text
stringlengths 0
512k
|
---|
CMOS, viết tắt của "Complementary Metal-Oxide-Semiconductor" trong tiếng Anh, là thuật ngữ chỉ một loại công nghệ dùng để chế tạo mạch tích hợp. Công nghệ CMOS được dùng để chế tạo vi xử lý, vi điều khiển, RAM tĩnh và các cổng logic khác. Công nghệ CMOS cũng được dùng rất nhiều trong các mạch tương tự như cảm biến ảnh, chuyển đổi kiểu dữ liệu, và các vi mạch thu phát có mật độ tích hợp cao trong lĩnh vực thông tin.
Trong tên gọi của vi mạch này, thuật ngữ tiếng Anh "complementary" ("bù"), ám chỉ việc thiết kế các hàm lôgíc trong các vi mạch CMOS sử dụng cả hai loại transistor PMOS và NMOS và tại mỗi thời điểm chỉ có một loại transistor nằm ở trạng thái đóng (ON).
Hai đặc tính cơ bản của các linh kiện được chế tạo bằng công nghệ CMOS là có độ miễn nhiễu cao và tiêu thụ năng lượng ở trạng thái tĩnh rất thấp. Các vi mạch CMOS chỉ tiêu thụ năng lượng một cách đáng kể khi các transistor bên trong nó chuyển đổi giữa các trạng thái đóng (ON) và mở (OFF). Kết quả là các thiết bị CMOS ít tiêu thụ năng lượng và tạo ra ít nhiệt hơn so với các loại cổng logic khác như mạch transistor-transistor logic (TTL) hay mạch logic NMOS (khác với CMOS, NMOS chỉ dùng toàn bộ transistor hiệu ứng trường kiểu n và không dùng transistor hiệu ứng trường kiểu p). CMOS cũng cho phép tích hợp các hàm lôgíc với mật độ cao trên chíp.
Cụm từ "metal-oxide-semiconductor" bắt nguồn từ một quy trình chế tạo các vi mạch tích hợp CMOS trước đây. Quy trình này tạo ra các transistor hiệu ứng trường mà mỗi transistor có một điện cực cổng bằng kim loại được đặt lên trên một lớp cách điện bằng oxide phủ trên vật liệu bán dẫn. Ngày nay, thay vì dùng kim loại, người ta tạo ra điện cực cổng bằng một vật liệu khác, đó là polysilicon. Tuy nhiên, IBM và Intel đã công bố sẽ sử dụng trở lại cổng kim loại trong công nghệ CMOS nhằm tận dụng tính chất tiên tiến của vật liệu có hằng số điện môi cao trong việc chế tạo các vi mạch có kích thước 45 nanomét hay nhỏ hơn. Dù có nhiều thay đổi, tên gọi CMOS vẫn tiếp tục được sử dụng trong các quy trình chế tạo hiện đại.
Một vi mạch tích hợp nhỏ chứa một lượng lớn các tranzito CMOS đôi khi được gọi là vi mạch tích hợp CHMOS. Thuật ngữ CHMOS viết tắt của "Complementary High-density metal-oxide-semiconductor" trong tiếng Anh.
Đôi khi, mạch kết hợp giữa các cảm biến MEMS với bộ xử lý tín hiệu số được sản xuất trên một vi mạch tích hợp CMOS đơn được gọi là CMOSens
Lịch sử phát triển
Frank Wanlass đã phát minh ra các mạch CMOS vào năm 1963 tại hãng Fairchild Semiconductor. Vào năm 1968, mạch tích hợp CMOS đầu tiên đã được sản xuất bởi một nhóm nghiên cứu tại RCA do Albert Medwin lãnh đạo. Khởi đầu, CMOS được xem như là một giải pháp thay thế cho TTL (logic) để có được các vi mạch tuy tốc độ hoạt động chậm hơn TTL nhưng lại tiêu hao năng lượng ít hơn. Chính vì thế, những ngày đầu CMOS được sự quan tâm của ngành công nghiệp đồng hồ điện tử và một số lĩnh vực khác mà thời gian sử dụng pin quan trọng hơn so với vấn đề tốc độ. Khoảng 25 năm sau, CMOS đã trở thành kỹ thuật chiếm ưu thế trong vi mạch tích hợp số. Lý do là với việc ra đời các thế hệ quy trình chế tạo bán dẫn mới, kích thước hình học của các transistor ngày càng giảm xuống dẫn đến một loạt cải tiến; đó là diện tích chiếm chỗ của vi mạch giảm, tốc độ làm việc tăng, hiệu suất sử dụng năng lượng tăng và giá thành chế tạo giảm. Hơn nữa, nhờ vào sự đơn giản và khả năng tiêu tán công suất tương đối thấp của mạch CMOS, người ta có thể thực hiện vi mạch có mật độ tích hợp cao mà vốn không thể làm được nếu dựa trên các transistor lưỡng cực
Lúc ban đầu, người ta chỉ có thể tìm thấy các hàm logic CMOS chuẩn trong vi mạch tích hợp số họ 4000. Sau đó, nhiều hàm trong họ 7400 bắt đầu được chế tạo bằng kỹ thuật CMOS, NMOS, BiCMOS và các kỹ thuật khác.
Cũng trong thời kỳ đầu, mạch CMOS dễ bị hư hỏng vì quá nhạy cảm với sự xả điện tích tĩnh điện (ESD). Do đó, các thế hệ sau thường được chế tạo kèm theo các mạch bảo vệ tinh vi nhằm làm tiêu tán các điện tích này, không để cho lớp oxide cổng và các tiếp giáp p-n mỏng manh bị phá hủy. Mặc dầu vậy, hãng sản xuất vẫn khuyến cáo nên dùng bộ phận chống tĩnh điện khi thao tác trên các vi mạch CMOS nhằm tránh hiện tượng vượt quá năng lượng. Chẳng hạn, các hãng sản xuất thường yêu cầu dùng bộ phận chống tĩnh điện khi chúng ta làm các thao tác thêm một khối bộ nhớ vào máy vi tính.
Bên cạnh đó, các thế hệ ban đầu như họ 4000 dùng nhôm làm vật liệu tạo ra cực cổng. Điều này khiến cho CMOS có khả năng làm việc được trong điều kiện điện áp cung cấp thay đổi nhiều, cụ thể là nó có thể làm việc trong suốt tầm điện áp cung cấp từ 3 đến 18 volt DC. Trong nhiều năm sau đó, mạch logic CMOS được thiết kế với điện áp cung cấp chuẩn công nghiệp là 5V vì để tương thích với TTL (logic). Kể từ 1990, bài toán tiêu hao công suất thường được coi trọng hơn so với bài toán tương hợp với TTL, và thế là điện áp cung cấp CMOS bắt đầu được hạ thấp xuống cùng với kích thước hình học của các transistor. Điện áp cung cấp thấp không chỉ giúp làm giảm công suất tiêu hao mà còn cho phép chế tạo lớp cách điện cực cổng mỏng hơn, chức năng tốt hơn. Hiện nay, một vài mạch CMOS làm việc với điện áp cung cấp nhỏ hơn 1 volt.
Trong thời kỳ đầu, điện cực cổng được chế tạo bằng nhôm. Các quy trình chế tạo CMOS đời sau chuyển sang dùng silicon đa tinh thể ("polysilicon"), chấp nhận được tốt hơn ở nhiệt độ cao trong quá trình tôi silicon sau khi đã cấy ion. Điều này cho phép nhà chế tạo có thể đặt cực cổng ngay từ những công đoạn sớm hơn trong quy trình và rồi dùng trực tiếp cực cổng như là một mặt nạ cấy để tạo ra một cực cổng tự sắp đặt (cực cổng không tự sắp đặt sẽ đòi hỏi có sự chồng lấp lên nhau khiến hãng sản xuất phải chấp nhận tăng kích thước transistor và điện dung ký sinh). Vào năm 2004, cũng có những công trình nghiên cứu đề nghị dùng lại cực cổng bằng kim loại, nhưng cho đến nay, các quy trình vẫn tiếp tục sử dụng cực cổng polysilicon. Cũng có những nỗ lực lớn trong nghiên cứu nhằm thay chất điện môi silicon dioxide ở cực cổng bằng vật liệu điện môi k-cao để chống lại hiện tượng tăng dòng rĩ.
Chi tiết kĩ thuật
CMOS là tên dùng để ám chỉ cả hai khía cạnh: đó là một phong cách thiết kế mạch số cụ thể và cũng là tên của một họ các quy trình chế tạo nhằm thực thi mạch điện tử trên vi mạch (chip). Mạch logic CMOS tạo ra từ quy trình CMOS sẽ tiêu tán ít năng lượng hơn và cho phép tích hợp với mật độ cao hơn so với các quy trình khác với cùng một chức năng. Khi ưu điểm này ngày càng thể hiện và trở nên quan trọng hơn, quy trình CMOS và các quy trình biến thể của nó đã trở thành công nghệ chủ đạo, chính vì thế cho đến năm 2006, hầu hết các sản xuất vi mạch tích hợp đều dùng quy trình CMOS.
Cấu trúc
Mạch logic CMOS dùng một tổ hợp hai loại transistor hiệu ứng trường kim loại-oxide-bán dẫn (MOSFET) kiểu p và kiểu n để thực hiện các cổng logic và các mạch số khác mà chúng ta thấy trong máy vi tính, thiết bị viễn thông và xử lý tín hiệu. Mặc dầu mạch logic CMOS cũng có thể được thực hiện bằng linh kiện rời (chẳng hạn, những mạch rời mà bạn học trong môn mạch điện tử cơ bản), thông thường sản phẩm CMOS thương mại điển hình là mạch tích hợp bao gồm hàng triệu (hay hàng trăm triệu) transistor của cả hai kiểu được chế tạo trên một miếng silicon hình chữ nhật có diện tích trong khoảng 0,1 đến 4 cm vuông. Những miếng silicon như vậy thường được gọi là chip, mặc dầu trong công nghiệp người ta cũng gọi nó là die, có lẽ bời vì chúng được tạo ra từ việc cắt nhỏ (dicing) miếng bánh silicon hình tròn là đơn vị cơ bản của sự sản xuất dụng cụ bán dẫn
Trong cổng logic CMOS, một số MOSFET kiểu n được sắp thành dạng mạch kéo xuống nằm giữa đầu ra của cổng với đường cung cấp nguồn điện áp thấp. Thay vì dùng tải là điện trở như trong các cổng logic NMOS, cổng logic CMOS lại dùng tải là một số MOSFET kiểu p sắp thành dạng mạch kéo lên nằm giữa đầu ra của cổng với đường cung cấp nguồn điện áp cao. Mạch kéo lên, gồm các transistor kiểu p, mang tính bổ túc cho mạch kéo xuống, gồm các transistor kiểu n, sao cho khi các transistor kiểu n tắt thì các transistor kiểu p sẽ dẫn và ngược lại.
Mạch logic CMOS tiêu tán công suất ít hơn mạch logic NMOS bởi vì CMOS chỉ tiêu tán công suất trong thời gian chuyển đổi trạng thái (công suất động). Một ASIC điển hình được chế tạo với công nghệ 90nm thay đổi trạng thái đầu ra trong thời gian 120 pico giây, và sự chuyển đổi này xảy ra trong mỗi thời gian 10 nano giây. Trong khi đó, mạch logic NMOS tiêu tán công suất bất kỳ lúc nào đầu ra ở mức thấp (công suất tĩnh), bởi vì khi đó có dòng điện chạy từ Vdd đến Vss thông qua điện trở tải và mạch gồm các transistor kiểu n.
MOSFET kiểu p được xem là dạng bổ túc cho MOSFET kiểu n bởi vì chúng chuyển sang dẫn khi điện áp cực cổng của chúng thấp hơn điện áp cực nguồn và bởi vì chúng có thể kéo cực máng lên đến Vdd. Như vậy, nếu cả hai transistor kiểu p và kiểu n có cực cổng nối chung với nhau để trở thành một đầu vào chung thì MOSFET kiểu p sẽ dẫn khi MOSFET kiểu n tắt và ngược lại.
Ví dụ: cổng NAND
Như là một ví dụ, hình bên phải là sơ đồ mạch của một cổng NAND trong mạch CMOS.
Nếu cả hai đầu vào A và B đều ở mức cao, khi đó cả hai transistor kiểu n (nửa dưới của sơ đồ) đều dẫn, trong khi đó không có transistor kiểu p nào (nửa trên của sơ đồ) dẫn, như vậy chỉ có một đường dẫn điện được thiết lập giữa đầu ra và Vss, điều này khiến cho đầu ra ở mức thấp. Nếu một trong hai đầu ra A và B hoặc cả hai đầu này đều ở mức thấp thì ít nhất sẽ có một transistor kiểu n không dẫn, ít nhất một transistor kiểu p sẽ dẫn, tạo ra một đường dẫn điện giữa đầu ra và Vdd, điều này khiến đầu ra ở mức cao.
Một ưu điểm khác của CMOS so với NMOS là cả hai quá trình chuyển đổi từ mức-thấp-đến-mức-cao và từ mức-cao-đến-mức-thấp của CMOS là nhanh vì các transistor kéo lên có trở kháng thấp khi chuyển sang dẫn, không giống như điện trở tải của mạch dùng NMOS.Thêm nữa, tín hiệu ngõ ra có khả năng quét gần suốt tầm điện áp nằm giữa hai nguồn điện áp cung cấp nguồn thấp và cao. Đáp ứng gần đối xứng hơn, mạnh hơn này cũng khiến CMOS có khả năng chống nhiễu tốt hơn. |
Lực ly tâm là một lực quán tính xuất hiện trên mọi vật nằm yên trong hệ quy chiếu quay so với một hệ quy chiếu quán tính. Nó là hệ quả của trường gia tốc, xuất hiện trong hệ quy chiếu phi quán tính mà trong trường hợp này là hệ quy chiếu quay.
Chúng ta cảm thấy lực này khi ngồi trong xe ô tô đang đổi hướng, hay chơi trò cảm giác mạnh như đu quay dây văng hay tàu siêu tốc ở công viên. Lực này được ứng dụng để tạo nên một trường gia tốc giúp phân loại các thành phần trong hỗn hợp vật chất, như máy phân tích ly tâm hay để vắt quần áo trong máy giặt.
Trong hệ quy chiếu, khi không có lực gì tác động vào các vật thể, chúng giữ chuyển động thẳng đều, theo định luật 1 Newton. Tuy nhiên chuyển động thẳng đều này lệch với chuyển động quay của hệ quy chiếu quay. Ví dụ về một người ngồi trong xe ô tô đang đổi hướng: nếu không có lực ma sát giữa người và ghế, người sẽ tiếp tục đi thẳng, còn ô tô và ghế đổi hướng. Người bị dịch chuyển, một cách tương đối, lệch khỏi ghế.
Nhìn trong hệ quy chiếu quay, các vật thể, vốn chuyển động thẳng đều trong hệ quy chiếu quán tính, bị đẩy ra theo phương xuyên tâm quay. Lực đẩy vật thể ra, quan sát trong hệ quy chiếu này, chính là lực ly tâm.
Công thức
Hệ quy chiếu quay so với hệ quy chiếu quán tính là một dạng của hệ quy chiếu phi quán tính, vì chuyển động của hệ quy chiếu này không thẳng đều. Mọi điểm trong hệ quy chiếu quay với vận tốc góc không đổi w quanh một tâm cố định so với hệ quy chiếu quán tính.
Véctơ vận tốc tại điểm cách tâm quay bán kính r sẽ luôn tiếp tuyến với quỹ đạo tròn của điểm quanh tâm quay, và hướng theo chiều quay. Do sau khi quay hết một góc 2π, điểm hoàn thành một quỹ đạo là đường tròn có chu vi dài 2πr, độ lớn không đổi của véctơ vận tốc là w=ωr.
v(t) = {vx(t), vy(t), vz(t)}
Với:
vz(t) = 0
vx(t) = ωrcos(wt)
vy(t) = wrsin(wt)
Nếu lấy trục z song song với trục quay; trục x vuông góc với trục quay và theo phương nối từ tâm quay đến điểm đang xét vào lúc t = 0; trục y vuông góc với hai trục còn lại.
Như vậy tại một thời điểm bất kỳ, gia tốc của điểm cách tâm r là:
a(t) = d v(t)/dt
{ax(t), ay(t), az(t)} = {dvx(t)/dt, dvy(t)/dt, dvz(t)/dt}
Hay:
az(t) = 0
ax(t) = -ω2rsin(ωt)
ay(t) = ω2rcos(ωt)
Như vậy véctơ gia tốc cũng quay tròn với vận tốc góc w, luôn vuông góc với véc tơ vận tốc, theo phương luôn hướng vào tâm quay. Nó có độ lớn tỷ lệ với bình phương ω và với khoảng cách r. Gia tốc trong công thức trên là gia tốc ly tâm, cũng có thể biểu diễn bằng biểu thức:
a = ω × (ω × r)
với ω là vận tốc góc của chuyển động quay của hệ; r là véc tơ vị trí từ tâm quay đến điểm đang xét gia tốc ly tâm; × là phép nhân véc tơ.
Lực quán tính lên vật có khối lượng m tại điểm cách tâm quay r là:
F(t) = - m a(t)
F = -m ω × (ω × r)
với m là khối lượng vật thể.
Độ lớn của lực là
|Flt| = mω2rCòn phương của lực luôn ngược chiếu với gia tốc nghĩa là luôn theo phương ly tâm. Như vậy độ lớn của lực ly tâm tỷ lệ thuận với bình phương của vận tốc góc, và với bán kính quay.
Cũng có thể liên hệ với tốc độ thẳng thay cho tốc độ góc:
|Flt| = m'' |v|2 / |r|
Như vậy, độ lớn của lực ly tâm tỷ lệ thuận với khối lượng của vật chuyển động, với bình phương của tốc độ thẳng, và tỷ lệ nghịch với bán kính của đường cong. Phương của lực ly tâm là đường thẳng nối tâm của đường cong với trọng tâm của vật chuyển động, và chiều là từ tâm của đường cong ra phía ngoài.
Công thức trên đúng cho vật thể đứng yên trong hệ quy chiếu quay. Nếu vật thể di chuyển trong hệ quy chiếu quay, lực quán tính mà vật nhận được sẽ là lực Coriolis.
Ứng dụng
Hệ quy chiếu quay giúp chúng ta có thể tạo ra trường gia tốc nhân tạo với độ lớn điều khiển được bằng tốc độ quay và khoảng cách tới tâm quay. Trường gia tốc nhân tạo có thể được ứng dụng các trạm vũ trụ, như trạm vũ trụ quốc tế, tạo ra một môi trường giúp phi hành gia có cảm giác về trọng lượng biểu kiến, như môi trường sống quen thuộc trên Trái Đất. Khả năng điều khiển cảm giác về trọng lượng biểu kiến của trường gia tốc ly tâm cũng được ứng dụng trong các trò chơi cảm giác mạnh như xe lao tốc độ.
Trong trường gia tốc, vật có khối lượng riêng thấp có xu hướng nổi lên trên các vật có khối lượng riêng lớn hơn; giúp phân tích các vật chất thành nhiều thành phần. Đây là ứng dụng trong máy phân tích ly tâm. Trường gia tốc ly tâm mạnh trong máy giặt giúp vắt khô quần áo khi trống vắt quay nhanh.
Một ứng dụng kinh điển của lực ly tâm trong cơ khí là bộ điều tốc ly tâm. Khi tốc độ quay của động cơ tăng, các quả nặng (miêu tả trong hình vẽ) chịu lực ly tâm lớn hơn, văng xa ra hơn và khép lại đường ống nhiên liệu của động cơ (hoặc, một cách tổng quát, giảm nguồn năng lượng cho động cơ); điều này dẫn đến tốc độ động cơ giảm lại. Khi tốc độ động cơ xuống thấp, lực ly tâm lên các quả nặng giảm, các quả nặng bị trọng lực kéo xuống và mở rộng đường ống nhiên liệu; điều này làm tốc độ động cơ tăng trở lại. Đây là một ví dụ của hoàn ngược âm, giúp điều tiết và giữ tốc độ quay của động cơ ổn định. Lực ly tâm cũng được dùng trong bộ ly hợp tự động của một số xe máy hay ô tô. Khi tốc độ quay của động cơ đạt đến ngưỡng thích hợp, lực ly tâm lên các quả nặng trong bộ ly hợp sẽ đủ lớn đến khép chặt các tiếp xúc và chuyển bộ ly hợp sang trạng thái truyền lực khiến xe chuyển bánh. Khi tốc độ động cơ dưới ngưỡng, lực ly tâm không đủ lớn và bộ ly hợp ngắt lực truyền, giúp xe đứng tại chỗ nhưng động cơ vẫn nổ máy.
Giải thích một số hiện tượng trong thực tế:
Các vệ tinh nhân tạo, Mặt Trăng có thể chuyển động tròn đều (gần tròn) quanh Trái Đất là nhờ lực hướng tâm (lực hấp dẫn) tuy nhiên mặt trăng và các vệ tinh nhân tạo không rơi vào Trái Đất là nhờ tốc độ chuyển động đủ lớn tạo ra lực quán tính ly tâm cân bằng với lực hút của Trái Đất.
Các hành tinh chuyển động với quỹ đạo gần tròn quanh Mặt Trời là nhờ lực hấp dẫn của mặt trời đối với các hành tinh đóng vai trò lực hướng tâm, đồng thời chuyển động của các hành tinh quanh mặt trời cũng tạo ra lực quán tính ly tâm nhờ đó mà các hành tinh không bị hút về phía Mặt Trời.
Vào các khúc cua tròn trên đường, người ta thường làm mặt đường dốc nghiêng ra ngoài để tránh trường hợp các vào cua với tốc độ lớn lực quán tính ly tâm sẽ làm xe bị trượt ra khỏi đường.
Các vận động viên ném tạ dây trước khi ném thường quay tròn để tạo ra hướng tâm và lực quán tính ly tâm lớn sau đó buông tay để tạ có thể bay xa hơn.
Các máy giặt hiện đại thường sử dụng chuyển động quay tròn của động cơ để tạo ra chuyển động tròn của lồng giặt, khi quần áo được giặt xong chuyển động tròn tạo ra lực quán tính ly tâm đẩy văng các hạt nước dính trên quần áo ra khỏi lồng giặt thông qua các lỗ nhỏ nhờ đó mà quần áo được vắt khô hơn so với giặt tay. Đây cũng là nguyên lý chung của các loại máy ly tâm. |
NPN Là một linh kiện điện tử cấu tạo từ nối ghép 1 bán dẫn điện dương giữa hai bán dẫn điện âm. "N" ám chỉ negative, nghĩa là "cực âm"; "P" là positive, nghĩa là "cực dương".
Transistor được sử dụng nhiều trong việc khuếch đại, công tắc, hay điện dẫn (buffer) trong công nghiệp điện tử hay làm cổng số (Logic gate) trong điện tử số.
Để transistor hoạt động hay dẫn điện cần phải có một điện thế kích hoạt. Lối mắc của transistor với điện trở cho ra chức năng hoạt động của transistor |
Ja, vi elsker dette landet (Vâng, chúng ta yêu đất nước này) là bài hát được chọn làm Quốc ca của Na Uy.
Phần lời là của nhà thơ đoạt giải Nobel Bjørnstjerne Bjørnson, phần nhạc của nhạc sĩ Rikard Nordraak.
Lần đầu tiên bài hát này được thể hiện trong ngày 17 tháng 5 năm 1864 nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Hiến pháp được thông qua.
Mặc dù phần lời của bài hát có 8 khổ thơ nhưng thông thường người ta chỉ hát khổ đầu tiên và hai khổ cuối.
Lời Quốc ca Na Uy đã được Nguyễn Viết Thắng dịch sang tiếng Việt.
Lời tiếng Na Uy và bản dịch tiếng Việt |
Choi choi Ai Cập (danh pháp hai phần: Pluvianus aegyptius), thuộc chi Pluvianus, phân họ Pluvianinae, là một loài chim ở sông Nin, chuyên rỉa thịt trong răng của cá sấu khi con này phơi nắng và há miệng ra. Cá sấu sông Nin còn nổi tiếng vì được cho là có quan hệ cộng sinh với một số loài chim như "choi choi". Theo các báo cáo, cá sấu há miệng rộng và sau đó các con chim "choi choi" sẽ rỉa các miếng thịt nhỏ còn rắt trong răng của cá sấu. Điều này rất khó kiểm chứng, nó có lẽ không phải là quan hệ cộng sinh thực thụ.
Trước đây loài này được xếp vào một họ riêng Glareolidae, hiện nó được xem là loài duy nhất trong họ Pluvianidae.
Hình ảnh
Chú thích |
Nguyễn Xuân Oánh (1921 – 2003) là chính khách, nhà kinh tế Việt Nam, cựu Phó Thủ tướng kiêm Thống đốc Ngân hàng, hai lần là Quyền Thủ tướng trong chính phủ Việt Nam Cộng hòa và cũng là Đại biểu Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tiểu sử
Ông sinh năm 1921 tại Bắc Giang. Cha ông là Bác sĩ Nguyễn Xuân Bái, người làng Đa Ngưu, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.
Ông từ nhỏ đã được giáo dục theo Tây học. Lớn lên ông được gia đình cho sang Mỹ theo học tại Đại học Harvard về ngành Kinh tế. Ông tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế của Harvard năm 1954, rồi làm việc cho Ngân hàng Thế giới (như một Nhân viên kinh tế), Tổ hợp Tài chánh Quốc tế... trước khi về nước.
Năm 1963, ông về nước và tham gia chính quyền. Sau đó ít lâu, ông được đề cử làm Thống đốc Ngân hàng Quốc gia, rồi Phó Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa. Thậm chí, đã có lúc ông được ủy quyền Thủ tướng trong giai đoạn tướng Nguyễn Khánh nắm quyền (1964-1965).
Sau năm 1975, ông là một trong những trí thức của Việt Nam Cộng hòa được chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đứng đầu là ông Võ Văn Kiệt trọng dụng. Đặc biệt, khi tiến trình Đổi mới được thực hiện cuối thập niên 1980, ông và nhiều nhà trí thức khác đã đóng góp rất nhiều vào việc cải cách các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, đầu tư nước ngoài v.v. tại Việt Nam. Ông từng là Cố vấn kinh tế cho Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Khi nền kinh tế Việt Nam bắt chuyển đổi từ kinh tế chỉ huy sang kinh tế thị trường, nhà nước đổi tiền, tăng lương bằng cách in thêm tiền đến lạm phát phi mã. Lượng hàng hóa trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu của xã hội nên giá hàng hóa tăng nhanh hơn mức tăng của lương. Ông đã tham mưu cho nhà nước nâng lãi suất ngân hàng để tạo động lực cho người dân gửi tiền vào ngân hàng, đồng thời nhà nước vay tiền của các ngân hàng thương mại để hạn chế phát hành tiền nhằm giảm cung tiền từ đó giảm lạm phát.
Ông cũng là Đại biểu Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Công ty Dịch vụ đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông nổi tiếng là người thẳng thắn, không sợ chỉ trích chính quyền.
Ông mất ngày 29 tháng 8 năm 2003, tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Gia đình
Ông là chồng của Nghệ sĩ ưu tú Thẩm Thúy Hằng, người nổi tiếng với danh hiệu "Người đẹp Bình Dương". Con út của ông là Nguyễn Xuân Ái Quốc, nguyên Giám đốc Trung tâm Chính sách Quy trình Ngân hàng Quốc tế Việt Nam. Anh cũng rất thành công với chuỗi cafe The Coffee Factory tại Sài Gòn cùng với người em trai sinh đôi là Nguyễn Xuân Quốc Việt.
Chú thích
Phó Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa
Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa VIII
Nhà nghiên cứu kinh tế Việt Nam
Cựu sinh viên Đại học Harvard
Người Hưng Yên
Người Bắc Giang
Nhân vật trong chiến tranh Việt Nam
Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa
Sinh năm 1921
Mất năm 2003
Người họ Nguyễn tại Việt Nam |
Thuốc generic (generic drug) là thuốc tương đương sinh học với biệt dược gốc về các tính chất dược động học và dược lực học, được sản xuất khi quyền sở hữu công nghiệp của biệt dược đã hết hạn, nhờ đó thường được bán với giá rẻ.
Ý nghĩa của từ
Từ "gốc" có nghĩa là có gốc cùng hoạt chất. Nói cách khác, thuốc gốc là (thuốc có cùng gốc), tức là sử dụng cùng một loại hoạt chất. Như ví dụ dưới đây, diazepam là hoạt chất và các biệt dược Valium, Seduxen, Diazepin có cùng gốc là diazepam. Lưu ý là hoạt chất là danh từ chung, chỉ tên của 1 chất hóa học (hoặc phân tử sinh học) nên không viết hoa, tên biệt dược là tên riêng thì viết hoa.
Tên thuốc gốc có thể là tên khoa học, danh pháp quốc tế INN, International Nonproprietary Name hoặc danh pháp theo quy định của các nước (USAN của Hoa Kỳ, BAN của Anh...) của dược chất hay hoạt chất chứa trong công thức tạo nên dược phẩm. Một số công ty cũng đặt tên biệt dược cho thuốc gốc. Ví dụ, Valium là tên biệt dược đầu tiên cho diazepam (thuốc an thần) của hãng Roche. Hiện nay thuốc này đã hết hạn độc quyền và được sản xuất với tên thuốc gốc là diazepam hoặc tên biệt dược khác như: Seduxen (Hungaria), Diazepin (Bulgaria), Relanium (Ba Lan), Rival (Mỹ), Eurosan (Thụy Sĩ), Diazefam (Việt Nam) v.v...
Từ biệt dược (brand name, trong tiếng Anh) có nghĩa là tên thương mại. Tuy nhiên trong điều trị vai trò của biệt dược đầu tiên rất quan trọng vì tất cả các dữ liệu về hiệu quả và an toàn sử dụng trên người, nghiên cứu trên động vật,đều từ biệt dược đầu tiên. Thuốc biệt dược đầu tiên này được gọi là thuốc biệt dược gốc.
Thuốc gốc giống với biệt dược gốc về liều lượng của hoạt chất, độ an toàn, nồng độ, tác dụng, cách dùng và chỉ định.
Thuốc gốc có thể được sản xuất hợp pháp khi bằng sáng chế đa công ty thuốc gốc xác nhận bằng phát minh của công ty biệt dược có hợp pháp, không có giá trị cưỡng chế hoặc không bị xâm phạm, thuốc không được giữ bằng sáng chế, ở những nước bằng sáng chế không có hiệu lực.
Thời gian bảo hộ bằng sáng chế khác nhau ở mỗi nước và khác nhau cho từng loại thuốc. Thường cũng không thể làm lại bằng sáng chế sau khi nó hết hạn. Một số thầy thuốc và bệnh nhân do dự khi dùng thuốc gốc vì lo ngại chất lượng của chúng. Tuy nhiên, trong hầu hết trường hợp khác biệt giữa biệt dược và thuốc gốc chỉ là giá cả và tên gọi.
Việt Nam
Từ năm 2013, Bộ y tế Việt Nam đã lần lượt công bố danh sách các thuốc biệt dược gốc. Đợt 1 công bố 96 thuốc và gần đây nhất là đợt thứ 8, với 78 thuốc (614/QĐ-BYT ngày 10/3/2014).
Hoa Kỳ
Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) chịu trách nhiệm bảo đảm thuốc gốc có tính hiệu quả và an toàn. Nhà sản xuất thuốc gốc cần chứng minh công thức của họ thể hiện tương đương sinh học so với sản phẩm tên biệt dược. |
Biệt dược là thuốc được sản xuất với một tên thương mại (nhãn hiệu, tên biệt dược). Biệt dược còn được gọi là thuốc đặc chế.
Khi một thuốc mới được nghiên cứu, nó sẽ được đăng ký tên thuốc gốc theo danh pháp quốc tế hoặc danh pháp của từng nước (USAN của Hoa Kỳ, BAN của Anh...) đồng thời với tên biệt dược của nơi tiến hành thử nghiệm. Biệt dược, nếu được chấp thuận đưa vào lưu hành trên thị trường, sẽ được giữ bằng sáng chế trong một khoảng thời gian theo quy định của mỗi nước. Sau khi hết hạn độc quyền, các nhà sản xuất khác có thể sản xuất thuốc này với tên thuốc gốc hoặc một tên biệt dược khác.
Ví dụ: Valium là tên biệt dược đầu tiên cho Diazepam (chất có tác dụng an thần) của hãng Roche. Hiện nay thuốc này đã hết hạn độc quyền và được sản xuất với tên thuốc gốc là Diazepam hoặc tên biệt dược khác như: Seduxen (Hungary), Diazepin (Bulgaria), Relanium (Ba Lan), Rival (Mỹ), Eurosan (Thụy Sĩ), Diazefar (Việt Nam) v.v. |
Dr. Reddy's Laboratories là một công ty dược phẩm đa quốc gia. Công ty được Anji Reddy thành lập, người trước đây làm việc trong viện cố vấn Indian Drugs and Pharmaceuticals Limited, của Hyderabad, Ấn Độ. Dr. Reddy's sản xuất và tiếp thị một loạt các dược phẩm ở Ấn Độ và nước ngoài. Công ty có hơn 190 loại thuốc, 60 thành phần dược phẩm hoạt động (API) để sản xuất thuốc, bộ chẩn đoán, chăm sóc quan trọng và các sản phẩm công nghệ sinh học.
Dr. Reddy's bắt đầu với tư cách nhà cung cấp cho các nhà sản xuất thuốc Ấn Độ, nhưng công ty nhanh chóng bắt đầu việc xuất khẩu sang các thị trường ít điều tiết khác, có lợi thế là không phải dành thời gian và tiền bạc cho một nhà máy sản xuất cần được sự chấp thuận của cơ quan cấp phép thuốc như Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA). Đến đầu những năm 1990, quy mô mở rộng và lợi nhuận từ các thị trường không được kiểm soát này cho phép công ty bắt đầu tập trung vào việc nhận được sự chấp thuận từ các cơ quan quản lý thuốc đối với các công thức và nhà máy sản xuất thuốc số lượng lớn - tại các nền kinh tế phát triển hơn. Điều này cho phép công ty di chuyển tới các thị trường có kiểm soát như Mỹ và châu Âu. Vào năm 2014, Reddy Laboratories đã được liệt kê trong số 1200 thương hiệu đáng tin cậy nhất Ấn Độ theo Báo cáo Tin cậy Thương hiệu 2014, một nghiên cứu được thực hiện bởi Trust Research Advisory, một công ty phân tích thương hiệu.
Đến năm 2007, Reddy Laboratories đã có bảy nhà máy FDA sản xuất các thành phần dược phẩm đang hoạt động ở Ấn Độ và bảy nhà máy được FDA kiểm tra và ISO 9001 (chất lượng) và ISO 14001 (quản lý môi trường) sản xuất thuốc sẵn sàng cho bệnh nhân, năm nhà máy ở Ấn Độ và hai nhà máy ở Anh.
Vào năm 2010, Reddy Laboratories do gia đình kiểm soát đã phủ nhận việc họ đang đàm phán để bán doanh nghiệp thuốc gốc ở Ấn Độ cho công ty dược phẩm khổng lồ Pfizer của Hoa Kỳ, đã kiện công ty vì cáo buộc vi phạm bằng sáng chế sau khi Dr Reddy tuyên bố rằng dự định sản xuất một phiên bản chung của atorvastatin, với sản phẩm tương ứng của Pfizer là Lipitor, một loại thuốc chống cholesterol. Reddy's đã được liên kết với công ty dược phẩm đa quốc gia Glaxo Smithkline củaVương quốc Anh. |
Đại học Quốc gia Hà Nội ( – VNU), mã đại học QH, là một trong hai hệ thống đại học quốc gia của Việt Nam, có trụ sở tại Hà Nội, được đánh giá là một trong 1000 đại học, trường đại học tốt nhất thế giới của Việt Nam.
Đại học Quốc gia Hà Nội chịu sự chỉ đạo trực tiếp từ Thủ tướng Chính phủ, bao gồm các chương trình giáo dục đại học, sau đại học, nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ, đa ngành có chất lượng cao và giữ vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam.
Lịch sử
Thời thuộc địa
Trước nhu cầu nhân lực bản địa trong bộ máy cai trị thuộc địa, Viện Đại học Đông Dương (tiếng Pháp: Université Indochinoise) được thành lập theo Quyết định số 1514a ngày 16/5/1905 của Toàn quyền Đông Dương Paul Beau, đặt trụ sở tại số 19 phố Lê Thánh Tông, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội (thời Pháp thuộc là phố Boulevard Bobillot).
Đây là một đại học theo mô hình đa ngành và được đánh giá là thiết chế đại học hiện đại đầu tiên tại Việt Nam. Ban đầu, đại học này có 5 trường thành viên: Trường Cao đẳng Luật và Pháp chính, Trường Cao đẳng Khoa học, Trường Y khoa Đông Dương, Trường Cao đẳng Xây dựng dân dụng và Trường Cao đẳng Văn chương. Sau này có mở thêm các trường Y dược, Thú y, Thủy lâm, Sư phạm, Thương mại, Tài chính, Luật khoa hành chánh, Mỹ thuật và Kiến trúc.
Tuy có mục đích ban đầu là đào tạo nhân lực cho bộ máy cai trị thuộc địa, nhưng nhiều nhân vật của cách mạng Việt Nam có xuất thân từ viện đại học này như: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Đặng Thai Mai, Nguyễn Đình Thi, Cù Huy Cận...
Thời hiện đại
Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, Viện Đại học Đông Dương được đổi tên thành Trường Đại học Quốc gia Việt Nam. Đây là trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực đầu tiên được thành lập dưới chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Trụ sở của Trường vẫn đặt tại số 19 phố Lê Thánh Tông, Hà Nội. Tại buổi lễ khai giảng đầu tiên của ngôi trường mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao bằng tốt nghiệp cho các sinh viên cũ của Đại học Đông Dương đã hoàn thành chương trình đào tạo nhưng bị tạm gián đoạn do cuộc đảo chính Nhật-Pháp trước đó.
Khi Pháp trở lại Đông Dương sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Viện Đại học Đông Dương được đổi tên thành Viện Đại học Hà Nội (tiếng Pháp: Université de Hanoi), đứng đầu là một viện trưởng người Pháp, đồng thời mở một chi nhánh tại Sài Gòn.
Năm 1951, trên chiến khu Việt Bắc, Chính phủ Liên hiệp Quốc dân thành lập Trường Khoa học Cơ bản. Đây là một trong những trường tiền thân của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội sau này.
Năm 1956, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 2183/TC ngày 04/6/1956 của Chính phủ tại địa điểm cũ của Viện Đại học Đông Dương, và có giảng viên đến từ Trường Khoa học Cơ bản. Thời gian này, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng được thành lập; sau đổi thành Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I.
Năm 1967, Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội được thành lập trên cơ sở các khoa ngoại ngữ (Nga văn, Trung văn, Anh văn và Pháp văn) của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Năm 1993, chính phủ Việt Nam tổ chức lại ba trường đại học lớn hiện có tại Hà Nội là: Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I (cũ) và Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội thành cơ sở giáo dục lấy tên là Đại học Quốc gia Hà Nội.
Sau khi thành lập
Trước năm 2000, ĐHQGHN có 05 trường đại học, 01 viện nghiên cứu: Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Ngoại ngữ, Trường Đại học Sư phạm, Trường Đại học Đại cương và một số đơn vị khác.
Năm 1998, Chính phủ ban hành Nghị định về việc xóa bỏ Trường Đại học Đại cương.
Năm 1999, Trường Đại học Sư phạm lại tách khỏi Đại học Quốc gia Hà Nội thành Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Vào thời điểm này, Đại học Quốc gia Hà Nội mới có các ngành và lĩnh vực: toán và khoa học tự nhiên, công nghệ thông tin và điện tử viễn thông (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên), khoa học xã hội và nhân văn, kinh tế, luật (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) và ngoại ngữ (Trường Đại học Ngoại ngữ).
Ngày 25/5/2004, thành lập Trường Đại học Công nghệ trên cơ sở nâng cấp và phát triển Khoa Công nghệ và Trung tâm Hợp tác Đào tạo và Bồi dưỡng Cơ học trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.
Ngày 06/03/2007, thành lập Trường Đại học Kinh tế trên cơ sở Khoa Kinh tế.
Ngày 03/04/2009, thành lập Trường Đại học Giáo dục trên cơ sở Khoa Sư phạm.
Ngày 09/09/2016, thành lập Trường Đại học Việt - Nhật dựa trên ý tưởng của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam và Nhật Bản.
Ngày 25/01/2017 thành lập Khoa Các khoa học liên ngành dựa trên cơ sở Khoa sau đại học.
Ngày 27/10/2020, thành lập Trường Đại học Y Dược trên cơ sở Khoa Y Dược.
Ngày 01/12/2021, thành lập Trường Quốc tế và Trường Quản trị và Kinh doanh trên cơ sở khoa Quốc tế và khoa Quản trị và Kinh doanh.
Ngày 23/9/2022, thành lập Trường Đại học Luật trên cơ sở Khoa Luật.
Tính đến nay, ĐHQGHN đã có 09 trường đại học thành viên; 02 trường và 02 khoa trực thuộc; 06 viện nghiên cứu khoa học thành viên, trực thuộc; 2 trung tâm đào tạo môn chung; 05 Viện nghiên cứu khoa học thành viên, 02 Viện nghiên cứu khoa học trực thuộc, 14 đơn vị dịch vụ và phục vụ trực thuộc; có 04 trường THPT thuộc các trường thành viên của ĐHQGHN; 1 trường THCS.
Cơ cấu tổ chức
Đại học Quốc gia Hà Nội có cơ cấu tổ chức đặc biệt (so với các trường đại học khác ở Việt Nam), gồm 3 cấp quản lý hành chính:
Đại học Quốc gia Hà Nội là đầu mối được Chính phủ giao các chỉ tiêu, kế hoạch hàng năm; có tư cách pháp nhân, có con dấu mang hình Quốc huy. Giám đốc và các Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm.
Các trường đại học, viện nghiên cứu khoa học thành viên; các khoa, trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ; các đơn vị phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội là các đơn vị cơ sở có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng.
Các khoa, phòng nghiên cứu và tương đương thuộc trường đại học, viện nghiên cứu khoa học thành viên và các đơn vị trực thuộc.
Đại học Quốc gia Hà Nội hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao; được làm việc trực tiếp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về những vấn đề liên quan đến hoạt động và phát triển của Đại học Quốc gia Hà Nội. Các trường đại học, viện nghiên cứu khoa học thành viên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội là những cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ có quyền tự chủ cao, có pháp nhân như các trường đại học, viện nghiên cứu khoa học khác được quy định trong Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và Luật Khoa học - Công nghệ.
Cơ quan ĐHQGHN (11)
Văn phòng Đại học Quốc gia Hà Nội
Ban Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên
Ban Đào tạo
Ban Hợp tác và Phát triển
Ban Kế hoạch - Tài chính
Ban Khoa học và Công nghệ
Ban Thanh tra và Pháp chế
Ban Tổ chức và Cán bộ
Ban Xây dựng
Ban Xúc tiến đầu tư
Khối Văn phòng Đảng - Đoàn thể
Các trường đại học thành viên (09)
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (VNU-HUS)
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (VNU-USSH)
Trường Đại học Ngoại ngữ (VNU-ULIS)
Trường Đại học Công nghệ (VNU-UET)
Trường Đại học Kinh tế (VNU-UEB)
Trường Đại học Giáo dục (VNU-UEd)
Trường Đại học Việt - Nhật (VNU-VJU)
Trường Đại học Y Dược (VNU-UMP)
Trường Đại học Luật (VNU-UL)
Bệnh viện trực thuộc (02)
Bệnh viện Đại học Quốc gia Hà Nội.
Bệnh viện Đại học Y Dược.
Các trường trực thuộc (2)
Trường Quốc tế (IS)
Trường Quản trị và Kinh doanh (HSB)
Các khoa trực thuộc (2)
Khoa Các khoa học liên ngành (SIS)
Khoa Quốc tế Pháp ngữ (IFI)
Các trung tâm đào tạo trực thuộc (2)
Trung tâm Giáo dục Thể chất và Thể thao
Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh
Các viện nghiên cứu (6)
Viện nghiên cứu khoa học thành viên (5)
Viện Công nghệ Thông tin (ITI)
Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (IVIDES)
Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học (IMBT)
Viện Trần Nhân Tông (TNTI)
Viện Tài nguyên và Môi trường (CRES)
Viện nghiên cứu khoa học trực thuộc (1)
Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục (INFEQA)
Các đơn vị đào tạo khác (5)
Ngoài các đơn vị đào tạo bậc đại học và sau đại học, Đại học Quốc gia Hà Nội còn có các đơn vị đào tạo bậc phổ thông trực thuộc các trường đại học thành viên, bao gồm:
Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên (thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên)
Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn (thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn)
Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ (thuộc Trường Đại học Ngoại ngữ)
Trường THPT Khoa học Giáo dục (thuộc Trường Đại học Giáo dục)
Trường THCS Ngoại ngữ (thuộc Trường Đại học Ngoại ngữ)
Các đơn vị hỗ trợ và dịch vụ (15)
Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên
Trung tâm Thư viện và Tri thức số
Trung tâm Dự báo và phát triển nguồn nhân lực
Trung tâm Kiểm định Chất lượng giáo dục
Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN
Trung tâm Chuyển giao tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp
Trung tâm Phát triển ĐHQGHN tại Hòa Lạc
Nhà Xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội
Tạp chí Khoa học ĐHQGHN
Bệnh viện Đại học Quốc gia Hà Nội
Bệnh viện Đại học Y Dược (thuộc Trường Đại học Y Dược)
Ban Quản lý các dự án
Ban Quản lý Dự án Trường Đại học Việt Nhật
Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc
Ban Quản lý Dự án Phát triển các ĐHQG Việt Nam - Tiểu dự án ĐHQGHN
Các đơn vị thực hiện nhiệm vụ đặc biệt (8)
Trung tâm Hỗ trợ Nghiên cứu Châu Á
Văn phòng Hợp tác ĐHQGHN- ĐH Arizona
Văn phong các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm tại ĐHQGHN
Văn phòng Dự án Phát triển TT Tư liệu Việt Nam học tại ĐHQGHN
Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ
Quỹ phát triển ĐHQGHN
Câu lạc bộ Nhà khoa học ĐHQGHN
Câu lạc bộ Cựu sinh viên
Nhân sự
Hiệu trưởng các trường đại học thành viên, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc do Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội bổ nhiệm.
Đại học Quốc gia Hà Nội hiện có khoảng 4.393 giảng viên và nhân viên; là đại học có số lượng GS, PGS, TSKH, TS hàng đầu tại Việt Nam với:
62 Giáo sư
346 Phó Giáo sư
1.451 Tiến sĩ và Tiến sĩ khoa học
1.709 Thạc sĩ
Đại học Quốc gia Hà Nội là nơi tập trung đông đảo các giáo sư đầu ngành; lượng giảng viên có học vị thạc sĩ trở lên chiếm 90%.
Đào tạo
Đại học Quốc gia Hà Nội là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao, được Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển. Hiện tại,Đại học Quốc gia Hà Nội đang triển khai nhiều chương trình đào tạo thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, ngoại ngữ, công nghệ, kinh tế, giáo dục…, bao gồm:
140 chương trình đào tạo đại học
187 chương trình đào tạo thạc sĩ
115 chương trình đào tạo tiến sĩ
32 chương trình đào tạo đã được kiểm định AUN.
26 chương trình liên kết đào tạo quốc tế
Các cơ sở
Đại học Quốc gia Hà Nội có 7 cơ sở tại:
Quận Cầu Giấy:
144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội (Trụ sở chính)
Quận Hoàn Kiếm:
19 Lê Thánh Tông, Hoàn Kiếm, Hà Nội (Khoa Hóa học - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên)
Quận Thanh Xuân:
334-336 đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội
182 đường Lương Thế Vinh, Thanh Xuân, Hà Nội
Quận Hai Bà Trưng:
16 phố Hàng Chuối (Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội)
B7bis phố Trần Đại Nghĩa (Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn)
Tại Hòa Lạc:
Xã Thạch Hoà, huyện Thạch Thất, Hà Nội (Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh)
Tại Ba Vì:
Xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội (Trung tâm Hỗ trợ Đào tạo và Phát triển đô thị đại học)
Quận Nam Từ Liêm:
Đơn nguyên 1 và 2, Khu Ký túc xá Mỹ Đình II, đường Hàm Nghi, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
Trụ sở chính
Hiện tại trụ sở chính của Đại học Quốc gia Hà Nội tọa lạc tại địa chỉ: Số 144 Xuân Thủy, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Cơ sở Hòa Lạc
Ngày 27 tháng 1 năm 1995, Thủ tướng chính phủ có quyết định số 72/TTg về địa điểm Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Theo quyết định này, diện tích đất để quy hoạch xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội là 1000 ha, nằm trong phạm vi đất Nông trường 1A thuộc huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội).
Ngày 23 tháng 8 năm 2002, Thủ tướng chính phủ có quyết định số 702/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc. Số vốn dành cho dự án này tại thời điểm đó là 7320 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ trở thành một khu đô thị đại học lớn nhất Việt Nam, với đầy đủ các công trình công cộng bên trong như trường học, bưu điện, bệnh viện, trạm xe buýt, công viên và các khu vui chơi giải trí khác.
Mục tiêu là đến năm 2015 sẽ đưa một số đơn vị trực thuộc lên cơ sở Hòa Lạc, và vào năm 2025 sẽ chuyển toàn bộ Đại học Quốc gia Hà Nội cùng các cơ sở trực thuộc lên cơ sở mới tại Hòa Lạc. Ngày 30 tháng 9 năm 2008, Thủ tướng chính phủ có quyết định số 1404/QĐ-TTg về việc chuyển chủ đầu tư dự án xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hoà Lạc từ Đại học Quốc gia Hà Nội sang Bộ Xây dựng Số vốn dành cho dự án được ước tính sẽ vào khoảng 2.5 tỉ USD.
Ngày 20/12/2004, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã dự và phát lệnh khởi công Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc.
Tháng 12/2014, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tiếp nhận các cơ sở đầu tiên tại Hòa Lạc để đưa vào khai thác, sử dụng. Các cơ sở: Khu Nhà công vụ, Khu Ký túc xá số 4.
Ngày 20/12/2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tham dự lễ động thổ Trường Đại học Việt - Nhật thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.
Giám đốc qua các thời kỳ
Thi đua, khen thưởng |
Trang Tử (chữ Hán: 莊子; 369—286 TCN), có tên là Mông Lại (蒙吏), Mông Trang (蒙莊) hay Mông Tẩu (蒙叟), là một triết gia và tác gia Đạo giáo. Tên thật của ông là Trang Chu (莊周) và tác phẩm của ông sau đều được gọi là Trang Tử.
Ông sống vào thời Chiến Quốc, thời kỳ đỉnh cao của các tư tưởng triết học Trung Hoa với Bách Gia Chư Tử.
Tiểu sử
Cũng như Lão Tử, tư liệu sớm nhất chép về Trang Tử là ở bộ Sử ký của Tư Mã Thiên. Sử gia Tư Mã Thiên viết về Trang Tử khá vắn tắt: "Trang tử, người đất Mông, tên Chu, làm quan lại ở Vườn Sơn (Tất Viên)" sau đó sống ẩn dật cho đến cuối đời. Nhưng điều chắc chắn là Trang Tử sống cùng thời với Mạnh Tử và Huệ Thi thời Lương Huệ Vương và Tề Tuyên Vương. Đất Mông được xác định nằm trong đất Tống, thuộc tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) ngày nay. Trang Tử là một trong những nhà tư tưởng đặc biệt vào loại hạng nhất thời ấy, rất giỏi kể chuyện, có sức tưởng tượng vô cùng phong phú.
Cũng theo Tư Mã Thiên, Trang Tử là tác giả bộ Nam Hoa kinh gồm hơn mười vạn câu (thập dư vạn ngôn) để châm biếm cái học của Khổng Tử và xiển minh học thuật của Lão Tử. Miêu tả tính chất thoát tục của Trang, Sử ký Tư Mã Thiên có đoạn viết:
Uy vương nước Sở nghe nói Trang Chu là bậc hiền tài bèn sai sứ đem vàng lụa đến mời đón hứa cho làm tướng. Trang Chu cười nói với sứ giả rằng:
"Nghìn vàng là lợi to, khanh tướng là ngôi quý đấy. Nhưng ông không thấy con bò lúc tế giao hay sao? Nó được ăn mấy năm, được mặc đồ vóc thêu để đưa vào nhà thái miếu. Lúc bấy giờ, muốn làm con lợn nhỏ có được không? Ông đi ngay cho, đừng làm bẩn đến ta. Ta chỉ chơi đùa trong nơi ngòi vũng để tự vui, không để cho kẻ có nước trói buộc, trọn đời không ra làm quan để thoả chí ta."
(Nguyên văn Hán-Việt: Thiên kim trọng lợi, khanh tướng tôn vị dã. Tử độc bất kiến giao tế chi hỉ ngưu hồ? Dưỡng thực chi sổ tuế, y dĩ văn tú, dĩ nhập Thái miếu. Đương thị chi thời, tuy dục vi cô đồn, khởi hà đắc hồ? Tử cức khứ, vô ô ngã, ngã ninh du hí ô trọc chi trung tự khoái.)
Chí khí của bậc hiền triết Trang Tử cũng giống như căn bản nền tảng tư tưởng Đạo gia: ẩn dật mà khoáng đạt, quay trở về cuộc sống hòa hợp với tự nhiên, không muốn tham dự vào tranh quyền đoạt lợi, xa lánh những hệ lụy cuộc đời. Gần như đối lập với đạo Khổng mang bản thể trần tục, ưa thực tế, trọng thực nghiệm và đặc biệt tôn trọng chủ nghĩa nhân văn, Trang Tử kế tiếp truyền thống tư tưởng của Lão Tử, phát triển thành một hệ phái mà sau này người ta thường gọi một cách vắn tắt là Lão-Trang.
Khác với Lão Tử cuối cùng vì chán ngán xã hội Trung Hoa đương thời đã vượt cửa ải Hàm Cốc, mất tích về phương Tây; với Trang Tử, người đời thường nhắc đến "Trang Chu mộng hồ điệp" như một huyền thoại.
Nam Hoa chân kinh
Theo Từ điển Thành ngữ Trung Quốc thì Nam Hoa là tên một hòn núi ở Tào Châu thuộc nước Tống thời xưa.
Tương truyền rằng, khi Trang Tử đến ở ẩn nơi chân núi Nam Hoa, ông đem hết tinh hoa của Đạo giáo của Lão Tử viết thành bộ sách, lấy tên núi Nam Hoa mà đặt, gọi là Nam Hoa kinh, đời sau người ta gọi là "sách Trang Tử".
Văn chương trong Nam Hoa kinh rất có tiết tấu, nhiều câu dùng phép biền ngẫu, lời văn luôn luôn bóng bẩy, trôi chảy, ảnh hưởng rất lớn đến các thi nhân đời sau như Kê Khang, Nguyễn Tịch, Sơn Đào,... và ngay cả đời nhà Đường như Lý Bạch, đời nhà Tống như Tô Đông Pha.
Nam Hoa kinh, theo sách Hán thư Nghệ văn chí, gồm 55 thiên, nhưng ngày nay còn được 33 thiên. Cũng theo truyền thuyết là do Quách Tượng san định và sau này sắp xếp đặt tên Thiên Chương. Không ai biết được rằng quá trình sắp xếp, san định ấy đã làm tổn thất 19 chương hay do đã thất lạc từ trước. Câu hỏi này thật khó giải đáp vì bản hiện nay được hoàn chỉnh vào đời nhà Tấn (thế kỷ thứ 3), cách xa Trang đà hơn 500 năm. Các bản dịch Nam Hoa kinh tương đối phổ biến ở Việt Nam hiện nay là của Nhượng Tống, Nguyễn Duy Cần, Nguyễn Hiến Lê và Nguyễn Tôn Nhan. Mỗi dịch giả một văn cách, phiêu diêu có, cao nhã có nhưng cốt yếu thì chỗ nhất quán trong tư tưởng của Trang Chu vẫn được tuyệt chú.
Nam Hoa kinh (hay còn gọi là Nam Hoa chân kinh) gồm ba phần:
Nội thiên - gồm 7 thiên có tựa đề là: Tiêu dao du, Tề vật luận, Dưỡng sinh chủ, Nhân gian thế, Đức sung phù, Đại tôn sư, Ứng đế vương.
Ngoại thiên - gồm 15 thiên có tựa đề là: Biền mẫu, Mã đề, Khứ cự, Tại hựu, Thiên địa, Thiên đạo, Thiên vận, Khắc ý, Thiện tính, Thu thủy, Chí lạc, Đạt sinh, Sơn mộc, Điền tử phương, Tri bắc du.
Tạp thiên - gồm 11 thiên: Canh tang sở, Từ vô quỷ, Tắc dương, Ngoại vật, Ngụ ngôn, Nhượng vương, Đạo chích, Thuyết kiếm, Ngư phủ, Liệt ngự khấu, Thiên hạ.
Cao đài từ điển cho biết (theo nguồn Trang Tử tinh hoa): có 5 nhà làm sách chú thích Nam Hoa kinh, nhưng số thiên của mỗi nhà chú thích lại khác nhau:
Bản chú thích của Tư Mã Bưu, 21 quyển, 52 thiên. Nội thiên có 7, Ngoại thiên có 28 và Tạp thiên có 14, Giải thuyết có 3 thiên. Bản chú nầy hiện nay đã thất lạc.
Bản chú của Mạnh Thị, 18 quyển 52 thiên. Bản nầy cũng bị thất lạc.
Bản chú của Thôi Soạn, 10 quyển 27 thiên. Nội thiên có 7, Ngoại thiên có 20. Quyển sách nầy cũng đã mất.
Bản chú của Hướng Tú, 20 quyển 26 thiên, không có Tạp thiên. Bản nầy cũng đã mất.
Bản chú của Quách Tượng, 33 quyển 33 thiên. Nội thiên có 7, Ngoại thiên có 15, Tạp thiên có 11. Bản nầy hiện còn nhưng sửa lại còn 10 quyển.
Về sau có Tiêu Hoằng làm ra pho sách Trang Tử Dực, gom góp các lời chú giải của những người trước, từ Quách Tượng trở đi, có lối 22 người. Có thể nói đây là một pho tạp chú rộng rãi và đầy đủ, rồi phần sau lại có phụ thêm phần Trang Tử Khuyết Ngộ, gom góp những chỗ sai biệt từ cuốn Nam Hoa Kinh Giải của Lục Cảnh Ngưu đời Tống đến các tài liệu trong Sử Ký, sách Trang Tử Luận của Nguyễn Tịch, Vương An Thạch, sách Trang Tử Từ Đường Ký của Tô Đông Pha,... Tóm lại, hầu hết các sách của các học giả nghiên cứu về Trang Tử đều được Tiêu Hoằng đọc và trích lục đầy đủ.
Căn cứ vào văn mạch của Trang Tử, chỉ có phần Nội thiên là biểu thị được cái chỗ trọng yếu của học thuyết của Trang Tử; còn Ngoại thiên và Tạp thiên thì rất rời rạc, chỉ bàn đi bàn lại những tư tưởng đã phô diễn trong Nội thiên mà thôi. Riêng Tạp thiên bị xem là văn phong bác tạp không thuần nhất, thậm chí có nhiều chương bị coi là vụng về thô thiển như chương Đạo chích, Ngư phủ, tư tưởng tạp loạn, chê bai Khổng Tử một cách vụng về.
Tư tưởng triết học
Kế thừa truyền thống của triết học cổ Trung Quốc, nguyên tắc trình bày quan điểm triết học của Trang Tử là "có lời vì ý, được ý quên lời". Vì vậy, tư tưởng triết học của ông được biểu hiện một cách đơn sơ lại huyền hoặc, nửa sáng, nửa tối, cảm nhận được nhưng không thể diễn đạt bằng lời mà phải bằng chiêm nghiệm thực tế. "Nó giống như một bức tranh mộc mạc, đường nét đơn sơ, nhưng lại chứa đựng tất cả vì tất cả đang biến động, biến hóa như rồng uốn lượn, cuộn mình tan lẫn trong mây". Trang Tử - mặc dù rất có công trong việc mài dũa viên ngọc "đạo" của Lão Tử nhưng hết sức đề cao sự thực hành bằng chính bản thân cuộc sống theo "đạo" (nguồn sống, đạo sống) hơn là việc suy ngẫm những triết lý thâm trầm về đạo. Sự gợi mở trong cách cảm nhận về học thuyết của mình khiến cho Nam hoa chân kinh giữ được khoảng trống sáng tạo cho nhiều thế hệ độc giả. Có thể hiểu một cách khái lược tư tưởng triết học của Trang Tử như sau:
Vô danh. Tử viết: "Đạo chẳng thể nghe được, nghe được không phải là nó. Đạo chẳng thể thấy được, thấy được không phải là nó. Làm sao lấy trí mà hiểu được cái hình dung của cái không hình dung được? Vậy không nên đặt tên cho đạo" (Tri bắc du). Khác với học thuyết Chính danh và đường lối hữu vi của Khổng Tử, ông cho rằng đạo không thể diễn đạt bằng lời, "Duy Kỳ vì ham mê, muốn tỏ rõ nó nên suốt đời mờ tối" (Tề vật luận) còn "phần tinh túy của chí đạo thì mờ mịt, huyền ảo. Chỗ rất mực của đạo thì lặng hẳn, tối ráo" (Tại hựu).
Vô thường. Trạng thái vận động, không ngừng biến đổi của vũ trụ và vạn vật chính là "sự sống" của đạo. Thiên hạ có đoạn viết rất hay về nội dung cốt lõi trong tư tưởng này của ông khi đem so sánh đạo với con rồng uốn lượn, luôn luôn biến đổi: "Thoắt lặng không hình, biến hóa không thường, chết chăng, sống chăng? Muôn vật la liệt, không có gì đáng là nơi để ta về". Đây cũng là chỗ khác biệt giữa Lão và Trang. Trong Đạo đức kinh của Lão Tử luôn luôn thể hiện các mặt đối lập trong đạo: âm-dương, cương-nhu, sống-chết..., với Trang Tử, tất cả chỉ có một - trong sự biến hóa không ngưng nghỉ.
Đông Quách Tử hỏi Trang Tử:
- "Đạo ở đâu?"
-Không chỗ nào không có.
"Xin chỉ ra mới được?"
-Trong con kiến. Trong cọng cỏ. Trong miếng sành vỡ.... Lời của ông chẳng đi đến đâu cả. Đừng chỉ hẳn vào vật nào có nó (đạo), vì không có vật nào là không có nó. Đạo lớn là thế. (Tri bắc du)
Đức: Giống như đức của Mặt Trời là sáng và nóng, đức của nước là lạnh và tuôn chảy, của gió là mát và dịch chuyển, đức của con người cũng là một trạng thái tự nhiên không ràng buộc với bất kỳ mối quan hệ xã hội nào. "Đức của người thọ ở nơi đất trời, hãy biết gìn giữ nó tột cùng, đừng làm hư hại nó" (Dưỡng sinh chủ). Vì đức tự nhiên như "bò ngựa bốn chân thì thuộc về trời, còn thòng cổ ngựa, xâu cổ bò là thuộc về người" nên đức có đời sống độc lập, vận động theo lẽ lớn của tạo hóa và đạo.
Vô vi: Từ các quan điểm triết học nêu trên, tư tưởng nhân sinh căn bản trong Nam hoa kinh của Trang Tử là vô vi - mẫu mực sống của các bậc thánh nhân - đứng ở chỗ khôn lường mà chơi ở miền không có. Vô vi hành động theo lẽ tự nhiên nhi nhiên, vô tư, hồn nhiên như trẻ thơ "giữ tâm điềm đạm, khí điềm tĩnh, thuận theo tự nhiên mà không theo ý riêng của mình" (Ứng đế vương). Cũng giống như Vô vi của Lão Tử là "vô vi nhi vô bất vi" nhưng mới hơn ở Trang Tử là không thái quá và biết phá bỏ những gì cản trở cho sự phát triển tự nhiên của vạn vật, làm cho mọi vật đều được tự do, bình đẳng sống theo đúng bản tính, sở thích tự nhiên của nó.
Tiêu dao du cùng Trang Tử
Tiêu dao (tiêu diêu) là tự do tự tại, du là ngao du. Tiêu dao du có nghĩa là ngao du, rong chơi tự do tự tại. Những câu chuyện trong Tiêu dao du vận dụng tối đa nghệ thuật tưởng tượng, hư cấu vào ý thức sáng tác, kết hợp với cơ sở sự thật. Biệt tài kể chuyện ngụ ngôn của Trang Tử khiến ông không những xứng đáng là một triết gia mà còn là một tác gia văn học với hàng ngàn tỉ dụ trong văn chương. Vì thế, ông còn được xem là ông tổ của phái văn học u mặc trào lộng của nước Tàu từ xưa đến nay. Văn trong Nam hoa kinh toàn dùng lối nghịch thuyết, tức là lối nói nghịch để bổ túc những chân lý phiến diện của người đời. Bởi vậy, văn chương trong Nam Hoa chân kinh rất ngang dọc, phóng túng, khi nói xuôi, khi nói ngược, nói Đông để đả kích phía Tây, nói phải để tỏ thêm cái quấy, nói quấy để bổ túc cho cái phải.
Thiên thứ nhất của Nam Hoa kinh, Tiêu dao du kể rằng: "Biển bắc có con cá tên là Côn, lớn không biết mấy ngàn dặm. Nó biến thành con chim tên là Bằng, lưng của con chim Bằng lớn cũng không biết mấy ngàn dặm. Khi con chim Bằng ấy vỗ cánh bay lên cao, hai cánh nó lớn như đám mây che cả bầu trời. Loài chim ấy, khi biển động, sóng lớn gầm gào, nó liền chuyển về biển nam. Chỗ biển nam ấy là một cái ao vĩ đại do thiên nhiên tạo thành".
"Một con ve và một con chim nhỏ cười chim Bằng rằng: 'Ta cố sức bay lên cây du, có lúc bay không tới nơi đã rơi xuống cũng chẳng sao, việc gì cần phải bay cao chín vạn dặm đến biển Nam làm gì?'. Người đi đến cánh đồng ngoài chân thành, chỉ cần chuẩn bị ba bữa cơm là đủ quay về, bụng vẫn còn no, còn nếu muốn đi xa nơi trăm dặm thì cần chuẩn bị lương thực một ngày, nếu muốn đi xa ngàn dặm, cần chuẩn bị lương thực ba tháng. Hai con vật nhỏ bé ấy mà biết cái gì?"
... Đem loài chim Bằng so với loài côn trùng bé nhỏ (con Côn); chỗ này tư tưởng Trang gặp điểm "bất nhị" của Phật học. Chim Bằng lớn có thú vui lưng chở trời xanh, chim Côn nhỏ có niềm hân hoan chưa bay cao mà đã rơi xuống, suy cho cùng, lớn-nhỏ chỉ là cái bên ngoài, còn tự tại thung dung thì không tách bạch.
Tiêu dao du, ngay từ những dòng đầu đã tỏ cái chí "du tử" của tác giả. Khác với chỗ đắc đạo của Lão Tử "rụt rè như mùa đông lội qua sông, nghỉ ngơi như sợ láng giềng bốn bên, nghiêm chỉnh như một người khách", chỗ phóng nhiệm của Trang Tử bày biện khoáng đạt, rộng rãi như con chim Bằng bay qua biển Nam... Học thuyết của Trang Tử trong Nam Hoa chân kinh, vì thế trở nên vô cùng sinh động, kiến chiếu dưới nhãn quan của một hành giả đắc đạo "không hành, tuyệt đích".
Những lời bình về Trang Tử
Sống trong thời kỳ lịch sử có nhiều biến động dữ dội, Trang Tử được coi là nhà tư tưởng lớn về đạo học trong triết học cổ Trung Quốc. Một người "thà chịu kéo lê cái đuôi trong bùn" để giữ nhân cách và bản lĩnh, tâm hồn thanh sạch của mình giữa vô vàn tạp loạn xã hội. Cuộc đời của Trang Tử gắn liền với giấc mơ bướm huyền thoại, gắn với vô số những trùng ngôn, ngụ ngôn sinh động, hấp dẫn. Các học giả khi nghiên cứu về Trang Tử đều cho rằng "khó có thể hiểu và trình bày đầy đủ, hệ thống triết học của ông".
Tư Mã Thiên viết: "Sách ông viết có hơn mười vạn chữ, đại để đều là ngụ ngôn. Văn ông viết khéo, lời lẽ thứ lớp, chỉ việt tả tài tình để bài bác bọn Nho-Mặc. Đương thời những bậc túc học cũng không sao cãi để gỡ lấy mình cho nổi. Lời văn phóng túng mênh mông, cầu lấy sự ý thích của mình mà thôi. Cho nên các bậc vương công không ai biết nổi ông là người thế nào" Thanh Hán đời Tống lại cho rằng: "Cần lấy Trang Tử mà giải Trang Tử, tuyệt không tin vào ai, mà dưới cũng không bắt ai theo Trang Tử". Đời Thanh, Lâm Tây Trọng quan niệm: "Cần lấy Trang Tử để giải thích Trang Tử, nhưng phải hiểu được cả sở trường Nho-Phật-Đạo mới nên đọc sách này"
Về Trang Tử, nhìn từ góc độ triết học, tư tưởng học hay văn học đều thấy được sự phong phú nổi trội trong cách thức biểu hiện: một Đạo gia "phóng nhiệm", "tài tử", "ngông" và đầy sáng tạo.
Khái niệm chủ yếu
"Không cốc túc âm" (Lũng rỗng, tiếng chân) - Trang Tử viết trong chương Từ Vô Quỷ (徐無鬼): Phu đào hư không giả... văn nhân túc âm cung nhiên nhi hỉ hỹ (夫逃虛空者...聞人足音跫然而喜矣), nghĩa là "Phàm người chạy trốn vào chỗ trống không, nghe có tiếng chân người đi thì tất vui vậy".
"Minh kính chỉ thủy" - Trang Tử viết trong chương Đức Sung Phù (德充符): Bồ đề bản vô thụ, minh kính diệc phi đài, Nhân mạc giám ư lưu thủy, nhi giám ư chỉ thủy (菩提本無樹、明鏡亦非臺...人莫鑑於流水、而鑑於止水), có nghĩa là "Bồ đề vốn không phải là cây, gương sáng cũng không phải là đài. Người chẳng soi ở nước chảy, mà soi ở nước dừng".
Thư mục
Về tác giả
"Truyện Trang Tử" trong Sử ký Tư Mã Thiên, Nhữ Thành dịch, Hà Nội: Nhà xuất bản Văn học, 1988
Các bản dịch tác phẩm
Trang Tử, Nam Hoa Kinh, tựa, tổng luận và lời giải của Lâm Tây Trọng, bản dịch và lời bàn của Nhượng Tống, Hà Nội: Nhà xuất bản Tân Việt, 1944; tái bản: Hà Nội: Nhà xuất bản Văn học & Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2001.
Trang tử, Nam Hoa Kinh, Thu Giang Nguyễn Duy Cần dịch và bình chú, Sài Gòn: Nhà sách Khai Trí xb, 1963; tái bản, Nhà xuất bản Hà Nội, 1992.
Trang tử và Nam Hoa Kinh, Nguyễn Hiến Lê giới thiệu và chú dịch, Hà Nội: Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, 1994.
Trang Tử, Nam Hoa Kinh, Nguyễn Tôn Nhan dịch, 1999.
Về triết học của Trang tử
Thu Giang Nguyễn Duy Cần, Trang Tử tinh hoa, 1956, in lần thứ 2, 1963.
Phùng Hữu Lan, Đại cương triết học sử Trung Quốc, Chương X: "Giai đoạn thứ ba của Đạo gia: Trang tử". Nguyễn Văn Dương dịch, Sài Gòn: Ban Tu thư Viện Đại học Vạn Hạnh, 1968; tái bản: Hà Nội: Nhà xuất bản Thanh Niên, 1999
Đại cương lịch sử triết học Trung Quốc, Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 2004
Chú thích
nguyên lí vũ trụ và chân lí của nó, khổ đau muôn loài và cách khắc phục |
Bromine (bắt nguồn từ từ tiếng Pháp brome /bʁom/), còn được viết là bờ-rôm, brom, là nguyên tố hóa học thứ 3 thuộc nhóm Halogen (bao gồm fluor, clo, brom, iod, astatin, tennessine), có ký hiệu Br và số nguyên tử 35. Cả nhóm Halogen thuộc nhóm VIIA trong bảng hệ thống tuần hoàn.
Bromine là một chất lỏng bốc khói màu nâu đỏ ở nhiệt độ phòng. Nó bốc hơi dễ dàng để hình thành chất khí màu tương tự. Thuộc tính của bromine là trung gian giữa clo và iod. Bromine được phát hiện độc lập bởi hai nhà hóa học Carl Jacob Löwig (năm 1825) và Antoine Jérôme Balard (năm 1826).
Bromine nguyên chất có tính phản ứng rất mạnh và do đó không tồn tại bromine ở dạng tự do trong tự nhiên. Nó chủ yếu tồn tại trong các dạng muối halogen khoáng tinh thể hòa tan không màu, tương tự như muối ăn. Trong khi brom khá hiếm trong vỏ Trái Đất, độ hòa tan cao của các ion bromide (Br-) đã khiến cho tích lũy của nó trong các đại dương là khá lớn. Có thể dễ dàng tách brom từ các hồ nước muối, chủ yếu ở Hoa Kỳ, Israel và Trung Quốc. Trữ lượng của brom trong các đại dương là khoảng 1/300 trữ lượng của clo.
Lịch sử
Brom được hai nhà hóa học Antoine Balard và Carl Jacob Löwig phát hiện độc lập với nhau năm 1825 và 1826.
Balard tìm thấy các muối bromide trong tro của tảo biển từ các đầm lầy nước mặn ở Montpellier năm 1826. Tảo biển được sử dụng để sản xuất iod, nhưng cũng chứa brom. Balard chưng cất brom từ dung dịch của tro tảo biển được bão hòa bằng clo. Các tính chất của chất thu được là tương tự như của chất trung gian giữa clo và iod, với các kết quả này ông cố gắng để chứng minh chất đó là monoclorua iod (ICl), nhưng sau khi thất bại trong việc chứng minh điều đó ông đã tin rằng mình đã tìm ra một nguyên tố mới và đặt tên nó là muride, có nguồn gốc từ tiếng Latinh muria để chỉ nước mặn.
Carl Jacob Löwig đã cô lập brom từ suối nước khoáng tại quê hương ông ở thị trấn Bad Kreuznach năm 1825. Löwig sử dụng dung dịch của muối khoáng này được bão hòa bằng clo và tách brom bằng dietylête. Sau khi cho bốc hơi ete thì một chất lỏng màu nâu còn đọng lại. Với chất lỏng này như một mẫu vật cho công việc của mình ông đã xin một vị trí tại phòng thí nghiệm của Leopold Gmelin tại Heidelberg. Sự công bố các kết quả bị trì hoãn và Balard đã công bố các kết quả của mình trước.
Sau khi các nhà hóa học Pháp là Louis Nicolas Vauquelin, Louis Jacques Thénard và Joseph-Louis Gay-Lussac đã xác nhận các thực nghiệm của dược sĩ trẻ Balard, các kết quả được thể hiện trong bài thuyết trình của Académie des Sciences và công bố trong Annales de Chimie et Physique. Trong bài công bố của mình Balard thông báo rằng ông đổi tên từ muride thành brome theo đề nghị của M. Anglada. Các nguồn khác lại cho rằng nhà hóa học và nhà vật lý Pháp Joseph-Louis Gay-Lussac đã gợi ý tên gọi brome do mùi đặc trưng của hơi của chất này. Brom đã không được sản xuất ở lượng cần thiết cho tới tận năm 1860.
Sử dụng thương mại đầu tiên, ngoài các ứng dụng nhỏ trong y học, là sử dụng brom trong daguerreotype. Năm 1840 người ta phát hiện ra rằng brom có một số ưu thế so với hơi iod được sử dụng trước đó để tạo ra lớp halide bạc nhạy sáng trong daguerreotype.
Bromide kali và bromide natri từng được sử dụng như là thuốc chống co giật và giảm đau vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, cho tới khi chúng dần dần bị thay thế bởi chloral hydrat và sau đó là bằng các barbiturat.
Trạng thái tự nhiên
Brom tồn tại trong tự nhiên chủ yếu ở dạng hợp chất, màu đỏ nâu, hầu hết là muối bromide của kali, natri và magie. Hàm lượng brom trong tự nhiên ít hơn so với clo và fluor. Bromide kim loại có trong nước biển và nước hồ. Brom và hơi brom rất độc. Brom rơi vào da gây bỏng nặng.
Đồng vị
Brom có 2 đồng vị ổn định: Br79 (50,69 %) và Br81 (49,31%) và ít nhất là
23 đồng vị phóng xạ đã biết là tồn tại. Nhiều đồng vị của brom là các sản phẩm phân hạch hạt nhân. Một vài đồng vị nặng của brom từ phân hạch là các nguồn bức xạ neutron trễ. Tất cả các đồng vị phóng xạ của brom đều có thời gian tồn tại tương đối ngắn. Chu kỳ bán rã dài nhất thuộc về đồng vị nghèo neutron Br77 là 2,376 ngày. Chu kỳ bán rã dài nhất bên nhóm giàu neutron thuộc Br82 là 1,471 ngày. Một loạt các đồng vị của brom thể hiện các trạng thái đồng phân giả ổn định. Đồng vị ổn định Br79 cũng có trạng thái đồng phân phóng xạ có chu kỳ bán rã 4,86 giây. Nó phân rã bởi chuyển tiếp đồng phân tới trạng thái nền ổn định.
Điều chế
Nguồn chính điều chế brom là nước biển. Sau khi đã lấy muối ăn (NaCl) ra khỏi nước biển, phần còn lại chứa nhiều muối bromide của kali và natri. Sau đó, sục khí clo qua dung dịch, ta có phản ứng hóa học sau:
2NaBr + Cl2 → 2NaCl+ Br2
Sau đó, chưng cất dung dịch, brom sẽ bay hơi rồi ngưng tụ lại.
Tính chất
Brom là chất oxy hóa mạnh nhưng kém hơn clo. Brom phản ứng với hydro khi đun nóng (không gây nổ như clo)
H2(k) + Br2(l) → 2HBr(k)
Brom oxy hóa được ion I-:
Br2 + 2NaI → 2NaBr + I2
Brom tác dụng được với nước nhưng khó khăn hơn Clo:
Br2 + H2O → HBr + HBrO
Brom còn thể hiện tính khử khi tác dụng với chất oxy hóa mạnh:
Br2 + 5Cl2 + 6H2O → 2HBrO3 + 10HCl
Ứng dụng
Brom dùng để chế tạo một số dược phẩm, phẩm nhuộm,.... Nó cũng được dùng chế tạo AgBr (bromide bạc) là chất nhạy với ánh sáng để tráng lên phim ảnh, chế tạo Sky-er
Ghi chú |
Vanadi (tên La tinh: Vanadium) là một nguyên tố hóa học đặc biệt trong bảng tuần hoàn có ký hiệu V và số hiệu nguyên tử 23. Nó làm chất xúc tác cho nhiều phản ứng hóa học. Là một kim loại hiếm, mềm và dễ kéo thành sợi, vanadi là một thành phần được tìm thấy trong nhiều khoáng chất và được sử dụng để sản xuất một số hợp kim.
Lịch sử
Vanadi được phát hiện năm 1801 bởi Andrés Manuel del Río, một nhà khoáng vật học Mexico sinh tại Tây Ban Nha. Del Río tách nguyên tố từ một mẫu quặng "chì đen" Mexico, sau đó được đặt tên là vanadinit. Ông phát hiện rằng các muối của nó có nhiều màu khác nhau, và sau đó ông đặt tên cho nguyên tố là panchromium (Greek: παγχρώμιο "tất cả màu sắc"). Sau đó, Del Río đổi tên thành erythronium (Greek: ερυθρός "màu đỏ") do hầu hết các muối của nó chuyển sang màu đỏ khi nung. Năm 1805, nhà hóa học Pháp Hippolyte Victor Collet-Descotils, được sự ủng hộ bởi người bạn của Río là Baron Alexander von Humboldt, đã tuyên bố không chính xác rằng nguyên tố mới do Río phát hiện chỉ là một mẫu crom không tinh khiết. Del Río đồng ý đề nghị của Collet-Descotils, và rút lại tuyên bố của mình.
Năm 1831, nhà hóa học Thụy Điển, Nils Gabriel Sefström, phát hiện lại nguyên tố ở dạng oxide mới, ông phát hiện ra nó khi xử lý với quặng sắt. Cuối năm đó, Friedrich Wöhler đã xác nhận lại công trình trước đây của del Río. Sefström chọn tên bắt đầu bằng ký tự V, lúc này chưa đặt cho nguyên tố nào khác. Ông gọi nguyên tố đó là vanadium theo tên của Old Norse Vanadís, do nhiều hợp chất hóa học có màu sắc đẹp mà nó tạo ra. Năm 1831, nhà địa chất học George William Featherstonhaugh đề nghị rằng vanadium nên được đổi tên là "rionium" theo tên của del Río, nhưng đề nghị này không được ủng hộ.
Việc cô lập kim loại vanadi gặp khó khăn. Năm 1831, Berzelius thông báo về việc sản xuất kim loại, như Henry Enfield Roscoe cho biết rằng Berzelius đã tạo ra được nhưng thực chất là một nitride, vanadi nitride (VN). Roscoe từ từ đã tạo ra kim loại năm 1867 bằng cách khử vanadi(II) chloride, VCl2, với hydro. Năm 1927, vanadi nguyên chất được tạo ra bằng cách khử vanadi(V) oxide với calci. Lượng vanadi dùng trong công nghiệp với quy mô lớn đầu tiên trong thép được tìm thấy trong khung của Ford Model T, lấy cảm hứng từ các xe đua của Pháp. Thép vanadi làm giảm trọng lượng và tăng độ bền kéo.
Đặc điểm
Vanadi là một kim loại màu xám bạc mềm, dễ uốn. Nó có khả năng chống ăn mòn tốt, và bền đối với các chất kiềm và các acid sulfuric và acid clohiđric. Nó bị oxy hóa trong không khí ở 933 K (660 °C, 1220 °F), mặc dù một lớp oxide được tạo thành ở nhiệt độ phòng.
Đồng vị
Vanadi xuất hiện trong tự nhiên là hỗn hợp của một đồng vị bền 51V và một đồng vị phóng xạ 50V. Đồng vị phóng xạ có chu kỳ bán rã 1,5×1017 năm và chiềm 0,25%.51V có spin hạt nhân 7/2, có ích cho quang phổ học NMR. Có 24 đồng vị nhân tạo đã được miêu tả đặc điểm với số khối từ 40 đến 65. Đồng vị bền nhất trong số này là 49V, có chu kỳ bán rã 330 ngày, và 48V là 16,0 ngày. Tất cả các đồng vị phóng xạ còn lại có chu kỳ bán rã nhỏ hơn 1 giờ, và đa số trong đó có chu kỳ bán rã nhỏ hơn 10 giây. Có ít nhất 4 đồng vị có các trạng thái kích thích. Bắt electron là cơ chế phân rã chính đối với các đồng vi nhẹ hơn 51V, còn các đồng vị nặng hơn thì cơ chế chủ yếu là phân rã beta. Các phản ứng bắt electron sẽ tạo thành các đồng vị của nguyên tố 22 (titan), trong khi phân rã beta thì tạo thành các đồng vị của nguyên tố 24 (crom).
Các hợp chất
Đặc điểm hóa học của vanadi đáng chú ý là 4 trạng thái oxy hóa. Các trạng thái oxy hóa phổ biến nhất là +2 (tử đinh hương), +3 (lục), +4 (lam) và +5 (vàng). Các hợp chất vanadi(II) là các chất khử, và vanadi(V) là các chất oxy hóa, trong khi các hợp chất vanadi(IV) thường tồn tại dạng các dẫn xuất vanadyl chứa VO2+ ở tâm.
Amoni metavanadat (NH4VO3) có thể tác dụng với kẽm tạo ra các màu khác nhau của vanadi ở bốn trạng thái oxy hóa phổ biến. Các trạng thái oxy hóa thấp hơn ở dạng hợp chất như V2O (+1), V(CO)6 (0), V(CO)6- (-1) và các dẫn xuất bị thay thế.
Pin khử vanadi kết hợp các trạng thái oxy hóa này; sự chuyển đổi của các trạng thái oxy hóa này được minh họa bởi sự khử của các dung dịch acid mạnh của hợp chất vanadi(V) với bột kẽm. Đặc điểm màu vàng ban đầu của ion vanadat, , bị thay thế bằng màu xanh dương của [VO(H2O)5]2+, sau đó là màu lục của [V(H2O)6]3+ và sau cùng là màu tím của [V(H2O)6]2+.
Hợp chất thương mại quan trọng nhất là vanadi(V) oxít, được dùng làm chất xúc tác trong sản xuất acid sunfuric. Hợp chất này oxy hóa lưu huỳnh dioxide () tạo thành trioxide (). Trong phản ứng oxy hóa khử này, lưu huỳnh bị oxy hóa từ trạng thái +4 thành +6, và vanadi bị khử từ +5 xuống +3:
V2O5 + 2SO2 → V2O3 + 2SO3
Chất xúc tác được tạo thành bằng cách oxy hóa vanadi trong không khí:
V2O3 + O2 → V2O5 SO2+O2 (xúc tác:V2O5)→ SO3 |
<span dir="ltr" lang="vi">Cú pháp ngôn ngữ C++ là tập hợp các quy tắc nhằm xác định cách thức viết và dịch trong ngôn ngữ lập trình C++.
Vì C++ là ngôn ngữ được thiết kế để có thể hoạt động tương thích với ngôn ngữ C nên hai ngôn ngữ này chia sẻ nhau nhiều điểm chung trong cú pháp. Đối với các cấu trúc câu lệnh thông thường, các hàm, biến, và kiểu dữ liệu cơ bản xin xem thêm bài cú pháp C. Bài này chỉ tập trung vào các chủ đề căn bản mà ngôn ngữ C không có trong đó bao gồm việc hỗ trợ các mẫu hình lập trình tiêu bản và lập trình hướng đối tượng của C++.
Chức năng Hướng đối tượng
Lớp
Định nghĩa lớp cơ bản
Việc sử dụng lớp trong một chương trình C++ có hai phần chính là phần định nghĩa lớp và phần khai báo và truy cập các thành viên của một đối tượng có kiểu là một lớp cho trước.
Định nghĩa thông thường của một lớp cơ bản không kế thừa từ bất kì lớp nào khác:
class MyClass // tên lớp
{
public:
(danh sách các thành viên có đặc tính công cộng)
private:
(danh sách các thành viên có đặc tính riêng tư)
protected:
(danh sách các thành viên có đặc tính bảo tồn)
}; // dấu chấm phẩy chấm dứt câu lệnh
Lưu ý: khi các từ khoá đặc tính public:, private: và protected: không có mặt thì toàn bộ các thành viên của lớp sẽ được hiểu mặc định là có đặc tính riêng tư (private).
Dùng khai báo biến myVar làm một thực thể (instance) của lớp MyClass:
Định nghĩa lớp con
Định nghĩa thông thường của một lớp con kế thừa từ lớp MyClass. Trong thí dụ dưới đây thì [đặc_tính] có thể thay bằng một trong ba từ khoá đặc tính public:, private: và protected: hoặc nếu bỏ qua không viết ra thì đặc tính kế thừa mặc định của lớp con sẽ là "riêng tư".
class MySubClass: [đặc_tính] MyClass
{
public:
(danh sách các thành viên có đặc tính công cộng)
private:
(danh sách các thành viên có đặc tính riêng tư)
protected:
(danh sách các thành viên có đặc tính bảo tồn)
}; // dấu chấm phẩy chấm dứt câu lệnh
Định nghĩa thông thường của một lớp con kế thừa từ hai lớp MyClass1 và MyClass2. Tương tự trên, [đặc_tính] có thể thay bằng một trong ba từ khoá đặc tính public:, private: và protected: hoặc nếu bỏ qua không viết ra thì đặc tính kế thưà mặc định của lớp con sẽ là "riêng tư".
class MySubClass: [đăc_tính] MyClass1, [đăc_tính] MyClass2
{
public:
(danh sách các thành viên có đặc tính công cộng)
private:
(danh sách các thành viên có đặc tính riêng tư)
protected:
(danh sách các thành viên có đặc tính bảo tồn)
}
Khai báo một biến đối tượng
Biến đối tượng thông thường
Biến đối tượng có thể khai báo hay đôi khi còn gọi là thực thể hoá tùy theo cách xây dựng lớp của người lập trình. Thường quá trình xác lập này được tiến hành thông qua các hàm dựng. Dĩ nhiên, người ta có thể dùng ngay cả các phương thức thường dùng như là dùng tham chiếu (tức là dùng định nghĩa con trỏ), dùng mảng, dùng cấu trúc, hay phức tạp hơn (mảng tham chiếu chẳng hạn) để khai báo một biến đối tượng. (Xem thêm Cú pháp ngôn ngữ C.) Trong mọi trường hợp này thì kiểu của biến đối tượng được xem là lớp mà nó khai báo. Thí dụ:
MyClass A10; //biến thông thường
MyClass *A10ptr = new MyClasss; //biến con trỏ
&MyClassRef = A10; //biến kiểu tham chiếu (ngược)
Lưu ý: người lập trình hoàn toàn có thể thực thể hoá một biến đối tượng mà không cần phải xây dựng một hàm dựng, trình dịch sẽ tự tạo ra một "hàm dựng mặc định". Tuy nhiên, một khi đã xây dựng bất kì một hàm dựng nào thì cách khai báo mặc định này sẽ không còn được trình dịch chấp thuận và sẽ báo lỗi. Thí dụ sau đây thể hiện cách tạo một lớp mà không cần hàm dựng:
#include <iostream>
using namespace str;
class Number
{
private:
int x;
public:
void setValue (int y) { x= y;}
void getValue () {cout << x << endl;}
};
int main ()
{
Number myNumber;
myNumber.setValue(4);
myNumber.getValue();
return 0;
}
Biến đối tượng là một hằng
Trường hợp khi thành lập một đối tượng hằng thì việc điều chỉnh trạng thái nội tại của nó là không hợp lệ do đó, chỉ có một cách duy nhất là gán cho nó một bộ giá trị (hay một trạng thái) ban đầu. Trong trường hợp này thì sau khi đã thực thể hóa, biến đối tượng chỉ có thể cho phép đọc các giá trị nào mà lớp tạo ra nó cho phép. (xem thí dụ)
Các thành viên của lớp
Thành viên dữ liệu
Ngoài các khai cáo thành viên có kiểu dữ liệu như thông thường trong C, thì người lập trình còn có thể khai báo nó như một hằng, hay như một biến tĩnh, hay có cả hai đặc tính:
Thành viên dữ liệu là một hằng: Trương tự như trong C, một thành viên là dữ liệu có thể được khai báo như là một hằng bởi từ khóa const đứng trước tên kiểu dữ liệu. Một khi đã khai báo là hằng thì không thể gán giá trị mới hay thay đổi nội dung của kiểu dữ liệu đó nữa (Lưu ý: trong C++ thì kiểu dữ liệu có thể là một lớp đã được định nghĩa). Do đó, dữ liệu là hằng sẽ được gán giá trị ban đầu ngay trong dòng lệnh khai báo tên của nó:
const int x;
Thành viên dữ liệu có kiểu static: Một khi thành viên của một lớp có kiểu là <code>static<code> thì nó sẽ có giá trị tĩnh cho mọi thực thể của cùng một lớp. Nghĩa là sự thay đổi giá trị của thành viên tĩnh này trong một thực thể bất kì sẽ có hiệu quả thay đổi của cùng thành viên đó trong các thực thể khác của cùng một lớp. Thực tế, khi một thành viên của một lớp được khai báo tĩnh thì phần bộ nhớ chứa giá trị của thành viên này sẽ được chia sẻ cho mọi thực thể về sau. Nói cách khác, ứng với mỗi thành viên tĩnh, chỉ có duy nhất một giá trị chia sẻ chung cho cả lớp.
===
Thành viên dữ liệu có thể có cả hai đặc tính trên tức là vừa có kiểu tĩnh vừa là hằng số. Thường từ khóa static được viết trước sau đó là từ khóa const. Thí dụ dưới đây minh họa các cú pháp khai báo. việc sử dụng một biến hằng có kiểu tĩnh rất tiện lợi cho nhiều đối tượng thực thể hóa có cùng một lớp chia sẻ chung một hằng số (thí dụ: hằng số Pi dùng chung cho các đối tượng cung tròn, đường tròn, và elipse). Ngược lại, khi có các hằng số đặc thù cho từng thực thể của một lớp thì một cách là dùng hằng số thông thường (chẳng hạn như cùng một lớp "chiết tính tiền lời cho vay" nhưng thực thể ngắn hạn có "hằng số lãi kép" cao hơn nhiều so với hằng số lãi kép dài hạn). Thí dụ dưới đây minh họa cú pháp khai báo
#include <iostream>
#include <string>
using namespace std;
class A {
public:
A(int x, int y);
void setStatic (int x) { value= x; } //hàm thành viên xác lập trực tiếp trong dòng lệnh khai báo
void setNormal (int x) { normal=x; }
void setValue(int i) { value = i;}
void getValue() const { cout<< "value "<< value << endl;}
void getShareConst() const {cout << "shareconst:" << shareconst << endl;}
void getPrivate() const;
void getNormal() const {cout << "normal variable:" << normal << endl;}
private:
static int value;
static const int shareconst;
const int privateconst;
int normal;
};
int A::value=3; //gán giá trị cho biến tĩnh ở đây dùng chung cho mọi hàm của lớp A (=3)
const int A::shareconst=2; //gán giá trị cho hằng có kiểu tĩnh
A::A(int x, int y):privateconst(y) //Hàm dựng: cách gán giá trị ban đầu cho một hằng thông thường
{
normal=x; //gán giá trị ban đầu cho biến thông thường
}
void A::getPrivate() const //cách để xác lập mã cho hàm thành viên bên ngoài dòng lệnh khai báo của lớp
{
cout <<"privateconst:" << privateconst << endl;
}
int main ()
{
A A1(3,1); // giá trị hằng privateconst của A1 được gán ở đây (=1)
A A2(5,2); // giá trị hằng privateconst của A2 được gán ở đây (=2)
A1.getPrivate();
A2.getPrivate();
A1.getShareConst(); //đọc giá trị hằng của biến tĩnh trong A1
A2.getShareConst(); //biến tĩnh trong A2 có cùng giá trị với biến tĩnh của A1
A1.setValue(4); //cài đặt cho biến tĩnh value cho đối tượng A1
A2.getValue(); //Cài dặt từ A1 nhưng lại có giá trị luôn cho đối tượng A2
return 0;
}
Kết quả sau khi dịch và chạy chương trình trên là:
1
2
2
2
4
Lưu ý: bạn sẽ không thể gán giá trị nào khác ngoài các giá trị ban đầu khi khai báo cho các hằng. Trong thí dụ trên hàm setValue sẽ cho phép bạn gán lại giá trị tĩnh value của lớp A và nó ảnh hưởng đến mọi thực thể cùng lớp A. Trong khi hàm setNormal cho phép gán lại giá trị cho biến normal thông thường trong một thực thể của lớp A sẽ chỉ hiệu lực cho riêng thực thể đó mà thôi.
Hàm thành viên
Các khai báo một thành viên là hàm trong một lớp có thể dùng hai dạng chính sau:
Mô tả trực tiếp trong định nghĩa của lớp mà hàm là thành viên
[virtual] int
Mô tả sau bên ngoài sau định nghĩa của lớp mà hàm là thành viên
Hàm dựng (còn gọi là cấu tử, Constructor)
Cấu tử là hàm thành viên đặc biệt, có tên trùng với tên của lớp, làm nhiệm vụ tạo lập đối tượng theo yêu cầu. Khi một đối tượng được khai báo thì cấu tử sẽ tự động thực hiện để tạo lập đối tượng trong bộ nhớ. Một lớp có thể có nhiều cấu tử (tải bội), cấu tử không có tham số là cấu tử mặc định. Nếu ta không định nghĩa một cấu tử nào thì cấu tử mặc định sẽ được sử dụng, trái lại sẽ không được sử dụng.
#include <iostream.h>
class Point
{ int x, y;
public:
Point(){x=0;y=0;} //Cấu tử mặc định
Point(int a, int b=0){x=a;y=b;}
void Display(){cout <<"Toa do: ("<<x<<','<<y<<')'<<endl};
};
int main()
{ Point a, b(1), c(2,3);
a.Display();b.Display();c.Display();
return 0;
}
Đối tượng a được tạo lập bởi cấu tử thứ nhất. Các đối tượng b và c được tạo lập bởi cấu tử thứ hai. Cấu tử thứ hai có một tham số mặc định, nếu ta đặt mặc định cho cả hai tham số thì phải bỏ đi cấu tử thứ nhất, vì nếu không, sẽ dẫn đến sự nhập nhằng khi khai báo Point a; (Ambiguity between 'Point::Point()' and 'Point::Point(int,int)').
Onminh (thảo luận) 18:16, ngày 28 tháng 9 năm 2009 (UTC)
Hàm hủy (còn gọi là huỷ tử, destructor)
Khi đối tượng không còn được sử dụng thì nên giải phóng nó khỏi bộ nhớ. Các hủy tử được sử dụng để làm việc này. Hủy tử cũng là hàm thành viên có tên trùng với tên của lớp, nhưng có thêm ký tự ~ ở trước. Nếu ta không định nghĩa, thì sử dụng hủy tử mặc định.Tất cả các hủy tử đều không có tham số. Trong ví dụ trên, ta có thể định nghĩa hủy tử như sau:
~Point(){}
Onminh (thảo luận) 18:15, ngày 28 tháng 9 năm 2009 (UTC)
Hàm hằng
Một hàm thành viên có thể được khai báo đẻ trở thành hàm hằng. Với khai báo này thì thành viên đó sẽ chỉ có giá trị đọc được mà không có hiệu lực thay đổi giá trị nội tại của một thực thể. Để khai báo thì từ khóa const phải được đặt ngay sau khai báo hàm và đứng trước khối mã xác lập hàm số đó nếu có.
Lưu ý: Trong trường hợp này thì hàm hằng được hiểu với ý nghĩa khác với ý nghĩa trong toán học (khi một hàm số là có giá trị không đổi)
// hàm hằng
class Time
{
public:
Time(int h, int m, int s);
int getHour() const; //Hàm hằng chỉ đọc được
void setHour(int h); // hàm này dùng để gán hay thay đổi giá trị nên không thể khai báo const
private:
int hour;
};
int Time::getHour() const //khai báo hàm hằng
{
return hour; // không thay đổi giá trị của bất kì thành viên nào
}
void Date::setHour(int h)
{
hour = h // thay đổi giá trị của thành viên dữ liệu
};
int main()
{
Time MyTime(10,5,15);
const Time MyNoon(12,0,0); // Khai báo một đối tượng (hay một thực thể) là hằng
MyTime.setHour(5); // OK
Mytime.getHour(); // OK
// MyNoon.setHour(2); // lỗi dòng này vì việc cài giá trị mới lên hằng MyNoon
}
Lưu ý: Việc khai báo một kiểu dữ liệu nói chung hay một thành viên của một lớp nói riêng là một hằng có thể có nhiều điểm phức tạp khi kết hợp với các kiểu tham chiếu hay con trỏ. (xem thêm Const Correctness in C++, The C++ 'const' Declaration: Why & How và Const correctness về cách sử dụng từ khóa const cho có hiệu quả)
Hàm ảo (virtual function)
Hàm ảo thường được định nghĩa ở lớp cơ sở và cho phép các lớp dẫn xuất từ nó được định nghĩa lại hàm ảo này. Giả sử FIGURE là lớp cơ sở, có sẵn phương thức Draw(). Lớp SQUARE và lớp CIRCLE cùng được dẫn xuất từ lớp FIGURE. Tất nhiên ta sẽ phải định nghĩa lại hai phương thức là SQUARE::Draw() và CIRCLE::Draw() của từng lớp cho phù hợp. Giả sử ptr là con trỏ trỏ đối tượng thuộc lớp FIGURE, s và c tương ứng là hai đối tượng thuộc lớp SQUARE và CIRCLE. Ta muốn rằng, khi cho ptr trỏ tới s thì lời gọi prt->Draw() sẽ vẽ ra hình vuông, còn khi cho ptr trỏ tới c thì lời gọi prt->Draw() sẽ vẽ ra hình tròn. Cách giải quyết của C++ là định nghĩa FIGURE::Draw() là hàm ảo. Ta xem ví dụ sau:
#include <iostream.h>
#include <conio.h>
class FIGURE
{ int Xc, Yc;
public:
FIGURE (int x=0, int y=0){Xc=x;Yc=y;}
virtual void Draw(){ cout<<"Tam tai: ("<<Xc<<','<<Yc<<')'<<endl;}
};
class CIRCLE:public FIGURE
{ int R;
public:
CIRCLE (int x=0, int y=0, int r): FIGURE(x,y) {R =r;}
void Draw()
{ cout <<"Ve hinh Tron:"<<endl;
FIGURE::Draw();
cout<<"Ban kinh: "<<R<<endl;
}
};
class SQUARE:public FIGURE
{ int D;
public:
SQUARE (int x=0, int y=0, int d): FIGURE(x,y) {D=d;}
void Draw()
{ cout <<"Ve hinh Vuong:"<<endl;
FIGURE::Draw();
cout<<"Do dai canh: "<<D<<endl;
}
};
int main()
{ SQUARE s(20,20,40);
CIRCLE c(30,30,50);
FIGURE *ptr;
ptr=&s; ptr->Draw();
ptr=&c; ptr->Draw();
getch();
return 0;
}
Không thể định nghĩa cấu tử là hàm ảo, vì chính cấu tử làm nhiệm vụ khởi tạo bảng phương thức ảo VMT (Virtual Methods Table).
Tuy nhiên các hủy tử có thể là hàm ảo.
Hàm cơ bản trừu tượng (pure virtual function)
Hàm cơ bản trừu tượng được giới thiệu trong lớp nhưng không được định nghĩa; hàm này bắt buộc phải được định nghĩa lại trong lớp con (derived class).
Nguyên tắc viết một hàm cơ bản trừu tượng là thêm =0 khi giới thiệu hàm.
Thí du:
void chay() = 0; // = 0 có nghĩa đây là hàm cơ bản trừu tượng
Hàm thành viên có kiểu static
Chức năng đặc biệt trên các hàm trong C++
friend
Hàm bạn không phải là hàm thành viên của lớp nhưng có thể thay đổi giá trị thành viên của lớp. Thí dụ:
class A {
friend void change(A &a)
private:
int b;
};
void change(A &a) { a. b++; } // thay đổi thành viên b trong lớp A
===
Nạp chồng hàm (function overloading)
Trong C++ có thể định nghĩa nhiều hàm trùng tên nhau, nhưng những hàm này phải có parameter khác nhau.
Thí dụ:
// Hàm này nhận 1 tham số là: "ia"
int ham (int ia)
{
return ia;
}
//=====================================================
// Hàm này cùng tên với hàm trên và nhận 2 tham số là: "ia" và "ib"
int ham (int ia, int ib)
{
return ia + ib;
}
Nạp chồng toán tử (operator overloading)
Nạp chồng toán tử cho phép định nghĩa lại một toán tử (thí dụ định nghĩa lại +, -, *, /, vân vân) cho một type định nghĩa bởi người dùng.
Thí dụ:
// hàm này định nghĩa lại toán tử * cho lớp PhanSo
PhanSo operator*(const PhanSo &a, const PhanSo &b)
{
PhanSo c;
c. tu_so = a. tu_so * b. tu_so; // nhân tử số với nhau
c. mau_so = a. mau_so * b. mau_so; // nhân mẫu số với nhau
return c;
}
Chức năng Tiêu bản
Tiêu bản đơn giản
Tiêu bản phức hợp
Sử dụng STL
Trình bày mã xác lập nội dung một chương trình C++ |
Trường Đại học Công nghệ ( – VNU-UET) là một trường đại học thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội, được thành lập vào năm 2004, địa chỉ tại 144 Xuân Thủy, quận Cầu Giấy, Hà Nội, trong khuôn viên Đại học Quốc gia Hà Nội khu vực Cầu Giấy cùng với các trường thành viên như Trường Đại học Ngoại ngữ, Trường Đại học Kinh tế, Trường Đại học Y Dược, Trường Đại học Luật,...
Lịch sử
Hình thành
Trường Đại học Công nghệ phát triển từ các khoa truyền thống và danh tiếng của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội:
Ngày 11/2/1995, thành lập Khoa Công nghệ Thông tin trực thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội).
Ngày 3/1/1996, Khoa Công nghệ Điện tử - Viễn thông được thành lập.
Ngày 18/10/1999, Giám đốc ĐHQG Hà Nội đã ký quyết định số 1348/TCCB thành lập Khoa Công nghệ trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại Khoa Công nghệ Thông tin và Khoa Công nghệ Điện tử - Viễn thông thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thành hai ngành thuộc Khoa Công nghệ. Cùng với sự ra đời của Khoa Công nghệ, ĐHQGHN đã thành lập Trung tâm Hợp tác Đào tạo và Bồi dưỡng cơ học trực thuộc ĐHQGHN.
Ngày 25/5/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 92/2004/QĐ-TTg thành lập Trường Đại học Công nghệ trên cơ sở Khoa Công nghệ và Trung tâm Hợp tác Đào tạo và Bồi dưỡng Cơ học thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.
Quá trình phát triển
Sau khi hình thành, Trường Đại học Công nghệ nhanh chóng ổn định tổ chức, bộ máy với việc tái thành lập Khoa Công nghệ Thông tin và Khoa Điện tử iễn thông.
Ngày 9/9/2004, thành lập Khoa Vật lý Kỹ thuật và Công nghệ Nano.
Ngày 4/7/2005, thành lập Khoa Cơ học Kỹ thuật và Tự động hóa.
Ngày 8/4/2005, thành lập Trung tâm Nghiên cứu Sinh học Phân tử (đến ngày 8/3/2007 được tổ chức lại thành Bộ môn Công nghệ Nano Sinh học thuộc Khoa Vật lý Kỹ thuật và Công nghệ Nano).
Ngày 18/12/2017, thành lập Viện Công nghệ Hàng không Vũ trụ.
Ngày 08/01/2018, thành lập Viện Tiên tiến về Kỹ thuật và Công nghệ.
Ngày 28/03/2018, thành lập Bộ môn Công nghệ Xây dựng – Giao thông.
Ngày 18/12/2018, thành lập Khoa Công nghệ Nông nghiệp.
Ngày 18/03/2022, thành lập Viện Trí Tuệ Nhân Tạo (AI).
Khoa, viện đào tạo trực thuộc (06 khoa, 03 viện)
Khoa Công nghệ thông tin - Chủ nhiệm khoa: PGS. TS. Lê Sỹ Vinh.
Khoa Điện tử viễn thông - Chủ nhiệm khoa: TS. Đinh Triều Dương.
Khoa Vật lý kỹ thuật & Công nghệ Nano - Phó chủ nhiệm phụ trách khoa: TS. Bùi Đình Tú.
Khoa Cơ học Kỹ thuật & Tự động hóa.
Khoa Công nghệ Nông nghiệp
Khoa Công nghệ Xây dựng - Giao thônv
Viện Công nghệ Hàng không Vũ trụ
Viện Tiên tiến về Kỹ thuật & Công nghệ
Viện Trí tuệ nhân tạo.
Chương trình đào tạo
Đào tạo đại học (18)
Công nghệ thông tin CLC
Khoa học máy tính CLC
Hệ thống thông tin CLC
Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu CLC
Công nghệ thông tin
Công nghệ thông tin (định hướng thị trường Nhật Bản)
Trí tuệ nhân tạo
Công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông CLC
Kỹ thuật máy tính
Kỹ thuật robot
Công nghệ kỹ thuật Cơ điện tử CLC
Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa
Cơ kỹ thuật
Vật lý kỹ thuật
Kỹ thuật năng lượng
Công nghệ kỹ thuật xây dựng
Công nghệ hàng không vũ trụ
Công nghệ nông nghiệp
Đào tạo sau đại học bậc Thạc sĩ (11)
Khoa học máy tính
Hệ thống thông tin
Kỹ thuật phần mềm
Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu
An toàn thông tin
Kỹ thuật điện tử
Kỹ thuật viễn thông
Cơ kỹ thuật
Kỹ thuật cơ điện tử
Vật liệu và linh kiện nano
Kỹ thuật xây dựng
Đào tạo sau đại học bậc Tiến sĩ (09)
Khoa học máy tính
Hệ thống thông tin
Kỹ thuật phần mềm
Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu
Kỹ thuật điện tử
Kỹ thuật viễn thông
Cơ kỹ thuật
Vật liệu và linh kiện nano
Kỹ thuật xây dựng
Hiệu trưởng qua các thời kì |
Nguyễn Khánh (8 tháng 11 năm 1927 – 11 tháng 1 năm 2013) là một chính khách Việt Nam Cộng Hoà, ông từng giữ chức vụ Nguyên thủ quốc gia (Quốc trưởng) và Thủ tướng của Việt Nam Cộng hòa và kiêm luôn các chức Tổng tư lệnh và Tổng Tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng hòa trong giai đoạn 1964 – 1965. Tại thời điểm này, quyền lực của ông lên đến tột đỉnh, nhưng chỉ ít lâu thì chính ông bị các tướng khác đảo chính hạ bệ. Ông nguyên là một cựu tướng lĩnh gốc Binh chủng Nhảy dù của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, cấp bậc Đại tướng. Ông xuất thân từ khóa đầu tiên ở trường Võ bị Liên quân Viễn Đông do Quân đội Thuộc địa Pháp mở ra tại Cao nguyên Trung phần Việt Nam. Ra trường ông được phục vụ ở một đơn vị Vệ binh, sau ông được chuyển sang Binh chủng Nhảy dù. Ông đã tuần tự đảm trách từ chức vụ chỉ huy cấp Trung đội dần lên đến chỉ huy cấp Sư đoàn, rồi Quân đoàn. Sau khi bị các tướng lĩnh đảo chính hạ bệ, theo lệnh của Đại tướng Maxwell D. Taylor (người soạn thảo kế hoạch chiến tranh của Hoa Kỳ ở Việt Nam trong thời kỳ này), Nguyễn Khánh phải rời khỏi Việt Nam để lưu vong ở nước ngoài.
Tiểu sử và binh nghiệp
Nguyễn Khánh sinh ngày 8 tháng 11 năm 1927 tại Trà Vinh, miền Tây Nam phần Việt Nam, trong một gia đình điền chủ giàu có. Thời niên thiếu, do gia đình có điều kiện nên ông được học hành đầy đủ. Năm 1944, ông tốt nghiệp Trung học chương trình Pháp tại Cần Thơ với văn bằng Tú tài bán phần (Part I). Năm 1945, sau khi Cách mạng tháng 8 nổ ra, đang học lớp Đệ nhất (lớp 12 bây giờ), ông bỏ học tham gia phong trào Việt Minh tại địa phương một thời gian ngắn.
Giữa tháng 7 năm 1946, sau khi người Pháp tái chiếm Đông Dương, ông bỏ Việt Minh và nhập ngũ vào Quân đội Pháp. Do có trình độ Tú tài, ông được theo học khóa 1 Nguyễn Văn Thinh tại trường Võ bị Liên quân Viễn Đông Đà Lạt, khai giảng ngày 15 tháng 7 năm 1946. Ngày 1 tháng 7 năm 1947 mãn khóa tốt nghiệp với cấp bậc Thiếu úy và được điều đi phục vụ ở Tiểu đoàn 2 Vệ binh Nam Việt giữ chức vụ Trung đội trưởng.
Quân đội Liên hiệp Pháp
Đầu năm 1948, chuyển biên chế sang Quân đội Liên hiệp Pháp, ông được cử đi du học và tốt nghiệp khóa Đông Dương tại Học viện Quân sự Coetquidan và Võ bị Saint Cyr, Pháp. Thời kỳ này ông lấy tên là "Raymond Khánh". Sau khi mãn khóa học, về lại đơn vị và ngày 1 tháng 7 cùng năm ông được thăng cấp Trung úy. Tháng 12 cuối năm, ông là sĩ quan duy nhất được cử đi du học lớp huấn luyện Nhảy dù tại trường Nhảy dù Pau (Pháp), thụ huấn bằng dù T.7 và Phi cơ Ju.52. Ngày 1 tháng 6 năm 1949, ông được cử làm sĩ quan tùy viên cho Thủ tướng Nguyễn Văn Xuân.
Đầu năm 1950, ông được thăng cấp Đại úy và được cử làm Đại đội trưởng Đại đội 1 Nhảy dù Biệt lập (một trong các Trung đội trưởng dưới quyền của ông lúc bấy giờ là Trung úy Đỗ Cao Trí). Ngày 1 tháng 5 năm 1951, Tiểu đoàn 1 Nhảy dù được thành lập. Ngày 21 tháng 1 năm 1952, ông được cử giữ chức vụ Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 thay thế Đại úy Albert Lê Quang Triệu. Ban đầu, Tiểu đoàn đóng tại Chí Hòa (Sài Gòn), cuối năm chuyển ra Bắc, tham gia chiến dịch tại Hòa Bình trong thời gian ngắn. Một tháng sau, ông nhận lệnh bàn giao chức vụ Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 Nhảy dù lại cho sĩ quan người Pháp.
Quân đội Quốc gia Việt Nam
Tháng 3 năm 1952, khi chính thức chuyển sang phục vụ Quân đội Quốc gia, ông được cử làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 22 Việt Nam (22e BVN). Tháng 8 cùng năm, ông được thăng cấp Thiếu tá và chuyển đi làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 13 Việt Nam (13e BVN), đồn trú tại Cần Thơ. Đầu năm 1953, ông được cử giữ chức Tiểu khu trưởng Biệt khu Cần thơ. Cuối năm này, ông được thăng cấp Trung tá kiêm chức vụ Chỉ huy trưởng Liên đoàn Lưu động số 11 tân lập tại Cần Thơ.
Tháng 4 năm 1954, ông được điều về Bộ Tổng tham mưu giữ chức vụ Trưởng phòng 6. Giữa tháng 9, bàn giao chức vụ Trưởng phòng 6 lại cho Trung tá Trần Đình Lan. Tháng 11, ông được cử đi học lớp tham mưu tại Trường Tham mưu Trung cấp Paris, Pháp.
Đầu tháng 3 năm 1955, sau khi mãn khóa học từ Pháp về nước, ông được chỉ định làm Chỉ huy trưởng Phân khu Cần Thơ kiêm Tỉnh trưởng Cần Thơ. Ngày 10 tháng 3 năm 1955, ông chủ toạ buổi lễ hợp tác của Thiếu tá Nguyễn Thành Đầy thuộc Lực lượng Hòa Hảo Dân xã, đem 1.500 quân thuộc quyền về quy thuận Chính phủ Quốc gia tại Cần Thơ. Cuối tháng 3, ông được cử giữ chức vụ Thanh tra trưởng của Lực lượng Nhảy dù. Giữa tháng 6, ông được chuyển về Trung ương giữ chức vụ Tham mưu phó tại Bộ Tổng tham mưu. Ngày 1 tháng 7, ông được cử làm Phụ tá Tổng tham mưu trưởng đặc trách Không quân. Ngày 20 tháng 8, bàn giao chức vụ Phụ tá Không quân lại cho Thiếu tá Trần Văn Hổ. Trung tuần tháng 9, ông được cử làm Chỉ huy phó Chiến dịch Hoàng Diệu, dưới quyền Chỉ huy trưởng là Đại tá Dương Văn Minh.
