text
stringlengths 1
148k
| label
int64 0
2
| __index_level_0__
int64 0
113k
⌀ |
---|---|---|
Vụ hạ giàn khoan "Hải Dương-981" (HD-981) là sự kiện Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đưa giàn khoan Hải Dương 981 (HD-981) vào khu vực Biển Đông gần quần đảo Hoàng Sa vào ngày 1 tháng 5 năm 2014, dẫn tới việc nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra tuyên bố phản đối, đồng thời tàu thuyền của hai quốc gia đã có một số va chạm.
Báo chí quốc tế xem nơi Trung Quốc đặt giàn khoan là vùng biển tranh chấp nhưng cả Việt Nam và Trung Quốc đều khẳng định đây là vùng biển thuộc chủ quyền của mình và không thừa nhận có tranh chấp tại đây.
Bối cảnh.
Giàn khoan dầu Hải Dương 981.
Giàn khoan dầu Hải Dương 981 (; tên viết tắt tiếng Anh: "CNOOC 981"; báo chí tiếng Việt còn gọi là "Hải Dương-981" hoặc gọi tắt là HD-981) là giàn khoan biển sâu di động có kích cỡ lớn đầu tiên do Trung Quốc sản xuất và do Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) sở hữu. Hải Dương 981 dài 114 m, rộng 90 m, cao 137,8 m và nặng 31.000 tấn; diện tích boong của giàn khoan có kích thước bằng một sân bóng đá chuẩn. Giàn khoan này có thể khoan sâu tối đa 12.000 m.
Theo Tân Hoa xã, giàn khoan chính thức được Trung Quốc đưa vào hoạt động vào ngày 9 tháng 5 năm 2012, tiến hành khoan trên biển lần đầu tiên tại một khu vực trên Biển Đông, cách Hồng Kông 320 km về phía đông nam, ở độ sâu 1.500 m.
Trung Quốc đã đầu tư 6 tỉ nhân dân tệ (952 triệu đô la Mỹ) cho Hải Dương 981. Tập đoàn đóng tàu quốc gia Trung Quốc đã mất trên ba năm mới hoàn tất giàn khoan Hải Dương 981.
Vị trí đặt giàn khoan.
2 tháng 5 - 27 tháng 5.
Ngày 2 tháng 5 năm 2014, giàn khoan được Trung Quốc đưa đến tọa độ , cách đảo Tri Tôn (Trung Quốc gọi là đảo Trung Kiến, thuộc quần đảo Hoàng Sa và đang là đối tượng tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc) 17 hải lý (khoảng 30 km) về phía nam, cách đảo Hải Nam 180 hải lý về phía nam, cách đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam) khoảng 120 hải lý về phía đông. Đảo Tri Tôn cũng như toàn bộ quần đảo Hoàng Sa hiện đang do Trung Quốc kiểm soát từ sau trận Hải chiến Hoàng Sa năm 1974 với Việt Nam Cộng hòa.
Theo Việt Nam, vị trí mà Trung Quốc đặt giàn khoan nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam. Theo Trung Quốc, giàn khoan hoạt động trong vùng biển của quần đảo Tây Sa (tức là quần đảo Hoàng Sa). Mặc dù, Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền đối với đảo Tri Tôn cùng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa theo nguyên tắc chiếm hữu thực sự, nhưng quan điểm chính thức của Việt Nam cho rằng:""Quần đảo Hoàng Sa, cũng như quần đảo Trường Sa, đều là tập hợp của các đảo, đá và bãi cạn nhỏ bé, không đủ lớn để có đời sống kinh tế riêng. Trung Quốc cũng như Việt Nam đều là các quốc gia ven biển không phải là những quốc gia quần đảo, nên theo công ước luật biển của Liên Hợp Quốc 1982 không thể áp dụng những quy định của quốc gia quần đảo cho các quần đảo xa bờ của quốc gia ven biển. Mà trong trường hợp này là quần đảo Hoàng Sa (Tây Sa) không thể có đường cơ sở chung bao lấy toàn bộ quần đảo như đường cơ sở Trung Quốc công bố năm 2006, và quần đảo này cũng không thể có vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở đó. Từng đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa chỉ có độc lập từng vùng lãnh hải tối đa 12 hải lý quanh mỗi đảo mà thôi. Nên Việt Nam không đề cập đến quần đảo Hoàng Sa trong tuyên bố về vị trí của giàn khoan Hải Dương-981, mà chỉ nói giàn khoan nằm hoàn toàn trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, không liên quan đến vùng biển mà Trung Quốc gọi là Tây Sa (tức Hoàng Sa theo Việt Nam)"."
Vị trí này thuộc trong lô dầu khí mà Việt Nam đánh số 143 và chưa thăm dò, khai thác, nhưng được đánh giá là ít trữ lượng dầu. Vùng biển đặt giàn khoan sâu khoảng 1.000 m, trong đó nơi Trung Quốc đặt giàn khoan thì sâu khoảng 1.100 m. Vì vậy, Trung Quốc phải dùng giàn khoan đặc biệt, dạng nửa chìm nửa nổi. Giàn này có hai cách định vị, dùng neo xuống đáy biển hoặc các chân vịt để tự cố định.
Về tiềm năng dầu khí, chính quyền Việt Nam Cộng hòa trước đây đã hợp tác với một hãng dầu khí của Mỹ nghiên cứu, và đến năm 1972 đã khảo sát địa chấn nhưng chưa rõ kết quả khảo sát ra sao.
Từ 27 tháng 5.
Ngày 27 tháng 5, Trung Quốc di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 về hướng đông bắc đến vị trị mới. 10h sáng ngày 27 tháng 5, giàn khoan được neo tại tọa độ , cách đảo Tri Tôn 25 hải lý về phía đông-đông nam, cách vị trí cũ 23 hải lý về phía đông-đông bắc và cách đảo Lý Sơn khoảng 150 hải lý. Việt Nam đưa tin vị trí mới của giàn khoan vẫn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tại vị trí này Trung Quốc sẽ bắt đầu thăm dò giai đoạn 2.
Nguyên nhân và động cơ.
Trung Quốc cho biết sẽ thăm dò dầu khí tại vị trí trên từ ngày 2 tháng 5 đến ngày 15 tháng 8 năm 2014.
Ernest Bower và Gregory Poling ở Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, cho là sự kiện giàn khoan này có ý nghĩa "quan trọng" và "cho thấy rõ quyết tâm của Bắc Kinh muốn thử phản ứng của Việt Nam, các nước trong ASEAN và Washington". Theo trang mạng của Đài Truyền hình Mỹ CNBC dẫn lời một quan chức trong ngành dầu khí Trung Quốc thì "Quyết định này thể hiện ý chí của chính phủ Trung Quốc và cũng liên quan đến chiến lược của Mỹ ở châu Á", và "Quyết định này không phải vì lý do thương mại. Nó không phải là CNOOC (Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc) có kế hoạch thăm dò lớn ở khu vực" mà vì lý do chính trị nhằm thể hiện vai trò và chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.
Trang mạng của Forbes cho là "Đây là lần đầu tiên Trung Quốc khoan ở vùng biển Việt Nam. Ngoài ra, đây cũng là lần đầu tiên Trung Quốc công khai sử dụng tàu thân xám (tức tàu hải quân) để hỗ trợ cho tàu thân trắng (tức tàu hàng hải dân sự). Nhưng đây chỉ là hành động ngụy trang, đánh lừa thu hút lực lượng của Việt Nam để Trung Quốc bồi đắp xây dựng đảo nhân tạo ở Trường Sa.
Quan điểm phía Trung Quốc.
Trung Quốc cho rằng hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 là hoạt động dầu khí bình thường của một doanh nghiệp Trung Quốc ở khu vực phía nam đảo Trung Kiến của Tây Sa (đảo Tri Tôn của Hoàng Sa). Trung Quốc cho rằng hành động của Việt Nam là quấy nhiễu, khiến "Trung Quốc buộc phải tăng cường lực lượng bảo vệ an ninh tại hiện trường, ngăn chặn hành động quấy nhiễu của Việt Nam, để duy trì trật tự sản xuất và tác nghiệp trên biển cũng như đảm bảo an toàn hàng hải".
Quan điểm phía Việt Nam.
Phía Việt Nam đã hoàn toàn bác bỏ và không chấp nhận quan điểm này của phía Trung Quốc. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh nhấn mạnh việc Trung Quốc đơn phương đưa giàn khoan Hải Dương 981 và một lượng lớn tàu các loại, kể cả tàu quân sự, vào hoạt động ở khu vực này là bất hợp pháp, đi ngược lại luật pháp và thông lệ quốc tế, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Diễn biến.
Ngày 2 tháng 5 năm 2014, giàn khoan Hải Dương 981 được Trung Quốc đưa vào khu vực gần quần đảo Hoàng Sa bằng một đội tàu hải quân. Ngày 3 tháng 5, Cục Hải sự Trung Quốc đăng cảnh báo tàu thuyền trong ba tháng không tiếp cận phạm vi bán kính 1 hải lý quanh giàn khoan. Phạm vi này được tăng gấp ba lên 3 hải lý từ ngày 5 tháng 5 sau khi Việt Nam chính thức lên tiếng phản đối.
Ngày 18 tháng 6 năm 2014, theo trang web Cục Hải sự Trung Quốc, Trung Quốc tiếp tục đưa giàn khoan thứ 2 xuống Biển Đông từ ngày 18 đến 20 tháng 6. Thông báo của website này nói giàn "Nan Hai Jiu Hao" (Nam Hải số 9) từ ngày 18 tới ngày 20-6 sẽ được tàu lai dắt kéo từ tọa độ 17°38' vĩ Bắc, 110°12'3" kinh Đông tới vị trí có tọa độ 17°14'6" vĩ Bắc, 109°31' kinh Đông trên Biển Đông.
Lực lượng Việt Nam.
Việt Nam đã cử 29 tàu bao gồm tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư tới các khu vực gần giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc, khi nhận thấy giàn khoan này định "thiết lập vị trí cố định". Ngoài ra còn có hàng chục tàu đánh cá bằng gỗ tuy không phải nằm trong lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam nhưng lại có liên quan mật thiết tới sự kiện hạ giàn khoan Hải Dương 981.
Ngày 9 tháng 5, trong một họp báo tại Bắc Kinh, Trung Quốc thừa nhận là có dùng các vòi phun nước nhưng cho là vì phía Việt Nam từ ngày 3 tháng 5 đã khiêu khích, cố ý đâm vào tàu Trung Quốc 171 lần.
Theo bài "China vs. Vietnam: A campaign for publication relations" đăng trên trang mạng của Viện Quốc gia Nghiên cứu Biển Đông làm việc dưới sự hướng dẫn về chính trị của Bộ Ngoại giao Trung Quốc thì cho tới ngày 16 tháng 5 Việt Nam đã đưa tới hơn 60 chiếc tàu đủ loại tới khu này, đâm 500 lần vào các tàu bè của Trung Quốc.
Chiều ngày 17 tháng 5, 1 tàu cá của ngư dân Lý Sơn lúc đang đánh cá tại vùng biển Việt Nam cách giàn khoan của Trung Quốc khoảng 20 hải lý, thì bị tàu Trung Quốc rượt đuổi và cướp hết tài sản. Trưa 18 tháng 5, tàu cá QNg90205TS với 14 ngư dân Quảng Ngãi bị lực lượng ngư chính Trung Quốc chặn lại và hai ngư dân bị hành hung.
Bên cạnh đó, Trung Quốc tiếp tục cấm ngư dân Việt Nam đánh cá tại vùng gần vị trí đặt giàn khoan và trong vùng Đường 9 đoạn.
Ngày 26 tháng 5, phía Việt Nam nói khoảng 40 tàu Trung Quốc đã bao vây và 'đâm chìm' một tàu cá của ngư dân Đà Nẵng, ở khu vực nam-tây nam cách giàn khoan 17 hải lý, là ngư trường truyền thống, thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. 10 ngư dân trên tàu đã được cứu sống. Tân Hoa xã ngày 27 tháng 5 đã cho rằng, tàu đó do quấy rối 1 tàu cá Trung Quốc nên mới bị đâm, đồng thời cho biết chính phủ Trung Quốc đã gửi công hàm phản đối chính phủ Việt Nam.
Lực lượng Trung Quốc.
Đến 12h30 ngày 7 tháng 5 năm 2014, số tàu Trung Quốc được huy động lên tới 80 chiếc các loại, trong đó có 7 tàu quân sự gồm: tàu hộ vệ tên lửa 534, tàu tuần tiễu tên lửa tấn công nhanh 753; 33 tàu hải cảnh, hải giám, ngư chính; cùng nhiều tàu vận tải, tàu đánh cá bằng thép. Ngoài ra, hàng ngày còn có hàng chục tốp máy bay hoạt động trên khu vực.
Trong quá trình hoạt động, một nhóm tàu cá vũ trang và tàu quân sự đã xâm nhập vào vùng biển cách đảo Lý Sơn từ 50 – 60 hải lý.
Theo báo cáo từ phía Việt Nam cho biết phía Trung Quốc từ ngày 2 cho tới ngày 7 tháng 5 đã dùng những tàu chiến đâm húc nhiều lần và phun nước áp lực cao làm hư hại 8 tàu Kiểm ngư Việt Nam. Có sáu Kiểm ngư viên Việt Nam bị mảnh kính văng vào gây thương tích phần mềm. Nhưng trong cuộc họp báo ngày 8 tháng 5, Trung Quốc tố cáo Việt Nam đã huy động 36 tàu các loại và chủ động đâm vào tàu Trung Quốc tổng cộng 171 lần từ ngày 3 đến ngày 7 tháng 5.
Theo một bài đăng trên trang mạng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào ngày 8 tháng 6, Việt Nam đã khiêu khích bằng cách đưa người nhái và những thiết bị dưới nước vào khu vực để thả một lượng lớn các chướng ngại vật, bao gồm lưới đánh cá và các vật nổi trong khu vực biển. Tính đến 5 giờ chiều ngày 7 tháng 6, đã có đến 63 tàu thuyền Việt Nam trong khu vực vào thời điểm cao độ nhất để tìm cách chọc thủng tuyến bảo vệ của Trung Quốc và đâm vào các tàu của chính quyền Trung Quốc với tổng cộng 1.416 lần.
Ngày 8 tháng 5 năm 2014, theo như Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, đã có thêm hai tàu tuần tiễu tấn công nhanh 753 và tàu hộ vệ tên lửa 534 của Trung Quốc hoạt động tại khu vực giàn khoan Hải Dương 981.
Ngày 15 tháng 5 năm 2014, theo lực lượng Kiểm ngư Việt Nam, số tàu Trung Quốc đã tăng lên 99 tàu gồm: 38 tàu chấp pháp, 19 tàu phục vụ, 8 tàu kéo, 4 tàu chiến, 30 tàu cá vỏ sắt và các máy bay tuần thám.
Ngày 15 tháng 5 năm 2014, trong họp báo ở Lầu Năm Góc, Tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tướng Phòng Phong Huy cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì hoạt động và bảo vệ giàn khoan dầu Hải Dương 981. Theo ông Phòng, vị trí đặt giàn khoan nằm bên trong lãnh hải Trung Quốc.
Ngày 16 tháng 5 năm 2014, Trung Quốc tăng số tàu hiện diện tại khu vực đặt giàn khoan Hải Dương 981 lên 126 tàu.
Quan điểm và giải quyết cấp nhà nước.
Ngoại giao.
Phía Trung Quốc.
Trong các ngày 2 và 4 tháng 5 năm 2014, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân đã triệu kiến Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Nguyễn Văn Thơ và điện đàm với Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn nhằm phản đối "sự can nhiễu phi pháp của Việt Nam đối với doanh nghiệp Trung Quốc đang tác nghiệp tại vùng biển của quần đảo Tây Sa".
Ngày 8 tháng 5, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trình Quốc Bình phát biểu "Tôi không nghĩ đây là một cuộc xung đột". Ông cho rằng hành động của phía Trung Quốc là để "bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích cốt lõi" và để "thể hiện lập trường của phía Trung Quốc". Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng hai bên Trung-Việt có thể duy trì tiền đề hợp tác hữu hảo giữa hai nước và giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán.
Cũng trong ngày 8 tháng 5, trong buổi họp báo quốc tế, Phó Tổng vụ trưởng Vụ Biên giới và Đại dương thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc Dịch Tiên Lương tố cáo Việt Nam huy động 35 tàu các loại và chủ động đâm tàu Trung Quốc 171 lần trong năm ngày từ ngày 3 đến ngày 7 tháng 5. Cũng theo Trung Quốc, Việt Nam đưa cả tàu có vũ trang đến trong khi các tàu của Trung Quốc chỉ là tàu dân sự thực thi công vụ và tác nghiệp. Trung Quốc còn tuyên bố phát hiện người nhái của Việt Nam và các lưới đánh cá, chướng ngại vật do Việt Nam thả.
Ngày 14 tháng 5, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho báo giới biết, trong cuộc nói chuyện giữa Bộ trưởng Vương Nghị và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Indonesia Marty Natalegawa, ông Vương nhắc lại rằng doanh nghiệp Trung Quốc đang tác nghiệp bình thường tại vùng biển của quần đảo Hoàng Sa, và công việc đã bắt đầu từ 10 năm trước. Việt Nam đang xâm phạm chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc, vi phạm hàng loạt thỏa thuận quốc tế về an toàn hàng hải, ảnh hưởng tiêu cực lên hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Ông cũng nói rằng phía Trung Quốc hối thúc Việt Nam bình tĩnh, tôn trọng chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc và không cố phức tạp hóa và khuếch đại hóa vấn đề.
Theo Đài phát thanh Quốc tế Trung Quốc, trước các sự kiện bạo lực gây tổn thất về tài sản và tính mạng của một số doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam, trong đó có của Trung Quốc, tối ngày 15 tháng 5 năm 2014, trong cuộc điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã "thay mặt Chính phủ Trung Quốc lên án mạnh mẽ phía Việt Nam, và đưa ra kháng nghị nghiêm khắc".
Trong ngày 22 tháng 5, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn đưa ra quan điểm như trước yêu cầu phía Việt Nam chấm dứt các hình thức can thiệp công việc của Trung Quốc, trừng phạt tội phạm bạo lực, yêu cầu bồi thường thiệt hại và bảo đảm an toàn cho tổ chức và cá nhân người Trung Quốc.
Theo thông tấn xã Reuters, đáp trả cuộc họp báo quốc tế của Bộ Ngoại giao Việt Nam ở Hà Nội vào ngày 23 tháng 5, trong cuộc họp báo ngày 26/5, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ: "cuộc họp báo của Việt Nam là hết sức lố bịch", bởi vì "Quần đảo Tây Sa [tức Hoàng Sa] là lãnh thổ không thể tranh cãi của Trung Quốc"; lên án Việt Nam "bóp méo lịch sử, bác bỏ sự thật, tự mâu thuẫn mình và phản bội ngôn từ của chính mình".
Ngày 9/6/2014, Phó Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Vương Minh đã gửi thư bày tỏ lập trường của nhà nước Trung Quốc về hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 trên Biển Đông đến Tổng thư ký Ban Ki-moon và yêu cầu ông Ban Ki-moon cho lưu hành đến tất cả 193 quốc gia thành viên của Đại hội đồng. Văn bản lên án các hành động của Việt Nam đã xâm phạm chủ quyền Trung Quốc, đe dọa nghiêm trọng đến các công dân Trung Quốc đang làm việc trên giàn khoan và vi phạm luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển đồng thời đưa ra nhiều dẫn chứng chứng minh quần đảo Hoàng Sa mà họ gọi là Tây Sa là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc mà không có bất kỳ tranh chấp nào.
Ngày 18/6/2014, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì đến Hà Nội và có cuộc gặp với Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh. Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì khẳng định Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị với Việt Nam, đồng ý với Việt Nam rằng hai bên cần sớm ổn định tình hình trên biển, kiềm chế không để xảy ra xung đột, không để quan hệ hai nước xấu đi, cùng nhau nỗ lực thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước. Thủ tướng Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam, đàm phán giải quyết các tranh chấp bất đồng giữa hai nước bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế. Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác với Trung Quốc, mong muốn giữ gìn, củng cố và không ngừng làm cho quan hệ Việt-Trung phát triển. Ông cũng nhấn mạnh việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển của Việt Nam từ đầu tháng 5 đến nay tác động rất tiêu cực đối với nhân dân Việt Nam, quan hệ Việt-Trung và tình hình khu vực. Ông khẳng định lập trường về chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và trên Biển Đông là không thay đổi và không thể thay đổi; đề nghị khẩn trương trao đổi để có các giải pháp sớm ổn định tình hình, tạo tiền đề cho các giải pháp cơ bản và lâu dài giải quyết các vấn đề trên biển, xuất phát từ lợi ích của hai nước, trên cơ sở các thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước và luật pháp quốc tế.
Phía Việt Nam.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia Trần Duy Hải tiết lộ sau khi nhận tin về giàn khoan Hải Dương 981 được đưa vào vùng thềm lục địa Việt Nam, Hà Nội đã có tám cuộc làm việc với Trung Quốc, sáu cuộc gặp trực tiếp tại Hà Nội và Bắc Kinh.
Việt Nam đã triệu Đại diện Sứ quán Trung Quốc, trao công hàm phản đối, yêu cầu Trung Quốc phải rút ngay giàn khoan và tàu hộ vệ.
Ngày 12 tháng 5, Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh mời Tổng Lãnh sự Trung Quốc Sài Văn Duệ đến để phản đối việc Trung Quốc đơn phương đưa giàn khoan Hải Dương 981 và một lượng lớn tàu các loại, trong đó có tàu quân sự và nhiều lượt máy bay trinh sát, quân sự hoạt động hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Ngày 11 tháng 5 tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 24 ở Myanmar, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lần đầu tiên công khai tố cáo Trung Quốc về việc đưa giàn khoan Hải Dương 981 cùng hơn 80 tàu đi vào vùng biển Việt Nam và kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế. Tuy nhiên tuyên bố kết thúc hội nghị của ASEAN không phê phán nước nào mà chỉ kêu gọi "tất cả các bên thực hiện kiềm chế và không sử dụng vũ lực, cũng như không tiến hành các hoạt động có thể làm gia tăng căng thẳng và sớm đạt được COC như đã được thể hiện trong Tuyên bố 6 điểm về Biển Đông".
Từ ngày 13 đến 15 tháng 5, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn đã đến Bắc Kinh để "trao đổi thẳng thắn các vấn đề giữa hai nước".
Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 14 tháng 5 ra thông báo Hội nghị Trung ương 9 trong đó có đoạn: "Ban Chấp hành Trung ương theo dõi sát tình hình, nghe báo cáo của các cơ quan chức năng về việc thực hiện các chủ trương, giải pháp của ta phản đối, đấu tranh đòi phía Trung Quốc phải dừng việc đặt giàn khoan thăm dò dầu khí Hải Dương 981 trong vùng biển nước ta và khẳng định: Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết một lòng, kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giải quyết những bất đồng, tranh chấp bằng giải pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và những thoả thuận giữa lãnh đạo cấp cao Việt Nam - Trung Quốc; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước..."
Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh, cho đến ngày 20 tháng 5 năm 2014, Việt Nam và Trung Quốc đã có 20 cuộc điện đàm về Vụ giàn khoan Hải Dương 981 trong đó Việt Nam yêu cầu Trung Quốc phải rút giàn khoan và tàu hộ tống ra khỏi vị trí tranh chấp.
Quốc hội Việt Nam ngày 21 tháng 5 ra thông cáo "nhất trí cao với chủ trương của Đảng và Nhà nước". Ngày 15 tháng 5 người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình tuyên bố Việt Nam đã đưa công hàm phản đối Trung Quốc ra Liên Hợp Quốc và ngày 20 tháng 5 phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên Hợp Quốc tại Genève đã gửi thông cáo đến Văn phòng Liên Hợp Quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức quốc tế khác cũng như các cơ quan báo chí có trụ sở tại Genève, về sự kiện "Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam tại Biển Đông".
Bộ Chính trị chỉ đạo phải tiếp tục đấu tranh bằng biện pháp hòa bình, đúng theo luật pháp quốc tế. Riêng về giải pháp đấu tranh pháp lý, thời điểm nào hợp lý thì Bộ Chính trị sẽ quyết định, theo thông tin từ phiên họp Chính phủ cuối tháng 5.
Ngày 31/5/2014, Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc đã gửi thư cho Tổng Thư ký Ban Ki-moon đề nghị lưu hành Công hàm của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản đối việc Bắc Kinh không chịu chấm dứt các hoạt động vi phạm chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 như một tài liệu chính thức của Khóa 68 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Trong công hàm này, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan Hải Dương 981 cùng các tàu của họ ra khỏi vùng biển của Việt Nam, chấm dứt các hoạt động gây ảnh hưởng đến an toàn, an ninh hàng hải cũng như hòa bình và ổn định ở khu vực.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á (Đối thoại Shangri-La) lần thứ 13, ngày 31/5/2014, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh phát biểu: ""Quan hệ giữa Việt Nam và nước bạn láng giềng Trung Quốc về tổng thể trên các mặt đang phát triển tốt đẹp, chỉ còn tồn tại vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông nên đôi khi cũng có những va chạm gây căng thẳng như sự việc ngày 1/5/2014, Trung Quốc đã đơn phương hạ đặt giàn khoan nước sâu Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam... Việt Nam nhất quán chủ trương kiên trì giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982; Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); Tuyên bố 6 điểm của ASEAN về Biển Đông; tiến tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc; và Thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt-Trung, giữ gìn hòa bình, ổn định an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông... Việt Nam rất kiềm chế, không sử dụng máy bay, tàu tên lửa, tàu pháo... mà chỉ dùng tàu kiểm ngư, tàu cảnh sát biển và tàu cá của ngư dân, phối hợp với lực lượng chấp pháp để bảo vệ chủ quyền, không chủ động đâm va, không phun vòi rồng vào các tàu của Trung Quốc. Chúng tôi đề nghị Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và cùng Việt Nam đàm phán để giữ được hòa bình ổn định và quan hệ hữu nghị hai nước... Tôi cho rằng, quân đội hai nước phải hết sức kiềm chế, tăng cường hợp tác với nhau, kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động không để có những hành động ngoài tầm kiểm soát. Quân đội hai nước phải thể hiện vai trò tham mưu với lãnh đạo Đảng, Nhà nước xử lý thỏa đáng vấn đề một cách bình tĩnh, kiên trì, để không xảy ra xung đột, càng không để xảy ra chiến tranh... Chúng tôi hy vọng vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế, các mâu thuẫn, bất đồng sẽ từng bước được giải quyết, duy trì được sự ổn định và phát triển ở khu vực, đóng góp chung cho môi trường hòa bình của thế giới"."
Ngày 5/6/2014, Phái đoàn Đại diện thường trực của Việt Nam bên cạnh cơ quan Liên Hợp Quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneve, Thụy Sĩ, đã gửi công hàm cho Phái đoàn Đại diện thường trực các nước tại Geneve cùng các tổ chức quốc tế đóng tại Thụy Sĩ để cập nhật tình hình vụ Trung Quốc đặt dàn khoan Hải Dương-981 và các hoạt động của tàu thuyền nước này tại khu vực đang có tranh chấp, bác bỏ những quan điểm trong công hàm mà phái đoàn Trung Quốc gửi cho các tổ chức quốc tế và phái đoàn đại diện thường trực các nước tại Geneve ngày 2/6. Phái đoàn Việt Nam khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và bác bỏ hoàn toàn đòi hỏi chủ quyền không có cơ sở pháp lý của phía Trung Quốc đối với quần đảo này. Công hàm cho rằng việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 và các hoạt động gây hấn của phía Trung Quốc tại vùng biển của Việt Nam là sự vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, đe dọa hòa bình, ổn định và an ninh hàng hải trong khu vực.
Ngày 6/6/2014, Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc tiếp tục gửi thư lên Tổng Thư ký Ban Ki-moon, kèm theo Công hàm của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản đối việc Trung Quốc tiếp tục duy trì giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou - 981) và các tàu hộ tống trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, cũng như các thỏa thuận liên quan khác giữa lãnh đạo cấp cao hai nước. Công hàm khẳng định Việt Nam đã nỗ lực trao đổi, đối thoại với Trung Quốc dưới nhiều hình thức và ở các cấp khác nhau để yêu cầu nước này chấm dứt các hành vi vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, cũng như chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên, phía Trung Quốc không những không đáp ứng những đề nghị đó, mà còn di chuyển giàn khoan và các tàu hộ tống sang một vị trí khác vẫn thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế, chấm dứt ngay các hoạt động vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, rút ngay giàn khoan Hải Dương-981 cùng các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam và không để tái diễn hành vi tương tự. Việt Nam cũng yêu cầu Trung Quốc giải quyết các tranh chấp trên biển, trong đó có việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981, thông qua đàm phán hoặc các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS năm 1982. Đại sứ Lê Hoài Trung đề nghị ông Ban Ki-moon cho lưu hành công hàm như một tài liệu chính thức của Khóa 68 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, gửi đến tất cả các nước thành viên.
Ngày 10/6/2014, tại Đối thoại Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - Mỹ lần thứ 27 diễn ra tại Yangon, Myanmar, Việt Nam tố cáo Trung Quốc hạ đặt giàn khoan và đưa nhiều tàu hộ tống bảo vệ xâm phạm sâu trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các tàu của Trung Quốc liên tục gây hấn, cố tình đâm húc, gây hư hại các tàu kiểm ngư, tàu cảnh sát biển, tàu cá của ngư dân Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), Tuyên bố của các bên về ứng xử ở Biển Đông (DOC). Phái đoàn Việt Nam cực lực phản đối các hành động xâm phạm nêu trên, yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu bảo vệ ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và vùng biển của mình, song kiên trì đối thoại và sử dụng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Ngày 13/6/2014, tại Hội nghị lần thứ 24 các quốc gia thành viên UNCLOS diễn ra từ ngày 9/6 đến 13/6 tại trụ sở chính của Liên Hợp Quốc, Đại sứ Lê Hoài Trung, Trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, trong bài phát biểu tại phiên họp toàn thể hội nghị chỉ ra rằng việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là một "diễn biến nghiêm trọng" trên Biển Đông. Trong phần thảo luận, phái đoàn Việt Nam một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, chỉ ra tính bất hợp pháp của việc hạ đặt giàn khoan trái phép, đồng thời bác bỏ những quan điểm của Trung Quốc.
Quân sự.
Tình hình đến ngày 13 tháng 5:
Các tàu Trung Quốc vây thành vòng bảo vệ giàn khoan hoạt động. Các tàu Việt Nam chạy vòng vòng bên ngoài. Thỉnh thoảng có đấu vòi rồng (phun nước áp suất mạnh) và va chạm. Cả hai bên đều tố cáo bên kia cố tình đâm húc tàu của mình nhiều lần.
Phản ứng và dư luận.
Phản ứng của người Việt.
Đa số các ý kiến trên báo chí và các diễn đàn công khai đều phản đối hành động của Trung Quốc, tuy nhiên mức độ phản đối cũng như quan điểm về cách giải quyết rất khác nhau, từ kêu gọi chiến tranh, đưa ý kiến kiện ra tòa án quốc tế, sử dụng giải pháp ngoại giao đến hòa hoãn.
Một vài cá nhân tỏ ý ủng hộ Trung Quốc đã bị phản đối dữ dội. Các cuộc tranh luận gay gắt cũng đã nổ ra xung quanh những thái độ khác nhau trước vụ việc này.
Ngày 9 tháng 5, Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam đã viết thư gửi giáo dân Việt Nam về Tình hình Biển Đông. Trong đó, ông kêu gọi các giáo phận tổ chức một ngày cầu nguyện cho quê hương, kêu gọi mọi người sám hối, tiết giảm chi tiêu ăn uống, mua sắm để góp phần nâng đỡ các ngư dân nạn nhân của tàu Trung Quốc và các chiến sĩ cảnh sát biển, kiểm ngư Việt Nam bị thương. Nhưng ông cũng viết rằng những thỏa ước tôn trọng tình hữu nghị giữa hai quốc gia láng giềng, giữa hai Đảng Cộng sản (Việt Nam và Trung Quốc) thực tế đã cho thấy không mang lại lợi ích cho dân nước Việt Nam mà còn đưa đất nước vào tình trạng lâm nguy. Ông kêu gọi Chính phủ Việt Nam kiên trì đường lối ngoại giao, đối thoại để giải quyết xung đột nhưng có lập trường kiên định lấy đạo lý truyền thống dân tộc vì dân, vì nước để thực hiện đường lối chính sách với Trung Quốc. Nhiều ngôi thánh đường thuộc Tổng giáo phận Hà Nội, Giáo phận Phát Diệm, Giáo phận Vinh, Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh đã gióng chuông kêu gọi tín hữu để cầu nguyện cho công lý và hòa bình cho toàn vẹn lãnh thổ.
Một số người bất đồng chính kiến cho rằng hành động của giới lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng sản và chính phủ Việt Nam là chưa đủ mạnh mẽ, thể hiện qua việc, tính đến ngày 10 tháng 5, Hội nghị Trung ương 9 Đảng Cộng sản Việt Nam đang họp cùng lúc nhưng không bàn công khai và tuyên bố về vụ giàn khoan. Nhưng kết thúc phiên họp, vào ngày 14 tháng 5 Hội nghị đã ra thông báo trong đó có đề cập về vấn đề này.
Cộng đồng mạng người Việt cũng có phong trào kêu gọi tẩy chay hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc. Nhiều trang mạng được lập ra kêu gọi tẩy chay và nhiều người dùng đã thay đổi hình ảnh đại diện là quốc kỳ Việt Nam và biểu tượng tẩy chay hàng Trung Quốc. Một vài khách sạn tại Việt Nam từ chối nhận khách Trung Quốc, vài cửa tiệm không bán hàng Trung Quốc và du khách Việt đua nhau hủy tour đi du lịch Trung Quốc. Tuy nhiên, cũng có ý kiến kêu gọi không nên kỳ thị và 'bài' người Trung Quốc theo kiểu này, và theo nhận xét của nguyên Tổng Giám đốc Jetstar Pacific Airlines và nay là Giám đốc Điều hành Air Mekong Lương Hoài Nam thì: "...thấy nhiều người kêu gọi tẩy chay hàng Trung Quốc. Nhưng chưa thấy nhà nào mang TV, tủ lạnh, máy giặt, lò nướng, laptop, iPhone, iPad... lắp linh kiện Trung Quốc quẳng ra đường và những lời kêu gọi được gõ ngay trên các bàn phím sản xuất ngay ở Trung Quốc", ông Nam kêu gọi các đài truyền hình trên cả nước hãy dừng chiếu những bộ phim dài tập về lịch sử Trung Hoa.
Nhiều hiệp hội trong và ngoài nước đã lên tiếng phản đối hành động của Trung Quốc. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã đóng góp để ủng hộ công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Mít-tinh và biểu tình phản đối.
Ngày 6 tháng 5, cuộc biểu tình sớm nhất để phản đối hành động này của Trung Quốc được tổ chức trước Tòa Lãnh sự Trung Quốc tại Los Angeles. Chiều 9 tháng 5, một cuộc biểu tình nhỏ đã diễn ra trước Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội. Sáng ngày 10 tháng 5, một cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc đã diễn ra tại TP. HCM, được báo chí chính thống của Việt Nam đăng tải ngay trong ngày.
Hơn 20 tổ chức dân sự đã ra thông cáo kêu gọi người dân ở Hà Nội và TP.HCM biểu tình và tuần hành ngày 11 tháng 5 để "phản đối và lên án hành vi xâm lược của nhà cầm quyền Trung Quốc", và kêu gọi trả tự do cho các blogger và những công dân "đang bị bỏ tù vì bày tỏ lòng yêu nước, phản đối Trung Quốc xâm lược".
Giáo sư Tương Lai cũng cho biết 54 nhân sỹ trí thức cùng ông sẽ tổ chức một cuộc mít-tinh phản đối Trung Quốc vào sáng 11 tháng 5 trước Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng cuộc mít-tinh này không liên quan đến lời kêu gọi biểu tình của 20 tổ chức dân sự trên.
Trước việc nhiều tầng lớp nhân dân Việt Nam đề nghị tuần hành, phản đối hành động xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc với Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tuyên bố ủng hộ. Vũ Trọng Kim, Tổng Thư ký của tổ chức này, nói rằng "Việc người dân tuần hành, phản đối Trung Quốc là điều hết sức chính đáng, tự nhiên, là thể hiện lòng yêu nước".
Tại nước ngoài, người Việt và Việt kiều ở nhiều nơi cũng lên tiếng phản đối Trung Quốc. Như là tại Los Angeles ngày 6 tháng 5, Berlin ngày 8 tháng 5, tại Frankfurt ngày 10 tháng 5, tại Tokyo và tại Praha ngày 11 tháng 5, tại Đài Bắc ngày 11 tháng 5.
Như dự kiến, sáng chủ nhật 11 tháng 5 tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh, các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc đã diễn ra với hàng ngàn người tham gia. Tuy nhiên một số blogger, và các nhà hoạt động cho rằng họ bị gây áp lực để không tham gia biểu tình. Người của nhóm 54 nhân sĩ trí thức cho biết họ đã bị đoàn thanh niên chiếm diễn đàn và không có cơ hội phát biểu. Cùng ngày, người dân Huế và Quảng Nam cũng xuống đường. Các đài truyền hình Việt Nam đưa tin rất khác nhau về việc này - Đài Truyền hình Việt Nam VTV không đề cập đến các vụ biểu tình; Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội HanoiTV nói trong cuộc tuần hành ở Hà Nội, sau khi được chính quyền "kiên trì giải thích" về chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước, người dân tự giải tán; còn VTC1 đã dành nhiều thời lượng để nói về các cuộc biểu tình trên khắp cả nước. Theo hãng tin Associated Press (AP), cuộc biểu tình hôm chủ nhật này là lớn nhất kể từ năm 2011 khi Trung Quốc cắt cáp tàu thăm dò dầu khí Việt Nam. Cuộc biểu tình lần này được ghi nhận là có sự cho phép của chính quyền Việt Nam, khác với những cuộc biểu tình trước đây thường bị sách nhiễu, đôi khi người biểu tình bị đánh đập và bị bắt. Hãng tin AFP cũng gọi đây là một trong những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc lớn nhất tại Việt Nam.
Vào ngày 18 tháng 5, trái ngược với động thái một tuần trước đó, chính quyền Việt Nam đã ngăn cấm và cản trở các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, một vài người bị bắt giữ.
Trước tình hình đó, để các cuộc biểu tình theo đúng khuôn khổ pháp luật, Đảng đoàn Quốc hội đã trình Bộ Chính trị đề xuất đưa chương trình xây dựng Luật Biểu tình vào Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, và chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, chiều 30/5 đưa Luật Biểu tình vào Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII cùng một số luật khác về quyền con người thể chế hóa Hiến pháp sửa đổi, trong đó Luật Biểu tình vào Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9, thông qua tại kỳ họp thứ 10
Bạo động.
Chiều tối ngày 12 và trong ngày 13 và 14 tháng 5, khoảng 20 ngàn công nhân tại các khu công nghiệp ở Đồng Nai, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh bỏ việc và biểu tình tuần hành phản đối Trung Quốc. Trong đó, tại Bình Dương, một số lớn người (theo công an là "đội lốt công nhân") đã gây hấn, có hành vi đập phá các công ty của người Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc và gây hỗn loạn. Tính đến chiều 14 tháng 5, toàn tỉnh Bình Dương đã có trên 460 công ty (phần lớn của người Đài Loan) bị đập phá và ít nhất 15 nhà máy bị đốt cháy… Có trên 40 cán bộ và công an bị thương khi làm nhiệm vụ, chủ yếu do các đối tượng quá khích dùng gạch đá ném. Đến ngày 14 tháng 5, tình hình tạm ổn định, và cảnh sát đã bắt giữ 800 đối tượng trộm cắp tài sản, kích động gây rối… trong đó có gần 400 đối tượng kích động gây rối có thể bị xử lý hình sự. Tại Đồng Nai có 10 trong số 130 công ty tại Khu Công nghiệp Amata bị đập phá. Công an Đồng Nai đã bắt giữ 302 người dùng hung khí đập phá, hôi của. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, một số công ty thuộc Khu Chế xuất Linh Trung 1, Khu Chế xuất Linh Trung 2, Khu Công nghiệp Bình Chiểu và Công ty PouYuen bị đập phá, cướp đoạt tài sản. Hơn 100 người bị tạm giữ trong đó có 23 người có dấu hiệu vi phạm hình sự.
Chiều ngày 14 tháng 5, tại khu kinh tế Vũng Áng, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), hàng nghìn công nhân đã được kêu gọi đình công và biểu tình chống Trung Quốc. Buổi tối cùng ngày, đã có xô xát lớn với hơn 6 ngàn người tại Nhà máy Thép Formosa của Đài Loan, nơi có lượng lớn công nhân Trung Quốc làm việc, làm ít nhất một người Trung Quốc thiệt mạng, nhiều người khác bị thương. Chính quyền đã phải huy động lượng lớn công an, và cả quân đội và biên phòng vào cuộc, bắt giữ hơn 70 người, đến đêm tình hình mới tạm yên. Theo bản tin lúc 9 giờ sáng EDT (8 giờ tối giờ Việt Nam) của Reuters, 5 người Việt và 16 người Trung Quốc đã chết và 90 người bị thương trong cuộc đụng độ trên. Tuy nhiên báo chí Việt Nam ngày 15 tháng 5 đưa tin có một người chết và 149 người bị thương, theo báo đài Trung Quốc có 16 người trong 3680 người Trung Quốc hồi hương bị thương nặng, trong khi đó Tân Hoa xã trong một số bản tin đưa ra có hai người Trung Quốc chết (chờ xét nghiệm DNA) trong các vụ bạo động tại Việt Nam.
Chiều ngày 15 tháng 5, trong một buổi họp báo, Bộ Ngoại giao Việt Nam cam kết "sử dụng mọi biện pháp cần thiết" để đảm bảo an toàn cho người nước ngoài. Bộ này cũng phủ nhận thông tin có 20 người chết trong vụ bạo loạn ở Vũng Áng.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Hoa Dân Quốc Cao An nói rằng Đài Loan mạnh mẽ lên án bạo lực và kêu gọi người dân Việt Nam hãy biết tự tiết chế, đừng áp dụng những hành vi mất lý trí, gây ảnh hưởng tới nguyện vọng đầu tư, gây tổn hại mối quan hệ giữa nhân dân Đài Loan và Việt Nam. Bộ Ngoại giao Singapore đã xác nhận rằng một lá cờ Singapore đã bị đốt cháy bởi những người biểu tình tại Bình Dương và nói đây là vụ việc "nghiêm trọng vì lá cờ là biểu tượng quốc gia thiêng liêng". Theo tin từ Reuters, riêng trong ngày 14 tháng 5, đã có hơn 600 người Trung Quốc trốn chạy khỏi bạo loạn tại Việt Nam và đến Campuchia.
Các cuộc biểu tình của công nhân sau đó như tại Thanh Hóa đã diễn ra trong ôn hòa. Cộng đồng mạng Việt Nam kêu gọi thực hiện một dự án 'Chúng tôi xin lỗi!' để xin lỗi vì vụ bạo động tại Bình Dương và gửi một thông điệp hòa bình của người Việt Nam ra quốc tế.
Tự thiêu.
Vào khoảng 6 giờ sáng ngày 23 tháng 5, một phụ nữ 67 tuổi tên Lê Thị Tuyết Mai đã tưới xăng lên người rồi châm lửa tự thiêu trước cổng Dinh Độc Lập, Tp. Hồ Chí Minh. Tại hiện trường, công an thu được một gói đồ chứa sáu biểu ngữ (nguồn báo "Thanh Niên" và "Tuổi Trẻ") hoặc bảy biểu ngữ (nguồn báo "Đời Sống & Pháp Luật"). Chiều cùng ngày, trong cuộc họp báo của Ủy ban Nhân dân Quận 1, Phó Chủ tịch UBND Q.1 Lê Trương Hải Hiếu đã cho biết cụ thể những câu được ghi trong sáu biểu ngữ có nội dung thể hiện tinh thần dân tộc, phản đối Trung Quốc. Cũng theo ông này, bà Mai tự thiêu vì bức xúc trước việc "Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 xâm phạm lãnh hải của Việt Nam", còn phía cơ quan chức năng Việt Nam ban đầu xác định nguyên nhân là vì bà "buồn chuyện gia đình". Võ Văn Ái - người Phát ngôn Phòng Thông tin Phật giáo tại Paris - xác nhận người phụ nữ này là thành viên của tổ chức Gia đình Phật tử Việt Nam, trực thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và có giải thích thêm rằng bà Mai "rất bức xúc vì nhà cầm quyền Việt Nam đàn áp Giáo hội, và đặc biệt gần đây, Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam". Theo thông tin mà VOA đăng tải thì báo chí Việt Nam đã không đề cập đến những biểu ngữ có viết: "GHPGVNTN mãi mãi trường tồn cùng Dân tộc".
Khoảng 11h15' ngày 20/6/2014, ông Hoàng Thu Hùng, cựu sĩ quan Pháo binh Việt Nam Cộng hòa, 71 tuổi tự thiêu tại lối vào khu cộng đồng Silver Lake, bang Florida, Hoa Kỳ để phản đối việc Trung Quốc hồi đầu tháng 5 hạ đặt trái phép giàn khoan dầu Hải Dương 981 sâu trong thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Cảnh sát tìm thấy hai mảnh giấy tại hiện trường, trong đó một tờ ghi "Hai Yang 981 phải rời khỏi V-N hải phận. Anh hùng tử, chí hùng nào tử" có ký tên phía dưới.
Thư ngỏ.
115 nhà trí thức Việt Nam trong cũng như ngoài nước vừa ra thư ngỏ đăng trên trang "boxitvn.net", gửi đến đồng bào trong và ngoài nước cùng các đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, bày tỏ quan tâm về tình hình hiện thời, đồng thời kêu gọi người dân ký tên ủng hộ lá thư. Trên danh sách này có tên nhiều nhà hoạt động, nhà văn, nhà thơ, nhà báo và một số đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Danh sách này còn có chữ ký của một số lãnh đạo tôn giáo và quân đội, trong đó có Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh. Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho biết thông điệp chính của lá thư ngỏ này: ""Cái thông điệp nổi bật là phải dứt bỏ 4 tốt và 16 chữ vàng, mối quan hệ lệ thuộc vào Trung Quốc, đấy là cái thứ nhất. Thứ hai là, chỉ có xây dựng một hệ thống dân chủ thực sự, một nền dân chủ và một nền pháp trị thực sự, tức là không còn độc đảng, không còn toàn trị thì Việt Nam mới có cơ chống ngoại xâm, bởi vì Việt Nam hiện bây giờ đang trơ trọi, tuy rằng trong nước, tivi vẫn nói rằng nhân dân thế giới ủng hộ, nhưng mà thực sự là bất chấp sự kêu gọi của ông Thủ tướng, những nước mà lên tiếng mạnh mẽ cũng chỉ nói một cách chiếu lệ mà thôi bởi vì một nước độc đảng, một chế độ độc tài khó mà thuyết phục được những người khác làm bạn"."
Phản ứng của người Trung Quốc.
"Hoàn cầu thời báo" lên tiếng kêu gọi Trung Quốc có hành động cứng rắn và đe dọa cho Việt Nam "bài học nó đáng phải nhận".
Tờ "South China Morning Post" ("Nam Hoa Tảo báo"), một tờ báo tiếng Anh có tiếng tại Hồng Kông, trong một bài xã luận đăng ngày 16 tháng 5, nói rằng Việt Nam đã làm phức tạp cuộc tranh chấp với Trung Quốc khi không thể ngăn chặn được sự bạo động chống Trung Quốc. Tờ báo nói "một chính quyền mà kiểm soát chặt chẽ bất đồng chính kiến như thế đáng lẽ không có vấn đề gì trong việc giữ ôn hòa các cuộc biểu tình". Tờ báo kêu gọi Việt Nam kiềm chế làn sóng chống Trung Quốc và trừng trị những kẻ gây bạo động.
Tân Hoa xã bình luận về các vụ bạo động tại Việt Nam: "...Một số nhà phân tích phương Tây đã đồn đoán rằng Hà Nội có thể sử dụng các cuộc tấn công này làm lá bài để mặc cả với Trung Quốc. Nhưng nếu họ nghĩ theo cách này thì thực là ngây thơ và man rợ. Việc này đơn giản là vi phạm nguyên tắc cơ bản về nhân loại khi dùng sự mất mát của mạng người nhằm thúc đẩy mục tiêu chính trị".
Lo ngại trước phản ứng thái quá của người dân, bộ máy tuyên truyền Trung Quốc chỉ đạo kiểm duyệt và hạn chế thông tin: "Tuyệt đối không tường thuật về bất kỳ tin tức liên quan tới việc "các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư tại Việt Nam bị tấn công bởi người Việt. Không đăng lại tin từ nước ngoài. Nghiêm ngặt tìm và xóa các tin tức liên quan, bình luận, và hình ảnh trên mạng".
Phản ứng quốc tế.
Một số quốc gia và Liên minh châu Âu bày tỏ quan ngại trước hành động đơn phương gây hấn của Trung Quốc khiến căng thẳng gia tăng trong khu vực.
Ảnh hưởng liên quan.
Thị trường chứng khoán Việt Nam sụt giảm mạnh mẽ trong phiên giao dịch ngày 8 tháng 5 năm 2014. Trên sàn HOSE, VN-Index giảm đến 33,09 điểm, tương ứng 5,91%; trên sàn HNX, HNX-Index giảm 5,3 điểm, tương ứng 6,92%. Theo nhận xét của hãng tin tài chính Bloomberg, phiên giao dịch sáng 8 tháng 5 là phiên giảm mạnh nhất kể từ năm 2001 và giới chuyên gia cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do căng thẳng trên biển.
Theo Trung tâm Ứng cứu Khẩn cấp Máy tính Việt Nam (VNCERT), từ ngày 8 dến 11 tháng 5 năm 2014, đã có 220 trang web của Việt Nam bị tin tặc tự nhận đến từ Trung Quốc tấn công. VNCERT đang tiếp tục theo dõi tình hình và sẽ công bố thông tin vào thời điểm thích hợp. Theo Công ty An ninh Mạng Bkis, các cuộc tấn công mạng chưa gây ra ảnh hưởng lớn do phần website bị tấn công là trang của công ty và cá nhân. Hình thức tấn công gồm tấn công từ chối dịch vụ (DDoS), thay đổi giao diện... Tuy nhiên, theo phân tích của một số chuyên gia bảo mật độc lập của Việt Nam, hầu hết các tên miền Việt Nam bị tấn công thực chất đều nằm trên cùng một vài máy chủ đặt gần nhau, từ đó cho thấy bản chất sự việc chỉ là một vài vụ tấn công đơn lẻ. Một số địa chỉ IP của kẻ tấn công không phải từ Trung Quốc mà là từ Ấn Độ. Ngược lại, cũng có hàng chục website của các tổ chức, doanh nghiệp Trung Quốc bị tấn công DDoS bởi các hacker tự nhận đến từ Việt Nam.
Theo Thủ tướng Việt Nam, sự kiện này đã ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam, tác động tiêu cực đến nhiều mặt, trong đó có phát triển kinh tế. "Ngay như kinh tế xã hội, chúng ta mất 1 triệu khách du lịch. Nếu không có sự kiện này thì chúng ta có 9 triệu lượt khách du lịch" – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn chứng.
Trung Quốc di chuyển giàn khoan khỏi vùng biển tranh chấp.
Ngày 15 tháng 7 năm 2014, Tân Hoa xã dẫn thông báo của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) nói rằng công ty dầu mỏ này đã "hoàn thành việc khoan và thăm dò" ngoài khơi. CNPC cho biết đã "phát hiện các dấu hiệu của dầu mỏ và khí đốt" tại đây và sẽ "đánh giá dữ liệu thu thập được" để "quyết định về bước đi tiếp theo". Giàn khoan Hải Dương-981 theo dự kiến sẽ được kéo sang địa điểm thuộc một dự án mang tên Hải Nam Lăng Thủy.
Đánh giá của các bên.
Việt Nam.
Ông Hà Lê (Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư - Bộ NN&PTNT) cho biết vào lúc 10h sáng ngày 16-7, lực lượng kiểm ngư từ thực địa vừa báo cáo toàn bộ tàu của Trung Quốc cùng với giàn khoan đã di chuyển về phía đảo Hải Nam. Ông Hà Lê nhận định nhiều khả năng giàn khoan rút về do đã thăm dò, thu thập đủ thông tin và cơn bão Rammansun là lý do Trung Quốc rút giàn khoan về sớm hơn dự định.
Thiếu tướng Lê Mã Lương cho rằng việc Trung Quốc di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trước dự kiến cho thấy sự sai lầm về chiến lược của họ. Trung Quốc di chuyển giàn khoan không phải vì cơn bão. Bởi lẽ giàn khoan này đã được thiết kế để chịu đựng "siêu bão". Cho nên nếu rút vì cơn bão chỉ là cái cớ. Đây là sự thành công về cuộc chiến về pháp lý, về ngoại giao của Nhà nước và Nhân dân Việt Nam. Trung Quốc đã không ngờ rằng, ngay khi hạ giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam đã gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ của Việt Nam và sự lên án của nhân dân thế giới.
Theo Trung tướng Nguyễn Quốc Thước thì: "Đừng ảo tưởng việc giàn khoan Hải Dương 981 rút về đảo Hải Nam là Trung Quốc đã chấm dứt việc bành trướng, bá quyền. Giàn khoan đó dù có đi đâu thì cũng vẫn ở trên Biển Đông. Đó là mắt xích để Trung Quốc thực hiện ý đồ của mình. Việt Nam cần phải tiếp tục kết hợp với quốc tế đấu tranh mạnh mẽ hơn nữa".
Trung Quốc.
Ông Vương Chân, một chuyên gia của CNPC tiết lộ "Phân tích sơ bộ các dữ liệu địa chất thu được đã chỉ ra rằng, khu vực bể Trung Kiến (tên Trung Quốc gọi đảo Tri Tôn) có những điều kiện cơ bản và khả năng khai thác dầu khí. Tuy nhiên, việc khai thác thử nghiệm không thể bắt đầu trước khi có các đánh giá toàn diện về dữ liệu, vì lý do an toàn, các hoạt động thử nghiệm không thể tiến hành ngay vì tháng 7 là tháng khởi đầu của mùa mưa bão".
Ngày 16 tháng 7, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cũng đã xác nhận về việc nước này đã dịch chuyển giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi khu vực tranh chấp sau 75 ngày hoạt động từ 2/5 đến 15/7. Theo ông Hồng Lỗi thì: Giàn khoan Hải Dương 981 đã hoàn thành các hoạt động khoan thăm dò ở khu vực này đúng tiến độ, các doanh nghiệp Trung Quốc có liên quan sẽ thực hiện phân tích và đánh giá các dữ liệu địa chất thu thập được, trên cơ sở đó, nghiên cứu và chuẩn bị cho chương trình làm việc tiếp theo.
Thế giới.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lên tiếng hoan nghênh hành động dịch chuyển giàn khoan Hải Dương-981 khỏi vùng biển tranh chấp: "Chúng tôi hoan nghênh thông báo của phía Trung Quốc về việc di chuyển giàn khoan ra khỏi khu vực gần quần đảo Hoàng Sa sang một địa điểm gần đảo Hải Nam. Vụ việc này đã nêu bật sự cần thiết của việc các bên tranh chấp phải đưa ra tuyên bố chủ quyền theo đúng với luật pháp quốc tế để có thể cùng đạt được nhận thức về hành vi ứng xử đúng mực tại các vùng có tranh chấp. Chúng tôi ủng hộ các bên có liên quan ngừng một cách tự nguyện các hành động đơn phương mang tính khiêu khích"
Tiến sĩ Ian Storey thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) cho rằng việc Trung Quốc di chuyển giàn khoan Hải Dương-981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam sớm hơn dự kiến một tháng rất có nhiều khả năng do cả hai yếu tố: thời tiết và chính trị.
Giải quyết căng thẳng.
Ngày 25-8, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết ông Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Đặc phái viên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm Trung Quốc từ ngày 26-8 đến ngày 27-8 theo lời mời của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. "Mục đích chuyến đi là nhằm trao đổi với lãnh đạo Trung Quốc về các biện pháp làm dịu tình hình, không để tái diễn các vụ việc căng thẳng như vừa qua...", phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết. Trả lời đài BBC, Giáo sư Carl Thayer cho rằng "chuyến đi này nhằm giữ thể diện cho hai bên. Trung Quốc mời ông ta sau khi đã liên tục từ chối hơn 30 lần đề nghị gặp gỡ của Việt Nam".
Nhận định.
Bill Hayton, tác giả của cuốn The South China Sea: the struggle for power in Asia (Biển Đông: cuộc đấu tranh giành quyền lực ở châu Á) nhân định: "Dù đánh giá bằng bất kỳ thước đo nào, chuyến phiêu lưu khoan dầu gần đây trên Biển Đông của Trung Quốc cũng đều là thảm họa. Không có chút dầu mỏ mới nào đến tay người tiêu dùng Trung Quốc, nước này không chiếm được vùng lãnh thổ mới trên biển nào, và lợi thế khu vực lại rơi vào tay Hoa Kỳ. Tình đoàn kết ASEAN được giữ vững và vị thế của các phe nhóm "thân Bắc Kinh" ở các nước có vai trò trọng yếu, đặc biệt là Việt Nam, đã bị suy yếu nghiêm trọng". | 1 | null |
Greatest Hits là album tổng hợp thứ ba của nữ ca sĩ kiêm nhạc sĩ người Anh, Dido. Album tập hợp tất cả những đĩa đơn từ album đầu tay "No Angel" (1999) cho đến album "Girl Who Got Away" (2013). Album gồm hai đĩa được phát hành ngày 22 tháng 11 năm 2013 và có bao gồm một bản nhạc mới "NYC", cũng như tập hợp các bản phối lại và các đĩa đơn hợp tác. Danh sách bài hát được xác nhận vào ngày 9 tháng 10 năm 2013. | 1 | null |
Live at Brixton Academy (còn được phát hành dưới tên Dido Live ) là một album trực tiếp và DVD của nữ ca sĩ Dido, được phát hành vào năm 2005. Album được ghi âm trong suốt 3 đêm tháng 8, 2004, tại Brixton Academy ở Luân Đôn trong chuyến lưu diễn Life for Rent. DVD phát hành cùng với một CD audio bổ sung bao gồm 12 bản nhạc được thu lại từ DVD.
EP.
Một EP có tên là Dido Live, với ba trong số 17 bản có trong DVD, được phát hành độc quyền dưới dạng tải nhạc số thông qua cửa hàng iTunes vào ngày 21 tháng 6 năm 2005.
Liên kết ngoài.
<br> | 1 | null |
Hội chứng cảm thấy mất dương vật hay còn gọi là Hội chứng Koro là một hội chứng y học tâm thần và mang tính văn hóa, trong đó bệnh nhân có cảm giác mất đi dương vật của mình thông qua một cuộc giao tiếp với một đối tượng nào đó, giống như hình thức "một cái bắt tay, mất ngay của quý". Hội chứng này được ghi nhận trong lịch sử và thực tiễn tại các nước châu Âu (thời Trung Cổ), châu Á, châu Phi và thường gắn liền với những thế lực phù thủy.
Tổng quan.
Những đồn đại về tà thuật trên gắn liền với hội chứng cảm thấy mất dương vật. Người mắc hội chứng này sẽ cảm giác dương vật mình bỗng nhiên teo lại và biến mất, không còn cảm nhận được nữa. Cho tới nay, người ta mới chỉ lý giải được nguyên nhân của hội chứng Koro. Phần nhiều là do những chấn động tâm lý có liên quan tới bộ phận sinh dục dẫn tới liệt dương, sau đó là mất cảm giác và mắc phải hội chứng Koro. Mặc dù vậy những vụ việc như, những vụ ăn cắp dương vật kì lạ, bí ẩn đã xảy ra. Làm thế nào mà một cái bắt tay có thể lấy đi bộ phận sinh dục của người khác và có phải tà thuật hay không thì vẫn chưa lý giải thấu đáo.
Một số ghi nhận.
Theo lịch sử có ghi nhận về hiện tượng giống "ma thuật" trên, người ta phát hiện ra, đây không phải là một dịch bệnh mới xuất hiện, nó đã tồn tại hàng trăm năm trên khắp 5 châu, reo rắc bao nỗi kinh hoàng cho loài người.
Châu Á.
Tại Trung Quốc, từ xa xưa các sách y thuật của người Hán (203 TCN - 220) đã đề cập khá nhiều về căn bệnh này. Theo như mô tả, nạn nhân đột nhiên sẽ thấy một luồng điện chạy trong người, rồi dương vật từ từ thu nhỏ lại, cuối cùng chui tọt vào bụng. Nếu không được chữa trị kịp thời, nạn nhân chắc chắn sẽ chết.
Ở Đông Nam Á vào năm 1967, dịch bệnh mất dương vật được ghi nhận là đã xảy ra trong vòng 10 ngày tại Singapore. Báo chí đồng loạt đưa tin hàng trăm người đã đột nhiên mắc Koro sau khi ăn thịt lợn chưa được tiêm vaccine. Sau đó 09 năm, tại Thái Lan, Koro lại bùng phát khiến 350 người mất dương vật. Nguyên nhân được đổ lỗi cho thực phẩm và thuốc lá tẩm độc được nhập khẩu nhằm hãm hại người Thái.
Châu Âu.
Tại châu Âu, ghi chép cổ nhất về hiện tượng Koro và nạn trộm dương vật là vào thời Trung cổ (từ thế kỷ V - XIII). Theo đó, những phù thủy đã cố tình dùng ma thuật, gây ra tội ác để làm trò mua vui. Biểu hiện của nó cũng tương tự như tài liệu người Trung Quốc cổ đại đề cập. Dịch mất dương vật được cho là hoành hành khắp châu Âu thời Trung cổ. Cuốn sách Malleus Maleficarum là một bản có ghi chép về Koro.
Văn hóa châu Âu cho rằng, nguyên nhân của sự việc là do các phù thủy gây ra. Trong bản chép tay của tác giả Malleus Maleficarum vào thế kỉ XV kể rằng, những mụ phù thủy ăn cắp dương vật, giấu chúng vào chiếc hộp. Những phù thủy muốn chơi đùa với dương vật của đàn ông. Sau đó, họ dùng phép di chuyển dương vật lơ lửng trong không trung mua vui trong khi đang ăn bỏng ngô. Nạn nhân nếu muốn lấy lại dương vật thì phải bắt được kẻ phạm tội và hỏa thiêu chúng.
Châu Phi.
