam Yên, Mộ Dung Đức rất vui mừng, khiển ba trăm quân cưới ngựa nghênh đón. Mộ Dung Siêu trình cho Mộ Dung Đức kim đao mà Mộ Dung Đức từng tặng cho Công Tôn thị trước đây. Mộ Dung Đức gào khóc thảm thiết, và phong Mộ Dung Siêu làm Bắc Hải vương (tương đương với tước hiệu của Mộ Dung Nạp trước đây), bái làm Thị trung, Phiếu kị đại tướng quân, Tư lệ hiệu úy. Do tất cả con trai của Mộ Dung Đức đều đã chết, Mộ Dung Đức muốn Mộ Dung Siêu là người kế vị của mình, và chọn những người tài làm tiêu tá cho Mộ Dung Siêu. Mộ Dung Siêu lúc này được mô tả là cận thận khi phụng sự cho thúc phụ và hành sự thích hợp trong các việc bên ngoài, khiến các quan lại và dân chúng đều hài lòng với ông. Vào mùa thu năm đó, Mộ Dung Đức lâm bệnh, và tính đến việc lập Mộ Dung Siêu làm thái tử. Ngày Mậu Ngọ (9)tháng 8 (18 tháng 9), Mộ Dung Đức cùng quần thần bàn nghị chuyện lập Mộ Dung Siêu làm thái tử ở Đông Dương điện, song lúc đó lại xảy ra địa chấn, các quan lại kinh sợ, Mộ Dung Đức cunngx không khỏe nên hồi cung. Đến đêm, bệnh tình của Mộ Dung Đức nặng hơn, và không không thể nói được. Hoàng hậu Đoàn Quý Phi nói lớn với Mộ Dung Đức liệu có nên triệu Mộ Dung Siêu và lập làm thái tử, Mộ Dung Đức mở mắt gật đầu. Mộ Dung Siêu lên ngôi thái tử, Mộ Dung Đức cũng mất vào đêm hôm đó. Ngày hôm sau, tức ngày Kỉ Mùi, Mộ Dung Siêu tức hoàng đế vị. Ông tôn cho Đoàn Quý Phi là thái hậu. Trị vì. Mất lòng người trong nước. Tuy nhiên, Mộ Dung Siêu đã ngay lập tức biểu lộ tính khí thất thường và không muốn nghe những lời chỉ trích. Ông ngay lập tức lập một trong số các thuộc hạ là Công Tôn Ngũ Lâu (公孫五樓) làm Vũ vệ tướng quân, Đồn kị hiệu úy, Nội tham chính sự, bất chấp việc Công Tôn Ngũ Lâu chỉ có khả năng tầm thường, và ông đã tách mình khỏi các cố đại thần của Mộ Dung Đức là Bắc Địa vương Mộ Dung Chung (慕容鍾) và Đoàn Hoành (段宏). Ông còn được mô tả là bị những người xu nịnh vây quanh và dành thời gian của mình cho các việc săn bắn và du ngoạn, từ chối tất cả các lời khuyên không nên làm như vậy. Ông cũng có ý định khôi phục lại các hình phạt như xăm lên mặt, cắt mũi, cắt chân, và cung hình, song vì bị phản đối nhiều nên ông đã không thực hiện các hình phạt này. Ông cũng được mô tả là đã áp thuế và phu dịch nặng nề đối với người dân. Năm 406, Công Tôn Ngũ Lâu để có được thêm nhiều quyền lực hơn nữa, đã vu cáo Mộ Dung Chung tội phản quốc. Mộ Dung Chung, Mộ Dung Pháp, và Đoàn Hoành do đó đã tham gia vào một âm mưu mà Thượng thư tả bộc xạ Phong Tung (封嵩) và Đoàn thái hậu cũng dính líu vào, song Đoàn thái hậu do lo sợ nên cuối cùng tiết lộ âm mưu cho Mộ Dung Siêu. Phong Tung bị xử tử, và Mộ Dung Siêu cử các tướng Mộ Dung Trấn (慕容鎮) và Hàn Phạm (韓范) đi đánh Mộ Dung Chung, Mộ Dung Pháp và Đoàn Hoành. Đoàn Hoành chạy đến Bắc Ngụy, trong khi Mộ Dung Chung và Mộ Dung Pháp thì chạy đến Hậu Tần. Xưng thần với Hậu Tần. Năm 407, Mộ Dung Siêu cử Ngự sử trung thừa Phong Khải (封愷) đến Hậu Tần thương lượng để Diêu Hưng trao trả mẫu thê cho ông. Diêu Hưng yêu cầu ông chịu khuất phục làm chư hầu và gửi đến Hậu Tần hoặc là các nhạc công cung đình của Tiền Tần (những người này lúc đó đang ở Nam Yên) hoặc 1.000 tù nhân Đông Tấn. Mộ Dung Siêu đã dễ dàng đồng ý trở thành chư hầu, song lại do dự khi lựa chọn một trong hai yêu cầu sau đó. Cuối cùng, do sợ bị Đông Tấn trả thù, Mộ Dung Siêu chọn cách chuyển đến 120 người Thái nhạc kĩ. Diêu Hưng sau đó giao Đoàn thị và Hô Diên thị cho ông. Năm 408, ông phong Đoàn thị làm hoàng thái hậu và lập Hô Diên thị làm hoàng hậu. Tết Nguyên Đán năm Kỉ Dậu (409), Mộ Dung Siêu tổ chức triều hội quần thần, ông than thở về việc thiếu các nhạc công cung đình, ông đề xuất tiến hành một cuộc tấn công Đông Tấn để bắt người đào tạo làm nhạc công, bất chấp phản đối từ anh trai của Hàn Phạm là Lĩnh quân tướng quân Hàn Ngôn Trác. Chiến tranh với Đông Tấn. Tháng 2 ÂL, Mộ Dung Siêu cử các tướng Mộ Dung Hưng Tông (慕容興宗), Hộc Cốt Đề (斛穀提), và Công Tôn Quy (公孫歸) đi đánh Đông Tấn, chiếm được Túc Dự (宿豫, nay thuộc Tú Thiên, Giang Tô) và bắt được 2.500 nam nữ, họ được giao cho quan bộ lễ để dạy nhạc. Được khuyến khích trước thành công này, Mộ Dung Siêu tiếp tục các cuộc tấn công chống Đông Tấn. Tháng 3 ÂL, tướng Lưu Dụ của Đông Tấn đã đề xuất mở một cuộc tấn công lớn chống lại Nam Yên bất chấp các phản đối trong triều. Công Tôn Ngũ Lâu và Mộ Dung Trấn đề xuất rằng quân Nam Yên phòng thủ ở Đại Hiện sơn (大峴山, nay thuộc Duy Phường, Sơn Đông) không cho quân Tấn đi qua. Tuy nhiên, Mộ Dung Siêu lại tự tin thái quá nên đã quyết định để cho quân Tấn đi qua, và dự định sau đó sẽ giao chiến với Đông Tấn ở vùng đồng bằng ở phía bắc của núi. Ông tiếp tục bác bỏ đề xuất rằng nên đốt cháy các loại cây trồng để không cho quân Đông Tấn dùng làm lương thảo. Khi Mộ Dung Trấn bình luận rằng điều này sẽ khiến đất nước bị tiêu diệt, Mộ Dung Siêu tống Mộ Dung Trấn vào ngục. Lưu Dụ đã rất vui mứng trước việc Mộ Dung Siêu không phòng thủ ở Đại Hiện sơn như ông ta lo ngại. Tháng 6 ÂL, quân Đông Tấn và Nam Yên giao chiến ở gần Lâm Cù (臨朐, cũng thuộc Duy Phường ngày nay), trong khi bản thân Mộ Dung Siêu thì chờ trong thành tại Lâm Cù. Tướng Hồ Phiên (胡藩) của Đông Tấn tập kích Lâm Cù, chiếm được thành và buộc Mộ Dung Siêu phải chạy trốn. Cùng với việc Mộ Dung Siêu chạy trốn, Lưu Dụ đã đánh bại được hầu hết quân Nam Lương, và Mộ Dung Siêu lại chạy về Quảng Cố. Lưu Dụ thừa thắng bắc tiến và nhanh chóng chiếm được đại thành vào ngày Bính Tý (19) cùng tháng (17 tháng 7), Mộ Dung Siêu tập hợp mọi người bảo vệ tiểu thành. Mộ Dung Siêu phóng thích Mộ Dung Trấn và đề nghị giúp mình giữ thành. Song khi Mộ Dung Trấn đề xuất rằng hãy dốc sức quyết chiến một trận thay vì chỉ phòng thủ Quảng Cố, Mộ Dung Siêu lại ngần ngại, thay vào đó, ông đã cử Hàn Phạm đến Hậu Tần khẩn cấp trợ giúp. Cuối cùng, Diêu Hưng khiển Vệ tướng quân Diêu Cường (姚強) đem một vạn quân đến cứu Nam Yên, song sau khi bản thân ông ta cũng phải chịu một thất bại dưới tay tướng nổi loạn Lưu Bột Bột (hoàng đế khai quốc của nước Hạ), nên cho đội quân của Diêu Cường quay về Trường An. Hàn Phạm đầu hàng Lưu Dụ, song Mộ Dung Siêu tha cho Phạm gia, quân đồn trú tại Quảng Cố trở nên tuyệt vọng hơn. Một số quan lại đã đề xuất Mộ Dung Siêu nên đầu hàng Đông Tấn song ông đã từ chối và xử tử bất kỳ ai đề nghị như vậy. Ngày Đinh Hợi (5) tháng 2 năm Canh Tuất (25 tháng 3 năm 410), Lưu Dụ tổng lực công thành, Thượng thư Duyệt Thọ mở cửa thành đầu hàng, Mộ Dung Siêu cùng vài chục kị binh định đột vây tẩu thoát song bị bắt. Lưu Dụ trách tội Mộ Dung Siêu vì nhiều lần từ chối đầu hàng, song Mộ Dung Siêu không hề trả lời lại Lưu Dụ mà chỉ phó thác mẫu thân cho tướng Lưu Kính Tuyên (劉敬宣) của Đông Tấn do người này từng đến đầu hàng Mộ Dung Đức. Mộ Dung Siêu bị giải về kinh thành Kiến Khang của Đông Tấn rồi bị xử tử với khoảng 3.000 quan lại và quý tộc Nam Yên cũng bị giết.
1
null
Thốc Phát Ô Cô () (?-399), gọi theo thụy hiệu là Vũ Uy Vũ Vương (武威武王), là vua khai quốc của nước Nam Lương trong lịch sử Trung Quốc. Ông ban đầu là một chư hầu của hoàng đế Lã Quang nước Hậu Lương, song khi thấy Lã Quang cai trị người dân một cách tồi tệ, ông đã tuyên bố độc lập vào năm 397. Ông chỉ trị vì hai năm trước khi qua đời vì vết thương trong một tai nạn khi cưỡi ngựa. Trước khi độc lập. Cha của Thốc Phát Ô Cô là Thốc Phát Tư Phục Kiền, người này là một chắt trai của tướng người Tiên Ti Thốc Phát Thụ Cơ Năng vào đầu thời nhà Tấn và đã từng là một mỗi đe dọa cho Tấn dưới thời cai trị của Tấn Vũ Đế. Thốc Phát Tư Phục Kiến trở thành tộc trưởng bộ lạc vào năm 356 và là một chư hầu của Tiền Tần, song không rõ thời điểm ông qua đời và Thốc Phát Ô Cô lên kế vị. Thốc Phát Ô Cô được mô tả là dũng mãnh và đầy tham vọng, và ông đã nghĩ ra nhiều cách để chiếm được Lương Châu (涼州, nay là trung bộ và tây bộ Cam Túc). Tướng Phân Di (紛陁) đã khuyên ông rằng ông cần mẫn cán, khuyến khích nông nghiệp, cai trị hiệu quả và công bằng. Ông đã cố gắng thực hiện theo đề xuất của Phân Di và khả năng của ông đã sớm được biết đến. Năm 394, vua Lã Quang của Hậu Lương, cử sứ thần đến để phong cho Thốc Phát Ô Cô làm một tướng lĩnh, và Thốc Phát Ô Cô đã phải suy tính về việc có nên tiếp nhận tước hiệu này không. Hầu hết các quân sư của ông muốn từ chối việc bổ nhiệm này do họ cảm thấy nhục nhã nếu trở thành chư hầu của Hậu Lương, song chiến lược gia Thạch Chân Nhược Lưu (石真若留) đã chỉ ra rằng Thốc Phát Ô Cô chưa đủ sức để chống lại Lã Quang, và rằng ông nên khuất phục để khiến cho Lã Quang kiêu ngạo. Thốc Phát Ô Cô đồng ý và chấp thuận nhận sự bổ nhiệm của Hậu Lương. Năm 395, Thốc Phát Ô Cô tấn công một số bộ lạc không chịu thần phục mình ở xung quanh, bao gồm Ất Phất (乙弗) và Chiết Quật (折掘), buộc họ phải khuất phục. Ông cho xây dựng Liêm Xuyên bảo (廉川堡, nay thuộc Hải Đông, Thanh Hải) để làm tổng hành dinh. Cũng trong năm 395, Lã Quang phong cho ông là Quảng Vũ quận công. Năm 396, khi Lã Quang xưng là "Thiên vương", ông ta đã cố gắng trao các tước hiệu vinh dự hơn cho Thốc Phát Ô Cô, song lúc này Thốc Phát Ô Cô lại từ chối và nói với sứ thần của Lã Quang: Thốc Phát Ô Cô mặc dù từ chối nhận các tước hiẹu song lại giữ lại các nhạc sĩ và nghệ sĩ do Lã Quang cử đến như là một phần của việc phong tước. Năm 397, sau khi Lã Quang thất trận trước vua Khất Phục Càn Quy của Tây Tần, Thốc Phát Ô Cô đã xưng là Tây Bình vương và cải niên hiệu, cũng có nghĩa là lập nên nước Nam Lương. Sau đó ông chiếm Kim Thành (金城, nay thuộc Lan Châu, Cam Túc) của Hậu Lương, thành này vừa được Hậu Lương chiếm từ tay Tây Tần vào đầu năm. Lã Quang cử tướng Đậu Cẩu (竇苟) đi đánh Nam Lương song đã thất bại trước Thốc Phát Ô Cô. Trị vì. Mục đích chính của Thốc Phát Ô Cô là khiến cho Hậu Lương suy yếu và cuối cùng chiếm lấy kinh thành Cô Tang (姑臧, nay thuộc Vũ Uy, Cam Túc) của họ. Đến năm 397, khi tướng Quách Nôn (郭黁) của Hậu Lương nổi loạn và bị Lã Toản tấn công, ông ta đã nhờ Nam Lương trợ giúp, Thốc Phát Ô Cô đã cử em trai là Thốc Phát Lợi Lộc Cô đến tiếp việc cho Quách, tuy vậy sau đó Quách lại đầu hàng Tây Tần. Năm 398, hai tướng khác của Hậu Lương là Dương Quỹ (楊軌) và Vương Khất Cơ (王乞基) đã khuất phục Thốc Phát Ô Cô, và đến cuối năm Thốc Phát Ô Cô đã đánh bại tộc trưởng người Khương là Lương Cơ (梁饑), và sau chiến thắng này, các bộ lạc Khương và Hung Nô ở phía nam của Hồng Trì lĩnh (洪池嶺, nay cũng thuộc Vũ Uy) đều khuất phục ông. Cùng năm, ông chuyển tước hiệu từ Tây Bình vương thành Vũ Uy vương, có lẽ ám chỉ việc ông cuối cùng sẽ chiếm Cô Tang. Vào mùa xuân năm 399, Thốc Phát Ô Cô dời đô đến Lạc Đô (樂都, nay thuộc Hải Đông, Thanh Hải). Sử sách mô tả lại rằng vào khoảng thời gian này, ông đánh giá người tài rất hiệu quả, và bất kể thuộc cấp là người Hán hay người Hồ, ông đều đặt họ vào các vị trí tương ứng với tài trí. Ông cũng tìm kiếm lời khuyên về việc nên đánh nước nào trước trong số các nước Tây Tần, Hậu Lương và Bắc Lương. Dương Thống (楊統) đã chỉ ra rằng Lã Quang không đủ năng lực và rằng các con trai của ông ta không tin tưởng lẫn nhau, và Thốc Phát Ô Cô nên cho quân đến quấy rối vùng biên giới với Hậu Lương và cuối cùng chinh phục nước này. Khi hai con trai Lã Thiệu và Lã Toản của Lã Quang đem quân đi đánh Bắc Lương vào cuối năm, Thốc Phát Ô Cô đã cho quân đến cứu viện theo yêu cầu của vua Đoàn Nghiệp, giúp nước này ngăn chặn được cuộc tấn công của Hậu Lương. Sau đó, Thốc Phát Ô Cổ đã ngã khỏi ngựa trong lúc say rượu, và ông bị thương nặng ở ngực. Ông nói trong khi vẫn cười: "Ta đang làm cho Lã Quang cùng các con trai của hắn vui sướng!" Khi bệnh tình trở nên tồi tệ hơn, ông lệnh rằng một người nhiều tuổi nên kế vị mình, và do đó các quý tộc đã ủng hộ Thốc Phát Lợi Lộc Cô trở thành vua mới.