Dưới nền Đệ nhất Cộng hòa
Quân đội Việt Nam Cộng hòa
Sau khi Chính thể Đệ nhất Cộng hòa được thành lập vào hạ tuần tháng 10 năm 1955, ông được thăng cấp Đại tá. Đầu năm 1956, ông được bổ nhiệm làm Tư lệnh Sư đoàn 1 Dã chiến thay thế Thiếu tướng Lê Văn Nghiêm. Giữa năm 1957, nhận lệnh bàn giao Sư đoàn 1 Dã chiến lại cho Đại tá Tôn Thất Đính, 2 tháng sau ông được cử đi du học lớp Chỉ huy Tham mưu cao cấp tại Học viện Chỉ huy và Tham mưu Fort Leavenworth thuộc Tiểu bang Kansas, Hoa Kỳ (thời gian thụ huấn 16 tuần). Sau đó được du học tiếp lớp Tham mưu và Phối hợp Đồng minh tại Nhật Bản. Tháng 9 năm 1958 từ Nhật về nước, ông được cử giữ chức vụ Tư lệnh Miền Hậu Giang
Ngày 18 tháng 8 năm 1959, ông được bổ nhiệm làm quyền Tổng thư ký Thường trực Quốc phòng thuộc Phủ Tổng thống. Ngày 21 tháng 1 năm 1960, ông được thăng cấp Thiếu tướng và được bổ nhiệm chức vụ Tư lệnh Đệ ngũ Quân khu. Giữa tháng 9 cùng năm, ông được chuyển về Bộ Tổng tham mưu giữ chức vụ Tham mưu trưởng thay thế Thiếu tướng Phạm Xuân Chiểu được chỉ định làm Chỉ huy trưởng Trường Đại học Quân sự (tiền thân của Trường Chỉ huy Tham mưu). Ông giữ vai trò quan trọng trong việc tổ chức phản công dẫn đến sự thất bại của vụ Đảo chính ngày 11/11/1960 do Đại tá Nguyễn Chánh Thi cầm đầu. Năm 1961, ông được cử làm Trưởng đoàn hướng dẫn Phái đoàn công du thăm viếng Đài Loan.
Ngày 17 tháng 12 năm 1962, bàn giao chức vụ Tham mưu trưởng Bộ Tổng tham mưu lại cho Thiếu tướng Trần Thiện Khiêm để đi nhận chức vụ Tư lệnh Quân đoàn II và Vùng 2 Chiến thuật thay thế Thiếu tướng Tôn Thất Đính. Khi cuộc Đảo chính ngày 1/11/1963 nổ ra, ông đã án binh bất động và không tỏ rõ thái độ. Ngày 2 tháng 11, cuộc đảo chính thành công, ông tuyên bố ủng hộ Hội đồng Quân nhân Cách mạng. Do đó, ông được Hội đồng Quân nhân Cách mạng thăng cấp Trung tướng. Ngày 11 tháng 12 năm 1963, hoán chuyển nhiệm vụ với Trung tướng Đỗ Cao Trí giữ chức vụ Tư lệnh Quân đoàn I, ngược lại tướng Trí thay ông Tư lệnh Quân đoàn II.
Đỉnh cao Quyền lực
Nhưng chỉ sau đó 3 tháng, nửa đêm về sáng ngày 30 tháng 1 năm 1964 được sự ủng hộ của Mỹ và "nhóm các tướng trẻ", ông đã cầm đầu cuộc "Chỉnh lý", cướp quyền và truất phế các tướng lĩnh chủ chốt cuộc đảo chính ngày 1/11/1963 là Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn và Mai Hữu Xuân.
Bộ chỉ huy cầm đầu cuộc Chỉnh lý đặt trong Tòa Hành chính tỉnh Gia Định do Đại tá Huỳnh Văn Tồn làm Tỉnh trưởng, được sự bảo vệ của Tiểu đoàn 2 Thủy quân lục chiến do Thiếu tá Cổ Tấn Tinh Châu làm Tiểu đoàn trưởng
Ngay sau đó, ông được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Quân nhân Cách mạng thay thế Trung tướng Dương Văn Minh đồng thời cử Thiếu tướng Tôn Thất Xứng thay ông làm Tư lệnh Quân đoàn I. Ngày 7/2/1964, ông được Hội đồng Quân nhân Cách mạng cử làm Thủ tướng thay thế ông Nguyễn Ngọc Thơ. Ngày 21/3/1964 cải danh Hội đồng Quân nhân Cách mạng thành Hội đồng Quân đội Cách mạng. Ngày 22/3/1964, được các tướng lãnh trong Hội đồng Quân nhân Cách mạng bầu làm Chủ tịch Ban Chỉ đạo Hội đồng Quân đội Cách mạng.
Ngày 16 tháng 8, ông được Đại Hội đồng Quân đội Cách mạng bầu làm Quốc trưởng Việt Nam Cộng hòa. Sau đó với tư cách Quốc trưởng, ông ban hành Hiến chương Vũng Tàu thay thế Hiến pháp của nền Đệ nhất Cộng hòa. Tuy nhiên, ông vấp phải sự phản đối quyết liệt của các đảng phái và quần chúng.
Ngày 26/8/1964, Hội đồng Quân đội tuyên cáo thu hồi Hiến chương Vũng Tàu, đồng thời Hội đồng này gồm 53 thành viên tướng lãnh thành lập Ủy ban Lãnh đạo Lâm thời Quốc gia và Quân lực và bầu ra Cơ chế Lãnh đạo "Tam đầu chế", nhân sự được ủy nhiệm như sau:
Quốc trưởng: Trung tướng Dương Văn Minh
Thủ tướng: Trung tướng Nguyễn Khánh
Tổng tư lệnh Quân đội: Đại tướng Trần Thiện Khiêm
Tuy nhiên, đến ngày 3/9/1964 "Tam đầu chế" tự giải thể. Sau đó, thành phần trong Nội các Chính phủ do ông làm Thủ tướng lần lượt từ chức. Ngày 8/10/1964, ông tự kiêm nhiệm Tổng tư lệnh Quân đội tháy thế Đại tướng Trần Thiện Khiêm. Ngày 24 tháng 10, "Thượng Hội đồng Quốc gia" được triệu tập và bầu Kỹ sư Phan Khắc Sửu làm Quốc trưởng. Ngày 24/10/1964, ông từ chức Thủ tướng, chỉ còn giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quốc gia và Quân lực kiêm Tổng tư lệnh Quân đội. Ngay sau đó tân Quốc trưởng Phan Khắc Sửu cử Giáo sư Trần Văn Hương làm Thủ tướng và thành lập Nội các Chính phủ.
Ngày 27/11/1964, ông được Quốc trưởng Phan Khắc Sửu thăng lên cấp Đại tướng (trước đó, ngày 24/11 Trung tướng Dương Văn Minh đã được Quốc trưởng thăng cấp Đại tướng). Ngày 16 tháng 2 năm 1965, ông thừa ủy nhiệm Hội đồng Quốc gia và Quân lực bổ nhiệm Bác sĩ Phan Huy Quát làm Thủ tướng thay thế Giáo sư Trần Văn Hương.
Tình hình miền Nam dưới sự quản lý của ông ngày càng loạn lạc: giai đoạn ông nắm quyền là giai đoạn nổ ra nhiều cuộc đảo chính nhất. Ngày 13 tháng 9 năm 1964, các tướng Dương Văn Đức, Lâm Văn Phát kéo quân về Sài Gòn thị uy. Ngày 19 tháng 2 năm 1965, cuộc đảo chính do tướng Lâm Văn Phát và Đại tá Phạm Ngọc Thảo cầm đầu, suýt bắt được ông. Nhờ sự ủng hộ của nhóm các tướng trẻ, ông mới giữ được tình hình.
Hạ bệ
Do chủ trương đưa quân Mỹ vào tham chiến ở Việt Nam và lời tuyên bố "Quân đội là cha quốc gia!", uy tín của ông càng lúc càng xuống thấp và ngày càng mất lòng dân. Nhóm các tướng trẻ, do đó, thống nhất truất phế ông. Ngày 21 tháng 2 năm 1965, ông bị thu hồi tất cả các chức vụ đã đảm nhiệm và ngày 22/2/1965 ông phải nhận chức đại sứ lưu động ở nước ngoài. Trước khi đi, ngày 25 tháng 2, ông còn nắm theo một miếng đất và tuyên bố: "Tôi có mang theo nắm đất quê hương, một ngày nào đó nhất định sẽ trở về". Tuy nhiên, lời tuyên bố này cho đến khi qua đời ông vẫn không thể thực hiện được.
Huy chương
Bảo quốc Huân chương đệ nhị đẳng (ân thưởng)
Nhiều huy chương quân sự, dân sự của Việt Nam Cộng hòa và Đồng minh
Cuộc sống lưu vong
Trong phim tài liệu Heart & Mind của đạo diễn Peter Davis do đài BBC Anh quốc sản xuất năm 1974 và đoạt giải Oscar cho phim tài liệu hay nhất năm 1975, Nguyễn Khánh cho biết chính Đại tướng Maxwell D. Taylor của Mỹ đã đích thân ra lệnh cho ông ta phải rời khỏi Việt Nam. Thậm chí, Nguyễn Khánh còn lén ghi âm lại lệnh "lưu đày không chính thức" này của Taylor.
Sau khi rời Việt Nam, Nguyễn Khánh ở Hoa Kỳ một thời gian ngắn. Từ năm 1966, ông sang Pháp bằng trợ cấp dành cho những người từng phục vụ quân đội Pháp ở Đông Dương. Sau năm 1975, ông định cư tại Mỹ, sinh sống bằng nghề kinh doanh xăng dầu và sửa chữa ôtô.
Ngày 2 tháng 1 năm 2005, tại Đại hội quốc dân lần 2 (California, Mỹ), ông được bầu làm Quốc trưởng của "Chính phủ Lâm thời Việt Nam Tự do" ở tuổi gần 80.
Trong cuộc họp báo ngày 17 tháng 8 năm 2008 tại thành phố Garden Grove (Nam California, Mỹ), với danh nghĩa Quốc trưởng "Chính phủ Lâm thời Việt Nam Tự do", Nguyễn Khánh tuyên bố "sẽ tự giải tán Chính phủ ngay khi một Liên Minh Dân tộc, với sứ mạng bảo vệ chủ quyền đất nước, giành lại tự do, dân chủ cho nhân dân Việt Nam được thành lập".
Nguyễn Khánh mất ngày 11 tháng 1 năm 2013 tại San Jose, California, Hoa Kỳ.
Những nhận xét
Về đời tư, Nguyễn Khánh được xem là người con có hiếu nghĩa. Do mẹ ruột mất sớm, ông được sự chăm sóc bởi người mẹ kế là nghệ sĩ Phùng Há và chịu nhiều ảnh hưởng của bà. Sau năm 1975, ông ba lần đến cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại Mỹ để xin về Việt Nam (vào các năm 1989, 1997, 1998) để phụng dưỡng bà nhưng đều bị từ chối.
Gia đình
Ông có cha là Nguyễn Bửu và mẹ là Phạm Lệ Trân. Vợ ông là Nguyên Lê Trần và cả hai có tổng cộng 7 người con.
Chú thích |
Trang này liệt kê những sự kiện quan trọng vào tháng 8 năm 2005.
Thứ hai, ngày 1 tháng 8
Quốc vương Fahd của Ả Rập Xê Út qua đời tại một bệnh viện ở Riyadh. Hoàng thái đệ Abdullah được nối ngôi Quốc vương của Ả Rập Xê Út và Chủ của nhà Saudi. BBC Đất Việt VnMedia VNN VOA
Phó tổng thống John Garang của Sudan, nhân vật quan trọng về hiệp ước hòa bình mới để kết thúc Nội chiến Sudan lần thứ hai, bị mất trong vụ rớt máy bay gần biên giới Uganda-Sudan. BBC BBC Nhân dân VnMedia VNN VOA VOA
Thứ ba, ngày 2 tháng 8
Chuyến bay Air France 358 trượt qua đường băng tại Phi trường Quốc tế Pearson ở Toronto (Canada) khi đáp xuống và bị bốc cháy vào một con suối gần đấy. Không ai thiệt mạng, nhưng có 14 người bị thương nhẹ. BBC Calitoday Người Việt VNN VOA
Thứ tư, ngày 3 tháng 8
Tổng thống Maaouya Ould Sid'Ahmed Taya của Mauritanie bị quân đội đảo chính khi ông dự lễ tang của Quốc vương Fahd ở Ả Rập Xê Út. BBC
Mahmoud Ahmadinejad nhậm chức Tổng thống Iran thứ sáu, dẫn sau Mohammad Khatami. VNN VOA VOV
Chủ nhật, ngày 7 tháng 8
Ông Peter Jennings, người phụ trách chương trình tin tức ABC World News Tonight ở Hoa Kỳ nhiều năm, từ trần vì bệnh ung thư phổi, thọ 67 tuổi. BBC VNN VOA
Thứ hai, ngày 8 tháng 8
Ở Fortaleza (Ba Tây), một lũ đào đường hầm dưới Nhà băng Trung ương để ăn cướp 156 triệu đồng real tiền mặt (gần 70 triệu Mỹ kim), có thể là vụ ăn cướp lớn nhất trong lịch sử. BBC VOA
Giáo sư sử học Trần Quốc Vượng qua đời tại Hà Nội vì bệnh ung thư thực quản, thọ 71 tuổi. BBC VNN
Thứ ba, ngày 9 tháng 8
Tàu vũ trụ Discovery của NASA đáp xuống thành công tại Căn cứ không quân Edwards ở Ca Li (Mỹ), kết thúc phi vụ STS-114. BBC Calitoday VNN VOA
Thứ năm, ngày 11 tháng 8
Salva Kiir Mayardit tuyên thệ nhậm chức phó tổng thống Sudan, kế nhiệm John Garang vừa mới qua đời. VOA
Thứ sáu, ngày 12 tháng 8
Bộ trưởng ngoại giao Sri Lanka Lakshman Kadirgamar bị ám sát tại Colombo. BBC VNN VOA
Một tên lửa Atlas V phóng Mars Reconnaissance Orbiter trong chuyến đi 7 tháng đến sao Hỏa. BBC Calitoday VNN VOA
Các nhà nghiên cứu lần đầu tiên đã nhận ra được một từ trong hệ thống kết nút khipu của dân Inca cổ.
Thứ ba, ngày 16 tháng 8
Phi hành gia Nga Sergei K. Krikalev, trên Trạm Không gian Quốc tế từ ngày 15 tháng 4, đã đạt kỷ lục ở ngoài không gian trên 748 ngày trong 20 năm sự nghiệp.
Giáo hoàng Benedict XVI tham dự Đại hội Giới Trẻ Thế giới tại Köln, Đức trong chuyến đi nước ngoài đầu tiên trên cương vị hiện nay.
Thứ năm, ngày 18 tháng 8
Quân đội Israel đang dời các người biểu tình ra khỏi một giáo đường tại Neve Dekalim thuộc Dải Gaza trong cuộc rút người ra khỏi dải này của Israel.
Thứ sáu, ngày 19 tháng 8
Cựu thủ lĩnh quân phiến loạn Hutu Pierre Nkurunziza được bầu làm tổng thống Burundi trong cuộc tổng tuyển cử đầu tiên từ khi Nội chiến Burundi bắt đầu năm 1993.
Phong trào Mặt trận Polisario tại Tây Sahara thả tự do 404 tù binh cuối cùng như một cử chỉ nhằm chấm dứt xung đột vũ trang với Moroc đang ứ đọng từ khi ngừng bắn năm 1991.
Chủ nhật, ngày 21 tháng 8
Giáo hoàng Bênêđictô XVI kết thúc Đại hội Giới Trẻ Thế giới năm 2005 với lễ ở Köln (Đức), hơn 800.000 người có mặt, và tuyên bố là Đại hội lần sau sẽ tổ chức tại Sydney (Úc) vào năm 2008.
Các nhà nghiên cứu ở Đại học Leiden kiếm thấy bản gốc về ngưng tụ Bose-Einstein (BEC) do Albert Einstein viết vào năm 1924.
Tại Việt Nam Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công mở ra một giai đoạn lịch sử vẻ vang để tiếp sau đó ngày 02/09 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra đất nước Việt Nam như ngày nay.
Chủ nhật, ngày 28 tháng 8
Chính phủ tiểu bang Louisiana (Mỹ) bắt tất cả mọi người phải sơ tán hoặc đi trón, trước khi cơn bão Katrina tiếp tục mạnh lên và tiến gần thành phố New Orleans như cơn bão cấp 5. Hàng trăm nghìn người dân New Orleans đã nhận lệnh sơ tán. Nhiều vùng từ Louisiana đến Florida sẽ bị ảnh hưởng, nhưng nguy hiểm nhất là New Orleans vì thành phố này nằm dưới mặt nước biển và sẽ bị lụt. BBC VOA
Thứ ba, ngày 23 tháng 8
Chuyến bay TANS Peru 204 bị rớt gần near Pucallpa, Peru, với 100 người. Ít nhất 41 người đã thiệt mạng trên tai nạn máy bay này, lần thứ năm trong tháng 8 năm 2005.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan thăm Zinder, Niger, nơi đang bị nạn đói.
Thứ tư, ngày 24 tháng 8
Công nhân đường sắt đặt đường ray trên đèo Tanggula ở Tây Tạng, ở độ cao 5.072 m trên mặt biển. Khúc đường sắt này nằm trên tuyến đường sắt Thanh Hải-Tây Tạng và nó là đường sắt cao nhất thế giới.
Thứ năm, ngày 25 tháng 8
Bảy người đã bị thiệt mạng khi Cơn bão Katrina đổ bộ vào tiểu bang Florida, Hoa Kỳ.
Thứ sáu, ngày 26 tháng 8
Dự thảo hiến pháp Iraq vẫn tiếp diễn sau khi đã được gia hạn hai lần.
Thứ bảy, ngày 27 tháng 8
Cơn bão Katrina được nâng cấp thành bão cấp 3 có gió đến 183 km/h (115 mph) và bắt đầu tiến đến New Orleans, Louisiana, sau khi làm thiệt mạng 7 người ở tiểu bang Florida (Mỹ). Các nhà khí tượng học dự báo rằng cơn bão này sẽ lên đến cấp 4 hay cấp 5 trước khi đổ bộ tại vùng Đông Nam Louisiana. Calitoday Người Việt VOA
Sự kiện tháng qua |
Trang này liệt kê những sự kiện quan trọng vào tháng 9 năm 2005.
Chủ nhật, ngày 18 tháng 9
Bầu cử tại Đức: không liên minh nào nhận được đa số phiếu.
Thứ ba, ngày 27 tháng 9
Bão số 7 (bão Damrey) đã đổ bộ vào Việt Nam với sức gió giật cấp 11 - 12, sau khi gây nhiều thiệt hại lớn ở đảo Hải Nam, Trung Quốc. Đây là cơn bão mạnh nhất trong gần 10 năm và hiện một số tuyến đê tại Nam Định và Thanh Hoá đã bị vỡ. |
Trang này liệt kê những sự kiện quan trọng vào tháng 10 năm 2005.
Thứ năm, ngày 13 tháng 10
Kịch tác gia người Anh, Harold Pinter (1930 – ), được tặng giải Nobel văn chương năm nay.
Thứ hai, ngày 24 tháng 10
Rosa Parks, người phụ nữ da màu nổi tiếng, qua đời tại nhà riêng ở Detroit (bang Michigan), thọ 92 tuổi. Tháng 12 năm 1955, ở Montgomery, Alabama), bà đã từ chối nhường chỗ trên xe buýt cho một người da trắng, vì vậy bị bắt. Sự việc này khởi phát cuộc tranh đấu bất bạo động do mục sư Martin Luther King Jr. dẫn đầu. Cuộc tranh đấu đã dẫn đến Đạo luật Dân quyền 1964, bãi bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Bà Rosa Parks đã được tặng Huy chương Tự do của Tổng thống (Hoa Kỳ).
Thứ bảy, ngày 29 tháng 10
Ngày 29 tháng 10, có hàng vạn người dân Tp Hồ Chí Minh (Thành phố Hồ Chí Minh) đổ xô về nhà thờ Đức Bà, Thành phố Hồ Chí Minh để xem hiện tượng tượng Đức Mẹ trước quảng trường nhà thờ "chảy nước mắt" (một vệt trắng chảy dài từ trên khóe mắt xuống tới cằm). Đây được xem là một hiện tượng lạ, từ khi tượng được dựng cho đến nay chưa từng xảy ra. Tòa Tổng Giám mục Thành phố Hồ Chí Minh chưa đưa ra tuyên bố gì về hiện tượng này. Theo thông tin từ báo chí Việt Nam cho biết thì đây chỉ là hiện tượng bình thường của các pho tượng khi để lâu ngày ngoài trời trước mưa gió.
Một loạt vụ nổ bom tại thủ đô Delhi của Ấn Độ làm thiệt mạng ít nhất 50 người.
Những người chết
24 tháng 10: Rosa Parks, người mẹ của phong trào dân quyền |
Trần Văn Hương (chữ Hán: 陳文香; 1902 - 1982) là một chính khách Việt Nam Cộng hòa, từng là Thủ tướng (1964-1965 và 1968-1969), Phó Tổng thống (1971-1975) và Tổng thống trong thời gian ngắn ngủi bảy ngày (21 - 28 tháng 4 năm 1975) của Việt Nam Cộng hòa. Là tổng thống thứ ba của Việt Nam Cộng hoà
Thân thế
Trần Văn Hương sinh năm 1903 tại làng Long Châu, quận Châu Thành (nay là thành phố Vĩnh Long), tỉnh Vĩnh Long trong một gia đình nghèo.
Nhờ học giỏi và được sự hy sinh của gia đình, Trần Văn Hương được ra Hà Nội học trường Cao đẳng Sư phạm.
Sau khi tốt nghiệp, Trần Văn Hương được bổ về dạy tại Collège Le Myre De Villers tại Mỹ Tho, cũng là ngôi trường cũ mà ông đã theo học mấy năm trước.
Thời gian 1943-1945, ông Hương là giáo sư dạy môn văn chương và luận lý tại trường này. Ông là một thầy giáo đã từng đào tạo nhiều học trò nổi tiếng (tướng Dương Văn Minh, tổng thống cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa, cũng tự nhận là một học trò của ông) và từng giữ chức vụ Đốc học Tây Ninh.
Thời kỳ tham chính
Cách mạng tháng Tám 1945 nổ ra, ông tham gia chính quyền Việt Minh với tư cách nhân sĩ tự do. Khi Pháp tái chiếm Đông Dương, ông được cử giữ chức Chủ tịch Ủy ban Hành chính Kháng chiến tỉnh Tây Ninh. Tuy nhiên, năm 1946, do ông biết lực lượng Việt Minh là cộng sản và quy chụp cho nhiều trí thức là Việt gian rồi đem thủ tiêu nên ông bỏ về quê sống ẩn dật và tuyên bố bất hợp tác với cả chính quyền Việt Minh lẫn Pháp và Cộng hòa tự trị Nam Kỳ, sau này là Quốc gia Việt Nam. Sau đó, ông vào Sài Gòn mở hiệu thuốc cho đến năm 1954. Trong thời gian đó ông lập đảng Phục Hưng, nhóm họp một số nhân vật chính trị như Tổng trưởng Kinh tế và Kế hoạch Trần Văn Văn.
Sau Hiệp định Genève, năm 1955, ông ra làm đô trưởng Sài Gòn trong chính quyền của Thủ tướng Ngô Đình Diệm một thời gian ngắn. Sau đó, ông từ chức để phản đối chính sách độc tài gia đình trị của Ngô Đình Diệm thời Đệ Nhất Cộng hòa. Năm 1960, ông cùng 17 nhân sĩ thành lập nhóm Tự do Tiến bộ, tổ chức họp báo tại khách sạn Caravelle (thường được gọi là "nhóm Caravelle"), chính thức xác nhận địa vị đối lập với chính quyền. Khi cuộc đảo chính của đại tá Nguyễn Chánh Thi đứng đầu nổ ra, nhóm đã tuyên bố ủng hộ. Vì thế ông cùng 17 vị nhân sĩ nhóm Caravelle bị chính quyền bắt giam. Trong tù, ông có viết một tập thơ lấy tên là Lao trung lãnh vận (tức "Những vần thơ lạnh lẽo ở trong tù").
Thủ tướng
Sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm bị phe quân nhân đảo chính trong nội bộ, năm 1964, ông lại được cử giữ chức Đô trưởng Sài Gòn lần thứ 2. Không lâu sau, ngày 4 tháng 11 năm 1964, ông lại được Quốc trưởng Phan Khắc Sửu mời giữ ghế Thủ tướng và lập Nội các:
Sang Tháng Giêng năm 1965 trước áp lực của phe quân nhân, Trần Văn Hương phải cải tổ Nội các Chính phủ trung ương, thu nạp thêm 4 tướng lãnh. Nội các mới có thêm những chức vụ sau đây.
Nguyễn Xuân Oánh chuyển xuống làm Đệ Tam Phó thủ tướng. Tuy nhiên chính phủ của Trần Văn Hương không tồn tại được lâu vì ngày 27 tháng 1 năm 1965, tướng Nguyễn Khánh làm cuộc chỉnh lý, lật đổ chính quyền dân sự và Quốc trưởng Phan Khắc Sửu bị truất phế. Trần Văn Hương cũng bị bắt và quản thúc một thời gian ở Vũng Tàu.
Năm 1968, để tạo ảnh hưởng, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã mời ông ra làm Thủ tướng lần thứ hai.
Phó tổng thống
Năm 1971, ông cùng Nguyễn Văn Thiệu liên danh ứng cử và đắc cử chức vụ Phó tổng thống nhiệm kỳ 1971-1975.
Tổng thống
Ngày 21 tháng 4 năm 1975, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu phải tuyên bố từ chức và trao quyền lại cho Phó tổng thống Trần Văn Hương. Ông cũng chỉ nắm chức vụ trong vòng 7 ngày. Ngày 28 tháng 4, ông đã trao quyền lãnh đạo cho tướng Dương Văn Minh để tìm cách điều đình với lực lượng Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đang tiến vào sát thủ đô Sài Gòn. Ông được xem là vị tổng thống áp chót của Việt Nam Cộng hòa.
Đời tư
Ông lấy vợ Lưu Thị Triệu, sống ở căn nhà số 216 đường Phan Thanh Giản, Sài Gòn. Ông bà có hai người con trai. Con trai lớn là ông Trần Văn Dõi (1924-2011) và con thứ là Trần Văn Đính (sinh 1925). Trần Văn Dõi theo Việt Minh rồi tập kết ra Bắc. Trần Văn Đính làm phụ tá cho cha ở Sài Gòn rồi tỵ nạn sang Mỹ năm 1975, sống ở California, Hoa Kỳ. Cháu nội ông là Trần Bảo Danh (con của ông Trần Văn Đính) nay sống ở Oregon, Hoa Kỳ. Trần Văn Dõi sống ở Thành phố Hồ Chí Minh đến khi qua đời, con gái ông (cháu nội Hương) đến Hungary để sống ở đó với chồng bản xứ và có 1 con trai, chắt nội đó của ông Hương nay về Việt Nam để huấn luyện bóng đá.
Sau năm 1975
Những năm tháng cuối đời, ông sống chung với em gái, em rể, và người con trai lớn là Lưu Vĩnh Châu, tên thật là Trần Văn Dõi, một cán bộ của Ban Công nghiệp Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở miền Bắc, nguyên là đại úy Quân đội Nhân dân Việt Nam đã từng tham gia trận Điện Biên Phủ.
Ông mất ngày 27 tháng 1 năm 1982, nhằm ngày mồng 3 Tết Nhâm Tuất, hưởng thọ 80 tuổi. |
là một ngôn ngữ Đông Á được hơn 125 triệu người sử dụng ở Nhật Bản và những cộng đồng dân di cư Nhật Bản khắp thế giới. Tại Việt Nam nó cũng là một trong các ngoại ngữ được giảng dạy trong chương trình học từ cấp cơ sở và là môn thi trong Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia.
Tiếng Nhật là một ngôn ngữ tượng hình (khác biệt với tiếng Việt vốn thuộc vào loại ngôn ngữ đơn lập phân tích cao), nổi bật với một hệ thống các nghi thức nghiêm ngặt và rành mạch, đặc biệt là hệ thống kính ngữ phức tạp thể hiện bản chất thứ bậc của xã hội Nhật Bản, với những dạng biến đổi động từ và sự kết hợp một số từ vựng để chỉ mối quan hệ giữa người nói, người nghe và người được nói đến trong cuộc hội thoại. Kho ngữ âm của tiếng Nhật khá nhỏ, với một hệ thống ngữ điệu rõ rệt theo từ. Tiếng Nhật cổ nhất được biết đến chủ yếu dựa vào trạng thái của nó vào thế kỷ thứ VIII, khi ba tác phẩm chủ yếu của tiếng Nhật cổ được dịch (hai bộ sử , , và thi tập ; nhưng một số lượng tài liệu ít hơn, chủ yếu là chữ khắc, còn cổ hơn. Những chứng thực về tiếng Nhật cổ nhất có thể được tìm thấy trong một số tư liệu thành văn của Trung Quốc từ năm 252.
Tiếng Nhật cũng nổi bật ở việc được viết phổ biến trong sự phối hợp của ba kiểu chữ: văn tự ngữ tố và hai kiểu chữ tượng thanh (ghi âm tiết) - gồm kiểu chữ nét mềm và kiểu chữ nét cứng . Kanji dùng để viết các từ Hán (mượn của tiếng Trung Quốc) hoặc các từ người Nhật dùng chữ Hán để thể hiện rõ nghĩa. Hiragana dùng để ghi các từ gốc Nhật và các thành tố ngữ pháp như trợ từ, trợ động từ, đuôi động từ, tính từ... Katakana dùng để phiên âm từ vựng nước ngoài (kể cả tiếng Trung, tuy có chữ Hán nhưng Katakana vẫn được dùng để phiên âm tiếng Quan Thoại, ví dụ như Thượng Hải , tiếng Nhật dùng (Shanhai) để phiên âm từ bính âm là "Shànghăi", ít khi dùng từ Hán-Nhật là "" Joukai), và có lúc thay Hiragana để nhấn mạnh từ gốc Nhật (ví dụ như "Kimi" (bạn/cậu), có lúc dùng để nhấn mạnh cho , giống như trong tiếng Việt nhấn mạnh bằng cách cho vào "ngoặc kép" hay VIẾT IN HOA). Bảng ký tự Latinh Rōmaji cũng được dùng trong tiếng Nhật hiện đại, đặc biệt là ở tên và biểu trưng của các công ty, quảng cáo, nhãn hiệu hàng hoá, khi nhập tiếng Nhật vào máy vi tính và được dạy ở cấp tiểu học nhưng chỉ có tính thí điểm. Số Ả Rập theo kiểu phương Tây được dùng để ghi số, nhưng cách viết chữ số Hán theo Kanji như "" (nhất nhị tam) cũng rất phổ biến.
Từ vựng Nhật cũng chịu ảnh hưởng lớn bởi những từ mượn từ các ngôn ngữ khác. Một số lượng khổng lồ các từ vựng mượn từ tiếng Hán, hoặc được tạo ra theo kiểu của tiếng Hán, tồn tại qua giai đoạn ít nhất 1.500 năm. Từ cuối thế kỷ XIX, tiếng Nhật đã mượn một lượng từ vựng đáng kể từ ngữ hệ Ấn-Âu, chủ yếu là tiếng Anh, và phát sinh ra các từ vựng được gọi là , ví dụ như , chế từ cụm từ tiếng Anh "remote control" mà người Nhật phiên âm là . Do mối quan hệ thương mại đặc biệt giữa Nhật Bản và Hà Lan vào thế kỷ thứ XVII, tiếng Hà Lan cũng có ảnh hưởng, với những từ như bīru (từ bier; "bia") và kōhī (từ koffie; "cà phê").
Đặc điểm
Âm vị của tiếng Nhật, ngoại trừ âm "" (phụ âm đôi) và "" (âm gảy), mang đặc điểm của ngôn ngữ theo âm tiết kết thúc bằng nguyên âm, ngoài ra tiếng Nhật tiêu chuẩn cũng như đa số các phương ngữ tiếng Nhật được nói theo từng nhịp đều nhau. Ngữ điệu trong tiếng Nhật là ngữ điệu cao thấp. Trong bộ từ vựng Đại Hòa ( Yamato), các nguyên tắc sau đây được áp dụng:
Các âm thuộc hàng "" (ra) gồm có /ra/ /ri/ /ru/ /re/ /ro/, không đứng ở đầu một từ (do đó các từ bắt đầu bằng hàng "" rất hiếm gặp trong tiếng Nhật. Những từ như raku (, "lạc", còn gọi là đậu phộng), rappa (, "kèn"), ringo (, "táo")...không phải là từ trong bộ từ vựng Yamato)
Âm kêu không đứng ở đầu một từ (những từ như daku (, "ôm"), dore (, "cái nào"), ba (, "nơi chốn"), bara (, hoa hồng)... là do thế hệ sau sửa đổi)
Các nguyên âm thuộc cùng một hàng không được liền kề nhau (a.o (, "màu xanh"), ka.i (, con sò) trước đây được đọc lần lượt là , )
Những nguyên tắc khác được đề cập ở phần Phân loại cũng như Âm vị.
Về câu, thứ tự các thành phần trong một câu là "chủ ngữ – tân ngữ – động từ". Tân ngữ đứng trước từ cần tân ngữ. Ngoài ra, để hiển thị danh từ cách, không chỉ đổi thứ tự và chia từ vĩ (phần đuôi từ), mà còn thêm từ khoá thể hiện chức năng ngữ pháp (trợ từ) vào cuối (chắp dính). Do đó, xét về mặt phân loại ngôn ngữ, theo quan điểm về thứ tự trong câu theo ngôn ngữ kiểu chủ-tân-động, tiếng Nhật được xếp vào loại ngôn ngữ chắp dính về hình thái (xem thêm phần Ngữ pháp).
Về từ vựng, ngoài bộ từ vựng Yamato, tiếng Nhật sử dụng rất nhiều chữ Hán được du nhập từ Trung Quốc, ngoài ra gần đây từ vựng phương Tây ngày càng nhiều hơn trong kho từ mượn của tiếng Nhật (xem thêm Hệ thống từ vựng).
Về biểu thị thái độ, tiếng Nhật có một hệ thống kính ngữ đa dạng về ngữ pháp và từ vựng để biểu hiện mối quan hệ một cách khôn khéo của người nói đối với người nghe và người được đề cập đến (xem thêm Biểu thị thái độ).
Về phương ngữ, có sự khác nhau lớn giữa miền Đông và miền Tây của Nhật Bản cũng như ở nhóm đảo Ryūkyū. Hơn nữa, nếu nhìn vào chi tiết, ở mỗi địa phương lại có một phương ngữ khác nhau (xem thêm Phương ngữ).
Các đặc trưng của ngôn ngữ còn được thể hiện, đầu tiên là ở sự phức tạp của hệ thống chữ viết rất dễ nhận thấy. Kanji (, Hán tự) (được sử dụng với cả cách đọc âm Hán (, on'yomi) lẫn âm Nhật (, "kun'yomi")), hiragana (), katakana () và bảng rōmaji v.v., nhiều người cho rằng một ngôn ngữ thường xuyên phối hợp hơn 3 kiểu chữ khác nhau như vậy là có một không hai (xem thêm Hệ thống chữ viết). Ngoài ra, đại từ nhân xưng rất đa dạng như dùng watakushi, watashi, boku, ore đều để chỉ ngôi thứ nhất và anata, anta, kimi, omae để chỉ ngôi thứ hai, v.v. cũng là một đặc điểm của tiếng Nhật (Xem thêm Đại từ nhân xưng).
Phân loại
Hiện nay việc khẳng định tiếng Nhật thuộc ngữ hệ nào vẫn nằm trong vòng tranh cãi, cần phải được chứng minh thêm. Có nhiều giả thuyết đã được đưa ra, nhưng chưa có giả thuyết nào đủ mạnh để có thể khẳng định điều này.
Có giả thuyết cho rằng nó thuộc ngữ hệ Altai, đặc biệt khi quan sát tiếng Nhật từ cuối thời Minh Trị. Về nguồn gốc, trong tiếng Nhật cổ (từ vựng Đại Hoà), có thể thấy rằng âm /r/ (âm nước) không đứng ở đầu từ, và một loại nguyên âm điều hoà (không để hai nguyên âm cùng loại đứng gần nhau để điều hoà cách đọc) đã được sử dụng. Tuy nhiên, bản thân những ngôn ngữ cho rằng mình thuộc ngữ hệ Altai cũng cần phải chứng minh thêm về sự tương quan đó, do đó, đối với đặc trưng rất dễ thấy của tiếng Nhật cổ được đề cập ở bên trên thì tiếng Nhật là ngôn ngữ thuộc "kiểu Altai", chứ không hoàn toàn thuộc về hệ đó.
Ngữ hệ Nam Đảo cũng là một hệ âm vị và từ vựng được cho là có sự tương đồng với tiếng Nhật, tuy nhiên, những minh chứng được đưa ra để khẳng định về mặt ngôn ngữ thì không đủ, có rất nhiều ví dụ cho giả thiết trên không thể kiểm chứng được. Cho nên nói về mối quan hệ thì có thể nói rằng nó không rõ ràng.
Có giả thuyết nói rằng tiếng Nhật có quan hệ với ngữ hệ Dravida, nhưng những nhà nghiên cứu nhận thấy mối quan hệ đó không nhiều. Shin Ono có giả thuyết cho rằng các điểm từ vựng - ngữ pháp của tiếng Nhật có những điểm chung với tiếng Tamil, tuy nhiên đã có nhiều chỉ trích quan điểm này khi xem xét vấn đề theo phương pháp của ngành so sánh ngôn ngữ học (xem tiếng Tamil).
Nếu chúng ta quan tâm đến mối quan hệ đối với cá nhân từng ngôn ngữ, thì ký hiệu, từ vựng v.v. của tiếng Nhật ảnh hưởng mạnh mẽ bởi tiếng Hán từ xa xưa thông qua chữ Hán và Hán ngữ. Nhật Bản thuộc về nhóm các nước có truyền thống sử dụng chữ Hán (các nước đồng văn) mà trung tâm là Trung Quốc. Tuy nhiên, cơ sở từ vựng không có sự tương ứng, ngoài ra đặc trưng về văn phạm - phát âm thì hoàn toàn khác Trung Quốc, do đó sự liên quan về hệ thống là không chính xác.
Đối với ngôn ngữ Ainu, mặc dù cấu trúc câu của ngôn ngữ Ainu tương tự như của tiếng Nhật (kiểu SOV), nhưng văn phạm - hình thái xét theo loại hình thì thuộc về các tổ hợp ngôn ngữ khác nhau, đồng thời cấu tạo âm vị cũng chứng tỏ tồn tại nhiều khác biệt về hữu thanh - vô thanh cũng như việc sử dụng âm tiết đóng. Sự liên quan tương tự về mặt từ vựng cơ bản cũng đã được chỉ ra nhưng những dẫn chứng thì không đầy đủ. Nói chung sự giống nhau về ngôn ngữ thể hiện ở chỗ, có nhiều từ vựng Ainu rất dễ nhận ra là đều được mượn từ tiếng Nhật. Hiện nay, những tài liệu chứng minh ra sự liên quan với nhau của hai ngôn ngữ một cách hệ thống rất thiếu.
Đối với ngôn ngữ Triều Tiên, mặc dù có nhiều điểm giống nhau về cấu trúc văn phạm, cơ sở từ vựng của hai ngôn ngữ khác nhau rất nhiều. Về khía cạnh âm vị, mặc dù có những điểm giống nhau về nguồn gốc cũng như âm nước không đứng ở đầu từ, hay đều dùng một kiểu hoà hợp nguyên âm, v.v., nhưng cũng như ngữ hệ Altai được đề cập ở trên, sự tương tự không đóng vai trò toàn bộ, âm đóng và phụ âm kép (trong tiếng Triều Tiên thời kỳ giữa) tồn tại sự khác nhau lớn so với tiếng Nhật. Trong Ngôn ngữ Cao Ly đã biến mất của bán đảo Triều Tiên, cách đếm số cũng như từ vựng được cho là tương tự với tiếng Nhật, nhưng sự thật là hiện nay tiếng Cao Ly là biến mất gần như hoàn toàn, do đó khó có thể trở thành tài liệu kết luận giả thuyết trên một cách có hệ thống.
Ngoài ra, tiếng Lepcha - tiếng Hebrew cũng đã được đề cập đến, nhưng về mặt so sánh ngôn ngữ học nó được xếp vào loại các giả thuyết sai.
Ngôn ngữ giống với tiếng Nhật và hệ thống của nó được thấy rõ ràng nhất là ngôn ngữ của nhóm đảo Ryūkyū (thuộc tiểu vương quốc Ryūkyū trước đây). Ngôn ngữ Ryūkyū và tiếng Nhật gần gũi một cách dị thường, do đó có khả năng xếp nó thành một phần của tiếng Nhật (phương ngữ Ryūkyū). Trong trường hợp là ngôn ngữ đặc biệt, tiếng Nhật và tiếng Ryūkyū được xếp chung vào Ngữ hệ Nhật Bản.
Phân bố theo địa lý
Mặc dù tiếng Nhật hầu như chỉ được nói ở nước Nhật, tuy nhiên nó đã và vẫn được dùng ở nhiều nơi khác. Khi Nhật Bản chiếm đóng Triều Tiên, Đài Loan, một phần của Trung Hoa lục địa, và một số đảo ở Thái Bình Dương trong và trước Chiến tranh thế giới thứ hai, những người dân địa phương ở các nước này bị bắt buộc phải học tiếng Nhật trong các chương trình xây dựng đế chế. Kết quả là có nhiều người cho đến thập niên 1970 vẫn có thể nói được tiếng Nhật ngoài ngôn ngữ bản địa. Cộng đồng dân di cư Nhật Bản (lớn nhất là ở Brasil) thường dùng tiếng Nhật để nói chuyện hàng ngày. Dân di cư Nhật có mặt ở Peru, Argentina, Úc (đặc biệt ở Sydney, Brisbane, và Melbourne) và Hoa Kỳ (chủ yếu ở California và Hawaii). Còn có một cộng đồng di cư nhỏ ở Davao, Philippines với nhiều hậu duệ người Philippines gốc Nhật sinh sống, cùng với một số ở Laguna, Philippines và nhiều người khác ở khắp Philippines và ở Nhật Bản và trên 245.518 người Philippines ở Nhật, cộng với số người kết hôn với người Nhật, và ở châu Mỹ cũng có thể nói tiếng Nhật. Con cháu của họ (gọi là nikkei Nhật hệ), tuy nhiên, hiếm khi nói được tiếng Nhật một cách thông thạo. Hiện nay ước tính có khoảng vài triệu người ở các nước đang học tiếng Nhật; nhiều trường tiểu học và trung học cũng đưa tiếng Nhật vào chương trình giảng dạy.
Ở Việt Nam tiếng Nhật cũng được dạy từ những năm 1940-1945, nhưng chỉ đến khoảng những năm 1960-1965 mới được dạy có hệ thống ở cả hai miền. Trong khoảng 10 năm sau đó có một thế hệ người miền Nam rất giỏi tiếng Nhật làm việc tại Phủ quốc vụ khanh đặc trách văn hoá, Tiểu ban Nhật Văn thuộc Ủy ban dịch thuật. Tuy nhiên, tiếng Nhật chỉ thực sự được giảng dạy mạnh mẽ trở lại trong khoảng 20 năm từ khi bắt đầu đổi mới đến nay khi các trường đại học mở phân khoa tiếng Nhật. Một số trường phổ thông ở Việt Nam cũng có chương trình giảng dạy tiếng Nhật như Trường Trung học phổ thông Chuyên Ngoại ngữ, Trường Trung học phổ thông Chu Văn An (Hà Nội).
Theo báo cáo trong The World Factbook của CIA, bang Angaur của Palau xem tiếng Nhật là một trong ba ngôn ngữ chính thức cùng với tiếng Angaur và tiếng Anh. Tiểu bang này là nơi duy nhất trên thế giới xem tiếng Nhật là ngôn ngữ chính thức về mặt pháp lý, nếu như bản báo cáo đó xác thực. Tuy nhiên, cũng có báo cáo khác nói rằng ngôn ngữ chính thức ở Angaur là tiếng Palau và tiếng Anh, giống như các tiểu bang khác trong nước. Dù thế nào đi nữa, số người dùng tiếng Nhật ở bang đó cũng là con số không, theo điều tra vào năm 2005.
Ngôn ngữ chính thức
Tiếng Nhật là ngôn ngữ chính thức "không thành văn" ở Nhật Bản, và Nhật Bản là quốc gia duy nhất dùng tiếng Nhật làm ngôn ngữ hành chính chính thức. Có một dạng ngôn ngữ được coi là chuẩn: ngôn ngữ tiêu chuẩn, hoặc ngôn ngữ phổ thông). Ý nghĩa của hai từ này tương đương nhau. Hyōjungo (kyōtsūgo) là một khái niệm tạo thành từ một bộ phận của phương ngữ. Ngôn ngữ tiêu chuẩn này được tạo ra sau Minh Trị Duy Tân (1868) từ thứ ngôn ngữ được nói ở khu vực đô thị Tokyo do nhu cầu trao đổi thông tin. Hyōjungo được dạy ở trường học và được dùng trên truyền hình và giao tiếp chính thức, và cũng là bản tiếng Nhật được bàn đến trong bài này.
Trước đây, tiếng Nhật chuẩn trong văn viết () khác với văn nói (). Hai hệ thống này có ngữ pháp khác nhau và có những biến thể về từ vựng. Bungo là cách viết tiếng Nhật chủ yếu cho đến khoảng năm 1900, sau đó kogo dần dần mở rộng tầm ảnh hưởng và hai phương pháp này đều được dùng trong văn viết cho đến thập niên 1940. Bungo vẫn hữu ích đối với các sử gia, học giả văn chương, và luật sư (nhiều điều luật của Nhật có từ thời Chiến tranh thế giới thứ hai vẫn còn được viết bằng bungo, mặc dù hiện đang có những nỗ lực để hiện đại hoá ngôn ngữ này). Kōgo phương pháp được dùng cho cả nói và viết tiếng Nhật chiếm ưu thế hiện nay, mặc dù ngữ pháp và từ vựng bungo thỉnh thoảng vẫn được dùng trong tiếng Nhật hiện đại để tăng biểu cảm.
Phương ngữ
Ở Nhật Bản có rất nhiều phương ngữ ( hōgen). Sự phong phú này đến từ nhiều yếu tố, do một thời gian dài sinh sống ở quần đảo, địa hình đảo, những dãy núi chia cắt từng phần lãnh thổ, và lịch sử lâu dài sống tách biệt với bên ngoài lẫn bên trong của nước Nhật. Các phương ngữ thường khác nhau về ngữ điệu, hình thái biến đổi, từ vựng, và cách dùng các trợ từ. Một vài phương ngữ còn khác nhau ở các phụ âm và nguyên âm, mặc dù điều này không phổ biến.
Năm nhóm phương ngữ chính gồm có 5 nhóm chính:
Higashi-nihon hōgen (, phương ngữ Đông Nhật Bản), phương ngữ phía Đông Nhật Bản, bao gồm cả phương ngữ Tokyo.
Hachijō hōgen (, phương ngữ Bát Trượng), phương ngữ có ảnh hưởng từ phương ngữ Đông Nhật Bản cổ.
Nishi-nihon hōgen (, phương ngữ Tây Nhật Bản), phương ngữ phía Tây Nhật Bản, gồm có Kyoto, Osaka, v.v.
Kyūshū hōgen (, phương ngữ Cửu Châu), gồm Nagasaki, Kumamoto, v.v.
Ryūkyū hōgen (, phương ngữ Lưu Cầu), các đảo thuộc nhóm đảo Ryūkyū.
Ngày nay, tiếng Nhật chuẩn được dùng phổ biến trên cả nước (bao gồm nhiều phần của nhóm đảo Ryūkyū như Okinawa) do không chỉ truyền hình và radio, mà còn nhờ vào hệ thống đường sá, tàu lửa, và hàng không. Những người trẻ tuổi thường nói được cả tiếng địa phương và ngôn ngữ chuẩn, mặc dù trong đa số trường hợp, tiếng địa phương chịu ảnh hưởng bởi tiếng chuẩn, và tiếng Nhật "tiêu chuẩn" ngược lại cũng bị ảnh hưởng bởi tiếng địa phương.
Âm vị
Hệ thống âm vị
Trong tiếng Nhật, ippon (一本, "1 cái"), viết theo chữ hiragana là 「いっぽん」, sẽ được đọc theo 4 đơn vị là 「い・っ・ぽ・ん」. Theo âm tiết, nghe như với 2 âm tiết, nhưng nó không giống với cách nắm bắt theo âm vị. Cách chia những phần theo âm thanh học thì khác với âm tiết, theo âm vần luận thì mỗi đơn vị trong 「い・っ・ぽ・ん」 được gọi là mora (phách).
Mora trong tiếng Nhật nói chung có thể hệ thống hoá dựa trên kana (仮名, bảng chữ tiếng Nhật). Ippon và mattaku 「まったく」 theo âm thanh học là và không có đơn âm nào chung, nhưng trong tiếng Nhật vẫn có một mora chung, đó là 「っ」. Ngoài ra, đối với 「ん」, theo âm thanh học thì tuỳ theo âm đi sau nó mà có thể được phát âm là , , hay , nhưng những người nói tiếng Nhật đều có thể nhận ra âm giống nhau, do đó theo âm vần luận nó trở thành một loại mora.
Trong tiếng Nhật, phần lớn mora đều kết thúc bằng nguyên âm. Do đó tiếng Nhật mang đặc tính mạnh của ngôn ngữ âm tiết mở. Mặc dù vậy, hai mora đặc biệt 「っ」 và 「ん」 không có nguyên âm.
Về phân loại mora, có 111 kiểu mora như bảng dưới. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, số lượng mora đang dần thay đổi. Đối với âm của hàng ga 「が」, ở vị trí giữa và cuối từ, nó biến thành âm mũi (còn gọi là âm kêu mũi) thuộc hàng 「か゚」, nhưng với những người trẻ tuổi thì sự phân biệt này đang mất dần. Do đó, nếu ta không đếm hàng 「か゚」, số lượng mora chỉ còn 103. Còn nếu tính luôn cả các âm mượn như 「ファ(fa)・フィ(fi)・フェ(fe)・フォ(fo)」「ティ(ti)・トゥ(tu)」「ディ(di)・ドゥ(du)」, con số này lại thay đổi lên đến 128 mora..
Hơn nữa, bảng chữ cái tiếng Nhật thường được sử dụng để giải thích cho hệ thống âm vị, nhưng thử so sánh với bảng mora tiếng Nhật ở trên, ta thấy có sự khác nhau đáng kể. Đáng chú ý bảng chữ cái tiếng Nhật đã có từ thời kỳ Bình An (平安, "Heian"), do đó nó không phản ánh được hệ thống âm vị của ngôn ngữ hiện đại (xem thêm phần "Trước thời Giang hộ (Eido)" của "Nghiên cứu sử tiếng Nhật").
Hệ thống nguyên âm
Nguyên âm được thể hiện bằng các ký tự 「あ・い・う・え・お」. Theo âm vần luận, nguyên âm tiếng Nhật có 5 âm được thể hiện theo các ký tự trên, ký hiệu âm tố được viết là:
/a/, /i/, /u/, /e/, /o/
Mặt khác, theo âm vị học, năm nguyên âm cơ bản được phát âm gần với
Chữ 「う」 giống như âm tròn môi trong tiếng Việt và một số ngôn ngữ khác, đồng thời cũng là một nguyên âm không tròn môi, nhưng ở phía sau âm môi thì tiến đến âm tròn môi (để hiểu rõ phát âm, xem mục văn tự tương tự).
Theo âm vần luận, những chữ như kōhī 「コーヒー」 (cà phê) và hīhī 「ひいひい」 (tiếng rên), tồn tại một yếu tố gọi là trường âm biểu diễn bằng 「ー」 hay hàng a 「あ」 trong kana (ký hiệu âm tố là /R/). Ở đây, tồn tại một mora độc đáo độc lập được phát âm bằng phương pháp gọi là "kéo dài nguyên âm trước đó thêm 1 mora". Giống như những từ tori (鳥, "chim") và tōri (通り, con đường), việc có hay không có trường âm nhiều khi cũng khác nhau về ý nghĩa. Tuy nhiên, theo âm thanh thì việc có một âm cụ thể được gọi là "trường âm" là không có, vì ở phần nửa sau của nguyên âm dài cũng chính là âm đó.
Đối với những chữ được viết là ei 「えい」, ou 「おう」 thì cách phát âm giống như ee 「ええ」 hay oo 「おお」 và nói chung đều được phiên âm thành các nguyên âm dài của và (những từ như kei 「けい」, kou 「こう」 v.v., trường hợp có phụ âm ở đầu hoàn toàn tương tự). Nói cách khác, eisei (衛星, "vệ tinh") outou (応答, "trả lời") được đọc là 「エーセー」「オートー」. Tuy nhiên, ở Kyuushuu và phía Tây Shikoku, phía nam Bán đảo Kii... thì ei 「えい」 phát âm thành .
Phần cuối của các câu kết thúc bằng desu「です」 và masu「ます」, biến thành vô thanh và, có trường hợp nghe như và (tuỳ thuộc vào từng phương ngữ và từng cá nhân). Hơn nữa, trong trường hợp nguyên âm i 「い」, u 「う」 nằm giữa phụ âm vô thanh cũng biến thành vô thanh và thanh đới không rung. Ví dụ như, Kikuchi trong Kikuchi Kan (菊池寛) và kuchikiki trong kuchikiki kōi (口利き行為, cử chỉ phát ngôn) phần nguyên âm thành nguyên âm vô thanh.
Nguyên âm đứng phía trước 「ん」 có xu hướng trở thành âm mũi. Ngoài ra, 「ん」 đứng phía trước nguyên âm thì trở thành nguyên âm mũi.
Hệ thống phụ âm
Phụ âm phân biệt theo âm vần luận, có các phụ âm thuộc các hàng 「か(ka)・さ(sa)・た(ta)・な(na)・は(ha)・ま(ma)・や(ya)・ら(ra)・わ(wa)」, phụ âm kêu thuộc các hàng 「が(ga)・ざ(za)・だ(da)・ば(ba)」, phụ âm nửa kêu thuộc hàng 「ぱ(pa)」 (về mora đặc biệt, xin tham khảo ở phần cuối phần này). Ký hiệu âm tố như sau:
/k/, /s/, /t/, /h/ (âm điếc)
/g/, /z/, /d/, /b/ (âm kêu)
/p/ (âm nửa kêu)
/n/, /m/, /r/
/j/, /w/ (thường gọi là bán nguyên âm)
Mặt khác, theo âm thanh học, thì hệ thống phụ âm có rất nhiều khía cạnh phức tạp. Các phụ âm được dùng chủ yếu gồm có
Về cơ bản thì các âm hàng ka 「か」 phát âm là , hàng sa 「さ」 là (hay , tuỳ địa phương và người nói), hàng ta 「た」 là , hàng na 「な」 là , hàng ha 「は」 là , hàng ma 「ま」 là , hàng ya 「や」 là , hàng da 「だ」 là , hàng ba 「ば」 là , và cuối cùng là hàng pa 「ぱ」 phát âm là .
Phụ âm hàng ra 「ら」 khi đứng ở đầu từ thì phát âm như , thay vì phát âm như âm tắc nhẹ khó đọc. Cũng có người phát âm gần giống như của tiếng Việt. Không có ký hiệu âm thanh thích hợp nhưng cũng có khi được dùng thay thế bằng âm tắc uốn lưỡi kêu . Mặt khác, âm ra cùng với 「っ」 như 「あらっ?」, xuất hiện ở giữa hoặc cuối từ sẽ trở thành âm tắc lưỡi hoặc .
Phụ âm hàng wa 「わ」 có người nói dùng cách phát âm tròn môi , nhưng đa số dùng âm không tròn môi (khi tách ra đọc từng âm thì tiếng Nhật lại đọc là ). Đối với các âm mượn 「ウィ(vi)」「ウェ(ve)」「ウォ(vo)」 cũng phát âm y hệt nhưng cũng có nhiều người phát âm là 「ウイ(ui)」「ウエ(ue)」「ウオ(uo)」.
Phụ âm hàng ga 「が」 khi xuất hiện ở đầu từ thì dùng , nhưng ở giữa từ thì phổ biến cách dùng (âm mũi hàng ga, gọi là âm kêu mũi). Ngày nay, việc dùng âm đang dần biến mất.
Phụ âm hàng za 「ざ」 khi đứng ở đầu từ và sau 「ん」 thì sử dụng âm tắc xát (âm của phối hợp âm tắc và âm xát) nhưng ở giữa từ thì thường sử dụng âm xát (như ). Cũng có người luôn sử dụng âm tắc xát nhưng ví dụ như shujutsu (手術, "phẫu thuật") sẽ rất khó và đa số sẽ dùng âm xát. Ngoài ra, âm 「ぢ」 và 「づ」 của hàng da 「だ」, ngoại trừ một vài phương ngữ, luôn gây cho ta cảm giác đồng âm với 「じ」「ず」 của hàng za, phương pháp phát âm của chúng giống nhau.
Phụ âm theo sau nguyên âm i 「い」 cho ra âm sắc đặc biệt. Một vài phụ âm biến thành âm vòm, đầu lưỡi gần với vòm miệng cứng. Ví dụ như, phụ âm của hàng ka 「か」 nói chung phát âm là nhưng chỉ có ki 「き」 xảy ra hiện tượng như trên, và được phát âm là . Nếu sau các phụ âm vòm hoá thuộc cột i như trên là các nguyên âm a 「あ」 u 「う」 o 「お」 thì theo phép chính tả các chữ này sẽ biến thành 「ゃ」「ゅ」「ょ」 trong bảng kana và được viết như 「きゃ」「きゅ」「きょ」,「みゃ」「みゅ」「みょ」. Nếu sau nó là nguyên âm 「エ」 thì viết thành 「ェ」 trong bảng kana ví dụ như 「キェ」, nhưng với những từ mượn thì không có áp dụng theo cách trên.
Phụ âm trên cột âm i 「い」 của các hàng sa 「さ」, za 「ざ」, ta 「た」, ha 「は」 cũng có âm sắc đặc biệt nhưng lúc này không phải chỉ vòm hoá, mà điểm điều âm đã di chuyển đến vòm cứng. Phụ âm 「し」 và 「ち」 phát âm lần lượt là và . Các phụ âm thuộc hàng tương ứng với các âm đó vẫn được phát âm bình thường. Phụ âm của Âm mượn 「スィ(si)」 và 「ティ(ti)」 thì dùng âm vòm hoá và . Phụ âm 「じ」「ぢ」 đứng ở đầu từ cũng như sau 「ん」 thì dùng , giữa từ thì dùng . Phụ âm của âm mượn 「ディ(di)」 và 「ズィ(zi)」 thì sử dụng là âm vòm hoá và hay . Phụ âm hi 「ひ」 thì có âm vòm cứng chứ không đọc là .
Ngoài ra, phụ âm ni 「に」 được phát âm thành âm vòm hoá nhưng cũng có người sử dụng âm mũi vòm cứng . Tương tự như vậy, ri 「り」 có người sử dụng âm tắc vòm cứng, 「ち」 thì lại cũng có người sử dụng âm chẻ vòm cứng vô thanh .
Bên cạnh đó, hàng ha 「は」 thì chỉ có phụ âm fu 「ふ」 sử dụng âm sát đôi môi vô thanh còn các phụ âm còn lại của hàng ha biến hoá từ → → . Với âm mượn thì có người sử dụng là . Ngoài ra, ở hàng ta 「た」 thì chỉ có phụ âm tsu 「つ」 dùng là (giống với phụ âm "t" bật hơi của tiếng Anh). Các nguyên âm 「あ」「い」「え」「お」 theo sau những phụ âm này chủ yếu xuất hiện trong từ mượn, trở thành các chữ kana 「ァ」「ィ」「ェ」「ォ」 và viết thành 「ファ」「ツァ」 (「ツァ」 cũng dùng cho các trường hợp 「おとっつぁん」 hay 「ごっつぁん」). 「フィ」「ツィ」 thì xảy ra sự vòm hoá phụ âm. 「トゥ」「ドゥ」(, ) có người cố gắng phát âm gần với âm mượn , , .
Âm được gọi là phụ âm đôi 「っ」 (ký hiệu âm tố là /Q/) cũng như âm gảy 「ん」 (/N/), theo khái niệm của âm vần luận, là một mora đặc biệt giống như trường âm được đề cập ở trên. Nói về âm thanh thực thì 「っ」 trở thành các phụ âm liên tục , , , , , , . Ngoài ra, 「ん」 thì tuỳ theo âm ở phía sau mà thành phụ âm , , , (tuy nhiên, nếu ở phía trước nguyên âm thì thành nguyên âm mũi). Ví dụ nếu ở cuối câu thì nhiều người dùng là .
Trọng âm
Trọng âm của tiếng Nhật chủ yếu là trọng âm không đều. Trọng âm được xác định theo từ. Những trường hợp từ đồng âm có thể phân biệt nhờ sự khác nhau về trọng âm không ít. Ví dụ như trong phương ngữ Tokyo, ame (雨, "mưa") và ame (飴, "kẹo") thì được đọc tương ứng là 「a\me」 (phần đầu đọc cao hơn) và 「a/me」 (kiểu âm bằng), được phát âm rõ ràng là khác nhau (từ lúc này trở đi, khi nói về âm thanh đi lên dùng /, âm bằng dùng \). Những chữ đều được phiên âm là hashi o 「端を」 (góc đường), 「箸を」 (đôi đũa), 「橋を」 (cây cầu) thì đọc tương ứng là 「ha/shio」「ha\shio」「ha/shi\o」.
Sự lên xuống của trọng âm nếu nói theo âm nhạc thì giống với sự lên xuống của âm giai. Nhiều nhà soạn nhạc trước đây, khi phổ nhạc cho thơ, đã dựa trên trọng âm của ngôn từ. Ví dụ như, nhạc sĩ Kousaku Yamada đã phổ nhạc cho câu Karatachi no hana ga sai tayo ("hoa cam ba lá đã nở") (phổ thơ 「からたちの花」 của Kitahara Hakushū) đã tận dụng lại trọng âm phát âm là 「ka/ratachi no ha/na\ga sa/itayo」. Do đó, tránh cho ha/na\ga (花が, hoa) bị hiểu nhầm thành "lỗ mũi" 「鼻が」 (ha/naga).
Mặc dù như vậy, không phải lúc nào khác trọng âm cũng là khác nghĩa nhau. Như kyō'iku (教育, "giáo dục") hay zaisei (財政, "tài chính") giọng Tokyo đọc là 「kyo/ーiku」 và 「za/iseー (za/isei)」, nhưng theo các nhà chuyên môn cũng thường được đọc là 「kyo\ーiku」 và 「za\iseー」. Ngoài ra, sự bằng hoá trọng âm dường như đang là xu hướng của thời đại, densha (電車, "xe điện") và eiga (映画, "phim") từ cách đọc 「de\nsha」 và 「e\ーga (e\iga)」 đang dần trở thành 「de/nsha」 và 「e/ーga」. Tuy nhiên, ý nghĩa các từ không hề thay đổi.
Hana ga (花が, "hoa (thì)") ở Tokyo đọc là 「ha/na\ga」, ở Kyoto đọc là 「ha\naga」, cho nên trọng âm ở mỗi từ khác nhau tuỳ theo địa phương. Tuy nhiên, hệ thống trọng âm các địa phương với nhau không hoàn toàn là không hề tương ứng với nhau. Nhiều trường hợp có thể nhìn thấy sự đối ứng một cách có hệ thống. Ví dụ như, hana ga (花が), yama ga (山が, "núi (thì)") và ike ga (池が, "hồ (thì)") theo giọng Tokyo là 「ha/na\ga」, 「ya/ma\ga」, 「i/ke\ga」, phát âm dạng lồi, còn ở Kyoto thì 「ha\naga」, 「ya\maga」 và 「i\kega」 phát âm dạng phần đầu là âm cao. Theo đó, những từ nào ở địa phương này có cùng một kiểu trọng âm, thì ở địa phương khác, những từ đó cũng thuộc về cùng một kiểu trọng âm khác.
Sự thật là, trọng âm theo phương ngữ của Nhật Bản đều bắt nguồn từ một hệ thống ngôn ngữ có trọng âm hoàn toàn giống nhau trong quá khứ, nhưng sau đó dần dần tách ra và xuất hiện khác biệt. Shirō Hattori gọi nó là trọng âm của tiếng Nhật nguyên thủy, nhưng vấn đề tiếng Nhật nguyên thủy cụ thể ra sao thì có nhiều quan điểm. Ví dụ như Kazuharu Kindaichi và Otsumura Kazuo thì cho rằng trọng âm theo kiểu Kinh Phản (Keihan) của thời kỳ Viện Chính (Insei) (giọng kiểu sao chép tên (meigite)) là hệ thống cổ của trọng âm tiếng Nhật và, hầu hết mọi trọng âm của các phương ngữ hiện tại là kết quả sinh ra từ sau thời đại Nam Bắc Triều.
Hệ thống trọng âm ở miền Đông và miền Tây nói chung là khác nhau, nhưng nếu đi vào cụ thể, sự phân bố trọng âm phức tạp hơn. Ví dụ như, (quận) Aichi, Gifu, Nagano, Niigata về phía đông nói chung có giọng Tokyo, địa phương Kinki (khu vực xung quanh Osaka, Kyoto, Nara), Shikoku v.v. thì có giọng Keihan, xa về phía tây vùng Chūgoku, đến vùng Kyūshū, lại xuất hiện giọng Tokyo. Nói cách khác, giọng Keihan đóng vai trò quan trọng trong khu vực Kinki lại có xen kiểu Tokyo. Hơn nữa, một khu vực gồm một phần của vùng Kyūshū có kiểu trọng âm một hình thức được phát âm với trọng âm như nhau và khu vực từ phía Bắc Kantō (miền Đông) đến phía Nam Tōhoku (Đông Bắc), thì có thể nhận ra kiểu không có trọng âm, các âm đọc theo quy tắc không có âm cao. Một lần nữa, tồn tại những hệ thống trung gian, khác biệt hoàn toàn với đa số các hệ thống khác.
Chi tiết, có các hệ thống trọng âm sau:
Trọng âm kiểu Keihan (Kinh Phản)
Trọng âm kiểu Tokyo
Trọng âm 2 hình thức
Trọng âm 1 hình thức
Không có trọng âm
Tiền tại địa vị
Tiếng Nhật hiện đại sử dụng phổ biến kanji (漢字 - chữ Hán) với kana - bao gồm hiragana (ひらがな) và katakana (カタカナ), được viết dựa trên Hán tự thông dụng - Chính tả kana hiện đại. Số Ả rập và Romaji (ký tự latinh) cũng được sử dụng khi cần thiết. Về cách đọc của Hán tự thì có cách đọc theo kiểu onyomi (Hán-Nhật) và cách đọc kunyomi (thuần Nhật), tuỳ theo thói quen mà sử dụng cách đọc nào là hợp lý. Không có phép chính tả chính xác một cách chặt chẽ và những tranh luận về việc có nên quy định một phép chính tả chính xác cùng với sự phản đối nó dần dần không còn được nhắc đến nữa.
Hệ thống kana được phát triển để mô tả từ vựng ở vị trí trung tâm văn hoá. Do đó, kana luôn luôn phù hợp để viết ra hệ thống âm vị của phương ngữ khác.
Phân loại chữ viết
Hiragana - Katakana hiện nay có 46 chữ được sử dụng
Trong số này, có chữ kana biểu thị âm kêu và âm nửa kêu bằng cách gắn 「゛」 (dấu âm kêu) và 「゜」 (dấu âm nửa kêu) (tham khảo phần Âm vị). Nguyên âm đôi được biểu thị đi kèm với 「ゃ」「ゅ」「ょ」 viết bằng chữ nhỏ và, xúc âm được viết bằng chữ 「っ」 viết nhỏ. Còn những chữ như 「つぁ」「ファ」, có âm đọc được thể hiện đi kèm với 「ぁ」「ぃ」「ぅ」「ぇ」「ぉ」 chữ nhỏ. Theo cách viết kana cổ, khác với ở trên, tồn tại những chữ như 「ゐ」「ゑ」 trong Hiragana và 「ヰ」「ヱ」 trong Katakana. Cũng có 「ー」 để biểu thị trường âm như ký hiệu bổ trợ.
Hán tự có 1945 chữ Hán tự thông dụng, trong đó 1006 chữ được quy định là Hán tự được dạy cho học sinh phổ thông nhưng tại nơi công cộng thì, ngoại trừ Hán tự dùng cho tên người, có khoảng 2000 đến 3000 chữ Hán đang được sử dụng. Với bảng Chữ thông dụng của Hán ngữ hiện đại của Trung Quốc có 2500 chữ thông dụng và 1000 chữ gọi là Chữ thông dụng kế tiếp, do đó có thể nói rằng không có khoảng cách giữa số Hán tự được sử dụng thường xuyên hàng ngày của tiếng Nhật và tiếng Trung.
Ở trong câu nói chung, ngoài việc viết pha trộn các Hán tự - Hiragana - Katakana như ở trên, Romaji - Số Ả Rập cũng được sử dụng cùng lúc khi cần thiết. Một cách cơ bản, đa số dùng Hán tự cho Hán ngữ, với phần biểu thị khái niệm chung của Hoà ngữ (như danh từ và gốc từ biến cách) thì dùng Hán tự, với yếu tố hình thức (như trợ từ - trợ động từ) và một phần của phó từ - từ nối thì dùng hiragana, Ngoại lai ngữ (trừ Hán ngữ) thì sử dụng katakana. Theo tài liệu chính thức thì cũng có trường hợp quy định chữ viết cụ thể, người dân bình thường cũng dùng theo theo cách đó. Tuy nhiên, không có phép chính tả chính xác chặt chẽ và sự linh động về chữ viết đang được chấp nhận rộng rãi. Tuỳ theo loại văn chương và mục đích mà có các cách viết sau:
さくらのはながさく
サクラの花が咲く
桜の花が咲く
sakura no hana ga saku ("Hoa anh đào nở")
Lợi ích của việc viết trộn lẫn hệ thống chữ viết một cách đa dạng là ở chỗ từng khối từ được nắm bắt dễ dàng và rất có lợi để đọc nhanh. Từ đồng âm dị nghĩa bắt nguồn từ cấu tạo âm tiết đơn thuần của tiếng Nhật được phân biệt bằng Hán tự, số chữ có được cũng được rút ngắn, đó cũng là một lợi ích. Theo lịch sử, đã từng có chủ trương huỷ bỏ Hán tự cũng như Quốc tự hoá (kana hoá) Rōmaji nhưng không thể thực hiện rộng rãi. Ngày nay kiểu viết trộn lẫn Hán tự - Hiragana - Katakana đang được thừa nhận rộng rãi như kiểu chữ viết chuẩn.
Phương ngữ và chữ viết
Hệ thống chữ viết của tiếng Nhật đã phát triển để cho cách viết thống nhất nhưng không phải lúc nào cũng thích hợp để diễn tả âm vị của phương ngữ. Ví dụ, ở khu vực Tohoku (Đông Bắc) thì việc phát âm theo chữ kaki (柿, "quả hồng vàng") đọc là , kagi (鍵, "chìa khoá") đọc là , nhưng viết hai chữ này bằng kana thông thường sẽ là thì sẽ không phân biệt được (theo từ điển trọng âm nếu viết theo cách tương tự với chính tả sử dụng, sẽ trở thành 「カギ」 và 「カンキ゚」). Dù vậy, phương ngữ ít sử dụng ngôn ngữ viết, do đó trên thực tế ít gặp phải sự bất tiện.
Nói về phương ngữ Kesen tỉnh Iwate (tiếng Kesen), theo Harutsugu Yamaura, đã có những thử nghiệm về phép chính tả đúng dựa trên hình thức ngữ pháp. Nhưng đó chỉ là những thử nghiệm mang tính học thuật chứ không được sử dụng thực tế.
Hệ thống chữ viết của tiếng Ryūkyū đang được dùng cũng tương ứng với cách dùng của tiếng Nhật. Ví dụ, bài thơ tensago no hana của Ruka (còn được viết là てぃんさぐぬ花) theo cách viết truyền thống sẽ được viết như sau
てんさごの花や 爪先に染めて 親の寄せごとや 肝に染めれ
Theo cách viết này thì, ví dụ, hai loại nguyên âm ( và ) của tiếng Ryūkyū không có cách viết tương ứng. Nếu viết theo ngữ âm, có chỗ viết giống như .
Mặt chữ của cách viết Hán tự có những chữ riêng biệt chỉ tồn tại ở một số địa phương. Ví dụ, chữ 「杁」 trong một địa danh của thành phố Nagoya Irinaka 「杁中」, đó là "văn tự khu vực" của địa phương chỉ có ở Nagoya. Ngoài ra, 「垰」 được đọc với chữ kana là tao hay tawa, cũng là một chữ khác chỉ có ở vùng Chūgoku.
Kiểu viết
Tiếng Nhật có 2 kiểu viết: viết dọc - "tategaki" (縦書き - tung thư) và viết ngang - "yokogaki" (横書き - hoành thư).
Kiểu viết dọc tategaki là kiểu viết truyền thống theo chữ Hán, viết và đọc từ trên xuống, hàng tính từ phải sang trái. Kiểu viết này đôi khi cũng được dùng trong tiếng Trung và tiếng Hàn, trong truyện đọc, truyện tranh, thư từ.
Ví dụ điển hình nhất cho kiểu viết dọc tategaki trong đời sống hiện nay là tất cả các bộ truyện tranh Nhật Bản hiện đang phát hành có bản quyền ở Việt Nam đều phải đọc từ phải sang trái, nguyên nhân do các tác giả Nhật Bản đều sử dụng kiểu tategaki khi vẽ và viết lời thoại. Tiếng Việt ở Việt Nam hiện tại dùng chữ Quốc Ngữ thuộc ký tự Latin của phương Tây và không còn dùng phổ biến chữ Hán - chữ Nôm, và người Việt Nam vì đứt gãy văn hoá cổ xưa nên cách viết này đã dần bị lãng quên (Ở Việt Nam chỉ có thể thấy kiểu viết này ở các di tích lịch sử phong kiến như Bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, thể hiện rằng người Việt ở thời phong kiến đọc từ phải sang trái, và ở thời hiện tại là đọc từ trái sang phải là ngược với truyền thống, nhưng đa số người Việt hiện nay không biết điều này).
Kiểu viết ngang yokogaki theo giống chữ Latin, viết và đọc từ trái sang phải, hàng tính từ trên xuống dưới, thường dùng trong văn bản hành chính.
Ví dụ như viết câu "Nihongo no benkyou wa muzukashii kedo omoshiroi yo." (Việc học tiếng Nhật nó khó nhưng rất thú vị đó.) ở dưới:
Bộ gõ tiếng Nhật
Các bộ gõ tiếng Nhật luôn được tích hợp sẵn trong các hệ điều hành máy tính (Windows, MacOS,Linux) và điện thoại di động có giao diện sử dụng tiếng Nhật.
Đối với máy tính, có hai kiểu gõ là qua romaji và qua kana. Do người lớn tuổi hay những người ở vùng sâu xa ít tiếp xúc với romaji hay ít hiểu rõ về cách chuyển tự phiên âm romaji sang tiếng Nhật, nhiều hãng điện tử cũng sản xuất riêng các laptop hay các bàn phím riêng cho người Nhật, với sự thay đổi so với bàn phím gốc ở điểm sẽ in thêm các ký tự kana lên các phím (thường là hiragana). Do số lượng kana lên tới gần 50 ký tự nên phải in lên cả phím số và phím dấu câu. Khi gõ thì màn hình cũng hiện các từ bằng kanji hay katakana tương ứng và người gõ dùng phím cách để chọn từ. Hệ thông gõ chữ romaji có một vận đề là hai chữ ず và づ có cùng phát âm 'zu' cho nên づ được gõ bằng 'du' thay 'zu'. Còn cặp chữ khác cũng có vấn đề này là じ và ぢ (cả có phát âm 'ji'); cho じ gõ 'ji' và ぢ gõ 'di'.
Đối với điện thoại thì người Nhật hay sử dụng bàn phím số T9, với các phím số lần lượt từ 1 đến 9 và 0 được tích hợp kana theo hàng a-ka-sa-ta-na-ha-ma-ya-ra-wa (hàng wa cũng chứa ký tự を "o", ん "n" và dấu ngang ー trường âm của katakana). Bấm liên tục một phím sẽ cho ra các kana lần lượt theo cột a-i-u-e-o. Phím * dùng để đổi các kana ban đầu sang hàng của âm đục (ga-za-da-ba), âm bán đục (pa), âm ngắt (tsu nhỏ), ảo âm (ya-yu-yo nhỏ cho các âm thuộc hàng kya, sha, gya, ja, nya, bya, pya, mya, rya hay các chữ a-i-u-e-o nhỏ cho các âm hàng "fa", các âm "ti","di" và "tu","du" trong katakana để phiêm âm từ ngoại lai). Phím # dùng để viết dấu câu (bao gồm cả dấu cách, nhưng tiếng Nhật ít khi sử dụng). Khi bấm thì màn hình cũng hiện các từ bằng kanji hay katakana tương ứng, người viết dùng phím điều hướng để chọn. Bàn phím số T9 là bàn phím sử dụng phổ biến nhất trên di động ở Nhật Bản bởi bàn phím Qwerty trên điện thoại thường quá bé để chứa đủ các ký tự kana, cũng như người Nhật họ đương nhiên nhìn kana mà gõ tiếng Nhật quen hơn so với nhìn romaji. Chính vì vậy mà điện thoại gập và điện thoại cơ bản ở Nhật vẫn được sử dụng phổ biến. Hiện nay trên các smartphone cảm ứng thì bàn phím T9 còn có kiểu chọn kana qua cách quẹt phím theo 4 hướng trái-trên-phải-dưới của hàng tương ứng để chọn các chữ của cột i-u-e-o. Nó tiện hơn hẳn so với cách bấm liên tục khi bạn muốn viết nhanh các chữ cùng hàng (như はは(母) haha - "mẹ", かきかた(書き方) kakikata - "cách viết") mà không phải chờ 1 giây để máy xác nhận chữ, cũng như muốn bấm ngay chữ ở cột i-u-e-o (ví dụ như おととい ototoi - "hôm kia"; theo kiểu cũ bạn phải bấm năm lần phím 1 (hàng a cột o ra chữ お), năm lần phím 4 (hàng ta cột o ra chữ と) và chờ nhận chữ, năm lần phím 4 tiếp và 2 lần phím 1 (hàng a cột i ra chữ い); còn theo kiểu mới thì bạn chỉ cần quẹt xuống phím 1 ra お; quẹt xuống phím 4 hai lần ra とと và quẹt trái phím 1 ra い là xong).
Hệ thống từ vựng
Hệ thống từ vựng Nhật Bản khá phong phú, đa dạng. Trong Daijiten (Đại từ điển) do Nhà xuất bản Heibon xuất bản có khoảng 700.000 từ. Từ điển Kokugo jiten (Quốc ngữ từ điển) của Nhà xuất bản Iwanami có 57.000 từ.
Đại từ nhân xưng
Sự đa dạng của từ vựng mô tả con người trong tiếng Nhật thì rất đáng chú ý. Ví dụ như, ở mục watashi (わたし, "tôi") của Đại từ điển đồng âm liệt kê 「わたし(watashi)・わたくし(watakushi)・あたし(atashi)・あたくし(atakushi)・あたい(atai)・わし(washi)・わい(wai)・わて(wate)・我が輩(wagahai)・僕(boku)・おれ(ore)・おれ様(oresama)・おいら(oira)・わっし(wasshi)・こちとら(kochitora)・自分(jibun)・てまえ(temae)・小生(shousei)・それがし(soregashi)・拙者(sessha)・おら(ora)」, mục từ anata (あなた, "bạn") thì có 「あなた(anata)・あんた(anta)・きみ(kimi)・おまえ(omae)・おめえ(omee)・おまえさん(omaesan)・てめえ(temee)・貴様(kisama)・おのれ(onore)・われ(ware)・お宅(otaku)・なんじ(anji)・おぬし(onushi)・その方(sonokata)・貴君(kikun)・貴兄(kikei)・貴下(kika)・足下(sokka)・貴公(kikou)・貴女(kijo)・貴殿(kiden)・貴方(kihou)」.
Sự thật ở trên là, nếu như so sánh với việc hầu như chỉ có "I" và "you" để chỉ đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai trong tiếng Anh hiện đại, hay đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất của tiếng Pháp là "je", đại từ nhân xưng ngôi thứ hai là "tu" "vous", có thể thấy được sự khác biệt. Mặc dù vậy, thậm chí trong tiếng Nhật, nếu xét đến đại từ nhân xưng cần thiết, thì ngôi thứ nhất chỉ cần wa(re) hay a(re), và ngôi thứ hai là na(re). Những từ được dùng với vai trò đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất và thứ hai ngày nay phần lớn là sự thay đổi từ danh từ chung.
Hơn nữa, từ quan điểm thể hiện sự kính trọng, đối với cấp trên thì việc sử dụng đại từ nhân xưng ngôi thứ hai có xu hướng lược bỏ. Ví dụ, thay vì hỏi anata wa nanji ni dekakemasuka ("mấy giờ ngài đi"), thông thường sẽ được nói nanji ni irasshaimasuka.
Phân loại từ vựng
Nếu phân chia theo nguồn gốc sinh ra từ vựng tiếng Nhật, ta có được nhiều nhóm bao gồm wago (和語, "hoà ngữ"), kango (漢語, "hán ngữ"), gairaigo (外来語, "ngoại lai ngữ"), cũng như một loại từ vựng pha trộn các kiểu trên với nhau gọi là konshugo (混種語, "hỗn chủng ngữ"). Cách phân loại của từ theo nguồn gốc như vậy gọi là goshu (語種, "ngữ chủng"). Hoà ngữ là bộ từ vựng Yamato (大和言葉, "Đại Hoà ngôn diệp - từ vựng Đại Hoà") có từ xưa của Nhật Bản, Hán ngữ (từ Hán) là những từ vựng sử dụng âm Hán tự du nhập từ Trung Quốc, Ngoại lai ngữ (từ nước ngoài) là từ vựng được du nhập từ các ngôn ngữ khác ngoài Trung Quốc. Mặc dù vậy, từ ume (ウメ, "mận"), ví dụ, có khả năng là từ mượn từ tiếng Trung Quốc nguyên thủy nên không phải Hoà ngữ, cho thấy biên giới của Ngữ chủng đến nay vẫn chưa rõ ràng.
Hoà ngữ chiếm một phần hạt nhân của từ vựng tiếng Nhật. Những từ vựng cơ sở như kore (これ, "cái này"), sore (それ, "cái kia", kyō (きょう, "hôm nay"), asu (あす, "ngày mai"), watashi (わたし, "tôi"), anata (あなた, "bạn" ngôi thứ hai), iku (行く, "đi"), kuru (来る, "đến"), yoi (良い, "tốt"), warui (悪い, "xấu") hầu hết là Hoà ngữ. Ngoài ra, các trợ từ như te「て」, ni「に」, wo 「を」, wa 「は」 và đại bộ phận trợ động từ và các từ phụ thuộc cần thiết để tạo thành câu đều là Hoà ngữ.
Mặt khác, Hán ngữ và Ngoại lai ngữ được dùng nhiều để biểu thị khái niệm trừu tượng và khái niệm mới sinh ra từ sự phát triển của xã hội. Cũng có những tên sự vật nguyên thủy là Hoà ngữ thì đã chuyển sang Hán ngữ và Ngoại lai ngữ. Meshi (めし, "bữa ăn" hay "cơm") chuyển thành gohan (御飯) hay raisu (ライス); yadoya (やどや, "nhà nghỉ") thành ryokan (旅館) hay hoteru (ホテル) là những ví dụ tiêu biểu cho sự thay đổi này. Đối với những từ đồng nghĩa nhưng thay đổi Ngữ chủng như vậy, có một sự khác biệt nhỏ về ý nghĩa - sắc thái, cụ thể là Hoà ngữ thì tạo ấn tượng đơn giản, suồng sã, Hán ngữ thường tạo ra ấn tượng chính thức, lễ nghi, còn Ngoại lai ngữ thì mang ấn tượng hiện đại.
Một cách tổng quát, có thể nói nghĩa của Hoà ngữ thì rộng, còn nghĩa của Hán ngữ thì hẹp. Một ví dụ, chỉ có một từ Hoà ngữ là shizumu (しづむ) hay shizumeru (しずめる) có nghĩa là "kìm nén", tương ứng với nhiều thành phần từ ghép của hán ngữ như 「沈」「鎮」「静」. Ý nghĩa đa dạng về cách hiểu của shizumu chỉ có thể phân biệt được khi viết xuống sử dụng Hán tự, và có thể là một trong các chữ 「沈む」「鎮む」「静む」. Ý nghĩa biểu thị của Hán ngữ được ghép lại từ hơn hai chữ có tính phân tích, tức là nghĩa của nó có thể suy đoán từ nghĩa của từng từ. Ví dụ, chữ jaku (弱, "nhược") khi ghép với các chữ sei (脆, "thuý", "dễ vỡ"), hin (貧, "bần", "nghèo"), nan (軟, "nhuyễn", "mềm, ủ rũ"), haku (薄, "bạc", "ốm yếu"), tạo thành từ vựng có tính phân tích - giải thích như zeijaku (脆弱, "dễ vỡ"), hinjaku (貧弱, "nghèo", "xơ xác"), nanjaku (軟弱, "ốm yếu"), hakujaku (薄弱, "yếu đuối").
Hán ngữ, với những từ như gakumon (学問, "học vấn"), sekai (世界, "thế giới), hakasei (博士, "bác sĩ"), là những từ vựng được du nhập từ Trung Quốc trước đây, chiếm đại bộ phận từ vựng tiếng Nhật, nhưng từ xa xưa đã có nhiều từ Hán ngữ do người Nhật tạo ra (waseikango, 和製漢語, "Hoà chế Hán ngữ"). Ngay cả ngôn ngữ hiện đại như kokuritsu (国立, "quốc lập"), kaisatsu (改札, "soát vé"), chakuseki (着席, "chỗ ngồi"), kyoshiki (挙式, "tổ chức buổi lễ") hay sokutō (即答, "trả lời ngay") cũng dùng nhiều Hoà chế Hán ngữ.
Ngoại lai ngữ ngoài những từ đang được sử dụng với ý nghĩa gốc của nó, thì trong tiếng Nhật, việc có sự thay đổi ý nghĩa gốc của từ là không ít. "Claim" trong tiếng Anh có nghĩa là "đòi hỏi quyền lợi tự nhiên", còn trong tiếng Nhật kurēmu 「クレーム」 mang nghĩa là "than phiền". Tiếng Anh, "lunch" có nghĩa là "bữa ăn trưa", thì ranchi 「ランチ」 trong nghĩa tiếng Nhật khi nhắc đến ăn uống thì có nghĩa là một kiểu ăn ("tiệc trưa").
Sự kết hợp các Ngoại lai ngữ như aisu kyandē
「アイスキャンデー」 ("ice" + "candy", "kem cây") hay saido mirā 「サイドミラー」 ("side" + "mirror", "kính chắn gió"), tēburu supīchi 「テーブルスピーチ」 ("table" + "speech", "cuộc chuyện trò sau bữa ăn tối") được sáng tạo ra từ nghĩa gốc tiếng Nhật. Ngoài ra, cũng có sự sáng tạo những từ mà dạng từ liên quan không hề là từ nước ngoài như naitā 「ナイター」 ("trò chơi dưới ánh đèn", chuyển tự nighter), panerā 「パネラー」 ("người trả lời trong các chương trình trò chơi dạng hỏi đáp trên ti vi", chuyển tự paneler), purezentētā 「プレゼンテーター」 ("người diễn thuyết", chuyển tự presentator). Thuật ngữ chung để gọi dạng từ này là waseiyōgo (和製洋語, "tiếng Nhật tạo ra từ thành phần tiếng nước ngoài"), nếu từ tiếng Anh thì đặc biệt gọi là waseieigo (和製英語, "tiếng Nhật tạo ra từ thành phần tiếng Anh").
Ngữ pháp
Cấu trúc câu
Trật tự từ tiếng Nhật cơ bản là Chủ ngữ - Tân ngữ - Động từ. Sự liên kết Chủ ngữ, Tân ngữ hay các yếu tố ngữ pháp khác thường được đánh dấu bằng trợ từ joshi (助詞) hay teniwoha (てにをは) làm hậu tố cho các từ mà nó bổ nghĩa, do đó các trợ từ này được gọi là các hậu vị từ.
Cấu trúc câu cơ bản là chủ đề-bổ đề. Ví dụ, Kochira-wa Tanaka-san desu. (こちらは田中さんです) Kochira ("đây") là chủ đề của câu, được chỉ ra bởi trợ từ -wa. Động từ là desu, một hệ động từ, thường được dịch là "là" hoặc "nó là" (dù có nhiều động từ có thể dịch nghĩa "là"). Cụm từ Tanaka-san desu là bổ đề. Câu này có thể dịch một cách đại khái là "Người này, (đó) là Ông/Bà/Cô Tanaka". Do đó tiếng Nhật, giống như tiếng Trung, tiếng Hàn, tiếng Việt, và nhiều ngôn ngữ châu Á khác, thường được gọi là ngôn ngữ nổi bật chủ đề, điều này có nghĩa nó có một xu hướng biểu thị chủ đề tách biệt khỏi chủ ngữ và chúng không trùng khớp nhau. Câu Zō-wa hana-ga nagai (desu) (象は鼻が長いです) tạm dịch thô là, "Còn về con voi, mũi (của nó) thì dài". Chủ đề zō "con voi", và chủ ngữ là hana "mũi".
Tiếng Nhật là một ngôn ngữ lược bỏ đại từ, có nghĩa là chủ ngữ hay tân ngữ của một câu không cần phải được nêu ra nếu nó là hiển nhiên trong ngữ cảnh đó. Ngoài ra, người ta thường cảm thấy, đặc biệt trong văn nói tiếng Nhật, câu càng ngắn càng hay. Kết quả của sự dễ dãi và xu hướng giản lược của ngữ pháp là người nói tiếng Nhật có xu hướng loại bỏ các từ ra khỏi câu một cách tự nhiên chứ không dùng đại từ. Trong ngữ cảnh của ví dụ trên, hana-ga nagai sẽ có nghĩa là "mũi [của chúng] thì dài," còn nagai đứng một mình sẽ là "[chúng] thì dài". Một động từ đơn cũng có thể là một câu hoàn chỉnh: Yatta! "[Tôi / Chúng ta /Họ/ …vv] đã làm [điều đó]!". Ngoài ra, do các tính từ có thể tạo thành vị ngữ trong một câu tiếng Nhật, một tính từ đơn có thể là một câu hoàn chỉnh: Urayamashii! "[Tôi] ghen tị [về điều đó]!".
Trong khi ngôn ngữ này có một số từ thường được dịch như đại từ, chúng lại không được dùng thường xuyên như các đại từ ở một vài ngôn ngữ Ấn-Âu, và có chức năng khác hẳn. Thay cho đại từ, tiếng Nhật thường dựa trên các hình thức động từ và trợ động từ đặc biệt để chỉ ra đối tượng nhận hành động: "hướng vào" để chỉ nhóm ngoài làm lợi cho nhóm trong; và "hướng ra" để chỉ nhóm trong làm lợi cho nhóm ngoài. Ở đây, những nhóm trong bao gồm người nói còn nhóm ngoài thì ngược lại, và ranh giới của chúng thì phụ thuộc vào ngữ cảnh. Ví dụ, oshiete moratta (có nghĩa, "giải thích" với người được hưởng hành động là nhóm trong) nghĩa là "[ông ta/bà ta/họ] đã giải thích cho [tôi/chúng tôi]". Tương tự như thế, oshiete ageta (có nghĩa, "giải thích" với người được hưởng hành động là nhóm ngoài) nghĩa là "[Tôi/chúng tôi] đã giải thích [việc đó] cho [anh ta/cô ta/họ]". Do đó, những trợ động từ "có lợi" có chức năng tương tự với các đại từ và giới từ trong các ngôn ngữ Ấn-Âu để chỉ ra người thực hiện hành động và người tiếp nhận hành động.
"Giới từ" trong tiếng Nhật cũng có chức năng khác biệt với phần lớn các đại từ của các ngôn ngữ Ấn-Âu hiện đại (và giống với các danh từ hơn) ở chỗ chúng có thể có bổ từ như danh từ. Ví dụ, chúng ta không thể nói như sau trong tiếng Anh:
*The amazed he ran down the street. (không đúng ngữ pháp)
Nhưng ta có thể về cơ bản nói đúng ngữ pháp câu tương tự trong tiếng Nhật:
Odoroita kare-wa michi-wo hashitte itta. (đúng ngữ pháp)
Điều này một phần là do các từ này tiến triển từ các danh từ thông thường, như kimi "bạn (tớ), em" (từ 君 "quân", "ngài"), anata "bạn, anh, chị..." (từ あなた "phía đó, đằng kia"), và boku "Tôi, tao, tớ…" (từ 僕 "thị, bầy tôi"). Đây là lý do tại sao các nhà ngôn ngữ học không xếp "đại từ" tiếng Nhật vào nhóm đại từ, mà phân vào danh từ tham chiếu. Những đại từ nhân xưng tiếng Nhật thường chỉ được dùng trong các tình huống yêu cầu nhấn mạnh đặc biệt như ai đang làm gì đối với ai.
Việc lựa chọn từ để sử dụng làm đại từ tương ứng với giới tính của người nói và tình huống xã hội khi đang nói chuyện: nam giới và nữ giới dùng đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất giống nhau, thường gọi mình là watashi (私 "tư") hay watakushi (cũng 私), còn nam giới trong các hội thoại suồng sã thường sử dụng từ ore (俺 "chính mình", "chính tao") hay boku nhiều hơn. Tương tự, các từ khác như anata, kimi, và omae (お前, hay chính thức hơn là 御前 "ngự tiền, người trước tôi") có thể được sử dụng nói đến người nghe tuỳ thuộc vào địa vị xã hội và mức độ thân mật giữa người nói với người nghe. Khi được sử dụng trong các mối quan hệ xã hội khác, cùng một từ đó có thể có các ý nghĩa tích cực (thân mật hoặc tôn kính) hoặc tiêu cực (không thân mật hoặc bất kính).
Người Nhật thường sử dụng tước vị của người được đề cập mà trong trường hợp đó tiếng Anh sẽ dùng các đại từ. Ví dụ, khi nói về thầy giáo của mình, gọi sensei (先生, "tiên sinh") là cách dùng đúng, còn sử dụng anata là không thích hợp. Điều này là do anata được sử dụng để đề cập những người có địa vị bằng hoặc thấp hơn, và thầy của mình thì có địa vị cao hơn.
Đối với nhiều người nói tiếng Anh, việc đưa watashi-wa hoặc anata-wa vào đầu câu tiếng Nhật là điều thường xảy ra. Dù các câu này về mặt ngữ pháp là đúng nhưng chúng lại nghe có vẻ kỳ cục ngay cả trong hoàn cảnh chính thức. Điều này gần tương tự với việc sử dụng lặp đi lặp lại một danh từ trong tiếng Anh, khi một đại từ đã là đủ: "John sắp đến, vì thế hãy đảm bảo là bạn chuẩn bị cho John một cái bánh sandwich vì John thích bánh sandwich. Mình hy vọng John thích cái váy mình đang mặc..."
Biến tố và chia động từ
Tiếng Nhật không có số nhiều số ít hay giống. Danh từ hon (本) có thể là một hay nhiều quyển sách; hito (人) có thể có nghĩa "một người" hay "nhiều người"; và ki (木) có thể là "một cây" hay "những cây". Nếu số lượng là quan trọng thì nó có thể được chỉ rõ bằng cách thêm số lượng (thường bằng một từ đếm) hoặc (hiếm khi) bằng cách bổ sung một hậu tố. Những từ dùng cho người thường được hiểu là số ít. Do đó Tanaka-san thường có nghĩa Ông/Bà/Cô Tanaka. Có thể tạo ra các từ nhắc đến nhiều người và nhiều con bằng cách thêm một hậu tố tập hợp để chỉ một nhóm các cá nhân (một hậu tố danh từ dùng để chỉ một nhóm), như -tachi, nhưng đây không phải là một số nhiều thực sự: nghĩa của nó thì gần giống "và người/vật đi cùng". Một nhóm được miêu tả là Tanaka-san-tachi có thể bao gồm những người không có tên là Tanaka. Vài danh từ tiếng Nhật trên thực tế là số nhiều, như hitobito "những người" và wareware "chúng tôi", còn từ tomodachi "bạn bè" thì được xem là số ít dù có hình thức số nhiều.
Động từ được chia để thể hiện thì, có hai thì: quá khứ và hiện tại, hay phi-quá khứ được dùng để chỉ cả hiện tại lẫn tương lai. Đối với các động từ miêu tả một quá trình đang xảy ra, hình thức -te iru chỉ thì tiếp diễn. Đối với các động từ khác miêu tả sự thay đổi trạng thái, hình thức -te iru chỉ một thì hoàn thành. Ví dụ kite iru có nghĩa "Anh ta đã đến (và vẫn đang ở đây)", nhưng tabete iru có nghĩa "Anh ta đang ăn".
Câu hỏi (cả với một đại từ nghi vấn và câu hỏi có/không) có cấu trúc như các câu khẳng định nhưng ngữ điệu lên giọng ở cuối câu. Trong cách nói chính quy, trợ từ nghi vấn -ka được thêm vào. Ví dụ, Ii desu "tốt" trở thành Ii desu-ka "có tốt không?". Trong lối diễn đạt thân mật, đôi khi trợ từ -no được thêm vào thay vì "ka" để biểu thị một sự quan tâm cá nhân của người nói: Dōshite konai-no? "Sao (mày) lại không đến?". Một vài câu hỏi được tạo ra chỉ đơn giản bằng cách đề cập chủ đề với một ngữ điệu nghi vấn để tạo ra sự chú ý của người nghe: Kore-wa? "(Thế còn) điều này?"; Namae-wa? "Tên (của bạn là gì)?".
Thể phủ định được tạo bằng cách biến cách động từ. Ví dụ, Pan-wo taberu "Tôi sẽ ăn bánh mỳ" hoặc "Tôi ăn bánh mỳ" trở thành Pan-wo tabenai "Tôi sẽ không ăn bánh mỳ" hoặc "Tôi không ăn bánh mỳ".
Hình thức động từ dạng -te được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau: hoặc là tiếp diễn hoặc là hoàn thành (xem ở trên); các động từ kết hợp theo thứ tự thời gian (Asagohan-wo tabete sugu dekakeru "Tôi sẽ ăn bữa sáng và ra đi ngay"), các mệnh lệnh đơn giản, bày tỏ điều kiện và sự cho phép (Dekakete-mo ii? "Tôi ra ngoài được không?"), v.v.
Từ da (suồng sã), desu (lịch sự) là hệ động từ. Nó gần tương tự với từ là, thì, ở trong tiếng Anh nhưng thường có vai trò khác nữa, đó là một từ đánh dấu thì khi động từ được chia ở thì quá khứ datta (suồng sã), deshita (lịch sự). Điều này được sử dụng bởi vì chỉ có hình dung từ và động từ là có thể mang thì trong tiếng Nhật. Hai động từ thông dụng khác được sử dụng để chỉ tình trạng hay thuộc tính, trong một vài ngữ cảnh: aru (phủ định là nai) đối với những vật vô tri giác và iru (phủ định là inai) cho những đồ vật có tri giác. Ví dụ, Neko ga iru "Có một con mèo", Ii kangae-ga nai "[Tôi] không có một ý tưởng hay".
Động từ "làm" (suru, dạng lịch sự shimasu) thường được sử dụng để tạo ra danh động từ (ryōri suru "nấu ăn", benkyō suru "học hành", vv.) và tỏ ra hữu ích trong việc tạo ra các từ lóng hiện đại. Tiếng Nhật cũng có một số lượng lớn các động từ phức để diễn đạt các khái niệm mà tiếng Anh dùng động từ và giới từ để diễn đạt (ví dụ tobidasu "bay đi, chạy trốn," từ tobu "bay, nhảy" + dasu "đuổi ra, thoát ra").
Có ba kiểu tính từ (xem thêm tính từ tiếng Nhật), tính từ bổ nghĩa cho danh từ sẽ đứng trước danh từ:
形容詞 keiyōshi (hình dung từ), hay các tính từ đuôi i (kết thúc bằng i) (như atsui, "nóng") có thể biến đổi sang thì quá khứ (atsukatta - "nó đã nóng"), hay phủ định (atsuku nai - "[nó] không nóng"). Lưu ý rằng nai cũng là một tính từ đuôi i, có thể trở thành quá khứ (atsuku nakatta - [nó] đã không nóng).
暑い日 atsui hi "một ngày nóng".
形容動詞 keiyōdōshi (hình dung động từ), hay các tính từ đuôi na, được theo sau bởi một dạng hệ động từ, thường là na. Ví dụ hen (lạ)
変な人 hen na hito "một người lạ".
連体詞 rentaishi (liên thể từ), cũng gọi là các tính từ thực, như ano "kia"
あの山 ano yama "núi kia".
Cả keiyōshi và keiyōdōshi có thể làm vị ngữ cho câu. Ví dụ,
ご飯が熱い。 Gohan-ga atsui. "Cơm nóng."
彼は変だ。Kare-wa hen da. "Ông ta lạ."
Cả hai biến cách, dù chúng không chỉ ra tất cả các cách chia, đều có thể tìm thấy trong các động từ thực.
Rentaishi trong tiếng Nhật hiện đại rất ít và không giống như những từ khác, chúng bị giới hạn trong các danh từ bổ nghĩa trực tiếp. Chúng không bao giờ làm vị ngữ cho câu. Các đơn cử bao gồm ookina "lớn", kono "này", iwayuru "cái gọi là" và taishita "làm kinh ngạc".
Cả keiyōdōshi và keiyōshi đều có thể trở thành các phó từ, bằng cách cho ni theo sau trong trường hợp keiyōdōshi:
変になる hen ni naru "trở nên lạ",
và bằng cách đổi i sang ku trong trường hợp keiyōshi:
熱くなる atsuku naru "trở nên nóng".
Chức năng ngữ pháp của các danh từ được chỉ ra bời các hậu vị từ, còn được gọi là trợ từ. Các ví dụ là:
が ga cho chủ cách. Không nhất thiết là một chủ ngữ.
Kare ga yatta. "Anh ta đã làm điều đó."
に ni cho tặng cách.
田中さんに聞いて下さい。 Tanaka-san ni kiite kudasai "Làm ơn hỏi ông Tanaka."
の no đối với sở hữu cách, hay các cụm chuyển hoá danh từ.
私のカメラ。 watashi no kamera "máy ảnh của tôi"
スキーに行くのが好きです。 Sukī-ni iku no ga suki desu "(tôi) thích đi trượt tuyết."
を wo đối với đổi cách. Không nhất thiết là một tân ngữ.
何を食べますか。 Nani wo tabemasu ka? "(bạn) sẽ ăn gì?"
は wa đối với chủ đề. Nó có thể cùng tồn tại với các trợ từ đánh dấu cách như trên ngoại trừ no, và nó quan trọng hơn ga và wo.
私はタイ料理がいいです。 Watashi wa tai-ryōri ga ii desu. "Đối với tôi, đồ ăn Thái thì ngon." Trợ từ chỉ định ga sau watashi được giấu bên dưới wa.
Lưu ý: Sự khác biệt giữa wa và ga nằm ngoài sự khác biệt trong tiếng Anh giữa chủ đề và chủ ngữ câu. Trong khi wa chỉ chủ đề và phần còn lại của câu mô tả hoặc hành động theo chủ đề đó, nó mang ngụ ý rằng chủ ngữ được chỉ định bởi wa không phải duy nhất, hoặc có thể là một phần của một nhóm lớn hơn.
Ikeda-san wa yonjū-ni sai da. "Ông Ikeda 42 tuổi." Những người khác trong nhóm có thể cũng cùng tuổi.
Sự thiếu wa thường có nghĩa chủ ngữ là tiêu điểm của câu.
Ikeda-san ga yonjū-ni sai da. "Chính ông Ikeda là người 42 tuổi." Đây là một câu trả lời một câu hỏi ngầm hoặc hỏi thẳng ai trong nhóm này là người 42 tuổi.
Kính ngữ
Không giống như phần lớn các ngôn ngữ phương Tây nhưng giống nhiều ngôn ngữ phương Đông, tiếng Nhật có một hệ thống ngữ pháp để diễn tả sự tôn kính và sự trang trọng.
Do phần lớn các mối quan hệ trong xã hội Nhật Bản là không ngang hàng, nên một người nào đó thường có một địa vị cao hơn người kia. Địa vị này được quyết định bởi nhiều yếu tố khác nhau bao gồm: công việc, tuổi tác, kinh nghiệm hay thậm chí tình trạng tâm lý (ví dụ một người nhờ người khác giúp thì thường có xu hướng làm điều đó một cách lịch sự). Người có địa vị thấp hơn thường phải dùng kính ngữ còn người khác có thể dùng lối nói suồng sã. Người lạ cũng phải hỏi người khác một cách lịch sự. Trẻ con Nhật Bản hiếm khi sử dụng kính ngữ cho đến khi chúng đến tuổi thanh thiếu niên, tuổi mà chúng phải nói theo cách của người lớn.
Trong khi teineigo (丁寧語) (đinh ninh ngữ) thường là một hệ thống biến tố, sonkeigo (尊敬語) (tôn kính ngữ) và kenjōgo (謙譲語) (khiêm nhường ngữ) thường sử dụng nhiều động từ kính ngữ và khiêm nhường ngữ đặc biệt: kuru "đến" trở thành kimasu trong đinh ninh ngữ, nhưng được thay thế bằng irasshau trong kính ngữ và mairu trong khiêm nhường ngữ.
Sự khác biệt giữa lối nói đinh ninh ngữ và kính ngữ được phát âm khác nhau trong tiếng Nhật. Khiêm nhường ngữ thường được sử dụng để nói về chính mình hoặc nhóm của mình (người cùng đi, gia đình) trong khi kính ngữ chủ yếu được sử dụng khi miêu tả người đối thoại và nhóm của anh ta/cô ta. Ví dụ, hậu tố -san ("Ông" "Bà." hay "Cô") là một ví dụ về kính ngữ. Nó không được dùng để nói về chính mình hoặc nói về người nào đó trong công ty mình với một người ngoài do người cùng công ty với mình thuộc trong nhóm của người nói. Khi nói trực tiếp với người trên của mình trong nhóm của mình hoặc khi nói với người làm thuê trong công ty về một người cấp trên, một người Nhật sẽ sử dụng từ vựng và biến tố của kính ngữ để đề cập đến người đó. Khi nói với một người ở công ty khác (ví dụ một thành viên của một nhóm ngoài), thì người Nhật sẽ dùng lối văn suồng sã hoặc khiêm nhường ngữ để đề cập đến lời nói và hành động của những người cấp trên trong nhóm của mình. Tóm lại, từ ngữ sử dụng trong tiếng Nhật đề cập đến người, lời nói hoặc hành động của từng cá nhân cụ thể sẽ thay đổi theo mối quan hệ (trong nhóm hoặc ngoài nhóm) giữa người nói và người nghe, cũng như phụ thuộc vào tình trạng quan hệ giữa người nói, người nghe và người thứ ba được đề cập. Vì lý do này, hệ thống tiếng Nhật đối với sự biểu thị từ ngữ xã hội được gọi là một hệ thống "kính ngữ tương đối." Điều này khác với hệ thống tiếng Hàn thuộc "kính ngữ tuyệt đối," mà trong đó từ ngữ như nhau được sử dụng để đề cập đến các nhân vật nói riêng (ví dụ như bố mình, một người chủ tịch công ty mình…) trong bất kỳ ngữ cảnh nào bất kể mối quan hệ giữa người nói và người đối thoại. Do đó, lối nói lịch sự của tiếng Triều Tiên có thể nghe rất táo bạo khi dịch đúng nguyên văn từng chữ một sang tiếng Nhật, do trong tiếng Hàn là điều bình thường và chấp nhận được khi nói những câu như "Ông giám đốc Công ty chúng tôi..." khi nói với một thành viên bên ngoài nhóm, mà điều này thì rất không phù hợp trong ngữ cảnh xã hội Nhật Bản.
Phần lớn các danh từ trong tiếng Nhật có thể trở thành thể lịch sự bằng cách thêm o- hoặc go- làm tiền tố. o- thường được dùng cho các từ có nguồn gốc tiếng Nhật Bản ngữ còn go- được đưa vào tiền tố các từ có gốc Hán. Trong một số trường hợp, tiền tố đã trở thành một phần cố định của từ và được dùng kể cả trong lối nói thông thường như gohan "cơm; đồ ăn." Các tạo từ như thế thường chỉ phụ thuộc vào chủ của đồ vật hoặc chính chủ ngữ. Ví dụ, từ tomodachi 'bạn bè,' sẽ trở thành o-tomodachi khi đề cập đến bạn của ai đó có địa vị cao hơn (dù các bà mẹ thường dùng hình thức này để chỉ các bạn bè của con mình). Mặt khác, một người nói lịch sự có thể thỉnh thoảng đề cập đến mizu "nước" là o-mizu nhằm biểu thị thái độ lịch sự.
Phần lớn người Nhật sử dụng lối nói lịch sự để biểu thị sự thiếu thân mật. Điều đó có nghĩa rằng họ sử dụng lối lịch sự đối với những người mới quen nhưng nếu mối quan hệ trở nên thân mật, họ sẽ không sử dụng lối nói lịch sự này nữa. Điều này xảy ra bất kể tuổi tác, địa vị xã hội hay giới tính. |
Hợp kim là hỗn hợp rắn của nhiều nguyên tố kim loại hoặc giữa nguyên tố kim loại với nguyên tố phi kim. Hợp kim mang tính kim loại (dẫn nhiệt cao, dẫn điện, dẻo, dễ biến dạng, có ánh kim...).
Hợp kim đơn giản: Hợp kim được tạo thành trên cơ sở kim loại, giữa hai kim loại với nhau (như latông: Cu và Zn); giữa kim loại với á kim (như thép, gang: Fe và C) song nguyên tố chính của hợp kim vẫn là kim loại
Hợp kim sắt, hay còn gọi là hợp kim đen: hợp kim với thành phần chủ yếu là sắt với các nguyên tố khác
Hợp kim màu, là hợp kim của các kim loại khác ngoài sắt. Trong số này có đồng thau, đồng điếu, hợp kim nhôm, vàng tây...
Hợp kim gốm, còn gọi là hợp kim bột: hợp kim của wolfram carbide kết hợp với cobalt (Co), có lúc thêm titani carbide
Hợp kim phức tạp: Hợp kim có nguyên tố chính là kim loại với hai hay nhiều nguyên tố khác.
Thành phần của nguyên tố trong hợp kim thường được biểu thị bằng phần trăm (%) theo khối lượng, khi nói đến phần trăm theo nguyên tử phải chỉ định rõ kèm theo.
Các đặc tính
Đặc tính sản phẩm hợp kim giống kim loại thông thường khác với đặc tính của kim loại hợp thành, đôi khi còn khác hẳn.
Hợp kim luôn cho ta những đặc tính vượt trội so với kim loại nguyên chất hợp thành. Ví dụ, thép (hợp kim của sắt) có độ bền vượt trội so với kim loại hợp thành của nó là sắt. Đặc tính vật lý của hợp kim không khác nhiều kim loại được hợp kim hoá, như mật độ, độ kháng cự, tính điện và hệ số dẫn nhiệt, nhưng các đặc tính cơ khí của hợp kim lại có sự khác một cách rõ rệt, như độ bền kéo, độ bền cắt, độ cứng, khả năng chống ăn mòn...
Không giống như kim loại nguyên chất, nhiều hợp kim không có một điểm nóng chảy nhất định. Thay vì, chúng có một miền nóng chảy bao gồm trạng thái các khối chất rắn hòa lẫn với khối chất lỏng. Điểm nhiệt độ bắt đầu chảy được gọi là đường đông đặc và hoàn thành việc hóa lỏng hoàn toàn gọi là đường pha lỏng trong giản đồ trạng thái của hợp kim.
Hợp kim ngày nay
Thuật ngữ hợp kim ngày nay mang ý nghĩa rộng hơn so với lúc nó xuất hiện. Trước đây các vật liệu công nghiệp chứa một vài nguyên tố được chế tạo chủ yếu bằng cách nấu chảy. Ngày nay nhiều vật liệu thu được bằng cả các phương pháp khác, chẳng hạn như bằng phương pháp luyện kim bột, bằng con đường khuếch tán; các hợp kim có thể thu được khi hóa bụi bằng plasma trong quá trình kết tinh từ pha hơi trong chân không, khi điện phân.
Giống như kim loại, hợp kim có cấu tạo tinh thể. Hợp kim thường được cấu tạo bằng các tinh thể: tinh thể hỗn hợp, tinh thể dung dịch rắn và tinh thể hóa học.
Trong loại hợp kim có tinh thể hỗn hợp hoặc là dung dịch rắn, kiểu liên kết chủ yếu là liên kết kim loại. Trong loại hợp kim có tinh thể là hợp chất hóa học, kiểu liên kết là liên kết cộng hóa trị.
Nguồn
Vật liệu học, B.N.Arzamaxov, Nhà xuất bản Giáo dục - 2000,
Microsoft ® Encarta ® Reference Library 2005, www.encarta.com,
Hóa học 12, Nhà xuất bản Giáo dục, GCSE Chemistry, www.gcsescience.com |
Tiếng Tạng chuẩn (ཚད་ལྡན་བོད་ཡིག) là dạng ngôn ngữ Tạng được nói phổ biến nhất. Nó dựa trên phương ngữ tại Lhasa, một phương ngữ Ü-Tsang (tiếng Trung Tạng). Vì lý do này, tiếng Tạng chuẩn cũng được gọi là tiếng Tạng Lhasa. Tiếng Tạng là ngôn ngữ chính thức của Khu tự trị Tây Tạng thuộc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Ngôn ngữ này được viết bằng chữ Tạng.
Sử dụng
Trên khắp Tây Tạng, học sinh tiểu học được giảng dạy gần như hoàn toàn bằng tiếng Tạng. Tuy nhiên, tiếng Trung Quốc trở thành ngôn ngữ giáo dục chính trong đa phần trường trung học. Những người học lên Cao đẳng – Đại học, có thể theo học môn nhân văn học bằng tiếng Tạng tại một số trường Cao đẳng – Đại học nhỏ. Nạn mù chữ là vấn đề chính tại đây. Một phần lớn người trưởng thành tại Tây Tạng không biết chữ, và mặc cho chính sách giáo dục bắt buộc, nhiều người tại vùng nông thôn vẫn không thể đưa con em đến trường.