Tại châu Phi, những vụ đánh cắp dương vật qua một lần bắt tay liên tiếp xảy ra trong vòng 2 thập kỷ, gây hoang mang và lo sợ cho người dân. Theo một lời kể lại, kẻ lạ mặt xuất hiện, mua một tách trà và bắt tay người chủ quán. Nạn nhân ngay lập tức thấy như một dòng điện chạy qua cơ thể và dương vật anh ta thì teo nhỏ lại như kích thước của một đứa trẻ. Kẻ lạ mặt thì biến mất lúc nào không hay.
Những vụ án lây lan như một dịch bệnh khắp Tây và Trung Phi khiến nhiều người đã không còn dám bắt tay chào hỏi người đối diện… Nigeria là mảnh đất phát sinh nạn ăn cắp dương vật ở châu Phi Không lâu sau đó, tại lục địa đen châu Phi, nạn ăn cắp dương vật cũng hoành hành. Bắt đầu từ Nigeria và Cameroon, nó nhanh chóng lan sang Ghana, Bờ Biển Ngà và Senegal. Các trường hợp nạn nhân đều có biểu hiện và triệu chứng như người bị Koro. Tất cả đều hoảng loạn, lo sợ và không còn dám ra đường.
Tại châu Phi, hung thủ được cho không ai khác là các phù thủy. Ma thuật được chúng dùng để ăn cắp dương vật người khác có tên ma thuật đen. Không chỉ tấn công đàn ông mà chúng còn ấy trộm cả bộ phận sinh dục và ngực của phụ nữ. | 1 | null |
Franz Josef Strauss (, ; 6 tháng 9 năm 1915 – 3 tháng 10 năm 1988) là một chính khách Đức. Ông là chủ tịch đảng CSU từ năm 1961 cho tới khi chết, bộ trưởng liên bang trong nhiều vị trí khác nhau và là thủ hiến của bang Bayern tới khi qua đời.
Tiểu sử và học vấn 1915–1939.
Franz Josef Strauß là người con thứ hai của nhà hàng thịt Franz Josef Strauß (1875–1949) và bà Walburga (1877–1962). Gia đình ông sống ở München từ năm 1904 tại đường Schellingstraße 49 vùng Maxvorstadt theo đạo công giáo và rất sùng đạo, bảo hoàng và có khuynh hướng chống lại nước Phổ, ủng hộ việc tách rời Bayern ra khỏi đế chế Đức.
Sau khi lấy bằng tú tài vào tháng 3 năm 1935 tại Maximiliansgymnasium ở München với số điểm cao nhất Bayern từ năm 1910, Strauß được học bổng của Stiftung Maximilianeum học làm giáo viên ngành cổ ngữ Âu châu và Lịch sử tại Ludwig-Maximilians-Universität München.
Thế chiến thứ Hai.
Trong thế chiến thứ Hai, từ tháng 8 năm 1939 ông phải đi lính. Tuy nhiên ông vẫn được tiếp tục thực tập khóa 1940/41 ở trường học và trở thành giáo viên. Đầu năm 1943, trong mặt trận miền Đông ông bị tê cóng chân lúc trở về, và được cho về München dạy học, đồng thời là sĩ quan chính trị. Chức vụ cao nhất của ông cho đến khi chiến tranh chấm dứt là thượng úy.
Sự nghiệp chính trị.
Ngay sau thời chiến.
Khi chiến tranh chấm dứt Strauß bị bắt, nhưng được xếp vào loại không hoạt động chính trị cho Đức Quốc xã. Sau đó ông làm việc như là thông dịch viên cho quân đội Hoa Kỳ, rồi được phong chức phó huyện trưởng huyện Schongau, bây giờ là một phần của huyện Weilheim-Schongau.
1946 ông cùng thành lập nhóm CSU huyện Schongau và được bầu làm huyện trưởng Schongau. Từ 1948 Strauß là thành viên của hội đồng kinh tế ở thành phố Frankfurt am Main, 1949 ông được Hans Ehard phong làm tổng bí thư đảng CSU. | 1 | null |
Sam and Cat là show truyền hình teen sitcom của Mỹ được phát sóng trên kênh Nickelodeon bắt đầu từ ngày 8 tháng 6 năm 2013. Đây là câu chuyện nối tiếp sau hai bộ phim "iCarly" và "Victorious". Các diễn viên chính trong phim bao gồm Jennette McCurdy trong vai Sam Puckett và Ariana Grande trong vai Cat Valentine. Hai cô gái tình cờ gặp nhau trong một cuộc phiêu lưu kỳ lạ và sau đó trở thành bạn chung nhà, kinh doanh nghề chăm sóc em bé để kiếm thêm tiền. Tại Việt Nam, bộ phim được phát sóng với tựa đề cùng tên.
Vào ngày 14/3/2014, chủ tịch Nickelodeon - Russell Hicks đã khẳng định sẽ có phần thứ 2 và phần này sẽ có 20 tập phim. Nhưng cũng trong tháng đó, Nickelodeon đã bàn bạc lại và làm cho các fan của chương trình nghĩ rằng Seri chỉ có duy nhất một phần. Sau khi chiếu xong tập 33, người xem phải đợi 3 tháng sau mới xem được 2 tập cuối của Seri này. Tồng số tập phim được làm là 36/40, nhưng chỉ chiếu đến tập 35. Tập cuối chiếu vào ngày 17/7/2014 trước khung giờ của lễ trao giải Nickelodeon Kids' Choice Sports Awards lần thứ nhất.
Kịch bản.
Sau khi Carly (iCarly) chuyển đến Ý, Sam đã đi phượt khắp miền Tây nước Mỹ và dừng chân tại Los Angeles. Ở đây, Sam gặp người bạn mới của mình là Cat Valentine (Victorious). Ban đầu Sam định đi ngay sau khi cứu Cat thì 2 người đã kiếm được một khoản tiền nhỏ bằng việc trông trẻ. Nên Sam quyết định ở lại và cùng Cat mở dịch vụ trông trẻ của 2 người.
Diễn viên chính.
- Jennette McCurdy (Sam Puckett)
- Ariana Grande (Cat Valentine)
- Cameron Ocasio (Dice)
- Maree Cheatham (Nona)
Ratings (tại Mỹ).
Tập đầu tiên (#Pilot) chiếu ngày 8/6/2013 đạt 4.2 triệu lượt xem. Tập thứ hai rớt xuống còn 2.6 triệu lượt xem. Tập được xem nhiều nhất (#TheKillerTunaJump: #Freddie #Jade #Robbie,) chiếu ngày 18/1/2014 đạt 4.8 triệu lượt xem. Tập ít người xem nhất (#SecretSafe) chiếu ngày 5/10/2013 với 2.0 triệu lượt xem.
Tên các tập phim.
Phần 1: 18 tập phim:.
Tập 1: #Tập_thử_nghiệm:.
Tình cờ quen nhau qua vụ tai nạn điên rồ trên xe rác, Sam và Cat nhanh chóng trở thành bạn. Và lập nên dịch vụ trông trẻ
Phần 2: 18 tập phim:.
Tập 4: #Cục_súc.
2 nhân vật chính phải khẳng định được rằng, từ cục súc có trong từ điển
18: #Sôđa_Blue_Dog.
= Công chiếu tại Việt Nam =
Hiện giờ trên Netflix đã có bản lồng tiếng và có cả phụ đề
Về YouTV Từ ngày 27/2/2021 họ đã công chiếu lại | 1 | null |
Phụ nữ Việt Nam là cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, tờ báo đại diện cho các tầng lớp phụ nữ cả nước gửi gắm tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của mình để phản ánh trước công luận. Các ấn phẩm của Báo Phụ Nữ Việt Nam mang đậm tính nhân văn, đề cập đến những vấn đề của phụ nữ nhưng lại là vấn đề chung của gia đình Việt Nam và của toàn xã hội. Vì vậy độc giả trung thành của báo Phụ Nữ Việt Nam không chỉ là phụ nữ mà cả nam giới.
Ngày 8/3/1948 là ngày truyền thống của báo Phụ nữ Việt Nam.
Địa chỉ: số 47 phố Hàng Chuối - phường Phạm Đình Hổ - quận Hai Bà Trưng - thành phố Hà Nội
Các sản phẩm truyền thông.
- Báo Phụ nữ Việt Nam (2 số/tuần)
- Ấn phẩm Thế giới Phụ nữ (1 số/tháng)
- Ấn phẩm Phụ nữ Việt Nam chuyên đề Dân tộc thiểu số và miền núi (2 số/tháng)
- Ấn phẩm Phụ nữ Việt Nam đối ngoại (bằng tiếng Anh, 1 số/3 tháng)
- Báo Phụ nữ Việt Nam điện tử (địa chỉ: http://www.phunuvietnam.vn)
- Trang thông tin điện tử dành cho phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài (địa chỉ: http://www.pnvnnuocngoai.vn).
Lịch sử hình thành.
Chặng đường phát triển của Báo Phụ nữ Việt Nam (từ khi thành lập đến nay)
""Ngày 8/3/1947, cơ quan Phụ nữ Trung ương đóng tại chiến khu Việt Bắc làm tờ báo tay của mình. Báo có truyện ngắn, ca dao, tiểu phẩm, tin hoạt động của Hội, những hình vẽ sinh hoạt của cơ quan… Trang trí báo, màu vàng tô bằng nghệ, màu đỏ tô bằng thuốc mercure chromen. Cách chỗ chúng tôi ở chừng 2km là lán ở của bác Hồ. Thỉnh thoảng chúng tôi được Bác gọi lên dự họp. Tờ báo tay của chúng tôi được đưa lên bác xem. Nhiều lần bác nhắc "Phụ nữ nên ra một tờ báo riêng". Ý bác rất hợp với nguyện vọng của chúng tôi. Đến giữa năm 1948, chị Hoàng Ngân, Hội trưởng Phụ nữ Liên khu Ba về thay chị Nguyễn Khoa Diệu Hồng lãnh đạo cơ quan Phụ nữ. Lúc này mới bàn được chuyện ra tờ báo. Với quyết tâm của chị Hoàng Ngân, chị Bội Hoàn (tức Tâm Kính) được cử làm thư ký toà soạn. Ban Biên tập gồm các chị Bội Hoàn, Anh Thơ, Thanh Thủy, Tâm Trung và tôi."
"Đúng ngày 19/8/1948, tờ báo Phụ nữ Việt Nam số một ra đời. Tờ báo in tipô, khổ nhỏ. Báo chỉ có 6 trang. Giấy báo đen xấu nhưng in chữ rất rõ nét. Trang đầu đăng bức thư viết tay của chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Hội phụ nữ. Bác động viên phong trào phụ nữ cả nước tham gia kháng chiến chống Pháp và sản xuất ở hậu phương...""
Chặng đường hơn 70 năm thành lập và phát triển đã chứng kiến nhiều lần đổi mới các sản phẩm truyền thông của báo Phụ nữ Việt Nam:
Báo tờ Phụ nữ Việt Nam
Năm 1952: Trước tình hình và nhiệm vụ mới của cách mạng Xã hội Chủ nghĩa ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà, Báo Phụ nữ Việt Nam đã chuyển thành 2 tờ với 2 đối tượng và nội dung khác nhau: Một tờ Phụ nữ Việt Nam dành cho chị em nông thôn, một tờ Tạp chí Phụ nữ Việt Nam dành cho chị em cán bộ, công nhân viên chức, tiểu thương, tư sản, nội trợ ở thành phố và các địa phương khác.
Giai đoạn 1955 - 1957: tờ Báo Phụ nữ Việt Nam thay đổi từ khổ nhỏ sang khổ to. Phát hành 1 tuần/1 số.
Mục Thanh Tâm được ra đời trong giai đoạn này do bà Huỳnh Thị Bông, người lấy bút danh Thanh Tâm, phụ trách.
Giai đoạn 1957 – 1960: Báo Phụ nữ Việt Nam phát hành mỗi tháng 1 số. Khổ 24,5cmx34,5 cm. Số trang là 16 trang.
Giai đoạn 1960 - 1973: Báo Phụ nữ Việt Nam phát hành mỗi tháng 1 số. Khổ nhỏ đi 18,5cmx25cm. Số trang tăng lên 36 trang.
Giai đoạn 1973 – 1980: Ngày 2/1/1973, tờ tuần báo PNVN đầu tiên ra đời với 16 trang, kích thước là 27cmx38cm.
Giai đoạn 1980 - 1990: Báo PNVN phát hành 1 tuần 1 số. Khổ báo thay đổi thành khổ to 28,5cmx41,5 cm. Số trang là 16 trang.
Giai đoạn năm 1990 – 1991: Báo PNVN thay đổi số trang từ 16 trang xuống còn 8 trang.
Giai đoạn hiện nay: Báo PNVN phát hành 1 tuần 3 số, khổ 28,5x42,5 cm. Số trang là 16 trang.
Chuyên san Hạnh phúc Gia đình:
Năm 1992 là năm ra đời ấn phẩm Hạnh phúc Gia đình.
Ấn phẩm Thế giới phụ nữ
1995 là năm ra đời ấn phẩm Thế giới Phụ nữ bản in đen trắng.
1997 là năm Thế giới Phụ nữ chuyển từ in đen trắng sang in mầu. Với thiết kế đẹp, hiện đại, nội dung chững chạc, nhân văn, Thế giới phụ nữ đã trở thành một hiện tượng của làng báo Việt Nam thời kỳ đổi mới. Thế giới Phụ nữ được xem là ấn phẩm đón đầu xu thế đổi mới của tạp chí Việt Nam theo hướng hiện đại, bắt kịp xu thế thế giới.
Chuyên đề Dân tộc thiểu số và Miền núi của Báo Phụ nữ Việt Nam
Từ tháng 9/2009, Báo Phụ nữ Việt Nam thường kỳ được cấp (không thu tiền) cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 975/QĐ-TTg ngày 20 tháng 7 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ.
Năm 2011, chuyên đề được cấp định kỳ đến Hội phụ nữ xã, Chi hội phụ nữ thôn bản của 69 huyện nghèo, Hội phụ nữ xã đặc biệt khó khăn, Chi hội phụ nữ thôn bản thuộc xã đặc biệt khó khăn, Chi hội phụ nữ thôn bản đặc biệt khó khăn thuộc các xã khu vực II, Hội Phụ nữ xã biên giới, Chi hội Phụ nữ thôn bản thuộc các xã biên giới nằm ngoài 69 huyện nghèo.
Từ năm 2011 đến nay, việc cấp phát Chuyên đề Dân tộc thiểu số và Miền núi của báo Phụ nữ Việt Nam tiếp tục được thực hiện theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Báo Phụ Nữ Việt Nam đối ngoại:
Phát hành 3 tháng/kỳ bằng tiếng Anh, phục vụ cho tác tổ chức, cá nhân quốc tế quan tâm tới Việt Nam và phụ nữ Việt Nam
Trang thông tin dành cho phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài
Ngày 31/3/2015, Trang thông tin dành cho phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài chính thức được hòa mạng với tên miền www.pnvnnuocngoai.vn. Với 9 chuyên mục lớn và 30 tiểu mục, Trang tin cung cấp, hỗ trợ, tư vấn, chia sẻ nguồn thông tin, kiến thức, tư liệu phong phú, thiết thực đối với phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là nhóm phụ nữ yếu thế. Trang tin cũng là diễn đàn chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của cộng đồng phụ nữ Việt Nam tại hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Báo Phụ nữ Việt Nam điện tử
Ngày 26/12/2015, Báo Phụ nữ Việt Nam điện tử chính thức ra mắt với tên miền http://www.phunuvietnam.vn.
Chức năng nhiệm vụ của tờ báo qua các thời kỳ.
1. Giai đoạn từ khi thành lập đến năm 1954
Từ năm 1946 Ban liên lạc phụ nữ Bắc bộ đã có tờ báo "Tiếng gọi phụ nữ" (là tiền thân của Báo Phụ nữ Việt Nam). Năm 1948 tờ báo Phụ nữ Việt Nam ra đời. Sau Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ nhất (năm 1950), Tư Hội LHPN Việt Nam đã định hướng nội dung và tổ chức tờ báo để tuyên truyền và lãnh đạo phong trào phụ nữ, đồng thời giáo dục hội viên, định hướng các cấp Hội coi tờ báo là cơ quan ngôn luận của mình.
2. Giai đoạn 1954 - 1975
Báo Phụ nữ Việt Nam là cơ quan ngôn luận của Hội LHPN Việt Nam có nhiệm vụ:
· Tuyên truyền, giáo dục và hướng dẫn các cấp Hội, động viên các tầng lớp phụ nữ phấn đấu thực hiện tốt các chính sách của Đảng, Nhà nước đề ra.
· Tuyên truyền, giáo dục đường lối quan điểm công tác phụ vận của Đảng, các chủ trương công tác Hội, động viên phụ nữ tích cực cống hiến cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, xây dựng CNXH.
· Hướng dẫn và trao đổi kinh nghiệm công tác phụ vận, công tác xây dựng Hội LHPN Việt Nam.
· Tuyên truyền gương đấu tranh của phụ nữ miền Nam, thành tích xây dựng và củng cố vùng giải phóng miền Nam. Cổ vũ phong trào phụ nữ miền Bắc học tập, ra sức chi viện cho cách mạng miền Nam.
· Tuyên truyền những thành tích hoạt động của phong trào phụ nữ miền Nam và phụ nữ quốc tế.
· Giới thiệu những gương anh hung, chiến sĩ thi đua, điển hình người tốt việc tốt trong phong trào phụ nữ.
· Đấu tranh thực hiện quyền nam nữ bình đẳng, đấu tranh bảo vệ quyền lợi phụ nữ và nhi đồng, bảm đảm thực hiện những chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước đã ban hành đối với phụ nữ
3. Giai đoạn 1975 – 1987
· Ngày 16/6/1976 Ban Thường vụ TW Hội ra Nghị quyết số 36/NQ thành lập Phòng liên lạc tòa soạn Báo PNVN tại TP Hồ Chí Minh có nhiệm vụ thay mặt tòa soạn Báo PNVN liên hệ với cộng tác viên trong việc đặt bài, in báo, quản lý tài sản của tòa soạn tại TP Hồ Chí Minh.
· Chức năng, nhiệm vụ của Báo không thay đổi so với giai đoạn trước.
Chức năng:
· Có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục, cổ vũ, hướng dẫn cán bộ và các quần chúng phụ nữ thực hiện đúng đắn các đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước và các chủ trương công tác Hội, đồng thời có nhiệm vụ làm cho cán bộ, quần chúng phụ nữ cũng như toàn xã hội hiểu và thông suốt các quan điểm phụ vận của Đảng, vận động tuyên truyền toàn xã hội ủng hộ những quan điểm và việc làm nhằm phục vụ sự nghiệp giải phóng phụ nữ.
Nhiệm vụ:
· Tuyên truyền, giáo dục, phụ nữ hiểu rõ đường lối và nhiệm vụ cách mạng XHCN, phấn đấu thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, các chủ trương công tác của Hội, tuyên truyền các thành tích của quần chúng và của tổ chức Hội phụ nữ để động viên chị em phấn đấu công tác ngày càng tốt hơn và phấn đấu thực hiện quyền làm chủ tập thể của mình.
· Tuyên truyền, giáo dục đường lối, quan điểm phụ vận của Đảng, động viên, cổ vũ phụ nữ ra sức học tập rèn luyện nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên môn. Trên cơ sở lao động và nâng cao kiến thức mà đấu tranh thực hiện quyền bình đẳng nam nữ trong gia đình và ngoài xã hội.
· Hướng dẫn phụ nữ biết xây dựng cuộc sống gia đình theo quan niệm mới, có quan điểm luyến ái, hôn nhân tiến bộ, vừa phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, phụ nữ Việt Nam vừa tiếp thu các kinh nghiệm và kiến thức mới, khoa học hiện đại để xây dựng và tổ chức gia đình, nuôi dạy con cái.
· Hướng dẫn phụ nữ phát huy các phẩm chất tốt đẹp của người lao động mới, đấu tranh cho các quyền lợi chính đáng về học tập, lao động, bảo vệ hạnh phúc gia đình. Tích cực hưởng ứng chủ trương của Đảng, tham gia đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực trong các bộ máy Nhà nước, các cơ quan Đảng, trong toàn xã hội để phát huy quyền hạn và khả năng làm chủ của người lao động, thực hiện dân chủ và công bằng xã hội.
· Hướng dẫn trao đổi công tác phụ vận, công tác xây dựng Hội, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nội dung sinh hoạt Hội.
· Tuyên truyền, phản ánh những hoạt động có ý nghĩa quốc tế của Hội và của quần chúng phụ nữ và thông tin cho phụ nữ Việt Nam những hoạt động và kinh nghiệm công tác của chị em các nước, tổ chức cho phụ nữ Việt Nam tham gia các phong trào chung của Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ thế giới.
4. Giai đoạn 1987 – 2007
· Ngày 31/3/1999 Đoàn Chủ tịch ra Quyết định số 65/QĐ-ĐCT sáp nhập Bộ phận Báo đối ngoại – Ban Quốc tế TW Hội vào Báo Phụ nữ Việt Nam từ ngày 1/4/1999.
Chức năng, nhiệm vụ của Báo được sửa đổi, bổ sung thêm 1 số nội dung cho phù hợp với tình hình mới. Cụ thể:
Chức năng:
· Tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của Hội đến các tầng lớp phụ nữ, cổ vũ, động viên, giáo dục chị em thi đua lao động sản xuất, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc, nuôi dạy con tốt, làm tròn nghĩa vụ người công dân.
Nhiệm vụ:
· Tuyên truyền rộng rãi đến các tầng lớp phụ nữ những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, chủ trương công tác Hội và phong trào phụ nữ.
· Phổ biến kiến thức, hướng dẫn phụ nữ xây dựng cuộc sống gia đình, nuôi dạy con tốt.
5. Giai đoạn 2007 – nay:
- Tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và của Hội đến các tầng lớp phụ nữ và bạn đọc trong cả nước; biểu dương các tập thể, cá nhân phụ nữ điển hình nhằm cổ vũ, động viên, giáo dục cán bộ, hội viên, phụ nữ thi đua lao động sản xuất, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc, nuôi dạy con tốt, làm tròn chức năng người bà, người mẹ, người chị trong gia đình.
- Tham mưu với Đảng Đoàn, Đoàn Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam trong công tác nắm tình hình tư tưởng, những vấn đề nóng, bức xúc của phụ nữ, góp phần thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ.
- Tổ chức tốt hoạt động xuất bản, kinh doanh.
- Chăm lo, cải thiện đời sống cán bộ, phóng viên, nhân viên.
Những dấu mốc quan trọng.
- Ngày 8/3 là ngày truyền thống của báo Phụ nữ Việt Nam – Cơ quan ngôn luận của Trung ương Hội LHPNVN.
- Năm 1955 là năm báo Phụ nữ Việt Nam xuất bản trở lại sau thời gian gián đoạn vì chiến tranh.
- 1 là số lực lượng anh hùng vũ trang nhân dân của báo. Đó là đồng chí Hoàng Ngân – Bí thư Thứ nhất ban chấp hành Phụ nữ Cứu quốc Việt Nam, phụ trách báo Phụ nữ Việt Nam và văn phòng Hội LHPNVN giai đoạn 1948 – 1950.
- 5 là số cán bộ, phóng viên của báo hi sinh trong các cuộc kháng chiến của dân tộc
- 8 là số chủ nhiệm, tổng biên tập, quyền tổng biên tập báo Phụ nữ Việt Nam trong 70 năm qua
- Ngày 6/3/1998 là Ngày Chủ tịch nước ký quyết định số 187 – KT/CT tặng thưởng Huân chương độc lập hạng Nhất cho báo Phụ nữ Việt Nam.
- Ngày 26/12/2015 là ngày báo Phụ nữ Việt nam điện tử chính thức ra mắt
- 10 là số sản phẩm truyền thông của báo Phụ nữ Việt Nam năm 2016. Đây là thời điểm báo Phụ nữ Việt Nam có sản phẩm truyền thông nhiều nhất trong hơn 70 năm qua.
Các đời Tổng biên tập.
Chủ nhiệm, Tổng biên tập, Quyền Tổng biên tập của Báo PNVN qua các thời kỳ:
1 - Chủ nhiệm tờ Tiếng gọi Phụ nữ (tiền thân của Báo Phụ nữ Việt Nam): Bà Hoàng Ngân (1921-1949)
2 – Phụ trách Báo Phụ nữ Việt Nam giai đoạn 1949 đến 1954 - Tổng biên tập báo Phụ nữ Việt Nam giai đoạn 1961 đến 1968: Bà Võ Ngọc Nghi
3 - Chủ nhiệm Báo Phụ nữ Việt Nam giai đoạn 1954 đến 1960: Bà Đinh Thị Cẩn
4 - Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Việt Nam giai đoạn 1968-1978: Bà Nguyễn Thị Như
5 - Tổng biên tập Báo Phụ nữ Việt Nam giai đoạn 1979 đến 1988: Bà Nguyễn Thị Thanh Hương
6 - Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Việt Nam giai đoạn 1988 đến năm 2008: Bà Nguyễn Thị Phương Minh
7 - Quyền Tổng Biên tập giai đoạn 2007 đến tháng 9/2009: Ông Trần Văn Thành
8 - Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Việt Nam giai đoạn từ 2010 đến nay: Bà Nguyễn Thị Thục Hạnh | 1 | null |
Gina Joy Carano (sinh ngày 16 tháng 4 năm 1982) là một nữ võ sĩ võ tự do và là người mẫu, diễn viên người Mỹ. Cô là một trong những nữ diễn viên hiếm hoi có xuất thân là một võ sĩ.
Sự nghiệp.
Cô bắt đầu sự nghiệp võ sỹ của mình với Muay Thái, nhanh chóng đạt thành tích 12 thắng, 1 hòa, 1 bại trước khi hạ knock-out Leiticia Pestova trong trận đấu MMA nữ đầu tiên tại Nevada. Hiện tại thành tích của Carano tại MMA là 7 thắng 1 bại và được tôn vinh là Biểu tượng của nữ quyền tại MMA.
Cô đã từng suýt bị loại khi tham gia tuyển diễn viên cho bộ phim Haywire nhưng Carano đã nhanh chóng chứng minh mình là một Jason Bourne phiên bản nữ khi bộ phim được công chiếu. Ngoài bộ phim Haywire, cô còn tham gia vai Crush trong series truyền hình American Gladiators, lồng tiếng cho trò chơi Command and Conquer: Red Alert 3 cũng như tham gia bộ phim Blood and Bone (2009).
Năm 2016 cô tham gia vai Angel Dust trong bộ phim Deadpool. | 1 | null |
là một trong những tác phẩm của Fujiko F. Fujio. Phim được phát sóng lần đầu trên TV Asahi bắt đầu từ ngày 2 tháng 5 năm 1991 và kết thúc vào ngày 26 tháng 3 năm 1992, phim gồm 39 tập, độ dài mỗi tập là 25 phút
Âm nhạc.
"Ooi! Kurumaya-san" của Ninja | 1 | null |
Still Fantasy (Tiếng Trung: 依然范特西; bính âm: "Yī Rán Fàn Tè Xī") là album phòng thu thứ 7 của ca sĩ người Đài Loan Châu Kiệt Luân. Album được phát hành ngày 5 tháng 9 năm 2006 bởi Alfa Music và phân phối bởi Sony Music Đài Loan.
Trước khi phát hành chính thức, album được lên kế hoạch ra mắt vào ngày 8 tháng 9. Tuy nhiên, Alfa Music đã quyết định đẩy lịch phát hành sớm 3 ngày do bản ghi âm album đã bị phát tán tại Đại lục bởi nhân viên công ty sản xuất, dẫn tới tình trạng tải nhạc và bán các album sao chép vi phạm bản quyền.
Album bao gồm ca khúc song ca "千里之外" (Faraway) với ca - nhạc sĩ nổi tiếng Đài Loan Phí Ngọc Thanh. 2 video ca nhạc "夜的第七章" (Twilight's Chapter Seven) và "心雨" (Heart's Rain) được thực hiện tại London, Anh.
Phản hồi.
Ngay sau khi xuất hiện, album đã nhanh chóng leo lên vị trí đầu tiên trong bảng xếp hạng hàng tuần G-Music Top 20 album tiếng phổ thông của Đài Loan và bảng xếp hạng Combo Charts tuần thứ 35 (1-7 tháng 9 năm 2006) với số lượng album tiêu thụ chiếm lần lượt tới 45,98% và 25,93 %. Still Fantasy bám trụ trên 2 bảng xếp hạng này 24 và 18 tuần, đồng thời trở thành album bán chạy nhất Đài Loan năm 2006 với 181000 bản được tiêu thụ.
Ca khúc "夜的第七章" (Twilight's Chapter Seven) được đề cử Top 10 Giai điệu vàng của kênh truyền hình Hồng Kông TVB8 năm 2006, trong khi 2 ca khúc khác là "本草綱目" (Herbalist's Manual) và "聽媽媽的話" (Listen to Mother's Words) được đề cử cho giải thưởng này năm 2007. Ca khúc "菊花台" (Chrysanthemum Terrace), nhạc phim Hoàng Kim Giáp đã thắng giải thưởng Ca khúc nhạc phim xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Hồng Kông lần thứ 26 tổ chức năm 2007.
Still Fantasy còn trở thành album tiếng phổ thông bán chạy nhất tại Hồng Kông năm 2006 được trao bởi IFPI Hồng Kông, đoạt giải Ghi âm của năm tại Giải thưởng Sina-Aokang tại Bắc Kinh, Giải thưởng lớn tại Lễ trao giải âm nhạc phổ thông Metro Radio năm 2007.
Ngoài ra tại giải thưởng Giai điệu vàng 2007, ca khúc "千里之外" (Faraway) được đề cử cho hạng mục Ca khúc xuất sắc nhất, và "紅模仿" (Red Imitation) được đề cử cho Đạo diễn video ca nhạc xuất sắc nhất.
Ca khúc.
1. "Twilight's Chapter Seven" 夜的第七章 (Yè De Dì Qī Zhāng)
Được biết đến ở Việt Nam với tên gọi: Chương Thứ 7 Của Đêm
Âm nhạc của ca khúc đầu tiên dựa trên dòng nhạc cổ điển đầu thế kỷ 20, kết hơn với R&B. Nhạc cụ được sử dụng bao gồm xylophones và cello, cũng như một số nhạc cụ dây khác. Một số hiệu ứng âm thanh đặc biệt được chèn vào như tiếng chạy của đồng hồ cơ học. Lời bài hát là một cuộc điều tra tại một địa danh Tây phương (Baker Street) và tháng 12 năm 1983 "December 1983". Về phần hòa âm, ca khúc chủ yếu là rap kết hợp với giọng nữ cao đoạn điệp khúc. Video của ca khúc này là video dài nhất của Châu Kiệt Luân, mô phỏng lại lời bài hát. Jay Chou cho biết nhân vật Sherlock Holmes của Conan Doyle chính là nguồn truyền cảm hứng để anh sáng tác ca khúc này. Đoạn điệp khúc trong Chương thứ 7 của đêm đã từng xuất hiện trong Two Lonely "两个寂寞" do nữ ca sĩ Đào Tinh Oánh thể hiện năm 2002, Jay cũng góp giọng trong ca khúc này với vai trò là một rapper.
2. "Listen to Mother's Words" 聽媽媽的話 (Tīng MāMā De Huà)
Được biết đến ở Việt Nam với tên gọi: Nghe Lời Mẹ
Ca khúc bắt đầu với một đoạn ngắn piano nhẹ nhàng, sau đó âm nhạc mạnh và dồn dập hơn khi giọng hát được cất lên. Tương tự ca khúc đầu tiên, Nghe lời mẹ chủ yếu là rap kết hợp với hát. Lời bài hát là cuộc nói chuyện giữa một thanh niên và một cậu bé về việc cậu nên lắng nghe lời mẹ ra sao.
3. "Faraway" 千里之外 (Qiān Lǐ Zhī Wài)
Được biết đến ở Việt Nam với tên gọi: Thiên Lý Chi Ngoại
Ca khúc song ca thứ 2 trong album là sự kết hợp cùng nam ca sĩ gạo cội Phí Ngọc Thanh. Jay Chou mở đầu bài hát theo phong cách thường thấy của mình, tiếp theo Phí Ngọc Thanh hát đoạn điệp khúc với giọng nam cao và theo phong cách thính phòng. Đây tiếp tục là một ca khúc "Trung Quốc phong" với sự kết hợp giữa nhạc R&B và nhạc cụ truyền thống của Trung Quốc là Ehru (phiên âm tiếng Hán là nhị hồ, nhạc cụ dây gần giống đàn nhị tại Việt Nam). Lời bài hát là một câu chuyện tình lãng mạn về chàng trai buộc phải rời xa người mình yêu, mang đậm hơi hướng thơ cổ Trung Quốc. Video ca khúc có sự tham gia của Phí Ngọc Thanh cùng Hạ Như Chi, diễn viên quen thuộc trong các clip của Jay Chou, bối cảnh là tại một rạp hát đầu thế kỷ thứ 20. Jay Chou đã thay tới 4 bộ trang phục chỉ để diễn xuất trong hơn 3 phút clip này. Phí Ngọc Thanh xuất hiện với vai trò ca sĩ hát trên sân khấu, không tham gia trực tiếp vào cốt truyện nội dung video.
4. "Herbalist's Manual" 本草綱目 (Běncǎo Gāngmù)
Tên ca khúc này là "Bản thảo cương mục", đề cập tới tác phẩm y khoa nổi tiếng của Trung Quốc do danh y Lý Thời Trân viết. Âm nhạc của ca khúc là sự hòa trộn giữa âm nhạc tổng hợp (synthesizer) của âm giai ngũ cung trên nền nhạc cụ truyền thống, thổi vào ca khúc một cảm xúc hiện đại hơn. Lời của "Bản thảo cương mục" thể hiện niềm kiêu hanh của người Trung Quốc, đồng thời có đề cập đến nhiều loại y dược cổ điển.
5. "Retreat" 退後 (Tuì Hòu)
Được biết đến ở Việt Nam với tên gọi: Thoái Hậu
Ca khúc có nhịp điệu chậm rãi cùng tiếng piano và guitar acoustic để bày tỏ cảm xúc. Lời của ca khúc là sự hối hận của một chàng trai không thể đưa mối quan hệ quay trở lại như ban đầu sau một số biến cố: "我知道我们都没有错 只是放手会比较好过 最美的爱情回忆里待續", tạm dịch: Anh biết lỗi lầm không thuộc về đôi ta, chỉ là chia tay sẽ tốt hơn cho cả hai. Tình yêu đẹp nhất là khi được lưu giữ trong hồi ức. Video của ca khúc được đạo diễn bởi Jay và có sự tham gia của Điền Phức Chân, cô ca sĩ xinh đẹp tài năng của nhóm nhạc nữ Đài Loan S.H.E
6. "Red Imitation" 紅模仿 (Hóng Mó Fǎng)
Là ca khúc duy nhất tính đến thời điểm phát hành của Jay có âm thanh từ tiếng guitar Tây Ban Nha. Lời bài hát nói lên tầm quan trọng của chủ nghĩa cá nhân. Trong Hồng Mô Phỏng, Jay cũng nhắc đến một số ca khúc trước đây của mình: "从娘子唱到双截棍东风破到发如雪" tạm dịch: Từ Nương Tử tới Song Kiệt Côn, từ Gió Đông Tan tới Tóc Như Tuyết.
7. "Heart's Rain" 心雨 (Xīn Yǔ)
Một ca khúc nhẹ nhàng, trầm lắng của album. Violin, cello và piano được sử dụng trong ca khúc cùng giọng hát thổn thức. Lời bài hát bày tỏ nỗi niềm của chàng trai bị cô gái bỏ rơi, hình ảnh cơn mưa ẩn dụ cho tình cảm của anh.
8. "White Windmill" 白色風車 (Bái Sè Fēng Chē)
Ca khúc R&B, với giai điệu từ tiếng đàn violin.
9. "Rosemary" 迷迭香 (Mídiéxiāng)
Ca khúc mang phong cách âm nhạc của Trung Quốc những năm 30, đồng thời giới thiệu Bossa Nova từ phương Tây với violin, cello và guitar tạo không khí cổ điển. Lời ca khúc mô tả sự hấp dẫn đến từ người phụ nữ thông qua những ấn tượng bề ngoài như sự mềm mại của hông, hình dáng đôi môi...Video ca khúc có sự tham gia của bà nội Jay.
10. "Chrysanthemum Terrace" 菊花台 (Júhuā Tái)
Được biết đến ở Việt Nam với tên gọi: Cúc Hoa Đài
Là ca khúc nhạc phim Hoàng Kim Giáp của đạo diễn Trương Nghệ Mưu, Cúc Hoa Đài mang phong cách âm nhạc truyền thống, với sự góp mặt của guzheng (cổ tranh - đàn tranh) kết hợp với tiếng violin và cello. Trong ca khúc này, Jay nhả chữ rõ ràng và không nuốt lời như các bài khác. Lời bài hát đậm tính thơ, sử dụng hình ảnh bông hoa cúc như một ẩn dụ của tình yêu "菊花殘 滿地傷 你的笑容已泛黃" (tạm dịch: Đóa cúc tàn, mong manh rơi xuống, nụ cười em nay cũng đã phai). | 1 | null |
"Diane Young" là một bài hát của ban nhạc indie rock Mỹ Vampire Weekend, từ album phòng thu thứ ba của họ "Modern Vampires of the City". Nó được phát hành như đĩa đơn đầu tiên từ album vào ngày 20 tháng 4 năm 2013 thông qua XL Recordings. Một đoạn video quảng bá cho bài hát gồm một chiếc xe Saab 900 cháy trong suốt thời gian của bài hát, được tải lên Vevo và YouTube vào ngày 18 tháng 3 năm 2013. Video chính thức cho bài hát được phát hành vào ngày 3 tháng 6 năm 2013.
Hiệu suất thương mại.
Cho đến nay, đĩa đơn đạt vị trí # 11 trên bảng xếp hạng Billboard Alternative Songs. Nó cũng đã đạt # 17 trên bảng xếp hạng Billboard Hot Rock Songs và # 50 trên UK Singles Chart.
Video âm nhạc.
Một đoạn video quảng bá cho "Diane Young", được đặt là "Official Stream", được đăng tải trên YouTube và VEVO vào ngày 18 tháng 3 năm 2013. Trong suốt thời gian chiếu của video, một chiếc xe Saab 900 bị bốc cháy. Video chính thức cho "Diane Young" đã được tải lên YouTube và Vevo vào ngày 3 tháng 6 năm 2013. Video được đạo diễn bởi Primo Kahn và gồm vài khách mời gồm có Santigold, Chromeo, Sky Ferreira, Despot, Dave Longstreth và Hamilton Leithauser từ The Walkmen. Cốt truyện của video đơn giản và chủ yếu tập trung vào một người đàn ông mặc Balaclava ngồi nhắn tin và dường như cảm thấy chán nản trong khi ban nhạc tương tác với các khách mời tại bữa tiệc tối biến thành một bữa tiệc hoang dã. Số lượng khách ăn tối (mười ba), cũng như vị trí của họ, và các thành phần chung, có vẻ như liên quan đến Bữa ăn tối cuối cùng của Leonardo da Vinci. | 1 | null |
Trần Hữu Thế (1922-1995), nhà khoa học, nhà giáo dục, và chính khách nổi tiếng của Việt Nam.
Ông sinh năm 1922 tại Mỹ Tho, mất năm 1995 tại Pháp; tiến sĩ khoa học (1952), từng dạy học ở Lyon (Pháp) và làm giáo sư ở Trường Đại học Khoa học thuộc Viện Đại học Sài Gòn; từ 1958 đến 1960 làm Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục của Việt Nam Cộng hòa; từng làm Đại sứ của Việt Nam Cộng hòa tại Philippines.
Dưới thời Bộ trưởng Trần Hữu Thế, số lượng học sinh, sinh viên gia tăng nhanh chóng, và nhiều cải tiến trong giáo dục đã được thực hiện. Cùng thời kỳ này, Đại hội Giáo dục Quốc gia (lần I) được tổ chức ở Sài Gòn vào năm 1958 chính thức hóa ba nguyên tắc nhân bản, dân tộc, và khai phóng làm nền tảng cho triết lý giáo dục Việt Nam Cộng hòa. | 1 | null |
Nguyễn Văn Trường (1930 – 2018) là nhà giáo và chính khách nổi tiếng người Việt Nam. Ông sinh năm 1930 tại Vĩnh Long; giáo sư tại Viện Đại học Huế; hai lần đảm trách chức vụ Tổng trưởng Bộ Văn hóa Giáo dục thời kỳ chuyển tiếp giữa Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng hòa. Ông là người tích cực vận động và đóng góp vào sự ra đời của Viện Đại học Cần Thơ vào năm 1966. | 1 | null |
"Life for Rent" là đĩa đơn thứ hai trích từ album phòng thu cùng tên thứ hai của nữ ca sĩ người Anh, Dido. Đĩa đơn được phát hành vào ngày 1 tháng 12 năm 2003 và đạt được thành công tại Anh, đạt đến vị trí thứ 8 trên UK Singles Chart. Đĩa đơn cũng rất thành công tại Châu Âu và Hoa Kỳ. Ca khúc được sử dụng trong bộ phim truyền hình dài tập Hoa Kỳ "Smallville" và "Nikita" | 1 | null |
"Don't Leave Home" là đĩa đơn thứ ba được phát hành tại Anh trích từ album phòng thu thứ hai của Dido, "Life for Rent". Bài hát được phát hành chính thức vào ngày 12 tháng 4 năm 2004. Mặc dù không thể tiến sâu hơn vị trí thứ 25 tại UK Singles Chart, bài hát vẫn ở nguyên vị trí đó trong vòng 9 tuần. Bài hat còn đạt đến vị trí đầu bảng tại bảng xếp hạng lượt nghe trên đài phát thanh vào đầu năm 2004.
Bối cảnh sản xuất.
"Don't Leave Home" nói về vấn đề nghiện ma tuý. Bài hát được sáng tác và trình bày theo ý tưởng khi chính ma tuý hát cho người nghiện nghe. Đây ban đầu là một bản thu thử được thự chiện cho album đầu tay của cô "No Angel" (1999), nhưng lại được dời lại cho album thứ hai này của cô. Ca khúc dược Dido và anh trai của cô, Rollo Armstrong viết và sản xuất.
Bài hát "Stoned".
Mặt B của đĩa đơn, ca khúc "Stoned", là một bài hát kể về câu chuyện của một mối quan hệ đổ vỡ bởi ma tuý. Ca khúc được chọn phát hành dưới dạng đĩa đơn quảng bá cho album. Phiên bản do Deep Dish phối lại đạt vị trí đầu bảng tại Hot Dance Club Songs.
Video âm nhạc.
Video âm nhạc cho "Don't Leave Home" bắt đầu với cảnh Dido đang lái xe trên một con đường tại một sa mạc lớn khi trời đang tối dần. Bỗng nhiên, cô tìm thấy một cánh rừng. Cô rời xe, bỏ lại hành lý của mình xuống đất và bước vào khu rừng. Một vài cảnh và phông nền xuất hiện do tác dụng của ma tuý, cánh rừng đầy nấm và ảo giác về nhện và rắn. Cô sau đó rời khu rừng và đến một tảng đá lớn như một cái vực cạnh đại dương. Cô hát một cách bình tĩnh khi đứng tại vực trước khi nhảy xuống đại dương và sau đó cô thấy mình đứng ở bờ cát trắng ở bờ biển. Video được quay tại Cape Town, Nam Mỹ.
Xếp hạng.
"Don't Leave Home"
"Stoned (Bản phối lại của Deep Dish)" | 1 | null |
"Sand In My Shoes" là đĩa đơn thứ tư và là đĩa đơn cuối cùng trích từ album phòng thu thứ hai của Dido, "Life for Rent". Đĩa đơn không thể hiện tốt ở thị trường Anh khi chỉ đạt vị trí thứ 29 tại UK Singles Chart nhưng đạt thành công tại thị trường Châu Âu và Hoa Kỹ. Dù vậy, ca khúc tìm được thành công tại Anh sau khi Above & Beyond phối lại nó. Phần lời diễn tả một người phụ nữ độc thân quay trở lại sự hối hả thường ngày sau kì nghỉ mát, trong khi hồi tưởng lại mối tình mà cô có trước đây. | 1 | null |
"Don't Believe in Love" là một bài hát nạhc Pop do ca sĩ người Anh Dido thể hiện. Bài hát được phát hành dưới dạng đĩa đơn đầu tiên trích từ album phòng thu thứ ba của cô, "Safe Trip Home" vào ngày 27 tháng 10 năm 2008.
Phát hành.
Bài hát được trình làng trên trạm phát thanh vào ngày 1 tháng 9 năm 2008 và được phát hành dưới dạng tải nhạc số ở nhiều nước tại khu vực Châu Âu vào ngày 29 tháng 9 năm 2008. Cùng ngày, bài hát cũng được phát hành tại Úc, trước khi được phát hành tại Anh vào ngày 27 tháng 10 năm 2008, và tại Đức ngày 31 tháng 10 năm 2008.
Video âm nhạc.
Video âm nhạc cho bài hát được ghi hình tại Los Angeles và được AlexandLiane làm đạo diễn. Video được ghi hình vào tháng 9 năm 2008 và được công chiếu trên tài khoản YouTube chính thức của Dido vào ngày 30 tháng 10 năm 2008, như là một phần trong chiến lược quảng bá "12 Ngày Giáng Sinh" của họ.
Xếp hạng.
Bài hát chỉ đạt đến vị trí thứ 54 tại UK Singles Chart, trở thành ca khúc có thứ hạng thấp thứ hai của cô, đứng sau "No Freedom". Ca khúc còn đạt vị trí thứ 2 tại Ý và thứ 20 tại Japan Hot 100, trong khi được chứng nhận 2 lần đĩa Bạch kim tại Ý. | 1 | null |
"Quiet Times" là bài hát theo thể loại Pop do ca sĩ Dido thể hiện, được phát hành dưới dạng đĩa đơn tải xuống thứ hai của album phòng thu, "Safe Trip Home" và là đĩa đơn thứ ba trong tổng thể. Đĩa đơn được phát hành độc quyền tại Úc và nhiều quốc gia Đông Âu khác. Ca khúc này được viết tặng cho bố cô, người qua đời vào năm 2006. Ca khúc có nằm trong nhiều bộ phim truyền hình dài tập như "Ghost Whisperer", "One Tree Hill" và "Grey's Anatomy". | 1 | null |
"Let Us Move On" là ca khúc của nữ ca sĩ kiêm nhạc sĩ người Anh, Dido, có phần góp giọng của nghệ sĩ hip hop người Mỹ, Kendrick Lamar. Ca khúc được phát hành tại thị trường Anh Quốc ngày 17 tháng 12 năm 2012 dưới dạng đĩa đơn quảng bá cho album phòng thu thứ tư của cô, "Girl Who Got Away" (2013). Ca khúc do Kendrick Lamar, Dido Armstrong, Rollo Armstrong, Jeff Bhasker và Pat Reynolds sáng tác.
Bối cảnh sản xuất.
Dido nói về ý nghĩa của bài hát khi đăng trên tài khoản Twitter của mình: "Just that life is long and bad times will pass x"
Video ca nhạc.
Video lời nhạc.
Video phần lời được ra mắt trên YouTube ngày 18 tháng 12 năm 2012, với độ dài bốn phút 21 giây.
Những người thực hiện.
Phần này được ghi lại từ album "Girl Who Got Away". | 1 | null |
"No Freedom" là ca khúc do ca sĩ kiêm nhạc sĩ người Anh, Dido thể hiện. Ca khúc được phát hành vào ngày 18 tháng 1 năm 2013 dưới dạng đĩa đơn đầu tay từ album phòng thu thứ tư của cô, "Girl Who Got Away" (2013). Ca khúc được viết và sản xuất bởi Dido Armstrong và Rick Nowels, trong khi Rollo Armstrong có tham gia đồng sản xuất nó. "No Freedom" là một bản acoustic ballad, với hơi hướng của folk pop.
Lời bài hát nói về tính quan trọng của việc cho một người tự do trong một mối quan hệ. "No Freedom" nhận được nhiều phản ứng tích cực từ phía các nhà phê bình âm nhạc, khi tán dương phần âm thanh mượt mà, mộc mạc nhưng rất đẹp của bài hát. Ca khúc đđạt đến vị trí thứ 51 tại UK Singles Chart, cùng các bảng xếp hạng tại Bỉ, Pháp, Đức, Hà Lan và Thuỵ Sĩ.
Bối cảnh sản xuất.
"No Freedom" được viết và sản xuất bởi Dido và Rick Nowels, người trước đây tham gia hợp tác trong bản nhạc ăn khách, "White Flag" của cô, trong khi Rollo Armstrong tham gia đồng sản xuất nó. Ca khúc được viết lúc Dido đang mang thai đứa con trai đầu lòng của cô, Stanley và được thu âm ngay trước khi cô sinh Stanley. Cô thu ca khúc này ở Los Angeles, Hoa Kỳ tại phòng thu Rick Nowels và hoàn thành ca khúc tại nhà cùng với anh trai Rollo Armstrong của mình.
Trước lúc phát hành đĩa đơn, một đoạn nhạc từ bản phối lại của DJ COBRA bị tuồn lên Internet. Giai điệu của bản đó hoàn toàn khác so với bản gốc. Sau đó, Dido giải thích trên tài khoản Twitter của mình, DJ COBRA đưa nhầm bản thu thử phối lại cũ thay vì bản gốc.
Lời bài hát nói về một chuyện tình đau khổ. Theo Dido, lời bài hát còn có ý nghĩa nhiều hơn là chỉ ở tình yêu. Đoạn điệp khúc, "No freedom without love" nhận được nhiều phản hồi từ nhóm chống đối tại Syria. Dido có chia sẻ với BBC News sau khi phát hành đĩa đơn này, cô nhận được nhiều "lá thư từ những người đang ở giữa chiến tranh." Ca khúc là một bản folk pop, cùng với tiếng đàn guitar acoustic, có hơi hướng reggae và có tiết tấu trung hoà vào giọng mộng mị của Dido.
Ý kiến chuyên môn.
"No Freedom" nhận được nhiều nhận xét tích cực từ phía các nhà phê bình âm nhạc. Caroline Sullivan of "The Guardian" cho nhận xét rất tích cực, khẳng định "Phần guitar nhẹ nhàng, cùng phần tiết tấu trung và Dido chưa bao giờ nghe thật thơ thẩn đến thế..." Bernard Perusse của "Montreal Gazette" gọi nó "mộc mạc, nhưng đẹp đẽ." Elliot Robinson từ "So So Gay" viết ca khúc này đại diện cho cả album, gọi nó "bắt tai một cách dễ chịu và nhẹ nhàng một cách thú vị."
Chuck Campbell của "Knoxville.com" tán dương "sở trường của Dido trong các giai điệu bắt tai" và viết đây là một bài hát "mở đầu album mộc mạc, đậm chất acoustic, lôi được nhiều xúc cảm khi cô hát." Nick Levine của "BBC Music" gọi nó là "một bản đậm chất gây mê." Tim Ferrar của "Recording Connection" gọi nó là "một trong những bản dịu dàng nhất trong album."
Diễn biến trên các bảng xếp hạng.
Ngày 3 tháng 3 năm 2013, ca khúc mở đầu tại UK Singles Chart ở vị trí thứ 69 và leo lên 18 hạng để lên vị trí thứ 51 ở tuần tiếp theo. Ngày 10 tháng 3 năm 2013, ca khúc đi vào Swiss Singles Chart tại vị trí thứ 47 và tăng đến vị trí thứ 28 trong tuần tiếp theo. Ngày 16 tháng 3 năm 2013, ca khúc mở đầu tại French Singles Chart ở vị trí thứ 64. Ca khúc cũng vào German Singles Chart ở vị trí thứ 64, leo lên vị trí thứ 59 trong tuần tiếp theo. Tại Dutch Singles Chart, ca khúc leo lên vị trí 98 ngày 9 tháng 3 năm 2013, trước khi rơi xuống vị trí 100 trong tuần tiếp theo Ca khúc cũng được xếp hạng tại Bỉ.
Video ca nhạc.
Bối cảnh.
Video ca nhạc được phát hành trên YouTube ngày 4 tháng 3 năm 2013 với độ dài 3 phút 15 giây. Video ca nhạc được Ethan Lader làm đạo diễn và ghi hình ở Los Angeles vào ngày 9 tháng 12 năm 2012.
Trình diễn trực tiếp.
Trong tháng 2 năm 2013, cô trình bày ca khúc này trực tiếp trong chương trình talk show đêm khuya của Mỹ Jimmy Kimmel Live!, cô cũng trình diễn luôn ca khúc "White Flag". Ngày 1 tháng 3 năm 2013, cô có trình diễn ca khúc này trực tiếp trên chương trình talkshow Skavlan. và tại "This Morning" ngày 7 tháng Ba.
Những người thực hiện.
Phần này được ghi lại từ album "Girl Who Got Away". | 1 | null |
"End of Night" là ca khúc của nữ ca sĩ kiêm sáng tác người Anh Dido. Ca khúc được phát hành vào ngày 5 tháng 5 năm 2013 dưới dạng đĩa đơn thứ hai từ album phòng thu thứ 4, "Girl Who Got Away" (2013). Ca khúc được Dido và Greg Kurstin sáng tác.
Video âm nhạc.
Bối cảnh.
Một video lời nhạc cho ca khúc được đăng tải lên YouTube ngày 26 tháng 3 năm 2013 với độ dài 4 phút. Video âm nhạc chính thức được phát hành trên YouTube ngày 28 tháng 4 năm 2013 với độ dài 3 phút 29 giây.
Nội dung.
Video được thực hiện với cảnh Dido bước đi trong căn biệt thự với nhiều vũ công xung quanh. Video bắt đầu với cảnh của căn biệt thự rồi cảnh Dido ngồi hát ở gường cùng với một vũ công đứng sau lưng cô, sau đó cô bước ra khỏi phòng và đến một căng phòng khác đầy vũ công, sau đó cô tiếp tục ra khỏi căn biệt thự, nơi có nhiều vũ công hơn nữa.
Trình diễn trực tiếp.
Tháng 4 năm 2013, Dido trình diễn "End of Night" trực tiếp lần đầu tiên tại một chương trình đàm thoại hài đêm khuya của Đức Sau đó cô trình diễn ca khúc này tại chương trình truyền hình của Đức vào ngày 23 tháng 4. Cô trình diễn ca khúc này lần nữa ở một chương trình truyền hình của Anh vào ngày 30 tháng 4 năm 2013.
Những người thực hiện.
Phần này được ghi lại từ bìa sau album "Girl Who Got Away". | 1 | null |
"Everything to Lose" là ca khúc được phát hành bởi nữ ca sĩ người Anh, Dido, dưới dạng đĩa đơn trích từ nhạc phim của bộ phim "Sex and the City 2" và đã được công bố trên kênh YouTube chính thức của Dido vào ngày 9 tháng 5 năm 2010. Bài hát đã được phát trên các trạm đài phát thanh vào ngày 4 tháng 6 năm 2010. Sau đó nó đã được phát hành dưới dạng tải nhạc số ở Anh vào ngày 7 tháng 9 năm 2010, cùng với bản phối lại của Armin Van Buuren, ATFC và Fred Falke. Ca khúc đã đạt vị trí thứ 16 tại Italian Digital Singles Chart, và tại Japan Hot 100 là vị trí thứ 58 và vị trí thứ 84 ở ARIA Singles Chart. Không một CD nào được phát hành. Dido đã xác nhận trên tài khoản Twitter chính thức là ca khúc này không nằm trong album thứ 4 sắp tới của cô. | 1 | null |
"White Flag" là một bài hát của nghệ sĩ thu âm người Anh quốc Dido nằm trong album phòng thu thứ hai của cô, "Life for Rent" (2003). Nó được phát hành vào ngày 1 tháng 9 năm 2003 như là đĩa đơn đầu tiên trích từ album bởi Arista Records. Bài hát được viết lời và sản xuất bởi Dido và Rollo Armstrong, với sự tham gia hỗ trợ viết lời từ Rick Nowels, những cộng tác viên quen thuộc trong sự nghiệp của cô. Đây là một bản pop mang giai điệu chậm, với nội dung thể hiện mong muốn không từ bỏ mối quan hệ tình cảm của một người phụ nữ, ngay cả khi cô ấy biết mối quan hệ của cô đã không thể cứu vãn. Trong một cuộc chiến, lá cờ trắng tượng trưng cho sự đầu hàng. Bằng cách khẳng định "sẽ không có lá cờ trắng nào," cô ngụ ý mình sẽ không phủ nhận mối quan hệ hay giả vờ nó chấm dứt nữa.
Sau khi phát hành, "White Flag" nhận được những phản ứng tích cực từ các nhà phê bình âm nhạc, trong đó họ đánh giá cao giai điệu đẹp cũng như dễ nghe của nó. Bài hát còn gặt hái nhiều giải thưởng và đề cử tại những lễ trao giải lớn, bao gồm chiến thắng một giải Brit cho Đĩa đơn Anh quốc của năm tại lễ trao giải thường niên lần thứ 24 và một đề cử giải Grammy cho Trình diễn giọng pop nữ xuất sắc nhất tại lễ trao giải thường niên lần thứ 46. "White Flag" cũng đạt được những thành công vượt trội về mặt thương mại, đứng đầu các bảng xếp hạng ở Úc, Áo, Đức, Ý và Na Uy, và lọt vào top 10 ở hầu hết những quốc gia nó xuất hiện, bao gồm vươn đến top 5 ở nhiều thị trường lớn như Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Ireland, Hà Lan, Thụy Điển, Thụy Sĩ và Vương quốc Anh. Tại Hoa Kỳ, nó đạt vị trí thứ 18 trên bảng xếp hạng "Billboard" Hot 100, trở thành đĩa đơn thứ hai trong sự nghiệp của Dido lọt vào top 20 tại đây, và được chứng nhận đĩa Vàng từ Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Mỹ (RIAA).
Video ca nhạc cho "White Flag" được đạo diễn bởi Joseph Kahn và có sự tham gia diễn xuất của David Boreanaz, trong đó miêu tả câu chuyện về một mối quan hệ đã chấm dứt, mặc dù vẫn còn yêu nhau nhưng luôn tránh mặt nhau, và họ vẫn giữ hình ảnh của đối phương ở nhà mỗi người. Để quảng bá bài hát, Dido đã trình diễn nó trên nhiều chương trình truyền hình và lễ trao giải lớn, bao gồm "Good Morning America", "Late Show with David Letterman", "The Tonight Show with Jay Leno", "Top of the Pops" và Giải Âm nhạc châu Âu của MTV năm 2003. Được ghi nhận là một trong những bài hát trứ danh của Dido, "White Flag" đã xuất hiện trong nhiều bộ phim tác phẩm điện ảnh và truyền hình, như "Smallville", "The Inbetweeners", "Medium", "The Sopranos", "Tru Calling", "Cold Case", "Winners & Losers", và "Perfect Stranger". Ngoài ra, Carly Rae Jepsen cũng thể hiện bài hát trong "Canadian Idol". | 1 | null |
Nguyễn Toàn An (1449 hoặc 1450-?) hay còn gọi là Nguyễn An hay Nguyễn Kim An là nhà Nho học người Việt Nam. Quê ông hiện nay là xã Thời Cử , huyện Đường An, tỉnh Hải Dương. Ông đỗ Bảng nhãn dưới triều vua Lê Thánh Tông. Con đường đến với công danh của ông cũng thật đặc biệt: vừa bất ngờ những cũng ngắn ngủi.
Từng là người lính.
Vào thời vua Lê Thánh Tông (1460-1497). Thánh Tông là vị minh quân văn võ song toàn. Ngoài thì bình Chiêm mở mang bờ cõi, trong thì sửa sang cải cách nội trị, nên dân giàu nước mạnh, an lạc hoan ca. Với tài năng xuất chúng, vua lập ra Hội Tao đàn, quy tụ 28 người văn chương lỗi lạc nhất thời bấy giờ, gọi là Nhị thập bát tú (28 vì tinh tú của văn học trời Nam) do vua làm nguyên súy. Những lúc rảnh rỗi, họ cùng nhau xướng họa ngâm vịnh thơ ca, rồi bình phẩm, chắt lọc bài hay, ghi chép cho đời.
Vào một ngày Trung thu, vua bày tiệc rượu thưởng trăng ở vườn Ngự Uyển, đông đủ các quan viên và Nhị thập bát tú được mời dự. Tiếc thay, hôm ấy bầu trời lại nhiều mây nên chẳng thể ngắm được trăng. Không để hỏng cuộc vui, vua liền truyền:
-Không có trăng, thì hãy lấy đó làm đề tài. Các khanh cứ làm thơ, chủ đề là "Trung thu vô nguyệt" (Trung thu không trăng).
Trong lúc mọi người còn đang ngẫm nghĩ chọn tứ thả vần chợt thấy một câu lính trẻ dấn bước lên Vọng Nguyệt lâu, quỳ xuống trước mặt vua, hai tay dâng bài thơ vừa làm xong. Thấy thế, nhiều người ồ lên chế giễu:
-Lính mọn cũng bày đặt làm thơ.
-Rõ là "Đánh trống qua cửa nhà sấm" mà.
-Hắn mộng làm tao nhân mặc khách đấy.
Còn nhà vua thì vẫn bình tĩnh đón nhận bài thơ rồi xem. Rồi, vua cười rạng rỡ, khen nức nở:
-Thật không ngờ, chú lính nhỏ mà tài năng không nhỏ.
Mọi người ngạc nhiên, xin được nghe thơ. Vua giơ cao bài thơ, truyền:
-Bài này đáng liệt vào hàng tuyệt tác, lưu vào thi tập.
Vua cất giọng đọc thơ, tỏ vẻ tâm đắc với hai câu kết của nó vì chứa chí khí cao vời của chú lính kia, nên cứ ngâm nga mãi:
Nghĩa là:
Mọi người trầm trồ thán phục. Hỏi ra mới biết người lính đó chính là Nguyễn Toàn An, phải sung quân theo sổ đinh của làng, được chọn vào cung làm tạp dịch dọn cỏ, chăm sóc ngự viện.
Vốn là người trọng dụng nhân tài, Thánh Tông liền ban hồng ân xuống chiếu đặc cách cho Toàn An trở về quê để ăn học, mai sau thành người hữu dụng. Nhà vua đã xuất ngũ cho người lính trẻ, chu cấp tiền gạo cho người đó.
Con đường công danh.
Chiếm được bảng vàng.
Không phụ lòng mong đợi của nhà vua, Nguyễn Toàn An đi thi vượt qua kỳ thi Hương, thi Hội và thi Đình. Ông đã đỗ Bảng nhãn. Khi ấy Toàn An 22 hoặc 23 tuổi.
Lệ xưa nghiệt ngã.