1
null
Thốc Phát Lợi Lộc Cô () (?-402), hay Hà Tây Khang Vương (河西康王), là một người cai trị của nước Nam Lương trong lịch sử Trung Quốc. Ông là em trai của Thốc Phát Ô Cô, tức vua khai quốc của Nam Lương. Ông được mô tả là một người cai trị cởi mở với các ý kiến khác nhau. Ông đã giao phó các công việc quan trọng nhất của đất nước cho người em trai tài năng là Thốc Phát Nục Đàn, và người này về sau đã kế vị ngai vàng của ông. Trước khi lên ngôi. Thốc Phát Lợi Lộc Cô được sử sách nói đến lần đầu là vào năm 397, một thời gian ngắn sau khi Thốc Phát Ô Cô tuyên bố độc lập khỏi Hậu Lương và lập nước Nam Lương. Vào mùa thu năm đó, Thốc Phát Ô Cô đã cử ông đi giúp đỡ cho một cuộc nổi loạn tại Hậu Lương của Quách Nôn (郭黁). Vào mùa hè năm 398, ông cùng với một lãnh đạo nổi loạn khác tại Hậu Lương là Dương Quỹ (楊軌), giao chiến với Lã Toản (một con trai của hoàng đế Lã Quang của Hậu Lương) song đã bị Lã Toản đánh bại, Dương Quỹ cuối cùng phải từ bỏ nổi loạn và chạy trốn đến Nam Lương. Năm 399, như là một phần trong việc tổ chức lại việc phòng thủ của Thốc Phát Ô Cô, kinh thành đã được chuyển từ Kim Thành (金城, nay thuộc Lan Châu, Cam Túc) đến Lạc Đô (樂都, nay thuộc Hải Đông, Thanh Hải), Thốc Phát Lợi Lộc Cô được anh trai giao trấn thủ An Di (安夷, cũng thuộc Hải Đông ngày nay). Vào mùa hè năm 399, Thốc Phát Ô Cô cử ông đến giúp đỡ vua Đoàn Nghiệp của nước Bắc Lương khi Bắc Lương bị Lã Toản và thái tử Lã Thiệu của Hậu Lương tấn công, với sự giúp đỡ này thì Lã Toán và Lã Thiệu đã phải rút quân. Ngay sau đó, ông được giao trấn thủ thành Tây Bình (西平, nay thuộc Tây Ninh, Thanh Hải). Cuối năm đó, Thốc Phát Ô Cô đã gặp phải một tai nạn nghiêm trọng khi cưỡi ngựa trong lúc say rượu, và trong những lời trăn trối cuối cùng, ông đã ra lệnh rằng phải chọn một người đã lớn tuổi kế vị mình. Các quý tộc Nam Lương do đó đã lựa chọn Thốc Phát Lợi Lộc Cô kế vị. Trị vì. Sau khi kế vị Thốc Phát Ô Cô, Thốc Phát Lợi Lộc Cô dời đô từ Lạc Đô về Tây Bình. Vào đầu năm 400, Lã Toản (lúc này đã trở thành hoàng đế của Hậu Lương) đã lên kế hoạch tấn công ông, quan Dương Dĩnh (楊穎) của Hậu Lương khi cố thuyết phục Lã Toản không thực hiện việc này, đã miêu tả chế độ của Thốc Phát Lợi Lộc Cô là "với một tấm lòng thống nhất, với các thuộc cấp thực hiện chỉ thị của ông một cách trung thành, không có cơ hội nào để tận dụng,". Khi Lã Toản tấn công bất chấp lời khuyên của Dương, Thốc Phát Lợi Lộc Cô đã cử Thốc Phát Nục Đàn đi chống lại và đã đánh bại được Lã Toản. Vào mùa hè năm 400, khi Lã Toản thực hiện một cuộc tấn công lớn vào Bắc Lương, Thốc Phát Nục Đàn, có lẽ là theo chỉ thị của Thốc Phát Lợi Lộc Cô, đã tiến hành một cuộc tấn công bất ngờ vào kinh thành Cô Tang (姑臧, nay thuộc Vũ Uy, Cam Túc) của Hậu Lương, tiến vào được nửa phía đông của Cô Tang và cướp bóc thành rồi rút lui, khiến cho Lã Toản phải từ bỏ chiến dịch đánh Bắc Lương của mình. Cuối năm đó, sau khi vua Khất Phục Càn Quy của Tây Tần bị Hậu Tần đánh bại, Khất Phục Càn Quy đầu hàng Thốc Phát Lợi Lộc Cô. Ban đầu, em trai của Thốc Phát Lợi Lộc Cô là Thốc Phát Câu Diên (禿髮俱延) nghi ngờ sự chân thành của Khất Phục Càn Quy và yêu cầu Bắc Lương nên đưa Khất Phục Càn Qy đi lưu đày ở phía tây của hồ Thanh Hải song Thốc Phát Lợi Lộc Cô đã từ chối và nói rằng nếu mình làm như vậy thì sẽ không còn ai đến Bắc Lương đầu hàng ông. Tuy nhiên, khi Khất Phục Càn Quy cuối cùng lại bỏ đến Hậu Tần, Thốc Phát Lợi Lộc Cô đã hối tiếc nhiều vì không giết chết hay đưa người này đi lưu đày. Sau đó, khi con trai của Khất Phục Càn Quy là Khất Phục Sí Bàn cố bỏ trốn để đến chỗ phụ thân song bị bắt lại, Thốc Phát Lợi Lộc Cô đã chuẩn bị xử tử ông ta song do được Thốc Phát Nục Đàn thuyết phục nên ông đã không làm như vậy. Vào mùa xuân năm 401, theo lời thỉnh cầu của nhiều triều thần, Thốc Phát Lợi Lộc Cô đã tính đến việc xưng đế. Tuy nhiên, ông lại nghe theo lời khuyên của tướng Thâu Vật Lôn (鍮勿崙) rằng một tuyên bố như vậy sẽ biến ông trở thành mục tiêu của những kẻ khác và đã từ bỏ kế hoạch này; đúng hơn, ông chỉ đổi tước hiệu từ Vũ Uy vương (đã được Thốc Phát Ô Cô sử dụng) thành Hà Tây vương, có nghĩa là tuyên bố chủ quyền ở khu vực phía tây của Hoàng Hà. Đến cuối năm, ông đích thân thực hiện một cuộc tấn công chống lại Hậu Lương của Lã Long và đã thành công. Đến năm 401, có một cuộc trao đổi giữa Thốc Phát Lợi Lộc Cô và viên quan có tên là Sử Cảo (史暠) rằng có thể chứng minh cả sức mạnh và điểm yếu của Thốc Phát Lợi Lộc Cô trong vai trò người cai trị đất nước. Điều này diễn ra vào dịp Thốc Phát Lợi Lộc Cô lệnh cho các quan lại bình phẩm một cách thẳng thắn sự cai trị của ông. Sử Cảo nói: Thốc Phát Lợi Lộc Cô đồng ý với Sử Cảo. Tuy nhiên, không có tường thuật nào về việc Thốc Phát Lợi Lộc Cô đã thay đổi chính sách theo đề xuất của Sử Cảo. Trong thời gian trị vì còn lại của Thốc Phát Lợi Lộc Cô, tiếp tục có các tư liệu về việc quân Nam Lương cưỡng chế người dân di chuyển. Mặc dù vậy, vào thời điểm này, quyền lực của Thốc Phát Lợi Lộc Cô đã khá lớn mạnh, đến nỗi vào mùa thu năm 401, vua mới của Bắc Lương là Thư Cừ Mông Tốn đã buộc phải cử con trai là Thư Cừ Hề Niệm (沮渠奚念) đến chỗ Thốc Phát Lợi Lộc Cô làm con tin để thể hiện sự khuất phục. Tuy nhiên, Thốc Phát Lợi Lộc Cô đã từ chối nhận Thư Cừ Hề Niệm làm con tin, nói rằng Thư Cừ Hề Niệm còn quá trẻ và ông muốn Thư Cừ Mông Tốn phải đưa em trai là Thư Cừ Noa (沮渠挐) đến, người này cũng là một chiến lược gia và tướng quân chính yếu. Thư Cừ Mông Tốn ban đầu từ chối và nói rằng ông cần Thư Cừ Noa để giúp đỡ mình, điều này đã khiến Thốc Phát Lợi Lộc Cô giận dữ và ông đã cử Thốc Phát Câu Diên cùng một người em khác là Thốc Phát Văn Chi (禿髮文支) đi đánh Bắc Lương và bắt được một người anh em họ của Thư Cừ Mông Tốn tên là Thư Cừ Thiện Thiện Cẩu Tử (沮渠鄯善苟子). Thư Cừ Mông Tốn đã hạ mình khuất phục sau sự kiện này và cử thúc phụ Thư Cừ Khổng Già (沮渠孔遮) đến hứa là sẽ đưa Thư Cừ Noa đến Nam Lương làm con tin, trước khi Thốc Phát Lợi Lộc Cô rút quân và trả lại những người mà họ đã bắt giữ. Tuy nhiên, tự thân Thốc Phát Lợi Lộc Cô đã nhận thức được quyền lực hạn chế của mình, và ông cũng chịu khuất phục trên danh nghĩa đối với Diêu Hưng, hoàng đế của Hậu Tần, và gửi triều cống cho Diêu Hưng. Năm 401, khi Hậu Tần tấn công Hậu Lương, ông đã ra lệnh cho quân của mình rút lui để nhường đường cho quân Hậu Tần. Khoảng tết năm 402, đáp lại yêu cầu xin hỗ trợ từ quân nổi loạn Tiêu Lãng (焦朗) tại Hậu Lương, Thốc Phát Lợi Lộc Cô đã cử Thốc Phát Nục Đàn đi hỗ trợ Tiêu Lãng, và hai đội quân sau đó đã tấn công Cô Tang, khiến cho quân Hậu Lương phải chịu đại bại. Tuy nhiên, đến khi Bắc Lương tấn công Hậu Lương vào mùa xuân năm 402, Thốc Phát Lợi Lộc Cô lại cử thốc Phát Nục Đàn đi giúp Hậu Lương, mặc dù vậy, lúc quân Thốc Phát Nục Đàn đến, Bắc Lương đã rút lui. Cũng vào mùa xuân năm 402, Thốc Phát Lợi Lộc Cô lâm bệnh, và ông đã chỉ thị giao phó việc quản lý đất nước cho Thốc Phát Nục Đàn. Sau khi Thốc Phát Lợi Lộc Cô qua đời, Thốc Phát Nục Đàn lên kế vị.
1
null
Thốc Phát Nục Đàn () (365–415), gọi theo thụy hiệu là(Nam) Lương Cảnh Vương ((南)涼景王), là vua cuối cùng của nước Nam Lương trong lịch sử Trung Quốc. Ông là một trong số các con trai của tộc trưởng Tiên Ti Thốc Phát Tư Phục Kiền (禿髮思復犍), các anh trai của ông là vua khai quốc Thốc Phát Ô Cô và vua Thốc Phát Lợi Lộc Cô đều truyền ngôi cho em trai. Tuy nhiên, Thốc Phát Nục Đàn mặc dù là một vị tướng có tài, song lại được các sử gia nhìn nhận là đã quá tích cực trong việc tiến hành các chiến dịch quân sự, và đã khiến cho người dân Nam Lương bị kiệt quệ. Sức mạnh của Nam Lương đặc biệt suy yếu sau một thất bại lớn vào năm 407 dưới tay hoàng đế Lưu Bột Bột của nước Hạ, và hai nước Bắc Lương và Tây Tần đã nhân cơ hội này để tiến đánh Nam Lương. Cuối cùng, Thốc Phát Nục Đàn buộc phải đầu hàng Tây Tần vào năm 414 sau khi Tây Tần chiếm được kinh thành Lạc Đô (樂都, nay thuộc Hải Đông, Thanh Hải), ông đã chết do bị hạ độc một năm sau đó. Dưới thời các anh trai trị vì. Sau khi Thốc Phát Ô Cô lập nước Nam Lương vào năm 397 bằng việc đoạn tuyệt với Hậu Lương, Thốc Phát Nục Đàn ngay lập tức đã được giao một vai trò quan trọng trong cả hai công việc quân sự và quản trị của đất nước. Năm 398, Thốc Phát Ô Cô cử ông đến giúp đỡ những đội quân nổi loạn của Dương Quỹ (楊軌) và Quách Nôn (郭黁) tại Hậu Lương. Vào mùa xuân năm 399, sau khi Thốc Phát Ô Cô dời đô từ Liêm Xuyên (廉川, nay thuộc Hải Đông, Thanh Hải) đến Lạc Đô (樂都, cũng thuộc Hải Đông ngày nay) trong một đợt tái tổ chức nhằm tăng cường sức mạnh quân sự, Thốc Phát Nục Đàn được giao trấn giữ thành Tây Bình (西平, nay thuộc Tây Ninh, Thanh Hải), và thời điểm này, ông được sử sách nói đến cùng với tước hiệu Quảng Vũ công, tức tước hiệu của Thốc Phát Ô Cô trước đó. Vào mùa hè năm 399, Thốc Phát Ô Cô triệu hồi ông vầ Lạc Đô để đứng đầu chính quyền, còn Thốc Phát Lợi Lộc Cô thay ông trấn thủ Tây Bình. Đến năm 399, Thốc Phát Ô Cô bị một chấn thương nghiêm trọng khi cưỡi ngựa lúc đang say rượu, và trong những lời trăn chối cuối cùng, ông đã yêu cầu nên tìm một ai đó lớn tuổi để kế vị, các quý tộc Nam Lương đã ủng hộ Thốc Phát Lợi Lộc Cô lên kế vị. Thốc Phát Lợi Lộc Cô giao phó tất cả các vấn đề triều chính quan trọng cho ông và chỉ định ông là người kế vị. Năm 400, khi hoàng đế Lã Toản của Hậu Lương tấn công nước Bắc Lương, Thốc Phát Nục Đàn đã tấn công bất ngờ vào kinh thành Cô Tang (姑臧, nay thuộc Vũ Uy, Cam Túc) của Hậu Lương. Ông đã vào được trong thành và tổ chức một bữa tiệc, buộc 8.000 hộ phải tái định cư đến Nam Lương cùng với ông. Cũng trong năm 400, khi phải hứng chịu các thất bại dưới tay Hậu Tần, vua Khất Phục Càn Quy của Tây Tần đã đến chỗ Thốc Phát Lợi Lộc Cô đầu hàng, Thốc Phát Lợi Lộc Cô đã cử Thốc Phát Nục Đàn đi nghênh đón ông ta. Có lẽ vào thời điểm này, Thốc Phát Nục Đàn đã gả một con gái cho con trai của Khất Phục Càn Quy là Khất Phục Sí Bàn, song điều này không thật rõ ràng. Đến cuối năm đó, Khất Phục Càn Quy lại chạy trốn đến Hậu Tần đầu hàng, còn Khất Phục Càn Quy muốn đến chỗ phụ thân song bị bắt lại, theo lời đề nghị của Thốc Phát Nục Đàn nên Thốc Phát Lợi Lộc Cô đã không cho giết Khất Phục Sí Bàn. Cũng trong khoảng thời gian này, tướng Khương Kỉ (姜紀) của Hậu Lương đã đến Nam Lương đầu hàng. Thốc Phát Nục Đàn ấn tượng trước tài năng của Khương Kỉ nên đã kết bằng hữu với người này và giành nhiều thời gian bên cạnh ông ta, mặc dù vậy, Thốc Phát Lợi Lộc Cô không tin tưởng Khương Kỉ. Tuy nhiên, Khương Kỉ đã sớm quay sang chống lại Nam Lương và chạy trốn đến Hậu Tần, bày cho hoàng đế Diêu Hưng của Hậu Tần các sách lược để chinh phục Hậu Lương và chống lại Nam Lương. Khoảng tết năm 402, tướng nổi loạn Tiêu Lãng (焦朗) tại Hậu Lương đã tìm kiếm sự trợ giúp của Nam Lương, và Thốc Phát Lợi Lộc Cô đã cử Thốc Phát Nục Đàn đến giúp ông ta, song khi Thốc Phát Nục Đàn đến, Tiêu Lãng đã không tiếp đón ông. Thốc Phát Nục Đàn ban đầu tức giận và muốn quay sang tấn công Tiêu Lãng, song nghe theo đề xuất của Thốc Phát Câu Diên (禿髮俱延), ông đã hòa giải với Tiêu Lãng và hợp sức tiến đánh Cô Tang. Mặc dù liên quân đã không chiếm được thành vào thời điểm đó song đã giáng cho tướng Lã Siêu (呂超) của Hậu Lương một thất bại lớn. Tuy nhiên, cũng trong năm đó, khi vua Thư Cừ Mông Tốn của Bắc Lương tiến đánh Hậu Lương, Thốc Phát Nục Đàn lại đến trợ giúp cho Hậu Lương. Thốc Phát Nục Đàn ngay sau đó cũng đã bắt Tiêu Lãng và giải người này đến chỗ Thốc Phát Lợi Lộc Cô. Đến năm 402, Thốc Phát Lợi Lộc Cô lâm bệnh và qua đời, ông đã để lại di chiếu truyền ngai vàng lại cho Thốc Phát Nục Đàn. Thốc Phát Nục Đàn chấp thuận và cho dời đô từ Tây Bình về Lạc Đô. Thời gian đầu trị vì. Thốc Phát Nục Dàn đã không giảm áp lực quân sự lên Hậu Lương, và các cuộc tấn công của ông chống lại Hậu Lương tiếp tục khiến cho nước này mất ổn định. Ông đã chấp thuận trên danh nghĩa là một chư hầu của Hậu Tần, và được hoàng đế Hậu Tần phong là Quảng Vũ công, mặc dù trong nội bộ thì ông vẫn tiếp tục sử dụng tước hiệu Hà Tây vương (tước hiệu Thốc Phát Lợi Lộc Cô đã sử dụng). Vào mùa hè năm 402, Khất Phục Sí Bàn trốn thoát đến chỗ phụ thân Khất Phục Càn Quy. Thốc Phát Nục Đàn đã đưa vợ của Khất Phục Sí Bàn (có thể là con gái ông) và các con đến chỗ ông ta. Năm 403, phải chịu sức ép từ Thốc Phát Nục Đàn và Thư Cừ Mông Tốn, Lã Long đã quyết định chấm dứt sự tồn tại của Hậu Lương bằng cách trao Cô Tang cho Hậu Tần. Thốc Phát Nục Đàn do lo sợ trước sức mạnh của Hậu Tần nên đã rút quân để quân Hậu Tần có thể tiến đến Cô Tang. Năm 404, ông chấm dứt việc độc lập trên danh nghĩa bằng việc chấm dứt sử dụng niên hiệu riêng và sử dụng niên hiệu của Hậu Tần để thể hiện lòng trung thành với Hậu Tần. Ông chấm dứt sử dụng tước vương, và chỉ dùng tước Quảng Vũ công mà Hậu Tần ban cho. Ông cũng thỉnh cầu Diêu Hưng trao Cô Tang cho Nam Lương song Diêu Hưng đã từ chối. Thời kỳ trị vì giữa. Khi Nam Lương và Bắc Lương đều trở thành chư hầu của Hậu Tần, họ bắt đầu giao chiến với nhau khi kẻ thù chung là Hậu Lương đã không còn tồn tại. Năm 406, Thốc Phát Nục Đàn tiến đánh Bắc Lương song sau khi Thư Cừ Mông Tốn từ chối giao chiến, ông đã triều cống cho Diêu Hưng, khiến cho Diêu Hưng cảm kích và tin vào lòng trung thành của Thốc Phát Nục Đàn, và hoàng đế Hậu Tần đã ủy thác cho Thốc Phát Nục Đàn làm thứ sử Lương Châu (涼州, lúc này chỉ còn Cô Tang và các vùng xung quanh), và ban Cô Tang cho ông. Cũng trong năm đó, Thốc Phát Nục Đàn đã dời đô từ Lạc Đô về Cô Tang. ông cũng tiến đến liên minh với vua Lý Cảo của Tây Lương nhằm cùng chống lại Bắc Lương. Mặc dù Thốc Phát Nục Đàn trên danh nghĩa là một chư hầu của Hậu Tần, ông ta không thực sự muốn phụng sự lâu dài cho Diêu Hưng, vào năm 407 ông đã đề xuất liên minh với Khất Phục Sí Bàn (đang tạm thời nắm giữ quân của phụ thân, do Khất Phục Càn Quy đang bị giữ ở kinh thành Trường An của Hậu Tần), song Khất Phục Sí Bàn đã cho xử tử sứ thần và đem đầu của bọn họ đến chỗ Diêu Hưng. Vào thời điểm này, Nam Lương đang ở đỉnh cao của nó. Vào mùa đông năm 407, tướng nổi loạn Lưu Bột Bột của Hậu Tần, người hồi đầu năm đã tuyệt giao với Hậu Tần và lập nước Hạ, đã yêu cầu được kết hôn với con gái của Thốc Phát Nục Đàn. Thốc Phát Nục Đàn từ chối, và trong cơn giận Lưu Bột Bột đã phát động một cuộc tấn công trừng phạt Nam Lương nhưng sau đó đã rút lui. Thốc Phát Nục Đàn đã đuổi theo và tin rằng mình vượt trội so với Lưu Bột Bột, nên đã bất cẩn trong hành động. Lưu Bột Bột đã lừa ông đến một hẻm núi và sau đó chặn đường ra bằng băng và xe ngựa rồi phục kích ông; có khoảng từ 60% đến 70% các quan lại và tướng lĩnh danh tiếng của Nam Lương đã chết trong trận chiến. Trong lo sợ, Thốc Phát Nục Đàn đã ra lệnh cho toàn bộ người dân trong vòng bán kính 150 km của Cô Tang phải vào trong thành, điều này đã dẫn đến sự hoảng loạn khủng khiếp và một cuộc nổi loạn do tộc trưởng Hung Nô tên là Thành Thất Nhi (成七兒) đã diễn ra song đã bị đánh bại. Trong bối cảnh Thốc Phát Nục Đàn thất trận, Diêu Hưng đã âm mưu tiêu diệt ông, bất chấp phản đối của quân sư Vi Tông (韋宗), một viên quan có hiểu biết về tài năng của Thốc Phát Nục Đàn. Năm 408, Diêu Hưng ủy thác cho con trai là Diêu Bật (姚弼) dẫn đầu một đội quân lớn cùng với các tướng Liễm Thành (斂成) và Khất Phục Càn Quy tiến một cuộc tấn công bất ngờ vào Nam Lương, ban đầu lừa Thốc Phát Nục Đàn rằng đây là một phần của chiến thuật gọng kìm nhằm chống lại Hạ. Chỉ đến khi quân của Hậu Tần đến vùng lân cận Cô Tang thì Thốc Phát Nục Đàn mới nhận ra mục đích thật sự của chiến dịch, và ông đã cho thủ thành chống lại Diêu Bật. Có một cuộc nổi loạn đã diễn ra ngay bên trong thành Cô Tang do Vương Chung (王鍾) lãnh đạo, đe dọa đến sự phòng thủ của thành, Thốc Phát Nục Đàn đã cho chôn sống 5000 người, và ông sau đó đã đánh bại được Diêu Bật. Khi Diêu Hưng cử Diêu Hiển (姚顯) đến trợ giúp cho Diêu Bật, Thốc Phát Nục Đàn cũng đánh bại đội quân này, và Diêu Hiển trong sợ hãi đã đổ lỗi cho Liễm Thành về toàn bộ chiến dịch và tạ lỗi với Thốc Phát Nục Đàn, và sau đó rút lui cùng với Diêu Bật. Thốc Phát Nục Đàn cũng cứ một sứ thần đến Trường An để thỉnh cầu được tha thứ. Vào mùa đông năm 408, trong bối cảnh Hậu Tần bị ông và Lưu Bột Bột đánh bại, Thốc Phát Nục Đàn lại một lần nữa tuyên bố độc lập, lần này ông xưng là Lương vương. Ông lập vợ mình làm Vương hậu và lập con trai Thốc Phát Hổ Đài (禿髮虎台) làm thái tử. Thời kỳ cuối trị vì. Việc tái tuyên bố độc lập có lẽ là để thể hiện sức mạnh vì vào thời điểm đó, Nam Lương gặp phải khó khăn nhất định, kiệt quệ vì các cuộc chiến tranh liên miên với Bắc Lương và Tây Tần của Khất Phục Càn Quy (Khất Phục Càn Quy tái tuyên bố độc lập khỏi Hậu Tần vào năm 409), các sử gia thường đánh giá Thốc Phát Nục Đàn phải chịu trách nhiệm cho việc Nam Lương suy sụp vì ông vẫn tiếp tục chiến tranh trong khi người dân đã trở nên kiệt sức. Năm 410, ông tiến đánh Bắc Lương và buộc 1.000 hộ phải theo mình về Nam Lương. Để trả đũa, Thư Cừ Mông Tốn đã cướp phá một số lượng lớn các hộ của Nam Lương, và khi Thốc Phát Câu Diên đáp trả, Thư Cừ Mông Tốn đã đánh bại ông ta. Khi Thốc Phát Nục Đàn đích thân dẫn theo một đội quân lớn tiến đánh cũng đã bị Thư Cừ Mông Tốn đánh bại, Thư Cừ Mông Tốn sau đó bao vây Cô Tang. Các cư dân của Cô Tang, ghi nhớ về vụ thảm sát mà Thốc Phát Nục Đàn đã thực hiện trong cuộc nổi loạn của Vương Chung nên hoảng sợ và một số lượng lớn đã đầu hàng Thư Cừ Mông Tốn. Khi tướng Chiết Khuất Cơ Chấn (折屈奇鎮) nổi loạn ở phía nam, Thốc Phát Nục Đàn trở nên sợ hãi và chuyển kinh thành từ Cô Tang về Lạc Đô. Tướng Tiêu Lãng nhanh chóng nổi loạn và chiếm giữ Cô Tang, mặc dù vậy, Thư Cừ Mông Tốn đã chinh phục được thành vào năm 411, và sau đó tiến đến Lạc Đô, vây thành trong hơn một tháng trước khi Thốc Phát Nục Đàn chịu khuất phục và cử con trai là Thốc Phát An Chu (禿髮安周) cho Thư Cừ Mông Tốn làm con tin. Tuy nhiên, Thốc Phát nục Đàn ngay sau đó lại lên kế hoạch phục thù, và cũng trong năm đó, ông đã cho mở một cuộc tấn công khác vào Bắc Lương, giành được thắng lợi ban đầu, song quân của ông đã rút lui với một tốc độ ung dung quá mức, và khi thời tiết chuyển sang gây bất lợi cho ông, Thư Cừ Mông Tốn đã đuổi kịp và đánh bại ông và một lần nữa lại bao vây Lạc Đô, buộc ông lại phải gửi con trai là Thốc Phát Nhiễm Can (禿髮染干) để làm con tin. Năm 413, Thốc Phát Nục Đàn lại tiến đánh Bắc Lương và tiếp tục thất bại. Thư Cừ Mông Tốn lại bao vây Lạc Đô nhưng không thể chiếm được thành. Tuy nhiên, tướng Thốc Phát Văn Chi (禿髮文支) sau đó đã nổi loạn và điều này đã khuyến khích Thư Cừ Mông Tốn mở một cuộc tấn công mới. Thốc Phát Nục Đàn buộc phải gửi em trai Thốc Phát Câu Diên đến Bắc Lương làm con tin. Năm 414, các bộ lạc Thóa Khiết Hãn (唾契汗) và Ất Phất (乙弗) đã nổi loạn, và mặc dù Nam Lương đang ở trong tình trạng tuyệt vọng, Thốc Phát Nục Đàn đã để thái tử Thốc Phát Hổ Đài làm chỉ huy tại Lạc Đô, còn mình thì mở một chiến dịch chống lại Ất Phất và đã khá thành công. Tuy nhiên, Khất Phục Sí Bàn, nay đã là vua Tây Tần, đã tấn công Lạc Đô. Thốc Phát Hổ Đài hoảng sợ và buộc những người Hán ở trong thành phải vào thành nội bởi ông không tin tưởng họ, điều này đã làm suy yếu đội quân của ông, và Lạc Đô đã thất thủ. Thốc Phát Hổ Đài bị bắt. Cháu trai của Thốc Phát Nục Đàn là Thốc Phát Phiền Nê (禿髮樊尼, con trai của Thốc Phát Ô Cô) đã trốn thoát và thông tin cho Thốc Phát Nục Đàn về sự việc đã xảy ra. Thốc Phát Nục Đàn thông báo với quân đội rằng kế hoạch của ông là tấn công bộ lạc Thóa Khiết Hãn, và sau đó sử dụng số tài vật thu được từ cướp bóc để chuộc những người ở Lạc Đô từ tay Tây Tần. Tuy nhiên, quân lính khi nghe được tin này đã chán nản và bỏ rơi ông. Thốc Phát Nục Đàn buộc phải đến đầu hàng Tây Tần. Sau khi Nam Lương diệt vong. Khất Phục Sí Bàn ban đầu đối đãi với Thốc Phát Nục Đàn như một khách quý. Ông ta phong tước công cho Thốc Phát Nục Đàn và phong cho con gái của ông làm vương hậu. Tuy nhiên, năm 415, Khất Phục Sí Bàn đã bí mật đầu độc Thốc Phát Nục Đàn. Sau khi bị đầu độc, Thốc Phát Nục Đàn đã nhận ra điều gì đang xảy ra, và từ chối việc điều trị và rồi qua đời ngay sau đó.
