text
stringlengths
0
512k
Mùa xuân là một trong bốn mùa trong năm thường được công nhận ở những vùng ôn đới và cận cực, tiếp nối mùa đông và diễn ra trước mùa hạ. Về mùa xuân có rất nhiều định nghĩa, nhưng cách sử dụng khác nhau tùy vào khí hậu, văn hóa và tập quán của mỗi khu vực. Khi ở Bắc bán cầu đang là mùa xuân thì ở Nam bán cầu sẽ là mùa thu. Vào ngày xuân phân, ngày dài xấp xỉ 12 giờ và kể từ đó trở đi quảng thời gian ban ngày bắt đầu tăng lên. Ngoài đề cập đến một mùa trong năm, mùa xuân hay "thời kỳ mùa xuân" còn thường được liên tưởng đến sự tái sinh, trẻ hóa, đổi mới, sự sống lại và tái phát triển (như thanh xuân, mang nghĩa là "tuổi trẻ"). Từ nguyên Chữ Hán: 春. Thời gian Trong thiên văn học người ta định nghĩa mùa xuân bắt đầu từ thời điểm diễn ra tiết xuân phân (khoảng ngày 21 tháng 3 ở Bắc bán cầu và ngày 23 tháng 9 ở Nam bán cầu) và kết thúc vào thời điểm diễn ra tiết hạ chí (khoảng ngày 21 tháng 6 ở Bắc bán cầu và 21 tháng 12 ở Nam bán cầu). Trong khí tượng học, để thuận tiện thì người ta tính mùa xuân bao gồm toàn bộ các tháng Ba, Tư và Năm ở Bắc bán cầu còn tại Nam bán cầu là toàn bộ các tháng Chín, Mười và Mười Một. Tuy nhiên, theo truyền thống thì lịch của một số nền văn hóa như lịch Ireland chẳng hạn, người ta tính toàn bộ các tháng Hai, Ba và Tư. Tại Việt Nam cũng như các nước khác chịu ảnh hưởng của nền văn minh Trung Hoa thì người ta tính mùa xuân bắt đầu từ thời điểm diễn ra tiết lập xuân (khoảng ngày 5 tháng 2) và kết thúc tại thời điểm diễn ra tiết lập hạ (khoảng ngày 5 tháng 5). Đặc điểm Từ "mùa xuân" được sử dụng rộng rãi trên Trái Đất để chỉ một trong bốn mùa, kể cả cho khu vực ôn đới và nhiệt đới, mặc dù đôi khi tại vùng nhiệt đới người ta cũng dùng các khái niệm mùa mưa và mùa khô thay vì bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông. Trong mùa xuân, trục tự quay của Trái Đất nghiêng tăng dần về phía Mặt Trời, và các giờ được chiếu sáng được tăng dần lên để bằng hoặc lớn hơn 12 giờ mỗi ngày và nó tăng rất nhanh ở các vĩ độ lớn. Bán cầu có mùa xuân bắt đầu được sưởi ấm một cách đáng kể, làm cho thực vật đâm chồi nở hoa. Các thông tin dưới đây đưa ra theo quan điểm định nghĩa mùa xuân trong thiên văn học và áp dụng cho các vùng ôn đới nhưng không được đúng lắm cho các vùng nhiệt đới. Tuyết (nếu có) bắt đầu tan chảy và các con sông, dòng suối được làm đầy dần lên do tuyết tan. Phần lớn các loài thực vật có hoa nở hoa trong thời gian này của năm, trong một sự nối tiếp kéo dài được bắt đầu thậm chí từ khi vẫn còn tuyết trên mặt đất và tiếp tục cho đến đầu mùa hè. Trong các khu vực thông thường có ít tuyết hoặc không có tuyết, mùa xuân có thể bắt đầu sớm vào đầu tháng Hai (Bắc bán cầu) trong những năm ấm áp, với các khu vực cận nhiệt đới có sự khác biệt không đáng kể, còn các khu vực nhiệt đới thì không có gì khác biệt đáng kể. Tại các khu vực cận kề vùng Bắc cực có thể người ta không quan sát thấy mùa xuân cho đến tận tháng Năm hay thậm chí tháng Sáu, hoặc tháng 12 ở vùng ven châu Nam Cực. Thời tiết khắc nghiệt thông thường hay xảy ra nhất trong mùa xuân, khi không khí ấm bắt đầu lan tỏa từ các vĩ độ thấp trong khi không khí lạnh vẫn còn thổi xuống từ các vùng cực. Ngập lụt cũng phổ biến nhất trong và gần các khu vực miền núi trong thời gian này của năm do tuyết tan chảy được gia tốc thêm bởi các trận mưa ấm. Tại Hoa Kỳ, hành lang lốc xoáy hoạt động tích cực nhất vào thời gian này của năm, đặc biệt là do dãy núi Rocky ngăn cản sự lan tỏa của các khối khí nóng và lạnh không cho chúng lan về phía tây và thay vì thế ép chúng va chạm trực tiếp với nhau. Ngoài ra các trận lốc xoáy, mưa dông "siêu tế bào" có thể sinh ra các đuôi lớn rất nguy hiểm và gió rất mạnh, đối với chúng các cảnh báo mưa dông khắc nghiệt hay thậm chí các cảnh báo lốc xoáy thông thường hay được đưa ra. Thông thường, các trận giông tố vào mùa xuân thường tạo ra hàng loạt các cảnh báo. Thậm chí còn nhiều hơn trong mùa đông, các trận gió xoáy đóng một vai trò quan trọng trong thời tiết khắc nghiệt vào mùa xuân. Thời tiết nóng bức có thể diễn ra vào mùa xuân, thậm chí chỉ một khoảng thời gian rất ngắn ngay sau khi thời tiết lạnh giá. Nhiệt độ trong tháng Năm có thể lên tới 30 °C (86 °F) và có thể có rủi ro của sự đột quỵ do nhiệt (chứng tăng thân nhiệt) do người ta đánh giá thấp các hiệu ứng thời tiết. Cũng có rủi ro do chứng giảm thân nhiệt nếu thời tiết đang nóng bức chuyển đột ngột sang lạnh giá giống như nó thường diễn ra trong tháng Ba và tháng Tư. Một số trận bão tuyết tồi tệ nhất diễn ra vào mùa xuân, bao gồm Đại bão tuyết 1993, sinh ra các điều kiện của bão và sau đó làm cho tuyết rơi xuống miền bắc Florida ngày 13 tháng 3, và tích tụ lại thành lớp dày tới 5ft (1,5 mét) trong nhiều khu vực của dãy núi Appalaches (Apalaxơ). Trận giông tố lớn mùa xuân năm 2003 đã tạo ra lớp tuyết dày tới 11ft (3,3 mét) tại nhiều khu vực thuộc Colorado và 3ft (90cm) ở Denver, nó tạo ra nhiều tuyết trong tháng 3 và 4 hơn so với toàn bộ mùa đông trước đó (tháng 12 tới tháng 2). Mùa bão cũng bắt đầu vào cuối mùa xuân, vào ngày 15 tháng 5 ở đông bắc Thái Bình Dương và 1 tháng 6 ở bắc Đại Tây Dương. Trước những ngày này, các trận bão hay thậm chí là áp thấp nhiệt đới cũng rất hiếm, một trong những trận áp thấp nhiệt đới sớm nhất có tên gọi là Ana đã diễn ra vào giữa tháng 4 năm 2003. Thời gian mùa xuân được coi là thời gian của sự phát triển, sự hồi sinh của cuộc sống mới (cho cả động và thực vật) và một chu kỳ sống mới lại bắt đầu. Một trong các ngày lễ quan trọng của nhiều nền văn minh trên thế giới là lễ đón mừng năm mới, diễn ra vào mùa xuân; ví dụ như Tết Nguyên Đán ở Việt Nam. Trên các hành tinh Các hành tinh có trục tự quay không vuông góc với mặt phẳng quỹ đạo đều có hiện tượng mùa, bao gồm mùa xuân. Mùa xuân ở bắc bán cầu là khoảng thời gian bắt đầu khi hành tinh nằm ở điểm xuân phân (Ls = 0°) trên quỹ đạo, và kết thúc khi nó nằm ở điểm hạ chí (Ls = 90°). Mùa xuân ở bắc bán cầu trùng với mùa thu ở nam bán cầu, và mùa xuân ở nam bán cầu trùng với mùa thu ở bắc bán cầu. Hoa Một số loại hoa nở trong mùa xuân là hoa mai, hoa đào, hoa cúc, hoa tuyết điểm, tulip, hoa loa kèn, anh túc đỏ, địa đinh,...
Hạ hay Hè ( cho chữ Hạ) là một trong bốn mùa thường được công nhận ở các vùng ôn đới và cận cực. Mùa hạ là mùa nóng nhất trong năm và thời điểm nó diễn ra rơi vào khoảng sau mùa xuân và trước mùa thu. Vào ngày hạ chí, ngày là dài nhất còn đêm thì ngắn nhất, và kể từ sau ngày hạ chí trở đi quãng thời gian ban ngày bắt đầu giảm dần. Điểm khởi đầu của mùa hè là khác nhau phụ thuộc vào khí hậu, truyền thống và văn hóa của từng quốc gia trên thế giới. Khi ở Cực Bắc đang là mùa hè thì ở Cực Nam sẽ là mùa đông và ngược lại. Từ nguyên Hạ có nguồn gốc từ chữ Hán: 夏. Trên Trái Đất Trên Trái Đất, mùa này được định nghĩa theo tập quán trong khí tượng học như là toàn bộ các tháng Sáu, Bảy và Tám ở Bắc bán cầu và toàn bộ các tháng Mười Hai, Một và Hai ở Nam bán cầu. Tại một số nước phương Tây, ngày đầu tiên của mùa hạ (ở Bắc bán cầu) rơi vào hoặc là xấp xỉ ngày 21 tháng 6 (hạ chí) hoặc vào ngày 1 tháng 6 (ngày thứ nhất là theo ý nghĩa thiên văn học, ngày thứ hai là theo ý nghĩa khí tượng học). Theo lịch Trung Quốc cổ đại, mùa hạ bắt đầu vào khoảng ngày 6 tháng 5, với tiết khí có tên gọi là 立夏 (lập hạ), tức "ngày bắt đầu mùa hè" và chấm dứt khi kết thúc tiết đại thử vào ngày 6 hoặc 7 tháng 8 dương lịch. Mùa hạ nói chung được nhìn nhận như là mùa với những ngày có thời gian ban ngày dài nhất và nóng nhất trong năm, trong đó ánh sáng ban ngày là chủ yếu, mặc dù ở các mức độ khác nhau theo vĩ độ. Ở các vĩ độ cao, thời gian chạng vạng chỉ kéo dài trong vài giờ, càng lên các vĩ độ cao hơn thì thời gian chạng vạng càng ngắn lại (nếu tính cùng một thời điểm nhất định trong mùa hạ). Đôi khi trong những ngày cận kề với ngày hạ chí thì nó có thể tạo ra những đêm trắng nổi tiếng như ở St. Petersburg và Scandinavia. Đôi khi người ta cũng gọi nó là mùa của "Mặt Trời giữa đêm" ở Bắc cực cũng như ở Iceland. Đối với nhiều người ở phương Tây, các mùa được coi là bắt đầu và kết thúc ở các điểm chí và các điểm phân theo ý nghĩa "thiên văn học". Tuy nhiên, do hiện tượng trễ mùa, thời điểm bắt đầu của mùa "khí tượng học" đến sớm hơn, vào khoảng 3 tuần so với thời điểm bắt đầu của mùa "thiên văn". Sự chênh lệch về thời gian này giữ cho định nghĩa "khí tượng học" phân chia mùa đối xứng xung quanh khoảng thời gian ấm nhất/lạnh nhất của năm hơn so với mùa "thiên văn". Ngày nay, định nghĩa "khí tượng học" là phổ biến nhất, nhưng trong quá khứ thì định nghĩa "thiên văn" là phổ biến hơn và ngày nay thì một số người vẫn thích sử dụng nó. Ngoài ra, các điểm phân và các điểm chí còn được coi là điểm phân chia giữa mùa, chứ không phải là điểm bắt đầu, chẳng hạn trong thiên văn học của người Trung Quốc và các nước xung quanh chịu ảnh hưởng thì mùa hạ bắt đầu vào khoảng ngày 6 tháng 5, với tiết khí có tên gọi là 立夏 (lập hạ), tức "ngày bắt đầu mùa hè". Trong phần lớn các quốc gia, trẻ em được nghỉ hè trong khoảng thời gian này của năm, mặc dù ngày có thể khác nhau. Một số bắt đầu vào đầu tháng Sáu, mặc dù tại Anh thì trẻ em trong độ tuổi 5-16 chỉ được nghỉ hè vào giữa tháng Bảy. Mùa hè cũng là mùa mà nhiều loại hoa quả, rau cỏ và các loại thực vật khác có sự phát triển đầy đủ nhất. Mùa hè ở một số nước Mùa hè ở Việt Nam là mùa mà học sinh được nghỉ học. Tại các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung hoc phổ thông, học sinh được nghỉ học từ cuối tháng 5 và đi học trở lại vào đầu tháng 9. Các trường cấp lớn hơn thì học sinh được nghỉ học muộn hơn và bắt đầu năm học cũng sớm hơn. Đối với lứa tuổi học sinh thì nó thường được gắn liền với hình ảnh của cây phượng vĩ và con ve cũng như là mùa của sự chia tay của các học sinh cuối mỗi cấp học. Trong nông nghiệp, mùa này cũng là mùa thu hoạch vụ chiêm xuân. Đối với những người thích du lịch thì đây là mùa phù hợp nhất để đi tắm biển hay nghỉ mát ở những vùng núi cao để tránh cái nóng oi bức. Trong công nghiệp điện ảnh của Hoa Kỳ, mùa hạ còn có tên riêng là "mùa của bom tấn". Nó là thời gian của các cạnh tranh và đem lại lợi nhuận nhiều nhất trong năm, trong đó một lượng lớn các bộ phim có đầu tư lớn (thông thường là phim hành động hay phim khoa học viễn tưởng) được khởi chiếu. Do điều này, mùa hạ thông thường được các nhà phê bình cũng như khán giả coi như là mùa của một số các phim thành công nhất cũng như là của một số phim thất bại nhất. "Mùa phim hè" kéo dài từ tuần đầu tiên của tháng Năm cho tới đầu tháng Chín, tới ngày nghỉ cuối tuần của Ngày Lao động tại Bắc Mỹ (1 tháng 9 thay vì 1 tháng 5 như toàn thế giới). Trên các hành tinh Các hành tinh có trục tự quay không vuông góc với mặt phẳng quỹ đạo đều có hiện tượng mùa, bao gồm mùa hạ. Mùa hạ ở bắc bán cầu là khoảng thời gian bắt đầu khi hành tinh nằm ở điểm hạ chí (Ls = 90°) trên quỹ đạo, và kết thúc khi nó nằm ở điểm thu phân (Ls = 180°). Mùa hạ ở bắc bán cầu trùng với mùa đông ở nam bán cầu, và mùa hạ ở nam bán cầu trùng với mùa đông ở bắc bán cầu. Quy ước giờ mùa hè Quy ước giờ mùa hè hay là giờ tiết kiệm ánh sáng ban ngày (DST) là quy ước chỉnh đồng hồ tăng thêm một khoảng thời gian (thường là 1 giờ) so với giờ tiêu chuẩn, tại một số địa phương của một số quốc gia, trong một giai đoạn (thường là vào mùa hè) trong năm. Quy ước này thường được thực hiện tại các nước ôn đới hay gần cực, nơi mà vào mùa hè, ban ngày bắt đầu sớm hơn so với mùa đông vài tiếng đồng hồ. Hạ và hè trong tiếng Việt Trong tiếng Việt hai từ "mùa hè" và "mùa hạ" (thường dùng hơn trong miền nam) được sử dụng như nhau để chỉ mùa này, nhưng ngày nay từ mùa hè có lẽ được sử dụng phổ biến hơn. Tuy nhiên, các từ "hạ" và "hè" khi nói về các vấn đề liên quan đến mùa này không phải là luôn luôn tương đương với nhau. Ví dụ người ta nói hạ chí/hạ chí tuyến mà không nói "hè chí"/"hè chí tuyến", nói lập hạ mà không nói "lập hè" hay nói nghỉ hè mà không nói "nghỉ hạ".
Trễ mùa là một hiện tượng trong đó ngày mà nhiệt độ cực đại hay cực tiểu (trung bình hàng năm) của không khí tại một vị trí địa lý nào đó trên hành tinh bị chậm lại một khoảng thời gian nào đó so với thời điểm diễn ra sự chiếu nắng cực đại hay cực tiểu tương ứng. Trên Trái Đất, trễ mùa về trung bình là xấp xỉ khoảng một tháng và sinh ra hiện tượng là thời điểm nóng nhất của mùa hè cũng như thời điểm lạnh nhất của mùa đông bị chậm lại khoảng một tháng so với thời điểm mà vị trí biểu kiến của Mặt Trời là cao nhất về phía bắc hay thấp nhất về phía nam. Hiện tượng trễ mùa trên Trái Đất chủ yếu là do sự hiện diện của một lượng lớn nước, là chất có nhiệt nóng chảy cao cho sự đóng băng và ngưng tụ. Các hành tinh khác cũng có sự trễ mùa nhưng khác với của Trái Đất. Ví dụ, Hải Vương Tinh có "năm" kéo dài bằng khoảng 165 năm của Trái Đất và sự trễ mùa của nó kéo dài khoảng 30 năm trên Trái Đất (tương đương 2 tháng 5 ngày của Trái Đất). Các hành tinh khí khổng lồ như Mộc Tinh, Thổ Tinh, Thiên Vương Tinh và Hải Vương Tinh, cũng như vệ tinh của Thổ Tinh là Titan tất cả đều có các hiện tượng trễ mùa rõ ràng tương đương với khoảng 2 đến 3 "tháng" trong "năm" theo thuật ngữ năm của Trái Đất. Ngược lại, Hỏa Tinh và Kim Tinh có trễ mùa không đáng kể (chỉ vài "ngày" theo thuật ngữ năm trên Trái Đất), hiện tượng tương tự cũng được dự kiến cho Thủy Tinh do nó không có bầu khí quyển.