Đại đăng khoa rồi tiểu đăng khoa, đỗ đạt được ban quan chức, về quê lấy vợ. Những việc hỷ sự đó dồn dập đến, tưởng chừng như đười đời xán lạn đang mở ra trước mắt cho Nguyên Toàn An vững bước. Nhưng không! Tai họa bất ngờ đổ ụp xuống con người bạc mệnh này.
Số là đỗ đạt làm quan chưa bao lâu thì mẹ của Toàn An mất. Luật lệ thời ấy rất khắc nghiệt, cha mẹ mất thì người con trai phải chống gậy mặc áo vải sô để tang 3 năm, gọi là Trảm Thôi. Trong 3 năm tuyệt đối không được gần gũi vợ, vợ không được thụ thai, để tỏ lòng hiếu kính với người đã khuất. Nếu không sẽ bị xử rất nặng. Toàn An vốn là đứa con có hiếu nên một lòng thờ mẹ, sống cách ly với vợ. Rồi, 3 năm ấy cũng kết thúc cũng là lúc Toàn An lâm trọng bệnh, chẳng bao lâu thì mất.
Sự ra đi đột ngột của ông đã khiến ai cũng phải ngậm ngùi tiếc nuối một văn tài sớm lặn tắt, không người kế nghiệp. Vua Lê Thánh Tông đã nhận ra luật trên là khắc nghiệt và phi lý, gây hậu quả khó lường. Nên khi soạn bộ Hồng Đức quốc triều hình luật, vua đã xóa bỏ điều này.
Đời sau thương tiếc.
Lê Quang Bí, người được mệnh danh là Tô Vũ nước Nam cùng quê với Nguyễn Toàn An, biết chuyện liền dâng tràn cảm xúc, làm thơ viếng, trong đó có câu thơ trách oán luật lê hà khắc trên:
Nghĩa là: "Đau nỗi cư tang cấm thụ thai"
Kết luận.
Nguyễn Toàn An, tuy là một anh lính cắt cỏ, nhưng đã trở thành một tấm gương hiếu học, đầy chí khí như bài thơ trong đêm Trung thu không trăng. Tuy cuộc đời có ngắn ngủi, nhưng ông xứng đáng để chúng ta noi theo. | 1 | null |
USS "Drayton" (DD-366) là một tàu khu trục lớp "Mahan" được Hải quân Hoa Kỳ chế tạo vào giữa những năm 1930. Nó là chiếc tàu chiến thứ hai của Hải quân Hoa Kỳ được đặt tên theo Đại tá Hải quân Percival Drayton (1812-1865), người tham gia cuộc Nội chiến Hoa Kỳ. Nó đặt căn cứ tại Thái Bình Dương, hoạt động tuần tra và hộ tống trước và trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, nhưng đã không có mặt tại Trân Châu Cảng vào lúc diễn ra cuộc tấn công vào ngày 7 tháng 12 năm 1941, và đã tiếp tục hoạt động cho đến khi chiến tranh kết thúc. "Drayton" được cho ngừng hoạt động năm 1945 và bị bán để tháo dỡ vào năm 1946.
Thiết kế và chế tạo.
"Drayton" được đặt lườn vào ngày 20 tháng 3 năm 1934 tại xưởng tàu của hãng Bath Iron Works ở Bath, Maine. Nó được hạ thủy vào ngày 26 tháng 3 năm 1936, được đỡ đầu bởi cô B. E. Drayton, cháu gái bốn đời của Đại tá Drayton; và được đưa ra hoạt động vào ngày 1 tháng 9 năm 1936 dưới quyền chỉ huy của Hạm trưởng, Trung tá Hải quân R. G. Pennoyer.
Lịch sử hoạt động.
Sau chuyến đi chạy thử máy đến Châu Âu từ ngày 6 tháng 10 đến ngày 5 tháng 12 năm 1936, "Drayton" trải qua đợt sửa chữa và nghiệm thu trước khi khởi hành từ Norfolk, Virginia vào ngày 6 tháng 6 năm 1937 để gia nhập Lực lượng Tuần tiễu tại San Diego, California vào ngày 19 tháng 6. Đến ngày 4 tháng 7, nó lên đường tham gia cuộc tìm kiếm vô vọng nữ phi công Amelia Earhart bị mất tích tại Thái Bình Dương, rồi tham gia các cuộc cơ động tại Trân Châu Cảng cho đến khi quay trở về San Diego vào ngày 30 tháng 7. Trong hai năm tiếp theo sau, nó thực hành ngoài khơi vùng bờ Tây, vùng biển Hawaii và tại vùng biển Caribe. Cảng nhà của nó được chuyển đến Trân Châu Cảng vào ngày 12 tháng 10 năm 1939; khi chiến tranh ngày càng ác liệt tại châu Âu, nó tiếp nối các cuộc thực hành và thực tập chiến thuật cho tư thế sẵn sàng của hạm đội.
Đang trên đường đi để hộ tống cho tàu sân bay thuộc Lực lượng Đặc nhiệm 12 khi Hải quân Nhật bất ngờ tấn công vào ngày 7 tháng 12 năm 1941, "Drayton" cùng lực lượng quay trở về Trân Châu Cảng vào ngày 13 tháng 12 sau khi truy tìm lực lượng tấn công không có kết quả. Từ ngày 24 tháng 12 năm 1941 đến ngày 7 tháng 1 năm 1942, nó hộ tống một đoàn tàu vận tải đi đến đảo Christmas, thực hiện hai đợt tấn công chống tàu ngầm trên đường đi. Bốn ngày sau, nó lên đường trong thành phần hộ tống cho tàu sân bay cho một cuộc không kích lên Bougainville vào ngày 20 tháng 2, và quay trở về Trân Châu Cảng vào ngày 24 tháng 2. Sau khi hộ tống một tàu chở dầu đi đến cảng Suva thuộc quần đảo Fiji, nó lên đường quay về lục địa Hoa Kỳ vào ngày 25 tháng 3, đi đến San Pedro, California vào ngày 5 tháng 4, và tham gia các nhiệm vụ tuần tra và huấn luyện dọc theo bờ Tây cho đến ngày 1 tháng 8 năm 1942.
"Drayton" khởi hành từ Trân Châu Cảng vào ngày 17 tháng 11 năm 1942 để hoạt động tại khu vực quần đảo Solomon. Nó xuất phát từ Espiritu Santo vào ngày 29 tháng 11 cùng với Lực lượng Đặc nhiệm 67 để đánh chặn một lực lượng Hải quân Nhật đang hộ tống các tàu vận tải trên đường chở quân tăng viện cho Guadalcanal. Đêm đó, các tàu chiến Hoa Kỳ đụng độ dữ dội với đối phương ngoài khơi Tassafaronga, và khi trận chiến qua đi, "Drayton" đã vớt 128 người sống sót, bao gồm hạm trưởng, từ chiếc tàu tuần dương hạng nặng , và quay trở về Espiritu Santo vào ngày 2 tháng 12. Nó tiếp tục hoạt động trong chiến dịch Quần đảo Solomon, bắn phá Munda, New Georgia, và bảo vệ các tàu vận tải hướng đến quần đảo Russell. Nó hộ tống các tàu vận tải đã chất dỡ hàng đi đến Wellington, New Zealand, rồi quay trở lại Nouméa vào ngày 7 tháng 3 năm 1943 để thực tập và tuần tra cùng với Lực lượng Đặc nhiệm 64.
"Drayton" khởi hành từ Nouméa vào ngày 13 tháng 5 năm 1943 trong thành phần hộ tống một đoàn tàu vận tải, và đi đến Townsville, Australia bốn ngày sau đó. Trong suốt mùa Hè, nó hộ tống các tàu vận tải Australia chuyển quân từ Townsville đến vịnh Milne cho hoạt động quân sự kéo dài trên đảo New Guinea rộng lớn. Nó tuần tra và bắn pháo hỗ trợ cho cuộc đổ bộ ban đầu lên Lae, New Guinea vào ngày 4 tháng 9, và bắn phá Finschhafen vào ngày 22 tháng 9. Sau khi được đại tu ngắn tại Brisbane, Australia, "Drayton" quay trở lại khu vực New Guinea, hộ tống các tàu vận tải đi đến Arawe, New Britain, cho các cuộc đổ bộ vào ngày 15 tháng 12, và bảo vệ cho cuộc đổ bộ thủy quân lục chiến gần mũi Gloucester vào ngày 26 tháng 12. Nó hộ tống các tàu vận chuyển cao tốc từ Buna Roads cho cuộc chiếm đóng Saidor vào ngày 2 tháng 1 năm 1944, và ngoài một chuyến đi ngắn đến Sydney để tiếp liệu, nó tiếp tục làm nhiệm vụ tuần tra và hộ tống cho chiến dịch chiếm đóng quần đảo Bismarck.
"Drayton" chuyển binh lính cho việc chiếm đóng đảo Los Negros thuộc quần đảo Admiralty. Tại đây nó tham gia bắn phá vào ngày 29 tháng 2 năm 1944 và tiếp tục hỗ trợ hỏa lực cho lực lượng trên bờ. Nó quay trở lại với lực lượng tăng viện từ vịnh Milne vào ngày 4 tháng 3, và bắt đầu hoạt động như sở chỉ huy cho Sĩ quan Kiểm soát Tàu đổ bộ tại khu vực Admiralties. Nó tham gia bắn phá đảo Pityilu vào ngày 12 tháng 3, rồi lên đường đi Seeadler Harbor thuộc đảo Manus hộ tống một đoàn tàu đổ bộ LST trước khi quay trở lại New Guinea. Chiếc tàu khu trục khởi hành từ vịnh Milne, New Guinea vào ngày 22 tháng 3, hộ tống các tàu vận chuyển đi đến đảo Canton trên đường đi về vùng bờ Tây. Sau khi được đại tu tại San Francisco, California, nó tiến hành huấn luyện tại Trân Châu Cảng trước khi đi đến Eniwetok vào ngày 8 tháng 8. Trong hai tháng tiếp theo, nó tuần tra ngoài khơi Maloelap, Wotje, Jaluit và Mille, các đảo san hô do quân Nhật chiếm đóng bị bỏ qua tại quần đảo Marshall.
"Drayton" trình diện để hoạt động cùng Đệ thất Hạm đội tại vịnh Humboldt, New Guinea vào ngày 20 tháng 10 năm 1944. Năm ngày sau, nó lên đường làm nhiệm vụ tuần tra và hộ tống tại khu vực chiến sự mới ở vịnh Leyte, đến nơi vào ngày 29 tháng 10. Các hoạt động của nó bao gồm một chuyến đi đến New Guinea để hộ tống các tàu vận tải chuyên chở lực lượng tăng cường. Vào ngày 6 tháng 12, đang khi hộ tống một đoàn tàu LCM và LCI đi đến vịnh San Pedro, "Drayton" bị một máy bay ném bom hai động cơ tấn công, và một quả bom ném suýt trúng đã khiến hai thành viên thủy thủ đoàn thiệt mạng và bảy người khác bị thương. Qua ngày hôm sau, nó đẩy lui đợt tấn công của một nhóm máy bay bắn phá, và cùng trong sáng hôm đó của khoảng 10 đến 12 máy bay tiêm kích đối phương. Một chiếc đã đâm vào tháp pháo 5 inch Số 1, làm thiệt mạng sáu người và làm bị thương 12 người khác. Chiếc tàu khu trục dập tắt được đám cháy, đưa đoàn tàu vận tải đến cảng an toàn, rồi tự đi đến Manus, New Guinea để sửa chữa.
Sau khi hoàn tất sửa chữa, "Drayton" khởi hành từ Manus vào ngày 26 tháng 12 năm 1944 cho cuộc đổ bộ lên vịnh Lingayen, Luzon vào ngày 9 tháng 1 năm 1945. Nó đã bắn pháo hỗ trợ cho đến ngày 13 tháng 1, rồi lên đường đi vịnh San Pedro để hộ tống một đoàn tàu vận tải hỗ trợ đi đến bãi đổ bộ. Từ ngày 27 tháng 1 đến ngày 18 tháng 2, nó phục vụ tuần tra và bắn pháo hỗ trợ, bắn phá các vị trí đóng quân của đối phương trên các sườn đồi và phá hủy một cứ điểm kiên cố của đối phương trong hang động. Tiếp tục hoạt động tại Philippines, nó tham gia các cuộc đổ bộ lên vịnh Mangarin, Puerto Princesa, Cebu, vịnh Ormoc và Masbate City.
Vào ngày 23 tháng 4 năm 1945, "Drayton" khởi hành từ vịnh San Pedro để tham gia cuộc chiếm đóng Borneo, hỗ trợ các hoạt động tại Tarakan từ ngày 1 đến ngày 27 tháng 5 và tại Balikpapan từ ngày đến ngày 1 đến ngày 21 tháng 7. Quay trở lại Manila vào ngày 29 tháng 7, nó lên đường quay trở về Hoa Kỳ vào ngày 7 tháng 8 và về đến New York vào ngày 12 tháng 9.
"Drayton" được cho xuất biên chế vào ngày 9 tháng 10 năm 1945 và bị bán để tháo dỡ vào ngày 20 tháng 12 năm 1946.
Phần thưởng.
"Drayton" được tặng thưởng mười một Ngôi sao Chiến trận do thành tích phục vụ trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. | 1 | null |
Agrocybe praecox là một loài nấm ăn được xuất hiện vào đầu năm nay trong rừng, vườn và ruộng. Theo phân loại hiện đại, nó chỉ là một trong một nhóm các loài tương tự liên quan chặt chẽ được gọi là phức hợp "Agrocybe praecox". Nó được tìm thấy ở châu Âu, Bắc Phi và Bắc Mỹ.
Mô tả.
A. praecox thuộc về một nhóm các loài khó khăn để phân biệt một cách nhất quán. Mô tả sau đây kết hợp một số tài liệu tham khảo. | 1 | null |
Gia Luật Lý Hồ (耶律李胡) (911-960), nhất danh Hồng Cổ (洪古), tự Hề Ẩn (奚隱), là một thân vương của triều Liêu. Ông là hoàng tử thứ ba của hoàng đế khai quốc Gia Luật A Bảo Cơ. Gia Luật Lý Hồ là hoàng thái đệ trong thời gian trị vì của Liêu Thái Tông. Tuy nhiên, sau khi Liêu Thái Tông mất, Gia Luật Nguyễn đánh bại Gia Luật Lý Hồ và đoạt lấy hoàng vị. Gia Luật Lý Hồ bị bắt giữ rồi mất trong khi bị giam cầm.
Thân thế.
Gia Luật Lý Hồ sinh năm 911, là con trai thứ ba của tù trưởng người Khiết Đan Gia Luật A Bảo Cơ và vợ Thuật Luật Bình, trên ông còn có anh cả Gia Luật Bội và anh hai Gia Luật Đức Quang. Gia Luật Lý Hồ là con trai nhỏ nhất của Thuật Luật Bình, song con trai nhỏ nhất của Gia Luật A Bảo Cơ là Gia Luật Nha Lý Quả (耶律牙里果), do Tiêu thị sinh. Năm 916, Gia Luật A Bảo Cơ xưng là hoàng đế, đặt quốc hiệu là Khiết Đan
Khi còn thiếu niên, Gia Luật Lý Hồ được thuật là dũng hãn, đa lực, tính tàn khốc. Mỗi lần tức giận vì những điều nhỏ nhặt, ông liền cho thích chữ vào mặt người khiến ông tức giận, hoặc ném họ vào nước hay lửa. Khi Liêu Thái Tổ quan sát các hoàng tử ngủ, thấy Gia Luật Lý Hồ co người nằm ở phía trong, Thái Tổ nói "tất là thấp kém trong chư tử". Khi đại hàn, Thái Tổ yêu cầu ba hoàng tử đi kiếm củi, Gia Luật Đức Quang không chọn loại củi nên lấy củi về sớm nhất; Gia Luật Bội chọn củi khô rồi bó lại và trở về, xếp thứ hai; Gia Luật Lý Hồ kiếm được ít và để mất nhiều trên đường, khi trở về thì thu tay trong áo và đứng đó. Thái Tổ nói "Trưởng xảo, còn Thứ thành, Thiếu không bằng được". Tuy nhiên, Gia Luật Lý Hồ được Thuật Luật hoàng hậu yêu mến.
Thời Liêu Thái Tông.
Thái Tổ mất năm 926, sau đó Thuật Luật Bình loại bỏ quyền kế vị của Gia Luật Bội, ủng hộ Gia Luật Đức Quang kế vị, tức Liêu Thái Tông. Năm 930, Thái Tông sai Gia Luật Lý Hồ đem quân xâm nhập Hậu Đường ở phía nam, Gia Luật Lý Hồ tiến công Hoàn Châu, bắt nhiều người rồi trở về. Thái Tông sau đó lập Lý Hồ làm Hoàng thái đệ, kiêm Thiên hạ binh mã Đại nguyên soái. (Sau đó, Gia Luật Bội đào thoát sang Hậu Đường.) Trong những lần Thái Tông thân chinh, Gia Luật Lý Hồ lưu thủ kinh sư Lâm Hoàng.
Năm 936, Thái Tông tiến hành trợ giúp tướng Hậu Đường là Thạch Kính Đường lật đổ triều đình Hậu Đường. Chiến dịch thành công, Thạch Kính Đường thành lập triều đại Hậu Tấn, thay thế Hậu Đường. Hậu Tấn Cao Tổ Thạch Kính Đường quy phục Khiết Đan, cũng tặng nhiều của cải cho các tướng lĩnh và quý tộc Liêu, trong đó có Gia Luật Lý Hồ. Tuy nhiên, sau khi Hậu Tấn Cao Tổ mất, người kế vị là Thạch Trọng Quý có thái độ đối đầu chống Liêu, khiến Thái Tông tiến hành chiến dịch chống Hậu Tấn vào năm 946, kết quả tiêu diệt triều đại này.
Sau thời Liêu Thái Tông.
Thái Tông xưng là hoàng đế Trung Nguyên, tức vua của cả người Hán và người Khiết Đan, song do phải đương đầu với nhiều cuộc nổi dậy nên đành quyết định lui về đất Liêu, song mất trên đường tại Hằng Châu. Do khi xưa Thuật Luật Bình giết nhiều tù trưởng và chư tướng để tùy táng cùng Thái Tổ, nhiều tướng lĩnh Khiết Đan sợ rằng bà sẽ lặp lại hành động này; Do đó họ ủng hộ con của Gia Luật Bội là Vĩnh Khang vương Gia Luật Nguyễn làm hoàng đế. Gia Luật Nguyễn chế ngự được tướng người Hán là Triệu Diên Thọ và quản lý Hằng Châu, sau đó xưng là hoàng đế, tức Liêu Thế Tông.
Biết rằng Thái hậu muốn để Gia Luật Lý Hồ kế vị, Thế Tông tiến về phía bắc. Thái hậu sai Lý Hồ đem binh đi đánh Thế Tông, song Gia Luật Lý Hồ chiến bại trước Gia Luật An Đoan (耶律安端, em của Liêu Thái Tổ) và Gia Luật Lưu Ca tại Thái Đức Tuyền. Nghe theo lời của Gia Luật Ốc Chất, Thuật Luật Bình nói với Gia Luật Lý hồ rằng không phải bà không muốn lập ông mà do tự ông bất tài, rồi bàn thảo chấp thuận Liêu Thế Tông làm hoàng đế. Thế Tông sau đó giam lỏng Thái hậu Thuật Luật Bình tại mộ của Thái Tổ, và giam lỏng Gia Luật Lý Hồ tại Tổ Châu.
Đến thời Liêu Mục Tông, ngày 1 tháng 11 năm 960 (ngày Bính Tý tháng 10 năm Canh Thân), con của Gia Luật Lý Hồ là Gia Luật Hi Ẩn (耶律喜隱) mưu phản nên cả Hi Ẩn và Lý Hồ đều bị bắt giam. Gia Luật Lý Hồ mất trong ngục, thọ 50 tuổi, an táng ở núi Ngọc Phong. Đến thời niên hiệu Thống Hòa (983-1012) triều Liêu Thánh Tông, Lý Hồ được truy thụy hiệu "Khâm Thuận hoàng đế"; đến năm 1052 thời Liêu Hưng Tông, ông được đổi tự thành Chương Tú, sau gọi là Hòa Kính. Ngoài Hi Ẩn, ông còn có con là Gia Luật Uyển. | 1 | null |
Pharrell Williams hay còn được gọi là Pharrell (/fəˈrɛl/), sinh ngày 5 tháng 4 năm 1973, là một ca sĩ, nhạc sĩ, doanh nhân, nhà sản xuất, rapper, nhà thiết kế thời trang người Mỹ. Williams cùng với Chad Hugo sáng lập The Neptune, sản xuất các sản phẩm âm nhạc soul, hiphop, R&B. Anh cũng là giọng ca chính kiêm tay trống của nhóm nhạc NERD, các thành viên còn lại của ban nhạc bao gồm Hugo và Shay Haley - người bạn từ thời thơ ấu của William. Năm 2003, Anh đã phát hành đĩa đơn đầu tiên của anh, "Frontin". Năm 2006, anh cho phát hành Album solo đầu tiên của anh, "In My Mind". ".Tháng 3 năm 2014, anh phát hành Album thứ 2, "Girl".
Khi còn làm việc trong The Neptune, anh đã tham gia sản xuất khá nhiều hit cho các nghệ sĩ khác nhau.
William đã giành được 7 giải Grammy bao gồm 2 giải với "The Neptunes". Hiện tại anh đang hoạt động trong khá nhiều lĩnh vực như giải trí, âm nhạc, thời trang, nghệ thuật... dưới tên gọi "i am OTHER". Anh cũng là người đồng sáng lập 2 nhãn hiệu thời trang Billionaire Boys Club và Ice Cream. Pharrell Williams còn là giám khảo The Voice mùa thứ bảy của Hoa Kỳ.
Tiểu sử.
Pharrell Williams sinh ngày 05 Tháng Tư 1973, ở Virginia Beach, Virginia, là anh cả trong gia đình có ba người con trai. Cha anh là Pharaoh Williams, một người siêng năng, mẹ anh, bà Carolyn là một giáo viên. Anh gặp Chad Hugo vào mùa hè năm lớp 7, trong một buổi cắm trại. Sau đó cả hai cùng trở thành thành viên của ban nhạc diễu hành, Williams là người chơi trống, trong khi Hugo là người chỉ huy. Williams đã theo học tại Princess Anne High School và anh đã chơi cho ban nhạc của trường, tại đây anh lấy nghệ danh là Skateboard P. Còn Hugo theo học tại Kempsville High School.
Năm 1990, Hugo cùng với Williams thành lập ban nhạc R&B 4 người, The Neptunes, cùng với 2 người bạn là Shay Haley and Mike Etheridge. Họ đã tham dự cuộc thi tài năng tại trường, là nơi họ được phát hiện bởi Teddy Riley, là người sở hữu phòng thu âm ngay cạnh trường. Sau khi tốt nghiệp, ban nhạc đã ký hợp đồng với Riley.
Phong cách âm nhạc.
Williams đã tuyên bố phong cách âm nhạc của anh không có bất kỳ sự ảnh hưởng trực tiếp nào, nhưng anh bày tỏ sự khâm phục với một số nhạc sĩ như Michael Jackson, J Dilla, Stevie Wonder, Donny Hathaway, Marvin Gaye, Rakim and Q-Tip. William giải thích rằng album năm 1990 của People's Instinctive Travels and the Paths of Rhythm, đã tạo ra bước ngoặt trong cuộc sống của anh, "nó làm tôi thấy âm nhạc thực sự là nghệ thuật"
Sự nghiệp kinh doanh.
Williams là đồng sáng lập nhãn hiệu thời trang Billionaire Boys Club và Ice Cream. Anh có một cửa hàng tại West Broadway, New York.
Năm 2008, Williams là đồng thiết kế một loạt đồ trang sức "Blason") và kính cho Louis Vuitton. Anh cũng làm việc trong lĩnh vực thiết kế nội thất với Galerie Emmanuel Perrotin và Domeau & Pérès.
Năm 2009, Williams cùng với Takashi Murakami công bố tác phẩm điêu khắc của họ tại triển lãm nghệ thuật Art Basel.
Tháng 5 năm 2011, Williams thông báo anh sẽ trở thành giám đốc sáng tạo của KarmaloopTV cùng với người sáng lập và giám điều hành Greg Selkoe và cựu chủ tịch AMC Katie McEnroe.
Ngày 01 tháng 8 năm 2011, Williams ra mắt kênh trên Youtube
Williams là đồng tác giả bộ phim The Amazing Spider-Man 2 với Hans Zimmer, Johnny Marr, Michael Einziger và David A. Stewart
Cuộc sống riêng tư.
Ngày 12 tháng 10 năm 2013, Williams kết hôn với người mẫu, nhà thiết kế Helen Lasichanh. Họ có với nhau một con trai tên là Rocket Williams, sinh vào tháng 10 năm 2008.
Năm 2005, Williams đã được bình chọn là "Người đàn ông mặc đẹp nhất thế giới" trên tạp chí Esquire. Anh là một fan hâm mộ của series phim khoa học viễn tưởng Star Trek.
Williams đang xây dựng một trung tâm vui chơi cho trẻ em trị giá 35 triệu USD tại quê hương anh, Virginia Beach
Williams đã thành lập tổ chức từ thiện From One Hand To Another nhằm giúp đỡ thanh thiếu niên từ 7 đến 20 tuổi.
Phỏng vẫn trên tạp chí GQ Style (Autumn/Winter 2013), Williams đã cho biết "Trên giấy tờ tôi là một Kitô hữu, nhưng thực sự tôi là một người theo thuyết Phổ biến"
Giải thưởng và đề cử.
Academy Award
Annie Award
BET Hip Hop Awards
ECHO Awards
Grammy Awards
MOBO Awards
MTV Europe Music Awards
MTV Video Music Awards | 1 | null |
Clathrus archeri được biết đến là loại nấm có hình bạch tuộc còn gọi là "Nấm Bạch Tuộc" hay "Bàn Tay Quỷ," là loài bản địa Úc và Tasmania và loài du nhập ở châu Âu, Bắc Mỹ và châu Á. Phôi nấm hình trứng lớn, có chất nhờn bao bọc. Quả thể phát triển vươn ra khỏi "trứng", gồm 4 đến 7 mũ nấm hình tua dài, màu đỏ hồng giống tua bạch tuộc. | 1 | null |
Gia Luật Sa (耶律沙) (?-988), tự An Ẩn (安隱), là một quân nhân, chính trị gia của triều Liêu.
Thân thế.
Gia Luật Sa là hậu duệ của Diêu Liễn thị, đến những năm Ứng Lịch (951-969) thời Liêu Mục Tông thì được bổ nhiệm làm Nam phủ Tể tướng. Sau khi Liêu Cảnh Tông lên ngôi năm 969, Gia Luật Sa tổng lĩnh công việc biên giới phía nam của Liêu.
Giúp Bắc Hán.
Ngày 20 tháng 10 năm 976, Bắc Hán do bị Tống tiến công nên phải sai sứ sang Liêu cầu viện, Liêu Cảnh Tông mệnh Gia Luật Sa cùng Ký vương Gia Luật Địch Liệt đến cứu giúp. Ngày 24 tháng 3 năm 977, Gia Luật Sa và Gia Luật Địch Liệt dâng cho Cảnh Tông những người Tống bị bắt khi cứu giúp Bắc Hán. Do có công cứu Bắc Hán chống Tống, Gia Luật Sa được giữ chức Thái bảo.
Ngày 20 tháng 11 năm 977, Gia Luật Sa đưa các hàng tù trưởng người Đảng Hạng là Khả Xú, Mãi Hữu đến yết kiến Liêu Cảnh Tông, Cảnh Tông ban chiếu phủ dụ.
Ngày 18 tháng 3 năm 979, do lại bị Tống xâm chiếm, Bắc Hán cầu viện Liêu, Liêu Cảnh Tông hạ chiếu bổ nhiệm Gia Luật Sa làm đô thống, Gia Luật Địch Liệt làm giám quân, đem quân đi giúp Bắc Hán. Ngày 17 tháng 4, Gia Luật Sa cùng các tướng khác chỉ huy quân Liêu giao chiến với quân Tống ở Bạch Mã lĩnh. Ban đầu, Gia Luật Sa và chư tướng muốn đợi hậu quân đến rồi mới chiến, song nhóm Gia Luật Địch Liệt và Gia Luật Mạt Chỉ lại tiến đánh ngay. Gia Luật Địch Liệt làm tiên phong vượt suối, song chưa đến giữa đã bị người Tống đánh, binh sĩ Liêu tan vỡ, sĩ tốt tử vong rất nhiều. Năm tướng là Gia Luật Địch Liệt cùng con là Oa Ca, con của Gia Luật Sa là Đức Lý, Lệnh Ổn Đô Mẫn, Tường Ổn Đường đều chết trận. Đến khi binh của Bắc Viện đại vương Gia Luật Tà Chẩn đến và bắn tên thì quân Tống mới thoái. Gia Luật Sa đem quân tiến nhanh về Thái Nguyên, gặp Phò mã đô úy Lư Tuấn của Bắc Hán thì biết tin Thái Nguyên đã mất về tay Tống, Gia Luật Sa đem binh trở về.
Chống Tống.
Ngay sau khi tiêu diệt Bắc Hán, Tống tiến đánh đất Yên của Liêu. Ngày 1 tháng 8, Gia Luật Sa giao chiến với quân Tống tại sông Cao Lương, cùng Gia Luật Hưu Ca và Gia Luật Tà Chẩn đại thắng Tống, Tống Thái Tông do vậy triệt binh, Liêu Cảnh Tông do vậy giải trừ tội thua trận trước đó của Gia Luật Sa.
Ngày 29 tháng 6, Liêu Cảnh Tông phong Yên vương Hàn Khuông Tự làm Đô thống, Gia Luật Sa làm giám quân, cùng các tướng khác suất binh phạt Tống. Tuy nhiên, quân Tống chiến bại, Liêu Cảnh Tông muốn giết ông song nhờ Hoàng hậu Tiêu Xước cứu giúp nên mới được miễn chết.
Sau khi Liêu Cảnh Tông mất, Liêu Thánh Tông kế vị, Thái hậu Tiêu Xước xưng chế, triệu ông đến ban cho kỷ trượng. Sau đó, ông lại theo quân phạt Tống, đánh bại quân của Lưu Đình Nhượng (929-987), Lý Kính Nguyên, được ban thưởng nhiều. Ông mất năm 988. | 1 | null |
Sự biến Phụng Thiên (chữ Hán: 奉天之難), hay còn gọi Kính Nguyên binh biến (泾原兵变), là vụ chính biến quân sự xảy ra thời Đường Đức Tông Lý Quát trong lịch sử Trung Quốc do một số phiến trấn và tướng lĩnh gây ra, khiến Hoàng đế nhà Đường phải bỏ kinh thành chạy về Phụng Thiên.
Sự biến kéo dài trong 6 năm, tuy cuối cùng không lật đổ được nhà Đường nhưng khiến triều đại này ngày càng suy yếu hơn sau loạn An Sử.
Hoàn cảnh, nguyên nhân.
Loạn An Sử do An Lộc Sơn phát động năm 755 chống lại nhà Đường sắp bị dẹp. Năm 763, khi vua cuối cùng của chính quyền Đại Yên là Sử Triều Nghĩa thất thế và tự tử, các bộ tướng cùng nhau đầu hàng. Trong hoàn cảnh đó, tướng Bộc Cố Hoài Ân nhà Đường sợ nếu dẹp hết các thế lực từng theo Yên trước đây xong thì triều đình không còn trọng dụng mình nữa, nên đã đề nghị nhà Đường cho giữ lại những bộ tướng cũ của họ An và họ Sử như Tiết Tung, Trương Trung Chí, Điền Thừa Tự... để họ cai quản mấy trấn vùng Hà Bắc. Đường Đại Tông vì muốn nhanh chóng khôi phục nền thái bình nên chấp nhận kiến nghị đó. Vì vậy tại vùng Hà Sóc về căn bản vẫn do các tướng cũ của Đại Yên chiếm cứ.
Trong khi đó, các Tiết độ sứ của triều đình có công dẹp loạn mới được bổ nhiệm cai trị ở trung nguyên cũng được nhà Đường quá nhân nhượng, với ý định làm đối trọng giữ cân bằng với thế lực của các Tiết độ sứ ở biên trấn, nên dần dần thế lực các Tiết độ sứ này cũng ngày càng lớn, triều đình không thể khống chế được nữa.
Hà Bắc dậy sóng.
Thời Đường Huyền Tông đã đặt 9 Tiết độ sứ và 1 Kinh lược sứ, quyền lực tập trung ở phía bắc rất rõ nét. Một Tiết độ sứ có thể được kiêm nhiệm ở hai, ba trấn. Sau loạn An Sử, để đề phòng bạo loạn, nhà Đường đặt các trấn sâu vào nội địa. Theo sự thỉnh cầu của Bộc Cố Hoài Ân, Đường Đức Tông cho các tướng cũ của họ Sử làĐiền Thừa Tự làm Tiết độ sứ Ngụy Bác, Lý Hoài Tiên làm Tiết độ sứ Lư Long, Lý Bảo Thần là Tiết độ sứ Thành Đức, Tiết Bão làm Tiết độ sứ Chiêu Nghĩa. Một số tướng không xuất thân từ lực lượng An, Sử cũng được phong tiết độ sứ để tạo sự kềm kẹp giữa các trấn, như Hầu Hi Dật ở Tri Thanh, Lý Trung Thần ở Hoài Tây... Tuy nhiên các tướng này cũng dần liên kết với các tướng cũ của An, Sử; kế hoạch tạo cân bằng của trung ương hầu như không phát huy tác dụng.
Năm 773, sau khi Tiết Tung qua đời, Điền Thừa Tự đánh chiếm các châu Tương, Vệ của Chiêu Nghĩa, công khai chống đối triều đình một thời gian, cuối cùng gây sức ép buộc Đại Tông phải xá tội và công nhận quyền quản lý của mình tại Tương, Vệ. Tại Lư Long, liên tiếp hai tiết độ sứ Lý Hoài Tiên và Chu Hi Thải bị giết, Chu Thử trở thành người đứng đầu tại U châu, nhưng sau được triệu đến triều đình, vì thế em là Chu Thao nắm thực quyền tại Lư Long.
Ngụy Bác, Thành Đức, Lư Long gọi là Hà Bắc tam trấn. Từ cuối đời Đường Đại Tông, nhiều phiên trấn đã bỏ việc nộp thuế và kê khai dân số lên triều đình trung ương. Điền Thừa Tự cùng Lý Bảo Thần và tiết độ sứ Tri Thanh Lý Chính Kỷ bàn nhau thực hiện chế độ cha truyền con nối, không để quan lại nhà Đường đến trấn nhậm thay thế. Để thắt chặt quan hệ, ba nhà sắp đặt việc hôn nhân, định ước cứu giúp nhau mỗi khi gặp khó khăn.
Năm 779, Điền Thừa Tự mất. Thừa Tự có 11 người con trai, nhưng yêu thương cháu gọi mình bằng chú, tức Điền Duyệt. Vì vậy Thừa Tự nhường chức cho Điền Duyệt, lệnh chư tử phải phò tá. Lý Bảo Thần đề nghị nhà Đường công nhận. Đường Đại Tông chấp nhận thỉnh cầu.
Đến năm 780, Đường Đức Tông lên kế vị Đại Tông, có chủ trương dẹp phiên trấn. Lý Chánh Kỉ thấy tính khí của Đức Tông nên nhiều lần dâng lễ vật vào các dịp sinh nhật để lấy lòng; nhưng Đức Tông đem số lễ vật sung vào ngân khố, bảo rằng coi đó như tiền thuế của người Tề nộp lên. Chánh Kỉ biết ý trách móc của Đức Tông, nên càng lo sợ hơn.
Năm 781, Lý Bảo Thần lâm bệnh, muốn nhường ngôi cho con là Lý Duy Nhạc. Thấy Duy Nhạc tuổi trẻ yếu đuối, Bảo Thần cho giết hơn 20 tướng lĩnh ở Thành Đức, bảo đảm ngôi vị cho con. Duy chỉ có thứ sử Dịch châu Trương Hiếu Thành và thông gia với Bảo Thần là Vương Vũ Tuấn thoát chết. Khi Bảo Thần trúng độc mà chết, Duy Nhạc giấu việc không phát tang, tự lập lên kế vị ở trấn Thành Đức, cũng xin nhà Đường thừa nhận, nhưng Đức Tông từ chối. Vì vậy Lý Duy Nhạc liên kết Điền Duyệt ở Ngụy Bác, 2 trấn lại liên minh với Lương Sùng Nghĩa ở Đông Đạo Sơn Nam cùng Lý Chánh Kỉ ở Tri Thanh chống lại triều đình để bảo vệ chế độ cha truyền con nối ở các trấn. Giữa năm đó, Lý Chánh Kỉ bệnh mất, con là Lý Nạp lên thay cũng không được triều đình công nhận. Các trấn do vậy hợp sức kháng lại triều đình, sử xưng loạn tứ trấn.
Quân triều đình thắng thế.
Sơn Nam Đông Đạo.
Trong số bốn trấn làm loạn thì Sơn Nam Đông Đạo có thế lực yếu nhất, lại nằm giữa các trấn còn trung thành với triều đình. Vua Đức Tông cử Tiết độ sứ Hoài Tây Lý Hi Liệt mang quân đánh Lương Sùng Nghĩa. Lương Sùng Nghĩa cử quân tấn công Giang Lăng, mở đường tiến xuống phía nam, nhưng bị Lý Hi Liệt đánh bại một trận lớn ở Tứ Vọng (Tương Phàn hiện nay), phải lui về Tương châu, tập hợp quân lính ở hai châu Tương, Đặng cùng chống lại sự tấn công của triều đình. Lý Hi Liệt tiến quân về phía tây bắc, đến được Tương châu. Lương Sùng Nghĩa cho quân đánh úp trại của Lý Hi Liệt tại Lâm Hán (gần Tương châu), giết được vài trăm sĩ tốt. Lý Hi Liệt cử quân cứu viện. Các tướng Sơn Nam là Địch Huy và Đỗ Thiếu Thành bị tấn công và đánh bại quân Sơn Nam tại Man Thủy và Sơ Khẩu (thuộc Tương châu), sau đó đầu hàng Lý Hi Liệt. Ông chia quân cho họ, giao nhiệm vụ tiến công vào Tương Dương (trị sở của Tương châu). Lương Sùng Nghĩa ra trận đốc thúc quân sĩ chiến đấu, nhưng chẳng ai nghe lệnh, quân sĩ phá cửa thành bỏ chạy. Sùng Nghĩa tuyệt vọng liền cùng thê thiếp và các con nhảy xuống giếng, tự tử. Lương Sùng Nghĩa bị diệt, nhưng kể từ đó Lý Hi Liệt lại tỏ ra kiêu ngạo vì lập công, nảy ý phản triều đình.
Thành Đức.
Đối với các trấn ở Hà Bắc, vua Đức Tông sai quyền Tiết độ sứ Lư Long Chu Thao đem quân tấn công Thành Đức. Thao dẫn quân của mình tiến đánh Dịch châu, cử sứ giả Thái Hùng đến thuyết phục Thứ sử Dịch châu Trương Hiếu Thành đầu hàng triều đình, vì Ngụy, Triệu không bao lâu sẽ bị dẹp yên. Trương Hiếu Trung chấp nhận hàng phục.
Quân Lư Long đánh bại quân Thành Đức nhiều trận, đến mùa xuân năm 782 thì hạ được Thúc Lộc (thuộc Thạch Gia Trang) rồi đánh sang Thâm châu, Lý Duy Nhạc vô cùng sợ hãi. Chưởng thư ký Thiệu Chân thuyết phục Duy Nhạc giết các tướng khuyên mình làm phản rồi quay về với triều đình. Tướng Mạnh Hựu do Ngụy Bác cử sang hỗ trợ Thành Đức, biết chuyện, mật báo với Điền Duyệt. Duyệt giận lắm, sai nha quan trách móc Duy Nhạc.
Lý Duy Nhạc theo lời phán quan Tất Hoa, cho chém Thiệu Chân, gửi đầu đến cho Điền Duyệt, rồi cử 1 vạn quân hợp với Mạnh Hựu bao vây Thúc Lộc. Quân của Chu Thao và Trương Hiếu Trung liên thủ đánh bại quân Thành Đức ở thành Thúc Lộc. Lý Duy Nhạc đại bại, đốt trại bỏ trốn. Trận thua này là do bộ tướng Vương Vũ Tuấn dưới quyền Lý Duy Nhạc do lo sợ rằng nếu mình thắng trận thì khi trở về sẽ bị Lý Duy Nhạc hại chết, nên cố ý đánh thua. Về phần Thao muốn nhân đà thắng lợi, tiến thẳng vào Hằng châu, trị sở của Thành Đức, nhưng Trương Hiếu Trung cho rằng nếu mình tấn công gấp thì Lý Duy Nhạc, Vương Vũ Tuấn sẽ liên thủ với nhau, chi bằng tạm lui để nội bộ sinh bất hòa, Vương Vũ Tuấn sẽ sớm giết Lý Duy Nhạc.
Sau trận thua ở Thúc Lộc, Lý Duy Nhạc rất nghi ngờ Vương Vũ Tuấn, nhất là khi bộ tướng Khang Nhật Tri đem Triệu châu đầu hàng triều đình. Bộ hạ dưới trướng cố sức khuyên can. Duy Nhạc bèn sai Vệ Thường Ninh giúp Vương Vũ Tuấn tấn công nhằm chiếm lại Triệu châu, còn cho con Vũ Tuấn là Vương Sĩ Chân lĩnh binh bảo vệ phủ của mình. Khi Vũ Tuấn rời khỏi Hằng châu đã bàn với Thường Ninh giết Lý Duy Nhạc mà đầu hàng triều đình, vì vua Đức Tông đã có chiếu thưởng hậu cho người nào giết được Lý Duy Nhạc. Khi đó Khang Nhật Tri cũng gửi thư đề nghị Vũ Tuấn đầu hàng, Vũ Tuấn nghe theo.
Lúc Lý Duy Nhạc sai sứ Tạ Tung đến Triệu châu, Vũ Tuấn nhờ Tung báo việc với Vương Sĩ Chân; sau đó Vũ Tuấn đưa quân trở lại Hằng châu. Tạ Tung và Vương Sĩ Chân giả lệnh Duy Nhạc, mở cửa thành cho Vũ Tuấn tiến vào. Vũ Tuấn dẫn theo 100 quân kị tiến vào phủ môn, Sĩ Chân làm nội ứng bên trong, giết hơn 10 người và tóm được Lý Duy Nhạc cùng các tướng Trịnh Sân, Tất Hoa, Vương Tha Nô, Trịnh Hoa (cha vợ Duy Nhạc). Vũ Tuấn giết bọn tướng đó đi, muốn giải Lý Duy Nhạc về Trường An nộp cho triều đình. Vệ Thường Ninh cho rằng nếu để Duy Nhạc về triều thì Duy Nhạc sẽ đổ tội cho Vũ Tuấn. Vì vậy Vũ Tuấn cho siết cổ giết chết Duy Nhạc và nộp đầu về kinh sư. Họ Lý chấm dứt vai trò của mình trong trấn Thành Đức sau hơn 20 năm.
Ngụy Bác.
Lúc này ở Ngụy châu, Điền Duyệt phái Mạnh Hựu dẫn 5000 quân giúp đỡ Duy Nhạc phòng thủ ở phía bắc còn bản thân mình đem quân tấn công vào trấn Chiêu Nghĩa, lúc này nằm trong sự quản lý của Lý Bão Chân, tấn công hai châu Hình, Từ. Quân Ngụy Bác vây hãm Lâm Minh và tướng dưới quyền Khang Âm bao vây Hình châu, tướng Dương Triều Quang được giao nhiệm vụ ngăn chặn sự chi viện từ trị sở Chiêu Nghĩa ở Lộ châu. Mùa thu năm đó, Điền Duyệt vẫn chưa hạ được thành. Các tướng triều đình là Tiết độ sứ Hà Đông Mã Toại, Tiết độ sứ Chiêu Nghĩa Lý Bảo Chân và tướng chỉ huy quân Thần Sách Lý Thịnh đem quân giải vây cho ha châu, giết Dương Triều Quang và đánh bại quân Điền Duyệt một trận lớn. Hơn 10.000 quân Ngụy bị giết, Điền Duyệt tháo chạy về Ngụy châu, gửi sứ đến Thành Đức, Tri Thanh yêu cầu cứu viện. Mùa xuân năm 782, liên quân Ngụy - Tề gồm 30.000 người giao chiến với quân triều đình do Lý Thịnh, Lý Bão Chân và Tiết độ sứ Hà Dương Lý Giao chỉ huy ở Hoàn Thủy và bị đánh cho tan tác; 20.000 quân bị giết.
Sang năm 782, tướng nhà Đường là Mã Toại giữ chức Tiết độ sứ Hà Đông cùng Lý Bão Chân giữ chức Tiết độ sứ Chiêu Nghĩa và Thần sách tướng Lý Thịnh đánh bại được Điền Duyệt, khiến Điền Duyệt phải bỏ chạy về Ngụy châu cố thủ. Lúc này Ngụy châu gần như hoang tàn, chỉ còn vài nghìn binh sĩ, trong thành nhà nhà tổ chức tang lễ cho người chết, đâu đâu cũng tràn nước mắt. Điền Duyệt tìm cách khơi dậy lòng của binh sĩ bằng việc giả cách muốn tự tử. Tướng sĩ dưới quyền đều rất cảm động, không nỡ làm phản và tình nguyện trung thành với ông. Duyệt cảm ơn của bọn họ và kết làm anh em, thề cùng sinh tử. Sau đó ông cho lấy vàng, bạc trong kho phân phát cho tướng sĩ, nên lòng quân được củng cố. Lại tạ lỗi với Hình Tào Tuấn, mời về tham gia việc phòng thủ. Trong lúc đó, tướng ở Bân châu và Minh châu về hàng triều đình. Tuy nhiên khi quân triều đình kéo tới Ngụy châu, Điền Duyệt phòng thủ rất vững chắc khiến quan quân không thể công phá được. Sau đó Lý Bão Chân và Mã Toại bất hòa nên cuối cùng đều rút quân khỏi Ngụy châu. Vào thời điểm mà các trấn sắp bị dẹp tan, người người cho rằng loạn lạc sắp dẹp yên, quốc gia sẽ thống nhất.
Tri Thanh.
Ở mặt trận Tri Thanh, một số tướng dưới quyền Lý Nạp gồm Lý Vị ở Từ châu, cùng các tướng ở Hải châu và Nghi châu đều đem châu quận hàng triều đình. Lý Nạp hợp quân với Điền Duyệt tấn công Từ châu nhưng bị Tiết độ sứ Tuyên Vũ Lưu Hiệp đánh bại. Tướng nắm giữ quân Thần Sách là Lý Thịnh, cùng Lý Trừng ở Vĩnh Bình, Đường Triều Thần ở Sóc Phương[17] cùng đem quân phản công Lý Nạp, Nạp phải lui quân khỏi Từ châu, chạy về Bộc châu. Hai châu Hải, Mật cũng bị quân triều đình chiếm lấy. Mùa xuân năm 782, Lưu Hiệp phá thành ngoài Bộc Dương. Thành trung lương tận, quân sĩ tử thương nhiều, Lý Nạp hoảng sợ phải lên thành khóc lóc xin được hàng phục. Ông cử phán quan Phòng Thuyết hộ tống em trai mình là Lý Kinh và con trai Lý Thành Vụ thay mặt mình vào triều tạ tội. Tuy nhiên hoạn quan Tống Phụng Triều cho rằng Lý Nạp không còn chống cự được bao lâu, khuyên Đức Tông đừng nên nhận hàng. Do đó Đức Tông sai bắt giam Phòng Thuyết, Lý Thành Vụ và Lý Kinh, tiếp tục đánh Bộc châu. Lý Nạp bỏ khỏi Bộc châu, chạy đến Vận châu và tiếp tục liên kết với Điền Duyệt phản kháng nhà Đường. Triều đình lúc đó bổ nhiệm Lý Hi Liệt làm Tiết độ sứ mới ở Tri Thanh, nhưng do Lý Hi Liệt đã thông mưu từ trước với Lý Nạp nên không có hành động quân sự nào chống lại ông. Chu Thao nhân việc Sơn Đông đại loạn mà chiếm được hai châu Đức, Lệ từ Tri Thanh.
Chiến tranh lan rộng.
Sự bất mãn của hai tướng.
Sau khi Lý Duy Nhạc bị giết, Triều đình trung ương quyết định phân Thành Đức làm ba phần: lấy Trương Hiếu Trung quản lý ba châu Dịch, Định, Thương với chức Tiết độ sứ Nghĩa Vũ; Vương Vũ Tuấn là Hằng, Ký đô Đoàn luyện Quan sát sứ, Khang Nhật Tri là Thâm, Triệu đô Đoàn luyện Quan sát sứ; tăng đất của Lư Long thêm hai châu Đức, Lệ. Điều này khiến Vũ Tuấn không hài lòng.
Thứ sử Thâm châu Dương Quốc Vinh trước đã đầu hàng Chu Thao, nên Thao xin cai quản cả Thâm châu, Đức Tông không theo và buộc ông về trấn. Thao oán giận và vẫn đóng quân ở Thâm châu. Điền Duyệt đang ở Ngụy châu, nghe tin này, bèn tìm cách thuyết phục Thao và Vương Vũ Tuấn liên kết cùng mình chống Đường, hứa nhường Bối châu cho Thao. Do vậy Chu, Vương liên thủ với Điền Duyệt chống lại triều đình. Thao còn sai nha quan Thái Hùng thuyết phục Trương Hiếu Trung liên minh cùng mình nhưng ông ta từ chối.
Đường Đức Tông sai sứ giả đến điều động quân Lư Long, Địch Dịch và Hằng Ký cùng tấn công Điền Duyệt. Vương Vũ Tuấn không phụng chiếu, sai mang sứ giả đến chỗ Chu Thao. Thao nói với tướng sĩ dưới quyền:
Hỏi đến lần thứ ba, tướng sĩ nhiều người tỏ ý không phục. Thao giết hơn 10 đại tướng và hoãn lại kế hoạch. Khang Nhật Tri đem việc ấy nói với tướng triều đình Mã Toại, Toại báo về kinh. Hoàng thượng cho rằng Ngụy châu chưa hạ được mà Vương Vũ Tuấn lại làm phản, nên tìm cách xoa dịu Chu Thao, do vậy xuống chiếu phong ông làm Thông Nghĩa Quận vương và cách chức một số người bất hòa với ông. Nhưng Chu Thao vẫn quyết tâm làm phản, đưa quân sang Triệu châu bức ép Khang Nhật Tri. Vương Vũ Tuấn cũng cử con là Vương Sĩ Chân làm lưu hậu ba châu Hằng, Ký, Thâm, bản thân mình tấn công Triệu châu.
Triệu, Yên cứu Ngụy.
Chu Thao mật bàn mưu với anh là Chu Thử đang trấn thủ Phượng Tường cùng khởi binh, bèn viết thư bọc sáp sai người mang đến Phượng Tường cho anh. Thư của Chu Thao đi giữa đường thì bị quân của Tiết độ sứ Hà Đông là Mã Toại biết được. Mã Toại bèn tâu báo với Đường Đức Tông. Đức Tông liền triệu tập Chu Thử về Trường An và bắt giam vào ngục, rồi sai Mã Toại và Tiết độ sứ Sóc Phương là Lý Hoài Quang mang quân đánh Chu Thao cùng các trấn Tri Thanh, Ngụy Bác.
Tháng 4 năm đó, viện quân từ Triệu, Yên bắt đầu tập hợp huyện Ninh Trấn, tổng cộng 40.000 bộ kị. Ngày 14 tháng 5 ÂL, khởi quân nam hạ. Ngày 28 tháng 6 ÂL, quân cứu viện đến Ngụy châu. Triều đình biết chuyện bèn cử thêm Tiết độ sứ Sóc Phương là Lý Hoài Quang đem quân tấn công nhằm hạ thành Ngụy châu. Khi Lý Hoài Quang đem quân tới, Mã Toại đề nghị ông ta nên dưỡng quân một thời gian rồi hãy tấn công, nhưng Hoài Quang không nghe, quyết định xuất quân ngay lập tức. Quân các trấn tới Ngụy châu, Điền Duyệt đem trâu, ngựa ra nghênh đón. Thao đóng quân ở Khiếp Sơn, cùng hôm đó quân triều đình do Lý Hoài Quang và Mã Toại chỉ huy cũng đến. Hoài Quang đem quân tập kích Chu Thao ở phía tây Khiếp Sơn. Sĩ tốt tranh nhau xông vào doanh của Thao, nhưng Vương Vũ Tuấn đã đem 2000 quân kị tới cứu. Thao dẫn quân theo sau cùng đánh trả, quan quân đại bại. Chu Thao lại đem quân đánh Mã Toại. Toại sợ hãi, khiển sứ đến từ tạ, hứa sẽ tâu với thiên tử cho Chu Thao thống lĩnh toàn bộ Hà Bắc. Vương Vũ Tuấn cực lực khuyên can là không nên, nhưng Chu Thao do việc này mà tỏ ra lơ là, thiếu cảnh giác. Tháng 7 ÂL năm 782, Mã Toại nhân Chu Thao mất cảnh giác, cùng chư quân lui về Ngụy huyện, tiếp tục kháng cự Thao. Chu Thao bèn tạ lỗi với Vương Vũ Tuấn. Vương Vũ Tuấn tuy ngoài miệng bằng lòng nhưng vẫn mang lòng oán hận Thao.
Bốn trấn xưng vương.
Lúc đó cả bốn người khởi binh bàn nhau cùng xưng hiệu. Điền Duyệt cảm cái ơn cứu trợ của Chu Thao, muốn tôn làm minh chủ. Phán quan Lý Tử Mưu bên Thao cùng với Trịnh Nho bên Triệu đều thuyết phục rằng
"Thời Chiến Quốc, sáu nước thực hiện thệ ước kháng Tần, nay cũng xin theo lệ cũ của Chu mạt thất hùng, lập quốc hiệu, xưng chư hầu, sử dụng quốc gia chánh sóc, tuy nhiên chỉ chưa cải niên hiệu."
U châu phán quân Lý Tử Thiên, Hằng Ký quán quan Trịnh Nhu đều đề nghị Chu Thao, Điền Duyệt, Vương Vũ Tuấn và Lý Nạp ở Tri châu, bốn trấn cùng xưng vương hiệu, chưa cải niên hiệu, tôn Chu Thao làm minh chủ. Thao chấp nhận. Ngày 9 tháng 12 năm 782, Chu Thao xưng là Kỳ vương, Vương Vũ Tuấn xưng là Triệu vương, Điền Duyệt xưng là Ngụy vương, Lý Nạp xưng là Tề vương, lập vợ làm vương phi, con trai trưởng là thế tử, nhưng vẫn dùng niên hiệu nhà Đường. Các trấn cùng nhau nhất trí tôn Chu Thao làm minh chủ. Nơi ở xưng là điện, mệnh lệnh gọi là lệnh, quần thần dâng thư gọi là tiên, vợ phong làm vương phi, con trai trưởng là thế tử. Các châu đặt trị sở gọi là phủ, bố trí lưu thủ kiêm nguyên soái, giao quyền quân chính, còn bố trí Đông, Tây tào, giống như Môn Hạ, Trung thư tỉnh tại triều đình...
Đại tướng nhà Đường là Lý Thịnh tìm cách cắt đường vận chuyển lương thực từ Lư Long đến Ngụy Bác, bằng việc đánh chiếm các châu Trác, Mạc, lại cùng con trai Trương Hiếu Trung là Trương Thăng Vân bao vây Dịch châu thứ sử là người của Chu Thao Trịnh Cảnh Tế ở Thanh Uyển. nhưng mấy tháng chưa hạ được. Thao cử Mã Thực làm lưu thủ, đem 15000 quân cứu Thanh Uyển, Lý Thịnh bại trận phải lui về Dịch châu, Chu Thao cũng lui về Doanh châu. Về sau Lý Thịnh bệnh thậm, bèn lui quân về Định châu. Vương Vũ Tuấn lúc này sai Cấp sự trung Tống Đoan đến giục Chu Thao về Ngụy. Đoan gặp Chu Thao, nói lời không cung kính[24]. Chu Thao tức giận, gửi thư trách móc Vũ Tuấn, Vũ Tuấn sợ phải sai sứ đến tạ lỗi, nhưng bên trong thì càng oán ông hơn, nên bí mật kết ước với Lý Bão Chân cùng chống Chu Thao.
Chiến sự ở Tương Thành.
Lúc này Lý Hi Liệt ở Hoài Tây binh lương nhiều, còn bốn trấn xưng vương thì trong tình trạng thiếu thốn, nên bàn tính lôi kéo Lý Hi Liệt về phía mình, thỉnh Hi Liệt xưng đế hiệu. Lý Hi Liệt vốn có công đánh dẹp Lương Sùng Nghĩa, nhưng cũng bất mãn với triều đình do không được ban thưởng địa bàn mong muốn, bèn hưởng ứng Chu Thao. Lúc đó ông đang đóng quân ở Thái châu, tự xưng là Kiến Hưng vương, điều quân bao vây Tương Thành, còn tự mình dẫn quân về đóng ở Hứa châu.
Mùa xuân năm 783, Lý Hi Liệt cử quân xâm nhập Nhữ châu, bắt tướng Đường Lý Nguyên Bình rồi lui về. Cả thành Lạc Dương rúng động. Lý Hi Liệt sau đó còn đưa quân quấy nhiễu các châu xung quanh thành Lạc Dương. Triều đình bàng hoàng, tìm cách đối phó. Lư Kỉ do oán ghét Thái tử thái sư Nhan Chân Khanh nên tâu xin Đức Tông cho Chân Khanh đến chỗ Hi Liệt thủ dụ, khuyên ông trung thành với triều đình nhưng Hi Liệt không nghe.
Thấy Tương Thành nguy cấp, Đường Đức Tông phái Lý Miễn là Tiết độ sứ Tuyên Vũ và Kha Thư Diệu mang 1 vạn quân đi cứu. Lý Miễn muốn thừa cơ Lý Hi Liệt sơ hở mà đánh thẳng vào Hứa châu chứ không cần tới Tương Thành. Nhưng khi quân Lý Miễn đã tới Hứa châu thì Đường Đức Tông lại không tán thành ý định của Lý Miễn, bắt ông lui binh. Lý Miễn phải bỏ Hứa châu rút lui, bị Lý Hi Liệt truy kích đánh bại. Lý Miễn chạy về Đông Đô, Lý Hi Liệt bèn bao vây cắt đứt đường tiếp tế lương thực. Tháng 8 ÂL, Hi Liệt dẫn 20.000 quân vây Tương Thành, Lý Miễn sai Đường Hán Thần cùng Lưu Đức Tín đến cứu viện, đều thất bại. Sau này ở Hoài Tây có loạn, Lý Hi Liệt dời trị sở về Thái châu và gửi thư tạ lỗi với triều đình, song vẫn tiếp tục tính chuyện li khai.
Chu Thử và Lý Hoài Quang làm phản.
Phản quân Kinh Nguyên.
Trong tình thế nguy cấp, Đường Đức Tông bèn điều quân Kinh Nguyên tới Quan Nội để giải vây Tương Thành, mặt khác ra lệnh cho tướng ở kinh thành là Chiêu mộ sứ Bạch Chí Trinh mộ cấm binh phòng thủ. Tiết độ sứ Kinh Nguyên là Diêu Lệnh Ngôn vâng lệnh mang 5000 quân đi. Trên đường hành quân ra chiến trường, Kinh Nguyên đi qua kinh đô Trường An. Quan Kinh Triệu doãn là Vương Hồng theo lệnh của Đường Đức Tông mở tiệc khao quân, nhưng không chu đáo, lại không có gì ban thưởng, nên các tướng sĩ Kinh Nguyên đều tức giận. Diêu Lệnh Ngôn cũng bất mãn với các tướng sĩ, bèn phát động binh biến lệnh cho quân sĩ đánh thẳng vào kinh thành. Đường Đức Tông nghe tin quân sĩ bất mãn mới vội vã sai người mang lụa ra thưởng, nhưng quân Kinh Nguyên không chấp nhận, bắn chết viên hoạn quan mang lụa rồi tiến thẳng vào kinh.
Đường Đức Tông có lực lượng mới mộ của Bạch Chí Trinh, bèn điều ra chống giữ. Nhưng những cấm quân mới đều là người buôn bán ở phố chợ, không biết chiến đấu, tan rã bỏ chạy hết. Quân Kinh Nguyên tiến vào kinh thành. Đường Đức Tông vội dẫn Vương quý phi, Vi thục phi cùng khoảng 500 người theo cửa sau kinh thành bỏ chạy, nhằm hướng về Phụng Thiên lánh nạn.
Quân Kinh Nguyên tiến vào điện Hàm Nguyên, thẳng tay cướp bóc kho tàng của vua; dân chúng kinh thành cũng nhân dịp hỗn loạn vào cung lấy của cải của triều đình. Diêu Lệnh Ngôn thấy mình không đủ uy tín để cầm quân chống nhà Đường, nên thả Chu Thử trong ngục ra, tôn làm người đứng đầu. Chu Thử tự xưng là hoàng đế nhà Đại Tần, sau đổi là Đại Hán, chính thức ra mặt phản Đường.
Chu Thử đánh Phụng Thiên.
Kim ngô đại tướng quân Hồn Giam (thuộc hạ cũ của Quách Tử Nghi) vội tới Phụng Thiên báo với Đường Đức Tông về việc Chu Thử đã được thả, nên lập tức tính cách đối phó, nhưng Đức Tông lại nghe theo thừa tướng Lư Khởi, cho rằng Chu Thử là người trung thành, sẽ không phản lại triều đình, và chờ Chu Thử đến rước mình về lại kinh đô.
Thử hạ chiếu lập Chu Thao làm Hoàng thái đệ, viết thư cho Thao bảo
Thao được tin, thông cho cho các trấn khác, đề nghị cùng giúp Chu Thử. Lúc này các cánh quân triều đình ở Hà Bắc cũng lũ lượt kéo về Phụng Thiên cứu giá, Chu Thao và Vương Vũ Tuấn cũng lui quân về trấn. Ông dự định tấn công Lạc Dương, sai người cầu viện Hồi Hột. Hồi Hột cử 3000 quân giúp Chu Thao tấn công xuống phía nam. Nhưng trong lúc này, Lý Bão Chân thuyết phục được Vương Vũ Tuấn quay lại tấn công Chu Thao, Vũ Tuấn chấp nhận, kết ước với Lý Bão Chân và Mã Toại.