1
null
Khất Phục Quốc Nhân () (?-388), là người sáng lập nên nước Tây Tần thời Ngũ Hồ thập lục quốc trong lịch sử Trung Quốc. Thân thế. Cha của Khất Phục Quốc Nhân là Khất Phục Tư Bàn (乞伏司繁), một tộc trưởng Tiên Ti ở khu vực này là nam bộ/tây nam bộ Cam Túc. Sau khi bị tướng Vương Thống (王統) của Tiền Tần đánh bại, Khất Phục Tư Bàn đã đầu hàng vào năm 371 và được cho phép tiếp tục lãnh đạo bộ lạc của mình với vị thế là một chư hầu của Tiền Tần, có tước hiệu "Nam thiền vu". Năm 376, Khất Phục Tư Bàn qua đời và Khất Phục Quốc Nhân lên kế vị cha. Sự nghiệp. Khi hoàng đế Phù Kiên của Tiền Tần tìm cách chinh phục Đông Tấn để thống nhất Trung Hoa vào năm 383, Khất Phục Quốc Nhân ban đầu là một tướng quân trong đội quân chinh phục, song vào lúc đó, chú của Khất Phục Quốc Nhân là Khất Phục Bộ Đồi (乞伏步頹) đã nổi loạn, và Phù Kiên đã cử Khất Phục Quốc Nhân đi đánh dẹp cuộc nổi loạn của thúc phụ mình. Tuy nhiên, Khất Phục Quốc Nhân lại hội quân cùng Khất Phục Bộ Đồi, và Khất Phục Quốc Nhân đã tuyên bố rằng Tiền Tần đã khiến người dân của ông kiệt sức và ông đã lập nên một nhà nước độc lập mới, mặc dù vào thời điểm đó ông vẫn chưa có bất kỳ tước hiệu đế vương nào và cũng chưa tuyên bố niên hiệu mới. Năm 385, sau khi hay tin về việc Phù Kiên chết trong tay một tướng nổi loạn khác là Diêu Trường (người lập nước Hậu Tần), Khất Phục Quốc Nhân đã xưng làm "Thiền vu" và cải niên hiệu, tuyên bố đoạn tuyệt thực tế với Tiền Tần, và ngày này thường được coi là ngày thành lập nước Tây Tần. Ông chia lãnh địa của mình ra làm 12 quận, và định đô tại Dũng Sĩ thành (勇士城, nay thuộc Lan Châu, Cam Túc). Trong hai năm sau đó, ông dần thu hút người Tiên Ti và các sắc tộc khác vào tầm kiểm soát của nhà nước do mình lập ra. Tuy nhiên, năm 387, trái với lập trường chống lại Tiền Tần trước đó, Khất Phục Quốc Nhân đã chấp thuận tước hiệu Uyển Xuyên vương (苑川王) do hoàng đế Phù Đăng của Tiền Tần ban cho và trên danh nghĩa lại trở thành một chư hầu của Tiền Tần, mặc dù vậy, ông không sử dụng niên hiệu của Tiền Tần. Vào mùa hè năm 388, Khất Phục Quốc Nhân qua đời. Con trai ông là Khất Phục Công Phủ (乞伏公府) khi đó vẫn còn quá nhỏ tuổi, và các cận thận đã ủng hộ em trai ông là Khất Phục Càn Quy lên ngôi kế vị ông.
1
null
Khất Phục Càn Quy () (?-412), thụy hiệu là Hà Nam Vũ Nguyên vương (河南武元王), là vua thứ 2 nước Tây Tần thời Ngũ Hồ thập lục quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông là em trai của vua khai quốc là Khất Phục Quốc Nhân và lên ngôi sau cái chết của anh trai vào năm 388 do con trai Khất Phục Công Phủ (乞伏公府) của Khất Phục Quốc Nhân khi đó được cho là còn quá trẻ để cai trị đất nước. Ông sau đó đã mở rộng quyền lực và ảnh hưởng của đất nước song chỉ ở một mức độ nhất định, và đến năm 400 sau các thất bại quân sự trước Hậu Tần, đất nước của ông bị Hậu Tần thôn tính và bản thân ông trở thành một tướng của Hậu Tần. Tuy nhiên, sau khi Hậu Tần suy yếu và bại trận dưới tay nước Hạ của tướng nổi loạn Lưu Bột Bột, Khất Phục Càn Quy đã tái tuyên bố độc lập vào năm 409, song sau đó chỉ trị vì được ba năm trước khi bị giết chết trong một cuộc chính biến của Khất Phục Công Phủ. Con trai ông là Khất Phục Sí Bàn đã đánh bại Khất Phục Công Phủ và trở thành vị vua kế tiếp. Khất Phục Càn Quy được sử sách biết đến với việc sử dụng kế sách quân sự tự để lộ các điểm yếu để đánh lừa kẻ thù và khiến chúng hành động một cách cực nguy hiểm, và sau đó tấn công khi kẻ thù trở nên quá tự tin. Trước khi lên ngôi. Tư liệu đầu tiên nói về Khất Phục Càn Quy trong lịch sử là trong năm 385, khi anh trai Khất Phục Quốc Nhân của ông xưng làm "Thiền vu" và cải niên hiệu, do đó đã trở nên độc lập với Tiền Tần. Vào thời điểm đó, Khất Phục Quốc Nhân phong cho Khất Phục Càn Quy làm một đại tướng quân. Sử sách không chép lại gì khác về cuộc đời của ông trước hoặc trong thời gian trị vì của Khất Phục Càn Quy, ngoại trừ một ám chỉ rằng ông đã đánh bại tướng Vương Quảng (王廣) của Tiền Tần trên chiến trường. Năm 388, Khất Phục Quốc Nhân qua đời. Con trai của ông ta là Khất Phục Công Phủ khi ấy được coi là còn quá nhỏ tuổi để tiếp nhận vị trí lãnh đạo, vì vậy các quan lại và tướng lĩnh đã ủng hộ Khất Phục Càn Quy kế vị Khất Phục Quốc Nhân, với tước hiệu "Đại Thiền vu" và Hà Nam vương. Tước hiệu Hà Nam vương không biểu thị rằng ông thống trị khu vực tỉnh Hà Nam ngày nay, mà đúng hơn là đã biểu thị quyền thống trị tại các phần ở phía nam Hoàng Hà thuộc hai tỉnh Cam Túc và Thanh Hải hiện nay. Lần đầu trị vì. Khất Phục Càn Quy lập vợ mình làm Hoàng hậu, và ông cũng thiết lập một hệ thống chính quyền tương tự như cấu trúc chính quyền của người Hán. Trong vài năm sau đó, Khất Phục Càn Quy đã sử dụng một loạt sức ép quân sự và ngoại giao để khiến người dân ở những vùng xung quanh thuộc các sắc tộc Tiên Ti, Khương và Hán phải khuất phục. Sau đó, ông dời đô từ Dũng Sĩ thành (勇士城, nay thuộc Lan Châu, Cam Túc) đến Kim Thành (cũng thuộc Lan Châu ngày nay). Năm 389, hoàng đế Phù Đăng của Tiền Tần đã phong cho Khất Phục Càn Quy làm Kim Thành vương, một tước hiệu biểu thị quyền thế ít hơn so với tước hiệu cũ là Hà Nam vương, bởi quận Kim Thành chỉ tương ứng với Lan Châu ngày nay song Khất Phục Càn Quy vẫn chấp thuận. Năm 390, vua của nước Thổ Dục Hồn là Mộ Dung Thị Liên (慕容視連), đã khuất phục Tây Tần và trở thành một chư hầu, Khất Phục Càn Quy đã lập ông ta làm Bạch Lan vương. Tuy nhiên, sau khi Mộ Dung Thị Liên chết vào cuối năm và người con trai có nhiều tham vọng hơn là Mộ Dung Thị Bi (慕容視羆) lên kế vị, vị vua Thổ Dục Hồn này đã từ chối tước hiệu đó. Năm 391, tướng Việt Chí Cật Quy (越質詰歸) nổi loạn, song sau khi Khất Phục Càn Quy đích thân dẫn quân đến đánh dẹp, Việt Chí Cật Quy đã đầu hàng và Khất Phục Càn Quy đã gả một người con gái của mính cho một thành viên thị tộc Việc Chí, điều này cho thấy xu hướng cố gắng kết nối bản thân với các tộc trưởng bộ lạc để khiến họ khuất phục của Khất Phục Càn Quy. Tuy nhiên, cuối năm 391, kế sách này có lẽ đã cho thấy sự phản tác dụng khi tộc trưởng Một Dịch Can (沒奕干) ban đầu đã khuất phục và cử hai người con trai làm con tim đến chỗ của Khất Phục Càn Quy, tìm kiếm sự trợ giúp của ông để chiến đấu với một tộc trưởng khác là Đại Đâu (大兜). Khất Phục Càn Quy đã trợ giúp cho ông và Đại Đâu bị đánh bại, và sau đó đã gửi hai con trai của Một Dịch Can về bộ lạc để khiến Một thấy biết ơn hơn nữa. Tuy nhiên, Mộ Dịch Can thay vào đó đã quay lưng lại với Khất Phục Càn Quy và kết liên minh với tộc trưởng Hung Nô là Lưu Vệ Thìn (劉衛辰), và Khất Phục Càn Quy trong giận dữ đã tấn công Một Dịch Căn và trong trận chiến đã bắn một mũi tên vào mắt của Một. Tuy nhiên, trong khi ông đang tiến hành chiến dịch chống lại Một Dịch Can, vua Lã Quang của Hậu Lương đã nắm lấy cơ hội để tấn công Tây Tần, buộc Khất Phục Càn Quy phải rút lui để đối phó. Sự việc này đã khởi đầu cho nhiều năm giao chiến liên tục giữa Tây Tần và Hậu Lương. Năm 393, Khất Phục Càn Quy lập con trai là Khất Phục Sí Bàn làm thái tử. Năm 394, sau cái chết của hoàng đế Diêu Trường của Hậu Tần, hoàng đế Phù Đăng của Tiền Tần đã chuẩn bị một cuộc tổng tiến công chống lại tân hoàng đế Diêu Hưng của Hậu Tần, trong lúc chuẩn bị, ông ta đã yêu cầu viện trợ của Khất Phục Càn Quy và phong cho Khất Phục Càn Quy làm Hà Nam vương và ban cho ông cửu tích. Tuy nhiên, chiến dịch của Phù Đăng đã thất bại, Phù Quảng (苻廣) cùng con trai Phù Sùng đã rời bỏ căn cứ của họ, buộc Phù Đăng phải chạy trốn vào trong rừng. Ông ta sau đó gả em gái là Đông Bình công chúa cho Khất Phục Càn Quy để làm vương hậu và lập ông làm Lương vương. Khất Phục Càn Quy cử em trai là Khất Phục Ích Châu (乞伏益州) đến trợ giúp cho Phù Đăng, song khi Phù Đăng ra khỏi vùng đồi núi để đến chỗ quân của Khất Phục Ích Châu, Diêu Hưng đã cho quân phục kích và bắt giữ được ông ta rồi sau đó giết chết. Khất Phục Ích Châu sau đó rút quân. Con trai của Phù Đăng là Phù Sùng chạy đến Hoàng Trung (湟中, nay thuộc Tây Ninh, Thanh Hải), tức vùng đất đang nằm dưới sự kiểm soát của Khất Phục Càn Quy, và xưng đế tại đó. Tuy nhiên, vào mùa đông năm 394, Khất Phục Càn Quy đã trục xuất Phù Sùng, và người này đã chạy đến chỗ một trong những tướng còn lại của cha mình là Dương Định (楊定). Dương Định đã dẫn quân hợp với Phù Sùng để tiến đánh Khất Phục Càn Quy. Khất Phục Càn Quy đã cử Khất Phục Ích Châu và hai tướng khác là Khất Phục Kha Đàn (乞伏軻彈) và Việt Chí Cật Quy đi đánh Dương Định và Phù Sùng, song Dương Định ban đầu đã đạt được thắng lợi. Tuy nhiên, ba tướng quân của Tây Tần sau đó đã phản công và giết chết Dương Định cùng Phù Sùng trong trận chiến. Khoảng tết năm 395, Khất Phục Càn Quy xưng làm Tần vương, một tước hiệu lớn hơn và ngầm thông báo mình là đối thủ của Hậu Tần, và đất nước của ông vì thế được biết đến nhiều trong sử sách với cái tên Tây Tần. Đến mùa hè, ông cử Khất Phục Ích Châu đi đánh một tộc trưởng người Đê không chịu khuất phục là Khương Nhũ (姜乳), bất chấp cảnh báo rằng Khất Phục Ích Châu đã trở nên kiêu ngạo kể từ sau các chiến thắng của ông ta. Khất Phục Ích Châu đã thật sự lơ là và bị Khương Nhũ đánh bại. Cũng trong năm đó, Khất Phục Càn Quy dời đô từ Kim Thành đến Tây Thành (西城, nay thuộc Bạch Ngân, Cam Túc). Vào mùa thu năm 395, Lã Quang đã cho thực hiện một cuộc tấn công lớn nhắm vào Tây Tần. Theo lời khuyên của hai triều thần là Mật Quý Chu (密貴周) và Mạch Giả Cổ Đê (莫者羖羝), Khất Phục Càn Quy đã chịu khuất phục Lã Quang, trở thành chư hầu và gửi hoàng tử Khất Phục Sắc Bột (乞伏敕勃) đến chỗ Lã Quang để làm con tin, và Lã Quang đã cho rút quân. Tuy nhiên, Khất Phục Càn Quy đã sớm hối tiếc về việc này và cho giết chết Mật và Mạch Giả. Năm 397, để trừng phạt Khất Phục Càn Quy, Lã Quang đã mở một chiến dịch lớn tiến đánh Tây Thành. Các triều thần của Khất Phục Càn Quy khiếp sợ đến nỗi họ đã đề xuất việc rút lui đến Thành Kỉ (成紀, nay thuộc Thiên Thủy, Cam Túc) ở phía đông, song Khất Phục Càn Quy đã nhìn thấy điểm yếu của quân Hậu Lương nên vẫn quyết định ở nguyên vị trí. Quân Hậu Lương ban đầu đã thắng lợi và chiếm được một số thành lớn của Tây Tần, song Khất Phục Càn Quy đã lừa tướng Lã Diên (呂延) tin rằng ông đã rút lui, Lã Diên đã rơi vào bẫy của Khất Phục Càn Quy và bị giết. Lã Quang lo sợ và đã rút lui về kinh đô Cô Tang (姑臧, nay thuộc Vũ Uy, Cam Túc) của Hậu Lương. Năm 398, Khất Phục Càn Quy cử Khất Phục Ích Châu đi đánh Hậu Lương và Tây Tần đã lấy lại được một số lãnh thổ đã mất trước đó. Đến năm 398, Khất Phục Ích Châu đã giao chiến và đánh bại được Mộ Dung Thị Bi (慕容視羆). Mộ Dung Thị Bi lo sợ và đã cử con trai là Mộ Dung Đãng Khải (慕容宕豈) đến làm con tin để cầu hòa. Khất Phục Càn Quy đã gả một người con gái của một người trong thị tộc của cho Mộ Dung Đãng Khải. Năm 400, Khất Phục Càn Quy dời đô từ Tây Thành đến Uyển Xuyên (苑川, cũng thuộc Bạch Ngân ngày nay). Vào mùa hè năm 400, một tướng của Hậu Tần và cũng là thúc phụ của Diêu Hưng, Diêu Thạc Đức (姚碩德) đã phát động một chiến dịch lớn chống lại Tây Tần. Ban đầu, Khất Phục Càn Quy đã thành công trong việc cắt đứt đường tiếp tế của Diêu Thạc Đức, song sau đó Diêu Hưng đã đích thân đến viện trợ cho Diêu Thạc Đức. Khất Phục Càn Quy chia quân để cố xác định được mục đích của quân Hậu Tần, song các đội quân đã bị mất liên lạc trong sương mù, và quân Hậu Tần đã đến tấn công và đánh bại quân Tây Tần, gần như toàn bộ quân Tây Tần bị bắt. Diêu Hưng tiến về Phu Hãn (枹罕, nay thuộc Lâm Hạ, Cam Túc), buộc Khất Phục Càn Quy phải quay trở lại Kim Thành. Tuy nhiên, với đội quân còn lại, Khất Phục Càn Quy đi đến kết luận rằng ông không thể duy trì đất nước hơn nữa, và lệnh cho các quan lại đầu hàng Hậu Tần, trong khi bản thân ông đầu hàng vua Thốc Phát Lợi Lộc Cô của Nam Lương. Em trai của Thốc Phát Lợi Lộc Cô là Thốc Phát Câu Diên (禿髮俱延) nghi ngờ ý định của Khất Phục Càn Quy và đề nghị Thốc Phát Lợi Lộc Cô đày ông đến chỗ bộ lạc Ất Phất (乙弗) (có thể ở phía tây hồ Thanh Hải), song Thốc Phát Lợi Lộc Cô đã từ chối. Tuy nhiên, lo ngại về việc Khất Phục Càn Quy có thể cố tái lập đất nước, vua Nam Lương đã cho quân theo sát ông. Khất Phục Càn Quy do lo sợ sẽ bị giết nên sau đó đã lấy lại lòng tin tưởng của Thốc Phát Lợi Lộc Cô bằng cách cử Khất Phục Sí Bàn, các huynh đệ của mình, và mẫu thân của họ đến kinh thành Tây Bình của Nam Lương làm con tim. Tuy nhiên, ngay sau khi lính Nam Lương nới lỏng canh giữ, Khất Phục Càn Quy đã đến Phu Hãn và đầu hàng Hậu Tần. Tướng của Hậu Tần. Khi Khất Phục Càn Quy đến kinh thành Trường An của Hậu Tần, Diêu Hưng phong cho ông làm Quy Nghĩa hầu. Năm 401, Diêu Hưng không hiểu vì sao đã trao toàn bộ số quân lính bị bắt cho Khất Phục Càn Quy và cho ông ta trấn thủ kinh thành của Tây Tần trước đây là Uyển Xuyên, vì vậy trên thực tế Khất Phục Càn Quy lại có được vị trí vốn có trước đó, song nay là một chư hầu của Hậu Tần. Ông đã nhanh chóng lập lại cấu trúc chính quyền, song các quan lại nay có tước vị thấp hơn để thể hiện sự khuất phục trước Hậu Tần. Đến năm 401, Diêu Hưng cử Khất Phục Càn Quy làm phụ tá cho Diêu Thạc Đức trong một chiến dịch lớn chống lại hoàng đế Lã Long của Hậu Lương, buộc Lã Long phải chịu khuất phục. Năm 402, Khất Phục Sí Bàn, người trước đó đã không thành công trong việc đào thoát khỏi Nam Lương để đến chỗ phụ thân, nay đã có thể chạy đến Uyển Xuyên. Vua Thốc Phát Nục Đàn của Nam Lương đã gửi vợ của Khất phục Sí Bàn (có lẽ là con gái của Thốc Phát Nục Đàn) và những người con đến chỗ ông. Năm 403, Lã Long đã quyết định trao đất nước của mình (lúc này chỉ bao gồm Cô Tang và các vùng lân cận) cho Hậu Tần, Hậu Lương diệt vong, và Khất Phục Càn Quy là một trong các tướng mà Diêu Hưng cử đi hộ tống Lã Long về Trường An và hộ tống người thay thế ông ta là tướng Vương Thượng (王尚) đến Cô Tang, song tại thời điểm đó vùng Cô Tang bị bao quanh bởi Nam Lương và Bắc Lương (hai chư hầu của Hậu Tần). Trong vài năm sau đó, Khất Phục Càn Quy ngày càng hành động một cách độc lập hơn. Ví dụ như vào năm 405, có vẻ như trong khi chưa có sự phê chuẩn của Hậu Tần, ông đã tiến đánh nước Thổ Dục Hồn của Mộ Dung Đại Hài (慕容大孩), và sau đó trong cùng năm ông đã chiến đấu với Dương Thịnh (楊盛), người cai trị Cừu Trì trong khi Cừu Trì cũng là chư hầu của Hậu Tần. Khoảng tết năm 407, Khất Phục Càn Quy đi viếng thăm chính thức Trường An. Diêu Hưng lúc này do lo sợ trước sức mạnh và sự độc lập của Khất Phục Càn Quy nên đã giữ ông lại kinh thành để làm quan tại đây, còn quyền chỉ huy của ông thì giao cho Khất Phục Sí Bàn. Năm 408, Thốc Phát Nục Đàn (người trước đó đã khuất phục chịu trở thành chư hầu của Hậu Tần) đã trở nên hành động một cách độc lập. Diêu Hưng quyết tâm tiêu diệt Nam Lương, và Khất Phục Càn Quy là một trong các tướng được cử đi cùng với đội quân dưới sự chỉ huy của con trai ông ta là Diêu Bật (姚弼) nhằm diệt Nam Lương. Tuy nhiên, chiến dịch của Diêu Bật đã thất bại và mặc dù sau đó Thốc Phát Nục Đàn trên danh nghĩa vẫn tiếp tục khuất phục trong một thời gian, ông ta đã nhanh chóng tuyên bố độc lập hoàn toàn. Năm 409, Khất phục Càn Quy đã trốn thoát và trở về Uyển Xuyên. Trong cùng năm, ông tái lập nước Tây Tần và xưng là Tần vương, đồng thời cải niên hiệu. Trị vì lần thứ hai. Sau khi phục quốc, Khất Phục Càn Quy một lần nữa lại lập vợ mình làm Hoàng hậu và con trai Khất Phục Sí Bàn làm thái tử, kinh đô của Tây Tần được tạm thời đặt tại Độ Kiên sơn (度堅山, nay thuộc Bạch Ngân, Cam Túc). Năm 410, ông tấn công quận Kim Thành của Hậu Tần và cuối cùng đã chiếm được quận này, và đến năm 410 kinh thành Tây Tần lại chuyển về Uyển Xuyên. Ông sau đó cũng chiếm được một vài quận khác của Hậu Tần. Tuy nhiên, vào mùa xuân năm 411, ông đã trao trả các quan bị bắt cho Hậu Tần và cầu hòa, một lần nữa trở thành chư hầu. Diêu Hưng lập Khất Phục Càn Quy làm Hà Nam vương. Tuy nhiên, vào mùa đông năm 411 ông lại tiếp tục chiếm một số quận của Hậu Tần. Mùa xuân năm 412, ông dời đô đến Đàm Giao (譚郊, nay thuộc Lâm Hạ, Cam Túc), và cho Khất Phục Sí Bàn trấn thủ Uyển Xuyên. Vào mùa hè năm 412, con trai của Khất Phục Quốc Nhân là Khất Phục Công Phủ đã giết chết Khất Phục Càn Quy trong một cuộc chính biến, ngoài ra Khất Phục Công Phủ còn giết hơn mười người con trai khác của Khất Phục Càn Quy. Sau một chiến dịch ngắn ngủi giữa Khất Phục Công Phủ và Khất Phục Sí Bàn, Khất Phục Sí Bàn đã chiến thắng và giết chết Khất Phục Công Phủ rồi lên ngôi vua.