Chú thích |
Vi xử lý (tiếng Anh là microprocessor hay microprocessor unit, viết tắt là µP hay uP), đôi khi còn được gọi là bộ vi xử lý, là một linh kiện điện tử được chế tạo từ các transistor thu nhỏ tích hợp lên trên một vi mạch tích hợp đơn. Khối xử lý trung tâm (CPU) là một bộ vi xử lý được nhiều người biết đến nhưng ngoài ra nhiều thành phần khác trong máy tính cũng có bộ vi xử lý riêng của nó, ví dụ trên card màn hình (Graphic card) chúng ta cũng có một bộ vi xử lý.
Trước khi xuất hiện các bộ vi xử lý, các CPU được xây dựng từ các mạch tích hợp cỡ nhỏ riêng biệt, mỗi mạch tích hợp chỉ chứa khoảng vài chục transistor. Do đó, một CPU có thể là một bảng mạch gồm hàng ngàn hay hàng triệu vi mạch tích hợp. Ngày nay, công nghệ tích hợp đã phát triển, một CPU có thể tích hợp lên một hoặc vài vi mạch tích hợp cỡ lớn, mỗi vi mạch tích hợp cỡ lớn chứa hàng ngàn hoặc hàng triệu transistor. Nhờ đó công suất tiêu thụ và giá thành của bộ vi xử lý đã giảm đáng kể.
Sự tiến hóa của các bộ vi xử lý một phần nhờ vào việc chạy theo Định luật Moore và hiệu suất của nó tăng lên một cách ổn định sau hàng năm. Định luật này phát biểu rằng sự phức tạp của một mạch tích hợp sẽ tăng lên gấp đôi sau mỗi chu kỳ 18 tháng. Và thực tế, sự phát triển của các bộ vi xử lý đã bám sát định luật này từ những năm 1970. Nhờ đó, từ máy tính mẹ (mainframe computer) lớn nhất cho đến các máy tính xách tay hiện nay đều sử dụng một bộ vi xử lý nhỏ nhắn tại trung tâm của chúng.
Lịch sử
Những vi mạch tích hợp đầu tiên
Với những tiến bộ của công nghệ, vi xử lý đã ra đời và phát triển theo thời gian. Ba hãng sản xuất chíp Intel, Texas Instruments (TI) và Garrett AiResearch đã cho ra đời ba bộ vi xử lý cùng một thời điểm với các tên gọi lần lượt là Intel 4004, TMS 1000 và Central Air Data Computer. Đây là ba dự án đầu tiên cho ra đời các bộ vi xử lý hoàn chỉnh.
Năm 1968, hãng Garrett đã được mời chế tạo một máy tính số để đua tài với các hệ thống cơ điện tử và sau đó nó được phát triển để làm bộ điều khiển chính của máy bay chiến đấu Tomcat F-14 của Hải quân Mỹ. Sản phẩm này đã hoàn thiện vào năm 1970 và nó sử dụng một chíp được xây dựng bằng công nghệ MOS đóng vai trò là lõi của CPU. Sản phẩm này có kích thước nhỏ hơn và hoạt động tin cậy hơn nhiều lần so với các hệ thống cơ điện tử và nó được dùng cho những mô hình máy bay Tomcat đầu tiên. Tuy nhiên, hệ thống này tân tiến đến mức Hải quân Mỹ đã từ chối việc cấp phép công bố sản phẩm cho đến tận năm 1997.
TI đã phát triển bộ vi xử lý 4-bits TMS 1000 và tập trung vào các ứng dụng nhúng lập trình trước. Sau đó, TI đã tiếp tục công bố một phiên bản khác gọi là TMS1802NC vào ngày 17 tháng 9 năm 1971. TMS1802NC tích hợp trên nó một bộ tính toán nhằm hỗ trợ khả năng xử lý toán học của vi xử lý. Tiếp đến, ngày 15 tháng 11 năm 1971, Intel đã công bố vi xử lý 4-bits Intel 4004 được phát triển bởi Federico Faggin.
Ứng dụng
Là bộ xử lý trung tâm trong: máy tính (PC, Laptop, mini computer, super computer), thiết bị smartphone, thiết bị nhúng,...và đặc biệt trong công nghiệp ngành Điện - chuyên ngành Tự động hóa: bộ điều khiển khả trình PLC và Vi điều khiển để ứng dụng điều khiển các dây chuyền, hệ thống tự động... |
Yên Mỹ là một huyện nằm ở phía bắc tỉnh Hưng Yên, Việt Nam.
Địa lý
Vị trí địa lý
Huyện Yên Mỹ nằm ở phía bắc của tỉnh Hưng Yên, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (Hà Nội - Hưng Yên - Hải Dương - Hải Phòng - Quảng Ninh), có các huyết mạch giao thông chính như quốc lộ 5A, 39, đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng (quốc lộ 5B), đường cao tốc Chợ Bến – Yên Mỹ, đường liên tỉnh Hà Nội – Hưng Yên và một số đường giao thông quan trọng khác, có vị trí địa lý:
Phía đông giáp thị xã Mỹ Hào
Phía tây giáp huyện Văn Giang và huyện Khoái Châu
Phía nam giáp huyện Ân Thi
Phía bắc giáp huyện Văn Lâm.
Huyện Yên Mỹ có diện tích 92,38 km², dân số năm 2020 là 159.146 người, mật độ dân số đạt 1.723 người/km².
Địa hình
Là huyện thuộc vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, đất đai tương đối bằng phẳng, chủ yếu bị chia cắt bởi hệ thống sông ngòi, kênh mương và đường giao thông. Nhìn chung về địa hình đồng ruộng của huyện độ cao thấp không đều nhau, mà có sự chênh lệch về cốt đất. Đất đai có xu thế thoải dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam, độ cao trung bình từ 2,5 + 3,7m cao nhất +4m tập trung ở các xã Hoàn Long, Yên Phú, Yên Hoà, thấp nhất +1,5 đến +2m tập trung ở các xã Trung Hoà, Thường Kiệt, Trung Hưng...
Khí hậu
Huyện nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình từ 18 - 27oC; lượng mưa hàng năm từ 1.600 - 1.700mm và tập trung vào các tháng 8, 9; đặc điểm trên tạo thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp. Song, ở Yên Mỹ mùa đông thường khô lạnh thiếu nước.
Hành chính
Huyện Yên Mỹ có 17 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm thị trấn Yên Mỹ và 16 xã: Đồng Than, Giai Phạm, Hoàn Long, Liêu Xá, Lý Thường Kiệt, Minh Châu, Nghĩa Hiệp, Ngọc Long, Tân Lập (huyện lỵ), Tân Việt, Thanh Long, Trung Hòa, Trung Hưng, Việt Cường, Yên Hòa, Yên Phú.
Lịch sử
Huyện Yên Mỹ đã có từ lâu đời, nằm ở vùng Bãi Sậy của Hưng Yên với nhiều cái tên đã đi vào lịch sử.
Ngày 25 tháng 2 năm 1890, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập đạo Bãi Sậy, gồm 4 huyện:
Huyện Yên Mỹ: thành lập từ một số tổng thuộc huyện Đông Yên, Ân Thi của tỉnh Hưng Yên; một số tổng của huyện Mỹ Hào của tỉnh Hải Dương, một số tổng của huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh.
Huyện Mỹ Hào: gồm 4 tổng còn lại sau khi cắt sang huyện Yên Mỹ.
Huyện Cẩm Lương: gồm một số tổng của ba huyện Văn Giang, Gia Lâm và Siêu Loại tỉnh Bắc Ninh.
Huyện Văn Lâm: gồm các tổng của huyện Văn Lâm.
Năm 1891, bãi bỏ đạo Bãi Sậy, huyện Yên Mỹ nhập vào tỉnh Hưng Yên.
Năm 1968, hợp nhất tỉnh Hải Dương và tỉnh Hưng Yên thành một tỉnh lấy tên là tỉnh Hải Hưng. Huyện Yên Mỹ thuộc tỉnh Hải Hưng.
Năm 1977, hợp nhất huyện Văn Giang và huyện Yên Mỹ thành huyện Văn Yên.
Năm 1979, hợp nhất huyện Văn Mỹ và 14 xã của huyện Văn Yên thành một huyện lấy tên là huyện Mỹ Văn; hợp nhất huyện Khoái Châu và 14 xã còn lại của huyện Văn Yên thành một huyện lấy tên là huyện Châu Giang. Lúc này, phần lớn huyện Yên Mỹ cũ thuộc huyện Mỹ Văn.
Năm 1994, thành lập thị trấn Yên Mỹ thuộc huyện Mỹ Văn từ xã Trai Trang cũ.
Ngày 24 tháng 7 năm 1999, Chính phủ ban hành Nghị định 60/1999/NĐ-CP về việc chia huyện Mỹ Văn thành 3 huyện: Mỹ Hào, Văn Lâm và Yên Mỹ và điều chỉnh 5 xã: Minh Châu, Việt Cường, Yên Phú, Yên Hòa và Hoàn Long thuộc huyện Châu Giang cũ về huyện Yên Mỹ quản lý.
Huyện Yên Mỹ có 9.004,7 ha diện tích tự nhiên và 121.927 nhân khẩu, gồm 17 đơn vị hành chính trực thuộc là các xã: Giai Phạm, Đồng Than, Ngọc Long, Thanh Long, Nghĩa Hiệp, Liêu Xá, Tân Lập, Trung Hưng, Lý Thường Kiệt, Tân Việt, Trung Hòa, Minh Châu, Việt Cường, Yên Phú, Yên Hòa, Hoàn Long và thị trấn Yên Mỹ.
Huyện Yên Mỹ có 1 thị trấn và 16 xã như hiện nay.
Kinh tế
Nằm về phía bắc của tỉnh Hưng Yên, phía đông nam giáp huyện Ân Thi, phía tây giáp huyện Văn Giang, phía tây nam và phía nam giáp huyện Khoái Châu, phía bắc giáp thị xã Mỹ Hào và huyện Văn Lâm, huyện Yên Mỹ là trung tâm đầu mối của tỉnh, có thể giao thương thuận tiện với nhiều khu vực. Nằm giữa hai "chân kiềng" của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ là Hà Nội và Hải Phòng, Yên Mỹ đang có những lợi thế to lớn để phát triển. Biến lợi thế thành nguồn lực thúc đẩy kinh tế phát triển, công nghiệp phát triển nhanh đang tạo ra thế và lực mới đưa Yên Mỹ bắt kịp, hội nhập nhanh với sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Công nghiệp
Trong phát triển công nghiệp huyện tập trung phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp với tốc độ cao, đưa Yên Mỹ trở thành một trong ba trung tâm công nghiệp của tỉnh Hưng Yên. Công nghiệp là đòn bẩy, trọng tâm đột phá trong phát triển kinh tế địa phương. Ngành công nghiệp đóng vai trò chủ đạo, động lực quan trọng trong cơ cấu kinh tế huyện và tỉnh. Các khu công nghiệp được bố trí dọc theo quốc lộ 5 và quốc lộ 39, tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hoá với các đô thị lớn.
Huyện đã và tiếp tục thu hút vốn đầu tư trong nước và nước ngoài vào các khu công nghiệp tập trung và các cụm công nghiệp đã được quy hoạch. Trong quá trình thực hiện, công tác giải phóng mặt bằng luôn được huyện thực hiện một cách nhanh chóng, khắc phục triệt để tình trạng chậm trễ trong khâu giải phóng mặt bằng làm chậm tiến độ triển khai dự án. Thông qua việc kết hợp các xã nằm trong quy hoạch chuyển đổi một phần quỹ đất nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp.
Nếu như năm 1999 chỉ có một dự án công nghiệp đầu tư vào địa bàn, thì đến năm 2018 huyện Yên Mỹ đã trở thành một trong ba huyện thu hút nguồn đầu tư từ bên ngoài mạnh nhất tỉnh Hưng Yên. Lần lượt các khu công nghiệp lớn tầm cỡ quốc gia và vùng được xây dựng trên đất Yên Mỹ như Khu công nghiệp Dệt may Phố Nối B, Phố Nối A, Khu công nghiệp Thăng Long II, Yên Mỹ, Yên Mỹ II... Đồng thời các cụm công nghiệp địa phương tại thị trấn Yên Mỹ, các xã Giai Phạm, Nghĩa Hiệp, Tân Lập, Liêu Xá cũng được phát triển. Điều quan trọng hơn là thu hút một lượng lớn lao động nông nghiệp vào làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp và phát triển nhiều loại hình dịch vụ kèm theo. Qua đó, đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt". Thành tựu phát triển công nghiệp ở huyện Yên Mỹ đã góp phần trong việc đưa tỉnh Hưng Yên gia nhập vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Yên Mỹ đã và đang thật sự trở thành điểm đến của các nhà đầu tư. Sau 19 năm tái lập, toàn huyện đã có hàng trăm dự án công nghiệp đi vào sản xuất. Sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp đã góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động trên địa bàn theo hướng tăng dần lao động trong lĩnh vực công nghiệp, giảm số lao động tham gia sản xuất nông nghiệp; tạo động lực thúc đẩy ngành thương mại - dịch vụ phát triển mạnh. Không những thế, ngành công nghiệp tăng trưởng nhanh đã góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế địa phương. Các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp ở Yên Mỹ được duy trì và phát triển mạnh như nghề sản xuất chế biến lương thực thực phẩm ở thị trấn Yên Mỹ, nghề mộc mỹ nghệ ở Thanh Long, nghề đóng thùng bệ ô tô ở Trung Hưng, sản xuất Miến dong ở thôn Lại Trạch, nghề tre đan ở xã Trung Hòa... Tổng giá trị sản xuất 6 tháng đầu năm 2018 trên địa bàn huyện đạt 19.755,2 tỷ đồng.
Cơ cấu kinh tế: Nông nghiệp 3,22%; Công nghiệp, xây dựng 83,25,%; Thương mại - dịch vụ 13,54%
(Nguồn: Ủy ban nhân dân huyện Yên Mỹ năm 2018)
Nông nghiệp
Huyện tập trung phát triển hàng hóa nông nghiệp hiệu quả kinh tế cao, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng, gắn trồng trọt, chăn nuôi với công nghiệp chế biến, góp phần nâng cao đời sống của người dân và từng bước đưa sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng công nghiệp. Chính vì vậy, sản xuất nông nghiệp của huyện phát triển khá toàn diện. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 1,25%. Quy hoạch sản xuất nông nghiệp gắn với quy hoạch nông thôn mới, với 15 vùng sản xuất lúa chất lượng cao, 13 vùng trồng rau mầu, 15 vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, bình quân mỗi xã quy hoạch từ 2 – 3 vùng sản xuất với quy mô trên 10 ha.
Trong lĩnh vực nông nghiệp có sự chuyển biến tích cực về cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mang lại giá trị hàng hoá cao trên một đơn vị diện tích. Thu nhập bình quân trên một diện tích canh tác tăng từ 31 triệu đồng (năm 2000) lên 141 triệu đồng (năm 2018). Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển đổi mạnh mẽ, tích cực theo hướng giảm dần tỷ trọng trồng trọt, tăng dần tỷ trọng chăn nuôi. Quan trọng hơn là sự đổi thay trong nhận thức của người dân về sản xuất nông nghiệp, không đơn thuần là nghề chân lấm tay bùn mà đã trở thành ngành kinh tế mang lại thu nhập cao và ổn định.
Kết cấu hạ tầng
Kết cấu hạ tầng nông thôn đang dần được hiện đại hoá, phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Trụ sở Huyện uỷ, Ủy ban nhân dân huyện khang trang, bề thế, nhà làm việc của các ban, ngành, hệ thống giao thông, thủy lợi, trường học và trung tâm y tế. Lĩnh vực giáo dục - đào tạo có sự chuyển biến tích cực về cả quy mô và chất lượng. Huyện Yên Mỹ đang tập trung xây dựng các công trình, dự án trọng điểm như: Công trình khu lưu niệm Trung tướng Nguyễn Bình, đường QH số 1, Đường QH số 4 giai đoạn 1, Đường ĐH 42, Dự án sông Cầu Treo...
Trong xây dựng nông thôn mới, đến tháng 6 năm 2018 toàn huyện đạt chuẩn 289 tiêu chí, bình quân đạt 18,1 tiêu chí/xã, các xã trong huyện đã về đích xây dựng nông thôn mới là: Nghĩa Hiệp, Yên Phú, Hoàn Long, Giai Phạm, Ngọc Long, Tân Lập, Liêu Xá...Hoàn thành công tác lập quy hoạch vùng huyện, lập chương trình phát triển đô thị huyện, Đề án công nhận Đô thị loại V cho 4 xã Giai Phạm, Nghĩa Hiệp, Liêu Xá, Tân Lập, qua đó tạo bộ mặt nông thôn ở Yên Mỹ có sự đổi thay rõ rệt về diện mạo.
Trong những năm qua, ngành giáo dục - đào tạo Yên Mỹ đã triển khai các nhiệm vụ quan trọng như: bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên trực tiếp giảng dạy, đáp ứng yêu cầu cải cách giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo; nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ cho công tác giáo dục. Những cố gắng này đã đem lại hiệu quả thiết thực. Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 99%, trung học cơ sở đạt 99,71% và Trung học phổ thông đạt 97%. Tỷ lệ phòng học kiên cố các bậc học mầm non 78,9%, tiểu học 94,5%, THCS 98,6%.
Công tác y tế, dân số, chăm sóc sức khoẻ nhân dân và các lĩnh vực văn hoá - xã hội, thể dục - thể thao được chính quyền huyện đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển và đã thu được nhiều kết quả khả quan. Tỷ lệ tăng dân số giảm xuống còn 0,36%, 16/17 trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia, 100% trạm y tế xã đã có bác sĩ, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại cơ sở.
Đến năm 2018, toàn huyện có 78/85 làng được công nhận là làng văn hoá, 87% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, phong trào xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội có chuyển biến tích cực. Ngoài ra, Yên Mỹ có hàng trăm di tích lịch sử văn hoá được công nhận, đặc biệt là khu di tích thờ danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác tại Liêu Xá, khu nhà tưởng niệm tổng bí thư Nguyễn Văn Linh được đầu tư tôn tạo, xây dựng thêm nhiều hạng mục thu hút khách thăm quan du lịch trong và ngoài huyện.
Làng nghề
Nằm ở phía Bắc tỉnh Hưng Yên, nơi có rất nhiều làng nghề truyền thống, làng có nghề và làng nghề mới như:
Buôn bán gạo Trai Trang (thị trấn Yên Mỹ)
Làm đồ chơi thôn Hảo (Liêu Xá)
Nghề truyền thống trồng rau ở Yên Phú
Nghề làm bánh mỳ, bánh ngọt Thái Nội (Việt Cường)
Nghề làm thùng bệ ô tô xã Trung Hưng
Làng nghề miến rong Lại Trạch (Yên Phú)
Trồng hoa ở thôn Ốc Nhiêu (Đồng Than)
Nghề giò chả nem, buôn bán thị trấn Yên Mỹ
Nghề vận tải, cơ khí Thụy Trang (Trung Hưng)
Quất, bưởi cảnh, ổi cảnh ở Đại Hạnh (Hoàn Long)
Quất cảnh ở Chấn Đông (Hoàn Long)
Nghề làm tương ở thôn Yên Phú (Giai Phạm)
Làng vận tải bộ Đạo Khê (Trung Hưng)
Nghề làm mũ cối làng Thanh Xá (Nghĩa Hiệp)
Nghề xây dựng ở Giai Phạm
Làng nghề mộc Thụy Lân (Thanh Long)
Nghề thuộc da ở Liêu Xá
Có nghề vận tải bộ, cơ khí thôn Hạ (Trung Hưng)
Mây tre đan Xuân Tảo (Trung Hòa).
Văn hóa
Bên cạnh những nét văn hoá được hình thành từ thuở khai trang, lập ấp, Yên Mỹ còn mang trong mình những nét đặc sắc của 3 vùng văn hóa lớn, văn hóa Kinh Bắc, văn hóa Xứ Đông, văn hóa Sơn Nam Thượng, những tinh hoa của 3 vùng văn hóa hội tụ đã tạo ra một Yên Mỹ giàu bản sắc, văn hiến và cách mạng.
Tôn giáo
Cư dân Yên Mỹ, đại đa số theo Đạo Phật, làng nào cũng có chùa thờ Phật, gian Tam bảo ở phía trước, phía sau chùa đều có điện thờ Mẫu Liễu Hạnh, có đình thờ Thành Hoàng, có đền, có miếu, nghè... thờ những người công với làng với nước. Đạo Thiên Chúa du nhập vào Yên Mỹ từ cuối thế kỷ 19, điểm đầu tiên là Lực Điền.
Vào dịp mùa xuân, mùa thu hàng năm làng nào cũng có lễ hội. Trong lễ hội ngoài nghi thức tế lễ còn có hát trống quân, hát ví, hát giao duyên, hát chèo và nhiều trò chơi dân gian truyền thống.
Giao thông
Huyện Yên Mỹ có sông Nghĩa Trụ bắt nguồn từ cống Xuân Quan thuộc xã Xuân Quan, huyện Văn Giang chảy qua đến xã Minh Châu, sông Nghĩa Trụ chia làm hai nhánh: nhánh phía đông chảy qua Tân Việt rồi đổ ra sông Kẻ Sặt; nhánh còn lại chảy sang huyện Khoái Châu rồi đổ và sông Nghĩa Xuyên. Ngoài ra, còn có sông Kim Ngưu, sông đào nhà Lê.
Quốc lộ 39: đoạn qua huyện từ Nghĩa Hiệp tới Minh Châu dài 11 km
Tỉnh lộ 380: từ xã Nghĩa Hiệp đến Cầu Treo.
Tỉnh lộ 379: đoạn qua huyện đi qua các xã Hoàn Long, Yên Phú, Yên Hòa.
Tỉnh lộ 376: từ Cầu Lác, thôn Lạc Cầu, xã Giai Phạm đi Hoan Ái - Cống Tráng, xã Tân Việt.
Tỉnh lộ 382 trước là đê ngăn lũ từ Thiết Trụ (Bình Minh, Khoái Châu) qua Từ Hồ - Vai Bò - Lực Điền gặp đường 39A đến xã Lý Thường Kiệt - Cống Tráng - Tân Việt tới Sa Lung, đoạn qua Yên Mỹ dài 15 km.
Tỉnh lộ 381: từ Yên Phú (Giai Phạm) đi Từ Hồ - Quán Cà - Dân Tiến.
Quốc lộ 5: một đoạn rất ngắn từ km19 đến km20 đi qua thôn Yên Phú, xã Giai Phạm.
Đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng (5B) với nút giao Yên Mỹ.
Đường Vành đai 4 đi qua các tỉnh thành: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh.
Đường cao tốc Chợ Bến – Yên Mỹ
Đường cao tốc Hưng Yên – Thái Bình
Danh nhân
Yên Mỹ là nơi sản sinh ra những danh nhân nổi tiếng như:
Trạng nguyên Đỗ Thế Diên: Sách Hải Dương phong vật chí chép là Đỗ Thế Bình, Đại thần đời Lý Cao tông; quê làng Cổ Liêu, huyện Đường Hào, tỉnh Hải Dương, không rõ năm sinh, năm mất (nay là xã Nghĩa Hiệp, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên).
Nhà văn Vũ Trọng Phụng (1912 - 1939): ông là nhà văn trào phúng, nhà báo nổi tiếng đầu thế kỷ XX, quê ở làng Hảo nay thuộc xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.
Nhà sử học Phạm Công Trứ: Danh sĩ, tác giả đời Lê Thần tông, quê làng Liêu Xuyên, huyện Đường Hào, tỉnh Hải Dương (nay là thôn Thanh Xá, xã Nghĩa Hiệp, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên).
Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác: sinh ngày 10 tháng 11 năm Giáp Thìn (1724) tại thôn Văn Xá, hương Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương, (nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên).
Nữ sỹ Đoàn Thị Điểm: người làng Giai Phạm, huyện Văn Giang, xứ Kinh Bắc (nay thuộc xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ)
Nhà chính trị Nguyễn Văn Linh: là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam từ 1986 đến 1991, sinh tại Thôn Yên Phú (Bần), xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ.
Trung tướng Nguyễn Bình: quê ở thôn Yên Phú, xã Tinh Tiến (nay là xã Giai Phạm), huyện Yên Mỹ. Ông là Trung tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, lãnh đạo quân dân miền Nam Việt Nam kháng chiến chống Pháp.
Chú thích |
Xã là tên gọi chung của các đơn vị hành chính thuộc cấp thấp nhất ở khu vực nông thôn, ngoại thành, ngoại thị của Việt Nam hiện nay.
Thuật ngữ đơn vị hành chính cấp xã được dùng để chỉ toàn bộ cấp đơn vị hành chính thấp nhất của Việt Nam, nghĩa là bao gồm cả xã, phường và thị trấn. Phân cấp hành chính này có xuất xứ từ Trung Quốc và đã xuất hiện ở Việt Nam từ thời Bắc thuộc. Tại Trung Quốc thời xưa, xã được chia theo diện tích, 6 lý vuông là một xã, hoặc theo hộ khẩu, 25 nhà là một xã.
Quy định trong luật pháp
Cấp hành chính
Trong Hiến pháp 2013, Chương IX: Chính quyền địa phương, Khoản 1 Điều 110 có viết:
1. Các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được phân định như sau:
Nước chia thành tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
Tỉnh chia thành huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh; thành phố trực thuộc trung ương chia thành quận, huyện, thị xã và đơn vị hành chính tương đương;
Huyện chia thành xã, thị trấn; thị xã và thành phố thuộc tỉnh chia thành phường và xã; quận chia thành phường.
Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập.
Trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 (sửa đổi, bổ sung 2019), quy định tại Điều 2: Đơn vị hành chính, Chương I: Những quy định chung:
Các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm có:
1. Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh);
2. Huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện);
3. Xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã);
4. Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Như vậy, xã nằm ở cấp hành chính thứ ba trong 3 cấp hành chính (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) của Việt Nam.
Tiêu chuẩn của đơn vị hành chính
Theo Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành năm 2016, tại Điều 3, Mục 1: Tiêu chuẩn của đơn vị hành chính nông thôn, Chương I: Tiêu chuẩn của đơn vị hành chính thì một xã cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn như sau:
Điều 3. Tiêu chuẩn của xã
1. Quy mô dân số:
a) Xã miền núi, vùng cao từ 5.000 người trở lên;
b) Xã không thuộc điểm a khoản này từ 8.000 người trở lên.
2. Diện tích tự nhiên:
a) Xã miền núi, vùng cao từ 50 km² trở lên;
b) Xã không thuộc điểm a khoản này từ 30 km² trở lên.
Thống kê
Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2009, Việt Nam có 9.121 xã. Đến ngày 10 tháng 4 năm 2023, Việt Nam có 10.598 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 1.771 phường, 620 thị trấn và 8.207 xã, trong đó có 358 xã thuộc các thành phố trực thuộc tỉnh, 321 xã thuộc các thị xã và 7.528 xã thuộc các huyện.
Tỉnh có nhiều xã nhất là Thanh Hóa với 469 xã, tiếp theo là Nghệ An với 411 xã và Hà Nội với 383 xã. Đà Nẵng có ít xã nhất trong các đơn vị hành chính cấp tỉnh với 11 xã.
Số xã tại các đơn vị hành chính cấp huyện thường biến động từ 10 đến 20 xã. Tuy nhiên, một số huyện có đến hơn 30 xã, chủ yếu là do các đợt chia tách xã sau năm 1945. Hiện nay, tại Việt Nam có 19 huyện có từ 30 xã trở lên, bao gồm:
Yên Thành (38 xã)
Đông Hưng, Thanh Chương (37 xã)
Diễn Châu, Hoằng Hóa (36 xã)
Quỳnh Phụ, Thái Thụy, Thủy Nguyên (35 xã)
Hưng Hà (33 xã)
Đô Lương, Kiến Xương, Quỳnh Lưu, Triệu Sơn (32 xã)
Hải Hậu, Tiền Hải (31 xã)
Ba Vì, Chương Mỹ, Sơn Dương, Ý Yên (30 xã).
Tổng số xã của 19 huyện trên là 632 xã, chiếm gần 9% số xã tại các huyện trên cả nước.
Xã có diện tích lớn nhất cả nước hiện nay là xã Krông Na (huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) với 1.113,79 km², tương đương với diện tích của thành phố Hạ Long (thành phố trực thuộc tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước) và lớn hơn diện tích tỉnh Bắc Ninh.
Trước năm 2013, xã có diện tích lớn nhất là xã Mô Rai (huyện Sa Thầy, Kon Tum) với diện tích lên đến 1.565,65 km². Toàn bộ huyện Ia H'Drai, tỉnh Kon Tum hiện nay khi đó thuộc địa giới hành chính của xã Mô Rai.
Danh sách xã tại Việt Nam
Lịch sử
Xã của Việt Nam Cộng hòa
Dưới thời chính phủ Việt Nam Cộng hòa kể từ năm 1957 xã được chia thành thôn, dưới thôn là xóm hay còn gọi là "liên gia".
Xã là đơn vị hành chính dưới quận, không phân biệt thành thị hay nông thôn. Thí dụ xã Long Châu thuộc quận Châu Thành, tỉnh Vĩnh Long là một xã nằm ngay trung tâm thành phố Vĩnh Long bây giờ. Các xã có mức độ đô thị hóa cao được tách ra để thành lập thị xã và không trực thuộc quận nữa. Chúng được gọi là thị xã tự trị và tương đương cấp tỉnh.
Đứng đầu xã là xã trưởng do quận trưởng bổ nhiệm. Cộng tác với xã trưởng là "hội đồng xã" gồm cảnh sát trưởng, thủ quỹ xã, viên chức hành chánh, và viên chức dân vụ. Hội đồng xã còn giám sát ủy viên y tế của xã. Nhiệm vụ của hội đồng xã và xã trưởng là thi hành và điều chỉnh những sắc lệnh từ cấp trên để hợp với hoàn cảnh của xã.
Xã của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Xã (hoặc phường, thị trấn) là đơn vị hành chính cơ sở dưới cấp huyện (Việt Nam). Ở ngoại thị thành phố trực thuộc tỉnh, thị xã thì gọi là xã, ở nội thị thì gọi là phường; ở các quận thuộc thành phố trực thuộc trung ương thì gọi là phường; ở các huyện thì gọi là xã hoặc thị trấn. Đứng đầu xã (phường, thị trấn) là Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã (phường, thị trấn) do Hội đồng nhân dân xã (phường, thị trấn) bầu ra. Hội đồng nhân dân xã được cử tri trong xã (phường, thị trấn) bầu ra 5 năm một lần, theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu, dân chủ,trực tiếp và bỏ phiếu kín. Bên cạnh Chủ tịch, có Phó chủ tịch phụ trách một số việc được giao. Bộ máy làm việc của xã (phường, thị trấn) gồm có các Ban: Công an, Tư pháp, Tài chính, Thương binh - Xã hôi, Văn hóa..., với các Trưởng ban, Phó ban và một số nhân viên (nếu có). Các công chức xã ăn lương theo chế độ bằng cấp và ngạch bậc do Nhà nước quy định. Thuộc cơ quan xã (phường, thị trấn), còn có các tổ chức Hội, Đoàn thể, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng ủy (như Hội Nông dân, Phụ nữ, Cựu chiến binh, Khuyến học, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh...)
Chú thích |
Tỉnh là một thuật ngữ thường dùng trong tiếng Việt để chỉ đơn vị hành chính cấp 1 trực thuộc quốc gia. Tuy nhiên, trong nghĩa thông dụng, tỉnh dùng với khái niệm hẹp hơn, để chỉ đơn vị hành chính cấp 1 nhưng không phải là đô thị trực thuộc trung ương (thành phố trực thuộc trung ương). Vì vậy, trong nghĩa thông dụng, đơn vị hành chính cấp 1 quốc gia thường được gọi kép là "tỉnh thành" hoặc chính xác hơn là "đơn vị hành chính cấp tỉnh".
Trung tâm hành chính của một tỉnh thường đặt tại một thị xã hay một thành phố cấp tỉnh, gọi là tỉnh lỵ.
Trong lịch sử hoặc khi chuyển ngữ các đơn vị hành chính ở nước ngoài, "tỉnh" đôi khi không hẳn là đơn vị hành chính cấp 1 (VD: Tỉnh (Pháp)). Cũng có nhiều trường hợp, đơn vị hành chính cấp 1 không được chuyển ngữ là "tỉnh" (VD: Tiểu bang Hoa Kỳ).
Từ nguyên
"Tỉnh" trong tiếng Việt có nguồn gốc từ chữ Hán: 省. Trong lịch sử Trung Quốc, ban đầu "tỉnh" được dùng như một danh xưng để chỉ các cơ quan hành chính trực thuộc triều đình như "thượng thư tỉnh", "trung thư tỉnh"... Đến đời Nguyên, chính thức hình thành "hành trung thư tỉnh", gọi tắt là "hành tỉnh", đến đời Thanh thì giản lược thành "tỉnh", dùng để chỉ đơn vị hành chính như ngày nay.
Tại Việt Nam, "tỉnh" được dùng như thuật ngữ chỉ đơn vị hành chính tại Việt Nam chỉ bắt đầu sau cuộc cải cách hành chính của Minh Mạng 1831-1832. Trừ một thời gian ngắn tại Nam Kỳ, khi chính quyền thực dân Pháp bãi bỏ đơn vị hành chính cấp tỉnh (nhưng sau đó tái lập), trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, tỉnh luôn giữ vai trò là đơn vị hành chính cấp 1 tại Việt Nam.
Thuật ngữ "tỉnh" thường được xem là tương đồng khi chuyển ngữ cho từ "province" trong tiếng Anh. Từ này xuất phát từ "provincia" (số nhiều "provinciae") trong tiếng Latin, có nguồn gốc từ thời La Mã cổ đại, dùng để chỉ một đơn vị hành chính là lãnh thổ thuộc địa của La Mã nằm ngoài lãnh thổ Ý. Điều này dẫn đến việc tại một số quốc gia không có đơn vị hành chính "province" trên thực tế, thuật ngữ "the provinces" vẫn được dùng, nhưng với ý nghĩa "bên ngoài thủ đô".
Đặc điểm
Là một đơn vị hành chính, tỉnh có thể hình thành nhân tạo trên cơ sở là một vùng lãnh thổ thực dân với do con người thành lập, hoặc được hình thành xã hội xung quanh các nhóm người địa phương với bản sắc dân tộc đặc thù. Ở một số quốc gia, tỉnh có nhiều quyền hạn riêng, độc lập với chính quyền trung ương hoặc liên bang, đặc biệt là ở Canada. Ở một số nước khác, như Trung Quốc hoặc Pháp, các tỉnh là một sự phân nhánh của chính quyền trung ương, với rất ít quyền tự chủ.
Tỉnh Việt Nam
Phân chia cấp đơn vị hành chính
Hiện nay, tại Việt Nam thì các đơn vị hành chính được phân chia một cách chính thức thành 3 cấp là cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Tỉnh là cấp lớn nhất và hiện tại Việt Nam có 63 tỉnh.
Các đơn vị hành chính tương đương
Tỉnh là đơn vị hành chính ở cấp tương đương với thành phố, thành phố trực thuộc trung ương. Dưới đơn vị thành phố trực thuộc trung ương là các đơn vị hành chính: huyện, quận, thị xã.
Các đơn vị hành chính cấp dưới
Một tỉnh có thể được chia ra thành nhiều huyện và một số thị xã hay thành phố thuộc tỉnh. |
Phương pháp phần tử hữu hạn là phương pháp số gần đúng để giải các bài toán được mô tả bởi các phương trình vi phân đạo hàm riêng trên miền xác định có hình dạng và điều kiện biên bất kỳ mà nghiệm chính xác không thể tìm được bằng phương pháp giải tích.
Cơ sở của phương pháp này là làm rời rạc hóa miền xác định của bài toán, bằng cách chia nó thành nhiều miền con (phần tử). Các phần tử này được liên kết với nhau tại các điểm nút chung. Trong phạm vi của mỗi phần tử Nghiệm được chọn là một hàm số nào đó được xác định thông qua các giá trị chưa biết tại các điểm nút của phần tử gọi là hàm xấp xỉ thoả mãn điều kiện cân bằng của phần tử. Tập tất cả các phần tử có chú ý đến điều kiện liên tục của sự biến dạng và chuyển vị tại các điểm nút liên kết giữa các phần tử. Kết quả đẫn đến một hệ phương trình đại số tuyến tính mà ẩn số chính là các giá trị của hàm xấp xỉ tại các điểm nút. Giải hệ phương trình này sẽ tìm được các giá trị của hàm xấp xỉ tại các điểm nút của mỗi phần tử, nhờ đó hàm xấp xỉ hoàn toàn được xác định trên mỗi một phần tử.
Về mặt toán học, phương pháp phần tử hữu hạn (PPPTHH) được sử dụng để giải gần đúng bài toán phương trình vi phân từng phần (PTVPTP) và phương trình tích phân, ví dụ như phương trình truyền nhiệt. Lời giải gần đúng được đưa ra dựa trên việc loại bỏ phương trình vi phân một cách hoàn toàn (những vấn đề về trạng thái ổn định), hoặc chuyển PTVPTP sang một phương trình vi phân thường tương đương mà sau đó được giải bằng cách sử dụng phương pháp sai phân hữu hạn, vân vân.
PPPTHH không tìm dạng xấp xỉ của hàm trên toàn miền xác định V của nó mà chỉ trong những miền con Ve (phần tử) thuộc miền xác định của hàm.Trong PPPTHH miền V được chia thành một số hữu hạn các miền con, gọi là phần tử. Các miền này liên kết với nhau tại các điểm định trước trên biên của phần tử được gọi là nút. Các hàm xấp xỉ này được biểu diễn qua các giá trị của hàm (hoặc giá trị của đạo hàm) tại các điểm nút trên phần tử. Các giá trị này được gọi là các bậc tự do của phần tử và được xem là ẩn số cần tìm của bài toán.
Trong việc giải phương trình vi phân thường, thách thức đầu tiên là tạo ra một phương trình xấp xỉ với phương trình cần được nghiên cứu, nhưng đó là ổn định số học (numerically stable), nghĩa là những lỗi trong việc nhập dữ liệu và tính toán trung gian không chồng chất và làm cho kết quả xuất ra xuất ra trở nên vô nghĩa. Có rất nhiều cách để làm việc này, tất cả đều có những ưu điểm và nhược điểm. PPPTHH là sự lựa chọn tốt cho việc giải phương trình vi phân từng phần trên những miền phức tạp (giống như những chiếc xe và những đường ống dẫn dầu) hoặc khi những yêu cầu về độ chính xác thay đổi trong toàn miền. Ví dụ, trong việc mô phỏng thời tiết trên Trái Đất, việc dự báo chính xác thời tiết trên đất liền quan trọng hơn là dự báo thời tiết cho vùng biển rộng, điều này có thể thực hiện được bằng việc sử dụng phương pháp phần tử hữu hạn.
Ứng dụng
Phương pháp Phần tử hữu hạn thường được dùng trong các bài toán Cơ học (cơ học kết cấu, cơ học môi trường liên tục) để xác định trường ứng suất và biến dạng của vật thể.
Ngoài ra, phương pháp phần tử hữu hạn cũng được dùng trong vật lý học để giải các phương trình sóng, như trong vật lý plasma, các bài toán về truyền nhiệt, động lực học chất lỏng, trường điện từ.
Lịch sử
Phương pháp phần tử hữu hạn được bắt nguồn từ những yêu cầu giải các bài toán phức tạp về lý thuyết đàn hồi, phân tích kết cấu trong xây dựng và kỹ thuật hàng không. Nó được bắt đầu phát triển bởi Alexander Hrennikoff (1941) và Richard Courant (1942). Mặc dù hướng tiếp cận của những người đi tiên phong là khác nhau nhưng họ đều có một quan điểm chung, đó là chia những miền liên tục thành những miền con rời rạc. Hrennikoff rời rạc những miền liên tục bằng cách sử dụng lưới tương tự, trong khi Courant chia những miền liên tục thành những miền có hình tam giác cho cách giải thứ hai của phương trình vi phân từng phần elliptic, xuất hiện từ các bài toán về xoắn của phần tử thanh hình trụ. Sự đóng góp của Courant là phát triển, thu hút một số người nhanh chóng đưa ra kết quả cho PPVPTP elliptic được phát triển bởi Rayleigh, Ritz, và Galerkin. Sự phát triển chính thức của PPPTHH được bắt đầu vào nửa sau những năm 1950 trong việc phân tích kết cấu khung máy bay và công trình xây dựng, và đã thu được nhiều kết quả ở Berkeley (xem Early Finite Element Research at Berkeley) trong những năm 1960 trong ngành xây dựng. Phương pháp này được cung cấp nền tảng toán học chặt chẽ vào năm 1973 với việc xuất bản cuốn Strang và tổng kết trong An Analysis of The Finite element Method và kể từ đó PPPTHH được tổng quát hóa thành một ngành của toán ứng dụng, một mô hình số học cho các hệ thống tự nhiên, được ứng dụng rộng rãi trong kĩ thuật, ví dụ như điện từ học và động lực học chất lỏng.
Sự phát triển của PPPTHH trong cơ học kết cấu đặt cơ sở cho nguyên lý năng lượng, ví dụ như: nguyên lý công khả dĩ, PPPTHH cung cấp một cơ sở tổng quát mang tính trực quan theo quy luật tự nhiên, đó là một yêu cầu lớn đối với những kỹ sư kết cấu.
Bài toán minh họa
Chúng ta sẽ minh họa việc sử dụng PPPTHH từ hai ví dụ mà phương pháp chung có thể là ngoại suy. Chúng ta xem như người đọc đã quen thuộc với tính toán và đại số tuyến tính. Chúng ta sẽ sử dụng bài toán một chiều, tại đây, hàm f được xác định bởi u và u một hàm ẩn của x, u’’ là đạo hàm cấp 2 của u theo x
Ví dụ cho bài toán hai chiều là bài toán Dirichlet
Ở đây, miền Ω là một miền đơn liên mở trong mặt phẳng (x,y), có biên ∂Ω rất "đẹp" (ví dụ: một đa tạp trơn hoặc một đa giác), và là đạo hàm riêng cấp hai theo biến x và y.
Ở ví dụ P1, có thể giải trực tiếp bằng cách lấy nguyên hàm. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ thực hiện được trong không gian một chiều và không thể giải được trong trường hợp không gian có hơn hai chiều hoặc trong bài toán u + u’’ = f. Chính vì lý do này mà chúng ta sẽ phát triển phát triển PPPTHH cho trường hợp P1 và phác họa tổng quát của PPPTHH cho trường hợp P2.
Lời giải sẽ bao gồm hai bước, nó phản ánh hai bước chủ yếu phải thực hiện để giải một bài toán biên bằng PPPTHH. Ở bước đầu tiên, chúng ta sẽ biểu diễn lại bài toán biên trong dạng gần đúng của nó hoặc dạng biến phân. Rất it hoặc không có máy tính được dùng để thực hiện bước này, việc này được làm bằng tay ở trên giấy. Bước thứ hai là rời rạc hóa, dạng gần đúng được rời rạc trong một không gian hữu hạn chiều. Sau bước thứ hai này, chúng ta sẽ có biểu thức cụ thể cho toàn bộ bài toán nhưng lời giải của bài toán trong không gian hữu hạn chiều tuyến tính chỉ là lời giải gần đúng của bài toán biên. Bài toán trong không gian hữu hạn chiều này sau đó được giải bằng máy tính.
So sánh PPPTHH với phương pháp sai phân hữu hạn (PPSPHH)
PPSPHH là một phương pháp khác để giải phương trình vi phân từng phần. Sự khác nhau giữa PPPTHH và PPSPHH là:
PPSPHH xấp xỉ bài toán phương trình vi phân; còn PPPTHH thì xấp xỉ lời giải của bài toán này
Điểm đặc trưng nhất của PPPTHH là nó có khả năng áp dụng cho những bài toán hình học và những bài toán biên phức tạp với mối quan hệ rời rạc. Trong khi đó PPSPHH về căn bản chỉ áp dụng được trong dạng hình chữ nhật với mối quan hệ đơn giản, việc vận dụng kiến thức hình học trong PPPTHH là đơn giản về lý thuyết.
Điểm đặc trưng của phương pháp sai phân hữu hạn là có thể dễ dàng thực hiện được.
Trong một vài trường hợp, PPSPHH có thể xem như là một tập con của PPPTHH xấp xỉ. Việc lựa chọn hàm cơ sở là hàm không đổi từng phần hoặc là hàm delta Dirac. Trong cả hai phương pháp xấp xỉ, việc xấp xỉ được tiến hành trên toàn miền, nhưng miền đó không cần liên tục. Như một sự lựa chọn, nó có thể xác định một hàm trên một miền rời rạc, với kết quả là toán tử vi phân liên tục không sinh ra chiều dài hơn, tuy nhiên việc xấp xỉ này không phải là PPPTHH.
Có những lập luận để lưu ý đến cơ sở toán học của việc xấp xỉ phần tử hữu hạn trở lên đúng đắn hơn, ví dụ, bởi vì trong PPSPHH đặc điểm của việc xấp xỉ những điểm lưới còn hạn chế.
Kết quả của việc xấp xỉ bằng PPPTHH thường chính xác hơn PPSPHH, nhưng điều này còn phụ thuộc vào nhiều vấn đề khác và một số trường hợp đã cho kết quả trái ngược.
Nói chung, PPPTHH là một phương pháp thích hợp để phân tích các bài toán về kết cấu (giải các bài toán về biến dạng và ứng suất của vật thể dạng khối hoặc động lực học kết cấu), trong khi đó phương pháp tính trong động lực học chất lỏng có khuynh hướng sử dụng PPSPHH hoặc những phương pháp khác (như phương pháp khối lượng hữu hạn).Những bài toán của động lực học chất lỏng thường yêu cầu phải rời rạc hóa bài toán thành một số lượng lớn những "ô vuông" hoặc những điểm lưới (hàng triệu hoặc hơn), vì vậy mà nó đòi hỏi cách giải phải đơn giản hơn để xấp xỉ các "ô vuông". Điều này đặc biệt đúng cho các bài toán về dòng chảy ngoài, giống như dòng không khí bao quanh xe hơi hoặc máy bay, hoặc việc mô phỏng thời tiết ở một vùng rộng lớn.
Có rất nhiều bộ phần mềm về phương pháp phần tử hữu hạn, một số miễn phí và một số được bán. |
Trong toán học, phép tích vectơ hay nhân vectơ hay tích có hướng là một phép toán nhị nguyên trên các vectơ trong không gian vectơ ba chiều. Nó là một trong hai phép nhân thường gặp giữa các vectơ (phép toán kia là nhân vô hướng). Nó khác nhân vô hướng ở chỗ là kết quả thu được là một giả vectơ thay cho một vô hướng. Kết quả này vuông góc với mặt phẳng chứa hai vectơ đầu vào của phép nhân.
Định nghĩa
Phép nhân vectơ của vectơ a và b được ký hiệu là a × b hay , định nghĩa bởi:
với θ là góc giữa a và b (0° ≤ θ ≤ 180°) nằm trên mặt phẳng chứa a và b, và n là vectơ đơn vị vuông góc với a và b.
Thực tế có hai vectơ n thỏa mãn điều kiện vuông góc với a và b (khi a và b không cùng phương), vì nếu n vuông góc với a và b thì -n cũng vậy.
Việc chọn hướng của véctơ n phụ thuộc vào hệ tọa độ tuân theo quy tắc bàn tay trái hay quy tắc bàn tay phải. (a, b, a × b) tuân cùng quy tắc với hệ tọa độ đang sử dụng để xác định các vectơ.
Vì kết quả phụ thuộc vào quy ước hệ tọa độ, nó được gọi là giả vectơ. May mắn là trong các hiện tượng tự nhiên, nhân vectơ luôn đi theo cặp đối chiều nhau, nên kết quả cuối cùng không phụ thuộc lựa chọn hệ tọa độ.
Tính chất
Phép tính này phản giao hoán:
a × b = -(b × a)
Nó phân phối được trên phép cộng vectơ:
a × (b + c) = a × b + a × c
Nó kết hợp được với nhân vô hướng:
(r.a) × b = a × (r'''.b) = r.(a × b).
với "." chỉ nhân vô hướng.
Nó không có tính kết hợp,
(a × b) × ca × (b × c)
(Ví dụ: khi a song song với b vế trái bằng 0 trong khi về phải (nói chung) khác không.)
Nó thỏa mãn đẳng thức Jacobi'':a × (b × c) + b × (c × a) + c × (a × b) = 0'.
2 vectơ không cùng phương thì tích có hướng là một vectơ vuông góc với 2 vectơ đã cho.
Các tính chất trên cho thấy không gian vectơ ba chiều với phép nhân vec tơ tạo thành một đại số Lie.
Tích có hướng trong hệ tọa độ Descartes
Trong không gian với hệ trục tọa độ Oxyz, cho và , khi đó tích có hướng giữa 2 vectơ là vectơ có tọa độ
Ứng dụng
Ý nghĩa hình học
Nhiều công thức tính trong không gian vectơ ba chiều liên quan đến nhân vectơ, nhờ vào kết quả là vectơ vuông góc với hai vectơ đầu vào.
Diện tích hình bình hành ABCD:
Thể tích khối hộp ABCDA'B'C'D':
2 vector và cùng phương
3 vector , , đồng phẳng
Ứng dụng trong vật lý
Phép tính này xuất hiện ở công thức tính lực Lorentz do một trường điện từ tác động lên một điện tích. Công thức tính mômen lực hay mômen động lượng cũng liên quan đến nhân vectơ. |
Trong toán học, phép toán hai ngôi hay phép toán nhị nguyên là một phép toán sử dụng hai biến đầu vào và cho ra một kết quả. Các biến và kết quả đều thuộc một tập hợp. Cụ thể, một phép toán hai ngôi trên tập hợp S là một ánh xạ tích Đề các S × S vào S:
Theo định nghĩa này, phép toán hai ngôi tự động thỏa mãn tính chất đóng. Phép toán hai ngôi còn được gọi là luật hợp thành trong, nghĩa là kết quả của phép toán trên hai phần tử của S là phần tử của S. Điều này phân biệt với các phép toán ngoài (hay luật hợp thành ngoài), chẳng hạn phép nhân vô hướng hai vector cho kết quả là một số. Một loại phép toán khác là phép toán tác động vào hai phần tử của hai tập hợp khác nhau. Chẳng hạn phép nhân một số với một vetor.
Cũng có thể xét các phép toán một ngôi, chẳng hạn phép lấy phủ định của một mệnh đề logic, phép lấy chuyển vị của một ma trận. Theo hướng ngược lại có thể xét phép toán với n ngôi.
Một cách mở rộng hơn nữa, có thể xét các toán tử, như là một ánh xạ từ một tập con của tích Đêcac S × S vào S.
Các phép toán hai ngôi thường được ký hiệu bằng một dấu phép toán nằm giữa hai phần tử của tập hợp (như a * b, a + b, hay a · b) hơn là ở dưới dạng hàm f(a,b).
Ví dụ
Nhiều phép toán thông thường bao gồm phép cộng, phép trừ, phép nhân, phép chia trên các tập số là các phép toán hai ngôi. Với các phép toán này, ta cần chỉ rõ tập hợp trên đó thực hiện phép toán. Chẳng hạn phép cộng và phép nhân có thể áp dụng trên tất cả các tập hợp số đã biết . Trong khi đó, phép trừ không phải luôn thực hiện được trên tập số tự nhiên , do đó không phải là phép toán hai ngôi trên . Tương tự, phép chia (đúng) không là phép toán hai ngôi trên tập số nguyên.
Các phép toán hai ngôi cũng xuất hiện nhiều trong đại số trừu tượng; chúng nằm trong định nghĩa của các cấu trúc đại số như: nhóm, phỏng nhóm, nửa nhóm, vành... Tổng quát, một magma là một tập hợp cùng với một phép toán hai ngôi trên nó.
Tính chất
Khi nghiên cứu các cấu trúc đại số ta thường đề cập đến một số phép toán hai ngôi thỏa mãn một số điều kiện đặc biệt. Phép toán hai ngôi * trên tập hợp S được gọi là:
có tính chất kết hợp nếu:
có tính chất giao hoán nếu:
có phần tử trung hòa bên trái θ thuộc S nếu:
có phần tử trung hòa bên phải θ thuộc S nếu:
Ngoài ra, nếu trên S có hai phép toán + và * thì phép * được gọi là phân phối bên trái đối với phép + nếu
tương tự với tính phân phối bên phải. |
Cơ học môi trường liên tục là một nhánh của vật lý học nói chung và cơ học nói riêng. Môn khoa học này thường nghiên cứu các chuyển động vĩ mô của môi trường ở thể rắn, lỏng, khí, ngoài ra còn nghiên cứu các môi trường đặc biệt khác như các trường điện từ, bức xạ, trọng trường,... Đây là một môn khoa học khá rộng và phân nhánh, nó được ứng dụng khá rộng rãi trong chế tạo máy, luyện kim, tính toán mỏ, nghiên cứu cấu tạo của Trái Đất và vũ trụ, và nhiều lĩnh vực khác.
Dựa vào tính chất của vật thể ta có thể phân loại thành:
Cơ học vật rắn, đôi khi được biết đến như lý thuyết đàn hồi hoặc sức bền vật liệu. Cơ học vật rắn nghiên cứu sự cân bằng và chuyển động của vật chất không bị biến dạng bởi ngoại lực.
Cơ học chất lưu, nghiên cứu quá trình vật lý của dòng chảy của các vật chất vô cùng nhỏ. Các phần tử vật chất này có thể dễ dàng chuyển động trong không gian.
Lí thuyết cơ học chất lưu
Nguyên lí Becnuli
Phát biểu toán học:
với:
là áp suất tại bề mặt chất lỏng.
là khối lượng riêng của chất lỏng.
là vận tốc dòng chảy tại vị trí đang xét.
Ý nghĩa:
là áp suất tĩnh tại điểm đang xét.
là áp suất động của điểm đang xét.
Định luật Becnuli được rút ra từ định luật bảo toàn năng lượng áp dụng cho chất lưu.
Phương trình liên tục
Phát biểu toán học:
với:
là diện tích tiết diện tại vị trí khảo sát.
là vận tốc dòng tại vị trí trí khảo sát.
Sở dĩ có phương trình liên tục là do tính chất không nén được và tính liên tục của chất lỏng lí tưởng.
Chứng minh:
Vì chất lỏng là liên tục và không nén được nên lượng chất lỏng đi qua diện tích trong khoảng thời gian là hằng số
Xét ống hình trụ bề dày diện tích tiết diện thì |
Cơ học chất lưu, hay còn được gọi là cơ học thủy khí, nghiên cứu sự cân bằng và chuyển động của các phần tử vật chất vô cùng nhỏ có thể dễ dàng di chuyển và va chạm với nhau trong không gian. Với cơ học chất lưu, một cách tương đối có thể chia thành hai nhóm:
Nghiên cứu chất thể lỏng (nước, dầu, rượu...) có thể tích thay đổi rất ít khi có tác động của áp suất và nhiệt độ (còn gọi là chất lưu không nén).
Nghiên cứu các hiện tượng vật lý của chất thể khí và hơi, dễ bị thay đổi thể tích dưới tác động của áp suất và nhiệt độ. (còn gọi là chất lưu nén).
Sự thay đổi không chỉ phụ thuộc vào cấu trúc phân tử, mà còn phụ thuộc vào tác động của ngoại lực hoặc nhiệt độ. Do đó trong một số trường hợp còn phải kể đến khả năng nén được của chất lỏng. Ví dụ như trong máy ép thủy lực, tuy môi chất thông thường là dầu, nhưng dưới áp suất cao, khối lượng riêng của chúng cũng thay đổi đáng kể.
Một trong những tính chất quan trọng của các chất lưu là lực ma sát trong giữa các dòng chuyển động. Lực ma sát này thường được gọi là độ nhớt. Khi mà độ nhớt phụ thuộc vào lực gây ra sự trượt giữa các dòng chuyển động thì ta gọi dòng chảy đó là phi Newton. Còn nếu như độ nhớt chỉ phụ thuộc vào sự chênh lệch vận tốc giữa các dòng chảy thì ta gọi đó là dòng chảy theo Newton.......
Các giả sử
Cũng giống như bất cứ mô hình toán học nào về thế giới thực, cơ học chất lưu phải đưa ra một giả thiết cơ bản về các chất lưu đang được nghiên cứu. Những giả sử này được biến thành các phương trình phải được thỏa mãn nếu như các giả thiết đó là đúng. Ví dụ, hãy xét một chất lưu không nén trong không gian 3 chiều. Giả sử bảo toàn khối lượng có nghĩa là với mọi mặt đóng cho trước (chẳng hạn mặt cầu) tỷ lệ khối lượng chảy từ "bên ngoài" vào "bên trong" mặt đó phải cùng với tỷ lệ khối lượng chảy theo các hướng "bên trong" ra "bên ngoài". (Nói cách khác, khối lượng "bên trong" vẫn là không đổi, cũng như khối lượng "bên ngoài"). Điều này có thể được chuyển thành một phương trình tích phân trên mặt đóng đó.
Cơ học chất lưu giả thiết rằng mọi chất lưu thỏa mãn những điều sau đây:
Bảo toàn khối lượng
Bảo toàn động lượng
Giả thiết về môi trường liên tục.
Hơn nữa, khá hữu ích (và thực tế) để giả sử chất lưu là không nén được - nghĩa là mật độ của chất lưu là không đổi. Các chất lỏng thường có thể mô phỏng như chất lưu không nén được, trong khi các chất khí thường không thỏa mãn điều đó.
Tương tự như vậy, đôi khi người ta giả thiết độ nhớt của chất lưu là 0. Các loại khí thường được giả thiết là không nhớt. Nếu một chất lưu là có độ nhớt, và dòng chảy của nó bị giới hạn một cách nào đó (thí dụ, trong một ống), thì dòng tại biên phải có vận tốc bằng 0. Với một chất lưu nhớt, nếu biên là không xốp (non-porous), các lực cắt giữa chất lưu và biên cũng đưa ra kết quả là vận tốc của chất lưu là 0 tại biên. Đó là điều kiện không trượt. Đối với môi trường xốp, tại biên với thùng chứa, điều kiện trượt tương ứng với vận tốc khác 0, và chất lưu có một trường vận tốc không liên tục giữa chất lưu tự do và chất lưu trong môi trường xốp (điều này liên quan tới Điều kiện Beavers và Joseph).
Giả thuyết môi trường
Chất lưu được cấu thành từ các phân tử va chạm lẫn nhau và va chạm vào các vật rắn. Tuy vậy, giả thuyết về một môi trường liên tục (continuum hypothesis) xem chất lưu là liên tục. Nghĩa là, các tính chất như mật độ, áp suất, nhiệt độ, và vận tốc coi như được định nghĩa trên những điểm nhỏ "vô hạn", định ra một phần tử thể tích tham khảo (reference element of volume, REV), tại kích cỡ so được với khoảng cách giữa hai phân tử chất lưu kề cận nhau. Các tính chất được giả sử là biến đổi một cách liên tục từ điểm này sang điểm khác, và là giá trị trung bình trong REV. Sự thực là chất lưu được cấu thành từ các phân tử rời rạc được bỏ qua.
Giả thuyết môi trường về bản chất là một xấp xỉ, trong cùng cách thức các hành tinh được xấp xỉ bởi các điểm khi tính toán trong cơ học thiên thể, và do đó chỉ đưa ra những lời giải xấp xỉ. Do đó, giả thuyết về môi trường có thể dẫn tới những kết quả không nằm trong độ chính xác mong muốn. Tuy vậy, dưới những điều kiện thích hợp, giả thuyết về môi trường vẫn đưa ra được những kết quả chính xác.
Những bài toán mà giả thuyết môi trường không đưa ra được lời giải với độ chính xác mong muốn sẽ được giải bằng cơ học thống kê. Để xác định liệu là phương pháp thông thường của động học lưu chất hay cơ học thống kê nên được sử dụng, số Knudsen được đánh giá cho bài toán. Số Knudsen được định nghĩa như là tỉ số giữa độ dài đường tự do trung bình ở cấp độ phân tử với một đại lượng độ dài vật lý đại diện nào đó. Tỉ số độ dài này có thể là bán kính của một vật thể trong chất lưu. (Nói một cách đơn giản hóa, số Knudsen là số lần trung bình mà đường kính của một hạt phải di chuyển trước khi va chạm phải hạt khác). Những bài toán mà số Knudsen lớn hơn hay bằng 1 được giải quyết thỏa đáng với cơ học thống kê với các lời giải chấp nhận được.
Định luật Pascal
Trạng thái cân bằng của chất lưu
Trạng thái cân bằng là trạng thái mà ở đó không có sự chuyển động tương đối giữa các phần khác nhau trong chất lưu; ở đây ta bỏ qua sự chuyển động hỗn loạn của các phân tử chất lưu. Một ly nước đứng yên trên bàn là một ví dụ về trạng thái cân bằng.
Định luật Pascal
Khi chất lưu ở trạng thái cân bằng thì áp suất tại một điểm trong lòng chất lưu là phân bố đều theo mọi phương. Nghĩa là áp suất tại điểm đó phân bố theo mọi phương có độ lớn bằng nhau.
Định luật Pascal được phát biểu như sau: "Áp suất chất lỏng do ngoại lực tác dụng lên mặt thoáng được truyền nguyên vẹn tới mọi điểm trong lòng chất lỏng".
Phương trình liên tục của chất lỏng
Chất lỏng lý tưởng
Chất lỏng lý tưởng là chất lỏng mà ta có thể bỏ qua lực ma sát nhớt của các phần bên trong chất lỏng khi chuyển động tương đối với nhau. Đối với chất lỏng lý tưởng, ta sẽ biểu diễn đường đi của một phân tử chất lưu bằng một đường dòng mà tiếp tuyến với nó tại mọi điểm có phương chiều trùng với véc tơ vận tốc của chất lưu tại điểm đó. Tập hợp toàn bộ các đường dòng biểu diễn cho cả khối chất lưu được gọi là ống dòng.
Nếu chúng ta cắt ống dòng bằng một mặt phẳng S vuông góc đồng thời với các đường dòng, thì tại mọi điểm trên diện tích S này vận tốc các phân tử sẽ có độ lớn bằng nhau.
Phương trình liên tục
Phương trình liên tục chính là định luật bảo toàn khối lượng đối với chất lưu. Đối với chất lưu không nén được, khi xét một thể tích tham khảo thì lưu lượng chất đi vào phải bằng lưu lượng chất đi ra thể tích đó. Nghĩa là, trong hệ tọa độ Descartes với u, v, w là các thành phần vận tốc trên các phương x, y, z, ta có:
hoặc là (với là vec tơ lưu tốc):
Phương trình Bernoulli
Phương trình Bernoulli (Béc-nu-li) mô tả biến đổi năng lượng của dòng nước. Chính xác hơn, định luật Bernoulli viết cho một dòng tia nước như sau:
trong đó các chỉ số 1 và 2 ứng với các vị trí trên dòng chảy, là cao độ, là áp suất, là vận tốc dòng, là gia tốc trọng trường và là cột nước tổn thất.
Chất lưu Newton và chất lưu phi Newton |
Các dân tộc ngoài Trung Nguyên cổ đại là thuật ngữ chỉ các tộc người ở ngoài và bao quanh vùng đất Hoa Hạ theo lý thuyết vũ trụ quan "Trung Hoa" (Sinocentric).
Lý thuyết này có từ thời nhà Chu (cỡ 1046–256 TCN), đưa ra khái niệm "trời tròn đất vuông", coi "thiên hạ" (天下) là bao trùm gồm Hoa Hạ (華夏) ở trung tâm là người đã giáo hóa văn minh, và bao quanh là các dân tộc Tứ Di (man di mọi rợ), không phải người Trung Quốc, gồm Nam Man (南蠻), Đông Di (東夷), Bắc Địch (北狄) và Tây Nhung (西戎).
Hoa Hạ trung tâm phát tích của người Hoa là Bình nguyên Hoa Bắc, hay Trung Nguyên, cổ đại là vùng đất ở giữa hai con sông Hoàng Hà và Dương Tử. Họ có nhiều tên gọi khác nhau và được quan niệm khác nhau theo thế giới quan của những nhà viết sử người Hán có xu hướng dân tộc chủ nghĩa. Điều nhất quán là nước của người Hoa là nước trung tâm hay "Trung Quốc", còn những dân tộc nằm ngoài vùng đất bản thổ của người Hoa Hạ là những dân tộc chưa biết văn hóa và luật lệ giữa con người, chưa có quy tắc ứng xử chung như nhân, lễ, nghĩa, trí, tín hoặc quân, sư, phụ; chưa biết phân định trên dưới, cha con, vợ chồng; chưa có biết dùng mũ, áo, các vật dụng khác nhau để phân biệt tầng lớp, giai cấp trong xã hội. Quan trọng nhất là chưa có luật pháp.
Các dân tộc ở phía Bắc sông Hoàng Hà thì họ gọi là Rợ hoặc Địch. Các dân tộc ở phía Đông thì họ gọi là Di. Các dân tộc ở phía Tây thì họ gọi là Nhung. Các dân tộc ở phía Nam sông Trường giang thì họ gọi là Man. Nói chung ở khắp nơi không định hướng là Di Địch, Man Di. Các chữ tượng hình chỉ các nhóm này đều có phần biểu thị "sâu bọ thú vật" . Ngày nay chữ Hán đã lược bỏ phần biểu tượng này đi, nên trong các chữ Hán dẫn ra ở trên chỉ còn có ở chữ Địch (狄).
Bắc Địch
Bắc Địch (北狄) có rợ Hung nô, rợ Kim, rợ Khiết Đan, rợ Đột Quyết, rợ Hồ (ở phía Tây Bắc). Người Rợ thường bị người Trung Nguyên cổ đại coi là hung dữ. Họ cũng bị coi giả dối, bù nhìn, nên gọi là trá ngụy, ngụy quân, ngụy quyền, ngụy tạo (Ngụy là tên nước phía Bắc sông Hoàng Hà).
Đông Di
Đông Di (东夷) có Triều Tiên, Nhật Bản (người Nhật ngày xưa thường lùn nên còn gọi là Oa Di, hay Uy Di, 倭 "oa" hay "nụy" là "lùn").
Tây Nhung
Tây Nhung (西戎) có Thổ Phồn, Tây Hạ có khi còn gọi là Rợ do các dân tộc này nằm phía Tây Bắc Trung Hoa (thuộc tỉnh Thanh Hải ngày nay), cũng là hậu duệ trực tiếp của các dân tộc phía Bắc.
Nam Man
Nam Man (南蛮) là tên gọi chung cho người dân vùng đất phía Nam sông Dương Tử. Như các nhóm người Bách Việt. Vùng giáp ranh cũng xem là Man như người nước Sở |
Bilady, Bilady, Bilady (tiếng Ả Rập: بلادى، بلادى، بلادى) là quốc ca của Ai Cập, được công nhận chính thức vào năm 1979.
Lời
Tiếng Ả Rập
Dịch sang tiếng Việt
Điệp khúc:
Ôi quê hương tôi, ôi quê hương tôi, ôi quê hương tôi
Đã chiếm lấy tình yêu và trái tim tôi
Ôi quê hương tôi, ôi quê hương tôi, ôi quê hương tôi
Đã chiếm lấy tình yêu và trái tim tôi
I
Ôi Ai Cập, người mẹ của các quốc gia
Người là hy vọng và khát khao của tôi
Và trên tất cả mọi người dân
Sông Nile mang trong mình vô số ân sủng
Điệp khúc
II
Ôi Ai Cập - viên ngọc đáng quý nhất
Một ngọn lửa trên chân mày của sự vĩnh cửu
Mong sao quê hương này được tự do muôn đời
Được bảo vệ bởi mọi kẻ thù
Điệp khúc
III
Ôi Ai Cập, vĩ đại thay những người con
Là những người cận vệ trung thành của chiếc dây cương
Dù trong chiến tranh hay hoà bình
Chúng ta sẽ xả thân vì Người, quê hương ơi
Điệp khúc |
Mer Hayrenik (tiếng Armenia: Մեր Հայրենիք, phát âm: [mɛɾ hɑjɾɛnikʰ]; "Tổ quốc của chúng ta") là quốc ca của Cộng hòa Armenia, được chính thức công nhận vào ngày 1 tháng 7 năm 1991. Trước đó, bài hát cũng từng được chọn làm quốc ca của nền Đệ nhất Cộng hòa Armenia (1918–1920) - nhà nước Armenia hiện đại đầu tiên.
Phần lời của bản quốc ca này dựa trên lời bài thơ Song of an Italian girl (tiếng Armenia: Իտալացի աղջկա երգը Italats’i aghjka yergy; tạm dịch: "Bài hát của người con gái Italia"), được viết bởi Mikael Nalbandian (1829–1866) vào năm 1859. Barsegh Kanachyan (1885–1967) sau đó đã phổ nhạc cho bài thơ.
Lời
Lời hiện tại
Chú ý: Hai dòng cuối mỗi đoạn được lặp lại. |
Một Đảng phái chính trị (chữ Nôm: 黨派政治), hay chính đảng (chữ Hán: 政黨) là một tổ chức chính trị xã hội của những người có chính kiến giống nhau hoặc những người có cùng quan điểm chính trị, và những người ứng cử cho các cuộc bầu cử, trong nỗ lực để họ được bầu và do đó thực hiện chương trình nghị sự của đảng.. Ở bên trong chính thể dân chủ đại nghị, chính đảng tranh đoạt nắm giữ chính quyền thông thường lấy hình thức tham gia bầu cử làm phương pháp và hành động nhằm đoạt lợi ích về phía mình, và lại có lúc kết thành liên minh chính trị, lúc ắt phải cần thì liên hợp nắm giữ chính quyền. Chính đảng có mục tiêu chính trị và ý thức cụ thể, có chủ trương của bản thân mỗi chính đảng nhắm vào vấn đề quốc gia và xã hội, chế định chính cương phô bày cảnh nguyện. Xã hội thừa nhận nó có sẵn quyền lực hợp pháp để mà tổ chức và mở rộng chủ trương của nó, nó cũng tích cực tiến hành can dự vào trong sinh hoạt chính trị, để cho lấy được hoặc che chở giữ gìn chính quyền, hoặc ảnh hưởng việc sử dụng thật thi quyền lực chính trị cho nên phát huy tác dụng của bản thân nó.
Mặc dù có một số điểm chung quốc tế trong cách các đảng chính trị được công nhận và trong cách họ hoạt động, thường có nhiều sự khác biệt, và một số khác biệt là đáng kể. Hầu hết các đảng chính trị có cốt lõi ý thức hệ, nhưng một số thì không, và nhiều đảng đại diện cho ý thức hệ rất khác với ý thức hệ của họ tại thời điểm đảng được thành lập. Nhiều quốc gia, như Đức và Ấn Độ, có một số đảng chính trị quan trọng và một số quốc gia có hệ thống độc đảng, như Trung Quốc và Cuba. Hoa Kỳ trên thực tế là một hệ thống hai đảng nhưng có nhiều đảng nhỏ hơn cũng tham gia.
Phát triển mang tính lịch sử
Ý tưởng về việc mọi người thành lập các nhóm lớn hoặc phe phái để ủng hộ cho lợi ích chung của họ đã có từ thời cổ xưa. Plato đề cập đến các phe phái chính trị của Athens cổ điển ở Cộng hòa, và Aristotle thảo luận về xu hướng của các loại chính phủ khác nhau để tạo ra các phe phái trong Chính trị. Một số tranh chấp cổ xưa cũng là phe phái, giống như các cuộc bạo loạn Nika giữa hai phe đua xe ngựa tại Hippodrome of Constantinople. Tuy nhiên, các đảng chính trị hiện đại được coi là đã xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ 18 hoặc đầu thế kỷ 19, xuất hiện đầu tiên ở châu Âu và Hoa Kỳ. Điều khác biệt giữa các đảng chính trị với các phe phái và các nhóm lợi ích là các đảng chính trị sử dụng một nhãn rõ ràng để xác định các thành viên của họ có chung các mục tiêu bầu cử và lập pháp. Sự chuyển đổi từ phe phái lỏng lẻo thành các đảng chính trị hiện đại có tổ chức được coi là lần đầu tiên xảy ra ở Vương quốc Anh hoặc Hoa Kỳ, với Đảng Bảo thủ của Vương quốc Anh và Đảng Dân chủ Hoa Kỳ thường được gọi là "đảng chính trị liên tục lâu đời nhất thế giới" ".
Sự xuất hiện Đảng ở Anh
Hệ thống đảng xuất hiện ở nước Anh thời kỳ đầu hiện đại được coi là một trong những thế giới đầu tiên, với nguồn gốc từ các phe phái xuất hiện từ Cuộc khủng hoảng loại trừ và Cách mạng Vinh quang cuối thế kỷ 17. Phe Whig ban đầu tự tổ chức xung quanh ủng hộ chế độ quân chủ lập hiến Tin lành trái ngược với sự cai trị tuyệt đối, trong khi phe Tory bảo thủ (ban đầu là phe Hoàng gia hoặc Cavalier của Nội chiến Anh) ủng hộ chế độ quân chủ mạnh mẽ. Hai nhóm này có cấu trúc tranh chấp trong chính trị của Vương quốc Anh trong suốt thế kỷ 18. Trong nhiều thế kỷ tiếp theo, các phe phái lỏng lẻo này bắt đầu áp dụng các khuynh hướng chính trị và hệ tư tưởng mạch lạc hơn: các tư tưởng chính trị tự do của John Locke và khái niệm về các quyền phổ quát được các nhà lý thuyết như Algernon Sidney và sau này là John Stuart Mill có ảnh hưởng lớn. trong khi các Tory cuối cùng đã được xác định với các nhà triết học bảo thủ như Edmund Burke.
Thời kỳ giữa sự ra đời của chủ nghĩa bè phái, xung quanh Cách mạng Vinh quang và sự gia nhập của George III năm 1760 được đặc trưng bởi quyền lực tối cao của Whig, trong đó Whigs vẫn là khối quyền lực nhất và luôn luôn bảo vệ chế độ quân chủ lập hiến với giới hạn nghiêm ngặt về quyền lực của quân chủ. sự gia nhập của một vị vua Công giáo, và tin vào việc mở rộng lòng khoan dung đối với những người theo đạo Tin lành và bất đồng chính kiến. Mặc dù phe Tory đã mất chức trong nửa thế kỷ, nhưng phần lớn họ vẫn là một phe đối lập thống nhất với Whigs.
Khi họ mất quyền lực, giới lãnh đạo Whig cũ đã giải thể thành một thập kỷ hỗn loạn phe phái với các phe Grenvillite, Bedfordite, Rockinghamite và Chathamite khác nhau liên tiếp nắm quyền, và tất cả đều tự coi mình là "Whigs". Các đảng chính trị đặc biệt đầu tiên xuất hiện từ sự hỗn loạn này. Bữa tiệc đầu tiên như vậy là Rockingham Whigs dưới sự lãnh đạo của Charles Watson-Wentworth và sự hướng dẫn trí tuệ của nhà triết học chính trị Edmund Burke. Burke đã đưa ra một triết lý mô tả khuôn khổ cơ bản của đảng chính trị là "một cơ thể đàn ông đoàn kết để thúc đẩy bởi nỗ lực chung của họ vì lợi ích quốc gia, theo một số nguyên tắc cụ thể mà tất cả họ đều đồng ý". Trái ngược với sự bất ổn của các phe phái trước đây, vốn thường bị ràng buộc với một nhà lãnh đạo cụ thể và có thể tan rã nếu bị loại khỏi quyền lực, đảng này tập trung vào một tập hợp các nguyên tắc cốt lõi và không nắm quyền như một phe đối lập thống nhất với chính phủ.
Một liên minh bao gồm Whigs Rockingham, do Bá tước Shelburne lãnh đạo, nắm quyền vào năm 1782, chỉ sụp đổ sau cái chết của Rockingham. Chính phủ mới, do chính trị gia cấp tiến Charles James Fox lãnh đạo trong liên minh với Lord North, đã sớm bị hạ bệ và được thay thế bởi William Pitt the Younger vào năm 1783. Bây giờ, một hệ thống hai đảng chính hiệu bắt đầu xuất hiện, với việc Pitt lãnh đạo Tories mới chống lại một đảng "Whig" được tái lập do Fox lãnh đạo. Đảng Bảo thủ hiện đại đã được tạo ra từ những Học thuyết Pittite này. Năm 1859 dưới thời Lord Palmerston, Whigs, chịu ảnh hưởng nặng nề từ những ý tưởng tự do cổ điển của Adam Smith, đã tham gia cùng với những người theo phía Tory thương mại tự do của Robert Peel và các Xạ thủ độc lập để thành lập Đảng Tự do.
Sự xuất hiện Đảng ở Hoa Kỳ
Mặc dù các nhà soạn thảo của Hiến pháp Hoa Kỳ năm 1787 đã không lường trước được rằng các tranh chấp chính trị của Mỹ sẽ được tổ chức chủ yếu xung quanh các đảng chính trị, những tranh cãi chính trị vào đầu những năm 1790 về phạm vi quyền lực của chính phủ liên bang đã chứng kiến sự xuất hiện của hai đảng chính trị: Đảng Liên bang và Đảng Cộng hòa Dân chủ, được Alexander Hamilton và Thomas Jefferson, lãnh đạo. Tuy nhiên, một sự đồng thuận đạt được về những vấn đề này đã chấm dứt chính trị đảng năm 1816 trong gần một thập kỷ, một giai đoạn thường được gọi là Kỷ nguyên của cảm giác tốt.
Sự chia rẽ của Đảng Cộng hòa Dân chủ sau cuộc bầu cử tổng thống năm 1824 gây tranh cãi đã dẫn đến sự tái xuất hiện của các đảng chính trị. Hai đảng lớn sẽ thống trị bối cảnh chính trị trong một phần tư thế kỷ tiếp theo: Đảng Dân chủ, do Andrew Jackson, và Đảng Whig, do Henry Clay thành lập từ Đảng Cộng hòa Quốc gia và từ các nhóm Anti-Jackson khác. Khi Đảng Whig tan rã vào giữa những năm 1850, vị trí là một đảng chính trị lớn của Hoa Kỳ đã được Đảng Cộng hòa lấp đầy.
Lan rộng ra toàn cầu
Một ứng cử viên khác cho hệ thống đảng hiện đại đầu tiên xuất hiện là Thụy Điển. Trong suốt nửa sau của thế kỷ 19, mô hình chính trị của đảng đã được thông qua trên khắp châu Âu. Tại Đức, Pháp, Áo và các nơi khác, các cuộc cách mạng năm 1848 đã làm dấy lên làn sóng tình cảm tự do và sự hình thành của các cơ quan đại diện và các đảng chính trị. Cuối thế kỷ chứng kiến sự hình thành của các đảng xã hội chủ nghĩa lớn ở châu Âu, một số phù hợp với triết lý của Karl Marx, một số khác thích nghi với nền dân chủ xã hội thông qua việc sử dụng các phương pháp cải cách và dần dần.
Đồng thời, Đảng Liên minh Nội quy, vận động cho Luật gia đình cho Ireland trong Quốc hội Anh, đã được thay đổi về cơ bản bởi nhà lãnh đạo chính trị Ailen Charles Stewart Parnell vào những năm 1880. Năm 1882, ông đổi tên thành đảng của ông để các đảng quốc hội Ái Nhĩ Lan và tạo ra một tổ chức tốt cơ sở cơ cấu, giới thiệu thành viên để thay thế quảng cáo hoc nhóm không chính thức. Ông đã tạo ra một quy trình tuyển chọn mới để đảm bảo lựa chọn chuyên nghiệp các ứng cử viên của đảng cam kết đảm nhận vị trí của họ, và vào năm 1884, ông đã áp đặt một "cam kết của đảng", buộc các nghị sĩ phải bỏ phiếu trong một quốc hội trong mọi trường hợp. Việc tạo ra một đảng roi da nghiêm ngặt và cơ cấu đảng chính thức là duy nhất vào thời điểm đó, trước đó chỉ có Đảng Dân chủ Xã hội Đức (1875), mặc dù sau đó đã bị Otto von Bismarck đàn áp từ năm 1878 đến 1890. Cơ cấu và kiểm soát hiệu quả của các bên này trái ngược với các quy tắc lỏng lẻo và tính không chính thức linh hoạt được tìm thấy trong các đảng chính của Anh, và đại diện cho sự phát triển của các hình thức tổ chức đảng mới, tạo thành một "mô hình" trong thế kỷ 20.
Nguồn gốc của các đảng chính trị
Các đảng chính trị là một đặc điểm gần như phổ biến của các nước hiện đại. Gần như tất cả các quốc gia dân chủ đều có các đảng chính trị mạnh, và nhiều nhà khoa học chính trị coi các quốc gia có ít hơn hai đảng nhất thiết phải độc đoán. Tuy nhiên, những nguồn này cho phép một quốc gia có nhiều đảng cạnh tranh không nhất thiết là dân chủ, và chính trị của nhiều quốc gia chuyên chế được tổ chức xung quanh một đảng chính trị thống trị. Có nhiều cách giải thích về cách thức và lý do tại sao các đảng chính trị là một phần quan trọng của các quốc gia hiện đại.
Sự phân chia xã hội
Một trong những giải thích cốt lõi cho lý do tại sao các đảng chính trị tồn tại là chúng phát sinh từ sự chia rẽ hiện hữu giữa mọi người. Dựa trên công trình của Harold Hotelling về tổng hợp các ưu tiên và lý thuyết lựa chọn xã hội của Duncan Black, Anthony Downs đã chỉ ra cách phân phối ưu tiên cơ bản trong một cuộc bầu cử có thể tạo ra kết quả thường xuyên trong tổng hợp, như định lý cử tri trung bình. Mô hình trừu tượng này cho thấy các đảng có thể phát sinh từ các biến thể trong một cuộc bầu cử và có thể tự điều chỉnh theo các mô hình trong cuộc bầu cử. Tuy nhiên, Downs cho rằng một số phân phối sở thích tồn tại, thay vì gán bất kỳ ý nghĩa nào cho phân phối đó.
Seymour Martin Lipset và Stein Rokkan đã đưa ra ý tưởng về sự khác biệt trong một cuộc bầu cử cụ thể hơn bằng cách lập luận rằng một số hệ thống đảng lớn của thập niên 1960 là kết quả của sự phân tách xã hội đã tồn tại trong những năm 1920. Họ xác định bốn sự phân tách lâu dài ở các quốc gia mà họ kiểm tra: một sự phân tách Trung tâm về ngoại vi liên quan đến tôn giáo và ngôn ngữ, một sự phân tách của Giáo hội Nhà nước tập trung vào kiểm soát giáo dục đại chúng, một sự phân chia Công nghiệp Đất đai về tự do công nghiệp và chính sách nông nghiệp, và Chủ sở hữu- Sự phân tách công nhân bao gồm một cuộc xung đột giữa chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa quốc tế. Các tác giả sau đó đã mở rộng hoặc sửa đổi các phân tách này, đặc biệt là khi kiểm tra các đảng ở các nơi khác trên thế giới.
Lập luận rằng các đảng phái được tạo ra bởi sự phân tách xã hội đã thu hút một số lời chỉ trích. Một số tác giả đã thách thức lý thuyết trên cơ sở thực nghiệm, hoặc không tìm thấy bằng chứng nào cho tuyên bố rằng các đảng xuất hiện từ các phân tách hiện tại hoặc cho rằng tuyên bố này không thể kiểm chứng bằng thực nghiệm. Những người khác lưu ý rằng trong khi sự phân tách xã hội có thể khiến các đảng chính trị tồn tại, điều này che khuất tác động ngược lại: rằng các đảng chính trị cũng gây ra những thay đổi trong các phân tách xã hội tiềm ẩn. Một sự phản đối nữa là, nếu lời giải thích cho việc các đảng đến từ nơi mà họ xuất hiện từ các sự phân tách xã hội hiện có, thì lý thuyết đã không xác định được nguyên nhân gây ra các đảng trừ khi nó cũng giải thích sự phân tách xã hội đến từ đâu; một phản ứng trước sự phản đối này, dọc theo dòng lý thuyết hiếu chiến của Charles Tilly về xây dựng nhà nước, là sự phân tách xã hội được hình thành bởi các xung đột lịch sử.
Ưu đãi cá nhân và nhóm
Một lời giải thích khác cho lý do tại sao các đảng phái có mặt khắp nơi trên thế giới là việc thành lập các đảng cung cấp các khuyến khích tương thích cho các ứng cử viên và nhà lập pháp. Một lời giải thích cho sự tồn tại của các đảng, do John Aldrich tiên tiến, là sự tồn tại của các đảng chính trị có nghĩa là một ứng cử viên trong một khu vực bầu cử có động cơ để hỗ trợ một ứng cử viên ở một quận khác, khi hai ứng cử viên đó có cùng tư tưởng.
Một lý do mà khuyến khích này tồn tại là các đảng phái có thể giải quyết các thách thức lập pháp nhất định mà một cơ quan lập pháp của các thành viên không liên kết có thể phải đối mặt. Gary W. Cox và Mathew D. McCubbins cho rằng sự phát triển của nhiều tổ chức có thể được giải thích bằng sức mạnh của họ để hạn chế các khuyến khích của các cá nhân; một tổ chức quyền lực có thể cấm các cá nhân hành động theo cách gây hại cho cộng đồng. Điều này cho thấy các đảng chính trị có thể là cơ chế để ngăn chặn các ứng cử viên có ý thức hệ tương tự hành động gây bất lợi cho nhau. Một lợi thế cụ thể mà các ứng cử viên có thể có được từ việc giúp đỡ các ứng cử viên tương tự ở các quận khác là sự tồn tại của một bộ máy đảng có thể giúp các liên minh cử tri đồng ý về các lựa chọn chính sách lý tưởng, nói chung là không thể. Điều này có thể đúng ngay cả trong bối cảnh nơi nó chỉ có lợi một chút khi là một phần của một bữa tiệc; các mô hình về cách các cá nhân phối hợp tham gia một nhóm hoặc tham gia vào một sự kiện cho thấy ngay cả một ưu tiên yếu là một phần của nhóm có thể kích thích sự tham gia của đông đảo mọi người.
Đảng như là giải pháp xã hội heuristic
Các đảng phái có thể là cần thiết cho nhiều cá nhân tham gia chính trị, bởi vì họ cung cấp một giải pháp heuristic đơn giản hóa ồ ạt cho phép mọi người đưa ra lựa chọn sáng suốt với chi phí nhận thức thấp hơn nhiều. Nếu không có các đảng chính trị, các đại cử tri sẽ phải đánh giá từng ứng cử viên trong mỗi cuộc bầu cử mà họ đủ điều kiện để bỏ phiếu. Thay vào đó, các đảng cho phép cử tri đưa ra phán xét về một vài nhóm thay vì số lượng cá nhân lớn hơn nhiều. Angus Campbell, Philip Converse, Warren Miller và Donald E. Stokes đã lập luận trong The American Voter rằng sự đồng nhất với một đảng chính trị là một yếu tố quyết định quan trọng đến việc một cá nhân sẽ bỏ phiếu hay không. Bởi vì việc thông báo về nền tảng của một vài bên dễ dàng hơn nhiều so với vị trí cá nhân của nhiều ứng cử viên, các bên giảm gánh nặng nhận thức cho mọi người để bỏ phiếu thông báo. Tuy nhiên, bằng chứng cho thấy rằng trong nhiều thập kỷ qua, sức mạnh của nhận dạng đảng đã yếu đi, vì vậy đây có thể là một chức năng ít quan trọng hơn cho các bên để cung cấp so với trước đây.
Cấu trúc
Một đảng chính trị thường được lãnh đạo bởi một lãnh đạo đảng (thành viên quyền lực nhất và người phát ngôn đại diện cho đảng), một bí thư đảng (người duy trì công việc hàng ngày và hồ sơ của các cuộc họp đảng), thủ quỹ của đảng (người chịu trách nhiệm về phí thành viên) và chủ trì đảng (người hình thành chiến lược tuyển dụng và giữ chân đảng viên, đồng thời chủ trì các cuộc họp của đảng). Hầu hết các vị trí trên cũng là thành viên của đảng điều hành, tổ chức hàng đầu đưa ra chính sách cho toàn đảng ở cấp quốc gia. Cấu trúc này được phân cấp nhiều hơn ở Hoa Kỳ vì sự phân chia quyền lực, chủ nghĩa liên bang và sự đa dạng của lợi ích kinh tế và giáo phái tôn giáo. Ngay cả các đảng của nhà nước được phân cấp như quận và các ủy ban địa phương khác phần lớn độc lập với ủy ban trung ương nhà nước. Nhà lãnh đạo đảng quốc gia ở Mỹ sẽ là tổng thống, nếu đảng này nắm giữ chức vụ đó, hoặc một thành viên nổi bật của Quốc hội đối lập (mặc dù một thống đốc nhà nước lớn có thể khao khát vai trò đó). Chính thức, mỗi đảng có một chủ tịch cho ủy ban quốc gia là người phát ngôn, nhà tổ chức và nhà gây quỹ nổi tiếng, nhưng không có tư cách của các người nắm giữ các vị trí chính trị nổi tiếng.
Trong các nền dân chủ nghị viện, trên cơ sở thường xuyên, định kỳ, các hội nghị đảng được tổ chức để bầu các lãnh đạo của đảng, mặc dù các cuộc bầu cử lãnh đạo nhanh chóng có thể được gọi nếu đủ thành viên lựa chọn như vậy. Các hội nghị của đảng cũng được tổ chức để khẳng định giá trị đảng cho các thành viên trong năm tới. Các đảng phái Mỹ cũng gặp gỡ thường xuyên và, một lần nữa, phụ thuộc nhiều hơn vào các nhà lãnh đạo chính trị được bầu.
Tùy thuộc vào cấu trúc nhân khẩu học của các thành viên đảng, các đảng viên thành lập các đảng ủy địa phương hoặc khu vực để giúp các ứng cử viên tranh cử vào các văn phòng địa phương hoặc khu vực trong chính phủ. Các chi bộ đảng địa phương phản ánh các vị trí lãnh đạo ở cấp quốc gia.
Cũng là thông lệ cho các đảng viên chính trị hình thành lực lượng hỗ trợ cho các đảng viên hiện tại hoặc tương lai, hầu hết trong số đó thuộc hai loại sau:
Dựa trên danh tính: bao gồm lực lượng thanh niên và/hoặc lực lượng vũ trang
Dựa trên vị trí: bao gồm lực lượng ủng hộ cho các ứng cử viên, thị trưởng, thống đốc, chuyên gia, sinh viên, v.v. Sự hình thành của những đôi cánh này có thể đã trở thành thông lệ nhưng sự tồn tại của chúng là một dấu hiệu cho thấy sự khác biệt về quan điểm, sự cạnh tranh trong nội bộ đảng, ảnh hưởng của các nhóm lợi ích hoặc cố gắng tạo ra ảnh hưởng cho nhà nước hoặc khu vực.
Các lực lượng này là hữu ích cho việc tiếp cận đảng, đào tạo và việc làm. Nhiều chính trị gia trẻ đầy tham vọng tìm kiếm những vai trò và công việc này như bước đệm cho sự nghiệp chính trị của họ trong các cơ quan lập pháp hoặc hành pháp.
Cơ cấu nội bộ của các đảng chính trị phải mang tính dân chủ ở một số nước. Tại Đức, Điều 21 1 Satz 3 GG thiết lập một cơ chế chỉ huy dân chủ trong một đảng phái.
Các đảng nghị viện
Khi đảng được đại diện bởi các thành viên ở Hạ viện hoặc Thượng viện, nhà lãnh đạo đảng đồng thời làm lãnh đạo của nhóm nghị sĩ của đại diện đảng đó; tùy thuộc vào một số lượng tối thiểu của ghế tổ chức, Các đảng dựa trên Hệ thống Westminster thường cho phép các nhà lãnh đạo để tạo đội ngũ frontbench của các thành viên thành viên cao cấp của tập đoàn quốc hội để phục vụ như các nhà phê bình của các khía cạnh của chính sách của chính phủ. Khi một bên trở thành đảng lớn nhất không thuộc Chính phủ, nhóm quốc hội của đảng hình thành phe đối lập chính thức, với công phe đối lập thành viên trong nhóm frontbench thường hình thành chính thức đối lập nội các bóng. Khi một đảng đạt đủ số ghế trong một cuộc bầu cử để chiếm đa số, mặt trận của đảng sẽ trở thành Nội các của các bộ trưởng chính phủ. Họ đều là thành viên được bầu. Có những thành viên tham gia đảng mà không được thăng chức.
Kinh phí
Nhiều hoạt động của các đảng phái chính trị liên quan đến việc mua lại và phân bổ ngân quỹ để đạt được các mục tiêu chính trị. Nguồn tài trợ liên quan có thể rất đáng kể, với các cuộc bầu cử đương đại ở các nền dân chủ lớn thường tiêu tốn hàng tỉ hoặc thậm chí hàng chục tỉ đô la. Phần lớn chi phí này được chi trả bởi các ứng cử viên và đảng phái chính trị, nên những tổ chức này thường phát triển các tổ chức gây quỹ cực kì phức tạp. Bởi vì trả tiền để tham gia các cuộc tranh cử bầu cử là một hoạt động dân chủ tập trung như vậy, tài trợ của các đảng chính trị là một đặc điểm quan trọng của nền chính trị của một quốc gia.
Nguồn quỹ đảng
Chú thích
Bầu cử
Chính trị học
Tổ chức chính trị |
Hộ khẩu () còn được gọi là Hộ tịch, là một phương pháp quản lý dân số chủ yếu dựa vào hộ gia đình. Nó chủ yếu được sử dụng ở Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam và một số các quốc gia khác.
Hệ thống này xuống một phần từ các hệ thống đăng ký hộ gia đình Trung Quốc thời cổ đại. Hệ thống đăng ký hộ khẩu cũng có ảnh hưởng tới hệ thống quản lý công dân tại các quốc gia Đông Á láng giềng như hệ thống hành chính công của Nhật Bản (koseki) và Hàn Quốc (hoju), Việt Nam (hộ khẩu). Tại nhiều nước khác, Chính phủ cũng có các loại giấy tờ xác định nơi cư trú của công dân (mục đích tương tự như hộ khẩu, chỉ khác về tên gọi), như Hoa Kỳ quản lý công dân qua các "mã số công dân", các nước EU thì đã thống nhất sử dụng "hộ chiếu EU" là sự hợp nhất bốn loại giấy tờ: hộ khẩu, hộ tịch, CMND, hộ chiếu theo cách gọi ở Việt Nam.
Ngày 30 tháng 10 năm 2017, Việt Nam chính thức bỏ thủ tục cấp sổ hộ khẩu. Thay vào đó, việc quản lý nơi cư trú được thực hiện bởi thẻ căn cước công dân, trên đó có ghi mã số để truy cập vào cơ sở dữ liệu dân cư thông qua internet.
Lịch sử về hệ thống hộ khẩu
Trung Quốc cổ đại
Đăng ký hộ khẩu có lịch sử 3000 năm ở thời cổ đại. Trong các bản giáp cốt văn thời nhà Thương có rất nhiều ghi chép về "đăng nhân" và "đăng chúng".
Vào thời nhà Chu, hệ thống kiểm kê dân số và hộ khẩu được sử dụng làm thống kê dân số, làm cơ sở cho một hệ thống phong kiến nghiêm ngặt. "Quốc ngữ - Chu ngữ" ghi lại rằng Chu Tuyên Vương muốn dụng binh chinh phạt miền nam, rất cần nhân lực và tài nguyên vật lực, vì vậy "liêu dân" (đếm dân) nghĩa là kiểm tra hộ khẩu và buộc phải chiêu dụ binh sĩ.
Đến thời Tần, một hệ thống đăng ký hộ gia đình chặt chẽ hơn đã được thành lập, nghĩa là 5 hộ là một đơn vị tối thiểu, phục vụ công tác quản lý quân sự. Thông qua việc thiết lập một hệ thống đăng ký hộ gia đình nghiêm ngặt, Tần có được khả năng thu được nguồn tài chính và thuế mạnh mẽ và khả năng huy động của toàn dân. Cho đến thời nhà Hán, nó được thừa hưởng hệ thống đăng ký cho toàn bộ dân tộc nhà Tần. Tất cả người dân trong nước, bất kể tình trạng của họ, bất kể giới tính, tuổi tác hay trẻ em, được gọi là Dân tề biên hộ (編戶齊民), trở thành công dân (公民; từ này, sớm nhất là thời nhà tiền Tần, nhà nước yêu cầu các huyện vào giữa mùa thu hàng năm, phải tiến hành khảo đếm để cập nhật và đếm dân số, sau đó huyện báo cáo từng hộ tịch lên quận, triều đình lập "kê tướng" và "hộ tào" để quản lý hộ khẩu).
Vào thời nhà Tống, nổi bật về tính cởi mở và phát triển của nền thương nghiệp, hệ thống hộ khẩu chỉ dựa trên dịch chuyển dân cư của những người sống ở thành phố hoặc thị trấn cũng như việc tuyển lính tráng. Dân chúng có thể tự do di chuyển và có được hộ khẩu địa phương trong một năm. Tuy nhiên hệ thống đã nghiêm ngặt một lần nữa sau triều nhà Nguyên và nới lỏng trở lại vào giữa thời nhà Minh.
Đài Loan
Đài Loan thành lập 132 hệ thống đăng ký hộ khẩu năm 1931.
Lịch sử của hệ thống đăng ký hộ khẩu có thể bắt nguồn từ việc thành lập sổ đăng ký dân số của triều đình nhà Thanh tại Đài Loan theo luật hộ khẩu và thanh tra dân số. Đặc điểm quan trọng nhất là "hộ" (gia đình) là đơn vị cơ bản của tổ chức xã hội. Sau đó, một hệ thống an ninh được thành lập. Mười hộ là một bài đầu, mười bài là một giáp trưởng, mười giáp là một bảo trưởng.
Sau khi Đài Loan bước vào thời kỳ cai trị của Nhật Bản, chính phủ Nhật Bản lúc đó đã chiếm được hệ thống Bảo Giáp của nhà Thanh và kết hợp với các đặc điểm đăng ký hộ gia đình nghiêm ngặt ở Nhật Bản, thành lập "Tổng cục Bảo Gia" để tạo ra các hệ thống đăng ký hộ gia đình riêng của Đài Loan như thôn xã và bảo chính. Hệ thống đăng ký hộ gia đình và dữ liệu cá nhân được cảnh sát kiểm soát thông qua bảo chính, thay vì hệ thống đăng ký hộ gia đình được xử lý bởi cơ quan quản lý hộ gia đình toàn thời gian. Người dân có trách nhiệm ngồi lại với nhau và có thể theo dõi lẫn nhau.
Việc này khiến cho hệ thống đăng ký hộ khẩu ở Đài Loan khác với hệ thống ở lục địa Nhật Bản trong thời cai trị của Nhật Bản. Thông tin đăng ký hộ gia đình của Đài Loan được sử dụng để tăng cường an ninh, tính năng quản lý và an ninh chặt ch.ẽThông tin đăng ký hộ gia đình trong thời cai trị của Nhật Bản được thành lập vào năm 1905. Từ đó một số lượng lớn các tập tin hoàn chỉnh, những dữ liệu đăng ký hộ gia đình và khảo sát quốc gia được lưu trữ này đã đặt nền tảng tốt cho nghiên cứu liên quan.
Sau khi Thế chiến II kết thúc, Chính phủ Quốc dân Trung Hoa Dân Quốc tiếp quản Đài Loan,Luật Nhà ở Trung Hoa Dân Quốc áp dụng tại Đài Loan đã bãi bỏ hệ thống Bảo Chính và bổ nhiệm các vị trí quản lý hộ tịch và kết hợp với hệ thống đăng ký hộ khẩu của Đài Loan. Cảnh sát có thể hỗ trợ nhân viên hộ chính hoặc chủ động kiểm tra tình trạng đăng ký hộ khẩu của người dân để nắm được tình hình dân cư của địa phương và tiếp tục đạt được các mục tiêu phòng chống tội phạm và an ninh công cộng. Năm 1950, "chế độ song quỹ" được đổi thành liên hệ với cảnh sát hộ gia đình: các cơ quan hành chính dân sự chịu trách nhiệm quản lý và đăng ký hộ khẩu và cảnh sát có thể kiểm tra. Sau khi dỡ bỏ thiết quân luật cho tới khi lập lại các cơ quan hành chính chịu trách nhiệm về đăng ký hộ khẩu, tình trạng của hệ thống hộ khẩu dần dần chuyển thành công cụ phúc lợi xã hội quốc gia.
Hệ thống đăng ký hộ khẩu hiện tại ở Đài Loan được tiến hành theo luật đăng ký hộ khẩu. Cơ quan có thẩm quyền là Bộ Nội vụ của Đài Loan, chủ yếu được chia thành đăng ký nhận dạng và đăng ký di trú. Ví dụ, đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử, đăng ký kết hôn và đăng ký ly hôn có thể thay đổi danh tính. Ngoài ra, mọi người có thể tự do chuyển chỗ ở, và trong vòng ba tháng sau khi rời khỏi nơi cư trú ban đầu, họ cần báo cáo về nơi chuyển đến. Chính phủ tiến hành kiểm duyệt hộ khẩu cứ sau mười năm, và thường xuyên tiến hành đăng ký hộ gia đình, nhưng việc kiểm tra không nghiêm ngặt, có thể kiểm tra thêm chứng minh thư (chứng kiện).
Địa chỉ đăng kí hộ tịch là nơi cư trú chính thức của mỗi người theo quyết định của chính phủ, do đó, nó có tác động đến quyền và nghĩa vụ của mọi người. Những người đã rời khỏi Đài Loan trong hơn hai năm sẽ được cơ quan quản lý hộ khẩu chủ động xử lý di dời ra nước ngoài. Họ phải nhập cảnh bằng hộ chiếu Đài Loan để khôi phục hộ khẩu.Chẳng hạn, liên quan đến quyền tham gia chính trị, theo luật bầu cử và bãi nhiệm công chức, quyền bầu cử phải được đăng ký tại khu vực bầu cử trong bốn tháng, nếu không họ sẽ mất quyền tham gia chính trị (bầu cử hoặc bỏ phiếu); Về mặt giáo dục bắt buộc, đăng ký hộ gia đình của phụ huynh và trẻ em xác định trường tiểu học quốc gia hoặc trường trung học quốc gia sẽ được phân phối. Trong đăng ký nghĩa vụ quân sự, thị trấn nơi cư trú của nam giới được đăng ký (thị trấn, thành phố, quận) văn phòng xử lý tất cả các vấn đề liên quan đến gọi đi nghĩa vụ.
Các quốc gia
Trung Quốc
Do sự liên kết của nó với các chương trình xã hội do chính phủ cung cấp, phân công lợi ích dựa trên tình trạng cư trú nông nghiệp và phi nông nghiệp (thường được gọi là nông thôn và thành thị), hệ thống hukou đôi khi được ví như một dạng hệ thống phân tầng xã hội tại Trung Quốc. Nó đã là nguồn gốc của nhiều bất bình đẳng trong nhiều thập kỷ kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1949, khi người dân thành thị nhận được các lợi ích từ lương hưu đến giáo dục đến chăm sóc sức khỏe, trong khi công dân nông thôn thường phải tự lo liệu. Trong những năm gần đây, chính quyền trung ương đã bắt đầu cải cách hệ thống để đáp trả các cuộc biểu tình và một hệ thống kinh tế đang thay đổi, nhưng các chuyên gia suy đoán liệu những thay đổi này có phải là thực chất hay không.
Việt Nam
Chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (tiền thân của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam) đã áp dụng phương thức quản lý theo hộ khẩu từ thập niên 1950. Tuy nhiên, đến ngày ngày 1 tháng 1 năm 2023, sổ hộ khẩu và sổ tạm trú giấy không còn được sử dụng mà được thay thế bằng căn cước công dân.
Thực hiện ở thành phố
Theo báo cáo của Ủy ban hành chính Hà Nội và Hải Phòng thì trong năm 1956, hai thành phố đã vận động được một số đông đồng bào có quê quán ở nông thôn về địa phương tham gia sản xuất nông nghiệp. Nhưng từ khi phát hiện sai lầm về cải cách ruộng đất và trong khi thành phố tiến hành sửa chữa một số khuyết điểm trong công tác quản lý hộ khẩu, thì số người ở nông thôn lại trở ra thành phố ngày càng nhiều, dân số hai thành phố lại đông hơn trước.
Trong hoàn cảnh kinh tế lúc đó, việc nông dân bỏ nông thôn ra thành phố đã gây ra nhiều bất lợi, làm cho thành phố tăng thêm số người không có việc làm, trong khi ở nông thôn lực lượng sản xuất nông nghiệp bị giảm bớt, ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch của Nhà nước. Hội đồng Chính phủ đã có Thông tư số 495 TTg ngày 23 tháng 10 năm 1957 về việc hạn chế đồng bào ở nông thôn ra thành phố. Vận động những người muốn bỏ nông thôn ra thành phố kiếm công ăn việc làm ở lại sản xuất, trường hợp xét thật cần thiết mới cấp giấy cho di chuyển ra thành phố ở như: thợ chuyên nghiệp do cơ quan hoặc tư nhân yêu cầu, các ngành ở trung ương hoặc ở thành phố, mỗi khi cần đến nhân công để xây dựng một công trình gì ở thành phố thì phải có kế hoạch bàn với Bộ Lao động và Sở lao động thành phố để có sự phối hợp và điều chỉnh nhân công cho hợp lý: không tự tiện về nông thôn mộ nhân công. Tuyên truyền để cán bộ, nhân viên ở thành phố không đưa gia đình ra thành phố và khuyến khích trở về nông thôn nếu có điều kiện để sản xuất. Có biện pháp thích hợp về hành chính, về kinh tế để hạn chế nông dân ra thành phố ở như: quản lý chặt chẽ công tác hộ khẩu, giải quyết dần dần hàng vỉa hè v.v...
Áp dụng ở nông thôn
Ngày 9 tháng 9 năm 1960 Hội đồng Chính phủ ban hành Điều lệ tạm thời quy định việc tuyển dụng và sử dụng nhân công ở nông thôn kèm theo Nghị định số 36/CP, Bộ Lao động có trách nhiệm quản lý việc thi hành chính sách tuyển dụng và sử dụng nhân công. Dựa theo kế haọch nhân công của kế hoạch Nhà nước và tình hình nhân công địa phương, Bộ lao động phân phối nhiệm vụ cung cấp nhân công cho các khu, thành phố, tỉnh. Các Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh có trách nhiệm kế hoạch nhân công và quản lý các nguồn nhân công trong địa phương. Căn cứ vào nhiệm vụ cung cấp nhân công do Bộ lao động giao cho và tình hình nhân công địa phương, các Ủy ban kể trên phân phối nhiệm vụ cung cấp nhân công cho các huyện, châu, quận phân phối lại nhiệm vụ ấy cho các xã, Ủy ban hành chính xã phải căn cứ nhiệm vụ của cấp trên giao cho và tuỳ theo kế hoạch lao động sản xuất của hợp tác xã mà bố trí, giới thiệu người đi làm theo đúng yêu cầu thời gian. Ngoài kế hoạch phân phối, các Ủy ban hành chính huyện (hoặc châu, quận), xã, các Ban quản trị hợp tác xã, các đoàn thể ở nông thôn không được giới thiệu người ra tìm việc tại các thành phố hoặc tại các xí nghiệp, công trường. Không được tuyển dụng địa chủ và các phần tử xấu. Nếu đã trót tuyển dụng địa chủ và những phần tử xấu thì giải quyết: Đối với địa chủ cường hào gian ác và những phần tử xấu "có nhiều tội ác với nhân dân", phải kiên quyết đưa về địa phương như bắt họ phải cải tạo trong lao động sản xuất nông nghiệp, dưới sự kiểm soát của chính quyền và nhân dân địa phương. Đối với địa chủ thường, cũng cho về địa phương, lấy lao động sản xuất nông nghiệp để cải tạo. Đối với địa chủ kháng chiến và con cái địa chủ, thì xử lý theo tinh thần chính sách đang làm ở các xí nghiệp, công trường và làm việc tích cực, có thái độ tốt, thì để họ tiếp tục làm việc, nhưng cần phải theo dõi, giáo dục, giúp đỡ tiến bộ và cho nhập hộ khẩu vào thành phố.
Ngày 27 tháng 6 năm 1964, Hội đồng Chính phủ ban hành Điều lệ đăng ký và quản lý hộ khẩu kèm Nghị định 104/CP. Theo nghị định này, mỗi công dân phải đăng ký là nhân khẩu thường trú trong một hộ nhất định, hộ này là nơi ở thường xuyên của mình. Việc đăng ký và quản lý hộ khẩu lấy hộ làm đơn vị. Một hộ gồm những người ăn ở chung với nhau trong một nhà riêng hoặc trong nhà tập thể của cơ quan, xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường, trường học. Một người ăn ở riêng một mình cũng kể như một hộ. Trường hợp chuyển chỗ ở đến một thành phố, thị xã, thì khi đến đăng ký lấy giấy "Chứng nhận chuyển đi", đương sự phải đem theo một trong những giấy tờ: Giấy thuyên chuyển công tác; Giấy chứng nhận được tuyển dụng do cơ quan quản lý lao động ở thành phố, thị xã nơi chuyển đến cấp; Giấy chứng nhận trúng tuyển vào học các trường đại học hay trường chuyên nghiệp của thành phố, thị xã đó; Giấy "cho phép chuyển đến" do cơ quan công an của thành phố, thị xã đó cấp. Mẫu sổ hộ khẩu và mẫu các giấy chứng nhận về quản lý hộ khẩu do Bộ Công an quy định.
Theo Nghị định số 51 ký ngày 10 tháng 5 năm 1997 của Chính phủ Việt Nam và Thông tư số 06-TT/BNV (C13), ký ngày 20 tháng 6 năm 1997 của Bộ Nội vụ Việt Nam, mẫu Sổ hộ khẩu do Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) phát hành thống nhất trong cả nước, gồm các loại chính: Sổ hộ khẩu gốc (sổ đăng kí hộ khẩu) do cơ quan công an trực tiếp lập, lưu giữ. Sổ hộ khẩu gốc được lập theo khu vực dân cư của đơn vị hành chính phường, xã, thôn, xóm, bản, đường phố, tổ dân phố hoặc theo nhà ở tập thể của các cơ quan, tổ chức và là tài liệu pháp lý, làm cơ sở để xác nhận việc cư trú của công dân, là căn cứ để điều chỉnh sổ hộ khẩu gia đình, giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể và một số việc khác. Sổ hộ khẩu gia đình được cấp cho từng hộ gia đình để đăng ký hộ khẩu thường trú trên các địa bàn trong cả nước.
Ở nông thôn, trừ các xã, thị trấn của các thành phố trực thuộc trung ương, sổ hộ khẩu do trưởng công an xã, thị trấn lập và lưu giữ. Ở các thành phố trực thuộc trung ương, thành phố thuộc tỉnh và thị xã, sổ hộ khẩu do trưởng công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh lập và lưu giữ. Sổ có giá trị pháp lý khi giao dịch các công việc có liên quan đến yêu cầu cần có sổ hộ khẩu. Giấy nhân khẩu tập thể do trưởng công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh ký. Giấy có giá trị pháp lý khi quan hệ giao dịch có liên quan đến yêu cầu cần có sổ hộ khẩu. Trước đó, việc quản lý và cấp sổ hộ khẩu được tiến hành theo quy định của Nghị định số 104-CP, ngày 27 tháng 6 năm 1964 và Nghị định số 4-HĐBT, ngày 7 tháng 1 năm 1988.
Quy định hiện hành 2017
Theo Nghị quyết 112/NQ-CP của Chính phủ Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký có hiệu lực từ ngày 30 tháng 10 năm 2017 ban hành về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an, để thống nhất việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân.
Theo đó, ở nhóm thủ tục đăng ký thường trú sẽ bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng Sổ hộ khẩu và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời, các loại giấy tờ về chuyển hộ khẩu, chứng minh mối quan hệ gia đình, giấy khai sinh đối với trẻ em đăng ký thường trú cũng sẽ được bãi bỏ. Việc quản lý tạm trú cũng sẽ không còn Sổ tạm trú mà thay bằng việc cập nhật thông tin cá nhân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cùng với đó, các thủ tục như tách sổ hộ khẩu, cấp đổi sổ hộ khẩu, cấp đổi sổ tạm trú, gia hạn tạm trú… cũng được bãi bỏ. Các thủ tục liên quan đến lĩnh vực xuất nhập cảnh, đăng ký ngành nghề kinh doanh có điều kiện… cũng sẽ bỏ việc yêu cầu người dân phải xuất trình sổ hộ khẩu, giấy Chứng minh nhân dân.
Trên giấy tờ thì chính quyền chính thức bỏ hộ khẩu nhưng một số luật gia thì sắc lệnh chỉ chuyển hình thức hộ khẩu bằng giấy sang hộ khẩu điện tử vì công an vẫn quản lý thủ tục đăng ký nơi cư trú. Hiện tại, đây là cũng là cách nhiều nước trên thế giới áp dụng để quản lý dân cư.
Từ ngày 1 tháng 7 năm 2021, chấm dứt việc cấp mới, đăng kí mới Sổ hộ khẩu giấy. Theo Luật Cư trú 2020, toàn bộ sổ hộ khẩu đã cấp cho công dân sẽ không còn giá trị sử dụng sau ngày 31 tháng 12 năm 2022.
Trung Quốc và Đài Loan
Hộ khẩu hiện đại của Trung Quốc được áp dụng từ năm 1953. Hiện tại Trung Quốc và Đài Loan vẫn duy trì hệ thống hộ khẩu.
Triều Tiên
Hiện tại Triều Tiên vẫn duy trì hệ thống hộ khẩu và kiểm soát chặt chẽ đi lại và di chuyển chỗ ở từ nông thôn - thành thị và ra nước ngoài.
Hàn Quốc
Hệ thống hộ khẩu ở Hàn Quốc có tên là Hoju (Hangul: 호주; hanja: 戶主; âm Hán Việt: hộ chủ) được áp dụng từ năm 1953 nhưng đến năm 2008 thì bị triệt bỏ vì cho là vi hiến chiếu theo Tòa Hiến pháp. Tại Hàn Quốc, hệ thống hoju đã bị bãi bỏ vào tháng 1 năm 2008.
Nhật Bản
Ở Nhật Bản, hộ khẩu được gọi là "koseki" hay phiếu chứng nhận nơi cư trú. Công dân phải đăng ký cư trú tại đơn vị hành chính nơi đang cư trú. Phiếu cư dân cần dùng cho việc đăng ký nhà đất, xin nhập học, vay ngân hàng hoặc thi lấy giấy phép lái xe… Khi chuyển địa chỉ, dân Nhật cần đến cơ quan hành chính quận/huyện, điền vào phiếu chuyển địa chỉ rồi nộp cho phòng cư dân, thủ tục này chỉ mất 15 phút. Khi cần phiếu cư dân, họ điền vào đơn xin cấp phiếu cư dân, nộp lệ phí rồi được hẹn lịch lấy, thủ tục này cũng chỉ mất khoảng 15 phút.
Nga
Mặc dù không liên quan về nguồn gốc, propiska ở Liên Xô và đăng ký thường trú tại Nga có mục đích tương tự và phục vụ như một hình mẫu cho hệ thống hộ khẩu của Trung Quốc ngày nay.
Tranh luận
Hộ khẩu không chứng minh quyền sở hữu bất động sản của các cá nhân mà chỉ là giấy tờ đăng ký địa chỉ chính thức của một ngôi nhà hoặc căn hộ, giúp chứng minh việc cư trú hợp pháp của một người nào đó, được sử dụng làm địa chỉ cho các dịch vụ và chuyển phát thư tín. Với mỗi quốc gia, việc đăng ký thường trú của công dân tại địa phương là cần thiết, không chỉ để quản lý cư trú mà còn để công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ và hưởng các quyền lợi của mình tại địa phương đăng ký. Phải có đăng ký cư trú thì chính quyền địa phương mới biết mình đang quản lý ai, dân số bao nhiêu, lực lượng lao động như thế nào…, từ đó có cơ sở xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng.