Nickel, Niken hay kền là một nguyên tố hóa học kim loại, ký hiệu là Ni và số thứ tự trong bảng tuần hoàn là 28. Những đặc tính nổi bật Nickel là một kim loại màu trắng bạc, bề mặt bóng láng. Nickel nằm trong nhóm sắt từ. Đặc tính cơ học: cứng, dễ dát mỏng và dễ uốn, dễ kéo sợi. Trong tự nhiên, nickel xuất hiện ở dạng hợp chất với lưu huỳnh trong khoáng chất millerit, với asen trong khoáng chất niccolit và với asen cùng lưu huỳnh trong quặng nickel. Ở điều kiện bình thường, nó ổn định trong không khí và trơ với oxy nên thường được dùng làm tiền xu nhỏ, bảng kim loại, đồng thau, v.v.., cho các thiết bị hóa học và trong một số hợp kim như bạc Đức (German silver). Nickel có từ tính và nó thường được dùng chung với cô ban, cả hai đều tìm thấy trong sắt từ sao băng. Nó là thành phần chủ yếu có giá trị cho hợp kim nó tạo nên. Nickel là một trong năm nguyên tố sắt từ. Số oxy hóa phổ biến của nickel là +2, mặc dù 0, +1 và +3 của phức nickel cũng đã được quan sát. Ứng dụng Khoảng 65% nickel được tiêu thụ ở phương Tây được dùng làm thép không rỉ. 12% còn lại được dùng làm "siêu hợp kim". 23% còn lại được dùng trong luyện thép, pin sạc, chất xúc tác và các hóa chất khác, đúc tiền, sản phẩm đúc, và bảng kim loại. Khách hàng lớn nhất của nickel là Nhật Bản, tiêu thụ 169.600 tấn mỗi năm (2005) . Các ứng dụng của nickel bao gồm: Thép không rỉ và các hợp kim chống ăn mòn. Hợp kim AlNiCo dùng làm nam châm. Hợp kim NiFe - Permalloy dùng làm vật liệu từ mềm. Kim loại Monel là hợp kim đồng-nickel chống ăn mòn tốt, được dùng làm chân vịt cho thuyền và máy bơm trong công nghiệp hóa chất. Pin sạc, như pin nickel kim loại hydride (NiMH) và pin nickel-cadmi (NiCd). Tiền xu. Dùng làm điện cực. Trong nồi nấu hóa chất bằng kim loại trong phòng thí nghiệm. Làm chất xúc tác cho quá trình hiđrô hóa (no hóa) dầu thực vật. Lịch sử Nickel đã được dùng rất lâu, có thể từ năm 3500 trước Công nguyên. Đồng từ Syria có chứa nickel đến 2%. Hơn nữa, có nhiều bản thảo của Trung Quốc nói rằng "đồng trắng" đã được dùng ở phương Đông từ năm 1700 đến 1400 trước Công nguyên. Loại đồng trắng Paktong này được xuất sang Anh vào đầu thế kỷ XVII, nhưng hàm lượng nickel trong hợp kim này không được phát hiện mãi cho đến năm 1822. Vào thời kỳ Đức trung cổ, khoáng vật màu đỏ được tìm thấy trong Erzgebirge (núi quặng- Ore Mountains) giống như quặng đồng. Tuy nhiên, khi người thợ mỏ không thể tách ra được bất kỳ loại đồng nào từ nó, thì họ đổ lỗi cho một yêu tinh hay phá hoại trong thần thoại nước Đức.Họ gọi quặng này là Kupfernickel trong tiếng Đức Kupfer nghĩa là đồng. Quặng này hiện nay gọi là niccolit, một loại arsenide nickel. In 1751, Năm 1751, Baron Axel Frederik Cronstedt cố gắng tách đồng từ kupfernickel (), nhưng thu được một kim loại trắng mà ông gọi là nickel. In modern German, Kupfernickel or Kupfer-Nickel designates the alloy cupronickel. Tiền xu đầu tiên bằng nickel nguyên chất được làm vào năm 1881 ở Thụy Sĩ. Xuất hiện trong tự nhiên Một lượng lớn mỏ nickel chứa một trong hai quặng. Đầu tiên là quặng laterit, thành phần chính của quặng có chứa nickel là limonit (Fe,Ni)O(OH) và garnierit (nickel silicat ngậm nước (Ni,Mg)3Si2O5(OH). Quặng thứ hai là sulfide magma, thành phần chính là pentlandit (Ni,Fe)9S8. Vùng Sudbury ở Ontario, Canada sản xuất khoảng 30% sản lượng nickel trên thế giới. Mỏ tại Sudbury nằm gần vùng với chứng cứ về vụ va chạm thiên thạch lớn đã rất lâu trong lịch sử địa lý của Trái Đất. Nhiều mỏ khác được tìm thấy ở những nơi khác tại Canada, cũng như tại Nga, Nouvelle-Calédonie, Úc, Cuba và Indonesia. Những sự phát triển gần đây đã khai thác các mỏ ở tây Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt thuận lợi cho các xưởng đúc, nhà sản xuất thép, xưởng ở châu Âu. Dựa trên các bằng chứng địa lý, hầu hết nickel trên Trái Đất được cho là tập trung ở lõi Trái Đất. Tách và tinh chế Nickel có thể tái tạo bằng phương pháp luyện kim. Các quặng chứa oxide hay hydroxide được tách bằng phương pháp thủy luyện, và quặng giàu sulfide tách bằng phương pháp nhiệt luyện hoặc thủy luyện. Quặng giàu sulfide được sản xuất bằng cách áp dụng quy trình tuyển quặng. Tách nickel từ quặng của nó thuận lợi trong việc nung và giảm việc xử lý đạt hiệu suất cao với độ tinh khiết trên 95%. Quá trình tinh chế cuối cùng đạt độ tinh khiết 99,99% diễn ra bởi sự phản ứng của nickel và carbon monoxide để tạo thành nickel carbonyl. Khí này được đưa vào một bình lớn với nhiệt độ cao hơn. Nickel cacbonyl sẽ tách ra và đựng trong các quả cầu nickel. Việc tổng hợp carbon monoxide được tái tạo qua quy trình này. Nhà sản xuất nickel lớn nhất là nước Nga tách 267.000 tấn nickel mỗi năm. Úc và Canada đứng thứ hai và ba, tạo 207 và 189,3 ngàn tấn mỗi năm. Chú giải Số liệu về sản lượng và tiêu thụ được lấy từ The Economist: Pocket World in Figures 2005, Profile Books (2005), ISBN 1-86197-799-9
Vân Đồn là một huyện đảo thuộc tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam. Địa lý Huyện Vân Đồn nằm ở phía đông tỉnh Quảng Ninh, là một vùng biển nằm trong vịnh Bắc Bộ với 600 hòn đảo lớn nhỏ thuộc hai quần đảo Cái Bầu (tên cũ là Kế Bào) và Vân Hải. Đảo lớn nhất và tập trung đông dân nhất của huyện là đảo Cái Bầu (tên cũ là Kế Bào) với diện tích tự nhiên 17.212 ha, cách đất liền qua lạch biển Cửa Ông và sông Voi Lớn. Huyện lỵ của huyện là thị trấn Cái Rồng nằm trên đảo Cái Bầu, cách thành phố Hạ Long khoảng 50 km, cách Cửa Ông 7 km theo đường tỉnh lộ 334 qua cầu Vân Đồn. Quần đảo Vân Hải nằm ở rìa phía đông nam huyện, gồm các đảo lớn như: Trà Bản, Ba Mùn (Cao Lô), Cảnh Cước (Quan Lạn), Đống Chén, Thẻ Vàng, Ngọc Vừng,... và hàng trăm đảo nhỏ khác. Các đảo đều có địa hình núi đá vôi, thường chỉ cao 200–300 m so với mặt biển, có nhiều hang động karst. Vùng biển huyện Vân Đồn có vị trí địa lý: Phía đông giáp huyện đảo Cô Tô Phía tây giáp thành phố Cẩm Phả và thành phố Hạ Long Phía nam là vùng biển ngoài khơi vịnh Bắc Bộ Phía bắc giáp các huyện Tiên Yên, Đầm Hà và Hải Hà. Huyện Vân Đồn có diện tích 581,8 km², dân số năm 2019 là 46.616 người, tập trung chủ yếu ở thị trấn Cái Rồng và các xã Đông Xá, Hạ Long, Quan Lạn. Do địa hình là quần đảo chủ yếu là các đảo nhỏ, lại là núi đá vôi, nên trong toàn bộ diện tích tự nhiên của huyện, diện tích đất liền không lớn, chủ yếu là diện tích mặt biển. Huyện đảo Vân Đồn có 68% diện tích đất tự nhiên trên các đảo là rừng và đất rừng. Trên các đảo không có sông ngòi lớn mà chỉ có vài con suối trên những đảo lớn. Cũng giống như tất cả các đảo trong vịnh Bắc Bộ các đảo của huyện Vân Đồn vốn trước kia là các đỉnh núi của phần thềm lục địa, ở vị trí Tây Bắc vịnh Bắc bộ, phần kéo dài của dãy núi Đông Triều. Sau thời kỳ biển tiến, hình thành vịnh Bắc Bộ, các đỉnh núi này còn sót lại, nằm nổi trên mặt biển thành các đảo độc lập thuộc hai vùng của vịnh Bắc Bộ là vịnh Bái Tử Long và vịnh Hạ Long. Các đảo thuộc huyện Vân Đồn chỉ là một phần trong quần đảo Tây Bắc vịnh Bắc Bộ. Các ngọn núi trên các đảo của huyện tiêu biểu có: Núi Nàng Tiên ở đảo Trà Bản, trên địa phận xã Bản Sen, cao 450 m; Núi Vạn Hoa ở đảo Cái Bầu cao 397 m. Người dân địa phương thường gọi các eo biển giữa các đảo với nhau và với đất liền là sông như: sông Voi Lớn nằm giữa đảo Cái Bầu với đất liền, sông Mang ở đảo Quan Lạn. Trên địa bàn huyện có hai hồ nhỏ là hồ Voòng Tre và hồ Mắt Rồng. Lượng mưa bình quân hàng năm ở đây khoảng trên 2000 mm/năm. Hành chính Huyện Vân Đồn có 12 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm thị trấn Cái Rồng (huyện lỵ) và 11 xã: Bản Sen, Bình Dân, Đài Xuyên, Đoàn Kết, Đông Xá, Hạ Long, Minh Châu, Ngọc Vừng, Quan Lạn, Thắng Lợi, Vạn Yên. Trong đó, 7 xã, thị trấn nằm trên đảo Cái Bầu và các đảo nhỏ trong vùng biển phụ cận đảo Cái Bầu là thị trấn Cái Rồng và các xã: Đông Xá, Hạ Long, Bình Dân, Đoàn Kết, Đài Xuyên, Vạn Yên 5 xã thuộc quần đảo Vân Hải là các xã: Minh Châu, Quan Lạn, Ngọc Vừng, Bản Sen, Thắng Lợi. Giao thông Từ đất liền có thể sang đảo Cái Bầu bằng đường bộ đi qua 3 cây cầu Vân Đồn I, Vân Đồn II và Vân Đồn III. Tỉnh lộ 334 dài 40 km nối tiếp các cây cầu trên và chạy xuyên suốt 40 km trong đảo Cái Bầu. Tuy nhiên, giao thông trong huyện chủ yếu là bằng đường thủy giữa các đảo. Xã Vạn Yên (trên đảo Cái Bầu) có bến cảng Vạn Hoa, thị trấn Cái Rồng (trên đảo Cái Bầu) có cảng Cái Rồng, có thể cho xà lan, tàu thuyền tải trọng hàng trăm tấn ra vào dễ dàng, đồng thời là đầu mối giao thông qua lại giữa các đảo. Năm 2020, khai trương đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn đi qua. Ở đây còn có sân bay Vân Đồn hiện đã được đưa vào khai thác. Trên các đảo Trà Bản, Ngọc Vừng, Quan Lạn có những đoạn đường ô tô dùng cho quân sự và lâm nghiệp, nhưng chỉ là các đoạn đường trong nội bộ các đảo. Còn giữa các đảo với nhau và với đất liền chủ yếu vẫn dùng phương tiện giao thông đường thủy. Lịch sử Con người đã có mặt trên các đảo của huyện Vân Đồn từ rất sớm. Di chỉ khảo cổ ở đây có mật độ đậm đặc. Hang Soi Nhụ là một di chỉ thuộc trung kỳ đồ đá mới, trước cả văn hóa Hạ Long. Tại thôn Đá Bạc xã Minh Châu có di chỉ mộ cổ thời Hán. Tên Vân Đồn có nguồn gốc từ tên núi Vân (núi có mây phủ) ở làng Vân (nay thuộc xã Quan Lạn) nằm trong tuyến đảo ngoài Vân Hải. Do ở cửa ngõ của vùng quần đảo hiểm yếu nên, theo sử sách, năm 980 ở đây đã có đồn Vân, trấn giữ vùng biển Đông Bắc, của quân đội nhà Tiền Lê. Sang triều Lý năm 1149 vua Lý Anh Tông chính thức lập trang Vân Đồn, đồng thời Vân Đồn biến thành thương cảng đầu tiên của Đại Việt, trong giao thương với các nước trong khu vực Đông Á và Thế giới như: Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia... Thương cảng Vân Đồn thịnh vượng suốt 3 triều đại là: Lý - Trần - Hậu Lê (Lê sơ) rồi suy thái và bị lãng quên vào thời nhà Mạc. Di tích Thương cảng Vân Đồn còn lại vừa chứa đựng dấu ấn của nhà Trần về chiến công chống nhà Nguyên lại vừa có dấu ấn về giao thương, buôn bán. Trận Vân Đồn năm 1288 trên dòng sông Mang (Quan Lạn) gắn liền với tên tuổi của danh tướng Trần Khánh Dư. Dưới sự chỉ huy của ông, quân dân nhà Trần đã đánh tan đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ, góp phần quan trọng vào chiến thắng chung của trận Bạch Đằng năm 1288. Sau khi Thương cảng Vân Đồn được hình thành từ thời Lý (1149), đến thời Trần đã phát triển tới hưng thịnh. Các bến thuyền cổ trung chuyển hàng hoá gồm hương liệu, gốm sứ, lâm thổ sản hình thành dọc ven sông Bạch Đằng, Cửa Lục cho tới các đảo Cống Đông, Quan Lạn. Tại đảo Cống Đông (nay là xã Thắng Lợi), các nhà khảo cổ đã tìm thấy dấu tích của nhiều công trình kiến trúc Phật giáo quy mô thời Trần như chùa, tháp, nhiều di vật bia đá, lan can, chân kê cột... Đây là những minh chứng rõ nhất cho sự phát triển phồn thịnh về thương mại dưới triều nhà Trần. Trong quá trình lịch sử thì Vân Đồn đã nhiều lần thay tên và có lúc là huyện, lúc là châu. Đến tháng 12 năm 1948 thì Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định thành lập huyện Cẩm Phả (được tách ra khỏi thị xã Cẩm Phả). Huyện Cẩm Phả khi đó gồm 12 xã: Hồng Thanh, Vân Hải, Minh Châu, Tam Khê, Thi Đua, Thụy Hà, Tràng Xá, Đoàn Kết, Lương Hà, Hạ Long, Đông Hà, Xuyên Yên. Ngày 6 tháng 3 năm 1957, chia xã Vân Hải thành 4 xã: Quan Lạn, Bản Sen, Ngọc Vừng, Minh Châu. Ngày 12 tháng 12 năm 1957, thành lập xã Vạn Hoa. Từ ngày 30 tháng 10 năm 1963, hai tỉnh Quảng Yên và Hải Ninh hợp nhất thành tỉnh Quảng Ninh, huyện Vân Đồn trực thuộc tỉnh Quảng Ninh. Ngày 16 tháng 7 năm 1964, sáp nhập hai xã Cô Tô và Thanh Lân trực thuộc tỉnh Quảng Ninh vào huyện Cẩm Phả. Ngày 26 tháng 9 năm 1966, sáp nhập xã Tân Hải thuộc thị xã Hồng Gai và xã Thắng Lợi thuộc thị xã Cẩm Phả vào huyện Cẩm Phả. Ngày 16 tháng 1 năm 1979, sáp nhập xã Văn Châu vào xã Cộng Hòa và chuyển xã này về thị xã Cẩm Phả quản lý. Ngày 10 tháng 9 năm 1981, thành lập thị trấn Cái Rồng, sáp nhập xã Tân Hải vào xã Ngọc Vừng và sáp nhập xã Thạch Hà vào các xã Đông Xá, Hạ Long và thị trấn Cái Rồng. Ngày 16 tháng 4 năm 1988, sáp nhập xã Vạn Hoa vào xã Vạn Yên. Cuối năm 1993, huyện Cẩm Phả có 1 thị trấn Cái Rồng và 13 xã: Bản Sen, Bình Dân, Cô Tô, Đài Xuyên, Đoàn Kết, Đông Xá, Hạ Long, Minh Châu, Ngọc Vừng, Quan Lạn, Thắng Lợi, Thanh Lân, Vạn Yên. Đến ngày 23 tháng 3 năm 1994, huyện Cẩm Phả được đổi tên thành huyện Vân Đồn như hiện nay. Đồng thời, tách 2 xã Cô Tô, Thanh Lân để thành lập huyện đảo Cô Tô. Ngày 21 tháng 8 năm 2015, Bộ Xây dựng ban hành Quyết định số 973/QĐ-BXD công nhận thị trấn Cái Rồng mở rộng là đô thị loại IV. Kinh tế Nền kinh tế của Vân Đồn chủ yếu là kinh tế biển và khai thác khoáng sản bao gồm: nuôi trồng và đánh bắt hải sản, trồng và khai thác lâm nghiệp, dịch vụ du lịch biển, khai thác than, đá vôi, cát trắng, sắt, vàng sa khoáng. Kinh tế lâm nghiệp suy giảm do khai thác cạn kiệt, tốc độ trồng lại rừng không theo kịp tốc độ khai thác. Vùng biển của huyện có nhiều chủng loại hải sản quý như: tôm he, cá mực, sá sùng, cua, ghẹ, ngọc trai, bào ngư... Nghề khai thác hải sản có từ lâu đời, song chủ yếu là đánh bắt trong lồng bè và ven bờ, chỉ từ năm 1995 tới nay mới phát triển đánh bắt xa bờ. Việc nuồi trồng thủy sản, đặc biệt là nghề nuôi cấy ngọc trai, từ năm 1990 mới phát triển mạnh. Sản lượng hải sản đánh bắt và nuôi trồng vào đầu những năm 1990 tăng từ 2-3 nghìn tấn/năm lên 5-6 nghìn tấn/năm. Công nghiệp khai khoáng gồm: than đá đã được khai thác từ thời Pháp thuộc ở mỏ than Kế Bào. Trữ lượng hiện còn khoảng 107 triệu tấn. Mỏ quặng sắt Cái Bầu có trữ lượng lớn khoảng 154.000 tấn. Mỏ cát trắng Vân Hải có trữ lượng trên 13 triệu tấn, hiện đang khai thác với sản lượng 20.000 tấn/năm. Vàng sa khoáng vàng trong đới quặng sắt có ở đảo Cái Bầu. Huyện đảo Vân Đồn, nằm ôm trọn vùng vịnh Bái Tử Long, có nhiều đảo đá vôi và những hang động đẹp, lại nối liền với vịnh Hạ Long, di sản thế giới. Các xã đảo tuyến ngoài giáp vịnh Hạ Long (tuyến đảo Vân Hải) có nhiều bãi tắm đẹp, nhiều hải sản ngon, khí hậu trong lành và những di tích lịch sử văn hóa, có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế dịch vụ du lịch. Rừng trên nhiều đảo xưa kia có nhiều lâm sản quý, trong đó có nhiều loại cây gỗ quý như gỗ lim, gỗ táu, gỗ nghiến, gỗ mun... nhưng đang cạn kiệt do tốc độ khai thác cao hơn tốc độ tái sinh. Cây gỗ mần lái là lâm sản đặc hữu ở đây. Đình làng Quan Lạn được làm hoàn toàn từ loại gỗ này. Trong rừng có nhiều chim thú quý (khỉ lông vàng, vẹt đầu bạc, đại bàng đất, công trĩ, hươu sao...), nhiều loài có số lượng không nhiều được ghi vào sách đỏ thế giới. Nhưng ngày nay, lâm sản đã suy giảm nghiêm trọng: Rừng Ba Mùn là một khu rừng nguyên sinh từng được quy định là vườn quốc gia, nhưng sau bị khai thác bừa bãi đã suy giảm thể chất. Để thay thế và nâng cấp phạm vi bảo vệ nguồn sinh quyển quý hiếm, Chính phủ quy định toàn bộ rừng nguyên sinh trên các đảo vùng vịnh Bái Tử Long (kể cả các đảo thuộc thành phố Cẩm Phả và thành phố Hạ Long) mới được gọi là vườn quốc gia, đó là vườn quốc gia Bái Tử Long. Toàn huyện có trên 2.000 ha rừng trồng chủ yếu là rừng thông, sa mộc, bạch đàn. Việc trồng rừng này không thể khôi phục hoàn toàn sự đa dạng sinh học đã mất do khai thác rừng nguyên sinh, mà chỉ phần nào cải thiện cảnh quan môi trường. Đất nông nghiệp của toàn huyện rất hẹp (1.242 ha) trong đó: đất trồng lúa chưa đến 600 ha, và gần 100 ha cây ăn quả. Đất nông nghiệp lại là đất bạc màu, trên núi đá lại pha cát, thiếu nước tưới vì ít sông hồ nên năng suất thấp. Tổng sản lượng lương thực hàng năm chưa đến 5.000 tấn quy thóc. Tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện có các nghề đóng thuyền, sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ mộc, chế biến hải sản. Khu kinh tế Vân Đồn được Chính phủ phê duyệt thành lập từ năm 2007 và hiện đang được triển khai xây dựng các cơ sở hạ tầng. Theo quy hoạch, đây sẽ là một trung tâm du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao và dịch vụ cao cấp, đồng thời là trung tâm hàng không, đầu mối giao thương quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế ở Vân Đồn nói riêng và Quảng Ninh nói chung. Du lịch Vườn Quốc gia Bái Tử Long Vườn quốc gia Bái Tử Long được thành lập năm 2001, trên cơ sở nâng cấp khu Bảo tồn thiên nhiên Ba Mùn về quy mô khu vực bảo vệ. Không chỉ là khu bảo tồn sinh quyển trên cạn, mà vườn quốc gia Bái Tử Long còn là nơi bảo vệ nguồn sinh vật ven biển của Việt Nam. Các di chỉ khảo cổ và kiến trúc cổ Hang Soi Nhụ Di chỉ mộ thời Hán tại thôn Đá Bạc Hệ thống các bến bãi thương cảng cổ Vân Đồn: bến Cái Làng, bến Cống Cái, bến Con Quy, bến Cái Cổng, bến Cống Yên, bến Cống Hẹp, bến Gạo Rang… và bến Cống Đông, nằm ven những lạch nước sâu, rộng và lặng sóng được gọi là sông nhưng không phải sông, đó là: sông Mang, sông Cống Đông, sông Voi Lớn,... Đình làng Quan Lạn Hệ thống hang động Karst và đảo đá kỳ thú Đảo hòn Đũa Đảo hòn Thiên Nga Hang Soi Nhụ Các bãi tắm biển hoang sơ Từ hòn Thiên Nga ra khơi thêm 15 km, sẽ tìm thấy một chuỗi những bãi tắm nguyên sơ toàn một màu cát trắng, phẳng mịn dài hàng chục cây số trên một chuỗi các đảo Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng. Những bãi tắm này đều thoải và rộng hàng trăm mét kể từ bờ, độ sâu vừa phải nước chỉ tới ngang ngực. Chú thích
Đài thiên văn Paris (tiếng Pháp: Observatoire de Paris hay tên mới hơn Observatoire de Paris-Meudon) là một đài thiên văn của Pháp nằm ở quận 14 thành phố Paris. Đây là một trong số các trung tâm nghiên cứu thiên văn lớn của thế giới. Về mặt hành chính, nó được xếp vào "grand établissement" (cơ quan lớn) trực thuộc Bộ giáo dục của Pháp, với chức năng giống một trường đại học, bao gồm: Nghiên cứu thiên văn học và vật lý thiên văn Đào tạo các bậc sau đại học (gồm tiến sĩ) về ngành này Phổ biến kiến thức cho cộng đồng Đây là nơi đặt trụ sở của Phòng Thời gian Quốc tế. Đài thiên văn này còn duy trì một trạm quan sát Mặt Trời ở Meudon và một trạm quan sát radio ở Nançay. Lịch sử Việc hình thành đài thiên văn này xuất phát từ tham vọng của Jean-Baptiste Colbert để mở rộng quyền lực trên biển và trong thương mại quốc tế của Pháp trong thế kỷ 17. Louis XIV khởi động việc xây dựng từ năm 1667, và công trình hoàn thành năm 1671. Kiến trúc sư thiết kế có thể là Claude Perrault người anh em của một thư ký cho Colbert. Các thiết bị quang học đã được cung cấp bởi Giuseppe Campani. Đài thiên văn này được mở rộng nhiều lần trong lịch sử vào các năm 1730, 1810, 1834, 1850 và 1951. Lần mở rộng cuối cùng là xây thêm phòng kinh tuyến thiết kế bởi Jean Prouvé. Niên lịch đầu tiên của thế giới được xuất bản tại đây, dưới tiêu đề Connaissance des temps (Kiến thức về thời gian), năm 1679, sử dụng hiện tượng các vệ tinh của Sao Mộc bị khuất bóng sau hành tinh này để hỗ trợ hoa tiêu hàng hải và hình thành kinh tuyến. Năm 1863, xuất bản bản đồ thời tiết hiện đại đầu tiên. Năm 1882, một máy thiên họa dùng thấu kính đường kính 33 cm được lắp đặt, phục vụ cho dự án quốc tế Carte du Ciel (Bản đồ bầu trời). Các giám đốc Giovanni Cassini: 1671-1712 Jacques Cassini: 1712-1756 César-François Cassini de Thury: 1756-1784 Dominique, comte de Cassini: 1784-1793 Joseph Jérôme Lefrançais de Lalande: 1795-1800 Pierre Méchain: 1800-1804 Jean Baptiste Joseph Delambre: 1804-1822 Alexis Bouvard: 1822-1843 François Arago: 1843-1853 Urbain Le Verrier: 1854-1870 Charles-Eugène Delaunay: 1870-1873 Urbain Le Verrier: 1873-1877 Amédée Mouchez: 1878-1892 Félix Tisserand: 1892-1896 Maurice Loewy: 1896-1907 Benjamin Baillaud: 1908-1926 Henri-Alexandre Deslandres: 1926-1929 Ernest Esclangon: 1929-1944 André Danjon: 1945-1963 Jean-François Denisse 1963–1967 Jean Delhaye 1967–1971 Raymond Michard 1971–1976 Jacques Boulon 1976–1981 Pierre Charvin 1981–1991 Michel Combes 1991–1999 Pierre Couturier 1999–2003 Daniel Egret 2003-2011 Claude Catala 2011-nay