Ngay trước khi xưng đế, Chu Thử đã phái Hàn Mân dẫn 3000 quân đến Phụng Thiên, bề ngoài nói là nghênh thiên tử về kinh nhưng thực chất là thừa cơ tấn công, bắt sống Đức Tông. Sau đó, Chu Thử đích thân dẫn đại quân theo sau, cử thêm Diêu Lệnh Ngôn, Trương Quang Thịnh, Lý Trung Thần, Cừu Kính Trung... đưa quân đến đánh tiếp. Đế sai Cao Trọng Kiệt đến Lương Sơn chống trả nhưng thất bại và bị giết. Chu Thử đắc thắng bảo với các tướng
Chu Thử tấn công Phụng Thiên suốt 1 tháng không hạ được. Trong thành lương hết, Đường Đức Tông phải ăn rau dại và lương khô. Đại tướng quân Lý Thành, Lý Hoài Quang mang quân về Phụng Thiên cứu vua. Chu Thử không địch nổi viện binh, phải rút quân về Trường An. Đại tướng Hồn Giam tập hợp binh mã chỉ gồm 10 người bất thần đánh Trường An. Chu Thử dẫn quân trở về và nhanh chóng dẹp được, sau đó lại dồn sức đánh Phụng Thiên. Phụng Thiên trong tình thế nguy cấp, lương thực cạn, Đức Tông phải ăn đến cả rau dại và lương khô. Nhưng may mắn là đến ngày 18 tháng 1, Lý Hoài Quang đang giao chiến với bốn trấn đem quân về cứu giá, đánh bại quân Tần ở Lễ Tuyền. Chu Thử sợ thế Hoài Quang nên muốn nhanh chóng hạ Phụng Thiên trước khi Hoài Quang đến mà không được, cuối cùng phải rút về Trường An để tránh phải đối đầu với Lý Hoài Quang. Về sau, ông không còn đe dọa Phụng Thiên thêm lần nào nữa, nhưng vẫn cho phao tin rằng Phụng Thiên đã nguy cấp, sắp bị diệt để kích tướng sĩ.
Lý Hoài Quang trở mặt.
Sau đó ông đưa quân về Phụng Thiên yết kiến thiên tử. Hoài Quang vốn căm ghét thừa tướng Lư Kỉ và một số gian thần được nhà vua tin tưởng như Triệu Tản, Bạch Chí Trinh. Ông nói
Bọn Lư Kỉ được tin rất hoảng sợ, bèn tìm cách hãm hại ông. Bọn Kỉ tâu xin Đức Tông hạ lệnh cho Lý Hoài Quang thừa thắng kéo quân đến thẳng Trường An, nhằm mượn tay Chu Thử giết ông. Đức Tông bằng lòng, ra lệnh cho ông hợp quân với các tướng Lý Thịnh và Lý Kiến Huy, Dương Huệ Nguyên cùng tấn công Trường An. Ông tỏ ra không hài lòng. Khi đưa quân tới Hàm Dương, ông không tiến thêm nữa và nhiều lần dâng biểu lên triều đình xin trị tội bọn Lư Kỉ gây ra biến loạn ngày hôm nay. Trong tình thế bất đắc dĩ đó, Nhà Vua buộc phải cách chức và lưu đày bọn Lư Kỉ ra Tần châu, Triệu Tản đến Ân châu và Bạch Chí Trung đến Bá châu. Nhưng không dừng lại ở đó, Lý Hoài Quang còn tiếp tục dâng biểu xin trừng trị trung sứ Địch Văn Tú được nhà vua tín nhiệm, cuối cùng Tú bị Đức Tông giết đi.
Mùa xuân năm 784, Đức Tông dự định sai sứ sai cầu viện Thổ Phiên. Tướng Thổ Phiên Thượng Kết Tán nói theo luật pháp nước Phiên thì khi điều quân cứu viện nước khác phải có hiệp ước rõ ràng và yêu cầu phải cắt đất cùng một số điều khoản khác. Lý Hoài Quang không đồng tình với việc này vì cho rằng quân Thổ Phiên mà tiến sang thì sẽ cướp bóc khắp nơi và bắt bớ dân lành. Đại thần Lục Chí lo sợ rằng Lý Hoài Quang sẽ làm phản và tấn công vào lực lượng của Lý Thịnh, vì thế đề nghị tách quân của ông ra khỏi các cánh quân khác, không hành quân chung nữa. Đức Tông hạ lệnh cho Lý Thịnh kéo quân theo hướng khác, nhưng vẫn giữ lộ trình cũ của Lý Kiến Huy và Dương Huệ Nguyên vì sợ Hoài Quang sẽ oán giận[26]. Tháng 2 ÂL, có chiếu gia phong Thái úy, ban thiết khoán, sai Lý Thăng và Đặng Minh Hạc đến thủ dụ. Hoài Quang giận nói: Phàm khi một người nào đó sắp nổi loạn thì ban cho thiết khoán. Nay ban cho Hoài Quang, thì dù ta không có ý phản, cũng bị buộc phải làm phản rồi.
Sự thực thì Lý Hoài Quang đã bí mật câu kết với Chu Thử từ lâu. Chu Thử tìm cách dụ Hoài Quang theo phe mình, hẹn ước sẽ chia nhau vùng Quan Trung để cùng xưng đế, kết làm anh em. Trong khi đó Lý Thịnh cũng cho rằng Hoài Quang sẽ nổi dậy và đề xuất phòng bị ở vùng Hán Trung và Thục. Đức Tông do dự và muốn đến Hàm Dương úy lạo quân sĩ của Lý Hoài Quang. Hoài Quang lo sợ rằng nhà vua có ý đề phòng mình nên càng quyết tạo phản. Đến đây khi có chiếu thư này thì dã tâm tạo phản của ông càng mạnh.
Lý Thăng trở về Phụng Thiên báo việc cho Đức Tông. Triều đình lo sợ, tính tới chuyện bỏ Phụng Thiên nếu như Hoài Quang làm phản. Ít lâu sau, Lý Hoài Quang bất ngờ dẫn quân tấn công Lý Kiến Huy và Dương Huệ Nguyên. Kiến Huy trốn được và Huệ Nguyện bị tử trận.
Chu Thử cùng Lý Hoài Quang, hẹn ước sẽ chia nhau vùng Quan Trung để cùng xưng đế, kết làm láng giềng. Tháng 2 năm 784, Lý Hoài Quang nghe theo Chu Thử, bèn cùng tướng Lý Kỷ theo Chu Thử, dẫn quân chống lại Đức Tông. Ngày 21 tháng 3 năm đó, do lo sợ sự tấn công của Hoài Quang, Đường Đức Tông bỏ trốn khỏi Phụng Thiên, chạy đến Lương châu. Lý Hoài Quang cử các tướng Mạnh Bảo, Huệ Tĩnh Thọ và Tôn Thúc Đạt đuổi theo hòng bắt được Đức Tông; nhưng ba tướng này vẫn còn trung thần với triều đình nên cố ý để nhà vua chạy thoát. Trong khi đó Lý Thịnh viết thư cho ông đề nghị quay về với triều đình. Hoài Quang không nghe, nhưng cũng từ sau sự kiện này, ông tỏ ra lo sợ rằng tướng sĩ dưới quyền có thể bất bình với hành động của mình mà nổi dậy chống lại. Sự thực là đã có bộ tướng Hàn Du Côi, Mạnh Thiệp, Đoàn Uy Dũng bỏ ông về với triều đình, và ông không ngăn cấm được. Do vậy khiến lực lượng của ông suy yếu. Chu Thử thấy thế liền nuốt lời hứa khi trước, chỉ đối xử với Hoài Quang như bầy tôi. Thuộc tướng của ông là Lý Cảnh Lược khuyên ông quay lại tấn công Chu Thử rồi hàng triều đình, nhưng Hoài Quang nghe lời của Diêm Yến, quyết định phân quân cướp bóc ở Kính Dương, Tam Nguyên, Phú Bình rồi từ Đồng châu đưa quân đến đóng ở Hà Trung.
Nhà Đường khôi phục.
Hà Bắc quy thuận.
Đầu năm 784, Lý Hi Liệt ở phía đông cũng tự xưng là Sở hoàng đế ở Biện châu, đổi niên hiệu là Vũ Thành.
Chu Thử mang quân tới tấn công Phụng Thiên. Đường Đức Tông lúc đó mới nhận ra con người Chu Thử, vội theo kiến nghị của Lục Chí, ban bố "chiếu thư tự trách mình", rồi sai sứ đi hiệu triệu các trấn toàn quốc về cứu giá. Ông cũng đồng ý xá tội cho các trấn làm phản gồm Chu Thao, Điền Duyệt, Vương Vũ Tuấn, Lý Nạp và Lý Hi Liệt, hứa sẽ không can thiệp vào công việc nội bộ của các trấn nếu họ đồng ý quy phục(Chu Thử đã xưng đế không nằm trong danh sách này).
Ngày 27 tháng 1 năm 784, Hoàng thượng theo đề xuất của Lục Chí, ban chiếu thư tự trách mình không biết nghe lời can gián, để cho gian nhân thao túng mà nghi ngờ tướng lĩnh khiến họ nổi loạn, sau đó hạ lệnh xá tội cho tất cả những người đã tạo phản trước kia, trừ Chu Thử. Triều đình đề nghị các trấn quy thuận, hứa sẽ không can thiệp vào công việc nội bộ của họ nữa. Điền Duyệt cùng Vương Vũ Tuấn và Lý Nạp đều đồng ý từ bỏ vương hiệu, sai sứ dâng biểu tạ lỗi với triều đình. Trong khi đóChu Thao dẫn quân đánh chiếm Lạc Dương. Đến đất Triệu và Ngụy đều được tiếp đãi trọng hậu. Khi quân của ông đến Vĩnh Tế, sai Vương Chất gặp Điền Duyệt đề nghị hợp quân cùng vượt sông, Điền Duyệt (đã đầu hàng triều đình), kiếm cớ thoái thác. Thao giận lắm, sai Mã Thực đánh Tông Thành, Kinh Thành; Dương Quốc Vinh công Quan Thị thuộc Ngụy Bác, đều phá được, Duyệt lên thành cự thủ. Thao dẫn quân lên phía bắc bao vây Bối châu, thứ sử Tào Tuấn ra sức chống giữ. Thao để cho quân Hồi Hột và quân Phạm Dương cướp bóc chư huyện, sau đó phá Vũ Thành, thông hai châu Đức, Lệ, cử Mã Thực đem 5000 quân đóng ở Quan Thị, bức bách Ngụy châu.
Lúc này Điền Duyệt bị Điền Tự là con của Điền Thừa Tự giết chết, Chu Thao được tin, vui mừng, sai người thuyết phục Điền Tự liên minh với mình. Nhưng Lý Bão Chân, Vương Vũ Tuấn cũng đến chỗ Điền Duyệt, hứa đem quân cứu việc, các trấn duy trì minh ước như khi Điền Duyệt còn sống. Tự chấp thuận. Chu Thao nghe Điền Tự phản kháng nên dẫn binh công đánh Bối châu hơn trăm ngày, Mã Thực đánh Ngụy châu tứ tuần, chưa hạ được. Lý Bão Chân thuyết phục Vương Vũ Tuấn dẫn binh cứu Ngụy. Mã Thực nghe tin, liền giải vây Ngụy châu, hợp quân với Chu Thao. Khi Chu Thao chuẩn bị giao chiến với quân Thành Đức, Mã Thực thuyết phục ông rằng quân sĩ của mình cần được nghỉ ngơi, nhưng Chu Thao nghe lời Thường thị Dương Bố, Tướng quân Thái Hùng và tướng Hồi Hột Đạt Can, quyết định tấn công ngay. Ngày 29 tháng 5 năm 784, Vương Vũ Tuấn sai Binh mã sử Triệu Lâm dẫn 500 quân phục ở Tang Lâm, bản thân mình dẫn theo kị binh đích thân giao chiến với Hồi Hột, quân Hồi Hột thua chạy. Vũ Tuấn đem quân đuổi tiếp, Chu Thao cũng bỏ chạy, trên đường đi quân sĩ bỏ trốn dần. Khoảng 1 vạn quân Lư Long bị giết, 1 vạn quân bỏ trốn, Thao dẫn mấy nghìn quân còn lại vào doanh tự thủ, liên quân tiếp tục tấn công. Thao cho đốt doanh trại, dẫn binh chạy về Đức châu. Sau trận này, Chu Thao cũng phải dâng sớ xin đầu hàng nhà Đường. Hà Bắc tạm thời được dẹp yên.
Diệt Chu Thử.
Đường Đức Tông đóng quân ở Lương châu và sai sứ đi cầu viện Thổ Phiên. Để Thổ Phiên ra quân giúp sức, Đường Đức Tông thỏa hiệp cắt vùng An Tây và Bắc Đình; Thổ Phiên bèn điều 2 vạn quân cứu Đức Tông.
Thần Sách tướng nhà Đường là Lý Thạnh đóng quân ở Vị Kiều, bị kẹp giữa Chu Thử và Lý Hoài Quang, nhưng ông không nao núng, ra sức khích lệ tướng sĩ cần vương, và nhận được sự ủng hộ của những vùng xung quanh như Bân châu, Chiêu Ứng, Lam Điền, lực lượng ngày càng lớn mạnh.
Trong khi đó nội bộ phía lực lượng chống nhà Đường bắt đầu phân hóa. Ban đầu Chu Thử dụ Lý Hoài Quang phản đường để cùng xưng hiệu chia Quan Trung, nhưng sau khi Đức Tông thất thế bỏ chạy, Chu Thử lại không muốn Hoài Quang ngang hàng với mình, muốn coi Hoài Quang như bầy tôi. Lý Hoài Quang rất tức giận. Cùng lúc, lực lượng của tướng Lý Thạnh nhà Đường liên tục uy hiếp địa bàn. Lý Thạnh mang quân đánh bại được Lý Hoài Quang, khiến Hoài Quang phải bỏ chạy về Hà Trung, không hợp tác với Chu Thử nữa.
Đường Đức Tông giao việc chỉ huy quân đội tại Lương châu cho Hồn Giam. Hồn Giam dẫn quân từ Hán Trung tiến ra, cùng 2 vạn quân Thổ Phiên giao tranh đánh bại quân Tần của Chu Thử, rồi sai người đi liên lạc với Lý Thạnh.
Liên quân nhà Đường và Thổ Phiên phản công mạnh mẽ trong khi chính quyền Đại Tần của Chu Thử ngày càng suy yếu. Hồn Giam và Lý Thạnh chia quân làm 2 đường: Hồn Giam tấn công Hàm Dương, Lý Thạnh tấn công Trường An. Tháng 5 năm 784, Lý Thạnh mang quân tấn công kinh thành Trường An và hạ được thành. Chu Thử không chống nổi, phải dẫn quân bỏ trốn.
Chu Thử dẫn quân chạy qua đất Thổ Phiên, trên đường chạy nhiều người dưới quyền bỏ trốn, lực lượng ngày càng tan rã. Khi tới Kinh châu, ông chỉ còn hơn 100 quân kỵ, định nương nhờ Tiết độ sứ Kinh Nguyên do ông bổ nhiệm là Điền Hy Giám, nhưng Hy Giám cự tuyệt, đóng cửa không cho vào.
Chu Thử lại chạy sang Ninh châu, lại bị Tiết độ sứ Hạ Hầu Anh cự tuyệt. Khi Chu Thử chạy đến Bành Nguyên thì bị bộ tướng đâm chết.
Cùng lúc, cánh quân của Hồn Giam cũng giành thắng lợi, chiếm lại được Hàm Dương.
Diệt Lý Hoài Quang.
Sau khi Trường An trở về tay nhà Đường, Lý Hoài Quang quyết định gửi con là Lý Vị thay mặt mình đến Trường An yết kiến và tạ tội với nhà Đường. Đức Tông bằng lòng, sai trung sứ Khổng Sào Phụ, Đạm Thủ Doanh đến Hà Trung nhận hàng. Khi Khổng Sào Phụ đến, Lý Hoài Quang mặc đồ dân thường ra tiếp để tỏ sự hối hận, nhưng Sào Phụ đòi ông phải mặc lại chiến giáp như mọi khi. Sau đó Sào Phụ hỏi quân sĩ rằng: Trong quân của thái úy thì ai có thể thống lĩnh quân đội được. Bọn sĩ tốt giận, bèn giết hai sứ giả của triều đình mà không đợi lệnh của Hoài Quang, khiến cho ông buộc phải công khai chống lại triều đình lần nữa. Vua Đức Tông sai Hồn Giám làm Hà Trung tiết độ phó nguyên soái, cùng Lại Nguyên Quang đem quân đánh Hà Trung. Hồn Giám ban đầu phá được Đồng châu, nhưng bị tướng dưới quyền của ông là Từ Nguyên Quang chặn đứng tại Trường Xuân cung (Vị Nam hiện nay), không thể tiến lên thêm.
Giữa lúc đó, Tiết độ sứ Hà Đông là Mã Toại được phong là phó nguyên soái, cùng Hồn Giám, Lạc Nguyên Quang, Đường Triều Thần... hội binh cùng tấn công, công hạ Giáng châu và một số vùng đất ở phía tây bắc Hà Trung, khiến lãnh thổ của Lý Hoài Quang bị thu hẹp hơn nữa.
Mùa xuân năm 785, khi phát hiện tướng dưới quyền là Lữ Minh Nhạc có bí mật giao thông với Mã Toại, Lý Hoài Quang tức giận sai giết đi, đồng thời tiến hành quản thúc các tướng Cao Dĩnh và Lý Dong. Lúc này thì liên quân của Hồn Giám và Mã Toại đã bao vây được Trường Xuân cung; các tướng cũ ở Sóc Phương nhiều người mưu tính chống lại Hoài Quang; cùng với nhiều quân sĩ vốn nguyên quán ở Sóc Phương vẫn bất bằng với việc phải chuyển đến Hà Trung mà không được trở về quê. Lý Hoài Quang buộc phải hứa với quân sĩ rằng mình sẽ quy phục và cống nộp cho vương sư, để trấn an họ; nhưng trong một tháng không có hành động gì. Do lúc bấy giờ kinh sư vừa mới khôi phục, lòng người chưa yên, việc chuyển lương và mộ quân gặp một số bất lợi, vì thế triều đình nhiều người đề nghị xá miễn cho Lý Hoài Quang, nhưng Lý Thịnh không bằng lòng và đưa ra năm lý do để thuyết phục nhà vua không nên xá miễn, nhà vua nghe theo.
Mùa thu năm 785, do sự thuyết phục của Mã Toại, tướng giữ Trường Xuân cung đã đầu hàng triều đình, khiến cho con đường tiến vào Hà Trung của triều đình được mở rộng hơn. Cả Hà Trung hỗn loạn. Lý Hoài Quang tuyệt vọng, thắt cổ tự sát. Hà Trung được bình định.
Dẹp Lý Hi Liệt.
Còn lại Sở Đế Lý Hi Liệt không thần phục. Nghe tin xa giá rời kinh, Hi Liệt ra quân tấn công, đại phá Ca Thư Diệu ở Tương Thành, Diệu chạy về Đông đô. Lại thừa thắng công hãm Biện châu, Lý Miễn cho quân phòng thủ, Hi Liệt công phá rất lâu chưa hạ được. Ông bắt thường dân nhập ngũ để tăng thêm lực lượng, lệnh vận chuyển gỗ và đất đến trước thành, bắt quân sĩ nếu ai không hoàn thành việc được giao là lấp các hào nước quanh thành đúng thời gian thì sẽ bị chôn sống ở ngay hào nước đó. Đầu năm 784, Lý Miễn thua trận chạy về Tống châu, Lý Hi Liệt chiếm được Biện châu. Ông dời trị sở Hoài Tây đến Biện châu. Thứ sử Hoạt châu dưới quyền Lý Thừa là Lý Trừng đem Hứa châu theo về với Lý Hi Liệt. Cả Giang Hoài rúng động. Tiết độ sứ Hoài Nam Trần Thiếu Du sợ hãi, sai Ôn Thuật đến Biện quy phục Lý Hi Liệt.
Dự định của Lý Hi Liệt là đánh chiếm vùng Giang Hoài, khống chế con đường vận chuyển phương nam và phương bắc. Để thực hiện chiến lược, Lý Hi Liệt cử tướng Đỗ Thiếu Thành làm Tiết độ sứ Hoài Nam, mang quân đánh chiếm khu vực Giang Hoài. Đỗ Thiếu Thành tấn công Thọ châu nhưng thất bại, sau đó lại bị quân Đường đánh bại ở Kỳ châu, quân sĩ tan vỡ gần hết. Một viên tướng khác của Lý Hi Liệt là Đổng Thị được sai đi phối hợp với Đỗ Thiếu Thành cũng bị quân Đường đánh tan tại Ngạc châu.
Lý Hi Liệt thấy ý định chiếm Giang Hoài không thành, bèn chuyển sang chiếm vùng Hà Nam. Ông mang quân tiến về Hà Nam, nhưng bị quân Đường đánh tan. Ông lại dẫn 5 vạn quân đến Ninh Lăng gặp quân Đường tại đây. Hai bên kịch chiến trong 45 ngày, quân Sở đại bại phải rút lui. Tướng Sở là Địch Sùng Huy cũng bị thua trận tại Trần châu và bị bắt sống. Thứ sử Hoạt châu do Lý Hi Liệt bổ nhiệm thấy ông liên tiếp bại trận bèn sang hàng nhà Đường, khiến đường vào kinh thành Biện châu của chính quyền Sở mở rộng cho quân Đường.
Quân Đường đắc thắng tiến đánh Biện châu. Lý Hi Liệt không chống nổi, bỏ chạy ra Thái châu. Quân Đường tiến vào chiếm Biện châu. Lý Hi Liệt cố gắng đem quân lấy được Đặng châu vào đầu năm 785. Vào mùa thu cùng năm, Đức Tông nghe lời của Lục Chí, lệnh quân tướng chỉ nên tự vệ nếu Lý Hi Liệt tấn công, chưa nên tấn công vào Thái châu. Đồng thời Đức Tông hạ chiếu thuyết phục Lý Hi Liệt đầu hàng, hứa sẽ không giết ông. Lý Hi Liệt không nghe và tiếp tục phản kháng triều đình, nhưng vẫn thất bại, lãnh thổ nước Sở ngày một thu hẹp.
Lý Hi Liệt tiếp tục cầm cự ở Thái châu. Năm 786, ông lại bị thua một trận nữa. Quân Đường tiến đến vây bức Thái châu. Lý Hi Liệt cố thủ trong thành. Tháng 4 năm 786, Lý Hi Liệt ăn phải thịt bò có bệnh và bị mang bệnh, phải gọi thầy thuốc chữa. Bộ tướng Trần Tiên Kỳ thấy chính quyền Sở suy yếu bèn nảy ý định phản Lý Hi Liệt, đề nghị thầy thuốc Trần Tiên Phố đầu độc Lý Hi Liệt. Hi Liệt bị trúng độc chết, Trần Tiên Kỳ mở cửa thành đầu hàng nhà Đường. Về sau Trần Tiên Kì bị Ngô Thiếu Thành giết chết, triều đình cũng phải chấp nhận để họ Ngô làm tiết độ sứ ở Hoài Tây. Sự biến Phụng Thiên tới đây kể như chấm dứt.
Hậu quả và ý nghĩa.
Sự biến Phụng Thiên kéo dài đến 6 năm, khởi phát từ 4 trấn tại Hà Bắc, Sơn Đông. Hai hoàng đế Tần và Sở lần lượt bị tiêu diệt. Tuy nhiên, các trấn này cuối cùng được chấp nhận cho quy thuận. Đường Đức Tông trải qua nhiều năm bôn ba biến loạn nên chấp nhận cho các trấn được quy hàng để lập lại cục diện yên ổn tạm thời.
Loạn lạc được dẹp yên, nhà Đường lại được thống nhất trở lại trên danh nghĩa, các phiên trấn vẫn chưa được khống chế hữu hiệu. Việc vua Đường nhân nhượng cho các trấn khởi phát loạn lạc mà không trị tận gốc được các sử gia xem là vô nguyên tắc.
Không lâu sau, nhân lúc chính trường nhà Đường không ổn định, các phiên trấn lại nổi dậy gây biến loạn. | 1 | null |
Hoa hậu Thế giới 2013 là cuộc thi Hoa hậu Thế giới lần thứ 63 được diễn ra vào ngày 28 tháng 9 năm 2013 tại Trung tâm hội nghị Nusa Dua, Bali, Indonesia. 127 thí sinh từ khắp nơi trên thế giới đã cùng nhau tham dự cuộc thi, làm nên kỷ lục về số thí sinh tham dự lúc bấy giờ. Vu Văn Hà của Trung Quốc đã trao lại vương miện Hoa hậu Thế giới cho Megan Young đến từ Philippines. Với chiến thắng này, Philippines đã trở thành quốc gia thứ 3 chiến thắng Tứ đại Hoa hậu (Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Quốc tế, Hoa hậu Trái Đất).
Kết quả cuộc thi.
Thứ hạng.
§ Thí sinh được vào thẳng Top 6 (không có mặt trong Top 20) do nhận được nhiều phiếu bình chọn nhất
Các thí sinh.
127 ứng viên tham dự:
Những chú ý về cuộc thi.
Về các thí sinh.
Các thí sinh sẽ và đã tham dự những cuộc thi sắc đẹp khác: | 1 | null |
là một huấn luyện viên kiêm bình luận viên bóng đá người Nhật. Ông từng là huấn luyện viên trưởng của Đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam và Câu lạc bộ bóng đá Thành phố Hồ Chí Minh. Ông hiện đang là huấn luyện viên trưởng đội tuyển U-20 Thái Lan.
Sự nghiệp cầu thủ.
Miura Toshiya sinh tại Kamaishi, Iwate, Nhật Bản. Sau khi chơi cho đội bóng trường trung học Nam Kamaishi, ông đã nhập học tại đại học Komazawa và gia nhập câu lạc bộ bóng đá của trường đại học này nhưng chỉ với vai trò cầu thủ dự bị. Sau khi tốt nghiệp đại học, Miura theo khóa học về điều dưỡng tại quê nhà và đồng thời thi đấu cho các câu lạc bộ bóng đá nghiệp dư địa phương là Morioka Zebra và Shinittetsu Sumikin Kamaishi.
Sự nghiệp huấn luyện viên.
Du học tại Đức.
Vì không thể từ bỏ ước muốn trở thành huấn luyện viên bóng đá, Miura quyết định du học tại Đức vào năm 1991. Sau 5 năm rưỡi, ông có chứng chỉ huấn luyện viên loại A (tương đương loại A tại Nhật). Cùng thời gian này, Miura cũng học làm phiên dịch viên tiếng Đức. Sau khi trở về nước, ông lập tức học tiếp khóa phiên dịch tiếng Đức và lấy chứng chỉ cao cấp về phiên dịch tiếng Đức năm 1996. Năm 1997, ông nhậm chức huấn luyện viên câu lạc bộ Brummel Sendai (nay là Vegalta Sendai) và bắt đầu sự nghiệp huấn luyện viên ở cúp Hoàng đế. Năm 1998, Miura chính thức bắt đầu sự nghiệp huấn luyện viên với câu lạc bộ Mito Hollyhock. Năm 1999, Miura trở thành huấn luyện viên phó cho câu lạc bộ Omiya Ardija và học phong cách bóng đá tổng lực Hà Lan từ huấn luyện viên trưởng đội bóng lúc đó là ông Pim Verbeek và trở thành huấn luyện viên trưởng đội bóng này vào năm 2000. Mùa giải năm 2000, mặc dù kết thúc với vị trí thứ 4 nhưng đội bóng của Miura đã phải chịu thất bại thảm hại với tỷ lệ 1 thắng - 11 bại với ba đội bóng dẫn đầu. Năm 2001, Miura đã tuyển mộ Jorge Dely Valdés (tuyển thủ quốc gia Panama), Jader Volnei Spindler (cầu thủ người Brazil, người đầu tiên lập cú đúp hat-trick tại J-League) và Ando Masahiro (cựu tuyển thủ Nhật Bản). Miura đã tuyên bố "kể từ khi trở thành huấn luyện viên, đây là đội bóng xuất sắc nhất tôi từng dẫn dắt."
Mùa giải năm 2001, dù kết thúc lượt đi với 17 trận thắng (trong đó có 4 trận thắng bằng thi đấu thêm giờ), 2 bại, 1 hòa, đội bóng của Miura đã kết thúc mùa giải với vị trí thứ năm và không thể lên J1 sau khi hai cầu thủ quan trọng là Jorginho và Jorge Luis Dely Valdes chấn thương nặng. Cuối mùa, Miura từ chức huấn luyện viên câu lạc bộ bóng đá Omiya Aldija.
Omiya Aldija.
Năm 2004, Miura trở lại làm huấn luyện viên của câu lạc bộ Omiya Aldija. Mặc dù khởi đầu chậm chạp nhưng ngoại trừ việc gặp khó khăn ở lượt đi trước đội bóng mạnh nhất Kawasaki Frontale, đội bóng của Miura đã giành vị trí thứ 2 thời điểm đó và đây là vị trí chắc chắn lên hạng. Ở lượt về, với sự tăng cường của cầu thủ Brazil Tuto, Omiya Aldija đã kéo dài mạch chiến thắng và thăng hạng J1 sau chiến thắng trước Mito Hollyhock ở vòng đấu thứ 42.
Ở lượt đi mùa bóng 2005, dù có thành tích giành thắng lợi 50% ở lượt đi, nhưng với sự ra đi của ngôi sao Cristian và chấn thương của nhiều trụ cột, đội bóng của Miura gặp thất bại liên tiếp như mùa giải 2001, tưởng như đã tụt xuống vị trí xuống hạng nhưng cuối cùng đã trụ lại được ở J1. Tuy nhiên với kết quả không tốt ở mùa giải 2006, Miura đã rời ghế huấn luyện viên của câu lạc bộ Omiya Aldija.
Sapporo Consadore.
Miura nhậm chức huấn luyện viên của Sapporo Consadore ở mùa giải 2007. Huấn luyện viên tiền nhiệm Yanagishita Masaaki đã dẫn dắt Sapporo chơi với lối bóng đá tấn công, tuy nhiên sự yếu kém của hàng phòng ngự đã dẫn đến thất bại của đội bóng ở những thời điểm quan trọng. Miura đã truyền cho Sapporo Consadore lối chơi có tổ chức với hàng phòng ngự được tổ chức từ tuyến trên. Thất bại không còn nữa và đội bóng tiến lên vững chắc kể từ trận mở màn. Mặc dù có một số thời điểm bị chỉ trích, ở vòng đấu cuối cùng, Sapporo Consadore đã giành thắng lợi trước Mito Hollyhock, vô địch J2 và trở lại J1.
Trở lại J1 ở mùa giải 2008, mặc dù gặp nhiều khó khăn như việc cầu thủ trung tâm hàng tiền vệ, Alseu, rời đội bóng ở tuần đầu tiên, hủy hợp đồng với Bruno Quadros, hàng phòng ngự với trung tâm là Soda Yushi, người đã đóng góp rất quan trọng trong chiến tích lên hạng J1 mùa bóng trước, Sapporo Consadore đã tránh khỏi nhiều thất bại, đồng thời tiền đạo mũi nhọn Davi cũng góp công với nhiều bàn thắng. Tuy nhiên, với hàng loạt cầu thủ bị chấn thương và lối phòng ngự khu vực cứng nhắc dễ bị bắt bài với các đội bóng J1, lối chơi của đội bóng đã gặp thất bại. Với chiến thuật quá khắc nghiệt, khiến nhiều cầu thủ phải rời sân (có trận đấu mà 2 cầu thủ phải ra sân), Sapporo Consadore đã dẫm chân tại chỗ. Giữa mùa giải, với sự gia nhập đội bóng của Minoyoshi Yoshinobu, hàng phòng ngự đã trở nên ổn định, Sapporo Consadore đã lật ngược tình thế với các trận đấu ở tháng 7, tháng 8 nhưng với nhiều trận thất bại, Sapporo Consadore đã phải xuống hạng J2 với kết quả tồi tệ nhất trong lịch sử. Mặc dù đã được yêu cầu tiếp tục huấn luyện mùa giải 2009, Miura đã nhận trách nhiệm cho việc xuống hạng của câu lạc bộ và từ chức huấn luyện viên Sapporo Consadore.
Vissel Kobe.
Tháng 8 năm 2009, Miura trở thành huấn luyện viên của câu lạc bộ Vissel Kobe thay thế cho Wada Masahiro. Tiếp nối phong cách phòng thủ phản công, đội bóng của Miura đã chiến thắng 3 trận liên tiếp trong tháng 8 và đưa đội bóng tạm thời thoát khỏi nguy cơ xuống hạng. Mặc dù chỉ giành được 1 chiến thắng trong tháng 9 nhưng Vissel Kobe đã trụ lại được một cách khó nhọc.
Miura tiếp tục dẫn dắt Kobe ở mùa giải 2010. Tuy nhiên, với kết quả không được như ý kể từ trận khai mạc, Vissel Kobe tụt lại ở khu vực xuống hạng, cộng với sự thiếu hòa nhập của Lee Jae Min, tiền đạo thay thế tuyển thủ Nhật Bản Okubo, và tình trạng chấn thương kéo dài do chiến thuật quá khắc nghiệt của Miura, có giai đoạn trong 7 trận đấu có 6 cầu thủ bị chấn thương phải thay ra (trong đó có hai lần thủ môn Enomoto Matsuya phải ra sân, thay vào vị trí thủ môn là một cầu thủ khác trên sân), tình cảnh ở câu lạc bộ Sapporo Consadore lại lặp lại. Miura đã bị sa thải vào ngày 12 tháng 9.
Venforet Kofu.
Năm 2011, Miura trở thành huấn luyện viên của câu lạc bộ Venforet Kofu. Ông được kỳ vọng sẽ củng cố lại hàng phòng ngự bất ổn ở mùa bóng trước. Miura đã cố áp dụng chiến thuật phòng ngự khu vực đã thành công với Sapporo Consadore nhưng các cầu thủ Kofu vốn quen với chiến thuật phòng ngự áp sát. Đội bóng nổi tiếng với chiến thuật "running soccer" đã gặp khó khăn với chiến thuật mới quá thiên về phòng ngự, làm mờ đi hình ảnh đội bóng tấn công tốt nhất J2 mùa bóng trước. Venforet Kofu giành được thắng lợi đầu tiên ở vòng đấu thứ 6 trước Nagoya Grampus Eight, nhưng sau đó chỉ giành được tổng cộng 4 trận thắng trong số 19 trận đấu, bao gồm 2 trận trước Kashima Antlers và Gamba Osaka, những đội bóng đã mệt mỏi sau các trận đấu ở AFC Champions League, và trận thắng cuối cùng ở vòng đấu thứ 13 trước Avispa Fukuoka, kết thúc ở vị trí thứ 16, rơi xuống khu vực xuống hạng. Mặc dù được trông chờ ở việc xây dựng hàng phòng ngự nhưng với chiến thuật phòng ngự khu vực, Venforet Kofu đã để lọt lưới nhiều thứ 2 với 37 bàn thua do đã để lỏng những cú sút từ tuyến hai của hàng tiền vệ đối phương. Kết quả không tốt này khiến chủ tịch đội bóng Umino Kazuyuki không thể bỏ qua và đã ra điều kiện "Nếu Miura không chiến thắng ở vòng đấu thứ 20 ngày 6 tháng 8 gặp Sanfrecce Hiroshima và vòng đấu tiếp theo gặp Montedio Yamagata thì sẽ bị sa thải". Cuối cùng, Miura đã bị sa thải sau thất bại 0-2 trước Sanfrecce Hiroshima. Miura đã trở thành huấn luyện viên đầu tiên bị sa thải giữa mùa giải.
Sau khi rời khỏi ghế huấn luyện viên, ông Miura đảm nhiệm vai trò bình luận ở hai chương trình về giải vô địch Ý (Serie A) của kênh truyền hình Sky PerfecTV và giải vô địch Hà Lan (Eredivisie) của kênh J SPORTS.
Đội tuyển quốc gia Việt Nam.
Ngày 8 tháng 5 năm 2014, Miura Toshiya trở thành huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá Việt Nam, đồng thời kiêm nhiệm huấn luyện viên trưởng đội tuyển Olympic Việt Nam tham dự vòng loại Olympic Rio de Janeiro; với thời hạn hợp đồng đến ngày 3 tháng 4 năm 2016. Huấn luyện viên Nguyễn Hữu Thắng nhận xét "Bóng đá Việt Nam đang học tập mô hình bóng đá tại Nhật Bản, bằng chứng là chúng ta đã thuê chuyên gia người Nhật đến để điều hành giải bóng đá vô địch quốc gia Việt Nam... Thể trạng của cầu thủ Việt Nam cũng có nhiều đặc điểm giống cầu thủ Nhật Bản, thế nên việc sử dụng tư duy người Nhật để xây dựng đội tuyển quốc gia và Olympic quốc gia cũng là hợp lý", đồng thời nghi ngại về khả năng của Miura Toshiya. Trước nhiều nghi ngờ từ các huấn luyện viên bóng đá Việt Nam như Hoàng Văn Phúc hay Lê Thụy Hải, Miura Toshiya khẳng định "rất tự tin vào bản thân mình, bởi ở Nhật Bản chỉ có khoảng 10 huấn luyện viên cầm quân trên 400 trận trong đó có tôi". Miura Toshiya nhận được mức tín nhiệm cao từ các cầu thủ khi đảm nhận vị trí huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam. Ngày 2 tháng 7 năm 2014, Miura Toshiya ra mắt trận đấu đầu tiên với chiến thắng đậm 6-0 trước đội tuyển bóng đá quốc gia Myanmar.
ASIAD 17 tại Hàn Quốc vào tháng 9 năm 2014, Miura dẫn dắt U-23 Việt Nam đứng đầu vòng bảng môn bóng đá nam với chiến thắng 4-1 trước U-23 Iran và thắng 1-0 trước U-23 Kyrgyzstan; lần đầu tiên lọt vào vòng 1/8 và để thua 1-3 trước U-23 UAE. Đây được coi là sự kiện địa chấn vì những cầu thủ trong đội hình U-23 Việt Nam khi đó chỉ "thường thường bậc trung" và không thu hút được sự quan tâm. Ngày 16 tháng 11, Miura Toshiya dẫn dắt đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam thắng 3-1 trước đội tuyển bóng đá quốc gia Malaysia trong trận giao hữu trước thềm AFF Cup 2014. Tại vòng bảng AFF Cup , đội tuyển Việt Nam hòa 2-2 với Indonesia, thắng Lào 3-0 và thắng Philippines 3-1. Tại giải đấu này, ông đưa đội tuyển Việt Nam lọt vào vòng bán kết với chiến thắng 2-1 trước Malaysia ở trận lượt đi trên sân khách, nhưng bất ngờ nhận thất bại 2-4 ở trận lượt về trên sân nhà vì những sai lầm ở hàng thủ. Sau trận đấu lượt về thua trên thế thắng, ông cho rằng tâm lý chủ quan là nguyên nhân dẫn đến thất bại.
Tại vòng bảng SEA Games 2015, Miura Toshiya dẫn dắt U-23 Việt Nam thắng 5-0 U-23 Brunei, thắng 5-1 U-23 Malaysia, thắng 1-0 U-23 Lào, thắng 4-0 U-23 Đông Timor, sau đó thua 1-3 U-23 Thái Lan và để mất ngôi đầu bảng. U-23 Việt Nam thua 1-2 U-23 Myanmar tại bán kết, và giành huy chương đồng sau khi thắng 5-0 U-23 Indonesia. Miura Toshiya dẫn dắt đội tuyển quốc gia Việt Nam tham dự trận giao hữu với Manchester City F.C. vào ngày 27 tháng 7 năm 2015 và thất bại với tỷ số 1-8.
Một bộ phận dư luận tại Việt Nam liên tục công kích lối chơi của Miura Toshiya tại vòng loại giải vô địch bóng đá U-23 châu Á 2016 khi U-23 Việt Nam thua 0-2 U-23 Nhật Bản theo kiểu hạn chế bàn thua, đồng thời thắng 7-0 U-23 Ma Cao và thắng 2-1 U-23 Malaysia, trong khi Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đánh giá cao huấn luyện viên người Nhật Bản. Tháng 1 năm 2016, huấn luyện viên Miura Toshiya lần đầu tiên đưa U-23 Việt Nam tham dự vòng chung kết giải vô địch bóng đá U-23 châu Á 2016 tại Qatar, nhưng đội đã bị loại sau khi để thua ba trận liên tiếp 1-3 trước U-23 Jordan, 2-3 trước U-23 UAE, 0-2 trước U23 Úc. Tại trận đấu gặp U-23 UAE, U-23 Việt Nam hai lần vươn lên dẫn trước nhưng sau đó bị gỡ hòa, huấn luyện viên Miura Toshiya cho rằng cầu thủ còn thiếu kinh nghiệm thi đấu. Khi giải đấu kết thúc, báo chí và người hâm mộ bóng đá đã chỉ trích ông vì U-23 Việt Nam không giành được điểm số nào, khiến ông có ý định từ bỏ quyền huấn luyện viên.
Tại vòng loại giải vô địch bóng đá thế giới 2018 khu vực châu Á, Miura Toshiya dẫn dắt đội tuyển Việt Nam thua 0-1 Thái Lan, thắng 2-1 Đài Bắc Trung Hoa, hòa 1-1 Iraq, thua tiếp 0-3 Thái Lan. Với mục tiêu lọt vào vòng loại cuối cùng của World Cup 2018, ông bị người hâm mộ chỉ trích vì đội tuyển "thắng không đẹp mắt" trước Đài Bắc Trung Hoa; tờ "VnExpress" chỉ ra thực trạng V.League yếu kém và khuyên người hâm mộ không nên đòi hỏi vô lý với Miura Toshiya.
Ngày 28 tháng 1 năm 2016, hội nghị ban chấp hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam lần thứ 7 tại Thành phố Hồ Chí Minh đã chứng kiến 11/16 phiếu biểu quyết sa thải huấn luyện viên Miura Toshiya trước thời hạn 2 tháng và ông đã không nhận khoản phí bồi thường khoảng 800 triệu đồng. Huấn luyện viên Nguyễn Thành Vinh cho rằng việc sa thải huấn luyện viên Miura Toshiya giữa chừng của VFF là để tránh sức ép của dư luận và lối chơi bóng đá không phù hợp với thị hiếu người Việt.
Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 5 tháng 1 năm 2018, Miura Toshiya nhậm chức huấn luyện viên trưởng của Câu lạc bộ bóng đá Thành phố Hồ Chí Minh với bản hợp đồng 2 năm. Tuy nhiên, với thành tích thi đấu bết bát của đội trong suốt mùa giải 2018, ông đã rời khỏi vị trí này chỉ sau một mùa giải.
Cuộc sống cá nhân.
Miura tiết lộ rằng cha của mình là một thành viên của đội rugby hàng đầu Shin Nittetsu Kamaishi trong chương trình văn hóa của kênh truyền hình Hokkaido.
Đón nhận.
Quan điểm.
Mục tiêu giữa Miura Toshiya với Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) không dừng lại ở khu vực Đông Nam Á mà còn hướng đến sân chơi tầm châu Á. Miura Toshiya tin tưởng với chiến lược đúng đắn của VFF và phẩm chất của người Việt, đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam đủ sức vào nhóm 10 đội bóng mạnh nhất châu Á. Ông nhận xét: "Làm bóng đá ở Việt Nam khó hơn các bạn nghĩ, vì mục tiêu của bóng đá Đông Nam Á rất khác Nhật Bản. Họ thường quan tâm hơn tới những giải đấu vừa tầm trong khu vực như AFF Cup và SEA Games thay vì các giải đấu của châu lục. Thắng hoặc hòa các đội hàng đầu châu lục mới là cách để Việt Nam nâng tầm của mình trên bản đồ bóng đá thế giới, bởi các giải AFF Cup và SEA Games chỉ được tính như các trận giao hữu trên hệ thống của FIFA. Để giành chiến thắng trước các nước châu Á có trình độ cao hơn, chúng tôi cần cải thiện và nỗ lực để giải quyết những điểm yếu. Việt Nam không nên lấy bóng đá Thái Lan làm thước đo". Miura Toshiya cho rằng ông "cần 4 năm để vực dậy và xây dựng một đội tuyển Việt Nam hùng mạnh".
Ông nhận xét cầu thủ Việt Nam còn nhiều điều cần cải thiện, yếu tố quan trọng nhất là thể lực; Miura Toshiya không hiểu vì sao truyền thông Việt Nam luôn đặt câu hỏi về U-19 Việt Nam bởi ông cho rằng có nhiều cầu thủ U-19 giỏi nhưng vẫn chỉ là cầu thủ trẻ. Sau một năm đảm nhận huấn luyện viên trưởng các cấp độ đội tuyển Việt Nam, ông cho rằng cầu thủ người Việt "tập luyện chăm chỉ, biết lắng nghe học hỏi và đó là nền tảng để họ tiến bộ và phát triển.[...] Người Việt có một chút gì đó ngại ngùng, khác với những người châu Âu vốn tự tôn và kiêu hãnh. Người Nhật như tôi cảm thấy rất thoải mái khi làm việc tại Việt Nam.[...] Nếu so sánh với các nền bóng đá Trung Đông thì chúng ta hiện tại yếu hơn về thể lực. Nhưng tôi nghĩ cải thiện thể lực nhanh hơn là cải thiện kỹ thuật. Các cầu thủ Việt Nam hiện tại đã có kỹ thuật tốt để chơi bóng, vì thế cải thiện thể lực sẽ không mất nhiều thời gian"; ông cho rằng có lợi thế vì không biết tiếng Việt và không đọc được báo chí Việt Nam nên không chịu nhiều áp lực. Miura Toshiya nêu quan điểm "V.League rất tệ. Cầu thủ không chịu chạy và cũng không chịu khó vận động, có lẽ là vì trận đấu bắt đầu lúc 17h khi thời tiết còn nắng nóng. Điều này cũng có lý do của nó. Một là do truyền hình phát hai hoặc ba trận đấu cùng lúc. Hai là do lúc 19h có chương trình thời sự nên không thể tổ chức trận đấu vào lúc đó. Nếu ở Nhật Bản, chúng tôi phải thảo luận đẩy ai xuống với những câu hỏi đại loại "Tại sao không chọn cầu thủ này?". Còn ở Việt Nam thì ngược lại, ban đầu tôi thấy hầu như không ai vừa mắt mình nên phải dùng phương pháp loại trừ. Nghĩa là, bỏ cậu này vậy thì chọn cậu kia thôi. Đặc trưng của cầu thủ ở Đông Nam Á có lẽ là ghét chạy hay phòng ngự. Những cầu thủ giỏi ở đây cũng chỉ giống như cầu thủ giỏi ở Nhật Bản 30 năm trước, chỉ giỏi khi giữ bóng. Với bóng đá chuyên nghiệp, điều này là tối kỵ. Ông ủng hộ quan điểm hạn chế tiền đạo ngoại binh tại V.League nhằm tạo cơ hội cho cầu thủ người Việt có nhiều cơ hội ra sân. Miura Toshiya thường cùng học trò hoàn thành các bài tập khởi động, trái ngược với Park Hang-seo thích trêu đùa và giao lưu cùng học trò.
Miura Toshiya nêu quan điểm "luôn giữ thái độ đúng mực, làm việc trên nguyên tắc và tuân theo quy định, không có trách nhiệm phải thân thiện với những người không liên quan.[...] Huấn luyện viên phải dung hòa được hai yếu tố đối kháng và tập thể. Một cầu thủ khỏe là chưa đủ, mà cả 11 cầu thủ cần nền tảng thể lực ngang nhau.[...] Chúng ta hay nói về kỹ thuật, nhưng bao nhiêu người hiểu đúng về khái niệm kỹ thuật, tôi nghĩ đấy là câu hỏi cần được giải đáp. Kỹ thuật bóng đá không chỉ là chuyện đảo chân, rê dắt qua người. Kỹ thuật bóng đá bắt đầu từ những thứ hết sức cơ bản như chạm một, chuyền bóng và sút bóng. Kỹ thuật hay chiến thuật bóng đá đều bắt nguồn từ nền tảng thể lực. Bạn phải đủ khỏe thì mới có thể tỉnh táo tới những giây cuối cùng. Mà chỉ có tỉnh táo mới giúp bạn đưa ra quyết định đúng đắn, nhất là khi trận đấu đi về những phút cuối.[...] Nghề huấn luyện cấp đội tuyển có một đặc thù là thời gian "làm việc thật sự" rất ít, chỉ từ bảy tới chín tuần mỗi năm. Phần lớn thời gian trong năm, việc của huấn luyện viên một đội tuyển quốc gia giống như nhà nghiên cứu khoa học vậy, chỉ có thể ghi chép, quan sát và tự đúc kết. Nó không phải công việc ngày qua ngày mà luôn có độ trễ. Sai số là rất nhiều, trong khi cơ hội sửa sai gần như là không có". Ông tái khẳng định "Bóng đá Việt Nam có một cái rất giống bóng đá Nhật Bản là đề cao yếu tố khéo léo mà quên đi căn bản của bóng đá là thể lực, là khả năng tranh chấp. Nếu anh không khỏe thì trí óc anh cũng không tỉnh táo mà rê dắt, dứt điểm". Miura Toshiya nhận định "Bóng đá Việt Nam có rất nhiều vấn đề, nhưng nếu nói về năng lực trên sân cỏ thì tôi nghĩ họ không phải là đội bóng có tinh thần làm việc cao, không có ý thức về mặt phòng ngự và tranh cướp bóng. Khi họ cầm bóng thì họ chơi rất tốt nhưng tôi thấy nhiều khi vừa bị cướp bóng xong là họ dừng chơi luôn. Họ đã không tìm hiểu và phân tích kỹ đối thủ của mình. Tôi nghĩ cái quan trọng và cơ bản nhất là phải cân nhắc về cách thi đấu sau khi phân tích điểm mạnh của đối phương rồi đưa ra chiến lược từ cách thi đấu của đối thủ nhưng họ lại không có quy trình phân tích đối thủ. Ban đầu tôi thấy rất ngạc nhiên nhưng họ không có văn hóa phân tích".
Ông khẳng định vị trí thủ môn là một trong những vị trí quan trọng nhất, vị trí đặc biệt quan trọng trong đội hình quyết định đến thành công ở mọi đội bóng. Miura Toshiya cho rằng xoay tua đội hình là điều thường thấy trong bóng đá chuyên nghiệp, giúp đảm bảo có nhiều sự lựa chọn và tạo nên sự bất ngờ cho đối phương khi xếp cầu thủ đá trái sở trường. Miura Toshiya lựa chọn đội hình theo nguyên tắc: nếu cầu thủ không thể hiện được phong độ và khát vọng trong trận đấu mà ông theo dõi thì phải nhường cơ hội cho người khác, dù cho là công thần cũng không có trường hợp ngoại lệ. Miura Toshiya là huấn luyện viên bóng đá dành sự tập trung cao độ với tất cả mọi giải đấu trong vai trò dẫn dắt các cấp độ đội tuyển bóng đá Việt Nam (giống với Henrique Calisto ở giai đoạn thành công cùng bóng đá Việt Nam), khác hẳn với các huấn luyện viên đội tuyển trước đây dẫn dắt (như Hoàng Văn Phúc) phân biệt giải đấu chính-giải đấu phụ. Miura Toshiya thúc đẩy tính cạnh tranh trong đội tuyển giống với thời Henrique Calisto dẫn dắt, trái ngược với lối mòn cách chơi và dùng người của Hoàng Văn Phúc.
Lối chơi Miura Toshiya sử dụng là chắc chắn, thực dụng và đơn giản, không dùng các cầu thủ ít chịu va chạm và ngại đấu sức, giữ bóng lâu và làm chậm nhịp độ của toàn đội; rèn luyện khả năng chuyển từ phòng ngự sang phản công. Phương pháp hồi thể lực bằng cách ngâm nước đá lạnh sau mỗi buổi tập của cầu thủ được ông áp dụng được cho là mới mẻ đối với bóng đá Việt Nam. Đối đầu với những đối thủ có lợi thế về thể hình và chơi mạnh mẽ ở khu trung tuyến tại ASIAD 17, Miura Toshiya xây dựng vững chắc khu vực trước bộ đôi trung vệ và tập trung tấn công hai cánh kết hợp sự linh hoạt của các tiền đạo phía trên. Sơ đồ chiến thuật thắng 4-1 U-23 Iran mà ông áp dụng rất linh hoạt (gồm 4-4-2, 5-4-1, 3-6-1), trong khi Phan Thanh Hùng và Hoàng Văn Phúc không phát huy được hiệu quả sơ đồ chiến thuật 4-5-1 do Henrique Calisto xây dựng. Miura Toshiya phân tích điểm mạnh và điểm yếu của từng cầu thủ rồi hỏi thẳng “cậu tự tin ra sân không, tại sao mình phải sợ họ nào?” nhằm khích lệ tinh thần, làm công tác tư tưởng cho các học trò trước giờ ra sân; ông chỉ công bố đội hình xuất phát vài tiếng đồng hồ trước giờ bóng lăn để tạo động lực đến phút cuối cùng cho các học trò trong bài đá nội bộ một ngày trước giờ thi đấu. Huấn luyện viên Nguyễn Phúc Nguyên Chương ấn tượng với đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam dưới thời Miura Toshiya là lối đá ngắn, nhanh nhẹn, đơn giản, thường dùng đội hình 4-4-2. Khi một cầu thủ có bóng, ba-bốn vệ tinh xung quanh đều di chuyển nhằm tạo khoảng trống để bất cứ cầu thủ nào cũng có thể áp sát khung thành đối phương và phong tỏa cầu thủ đội bạn khi họ có bóng.
Chỉ trích.
Huấn luyện viên Miura Toshiya bị cáo buộc có chiến thuật không phù hợp với thể trạng cầu thủ Việt Nam, ông được coi là nạn nhân vì bóng đá Việt Nam "xây nhà từ nóc". Ông bị một bộ phận người hâm mộ bóng đá chỉ trích không biết dùng người, không đồng tình cách đá phòng ngự số đông và việc cầu thủ gặp chấn thương khi tập luyện. Phó chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) Đoàn Nguyên Đức đòi sa thải và nói ông là "huấn luyện viên dở nhất trong 60 năm qua của bóng đá Việt Nam", nguyên nhân được cho là Miura ít dùng cầu thủ của Hoàng Anh Gia Lai và nội bộ lãnh đạo VFF chia rẽ quan điểm. Một số thành viên chủ chốt của VFF đã góp phần định hướng sai dư luận, phê phán quá mức đội tuyển của Miura Toshiya trong khi thiếu các dẫn chứng thuyết phục, thiếu các luận cứ khoa học dựa trên những thông số cụ thể. VFF thừa nhận thực trạng nhiều cầu thủ lớn tuổi có trình độ chuyên môn và thể lực còn yếu, trong khi các cầu thủ trẻ tâm lý thi đấu chưa ổn định. "Dân trí" cho rằng Miura Toshiya "thay đổi đội hình quá nhiều, sử dụng nhiều vị trí thi đấu không đúng sở trường khiến đội tuyển mất đi tính ổn định", "xem trọng lối chơi thể lực và dùng nhiều bóng dài". Trong thời gian nắm quyền, Miura Toshiya chịu chỉ trích từ nhiều phía về việc phải sử dụng các cầu thủ của câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai làm bộ khung chính của đội tuyển quốc gia. Người hâm mộ dừng chỉ trích Miura Toshiya sau khi "bóng đá đẹp" tại Việt Nam đón nhận những thất bại của Hoàng Anh Gia Lai ở V.League, U-19 Việt Nam ở Giải vô địch bóng đá U-19 châu Á 2014, U-22 Việt Nam ở SEA Games 2017; đồng thời những trường hợp tương đồng phòng ngự phản công thành công xuất hiện như U-19 Việt Nam dưới thời huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn và U-23 Việt Nam dưới thời Park Hang-seo. Khi được so sánh với Park Hang-seo, ông bị cho là thiếu nhạy bén hoặc bảo thủ trong lối chơi chiến thuật và dùng người; đồng thời thừa nhận lứa cầu thủ thời Park Hang-seo đồng đều hơn so với thời điểm Miura Toshiya dẫn dắt. "Công an nhân dân" cho rằng Falko Götz và Miura Toshiya thất bại tại Việt Nam vì "cố gắng áp đặt sự khoa học, chuyên nghiệp quá nhanh, đến mức khắt khe và không phù hợp".
Khen ngợi.
Miura Toshiya vượt qua các chỉ tiêu thành tích của Liên đoàn bóng đá Việt Nam: huy chương đồng AFF Cup 2014, huy chương đồng SEA Games 2015; thậm chí đạt thành tích ngoài mong đợi như tham dự vòng đấu loại trực tiếp tại Đại hội Thể thao Châu Á 2014, vòng chung kết giải vô địch bóng đá U-23 châu Á 2016. Miura Toshiya đã hồi sinh niềm đam mê bóng đá của người hâm mộ tại thời điểm đang chán bóng đá khi mà nền bóng đá Việt Nam trước đó đã tuột dốc thảm hại: đội tuyển quốc gia bị loại ngay từ vòng bảng AFF Cup 2012, U-23 Việt Nam bị loại ngay vòng bảng SEA Games 2013, thua U-23 Indonesia 0-2 tại bán kết SEA Games 2011, thua liền 5 trận tại vòng loại Cúp bóng đá Châu Á 2015 (bao gồm cả Hồng Kông). Lực lượng U-23 Việt Nam tại SEA Games 2017 với nhiều cầu thủ đã được Miura Toshiya xây dựng nền tảng từ hơn hai năm trước. Nhiều nhân tố thành công dưới thời Park Hang-seo đã được Miura Toshiya phát hiện và đào tạo.
"Dân trí" đánh giá Miura Toshiya là một trong những huấn luyện viên đội tuyển quốc gia giàu thành tích nhất trên bình diện các giải đấu tầm châu lục, thành tích của ông giúp VFF thoát khỏi yêu cầu cải tổ nhân sự từ nhóm các cựu cầu thủ ký đơn nhận xét "bóng đá Việt Nam đã chạm đáy"; tái khẳng định lối chơi phòng ngự phản công của Miura Toshiya phù hợp với các giải đấu châu Á, tương đồng với thành công của U-19 Việt Nam dưới thời Hoàng Anh Tuấn. Huấn luyện viên Nguyễn Thành Vinh khen ngợi: "Giải nào ông ấy cũng đạt hoặc vượt chỉ tiêu. Về mặt chuyên môn, ông ấy thổi vào cầu thủ cái tinh thần khác, cái tâm thế khác khi tham dự các giải đấu tầm châu lục trở lên. Dưới thời huấn luyện viên Miura, hầu như người ta không lo chuyện đội tuyển có tiêu cực ở các giải quốc tế...Trình độ thể lực được nâng lên rõ rệt, chúng ta không hụt hơi trước các đội có đẳng cấp châu Á. Kỷ luật chiến thuật cũng khác hẳn trước đây". Huấn luyện viên Alfred Riedl cũng nhận thấy rằng đội tuyển Việt Nam đã thay đổi nhiều theo hướng tích cực dưới thời huấn luyện viên Miura. Theo lời bình luận viên Quang Huy, huấn luyện viên Park Hang-seo đánh giá rất cao lối chơi của U-23 Việt Nam tại ASIAD Incheon năm 2014 do Miura dẫn dắt.
Miura Toshiya được ví như "nhà khai phá" vì phát hiện nhiều cầu thủ tiềm năng phù hợp lối đá phòng ngự phản công; trong đó ưu tiên sử dụng bóng dài ngẫu hứng và bứt tốc nhanh từ hai biên, yêu cầu phòng ngự chắc chắn trước khi xâm nhập dứt điểm sắc bén ở vòng cấm địa đối phương. Lối đá phòng ngự phản công mà Miura Toshiya áp dụng tại Việt Nam được huấn luyện viên Nguyễn Thành Vinh, Trần Văn Phúc khen ngợi; huấn luyện viên Vương Tiến Dũng cho rằng sơ đồ 4-2-3-1 của Miura Toshiya gây khó chịu cho đối phương. Miura biết cách pha trộn giữa chất kỹ thuật của nhóm cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai trên hàng tấn công, với sự chắc chắn nơi hàng phòng ngự. Miura Toshiya dung hòa tốt mối quan hệ giữa nhóm cựu binh và tân binh, đặc biệt là nhóm các cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai lần đầu lên đội tuyển U-23 Việt Nam - nhóm cầu thủ gây nhiều tranh cãi xung quanh chuyện nhân sự của đội tuyển bóng đá Việt Nam.
Đội tuyển Việt Nam dưới thời Miura Toshiya có thế mạnh thể lực trong các trận đấu tầm cỡ quốc tế, tuy không hoa mỹ nhưng tấn công đa dạng (phối hợp đá nhỏ, chơi tấn công rực lửa khi cần, xen lẫn lối chơi tấn công là những đòn phản công tốc độ và kết hợp những đường bóng dài nhiều tính bất ngờ). Ông rất nghiêm khắc trong các buổi tập nhằm tạo sự tập trung cho đội bóng, cầu thủ phối hợp nhuần nhuyễn và khai thác tốt các tình huống cố định như dàn xếp đá phạt. Các cấp độ đội tuyển dưới thời Miura Toshiya dẫn dắt đều xóa bỏ được hình ảnh èo uột thể lực thường thấy trước đây, ông là huấn luyện viên người nước ngoài đầu tiên tạo nên sự thay đổi đồng bộ này. Miura Toshiya xây dựng lối chơi chống bóng bổng hiệu quả khi thi đấu với các đội bóng Đông Bắc Á (như Nhật Bản, Hàn Quốc) hay các đội bóng Tây Nam Á (như Iraq, Iran), đội tuyển Việt Nam rất mạnh trong những pha dứt điểm bên ngoài khu vực 16m50. Miura Toshiya kiếm soát tốt chấn thương của các cầu thủ hoạt động quá tải ở câu lạc bộ, số lượng cầu thủ chấn thương và mức độ chấn thương giảm dần khi gần tới giải đấu chính thức, cầu thủ đều đạt trạng thái hưng phấn nhất khi giải đầu bắt đầu. Ông là người thay đổi nền tảng tư duy bóng đá Việt Nam; xây dựng thứ bóng đá khoa học, kỷ luật và đề cao thể lực được định hình rõ ràng. | 1 | null |
Hilariô thành Pictavium (k. 310 – k. 367, tiếng Latinh: "Hilarius Pictaviensis") là một Giám mục thành Pictavium (nay là Poitiers). Ông đôi khi được gọi là "chiếc búa với phái Arius" (Latinh: "Malleus Arianorum") và "Athanasiô Tây phương". Tên của ông có gốc từ một từ tiếng Latinh mang nghĩa hạnh phúc hay mừng vui. Lễ nhớ tùy ý của ông trong Công giáo Rôma là vào ngày 13 tháng 1. Trước đây, khi ngày này rơi vào tuần Bát nhật Hiển Linh, ngày lễ được dời sang 14 tháng 1. | 1 | null |
Marine Lorphelin (sinh ngày 16 tháng 03 năm 1993) là một Hoa hậu của nước Pháp, cô chiến thắng danh hiệu Hoa hậu Pháp 2013 đại diện cho vùng Bourgogne.