Theo đài RFI của Pháp, theo cách quản lý của các nước Tây phương thì cư dân không có hộ khẩu. Tại Việt Nam chế độ hộ khẩu bị chỉ trích là kìm hãm và gây phiền toái trói buộc người dân, đặt chính quyền ở địa vị ban phát quyền sống và mưu cầu hạnh phúc cho dân.<ref>[http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20140303-da-den-luc-phai-xoa-bo-che-do-ho-khau "Đã đến lúc phải xóa bỏ chế độ hộ khẩu" theo RFI]</ref> Tuy nhiên, mục đích chính của hộ khẩu là nhằm đảm bảo an ninh trật tự xã hội, kế hoạch hóa kinh tế và quản lý dân cư. Tại chính nước Pháp, trong năm 2016 liên tục xảy ra các vụ tấn công khủng bố, đặc biệt là chuỗi các vụ khủng bố tháng 11/2015. Điều này cho thấy, tại Pháp và một số nước châu Âu khác hứng chịu khủng bố đang tồn tại những lỗ hổng an ninh đáng lo ngại. Với việc thiếu hệ thống hộ khẩu nên đã khiến cho Pháp và các nước này mất đi một công cụ để kiểm tra, giám định và phát hiện giấy tờ giả mà các đối tượng khủng bố sử dụng. Việc thiếu hộ khẩu đã dẫn tới việc hồ sơ theo dõi các đối tượng nguy hiểm của an ninh, cảnh sát Pháp có nhiều bất cập, các đối tượng không được cập nhật mới, không giám sát được quá trình di chuyển, kết nối với nhau và tiến hành khủng bố của các đối tượng xấu.
Theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới năm 2016 thì cơ chế hộ khẩu là cản trở trong nền kinh tế Việt Nam vì những bất cập tạo ra phân biệt bất bình đẳng trong quần chúng.
Tùy theo từng địa phương trên đất nước Việt Nam lại có những quy định riêng về việc nhập hộ khẩu, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Vào năm 2006, quốc hội và Chính phủ Việt Nam đang xem xét lại những vấn đề bất cập của hộ khẩu và vấn đề nhập khẩu về các thành phố lớn. Bộ trưởng công an Lê Hồng Anh đã có chỉ thị cho việc nhập khẩu tại các thành phố lớn, tuy nhiên, việc nhập khẩu vào Thủ đô Hà Nội vẫn rất khó khăn do những quy định của chính quyền và công an địa phương.
Theo RFA thì trong cuộc thống kê dân số năm 2015, hơn 2 triệu người ở Thành phố Hồ Chí Minh không có hộ khẩu hợp pháp. Ở Hà Nội con số này lên hơn 1 triệu. Ngân hàng Thế giới và Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đều cho rằng chế độ hộ khẩu không còn thích hợp với tình hình Việt Nam vào giữa thập niên 2010 nữa vì gây nhiều bất cập cho dân chúng, khiến nhiều người không thể tiếp nhận những dịch vụ cơ bản. Vì cho là cư dân bất hợp pháp thường tập trung ở những thành phố lớn nên tình trạng không có hộ khẩu sinh ra những khu gia cư tạm bợ, thiếu hạ tầng cơ sở để cung ứng vệ sinh, nước sạch, cống rãnh, bệnh viện, trường học và đường sá giao thông.
Theo Nghị quyết 112/NQ-CP của Chính phủ Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký có hiệu lực từ ngày 30 tháng 10 năm 2017, ở nhóm thủ tục đăng ký thường trú sẽ bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng Sổ hộ khẩu và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Việc quản lý tạm trú cũng sẽ không còn Sổ tạm trú mà thay bằng việc cập nhật thông tin cá nhân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Các thủ tục liên quan đến lĩnh vực xuất nhập cảnh, đăng ký ngành nghề kinh doanh có điều kiện… cũng sẽ bỏ việc yêu cầu người dân phải xuất trình sổ hộ khẩu, giấy Chứng minh nhân dân. Sắc lệnh này chuyển hình thức hộ khẩu giấy sang hộ khẩu điện tử. Hiện tại, đây là cũng là cách nhiều nước trên thế giới áp dụng để quản lý dân cư.
Tại nhiều nước, Chính phủ áp dụng "thẻ thuế", thông qua việc quản lý thuế và thu thuế để nắm được số lượng công dân, nơi cư trú của công dân. Mỗi người dân trưởng thành, mỗi hộ kinh doanh đều phải lập các thẻ thuế, trong đó ghi rõ thông tin về công dân, nơi cư trú. Ở Hoa Kỳ thì quản lý công dân qua các "mã số công dân", mỗi người dân khi sinh ra được cấp một số công dân, tất cả giấy tờ như chứng minh nhân dân, hộ chiếu, bằng lái xe, thẻ học sinh, thẻ quân dịch, thẻ thuế... đều mang con số này. Các nước EU thì đã thống nhất sử dụng một "hộ chiếu EU", đây là sự hợp nhất bốn loại giấy tờ: hộ khẩu, hộ tịch, CMND, hộ chiếu theo cách gọi ở Việt Nam hiện nay. Như vậy, tuy không áp dụng sổ hộ khẩu nhưng thực ra Chính phủ các nước vẫn áp dụng những công cụ khác nhau để quản lý cư trú của người dân, về bản chất cũng không khác gì hộ khẩu mà chỉ khác về tên gọi. Khi mà Chính phủ vẫn coi công tác đăng ký quản lý nơi cư trú là biện pháp quan trọng để quản lý xã hội thì luôn cần phải có giấy tờ xác định nơi cư trú của công dân, không chỉ Việt Nam mà các nước châu Âu, Hoa Kỳ... cũng có những loại giấy tờ như vậy (chỉ khác nhau về tên gọi).
Xem thêm
Đăng ký hộ tịch
Giấy tờ tùy thân
Tài liệu tham khảo
Hoàng Dung. Sau bức màn đỏ''. Falls Church, VA: Tiếng Quê Hương, 2007
Chú thích |
Nhập cư là hành động di chuyển chỗ ở đến vào một vùng hay một quốc gia mới. Dân nhập cư là người dân di chuyển từ một vùng đến một vùng khác để định cư hoặc tạm trú.
Nhập cư ngược với xuất cư và cả hai đều là di cư.
Việt Nam
Thời bao cấp
Người nhập cư bị hạn chế về quyền lợi như không có sổ lương thực, tem phiếu, nhà ở, ruộng đất, học hành, chữa bệnh, việc làm, tiêu chuẩn, định mức điện nước, đăng ký xe máy, trước bạ nhà cửa, tàu thuyền, con cái họ có khi không có giấy khai sinh, chứng minh nhân dân. |
Sổ lương thực, hay thường được gọi là sổ gạo, là một quyển sổ in sẵn, có ghi chỉ tiêu lượng lương thực một hộ gia đình được mua hàng tháng. Loại sổ này tồn tại trong chế độ bao cấp ở Việt Nam. Sổ mang tên bao cấp cục bộ.
Việt Nam
Chế độ quản lý bao cấp được thực hiện ở Việt Nam từ đầu năm 1976 đến cuối năm 1986, còn được gọi là thời bao cấp.
Hằng tháng, người dân thành phố được mua một số lượng lương thực và độn (hay màu) nhất định tùy theo tiêu chuẩn được ghi trong sổ lương thực do Sở Lương thực/Công ty Lương thực cấp. Để nhận lương thực, người dân mang sổ lương thực và xếp hàng tại cửa hàng lương thực. Số lượng và loại hàng tùy thuộc vào người mua có hội đủ tiêu chuẩn hay không. Người dân thường theo quy định thì có quyền mua 1,5 lạng thịt/tháng nhưng cán bộ cao cấp có thể mua đến 6 kg/tháng.
Chính sách đổi mới năm 1986 đã chấm dứt thời kỳ bao cấp và xóa bỏ việc sử dụng sổ lương thực.
Mất sổ gạo là một thành ngữ hiện đại trong tiếng Việt để chỉ một trong những biểu hiện tâm trạng đối với tình huống không may gặp phải trong cuộc sống.
Liên Xô
Các nước Đông Âu
Trước khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, các nước cộng hòa trong Liên bang vẫn có chế độ tem lương thực tùy theo từng vùng. Tem được phát hàng tháng và quy định lượng gạo mỗi người được mua từ các cửa hàng của chính phủ. |
Độn trong tiếng Việt có thể có các nghĩa:
Chất phụ được thêm vào chất chính nhằm làm tăng số lượng.
Độn hay màu trong thực phẩm thời bao cấp ở Việt Nam thường là khoai, sắn (củ mì) tươi hoặc khô, bắp hột, bột mì, bobo hay cao lương (dạng hột dùng cho chăn nuôi gia súc) được bán thay cho gạo trong tiêu chuẩn lương thực. |
Kaba Ma Kyei( ) là quốc ca của Myanmar.
Lời
Tăyá hmyạ tạ lut lap chíng nệ mă đwè
Dọ pyè dọ myè
Máy lù khap đém nyém jám zè bọ
Khwịng tù nyì hmyạ wàdạ phyù sìng dẹ pyè
Dọ pyè dọ myè
Pyì dồng zụ ămwè ămyé tì dạm zè
Ădetthàn pyụ bè thén đém zọ lè.
𝄆 Găbà mă cè Myămà pyè
Dọ bó bwá ămwè sic mọ chic myat nó bè 𝄇
Pyì dồng zụ gò ăđêk pé lọ dọ kà gwề mălè
Dà dọ pyè dà dọ myè dọ pằng nêk myè
Dọ pyè dọ myè ăcó gò nyì nyà zwà dọ dădwè
Thám xồng bà zọ lè dọ tà wùn bè ăphó tàn myè!
Lời Tiếng Miến Điện
တရားမျှတ လွတ်လပ်ခြင်းနဲ့မသွေ၊
တို့ပြည်၊ တို့မြေ၊
များလူခပ်သိမ်း၊ ငြိမ်းချမ်းစေဖို့၊
ခွင့်တူညီမျှ၊ ဝါဒဖြူစင်တဲ့ပြည်၊
တို့ပြည်၊ တို့မြေ၊
ပြည်ထောင်စုအမွေ၊ အမြဲတည်တံ့စေ၊
အဓိဋ္ဌာန်ပြုပေ၊ ထိန်းသိမ်းစို့လေ။
𝄆 ကမ္ဘာမကျေ၊ မြန်မာပြည်၊[c]
တို့ဘိုးဘွား အမွေစစ်မို့ ချစ်မြတ်နိုးပေ။ 𝄇
ပြည်ထောင်စုကို အသက်ပေးလို့ တို့ကာကွယ်မလေ၊
ဒါတို့ပြည် ဒါတို့မြေ တို့ပိုင်နက်မြေ။
တို့ပြည် တို့မြေ အကျိုးကို ညီညာစွာတို့တစ်တွေ
ထမ်းဆောင်ပါစို့လေ တို့တာဝန်ပေ အဖိုးတန်မြေ။
Dịch nghĩa
Trường tồn như thế giới này, Myanmar muôn năm!
Chúng ta yêu nơi đây bởi ta được kế thừa mảnh đất này từ tổ tiên.
Trường tồn như thế giới này, Myanmar muôn năm!
Chúng ta yêu nơi đây bởi ta được kế thừa mảnh đất này từ tổ tiên.
Chúng ta sẽ không tiếc thân mình để bảo vệ tổ quốc,
Đây là đất nước của chúng ta, mảnh đất của chúng ta và nó thuộc về chúng ta
Đây là đất nước và mảnh đất của chúng ta, vậy chúng ta hãy giữ gìn một quốc gia thống nhất
Đó là trách nhiệm đối với tổ quốc vô giá không gì có thể đắp đổi. |
Di dân (sử dụng như tính từ chỉ sự di dân hoặc người di dân, nên có thêm từ loại ví dụ như người di dân, việc di dân để làm rõ nghĩa, số nhiều mặc định để chỉ người di dân, những di dân) là sự thay đổi chỗ ở của các cá thể hay các nhóm người để tìm chỗ ở tốt hơn, phù hợp hơn nơi ở cũ để định cư. Ở các loài vật, như chim, cũng có sự di cư hằng năm.
Những cá nhân tham gia vào việc di chuyển chỗ ở là dân di cư. Trong chiến tranh hay khi có thiên tai, việc thay đổi chỗ ở đến nơi an toàn hơn còn gọi là tản cư và người dân di chuyển kiểu này còn được gọi là dân tản cư; việc thay đổi chỗ ở này là tạm thời, khi hết chiến tranh hoặc thiên tai đã qua thì thường họ lại trở về chỗ ở cũ. Người di cư trong trường hợp phải chạy trốn ra một xứ khác để thoát cảnh hiểm nguy, ngược đãi, hoặc bắt bớ bởi một quyền lực ở chốn cư ngụ còn được gọi là người tỵ nạn.
Việc chuyển chỗ ở hàng loạt một cách cấp thời dù tự nguyện hay do cưỡng bách để tránh các tai họa đột ngột do thiên tai như lũ lụt, động đất, sụt đất, bão; do con người như chiến tranh, thay đổi chế độ, do dịch bệnh, do ô nhiễm, do nguy cơ sập nhà từ nơi này sang nơi khác hay sang nước khác thì gọi là di tản, chạy nạn, chạy giặc; những người dân ra đi thì gọi là dân di tản.
Người di cư khi đã vượt biên giới sang nước khác thì gọi là người tỵ nạn, họ được Tổ chức Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tỵ nạn bảo vệ và giúp đỡ. Việc vi phạm Luật Nhân đạo được xem là nguyên nhân hàng đầu khiến người dân phải di tản.
Lý do
Kinh tế
Việc làm
Chiến tranh
Chính trị
Thiên tai
Do biến đổi khí hậu |
Biển Đông là tên riêng mà Việt Nam dùng để gọi vùng biển có tên quốc tế là South China Sea (tiếng Anh, nghĩa là biển ở phía Nam Trung Quốc) hay Mer de Chine méridionale (tiếng Pháp), là một biển rìa lục địa và là một phần của Thái Bình Dương, trải rộng từ Singapore tới eo biển Đài Loan và bao phủ một diện tích khoảng 3.447.000 km². Vịnh Bắc Bộ và vịnh Thái Lan thuộc Biển Đông. Đây là biển lớn thứ tư thế giới sau biển Philippines, biển San Hô và biển Ả Rập. Vùng biển này và các quần đảo của nó là đối tượng tranh chấp và xung đột giữa một vài quốc gia trong vùng.
Tên gọi
Cách gọi theo Việt Nam
Tại Việt Nam, tên gọi Biển Đông là tên gọi truyền thống, trước kia còn gọi là bể Đông hay Đông Hải theo từ Hán Việt, có nghĩa là vùng biển nằm ở phía đông Việt Nam. Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, mục Dư địa chí chép: Xét trong sách vở đã ghi chép, đất nước ta phía đông đến biển, phía tây giáp Vân Nam,... Trong Hoàng Việt địa dư chí, Phan Huy Chú viết: 其地西接哀牢,東臨大海,南夾廣南,北連乂安。/ Kỳ địa tây tiếp Ai Lao, đông lâm đại hải, nam giáp Quảng Nam, bắc liên Nghệ An. / Đất [Đàng Trong phía tây tiếp giáp Ai Lao, phía đông [là] biển lớn, đoạn phía nam là Quảng Nam, phía bắc nối liền với Nghệ An. Trong Bình Ngô đại cáo, Biển Đông được nhắc đến với tên gọi là Đông Hải (東 海). Nguyễn Trãi viết:
Sử gia Trần Trọng Kim (1919) từng chép lại lời Bà Triệu rằng:
Thời Nhà Nguyễn, người Việt cũng vẫn gọi Biển Đông là bể Nam nhưng bằng chữ Nôm, với nghĩa là bể (biển) nước Nam, khác biệt với Nam Hải bằng chữ Hán theo cách viết văn tự chữ Hán (gọi theo người Trung Hoa). Trong cuốn Đại Nam Quốc sử Diễn ca (1870), viết bằng chữ Nôm với thể thơ lục bát, đoạn An Dương Vương mất nước Âu Lạc vào tay Triệu Đà có viết như sau (ở đây Bể Nam và Nam Hải tương đương về vần luật và dấu thanh, nhưng Bể Nam được dùng mà không phải là Nam Hải):
Cách gọi theo Tây phương
Tên gọi phổ biến nhất của biển này trong hầu hết các ngôn ngữ thường là "biển Nam Trung Hoa", mang ý nghĩa là vùng biển nằm ở phía nam của đại lục địa Trung Quốc (South China Sea). Do tại Trung Quốc "Biển Đông" (Đông hải) được dùng để chỉ biển Hoa Đông nên cần chú ý phân biệt để tránh lẫn lộn hai khái niệm "Biển Đông" khác nhau này.
Tên gọi quốc tế của Biển Đông ra đời từ nhiều thế kỷ trước, là biển Nam Trung Hoa (South China Sea) hay gọi tắt là biển Hoa Nam vì thời bấy giờ Trung Quốc là nước rộng lớn nhất, phát triển nhất trong khu vực và có giao thương với phương Tây qua con đường tơ lụa. Tên gọi nhiều biển, đại dương vốn căn cứ vào vị trí của chúng so với các vùng đất gần đó cho dễ tra cứu, không có ý nói về chủ quyền, cần tránh nhầm lẫn. Có thể kể ra các thí dụ là Ấn Độ Dương, là đại dương ở phía nam Ấn Độ, giáp nhiều nước ở châu Á và châu Phi, không phải là của riêng nước Ấn Độ; hay biển Nhật Bản, được bao quanh bởi Nga, Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Cách gọi theo Trung Quốc
Trải dài hàng nghìn năm Bắc thuộc - Việt Nam bị Trung Quốc xâm chiếm, hầu hết bản đồ Trung Hoa vẽ về Việt Nam từ thế kỷ XV hoặc trước nữa cho tới đầu thế kỷ XX đều ghi biển cả phía đông Việt Nam là Giao Chỉ dương, nghĩa là biển Giao Chỉ.
Thời Hán và Nam Bắc triều, người Trung Quốc gọi biển này là "Trướng Hải" (Hán văn phồn thể: 漲海, Hán văn giản thể: 涨海), "Phí Hải" (Hán văn: 沸海), từ thời Đường dần dần đổi sang gọi là "Nam Hải" (南海). Hiện tại "Nam Hải" là tên gọi quan phương của biển này ở Trung Quốc. Từ thời cận đại, do tên gọi của biển này trong nhiều ngôn ngữ mang ý nghĩa là biển nằm ở phía nam Trung Quốc nên khi dịch sang Trung văn đã làm phát sinh thêm tên gọi "Nam Trung Quốc Hải" (giản thể: 南中国海, phồn thể: 南中國海) và "Trung Quốc Nam Hải" (phồn thể: 中國南海, giản thể: 中国南海).
Thất Châu Dương là vùng Biển Đông nằm giữa đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa ngày nay, ở phía đông nam đảo Hải Nam. Nam Dương là tên người Trung Quốc thế kỷ 19 gọi phần lớn Biển Đông, trừ vịnh Giao Chỉ (tức vịnh Tonkin hay vịnh Bắc Bộ).
Cách gọi theo Philippines
Philippines gọi là biển Luzon (theo tên hòn đảo lớn Luzon của Philippines) hoặc biển Tây Philippines (West Philippines Sea).
Cách gọi theo bán đảo Đông Dương
Theo một số tài liệu hàng hải, bản đồ cũ vùng biển này còn được gọi là Đông Dương Đại Hải (東洋大海), nghĩa là biển lớn cạnh bán đảo Đông Dương.
Cách gọi theo khu vực Đông Nam Á
Trong bối cảnh tranh chấp căng thẳng về phân chia chủ quyền vùng biển, đã có quan điểm của một số học giả – sử gia đề xuất đổi tên biển thành "biển Đông Nam Á" ("Southeast Asia Sea") hay biển Đông Nam châu Á (South East Asia Sea) - là một tên gọi trung lập. Tên gọi này bắt nguồn từ việc khu vực kinh tế Đông Nam Á đang là thị trường năng động đang đà phát triển; các nước khu vực Đông Nam Á bao bọc hầu như toàn bộ chu vi của "Biển Đông" với tổng chiều dài bờ biển vào khoảng 130.000 km trong khi đường bờ biển của các tỉnh duyên hải phía nam Trung Quốc chỉ vào khoảng 2.800 km.
Địa lý
Giới hạn
Tổ chức Thủy văn học Quốc tế đề ra giới hạn của Biển Đông như sau:
Ở phía nam: giới hạn phía đông và phía nam của eo biển Singapore và eo biển Malacca, phía tây đến Tanjong Kedabu (), trải xuống bờ biển phía đông đảo Sumatra tới mũi Lucipara () rồi đến Tanjong Nanka - cực tây của đảo Banka - băng qua đảo này đến Tanjong Berikat () rồi đến Tanjong Djemang () trên đảo Billiton, sau đó men theo bờ biển phía bắc đảo này đến Tanjong Boeroeng Mandi () rồi từ đó đến Tanjong Sambar () - cực tây nam của đảo Borneo.
Ở phía đông: xuất phát từ Tanjong Sambar, đi qua bờ phía tây đảo Borneo đến điểm phía bắc Tanjong Sampanmangio, rồi theo một đường thẳng đến các điểm phía tây của đảo Balabac và cụm rạn đá Secam, hướng đến điểm phía tây của đảo Bancalan và đến mũi Buliluyan (điểm tây nam của đảo Palawan), băng qua đảo này đến điểm phía bắc mũi Cabuli, rồi từ đây đến điểm tây bắc của đảo Lubang và đến mũi Fuego (14°08'B) thuộc đảo Luzon, băng qua đảo này đến mũi Engaño (tức điểm đông bắc của đảo Luzon), rồi sau đó đi dọc theo một đường thẳng nối mũi này với điểm phía đông của đảo Balintang (20°B) và điểm phía đông của đảo Y'Ami (21°05'B), rồi từ đây hướng đến Garan Bi (mũi phía nam của đảo Đài Loan (Formosa), băng qua đảo này đến điểm đông bắc của Santyo (25°B).
Ở phía bắc: từ Fuki Kaku - điểm phía bắc của đảo Đài Loan - đến đảo Ngưu Sơn, rồi sau đó đến điểm phía nam của đảo Bình Đàm (25°25'B) rồi hướng về phía tây dọc theo vĩ tuyến 25°24'B tới bờ biển Phúc Kiến.
Ở phía tây: đất liền châu Á, giới hạn phía nam của vịnh Thái Lan và bờ biển phía đông bán đảo Mã Lai.
Biển nằm trên một thềm lục địa ngầm; trong những kỷ băng hà gần đây nước biển đã hạ thấp xuống hàng trăm mét, và Borneo từng là một phần của lục địa châu Á.
Các nước và lãnh thổ có biên giới với vùng biển này (theo chiều kim đồng hồ từ phía bắc) gồm: đại lục Trung Quốc, Ma Cao, Hồng Kông, Đài Loan, Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia, Singapore, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.
Nhiều con sông lớn chảy vào Biển Đông gồm các sông Châu Giang, Mân Giang, sông Cửu Long (Phúc Kiến), sông Hồng, sông Mê Kông, sông Rajang, sông Pahang và sông Pasig.
Địa danh trong Biển Đông
Vịnh Bắc Bộ là phần Biển Đông giữa miền Bắc Việt Nam với Đảo Hải Nam miền Nam Trung Quốc. Bờ phía tây là bờ biển Việt Nam từ Thanh Hóa đến Móng Cái. Phía bắc từ Móng Cái trở sang phía đông là 2 tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông của Trung Quốc với bán đảo Lôi Châu. Bờ đông là đảo Hải Nam của Trung Quốc. Trong vịnh có hàng nghìn đảo nhỏ, với các đảo trong vịnh Hạ Long được UNESCO xếp loại là di sản thiên nhiên thế giới. Đảo Bạch Long Vĩ thuộc Việt Nam ở giữa vịnh, có diện tích khoảng 2,5 km².
Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở giữa Biển Đông đã được nhiều chính quyền Việt Nam liên tục thực hiện chủ quyền từ nhiều thế kỷ qua. Quần đảo Hoàng Sa do Trung Quốc dùng vũ lực chiếm giữ một phần từ năm 1956 và chiếm giữ hoàn toàn từ năm 1974. Tranh chấp chủ quyền, một phần hay toàn bộ, cũng đã diễn ra tại quần đảo Trường Sa giữa Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.
Những lý do chính để các nước tranh chấp chủ quyền hai quần đảo trên là:
Diện tích lãnh hải với đặc quyền kinh tế và việc triển khai quốc phòng.
Biển Đông nằm trên một trong những đường giao thông hàng hải lớn trên thế giới, có nguồn thủy sản và tiềm năng dầu khí.
Hiện nay sự tranh chấp đang được các bên thương lượng đàm phán vì sự hòa bình và ổn định trong khu vực để phát triển kinh tế.
Các đảo và đá ngầm
Phía đông bắc Biển Đông có quần đảo Đông Sa (Pratas Islands) hiện do Đài Loan quản lý nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền.
Phía tây bắc Biển Đông cách đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, Việt Nam khoảng 200 km, cách đảo Hải Nam, Trung Quốc 235 km có quần đảo Hoàng Sa với 18 đảo, cồn cát và 22 đá, bãi (theo giáo sư Sơn Hồng Đức, thì có đến 230 đảo, cồn, đá, bãi). Phú Lâm là đảo lớn nhất. Độ cao tuyệt đối lớn nhất là 14 m, đo được tại một điểm trên đảo Đá. Quần đảo này hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) nhưng Việt Nam và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền.
Phía đông quần đảo Hoàng Sa có các bãi và núi ngầm như bãi ngầm Macclesfield, núi ngầm Stewart, bãi ngầm/cạn Truro và bãi cạn Scarborough.
Bãi cạn Scarborough: nằm về phía đông của bãi Macclesfield, gần bờ biển Philippines. Đây là một bãi san hô sâu khoảng 15 m.
Bãi ngầm Truro: nằm về phía đông bãi cạn Scarborough, sâu 18,2 m.
Núi ngầm Stewart: sâu tối thiểu 447 m, nằm rất gần đảo Luzon của Philippines.
Bên trong vùng biển, có hơn 200 đảo và bãi đá ngầm đã được đặt tên, đa số chúng thuộc quần đảo Trường Sa. Quần đảo Trường Sa trải dài trên một vùng rộng 810 km, dài 900 km với khoảng 175 thực thể địa lý đã được xác định; hòn đảo lớn nhất là đảo Ba Bình với chỉ hơn 1,36 km chiều dài và điểm cao nhất là 3,8 mét.
Có một núi ngầm rộng 100 km được gọi là bãi Cỏ Rong (tên tiếng Anh: Reed Bank), nằm ở đông bắc quần đảo Trường Sa, cách biệt khỏi đảo Palawan của Philippines bởi máng biển Palawan. Hiện bãi Cỏ Rong nằm sâu 20 m dưới mực nước biển, song trước kia nó từng là một vùng đất nổi trước khi bị nước biển nhấn chìm vào cuối thời băng hà.
Địa chất
Biển Đông được hình thành từ thế Oligocen muộn đến thế Miocen sớm (32-17 triệu năm trước) bằng cơ chế tách giãn đáy đại dương, tiếp tục phát triển như một biển rìa trong suốt đại Kainozoi (đại Tân Sinh) muộn. Hiện có nhiều quan điểm khác nhau về cơ chế thành tạo Biển Đông.
Tài nguyên thiên nhiên
Đây là một vùng biển có ý nghĩa địa lý chính trị vô cùng quan trọng. Nó là đường hàng hải đông đúc thứ hai trên thế giới, trong khi nếu tính theo tổng lượng hàng hóa thương mại chuyển qua hàng năm, hơn 50% đi qua eo biển Malacca, eo biển Sunda và eo biển Lombok. Hơn 1,6 triệu m³ (10 triệu thùng) dầu thô được chuyển qua eo biển Malacca hàng ngày, nơi thường xảy ra các vụ hải tặc, nhưng hiện đã giảm nhiều so với giữa thế kỷ XX.
Vùng này đã được xác định có trữ lượng dầu mỏ khoảng 1,2 km³ (7,7 tỷ thùng), với ước tính tổng khối lượng là 4.5 km³ (28 tỷ thùng). Trữ lượng khí tự nhiên được ước tính khoảng 7.500 km³.
Theo những nghiên cứu do Sở môi trường và các nguồn lợi tự nhiên Philippines, vùng biển này chiếm một phần ba toàn bộ đa dạng sinh học biển thế giới, vì vậy nó là vùng rất quan trọng đối với hệ sinh thái.
Tranh chấp biển
Có rất nhiều tranh cãi về lãnh hải trên vùng Biển Đông và các nguồn tài nguyên của nó. Bởi Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc cho phép các nước có vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) mở rộng 200 hải lý (370,6 km) từ lãnh hải của họ, tất cả các nước quanh vùng biển có thể đưa ra tuyên bố chủ quyền với những phần rộng lớn của nó. Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã tuyên bố chủ quyền hầu như toàn bộ vùng biển. Những báo cáo gần đây cho thấy Trung Quốc đang phát triển một nhóm tàu sân bay để bảo vệ những đường vận chuyển nhiên liệu ở Biển Đông. Những vùng có nguy cơ tranh chấp gồm:
Indonesia và Trung Quốc về vùng biển phía đông bắc quần đảo Natuna.
Philippines và Trung Quốc về những khu khai thác khí gas Malampaya và Camago; về bãi cát ngầm Scarborough.
Việt Nam và Trung Quốc về vùng biển phía tây Quần đảo Trường Sa. Một số hay toàn bộ quần đảo Trường Sa đang bị tranh chấp bởi Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Philippines và một số nước khác.
Quần đảo Hoàng Sa đang bị tranh chấp bởi Việt Nam và Trung Quốc; Trung Quốc quản lý một phần quần đảo từ năm 1956 và toàn bộ quần đảo từ năm 1974 đến nay.
Malaysia, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam về những vùng ở Vịnh Thái Lan.
Singapore và Malaysia dọc theo Eo biển Johor và Eo biển Singapore.
Cả Trung Quốc và Việt Nam đều theo đuổi các tuyên bố chủ quyền một cách mạnh mẽ. Các nước tranh chấp thường xuyên thông báo về các vụ va chạm giữa các tàu hải quân.
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nói chung và Trung Quốc nói riêng luôn muốn đảm bảo rằng những tranh chấp bên trong Biển Đông sẽ không leo thang trở thành xung đột quân sự. Vì vậy, các cơ cấu phát triển chung (Joint Development Authorities) đã được lập ra tại các vùng tranh chấp chồng lấn để cùng phát triển vùng và phân chia quyền lợi công bằng tuy nhiên không giải quyết vấn đề chủ quyền của vùng đó. Điều này đã trở thành sự thực, đặc biệt là ở Vịnh Thái Lan. Tuy nhiên, gần đây Trung Quốc đã tuyên bố sẽ không ngại dùng vũ lực để chiếm đoạt quần đảo Trường Sa.
Trung Quốc tăng cường cải tạo các đảo và bãi đá tự nhiên, xây dựng các khu quân sự. Đặc biệt là việc xây dựng các đường băng, càng tăng cường thêm mưu đồ chiếm trọn Biển Đông, thực hiện yêu sách "đường 10 đoạn" (vốn không được quốc gia hay tổ chức nào công nhận). Những tuyên bố lãnh thổ chồng lấn ở Pulau Pedra Branca hay Pulau Batu Putih của cả Singapore và Malaysia đã được đưa ra Tòa án Công lý Quốc tế. Tòa án phán quyết theo chiều hướng có lợi cho Singapore. |
Tự do tôn giáo là quyền được thực hiện các hành vi tôn giáo, theo đuổi một tín ngưỡng của một cá nhân một cách tự do. Nó được nhiều người cho là một trong những quyền tự do căn bản của con người. Quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam được ghi nhận trong hiến pháp, ở điều 70 như sau:
Theo quy định của nhà nước Việt Nam, hoạt động tôn giáo cần tuân theo hiến pháp và pháp luật. Ngày 15 tháng 11 năm 2004, Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực thi hành sau khi được quốc hội thông qua. Theo pháp lệnh này, các giáo hội chủ động quyết định về nhân sự lãnh đạo giáo hội từ cấp trung ương đến cơ sở; việc phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm và thuyên chuyển chức sắc được các tổ chức Giáo hội thực hiện theo quy định tại hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo và thông báo, đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền (điều 22). Cũng theo đó, tổ chức tôn giáo nào có hiến chương, điều lệ thể hiện tôn chỉ, mục đích, đường hướng hành đạo gắn bó với dân tộc và không trái với quy định của pháp luật, có tổ chức nhân sự thích ứng thì được phép hoạt động (điều 16).
Một số diễn biến
Một số chức sắc tôn giáo, trong đó một số thuộc giáo hội chưa được phép hoạt động, bị bắt với lý do, theo nhà nước Việt Nam, vi phạm pháp luật dân sự hoặc hoạt động chính trị trái phép.
Tổ chức Quan sát Nhân quyền (Human Rights Watch) thu thập một số báo cáo về các giáo hội không đăng ký trên vùng Tây Nguyên bị san bằng và một số tín đồ bị buộc từ bỏ đạo.
Linh mục Nguyễn Văn Lý, một tu sĩ được ân xá ngày 31 tháng 1 năm 2005, vốn bị kết án 15 năm tù (và 2 lần giảm án 5 năm) sau khi gửi thư điều trần tới Ủy ban Hoa Kỳ về tự do tôn giáo quốc tế. Ông bị khởi tố với hai tội danh: "không chấp hành quyết định quản chế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền" và "phá hoại chính sách đại đoàn kết." Tháng 2 năm 2006, linh mục Nguyễn Văn Lý đã bị quản chế tại Bến Cũi, Thừa Thiên Huế, cũng với tội danh nêu trên. Những lãnh đạo của Giáo hội Việt Nam thống nhất, vốn không được nhà nước thừa nhận đã bị cầm cố trong chùa của họ suốt nhiều năm. Tuy nhiên nhà nước Việt Nam phủ nhận việc quản thúc này.
Một số vị lãnh đạo và tín đồ trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cũng đã bị giam giữ nhiều năm vì nỗ lực chống việc chính quyền đòi quyền tuyệt đối kiểm soát Giáo hội.
Philip Taylor, một nhà nhân học ở Đại học Quốc gia Úc và là chuyên gia về tôn giáo Việt Nam, nhận định: "Tôn giáo phát triển ở Việt Nam ngày nay, khi xét về số lượng tín đồ và sự đa dạng tín ngưỡng". Nếu như trong thập niên 1980, ít ai đi dự các buổi lễ ở nhà thờ Công giáo và Tin lành thì nay chúng chật cứng người. Năm 2001, Giáo hội Tin lành miền Nam Việt Nam lần đầu tiên được chính thức công nhận. Các ngôi chùa mới xuất hiện trên khắp nước.
Ủy ban Tự do Tôn giáo Hoa Kỳ, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và nhiều tổ chức tự do tôn giáo quốc tế khác cho rằng ở Việt Nam quyền tự do tôn giáo còn nhiều hạn chế.
Ngày 06 tháng 01 năm 2011, Đại sứ Michael W.Michalak đã có cuộc họp báo kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam và trao đổi thêm về nhân quyền, theo đó ông khẳng định "về lĩnh vực nhân quyền, chúng ta đã thấy những tiến bộ, nét tích cực từ phía Việt Nam như việc Việt Nam đã đạt được những bước tiến lớn trong việc giảm nghèo hoặc mở rộng hoạt động của các nhóm tôn giáo". Ông cũng không quên nói thêm là "cũng còn những điều quan ngại".
Phái đoàn Liên Hợp Quốc về tự do tôn giáo tới thăm Việt Nam 2014
Một phái đoàn LHQ về tự do tín ngưỡng, được Việt Nam mời thăm từ ngày 21 đến 31 tháng 7. Ngày cuối, Bộ Ngoại giao Việt Nam nói chuyến thăm của phái đoàn thể hiện "thiện chí, thái độ hợp tác, cởi mở của Chính phủ Việt Nam". Tuy nhiên, đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về tự do tôn giáo Heiner Bielefeldt than phiền trong buổi phỏng vấn với đài Deutsche Welle (DW) của Đức hôm 4 tháng 8, ông bị 'cản trở' trong chuyến đi Việt Nam và không thể tiếp cận một số nhà hoạt động trong nước: "Một số các cá nhân đã bị ngăn cản không cho gặp tôi, một số khác thì bị cảnh cáo, đe dọa hoặc sách nhiễu. Bên cạnh đó, phái đoàn của tôi còn bị công an hoặc an ninh ngầm theo dõi và tính bí mật của các cuộc gặp riêng cũng bị vi phạm".
Nhà báo Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, nói với đài BBC, công an TP HCM và một số địa phương khác đã "ngăn chặn không cho những người nằm trong số các chức sắc tôn giáo và nhân chứng, mà ông Bielefeldt có kế hoạch gặp gỡ nhằm kiểm chứng, ra khỏi nhà vào ngày 25/7/2014 và cả một số ngày sau đó", trong số đó có bản thân ông, các nhà hoạt động khác như bác sĩ Nguyễn Đan Quế, bà Dương Thị Tân (vợ ông Nguyễn Văn Hải tức blogger Điếu Cày), cựu tù nhân chính trị Phạm Bá Hải, và hai mục sư Tin Lành là Nguyễn Hoàng Hoa và Nguyễn Mạnh Hùng.
Về vấn đề vi phạm tự do tín ngưỡng, ông Bielefeldt cho biết:
"Nhiều người bị gây áp lực phải từ bỏ các hoạt động tôn giáo nhật định để đi theo các kênh được nhà cầm quyền công nhận."
"Họ phải đối mặt với các đợt trấn áp mạnh tay của công an, bị liên tục mời 'làm việc' với công an, các hoạt động tôn giáo bị giám sát chặt chẽ, các lễ hội tôn giáo bị quấy rối."
"Bên cạnh đó, họ còn bị giam lỏng tại gia, bị bắt giữ, đánh đập, tấn công, bị đuổi việc, mất phúc lợi xã hội, các thành viên trong gia đình bị gây áp lực, nơi cầu nguyện bị phá hủy..."
Báo cáo Quốc gia về thực hiện quyền con người ở Việt Nam theo cơ chế kiểm định kỳ phổ cập (UPR) chu kỳ II
Trong Báo cáo Quốc gia về thực hiện quyền con người ở Việt Nam theo cơ chế kiểm định kỳ phổ cập (UPR) chu kỳ II được Liên hiệp quốc thông qua, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho rằng:
Sách trắng Nhân quyền Việt Nam 2018 do Bộ Ngoại giao xuất bản
Theo Sách trắng Nhân quyền Việt Nam 2018 của Bộ Ngoại giao:
Nhận định của một số cá nhân
Theo Tướng Nguyễn Hữu Có, Phó thủ tướng, kiêm Tổng trưởng Quốc phòng, đồng thời là Tổng tham mưu trưởng Việt Nam Cộng hòa:
Theo bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam: |
Hoàng Sâm (1915–1968) là Thiếu tướng của Quân đội nhân dân Việt Nam, và là đội trưởng đầu tiên của đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân.
Ông tên thật là Trần Văn Kỳ, sinh năm 1915 ở làng Lệ Sơn, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình.
Tiểu sử
Năm 12 tuổi, ông đã được chọn sang Thái Lan học tập, được kết nạp vào Đội Thiếu niên tiền phong. Thời kỳ ở Thái Lan, ông được Hồ Chí Minh chọn làm người liên lạc với bí danh Thầu Chín.
Năm 1933 Hoàng Sâm gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương.
Sau đó, ông sang Trung Quốc rồi trở về Cao Bằng, tham gia Tỉnh ủy Cao Bằng.
Năm 1938, ông tham gia đội du kích kháng Nhật của Đảng Cộng sản Trung Quốc, hoạt động dọc biên giới Việt-Trung.
Cuối năm 1940, Hoàng Sâm được cử đi dự lớp huấn luyện cán bộ do Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp và Vũ Anh mở ở tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Lúc này, ông là Tỉnh ủy viên tỉnh Cao-Bắc-Lạng (Cao Bằng - Bắc Kạn - Lạng Sơn).
Tháng 11 năm 1941, khi tiểu đội du kích thoát ly đầu tiên của Cao Bằng gồm 12 người được thành lập, ông được cử làm Tiểu đội phó.
Ngày 22 tháng 12 năm 1944, đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập, Hoàng Sâm được chọn làm đội trưởng (lúc đó ông Xích Thắng (tức Dương Mạc Thạch) làm chính trị viên). Ông đã chỉ huy đội đánh các đồn Phai Khắt, Nà Ngần. Sau những chiến thắng đầu tiên này, đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân phát triển thành một đại đội gồm ba trung đội và Hoàng Sâm được cử làm đại đội trưởng. Thời gian sau, đội phát triển thành chi đội (tức tiểu đoàn), Hoàng Sâm trở thành Chi đội trưởng Giải phóng quân.
Trong kháng chiến chống Pháp, ông được cử làm Khu trưởng Liên khu 2 (kế nhiệm ông Văn Tiến Dũng), Khu trưởng Liên khu 3 (1946-1950), Chỉ huy mặt trận Tây Tiến. Ngày 1 tháng 1 năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 111/SL phong quân hàm Thiếu tướng cho ông (cùng đợt phong với 8 Thiếu tướng khác).
Năm 1953, ông làm Đại đoàn trưởng Đại đoàn (sư đoàn) 304. Ông từng làm chỉ huy trưởng Mặt trận Trung Lào, tham gia giải phóng thị xã Thà Khẹt. Sau đó ông được cử làm Đại đoàn trưởng Đại đoàn 320.
Năm 1955 ông tham gia tiếp quản Hải phòng, được cử làm Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính.
Tháng 6/1957 ông làm Tư lệnh Quân khu Tả Ngạn.
Trong kháng chiến chống Mỹ, ông làm Tư lệnh Quân khu 3, Tư lệnh Quân khu Hữu ngạn, Tư lệnh Quân khu Trị-Thiên
Năm 1963, ông được trao huy hiệu 30 năm tuổi đảng.
Ông hy sinh ngày 15 tháng 12 năm 1968 trong một trận rải bom B52 oanh tạc của Mỹ tại chiến trường Trị-Thiên, khi mới 53 tuổi. Thi hài ông được an táng tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.
Ông đã có 41 năm liên tục công tác và chiến đấu trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ông được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh năm 1999.
Tên của ông được UBND TP Hà nội đặt cho một con đường ở quận Cầu Giấy. |
I²C (viết tắt của từ tiếng Anh "Inter-Integrated Circuit", phát âm tiếng Anh I-two-C, hoặc cũng có thể viết là IIC) là một loại bus nối tiếp hai chiều với hai dây tín hiệu được phát triển bởi hãng sản xuất linh kiện điện tử Philips (nay là hãng NXP Semiconductors) cho quá trình giao tiếp giữa các IC. Truyền thông với bus I²C là quá trình truyền thông đồng bộ nối tiếp, hỗ trợ nhiều master và slave trên đường truyền. I²C phù hợp với các ngoại vi mà sự ưu tiên về kết nối đơn giản và chi phí sản xuất thấp quan trọng hơn là yêu cầu về tốc độ truyền.
SMBus (System Management Bus), là một "chuẩn con" của I²C, được giới thiệu bởi Intel vào năm 1995, với đặc tính sử dụng nghiêm ngặt hơn. SMBus nổi bật bởi tính ổn định và độ tương thích cao. Do đó, các hệ thống I²C ngày nay đã sử dụng một số chính sách và nguyên tắc của SMBus, và đôi khi hỗ trợ cả I²C và SMBus, thông qua việc sử dụng câu lệnh (command) hoặc thay đổi kết nối các chân linh kiện.
Lịch sử phát triển
Bus I²C được phát triển vào những năm 1980. Ban đầu, loại bus này chỉ được dùng trong các linh kiện điện tử của Philips. Sau đó, do tính ưu việt và đơn giản của nó, I²C đã được chuẩn hóa và được dùng rộng rãi trong các module truyền thông nối tiếp của vi mạch tích hợp ngày nay.
Từ ngày 10 tháng 10 năm 2006, việc triển khai giao thức I²C trong quá trình sản xuất, thương mại sẽ không bị tính phí. Tuy nhiên, việc sở hữu địa chỉ I²C cho các thiết bị slave cung cấp bởi NXP sẽ bị tính phí.
Các đối thủ cạnh tranh của NXP như Siemens AG (sau này là Infineon Technologies AG, và hiện tại là Intel mobile communications), NEC, Texas Instruments, STMicroelectronics (trước đó là SGS-Thomson), Motorola (sau này là Freescale, hiện tại đã sáp nhập vào NXP), Nordic Semiconductor và Intersil, đã giới thiệu các sản phẩm tích hợp bus I²C từ giữa những năm 1990.
Đặc điểm kĩ thuật
Các thiết bị tương thích với bus I²C đều tích hợp một giao diện trên chip (on-chip interface) cho phép các thiết bị đó giao tiếp với nhau thông qua bus I²C. Các tính năng của một bus I²C:
Chỉ sử dụng hai đường bus: SDA (serial data line, tạm dịch: đường truyền dữ liệu nối tiếp) và SCL (serial clock line, tạm dịch: đường xung nhịp nối tiếp).
Hoạt động theo cơ chế master-slave với cả master và slave đều có thể truyền-nhận dữ liệu. Hỗ trợ nhiều master với cơ chế phát hiện va chạm trên đường truyền (collision detection) và phân xử (arbitration) khi có va chạm tín hiệu để ngăn ngừa mất dữ liệu nếu hai hoặc nhiều master truyền tín hiệu cùng lúc.
Mỗi thiết bị kết nối vào bus được định một địa chỉ duy nhất bằng phần mềm.
Quá trình truyền dữ liệu nối tiếp hai chiều 8-bit có định hướng có thể đạt tốc độ lên đến 100 kbit/giây với Standard-mode (tạm dịch: chế độ tiêu chuẩn), 400 kbit/giây với Fast-mode (tạm dịch: chế độ nhanh), 1 Mbit/giây với Fast-mode Plus (Fm+) hoặc đến 3.4 Mbit/s với High-speed mode. Ultra Fast-mode là chế độ chỉ truyền đơn hướng với tốc độ có thể lên đến 5Mbit/giây.
Lọc nhiễu các xung nhọn trên đường bus để đảm bảo tính toàn vẹn dữ liệu.
Số lượng IC tối đa có thể kết nối được trên I²C bus chỉ phụ thuộc vào sức chứa tối đa của bus.
Thiết kế kĩ thuật
I²C sử dụng 2 đường dây 2 chiều là SCL và SDA với cực thu hở và cực máng hở, 2 dây này luôn được kéo lên nguồn bằng một điện trở kéo lên có giá trị xấp xỉ 4,7 kΩ. Khi bus ở trạng thái rảnh (free), cả 2 dây SDA và SCL đều ở mức logic cao. Không gian địa chỉ (7-bit hoặc 10-bit địa chỉ) và thông số điện dung của bus sẽ giới hạn số lượng thiết bị hoặc node có thể kết nối vào bus.
Thiết kế tham khảo
Bus I²C sử dụng 7 bit để định địa chỉ. Các node trên bus sẽ đóng 2 vai trò là master hoặc slave:
Master node: node phát xung clock và khởi tạo giao tiếp với slave.
Slave node: node nhận xung clock và phản hồi khi được định địa chỉ bởi master.
Có 4 chế độ hoạt động cho một thiết bị trên bus I²C, bao gồm:
master transmit: Node master đang gởi dữ liệu đến slave
master receive: Node master đang nhận dữ liệu từ slave
slave transmit: Node slave đang gởi dữ liệu đến master
slave receive: Node slave đang nhận dữ liệu từ master
Bus I²C có thể là một bus có nhiều master (multi-master bus). Tức là có thể có nhiều hơn một thiết bị có thể điều khiển các thiết bị khác kết nối vào bus I²C đó.
Về hoạt động tổng quan giữa master và slave, xét 2 ví dụ sau:
Với hình minh họa, xét trường hợp vi điều khiển master (µC Master trên hình) muốn gởi thông tin đến vi điều khiển slave (µC Slave) trên hình, toàn bộ quá trình diễn ra như sau:
µC Master định địa chỉ (address) µC Slave
µC Master (khi đó là master-transmitter) sẽ gởi dữ liệu đến µC Slave (khi đó là slave-receiver)
µC Master hủy quá trình truyền
Với hình minh họa, xét trường hợp vi điều khiển master (µC Master trên hình) muốn nhận thông tin từ vi điều khiển slave (µC Slave) trên hình, toàn bộ quá trình diễn ra như sau:
µC Master định địa chỉ (address) µC Slave
µC Master (khi đó là master-receiver) nhận dữ liệu từ µC Slave (khi đó là slave-transmitter)
µC Master hủy quá trình truyền
Xung nhịp
Tần số xung nhịp đồng hồ có thể xuống 0 Hz. Trên một bus I²C có thể định địa chỉ tới 112 nút, 16 địa chỉ còn lại được sử dụng vào mục đích riêng.
Các hệ điều hành hỗ trợ
Hệ điều hành AmigaOS hỗ trợ component i2c.resource cho AmigaOS 4.x và MorphOS 3.x hoặc shared library i2c.library (phát triển bởi Wilhelm Noeker) cho các hệ thống cũ hơn.
Nền tảng Arduino với thư viện Wire
Maximite hỗ trợ giao tiếp I2C trong thành phần của MMBasic.
TWI (Two-Wire Interface) hoặc TWSI (Two-Wire Serial Interface) về cơ bản là một dạng I²C bus triển khai trên các bộ xử lý system-on-chip của Atmel và các nhà phân phối khác.
Ứng dụng
Trên thực tế, bus I²C ngày nay đã trở thành một tiêu chuẩn thế giới được triển khai trong hơn 1000 loại IC khác nhau bởi hơn 50 nhà sản xuất IC. Các bus I²C đa tính năng được dùng trong nhiều kiến trúc điều khiển, như SMBus (System Management Bus), PMBus (Power Management Bus), IPMI (Intelligent Platform Management Interface), DDC (Display Data Channel) và ATCA (Advanced Telecom Computing Architecture).
Một điểm mạnh khác của I²C nằm ở khả năng vi điều khiển có thể điều khiển được một mạng lưới các thiết bị khác mà chỉ thông qua 2 chân của vi điều khiển. Với một số công nghệ bus nối tiếp khác cho cùng yêu cầu này, như SPI, thì việc điều khiển sẽ yêu cầu nhiều chân kết nối và dây tín hiệu hơn để kết nối nhiều thiết bị. |
Điện trở kéo lên là một điện trở được dùng khi thiết kế các mạch điện tử logic. Nó có một đầu được nối với nguồn điện áp dương (thường là Vcc hoặc Vdd) và đầu còn lại được nối với tín hiệu lối vào hoặc ra của một mạch logic chức năng.
Điện trở kéo lên có thể được lắp đặt tại các lối vào của các khối mạch logic để thiết lập mức logic lối vào của khối mạch khi không có thiết bị ngoài nối với lối vào. Điện trở kéo lên cũng có thể được lắp đặt tại các giao diện giữa hai khối mạch logic không cùng loại logic, đặc biệt là khi hai khối mạch này được cấp nguồn khác nhau. Ngoài ra, điện trở kéo lên còn được lắp đặt tại lối ra của khối mạch khi lối ra không thể nối nguồn để tạo dòng, ví dụ các linh kiện logic TTL có cực góp hở.
Đối với họ logic lưỡng cực với nguồn nuôi 5 Vdc thì giá trị của điện trở kéo lên thường nằm trong khoảng 1000 đến 5000 Ôm, tùy theo yêu cầu cấp dòng trên toàn giải hoạt động của mạch. Với logic CMOS và logic MOS chúng ta có thể sử dụng các điện trở có giá trị lớn hơn nhiều, thường từ vài ngàn đến một triệu Ôm do dòng rò rỉ cần thiết ở lối vào là rất nhỏ. |
Định nghĩa
Tiền xử lý C là quá trình tiền xử lý dành cho ngôn ngữ lập trình C
Sự chuyển đổi mà quá trình tiền xử lý tạo ra trên 4 hình thức đầu tiên của công đoạn gọi là "Các quá trình chuyển đổi". Mặc dù sự thực thi có thể chọn để thực thi một vài hoặc tất cả công đoạn đồng thời, nhưng nó vẫn phải xử lý từng công đoạn một, theo thứ tự.
Các công đoạn
Thay thế bộ 3 - Quá trình tiền xử lý thay thế 3 ký tự kế tiếp nhau thành 1 ký tự đại diện
Ghép dòng - Các dòng mã được tiếp nối bởi ký tự "thoát" (escape \)hoặc xuống dòng (newline) sẽ được ghép lại thành dòng.
Mã hóa - Quá trình tiền xử lý chia nhỏ kết quả ra thành những mã tiền xử lý và khoảng trắng và thay thế những ghi chú bằng khoảng trắng.
Sự mở rộng các chuỗi lệnh và quản lý các lệnh điều khiển - Tiền xử lý các dòng lệnh điều khiển, bao gồm xử lý tập tin và điều kiện biên dịch. Quá trình tiền xử lý đồng thời mở rộng các tập lệnh và quản lý các lệnh điều khiển. Vào năm 1999 phiên bản chuẩn của C quản lý trình điều khiển _Pragma. |
Trường Chinh (9 tháng 2 năm 1907 – 30 tháng 9 năm 1988), tên khai sinh là Đặng Xuân Khu, bí danh Anh Năm, là một chính khách Việt Nam. Ông là Chủ tịch nước thứ hai của Việt Nam thống nhất trên danh nghĩa là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Việt Nam từ năm 1981 đến năm 1987. Ngoài ra, ông cũng từng giữ các chức vụ quan trọng khác trong hệ thống chính trị của Việt Nam như: Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (lần thứ nhất: 1941 – 1956, lần thứ hai: 1986), Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội (1960 – 1975) và Chủ tịch Quốc hội (khóa V, VI). Trường Chinh còn được biết đến là một nhà thơ cách mạng với bút danh Sóng Hồng.
Thân thế
Trường Chinh tên thật là Đặng Xuân Khu, sinh ngày 9 tháng 2 năm 1907, ở làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Ông nội ông là cụ Đặng Xuân Bảng, đỗ Tiến sĩ tam giáp đệ nhất danh năm 1856. Cha ông là cụ Đặng Xuân Viện (1880 – 1958), là một nhà nho không thành đạt trong đường khoa bảng, là một thành viên trong nhóm Nam Việt đồng thiên hội, là người biên soạn bộ Minh đô sử (gồm 100 quyển đóng thành sách). Sau này, ông học chữ quốc ngữ và trở thành nhà báo, viết cho nhiều tờ báo lớn ở Hà Nội như: Nam Phong, Trung Bắc Tân Văn, Ngọ Báo. Thân mẫu của Trường Chinh là bà Nguyễn Thị Từ.
Do truyền thống gia đình, được sự giáo dục của cha, từ nhỏ, Đặng Xuân Khu đã làm quen với Tứ thư, Ngũ kinh, thơ Đường và được đào tạo bài bản về văn hóa và lịch sử theo truyền thống Nho học. Khi lớn lên, ông bắt đầu tiếp xúc Tây học và theo học bậc Thành chung tại Nam Định.
Tham gia hoạt động cách mạng
Giữa thời kỳ chuyển đổi chính trị và xã hội ở Đông Dương, đặc biệt là sự lan rộng của hệ thống giáo dục Pháp vào thế kỷ XIX. Trường Chinh được cử đi học ở trường Pháp, đây là điểm khởi đầu cho phong trào chính trị của ông. Năm 1923, ông được cử đi học trường Thành Chung, trường cấp hai đầu tiên của người dân địa phương và dạy theo hệ thống giáo dục phương Tây, đóng tại tỉnh Nam Định. Ở trường, Trường Chinh được truyền cảm hứng từ các tác phẩm của các triết gia Pháp như Jean-Jacque Rousseau và Montesquieu cũng như Cách mạng Pháp năm 1789 và cách mạng Trung Quốc năm 1911. Ở Nam Định, ông sống với một gia đình lao động nghèo làm việc trong nhà máy công nghiệp. Kinh nghiệm thời thơ ấu đã thôi thúc ông thành lập phong trào sinh viên cùng với các bạn cùng trường là Nguyễn Văn Hoan, Đặng Châu Tệ, Phạm Năng Độ, Nguyễn Khắc Lương và Nguyễn Đức Cảnh. Nhóm của ông sau này tham gia phong trào sinh viên ở Bắc Kỳ. Họ xuất bản báo chí nhằm truyền bá tư tưởng của mình về phong trào chống thực dân.
Trong năm 1925, khi còn học ở bậc Thành Chung (nay là trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, thành phố Nam Định), Đặng Xuân Khu đã tham gia phong trào đấu tranh đòi ân xá cho Phan Bội Châu, lãnh đạo cuộc bãi khóa ở Nam Định để truy điệu Phan Chu Trinh. Năm 1926, ông bị trường đuổi học.
Năm 1927, Đặng Xuân Khu chuyển lên Hà Nội, tiếp tục học ở trường Cao đẳng Thương mại và tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Năm 1929, ông tham gia cuộc vận động thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng ở Bắc Kỳ và trở thành một trong những đảng viên đầu tiên của đảng này.
Năm 1930, Đặng Xuân Khu được chỉ định vào Ban tuyên truyền cổ động Trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương. Cuối năm này, ông bị Pháp bắt và kết án 12 năm tù và đày đi Sơn La, đến năm 1936 được trả tự do.
Giai đoạn 1936 – 1939, Đặng Xuân Khu là Xứ Ủy viên Bắc Kỳ cùng Hoàng Văn Thụ và Hoàng Quốc Việt, đại biểu của Đảng Cộng sản Đông Dương trong Ủy ban Mặt trận Dân chủ Bắc Kỳ. Năm 1940, ông được cử làm chủ bút báo Cờ giải phóng, cơ quan của Xứ ủy Bắc Kỳ, kiêm phụ trách các tờ báo tiếng Pháp như Le Travail, Rassemblement, En Avant và báo Tin tức.
Trở thành nhà lãnh đạo chủ chốt
Hệ tư tưởng của Trường Chinh được lấy cảm hứng từ Chủ nghĩa Marx và Chủ nghĩa Lenin và ông chịu ảnh hưởng của Hồ Chí Minh, thể hiện qua các tác phẩm của ông về cả hệ tư tưởng cách mạng, chính trị và chiến lược cách mạng như chiến lược và chính sách văn hóa. Theo Đảng Cộng sản, Trường Chinh là “học trò xuất sắc của Hồ Chí Minh”, mặc dù không phải lúc nào ông cũng đồng ý với tư tưởng của Hồ Chí Minh.
Có hai lập luận chính về ý thức hệ của Trường Chinh. Thứ nhất, hệ tư tưởng của ông được coi là cấp tiến và dựa trên Mao Trạch Đông nghĩ rõ ràng trong các tác phẩm được công bố của ông và mô hình của chương trình Cải cách ruộng đất mà ông đã mượn từ Trung Quốc. Thứ hai, đó là sự kết hợp giữa chủ nghĩa Marx và Lenin làm thành cốt lõi hệ tư tưởng của Trường Chinh, ủng hộ phong trào chống thực dân và không chống lại chủ nghĩa dân tộc. Tư tưởng của ông trước hết chịu ảnh hưởng của khối Xô Viết, sau đó là khối Trung Quốc và được vận dụng vào bối cảnh Việt Nam.
Tại Hội nghị Trung ương 7 họp tại làng Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh từ ngày 6 đến ngày 9 tháng 11 năm 1940, Đặng Xuân Khu được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương cùng Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt và được cử làm Quyền Tổng Bí thư Đảng thay Nguyễn Văn Cừ.
Tháng 5 năm 1941, tại Hội nghị Trung ương 8 họp tại Cao Bằng, ông được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương, kiêm Trưởng ban tuyên huấn Trung ương, kiêm Chủ bút báo "Cờ giải phóng" và "Tạp chí Cộng sản", Trưởng ban Công vận Trung ương.
Trên số đầu tiên của tờ Cờ Giải Phóng (Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Đông Dương) ra ngày 10-10-1942 bắt đầu xuất hiện bút danh Trường Chinh.
Năm 1943, ông bị thực dân Pháp kết án tử hình vắng mặt.
Tháng 3 năm 1945, Đặng Xuân Khu triệu tập và chủ trì Hội nghị Thường vụ Trung ương (Tổ chức tại Chùa Đồng Kỵ, Từ Sơn, Bắc Ninh) ra Chỉ thị nổi tiếng "Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta", xác định thời cơ Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Trong giai đoạn chuẩn bị Cách mạng tháng Tám 1945, tại Hội nghị toàn quốc của Đảng do ông chủ trì, ông được cử phụ trách Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc.
Cuối năm 1945, nhằm mục đích tránh những bất lợi về chính trị và tạo điều kiện thuận lợi hơn trong chỉ đạo phong trào Việt Minh, Đảng Cộng sản Đông Dương rút vào hoạt động bí mật nên tuyên bố tự giải tán, chuyển thành Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương do ông làm Hội trưởng.
Khi cuộc kháng chiến toàn quốc nổ ra, để xác định mục tiêu và cổ vũ tinh thần cho những người kháng chiến, ông đã viết loạt bài báo nổi tiếng với tựa đề "Kháng chiến nhất định thắng lợi", đăng trên báo "Sự thật" từ số 70 (4 tháng 3 năm 1947) đến số 81 (1 tháng 8 năm 1947). Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận định: "Bác Hồ là linh hồn của cuộc kháng chiến chống Pháp, nhưng đề ra đường lối cụ thể, chỉ đạo cụ thể về lý luận với cuốn Kháng chiến nhất định thắng lợi, là do anh Trường Chinh".
Năm 1951, tại Đại hội lần thứ hai của Đảng, (đổi tên thành Đảng Lao động Việt Nam), Trường Chinh được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương và giữ chức Tổng Bí thư cho đến tháng 10 năm 1956. Ngay sau khi ông được tái cử chức Tổng Bí thư, báo Cứu quốc của Liên Việt đã đăng bài giới thiệu, đánh giá: "Người ta có thể nói, Hồ Chủ tịch là linh hồn của cách mạng và kháng chiến, thì ông Trường Chinh là bàn tay điều khiển, chỉ huy.
Vai trò trong cải cách ruộng đất
Từ năm 1938, Đặng Xuân Khu cùng với Võ Nguyên Giáp viết chung một tiểu luận nhỏ có tựa đề "Vấn đề dân cày", xác định vấn đề cần phải thực hiện cuộc "Cải cách ruộng đất" để có thể tái phân phối lại quyền sử dụng đất đai. Đây cũng là một trong những mục tiêu mà Việt Minh đặt ra và từ đó có được sự ủng hộ của số đông nông dân, vốn chỉ chiếm giữ một tỷ lệ rất nhỏ đất đai. Đường lối cải cách ruộng đất cũng được đưa ra trong Báo cáo chính trị của ông tại Đại hội II của Đảng năm 1951. Quan điểm của ông về cải cách ruộng đất tại bản Luận cương về cách mạng Việt Nam trình Đại hội II: ... Đối tượng của cách mạng dân chủ nhân dân và đặc biệt của chính sách cải cách ruộng đất là địa chủ. Nhưng lúc này, để tập trung lực lượng của toàn dân đánh bại kẻ thù chung là thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ, và do chỗ nhận định trong từng lớp địa chủ nước ta còn khả năng phản đế một phần nào, Đảng chủ trương kéo một phần lớn địa chủ (tiểu và trung địa chủ) về phe kháng chiến hay ít nhất làm cho họ trung lập có thiện cảm đối với kháng chiến, đồng thời đánh đổ bọn đại địa chủ phong kiến phản động. Cho nên hiện thời, Đảng chủ trương thừa nhận cho những địa chủ không phản quốc có quyền công dân, quyền có của, không đụng đến quyền sở hữu ruộng đất của họ, và vẫn thừa nhận quyền hưởng công điền của họ. Ta có hạn chế sự bóc lột của họ bằng cách thực hiện giảm tô, giảm tức. Song, khi thi hành, cần phối hợp việc hành chính ra lệnh, quần chúng đòi hỏi, với việc thuyết phục, giải thích, nhưng chủ yếu là thuyết phục, giải thích cho địa chủ hiểu rằng họ giảm tô, giảm tức là làm một phần nghĩa vụ của họ đối với kháng chiến. Khi họ đã giảm, ta bảo đảm cho họ quyền thu địa tô đúng luật. Chính sách của ta hiện nay là: địa chủ phải giảm tô đúng luật, tá điền phải nộp tô đúng giao kèo. Mặt khác, ta vận động họ hiến ruộng cho Nhà nước, mở một con đường tiến bộ cho những địa chủ sáng suốt muốn tự cải tạo. Đồng thời ta khuyến khích họ bỏ vốn vào việc kinh doanh công thương nghiệp.
Năm 1953, giữa lúc Quân đội nhân dân Việt Nam bắt đầu chiếm ưu thế trên chiến trường, Trường Chinh được cử làm Trưởng ban cải cách ruộng đất Trung ương. Cuộc cải cách ban đầu có những kết quả nhất định khi chỉ thực hiện việc tịch thu tài sản, đất đai của những người bị xem là "phản quốc" (theo Pháp, chống lại đất nước), "phản động" (chống lại chính quyền) và chia cho bần nông, cố nông.
Tuy nhiên, sau khi nắm được quyền kiểm soát miền Bắc, dưới áp lực của các cố vấn Trung Quốc, cuối năm 1954, chiến dịch cải cách ruộng đất bắt đầu được đẩy mạnh và nhanh, với cường độ lớn. Từ giữa năm 1955 ở một số nơi đã xuất hiện hiện tượng đấu tố tràn lan, mất kiểm soát. Nhiều người bị quy tội sơ sài là "địa chủ, tư sản bóc lột" và bị xử tử hình hay tù khổ sai. Nhiều trường hợp lạm quyền của các cán bộ đội viên đội công tác ruộng đất trong công tác đất đai, dẫn đến trả thù cá nhân, thậm chí bùng phát bạo lực, dẫn đến nhiều cái chết oan ức.
Tuy không trực tiếp thực hiện, nhưng là người lãnh đạo cao nhất của Cải cách ruộng đất, Trường Chinh phải gánh trách nhiệm nặng nhất. Tại Hội nghị trung ương 10 khóa II mở rộng từ 25 tháng 8 đến 5 tháng 10 năm 1956 về vấn đề sửa sai cải cách ruộng đất, ông từ chức Tổng Bí thư. Sau đó ông đứng đầu Ban chỉ đạo công tác sửa sai, cho đến năm 1958.
Những năm tiếp theo
Năm 1958, Trường Chinh được bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước. Đến năm 1960, ông lại được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, phụ trách công tác Quốc hội và công tác lý luận của Đảng. Cùng thời điểm này, ông được Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bầu làm Chủ tịch Quốc hội và đến năm 1976, và được tín nhiệm giữ cương vị người đứng đầu quốc hội cho đến năm 1981.
Năm 1981, Trường Chinh được Quốc hội bầu làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Hoạt động cuối đời
Tháng 5 năm 1986, Trường Chinh được giao nhiệm vụ quyền Tổng bí thư khi Lê Duẩn ốm yếu. Sau khi Lê Duẩn mất, Đại hội trong trung ương chưa kịp tiếp diễn nên tại Hội nghị đặc biệt Ban Chấp hành Trung ương được tổ chức vào ngày 14 tháng 7 năm 1986, Trường Chinh khi đó đang đảm nhiệm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước được bầu làm Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam cho đến ngày Đại hội Đảng được tổ chức (ngày 18 tháng 12 năm 1986). Đến tháng 12 năm 1986, tại Đại hội Đảng lần thứ VI, ông rút khỏi các chức vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước để làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban soạn thảo Cương lĩnh và chiến lược kinh tế và kiêm Trưởng tiểu ban soạn thảo Cương lĩnh chính trị của Đảng.
Trường Chinh được Nhà nước Việt Nam tặng Huân chương Sao vàng và nhiều Huân chương khác. Ông mất đột ngột ngày 30 tháng 9 năm 1988 tại Hà Nội do ngã cầu thang và khi vẫn đang đương chức Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam thọ 81 tuổi. Quốc tang ông được tổ chức tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội, sau đó linh cữu được chuyển tới an táng tại Nghĩa trang Mai Dịch.
Đánh giá
Bên cạnh công lao tổ chức lực lượng chuẩn bị cho Cách mạng tháng Tám, lâu nay một bộ phận dư luận vẫn xem Trường Chinh là một nhân vật nặng phần bảo thủ, không có sáng tạo gì thật mạnh dạn và mới mẻ. Là người phụ trách lý luận của đảng, quan điểm của ông có tính giáo điều. Chính ông đã phê phán quyết liệt việc khoán hộ sản phẩm của Kim Ngọc. Sau đó, cũng chính ông trong vai trò Tổng bí thư đã đóng vai trò quyết định phát động công cuộc Đổi Mới (sau khi Lê Duẩn qua đời), điều Nguyễn Văn Linh viết Báo cáo chính trị, và sau chủ động từ chức, nhường chỗ cho Nguyễn Văn Linh ở Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI. Với vai trò là người tán thành, lãnh đạo đường lối đổi mới, nhằm đưa đất nước thoát khỏi sự khủng hoảng toàn diện trong vòng 10 năm sau ngày thống nhất, ông được cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt gọi là "Tổng bí thư của đổi mới" và nhiều lãnh đạo đảng ca ngợi.
Nhiều cán bộ cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam và học giả trong nước đánh giá cao ông, là người có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng. Chính ông là người sớm chủ trì Hội nghị Thường vụ Trung ương ra Chỉ thị "Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" tháng 3 năm 1945 và tác giả tác phẩm "Kháng chiến nhất định thắng lợi" tập hợp những bài viết của ông đăng trên báo "Sự thật" từ số 70 (4.3.1947) đến số 81 (1.8.1947). Đại tướng Võ Nguyên Giáp có viết "Bác Hồ là linh hồn của cuộc kháng chiến chống Pháp, nhưng đề ra đường lối cụ thể, chỉ đạo cụ thể về lý luận với cuốn Kháng chiến nhất định thắng lợi, là do anh Trường Chinh"..
Đóng góp quan trọng nhất của ông là vào công cuộc Đổi mới đưa ra tại Đại hội VI năm 1986. Tạp chí cộng sản có viết: "Cống hiến đặc biệt của đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh là đặt nền móng cho công cuộc đổi mới. Năm 1986, với cương vị Tổng Bí thư, đồng chí đã đề ra chủ trương đổi mới..
Trường Chính từng được cho là người có lý luận bảo thủ, nhưng trong những năm cuối đời quan điểm của ông có nhiều thay đổi. Ông Tám Cao kể: Vào dịp nghỉ hè năm 1983, anh Ba Duẩn đi Liên Xô, còn anh Năm (Chủ tịch HĐNN Trường Chinh), anh Tô (Chủ tịch HĐBT Phạm Văn Đồng) và anh Võ Chí Công – Thường trực Ban Bí thư vô Đà Lạt. Nhân cơ hội này, anh Mười Cúc (Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Linh) đã xin ý kiến ba anh trong Bộ Chính trị, mỗi ngày để ra 1 giờ đồng hồ để gặp gỡ, nghe các đồng chí ở dưới cơ sở báo cáo chi tiết những việc đã làm trong thời gian qua. Các anh ấy đều vui vẻ nhận lời … Trước khi xuất phát từ Thành phố Hồ Chí Minh lên Đà Lạt, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh đã nói với các thành viên được Thành ủy lựa chọn, rằng: "Hiện nay có các đồng chí trong Bộ Chính trị đang ở Đà Lạt. Thành phố chúng ta đã đăng ký xin được báo cáo về những việc đã làm của chúng ta trong thời gian qua, cũng như những khó khăn tồn tại để Bộ Chính trị có thêm cơ sở thực tế mà đề ra đường lối chính sách mới. Thường vụ Thành ủy và tôi cử các đồng chí là những người trực tiếp lãnh đạo cơ sở lên Đà Lạt báo cáo. Sứ mệnh của các đồng chí rất nặng nề"... Sáng ngày 12/7/1983, 5 chiếc xe ô tô xuất phát từ Thành phố Hồ Chí Minh, chạy thẳng hướng Đà Lạt. Sáng hôm sau, bắt đầu cuộc họp mà sau này được coi là "Sự kiện Đà Lạt – Cái mốc của công cuộc đổi mới". Ba vị lãnh đạo cao cấp của Đảng chăm chú lắng nghe rất kỹ từng báo cáo của các lãnh đạo cơ sở. Việc trình bày, báo cáo của các đơn vị cơ sở diễn ra trong 4 ngày, từ 13 đến 16/7/1983. Chiều hôm đó, các đại diện cơ sở trở về TP HCM. Các đồng chí lãnh đạo TP tiếp tục ở lại báo cáo riêng với các đồng chí trong Bộ Chính trị. Đến chiều 18/3/1983, sau khi báo cáo xong, các đồng chí Võ Thành Công, Nguyễn Văn Nam, Lê Văn Quýnh trở về TP HCM, riêng Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh còn ở lại làm việc riêng với 3 đồng chí trong Bộ Chính trị. Sáng 20/7/1983, đồng chí Nguyễn Văn Linh lên đường trở về TP HCM…".
Ông Tám Cao nhận xét: Nhờ công rất lớn của anh Năm thì những đổi mới từ thực tiễn của Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khác mới được đúc kết đưa vào Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng. Anh Năm là một nhà lãnh đạo cực kỳ nguyên tắc, nếu chỉ nghe báo cáo thì anh ấy vẫn chưa tin. Chỉ khi nào đi thị sát trực tiếp tại cơ sở, lắng nghe ý kiến của quần chúng, thì anh ấy mới tin tưởng". "Quả nhiên như vậy, sau 1 tuần lắng nghe báo cáo của lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và các cơ sở, Chủ tịch Trường Chinh yêu cầu thành phố tổ chức để Chủ tịch tới thăm hàng loạt các nhà máy, đơn vị xé rào...Trong chuyến đi thăm và khảo sát thực tế này, Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh Mai Chí Thọ là người tháp tùng Chủ tịch HĐNN Trường Chinh. Kết thúc chuyến đi thực tế này, một bữa, Chủ tịch HĐNN Trường Chinh nói nhỏ với Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh Mai Chí Thọ rằng: "Hóa ra, ở Hà Nội, tôi toàn được nghe những thông tin sai lệch!".". "Sự kiện Đà Lạt" và chuyến đi thực tế của Chủ tịch HĐNN Trường Chinh tại Thành phố Hồ Chí Minh chẳng những như một luồng gió mát xoa dịu nỗi ấm ức, bi quan của những đơn vị, những người xé rào, mà còn tạo tiền đề tối quán trọng cho công cuộc đổi mới của dân tộc và được Nghị quyết hóa trong Đại hội lần thứ VI của Đảng'".
Theo Giáo sư Trần Nhâm: "Tại hội nghị trung ương VI (từ 3/7 đến 10/7/1984), Cố Tổng Bí thư Trường Chinh bắt đầu bài phát biểu của mình về vấn đề cơ chế quản lý. Ông cho rằng nền kinh tế nước ta hiện nay đòi hỏi phải có một cơ chế quản lý năng động có khả năng bãi bỏ tập trung quan liêu, bảo thủ, trì trệ và bao cấp tràn lan" và "kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng để từng bước cùng với tập thể Bộ Chính trị và Ban Chấp hành T.Ư khóa V xác lập nên mô hình mới, cơ chế mới, đặt nền tảng lý luận cho đường lối đổi mới toàn diện tại Đại hội Đảng VI".
Giáo sư Lê Văn Viện kể: "Một buổi sáng cuối tháng 9-1986, tôi nhận được tin lập tức theo đoàn cán bộ xuống nhà nghỉ Vạn Hoa - Đồ Sơn (Hải Phòng) họp khẩn cấp với Tổng bí thư Trường Chinh.Có mặt ở cuộc họp này là toàn bộ tổ biên tập văn kiện Đại hội VI (do ông Hoàng Tùng làm tổ trưởng và ông Đào Duy Tùng làm tổ phó) và một số chuyên viên trong nhóm tư vấn của tổng bí thư. Chính tại đây, ông Trường Chinh tuyên bố: viết lại văn kiện đại hội!".
Tình thế chuyển ngay lập tức. Ba người "tư duy mới" được bổ sung tổ biên tập là Hà Nghiệp, Trần Đức Nguyên và Lê Văn Viện. Tổng bí thư đích thân giao trọng trách cho tổ văn kiện tổng hợp ý kiến đóng góp và rút lấy tinh thần chung để soạn thảo lại văn kiện cho đại hội đã rất cận kề.
Ông Đào Xuân Sâm, thành viên nhóm cố vấn cho Trường Chinh nhớ: "giữa năm 1986, cả nước thiếu đói trầm trọng. Các dự án kinh tế đầu tư khổng lồ đều không phát huy tác dụng. Nguyên vật liệu khan hiếm khiến các nhà máy sống thoi thóp. Lạm phát lên 300, 400, 500 và 700%... Lòng người từ trong đến ngoài Đảng, từ cơ sở đến trung ương hoang mang và loay hoay không biết lối ra. Tư tưởng chia hai hướng: xé rào để khắc phục khủng hoảng hoặc kiên định, triệt để áp dụng cơ chế kế hoạch, bao cấp. Tổng bí thư Lê Duẩn qua đời. Đại hội Đảng lần VI chỉ còn tính từng ngày. Thế nhưng báo cáo chính trị gửi xuống đơn vị, cơ sở bị phản đối dữ dội vì mọi quan điểm, đường lối vẫn không có gì mới. Tức là hướng thoát khủng hoảng vẫn mịt mờ... Đồng chí Trường Chinh lúc đó được Đảng giao tạm thời giữ chức Tổng bí thư. Ông đi đến một quyết định táo bạo, quyết đoán chưa từng có: viết lại toàn bộ báo cáo chính trị theo quan điểm: quyết tâm đưa đất nước phát triển theo đường lối mới. Chấp nhận hi sinh, mất mát để khắc phục những hậu quả sai lầm.'
Ông Trần Đức Nguyên nhớ: ''Giữa lúc những lý luận CNXH trong phát triển kinh tế là kế hoạch tập trung, tự cung tự cấp, quốc doanh tập thể... đang là kim chỉ nam bất biến thì đồng chí Trường Chinh tổ chức hội nghị "Ba quan điểm". Ba luận điểm quan trọng đi ngược lại đường lối cũ là: phát triển kinh tế nhiều thành phần (thay vì chỉ có quốc doanh và tập thể); chuyển đổi cơ cấu kinh tế và cơ cấu đầu tư (tập trung làm hàng xuất khẩu, hàng tiêu dùng thay vì hàng công nghiệp; bỏ, hoãn các dự án lớn nhưng không hiệu quả...) và đổi mới quản lý (thay vì tập trung quan liêu bao cấp bằng tự chủ và cơ cấu mở). Hội nghị này trở thành "linh hồn" văn kiện Đại hội VI.
Theo Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh: "Năm 1986, ở cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Trường Chinh đã sớm nhận rõ được xu thế của thời đại, thực trạng của đất nước, yêu cầu và nguyện vọng của nhân dân, đồng chí đã có nhiều đóng góp rất quan trọng vào việc đề ra chủ trương đổi mới. Vang mãi trong lòng nhân dân ta lời phát biểu của đồng chí trong quá trình chuẩn bị Đại hội VI: Đối với nước ta, đổi mới là yêu cầu bức thiết, là vấn đề có tầm quan trọng sống còn".
Trường Chinh cũng là người trình bày báo cáo "Bàn về cách mạng Việt Nam" tại Đại hội II của Đảng năm 1951. Trong báo cáo có đề cập đến vấn đề kháng chiến và cải cách ruộng đất. Nội dung cơ bản của bản báo cáo được phản ánh trong Chính cương của Đảng Lao động Việt Nam được Đại hội thông qua. Ông cũng là Trưởng ban chỉ đạo trực tiếp cuộc cải cách ruộng đất những năm 1953-1956 và phải từ chức sau đó. Sau đó ông là người chỉ đạo chiến dịch sửa sai. Vào cuối năm 1968, chính Trường Chinh là người phản đối gay gắt hiện tượng "khoán hộ" ở Vĩnh Phú. Theo Giáo sư Trần Nhâm: ""Một ngày trước khi ông mất (Cố Tổng bí thư Trường Chinh mất vào ngày 30.9.1988), ông còn nói với tôi về chuyện Vĩnh Phú. Tôi có hỏi "sao lúc bấy giờ Bác lại làm to chuyện như vậy?". Ông điềm tĩnh trả lời tôi rằng, có lẽ lúc bấy giờ nhận thức của mình không bắt kịp với tình hình thực tế, hơn nữa vấn đề nghe báo cáo, nắm thông tin không chính xác."
Tại Đại hội VI năm 1986 ông được cử làm cố vấn Ban Chấp hành Trung ương, là phó trưởng ban soạn thảo cương lĩnh và chiến lược kinh tế kiêm trưởng tiểu ban soạn thảo cương lĩnh của đảng. Mặc dù qua đời năm 1988 nhưng "Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội" thông qua tại đại hội VII có dấu ấn đóng góp của ông.
Sáng tác văn thơ
Thơ của ông thuộc thể loại trữ tình lãng mạn, theo trào lưu thơ Hiện đại. Một số tác phẩm của ông:
Chống chủ nghĩa cải lương (1935) Vấn đề dân cày (viết chung với Võ Nguyên Giáp năm 1938)
Chính sách mới của Đảng (1941)
Đề cương văn hóa Việt Nam (1943)
Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta (tháng 3 năm 1945)
Cách mạng Tháng Tám (1946)
Kháng chiến nhất định thắng lợi (1947)
Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hóa Việt Nam (1948)
Bàn về cách mạng Việt Nam (1951)
Thơ Sóng Hồng Tập I (1960)
Tập II (1974)
Nắm vững ba bài học lớn để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược'' (1986)
Gia đình
Vợ là Nguyễn Thị Minh (1912 – 2001), người cùng làng Hành Thiện. Hai ông bà có bốn người con:
Đặng Xuân Kỳ (1931 – 2010), ủy viên BCH TƯ khoá VI và VII, từng giữ các chức vụ Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận TƯ
Đặng Việt Nga, Tiến sĩ – Kiến trúc sư, chủ nhân Biệt thự Hằng Nga tại Đà Lạt.
Đặng Việt Bích, PGS, TS (1946-2019)
Đặng Việt Bắc, sinh năm 1950.
Cháu
Đặng Xuân Thanh (con trai Đặng Xuân Kỳ, hiện nay là Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)
Đặng Xuân Quang
Chắt
Đặng Xuân Vinh
Đặng Xuân Nguyên
Vinh danh
Tên của ông được đặt cho các đường phố ở Hà Nội (nối đường Đại La với đường Láng), Thành phố Hồ Chí Minh (nối đường Cách Mạng Tháng Tám với đường quốc lộ 22), Nam Định (một trong những con đường lớn nhất TP Nam Định, quê hương ông), Đà Nẵng (nối đường Tôn Đức Thắng với Quốc lộ 1), Hải Phòng (nối đường Lê Duẩn với đường Cầu Niệm), Đồng Hới, Quảng Bình (nối đường F325 với đường Hữu Nghị), Huế (nối đường Tôn Đức Thắng với đường Hoàng Quốc Việt), Tuy Hòa (nối đường Trần Phú với đường Lý Thường Kiệt), Vinh (nối đường Lê Ninh và đường Trần Hưng Đạo), thành phố Pleiku (nối từ ngã 3 Phù Đổng đi núi Hàm Rồng), thành phố Bắc Kạn (tỉnh Bắc Kạn, nối đường Phùng Chí Kiên với đường Nguyễn Thị Minh Khai), Đường ra cảng Phước An ở huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai...
Chú thích |
Từ trường là môi trường năng lượng đặc biệt sinh ra quanh các điện tích chuyển động hoặc do sự biến thiên của điện trường hoặc có nguồn gốc từ các mômen lưỡng cực từ như nam châm. Mỗi điểm trong từ trường được miêu tả bằng toán học thông qua hướng và độ lớn tại đó; từ trường được miêu tả bằng trường vector. Người ta hay sử dụng khái niệm lực Lorentz tác dụng lên một điện tích điểm chuyển động để định nghĩa từ trường.
: Cường độ từ trường do dòng điện sinh ra
: từ trường bên trong vật liệu bị ảnh hưởng bởi
Các hạt điện tích chuyển động hoặc mômen từ nội tại của các hạt cơ bản đi kèm với tính chất lượng tử căn bản là spin là nguyên nhân của từ trường. Trong thuyết tương đối hẹp, điện trường và từ trường là hai khía cạnh của cùng một thực thể thể hiện bằng tenxơ điện từ; tenxơ này trở thành điện trường hay từ trường phụ thuộc vào hệ quy chiếu tương đối giữa người quan sát và hạt điện tích. Trong vật lý lượng tử, trường điện từ bị lượng tử hóa và tương tác điện từ là kết quả của sự trao đổi các photon giữa các hạt cơ bản, như mô tả bởi điện động lực học lượng tử.
Từ trường đã được ứng dụng từ thời cổ đại và có nhiều thiết bị ngày nay hoạt động dựa trên nó. Trong định vị hướng và vị trí, người ta sử dụng la bàn do Trái Đất sinh ra từ trường. Từ trường quay được áp dụng trong các động cơ điện hay máy phát điện. Thông qua hiệu ứng Hall lực từ cho biết thông tin về hạt tích điện trong vật liệu. Ngoài ra từ trường là cơ sở cho sự hoạt động của máy biến áp và các mạch từ.
Lịch sử
Tuy nam châm và từ học đã được biết đến từ lâu, nghiên cứu về từ trường bắt đầu vào năm 1269 khi học giả người Pháp Petrus Peregrinus de Maricourt vẽ ra từ trường xung quanh một nam châm hình cầu bằng sử dụng các cây kim loại nhỏ. Ông cũng đề cập đến hai cực từ tương tự như hai cực của Trái Đất. Khoảng ba thế kỷ sau, nhà thiên văn học William Gilbert ở Colchester lặp lại nghiên cứu của Petrus Peregrinus và lần đầu tiên phát biểu rõ ràng về Trái Đất là một nam châm khổng lồ. Công bố năm 1600, công trình của Gilbert, De Magnete, giúp từ học trở thành một ngành khoa học.
Năm 1750, John Michell phát hiện ra các cực từ hút hoặc đẩy nhau tuân theo định luật nghịch đảo bình phương. Sau đó Charles-Augustin de Coulomb xác nhận điều này bằng thực nghiệm vào năm 1785 và nêu ra các cực Bắc và Nam không thể tách rời nhau. Siméon-Denis Poisson đã thiếp lập một mô hình thành công đầu tiên về từ trường dựa trên các lực từ này vào năm 1824. Trong mô hình này, ông cho rằng từ trường sinh bởi các cực từ và trong nam châm có các cặp cực từ bắc/nam nhỏ.
Tuy nhiên, có ba khám phá gây thách thức đến cơ sở từ học. Đầu tiên, Hans Christian Oersted năm 1819 khám phá ra hiện tượng dòng điện sinh ra từ trường bao quanh dây dẫn. Năm 1820, André-Marie Ampère chỉ ra rằng hai sợi dây song song có dòng điện cùng chiều chạy qua sẽ hút nhau. Cuối cùng, Jean-Baptiste Biot và Félix Savart khám phá ra định luật Biot–Savart năm 1820, định luật miêu tả đúng đắn từ trường bao quanh sợi dây có dòng điện chạy qua.
Dựa trên ba khám phá trên, Ampère đã công bố một mô hình thành công cho từ học vào năm 1825. Trong mô hình này, ông chỉ ra sự tương đương giữa dòng điện và nam châm và đề xuất rằng từ tính là do những vòng chảy vĩnh cửu (đường sức) thay vì các lưỡng cực từ như trong mô hình của Poisson. Mô hình này có thêm thuận lợi khi giải thích tại sao lại không có đơn cực từ. Ampère dựa vào mô hình suy ra được cả định luật lực Ampère miêu tả lực giữa hai dây dẫn có dòng điện chạy qua và định luật Ampère (hay chính là định luật Biot–Savart), miêu tả đúng đắn từ trường bao quanh một sợi dây có dòng điện. Cũng trong công trình này, Ampère đưa ra thuật ngữ điện động lực miêu tả mối liên hệ giữa điện và từ.
Năm 1831, Michael Faraday phát hiện ra hiện tượng cảm ứng điện từ khi ông làm thay đổi từ trường qua một vòng dây thì có dòng điện sinh ra trong sợi dây. Ông miêu tả hiện tượng này bằng định luật cảm ứng Faraday. Sau đó, Franz Ernst Neumann chứng minh rằng khi vòng dây di chuyển trong từ trường thì hiện tượng cảm ứng là hệ quả của định luật lực Ampère. Ông cũng nêu ra khái niệm vectơ thế năng từ mà về sau người ta chứng minh nó tương đương với cơ chế do Faraday đề xuất.
Năm 1850, Huân tước Kelvin (hay William Thomson), phân biệt ra hai kiểu từ trường mà ngày nay ký hiệu bằng và . Cái đầu tương ứng cho mô hình của Poisson và cái sau tương ứng cho mô hình của Ampère và hiện tượng cảm ứng. Hơn nữa, ông cũng suy ra mối liên hệ giữa bằng bội hằng số của .
Giữa các năm 1861 và 1865, James Clerk Maxwell phát triển và công bố phương trình Maxwell, trong đó ông giải thích và thống nhất các khía cạnh của lý thuyết điện học và từ học cổ điển. Ông công bố những hệ phương trình đầu tiên trong bài báo On Physical Lines of Force năm 1861. Tuy những phương trình này là đúng đắn nhưng chưa đầy đủ. Maxwell hoàn thiện các phương trình của mình trong bài báo A Dynamical Theory of the Electromagnetic Field năm 1865 và chứng minh rằng ánh sáng là một dạng sóng điện từ. Heinrich Hertz đã chứng minh bằng thực nghiệm kết quả này vào năm 1887.
Mặc dù định luật lực của Ampère hàm ý lực do từ trường tác dụng lên điện tích chuyển động trong nó, tuy thế cho tới tận năm 1892 Hendrik Lorentz mới suy luận ra tường minh lực từ bằng các phương trình Maxwell. Cùng với những đóng góp này của Lorentz, lý thuyết điện từ động lực cổ điển về cơ bản là đã hoàn thiện.
Trong thế kỷ XX, lý thuyết điện từ động lực đã được mở rộng để tương thích với thuyết tương đối hẹp và cơ học lượng tử. Albert Einstein, trong bài báo năm 1905 thiết lập ra thuyết tương đối, chứng minh rằng cả điện trường và từ trường là những phần của cùng một thực thể khi quan sát từ các hệ quy chiếu khác nhau. (như từ vấn đề di chuyển nam châm và vòng dây dẫn trong thí nghiệm của Faraday và thông qua các thí nghiệm tưởng tượng đã giúp Albert Einstein phát minh ra thuyết tương đối hẹp). Cuối cùng, để phù hợp với lý thuyết mới là cơ học lượng tử, điện động lực học cổ điển đã được phát triển thành thuyết điện động lực học lượng tử (QED).
Định nghĩa, đơn vị và đo lường
Định nghĩa
Từ trường được định nghĩa theo một vài cách tương đương dựa trên hiệu ứng tác động của nó lên môi trường xung quanh.
Thông thường người ta định nghĩa từ trường là lực tác dụng lên một hạt điện tích chuyển động. Trong tĩnh điện học hạt có điện tích nằm trong điện trường chịu một lực bằng . Tuy vậy, khi hạt điện tích chuyển động trong vùng bao quanh dây dẫn có dòng điện, lực tác dụng lên hạt cũng phụ thuộc vào vận tốc của nó. Thật may là, thành phần lực phụ thuộc vận tốc tách biệt so thành phần lực điện trường, và tuân theo định luật lực Lorentz,
Ở đây là vận tốc của hạt và × ký hiệu của tích vectơ. Vectơ ký hiệu cho từ trường, và nó được coi là trường vectơ cần thiết để cho định luật lực Lorentz miêu tả đúng chuyển động của hạt tích điện. Định nghĩa này cho phép xác định như sau
Một cách khác, người ta xác định từ trường thông qua ngẫu lực mà nó tác động lên một lưỡng cực từ (xem ngẫu lực từ trên nam châm vĩnh cửu bên dưới).
Có hai loại từ trường, và . Trong chân không chúng thể hiện giống nhau, chỉ khác nhau về độ lớn. Nhưng bên trong vật liệu hay môi trường vật chất (xem H và B bên trong và ngoài vật liệu từ) chúng có tính chất khác nhau. Về mặt lịch sử, thuật ngữ từ trường có ký hiệu là trong khi các nhà vật lý sử dụng thuật ngữ khác cho . Ngày nay, các sách vật lý đều sử dụng thuật ngữ từ trường cho cả hai ký hiệu và . Có một vài tên gọi khác nhau cho cả hai (xem bảng).
Đơn vị
Trong hệ SI, có đơn vị tesla (T) và tương ứng (từ thông) có đơn vị weber (Wb) do vậy mật độ thông lượng 1 Wb/m² bằng 1 tesla. Đơn vị SI của tesla bằng (newton•giây)/(coulomb•mét). Trong đơn vị Gauss-cgs, có đơn vị gauss (G) (và 1 T = 10.000 G) Trường có đơn vị ampere trên mét (A/m) trong hệ SI, và oersted (Oe) trong hệ CGS.
Đo lường
Độ chính xác nhỏ nhất đối với phép đo từ trường đến nay (2013) thực hiện được là cỡ atto tesla (10−18 tesla); từ trường lớn nhất tạo ra được trong phòng thí nghiệm tồn tại trong thời gian rất ngắn (nam châm điện bị phá hủy) là cỡ 2,8 kT (viện VNIIEF ở Sarov, Nga, 1998), trong khi từ trường lớn nhất tồn tại trong thời gian ngắn (nam châm điện không bị phá hủy) có độ lớn xấp xỉ 100 T (phòng thí nghiệm Los Alamos, Hoa Kỳ, 2011). Từ trường của một số thiên thể như sao từ cao hơn rất nhiều; độ lớn từ 0,1 đến 100 GT (108 đến 1011 T).
Từ kế là thiết bị dùng để đo hướng và độ lớn từ trường cục bộ lân cận với thiết bị. Dựa trên nguyên lý hoạt động có các loại từ kế như sử dụng lõi quay, từ kế Hall, từ kế cộng hưởng từ, từ kế SQUID, và la bàn từ thông. Từ trường của các thiên thể trong vũ trụ được đo thông qua ảnh hưởng của nó lên các hạt điện tích chuyển động. Ví dụ, electron chuyển động xoắn ốc trên đường sức từ phát ra bức xạ đồng bộ trong miền sóng vô tuyến.
Đường sức từ
Công việc vẽ bản đồ từ trường của một vật là đơn giản về nguyên lý. Đầu tiên, đo độ lớn và hướng của từ trường tại rất nhiều vị trí trong không gian. Sau đó đánh dấu mỗi vị trí bằng một mũi tên (hay vectơ) chỉ theo hướng của từ trường cục bộ và độ lớn tỉ lệ với độ lớn của từ trường tại điểm đó.
Một phương pháp vẽ khác là 'nối' các mũi tên lại thành đường sức từ. Hướng của từ trường tại một điểm bất kỳ song song với hướng của đường sức gần hoặc đi qua điểm đó, và mật độ các đường sức tỉ lệ với độ mạnh hay yếu của từ trường.
Đường sức từ giống với các đường đồng mức (cùng độ cao) trên bản đồ địa hình ở chỗ chúng đều là các đường liên tục, và ứng với tỉ lệ bản đồ khác nhau sẽ có nhiều hay ít các đường đồng mức. Điểm thuận lợi của cách biểu diễn các đường sức từ là cho phép nhiều định luật của từ học (và điện từ học) phát biểu một cách ngắn gọn và chính xác như 'số' các đường sức đi qua một bề mặt. Những khái niệm này nhanh chóng có thể 'chuyển' thành các đại lượng toán học. Ví dụ, số các đường sức từ đi qua một mặt cho trước chính là tích phân mặt của từ trường.
Có một số cách nhằm thể hiện các đường sức từ. Ví dụ, khi rắc các mạt sắt lên một tờ giấy trên thanh nam châm thì các chúng sẽ sắp xếp theo hình dáng thể hiện các 'đường sức'. Đường sức từ cũng thể hiện trong hiện tượng cực quang, do các hạt plasma chuyển động trên đường sức từ của từ trường Trái Đất va chạm với tầng khí quyển phát ra ánh sáng.
Đường sức cũng là một công cụ để miêu tả lực từ. Trong vật liệu sắt từ như sắt và trong plasma, lực từ có thể được hiểu như là những đường sức tác dụng một lực kéo (giống như kéo/thả dây cao su) dọc theo chiều dài, và áp suất vuông góc với các đường đó lên những đường lân cận. Các cực "khác dấu" của hai thanh nam châm hút nhau bởi vì chúng được nối bởi nhiều đường sức; hai cực "cùng dấu" thì đẩy nhau bởi vì các đường sức không gặp nhau, mà chạy song song và đẩy nhau. Biểu thức phức tạp cho khái niệm này là tenxơ ứng suất-năng lượng điện từ.
Từ trường và nam châm vĩnh cửu
Nam châm vĩnh cửu là các vật được cấu tạo từ các vật liệu từ cứng có khả năng giữ từ tính không bị mất từ trường. Chúng làm từ vật liệu sắt từ, như sắt và nikel, đã bị từ hóa, chúng đều có cực Bắc và cực Nam.
Từ trường của nam châm vĩnh cửu
Từ trường của nam châm vĩnh cửu khá phức tạp, đặc biệt khi gần thanh nam châm. Từ trường của một thanh nam châm nhỏ, thẳng tỉ lệ với độ lớn của nam châm (gọi là mômen lưỡng cực từ ). Phương trình mô tả từ trường của nam châm cũng phụ thuộc vào khoảng cách từ điểm cần tính đến thanh và hướng của thanh đó. Đối với thanh nam châm đơn giản, chỉ theo hướng của đường vẽ từ cực Nam đến cực Bắc. Lật ngược thanh nam châm là tương đương với quay một góc 180 độ.
Từ trường của thanh nam châm lớn có thể mô hình hóa bởi tập hợp các thanh nam châm nhỏ hơn gọi là lưỡng cực, mỗi lưỡng cực có giá trị . Từ trường tạo ra bởi nam châm chính bằng tổng các từ trường của các lưỡng cực này. Và lực tác dụng của thanh lên vật khác chính bằng tổng các lực tác dụng của từng lưỡng cực.
Có hai mô hình khác nhau miêu tả bản chất của lưỡng cực. Chúng tương ứng với các trường và trường . Tuy nhiên, bên ngoài vật liệu thì chúng thể hiện giống nhau (khác nhau bởi độ lớn) cho nên nhiều tình huống có thể bỏ qua sự phân biệt này. Điều này đúng cho từ trường sinh ra bởi các dòng điện, mà không bởi các vật liệu từ.
Mô hình cực từ và trường H
Đôi khi có ích khi mô hình lực và ngẫu lực tác dụng giữa hai nam châm là do các cực từ đẩy hoặc hút lẫn nhau giống như trong mô hình lực Coulomb giữa các điện tích. Trong mô hình này, từ trường được sinh ra bởi các cặp từ tích tập trung tại mỗi cực của nam châm. Trường do vậy tương tự như điện trường , với các đường sức đi ra từ điện tích dương và đi vào điện tích âm. Do đó, gần cực Bắc mọi đường sức của hướng ra khỏi cực Bắc (cho dù trong hay ngoài nam châm) trong khi gần cực Nam mọi đường sức của hướng vào cực Nam (cho dù trong hay ngoài nam châm). Cho nên cực Bắc gây ra lực theo hướng của trường trong khi cực Nam gây ra lực theo hướng ngược lại.
Trong mô hình cực từ, lưỡng cực từ cơ bản bao gồm hai cực từ trái dấu có độ lớn nằm cách nhau bởi một vectơ khoảng cách nhỏ , và từ đó .
Các cực từ không thể đứng đơn lẻ; mọi nam châm đều có cặp cực Bắc/Nam mà không thể chia tách ra từng cực một được. Mô hình cực từ không giải thích được từ trường sinh ra do dòng điện trong dây dẫn, hay lực mà từ trường tác dụng lên điện tích chuyển động.
Mô hình vòng Ampère và trường B
Sau khi Oersted phát hiện ra dòng điện sinh ra từ trường và Ampère phát hiện ra rằng các dây dẫn có dòng điện chạy qua thì hút hoặc đẩy nhau tương tự như các nam châm, một cách tự nhiên người ta đã giả sử rằng mọi từ trường là do dòng điện trong dây dẫn tạo ra. Mô hình này do Ampère phát triển, lưỡng cực từ cơ bản hình thành lên nam châm là một vòng Ampère đủ nhỏ với dòng điện I. Mômen lưỡng cực của vòng là với là diện tích của vòng dây.
Các vòng dây này sinh ra trường . Một tính chất quan trọng của trường sinh ra theo cách này đó là các đường sức từ của không có điểm bắt đầu hay kết thúc (về mặt toán học, là trường vectơ solenoid); một đường sức hoặc mở rộng ra vô hạn hoặc có dạng đường cong kín. Cho tới nay chưa thấy tìm thấy từ trường nào có đường sức với đặc điểm khác với mô hình này. (Xem đơn cực từ bên dưới.) Các đường sức từ ở nam châm trông có vẻ đi ra khỏi cực Bắc và đi vào cực Nam của nó, nhưng thực ra bên trong nam châm các đường sức tiếp tục đi trong nam châm từ cực Nam đến cực Bắc. Nếu một đường sức đi vào nam châm ở một điểm thì nó phải đi ra khỏi nam châm ở điểm khác; nó không được phép có điểm đầu cuối. Do vậy các cực từ luôn luôn là cặp N và S.
Về mặt hình thức, do mọi đường sức từ đi vào một vùng bất kỳ thì cũng đều phải đi ra khỏi vùng đó, hiệu của 'số' các đường sức đi vào với số các đường đi ra phải bằng không. Phát biểu này tương đương về mặt toán học:
ở đây tích phân mặt thực hiện trên mặt kín . Quy ước vectơ hướng ra ngoài mặt, tích vectơ trong tích phân xác định dương cho đường sức trường chỉ ra ngoài và âm cho đường sức chỉ vào trong.
Phương trình này cũng biểu diễn được dưới dạng vi phân (phương trình Maxwell ở dưới).
Lực giữa các nam châm
Lực giữa hai nam châm nhỏ là khá phức tạp và phụ thuộc vào độ lớn và hướng của cả hai nam châm cũng như khoảng cách tương đối giữa chúng. Lực này rất nhạy với sự quay của nam châm là do ngẫu lực từ. Lực tác dụng trên mỗi nam châm phụ thuộc vào mômen từ của nó và từ trường của nam châm kia.
Mô hình cực từ miêu tả ở trên khá có ích để hiểu lực tác dụng giữa hai nam châm. Trong mô hình này, trường của một nam châm đẩy và kéo lên cả hai cực của nam châm kia. Nếu trường là như nhau tại cả hai cực của nam châm này thì sẽ không có tổng hợp lực lên nam châm đó do lực tác dụng lên hai cực có chiều ngược nhau. Tuy nhiên, nếu từ trường của nam châm thứ nhất là không đều (như tại gần cực của nó), thì mỗi cực của từ trường thứ hai sẽ đặt trong từ trường có độ lớn khác nhau và do vậy chúng chịu các lực khác nhau. Sự chênh lệch giữa hai lực làm chuyển động nam châm theo hướng tăng độ lớn của từ trường và có thể gây ra một ngẫu lực tổng cộng.
Đây là ví dụ cụ thể về quy tắc chung cho hai nam châm hút (hoặc đẩy nhau phụ thuộc vào hướng của nam châm) vào vùng có độ lớn từ trường tăng lên của nam châm kia. Bất kỳ một từ trường không đều nào, do nam châm vĩnh cửu hay do dòng điện sinh ra, đều tác dụng lực lên một nam châm nhỏ theo cách này.
Trong khi các chi tiết giải thích lực tác dụng giữa 2 nam châm của mô hình Ampère là khác và phức tạp hơn nhưng nó cho cùng một kết quả: lưỡng cực từ hút/đẩy nhau vào vùng có độ lớn từ trường tăng lên.
Về mặt toán học, một nam châm nhỏ có mômen từ khi đặt trong từ trường chịu một lực:
với gradien là sự thay đổi của đại lượng trên đơn vị chiều dài và hướng là hướng theo sự tăng lớn nhất của . Phân tích phương trình, ta thấy tích vô hướng , với và là độ lớn của các vectơ và và là góc giữa chúng. Nếu có cùng hướng với thì tích vectơ là dương và gradien chỉ theo 'hướng lên' kéo nam châm vào vùng có từ trường lớn hơn (nói cách cụ thể là lớn hơn ). Phương trình này chỉ đúng cho nam châm có kích thước nhỏ, nhưng nó cũng miêu tả xấp xỉ cho nam châm không quá lớn. Lực từ trên những nam châm lớn có thể xác định bằng cách chia nó ra thành những vùng nhỏ hơn, mỗi vùng có một giá trị mômen lực riêng và sau đó cộng tổng các lực lại.
Ngẫu lực từ trên nam châm vĩnh cửu
Nếu ta mang hai cực cùng dấu của hai thanh nam châm lại gần nhau, và một nam châm cố định, một cái được phép di động, thì nam châm di động sẽ cố gắng quay để hướng cực trái dấu của nó đến cực cái cố định. Trong ví dụ này, từ trường của nam châm cố định tạo ra một ngẫu lực (hay mômen lưỡng cực) lên thanh nam châm quay tự do. Ngẫu lực có xu hướng làm cho các cực của thanh nam châm này hướng theo đường sức từ của nam châm cố định (định hướng theo chiều của từ trường). Ví dụ, một la bàn có kim luôn hướng theo từ trường Trái Đất.
Các động cơ điện hoạt động trên nguyên lý của ngẫu lực từ. Ở mô hình động cơ đơn giản, một nam châm gắn cố định với trục quay tự do và chịu một từ trường quay sinh ra từ các nam châm điện. Bằng cách liên tục làm đổi dòng điện chạy qua mỗi nam châm điện, do đó làm đảo cực của trường điện từ; ngẫu lực tổng cộng tác động lên nam châm gắn ở trục và làm nó quay liên tục. Xem từ trường quay bên dưới.
Như trường hợp lực tác dụng giữa các nam châm, mô hình cực từ cho phép suy ra phương trình ngẫu lực một cách dễ dàng. Ở đây, lưỡng cực từ chịu. Ở đây hai điện tích q trái dấu (tương đương với lưỡng cực từ) đặt trong trường chịu các lực có cùng độ lớn nhưng ngược hướng. Do hai lực bằng nhau và ngược hướng ở hai vị trí khác nhau sẽ tương đương với một ngẫu lực tác dụng lên hệ. Theo định nghĩa của bằng độ lớn của điện tích q nhân với khoảng cách giữa hai điện tích d, và từ đây ngẫu lực , với là hằng số từ môi và là góc giữa hai vectơ và .
Mô hình vòng Ampère cũng cho kết quả cùng một ngẫu lực. Trường tương tác với vòng Ampère thông qua lực Lorentz miêu tả ở bên dưới. Kết quả thu được là như nhau ở cả hai mô hình tuy cách lập luận khắc hẳn.
Về mặt toán học, ngẫu lực trên một nam châm nhỏ tỉ lệ với độ lớn từ trường ngoài và mômen từ của nam châm:
với × là tích vectơ. Phương trình này chứa mọi lập luận ở trên. Không xuất hiện ngẫu lực nếu có cùng hướng với từ trường. Hơn nữa, khi nam châm ở những hướng khác thì sẽ có ngẫu lực kéo nó về hướng của từ trường ngoài.
Từ trường và dòng điện
Dòng điện tích vừa sinh ra từ trường và chịu một lực do từ trường ngoài B tác dụng.
Từ trường do điện tích di chuyển và dòng điện sinh ra
Mọi điện tích di chuyển đều sinh ra từ trường. Các điện tích điểm chuyển động, như electron, sinh ra từ trường phức tạp phụ thuộc vào điện tích, vận tốc và gia tốc của hạt.
Các đường sức từ tạo thành các đường tròn đồng tâm quanh dây dẫn điện hình trụ dọc theo chiều dài của dây. Hướng của từ trường được xác định theo quy tắc bàn tay phải (hình bên cạnh). Độ lớn của từ trường giảm dần theo khoảng cách đến dây dẫn. (Đối với một dây có chiều dài coi là vô hạn, độ lớn của từ trường giảm tỉ lệ nghịch với khoảng cách đến dây.)
Khi uốn dây dẫn điện thành cuộn dây solenoid khiến cho từ trường bên trong cuộn dây mạnh lên trong khi ở ngoài cuộn lại rất yếu. Một cuộn dây cuốn quanh một lõi sắt từ hoạt động như nam châm điện, sinh ra một từ trường mạnh và điều khiển được. Một nam châm điện hình trụ coi dài vô hạn có từ trường rất đồng đều bên trong cuộn dây trong khi từ trường ngoài lại không tồn tại. Nam châm điện hình trụ dài hữu hạn sinh ra từ trường có dạng giống với từ trường của một nam châm vĩnh cửu hình dáng đều, với độ lớn và cực từ xác định bởi hướng dòng điện chạy trong cuộn dây.
Từ trường sinh ra bởi dòng điện không đổi (luồng điện tích chảy đều đặn) miêu tả bởi định luật Biot–Savart:
với tích phân lấy trên toàn bộ chiều dài của dây, vectơ chỉ theo hướng của dòng điện, là hằng số từ môi, là khoảng cách giữa vị trí của và vị trí cần tính độ lớn từ trường, và là vectơ đơn vị theo hướng của .
Một cách hơi tổng quát hơn liên hệ dòng với trường là định luật Ampère:
với tích phân đường trên một vòng bất kỳ, enc là dòng điện đi qua mặt giới hạn bởi vòng. Định luật Ampère luôn luôn đúng cho dòng điện ổn định và dùng để tính cho trường có dạng đối xứng cao như dây dẫn dài vô hạn hay solenoid vô hạn.
Trong dạng sửa đổi để tính đến điện trường biến đổi theo thời gian, định luật Ampère là một trong bốn phương trình Maxwell mô tả điện động lực học cổ điển.
Lực lên điện tích chuyển động và dòng điện
Lực lên điện tích chuyển động
Một hạt tích điện chuyển động trong từ trường chịu một lực tỉ lệ với độ lớn của từ trường, và vận tốc của nó. Lực này luôn vuông góc với hướng từ trường và hướng nó chuyển động, và được gọi là lực Lorentz, cho bởi công thức
với
là lực, là điện tích của hạt, là vận tốc tức thời của hạt, và là từ trường (tesla).
Khi một hạt tích điện chuyển động trong từ trường tĩnh, quỹ đạo của nó có hình xoắn ốc với trục xoắn ốc song song với hướng từ trường và vận tốc của hạt là không đổi. Bởi vì lực Lorentz luôn vuông góc với chuyển động, từ trường không sinh công lên một hạt tích điện cô lập. Nó chỉ sinh công gián tiếp thông qua điện trường phát sinh bởi từ trường biến đổi. Có người lập luận rằng lực từ sinh công lên lưỡng cực từ, hoặc lên hạt tích điện mà chuyển động bị chi phối bởi các lực khác, nhưng điều này là không đúng bởi vì công trong những trường hợp này là do lực điện sinh ra bởi hạt tích điện đi lệch trong từ trường.
Lực lên dây dẫn mang dòng điện
Lực lên dây dẫn mang dòng điện giống với lực tác động lên hạt tích điện chuyển động do dòng điện trong dây dẫn là tập hợp các hạt tích điện chuyển động. Sợi dây mang dòng điện chịu một lực khi nó đặt trong từ trường. Lực Lorentz lên dòng vĩ mô cũng được gọi là lực Laplace.
Xét một dây dẫn có chiều dài , tiết diện , và điện tích của từng hạt trong dòng . Nếu có một từ trường ngoài với hướng từ trường làm một góc so với hướng vận tốc của các hạt trong dòng điện, thì lực tác dụng lên từng hạt là
do đó với hạt mà
,
thì lực tác dụng tổng cộng lên dây dẫn là
,
với .
Hướng của lực
Hướng của lực lên một hạt tích điện hay dòng điện có thể được xác định thông qua Quy tắc bàn tay phải (hình vẽ). Lực tác động lên hạt tích điện âm có chiều theo hướng ngược lại. Nếu cả vận tốc và điện tích được đảo ngược thì hướng của lực vẫn như cũ. Vì lý do này mà khi đo từ trường không thể phân biệt được trường hợp hạt tích điện dương chuyển động sang phải hay hạt tích điện âm chuyển động sang trái (cả hai trường hợp tạo ra cùng một dòng điện.) Mặt khác, khi chúng ta kết hợp từ trường với điện trường thì chúng ta có thể phân biệt được hai trường hợp này, xem hiệu ứng Hall phía dưới.
Ngoài ra cũng có cách xác định hướng của lực thông qua Quy tắc bàn tay trái.
Liên hệ giữa H và B
Các công thức cho từ trường ở trên đúng cho các dòng điện sinh ra từ trường. Tuy nhiên, khi đặt vật liệu từ trong từ trường thì chính nó cũng sinh ra dòng từ hóa (magnetization current) và tạo ra từ trường riêng gây ảnh hưởng lên kết quả tính toán. (Dòng từ hóa này là do tổng các dòng điện vòng kích cỡ nguyên tử và spin của các hạt hạ nguyên tử như electron trong vật liệu.) Trường định nghĩa ở trên cho phép tính ra được dòng này.
Từ hóa
Trường vectơ từ hóa (độ từ hóa) thể hiện độ mạnh của miền vật liệu bị từ hóa (miền từ hóa - hoặc đômen từ). Nó bằng tổng mômen lưỡng cực từ trên đơn vị thể tích của miền đó. Do đó, độ từ hóa của một nam châm có hình dạng đều là hằng số trong vật liệu, và bằng mômen từ chia cho thể tích của nam châm. Do trong hệ SI đơn vị của mômen từ là Am², đơn vị SI của là A/m, giống với của trường .
Trường từ hóa của một vùng trong vật liệu chỉ theo hướng trung bình của mômen lưỡng cực từ trong vùng đó. Do vậy, các đường sức từ hóa bắt đầu gần cực nam và kết thúc gần cực bắc từ. (Từ hóa không tồn tại bên ngoài nam châm.)
Trong mô hình vòng Ampère, sự từ hóa là do quá trình kết hợp của nhiều vòng Ampère nhỏ để tạo nên một dòng gọi là dòng từ hóa. Dòng này chính là nguồn của từ trường sinh ra bởi vật liệu từ. (Xem Lưỡng cực từ bên dưới.) Theo định nghĩa của lưỡng cực từ, trường từ hóa tuân theo định luật Ampère:
với tích phân đường thực hiện trên vòng kín bất kỳ và là 'dòng từ hóa' bị chặn bởi vòng đó.