1
null
Xa lộ Liên tiểu bang 91 (tiếng Anh: "Interstate 91" hay viết tắt là I-91) là một xa lộ liên tiểu bang trong vùng Tân Anh của Hoa Kỳ. Nó cung cấp con đường chính yếu bắc-nam tại phần phía tây của vùng Tân Anh. Điểm đầu phía nam của xa lộ nằm trong thành phố New Haven, Connecticut tại điểm gặp nhau với Xa lộ Liên tiểu bang 95; điểm đầu phía bắc của nó nằm tại Derby Line, Vermont, một ngôi làng trong thị trấn Derby ở biên giới Canada, nơi nó được tiếp nối bởi Xa lộ Quebec 55. I-91 là xa lộ liên tiểu bang dài nhất trong số 3 xa lộ liên tiểu bang có toàn tuyến đường nằm bên trong các tiểu bang Tân Anh. Nó cũng là xa lộ liên tiểu bang chính yếu (2-chữ số) duy nhất trong vùng Tân Anh giao cắt hết tất cả năm xa lộ liên tiểu bang chính yếu khác chạy qua vùng này. Các thành phố lớn nhất dọc theo con đường của nó là Springfield, Massachusetts, Hartford, Connecticut, và New Haven, Connecticut theo thứ tự từ bắc xuống nam. Xa lộ Liên tiểu bang 91 dài và chạy gần như theo hướng thẳng bắc-nam: trong tiểu bang Connecticut; trong tiểu bang Massachusetts; và trong tiểu bang Vermont. I-91 chạy song song với Quốc lộ Hoa Kỳ 5 trên toàn bộ chiều dài của nó. Nhiều lối ra dọc theo con đường của nó cung cấp các lối trực tiếp và gián tiếp đến Quốc lộ 5. Phần lớn chiều dài của Xa lộ Liên tiểu bang 91 đi men theo Sông Connecticut từ thành phố Hartford, Connecticut về phía bắc đến St. Johnsbury, Vermont. Mô tả xa lộ. Connecticut. Xa lộ Liên tiểu bang 91 là hành lang giao thông then chốt bắc-nam ở vùng trung tâm tiểu bang. Nó là con đường chính giữa các thành phố lớn hơn như New Haven, Hartford, và Springfield, Massachusetts. Vì thế nó luôn đông xe cộ (đặc biệt trong giờ cao điểm), và có ít nhất 3 làn xe mỗi chiều xuyên suốt tiểu bang Connecticut trừ một đoạn ngắn trong thành phố Hartford ở nút giao thông khác mức với Xa lộ Liên tiểu bang 84. Ba thành phố cũng phục vụ như những thành phố điểm được ghi trên các biển chỉ dẫn dọc theo chiều dài xa lộ. Các biển chỉ dẫn treo phía trên ở mỗi chiều lưu thông thường có ghi một hoặc hai thành phố này. Xa lộ bắt đầu ngay phía đông phố chính của thành phố New Haven tại điểm giao cắt với Xa lộ thu phí Connecticut Xa lộ Liên tiểu bang 95 và Xa lộ Connecticut 34. Ở phía dưới đường dẫn đến lối ra 5, Quốc lộ Hoa Kỳ 5 có điểm đầu phía nam và nút giao thông lập thể đầu tiên trong số nhiều nút giao thông lập thể của nó với xa lộ I-91. Rời thành phố New Haven, I-91 đi theo hướng đông bắc qua các khu ngoại ô của New Haven là North Haven và Wallingford trước khi đi vào thành phố Meriden. Tại Meriden, khoảng nửa đường giữa thành phố Hartford và New Haven, I-91 có nút giao thông lập thể với xa lộ nhánh phụ đầu tiên của nó là Xa lộ Liên tiểu bang 691 (2 chữ số cuối chỉ xa lộ mẹ là I-91). I-691 tạo một đường nối hướng tây đến Xa lộ Liên tiểu bang 84 và thành phố Waterbury. Rời Meriden, I-91 đi ngang Middletown ngắn ngũi trước khi đi qua Cromwell, Rocky Hill, và Wethersfield, sau cùng đi vào địa giới thành phố Hartford. Ngay phía nam Hartford, xa lộ bắt đầu trực diện chạy song song với Sông Connecticut. Tại Hartford, I-91 liên đổi đường với I-84 trước khi rời địa giới thành phố. I-91 luôn duy trì đặc tính xa lộ đô thị xuyên suốt đường đến Springfield. Nửa đường giữa hai thành phố, Lối ra 40 tạo lối thông thương trực tiếp đến Phi trường Quốc tế Bradley. I-91 chạy qua Windsor, Windsor Locks, East Windsor và Enfield (với một vài lối ra tại mỗi thị trấn) trước băng vào tiểu bang Massachusetts tại mốc dặm 58. Lối ra cuối cùng của I-91 trong tiểu bang Connecticut là Lối ra 49, cho phép người lái xe đi hướng bắc có thể đi đến Longmeadow, Massachusetts. Massachusetts. Xa lộ Liên tiểu bang 91 chạy qua Thung lũng Pioneer ở phía tây tiểu bang Massachusetts và đi song song với Sông Connecticut. I-91 phục vụ như một hành lang giao thông chính qua các quận của Massachusetts, nối liền các thành phố Springfield, Northampton, và Greenfield. Tại Springfield, I-91 giao cắt với Xa lộ Liên tiểu bang 291 tại Lối ra 6, đây là một xa lộ nhánh ngắn phụ dài đi về hướng đông kết nối với Xa lộ thu phí Massachusetts cho những ai đi về phía đông đến thành phố Boston hay đi về phía tây đến thành phố Albany, New York. Phía bắc Springfield, I-91 đi vào Chicopee ngắn ngủi. Tại đây nó có một nút giao thông lập thể xa lộ nhánh ngắn phụ là Xa lộ Liên tiểu bang 391 trước khi quay hướng tây để qua Sông Connecticut vào West Springfield. I-391 tạo lối trực tiếp đến trung tâm Holyoke trong khi đó I-91 tiếp tục trên bờ phía tây của con sông. Ngay sau khi vượt sông, Lối ra 14 là một nút giao thông lập thể chính với Xa lộ thu phí Massachusetts (cũng là I-90) trước khi đi vào thành phố Holyoke ở Lối ra 15. Ngay sau lối ra 16, I-91 giảm xuống hai làn xe từ ba làn mỗi chiều cho đến ranh giới tiểu bang Vermont. Sau một đoạn ngắn không có lối ra, I-91 đi vào thành phố Northampton, đi qua Phi trường Northampton. Thị trấn Hadley và Amherst, nơi có khuôn viên chính của Đại học Massachusetts Amherst, có thể dễ dàng được kết nối từ các lối ra của I-91 tại Northampton qua ngã Xa lộ Massachusetts 9. Tiếp tục hướng bắc, I-91 đi vào Hatfield trên đoạn đường thẳng dài khoảng . Một số lối ra tạo lối đi đến Quốc lộ Hoa Kỳ 5 và Xa lộ Massachusetts 10 tại Hatfield và Whately trước khi đi vào Deerfield. I-91 có hai lối ra tại Greenfield. Ở lối ra 26, có trung tâm thông tin du khách/trạm dừng chân/vệ sinh cho Quận Franklin. Lối ra 28 tại Bernardston là lối ra cuối cùng trong tiểu bang Massachusetts. Ngoài lối ra 28, I-91 tiếp tục khoảng nữa trước khi đi vào tiểu bang Vermont. Đoạn đường dài của I-91 trong tiểu bang Massachusetts là đoạn duy nhất có các hộp điện thoại gắn trên xa lộ. Các hộp điện thoại này vẫn quan trọng vì phần lớn I-91 trong tiểu bang Massachusetts là nông thôn, như như các xa lộ cao tốc khác trong tiểu bang. Vermont. I-91 chạy dọc theo ranh giới phía đông của tiểu bang Vermont và phục vụ như hành lang giao thông chính cho vùng phía đông tiểu bang Vermont và phía tây New Hampshire. Chiều dài của I-91 trong tiểu bang Vermont là , và nó có hai làn xe mỗi chiều trong toàn tuyến đường từ ranh giới Massachusetts tại Guilford đến Derby Line tại biên giới Canada với 29 nút giao thông lập thể. Các thành phố lớn được ghi trên biển chỉ đường tại tiểu bang Vermont là Brattleboro, White River Junction, St. Johnsbury, và Newport. Tại lối ra 28 trong Derby trở đi, các biển chỉ đường có ghi Canada là điểm đích đến. Trong số các điểm đích đến, chỉ có Newport là thành phố mặc dù các thị trấn khác khá lớn. Con đường của xa lộ này gần như chạy song song với Quốc lộ Hoa Kỳ 5. I-91 đi vào tiểu bang Vermont tại thị trấn Guilford. Ba lối ra đầu tiên của chiều đi hướng bắc phục vụ thị trấn Brattleboro. Tại lối ra 1, Xa lộ Vermont 5 chiều đi hướng bắc tạo lối đến các cửa hàng và một khu vực công nghiệp nhỏ trước khi đến điểm cuối phía nam trung tâm thị trấn. Tại đây có một cây cầu bắt qua Sông Connecticut vào Hinsdale, New Hampshire. Lối ra 2/Xa lộ 9 tạo lối đến làng phía tây của thị trấn là West Brattleboro, sau đó tiếp tục đi hướng tây đến Marlboro và Bennington. Lối ra số 2 được xem là lối ra bận rộn nhất dọc theo I-91 trong tiểu bang Vermont. Khu bán lẻ chính của Brattleboro nằm tại đây. Theo Xa lộ Vermont 9 đi hướng đông, người lái xe có thể đến Keene, New Hampshire trong nữa. Sau lối ra 3, I-91 đi lên hướng bắc qua các thị trấn Dummerston, Putney, Westminster, Rockingham, Springfield, Weathersfield, Windsor, Hartland, và Hartford. Phía bắc nút giao thông lập thể với I-89, I-91 tiếp tục đi về St. Johnsbury và đi qua các thị trấn Norwich, Thetford, Fairlee, Bradford, Newbury và Barnet trước khi đến một nút giao thông lập thể lớn kế tiếp. Các thị trấn trong tiểu bang New Hampshire nằm phía bên kia sông có thể dễ dàng đi đến đó trong đoạn đường này. Tại lối ra 19 là điểm đầu phía bắc của Xa lộ Liên tiểu bang 93. Ngay sau lối ra 19, có ba lối ra để vào St. Johnsbury gồm có một nút giao thông lập thể lớn với Quốc lộ Hoa Kỳ 2. Xa lộ Liên tiểu bang 91 tiếp tục đi về hướng bắc, giờ đây men theo thung lũng Sông Passumpsic. Nó đi qua vùng Northeast Kingdom của tiểu bang và thị trấn Lyndon. Hai lối ra tại Lyndon phục vụ làng Lyndonville và Cao đẳng Tiểu bang Lyndon. Sau lối ra 24, I-91 rời Xa lộ 5 là xa lộ chạy song song với nó từ ranh giới tiểu bang Massachusetts. I-91 đi theo thung lũng Miller Run. Xa lộ I-91 tiếp tục đi qua Sheffield. Tại đây nó đến điểm cao nhất trên con đường của nó, nằm ngay phía bắc mốc dặm 150 trên Cao nguyên Sheffield, cao khoảng . Sau khi rời cao nguyên này, nó đi vào Quận Orleans và theo thung lũng Sông Barton đi lên hướng bắc qua Barton, Orleans và Derby. Lối ra 29 là lối ra cuối cùng trên đất Hoa Kỳ sau mốc dặm 177 tại Derby Line.