[[Tập tin:Rhino poaching.jpg|nhỏ|300px|Hai mẹ con tê giác trắng, bị giết chết bởi thợ săn trộm sừng tê giác.]] Chết còn gọi là mất, qua đời, băng hà, ra đi, tử, tử vong, bán muối, đã khuất, khuất mày khuất mặt, khuất núi,... (Tiếng Anh: die, pass away) thông thường được xem là sự chấm dứt các hoạt động của một sinh vật hay ngừng vĩnh viễn mọi hoạt động sống (không thể phục hồi) của một cơ thể. Tuy nhiên, định nghĩa của sự chết còn tùy thuộc vào các quan điểm tôn giáo, tín ngưỡng cũng như các lĩnh vực liên quan. Trong y học, Chết là sự Chấm dứt vĩnh viễn của mọi hoạt động sống như hô hấp, trao đổi chất hay sự phân chia các tế bào. Môn khoa học nghiên cứu về cái chết đã trở thành ngành riêng gọi là "tử vong học" (tiếng Anh: thanatology; tiếng Hy Lạp: θάνατολογια thnatologia). Người ta chia chết ra làm hai loại: chết lâm sàng mà các phương pháp khám lâm sàng cho phép xác định là chết (tim ngừng đập, ngừng thở, mất tri giác, vv.); Chết thật, khi các mô không còn hoạt động được nữa và bắt đầu phân hủy.Persons, Humanity, and the Definition of Death - Page 23, John P. Lizza - 2006 Những ca tử vong phổ biến ở con người là bệnh tim, tiếp theo là tai biến mạch máu não, và xếp thứ 3 là nhiễm trùng đường hô hấp dưới. Trong xã hội loài người, bản chất của cái chết và sự nhận thức của con người về cái chết là các mối quan tâm qua hàng thiên niên kỷ của thế giới tôn giáo và triết học. Điều này bao gồm niềm tin vào sự sống lại (theo các tôn giáo khởi nguồn từ Abraham), tái sinh (theo các tôn giáo Ấn Độ), hoặc ý thức rằng vĩnh viễn không còn tồn tại, được gọi là lãng quên theo chủ nghĩa vô thần. Từ liên quan Khái niệm và các triệu chứng của cái chết, và mức độ khác nhau của sự tinh tế được sử dụng trong thảo luận đã tạo ra vô số từ nghĩa bóng dùng trong khoa học, pháp lý và xã hội mô tả cái chết. Khi thông báo một người đã chết, có thể nói họ đã qua đời, từ trần, đi xa, hoặc đã mất, ngoài ra còn có rất nhiều từ khác được xã hội chấp nhận, hoặc có các từ khác dùng trong tôn giáo hay tiếng lóng như: Bị tước quyền sống, người chết hết chuyện, về với ông bà, hai năm mươi, về với đất, ngủ với giun v.v... Các từ mô tả việc thối rữa của thịt cũng có thể được sử dụng để nói về cái chết, mặc dù chúng thường được dùng cho các loài động vật mà không phải con người. Để tỏ thái độ lịch sự với một người đã chết, việc dùng từ chết theo nghĩa bóng đã trở thành phổ biến. Cách diễn đạt sự "chết" Trong hầu hết các xã hội, cái chết thường được gắn liền với một số biểu tượng nào đó. Ở nhiều nền văn minh phương Đông, màu trắng là màu của tang lễ; ngược lại, ở phương Tây, màu tang là màu đen, biểu tượng của cái chết là vị thần chết với chiếc lưỡi hái nổi tiếng. Mồ mả cũng là những hình ảnh hoán dụ thường gặp khi đề cập đến cái chết. Dưới góc độ sinh học, cái chết có thể xảy ra cho toàn bộ cơ thể hoặc chỉ một vài thành phần của cơ thể.Ví dụ, một số tế bào riêng lẻ hoặc thậm chí một vài cơ quan có thể chết, trong khi cơ thể, với tư cách là một tổng thể, vẫn tiếp tục sống. Trong cơ thể sinh vật, rất nhiều tế bào có tuổi thọ rất ngắn so với đời sống của cơ thể, chúng chết đi và được thay thế bởi các tế bào mới - đó là quá trình đổi mới thường xuyên các tế bào, một đặc điểm sinh lý của các cơ thể đa bào. Ngược lại, khi một cơ thể chết đi, các tế bào của nó chỉ có thể sống thêm một giai đoạn ngắn. Các cơ quan có thể được lấy ra khỏi cơ thể để thực hiện việc ghép tạng - trong trường hợp này, tạng được ghép phải nhanh chóng đem ghép, nếu không nó sẽ chết do không được cung cấp các chất cần thiết để duy trì hoạt động sống. Trong một số hiếm các trường hợp, tế bào có thể "bất tử", chẳng hạn dòng tế bào Hela (tức Henrietta Lacks, một bệnh nhân đã hiến các tế bào của cơ thể mình cho khoa học). Tóc và móng có vẻ mọc dài thêm sau khi chết, thật ra, khi xác chết bị mất nước (bắt đầu "khô đi"), mô mềm co rút lại làm lộ ra phần tóc và móng chưa mọc. Thời cổ đại, chuyện này khiến người ta xác định nhầm lẫn thời điểm chết thật sự, và thêu dệt thêm vào đó để thành các truyền thuyết về ma cà rồng. Tính không thể đảo ngược thường được xem là tính chất chủ yếu của sự chết. Theo định nghĩa, một cơ thể chết không thể sống lại; nếu có chuyện chết đi sống lại (hồi sinh), điều đó có nghĩa là lần đó không phải là chết. Tuy nhiên, nhiều người không tin rằng cái chết nhất định là không đảo ngược được; bằng tín ngưỡng, họ cho rằng có sự phục sinh của linh hồn, thậm chí của thể xác. Một số người khác còn hi vọng vào một viễn cảnh trong đó nhờ vào sự giữ đông xác chết và các phương tiện kỹ thuật khác, người chết có thể được làm sống lại trong tương lai. Có giả thuyết cho rằng tuổi thọ hạn chế của sinh vật là một hệ quả của quá trình tiến hóa. Ở hầu hết các loài, tự nhiên đã không cho sinh vật một tuổi thọ cực cao, thay vào đó, tiến hóa đã tập trung vào sự sinh sản; sau khi thực hiện chức năng duy trì nòi giống, ngoại trừ vì lý do bảo vệ con, cuộc sống của một cá thể sinh vật không có ý nghĩa mấy trong sự trường tồn của dòng gen của nó. Một lối giải thích phổ biến khác là theo nguyên lý thứ hai của nhiệt động học, tất cả các hệ thống phức tạp cuối cùng đều phải tan rã, do đó không loài nào có thể bất tử được. Tuy nhiên, nguyên lý này chỉ áp dụng được cho các hệ kín, trong khi cơ thể sinh vật lại là những hệ mở. Trong thế giới động vật, loài sứa Turritopsis nutricula không bao giờ biết đến cái chết là gì. Những cách gọi tên về "sự chết" Như là một đặc trưng của tiếng Việt, ngôn từ chuyên chở cả thái độ, tình cảm của người nói, nên để nói về cái chết,, Nhà nghiên cứu Bằng Giang đã khẳng định thống kê được hơn 1.001 cách diễn đạt về từ chết. dưới đây chỉ liệt kê một số: Kính trọng: từ trần, tạ thế, khuất núi, quy tiên, yên nghỉ muôn đời, qua đời, mất, đi xa, ra đi, ra đi vĩnh viễn, ra đi mãi mãi, yên nghỉ, từ giã cõi đời, trút hơi thở cuối cùng, "thôi đã thôi rồi", thác, quyên sinh, băng hà (dùng cho vua chúa), hi sinh, ngã xuống, nằm xuống, nằm lại, tử trận, tuẫn tiết, vị quốc vong thân (vì nước mà chết), thịt nát xương tan, rơi đầu (trong chiến đấu), không còn nữa, về với tổ tiên, về cùng cha ông, về với đất mẹ, về nơi an nghỉ cuối cùng, về nơi cửu huyền, về nơi chín suối, chết đứng (còn hơn sống quỳ), tôi ra đi lần cuối, làm ma nước Nam còn hơn làm vua đất Bắc, viên tịch (đối với các nhà sư),... Kiêng kị: vĩnh biệt, trăm tuổi già, đi (ra đi), sang bên kia thế giới, tim của... đã ngừng đập, giấc ngủ vĩnh viễn, đi vào giấc ngủ ngàn thu, an giấc ngàn thu, trở thành người thiên cổ, ngày không còn..., đi vào dĩ vãng,... Tín ngưỡng, tôn giáo: viên tịch (Tăng sĩ Phật giáo), vãng sanh Cực Lạc, về An Dưỡng quốc (cõi Cực Lạc), cao đăng Phật quốc, vãng sanh Tịnh Độ, về gặp Phật được Phật Thọ ký (xoa đỉnh đầu), từ giã Ta-bà sinh lên Tịnh Độ, về với Chúa, về nhà Cha (về nước Chúa), Chúa gọi về, được Chúa truyền ra khỏi đời này về với Chúa, hẹn gặp lại trong Nước Trời, quy tiên, về trời, thăng thiên, hồn lìa khỏi xác, hóa kiếp, mãn phần, xuống suối vàng, trở về với cát bụi, chết không nhắm mắt, từ đất mà ra sẽ về với đất, về với đất mẹ,... Trung lập: chết, qua đời, tử vong, thiệt mạng, tử (Hán-Việt), tắt thở (chết lâm sàng), chết tốt, bị giết, bị diệt, bất đắc kỳ tử, đột tử, chết ngay, chết non, chết yểu, chết trẻ, chết già (theo độ tuổi), chết đuối, chết chìm, chết cháy, chết khô, chết héo, chết tươi, chết chắc, chết ngột, chết ngạt, chết đói, chết bệnh, chết bất đắc kỳ tử (theo nguyên nhân), chết chùm, chết oan, chết tập thể, chết chém, chết ngay tại chỗ... Thân phận: lìa đời, về với đất, chầu ông bà (vải), chầu trời, chầu tổ tiên, chầu Diêm vương (Diêm chúa), tuyệt mệnh (mạng), tới số, hết số, gan óc lầy đất, da ngựa bọc thây, đầu lìa khỏi cổ, nhắm mắt xuôi tay, xuống lỗ, xanh cỏ, đi gặp cụ Các Mác và cụ Lê-nin, (thà) làm ma nước Nam, (nguyện) làm ma họ (...), lên bàn thờ ăn xôi... Không tôn trọng: lụm, rồi đời, xong đời, ngoẻo, ngủm, ngủm củ tỏi, ngủm cù đèo, tiêu, tiêu đời, toi đời, tiêu tán đường, toi mạng, tèo, lên đường, ăn đất, đi đứt, đi toi, đứt bóng, vào hòm, vào xăng, vào 6 tấm váng, xuống mồ, đi đời, đi đời nhà ma, đi tong, rũ xương, đền tội, đền mạng (có ân oán), tan xương nát thịt, vong mạng, bỏ mạng, banh xác, bỏ xác (trong chiến đấu), chết tươi, chết toi, chết bằm, chết trôi, lên bàn thờ, lên bàn thờ ngồi chơi, đi buôn muối, chết không toàn thây, chết không kịp ngáp (tình trạng chết), "đai" (tiếng lóng phiên âm của từ die), ngồi lên bàn thờ ngắm gà khỏa thân, "R.I.P." (Rest In Peace) (không có sự tôn trọng khi dùng để đùa giỡn, nhưng ý nghĩa thực sự của R.I.P là sự tôn trọng đối với cái chết), đi Văn Điển, vô Bình Hưng Hòa, hít khói trên bàn thờ, đi bán muối, đi đắp chiếu, hẻo, hẹo, đăng xuất, đăng xuất khỏi thế giới, đăng xuất khỏi Trái Đất, lên bảng điểm số... Định nghĩa cái chết trong lĩnh vực y học, tôn giáo và pháp lý Cái chết của con người có thể được định nghĩa bởi ba lĩnh vực khác nhau nhưng cũng chồng lấn lẫn nhau: y học, tôn giáo và pháp lý. Cả ba lĩnh vực đã phát triển rất nhiều theo thời gian và ý nghĩa của từng lĩnh vực đó đối với từng cá nhân cũng khác nhau. Do đó, khi bàn về cái chết, điều quan trọng là phải xác định rõ là cái chết đang được xem xét dưới dưới góc độ nào, cũng như cần phải có một kiến thức tổng quát về cách nhìn nhận cái chết của mỗi cá nhân. Trong y học, có nhiều định nghĩa khác nhau về cái chết. Ở phương Tây trước đây, sự chết đã được gắn với tim và sau đó là phổi. Khi tim và phổi của một người ngừng hoạt động, người đó được xem là đã chết. Về sau, não được đưa vào định nghĩa. Năm 1963, điện não đồ (EEG) được phát minh, phương tiện này có khả năng đo rất chính xác các dòng điện phát ra từ não. Nếu máy điện não đồ ghi nhận một dòng điện bằng không (nói cách khác là một EEG phẳng) trong 36 giờ, người bệnh có thể được xem là đã chết. Hiện nay, chúng ta biết rằng về mặt y học, một người còn sống nếu thân não của người đó chưa chết. Nhiều người bị rơi vào đời sống thực vật, thân não của họ vẫn còn hoạt động. Về mặt pháp lý, có ba cách khác nhau để tuyên bố rằng một người đã chết. Thông thường nhất là việc xác nhận cái chết bởi một bác sĩ. Cách thứ hai là xác nhận bởi một nhân viên điều tra hay chuyên viên khám nghiệm y khoa của nhà nước. Cách thứ ba là tuyên bố chết bởi các tòa án: sau khi một người bị mất tích một thời gian nhất định, tòa án có thể tuyên bố rằng người đó đã chết và tài sản của người chết sẽ được phân chia theo luật định. Giấy chứng tử là một văn bản nêu ra thời điểm, tính chất của cái chết cũng như tên và chức năng người chứng nhận cái chết đó. Theo quan điểm tôn giáo, sự chết được tin là do hồn rời khỏi thể xác. Nhiều thí nghiệm đã được đặt ra nhằm xác định khi nào thì hồn rời khỏi xác, chẳng hạn người ta cân cơ thể trước và sau khi chết (linh hồn, nếu có, biết đâu cũng có một trọng lượng nào đó). Khi nào một người được xem là chết? Xác định chính xác thời điểm chết có ý nghĩa quan trọng vì nhiều lý do. Nó giúp cho giấy chứng tử ghi nhận được thời gian chính xác, cũng như để đảm bảo rằng các nguyện vọng của người quá cố được thực thi sau khi người đó thật sự đã qua đời. Nó đặc biệt quan trọng trong trường hợp hiến cơ quan, bởi lẽ tạng đem ghép phải được lấy ra khỏi cơ thể người chết càng sớm càng tốt. Trong lịch sử, các cố gắng để xác định thời điểm chết một cách chính xác luôn là đề tài gây tranh cãi. Đã có lúc, cái chết được tính từ lúc tim ngừng đập (ngừng tim) và phổi ngừng thở, nhưng sự phát triển của kỹ thuật hồi sức tim phổi cũng như kỹ thuật phá rung đã đề ra một thách thức mới: hoặc là định nghĩa về cái chết là sai, hoặc là con người có thể cải tử hoàn sinh (bởi vì, trong một vài trường hợp, việc hồi sức làm cho tim, phổi hoạt động trở lại). Hiển nhiên, quan điểm thứ nhất đã được lựa chọn. (Hiện nay, trạng thái ngưng tim, ngưng thở được gọi là chết lâm sàng). Ngày nay, khi cần xác định chính xác thời điểm chết, bác sĩ và điều tra viên thường căn cứ vào "chết não" hay "chết sinh học": một người được xem là chết nếu không còn hoạt động điện não (Xem thêm Đời sống thực vật). Người ta giả định rằng sự ngưng hoạt động điện não là dấu hiệu chấm dứt ý thức. Hoạt động não là điều kiện cần của sự tồn tại của một cá nhân về mặt pháp lý, và có lẽ chỉ trừ các phôi thai, nó cũng đồng thời là điều kiện đủ. "Một khi sự chết não đã được khẳng định, việc ngưng sử dụng các thiết bị hỗ trợ sự sống không cấu thành một tội dân sự hay hình sự". (Dority, tại tòa án tối cao hạt San Bernardino, 193 Cal.Rptr. 288, 291 (1983)). Tuy nhiên, có những người lý luận rằng chỉ có vỏ não mới có chức năng ý thức, cho nên chỉ cần hết hoạt động điện của vỏ não thì có thể xem là chết. Ở hầu hết mọi nơi, một định nghĩa bảo thủ hơn về cái chết được áp dụng (khi toàn bộ các phần của não đều đã ngưng hoạt động điện, không riêng gì vỏ não) - chẳng hạn theo mẫu khai tử thống nhất của Hoa Kỳ. Năm 2005, trường hợp cô Terri Schiavo đã khiến cho vấn đề chết não và duy trì sự sống nhân tạo được tranh cãi gay gắt giữa các nhà làm luật Hoa Kỳ. Trong nhiều trường hợp, nguyên nhân chung của cái chết là do thiếu oxy trong máu. Ngay cả khi dùng điện não, việc xác định cái chết cũng khó khăn. EEG có thể ghi nhận một tín hiệu giả trong khi não đã thực sự ngưng hoạt động, hay ngược lại, não còn sống, nhưng hoạt động điện của nó thấp hơn ngưỡng ghi nhận của máy. Vì lý do này, các bệnh viện thường thiết lập một quy trình để xác nhận cái chết trong đó bao gồm EEG ghi nhận trong những khoảng thời gian khác nhau. Lịch sử y học còn ghi nhận nhiều giai thoại về những người được các thầy thuốc chứng tử nhưng sau đó đã sống lại - khi đang được ướp xác hoặc sau vài ngày nằm trong quan tài. Các chuyện kể về những người bị chôn sống (với giả thiết rằng xác không được ướp trước khi chôn) đã tạo tiền đề cho ít nhất là một nhà sáng chế trong thế kỷ XX thiết kế ra một hệ thống báo động có thể được kích hoạt từ trong quan tài. Do những khó khăn khi xác định cái chết, trong nhiều phác đồ cấp cứu, người đầu tiên tham gia cấp cứu không được phép tuyên bố rằng bệnh nhân đã chết; một số tài liệu huấn luyện cấp cứu y khoa đã chỉ rõ rằng một người không bị xem là chết nếu không có những dấu hiệu rõ ràng, hiển nhiên của cái chết, chẳng hạn như đầu lìa khỏi thân, co cứng tử thi (rigor mortis), hồ máu tử thi (livor mortis), xác bị phân hủy hoặc bị thiêu cháy. Khi nạn nhân còn bất cứ khả năng sống sót nào và không có y lệnh "không hồi sức", nhân viên cấp cứu phải lập tức bắt đầu cấp cứu và không được kết thúc việc cấp cứu cho đến khi bệnh nhân được nhập viện. Đến nơi, nếu bác sĩ xác nhận bệnh nhân đã chết, bệnh nhân được tuyên bố là "chết trên đường đến bệnh viện". Tiêu chuẩn để tuyên bố một người là chết thường được quy định bởi các ủy ban cấp nhà nước, tùy từng nước. EEG không phải là một xét nghiệm đại trà, trên thực tế, người ta hay dựa vào các triệu chứng như mất ý thức, ngưng thở, mất mạch, đồng tử giãn và không phản xạ với ánh sáng, điện tâm đồ (ECG) phẳng v.v. Phản ứng của con người đối với cái chết Về cơ bản, con người tham sống sợ chết, tuy nhiên, trong những hoàn cảnh nhất định, nhiều người có thể hi sinh sự sống của mình vì người khác, vì cộng đồng. Cũng có những người tự tìm đến cái chết do bệnh tâm thần hoặc bế tắc trong cuộc sống. Theo tác giả Elisabeth Kübler-Ross, diễn tiến tâm lý của một người sắp chết gồm 5 đặc điểm: Chối bỏ thực tế ("không thể tin là mình sắp chết") Nổi giận, nổi loạn ("tại sao tôi phải chết ?") Mặc cả với số phận ("sao lại là tôi, nhiều người xấu hơn tôi vẫn được sống kia, tôi đã làm nhiều việc tốt nên tôi phải được sống") Trầm cảm Buông xuôi, chấp nhận. Năm đặc điểm đó không phải lúc nào cũng thể hiện đầy đủ, trật tự xuất hiện cũng không cố định. Chúng có thể xuất hiện riêng lẻ hoặc đồng thời. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp, con người đón nhận cái chết một cách dễ dàng hơn. Cái chết êm dịu (an tử) Có những người bị tai nạn nghiêm trọng hoặc mắc những bệnh hiểm nghèo như ung thư giai đoạn cuối, phải sống đời sống thực vật hoặc chịu đau đớn kéo dài. Khả năng của y học trong tương lai gần hầu như không thể phục hồi được sức khỏe cho họ, nên việc tạo ra một cái chết êm dịu để chấm dứt thời gian chịu đau đớn về mặt thể lý cho những bệnh nhân đó cũng như giảm bớt những chi phí đắt tiền cho xã hội đã được xem xét và thể chế hóa ở vài nước (Hà Lan, Tây Ban Nha v.v.). Việc thực hành "cái chết êm ái" gặp sự phản đối mạnh mẽ của nhiều người, họ cho rằng đó là hành vi giết người (cho dù nó có phù hợp với nguyện vọng của bản thân người bệnh), mạng sống con người là quý giá nhất không ai có quyền định đoạt. Vấn đề diễn biến sau khi chết Một vấn đề được đặt ra là, không kể sự chấm dứt các quá trình chuyển hóa và sự bắt đầu các tiến trình phân hủy xác, điều gì sẽ xảy ra, nhất là đối với con người, trong và sau khi chết? Chủ đề được đặc biệt quan tâm là ý thức và linh hồn. Niềm tin vào một cái gì đó tiếp tục sau khi chết cũng phổ biến từ xưa, chẳng hạn một thế giới của người chết (âm ty, âm phủ, cõi âm), hoặc tái sinh, đầu thai vào kiếp sau. Những người theo chủ nghĩa vô thần hoặc thuyết bất khả tri thì tin rằng cái chết đặt dấu chấm hết cho ý thức, bản thân cái chết ("kiếp sau") xét cho cùng cũng chính là sự trải nghiệm về những gì có trước thụ thai ("kiếp trước")(?). Trái lại, niềm tin tôn giáo và những thông tin về sự sống sau khi chết là sự an ủi có liên hệ tới cái chết của những người thân yêu và viễn ảnh về cái chết của chính bản thân mỗi người. Mặc khác, nỗi lo sợ về địa ngục cũng như những hệ quả đen tối khác cũng khiến cho cái chết trở nên quái ác hơn. Nỗi ưu tư của con người về cái chết cũng là một động lực quan trọng cho sự phát triển của các tôn giáo. Tập tục của hầu hết các nền văn hóa là khóc thương những người thân yêu đã chết. Nhiều nhà khảo cổ cho rằng việc chôn cất cẩn thận của người Homo neanderthalensis, với những xác chết được trang điểm bằng đất son và xếp cẩn thận trong hang là bằng chứng của những tang lễ có nghi thức. Mở rộng ra, điều này có thể cho thấy trong các tín ngưỡng ban sơ của con người đã có cả những ý niệm về kiếp sau. Những hệ quả về sinh lý học của sự chết ở người Đối với cơ thể người, những hệ quả sinh lý của sự chết là một chuỗi những biến đổi: sớm như trương phình lên, sau đó là sự phân rã, tiếp theo là những biến đổi sau phân rã, cuối cùng, chỉ có bộ xương là tồn tại lâu nhất. Những biến đổi của giai đoạn ngay sau khi chết nhận được sự chú ý nhiều nhất vì hai lý do - thứ nhất đó là giai đoạn được người sống nhìn thấy nhiều nhất và thứ nhì là bởi những nghiên cứu pháp y trong các nghi án. Giai đoạn sớm sau khi chết (15–120 phút tùy nhiều yếu tố), xác trở nên mát lạnh (mát lạnh tử thi - algor mortis), trở nên tái nhạt (tái nhạt tử thi - pallor mortis), các cơ vòng giãn ra, dẫn đến việc tống xuất nước tiểu, phân, những gì chứa trong dạ dày cũng trôi ra ngoài nếu xác bị di chuyển. Máu dồn xuống tạo thành các hồ ở phần thấp của xác (theo trọng lực) gọi là hồ máu tử thi (livor mortis) trong vòng 30 phút và bắt đầu đông lại. Các cơ co lại tạo nên co cứng tử thi (rigor mortis) với đỉnh điểm là 12 giờ sau khi chết và kết thúc 24 giờ sau khi hình thành, tùy vào nhiệt độ môi trường. Trong vòng một ngày, bắt đầu có các dấu hiệu phân hủy (phân rã), cả do cơ chế tự hủy lẫn do sự tấn công của vi sinh vật, nấm, côn trùng, thú vật v.v. Bên trong cơ thể, các cấu trúc bắt đầu sụp đổ, da mất sự liên kết với các mô bên dưới, hoạt động của vi khuẩn sẽ sinh hơi và khiến xác sưng, phình ra. Không có một yếu tố xác định cụ thể cho tốc độ phân hủy sau khi chết; một xác chết có thể chỉ còn bộ xương sau vài ngày hoặc còn gần như nguyên vẹn sau hàng nghìn năm. Việc xử lý xác người chết Trong hầu hết các nền văn hóa, trước khi kịp bắt đầu phân hủy, xác người chết đã được thực hiện một số nghi thức tống táng, thông thường nhất là hỏa thiêu hoặc chôn trong mộ (thường là trong một hố đào vào lòng đất gọi là huyệt mộ), ngoài ra còn táng trong quách, hầm mộ, mộ đá, hoặc tiểu đựng xương. Mộ rất đa dạng, từ đơn giản như một gò, ụ đất đến vô số các kiến trúc lăng tẩm khác trên mặt đất (như lăng mộ Taj Mahal). Ở Tây Tạng, có một phương pháp gọi là thiên táng, tức là đem xác người chết đặt trên núi cao để làm mồi cho các loài chim ăn thịt. Đôi khi điều này do các quan điểm tôn giáo cho rằng chim ăn mồi sẽ chuyên chở linh hồn về chốn thiên đường, nhưng cũng có khi chỉ đơn giản phản ánh một thực tế là đất đai Tây Tạng quá cứng