Trong mô hình lưỡng cực từ, sự từ hóa bắt đầu và kết thúc tại các cực từ. Do vậy, nếu một miền có tổng độ lớn cực từ là dương (tương ứng với cực bắc) thì có nhiều đường sức từ hóa đi vào hơn số đường sức đi ra. Điều này tương đương về toán học:
,
với tích phân mặt thực hiện trên mặt kín và là 'từ tích' (trong đơn vị của từ thông) bao bởi mặt . Dấu âm xuất hiện bởi vì trường từ hóa đi từ nam tới bắc.
Trường H và vật liệu từ
Trường được định nghĩa bằng:
( trong SI)
Theo định nghĩa này, định luật Ampère trở thành:
với thể hiện 'dòng tự do' bao bởi vòng sao cho tích phân đường của không phụ thuộc hoàn toàn vào dòng từ hóa. Đối với dạng vi phân của phương trình xem phương trình Maxwell. Định luật Ampère dẫn đến điều kiện biên
với là mật độ dòng tự do trên mặt và vectơ đơn vị chỉ theo hướng từ môi trường 2 vào 1.
Tương tự, tích phân mặt của trên một mặt đóng bất kỳ độc lập với dòng tự do và cho kết quả là 'từ tích' bên trong mặt kín:
mà không phụ thuộc dòng tự do.
Do đó, trường có thể tách thành hai số hạng độc lập:
với là từ trường do dòng tự do và là trường khử từ (demagnetizing field) do dòng từ hóa.
Do vậy trong trường , dòng từ hóa có thể coi là 'từ tích'. Đường sức của trường chỉ bao quanh 'dòng từ do' và không giống như từ trường các đường sức bắt đầu và kết thúc tại các cực từ.
Từ học
Hầu hết các vật liệu đáp ứng lại (cảm ứng) từ trường ngoài bằng cách tự sinh ra trường từ hóa của chúng và do đó là từ trường . Thông thường sự đáp ứng lại là rất yếu và chỉ tồn tại khi chúng đặt trong từ trường. Thuật ngữ từ học miêu tả cách vật liệu đáp ứng lại ở mức vi mô khi chúng chịu từ trường ngoài và dùng để phân loại pha của vật liệu. Trong từ học, các vật liệu đưa chia thành các nhóm trên cơ sở đáp ứng của chúng với từ trường ngoài:
Vật liệu nghịch từ tạo ra trường từ hóa ngược hướng với từ trường ngoài.
Vật liệu thuận từ tạo ra trường từ hóa cùng hướng với từ trường ngoài.
Vật liệu Feri từ và nhóm vật liệu sắt từ và phản sắt từ có trường từ hóa độc lập với từ trường ngoài B và hai trường này có mối liên hệ phức tạp.
Chất siêu dẫn (và chất siêu dẫn sắt từ) là những vật liệu có đặc điểm dẫn điện hoàn hảo khi chúng có nhiệt độ dưới nhiệt độ tới hạn và từ trường giới hạn. Chúng có từ tính cao và có thể là nam châm nghịch từ hoàn hảo dưới một từ trường tới hạn. Chất siêu dẫn có nhiệt độ và từ trường tới hạn trên phạm vi rộng (siêu dẫn loại II) mà dưới các điểm tới hạn này chúng thể hiện sự trễ phức tạp vào và .
Trong trường hợp của các chất thuận từ và nghịch từ, độ từ hóa tỉ lệ với từ trường ngoài sao cho:
với là tham số phụ thuộc vật liệu gọi là độ từ thẩm. Trong một số trường hợp độ từ thẩm là tenxơ hạng hai sao cho không có cùng hướng với . Những liên hệ này giữa và là ví dụ của phương trình cấu thành. Tuy nhiên, các chất siêu dẫn và nam châm sắt từ có liên hệ giữa và phức tạp hơn.
Năng lượng chứa trong từ trường
Năng lượng cần thiết để sinh ra từ trường chống lại điện trường sinh ra do từ trường biến đổi và cũng như để làm từ hóa bất kỳ vật liệu nào đặt trong từ trường. Đối với vật liệu không phân tán (non-dispersive materials hay là vật liệu rắn, chắc đặc) dạng năng lượng này được giải phóng khi từ trường biến mất hoặc bị phá hủy do vậy ta có thể mô hình nó như là được tích trữ trong từ trường.
Vật liệu tuyến tính, không phân tán (linear, non-dispersive, materials) (sao cho với là độ từ thẩm), mật độ năng lượng bằng:
Nếu không có vật liệu từ nào xung quanh thì bằng . Phương trình trên không áp dụng cho vật liệu phi tuyến; và cần một biểu thức tổng quát hơn để mô tả.
Tổng quát, vi phân công trên một đơn vị thể tích làm thay đổi vi phân từ trường là:
Một lần nữa mối liên hệ giữa và trong phương trình này dùng để xác định công cần thiết để đưa vật liệu đạt tới trạng thái từ nhất định. Đối với vật liệu từ trễ như sắt từ và siêu dẫn, công cần thiết còn phụ thuộc vào cách từ trường ngoài sinh ra. Tuy vậy, đối với vật liệu tuyến tính không phân tán, phương trình tổng quát ở trên cho phép tính ra mật độ năng lượng từ trường.
Điện từ học: liên hệ giữa từ trường và điện trường
Định luật Faraday: Lực điện do từ trường B biến đổi
Khi từ trường biến đổi, như đưa nam châm đi qua cuộn dây dẫn điện, sẽ sinh ra điện trường (và do đó xuất hiện dòng điện trong cuộn dây). Hiện tượng này do Faraday tìm ra và là cơ sở hoạt động cho các máy phát điện và động cơ điện.
Phát biểu toán học của định luật cảm ứng Faraday là:
với là lực điện động (hay EMF, hiệu điện thế trong vòng kín) và là từ thông— tích của diện tích với vectơ pháp tuyến từ trường tại diện tích đó. (từ định nghĩa của từ thông do vậy mà tại sao cũng được coi là mật độ từ thông.)
Dấu âm thể hiện dòng điện sinh ra trong cuộn dây bởi từ trường biến đổi mà dòng điện sẽ sinh ra một từ trường khác chống lại sự biến đổi của từ trường mà nó cảm ứng. Điều này được thể hiện trong định luật Lenz.
Dạng tích phân của định luật Faraday có thể biến đổi thành dạng vi phân mà cho phép áp dụng ở những điều kiện khác. Dạng này là một trong các phương trình Maxwell ở dưới.
Hiệu chỉnh của Maxwell cho định luật Ampère: Từ trường do điện trường biến đổi
Tương tự như từ trường biến đổi sinh ra điện trường, điện trường biến đổi cũng sinh ra từ trường. Để miêu tả bằng toán học định luật này, Maxwell đã bổ sung vào định luật Ampère một số hạng và cũng với định luật Faraday mà Maxwell có thể suy đoán được sự tồn tại của sóng điện từ, bao gồm ánh sáng. Do vậy, thay đổi điện trường làm từ trường biến đổi, và đến lượt từ trường biến đổi sinh ra điện trường biến đổi.
Số hạng mà Maxwell bổ sung vào định luật Ampère tỷ lệ với sự thay đổi của thông lượng điện trường theo thời gian tương tự như định luật cảm ứng của Faraday nhưng với hằng dương số khác. (Thông lượng điện đi qua một diện tích tỷ lệ với tích của diện tích với thành phần vuông góc của điện trường.)
Phương trình định luật Ampère bao gồm hệ số bổ sung gọi là phương trình Maxwell–Ampère. Phương trình này ít khi biểu diễn dưới dạng tích phân do hiệu ứng của hệ số bổ sung khá nhỏ do vậy thường được bỏ qua khi người ta sử dụng dạng tích phân của phương trình. Số hạng bổ sung của Maxwell là rất quan trọng trong sự hình thành và lan truyền của sóng điện từ, mặc dù vậy phương trình này thường được miêu tả dưới dạng vi phân.
Phương trình Maxwell
Giống như mọi trường vector, từ trường có hai đặc điểm toán học quan trọng liên hệ với nguồn của nó. (Với , nguồn là dòng điện và sự biến đổi của điện trường.) Hai đặc điểm toán học này, cùng với hai đặc điểm toán học của điện trường tạo thành Các phương trình Maxwell. Các phương trình Maxwell cùng với lực Lorentz cho mô tả hoàn thiện về điện động lực học cổ điển bao gồm cả điện và từ.
Đặc điểm đầu tiên là phân kỳ của trường vectơ , , thể hiện 'chảy' ra ngoài như thế nào từ một điểm. Như miêu tả ở trên, các đường sức của trường không bao giờ bắt đầu hay kết thúc tại một điểm, thay vào đó chúng tạo thành những vòng kín. Điều này tương đương với phát biểu toán học rằng phân kỳ của bằng 0. (Những trường vectơ có tính chất này gọi là trường vectơ solenoid.) Phương trình này chính là định luật Gauss cho từ học và nó tương đương với phát biểu không có cực từ hay đơn cực từ. Mặt khác, đường sức điện trường bắt đầu và kết thúc tại các điện tích do vậy phân kỳ của điện trường khác 0 và tỉ lệ với mật độ điện tích (Xem định luật Gauss).
Đặc điểm toán học thứ hai là độ xoáy (rot), ký hiệu thể hiện độ xoáy của xung quanh một điểm cho trước. Kết quả của độ xoáy gọi là 'nguồn quay tròn'. Các phương trình cho rot của và tương ứng là các phương trình Ampère–Maxwell và phương trình định luật cảm ứng Faraday. Chúng được biểu diễn ở dạng vi phân và tích phân ở trên.
Các phương trình Maxwell là:
với = mật độ dòng vi mô đầy đủ và là mật độ điện tích.
Theo định nghĩa toán học, vectơ là giả vectơ (hay vectơ trục) do nó được định nghĩa theo tích vectơ. (xem biểu đồ.)
Như thảo luận ở trên, vật liệu từ hưởng ứng khi có điện trường ngoài và từ trường ngoài bằng cách tự sinh ra dòng cảm ứng và dòng từ hóa đóng góp vào chính và và rất khó để tính toán. Để vượt qua vấn đề này, hai khái niệm trường và đưa ra để sử dụng trong phương trình Maxwell khi mô tả mật độ dòng tự do và mật độ điện tích tự do :
Những phương trình này không tổng quát hơn (nếu biết dòng từ hóa và điện tích 'liên kết' trong vật liệu). Chúng cần thiết để bổ sung cho mối liên hệ giữa và cũng như giữa và . Mặt khác, những mối liên hệ đơn giản giữa những đại lượng này trong phương trình Maxwell cũng có vai trò để tính dòng từ hóa và điện tích liên kết.
Điện trường và từ trường: hai khía cạnh của cùng một trường
Theo thuyết tương đối hẹp, việc phân chia lực điện từ thành các thành phần tách biệt là lực điện và lực từ không phải là những khái niệm cơ bản, nhưng chúng thay đổi khi lựa chọn hệ quy chiếu quan sát: Một quan sát viên coi kết quả là lực điện nhưng quan sát viên khác có thể thu được kết quả là lực từ (mỗi người trong hệ quy chiếu khác nhau), hay thậm chí là lực điện từ.
Bằng toán học, thuyết tương đối đặc biệt kết hợp điện trường và từ trường thành tenxơ hạng hai, gọi là tenxơ điện từ. Thay đổi hệ quy chiếu làm trộn các thành phần này. Nó cũng tương tự như cách thuyết tương đối hẹp trộn không gian và thời gian thành không thời gian, và khối lượng, động lượng, năng lượng thành bốn-động lượng.
Vectơ từ thế
Trong cơ học lượng tử và thuyết tương đối các nhà vật lý thường sử dụng dạng thế điện từ hơn là thuật ngữ từ trường và điện trường. Theo cách này, vectơ thế (vector potential-hay vectơ thế năng, thế vectơ) , và thế vô hướng (điện thế), được định nghĩa:
Vectơ thế được giải thích là thế động lượng tổng quát trên đơn vị điện tích giống như được giải thích là thế năng lượng tổng quát trên đơn vị điện tích.
Phương trình Maxwell biểu diễn bằng các vectơ thế sẽ có dạng tuân theo thuyết tương đối hẹp mà không phải điều chỉnh. Trong thuyết tương đối, thế vectơ cùng với thế vô hướng tạo thành bốn-thế, tương tự như bốn-động lượng kết hợp động lượng và năng lượng của hạt. Sử dụng bốn thế thay cho tenxơ điện từ có thuận lợi là nó cho phép đơn giản và dễ sửa đổi trong miêu tả của cơ học lượng tử.
Điện động lực học lượng tử
Trong vật lý hiện đại, trường điện từ được hiểu không phải là trường cổ điển, mà là trường lượng tử; đại lượng miêu tả nó trong nghĩa cổ điển là vectơ thực ba thành phần tại mỗi điểm, được thay thế bằng vectơ của ba toán tử lượng tử tại mỗi điển. Lý thuyết mô tả chính xác nhất tương tác điện từ (và những hiện tượng khác) là Điện động lực học lượng tử (QED), và sau đó lý thuyết được kết hợp vào một lý thuyết hoàn thiện hơn là Mô hình chuẩn của vật lý hạt.
Trong QED, độ lớn của tương tác điện từ giữa các hạt điện tích (cũng như các phản hạt) được tính toán sử dụng phương nhiễu loạn; những công thức phức tạp này được thể hiện một cách hình ảnh thông qua biểu đồ Feynman trong đó quá trình tương tác giữa các hạt thông qua sự trao đổi của những photon ảo.
Các tiên đoán của QED phù hợp với thực nghiệm ở độ chính xác rất cao: hiện tại là cỡ 10−12 (và bị giới hạn bởi sai số thực nghiệm). Điện động lực học lượng tử là một trong những lý thuyết vật lý chính xác nhất hiện nay.
Mọi phương trình trong bài viết này là các phương trình cổ điển và ít chính xác hơn khi đề cập đến tính chất lượng tử. Tuy vật, trong phần lớn ứng dụng thường ngày, các phương trình điện từ học cổ điển vẫn cho độ chính xác phù hợp.
Một số ứng dụng
Từ trường Trái Đất
Các nhà khoa học và địa lý cho rằng từ trường Trái Đất là do những dòng đối lưu của lớp chất lỏng nóng chảy bên ngoài lõi Trái Đất. Lý thuyết Dynamo đề xuất những dòng này tương tự như dòng điện, và vì vậy sinh ra từ trường.
Do có mặt từ trường nên mọi kim la bàn đều chỉ về cực Bắc từ Trái Đất, điểm này hiện nay nằm gần với cực Bắc địa lý của Trái Đất. Đây cách định nghĩa truyền thống về cực Bắc của nam châm, mặc dù cũng có những định nghĩa tương đương khác.
Có một vài nhầm lẫn từ cách định nghĩa này, nếu coi Trái Đất như một nam châm khổng lồ, cực Nam của nam châm sẽ nằm gần cực Bắc từ của Trái Đất, và ngược lại. Gọi là cực Bắc từ do sự phân cực của trường tại vị trí địa lý (cực Bắc địa lý). Cực Bắc và cực Nam của một nam châm vĩnh cửu được gọi như thế do các cực có xu hướng tương ứng chỉ về phía bắc và phía nam.
Hình ảnh bên cạnh phác họa các đường sức từ của Trái Đất. Trong mọi vị trí, từ trường có thành phần lên/xuống cùng với thành phần Bắc/Nam thể hiện lớn nhất. (Cũng có thành phần Đông/Tây; các cực từ Trái Đất không trùng với các cực địa lý.) Và từ trường có thể minh họa bằng thanh nam châm lớn chôn sâu dưới lòng đất.
Từ trường Trái Đất có độ lớn thay đổi và vị trí của các cực địa từ cũng thay đổi theo thời gian dài. Hơn nữa, các nhà khoa học đã ghi lại được những lần đảo cực địa từ của Trái Đất. Lần đảo cực từ gần đây nhất cách khoảng 780.000 năm.
Từ trường quay
Từ trường quay là nguyên lý quan trọng trong hoạt động của động cơ điện xoay chiều. Một nam châm vĩnh cửu đặt trong từ trường quay sẽ luôn có xu hướng duy trì sự gióng hàng của nó trong từ trường ngoài.
Bằng cách sử dụng hai cuộn dây đặt vuông góc với nhau và dòng xoay chiều chạy trong chúng lệch pha 90 độ chúng ta có thể tạo ra từ trường quay. Tuy nhiên, trong các hệ thống điện cũng như động cơ người ta thường sử dụng ba cuộn dây bố trí thành hệ sao 120 độ với ba dòng xoay chiều lệch pha nhau.
Để thực hiện chuẩn hóa, các nhà cung cấp điện sử dụng hệ thống điện ba pha với ba dòng điện có độ lớn bằng nhau và mỗi dòng lệch pha 120 độ. Và ba cuộn dây trong cấu hính hệ sao 120 độ sẽ sinh ra từ trường quay. Từ trường quay ba pha được áp dụng phổ biến trong động cơ điện và hệ thống lưới điện.
Bởi vì từ tính của nam châm giảm theo thời gian, động cơ đồng bộ sử dụng dòng một chiều làm quay rotor, và cho phép các motor cảm ứng sử dụng rotor điện (thay cho nam châm vĩnh cửu) tạo ra từ trường quay từ nhiều cuộn dây stator. Trong các cuộn dây của rotor xuất hiện dòng điện Foucault khi có từ trường quay của stator, và những dòng này làm quay rotor bởi lực Lorentz.
Năm 1882, Nikola Tesla phát hiện ra khái niệm từ trường quay. Năm 1885, Galileo Ferraris đã nêu ra khái niệm này một cách độc lập. Năm 1888, Tesla đăng ký cho nghiên cứu của ông. Cũng vào năm 1888, Ferraris công bố nghiên cứu của mình trong tờ Royal Academy of Sciences ở Turin.
Hiệu ứng Hall
Khi áp dụng một từ trường vuông góc lên một bản làm bằng kim loại hay chất bán dẫn hay chất dẫn điện nói chung (thanh Hall) đang có dòng điện chạy qua. Lúc đó ta nhận được hiệu điện thế (hiệu thế Hall) sinh ra tại hai mặt đối diện của thanh Hall. Tỷ số giữa hiệu thế Hall và dòng điện chạy qua thanh Hall gọi là điện trở Hall, đặc trưng cho vật liệu làm nên thanh Hall. Hiệu ứng này gọi là hiệu ứng Hall.
Hiệu ứng Hall thường dùng để đo độ lớn của từ trường cũng như để xác định dấu của dòng điện tích trong vật liệu như bán dẫn (electron âm hay lỗ dương).
Ghi chú |
Cường độ điện trường tại một điểm là một đại lượng vectơ, đặc trưng cho điện trường ở điểm đang xét về mặt tác dụng lực và kí hiệu là .
Định nghĩa
Giả sử ta đặt một điện tích tại một điểm nào đó trong điện trường, điện tích này phải có giá trị đủ nhỏ để nó không làm thay đổi điện trường mà ta đang xét (gọi là điện tích thử). Như vậy, điện tích sẽ bị điện trường tác dụng một lực . Thực nghiệm chứng tỏ tỉ số không phụ thuộc vào điện tích mà chỉ phụ thuộc vị trí của điểm , nghĩa là, tại mỗi điểm xác định trong điện trường, tỉ số:
(*)
Độ lớn của , kí hiệu , cũng gọi là cường độ điện trường.
Từ biểu thức (*) ta thấy nếu chọn thì nghĩa là:
"Véctơ cường độ điện trường tại một điểm là một đại lượng có trị vectơ bằng lực tác dụng của điện trường lên một đơn vị điện tích dương đặt tại điểm đó."
Trong hệ SI, đơn vị cường độ điện trường là .
Vectơ cường độ điện trường gây bởi một điện tích điểm
Dựa vào định nghĩa trên, ta xác định được vectơ cường độ điện trường gây bởi điện tích điểm tại điểm :
(**)
Từ (**) ta nhận thấy:
Nếu là điện tích dương, thì cường độ điện trường do nó gây ra sẽ cùng hướng với bán kính (hình a) nghĩa là hướng ra xa điện tích .
Nếu là điện tích âm, thì cường độ điện trường do nó gây ra sẽ ngược hướng với bán kính (hình b) nghĩa là hướng về phía điện tích .
Trong cả hai trường hợp trên, cường độ điện trường tại đều có dạng:
Vectơ cường độ điện trường gây bởi 1 hệ vật mang điện
Xét một hệ điện tích điểm ,,..., được phân bố không liên tục trong không gian. Để xác định vectơ cường độ điện trường tổng hợp tại một điểm nào đó trong điện trường của hệ điện tích điểm đó, ta tưởng tượng đặt tại một điện tích . Theo đó, lực tổng hợp tác dụng lên bằng:
Trong đó là lực tác dụng của lên .
Như vậy, vectơ cường độ điện trường tổng hợp tại bằng:
Nhưng chính là vectơ cường độ điện trường do điện tích gây ra tại nên:
Từ công thức trên, ta có thể phát biểu:
Vectơ cường độ điện trường gây bởi một hệ điện tích điểm bằng tổng các vectơ cường độ điện trường gây ra bởi từng điện tích điểm của hệ.
Đó chính là phát biểu của Nguyên lý chồng chất điện trường. |
Chao hay đậu phụ nhự (tiếng Trung Quốc: 豆腐乳 - đậu hũ nhũ), là một loại đậu phụ lên men, một món ăn của ẩm thực Quảng Đông (Trung Quốc) và Việt Nam. Ở Việt Nam, chao phổ biến hơn ở miền Trung và miền Nam. Nhiều người cảm thấy sản phẩm này có vị thơm ngon, béo ngậy, đặc trưng, kích thích ăn ngon miệng. Nó còn được nhắc đến là "phô mai châu Á" vì nó có lớp mốc bên ngoài béo như phô mai Roquefort hay Camembert.
Cách dùng
Chao thường được dùng trong các món ăn chay. Tuy nhiên, ít người biết chao còn được dùng nhiều trong việc ướp thịt, cá, tôm mực, các món xào như khổ qua xào trứng, mướp xào thịt bằm... nhờ hàm lượng muối có sẵn trong lúc lên men và tác dụng kích thích ăn ngon.
Các món mặn dùng chao làm gia vị ướp thay cho nước tương, nước mắm làm hương vị món mặn phong phú hơn, kích thích vị giác ăn ngon miệng đồng thời hàm lượng dinh dưỡng cao hơn và cung cấp nhiều protein hơn so với nước tương, nước mắm.
Sản xuất
Quá trình lên men chao được tiến hành bằng cách dùng các miếng đậu hũ đã ráo nước, tiến hành cấy bào tử của các loại nấm mốc như Actinomucor elegans, Mucor sufu, Mucor rouxanus, Mucor wutuongkiao, Mucor racemosus, hay Rhizopus spp.. Các loại mốc trên được biết với tên "mốc đậu hũ" (霉豆腐).
Trong cách sản xuất chao truyền thống, đậu hũ được cắt thành từng miếng cỡ 20 × 20 × 20 mm, làm ráo nước, rồi ủ cho lên men tự nhiên, sau đó cho thêm gia vị vào. Trong giai đoạn nuôi mốc, có xuất hiện nhiều loại mốc, phổ biến là các loại mốc có màu trắng, màu vàng nâu, màu đen. Mốc có màu đen được loại bỏ trước khi thực hiện quá trình ủ chao. Gia vị thêm vào chao có thể là muối bột hoặc nước muối, ớt.
Sản xuất chao theo phương pháp công nghiệp đã và đang được thực hiện ở Khoa Sinh, Đại học Khoa học Tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh. Một số nước như Trung Quốc đã sản xuất đậu phụ nhự trên quy mô công nghiệp, tạo ra những màu sắc đặc trưng phù hợp với thị hiếu. |
Lịch thiên văn là một bảng cho biết vị trí các thiên thể trên bầu trời theo thời gian. Các thiên thể có thể gồm Mặt Trời, Mặt Trăng, các hành tinh và các vệ tinh tự nhiên của chúng. Vị trí có thể được cho theo hệ tọa độ Đề các như trong hệ tọa độ hoàng đạo hay theo xích kinh độ và xích vĩ độ trong hệ tọa độ xích đạo.
Năm 1554, Johannes Stadius xuất bản quyển Ephemerides novae at auctae với ý định ghi lại chính xác vị trí của các hành tinh. Nỗ lực này không hoàn toàn thành công, chứa nhiều lỗi tuần hoàn, đặc biệt là việc xác định vị trí Sao Thủy sai đến cỡ chục độ.
Ngày nay, các lịch thiên văn có thể được tính tự động từ các phần mềm thiên văn chuyên dụng với độ chính xác cao trong quá khứ và độ chính xác chấp nhận được cho đa số bài toán trong tương lai gần. Độ chính xác trong tương lai phụ thuộc vào độ chính xác của tính toán cơ học thiên thể. Các yếu tố ngẫu nhiên có thể ảnh hưởng là sự nhiễu loạn hấp dẫn lên chuyển động của các hành tinh bởi các tiểu hành tinh; đa số các tiểu hành tinh có khối lượng chưa được biết chính xác, do đó các hiệu ứng hấp dẫn do chúng gây ra khó ước đoán trước.
Lịch thiên văn cho các thiên thể trong hệ Mặt Trời quan trọng cho nhiều quan sát thiên văn có liên quan đến các thiên thể này và cho tính toán quỹ đạo của tàu vũ trụ. Ngoài các quan sát thiên văn trực tiếp với Mặt Trời, Mặt Trăng và các thiên thể, hầu hết các quan sát thiên văn khác đều phải tính đến chuyển động của các thiên thể trong hệ Mặt Trời, vì chúng có ảnh hưởng quan trọng nếu đi vào tầm quan sát.
Các lịch thiên văn cũng có thể chứa nhiều thông tin có thể có ích khác cho quan sát, như lịch nhật thực và nguyệt thực, các pha của Mặt Trăng, vị trí các thiên thể nhỏ bé. Đặc biệt, các phần mềm có công cụ chuyển đổi hệ quy chiếu. |
Trong thiên văn học, một kỷ nguyên là một khoảng thời gian, dùng như là một điểm tham chiếu cho một số lượng các sự kiện thiên văn có thời gian khác nhau, như các tọa độ thiên văn, hay tham số quỹ đạo elíp của một thiên thể, khi những thành phần này (thông thường) gặp phải nhiễu loạn và thay đổi theo thời gian.
Năm Julius và J2000
J2000.0 (hay J2000) là một thời điểm thường dùng để lấy mốc cho việc tính thời gian trong thiên văn học.
Nó là ngày Julius 2451545.0 TT, hay vào 12 giờ trưa TT ngày 1 tháng 1 năm 2000. Nó tương đương với 11:59:27.816 TAI ngày 1 tháng 1 năm 2000 và cũng là 11:58:55.816 UTC ngày 1 tháng 1 năm 2000.
Vị trí của sao trên bầu trời, theo hệ tọa độ xích đạo thay đổi chậm do hiện tượng tuế sai của trục quay Trái Đất. Việc định vị các thiên thể, vốn dựa vào nền sao, đều cần được ghi rõ là dựa vào vị trí sao của thời điểm nào. Trong quá khứ, các nhà thiên văn đã dùng thời điểm B1950.0 trước khi dùng J2000.0.
Thời điểm J2000 cho phép xác định xích đạo và phương xuân phân trung bình tương ứng với thời điểm này. Hệ tọa độ gắn với xích đạo và phương xuân phân này được gọi là hệ tọa độ J2000. Tên của hệ tọa độ này hiện nay được gọi chính xác hơn là Hệ quy chiếu Thiên văn Quốc tế (ICRS). Trong hệ này, xích đạo và phương xuân phân được tính trung bình do hiện tượng chương động hay các nhiễu loạn bậc cao được làm trung bình hay bỏ qua. Điều này khiến cực Trái Đất tại thời điểm J2000.0 (giá trị đo đạc tại đúng thời điểm này) không thực sự trùng với cực của hệ tọa độ J2000 (giá trị tính toán trung bình).
Chữ "J" muốn chỉ rằng đây là thời điểm Julius, không phải thời điểm Bessel.
Chú thích |
Xin lưu ý, cạo gió không được Y học (Tây y và Đông y) công nhận là một phương pháp trị bệnh. Cạo gió có thể nguy hiểm đến tính mạng, nhất là đối với trẻ em.
Cạo gió, đánh cảm là một hình thức chữa bệnh, thường là chữa cảm được dùng phổ biến trong dân gian. Tại Việt Nam có quan niệm dân gian về trúng gió - được hiểu là bị "gió" (hay "gió độc") nhập vào cơ thể, gây ra một hoặc nhiều triệu chứng như mỏi mệt, sốt, nhức đầu, buồn nôn, nôn, đau bụng, nhức mỏi tay chân.... Theo quan niệm này, mục đích cạo gió là nhằm làm cho gió độc thoát ra khỏi cơ thể.
Cạo gió, đánh cảm bao gồm hàng loạt những tác động vật lý tích cực từ những dụng cụ chuyên dụng (như bàn cạo gió, dây chuyền hoặc bạc nguyên chất, trứng gà…), hay hỗn hợp các nguyên liệu tự nhiên như lá trầu không, tỏi, gừng, rượu… trên những bộ phận đặc định của cơ thể. Nhờ việc đánh, cạo theo kinh mạch tạo thành các điểm, nốt tụ máu hoặc xuất huyết trên da, từ đó giúp cải thiện tuần hoàn máu cục bộ, trừ bỏ khí độc, hoạt huyết tán ứ, làm đầu óc đỡ mệt mỏi, thanh nhiệt giải độc…
Mô tả
Các vị trí thường được cạo gió là lưng, ngực, gáy, bụng, cánh tay, cẳng tay. Ngoài ra, người ta còn "giật gió" ở những nơi không cạo gió được như trán, cổ.
Để cạo gió, người ta chọn nơi ấm áp, không bị gió thổi trực tiếp (thường là trong phòng kín). Bộc lộ vùng cơ thể cần cạo, bôi dầu gió lên vị trí sắp cạo, rồi dùng dụng cụ cạo, thường là đồng tiền kim loại, thìa, cốc, chén. Nếu cạo ở lưng, người ta hay cạo theo hình "xương cá" song song với các xương sườn, hoặc cạo dọc hai đường hai bên lưng. Tuyệt đối không cạo giữa cột sống. Cạo đến khi vùng da được cạo trở nên đỏ thì chuyển sang cạo đường khác.
Cạo xong, người bệnh cần mặc đồ kín, ấm, nghỉ ngơi, tránh ra gió. Thường thì người bị trúng gió hay ăn cháo nóng, dùng nhiều vị cay như tiêu, hành để tiết nhiều mồ hôi.
Đôi khi người ta còn kết hợp với giác hơi, cắt lễ, xông, xông hơi.
Thông thường thì người ta cảm thấy nhẹ nhõm hơn, các triệu chứng mệt mỏi cũng giảm sau khi cạo gió. Có những người nghiện cạo gió, họ tự cạo hoặc nhờ người khác cạo giúp nhiều lần trong tuần, thậm chí mỗi ngày.
Ý kiến của giới y học
Theo Bộ môn Y học cổ truyền của Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh thì cạo gió không được công nhận là một phương pháp trị bệnh trong Đông y.
Theo Tây y, cạo gió là một hoạt động lạc hậu, nên hạn chế và tiến tới bãi bỏ. Lý do là cạo gió làm vỡ các mao mạch dưới da, gây xuất huyết, và đó cũng là lý do của màu đỏ da sau cạo gió. Cạo gió ở trẻ em càng không nên, nó gây đau đớn và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng vì có thể gây xuất huyết trầm trọng nếu em đó bị sốt xuất huyết (với những triệu chứng ban đầu như sốt, nhức đầu, mệt mỏi,...) |
Ở Việt Nam, tồn tại một quan niệm dân gian gọi là trúng gió, hay cảm, cảm gió, trúng phong được hiểu như là bị "gió" (hay "gió độc") nhập vào cơ thể, gây ra một hoặc nhiều triệu chứng như mỏi mệt, sốt, nhức đầu, buồn nôn, nôn, đau bụng, nhức mỏi tay chân v.v. Trong quan niệm dân gian, chỉ có bạc mới trị được gió.
Theo quan điểm y học hiện đại, các triệu chứng trên có thể tương ứng với nhiều bệnh, thường gặp nhất là nhiễm siêu vi (cúm, sốt xuất huyết), nhiễm trùng, ngộ độc v.v. Có khi những bệnh trầm trọng hơn, như tai biến mạch máu não, cũng bị xem là trúng gió dẫn đến điều trị không thích hợp và kịp thời.
Chữ "phong" còn được dùng trong nhiều tên gọi bệnh như thống phong (bệnh Gout), phong sang hay phong ngứa (dị ứng), phong đòn gánh (uốn ván), phong cùi, phong thấp (đổ mồ hôi tay chân nhiều)... |
Độ nhớt của một chất lưu là thông số đại diện cho ma sát trong của dòng chảy. Khi các dòng chất lưu sát kề có tốc độ chuyển động khác nhau, ngoài sự va đập giữa các phần tử vật chất còn có sự trao đổi xung lượng giữa chúng. Những phần tử trong dòng chảy có tốc độ cao sẽ làm tăng động năng của dòng có tốc độ chậm và ngược lại phần tử vật chất từ các dòng chảy chậm sẽ làm kìm hãm chuyển động của dòng chảy nhanh. Kết quả là giữa các lớp này xuất hiện một ứng suất tiếp tuyến gây nên ma sát (lực ma sát trong).
Định luật Newton
Xem xét hiện tượng gió thổi trên bề mặt nước, gió sẽ tác động lên bề mặt nước một lực nhất định và làm bề mặt nước chuyển động với vận tốc cố định . Dưới tác dụng của độ nhớt, lớp liền kề phía dưới sẽ bị kéo theo chuyển động của lớp trên.
Theo định luật Newton cho chất lưu, với những dòng chảy tầng (có thể được hình dung như những lớp dòng chảy song song với nhau), ứng suất tiếp tuyến giữa những lớp này tỷ lệ tuyến tính với gradient của thành phần vận tốc có hướng vuông góc với các lớp đó.
.
theo như công thức trên, hằng số được gọi là độ nhớt động lực học hay còn gọi là độ nhớt tuyệt đối (đơn vị kg m−1s−1 hay Pa.s).
Đối với dòng chảy tầng có độ nhớt động lực học , ma sát trong được xác định theo định luật Niu-tơn như sau:
trong đó v - là vận tốc tại điểm đang xét, n - tọa độ theo phương vuông góc với các lớp chất lỏng.
Ngoài độ nhớt động lực học, khi nghiên cứu chuyển động của chất lưu, để kể đến ảnh hưởng của lực quán tính , mà thực chất là khối lượng riêng , người ta còn đưa ra một đại lượng quan trọng khác là độ nhớt động học , có đơn vị là m²/s.
. |
Polymer là khái niệm được dùng cho các hợp chất cao phân tử (hợp chất có khối lượng phân tử lớn và trong cấu trúc của chúng có sự lặp đi lặp lại nhiều lần những mắt xích cơ bản). Các phân tử tương tự nhưng có khối lượng thấp hơn được gọi là các oligomer.
Tên gọi polymer xuất phát từ tiếng Hy Lạp, πoλvς, polus, 'nhiều' và μερος, meros, 'phần', nghĩa là các phân tử lớn được tạo thành từ sự lặp lại của nhiều phân tử con. Các đơn vị tạo ra polymer có nguồn gốc từ các phân tử (thực hoặc ảo) có khối lượng phân tử tương đối thấp. Thuật ngữ này được Jöns Jacob Berzelius đặt ra vào năm 1833, mặc dù ông có một định nghĩa khác biệt với các định nghĩa IUPAC hiện đại. Các khái niệm hiện đại của polymer như là cấu trúc phân tử đồng hóa trị ngoại quan đã được Hermann Staudinger đề xuất vào năm 1920. Ông là người đã trải qua thập kỷ tiếp theo tìm kiếm bằng chứng thực nghiệm cho giả thuyết này.
Polymer được sử dụng phổ biến trong thực tế với tên gọi là nhựa, nhưng polymer bao gồm 2 lớp chính là polymer thiên nhiên và polymer nhân tạo. Các polymer hữu cơ như protein (ví dụ như tóc, da, và một phần của xương) và acid nucleic đóng vai trò chủ yếu trong quá trình tổng hợp polymer hữu cơ. Có rất nhiều dạng polymer thiên nhiên tồn tại chẳng hạn cellulose (thành phần chính của gỗ và giấy). |
Trong đại số trừu tượng, nhóm hữu hạn là nhóm có tập của nó có hữu hạn số phần tử. Nhóm hữu hạn thường xuất hiện khi xét đối xứng của các đối tượng toán học hay vật lý, nhất là khi các đối tượng có hữu hạn số biển đổi bảo toàn cấu trúc của nó. Các ví dụ quan trọng của nhóm hữu hạn bao gồm nhóm cyclic và nhóm hoán vị.
Nghiên cứu các nhóm hữu hạn đã trở thành chủ đề quan trọng trong lý thuyết nhóm kể từ lần đầu nó xuất hiện trong thế kỷ 19. Một mảng được nghiên cứu nhiều trong đó là phân loại: Phân loại nhóm đơn hữu hạn (là các nhóm không có nhóm con chuẩn tắc không tầm thường nào) đã được hoàn thành vào năm 2004.
Lịch sử
Trong thế kỷ 20, các nhà toán học đã nghiên cứu kỹ một số tính chất của lý thuyết các nhóm hữu hạn, đặt biệt là trong lý thuyết địa phương của các nhóm hữu hạn và lý thuyết của các nhóm giải được và nhóm luỹ linh. Nhờ đó, ta mới hoàn thiện phân loại nhóm đơn hữu hạn, nghĩa là mọi nhóm đơn hữu hạn mà các nhóm hữu hạn có thể xây lên đều đã được biết.
Vào nửa sau của thế kỷ 20, các nhà toán học như Chevalley và Steinberg tăng sự hiểu biết của ta về các tương tự hữu hạn của nhóm cổ điển, và các nhóm có liên hệ. Một ví dụ về họ các nhóm đó là họ các nhóm tuyến tính tổng quát trên các trường hữu hạn.
Nhóm hữu hạn hay xuất hiện khi xét các đối xứng của đối tượng toán học hay vật lý, và khi các đối tượng đó có hữu hạn số các biến đổi bảo toàn cấu trúc. Lý thuyết các nhóm Lie thường được xem là xét cho các "đối xứng liên tục", bị ảnh hưởng nhiều từ các nhóm Weyl. Đây là các nhóm hữu hạn được sinh từ các phản xạ tác động trên không gian Euclid. Tính chất của các nhóm này đóng vai trò quan trọng trong vật lý lý thuyết và hoá học.
Các ví dụ
Nhóm hoán vị
Nhóm đối xứng Sn trên tập hữu hạn chứa n dấu là nhóm trong đó các phần tử là hoán vị của n dấu đó và phép toán nhóm là phép hợp hai hoán vị đó, mỗi phần tử đều có thể được coi là song ánh từ tập các dấu tới chính tập đó. Bởi n! là số hoán vị của một tập có n dấu, nên cấp (số phần tử) của nhóm đối xứng Sn là n!.
Nhóm cyclic
Nhóm cyclic Zn là nhóm mà tất cả các phần tử đều là luỹ thừa của phần tử a nào đó, trong đó là phần tử đơn vị. Một ví dụ thường thấy của nhóm này là trong căn đơn vị thứ .
Nhóm abel hữu hạn
Nhóm Abel, hay còn gọi là nhóm giao hoán, là nhóm mà khi khi kết quả của phép toán của hai phần tử trong nhóm không phụ thuộc vào thứ tự của nó (tiên đề giao hoán). Nhóm abel được đặt tên theo nhà toán học Niels Henrik Abel.
Nhóm abel hữu hạn tuỳ ý đằng cấu với tổng trực tiếp của các nhóm cyclic có cấp là số nguyên tố, và các cấp này đều xác định được độc nhất, tạo thành hệ thống các bất biến. Nhóm tự đẳng cấu của nhóm abel hữu hạn có thể được mô tả trực tiếp bằng các bất biến này. Lý thuyết này được lần đầu phát triển trong bài viết năm 1879 của Georg Frobenius và Ludwig Stickelberger. Sau đó phát biểu này được giản hoá đi và tổng quát hoá sang cho các module hữu hạn sinh trên miền ideal chính, đóng vai trò quan trọng trong đại số tuyến tính.
Nhóm dưới dạng Lie
Nhóm dạng Lie là các nhóm có liên hệ gần với nhóm G(k) của các điểm hữu tỉ của nhóm tuyến tính tổng quát G cùng với trường k. Nhóm hữu hạn dạng Lie là một phần của các nhóm đơn hữu hạn không giao hoán. Các trường hợp đặc biệt bao gồm các nhóm cổ điển, nhóm Chevalley, nhóm Steinberg và nhóm Suzuki-Ree.
Các định lý chính
Định lý Lagrange
Cho bất kỳ nhóm hữu hạn G, cấp (số phần tử) của bất kỳ nhóm con H của G là ước của cấp của G. Định lý được đặt tên theo nhà toán học Joseph-Louis Lagrange.
Các định lý Sylow
Cho phép xét ngược lại một chút với định lý Lagrange, bằng việc đưa ra có bao nhiêu nhóm con có cấp n nằm trong G.
Định lý Cayley
Định lý Cayley, được đặt tên để vinh danh nhà toán học Arthur Cayley, phát biểu rằng mọi nhóm G đều đẳng cấu với một nhóm con của nhóm đối xứng tác động trên G. Ta cũng có thể hiểu đây là Tác động nhóm của G trên các phần tử của G.
Định lý Burnside
Định lý Burnside trong lý thuyết nhóm phát biểu rằng nếu G là nhóm hữu hạn có cấp pq, trong đó p và q là hai số nguyên tố, và a và b là số nguyên không âm thì G giải được. Do đó, mọi nhóm đơn hữu hạn không giao hoán đều có chia hết bởi ít nhất ba số nguyên tố phân biệt.
Định lý Feit–Thompson
Định lý Feit–Thompson, hay định lý cấp lẻ, phát biểu rằng mọi nhóm có cấp lẻ đều giải được. Định lý này được chứng minh bởi
Phân loại các nhóm đơn hữu hạn
Phân loại nhóm đơn hữu hạn là định lý phát biểu rằng các finite simple group thuộc một trong các họ sau:
Nhóm cyclic có cấp nguyên tố;
Nhóm thay phiên với bậc lớn hơn hoặc bằng 5;
Nhóm đơn dạng Lie;
Một trong 26 nhóm đơn sporadic;
Nhóm Tits (đôi khi được coi là nhóm sporadic thứ 27).
Các nhóm đơn hữu hạn được xem là các khối xây của các nhóm, tương tự như cách các số nguyên tố là khối xây của các số tự nhiên. Định lý Jordan–Hölder nói rõ hơn về điều này. Tuy nhiên, một số khác biệt lớn so với phân tích nguyên tố là các "khối xây" đó không nhất thiết định nghĩa duy nhất một nhóm, bởi có thể có nhiều nhóm không đẳng cấu với nhau nhưng lại có chung chuỗi hợp thành hay nói cách khác, bài toán mở rộng nhóm không có duy nhất một lời giải.
Bài chứng minh bao gồm hàng nghìn bài viết trong hàng trăm tạp chí khoa học và được viết bởi 100 tác giả, được xuất bản chủ yếu giữa 1955 và 2004. Hiện Gorenstein (d.1992), Lyons, và Solomon đang xuất bản dần các bài chứng minh đơn giản hơn và được sửa lại.
Số các nhóm với cấp cho trước
Cho số tự nhiên n, ta không thể dễ dàng đếm được có bao nhiêu loại đẳng cấu của nhóm có cấp n. Mọi nhóm có cấp nguyên tố thì đều là nhóm cyclic, bởi theo định lý Lagrange, bất cứ nhóm con cyclic sinh bởi một phần tử không tầm thường sẽ là toàn bộ nhóm đó.
Nếu n là bình phương của số nguyên tố, thì có hai loại đẳng cấu của nhóm có cấp n, cả hai đều giao hoán. Nếu n là luỹ thừa cao hơn của số nguyên tố, thì các kết quả của Graham Higman và Charles Sims sẽ đưa ước lượng chính xác về số các loại đẳng cấu của nhóm có cấp n, và giá trị này tăng rất nhanh khi luỹ thừa tăng dần.
Dựa trên phân tích thừa số nguyên tố n, ta có thể đặt một số giới hạn cho cấu trúc của các nhóm có cấp n, một trong trong những kết quả nói đến đó là các định lý Sylow. Lấy ví dụ, mọi nhóm có cấp pq là nhóm cyclic khi là số nguyên tố và không chia hết cho q. Đối với điều kiện cần và đủ, xem số cyclic.
Xét số tự nhiên n, hầu như mọi nhóm có cấp n đều giải được. Bài toán chứng minh cho một cấp bất kỳ không phải bài toán khó (ví dụ như, khi xê xích đẳng cấu, sẽ có một nhóm không giải được và 12 nhóm giải được có cùng cấp 60) nhưng để chứng minh nó đúng với mọi cấp yêu cầu ta phải dùng phân loại nhóm đơn hữu hạn. Cho bất kỳ số nguyên dương n, có tối đa hai nhóm đơn cấp n, và có vô số số nguyên dương n sao cho có hai nhóm đơn không đẳng cấu với nhau và cùng cấp n.
Bảng các nhóm phân biệt có cùng cấp n |
Bài này nói về phần tử đơn vị trong toán học, xem thêm nghĩa khác ở phần tử đơn vị (định hướng).
Trong toán học, phần tử đơn vị (hay còn gọi là phần tử trung hòa) là một phần tử đặc biệt của một tập hợp khi nói đến phép toán hai ngôi trên tập hợp đó. Nó không làm thay đổi phần tử còn lại khi thực hiện phép toán với phần tử đó. Khái niệm này được dùng trong các cấu trúc đại số như nhóm, vành.
Thuật ngữ phần tử đơn vị có thể được gọi ngắn gọn là đơn vị nếu không thể bị nhầm được.
Định nghĩa
Cho (S, *) là một tập S cùng với phép toán hai ngôi * trên nó, phần tử được gọi là
Đơn vị trái nếu
Đơn vị phải nếu
Đơn vị hai phía (hoặc đơn giản là đơn vị), nếu e vừa là đơn vị trái vừa là đơn vị phải.
Ví dụ
Như trong ví dụ dưới cùng, (S,*) có thể có nhiều hơn một đơn vị trái. Tương tự, có thể có nhiều đơn vị phải. Nhưng nếu có một đơn vị trái và một đơn vị phải thì chúng bằng nhau và chỉ có đúng một đơn vị hai phía.
Thật vậy, nếu l là một đơn vị trái và r là một đơn vị phải thì
l = l * r = r. Vậy, không bao giờ có nhiều hơn một đơn vị hai phía. |
Nguyên thủ quốc gia là người đứng đầu một quốc gia.
Trong một số quốc gia, nguyên thủ kiêm trách nhiệm đứng đầu cơ quan hành pháp. Tuy nhiên, hiện nay ngoài một vài nguyên thủ quốc gia như Tổng thống Hoa Kỳ, Tổng thống Indonesia,… cũng là người đứng đầu chính phủ, hầu hết các nguyên thủ quốc gia khác chỉ giữ một chức vụ danh dự với những quyền lực hạn chế như đại diện quốc gia trong các nghi lễ quan trọng, phong thưởng các tước hàm cao cấp, ký các sắc lệnh và tuyên bố tình trạng chiến tranh.
Một số danh xưng Việt dùng để chỉ vị trí Nguyên thủ quốc gia
Ngoài ra còn một số danh xưng nguyên thủ được xem là tương đương với danh hiệu Hoàng đế, như:
Sultan = Vua Thổ Nhĩ Kỳ, vua ở một số nước Hồi giáo;
Emir = Tiểu vương (Hồi giáo);
Shah = Vua Ba Tư;
Padishah = Vua Ba Tư, vua Thổ Nhĩ Kỳ;
Kaiser = Danh hiệu của các Hoàng đế La Mã Thần thánh, cũng như các Hoàng đế Áo và Hoàng đế Đức sau này;
Và 2 danh hiệu dành cho 2 nhà độc tài ở châu Âu:
Führer = (chỉ dùng cho Hitler);
Duce (chỉ dùng cho Mussolini);
Các vị nguyên thủ trên thế giới
Để tra cứu nhanh các vị nguyên thủ đương nhiệm, xin xem Danh sách lãnh tụ quốc gia.
Để tra cứu về các vị cựu nguyên thủ, xin xem danh sách theo từng nước, thí dụ:
Anh: Quân chủ Anh
Ấn Độ: Tổng thống Ấn Độ
Campuchia: Quốc vương Campuchia
Canada: Toàn quyền Canada
Đức: Tổng thống Đức
Hàn Quốc: Tổng thống Hàn Quốc
Việt Nam: Chủ tịch Việt Nam
Hoa Kỳ: Tổng thống Hoa Kỳ
Nga: Tổng thống Nga
Nhật Bản: Thiên hoàng Nhật Bản
Pháp: Tổng thống Pháp
Úc: Toàn quyền Úc
Chú thích
Chế độ quân chủ
Chức vụ có thẩm quyền
Tổ chức chính quyền |
JPEG (tiếng Anh, viết tắt cho Joint Photographic Experts Group) là một trong những phương pháp nén ảnh hiệu quả, có tỷ lệ nén ảnh tới vài chục lần. Tuy nhiên ảnh sau khi giải nén sẽ khác với ảnh ban đầu. Chất lượng ảnh bị suy giảm sau khi giải nén. Sự suy giảm này tăng dần theo hệ số nén. Tuy nhiên sự mất mát thông tin này là có thể chấp nhận được và việc loại bỏ những thông tin không cần thiết được dựa trên những nghiên cứu về hệ nhãn thị của mắt người.
Phần mở rộng của các file JPEG thường có dạng.jpeg,.jfif,.jpg,.JPG, hay.JPE; dạng.jpg là dạng được dùng phổ biến nhất. Hiện nay dạng nén ảnh JPEG rất được phổ biến trong Điện thoại di động cũng như những trang thiết bị lưu giữ có dung lượng nhỏ.
Mức độ nhạy cảm của mắt người
Trong không gian màu YUV, nhãn thị của con người rất nhạy cảm với thành phần Y và kém nhạy cảm với hai loại U và V. Phương pháp nén JPEG đã nắm bắt phát hiện này để tách những thông tin thừa của ảnh. Hệ thống nén thành phần Y của ảnh với mức độ suy giảm ít hơn so với U, V, bởi người ta ít nhận thấy sự thay đổi của U và V so với Y.
Mã hóa
Công đoạn chính là chia nhỏ bức ảnh thành nhiều vùng nhỏ (thông thường là những vùng 8x8 pixel) rồi sử dụng biến đổi cosin rời rạc để biến đổi những vùng thể hiện này thành dạng ma trận có 64 hệ số thể hiện "thực trạng" các pixel. Điều quan trọng là ở đây hệ số đầu tiên có khả năng thể hiện "thực trạng" cao nhất, khả năng đó giảm rất nhanh với các hệ số khác. Nói cách khác thì lượng thông tin của 64 pixels tập trung chủ yếu ở một số hệ số ma trận theo biến đổi trên. Trong giai đoạn này có sự mất mát thông tin, bởi không có biến đổi ngược chính xác. Nhưng lượng thông tin bị mất này chưa đáng kể so với giai đoạn tiếp theo. Ma trận nhận được sau biến đổi cosin rời rạc được lược bớt sự khác nhau giữa các hệ số. Đây chính là lúc mất nhiều thông tin vì người ta sẽ vứt bỏ những thay đổi nhỏ của các hệ số. Như thế khi bung ảnh đã nén ta sẽ có được những tham số khác của các pixel. Các biến đổi trên áp dụng cho thành phần U và V của ảnh với mức độ cao hơn so với Y (mất nhiều thông tin của U và V hơn). Sau đó thì áp dụng phương pháp mã hóa của Gernot Hoffman: phân tích dãy số, các phần tử lặp lại nhiều được mã hóa bằng ký hiệu ngắn (marker). Khi bung ảnh người ta chỉ việc làm lại các bước trên theo quá trình ngược lại cùng với các biến đổi ngược.
Có nhiều thư viện miễn phí có khả năng nén và giải nén tệp tin JPEG như IJG và Libjpeg.
Định dạng ảnh JPEG
Một nhóm các nhà nghiên cứu đã phát minh ra định dạng này để hiển thị các hình ảnh đầy đủ màu hơn (full-colour) cho định dạng di động mà kích thước file nhỏ hơn. Giống như GIF, JPEG cũng được sử dụng rất nhiều trên web. Lợi ích chính của chúng là có thể hiển thị các hình ảnh với các màu chính xác (true-colour) chúng có thể lên đến 16 triệu màu. Điều đó cho phép chúng được sử dụng tốt nhất cho các hình ảnh chụp và hình ảnh minh hoạ với lượng màu lớn.
Nhược điểm lớn nhất là chất lượng ảnh đã bị nén mất đi (lossy), một số đường bao giữa các khối màu sẽ xuất hiện điểm mờ, và các vùng sẽ mất đi sự rõ nét. Và giống như dạng mp3, JPEG sẽ không thể phục hồi giống như hình ảnh ban đầu dù dung lượng được tăng lên giống dung lượng ảnh thật.
Các ảnh JPEG không thể làm trong suốt hoặc chuyển động. |
Jacques René Chirac (29 tháng 11 năm 1932 – 26 tháng 9 năm 2019) là một nhà chính trị người Pháp. Ông đã được bầu làm Tổng thống Pháp vào năm 1995 và 2002. Với chức vụ tổng thống Pháp, ông đương nhiên kiêm tước vị Đồng hoàng tử của Andorra và Tổng Chỉ huy Binh đoàn Danh dự (Légion d'honneur, gồm những người được thưởng Huân chương Bắc Đẩu Bội tinh).
Vào năm 1959, sau khi kết thúc học tập tại Học viện Hành chính Quốc gia Pháp, Jacques Chirac bắt đầu sự nghiệp của mình với tư cách là một công chức cấp cao ngành dân chính, và một ít thời gian sau, Jacques Chirac bước vào sự nghiệp chính trị. Sau đó, ông đã giữ nhiều chức vụ quan trọng, như Bộ trưởng bộ Nông nghiệp, Thủ tướng, Thị trưởng Paris và rồi Tổng thống Pháp.
Ông đã bảo vệ nhiều ý tưởng như giảm thuế, cắt bỏ sự quản lý giá cả, đưa ra mức hình phạt thật nặng đối với tội ác cũng như nạn khủng bố, và việc tư nhân hóa lĩnh vực kinh doanh thương mại của đất nước. Ông cũng đã cố gắng bảo vệ những ý tưởng như chính sách kinh tế phải chịu trách nhiệm nhiều hơn nữa về các vấn đề xã hội, và đã được bầu làm tổng thống vào năm 1995 sau khi đã phát động một chiến dịch chính trị nhằm chữa "các vết rạn nứt của xã hội" (fracture sociale). Các chính sách kinh tế của ông đã nhiều lần bao gồm cả chính sách laissez-faire (lit. vô vi, để người dân muốn làm gì thì làm) lẫn chính sách dirigisme (lit. đường lối được chỉ bảo). Nói về các vấn đề liên quan đến cộng đồng Liên minh châu Âu, ông đã chấp nhận từ các quan điểm theo chủ nghĩa hoài nghi liên minh cho đến các quan điểm bảo vệ liên minh.
Vào năm 1956, ông cưới Bernadette Chodron de Courcel và đã có hai người con gái với bà, Laurence và Claude. Claude đã là người phụ trách phần hỗ trợ việc liên hệ với quần chúng của ông từ lâu và cũng là người cố vấn riêng của ông. Jacques Chirac là người theo đạo Thiên Chúa Giáo.
Năm 1979, AIMF (Association Internationale des Maires Francophones: Hiệp hội Quốc tế các thị trưởng nói tiếng Pháp) được thành lập theo sáng kiến của ông (khi đó còn là thị trưởng Paris) và thị trưởng Québec (Canada) là ông Jean Pelletier.
Bernadette và Jacques Chirac cũng đã nhận làm con nuôi một cách không chính thức một người thuyền nhân người Việt vào năm 1979. Cô ta tên là Anh Đào Traxel và lúc đó mới có 21 tuổi. Cô được coi như cô con gái nuôi của gia đình Chirac.
Gia đình
Chirac, sinh tại bệnh viện Geoffroy Saint-Hilaire (Paris Ve), là con trai của Abel François Chirac (1893–1968), một viên chức hành chính thành công trong một công ty máy bay Pháp, và Marie-Louise Valette (1902–1973), một người nội trợ. Các cụ cả họ nội và họ ngoại của ông đều là nông dân, nhưng hai người ông đều là giáo viên tại Sainte-Féréole ở Corrèze. Theo Chirac, tên của ông "xuất phát từ langue d'oc, là những người hát rong, vì thế cũng là thi ca". Ông là một tín đồ Cơ đốc giáo La Mã.
Chirac là con trai duy nhất (chị ông, Jacqueline, mất lúc còn nhỏ khi ông mới ra đời), và ông được giáo dục tại Paris ở Lycée Carnot và Lycée Louis-le-Grand. Sau khi có bằng tú tài, ông làm việc ba tháng như một thủy thủ trên một chiếc tàu chở than.
Chirac chơi rugby union cho đội trẻ của Brive, và cũng chơi cho đội trường đại học. Ông chơi số 8 và ở hàng hai.
Năm 1956, ông cưới Bernadette Chodron de Courcel, và họ có hai con gái: Laurence (sinh 4 tháng 3 năm 1958) và Claude (14 tháng 1 năm 1962). Claude đã làm việc từ lâu như một trợ lý quan hệ công chúng và nhà cố vấn cá nhân, trong khi Laurence, vốn bị bệnh chán ăn từ nhỏ, không tham gia vào các hoạt động chính trị của cha. Chirac là ông của Martin Rey-Chirac theo quan hệ của Claude với vận động viên judo người Pháp Thierry Rey. Jacques và Bernadette Chirac cũng có một con gái nuôi, Anh Đào Traxel.
Khởi đầu sự nghiệp chính trị (1950–1973)
Có cảm hứng từ Tướng Charles de Gaulle, Chirac bắt đầu theo đuổi một sự nghiệp phục vụ dân sự trong thập niên 1950. Trong giai đoạn này, ông gia nhập Đảng Cộng sản Pháp, bán báo L'Humanité, và tham gia vào các cuộc họp của một chi bộ cộng sản. Năm 1950, ông ký Yêu cầu Stockholm có ảnh hưởng của Liên Xô yêu cầu xoá bỏ vũ khí hạt nhân– khiến ông bị chất vấn khi xin visa đầu tiên vào Hoa Kỳ. Năm 1953, sau khi tốt nghiệp "Sciences Po", ông theo học trường mùa hè của Đại học Harvard trước khi vào École Nationale d'Administration (ENA), Grande école nơi dạy các nhân viên dân sự cao cấp nhất của Pháp, năm 1957.
Chirac đã được huấn luyện để trở thành sĩ quan dự bị tại kỵ binh thiết giáp ở Saumur. Sau đó ông tình nguyện tham gia Chiến tranh Algeria, và được gửi tới đó dù những thượng cấp của ông có sự e dè. Họ không muốn ông trở thành một sĩ quan bởi nghi ngại tư tưởng cộng sản của ông.
Sau khi rời ENA năm 1959, ông trở thành một nhân viên dân sự tại toà án Auditors. Tháng 4 năm 1962, Chirac được chỉ định làm lãnh đạo bộ máy nhân viên của Thủ tướng Georges Pompidou. Sự chỉ định này đã khởi đầu sự nghiệp chính trị của Chirac. Pompidou coi Chirac là người được bảo hộ của mình và gọi ông là "chiếc xe ủi của tôi" vì trình độ giải quyết công việc của ông. Tên hiệu "Chiếc xe ủi" đã được sử dụng trong giới chính trị Pháp. Chirac vẫn duy trì danh tiếng này. Năm 1995 một nhà ngoại giao ẩn danh người Anh nói Chirac "bỏ qua các tiểu tiết và đi thẳng tới vấn đề...Nó dễ chịu, dù bạn phải đeo dây an toàn khi làm việc với ông ta". Theo đề nghị của Pompidou, Chirac tranh cử theo phái de Gaulle vào một ghế trong Quốc hội năm 1967. Ông được bầu làm đại diện cho khu vực Corrèze quê hương, một cứ điểm mạnh của cánh tả. Thắng lợi đáng ngạc nhiên trong bối cảnh phe de Gaulle đang mất uy thế cho phép ông được vào chính phủ và trở thành Bộ trưởng các Vấn đề Xã hội. Dù Chirac có vị trí vững chắc trong phái de Gaulle, có quan hệ theo hôn nhân với người bạn duy nhất của vị tướng ở thời điểm Đề nghị ngày 18 tháng 6 năm 1940, thực tế ông là "người phe Pompidou" hơn là một "người phe de Gaulle".
Khi cuộc bất ổn của công nhân và sinh viên là chấn động nước Pháp tháng 5 năm 1968, Chirac đóng vai trò then chốt trong quá trình đàm phán. Sau đó, với tư cách thư ký nhà nước phụ trách kinh tế (1968–1971), ông đã làm việc thân cận với Valéry Giscard d'Estaing, người lãnh đạo bộ kinh tế và tài chính. Sau vài tháng ở bộ quan hệ nghị viện, chức vụ cao cấp đầu tiên của Chirac tới năm 1972 khi ông trở thành Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn dưới quyền Pompidou, được bầu làm tổng thống năm 1969. Chirac nhanh chóng trở nên nổi tiếng như một nhà vô địch của các lợi ích của nông dân Pháp, và lần đầu tiên thu hút sự chú ý quốc tế khi ông tấn công các chính sách nông nghiệp của Hoa Kỳ, Tây Đức, và Hội đồng châu Âu vốn xung đột với các lợi ích của Pháp. Ngày 27 tháng 2 năm 1974, sau cuộc từ chức của Raymond Marcellin, Chirac được chỉ định làm Bộ trưởng Nội vụ. Ngày 21 tháng 3 năm 1974, ông huỷ bỏ dự án SAFARI vì các lo ngại về quyền riêng tư sau khi tờ Le Monde phát hiện ra nó. Từ tháng 3 năm 1974, ông được Tổng thống Pompidou giao phó chỉ huy chiến dịch tranh cử tổng thống dự định diễn ra vào năm 1976. Tuy nhiên, cuộc bầu cử đã diễn ra sớm hơn vì cái chết bất ngờ của Pompidou vào ngày 2 tháng 4.
Chirac đứng sau nỗ lực vô vọng tập hợp những người phái de Gaulle phía sau Thủ tướng Pierre Messmer. Jacques Chaban-Delmas thông báo tư cách ứng cử viên của mình dù có sự bác bỏ của "phải Pompidou". Chirac và những người khác xuất bản kêu gọi của 43 ủng hộ Giscard d'Estaing, lãnh đạo phái không de Gaulle trong nghị viện đa số. Giscard d'Estaing được bầu làm người kế nhiệm Pompidou sau một chiến dịch tranh cử có tính cạnh tranh nhất trong nhiều năm. Đối lại, vị tổng thống mới chọn Chirac lãnh đạo chính phủ.
Thủ tướng, 1974–76
Khi Giscard trở thành tổng thống ông chỉ định Chirac làm Thủ tướng ngày 27 tháng 5 năm 1974 nhằm hoà giải giữa các phái "Giscard" và "không Giscard" trong nghị viện đa số. Ở tuổi 41, Chirac hiện lên như một hình mẫu của jeunes loups ("những con sói trẻ") của đời sống chính trị Pháp, nhưng ông phải đối mặt với sự thù địch của "Những ông trùm phái de Gaulle" những người tiếp tục coi ông là kẻ phản bội vì vai trò của ông trong chiến dịch tranh cử trước đó. Tháng 12 năm 1974, ông đảm nhận chức lãnh đạo Liên minh Dân chủ vì nền Cộng hoà (UDR) chống lại ý chí của các nhân vật cao cấp hơn của nó.
Với tư cách Thủ tướng, Chirac nhanh chóng thuyết phục những người phái de Gaulle rằng, dù có những cuộc cải cách xã hội do Tổng thống Giscard đưa ra, những giáo lý căn bản của chủ nghĩa de Gaulle, như quốc gia và sự độc lập châu Âu, vẫn sẽ được duy trì. Chirac được Pierre Juillet và Marie-France Garaud cố vấn, họ cũng là cựu cố vấn của Pompidou. Hai người tổ chức chiến dịch chống Chaban-Delmas năm 1974. Họ ủng hộ một cuộc xung đột với Giscard d'Estaing bởi họ cho rằng chính sách của ông làm hoang mang các cử tri bảo thủ. Dẫn chứng việc Giscard không muốn trao quyền lực cho mình, Chirac từ chức Thủ tướng năm 1976. Ông tiến hành xây dựng cơ sở chính trị của mình trong những đảng bảo thủ Pháp, với mục tiêu tái lập UDR của phái de Gaulle vào một nhóm tân de Gaulle mới, Tập hợp vì nền Cộng hoà (RPR).
Vụ tranh cãi Osirak
Theo lời mời của Saddam Hussein (khi ấy là phó tổng thống Iraq, nhưng trên thực tế là vị độc tài), Chirac thực hiện một chuyến viếng thăm chính thức tới Baghdad năm 1975. Saddam đã thông qua một thoả thuận cho phép các công ty dầu mỏ Pháp một số ưu tiên cộng với 23% khoản chia từ dầu mỏ Iraq. Như một phần của thoả thuận này, Pháp bán cho Iraq lò phản ứng hạt nhân Osirak MTR, một kiểu được thiết kế để thí nghiệm các vật liệu hạt nhân.
Không quân Israel cho rằng hoạt động sắp tới của lò phản ứng là một mối đe doạ với an ninh của họ, và đã ném bom huỷ diệt lò phản ứng Osirak ngày 7 tháng 6 năm 1981, gây ra sự giận dữ lớn của các quan chức Pháp và Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.
Thoả thuận Osirak một lần nữa gây ra tranh cãi trong giai đoạn 2002–2003, khi Hoa Kỳ quyết định xâm lược Iraq. Pháp, cùng với nhiều quốc gia châu Âu khác, dẫn đầu một nỗ lực ngăn cản cuộc xâm lược đó. Thoả thuận Osirak sau đó được một số cơ quan truyền thông Mỹ sử dụng để chống lại sự phản đối chiến tranh Iraq do Chirac lãnh đạo.
Thị trưởng Paris (1977−1995)
Sau khi rời khỏi nội các, Chirac muốn giữ chức lãnh đạo cánh hữu để giành chức tổng thống. Tập hợp vì nền Cộng hoà được coi là một cơ cấu bầu cử chống lại Tổng thống Giscard d'Estaing. Một cách ngược đời, Chirac được hưởng lợi từ quyết định của Giscard thành lập một văn phòng thị trưởng tại Paris, vốn đã bị đình chỉ từ thời Công xã Paris năm 1871, bởi các lãnh đạo nền Đệ tam Cộng hoà (1871–1940) sợ rằng quyền lãnh đạo Paris sẽ khiến vị thị trưởng có quá nhiều quyền lực. Năm 1977, Chirac trở thành ứng cử viên chống lại Michel d'Ornano, một người bạn thân của tổng thống, và ông đã giành thắng lợi. Với tư cách thị trưởng Paris, ảnh hưởng chính trị của Chirac tăng lên. Ông giữ chức này đến năm 1995.
Những người ủng hộ Chirac chỉ ra rằng, với tư cách thị trưởng, ông đã thực hiện các chương trình giúp đỡ người già, người tàn tật, các bà mẹ độc thân, trong khi vấn khuyến khích các doanh nghiệp ở lại Paris. Những người phản đối ông cho rằng ông đã lập ra các chính sách "nhóm khách hàng", khuyến khích các công trình văn phòng với hậu quả làm thiệt hại đến chương trình nhà ở, khiến giá thuê nhà tăng cao và làm tồi tệ hơn tình hình của công nhân.
Chirac nhiều lần đã bị nêu tên trong các vụ nghi ngờ tham nhũng xảy ra trong nhiệm kỳ thị trưởng của ông, một số vũ đã dẫn tới những cáo buộc nghiêm trọng với một số chính trị gia và trợ lý của ông. Tuy nhiên, một quyết định tư pháp gây tranh cãi năm 1999 đã trao cho Chirac sự miễn tố khi ông đang là Tổng thống Pháp. Ông từ chối chứng nhận những vụ việc đó, cho rằng nó có thể không thích hợp với các chứng năng tổng thống của ông. Những vụ điều tra liên quan tới việc điều hành toà thị sảnh Paris, số lượng nhân viên của nó đã tăng 25% từ năm 1977 tới năm 1995 (với 2000 trong số xấp xỉ 35000 người tới từ vùng Corrèze nơi Chirac giữ ghế đại biểu), cũng như sự thiếu minh bạch liên quan tới các tài khoản bỏ thầu công cộng (marchés publics) hay khoản nợ của chính quyền, đã bị cản trở bởi việc không thể chất vấn ông với tư cách tổng thống. Các điều kiện của việc tư nhân hoá mạng lưới cấp nước Paris, được Générale và Lyonnaise des Eaux mua lại với giá rất rẻ, sau đó được Jérôme Monod, một người bạn thân của Chirac, điều hành cũng bị chỉ trích. Hơn nữa. Tờ báo trào phúng Le Canard enchaîné phát hiện số tiền "chi lương thực" rất cao của thành phố Paris (€15 triệu mỗi năm theo con số của Canard), các khoản chi thuộc quản lý của Roger Romani (người được cho đã tiêu huỷ mọi hồ sơ của giai đoạn 1978–1993 trong những cuộc đốt phá ban đêm giai đoạn 1999–2000). Mỗi năm hàng nghìn người được mời tới các buổi tiếp tân tại toà thị sảnh Paris, trong khi nhiều nhân vật chính trị, truyền thông và nghệ sĩ được ở trong những căn hộ tư thuộc sở hữu của thành phố.
Quyền miễn tố của Chirac chấm dứt khi ông rời nhiệm sở tháng 11 năm 2007, khi một hồ sơ sơ bộ về việc sử dụng sai mục đích quỹ công cộng được đưa ra chống lại ông. Chirac được cho là cựu tổng thống Pháp đầu tiên chính thức bị đặt dưới sự điều tra tội phạm.
Đấu tranh cho quyền lãnh đạo của cánh hữu
Năm 1978, ông tấn công chính sách ủng hộ châu Âu của Valéry Giscard d'Estaing (VGE), và thực hiện một sự quay lại với chủ nghĩa quốc gia với Kêu gọi Cochin tháng 12 năm 1978, do hai cố vấn của ông là Marie-France Garaud và Pierre Juillet đưa ra, nó từng được Pompidou kêu gọi lần đầu tiên. Đang nằm viện tại Cochin sau một vụ đâm xe, ông tuyên bố rằng "như mọi khi về sự nhàm chán của Pháp, đảng ủng hộ nước ngoài hành động với tiếng nói hoà bình và đảm bảo của nó". Thêm nữa, ông chỉ định Ivan Blot, một trí thức sau này sẽ gia nhập, trong một khoảng thời gian, vào Mặt trận Quốc gia, làm giám đốc các chiến dịch tranh cử trong cuộc bầu cử châu Âu năm 1979. Sau những kết quả tồi của cuộc bầu cử, Chirac chia tay với Garaud và Juillet. Tuy nhiên, sự đối đầu đã được công khai với Giscard d'Estaing trở nên căng thẳng hơn. Dù nó thường được các nhà sử học diễn giải như một sự tranh giành giữa hai đối thủ thuộc hai phe của cánh hữu Pháp, những người Bonapart, đại diện bởi Chirac, và những người Orlean, đại diện bởi VGE, cả hai trên thực tế đều là thành viên của phe Tự do, truyền thống của những người Orlean, theo nhà sử học Alain-Gérard Slama. Nhưng sự thải hồi Baron là người phái de Gaull và của Tổng thống VGE đã thuyết phục Chirac lựa chọn một lập trường tân de Gaulle mạnh mẽ.
Chirac lần đầu ra tranh cử tổng thống chống lại Giscard d'Estaing trong cuộc bầu cử năm 1981, vì thế đã chia rẽ lá phiếu của phái trung hữu. Ông bị loại ở vòng một (18%) sau đó, ông đã lưỡng lự trong việc ủng hộ Giscard ở vòng hai. Ông từ chối đưa ra chỉ dẫn cho các cử tri RPR nhưng nói rằng ông ủng hộ tổng thống đương nhiệm "về năng lực cá nhân", trên thực tế có vẻ giống với một sự ủng hộ của ứng cử viên Đảng Xã hội (PS), François Mitterrand, người được bầu với đa số phiếu.
Giscard luôn lên án Chirac vì thất bại của mình. Ông được Mitterrand nói lại, trước khi ông mất, rằng Mitterrand đã ăn tối với Chirac trước cuộc bầu cử. Chirac đã nói với ứng cử viên Xã hội rằng ông muốn "thoát khỏi Giscard". Trong hồi ký của mình, Giscard đã viết rằng giữa hai vòng bầu cử, ông đã gọi điện tới trụ sở RPR. Ông giả giọng là một cử tri của cánh hữu. Nhân viên RPR đã tư vấn cho ông "chắc chắn không bầu cho Giscard!". Sau năm 1981, quan hệ giữa hai người trở nên căng thẳng hơn, với việc Giscard, thậm chí khi ông ở cùng trong liên minh chính phủ với Chirac, đã lợi dụng các cơ hội để chỉ trích các hành động của Chirac.
Sau cuộc bầu cử tổng thống tháng 5 năm 1981, cánh hữu cũng thua trong cuộc bầu cử lập pháp năm đó. Tuy nhiên, bởi Giscard đã thua cuộc, Chirac xuất hiện như lãnh đạo chính của phái cánh hữu. Vì những cuộc tấn công chống lại chính sách của chính phủ Xã hội của ông, ông dần liên kết với tư tưởng kinh tế tự do đang chiếm ưu thế, thậm chí nếu nó không tương thích với học thuyết de Gaulle. Tuy Mặt trận Quốc gia cực hữu phát triển, lợi dụng ưu thế của luật bầu cử đại diện tỷ lệ, ông đã ký một thoả thuận cơ sở về bầu cử với những người phái Giscard (và ít hay nhiều với những người Dân chủ Thiên chúa giáo) đảng Liên minh vì Dân chủ Pháp (UDF).
"Cùng chung sống" lần thứ nhất (1986–1988) và "vượt sa mạc"
Khi liên minh cánh hữu RPR/UDF giành một chiến thắng với đa số sít sao tại Quốc hội trong cuộc bầu cử năm 1986, Mitterrand (PS) đã chỉ định Chirac làm Thủ tướng (dù nhiều người thân cận với Mitterrand đã đề nghị ông lựa chọn Jacques Chaban-Delmas). Thoả thuận chia sẻ quyền lực chưa từng có này, được gọi là cùng chung sống, đã khiến Chirac có vai trò lãnh đạo với các vấn đề trong nước. Tuy nhiên, mọi người nói chung cho rằng Mitterrand đã sử dụng những lĩnh vực dành riêng cho Tổng thống quốc phòng và đối ngoại để làm giảm giá trị của vị Thủ tướng.
Nội các thứ hai của Chirac
(20 tháng 3 năm 1986 – 12 tháng 5 năm 1988)
Jacques Chirac – Thủ tướng
Jean-Bernard Raimond – Bộ trưởng Ngoại giao
André Giraud – Bộ trưởng Quốc phòng
Charles Pasqua – Bộ trưởng Nội vụ
Édouard Balladur – Bộ trưởng Kinh tế, Tài chính và Tư nhân hoá
Alain Madelin – Bộ trưởng Công nghiệp, Du lịch, Bưu chính và Viễn thông
Philippe Séguin – Bộ trưởng Việc làm và các Vấn đề xã hội
Albin Chalandon – Bộ trưởng Tư pháp
René Monory – Bộ trưởng Giáo dục Quốc gia
François Léotard – Bộ trưởng Văn hoá và Truyền thông
François Guillaume – Bộ trưởng Nông nghiệp
Bernard Pons – Bộ trưởng Lãnh thổ và Khu vực Hải ngoại
Pierre Méhaignerie – Bộ trưởng Nhà ở, Trang bị, Kế hoạch Vùng và Vận tải
André Rossinot – Bộ trưởng Quan hệ Nghị viện
Michel Aurillac – Bộ trưởng Hợp tác
Nội các của Chirac đã bán rất nhiều công ty nhà nước, sửa chữa lại chương trình tự do hoá đã được đưa ra từ thời chính phủ Xã hội của Laurent Fabius (1984–1986, đặc biệt với chương trình tư nhân hoá ngành nghe nhìn của Fabius, dẫn tới việc thành lập Canal +), và xoá bỏ thuế đoàn kết trên tài sản (ISF), một loại thuế biểu tượng trên những nguồn tài nguyên rất lớn được chính phủ Mitterrand quyết định. 's government. Ở nơi khác, kế hoạch cải cách trường đại học (kế hoạch Devaquet) đã gây ra một cuộc khủng hoảng năm 1986 khi một thanh niên tên là Malik Oussekine (1964–1986) bị cảnh sát giết hại, dẫn tới những cuộc biểu tình lớn và đề xuất này đã phải rút lại. Trong những cuộc khủng hoảng sinh viên khác đã có dư luận nói rằng sự kiện này ảnh hưởng mạnh tới Jacques Chirac, trong tương lai sẽ trở nên cẩn thận với tình trạng bạo lực cảnh sát trong những cuộc tuần hành như vậy (ví dụ có thể giải thích một phần quyết định "ban hành nhưng không áp dụng" Hợp đồng Lao động Đầu tiên (CPE) sau những cuộc tuần hành lớn của sinh viên chống lại nó).
Một trong những hành động đầu tiên của ông liên quan tới các chính sách đối ngoại là gọi lại Jacques Foccart (1913–1997), người từng là cố vấn hàng đầu của de Gaulle và người kế nhiệm ông về các vấn đề châu Phi, được nhà báo Stephen Smith gọi là "người cha của mọi "mạng lưới" trên lực địa, khi ấy (năm 1986) đã 72 tuổi." Jacques Foccart, người đồng thành lập Service d'Action Civique của de Gaulle (SAC, bị Mitterrand giải tán năm 1982) cùng với Charles Pasqua, và từng là một nhân vật quan trọng của hệ thống "Françafrique", một lần nữa được gọi về Điện Elysée khi Chirac giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1995. Hơn nữa, đương đầu với các phong trào chống chủ nghĩa đế quốc tại New Caledonia, Thủ tướng Chirac đã ra lệnh can thiệp quân sự chống lại những người ly khai tại hang Ouvéa, dẫn tới nhiều cái chết bi thảm. Ông được cho là đã từ chối bất kỳ một liên minh nào với Mặt trận Quốc gia của Jean-Marie Le Pen.
Cuộc bầu cử tổng thống năm 1988 và sau đó
Chirac chạy đua chống lại Mitterrand khi ông này tìm kiếm nhiệm kỳ thứ hai trong cuộc bầu cử năm 1988. Ông giành được 20% phiếu bầu ở vòng một, nhưng thua ở vòng hai với chỉ 46%. Ông từ chức khỏi nội các và cánh hữu thua trong cuộc bầu cử lập pháp tiếp sau.
Lần đầu tiên, vai trò lãnh đạo đảng Tập hợp vì nền Cộng hoà của ông bị thách thức. Charles Pasqua và Philippe Séguin chỉ trích việc ông từ bỏ các học thuyết của de Gaulle. Về phía hữu, một thế hệ chính trị gia mới, "những người cải cách", buộc tội Chirac và Giscard phải chịu trách nhiệm về những thất bại bầu cử. Năm 1992, tin rằng một người không thể trở thành Tổng thống khi ủng hộ các chính sách chống châu Âu, ông kêu gọi "đồng ý" trong cuộc trưng cầu dân ý về Hiệp ước Maastricht, chống lại ý kiến của Pasqua, Séguin và đa số cử tri của đảng Tập hợp vì nền Cộng hoà, những người lựa chọn "không".
Khi ông vẫn còn là thị trưởng Paris (từ năm 1977), Chirac đã tới Abidjan (Côte d'Ivoire) nơi ông ủng hộ Tổng thống Houphouët-Boigny (1960–1993), dù ông này bị dân chúng địa phương gọi là "thằng ăn trộm". Sau đó Chirac tuyên bố rằng chủ nghĩa đa đảng là một "kiểu xa xỉ."
Tuy nhiên, cánh hữu đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử lập pháp năm 1993. Chirac thông báo rằng ông không muốn quay trở lại làm Thủ tướng, đề nghị chỉ định Edouard Balladur, người từng hứa sẽ không ra tranh chức tổng thống chống lại Chirac năm 1995. Tuy nhiên, tận dụng lợi thế từ những kết quả tốt trong các cuộc thăm dò ý kiến dân chúng, Balladur đã quyết định ra tranh cử, với sự ủng hộ của đa số chính trị gia cánh hữu. Thời điểm ấy Chirac đã chia rẽ với một số bạn bè và đồng minh, gồm cả Charles Pasqua, Nicolas Sarkozy, vân vân, những người ủng hộ Balladur. MỘt nhóm nhỏ "người trung thành" ở lại với ông, gồm cả Alain Juppé và Jean-Louis Debré. Khi Nicolas Sarkozy trở thành Tổng thống năm 2007, Juppé là một trong số ít "đồng minh của Chirac" phục vụ trong chính phủ của François Fillon.
Nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên (1995–2002)
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1995, Chirac chỉ trích "ý tưởng duy nhất" (pensée unique) của chủ nghĩa tự do mới đại diện bởi đối thủ của mình trong cánh hữu và hứa hẹn giảm bớt sự "chia tách xã hội", đặt mình ở trung tâm hơn và vì thế buộc Balladur trở thành cấp tiến. Cuối cùng, ông giành nhiều phiếu hơn Balladur ở vòng một (20.8%), và sau đó đánh bại ứng cử viên Xã hội Lionel Jospin ở vòng hai (52.6%).
Chirac được bầu với những cam kết cắt giảm thuế và các chương trình việc làm, nhưng chính sách của ông không hướng nhiều tới việc xoa dịu các cuộc đình công công nhân trong những tháng cầm quyền đầu tiên. Ở trong nước, các biện pháp kinh tế tự do mới được Chirac và chính phủ của Thủ tướng Alain Juppé đưa ra, gồm cắt giảm ngân sách, đã bị chứng minh rất mất lòng dân. Ở cùng thời điểm đó, mọi việc trở nên rõ ràng rằng Juppé và những người khác đã được nhận những ưu đãi về nhà ở nhà nước, cũng như những ưu tiên khác. Cuối năm ấy Chirac phải đối mặt với các cuộc đình công lớn của công nhân, và vào tháng 11, 12 năm 1995, đã trở thành một cuộc tổng đình công, một trong những cuộc đình công lớn nhất kể từ tháng 5 năm 1968. Các cuộc tuần hành chủ yếu chống lại kế hoạch của Juppé về cải cách lương bổng, và dẫn tới việc ông này mất chức.
Ngay sau khi nhậm chức, Chiracđã phải đối đầu với những phản ứng mạnh mẽ từ các tổ chức bảo vệ môi trườngtrước việc Pháp nối lại các cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân tại Đảo san hô Mururoa ở Polynesia thuộc Pháp năm 1995, vài tháng trước khi ký kết Hiệp ước Cấm Thử nghiệm Toàn diện. Trước sự phản đối, Chirac đã nói, "Bạn chỉ cần nhìn lại năm 1935...Có những người khi ấy phản đối việc Pháp tự vũ trang, và xem điều gì đã xảy ra." Ngày 1 tháng 2 năm 1996, Chirac thông báo rằng Pháp đã chấm dứt "dứt khoát" hành động thử vũ khí hạt nhân, với dự định tán thành Hiệp ước Cấm Thử nghiệm Toàn diện.
Được bầu làm Tổng thống của nền Cộng hoà, ông từ chối thảo luận sự tồn tại của các căn cứ quân sự Pháp tại châu Phi, dù có những yêu cầu của Bộ trưởng Quốc phòng và Quai d'Orsay (Bộ Ngoại giao). Vì thế quân đội Pháp vẫn ở lại Côte d'Ivoire cũng như tại Gabon của Omar Bongo.
Năm 1997, Chirac giải tán nghị viện cho một cuộc bỏ phiếu lập pháp sớm trong một canh bạc nhằm thúc đẩy sự ủng hộ cho chương trình kinh tế mang tính bảo thủ của mình, nó đã gây ra một sự phản ứng, và quyền lực của ông đã suy yếu đi bởi sự phản ứng sau đó. Đảng Xã hội (PS), cùng với nhiều đảng cánh tả khác, đã đánh bại liên minh bảo thủ của Chirac với thắng lợi vang dội, buộc Chirac bước vào một giai đoạn sống chung mới với Jospin là Thủ tướng (1997–2002), và nó kéo dài năm năm.
Sự cùng chung sống làm suy yếu đáng kể quyền lực tổng thống của Chirac. Tổng thống pháp, theo một thông lệ hiến pháp, chỉ quản lý các chính sách đối ngoại và quân sự, và thậm chí khi ấy, việc bố trí ngân sách thuộc quyền kiểm soát của nghị viện và dưới ảnh hưởng mạnh của Thủ tướng. Với việc giản tán nghị viện trước kỳ hạn và kêu gọi cuộc bầu cử mới, tổng thống chỉ còn lại ít quyền lực để gây ảnh hưởng tới chính sách công về tội phạm, nền kinh tế, và các lĩnh vực dịch vụ công cộng. Chirac nắm lấy cơ hội để định kỳ lên tiếng chỉ trích chính phủ Jospin.
Tuy nhiên, vị trí của ông đã bị suy yếu bởi scandal về vấn đề cung cấp tài chính cho đảng Tập hợp vì nền Cộng hoà bởi toà thị chính Paris. Năm 2001, cánh tả, đại diện bởi Bertrand Delanoë (PS), giành chiến thắng với đa số trong hội đồng thủ đô. Jean Tiberi, người kế nhiệm Chirac tại toà thị sảnh Paris, bị buộc phải từ chức sau khi bị đặt trước các cuộc điều tra vào tháng 6 năm 1999 về các trách nhiệm về buôn bán ảnh hưởng trong HLM của các công việc của Paris (liên quan tới việc cung cấp tài chính bất hợp pháp cho đảng Tập hợp vì nền Cộng hoà). Tiberi cuối cùng bị trục xuất khỏi đảng Tập hợp vì nền Cộng hoà, đảng của Chirac, ngày 12 tháng 10 năm 2000, tuyên bố trên tờ Le Figaro ngày 18 tháng 11 năm 2000: "Jacques Chirac không còn là bạn tôi nữa." Sau khi băng video Méry được Le Monde xuất bản ngày 22 tháng 9 năm 2000, trong đó Jean-Claude Méry, chịu trách nhiệm về tài chính của RPR, trực tiếp buộc tội Chirac tổ chức mạng lưới, và đã đích thân có mặt ngày 5 tháng 10 năm 1986, khi Méry trao 5 triệu Franc tiền mặt, có từ các công ty hưởng lợi từ các hợp đồng với nhà nước, cho Michel Roussin, thư ký (directeur de cabinet) của Chirac, Chirac từ chối tuân theo lệnh triệu tập của thẩm phán Eric Halphen, và các cấp bậc cao nhất của ngành tư pháp Pháp đã tuyên bố rằng ông không thể bị buộc tội khi đang đương chức.
Trong hai nhiệm kỳ của mình, ông đã tăng tổng ngân sách của Điện Elysee thêm 105% (hiện ở mức €90 triệu, trong khi 20 năm trước nó chỉ xấp xỉ €43.7 triệu). Ông đã tăng gấp đôi số xe của tổng thống – hiện có 61 xe và 7 scooter trong garage Điện Elyseé. Ông đã thuê thêm 145 nhân viên – tổng số người ông đã sử dụng đồng thời là 963.
Chính sách quốc phòng
Là chỉ huy tối cao của các lực lượng vũ trang Pháp, ông đã giảm ngân sách quân đội Pháp, như người tiền nhiệm đã làm. Hiện chi phí cho quân đội chiếm 3% GDP. Năm 1998 tàu sân bay Clemenceau được giải giới sau 37 năm phục vụ, và một tàu sân bay khác được giải giới hai năm sau sau 37 năm phục vụ, khiến Hải quân Pháp không có tàu sân bay nào cho tới năm 2001, khi tàu sân bay Charles de Gaulle được đưa vào hoạt động. Ông cũng đã giảm các chi phí cho các loại vũ khí hạt nhân và kho vũ khí hạt nhân của Pháp hiện gồm 350 đầu đạn, có thể so sánh với kho vũ khí hạt nhân của Nga với 16000 đầu đạn. Ông cũng xuất bản một kế hoạch với mục tiêu nối lại việc cắt giảm số máy bay chiến đấu của quân đội Pháp 30 chiếc.
Nhiệm kỳ tổng thống thứ hai (2002–2007)
Ở độ tuổi 69, Chirac thực hiện cuộc tranh cử tổng thống thứ tư của mình năm 2002. Ông là lựa chọn đầu tiên của chưa tới một trong năm cử tri ở vòng một trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 4 năm 2002. Mọi người chờ đợi ông sẽ đối mặt với đương kim thủ tướng Lionel Jospin (PS) ở vòng hai cuộc bầu cử; thay vào đó, Chirac lại đối đầu với chính trị gia cực hữu gây nhiều tranh cãi Jean-Marie Le Pen của Mặt trận Quốc gia (FN), và vì thế đã giành thắng lợi với cách biệt rất lớn (82 phần trăm); mọi đảng ngoài Mặt trận Quốc gia (ngoại trừ Lutte ouvrière) đều kêu gọi tẩy chay Le Pen, thậm chí khi việc đó đồng nghĩa với việc bỏ phiếu cho Chirac. Những slogan kiểu "bỏ phiếu cho kẻ lừa gạt, không bỏ phiếu cho tên phát xít" hay "bỏ phiếu với một mảnh vải bịt mũi" xuất hiện, khi những cuộc tuần hành lớn trong giai đoạn giữa hai vòng bầu cử diễn ra trên khắp nước Pháp. Chirac ngày càng mất lòng dân ở nhiệm kỳ thứ hai. Theo một cuộc điều tra tháng 7 năm 2005, 32% ủng hộ Chirac và 63% không ủng hộ. Năm 2006, tờ The Economist đã viết rằng Chirac "là người Tổng thống không được lòng dân nhất trong lịch sử nền đệ ngũ cộng hoà."
Đầu nhiệm kỳ
Khi Đảng Xã hội cánh tả xáo trộn sau thất bại của Jospin, Chirac đã tổ chức lại chính trị cánh hữu, thành lập một đảng mới, ban đầu gọi là Liên minh của Đa số Tổng thống, sau đó là Liên minh vì một Phong trào Nhân dân (UMP). Đảng Tập hợp vì nền Cộng hoà đã tan vỡ; một số thành viên đã lập ra Eurosceptic ly khi. KHi những người tự do phái Giscar của Liên minh Dân chủ Pháp (UDF) đã chuyển theo cánh hữu. UMP giành thắng lợi dễ dàng trong cuộc bầu cử nghị viện sau cuộc bầu cử tổng thống.
Trong một chuyến thăm chính thức tới Madagascar ngày 21 tháng 7 năm 2005, Chirac đã miêu tả sự đàn áp cuộc nổi dậy Malagasy năm 1947, khiến từ 80,000 tới 90,000 người chết, là "không thể chấp nhận".
Dù có sự chống đối trước đó với sự can thiệp của chính phủ Chirac thông qua gói hỗ trợ 2.8 tỷ euro cho người khổng lồ trong lĩnh vực sản xuất Alstom đang gặp khó khăn. Tháng 10 năm 2004, Chirac đã ký một thoả thuận thương mại với Chủ tịch Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa Hồ Cẩm Đào nơi Alstom đã được trao các hợp đồng trị giá 1 tỷ euro và những hứa hẹn khoản đầu tư tương lai vào Trung Quốc.
Âm mưu ám sát
Ngày 14 tháng 7 năm 2002, trong lễ kỷ niệm Ngày Bastille, Chirac đã thoát khỏi một âm mưu ám sát bởi một tay súng đơn độc với một khẩu súng giấu trong hộp đàn guitar. Kẻ ám sát đã bắn một viên đạn về phía đoàn xe hộ tống tổng thống, trước khi bị những người xung quanh khống chế. Người này, Maxime Brunerie, đang phải trải qua những cuộc thử nghiệm tâm thần; nhóm bạo lực cực hữu mà ông ta tham gia, Unité Radicale, sau đó đã bị giải tán.
Đột quỵ
Đầu tháng 9 năm 2005, ông trải qua cái mà các bác sĩ miêu tả là một 'vascular incident'. Nó được thông báo là một cơn 'đột quỵ nhỏ' (cũng được gọi là chứng thiếu máu cục bộ thoáng qua). Ông đã hồi phục và quay trở lại nhiệm sở ngay sau đó.
Cuộc trưng cầu dân ý năm 2005 về TCE
Ngày 29 tháng 5 năm 2005, một cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức tại Pháp để quyết định việc liệu nước này có phê chuẩn hiệp ước đề xuất một Hiến pháp của Liên minh châu Âu (TCE). Kết quả là một chiến thắng dành cho phe phản đối, với 55% cử tri bác bỏ hiệp ước với tổng số 69% cử tri đi bầu, đây là một thất bại to lớn của Chirac và đảng UMP, cũng như phe trung tả ủng hộ TCE.
Chính sách đối ngoại
Cùng với Gerhard Schröder, Chirac là một trong những lãnh đạo hàng đầu lên tiếng phản đối cách cư xử của chính quyền Bush với Iraq. Dù có sức ép lớn của Hoa Kỳ, Chirac đã đe doạ phủ quyết, một nghị quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, ở thời điểm nó được đưa ra, sẽ cho phép sử dụng vũ lực loại bỏ cái gọi là vũ khí huỷ diệt hàng loạt tại Iraq, và yêu cầu các chính phủ khác ủng hộ quan điểm của mình. "Iraq ngày nay không phải là một mối đe doạ trước mắt khiến cần phải có một cuộc chiến lập tức", Chirac nói ngày 18 tháng 3 năm 2003. Chirac sau đó trở thành mục tiêu tấn công của nhiều nhà bình luận Anh và Mỹ ủng hộ những quyết định của Bush và Tony Blair. Thủ tướng đương nhiệm Dominique de Villepin đã có được sự ủng hộ của dân chúng cho bài phát biểu chống chiến tranh của ông tại Liên hiệp quốc (UN). Tuy nhiên, sau những tranh cãi liên quan tới các black sites của CIA và chương trình extraordinary rendition, báo chí phát hiện các lực lượng đặc biệt của Pháp đã phối hợp với Washington ở cùng thời điểm Villepin phản đối chính sách đối ngoại Hoa Kỳ tại trụ sở Liên hiệp quốc ở New York.
Sau khi lãnh đạo Togo Gnassingbé Eyadéma chết ngày 5 tháng 2 năm 2005, Chirac đã bày tỏ lòng thương tiếc và ủng hộ con trai ông, Faure Gnassingbé, người kế vị cha từ thời điểm ấy.
Ngày 19 tháng 1 năm 2006, Chirac nói rằng Pháp đang chuẩn bị tung ra một cuộc tấn công hạt nhân chống lại bất kỳ quốc gia nào bảo trợ tấn công khủng bố chống lại các lợi ích của Pháp. Ông nói kho vũ khí hạt nhân của Pháp đã được tái định dạng để có khá năng thực hiện một cuộc tấn công trả đũa chủ nghĩa khủng bố.
Tháng 7 năm 2006, G8 họp để bàn thảo về các lo ngại về năng lượng quốc tế. Dù có sự gia tăng nhận thức về các vấn đề ấm lên toàn cầu, G8 tập trung vào các vấn đề "an ninh năng lượng". Chirac tiếp tục là cá nhân bên trong Hội nghị thượng đỉnh G8 lên tiếng ủng hộ hành động quốc tế đối phó với sự ấm lên toàn cầu và những lo ngại về thay đổi khí hậu. Chirac cảnh báo rằng "nhân loại đang nhảy múa trên một núi lửa" và kêu gọi những hành động nghiêm túc của lãnh đạo các quốc gia công nghiệp hoá.
Tình trạng bất ổn dân sự năm 2005 và các cuộc phản đối CPE
Sau những cuộc phản kháng lớn của sinh viên vào mùa xuân năm 2005, và tiếp đó là tình trạng bất ổn dân sự vào mùa thu năm 2005 sau cái chết của hai thanh niên tại Clichy-sous-Bois, một trong những khu vực nghèo nhất của Pháp ở ngoại ô Paris, Chirac đã rút lại chương trình Hợp đồng Lao động Đầu tiên (CPE) đã được đề xuất bằng cách "ban hành [nó] mà không áp dụng nó", một hành động chưa từng có và, theo một số cáo buộc, bất hợp pháp để xoa dịu những cuộc phản kháng trong khi vẫn giữ được lời nói, và vì thế vẫn tiếp tục sự ủng hộ của ông dành cho Thủ tướng Dominique de Villepin.
Vụ Clearstream
Trong tháng 4 và tháng 5 năm 2006, chính quyền Chirac gặp rắc rối bởi một vụ khủng hoảng bởi Thủ tướng mà ông lựa chọn, Dominique de Villepin, bị buộc tội yêu cầu Philippe Rondot, một điệp viên hàng đầu của Pháp, bí mật điều tra đối thủ chính trị hàng đầu của mình, Nicolas Sarkozy, vào năm 2004. Vấn đề này đã được gọi là Vụ Clearstream thứ hai. Ngày 10 tháng 5 năm 2006, sau một cuộc họp Nội các, Chirac đã có một lần xuất hiện hiếm hoi trên truyền hình tìm cách bảo vệ Villepin khỏi vụ scandal và bác bỏ những cáo buộc rằng chính Chirac đã lập một tài khoản ngân hàng tại Nhật với 300 triệu franc năm 1992 khi còn làm Thị trưởng Paris. Chirac đã nói rằng "Nền Cộng hoà không phải là một chế độ độc tài của những lời đồn đoán, một chế độ độc tài của sự vu khống."
Thông báo không tranh cử nhiệm kỳ ba
Trong một chương trình TV được ghi từ trước phát sóng ngày 11 tháng 3 năm 2007, Jacques Chirac đã thông báo, trong một hành động được dự đoán từ trước, rằng ông sẽ không tìm kiếm một nhiệm kỳ tổng thống Pháp thứ ba. "Phục vụ nước Pháp, và phục vụ hoà bình, là điều tôi đã cam kết cả đời mình", Chirac nói, thêm rằng ông sẽ tìm kiếm những cách mới để phục vụ nước Pháp sau khi rời nhiệm sở. Ông không giải thích những lý do cho quyết định này. Trong chương trình truyền hình, Chirac đã không ủng hộ bất kỳ ứng cử viên nào đang chạy đua, nhưng đã dành nhiều phút để phát biểu chống lại chính trị cực hữu được cho là ám chỉ tới việc cử tri không nên bỏ phiếu cho Jean-Marie Le Pen và một sự gợi ý dành cho Nicolas Sarkozy không lên hướng chiến dịch tranh cử của mình theo các chủ đề có liên quan truyền thống tới Le Pen.
Cuộc sống sau khi nghỉ hưu
Sau khi nhiệm kỳ tổng thống chấm dứt, Chirac trở thành thành viên trọn đời của Hội đồng Lập hiến Pháp. Ông lần đầu tiên tham gia Hội đồng ngày 15 tháng 10 năm 2007, sáu tháng sau khi thôi chức Tổng thống. Ngay sau chiến thắng của Sarkozy, Chirac đã rời tới một căn hộ rộng 180 mét vuông trên Ke Voltaire ở Paris do gia đình cựu Thủ tướng Liban Rafik Hariri thuê cho ông. Trong thời gian diễn ra vụ Didier Schuller, ông này đã buộc tội Hariri đã tham gia vào việc cung cấp tiền bất hợp pháp cho các chiến dịch chính trị của Tập hợp vì nền Cộng hoà, nhưng phía tư pháp đã ngừng vụ việc mà không điều tra thêm. Ngày 11 tháng 4 năm 2008, văn phòng của Chirac thông báo ông đã trải qua một cuộc phẫu thuật thành công để lắp đặt một máy điều hoà nhịp tim. Tháng 1 năm 2009 có thông báo rằng Chirac đã phải vào bệnh viện sau khi bị con chó xù của ông là Maltese tấn công.
Ngay sau khi rời văn phòng, ông đã thành lập Quỹ Jacques Chirac vì Phát triển Bền vững và Đối thoại Văn hoá.
Với tư cách cựu Tổng thống, ông được bảo vệ và hưởng hưu bổng trọn đời.
Bị tố tham nhũng
Chirac bị truy tố tội tham nhũng trong thời gian làm thị trưởng thành phố Paris. Cáo trạng phần lớn liên quan đến bạn bè cùng những đồng minh chính trị của ông, như cho họ được lãnh lương hậu và chi tiêu trả cho 21 công việc "ma" ở trong thành phố. Nếu đem ra xét xử, Chirac có thể bị buộc tội lạm dụng công quỹ và bội ước. Một số chứng cớ dùng để buộc tội ông gồm đoạn phim thu năm 1999, của một người chuyên dàn xếp những rắc rối chính trị và phát triển gia cư tên Jean-Claude Méry đã quá vãng. Ông này xác định rõ ràng rằng Chirac đã nhận ít nhất là 500.000 bảng Anh, tức khoảng $823.000 tiền hối lộ.
Vợ ông Chirac là bà Bernadette và con gái là Claude xác nhận có biết đến "những va ly đầy tiền mặt" dùng để chi trả cho mọi thứ, từ các chuyến bay đi nghỉ mát với gia đình đến công vụ. Chirac vẫn luôn xác nhận đó là tiền quỹ của gia đình và tiền hoa hồng chứ không phải tiền ăn hối lộ. Lời công bố được đưa ra ngày 29 tháng 10 năm 2009, không đầy một năm sau khi Jean-Claude Martin, công tố trưởng Paris xác nhận không có vụ nào kiện Chirac đang được tiến hành.
Tuy vậy, một vị thẩm phán tên Xaviere Simeoni, sau khi duyệt lại chứng cớ đã công nhận rõ ràng là có hành vi tham nhũng. Một tòa kháng án sẽ nghe xem có sự phản kháng nào về lời cáo buộc trên không, trước khi quyết định đưa ra xét xử. Chirac bị điều tra về những hợp đồng mà tòa thị chính Paris đã cho bạn bè và những người cùng cộng tác với ông được trúng thầu, điều mà người ta cáo buộc là đặc ân chính trị.
Những cáo buộc còn tố ông đã nhận tiền cửa sau từ những vụ thầu tu bổ lại các trường trung học ở Paris. Trong thời gian làm tổng thống từ 1995 đến 2007, Chirac được hiến pháp cho quyền đặc miễn, điều mà nay không còn nữa. Trong nhiều năm trước đó, Chirac bị tố nhiều lần nhưng mãi đến ngày 29 tháng 10 năm 2009 mới chính thức bị kiện ra tòa. Tên của Chirac từng gắn liền trực tiếp với ba vụ điều tra hình sự riêng biệt liên quan đến việc tham nhũng ở tòa thị chính Paris. Mặc dù Chirac tránh khỏi không bị liên can trực tiếp đến những vụ xử án, nhưng một số cựu đồng minh và cộng sự của ông đã bị kết án vì tội tham nhũng.
Cùng lúc, Charles Pasqua, cựu bộ trưởng nội vụ của ông, và Jean-Christophe Mitterrand, con trai của cố Tổng thống Francois Mitterrand, bị kết tội nhận tiền hối lộ liên quan đến việc bán vũ khí bất hợp pháp cho Angola trong thời gian nước này có nội chiến trong thập niên 1990. Dominique de Villepin, cựu thủ tướng của Chirac, cũng chờ lãnh bản án trong một vụ xử ông bị truy tố đã bôi nhọ đối thủ Nicolas Sarkozy trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2007, mà người chiến thắng là ông Sarkozy.
Trong văn hoá
Dấu ấn trong văn hoá đại chúng Pháp
Vì sự nghiệp chính trị dài với các chức vụ quan trọng trong chính phủ của Jacques Chirac, ông thường bị nhại theo hay châm biếm: Jacques Chirac trẻ là hình mẫu của một nhân vật quan chức trẻ trong cột tranh hài Asterix Obelix and Co., đề nghị các biện pháp giải quyết sự bất ổn Gallic với những người cao tuổi, các chính trị gia Roma kiểu cũ. Chirac cũng xuất hiện trong Le Bêbête Show như một nhân vật quá kích động và hay thay đổi.
Jacques Chirac là một nhân vật được ưa tích trong Les Guignols de l'Info, một kiểu múa rối. Ông từng được thể hiện như một nhân vật đáng quý, dù hơi quá dễ bị kích động; tuy nhiên, sau những cáo buộc tham nhũng, ông đã được thể hiện như một kẻ tài tử và không có tài năng người ăn trộm tiền của công và nối dối qua hàm răng. Nhân vật của ông trong một thời gian đã phát triển một super hero thay thế hoàn toàn, Super Menteur ("Siêu nói dối") để giúp ông thoát khỏi những tình huống khó khăn. Vì những điều được cho là không đúng đắn của ông, ông đã được thể hiện trong một bài hát Chirac en prison ("Chirac trong tù") của ban nhạc punk Pháp Wampas, với một video clip do Guignols thực hiện.
Trong phim
Vai của ông do Charles Fathy đóng trong phim của Oliver Stone W. Ông cũng xuất hiện trong bộ phim của HBO The Special Relationship, do Marc Rioufol thể hiện.
Sự nghiệp chính trị
Tổng thống Cộng hoà Pháp: 1995–2007
Thành viên Hội đồng Hiến pháp Pháp: Từ năm 2007
Chức vụ chính phủ
Thủ tướng: 1974–1976 / 1986–1988
Bộ trưởng Nội vụ: tháng 3–tháng 5 năm 1974
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: 1972–1974
Bộ trưởng Quan hệ Nghị viện: 1971–1972
Quốc vụ khanh về Kinh tế và Tài chính: 1968–1971
Quốc vụ khanh về các Vấn đề Xã hội: 1967–1968
Chức vụ qua bầu cử
Thành viên Quốc hội Pháp cho Corrèze: Tháng 3, 4 năm 1967 (Trở thành Quốc vụ khanh vào tháng 4 năm 1967) / 1976–1986 (Trở thành Thủ tướng năm 1986) / 1988–1995 (Trở thành Tổng thống năm 1995)
Thị trưởng Paris: 1977–1995
Ủy viên hội đồng thành phố Sainte-Féréole: 1965–1977
Ủy viên trưởng hội đồng Corrèze: 1968–1970 / 1979–1982
Chủ tịch đại hội đồng Corrèze: 1970–1979
Thành viên Nghị viện châu Âu: 1979–1980
Chức vụ chính trị
Chủ tịch Tập hợp vì nền Cộng hoà: 1976–1994
Danh dự
Grand-Croix de la Légion d'Honneur
Grand-Croix de l'Ordre National du Mérite
Croix de la Valeur Militaire
Médaille de l'Aéronautique
Hiệp sĩ "Mérite agricole" Hiệp sĩ Order of Arts and Letters Hiệp sĩ Dark Star (Bénin) (French Colonial Order)
Hiệp sĩ Mérite Sportif Grand-croix du Mérite de l'Ordre Souverain de Malte Officier de l'Ordre national du Québec Codor de oro
Grand Cross of the Order of St. Olav (2000)
State Prize of the Russian Federation (2007)
Các danh hiệu từ khi sinh tới hiện tại
Monsieur le Président de la République française (1995–2007)
His Excellency The Sovereign Co-Prince of Andorra (1995–2007)
Xem thêm
Anh Dao Traxel
Le bruit et l'odeur
Danh sách các lãnh đạo quốc gia
Chính trị Pháp
Bầu cử tổng thống Pháp năm 1981
Bầu cử tổng thống Pháp năm 1988
Bầu cử tổng thống Pháp năm 1995
Bầu cử tổng thống Pháp năm 2002
Bầu cử tổng thống Pháp năm 2007
Tham khảo
Tiểu sử
Emmanuel Hecht, Thierry Vey, Chirac de A à Z, dictionnaire critique et impertinent, Éditions Albin Michel, ISBN 2-226-07664-6
Valéry Giscard d'Estaing, Le pouvoir et la vie, tome 3 Frederic Lepage, A Table avec Chirac Liên kết ngoài
Public opinion polls on Jacques Chirac
Biography at the Official Website of the Office of the French President
TF1
l'Express
Mairie de Paris
Biography and his election (2002)
Some Jacques Chirac's quotations
Jacques Chirac threatened to launch nuclear attack on Iran, Der Spiegel, 19 tháng 1 năm 2006.
Jacques Chirac – A life in pictures photo essay
Anne Applebaum, Farewell, Jacques Chirac, The Washington Post'', 8 tháng 5 năm 2007
|-
|-
|-
|-
|-
|-
|-
|-
|-
|-
|-
|-
Sinh năm 1932
Mất năm 2019
Người Paris
Cựu sinh viên Sciences Po
Cựu sinh viên Trường Hành chính Quốc gia Pháp
Nhân viên quân sự Pháp trong cuộc Chiến tranh Algeria
Tín hữu Công giáo Pháp
Chính trị gia Đệ ngũ Cộng hoà
Người giành giải Ig Nobel
Cựu học sinh trường Lycée Louis-le-Grand
Thị trưởng Paris
Tổng thống Pháp
Thủ tướng Pháp
Người được Giải thưởng Nhà nước Liên bang Nga
Cựu sinh viên Đại học Harvard
Bắc Đẩu Bội tinh hạng nhất
Vua theo đạo Công giáo Rôma |
Hiệu ứng Marangoni là sự dịch chuyển vật chất bên trên hoặc bên trong một lớp chất lưu do sự khác nhau của sức căng bề mặt.
Hiệu ứng này được tìm thấy đầu tiên vào năm 1855 trong một thí nghiệm của kỹ sư người Ireland James Thomson về hai chất lỏng có sức căng bề mặt khác nhau. Sau đó nhà vật lý người Ý Marangoni đã hoàn thiện và phát biểu như một hiệu ứng về sức căng bề mặt vào năm 1871.
Có nhiều hiện tượng vật lý xảy ra nhờ có hiệu ứng này như sự đối lưu Bénard, hay sự đối lưu nhiệt mao dẫn (:en:thermocapillary convection). |
Xác suất (Tiếng Anh: probability) là một nhánh của toán học liên quan đến các mô tả bằng số về khả năng xảy ra một sự kiện, hoặc khả năng một mệnh đề là đúng. Xác suất của một sự kiện là một số trong khoảng từ 0 đến 1, trong đó, nói một cách đại khái, 0 biểu thị sự bất khả thi của sự kiện và 1 biểu thị sự chắc chắn. Xác suất của sự kiện càng cao thì khả năng xảy ra sự kiện càng cao. Một ví dụ đơn giản là tung đồng xu công bằng (không thiên vị). Vì đồng xu là công bằng, nên cả hai kết quả ("sấp" và "ngửa") đều có thể xảy ra như nhau; xác suất của "sấp" bằng xác suất của "ngửa"; và vì không có kết quả nào khác có thể xảy ra, xác suất xảy ra "sấp" hoặc "ngửa" là (cũng có thể được viết là 0,5 hoặc 50%).
Những khái niệm này đã được chuẩn hóa toán học bằng tiên đề trong lý thuyết xác suất, được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực nghiên cứu như toán học, thống kê, tài chính, cờ bạc, khoa học (đặc biệt là vật lý), trí tuệ nhân tạo, học máy, khoa học máy tính, lý thuyết trò chơi, và triết học, ví dụ, rút ra suy luận về tần suất dự kiến của các sự kiện. Lý thuyết xác suất cũng được sử dụng để mô tả cơ học và quy luật cơ bản của các hệ thống phức tạp.
Diễn giải
Khi xử lý các thử nghiệm ngẫu nhiên và được xác định rõ ràng trong bối cảnh lý thuyết thuần túy (như tung đồng xu công bằng), xác suất có thể được mô tả bằng số bằng số lượng kết quả mong muốn, chia cho tổng số tất cả các kết quả. Ví dụ: tung một đồng xu công bằng hai lần sẽ mang lại kết quả "sấp-sấp", "sấp-ngửa", "ngửa-sấp" và "ngửa-ngửa". Xác suất nhận được kết quả của "sấp-sấp" là 1 trong 4 kết quả, hoặc, về mặt số học, 1/4, 0,25 hoặc 25%. Tuy nhiên, khi nói đến ứng dụng thực tế, có hai loại diễn giải xác suất cạnh tranh chính, mà những người dùng nó có quan điểm khác nhau về bản chất cơ bản của xác suất:
Những người theo chủ nghĩa khách quan ấn định các con số để mô tả một số trạng thái khách quan hoặc thực tế của sự việc. Phiên bản phổ biến nhất của xác suất khách quan là xác suất thường xuyên, cho rằng xác suất của một sự kiện ngẫu nhiên biểu thị tần suất xuất hiện tương đối của kết quả của một thử nghiệm, khi thử nghiệm được lặp lại vô thời hạn. Cách hiểu này coi xác suất là tần suất tương đối "về lâu dài" của các kết quả. Một sửa đổi của điều này là xác suất xu hướng, diễn giải xác suất là xu hướng của một số thử nghiệm để mang lại một kết quả nhất định, ngay cả khi nó chỉ được thực hiện một lần.
Những người theo chủ nghĩa chủ quan ấn định các con số cho mỗi xác suất chủ quan, nghĩa là, như một mức độ của niềm tin. Mức độ tin tưởng được hiểu là "mức giá mà bạn sẽ mua hoặc bán một vụ đặt cược trả 1 đơn vị tiện ích nếu E, 0 nếu không E." Phiên bản phổ biến nhất của xác suất chủ quan là xác suất Bayes, bao gồm kiến thức chuyên môn cũng như dữ liệu thực nghiệm để tạo ra xác suất. Kiến thức chuyên môn được đại diện bởi một số phân phối xác suất trước (chủ quan). Những dữ liệu này được kết hợp trong một hàm xác suất. Tích của khả năng xảy ra trước và khả năng xảy ra, khi được chuẩn hóa, dẫn đến một phân phối xác suất hậu nghiệm kết hợp tất cả các thông tin đã biết cho đến nay. Theo định lý thỏa thuận của Aumann, các tác nhân Bayes có niềm tin trước đó giống nhau sẽ kết thúc với niềm tin hậu duệ tương tự. Tuy nhiên, đủ các yếu tố khác nhau có thể dẫn đến các kết luận khác nhau, bất kể lượng thông tin mà các đại lý chia sẻ.
Từ nguyên
Từ xác suất (probability) bắt nguồn từ chữ probabilitas trong tiếng Latin và có nghĩa là "để chứng minh, để kiểm chứng". Nói một cách đơn giản, probable là một trong nhiều từ dùng để chỉ những sự kiện hoặc kiến thức chưa chắc chắn, và thường đi kèm với các từ như "có vẻ là", "mạo hiểm", "may rủi", "không chắc chắn" hay "nghi ngờ", tùy vào ngữ cảnh. Theo một nghĩa nào đó, điều này khác nhiều so với ý nghĩa hiện đại của xác suất, ngược lại, là thước đo trọng lượng của bằng chứng thực nghiệm, và được hình thành từ suy luận quy nạp và suy luận thống kê.
"Cơ hội" (chance), "cá cược" (odds, bet) là những từ cho khái niệm tương tự. Nếu lý thuyết cơ học có định nghĩa chính xác cho "công" và "lực", thì lý thuyết xác suất nhằm mục đích định nghĩa "khả năng".