1
null
Khất Phục Sí Bàn () (?-428), gọi theo thụy hiệu là (Tây) Tần Văn Chiêu Vương ((西)秦文昭王), là vị vua thứ 3 nước Tây Tần thời Ngũ Hồ thập lục quốc trong lịch sử Trung Quốc. Dưới thời ông trị vì, nước Tây Tần đã lên đến đỉnh cao sau khi ông tiêu diệt và thôn tính được lãnh thổ nước Nam Lương kình địch vào năm 414, song Tây Tần sau đó đã suy yếu dần sau các cuộc tấn công của Hạ và Bắc Lương. Khi ông qua đời năm 428, Tây Tần đang ở trong tình thế khó khăn và đến năm 431, Tây Tần đã bị Hách Liên Định của nước Hạ tiêu diệt, vua Khất Phục Mộ Mạt bị bắt và sau đó bị giết chết. Trước khi làm vua. Thời kỳ trị vì lần đầu của Khất Phục Càn Quy. Sử sách không rõ về thời điểm Khất Phục Sí Bàn được sinh ra hay danh tính mẫu thân của ông. Tuy nhiên, có khả năng là ông được sinh ra trước khi bá phụ Khất Phục Quốc Nhân lập nước Tây Tần vào năm 383. Năm 388, sau khi Khất Phục Quốc Nhân chết, Khất Phục Càn Quy lên kế vị. Mô tả đầu tiên về Khất Phục Sí Bàn là vào năm 393, tức lúc Khất Phục Càn Quy lập Khất Phục Sí Bàn làm thái tử. Thời điểm này, ông đã được mô tả là một người dũng cảm và thông minh, và có tài năng hơn cả phụ thân. Khất Phục Sí Bàn nhanh chóng trở thành một viên quan chủ chốt trong chính quyền của phụ thân. Thần dân của Nam Lương và Hậu Tần. Năm 400, Khất Phục Càn Quy đại bại dưới tay hoàng đế Diêu Hưng của Hậu Tần, và hầu hết nước Tây Tần đã rơi vào tay Hậu Tần. Khất Phục Càn Quy kết luận rằng mình không thể duy trì đất nước được nữa và bảo các quan lại đầu hàng Hậu Tần còn bản thân thì đến đầu hàng vua Thốc Phát Lợi Lộc Cô của Nam Lương, được vị vua này chào đón như một khách quý. Em trai của Thốc Phát Lợi Lộc Cô là Thốc Phát Câu Diên (禿髮俱延) nghi ngờ về ý định của Khất Phục Càn Quy và đề nghị anh trai mình trục xuất cựu vương nước Tây Tần đến bộ lạc Ất Phất (乙弗) (có khả năng ở phía tây hồ Thanh Hải) song Thốc Phát Lợi Lộc Cô đã không đồng ý. Tuy nhiên, do lo ngại rằng Khất Phục Càn Quy có thể muốn phục quốc, Thốc Phát Lợi Lộc Cô đã cho binh lính canh trừng Khất Phục Càn Quy. Khất Phục Càn Quy do lo sợ sẽ bị giết nên đã giành lại lòng tin của vua nước Nam Lương bằng cách gửi Khất Phục Sí Bàn, các anh em trai và mẹ của họ đến kinh thành Tây Bình của Nam Lương để làm con tim. Tuy nhiên, bản thân Khất Phục Càn Quy đã chạy trốn khi việc canh giữ được nới lỏng, ông ta chạy đến to Phu Hãn (枹罕, nay thuộc Lâm Hạ, Cam Túc) và đầu hàng Hậu Tần. Có thể vào khoảng thời gian này, Khất Phục Sí Bàn đã kết hôn với con gái của Thốc Phát Nục Đàn (em trai của Thốc Phát Lợi Lộc Cô). Trong lúc Khất Phục Sí Bàn chạy trốn đến Hậu Tần để gặp phụ thân, đã bị quân Nam Lương bắt được, Thốc Phát Nục Đàn đã nài nỉ Thốc Phát Lợi Lộc Cô tha mạng cho ông và người này cuối cùng đã chấp thuận. Sau khi Thốc Pháp Lợi Lộc Cô qua đời năm 402 và Thốc Phát Nục Đàn lên kế vị, Khất Phục Sí Bàn đã đào thoát thành công và đến được chỗ Khất Phục Càn Quy, người lúc này đang là một trọng tướng của Hậu Tấn. Thốc Phát Nục Đàn đã cho đưa vợ và các con trai của ông đến chỗ ông. Khất Phục Càn Quy khi đó được giao trấn thủ kinh thành cũ Uyển Xuyên (苑川, nay thuộc Bạch Ngân, Cam Túc) của mình và đã cử Khất Phục Sí Bàn đến kinh thành Trường An của Hậu Tần để yết kiến hoàng đế Diêu Hưng, và Diêu Hưng đã phong ông làm thái thú một quận. Năm 407, lo ngại trước việc Khất Phục Càn Quy trở nên mạnh hơn và ngày càng khó kiểm soát, Diêu Hưng đã giữ Khất Phục Càn Quy lại khi ông ta đến viếng thăm Trường An, và Khất Phục Sí Bàn được trao cho chức vụ của phụ thân. Cũng trong năm đó, khi Thốc Phát Nục Đàn tính đến việc từ bỏ vị thế là chư hầu của Hậu Tần, ông ta đã cử một người đưa tin đến chỗ Khất Phục Sí Bàn để thúc giục ông cùng tham gia nổi loạn. Khất Phục Sí Bàn đã cho chém đầu người đưa tin của Thốc Phát Nục Đàn và đem đầu của họ đến Trường An. Năm 408, tin rằng Hậu Tần đã suy yếu hơn, ông cho xây một thành tại Khương Láng sơn (嵻崀山, nay thuộc Lan Châu, Cam Túc) để phòng thủ chống lại cả các kẻ thù của Hậu Tần và khả năng bị Hậu Tần tấn công. Năm 409, ông chiếm Phu Hãn từ tay tướng Hậu Tần nổi loạn là Bành Hề Niệm (彭奚念) và bí mật cử người đưa tin đến thông báo cho Khất Phục Càn Quy biết. Khất Phục Càn Quy lúc đó đang phụng sự cho Diêu Hưng tại Bình Lương (平涼, nay thuộc Bình Lương, Cam Túc), đã trốn thoát rồi chạy đến Uyển Xuyên để hội quân cùng con trai. Ngay sau đó, Khất Phục Càn Quy cho dời căn cứ đến Độ Kiên sơn (度堅山, nay thuộc Bạch Ngân, Cam Túc) song lại để Khất Phục Sí Bàn trấn thủ Phu Hãn. Trong năm, Khất Phục Càn Quy tái tuyên bố độc lập và xưng tước hiệu Tần vương, ông ta một lần nữa lập Khất Phục Sí Bàn làm thái tử. Thời kỳ trị vì lần hai của Khất Phục Càn Quy. Khất Phục Sí Bàn trở thành người mà phụ thân ông dựa vào trong hầu hết các vấn đề quân sự. Ông ta lệnh cho học giả Tiêu Di (焦遺) làm thầy của Khất Phục Sí Bàn, và bảo Khất Phục Sí Bàn phải đối xử với Tiêu như cha và Khất Phục Sí Bàn đã làm theo. Năm 411, Khất Phục Càn Quy sau một số chiến dịch chống lại Hậu Tần, đã lại chấp thuận khuất phục trở thành chư hầu trên danh nghĩa, Diêu Hưng lập ông ta làm Hà Nam vương và lập Khất Phục Sí Bàn làm Bình Xương công. Sau đó cùng năm, Khất Phục Càn Quy cử Khất Phục Sí Bàn cùng Khất Phục Thẩm Kiền (乞伏審虔) đi đánh Nam Lương, và họ đã đại thắng trước thái tử của Thốc Phát Nục Đàn là Thốc Phát Hổ Đài (禿髮虎台), bắt được trên 100.000 con gia súc. Vào mùa xuân năm 412, Khất Phục Càn Quy dời đô đến Đàm Giao (譚郊, nay thuộc Lâm Hạ, Cam Túc), và để Khất Phục Si Bàn trấn thủ Uyển Xuyên. Vào mùa hè năm 412, khi đang ở Đàm Giao, Khất Phục Càn Quy bị ám sát bởi con trai của Khất Phục Quốc Nhân là Khất Phục Công Phủ (乞伏公府), người này cũng giết chết trên 10 người con trai khác của Khất Phục Càn Quy. Khất Phục Công Phủ sau đó lập thế phòng thủ ở Đại Hạ (大夏, nay cũng thuộc Lâm Hạ). Khất Phục Sí Bàn đã cử hai em trai là Khất Phục Trí Đạt (乞伏智達) và Khất Phục Mộc Dịch Can (乞伏木奕干) đi đánh Khất Phục Công Phủ, trong khi đó dời đô về Phu Hãn. Khất Phục Trí Đạt đã đánh bại Khất Phục Công Phủ rồi giết chết người này cùng với các con trai và em trai là Khất Phục A Sài (乞伏阿柴). Khất Phục Sí Bàn lên ngôi và xưng là Hà Nam vương. Làm vua. Thời kỳ đầu. Vào đầu thời kỳ trị vì, Khất Phục Sí Bàn tiếp tục mở mang bờ cõi của Tây Tần bắt cách chiếm đất của Thổ Dục Hồn, Nam Lương và Hậu Tần, và ông còn buộc các tộc trưởng không nằm dưới quyền cai trị của cha ông phải chịu khuất phục. Năm 414, khi nhận được tin rằng Thốc Phát Nục Đàn đang phải đánh các cuộc nổi loạn của hai bộ lạc Thóa Khiết Hãn (唾契汗) và Ất Phất (乙弗), và để Thốc Phát Hổ Đài trấn giữ kinh thành Lạc Đô (樂都, nay thuộc Hải Đông, Thanh Hải) của Nam Lương, Khất Phục Sí Bàn vì thế đã quyết định tấn công bất ngờ vào Lạc Đô. Ông đã nhanh chóng tiến đến Lạc Đô và vây thành. Ngay sau đó, Lạc Đô thất thủ và ông đưa Thốc Phát Hổ Đài cùng các thuộc cấp đến Phu Hãn, trong khi cử binh lính đến đối mặt với Thốc Phát Nục Đàn. Quân của Thốc Phát Nục Đàn hay tin Lạc Đô thất thủ thì đã tan vỡ và Thốc Phát Nục Đàn đã đầu hàng, Nam Lương bị diệt vong và toàn bộ lãnh thổ nước này rơi vào tay Khất Phục Sí Bàn. Khất Phục Sí Bàn chào đón Thốc Phát Nục Đàn như một người khách quý và phong tước công cho cựu vương Nam Lương, và lập con gái của Thốc Phát nục Đàn làm vương hậu. Tuy nhiên, đến năm 415 Khất Phục Sí Bàn đã hạ độc giết chết Thốc Phát Nục Đàn. Sau khi thôn tính được Nam Lương, đến năm 414 Khất Phục Sí Bàn xưng làm Tần vương. Ông cũng cho mở lại các cuộc tấn công vào Hậu Tần. Tuy nhiên, lúc này không còn Nam Lương là vùng đệm, ông đã lâm vào một cuộc chiến tranh kéo dài liên miên với vua Thư Cừ Mông Tốn của Bắc Lương. Năm 416, ông thiết lập hòa bình với Thư Cừ Mông Tốn. Trong khi đó, năm 416, Hậu Tần bị Đông Tấn tấn công dưới sự chỉ huy của tướng Lưu Dụ, Khất Phục Sí Bàn đã gửi tin cho Lưu Dụ để xin làm chư hầu, và Lưu Dụ đã ban cho ông tước hiệu Hà Nam công. Năm 417, Lưu Dụ diệt được Hậu Tần song ông ta lại không tiến quân về phía tây để đánh Tây Tần. Tây Tần nhân lúc chiến tranh đã chiếm được một số thành của Hậu Tần ở gần biên giới. Tuy nhiên, đến năm 418, Đông Tấn đã để mất vùng Quan Trung về tay hoàng đế Hách Liên Bột Bột của nước Hạ, và Hạ sau chiến thắng này đã trở thành một mối đe dọa lớn đối với Tây Tần. Thời kỳ sau. Năm 420, Khất Phục Sí Bàn lập con trai là Khất Phục Mộ Mạt làm thái tử. Cùng năm, Khất Phục Sí Bàn cũng được Lưu Dụ bổ nhiệm làm một tướng quân trên danh nghĩa (Lưu Dụ lúc này đã chiếm lấy ngai vàng của nhà Tấn và lập nên nước Lưu Tống). Năm 421, tình trạng hòa bình với Bắc Lương đã chấm dứt, có lẽ là do Bắc Lương đã tiêu diệt Tây Lương vào năm 420 và nay đã có thể tập trung đối phó với người láng giềng ở phía nam là Tây Tần. Các trận chiến giữa hai nước thường bất phân thắng bại, song việc chiến tranh tiếp diễn đã khiến cho Tây Tần suy yếu. Năm 423, Khất Phục Sí Bàn tuyên bố với các triều thần của mình rằng ông tin tưởng Bắc Ngụy là nước được thần thánh ủng hộ và hoàng đế của nước này có tài năng, vì vậy ông sẽ trở thành một chư hầu của Bắc Ngụy. Khất Phục Sí Bàn sau đó cử một sứ giả đến Bắc Ngụy, đề xuất việc chinh phạt nước Hạ. Năm 426, ông lại yêu cầu Bắc Ngụy tấn công Hạ. Có khá ít tư liệu về xung đột giữa Tây Tần và Hạ trong giai đoạn này, song những lời kêu gọi của Khất Phục Sí Bàn có thể cho thấy rằng Tây Tần bị thất thế trước Hạ. Đến năm 426, Khất Phục Sí Bàn đã phải hứng chịu một thất bại lớn và nó có thể đã làm suy yếu đất nước của ông. Ông đã tiến công Bắc Lương khi vua Thư Cừ Mông Tốn của nước này đang thuyết phục hoàng đế Hách Liên Xương của Hạ tấn công Phu Hãn. Hách Liên Xương, phản ứng lại bằng cách cử tướng Hô Lô Cổ (呼盧古) đi đánh Uyển Xuyên và Vi Phạt (韋伐) đi đánh Nam An (南安, nay thuộc Định Tây, Cam Túc), và trong khi Tây Tần vẫn giữ được Uyển Xuyên thì Nam An lại thất thủ. Đến mùa đông năm 426, quân Hạ do Hô Lô Cổ và Vi Phạt chỉ huy đã tấn công Phu Hãn, buộc Khất Phục Sí Bàn phải dời đô đến Định Liên (定連, cũng thuộc Lâm Hạ ngày nay), Hồ Lô Cổ và Vi Phạt sau đó đã chiếm được thành Tây Bình (西平, nay thuộc Tây Ninh, Thanh Hải) của Tây Tần, và trong khi họ rút lui, Tây Tần đã bị giáng một đòn lớn. Năm 427, Khất Phục Sí Bàn lại dời đô về Phu Hãn, và hay tin Bắc Ngụy đã chiếm được kinh thành Thống Vạn (統萬, nay thuộc Du Lâm, Thiểm Tây) của nước Hạ và buộc Hách Liên Xương phải chạy đến Thượng Khuê (上邽, nay thuộc Thiên Thủy, Cam Túc). Khất Phục Sí Bàn đã cử thúc phụ Khất Phục Ác Đầu (乞伏握頭) đi triều cống Bắc Ngụy. Tuy nhiên, tại thời điểm này, Tây Tần vẫn bị Bắc Lương và Cừu Trì tấn công liên tục. Vào mùa hè năm 428, Khất Phục Sí Bàn qua đời. Trước đó ông đã bảo Khất Phục Mộ Mạt hãy cố thiết lập hòa bình với Bắc Lương bằng cách trao trả quân sư Thư Cừ Thành Đô (沮渠成都, bị bắt năm 422). Khất Phục Mộ Mạt lên kế vị ông.
1
null
Khất Phục Mộ Mạt () (?-431), tên tự An Thạch Bạt (安石跋), là người cai trị cuối cùng của nước Tây Tần thời Ngũ Hồ thập lục quốc trong lịch sử Trung Quốc. Khi ông kế vị cha, tức Khất Phục Sí Bàn vào năm 428, Tây Tần đã ở trong trạng thái suy yếu do phải hứng chịu các cuộc tấn công liên tục của Bắc Lương, Hạ, Thổ Dục Hồn và Cừu Trì. Mặc dù Khất Phục Mộ Mạt có tính khí mạnh mẽ song Tây Tần dưới thời ông trị vì vẫn tiếp tục suy yếu hơn nữa, và đến năm 431, hoàng đế nước Hạ là Hách Liên Định đã bắt và giết chết Khất Phục Mộ Mạt, Tây Tần bị tiêu diệt. Dưới thời Khất Phục Sí Bàn cai trị. Sử sách không cho biết Khất Phục Mộ Mạt sinh năm nào hay tên của mẹ ông, chỉ biết ông không phải là con của Thốc Phát Vương hậu hay của Thốc Phát phi. Sự kiện đầu tiên mà sử sách nói về ông là vào năm 420, khi Khất Phục Sí Bàn lập ông làm thái tử và trong khoảng thời gian đó, ông đã là một đại tướng quân. Năm 424, phụ vương cử ông cùng thúc phụ là Khất Phục Mộc Dịch Can (乞伏木奕干) đi đánh Bắc Lương, và hai người đã giành được chiến thắng. Tuy nhiên, chiến dịch năm 426 do ông cùng phụ vương tiến hành để đánh Bắc Lương đã thất bại thảm hại, vua Thư Cừ Mông Tốn của Bắc Lương không những đẩy lùi được cuộc tấn công của Tây Tần mà còn thuyết phục được hoàng đế Hách Liên Xương của nước Hạ tấn công kinh thành Phu Hãn (枹罕, nay thuộc Lâm Hạ, Cam Túc) của Tây Tần. Hách Liên Xương đã cử tướng Hô Lô Cổ (呼盧古) đi đánh Uyển Xuyên (苑川, nay thuộc Bạch Ngân, Cam Túc) và Vi Phạt (韋伐) đi đánh Nam An (南安, nay thuộc Định Tây, Cam Túc), Tây Tần chỉ giữ được Uyển Xuyên và để mất Nam An. Vào mùa đông năm 426, quân Hạ do Hồ Lô Cổ và Vi Phạt chỉ huy đã tiến đánh Phu Hãn, buộc Khất Phục Sí Bàn phải dời đô đến Đinh Liên (定連, cũng thuộc Lâm Hạ ngày nay), và Hô Lô Cổ cùng Vi Phạt đã chiếm được thành Tây Bình (西平, nay thuộc Tây Ninh, Thanh Hải) của Tây Tần, và trong khi họ rút lui, Tây Tần đã bị giáng một đòn lớn. Năm 428, Khất Phục Sí Bàn qua đời, Khất Phục Mộ Mạt lên kế vị. Trị vì. Vào lúc Khất Phục Mộ Mạt đăng cơ, Tây Tần đã suy yếu nghiêm trọng, song Khất Phục Mộ Mạt thay vì trấn tĩnh người dân thì lại áp dụng các hình phạt tàn nhẫn và khắc nghiệt, làm tổn hại hơn nữa đến khả năng phục hồi của đất nước. Ví dụ, ngay sau khi lên ngôi, ông nghe được tin rằng thúc phụ Khất Phục Thiên Niên (乞伏千年) đã say rượu và bỏ bê nhiệm vụ của mình, ông đã cử người đi khiển trách Khất Phục Thiên Niên, song những lời khiển trách này đã khiến cho Khất Phục Thiên Niên sợ hãi đến nỗi ông ta đã chạy trốn sang Bắc Lương. Khất Phục Mộ Mạt đầu tiên đã phải đối diện với một cuộc tấn công lớn từ Thư Cừ Mông Tốn sau khi người này hay tin cha ông qua đời. Theo lời cha hướng dẫn trước khi qua đời, Khất Phục Mộ Mạt đã đưa Thư Cừ Thành Đô (沮渠成都) (một tướng quân của Bắc Lương và một người được Thư Cừ Mông Tốn tôn trọng, đã bị Khất Phục Sí Bàn bắt được năm 422) trở về Bắc Lương, và hai nước đã lập điều ước hòa bình. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau đó, Thư Cừ Mông Tốn lại tấn công Tây Tần. Vào mùa xuân năm 429, Thư Cừ Mông Tốn chiếm được Tây Bình. Cũng trong mùa xuân năm 429, Khất Phục Mộ Mạt lập vợ mình làm Vương hậu, và lập con trai Khất Phục Vạn Tái (乞伏萬載) làm thái tử. Một sự kiện khác vào năm 429 đã cho thấy sự khắc nghiệt của Khất Phục Mộ Mạt. Mẹ ông trong thời gian trị vì của Khất Phục Sí Bàn đã vô tình bị quan Tân Tiến (辛進) làm cho bị thương trong lúc người này đang tham dự cuộc săn bắn của Khất Phục Sí Bàn. Các chấn thương đã khiến khuôn mặt của bà bị biến dạng. Năm 429, Khất Phục Mộ Mạt đã hỏi mẹ vì sao bà bị thương và bà đã kể lại câu chuyện. Trong cơn giận dữ, Khất Phục Mộ Mạt không những đã cho xử tử Tân Tiến mà còn giết chết 27 người khác có liên quan đến ông ta. Vào mùa hè năm 429, Thư Cừ Mông Tốn mở một chiến dịch lớn khác tấn công Tây Tần, Khất Phục Mộ Mạt đã để thúc phụ Khất Phục Nguyên Cơ (乞伏元基) trấn thủ Phu Hãn trong khi ông tạm thời rút lui về Định Liên. Ông sau đó cũng phải đối mặt với các cuộc nổi loạn của các tướng Trạch Thừa Bá (翟承伯) và Mạc Giả Ấu Quyến (莫者幼眷), song khi thế tử của Thư Cừ Mông Tốn là Thư Cừ Hưng Quốc tiến đánh Định Liên, Khất Phục Mộ Mạt đã đánh bại và bắt giữ người này. Ông sau đó cũng đã giao chiến trong một cuộc tấn công khác của quân Bắc Lương cùng đồng minh của họ là tướng Mộ Dung Mộ Lợi Diên (慕容慕利延) của Thổ Dục Hồn. Thư Cừ Mông Tốn đã gửi một lượng ngũ cốc lớn đến chỗ Khất Phục Mộ Mạt và yêu cầu được chuộc Thư Cừ Hưng Quốc song Khất Phục Mộ Mạt đã từ chối. Thư Cừ Mông Tốn sau đó đã lập em trai của Thư Cừ Hưng Quốc là Thư Cừ Bồ Đề (沮渠菩提) làm thế tử, còn Khất Phục Mộ Mạt thì phong cho Thư Cừ Hưng Quốc một chức quan và gả em gái cho Thư Cừ Hưng Quốc. Em trai của Khất Phục Mộ Mạt là Khất Phục Kha Thù La (乞伏軻殊羅) có một mối quan hệ tình ái với Thốc Phát phi của Khất Phục Sí Bàn. Sau khi Khất Phục Mộ Mạt nghe được tin đồn, ông đã cho siết chặt an ninh tại cung điện, và Khất Phục Kha Thù La do lo sợ mối quan hệ bị phát giác nên đã bày mưu cùng thúc phụ Khất Phục Thập Dần (乞伏什寅) để ám sát Khất Phục Mộ Mạt và sau đó mang theo Thư Cừ Hưng Quốc đến Bắc Lương. Bởi thế, họ đã bảo Thốc Phát phi cố lấy cho được chìa khóa phòng ngủ của Khất Phục Mộ Mạt, song bà ta lại lấy nhầm một chìa khóa khác, và âm mưu bị bại lộ. Khất Phục Mộ Mạt xử tử các cộng sự của Khất Phục Kha Thù La song lại tha cho Khất Phục Kha Thù La, bắt giữ Khất Phục Thập Dần và đánh đập ông ta. Khất Phục Thập Dần trong cơn giận đã nói rằng, "Ta nợ ngươi một mạng sống, song không nợ ngươi một trận đòn." Trong cơn giận, Khất Phục Mộ Mạt đã cho mổ bụng của thúc phụ và ném thi thể xuống sông. Năm 430, khi nghe tin hai thúc phụ khác là Khất Phục Bạch Dưỡng (乞伏白養) và Khất Phục Khứ Liệt (乞伏去列) oán trách về cái chết của Khất Phục Thập Dần, ông đã cho xử tử cả hai người. Vào thời điểm này, Tây Tần không chỉ phải đối mặt với các cuộc tấn công đến từ phía Bắc Lương, đất nước còn bị tàn phá bởi một cơn địa chấn vào cuối năm 429 và nạn hạn hán lớn vào năm 430. Hầu hết người dân của Khất Phục Mộ Mạt đã chạy trốn. Ông cảm thấy rằng đất nước của mình không thể tồn tại lâu hơn nữa vì thế đã cử các quan Vương Khải (王愷) và Ô Nột Điền (烏訥闐) đến khuất phục Bắc Ngụy, yếu cầu Bắc Ngụy đưa quân hộ tống ông đến đất Bắc Ngụy. Bắc Ngụy Thái Vũ Đế Thác Bạt Đảo hài lòng trước việc này và hừa rằng sau khi ông ta diệt được nước Hạ, ông ta sẽ ban các quận Bình Lương (平涼) và An Định (安定) cho Khất Phục mộ Mạt làm lãnh địa. Khất Phục Mộ Mạt vì thế cho phá hủy ngân khố triều đình và đốt cháy Phu Hãn, tiến về phía đông chỉ với 15.000 hộ còn nằm trong tầm quyền kiểm soát của mình để đến chỗ quân Bắc Ngụy tại Thượng Khuê, song hoàng đế Hách Liên Định của Hạ đã hay tin, đã đến giao chiến và buộc Khất Phục Mộ Mạt phải dừng lại và lập thế phòng thủ ở Nam An. Vào thời điểm này, Nam An là tất cả những gì ông còn nắm giữ; còn toàn bộ lãnh thổ trước đây của ông ở phía tây đã rơi vào tay Thổ Dục Hồn. Vào mùa đông năm 430, quân Bắc Ngụy do Khố Nốc Quan Kết (庫傉官結) chỉ huy cuối cùng cũng đã đến Nam An để hộ tống Khất Phục Mộ Mạt đến lãnh thổ Bắc Ngụy. Tuy nhiên Khất Phục Mộ Mạt lại bị tướng Khất Phục Cát Bì (乞伏吉毗) thuyết phục rằng tình hình vẫn có thể cứu vãn và không nên giao đất nước cho Bắc Ngụy một cách dễ dàng như vậy, Khất Phục Mộ Mạt vì thế đã từ chối đi theo Khố Nốc Quan Kết về Bắc Ngụy. Ông sau đó đã ngay lập tức phải đối mặt với một cuộc nổi loạn của người Khương do Tiêu Lượng (焦亮) lãnh đạo, quân nổi loạn đã tấn công Nam An. Khất Phục Mộ Mạt đã thuyết phục được người cai trị Cừu Trì là Dương Nam Đương (楊難當) đến viện trợ cho ông, và liên quân đã đánh bại được Tiêu Lượng và người này về sau bị thúc phụ Tiêu Di (焦遺) giết chết Đến mùa xuân năm 431, Hách Liên Định sau khi đánh bại đội quân Cừu Trì đến tiếp viện cho Tây Tần, đã lệnh cho thúc phụ là Hách Liên Vi Phạt (赫連韋伐) bao vây Nam An. Ngay cả các thuộc hạ thân cận nhất của Khất Phục Mộ Mạt cũng đầu hàng. Khất Phục Mộ Mạt nay không còn đường nào để đi nên đã ra khỏi thành và đầu hàng Hách Liên Vi Phạt. Hách Liên Vi Phạt giải Khất Phục Mộ Mạt và Thư Cừ Hưng Quốc đến Thượng Khuê, tức nơi Hách Liên Định đang ở. Tiêu Di và con trai là Tiêu Khải (焦楷) đã cố kháng cự để khôi phục Tây Tần, song Tiêu Di sau đã chết vì bị bệnh còn Tiêu Khải thì chạy đến Bắc Lương. Vào mùa hè năm 431, Hách Liên Định xử tử Khất Phục Mộ Mạt và khoảng 500 thành viên trong gia tộc của ông. Tây Tần diệt vong.