khó đào chôn, cây cối cũng không nhiều để làm củi thiêu xác và theo tôn giáo tại đó (Phật giáo) thì sau khi chết, xác người chỉ là một cái vỏ rỗng không, không để làm gì nữa, có thể cho thú vật làm thức ăn. Mặt khác, ở một số nền văn hóa khác, người ta lại cố gắng làm chậm quá trình phân hủy của xác trước tang lễ (thậm chí có thể làm chậm quá trình phân hủy sau khi chôn cất), ướp xác hoặc tạo các mô mi. Nhiều nền văn hóa khác nhau có nhiều tập quán mai táng khác nhau. Trong một số các làng chài hoặc lực lượng hải quân, người ta còn thủy táng (đưa xác chết xuống sông hoặc biển). Một số vùng miền núi, người ta treo quan tài lên cây. Một cách mai táng mới là "mai táng sinh thái". Nó bao gồm sự làm đông xác ở nhiệt độ rất thấp, sau đó tán thành bột bằng cơ chế rung, làm khô ở nhiệt độ lạnh, loại bỏ kim loại, sau cùng là thiêu hủy thành phần bột còn lại, chỉ chiếm khoảng 30% khối lượng cơ thể. Gần đây còn có ý tưởng về "vũ trụ táng": dùng tên lửa đưa một phần tro cốt vào không gian. Nhiều người đã hiến toàn bộ hoặc một phần xác cho khoa học như Einstein. Nhiều trường hợp hiến xác cho các trường y để phục vụ nghiên cứu và giảng dạy môn giải phẫu. Việc mai táng có thể được thực hiện bởi dân làng, hoặc các công ty mai táng chuyên nghiệp, hoặc có sự tham gia của bệnh viện, tổ chức tôn giáo, hội từ thiện v.v. Mồ mả thường được tập hợp trong một khu đất gọi là nghĩa trang. Về mặt sinh học Sau khi chết, các bộ phận còn lại của sinh vật trở thành một phần trong chu trình sinh địa hóa. Động vật có thể bị các loài săn mồi ăn. Vật chất hữu cơ sau đó có thể bị phân hủy bỏ quá trình thối rữa, các sinh vật trong quá trình này sẽ trở lại môi trường trở thành một mắt xích trong chuỗi thức ăn. Vi sinh vật cũng đóng vai trò quan trọng, làm gia tăng nhiệt độ của vật chất đang bị phân hủy khi chúng phá vỡ các hợp chất hữu cơ thành các phân tử đơn giản hơn. Tuy nhiên, không phải tất cả các vật chất cần phải phân hủy hoàn toàn, như than là một loại nhiên liệu hóa thạch được hình thành trên một vùng rộng lớn có thời gian từng trải qua giai đoạn đầm lầy là một ví dụ. Cái chết trong cái nhìn của người Việt Đạo lý truyền thống của người Việt quan niệm "nghĩa tử là nghĩa tận", bao nhiêu hờn oán đều xóa bỏ khi đối tượng đã chết, vì chết là dứt nợ trần gian. Một quan niệm nhân văn khác là "sống ở, thác về", xem cuộc sống trên mặt đất chỉ là cõi trọ tạm bợ, chết không phải là hết.Sống làm vợ khắp người taKhéo thay thác xuống làm ma không chồng(Truyện Kiều - Nguyễn Du, đoạn viết về Đạm Tiên) Tín ngưỡng dân gian tin vào linh hồn, người chết rồi thì linh hồn sẽ sống ở cõi âm, cũng sinh hoạt như ở dương thế, do đó có tục lệ đốt vàng mã, nhà cửa, xe cộ, quần áo, tiền, đô la âm phủ v.v. để "viện trợ" cho người chết. Rằm tháng bảy âm lịch, trùng với lễ Vu Lan của Phật giáo, là ngày xóa tội vong nhân, người ta cúng cô hồn để bố thí thức ăn cho những hồn ma lang thang. Cúng cô hồn không chỉ có ngày rằm tháng bảy. Một quan niệm cổ truyền nữa là "người chết cần được mồ yên mả đẹp", việc "động mồ động mả" có thể ảnh hưởng đến sự nghiệp của con cháu. Tuy nhiên, từ năm 1996, phong trào hiến xác cho khoa học đã bắt đầu phát triển với sự phát động của Giáo sư Nguyễn Quang Quyền ở trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh. Xem thêm Sống Tử Tử thư Kinh nghiệm cận tử Chết lâm sàng Ma Chú thích Đọc thêm Appel, JM. Defining Death: When Physicians and Families Differ. Journal of Medical Ethics Fall 2005. Child AM (1995) J Archaeolog Sci 22: 165-174it funny Piepenbrink H (1985) J Archaeolog Sci 13: 417-430 Piepenbrink H (1989) Applied Geochem 4: 273-280 Vass AA (2001) Microbiology Today 28: 190-192 at Beyond the grave – understanding human decomposition archive Murray, Stephen. "Brain Death: Some of the Questions and Answers," The Philosopher (Journal of the English Philosophical Society), Spring 1990, 1-12. Lock M. Twice Dead: Organ Transplants and the Reinvention of Death. 2002, University of California Press, Berkeley, CA. Howsepian AA. In defense of whole-brain definitions of death. Linacre Quarterly. 1998 Nov;65(4):39-61. PMID 12199254 Karasawa H, et al. Intracranial electroencephalographic changes in deep anesthesia. Clin Neurophysiol.'' 2001 Jan;112(1):25-30. PMID 11137657 Child AM (1995) J Archaeolog Sci 22: 165-174it funny Piepenbrink H (1985) J Archaeolog Sci 13: 417-430 Piepenbrink H (1989) Applied Geochem 4: 273-280 Piepenbrink H (1989) Applied Geochem 4: 273-280
Ngày 15 tháng 11 là ngày thứ 319 (320 trong năm nhuận) trong lịch Gregory. Còn 46 ngày trong năm. Sự kiện 655 – Trận Winwaed: Penda của Mercia thua Oswiu của Northumbria. 976 – Triệu Quang Nghĩa trở thành hoàng đế thứ hai của Bắc Tống, tức Tống Thái Tông, sau khi anh là Tống Thái Tổ từ trần. 1370 – Cung Định vương Trần Phủ lên ngôi (tức vua Trần Nghệ Tông), hoàng đế thứ 9 của nhà Trần. 1515 – Thomas Cardinal Wolsey được trở thành đức hồng y. 1533 – Francisco Pizarro tới Cuzco, Peru. 1777 – Cách mạng Hoa Kỳ: Sau khi Quốc hội Lục địa tranh luận 16 tháng, họ thông qua Các điều khoản liên bang (Articles of Confederation). 1791 – Trường đại học Công giáo đầu tiên ở Hoa Kỳ, Đại học Georgetown, mở cửa. 1864 – Nội chiến Hoa Kỳ: Tướng miền Bắc William Tecumseh Sherman bắt đầu "Cuộc hành quân ra Biển", tàn phá tài sản và cơ sở hạ tầng trên đường đi từ Atlanta đến Savannah, Georgia. 1889 – Deodoro da Fonseca dẫn đầu cuộc đảo chính lật đổ Hoàng đế Pedro II của Brasil được lòng dân. 1920 – Hội Quốc Liên họp lần đầu tiên tại Giơnevơ, Thụy Sĩ, 41 quốc gia thành viên sáng lập có mặt. 1922 – Cộng hòa Viễn Đông sáp nhập vào nước Nga Xô viết, tất cả quyền hạn và lãnh thổ được chuyển giao cho chính phủ Bolshevik tại Moskva. 1935 – Hoa Kỳ thành lập Khối thịnh vượng chung Philippines với Manuel L. Quezon là tổng thống đầu tiên. 1966 – Liên đoàn bóng đá châu Đại Dương được hình thành với ba thành viên là Úc, New Zealand, Fiji. 1968 – Chiến tranh Việt Nam: Quân lực Hoa Kỳ mở đầu Chiến dịch Commando Hunt, một chiến dịch không kích lớn có mục đích ngăn trở Quân đội Nhân dân Việt Nam không thể chở quân và đạn dược trên đường Trường Sơn. 1983 – Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ Bắc Síp đơn phương tuyên bố độc lập tại lãnh thổ do Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng ở phía bắc đảo Síp. 1988 – Tàu vũ trụ Buran, đối trọng của Liên Xô với tàu con thoi của NASA, được phóng lên không có người lái trong chuyến bay duy nhất. 1990 – Quốc hội Bulgaria bỏ phiếu đổi tên nước từ Cộng hòa Nhân dân Bulgaria thành Cộng hòa Bulgaria và loại bỏ biểu tượng nhà nước cộng sản khỏi quốc kỳ. 1991 – Chúc thư của Hòa thượng Thích Đôn Hậu, Đệ tam Tăng thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất kêu gọi sự phục hoạt 2005 – Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại 2012 – Tập Cận Bình được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Sinh 986 – Lê Long Đĩnh, Hoàng đế cuối cùng của nhà Tiền Lê, Việt Nam (m. 1009) 1891 – Erwin Rommel, Thống chế Đức (m. 1944) 1903 – Trần Văn Đỗ, Bộ trưởng Ngoại giao Quốc gia Việt Nam, Phó thủ tướng, Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Cộng hòa (mất 1990) 1923 – Văn Cao, nhạc sĩ nổi tiếng, tác giả quốc ca Việt Nam 1930 – Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ 1954 – David B. Audretsch nhà kinh tế học người Hoa Kỳ 1993 – Paulo Dybala cầu thủ bóng đá người Argentina Mất 923 – Vương Ngạn Chương, danh tướng nhà Hậu Lương thời Ngũ đại Thập quốc. 1210 – Lý Cao Tông, Hoàng đế thứ bảy của nhà Lý, Việt Nam (s. 1173) 1630 – Johannes Kepler, nhà toán học, thiên văn học, và chiêm tinh học người Đức (s. 1571) 1888 – Tôn Thất Đàm, võ tướng và trung thần nhà Nguyễn (s. 1864) 1998 – Lê Yên, nhạc sĩ tiền chiến Việt Nam (s. 1917) 2001 – Đoàn Chuẩn, nhạc sĩ của mùa thu Hà Nội (s. 1924) Những ngày lễ
René Descartes (1596–1650) là triết gia, nhà khoa học, nhà toán học người Pháp, được một số người xem là cha đẻ của triết học hiện đại. Ông sinh ngày 31 tháng 3 năm 1596 tại La Haye-en-Touraine, ngày nay là vùng Descartes. Ông được rửa tội ngày 3 tháng 4 năm 1596, mất ngày 11 tháng 2 năm 1650 tại Stockholm, Thuỵ Điển. Descartes thường được gọi là cha đẻ của triết học hiện đại, và được xem là đã làm gia tăng sự quan tâm đến tri thức luận vào thế kỉ 17. Tiểu sử Sinh tại La Haye (nơi ngày nay có tên là Descartes), Touraine (trước đây là một tỉnh, nay gọi là một vùng của Pháp), Descartes là con của một gia đình quý tộc nhỏ, có truyền thống khoa bảng và là tín hữu Công giáo Rôma. Lên tám tuổi, ông được gửi theo học tại trường học của dòng Tên tại La Flèche ở Anjou, ông học ở đây suốt 8 năm. Bên cạnh những môn học cổ điển, Descartes còn học toán ở các thầy theo trường phái Kinh viện, một học phái chủ trương dùng lý luận của loài người để hiểu lý thuyết Kitô giáo. Thiên Chúa giáo La Mã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến suốt cuộc đời Descartes. Sau khi ra trường, ông theo học luật tại Đại học Poitiers, tốt nghiệp năm 1616. Tuy vậy, ông chưa hề hành nghề luật; năm 1618 ông phục vụ cho Hoàng tử Maurice de Nassau, nhà lãnh đạo của Liên hiệp các tỉnh Hà Lan, với ý định theo đuổi một cuộc đời binh nghiệp. Những năm tiếp theo, Descartes phục vụ các quân đội khác, nhưng ông đã bắt đầu tập trung vào toán học và triết học. Ông hành hương sang đất Ý từ năm 1623 đến 1624, sau đó từ 1624 đến 1628, ông ở Pháp. Trong thời gian ở Pháp, Descartes chuyên tâm nghiên cứu triết học và làm các thí nghiệm về quang học. Năm 1628, sau khi bán hết tài sản ở Pháp, ông chuyển sang sống ở Hà Lan, và sống hầu hết quãng đời còn lại ở đây. Descartes sống ở nhiều thành phố khác nhau của Hà Lan, như Amsterdam, Deventer, Utrecht, và Leiden. Dường như trong năm đầu tiên ở Hà Lan, Descartes đã viết tác phẩm lớn đầu tiên, Essais philosophiques (Các tiểu luận triết học), xuất bản năm 1637. Tác phẩm gồm bốn phần: một tiểu luận về hình học, một về quang học, phần thứ ba về sao băng, và Phương pháp luận (Discours de la méthode), trong đó ông trình bày các nghiên cứu triết học của mình. Sau đó lần lượt ra đời các tác phẩm khác, có thể kể ra Meditationes de Prima Philosophia (Suy ngẫm về Triết học Tiên khởi, năm 1641, viết lại năm 1642) và Principia Philosophiae (Các nguyên lý triết học, năm 1644). Cuốn sau này ông dành tặng cho Công chúa Elisabeth xứ Bohemia, một người bạn thân thiết của ông ở Hà Lan. Năm 1649 Nữ hoàng Christina nước Thụy Điển mời Descartes đến giảng dạy cho bà về triết học tại triều đình ở Stockholm. Cái lạnh khắc nghiệt của xứ Bắc Âu đã làm ông mắc bệnh viêm phổi và qua đời năm 1650. Triết học Descartes muốn áp dụng phương pháp diễn dịch toán học, vào triết học. Trước đó, triết học bị chi phối bởi phương pháp của phái Kinh viện, vốn hoàn toàn dựa theo sự so sánh và đối chiếu với quan điểm của nhà cầm quyền. Bác bỏ phương pháp này, Descartes cho rằng "Trong khi tìm kiếm con đường thẳng đi đến chân lý, chúng ta không cần phải quan tâm tới những gì mà chúng ta không thể thấu đáo một cách chắc chắn như việc chứng minh bằng đại số và hình học". Qua đó ông chỉ ra rằng "không điều gì được xem là đúng cho đến khi nền tảng để tin rằng nó đúng được thiết lập". Sự chắc chắn duy nhất làm điểm xuất phát cho các nghiên cứu của ông được ông bày tỏ bằng câu nói nổi tiếng "Cogito, ergo sum", (tiếng Latinh, "Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại"). Từ tiên đề cho rằng ý thức rõ ràng về tư duy của ông chứng minh rằng ông tồn tại, Descartes kết luận là Chúa tồn tại. Chúa, theo triết học Descartes, đã tạo ra hai loại chất để tạo nên toàn bộ vạn vật. Loại thứ nhất là chất suy nghĩ, tức tinh thần, loại thứ hai là các chất mở rộng, tức thân thể. Trong tiếng Pháp, tính từ cartésien (hoặc cartésienne - dạng giống cái) dùng để chỉ những nhân cách có xu hướng tư duy logic hơn là cả tin. Cartésien có từ nguyên là tên của Descartes. Tiếng Anh cũng có tính từ cartesian với ý nghĩa tương đương. Khoa học Triết học Descartes, có khi được gọi là Cartesianism (tiếng Anh), đã khiến cho ông có nhiều giải thích sai lầm về các hiện tượng vật lý. Tuy nhiên, các giải thích đó cũng có một giá trị nhất định, vì ông đã dùng những giải thích cơ học thay cho những quan điểm tinh thần mơ hồ của các tác giả đi trước. Ban đầu Descartes đã công nhận thuyết Copernic về hệ thống vũ trụ trong đó các hành tinh xoay quanh Mặt Trời, nhưng ông đã từ bỏ nó vì giáo hội Công Giáo La Mã không chấp nhận nó do chưa đủ minh chứng (Galileo vẫn chưa chứng minh được giả thuyết của mình). Thay vào đó ông đưa ra lý thuyết dòng xoáy – cho rằng vũ trụ được lấp đầy vật chất, ở các trạng thái khác nhau, xoáy quanh mặt trời. Trong lĩnh vực sinh lý học, Descartes giữ quan điểm rằng máu là một chất lỏng tinh tế mà ông gọi là hồn của động vật. Ông tin rằng hồn động vật tiếp xúc với chất suy nghĩ ở trong não và chảy dọc theo các dây thần kinh để điều khiển cơ bắp và các phần khác của cơ thể. Về quang học, Descartes đã khám phá ra định luật cơ bản của sự phản xạ: góc tới bằng góc phản xạ. Tiểu luận của ông là văn bản đầu tiên trình bày đề cập đến định luật này. Việc Descartes xem ánh sáng như một thứ áp lực trên môi trường chất rắn đã dẫn đường cho lý thuyết sóng của ánh sáng. Toán học Đóng góp quan trọng nhất của Descartes với toán học là việc hệ thống hóa hình học giải tích, hệ các trục tọa độ vuông góc được mang tên ông. Ông là nhà toán học đầu tiên phân loại các đường cong dựa theo tính chất của các phương trình tạo nên chúng. Ông cũng có những đóng góp vào lý thuyết về các đẳng thức. Descartes cũng là người đầu tiên dùng các chữ cái cuối cùng của bảng chữ cái để chỉ các ẩn số và dùng các chữ cái đầu tiên của bảng chữ cái để chỉ các giá trị đã biết. Ông cũng đã sáng tạo ra hệ thống ký hiệu để mô tả lũy thừa của các số (chẳng hạn trong biểu thức x²). Mặt khác, chính ông đã thiết lập ra phương pháp, gọi là phương pháp dấu hiệu Descartes, để tìm số nghiệm âm, dương của bất cứ phương trình đại số nào.
Hè trong tiếng Việt có thể có nghĩa là: Mùa hè: Một trong bốn mùa của năm Bộ phận trước nhà, tương đương với hiên nhà Phần dành cho người đi bộ trên đường, như hè phố, vỉa hè.
Thu là mùa thứ ba trong bốn mùa trên Trái Đất và một số hành tinh. Nó là giai đoạn chuyển tiếp từ mùa hạ sang mùa đông. Từ nguyên Chữ Hán: 秋. TrênTrái đất Mùa thu là mùa trong đó phần lớn các loại cây trồng được thu hoạch và các loại cây rụng lá mất lá của chúng. Nó cũng là mùa mà thời gian ban ngày ngắn dần lại và lạnh hơn (đặc biệt rõ nét là ở các vĩ độ lớn). Tại các khu vực ôn đới thì lượng mưa cũng tăng dần lên trong một số khu vực. nhỏ|trái|Một con đường trong Rừng Quốc gia Hiawatha, Bán đảo Thượng Michigan, Mỹ, vào mùa thu. Về mặt thiên văn học, mùa thu bắt đầu từ thời điểm thu phân (khoảng 23 tháng 9 ở Bắc bán cầu và 21 tháng 3 ở Nam bán cầu), và kết thúc vào thời điểm đông chí (khoảng 21 tháng 12 ở Bắc bán cầu và 21 tháng 6 ở Nam bán cầu). Tuy nhiên, các nhà khí tượng học tính toàn bộ các tháng Ba, Tư và Năm ở Nam bán cầu cũng như các tháng Chín, Mười và Mười Một ở Bắc bán cầu như là thời gian của mùa thu. Ngoại lệ đối với các định nghĩa này là lịch Ireland trong đó người ta vẫn tuân theo chu kỳ Celt, ở đó mùa thu được tính như là toàn bộ các tháng Tám, Chín và Mười. Ngoài ra, theo lịch Trung Quốc thì mùa thu bắt đầu được tính từ tiết lập thu (khoảng ngày 7 tháng 8 và kết thúc vào tiết lập đông (khoảng ngày 7 tháng 11 dương lịch). Mặc dù thời gian ban ngày bắt đầu ngắn lại rõ nét từ tháng Bảy hoặc tháng Tám ở Bắc bán cầu và tháng Giêng hay tháng Hai ở Nam bán cầu, nhưng thông thường trong tháng Chín hay tháng Ba thì sự thoái trào mới trở nên rõ ràng hơn và đột ngột hơn trong so sánh với sự kéo dài thời gian ban ngày của mùa hè. Mùa thu thông thường cũng được định nghĩa như là mùa khai trường ở phần lớn các quốc gia, do chúng thông thường bắt đầu vào đầu tháng Chín hay tháng Ba (phụ thuộc vào từng bán cầu). Các định nghĩa này, cũng giống như các định nghĩa nói chung của mùa, là không hoàn thiện do chúng đều cho rằng các mùa có độ dài bằng nhau, cũng như bắt đầu và kết thúc vào cùng một thời điểm dọc theo cùng một khu vực của mỗi bán cầu. Trên các hành tinh Các hành tinh có trục tự quay không vuông góc với mặt phẳng quỹ đạo đều có hiện tượng mùa, bao gồm mùa thu. Mùa thu ở bắc bán cầu là khoảng thời gian bắt đầu khi hành tinh nằm ở điểm thu phân (Ls = 180°) trên quỹ đạo, và kết thúc khi nó nằm ở điểm đông chí (Ls = 270°). Mùa thu ở bắc bán cầu trùng với mùa xuân ở nam bán cầu, và mùa thu ở nam bán cầu trùng với mùa xuân ở bắc bán cầu. Mùa thu trong văn hóa truyền thống Sự gắn liền của mùa thu với giai đoạn chuyển tiếp từ thời tiết nóng ấm sang thời tiết lạnh ở Bắc bán cầu và trạng thái liên quan của nó như là mùa của thu hoạch chủ yếu, đã ngự trị trong các chủ đề liên quan và các hình ảnh thông dụng của nó. Trong văn hóa phương Tây, người ta nhân cách hóa mùa thu như là một người đàn bà đẹp, khỏe mạnh được trang điểm bằng các loại quả, rau quả và ngũ cốc đã chín vào thời gian này. Phần lớn các nền văn minh cổ đại đều đề cao các lễ hội thu hoạch trong mùa thu, thông thường là quan trọng nhất trong các loại lịch của họ. Vẫn còn tiếng vang trong số các lễ hội này là: Lễ tạ ơn (Thanksgiving) vào cuối mùa thu ở Hoa Kỳ và Canada, lễ hội Sukkot của người Do Thái với nguồn gốc của nó như là lễ hội trăng tròn mùa thu hoạch của "hòm thánh" (trong các túp lều ở đó các sản phẩm đã thu hoạch được chế biến và sau đó có được tầm quan trọng mang tính tôn giáo), nhiều lễ hội của thổ dân Bắc Mỹ gắn liền với các thức ăn từ các loại cây quả đã chín thu hoạch được từ tự nhiên hay Tết Trung thu của người Trung Quốc, Việt Nam v.v và nhiều lễ hội khác. Tâm trạng chủ yếu trong các lễ hội mùa thu này là niềm vui sướng vì một mùa thu hoạch bội thu cũng như phảng phất nỗi buồn vì thời tiết khắc nghiệt sắp đến. Tưởng nhớ tới tổ tiên cũng là một chủ đề phổ biến của các lễ hội này. Tại Hoa Kỳ ngày nay, bên cạnh sự khởi đầu của một năm học mới thì mùa thu còn gắn liền với ngành công nghiệp điện ảnh như là sự khởi đầu cho các bộ phim thông thường là ít vốn đầu tư nhưng lại có giá trị về mặt nghệ thuật mang tính kinh điển cho các giải thưởng như giải Oscar hay của BAFTA (các lễ trao giải thường được tổ chức vào cuối tháng 2 năm sau). Những bộ phim như thế được coi là không quá sôi nổi, nhưng sâu sắc hơn về nội dung và nghiêm túc hơn so với những bộ phim nhiều vốn đầu tư, chứa đầy các kỹ xảo điện ảnh trong mùa hè. Mùa thu, được bắt đầu vào ngày nghỉ cuối tuần sau ngày lễ Lao động (ngày 1 tháng 9 tại Bắc Mỹ) và kết thúc—trong các năm nhuận—vào ngày nghỉ cuối tuần trước ngày bầu cử Tổng thống Mỹ, là mùa ngắn nhất và ít lợi nhuận nhất của các loại phim. Mùa thu còn gắn liền với lễ Halloween, và cùng với nó là chiến dịch tiếp thị rộng rãi để cổ động cho nó. Ngành công nghiệp điện ảnh và âm nhạc sử dụng thời gian này của năm để cổ động cho các phim và đĩa hát gắn liền với lễ hội này, chúng được phát hành từ đầu tháng Chín nhưng không muộn hơn ngày 28 tháng 10, do đề tài của chúng nhanh chóng mất đi sức mạnh khi lễ hội qua đi. Mùa thu, giống như mùa xuân, là rất khó dự đoán và, trong nhiều khu vực, nó rất ngắn ngủi. Nhiệt độ trong tháng Chín có thể cao trên 86 °F (30 °C) và với chỉ số nhiệt thì nó có thể tạo ra nhiều điều kiện nguy hiểm liên quan tới sự cẩu thả của con người trong tương quan với các rủi ro của chứng đột quỵ do nhiệt (cao thân nhiệt). Trong tháng Mười, đặc biệt là ở các vĩ độ cao, có thể có các đợt lạnh bất thần cũng như hỗn hợp của mưa và tuyết rơi, mặc dù tuyết ổn định chỉ che phủ ổn định hơn kể từ giữa tháng Mười Một. Các lễ hội mùa thu Lễ hội được mùa Lễ Tạ ơn tại Hoa Kỳ và Canada Lễ mừng lúa mới Lễ hội tháng Mười tại Đức Tết Trung Thu Tết Trùng cửu Tết song thập Ngày Thiếu nhi Thế giới; 20 tháng 11 Halloween Lễ hội hoa đăng Thái Lan Diwali Lễ hội đèn Án Độ Lễ hội đua thuyền tại Campuchia (Bon Om Touk) Ngày Cải cách Tin lành Lễ Các Thánh Lễ Thánh Martin Ngày Song Thập: Ngày quốc khánh Trung Hoa Dân Quốc Lễ Chuộc Tội của người Do Thái Lễ Lều Tạm, Lễ hội tán lá của người Do Thái Mùa thu và du lịch Miền đông của Canada và khu vực New England của Hoa Kỳ nổi tiếng trên thế giới vì sự rực rỡ của "mùa lá rụng" của mình và công nghiệp du lịch theo mùa đã tăng trưởng nhanh chóng trong vài tuần của mùa thu khi các loại lá cây ở thời kỳ đỉnh cao nhất của mình về màu sắc. Một số chương trình dự báo thời tiết trên ti vi và các trang web thậm chí còn thông báo về tình trạng của mùa lá rụng trong cả mùa như là một dịch vụ dành cho du khách. Hỗn hợp của các loài cây xanh suốt năm và các loại cây rụng lá (đặc biệt là cây phong) trong các cánh rừng ở Canada đã làm cho chúng có một màu sắc hết sức đa dạng. Hình ảnh ở bên phải được chụp tại công viên Algonquin, Ontario, Canada. Mùa thu trong văn hóa Văn học Việt Nam Có rất nhiều nhà thơ văn lấy mùa thu làm chủ đề. Riêng trong kho tàng văn hóa Việt Nam thì mùa thu được nhiều tác giả mượn làm khung cảnh cho sáng tạo và sáng tác. Bài thơ "Tiếng thu" của Lưu Trọng Lư Em không nghe mùa thu Dưới trăng mờ thổn thức? Em không nghe rạo rực Hình ảnh kẻ chinh phu Trong lòng người cô phụ? Em không nghe rừng thu, Lá thu kêu xào xạc, Con nai vàng ngơ ngác Đạp trên lá vàng khô? Hay ba bài thơ trong chùm thơ thu "nức danh" của Nguyễn Khuyến sau khi ông đã từ quan về sống ở quê nhà là "Thu điếu", "Thu vịnh" và "Thu ẩm". "Thu điếu" Ao thu lạnh lẽo nước trong veo, Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo. Sóng biếc theo làn hơi gợn tí, Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo. Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt, Ngõ trúc quanh co khách vắng teo. Tựa gối ôm cần lâu chẳng được, Cá đâu đớp động dưới chân bèo. Nghệ thuật và âm nhạc Việt Nam Hầu hết các nhạc sĩ Việt Nam đều có ít nhiều nhạc phẩm viết về mùa thu trong đó có: Đặng Thế Phong và Đoàn Chuẩn nổi tiếng với phần lớn nhạc phẩm về mùa thu Phạm Duy: Thu ca điệu ru đơn, Tình ca mùa thu, Thu chiến trường, Mùa thu chết, Nước mắt mùa thu, Mùa thu Paris Ngô Thụy Miên: Mùa thu cho em, Mùa thu xa em, Thu trong mắt em, Mắt thu, Thu khóc trên ngàn Từ Công Phụng: Mùa thu mây ngàn Trịnh Công Sơn: Nhìn những mùa thu đi, Nhớ mùa thu Hà Nội Phạm Trọng Cầu: Mưa Paris thu Paris, Mùa thu không trở lại