Lịch sử
Nghiên cứu khoa học về xác suất là một bước phát triển hiện đại của toán học Cờ bạc cho thấy rằng đã có sự quan tâm đến việc định lượng các ý tưởng về xác suất trong nhiều thiên niên kỷ, nhưng các mô tả toán học chính xác đã xuất hiện muộn hơn nhiều. Có những lý do giải thích cho sự phát triển chậm chạp của toán học xác suất. Trong khi các trò chơi may rủi tạo động lực cho việc nghiên cứu toán học về xác suất, vẫn bị che lấp bởi những mê tín của những người chơi cờ bạc.
Theo Richard Jeffrey, "Trước giữa thế kỷ XVII, thuật ngữ 'có thể xảy ra' (tiếng Latinh xác suất) có nghĩa là có thể chấp thuận được, và được áp dụng theo nghĩa đó, cho ý kiến và hành động. Một hành động hoặc ý kiến có thể xảy ra là một hành động chẳng hạn như những người hợp lý sẽ thực hiện hoặc nắm giữ, trong hoàn cảnh. " Tuy nhiên, đặc biệt là trong các bối cảnh pháp lý, 'có thể xảy ra' cũng có thể áp dụng cho các mệnh đề có bằng chứng xác đáng.
Các dạng xác suất và thống kê sớm nhất được biết đến đã được phát triển bởi các nhà toán học Trung Đông nghiên cứu mật mã từ thế kỷ 8 đến thế kỷ 13. Al-Khalil (717–786) đã viết cuốn sách Thông điệp mật mã trong đó có lần đầu tiên sử dụng các hoán vị và tổ hợp để liệt kê tất cả các từ tiếng Ả Rập có thể có và không có nguyên âm. Al-Kindi (801–873) đã sử dụng suy luận thống kê sớm nhất được biết đến trong công việc của mình về phân tích mật mã và phân tích tần số. Một đóng góp quan trọng của Ibn Adlan (1187–1268) là về kích thước mẫu để sử dụng phân tích tần số.
Nhà nghiên cứu đa ngành người Ý ở thế kỷ XVI Gerolamo Cardano đã chứng minh hiệu quả của việc xác định tỷ lệ cược là tỷ lệ giữa các kết quả thuận lợi và không thuận lợi (ngụ ý rằng xác suất của một sự kiện được cho bằng tỷ lệ các kết quả thuận lợi trên tổng số các kết quả có thể xảy ra ). Ngoài công trình cơ bản của Cardano, học thuyết về xác suất còn có từ sự tương ứng của Pierre de Fermat và Blaise Pascal (1654). Christiaan Huygens (1657) đã đưa ra phương pháp điều trị khoa học sớm nhất được biết đến đối với chủ đề này. Ars Conjectandi của Jakob Bernoulli (di cảo, 1713) và Học thuyết Cơ hội của Abraham de Moivre (1718) coi chủ đề này như một nhánh của toán học. Xem Sự xuất hiện của Xác suất Ian Hacking và Khoa học về Phỏng đoán của James Franklin để biết lịch sử về sự phát triển ban đầu của khái niệm xác suất toán học.
Lý thuyết sai số có thể bắt nguồn từ cuốn Opera Miscellanea của Roger Cotes (di cảo, 1722), nhưng một cuốn hồi ký do Thomas Simpson soạn năm 1755 (in năm 1756) lần đầu tiên áp dụng lý thuyết này vào cuộc thảo luận về sai số khi quan sát. Lần tái bản (1757) của cuốn hồi ký này đưa ra tiên đề rằng các lỗi tích cực và tiêu cực đều có thể xảy ra như nhau, và các giới hạn có thể ấn định nhất định xác định phạm vi của tất cả các lỗi. Simpson cũng thảo luận về các lỗi liên tục và mô tả một đường cong xác suất.
Hai định luật sai số đầu tiên được đề xuất đều bắt nguồn từ Pierre-Simon Laplace. Luật đầu tiên được xuất bản vào năm 1774, và tuyên bố rằng tần suất của một lỗi có thể được biểu thị dưới dạng một hàm số mũ của mức độ lỗi - dấu hiệu bỏ qua. Định luật sai số thứ hai được Laplace đề xuất vào năm 1778, và tuyên bố rằng tần số của sai số là một hàm số mũ của bình phương sai số. Luật sai số thứ hai được gọi là phân phối chuẩn hay luật Gauss. "Về mặt lịch sử, rất khó để gán định luật đó cho Gauss, người mặc dù có sự thông minh nổi tiếng của mình nhưng có lẽ đã không phát hiện ra điều này trước khi được hai tuổi."
Daniel Bernoulli (1778) đã đưa ra nguyên tắc tích cực đại của các xác suất của một hệ thống các lỗi đồng thời.
Adrien-Marie Legendre (1805) đã phát triển phương pháp bình phương nhỏ nhất và giới thiệu nó trong tác phẩm Nouvelles méthodes pour la détermination des obitanes des comètes (Phương pháp mới để xác định quỹ đạo của sao chổi). Khi thiếu hiểu biết về đóng góp của Legendre, một nhà văn người Mỹ gốc Ireland, Robert Adrain, biên tập viên của "The Analyst" (1808), lần đầu tiên suy luận ra quy luật điều kiện của sai số,
Ở đây là một hằng số phụ thuộc vào độ chính xác của quan sát, và là một hệ số tỷ lệ đảm bảo rằng diện tích dưới đường cong bằng 1. Ông đã đưa ra hai bằng chứng, chứng minh thứ hai về cơ bản giống với của John Herschel (1850). Gauss đã đưa ra bằng chứng đầu tiên dường như đã được biết đến ở Châu Âu (thứ ba sau Adrain) vào năm 1809. Các bằng chứng khác được đưa ra bởi Laplace (1810, 1812), Gauss (1823), James Ivory (1825, 1826), Hagen (1837), Friedrich Bessel (1838), WF Donkin (1844, 1856) và Morgan Crofton (1870). Những người đóng góp khác là Ellis (1844), De Morgan (1864), Glaisher (1872), và Giovanni Schiaparelli (1875). Công thức của Peters (1856) đối với r, lỗi có thể xảy ra của một lần quan sát, đã được biết tường tận.
Khái niệm
Về cơ bản có một tập hợp những quy luật toán để có thể biến đổi các giá trị của xác suất; những quy luật nầy sẽ được liệt kê ra trong phần "Sự hình thành của xác suất" dưới đâỵ. (Có một số các quy luật được khác dùng để định lượng sự ngẫu nhiên như trong lý thuyết Dempster-Shafer và lý thuyết khả tạo nhưng những quy luật này thì khác biệt từ bản chất và không tương hợp với cách hiểu thông thường các định luật về xác suất. Tuy nhiên, người ta vẫn còn tranh biện về những đối tượng chính xác nào mà trên đó những quy luật này được áp dụng. Đây là đầu đề của những diễn dịch của xác suất.
Ý tưởng chung của xác suất thường được chia thành 2 khái niệm liên quan:
Xác suất may rủi (aleatory probability), đề cập đến khả năng xảy ra của các sự kiện trong tương lai mà khả năng xảy ra của các sự kiện này phụ thuộc vào một hiện tượng vật lý nào đó mang tính ngẫu nhiên. Khái niệm này còn được chia ra thành (1) các hiện tượng vật lý, về cơ bản, có thể dự đoán được khi có đủ thông tin và (2) các hiện tượng không thể dự đoán được. Ví dụ của loại trước là việc thả một con súc sắc hay quay một bánh xe roulette; ví dụ của loại sau là sự phân rã hạt nhân.
Xác suất trong tri thức (epistemic probability), đề cập đến sự không chắc chắn của chúng ta về một mệnh đề nào đó vì thiếu thông tin cung cấp để suy luận. Ví dụ việc xác định khả năng một nghi phạm là có phạm tội, dựa trên các chứng cứ cung cấp.
Sự hình thành xác suất
Như các lý thuyết khác, lý thuyết xác suất là một biểu diễn của khái niệm xác suất bằng các thuật ngữ hình thức - nghĩa là các thuật ngữ mà có thể xác định một cách độc lập với ý nghĩa của nó.
Các thuật ngữ hình thức này được thao tác bởi các quy luật toán học và logic, và kết quả thu được sẽ được chuyển dịch trở lại miền (domain) của bài toán.
Có hai hướng công thức hóa xác suất đã thành công là sự hình thành công thức Kolmogorov và sự hình thành công thức Cox. Trong công thức của Kolmogorov, các tập được hiểu là các sự kiện và xác suất chính là một phép đo trên một lớp các tập đó.
Trong công thức của Cox, xác suất được xem là cái cơ bản (primitive - không thể phân tích thêm được nữa) và tập trung nghiên cứu vào việc xây dựng một phép gán tốt các giá trị xác suất đến các mệnh đề.
Trong cả hai trường hợp, các định luật về xác suất là như nhau, ngoại trừ yếu tố chi tiết kĩ thuật:
xác suất là một giá trị số trong khoảng 0 và 1;
xác suất của một sự kiện hay mệnh đề và phần bù của nó cộng lại phải bằng 1; và
xác suất kết hợp của hai sự kiện hay hai mệnh đề là tích của các xác suất của một trong chúng và xác suất của cái thứ hai với điều kiện biết cái trước xảy ra.
Cách biểu diễn và chuyển đổi các giá trị xác suất
Xác suất của một sự kiện thương được biểu diễn bằng số thực trong khoảng 0 và 1, bao gồm 2 giá trị biên. Và một sự kiện không thể xảy ra thì có xác suất là 0, còn một sự kiện chắc chắn thì có xác suất là 1, nhưng điều ngược lại không đúng.
Sự khác biệt giữa "chắc chắn" và "xác suất xảy ra 1" là rất quan trọng.
Hầu hết các giá trị xác suất xảy ra trong thực tế là giữa 0 và 1.
Sự phân bố
Một phân bố xác suất là một hàm số nhằm gán các giá trị (gọi là xác suất) cho các sự kiện. Các giá trị số này đặc trưng cho khả năng xảy ra của các sự kiện. Với một tập bất kì các sự kiện, có rất nhiều cách để gán các xác suất, và thường dựa vào sự lựa chọn loại phân bố của các sự kiện đang xem xét.
Có nhiều cách để chỉ định một phân bố xác suất. Thông thường nhất có lẽ là chỉ định một hàm mật độ xác suất (probability density function). Từ đó, xác suất của một sự kiện sẽ được bằng cách lấy tích phân hàm mật độ. Tuy nhiên, hàm phân bố cũng có thể được chỉ định rõ trực tiếp. Trong trường hợp chỉ có một biến (hay một chiều), thì hàm phân bố được gọi là hàm phân bố tích lũy (cumulative distribution function). Phân bố xác suất cũng có thể được chỉ định thông qua các giá trị mômen hay hàm đặc trưng (characteristic function), hay các cách khác nữa.
Một phân bố được gọi là phân bố rời rạc nếu nó được định ra trên một tập rời rạc, đếm được; ví dụ tập các số nguyên.
Một phân bố được gọi là phân bố liên tục nếu nó được định ra trên một tập vô hạn, không đếm được.
Hầu hết các phân bố trong các ứng dụng thực tế đều hoặc là một trong hai, nhưng có một số ví dụ về phân bố bao gồm của cả hai, gọi là phân bố hỗn hợp.
Các phân bố rời rạc quan trọng bao gồm phân bố đồng nhất, phân bố Poisson, phân bố nhị thức, phân bố nhị thức âm và phân bố Maxwell-Boltzmann.
Các phân bố liên tục quan trọng bao gồm phân bố chuẩn (hay còn gọi là phân bố Gauss), phân bố gamma, phân bố-t của Student (Student's t-distribution), và phân bố hàm mũ (exponential distribution).
Xác suất với toán học
Tiên đề xác suất tạo thành nền tảng cho lý thuyết xác suất. Việc tính toán các xác suất thường dựa vào phép tổ hợp hoặc áp dụng trực tiếp các tiên đề. Các ứng dụng xác suất bao gồm thống kê, nó dựa vào ý tưởng phân bố xác suất và định lý giới hạn trung tâm.
Để minh họa, ta xem việc tung một đồng xu cân đối. Về mặt trực quan, xác suất để head xuất hiện phía trên là 50%; nhưng phát biểu này thiếu tính toán học - Vậy con số 50% có ý nghĩa thực sự thế nào trong ví dụ này?
Một hướng là dùng định luật số lớn. Giả sử là ta thực hiện một số lần gieo đồng xu, với mỗi lần gieo là độc lập nhau - nghĩa là, kết quả của 2 lần gieo khác nhau là độc lập nhau. Nếu ta tiến hành N lần gieo (trials), và đặt NH là số lần mà mặt head xuất hiện, thì với tỉ lệ NH/N.
Khi số lần gieo N trở nên lớn, ta kì vọng rằng tỉ lệ NH/N sẽ tiến gần hơn đến giá trị 1/2. Điều này cho phép ta định nghĩa xác suất Pr(H) của mặt head xuất hiện là giới hạn, khi N tiến ra vô cùng, của chuỗi các tỉ lệ này:
Trong thực tế, dĩ nhiên ta không thể tiến hành vô hạn lần các lần gieo được; vì thế, nói chung công thức này áp dụng chính xác cho tình huống khi mà chúng ta biết được một xác suất cho sẵn (a priori) cho một kết quả đầu ra nào đó (mà trong ví dụ này là thông tin đồng xu cân đối). Khi đó, định luật số lớn phát biểu rằng, khi cho biết Pr(H), và với một số nhỏ bất kì ε, luôn tồn tại một giá trị n sao cho với mọi N > n,
Khía cạnh thông tin cho sẵn a priori của hướng tiếp cận này đôi khi gặp khó khăn trong thực tiễn. Ví dụ, trong với kịch Rosencrantz and Guildenstern are Dead của Tom Stoppard, một nhân vật gieo đồng xu mà luôn xuất hiện mặt head, sau 100 lần gieo. Ông ta không thể xác định đây là sự kiện ngẫu nhiên hay không - vì dù sao, điều này vẫn có thể xảy ra với đồng xu cân đối (dù hiếm).
Những chú ý khi tính toán xác suất
Khó khăn trong việc tính toán xác suất nằm ở việc xác định số sự kiện có thể xảy ra (possible events): đếm số lần xuất hiện của mỗi sự kiện, và đếm số lượng sự kiện có thể xảy ra đó. Đặc biệt khó khăn trong việc rút ra một kết luận có ý nghĩa từ các xác suất tính được. Một bài toán đố thú vị, bài toán Monty Hall sẽ cho thấy điều này.
Để học thêm về cơ bản của lý thuyết xác suất, xem bài viết về tiên đề xác suất và định lý Bayes giải thích việc sử dụng xác suất có điều kiện trong trường hợp sự xuất hiện của 2 sự kiện là có liên quan nhau.
Ứng dụng của xác suất với đời sống hàng ngày
Ảnh hưởng chính của lý thuyết xác suất trong cuộc sống hằng ngày đó là việc xác định rủi ro và trong buôn bán hàng hóa. Chính phủ cũng áp dụng các phương pháp xác suất để điều tiết môi trường hay còn gọi là phân tích đường lối.
Lý thuyết trò chơi cũng dựa trên nền tảng xác suất. Một ứng dụng khác là trong xác định độ tin cậy. Nhiều sản phẩm tiêu dùng như xe hơi, đồ điện tử sử dụng lý thuyết độ tin cậy trong thiết kế sản phẩm để giảm thiểu xác suất hỏng hóc. Xác suất hư hỏng cũng gắn liền với sự bảo hành của sản phẩm.
Các câu nói nổi tiếng về xác suất
Damon Runyon: "Có một thứ không phải một cuộc đua dành cho kẻ nhanh, cũng không phải cuộc đấu dành cho kẻ mạnh - đó là cá cược."
Pierre-Simon Laplace: "Một ngành khoa học bắt đầu từ việc xem xét các trò chơi ngẫu nhiên nên được chú ý để trở thành ngành khoa học quan trọng nhất của loài người." Théorie Analytique des Probabilités, 1812.
Richard von Mises: "Sự mở rộng không giới hạn về tính hợp lệ của khoa học chính xác là một đặc trưng của chủ nghĩa duy tâm phóng đại trong thế kỷ XVIII." (Probability, Statistics, and Truth, tr. 9. Ấn bản Dover, 1981 (tái bản ấn bản 2 bằng tiếng Anh, 1957).
Richard von Mises: "LỪA DỐI" (Probability, Statistics, and Truth, tr. 9. Ấn bản Dover, 1981 (tái bản ấn bản 2 bằng tiếng Anh, 1957). |
Báo trực tuyến, báo điện tử, báo mạng hay tin tức trực tuyến là loại hình báo viết được xây dựng theo hình thức một trang web và phát hành dựa trên nền tảng Internet. Báo điện tử được tòa soạn điện tử xuất bản, còn người đọc báo dựa trên máy tính, thiết bị cá nhân như máy tính bảng, điện thoại di động trung cao cấp,... có kết nối internet.
Khác với một trang web nói chung hay trang thông tin điện tử, báo trực tuyến cập nhật thường xuyên tin tức, đặc biệt là đăng "tin tức thời" hay "tin giật gân" (Breaking news). Báo điện tử cho phép mọi người trên khắp thế giới tiếp cận tin tức nhanh chóng không phụ thuộc vào không gian và thời gian. Sự phát triển của Báo điện tử đã làm thay đổi thói quen đọc tin và ít nhiều có ảnh hưởng đến việc phát triển báo giấy truyền thống .
Về thuật ngữ báo trực tuyến trong tiếng Anh gọi là "Online newspaper". Sự phổ biến và thuận tiện của việc dùng từ "Online" dẫn đến trên thế giới và trong nước từ này được gắn thẳng vào tên báo, ví dụ "Báo Tin Tức Online", "Tuổi Trẻ Online",... để chỉ phiên bản trực tuyến.
Phân loại
Hiện nay có nhiều cách phân loại Báo điện tử khác nhau, tùy theo tiêu chí phân loại và việc để ý đến quy định riêng của mỗi nước.
Theo cách thức biên tập và phát hành có thể chia ra:
Báo lai (hybrid), là bản báo trực tuyến phát hành song song với bản báo in. Ngày nay tất cả các báo in đều có bản phát hành trực tuyến. Các báo có đội ngũ phóng viên hùng hậu thì cập nhật tin liên tục và phiên bản trực tuyến có thể khác hẳn bản in. Khái niệm kỳ phát hành như "báo ngày", "báo tuần" cũng không còn. Ví dụ trong nước là "Báo Lao động điện tử", "Báo Nhân Dân điện tử",... ví dụ nước ngoài là "Spiegel Online",...
Chỉ trực tuyến (online-only), phát hành gần như không có bản in tương ứng. Đây là báo do các hãng thông tấn, phát thanh, truyền hình lập ra. Trường hợp đơn giản là một báo mới ra đời mà việc phát hành bản in không có khả năng cạnh tranh và không hiệu quả về kinh tế. Ví dụ Hãng CNN, BBC,... hay báo trong nước như Báo điện tử Đài Truyền hình Việt Nam,...
Báo tổng hợp tin tức từ các báo khác (News Aggregators), hoặc đơn giản là quét các dữ liệu, thông tin từ các trang khác. Người ta gọi chung các báo điện tử dạng này, theo một cách khác là "Báo tự động cập nhật tin tức". Ví dụ trang "Very Quiet tổng hợp tin quốc tế, hay trang Báo Mới ở Việt Nam.
Thể khởi nghiệp, là một trang web hay trang thông tin điện tử nhảy vào lãnh vực biên tập tin tức mọi mặt. Nó có thể là đoạn khởi nghiệp của một nhóm nào đó, và sau đó có thể thành công hay thất bại. Tại Việt Nam là trường hợp "Báo Năng lượng Mới (PetroTimes)" đã nhảy vào biên tập thời sự chính trị, nhưng có vẻ là thất bại.
Theo tính chính thống, thường xem trọng ở các nước có truyền thống kiểm soát truyền thông, thì chia ra:
Chính thống, hay hợp pháp, là loại được cấp phép bởi một cơ quan chức năng của nước sở tại. Giấy phép có thể quy định cả những chủ đề nội dung được phép biên tập.
Ngược lại, những báo điện tử hoạt động không phép tại nước sở tại (hoặc được cấp bởi một nước thứ 2, nhưng chưa được phép của nước sở tại) thường khó được chấp nhận.
Theo chất lượng nội dung thì chia ra:
Chính thống, đưa các tin xác thực do phóng viên điều tra thu thập.
Báo lá cải (tabloid), đưa tin vịt hoặc phóng tác.
Loại trung gian là đưa lẫn lộn tin xác thực, tin thiếu điều tra xác thực và tin phóng tác. Có những báo định rõ trang lá cải để người đọc biết rõ và đọc cho vui. Tuy nhiên có những báo không chỉ rõ là đưa tin vịt, như một số báo ở Trung Quốc, Liên bang Nga ,... mà báo trực tuyến ở Việt Nam thường dịch và đăng tải.
Một hình thức phân loại khác cũng được một số nước sử dụng, trong đó có Việt Nam, khi muốn phân biệt các trang mạng với nhau. Cách phân loại này dựa trên hình thức thể hiện trên phiên bản online. Cụ thể, gồm: trang tin điện tử và báo điện tử. Trong khi báo điện tử hội đủ các yếu tố được cấp phép hoạt động của một tờ báo điện tử, thì trang tin điện tử đa phần được lấy thông tin từ báo in đăng lại.
Báo giúp người đọc và tìm kiếm tin tức theo cách hoàn toàn mới. Mỗi mẩu tin được hiển thị kèm với các nguồn tin khác nhau đưa cùng tin hoặc tin tương tự. Báo giúp bạn tiếp cận các báo điện tử của Việt Nam một cách hiệu quả nhất. Báo được thiết kế đơn giản, tập trung vào tin tức, không có các banner quảng cáo. Báo rất tiện lợi và tiết kiệm thời gian hơn khi đọc tin tức.
Báo tổng hợp tin tức theo phong cách Google News cập nhật. Tin tức mới của báo được tự động cập nhật 2 phút/lần, ước khoảng 1200-1500 tin mới/ngày.
Hiện nay số tin tức được cập nhật trong ngày ngày càng lớn do sự phát triển của các báo điện tử Việt Nam. Nguồn tin chủ yếu được lấy từ các báo điện tử khác nhau nhưng có tiếng tại Việt Nam:
Google News (Google Tin tức)
Yahoo News
Tuổi Trẻ Cười
Tuổi Trẻ Online
Bản quyền và những tranh cãi
Tại các nước có luật báo chí rõ ràng thì báo trực tuyến phải tuân thủ pháp luật, chẳng hạn như luật về tội phỉ báng, sự riêng tư, bản quyền,.... Tại Việt Nam luật còn thiếu các điểm cụ thể, nên xuất hiện vi phạm bản quyền tràn lan, tung nội dung độc hại, và các tranh cãi, đến mức trong vụ "Nước mắm chứa asen 2016" có người đã phải dùng đến từ "truyền thông bất lương" .
Một tranh cãi bản quyền đáng chú ý là ngày 7/3/2013, báo Năng lượng Mới và trang tin điện tử petrotimes.vn đã có công văn yêu cầu Baomoi chấm dứt vi phạm bản quyền, qua việc sử dụng tin bài không xin phép. Theo thông báo của báo Năng lượng Mới, hiện nay có một số website công khai lấy tin bài của báo điện tử khác, trong đó có Baomoi, và việc tự động lấy lại tin bài và kinh doanh là "ăn cắp" chất xám của các cơ quan báo chí, vi phạm nghiêm trọng về bản quyền. Bản thân Năng lượng Mới đã bị Baomoi khai thác khoảng 10.000 tin bài (trên phiên bản điện tử Petrotimes). Do đó, tờ báo này đã có văn bản yêu cầu Baomoi từ ngày 7/03/2013 phải chấm dứt việc lấy thông tin và kinh doanh bằng thông tin của tờ báo này dưới bất kỳ hình thức nào.
Baomoi là một website tổng hợp thông tin tiếng Việt thuộc Công ty cổ phần công nghệ EPI, được cấp phép hoạt động theo giấy phép số 46/GP-TTĐT ngày 13/01/2012. Mỗi ngày trang này tổng hợp, phân loại khoảng 3.500 tin tức từ 60 nguồn chính thức của các báo điện tử và trang tin điện tử VN. Theo quy định của Bộ Thông tin - truyền thông, giấy phép này cho phép tổng hợp thông tin từ các báo nhưng với điều kiện phải được sự đồng ý bằng văn bản của các báo. Tuy nhiên trên thực tế, VnExpress, Dân Trí, Năng lượng Mới... chưa có bất cứ một văn bản nào đồng ý cho phép trang này khai thác lại thông tin .
Báo điện tử ở Việt Nam
Tại Việt Nam, tờ báo trực tuyến đầu tiên là tờ tạp chí Quê hương điện tử ra đời vào năm 1997. Đây là tờ tạp chí của Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài trực thuộc Bộ Ngoại giao, phát hành số đầu tiên vào ngày 6/2/1997, chính thức khai trương ngày 3/12/1997. Năm 1998, báo điện tử Vietnamnet ra đời và đến năm năm 1999, báo Lao động, báo Nhân dân điện tử ra đời.
Tin tức tiếng Anh từ các hãng tin lớn
Hãng thông tấn:
AFP
Associated Press (AP)
Reuters
Tổ hợp truyền thông:
BBC
CNN
VOA |
Khỉ hay hầu là một những loài động vật 4 chân thuộc lớp thú và bộ linh trưởng. Khỉ có ba nhóm lớn: Là khỉ Tân Thế giới, khỉ Cựu Thế giới, khỉ không đuôi. Có khoảng 264 loài khỉ. Một số loài giống khỉ không đuôi như tinh tinh hay vượn thường được gọi là khỉ trong ngữ cảnh bình dân, tuy rằng các nhà sinh học không xếp chúng vào các loài khỉ. Tuy nhiên, không có một đặc điểm nào là duy nhất mà tất cả các loài khỉ đều có mà các loài khác không có.
Trong văn hóa
Tôn Ngộ Không, một nhân vật trong truyện Tây du ký của văn học cổ Trung Hoa, vốn là khỉ được nhân cách hóa. Hanuman trong thần thoại Ấn Độ cũng là khỉ. Khỉ được coi là động vật tượng trưng cho tinh thần lạc quan. Khỉ cũng rất nghịch ngợm. Khỉ còn là đại diện cho con giáp thứ 9 trong 12 con giáp với tên gọi là "Thân"
Hình ảnh
Chú thích |
Định lý Bayes (Tiếng Anh: Bayes theorem) là một kết quả của lý thuyết xác suất. Nó phản ánh mối quan hệ giữa xác suất của một biến cố mà không quan tâm các yếu tố khác (gọi là xác suất biên hay xác suất tiền nghiệm) với xác suất của biến cố đó sau khi một biến cố khác đã xảy ra (gọi là xác suất có điều kiện hay xác suất hậu nghiệm). Cụ thể hơn, nó đề cập đến phân bố xác suất có điều kiện của biến ngẫu nhiên A, với giả thiết:
thông tin về một biến khác B: phân bố xác suất có điều kiện của B khi biết A, và
phân bố xác suất của một mình A.
Phát biểu định lý
Định lý Bayes cho phép tính xác suất xảy ra của một sự kiện ngẫu nhiên A khi biết sự kiện liên quan B đã xảy ra. Xác suất này được ký hiệu là P(A|B), và đọc là "xác suất của A nếu có B". Đại lượng này được gọi là xác suất có điều kiện hay xác suất hậu nghiệm vì nó được rút ra từ giá trị được cho của B hoặc phụ thuộc vào giá trị đó.
Theo định lý Bayes, xác suất xảy ra A khi biết B sẽ phụ thuộc vào 3 yếu tố:
Xác suất xảy ra A của riêng nó, không quan tâm đến B. Ký hiệu là P(A) và đọc là xác suất của A. Đây được gọi là xác suất biên duyên hay xác suất tiên nghiệm, nó là "tiên nghiệm" theo nghĩa rằng nó không quan tâm đến bất kỳ thông tin nào về B.
Xác suất xảy ra B của riêng nó, không quan tâm đến A. Ký hiệu là P(B) và đọc là "xác suất của B". Đại lượng này còn gọi là hằng số chuẩn hóa (normalising constant), vì nó luôn giống nhau, không phụ thuộc vào sự kiện A đang muốn biết.
Xác suất xảy ra B khi biết A xảy ra. Ký hiệu là P(B|A) và đọc là "xác suất của B nếu có A". Đại lượng này gọi là khả năng (likelihood) xảy ra B khi biết A đã xảy ra. Chú ý không nhầm lẫn giữa khả năng xảy ra B khi biết A và xác suất xảy ra A khi biết B.
Khi biết ba đại lượng này, xác suất của A khi biết B cho bởi công thức:
Từ đó dẫn tới
Các dạng khác của định lý Bayes
Định lý Bayes thường cũng thường được viết dưới dạng
hay
trong đó AC là biến cố bù của biến cố A (thường được gọi là "không A"). Tổng quát hơn, với {Ai} tạo thành một phân hoạch của không gian các biến cố,
với mọi Ai trong phân hoạch.
Công thức này còn được biết dưới tên công thức xác suất đầy đủ.
Định lý Bayes với hàm mật độ xác suất
Cũng có một dạng của định lý Bayes cho các phân bố liên tục. Đối với chúng, thay cho các xác suất trong định lý Bayes ta dùng hàm mật độ xác suất. Như vậy ta có các công thức tương tự định nghĩa xác suất điều kiện:
và công thức tương tự công thức xác suất đầy đủ:
Ý nghĩa của các thành phần trong các công thức trên là
f(x, y) là mật độ phân phối của phân phối đồng thời của các biến ngẫu nhiên X và Y,
f(x|y) là mật độ phân phối xác suất hậu nghiệm của X với điều kiện Y=y,
f(y|x) = L(x|y) là (một hàm của x) hàm khả năng của X với điều kiện Y=y,
và f(x) và f(y) là các mật độ phân phối của X và Y tách biệt nhau, với f(x) là mật độ phân phối tiền nghiệm của X.
Điều kiện mặc định trong các công thức là hàm f khả vi và các tích phân công thức tồn tại.
Ứng dụng của định lý Bayes thường dựa trên một giả thiết có tính triết học Bayesian probability ngầm định rằng độ bất định và kỳ vọng có thể tính toán được giống như là xác suất. Định lý Bayes được đặt theo tên của Reverend Thomas Bayes (1702—1761), người nghiên cứu cách tính một phân bố với tham số là một phân bố nhị phân. Người bạn của ông, Richard Price, chỉnh sửa và giới thiệu công trình năm 1763, sau khi Bayes mất, với tựa đề An Essay towards solving a Problem in the Doctrine of Chances. Pierre-Simon Laplace mở rộng kết quả trong bài luận năm 1774. |
Từ Hán Việt là những từ và ngữ tố tiếng Việt bắt nguồn từ tiếng Hán và những từ tiếng Việt được người nói tiếng Việt tạo ra bằng cách ghép các từ và/hoặc ngữ tố tiếng Việt gốc Hán lại với nhau. Từ Hán Việt là một bộ phận không nhỏ của tiếng Việt, có vai trò quan trọng và không thể tách rời hay xóa bỏ khỏi tiếng Việt.
Lịch sử
Với sự giao lưu trên nhiều bình diện văn hóa, kinh tế và chiến tranh giữa các dân tộc ở Trung Quốc, Đông Á và Đông Nam Á, chữ Hán được du nhập và phổ biến rộng rãi, không những trong phạm vi người Hán mà được một số dân tộc lân bang đã chấp nhận chữ Hán làm văn tự của chính họ, trong số đó có người Việt, người Triều Tiên, và người Nhật. Ba dân tộc trên nói ba thứ tiếng khác nhau mà cũng không thuộc họ ngôn ngữ với tiếng Hán nhưng đã mượn chữ Hán một cách quy mô.
Đối với người Việt sau 1000 năm Bắc thuộc, văn hóa Hán xâm nhập và chi phối sinh hoạt xã hội người Việt khá sâu đậm. Về mặt ngôn ngữ, tuy người Việt vẫn nói tiếng Việt nhưng tiếng Hán, nhất là trong những phạm vi triết học, chính trị, và kỹ thuật được người Việt vay mượn rất nhiều.
Trước thời Bắc thuộc
Lúc này tạm thời chưa có chữ viết, hoặc có thể đã có chữ viết nhưng bị người Hoa xóa sổ.
Thời Bắc thuộc
Khi Giao Chỉ bị nhà Hán chinh phục thì tiếng Hán cũng theo chân quan lại nhà Hán sang Giao Chỉ. Từ đó, người Việt được tiếp xúc trực tiếp với tiếng Hán, trực tiếp vay mượn từ ngữ của tiếng Hán.
Sau thời Bắc thuộc
Đầu thế kỷ X, Việt Nam trở thành một quốc gia độc lập. Mất đi sự hiện diện trực tiếp của lớp người Hán thống trị, từ và âm Hán Việt từ đó bị cách ly khỏi dòng chính của tiếng Hán và đi theo một hướng riêng của tiếng Việt. Phần lớn kho từ vựng Hán Việt ngày nay được định hóa thuộc giai đoạn thứ hai này.
Từ Hán Việt đã góp phần làm phong phú vốn từ của tiếng Việt, phần thì bổ túc cho những từ ngữ không có trong tiếng Việt, ngoài ra gia tăng ngữ nghĩa thêm tinh tế cho dù có sẵn những chữ thuần Việt song hành. Nhu cầu dùng từ Hán Việt càng tăng cao trong thế kỷ XX, khi người Việt dùng chữ Quốc ngữ (chữ Latin) mà không muốn mất đi vốn từ vựng chữ Hán đã quen dùng trước đó, mà cách dễ nhất là dùng chữ Quốc ngữ để phiên âm các từ được viết bằng chữ Hán. Ngày nay, khi muốn sử dụng một thuật ngữ mới, người ta đều có xu hướng dùng từ Hán Việt như: "lập trình", "vi mạch", "cộng hòa", "Wiki hóa", v.v.
Ngoài ra, còn có các từ gốc Hán được tiếp nhận bằng con đường khẩu ngữ với phát âm của một phương ngữ nào đó của tiếng Hán hiện đại: ca la thầu, mì chính, quẩy, hủ tiếu, v.v. Những từ này là từ mượn và thường không được xem là từ Hán Việt.
Phân loại từ và âm Hán Việt
Các nhà ngôn ngữ học Việt Nam thường chia từ và âm Hán Việt thành ba loại dựa theo thời điểm hình thành trong tiếng Việt là từ/âm Hán Việt cổ, từ/âm Hán Việt và từ/âm Hán Việt Việt hoá. Cách phân loại này bắt nguồn từ cách phân loại từ Hán Việt của nhà ngôn ngữ học người Trung Quốc Vương Lực (王力). Cách phân loại từ Hán Việt của Vương Lực được giới nghiên cứu ngôn ngữ biết đến lần đầu vào năm 1948 qua một bài viết dài 128 trang của Vương Lực có tiêu đề là "Hán Việt ngữ nghiên cứu" 漢越語研究 đăng trên "Lĩnh Nam học báo" (嶺南學報, tập san học thuật của Khoa Trung văn Đại học Lĩnh Nam, Hương Cảng) tập 9, kỳ 1. Trong bài viết này Vương Lực chia từ ngữ tiếng Việt thành hai loại dựa theo nguồn gốc của chúng là tiếng Việt (nguyên văn: 越語 Việt ngữ) và tiếng Hán Việt (漢越語 Hán Việt ngữ). Dựa theo thời điểm hình thành trong tiếng Việt Vương Lực chia tiếng Hán Việt thành ba loại là tiếng Hán Việt cổ (古漢越語 cổ Hán Việt ngữ), tiếng Hán Việt (漢越語 Hán Việt ngữ) và Hán ngữ Việt hoá (漢語越化). Cách phân loại của Vương Lực được hầu hết các nhà ngôn ngữ học Việt Nam tán thành và tiếp nhận, chỉ điều chỉnh lại tên gọi các loại. Tiếng Việt, một trong ba loại tiếng Việt, được đổi thành từ thuần Việt, tiếng Hán Việt cổ, tiếng Hán Việt (một trong ba loại tiếng Hán Việt) và Hán ngữ Việt hoá được đổi thành từ Hán Việt cổ, từ Hán Việt, từ Hán Việt Việt hoá.
Cách đặt tên loại của Vương Lực có phần bất hợp lý khi trong tiếng Việt lại có một loại gọi là tiếng Việt, trong tiếng Hán Việt lại có một loại gọi là tiếng Hán Việt. Việc đổi tên tiếng Việt và tiếng Hán Việt thành từ thuần Việt và từ Hán Việt của các nhà ngôn ngữ học Việt Nam giữ nguyên sự bất hợp lý này.
Vương Lực gọi những từ tiếng Việt có chung nguồn gốc với các ngôn ngữ thuộc ngữ chi Thái và ngữ tộc Môn – Khơ–me và các từ chưa rõ nguồn gốc là "tiếng Việt" (tương ứng với khái niệm từ thuần Việt được giới ngôn ngữ học Việt Nam sử dụng). Từ nào tiếng Việt vay mượn từ tiếng Thái nguyên thủy mà tiếng Thái nguyên thủy mượn từ tiếng Hán thì được tính là tiếng Hán Việt, không tính là tiếng Việt (từ thuần Việt). Cũng giống như "tiếng Việt" của Vương Lực, "từ thuần Việt" dù được định nghĩa như thế nào cũng vẫn luôn được dùng để chỉ cả các từ tiếng Việt chưa rõ nguồn gốc. Tại Việt Nam tên gọi "từ thuần Việt" thường bị sử dụng tuỳ tiện, người ta có thể gán cho bất cứ từ tiếng Việt nào họ nghĩ rằng đó là từ đó là từ do người Việt tự nghĩ ra, không vay mượn từ bất cứ ngôn ngữ nào là "từ thuần Việt" mà không hề dựa trên bất cứ nghiên cứu nào về từ nguyên của những từ được cho là "thuần Việt" ấy. Hầu hết những từ được người Việt gọi là từ thuần Việt là những từ chưa rõ nguồn gốc, trong những từ được gọi là "từ thuần Việt" luôn có cả những từ Hán Việt mà người ta không biết nó là từ Hán Việt.
Từ/âm Hán Việt cổ là những từ tiếng Hán được tiếng Việt thu nhận trước thời Đường thông qua giao tiếp bằng lời nói. Hầu hết từ/âm Hán Việt cổ bắt nguồn từ tiếng Hán thời nhà Hán. Phần lớn quãng thời gian từ cuối thời nhà Hán đến trước thời Đường, Giao Chỉ trong tình trạng độc lập hoặc quan lại địa phương cát cứ, việc tiếp xúc với tiếng Hán bị giảm thiểu so với trước. Cho đến trước thời Đường, ngay cả khi nhà Hán sụp đổ đã lâu người Việt ở Giao Chỉ vẫn đọc chữ Hán bằng âm Hán Việt cổ bắt nguồn từ tiếng Hán thời nhà Hán. Một số ví dụ về từ Hán Việt cổ:
Tươi: âm Hán Việt cổ của chữ "鮮", âm Hán Việt là "tiên"..
Kim, ghim: âm Hán Việt cổ của chữ "針", âm Hán Việt là "châm"..
"Bố" trong "bố mẹ": âm Hán Việt cổ của chữ "父", âm Hán Việt là "phụ".
Xưa: âm Hán Việt cổ của chữ "初", âm Hán Việt là "sơ".
"Cải" trong "dưa cải": âm Hán Việt cổ của chữ "芥", âm Hán Việt là "giới".
Búa: âm Hán Việt cổ của chữ "斧", âm Hán Việt là "phủ".
Khéo: âm Hán Việt cổ của chữ "巧", âm Hán Việt là "xảo".
Buồn: âm Hán Việt cổ của chữ "煩", âm Hán Việt là "phiền".
"Cả" trong "giá cả": âm Hán Việt cổ của chữ "價", âm Hán Việt là "giá".
"Kén" trong "kén chọn": âm Hán Việt cổ chữ "揀", âm Hán Việt là "giản".
"Dua" trong "a dua": âm Hán Việt cổ của chữ "諛", âm Hán Việt là "du".
Chè: âm Hán Việt cổ của chữ "茶", âm Hán Việt là "trà".
Mùi: âm Hán Việt cổ của chữ "味", âm Hán Việt là "vị".
Thước: âm Hán Việt cổ của chữ "尺", âm Hán Việt là "xích".
Keo: âm Hán Việt cổ của chữ "膠", âm Hán Việt là "giao".
Đũa: âm Hán Việt cổ của chữ "箸", âm Hán Việt là "trợ".
Từ/âm Hán Việt, một trong ba loại từ/âm Hán Việt, là những từ/âm tiếng Hán được tiếng Việt tiếp nhận trong giai đoạn từ thời nhà Đường cho đến đầu thế kỷ thứ mười khi Việt Nam trở thành một quốc gia độc lập, ví dụ như "lịch sử" 歷史, "gia đình" 家庭, "tự nhiên" 自然, "đức cao vọng trọng" 德高望重, "vân vân" 云云. Từ/âm Hán Việt (một trong ba loại từ/âm Hán Việt) chủ yếu bắt nguồn từ tiếng Hán thời nhà Đường. Nhà Đường đẩy mạnh việc dạy học và sử dụng tiếng Hán ở An Nam, yêu cầu người Việt không được đọc chữ Hán bằng âm Hán Việt cổ bắt nguồn từ tiếng Hán thời nhà Hán nữa mà phải đọc bằng tiếng Hán đương thời. Điều đó làm cho tiếng Việt lúc này có hai loại từ Hán Việt là từ Hán Việt cổ bắt nguồn từ tiếng Hán trước thời Đường và từ Hán Việt bắt nguồn từ tiếng Hán đương thời. Khi người Việt hoàn toàn chuyển sang đọc chữ Hán bằng âm Hán Việt, không đọc bằng âm Hán Việt cổ nữa, âm Hán Việt trở thành cách đọc tiêu chuẩn của chữ Hán, người Việt không còn nhận ra từ Hán Việt cổ là những từ bắt nguồn từ tiếng Hán, chúng được cho là tiếng Việt, chỉ có những từ vay mượn từ tiếng Hán thời nhà Đường mới là từ tiếng Hán. Vì âm Hán Việt (một trong ba loại âm Hán Việt) là một hệ thống hoàn chỉnh, về mặt lý thuyết mọi chữ Hán đều có âm Hán Việt và âm Hán Việt là cách đọc tiêu chuẩn của chữ Hán nên trong ba loại từ Hán Việt từ Hán Việt là loại từ Hán Việt người Việt dễ nhận ra nhất.
Từ/âm Hán Việt Việt hoá là những từ Hán Việt không rõ thời điểm hình thành có quy luật biến đổi ngữ âm không hoàn toàn giống với từ Hán Việt cổ và từ Hán Việt (một trong ba loại từ Hán Việt). Trong ba loại từ Hán Việt, từ Hán Việt Việt hoá là loại khó nghiên cứu, khó phát hiện nhất. Rất khó phân biệt từ Hán Việt cổ và từ Hán Việt Việt hoá, việc tìm từ Hán Việt trong những từ tiếng Việt không phải là từ Hán Việt (một trong ba loại từ Hán Việt) đã khó, việc xác định xem chúng là từ Hán Việt cổ hay Hán Việt Việt hoá lại còn khó hơn nữa. Nhà ngôn ngữ học người Việt Nam Nguyễn Tài Cẩn cho rằng từ Hán Việt Việt hoá cũng bắt nguồn từ tiếng Hán thời Đường giống như từ Hán Việt (một trong ba loại từ Hán Việt), sau này vì ngữ âm của chúng biến đổi khác nhau mà phân hoá thành hai loại từ Hán Việt. Một số ví dụ về từ Hán Việt Việt hóa:
Gương: âm Hán Việt Việt hoá của chữ "鏡", âm Hán Việt là "kính".
Về: âm Hán Việt Việt hoá của chữ "回", âm Hán Việt là "hồi".
"Goá" trong "goá bụa": âm Hán Việt Việt hoá của chữ "寡", âm Hán Việt là "quả".
"Vẹn" trong "trọn vẹn": âm Hán Việt Việt hoá của chữ "完", âm Hán Việt là "hoàn".
"Cầu" trong "cầu đường": âm Hán Việt Việt hoá của chữ "橋", âm Hán Việt là "kiều".
Vợ: âm Hán Việt Việt hoá của chữ "婦", âm Hán Việt là "phụ".
Giường: âm Hán Việt Việt hoá của chữ "床", âm Hán Việt là "sàng".
"Sức" trong "sức lực": âm Hán Việt Việt hoá của chữ "力", âm Hán Việt là "lực".
"Đền" trong "đền thờ": âm Hán Việt Việt hoá của chữ "殿", âm Hán Việt là "điện".
Cướp: âm Hán Việt Việt hoá của chữ "劫", âm Hán Việt là "kiếp".
"Giống" trong "hạt giống", "giống loài": âm Hán Việt Việt hoá của chữ "種", âm Hán Việt là "chủng" (chữ "種" có hai âm Hán Việt là "chủng" và "chúng", khi "種" có nghĩa là "giống" thì đọc là "chủng").
Trồng, giồng: âm Hán Việt Việt hoá của chữ "種", âm Hán Việt là "chúng" (chữ "種" có hai âm Hán Việt là "chủng" và "chúng", khi "種" có nghĩa là "trồng" thì đọc là "chúng").
Thuê: âm Hán Việt Việt hoá của chữ "稅", âm Hán Việt là "thuế".
Mặc dù có thời điểm hình thành khác nhau song từ Hán Việt cổ và từ Hán Việt Việt hoá đều hoà nhập rất sâu vào trong tiếng Việt, rất khó phát hiện ra chúng là từ Hán Việt, hầu hết người Việt coi từ Hán Việt cổ và từ Hán Việt Việt hóa là từ thuần Việt, không phải từ Hán Việt. Từ Hán Việt cổ và từ Hán Việt Việt hoá là những từ ngữ thường dùng hằng ngày, nằm trong lớp từ vựng cơ bản của tiếng Việt. Khi nói chuyện về những chủ đề không mang tính học thuật người Việt có thể nói với nhau mà chỉ cần dùng rất ít, thậm chí không cần dùng bất cứ từ Hán Việt (một trong ba loại từ Hán Việt) nào nhưng từ Hán Việt cổ và Hán Việt Việt hoá thì không thể thiếu được. Người Việt không xem từ Hán Việt cổ và Hán Việt Việt hoá là tiếng Hán mà cho chúng là tiếng Việt, vì vậy sau khi chữ Nôm ra đời nhiều từ Hán Việt cổ và Hán ngữ Việt hoá không được người Việt ghi bằng chữ Hán gốc mà ghi bằng chữ Nôm.
Xét về tỷ lệ xuất hiện của ba loại từ Hán Việt trong những lời nói thường ngày của người Việt, từ Hán Việt, loại dễ phát hiện nhất lại chiếm tỷ lệ thấp nhất, hai loại khó phát hiện nhất là từ Hán Việt cổ và Hán Việt Việt hoá lại chiếm tỷ lệ cao nhất. Cũng vì chỉ có từ Hán Việt, một trong ba loại từ Hán Việt, được coi là từ Hán Việt, còn từ Hán Việt cổ và Hán Việt Việt hoá được coi là từ thuần Việt nên khi tính tỷ lệ từ Hán Việt trong tiếng Việt người ta thấy trong những lời nói thường ngày từ Hán Việt chiếm tỷ lệ rất thấp.
Từ Hán Việt đồng âm
Tiếng Việt có nhiều từ đồng âm khác nghĩa, bộ phận từ Hán Việt trong tiếng Việt cũng không phải là ngoại lệ. Hiện tượng đồng âm trong từ Hán Việt khá phổ biến vì ngay trong tiếng Hán đã có nhiều chữ đồng âm. Ví dụ:
Chữ "phi" 飛 có nghĩa là "bay" đồng âm với chữ "phi" 非 có nghĩa là "không, không phải".
Chữ "lưu" 流 có nghĩa "trôi chảy" (trong từ 流程 lưu trình), chữ "lưu" 留 có nghĩa "ở lại" (trong từ 留學生 lưu học sinh).
Tuy nhiên, có một số chữ trong tiếng Hán là đồng âm nhưng lại có âm Hán Việt khác nhau. "Đồng âm" ở đây có thể là đồng âm từ thời điểm chúng được tiếng Việt vay mượn cho đến hiện tại hoặc hiện tại thì đồng âm nhưng ở thời điểm được tiếng Việt vay mượn thì chúng lại khác âm hoặc ở thời điểm được tiếng Việt vay mượn thì đồng âm nhưng nay lại khác âm, đồng âm trong tất cả các phương ngữ của tiếng Hán hoặc chỉ đồng âm trong một số phương ngữ của tiếng Hán, còn các phương ngữ khác thì không. Ví dụ như chữ "ngư" 魚 có nghĩa "con cá" và chữ "dư" 餘 có nghĩa là "thừa" trong tiếng phổ thông Trung Quốc là hai chữ đồng âm, chúng cùng được đọc là "yú" (âm đọc được ghi bằng bính âm).
Từ Hán Việt có ý nghĩa khác so với trong tiếng Hán
Có một số từ Hán Việt mang ý nghĩa đối với người Việt khác với tiếng Hán chính thống. Ví dụ như ngày nay trong tiếng Trung Quốc từ "bác sĩ" (chữ Hán: 博士) thường dùng để chỉ học vị "tiến sĩ", còn bác sĩ được gọi là "y sinh" (Hán văn phồn thể: 醫生, Hán văn giản thể: 医生) hoặc "đại phu" (Hán văn: 大夫, thường dùng trong khẩu ngữ).
Bên cạnh đó. còn tồn tại vài trường hợp thiếu nhất quán trong phiên âm Hán Việt, như các trường hợp một chữ Hán có 1 âm Quan thoại nhưng có thể có 2 âm Hán Việt khác nhau được ghi chú trong cùng một từ/tự điển, ví dụ từ 使, bính âm quan thoại đọc là shǐ, phiên âm Hán Việt có lúc đọc là "sứ" (大使館 – đại sứ quán), có lúc đọc "sử" (使用 – sử dụng), còn có nhiều trường hợp mỗi sách ghi một âm Hán Việt khác nhau (xem bài phiên âm Hán Việt).
Từ Hán Việt trong mối tương quan của tiếng Việt, tiếng Hán, và các ngôn ngữ có vay mượn tiếng Hán khác
Không chỉ Việt Nam, các nước lân cận quốc gia Trung Quốc cũng chịu nhiều ảnh hưởng và giao lưu với ngôn ngữ Trung Quốc, có thể kể đến như Hàn Quốc hay Nhật Bản. Hình dung sự tiến hóa của các giống linh trưởng từ một nguồn cội chung đến khi có sự khác biệt đáng kể như ngày nay để thấy ngôn ngữ dù có xuất phát từ chung một gốc gác cũng luôn vận động và phát triển không ngừng, đến nỗi diện mạo đã có nhiều đổi khác. Nhiều từ ngữ đích thực có nguồn gốc Hán Việt nhưng thực ra, sự phát sinh, tồn tại và sử dụng đã thoát li độc lập với Hán ngữ.
Trong mối quan hệ hai chiều giữa tiếng Hán và tiếng Việt, xuất phát từ cùng một gốc nhưng yếu tố ngôn ngữ đó, hoặc là đã biến đổi trong tiếng Việt nhưng còn được bảo lưu trong tiếng Hán (ví dụ số 1) hoặc là vẫn được bảo lưu trong tiếng Việt nhưng đã thay đổi trong tiếng Hán, hoặc là đã biến đổi trong cả hai ngôn ngữ khác với gốc ban đầu (ví dụ số 3).
Ví dụ số 1, từ Hán Việt mang sắc thái nghĩa mới, ví dụ 困難 phiên âm Hán Việt "khốn nạn" khác nghĩa hoàn toàn với nghĩa hiện đại trong tiếng Trung – khó khăn, ngoài ra không còn nghĩa khác. Thực tế là từ 困難 khi mới du nhập vào tiếng Việt vẫn mang sắc thái nghĩa "khó khăn" như trong tiếng Hán hiện đại ngày nay, chẳng hạn Tác phẩm Les Misérables bản dịch đầu tiên tại Việt Nam, xuất bản năm 1926 vẫn còn được dịch là "Những kẻ khốn nạn".
Ví dụ số 2, tiếng Việt dùng từ gốc Hán cũ tạo từ mới mà bản thân tiếng Hán không có, ví dụ từ "Dân số" Hán tự là 民數 dùng chỉ số lượng người dân, nhưng tiếng Hán không có từ này, để chỉ khái niệm tương đương, dùng 人數 (phiên âm Hán Việt "nhân số" – tiếng Việt rất hiếm hoặc không dùng) hoặc 人口 (phiên âm Hán Việt "nhân khẩu" – tiếng Việt cũng có dùng).
Ví dụ số 3, tiếng Việt và tiếng Hán dùng các từ vốn có khác nhau để chỉ cùng khái niệm mới xuất hiện. Ví dụ để biểu khái niệm "một tổ hợp các yếu tố tự nhiên và xã hội bao quanh bên ngoài của một hệ thống hoặc một cá thể, sự vật nào đó", tiếng việt dùng từ "môi trường" (媒場 – tiếng Hán không dùng từ này) tiếng Hán dùng từ 環境 (phiên âm Hán Việt là hoàn cảnh).
Trong mỗi quan hệ đa chiều giữa các ngôn ngữ cùng vay mượn tiếng Hán thể hiện sự giao thoa, vay mượn của các yếu tố có nguồn gốc Hán ngữ, qua lại ở các ngôn ngữ khác thông qua tiếng Hán, hoặc trực tiếp với nhau không thông qua tiếng Hán. Chẳng hạn, tiếng Nhật và tiếng Hàn cũng có sự sáng tạo trên nền Hán ngữ ở các khía cạnh như tiếng Việt nêu trên, rồi nhập ngược lại tiếng Hán, hoặc nhập sang ngôn ngữ khác. Ví dụ, người Nhật dùng từ 茶 và từ 道 sáng tạo ra khái niệm 茶道 (茶の湯 trà đạo) để biểu thị lề lối, văn hóa thưởng thức trà, sau đó du nhập ngược trở lại tiếng Hán, tiếng Việt lại tiếp tục vay mượn. Như vậy, từ này hình thức là một từ Hán Việt, nhưng thực ra lại có nguồn gốc Nhật Bản. Từ Thiếu tá (少佐) có ý nghĩa tương đương trong tiếng Nhật, nhưng bản thân tiếng Hán không có, mà dùng từ 少校 (phiên âm Hán Việt "Thiếu hiệu", cả tiếng Việt và tiếng Nhật không dùng từ này để chỉ ý nghĩa tương tự). Tiếng Hàn dùng chữ 기사 (Hán tự 技師 – phiên âm Hán Việt là "kỹ sư") cùng chỉ khái niệm tương đương "kỹ sư" trong tiếng Việt, trong khi tiếng Hán không dùng từ này mà dùng từ 工程師 (phiên âm Hán Việt: Công trình sư).
Thành ngữ Hán Việt |
Thám hiểm bao gồm các hoạt động mang tính phiêu lưu mạo hiểm nhằm mục đích khám phá tìm kiếm những điều bất ngờ chưa được biết đến.
Từ này cũng dùng để những hoạt động tìm hiểu ban đầu của một dân tộc đối với nền văn minh của các dân tộc khác. Những cuộc khám phá đã bắt đầu từ khi con người xuất hiện, và thời đại khám phá của châu Âu là giai đoạn xuất hiện nhiều cuộc phát kiến lớn cả về địa lý lẫn văn hóa.
Những nhà thám hiểm nổi tiếng
Pytheas (380 TCN - 310 TCN) - người Hy Lạp. Ông là người đầu tiên đi vòng quanh đảo Anh bằng đường biển và thám hiểm nước Đức. Ông cũng đã đến Thule, được cho là Quần đảo Shetland hoặc Iceland.
Erik the Red (Erick Đỏ) (950 - 1003) - người Na Uy. Sau khi bị trục xuất khỏi Iceland, ông đến định cư ở Greenland.
Leif Ericson (khoảng 970 - khoảng 1020) - người Na Uy. Ông được cho là người châu Âu đầu tiên đến Bắc Mỹ.
Marco Polo (1254 - 1324) - người Tây Ban Nha. Ông có nhiều ghi chép về Trung Quốc.
Ibn Battuta (1304 - 1377) - người Berber.
Trịnh Hòa (1371 - 1433) - người Trung Quốc.
John Cabot (khoảng 1450 - 1499) - người Ý.
Bartholomeu Dias (khoảng 1450 - 1500) - người Bồ Đào Nha. Ông đã đi thuyền đến mũi Hảo Vọng.
Cristoforo Colombo (1451 - 1506) - người Ý.
Amerigo Vespucci (khoảng 1454 - 1512) - người Ý. Ông đã thám hiểm miền duyên hải phía Đông của Nam Phi.
Juan Ponce de León (khoảng 1460 - 1521) - người Tây Ban Nha.
Pedro Álvares Cabral (khoảng 1467 - khoảng 1520) - người Bồ Đào Nha. Ông được cho là người đầu tiên tìm ra tuyến đường biển đến Brasil.
Vasco da Gama (khoảng 1469 - 1524) - người Bồ Đào Nha. Ông đã đi thuyền từ Bồ Đào Nha đến Ấn Độ bằng cách vòng qua mũi Hảo Vọng.
Vasco Núñez de Balboa (khoảng 1475 - 1519) - người Tây Ban Nha.
Juan Sebastián Elcano (1476 - 1526) - người Tây Ban Nha. Ông đã hoàn tất chuyến đi vòng quanh Trái Đất bằng đường biển sau khi chỉ huy của chuyến đi, Magellan, bị giết.
Ferdinand Magellan (1480 - 1521) - người Bồ Đào Nha. Ông đã chỉ huy chuyến đi vòng quanh Trái Đất bằng đường biển đầu tiên, vòng qua mũi Horn và đặt tên cho Thái Bình Dương. Ông bị giết ở Philippines.
Giovanni da Verrazzano (khoảng 1485 - 1528) - người Ý.
Luis Váez de Torres (khoảng 1565).
Henry Hudson (1570 - 1611) - người Anh.
Vitus Bering (1681 - 1741) - người Đan Mạch.
Thuyền trưởng James Cook (1728 - 1779) - người Anh.
Jean François La Pérouse (1741 – 1788) - người Pháp.
Alexander von Humboldt (1769 - 1859) - người Đức.
Đại úy Meriwether Lewis (1774 - 1809) - người Mỹ cùng với Clark trong Cuộc hành trình thám hiểm tìm con đường bộ từ Missouri đến Thái Bình Dương sau khi Hoa Kỳ mua được Vùng đất Louisiana của Pháp
Ahmed Pasha Hassanein (1889 - 1946) - người Ai Cập. Ông là nhà thám hiểm, nhà ngoại giao, một trong hai người không thuộc châu Âu đoạt huy chương vàng của Hội Địa lý Hoàng gia vào năm 1924, tham dự Thế vận hội 1924, nhà nhiếp ảnh và viết cuốn The Lost Oases bằng ba thứ tiếng.
Roald Amundsen (1872 - 1928) - người Na Uy. Ông đã chỉ huy đoàn thám hiểm đầu tiên tới Nam Cực.
Sir Edmund Hillary - người New Zealand. Ông cùng với Tenzing Norgay là những người đầu tiên leo đến đỉnh Everest.
Neil Armstrong - người Mỹ. Ông là người đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng.
Yuri Alekseievich Gagarin - người Liên Xô. Ông là người đầu tiên bay vào vũ trụ.
Reinhold Messner - người Ý. Ông là người đầu tiên leo lên đỉnh của 14 ngọn núi cao trên 8000 mét. |
Johann Carl Friedrich Gauß (; ; ; 30 tháng 4 năm 1777 – 23 tháng 2 năm 1855) là một nhà toán học và nhà khoa học người Đức tài năng, người đã có nhiều đóng góp lớn cho nhiều lĩnh vực khoa học, như lý thuyết số, giải tích, hình học vi phân, khoa trắc địa, từ học, tĩnh điện học, thiên văn học và quang học. Được mệnh danh là "hoàng tử của các nhà toán học", với ảnh hưởng sâu sắc cho sự phát triển của toán học và khoa học, Gauss được xếp ngang hàng cùng Leonhard Euler, Isaac Newton và Archimedes như là những nhà toán học vĩ đại nhất của lịch sử.
Tiểu sử
Đầu đời
trái|nhỏ|Tượng Gauss tại quê nhà Braunschweig
Johann Carl Friedrich Gauss sinh ngày 30 tháng 4 năm 1777 tại Braunschweig, Lãnh địa Braunschweig-Wolfenbüttel (nay là Hạ Saxony, Đức), là con trai duy nhất của một cặp vợ chồng thuộc tầng lớp lao động nghèo trong xã hội. Mẹ của Gauss không biết chữ và không bao giờ ghi lại ngày sinh của ông, chỉ nhớ rằng Gauss được sinh ra vào thứ Tư, tám ngày trước lễ Thăng thiên (39 ngày sau lễ Phục sinh). Gauss sau đó đã giải được câu đố về ngày sinh của mình trong khi đang dò tìm ngày diễn ra lễ Phục sinh, tìm thấy các phương pháp để tính được ngày này từ cả năm trước đó và những năm sau này. Ông đã được rửa tội và cử hành lễ kiên tín trong một nhà thờ gần trường mà ông theo học khi còn nhỏ.
Gauss được coi là một thần đồng. Trong đài tưởng niệm về Gauss, Wolfgang Sartorius von Waltershausen nói rằng khi Gauss mới chỉ ba tuổi, ông đã sửa lại các phép tính mà cha mình mắc phải khi bán hàng; và khi lên bảy, ông tự tin giải một bài toán cấp số cộng nhanh hơn bất kỳ ai khác trong lớp học gồm 100 học sinh của mình. Nhiều phiên bản của câu chuyện này đã được kể lại từ thời điểm đó với nhiều chi tiết khác nhau liên quan đến chủ đề của câu chuyện là gì – thường gặp nhất là bài toán cổ điển về việc cộng tất cả các số nguyên từ 1 đến 100. Có nhiều giai thoại khác về sự tiến bộ của ông khi còn chập chững, và ông đã có những khám phá toán học đột phá đầu tiên khi còn là một thiếu niên. Ông đã hoàn thành kiệt tác của mình, Disquisitiones Arithmeticae, vào năm 1798 ở tuổi 21—dù nó không được xuất bản mãi cho đến năm 1801. Công việc này đóng vai trò là nền tảng cơ bản trong việc củng cố lý thuyết số như một môn học và đã định hình lĩnh vực này cho đến ngày nay.
Khả năng trí tuệ của Gauss đã thu hút sự chú ý của Công tước Braunschweig, người đã gửi ông đến trường Collegium Carolinum (nay là Đại học Kỹ thuật Braunschweig), mà ông theo học từ 1792 đến 1795, và tới Đại học Göttingen từ 1795 đến 1798. Khi còn ở trường đại học, Gauss đã độc lập tái khám phá một số định lý quan trọng. Bước đột phá của ông xảy ra vào năm 1796, khi ông chứng minh được rằng mọi đa giác đều với số cạnh bằng số nguyên tố Fermat (và, do đó, mọi đa giác đều với số cạnh bằng tích của các số nguyên tố Fermat khác nhau và lũy thừa của 2) đều có thể dựng được bằng compa và thước kẻ. Đây là một khám phá đóng vai trò chính trong một lĩnh vực quan trọng của toán học; các vấn đề về dựng hình đã làm đau đầu nhiều nhà toán học kể từ thời Hy Lạp cổ đại, và khám phá này cuối cùng đã khiến Gauss chọn sự nghiệp toán học thay vì bác ngữ học. Gauss đã thích thú với kết quả này đến nỗi ông đã yêu cầu khắc lên mộ mình sau này một hình thất thập giác đều, tuy nhiên, người xây mộ đã từ chối, nói rằng khó khăn về kỹ thuật sẽ khiến cho hình với số cạnh nhiều như vậy khi khắc lên về cơ bản sẽ trông giống một hình tròn.
Năm 1796 là một năm đạt nhiều thành tựu cho cả Gauss và lý thuyết số. Ngày 30 tháng 3 năm đó, ông đã phát hiện ra một cách dựng hình thất thập giác. Sau đó, ông tiếp tục nâng cấp phát triển số học module, giúp đơn giản hóa rất nhiều thao tác trong lý thuyết số. Ngày 8 tháng 4, ông trở thành người đầu tiên chứng minh thành công định luật tương hỗ bậc hai. Định luật tổng quát đáng chú ý này cho phép các nhà toán học xác định khả năng có thể giải được của bất kỳ phương trình bậc hai nào trong số học mô-đun. Định lý số nguyên tố, được tiên đoán vào ngày 31 tháng 5, cho thấy một cách hiểu thấu đáo về cách các số nguyên tố được phân bổ trong dãy số nguyên.
Ngày 10 tháng 7, Gauss cũng phát hiện ra rằng mọi số nguyên dương có thể biểu diễn dưới dạng tổng của nhiều nhất là ba số tam giác; ông đã sung sướng viết trong nhật ký của mình: "ΕΥΡΗΚΑ! "Ngày 1 tháng 10, ông cho xuất bản một kết quả về các nghiệm của các đa thức với hệ số trong trường vô hạn, một kết quả mà 150 năm sau đã dẫn đến phát biểu Weil.
Những năm sau này và qua đời
nhỏ|Gauss lúc hấp hối trên giường bệnh (1855)
nhỏ|Mộ của Gauss tại Nghĩa trang Albani ở Göttingen, Đức
Gauss vẫn tỏ ra minh mẫn và linh lợi khi về già, ngay cả khi phải chống chọi với bệnh gout và cuộc sống không hạnh phúc. Tới tuổi 62, ông vẫn dành thời gian tự học tiếng Nga.
Năm 1840, Gauss công bố Dioptrische Untersuchungen, một tài liệu có ảnh hưởng lớn, trong đó ông đã đưa ra phân tích có hệ thống đầu tiên về sự hình thành của hình ảnh theo phép tính xấp xỉ bàng trục (quang học Gauss). Trong các kết quả của mình, Gauss đã chỉ ra rằng theo phép tính xấp xỉ bàng trục, một hệ thống quang học có thể được đặc trưng bởi các điểm chính của nó, và ông đã rút ra công thức thấu kính Gauss.
Năm 1845, ông trở thành thành viên liên kết của Viện Hoàng gia Hà Lan; khi viện này trở thành Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Hoàng gia Hà Lan vào năm 1851, ông tham gia với tư cách là thành viên nước ngoài.
Năm 1854, Gauss đã chọn chủ đề cho bài giảng khai mạc của Bernhard Riemann "Über die Hypothesen, welche der Geometrie zu Grunde liegen" (Về những giả thuyết là nền tảng của Hình học). Trên đường về nhà từ bài giảng của Riemann, Weber đã kể lại rằng Gauss dành vô vàn lời khen ngợi và phấn khích.
Ngày 23 tháng 2 năm 1855, Gauss qua đời vì một cơn đau tim ở Göttingen (sau thuộc Vương quốc Hannover, nay thuộc vùng Hạ Saxony); ông được chôn cất tại Nghĩa trang Albani tại đây. Có hai người đã đọc lời điếu văn trong đám tang của ông: người con rể Heinrich Ewald, và Wolfgang Sartorius von Waltershausen, người bạn thân và là người viết tiểu sử về Gauss. Bộ não của Gauss được bảo quản và được nghiên cứu bởi Rudolf Wagner, hơi nặng hơn mức trung bình, vào khoảng 1.492 gam, và có diện tích vỏ não rộng . Người ta cũng tìm thấy các nếp cuộn phát triển ở mức độ cao, mà vào đầu thế kỷ 20 được đề xuất như là lời giải thích cho trí tuệ thiên tài của ông.
Quan điểm tôn giáo
Gauss là một tín đồ Kháng Cách Luther, một thành viên của Nhà thờ Tin lành Luther St. Albans ở Göttingen. Dấu hiệu tiềm tàng cho thấy Gauss tin vào Chúa xuất phát từ phản ứng của ông sau khi giải quyết được một vấn đề trước đây đã đánh bại bản thân: "Cuối cùng, hai ngày trước, tôi đã đạt được thành công—không bởi những nỗ lực khó khăn của mình, mà nhờ ân sủng của Người." Một trong những người viết tiểu sử về ông, G. Waldo Dunnington, mô tả quan điểm tôn giáo của Gauss như sau:Đối với ông, khoa học là phương tiện phơi bày hạt nhân bất tử của linh hồn con người. Trong những ngày tràn đầy sức mạnh, nó mang lại cho ông thú tiêu khiển và, bởi những triển vọng mà nó mở ra, đã giúp ông khuây khỏa phần nào. Đến cuối đời, nó mang lại cho ông sự tự tin. Thiên Chúa của Gauss không phải là một hình tượng siêu hình lạnh lùng và xa vời, cũng không phải là một bức tranh biếm họa bị bóp méo của thần học. Con người không được Chúa ban cho tri thức tuyệt đối để có thể kiêu ngạo cho rằng góc nhìn thiển cận của mình là ánh sáng chan chứa, và rằng không một ai khác có thể diễn giải sự thật được như cách ông làm. Đối với Gauss, không phải là người chỉ lẩm bẩm lại những tín điều mình tuân theo, mà là người sống với nó, mới là lối sống được chấp nhận. Ông tin rằng một cuộc sống được diễn ra xứng đáng tại đây, trên Trái Đất này, là sự chuẩn bị tốt nhất, duy nhất cho thiên đàng. Tôn giáo không phải là một câu hỏi của văn học, mà là của cuộc sống. Sự mặc khải của Chúa là liên tục, không chứa trong những viên đá hay cuộn giấy da thiêng liêng. Một cuốn sách được truyền cảm hứng khi bản thân nó cũng truyền cảm hứng. Ý tưởng không thể lay chuyển về sự tiếp tục của cá nhân sau khi chết, niềm tin vững chắc vào một sự điều chỉnh cuối cùng của sự vật, trong một Thiên Chúa bất diệt, công chính, toàn trí, với quyền lực vô hạn, đã hình thành nên nền tảng đời sống tôn giáo của ông, kết hợp trọn vẹn cùng nghiên cứu khoa học của ông. Ngoài thư từ bản thân, không có nhiều chi tiết được biết về tín ngưỡng cá nhân của Gauss. Nhiều nhà viết tiểu sử của Gauss không đồng ý với lập trường tôn giáo của ông, với Bühler và những người khác coi ông là một nhà thần luận có quan điểm rất không chính thống, trong khi Dunnington (mặc dù thừa nhận rằng Gauss không thuần túy tin theo tất cả các giáo điều Kitô giáo và rằng không thể biết được điều mà ông tin vào trên hầu hết các câu hỏi giáo lý và thú tội là gì) chỉ ra rằng, ít nhất, ông là một tín đồ Luther trên danh nghĩa.
Liên quan đến vấn đề này, có một bản ghi chép về cuộc trò chuyện giữa Rudolf Wagner và Gauss, trong đó họ đã thảo luận về cuốn sách Đa nguyên về thế giới (Of the Plurality of Worlds) của William Whewell. Trong tác phẩm này, Whewell đã loại bỏ khả năng tồn tại sự sống ở các hành tinh khác, trên cơ sở lập luận thần học, nhưng đây là một lập trường mà cả Wagner và Gauss đều không đồng ý. Sau đó Wagner giải thích rằng ông không hoàn toàn tin vào Kinh thánh, mặc dù ông thú nhận rằng bản thân "ghen tị" với những người có thể dễ dàng tin vào nó. Điều này sau đó đã khiến họ thảo luận về chủ đề đức tin, và ở một số lời nhận xét về tôn giáo khác, Gauss nói rằng ông đã bị ảnh hưởng bởi các nhà thần học như thủ tướng Paul Gerhardt - là tín đồ Luther - hơn là Moses. Những ảnh hưởng tôn giáo khác tới ông bao gồm Wilhelm Braubach, Johann Peter Süssmilch và kinh Tân Ước. Hai tác phẩm tôn giáo mà Gauss thường đọc là Seelenlehre của Braubach (Giessen, 1843) và Gottliche của Siissmilch (Ordnung gerettet A756); ông cũng dành thời gian đáng kể cho Tân Ước bằng tiếng Hy Lạp gốc.
Dunnington xây dựng thêm về quan điểm tôn giáo của Gauss:Ý thức tôn giáo của Gauss dựa trên một khao khát chân lý vô độ và một cảm thức sâu sắc về công lý mở rộng cho trí tuệ cũng như của cải vật chất. Ông quan niệm đời sống tinh thần trong toàn vũ trụ như một hệ thống luật pháp vĩ đại được thâm nhập bởi sự thật vĩnh cửu, và từ nguồn này, ông có được niềm tin vững chắc rằng cái chết không chấm dứt tất cả.Gauss tuyên bố ông tin tưởng vững chắc vào thế giới bên kia và xem tâm linh là một thứ gì đó cơ bản quan trọng đối với con người. Ông được trích dẫn nói rằng: "Thế giới sẽ là vô nghĩa, toàn bộ sự sáng tạo là một điều phi lý mà không có sự bất tử," và vì tuyên bố này, ông đã bị chỉ trích nặng nề bởi nhà vô thần Eugen Dühring, người đã đánh giá ông là một người mê tín hẹp hòi.
Mặc dù ông không phải là người hay đi nhà thờ, Gauss ủng hộ mạnh mẽ sự khoan dung tôn giáo, tin rằng "người ta không có lý do để làm xáo trộn niềm tin tôn giáo của người khác, trong đó họ tìm thấy niềm an ủi cho những nỗi buồn trần thế khi gặp khó khăn." Khi con trai Eugene tuyên bố rằng muốn trở thành một nhà truyền đạo Kitô giáo, Gauss chấp thuận điều này, nói rằng không kể tới các vấn đề trong các tổ chức tôn giáo, công việc truyền giáo là "một nhiệm vụ rất đáng trân trọng."
Gia đình
nhỏ|Con gái Therese (1816–1864) của Gauss
Ngày 9 tháng 10năm 1805 , Gauss kết hôn với Johanna Osthoff (1780–1809), và có hai con trai và một con gái với bà. Johanna qua đời ngày 11 tháng 10 năm 1809, và đứa con sau chót của bà, Louis, mất vào năm sau. Gauss rơi vào trầm cảm và không bao giờ có thể hồi phục hoàn toàn. Ông sau đó kết hôn với Minna Waldeck (1788–1831) vào ngày 4 tháng 8 năm 1810, và có thêm ba người con. Gauss không bao giờ còn được như xưa khi không còn người vợ đầu, và bản thân ông, giống như cha mình, bắt đầu trở nên độc đoán và gia trưởng với con cái. Minna Waldeck mất ngày 12 tháng 9 năm 1831.
Gauss có sáu người con. Với Johanna (1780–1809), các con của ông là Joseph (1806–1873), Wilhelmina (1808–1846) và Louis (1809–1810). Với Minna Waldeck, ông cũng có ba đứa con: Eugene (1811–1896), Wilhelm (1813–1879) và Therese (1816–1864). Eugene thừa hưởng tài năng của Gauss về ngôn ngữ và tính toán. Sau cái chết của người vợ thứ hai vào năm 1831, Therese tiếp quản việc gia đình và chăm sóc Gauss cho đến hết đời. Mẹ của ông sống cùng Gauss từ năm 1817 cho đến khi bà qua đời vào năm 1839.
Gauss sau này đã có xung đột với các con trai của mình. Ông không muốn bất kỳ đứa con trai nào của mình theo đuổi toán học hay khoa học vì "sợ hạ thấp tên tuổi gia đình", vì ông tin rằng không ai trong số chúng sẽ có thể vượt qua thành tích của bản thân mình. Gauss muốn Eugene trở thành một luật sư, nhưng Eugene muốn học ngôn ngữ. Họ đã có một cuộc tranh cãi về một bữa tiệc mà Eugene tổ chức, mà Gauss đã từ chối trả tiền. Người con trai bỏ đi trong sự tức giận và, vào khoảng năm 1832, di cư sang Hoa Kỳ. Khi làm việc cho Công ty Lông thú Hoa Kỳ ở Trung Tây, anh đã học ngôn ngữ Sioux. Sau đó, anh chuyển đến Missouri và trở thành một doanh nhân thành đạt. Wilhelm cũng chuyển đến Mỹ vào năm 1837 và định cư ở Missouri, bắt đầu làm nông dân và sau đó trở nên giàu có trong ngành kinh doanh giày ở St. Louis. Phải mất nhiều năm với thành công của Eugene để làm xao lãng đi danh tiếng của anh ấy giữa bạn bè và đồng nghiệp của Gauss. Xem thêm lá thư của Robert Gauss gửi cho Felix Klein vào ngày 3 tháng 9 năm 1912.
Tính cách
Gauss là một người cầu toàn hăng hái và là một người lao động cần mẫn. Ông chưa bao giờ là một nhà văn sung sức, luôn từ chối xuất bản tác phẩm mà ông chưa coi là đã hoàn thành và còn nằm trong vòng tranh luận. Điều này phù hợp với phương châm cá nhân của ông, pauca sed matura ("ít, nhưng chín chắn"). Nhật ký cá nhân của ông chỉ ra rằng ông đã thực hiện một số khám phá toán học quan trọng trong nhiều năm hoặc nhiều thập kỷ trước khi những người đương thời của ông xuất bản chúng. Nhà toán học và nhà văn người Mỹ gốc Scotland Eric Temple Bell nói rằng nếu Gauss công bố tất cả những khám phá của ông một cách kịp thời, toán học đã có thể phát triển nhanh hơn tới năm mươi năm.
Mặc dù có nhận một vài học sinh, Gauss được nhìn nhận là không thích công việc giảng dạy. Người ta nói rằng ông chỉ tham dự một hội nghị khoa học duy nhất, đó là tại Berlin vào năm 1828. Tuy nhiên, một số sinh viên của ông đã trở thành những nhà toán học có ảnh hưởng, trong đó có Richard Dedekind và Bernhard Riemann.
Theo thư đề cử của Gauss, Friedrich Bessel đã được trao bằng tiến sĩ danh dự từ Göttingen vào tháng 3 năm 1811. Trong khoảng thời gian đó, hai người tham gia trao đổi tin tức qua thư. Tuy nhiên, khi họ gặp nhau vào năm 1825, họ đã cãi nhau; không rõ cụ thể câu chuyện.
Trước khi qua đời, Sophie Germain được Gauss đề cử nhận bằng cấp danh dự; bà đã không bao giờ nhận được nó.
Gauss thường từ chối trình bày hiểu biết trực giác đằng sau những bằng chứng rất thuyết phục của mình—ông thích chúng xuất hiện "vượt ra khỏi không gian thinh lặng" và xóa đi mọi dấu vết về cách mà ông phát hiện ra chúng. Điều này là hợp lý, nếu không thỏa mãn, đối với Gauss trong cuốn Disquisitiones Arithmeticae của ông, trong đó ông tuyên bố rằng tất cả các phân tích (nghĩa là những lời mà người ta dẫn dắt để giải được bài toán) phải bị loại bỏ vì lý do ngắn gọn.
Gauss ủng hộ chế độ quân chủ và chống lại Napoléon, người mà ông coi là một sự bùng nổ của cách mạng.
Gauss đã tóm tắt quan điểm của mình về việc mưu cầu kiến thức trong một lá thư gửi Farkas Bolyai ngày 2 tháng 9 năm 1808 như sau:Không phải là kiến thức, mà là hành động học hỏi, không phải sở hữu mà là hành động đạt được điều đó, mang lại sự thích thú lớn nhất. Khi tôi đã khai phá sáng rõ và kiệt cùng một chủ đề, thì sau đó tôi bỏ đi tiếp, để đi vào bóng tối một lần nữa. Người đàn ông không bao giờ hài lòng luôn vô cùng kì dị; nếu anh ta đã hoàn thành một cấu trúc, thì đó không phải là để chìm đắm trong nó một cách yên ắng, mà là để bắt đầu một cấu trúc khác. Tôi tưởng tượng kẻ chinh phục thế giới phải cảm thấy như vậy, người mà sau khi một vương quốc vừa bị chinh phục, tiếp tục vươn tới những vùng đất khác.
Sự nghiệp và thành tích
Thời tuổi trẻ
Gauss được sinh ra tại Braunschweig, thuộc Brunswick-Lüneburg (nay là Hạ Saxony, Đức), con trai duy nhất của một cặp vợ chồng thuộc tầng lớp thấp trong xã hội. Theo giai thoại kể lại, tài năng bẩm sinh của Gauss được phát hiện khi ông mới lên ba, qua việc ông sửa lại lỗi của cha trong tính toán tài chính. Một câu chuyện khác kể rằng khi ông học tiểu học, thầy giáo yêu cầu học sinh tính cộng các số nguyên từ 1 đến 100. Gauss đã trả lời đúng chỉ trong vài giây bằng một cách giải nhanh và độc đáo. Ông nhận thấy việc cộng hai số ở đầu và cuối dãy tạo ra kết quả trung gian giống nhau: 1 + 100 = 101, 2 + 99 = 101, 3 + 98 = 101, và kết quả tổng cộng là 50 × 101 = 5050. Câu chuyện này có nhiều khả năng là chuyện có thật, mặc dù bài toán mà thầy giáo của Gauss đã ra có thể khó hơn như vậy.
Từ năm 1792 đến 1795, Gauss được nhận học bổng của Karl Wilhelm Ferdinand (công tước trong vùng) để vào trường trung học Collegium Carolinum. Từ năm 1795 đến 1798 ông học ở Đại học Göttingen. Trong trường trung học, Gauss khám phá ra một số định lý toán học quan trọng một cách độc lập; năm 1796, Gauss đã có đột phá toán học đầu tiên khi ông chứng minh rằng mọi đa giác đều với số cạnh bằng số nguyên tố Fermat (và, do đó, mọi đa giác đều với số cạnh bằng tích của các số nguyên tố Fermat khác nhau và lũy thừa của 2) đều có thể dựng được bằng compa và thước kẻ. Đây là một khám phá quan trọng trong ngành dựng hình, một bài toán đã làm đau đầu nhiều nhà toán học từ thời Hy Lạp cổ đại. Gauss đã thích thú với kết quả này đến nỗi ông đã yêu cầu khắc lên mộ mình sau này một hình thất thập giác đều. Tuy nhiên người xây mộ đã từ chối, nói rằng khó khăn kỹ thuật sẽ làm cho hình với số cạnh nhiều như vậy trông giống một hình tròn.
Năm 1796 có lẽ là năm chứng kiến nhiều phát kiến của Gauss nhất, chủ yếu cho ngành lý thuyết số. Vào 30 tháng 3 năm đó, ông tìm thấy cách dựng hình thất thập giác. Ông đã tìm ra số học modular, một khám phá giúp cho việc giải toán trong lý thuyết số được đơn giản hóa đi nhiều. Công thức nghịch đảo toàn phương của ông được tìm thấy ngày 8 tháng 4. Định luật khá tổng quát này cho phép các nhà toán học xác định khả năng giải được cho các phương trình bậc hai trong số học modula. Định lý số nguyên tố được Gauss phát biểu ngày 31 tháng 5, cho một cách hiểu thấu đáo về cách số nguyên tố được phân bố trong dãy số nguyên. Ngày 10 tháng 7, Gauss đã tìm thấy rằng bất cứ số nguyên nào cũng có thể được biểu diễn bằng tổng của tối đa là ba số tam giác; ông đã sung sướng viết trong sổ tay của mình "Heureka! num=
." Ngày 1 tháng 10, ông cho xuất bản một kết quả về các nghiệm của các đa thức với hệ số trong trường vô hạn, một kết quả đã dẫn đến phát biểu Weil 150 năm sau.
Thời trung niên
Trong luận văn của ông năm 1799, Gauss đã trở thành người đầu tiên chứng minh định lý cơ bản của đại số. Định lý này nói rằng bất cứ một đa thức trên trường số phức nào cũng đều có ít nhất một nghiệm. Các nhà toán học trước Gauss mới chỉ giả thiết rằng định lý đó là đúng. Gauss đã chứng minh sự đúng đắn của định lý này một cách chặt chẽ. Trong cuộc đời của mình, ông đã viết ra tới bốn cách chứng minh hoàn toàn khác nhau cho định lý trên, làm sáng tỏ ý nghĩa của số phức.
Năm 1801, Gauss tiếp tục có nhiều cống hiến trong lý thuyết số , tổng kết lại trong quyển Disquisitiones Arithmeticae, một công trình chứa đựng miêu tả gọn gàng về số học modula và cách chứng minh thứ nhất của công thức nghịch đảo toàn phương. Cùng năm này, nhà thiên văn Ý Giuseppe Piazzi tìm thấy thiên thể Ceres, nhưng chỉ kịp thấy nó trong vài tháng. Gauss đã tiên đoán chính xác vị trí mà thiên thể này sẽ được tìm lại, và tiên đoán này được khẳng định bởi quan sát của Franz Xaver von Zach ở thị trấn Gotha vào ngày 31 tháng 12 năm 1801, và bởi Heinrich Wilhelm Matthäus Olbers ở Bremen một ngày sau đó. Zach đã ghi lại "nếu không có công trình trí tuệ và tính toán của tiến sĩ Gauss chúng ta đã có thể không tìm lại Ceres được nữa." Vào thời điểm này Gauss tuy vẫn nhận lương của Công tước, ông ngờ rằng sự dàn xếp này không được bảo đảm, mặt khác cho rằng công sức của ông đối với toán học thuần túy không xứng đáng được chu cấp như vậy. Vì thế, ông đã tìm việc trong ngành thiên văn học, vào năm 1807 được giữ cương vị Giáo sư Thiên văn và Giám đốc đài thiên văn ở ĐH Göttingen. Ông đã làm việc với chức vị này trong suốt phần còn lại của cuộc đời.
Sự khám phá ra Ceres của Giuseppe Piazzi ngày 1 tháng 1 năm 1801 đã giúp Gauss chuyển hướng nghiên cứu sang lý thuyết về chuyển động của các tiểu hành tinh, bị nhiễu loạn bởi các hành tinh lớn hơn. Các công trình của ông trong lĩnh vực này đã được xuất bản năm 1809 dưới tên Theoria motus corporum coelestium in sectionibus conicis solem ambientum (lý thuyết về chuyển động của các thiên thể trong quỹ đạo mặt cắt hình nón quanh Mặt Trời). Piazzi chỉ quan sát được Ceres trong vài tháng, khi thiên thể này di chuyển khoảng vài độ trên bầu trời. Sau đó thiên thể này chói lòa bởi ánh sáng Mặt Trời. Vài tháng sau, khi Ceres đã ló ra khỏi vùng ảnh hưởng của ánh sáng Mặt Trời, Piazzi đã không tìm thấy nó: các công cụ toán học thời đó không đủ chính xác để giúp ông tiên đoán trước vị trí thiên thể này từ các dữ liệu ít ỏi đã quan sát được – 1% của toàn bộ quỹ đạo.
Gauss, lúc đó ở tuổi 23, đã được nghe về bài toán này và lập tức giải quyết nó. Sau ba tháng làm việc miệt mài, ông đã tiên đoán vị trí của Ceres vào tháng 12 năm 1801 – khoảng 1 năm sau khi thiên thể này được nhìn thấy lần đầu – và tính toán này đã được kiểm chứng lại cho thấy sai số nhỏ hơn nửa độ. Các công trình của ông đã trở thành công cụ tính toán quan trọng cho thiên văn học thời này. Ông đã giới thiệu hằng số hấp dẫn Gauss và hoàn chỉnh phương pháp bình phương tối thiểu, một phương pháp dùng cho hầu như một ngành khoa học ngày nay khi giảm thiểu sai số đo. Gauss đã chứng minh chặt chẽ giả định về sai số theo phân bố Gauss (xem định lý Gauss-Markov). Phương pháp này đã được Adrien-Marie Legendre dùng vào năm 1805, nhưng Gauss nói ông đã dùng nó từ năm 1795.
Cuối thập niên 1810, Gauss được mời thực hiện các nghiện cứu trắc địa cho bang Hannover để liên kết với mạng lưới Đan Mạch. Gauss vui lòng chấp nhận và tham gia, đo đạc vào ban ngày và xử lý kết quả vào ban đêm, sử dụng khả năng tính toán phi thường của ông. Ông thường viết cho Heinrich Christian Schumacher, Heinrich Wilhelm Matthäus Olbers và Friedrich Bessel, nói về tiến trình đo đạc và các vấn đề. Trong cuộc điều tra trắc địa này, Gauss đã phát minh máy heliotrope (?) sử dụng hệ thống gương để phản chiếu ánh sáng Mặt Trời vào kính viễn vọng phục vụ đo đạc chính xác.
Gauss cũng đã tuyên bố khám phá ra hình học phi Euclide nhưng ông chưa bao giờ xuất bản các công trình về vấn đề này. Khám phá này đã là một cuộc cách mạng trong tư duy toán học đương thời, giải phóng các nhà toán học khỏi giả thuyết rằng các tiên đề Euclide là cách duy nhất để xây dựng hình học không tự mâu thuẫn. Các nghiên cứu về hình học này, cùng với các ý tưởng khác, đã dẫn đến lý thuyết tương đối rộng của Albert Einstein, miêu tả vũ trụ trong hình học phi Euclide. Farkas Bolyai, một bạn của Gauss, người mà Gauss đã thề làm "anh em kết nghĩa" khi còn là sinh viên, đã thử chứng minh định đề song song từ các tiên đề Euclide mà không thành công. Con trai của Bolyai, Janos Bolyai, khám phá ra hình học phi Euclide năm 1829 và xuất bản công trình này năm 1832. Sau khi nhìn thấy xuất bản của Janos Bolyai, Gauss đã viết cho Farkas Bolyai: "Nếu khen công trình này thì tức là tự khen tôi. Toàn bộ nó... trùng hoàn toàn với những gì tôi nghĩ trong suốt ba mươi đến ba mươi nhăm năm qua." Câu nói khó kiểm chứng này đã gây căng thẳng trong quan hệ với János Bolyai (người đã nghĩ rằng Gauss đã "ăn cắp" ý tưởng của ông).
Cuộc thăm dò địa trắc ở Hannover đã dẫn Gauss đến khám phá ra phân bố Gaussian dùng trong miêu tả sai số phép đo. Nó cũng dẫn ông đến một lĩnh vực mới là hình học vi phân, một phân ngành toán học làm việc với các đường cong và bề mặt. Ông đã tìm thấy một định lý quan trọng cho ngành này, theorema egregium xây dựng một tính chất quan trọng cho khái niệm về độ cong (độ cong Gauss). Một cách nôm na, định lý nói rằng độ cong của một bề mặt có thể được đo hoàn toàn bởi góc và khoảng cách trên bề mặt đó; nghĩa là, độ cong hoàn toàn không phụ thuộc vào việc bề mặt trông như thế nào trong không gian (ba chiều) bao quanh.
Cuối đời và sau đó
Năm 1831 Gauss đã có hợp tác hiệu quả với nhà vật lý học Wilhelm Weber; hai ông đã cho ra nhiều kết quả mới trong lĩnh vực từ học (trong đó có việc biểu diễn đơn vị từ học theo khối lượng, độ dài và thời gian) và sự khám phá ra định luật Kirchhoff trong điện học. Gauss và Weber đã lắp đặt được máy điện toán điện từ đầu tiên vào năm 1833, liên lạc thông tin từ đài thiên văn về viện vật lý ở Göttingen. Gauss đã cho xây một trạm quan sát từ học trong khu vườn của đài thiên văn và cùng Weber thành lập "câu lạc bộ từ học" (magnetischer Verein), phục vụ việc đo đạc từ trường Trái Đất tại nhiều nơi trên thế giới. Ông đã sáng chế ra một phương pháp đo thành phần nằm ngang của từ trường, một phương pháp được tiếp tục ứng dụng sau đó cho đến tận nửa đầu thế kỷ 20, và tìm ra một lý thuyết toán học cho việc định vị các nguồn từ trường trong lòng Trái Đất (tách biệt nguồn do lõi và vỏ Trái Đất với nguồn do từ quyển hành tinh này.
Gauss mất ở Göttingen, Hannover (nay thuộc Hạ Saxony, Đức) năm 1855 và được chôn cất tại nghĩa trang Albanifriedhof. Bộ não của ông được bảo quản và nghiên cứu bởi Robert Heinrich Wagner; nó nặng 1.492 gam và có diện tích vỏ não rộng 219.588 xentimét vuông. Trên vỏ não cũng tìm thấy nhiều nếp cuộn, một đặc điểm được nhiều người vào đầu thế kỷ 20 cho là lời giải thích cho trí tuệ đặc biệt của ông (Dunnington, 1927). Tuy nhiên, ngày nay môn não học này được cho là giả khoa học.
Đánh giá
Nhà toán học người Anh Henry John Stephen Smith (1826–1883) đã đưa ra đánh giá về Gauss sau đây:
Giai thoại
Có một vài câu chuyện về khả năng thiên tài ngay từ khi còn nhỏ của Gauss. Theo một câu chuyện, những năng khiếu của ông trở nên rất rõ ràng khi mới ba tuổi khi ông sửa chữa, nhẩm trong đầu và không hề có lỗi tính toán, một lỗi mà cha của ông phạm phải trên giấy trong khi tính toán tài chính.
Một câu chuyện khác kể rằng ở trường tiểu học sau khi cậu bé Gauss cư xử không đúng, giáo viên của cậu, J.G. Büttner, giao cho cậu một bài toán: cộng một danh sách các số nguyên trong cấp số cộng; như câu chuyện thường được kể, đây là những con số từ 1 đến 100. Cậu bé Gauss trẻ tuổi đã tìm ra câu trả lời đúng trong vài giây, trước sự ngạc nhiên của giáo viên và trợ lý Martin Bartels.
Phương pháp được cho là của Gauss, là nhận ra rằng việc cộng các số hạng theo cặp từ đầu đối diện của danh sách cho ra các tổng trung gian giống hệt nhau: 1 + 100 = 101, 2 + 99 = 101, 3 + 98 = 101, v.v., tổng cộng là 50 × 101 = 5050. Tuy nhiên, các chi tiết của câu chuyện không chắc chắn trong phần lớn câu chuyện (xem để thảo luận về nguồn ban đầu từ Wolfgang Sartorius von Waltershausen và những thay đổi trong các phiên bản khác); một số tác giả, chẳng hạn như Joseph Rotman trong cuốn sách Một khóa học đầu tiên về Đại số trừu tượng (A first course in Abstract Algebra), đặt câu hỏi liệu điều đó có từng xảy ra chưa.
Ông gọi toán học là "nữ hoàng của khoa học" và được cho là đã từng tin tưởng vào sự cần thiết phải hiểu ngay lập tức đồng nhất thức Euler như một chuẩn mực để trở thành một nhà toán học hạng nhất.
Ghi công
nhỏ|German 10-Deutsche Mark Banknote (1993; ngừng phát hành) có in hình Gauss
Từ 1989 đến 2001, chân dung của Gauss, một đường cong phân phối chuẩn và một số tòa nhà nổi tiếng của Göttingen được in trên tờ tiền giấy 10 mark Đức. Mặt trái tờ tiền có in loại kính lục phân yêu thích của Gauss, cùng bản đồ Hannover. Đức cũng đã phát hành ba con tem bưu chính vinh danh Gauss. Một con tem (số 725) phát hành năm 1955 nhân kỷ niệm một trăm năm ngày mất của ông; hai con khác, mang số 1246 và 1811, phát hành năm 1977, kỷ niệm 200 năm ngày sinh của ông.
Tiểu thuyết Die Vermessung der Welt năm 2005 của Daniel Kehlmann, được dịch sang tiếng Anh là Đo đạc thế giới (Measuring the World, 2006), khám phá cuộc sống và công việc của Gauss qua lăng kính tiểu thuyết lịch sử, đối chiếu chúng với nhà thám hiểm người Đức Alexander von Humboldt. Một phiên bản phim của đạo diễn Detlev Buck đã được phát hành vào năm 2012.
Vào năm 2007, một bức tượng chân dung của Gauss đã được đặt trong đền Walhalla.
Nhiều sự vật được đặt theo tên của Gauss, bao gồm:
Phân phối chuẩn, còn được gọi là phân phối Gauss, đường cong hình chuông phổ biến nhất trong thống kê
Giải thưởng Carl Friedrich Gauss, một trong những giải thưởng cao quý nhất trong toán học
gauss, đơn vị CGS cho từ trường
Năm 1929, nhà toán học người Ba Lan Marian Rejewski, người đã giúp giải được thuật toán của bộ máy mật mã Enigma vào tháng 12 năm 1932, bắt đầu nghiên cứu thống kê bảo hiểm tại Göttingen. Theo yêu cầu của giáo sư Đại học Poznań, Zdzisław Krygowski, khi đến Göttingen, Rejewski đã đặt hoa trên mộ của Gauss.
Ngày 30 tháng 4 năm 2018, Google đã vinh danh Gauss trong sinh nhật lần thứ 241 của mình với một Google Doodle được trưng bày ở Châu Âu, Nga, Israel, Nhật Bản, Đài Loan, một phần của Nam và Trung Mỹ và Hoa Kỳ.
Carl Friedrich Gauss, người cũng đã giới thiệu cái gọi là logarit Gauss, đôi khi bị nhầm lẫn với (1829–1915), một nhà địa chất người Đức, người cũng đã xuất bản một số bảng logarit nổi tiếng được sử dụng vào đầu những năm 1980.
Tác phẩm
1799: Luận án tiến sĩ về định lý cơ bản của đại số, với tiêu đề: Demonstratio nova theorematis omnem functionem algebraicam rationalem integram unius variabilis in factores reales primi vel secundi gradus resolvi posse ("Bằng chứng mới của định lý rằng mọi hàm đại số tích phân của một biến có thể được giải thành các thừa số thực (nghĩa là đa thức) bậc nhất hoặc bậc hai")
1801: Disquisitiones Arithmeticae (tiếng Latin). Bản dịch tiếng Đức của H. Maser , pp. 1–453. Bản dịch tiếng Anh của Arthur A. Clarke .
1808: . Bản dịch tiếng Đức của H. Maser , pp. 457–462 [Giới thiệu bổ đề Gauss, sử dụng nó trong chứng minh thứ ba về luật tương hỗ bậc hai]
1809: Theoria Motus Corporum Coelestium in sectionibus conicis solem ambientium (Theorie der Bewegung der Himmelskörper, die die Sonne in Kegelschnitten umkreisen), Lý thuyết về chuyển động của các thiên thể di chuyển về mặt trời trong các mặt cắt hình nón (bản dịch tiếng Anh của C.H. Davis), tái bản năm 1963, Dover, New York.
1811: . Bản dịch tiếng Đức của H. Maser , pp. 463–495 [Xác định dấu hiệu của tổng Gauss bậc hai, sử dụng giá trị này để đưa ra chứng minh thứ tư về luật tương hỗ bậc hai]
1812: Disquisitiones Generales Circa Seriem Infinitam
1818: . Bản dịch tiếng Đức của H. Maser , pp. 496–510 [Chứng minh thứ năm và thứ sáu về luật tương hỗ bậc hai]
1821, 1823 và 1826: Theoria combinationis observationum erroribus minimis obnoxiae. Drei Abhandlungen betreffend die Wahrscheinlichkeitsrechnung als Grundlage des Gauß'schen Fehlerfortpflanzungsgesetzes. (Ba bài tiểu luận liên quan đến việc tính toán xác suất là cơ sở của định luật truyền lỗi Gauss) Bản dịch tiếng Anh của G.W. Stewart, 1987, Society for Industrial Mathematics.
1827: Disquisitiones generales circa superficies curvas, Commentationes Societatis Regiae Scientiarum Gottingesis Recentiores. Volume VI, pp. 99–146. "General Investigations of Curved Surfaces" (xuất bản 1965) Raven Press, New York, dịch bởi J.C.Morehead và A.M.Hiltebeitel
1828: . Bản dịch tiếng Đức của H. Maser
1828: [Lập luận cơ bản về thặng dư trùng phương, chứng minh một trong những phụ lục của luật tương hỗ trùng phương (đặc tính trùng phương của 2)]
1832: . Bản dịch tiếng Đức của H. Maser , pp. 534–586 [Giới thiệu các số nguyên Gauss, các trạng thái (không có chứng minh) định luật tương hỗ trùng phương, chứng minh luật bổ sung cho 1 + i]
Bản dịch tiếng Anh
1843/44: Untersuchungen über Gegenstände der Höheren Geodäsie. Erste Abhandlung, Abhandlungen der Königlichen Gesellschaft der Wissenschaften in Göttingen. Zweiter Band, pp. 3–46
1846/47: Untersuchungen über Gegenstände der Höheren Geodäsie. Zweite Abhandlung, Abhandlungen der Königlichen Gesellschaft der Wissenschaften in Göttingen. Dritter Band, pp. 3–44
Mathematisches Tagebuch 1796–1814, Ostwaldts Klassiker, Verlag Harri Deutsch 2005, mit Anmerkungen von Neumamn, (Bản dịch tiếng Anh với chú thích của Jeremy Gray: Expositiones Math. 1984) |
Associated Press (tiếng Anh của "Liên đoàn Báo chí", viết tắt AP) là hãng thông tấn của Hoa Kỳ và là cơ quan báo chí lớn nhất trên thế giới. Với phóng viên báo và phóng viên ảnh làm việc trong hơn 200 văn phòng trên khắp hành tinh, AP là một trong những nguồn cung cấp tin tức lớn nhất cho thế giới. AP cung cấp tin tức, ảnh chụp, ảnh đồ họa và những dịch vụ phát thanh cho hơn 1700 tờ báo và khoảng 6000 radio và đài truyền hình ở Hoa Kỳ. Ngoài ra, khoảng 8500 kênh truyền thông đa phương tiện bên ngoài Hoa Kỳ cũng đăng ký những dịch vụ thông tin của AP. AP truyền tin tức qua cáp và vệ tinh.
Theo thông tin chưa được kiểm chứng, số người đọc tin tức của AP hàng ngày ước lượng là xấp xỉ 1 tỉ người.
AP được hợp nhất thành một tổ chức hợp tác không lợi nhuận của hơn 1500 thành viên là các báo tin tức hàng ngày ở Hoa Kỳ. Các thành viên này bầu ra ban điều hành tổ chức.
AP đặt trụ sở tại thành phố New York.
Lịch sử
1849: Hiệp hội Tin tức Harbor đã mở văn phòng tin tức đầu tiên tại Halifax, Nova Scotia khu vực ngoại Hoa Kỳ nhằm đáp ứng thông tin cho tàu thuyền đến từ châu Âu trước khi họ cập bến tại New York.
1876: Mark Kellogg phóng viên tin tức đầu tiên của AP bị giết khi báo cáo tin tức trong Trận Little Bighorn.
1893: Melville E. Stone trở thành tổng giám đốc của AP cho tới năm 1921 sau khi được tái tổ chức. Dưới sự lãnh đạo của ông, AP đã trở thành một trong những hãng thông tấn nổi tiếng nhất thế giới tại thời điểm đó.
1899: AP đã sử dụng điện báo không dây của Guglielmo Marconi để đưa tin về cuộc đua du thuyền Cup's America, Sandy Hook, New Jersey, bài kiểm tra tin tức đầu tiên về công nghệ mới.
1914: AP giới thiệu máy điện báo, thứ được truyền trực tiếp đến máy in qua dây điện báo. Cuối cùng, một mạng lưới máy teleprinter 60 từ mỗi phút trên toàn thế giới ra đời.
1935: AP khởi xướng WirePhoto, dịch vụ dây đầu tiên trên thế giới cho các bức ảnh. Bức ảnh đầu tiên chuyển qua mạng mô tả một vụ tai nạn máy bay ở Morehouse, New York, vào ngày đầu năm mới, 1935.
1938: AP mở rộng văn phòng mới tại 50 Rockefeller Plaza "50 Rock" trong Trung tâm Rockefeller mới được xây dựng tại Thành phố New York, nơi giữ trụ sở trong vòng 66 năm.
1941: AP mở rộng từ bản in sang tin tức phát thanh.
1941: Dịch vụ Ảnh Tin tức Large World được mua từ Thời báo New York.
1951: AP, phóng viên trưởng của văn phòng chiến tranh Prague, William N. Oatis, bị chính quyền Cộng sản Tiệp Khắc bắt giữ vì tội gián điệp. Ông không được thả ra cho đến năm 1953. 1849: Hiệp hội Tin tức Harbor đã mở
1974: AP ra mắt Associated Press Radio Network có trụ sở tại Washington, DC
1994: AP ra mắt APTV - một cơ quan thu thập tin tức video toàn cầu, có trụ sở tại London.
2004: AP chuyển trụ sở chính từ 50 Rock sang 450 W. Phố 33, Thành phố New York.
2006: AP tham gia YouTube.
2008: AP ra mắt AP Mobile (ban đầu được gọi là AP Mobile News Network), một cổng thông tin đa phương tiện cung cấp cho người dùng tin tức họ có thể chọn và cung cấp quyền truy cập bất cứ lúc nào vào tin tức quốc tế, quốc gia và địa phương. AP là nhà phát hành đầu tiên ra mắt ứng dụng dành riêng cho iPhone vào tháng 6 năm 2008 trên sân khấu tại sự kiện WWDC của Apple. Ứng dụng này cung cấp phạm vi phủ sóng toàn cầu của AP về tin tức, thể thao, giải trí, chính trị và kinh doanh cũng như nội dung từ hơn 1.000 thành viên AP và các nguồn của bên thứ ba.
2010: Thu nhập của AP giảm 65% so với năm 2008 xuống chỉ còn $ 8,8 triệu. AP cũng thông báo rằng họ sẽ bị lỗ 4,4 triệu đô la nếu không thanh lý dịch vụ tin tức tiếng Đức của mình với giá 13,2 triệu đô la.
2011: Doanh thu AP giảm 14,7 triệu đô la trong năm 2010 Doanh thu năm 2010 đạt tổng cộng 631 triệu đô la, giảm 7% so với năm trước. AP tung ra các đợt giảm giá được thiết kế để giúp các tờ báo và đài truyền hình đối phó với doanh thu giảm.
2012: Gary B. Pruitt đã trở thành nhà lãnh đạo thứ 13 của AP trong lịch sử 166 năm của mình.
2016: AP Báo cáo rằng thu nhập giảm xuống còn 1,6 triệu đô la từ mức 183,6 triệu đô la trong năm 2015.
2017: AP chuyển trụ sở chính đến 200 Liberty Street, thành phố New York.
2018: AP công bố AP Votecast thay cho các cuộc thăm dò ý kiến của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ 2018 của Hoa Kỳ.
2020: Sự thật về bầu của tổng thống Hoa Kỳ 2020? |
Phiên thiết Hán-Việt là dùng cách phiên thiết (反切), tức là dùng âm của hai chữ khác (được coi là đã biết cách đọc) ghép lại để chú âm cho cách đọc âm Hán của một chữ Hán.
Phiên thiết là một phương pháp ghi chú cách đọc của người Trung Quốc, dùng trong các tự điển chữ Hán, trước khi có phương pháp dùng chữ cái La Tinh để ghi chú cách đọc (gọi là bính âm 拼音). Nghĩa là dùng âm của những chữ Hán thông dụng, mà chỉ dẫn cách đọc của một chữ Hán ít thông dụng hơn hay là chữ mới. Người Việt Nam áp dụng phép phiên thiết ấy cho các âm Hán-Việt tương ứng, gọi là phiên thiết Hán-Việt.
Ví dụ: bạn không biết cách đọc chữ 同, tra từ điển sẽ có phiên thiết 德紅切 (âm Hán-Việt là đức hồng thiết). Như vậy chữ 同 sẽ đọc là ĐỒNG, vì đồng = đức + h' ồng, theo quy tắc lấy phụ âm đầu (thanh mẫu 聲母) của chữ thứ nhất ghép với vần (vận mẫu 韻母) chữ thứ hai, riêng thanh điệu thì xem quy tắc ở phần dưới.
Như vậy có thể có rất nhiều cách phiên thiết cho một chữ Hán.
Sơ lược nguồn gốc
Chữ Hán là một thứ chữ do người Trung Quốc sáng tạo, rồi dần dần trở thành một thứ văn tự chung cho một số dân tộc ở vùng Đông Á và Đông Nam Á như Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam... Qua nhiều thế kỉ, chữ Hán đã được xem như là một thứ văn tự chính thống, đem dùng vào việc giảng dạy, thi cử, hành chính, sáng tác văn học. Tuỳ từng vùng từng xứ mà chữ Hán được phát âm khác nhau, ngay tại Trung Quốc có nhiều giọng đọc khác nhau, như tiếng Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu, Bắc Kinh... Các nước lân cận như Triều Tiên có cách đọc riêng của người Triều Tiên, gọi là Hán-Triều (漢朝), người Nhật có cách đọc riêng của người Nhật, gọi là Hán-Hoà (漢和), người Việt Nam có cách đọc của mình gọi là Hán-Việt (漢越).
Chữ Hán là một loại chữ biểu ý, không phải là loại chữ biểu âm nên không thể nhìn vào mặt chữ mà đọc được. Thế thì người Trung Quốc dùng cách nào để đọc được thứ chữ ấy? Từ thời nhà Đông Hán (東漢, 25-225) trở về trước, người Trung Quốc đã có lối chú âm bằng cách dùng chữ đồng âm, gọi là trực âm (直音). Trực âm là lối dùng chữ đồng âm để trực tiếp chú âm một chữ khác hay dùng những chữ có âm gần giống, gọi là độc nhược (讀若) độc như (讀如) hay độc vi (讀為). Nhưng lối trực âm không có chữ đồng âm thì không chú âm được, còn lối độc nhược, độc như, hay độc vi thì có khuyết điểm là chú âm không chính xác. Vì thế, thời Đông Hán đã có phép phiên thiết (反切).
Trước khi có phép phiên thiết, thời Xuân Thu (春秋, 722-479 trước CN) người ta biết kết hợp hai âm lại làm một như:
不可—叵 — phả;
何不—盍 — hạp;
而已—耳 — nhĩ
之於—諸 — chư
之歟—諸 — chư
Phương pháp phiên thiết là một bước tiến rất lớn so với lối chú âm như trực âm, độc nhược, độc như hay độc vi nêu trên.
Ở đây chỉ bàn đến cách đọc chữ Hán theo âm Hán-Việt, tức là lối đọc riêng của người Việt. Chủ yếu là dựa theo phép phiên thiết trong các văn tự và từ điển Trung Quốc như: Khang Hy tự điển (康熙字典), Trung Hoa đại tự điển (中華大字典), Từ Nguyên (辭源), Từ Hải (辭海), Trung văn đại từ điển (中文大辭典) v.v.
Định nghĩa
Phương pháp phiên thiết được định nghĩa như sau trong những bộ từ điển, những tác phẩm ngữ học xưa và nay như sau:
Sách Lễ bộ vận lược (禮部韻略) của Đinh Độ (丁度) đời nhà Tống (宋) giải thích hai chữ "phiên thiết" như sau:
音韻展轉相協謂之反,亦作翻;兩字相摩以成聲謂之切,其實一也
Âm và vận tuần tự hợp nhau gọi là Phiên 反 cũng viết là 翻. Hai chữ mài cọ nhau để thành âm đọc gọi là thiết 切. Thực ra chỉ là một mà thôi.
Quyển Hình âm nghĩa tổng hợp đại tự điển (形音義綜合大字典) giải thích hai chữ "phiên thiết" như sau:
以兩字急讀而合成一字之音曰切,亦曰反切,又曰切韻
Lấy hai âm mài cọ với nhau thành một âm nên gọi là phiên thiết, cũng gọi là thiết vận.
Sách Văn tự học toản yếu (文字學纂要) dẫn chú thích của Trịnh Huyền (鄭玄) đời nhà Hán về chữ "phiên" (反): 反,覆也 — Phiên là Lật lại; và dẫn chú thích của Cao Dụ (高裕) đời Hán về chữ "thiết" (切): 切,摩也 – Thiết là mài cọ. Sách này ghép hai chú thích của Trịnh Huyền và Cao Dụ để đi đến định nghĩa sau:
以二音反覆摩以成一音故名反切
Lấy hai âm mài cọ với nhau thành một âm, ấy gọi là phiên thiết.
Từ Nguyên (辭源) định nghĩa "phiên thiết" như sau:
以二字之音相切而成一音也:上一字為雙聲,亦謂之母音,下一字為疊韻,亦謂之字音
Lấy hai âm của hai chữ mài cọ với nhau tạo thành một âm: chữ trên là song thanh chữ dưới là điệp vận.
Từ Hải (辭海) định nghĩa "phiên thiết" như sau:
以二字之音切成一字之音之方法也
Phương pháp lấy âm của hai chữ mài cọ thành âm của một chữ.
Từ Vị (辭彙) của Lục Sư Thành (陸師成) định nghĩa "phiên thiết" như sau:
用兩個字標注字音:以上字之聲和下字之韻切成一音
Dùng hai chữ nếu chú âm một chữ. Lấy thanh (phụ âm đầu) và vận (vần) của chữ dưới mài cọ thành một âm.
Hán Việt từ điển (漢越詞典) của Đào Duy Anh định nghĩa "phiên thiết" như sau:
Đem hai tiếng nói lái lại với nhau thành một tiếng khác. Ví dụ: Ha với Cam thành Ham.
Sách Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt của Nguyễn Tài Cẩn (Nhà xuất bản Khoa Học Xã hội, Hà Nội, 1979), trang 109 viết:
Phiên thiết – nếu nói một cách nôm na – thì có thể định nghĩa là cách dùng hai chữ nói lái lại, để tìm ra cách đọc của chữ thứ ba. Ta hãy trở lại ví dụ: đông = đô tông thiết. Rõ ràng là dùng hai chữ Đô và chữ Tông nói lái lại, thì sẽ tìm ra được cách đọc của Đông. Bởi vì Đông bao gồm phụ âm Đ của chữ Đô cộng với vần Ông của chữ Tông: Đông = Đ(ô) + (T)ông.
Sách Nghiên cứu về chữ Nôm của Lê Văn Quán (Nhà xuất bản Khoa Học Xã hội, Hà Nội, 1981), phần cuối chú trang 25 viết:
Phiên thiết là dùng hai chữ Hán ghép lại để ghi âm đọc của một chữ. Ví dụ: 同 = 德紅切 – Đức hồng thiết = Đồng. Chữ trên đại biểu cho thanh mẫu, chữ dưới đại biểu cho vần (vận mẫu) và thanh điệu.
Nói tóm lược: Phiên thiết là dùng âm của hai chữ đã biết cách đọc để chú âm cho một chữ thứ ba, nghĩa là lấy phụ âm đầu của chữ thứ nhất với vần của chữ thứ hai đọc nối liền lại theo một quy tắc nhất định để đọc chữ thứ ba.
Ví dụ: 搖 = 余招切: Du + Chiêu thiết = Diêu.
Thuyết minh: Du có phụ âm đầu là D + iêu là vần của chữ thứ hai = diêu. Quy tắc này gọi là Song thanh, Điệp vận.
Phiên thiết có âm khởi đầu là phụ âm
Song thanh & Điệp vận
Song thanh (雙聲) là phụ âm đầu (thanh mẫu 聲母) của chữ tìm ra giống với phụ âm đầu của chữ thứ nhất. Ví dụ: 東 = 德紅切: Đức + Hồng thiết = Đồng. Chữ thứ nhất có phụ âm đầu là Đ chữ tìm ra là Đông cũng có phụ âm đầu là Đ nên gọi là Song thanh.