Cô là Á hậu 1 tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới năm 2013 tại Bali, Indonesia.
Cuộc sống hiện tại.
Marine là sinh viên năm thứ 2 tại đại học Y Lyon. Cô ước mơ được trở thành một bác sĩ nhi khoa hoặc sản khoa.
Sở thích của cô là nghệ thuật, hội hoa và thời trang. Cô tham dự đại học Breart, và Lycee Lamartine ở Macon, được đặt theo tên của một nhà thơ và chính trị gia người Pháp nổi tiếng đến từ Macon, Alphonse Lamartine. Cô đã tốt nghiệp vào năm 2011 với tấm bằng loại ưu và được nhận vào học tại đại học Claude Bernard - trường Y nổi tiếng nhất tại Lyon.
Hoa hậu Pháp.
Chiến thắng danh hiệu Miss Bourgogne 2012, Marine Lorphelin được trao danh hiệu Hoa hậu Pháp 2013 bởi Delphine Wespiser (Hoa hậu Pháp 2012) tại đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu Pháp lần thứ 66 ở Zenith vùng Limoges diễn ra vào ngày thứ 7 8 tháng 12 năm 2012.
Là Hoa hậu nước Pháp, Marine Lorphelin đã thực hiện 2 vấn đề: chăm sóc trẻ em và quyên góp nội tạng. Cô đã ký văn bản hiến tạng sau khi chết cho những người cần đến chúng, tham gia cuộc thi chạy Marathon Paris 2013, tham dự chương trình Fort Boyard nổi tiếng nguy hiểm, quyên góp 18,000 Euro cho trẻ em mắc bệnh tim. Ngòi ra cô còn tham gia nhảy bungee, đạp xe dưới nước, và lặn trong nước lạnh.
Hoa hậu Thế giới.
Marine Lorphelin là Á hậu 1 tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2013, một cuộc thi nhan sắc lớn bật nhất được diễn ra tại Bali, Indonesia. Với điểm số cao nhất trong các ứng viên đến từ châu Âu, Marine đã đạt dah hiệu Hoa hậu Thế giới châu Âu.
Trước đêm chung kết, cô được vị trí thứ 1 tại phần thi trang phục bãi biển, vị trí thứ 2 tại phần thi siêu mẫu, và đứng thứ 6 ở phần thi Hoa hậu Nhân ái. | 1 | null |
Đây là một danh sách các thể loại nhạc rock bao gồm các tiểu thể loại của âm nhạc mang tính đại chúng có nguồn gốc từ thể loại nhạc rock and roll trong thập niên 1940 và 1950, và đã phát triển thành một bản sắc riêng biệt với tên gọi nhạc rock trong thập niên 1960, đặc biệt là ở Vương quốc Anh và Hoa Kỳ. Cuối thập niên 1960, một số tiểu thể loại có thể phân biệt được của nhạc rock đã xuất hiện, bao gồm các thể loại kết hợp như blues rock, folk rock, country rock, và jazz-rock fusion, chúng đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển của psychedelic rock chịu ảnh hưởng bởi phản văn hóa gắn liền với ma túy. Những thể loại mới xuất hiện từ quang cảnh chung này bao gồm progressive rock, thể loại có công mở rộng các yếu tố nghệ thuật; glam rock, với vai trò nổi bật của công nghệ quảng bá và phong cách thị giác đặc trưng sử dụng nhiều màu sắc; và các tiểu thể loại chính mang tính đa dạng và có sức sống lâu bền của heavy metal, trong đó nhấn mạnh khối lượng, sức mạnh và tốc độ. Trong nửa sau thập niên 1970, punk rock đóng cả hai vai trò tăng cường và phản ứng lại một vài thể loại trong tập hợp bên trên để tạo ra một thứ âm nhạc thô ráp, tràn đầy năng lượng, đặc trưng bởi những lời phê bình về chính trị và xã hội một cách công khai, không giấu giếm. Punk tạo ra ảnh hưởng vào thập niên 1980 tới sự phát triển tiếp theo của các tiểu thể loại khác, bao gồm new wave, post-punk và cuối cùng là phong trào alternative rock. Từ những năm 1990, alternative rock bắt đầu thống trị nhạc rock và bước vào đời sống âm nhạc chính thống trong các hình thức grunge, Britpop, và indie rock. Các tiểu thể loại kết hợp xa hơn xuất hiện kể từ khi có những nỗ lực có ý thức để vận dụng trở lại các yếu tố trong lịch sử nhạc rock. | 1 | null |
Phạm Hữu Bồng (sinh năm 1937) là một sĩ quan cao cấp của Quân đội nhân dân Việt Nam, hàm Thiếu tướng, nguyên Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam, phó chủ tịch thường trực Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Ông từng là Chỉ huy trưởng Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng tỉnh Điện Biên, sau đó Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng.
Tiểu sử.
Phạm Hữu Bồng sinh năm 1937 tại xã Trường Sơn, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Từ năm 17 tuổi, ông tham gia đội ngũ thanh niên xung phong, làm nhiệm vụ tiếp tế cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong những năm Kháng Chiến Chống Pháp, ông bị mảnh pháo sượt qua đầu và mảnh đạn găm vào cánh tay. Sau khi vết thương hồi phục, ông được điều về Đại đội 2, Cục Cảnh vệ Trung ương.
Đến năm 1959, lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) được thành lập bởi Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị, ông trở thành một trong những cán bộ, chiến sĩ đầu tiên của lực lượng này. Tháng 2, ông được cử đi đào tạo tại Trường Sĩ quan Lục quân 1. Sau 3 năm, ông hoàn thành đào tạo và được điều về làm giáo viên chuyên ngành quân sự của Trường Sĩ quan Công an nhân dân vũ trang (nay là Học viện Biên phòng). Đến năm 1987, ông trở lại chiến trường với vị trí Phó chỉ huy trưởng, rồi Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu kiêm Phó giám đốc Công an tỉnh.
Khoảng sau năm 1990, ông trở thành Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng của Bộ đội Biên phòng. Đến năm 1996, ông trở thành Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Từ sau khi về hưu vào năm 2000 cho đến tháng 10 năm 2012, ông là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Trong thời gian đó, vào tháng 10 năm 2011, ông đồng thời trở thành Ủy viên Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm. | 1 | null |
Quỷ đả quỷ hay Ma vật ma hoặc Chạm trán cương thi (tựa tiếng Hoa: 鬼打鬼, tựa tiếng Anh: Encounters of the Spooky Kind hay Spooky Encounters) là một bộ phim kinh dị - hài hước - hành động - võ thuật - cổ trang năm 1980 của Hồng Kông do Hồng Kim Bảo đạo diễn, biên kịch và thủ vai chính.
Nội dung.
Bộ phim lấy bối cảnh Quảng Đông, Trung Quốc thời phong kiến, trong một ngôi làng nọ có một người đàn ông biệt danh Trương "to gan" rất gan dạ, không tin chuyện ma quỷ. Trương làm nghề đánh xe ngựa cho ông Đàm lão gia, đến giờ nghỉ thì anh thường đi ăn đậu hũ ở quán của bác Phúc. Vợ của Trương mê tiền nên đã ngoại tình với Đàm lão gia, Đàm lão gia sợ Trương biết chuyện nên muốn thuê người giết anh.
Đàm lão gia biết không thể thuê sát thủ giết Trương bởi vì Trương có võ công, ông ta quyết định mời pháp sư sát hại Trương. Người hầu của Đàm lão gia là thầy Liễu đem hai nén vàng đến chỗ pháp sư Tiền Khai để thuê ông ta giết Trương. Ông Từ, sư đệ của ông Tiền, đã khuyên ông Tiền không nên hại người nhưng ông Tiền từ chối. Ông Tiền kêu Khoa Lão Cẩu giả vờ cá cược với Trương rằng nếu Trương dám ngủ một đêm trong căn nhà hoang trong rừng thì sẽ tặng Trương mười lạng bạc, và Trương đồng ý. Thực ra trong căn nhà hoang đó có một quan tài, ông Tiền sẽ dùng ma cương thi trong quan tài đó để giết Trương.
Trên đường vào rừng, Trương gặp ông Từ, người đã cảnh báo anh về chuyện ma cương thi. Tối hôm đó, ông Tiền dựng đàn làm phép ở nhà Đàm lão gia, ông ta điều khiển ma cương thi nhảy ra khỏi quan tài để giết Trương. Nhớ lời dặn của ông Từ, Trương đã tìm chỗ trốn và thoát được ma cương thi. Khoa Lão Cẩu tiếp tục thách thức Trương ngủ trong căn nhà hoang lần nữa với giá năm mươi lạng bạc. Trương cầu cứu ông Từ, ông Từ bảo Trương chuẩn bị một số trứng gà và một thau máu chó mực để chống lại ma cương thi. Đêm đó, Trương tạt máu chó vào ma cương thi khiến ông Tiền gặp tai nạn và bị thương nặng. Đàm lão gia và thầy Liễu nghĩ cách khác để giết Trương, họ dựng hiện trường giả ở nhà anh để đổ tội giết vợ cho anh. Bác Phúc chủ quán đậu hũ bị trúng gió nên không thể làm chứng cho Trương, sau đó quan thanh tra và quân lính bắt Trương về trại giam.
Trương nghe tin mình sắp bị tử hình bèn đánh gục nhóm lính canh rồi bỏ trốn khỏi trại giam. Quan thanh tra dẫn lính đuổi theo Trương, may mắn là có ông Từ che chở cho Trương. Ngày hôm sau, ông Tiền thấy Trương và ông Từ đi ăn trưa nên ếm cánh tay phải của Trương đánh những người trong quán ăn, sau đó ông Từ chạy đi tìm ông Tiền và hạ gục ông Tiền. Quan thanh tra đến nơi và cho lính tấn công Trương, tuy nhiên ông Từ đã ếm bùa bốn người lính tấn công quan thanh tra, nhân lúc đó Trương và ông Từ bỏ chạy.
Trương và ông Từ đến nhà Đàm lão gia. Cả hai quyết định đánh một trận cuối cùng với ông Tiền và Đàm lão gia. Ông Từ dùng phép thuật đấu với ông Tiền, họ khấn thần tiên nhập vào Trương và Đàm lão gia để hai người đó đánh nhau. Khi bị nhập thì bỗng dưng Đàm lão gia giết thầy Liễu, sau đó ông ta cũng bị Trương giết. Ông Từ và ông Tiền bắn hai tia lửa vào nhau, ông Tiền bị chết cháy, ông Từ cũng chết do rơi từ trên tháp cao xuống đất. Cô vợ xấu tính của Trương chạy ra, giả vờ khóc lóc và nói với Trương rằng Đàm lão gia đã bắt cóc cô. Trương đánh cô vợ dữ dội vì anh đã biết chuyện cô ngoại tình. | 1 | null |
James Trevor "Jamie" Oliver, MBE, FRCGP (sinh ngày 27 tháng 5 năm 1975) là đầu bếp nổi tiếng, nhà quản lý nhà hàng và nhà hoạt động xã hội người Anh, nổi tiếng qua những chương trình dạy nấu ăn qua truyền hình, sách hướng dẫn nấu ăn và ẩm thực cũng như những chiến dịch nhằm cải thiện đời sống ẩm thực quốc gia và trong các trường học. Biệt danh của anh là "Naked Chef", là người đấu tranh chống lại việc ăn kiêng vô độ và những thói quen nấu nướng xấu của người Anh và Mỹ. Jamie là đầu bếp chuyên nấu đồ ăn Italia, cho dù anh cũng nổi tiếng với việc nấu các món ăn trên toàn thế giới. | 1 | null |
Tôn Thất Thiện (22 tháng 9 năm 1924 – 3 tháng 10 năm 2014) là một nhà dân tộc chủ nghĩa Việt Nam thời hậu Thế chiến II. Ông là một nhân vật đặc biệt khi từng phục vụ và tiếp cận hai nhà lãnh đạo quan trọng của Việt Nam hậu Thế chiến: Chủ tịch Hồ Chí Minh (của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) giai đoạn 1945 – 1946 và Thủ tướng/Tổng thống Ngô Đình Diệm (của Quốc gia Việt Nam sau này trở thành Việt Nam Cộng hòa) các giai đoạn 1954 – 1955, 1956 – 1959, 1963. Ông đóng một vai trò quan trọng – dù thường bị coi nhẹ đi trong việc cố gắng bảo vệ một nước Việt Nam phi cộng sản.
Giáo dục.
Ông có bằng Cử nhân khoa học Kinh tế tại trường Kinh tế Luân Đôn (London School of Economics) nước Anh, bằng thạc sĩ về Khoa học chính trị tại Viện sau đại học nghiên cứu quốc tế (Graduate Institute of International Studies) ở Geneva, Thụy Sĩ, và bằng Tiến sĩ Chính trị học vào tháng 6 năm 1963 ở Geneva, Thụy Sĩ.
Sự nghiệp.
Từ 1945 tới 1975, ông là một người tham gia chủ động hoặc là một nhân chứng trong hầu hết sự kiện lịch sử lớn của Việt Nam: Cách mạng tháng Tám 1945, Hội nghị Genève 1954 và sự chia cắt đất nước, sự khai sinh Đệ Nhất Cộng hòa, Cuộc đảo chính 1963, Sự kiện Tết Mậu Thân 1968 và Sự kiện 30 tháng 4 năm 1975.
Ông từng biết hay gặp gỡ hầu như tất cả các nhân vật lãnh đạo chính trị và quân sự quan trọng của Bắc Việt, Nam Việt và Hoa Kỳ, cũng như các phóng viên nước ngoài tường thuật lại cuộc xung đột.
Năm 1968, ông làm Bộ trưởng Bộ Thông tin trong Chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Các nỗ lực cải cách cho phép một hệ thống truyền thông phi kiểm duyệt đã khiến ông được nhận Giải Ramon Magsaysay về Báo chí, Văn học và Nghệ thuật truyền thông sáng tạo trong năm đó.
Là một nhà chủ nghĩa dân tộc thuộc ‘Lực lượng thứ ba’ chống lại cả chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa cộng sản, trong khi đó theo đuổi một sự kết hợp giữa truyền thống Nho giáo và tư tưởng chính trị phương Tây, ông thường được xếp vào hàng ngũ mang tầm nhìn cải cách duy tân của chí sĩ nổi tiếng Phan Chu Trinh. Về nhiều mặt, ông có thể được xem là một ‘người Việt trầm lặng’ đối chiếu với nhân vật hư cấu "Người Mỹ trầm lặng" của Graham Greene.
Ông qua đời ngày 3 tháng 10 năm 2014 tại Ottawa, Canada.
Xuất bản.
Các tác phẩm của Tôn Thất Thiện:
Sách:
Bài báo: | 1 | null |
Hồ máu tử thi hay Hoen tử thi (tiếng Latinh: "livor mortis", tiếng Anh: "postmortem lividity", "hypostasis", "suggillation") là một dấu hiệu của thi thể đã chết. Đó là khi máu tụ lại ở phần dưới cơ thể và làm màu da biến thành màu đỏ hơi tía. Nguyên nhân là khi tim ngưng đập và máu ngừng tuần hoàn, các hồng cầu nặng sẽ chìm xuống xuyên qua huyết tương dưới tác động của trọng lực.
Hồ máu tử thi bắt đầu sau 20 phút đến ba giờ đồng hồ tính từ thời điểm chết và đông lại trong mao mạch trong bốn đến năm giờ đồng hồ. Sắc tím trên da đạt mức cực đại trong khoảng 6 đến 12 giờ đồng hồ. Màu da đỏ đậm đến mức nào là tùy thuộc vào mức độ giảm sút hemoglobin trong máu. Sự đổi màu da không diễn ra tại các vùng cơ thể tiếp xúc với mặt phẳng hoặc đồ vật khác, bởi tại các vùng đó mao mạch bị nén. Khi xác phân hủy, máu thấm qua thành mạch máu và gây biến màu các mô. Đây là nguyên nhân màu sẫm trên da được cố định.
Trong các vụ án, hồ máu tử thi gây ra các vết bầm tím trên thi thể nên dễ gây hiểu nhầm rằng người đó bị đánh đạp trước khi chết. Vì vậy, việc xem xét vết bầm tím là do bị đánh đập hay do hồ máu tử thi là yếu tố quan trọng, cần người có chuyên môn pháp y.
Các nhân viên điều tra có thể dựa vào sự hiện diện hay thiếu vắng hồ máu tử thi để xác định xấp xỉ thời gian chết. Sự hiện diện của hồ máu tử thi cũng là chỉ báo khi nào thì hồi sức tim - phổi không còn có ích nữa, hoặc khi nào thì nên thôi việc hồi sức tim - phổi ấy lại. Khoa học pháp y cũng dùng hồ máu tử thi để xác định liệu xác chết có bị di chuyển hay không, chẳng hạn nếu cái xác được tìm thấy trong tư thế úp mặt xuống đất nhưng hồ máu tử thi lại hiện diện trên lưng xác chết thì các nhà điều tra có thể kết luận rằng xác này vốn ngửa mặt lên trời, nhưng sau đó bị lật ngược lại vì lý do nào đó. | 1 | null |
Margaret Grace Denig (sinh 21 tháng 9 năm 1983), được biết tới với nghệ danh Maggie Grace, là một nữ diễn viên người Mỹ. Grace được biết tới với vai Kim trong "Taken" (2008), "Taken 2" (2012) và "Taken 3" (2015). Lớn lên tại Worthington, Ohio, cô bỏ học để chuyển tới Los Angeles sau khi cha mẹ cô ly dị. Khi đang gặp nhiều khó khăn về mặt tài chính, cô nhận được vai diễn đầu tiên là vai chính trong loạt video trên mạng "Rachel's Room" vào năm 2001. Cô nhận được đề cử Giải Nghệ sĩ Trẻ vào năm 2002 sau khi thủ vai nạn nhân của một vụ giết người Martha Moxley trong chương trình truyền hình "Murder in Greenwich".
Năm 2004, Grace được tuyển vào vai Shannon Rutherford trong chương trình truyền hình "Lost", chương trình mà cô là một trong những diễn viên thuộc dàn diễn viên chính trong hai mùa đầu tiên, giành một giải thưởng Screen Actors Guild Award trong hạng mục dàn diễn viên xuất sắc. Rời khỏi bộ phim, Grace chuyển sang thiên hướng đóng phim chiếu rạp, khởi đầu đầu bằng việc diễn xuất cùng tài tử Tom Welling trong phim "The Fog" vào năm 2005. Sau đó, cô xuất hiện trong các phim "Suburban Girl", "The Jane Austen Book Club" (đều vào năm 2007), vào vai Kim Mills bên cạnh diễn viên Liam Neeson trong phim "Taken" năm 2008. Cô cũng tái xuất trong phim "Taken 2" (2012) và Taken 3 (2014). Cô diễn vai chính, Alice, trong phim "Malice in Wonderland", một bộ phim thời hiện đại mô phỏng tiểu thuyết của Lewis Carroll "Cuộc phiêu lưu của Alice vào Xứ sở thần tiên". Grace tái xuất màn ảnh nhỏ trong vai Shannon trong hai tập khác của "Lost", trong đó có tập cuối của phim. Năm 2013, cô xuất hiện trong chương trình "Californication". Cô thủ vai Faith, một nghệ sĩ trẻ xinh đẹp, được Hank Moody (David Duchovny) để ý tới.
Thời niên thiếu.
Tên khai sinh của cô là Margaret Grace Denig, cô sinh ra tại Worthington, Ohio, là một trong ba người con của cặp vợ chồng Valinn (họ Everett) và Rick Denig, người buôn bán đá quý. Gia đình cô sống trong một căn nhà hơn 200 tuổi, căn nhà mái dốc đầu tiên tại khu trung tâm Ohio. Cô học tại trường Công giáo Worthington từ bậc mẫu giáo tới tận lớp chín và học tại trường trung học Thomas Worthington trong khoảng thời gian ngắn, nơi cô bắt đầu diễn các vở kịch ở trường và rạp hát địa phương, trong đó có cả vở "The Crucible", tại Trung tâm Cộng đồng Do Thái địa phương (dù cô không phải người Do Thái). Khi còn nhỏ, Grace là một người thích đọc và tự miêu tả bản thân là "nghiện Shakespeare", tại tuổi 13, cô "rất thích Jane Austen, kiểu như nhiều đứa trẻ thích "Star Trek"". Cha mẹ cô ly dị khi cô 16 tuổi, và mẹ cô tìm kiếm "một khởi đầu mới". Grace bỏ học trung học để chuyển tới Los Angeles, California với mẹ, trong khi các em cô Ian Denig và Marissa Palatas (người cưới Nick Palatas) ở với bố. Tại Los Angeles, Grace và mẹ thường gặp khó khăn về mặt tài chính, thuê căn hộ ngắn hạn thay vì ở nhà tập thể một cách cố định và ăn những bữa ăn cơ bản, vì đó là những gì họ đủ tiền để trả.
Sự nghiệp.
Grace thuê một người đại diện ngay trong tuần đầu tiên cô chuyển nhà đến Los Angeles và ngay lập tức tham gia vào các khóa học diễn xuất. Cô giành được vai diễn đầu tiên trong phim "Rachel's Room", một bộ phim phát hành năm 2001 trên mạng nói về những vụ ngoại tình bên trong phòng ngủ của một thiếu nữ được tạo nên bởi nhà sản xuất của "Dawson's Creek" là Paul Stupin. Vai diễn tiếp theo của cô là trong một chương trình truyền hinh năm 2002 "Septuplets", tuy nhiên chương trình đã bị hủy bỏ trước khi chiếu tập đầu tiên. Vai diễn đột phá của cô là trong một bộ phim chiếu trên truyền hình vào năm 2002 "Murder in Greenwich", dựa trên câu truyện có thật về vụ giết cô bé 15 tuổi Martha Moxley. Cô được đề cử cho giải Nghệ sĩ Trẻ vì vai diễn Moxley trong hạng mục Màn thể hiện tốt nhất trong một phim chiếu trên truyền hình, Miniseries hay thể loại Đặc biệt – cho vai nữ chính, nhưng để thua Clara Bryant trong phim "Tru Confessions". Sau đó, cô tiếp tục diễn các vai phụ trong các chương trình truyền hình nổi tiếng ', "The Lyon's Den", "Miracles", "Like Family", "Cold Case" và ', cũng như phim "Twelve Mile Road" và "Creature Unknown".
Giữa năm 2004, đại diện của Grace gửi cho cô kịch bản của tập đầu tiên của chương trình truyền hình "Lost"; cô được nhận vào vai Shannon Rutherford sau buổi tuyển diễn viên thành công. Năm 2005, cô được đề cử cho giải Teen Choice Award hạng mục Nữ diễn viên có diễn xuất đột phá cho vai diễn của cô trong "Lost", nhưng lại để thua diễn viên của "Desperate Housewives" là Eva Longoria. Cô đang sống tại Hawaii khi quay mùa đầu tiên của Lost, và ký hợp đồng để sát cánh cùng tài tử Tom Welling trong "The Fog", một phiên bản năm 2005 làm lại theo bộ phim kinh dị cùng tên năm 1980, cô đóng vai chính mà trước đây được đóng bởi Jamie Lee Curtis. Dù đáng lẽ ra việc quay phim "Lost" phải hoàn thành trước khi "The Fog" bấm máy, nhưng việc sản xuất "Lost" vẫn tiếp tục vì tập cuối mùa kéo dài và Grace phải di chuyển giữa hai phim trường, ở hòn đảo của Hawaii Oahu và Đảo Bowen ở British Columbia, Canada. Sau khi đứng ở vị trí thứ #27 trong Top 100 nữ diễn viên gợi cảm năm 2005 của tạp chí Maxim, cô tiếp tục trở lại với mùa thứ hai của Lost. Nhân vật cô đóng đã chết vào tập thứ 8 của mùa 2, "Collision" khi người viết kịch bản của phim bắt đầu cảm thấy dòng truyện của nhân vật [bị] giới hạn". Nhà sản xuất Carlton Cuse nói rằng việc Grace rời khỏi phim "như là việc đôi bên cùng có lợi" khi cô muốn tập trung sự nghiệp của mình vào việc đóng phim chiếu rạp. Sau khi rời khỏi chương trình, cô vẫn cùng với các diễn viên khác của "Lost" trên sân khấu của 12th Screen Actors Guild Awards nơi "Lost" nhận giải Dàn diễn viên xuất sắc của một bộ phim thể loại Chính kịch.
Tạp chí "Variety" đưa tin rằng vào tháng 5 năm 2005 Grace đã thương thảo hợp đồng để đóng nhân vật của loạt X-Men là Kitty Pryde trong phim năm 2006 ', nhưng vào tháng 7, các buổi tuyển chọn diễn viên lại được tổ chức để tìm người thay thế cô. Cuối cùng thì vai diễn thuộc về Ellen Page, và Grace sau đó tiết lộ rằng cô chưa bao giờ muốn vai diễn đó và rất bất ngờ khi thấy tin mình đi thử vai và được nhận khi được hỏi. Vai diễn lớn tiếp theo của Grace là vào năm 2007 trong phim "Suburban Girl", cùng với Sarah Michelle Gellar và Alec Baldwin. Năm 2007, cô đóng vai chính trong phim "The Jane Austen Book Club", dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Karen Joy Fowler. Cô là một người hâm mộ Jane Austen và đã đọc tiểu thuyết của Fowler khi nó được tung ra năm 2004. Khi cô đọc kịch bản phim, cô tới gặp Robin Swicord, người nói rằng cô đã "vui tới phát khóc" khi được nhận vai Allegra, một cô gái đồng tính 20 tuổi. Sau khi việc quay "The Jane Austen Book Club" hoàn thàn, Grace trở lại Hawaii trong một thời gian ngắn để tham dự mùa 3 của Lost, tập "Exposé". Cô bắt đầu chuyển sang thể loại phim tâm lý hành động từ năm 2008 với phim "Taken" sát cánh cùng Liam Neeson, người đứng đầu danh sách các diễn viên nam cô muốn làm việc cùng mà cô biết chỉ hai tháng trước khi cô nhận được vai diễn. Cô diễn vai chính trong phim của Simon Fellows ra mắt năm 2009 là "Malice in Wonderland", một phiên bản hiện đại của cuốn Alice's Adventures in Wonderland được viết bởi nhà văn Lewis Carroll. Năm 2010, Grace tham gia phim chính kịch "Flying Lessons", và cùng Tom Cruise, Cameron Diaz trong phim của James Mangold "Knight and Day", cũng như "Faster", cùng với Dwayne Johnson. Lịch làm việc bận rộn của Grace khiến cho cô không thể đóng vai Shannon trong "LA X", tập đầu tiên trong mùa thứ 6 và cũng là mùa cuối cùng của Lost, nhưng cô cũng đã trở lại trong tập cuối cùng là "The End". Vào tháng 9 năm 2010, Grace được chọn để đóng Irina trong ' và "".
Vào tháng 12 năm 2012, Grace nhận được thông báo rằng cô sẽ lần đầu tiên được đóng trên sân khấu Broadway trong vở "Picnic". Vở kịch công chiếu ngày 14 tháng 12, tại nhà hát American Airlines. Sebastian Stan cùng tham gia diễn xuất với Grace trong vở kịch từng thắng giải Pulitzer.
Cô cũng lần đầu tiên xuất hiện với tư cách khách mời trong chương trình của Showtime "Californication" và tháng 1 năm 2013, cô vào vai một ca sĩ trẻ xinh đẹp trong thế giới rock and roll và lọt vào mắt xanh của nhân vật chính Hank Moody, do diễn viên David Duchovny đảm nhiệm.
Vào tháng 2 năm 2015, cô thông báo rằng cô sẽ đóng vai chính trong một bộ phim của CBS tên là "Code Black", nhưng sau đó rời khỏi bộ phim vì nhiều lý do.
Đời sống cá nhân.
Grace sinh sống tại Honolulu, Hawaii khi đóng phim "Lost", nói rằng "Tôi rất thích sống ở đây, nhưng đây không phải là nơi mà tôi có thể theo đuổi sự nghiệp diễn xuất." Cô cũng nói rằng, khi sống ở Hawaii, các đồng nghiệp trong phim "Lost" giới thiệu cô với nhiều chàng trai "có khi một người mỗi đêm." Cô nói rằng các đồng nghiệp nam của cô "rất cứng đầu" và "khăng khăng" khuyên cô hẹn hò với một số người đàn ông nhất định; diễn viên Josh Holloway từng đề nghị giúp cô chọn một trong số những người mẫu đã làm việc với anh để hẹn hò. Grace và Ian Somerhalder, người em nuôi trên phim của cô, bắt đầu hẹn hò vào tháng 4 năm 2006 sau khi cả hai cùng rời khỏi "Lost". Khi được hỏi về Somerhalder vào tháng 8, cô nói, "Ian là một người tốt, tôi rất quý anh ấy, dù vậy, tôi chỉ mới 22 tuổi – quá trẻ để nghĩ về một mối quan hệ nghiêm túc." Khi vẫn còn cùng làm việc trong phim "Lost," Grace và Somerhalder nhận nuôi một chú mèo được đặt tên Roo sau khi họ tìm thấy chú "đang chết dần, chết mòn" ở khu rừng trên phim trường. Cô nói rằng bây giờ nó là "bạn đồng hành" của cô. Từ năm 2008 đến năm 2009, cô hẹn hò với Blake Mycoskie, một thí sinh trong mùa 2 của chương trình truyền hình thực tế "The Amazing Race" và là người sáng lập hãng giày TOMS Shoes. Vào này 18 tháng 2 năm 2015, Grace thông báo rằng cô đã đính hôn với nhà làm phim Matthew Cooke trên Instagram.
Grace thường ghi ơn mẹ cô như là người tạo cho cô cảm hứng. Khi được hỏi về người bạn thân nhất, cô nói rằng cô và mẹ như chị và em và rằng cô "thật may mắn khi có được một người mẹ tuyệt vời." Cô tự xưng là một người ngưỡng mộ nước Anh, đã từng có bạn tâm thư ở Lake District từ năm lên tám, và lần đầu đến Anh năm 13 tuổi, cô ngưỡng mộ nhiều nhà thơ người Anh cũng như là William Shakespeare. | 1 | null |
Mát lạnh tử thi (tiếng Latinh: "algor mortis", trong đó "algor" nghĩa là "cái lạnh", "mortis" nghĩa là "của cái chết") là một giai đoạn sau cái chết khi nhiệt độ cơ thể xác chết giảm xuống. Nhìn chung giai đoạn này diễn ra nhanh chóng cho đến khi nhiệt độ xác chết bằng với nhiệt độ môi trường xung quanh xác, mặc dù có những nhân tố có thể tác động đáng kể lên quá trình này.
Vận dụng trong khoa học pháp y và phá án.
Đo nhiệt độ trực tràng của tử thi có thể cung cấp một vài manh mối về thời gian chết. Cho dù sự dẫn nhiệt (khiến giảm nhiệt cơ thể) tuân theo một đường cong phân rã dạng hàm mũ song có thể xấp xỉ nó thành đường tuyến tính, từ đó thu được một số kết quả: trong giờ đồng hồ đầu tiên, nhiệt độ xác giảm 2 °C, sau đó cứ mỗi giờ lại giảm thêm 1 °C cho đến khi nhiệt độ xác gần tương đương với nhiệt độ môi trường xung quanh xác.
Một công thức gọi là công thức Glaister cho phép ước lượng độ dài thời gian tính từ khi chết đến một thời điểm nhất định. Công thức này giả định rằng sự giảm nhiệt độ trực tràng tuân theo đường tuyến tính.
Khi xác bắt đầu phân hủy thì nhiệt độ bên trong xác lại có chiều hướng tăng trở lại.
Các nhân tố ảnh hưởng đến tốc độ mát lạnh tử thi.
Nói chung, sự thay đổi nhiệt độ không phải là cách chính xác để xác định thời gian chết do quá trình này bị ảnh hưởng bởi một số nhân tố như sau: | 1 | null |
Tái nhạt tử thi (tiếng Latinh: "pallor mortis", trong đó "pallor" nghĩa là "sự tái nhạt", "mortis" nghĩa là "của cái chết") chỉ sự tái nhạt màu sắc diễn ra ở da của cơ thể người (trường hợp da sáng màu) chỉ trong vòng 15 đến 25 phút sau chết. Nguyên nhân là do máu thôi tuần hoàn trong các mao mạch. Một khoảng thời gian sau, máu chìm xuống phần dưới của xác dưới tác động của trọng lực và tạo thành hồ máu tử thi.
Bởi quá trình tái nhợt diễn ra hết sức nhanh chóng nên hầu như không thể dựa vào sự tái nhạt tử thi để xác định thời gian chết mà chỉ có thể ước định rằng cái chết diễn ra không quá 30 phút trước hay hơn. Suy luận này có lẽ có ích nếu người ta nhanh chóng tìm thấy xác của một người rất nhanh chóng sau khi người đó chết.
Chú ý rằng một người còn sống cũng có thể có làn da tái nhạt như xác chết khi bị sốc nặng, bởi khi đó màu lùi khỏi bề mặt da. Bệnh suy tim ("Insufficientia cordis") cũng có thể khiến khuôn mặt bệnh nhân trông nhợt nhạt. | 1 | null |
The Chainsmokers là bộ đôi DJ/nhà sản xuất/nhạc sĩ ở New York, Mỹ bao gồm hai thành viên chính Andrew Taggart (sinh năm 1989), Alex Pall (sinh năm 1985), ngoài ra tại các buổi lưu diễn có sự tham gia của tay trống Matt McGuire (sinh năm 1993). Bộ đôi ban đầu trở nên nổi tiếng với bản hit năm 2014, "#Selfie", đạt vị trí thứ mười sáu trên Bảng xếp hạng Billboard Hot 100, vị trí thứ ba tại Úc và thứ mười một tại Anh. Tháng 10 năm 2015, nhóm đã cho ra mắt đĩa EP "Bouquet". Các đĩa đơn tiếp theo của nhóm "Roses" và "Don't Let Me Down" lọt Top 10 trên bảng xếp hạng "Billboard" Hot 100, trong khi "Closer " trở thành đĩa đơn đầu tiên của nhóm đạt vị trí thứ nhất trên bảng xếp hạng.
Tiểu sử.
Andrew Taggart được sinh ra vào năm 1989 tại Portland, Maine. Alex Pall được sinh ra vào năm 1985 tại thành phố New York. Pall học nghệ thuật tại đại học New York University, trong khi Taggart học tại Đại học Syracuse University.
Năm 2012, họ cùng nhau tạo nên cặp đôi DJ, hiện tại họ cư trú tại New York, Cả hai cùng sáng tác với sự giúp đỡ của một người tên là John Donigan.
Sự nghiệp.
The Chainsmokers được thành lập năm 2012 dưới sự quản lý của Adam Alpert thuộc công ty 4AM tại New York. Năm 2012, họ cộng tác với nữ diễn viên, nghệ sĩ thu âm người Ấn Độ, Priyanka Chopra, sản xuất ra đĩa đơn "Erase", sau đó là " The Rookie " vào năm 2013. Năm 2013 họ ký hợp đồng với hãng thu âm 604 Records, đứng đầu bởi Chad Kroeger,trưởng ban nhạc Nickelback, và hiện tại Kroeger đang là cố vấn cho họ.
Năm 2014 họ phát hành "#SELFIE" dưới sự giúp đỡ của Kroeger.
Họ đã làm một bản demo về bản nhạc có chứa độc thoại của một cô gái nói về chụp ảnh chân dung của bản thân. Cảm hứng của họ đến từ các cô gái tại các câu lạc bộ mà họ thường đến tại thành phố New York.
Họ cũng phát hành một video âm nhạc,tạo nên bằng việc sử dụng các bức ảnh chân dung của Steve Aoki, founder of Dim Mak, Snoop Dogg, David Hasselhoff, Ian Somerhalder và một số người khác. 29 tháng 1 năm 2014,The Chainsmokers phát hành video "#SELFIE" trên Youtube..Hiện nay, "#SELFIE" đã có gần 500 triệu lượt xem trên Youtube.
19 tháng 3 năm 2016, nhóm đã tham gia biểu diễn tại lễ hội âm nhạc EDM Ultra Music Festival, là nơi họ đã công khai lên án ứng cử viên Tổng thống Donald Trump.
Tháng 10 năm 2016, The Chainsmokers đã đạt được vị trí thứ 18 trong bảng xếp hạng " Top 100 DJs" của tạp chí "DJ Magazine"
4 tháng 11 năm 2016, nhóm cho ra mắt đĩa đơn mở rộng thứ 2 mang tên "Collage".
Phong cách âm nhạc.
Taggart đã miêu tả âm nhạc của bộ đôi này là "sự hoà quyện giữa nhạc pop, nhạc dance và hip-hop." Trích dẫn lời của The Chainsmokers, theo họ thì họ bị ảnh hưởng âm nhạc bởi Pharrell Williams và deadmau5. Các tác phẩm của những ca sĩ, nhà sản xuất dưới đây đã truyền cảm hứng cho các bài hát của Chainsmokers, bao gồm: Blink-182, Taking Back Sunday, Taylor Swift, Max Martin, The xx và Explosions in the Sky.
Thành viên.
Alex Pall.
Alexander "Alex" Pall sinh ngày , lớn lên ở Westchester, New York. Mẹ anh là một bà nội trợ và cha anh là một người buôn bán các tác phẩm nghệ thuật.
Andrew Taggart.
Andrew "Drew" Taggart sinh ngày , lớn lên ở Freeport, Maine. Mẹ anh là một giáo viên và cha anh bán chân tay giả. Anh đã theo đuổi EDM ở tuổi 15 khi anh đang ở Argentina, nơi anh được tiếp xúc với âm nhạc của David Guetta, Daft Punk và Trentemøller. | 1 | null |
Hygiea (định danh hành tinh vi hình: 10 Hygiea)là tiểu hành tinh lớn thứ tư trong Hệ Mặt Trời về thể tích và khối lượng và có thể là hành tinh lùn, nó năm trong vành đai tiểu hành tinh. Với đường kính khoảng 435 km và khối lượng được ước tính là chiếm tới 3% tổng khối lượng của cả vành đai, Hygiea là tiểu hành tinh tối kiểu C với bề mặt chứa carbon lớn nhất.
Quan sát.
Mặc dù có kích thước lớn, Hygiea trông rất mờ khi quan sát từ Trái Đất. Điều này là do bề mặt tối cũng như khoảng cách khá xa Mặt Trời của nó ở bên ngoài vành đai chính. Vì vậy một vài tiểu hành tinh nhỏ hơn đã được phát hiện trước khi Annibale de Gasparis tìm ra nó vào ngày 12 tháng 4 năm 1849. Ở hầu hết các vị trí xung đối trên quỹ đạo, Hygiea có cấp sao biểu kiến thấp hơn bốn bậc so với Vesta và cần phải dùng kính viễn vọng ít nhất 100 mm để có thể quan sát được nó. Tuy nhiên, khi ở điểm cận nhật, Hygiea có thể được nhìn thấy qua ống nhòm 10x50. Hygiea sẽ cấp sao +9,1.
Các nhà khoa học nghĩ rằng nó không có từ trường vì không có hoạt động Dynamo trong lõi của chính nó.
Phát hiện và tên gọi.
Hygiea được Annibale de Gasparis phát hiện vào ngày 12 tháng 4 năm 1849 tại Napoli,Ý, phát hiện đầu tiên trong chín tiểu hành tinh. Giám đốc đài thiên văn Napoli, Ernesto Capocci đã đặt tên cho nó là "Igea Borbonica" ("Bourbon Hygieia") theo tên của vương triều đã trị vì Vương quốc Hai Sicilia.
Tuy nhiên vào năm 1852, John Russell Hind đã viết rằng "nó thường được gọi là "Hygeia", phần phụ không cần thiết 'Borbonica' được loại bỏ." Tên gọi này bắt nguồn từ Hygieia, vị nữ thần Hy Lạp của sức khỏe, con gái của Asclepius. Nó thường được viết là "Hygeia" vào thế kỷ mười chín, ví dụ như trong tờ "Monthly Notices of the Royal Astronomical Society".
Đặc điểm vật lý.
Bề mặt của Hygiea bao gồm vật chất chứa carbon cổ xưa với quang phổ tương tự như của các thiên thạch carbonaceous chondrite. Bề mặt cổ xưa này cho thấy Hygiea không bị tan chảy trong giai đoạn đầu của quá trình hình thành Hệ Mặt Trời.
Hygiea là thành viên chính của nhóm tiểu hành tinh Hygiea và chứa hầu hết khối lượng của nhóm này (hơn 90%). Nó có kích thước lớn nhất trong các tiểu hành tinh tối kiểu C, loại tiểu hành tinh chiếm đa số ở phía ngoài vành đai tiểu hành tinh. Có vẻ như Hygiea có hình cầu dẹt với đường kính trung bình 444 ± 35 km và tỷ lệ bán trục lớn 1.11, cao hơn nhiều so với 2 Pallas, 4 Vesta và hành tinh lùn Ceres. Giống như Ceres, Hygiea có tỷ trọng tương đối thấp, tương tự như các vệ tinh băng của Sao Mộc và Sao Thổ thay vì các hành tinh kiểu Trái Đất hay các tiểu hành tinh đá.
Mặc dù là vật thể lớn nhất trong khu vực của mình, Hygiea trông rất mờ khi quan sát từ Trái Đất do bề mặt tối và khoảng cách xa Mặt Trời của nó. Thậm chí Hygiea là tiểu hành tinh mờ thứ ba trong số hai mươi tiểu hành tinh đầu tiên được phát hiện, chỉ sau 13 Egeria và 17 Thetis. Hygiea có cấp sao khoảng +10.2, thấp hơn bốn bậc so với Vesta và phải dùng kính viễn vọng ít nhất là để quan sát. Tuy nhiên, tại cận điểm quỹ đạo, Hygiea có thể đạt cấp sao +9.1 và có thể được nhìn thấy qua ống nhòm 10x50, trong khi hai tiểu hành tinh lớn thứ hai và thứ ba, 704 Interamnia và 511 Davida, lại luôn nằm ngoài khả năng quan sát của ống nhòm.
Ít nhất 5 lần Hygiea che khuất sao đã được các nhà thiên văn học quan sát từ Trái Đất, nhưng vẫn chưa có nhiều thông tin về hình dạng của nó. Kính viễn vọng không gian Hubble đã loại bỏ khả năng tồn tại vật thể có đường kính trên 16 km cùng quỹ đạo với Hygiea.
Quỹ đạo và sự tự quay.
Nhìn chung, các đặc tính của Hygiea ít được biết đến nhất trong số bốn vật thể lớn của vành đai tiểu hành tinh. Quỹ đạo của nó gần với mặt phẳng hoàng đạo hơn nhiều so với Ceres, Pallas hay Interamnia, nhưng lại không tròn bằng Ceres và Vesta với độ lệch khoảng 12%.Tại viễn điểm quỹ đạo, Hygiea vươn ra tới rìa vành đai tiểu hành tinh ở cận điểm quỹ đạo của nhóm tiểu hành tinh Hilda. Hygiea được Trung tâm Tiểu hành tinh sử dụng để tính toán nhiễu loạn.
Hygiea tự quay với tốc độ chậm một cách bất thường khi mất 27 giờ 37 phút để quay được một vòng, trong khi các tiểu hành tinh lớn thường chỉ mất từ 6 đến 12 giờ. Hướng tự quay của Hygiea vẫn chưa được xác định nhưng có khả năng là ngược chiều kim đồng hồ. Phân tích đường cong ánh sáng cho thấy điểm cực của Hygiea có khả năng hướng về tọa độ hoàng đạo (β, λ) = (30°, 115°) hoặc (30°, 300°) với khoảng chênh lệch 10°, khiến cho trục quay của nó nghiêng khoảng 60° trong cả hai trường hợp. | 1 | null |
Aleuria aurantia (tiếng Anh:"Orange Peel Fungus" - Nấm vỏ cam) là một loài nấm trong họ Pezizales. Nó có màu cam rực rỡ, quả thể hình chém, giống như vỏ cam nằm rải trên mặt đất. Tại châu Âu, "Aleuria aurantia" có thể bị nhầm lẫn với những loài Otidea hoặc Caloscypha có độc hoặc không rõ tính ăn được.
Phân bố và môi trường sống.
Loài mọc trên đất sét hoặc đất trống bị xáo trộn trên khắp Bắc Mỹ và châu Âu. Thu hoạch "Aleuria aurantia" chủ yếu là vào cuối mùa hè và mùa thu. | 1 | null |
Guillermo Varela Olivera sinh ngày 24 tháng 3 năm 1993, là cầu thủ bóng đá người Uruguay, hiện tại đang chơi ở vị trí hậu vệ phải cho Eintracht Frankfurt theo dạng cho mượn từ Manchester United và là thành viên của đội tuyển bóng đá quốc gia Uruguay.
Sự nghiệp.
Valera sinh ra tại Montevideo, Uruguay, Valera bắt đầu sự nghiệp của mình tại quê nhà với CLB Peñarol,trận đấu chuyên nghiệp đầu tiên của anh là trận gặp Racing Club de Montevideo vào ngày 5 tháng 6 năm 2011 tại giải Uruguayan Primera División.Penarol đã thua Racing Club de Montevideo với tỉ số 1-0, Varela vào thay Yefferson Moreira ở phút 67.
Tháng 5 năm 2013, Valera được mời thử việc tại Manchester United trong 2 tuần sau màn trình diễn ấn tượng tại South American Youth Championship 2013.
Ngày 7 tháng 6 năm 2013, Manchester United thông báo họ đã đạt được thỏa thuận chuyển nhượng Valera từ Peñarol với khoản phí chuyển nhượng không được tiết lộ, theo tin đồn là 2,8 triệu Euro. Anh trở thành cầu thủ đầu tiên gia nhập Manchester United dưới thời huấn luyện viên David Moyes. Ngày 11 tháng 6, anh đã ký vào bản hợp đồng với thời hạn 5 năm.
Valera tham dự FIFA U-20 World Cup 2013,cùng đội tuyển U20 Uruguay, họ đã giành vị trí thứ nhì, sau nhà vô địch là đội tuyển Pháp.
Thống kê sự nghiệp.
"Tính đến ngày 14 tháng 10 năm 2017". | 1 | null |
Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang hay Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (, viết tắt là FDIC) là một công ty của chính phủ Liên bang Hoa Kỳ hoạt động như một cơ quan độc lập để giám sát và bảo chứng lượng tiền ký thác ở các ngân hàng Hoa Kỳ.
Công ty này được thành lập năm 1933 qua Đạo luật Ngân hàng (1933 Banking Act) để phục hồi uy tín cho nền tài chánh Hoa Kỳ sau cuộc khủng hoảng kinh tế. Tính đến năm 2013 thì FDIC bảo đảm $250.000 tối đa cho mỗi trương mục ký thác ở các ngân hàng thành viên, tổng số là 7,181 cơ sở trên toàn quốc Hoa Kỳ. Ngoài trách nhiệm kể trên, công ty FDIC cũng duyệt xét và giám sát những cơ sở tài chánh hầu bảo đảm chức năng hoạt động, bảo vệ người tiêu thụ, và điều hành những cơ sở tài chính đã phá sản.
Về mặt tài trợ, chính phủ Mỹ không cấp ngân khoản nào cho công ty FDIC vì đây là cơ quan độc lập. Do đó các chi phí hoạt động là do ngân phí thu từ các ngân hàng thành viên để hưởng dịch vụ bảo hiểm. Một số lợi nhuận khác là từ các công phiếu của Ngân khố Hoa Kỳ. | 1 | null |
David Attenborough (sinh ngày 8 tháng 5 năm 1926) là một phát thanh viên và nhà tự nhiên học người Anh. Sự nghiệp của ông được biết đến với việc ông đã dẫn các chương trình về lịch sử tự nhiên trong suốt 60 năm qua. Ông nổi tiếng vì đã viết và giới thiệu seri 9 phim về cuộc sống tự nhiên với sự cộng tác cùng ban Lịch sử Tự nhiên của BBC, seri phim tập hợp nhiều nghiên cứu về đời sống các loài trên hành tinh chúng ta. Ông cũng là một nhà quản lý lâu năm tại BBC, từng làm người tổ chức cho BBC Two, đạo diễn chương trình cho BBC Television trong thập niên 60, 70. Ông là người duy nhất đoạt giải thưởng BAFTA (giải thưởng của Viện hàn lâm Nghệ thuật Điện ảnh và Truyền hình Anh quốc) ở các thể loại đen trắng, phim màu, HD và 3D.
Ở Anh, Attenborough được gọi là "national treasure" (bảo vật quốc gia) mặc dù chính bản thân ông không thích được gọi với cái tên này. Năm 2002, ông được vinh danh trong số 100 người Anh vĩ đại nhất trong một cuộc bình chọn rộng rãi. Anh trai của ông là Richard Attenborough, một đạo diễn, diễn viên, và nhà sản xuất.
Gia đình và thời niên thiếu.
Attenborough được sinh ra ở Isleworth, phía tây London, nhưng lại lớn lên ở College House trong khuôn viên trường đại học College, Leicester, nơi cha ông, Frederick Attenborough làm hiệu trưởng. Ông là người con thứ hai trong gia đình có 3 anh em trai (anh trai ông, Richard là một diễn viên, em trai ông, John, một thành viên ban quản trị hãng sản xuất xe hơi Alfa Romeo). Trong thời gian thế chiến thứ hai, cha mẹ ông đã nhận nuôi 2 bé gái tị nạn người Do Thái.
Thời thơ ấu, Attenborough thường sưu tập các mẫu đá và hóa thạch. Attenborough nhận được sự khích lệ trong việc thu thập các mẫu vật, khi nhà khảo cổ học Jacquetta Hawkes tỏ ra rất thích thú với bảo tàng nhỏ của ông, lúc đó David mới 7 tuổi. Vài năm sau đó, ông được chị gái nuôi tặng cho một viên hổ phách chứa đầy sinh vật thời tiền sử, và viên hổ phách đó đã trở thành trung tâm trong một chương trình của ông 50 năm sau đó - The Amber Time Machine.
Năm 1936, David và anh trai Richard đã tham gia một buổi diễn
thuyết của Grey Owl (Archibald Belaney) tại De
Montfort Hall, Leicester, và tại đây ông đã bị cuốn hút bởi những lời thuyết
trình của Grey về sự bảo tồn thiên nhiên. Richard miêu tả rằng David " như thể
bị choáng ngợp bởi quyết tâm bảo vệ loài hải ly của Grey Owl bằng hiểu biết sâu
sắc của chính ông về hệ động thực vật của vùng thiên nhiên hoang dã Canada,
cũng như lời cảnh báo của ông về thảm họa có thể xảy ra một khi sự cân bằng
mong manh đó bị phá vỡ. Ý nghĩ rằng
loài người đang đe dọa cân bằng tự nhiên bởi sự khai thác, sử dụng bừa bãi sự
trù phú của tự nhiên đã không được lắng nghe vào thời điểm đó, nhưng nó vẫn luôn
là điều trăn trở và dẫn lối cho hành động của David cho đến tận ngày nay".
Attenborough được học tại trường Wyggeston Grammar dành cho học sinh nam, sau đó năm 1945 ông đạt học bổng theo học tại trường trung học Clare, thuộc đại học Cambridge. Tại đây ông được học về địa chất học, động vật học và lấy được học vị về ngành khoa học tự nhiên. Năm 1947, ông được gọi đi nghĩa vụ quân sự, và phục vụ trong hải quân Hoàng gia, ông đóng quân 2 năm ở miền bắc xứ Wales. Năm 1950, David kết hôn với Jane Elizabeth Ebsworth Oriel, cuộc hôn nhân kéo dài cho tới khi Jane mất vào năm 1997. Ông và vợ có hai người con là Robert và Susan. Robert là giảng viên tại trường khảo cổ học và nhân chủng học, đại học quốc gia Ôt-xtrây-lia.
Những năm đầu tại BBC.
Sau khi rời Hải quân, Attenborough
đảm nhiệm vị trí biên tập sách giáo khoa về khoa học cho trẻ em của một hãng xuất
bản. Năm 1950, ông nộp đơn xin việc vào vị trí nhà sản xuất một chương trình
tọa đàm trên radio của BBC, nhưng ông đã bị từ chối, tuy nhiên bản lý lịch của ông đã thu hút sự chú ý của Mary Adams,
trưởng ban chương trình Tọa đàm thực tế, phòng Truyền hình, một bộ phận non trẻ của BBC lúc bấy giờ. Attenborough, như hầu hết mọi người Anh lúc đó, không có
ti-vi tại nhà riêng, và trong đời ông mới chỉ xem một chương trình truyền hình trước đó. Tuy nhiên, ông vẫn chấp nhận lời mời của Adam tham gia một khóa huấn
luyện 3 tháng, và vào năm 1952, ông chính thức làm việc cho BBC. Ban đầu, ông không được cho xuất hiện trên camera vì họ cho rằng răng của ông quá to, vì thế
ông trở thành nhà sản xuất chuyên quản lý các chương trình truyền hình thực tế.
Những dự án ban đầu của ông gồm có chương trình đố vui "Animal, Vegetable, Mineral ? (Động vật, Thực vật hay Chất vô cơ ?);"
"Song Hunter (Bài ca người đi săn), "đây là một seri về nhạc dân gian, được dẫn bởi Alan Lomax.
Sự kết hợp của Attenborough với các chương trình về lịch sử
tự nhiên bắt đầu khi ông sản xuất và giới thiệu seri phim 3 phần "The Pattern
of Animals (Kiểu cách của các loài động vật) ". "Chương trình khắc họa những nét tiêu biểu của động vật trong sở thú" "London, với sự tham gia của nhà tự nhiên học Julian Huxley, chương trình thảo
luận về sự ngụy trang, các tín hiệu xua đuổi và hành vi trình diễn, phô bày khi
tán tỉn bạn tình của các loài động vật. Qua chương trình này, Attenborough đã gặp
gỡ Jack Lester, người phụ trách khu động vật bò sát của sở thú, và họ quyết định
làm một seri phim về cuộc hành trình sưu tầm động vật cho sở thú. Kết quả là chương trình "Zoo"Quest", "được phát sóng năm 1954". "Trong chương trình này" "Attenborough đã" "xuất hiện" "một đoạn ngắn", "thay thế vai trò của Lester khi ông này bị ốm"."
Vào năm 1957, ban lịch sử tự nhiên BBC được chính thức thành lập tại thành phố Bristol. Attenborough được đề nghị tham gia, nhưng ông
từ chối vì không muốn rời London, nơi gia đình riêng của ông đã ổn định. Thay vào đó, ông thành lập một ban của riêng ông: Ban du hành và thám hiểm, cho phép ông tiếp tục chương trình Zoo Quest, cũng như sản xuất các chương trình phim tài liệu tiếp theo, đáng chú ý là seri "Travellers' Tales" "(Câu chuyện du hành)" và "Adventure (Phiêu Lưu)."
Vào đầu những năm 60,
Attenborough từ chức tại BBC để nghiên cứu cho tấm bằng sau đại học chuyên
ngành nhân chủng học xã hội tại Trường kinh tế học London. Tuy nhiên ông đã chấp
nhận lời mời quay trở lại BBC với tư cách người điều hành kênh BBC Two trước khi
ông kết thúc khóa nghiên cứu.
Làm quản lý tại BBC.
Attenborough trở thành nhà điều hành tại BBC Two vào tháng 3 năm 1965,
nhưng có một điều khoản trong hợp đồng, cho phép ông đôi khi được tiếp tục làm
các chương trình. Những năm sau đó, ông làm phim về loài voi ở Tanzania, và năm
1969, ông làm seri 3 tập phim giới thiệu lịch sử văn hóa đảo Bali, Indonesia.
Năm 1971, để quay bộ phim "A Blank on the""Map" (Một khoảng trống trên bản đồ)" "ông gia nhập đoàn thám hiểm đầu tiên" của"
phương Tây tới một thung lũng hẻo lánh ở New Guinea, để tìm kiếm những bộ lạc
hoang dã chưa từng được biết đến.
BBC Two được ra mắt năm 1964, vào thời điểm đó, kênh này đã phải rất khó
khăn để lối kéo sự chú ý của công chúng. Khi Attenborough nhậm chức điều hành
tại đây, ông đã nhanh chóng cải tổ lại nơi này. Với nhiệm vụ làm cho các sản
phẩm của BBC Two đa dạng và khác biệt với những kênh khác, ông bắt đầu thành
lập danh mục đầu tư các chương trình, mà chúng sẽ định dạng diện mạo của kênh
trong một thập kỷ tiếp theo. Dưới sự quản lý của ông, các đề tài như âm nhạc,
nghệ thuật, giải trí, khảo cổ, hài kịch thí nghiệm khoa học, du lịch, kịch
nghệ, thể thao, kinh doanh, lịch sử tự nhiên,… đều tìm thấy chỗ đứng trong bảng
kế hoạch hàng tuần. Khi BBC Two trở thành kênh truyền hình màu đầu tiền ở Anh,
Attenborough đã tận dụng điều này để giới thiệu các trận đấu bi-a và giải bóng bầu
dục được ghi hình tới công chúng nước Anh, thông qua kênh BBC2 Floodlit Trophy.
Một trong những quyết định có ý nghĩa nhất của ông là quyết
định làm 13 phần của seri phim về lịch sử nghệ thuật Phương Tây, được trình chiếu
trên dịch vụ truyền hình màu UHF mà BBC cung cấp. Chương trình truyền hình phát
năm 1969, Civilisation (Khai sáng), được hoan nghênh rộng rãi, đã định hình kế
hoạch cho những bộ phim tài liệu với mục đích giải thích sự xuất hiện sự sống.
Attenborough nghĩ rằng đề tài về sự tiến hóa là một chủ đề không thể thiếu của
những seri phim như thế. Ông chia sẻ ý nghĩ này với Chris Parsons, một nhà sản
xuất tại đơn vị Natural History (Lịch sử Tự nhiên), người mà đề xuất sản xuất
và lên kế hoạch seri phim Life on Earth. Attenborough ấp ủ ước muốn được tự
mình dẫn chương trình này nhưng điều đó khó có thể thực hiện được khi ông đang
nắm giữ vị trí quản lý.
Vào năm 1969, Attenborough được chỉ định làm giám đốc
chương trình, ông chịu trách nhiệm sản xuất các chương trình cho cả hai kênh BBC.
Nhiệm vụ của ông là duyệt kinh phí, tham dự các cuộc họp hội đồng, …. Khi
Attenborough được đề cử như một ứng viên cho ghế Tổng giám đốc BBC năm 1972,
ông đã gọi điện cho anh trai là Richard và tâm sự rằng ông không hề mong muốn vị
trí này. Đầu năm 1973, ông rời vị trí lúc đó để quay trở lại công việc làm
chương trình, việc này giúp ông có thời gian để viết và dẫn những seri phim về
lịch sử tự nhiên mà ông đã lên kế hoạch trước đó.
Trở lại làm truyền hình..
Sau khi từ
chức, Attenborough trở thành một phát thanh viên tự do và ngay lập tức bắt tay
vào xây dựng các dự án của mình. Ông đã cùng một nhóm cộng sự từ Ban Lịch sử Tự
Nhiên đến Indonesia. Kết quả là vào năm 1972, seri phim "Eastwards with
Attenborough" (Phương Đông và Attenborough) ra mắt, seri phim có phần giống
với seri Zoo Quest nhưng không có phần thu thập các loài động vật.
Sau khi trở
lại Anh quốc, ông bắt đầu viết phần lời cho Life on Earth. Vì quy mô của dự án
này, BBC quyết định hợp tác với một đối tác Mỹ nhằm đảm bảo nguồn tài trợ cần
thiết. Trong khi 2 bên trong quá trình thương lượng, ông tham gia một vài
chương trình truyền hình khác. Ông giới thiệu một seri phim về nghệ thuật của
các bộ lạc (The Tribal Eye, 1975) và một chương trình khám phá (The
Exporers, 1975). Ông cũng dẫn một seri phim dành cho trẻ em, nói về những loài
vật trong truyền thuyết (Fabulous Animals, 1975), chương trình khắc họa những
nét đặc trưng của các sinh vật huyền thoại như Điểu sư (quái vật đầu chim, mình
sư tử) hay Kraken (một loài thủy quái ở Na-Uy). Cuối cùng, BBC cũng ký một thỏa
thuận với hãng Turner Broadcasting và chương trình Life on Earth được đưa vào
sản xuất năm 1976.
Seri phim "Life".
Bắt đầu với
loạt phim "Life on Earth" năm 1979, Attenborough đã định hình một quy trình
làm việc, sau này trở thành một chuẩn mực về chất lượng cho các chương trình
làm phim về thế giới hoang dã, nó đã ảnh hưởng đến một thế hệ các nhà làm phim
tài liệu sau này. Seri phim cũng xác lập một vị thế của BBC trong sản xuất phim
về lịch sử tự nhiên. Bằng việc nghiên cứu chủ đề trong phim và các phát hiện
mới nhất một cách nghiêm túc, Attenborough giành được sự tin tưởng từ các nhà
khoa học, họ đã cho phép ông dùng các dự án nghiên cứu của mình trong các
chương trình. Ví dụ như, ông và đoàn làm phim đã được quyền tiếp cận và quay
phim một nhóm gorilla nằm trong khuôn khổ nghiên cứu của tiến sĩ Dian Fossey.
Sự cải tiến là một yếu tố nữa trong thành công của seri "Life on Earth": các kỹ
thuật làm phim mới được phát minh nhằm ghi được những cảnh quay theo ý của
Attenborough, và chú trọng vào những sự kiện và loài động vật chưa từng được
ghi hình trước đó.
Thành công
của seri "Life on Earth" thúc đẩy BBC xem xét sản xuất thêm các seri kế tiếp, kết
quả là 5 năm sau seri phim "The Living Planet" được công chiếu. Lần này,
Attenborough xây dựng bộ phim về đề tài sinh thái học, sự thích nghi của các
sinh vật sống trong môi trường của chúng. Và bộ phim một lần nữa được công
chúng đón nhận tích cực. Năm 1990, "The Trials of Life" ra mắt, hoàn thành bộ ba
seri phim về Sự sống, bộ phim này nói về các hành vi của động vật qua các giai
đoạn phát triển. Bộ phim đã lôi kéo được sự quan tâm mạnh mẽ của khán giả qua
các hình ảnh ấn tượng, ghi lại cảnh cá voi sát thủ săn sử tử biển ở bờ biển
Patagonia, và một đàn tinh tinh bắt và ăn thịt một con khỉ đuôi dài.