Hổ phách (琥珀), còn được gọi là huyết phách (血珀), minh phách (明珀), hồng tùng chi, (tiếng Latinh: succinum), là nhựa cây đã hóa đá (hóa thạch) từ nhiều triệu năm về trước, được đánh giá cao về màu sắc và vẻ đẹp tự nhiên. Các phân tích cho thấy hổ phách có công thức hóa học là C40H64O4, viết gọn là (C10H16O)4. Hổ phách thường gặp dưới dạng khối nhựa cứng hoặc dạng nhũ đá với các khối to nhỏ không đều nhau, nhìn trong suốt với màu rất đẹp; một số trường hợp còn thấy rõ trong mảnh hổ phách chứa các động vật hóa thạch nguyên vẹn. Đem đun nóng, hổ phách tỏa mùi hương dễ chịu. Hổ phách dẫn nhiệt rất kém. Thales đã phát hiện ra từ 600 năm trước Công nguyên rằng khi chà xát liên tục vào miếng vải hoặc miếng len thì hổ phách sinh điện. Hổ phách được sử dụng trong nhiều công nghệ. Đông y cổ truyền cho rằng hổ phách có vị ngọt, tính bình vào bốn kinh tâm, can, phế và bàng quang; có tác dụng an thần, định kinh, lợi tiểu tiện, tán ư huyết; chỉ dành cho người hỏa suy, thủy thịnh. Vì dễ mài giũa và cắt gọt, hổ phách trở thành vật liệu quý đối với ngành thủ công mỹ nghệ: chế biến tẩu thuốc, làm nhiều món trang sức đắt tiền như mặt nhẫn, sợi dây chuyền, cườm tay, hoa tai, v.v... Đọc thêm Căn phòng hổ phách
Vu lan (chữ Hán: 盂蘭, bính âm: yúlán), còn được gọi là lễ báo hiếu, là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo (Đại thừa Bắc tông) và phong tục Việt Nam, Trung Hoa. Lễ này trùng với Tết Trung nguyên của người Hán và cũng trùng hợp với ngày Rằm tháng 7 Xá tội vong nhân của phong tục Á Đông. Theo tín ngưỡng dân gian, là ngày mở cửa ngục, ân xá cho vong nhân nên có lễ cúng cô hồn (vào buổi chiều) cho các vong linh không nơi nương tựa, không có thân nhân trên Dương thế để thờ cúng, và là ngày mọi tù nhân ở địa ngục có cơ hội được xá tội, được thoát sanh về cảnh giới an lành. Vào (tháng 7 âm lịch), người Việt Nam, người Trung Quốc theo phong tục dân gian tin là tháng không may mắn và có những điều kiêng kỵ, cũng như là khuyến khích ăn chay và làm việc từ thiện. Ở Việt Nam, tháng 7 âm lịch cũng bị nhiều coi là thời gian xui xẻo nhất trong năm và phải kiêng kỵ nhiều thứ. Có ý kiến cho rằng quan niệm này không có trong phong tục của người Việt. Từ nguyên Vu-lan (chữ Hán: 盂蘭; sa. ullambana) là từ viết tắt của Vu-lan-bồn (盂蘭盆), cũng được gọi là Ô-lam-bà-noa (烏藍婆拏), là cách phiên âm Phạn-Hán từ danh từ ullambana. Ullambana có gốc từ động từ ud-√lamb, nghĩa là "treo (ngược) lên". Thế nên các đại sư Trung Quốc cũng dùng từ Đảo huyền (倒懸), "treo ngược lên" cho từ Vu-lan, hoặc dùng từ Giải đảo huyền (解倒懸) là dịch ý theo mục đích của Kinh Vu-lan-bồn. Thật ra, từ Giải đảo huyền được các đại sư Trung Quốc lấy ý từ câu: Dân chi duyệt chi do giải đảo huyền dã trong Mạnh Tử, chương 3 Công Tôn Sửu Thượng, chỉ sự giải thoát cho những kẻ khổ sở tột cùng ở cảnh giới Địa ngục. Sự tích Xuất phát từ sự tích về Đại Đức Mục Kiền Liên (một trong 2 đại đệ tử của Phật Thích Ca) với lòng đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Vu Lan là ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ (và tổ tiên nói chung) - cha mẹ của kiếp này và của các kiếp trước. Theo kinh Vu Lan thì ngày xưa, Mục Kiền Liên đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông. Mẹ ông là bà Thanh Đề đã qua đời, ông tưởng nhớ và muốn biết bây giờ mẹ như thế nào nên dùng mắt phép nhìn khắp trời đất để tìm. Thấy mẹ mình, vì gây nhiều nghiệp ác nên phải sanh làm ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở, ông đã đem cơm xuống tận địa ngục để dâng mẹ. Tuy nhiên nghiệp ác đã đến lúc phải trả quả thì không ai có thể ngăn cản được, vì vậy khi thức ăn đưa lên miệng đã hóa thành lửa đỏ. Cũng theo kinh Vu-Lan-bồn, Mục Kiền Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng: "Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương, hồi hướng công đức để tiêu trừ nghiệp ác mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó". Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng: chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này (Vu-Lan-Bồn Pháp). Từ đó, ngày lễ Vu-lan ra đời. Vu Lan bồn kinh Kinh Vu-Lan-Bồn (chữ Hán:佛說報恩奉盆經, bính âm:Fúshuō Bào'ēn Fèngpén jīng, Hán-Việt: Phật thuyết báo ân phụng bồn kinh, còn gọi là Phật thuyết Vu Lan Bồn kinh) là một bộ kinh Đại thừa, bao gồm một bài giảng ngắn gọn ("pháp thoại") được cho là bởi Đức Phật Thích Ca dạy nhà sư Mục Kiền Liên cách thực hành đạo hiếu, theo đó Phật dạy cách làm thế nào để có được sự giải thoát cho mẹ mình, và cách báo hiếu cha mẹ, những người đã được tái sanh vào cõi âm, bằng cách cúng dường thực phẩm cho Tăng đoàn vào ngày rằm tháng bảy, và nhờ lời chư Tăng chú nguyện mà được cứu độ. Truyền thống Phật giáo cho rằng kinh này đã được dịch từ tiếng Phạn bởi cao tăng Trúc Pháp Hộ (chữ Hán:竺法護, sa. Dharmarakṣa, Đàm Ma La Sát) dịch vào khoảng cuối thế kỷ thứ III đầu thế kỷ thứ IV. Tuy nhiên, các học giả gần đây thừa nhận rằng kinh này ban đầu không có gốc từ Ấn Độ mà được trước tác tại Trung Quốc vào giữa thế kỷ thứ sáu. Văn bản gốc do Trúc Pháp Hộ dịch (hoặc được viết trong thời đại của ông) còn lưu lại đều không đề cập đến nhân thân của Tôn giả Mục Kiền Liên và câu chuyện của mẹ ông, mà chỉ trong các tác phẩm của người đời sau tại Trung Quốc, như Mục Kiền Liên minh gian cứu mẫu biến văn được xác định viết vào khoảng từ thế kỷ thứ V đến cuối thế kỷ thứ X, mới có kể về sự tích trên. Cũng có giả thuyết cho rằng, câu chuyện Mục Kiền Liên là biến tấu từ chuyện Ưu Đa La mẫu đọa ngạ quỷ duyên, gọi tắt là kinh Ưu Đa La mẫu có viết trong mục "Chuyện ngạ quỷ" của bộ Tiểu bộ kinh, chỉ thay tên nhân vật từ Ưu Đa La (Uttara hay là Uttaramātu) thành Mục Kiền Liên và thay tên người giảng là một tỳ kheo thành lời giảng của đức Phật. Quan niệm Theo quan niệm của dân gian thì ngày rằm tháng Bảy âm lịch Diêm Vương cho các âm hồn lên dương trần hưởng lộc. Theo đó mọi gia đình làm cỗ cúng gia tiên những người đã khuất, thậm chí còn đốt cả vàng mã. Ngoài ra còn có lễ vật cúng cho cô hồn lang thang, vất vưởng, không người hương khói. Lễ vật này thường là món ăn thông thường như cơm, cháo, bỏng gạo, xôi, chè kho, bánh đa, hoa quả hay gạo muối... Ngày nay, các gia đình có người mới mất có thể làm cỗ chay, đồ chay trong ngày này. Hình thức cho âm hồn hưởng lộc có nhiều cách như đổ cơm, cháo vào các lá cây, vườn..., rắc gạo, muối ra sân, ngõ... để các vong hồn cô đơn hay già yếu dễ hưởng thụ. Những lễ vật khi cúng xong có thể chia tán cho trẻ nhỏ để lấy may, lấy phước. Truyền thống lễ nghi Trong một số nước Á Đông, ngày lễ này thường được tổ chức vào ngày 15 tháng 7 (Âm lịch), để tỏ hiếu với cha mẹ, ông bà và cũng để giúp đỡ những linh hồn đói khát. Ngoài ra, còn có cúng dường, làm phước, phóng sinh, bố thí để hồi hướng công đức cho cha mẹ. Trung Quốc Trong văn hóa Trung Hoa, ngày rằm tháng bảy âm lịch thuộc Tiết Trung Nguyên và được gọi là Ngày ma (hồn người chết) và tháng thứ bảy nói chung được coi là Tháng ma (鬼月, Quỷ nguyệt), trong đó những con ma và linh hồn, bao gồm cả của tổ tiên đã qua đời, đến từ các cõi âm. Cùng với lễ Thanh minh (vào mùa xuân) và Trùng cửu (vào mùa thu), con cháu còn sống tỏ lòng tôn kính đối với tổ tiên đã qua đời của họ, trong Lễ hội hồn ma, người chết được cho là về thăm những người sống. Vào ngày thứ mười lăm, cõi thiên đàng và địa ngục và cõi người sống mở cửa và cả tín đồ Đạo giáo và Phật giáo sẽ thực hiện các nghi lễ để chuyển hóa và giải oan khổ của người quá cố. Trọng tâm cho Tháng âm hồn là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, nơi mà theo truyền thống hiếu thảo của con cháu đối với tổ tiên của họ kéo dài ngay cả sau khi tổ tiên đã qua đời. Các hoạt động trong tháng này sẽ bao gồm việc chuẩn bị thực phẩm cúng dường nghi lễ, đốt hương, đốt giấy vàng mã, một dạng hiện vật bằng giấy như quần áo, vàng và hàng hóa tốt khác để cúng dường tổ tiên khi họ về thăm. Bữa ăn được chuẩn bị chu đáo (thường là ăn chay) sẽ được phục vụ với các ghế trống cho mỗi người quá cố trong gia đình và đối xử với những người đã chết như thể họ vẫn đang còn sống. Việt Nam Tại Việt Nam, việc cúng Rằm tháng Bảy bao giờ cũng phải cúng ở chùa (thờ Phật) trước, rồi mới đến cúng tại gia. Lễ này thường được làm vào ban ngày, tránh làm vào ban đêm, khi Mặt Trời đã lặn. Ngoài ra, theo truyền thống tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong dân gian, ngày này là ngày "Xá tội vong nhân" nên nhiều nhà có mâm cơm cúng trước nhà, để cúng những vong linh bơ vơ không gia đình, còn gọi theo dân gian là "cúng cô hồn, "cúng thí thực" (tặng thức ăn). Vào ngày này, mọi gia đình đều cúng hai mâm: cúng tổ tiên tại bàn thờ tổ tiên và cúng chúng sinh (cúng thí thực hay cúng cô hồn) ở sân trước nhà hoặc trên vỉa hè (nếu đường rộng), thời gian cúng là vào buổi chiều. Trên mâm cúng tổ tiên, gia đình bày đặt một mâm cỗ mặn, tiền vàng và cả những vật dụng dành cho người cõi Âm tức đồ mã làm bằng giấy có tính tượng trưng nhưng hình dạng giống như đồ thật như quần áo, giày dép, quần áo, tiền vàng mã, ngựa, các vật dụng trang sức, người giúp việc,...... đến những vật hiện đại: nhà cao tầng, xe ô tô, xe máy, điện thoại, tủ lạnh, tivi,... để cho người cõi Âm có được một cuộc sống tiện nghi giống như người Dương trần. Những đồ lễ đó thường được làm tại các cơ sở sản xuất (nổi tiếng là khu phố vàng mã ở Chợ Lớn TP.HCM" được vận chuyển đi khắp các tỉnh thành. Trên mâm cúng cô hồn thì lễ vật gồm có: quần áo giấy với nhiều màu sắc (xanh biển, tím, hồng, cam, vàng, xanh lá), các loại bánh kẹo, chè lam, kẹo vừng, kẹo dồi, bánh quế, 12 chén cháo loãng (cháo hoa), tiền vàng mã, nước suối hoặc rượu nếp, bia, chén muối, chén gạo, ngô, khoai lang, khoai tây, củ sắn (củ mì), trái cây [cóc, ổi, mía, chôm chôm, đậu phộng (lạc)]... Tại các chùa và hội đoàn Việt Nam, vào ngày lễ Vu Lan thường có nghi thức "Bông hồng cài áo", là cài bông hồng cho những ai còn mẹ và bông trắng cho những ai mất mẹ, nhắc nhở về lòng hiếu thảo và tình người. Nghi thức này do Thiền sư Thích Nhất Hạnh khởi xướng trong cuốn sách viết năm 1962. Một số địa phương có tục lệ riêng như ở Quy Nhơn thì dân chúng xếp thuyền giấy rồi thả ra biển để tưởng nhớ những ai ra khơi rồi mất tích như hồi thập niên 1980-90 với nạn thuyền nhân vượt biên. Vào "tháng cô hồn", nhiều người Việt Nam tin là tháng không may mắn và có những điều kiêng kỵ như không mua sắm, không đi chơi đêm, không nhổ lông chân, không phơi quần áo, không bơi lội… và tùy vùng còn có thêm những kiêng kỵ khác như không khai trương, mở cửa hàng, lập gia đình, xây nhà,... Nhiều người còn kiêng cữ và ăn chay trong tháng 7 nên các hàng quán bán thức ăn mặn và rượu bia (như tại Thành phố Hồ Chí Minh) buôn bán ế ẩm và thường đóng cửa sớm. Tuy vậy theo hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Phật giáo Việt Nam - quan niệm của người Việt là không có tháng cô hồn, mà chỉ có tháng xá tội vong nhân. Do đó, thay vì cúng bái, tôn thờ những điều mê tín, con người nên hướng tới những điều thiện, như xá tội vong nhân và báo hiếu với cha mẹ, ông bà. Nhật Bản Tại Nhật Bản ngày lễ này được tổ chức vào ngày 15 tháng 8 dương lịch (có địa phương vào ngày 15 tháng 7), gọi là Obon (お盆?) hay là Bon (盆?), nói tắt của chữ urabon'e hay Vu-lan-bồn Hội (盂蘭盆會), thường kéo dài 3 ngày. Vào những ngày này, người Nhật thường có hỏa thiêu lễ vật và vào đêm cuối, Tōrōnagashi (灯籠流し), thả những chiếc đèn nổi trên sông để hướng dẫn linh hồn người quá cố. Theo truyền thống, kết hợp với một lễ hội múa dân gian, mỗi địa phương có sự tổ chức khác nhau. Để tỏ những ước nguyện của mình, người ta viết ước nguyện rồi treo vào cây trúc với mong ước điều ước đó sẽ trở thành hiện thực. Các quốc gia khác Lễ Tết Trung Nguyên và truyền thống lễ cúng ông bà cũng tương đương với lễ Miryang baekjung nori (Hangul: 밀양백중놀이; Hanja: 密陽百中놀) ở Hàn Quốc, Pchum Ben / Sen Đôn-ta បុណ្យភ្ជុំបិណ្ឌ ở Campuchia và người Khmer, Boun khao padap din ở Lào, mataka dānēs hoặc matakadānaya ở Sri Lanka, Sart Thai (Thai: สารทไทย) ở Thái Lan. Hình ảnh
Quy Sơn có thể là: Quy Sơn, Đào Viên Quy Sơn Linh Hựu Quy Sơn Thiên Hoàng Kameyama (龜山 - Quy Sơn)
Ångström (, ; (viết tắt là Å, đọc là "ăng-strôm") là một đơn vị đo độ dài. Nó không phải là một đơn vị đo độ dài nằm trong SI, tuy nhiên đôi khi được dùng cùng các đơn vị của SI, mặc dù việc này không được khuyến khích. 1 ångström (Å) = 10−10 mét =10-4 micrômét = 0,1 nanômét = 100 picômét Nó đôi khi được dùng để thể hiện kích thước của nguyên tử, chiều dài của liên kết hóa học và bước sóng ánh sáng. Đơn vị đo này được đặt tên theo nhà vật lý người Thụy Điển Anders Jonas Ångström, một trong số những người đã gây dựng nên môn quang phổ học. Sử dụng Đường kính của một nguyên tử là vào thứ tự của 1 Angstrom, vì vậy các đơn vị đặc biệt tiện dụng khi đề cập đến các bán kính nguyên tử và ion hoặc kích thước của các phân tử và khoảng cách giữa các máy bay của các nguyên tử trong tinh thể. Bán kính cộng hóa trị của các nguyên tử clo, lưu huỳnh, phosphor và khoảng một angstrom, trong khi kích thước của một nguyên tử hydro là khoảng một nửa của một angstrom. Các angstrom được sử dụng ở dạng rắn vật lý trạng thái, hóa học, và tinh thể học. Các đơn vị được sử dụng để trích dẫn các bước sóng của ánh sáng, độ dài liên kết hóa học, và kích thước của cấu trúc vi sử dụng kính hiển vi điện tử. Bước sóng tia X có thể được đưa ra trong angstrom, như những giá trị này thường nằm trong khoảng 1-10 Å. Lịch sử Các đơn vị được đặt tên theo nhà vật lý người Thụy Điển Anders Jonas Ångström, người sử dụng nó để tạo ra một biểu đồ của các bước sóng của bức xạ điện từ ánh sáng mặt trời trong năm 1868. sử dụng của các đơn vị của ông đã làm cho nó có thể để báo cáo các bước sóng của ánh sáng nhìn thấy (4000-7000 Å) mà không phải sử dụng số thập phân hoặc phân số. Biểu đồ và đơn vị trở nên sử dụng rộng rãi trong vật lý năng lượng mặt trời, nguyên tử quang phổ, và khoa học khác mà đối phó với các cấu trúc vô cùng nhỏ. Mặc dù angstrom là 10 −10  mét, nó được định nghĩa một cách chính xác theo tiêu chuẩn riêng của mình bởi vì nó là quá nhỏ. Các lỗi trong tiêu chuẩn mét là lớn hơn so với đơn vị anstrom! Định nghĩa 1907 của Angstrom là bước sóng của dòng màu đỏ của cadmium thiết lập để được 6438,46963 angstrom quốc tế. Vào năm 1960, các tiêu chuẩn cho đồng hồ được xác định lại về quang phổ, cuối cùng dựa hai đơn vị trên cùng một định nghĩa. Bội số của Angstrom Các đơn vị khác dựa trên angstrom là micron (10 4  Å) và millimicron (10 Å). Các đơn vị này được sử dụng để đo độ dày màng mỏng và đường kính phân tử. Viết Angstrom Symbol Mặc dù biểu tượng cho angstrom là dễ dàng để viết trên giấy, một số mã là cần thiết để tạo ra nó bằng cách sử phương tiện truyền thông kỹ thuật số. Trong giấy tờ cũ, chữ viết tắt "AU" được đôi khi được sử dụng. Phương pháp viết biểu tượng bao gồm: Gõ ký hiệu U + 212B hoặc U + 00C5 trong Unicode Sử dụng biểu tượng & # 8491 hoặc & # 197 trong HTML Sử dụng mã & Aring; trong HTML
Ngày 16 tháng 11 là ngày thứ 320 (321 trong năm nhuận) trong lịch Gregory. Còn 45 ngày trong năm. Sự kiện Thế kỷ 6 534 – Phiên bản thứ hai (cũng là phiên bản cuối) của Codex Justinianus (Bộ luật Justinian) được xuất bản. Thế kỷ 14 1384 – Hedwig được tôn lên làm Quốc vương Ba Lan, dù chỉ là phụ nữ. Thế kỷ 16 1532 – Francisco Pizarro và binh lính của mình bắt được Hoàng đế Inca Atahualpa trong trận Cajamarca. Thế kỷ 17 1632 – Quốc vương Gustavus Adolphus của Thụy Điển bị giết trong Trận Lützen. Thế kỷ 18 1776 – Cách mạng Hoa Kỳ: Những lính thuê Hessian lấy Pháo đài Washington từ dân quân Mỹ. Thế kỷ 19 1821 – Tây Mỹ cổ: Nhà buôn Missouri William Becknell tới Santa Fe, New Mexico trên đường được gọi Đường Santa Fe sau đó. 1849 – Tòa Nga kết án Fyodor Mikhailovich Dostoevsky tử hình do những tác động chống chính phủ có liên quan với nhóm lao động trí óc cấp tiến; việc hành hình ông bị hủy bỏ vào đúng lúc. 1857 – Do Trợ cấp Lucknow, 24 lính Anh được tặng huy chương Victoria Cross, nhiều nhất trong một ngày. 1863 – Nội chiến Hoa Kỳ: Ở Trận Campbell's Station gần Knoxville, Tennessee, quân đội của các Tiểu bang Liên minh Hoa Kỳ tấn công quân đội Hoa Kỳ không thành công. 1885 – Louis Riel, người dẫn nổi loạn dân Métis và "Người cha của Manitoba", bị hành hình do tội phản quốc. 1893 – Đội thể thao Královské Vinohrady được thành lập. Sau đó, đội này đổi tên thành Sparta Prague. 1896 – Điện năng được truyền giữa hai thành phố lần đầu tiên từ Thác Niagara đến những nhà máy ở Buffalo, New York. (Xem "Chiến tranh Dòng điện".) Thế kỷ 20 1904 – John Ambrose Fleming chế đèn chân không. 1907 – Địa hạt Da đỏ và Địa hạt Oklahoma trở thành Oklahoma và được nhận vào Hoa Kỳ là tiểu bang thứ 46. 1914 – Ngân hàng Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ mở cửa chính thức. 1920 – Hãng hàng không quốc gia Úc Qantas được thành lập tại Winton, Queensland. 1942 – Chiến tranh thế giới thứ hai: Chiến dịch Bó đuốc tại Bắc Phi kết thúc với thắng lợi của quân Đồng Minh. 1945 – Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) được thành lập. 1946 – Nhật Bản công bố danh sách 1850 "chữ Hán đương dụng", trong đó giản đơn hóa cách viết của nhiều chữ. 1988 – Chính trị gia Pakistan Benazir Bhutto là người phụ nữ đầu tiên được bầu chọn tự do trở thành người lãnh đạo chính phủ của một nhà nước Hồi giáo. 1994 – Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển bắt đầu có hiệu lực sau 12 năm từ khi bắt đầu được ký kết. Thế kỷ 21 Sinh 1836 - David Kalakaua of Hawaii, vua Hawaiian (m. 1891) 1847 - Edmund James Flynn, chính khách Canada (m. 1927) 1892 - Quách Mạt Nhược, nhà văn Trung Quốc (m. 1978) 1896 - Lawrence Tibbett, ca sĩ Mỹ (m. 1960) 1941 - Nhạc sĩ Giao Tiên 1929 - Phan Đình Soạn, Thiếu tướng Quân lực Việt Nam Cộng hòa (m. 1972) 1985 - Sanna Marin, thủ tướng Phần Lan 1986 - Nguyễn Thị Minh Nguyệt, cầu thủ bóng đá Việt Nam Mất Những ngày lễ Ngày Quốc tế khoan dung Ngày Tuyên bố chủ quyền tại Estonia (1988).