Điệp vận (疊韻) là vần (vận mẫu 韻母) của chữ tìm ra giống với vần của chữ thứ hai. Ví dụ: 川 = 昌緣切: Xương + Duyên thiết = Xuyên. Duyên, chữ thứ hai có vần là Uyên, chữ tìm ra là Xuyên cũng có vần là Uyên nên gọi là Điệp vận.
Về thanh điệu cũng có các quy tắc nhất định, được gọi là cùng bậc, đồng loại.
Cùng bậc & Đồng loại
Cùng bậc là bậc thanh của chữ tìm ra giống bậc thanh của chữ thứ nhất. Ví dụ: 抓 = 側絞切: Trắc + Giảo thiết = Trảo. Chữ tìm ra là Trảo có dấu hỏi thuộc bậc phù giống với chữ thứ nhất là Trắc có dấu sắc cũng thuộc bậc phù nên gọi là cùng bậc.
Đồng loại là loại thanh tìm ra giống với loại thanh của chữ thứ hai. Ví dụ: 偅 = 主勇切: Chủ + Dũng thiết = Chủng. Chữ tìm ra là Chủng có dấu hỏi thuộc loại thanh thượng giống với chữ thứ hai là Dũng có dấu ngã cũng thuộc loại thanh thượng nên gọi là đồng loại.
Công thức bỏ dấu tìm ra
Phụ âm đầu, vần & thanh điệu
Trước khi áp dụng quy tắc trên để đọc được lối phiên thiết trong các tự và từ điển Trung Quốc, chúng ta cần phải biết qua âm (thanh mẫu), vần (vận mẫu) và thanh điệu của tiếng Hán-Việt.
Phụ âm đầu
Phụ âm đầu là bộ phận phụ khởi đầu của một âm tiết trừ đi phần vần và thanh diệu. Căn cứ vào vị trí cấu âm, phụ âm đầu được chia làm ba vị trí: loạt phụ âm môi, loạt phụ âm lưỡi và phụ âm tắc thanh hầu.
Loạt phụ âm môi: b, ph, v, m. Ví dụ: 巴 (ba), 非 (phi), 文 (văn), 木 (mộc).
Loạt phụ âm lưỡi:
Loạt phụ âm đầu lưỡi: t, th, tr, s, đ, n, l, d. Ví dụ: 三 (tam), 天 (thiên), 中 (trung), 生 (sinh), 年 (niên), 老 (lão), 也 (dã), 多 (đa).
Loạt phụ âm mặt lưỡi: ch, x, gi, nh. Ví dụ: 主 (chủ), 春 (xuân), 甲 (giáp), 牙 (nha).
Loạt phụ âm gốc lưỡi: k, (c, q), kh, ng, (ngh). Ví dụ: 旗 (kì), 姑 (cô), 軍 (quân), 可 (khả), 我 (ngã), 義 (nghĩa).
Phụ âm tắc thanh hầu: h. Ví dụ: 海 (hải).
Vần
Vần là bộ phận chủ yếu của âm tiết trừ đi thanh điệu, phụ âm đầu (nếu có). Căn cứ vào phương thức cấu tạo, chúng ta có thể chia vần ra làm các loạt như sau:
Loạt vần không có âm cuối: i, y, (uy), ia, ê (uê), ư, ưa, ơ, a (oa), u, ô, o. Ví dụ: 之 (chi), 美 (mĩ), 規 (quy), 地 (địa), 細 (tế), 稅 (thuế), 四 (tứ), 乘 (thừa), 初 (sơ), 个 (cá), 化 (hoá), 瓜 (qua), 夫 (phu), 古 (cổ), 儒 (nho).
Loạt vần có âm cuối là bán nguyên âm: ai (oai), ơi, ôi, ây, ưu, ao, iêu (yêu). Ví dụ: 待 (đãi), 話 (thoại), 怪 (quái), 亥 (hợi), 杯 (bôi), 西 (tây), 狗 (cẩu), 久 (cửu), 高 (cao), 料 (liệu), 腰 (yêu).
Thuyết minh: i, y, o, u đứng sau các âm chính đều là bán nguyên âm cuối.
Loạt vần có phụ âm cuối m/p: am, ap, âm (im), ấp, iêm (yêm), iêp. Ví dụ: 甘 (cam), 法 (pháp), 心 (tâm), 今 (kim), 念 (niệm), 淹 (yêm), 涉 (thiệp).
Thuyết minh: m, p đứng sau các âm chính đều là phụ âm cuối.
Loạt vần có phụ âm cuối n/t: an (oan), at (oat), ân (ăn, uân), ăt, ât (uât), ôn, ôt, iên (yên, uyên), iêt (yêt, uyêt). Ví dụ: 安 (an), 短 (đoản), 官 (quan), 怛 (đát), 脫 (thoát), 括 (quát), 引 (dẫn), 根 (căn), 君 (quân), 瑟 (sắt), 乙 (ất), 戌 (tuất), 尊 (tôn), 沒 (một), 典 (điển), 煙 (yên), 川 (xuyên), 列 (liệt), 咽 (yết), 血 (huyết).
Thuyết minh: n, t đứng sau các âm chính đều là phụ âm cuối.
Loạt vần có phụ âm cuối ng/c: ang, (oang), ac, ăng (oăng), ăc (oăc), ung, uc, ưng, ưc, ương, ươc, ong, oc, ông (uông), ôc (uôc). Ví dụ: 邦 (bang), 皇 (hoàng), 光 (quang), 各 (các), 朋 (bằng), 弘 (hoằng), 色 (sắc), 或 (hoặc), 虢 (quắc), 恭 (cung), 目 (mục), 証 (chứng), 食 (thực), 央 (ương), 掠 (lược), 龍 (long), 捉 (tróc), 公 (công), 尪 (uông), 谷 (cốc), 屬 (thuộc), 國 (quốc).
Thuyết minh: ng/c đứng sau các âm chính đều là phụ âm cuối.
Loạt vần có phụ âm cuối nh/ch: inh (uynh), ich, anh (oanh), ach (oach). Ví dụ: 丁 (đinh), 兄 (huynh), 昔 (tích), 境 (cảnh), 橫 (hoành), 迫 (bách), 劃 (hoạch), 郭 (quách).
Thuyết minh: ng/c đứng sau các âm chính đều là phụ âm cuối.
Thanh điệu
Thanh điệu là sự nâng cao hoặc hạ thấp giọng nói trong một âm tiết. Trong tiếng Hán trước đây có bốn thanh: bình 平, thượng 上, khứ 去, nhập 入; mỗi thanh có hai bậc là phù 浮 và trầm 沈 (hoặc thanh 清/trộc 濁; thượng 上/hạ 下; ngày nay thường gọi là âm 陰/dương 陽). Như vậy, tổng cộng có 8 thanh bậc: phù bình (浮平), trầm bình (沈平), phù thượng (浮上), trầm thượng (沈上), phù khứ (浮去), trầm khứ (沈去), phù nhập (浮入), trầm nhập (沈入). Lưu ý là âm tiếng Hán hiện đại (tiếng Hán phổ thông, dựa trên phương ngữ Bắc Kinh) chỉ có 4 thanh bậc: phù bình (tên thông dụng hiện nay là âm bình), trầm bình (tên thông dụng hiện nay là dương bình), thượng thanh và khứ thanh (không chia bậc). Tiếng Việt có 6 thanh điệu (biểu thị bằng: không dấu, huyền, sắc, hỏi, ngã, nặng), nhưng âm Hán-Việt lại quy về bốn thanh điệu và hai bậc của tiếng Hán vì dựa vào phiên thiết của âm tiếng Hán.
Thanh bình: Có hai bậc, phù và trầm.
Thanh bình bậc phù (phù bình hay âm bình) là những tiếng không dấu, tức thanh ngang. Ví dụ: 阿 (a), 香 (hương).
Thanh bình bậc trầm (trầm bình hay dương bình) là những tiếng có dấu huyền. Ví dụ: 陀 (đà), 田 (điền), 神 (thần).
Điều cần chú ý là các chữ thanh ngang bắt đầu bằng l, m, n, ng, nh, d, v đều thuộc "trầm bình" ("hạ bình") trong cách áp dụng phiên thiết (Lê Ngọc Trụ) như minh 明, nhân 人, vân 云, nếu không sẽ sai về bậc thanh. Điều này rất ít tác giả nhấn mạnh.
Thanh thượng: Có hai bậc, phù và trầm.
Thanh thượng bậc phù (phù thượng) là những tiếng có dấu hỏi. Ví dụ: 把 (bả), 海 (hải), 斬 (trảm).
Thanh thượng bậc trầm (trầm thượng) là những tiếng có dấu ngã. Ví dụ: 母 (mẫu), 女 (nữ), 語 (ngữ).
Thanh khứ:
Thanh khứ bậc phù (phù khứ) là những tiếng có dấu sắc. Ví dụ: 鬥 (đấu), 放 (phóng), 進 (tiến).
Thanh khứ bậc trầm (trầm khứ) là những tiếng có dấu nặng. Ví dụ: 大 (đại), 在 (tại), 妄 (vọng).
Thanh nhập:
Thanh nhập bậc phù (phù nhập) là những tiếng có phụ âm cuối là p, t, ch, c và có dấu sắc. Ví dụ: 答 (đáp), 切 (thiết), 責 (trách), 捉 (tróc).
Thanh nhập bậc trầm (trầm nhập) là những tiếng có phụ âm cuối là p, t, ch, c và có dấu nặng. Ví dụ: 沓 (đạp), 滅 (diệt), 石 (thạch), 濯 (trạc).
Phiên thiết có âm khởi đầu là nguyên âm
Chữ thứ nhất có âm khởi đầu là nguyên âm, chữ tìm ra cũng có âm khởi đầu là nguyên âm nhưng âm khởi đầu của chữ tìm ra không nhất thiết phải giống âm khởi đầu của chữ thứ nhất mà thường là âm khởi đầu của phần vần chữ thứ hai, rồi áp dụng công thức bỏ dấu trên thì sẽ tìm ra được âm đọc của chữ mà mình muốn tìm.
Thanh bình
阿 = 於何切 — Ư hà thiết = A (KH, THĐTĐ)
阿 = 厄何切 — Ách hà thiết = A (TN, TH)
烏 = 哀都切 — Ai đô thiết = Ô (KH, TVĐTĐ)
烏 = 汪胡切 — Uông hồ thiết = Ô (THĐTĐ)
嫣 = 衣旜切 — Y chiên thiết = Yên (TN, TH)
嫣 = 於虔切 — Ư kiền thiết = Yên (TV, THĐTĐ)
Thanh thượng
隱 = 倚謹切 — Ỷ cẩn thiết = Ẩn (TN, TH)
擁 = 於隴切 — Ư lũng thiết = Ủng (KH, THĐTĐ)
苑 = 於阮切 — Ư nguyễn thiết = Uyển (KH, TVĐTĐ)
Thanh khứ
亞 = 衣駕切 — Y giá thiết = Á (TN, TH)
愛 = 烏代切 — Ô đại thiết = Ái (KH, THĐTĐ)
奧 = 阿誥切 — A cáo thiết = Áo (TN, TH)
Thanh nhập
浥 = 乙入切 — Ất nhập thiết = Ấp (KH, THĐTĐ)
浥 = 衣吸切 — Y hấp thiết = Ấp (TN, TH)
遏 = 阿葛切 — A cát thiết = Át (TN, TH)
遏 = 烏割切 — Ô cát thiết = Át (KH)
遏 = 阿割切 — A cát thiết = Át (THĐTĐ)
益 = 伊昔切 — Y tích thiết = Ích (KH, THĐTĐ, TN, TH)
惡 = 遏鄂切 — Át ngạc thiết = Ác (KH, THĐTĐ, TN, TH)
惡 = 阿各切 — A các thiết = Ác (TN, TH)
Chú ý: Những chữ tìm ra có âm khởi đầu là nguyên âm chỉ có bậc phù chứ không có bậc trầm.
Chuyển đổi con chữ khi phiên âm
Chuyển đổi phụ âm đầu
Chuyển c thành gi
伽 = 求迦切 — Cầu ca thiết = Già (KH, THĐTĐ)
伽 = 具牙切 — Cụ nha thiết = Già (KH, THĐTĐ)
價 = 古訝切 — Cổ nhạ thiết = Giá (KH)
價 = 居迓切 — Cư nhạ thiết = Giá (KH, THĐTĐ)
減 = 古斬切 — Cổ trảm thiết = Giảm (KH, THĐTĐ)
頰 = 古協切 — Cổ hiệp thiết = Giáp (KH)
頰 = 吉協切 — Cát hiệp thiết = Giáp (KH, THĐTĐ)
覺 = 古嶽切 — Cổ nhạc thiết = Giác (KH)
Chuyển th thành x:
Trong hai chữ phiên thiết, chữ thứ nhất có phụ âm đầu là th và có bậc thanh trầm, vần của chữ thứ hai có âm chính là a thì phụ âm đầu th phải đổi thành x.
蛇 = 食遮切 — Thực cha thiết = Xà (KH)
蛇 = 時耶切 — Thời da thiết = Xà (TN, TH)
蛇 = 時遮切 — Thời cha thiết = Xà (TH)
社 = 常野切 — Thường dã thiết = Xã (KH, THĐTĐ)
社 = 市野切 — Thị dã thiết = Xã (TN, TH)
射 = 神夜切 — Thần dạ thiết = Xạ (KH, THĐTĐ)
射 = 食夜切 — Thực dạ thiết = Xạ (TN, TH), (KH, THĐTĐ)
Trong hai chữ phiên thiết, chữ thứ nhất có phụ âm đầu là th, vần của chữ thứ hai có âm chính là a và có loại thanh khứ, thì phụ âm đầu th phải đổi thành x.
舍 = 試夜切 — Thí dạ thiết = Xá (TH)
舍 = 始夜切 — Thủy dạ thiết = Xá (KH, THĐTĐ)
Chuyển đổi âm chính
Bỏ âm đệm u và chuyển y thành i: Trong hai chữ phiên thiết, chữ thứ nhất có phụ âm đầu là b, ph, v, chữ thứ hai có vần uy, uyên thì bỏ âm đệm u và chuyển y thành i:
非 = 夫威切 — Phu uy thiết = Phi (TN, TH)
圓 = 王權切 — Vương quyền thiết = Viên (KH)
圓 = 于權切 — Vu quyền thiết = Viên (KH, THĐTĐ, TN, TH)
園 = 羽元切 — Vũ nguyên thiết = Viên (KH)
Những điểm cần lưu ý khi phiên thiết
Phiên thiết của những người Trung Hoa dùng cho người Trung Hoa chứ không phải dùng cho người đọc ra âm Hán-Việt.
Trong cách đọc Hán-Việt, có những chữ không đọc theo phiên thiết mà đọc theo thói quen của người xưa. Ví dụ:
因 = 於真切 — Ư chân thiết = Ân (KH)
因 = 伊真切 — Y chân thiết = Ân (KH, THĐTĐ)
因 = 衣巾切 — Y cân thiết = Ân (TN, TH)
Chữ trên vẫn được các cụ đồ ngày xưa đọc là "Nhân".
一 = 於悉切 — Ư tất thiết = Ất (KH, THĐTĐ)
一 = 益悉切 — Ích tất thiết = Ất (KH, THĐTĐ)
一 = 衣悉切 — Y tất thiết = Ất (KH, THĐTĐ)
Chữ trên vẫn được các cụ đồ ngày xưa đọc là Nhất.
比 = 補委切 — Bổ uỷ thiết = Bỉ (KH)
比 = 筆旨切 — Bút chỉ thiết = Bỉ (TN, TH)
Chữ trên vẫn được các cụ đồ ngày xưa đọc là Tỉ.
扇 = 式戰切 — Thức chiến thiết = Thiến (KH, THĐTĐ)
扇 = 試堰切 — Thí yến thiết = Thiến (KH, THĐTĐ)
Chữ trên vẫn được các cụ đồ ngày xưa đọc là Phiến.
轟 = 呼宏切 — Hô hoành thiết = Hoanh (KH, THĐTĐ)
Chữ trên vẫn được các cụ đồ ngày xưa đọc là Oanh.
里 = 良已切 — Lương dĩ thiết = Lĩ (KH)
里 = 兩耳切 — Lưỡng nhĩ thiết = Lĩ (KH, THĐTĐ)
里 = 離矣切 — Li hĩ thiết = Lĩ (TN, TH)
Chữ trên vẫn được các cụ đồ ngày xưa đọc là Lí
陵 = 力膺切 — Lực ưng thiết = Lừng (KH)
Chữ trên vẫn được các cụ đồ ngày xưa đọc là Lăng.
昇 = 識蒸切 — Thức chưng thiết = Thưng (KH)
昇 = 書蒸切 — Thư chưng thiết = Thưng (KH, THĐTĐ)
昇 = 詩膺切 — Thi ưng thiết = Thưng (TN, TH)
Chữ trên vẫn được các cụ đồ ngày xưa đọc là Thăng.
勝 = 詩證切 — Thi chứng thiết = Thứng (KH, THĐTĐ)
Chữ trên vẫn được các cụ đồ ngày xưa đọc là Thắng.
矣 = 移里切 — Di lĩ thiết = Dĩ (TN, TH)
矣 = 羽已切 — Vũ dĩ thiết = Vĩ (KH, THĐTĐ)
Chữ trên vẫn được các cụ đồ ngày xưa đọc là là Hĩ.
並 = 部迥切 — Bộ huýnh thiết = Bịnh (KH)
Chữ trên vẫn được các cụ đồ ngày xưa đọc là Tịnh.
匹 = 品入聲 — Phẩm nhập thanh = Phấp (KH)
Chữ trên vẫn được các cụ đồ ngày xưa đọc là Thất.
譬 = 嚭去聲 — Phỉ khứ thanh = Phí (KH, THĐTĐ)
Chữ trên vẫn được các cụ đồ ngày xưa đọc là Thí.
瑟 = 所櫛切 — Sở tất thiết = Sất (KH, THĐTĐ)
Chữ trên vẫn được các cụ đồ ngày xưa đọc là Sắt.
今 = 居吟切 — Cư ngâm thiết = Câm (KH, THĐTĐ)
Chữ trên vẫn được các cụ đồ ngày xưa đọc là Kim.
Những tiếng có phụ âm đầu d, l, m, n, ng, nh, hay v thuộc thanh bình bậc trầm, nhưng khi đọc và viết thanh bình bậc phù (tức không dấu).
移 = 弋支切 — Dực chi thiết = Di (KH, THĐTĐ)
離 = 呂支切 — Lữ chi thiết = Li (KH, THĐTĐ)
磨 = 莫婆切 — Mạc bà thiết = Ma (KH, THĐTĐ)
那 = 諾阿切 — Nặc a thiết = Na (KH, THĐTĐ)
俄 = 五何切 — Ngũ hà thiết = Nga (KH, THĐTĐ)
疑 = 語其切 — Ngữ kì thiết = Nghi (KH, THĐTĐ)
瓤 = 汝陽切 — Nhữ dương thiết = Nhương (KH, THĐTĐ)
雩 = 羽俱切 — Vũ cu thiết = Vu (KH, THĐTĐ)
Vì thế nên những tiếng có phụ âm đầu d, m, ng, ngh, nh, v dù không dấu (tức thanh ngang) cũng thuộc thanh bình bậc trầm.
Cách phiên thiết theo Lê Ngọc Trụ
Lê Ngọc Trụ có bài Lối đọc chữ Hán Tập san Đại học Văn Khoa (Sài Gòn) 1968, được đăng lại trong Từ điển Hán Việt. Hán ngữ cổ đại và hiện đại, Nhà xuất bản Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh 1999 của Trần Văn Chánh. Lê Ngọc Trụ đưa ra bảng đối chiếu 4 thanh (bình, thượng, khứ, nhập) 2 bực (thượng, hạ) với 6 thanh Việt: ngang, sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng:
Tứ thinh Hán Việt
Thượng bình (âm bình): ngang
Hạ bình (dương bình): huyền và những chữ không dấu bắt đầu bằng l, m, n, ng, nh, d, v như: lê, minh, nhi, dân, văn, v.v.
Thượng thượng: hỏi
Hạ thượng: ngã (và một số chữ ngoại lệ: nặng)
Thượng khứ: sắc
Hạ khứ: nặng
Thượng nhập (có c, ch, t, p cuối): sắc
Hạ nhập (có c, ch, t, p cuối): nặng
và công thức để áp dụng phiên thiết:
A = B + C thiết
A khởi đầu bằng phụ âm khởi đầu của B (nếu có), và lấy vần của C
B: bực1 thanh1, C: bực2 thanh2 -> A: bực 1 thanh 2
Lê Ngọc Trụ cho thí dụ:
"Tiên" 仙, KHTĐ chua "tương + nhiên" hoặc "tô + tiền", Từ Nguyên và Từ Hải chua "tức + nhiên"
"Tiền" 前, KHTĐ chua "tạc + nhiên" hoặc "tài + tiên", Từ Nguyên và Từ Hải chua "tề + nghiên"
"Tô + tiền thiết", tuy tiếng sau là "tiền" (dấu huyền, "hạ bình" thinh), nhưng tiếng trước là "tô" (không dấu, thuộc thanh "âm") nên kết quả phải là thanh "bình thinh", không dấu: "t + iên ngang": "tiên".
"Tài + tiên thiết", hoặc "tề + nghiên thiết", tiếng "tiên" và "nghiên", không dấu ở thanh "bình thinh", nhưng vì tiếng trước "tài" hoặc "tề" là tiếng có dấu huyền, thuộc "trọc âm", nên kết quả phải tìm ra "trọc bình thinh", dấu huyền: "t + iên huyền": "tiền".
Phương pháp Lê Ngọc Trụ dễ nhớ, nhưng phải chú ý trường hợp "hạ bình" và "hạ thượng".
Viết tắt
KHTĐ: Khang Hy Tự Điển
THĐTĐ: Trung Hoa Đại Từ điển
TN: Từ Nguyên
TH: Từ Hải
TVĐTĐ: Trung Văn Đại Từ điển |
Âm Hán Việt (音漢越) là thuật ngữ chỉ các âm đọc của chữ Hán được người nói tiếng Việt xem là âm đọc chuẩn dùng để đọc chữ Hán trong văn bản tiếng Hán vào thời kỳ cổ văn là ngôn ngữ viết chính thức tại Việt Nam và các âm đọc khác của chữ Hán được người nói tiếng Việt tạo ra trong thời kỳ cổ văn không còn là ngôn ngữ viết chính thức ở Việt Nam, dựa trên các âm đọc của chữ Hán kế thừa từ thời kỳ trước đó.
Phân biệt từ Hán Việt và âm Hán Việt
Tiếng Việt có nhiều từ và ngữ tố bắt nguồn từ tiếng Hán. Từ và ngữ tố tiếng Việt bắt nguồn từ tiếng Hán được gọi là từ Hán Việt. Nhiều từ Hán Việt mang âm thanh là âm Hán Việt của chữ Hán mà nó có nguồn gốc. Thí dụ: Bốn từ Hán Việt áo, dân, học, giáo (giáo trong thầy giáo, giáo sư) lần lượt bắt nguồn từ bốn từ tiếng Hán được viết bằng chữ Hán là 襖, 民, 學, 教. Âm thanh của bốn từ tiếng Việt áo, dân, học, giáo cũng là âm Hán Việt của bốn chữ Hán 襖, 民, 學, 教.
Cũng có nhiều từ Hán Việt mang âm thanh không phải là âm Hán Việt mà nó có nguồn gốc. Thí dụ: Bốn từ tiếng Việt chữ, giường, thuốc, vườn lần lượt bắt nguồn từ bốn từ tiếng Hán được viết bằng chữ Hán là 字, 床, 藥. 園. Bốn chữ Hán 字, 床, 藥. 園 có âm Hán Việt lần lượt là tự, sàng, dược, viên.
Không phải bất cứ chữ Hán nào có âm Hán Việt cũng được tiếng Việt vay mượn. Thí dụ: Chữ Hán 怎 có âm Hán Việt là chẩm. Trong tiếng Việt không có từ Hán Việt nào bắt nguồn từ từ tiếng Hán được viết bằng chữ Hán 怎.
Phát âm của chữ Hán
Chữ Hán là một loại chữ biểu ý, không phải là loại chữ biểu âm, nên nếu không biết thì không thể nhìn vào mặt chữ mà đọc được. Do đó trong tự điển tiếng Hán người ta phải ghi chú cách đọc.
Bản thân chữ Hán được phát âm khác nhau, ngay tại Trung Quốc, tuỳ từng vùng mà có nhiều giọng/âm đọc khác nhau, như tiếng Quảng Đông, tiếng Phúc Kiến,Tiếng Thượng Hải tiếng Triều Châu, tiếng Bắc Kinh... Các nước lân cận như Triều Tiên có cách đọc riêng của người Triều Tiên, gọi là Hán – Triều (漢朝); người Nhật có cách đọc riêng của người Nhật, gọi là Hán – Hoà (漢和); người Việt có cách đọc của mình gọi là Hán – Việt (漢越). Vì thế khi một cụm từ chữ Hán được viết ra, không thể mặc định ngay đó là tiếng Trung Quốc, vì nó cũng có thể được đọc bằng tiếng Nhật, tiếng Triều Tiên hoặc tiếng Việt.
Ngoài ra bản thân ngữ âm tiếng Hán cũng chịu sự biến đổi nhất định trong lịch sử phát triển của nó. Một số kết quả được phản ánh trong các nghiên cứu của các nhà ngữ âm học Trung Quốc đối với tiếng Hán thượng cổ và trung cổ.
Phiên âm Hán – Việt
Một số nhà ngôn ngữ học Việt Nam coi âm Hán – Việt chỉ là âm chữ Hán vào thời nhà Đường, đọc theo quy luật ngữ âm tiếng Việt. Do quá trình tiếp xúc giữa hai ngôn ngữ Hán và Việt bắt đầu từ lâu, và tiếng Hán đã được du nhập vào Việt Nam từ khi nhà Hán xâm chiếm Việt Nam. Tuy nhiên quá trình tiếp nhận các từ ngữ tiếng Hán giai đoạn đầu chỉ diễn ra một cách lẻ tẻ, không hệ thống và chủ yếu bằng đường khẩu ngữ. Đến giai đoạn nhà Đường thì tiếng Hán được du nhập một cách có hệ thống, với số lượng lớn và chủ yếu thông qua con đường sách vở.
Theo quan điểm này thì phiên âm Hán – Việt là cách thức đọc tiếng Hán theo âm tiếng Hán thời nhà Đường qua đường sách vở, được những người Việt sử dụng chữ Hán đặt ra, Việt hóa ít nhiều cho phù hợp với hệ thống ngữ âm của tiếng Việt vào thời kỳ đó. Theo Henri Maspéro, Benhard Kalgren, Torosu Mineyra, âm Hán – Việt đại diện cho phương ngữ Tràng An thế kỷ IX – X, vào thời kỳ cuối Đường. Đây là giai đoạn hình thành cách đọc Hán – Việt có hệ thống.
Cũng theo quan điểm này, những từ Hán được du nhập từ giai đoạn trước hay các từ Hán cổ không được đọc theo âm Hán – Việt (đời Đường) mà theo âm Hán cổ, và đã được Việt hóa tương đối, hoặc là để làm phong phú nguồn từ vựng cho tiếng Việt cổ dùng trong dân gian, lúc đó người dân dã không được đi học còn dùng tiếng Việt cổ và chưa có chữ viết (hoặc là một số ít có thể dùng chữ Nôm). Ví dụ: 房: buồng (âm Hán cổ)/ phòng (âm Hán – Việt); 沈: chìm (âm Hán cổ)/ trầm (âm Hán – Việt)...
Một số từ Hán – Việt sau khi được du nhập vào tiếng Việt đã chiu sự tác động của quy luật biến đổi ngữ âm của tiếng Việt, do vậy có một số từ đã bị thay đổi diện mạo so với dạng ngữ âm Hán – Việt ban đầu. Ví dụ: 印: ấn (Hán – Việt)/ in (Hán – Việt Việt hóa); 種: chủng (Hán – Việt)/ giống (Hán – Việt Việt hóa), 正: chính, chinh (Hán – Việt)/ giêng (Hán – Việt Việt hóa)...
Ngoài ra còn có các từ gốc Hán được tiếp nhận bằng con đường khẩu ngữ với phát âm của một phương ngữ nào đó của tiếng Hán hiện đại: ca la thầu, mì chính, quẩy...
Cách đọc Hán Việt gắn liền với việc sử dụng văn tự: ban đầu là văn tự Hán, sau là chữ Hán và chữ Nôm và cuối cùng là ghi bằng chữ quốc ngữ.
Trong các tự điển Hán – Việt, bên cạnh ghi chú bính âm do người Trung Quốc đặt ra để đọc âm của họ, còn có ghi chú âm tiếng Việt dành riêng cho người Việt. Tức là âm tiếng Quan thoại chuẩn (nay gọi là "phổ thông thoại"(普通话), tức tiếng Hán phổ thông dựa trên phương ngữ Bắc Kinh) được phiên sang âm tiếng Việt. Ví dụ 2 chữ 北京 đọc theo âm Quan thoại là Běijīng, còn người Việt đọc là Bắc Kinh.
Phiên âm Hán – Việt và phiên thiết Hán – Việt
Một số ý kiến cho rằng cách đọc Hán – Việt là dựa vào cách đọc theo phiên thiết. Các ý kiến này cho rằng âm Hán – Việt không phải do người Việt đặt ra mà là các âm phiên thiết, ghi trong các cuốn tự điển Hán. Theo cách lý giải này, một số tác giả cực đoan còn cho rằng, những từ đọc không đúng với phiên thiết là sai và phải bị loại bỏ khỏi các từ Hán Việt.
Nhiều ý kiến phân biệt rõ ràng giữa phiên âm Hán – Việt và phiên thiết Hán – Việt. Phiên âm là bản thân âm (cách đọc) Hán – Việt của chữ Hán, còn phiên thiết chỉ là một trong những phương pháp ghi cách đọc chữ Hán do người Trung Quốc đặt ra để người đọc biết cách đọc. Phiên thiết là dùng âm của hai chữ khác (được coi là đã biết cách đọc) ghép lại để chú âm cho một chữ thứ ba, nghĩa là lấy phụ âm đầu (thanh mẫu) của chữ thứ nhất ghép với vần (vận mẫu) của chữ thứ hai đọc nối liền lại, còn thanh điệu thì tuân theo một quy tắc nhất định. Phiên thiết của người Trung Quốc được chuyển (quy chiếu) sang âm Hán – Việt và lấy đó làm chuẩn để đọc âm Hán – Việt.
Trước khi có cách dùng ký tự Latin để ghi cách đọc chữ Hán, thì ngoài cách phiên thiết, còn có các phương pháp khác như chú âm bằng cách dùng chữ đồng âm, gọi là "trực âm" (直音), hay dùng những chữ có âm gần giống, gọi là "độc nhược" (讀若), "độc như" (讀如) hay "độc vi" (讀為).
Ngoài ra, còn phương pháp chú âm dùng 37 ký tự dựa vào chính chữ Hán gọi là "chú âm phù hiệu" (chữ Hán phồn thể: 注音符號; chữ Hán giản thể: 注音符号; bính âm: Zhùyīn fúhào), được soạn ra vào đầu thế kỷ XX, hiện nay thỉnh thoảng vẫn được sử dụng nhưng ít phổ biến hơn bính âm, chủ yếu sử dụng tại Đài Loan.
Ngoài ra, không phải bao giờ phiên âm Hán – Việt cũng trùng với phiên thiết Hán – Việt, nghĩa là âm Hán – Việt không đọc theo phiên thiết Hán – Việt, vì phiên thiết của người Trung Hoa dùng cho người Trung Hoa chứ không phải dùng cho người Việt.
因 theo phiên thiết là ân, nhưng xưa nay người Việt vẫn đọc là nhân,
一 theo phiên thiết là ất, nhưng xưa nay vẫn đọc là nhất,
比 theo phiên thiết là bỉ, nhưng xưa nay vẫn đọc là tỉ
扇 theo phiên thiết là phiến, nhưng xưa nay vẫn đọc là thiến
轟 theo phiên thiết là hoanh, nhưng xưa nay vẫn đọc là oanh
民 theo phiên thiết là miên, nhưng xưa nay vẫn đọc là dân
昇 theo phiên thiết là thưng, nhưng xưa nay vẫn đọc là thăng
v.v.
Phiên thiết Hán Việt có thể giúp định âm Hán Việt của một số từ Hán chưa có âm tương đương trong các tự điển Hán – Việt của tiếng Việt. Tuy vậy, phiên thiết trong tiếng Hán cũng khá phức tạp, vì là âm đọc trong một giai đoạn lịch sử và của một vùng lãnh thổ trong tiến trình ngữ âm của Hán ngữ, tạo nên một hệ thống thiết vận không ổn định nên có thể góp phần làm phức tạp việc định âm Hán – Việt cho các từ Hán. Do đó, có thể tồn tại các kiểu phiên thiết khác nhau.
So sánh âm Quan thoại chuẩn và âm Hán – Việt
Âm Quan thoại chuẩn (dưới đây gọi tắt là Quan thoại) có 4 thanh điệu: âm bình, dương bình, thượng thanh và khứ thanh, trong khi âm Hán – Việt có 6 thanh điệu: ngang (không dấu), huyền, sắc, hỏi, ngã và nặng.
Một âm Quan thoại thường tương ứng với nhiều chữ Hán, và đôi khi một chữ Hán cũng có 2 – 3 âm khác nhau, nhưng nói chung tổng số âm Quan thoại ít hơn nhiều so với tổng số chữ Hán. Một âm Quan thoại cũng thường tương ứng với nhiều âm Hán – Việt và đôi khi một âm Hán – Việt cũng tương ứng với 2 hoặc vài âm Quan thoại, nhưng tổng số âm Quan thoại ít hơn tổng số âm Hán – Việt (tiếng Quan thoại có 1280 âm trong khi tiếng Việt có từ khoảng 4500 đến 4800 âm đọc, tùy theo phương ngữ, và 6200 âm viết trong quốc ngữ). Ví dụ: âm Quan thoại yù (được biểu thị bằng bính âm) tương ứng với các âm Hán – Việt và chữ Hán sau (chữ viết nghiêng là âm Quan thoại, chữ viết đậm là âm Hán – Việt):
ẩu 嫗
dụ 喻, 愈, 瘉, 癒, 芋, 吁/籲 (còn có âm là hu/xū), 裕, 誘, 谕/諭, 峪 (có sách phiên là dục)
dũ 愈/癒, 羑
duật 聿, 矞, 燏, 繘, 谲/譎, 遹, 鴥, 鷸
dục 育, 淯, 堉, 毓, 谷 (còn có âm là cốc/gǔ), 浴, 峪 (có sách phiên là dụ), 欲/慾, 鹆/鵒, 昱, 煜, 翌, 鬻
dự 与 (còn có âm là dư/yú, dữ/yǔ), 预/預, 澦, 蓣/蕷, 誉/譽, 豫
ngọc 玉, 鈺
ngộ 遇
ngụ 寓/庽
ngục 狱/獄
ngữ 语/語 (còn có âm là yǔ)
ngự 御/禦, 驭/馭
quắc 阈/閾 (còn có âm là vực)
uất 熨 (còn có âm là úy/yùn), 黦, 郁/鬱 (còn có âm là úc), 菀 (còn có âm là uyển/wăn), 尉 (còn có âm là úy/wèi), 蔚 (còn có âm là úy/wèi)
úc 噢, 澳 (còn có âm là áo/ào), 隩 (còn có âm là áo/ào), 燠, 郁/鬱 (còn có âm là uất), 彧 (có sách phiên là vực)
ứ 淤 瘀 饫/飫 燠
vũ 雨 (còn có âm là yǔ)
vực 域 棫 淢 緎罭 蜮/㟴魊 阈/閾 (còn có âm là quắc) 彧 (có sách phiên là úc)
Dưới đây đưa ra ví dụ về các trường hợp một chữ Hán có nhiều âm khác nhau hoặc các trường hợp không tương ứng một đối một giữa âm Quan thoại và âm Hán – Việt.
2 âm Quan thoại và 2 âm Hán – Việt
Một số ví dụ:
蔭 (yīn) âm và (yìn) ấm
谷 (yù) dục, và (gǔ) cốc
台(tái) đài (trong Đài Loan), và (tài) thai (trong Thiên Thai, Thai Châu)
曾 (zēng) tăng, và (céng) tằng
2 âm Quan thoại và 1 âm Hán – Việt
1 âm Quan thoại và 2 âm Hán – Việt hoặc nhiều hơn
Ta thường gặp các biến thể:
Chu Ân Lai – Châu Ân Lai (周恩来/來, Zhōu Ēnlái), trong trường hợp này âm Châu gần âm gốc Zhōu hơn. Tuy nhiên âm Chu chủ yếu được dùng ở miền Bắc Việt Nam trước kia nay trở nên phổ biến hơn
Châu Giang – Chu Giang (珠江, Zhū Jiāng) (sông), Châu Hải – Chu Hải (珠海; Zhūhǎi) (thành phố), trong trường hợp này âm Chu gần âm gốc Zhū hơn
Càn Long – Kiền Long (乾隆; Qiánlóng) (vua nhà Thanh), trong trường hợp này âm Càn được coi là chính tắc hơn
Phủ Điền – Bồ Điền (thành phố thuộc tỉnh Phúc Kiến)
Đông Hoản – Đông Quản (thành phố thuộc tỉnh Quảng Đông), trong đó âm Hoản được coi là chuẩn hơn
Sái Luân – Thái Luân, người phát minh ra một loại giấy
Chu Đệ – Chu Lệ, tức Minh Thành Tổ, trong đó âm Đệ hiện nay được dùng phổ biến trong các từ /tự điển và sách vì gần âm gốc hơn
Tiền Kỳ Tham – Tiền Kỳ Thâm – Tiền Kỳ Sâm (钱其琛, Qián Qíchēn), cựu Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc, v.v.
Điển hình cho trường hợp này là tên hồ 鄱阳湖 (Póyáng Hú), tọa lạc tại tỉnh Giang Tây của Trung Quốc. Các sách và tự điển gọi hồ này bằng nhiều cái tên khác nhau: hồ Bà Dương, hồ Phàn Dương, hồ Phiền Dương, hồ Phiên Dươnghoặc có khi là hồ Phồn Dương.
Chữ 土 chỉ có 1 âm gốc là tǔ và trong mọi nghĩa đều được phiên là thổ, nhưng người ta lại đặt thêm âm độ chỉ dành riêng cho cụm từ Tịnh độ tông. Tuy nhiên âm thổ cũng được dùng cho trường hợp này, tuy ít phổ biến hơn: Tịnh thổ tông. Trong khi đó âm độ thông thường, ứng với âm gốc dù, gồm các chữ 度 (còn có âm là đạc/duó), 渡, 鍍, 镀.
Sự thiếu nhất quán trong phiên âm Hán – Việt
Bên cạnh các trường hợp một chữ Hán có 1 âm Quan thoại nhưng có thể có 2 âm Hán – Việt khác nhau được ghi chú trong cùng một từ/tự điển, còn có nhiều trường hợp mỗi sách ghi một âm Hán – Việt khác nhau.
Bản thân chữ bính, trong thuật ngữ "bính âm", xuất xứ từ một số sách cũ ở miền Nam Việt Nam, trong khi nhiều từ/tự điển hiện nay chỉ phiên là phanh, và cũng có một số người dùng phanh âm.
Ung Châu (雍州), một trong chín châu của Trung Quốc thời cổ (vùng Thiểm Tây 陝西, Cam Túc 甘肅, Thanh Hải 青海 ngày nay), có chữ đầu đều được phiên là Ung trong hầu hết các từ/tự điển Hán – Việt và các sách truyện như Đông Chu liệt quốc, Tam quốc, chỉ riêng tự điển Thiều Chửu phiên là Úng. Chữ Ung này cũng nằm trong niên hiệu Ung Chính 雍正 của vua Thanh Thế Tông.
Trong cuốn Chuyện Đông chuyện Tây, Nhà xuất bản Trẻ, An Chi Võ Thiện Hoa đã so sánh một số trường hợp phiên âm không thống nhất giữa 2 quyển Hán – Việt tự điển của Thiều Chửu và Hán – Việt từ điển của Đào Duy Anh (câu 438, trang 140 – 145, tập 3) như:
chữ 膾 (bính âm: kuài), là khoái theo Đào Duy Anh và quái theo Thiều Chửu. Theo An Chi, khoái là âm Hán – Việt thông dụng, còn quái là âm Hán – Việt chính thống, phản ánh cách phát âm đời nhà Đường.
chữ 炙 (bính âm: zhì), là chá theo Đào Duy Anh và chích theo Thiều Chửu. Trong từ điển của Trung Quốc có cả hai âm này.
chữ 僣 (bính âm: tiĕ), là tiếm theo Đào Duy Anh và thiết theo Thiều Chửu. Âm thiết là đúng, còn âm tiếm dành cho chữ 僭 (jiàn, zèn) cũng gần giống mà từ điển của Đào Duy Anh không có chữ này. Người ta vẫn có thói quen lấy chữ 僣 thay cho chữ 僭 nhưng làm như thế là không chuẩn.
Nhân vật họ Mã trong Tam quốc làm thất thủ Nhai Đình, lỡ kế hoạch của Gia Cát Lượng có tên là 马/馬謖 (bính âm: Mǎ Sù), được phiên khi thì là Mã Tốc, khi thì là Mã Tắc, thậm chí có khi là Mã Thốc, còn theo An Chi thì phải đọc là Mã Sốc theo đúng âm Hán – Việt chính thống xuất xứ từ đời Đường.
Tương tự như vậy, nhân vật Chu Du (周瑜, Zhōu Yú) quen thuộc có lúc lại biến thành Châu Do (âm Do không đúng nhưng âm Châu lại sát âm gốc hơn) chỉ vì cách phiên âm Hán – Việt khác nhau.
Hai viên tướng Trung Quốc thời cổ thường được nhắc đến trong sử sách Việt Nam dưới tên gọi Đồ Thư (屠睢) và Nhâm Ngao (壬嚣), nếu theo phiên âm hiện đại thì phải là Đồ Tuy và Nhậm/Nhiệm/Nhâm Hiêu (任嚣). Ở đây họ 壬 (Nhâm – Rén) thời xưa đã được viết thành 任 có hai âm Nhâm – Rén và Nhậm/Nhiệm – Rèn.
Chữ (tự) đồng âm
Trong tiếng Hán, có rất nhiều chữ (tự) đồng âm, tức là đọc giống nhau nhưng viết (mặt chữ) khác nhau và nghĩa khác nhau. Tuy nhiên chữ đồng âm Quan thoại (pinyin) thường không nhất thiết là chữ đồng âm Hán – Việt, còn chữ đồng âm Hán – Việt nói chung thường là đồng âm Quan thoại. Lấy ví dụ âm nguyên Hán – Việt có khoảng 11 chữ đồng âm là 元, 原, 姩, 嫄, 沅, 源, 羱, 芫, 螈, 騵, 黿 (và đều đồng âm Quan thoại: yuán).
Còn nếu xét chữ đồng âm Quan thoại (âm yuán) thì có thể kể thêm:
Các chữ đồng âm Hán Việt viên: 員 (giản thể 员) (còn có các âm yún /vân, yùn /uẩn), 園(giản thể 园), 圓 (giản thể 圆), 圜 (còn có âm huán /hoàn), 垣, 媛 (còn có âm yuàn /viện), 湲, 爰, 猿 (còn viết là 猨), 蝯, 袁, 轅
2 chữ đồng âm Hán Việt viện: 援, 瑗 (chữ 媛 đã tính ở mục âm viên)
Chữ ngoan: 鼋
4 chữ đồng âm Hán Việt duyên: 缘, 橼, 櫞, 蝝
Tuy nhiên cũng có một số chữ đồng âm Hán – Việt nhưng có tới 2 (thậm chí nhiều hơn) âm Quan thoại. Chẳng hạn, có (ít nhất) 7 chữ đồng âm cát, nhưng có tới 4 – 5 âm Quan thoại: 吉 (jí), 佶 (jí), 割 (gē), 葛 (gé /gě), 轕 (gé), 噶 (gá), 釓 (gá). Đó là chưa kể các chữ kiết 鮚 (giản thể 鲒), 拮, 桔 (kiết / kết) với âm Quan thoại là jié, mà có từ điển còn phiên là cát.
Chữ "tác" đánh chữ "tộ"
Thành ngữ có câu chữ "tác" đánh chữ "tộ" (chữ "tác" tưởng là chữ "tộ") để chỉ sự lẫn lộn giữa các chữ do mặt chữ gần giống nhau, qua đó chê người học kém. Một số cặp chữ gần giống nhau làm cho người dịch dịch nhầm, chẳng hạn, các cặp chữ:
作 tác (zuò) thuộc bộ nhân (亻) – 怍 tộ (zuò) thuộc bộ tâm (忄)
博, 搏 bác (bó) – 傅 phó (fù) – 溥 phổ (pǔ)
亳 bặc (bó) – 毫 hào (háo)
准 chuẩn (zhǔn) thuộc bộ băng (冫) – 淮 hoài (huái) thuộc bộ thủy (氵)
翼 dực (yì) – 冀 ký (jì)
党 đảng (dǎng) – 觉 giác (giản thể) (jiào)
浩 hạo (hào) – 洁 khiết (jié)
桐, đồng (dòng/ tóng, tóng) – 坰, 炯 quýnh (jiōng)
遇 ngộ (yù) – 過 quá (guò)
幸 hạnh (xìng) – 辛, 莘 tân (xīn)
沫 mạt (mò) – 沬 muội (mèi)
遇 ngộ (yù) – 過 quá (guò)
土 thổ (tǔ) – 士 sĩ (shì)
并 tính, tịnh (bìng) – 井 tỉnh (jĭng)
万 vạn (giản thể) (wàn) – 方 phương (fāng)
Những chữ tên riêng bị phiên sai có thể kể:
Bặc /Bạc /Bột Châu (亳州), quê hương của đạo sĩ Trần Đoàn, ông tổ tử vi, bị phiên sai thành Hào Châu (毫州), do nhầm Bạc (亳; pinyin: bó) thành Hào (毫; pinyin: háo). Ví dụ: . Cuốn Almanac những nền văn minh thế giới có bài về Trần Đoàn do Nguyễn Tiến Đoàn – Trần Thanh Loan – Hoàng Điệp viết (bài được chép ở đây) cũng nói rằng ông người huyện Hào Châu (nay là Tây Nam huyện Hào, tỉnh An Huy). Đất Bạc ở đây trước kia là một vùng rộng lớn, nằm ở vùng Thương Khâu, Lộc Ấp (Hà Nam) và tây bắc An Huy, từng là kinh đô nhà Thương thời vua Thành Thang, nhưng nay chỉ thu lại là thành phố Bạc Châu thuộc tỉnh An Huy. Rất nhiều sách, kể cả cuốn Tinh hoa văn hóa Trung Quốc, dịch và in tại Nhà xuất bản Thế giới cũng ghi là đất Hào!
Trí Di, hay bị phiên là Trí Khải.
Cải cách văn tự, sai khác khẩu âm và tương quan với phiên âm Hán Việt
Chữ Hán tự kiểu cổ điển (phồn thể) được cải cách có quy mô lớn và toàn diện bởi đảng Cộng sản Trung Quốc từ sau 1949 thành chữ giản thể, các khu vực khác có sử dụng chữ Hán không dùng chữ Giản thể của đại lục nhưng vẫn có ít nhiều thay đổi Hán tự. Tuy nhiên thực tế là sự cải cách chữ viết (đôi khi mang tính cưỡng bức bởi ý chí chủ quan của người cầm quyền) đã có từ lâu trước đó, chẳng hạn, Võ Tắc Thiên đã cho đổi hàng chục chữ Hán liên quan đến tên mình. Kết quả của sự cải cách là diện mạo chữ viết bị thay đổi ít nhiều so với nguyên gốc. Chẳng hạn chữ 隻 phiên âm Hán Việt là "chích", 只 phiên âm Hán Việt là "chỉ" trước đây đều tồn tại, sau cải cách giản thể được hợp nhất thành 只 (các khu vực ngoài đại lục vẫn dùng cả hai chữ), chữ 只 thừa hưởng bính âm của cả chữ 只 cũ và chữ 隻, bởi vậy nếu khiên cưỡng nói 只 có 2 bính âm (Zhǐ và Zhī) dẫn đến 2 phiên âm Hán Việt (chỉ và chích) là sai lầm.
Một Hán tự có thể có nhiều cách đọc, tuy nhiên đôi khi sự sai khác chỉ đơn thuần do khẩu âm từng khu vực, do mức độ phổ biến tương đương mà đều trở thành quy chuẩn nhưng không có tính chất ước định, bởi vậy không thể xem là có 2 bính âm mà phiên âm Hán Việt đồng nhất. Chẳng hạn 誰 có phiên âm Hán Việt là "thùy" với pinyin là Shuí và Shéi nhưng không cố định, có thể tùy ý, trái lại từ 薄 có phiên âm Hán Việt là "bạc" với pinyin là Báo trong hầu hết trường hợp, nhưng riêng 薄荷 nhất định pinyin là Bò (薄荷Bòhé phiên âm Hán Việt là Bạc hà).
Ứng dụng
Trong tiếng Việt đương đại, ba ứng dụng phổ biến nhất của âm Hán Việt là:
Chuyển đổi ngữ âm của từ ngữ tiếng Hán cần vay mượn: Khi người nói tiếng Việt vay mượn từ ngữ tiếng Hán để dùng trong tiếng Việt, ngữ âm của từ tiếng Việt bắt nguồn từ tiếng Hán thường không bắt nguồn từ ngữ âm trong Hán ngữ tiêu chuẩn của từ tiếng Hán được vay mượn. Ngữ âm của từ tiếng Việt gốc Hán thường sẽ mang âm Hán Việt của chữ Hán được tiếng Việt vay mượn.
Gọi tên người Trung Quốc, khu vực địa lý tại Trung Quốc: Ngữ âm của tên gọi trong tiếng Việt của người Trung Quốc, khu vực địa lý tại Trung Quốc thường không bắt nguồn từ ngữ âm của tên gọi tương ứng trong Hán ngữ tiêu chuẩn. Tên tiếng Việt của người Trung Quốc, khu vực địa lý tại Trung Quốc thường sẽ mang âm Hán Việt của chữ Hán tương ứng.
Đọc chữ Hán trong văn bản cổ văn: Tại Việt Nam, khi dạy và học cổ văn, người ta thường đọc chữ Hán trong văn bản cổ văn bằng âm Hán Việt, chứ không đọc bằng âm đọc tương ứng của chữ Hán trong Hán ngữ tiểu chuẩn. |
Giới trong tiếng Việt có các nghĩa sau đây:
Trong phân loại sinh học, giới là đơn vị phân loại sinh vật do Carl von Linné xây dựng; tiến hành sắp xếp sinh vật thành các đơn vị phân loại (taxon) như: giới (kingdom), ngành (phylum/divisio), lớp (classis), bộ (ordo), họ (familia), chi (genus) và loài (species).
Trong địa tầng học và các khoa học liên quan khác, giới là hồ sơ địa tầng tổng thể đã trầm lắng trong một khoảng thời gian tương ứng nhất định, thuộc về một đại trong niên đại địa chất.
Giới có thể đề cập tới thành phần, tầng lớp hoặc nhóm xã hội nào đấy, ví dụ như giới công nhân, giới trí thức v.v.
Trong Phật giáo, giới là các luật mà các người tu hành phải tuân thủ.
Trong ngôn ngữ học, giới, còn được gọi là giống, được dùng để phân loại các từ; như trong tiếng Pháp la guerre có giới tính là giống cái và le père là giống đực.
Giới tính sinh học hoặc giới tính xã hội. |
Quá trình phát triển nền kiến trúc cổ Việt Nam gắn liền với môi trường thiên nhiên và hoàn cảnh kinh tế - xã hội. Những công trình kiến trúc cổ hầu hết được xây dựng trong thời kỳ phong kiến - chủ yếu là trước thế kỷ 19. Tuy nhiên các công trình còn sót lại chủ yếu được xây dựng từ sau thế kỷ 17-18.
Dù là công trình nhỏ bé như kiến trúc dân gian hoặc đồ sộ, phức tạp như kiến trúc cung đình, vật liệu xây dựng sẵn có ở địa phương đã được khai thác và sử dụng phổ biến và rộng khắp: tranh, tre, nứa, lá, gỗ, đá..., sau này còn có các vật liệu khác như gạch, ngói, sành, sứ... Hệ thống kết cấu khung cột, vì kèo và các loại xà đều có quy định thống nhất về kích thước, tương quan về tỷ lệ và qua đó, những nghệ nhân trước đây đã sáng tạo ra một thức kiến trúc riêng biệt trong kiến trúc cổ và dân gian Việt Nam.
Trải qua nhiều triều đại, nhiều thế kỷ với bao thăng trầm lịch sử, đến ngày nay các công trình đã trải qua nhiều lần trùng tu sửa chữa để tồn tại, một số còn giữ được cốt cách nguyên sơ song cũng có nhiều công trình bị pha tạp do nguyên nhân chủ quan hoặc khách quan. Tuy nhiên, những công trình này vẫn là dấu tích cụ thể ghi lại chặng đường sáng tạo và lao động nghệ thuật, mang dấu ấn lịch sử dân tộc rất rõ nét.
Kiến trúc cổ Việt Nam được chia thành các loại hình như sau:
Đây là loại hình kiến trúc bao gồm thành lũy, pháo đài, đồn, cửa ô... Những kiến trúc quân sự quốc phòng cổ Việt Nam có mặt bằng bố cục gồm các hình như: hình vuông, hình chữ nhật, hình đa giác đều, hình tròn, hình ngôi sao và những hình đặc biệt khác. Vật liệu xây dựng các loại hình kiến trúc này rất phong phú. Ở miền núi, người ta sử dụng phiến đá xanh có đẽo gọt hoặc không; ở miền trung du, người ta sử dụng đá ong; ở miền đồng bằng sử dụng đất hoặc gạch và vôi vữa xây thành.
Các nét đặc trưng của kiến trúc cổ Việt Nam trong nền kiến trúc gỗ cổ phương Đông:
Dốc mái thẳng, đao cong. Ngói được sử dụng có thể là ngói âm dương (Ngói lưu ly) hoặc ngói hài (ngói vảy). Ngói âm dương từ ngàn xưa thì ngói âm dương đã gắn liền với các công trình kiến trúc của Việt Nam, với ưu điểm độ bền cao, cấu trúc thiết kế lợp đặc biệt mang đến sự thoáng mát vào mùa hè ấm áp vào mùa đông thường được sử dụng cho các công trình hành chính nhà nước hoặc nhà của tầng lớp cao, quan lại, nhà nho, kiến trúc tôn giáo. Ngói hài thường được sử dụng trong kiến trúc dân gian, chi phí thấp, độ bền thường không cao, dễ lên rêu, thường thấy ở kiến trúc Khmer, Thái Lan.
Dùng bảy, kẻ đỡ mái hiên (chủ yếu thời Lê, Nguyễn) hoặc là hệ đấu-củng (chủ yếu đến thời Lý, Trần và dần bổ sung hoặc thay thế bằng bảy/kẻ). Cả hai phương pháp tồn tại song song tùy vào trình độ người thợ mà chọn lựa thi công, hệ đấu-củng tương đối phức tạp,có độ bền cao về thẩm mỹ thì trau chuốt và đẹp hơn nên yêu cầu tay nghề người thợ cao và tỉ mỉ trong công việc.
Cột mập to, phình ở phần giữa thân dưới
Kiến trúc thành quách
Thành Cổ Loa
Bố cục thành Cổ Loa (Đông Anh - Hà Nội) có 3 vòng rõ rệt: vòng ngoài, vòng trong và vòng giữa đều được đắp bằng đất. Người ta thông thường đào đất ngay tại chỗ đắp tường thành, phần đất bị đào đi tạo nên hào chạy xung quanh thành và hào cũng là bộ phận có tác dụng phòng ngự của thành. Thành Cổ Loa có hình dáng khá đặc biệt giống hình xoáy vỏ ốc. Toàn bộ xung quanh các vòng thành Cổ Loa đều có đào hào, trừ phía Tây Nam và Đông Nam là sông hoặc đầm lầy tự nhiên, còn toàn bộ là hào nhân tạo rộng từ 20–50 m.
Thành Hoa Lư
Thành Hoa Lư (Ninh Bình) là kinh đô thuộc thời nhà Đinh - Tiền Lê. Đây là công trình đạt tới đỉnh cao về mức độ kiên cố, hiểm trở của loại hình công trình phòng ngự trong lịch sử đương thời. Thành Hoa Lư nằm trên một khoảnh đất khá bằng phẳng trong khu vực những dải (dãy) núi đá vôi hiểm trở, bao bọc xung quanh, tạo thành những bức tường thành thiên nhiên kiên cố. Mười đoạn tường thành nhân tạo nối liền những dải núi đá vôi tạo nên 2 vòng thành khép kín sát cạnh nhau, được gọi là thành ngoài và thành trong, với diện tích toàn bộ khoảng trên 300 ha.
Thành Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội
Thành Thăng Long thời nhà Lý gồm nhiều vòng thành. Vòng ngoài cùng là La thành, vừa là nơi phòng ngự, vừa là nơi ngăn lụt, có độ dài khoảng 30 km. Trong khu vực này là Kinh thành bao gồm nhiều phường phố, chợ búa... nơi ăn ở buôn bán sản xuất thủ công nghiệp của nhân dân và quan lại. Hoàng thành được xây bằng gạch, là nơi đóng các cơ quan đầu não của nhà nước và triều đình phong kiến, bên trong có Cấm thành là nơi dành cho vua và gia đình ở, sinh hoạt.
Thành Tây Đô
Bình đồ của tòa thành gần như vuông, diện tích rộng 77 ha, đông tây khoảng 880 m, bắc nam hơn 870 m. Thành tường đắp bằng đất, bọc đá xanh bên ngoài. Kiên cố nhất là bốn cổng lớn trổ ra bốn hướng đông, tây, nam, bắc. Cổng nam, tức cổng chính có ba lối đi xây cuốn tò vò, cao gần 10 m.
Đây là công trình kiến trúc bằng đá quy mô rất lớn xây từ thời nhà Trần, và được coi là tòa thành cổ lớn nhất Đông nam Á nên đã được đề cử là Di sản Văn hóa Thế giới ngày 29 tháng 9, 2009 với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO).
Phủ chúa Nguyễn
Nhà sư Thích Đại Sán ghi lại trong Hải ngoại kỷ sự (bản Viện đại học Huế, 1963, tr 34) cho hay phủ chúa mênh mông nhưng không có thành quách, bù lại có 2 lớp lũy tre làm rào. Lớp lũy tre ngoài cùng có các hàng trại súng cất bằng cỏ tranh, đặt súng đồng hạng nặng. Trong cùng là vòng tường thấp, rộng một hai dặm quây lấy vương phủ.
"Sau khi vào qua cửa chính, là một cái sân thật rộng. Tiếp theo là một đại sảnh có các quan chầu chực, quan võ bên hữu, quan văn bên tả, ai nấy theo thứ bậc và phẩm trật mà đứng. Chúa Nguyễn được kiệu trên ngai vào đến sảnh, rồi chúa an vị trước một cái án có bút lông, dấu triện với hộp chu sa. Đây là khung cảnh chúa thừa tiếp những vị nào muốn thưa trình gì với chúa.
Nếu đi vào bằng các cửa hai bên của dinh chúa, thì một phía là dãy chuồng ngựa cùng các chuồng gia súc mà đáng nói hơn cả là gà đá, còn một phía là trang viện của ca kỹ (giúp vui các chúa Nguyễn).
Trong phần thứ ba của dinh đường có một hoa viên rất mực kỳ thú có lắm kỳ hoa dị sắc và hương vị đủ loại... Đến lớp tường bọc thứ hai thì nhỏ hơn. Chung quanh là một hành lang lát gạch, có trụ cột và mái che để khi nào trời mưa có thể dạo chơi chẳng việc gì. Nơi đây có bốn cửa cao lút tường... Vào tới trong, bước chân cuối cùng dừng lại ở một cái sân thật rộng. Những nhân vật chủ yếu của địa phương chiếm ngụ những ngôi nhà hạng nhất, những ngôi hạng thứ thì dành cho quyến thuộc của chúa. Sau rốt hiện ra trước mặt một dãy nhà dành riêng cho các hầu thiếp, dãy này không khác dòng tu là mấy. Nó có hành lang trông cột và một cái gác lâu...
Từ lớp thứ hai này tiến vào lớp thứ ba mới đích thị là dinh chúa Nguyễn ở. Lớp này gồm năm toà, chính toà có ba tầng gác và trên cùng có chòi làm vọng lâu. Từ chòi cao, không những thấy bao quát thị thành, mà còn thấy các vùng phụ cận, cùng với mấy đoạn Hương giang uốn khúc thành ra một toàn cảnh hùng vĩ. Trong các toà nhà bề thế này không có vôi, không có tường, không có đá. Toàn thể làm bằng gỗ quý, được trau chuốt, chạm trổ, mài dũa mỹ lệ, các cột chẳng hạn thì dùng một thứ gỗ màu vàng chanh được sơn son. Tưởng chừng ta lạc bước vào một nhà hát lộng lẫy với nền nhà bóng lộn như pha lê. Các cửa lớn những chỗ ở này đều được phủ bằng màn che lộng lẫy tô điểm nghệ thuật. Trên mái và ở góc mái lồ lộ những con rồng bằng đất sét trắng ngậm trong mõm những mẩu khánh vàng leng keng du dương trong gió. Nói tóm lại, mọi thứ đều được xếp đặt không phải chỉ nhắm tới cái công dụng mà thôi, mà còn để phô trương phú quý, và xem ra cung đáng mặt là của bậc vua." (Jean Koffler)
Thành Huế
Vòng thành ngoài là Kinh thành, xây kiểu Vauban, dạng gần hình vuông, mỗi cạnh 2235 m, chu vi gần 9000 m. Tường thành xây ốp bằng gạch hộp dày khoảng trên 2 m và cao khoảng 6,50 m. Vòng thành giữa gọi là Hoàng cung hay Đại nội hình chữ nhật. Vòng thành trong cùng là Tử Cấm thành. Tường xây cao 3,1 m, dày 0,72 m và có 7 cửa.
Kinh thành Huế được đích thân vua Gia Long chọn vị trí và cắm mốc, tiến hành khảo sát từ năm 1803, khởi công xây dựng từ 1805 và hoàn chình vào năm 1832 dưới triều vua Minh Mạng. Trong lịch sử Việt Nam thời cận đại, công trình xây dựng Kinh Thành Huế có lẽ là công trình đồ sộ, quy mô nhất với hàng vạn lượt người tham gia thi công, hàng triệu mét khối đất đá, với một khối lượng công việc khổng lồ đào hào, lấp sông, di dân, dời mộ, đắp thành... kéo dài trong suốt 30 năm dưới hai triều vua.
Kiến trúc cung điện - dinh thự
Kiến trúc cung điện - dinh thự là kiến trúc tiêu biểu và điển hình của các triều đại phong kiến Việt Nam. Loại hình kiến trúc này huy động tập trung được cao độ vật tư và tài lực của cả nước hoặc một địa phương, thể hiện sự giàu có và quyền lực trong từng giai đoạn của từng hoàng đế trị vì. Có thể nói đây là loại hình kiến trúc phong kiến quy mô nhất trong các loại hình kiến trúc thời phong kiến, mà di sản còn được gìn giữ lại cho đến ngày nay.
Kiến trúc cung đình Huế
Năm 1802 - sau khi triều Tây Sơn bị tiêu diệt - Nguyễn Ánh (hoàng đế Gia Long) lập triều hoàng triều Nguyễn và đóng đô ở Huế (Phú Xuân), huy động nhân lực và vật tư xây dựng Hoàng cung trong kinh đô Huế. Kiến trúc cung điện nhà Nguyễn được bố cục xây dựng theo kiểu truyền thống triều đình phong kiến Á Đông đậm đà bản sắc dân tộc, gồm có những loại sau đây:
Dùng là nơi thiết triều và cử hành lễ nghi, có: Ngọ Môn, điện Thái Hòa, điện Cần Chánh, Tả Vu, Hữu Vu v.v..
Nơi ở của vua và gia đình: điện Càn Thành, điện Khôn Thái, điện Kiến Trung, cung Diên Thọ, cung Trường Sanh v.v..
Công sở - công quán: điện Văn Minh, điện Võ Hiển, Đông các phủ nội vụ, Thị vệ trực phòng, Thái y viện, Thượng thiên đường v.v..
Trải qua gần 100 năm với bao biến động lịch sử, khí hậu khắc nghiệt và thời gian tàn phá, một số lớn - trên 80% - cung điện dinh thự Hoàng cung nhà Nguyễn đã bị hủy hoại nhiều. Đây là một con số không nhỏ, ảnh hưởng sâu sắc đến quy mô di sản kiến trúc cổ của Việt Nam ngày nay đến nay nhờ sự hỗ trợ của các tố chức quốc tế cũng như sư quan tâm của chính phủ nên công cuộc tu bổ phục dựng đang được thực hiện khả quan mặc dù tiến độ còn rất chậm.
Kiến trúc tôn giáo - tín ngưỡng
Chùa tháp
Chùa tháp là cơ sở hoạt động và truyền bá Phật giáo. Bố cục mặt bằng ngôi chùa có các loại hình như sau:
Chữ Đinh (丁), bên ngoài rộng 5 gian, 7 gian...
Chữ Công (工), hay còn gọi là nội công, ngoại quốc (trong là chữ 工, ngoài là chữ 囗)
Chữ Nhị (二), chữ Tam (三)... bao gồm một tổng thể nhiều công trình đơn lẻ, có hành lang bao quanh hoặc tường vây kín.
Đền miếu
Công trình đền đài, miếu mạo là nơi thờ cúng của Đạo giáo (Lão giáo). Địa điểm xây dựng thường được lựa chọn ở những vị trí có liên quan đến những truyền thuyết hoặc sự tích, cuộc sống của vị thần siêu nhiên hoặc các nhân vật được tôn thờ. Đại thể kiến trúc bên ngoài của đền đài miếu mạo có những đặc điểm cơ bản giống của kiến trúc đình chùa, nhưng nội dung thờ cúng và trang trí nội thất có khác nhau.
Văn Miếu - Văn chỉ
Văn Miếu, Tự miếu, Văn chỉ là những công trình kiến trúc Nho giáo thời Khổng Tử.
Quần thể Văn miếu - Quốc tử Giám Hà Nội được xây dựng theo trục Bắc Nam. Phía trước Văn Miếu có một hồ lớn gọi là hồ Văn Chương. Ngoài cổng chính có một dãy 4 cột trụ, hai bên tả hữu có bia.Cổng Văn miếu xây kiểu Tam Quan trên có 3 chữ lớn Văn miếu môn viết bằng chữ Hán.
Lăng mộ
Kiến trúc lăng mộ là các công trình lăng tẩm và mộ táng cổ xưa. Một số dân tộc còn có nhà mồ. Có hai loại mộ táng:
Mộ của những người thế tục
Mộ của những người tu hành.
Vật liệu xây dựng mộ thường là những viên gạch có độ nung già. Gạch hộp kích thước 40x30cm và gạch múi bưởi (gạch lưỡi búa) để xây cuốn, có trang trí nổi hình quả trám đời nhà Hán, hình chữ S hoặc con giống, hoa lá.
Đình làng
Đình làng nguyên là nơi thờ thành hoàng theo phong tục tín ngưỡng trong xã hội Việt Nam cổ đại. Vì vậy nó thường được xếp vào thể loại công trình phục vụ cho tôn giáo, tín ngưỡng. Tuy nhiên, đình làng còn là một công trình thuộc thể loại kiến trúc công cộng dân dụng do tính chất phục vụ đa chức năng của nó. Ngoài là nơi thờ Thành hoàng làng, đình làng còn là trung tâm hành chính, quản trị phục vụ cho mọi hoạt động thuộc về cộng đồng làng xã; là nơi làm việc của Hội đồng kỳ mục trước đây (trong thời phong kiến); là nơi hội họp của dân làng... Đây cũng là nơi diễn ra các lễ hội làng truyền thống, nơi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của làng. Nói chung, với ba chức năng cơ bản trên (tín ngưỡng, hành chính, văn hóa-văn nghệ), đình làng là nơi diễn ra nhiều hoạt động của làng xã Việt Nam dưới thời phong kiến.
Phía trước đình làng thường có sân rộng, hồ nước cây xanh tạo cảnh quan. Kiến trúc đình làng có thể chỉ 5-7 gian, hoặc có thể có tới 7 gian hai chái như ở đình làng Đình Bảng. Đây cũng là số gian lớn nhất mà kiến trúc cổ Việt Nam có được. Đình làng thường phổ biến loại bốn mái, có khi cũng phát triển thêm loại tám mái (kiểu chồng diêm) do những ảnh hưởng của kiến trúc Trung Hoa về sau này. Mặt bằng đình có thể là kiểu chữ Nhất (一)(kiểu này thường thấy ở các đình cổ, thế kỷ XVI); hoặc quy mô, phức tạp hơn với những bố cục mặt bằng có tên gọi theo dạng chữ Nho: chữ Đinh (丁), chữ Nhị (二), chữ Công (工), chữ Môn (門)
Đây là các dạng mặt bằng xuất hiện về sau, bổ sung cho sự phong phú của đình làng Việt Nam, đi liền với quá trình phát triển thêm về mặt chức năng của đình làng. Không gian cảnh quan, kiến trúc đình làng thường phát triển cả phía sau, phía trước và hai bên, với nhiều hạng mục: hậu cung, ống muỗng (ống muống), tường cánh gà, tiền tế, các dãy tả vu, hữu vu, tam quan, trụ biểu, hồ nước, thủy đình. Trong bố cục đó, không gian chủ yếu vẫn là tòa đại đình (đại bái), là nơi diễn ra các hoạt động hội họp, ăn khao, khao vọng, phạt vạ của dân làng.
Đại đình bao giờ cũng là tòa nhà lớn nhất trong quần thể, bề thế, trang trọng. Đại đình ở các đình cổ thường có sàn lát ván, cao từ 60 đến 80 cm, chia làm ba cốt cao độ, là sự phân chia thứ bậc cho những người ngồi ở Đại đình. Ở những tòa Đại đình của các ngôi đình chưa có hậu cung, bàn thờ Thành hoàng được đặt ở chính gian giữa đại đình; gian này không lát ván sàn và có tên là "Lòng thuyền". Hậu cung là nơi đặt bàn thờ Thành hoàng. Trong hậu cung có cung cấm, là nơi đặt bài vị, sắc phong của vị thần làng. Xung quanh hậu cung thường được bít kín bằng ván gỗ, không trổ cửa sổ, tạo không khí uy nghiêm và linh thiêng.
Đình làng không những có giá trị về mặt kiến trúc cao, là kiến túc thuần Việt nhất của dân tộc, mà còn là kho tàng hết sức giá trị về mặt điêu khắc dân gian. Đây là thế giới cho nền nghệ thuật điêu khắc dân gian phát triển mạnh mẽ. Trên các vì kèo, tất cả các đầu bẩy hay đấu-củng, đầu dư, đố, xà kẻ, ván gió, ván nong (dong) là nơi các nghệ sĩ điêu khắc dân gian chạm khắc các đề tài tái hiện cuộc sống và lao động của con người, cảnh sắc thiên nhiên giàu tính dân gian và phong phú, sinh động. Chính vì vậy, các điêu khắc đình làng còn có giá trị to lớn trong việc nghiên cứu về cuộc sống vật chất, tinh thần của người Việt Nam trước đây. Nó có giá trị lịch sử sâu sắc.
Tháp Chàm
Tháp Chàm là những đền miếu cổ, thuộc kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng của dân tộc Chàm (còn gọi là dân tộc Chăm, sinh sống ở miền Nam Trung Bộ Việt Nam ngày nay. Tháp Chàm là một khối kiến trúc xây dựng bằng gạch nung màu đỏ sẫm lấy từ đất địa phương, phía trên mở rộng và thon vút hình bông hoa. Mặt bằng tháp đa số là hình vuông có không gian bên trong chật hẹp thường có cửa duy nhất mở về hướng Đông (hướng mặt trời mọc). Trần được cấu tạo vòm cuốn, trong lòng tháp đặt một bệ thờ thần bằng đá. Nghệ thuật chạm khắc, đẽo gọt công phu hình hoa lá, chim muông, vũ nữ, thần thánh thể hiện trên mặt tường ngoài của tháp. Trên các bức tường không thấy mạch vữa liên kết, song các viên gạch lại liên kết với nhau rất rắn chắc, bền vững tới hàng chục thế kỷ.
Kiến trúc dân gian
Nhà ở dân gian
Nhà ở dân gian đã trải qua một quá trình chuyển biến từ nhà sàn đến nhà nền đất. Nhà nền đất vùng xuôi có kết cấu khung tre hay gỗ, thường làm vách và lợp bằng tranh, rạ hay lá dừa nước; nếu là kết cấu khung gỗ loại tốt lại thường được lợp bằng ngói, tường bao quanh bằng gạch với vì kèo gỗ. Khuôn viên nhà bao gồm: nhà chính, nhà phụ (nhà ngang, nhà bếp) và chuồng gia súc cùng sân, vườn, ao, giếng hoặc bể nước và hàng rào, tường vây quanh, cổng ngõ. Nhà chính thường có số gian lẻ (1, 3 hay 5) cùng với 1 hoặc 2 chái. Nhà chính thường quay về hướng nam, hướng này có thể đón ánh nắng khi trời lạnh, đón được gió mát để giải nồng. Phía trước thường trồng cây có tán cao đề làm cảnh, đón gió tốt. Phía sau, trồng cây bụi để ngăn gió lạnh.
Nhà sàn: nhà sàn bằng gỗ là kiểu nhà truyền thống từ xưa đến nay ở các vùng đồng bào dân tộc hay sinh sống ở các vùng núi cao (trong nam có nhà Rôông của người tây nguyên, ngoài bắc có nhà sàn của người mường, dao, thái...vv)
Kiến trúc công cộng dân gian
Cầu: Có các loại như cầu tre, cầu gỗ, cầu đá, cầu gạch ngói...
Quán điếm: Quán có thể là quán nghỉ của nông dân ở goài ruộng hoặc quán chợ trong các chợ buôn bán. Điếm có thể là điếm tuần canh trong làng xóm, điếm canh đề phòng lũ lụt vỡ đê hay điếm ở ngoài nghĩa trang... Quán điếm thường có cấu tạo đơn giản, được xây dựng bằng tranh, tre, nứa, lá hoặc gạch, đá, gỗ ngói...
Chợ làng: Chợ làng là nơi mua bán, trao đổi nông sản, hàng hóa... giữa những người trong làng. Chợ làng thông thường có một quán chính (5 gian) và nhiều quán nhỏ khác.
Cổng làng: Làng xóm Việt Nam được bao bọc bới lũy tre và cổng làng chính là cửa ngõ của làng xóm. Vật liệu xây dựng của cổng làng thường là gạch, gỗ, ngói, đá ong,...Những cổng làng có quy mô thường có cửa đóng then cài và bảo vệ nghiêm ngặt, kết hợp với lũy tre làm thành pháo đài kiên cố chống lại giặc giã, cướp bóc hay ngoại xâm.
Kiến trúc vườn cảnh
Vườn cảnh là nghệ thuật tạo hình mô phỏng thiên nhiên trong một không gian giới hạn, làm nền tạo cảnh tôn cao giá trị công trình chính hoặc quần thể công trình. Vườn cảnh của Việt Nam chịu ảnh hưởng của vườn cảnh Á Đông, có nhiều nét tương tự vườn cảnh Trung Quốc và Nhật Bản, thường gồm 3 thành phần: mặt nước, cây xanh và đá núi nhỏ. Vườn cảnh Việt Nam không nổi tiếng như vườn Nhật, vườn Trung Hoa do không có những nét đặc trưng rõ ràng và khuôn mẫu cụ thể cũng như độ phổ biến rộng rãi ra ngoài khu vực. Các vườn cảnh ở Việt Nam, nhất là những khu vườn lớn, cổ thường mang những nét tương đồng với vườn Trung Hoa như hòn non bộ, thủy đình, các lầu hóng gió, ngắm trăng, các hồ nước được trồng viền liễu rủ.
Vườn Việt Nam thường là sự thể hiện lại nét tự nhiên của thiên nhiên mộc mạc, ở Việt Nam vườn cảnh thường được Việt hóa để tạo nên nét riêng và phù hợp với điều kiện thời tiết, đất đai và văn hóa, lịch sử (Việt Nam là nước vùng nhiệt đới) từ đó khiến vườn Việt Nam có những đặc điểm riêng; ví dụ ở vườn Việt Nam, những yếu tố như nét dân dã và mộc mạc và bản sắc dân tộc luôn được đề cao, coi trọng và thể hiện. Đó là những nét rất gần gũi với cuộc sống thường nhật ở thôn quê Việt Nam như: cây đa bến nước, cây khế bờ ao, lũy tre, hàng rào chè tàu hay dâm bụt, cây cau vương vít bụi trầu, giếng khơi, lu nước với chiếc gáo dừa được tra chiếc cán tre xinh xắn.
Đặc biệt, trong vườn cảnh Việt Nam ở mỗi miền lại thường có những ngôi nhà mang đậm nét đặc trưng như: nhà ba gian, hai chái ở những vườn cảnh ở Bắc bộ; nhà rường trong những nhà vườn Huế; hoặc được làm đẹp bằng những kiểu nhà sàn của dân tộc thiểu số vùng cao. Ở Nam bộ trong vườn thường có thêm những cây cầu khỉ bằng tre vắt vẻo qua các mương nước như thách thức du khách đến chơi vườn. Chính vì những nét riêng này mà ở Việt Nam có nhà vườn Huế rất đặc biệt, được nhiều người biết đến.
Các vườn đẹp ở Việt Nam
Ở Việt Nam có các khu vườn cảnh cổ đẹp, đáng chú ý như các khu nhà vườn Huế, các vườn cảnh cổ ở các lăng mộ vua chúa, Tử cấm thành các triều đại vua chúa phong kiến, vườn trong các đình, chùa cổ.
Trong nhà ở
Trong ngôi nhà cổ truyền của Việt Nam thường có một bộ phận không thể thiếu được là mảnh vườn. Đây là nơi tăng gia và cũng có thể là nơi cải thiện môi trường sống, tạo không gian thoáng đãng cho ngôi nhà. Đặc biệt, nhà - vườn ở Huế đã trở thành một nét đặc sắc của miền Trung Việt Nam. Trong khuôn viên nhà vườn Huế có nhiều loại cây hoa màu sắc phong phú, cây cảnh tạo dáng thẩm mỹ, cây bóng mát bốn mùa, cây ăn quả mùa nào thức nấy cùng với hòn non bộ, bể cá vàng, chuồng chim cảnh khiến cho khuôn viên nhà vườn Huế là một không gian sinh động thu nhỏ, vừa có lợi ích kinh tế, vừa có hiệu quả thẩm mỹ nghệ thuật.
Trong công trình tôn giáo tín ngưỡng
Các loại cây thường được trồng trong vườn của công trình tôn giáo tín ngưỡng là cây đa, cây si và cây đại... góp phần tạo cảnh làm nơi nghỉ ngơi cho khách thập phương đến thăm viếng và hành lễ đồng thời làm tôn giá trị nghệ thuật kiến trúc, tạo cảm giác thanh tịnh, trang nghiêm cho công trình tôn giáo. Hoa sen là loại cây quen thuộc và phổ biến trong kiến trúc Phật giáo.
Trong triều đình
Vườn thượng uyển là vườn cảnh dành riêng cho nhà vua và hoàng gia cùng quan lại cao cấp trong triều đình phong kiến thưởng thức và du ngoạn. Cố đô Huế của triều nhà Nguyễn còn để lại những khu vườn cảnh có giá trị như: vườn Ngự uyển trong Tử Cấm Thành Huế, vườn Cơ hạ trong Hoàng thành Huế, vườn Tĩnh tâm, Dã viên nơi nuôi dã thú trong một khu vườn trên cồn cát gữa sông Hương nơi được ví như hữu Bạch hổ ở phía Tây thành phố Huế.
Vườn Lăng tẩm
Chú thích |
Reuters (phiên âm tiếng Việt là Roi-tơ) là một trong những hãng thông tấn lớn nhất thế giới. Reuters cung cấp bài viết, hình ảnh, đồ họa và video cho những tờ báo, đài phát thanh, đài truyền hình, Internet và các phương tiện truyền thông khác.
Reuters kiếm tiền do những lợi tức thu được từ việc truyền tải dữ liệu rộng khắp toàn cầu của thị trường tài chính điện tử – tỷ giá hối đoái tiền tệ, giá cổ phiếu, giá hàng hoá – tới những ngân hàng, thương gia, môi giới, nhà đầu tư và những công ty khắp nơi trên thế giới. Dữ liệu liên tục được cập nhật khi các thị trường tài chính thay đổi. Reuters cũng bán phần mềm cho phép những nhà phân tích dữ liệu tài chính và cho những giao dịch trực tiếp từ một máy tính đầu cuối.
Trụ sở chính của Reuters nằm tại London, (Anh).
Ngày 15 tháng 7 năm 2007, hãng tin Canada Thomson đã thỏa thuận xong việc mua sáp nhập Reuters vào thành một hãng tin Thomson Reuters với số tiền 17.2 tỉ USD, trở thành hãng nắm số thị phần thông tin tài chính lớn nhất thế giới lúc đó, vượt qua đối thủ Bloomberg
Lịch sử phát triển
Hình ảnh
Reuters tại Việt Nam
8 Trần Hưng Đạo, Hà Nội
65 Lê Lợi, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh |
Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giêsu Kitô (tiếng Anh: The Church of Jesus Christ of Latter-day Saints, viết tắt là LDS Church), còn được biết với tên Giáo hội Mặc Môn (Mormon Church), là một giáo hội lớn và nổi tiếng nhất trong phong trào Thánh hữu Ngày sau (một hình thức của phong trào Phục hồi Kitô giáo). Trụ sở chính của giáo hội đặt tại thành phố Salt Lake, tiểu bang Utah, Hoa Kỳ.
Đặc điểm
Một số đặc điểm chính của Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa:
Có những người truyền giáo tình nguyện, phục vụ toàn thời gian trong vòng 18 tháng cho đến 2 năm để tích cực rao truyền phúc âm của Chúa Giêsu Kitô trên toàn cầu.
Tin các vị tiên tri thời hiện đại, bắt đầu với Joseph Smith, Jr., và tiếp tục cho đến ngày nay với Russell M. Nelson
Các tín hữu trong giáo hội này học hỏi phúc âm và tin rằng Kinh thánh, Sách Mặc Môn, Giáo Lý và Giao Ước và Trân Châu Vô Giá là những sách thánh.
Họ tuân giữ chế độ ăn uống gọi là Lời thông sáng. Gồm có việc: kiêng rượu, thuốc lá, cà phê, ma túy hoặc các chất gây nghiện làm hại đến sức khỏe nhưng những thức uống nhẹ có chứa caffein thì tuỳ từng cá nhân.
Tin Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh tồn tại như ba nhân vật riêng biệt.
Những tín hữu sống xứng đáng và đã tiếp nhận giáo lễ Thiên Ân sẽ mặc lễ phục Đền Thờ bên dưới trang phục hằng ngày.
Làm lễ hôn phối cho thời vĩnh cửu trong đền thờ qua quyền năng và thẩm quyền của chức tư tế từ Chúa.
Thực hiện phép báp têm cho người chết (người sống làm thay cho người chết chưa có cơ hội nghe phúc âm) và các giáo lễ cho tổ tiên theo phả hệ của những tín hữu đang sống.
Lịch sử
Joseph Smith, Jr., người được các tín hữu trong Giáo hội xem như một vị tiên tri của ngày sau, đã cùng 5 cộng sự của mình, đã thành lập giáo hội vào ngày 6 tháng 4 năm 1830, với con số tín hữu gồm 56 nam và nữ tại Fayette, New York. Ban đầu, giáo hội mang tên là Giáo hội của Chúa Giêsu Kitô (Church of Jesus Christ), với ý nghĩa do niềm tin vào sự phục hồi của giáo hội nguyên thủy. Cũng trong năm này, "Sách Mặc Môn: Một Chứng Thư Khác Về Chúa Giêsu Kitô", một trong những sách thánh của Giáo hội được xuất bản.
Bốn năm sau, vào tháng 4 năm 1834, giáo hội được đổi tên thành Giáo hội Các Thánh Hữu Ngày Sau (Church of the Latter Day Saints). Các tín hữu cho rằng việc đổi tên này là để phân biệt giáo hội của họ là một giáo hội của thời kỳ sau cùng, ngay trước ngày tái lâm của Đấng Kitô, với giáo hội của Tân Ước. Đến tháng 4 năm 1838, giáo hội một lần nữa đổi tên, thành Giáo hội Các Thánh Hữu Ngày Sau Của Chúa Giêsu Kitô (The Church of Jesus Christ of Latter Day Saints).
Tuy nhiên, cũng trong khoảng thời gian đó, các tín đồ Kitô giáo cho rằng với những giáo lý, nguyên tắc và tập tục đa thê, họ cho rằng đây chỉ là một giáo phái tà đạo. Họ thường sử dụng tên gọi Mặc Môn (Mormon) để chỉ giáo hội này và các tín hữu của họ với ý nghĩa miệt thị. Tuy nhiên, danh xưng "người Mặc Môn" đến thế kỷ 20 cũng được chấp nhận dùng rộng rãi bên trong giáo hội, bên cạnh danh xưng "Thánh hữu Ngày sau". Một số người quan sát bên ngoài xếp họ là một giáo phái Tin Lành, trong khi những người khác lại không thừa nhận đức tin của Giáo hội các Thánh Hữu Ngày Sau thuộc Kitô Giáo.
Như trong tên gọi, các tín hữu của giáo hội tin rằng Chúa Giê Su là Đấng lãnh đạo giáo hội và các tín hữu là những Thánh hữu của Ngài ở thời kỳ hiện tại và không xem mình thuộc về các truyền thống Chính Thống giáo, Công giáo hay Tin Lành. Giáo lý của giáo hội này nêu ra rằng Giáo hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giêsu Kitô là cùng một giáo hội nguyên thủy mà Chúa Giê Su đã tổ chức khi còn tại thế.
Giáo hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giêsu Kitô nhanh chóng phát triển bởi tính chất đơn giản và lòng nhiệt thành truyền giáo của các tín hữu. Sau đó, trong 2 năm 1843 và 1844, Joseph Smith, Jr., người cũng được các tín hữu xem như một vị tiên tri của ngày sau, đã chỉ định và thiết lập ra Nhóm Túc số Mười hai Vị Sứ đồ (Anointed the Quorum of the Twelve Apostles) để lãnh đạo giáo hội.
Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giêsu Kitô và các tín hữu đã thường xuyên gặp phải sự cấm đoán, ngược đãi của chính quyền và dân chúng tại một số tiểu bang của Hoa Kỳ, trong đó nghiêm trọng nhất là lệnh từ Thống đốc Missouri. Ngày 27 tháng 6 năm 1844, vào khoảng 5 giờ chiều, một đám đông người bôi đen mặt và có vũ trang đã tấn công vào ngục thất Carthage, Illinois, và sát hại vị tiên tri Joseph Smith, khi ông mới 38 tuổi, và tộc trưởng Hyrum Smith.
Mặc dù vậy, Nhóm Túc số Mười hai Vị Sứ đồ, đứng đầu bởi Brigham Young, đã kế tục điều hành giáo hội trong khoảng thời gian đó. Brigham Young đã lãnh đạo một số lớn các tín hữu, còn được gọi là "Những người Mặc Môn tiên phong" (Mormon pioneers), để đi về vùng đất hứa, một nơi rộng lớn không được chỉ định trước ở phía tây. Cuối cùng, họ đã dừng lại và xây dựng vùng đất hứa cho mình tại một nơi mà ngày nay bao gồm bang Utah và các phần của Arizona, California, Nevada, Idaho và Wyoming.
Vùng đất ban đầu được đặt tên là bang Deseret, thành lập năm 1849. Năm 1851, Brigham Young đã đăng ký tên chính thức của giáo hội là The Church of Jesus Christ of Latter-day Saints, tức Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giêsu Kitô với một dấu gạch nối và một chữ "d" viết thường.
Tuy vậy, sự cấm đoán đối với giáo hội này cũng không vì thế mà giảm đi. Năm 1887, Đạo luật Edmunds–Tucker được thông qua, quyết định giải thể Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giêsu Kitô với lý do vì tục đa thê của các nam tín hữu trong Giáo hội. Vào kỳ Đại hội Trung ương Bán Niên của Giáo hội lần thứ 61, ngày 6 tháng 12 năm 1890, tiên tri thứ tư Wilford Woodruff đã gửi bản tuyên ngôn đến tất cả tín hữu với thông điệp về việc chấp dứt tập tục đa thê theo như điều mà ông cho là mặc khải nhận được từ Chúa vì sự an nguy của các Thánh Hữu và sự phát triển của giáo hội.
Năm 1978, Đạo luật Edmunds–Tucker được bãi bỏ. Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giêsu Kitô trở thành một giáo hội chính thức, phát triển khắp nơi trên thế giới và gần như một tôn giáo lớn thứ 4 tại Hoa Kỳ.
Ngày nay
Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2010, bản thống kê của giáo hội này cho biết đã có 2.896 giáo khu, 340 phái bộ truyền giáo, 614 giáo hạt, 28.660 tiểu giáo khu và chi nhánh. Có 52.255 người truyền giáo phục vụ trên khắp thế giới. Tổng số tín hữu của Giáo hội này là 14.131.467 và trong đó có 120.528 trẻ em mới được ghi danh vào hồ sơ và 272,814 tín hữu mới chịu phép báp têm (lễ rửa tội). Đây là tôn giáo lớn thứ tư ở Hoa Kỳ. Báo cáo này bao gồm những người đã chịu phép báp têm của giáo hội cho dù họ có tham dự hoặc tự xem là thành viên của giáo hội hay không. Theo "Khảo sát định danh tôn giáo Hoa Kỳ" năm 2001, ước tính có khoảng 2,8 triệu người lớn theo đạo Mặc Môn tại Hoa Kỳ.
Giống với tất cả giáo hội Kitô giáo khác, nhà thờ là nơi thờ phượng, tất cả mọi người đều có thể đến để tham quan, sinh hoạt, tham dự Lễ Tiệc Thánh và các lớp học thánh thư để hướng về Cha Thiên Thượng. Ngoài ra, Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giêsu Kitô còn xây dựng nên những kiến trúc đặc biệt và thiêng liêng được gọi là Đền Thờ và xem là Ngôi Nhà của Chúa. Các nghi lễ tôn giáo thiêng liêng đều được thực hành tại đây. Khách tham quan hoặc tín hữu không có giấy giới thiệu vào đền thờ đều không thể vào tham dự hoặc thực hiện những nghi lễ tôn giáo bên trong đền thờ. Tuy nhiên, họ có thể tham quan khung cảnh bên ngoài đền thờ và thăm "Khu trung tâm dành cho khách thăm viếng" (Visitors' Center).
Chú thích |
Công thức máu là một trong những xét nghiệm thường quy được sử dụng nhiều nhất trong các xét nghiệm huyết học cũng như xét nghiệm y khoa.
Trước đây công thức máu được thực hiện bằng các dụng cụ đếm tay, để xác định số lượng của từng loại tế bào máu, ngày nay mẫu máu được đưa vào và nhờ các máy đếm tự động, do vậy việc thực hiện công thức máu trở nên đơn giản hơn nhiều.
Công thức máu là xét nghiệm quan trọng cung cấp cho người thầy thuốc những thông tin hữu ích về tình trạng của bệnh nhân hoặc của người được xét nghiệm. Tuy nhiên phải biết rằng chỉ riêng công thức máu thì không thể cho phép đưa ra một chẩn đoán xác định về nguyên nhân gây bệnh, nó chỉ có tính chất định hướng, gợi ý mà thôi.
Một số điểm cần lưu ý
Các trị số của công thức máu thay đổi theo tình trạng sinh lý, ví dụ thay đổi tùy theo giai đoạn tiêu hóa của cơ thể hoặc thay đổi theo mức độ hoạt động thể chất của cơ thể
Máu được đo bằng lít (l).
Các thông số trong công thức máu
Một xét nghiệm công thức máu thông thường ở Việt Nam sẽ cho biết các thông tin như sau:
Dòng hồng cầu
Số lượng hồng cầu: thường được ký hiệu là RBC (red blood cell) hay ở một số tờ kết quả xét nghiệm của Việt Nam thì được ghi là HC, là số lượng hồng cầu có trong một đơn vị máu (thường là lít hay mm³)
Nồng độ hemoglobin trong máu: thường được ký hiệu là HGB hay Hb (đơn vị tính bằng g/l hay g/dl), đo hàm lượng hemoglobin trong máu.
Hematocrit - dung tích hồng cầu: thường được ký hiệu là Hct, đây là phần trăm thể tích của máu mà các tế bào máu (chủ yếu là hồng cầu) chiếm.
Các chỉ số hồng cầu:
MCV - thể tích trung bình hồng cầu, đơn vị thường dùng là femtolit (1 fl = 10-15lit)
MCV được tính bằng công thức: MCV = Hct / số hồng cầu. Giá trị MCV cho phép phân biệt các loại thiếu máu sau:
Thiếu máu hồng cầu nhỏ: khi MCV < 80 fl
Thiếu máu hồng cầu bình: khi 80 fl < MCV < 105 fl
Thiếu máu hồng cầu đại: khi MCV > 105 fl
MCHC - nồng độ hemoglobin trung bình hồng cầu, đơn vị thường dùng là (g/dl hay g/l)
MCHC được tính theo công thức: MCHC = Hb / Hct. MCHC cho phép phân biệt thiếu máu
Thiếu máu đẳng sắc: khi MCHC trong giá trị bình thường
Thiếu máu nhược sắc: khi MCHC < 320g/l
MCH - lượng hemoglobin trung bình trong một hồng cầu, đơn vị thường dùng là picogram (1 pg = 10-12g)
MCH được tính theo công thức: MCH = Hb / số lượng hồng cầu, hay MCH = Hb / RBC
Các giá trị bình thường của hồng cầu
(Tham khảo trong sách
Lâm Sàng Huyết Học - PGS Trần Văn Bé - NXB Y Học Tp. HCM 1999)
Tóm lại, các trị số của dòng hồng cầu cho những thông tin về tình trạng hồng cầu của máu người được làm xét nghiệm, tất nhiên không đầy đủ, gợi ý bệnh lý thiếu máu và nguyên nhân gây thiếu máu.
Thông thường, các bác sỹ dựa vào nồng độ hemoglobin để chẩn đoán và đánh giá mức độ thiếu máu, và dựa theo định nghĩa sau:
Thiếu máu khi nồng độ Hb thấp hơn:
13 g/dl (130 g/l) ở nam giới
12 g/dl (120 g/l) ở nữ giới
11 g/dl (110 g/l) ở người lớn tuổi
Dòng bạch cầu
Số lượng bạch cầu: là số lượng bạch cầu có trong một đơn vị máu, được ký hiệu là WBC (white blood cell). Giá trị bình thường của thông số này là 4000-10000 bạch cầu/mm³ (trung bình khoảng 7000 bạch cầu/mm³ máu). Số lượng bạch cầu tăng cao trong các bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, và đặc biệt cao trong các bệnh bạch huyết cấp hoặc mãn tính (ung thư máu - leucemie).
Công thức bạch cầu: là tỷ lệ phần trăm các loại bạch cầu trong máu. Sự thay đổi tỷ lệ này cho nhiều ý nghĩa quan trọng.
Bạch cầu trung tính: là những tế bào trưởng thành ở trong máu tuần hoàn và có một chức năng quan trọng là thực bào, chúng sẽ tấn công và phá hủy các loại vi khuẩn, virus ngay trong máu tuần hoàn khi các sinh vật này vừa xâm nhập cơ thể. Vì vậy bạch cầu đa nhân trung tính tăng trong các trường hợp nhiễm trùng cấp. Đôi khi trong trường hợp nhiễm trùng quá nặng như nhiễm trùng huyết hoặc bệnh nhân suy kiệt, trẻ sơ sinh, lượng bạch cầu này giảm xuống. Nếu giảm quá thấp thì tình trạng bệnh nhân rất nguy hiểm vì sức chống cự vi khuẩn gây bệnh giảm sút nghiêm trọng. Bạch cầu cũng giảm trong những trường hợp nhiễm độc kim loại nặng như chì, arsenic, khi suy tủy, nhiễm một số virus...
Bạch cầu đa nhân ái toan: khả năng thực bào của loại này yếu, nên không đóng vai trò quan trọng trong các bệnh nhiễm khuẩn thông thường. Bạch cầu này tăng cao trong các trường hợp nhiễm ký sinh trùng, vì bạch cầu này tấn công được ký sinh trùng và giải phóng ra nhiều chất để giết ký sinh trùng. Ngoài ra bạch cầu này còn tăng cao trong các bệnh lý ngoài da như chàm, mẩn đỏ trên da...
Bạch cầu đa nhân ái kiềm: đóng vai trò quan trọng trong một số phản ứng dị ứng.
Mono bào: là dạng chưa trưởng thành của đại thực bào trong máu vì vậy chưa có khả năng thực bào. Đại thực bào là những tế bào có vai trò bảo vệ bằng cách thực bào, khả năng này của nó mạnh hơn của bạch cầu đa nhân trung tính. Chúng sẽ phân bố đến các mô của cơ thể, tồn tại tại đó hàng tháng, hàng năm cho đến khi được huy động đi làm các chức năng bảo vệ. Vì vậy mono bào sẽ tăng trong các bệnh nhiễm khuẩn mãn tính như lao, viêm vòi trứng mãn...
Lympho bào: đây là những tế bào có khả năng miễn dịch của cơ thể, chúng có thể trở thành những tế bào "nhớ" sau khi tiếp xúc với tác nhân gây bệnh và tồn tại lâu dài cho đến khi tiếp xúc lần nữa với cùng tác nhân ấy, khi ấy chúng sẽ gây ra những phản ứng miễn dịch mạnh mẽ, nhanh và kéo dài hơn so với lần đầu. Lympho bào tăng trong ung thư máu, nhiễm khuẩn máu, nhiễm lao, nhiễm virus như ho gà, sởi... Giảm trong thương hàn nặng, sốt phát ban...
Các giá trị bình thường của bạch cầu
(Tham khảo trong sách
Lâm Sàng Huyết Học - PGS Trần Văn Bé - NXB Y Học Tp. HCM 1999)
Dòng tiểu cầu
Số lượng tiểu cầu: cho biết số lượng tiểu cầu có trong một đơn vị máu. Số lượng tiểu cầu bình thường là 150.000-400.000 tiểu cầu/mm³ máu. Tiểu cầu có vai trò quan trọng trong quá trình đông cầm máu, vì vậy khi số lượng tiểu cầu giảm dưới 100.000/mm³ máu thì nguy cơ xuất huyết tăng lên.
Thể tích trung bình tiểu cầu: MPV - cũng được tính bằng đơn vị femtolit, giá trị bình thường từ 7,5-11,5 fl
Lưu ý: các trị số bình thường trên được thống kê trên người Việt.
Các trị số bình thường này còn thay đổi tùy theo máy làm xét nghiệm, theo lứa tuổi, giới tính, theo chủng tộc của người được làm xét nghiệm. |
Chùa Vĩnh Nghiêm (chữ Hán: 永嚴寺) là một danh lam, hiện tọa lạc tại số 339 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (gần cầu Công Lý), thuộc phường 7, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.
Lịch sử
Từ miền Bắc, hai Hòa thượng là Thích Tâm Giác và Thích Thanh Kiểm vào miền Nam truyền bá đạo Phật, và sau đó đã cho xây dựng chùa Vĩnh Nghiêm. Họ lấy nguyên mẫu thiết kế từ một ngôi chùa gỗ cùng tên ở làng Đức La, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang; kiến lập từ đời vua Lý Thái Tổ, vốn là trung tâm truyền bá Phật giáo của Thiền phái Trúc Lâm.
Người vẽ kiểu cho công trình là kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng, có sự cộng tác của các ông Lê Tấn Chuyên và Cổ Văn Hậu…
Chùa được khởi công năm 1964 tại khu đất thấp nằm bên rạch Thị Nghè, và người ta phải chuyển khoảng 40.000 m³ đất từ xa lộ Biên Hòa về san lấp mặt bằng. Kinh phí xây dựng chùa khoảng 98 triệu đồng tiền lúc bấy giờ, với phần khuôn viên được cho là chính quyền VNCH cấp. Năm 1971, chùa Vĩnh Nghiêm cơ bản hoàn thành với các hạng mục, gồm tòa nhà trung tâm (tầng trên có ngôi Phật điện), Bảo tháp Quán Thế Âm, cơ sở dành cho hoạt động xã hội. Về sau, chùa lần lượt xây thêm các công trình khác, như Bảo tháp Xá Lợi Cộng đồng, Tháp đá Vĩnh Nghiêm, Phương trượng đường, khách đường, v.v...
Riêng quả Đại hồng chung có tên là "Chuông Hòa bình" thì do chùa Entsu-in (Viên Thông viện), huyện Fukushima thuộc Giáo hội Phật giáo Nhật Bản cung tiến.
Lịch sử chùa Vĩnh nghiêm trong quá trình tu học và dẫn dắt giáo hội Phật giáo chùa Vĩnh nghiêm và tất cả giáo hội trong khu vực thành phố Hồ Chí Minh.
Kiến trúc
Chùa tọa lạc trên một khuôn viên rộng thoáng, khoảng 6.000 m2, sát đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Kiến trúc chùa theo lối cổ miền Bắc Việt Nam, nhưng bằng kỹ thuật và vật liệu xây dựng thời hiện đại. Đây là một trong số công trình tiêu biểu cho kiến trúc Phật giáo Việt Nam ở thế kỷ 20. Tổng thể kiến trúc gồm các hạng mục chính là Tam quan, tòa nhà trung tâm và các Bảo tháp.
Tam quan
Đây là một công trình khá đồ sộ, kiến trúc theo kiểu truyền thống với mái ngói đỏ uốn cong. Năm 2005, do thành phố thực hiện dự án mở rộng đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, cổng Tam quan của chùa đã được di dời vào bên trong, đến vị trí hiện nay.
Tòa nhà trung tâm
Tòa nhà trung tâm là một công trình kiên cố, rộng lớn, bao gồm một tầng lầu và một tầng trệt. Tầng trệt có hai phần: phần ngoài nằm bên dưới sân thượng, cao 3,20 m; phần trong nằm dưới Phật điện, cao 4,20 m. Tầng trệt được chia làm nhà thờ Tổ (bên trong có bàn thờ Bồ Đề Đạt Ma), giảng đường, văn phòng, thư viện (là một trong 3 thư viện của Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh), phòng tăng, lớp học và phòng học (vì chùa là cơ sở của trường cơ bản Phật học), v.v...
Từ dưới sân có ba cầu thang rộng gồm 23 bậc, dẫn lên tầng trên bao gồm sân thượng, Phật điện và Tháp Quán Thế Âm.
Sân thượng rộng khoảng 10 mét. Phía tay phải có một gác chuông, treo một đại hồng chung (có đường kính 1,8 m; đúc năm 1971) do các Phật tử dòng Tào Động ở Nhật Bản tặng trước năm 1975, để cầu nguyện cho Việt Nam sớm hòa bình.
Phật điện được kiến trúc theo kiểu chữ công (chữ Hán: 工). Các góc mái đều uốn cong theo kiểu chùa miền Bắc. Chính giữa đỉnh nóc có Bánh xe pháp luân và các góc có hình đầu phượng. Phật điện gồm ba phần: Bái Điện, Bản Điện và Địa Tạng Đường.
Bái điện dài 35 m, rộng 22 m và cao 15 m. Các cột, rui mè và mái ngói đều được đúc bằng bê tông cốt sắt. Chính giữa điện là bàn thờ Phật Thích Ca, hai bên có Bồ Tát Văn Thù (bên trái) và Bồ Tát Phổ Hiền (bên phải). Dọc theo tường ở khu vực này có các tranh La Hán. Những công trình chạm khắc gỗ ở đây có bao lam tứ linh, bao lam cửu long và đặc biệt là có các phù điêu trên các hương án chạm các ngôi chùa danh tiếng ở trong nước và một số nước châu Á. Ở hàng hiên hai bên lối vào, mỗi bên có một pho tượng Kim Cang khá lớn.
Bản Điện (thờ chính Phật A Di Đà được thờ chính) và Địa Tạng Đường (thờ chính Địa Tạng Bồ Tát) có kiểu kiến trúc tương tự Bái điện.
Các Bảo tháp
Tháp Quán Thế Âm nằm bên trái (từ cổng nhìn vào trong) Phật điện, gồm 7 tầng, cao gần 40 m, được xây cùng lúc với chùa. Tháp hình vuông, mỗi cạnh đáy 6 m. Đỉnh tháp có 9 bánh xe vòng tròn và những hình khối tròn gọi là Long xa và Quy châu. Đây là ngôi tháp đồ sộ thuộc hàng bậc nhất trong các ngôi bảo tháp của Phật giáo Việt Nam .
Tháp Xá Lợi Cộng đồng xây phía sau, bên trái (từ cổng nhìn vào trong) Phật điện, có 4 tầng, cao 25 m dựng năm 1982, hoàn thành năm 1984. Tháp cũng được xây theo một kiểu khá độc đáo. Có các cầu thang từ sân dẫn lên trên. Đây là nơi đặt di cốt của chư Phật tử quá vãng để thân nhân đến viếng.
Tháp đá Vĩnh Nghiêm (vừa qua cổng, tháp ở bên phải) được khánh thành vào tháng 12 năm 2003, cao 14 m, là tháp thờ cố Đại lão Hoà thượng Thích Thanh Kiểm, một trong hai vị cao tăng có công sáng lập chùa. Đây được xem là ngôi tháp đá đầu tiên ở miền Nam, và cũng là ngôi tháp đá lớn nhất, cao nhất Việt Nam từ trước đến nay (2013) .
Ngoài ra, trong khuôn viên chùa còn có Khu Phương trượng nằm ở phía trong cùng, gồm dãy nhà hình chữ L, ôm bọc một hồ sen dùng cho khách thập phương nghỉ ngơi và tăng xá cùng một dãy dùng làm thành trai đường.
Chùa Vĩnh Nghiêm là nơi được nhiều người trong và ngoài nước, đến viếng và cúng bái.
Sách tham khảo
Lê Quang Ninh, Stéphane Dovert, Sài Gòn - Ba thế kỷ phát triển và xây dựng, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 2004.
Trường đào tạo nghiệp vụ du lịch Sài Gòn, Kiến thức phục vụ thuyết minh du lịch, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 1995.
Võ Văn Tường, Những ngôi chùa nổi tiếng Việt Nam. Nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin, 1994.
Ảnh
Chú thích |
Agence France-Presse (AFP) là hãng thông tấn lâu đời nhất trên thế giới. AFP là hãng thông tấn lớn thứ ba trên thế giới, đứng sau AP và Reuters, đồng thời là nguồn tin tiếng Pháp lớn nhất thế giới.
Ngoài trụ sở chính đặt tại thủ đô Paris của Pháp, AFP còn có các trung tâm khu vực khác đặt ở Washington D.C. (Bắc Mỹ), Hồng Kông (Châu Á - Thái Bình Dương), Nicosia (Trung Đông) và Montevideo (Mỹ La-tinh) và mạng lưới hơn 200 văn phòng tại 150 nước trên thế giới.
AFP phát hành tin tức bằng 6 ngôn ngữ: tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Đức và tiếng Ả Rập.
AFP được Charles-Louis Havas thành lập vào năm 1835 (lúc đó dưới tên Agence Havas). |
Thiết bị kỹ thuật số hỗ trợ cá nhân thường được gọi theo viết tắt tiếng Anh là PDA (Personal Digital Assistant), là các thiết bị cầm tay vốn được thiết kế như một cuốn sổ tay cá nhân và ngày càng tích hợp thêm nhiều chức năng. Một PDA cơ bản thường có đồng hồ, sổ lịch, sổ địa chỉ, danh sách việc cần làm, sổ ghi nhớ, và máy tính bỏ túi.
Lịch sử
Thuật ngữ PDA được John Sculley đưa ra lần đầu tiên vào ngày 7 tháng 1 năm 1992 tại hội chợ Consumer Electronics Show tổ chức ở Las Vegas, Nevada, để chỉ thiết bị cầm tay Newton PDA của hãng Apple. Tuy nhiên các thiết bị trước đó như Psion hay Sharp Wizard có thể coi như một PDA.
Phân loại
Trước đây PDA thường chia làm 2 dòng chính là Palm và Pocket PC, đây là cách phân loại dựa trên hệ điều hành của máy sử dụng. Các tính năng hiện đại ngày nay làm cho việc phân loại khá khó khăn và gây nhiều bàn cãi.
Nếu phân loại theo hệ điều hành thì có thể chia làm các loại:
Máy sử dụng hệ điều hành Palm OS của Palm, Inc., đại diện có thể là Tréo 650 sử dụng hệ điều hành Palm OS 5.4 có tính năng điện thoại hay Tungsten T5 không có điện thoại sử dụng hệ điều hành Palm OS 5.2.
Máy sử dụng hệ điều hành Windows Mobile hay Pocket PC của Microsoft, đại diện có thể là các dòng máy iPaq của HP; iPaq 6365 sử dụng hệ điều hành Windows Mobile Pocket 2003 có tính năng điện thoại iPaq rx 3471 Windows Mobile Pocket 2003Se không có phone hay các máy của hãng O2 đều có tính năng điện thoại; hoặc O2 Xphone SmartPhone sử dụng hệ điều hành Windows 2003 Smartphone Edition.
Máy sử dụng hệ điều hành BlackBerry của hãng Research In Motion.
Máy sử dụng hệ điều hành Symbian với đại diện tiêu biểu là Nokia 9500 sử dụng hệ điều hành Symbian OS 7.0S, Series 80; P910i của Sony Ericsson sử dụng hệ điều hành Symbian OS, Series 70.
Máy sử dụng hệ điều hành iOS với tiêu biểu là iPhone của hãng Apple Inc.
Máy sử dụng hệ điều hành Android của Google với tiêu biểu là Galaxy của hãng Samsung hay Desire của HTC hay Droid của Motorola
Ngoài ra còn các máy dùng một số hệ điều hành khác như Motorola E680 dùng Linux Handheld
Loại 1 và 2 thiên về hỗ trợ cá nhân nên các tính năng điện thoại chưa tốt, loại 3 và 4 dung hòa giữa hỗ trợ cá nhân và điện thoại, loại 5 và 6 thì do tiến bộ về công nghệ, đã trở nên vượt trội cả khả năng hỗ trợ cá nhân và tính năng điện thoại. iOS và Android(hiện có thêm Windows Phone của Microsoft) đã khiến cho các thiết bị chỉ hỗ trợ cá nhân trở nên không còn cần thiết. Thực tế là hiện nay(2014) đã không còn sản phẩm hỗ trợ cá nhân thuần túy nào tồn tại trên thị trường.
Nếu phân loại theo loại chip thì có mấy loại:
Intel XScale
Texas Instruments TI Omap
Samsung
Qualcomm
Các tính năng điển hình
Nhiều PDA có thể vào mạng thông qua Wi-Fi, Bluetooth hay GPRS. Một đặc điểm quan trọng của các PDA là chúng có thể đồng bộ dữ liệu với PC. Hiện tại ngoài tính năng hỗ trợ cá nhân như trên PDA còn giúp nghe nhạc, ghi âm, xem phim, gọi điện thoại, chụp ảnh, quay phim, tìm đường, điều khiển các thiết bị điện tử từ xa và có các cổng giao tiếp truyền thống như USB, các loại thẻ nhớ và cổng hồng ngoại. Cũng có thể gọi điện thoại với giao tiếp không dây dùng chuẩn GSM/GPRS hay CDMA.
Một PDA điển hình có một màn hình cảm ứng (touch screen) để nhập dữ liệu, một khe cắm cạc bộ nhớ dành cho các thiết bị lưu trữ dữ liệu và một cổng hồng ngoại (IrDA port) để nối mạng. Các PDA thế hệ sau thường được tícFi và Bluetooth.
Màn hình cảm ứng
Nhiều PDA thời kỳ đầu, chẳng hạn Palm Pilot, có màn hình cảm ứng để tương tác với người dùng, với chỉ một vài phím dành cho các phím tắt gọi các chương trình thường dùng. Các PDA dùng màn hình cảm ứng, trong đó có các thiết bị Windows Pocket PC, thường có một bút stylus để viết trên màn hình. Hoạt động tương tác thường được thực hiện qua việc chạm vào màn hình để kích hoạt các nút bấm hoặc lựa chọn trình đơn, và kéo bút stylus để đánh dấu văn bản khi soạn.
Việc nhập dữ liệu văn bản thường được thực hiện bằng một trong hai cách:
Sử dụng một bàn phím ảo, trong đó bàn phím được hiện trên màn hình, người dùng chạm bút vào các chữ cái hiện trên đó. Riêng Iphone của hãng Mac Apple trình làng từ quý 3 - 2007 cũng sử dụng bàn phím ảo, nhưng đặc biệt là dòng máy này sử dụng màn hình cảm ứng điện dung, chỉ có thể dùng tay để sử dụng bàn phím ảo, và màn hình cảm sẽ cảm nhận vùng bạn chạm ngón tay vào có trung tâm là phím nào để nhận biết phím đó.
Sử dụng công nghệ nhận dạng chữ cái hoặc từ, trong đó các chữ cái hoặc các từ được viết trên màn hình, sau đó được "dịch" thành các chữ cái trong trường văn bản hiện đang được kích hoạt. Mặc dù có các dự án phát triển và nghiên cứu chính xác, kiểu nhập dữ liệu này vẫn đòi hỏi sự kiên nhẫn của người dùng, do nó thường khá là không chính xác.
Các PDA dành cho sử dụng trong kinh doanh, trong đó có BlackBerry và Treo, có bàn phím đầy đủ, vành trượt (scroll wheel) và vành ngón cái (thumb wheel) để phục vụ cho việc nhập và định hướng dữ liệu, bên cạnh với việc hỗ trợ nhập dữ liệu từ màn hình cảm ứng. Còn có các loại bàn phím kích thước đầy đủ gấp được và cắm được trực tiếp vào PDA để cho phép gõ phím theo kiểu thông thường. BlackBerry còn có các chức năng bổ sung chẳng hạn như các phím liên quan đến thư điện tử và ứng dụng
Card bộ nhớ
Đa số PDA có một dạng khe cắm cạc bộ nhớ nào đó. Khe cắm SD (Secure Digital) là loại khe cắm chuẩn cho PDA. Mặc dù ban đầu được thiết kế cho bộ nhớ, trong những năm gần đây, việc phát minh ra chuẩn SDIO đã cho phép những thứ như cạc Wi-Fi và Webcam cũng cắm được vào khe cắm này. Các khe cắm Compact Flash được dùng trong nhiều PDA để cung cấp thêm khả năng mở rộng. Ví dụ, một khe dành cho bộ nhớ, khe kia dành cho Wi-Fi. Một số PDA còn có một cổng USB, chủ yếu dành cho USB flash drive.
Nối mạng
Mỗi PDA đều có một cổng hồng ngoại để nối mạng. Điều này cho phép liên lạc giữa hai PDA, giữa một PDA và một thiết bị dùng cổng hồng ngoại, hoặc giữa một PDA và một máy tính có adapter hồng ngoại. Hầu hết PDA hiện đại còn có khả năng kết nối không dây theo công nghệ Bluetooth mà nhiều điện thoại di động, tai nghe và các thiết bị định vị toàn cầu sử dụng.