Những năm 90,
Attenborough tiếp tục làm các bộ phim tài liệu về Sự sống và đều rất thành
công. Năm 1993, ông giới thiệu seri phim "Life in the Freezer", bộ phim tài
liệu đầu tiên nghiên cứu về lịch sử tự nhiên của Nam Cực. Mặc dù lúc này đã qua
tuổi nghỉ hưu nhưng ông vẫn bắt tay vào làm các dự án tiếp theo, bắt đầu từ
Thực vật. Kết quả là "The Private Life of Plants" ra mắt năm 1995, ghi lại hình
ảnh về các loài thực vật như những sinh vật rất năng động, đây là kết quả của
hiệu ứng co rút thời gian bằng cách đẩy nhanh tốc độ phim.
Được sự ủng hộ nhiệt tình của một nhà điểu cầm trong ban Lịch sử tự nhiên BBC, Attenborough chuyển sự quan tâm của mình tới vương quốc của động vật, cụ thể là loài chim. Vì ông không phải là một chuyên gia hay người quan sát loài chim nên ông cho rằng mình sẽ thích hợp làm seri phim "The Life of Birds" (1998) với chủ đề về hành vi của chúng. Seri phim đã thắng một giải Peabody (Peabody Award). Những phát triển trong lĩnh vực công nghê quay phim đã xúc tiến làm các phần tiếp theo của seri phim "Life". Trong "The Life of Mammals" (2002), máy quay ban đêm và máy quay hồng ngoại được dùng để ghi lại những hành vi của một số loài động vật sống về đêm. Seri phim có rất nhiều cảnh quay đáng nhớ giữa Attenborough và những sinh vật mà ông ghi hình cùng, trong đó có thể kể đến những con tinh tinh, cá voi xanh hay gấu xám. Những bước tiến trong công nghệ quay phim phóng đại đã cho phép ông và đoàn làm phim lần đầu tiên ghi lại những hành vi tự nhiên của những sinh vật rất nhỏ, và năm 2005, seri phim "Life in the Undergrowth" ra mắt công chúng, đưa khán giả tới vương quốc của những loài không xương sống.
Attenborough sau đó nhận ra rằng, ông đã bỏ ra 20 năm để làm một bộ sưu tập các chương trình về hầu hết các nhóm động vật và thực vật chính, và chỉ còn thiếu loài bò sát và lưỡng cư. Sau đó ông bắt đầu làm seri phim "Life in cold Blood", được trình chiếu năm 2008, seri phim này đã hoàn thành được tâm nguyện của ông.
Quan điểm và vận động.
Quan điểm về tôn giáo và thuyết sáng tạo.
Tháng 12 năm 2005, trong một cuộc phỏng vấn với Simon Mayo trên kênh BBC Radio Five Live, Attenborough nói rằng ông tự xem mình như một người theo thuyết bất khả tri. Khi được hỏi về việc ông quan sát thế giới tự nhiên liệu có làm ông tin vào một Đấng Tạo hóa hay không, ông đáp lại bằng một câu chuyện có liên quan đến loài giun ký sinh "Onchocerca volvulus":
Câu trả lời của tôi là, khi một người theo Sáng tạo luận nói về việc Chúa tạo ra mọi sinh vật sống, họ luôn liên tưởng đến những con chim ruồi, những con đà điều, những bông hoa hướng dương hay những thứ đẹp đẽ khác. Nhưng tôi có xu hướng nghĩ đến hình ảnh về loài giun ký sinh, đang đục sâu vào trong mắt của một cậu bé ngồi bên bờ sông ở Tây Phi, [con giun đó] rồi sẽ làm cho cậu bé bị mù. Và [tôi hỏi họ rằng]: "Có phải ngài đang nói với tôi về vị Chúa mà ngài tin tưởng, đấng mà ngài nói rằng đầy lòng thương yêu, quan tâm cách riêng tới từng người một trong chúng ta, có phải ngài đang nói rằng vị Chúa đó đã tạo ra con giun kia, [một sinh vật] không thể sống bằng cách nào khác ngoài cách sống trong nhãn cầu của một cậu vé vô tội ? Bởi vì điều đó với tôi dường như không giống với một vị Chúa đầy lòng nhân từ".
Vào tháng 3 năm 2009, Attenborough tham dự talk show "Friday Night with Jonathan Ross". Attenborough cho biết ông cảm thấy thuyết tiến hóa không loại trừ khả năng tồn tại của một Chúa Trời và ông đồng ý với nội dung câu nói bất khả tri: "Quan điểm của tôi là: tôi không biết cách này hay cách kia nhưng tôi không nghĩ rằng thuyết tiến hóa chống lại niềm tin vào Chúa Trời." | 1 | null |
Jesse Ellis Lingard (sinh ngày 15 tháng 12 năm 1992) là một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp người Anh đang chơi ở vị trí tiền vệ
Lingard bắt đầu thi đấu chuyên nghiệp khi được cho mượn tại Leicester City vào năm 2012, và đã dành nhiều thời gian cho mượn tại Birmingham City và Brighton & Hove Albion vào mùa giải 2012–13 và tại Derby County vào năm 2015. Anh cũng đã tham dự thi đấu cho U-17 Anh và U-21 Anh. Năm 2016, anh được triệu tập lên đội tuyển Anh.
Sự nghiệp câu lạc bộ.
Tiểu sử.
Lingard sinh ra tại Warrington, Cheshire,anh theo học tại William Beamont Community High School. Anh theo học tại học viện đào tạo bóng đá Manchester United và giành được danh hiệu FA Youth Cup 2010–11. Anh ký hợp đồng chuyên nghiệp với Manchester United vào mùa hè năm 2011.
Cho mượn tại Leicester City.
Ngày 6 tháng 11 năm 2012, Lingard và người đồng đội Michael Keane gia nhập Leicester City theo dạng cho mượn trong vòng 1 tháng. Lingard có trận ra mắt cho Leicester City vào ngày 6 tháng 11, trong trận hòa 0-0 trước Bolton Wanderers, khi vào thay ở phút 85.
Trở lại Manchester United.
Lingard được chọn vào đội hình du đấu hè 2013 của Manchester United. Anh ghi 2 bàn trong trận giao hữu với A-League All Stars tại Sydney vào 20 tháng 7 năm 2013. Sau trận đấu anh phát biểu: "Tôi tin tưởng ở bản thân mình nhưng bây giờ tôi bắt đầu tin tưởng bản thân nhiều hơn". Anh cũng ghi bàn trong trận gặp Yokohama F. Marinos và Kitchee SC, kết thúc chuyến du đấu hè anh trở thành vua phá lưới với 4 bàn thắng.
Cho mượn tại Birmingham City.
Mặc dù hy vọng được đưa vào đội hình Manchester United, nhưng anh đã gia nhập Birmingham City theo dạng cho mượn trong 1 tháng. Anh đã được đá chính ngay từ đầu trong trận gặp Sheffield Wednesday, ghi bàn thắng đầu tiên ở phút 20, hoàn tất cú hat-trick 13 phút sau đó và ghi bàn thắng thứ 4 ở hiệp 2. Thỏa thuận cho mượn của Lingard được kéo dài đến ngày 14 tháng 12 năm 2013, nhưng anh đã bỏ lỡ 3 trận đấu do chấn thương đầu gối. Thỏa thuận cho mượn tiếp tục kéo dài đến 1 tháng 1 năm 2014, nhưng Lingard bị treo giò 2 trận cuối do thẻ phạt. Trong trận gặp Wigan Athletic ngày 26 tháng 12, anh bị đuổi khỏi sân vì pham lỗi với Jordi Gómez. Mặc dù Birmingham City muốn gia hạn thời gian cho mượn nhưng anh muốn trở lại Manchester United.
Cho mượn tại Brighton & Hove Albion.
Ngày 27 tháng 2 năm 2014, Lingard gia nhập Brighton & Hove Albion đang đá tại giải Hạng nhất Anh với thời gian cho mượn 93 ngày. Anh ghi bàn đầu tiên cho Brighton & Hove Albion vào ngày 8 tháng 4, trong trận thắng 4-1 trước Leicester City.
Mùa giải 2020–21: Cho mượn tại West Ham United.
Ngày 29 tháng 1 năm 2021, Lingard gia nhập câu lạc bộ West Ham United theo dạng cho mượn đến cuối mùa giải. Trong trận ra mắt vào ngày 3 tháng 2, Lingard đã lập một cú đúp vào lưới Aston Villa giúp West Ham giành chiến thắng với tỷ số 3–1. Dù nghỉ cả lượt đi do không được trọng dụng ở Manchester United nhưng anh cũng có 9 bàn thắng cùng với 4 kiến tạo sau 10 trận đấu chơi cho West Ham United.
Mùa giải 2021-22.
Ngày 11 tháng 9 năm 2021, Lingard ghi bàn thắng ấn định chiến thắng 4–1 cho Manchester United trước Newcastle trên sân nhà Old Trafford. Sau đó 1 tuần, ngày 19 tháng 9, anh một lần nữa ghi bàn vào phút 89 giúp cho Quỷ Đỏ giành chiến thắng trước West Ham, trận đấu mà đồng đội của anh David De Gea đã cản phá cú sút penalty quyết định của Mark Noble trong những phút cuối để giữ lại chiến thắng cho toàn đội.
Vào ngày 1 tháng 6 năm 2022,Manchester United thông báo rằng Lingard sẽ rời câu lạc bộ sau khi hết hạn hợp đồng với câu lạc bộ.
Nottingham Forest.
Vào ngày 21 tháng 7 năm 2022, Lingard ký hợp đồng với câu lạc bộ mới thăng hạng ở Premier League là Nottingham Forest theo hợp đồng có thời hạn một năm.
Sự nghiệp quốc tế.
Jesse Lingard đã chơi 3 trận cho đội tuyển U-17 Anh tại giải bóng đá Bắc Âu năm 2008. Anh có lần đầu tiên được gọi vào đội U-21 khi chuẩn bị cho trận giao hữu với U-21 Scotland vào ngày 13 tháng 8 năm 2013, và có trận ra mắt khi vào sân thay cho Nathan Redmond vào hiệp 2. Trận đấu kết thúc, U-21 Anh thắng với tỷ số 6–0.
Năm 2016, Lingard được triệu tập vào đội tuyển quốc gia Anh và được ra sân lần đầu trong khuôn khổ lượt trận thứ hai của vòng loại World Cup 2018 khu vực châu Âu gặp đối thủ yếu .
Ngày 23 tháng 3 năm 2018, anh có bàn thắng đầu tiên cho đội tuyển quốc gia trong chiến thắng 1-0 của Anh trước đội tuyển .
Lingard không được gọi trong những trận vòng loại Euro 2020 vào tháng 10 năm 2019. Phong độ của anh dưới màu áo West Ham United khi cho mượn từ tháng 1 năm 2021 đã giúp Lingard được gọi lại tuyển vào tháng 3. Tháng 5 năm 2021 anh có tên trong đội hình triệu tập ban đầu dự Euro 2020, nhưng bị loại khỏi đội hình cuối cùng và chỉ có trong danh sách cầu thủ dự phòng.
Đời sống cá nhân.
Lingard được sinh ra tại Anh. Ông bà nội của anh là những người nhập cư từ Saint Vincent và Grenadines.
Hai pha ăn mừng bàn thắng của Lingard được đưa vào loạt trò chơi điện tử FIFA của EA Sports. Màn ăn mừng thổi sáo được xuất hiện trong FIFA 18 và điệu nhảy 'Milly Rock' có trong FIFA 19.
Năm 2018, Lingard ra mắt thương hiệu quần áo của riêng mình, "JLingz". | 1 | null |
Kamov Ka-52 "Alligator" (, tên mã NATO: Hokum B) là một máy bay trực thăng quân sự hai chỗ ngồi của Nga. được xem là một phiên bản hai chỗ ngồi của loại Kamov Ka-50.
Ka-52 là loại trực thăng tấn công hoạt động trong mọi thời tiết, cả ban ngày lẫn ban đêm, có khả năng tấn công và tiêu diệt các loại mục tiêu mặt đất (bọc thép lẫn không bọc thép), máy bay (bay tốc độ chậm), tiêu diệt sinh lực địch ở tiền tuyến lẫn ở nơi đóng quân của các đơn vị dự bị, thực hiện các nhiệm vụ trinh sát, định vị mục tiêu, hỗ trợ cho các đơn vị mặt đất và phối hợp hoạt động của các trực thăng quân sự khác.
Lịch sử.
Trong đầu thập niên 1980, khi các thử nghiệm so sánh về hai mẫu trực thăng V-80 (phiên bản thử nghiệm của Ka-50) và Mi-28 vẫn còn đang thực hiện, phòng thiết kế Kamov đã đề xuất một sự án thiết kế một loại trực thăng chuyên dùng trong việc trinh sát, định vị mục tiêu, hỗ trợ và phối hợp với các trực thăng tấn công chủ lực. Tuy nhiên, những khó khăn về kinh tế từ cuối những năm 1980 khiến kế hoạch này gặp nhiều trở ngại và để tiết kiệm chi phí, thay vì thiết kế một mẫu hoàn toàn mới, Kamov đã chọn phương án cải sửa thiết kế Ka-50 có sẵn để tích hợp các hệ thống do thám và xác định mục tiêu. Phiên bản Ka-50 cải sửa này yêu cầu phải có thêm một phi công đảm nhiệm công tác vận hành các thiết bị do thám đó, và Kamov đã thiết kế lại buồng lái từ một chỗ ngồi thành hai chỗ ngồi bên cạnh nhau, kiểu buồng lái này được kiểm chứng là giúp cải thiện sự tương tác và phối hợp giữa hai phi công với nhau. Phiên bản cải sửa hai chỗ ngồi này về sau được đặt cho cái tên chính thức là Ka-52.
Mẫu thử nghiệm của Ka-52 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 25 tháng 6 năm 1997, đây là một phiên bản chuyển đổi từ mô hình Ka-50 trước đó. Buổi bay kiểm tra đầu tiên được thực hiện ngày 27 tháng 6 năm 2007 tại thành phố Arsenyev thuộc tỉnh Primorsky Krai, trên sân bay của nhà máy "Tiến bộ". Hai chiếc Ka-52 ra lò trong tháng đó mang số đuôi "062" và "063". Năm 2009, 3 chiếc mang sô đuôi 51, 52, 53 cũng được chế tạo phục vụ cho quá trình thử nghiệm. 4 chiếc khác được chế tạo vào năm 2010.
Ka-52 vượt qua giai đoạn 1 của quá trình thử nghiệm cấp quốc gia vào tháng 11 năm 2008, nhưng thử nghiệm giai đoạn 2 năm 2010 đã không thành công. Đến năm 2011 thì giai đoạn 2 đã hoàn tất. Tháng 5 năm đó, Ka-52 chính thức được phiên chế vào quân đội Nga.
Tháng 6 năm 2011, lãnh đạo Rosoboronexport Anatoliy Isaykin đã công bố trong buổi triển lãm hàng không Le Bourget ở Paris (còn gọi là Paris Air Show) rằng Ka-52 sẽ được triển khai trên các tàu đổ bộ tấn công Mistral mà Nga mua của Pháp để trang bị cho Hải quân đánh bộ Nga Ngày 26 tháng 6 cùng năm, lãnh đạo Phòng thiết kế Kamov Sergey Viktorovich Mikheyev cống bố kế hoạch sản xuất và thử nghiệm lô trực thăng Ka-52 và Ka-29 triển khai trên tàu Mistral vào năm 2014. 9 trực thăng Ka-52 đầu tiên của lô này - tổng trị giá vào khoảng 9,504 tỉ rúp chưa tính thuế - đã được bàn giao trong năm 2011. 4 trong số đó có trang bị rađa "Arbalet".
Ngày 31 tháng 8 năm 2011, một hợp đồng giữa Vertoloty Rossii (công ty sản xuất trực thăng Kamov và Mil cho quân đội Nga) và Oboronprom được ký kết, trong đó quy định 140 chiếc Ka-52 trị giá 120 tỉ Mỹ kim sẽ được sản xuất cho đến năm 2020. Hợp đồng không nói rõ một phần số trực thăng này sẽ được phiên chế cho Hải quân đánh bộ, hay là trực thăng cho Hải quân sẽ được sản xuất theo một hợp đồng riêng. Tháng 3 năm 2012, Giám đốc điều hành Andrey Reus của Oboronprom xác nhận hợp đồng đã ký hồi năm 2011 và tuyên bố Bộ Quốc phòng Nga đã ký một hợp đồng dài hạn nhằm cung cấp 140 trực thăng Ka-52 cho quân đội. Ngày 8 tháng 7 cùng năm, người phát ngôn của Vertoloty Rossii là Roman Kirillov thông báo rằng phiên bản Ka-52K dành riêng cho hải quân đã bắt đầu được sản xuất và chúng sẽ được triển khai trên tàu khu trục Mistral. Ngày 8 tháng 4 năm 2014, Bộ Quốc phòng Nga ký hợp đồng sản xuất 32 trực thăng Ka-52K cho hải quân, chúng sẽ được triển khai cùng các trực thăng khác trên hai tàu Mistral mà Nga mua của Pháp. Tuy nhiên, sau khi Nga sáp nhập Krym năm 2014, hợp đồng Mistral bị hủy và các Mistral lỡ duyên này được bán cho Ai Cập. Ai Cập đang đàm phán với Nga để mua Ka-52 biên chế trên các tàu Mistral vừa mua.
Trong triển lãm hàng không Le Bourget năm 2013, lãnh đạo Rosoboronexport Aleksandr Mikheyev tuyên bố là đã đạt được một hợp đồng sản xuất Ka-52 với một quốc gia nhưng không nói rõ là quốc gia nào. Tuy nhiên một nguồn tin của Nga và một nhân vật Iraq giấu tên cho biết đó là hợp đồng ký với Iraq vào năm 2012 trị giá khoảng 4 tỉ Mỹ kim, trong đó Nga sẽ chuyển giao một lượng trực thăng Ka-52 và Mi-28NE cho Iraq.
Hoạt động chiến đấu.
Máy bay trực thăng tấn công đa năng Ka-52 của Nga đã tham gia hoạt động chiến đấu ở Syria. Vào ngày 5 tháng 5 năm 2018, một chiếc Ka-52 đã bị rơi gần Mayadin.
Một chiếc Ka-52 đã bị phía Ukraine bắn hạ trên đất Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, ngay trong ngày đầu tiên. Đến ngày 2 tháng 3 năm 2022, một chiếc Ka-52 khác của Nga tiếp tục bị bắn hạ trên đất Ukraine. Một chiếc Ka-52 khác của Không quân Nga với số đuôi là RF-13409/74 Red tiếp tục bị lực lượng Ukraine bắn hạ bằng tên lửa phòng không vác vai ở Kherson, Ukraine ngày 12 tháng 3 năm 2022. Máy bay bị phá hủy hoàn toàn.
Vào ngày 25 tháng 10 năm 2022, tình báo Bộ Quốc phòng Anh cho rằng đã có ít nhất 23 tổn thất Ka-52 được xác nhận kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu - gần một phần tám phi đội gồm 196 chiếc Ka-52 và chiếm gần một nửa trong tổng số thiệt hại về máy bay trực thăng của Nga tại Ukraine. Hầu hết Ka-52 đã bị bắn hạ bởi các hệ thống phòng không tầm ngắn hoặc vác vai Đổi lại, những chiếc Ka-52 đã phá hủy hàng trăm xe tăng - xe thiết giáp các loại của Ucraina cũng như tiêu diệt nhiều bộ binh. Hệ thống tác chiến điện tử Vitebsk trên Ka-52 có thể gây nhiễu tên lửa phòng không ở cự ly gần, làm gia tăng đáng kể khả năng sống sót của máy bay.
Đặc điểm.
Thiết kế của Ka-52 dựa trên phiên bản trực thăng Ka-50, với mức độ tương đồng vào khoảng 85%.
Trong khi Ka-50 là trực thăng một chỗ ngồi, Ka-52 bố trí một buồng lái hai chỗ xếp bênh cạnh nhau, và có thể được điều khiển bởi bất cứ thành viên nào trong hai phi công ngồi trong buồng lái. So với Ka-50, phần mũi của Ka-52 rộng hơn, do mức độ bọc giáp ở buồng lái giảm đi và do phần mũi là nơi lắp đặt một số thiết bị điện tử, radar. Giống như Ka-50, Ka-52 sử dụng hai cánh quạt quay ngược chiều nằm trên cùng một trục; thiết kế này giúp cho trực thăng có tính cơ động rất cao, dễ dàng di chuyển trong không gian chật hẹp hoặc nhanh chóng chiếm lấy vị trí tác chiến có lợi cho mình. Hai động cơ turbine trục VK-2500 công suất 1863 kW với hệ thống điều khiển số toàn quyền (FADEC) giúp cho trực thăng có thể bay cao 5000 mét (trần bay tĩnh khoảng 4000 mét) và có thể cất hạ cánh trong khí hậu nóng hay ở khu vực có độ cao lớn. Trực thăng cũng có thể hoạt động trong điều kiện trời lạnh hoặc buốt giá. Khoang nhiên liệu được làm từ các vật liệu chống nổ.
Tuy nhiên, việc bố trí hai buồng lái ngồi song song khiến tính khí động học của thiết kế máy bay giảm đi rõ rệt, và choán chỗ số đạn dược trong máy bay. Vì vậy, để khối lượng và khả năng tác chiến ngang bằng với Ka-50, thiết kế của Ka-52 đã hy sinh một số ưu điểm, thí dụ như giảm số đạn của súng chính và giảm mức độ bọc giáp, ví dụ như số đạn pháo 30mm bị giảm từ 470 viên xuống chỉ còn 240 viên. Khả năng bay của Ka-52 đã bị giảm đi so với Ka-50, ví dụ như tốc độ nâng hạ độ cao giảm từ 10 m/s xuống còn 8 m/s, sức nâng tải trọng G tối đa giảm từ 3,5g xuống còn 3g, và trần bay giảm từ 4000 mét xuống còn 3600 mét.
Ka-52 được trang bị ghế phóng thoát hiểm K-37-800M cho cả hai phi công.
Thiết bị điện tử.
Màn hình hiển thị của Pháp, radar "Arbalet" (nghĩa là "chiếc nỏ") đặt ở đầu mũi của trực thăng có thể hoạt động hiệu quả trong ngày lẫn đêm và các điều kiện môi trường bất lợi, kể cả trường hợp gặp phải nhiễu điện-từ vô tuyến. Radar này sẽ cung cấp cho phi công một bản đồ tổng thể về địa hình của khu vực tác chiến, giúp phi công nhanh chóng nhận diện được các mục tiêu cũng như các vùng nhiễu loạn, ẩm ướt, có hại cho việc tác chiến. Konkern cũng sản xuất dòng thiết bị tích hợp hình ảnh và định vị bằng laser mang tên "Okhotnik" ("Thợ săn"), dùng cho các tên lửa định vị Vikhir và Ataka, có khả năng cùng lúc khóa 2 mục tiêu khác nhau. Ngoài ra, Ka-52 cũng sử dụng một hệ thống lái tự động mang tên hiệu là SAU-800.
Đặt phía trên buồng lái và phía dưới mũi trực thăng là hai "tháp" hình quả cầu chứa thiết bị nhìn ngày-đêm bằng hồng ngoại "Samshit", có khả năng "nhìn" trong tình trạng ánh sáng bình thường và ánh sáng yếu. Hệ thống Samshit bao gồm thiết bị nhìn hồng ngoại, thiết bị đo khoảng cách bằng la-de và thiết bị xác định mục tiêu, giúp cho phi công có thể "khóa" và "theo dõi" mục tiêu thông qua các thông tin hiện trên màn ảnh. Vào ban ngày và thời tiết tốt, tầm nhìn của hệ thống "Samshit" là khoảng 15 cây số. Thiết bị điện tử tích hợp vào Ka-52 làm giảm đáng kể mức độ hiện diện của nó trước kẻ địch.
Ka-52 có thiết kế tích hợp một số đặc điểm tàng hình và trang bị thiết bị gây nhiễu điện tử/hồng ngoại, các thiết bị cảnh báo bằng la-de Pastel (L150) RWR, Mak (L136) IR và Otklik (L140), và thiết bị phóng bụi gây nhiễu UV-26 trên đầu cánh nhằm làm nhiễu các tên lửa phòng không.
Ka-52 sử dụng một buồng lái màn hình hiển thị ("glass cockpit") bao hàm một hệ thống máy tính số đa tầng, thiết bị hiển thị thông tin trên kính chắn gió ("head-up display"), 4 màn hình SMD 66 đa chức năng (2 màn hình màu và 2 màn hình đơn sắc), thiết bị hiển thị thông tin gắn trên mũ phi công "Topovl", thiết bị khuếch đại cường độ hình ảnh, thiết bị thu nhận thông tin từ GPS. Hệ thống bus đa thành phần có khả năng điều khiển việc lái, định hướng và phối hợp hệ thống vũ khí. Buồng lái Ka-52 cũng có ra-đa xác định tọa độ FAZOTRON, hệ thống định vị và tấn công dành cho trực thăng (NASH), hệ thống định hướng Nadir 10. Những thiết bị này giúp phi công có thể điều chỉnh chế độ lái tự đông cho trực thăng trong điều kiện chiến trường.
Từ tháng 9 năm 2012, công ty Thiết kế Ramenskoye trở thành đối tác cung cấp các thiết bị điện tử cho trực thăng Ka-52 trong thời gian 2013-2020.
Thông số kỹ thuật.
Nguồn dẫn: trang mạng chính thức của công ty mẹ "Vertoroly Rossii"
Vũ khí.
Hệ thống vũ khí trên trực thăng Ka-52 bao hàm một súng tự động 30 ly 2A42 với cơ số đạn 460 viên và các tên lửa, bom khác gắn trên 6 giá treo vũ khí ở 2 cánh, với tổng tải trọng vũ khí lên đến 2.000 kg. Ka-52 có thể mang tên lửa chống tăng 9K121 Vikhir định vị bằng la-de hoặc 9M120 Ataka-V định vị bằng rađa SACLOS, tên lửa định vị phòng không Igla-V, cũng như các tên lửa không định vị đường kính 80 ly hoặc 130 ly. Tên lửa Vikhir do phòng thiết kế Tula phát triển, có khối lượng 42 kg và đầu đạn xuyên giáp bằng thuốc nổ mạnh (HEAT) liều kép, có tầm bắn lên tới 8 cây số và khả năng xuyên thủng giáp tương đương 900mm thép đồng chất. Tên lửa phòng không Igla-V là một phiên bản phụ của dòng tên lửa vác vai phòng không Igla-1 do phòng thiết kế công trình-cơ khí Kolomna (KBM) phát triển, sử dụng hệ thống định vị nhiệt, khối lượng 10,7 kg với đầu đạn nặng 1,27 kg, có thể tấn công các mục tiêu trong độ cao từ 10-3.500 mét và vận tốc từ 0 đến 1.440 cây số/giờ, tầm bắn từ 800 đến 5.200 mét.
Ka-52 có khả năng hoạt động liên tục trong thời gian chỉ có 1 giờ 40 phút trong khi khả năng hoạt động liên tục của AH-64 Apache là 3 giờ 9 phút còn Eurocopter Tiger của Pháp - Đức kéo dài 3 giờ 25 phút. Đây là một điểm hạn chế rất lớn nếu Ka-52 phải bay liên tục để tìm kiếm vị trí của đối phương, hay chi viện hỏa lực cường độ cao. | 1 | null |
Chó chăn cừu Iceland là một giống chó mỏ nhọn có nguồn gốc từ Iceland do được người Viking mang đến đấy. Nó là giống tương tự như "Buhund Na Uy" và là loài tổ tiên của "chó chăn cừu Shetland" và "Corgi xứ Wales" hiện đại. Nó được cho là một trong những giống chó lâu đời nhất và là giống chó bản địa duy nhất của Iceland. Hiện nay, giống chó này vẫn thường được sử dụng để chăn cừu, gia súc và thậm chí là ngựa ở nông thôn tại Iceland.
Giống đôi khi được ký hiệu bằng tiếng Latinh là" canis islandicus" mặc dù nó là một giống và không phải là một loài.
Lịch sử.
Năm 1650, Sir Thomas Brown đã viết "Ở Anh có đôi thứ được xuất khẩu từ Iceland... một loại chó giống như một con cáo... mục đồng ở Anh đang mong muốn có được chúng!"
Giống chó chăn cừu Iceland tương tự với nhiều giống chó được tìm thấy trong ngôi mộ ở Đan Mạch và Thụy Điển từ khoảng năm 8000 trước Công Nguyên. Nhập khẩu chó đến Iceland bị hạn chế và từ năm 1901 thậm chí còn bị cấm.
"Dịch hạch" và "đau răng nanh" đã giết chết hơn 75% giống chó này vào cuối Thế kỷ 19, dẫn đến một lệnh cấm nhập khẩu chó đến Iceland. Giống chó chăn cừu thuần chủng của Iceland một lần nữa giáp tuyệt chủng vào cuối Thế kỷ 20 và trong năm 1969, Hiệp hội chó giống Iceland (HRFÍ) được thành lập để bảo tồn giống, ngoài ra còn một số những mục đích khác.
Giống chó chăn cừu Iceland được AKC (American Kennel Club, Hội công nhận chó thuần chủng tại Hoa Kỳ) công nhận vào tháng 6 năm 2010, cùng với các giống "Leonberger" và "Cane Corso".
Mô tả.
Ngoại hình.
Sau đây là những tiêu chuẩn hiện tại cho giống chó này:
Tính cách.
Chó chăn cừu Iceland rất nghiêm khắc và tràn đầy năng lượng. Khỏe mạnh và nhanh nhẹn, chúng rất hữu ích cho chăn nuôi gia súc hoặc tìm cừu thất lạc. Tuy nhiên, những con chó không được dùng để săn bắt. Chó chăn cừu Iceland rất lanh lợi và sẽ luôn luôn đón tiếp khách nhiệt tình, mà không hề hung hăng. Thân thiện và vui vẻ, giống chó chăn cừu của Iceland rất tò mò, hiếu động và không hề sợ hãi. Nó thường hòa thuận với trẻ em, cũng như những vật nuôi khác.
Giống chó chăn cừu của Iceland rất trung thành và luôn muốn ở xung quanh gia đình liên tục. Nó theo sau chủ nhân của nó ở khắp mọi nơi. Không giống như hầu hết những con chó làm việc, chúng bình tĩnh khi ở trong nhà và hạnh phúc nằm xuống dưới chân chủ của mình.
Hoạt động.
Như tên của nó, nó là một giống chó chăn cừu, nhưng cũng được sử dụng như để canh gác và làm việc. Khi chăn, các chú chó chăn cừu Iceland không được sử dụng chủ yếu để lùa những con cừu từ một nơi đến nơi khác, nhưng được dùng để ngăn chặn động vật đi lạc. Ngoài ra, con chó này còn phụ trách chăn ngựa, gia súc và các động vật khác. Khi chăn thất bại, những con chó điều khiển những con vật bằng cách sủa. Do đó, nó có xu hướng sủa khi nó muốn một cái gì đó, tuy nhiên hành vi này có thể được kiểm soát bằng cách đào tạo.
Ở Iceland, cừu thường bị mất và công việc của những con chó là tìm thấy chúng và đưa lại về đàn gia súc. Do đó chúng đã quen với việc tiếp tục làm việc riêng mình và tìm ra cho mình nhiều thứ, vì vậy chủ sở hữu phải cẩn thận vì sợ rằng nó sẽ học những điều không nên. Khi làm chó canh gác, nhiệm vụ chính của nó là để cảnh báo người dân khi có ai đó đang đến, vì vậy những con chó này có xu hướng sủa rất nhiều khi họ nhìn thấy có người tiếp cận.
Chó chăn cừu Iceland có thể tham gia thi đấu trong các cuộc thi dành cho chó và huấn luyện vâng lời. Bản năng và việc huấn luyện chăn gia súc có thể được kiểm tra tại các xét nghiệm chăn gia súc. Chó chăn cừu Iceland nào cho thấy được những bản năng chăn gia súc cơ bản có thể được đào tạo để tham gia thi đấu trong các cuộc thi chăn gia súc.
Liên kết ngoài.
testxxx discussedxxx withxxx Brionxxx VIBBERxxx Islandhundxxx Íslenskixxx fjárhundurinnxxx Íslenskurxxx fjárhundurxxx doxxx notxxx removexxx | 1 | null |
Phần thứ hai của loạt phim hài kịch tình huống truyền hình dài tập Hoa Kỳ How I Met Your Mother được công chiếu từ ngày 18 tháng 9 năm 2006 và kết thúc vào ngày 14 tháng 5 năm 2007. Phần phim bao gồm 22 tập phim, mỗi tập dài xấp xỉ 22 phút. Đài CBS chiếu 3 tập đầu của phần này vào khung giờ 8:30 tối Thứ Hai hàng tuần, các tập còn lại được dời sang khung giờ lúc 8:00. Cả phần hai này được phát hành DVD tại Khu vực 1 vào ngày 2 tháng 10 năm 2007. Ở Anh, phần phim được phát sóng thông qua kênh E4 từ ngày 2 tháng 10 năm 2009.
Các tập phim.
<onlyinclude>
</onlyinclude> | 1 | null |
Giết con chim nhại () là một bộ phim Mỹ chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Harper Lee do Robert Mulligan đạo diễn phát hành năm 1962. Bộ phim có sự tham gia của Gregory Peck trong vai Atticus Finch và Mary Badham trong vai Scout.
"Giết con chim nhại" không những rất thành công về mặt thương mại (doanh thu gấp 10 lần vốn đầu tư) mà con thu lại vô số các phản hồi tích cực từ các nhà phê bình và luôn được cân nhắc là một trong các bộ phim hay nhất mọi thời đại. Năm 1995, bộ phim được đưa vào danh sách lưu trữ của Viện lưu trữ phim Quốc gia (Hoa Kỳ), đồng thời đứng thứ 25 trong danh sách các bộ phim hay nhất mọi thời đại phiên bản chỉnh sửa của Viện phim Mỹ (AFI) năm 2007. Năm 2003, nhân vật bố Atticus Finch cũng được AFI xếp thứ nhất trong danh sách anh hùng màn ảnh thế kỷ 20.
Với các diễn viên Robert Duvall, William Windom và Alice Ghostley, "Giết con chim nhại" là bộ phim đầu tiên họ tham gia diễn xuất.
Nội dung.
Jean Louise "Scout" Finch (Mary Badham), một cô bé 6 tuổi sống cùng ba và anh trai Jem (Phillip Alford) tại Maycomb, một thị trấn nhỏ nằm tại tiểu bang Alabama, trong những năm của thập niên 30. Câu chuyện phim trải dài trong 3 năm đi cùng với đó là những thay đổi và tác động lên cuộc đời của 2 cô cậu bé. Hai đứa trẻ ngây thơ dành cả ngày để chơi cùng nhau và luôn thắc mắc về một người đàn ông bí ẩn tên "Boo" Radley (Robert Duvali), một người hàng xóm chưa từng được thấy rời khỏi nhà và là mục tiêu cho nhiều lời đồn thổi kì bí trong thị trấn.
Cha của chúng, Atticus (Gregory Peck) - một người đàn ông góa vợ - hành nghề luật sư trong thị trấn với một niềm tin mãnh liệt rằng mọi người cần được đối xử công bằng để có thể khoan dung và đại diện cho đức tin của họ. Ông cho phép con cái gọi mình bằng tên riêng (Atticus). Mở đầu bộ phim, bọn trẻ nhìn thấy cha chúng nhận một bao hồ đào từ ông Cunningham, một khách hàng của Atticus, do ông này không có đủ khả năng trả tiền. Và cũng từ khi chứng kiến công việc luật sư của bố, Scout và Jem bắt đầu biết về sự phân biệt chủng tộc và những con quỷ của tội ác - mà nguyên nhân là do sự thiếu hiểu biết và đói nghèo - đang hiện hình trong thị trấn.
Tòa án địa phương chỉ định Atticus bào chữa cho một người da đen, Tom Robinson (Brock Peters), chống lại lời buộc tội về việc anh này cưỡng hiếp Mayella, một cô gái da trắng còn trẻ. Atticus nhận vụ án, và quyết định này của ông đã khiến bọn trẻ gặp phải nhiều rắc rối tại trường học. Một vài ngày sau, Robinson được chuyển về nhà tù thị trấn để dự phiên tòa xét xử. Để bảo vệ anh này khỏi những tấn công, Atticus đã ngồi trước cửa nhà tù nhưng khoảng nửa đêm, một nhóm người dân địa phương mang theo súng do Cunningham cầm đầu đã đến và đòi lấy mạng Robinson. Scout, Jem và Dill, bạn của chúng, đã phát hiện ra sự việc và chạy tới cắt ngang. Scout, cô bé ngây thơ không nhận thức được chuyện gì đang xảy ra, nhận ra Cunningham là người đàn ông đã đến nhà mình và dặn ông gửi lời xin chào tới con trai ông, bạn cùng lớp của Scout. Cunningham cảm thấy xấu hổ và bảo cả nhóm người quay về.
Tom là một người da đen, và cũng như nhiều người da đen khác vào những năm 30, anh bị coi như thuộc tầng lớp dưới và những lời buộc tội về anh mặc nhiên được chấp nhận. Câu chuyện được kể lại theo lời Mayella: Tom thường xuyên đi làm qua nhà Mayella, và một lần theo lời đề nghị Tom vào nhà chẻ hộ mình chiếc tủ cũ, cô đã bị Tom cưỡng hiếp. Mayella đồng thời cũng trưng ra những dấu hiệu cho thấy mình bị đánh. Tại phiên toàn, Atticus đã chỉ ra rằng tay trái của Tom không thể cử động được, và do đó không phù hợp với những vết thương trên cổ của Mayella có lẽ được tạo ra nhờ một bàn tay phải. Cha của Mayella, một người nông dân nghèo khổ và lười nhác, được cho là đã đánh Mayella. Atticus cũng tuyên bố rằng cô gái này không hề được đưa tới kiểm tra bởi bất kỳ bác sĩ nào sau những vết thương đó. Cuối phần bào chữa của mình, Atticus đã yêu cầu bồi thẩm đoàn bỏ qua những định kiến và thay vào đó hãy tập trung vào sự vô tội không thể chối cãi của Tom. Cũng trong phiên tòa, Tom nói rằng anh đã giúp Mayella một số việc nhà vì anh thấy đáng tiếc cho một cô gái phải chịu cảnh bần hàn. Trong một thị trấn mà người da trắng luôn được xem như ưu việt hơn người da đen, sự đồng cảm của Tom vô tình đã là lưỡi dao kết liễu anh. Atticus về đến nhà thì nhận được thông tin Tom đã bị bắn chết khi cố thoát khỏi nhà tù. Những người cảnh sát đã miêu tả lại Tom chạy như một người điên trước khi anh bị bắn.
Một thời gian sau, Scout và Jem tham dự lễ Halloween diễn ra tại trường vào ban đêm. Scout hóa trang thành một miếng thịt xông khói trong một hoạt cảnh giới thiệu các sản vật của hạt Maycomb. Sau buổi lễ, Scout cố gắng tìm xem mình đã để giày và váy ở đâu nhưng không thấy. Khi đã muộn và mọi người đã về gần hết, Jem cố ép em gái về nhà với trang phục hóa trang. Trên quãng đường về nhà băng qua rừng quen thuộc, Scout và Jem bị tấn công bởi một người đàn ông không rõ danh tính. Bộ trang phục của Scout khiến em khó khăn trong di chuyển và hạn chế tầm nhìn nhưng vô tình lại là một vũ khí tốt, bảo vệ em khỏi những đòn tấn công của người lạ mặt. Sau đó, có một người đàn ông mới xuất hiện và ngăn cản người lạ mặt kia tấn công các em. Tuy nhiên lúc đó Jem đã bị đánh bất tỉnh. Scout thoát ra được khỏi bộ đồ hóa trang cùng lúc người đàn ông mới đên đưa Jem về nhà. Jem sau đó được chẩn đoán gãy tay. Cảnh sát trưởng Tate nói rằng người tấn công 2 đứa trẻ chính là Bob Ewell, người cha say xỉn của Mayella.
Ngài cảnh sát trưởng cũng thông báo rằng ông đã phát hiện Bob Ewell chết với một con dao đâm vào sườn. Scout tìm thấy một người đàn ông đứng trong góc tường nhà mình, mà bố em bảo đó chính là "Boo" Radley, và nhận ra rằng đây chính là người đàn ông đã bảo vệ 2 em trong rừng. Atticus nghĩ rằng Jem mới là người đâm Bob để tự vệ và không muốn che giấu sự thật này. Nhưng cảnh sách trưởng Tate tin rằng người đâm Bob là Boo Radley và nếu mọi người trong thị trấn biết chuyện thì "sáng hôm sau trước cửa nhà Boo sẽ đầy phụ nữ với những chiếc bánh thơm ngon". Để bảo vệ Boo, ông đã kết luận rằng Ewell tự ngã lên con dao của mình.
Cuối phim, Scout đứng trên thềm nhà Boo, hướng mắt về hạt Maycomb, khi "đặt mình vào vị trí của Boo", em dường như đã nhận ra ý nghĩa trong các bài học từ cha mình.
Diễn viên.
Robert Duvali và Rosemary Murphy là những người trưởng thành cuối cùng trong dàn diễn viên vẫn còn sống. Kim Hamilton, người thể hiện vai Helen Robinson, là diễn viên người Mỹ-Phi đóng một vai có thoại trong phim qua đời cuối cùng.
Nhạc phim.
Tất cả các nhạc phẩm được sáng tác bởi Elmer Bernstein, bản thu âm thực hiện bởi Dàn hợp xướng hoàng gia Scottish được chỉ huy bởi chính tác giả.
Phản hồi.
Phóng viên Bosley Crowther bình luận về bộ phim:
"Kịch bản của Horton Foote và đạo diễn của Mulligan có thể không phải quá xuất sắc, nhưng nó cho phép Peck cùng 2 cô cậu Badham và Alford có thể khắc họa nhân vật một cách chân thực nhất. Mối quan hệ gần gũi giữa người cha và những đứa trẻ được miêu tả hết sức lôi cuốn và mặc dù chỉ diễn ra trong một giai đoạn ngắn nhưng tương xứng với chiều dài của bộ phim. Rosemary Murphy trong vai người hàng xóm dễ mến, Brock Peters với vai một Negro (chỉ người da đen) bị kết tội và Frank Overton thể hiện một cảnh sát trưởng đều hoàn thành tốt phần trình diễn của mình. Nhân vật của James Anderson và Collin Wilcox như những người miền Nam mù quáng được mô tả hơi cường điệu. Nhưng đó chỉ là những thiếu sót nhỏ trong một bộ phim hấp dẫn."
Màn trình diễn của Gregory Peck vừa vặn với tính cách của Atticus Finch. Alan J. Pakula hồi tưởng lại phản ứng của Peck khi anh lần đầu được nghĩ đến cho vai diễn này: "Anh ấy gọi lại ngay lập tức. Không chút đắn đo. [...] Tôi đã phải nói rằng nhân vật trong sách và trong kịch bản không hoàn toàn giống nhau". Peck sau đó trong một cuộc phỏng vấn đã trả lời rằng anh nhận vai diễn này vì tác phẩm của Harper Lee đã làm anh nhớ đến quãng thời gian lớn lên tại La Jolla, California. "Hầu như không có ngày nào trôi qua mà tôi ngừng nghĩ về việc mình may mắn dường nào khi nhận được vai diễn ấy", Peck chia sẻ trong bài phỏng vấn năm 1997 "Dịp gần đây tôi có ngồi cạnh một cô bé 14 tuổi trong một bữa tối, cô bé nói rằng đã xem bộ phim và nó đã thay đổi cuộc đời cô ấy. Tôi luôn luôn nhận được những lời như vậy".
Phiên bản tái bản bìa mềm 1962 của cuốn tiểu thuyết mở đầu bằng lời chia sẻ của Gregory Peck: "Thị trấn miền Nam Maycomb, Alabama gợi cho tôi những kì ức về những tháng ngày tại California khi tôi trưởng thành. Các nhân vật của cuốn tiểu thuyết này như là những người tôi biết khi còn bé. Tôi nghĩ rằng thành công lớn nhất của cuốn truyện này là nhắc nhở người đọc khắp mọi nơi về những con người và những thị trấn nơi họ đã từng sinh sống. Với tôi, đây là một câu chuyện hoàn hảo - cảm động, dạt dào tình cảm và được kể với sự hài hước và lịch thiệp tốt nhất có thể. Gregory Peck".
Harper Lee, trong dòng chú thích mở đầu trong lần tái bản bộ phim dưới định dạng DVD bởi hãng Universal đã viết: "Khi biết Gregory Peck sẽ thể hiện nhân vật Atticus Finch trong bộ phim điện ảnh "Giết con chim nhại", tôi tất nhiên đã vô cùng vui sướng: đây chính là diễn viên tốt nhất dành cho các bộ phim vĩ đại - chẳng thể đòi hỏi gì nhiều hơn nữa?... Những năm tháng trôi qua đã kể cho tôi bí mật của anh ấy: khi hóa thân vào Atticus Finch, Peck đã thể hiện chính bản thân mình. Và thời gian, một lần nữa hé lộ cho chúng ta nhiều điều: khi thể hiện chính mình, Peck đã làm xúc động cả thế giới". Khi Peck qua đời vào năm 2003, Brock Peters, người đóng vai diễn Tom Robinson đã trích dẫn câu nói của Harper Lee tại lễ tang: "Atticus Finch cho anh ấy cô hơi để thể hiện bản thân". Peters cũng dành những tặng những lời ca ngợi của riêng mình "Tới người bạn Gregory Peck của tôi, tới người bạn Atticus Finch của tôi, vaya con Dios (tạm dịch: yên nghỉ bên Chúa)". Peters đã hồi tưởng lại về vai diễn Tom Robinson khi anh phát biểu "Đó chắc chắn là một trong những niềm vinh dự lớn nhất tôi đạt được trong cuộc đời, một trong những niềm hạnh phúc lớn lao nhất trong sự nghiệp diễn xuất của tôi". Không chỉ với Peck, Peters còn luôn nhắc tới Mary Badham như là một trong những người bạn của đời mình.
Giải thưởng và vinh danh.
Năm 1995, "Giết con chim nhại" được lựa chọn đưa vào danh sách của Viện bảo tồn phim Quốc gia bởi Thư viện Chính phủ vì những giá trị về "văn hóa, lịch sử và tính thẩm mỹ".
Viện phim Mỹ (AFI) đã đặt Atticus Finch vào vị trí "anh hùng màn ảnh" của thế kỷ 20. Hơn nữa, AFI cũng đã xếp bộ phim vào vị trí thứ 2 trong Top 100 bộ phim truyền cảm hứng, chỉ sau It’s Wonderful Life. Trong lần bình chọn đầu tiên năm 1997, bộ phim đứng thứ 34 trong danh sách các phim hay nhất mọi thời đại của AFI, tuy nhiên trong phiên bản kỷ niệm 10 năm, bộ phim đã vượt 9 bậc lên vị trí thứ 25. Tháng 6 năm 2008, trong lần công bố 10 Top 10 - Top 10 trong 10 thể loại phim Mỹ cổ điển - qua một cuộc bình chọn từ 1500 người từ cộng đồng, "Giết con chim nhại" đã đứng thứ nhất trong thể loại phim chính kịch. Tại danh sách 54 bộ phim pháp lý hay nhất mọi thời đại, "Giết con chim nhại" đứng đầu với 14 trên tổng số 15 phiếu.
Năm 2007, Hamilton được vinh danh bởi cộng đồng Harlem (nằm tại New York, trung tâm dân cư, văn hóa, kinh tế của người Mỹ gốc Phi) vì sự tham gia của cô trong bộ phim. Trong diễn văn nhận giải, cô đã nói "Tôi nghĩ nó thật tuyệt vời. Tôi vô cùng vinh dự và bất ngờ."
Các danh sách của Viện phim Mỹ:
Giải thưởng Oscar.
Bộ phim thắng 3 giải Oscar trong tổng số 8 đề cử:
Các đề cử khác:
Trong lễ trao giải Oscar này, đối thủ chính của "Giết con chim nhại" là "Lawrence of Arabia" đã thắng các giải Phim xuất sắc nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất và Nhạc phim hay nhất. "The Longest Day" chiến thắng ở hạng mục Quay phim xuất sắc nhất trong khi Patty Duke được vinh danh Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất với vai diễn trong bộ phim "The Miracle Worker".
Liên hoan phim Cannes.
Bộ phim được lựa chọn tham gia Liên hoan phim Cannes 1963 trong hạng mục tranh giải chính thức, và đã đoạt giải thưởng Gary Cooper.
Tái phát hành.
Bộ phim được khôi phục và phát hành dưới định dạng Blu-ray và DVD năm 2012 như một phần của lễ kỷ niệm 100 năm hãng Universal Pictures. | 1 | null |
là một loạt manga của Nakama Asaki, đăng trong tạp chí manga seinen "Fellows!" của Enterbrain từ năm 2008 đến 2012 và tổng hợp trong bốn tập "tankōbon". Một phần tiếp theo có tựa đề "Kenzen Robo Daimidaler OGS" bắt đầu đăng tuần tự trong cùng một tạp chí (giờ gọi là "Harta") từ tháng 10 năm 2013. Bản chuyển thể loạt TV anime do hãng TNK thực hiện đã được chiếu trên AT-X từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2014. Anime còn được Funimation cấp phép phát trực tuyến tại Bắc Mĩ.
Sơ lược cốt truyện.
Madanbashi Kōichi là một học sinh trung học sở hữu hạt Hi-Ero, được sử dụng như một nguồn năng lượng cho robot Daimidaler. Anh ta lấy được những hạt này bằng cách mò mẫm các bạn nữ, và sử dụng chúng để tăng sức mạnh của robot nhằm chiến đấu chống lại bầy robot của Đế quốc Chim Cánh Cụt cứu nguy cho nhân loại.
Truyền thông.
Anime.
Bản chuyển thể loạt TV anime do hãng TNK thực hiện đã được chiếu trên AT-X vào ngày 5 tháng 4 năm 2014. Bài hát kết thúc do Kido Ibuki, Ohashi Ayaka và Tadokoro Azusa trình bày. | 1 | null |
Ernest Thomas Sinton Walton (1903-1995) là nhà vật lý người Ireland. Ông đoạt Giải Nobel Vật lý cùng với John Cockcroft nhờ tiên phong trong nghiên cứu biến tố hạt nhân bằng các hạt nguyên tử được gia tốc nhân tạo.
Tiểu sử.
Cha ông tên John Arthur Walton và là một bộ trưởng trong khi mẹ ông, Anna Elizabeth (Sinton) Walton, đến từ một gia đình Ulster lâu đời và họ sống trong một ngôi nhà tại Armagh hơn hai trăm năm. Bộ yêu cầu cha ông chuyển từ nơi này sang nơi khác vài năm một lần, và ông đã theo học tại các trường ở Banbridge và Cookstown. Walton được gửi đến học tại trường Cao đẳng Methodist của Belfast, nơi ông thể hiện năng khiếu của mình về khoa học và toán học. Vì thế, ông quyết định đăng ký học toán và khoa học thực nghiệm tại Trường Cao đẳng Trinity của Dublin vào năm 1922. Ông tốt nghiệp năm 1926 với bằng Cử nhân, năm 1928 với bằng Thạc sĩ khoa học tự nhiên và năm 1934 với bằng Thạc sĩ xã hội. | 1 | null |
Cider (hay cyder) là thức uống làm từ nước trái cây, thường là táo. Ở châu Âu và khu vực châu Đại dương, đây là một thức uống có cồn làm từ nước táo, qua một quá trình lên men. Tại Mỹ và nhiều vùng Canada, cider có chất cồn gọi là hard cider (cider "cứng") hay alcoholic cider (cider có cồn), trong khi "cider" hay "apple cider" dùng chỉ loại nước táo ít ngọt, thường chưa được lọc. Tại Mỹ và Canada, người ta uống loại cider đặc biệt vào kì lễ Halloween và Lễ Tạ Ơn. Loại cider này thường chưa lọc, hơi sánh đặc, và thường được làm nóng và thêm mùi quế trước khi uống. Đây là điều khác với cider ở châu Âu, vốn thường không uống nóng.
Chế biến.
Thường để làm cider, táo với nồng độ cao chất tannin được chọn dùng. Quá trình lên men của quả táo diễn ra vào khoảng 4-15 °C. Nhiệt độ ảnh hưởng đến thời gian của quá trình lên men. Nhiệt độ mà tại đó quá trình lên men xảy ra cũng có ảnh hưởng đến hương vị của cider.
Một thời gian ngắn trước khi tất cả đường được lên men, cider được chuyển sang một thùng mới được làm kín khí. Phần còn lại của đường sau đó sẽ trở thành axit cacbonic. Điều này cũng sẽ thêm vào tuổi thọ của cider (không cần tiệt trùng Pasteur).
Cider cũng là khởi điểm cho việc chưng cất Calvados. Đồ uống có cồn này nổi tiếng và rất đắt tiền.
Nơi sản xuất.
Cider được sản xuất gần như bất cứ nơi nào có cây táo làm rượu, đáng chú ý nhất là:
Ở Pháp, Normandy là khu vực đầu tiên sản xuất táo làm cider (300 000 tấn), và tiên phong trong sản xuất cider (7000 kl). Ở Pháp, một số loại cider có thể được hưởng lợi từ các tên gọi được bảo hộ, là Normand cidre và Breton cidre. Pháp là quốc gia trên thế giới sản xuất số lượng lớn nhất của cider. Vương quốc Anh sản xuất hầu hết các chủng loại, và cùng với Ireland giữ thị trường lớn nhất đối với cider.
Các loại cider.
Cider cứng chứa rượu, ảnh hưởng tới hương vị của cider. Điều này có thể bị ảnh hưởng bởi việc lựa chọn thời điểm thích hợp để dừng quá trình lên men:
Với 3° rượu hoặc ít hơn, cider sẽ ngọt ngào, tương tự như nước táo. Ở Pháp họ gọi là doux cidre, và dùng với các món tráng miệng. Giữa 3° và 5° rượu, bạn thu được một loại cider có thể dùng kèm với món cá hoặc thịt. Trong tiếng Pháp gọi cider này là cidre demi-sec hoặc cidre brut (classique). Cider truyền thống (cider cứng) thường có 5° rượu hoặc nhiều hơn.
Calvados được làm bằng cider qua một quá trình được gọi là chưng cất đôi. Trong lần chưng cất trước, kết quả cho ra là một chất lỏng có chứa 28% đến 30% cồn. Trong lần thứ hai, nồng độ rượu được tăng lên khoảng 40%. Ở Pháp, phổ biến nhất là các loại đầu tiên, thứ hai và thứ tư. Ở các nước nói tiếng Anh, nó có thể tìm thấy cider lên đến 12° rượu.
Cider trong đời sống.
Ẩm thực Pháp và Tây Ban Nha có công thức nấu nướng sử dụng cider. Người Pháp và Tây Ban Nha cũng thường uống cider thay cho rượu nho. Tại châu Âu, nhiều giới trẻ uống cider. Cider rẻ hơn rượu và thường được phục vụ tại quá quán và nơi vui chơi giới trẻ thường đến. Cider gây ảnh hưởng giống như các loại thức uống có cồn khác. | 1 | null |
Giovanni Girollamo Kapsperger (đôi khi viết là "Johann(es) Hieronymus Kapsberger" hoặc "Giovanni Geronimo Kapsperger") (khoảng 1580 – ngày 17 tháng 1 năm 1651) là nghệ sĩ đàn luýt, theorbo, chủ yếu được biết đến ngày hôm nay như là một nhạc sĩ phát triển hình thức độc tấu.
Cuộc đời.
Không biết về ngày và nơi sinh của ông. Sau năm 1605, ông chuyển đến sống tại Rome và nhanh chóng trở nên nổi tiếng. Khoảng 1609, ông kết hôn với Gerolima di Rossi và họ đã có ít nhất 3 người con. Ông bắt đầu phát hành âm nhạc của mình, trong đó có "Libro I d'intavolatura di lauto" (1611) là bộ sưu tập duy nhất còn còn tại của ông.
Sự nghiệp sáng tác.
Ông được biết đến như một nghệ sĩ đàn luýt, có ít nhất 6 bộ sưu tập đã được công bố trong suốt cuộc đời của ông. Ông là một trong những nhà soạn nhạc cho luýt và theorbo trong thời kỳ đầu Baroque (cùng với Alessandro Piccinini) và có rất nhiều đóng góp vào việc thúc đẩy sự phát triển của nhạc cụ dây tại châu Âu.
Các sáng tác khác của ông bao gồm 2 bộ sưu tập về vũ nhạc và vô số các sáng tác thanh nhạc đã được phổ biến trong suốt đời ông. Ông cũng viết các hình thức sân khấu nhưng gần như hoàn toàn bị mất, tác phẩm duy nhất còn tồn tại là ""Apotheosis sive Consecratio SS Ignatii et Francisci Xaverii" (1622)." | 1 | null |
Ramphotyphlops là một chi rắn thuộc họ Typhlopidae tìm thấy ở Nam Á, Đông Nam Á và Úc, với một loài sống ở châu Mỹ, cũng như nhiều hòn đảo ở phía nam Thái Bình Dương. Chi này ở nhiều môi trường sống. Hiện nay, 49 loài được ghi nhận, làm cho chi này trở thành chi đa dạng thứ hai của họ Typhlopidae."
Loài.
"*) Not including the nominate subspecies."
T) Type species. | 1 | null |
Đồi Makli là một trong những nghĩa trang khảo cổ lớn nhất trên thế giới, với đường kính khoảng 8 km. Nó nằm cách thành phố Karachi khoảng 98 km về phía đông và là nơi chôn cất với 125.000 ngôi mộ, bao gồm cả của một số nhà lãnh đạo địa phương như thánh Sufi và những người khác. Makli nằm ở vùng ngoại ô của Thatta, thủ đô của Sindh cho đến thế kỷ XVII, ở miền đông nam ngày nay của Pakistan. Khu vực khảo cổ này đã được ghi vào danh sách Di sản thế giới vào năm 1981 với tên Các Di tích Lịch sử tại Makli, Thatta.
Lịch sử.
Có rất nhiều truyền thuyết về quá trình thành lập khu vực, nhưng người ta tin rằng, nghĩa trang lớn xung quanh ngôi đền của Muhammad Hussain Abro thế kỷ 14. Tuy nhiên, việc thiết lập Makli sau đó chỉ như là nơi linh thiêng để thờ phụng, chôn cất đi những thánh địa phương như nhà thơ và học giả Shaikh Hammad Jamali cùng người cai trị địa phương sau đó, Jam Tamachi. Ngoài ra, tại đây còn là nơi chôn cất của thánh Pir Murad (1428-1488).
Những ngôi mộ và bia mộ trải rộng tại nghĩa trang là văn bản tài liệu đánh dấu lịch sử xã hội và chính trị của Sind. Nhiều trong số chúng được xây dựng bằng cách sử dụng đá sa thạch tại địa phương, những số khác được xây bằng gạch (sử dụng nhiều nhất). Những lăng mộ hoàng gia tại đây được chia thành hai nhóm chính, lăng mộ thời kỳ Samma (1352-1520) và Tarkhan (1556-1592). Có tổng số bốn thời kỳ lịch sử được thể hiện thông qua kiến trúc tại khu khảo cổ là Samma, Arghun, Tarkhan và Mughal. Ngôi mộ của vua Jam Nizamuddin II (trị vì từ năm 1461-1508), là một cấu trúc hình vuông ấn tượng được xây dựng bằng sa thạch và trang trí với rất nhiều hoa văn và hình học là cấu trúc ấn tượng nhất. Ngoài ra còn có lăng mộ của Isa Khan Hussain II (mất năm 1651), một tòa nhà hai tầng với vòm lớn cùng ban công. | 1 | null |
Iris (định danh hành tinh vi hình: 7 Iris) là một tiểu hành tinh lớn ở vành đai chính và có lẽ là vi thể hành tinh còn sót lại quay xung quanh Mặt Trời ở giữa Sao Hỏa và Sao Mộc. Nó là vật thể sáng thứ tư trong vành đai tiểu hành tinh. Iris là một tiểu hành tinh kiểu S, nghĩa là nó được cấu tạo từ đá.
Phát hiện và tên gọi.
Iris được J. R. Hind phát hiện vào ngày 13 tháng 8 năm 1847 từ London, Anh. Nó là tiểu hành tinh đầu tiên được ông phát hiện và là tiểu hành tinh thứ bảy được khám phá từ trước đến nay.
Iris được đặt tên theo vị nữ thần cầu vồng Iris trong thần thoại Hy Lạp, người đưa tin của các vị thần, đặt biệt là thần Hera.
Đặc điểm.
Địa chất.
Iris là một tiểu hành tinh kiểu S. Bề mặt của nó rất có thể có những suất phản xạ khác nhau, với một khu vực sáng lớn nằm trên bán cầu bắc. Nhìn chung bề mặt của Iris rất sáng và có khả năng bao gồm các kim loại niken-sắt cũng như silicat magiê và sắt. Quang phổ của tiểu hành tinh này tương đồng với L và LL chondrite, vì vậy có thể những thiên thạch này được bắt nguồn từ Iris.
Trong số các tiểu hành tinh kiểu S, Iris đứng thứ năm về đường kính trung bình, sau Eunomia, Juno, Amphitrite và Herculina.
Độ sáng.
Bề mặt sáng và khoảng cách gần với Mặt Trời khiến Iris vật thể sáng thứ tư trong vành đai tiểu hành tinh, sau Vesta, Ceres và Pallas. Nó có cấp sao xung đối trung bình là +7,8, gần bằng Sao Hải Vương và có thể dễ dàng nhìn thấy được bằng ống nhòm tại hầu hết các xung đối. Ở những xung đối nhất định nó còn sáng hơn Pallas một chút. Thậm chí, tại một số xung đối gần với cận điểm quỹ đạo, Iris có thể đạt cấp sao +6,7 (lần cuối vào ngày 31 tháng 10 năm 2017 đạt cường độ +6,9), bằng với độ sáng tối đa của Ceres.
Sự tự quay.
Iris có chu kỳ quay là 7,14 giờ. Phân tích đường cong ánh sáng cho thấy Iris có hình dạng hơi góc cạnh. Điểm cực Bắc của nó hướng về tọa độ hoàng đạo (β, λ) ước tính là (18°, 19°) với khoảng chênh lệch 4° (Viikinkoski và cộng sự, 2017) hoặc (19°, 26°) với khoảng chênh lệch 3° (Hanuš và cộng sự, 2019), khiến trục quay của nó nghiêng 85°. Do đó, trên gần hết một bán cầu của Iris, Mặt Trời không mọc vào mùa hè và không lặn vào mùa đông. Đối với một vật thể không có khí quyển điều này dẫn đến sự khác biệt rất lớn về nhiệt độ.
Quan sát.
Iris đã được quan sát khi đang che khuất một ngôi sao vào ngày 26 tháng 5 năm 1995 và sau đó vào ngày 25 tháng 7 năm 1997. Cả hai lần quan sát đều cho kết quả đường kính khoảng 200 km.