Dưới đây là danh sách các thuật ngữ dùng trong ngôn ngữ học, xếp theo thứ tự chữ cái của các từ tiếng Anh.
Werner Karl Heisenberg (5 tháng 12 năm 1901 – 1 tháng 2 năm 1976) là một nhà vật lý nổi danh của thế kỷ 20. Ông là một trong những người sáng lập ra thuyết cơ học lượng tử và đoạt giải Nobel vật lý năm 1932. Tiểu sử Ông sinh ra ở Würzburg, Đức và qua đời tại München. Trong thời kỳ thế chiến thứ 2, Heisenberg là người đứng đầu Dự án năng lượng nguyên tử của Đức Quốc Xã, mặc dù bản chất của dự án này và các công việc của ông trong vị trí này vẫn còn tranh cãi. Dù vậy sau chiến tranh thế giới thứ 2 ông đã không bị tòa án quốc tế xét xử một phần vì dự án của ông vẫn còn đang dang dở và ông được trả trở về Đức. Ông nổi tiếng nhất với việc khám phá ra một trong những nguyên lý quan trọng nhất của vật lý hiện đại, nguyên lý bất định của Heisenberg. Ông từng là học trò rồi là người đồng nghiên cứu với nhà vật lý nổi tiếng Niels Bohr. Sự nghiệp Nguyên lý Heisenberg: Ông đã viết câu sau đây năm 1927, tóm lược nguyên lý bất định của ông: The more precisely the position is determined, the less precisely the momentum is known in this instant, and vice versa. Vị trí càng được xác định chính xác bao nhiêu thì động lượng càng ít được biết chính xác bấy nhiêu tại thời điểm đó, và ngược lại.
Mahatma Gandhi (2 tháng 10 năm 1869 – 30 tháng 1 năm 1948), tên khai sinh là Mohandas Karamchand Gandhi (Devanagari: मोहनदास करमचन्द गांधी; Gujarati: મોહનદાસ કરમચંદ ગાંધી), là một vị anh hùng dân tộc Ấn Độ, người chỉ đạo cuộc kháng chiến chống chế độ thực dân của Đế quốc Anh và giành độc lập cho Ấn Độ với sự ủng hộ của hàng triệu người dân. Trong suốt cuộc đời, ông phản đối tất cả các hình thức khủng bố bạo lực và thay vào đó chỉ áp dụng những tiêu chuẩn đạo đức tối cao. Nguyên lý bất bạo lực (còn gọi là bất hại) được ông đề xướng với tên Satyagraha đã ảnh hưởng đến các phong trào đấu tranh bất bạo động trong và ngoài nước cho đến ngày nay, bao gồm phong trào Dân quyền Hoa Kỳ được dẫn đầu bởi Martin Luther King, Jr. Từ lúc lãnh đạo cuộc đấu tranh giành tự do và đứng đầu đảng Quốc dân Đại hội Ấn Độ (Indian National Congress) năm 1918, ông được hàng triệu dân Ấn Độ gọi một cách tôn kính là Mahatma, nghĩa là "Linh hồn vĩ đại". Danh hiệu có gốc tiếng Phạn này được triết gia và người đoạt giải Nobel Văn học Rabindranath Tagore dùng lần đầu khi đón chào Gandhi tại Mumbai (hay Bombay) ngày 9 tháng 1 năm 1915. Mặc dù Gandhi không hài lòng với những cách gọi như thế này nhưng đến ngày nay, danh hiệu Mahatma vẫn thường được dùng hơn tên chính thức của ông trên thế giới. Ngoài việc được xem là một trong những môn đồ Ấn Độ giáo và những nhà lãnh đạo Ấn Độ vĩ đại nhất, ông còn được nhiều người Ấn tôn kính như một Quốc phụ (gọi theo tiếng Hindi là "Bapu", nghĩa là "cha"). Ngày sinh của ông, 2 tháng 10, là ngày lễ quốc gia của Ấn Độ. Năm 2007, Liên Hợp Quốc ra nghị quyết lấy ngày 2 tháng 10 là Ngày Quốc tế Bất Bạo động." Bằng phương diện bất hợp tác, Gandhi đã dẫn khởi nền độc lập Ấn Độ, đưa nước mình thoát khỏi sự đô hộ của Anh, khích lệ những người dân bị đô hộ khác phấn đấu cho nền độc lập của nước nhà và đả đảo triệt để Đế quốc Anh. Nguyên lý Chấp trì chân lý của Gandhi (có gốc tiếng Phạn: satya là "chân lý" và ā-graha là "nắm lấy", "nắm chặt"), cũng thường được dịch là "con đường chân thật", "truy tầm chân lý", đã cảm kích những người chủ trương hành động giành tự do như Đạt-lại Lạt-ma Đăng-châu Gia-mục-thố (Tenzin Gyatso), Lech Wałęsa, Stephen Biko, Aung San Suu Kyi và Nelson Mandela. Tuy nhiên, không phải tất cả những nhà lãnh đạo nêu trên đều theo nguyên tắc bất bạo lực và bất kháng cự khắt khe của Gandhi. Gandhi thường nói là nguyên tắc của ông đơn giản, lấy từ niềm tin truyền thống của Ấn Độ giáo: Chân lý (satya) và bất bạo lực (ahiṃsā). Chính ông nói rằng: "Tôi chẳng có gì mới mẻ để dạy đời. Chân lý và bất bạo lực đều có từ xưa nay". Thời niên thiếu Mohandas Karamchand Gandhi sinh trong một gia đình Ấn Độ giáo thuộc cộng đồng Modh (một nhóm thương gia ở Gujarat), tại Porbandar, bang Gujarat, Ấn Độ vào năm 1869. Ông là con của Karamchand Gandhi, một người giữ chức "diwan" (có thể gọi là "Tổng bộ trưởng") của Porbandar, và bà Putlibai, người vợ thứ tư của Karamchand, theo Ấn Độ giáo phái thờ thần Tì-thấp-nô (sa. vaiṣṇava). Nữ thủ tướng Ấn Độ sau này, Indira Gandhi, và con trai của bà, Rajiv Gandhi, không có họ hàng với Gandhi. Lớn lên với một bà mẹ sùng tín Tì-thấp-nô trong một môi trường được ảnh hưởng bởi những người theo Kì-na giáo tại Gujarat, Gandhi sớm cảm nhận nguyên tắc bất hại, ăn chay, phương pháp nhịn ăn để thanh lọc tâm thức cũng như sự khoan dung lẫn nhau của các tín đồ và tông phái. Ông sinh ra trong giai cấp thứ ba của xã hội Ấn là Phệ-xá (sa. vaiśya, giai cấp thương gia). Tháng 5 năm 1882, vào tuổi 13, ông cưới cô Kasturba Makharji, 14 tuổi, qua một sự mai mối. Hai ông bà sau có bốn con trai: Harilal Gandhi, sinh năm 1888; Manilal Gandhi, sinh năm 1892; Ramdas Gandhi; sinh năm 1897 và Devdas Gandhi, sinh năm 1900. Gandhi là một sinh viên trung bình tại Porbandar và sau đó là tại Rajkot. Ông đậu khoá thi vào Đại học Mumbai năm 1887 với số điểm vừa đủ, và vào học viện Samaldas tại Bhavnagar. Tuy nhiên, ông không lưu ở đây lâu vì gia đình muốn ông trở thành luật sư để giữ truyền thống nắm quyền cao tại Gujarat. Không cảm thấy thú vị tại học viện Samaldas, Gandhi liền nắm thời cơ du học nước Anh, một nước được ông xem là "quốc gia của những triết gia và thi nhân, trung tâm đích thực của nền văn minh". Vào tuổi 19, Gandhi vào Đại học College Luân Đôn (một trường thuộc Đại học Luân Đôn) học ngành luật. Trong thời gian tại Luân Đôn, thủ đô của đế quốc, ông chịu ảnh hưởng của lời nguyện với bà mẹ trước mặt một vị tăng Kì-na giáo là Becharji, đó là giữ giới luật Ấn Độ giáo không ăn thịt và uống rượu sau khi rời Ấn Độ. Mặc dù đã thử bắt chước văn minh người Anh, ví dụ như học nhảy, nhưng Gandhi không ăn được thịt cừu và cải bắp bà chủ nhà trọ nấu cho mình. Bà chỉ ông đến một trong những tiệm chay hiếm hoi tại Luân Đôn thời đó. Nhưng thay vì đơn thuần làm toại nguyện bà mẹ, ông đọc sách và đổi sang ăn chay ngay trên phương diện tri thức. Ông vào "Hội người ăn chay", được cử làm uỷ viên ban chấp hành và lập ra một nhánh địa phương của nó. Về sau, ông cho rằng công việc này đã giúp ông thu thập những kinh nghiệm giá trị trong việc quản lý và duy trì một tổ chức. Một số người ăn chay ông đã gặp là thành viên của hiệp hội Thần Trí học (hoặc Thông Thiên học), được bà Helena Petrovna Blavatsky thành lập vào năm 1875 để hỗ trợ tình người năm châu. Những nhà Thần Trí học này chuyên tâm nghiên cứu kinh điển Phật giáo và Ấn Độ giáo. Họ khuyến khích Gandhi đọc Chí Tôn ca. Mặc dù từ trước đây không tỏ vẻ hứng thú về tôn giáo, ông bắt đầu đọc những tác phẩm nói về Ấn Độ giáo, Kitô giáo, Phật giáo và các tôn giáo khác. Ông trở về Ấn Độ sau khi được phép làm luật sư vào tháng 6 năm 1891, và khi trở về ông mới biết mẹ mình đã qua đời, và gia đình đã giấu kín chuyện này. Thành tựu của ông trong việc mở văn phòng luật sư tại Mumbai chỉ hạn chế vì thời đó có rất nhiều người làm nghề này và Gandhi không phải là một luật sư năng nổ tại pháp tòa. Ông nộp đơn xin dạy bán thời gian tại trường trung học Mumbai, nhưng bị từ chối. Cuối cùng, ông trở về Rajkot sống một cuộc sống khiêm tốn bằng cách soạn lời thỉnh nguyện cho những người tố tụng, nhưng rồi cũng phải đình chỉ công việc này vì xung đột với một quan viên người Anh. Trong tự truyện của mình, Gandhi miêu tả sự kiện này như một sự cố gắng du thuyết không kết quả vì lợi ích của người anh trai. Dưới bầu không khí này (1893), ông chấp nhận một hợp đồng lâu dài của một công ty Ấn Độ, nhậm chức tại Natal, Nam Phi. Phong trào vận động quyền công dân tại Nam Phi Vào thời điểm này, Gandhi là một người trầm tính, khiêm cung không chú tâm về chính trị. Ông đọc báo lần đầu tiên năm lên 18 và thường run sợ khi bước ra tòa thuyết trình. Nam Phi đã biến đổi ông một cách sâu sắc khi ông chứng kiến sự hạ nhục và đàn áp mà cộng đồng Ấn Độ thường phải chịu đựng nơi đây. Vào một ngày, khi quan tòa thành phố Durban yêu cầu Gandhi gỡ khăn xếp (turban) trên đầu, ông từ chối và hùng hồn bước ra khỏi tòa. Một bước ngoặt trong cuộc đời thường được các truyện ký thừa nhận - có thể xem là chất xúc tác cho chủ nghĩa hành động của ông - xảy ra ít lâu sau, khi ông bắt đầu một cuộc hành trình đến Pretoria. Ông bị vất ra khỏi xe lửa tại Pietermaritzburg sau khi từ chối chuyển từ toa xe hạng nhất đến toa hạng ba, vốn thường được những người da màu sử dụng mặc dù đã mua vé hạng nhất. Không lâu sau, trong cuộc hành trình bằng xe ngựa, ông bị người lái xe đánh vì từ khước nhường chỗ cho một du khách châu Âu. Ông cũng kham chịu nhiều khổ đau khác như bị loại ra nhiều khách sạn vì chỉ màu da của mình. Kinh nghiệm này khiến Gandhi quan sát kĩ hơn những thống khổ người đồng hương phải chịu đựng tại Nam Phi trong thời gian ông làm việc tại Pretoria. Chính trong thời gian tại Nam Phi, qua sự chứng kiến tận mắt chế độ kì thị chủng tộc, thành kiến và bất công, Gandhi bắt đầu thám vấn địa vị trong xã hội của những người đồng hương và của chính mình. Khi hợp đồng làm việc chấm dứt, Gandhi thu xếp trở về Ấn Độ. Tuy nhiên, trong buổi tiệc tiễn đưa tại Durban, ông tình cờ đọc một bài báo nói về một dự thảo pháp luật được Hội đồng lập pháp Natal đề nghị nhằm loại bỏ quyền bầu cử của người di dân Ấn Độ. Khi đưa việc này ra thảo luận với những người đồng hương, họ than không đủ kiến thức để phản đối dự thảo và khẩn khoản yêu cầu Gandhi ở lại giúp họ. Ông phổ biến một số kiến nghị đến cả hai, Viện Lập Pháp Natal và chính quyền Anh để phản đối dự thảo. Mặc dù không ngăn được việc dự thảo này được duyệt, cuộc đấu tranh của ông đã thành công trong việc soi rọi những điểm bất bình của người Ấn tại Nam Phi. Những người hỗ trợ thuyết phục ông lưu lại Durban để tiếp tục đấu tranh chống sự bất công được áp dụng đối với người Ấn tại đây. Ông lập Hội nghị Ấn Độ tại Natal năm 1894 và chính mình giữ vai bí thư. Qua tổ chức này, ông đã chuyển hóa cộng đồng người Ấn tại Nam Phi thành một lực lượng chính trị hỗn tạp, làm tràn ngập chính quyền cũng như báo chí với những lời trần thuật về sự bất mãn của người Ấn và những bằng chứng của sự kì thị nơi người Anh tại Nam Phi. Năm 1896, Gandhi trở về Ấn Độ với mục đích mang vợ con sang Nam Phi. Năm 1897, khi trở lại Nam Phi, ông bị một nhóm bạo lực da trắng tấn công và tìm cách sát hại bằng tư hình. Như một dấu hiệu đầu tiên của thước đo nội tâm ảnh hưởng đến những cuộc đấu tranh sau này, Gandhi khước từ việc tố cáo bất cứ cá nhân nào của nhóm bạo lực, nói rằng việc không tìm sự bồi thường tại tòa án dựa trên cơ sở lỗi lầm cá nhân là một trong những nguyên tắc chính của ông. Khi Chiến tranh Nam Phi bắt đầu, Gandhi chủ trương là người Ấn phải hỗ trợ chiến tranh để hợp pháp hóa yêu cầu trở thành công dân chính thức. Ông tổ chức một nhóm tình nguyện cứu thương gồm 300 người Ấn Độ và 800 người làm mướn. Tuy nhiên, sau khi chiến tranh kết thúc, tình trạng của người Ấn tại Nam Phi không khả quan hơn, vẫn tiếp tục sa đoạ. Năm 1906, chính quyền Transvaal công bố một pháp án mới, bắt người Ấn Độ của thuộc địa phải ký chứng. Tại một cuộc biểu tình lớn được tổ chức tại Johannesburg vào tháng 9 ngay trong năm đó, Gandhi lần đầu áp dụng nguyên tắc Chấp trì chân lý và đấu tranh bất bạo lực, khuyên các người đồng hương phản bác luật mới và chịu đựng hình phạt để thực hiện việc này thay vì phản kháng bằng phương tiện bạo lực. Dự án này được áp dụng, dẫn đến một cuộc tranh đấu kéo dài 7 năm với hơn 7000 người Ấn bị bắt giam (trong đó có Gandhi, bị bắt bỏ tù nhiều lần), đánh đập, thậm chí bị bắn vì đình công, từ chối không ký chứng, đốt giấy ký chứng hoặc tham gia những cuộc kháng cự bất bạo động khác. Mặc dù chính quyền thành công trong việc đàn áp những người Ấn phản đối, tiếng thét gào của công chúng trước những phương pháp tàn bạo được áp dụng bởi chính quyền Nam Phi cho những người phản đối yên lặng hòa bình này cuối cùng đã bắt buộc tướng Jan Christian Smuts luận bàn một phương án thoả hiệp với Gandhi. Trong những năm sống tại Nam Phi, Gandhi đã lấy cảm hứng từ quyển Chí Tôn ca cũng như những tác phẩm của Lev Nikolayevich Tolstoy (đặc biệt là quyển "Thiên đường nằm trong Bạn"), người đã trải qua một sự chuyển biến tôn giáo sâu sắc với niềm tin vào một dạng "chủ nghĩa vô chính phủ" của Kitô giáo. Gandhi dịch bài "Thư gửi đến một môn đồ Ấn Độ giáo" (A Letter to a Hindu) của Tolstoi, được viết vào năm 1908 để phản ứng những đồng hương Ấn Độ theo chủ nghĩa dân tộc một cách hung bạo. Hai người viết thư cho nhau cho đến khi Tolstoi mất vào năm 1910. Bức thư của Tolstoi dùng triết học Ấn Độ có nguồn từ các Phệ-đà và những lời khuyên của Hắc thiên để hướng đến phong trào chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ đang tiến triển. Gandhi cũng bị ảnh hưởng lớn qua tiểu luận nổi danh của Henry David Thoreau là "Sự không phục tòng của công chúng". Những năm lưu trú tại Nam Phi với tư cách một người chủ trương hành động chuyên về xã hội chính trị chính là thời kì những khái niệm và kĩ thuật của phương pháp bất hợp tác và phản đối bất bạo lực được phát triển. Khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bắt đầu, ông quyết định trở về Ấn Độ, mang theo tất cả những gì ông đã học được từ những kinh nghiệm tại Nam Phi. Phong trào đấu tranh giành độc lập Ấn Độ Như đã thực hiện trong cuộc chiến Nam Phi, Gandhi khuyến khích việc ủng hộ người Anh trong cuộc chiến (Chiến tranh thế giới thứ nhất) và chủ động khích lệ người Ấn tham gia quân đội. Khác với quan niệm của nhiều người khác, cách biện luận duy lý của ông cho trường hợp này là quyền công dân đầy đủ, tự do và quyền lợi trong Đế quốc Anh, và như vậy thì việc giúp nó phòng vệ không có gì sai. Ông thuyết trình trước Quốc dân Đại hội Ấn Độ, nhưng phần lớn là chính ông được hướng dẫn vào những chủ đề Ấn Độ, chính trị và công chúng Ấn qua Gopal Krishna Gokhale, nhà lãnh đạo được tôn trọng nhất của đảng Quốc dân Đại hội bấy giờ. Champaran và Kheda Những thành tích lớn đầu tiên của Gandhi xảy ra vào năm 1918 với cuộc kích động tại Champaran và phong trào Chấp trì chân lý tại Kheda mặc dù ông chỉ thực hiện trên mặt danh nghĩa trong trường hợp thứ hai và người chính chủ đạo là Sardar Vallabhbhai Patel, cánh tay phải của Gandhi. Tại Champaran, một khu vực nằm trong tiểu bang Bihar, ông tổ chức cuộc kháng cự cùng với hơn 10.000 nông dân không có đất, nông nô và những nông gia nghèo khổ có số lượng đất không đáng kể. Họ bị ép buộc phải trồng indigo và những nông sản bán được trên thị trường thay vì gieo trồng những loại cung cấp thực phẩm cần thiết cho sự sinh tồn của họ. Bị đàn áp bởi dân binh của điền chủ (phần lớn là người Anh), họ được trả công rất ít nên cuộc sống rất vất vả cơ hàn. Thôn làng của họ rất dơ bẩn, thiếu vệ sinh. Những vấn đề như uống rượu, kì thị dân ti tiện (untouchable) và khăn che (purdah) ngày càng lan tràn. Giờ đây, ngay trước một cuộc chống đói kinh hoàng, thực dân Anh lại đưa ra một loại thuế tàn ác, cứ y vào sự gia tăng theo chu kì mà thu thuế. Tình thế rất tuyệt vọng và tại Kheda, bang Gujarat thì sự việc nhìn chung cũng không khác. Gandhi lập một Già-lam tại đó, tổ chức một nhóm người bao gồm người giúp cố cựu và người mới từ địa phương. Ông tổ chức một công trình nghiên cứu để có được một tổng quan về các thôn làng, xem xét những sự tàn bạo và những tình tiết thống khổ bao gồm những trạng thái thoái hóa của cuộc sống nói chung. Lập cơ sở trên lòng tự tin của người làng, Gandhi bắt đầu chỉnh lý các thôn xóm, lập trường học và bệnh viện, khuyến khích chủ làng xoá bỏ những việc hủ nát như phân biệt tiện dân, bắt phụ nữ mang khăn che và áp chế họ. Nhưng cuộc phát động có tổ chức đầu tiên của Gandhi xảy ra khi ông bị cảnh sát bắt giam với lý do gây bạo động và được yêu cầu rời địa phương này. Hàng trăm nghìn người biểu tình chống đối, vây quanh nhà giam, các trạm cảnh sát và quan tòa đòi trả tự do lại cho ông, một sự việc pháp tòa không muốn nhưng sau cũng phải thực hiện. Gandhi đứng đầu những cuộc biểu tình có tổ chức chống lại điền chủ, và họ, dưới sự lãnh đạo của chính quyền Anh, đã ký một hiệp định đảm bảo trả lương cao hơn và kiểm soát việc cho nông dân nghèo địa phương thuê đất, xoá bỏ việc tăng thuế cũng như việc thu thuế đến khi nạn đói chấm dứt. Chính trong thời gian kích động này, Gandhi được quần chúng tôn xưng là Bapu (người cha già dân tộc) và Mahātmā (tâm hồn vĩ đại). Tại Kheda, Patel đại diện các nông gia trong những cuộc thương lượng với chính quyền Anh với kết quả là họ tạm dừng thu thuế, đảm bảo trợ cấp. Tất cả những người bị tù đều được thả ra. Danh tiếng Gandhi từ đây như một ngọn lửa lan truyền khắp nước và ông đã trở thành năng lực ảnh hưởng nhất định trong phong trào chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ. Phát động phong trào bất bạo động Dự thảo pháp luật Rowlatt được duyệt năm 1919, cho phép chính phủ bắt giam những người bị vu khống gây loạn mà không cần đưa ra tòa duyệt. Gandhi và đảng Quốc dân Đại hội tổ chức những cuộc biểu tình lớn phản đối và đình công, và tất cả những cuộc phản đối này đều được tổ chức rất hòa bình trên khắp nước. Tất cả những thành phố và thị xã lớn đều đóng cửa; các hoạt động cơ quan chính phủ đều phải được quân đội đảm nhiệm. Hàng nghìn người bị bắt giam, lệnh giới nghiêm được áp dụng ở nhiều vùng của Ấn Độ. Tại Punjab, cuộc đại tàn sát ở Amritsar với 379 người dân bị giết bởi quân đội Anh và Ấn Độ đã gây chấn thương nặng nề cho đất nước, gia tăng phẫn oán nơi quần chúng cũng như những hành vi bạo lực. Gandhi phê bình cả hai, hành vi của người Anh và bạo lực phục thù của người Ấn. Ông viết một bài phân ưu cùng với những nạn nhân Anh và lên án những cuộc bạo động. Bài này ban đầu bị phản đối trong đảng, nhưng được chấp thuận sau một bài thuyết giảng của Gandhi mà trong đó, ông đề cao nguyên tắc là tất cả những hành vi bạo lực đều có hại, không thể được biện minh. Người Ấn không mang tội vì sự kì thị của người Anh, và không nên trừng phạt công dân Anh vô tội. Nhưng sau cuộc tàn sát lớn và bạo lực này, Gandhi nhận thức được là không chỉ người Ấn chưa được chuẩn bị cho việc kháng cự số đông, mà sự cai trị của người Anh đích thật tàn ác và nó có bản chất là đàn áp. Gandhi giờ đây chú tâm đến việc giành quyền tự trị và quyền quản lý tất cả những cơ quan chính quyền Ấn Độ, vươn đến trạng thái tự chủ (svarāj), nghĩa là sự tự chủ toàn vẹn về mặt cá nhân, tâm linh và chính trị. Tháng 4 năm 1920, Gandhi được bầu làm chủ tịch hội Liên hiệp Tự trị Toàn Ấn Độ (All India Home Rule League). Ông