1
null
Lý Cảo (; 351 – 417), tên tự Huyền Thịnh (玄盛), biệt danh là Trường Sinh (長生), là vị vua khai quốc của nước Tây Lương trong lịch sử Trung Quốc. Trong thời gian cai trị, ông chỉ xưng tước Công. Ban đầu là một quan của Bắc Lương, song vào năm 400, ông đã ly khai khỏi Đoàn Nghiệp và tự lập nên một nước độc lập. Đất nước của ông chỉ tồn tại trong 21 năm, song các hậu duệ của ông tiếp tục là các đại thần và quý tộc chủ chốt tại Bắc Ngụy, Tây Ngụy, Bắc Chu, và nhà Tùy, và một người trong số họ, Lý Uyên, đã lập nên nhà Đường. Sau khi nhà Đường được lập, ông được Đường Huyền Tông truy phong là Hưng Thánh Hoàng đế (興聖皇帝). Tiểu sử. Lý Cảo sinh năm 351, khi ấy cha ông là Lý Sưởng (李昶) đã qua đời, và có tổ tiên là tướng Lý Quảng của nhà Hán. Sau khi Lý Sưởng qua đời, mẹ của Lý Cảo tái giá với một người đàn ông họ Tống, và bà sinh cho người này ít nhất một người con trai nữa có tên là Tống Dao (宋繇). Khi Lý Cảo còn trẻ tuổi, ông được biết đến với tính hiếu học, có lý trí, và cởi mở. Đến khi lớn hơn, ông cũng học các binh pháp của Tôn Tử và Ngô Khởi. Trong một thời gian dài, ông đã sống chung nhà với em trai Tống Dao. Quách Nôn (郭黁), một triều thần của nước Hậu Lương dưới thời hoàng đế Lã Quang, ông ta được biết đến với tài yêu thuật và tiên tri. Một lần Quách Nôn nói với Tống, "Vị trí của ngươi sẽ là vinh dự nhất trong tất cả các thần dân, song Lý sẽ một ngày nào đó lập ra một đất nước độc lập. Điều này sẽ xảy ra khi một con ngựa cái sinh ra một con ngựa con với cái trán trắng." Sau khi tướng Đoàn Nghiệp, với sự giúp đỡ của các tướng Thư Cừ Nam Thành (沮渠男成) và Thư Cừ Mông Tốn, đoạn tuyệt với Hậu Lương và lập ra nước Bắc Lương vào năm 397, Lý Cảo trở thành một quan huyện dưới quyền thái thú Mạnh Mẫn (孟敏) của quận Đôn Hoàng (gần tương ứng với Đôn Hoàng, Cam Túc hiện nay). Khi Mạnh Mẫn chết năm 400, do Lý Cảo được lòng người dân nên các quan lại ở quận Đôn Hoàng đã đề nghị ông tiếp quản chức thái thú. Ban đầu, Lý Cảo do dự, song Tống đã khuyên ông chấp nhận, nói với ông rằng một con ngựa với cái trán trắng vừa mới được sinh ra. Lý Cảo do đó chấp thuận và yêu cầu sự phê chuẩn của Đoàn Nghiệp, và Đoàn Nghiệp đã đồng ý. Tuy nhiên, viên quan Sách Tự (索嗣), một người bạn của Lý Cảo, đã cảnh báo Đoàn Nghiệp về những tham vọng của Lý Cảo và khuyên Đoàn Nghiệp không cho phép Lý Cảo tiếp tục kiểm soát Đôn Hoàng. Đoàn Nghiệp do đó đã cử Sách Tự tiếp nhận chức vụ của Lý Cảo. Lý Cảo lo sợ, ban đầu đã tiếp đón Sách Tự và chuyển giao quyền lực cho ông ta. Song do xúi giục của Tống và Trương Mạc (張邈), Lý Cảo đầu tiên cử người đến để nịnh bợ Sách Tự, và rồi tiến hành một cuộc tấn công bất ngờ Sách Tự, đánh bại và buộc ông ta phải chạy trốn trở lại kinh thành Trương Dịch (張掖, nay thuộc Trương Dịch, Cam Túc) của Hậu Lương. Lý Cảo giận dữ trước sự phản bội của Sách Tự, sau đó đã cử sứ giả đến chỗ Đoàn Nghiệp để yêu cầu ông ta giết chết Sách Tự. Thư Cừ Nam Thành cũng không ưa gì Sách Tự nên cũng khuyên Đoàn Nghiệp xử tử Sách Tự để bình định Lý Cảo, và Đoàn Nghiệp đã làm như vậy. Đến năm 400, thuộc cấp của Lý Cảo là Đường Dao (唐瑤) đã tuyên bố sáu quận quanh Đôn Hoàng ly khai và trao quyền quản lý cho Lý Cảo. Lý Cảo đã chấp thuận và lấy tước hiệu là Lương công (涼公), lập ra nước Tây Lương. Thời kỳ đầu trị vì. Năm 401, thành Tửu Tuyền (酒泉, nay thuộc Tửu Tuyền, Cam Túc) của Bắc Lương đã về tay ông, và trong bối cảnh Hậu Tần tấn công Hậu Lương cùng năm, điều này đã khiến Thư Cừ Mông Tốn (người đã giết chết Đoàn Nghiệp vào hồi đầu năm và chiếm lấy quyền cai trị Bắc Lương) đã tính đến việc đầu hàng Hậu Tần, mặc dù vậy, Thư Cừ Mông Tốn sau đó đã quyết định chống lại và tiếp tục sự tồn tại của Bắc Lương. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh Hậu Tần đang mạnh, Lý Cảo đã khuất phục Hậu Tần trên danh nghĩa và trở thành một chư hầu. Năm 404, Thế tử của Lý Cảo là Lý Đàm (李譚) qua đời, và ông lập em trai của Lý Đàm là Lý Hâm làm Thế tử mới. Năm 405, Lý Cảo tuyên bố thêm các tướng hiệu kính cẩn, và trong thời gian này, trong khi không từ bỏ việc thần phục Hậu Tần, ông cũng cử sứ thần đến Đông Tấn yêu cầu được trở thành chư hầu. Ông cũng chuyển kinh đô từ Đôn Hoàng đến Tửu Tuyền, sát kinh thành Trương Dịch của Bắc Lương hơn, tạo thêm áp lực cho Bắc Lương. Ông cũng viết một lá thư cho tất cả các con trai, bức thư này vẫn còn tồn tại cho đến nay, trong đó khuyến khích họ cởi mở và suy nghĩ một cách hợp lý, và cố gắng hòa nhã. Năm 406, Lý Cảo lập minh ước hòa bình với vua Thốc Phát Nục Đàn của Nam Lương, ngầm hiểu là một liên minh chống lại Bắc Lương, song sau đó đã không có hoạt động quân sự liên hiệp nào diễn ra. Cũng trong năm đó, Thư Cừ Mông Tốn thực hiện một cuộc tấn công vào Tửu Tuyền, và Lý Cảo đã phải chịu một thất bại trước Thư Cừ Mông Tốn gần Tửu Tuyền và buộc phải trở về thủ thành để đối phó với một cuộc bao vây có thể xảy ra, song Thư Cừ Mông Tốn đã không có đủ sức mạnh để vây thành và phải rút lui. Thời kỳ cuối trị vì. Năm 408, khi không được hồi đáp gì kể từ khi cử sứ giả đến vào năm 405, Lý Cảo lại cử một sứ giả khác cùng với kiến nghị của mình đến kinh thành Kiến Khang của Đông Tấn. Năm 410, Thư Cừ Mông Tốn tấn công Tây Lương và đánh bại thế tử Lý Hâm trong trận chiến, bắt được tướng Chu Nguyên Hổ (朱元虎). Lý Cảo phải dùng vàng và bạc để chuộc lại Chu, và Thư Cừ Mông Tốn đã thả Chu và thiết lập hòa bình với Lý Cảo. Năm 411, Thư Cừ Mông Tốn đã phá vỡ thỏa thuận hòa bình trước đó khi tấn công bất ngờ vào Tây Lương. Lý Cảo bảo vệ kinh thành và từ chối giao chiến với Thư Cừ Mông Tốn, và Bắc Lương sau đó đã rút quân do cạn nguồn lương thảo. Lý Cảo sau đó cử Lý Hâm đi đánh quân Bắc Lương đang rút, và Lý Hâm đã giành được một thắng lợi lớn trước Thư Cừ Mông Tốn, bắt được tướng Thư Cừ Bách Niên (沮渠百年). Năm 416, thuộc hạ của Lý Cảo là Sách Thừa Minh (索承明) đã đề xuất rằng ông nên đánh Bắc Lương. Lý Cảo triệu tập Sách và giải thích rằng mình không có đủ sức mạnh để làm như vậy và rằng Sách nếu thực sự muốn tiến hành kế hoạch thì đừng nên chỉ đề xuất kế hoạch suông. Trong sợ hãi và xấu hổ, Sách đã xin lui. Năm 417, Lý Cảo lâm bệnh, và ông giao phó Lý Hâm cho em trai Tống Dao, nói rằng:"Sau khi ta chết, Thế tử sẽ là con trai đệ. Do đó, hãy rèn luyện nó.". Ông đã qua đời sau đó, và Lý Hâm lên kế vị. Mặc dù Lý Cảo chỉ xưng Công, ông được truy phong thụy hiệu vương, là Vũ Chiêu vương (武昭王), miếu hiệu là Thái Tổ.
1
null
Lý Hâm (; ? - 420), tên tự Sĩ nghiệp (士業), biệt danh Đồng Truy (桐椎), là một vị vua của nước Tây Lương thời Ngũ Hồ thập lục quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông kế vị cha là Lý Cảo và đã tích cực theo đuổi các chiến dịch chống lại kình địch Thư Cừ Mông Tốn của nước Bắc Lương, song đã rơi vào bẫy của Thư Cừ Mông Tốn vào năm 420 và bị giết trong trận chiến, dẫn đến việc đất nước bị hủy diệt. Dưới thời Lý Cảo trị vì. Sử sách không ghi chép về năm sinh của Lý Hâm, và mẹ ông, Doãn phu nhân là vợ chính hay là vợ lẽ của Lý Cảo. Ông là con trai thứ hai của Lý Cảo. Sau khi Lý Cảo tuyên bố độc lập khỏi Bắc Lương và lập nước Tây Lương vào năm 400, anh trai của ông là Lý Đàm (李譚), mới là người được lập làm Thế tử. Tư liệu lịch sử đầu tiên đề cập đến ông là ở sự kiện trong năm 404, khi Lý Đàm qua đời, và Lý Cảo lập ông làm Thế tử thay thế. Năm 410, Lý Hâm đã đánh một trận với vua Thư Cừ Mông Tốn của Bắc Lương khi người này dẫn quân đến đánh Tây Lương, song ông đã thất bại, và tướng Chu Nguyên Hổ (朱元虎) của ông còn bị Thư Cừ Mông Tốn bắt, Lý Cảo đã buộc phải dùng vàng và bạc để chuộc lấy Chu Nguyên Hổ. Năm 411, Thư Cừ Mông Tốn lại tiến đánh Tây Lương song đã buộc phải rút lui do cạn nguồn lương thảo, Lý Hâm đã đuổi theo tấn công quân Bắc Lương và giáng cho Thư Cừ Mông Tốn một thất bại, bắt được tướng Thư Cừ Bách Niên (沮渠百年) của Bắc Lương. Năm 417, Lý Cảo lâm bệnh, và đã qua đời sau khi ủy thác Lý Hâm cho em trai khác bố là Tống Diêu (宋繇). Lý Hâm trở thành người cai trị mới của Tây Lương, và Doãn phu nhân trở thành Thái hậu. Trị vì. Lý Hâm lập thúc phụ Tống Diêu làm Tể tướng, song ông lại cho thi hành các hình phạt dã man và thích xây dựng các cung điện, cả hai đều khiến cho nhân dân cảm thấy phải chịu gánh nặng. Ông cũng thực hiện kế hoạch tấn công Bắc Lương, khiến cho đất nước càng phải chịu thêm gánh nặng. Đến năm 417, Thư Cừ Mông Tốn đã cố lừa Lý Hâm bằng cách sai Thái thú quận Trương Dịch (張掖, gần tương ứng với Trương Dịch, Cam Túc ngày nay) là Thư Cừ Quảng Tông (沮渠廣宗) giả vờ đầu hàng Lý Hâm. Lý Hâm theo yêu cầu của Thư Cừ Quảng Tông đã huy động lực lượng để cố gắng cứu giúp Thư Cừ Quảng Tông ở Trương Dịch, và Thư Cừ Mông Tốn thì đã đợi sẵn để phục kích Lý Hâm. Tuy nhiên, trên đường đến Trương Dịch, Lý Hâm đã nhận ra rắng có một cái bẫy và cho rút quân. Thư Cừ Mông Tốn đã cố tấn công ông song ông đã đánh bại Thư Cừ Mông Tốn. Năm 418, Thư Cừ Mông Tốn lại tấn công Tây Lương, và Lý Hâm đã chuẩn bị cho trận chiến. Viên quan tên là Trương Thể Thuận (張體順) đã thuyết phục ông chống lại quân địch song ông lại ở trong kinh thành Tửu Tuyền (酒泉, nay thuộc Tửu Tuyền, Cam Túc), và Thư Cừ Mông Tốn do không sẵn sàng để vây thành nên lại rút lui. Cũng trong năm đó, do trước đó ông đã cứ sứ thần đến Đông Tấn để xin làm chư hầu, Đông Tấn đã phong cho ông tước hiệu Tửu Tuyền công. Năm 419, vì lo ngại trước việc người dân đang phải chịu sự đè nén với các hình phạt và các dự án xây dựng của Lý Hâm, các quan Trương Hiển (張顯) và Phiếm Xưng (氾稱) đã thuyết phục ông nên khoan dung hơn và tiết kiệm hơn, họ chỉ ra rằng nếu không làm như vậy thì không thể đánh bại được Thư Cừ Mông Tốn. Lý Hâm đã bỏ qua các lời khuyên của họ. Năm 420, Thư Cừ Mông Tốn lại lập bẫy Lý Hâm. Ông ta giả vờ đánh thành Hạo Môn (浩亹, nay thuộc Hải Đông, Thanh Hải) của Tây Tần, song khi đến Hạo Môn, quân Bắc Lương ngay lập tức rút lui và ẩn náu tạ Xuyên Nham (川巖, gần Trương Dịch). Lý Hâm tin rằng việc phòng thủ của Thư Cừ Mông Tốn đã suy giảm nên đã quyết định tiến đánh Trương Dịch, bất chấp lời phản đối của Tống Dao và Trương Thể Thuận. Doãn Thái hậu cũng lên tiếng chống lại, chỉ ra rằng ông không có đủ sức mạnh để chinh phục Bắc Lương và cảnh báo ông rằng một thất bại có thể hủy diệt đất nước. Ông đã bỏ qua lời họ, song đúng như họ đã dự đoán, khi ông tiếp cận Trương Dịch, Thư Cừ Mông Tốn đã ra chặn và đánh bại ông. Các tướng của ông sau đó khuyên ông nên nhanh chóng rút quân về Tửu Tuyền, song Lý Hâm nói rằng ông đã không vâng lời mẹ và chỉ có thể nhìn mặt bà một lần nữa sau một chiến thắng, và ông lại giao chiến với Thư Cừ Mông Tốn và phải chịu một thất bại còn lớn hơn, bản thân ông đã chết trong trận chiến này. Thư Cừ Mông Tốn nhanh chóng chiếm Tửu Tuyền, và đến năm 421 ông ta đã chiếm được lãnh thổ còn lại của Tây Lương.
1
null
Lý Tuân () (?-421), tên tự Sĩ Như (士如), là người cai trị cuối cùng của nước Tây Lương trong lịch sử Trung Quốc. Ông đã cố gắng kiên trì chống lại cuộc chinh phục của quân Bắc Lương dưới sự chỉ huy của vua Thư Cừ Mông Tốn, sau khi anh trai Lý Hâm chết trận vào năm 420. Ông chỉ còn giữ được thành Đôn Hoàng (敦煌, nay thuộc Đôn Hoàng, Cam Túc) trong vài tháng trước khi Thư Cừ Mông Tốn chiếm dược thành, Lý Tuân tự sát. Sử sách nói rất ít về cuộc sống của Lý Tuân, bao gồm cả việc ông có phải là con trai ruột của Doãn Thái hậu hay không. Dưới thời Lý Cảo và/hoặc Lý Hâm, Lý Tuân liên tục làm thái thú của các quận Tửu Tuyền (酒泉, gần tương ứng với Tửu Tuyền, Cam Túc ngày nay) và Đôn Hoàng. Ông cai quản Đôn Hoàng một cách rộng lượng và được người dân quý mến. Năm 420, trong lúc cố tấn công Bắc Lương, Lý Hâm đã rơi vào bẫy của Thư Cừ Mông Tốn và bị giết trong trận chiến. Thư Cừ Mông Tốn sau đó nhanh chóng tiến đến kinh thành Tửu Tuyền, và các em trai khác của Lý Hâm đã từ bỏ Tửu Tuyền và chạy đến Đôn Hoàng. Khi họ đến Đôn Hoàng, họ và Lý Tuân, lúc này đang là thái thú Đôn Hoàng, bỏ thành Đôn Hoàng và chạy đến vùng đồi phía bắc Đôn Hoàng. Thư Cừ Mông Tốn ủy thác cho Sách Nguyên Tự (索元緒) làm thái thú Đôn Hoàng. Tuy nhiên, Sách Nguyên Tự đã nhanh chóng mất đo sự ủng hộ của người dân vì ông ta là người thô lỗ, bất lương và tàn bạo. Một số người dân Đôn Hoàng dưới sự lãnh đạo của Tống Thừa (宋承) và Trương Hoằng (張弘) đã bí mật mời Lý Tuân quay trở lại Đôn Hoàng, và vào mùa đông năm 420 ông đã trở về và buộc Sách Nguyên Tự phải chạy trốn. Tống Thừa và Trương Hoằng đã trao cho Lý Tuân tước hiệu Quan Quân tướng quân (冠軍將軍) và thứ sử Lương Châu, và ông đã cải niên hiệu để thể hiện rằng nước Tây Lương vẫn tồn tại. Thư Cừ Mông Tốn đã cử thế tử của mình là Thư Cừ Chính Đức (沮渠政德) đi đánh Đôn Hoàng, và Lý Tuân đã phòng thủ thành, từ chối giao chiến với Thư Cừ Chính Đức. Tuy nhiên, Thư Cừ Mông Tốn đã đến ngay sau đó, và ông ta cho xây dựng các con đê để gom nước xung quanh Đôn Hoàng. Lý Tuân đề nghị đầu hàng song Thư Cừ Mông Tốn đã từ chối. Vào thời điểm này, Tống Thừa đã phản bội ông và dâng thành cho Thư Cừ Mông Tốn. Khi nghe được tin này, Lý Tuân đã tự sát, Thư Cừ Mông Tốn sau đã cho thảm sát người dân trong thành. Tây Lương hoàn toàn diệt vong.