Iris tới gần Sao Hỏa với khoảng cách 0,4 AU một cách đều đặn. Lần tiếp theo việc này xảy ra là vào ngày 2 tháng 11 năm 2054. | 1 | null |
Hồng Ngọc, tên thật là Nguyễn Thị Hồng Ngọc, là một nữ ca sĩ Việt Nam nổi tiếng bắt đầu từ cuối thập niên 90 đầu 2000 với chất giọng trầm khàn rất đặc trưng.
Tiểu sử.
Hồng Ngọc sinh ngày 6 tháng 8 năm 1978 tại huyện Bình Long, tỉnh Sông Bé (nay thuộc tỉnh Bình Phước). Hồng Ngọc là người con thứ tư trong một gia đình có 5 anh chị em. Bố của Hồng Ngọc, quê gốc Ninh Bình, là chủ của một ban nhạc nên ông đã truyền cảm hứng cho cô đến với con đường ca hát. Em trai của Hồng Ngọc là nam ca sĩ Khang Việt. Từ bé, 2 chị em Hồng Ngọc và Khang Việt đã tham gia rất nhiều hoạt động văn nghệ dù hoàn cảnh gia đình khá khó khăn.
Sự nghiệp.
Hồng Ngọc từng dự thi Tiếng hát Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh vào các năm 1996 và 1997 lần lượt đạt giải 4 và 3. Tuy nhiên sự nghiệp của Hồng Ngọc chỉ bắt đầu tỏa sáng vào năm 1998 với ca khúc "Mắt Nai Cha Cha Cha" của nhạc sĩ Sỹ Luân. Ca khúc với giai điệu sôi động cùng giọng hát mạnh mẽ, khỏe khoắn của Hồng Ngọc đã nhanh chóng được nhiều khán giả, đặc biệt là các bạn trẻ yêu thích. Năm 1998, Chính vì thế, Mắt nai Cha Cha Cha cũng là tên gọi thân mật mà khán giả đặt cho Hồng Ngọc.
Sau đó, Hồng Ngọc kết hợp cùng nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và làm nên một đôi song ca ăn ý suốt một thời gian dài với các ca khúc như "Vùng trời bình yên", "Đường xa ướt mưa", "Như đã dấu yêu"...
Vào khoảng đầu những năm thập niên 2000, Hồng Ngọc trung thành với phong cách trẻ trung, năng động, có phần quậy phá, hầm hố. Tuy nhiên vào những năm gần đây, Hồng Ngọc đằm thắm và dịu dàng hơn rất nhiều so với ngày trước.
Đời sống.
Hồng Ngọc từng kết hôn với nhạc sĩ Minh Nhiên vào năm 2002 nhưng sau đó họ đã ly dị trong sự tiếc nuối của nhiều khán giả. Sau đó cô đã lấy chồng thứ hai là Thomas Nguyễn và sang Mỹ định cư, hiện cô có ba người con 2 trai và 1 gái. | 1 | null |
Trăn là tên thông dụng tại Việt Nam, dùng để chỉ một số loài rắn lớn, chủ yếu thuộc các họ:
Chúng đều có đặc điểm chung là săn các loại động vật máu nóng bằng cách cắn rồi ngoạm, sau đó lấy thân mình cuốn mồi vào và siết chặt cho đến chết rồi nuốt vào từ từ. Răng trăn cong vào trong, không có ống tiết nọc nhưng nhờ cấu tạo của xương hàm mở rộng (đến 180°) nên có thể nuốt được những con mồi lớn. | 1 | null |
Thomas "Tom" Neuwirth (sinh ngày 6 tháng 11 năm 1988), thường được biết tới với tên gọi Conchita Wurst, là một ca sĩ người Áo. Wurst là ca sĩ đại diện cho nước Áo trình diễn tại Eurovision Song Contest 2014 tổ chức ở Copenhagen, Đan Mạch và đoạt giải với ca khúc Rise Like a Phoenix. Neuwirth mô tả mình là một người đồng tính nam và sử dụng đại từ nhân xưng của phái nữ để mô tả về Wurst - một nhân cách khác của con người mình.
Tiểu sử và sự nghiệp.
Neuwirth sinh ra tại Gmunden, Áo (có tài liệu ghi là làng Bad Mitterndorf, huyện Liezen thuộc bang Steiermark) và lớn lên ở vùng Styria. Trong năm 2011, Neuwirth tốt nghiệp Trường đào tạo Thời trang Graz và sống tại nhiều địa điểm khác nhau thuộc Viên.
Starmania.
Trong năm 2006 - 2007, Neuwirth là thí sinh góp mặt tại đêm chung kết của "Starmania" - cuộc thi tài năng âm nhạc của Áo do đài truyền hình quốc gia ORF (đài truyền hình) tổ chức, anh về nhì sau Nadine Beiler. Năm 2007, Neuwirth cùng với Falco De Jong Luneau, Johannes "Johnny" K. Palmer và Martin Zerza - những người bạn trong cuộc thi lập ra nhóm nhạc nam "Jetzt Anders!", nhưng ban nhạc này tan rã trong cùng năm.
Nhân vật Conchita Wurst.
Trong năm 2011, Neuwirth xuất hiện trở lại trên chương trình truyền hình thực tế "Die große Chance" với một diện mạo phụ nữ khác hẳn, giống như một diva với một chòm râu xồm cùng một cái tên mới, "Conchita Wurst". Neuwirth giải thích, đây là phản ứng của anh đối với những phê phán và hành động kỳ thị mà Neuwirth phải trải qua trong thời thiếu niên vì khuynh hướng đồng tính của mình. Với diện mạo Conchita Wurst, Neuwirth hy vọng rằng hành động này sẽ giúp giới trẻ được chấp nhận vì bất cứ lý do gì làm họ khác biệt so với những người khác. "Diện mạo này là dành cho một thông điệp quan trọng, đó là một lời kêu gọi khoan dung đối với tất cả mọi thứ có sự khác nhau", Wurst cho biết.
Bộ râu - theo anh - là điểm làm Wurst khác biệt với các nhân vật giả gái khác. Giới tính trộn lẫn trong nhân vật Conchita Wurst, đó có thể là một người đàn ông giả gái, hoặc là một phụ nữ giả trai. Đối với Neuwirth, bộ râu xồm được dùng để cố ý khiêu khích: "Bộ râu được dùng để gây sự chú ý, bởi vì mọi người sẽ ngạc nhiên khi nhìn thấy một người phụ nữ có râu. Tôi muốn mọi người từ đó suy nghĩ về khuynh hướng tình dục của người khác, hay hơn nữa - về sự khác biệt của một người.",
Tên riêng "Conchita" được một người bạn gái ở Cuba đặt cho Neuwirth. Tên họ "Wurst", mang nghĩa "xúc xích" trong tiếng Đức, được ca sĩ này liên hệ từ một câu thành ngữ thông dụng trong tiếng Đức, "Das ist mir doch alles Wurst", có nghĩa "Với tôi thì tất cả đều giống nhau, cái nào cũng vậy" và "Tôi không quan tâm". Wurst cho biết tên họ của mình được đặt theo nét nghĩa đầu tiên, hàm ý không nên phân biệt cái nhìn bề ngoài và nguồn gốc của một người. "Thực sự không có vấn đề gì với việc một người đến từ đâu, và bề ngoài của họ ra sao", Wurst cho biết thêm.
Trong năm 2012, Conchita Wurst đứng thứ nhì trong cuộc tuyển chọn cho Eurovision Song Contest 2012, sau ban nhạc hip-hop Trackshittaz.
Eurovision Song Contest 2014.
Ngày 10 tháng 9 năm 2013, có thông báo rằng Wurst sẽ đại diện cho nước Áo tại Eurovision Song Contest 2014, được tổ chức tại Copenhagen, Đan Mạch, sau khi được lựa chọn bởi đài truyền hình quốc gia Áo ORF.
Sự lựa chọn Wurst đã gây ra tranh cãi tại Áo. Bốn ngày sau khi ORF công bố quyết định, hơn 31.000 người đã ấn vào biểu tượng thích (Like) của trang Facebook mang tên "Anti-Wurst" (chống lại Wurst).
Vào tháng 10, Bộ Thông tin Belarus nhận được một bản kiến nghị kêu gọi BTRC, đài truyền hình nhà nước của Belarus, cắt bỏ phần trình diễn của Wurst khỏi chương trình phát sóng Eurovision của họ. Bản kiến nghị cho rằng màn trình diễn sẽ biến Eurovision "thành một cái ổ đồng tính" ("into a hotbed of sodomy"). Tháng 12, một bản kiến nghị tương tự xuất hiện tại Nga. Vào tháng 3 năm 2014, ca khúc của Wurst được tiết lộ là "Rise Like a Phoenix".
Tại đêm bán kết thứ hai vào ngày 8 tháng 5, Wurst đạt đủ điều kiện để lọt vào đêm chung kết ngày 10 tháng 5. Tại vòng chung kết được tổ chức tại Copenhagen vào ngày 10 tháng 5 năm 2014, cô đã giành chiến thắng với 290 điểm. Đây là lần thứ hai Áo vô địch tại một cuộc thi Eurovision sau lần thắng Eurovision 1966. | 1 | null |
Để thuận lợi cho công tác quản lý hành chính của Liên minh châu Âu, Liên minh châu Âu đã chia thành 97 vùng hành chính cấp một (thường được viết tắt là NUTS-1). Mỗi vùng hành chính cấp một được thành lập trên cơ sở dân số từ 3 triệu đến 7 triệu nhân khẩu. Dưới đây là danh sách 97 vùng hành chính cấp một của Liên minh châu Âu. | 1 | null |
Vương quốc Ostrogoth hay còn được gọi là Vương quốc Italy (Latin: "Regnum Italiae"), được người Ostrogoth thiết lập nên ở Ý và các vùng đất lân cận, nó tồn tại từ năm 493 tới năm 538.
Người Ostrogoth là một nhánh của người Goth, họ di cư vào Đế quốc La Mã trong Giai đoạn di cư. Dưới sự lãnh đạo của Theodoric Đại đế, họ đã đánh bại Odoacer, vốn từng là thủ lĩnh của lực lượng "foederati" ở miền bắc Ý và cũng là người đã lật đổ vị hoàng đế Tây La Mã cuối cùng, Romulus Augustulus, vào năm 476. Dưới sự cai trị của Theoderic, vị vua đầu tiên, vương quốc Ostrogoth đã đạt đến đỉnh cao của nó, kéo dài từ vùng đất ngày nay là nước Pháp ở phía Tây cho đến vùng đất ngày nay là Serbia ở phía đông nam. Hầu hết các thể chế xã hội cũ của đế quốc Tây La Mã vẫn tiếp tục được duy trì trong suốt thời kỳ trị vì của Theodoric. Ngay cả bản thân Theodoric cũng tự gọi mình là "Gothorum Romanorumque rex" ("Vua của người Goth và La Mã"), nhằm thể hiện mong muốn của ông là trở thành một vị vua chung cho cả hai dân tộc.
Bắt đầu từ năm 538, đế quốc Đông La Mã (Byzantine) dưới triều đại của Justinian I đã tiến hành xâm lược Ý. Vị vua Ostrogoth vào thời điểm này là Witiges đã không thành công trong việc bảo vệ vương quốc của mình và sau khi kinh đô Ravenna thất thủ, ông ta đã bị bắt làm tù binh. Người Ostrogoth sau đó đã ủng hộ một vị vua mới, Totila, và dưới sự lãnh đạo của ông ta, họ gần như là đã đập tan được cuộc chinh phạt của người Byzantine, nhưng cuối cùng họ vẫn bị đánh bại. Vị vua cuối cùng của Vương quốc Ostrogoth là Teia.
Lịch sử.
Bối cảnh.
Người Ostrogoth.
Người Ostrogoth là nhánh miền đông của người Goth. Họ đã định cư và thiết lập nên một nhà nước hùng mạnh ở Dacia, nhưng trong giai đoạn cuối thế kỷ thứ 4, họ lại nằm dưới sự thống trị của người Hun. Sau khi đế quốc Hun sụp đổ vào năm 454, một lượng lớn người Ostrogoth đã được Hoàng đế Marcian cho phép định cư tại tỉnh Pannonia của La Mã với vai trò là Foederati. Nhưng vào năm 460, sau khi hoàng đế Leo I bãi bỏ khoản tiền cống nạp hàng năm cho họ, họ liền tàn phá vùng đất Illyricum. Hòa bình sau đó đã được lập lại vào năm 461, với việc Theoderic Amal, con trai của Theodemir tộc Amal, được gửi đến Constantinople làm con tin, tại đây ông đã được dạy dỗ theo nền giáo dục của người La Mã
Trong những năm trước đó, một lượng lớn người Goth,ban đầu dưới sự lãnh đạo của Aspar và sau này là dưới quyền Theodoric Strabo, đã gia nhập vào quân đội La Mã và họ đã trở thành một thế lực quan trọng có ảnh hưởng lớn đến cả chính trị và quân sự trong triều đình Constantinople. Trong giai đoạn từ năm 477-483, đã diễn ra một cuộc tranh chấp quyền lực phức tạp giữa ba thế lực bao gồm Theoderic tộc Amal, người đã kế tục cha mình vào năm 474, Theodoric Strabo, và vị hoàng đế mới của Đông La Mã, Zeno. Trong cuộc xung đột này, các bên thường xuyên thay đổi phe và khiến cho phần lớn bán đảo Balkan bị tàn phá.
Cuối cùng, sau khi Strabo qua đời vào năm 481, Zeno đã đạt được thỏa thuận với Theoderic. Phần lớn xứ Moesia và Dacia Ripensis đã được nhượng lại cho người Goth, trong khi Theoderic được bổ nhiệm làm "magister militum praesentalis" và chấp chính quan vào năm 484. Nhưng chỉ một năm sau, Theoderic và Zeno lại sảy ra xung đột và một lần nữa người Goth lại tàn phá xứ Thrace. Sau đó, Zeno và các cố vấn của ông ta đã nghĩ ra một mưu kế đó là dùng một hòn đá ném hai con chim, ông ta ra lệnh cho Theoderic đem quân tiến đánh vương quốc của Odoacer ở Ý.
Vương quốc của Odoacer.
Năm 476, viên chỉ huy của lực lượng Foederati ở phía Tây, Odoacer, đã tiến hành một cuộc đảo chính lật đổ viên "magister militum" của đế quốc Tây Lã Mã là Orestes, ông này đang tìm cách để giúp cho người con trai của mình là Romulus Augustulus được công nhận là hoàng đế Tây La Mã thay cho hoàng đế Julius Nepos. Nguyên nhân là do Orestes đã không giữ lời hứa về việc ban đất đai ở Ý cho quân đội của Odoacer theo như cam kết của ông ta trước đó để nhằm đảm bảo tính trung lập của họ. Sau khi hành quyết Orestes và cho lưu đày vị tiểu hoàng đế, Odoacer đã tuyên bố trung thành trên danh nghĩa với Nepos (lúc này đang ở Dalmatia) và được Zeno ban cho địa vị quý tộc. Odoacer vẫn giữ lại hệ thống chính quyền của La Mã và hợp tác một cách tích cực với viện nguyên lão La Mã, nhờ vậy mà sự cai trị của ông ta đã trở nên có hiệu quả và thành công. Odoacer còn đánh đuổi người Vandal khỏi Sicily vào năm 477 và trong năm 480, ông ta sáp nhập luôn Dalmatia vào vương quốc của mình sau khi Julius Nepos bị ám sát.
Người Goth chinh phục Ý (488-493).
Zeno và Theoderic đã đạt được một thỏa thuận trong đó quy định rằng nếu Theoderic giành được thắng lợi thì ông sẽ cai trị Ý như là đại diện của hoàng đế. Theoderic cùng với người dân của ông xuất phát từ Moesia vào mùa thu năm 488, họ tiến qua Dalmatia và vượt qua dãy núi Julian An pơ và tiến vào đất Ý vào thời điểm cuối tháng 8 năm 489. Trận chiến đầu tiên của họ với quân đội của Odoacer là tại sông Isonzo (trận Isonzo) vào ngày 28 tháng Tám. Odoacer đã bị đánh bại và rút chạy về Verona, và một trận chiến đẫm máu khác cũng đã diễn ra ở đây khoảng một tháng sau đó, trận đánh này cũng kết thúc với thắng lợi thuộc về người Goth .
Sau thất bại tại Verona, Odoacer rút chạy về kinh đô của ông ta tại Ravenna, trong khi Tufa cùng với phần lớn binh sĩ lại đầu hàng người Goth. Tiếp đó, Theoderic lại phái Tufa cùng với đội quân của ông này tiến đánh Odoacer, tuy nhiên Tufa nhanh chóng phản bội lại ông và đứng về phía Odoacer. Sang năm 490, Odoacer đã có thể tiến hành phản công lại Theoderic, ông ta đã tái chiếm Milan cùng Cremona và bao vây căn cứ chính của người Goth ở Ticinum (Pavia). Tuy nhiên, vào lúc này, người Visigoth lại can thiệp vào cuộc chiến và giải vây cho Ticinum, Odoacer sau đó đã phải nhận một thất bại mang tính quyết định tại sông Adda vào ngày 11 tháng 8 năm 490. Một lần nữa, Odoacer lại phải bỏ chạy về Ravenna, trong khi viện nguyên lão cùng với nhiều thành phố khác của Ý tuyên bố đứng về phía Theoderic.
Người Goths lúc này đây quay sang bao vây Ravenna, nhưng do họ thiếu một hạm đội cùng với việc thành phố có thể nhận được tiếp tế bằng đường biển khiến cho cuộc vây hãm này có thể kéo dài đến gần như là vô tận, bất chấp sự thiếu thốn. Tuy nhiên, điều này chỉ kéo dài đến năm 492, Theoderic đã có thể tập hợp được một hạm đội và chiếm giữ bến cảng của Ravenna, nhờ vậy mà ông đã ngăn chặn được toàn bộ liên lạc giữa thành phố này với thế giới bên ngoài. Nhưng cũng phải sáu tháng sau đó, nhờ vào sự hòa giải của đức giám mục thành phố, các cuộc đàm phán giữa hai bên mới bắt đầu.
Cả hai bên đã đi đến một hiệp ước vào ngày 25 tháng 2 năm 493, theo đó họ sẽ phân chia các vùng đất của Ý với nhau. Một bữa tiệc sau đó đã được tổ chức để kỷ niệm hiệp ước này vào ngày 15 tháng 3. Tuy nhiên, tại bữa tiệc này, Theoderic, sau khi nếm một chiếc bánh mì nướng, đã tự tay giết chết Odoacer. Theo sau đó là một cuộc tàn sát toàn bộ các binh sĩ và những người ủng hộ Odoacer. Theoderic cùng với người Goth của ông bây giờ là chủ nhân mới của Ý.
Triều đại của Theodoric Đại đế (493-526).
Sự cai trị của Theodoric.
Giống như Odoacer, Theoderic được xem như là một patricius và là thần dân của hoàng đế tại Constantinople, ngoài ra còn giữ vai trò như là một phó vương ở Ý của hoàng đế, một chức vụ được hoàng đế Anastasius công nhận vào năm 497. Đồng thời, ông cũng là vua của dân tộc mình chứ không phải của công dân La Mã. Trong thực tế, ông đã cai trị giống như một vị vua độc lập.
Bộ máy chính quyền của vương quốc Odoacer, về cơ bản giống với của đế quốc Tây Lã Mã, vẫn được giữ lại và tiếp tục được điều hành một cách độc quyền bởi người La Mã, chẳng hạn như nhà văn Cassiodorus. Viện nguyên lão tiếp tục hoạt động bình thường và được giao trách nhiệm trong việc bổ nhiệm các chức vụ dân sự, và các luật lệ cũ của đế quốc vẫn được áp dụng cho những cư dân La Mã trong khi người Goth tự cai trị theo luật lệ truyền thống của họ. Quả thực, vì là một vị vua chư hầu, Theoderic không có quyền ban hành các điều luật của riêng ông trong hệ thống luật La Mã, ông chỉ đơn thuần có quyền ban hành các chỉ dụ (edicta), hoặc làm rõ các chi tiết nhất định. | 1 | null |
Frits Zernike (1888-1966) là nhà vật lý người Hà Lan. Ông là chủ nhân của Giải Nobel Vật lý năm 1953 nhờ phát triển phương pháp tương phản pha, đặc biệt là phát minh ra kính hiển vi tương phản
pha. Zernike cho thấy rằng thậm chí các vật hấp thụ bức xạ rất yếu (trong suốt khi nhìn bằng mắt thường) có thể nhìn thấy được nếu chúng tạo thành từ những vùng có hệ số khúc xạ ánh sáng khác nhau. Trong kính hiển vi nhạy pha của Zernike, người ta có thể phân biệt các vệt sáng có pha bị thay đổi khi đi qua các vùng không đồng nhất. Kính hiển vi loại này có tầm quan trọng đặc biệt trong việc quan sát các mẫu sinh học. Tên của ông đa được dùng để đặt cho tiểu hành tinh 11779 Zernike. | 1 | null |
Pháp điển Dân sự ("Corpus Juris Civilis") hay còn gọi là Bộ luật Justinianus là tên gọi hiện đại của một tập hợp các công trình soạn thảo tư pháp, được ban bố từ năm 529 tới 534 theo lệnh của Hoàng đế Đông La Mã Justinianus I. Đương thời đây được xem như bộ luật hoàn chỉnh của hệ thống luật pháp Đông Rôma, mặc dù thực tế về sau Justinianus có ban hành thêm một số luật khác mà ngày nay đôi khi được xem là phần mở rộng của bộ luật này.
Công trình được biên soạn dưới sự giám sát của Tribonianus, một viên chức triều đình, ông này lén sửa những điều luật được coi là bất lợi với các nguyên lão thời bấy giờ. Luật được viết bằng tiếng Latin bấy giờ vẫn còn là ngôn ngữ hành chính ở Đông La Mã. Pháp điển Dân sự là phần chính của Luật La Mã và là nguồn ảnh hưởng quan trọng tới hệ thống luật dân sự các nước châu Âu cho tới ngày nay. Nó cũng ảnh hưởng tới luật lệ Giáo hội Công giáo và ít nhiều tới luật tục châu Âu. | 1 | null |
Walther Wilhelm Georg Bothe (1891-1957) là nhà vật lý người Đức. Ông đoạt Giải Nobel Vật lý cùng với Max Born vào năm 1954. Công trình giúp Bothe đoạt giải thưởng này là việc tìm ra phương pháp trùng phùng và các khám phá có liên quan. Tên của ông đã được dùng để đặt cho tiểu hành tinh 19178 Walterbothe. | 1 | null |
Michael Vincent Keane (sinh ngày 11 tháng 1 năm 1993) là một cầu thủ bóng đá người Anh chơi ở vị trí hậu vệ cho Everton và đội tuyển quốc gia Anh.
Keane bắt đầu sự nghiệp của mình tại Manchester United. Sau khi được cho mượn ở nhiều câu lạc bộ, anh được Burnley mua đứt vào tháng 1 năm 2015. Tại Burnley, anh giúp đội bóng này vô địch Championship mùa 2015–16 trước khi chuyển đến thi đấu cho Everton vào năm 2017.
Người anh em sinh đôi của Michael, Will Keane cũng là cầu thủ bóng đá hiện chơi cho Hull City ở vị trí tiền đạo.
Sự nghiệp câu lạc bộ.
Manchester United.
Kean ký hợp đồng chuyên nghiệp cho Manchester United vào sinh nhật thứ 18 của mình, ngày 11 tháng 1 năm 2011. Ngày 25 tháng 10 năm 2011, anh có trận đấu đầu tiên khi vào sân thay người trong trận gặp Aldershot Town tại League Cup. Ngày 28 tháng 1 năm 2012, anh có tên trên băng ghế dự bị trong trận gặp Liverpool tại FA Cup.
Anh có lần đầu đá chính gặp trong trận gặp Newcastle United tại League Cup vào ngày 26 tháng 9 năm 2012, khi cặp cùng với trung vệ Scott Wootton. Sau trận đấu, đồng đội Darren Fletcher đã khen ngợi anh là "tuyệt vời".
Keane đã giành giải thưởng Denzil Haroun năm 2012 với 60% phiếu bầu đánh bại Jesse Lingard (24%) và Larnell Cole (16%). Anh đã có 27 trận thi đấu cho đội dự bị trong mùa giải 2011-12 và ghi được 5 bàn thắng. Sau khi cùng đội dự bị đã giành được Reserve League North, anh đã phát biểu trên MUTV: "Tôi rất ngạc nhiên nhưng thực sự hài lòng để giành chiến thắng giải thưởng.Thật tuyệt khi biết rằng nó được bình chọn bởi người hâm mộ, vì họ đến để xem chúng tôi và theo dõi chúng tôi trong suốt mùa giải".
Leicester City.
Ngày 6 tháng 11 năm 2012, Kean cùng người đồng đội Jesse Lingard gia nhập Leicester City dưới dạng cho mượn tới 3 tháng 12 năm 2012, sau đó được gia hạn đến cuối mùa giải.
Derby County.
Ngày 28 tháng 11 năm 2013, anh nhận được lời đề nghị từ Charlton Athletic, Derby County, Middlesbrough và Millwall. Kean đã chọn gia nhập Derby County dưới dạng cho mượn tới 2 tháng 1 năm 2014. Ngày 7 tháng 12 năm 2013, trận đấu ra mắt đầu tiên của anh là trận gặp Blackpool, anh được vào sân thay người từ phút 73, anh cũng đã ghi 1 bàn bằng đầu sau khi Richard Keogh đã nỗ lực phá bóng. Ngày 30 tháng 1 năm 2014, Derby County đã gửi trả anh về Manchester United.
Blackburn Rovers.
Ngày 7 tháng 3 năm 2014, Kean gia nhập Blackburn Rovers theo dạng cho mượn kéo dài đến hết mùa giải 2013-2014. Anh được trao số áo 16 tại sân Ewood Park. Trận đấu đầu tiên của anh là trận gặp Burnley, Blackburn Rovers đã thua với tỉ số 2-1. Kean quay trở lại Old Trafford trên ghế dự bị trong trận gặp Hull City.
Everton.
Ngày 2 tháng 7 năm 2017, Michael Keane chuyển sang thi đấu cho Everton với mức phí chuyển nhượng 30 triệu bảng.
Sự nghiệp quốc tế.
Mặc dù anh đã được sinh ra ở Anh, Keane là người gốc Ireland, vì vậy anh đủ điều kiện để chơi cho đội tuyển quốc gia Cộng hòa Ireland, nhưng anh bày tỏ muốn được chói cho đội tuyển U19 Anh, hy vọng được đưa vào đội hình trận giao hữu với Cộng hòa Séc vào tháng 2 năm 2012.Anh có trận ra mắt cho đội tuyển U 19 vào ngày 25 tháng 5 năm 2012, trong chiến thắng 5-0 trước trong trận đó anh trai Will Keane ghi hai bàn.anh có tên trong đội hình tham dự 2012 UEFA European Under-19 Championship,dưới sự dân dắt của HLV Noel Blake,giúp đội tuyển anh lọt vào tới vòng bán kết,
Ngày 25 tháng 3 năm 2013, Keane có trận ra mắt cho đội tuyển U-21, thay thế Andre Wisdom ở phút thứ 77 trong chiến thắng 4-0 trước tại sân vận động Falmer. Ngày 14 tháng 10 năm 2013, Keane mở tỷ số từ cú sút phạt của James Ward - Prowse phút thứ 21.
Đội tuyển Anh U21 tiếp tục đánh bại các đội U21 với một chiến thắng thuyết phục 3-0. Keane lặp lại được thành tích này trong trận đấu thứ hai liên tiếp năm ngày sau đó. Đội U21 nước Anh tiếp tục đánh bại đội U21 San Marino 9-0, một chiến thắng kỷ lục
Ngày 22 tháng 3 năm 2017, Michael Keane được huấn luyện viên Gareth Southgate triệu tập lên đội tuyển bóng đá quốc gia Anh tham dự trận đấu giao hữu gặp đội tuyển và vòng loại World Cup 2018 gặp vào các ngày 22 và 26 tháng 3 năm 2017.
Ngày 25 tháng 3 năm 2019, anh đã có bàn thắng đầu tiên cho đội tuyển quốc gia ở trận thắng ở vòng loại Euro 2020.
Thống kê sự nghiệp.
Câu lạc bộ.
"Thống kê chính xác đến ngày 7 tháng 11 năm 2020." | 1 | null |
Thượng phụ Đại kết, tức Thượng phụ thành Constantinopolis là Tổng giám mục thành Constantinopolis và là phẩm bậc cao nhất trong Chính Thống giáo Đông phương, được coi là "primus inter pares" ("đứng đầu giữa những người bình đẳng").
Theo truyền thống Kitô giáo, Thượng phụ Constantinopolis được xem là người thừa kế tông đồ Thánh Anrê. Từ thế kỉ thứ 6 chức vị này trở thành Thượng phụ Đại kết của toàn Chính Thống giáo Đông phương. Người đang giữ chức vị hiện tại là Thượng phụ Đại kết thứ 270, Batôlômêô I. Ngày nay, chức vị nằm dưới thẩm quyền của Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ và chức vị phải do một người mang quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ nắm giữ. | 1 | null |
Igor Yevgenyevich Tamm (tiếng Nga: Игорь Евгеньевич Тамм) (1895-1971) là nhà vật lý người Nga có quốc tịch Liên Xô. Ông cùng với Pavel Alekseyevich Cherenkov và Ilya Mikhailovich Frank chia sẻ Giải Nobel Vật lý năm 1958 nhờ việc tìm ra và giải thích hiệu ứng Cherenkov.
Từ đầu năm 1950, ông cùng với Tiến Sĩ Andrei D. Sakharov và nhóm chuyên gia, đã nghiên cứu và thử nghiệm các phản ứng nhiệt hạch tâm có kiểm soát (controlled thermonuclear reaction), rồi sau đó chế tạo các máy phát từ khổng lồ (magnetic generators), nhờ đó đã đạt được một kỷ lục về từ trường mạnh tới 25 triệu gauss. Năm 1949, một nhóm nhà nghiên cứu phát triển bom nguyên tử (4 năm sau Hoa Kỳ) và phát minh ra bom Hydrogen năm 1953.
Tiểu sử.
Igor Yevgenyevich Tamm được sinh ra tại Vladivostok vào ngày 8 tháng 7 năm 1895, ông là con trai của Evgenij Tamm – một kỹ sư và Olga Davydova. Ông tốt nghiệp Đại học Quốc gia Moscow năm 1918, chuyên ngành Vật lý, và ngay lập tức bắt đầu một sự nghiệp học thuật trong các viện nghiên cứu cao hơn. Ông là trợ lý tiến bộ, giảng viên, giảng viên, và giáo sư phụ trách chủ tịch, và ông đã giảng dạy tại Đại học bang Crimea và Moscow, tại Viện Bách khoa và Kỹ thuật – Vật lý, và tại Đại học Cộng sản JM Sverdlov. Tamm đã được trao bằng Tiến sĩ Khoa học Vật lý – Toán học, và ông đã đạt được cấp bậc học thuật của Giáo sư. Từ năm 1934, ông phụ trách bộ phận lý thuyết của Viện Vật lý PN Lebedev thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. | 1 | null |
Robert Hofstadter (5 tháng 1 năm 1915-17 tháng 11 năm 1990) là nhà vật lý người Mỹ. Ông là chủ nhân Giải Nobel Vật lý năm 1961 nhờ tiên phong trong nghiên cứu về tán xạ điện tử trong hạt nhân và các khám phá liên quan đến cấu trúc của các nucleon. Ông chung giải thưởng này với Rudolf Mößbauer. | 1 | null |
Vườn Shalimar (Punjabi, ) hay vườn Shalamar là một khu vườn Mughal nằm ở Lahore, Pakistan.. Công trình được xây dựng vào năm 1641 và hoàn thành sau đó một năm. Dự án được thực hiện dưới sự giám của Khalilullah Khan. Ý nghĩa của tên Shalimar hiện nay vẫn là một dấu hỏi nhưng theo học giả Nga Anna Suvorova trong cuốn sách "Lahore: Topophilia của không gian và vị trí" đã khẳng định rằng, chắc chắn tên của nó xuất phát từ tiếng Ả Rập hay Ba Tư từ một vị vua Hồi giáo, vì không bao giờ sử dụng tên tiếng Phạn hay tiếng Hindu của một vị vua cho một khu vườn hoàng gia. Vườn Shalimar nằm gần Baghbanpura, dọc theo con đường Grand Trunk khoảng cách thành phố Lahore khoảng 5 km về phía đông bắc. Việc xây dựng khu vườn Shalimar lấy cảm hứng từ Trung Á, Kashmir, Punjab, Ba Tư và Vương quốc Hồi giáo Delhi.
Lịch sử.
Vườn Shalimar ban đầu thuộc về một trong những quý tộc gia đình Zaildar trong khu vực, được biết đến như là gia đình Mian Baghbanpura, những người Arain quý tộc trong vùng. Gia đình cũng đã được trao danh hiệu hoàng gia của Mian bởi hoàng đế Mughal, bởi những đóng góp của dòng tộc cho đế quốc. Mian Muhammad Yusuf, người đứng đầu của gia đình Mian sau đó đã tặng Ishaq Pura cho Hoàng đế Shah Jahan. Đổi lại, Shah Jahan cấp cho họ quản lý Vườn Shalimar. Vườn Shalimar vẫn nằm dưới sự giám hộ của gia đình này trong hơn 350 năm.
Năm 1962, vườn Shalimar được quốc hữu bởi Ayub Khan vì người đứng đầu gia đình Mian đã phản đối việc áp đặt thiết quân luật tại Punjab.
Lễ hội Chiraghan Mela được tổ chức tại đây, cho đến khi Ayub Khan đã ra lệnh cấm vào năm 1958.
Kiến trúc.
Shalimar được xây dựng với cấu trúc là một hình chữ nhật rộng 16 ha, được bao quanh bởi một bức tường gạch cao. Chiều dài của nó là 658 mét từ bắc đến nam và 258 mét đông sang tây, được sắp xếp theo ba tầng bậc giảm dần từ nam tới bắc. Năm 1981, Vườn Shalimar là một phần của di sản thế giới được UNESCO công nhân cùng với Pháo đài Lahore.
Các tầng bậc.
Vườn được sắp xếp thành ba tầng bậc giảm dần độ cao từ nam đến bắc, tầng kế tiếp cao hơn từ 4-5 mét (13-15 bước chân). Ba bậc trong tiếng Urdu như sau:
Các đài phun nước.
Khu vườn có tổng cộng 410 đài phun nước chảy vào các hồ.Cùng với đó là việc sử dụng đá cẩm thạch cho thấy sự sáng tạo của các kỹ sư vườn Mughal mà ngay cả ngày nay, các nhà khoa học không thể hiểu đầy đủ các hệ thống nước và kỹ thuật nhiệt từ bản thiết kế kiến trúc. Khu vực xung quanh vườn rất mát do các đài phun nước liên tục, giúp mùa hè ở Lahore bớt nóng hơn, với nhiệt độ đôi khi đạt trên 120 °F (49 °C). Sự phân bố của các đài phun nước như sau:
Vườn có 5 thác nước được xây dựng bằng những phiến cẩm thạch lớn.
Thực vật của vườn.
Khu vườn bao gồm nhiều loại thực vật, chủ yếu là hạnh nhân, táo, mơ, dâu tây, xoài, đào, nho, bạch dương, bách...tất cả tạo ra một không gian xanh cho khu vườn này. | 1 | null |
Đây là danh sách thống kê về tổng sản phẩm quốc nội, giá trị thị trường của tất cả hàng hóa và dịch vụ từ một quốc gia trong một năm. Được thống kê bởi Quỹ tiền tệ quốc tế IMF (theo số liệu 2009), những dữ liệu vùng lãnh thổ và quốc gia không được thống kê bởi IMF được bổ sung bởi Ngân hàng Thế giới (WB), Liên Hợp Quốc (UN) hay CIA Facbooks cùng năm. Đồng Dollar Mỹ được sử dụng làm đơn vị tính, được tính toán tỷ giá hối đoái chính thức tại thị trường hay chính phủ.
Trong danh sách, các vùng lãnh thổ không tuy được thống kê nhưng không được xếp hạnh, vì chúng không phải thực thể quốc gia, vấn đề này cũng được áp dụng trên các lãnh thổ ly hay độc lập trên thực tế như: Đài Loan, Palestine, Somaliland, Bắc Síp, Kosovo...
Các số liệu được trình bày ở bảng thống kê này không tính sự khác nhau về chi phí sinh hoạt ở các quốc gia, và kết quả có thể khác nhau rất nhiều từ năm này qua năm khác dựa trên biến động trong tỷ giá hối đoái mà đồng tiền nội tệ của mỗi quốc gia thuyên chuyển. Biến động như vậy có thể thay đổi thứ hạng của một quốc gia từ năm tiếp theo. Do đó, những số liệu này nên được sử dụng cẩn thận.
Trong bảng thống kê có tất cả 248 quốc gia và vùng lãnh thổ được thống kê, gồm: | 1 | null |
USS "Lamson" (DD-367) là một tàu khu trục lớp "Mahan" được Hải quân Hoa Kỳ chế tạo vào giữa những năm 1930. Nó là chiếc tàu chiến thứ ba của Hải quân Hoa Kỳ được đặt tên theo Đại úy Hải quân Roswell Hawkes Lamson (1838-1903), người tham gia cuộc Nội chiến Hoa Kỳ. Nó đặt căn cứ tại Thái Bình Dương, hoạt động tuần tra và hộ tống trước và trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, đang tuần tra ngoài khơi Trân Châu Cảng vào lúc diễn ra cuộc tấn công vào ngày 7 tháng 12 năm 1941, nên đã không chịu hư hại hay thương vong, và đã hoạt động cho đến khi chiến tranh kết thúc cho dù từng bị máy bay kamikaze đánh trúng. "Lamson" được sử dụng vào việc thử nghiệm bom nguyên tử tại đảo san hô Bikini trong Chiến dịch Crossroads và bị đánh chìm vào ngày 2 tháng 7 năm 1946 trong Thử nghiệm Able.
Thiết kế và chế tạo.
"Lamson" được đặt lườn vào ngày 20 tháng 3 năm 1934 tại xưởng tàu của hãng Bath Iron Works Corp., ở Bath, Maine. Nó được hạ thủy vào ngày 17 tháng 6 năm 1936, được đỡ đầu bởi cô Francis W. Andrews; và được đưa ra hoạt động vào ngày 21 tháng 10 năm 1936 dưới quyền chỉ huy của Hạm trưởng, Trung tá Hải quân H. E. Paddock.
Lịch sử hoạt động.
Sau khi chạy thử máy tại khu vực Đại Tây Dương và vùng biển Caribe, "Lamson" rời Norfolk, Virginia vào ngày 16 tháng 6 năm 1937 để đi sang khu vực Thái Bình Dương. Đi đến San Diego, California vào ngày 1 tháng 7, chiếc tàu khu trục tiến hành các hoạt động thực tập và huấn luyện chiến thuật cho đến khi nó lên đường đi Trân Châu Cảng vào ngày 5 tháng 10 năm 1939. Nó tiếp nối các hoạt động huấn luyện từ căn cứ tại quần đảo Hawaii này trong hai năm tiếp theo. Nó đang trên đường quay trở về Trân Châu Cảng sau chuyến đi tuần tra vào lúc Hải quân Nhật bất ngờ tấn công vào ngày 7 tháng 12 năm 1941. Sau khi truy tìm không thành công lực lượng đối phương, nó tuần tra tại vùng biển Hawaii, và đi đến đảo Johnston để triệt thoái thường dân. Rời Trân Châu Cảng vào ngày 6 tháng 1 năm 1942, nó đi đến Pago Pago, Samoa hai tuần sau đó để tuần tra chống tàu ngầm, rồi được phân về Hải đội ANZAC tại khu vực Nam Thái Bình Dương.
Vào đầu tháng 3, "Lamson" đi đến vùng quần đảo Fiji để tham gia lực lượng phòng thủ chống tàu ngầm đang được mở rộng nhằm giữ an toàn cho tuyến tiếp liệu hàng hải Nam Thái Bình Dương. Sau sáu tháng làm nhiệm vụ tuần tra và bảo vệ, nó tham chiến lần đầu tiên vào ngày 22 tháng 10, khi cùng với chiếc tấn công các tàu canh phòng Nhật được bố trí giữa quần đảo Gilbert và quần đảo Ellice. Hai chiếc tàu khu trục đã thực hiện cuộc tấn công phối hợp, đánh trả máy bay không kích đối phương và đánh chìm hai tàu đối phương. Vào ngày 30 tháng 11, "Lamson" gia nhập Lực lượng Đặc nhiệm 67 dưới quyền Chuẩn đô đốc Carleton H. Wright trong trận Tassafaronga. Một tàu khu trục Nhật đã bị đánh chìm cùng một chiếc khác bị hư hại trong khi phía Hoa Kỳ mất một tàu tuần dương và ba chiếc khác bị hư hại. Sau đó "Lamson" quay trở lại hoạt động tại khu vực Nam Thái Bình Dương trong tám tháng tiếp theo sau, hộ tống các đoàn tàu vận tải đi đến Guadalcanal. Thường xuyên ở ngoài biển trong nhiệm vụ tuần tra và bảo vệ chống tàu ngầm, nó trợ giúp các đơn vị khác khi chúng mở đường cho cuộc tiến quân của lực lượng Đồng Minh tại Tây Nam Thái Bình Dương.
Đi đến vịnh Milne vào ngày 19 tháng 8 năm 1943, "Lamson" gia nhập Hải đội Khu trục 5, lực lượng tiên phong cho Đệ Thất hạm đội hùng hậu, để tham gia các chiến dịch tại New Guinea. Trong cuộc đổ bộ lên Lae và Finschhafen vào tháng 9, nó tham gia bắn phá chuẩn bị, cung cấp hỏa lực hỗ trợ cho lực lượng trên bờ sau khi đổ bộ, và hộ tống các đoàn tàu vận tải tăng viện đến hòn đảo. Sau hai tháng làm nhiệm vụ hộ tống, nó gia nhập cùng ba tàu khu trục khác vào ngày 29 tháng 11 xâm nhập sâu bên trong lãnh thổ đối phương để bắn phá Madang, căn cứ hải quân chủ lực của Nhật Bản tại khu vực New Guinea. Vào ngày 15 tháng 12, nó tham gia bắn phá chuẩn bị xuống Arawe, New Britain, và trong cuộc đổ bộ xuống mũi Gloucester mười một ngày sau đó, nó bắn rơi hai máy bay ném bom bổ nhào Aichi D3A "Vals." Tiếp tục chiến dịch New Guinea, nó bắn phá Saidor vào ngày 2 tháng 1 năm 1944.
Sau một đợt tái trang bị ngắn tại Xưởng hải quân Mare Island và một đợt huấn luyện tại Trân Châu Cảng, "Lamson" đi đến Eniwetok vào ngày 8 tháng 8 để gia nhập Đệ Ngũ hạm đội. Trong hai tháng tiếp theo sau, nó thực hiện nhiệm vụ tuần tra và hộ tống chống tàu ngầm tại khu vực quần đảo Marshall trưỡc khi được điều động sang Đệ Thất hạm đội. Khởi hành từ Hollandia vào ngày 25 tháng 10, chiếc tàu khu trục hướng sang Philippines để phục vụ như tàu cột mốc, tuần tra và bảo vệ cho cuộc tấn công lớn xuống Leyte. Trong suốt tháng 11, nó đánh trả nhiều cuộc không kích cảm tử nhắm vào các đoàn tàu vận tải chuyên chở hàng tiếp liệu đến Phillipines. Đang khi bảo vệ một đoàn tàu vận tải ngoài khơi vịnh Ormoc vào ngày 7 tháng 12, nó đã bắn rơi hai máy bay trinh sát hai động cơ Mitsubishi Ki-46 "Dinah" trước khi một chiếc thứ ba đâm bổ vào cấu trúc thượng tầng của nó, làm thiệt mạng 25 thành viên thủy thủ đoàn và làm bị thương 54 người khác.
"Lamson" quay trở về Xưởng hải quân Puget Sound vào ngày 16 tháng 1 năm 1945 để được sửa chữa toàn diện. Quay trở lại Eniwetok vào ngày 10 tháng 5, nó phục vụ trong vai trò tuần tra và giải cứu ngoài khơi Iwo Jima cho đến khi chiến tranh kết thúc. Vào ngày 3 tháng 9, nó đi đến Chichi Jima để giám sát việc đầu hàng tại quần đảo Bonin, và sau khi hoàn thành nhiệm vụ chiếm đóng tại Sasebo trong một tháng, chiếc tàu khu trục rời Nhật Bản vào ngày 29 tháng 10 để đi San Diego, về đến nơi vào ngày 29 tháng 11.
Sau chiến tranh, "Lamson" vẫn còn có một đóng góp quan trọng, khi nó đi đến đảo san hô Bikini vào tháng 5 năm 1946 để tham gia Chiến dịch Crossroads, cuộc thử nghiệm bom nguyên tử của Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương. "Lamson" bị đánh chìm trong Thử nghiệm Able vào ngày 2 tháng 7 năm 1946.
Phần thưởng.
"Lamson" được tặng thưởng năm Ngôi sao Chiến trận do thành tích phục vụ trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. | 1 | null |
Johannes Hans Daniel Jensen (1907-1973) là nhà vật lý người Đức. Ông đoạt Giải Nobel Vật lý năm 1963 cùng với Maria Goeppert-Mayer nhờ việc đề ra cấu trúc hạt nhân dạng lớp (hay còn gọi là cấu trúc hạt nhân Shell). Ông chia sẻ giải thưởng này không chỉ với Goeppert-Mayer mà còn với Eugene Wigner. | 1 | null |
Charles Hard Townes (sinh 28 tháng 7 năm 1915 - mất 27 tháng 1, năm 2015) là nhà vật lý người Mỹ. Ông đoạt Giải Nobel Vật lý năm 1964 chung với Nicolay Gennadiyevich Basov và Aleksandr Mikhailovich Prokhorov nhờ những nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực điện lượng tử dẫn đến việc chế tạo các máy tạo dao động và máy khuếch đại dựa trên nguyên lý maser-laser. Ông đã sử dung các que hồng ngọc để tạo laser đỏ và maser (các que đó được sử dụng như là thiết bị tích tụ năng lượng để tạo ra tia laser) khi ông còn công tác tại Đại học Columbia. Ông cùng với George Beadle, Charles Draper, John Enders, Donald A. Glaser, Joshua Lederberg, Willard Libby, Linus Pauling, Edward Purcell, Isidor Rabi, Emilio Segrè, William Shockley, Edward Teller, James Van Allen và Robert Woodward trở thành đại diện của các nhà khoa học Hoa Kỳ, các nhân vật của năm 1960. | 1 | null |
Núi Mo So (theo tiếng Khmer, "mo so" có nghĩa là "đá trắng"), nằm cách tỉnh lộ 11 khoảng 2 km về phía Bắc và cách thị xã Hà Tiên khoảng 30 km; hiện thuộc ấp Ba Núi, xã Bình An, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, Việt Nam. Đây là một di tích Lịch sử cách mạng và thắng cảnh cấp quốc gia.
Giới thiệu.
Trên đường Kiên Lương - Hà Tiên, đến ngã Ba Hòn, rẽ trái theo đường về Hòn Chông - Bình An - Hòn Phụ Tử, du khách đi chừng 7 km, đến gần Nhà máy xi-măng Holcim sẽ có một con đường nhựa nhỏ, phẳng phiêu dài khoảng 5 km dẫn vào núi Mo So.
Núi Mo So có hình vành khăn, thấp (chưa biết chiều cao), ở giữa có một thung lũng nhỏ rộng hơn 1.000 m² với cây cối tốt tươi. Ngọn núi này cùng với núi Sơn Trà và núi Mây họp thành một cụm núi nằm trong khu hệ núi đá vôi Kiên Lương - Hà Tiên, và được người địa phương gọi là vùng Ba Núi (tên ấp Ba Núi bắt nguồn từ đây).
Theo các nhà nghiên cứu địa chất, những hang động ở đây (trong đó có núi Mo So) được hình thành do bị xâm thực hàng triệu năm trước khi vùng đất này còn chìm dưới mực nước biển hơn 2 m. Dấu vết còn lại của nó là những ngấn nước ăn khuyết vào đá tạo ra những hang, hố có hình dáng lạ lùng, kỳ bí...
Bởi vậy, ở núi Mo So có hơn 20 hang động lớn nhỏ và ăn thông với nhau. Có chỗ hang chỉ vừa một người lách qua. Có chỗ hang phình ra rộng rãi như căn nhà lớn đủ sức chứa vài trăm người. Đặc biệt, trong lòng hang động của Mo So, còn có những con suối ngầm chảy lượn lờ, và có nhiều thạch nhủ khá đa dạng. Vậy có thể nói, là Mo So là thắng cảnh do thiên nhiên tạo dựng, hiện còn ẩn chứa và lưu giữ nhiều giá trị độc đáo về mỹ quan, địa chất, địa mạo, v.v...
Chính vì địa hình này, mà trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, Bộ Tư lệnh Khu 9 đã cho thành lập Đội công binh xưởng 18, đặt trong hang núi Mo So. Theo lời kể của người trong cuộc, thì "đội gồm 8 thợ chuyên môn, 20 người tập sự và 14 người phụ việc; và đội đã chế tạo vũ khí tự tạo, cải tiến vũ khí thu được của quân Pháp, đảm bảo cung ứng kịp thời cho các đơn vị chiến đấu"...
Năm 1948, Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Hà Tiên đã quyết định đào một con kinh tắt để nối liền giao thông đường thủy giữa trung tâm hành chính của tỉnh đặt tại khu vực Núi Trầu (xã Hòa Điền, Kiên Lương) với căn cứ Mo So.
Năm 1969, huyện ủy Hà Tiên quyết định xây dựng một căn cứ vững chắc trong các hang động ở Mo So, sau khi đã phân tích kỹ địa hình. Căn cứ ấy bao các cơ quan như Huyện ủy, Xưởng vũ khí, Pháo binh, Quân y, Kinh tài, Điện đài, Văn hóa, v.v...
Ngày 11 tháng 7 năm 1969, khi các cơ quan ổn định chỗ nơi ăn ở, bắt đầu làm việc, thì căn cứ Mo So bị quân đội Việt Nam Cộng hòa phát hiện, và tổ chức tấn công vào. Tuy nhiên, cũng theo lời kể, thì lần tấn công này và những lần về sau, quân đối phương đều vấp phải thất bại...
Đến tháng 2 năm 1970, đối phương lại tập trung 2 trung đoàn thuộc sư đoàn 21 bộ binh, 1 tiểu đoàn công binh, 2 thiết đoàn xe M.113, 1 đại đội thám báo, 10 cụm pháo mặt đất, 2 chiến hạm ngoài khơi tập trung đánh vào Mo So. Lực lượng đối kháng gồm bộ đội địa phương huyện Hà Tiên, một bộ phận cơ quan Tỉnh đội, 1 tiểu đoàn 61 quân chủ lực của miền Bắc mới chi viện cho chiến trường Khu 9. Kết cục, suốt 45 ngày đêm chiến đấu, căn cứ Mo So vẫn được giữ vững...
Với những giá trị vừa kể trên, ngày 13 tháng 2 năm 1995, Mo So được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích "Lịch sử cách mạng và Thắng cảnh cấp quốc gia".
Thông tin liên quan.
Tháng 12 năm 2007, nhà biên kịch Phan Nhật Thu và ê kíp làm phim "Con đường 1 C huyền thoại" khởi quay cảnh đầu tiên tại Mo So. Sau đó, nghệ sĩ ưu tú Đồng Anh Quốc cũng đã thực hiện bộ phim tài liệu "Tiểu đoàn 207 anh hùng" tại Mo So vào giữa tháng 9 năm 2008... | 1 | null |
Thác Đắk G'Lun là thác nước trên dòng sông Đăk G'lun ở vùng đất "Thôn 5" xã Quảng Tâm, Tuy Đức tỉnh Đắk Nông, Việt Nam .
Tên thác còn viết là Đăk G'Lun, Dak G'Lun hay Đắk G'Lum.
Thác Đăk G’Lun nằm trong địa phận huyện Tuy Đức, Đắk Nông. Cách trung tâm Gia Nghĩa 60 km và cách Cửa khẩu Bu Prăng hơn 40 km.
Đặc điểm.
Đắk G’lun có chiều cao khoảng 50 m, chiều rộng thác khoảng 15m, độ dốc 90°, thác có diện tích là 91,6 ha. Bên trên dòng thác là những khối đá lớn,chân thác có vòm đá rộng. Thác Đắk G’lun được bao bọc bởi hơn 1.000 ha rừng đặc dụng vì vậy hệ sinh thái ở thác đa dạng và phong phú .
Đăk G'lun.
Sông Đăk G'lun là một dòng thượng nguồn của sông Bé, trong Hệ thống sông Đồng Nai.
Đăk G'lun bắt nguồn từ vùng núi tây bắc xã Quảng Tâm, Tuy Đức tỉnh Đắk Nông, chảy về tây nam.
Tại huyện Bù Gia Mập Đăk G'lun hợp lưu với Sông Đắk R' Lấp thành sông Bé . Vùng hợp lưu hiện là lòng hồ thủy điện Thác Mơ.
Thủy điện Đăk Glun có công suất lắp máy 18 MW xây dựng trên dòng Đăk G'lun, hoàn thành tháng 8/2011. | 1 | null |
Minh Trang (tên đầy đủ Nguyễn Minh Trang) là một nghệ sĩ ưu tú, diễn viên kịch nói, diễn viên điện ảnh và diễn viên truyền hình người Việt.
Tiểu sử.
Nguyễn Minh Trang sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Đến năm 1987 chị chuyển vào sinh sống với gia đình trong Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1992 chị theo chồng sang Đức. Năm 1998 chị về định cư tại Quốc Đảo Singapore đến nay.
Chị mang dòng máu rồng, do là cháu ngoại của Công nữ Nguyễn Thị Cẩm Hà (Mệ Bông). Công nữ Cẩm Hà là con của công chúa Nguyễn Phúc Tốn Tùy (hay Tôn Thụy), con gái vua Dục Đức.
Sự nghiệp.
Minh Trang xuất phát là một diễn viên kịch nói. Chị được đào tạo chuyên nghiệp tại trường Nghệ thuật Hà Nội khoa Sân khấu từ năm 1976 đến 1979.
Năm 1979 chị chính thức công tác tại Đoàn Kịch Nói Hà Nội (Nhà hát Kịch Hà Nội ngày nay) và gây ấn tượng mạnh với khán giả toàn quốc với vai diễn đầu tay Hà My trong vở Vùng Sáng hay Hà My Của Tôi, tác giả và đạo diễn Nghệ sĩ Nhân dân Doãn Hoàng Giang. Vai diễn đầu tay này đã đem lại cho Minh Trang huy chương vàng tại Hội Diễn Sân khấu Chuyên nghiệp Toàn Quốc năm 1980.
Năm 1985, tại chính hội diễn này, Minh Trang lại một lần nữa giành được huy vàng cho vai Ngà trong vở Tôi và chúng ta (tác giả Lưu Quang Vũ, đạo diễn Nghệ sĩ Ưu tú Hoàng Quân Tạo). Bên cạnh đó, chị còn tham gia rất nhiều dự án phim truyền hình và phim màn ảnh rộng.
Các tác phẩm đã tham gia.
Tác phẩm tiêu biểu.
Vùng sáng hay Hà My Của tôi.
Minh Trang đến với vai diễn Hà My tự nhiên như một sự sắp đặt của số phận. Với vai diễn này, đạo diễn kiêm nhà biên kịch NSND Doãn Hoàng Giang đã làm nên một cơn sốt về sự phá cách của một cá tính bạo liệt, dám vượt qua những khuôn phép, rào cản của xã hội để sống được là mình. Thời bấy giờ, rất nhiều ứng cử viên nặng ký đã được cân nhắc cho vai Hà My như diễn viên Hồng Minh, Đam Ka, Kim Lan... và rất nhiều gương mặt đẹp khác... nhưng như NSND Doãn Hoàng Giang đã từng nói ″không phải cứ hoa hậu là đóng được hoa hậu trên sân khấu. Hay ông bán phở sẽ dễ dàng trở thành ông bán phở khi đóng phim, diễn kịch hơn người khác″, sau bao cuộc tuyển chọn gắt gao, Minh Trang - thời bấy giờ còn là một cô gái 20 tuổi vừa ra trường, còn lơ ngơ, rụt rè đã được chọn mặt gửi vàng vai diễn trong mơ này.
Niềm tin của NSND Doãn Hoàng Giang đã được đền đáp xứng đáng. Minh Trang đã tạo nên một dấu ấn khó phai mờ cho khán giả toàn quốc qua vai diễn Hà My. Vai diễn đầu tay này đã đem lại cho chị huy chương vàng danh giá của Hội Diễn Sân khấu Chuyên nghiệp Toàn Quốc năm 1980, mở đường cho sự nghiệp diễn xuất rực rỡ tươi sáng của chị. | 1 | null |
Aleksandr Mikhailovich Prokhorov (tiếng Nga: Алекса́ндр Миха́йлович Про́хоров) (1916-2002) là nhà vật lý người Nga có quốc tịch Liên Xô. Ông giành Giải Nobel Vật lý vào năm 1964 cùng với Charles Townes và Nicolay Gennadiyevich Basov nhờ các nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực điện lượng tử dẫn đến việc chế tạo các máy tạo dao động và máy khuếch đại dựa trên nguyên lý maser-laser. Ông và Basov đã làm việc độc lập trên lĩnh vực lượng tử dao động và tạo ra hệ thống phóng tia liên tục bằng cách dùng nhiều hơn 2 mức năng lượng. | 1 | null |
Vương quốc Visigoth là vương quốc của người Visigoth, một trong các man tộc tràn vào lãnh thổ Đế quốc Rôma trong Thời đại di cư, thiết lập trên miền mà nay là tây nam nước Pháp và bán đảo Iberia từ thế kỉ 5 tới thế kỉ 8. Người được coi là sáng lập lên vương quốc là Alaric I, lãnh tụ người Goth từng đem quân chiếm đóng thành Rôma năm 410. Trong quá trình định cư văn hóa Goth đồng hóa phần nhiều với văn hóa Tây Ban Nha-Rôma bản địa. Tiếng Goth về sau hầu như chỉ còn dùng trong giới thượng lưu, và luật pháp riêng rẽ cho người Rôma và người Goth được hợp nhất. Vương quốc từng đặt kinh đô ở Toulouse, nhưng sau khi bị người Frank đánh bại chỉ còn giữ được miền Iberia cho tới khi bị Nhà Omeyyad Hồi giáo tiêu diệt. Mũi đất phía Bắc của Tây Ban Nha là vùng duy nhất còn thuộc về người Kitô giáo, đó chính là nguồn gốc của Vương quốc Asturias sau này. | 1 | null |
Hiệp ước Verdun ký ngày 10/8/843, là hiệp ước đầu tiên trong số các hiệp ước chia nhỏ đế quốc Caroling thành ba vương quốc cho ba người con của Louis Mộ Đạo, con trai kế vị Charlemagne. Hiệp ước được ký tại Verden-sur-Meuse và giúp chấm dứt cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn ba năm trời sau cái chết của Louis Mộ đạo năm 840. Hiệp ước phản ánh cách chia gia sản giữa các con trai theo tập tục của bộ tộc Frank, vốn dẫn đến tình trạng cát cứ khắp châu Âu thời hậu Caroling. Theo Hiệp ước thì:
Mốc lịch sử.
Hiệp ước Verdun được xem là điểm khởi đầu cho một quá trình phát triển, đưa đến sự hình thành nước Pháp và nước Đức trong thời Trung kỳ Trung Cổ. | 1 | null |
Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc là một công trình kiến trúc quy mô lớn được xây cất tại phường Long Bình, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh và một phần thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương với chức năng là một công viên, điểm tham quan với chủ đề lịch sử và văn hóa của dân tộc Việt Nam. Đây được coi là công trình tiêu biểu của khu vực phía Nam và là nơi tôn vinh các giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam. Nó là một dự án lớn, được Nhà nước quan tâm và đầu tư quy mô, là một trong số ít các công trình lịch sử văn hóa trọng điểm của Thành phố Hồ Chí Minh đang tiếp tục được thực hiện.
Cấu trúc.
Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc có diện tích khoảng trên 400ha (Theo quy hoạch đã được phê duyệt, Khu công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc có diện tích hơn 403 ha), được xây dựng tại phường Long Bình, quận 9, và huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương (trong đó có 27 ha thuộc huyện Dĩ An, 376 ha thuộc quận 9 thành phố Hồ Chí Minh). Địa điểm chính tọa lạc chính tại phường Long Bình, Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh, cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 27 cây số. Trong Công viên có 04 khu vực gồm Bốn khu này nhằm tái hiện lại toàn bộ lịch sử của đất nước từ thời khởi thủy cho đến nay:
Công viên còn có Văn bia. Văn bia tại khu tưởng niệm các vua Hùng được khắc trên một khối đá hoa cương lớn màu đen tuyền có nguồn gốc từ một mỏ đá ở Phú Yên. Nhà bia tọa lạc ở đoạn giữa từ cổng khu tưởng niệm đến đền thờ chính. Nội dung văn bia ca ngợi công đức của tổ tiên, nói lên nguyện vọng của người con phương Nam luôn hướng về nguồn và niềm tự hào lịch sử, truyền thống đấu tranh của dân tộc. Toàn văn văn bia do giáo sư Vũ Khiêu phụng thảo và đã được nhiều người đóng góp ý kiến hoàn chỉnh.
Quá trình xây dựng.
Dự án được xây dựng bằng vốn ngân sách của Thành phố Hồ Chí Minh và là một trong những công trình hao tiền tốn của. Để tạo dựng cảnh quan môi trường phù hợp, công viên đã trồng mới hơn 30ha rừng (trong đó có 12ha rừng gỗ quý như cẩm lai, sao, lim…), đồng thời cải tạo và trồng thêm gần 100ha cây xanh. Làm xong đường nội bộ Nam, Bắc trong công viên.