được trao uy quyền chấp hành trong đảng Quốc dân Đại hội tháng 12 năm 1921. Dưới sự lãnh đạo của Gandhi, Quốc dân Đại hội được tổ chức lại với một hiến pháp mới có mục đích là tự chủ. Ai cũng có thể trở thành đảng viên sau khi đóng một lệ phí trên danh nghĩa. Một tổ chức có giai cấp của các uỷ ban được thành lập nhằm cải thiện kỉ luật và kiểm soát những phong trào từ trước đến giờ không có định hình và khuếch tán, chuyển biến đảng từ một tổ chức tinh duệ số ít thành một đảng lớn với sức lôi cuốn toàn quốc. Gandhi mở rộng mặt trận bất bạo lực, bao gồm chính sách "bản quốc" (svadeshi) - nghĩa là tẩy chay những sản phẩm ngoại lai, đặc biệt là những sản phẩm Anh. Liên hệ với chính sách này là sự ủng hộ việc mang y phục tự dệt ở nhà, được gọi là khadi, của ông, khuyên tất cả các người Ấn ăn mặc như vậy thay vì dùng đồ vải của người Anh. Gandhi khuyến cáo toàn dân, nam cũng như nữ, mỗi ngày dành chút thời gian để dệt vải ủng hộ phong trào đấu tranh giành độc lập. Đây là chiến thuật nhằm khắc sâu kỉ luật và sự cống hiến để loại trừ những người không có thiện ý và những người hoài bão, và bao gồm phụ nữ vào phong trào ở một thời điểm mà nhiều người cho rằng, những việc làm như vậy không đáng trọng cho phụ nữ. Thêm vào việc tẩy chay các sản phẩm Anh, Gandhi cũng khuyến khích dân chúng tẩy chay các cơ quan giáo dục và pháp tòa Anh, từ chức không làm cho chính quyền, từ chối không đóng thuế và huỷ bỏ những danh hiệu, huy chương Anh. Chương trình mới này đã đạt được sức lôi cuốn và thành công rộng lớn, gia lực cho người Ấn chưa từng có từ xưa nay. Nhưng khi phong trào vừa đạt đỉnh điểm thì đã chấm dứt một cách đột ngột vì một cuộc xung đột bạo lực tại thị xã Chauri Chaura, bang Uttar Pradesh vào tháng 2 năm 1922. Lo ngại phong trào sẽ quay về phương tiện bạo lực và tin chắc rằng sự việc này có thể lật đổ tất cả những công trình của mình, Gandhi liền huỷ bỏ chiến dịch bất phục tòng. Giờ đây, như một người đã phô bày nhược điểm của mình, Gandhi bị bắt bỏ tù ngày 10 tháng 3 năm 1922, bị đưa ra tòa vì lý do gây loạn và kết án sáu năm tù. Đây không phải lần đầu Gandhi vị bỏ tù nhưng là lần bị giam cầm lâu nhất. Bắt đầu từ ngày 18 tháng 3 năm 1922, ông ngồi tù khoảng hai năm và được thả tháng 2 năm 1924 sau một ca mổ viêm ruột thừa. Không có nhân cách hùng mạnh của Gandhi để kiềm chế các người đồng sự, đảng Quốc dân Đại hội bắt đầu tan vỡ, phân thành hai phái trong thời gian ông ngồi tù. Một phái được dẫn đầu bởi Chitta Ranjan Das và Motilal Nehru, ủng hộ việc đảng tham dự cơ quan lập pháp. Phái thứ hai được dẫn đầu mởi Chakravarti Rajagopalachari và Sardar Vallabhbhai Patel, phản đối việc này. Thêm vào đó là việc hợp tác giữa tín đồ Ấn Độ giáo và Hồi giáo mạnh mẽ trong những chiến dịch bất bạo động giờ đây sa sút. Gandhi tìm cách bắc cầu nối những điểm sai biệt này bằng nhiều phương tiện, bao gồm một cuộc tuyệt thực ba tuần mùa thu năm 1924, nhưng chỉ với kết quả hạn chế. Những năm 1930: Hội đồng Simon, Chấp trì chân lý muối Trong hầu hết những năm thuộc thập niên 1920-30, Gandhi đứng bên ngoài ánh đèn công chúng. Ông chú trọng đến việc giải quyết cái nêm giữa đảng Swaraj và Quốc dân Đại hội, và khai mở các phương pháp chống kì thị dân vô giai cấp, uống rượu, thiếu học và nghèo đói. Ông trở về địa vị hàng đầu vào năm 1928. Một năm trước đó, chính quyền Anh đề cử một hội đồng cải cách hiến pháp dưới sự lãnh đạo của Sir John Simon mà không có tên một người Ấn nào trong hội đồng. Kết quả của việc này là sự tẩy chay hội đồng của các đảng Ấn Độ. Gandhi thúc đẩy một nghị quyết thông qua Quốc dân Đại hội Calcutta vào tháng 12 năm 1928, kêu gọi chính quyền Anh đảm bảo địa vị chủ quyền (dominion status) trong vòng một năm hoặc là sẽ đối đầu một chiến dịch bất bạo lực mới với mục đích giành độc lập hoàn toàn cho đất nước. Ngày 26 tháng 1 năm 1930 được Quốc dân Đại hội Ấn Độ - lúc đó đang hội họp tại Lahore - đề cao là ngày kỉ niệm độc lập Ấn Độ. Nó được tưởng niệm bởi hầu hết tất cả những tổ chức chính trị Ấn Độ khác, những tổ chức nỗ lực giành độc lập đất nước hoặc tiến đến việc trao quyền xã hội chính trị cho những cộng đồng khác nhau. Như đã tuyên bố trước đây, vào tháng 3 năm 1930, ông phát động một chiến dịch Chấp trì chân lý phản đối thuế muối, được nhấn mạnh bởi cuộc Hành trình muối (Salt March) đến Dandi nổi tiếng kéo dài từ 21 tháng 3 đến 6 tháng 4 năm 1930. Ông đi bộ 400 km từ Ahmedabad đến Dandi để lấy muối cho riêng mình. Hàng nghìn dân chúng Ấn Độ tham gia cuộc hành trình đến bờ biển này. Hành trình muối này là một trong những chiến dịch thành công nhất của ông với kết quả là hơn 60.000 người bị bắt giam. Chính quyền, được đại diện qua Lord Irwin, quyết định thương lượng với Gandhi. Hiệp ước Gandhi-Irwin được đóng dấu tháng 3 năm 1931. Trong đó, chính quyền Anh đồng ý thả tất cả những tù nhân chính trị để bù cho việc đình chỉ cuộc vận động bất phục tòng. Thêm vào đó, Gandhi được mời sang Anh tham dự hội nghị bàn tròn (Round Table Conference) tại Luân Đôn với tư cách người đại diện duy nhất của Quốc dân Đại hội Ấn Độ. Hội nghị này là một thất vọng cho Gandhi cũng như những người theo chủ nghĩa dân tộc bởi vì nó chỉ lưu ý đến những tiểu vương cũng như những nhóm thiểu số Ấn Độ hơn là một sự phó truyền quyền lực (transfer of power). Ngoài ra, người thừa kế Lord Irwin là Lord Willingdon đã bắt đầu một chiến dịch mới để đàn áp những đại biểu chủ nghĩa dân tộc. Một lần nữa, Gandhi bị bắt giam, và chính quyền tìm cách đập tan ảnh hưởng của ông bằng cách cách li hoàn toàn ông và các người đi theo ủng hộ. Chiến lược này không hiệu quả. Năm 1932, qua chiến dịch của B. R. Ambedkar - lãnh tụ của những người Dalit - chính quyền đảm bảo cho dân ti tiện Dalit những khu bầu cử riêng trong hiến pháp mới. Để phản đối việc này, Gandhi bắt đầu một cuộc tuyệt thực 6 ngày vào tháng 9 năm 1932, thành công trong việc buộc chính quyền tiếp nhận một hệ thống công bằng hơn qua sự thương lượng qua trung gian là ông Palwankar Baloo, vốn là một người Dalit chơi ngoạn bản cầu (cricketer), sau trở thành nhà chính trị. Đây cũng là khởi điểm của một chiến dịch mới của Gandhi với mục đích cải thiện cuộc sống của dân ti tiện, những người được ông gọi là Harijan, "con của trời Hari". Ngày 8 tháng 5 năm 1933, Gandhi bắt đầu một cuộc tuyệt thực 21 ngày để phản đối sự đàn áp của người Anh tại Ấn Độ. Mùa hè năm 1934, ông ba lần bị mưu hại không thành công. Khi đảng Quốc dân Đại hội Ấn Độ tranh luận về tuyển cử và chấp nhận quyền chính trị dưới kế hoạch liên bang, Gandhi quyết định rời đảng. Ông hoàn toàn không chống đối phương án này của đảng nhưng cảm thấy rằng nếu ông rút lui thì hình tượng của ông đối với thường dân Ấn Độ sẽ ngưng đè nén toàn thể hội viên của đảng vốn có bản chất đa dạng: thành viên theo chủ nghĩa cộng sản, xã hội, công đoàn, sinh viên, tôn giáo bảo thủ, kinh doanh và quyền sở hữu. Gandhi cũng không muốn mình là mục tiêu của sự tuyên truyền của chính quyền Anh khi lãnh đạo một đảng đã có lần tạm thời thừa nhận sự phù hợp chính trị với chính quyền Anh. Gandhi trở về địa vị lãnh đạo năm 1936 khi Jawaharlal Nehru nắm chức chủ tịch và Quốc dân Đại hội đang họp tại Lucknow. Mặc dù Gandhi mong muốn sự tập trung tuyệt đối vào việc giành độc lập, không chú tâm vào việc suy đoán về chính quyền Ấn Độ tương lai, nhưng ông không ngăn được việc Quốc dân Đại hội chọn chủ nghĩa xã hội là mục tiêu. Gandhi cũng phê bình Subhas Chandra Bose và việc ông thăng tiến, nhậm chức chủ tịch vào năm 1938. Trong khi một số sử gia cho rằng đây là một cuộc tranh quyền giữa hai nhà lãnh đạo lớn thì Gandhi cơ bản phản đối việc Bose không thừa nhận nguyên tắc bất bạo lực cũng như dân quyền, hai điểm được Gandhi xem là nền tảng cho cuộc đấu tranh. Nguyện vọng phát động một cuộc khởi nghĩa khắp nơi chống chính quyền Anh của Bose không hàm dung việc chuẩn bị không dùng bạo lực của những người tham gia và trong năm đầu giữ quyền chủ tịch, Bose tập trung vào việc đưa những người thân cận lên nắm những chức quan trọng. Bose được nhậm chức lần thứ hai mặc dù bị Gandhi chỉ trích, nhưng rời Quốc dân Đại hội khi tất cả những thành viên chức cao khác từ chức hàng loạt để phản đối việc ông từ bỏ những nguyên tắc Gandhi đã đưa vào trong những năm đầu thập niên 1920. Năm 1938-1939, tất cả những ứng cử viên của Quốc dân Đại hội từ chức khi Quốc hội phản đối sự sáp nhập Ấn Độ một mặt vào Chiến tranh thế giới thứ hai mà không tham vấn những đại biểu được bầu. Gandhi tiếp tục cuộc đấu tranh chống sự kì thị dân Dalit, khuyến khích việc dệt tay và các ngành kĩ nghệ tại gia khác. Ông cũng cố gắng kiến lập một hệ thống giáo dục mới thích hợp cho những vùng thôn dã. Gandhi sống giản dị trong những năm này trong một thôn làng trung tâm Ấn Độ với tên Sevagram. Ngày 3 tháng 3 năm 1939, ông lại tuyệt thực một lần nữa. "Làm hay chết": Chiến tranh thế giới thứ hai và "Rời Ấn Độ" Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ năm 1939 khi Đức Quốc Xã xâm lấn Ba Lan. Gandhi hoàn toàn đồng cảm với nạn nhân của sự xâm chiếm này. Sau khi cân nhắc kĩ cùng những người đồng nghiệp trong Quốc hội, ông công bố rằng Ấn Độ không thể tham gia một cuộc chiến với mục đích bề ngoài là giành tự do dân chủ trong khi chính tự do dân chủ này bị phủ nhận tại Ấn Độ. Gandhi nói rằng ông sẽ hỗ trợ người Anh nếu họ cho ông thấy cách áp dụng mục đích của cuộc chiến tại Ấn Độ sau chiến tranh. Phản ứng của chính quyền Anh hoàn toàn phủ định. Họ bắt đầu tạo sự căng thẳng giữa môn đồ Ấn Độ giáo và Hồi giáo. Khi chiến tranh tiến hành, Gandhi nâng cao yêu cầu, thảo một nghị quyết kêu gọi người Anh "Rời Ấn Độ" (Quit India). Đây là sự phản đối quyết định nhất, cực lực nhất của Gandhi và đảng Quốc dân Đại hội với mục tiêu xác nhận việc người Anh rời nước Ấn. Gandhi bị một số người trong Quốc hội và một số nhóm chính trị khác - thuộc cả hai mặt, theo Anh và chống Anh - chỉ trích. Một số người cho rằng, đối lập người Anh trong thời đoạn chiến đấu sinh tử của họ là một việc phi đạo đức trong khi một số người khác lại cho rằng Gandhi chưa thực hiện đủ yêu cầu. Nhiều đảng chính trị phản đối lời kêu gọi của Gandhi. Ngoài sức khoẻ và tuổi tác ra, đây có lẽ là bước tiến dẫn cuối cùng của Gandhi. Nó đã dẫn khởi một cuộc vận động đấu tranh giành độc lập Ấn Độ lớn nhất cho đến bây giờ - với sự bắt giam số đông và bạo lực ở một mức độ chưa từng có. Hàng nghìn người kháng cự bị sát hại hoặc bị thương dưới nòng súng cảnh sát, và hàng trăm nghìn người đấu tranh giành độc lập bị bắt giam. Gandhi và những người hỗ trợ ông nói rõ rằng họ sẽ không giúp người Anh trong Thế Chiến nếu Ấn Độ không được đảm bảo tự do ngay lập tức. Gandhi thậm chí nói rằng không thể đình chỉ cuộc vận động trong thời điểm này ngay trong trường hợp những hành vi bạo lực cá nhân xảy ra. Ông cho rằng, tình trạng "vô chính phủ có tổ chức" xung quanh ông "nguy hiểm hơn là vô chính phủ thật sự". Ông yêu cầu tất cả những thành viên Quốc hội và dân chúng duy trì kỉ luật hòa bình và "làm hay chết" vì tự do tuyệt đối. Gandhi và toàn bộ ban chấp hành Quốc hội bị bắt giam ngày 9 tháng 8 năm 1942 tại Mumbai bởi lực lượng quân đội nước Anh. Gandhi bị giam hai năm trong điện Aga Khan tại Pune. Tại đây, Gandhi trải qua những nỗi khổ lớn nhất của cuộc đời, đó là cái chết của vợ Kasturbai chỉ vài tháng sau khi Mahadev Desai - người thư ký được ông xem như con trai - chết vì bị nhồi máu cơ tim vào tuổi 42. Gandhi được thả trước khi chiến tranh chấm dứt vì sức khoẻ sa sút và một ca mổ cần thiết. Chính quyền Anh không muốn ông chết trong tù vì đây là một sự kiện có thể làm lòng căm phẫn của công chúng vượt khỏi tầm kiểm soát. Mặc dù sự đàn áp tàn nhẫn này mang đến một trạng thái trật tự tương đối tại Ấn Độ cuối năm 1943, nhưng phong trào "Rời Ấn Độ" đã thành công với những mục tiêu của nó. Khi chiến tranh chấm dứt, người Anh đã đưa ra những dấu hiệu rõ ràng là quyền cai trị sẽ được chuyển đến tay Ấn Độ. Gandhi đình chỉ cuộc đấu tranh, những người lãnh đạo Quốc hội và khoảng 100.000 người tù chính trị được thả. Sau 90 năm phấn đấu, tự do giờ đây nằm trong tầm tay Ấn Độ. Tự do và sự phân chia Ấn Độ [[Tập tin:1 rupee Gandhi India - 1948.png|thumb|250px|Xu bạc: 10 rupees với mặt trước là chân dung của Mahatma Gandhi, đúc năm 1969]] Gandhi khuyên Quốc hội từ khước những đề nghị trong kế hoạch của phái đoàn chính phủ Anh năm 1946 vì ông rất nghi ngờ việc chia quyền với Liên minh Hồi giáo (Muslim League) cũng như sự phân chia và hạ giảm chính quyền trung ương có thể xảy ra. Gandhi cảnh cáo sự tập hợp được đề nghị dành cho những liên bang có số đông người Hồi. Tuy nhiên, đây là một trong những lần ít ỏi mà Quốc hội không nghe lời Gandhi (nhưng không đặt câu hỏi về quyền lãnh đạo) vì những người cầm đầu không những muốn lập chính quyền nhanh như có thể khi người Anh trao quyền lại, mà còn muốn ngăn cản Mohammed Ali Jinnah và Liên minh Hồi giáo đạt vị trí ngang hàng với đảng Quốc dân Đại hội, vốn có bản chất dân tộc và hiện thế hơn. Trong thời gian 1946-1947, hơn 5000 dân bị sát hại. Liên minh được ủng hộ mạnh ở những bang có nhiều người theo Hồi giáo như Punjab, Bengal, Sindh, NWFP (North-West Frontier Province, Pakistan) và Baluchistan. Kế hoạch phân chia được ban lãnh đạo Quốc hội thừa nhận là phương pháp duy nhất để ngăn cản một cuộc nội chiến lớn giữa môn đồ Ấn Độ giáo và Hồi giáo. Những nhà lãnh đạo cố cựu của Quốc hội biết rõ Gandhi sẽ phản đối cực lực sự phân chia, nhưng họ cũng thừa biết là Quốc hội không tiến bước nếu không có sự thoả thuận của ông vì sự hỗ trợ trong đảng và toàn quốc dành cho Gandhi rất sâu rộng. Những người bạn đồng nghiệp thân cận nhất của ông đã chấp nhận việc phân chia như phương án giải đáp tốt nhất, và Sardar Patel cố gắng thuyết phục Gandhi đây là con đường duy nhất để tránh cuộc nội chiến. Gandhi cuối cùng xuôi lòng, tán đồng bước thực hiện này. Gandhi có ảnh hưởng lớn trong các cộng đồng Ấn Độ giáo và Hồi giáo tại Ấn Độ. Tương truyền chỉ sự hiện diện của ông thôi cũng đủ chấm dứt các cuộc bạo động. Ông phản đối kịch liệt tất cả những kế hoạch phân chia Ấn Độ thành hai quốc gia độc lập. Liên minh Hồi giáo luận cứ rằng thiểu số người Hồi giáo sẽ bị bức áp một cách có hệ thống bởi phần lớn môn đồ Ấn Độ giáo trong một quốc gia Ấn Độ thống nhất, và một quốc gia riêng cho người theo Hồi giáo là một giải pháp hợp lý. Tuy nhiên, nhiều người Hồi giáo ở trung tâm Ấn Độ - vốn chung sống với người Ấn giáo, đạo Sikhs, Phật giáo, Kì-na giáo, đạo Parsi, Kitô giáo và đạo Do Thái - lại muốn một quốc gia Ấn Độ thống nhất. Nhưng Jinnah ra lệnh hỗ trợ rộng rãi các vùng Tây Punjab, Sindh, NWFP và Đông Bengal, tất cả những vùng đã hợp thành dạng Pakistan và Bangladesh ngày nay. Xứ sở mới của người theo Hồi giáo được kiến lập từ các vùng Đông và Tây Ấn Độ. Ban đầu nó được gọi là Tây và Đông Pakistan, và giờ đây tương ưng với Pakistan và Bangladesh. Ngày trao quyền chính trị, Gandhi không ăn mừng độc lập cùng với công chúng Ấn Độ mà chỉ đơn độc tại Kolkata, đau buồn về sự phân chia và tiếp tục công việc nhằm chấm dứt bạo lực. Đời sống cá nhân trong thời kì đấu tranh Gandhi và vợ Kasturba đi khắp nước và lưu trú ở những Già-lam ở Gujarat và Maharashtra hoặc tại nhà những người bạn và những người hâm mộ. Những lần đến Delhi, họ ngụ tại tòa nhà Birla (Birla House) được cấp bởi người bạn thân là Ghanshyamdas Birla. Một thời Gandhi trú tại chung cư Bhangi (Bhangi Colony), trung tâm của sự việc chống kì thị giai cấp của ông. Gandhi là một người say mê viết thư, luôn thử nghiệm các cách điều chế ăn uống, trau dồi nhận thức tôn giáo và triết học, nhưng chủ yếu là tư duy về các sự kiện chính trị. Ông cũng đã chỉ đạo những công việc trong một Già-lam và chỉ dẫn các môn đệ trong những vấn đề cá nhân. Bị ám sát Ngày 30 tháng 1 năm 1948, trên đường đến một nơi thờ tụng, Gandhi bị bắn chết bởi Nathuram Godse tại tòa nhà Birla ở New Delhi. Godse là một môn đồ Ấn giáo cực đoan được người đương thời cho là có mối quan hệ với cánh cực hữu của các tổ chức Ấn Độ giáo như Hindu Mahasabha. Tổ chức này cho Gandhi là người chịu trách nhiệm cho việc chính quyền suy nhược vì đã khăng khăng bắt buộc nộp một khoản tiền cho Pakistan. Godse và người cùng âm mưu là Narayan Apte sau bị đưa ra tòa kết án, và bị xử tử ngày 15 tháng 11 năm 1949. Vinayak Damodar Savarkar, chủ tịch của Hindu Mahasabha, một nhà cách mạng và môn đồ Ấn giáo cực đoan bị tố cáo là người nắm đầu dây của mưu đồ này, nhưng sau được giải tội vì thiếu bằng chứng. Tương truyền câu nói trước khi chết của Gandhi là "Ô kìa Rama!" (Hey Rama!) và nó được xem là câu tôn kính hướng đến thần Rama, là một dấu hiệu gợi cảm tâm linh Gandhi cũng như lý tưởng đạt sự thống nhất với hòa bình vĩnh hằng của ông. Câu này được khắc vào đài tưởng niệm của ông tại New Delhi. Có người nghi vấn về tính có thật của câu này nhưng một số người đã chứng kiến và xác nhận ông đã nói như thế. Một vài nguồn ghi lại những lời cuối của ông là "He Ram, He Ram" hoặc "Rama, Rama", và nó cũng tường thuật rằng ông lăn xuống đất, chắp hai tay trước ngực ở tư thế chào. Nguyên tắc: Chấp trì chân lý Như đã nói trong phần dẫn nhập, nguyên tắc chính của Gandhi là Satyāgraha, "Chấp trì chân lý" và người thực hiện việc này được gọi là một Satyāgrahī. Trong nhiều bài viết, Gandhi định nghĩa Chấp trì chân lý như sau (Collected Works of Mahatma Gandhi [CWMG], Vol. 16, p. 9-10): Chấp trì chân lý là gì? Chấp trì chân lý không phải là năng lực thể chất. Người chấp trì chân lý không tổn thương đối thủ; ông ta không tìm cách huỷ diệt người ấy. Một người chấp trì chân lý không bao giờ dùng súng. Không có lòng sân ác hoặc bất cứ tâm bất thiện nào khác khi ứng dụng chấp trì chân lý. Chấp trì chân lý là một năng lực tâm linh thanh tịnh. Chân lý chính là thể chất của linh hồn. Đây là nguyên do vì sao năng lực này được gọi là chấp trì chân lý. Linh hồn bao gồm trí huệ. Ngọn lửa của lòng từ bi bùng cháy trong nó. Nếu một ai đó tổn thương ta vì vô minh thì ta thắng họ bằng tình thương. Bất hại là pháp tối cao (sa. ahiṃsā paramo dharmaḥ). Nó chính là sự chứng minh của năng lực tình thương. Bất hại là trạng thái ngủ. Khi tỉnh thức thì nó là tình thương. Được chỉ đạo bởi tình thương, thế giới tiến bước... Theo Gandhi thì nguyên tắc Chấp trì chân lý nên đi xa hơn, ảnh hưởng nhiều hơn những dạng kháng cự xưa nay như Kháng cự thụ động, bất phục tòng của công chúng và bất hợp tác. Chấp trì chân lý bao gồm cả ba dạng này, nhưng lại tiến xa hơn (Harijan, 21.07.1940): Theo nghĩa thường gặp thì chấp trì chân lý có nghĩa là thế lực của chân lý (truth force).... Bạo lực là sự phủ nhận năng lực tâm linh to lớn này, một năng lực chỉ có thể được sử dụng hoặc phát triển bởi những người hoàn toàn lìa xa bạo