1
null
Gia Định thất thủ vịnh là một bài phú Nôm của Việt Nam, gồm 19 vế (mỗi vế có hai câu) và một bài thơ thất ngôn bát cú, chưa xác định được tác giả, chỉ biết ra đời sau khi quân Pháp đánh chiếm Gia Định vào năm 1859. Thông tin mở đầu. Bài phú do học giả Trương Vĩnh Ký sưu tầm đầu tiên, phiên âm và giới thiệu trong sách "Saigon d’ autrefois" do C.Guilland et Martion ấn hành năm 1882, và ghi là khuyết danh. Tuy nhiên, lúc bấy giờ ông chỉ mới sưu tầm được 7 câu đầu. Mãi về sau, tác phẩm mới được sưu tầm đầy đủ và được giới thiệu trong "Thi văn quốc cấm thời thuộc Pháp" của Thái Bạch, "Giai thoại làng Nho" của Lãng Nhân, "Tập Thành" của Vương Hồng Sển, " Hào khí Đồng Nai của" Ca Văn Thỉnh, v.v... Theo Thái Bạch và Lãng Nhân, thì tác giả là Phan Văn Trị, nhưng cả hai ông đều không nêu ra chứng cứ. Vì thế, nhóm tác giả sách "Sài Gòn Gia Định qua thơ văn xưa" (tr. 280), và Ca Văn Thỉnh trong sách "Hào khí Đồng Nai" (tr. 138), vẫn ghi là khuyết danh. Trong "Tập Thành" của học giả Vương Hồng Sển, thì bài này còn có tên là Gia Định phú (bài 2). Ông gọi vậy là để phân biệt với bài 1 là "Gia Định phú" (còn có tên là "Cổ Gia Định phong cảnh vịnh"). Năm 2012, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đã chọn bản của Vương Hồng Sển (vì đầy đủ hơn cả, tuy nhiên vẫn sử dụng các bản khác để hiệu đính và bổ túc) để in trong "Tổng tập địa dư địa chí Việt Nam" (tập 3), có kèm theo lời dẫn và chú thích của Trương Vĩnh Ký. Trong các bản ở trong các sách khác, có một số chữ dị bản. Giới thiệu bài phú. Toàn văn bài phú. Dưới đây là toàn văn bài phú in trong "Tổng tập địa dư địa chí Việt Nam" (tập 3), do Nguyễn Đình Đầu giới thiệu.
1
null
Phương diện quân Volkhov (tiếng Nga: "Волховский фронт") là một tổ chức tác chiến chiến lược của Hồng quân Liên Xô trong Thế chiến thứ hai. Lịch sử. Thành lập. Phương diện quân Volkhov được thành lập vào ngày 17 tháng 12 năm 1941, trên cơ sở các đơn vị thuộc cánh trái Phương diện quân Leningrad và các đơn vị thuộc lực lượng dự bị của Bộ Tổng tư lệnh Tối cao (Stavka). Phương diện quân Volkhov được hình thành như một nỗ lực nhằm ngăn chặn bước tiến Cụm Tập đoàn quân Bắc của Wehrmacht nhằm tiêu diệt Leningrad. Các lực lượng của Phương diện quân Volkhov hoạt động ở phía nam Leningrad, với một bên sườn trải bên bờ hồ Ladoga. Đại tướng Kirill Meretskov được chỉ định làm Tư lệnh phương diện quân, Lữ đoàn trưởng (từ 27 tháng 12 năm 1941, được phong quân hàm Thiếu tướng) Grigory Stelmakh làm Tham mưu trưởng. Biên chế ban đầu của phương diện quân gồm Tập đoàn quân 26 (sau đổi thành Tập đoàn quân xung kích 2) và các tập đoàn quân 4, 52 và 59, tập đoàn quân không quân 14. Tháng 1 năm 1942, Tập đoàn quân 8 vừa được thành lập cũng được bổ sung vào biên chế của phương diện quân. Khi mới thành lập, chiến tuyến của phương diện quân kéo dài 250 km, với ranh giới tiếp giáp các đơn vị bạn là Tập đoàn quân 54 của Phương diện quân Leningrad (sau được nhập vào Phương diện quân Volkhov) và Tập đoàn quân 11 của Phương diện quân Tây Bắc. Đầu tháng 12 năm 1941, quân Đức đã đánh chia cắt lực lượng của Phương diện quân Leningrad làm hai và tiến hành bao vây phong tỏa Leningrad. Vì vậy, ngay khi thành lập, mục tiêu của Phương diện quân Volkhov là cố gắng đẩy lùi quân Đức về phía Tây, tìm cách nối lại ranh giới trên bộ với Phương diện quân Leningrad. Để làm điều này, tướng Meretskov đã chỉ đạo thực hiện nhiều cuộc nghi binh và sau đó tập kích quân Đức ở các vị trí hiểm yếu. Trong Chiến dịch tấn công Lyuban, Phương diện quân Volkhov đã mở một cuộc tấn công quy mô lớn hòng đánh bại Tập đoàn quân số 18 của quân Đức và phá vỡ vòng vây của quân Đức đối với thành phố Leningrad. Chiến dịch là sự kết hợp giữa Phương diện quân Volkhov và Phương diện quân Leningrad trên tuyến mặt trận dài 30 km, và một số đơn vị thuộc Phương diện quân Leningrad (bao gồm cả tập đoàn quân 54) được dự kiến là sẽ tham gia chiến dịch. Trong qua trình thực hiện chiến dịch, lực lượng xung kích của Phương diện quân Volkhov là Tập đoàn quân xung kích 2 đã vượt qua sông Volkhov, thu được thành công ban đầu khi xuyên qua được tuyến bảo vệ của Tập đoàn quân 18 của Đức và xâm nhập sâu 70–74 km phía sau tuyến bảo vệ của quân Đức. Tuy nhiên, các đơn vị bạn (gồm các tập đoàn quân 4, 52 và 59, Quân đoàn kỵ binh 13 và các quân đoàn súng trường 4 và 6) đã không tiến theo kịp để hỗ trợ và sau đó đã bị quân Đức chặn đứng. Tập đoàn quân xung kích 2 bị rơi vào vòng vây của quân Đức, tuy nhiên, chỉ đạo từ cấp cao cấm không cho đơn vị này được phép phá vây rút lui. Dưới áp lực của Bộ Tổng tư lệnh tối cao, Phương diện quân Volkhov cố gắng tiếp tục công kích quân Đức nhằm làm giảm áp lực cho lực lượng phòng thủ Leningrad, hòng tìm cơ hội nắm lại trong tay quyền chủ động chiến trường. Tuy nhiên, những cố gắng này chỉ dẫn đến những thiệt hại khủng khiếp không tương xứng với những thành quả khiêm tốn. Do thất bại trong việc hoàn thành các mục tiêu trong chiến dịch Lyuban, ngày 23 tháng 4 năm 1942, Phương diện quân Volkhov bị Stavka ra quyết định giải thể và tổ chức lại thành Cụm tác chiến Volkhov thuộc Phương diện quân Leningrad, do tướng Mikhail Khozin, Tư lệnh Phương diện quân Leningrad kiêm Tư lệnh Cụm tác chiến. Tái lập. Việc giải thể Phương diện quân Volkhov được cho là ý kiến đột xuất của cá nhân Stalin, với lý do thuận tiện trong việc chỉ đạo trên một mặt trận duy nhất. Nhiều tướng lĩnh nhận thấy đây là một ý định sai lầm nhưng không ai dám phản đối. Thực tế cho thấy quyết định này càng làm khó khăn thêm trong việc chủ động tác chiến. Bộ chỉ huy của Phương diện quân Leningrad phải chỉ huy cùng lúc trên 2 mặt chiến trường. Đặc biệt ở hướng Volkhov, tình hình bi đát của Tập đoàn quân xung kích 2, khi đó do tướng A.A. Vlasov chỉ huy, đang bị quân D(ức vây chặt và có nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn. Để thoát khỏi tình hình này, ngày 11 tháng 5 năm 1942, tướng Khozin đã gửi một báo cáo cho Tổng tư lệnh tối cao Stalin, trong đó đề xuất một phương án mạo hiểm nhằm hướng Stalin cho phép ngừng tấn công, đồng thời rút Tập đoàn quân xung kích 2 ra khỏi vòng vây. Theo đó, Tập đoàn quân xung kích 2 sẽ rút về hướng mỏm lồi Lyuban nhưng không rút hoàn toàn khỏi đó, đồng thời các đơn vị khác sẽ thực hiện các cuộc tấn công củng cố và mở rộng bàn đạp, chuẩn bị cho các hoạt động tiếp theo để phá vỡ vòng phong tỏa Leningrad trên một mặt trận khác. Tuy nhiên, Stavka đã đưa ra một quyết định cực đoan hơn và vào ngày 12 tháng 5, tướng Khozin đã nhận được lệnh miệng chuẩn bị rút toàn bộ Tập đoàn quân xung kích 2 khỏi mỏm lồi Lyuban. Cùng ngày, tướng Khozin, trên cương vị Tư lệnh phương diện quân Leningrad, đã ra lệnh sơ bộ rút Tập đoàn quân xung kích 2 ra khỏi vòng vây. Ngày 14 tháng 5 năm 1942, Stavka ra chỉ thị số 170379, xác nhận quyết định sơ tán hoàn toàn Tập đoàn quân xung kích 2 khỏi mỏm lồi và chỉ giữ lại đầu cầu trên sông Volkhov. Lệnh rút cuối cùng cũng được đưa ra, nhưng đã quá trễ. Với lực lượng đã quá suy yếu, cộng với công tác tổ chức rút quân kém, trừ một số ít đơn vị thoát vây được, hầu hết lực lượng của Tập đoàn quân xung kích 2 vẫn bị vây chặt. Với thất bại trong việc rút Tập đoàn quân xung kích 2 ra khỏi vòng vây, ngày 8 tháng 6 năm 1942, tướng Khozin bị cách chức với lý do "Vì đã không tuân theo lệnh của Stavka về việc rút quân kịp thời và nhanh chóng Tập đoàn quân xung kích 2, vì các phương pháp chỉ huy và kiểm soát, tách khỏi quân đội, do đó kẻ thù đã cắt đứt liên lạc của Tập đoàn quân xung kích 2 và sau đó bị đặt vào tình huống cực kỳ khó khăn." Cũng trong ngày 8 tháng 6 năm 1942, Phương diện quân Volkhov được tái lập. Stalin ngay lập tức đã ra lệnh cho Tư lệnh phương diện quân, tướng Meretskov và quyền Tổng tham mưu trưởng A.M. Vasilyevsky phải thực hiện việc rút Tập đoàn quân xung kích 2 ra khỏi vòng vây, ngay cả khi không mang theo được vũ khí và thiết bị hạng nặng. Tuy nhiên, kế hoạch hoàn toàn thất bại, Tập đoàn quân xung kích 2 gần như bị tiêu diệt hoàn toàn, Tư lệnh tập đoàn quân, tướng Vlasov bị quân Đức bắt làm tù binh vào ngày 6 tháng 7 năm 1942. Trong những tháng cuối của năm 1942, đối tượng tác chiến chính của Phương diện quân Volkhov là Tập đoàn quân 11 của Đức, đến thay chân cho Tập đoàn quân 18 vốn đã bị thiệt hại nặng. Đầu năm 1943, phương diện quân tham gia chiến dịch Tia Lửa ("Операция Искра") nhằm phá vỡ vòng vây của phát xít Đức và thiết lập một "hành lang" tiếp vận bằng đường bộ cho thành phố Leningrad tại khu vực được gọi là "cổ chai" Shlisselburg nằm ở bờ Tây Nam hồ Ladoga. Lực lượng chủ lực của phương diện quân tham gia chiến dịch chính là Tập đoàn quân xung kích số 2 được tổ chức lại. Lần này, Hồng quân Liên Xô đã thành công và vòng vây đối với Leningrad bị phá vỡ. Một hành lang đường bộ bên bờ Tây của hồ Ladoga với chiều rộng chừng 8 kilômét (5,0 mi)-10 kilômét (6,2 mi) đã được nối liền từ Leningrad ra bên ngoài, tăng cườn năng lực tiếp vận, giúp thành phố phòng thủ hiệu quả trước quân Đức cho đến đầu năm 1944. Ngày 14 tháng 1 năm 1944, chiến dịch Leningrad-Novgorod mở màn. Phương diện quân Volkhov đảm trách nhiệm vụ tấn công trên hướng Novogord-Luga. Đến ngày 12 tháng 2, các tập đoàn quân 67 (Phương diện quân Leningrad) và 59 (Phương diện quân Volkhov) đã giải phóng Luga. Sau khi nhiệm vụ Luga hoàn thành, ngày 13 tháng 2 năm 1944, Đại bản doanh ra Chỉ thị số 220023 giải tán Phương diện quân Volkhov. Các tập đoàn quân số 54, 59 và 8 được chuyển giao cho Phương diện quân Leningrad. Tập đoàn quân xung kích số 1 được trả về cho Phương diện quân Pribaltic 2. Bộ chỉ huy Phương diện quân được chuyển về lực lượng dự bị của Đại bản doanh.
1
null
Phương diện quân Kalinin (tiếng Nga: "Калининский фронт") là một tổ chức tác chiến chiến lược của Hồng quân Liên Xô trong Thế chiến thứ hai. Lịch sử. Phương diện quân Kalinin được thành lập ngày 19 tháng 10 năm 1941, theo chỉ thị Stavka vào ngày 17 tháng 10 năm 1941. Biên chế chủ lực ban đầu của phương diện quân gồm các tập đoàn quân 22, 29 và 30. tách ra từ Phương diện quân Tây, Tháng 5 năm 1942, lực lượng không quân của Phương diện quân Kalinin được tổ chức lại thành Tập đoàn quân Không quân 3, bao gồm 3 sư đoàn tiêm kích, 2 sư đoàn cường kích và một sư đoàn ném bom. Tháng 11 năm 1942, Phương diện quân Kalinin, cùng với Phương diện quân Tây, đã phát động Chiến dịch Sao Hỏa nhằm công kích các tuyến phòng thủ của Đức ở Rzhev / Vyazma. Tập đoàn quân xung kích 3 mới được bổ sung vào biên chế phương diện quân, bắt đầu chiến dịch vào ngày 24 tháng 11 bằng cách tấn công Tập đoàn quân Panzer III của Đức tại Velikiye Luki, và ngày hôm sau, toàn bộ lực lượng của 2 phương diện quân Tây và Kalinin tấn công vào toàn bộ vành đai phòng thủ của mũi đấy nhô Rzhev. Cuộc tấn công có sự tham gia của các tập đoàn quân 41, 22, 39, 31, 20 và 29 từ cả hai phương diện quân. Phương diện quân Kalinin sau đó đã tham chiến Trận Velikiye Luki vào tháng 1 năm 1943. Tập đaòn quân Không quân 3 hỗ trợ cả các hoạt động của phương diện quân tại Rzhev / Sychevka và Velikiye Luki, nhưng sau đó dường như đã được chuyển sang Phương diện quân Tây Bắc một thời gian ngắn để che chở cho đầu cầu Demyansk. Trong chiến dịch Nevel-Haradok, từ ngày 6 tháng 10 đến 31 tháng 12 năm 1943, biên chế Phương diện quân Kalinin (từ 20 tháng 10 năm 1943 đổi tên thành Phương diện quân Pribaltic 1) bao gồm các tập đoàn quân xung kích 3 và 4, các tập đoàn quân 11 và 43, cộng với tập đoàn quân không quân 3. Binh lực ban đầu của phương diện quân là 198.000 người. Các thiệt hại của phương diện quân lên tới 43.551 người chết và mất tích và 125.351 người bị thương và bệnh tật. Phương diện quân Kalinin được đổi tên thành Phương diện quân Pribaltic 1 vào tháng 10 năm 1943.
1
null
Phương diện quân Trung tâm (tiếng Nga: "Центральный фронт") là một tổ chức tác chiến chiến lược của Hồng quân Liên Xô trong Thế chiến thứ hai. Lịch sử. Thành lập. Phương diện quân Trung tâm được thành lập ngày 24 tháng 7 năm 1941 trên cơ sở các đơn vị cánh phải của Phương diện quân Tây. Lực lượng chủ lực ban đầu của phương diện quân được tổ chức thành các tập đoàn quân 13 và 21, phối thuộc thêm Hải đoàn Pinsk. Thượng tướng Fyodor Kuznetsov được bổ nhiệm làm Tư lệnh phương diện quân, Thượng tướng Leonid Sandalov, Tham mưu trưởng, Thiếu tướng Mikhail Dmitriev, Chỉ huy trưởng Pháo binh, Sư đoàn trưởng Grigory Vorozheykin, Chỉ huy trưởng Không quân. Chỉ huy sở được đặt tại Gomel. Phân giới với Phương diện quân Tây là Bryansk, Roslavl, Shklov, Minsk. Hướng hoạt động chính của phương diện quân là Gomel, Bobruisk, Volkovysk. Ngày 1 tháng 8 năm 1941, Tập đoàn quân 3 được bổ sung vào biên chế phương diện quân. Ngày 7 tháng 8, tướng Kuznetsov được triệu hồi về Moskva để được giao nhiệm vụ mới. Trung tướng Mikhail Yefremov được bổ nhiệm Tư lệnh phương diện quân. Ngày 8 tháng 8, Binh đoàn thiết giáp số 2 ("Panzergruppe 2") do Heinz Guderian chỉ huy, bắt đầu cuộc tấn công vào các đơn vị của phương diện quân Trung Tâm. Ngày 12 tháng 8, chiến dịch Rogachev-Gomel của Wehrmacht bắt đầu. Trước sức tấn công mạnh mẽ của quân Đức, các đơn vị thuộc phương diện quân chịu nhiều thiệt hại nặng nề, buộc phải rút khỏi các mục tiêu chiến lược. Ngày 19 tháng 8, Gomel thất thủ, 22 tháng 8, Mazyr cũng bị quân Đức chiếm đóng. Phần lớn binh lực còn lại của phương diện quân cũng bị bao vây và gần như bị tiêu diệt hoàn toàn ở gần Chernigov vào ngày 25 tháng 8 năm 1941. Vào đêm ngày 26 tháng 8 năm 1941, Đại bản doanh ra quyết định giải thể Phương diện quân Trung tâm. Các đơn vị còn lại và dải phòng thủ của nó được chuyển sang Phương diện quân Bryansk. Tái lập. Phương diện quân Trung Tâm được tái lập ngày 15 tháng 2 năm 1943, trên cơ sở Phương diện quân Sông Don chuyển đổi thành. Thượng tướng Konstantin Rokossovsky được bổ nhiệm làm Tư lệnh, Trung tướng Mikhail Malinin, Tham mưu trưởng Mặt trận, Thiếu tướng Konstantin Telegin, Ủy viên Hội đồng Quân sự. Thành phần chính của phươgn diện quân gồm có tập đoàn quân xe tăng 2, các tập đoàn quân 21, 65, 70, tập đoàn quân không quân 16. Chỉ huy sở đặt cách 10 km về phía đông của Yelets. Ngay khi vừa thành lập, phương diện quân được giao nhiệm vụ hỗ trợ cho mũi tiến công của các phương diện quân Voronezh và Bryansk, hoạt động trên hướng Sevsk, Unecha "với nhiệm vụ lập tức cắt đứt tuyến đường sắt Bryansk - Gomel... qua Klimovichi, Khislavichi đến Smolensk với nhiệm vụ đánh chiếm vùng Smolensk và cắt đứt các đường rút lui của cụm quân Vyazma-Rzhev của kẻ thù". Đồng thời, phương diện quân sẽ chuyển sang tấn công trên các tuyến Bryansk, Gomel sang Smolensk cùng lúc với các cuộc tấn công của các phương diện quân Tây và Kalinin. Tuy nhiên, do thực tế là các binh sĩ được triển khai từ Stalingrad đã không có thời gian tiếp cận chiến trường kịp thời, và Tập đoàn quân 21 đã được chuyển đến Phương diện quân Voronezh do sự phát triển không thuận lợi ở vùng Belgorod, cuộc tấn công của Phương diện quân Trung tâm đã không đạt được thành công theo kế hoạch. Quân Đức đã phát động phản công và đưa quân đội Liên Xô vào tình thế khó khăn. Ngày 21 tháng 3 năm 1943, Phương diện quân Trung tâm phải chuyển sang thế phòng thủ, rút khỏi một phần lãnh thổ đã chiếm được và chuyển đến các tuyến dự bị mới ở mặt phía Bắc của cái gọi là Vòng cung Kursk. Thành phần chủ lực của Phương diện quân Trung tâm trong Trận Vòng cung Kursk hè năm 1943 gồm: Lực lượng dự bị của phương diện quân khi đó gồm có các tập đoàn quân xe tăng số 2, số 9 và tập đoàn quân 19, cùng các đơn vị dự bị độc lập khác. Khi quân Đức mở màn Chiến dịch Thành Trì ("Unternehmen Zitadelle"), hướng tấn công chính của quân Đức ở phía Bắc vòng cung Kursk nhắm vào tuyến phòng thủ của tập đoàn quân 13 và một phần của các tập đoàn quân 48 và 70. Sau khi cuộc tấn công của quân Đức bị đẩy lùi vào ngày 15 tháng 7 năm 1943, phương diện quân Trung tâm, với các lực lượng bên cánh phải (tập đoàn quân 48, 13 và 70, tập đoàn quân xe tăng số 2), đã phát động phản công theo hướng Kroma, do đó, hợp tác với lực lượng của các phương diện quân Bryansk và phương diện quân Tây đánh bại lực lượng Wehrmacht ở Oryol. Không lâu sau đó, do sự phát triển tấn công thuận lợi, Tập đoàn quân xe tăng cận vệ số 3 của Trung tướng Pavel Rybalko, đã được tung vào trận. Đến ngày 18 tháng 8, Chiến dịch Kutuzov đã hoàn thành, Hồng quân Liên Xô xóa "chỗ lồi" Oryol, tiến đến sát tuyến phòng ngự "Hagen" của Đức Quốc xã. Ngày 26 tháng 8 năm 1943, phương diện quân bắt đầu cuộc tiến công mới trong chiến dịch Chernihiv-Pripyat. Ngày 29 tháng 9, các tập đoàn quân 13 và 60, vốn hướng tấn công dần về phía Kiev, đã được chuyển sang trực thuộc Phương diện quân Voronezh. Đến ngày 1 tháng 10, các tập đoàn quân 3, 50 và 63 được chuyển từ phương diện quân Bryansk sang. Do thay đổi về các tuyến kiểm soát của các đơn vị trực thuộc, nhiệm vụ của phương diện quân cũng được thay đổi lại để phù hợp với tình hình. Ngày 15 tháng 10, phương diện quân Trung tâm phát động cuộc tấn công mới theo hướng Gomel với các lực lượng của tập đoàn quân 65 và 61 vừa được chuyển thuộc. Là một phần trong động thái chung của Stavka nhằm hợp nhất và tăng hiệu quả chỉ đạo các phương diện quân, ngày 20 tháng 10 năm 1943, Phương diện quân Trung Tâm được đổi tên Phương diện quân Belorussia.