Trong quyết định phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2.000 khu Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc thì Chính quyền thành phố đã điều chỉnh giảm quy mô diện tích khu công viên này từ 408 ha xuống còn 395 ha nhằm tránh giải tỏa các khu dân cư mật độ dày. Theo quy hoạch mới, công viên gồm 4 khu:
Việc điều chỉnh bất thường quy hoạch chi tiết xây dựng làm dấy lên nghi ngại về tình trạng bớt xén, rút ruột công trình trong thi công. Trong quá trình xây dựng thì tiến độ khá rề rà và ì ạch do các đơn vị thi công luôn báo thiếu vốn, và đặc biệt là những lùm xùm cãi vã xung quanh việc giải tỏa đền bù. Khu vực đất đã đền bù giải tỏa hơn 300ha nhưng vẫn còn 6 hộ nằm dọc mặt tiền xa lộ Hà Nội thuộc địa phận huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương và các hộ trên đường Nguyễn Xiển, dọc sông Đồng Nai chưa di dời. Ban quản lý dự án công viên đang đẩy nhanh tiến độ làm hồ sơ đền bù giải tỏa phần đất còn lại, cuối năm 2010 sẽ tiến hành cấp sổ đỏ cho 60 hộ dân. Khu vực tái định cư 26ha dành cho 500 hộ đã giải quyết vấn đề nhà ở cho 300 hộ. Ngoài ra còn có 1.000 căn hộ chung cư tại khu tái định cư Long Sơn, Long Bình, quận 9, đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu tái định cư.
Vào năm 2008, để đẩy nhanh tiến độ dự án Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc, hấp thuận tạm ứng 18 tỷ đồng cho Ban Quản lý Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc thanh toán các khối lượng xây lắp và tạm ứng 40 tỷ đồng cho Ủy ban nhan dân quận 9 để chi tiền đền bù cho dân nằm trong dự án. Đây là một hành động vung tay chi đậm và là biện pháp nhằm bảo đảm tiến độ xây dựng khu tưởng niệm các Vua Hùng- giai đoạn 1 nằm trong dự án công viên - để kịp khánh thành vào mùng 10 tháng 3 âm lịch năm Kỷ Sửu 2009.
Ban quản lý khu Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc đã phối hợp với Hội Kiến trúc sư Thành phố Hồ Chí Minh công bố cuộc thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc cho hai công trình thuộc Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc tại quận 9. Dự án sẽ được thiết kế trên khu đất rộng 19.500 mét vuông. Riêng dự án Bảo tàng Lịch sử tự nhiên cũng chuẩn bị được đầu tư thực hiện. Trong năm 2011, công viên kêu gọi các đơn vị doanh nghiệp đầu tư cho các dự án: khu du lịch sinh thái, làng hoa, công viên điện ảnh, làng văn hóa các dân tộc…
Hiện khu tưởng niệm các Vua Hùng đã hoàn thành và đi vào hoạt động. Chính thức đưa vào hoạt động phục vụ lễ hội từ lễ giỗ Tổ mùng 10-3 năm 2009. Sáng ngày 09 tháng 4 năm 2014, tại Khu tưởng niệm các vua Hùng trong công viên Lịch sử văn hóa dân tộc đã diễn ra lễ khánh thành văn bia. Dự kiến toàn bộ dự án sẽ hoàn thành vào năm 2020 trong đó, đến năm 2020 sẽ hoàn thành khoảng 80% công trình công viên, sau đó tiếp tục hoàn thiện các hạng mục còn lại. Đây là một dự án lịch sử - văn hóa lớn, được đầu tư quy mô và cẩn trọng.
Một số hoạt động.
Có nhận định cho rằng, cho đến nay Công viên Lịch sử Văn hóa dân tộc đã trở thành một tâm điểm giáo dục lịch sử truyền thống dân tộc cho thế hệ trẻ ở Việt Nam. Đền là nơi thiêng liêng để tưởng niệm, vọng bái tổ tông, hướng về cội nguồn, tổ chức các lễ hội, sinh hoạt văn hóa, khơi dậy tình cảm về nguồn, lòng tự hào dân tộc, đặc biệt là nơi tổ chức lễ giỗ Quốc Tổ hàng năm. Đây còn là điểm tham quan, học tập, vui chơi giải trí, góp phần giáo dục các thế hệ trẻ niềm tự hào dân tộc, gìn giữ và tôn vinh các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống. Trong mỗi đợt lễ lớn, hàng chục ngàn lượt người dân đã đến lễ bái, tổ chức cắm trại, tìm hiểu lịch sử, thưởng thức nhiều chương trình nghệ thuật….
Trong đề án giỗ Tổ Hùng Vương năm 2014 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngoài tỉnh Phú Thọ nơi có đền Hùng là chủ thể, lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng được diễn ra cùng thời điểm tại các đền Hùng trong cả nước. Trong đó tại Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện việc giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra vào 2 ngày mùng 9 và 10 Âm Lịch tại khu tưởng niệm các vua Hùng thuộc Công viên Lịch sử Văn hóa dân tộc quận 9. Nhân dịp này, tại đây đã khánh thành văn bia đặt tại khu tưởng niệm các vua Hùng do Giáo sư Vũ Khiêu phụng thảo. | 1 | null |
Chủ nghĩa duy thực, hay chủ nghĩa hiện thực trong triết học là niềm tin rằng hiện thực của chúng ta, hoặc vài khía cạnh của nó, là độc lập về mặt bản thể với nhận thức, đức tin, hệ hình, ngôn từ... Chủ nghĩa hiện thực có thể nói tới khi xét tới tâm thức tha nhân, quá khứ, tương lai, tính phổ quát, các thực thể toán học (như số tự nhiên), các lãnh vực đạo đức, thế giới vật chất, và tư tưởng. Chủ nghĩa duy thực cũng có thể xem xét như cách nó đối lập với chủ nghĩa hoài nghi và chủ nghĩa duy ngã. Các triết gia đi theo phái này khẳng định rằng chân lý chứa đựng trong sự tương ứng của tâm trí với thực tại. Họ có xu hướng tin bất cứ điều gì chúng ta tin hiện giờ chỉ là một ước lượng về hiện thực và rằng tất cả những quan sát mới đem chúng ta gần hơn tới việc hiểu biết hiện thực.
Cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa duy thực và chủ nghĩa duy danh là biểu hiện đặc thù của cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa duy vật trong triết học Tây Âu thời trung cổ. | 1 | null |
Trường ca Roland (tiếng Pháp: "La Chanson de Roland") là một anh hùng ca hư cấu dựa trên Trận Roncevaux diễn ra năm 778, giữa quân Charlemagne và người Islam.
Bối cảnh.
"Trường ca Roland" là tác phẩm lớn lâu đời nhất còn tồn tại của văn học Pháp. Từng là một truyện truyền khẩu hết sức phổ biến trong dân gian Pháp, ngày nay người ta sưu tập được rất nhiều dị bạn mà bản cổ nhất nằm ở thư viện Đại học Oxford có khoảng 4004 dòng thơ và được cho có niên đại khoảng giữa 1140 và 1170. Đây là văn bản cổ nhất và, cùng với "Tụng ca chàng Cid của tôi" (Tây Ban Nha), là một tác phẩm tiêu biểu nhất của thể loại anh hùng ca Trung Cổ ("chanson de geste"). Nó được chuyển thể nhiều lần thành sách truyện và phim ảnh.
Nội dung.
Charlemagne cất quân đánh người Hồi giáo ở Tây Ban Nha, thu được nhiều thắng lợi nhưng mệt mỏi trước thành lũy cuối cùng ở Zaragoza. Vua Hồi giáo Marsilla cầu hòa, hứa nộp châu báu và cải sang Kitô giáo. Charlemagne muốn đồng ý lui quân, nhưng một hiệp sĩ (trong lịch sử là một bá tước) tên là Roland kiên quyết đòi tiến đánh. Quần thần vẫn quyết định rút quân, và bàn nhau nên cử ai đi đàm phán. Roland cử bố dượng mình là Ganelon, người bực tức vì nghĩ rằng Roland đẩy mình tới chỗ chết do hai người có hiềm khích từ trước. Để trả thù, Ganelon lộ cho người Hồi giáo biết cách đánh úp quân bọc hậu của Charlemagne do Roland chỉ huy.
Giữa trận tiền, quân Roland bị bủa vây. Thuộc cấp yêu cầu ông cất tù và gọi Charlemagne trở lại, nhưng Roland từ chối và liều mạng với địch. Tuy chiến đấu dũng cảm nhưng bị áp đảo về quân số nên quân của Roland hầu như bị tuyệt diệt. Roland bấy giờ mới cất tiếng tù và, nhưng không phải để kêu cứu mà là kêu gọi Charlemagne báo thù cho mình. Ông thổi to tới mức vỡ thái dương và chết tại chỗ. Charlemagne quay lại, đánh bại quân Hồi giáo. Trong lúc đang chôn binh lính bị thương thì viện quân Hồi giáo tới, hai bên giao chiến ở Roncevaux và quân Frank đại thắng nhờ Charlemagne tự tay giết vua Hồi. Quân Frank thừa thắng chiếm Saragossa và rút quân về Aachen, thủ đô của Frank. Tại đây Charlemagne cho điều tra ra tội phản bội của Ganelon và xử tử bằng cách cho ngựa xé xác. | 1 | null |
Chủ nghĩa duy danh là một quan điểm siêu hình trong triết học theo đó những thuật ngữ phổ quát và trừu tượng và các tiên đề (hay mệnh đề vị ngữ) tồn tại, trong khi cái phổ quát hay những vật trừu tượng, thì không. Có ít nhất hai phiên bản chính của Chủ nghĩa duy danh. Một phiên bản từ chối sự tồn tại của cái phổ quát-tức những thứ có thể tạo mẫu cho những thứ cụ thể (ví dụ, "tính người, sức mạnh"). Một phiên bản khác phủ nhận một cách cụ thể sự tồn tại của những vật trừu tượng-những vật không tồn tại trong không thời gian.. Chủ nghĩa duy danh có thể tìm thấy nguồn gốc trong triết học Platon, đối lập với Chủ nghĩa duy thực-quan niệm rằng tồn tại cái phổ quát bên trên và bên ngoài cái cụ thể. Tuy nhiên, thuật ngữ duy danh (chẳng hạn tiếng Anh là "nominalism") bắt nguồn từ tiếng Latin "nomen" (tên gọi) chỉ có từ thời Trung Cổ với Roscellinus. | 1 | null |
Henrique Nhà hàng hải (4 tháng 3 năm 1394-13 tháng 9 năm 1460), con trai của vua João I của Bồ Đào Nha, là một nhân vật quan trọng trong nền chính trị Bồ Đào Nha thế kỉ 15 và Kỷ nguyên Khám phá. Ông khuyến khích cha mình chinh phục Ceuta (1415), một cảng Hồi giáo ở Bắc Phi và từ đó tìm hiểu các mối lợi thương mại ở châu Phi.
Là một người giàu có và quyền lực, ông đã bảo trợ các cuộc viễn chinh khám phá bờ biển Tây Phi và mở rộng mạng lưới buôn bán hàng hóa và nô lệ với các miền này. Cho tới gần đây nhiều người vẫn tin rằng ông lập nên một trường hàng hải ở một thị trấn thuộc tài sản của ông, về sau được gọi là "Vila do Infante" (Trang viên Hoàng tử), tuy nhiên các sử gia đương đại cho rằng đây là một hiểu nhầm. Tuy ông có thuê các nhà bản đồ học lập bản đồ vùng biển Mauritanie sau các chuyến du hành ông cử tới đây, ông chưa từng thành lập một trung tâm hàng hải có tổ chức nào. Điều mà ông thực làm là hiến tặng nhiều dinh thự cho cơ quan nghiên cứu triều đình mà về sau trở thành Đại học Lisbon
Dưới thời Henrique, Bồ Đào Nha đã đạt nhiều bước tiến lớn trong hàng hải: khám phá ra Azores (1427), Cap-Vert (1444), Cape Verde (1455), Sierra Leone (1462). Năm 1488, Bartolomeu Dias đặt chân tới Mũi Hảo Vọng và ăm 1498, Vasco da Gama trở thành người đầu tiên của châu Âu tới Ấn Độ bằng đường biển.
Được biết dưới thời đại mình như Hoàng tử (Infante) của Bồ Đào Nha, chỉ mãi sau này vào cuối thế kỉ 18 dưới ảnh hưởng của các nhà sử học Đức là Heinrich Schaefer và Gustav de Veer mới đặt ra biệt hiệu Nhà hàng hải. | 1 | null |
Nhà thờ Kinh Lạy Cha là một nhà thờ Công giáo ở trên núi Olives, phía đông Jerusalem. Nhà thờ này tọa lạc trên nơi được cho là khi xưa Chúa Giêsu đã dạy Kinh Lạy Cha (Phúc âm Luca 11:2-4). Ngày nay, khu đất có nhà thờ này thuộc quyền sở hữu của nước Pháp.
Lịch sử.
Nhà thờ hiện đại được xây dựng trên nơi có một vương cung thánh đường cũ từ thế kỷ thứ 4, do Constantinus Đại đế xây dựng, theo yêu cầu của hoàng thái hậu Helena, và được gọi là "Nhà thờ các Tông đồ". Nhà thờ này được người hành hương xứ Burdigala đề cập tới trong tập Itinerarium Burdigalense ("hành trình của người Burdigala") khoảng năm 333, và sử gia Eusebius kể lại là Constantine Đại đế đã xây dựng một nhà thờ trên một hang động ở Núi Olives có liên quan với việc Chúa lên trời. Người hành hương Egeria trong tập "Peregrinatio Silviae" vào cuối thế kỷ thứ 4 cũng đề cập tới nhà thờ này, gọi là "Nhà thờ Eleona", nghĩa là "nhà thờ vườn olives".
Quyển Acts of John từ thế kỷ thứ 2 đề cập đến sự tồn tại của một hang động trên núi Olives liên quan tới các việc giảng dạy của Chúa Giêsu, nhưng không nói rõ về việc Chúa Giêsu dạy Kinh Lạy Cha ở đây.
Nhà thờ còn nguyên vẹn cho đến khi bị quân Ba Tư phá hủy trong năm 614 trong giai đoạn cuối cùng của các cuộc chiến tranh giữa đế quốc Byzantine với đế quốc Sassanid.
Quân Thập tự chinh đã xây một nhà nguyện nhỏ trên tàn tích của nhà thờ cũ trong năm 1106, rồi sau đó xây lại một nhà thờ mới khác vào năm 1152, nhờ vào quỹ hiến tặng của Svend Svendsson, Giám mục giáo phận Viborg, Đan Mạch và người anh/em của ông là Svendsson Eskill, đô đốc hải quân của Jylland, và họ đã được mai táng trong nhà thờ này (mộ của họ đã được cải táng sang nhà thờ mới vào năm 1869).
Nhà thờ thời Thập tự chinh này bị hư hỏng nặng trong "Cuộc vây hãm Jerusalem", năm 1187, cuối cùng bị bỏ bê và rơi vào tình trạng đổ nát năm 1345. Năm 1851 những viên đá còn lại của nhà thờ thế kỷ thứ 4 đã được bán để làm mộ bia trong thung lũng Jehoshaphat.
Tháng 11 năm 1856 công chúa Bossi Aurelia (1809-1889) của Nhà De la Tour d'Auvergne đã sang Đất Thánh trong vòng 10 năm và đã mua lại khu đất rộng 6 hec-ta trên núi Olives, trong đó có nơi này . Năm 1868 bà cho xây một hành lang có vòm cuốn bao chung quanh một sân lộ thiên theo kiểu Campo Santo ở Pisa, Ý, rồi bắt đầu cuộc tìm kiếm cái hang động mà các người hành hương thời xưa đã nói tới, với sự giúp đỡ của Charles Simon Clermont-Ganneau, tổng lãnh sự Pháp ở Jérusalem, và họ đã phát hiện một tranh khảm từ thế kỷ thứ 5 trên có các câu thánh vịnh 118:20 và 121.8 bằng tiếng Hy Lạp. Người ta cũng tìm thấy một văn bia của Caesarius von Heisterbach (khoảng 1180 -1240).
Với sự trợ giúp của linh mục Alphonse Ratisbonne (1814-1884), bà đã thành lập một tu viện nữ dòng Cát Minh năm 1872, gọi là "dòng Cát Minh kinh Lạy Cha" ("Carmel du Pater"). Năm 1874, bà chia đôi khu đất này cho "Hội truyền giáo châu Phi" ("Pères blancs") và các nữ tu dòng Cát Minh, đồng thời tặng tu viện cho nước Pháp. Bà qua đời năm 1889 ở Firenze, nhưng theo nguyện vọng của bà, di hài của bà đã được chuyển tới đây an táng ngày 22.12.1957, trong một lăng đá cẩm thạch trắng do Napoléon III cho làm.
Năm 1910, người ta đã phát hiện một hang động cũ đã bị sụp đổ một phần khi khai quật. Hang này cũng cắt một phần vào một ngôi mộ từ thế kỷ thứ nhất nằm ở phía đông của nhà thờ. Phía trên vách cửa hang có khắc hàng chữ latin: "Spelunga in qua docebat Dominus apostolos in Monte Oliveti" nghĩa là "Hang động trong đó Chúa đã dạy các tông đồ ở trên Núi Olives". Hang này nằm một phần bên dưới hành lang vòm cuốn, nên tu viện đã được di chuyển sang nơi gần đó và năm 1920 người ta bắt đầu xây dựng lại một nhà thờ theo kiểu kiến trúc Byzantine, đến năm 1927 thì ngưng vì thiếu vốn. Nhà thờ này vẫn chưa hoàn tất, phần mái còn dở dang.
Hiện nay trên vách tường của nhà thờ cũng như vách hành lang vòm cuốn có gắn các tấm biển Kinh Lạy Cha bằng 140 ngôn ngữ khác nhau, trong đó có tiếng Việt. | 1 | null |
Bartolomeu Dias (; 1450 – 29 tháng 5 năm 1500) là một quý tộc Bồ Đào Nha, là một nhà hàng hải tiêu biểu của Kỷ nguyên Khám phá. Năm 1487 ông là người châu Âu đầu tiên vượt qua điểm cực nam của châu Phi.
Dias nhận lệnh của vua João II vào ngày 10 tháng 10 năm 1486 chỉ huy một chuyến hành trình vượt qua cực nam của châu Phi với hi vọng đi tới Ấn Độ. Đoàn thuyền của ông gồm hai chiếc là São Cristóvão (do ông trực tiếp làm thuyền trưởng) và São Pantaleão. Men theo bờ biển Tây Phi, ông vòng qua cực nam của châu Phi và đi một đoạn khá xa, điểm cuối cùng là Kwaiihoek thuộc Nam Phi vào ngày 12 tháng 3 năm 1487, nơi họ dựng một thánh giá bằng đá đánh dấu mốc. Dias muốn tiếp tục cuộc hành trình nhưng thủy thủ đoàn bất bình từ chối. Chính trong chuyến quay lại mà họ phát hiện ra mũi đất cực nam châu Phi, đoàn thuyền của Dias gặp bão tố, ông đã đặt tên cho mũi đất Cực nam Châu Phi này là Mũi Bão Táp ("Cabo das Tormentas"), nhưng sau này nhà vua đổi tên Mũi Bão Táp thành Mũi Hảo Vọng (Hy vọng tốt đẹp) ("Cabo da Boa Esperança"). Con đường "Hy vọng" tốt đẹp đến Ấn Độ đã mở ra trước mắt người Bồ Đào Nha.
Sau chuyến hành trình này, ông tham gia vào việc đóng các chiếc tàu São Gabriel và sau đó là tàu São Rafael mà Vasco da Gama dùng để tiếp nối ông, vượt qua Ấn Độ Dương đi tới Ấn Độ năm 1498. Năm 1500, ông tham gia với tư cách thuyền trưởng một tàu trong chuyến du hành tới Ấn Độ lần thứ hai do Pedro Álvares Cabral chỉ huy. Họ đặt chân tới bờ biển Brasil, sau đó quay trở lại phía Ấn Độ. Một trận bão lớn đánh tan bốn chiếc thuyền và tất cả mất tích, bao gồm cả Dias, vào ngày 29 tháng 5 năm 1500. Một con tàu đắm được phát hiện ở ngoài khơi Namibia ban đầu được cho rằng là tàu của Dias, nhưng sau đó người ta phát hiện ra trên tàu có những đồng tiền có niên đại muộn hơn.. | 1 | null |
Julian Seymour Schwinger (1918-1994) là nhà vật lý người Mỹ. Ông cùng Tomonaga Shinichirō và Richard Feynman giành Giải Nobel Vật lý năm 1965 nhờ các nghiên cứu cơ bản về điện động học lượng tử và vật lý hạt cơ bản. Ba ông cùng với Freeman Dyson đã phát triển thuyết điện động lực học phân tử vào thập niên 1940, đưa cơ học lượng tử lên đến đỉnh cao. Dựa vào những bài báo của họ, các nhà vật lý cuối cùng cũng tìm ra những công thức hiệp biến cho giá trị hữu hạn tại bậc xấp xỉ bất kỳ trong chuỗi số miêu tả bằng lý thuyết nhiễu loạn của điện động lực học lượng tử. | 1 | null |
Đại học Carl von Ossietzky Oldenburg () là một trường đại học tổng hợp, nằm ở thành phố Oldenburg, thuộc bang Niedersachsen (hay Hạ Saxony), Cộng hòa Liên bang Đức. Đây là một trong những cơ sở giáo dục quan trọng nhất của vùng tây bắc Đức với các liên ngành đào tạo. Trường hiện có hơn 12.000 sinh viên đang theo học và hơn 2.000 nhân viên và giảng viên đang làm việc và giảng dạy.
Lịch sử.
Khóa đào tạo giáo viên đầu tiên được tổ chức tại Oldenburg vào đầu năm 1793 bởi Công tước Peter Friedrich Ludwig. Một khu vườn hội thảo đào tạo giáo viên được thành lập vào năm 1882. Tại nước Cộng hòa Weimar, Học viện Sư phạm ("Pädagogische Akademie") đã được thành lập tại Oldenburg vào năm 1929 cho phép việc đào tạo nghề nghiệp giáo viên. Ngày 1 tháng 10 năm 1945, học viện đào tạo giáo viên đã được mở cửa trở lại lần đầu tiên thời hậu chiến ở Đức. Năm 1948, học viện đã được đổi tên thành Trường Cao đẳng Sư phạm Oldenburg ("Pädagogische Hochschule Oldenburg").
Bước đầu tiên hướng tới thành lập một trường đại học đã được tiến hành vào ngày 23 tháng 2 năm 1959 với quyết định của hội đồng thành phố về việc khởi động một dự án cho trường đại học. Sau đó, vào ngày 13 Tháng 3 năm 1970 là "Biên bản ghi nhớ về việc thành lập Trường Đại học Oldenburg và Osnabrück" của Bộ trưởng Bộ Văn hóa của tiểu bang Hạ Saxony hay Niedersachsen. Trường đại học đã được thành lập vào ngày 5 Tháng 12 năm 1973. Việc tuyển sinh và giảng dạy được bắt đầu từ học kỳ mùa hè năm 1974 với một chương trình đào tạo cho 2.400 sinh viên.
Ý định đặt tên trường đại học theo tên của một nhà kháng chiến và người đã đoạt giải Nobel Hòa bình vào năm 1935 – Carl von Ossietzky – đã gặp phải trở ngại gây ra bởi chính quyền bảo thủ của tiểu bang dưới thời Thủ hiến Ernst Albrecht. Tuy nhiên, sinh viên, giáo viên và các nhân viên khác của trường đã không nản chí và tiếp tục thực hiện mong muốn này. Cuối cùng họ cũng đã thành công: ngày 13 Tháng 10 năm 1991 trường đại học đã chính thức được đặt tên "Đại học Carl von Ossietzky Oldenburg" trong một buổi lễ có sự tham dự của ông Gerhard Schröder là thủ hiến bang Niedersachsen khi đó (người sau đó cũng đã từng giữ chức thủ tướng của CHLB Đức). Việc đặt tên trường là phù hợp với Luật Giáo dục Đại học Hạ Saxony sửa đổi. Cùng năm đó, số lượng sinh viên đã vượt mốc 10.000. Năm 2002, tổng cộng 11 phòng ban của trường đã được tổ chức lại thành 5 khoa. Đến cuối năm 2012, trường đã có 6 khoa với khoảng 12.000 sinh viên theo học.
Chương trình mở rộng đào tạo bao gồm ngành nghiên cứu về Khoa học máy tính đã được bắt đầu vào năm 1984. Kể từ học kỳ mùa đông 2007/2008, bên cạnh ngành Khoa học máy tính, trường đã có thêm ngành Công nghệ thông tin trong thương mại được tổ chức như một ngành mới riêng rẽ.
Campus.
Trường Đại học Oldenburg có 2 Campus chính: "Campus Haarentor" và "Campus Wechloy".
Một vườn bách thảo với diện tích khoảng 3,7 ha (khuôn viên nằm trên đường Philosophenweg) mô phỏng các vùng khí hậu khác nhau của trái đất. Trở ngược lại năm 1882, khi đó là một khu vườn nơi tổ chức các khóa hội thảo đào tạo giáo viên Oldenburg. Hơn 1.000 loại thực vật từ vùng bắc của nước Đức, khoảng 300 loài cây mọng nước khác nhau được trưng bày trong một nhà kính. Ngoài vườn thảo dược và một khu vườn nhỏ là khu đầm lầy. Bên cạnh khuôn viên Philosophenweg còn có khuôn viên Küpkersweg, đã được đưa vào hoạt động vào năm 1984 và có diện tích khoảng 1,5 ha. Nơi đây trồng và canh tác các loại cây được dành cho nghiên cứu và giảng dạy. Vườn Bách thảo Oldenburg đã tổ chức lễ kỷ niệm lần thứ 125 vào năm 2007.
Trường Y khoa châu Âu Oldenburg–Groningen.
Với hỗ trợ tích cực từ phía Hội đồng khoa học và cam kết tài chính của tiểu bang, vào học kỳ mùa đông 2012/13 trường Đại học Oldenburg đã lần đầu tiên mở một chương trình mới đào tạo và nghiên cứu về y học con người. Một trường Y khoa được xây dựng với sự hợp tác chặt chẽ với Đại học Groningen của Hà Lan (tiếng Hà Lan: "Rijksuniversiteit Groningen") với tên gọi "European Medical School Oldenburg-Groningen" (tạm dịch: Trường Y khoa châu Âu Oldenburg-Groningen) với một mô hình khóa học gồm 12 học kỳ liên tục để nhận được giấy phép làm việc trong lĩnh vực y khoa sau khi hoàn tất thành công kỳ thi chứng chỉ cấp nhà nước (Staatsexamen). Sinh viên đến từ Groningen sẽ phải hoàn thành một phần của khóa học ở Oldenburg, sinh viên Oldenburg cũng phải có ít nhất một năm nghiên cứu ở Groningen. Theo học tại Trường Y khoa châu Âu cũng tạo cho sinh viên cơ hội có được một tấm bằng Thạc sĩ Khoa học Hà Lan (Geneeskunde) được cấp bởi Đại học Groningen, và sau đó có thể làm việc trong chuyên ngành này ở tất cả các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu, một quyền được quy định bởi Luật hành nghề y khoa châu Âu.
Đối tác Quốc tế.
Mối quan hệ đối tác quốc tế đầu tiên và quan trọng đã được bắt đầu từ năm 1980 với Đại học Groningen. Kết quả từ sự hợp tác đó cho đến nay đã tạo ra một quan hệ đối tác đặc biệt và sâu rộng, với nhiều chuyên ngành được hỗ trợ cùng nhau bởi hai trường đại học.
Là một thành viên của "Chương trình liên kết Socrates/Erasmus": một chương trình trao đổi sinh viên giữa các trường đại học ở châu Âu. Ngoài ra, Đại học Oldenburg có các thỏa thuận hợp tác với 105 trường đại học từ 44 quốc gia.
Điểm nhấn.
Trường đã được biết đến trong những năm 1970 với một khái niệm đặc biệt về việc đào tạo giáo viên một giai đoạn. Việc đào tạo giáo viên là một thế mạnh của trường, với các chương trình học dành cho tất cả các vị trí giảng dạy. Các nghiên cứu về phương pháp giảng dạy-học tập với chương trình đào tạo tiến sĩ đạt được uy tín cao. Trường đặc biệt chú trọng vào việc nghiên cứu các lĩnh vực về khoa học máy tính, âm thanh, các nguồn năng lượng tái tạo với chương trình nghiên cứu quốc tế Năng lượng tái tạo (Renewable Energy), các nghiên cứu giới tính và sinh học thần kinh (Neurobiology).
Thông qua "Quy trình Bologna" (Bologna Process), từ học kỳ mùa đông 2005/2006 Đại học Oldenburg đã tổ chức các khóa học theo mô hình bằng cấp Cử nhân (Bachelor) và Thạc sĩ (Master), thay thế cho mô hình bằng cấp Diplom và Magister truyền thống. Do đó đây là một trong những trường đại học đầu tiên ở Đức thực hiện bước thay đổi này.
Năm 2012, trường đã được trao giải thưởng theo chương trình "Sáng kiến xuất sắc" (Exzellenzinitiative), thành công với nghiên cứu "Hearing4all" (Hearing for all - Mọi người đều có thể nghe) với giá trị 34 triệu € với mục tiêu nghiên cứu và tìm kiếm những cải tiến cho khả năng nghe và nhận thức giao tiếp bằng lời nói trong môi trường tiếng ồn.
Ngày 26 Tháng 5 năm 2014, trường vinh dự đón tiếp nhà vua Willem-Alexander và hoàng hậu Máxima của Vương quốc Hà Lan đến thăm trong khuôn khổ mở rộng hợp tác về các chương trình năng lượng tái tạo giữa CHLB Đức và Hà Lan.
Các viện trực thuộc.
Các viện trực thuộc có sự kết hợp chặt chẽ với trường đại học, nhưng được tổ chức độc lập về mặt pháp lý. Trường hiện hiện có 14 viện nghiên cứu trực thuộc:
Hoạt động văn hóa, xã hội và chính trị.
Studentenwerk Oldenburg đưa UNIKUM (trung tâm văn hóa) và Unitheater vào hoạt động từ năm 1985. Kể từ tháng 7 năm 1997, Oldenburger Universitäts Theater GmbH (OUT) được thành lập và điều hành UNIKUM. Các nhóm văn hóa nghệ thuật của sinh viên và các nhóm hát độc lập cũng được tự tổ chức hoạt động.
Từ năm 1993, đưa vào hoạt động rạp chiếu phim phục vụ sinh viên tại Alte Aula. Vào học kỳ mùa hè thì có các chương trình chiếu phim trong khuôn viên trường như các buổi trình diễn ngoài trời. Một dự án khác với chủ đề Liên hoan phim thể loại ngắn "Oldenburg zwergWERK" đi vào hoạt động vào năm 2001.
Cũng như tại các trường đại học khác của Đức, AStA là cơ quan đại diện quan trọng nhất của sinh viên. Tổ chức này quản lý vé giao thông công cộng học kỳ cho sinh viên, cung cấp một số hình thức vay mượn tài chính cho sinh viên hay tổ chức các lễ hội. Thêm vào đó, AStA luôn liên tục tham gia vào các chiến dịch đòi quyền lợi cho sinh viên trong các vấn đề có liên quan đến chính sách của nhà trường và các hoạt động xã hội.
Ngoài ra, tại trường cũng có một văn phòng đại diện của AIESEC.
Căng tin.
Studentenwerk Oldenburg điều hành các căng tin (tiếng Đức: "Mensa") ở cả hai Campus Haarentor và Wechloy. Các căng tin trường được xác nhận EG-Öko-Verordnung với BIO-Siegel (Tiêu chuẩn hữu cơ EU, với chứng nhận BIO) từ năm 2004. Tại căng tin trung tâm ở Campus Haarentor, mỗi ngày có 4 sự lựa chọn cho bữa ăn chính, cùng với các món phụ và tráng miệng tự chọn khác. Thêm vào đó là các loại mì ống (Pasta). Ngoài ra còn có các món ăn chất lượng cao với giá bán cao hơn tại khu "Culinarium" (Ẩm thực ngon). Căng tin áp dụng chính sách giá riêng, rẻ hơn cho sinh viên trong khi những người đang đi làm có nhận lương hay người bên ngoài thì phải trả giá cao hơn.
Trong năm 2001, căng tin trung tâm của trường đứng đầu xếp hạng về thể loại hương vị và đứng thứ nhì về tổng thể trong cuộc thăm dò của Tạp chí UNICUM về xếp hạng căng tin tại các trường đạo học trên toàn nước Đức. Những năm tiếp theo, căng tin trường rơi mất vị trí này cho đến 2008 thì giành lại được vị trí thứ nhì tổng thể và đứng nhất về thể loại hương vị thức ăn.
Ngoài ra, Studentenwerk Oldenburg còn khai thác một quán cà phê lớn tại Campus Haarentor (gần căng tin trung tâm). Tại Campus Wechloy, căng tin và quán cà phê được kết hợp trong cùng khu vực. | 1 | null |
Ivar Giaever (sinh năm 1929) là nhà vật lý người Mỹ gốc Na Uy. Ông giành Giải Nobel Vật lý cùng với Esaki Leo vào năm 1973 nhờ việc chứng minh bằng thực nghiệm hiệu ứng đường ngầm trong bán dẫn và siêu dẫn . Hai người cùng chia sẻ giải thưởng với Brian David Josephson | 1 | null |
USS "Flusser" (DD-368) là một tàu khu trục lớp "Mahan" được Hải quân Hoa Kỳ chế tạo vào giữa những năm 1930. Nó là chiếc tàu chiến thứ tư của Hải quân Hoa Kỳ được đặt tên theo Thiếu tá Hải quân Charles W. Flusser (1832-1864), người tử trận trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ. Nó đặt căn cứ tại Thái Bình Dương, hoạt động tuần tra và hộ tống trước và trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, không có mặt tại Trân Châu Cảng vào lúc diễn ra cuộc tấn công vào ngày 7 tháng 12 năm 1941, nên đã không chịu hư hại hay thương vong, và đã hoạt động cho đến khi chiến tranh kết thúc. "Flusser" được cho ngừng hoạt động năm 1946 và bị bán để tháo dỡ vào năm 1948.
Thiết kế và chế tạo.
"Flusser" được đặt lườn vào ngày 4 tháng 6 năm 1934 tại xưởng tàu của hãng Federal Shipbuilding and Drydock Company ở Kearny, New Jersey. Nó được hạ thủy vào ngày 28 tháng 9 năm 1935, được đỡ đầu bởi bà F. W. Packard; và được đưa ra hoạt động vào ngày 1 tháng 10 năm 1936 dưới quyền chỉ huy của Hạm trưởng, Trung tá Hải quân F. L. Lowe.
Lịch sử hoạt động.
"Flusser" khởi hành từ New York vào ngày 1 tháng 12 năm 1936 cho chuyến đi chạy thử máy cùng Hải đội 40-T, một đơn vị được hình thành để bảo vệ quyền lợi của Hoa Kỳ tại khu vực Tây Địa Trung Hải trong giai đoạn cuộc Nội chiến Tây Ban Nha. Nó quay trở về Hampton Roads vào ngày 9 tháng 2 năm 1937, và trong năm tháng tiếp theo đã hoạt động dọc theo vùng bờ Đông Hoa Kỳ về phía Bắc đến tận Maine. Vào ngày 16 tháng 7, nó đi đến San Diego, California, căn cứ cho các hoạt động của nó tại khu vực Thái Bình Dương và vùng biển Caribe cho đến tháng 10 năm 1939, ngoại trừ hai tuần viếng thăm Washington vào đầu năm đó.
Đặt căn cứ tại Trân Châu Cảng, nó tham gia các hoạt động huấn luyện khẩn trương cùng các tàu chiến khác, và vào ngày 5 tháng 12 năm 1941 đã ra khơi để hộ tống cho tàu sân bay , vì vậy đã rời khỏi căn cứ vào lúc Hải quân Nhật bất ngờ tấn công Trân Châu Cảng vào ngày 7 tháng 12 năm 1941. Lực lượng đặc nhiệm của "Flusser" đã không thành công trong việc truy tìm những kẻ tấn công đang rút lui, và quay về cảng nhà bị tàn phá vào ngày 12 tháng 12. Cho đến tháng 4 năm 1942, nó làm nhiệm vụ hộ tống các đoàn tàu vận tải đi lại giữa Trân Châu Cảng và vùng bờ Tây, rồi lên đường đi đến đảo san hô Palmyra, nơi nó cho đổ bộ một lực lượng thủy quân Lục chiến đồn trú nhỏ vào ngày 21 tháng 4. Nó lại tiếp tục hoạt động tuần tra và hộ tống đến nhiều cảng tại khu vực Tây Nam Thái Bình Dương, nhiều dịp đã đi đến các cảng Australia.
Sau khi được sửa chữa tại Trân Châu Cảng, "Flusser" quay trở lại nhiệm vụ hộ tống, tuần tra chống tàu ngầm và huấn luyện tại khu vực phía Nam quần đảo Solomon. Sau khi được tiếp liệu tại Trân Châu Cảng từ ngày 25 tháng 7 đến ngày 4 tháng 8 năm 1942, nó đi đến Efate vào ngày 17 tháng 8 để tiếp nối các hoạt động tuần tra và hộ tống đến quần đảo Fiji, Espiritu Santo, Samoa và Tonga, rồi lại quay trở về Trân Châu Cảng để đại tu từ tháng 12 năm 1942 đến tháng 2 năm 1943. Lại có mặt tại Espiritu Santo vào ngày 17 tháng 2, nó tiếp tục hộ tống các tàu phụ trợ và tàu chiến đi lại giữa các căn cứ tại Tây Nam Thái Bình Dương, khứ hồi đến Australia và đến Guadalcanal. Nó rời Australia để đi đến vịnh Milne vào ngày 22 tháng 8, đặt căn cứ tại đây cho Chiến dịch New Guinea. Tham gia vào các cuộc đổ bộ lên Lae và Finschhafen, nó tiến hành bắn phá chuẩn bị, cung cấp hỏa lực hỗ trợ tấn công, hộ tống các đoàn tàu tăng viện và tiếp liệu, và vào ngày 22 tháng 9 đã tấn công và đánh đắm ba sà lan của quân Nhật tại. Chiếc tàu khu trục sau đó tham gia bắn phá và bảo vệ cho cuộc đổ bộ tại Arawe, New Britain, rồi đảm trách vai trò tương tự trong việc chiếm đóng mũi Gloucester và Saidor.
Từ ngày 11 đến ngày 30 tháng 1 năm 1944, "Flusser" trải qua một đợt đại tu ngắn, rồi tham gia thực hành tại vùng biển Australia trước khi quay trở lại vịnh Milne, để tiếp tục nhiệm vụ hộ tống vận tải đến Saidor và mũi Gloucester, cũng như tham gia cuộc đổ bộ lên Los Negros thuộc quần đảo Admiralty. Những hoạt động liên tục tại khu vực New Guinea đã làm trì hoãn nhu cầu đại tu lớn tại bờ Tây, mà cuối cùng cũng được thực hiện tại Xưởng hải quân Mare Island từ tháng 4 đến tháng 6.
Rời Trân Châu Cảng vào ngày 1 tháng 8 năm 1944, "Flusser" hộ tống một đoàn tàu vận tải đi Eniwetok, và đi đến Majuro vào ngày 16 tháng 8, nơi trong sáu tuần lễ tiếp theo, nó tuần tra ngoài khơi các đảo san hô do Nhật chiếm đóng bị bỏ qua về phía Nam quần đảo Marshall. Vào ngày 7 tháng 9, khi đụng độ với một khẩu đội pháo duyên hải đối phương ở Wotje, chín thành viên thủy thủ đoàn của nó đã bị thương. Rời Majuro vào ngày 1 tháng 10 để làm nhiệm vụ hộ tống vận tải đi Eniwetok, Ulithi và Hollandia, nó di chuyển lên phía Bắc để đi vịnh San Pedro, đến nơi vào ngày 29 tháng 10, và làm nhiệm vụ tuần tra trong vịnh Leyte và eo biển Surigao. Vào ngày 18 tháng 11, nó bắn rơi một máy bay cảm tử kamikaze, rơi gần đến mức chiếc dù của viên phi công hạ xuống sàn trước của con tàu.
Tiếp tục hỗ trợ cho chiến dịch Philippines, "Flusser" hộ tống các đoàn tàu vận tải tăng viện đi đến Leyte từ Hollandia, và vào ngày 4 tháng 12 năm 1944, chịu đựng hư hại do một cú đâm suýt trúng của một máy bay cảm tử Nhật Bản. Một cuộc không kích ác liệt được tung ra nhắm vào đội của nó trong ngày hôm sau, khi "Flusser" bắn rơi nhiều máy bay và cứu vớt những người sống sót từ chiếc LSM-20 sau một đợt tấn công kamikaze. Chiếc tàu khu trục khởi hành từ Leyte vào ngày 6 tháng 12 để hỗ trợ cho cuộc đổ bộ lên vịnh Ormoc, và vào ngày hôm sau đội của nó chịu đựng đợt thứ nhất trong nhiều cuộc tấn công cảm tử. "Flusser" bắn rơi ít nhất một máy bay đối phương, trợ giúp những người sống sót từ những chiếc bị đánh trúng, và hộ tống cho tàu chị em bị hư hại rút lui về San Pedro.
"Flusser" lên đường đi Hollandia và Biak để chuẩn bị cho việc chiếm đóng vịnh Lingayen. Nó đến nơi vào ngày 13 tháng 1 năm 1945 cùng một đoàn tàu vận tải chuyên chở đợt lực lượng tăng viện thứ hai, và đã bảo vệ cho cuộc đổ bộ lên Nasugbu vào ngày 31 tháng 1 trước khi tham gia cuộc tấn công Puerto Princesa, Palawan, cũng như hộ tống các đoàn tàu vận tải đi lại giữa Leyte, Mindoro và Palawan.
"Flusser" tiếp tục ở lại khu vực Philippines, tham gia các cuộc đổ bộ lên Cebu vào ngày 26 tháng 3, rồi hộ tống các đoàn tàu vận tải đi đến đảo này cũng như các đoàn tàu tiếp liệu từ Morotai đến Polloc Harbor và vịnh Davao cho đến ngày 1 tháng 7. Nó tham gia chiến dịch tấn công Balikpapan, hỗ trợ cho cuộc đổ bộ, và hộ tống tàu bè từ Morotai cho đến ngày 20 tháng 7, khi nó đi đến Manila. Sau một đợt đại tu ngắn, nó lên đường vào ngày 31 tháng 8 làm nhiệm vụ hộ tống đến Okinawa, rồi đi đến Sasebo vào ngày 16 tháng 9 làm nhiệm vụ chiếm đóng. Các sĩ quan của nó đã tham gia Đội khảo sát tàu bè hải quân và thương mại Nhật Bản tại Sasebo cho đến ngày 29 tháng 10, khi chiếc tàu khu trục khởi hành đi San Diego, đến nơi vào ngày 19 tháng 11.
Trong mùa Hè năm 1946, "Flusser" tham gia Chiến dịch Crossroads, cuộc thử nghiệm bom nguyên tử của Hoa Kỳ tại đảo san hô Bikini thuộc quần đảo Marshall. Nó quay trở về Trân Châu Cảng sau nhiệm vụ này vào ngày 14 tháng 9, và đi đến Norfolk, Virginia vào ngày 12 tháng 11, nơi nó được cho xuất biên chế vào ngày 16 tháng 12 năm 1946 và bị bán để tháo dỡ vào ngày 6 tháng 1 năm 1948.
Phần thưởng.
"Flusser" được tặng thưởng bảy Ngôi sao Chiến trận do thành tích phục vụ trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. | 1 | null |
Rickettsia được Ricketts và Wilder phát hiện năm 1910. Rickettsia là những vi sinh vật có cấu trúc giống với tế bào vi khuẩn. Chúng là loài ký sinh bắt buộc trong nội bào, nên sự tồn tại của Rickettsia phụ thuộc vào sự tồn tại, phát triển và nhân rộng trong tế bào chất của nhân tế bào chủ.
Bởi vì điều đó, Rickettsia không thể sống trong môi trường dinh dưỡng nhân tạo và được nuôi cấy trong mô hoặc phôi (thông thường, phôi gà). Phương pháp phát triển Rickettsia trong phôi gà được phát minh bởi William Ernest Goodpasture và các đồng nghiệp của ông tại Đại học Vanderbilt vào đầu những năm 1930. Trước kia, Rickettsia đã được xếp vào giữa virus và vi khuẩn. Tuy nhiên không giống như Chlamydia, Mycoplasma và Ureaplasma, Rickettsia có nhân, tế bào chất và màng tế bào chất, có hai loại acid nucleic là DNA và RNA nhưng hệ thống enzym nghèo nàn, vì vậy không phát triển được ở môi trường dinh dưỡng nhân tạo.
Đặc điểm sinh học.
Hình thể.
Rickettsia hình dạng thay đổi qua các giai đoạn phát triển: cầu khuẩn đứng riêng rẻ hoặc xếp từng đôi, trực khuẩn và hình sợi. Thường gặp nhất là hình trực khuẩn. Nhuộm Gram bắt màu Gram âm. Lúc nhuộm Giemsa hoặc Machiavello. Khi nhuộm Giemsa vi khuẩn bắt màu xanh, còn nhuộm Machiavello vi khuẩn bắt màu đỏ khá tương phản với màu xanh của tế bào vật chủ.
Rickettsia có thể quan sát ở kính hiển vi quang học.
Rickettsiae có kích thước 0,3-0,5 μm x 0,8-2,0 μm. Hầu như tất cả Rickettsiae có thể tái tạo chỉ trong các tế bào động vật.
Rickettsia đã có một thời xem như liên hệ mật thiết với virus vì kích thước nhỏ bé và phát triển nội bào. Ngày nay Rickettsia được khẳng định là vi khuẩn vì:
- Rickettsia có tất cả đặc tính cấu tạo của vi khuẩn, đặc biệt là có vách tế bào điển hình.
- Có tất cả các enzyme cần thiết cho sự chuyển hóa.
- Chứa cả hai loại acid nucleic: DNA và RNA.
- Phân bào giống vi khuẩn.
- Sử dụng oxy và nhạy cảm với một số kháng sinh (chloramphenicol, tetracyclin) kháng sinh thế hệ mới dặc hiệu như Doxycylin, Oxytetacylin.
Rickettsia có sức đề kháng yếu, chúng bị tiêu diệt nhanh chóng bởi sức nóng, độ ẩm và các chất hoá học.
Cấu tạo hóa học
Rickettsia chứa RNA và DNA theo tỷ lệ 3,5: 1, vách tế bào giống như vách tế bào vi khuẩn Gram âm chứa phức hợp glycopeptit. Thành tế bào có acid muramic, sinh sản ở trong tế bào chất hoặc trong nhân của tế bào ký chủ. Tuy nhiên, có vài trường hợp cá biệt có thể phát triển trong môi trường không tế bào và bắt màu Gram dương.
Cấu trúc kháng nguyên.
Rickettsia có hai loại kháng nguyên
Kháng nguyên đặc hiệu:.
- Kháng nguyên không chịu nhiệt: là kháng nguyên không hòa tan, bản chất là protein, đặc hiệu loài.
- Kháng nguyên chịu nhiệt: là kháng nguyên hòa tan, có bản chất là polysaccharid, đặc hiệu nhóm.
Kháng nguyên không đặc hiệu.
Bản chất là polysaccharid, kháng nguyên này có cấu trúc gần giống với kháng nguyên của vi khuẩn "Proteus vulgaris", vì vậy kháng nguyên này được sử dụng trong phản ứng Weil - Felix để chẩn đoán huyết thanh ("R. burnetii "không có kháng nguyên này).
Các nhiễm khuẩn do Rickettsia có khả năng tạo miễn dịch mạnh mẽ và lâu dài.
Độc tố.
Một số Rickettsia sinh ra một loại độc tố hoà tan trong nuôi cấy, có tính chất gây tan máu và hoại tử. Khi tiêm độc tố này cho động vật thì chúng bị chết sau vài giờ và tổn thương bệnh lý giống như do vi khuẩn gây ra.
Ngoài ra hoạt tính gây bệnh còn phụ thuộc vào enzyme gây tan huyết, độc tố gắn chặt với thân vi khuẩn. Độc tố bị phá hủy lúc đun 60º trong 30 phút, nhưng vẫn giữ được tính kháng nguyên. Độc tố bị trung hòa bởi kháng huyết thanh đặc hiệu.
Phân loại.
Rickettsia được phân thành ba nhóm dựa trên huyết thanh học đó là. Phân nhóm này đã được xác nhận bởi vì trình tự DNA. Tất cả ba trong số này chứa các mầm bệnh của con người. Nhóm sốt phát ban bụi rậm (scrub typhus) đã được phân loại lại như một chi mới - Orientia - nhưng nhiều y văn vẫn còn liệt kê nhóm này thuộc bệnh rickettsia.
Zdrodovski phân chia Rickettsia thành 6 nhóm trong đó có 5 nhóm gây bệnh cho người và một nhóm gây bệnh cho động vật.
- Nhóm sốt phát ban dịch tễ: Nhóm này thường gây nên hai bệnh chủ yếu là sốt phát ban
dịch tễ (mầm bệnh là "R. prowazeki") và sốt phát ban chuột (mầm bệnh là "R. mooseri)".
- Nhóm sốt do ve truyền: Nhóm này thường gây nên bởi "Dermacentroxnus".
- Nhóm do mò truyền: Mầm bệnh gây nên là do "R. orientalis" hay còn goi là "R. tsutsugamushi"; đây là tác nhân gây nên bệnh sốt mò hay còn gọi là sốt phát ban rừng.
- Nhóm gây bệnh sốt hầm hào: "Mầm bênh là R. quintana."
- Nhóm gây bệnh sốt "Q" (Query): Mầm bệnh gây nên sốt "Q" là "R. bumetii."
- Nhóm gây bệnh cho súc vật: Mầm bệnh là "R. ruminantiun", thường gây bệnh cho động vật có sừng và gây bệnh cho chó.
Gây bệnh.
Rickettsia là ký sinh trùng tự nhiên của một số động vật chân đốt nhất định (đặc biệt là chí, bọ chét, ve và bọ ve) và có thể gây ra các bệnh nghiêm trọng, thường đặc trưng bởi sốt cấp tính, tự giới hạn trên người và động vật khác.
Rickettsia phát triển ở tế bào nội mạch vách huyết quản, ở đó chúng nhân lên và bài tiết ra yếu tố tiền đông máu, qua trung gian của độc tố làm cho những tế bào đó phồng lên rồi hoại tử nên mạch máu bị nghẽn rồi bị vỡ nên những thương tổn của mạch máu trông rõ ở da.
Ở não người ta tìm thấy thương tổn ở mạch máu của chất xám. Tim cho thấy những thương tổn ở mạch máu nhỏ.
Một số Rickettsia gây bệnh thường gặp
Rickettsia prowazeki.
"R. prowazeki" là tác nhân gây sốt phát ban do rận, thường gây thành dịch nên được gọi là sốt phát ban dịch tễ. "R. prowazeki" có hình cầu, hình que, kích thước khoảng 0,5 - lµm, sức đề kháng yếu, chỉ ký sinh ở bào tương của tế bào chủ, có thể gây bệnh thực nghiệm cho chuột lang, chuột nhắt trắng.
Cơ chế gây bệnh:
Rận hút máu bệnh nhân có Rickettsia, mầm bệnh phát triển trong ống tiêu hóa của rận, rồi được đào thải ra ngoài theo phân. Rận truyền mầm bệnh cho người không phải qua vết đốt mà qua da bị xây xát tiếp xúc với phân rận.
Sau khi vào máu, Rickettsia tập trung vào những tế bào biểu mô của mạch máu, độc tố và yếu tố tan máu gây nhiễm độc tại chỗ, gây viêm, phù nề, dẫn đến tắc nghẽn và thoát quản ở mao mạch các nội tạng và xuất huyết ở ngoài da, biểu hiện toàn thân là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, sốt cao, li bì.
Rickettsia mooseri.
"R. mooseri l"à tác nhân gây bệnh sốt phát ban chuột còn gọi là sốt phát ban địa phương. Bệnh có các triệu chứng lâm sàng giống như bệnh sốt phát ban dịch tễ nhưng nhẹ hơn. "R. mooseri có "kích thước nhỏ hơn nhiều so với "R. prowazeki".
Cơ chế gây bệnh
Bọ chét là vật chủ liên tục đào thải Rickettsia theo phân. Khi bọ chét đốt, phân bọ chét nhiễm mầm bệnh dính vào vết đốt, hoặc qua da bị xây xát xâm nhập vào máu. Đôi khi, bụi phân bọ chét gây bệnh qua niêm mạc mắt, đường hô hấp.
Các tổn thương và triệu chứng bệnh tương tự như sốt phát ban dịch tễ nhưng nhẹ hơn.
Chỉ có bọ chét mới truyền được mầm bệnh cho người, vật môi giới mang mầm bệnh nhưng không bị chết.
Rickettsia burnetii.
"R. burnetii "là tác nhân gây nên bệnh sốt "Q". "R. burnetii" có dạng hình cầu hay hình que ngắn, là loại Rickettsia nhỏ nhất, qua được lọc vi khuẩn.
Dịch tễ.
Ổ chứa mầm bệnh: Mầm bệnh được tăng trữ ở nhiều loại động vật: cừu, dê, trâu, bò, nhiều loại động vật hoang dại, một số loài chim, ve.
Đường truyền: Có nhiều đường lây, chủ yếu là đường hô hấp, khi tiếp xúc với những gia súc mang mầm bệnh. Lây qua da bị sây sát hoặc lây truyền qua đường tiêu hoá khi uống sữa tươi không được khử trùng.
Cơ chế gây bệnh.
"R. bumetii "xâm nhập vào cơ thể gây những tổn thương ở phổi, toàn thân biểu hiện tình trạng nhiễm trùng, bệnh này khác với các Rickettsia khác là không có phát ban và phản ứng WeilFelix hoàn toàn âm tính.
Rickettsia tsutsugamushi.
"R. tsutsugamushi "là tác nhân gây nên bệnh sốt mò còn gọi là sốt phát ban rừng. "R. tsutsugamushi "có nhiều hình dạng khác nhau như: Hình cầu, hình que ngắn, kích thước trung bình khoảng 0,3 - 0,5 µm. Chúng sắp xếp riêng rẽ từng con một, thành từng đôi hoặc thành đám ở trong bào tương, sát với nhân của tế bào chủ. "R. tsutsugamushi c"ó sức đề kháng yếu nhất trong tất cả Rickettsia.
Dịch tễ.
Ổ chứa mầm bệnh: Trong tự nhiên bệnh lưu hành trong các loài gậm nhấm và mò, ở mò Rickettsia có thể truyền cho thế hệ sau qua trứng. Như vậy mò vừa là môi giới vừa là ổ chứa Rickettsia.
Môi giới truyền bệnh: Bệnh truyền bởi nhiều loại ấu trùng của các loài mò.
Cơ chế gây bệnh.
Mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể do ấu trùng mò đốt, qua da bị sây sát, có thể xâm nhập qua niêm mạc mắt, đường hô hấp. Rickettsia nhân lên và độc tố của mầm bệnh chủ yếu tập trung vào các tế bào biểu mô của mạch máu. Toàn thân sốt cao đột ngột, nơi bị mò đốt tạo thành vết loét, hạch lân cận sưng to, ban xuất hiện ở ngực, bụng rồi lan ra toàn thân, rất hiếm thấy ở mặt, gan bàn tay, bàn chân. Ban kiểu dát sần, ít khi xuất huyết.
Chẩn đoán vi sinh vật.
Chẩn đoán trực tiếp.
Bệnh phẩm.
Lấy máu khi bệnh nhân đang sốt hoặc chọc hạch khi có hạch viêm,lấy đờm trong bệnh sốt "Q". Để điều tra dịch tễ học, có thể lấy các phủ tạng của gậm nhấm hoặc lấy ve, mò, rận...
Xác định hình thể.
Nhuộm bệnh phẩm bằng kỹ thuật nhuộm Giemsa hoặc nhuộm Macchiavello.
Nuôi cấy.
Lấy máu lúc bệnh mới phát hoặc bệnh phẩm được nghiền nát, cho vào nước muối sinh lý vô trùng, ly tâm lấy nước trong, tiêm, vào chuột lang, chuột bạch hoặc trứng gà lộn. Đối với sốt sông Nhật Bản, bệnh phẩm được tiêm vào phúc mạc chuột nhắt, lấy chất ngoại tiết của phúc mạc chuột phết lên lam rồi nhuộm Giemsa, nhuộm miễn dịch huỳnh quang.
Chẩn đoán huyết thanh.
Phản ứng không đặc hiệu: Phản ứng Weil-Felix.
Rickettsia và Proteus vulgaris hình như có chung một số kháng nguyên, lúc nhiễm Rickettsia bệnh nhân sản sinh một số kháng thể ngưng kết với một vài chủng Proteus vulgaris (chủng OX19, OX2, OXK) như R.prowazeki (OX19), Oriental tsutsugamushi (OXK) và R.mooseri (OX19).
Phản ứng này không áp dụng cho những Rickettsia không có kháng nguyên chung với Proteus
Phản ứng đặc hiệu.
Kháng nguyên thu hoạch ở sản phẩm nuôi cấy ở trứng gà lộn có thể làm các phản ứng ngưng kết đặc hiệu, phản ứng kết hợp bổ thể, phản ứng ức chế ngưng kết hồng cầu, phản ứng miễn dịch huỳnh quang. | 1 | null |
Nhà hương (hay flavor house) là thuật ngữ dùng để chỉ các công ty sản xuất và phân phối hương liệu dành cho ngành công nghiệp thực phẩm, từ hương liệu tự nhiên, hương liệu tổng hợp cho đến hương liệu nhân tạo. Các công cụ, thiết bị chế tạo hương liệu mà các nhà hương sử dụng cũng khá tương tự như các nhà sản xuất nước hoa, nhưng hơn thế các nhà hương còn phải quan tâm đến cả yếu tố khứu giác và yếu tố vị giác của sản phẩm được chế tạo, nhằm gia tăng hương vị cho thực phẩm được ứng dụng. Bên cạnh đó, các nhà hương, vốn cũng được xếp vào ngành công nghiệp thực phẩm, cũng phải đặt tiêu chí an toàn thực phẩm lên hàng đầu trong từng sản phẩm của mình.
NHÂN LỰC.
Theo thông lệ, các công ty kinh doanh hương liệu chỉ được gọi là nhà hương khi công ty đó có khả năng điều chế, tổng hợp và sản xuất ra hương liệu từ các đơn hương (aroma) và hóa chất. Việc nghiên cứu, sản xuất này đòi hỏi nhà hương phải có các nhân lực đặc biệt về hương, được gọi là flavorist. Để được xem như đủ tiêu chuẩn để tham gia vào việc nghiên cứu, điều chế hương liệu, các flavorist thông thường phải được chứng nhận là thành viên của một hiệp hội về hương uy tín trên thế giới.
Một số hiệp hội có tên tuổi về hương liệu:
CÁC TIÊU CHUẨN CÓ LIÊN QUAN.
ISO 9001 là một chuỗi các tiêu chuẩn, được phát triển và công bố bởi International Organization for Standardization (ISO), nhằm định nghĩa, xây dựng và duy trì một hệ thống đảm bảo chất lượng trong tổ chức một cách hiệu quả, áp dụng cho tất cả loại hình tổ chức từ doanh nghiệp, công ty, tập đoàn, cho đến các tổ chức phi chính phủ, tổ chức phi lợi nhuận, v.v… không phân biệt kích thước, loại hình, cấu trúc.
HACCP.
HACCP (Hazard Analysis and Critical Control Point) là một tiêu chuẩn ngăn ngừa có hệ thống về an toàn thực phẩm đối với các mối nguy hại về sinh học, hóa học và vật lý có thể khiến thành phẩm trở nên kém an toàn, và thiết kế nên các tiêu chuẩn đo lường nhằm giảm thiểu các mối nguy hại trên về mức an toàn. Trong phạm vi ý nghĩa như vậy, HACCP được xem như là hệ thống ngăn ngừa các mối nguy hại trước và trong quá trình sản xuất, hơn là kiểm định sau đối với thành phẩm cuối cùng.
HALAL.
Halal vốn là một thuật ngữ dùng để chỉ những vật hoặc hành động được cho phép bởi thánh Alla trong cộng đồng người Hồi giáo. Chứng nhận Halal về thực phẩm đảm bảo rằng các sản phẩm thực phẩm được chứng nhận chỉ chứa đựng các thành phần hóa học, sinh học, vật lý không đi ngược lại với luật lệ Hồi giáo, và hoàn toàn phù hợp để được tiêu thụ trong cộng đồng này.
FEMA GRAS LIST.
FEMA GRAS (Generally Recognized As Safe) List là một danh sách các phụ chất hóa học tạo hương được phép sử dụng trong quá trình điều chế, tổng hợp hương liệu, cùng với định mức an toàn của các phụ chất hóa học ấy. Danh sách này được phát triển và công bố bởi Hiệp Hội Expert Panel of the Flavor and Extract Manufacturers Association.
CÁC LIÊN KẾT NGOÀI.
The Top 10 Flavor and Fragrance Companies | 1 | null |
Quốc kỳ Cuba (tiếng Tây Ban Nha: "Bandera de Cuba") là một lá cờ có tỉ lệ 1:2 với 5 sọc ngang (3 sọc lam xen kẽ 2 sọc trắng) và một tam giác đều màu đỏ ở phía cán cờ, giữa nền đỏ còn có ngôi sao năm cánh màu trắng. Mẫu cờ này được ấn định vào ngày 25 tháng 6 năm 1848. | 1 | null |
Skyworth () tên đầy đủ là Skyworth Group Co., Ltd.,, là một tập đoàn đa quốc gia, công ty cổ phần của Trung Quốc chuyên về thiết kế, sản xuất các sản phẩm về truyền hình và nghe nhìn. Thành lập vào năm 1988, công ty có trụ sở chính tại Khu công nghệ cao Nam Sơn, Thâm Quyến. Tính đến năm 2010, Skyworth hoạt động tại Hồng Kông, Nội Mông cùng nhiều nhà máy tại các địa điểm ở Quảng Đông là Thâm Quyến, Đông Hoản, Quảng Châu.
Công ty này hoạt động giống như là một cụm công nghiệp khi nó tích hợp nhiều ngành nghề công nghiệp sản xuất phục vụ lẫn nhau. Skyworth cũng là một trong số những tập đoàn phát triển Đĩa đa năng nâng cao. Đây cũng là một ODM cho nhiều công ty sản xuất ti vi khác. Năm 2015, Skyworth đứng trong Top 5 thương hiệu TV nổi tiếng có giá trị nhất trên thế giới. và là thương hiệu thuộc Top dẫn đầu tại thị trường Châu Á - Thái Bình Dương. Năm 2011, giá trị thương hiệu của Skyworth đã đạt mức 4,47 tỷ USD.
Hoạt động.
Các sản phẩm cốt lõi của Skyworth là ti vi và hộp giải mã Set-top box cùng với nhiều sản phẩm dịch vụ khác bao gồm cho thuê tài sản, thiết bị gia dụng.
Skyworth có nhiều công ty con thuộc sở hữu của tập đoàn và một số là đối tác liên doanh. | 1 | null |
Subsets and Splits
No community queries yet
The top public SQL queries from the community will appear here once available.