Đồng bộ hóa
Một chức năng quan trọng của PDA là đồng bộ hóa dữ liệu với một máy tính cá nhân. Điều này cho phép các thông tin địa chỉ liên lạc lưu trữ trong các phần mềm chẳng hạn như Microsoft Outlook hay ACT! cập nhật cơ sở dữ liệu tại PDA. Dữ liệu được đồng bộ hóa đảm bảo rằng PDA có một danh sách chính xác các địa chỉ liên lạc, các cuộc hẹn và thư điện tử, cho phép người dùng truy nhập cùng một thông tin trên PDA cũng như trên máy tính cá nhân.
Việc đồng bộ hóa còn ngăn được mất mát thông tin lưu trên thiết bị trong trường hợp nó bị mất, bị lấy trộm, hoặc bị hủy. Một ưu điểm khác là việc nhập dữ liệu trên PC thường nhanh hơn nhiều, do nhập dữ liệu qua một màn hình cảm ứng vẫn chưa thật tối ưu. Do đó, việc truyền dữ liệu tới một PDA qua một máy tính nhanh hơn nhiều so với việc phải nhập bằng tay tất cả dữ liệu vào thiết bị cầm tay.
Đa số PDA có sẵn khả năng đồng bộ hóa với một PC. Điều này được thực hiện qua các phần mềm đồng bộ hóa được cung cấp kèm theo thiết bị, chẳng hạn HotSync Manager đi cùng Palm OS, hoặc Microsoft ActiveSync đi kèm Windows Mobile.
Tùy biến người dùng
Cũng như đối với máy tính cá nhân, có thể cài đặt các phần mềm bổ sung lên hầu hết các PDA. Phần mềm có thể được mua hoặc tải xuống từ Internet. Gần như tất cả các PDA cũng đều hỗ trợ việc bổ sung một số dạng phần cứng. Loại thông dụng nhất là khe cắm cạc bộ nhớ, thiết bị này cho phép người dùng có thêm không gian lưu trữ chuyển đổi được trên các thiết bị cầm tay của mình. Ngoài ra còn có các bàn phím mini có thể nối với một số PDA để nhập dữ liệu văn bản nhanh hơn. PDA với Bluetooth còn có thể sử dụng các thiết bị Bluetooth như tai nghe, chuột và bàn phím gấp được.
Riêng sản phẩm nổi đình đám của iPhone được Apple cho ra mắt năm 2007 thì không chỉ nổi bật ở màn hình cảm ứng nhiệt mà còn đặc biệt ở ứng dụng Installer, khi cài vào iPhone thì người dùng có thể tải và cài đặt thêm ứng dụng mà mình thích thông qua Wi-Fi.
Sản phẩm |
Dạng thuốc là hình thức trình bày đặc biệt của dược chất để đưa dược chất vào cơ thể. Dạng thuốc được bào chế để phát huy tối đa hiệu lực chữa bệnh, tiện lợi trong sử dụng và bảo quản.
Phân loại dạng thuốc
Theo thể chất:
Các dạng thuốc thể rắn (thuốc bột, thuốc viên)
Các dạng thuốc thể mềm (thuốc cao, thuốc mỡ, gel)
Các dạng thuốc thể lỏng (dung dịch, hỗn dịch, nhũ dịch, xiro)
Theo đường dùng:
Các dạng thuốc uống (viên, bột, dung dịch, nhũ dịch, hỗn dịch)
Các dạng thuốc tiêm (dung dịch, hỗn dịch, nhũ dịch, bột pha tiêm, dịch truyền)
Các dạng thuốc dùng ngoài (thuốc bôi trên da, thuốc nhỏ lên niêm mạc, thuốc súc miệng)
Các dạng thuốc đặt vào các hốc tự nhiên trên cơ thể (thuốc đặt hậu môn, thuốc trứng đặt âm đạo...)
Dung dịch thuốc
Dung dịch thuốc là những chế phẩm lỏng, được điều chế bằng cách hoà tan một hay nhiều dược chất, trong một dung môi hoặc một hỗn hợp dung môi. Dung dịch thuốc có thể dùng bằng đường uống hay bằng đường tiêm hay dùng ngoài.
Các dung môi hay dùng là: các dạng dung dịch nước, cồn hay dung dịch dầu.
Ưu điểm của dạng thuốc này là thuốc ngấm nhanh, tác dụng nhanh hơn các dạng thuốc rắn và không gây kích ứng khi tiếp xúc với niêm mạc. Hơn nữa, dược chất được hoà tan trong dung môi nên có thể bào chế ở dạng thuốc giọt, rất tiện dùng cho người già và trẻ nhỏ.
Nhược điểm của dạng thuốc này là thường kém bền vững, nên không thể bảo quản lâu dài. Việc chia liều kém chính xác hơn dạng thuốc rắn. Vận chuyển gặp nhiều khó khăn do dung dịch thuốc được đóng gói cồng kềnh và dễ vỡ.
Liều dùng được chia theo muỗng cà phê (5ml) hay muỗng canh (15ml).
Không nên dùng dạng thuốc này để uống các dạng thuốc viên hay hoà tan các dạng thuốc bột để tránh tương kỵ hoá học.
Một số dung dịch thuốc uống và dùng ngoài:
Dung dịch thuốc nước là dạng thuốc được điều chế bằng cách hòa tan một hay nhiều dược chất trong dúng môi nước.
Siro thuốc là dạng thuốc lỏng, sánh và có chứa tỷ lệ đường cao (56 - 64%), được điều chế bằng cách hòa tan dược chất, dung dịch dược chất trong siro đơn hoặc hòa tan đường trong dung dich dược chất, dùng để uống.
Ưu điểm: Dạng thuốc này giúp che giấu được mùi vị khó chịu của thuốc nên tiện dùng cho trẻ em. Tỷ lệ đường cao nên thuốc có thể bảo quản được lâu và cũng có giá trị dinh dưỡng.
Nhược điểm: Hấp thu chậm do độ nhớt cao, do đó cần pha loãng hay uống kèm với nước nếu muốn tăng tốc độ hấp thụ.
Liều dùng: Dạng thuốc này được phân liều theo muỗng cà phê hay muỗng canh.
Elixir là dạng thuốc lỏng, chứa một hay nhiều dược chất, thường chứa một tỉ lệ lớn ethanol và saccharose hoặc polyalcol (như glycerin) cùng một số chất phụ thích hợp (như chất bảo quản chống nấm mốc..). Ví dụ như: elixir paracetamol, elixir phenobarbitan,..
Dung dịch cồn thuốc là dạng thuốc dùng trong hoặc dùng ngoài, gồm một hay nhiều dược chất hòa tan hoàn toàn trong ethanol.
Dung dịch dầu.
Nước thơm.
Potio
Dung dịch cao phân tử và dung dịch keo.
Hỗn dịch
Hỗn dịch là dạng thuốc lỏng để uống, tiêm hay dùng ngoài có chứa dược chất rắn không hòa tan ở dạng hạt rất nhỏ (đường kinh ≥ 0,1μm) được phân tán đồng đều trong chất lỏng là môi trường phân tán (chất dẫn).
Các chất dẫn thường gặp: nước, nước thơm, dung dịch dược chất...
Ưu điểm: hạn chế được nhược điểm của một số dược chất khi hoà tan kém bền vững hoặc có mùi vị khó uống và gây kích ứng niêm mạc đường tiêu hoá.
Cần lắc kỹ trước khi sử dụng.
Nhũ tương
Nhũ tương là dạng thuốc lỏng chứa các tiểu phân lỏng phân tán trong một chất lỏng khác không đồng tan. Có thể dùng để uống, tiêm hay dùng ngoài. Nhũ tương dạng lỏng dùng để uống gọi là nhũ dịch.
Ưu điểm: Che giấu mùi vị khó chịu của thuốc, giảm tác dụng gây kích ứng niêm mạc đường tiêu hoá của dược chất. Nhũ tương dùng đường tiêm không gây tắc mạch như các thuốc tiêm dạng dầu.
Cần lắc kỹ trước khi sử dụng.
Thuốc viên
Có nhiều dạng thuốc viên: viên nang, viên nén, viên bao, viên ngậm, viên đặt dưới lưỡi, viên sủi, viên nhai, viên tác dụng kéo dài.
Viên nang
Viên nang hay viên con nhộng là dạng thuốc rắn hay mềm được phân liều chính xác và được bào chế dưới dạng thích hợp (dung dịch, bột, hạt) đựng trong vỏ nang làm bằng gelatin hay tinh bột. Với dạng bào chế này, thuốc có thể che giấu được mùi vị khó chịu, làm cho thuốc dễ uống, tránh được các tác động bên ngoài, bảo vệ thuốc không bị dịch vị phá huỷ. Vì vậy, không nên nhai để tránh làm hỏng vỏ nang, không tách bỏ vỏ nang để lấy phần dược chất bên trong để uống. Riêng đối với người lớn tuổi, phản xạ nuốt có thể giảm và có hiện tượng giảm tiết nên khi uống, ngậm viên thuốc trong miệng để làm mềm vỏ nang rồi nuốt với nước nhằm tránh hiện tượng thuốc dính ở thực quản.
Viên nén
Viên nén có nhiều hình dạng, kích thước; có thể được điều chế bằng cách nén một hay nhiều dược chất. Mỗi viên nén là một đơn vị liều, do đó rất dễ sử dụng, dễ vận chuyển và dễ bảo quản. Tốt nhất là nên uống vơi nhiều nước (nước đun sôi để nguội, khoảng 150ml). Tuy nhiên, viên nén có tác dụng chậm hơn thuốc tiêm, khó uống đối với trẻ em, người lớn tuổi, người đang bị hôn mê.
Viên bao
Viên bao là dạng thuốc ở dạng viên nén được bao thêm một lớp màng thích hợp nhằm mục đích che giấu mùi vị khó chịu của dược chất, tránh được các tác động bên ngoài, bảo vệ thuốc không bị dịch vị phá huỷ, hay kiểm soát sự giải phóng dược chất (giúp giải phóng thuốc chậm).
Viên ngậm
Viên ngậm thường được dùng để sát khuẩn, chông viêm trong khoang miệng. Dược chất được phóng thích từ từ.
Viên ngậm dưới lưỡi
Viên ngậm dưới lưỡi thường được dùng khi cần tác dụng nhanh của thuốc hoặc tránh sự phân huỷ ở dịch vị và ở gan. Dược chất phải được phóng thích nhanh, và nhanh chóng cho tác dụng toàn thân.
Viên sủi
Viên sủi bọt là một trong những dạng viên pha dung dịch hay hỗn dịch với sự giải phóng khí (CO2 hoặc O2) dùng để uống hoặc dùng ngoài nhằm tăng sinh khả dụng.
một số ưu nhược điểm:
Ưu điểm: Dùng thích hợp cho những người khó nuốt viên nén, giảm kích ứng niêm mạc cho một số dược chất, tăng sinh khả dụng cho một số viên nén, che giấu mùi vị,
Nhược điểm: Viên phải được điều chế và bảo quản trong điều kiện tránh ẩm do chứa một lượng muối kiềm khá lớn (natri carbonat, natri hydrocarbonat, kali carbonat) nên viên sủi không dùng cho người kiêng muối, một số trường hợp viên sủi gây kiềm hoá máu làm ảnh hưởng đến hấp thu một số chất
Thành phần viên sủi gồm dược chất và tá dược:
Dược chất đóng vai trò quan trọng nhất.
Các tá dược:
Tạo phản ứng sủi bọt.
Tốc độ tan ảnh hưởng tốc độ rã (khác với viên nén quy ước)
Tá dược trơn có vai trò lớn trong đảm bảo độ bền cơ học, dược động học của viên
Một số lưu ý: Với những người bị cao huyết áp có thể vẫn dùng thuốc viên sủi được dù đã có khuyến cáo nếu sử dụng muối tạo khí là KHCO3, vì kali trong máu có vai trò hạ áp. Mặt khác acid sử dụng là vitamin C (ascorbic) để tạo khí có vai trò làm bền vững thành mạch, ổn định huyết áp. Hai loại tá dược: KHCO3 và ascorbic được sử dụng nhiều trong bào chế viên sủi cho người cao huyết áp.
Viên nhai
Viên tác dụng kéo dài
Viên tác dụng kéo dài thường chứa lượng dược chất cao hơn bình thường và giải phóng từ từ lượng dược chất này trong đường tiêu hoá để kéo dài tác dụng của thuốc, giảm số lần sử dụng thuốc. Thường sinh khả dụng của dạng thuốc này, phụ thuộc nhiều vào thời gian lưu trú tại dạ dày vì nếu thuốc nằm tại dạ dày lâu qua thì vỏ bao sẽ rã ngay dưới tác dụng của dịch vị và ngược lại. Do đó, để đảm bảo tác dụng của thuốc, nên uống xa bữa ăn trừ những thuốc kích ứng dạ dày.
Thuốc tiêm truyền
Thuốc tiêm truyền là dung dịch nước,hoặc nhũ tương dầu trong nước vô khẩn, không cóp gây sốt,không có nội độc tố vi khuẩn và thường đẳng trương với máu, không có chứa chất bảo quản diệt vi khuẩn, dùng để tiêm vào tĩnh mạch với liều lượng lớn và tốc độ chậm
Dung dịch tiêm truyền bù nước, chất điện giải
Loại dung dịch này có tác dụng bù nước, điều hòa các chất điện giái.
Dung dịch tiêm truyền cung cấp năng lượng
Có tác dụng nuôi dưỡng, cung cấp năng lượng cho cơ thể như dung dịch glucose, đạm thủy phân(plasmosan) amino acid (mỏriamin, klinitamin).
Dung dịch tiêm truyền để tái lập thăng bằng kiềm -toan
Dung dịch keo và chất thay thế máu
Loại dung dịch này chủ yếu là các dung dịch keo thân nước, chúng có tác dụng là giữ được lâu trong máu hơn là các dung dịch khác. Nhờ đó mà duy trì được huyết áp an toàn và chống được hiện tượng trụy mạch
Hiện nay, người ta hay dùng dung dịch Dextran phân tử lượng 70.000 pha với nồng độ 5-6% trong nước.
Các dung dịch thuốc
Là loại dung dịch có tác dụng để điều trị bệnh như dung dịch acid glutamic 1% điều trị amoni trong huyết áp cao, rối loạn chức năng gan;manitol, sorbitol 10-20% và ure 20-30% chữa phù não
Dung dịch tiêm truyền các chất tái tạo tổ chức
Đây là các loại dịch thủy phân Protein hoặc dung dịch các amino acid nguyên chất. tác dụng của các loại dung dịch này là dùng cho các trường hợp suy dinh dưỡng, đặc biệt hiệu quả là suy dinh dưỡng của trẻ em.
Ngoài cách phân loại trên, trong thực tế người ta còn có cách phân loại khác dựa vào áp suất thẩm thấu của các dung dịch và được chia ra hai loại:
− Dung dịch đẳng trương: Dung dịch dẳng trương là dung dịch có áp suất thẩm thấu của huyết tương (7,4 atm), có độ hạ băng điểm bằng độ hạ băng điểm của huyết tương(D = -0,52 °C) và không làm thay đổi thể tích hồng cầu trong nghiệm pháp hemantocrit |
Tụy (còn gọi là lá mía) là một cơ quan trong cơ thể động vật, nằm sau phúc mạc và đảm trách hai chức năng chính:
Chức năng ngoại tiết: Tụy sản xuất và bài tiết các dịch tụy chứa các men tiêu hóa, hay enzyme tiêu hóa.
Chức năng nội tiết: Tụy sản xuất và tiết vào trong máu các nội tiết tố hay hormon
Tụy đôi khi bị nhầm lẫn với tỳ (lá lách). Tên tiếng Anh của tụy là pancreas, còn của tỳ là spleen.
Giải phẫu
Tụy là một cơ quan sau phúc mạc, nằm sau dạ dày sát thành sau của ổ bụng. Tụy nặng khoảng 80 gram, có màu trắng nhạt, một số loài có tụy màu hồng nhạt và mỗi ngày, trung bình tụy có thể tiết ra 0,8 lít dịch tiết.
Ở các loài động vật khác nhau thì tụy có hình dạng khác nhau. Như ở cá, tụy không có hình dạng nhất định, chỉ là một khối nhão. Đến loài ếch nhái và bò sát thì tụy đã thành tuyến nằm ép sát bên thành tá tràng. Đến lớp chim thì tụy nằm ở phần giữa đoạn cong vòng của tá tràng chim. Ở người, tụy là một cơ quan nhỏ và hơi thuôn dài nằm trong ổ bụng.
Tụy gồm có ba phần: đầu tụy, thân tụy và đuôi tụy. Đầu tụy nằm sát đoạn tá tràng D2 và đuôi tụy kéo dài đến sát lách. Ống tụy còn gọi là ống Wirsung là một ống nằm dọc suốt chiều dài của tụy và dẫn lưu dịch tụy đổ vào đoạn D2 của tá tràng. Chỗ ống tụy nối vào tá tràng gọi là bóng Vater. Ống mật chủ thường kết hợp với ống tụy tại hoặc gần bóng Vater. Theo một số tài liệu, nơi đổ ra của ống tụy và ống túi mật là cùng một nơi nên vị trí đó gọi là cơ vòng Oddi.
Tụy được cung cấp máu bởi các động mạch tá tụy, các động mạch này là nhánh của động mạch mạc treo tràng trên. Máu tĩnh mạch đổ về các tĩnh mạch lách rồi đổ vào tĩnh mạch cửa. Tĩnh mạch lách chạy sát sau tuyến tụy nhưng không dẫn lưu máu của tụy. Tĩnh mạch cửa được hợp thành bởi hợp thành của hai tĩnh mạch là tĩnh mạch mạc treo tràng trên và tĩnh mạch lách. Ở một số người thì tĩnh mạch mạc treo tràng dưới cũng đổ vào tĩnh mạch lách ở phía sau tuyến tụy. Trong đa số trường hợp tĩnh mạch này đổ vào tĩnh mạch mạc treo tràng trên.
Chức năng
Tuyến tụy sản xuất dịch tiêu hóa có khả năng tiêu hóa gần như tất cả các thành phần thức ăn.
Tụy ngoại tiết
Tụy được bao bọc bởi bao tụy. Bao tụy cũng có tác dụng phân chia tụy thành các tiểu thùy. Nhu mô của tụy được cấu tạo bởi các tế bào tụy ngoại tiết. Các tế bào này chứa đựng rất nhiều các hạt nhỏ chứa enzyme tiêu hóa dưới dạng tiền chất (chủ yếu là trypsinogen, chymotrysinogen, lipase tụy và amylase).
Khi có kích thích thích hợp, các men tụy sẽ được tiết vào ống tụy và sau đó đổ vào ruột non ở đoạn D2 của tá tràng. Tại đây các men enterokinase của tá tràng sẽ xúc tác làm trypsinogen biến thành dạng hoạt động là trypsin. Trypsin là một endopeptidase lại cắt các amino acid của chymotrypsinogen thành dạng hoạt động chymotrypsin. Men này lại cắt các polypeptide trong thức ăn thành các đơn vị nhỏ có thể hấp thu được qua niêm mạc ruột. Việc tụy chỉ tiết các men dưới dạng tiền chất hay dạng không hoạt động có ý nghĩa hết sức quan trọng vì các men hoạt động có khả năng tiêu hủy protein của chính tuyến tụy.
Dịch tụy là nguồn chứa các men tiêu hóa mỡ và protein còn niêm mạc ruột lại có các men tiêu hóa được đường. Dịch tụy cũng chứa các ion bicarbonate có tính kiềm để trung hòa lượng dịch lượng acid trong thức ăn từ dạ dày đi xuống. Việc kiểm soát chức năng ngoại tiết của tụy được thực hiện thông qua các men (enzyme) như gastrin, cholecystokinin và secretin. Các men này được các tế bào của dạ dày và tá tràng tiết ra dưới kích thích của thức ăn hiện diện trong ống tiêu hóa và bởi chính dịch tụy.
Thông thường để đảm bảo cấu trúc cũng như chức năng ngoại tiết bình thường của tụy thì các men được tiết ra dưới dạng tiền chất, nghĩa là chưa có khả năng tiêu hủy protein và mỡ. Tuy nhiên vì một lý do nào đó như sự ứ trệ, nhiễm trùng, chấn thương..., các men này lại được hoạt hóa ngay trong lòng tụy gây nên sự tự tiêu hủy tụy gọi là viêm tụy cấp. Trên lâm sàng có thể gặp tình trạng viêm tụy cấp do sỏi, do giun chui ống mật - tụy...
Tụy nội tiết
Nằm trong nhu mô của tụy ngoại tiết là các nhóm nhỏ tế bào gọi là tiểu đảo tụy hay tiểu đảo Langerhans (gồm từ 1-2 triệu đảo), là những tế bào tụ thành từng đám, chiếm 1g tổ chức tụy, thường ở gần mạch máu, đổ vào tĩnh mạch cửa.
Các tiểu đảo này là phần nội tiết của tuyến tụy có chức năng tiết các hormone quan trọng là insulin, glucagon, và các hormone khác. Các tiểu đảo tụy chứa ba loại tế bào chính là: tế bào alpha, tế bào beta, và tế bào delta. Trong ba loại này thì tế bào beta chiếm số lượng nhiều nhất và sản xuất insulin. Các tế bào alpha sản xuất glucagon và tế bào delta sản xuất somatostatin. Somatostatin có tác dụng làm giảm nồng độ của glucagon và insulin trong máu.
Tuyến tụy nội tiết: là một phần của tuyến tụy, bao gồm một số tế bào hợp thành và chỉ chiếm một phần nhỏ khối lượng tuyến tụy.
Tuyến tụy nội tiết tiết ra các hormon: Glucagon, Insulin, Lipocain.
Insulin có tác dụng làm giảm đường huyết. Nếu thiếu sẽ gây rối loạn trao đổi Gluxit, làm tăng đường huyết, gây bệnh đái đường.
Glucagon có tác dụng làm tăng đường huyết, tăng cường phân giải glycogen thành glucose.
Lipocain có tác dụng oxy hóa các chất đặc biệt là axit béo. Nếu nhiều mỡ được đưa về gan, không được oxy hóa, tích tụ gây nhiễm mỡ gan.
Bệnh lý tuyến tụy
Các khối u lành tính
Ung thư tuyến tụy
Xơ nang tụy: thường chỉ gặp ở người da trắng.
Đái tháo đường: do thiếu hụt tuyệt đối hay tương đối insulin. Đây là một căn bệnh mãn tĩnh có tần suất cực kỳ cao và điều trị khó khăn, tốn kém. Bệnh gây nên rất nhiều biến chứng trầm trọng như tim mạch, suy thận, loét mục, nhiễm trùng, đục thủy tinh thể, bệnh dây thần kinh ngoại biên, liệt dương...
Viêm tụy
Viêm tụy cấp
Viêm tụy mạn
Nang giả tụy: thường là biến chứng của viêm tụy cấp.
Giun chui ống tụy: có thể gặp ở các nước nhiệt đới, có khả năng gây viêm tụy cấp. |
Viêm màng não mủ, hay viêm màng não nhiễm khuẩn, là hiện tượng viêm của các màng bao bọc quanh hệ thần kinh trung ương (não và tủy sống) do sự hiện diện của các vi khuẩn gây bệnh trong khoang dịch não tủy. Sự viêm nhiễm này sẽ gây nên tình trạng sinh mủ bên trong hệ thống thần kinh trung ương. Các tình trạng viêm nhiễm hệ thần kinh trung ương khác là viêm não do virus, viêm màng não do nấm, viêm màng não do hóa chất hoặc do xâm nhập của các tế bào ung thư...
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân gây bệnh khác nhau giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển. Ở các quốc gia có nền y học phát triển, việc chủng ngừa Hemophilus influenzae đã được thực hiện từ vài chục năm nay nên tỉ lệ gây bệnh do tác nhân này giảm xuống rõ rệt, đứng sau phế cầu, não mô cầu. Tuy nhiên ở các nước nghèo như Việt Nam việc tiêm chủng ngừa Hemophilus influenzae chưa được rộng rãi nên tác nhân này vẫn chiếm hàng đầu, sau đó là phế cầu, não mô cầu, tụ cầu khuẩn, vi khuẩn thương hàn. Ở lứa tuổi sơ sinh và trẻ nhỏ (thường dưới 3 tháng) thì nguyên nhân không khác nhau ở các nước: E. coli, liên cầu khuẩn nhóm B, Listeria monocytogenes. Các vi khuẩn này có thể từ vị trí tai mũi họng, phổi đi theo đường máu vào trong não hoặc đi theo đường kế cận từ các ổ nhiễm trùng cạnh màng não hoặc cũng có thể đi trực tiếp vào não khi bị chấn thương nứt vỡ sọ...
Phế cầu khuẩn
Thường được gọi tắt là phế cầu (Streptococcus pneumoniae) là nguyên nhân gây viêm màng não mủ hàng đầu ở lứa tuổi ngoài sơ sinh tại các nước phát triển (có chủng ngừa rộng rãi Hemophilus influenzae típ b). Tỷ lệ viêm nàng não mủ do phế cầu vào khoảng 1 - 3/1000 dân. Nhiễm trùng có thể xảy ra ở bất kỳ tuổi nào. Những tháng giữa mùa đông có tỉ lệ mắc bệnh cao nhất trong năm. Phế cầu gây nhiễm trùng huyết và viêm màng não mủ thường xuất phát từ nơi cư trú là niêm mạc hầu họng. Trẻ em sau khi sinh sẽ bị lây vi khuẩn này từ các thành viên trong gia đình. Độc lực của vi khuẩn phụ thuộc vào các típ huyết thanh khác nhau. Nguy cơ mắc bệnh ở người da đen cao gấp 5 đến 36 lần so với người da trắng, đặc biệt những người da đen bị bệnh hồng cầu hình liềm (thường tán huyết ở lách và làm lách mất chức năng), nguy cơ này cao gấp 300 lần. Các yếu tố nguy cơ của viêm màng não mủ do phế cầu là viêm tai giữa, viêm xoang, viêm phổi, rò rỉ dịch não tủy qua tai hoặc qua mũi, bệnh nhân cắt lách, nhiễm HIV, bệnh ghép chống chủ sau ghép tủy xương.
Haemophilus influenzae típ b
Haemophilus influenzae típ b là một vi khuẩn gram âm hình que. Hình dạng có thể thay đổi từ dạng cầu - trực khuẩn đến hình que dài và hơi cong. Viêm màng não mủ do Haemophilus influenzae típ b xảy ra chủ yếu ở trẻ em không được chủng ngừa chống lại tác nhân này. Khoảng 80% các trường hợp viêm màng não mủ do Haemophilus influenzae típ b xảy ra ở trẻ từ 1 tháng đến 3 tuổi, là lứa tuổi mà hệ thần kinh phát triển nhanh nhất. Sau ba tuổi, hầu hết trẻ em có miễn dịch mắc phải chống lại Polyribophosphate của vách vi khuẩn do đó trẻ được bảo vệ.
Phương thức truyền bệnh là từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp bởi các hạt nhỏ của chất tiết đường hô hấp. Thời gian ủ bệnh thường ngắn hơn 10 ngày. Tỷ lệ tử vong do bệnh còn khá cao. tử vong thường xảy ra trong những ngày đầu tiên của bệnh.
Sự đề kháng với ampicillin được truyền qua plasmid ngày càng gia tăng trong cộng đồng. Khả năng đề kháng này của vi khuẩn đối với ampicillin là do chúng sản xuất được các enzyme beta-lactamase có khả năng phá vỡ vòng beta-lactam của các thuốc kháng sinh thuộc họ này. Tỷ lệ đề kháng với ampicillin vào khoảng 30-50%. Tuy nhiên trên thực tế lâm sàng thì Haemophilus influenzae típ b có tính đề kháng rất cao, đôi khi có khả năng đề kháng nhiều loại kháng sinh khác nhau.
Não mô cầu
Não mô cầu (Neisseria meningitidis) là loại cầu khuẩn Gram âm có hình hạt đậu và là vi khuẩn nội bào. Não mô cầu được định típ huyết thanh dựa vào polysaccharide của vách tế bào vi khuẩn. Các típ huyết thanh thường gặp và có vai trò gây bệnh là A, B, C, D, X, Y, Z, 29E và W135. Một số típ, đặc biệt là B, C, Y và W135 gây nên 15 đến 25% các trường hợp viêm màng não mủ ở trẻ em. Các chủng thuộc nhóm a cũng đã từng là nguyên nhân gây nên các vụ dịch khắp nơi trên thế giới và đặc biệt là trong các trại lính (trong Thế chiến thứ hai). Vi khuẩn thường định cư vùng hầu họng và thường không gây nên triệu chứng gì. Lây truyền chủ yếu do tiếp xúc người với người thông qua các hạt chất tiết nhỏ của đường hô hấp. Thời gian ủ bệnh thường ngắn hơn 4 ngày, thay đổi từ 1 ngày đến 7 ngày. Không phải tất cả các trường hợp có vi khuẩn đường hầu họng đều bị bệnh.
Hầu hết các trường hợp bệnh xảy ra ở lứa tuổi 6 đến 12 tháng. Thiếu niên cũng bị bệnh nhưng thấp hơn. Biểu hiện đặc trưng của bệnh là sự xuất hiện các ban xuất huyết hoại tử hình sao gọi là tử ban. Tỷ lệ tử vong rất cao trong thể tiến triển tối cấp (thể sét đánh). Trong thể này, tử vong thường xảy ra trong vòng 24 giờ sau khi nhập viện. Tiên lượng bệnh rất nặng nề nếu trẻ nhập viện với các dấu hiệu: hạ huyết áp, sốc, giảm bạch cầu trung tính, tuổi rất nhỏ hoặc người già, tử ban lan nhanh trong vòng 12 giờ trước đó, bệnh đông máu rải rác trong lòng mạch, nhiễm toan, sự hiện diện của vi khuẩn trong các tế bào bạch cầu máu ngoại biên, tốc độ lắng máu không tăng, protein C phản ứng (CRP) không cao, tác nhân gây bệnh thuộc típ C, dịch não tủy không biến đổi hoặc ít biến đổi, hôn mê.
Típ C cũng là típ gây nên tỷ lệ tử vong cao nhất đồng thời cũng là nhóm gây nên biến chứng hoại tử chi thường gặp nhất.
Tuy nhiên nếu được điều trị thoát sốc thì sau khi khỏi bệnh, trẻ rất ít bị biến chứng lâu dài.
Escherichia coli
Là một trực khuẩn gram âm điển hình, cư trú trong phần thấp của hệ tiêu hóa các động vật máu nóng như chim và động vật có vú. E. coli thường gây viêm màng não mủ ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, ít gặp ở trẻ lớn và người lớn. Viêm màng não mủ do E. coli ở trẻ sơ sinh là một bệnh lý nặng vì thường nằm trong bối cảnh nhiễm trùng huyết. |
Chí tuyến Bắc hay Bắc chí tuyến (còn được gọi là hạ chí tuyến, chí tuyến Cự Giải, hay nhiệt tuyến Bắc giải) là một trong năm vĩ tuyến chủ yếu để đánh dấu bản đồ Trái Đất. Đường tuyến này song song với đường xích đạo và nằm ở vĩ tuyến 23° 26' 22" bắc.
Tên gọi chí tuyến Cự Giải hay nhiệt tuyến Bắc giải là theo cách gọi của người phương Tây do khi họ đặt tên cho nó thì Mặt Trời nằm trong chòm sao Cự Giải, tức Bắc Giải, vào thời điểm nó xuất hiện trực tiếp trên đỉnh đầu tại vĩ tuyến này vào thời điểm diễn ra hạ chí ở Bắc bán cầu. Tuy nhiên, do hiện tượng tuế sai, hiện nay khi diễn ra hạ chí ở Bắc bán cầu thì Mặt Trời lại nằm trong chòm sao Kim Ngưu.
Nó là vĩ độ cao nhất về phía bắc mà tại đó Mặt Trời có thể xuất hiện trực tiếp ngay trên đỉnh đầu của người quan sát. Nằm về phía bắc của chí tuyến Bắc là vùng ôn đới Bắc bán cầu. Chí tuyến Nam nằm ở vĩ tuyến đối xứng ở phía nam qua đường xích đạo. Nằm về phía nam của đường chí tuyến Nam là vùng ôn đới Nam bán cầu. Các khu vực nằm giữa phía nam của chí tuyến Bắc và phía bắc của chí tuyến Nam được gọi là khu vực nhiệt đới.
Tên gọi chí tuyến Bắc xuất phát từ vị trí ở Bắc bán cầu Trái Đất của chí tuyến này, cũng là để phân biệt với chí tuyến Nam, nằm ở Nam bán cầu.
Theo các quy tắc của Fédération Aéronautique Internationale, để được công nhận là bay vòng quanh Trái Đất thì độ dài của quãng đường bay phải không nhỏ hơn độ dài của đường chí tuyến Bắc (36.787,559 m), cũng như phải vượt qua tất cả các đường kinh tuyến và điểm kết thúc chuyến bay là tại cùng một sân bay mà nó bắt đầu cất cánh từ đó.
Chú thích |
Chí tuyến Nam hay Nam chí tuyến (còn được gọi là Đông chí tuyến, chí tuyến Ma Kết, hay nhiệt tuyến Nam Dương) là một trong năm vĩ tuyến chủ yếu để đánh dấu bản đồ Trái Đất.
Chí tuyến này nằm song song với đường xích đạo tại vĩ tuyến 23° 26' 22" nam, và nó là vĩ độ xa nhất về phía nam mà Mặt Trời có thể xuất hiện trên đỉnh đầu của người quan sát diễn ra vào tiết đông chí của Bắc bán cầu (vì lý do này mà nó còn mang tên là Đông chí tuyến). Đối ngược với chí tuyến này là chí tuyến Bắc ở Bắc bán cầu. Các vĩ độ ở phía nam của đường chí tuyến Nam thuộc về vùng ôn đới Nam bán cầu. Các vĩ độ nằm giữa đường đông chí tuyến Nam và đường chí tuyến Bắc thuộc về vùng nhiệt đới.
Chí tuyến này được gọi là Chí tuyến Ma Kết hay Nhiệt tuyến Nam Dương do khi người phương Tây đặt tên cho nó vào khoảng 2000 năm trước thì Mặt Trời đã nằm ở chòm sao Ma Kết (tức sao Nam Dương, tiếng Anh Capricorn) vào tiết đông chí ở Bắc bán cầu. Hiện nay, Mặt Trời xuất hiện ở chòm sao Nhân Mã trong thời gian diễn ra tiết đông chí ở Bắc bán cầu. Sự thay đổi này có được là do hiện tượng tuế sai.
Tên gọi chí tuyến Nam là do chí tuyến này nằm ở Nam bán cầu Trái Đất.
Chú thích |
Chất ức chế neuraminidase là một loại thuốc kháng virus có cơ chế tác động dựa trên việc ức chế chức năng protein neuraminidase của virus. Cùng với các adamantane (amantadine và rimantadine), các chất ức chế neuraminidase (zanamivir [Relenza®] và oseltamivir [Tamiflu®]) được sử dụng trong điều trị và dự phòng nhiễm cúm.
Chất ức chế neuraminidase can thiệp vào quá trình giải phóng virus khỏi tế bào vật chủ bị nhiễm, từ đó ngăn cản virus nhiễm vào tế bào vật chủ mới và kìm hãm sự lây nhiễm bên trong đường hô hấp. Vì virus sinh sản đạt đỉnh cao vào khoảng 24 đến 72 giờ sau khi bệnh khởi phát, các thuốc như thuốc ức chế neuraminidase cần được sử dụng vào càng sớm càng tốt. Không như các adamantane, các chất ức chế neuraminidase có độc tính thấp và khả năng thúc đẩy sự phát triển influenza kháng thuốc cũng thấp. Chất ức chế neuraminidase cũng có hiệu quả chống lại các phân nhóm neuraminidase, và nhờ đó, chống lại các chủng influenza A và B. Đây là điểm quan trọng trong vấn đề dịch tễ và ưu thế so với các adamantane vốn chỉ hiệu quả với các chủng influenza A nhạy cảm.
Cơ chế tác dụng
Virus cúm có 2 glycoprotein bề mặt, một hemagglutinin và một neuraminidase, cũng là kháng nguyên định chủng virus. Các phân tử này thay đổi theo thời gian giúp cho virus tránh được đáp ứng miễn dịch của con người và vì vậy vaccine phòng cúm cần phải được điều chế lại mỗi năm. Hemagglutinin là phân tử gắn vào thụ thể sialic acid, điều hoà sự xâm nhập của virus vào tế bào đích. Các virion mới được hình thành bằng cách nảy chồi trên bề mặt tế bào. Neuraminidase cắt gốc sialic acid tận cùng khỏi bán đơn vị carbohydrate trên bề mặt tế bào ký chủ và vỏ virus, từ đó thúc đẩy phóng thích virus mới ra khỏi tế bào bị nhiễm. Nếu không có neuraminidase, virus chỉ nhân đôi giới hạn trong một chu kỳ, và hiếm khi đủ số lượng để gây bệnh. Neuraminidase cũng có thể hỗ trợ virus xâm nhập vào đường hô hấp trên bằng cách cắt các bán đơn vị sialic acid của lớp nhày bao phủ tế bào đường dẫn khí.
Các chất ức chế neuraminidase có cấu trúc tương tự với sialic acid. Cơ chế tác động của chúng là ức chế vị trí hoạt động của neuraminidase và để nguyên không cắt gốc sialic acid trên bề mặt tế bào vật chủ và vỏ virus cúm. Hemagglutinin virus gắn vào gốc sialic acid không bị cắt đó; kết quả là virus bị kết tập trên bề mặt tế bào vật chủ, làm giảm số lượng virus được phóng thích có thể lây nhiễm sang tế bào khác.
Khả năng ức chế neuraminidase cúm của các chất tương tự sialic acid được nhận biết lần đầu tiên vào thập kỷ 1970, tuy nhiên việc thiết kế các chất ức chế có hiệu lực cao chỉ trở nên khả thi khi biết được vị trí và cấu trúc điểm xúc tác thông qua phân tích cấu trúc ba chiều của neuraminidase cúm. Chất ức chế có hiệu lực cao như zanamivir bắt chước sát với cơ chất tự nhiên, lắp vừa vặn vào túi tại vị trí hoạt động và đạt được hiệu quả được mong muốn nhất. Zanamivir được dùng bằng cách hít, đưa thuốc trực tiếp vào đường hô hấp. Oseltamivir được phát triển bằng cách thay đổi bộ khung tương tự sialic acid (trong đó thêm vào một chuỗi bên ưa lipid) cho phép dùng thuốc bằng đường uống. |
Xích đạo (赤道, nghĩa: con đường màu đỏ) là một đường tròn tưởng tượng được vẽ ra trên bề mặt một hành tinh (hoặc các thiên thể khác) tại khoảng cách nằm giữa hai cực. Trên Trái Đất, xích đạo chia hành tinh ra thành Bắc bán cầu và Nam bán cầu. Theo định nghĩa thì vĩ độ của đường xích đạo là 0°. Độ dài xích đạo của Trái Đất là khoảng 40.075,0 km, hay 24.901,5 dặm.
Xích đạo là một trong năm vĩ tuyến chủ yếu dựa trên quan hệ giữa sự tự quay của Trái Đất với mặt phẳng quỹ đạo của nó xung quanh Mặt Trời. Ngoài ra, xích đạo là vĩ tuyến có độ dài lớn nhất.
Trong sự quan sát từ Trái Đất thì Mặt Trời trong chuyển động theo mùa của nó trên bầu trời sẽ vượt qua đường xích đạo hai lần mỗi năm vào thời điểm diễn ra tiết xuân phân và thu phân của mỗi bán cầu vào tháng 3 (khoảng ngày 21±1 tháng 3) và tháng 9 (khoảng ngày 22±1 tháng 9) hàng năm. Tại xích đạo, các tia nắng từ Mặt Trời khi đó chiếu vuông góc với bề mặt Trái Đất.
Các khu vực gần đường xích đạo có sự thay đổi độ dài của ngày và đêm theo mùa là ít nhất, chỉ dao động trong khoảng thời gian vài phút trong cả năm.
Khí hậu vùng xích đạo
Trong nhiều khu vực ở vùng xung quanh xích đạo người ta chỉ xác định có hai mùa là mùa khô và mùa mưa, nhưng phần lớn các khu vực rất gần với xích đạo là ẩm ướt quanh năm, mặc dù các mùa có thể dao động phụ thuộc vào sự đa dạng của các yếu tố như độ cao của địa hình so với mặt biển cũng như khoảng cách tới các đại dương.
Bề mặt của Trái Đất tại xích đạo chủ yếu là biển.
Các quốc gia có đường xích đạo
Đường xích đạo đi ngang qua lãnh thổ và lãnh hải của 14 quốc gia:
São Tomé và Príncipe - có lẽ chạy ngang qua Ilhéu das Rolas, một đảo nhỏ trong quần đảo này.
Gabon
Cộng hòa Congo
Cộng hòa Dân chủ Congo
Uganda
Kenya
Somalia
Maldives – có thể trượt qua mọi đảo
Indonesia
Sumatra
Lingga và các đảo nhỏ khác gần Sumatra
Borneo – Kalimantan
Sulawesi
Halmahera và các đảo nhỏ khác ở quần đảo Moluccas.
Kiribati
Quần đảo Gilbert – có thể trượt qua mọi đảo.
Quần đảo Phoenix – trượt qua gần đảo Baker
Line Islands – trượt qua gần đảo Jarvis
Mỹ
Đảo Baker
Ecuador
Quần đảo Galapagos – chạy ngang qua đảo Isabela.
Ecuador đại lục
Colombia
Brasil |
Các khu vực cận nhiệt đới hay bán nhiệt đới hay á nhiệt đới là những khu vực gần với vùng nhiệt đới, thông thường được xác định một cách gần đúng là nằm trong khoảng 23,5-40° vĩ bắc và 23,5-40° vĩ nam. Các khu vực này có mùa hè từ rất ấm tới nóng, nhưng có mùa đông phi nhiệt đới. Trong một số khu vực nào đó thuộc vùng cận nhiệt đới của thế giới thì các trận bão và áp thấp nhiệt đới có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới có thể hoành hành trong khoảng thời gian của mùa hè và mùa thu. Cũng vì lý do này mà vùng biển yết hầu nằm ở gần Mũi Hảo vọng của Cộng hòa Nam Phi, nơi mà tất cả tàu bè từ nam Đại Tây Dương muốn tới Ấn Độ Dương (hoặc ngược lại) đều phải qua, được mệnh danh là nơi của "con số 40 đang gào thét".
Các định nghĩa trong các sơ đồ phân loại khí hậu
Trong phần lớn các sơ đồ phân loại khí hậu thì khí hậu cận nhiệt đới được coi là kiểu phụ của khí hậu ôn đới:
Phân loại khí hậu Köppen: Nhiệt độ trung bình trên 22 °C (72 °F) trong những tháng ấm nhất, còn trong các tháng lạnh nhất thì nhiệt độ trung bình nằm trong khoảng -3 °C (hay 0 °C trong một số biến thể của sơ đồ này) và 18 °C (27-64 °F), với mùa hè ẩm ướt và tháng mùa đông khô nhất có lượng mưa trung bình lớn hơn 1/10 lượng mưa trung bình của tháng mùa hè ẩm ướt nhất.
Phân loại Trewartha: Trên 8 tháng có nhiệt độ trung bình 10 °C (50 °F) hoặc ấm hơn và ít nhất 1 tháng có nhiệt độ trung bình thấp hơn 18 °C.
Phân loại John Griffiths: Nhiệt độ trung bình trong tháng lạnh nhất nằm giữa 6 °C (42,8 °F) và 18 °C (64,4 °F).
Lưu ý rằng các khu vực có khí hậu Địa Trung Hải (với mùa khô rõ ràng trong mùa hè) là cận nhiệt đới khi xét theo quan điểm nhiệt học, nhưng thực vật và các mùa của nó không là cận nhiệt đới, do nó thiếu độ ẩm liên tục – một đặc trưng của các khu vực nhiệt đới.
Các vùng khí hậu cận nhiệt đới |
Khu vực nhiệt đới là khu vực địa lý trên Trái Đất nằm trong khoảng có đường ranh giới là hai đường chí tuyến: hạ chí tuyến ở Bắc bán cầu và đông chí tuyến ở Nam bán cầu, bao gồm đường xích đạo.
Xác định theo phân loại
Vị trí địa lý
Khu vực này nằm giữa khoảng 23°26'21" vĩ bắc đến 23°26'21" vĩ nam, và bao gồm toàn bộ các phần của Trái Đất mà Mặt Trời có thể lên tới thiên đỉnh ít nhất một lần trong năm dương lịch. (Trong các khu vực ôn đới nằm về phía bắc của hạ chí tuyến và về phía nam của đông chí tuyến thì Mặt Trời không bao giờ lên tới cao độ 90°, hay ngay ở trên đỉnh đầu). Trong một số ngôn ngữ người ta sử dụng từ tropic (tiếng Anh), tropen (tiếng Đức) v.v. có nguồn gốc từ tropos của tiếng Hy Lạp mang nghĩa "trở lại", do vị trí biểu kiến của Mặt Trời dao động giữa hai chí tuyến với chu kỳ xác định độ dài của một năm.
Điều kiện tự nhiên
Đới nóng là nơi có nhiệt độ cao, Tín phong Đông Bắc & Tín phong Đông Nam thổi quanh năm từ hai dải cao áp chí tuyến về phía Xích đạo, chiếm một phần khá lớn diện tích đất nổi trên Trái Đất.
Môi trường nhiệt đới có 4 kiểu môi trường: môi trường xích đạo ẩm, môi trường nhiệt đới, môi trường nhiệt đới gió mùa, môi trường hoang mạc.
Trong sơ đồ phân loại khí hậu của Wladimir Köppen, khí hậu nhiệt đới được định nghĩa như là khí hậu phi khô cằn trong đó tất cả 12 tháng của năm có nhiệt độ trung bình trên 18°C (64.4°F).
Đặc điểm sinh vật
Động vật và thực vật nhiệt đới là các loài có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới. "Nhiệt đới" đôi khi cũng được sử dụng trong ý nghĩa chung để chỉ các khu vực nóng và ẩm quanh năm, thông thường với ý nghĩa của cây cối lá rộng, tươi tốt sum xuê. Tuy nhiên, có những khu vực nằm trong vùng nhiệt đới nhưng lại là không "nhiệt đới" theo ý nghĩa này, ví dụ các đỉnh núi có tuyết che phủ quanh năm, bao gồm Mauna Kea, núi Kilimanjaro và dãy núi Andes cũng như xa về phía nam nhất của các phần phía bắc thuộc Chile và Argentina.
Các ví dụ về các thành thị nhiệt đới
Bắc bán cầu
Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam (10,77º vĩ bắc)
Mumbai, Ấn Độ (19,1º vĩ bắc)
Manila, Philippines (14,6º vĩ bắc)
Bangkok, Thái Lan (13º45' vĩ bắc)
Nam bán cầu
Rio de Janeiro, Brazil 22º54′30″ vĩ nam
Kinshasa, Cộng hòa Dân chủ Congo 4° 19′ 30″ vĩ nam
Lima, Peru 12°2′36″ vĩ nam
Luanda, Angola 8°50′18″ vĩ nam |
Bát cương là một trong các nguyên lý trong chẩn đoán Đông y xuất xứ từ Trung Quốc. Bát cương gồm bốn cặp phạm trù:
Biểu - Lý (表裡)
Hàn - Nhiệt (寒熱)
Hư - Thực (虛實)
Âm - Dương (陰陽) |
Trên Trái Đất hay các hành tinh hoặc thiên thể hình cầu, vĩ tuyến là một đường tròn nối tất cả các điểm có cùng vĩ độ. Trên Trái Đất, đường tròn này có hướng từ đông sang tây. Vị trí trên vĩ tuyến được xác định bằng kinh độ. Một vĩ tuyến luôn vuông góc với một kinh tuyến tại giao điểm giữa chúng. Các vĩ tuyến ở gần cực Trái Đất có đường kính nhỏ hơn.
Có 5 vĩ tuyến đặc biệt trên Trái Đất. Bốn vĩ tuyến được định nghĩa dựa vào mối liên hệ giữa góc nghiêng của Trái Đất so với mặt phẳng quỹ đạo của nó quanh Mặt Trời. Vĩ tuyến thứ năm, xích đạo, nằm giữa hai cực. 5 vĩ tuyến đó là
Vòng Bắc cực (66° 33' 38" vĩ bắc)
Hạ chí tuyến (23° 26' 22" vĩ bắc)
Xích đạo (0° vĩ bắc)
Đông chí tuyến (23° 26' 22" vĩ nam)
Vòng Nam Cực (66° 33' 38" vĩ nam)
Hạ chí tuyến và đông chí tuyến là các ranh giới phía bắc và phía nam của vùng đất trên Trái Đất có thể thấy được Mặt Trời đi qua đỉnh đầu trong ít nhất một thời điểm trong năm. Vòng cực bắc và vòng cực nam là ranh giới của vùng xung quanh cực Trái Đất, nơi có thể nhìn thấy Mặt Trời trong suốt ít nhất một ngày giữa mùa hè trong năm.
Các vĩ tuyến là các đường tà hành, nhưng ngoại trừ xích đạo, chúng không phải là vòng tròn lớn, và do đó không chứa các cung là quãng đường ngắn nhất giữa các điểm, ngược với những gì nhìn thấy trên một số bản đồ nơi chúng được vẽ bằng các đường thẳng. Các chuyến bay trên bắc bán cầu giữa các điểm có cùng vĩ độ sẽ đi theo đường ngắn nhất trông giống một đường cong lệch về phía bắc trên các bản đồ như trên.
Các cung trên vĩ tuyến trên Trái Đất đôi khi được dùng làm biên giới giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ. Một vài vĩ tuyến được dùng như biên giới:
Biên giới giữa Canada và Hoa Kỳ hầu như hoàn toàn nằm trên vĩ tuyến 49° bắc, ngoại trừ phần giữa Québec và Vermont nằm trên vĩ tuyến 45° bắc.
Vĩ tuyến 38° bắc được dùng để phân chia Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc.
Vĩ tuyến 17° bắc được dùng để phân chia Việt Nam theo hiệp ước Genève.
Vĩ tuyến 60° nam được dùng để phân định biên giới cho châu Nam Cực
Trái Đất hiện tại có 181 đường vĩ tuyến (tính cả xích đạo là vĩ tuyến đặc biệt). |
Khu kinh tế Dung Quất là một khu kinh tế theo hướng mở của Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 50/2005/QĐ-TTg ngày 11 tháng 3 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về việc thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Khu Kinh tế. Đang được xây dựng ở phía đông huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam.
Chức năng
Dung Quất là Khu Kinh tế Tổng hợp, phát triển đa ngành – đa lĩnh vực:
Phát triển công nghiệp nặng bao gồm công nghiệp lọc - hoá dầu, công nghiệp luyện cán thép, đóng tàu, sản xuất xi măng, chế tạo cơ khí, thiết bị nặng, sản xuất lắp ráp ô tô,...
Phát triển công nghiệp nhẹ, chủ yếu là các ngành điện-điện tử, vật liệu công nghệ cao, dệt may, giày da, chế biến hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu,...
Phát triển dịch vụ công nghiệp; dịch vụ tài chính, ngân hàng; bảo hiểm; giáo dục đào tạo; nhà ở, vui chơi - giải trí, du lịch,...(gắn liền với thành phố Vạn Tường hiện đại với tính chất là đô thị công nghiệp - dịch vụ).
Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010
Tổng diện tích: 10300,0 ha
Theo mục đích sử dụng đất
Đất công nghiệp: 2428,9 ha
Đất hạ tầng kỹ thuật: 1779,1 ha
Đất dân cư: 1415,8 ha
Đất nông nghiệp, đồi núi, mặt hồ, bãi cát: 3930,2 ha
Mặt nước: 746,0 ha
Theo khu chức năng
Khu công nghiệp phía Tây (CN nhẹ): 2100,0 ha
Khu công nghiệp phía Đông (CN nặng): 4316,0 ha
Thành phố Vạn Tường: 3800,0 ha
Cảng Dung Quất: 746,0 ha
Khu Bảo thuế: 300,0 ha
Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2025
Theo quyết định số 998/QĐ-TTg của Thủ tướng, diện tích điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng của Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2025 lên tới 45.332ha, bao gồm phần diện tích Khu kinh tế hiện nay (10.300ha), phần diện tích mở rộng khoảng 24.280ha và khoảng 10.752 ha diện tích mặt biển.
Định hướng phát triển: Phát triển khu kinh tế Dung Quất thành Thành phố công nghiệp.
Phân kỳ phát triển
Giai đoạn đến 2010: Hoàn thành Nhà máy lọc dầu, nhà máy hoá dầu PolyPropylen, phát triển cảng dầu khí và cảng hàng hoá container cho tàu đến 30.000 DWT, phát triển đô thị Vạn Tường ở diện tích khoảng 200 ha, NM Đóng tàu giai đoạn 1, NM luyện cán thép, NM Nghiền clinker, Nhà máy chế tạo thiết bị nặng, các dự án công nghiệp nhẹ và các dự án dịch vụ - phụ trợ...
Giai đoạn II (2010-2015): Mở rộng Dung Quất lên diện tích 46 ngàn ha. Xây dựng Dung Quất theo mô hình đặc khu kinh tế hoặc Thành phố Công nghiệp. Mở rộng Nhà máy lọc dầu lên 10 triệu tấn/năm, thu hút thêm Nhà máy lọc dầu mới và phát triển tổ hợp hóa dầu tương ứng; hoàn thành 2 Nhà máy luyện cán thép 10 triệu tấn/năm, hoàn thành các nhà máy công nghiệp nặng khác (nhiệt điện, đóng tàu, chế tạo thiết bị nặng...), phát triển Cảng giai đoạn II cho tàu dầu đến 50.000 DWT, tàu hàng hoá 50.000 DWT; từng bước phát triển các dự án công nghệ cao... Phát triển đô thị Vạn Tường trên diện tích khoảng 500 ha.
Dự kiến thu hút đầu tư đến 2015
(đơn vị:triệu USD)
NM Lọc dầu (mở rộng công suất lên 10 triệu tấn): 4.000
Các NM hoá dầu quy mô lớn (PP, LAB, CB, PS, PE): 2.000
Các NM sau hoá dầu, NM hoá chất: 500
Liên hợp công nghiệp tàu thủy: 750
Các NM Xi măng: 95
2 NM Cán thép: 8.000
Các NM Công nghiệp nặng khác: 1.000
Các dự án khác: 3.000
Tổng cộng 20.245
Quy hoạch chi tiết
Phân KCN phía Đông
Phân KCN phía Tây
Cảng Dung Quất
Khu Bảo Thuế
Khu Đô thị Vạn Tường |
Tai biến mạch máu não hay đột quỵ hoặc nhồi máu não là một tình trạng y tế trong đó lưu lượng máu đến não giảm đi dẫn đến việc chết tế bào. Có hai loại đột quỵ chính: thiếu máu cục bộ, do thiếu lưu lượng máu và xuất huyết, do chảy máu. Cả hai kết quả là các phần của não không hoạt động được. Các dấu hiệu và triệu chứng của đột quỵ có thể bao gồm không có khả năng di chuyển hoặc cảm giác ở một bên của cơ thể, có vấn đề hiểu hoặc nói, chóng mặt hoặc mất thị lực sang một bên. Các dấu hiệu và triệu chứng thường xuất hiện ngay sau khi đột quỵ xảy ra. Nếu các triệu chứng kéo dài dưới một hoặc hai giờ, nó được gọi là cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA) hoặc đột quỵ nhỏ. Đột quỵ xuất huyết cũng có thể liên quan đến đau đầu dữ dội. Các triệu chứng của đột quỵ có thể là vĩnh viễn. Các biến chứng lâu dài có thể bao gồm viêm phổi hoặc mất kiểm soát bàng quang.
Yếu tố nguy cơ chính của đột quỵ là huyết áp cao. Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm hút thuốc lá, béo phì, cholesterol trong máu cao, đái tháo đường, TIA trước đó và rung tâm nhĩ. Đột quỵ do thiếu máu cục bộ thường gây ra do tắc nghẽn mạch máu, mặc dù cũng có những nguyên nhân ít phổ biến hơn. Đột quỵ xuất huyết là do chảy máu trực tiếp vào não hoặc vào khoảng trống giữa màng não. Chảy máu có thể xảy ra do phình động mạch não bị vỡ. Chẩn đoán thường dựa trên khám thực thể và được hỗ trợ bằng hình ảnh y tế như chụp CT hoặc quét MRI. Chụp CT có thể loại trừ chảy máu, nhưng có thể không nhất thiết loại trừ thiếu máu cục bộ, mà sớm không thường xuất hiện trên CT scan. Các xét nghiệm khác như một điện tâm đồ (ECG) và xét nghiệm máu được thực hiện để xác định các yếu tố nguy cơ và loại trừ nguyên nhân có thể khác. Lượng đường trong máu thấp có thể gây ra các triệu chứng tương tự.
Phòng ngừa bệnh này bao gồm việc giảm các yếu tố nguy cơ, cũng như có thể là aspirin, statin, phẫu thuật để mở các động mạch lên não ở những người bị hẹp có vấn đề và warfarin ở những người bị rung tâm nhĩ. Đột quỵ hoặc TIA thường yêu cầu chăm sóc khẩn cấp. Đột quỵ do thiếu máu cục bộ, nếu được phát hiện trong vòng ba đến bốn giờ rưỡi, có thể được điều trị bằng thuốc có thể phá vỡ cục máu đông. Bác sĩ khuyến cáo nên sử dụng Aspirin. Một số đột quỵ xuất huyết được hưởng lợi từ phẫu thuật. Điều trị để cố gắng phục hồi chức năng bị mất được gọi là phục hồi đột quỵ và lý tưởng nhất là diễn ra trong một đơn vị chữa đột quỵ; tuy nhiên, những thứ này không có sẵn ở nhiều nơi trên thế giới.
Trong năm 2013, khoảng 6,9 triệu người bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ và 3,4 triệu người bị đột quỵ do xuất huyết. Năm 2015 có khoảng 42,4 hàng triệu người trước đây bị đột quỵ và vẫn còn sống. Từ năm 1990 đến 2010, số lượng đột quỵ xảy ra mỗi năm giảm khoảng 10% ở các nước phát triển và tăng 10% ở các nước đang phát triển. Năm 2015, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong thường gặp thứ hai sau bệnh động mạch vành, chiếm 6,3 triệu người chết (11% tổng số). Khoảng 3,0 triệu ca tử vong do đột quỵ do thiếu máu cục bộ trong khi 3,3 triệu ca tử vong do đột quỵ do xuất huyết. Khoảng một nửa số người bị đột quỵ sống được dưới một năm. Nhìn chung, hai phần ba đột quỵ xảy ra ở những người trên 65 tuổi.
Ở Việt Nam, theo số liệu 2018, hằng năm có khoảng 230.000 ca mới.
Phân loại
Tai biến mạch máu não có thể được phân thành hai loại chính: thiếu máu cục bộ và xuất huyết. Đột quỵ do thiếu máu cục bộ là do nguồn cung cấp máu lên não bị gián đoạn, trong khi đột quỵ do xuất huyết là do vỡ mạch máu hoặc cấu trúc mạch máu bất thường. Khoảng 87% trường hợp đột quỵ là do thiếu máu cục bộ, phần còn lại là xuất huyết. Chảy máu có thể phát triển bên trong các khu vực thiếu máu cục bộ, một tình trạng được gọi là "biến đổi xuất huyết". Không biết có bao nhiêu đột quỵ xuất huyết thực sự bắt đầu như đột quỵ do thiếu máu cục bộ.
Định nghĩa
Vào những năm 1970, Tổ chức Y tế Thế giới đã định nghĩa đột quỵ là "tình trạng thiếu hụt thần kinh do mạch máu não gây ra kéo dài hơn 24 giờ hoặc bị gián đoạn do tử vong trong vòng 24 giờ", mặc dù từ "đột quỵ" đã có từ nhiều thế kỷ trước. Định nghĩa này được cho là để phản ánh khả năng hồi phục của tổn thương mô và được đưa ra nhằm mục đích, với khung thời gian 24 giờ được chọn tùy ý. Giới hạn 24 giờ phân chia đột quỵ với cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua, là một hội chứng liên quan đến các triệu chứng đột quỵ sẽ giải quyết hoàn toàn trong vòng 24 giờ. Với sự sẵn có của các phương pháp điều trị có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của đột quỵ khi được đưa ra sớm, nhiều người hiện nay ưa thích các thuật ngữ thay thế, chẳng hạn như đau não và hội chứng mạch máu não thiếu máu cục bộ cấp tính (mô phỏng theo cơn đau tim và hội chứng mạch vành cấp, tương ứng), để phản ánh mức độ khẩn cấp của các triệu chứng đột quỵ và nhu cầu hành động nhanh chóng.
Thiếu máu cục bộ
Trong đột quỵ do thiếu máu cục bộ, lượng máu cung cấp cho một phần não bị giảm, dẫn đến rối loạn chức năng của mô não ở khu vực đó. Có bốn lý do tại sao điều này có thể xảy ra:
Huyết khối (tắc nghẽn mạch máu do cục máu đông hình thành cục bộ)
Thuyên tắc mạch (tắc nghẽn do tắc mạch từ nơi khác trong cơ thể),
Giảm tưới máu toàn thân (giảm cung cấp máu nói chung, ví dụ như sốc)
Huyết khối xoang tĩnh mạch não.
Đột quỵ mà không có lời giải thích rõ ràng được gọi là cryptogenic (không rõ nguồn gốc); các ca này chiếm 30-40% tổng số đột quỵ do thiếu máu cục bộ.
Có nhiều hệ thống phân loại khác nhau cho đột quỵ do thiếu máu cục bộ cấp tính. Phân loại của Dự án Đột quỵ Cộng đồng Oxford (OCSP, còn được gọi là phân loại Bamford hoặc Oxford) chủ yếu dựa vào các triệu chứng ban đầu; Dựa trên mức độ của các triệu chứng, cơn đột quỵ được phân loại là nhồi máu toàn bộ tuần hoàn trước (TACI), nhồi máu một phần tuần hoàn trước (PACI), nhồi máu tuyến lệ (LACI) hoặc nhồi máu tuần hoàn sau (POCI). Bốn thực thể này dự đoán mức độ đột quỵ, vùng não bị ảnh hưởng, nguyên nhân cơ bản và tiên lượng. Phân loại TOAST (Thử nghiệm Tổ chức 10172 trong Điều trị Đột quỵ Cấp tính) dựa trên các triệu chứng lâm sàng cũng như kết quả của các cuộc điều tra thêm; trên cơ sở này, đột quỵ được phân loại là do (1) huyết khối hoặc tắc mạch do xơ vữa động mạch lớn, (2) tắc mạch bắt nguồn từ tim, (3) tắc nghẽn hoàn toàn mạch máu nhỏ, (4) nguyên nhân xác định khác, (5) nguyên nhân chưa xác định (hai nguyên nhân có thể, không xác định được nguyên nhân hoặc điều tra chưa đầy đủ). Người sử dụng các chất kích thích như cocaine và methamphetamine có nguy cơ cao bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ.
Xuất huyết
Có hai loại đột quỵ xuất huyết chính:
Xuất huyết trong não, về cơ bản là chảy máu trong chính não (khi một động mạch não bị vỡ, tràn máu vào các mô xung quanh), do xuất huyết trong nhu mô (chảy máu trong mô não) hoặc xuất huyết não thất (chảy máu trong hệ thống não thất của não).
Xuất huyết dưới nhện, về cơ bản là chảy máu xảy ra bên ngoài mô não nhưng vẫn trong hộp sọ, và chính xác là giữa màng nhện và màng mềm (lớp trong cùng mỏng manh của ba lớp màng não bao quanh não).
Hai dạng đột quỵ xuất huyết chính trên đây cũng là hai dạng khác nhau của xuất huyết nội sọ, đó là sự tích tụ của máu ở bất cứ vị trí nào trong vòm sọ; nhưng các hình thức khác của xuất huyết nội sọ, như tụ máu ngoài màng cứng (chảy máu giữa hộp sọ và màng cứng, đó là lớp ngoài cùng dày của màng não bao quanh não) và tụ máu dưới màng cứng (chảy máu trong không gian dưới màng cứng), không được coi "đột quỵ xuất huyết".
Đột quỵ xuất huyết có thể xảy ra trên nền của những thay đổi đối với mạch máu trong não, chẳng hạn như bệnh mạch máu não, dị dạng động mạch não và chứng phình động mạch nội sọ, có thể gây xuất huyết trong nhu mô hoặc dưới nhện.
Ngoài suy giảm chức năng thần kinh, đột quỵ xuất huyết thường gây ra các triệu chứng cụ thể (ví dụ, xuất huyết dưới nhện cổ điển gây ra đau đầu dữ dội được gọi là đau đầu sấm sét) hoặc tiết lộ bằng chứng của chấn thương đầu trước đó.
Các dấu hiệu và triệu chứng
Các triệu chứng đột quỵ thường bắt đầu đột ngột, trong vài giây đến vài phút và trong hầu hết các trường hợp không tiến triển thêm. Các triệu chứng phụ thuộc vào vùng não bị ảnh hưởng. Vùng não bị ảnh hưởng càng rộng thì càng có nhiều chức năng dễ bị mất. Một số dạng đột quỵ có thể gây ra các triệu chứng bổ sung. Ví dụ, trong xuất huyết nội sọ, vùng bị ảnh hưởng có thể chèn ép các cấu trúc khác. Hầu hết các dạng đột quỵ không liên quan đến đau đầu, ngoại trừ xuất huyết dưới nhện và huyết khối tĩnh mạch não và đôi khi xuất huyết não.
Nhận biết sớm
Nhiều hệ thống khác nhau đã được đề xuất để tăng khả năng nhận biết đột quỵ. Các phát hiện khác nhau có thể dự đoán sự hiện diện hoặc vắng mặt của đột quỵ ở các mức độ khác nhau. Yếu mặt đột ngột, cánh tay bị lệch (tức là nếu một người, khi được yêu cầu nâng cả hai cánh tay lên, vô tình để một cánh tay trôi xuống phía dưới) và giọng nói bất thường là những phát hiện có nhiều khả năng dẫn đến việc xác định chính xác một trường hợp đột quỵ, ngày càng tăng khả năng xảy ra bằng 5,5 khi có ít nhất một trong số này. Tương tự, khi cả ba điều này vắng mặt, khả năng đột quỵ sẽ giảm (- tỷ lệ khả năng xảy ra là 0,39). Mặc dù những phát hiện này không hoàn hảo để chẩn đoán đột quỵ, nhưng thực tế là chúng có thể được đánh giá tương đối nhanh chóng và dễ dàng khiến chúng rất có giá trị trong bệnh cảnh cấp tính.
Một phương pháp ghi nhớ để ghi nhớ các dấu hiệu cảnh báo đột quỵ là FAST (facial-arm-speech-time: xệ mặt, yếu cánh tay, khó nói và thời gian gọi dịch vụ cấp cứu), theo chủ trương của Bộ Y tế (Vương quốc Anh) và Hiệp hội Đột quỵ, Mỹ Hiệp hội Đột quỵ, Hiệp hội Đột quỵ Quốc gia (Hoa Kỳ), Màn hình Đột quỵ Trước Bệnh viện Los Angeles (LAPSS) và Thang đo Đột quỵ Trước Bệnh viện Cincinnati (CPSS). Việc sử dụng các thang đo này được khuyến nghị bởi các hướng dẫn chuyên môn. FAST ít đáng tin cậy hơn trong việc nhận biết các đột quỵ tuần hoàn sau.
Đối với những người được chuyển đến phòng cấp cứu, việc nhận biết sớm đột quỵ được coi là quan trọng vì điều này có thể đẩy nhanh các xét nghiệm chẩn đoán và điều trị. Một hệ thống tính điểm được gọi là ROSIER (ghi nhận đột quỵ trong phòng cấp cứu) được khuyến nghị cho mục đích này; nó dựa trên các đặc điểm từ bệnh sử và khám sức khỏe.
Các phân loại con
Nếu khu vực của não bộ bị ảnh hưởng bao gồm một trong ba đường hệ thống thần kinh trung ương nổi bật - bó gai đồi, ống vỏ não, và bó cột sau, các triệu chứng có thể bao gồm:
liệt nửa người và yếu cơ mặt
tê
giảm cảm giác rung hoặc cảm giác
run ban đầu (giảm trương lực cơ), sau đó thay thế bằng co cứng (tăng trương lực cơ), phản xạ quá mức và hiệp đồng bắt buộc.
Trong hầu hết các trường hợp, các triệu chứng chỉ ảnh hưởng đến một bên của cơ thể. Tùy thuộc vào phần não bị ảnh hưởng, phần não bị khiếm khuyết thường nằm ở phía đối diện của cơ thể. Tuy nhiên, vì những con đường này cũng đi trong tủy sống và bất kỳ tổn thương nào ở đó cũng có thể tạo ra những triệu chứng này, sự hiện diện của bất kỳ một trong những triệu chứng này không nhất thiết là dấu hiệu của đột quỵ. Ngoài các con đường thần kinh trung ương trên, thân não phát sinh hầu hết mười hai dây thần kinh sọ. Do đó, đột quỵ thân não ảnh hưởng đến thân não và não có thể tạo ra các triệu chứng liên quan đến sự thiếu hụt các dây thần kinh sọ sau:
thay đổi mùi, vị, thính giác hoặc thị lực (toàn bộ hoặc một phần)
sụp mí mắt (ptosis) và yếu cơ mắt
giảm phản xạ: bịt miệng, nuốt, phản ứng của đồng tử với ánh sáng
giảm cảm giác và yếu cơ mặt
vấn đề thăng bằng và rung giật nhãn cầu
thay đổi nhịp thở và nhịp tim
yếu cơ sternocleidomastoid không có khả năng quay đầu sang một bên
yếu lưỡi (không thể thè lưỡi hoặc di chuyển từ bên này sang bên kia)
Nếu có liên quan đến vỏ não, các con đường thần kinh trung ương có thể bị ảnh hưởng một lần nữa, nhưng cũng có thể tạo ra các triệu chứng sau:
mất diễn đạt ngôn ngữ (khó diễn đạt bằng lời nói, nghe hiểu, đọc và viết; thường liên quan đến lĩnh vực của Broca hoặc Wernicke)
rối loạn ngôn ngữ (rối loạn vận động lời nói do chấn thương thần kinh)
apraxia (thay đổi chuyển động tự nguyện)
khiếm khuyết trường thị giác
suy giảm trí nhớ (liên quan đến thùy thái dương)
hemineglect (sự tham gia của thùy đỉnh)
suy nghĩ lộn xộn, nhầm lẫn, cử chỉ cuồng dâm (với sự tham gia của thùy trán)
thiếu hiểu biết về khả năng của họ, thường liên quan đến đột quỵ, khuyết tật
Nếu tiểu não có liên quan, tình trạng mất điều hòa có thể xuất hiện và bao gồm:
thay đổi dáng đi
thay đổi sự phối hợp chuyển động
chóng mặt và hoặc mất cân bằng
Các triệu chứng liên quan
Mất ý thức, nhức đầu và nôn mửa thường xảy ra trong đột quỵ xuất huyết hơn là huyết khối do áp lực nội sọ tăng lên do máu bị rò rỉ chèn ép não.
Nếu các triệu chứng tối đa khi khởi phát, nguyên nhân có nhiều khả năng là xuất huyết khoang dưới nhện hoặc đột quỵ do tắc mạch.
Nguyên nhân
Đột quỵ huyết khối
Trong đột quỵ do huyết khối, huyết khối (cục máu đông) thường hình thành xung quanh các mảng xơ vữa động mạch. Vì sự tắc nghẽn của động mạch diễn ra từ từ, sự khởi phát của đột quỵ huyết khối có triệu chứng chậm hơn so với đột quỵ do xuất huyết. Bản thân một cục huyết khối (ngay cả khi nó không làm tắc hoàn toàn mạch máu) có thể dẫn đến đột quỵ do tắc mạch (xem bên dưới) nếu cục huyết khối vỡ ra và di chuyển trong máu, lúc này nó được gọi là tắc mạch. Hai loại huyết khối có thể gây đột quỵ:
Bệnh mạch máu lớn liên quan đến động mạch cảnh chung và động mạch cảnh trong, động mạch đốt sống và Vòng tròn Willis . Các bệnh có thể hình thành huyết khối trong các mạch lớn bao gồm (theo tỷ lệ giảm dần): xơ vữa động mạch, co mạch (thắt chặt động mạch), tách động mạch chủ, động mạch cảnh hoặc động mạch đốt sống, các bệnh viêm khác nhau của thành mạch máu (viêm động mạch Takayasu, viêm động mạch tế bào khổng lồ, viêm mạch), bệnh mạch máu không viêm, bệnh Moyamoya và loạn sản cơ sợi.
Bệnh mạch máu nhỏ liên quan đến các động mạch nhỏ hơn bên trong não: các nhánh của vòng tròn Willis, động mạch não giữa, thân và các động mạch phát sinh từ đốt sống xa và động mạch đáy. [38] Các bệnh có thể hình thành huyết khối trong các mạch nhỏ bao gồm (tỷ lệ mắc bệnh giảm dần): bệnh mỡ máu (sự tích tụ chất béo hyalin trong mạch máu do huyết áp cao và lão hóa) và thoái hóa fibrinoid (đột quỵ liên quan đến các mạch này được biết đến như một đột quỵ đường thủy) và microatheroma (mảng xơ vữa động mạch nhỏ). [39]
Thiếu máu hồng cầu hình liềm, có thể khiến các tế bào máu tụ lại và gây tắc nghẽn mạch máu, cũng có thể dẫn đến đột quỵ. Đột quỵ là nguyên nhân thứ hai gây tử vong ở những người dưới 20 tuổi mắc bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm. Ô nhiễm không khí cũng có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Đột quỵ tắc mạch
Tai biến mạch máu não đề cập đến tình trạng thuyên tắc động mạch (tắc nghẽn động mạch) bởi một khối thuyên tắc, một hạt di chuyển hoặc các mảnh vụn trong dòng máu động mạch có nguồn gốc từ nơi khác. Tắc mạch thường là huyết khối, nhưng nó cũng có thể là một số chất khác bao gồm chất béo (ví dụ: từ tủy xương trong xương bị gãy), không khí, tế bào ung thư hoặc các đám vi khuẩn (thường là do viêm nội tâm mạc nhiễm trùng).
Bởi vì tắc mạch phát sinh từ nơi khác, liệu pháp cục bộ chỉ giải quyết vấn đề tạm thời. Vì vậy, nguồn của thuyên tắc phải được xác định. Bởi vì sự tắc nghẽn mạch máu khởi phát đột ngột, các triệu chứng thường tối đa khi bắt đầu. Ngoài ra, các triệu chứng có thể thoáng qua vì tắc mạch được tái hấp thu một phần và di chuyển đến vị trí khác hoặc biến mất hoàn toàn.
Tắc mạch thường phát sinh nhất từ tim (đặc biệt là trong rung nhĩ) nhưng có thể bắt nguồn từ nơi khác trong cây động mạch. Trong thuyên tắc nghịch lý, huyết khối tĩnh mạch sâu gây tắc nghẽn qua lỗ thông liên nhĩ hoặc thông liên thất ở tim vào não.
Nguyên nhân đột quỵ liên quan đến tim có thể được phân biệt giữa nguy cơ cao và nguy cơ thấp:
Nguy cơ cao: rung nhĩ và rung nhĩ kịch phát, bệnh thấp khớp của bệnh van hai lá hoặc động mạch chủ, van tim nhân tạo, huyết khối tim đã biết của tâm nhĩ hoặc tâm thất, hội chứng xoang bị bệnh, cuồng nhĩ kéo dài, nhồi máu cơ tim gần đây, nhồi máu cơ tim mãn tính cùng với phân suất tống máu <28%, suy tim sung huyết có triệu chứng với phân suất tống máu <30%, bệnh cơ tim giãn, viêm nội tâm mạc Libman-Sacks, viêm nội tâm mạc Marantic, viêm nội tâm mạc nhiễm trùng, u nguyên bào sợi nhú, u tủy nhĩ trái và phẫu thuật ghép nối động mạch vành (CABG).
Nguy cơ / tiềm ẩn thấp: vôi hóa vòng (vòng) van hai lá, patent foramen ovale (PFO), phình liên nhĩ, phình liên nhĩ có patent foramen ovale, phình thất trái không có huyết khối, "khói" nhĩ trái cô lập trên siêu âm tim (không hẹp van hai lá hoặc rung nhĩ), mảng xơ vữa phức tạp ở động mạch chủ đi lên hoặc cung gần.
Trong số những người bị tắc nghẽn hoàn toàn một trong những động mạch cảnh, nguy cơ đột quỵ ở bên đó là khoảng một phần trăm mỗi năm.
Một dạng đặc biệt của đột quỵ tắc mạch là đột quỵ tắc mạch do nguồn không xác định (ESUS). Tập hợp con của đột quỵ chưa rõ nguyên nhân này được định nghĩa là một nhồi máu não không phải tuyến lệ mà không có hẹp động mạch gần hoặc các nguồn tim mạch. Khoảng một trong số sáu đột quỵ do thiếu máu cục bộ có thể được phân loại là ESUS.
Giảm tưới máu não
Giảm tưới máu não là giảm lượng máu đến tất cả các bộ phận của não. Sự giảm có thể là một phần cụ thể của não tùy thuộc vào nguyên nhân. Thông thường nhất là do suy tim do ngừng tim hoặc loạn nhịp tim, hoặc do giảm cung lượng tim do nhồi máu cơ tim, thuyên tắc phổi, tràn dịch màng ngoài tim hoặc chảy máu. Giảm oxy máu (hàm lượng oxy trong máu thấp) có thể dẫn đến tình trạng giảm tưới máu. Bởi vì sự giảm lưu lượng máu là toàn cầu, tất cả các bộ phận của não có thể bị ảnh hưởng, đặc biệt là các vùng "đầu nguồn" dễ bị tổn thương — các vùng biên giới được cung cấp bởi các động mạch não chính. Đột quỵ tưới máu đề cập đến tình trạng khi nguồn cung cấp máu đến các khu vực này bị tổn hại. Lưu lượng máu đến những khu vực này không nhất thiết phải dừng lại mà thay vào đó nó có thể giảm đến mức có thể xảy ra tổn thương não.
Huyết khối tĩnh mạch
Huyết khối xoang tĩnh mạch não dẫn đến đột quỵ do áp lực tĩnh mạch tăng cục bộ, vượt quá áp lực tạo ra từ động mạch. Những người bị nhồi máu có nhiều khả năng bị biến đổi xuất huyết (rò rỉ máu vào vùng bị tổn thương) hơn các dạng đột quỵ do thiếu máu cục bộ khác.
Xuất huyết nội sọ
Loại hình đột quỵ này thường xảy ra ở các động mạch hoặc tiểu động mạch nhỏ và thường là do tăng huyết áp, dị dạng mạch máu nội sọ (bao gồm u mạch hoặc dị dạng động mạch), bệnh mạch máu não dạng amyloid, hoặc nhồi máu trong đó xuất huyết thứ phát. Các nguyên nhân tiềm ẩn khác là chấn thương, rối loạn chảy máu, bệnh mạch amyloid, sử dụng ma túy bất hợp pháp (ví dụ: amphetamine hoặc cocaine). Khối máu tụ mở rộng cho đến khi áp lực từ mô xung quanh hạn chế sự phát triển của nó, hoặc cho đến khi nó giải nén bằng cách đổ vào hệ thống não thất, CSF hoặc bề mặt não. Một phần ba chảy máu trong não là vào não thất. ICH có tỷ lệ tử vong là 44 phần trăm sau 30 ngày, cao hơn đột quỵ do thiếu máu cục bộ hoặc xuất huyết dưới nhện (về mặt kỹ thuật cũng có thể được xếp vào loại đột quỵ ).
Khác
Các nguyên nhân khác có thể bao gồm co thắt động mạch. Điều này có thể xảy ra do cocaine.
Đột quỵ thầm lặng
Đột quỵ thầm lặng là một cơn đột quỵ không có bất kỳ triệu chứng bên ngoài nào và người bệnh thường không biết mình đã bị đột quỵ. Mặc dù không gây ra các triệu chứng dễ nhận biết, một cơn đột quỵ thầm lặng vẫn làm tổn thương não và khiến người bệnh có nguy cơ bị thiếu máu não cục bộ thoáng qua và đột quỵ lớn trong tương lai. Ngược lại, những người đã từng bị đột quỵ lớn cũng có nguy cơ bị đột quỵ thầm lặng. Trong một nghiên cứu rộng rãi vào năm 1998, ước tính hơn 11 triệu người đã trải qua một cơn đột quỵ ở Hoa Kỳ. Khoảng 770.000 ca đột quỵ trong số này có triệu chứng và 11 triệu ca là xuất huyết hoặc nhồi máu MRI im lặng lần đầu tiên. Đột quỵ âm thầm thường gây ra các tổn thương được phát hiện thông qua việc sử dụng hình ảnh thần kinh như MRI. Các cơn đột quỵ im lặng được ước tính xảy ra gấp 5 lần tỷ lệ đột quỵ có triệu chứng. Nguy cơ đột quỵ thầm lặng tăng lên theo tuổi tác, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến người trẻ và trẻ em, đặc biệt là những người bị thiếu máu cấp tính.
Dịch tễ học
Thống kê
Theo thống kê tại Đức 2006, 65.133 người chết vì tai biến mạch máu não, 7,9 % tổng số người chết. Ngoài ra bệnh này là nguyên nhân đưa đến tàn tật trung và nặng. 51 % tất cả các đột quỵ não xảy ra ở tuổi trên 75. Càng già thì nguy cơ bị tai biến càng tăng cao.
Yếu tố nguy cơ
Tăng huyết áp, hút thuốc lá, đái tháo đường, một số bệnh tim (bệnh van tim, thiếu máu cơ tim, rung nhĩ), bệnh mạch máu ngoại biên, tiền căn thiếu máu cục bộ thoáng qua, tăng thể tích hồng cầu, phụ nữ vừa hút thuốc lá vừa dùng thuốc tránh thai nội tiết tố, tăng chất béo trong máu, lạm dụng thức uống có cồn (rượu, bia), rối loạn chức năng đông máu.
Triệu chứng lâm sàng
Biểu hiện lâm sàng do nghẽn / tắc mạch hoặc do vỡ mạch khó có thể phân biệt, để chẩn đoán nguyên nhân phải dựa vào các yếu tố tiền căn, bệnh có sẵn và xét nghiệm cận lâm sàng (MRI, CT scan: là phương pháp dùng các đầu phát tia X chạy xung quanh cơ thể bệnh nhân kết hợp với một máy tính sẽ thu được hình ảnh các lớp cắt cơ thể khi xử lý qua máy tính).
Trong trường hợp điển hình, các triệu chứng xuất hiện đột ngột, tiến triển chỉ trong vài giờ (hoặc vài ngày). Trên lý thuyết, các triệu chứng thần kinh khu trú tương ứng với khu vực tưới máu của động mạch bị tổn thương, tuy nhiên do các động mạch thông nối với nhau nên có sự cấp máu bù bởi các động mạch còn nguyên, làm nhòe các triệu chứng.
Tổn thương trong bán cầu đại não (50 % các trường hợp) có thể gây ra: liệt đối bên, khởi đầu là liệt mềm, dần dần diễn tiến đến liệt cứng; giảm cảm giác đối bên; giảm thị lực cùng bên; nói khó.
Tổn thương thân não (25 %): triệu chứng đa dạng, có thể gây liệt tứ chi, rối loạn thị giác, hội chứng khóa trong (tỉnh, hiểu nhưng do liệt, không làm gì được).
Tổn thương khiếm khuyết (25 %): nhiều điểm nhồi máu nhỏ quanh hạch nền, bao trong, đồi thị và cầu não. Người bệnh vẫn ý thức, các triệu chứng có thể chỉ liên quan tới vận động hoặc cảm giác hoặc cả hai, có khi có triệu chứng thất điều.
Diễn tiến
Khoảng 20 % tử vong trong vòng 1 tháng, 5 % – 10 % trong vòng 1 năm. Khoảng 10 % hồi phục không di chứng, 25-30% tự đi lại phục vụ bản thân được, 20-25% đi lại khó khăn, cần sự hỗ trợ của người khác trong sinh hoạt, 15-25% phải phụ thuộc hoàn toàn vào người khác. Tiên lượng xấu nếu có các triệu chứng: giảm ý thức, tăng tiết đờm dãi, sốt cao ngay từ ngày đầu.
Chẩn đoán phân biệt
U não, chảy máu dưới màng cứng, liệt Todd (hội chứng thần kinh khu trú sau động kinh, hồi phục trong vòng 24 giờ). Ngộ độc do dùng thuốc quá liều, nhất là khi có triệu chứng mất tri giác.
Biến chứng, di chứng
Viêm phổi, trầm cảm, co cứng, táo bón, loét do nằm lâu, liệt nửa người, tiểu tiện không tự chủ, co cứng cơ.
Xử trí
Cần phải đưa người bệnh vào viện để được chẩn đoán và điều trị thích hợp. Đối với người bị tai biến, thời gian là vàng, mạch máu đông hoặc vỡ phải được xử lý thật nhanh để đề phòng các biến chứng như liệt toàn thân, bại não, v.v. Khi người có các triệu chứng sau cần phải chú ý và đưa đến bệnh viện ngay lập tức:
Các triệu chứng xảy ra đột ngột
Đột ngột thấy tê cứng ở mặt, tay hoặc chân – đặc biệt là tê cứng nửa người
Đột ngột nhìn không rõ (Thị lực giảm sút)
Đột ngột không cử động được chân tay (Mất phối hợp điều khiển chân tay)
Đột ngột không nói được hoặc không hiểu được người khác nói
Đầu đau dữ dội
Phụ nữ có thể có các biểu hiện đặc trưng sau:
Đột ngột đau ở mặt hoặc chân
Đột ngột bị nấc
Đột ngột cảm thấy buồn nôn
Đột ngột cảm thấy mệt
Đột ngột tức ngực
Đột ngột khó thở
Tim đập nhanh bất thường
Ghi chú: Chúng tôi nhấn mạnh chữ đột ngột để chỉ các triệu chứng xảy ra bất thường, không do các yếu tố bên ngoài.
Những việc có thể làm trước khi xe cấp cứu tới
Quan sát và hỏi bệnh nhân để biết bệnh nhân còn tỉnh táo (ý thức bình thường) hay lẫn lộn, lơ mơ hoặc hôn mê (rối loạn ý thức). Kèm theo dấu hiệu đại tiểu tiện không tự chủ chứng tỏ bệnh nhân đã mất ý thức.
Nếu bệnh nhân còn tỉnh: cần để bệnh nhân nằm yên tĩnh và gọi cấp cứu đến để đưa bệnh nhân vào bệnh viện lớn có uy tín về cấp cứu tai biến mạch máu não.
Nếu bệnh nhân hôn mê: cần xem bệnh nhân đang còn thở bình thường, thở nhanh, thở chậm, hay đã ngừng thở..., vì cấp cứu hô hấp là việc đầu tiên phải làm để đảm bảo đủ oxy cho tim và cho não. Nếu toàn bộ não thiếu oxy quá 3 phút thì dù cho cấp cứu tim đập lại cũng không cứu được não, y học gọi là mất não, hoặc chết não.
Kiểm tra nhịp tim và huyết áp ngay nếu có thể.
Đặc biệt lưu ý với người nhà hoặc người chứng kiến bệnh nhân đột quỵ não:
Bệnh nhân đột quỵ não có thể bị một trong hai dạng: chảy máu não do vỡ mạch hoặc nhồi máu não do nghẽn / tắc mạch. Hai bệnh này đối nghịch nhau hoàn toàn về nguyên nhân, cơ chế và cách điều trị. Các bác sĩ chuyên khoa cũng không thể chỉ dựa vào biểu hiện bên ngoài để xác định chẩn đoán. Vì vậy, không được mạo hiểm tự điều trị cho bệnh nhân dù chỉ là các động tác như bấm huyệt nhân trung, châm cứu, đánh gió... Những tác động đó có thể làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh của bệnh nhân mà chúng ta vô tình không biết.
Thực hiện hô hấp nhân tạo (CPR), nếu cần phải dùng miệng thổi hơi vào miệng bệnh nhân (hô hấp miệng-miệng) nếu thấy bệnh nhân ngừng thở.
KHÔNG ĐƯỢC cố di chuyển đầu, cổ bệnh nhân, trong trường hợp tai nạn, đầu hoặc cổ có thể bị gãy hoặc bị thương. Để bệnh nhân trong tư thế thoải mái. Nới lỏng quần áo.
KHÔNG ĐƯỢC cho bệnh nhân ăn hoặc uống. Tai biến khiến cho người bệnh không thể nuốt và sẽ gây nghẹn.
KHÔNG ĐƯỢC dùng ax-pi-rin (aspirin). Mặc dù ax-pi-rin có thể làm giảm cục máu đông trong trường hợp tai biến nghẽn / tắc động mạch nhưng cũng có thể gây chảy máu trong nếu là tai biến vỡ mạch máu. Nếu người bệnh đã uống ax-pi-rin trong ngày, cần phải báo với bác sĩ cấp cứu.
Thở sâu. Thở chậm và sâu giúp bệnh nhân bình tĩnh và đưa máu lên não nhiều hơn. Để người bệnh nằm xuống và nói chuyện với người bệnh để họ bình tĩnh.
Giữ đầu mát và thân ấm. Nếu có đá lạnh, có thể chấm nhẹ qua đầu người bệnh để giữ mát. Bọc đá trong khăn để không quá lạnh. Giữ mát đầu để giảm phản ứng phù nề khi tai biến và có thể giúp người bệnh đỡ cảm thấy đau đầu. Giữ thân ấm bằng áo khoác hoặc chăn sẽ giảm được nguy cơ co giật (sốc).
Có thể liên hệ với một trung tâm y tế hoặc với bác sĩ thần kinh để được tư vấn sớm trước khi đưa bệnh nhân đến bệnh viện.
Phòng ngừa
Tai biến mạch máu não hoàn toàn có thể dự đoán trước, với các biện pháp can thiệp kịp thời sẽ tránh bị xảy ra đột quỵ. Mọi người trên 50 tuổi, và có yếu tố nguy cơ đột quỵ cần kiểm tra định kỳ chuyên khoa để biết trước nguy cơ gần xảy ra đột quỵ như sau:
- Làm điện tim, siêu âm tim để xác định xem có bị hẹp van hai lá, rung nhĩ, loạn nhịp tim, cục máu quẩn trong tim hay không.
- Siêu âm động mạch chủ, động mạch cảnh; siêu âm xuyên sọ để tìm mảng vữa xơ động mạch, phình động mạch, hẹp động mạch.
- Chụp cộng hưởng từ mạch máu não(MRA), chụp CT scanner đa lớp cắt dựng mạch máu não hoặc chụp mạch số hóa xóa nền (DSA) để xác định xem có hẹp mạch máu, phình mạch, dị dạng mạch máu não hay không.
Phòng ngừa cấp 1: kiểm soát các yếu tố nguy cơ; điều trị huyết áp, kiểm soát đường huyết, lipid máu; bỏ thuốc lá; dùng thuốc kháng đông trọn đời ở những người bị thấp tim hoặc mang van tim nhân tạo ở bên tim trái. Cân nhắc khả năng dùng thuốc kháng đông ở người bị rung nhĩ mạn tính. Tiến hành đặt stent động mạch cảnh khi hẹp trên 75%, hoặc mổ bóc nội mạc động mạch cảnh, nút coils phình mạch, nút ổ dị dạng động tĩnh mạch (AVM) để tránh nguy cơ nhồi máu não hoặc chảy máu não.
Phòng ngừa cấp 2: Tiếp tục kiểm soát các yếu tố nguy cơ. Nếu là tắc mạch máu hoặc rung nhĩ mạn tính, có thể dùng aspirin hoặc warfarin. Tiến hành can thiệp mạch thần kinh khi có hẹp động trên 50%, hoặc phình động mạch não.
Công nghệ dự báo chuỗi thời gian bằng mạng nơ-ron nhân tạo còn cho phép dự báo huyết áp của bệnh nhân trong một số ngày tiếp theo căn cứ và số liệu huyết áp của bệnh nhân đó trong quá khứ.
Cách phòng ngừa tốt nhất là thường xuyên tập thể dục, bỏ thuốc lá và rượu, bia, ăn nhiều rau quả, thịt gà và cá, bớt ăn thịt đỏ (heo hoặc bò) có nhiều mỡ động vật. Béo phì là một trong những lý do đưa đến máu cao vi mạch máu thường hay bị nghẽn bất ngờ gây đến tai biến mạch máu não |
Phân loại thống kê quốc tế về các bệnh tật và vấn đề sức khỏe liên quan (tiếng Anh: International Statistical Classification of Diseases and Related Health Problems), gọi tắt là Phân loại quốc tế về bệnh tật (tiếng Anh: International Classification of Diseases, viết tắt: ICD) cung cấp mã hóa các bệnh thành những mã ngắn gọn, làm chuẩn cho công tác nghiên cứu và thực hành y học. Không những giúp ích khi bệnh nhân được chuyển từ nước này sang nước khác (tránh lỗi dịch), ở trong cùng một nước ICD cũng giúp tránh sự hiểu sai do cách dùng từ khác nhau giữa nhân viên y tế do đào tạo bởi các trường khác nhau, hoặc được đào tạo trong các thời kỳ khác nhau.
Hiện nay, nhiều quốc gia đang phát triển sử dụng ICD-9, nhưng những quốc gia phát triển đã bắt đầu sử dụng ICD-10 |
Ngày 13 tháng 11 là ngày thứ 317 trong mỗi năm thường (ngày thứ 318 trong mỗi năm nhuận). Còn 48 ngày nữa trong năm.
Sự kiện
Thế kỷ 10
926 – Vũ Uy tiết độ sứ-Đồng bình chương sự Vương Diên Hàn tự xưng là Đại Mân quốc vương, tiến hành lập cung điện, dựng bá quan, tức ngày Kỉ Sửu (6) tháng 10 năm Bính Tuất.
Thế kỷ 11
1002 – Quốc vương Anh Ethelred ra lệnh giết tất cả mọi người Đan Mạch ở nước Anh, trong sự kiện ngày nay được gọi là cuộc Tàn sát Lễ Thánh Brice.
Thế kỷ 18
1775 – Cách mạng Hoa Kỳ: Lính cách mạng dưới Đại tá Ethan Allen tấn công Montreal, đang khi Tướng Anh Guy Carleton bảo vệ thành phố. Lính Allen thiếu tổ chức và bị thua nặng.
Thế kỷ 19
1805 – Johann Georg Lahner sáng tạo bánh hot dog.
1841 – James Braid chứng kiến hiện tượng từ thứ vật lần đầu tiên, làm ông nghiên cứu thôi miên.
1851 – Nhóm Denny vào đất liền tại Mũi Alki, họ trở thành thực dân đầu tiên của Seattle, Washington ngày nay.
1887 – Người biểu tình đấu với cảnh sát vào phố Luân Đôn, trong Chủ nhật đẫm máu.
Thế kỷ 20
1908 – Andrew Fisher được trở thành Thủ tướng Úc thứ 5.
1909 – Vụ Ballinger-Pinchot bắt đầu: Tập chí Collier's kết tội Bộ trưởng nội vụ Hoa Kỳ Richard Ballinger có quan hệ đáng ngờ về những vùng mỏ than tại Alaska.
1916 – Thủ tướng Úc William Morris Hughes bị đuổi ra khỏi đảng Lao động về vụ ủng hộ chế độ cưỡng bách tòng quân.
1940 – Phim hoạt họa Fantasia được phát hành.
1941 – Chiến tranh thế giới thứ hai: Tàu sân bây HMS Ark Royal bị tàu phóng ngư lôi U 81 bắn, tàu Ark Royal chìm vào ngày 14 tháng 11.
1942 – Trận Guadalcanal, Chiến tranh thế giới thứ hai: Những phi công của USS Enterprise chìm tàu chiến nhanh Nhật Hiei.
1950 – Tướng Carlos Delgado Chalbaud bị ám sát tại Caracas (Venezuela).
1954 – Vương quốc Anh thắng Pháp để đoạt Giải Bóng bầu dục Quốc tế ở Paris trước vào khoảng 30.000 người có mặt.
1956 – Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ tuyên bố là những luật của Alabama và Montgomery bắt xe buýt phải chia riêng theo màu da không hợp pháp; quyết định này kết thúc cuộc Tẩy chay Xe buýt ở Montgomery.
1960 – Sammy Davis, Jr. đám cưới nữ diễn viên Thụy Điển May Britt. Hôn nhân giữa chủng tộc vẫn không hợp pháp ở 31 tiểu bang Mỹ.
1960 – Nhà coi phim ở Amude Syria bị đốt cháy, giết 152 người.
1961 – Vladimir Yefimovich Semichastny tiếp theo Aleksandr Nikolayevich Shelepin là chủ tịch của KGB.
1965 – Tàu SS Yarmouth Castle bị cháy và chìm cách Nassau 60 dặm, 90 người bị mất.
1969 – Chiến tranh Việt Nam: Những người chống chiến tranh tại Washington, DC biểu tình trong cuộc "Hành quân chống sự chết" tượng trưng.
1970 – Bão Bhola: cơn bão 190 km/h đổ bộ vào miền đông người châu thổ sông Hằng của Đông Pakistan (Bangladesh ngày nay), giết vào khoảng 500.000 người ban đêm. Bão Bhola được gọi là một trong những thảm họa tự nhiên nặng nhất trong thế kỷ 20.
1971 – Tàu thăm dò vũ trụ Mariner 9 được trở thành tàu vũ trụ đầu tiên đi vào quỹ đạo của hành tinh khác, nó quay trung quanh Hỏa Tinh không có sao.
1974 – Nhà hoạt động chính trị hạt nhân Karen Silkwood bị mất khi đâm xe, bà đang đi phỏng vấn nhà báo David Burnham của tờ báo The New York Times. Những tờ giấy của bà bị mất; sau đó, FBI giải quyết là những tờ giấy bị mất tình cờ, nhưng nhiều người nghi ngờ về tính công bằng của điều tra đó.
1974 – Chủ tịch PLO Yasser Arafat đưa bài diễn văn quan trọng đằng trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
1981 – Những người lái xe mô tô tổ chức Friday the 13th lần đầu tiên ở Cảng Dover, Ontario, Canada.
1982 – Cuộc thi quyền thuật chơi ở Las Vegas, Nevada kết thúc khi Ray Mancini thắng Kim Duk Koo. Ông Kim bị mất vào ngày 17 tháng 11, làm thể thảo phải thay đổi nhiều.
1982 – Đài kỷ niệm Chiến tranh Việt Nam được khánh thành ở Washington, DC sau hàng ngàn cựu chiến binh trong Chiến tranh Việt Nam hành quân tới đấy.
1985 – Núi lửa Nevado del Ruiz phun lửa và tan ra một sông băng, làm lahar (đất chảy trên núi lửa) chôn thành phố Armero, Colombia, giết vào khoảng 23.000 người.
1985 – Xavier Suarez được tấn phong là thị trưởng Miami đầu tiên sinh từ Cuba.
1990 – Trang web đầu tiên được xuất bản trên World Wide Web.
1994 – Dân Thụy Điển bỏ phiếu gia nhập Liên minh Âu Châu trong cuộc trưng cầu dân ý.
Thế kỷ 21
2001 – Kỳ Doha: Tổ chức thương mại thế giới kết thúc hội nghị 4 ngày ở Doha, Qatar.
2001 – Chiến tranh chống khủng bố: Lần đầu tiên như vậy sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush ký lệnh thiết lập tòa án quân đội để xét xử người nước ngoài nào bị nghi ngờ có liên hệ với kế hoạch khủng bố tại Hoa Kỳ.
2002 – Vụ giảm quân bị Iraq: Iraq nhận những điều khoản của Nghị quyết Hội đồng Bảo an LHQ 1441.
2002 – Tàu chở dầu Prestige chìm vào bờ biển Galicia và làm nhiều dầu chảy.
2010 - Aung San Suu Kyi được nhà cầm quyền Myanmar trả tự do sau 21 năm giam cầm tại gia.
2015 - Khủng bố IS xả súng và nổ bom tự sát tại Paris làm hơn 120 người bị thương.(Đây là vụ xả súng đẫm máu lớn nhất tại Pháp sau Chiến tranh thế giới thứ hai).
Sinh
354 – Thánh Augustinô thành Hippo, Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh.
1125 – Lục Du, nhà thơ, quan thời Nam Tống (m.1210).
1891 – Erwin Rommel, vị tướng nổi tiếng của Đức Quốc xã trong thế chiến thứ hai (m.1944).
1957 – Greg Abbott.
1934 – La Lan, nữ diễn viên Hồng Kông.
1986 – Moon Chae-won,nữ diễn viên người Hàn Quốc |
Mùa khô là thuật ngữ nói chung được sử dụng để miêu tả thời tiết tại các vùng nhiệt đới. Thời tiết tại các vùng nhiệt đới bị chi phối lớn bởi vành đai mưa nhiệt đới, nó dao động từ vùng nhiệt đới phía bắc tới vùng nhiệt đới phía nam theo chu trình của năm. Vành đai mưa nhiệt đới nằm ở Nam bán cầu khoảng từ tháng 10 tới tháng 3 năm sau, trong thời gian này Bắc bán cầu trải qua mùa khô với lượng mưa là rất nhỏ. Từ tháng 4 đến tháng 9, vành đai mưa nhiệt đới nằm ở Bắc bán cầu và vùng nhiệt đới phía nam trải qua mùa khô của nó.
Vành đai mưa nhiệt đới này kéo dài xa nhất về phía bắc tới khoảng đường hạ chí tuyến cũng như xa nhất về phía nam tới khoảng đường đông chí tuyến. Gần các vĩ độ này thì chỉ có một mùa khô và một mùa mưa mỗi năm. Ở khu vực gần xích đạo thì có hai mùa mưa và hai mùa khô do vành đai mưa đi ngang qua đây hai lần mỗi năm, một lần do vành đai mưa di chuyển về phía bắc và một lần do vành đai này di chuyển về phía nam. Giữa các vùng nhiệt đới và xích đạo, các khu vực có thể trải qua các mùa mưa dài hay ngắn. Tuy nhiên, địa hình khu vực có thể biến đổi đáng kể các mẫu hình khí hậu này.
Vành đai mưa
Vành đai mưa nhiệt đới nằm ở bán cầu nam khoảng từ tháng 10 đến tháng 3; trong thời gian đó vùng nhiệt đới phía bắc có một mùa khô với lượng mưa thưa thớt hơn, và ngày thường nắng trong suốt. Từ tháng 4 đến tháng 9, vành đai mưa nằm ở bán cầu bắc, và vùng nhiệt đới phía nam có mùa khô. Theo phân loại khí hậu Köppen, đối với khí hậu nhiệt đới, tháng mùa khô được định nghĩa là tháng có lượng mưa trung bình dưới 60 mm (2,4 in).
Vành đai mưa đạt đến gần như xa về phía bắc như Tropic of Cancer và xa về phía nam như Tropic of Capricorn. Gần các vĩ độ này, có một mùa mưa và một mùa khô hàng năm. Ở xích đạo có hai mùa ẩm ướt và hai mùa khô, khi vành đai mưa đi qua hai lần một năm, một lần di chuyển về phía bắc và một lần di chuyển về phía nam. Giữa vùng nhiệt đới và xích đạo, các địa điểm có thể trải qua một mùa ẩm ướt ngắn và dài; và một mùa khô ngắn và dài. Tuy nhiên, địa lý địa phương có thể thay đổi đáng kể các mô hình khí hậu này.
Hạn hán
Trong mùa khô, độ ẩm rất thấp, khiến một số lỗ tưới nước và sông cạn kiệt. Việc thiếu nước (và thiếu nguồn cung cấp thực phẩm) có thể buộc nhiều động vật chăn thả di cư đến những nơi màu mỡ hơn. Ví dụ về các loài động vật như vậy là: ngựa vằn, voi, hươu cao cổ, tê giác, linh dương và linh dương đầu bò, trâu nước, trâu cape, gaur, heo vòi, emu, đà điểu, rhea và kangaroo. Do thiếu nước trong thực vật, các vụ cháy rừng khá là phổ biến.
Bệnh tật
Dữ liệu cho thấy ở châu Phi khi bắt đầu mùa khô trùng với sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh sởi - mà các nhà nghiên cứu cho rằng có thể là do lượng người tập trung cao hơn vào mùa khô, vì các hoạt động nông nghiệp đều không thể thực hiện được nếu không có hệ thống tưới tiêu. Trong thời gian này, một số nông dân chuyển đến các thành phố, tạo ra các trung tâm có mật độ dân số cao hơn, và cho phép dịch bệnh lây lan dễ dàng hơn. |
Mùa mưa là thuật ngữ (từ) thông thường được sử dụng để miêu tả các mùa trong đó lượng mưa trung bình trong khu vực được tăng lên đáng kể. Nó được sử dụng chủ yếu để miêu tả thời tiết tại các khu vực nhiệt đới. Thời tiết tại khu vực này bị chi phối chủ yếu bởi chuyển động của vành đai mưa nhiệt đới, nó dao động từ các vùng nhiệt đới phía bắc tới các vùng nhiệt đới phía nam theo tiến trình của năm.
Vành đai mưa nhiệt đới nằm ở Nam bán cầu vào khoảng tháng 11 tới tháng 3 năm sau, cũng là thời gian mùa khô ở Bắc bán cầu. Mỗi ngày bắt đầu với sự nóng bức và nhiều nắng, với độ ẩm cao tích lũy trong ngày và tạo ra những trận mưa dông, mưa rào xối xả vào buổi chiều và tối. Từ tháng 4 tới tháng 10, vành đai mưa nằm ở Bắc bán cầu và các khu vực nhiệt đới phía bắc trải qua mùa mưa của mình.
Vành đai mưa nhiệt đới này kéo dài xa nhất về phía bắc tới khoảng đường hạ chí tuyến cũng như xa nhất về phía nam tới khoảng đường đông chí tuyến. Gần các vĩ độ này thì chỉ có một mùa khô và một mùa mưa mỗi năm. Ở khu vực gần xích đạo thì có hai mùa mưa và hai mùa khô do vành đai mưa đi ngang qua đây hai lần mỗi năm, một lần do vành đai mưa di chuyển về phía bắc và một lần do vành đai này di chuyển về phía nam. Giữa các vùng nhiệt đới và xích đạo, các khu vực có thể trải qua các mùa mưa dài hay ngắn. Tuy nhiên, địa hình khu vực có thể biến đổi đáng kể các mẫu hình khí hậu này.
Ở Việt Nam mùa mưa biểu hiện rõ rệt ở miền Nam, thường bắt đầu từ cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5 cho đến hết tháng 10, riêng ở khu vực duyên hải Trung Bộ từ đèo Ngang tới mũi Dinh (Hà Tĩnh - Ninh Thuận) thì lệch hẳn về thu đông từ tháng 8 đến tháng 12. Những cơn mưa dài có thể gây bão.
Cảnh video
Wet season in Bamako |
Điện di (electrophoresis) - cùng với sắc ký - là những kỹ thuật quan trọng trong lĩnh vực hóa học, hóa sinh và sinh học phân tử. Điện di thường được dùng trong việc tinh sạch và phân tích các phân tử sinh học như nucleic acid, protein và một số ít phức hợp của carbohydrat, lipid.
Nguyên lý hoạt động
Điện di là hiện tượng dịch chuyển của các vật thể mang điện tích dưới tác động của điện trường. Sự dịch chuyển này do thành phần lực điện trong lực Lorentz.
Điện di trên gel (gel electrophoresis) áp dụng trong sinh học phân tử là một kĩ thuật để phân tích các phân tử DNA, RNA hay protein dựa trên các đặc điểm vật lý của chúng như kích thước, hình dạng hay điểm đẳng điện tích (isoelectric point). Kĩ thuật này sử dụng một dung dịch đệm (buffer) để dẫn diện và tạo điện trường đều, một bản gel (thường là agarose hay polyacrylamide) đóng vai trò là thể nền để phân tách các phân tử, và các chất nhuộm khác nhau (ethidium bromide, bạc, xanh Coomassie) để phát hiện vị trí các phân tử trên gel sau khi điện di.
Kĩ thuật điện di hoạt động nhờ vào lực kéo của điện trường tác động vào các phân tử tích điện và kích thước lỗ của thể nền (gel). Gel cấu tạo bởi các chuỗi cao phân tử (polymer) được liên kết chéo với nhau tạo thành một hệ thống mạng lưới với kích thước các mắc lưới tùy thuộc vào nồng độ chất cao phân tử (agarose, polyacrylamide) và phản ứng tạo liên kết chéo. Các phân tử được phân tách khi di chuyển trong gel với vận tốc khác nhau nhờ vào sự khác nhau của (a) lực của điện trường tác động lên chúng (nếu các phân tử tích điện khác nhau) (b) kích thước của phân tử so với kích thước lỗ của gel và (c) hình dạng, độ cồng kềnh của phân tử.
Chuẩn bị gel
Gel agarose
Là một polysaccharide, thường được chiết xuất từ rong biển đỏ nhất định. Nó là một polymer tuyến tính được tạo thành từ đơn vị lặp đi lặp lại của agarobiose, là một disaccharide tạo thành từ D -galactose và 3,6-anhydro- L -galactopyranose. Agarose là một trong hai thành phần chính của thạch, và được tinh chế từ thạch bằng cách loại bỏ thành phần khác của agar, agaropectin. Agarose có cấu trúc dạng lưới ba chiều các kênh có đường kính từ 50 nm đến> 200 nm tùy thuộc vào nồng độ agarose được sử dụng - nồng độ cao hơn mang lại đường kính lỗ chân lông trung bình thấp hơn. Cấu trúc 3-D được tổ chức cùng với liên kết hydro và do đó có thể bị gián đoạn do làm nóng trở lại trạng thái lỏng.
Vì có cấu trúc dạng lưới phù hợp nên agarose thường được sử dụng trong sinh học phân tử để tách các phân tử lớn, đặc biệt là DNA, bằng điện di. Các tấm gel agarose (thường là 0,7 - 2%) đối với điện di được chuẩn bị dễ dàng bằng cách đổ dung dịch ấm, lỏng vào khuôn. Một loạt các agaroses khác nhau của trọng lượng phân tử khác nhau và tài sản là thương mại có sẵn cho mục đích này. Agarose cũng có thể được hình thành thành các hạt và được sử dụng trong một số phương pháp sắc ký để làm sạch protein.
Gel polyacrylamide
Hydrat hóa acrylonitrile dẫn đến sự hình thành các phân tử acrylamide (C 3 H 5 NO) bởi nitrile hydratase.
Acrylamide monome ở trạng thái bột trước khi bổ sung nước. Acrylamide là độc hại đối với hệ thần kinh của con người, do đó tất cả các biện pháp an toàn phải được tuân theo khi làm việc với nó.
Acrylamide hòa tan trong nước và khi bổ sung nước, nó polyme hóa dẫn đến sự hình thành polyacrylamit. Nó rất hữu ích để làm cho gel polyacrylamide thông qua acrylmide hydration vì kích thước lỗ chân lông có thể được điều chỉnh. Tăng nồng độ acrylamide dẫn đến giảm kích thước lỗ chân lông sau khi trùng hợp. Polyacrylamide gel có lỗ chân lông nhỏ giúp kiểm tra các phân tử nhỏ hơn tốt hơn vì các phân tử nhỏ có thể đi vào lỗ chân lông và di chuyển qua gel trong khi các phân tử lớn bị mắc kẹt tại các lỗ hở.
Các kỹ thuật điện di thường sử dụng
Điện di trên gel agarose
Điện di trên gel agarose là phương pháp thông thường để giải quyết DNA trong phòng thí nghiệm. Gel agarose có thấp hơn năng suất phân giải cho DNA hơn gel acrylamide, nhưng họ có phạm vi lớn hơn của tách, và do đó thường được sử dụng cho các đoạn DNA với độ dài của 50-20,000 bp (cặp base), mặc dù độ phân giải của hơn 6 Mb có thể với xung điện di gel trường (PFGE). [16] Nó cũng có thể được sử dụng để tách các phân tử protein lớn, và nó là ma trận ưu tiên cho điện di gel của các hạt có bán kính hiệu quả lớn hơn 5-10 nm.
Kích thước lỗ chân lông của gel ảnh hưởng đến kích thước của DNA có thể được thuyên giảm. Nồng độ gel càng thấp thì kích thước lỗ càng lớn, và DNA càng lớn thì càng tốt. Tuy nhiên, gel có nồng độ thấp (0,1 - 0,2%) rất mỏng manh và do đó khó xử lý, và điện di của các phân tử DNA lớn có thể mất vài ngày. Giới hạn độ phân giải của điện di gel agarose chuẩn là khoảng 750 kb. Giới hạn này có thể được khắc phục bởi PFGE, nơi mà các trường điện trực giao xen kẽ được áp dụng cho gel. Các mảnh DNA định hướng lại bản thân khi trường ứng dụng chuyển hướng, nhưng các phân tử DNA lớn hơn mất nhiều thời gian hơn để tự điều chỉnh khi điện trường bị thay đổi, trong khi điện trường nhỏ hơn, và DNA có thể được phân chia theo kích thước.
Gel agarose được đúc trong khuôn, và khi được đặt, thường chạy theo chiều ngang ngập trong dung dịch đệm. Bộ đệm Tris-acetate-EDTA và Tris-Borate-EDTA thường được sử dụng, nhưng các bộ đệm khác như Tris-phosphate, barbituric acid-sodium barbiturate hoặc Tris- barbiturate buffer có thể được sử dụng trong các ứng dụng khác. DNA thường được hình dung bằng cách nhuộm với ethidium bromide (chất hóa học có khả năng gây ung thư) và sau đó được xem dưới ánh sáng tia cực tím, nhưng các phương pháp nhuộm màu khác có sẵn, chẳng hạn như SYBR Green, GelRed, xanh methylen và tinh thể tím. Nếu các đoạn DNA tách rời là cần thiết cho thí nghiệm tiếp tục ở hạ lưu, chúng có thể được cắt ra từ gel trong lát để thao tác tiếp theo.
Điện di trên gel polyacrylamid
Kỹ thuật điện di gel polyacrylamid thường áp dụng cho protein, DNA, và các phân tử tương tự. Nguyên lý hoạt động gần giống điện di trên gel agarose. Nhờ độ phân giải tốt, gel polyacrylamid thường dùng để phân tích các phân tử DNA có kích thước và độ dài từ 50 đến 30,000 cặp base. Gel polyacrylamid có nồng độ từ 6% đến 20%, nồng độ càng lớn thì độ phân giải càng cao và ngược lại. Và độ phân giải của gel polyacrylamid luôn tốt hơn độ phân giải của gel agarose khi dùng để phân tích các phân tử với kích thước và độ dài như đã đề cập. Gel polyacrylamid thường chuyển sang gel agarose khi phân tích các phân tử DNA có độ dài hơn 30,000 cặp base. Và dung dịch đệm thường được sử dụng như Tris-borate-EDTA.
Native PAGE
SDS-PAGE: điện di đứng trên gel poly-acrylamide (PAGE) là kỹ thuật được sử dụng để phân tách các Protein/DNA/RNA trong mẫu để định tính và định lượng.
Isoelectric focusing ( Link: https://en.wikipedia.org/wiki/SDS-PAGE )
Điện di 2 chiều |
Subsets and Splits
No community queries yet
The top public SQL queries from the community will appear here once available.