1
null
Phương diện quân Bryansk (tiếng Nga: "Брянский фронт") là một tổ chức tác chiến chiến lược của Hồng quân Liên Xô trong Thế chiến thứ hai. Lịch sử. Thành lập lần thứ nhất. Phương diện quân Bryansk được thành lập lần đầu tiên vào ngày 14 tháng 8 năm 1941 tại khoảng giữa Phương diện quân Trung tâm và Phương diện quân Dự bị để bao quát hướng Bryansk, nhằm che chở khu vực công nghiệp Bryansk-Bezhitsky và ngăn chặn sự xâm nhập của kẻ thù trên hướng Roslav-Bezhitsky. Những bộ phận còn lại của bộ chỉ huy Quân đoàn súng trường 20 và bộ tham mưu của Quân đoàn cơ giới thứ 25 đã được huy động để thành lập bộ khung chỉ huy và tham mưu của phương diện quân. Chỉ huy sở đóng tại Bryansk. Trung tướng Andrey Yeryomenko được chỉ định làm Tư lệnh phương diện quân, Thiếu tướng Georgy Zakharov làm Tham mưu trưởng, Thiếu tướng Mikhail Dmitriev là Chỉ huy trưởng Pháo binh, Thiếu tướng Fyodor Polynin là Chỉ huy trưởng Không quân. Theo chỉ thị của Đại bản doanh (Stavka), biên chế khi thành lập của phương diện quân gồm 2 tập đoàn quân 50 và 13, với 8 sư đoàn súng trường, 3 sư đoàn kỵ binh và 1 sư đoàn xe tăng. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các đơn vị này đã bị thiệt hại nặng nề trong những trận chiến trước đó. Từ ngày 30 tháng 8 đến ngày 12 tháng 9, các phương diện quân Tây, phương diện quân Dự bị, phương diện quân Bryansk tiến hành cuộc phản công trong Chiến dịch Roslavl-Novozybkov tại các khu vực Smolensk, Yelnia và Roslavl, nhằm ngăn chặn bước tiến của Cụm Tập đoàn quân Trung tâm Đức vào Moskva. Các đơn vị của phương diện quân, theo chỉ thị của Bộ Tổng tư lệnh Tối cao, đã tiến hành các cuộc tấn công vào sườn của Cụm binh đoàn thiết giáp số 2 của Đức đang tiến về phía Roslavl và Konotop. Mặc dù có một số thành công của phương diện quân Dự bị do tướng Zhukov chỉ huy tại Yelnia, nhưng các nỗ lực của các phương diện quân Tây và Bryansk là một thất bại nặng nề. Với một lực lượng không đáng kể và sứt mẻ trầm trọng của mình, phương diện quân Bryansk đã không thể ngăn chặn quân Đức tiến vào phía sau Phương diện quân Tây Nam. Mặc dù vậy, Hồng quân Liên Xô cũng đạt được một số kết quả khi họ làm tiêu hao nặng nề lực lượng thiết giáp tinh nhuệ của Đức Quốc xã. Trong Nhật ký chiến tranh của mình ngày 14 tháng 9 năm 1941, tướng Franz Halder ghi nhận hầu hết số xe tăng còn khả năng chiến đấu của các sư đoàn trong Cụm thiết giáp số 2 chỉ khoảng 20%-30%, số hư hỏng và tổn thất không thể khắc phục lên đến 70%-80%. Tướng Heinz Guderian cũng viết trong một cuốn hồi ký về những trận chiến giữa Pochep và Trubchevsky: "... Ở đây chúng tôi lần đầu tiên gặp phải sự kháng cự cuồng tín của người Nga". Trong quyển hồi ký "Ở trên hướng Tây" ("На западном направлении"), Nguyên soái Liên Xô A.I. Yeryomenko đã tóm tắt ngắn gọn về hoạt động chiến đấu của phương diện quân Bryansk như sau: ""...trong khoảng thời gian từ ngày 14 tháng 8 đến ngày 30 tháng 9 năm 1941, đặc biệt là cuộc phản công ở khu vực Trubchevsk, cho phép quân đội của chúng tôi có được thời gian quý báu để chuẩn bị lực lượng và phương tiện cho các trận chiến quyết định mới theo hướng chiến lược của Moskva". Sau khi Phương diện quân Trung tâm bị giải thể, hai tập đoàn quân 21 và 3 cũng được nhập vào để tăng cường cho phương diện quân Bryansk. Tuy nhiên, cả 2 tập đoàn quân này cũng bị thiệt hại nặng sau những trận đánh khốc liệt trong Trận Smolensk (1941). Ngày 30 tháng 9, cuộc tấn công trên hướng Moskva của Cụm Tập đoàn quân Trung tâm Đức và các đồng minh bắt đầu. Vào ngày 1 tháng 10 năm 1941, theo một phần của Chiến dịch Typhoon, cụm thiết giáp số 2 của Guderian đã phá vỡ tuyến phòng thủ của Tập đoàn quân 13 của phương diện quân Bryansk, đột kích sâu lên đến 60 km. Ngày 1 tháng 10, quân đoàn cơ giới 24 của Đức đã chiếm được Sevsk. Hầu hết các đơn vị của phương diện quân Bryansk rơi vào thế bị bao vây. Tư lệnh phương diện quân, Thượng tướng A.I. Yeryomenko bị thương. Ngày 7 tháng 10 năm 1941, Thiếu tướng M.P. Petrov được bổ nhiệm làm tư lệnh, tuy nhiên ông bị thương và tử vong chỉ 3 ngày sau đó. Ngày 14 tháng 10, Thiếu tướng G.F. Zakharov nắm quyền chỉ huy phương diện quân. Tuy nhiên, lúc bấy giờ các đơn vị của phương diện quân Bryansk đã bị suy yếu binh lực nghiêm trọng và bị mắc kẹt trong một vòng vây khổng lồ của những trận chiến dẫn đến Trận Moskva (1941). Ngày 20 tháng 10 năm 1941, cụm quân bị bao vây ở vùng Trubchevsk đã ngừng hoạt động kháng chiến. Tuy vậy vẫn có nhiều đơn vị khác vẫn tiếp tục chiến đấu và tìm cách thoát vây. Theo tướng Zhukov, "hầu hết các đơn vị thấy mình bị bao vây, và chiến đấu theo cách của mình để rút về phía đông". Ngày 23 tháng 10, "nhờ những nỗ lực anh hùng, họ đã xoay xở để thoát ra được khỏi vòng vây"". Ngày 26 tháng 10 năm 1941, những đơn vị còn lại của phương diện quân Bryansk bắt đầu rút về tuyến Dubna - Plavsk - Verkhovye - Livny - Kastornoye. Ngày 10 tháng 11, phương diện quân Bryansk bị Stavka ra lệnh "giải thể". Tập đoàn quân 50 được chuyển thuộc Phương diện quân Tây, các tập đoàn quân 3 và 13 được chuyển sang Phương diện quân Tây Nam. Thành lập lần thứ hai. Phương diện quân Bryansk được thành lập lần thứ hai vào ngày 24 tháng 12 năm 1941 theo chỉ thị của Đại bản doanh ngày 18 tháng 12 năm 1941 nhằm phát triển cuộc tấn công của Hồng quân Liên Xô theo hướng Oryol-Bryansk và đánh bại cụm quân Đức ở Oryol-Bolkhov. Biên chế ban đầu của phương diện quân bao gồm tập đoàn quân 61 và các tập đoàn quân 3, 13 được chuyển từ cụm tác chiến của Trung tướng F.Ya. Kostenko sang. Sau đó, phương diện quân tiếp tục được bổ sung các tập đoàn quân 40, 48, 38, các tập đoàn quân xe tăng 2 và 5, các tập đoàn quân không quân 2 và 15. Từ tháng 12 năm 1941 đến tháng 2 năm 1942, các đơn vị của phương diện quân tham gia cuộc phản công gần Moskva, tiến hành các hoạt động tấn công theo hướng Bolkhov và Oryol, hỗ trợ Phương diện quân Tây đánh bại cánh phía nam Cụm Tập đoàn quân Trung tâm của quân Đức. Trong giai đoạn hè - thu năm 1942, các đơn vị của phương diện quân Bryansk, bao gồm các hướng Tula và Voronezh, đã phối hợp lực lượng cánh trái với Phương diện quân Tây Nam, tấn công vào lực lượng quân Đức có binh lực vượt trội. Bất chấp những thất bại trong các trận chiến này, lực lượng của phương diện quân Bryansk, sau đó đã đạt được những kết quả tích cực trong chiến dịch phòng thủ Voronezh-Voroshilovgrad, đã đạt được sự ổn định tình hình ở khu vực Voronezh. Tháng 7 năm 1942, một số đơn vị thuộc phương diện quân Bryansk bảo vệ vùng Voronezh, được tách ra để thành lập Phương diện quân Voronezh vào ngày 7 tháng 7 năm 1942. Vào thời điểm Chiến dịch Blau, trong cuộc tấn công mùa hè năm 1942 của Đức, trong thành phần biên chế của phương diện quân Bryansk gồm có các tập đoàn quân 3, 13, 40, 48, tập đoàn quân xe tăng 5 và tập đoàn quân không quân 2. Các cuộc phản công của phương diện quân Bryansk vào tháng 8 - 9 đã có tác động đáng kể đến các hành động phòng thủ của Hồng quân Liên Xô gần Voronezh và Stalingrad. Vào đầu năm 1943, phương diện quân Mặt trận Bryansk đã tham gia vào chiến dịch tấn công Voronezh-Kharkov, đánh bại lực lượng chủ lực của Tập đoàn quân số 2 của Đức và Tập đoàn quân số 3 của Hungary. Trong chiến dịch Maloarkhangelsk, các đơn vị của phương diện quân truy kích quân địch đang rút lui theo hướng Kursk, tiến đến được phòng tuyến của quân Đức trên tuyến Kaiseril, Maloarkhangelsk. Ngày 12 tháng 3 năm 1943, Phương diện quân Bryansk bị giải thể theo chỉ thị ngày 11 tháng 3 năm 1943 của Đại bản doanh, chuyển Tập đoàn quân 61 sang Phương diện quân Tây, các tập đoàn quân 3, 13, 48 sang Phương diện quân Trung tâm. Riêng bộ khung chỉ huy phương diện quân và tập đoàn quân không quân 15 được rút về làm dự bị của Bộ Tổng tư lệnh Tối cao. Từ ngày 13 tháng 3 đến ngày 28 tháng 3 năm 1943, bộ khung chỉ huy cũ của phương diện quân Bryansk lần lượt được chuyển thành cơ cấu bộ tư lệnh của các phương diện quân Dự bị, phương diện quân Kursk và phương diện quân Oryol, trước khi thành lập lại Phương diện quân Bryansk lần thứ ba. Thành lập lần thứ ba. Phương diện quân Bryansk được thành lập lần thứ ba theo chỉ thị của Bộ Tổng tư lệnh Tối cao ngày 28 tháng 3 năm 1943, trên cơ sở cải tổ từ Phương diện quân Oryol. Biên chế ban đầu của phương diện quân bao gồm các tập đoàn quân 3, 61 và tập đoàn quân không quân 15. Sau đó, phương diện quân được bổ sung thêm các tập đoàn quân 63, 50, 11, tập đoàn quân Cận vệ 11, các tập đoàn quân xe tăng Cận vệ 3 và 4. Từ tháng 3 đến tháng 7 năm 1943, phương diện quân phụ trách các hướng Oryol-Tula. Vào tháng 7-8, phương diện quân tham gia vào chiến dịch tấn công chiến lược Oryol. Phối hợp với cánh trái Phương diện quân Tây và cánh phải Phương diện quân Trung tâm, các đơn vị của phương diện quân đã đánh bại Tập đoàn quân thiết giáp số 2 và tập đoàn quân 9 của Đức Quốc xã, xóa được mỏm lồi Oryol. Từ ngày 1 tháng 9 đến 3 tháng 10, phương diện quân tiến hành chiến dịch tấn công Bryansk, thực hiện khéo léo một cuộc tấn công vào sườn của đối phươn, đánh bại cụm quân Đức bảo vệ Bryansk, giải phóng thành phố Bryansk. Phát huy chiến quản, phương diện quân tiếp tục truy kích tập đoàn quân số 9 của Đức, đến đầu tháng 10 đã đến ranh giới của sông Sozh và Pronya và tạo điều kiện thuận lợi cho một cuộc tấn công tiếp theo vào các hướng Gomel và Bobruysk. Ngày 10 tháng 10 năm 1943, Stavka ra chỉ thị giải thể Phương diện quân Bryansk, rút các tập đoàn quân 3, 11, 50 và 63 nhập vào Phương diện quân Trung tâm để thành lập Phương diện quân Belorussia sau đó. Riêng bộ khung chỉ huy của phương diện quân, tập đoàn quân Cận vệ 11 và tập đoàn quân không quân 15, được tổ chức lại thành Phương diện quân Pribaltic, mà không lâu sau đó được đổi tên thành Phương diện quân Pribaltic 2.
1
null
Phương diện quân Dự bị Moskva (tiếng Nga: "Московский резервный фронт") là một tổ chức tác chiến chiến lược tạm thời của Hồng quân Liên Xô trong Thế chiến thứ hai. Tổ chức phương diện quân nhằm hỗ trợ phòng thủ Moskva trước sức tấn công của quân Đức, tuy nhiên nó chỉ chính thức tồn tại 3 ngày trước khi bị giải thể và nhập vào Phương diện quân Tây. Lịch sử. Phương diện quân Dự bị Moskva được thành lập theo chỉ thị của Đại bản doanh (Stavka) vào ngày 9 tháng 10 năm 1941 trên cơ sở tuyến phòng thủ của Moskva ở Volokolamsk, Mozhaisk, Maloyaroslavets, Kaluga và các khu vực phòng thủ kiên cố. Trung tướng Pavel Artemyev được chỉ định làm Tư lệnh phương diện quân. Lực lượng chủ lực cơ động của phương diện quân dự kiến là Tập đoàn quân 5. Tuy nhiên, đến ngày 12 tháng 10 năm 1941, để kết hợp tốt hơn các hành động trên hướng Tây, Bộ Tổng tư lệnh Tối cao đã ra chỉ thị giải thể Phương diện quân Dự bị Moskva, sát nhập các đơn vị trực thuộc vào Phương diện quân Tây.
1
null
Phương diện quân Dự bị (tiếng Nga: "Резервный фронт") là một tổ chức tác chiến chiến lược của Hồng quân Liên Xô trong Thế chiến thứ hai, tác chiến phòng thủ trên hướng Tây Moskva trong giai đoạn đầu chiến tranh. Lịch sử. Thành lập lần thứ nhất. Phương diện quân Dự bị thành lập ngày 30 tháng 7 năm 1941 theo chỉ lệnh số 003334 của Bộ tổng tư lệnh tối cao (Stavka) ra ngày ngày 14 tháng 7 về việc tổ chức lại Mặt trận Các tập đoàn quân dự bị đang triển khai trên tuyến phòng thủ Rzhev-Vyazma. Biên chế phương diện quân gồm các tập đoàn quân 24, 28, 29, 30, 31, 32. Sau đó bổ sung thêm các tập đoàn quân 43, 49, các sư đoàn tăng cường ở Rzhev-Vyazemsky và Spas-Demyansk. Tháng 8-9 năm 1941, các đơn vị của phương diện quân đã loại bỏ chỗ lồi Elninskaya. Ngày 2 tháng 10 năm 1941, các đơn vị xung kích Đức thuộc Cụm Tập đoàn quân Trung tâm tấn công trên hướng Moskva chống lại lực lượng của phương diện quân (tiếp theo Chiến dịch Typhoon, tiến hành ở hướng Phương diện quân Bryansk hai ngày trước đó, ngày 30 tháng 9). Tuyến phòng thủ của Liên Xô, trước sức mạnh của quân Đức, đã bị phá vỡ đến mức gần như tan rã. Hầu hết lực lượng của phương diện quân Dự bị thiệt hại nặng nề, bị bao vây "cái túi Vyazma". Ngày 10 tháng 10 năm 1941, theo quyến định của Đại bản doanh, phương diện quân Dự bị bị giải thể. Các đơn vị còn lại của phương diện quân thoát được vây, đã rút lui theo hướng Rzhev, Medyn và Kaluga được sáp nhập vào Phương diện quân Tây dưới sự chỉ huy của Zhukov. Thành lập lần thứ hai. Phương diện quân Dự bị được tái thành lập vào ngày 12 tháng 3 năm 1943 dựa trên chỉ lệnh số số 30071 của STAVKA ra ngày 11 tháng 3 năm 1943. Biên chế phương diện quân thanh lập trên cơ sở Phương diện quân Bryansk cũ, gồm tập đoàn quân dự bị thứ 2, các tập đoàn quân 24 và 66, và ba quân đoàn xe tăng: Cận vệ 4, 10 và 3. Tuy nhiên, đến ngày 23 tháng 3 năm 1943, theo chỉ lệnh số 30077 của STAVKA ra ngày 19 tháng 3 năm 1943, phương diện quân Dự bị đổi tên thành Phương diện quân Kursk. Thành lập lần thứ ba. Ngày 6 tháng 4 năm 1943, Phương diện quân Dự bị lại được tái thành lập theo chỉ thị số 46100 của Bộ Tổng tư lệnh tối cao. Biên chế phương diện quân chủ yếu hình thành từ các đơn vị dự bị trên hướng Voronezh-Kursk, gồm tập đoàn quân dự bị số 2, các tập đoàn quân 24, 46, 47, 53 và 66, tập đoàn quân xe tăng Cận vệ số 5, 6 quân đoàn xe tăng (Cận vệ 1, Cận vệ 2, Cận vệ 4, 3, 8 và 10) và 2 quân đoàn cơ giới (1 và 5). Ngày 15 tháng 4 năm 1943, theo chỉ thị số 46101 ngày 13 tháng 4 năm 1943 của Đại bản doanh, phương diện quân được chuyển thành Quân khu Thảo nguyên (không lâu sau thì đổi thành Phương diện quân Thảo nguyên).
1
null