lực. Nó là một năng lực có thể được áp dụng bởi cá nhân hoặc cộng đồng, và nó cũng có thể được ứng dụng trong lãnh vực chính trị hoặc tại gia.... Tính năng có thể được áp dụng mọi nơi của nó chính là sự biểu hiện của tính trường tồn cũng như vô địch của nó. Nó có thể được áp dụng bởi đàn ông, đàn bà và trẻ em.... Những người tự thấy mình yếu hèn không thể dùng năng lực này được. Chỉ những người nhận thức được một cái gì đó của con người siêu việt bản năng thô bạo trong mình và năng lực thứ hai này luôn quy hướng về nó thì những người này mới có thể là những người kháng cự thụ động hữu hiệu. Lúc đầu, Gandhi xem Chấp trì chân lý như là kháng cự thụ động, nhưng sau ông từ khước cách dùng này, bởi vì đối với ông, "thụ động" chỉ đến một trạng thái thừa nhận định mệnh, một cách thầm nhận những gì bất công và như vậy, nó hạ thấp năng lực nằm trong từ "kháng cự". Theo Gandhi, kháng cự đòi hỏi một tư thái anh hùng và năng nỗ hơn là trạng thái thụ động hoặc khoan nhượng. Câu hỏi được đặt ra ở đây là đặc điểm nào đưa Chấp trì chân lý lên cao hơn ba dạng kia? Ba thành phần chính của nguyên tắc Chấp trì chân lý sẽ làm sáng tỏ sự việc, đó là Chân lý (sa. satya), Bất hại (sa. ahiṃsā) và Khổ hạnh' (sa. tapas) Chân lý Gandhi phân biệt hai loại chân lý, chân lý tương đối và chân lý tuyệt đối. Trong trường hợp Chấp trì chân lý thì chân lý tương đối đóng vai trò chính. Trong phần dẫn nhập của Tự truyện, Gandhi ghi như sau:Nhưng đối với tôi, chân lý là một nguyên tắc căn bản bao gồm nhiều nguyên tắc khác. Chân lý này không chỉ là sự chân thật trong lời nói, mà cũng là sự chân thật trong tư duy, và cũng không chỉ là chân lý tương đối của khái niệm của chúng ta, mà là chân lý tuyệt đối, chân lý vĩnh hằng, và đó là Thượng đế. Có rất nhiều cách định nghĩa Thượng đế bởi vì Ngài có rất nhiều cách thể hiện. Chúng chinh phục tôi với sự kinh ngạc và kính trọng và tôi tê liệt trong một khoảnh khắc. Nhưng tôi chỉ tôn kính Thượng đế như chân lý. Tôi chưa tìm thấy Ngài, nhưng tôi tìm Ngài. Tôi sẵn sàng cống hiến những gì quý báu nhất của tôi để đi tìm. Ngay cả trường hợp sự cống hiến này đòi hỏi ngay sinh mệnh của tôi thì tôi hi vọng là sẽ sẵn lòng hiến dâng nó. Nhưng khi nào tôi chưa trực chứng chân lý tuyệt đối thì cho đến khi ấy, tôi phải nắm giữ chân lý tương đối như tôi hiểu nó. Trong thời gian này thì chân lý tương đối phải là ngọn đèn, tấm mộc và vật che chở của tôi.Trong nguyên tắc Chấp trì chân lý, chân lý tương đối - mang khái niệm thực dụng để tìm chân lý - quan trọng hơn các khái niệm về Thượng đế, Brahman hoặc chân lý tuyệt đối. Trong khi khái niệm chân lý tuyệt đối của Gandhi bị ảnh hưởng về mặt siêu hình thì mặt khác, khái niệm chân lý tương đối, như cơ sở của chấp trì chân lý, lại rất khoa học và chính xác. Chỉ qua sự áp dụng và thực nghiệm ta mới biết được lập trường nào đứng gần chân lý tuyệt đối hơn. Nhưng, để không bị tấm màn vô minh và huyễn giác mê hoặc, người ta phải giữ những giới luật nhất định. Chúng được hàm dung trong hai thành phần khác của Chấp trì chân lý, là Bất hại và Khổ hạnh. Bất hại Bất hại cũng được hiểu là Bất bạo động. Theo Gandhi, chỉ một con đường dẫn đến chân lý, và con đường này mang tên Bất hại. Theo ông, chỉ nguyên tắc bất hại mới hòa hợp với quy luật vũ trụ là Dharma. Nguyên tắc bất hại toàn hảo đòi hỏi một niềm tin vào tính nhất thể của sự sống. Theo nguyên tắc Chấp trì chân lý, sinh mệnh của toàn thể được đặt cao hơn sinh mệnh của cá nhân và như vậy, nó đòi hỏi một tấm lòng vị tha và vô uý. Để đạt được đẳng cấp này, người ta phải tu luyện thân tâm, cụ thể là thực hiện các phép tu khổ hạnh. Khổ hạnh Tapas - được dịch là Khổ hạnh ở đây - có nguyên nghĩa theo Ấn Độ giáo là "sự nóng", một "ngọn lửa" có thể đốt cháy các nghiệp trước đây. Thuật ngữ này sau được dùng để chỉ sự hành hạ thể xác, tuyệt dục, lãnh đạm đối với các cảm nhận khổ lạc,... Tuy nhiên, dạng Khổ hạnh Gandhi đề cao không phải là dạng ẩn lánh vào rừng mà là dạng hết lòng phục vụ những người xung quanh, trong xã hội (CWMG, Vol. 73, S. 43-44).Đây là một thử nghiệm mới. Bất bạo lực chưa được áp dụng trong chính trị. Bất bạo lực cũng đã được áp dụng thời xưa. Nhưng nó lúc nào cũng là việc làm của một cá nhân. Những người như thế sau này ẩn tránh trong núi hoặc sống đơn độc trong các thôn làng. Họ không lưu tâm đến hạnh phúc chung. Tôi đã bắt đầu một phong trào mới. Bất bạo lực, nếu chỉ giới hạn ở một cá nhân thôi thì chẳng phải là pháp tối cao. Tôi không kính phục một người thực hiện bất bạo lực trong một hang động. Bất bạo lực như vậy chẳng có sở dụng gì cho tôi. Tôi tin vào một dạng bất bạo lực có thể được thực hiện trong thế gian với những hiện thực rõ ràng. Tôi chẳng lưu tâm đến sự giải thoát của một người thực hiện bất bạo lực sau khi từ khước thế gian. Tôi chẳng để ý đến một sự giải thoát cá nhân loại trừ những người khác ra. Người ta có thể đạt giải thoát qua việc phục vụ người khác. Đây chính là lý do tôi đến đây để thuyết giảng sự việc cho quý vị.Năng lực của một tâm thức chấp nhận khổ đau với chủ ý có khả năng dung hòa bạo lực. Giữ chặt chân lý mình cho là đúng có thể gây khổ đau nhiều dạng, ví như mất mát của cải, mang thương tích, thậm chí tử vong. Nhưng Gandhi lại đòi hỏi ở những người đi theo mình một sự kham khổ tuyệt đối vì ông quan niệm rằng, mức độ khổ đau chính là thước đo chiều sâu tình thương của người chấp trì chân lý dành cho đối thủ cũng như của tính chất nghiêm trọng của niềm tin của ông ấy (CWMG, Vol. 17, trang 374). Ăn chay Mặc dù có thử ăn thịt lúc còn nhỏ nhưng Gandhi sau này trở thành một người ăn chay tuyệt đối. Ông viết sách về chủ đề này trong thời gian du học tại Luân Đôn, sau khi gặp người tranh đấu cho việc ăn chay là Henry Stephens Salt ở những cuộc hội họp của Hội người ăn chay. Nguyên tắc ăn chay có truyền thống lâu đời trong các tôn giáo Ấn Độ như Ấn Độ giáo, Kì-na giáo và Phật giáo, và trong tiểu bang của Gandhi, Gujarat, phần lớn môn đồ Ấn giáo đều ăn chay. Ông thử nhiều cách ăn và kết luận rằng, ăn chay đủ cung cấp chất dinh dưỡng tối thiểu cho thân thể. Tuy nhiên, cách ăn của ông cũng linh hoạt và ông cũng không ngần ngại khi ăn trứng như bài viết "chìa khoá sức khoẻ" (Key to Health) năm 1948 cho thấy. Ông thường nhịn ăn lâu ngày, dùng nhịn ăn như một vũ khí chính trị. Ông từ chối không ăn cho đến chết hoặc cho đến khi những yêu cầu của ông được thực hiện. Sống tuyệt dục Gandhi sống tuyệt dục từ năm 36 tuổi. Quyết định này của ông bị ảnh hưởng mạnh bởi khái niệm Phạm hạnh (sa. brahmacarya) trong các tôn giáo Ấn Độ, tức là sự thanh tịnh của tâm linh và hành động, có mối liên hệ trực tiếp với việc tu khổ hạnh (sa. tapas) được nhắc bên trên. Tuy vậy, Gandhi không tin đây là một việc mỗi người nên làm. Trong Tự truyện, ông có nhắc lại cuộc phấn đấu chống lại sự thôi thúc tính dục và những cuộc ghen tuông vì bà Kasturba. Ông cho rằng, sống tuyệt dục là trách nhiệm riêng của ông để có thể phát triển lòng từ bi thay vì đam mê nhục dục. Im lặng Gandhi giữ giới không nói một ngày trong tuần. Ông tin là không nói sẽ mang đến sự an tĩnh nội tâm. Giới không nói bắt nguồn từ truyền thống Ấn giáo, mouna "tịnh khẩu" và śānti "tịch tĩnh". Trong những ngày này, ông trao đổi với những người xung quanh bằng cách viết trên giấy. Từ năm 37 tuổi, hơn ba năm liền ông không đọc báo vì cho rằng, trạng thái huyên náo của sự kiện thế giới làm tâm ông hỗn loạn hơn là hỗn loạn nội tâm sẵn có. Y phục Trở về Ấn Độ sau khi làm luật sư thành công tại Nam Phi, ông từ khước mặc y phục phương Tây - cách ăn mặc được ông liên tưởng đến phú quý và thành công. Ông ăn mặc để người nghèo nhất Ấn Độ cũng có thể chấp nhận. Gandhi khuyến khích việc mặc y phục tự dệt (khadi). Ông và môn đệ dệt vải từ sợi chỉ tự se và khuyến khích người khác cũng làm như thế. Mặc dù công nhân Ấn Độ thường ngồi không vì thất nghiệp, họ vẫn mua quần áo sản xuất bởi người Anh. Gandhi cho rằng, nếu người Ấn tự sản xuất vải, họ sẽ gây một chấn động kinh tế cho các tổ chức Anh tại Ấn Độ. Qua sự việc này, biểu tượng bánh xe se chỉ sau này được đưa vào lá cờ của Quốc dân Đại hội Ấn Độ. Tôn giáo Mặc dù sinh ra trong một gia đình Ấn Độ giáo, Gandhi vẫn giữ thái độ phê phán phần lớn các tôn giáo, bao gồm cả Ấn Độ giáo. Trong Tự truyện, ông ghi như sau:Như vậy, nếu tôi không thừa nhận Thiên chúa giáo là toàn hảo hoặc vĩ đại nhất thì tôi cũng chẳng tin Ấn Độ giáo được như vậy. Những nhược điểm của Ấn Độ giáo đập ngay vào mắt tôi. Nếu kì thị người ti tiện (untouchability) là một thành phần của Ấn Độ giáo thì nó là thành phần hủ nát hoặc là một cục bướu. Tôi không thể hiểu lý do tồn tại của đa số phe phái và giai cấp xã hội. Thế nào là ý nghĩa của câu nói "Phệ-đà là những lời cảm hứng của Thượng đế"? Nếu chúng được truyền cảm, thì tại sao Thánh kinh và Koran lại không? Khi các người bạn Thiên chúa giáo tìm cách thuyết phục cải đạo, các người bạn Hồi giáo cũng làm như vậy. Abdullah Sheth liên tục khuyến dụ tôi nghiên cứu Hồi giáo và dĩ nhiên là ông ta luôn có những gì để nói về cái đẹp của nó.Và ông cũng nói thêm:Khi mất cơ sở đạo đức, chúng ta mất lòng thành tín. Không có gì ta có thể gọi là Đạo đức siêu việt tôn giáo. Con người không thể giả dối, ác hại hoặc phóng dật rồi sau đó xác định là có Thượng đế bên cạnh.Nhưng Gandhi phê phán tính đạo đức giả trong tôn giáo có tổ chức hơn là những nguyên tắc cơ bản của chúng. Ông nói như sau về Ấn Độ giáo:Ấn Độ giáo, như tôi hiểu, làm tôi mãn nguyện hoàn toàn, vun đầy thể chất của tôi.... khi hoài nghi lai vãng, khi thất vọng đối diện tôi, và khi tôi không còn thấy một tia sáng nào ở chân trời, lúc đó tôi mở quyển Chí tôn ca, tìm đọc một câu an ủi; và ngay lập tức, tôi có được một nụ cười ngay trong nỗi lo bức bách. Cuộc đời tôi đầy những thảm kịch và nếu chúng không để lại hiệu quả hiển nhiên không thể tẩy đi được nơi tôi thì đó kết quả của những lời dạy trong Chí tôn ca.Quan niệm Jihad của Hồi giáo cũng có thể được hiểu là một cuộc đấu tranh bất bạo động hoặc Chấp trì chân lý như Gandhi đã áp dụng. Ông nói như sau về Hồi giáo:Những lời dạy của Muhammad là kho báu trí huệ, không những cho môn đồ Hồi giáo, mà cho toàn nhân loại.Sau này, khi được hỏi có phải là môn đồ Ấn giáo hay không, ông ứng đáp:Đúng, tôi là môn đồ Ấn giáo. Tôi cũng là một tín đồ Thiên chúa giáo, một tín đồ Hồi giáo, một Phật tử và một môn đồ Do Thái.Gandhi tin rằng, tinh hoa của mỗi tôn giáo là chân lý và tình thương. Ông bị ảnh hưởng lớn bởi giáo lý bất kháng cự (nonresistance) và "đưa má thứ hai" ra (khi bị đánh một bên má) của Thiên chúa giáo, và ông có lần nói là nếu Thiên chúa giáo được áp dụng như trong Bài giảng trên núi thì ông là một tín đồ Thiên chúa giáo. Niềm tin Mặc dù rất kính trọng nhau nhưng Gandhi và Rabindranath Tagore tranh luận dai dẳng nhiều lần và các cuộc tranh luận này là những ví dụ tiêu biểu cho những quan điểm triết học dị biệt giữa hai danh nhân Ấn Độ vĩ đại nhất thời đó. Ngày 15 tháng 1 năm 1934, một cơn động đất xảy ra tại Bihar, gây tử vong và thiệt hại lớn. Gandhi tin chắc rằng sự việc xảy ra vì tội lỗi của những môn đồ Ấn giáo thuộc giai cấp cao, vì họ không cho những kẻ ti tiện vào đền thờ. Tagore phản đối cực lực lập trường của Gandhi, cho rằng, một cơn động đất chỉ có thể xảy ra trên cơ sở năng lực thiên nhiên, không phải vì lý do đạo đức cho dù việc kì thị người vô giai cấp đáng chê trách như thế nào đi nữa. Tưởng niệm Gandhi không được giải Nobel bao giờ mặc dù được đề cử năm lần từ 1937 đến 1948. Vài thập niên sau, Hội đồng giải Nobel công bố sự ân hận đã bỏ lỡ thời cơ và họ cũng thừa nhận là những ý kiến bị phân chia bởi tư tưởng dân tộc đã ngăn cản việc trao giải cho Gandhi. Khi Đạt-lại Lạt-ma thứ 14 nhận giải năm 1989, chủ tịch hội cũng đã nói là "đây cũng là một phần cống phẩm để tưởng niệm Gandhi". Viện bảo tàng điện tử của hiệp hội giải Nobel có một bài về mục này . Tạp chí Time gọi Gandhi là người thứ hai sau Albert Einstein trong mục "Nhân vật thế kỉ" và có một bài viết với những chủ mục viết tường tận của Dalai Lama, Lech Wałęsa, Martin Luther King, Jr. và Nelson Mandela với tên "Những người con của Gandhi" (Children of Gandhi), với mục đích nhận thức ảnh hưởng của Gandhi đến những người lãnh đạo tương lai. Chính quyền Ấn Độ trao giải Hòa bình Gandhi cho những người phục vụ xã hội, những người lãnh đạo trên thế giới và lãnh đạo công dân xuất sắc. Nelson Mandela, người dẫn đầu cuộc đấu tranh chống kì thị chủng tộc và phân li quốc gia là người ngoài Ấn Độ nổi danh được trao giải này. Năm 1996, chính phủ Ấn Độ phát hành một loạt tiền giấy có hình Gandhi bao gồm những tờ 5, 10, 20, 50, 100, 500 và 1000 rupee. Hình tượng trong nghệ thuật Cách trình bày cuộc đời Gandhi nổi tiếng nhất có lẽ là bộ phim Gandhi (1982), được đạo diễn bởi Richard Attenborough và diễn viên Ben Kingsley (chính ông là người nửa phần Gujarati) trong vai chính, đoạt giải Oscar cho phim hay nhất. Tuy nhiên, bộ phim sau này bị chỉ trích bởi các học giả hậu thực dân. Họ luận cứ là bộ phim miêu tả Gandhi như một người dùng một tay đưa Ấn Độ đến sự độc lập và bỏ qua những nhân vật quan trọng khác (của cả hai nhóm, tinh duệ và cấp dưới) trong cuộc kháng chiến chống thực dân. Bộ phim The Making of the Mahatma, với Shyam Benegal đạo diễn và Rajat Kapur trong vai chính là một phim nói về 21 năm hoạt động của Gandhi tại Nam Phi. Philip Glass soạn ca kịch Satyagraha nói về sự nghiệp của Gandhi. Có nhiều tượng Gandhi nổi tiếng tại Anh, đáng lưu ý nhất là tượng ở Tavistock Gardens, Luân Đôn, gần Đại học College London, nơi ông đã học luật. Tại Hoa Kỳ, người ta có thể chiêm ngưỡng tượng Gandhi bên ngoài Ferry Building tại San Francisco, tại Hermann Park, Houston Garden Center ở Houston, tại Union Square Park ở Thành phố New York, tại Martin Luther King, Jr. National Historic Site ở Atlanta, bên ngoài Thảo cầm viên Honolulu ở Kapiolani Park, Hawaii, ở Village of Skokie (một vùng bên ngoài Chicago, Illinois), và gần tòa đại sừ Ấn Độ ở khu phố Dupont Circle của Washington, DC. Thành phố Pietermaritzburg, Nam Phi, nơi Gandhi bị tống ra khỏi toa xe năm 1893, giờ đây có một bức tượng tưởng niệm hình tượng người đấu tranh giành độc lập Ấn Độ, được dựng lên 100 năm sau khi sự kiện xảy ra. Cũng có những hình tượng Gandhi ở các thành phố khác như Moskva, Paris, Amsterdam, Barcelona, Lisbon, Canberra, San Fernando, Trinidad và Tobago. Chính phủ Ấn Độ tặng tượng Gandhi cho thành phố Winnipeg, tỉnh Manitoba, Canada, để tỏ lòng ủng hộ viện bảo tàng dân quyền tương lai được lập ở đây (Canadian Museum for Human Rights). Cũng có một bức tượng bán thân to lớn của Gandhi trước thư viện của Đại học Laurentian ở Sudbury, Ontario. Tại St. Louis, một bức tượng bán thân của Gandhi đứng trước International Institute. Phê bình Nhiều nhà sử học và chú giải đã phê bình Gandhi vì cái nhìn của ông về Adolf Hitler và Chủ nghĩa Đức Quốc Xã, bao gồm những lời trần thuật là người Do Thái có thể đạt được tình thương của Thượng đế nếu họ sẵn lòng đi đến cái chết như những cảm tử chết vì nghĩa.. Penn và Teller, trong một đoạn của chương trình "Bullshit!" ("Holier than Thou"), đã tấn công Gandhi một phần về tính đạo đức giả qua những lập trường tiền hậu bất nhất trí trong khi thực hiện bất bạo lực, thái độ không thích hợp về phía phụ nữ và những lời nói có bản chất kì thị chủng tộc. Gandhi nói trước công chúng tại Mumbai, 26 tháng 9 năm 1896 (Collected Works, quyển II, trang 74) về người châu Phi như sau:Cuộc chiến của chúng ta là một cuộc đấu tranh chống sự suy đồi mà người châu Âu tìm cách áp đặt vào chúng ta. Họ muốn hạ cấp chúng ta thành một Kaffir (tên gọi hạ miệt, chỉ người Phi da đen) thô tục với việc làm là săn bắt, với hoài bão duy nhất là sưu tập một số gia súc nhất định để mua được một người vợ và sau đó sống một cuộc sống lười nhác và loã lộ. Tagore nhận xét về ông như sau:Ông ngừng lại ở ngưỡng cửa các căn nhà tồi tàn của hằng ngàn người cùng khốn, y phục của ông y hệt y phục của họ. Ông nói với họ bằng ngôn ngữ của họ. Đó mới thực là một chân lý sinh động chứ không phải chỉ là những lời suông trong sách vở. Vì vậy mà tiếng tôn xưng Mahatma (Thánh) mà dân Ấn tặng ông đã thành tên thực của ông. Ai là người cảm thấy như ông rằng tất cả mọi người Ấn chính là da thịt của mình, máu mủ của mình? Khi tình thương tới gõ cửa Ấn Độ thì cửa đã mở toang chờ sẵn rồi… Nghe tiếng gọi của Gandhi, Ấn Độ xông ngay tới một cảnh vinh quang cao quý mới, như hồi xưa, rất xa xăm, khi Phật Tổ tuyên bố đạo từ bi, thương yêu cả mọi sinh vật. Xem thêm B. R. Ambedkar Chấp trì chân lý Jawaharlal Nehru Sardar Vallabhbhai Patel Quốc dân Đại hội Ấn Độ Subhas Chandra Bose Thư mục tham khảo M. Blume: Satyagraha. Wahrheit und Gewaltfreiheit, Yoga und Widerstand bei Gandhi. Gladenbach 1987. J. Bondurant: Conquest of Violence, Princeton 1958. M. Chatterjee: Gandhi’s Religious Thought, Luân Đôn 1983. Elst, K. (2001). Gandhi and Godse: A review and a critique. New Delhi: Voice of India. Gandhi: Hind Swaraj in Iyer: Writings (Bd. I, S. 199-264). Gandhi: Multimedia, E-book. CD-ROM Version. New Delhi: Publications Division, Ministry of Information and Broadcasting, 1999. (The Collected Works of Mahatma Gandhi). Harijan. A journal of applied Gandhiism, New York 1933-54. J.L. Garfield: The Satya in Satyagraha . R.N. Iyer: The Moral and Political Thought of Mahatma Gandhi, New York 1973. J.T.F. Jordens: Gandhi’s Religion. A Homespun Shawl, Basingstoke 1998. B. Parekh: Gandhi's Political Philosophy, Delhi 1995. U. Prell: Ziviler Ungehorsam, Berlin 1984. G. Richards: The Philosophy of Gandhi, Luân Đôn 1982. R.J. Terchek: Gandhi, New Delhi 2001. Young India, Ahmedabad 1919-32. Gandhi: A Photo biography by Peter Rühe ISBN 0714892793 The Essential Gandhi: An Anthology of His Writings on His Life, Work, and Ideas by Louis Fischer ISBN 1400030501 Gandhi: A Life by Yogesh Chadha ISBN 0471350621 Gandhi (1982), phim của Richard Attenborough. Gandhi and India: A Century in Focus by Sofri, Gianni (1995) ISBN 1900624125 The Kingdom of God is Within You by Leo Tolstoy (1894) ISBN 0803294042 An Autobiography, or the Story of My Experiments with Truth M.K. Gandhi (1929). Patel: A Life by Rajmohan Gandhi. Exploring Jo'burg with Gandhi '', Lucille Davie. Chú thích
Trịnh Xuân Thuận là nhà khoa học người Mỹ gốc Việt trong lĩnh vực vật lý thiên văn, ông đồng thời là một nhà văn đã viết nhiều cuốn sách có giá trị cao về vũ trụ học và về những suy nghĩ của bản thân trong mối tương quan giữa khoa học và niềm tin của ông là Phật giáo. Ông còn là một nhà thơ, một triết gia, một Phật tử và một nhà hoạt động vì môi trường và hòa bình. Ông đã được trao nhiều giải thưởng trong lĩnh vực thiên văn và văn hoá xã hội. Hiện ông đang là giáo sư ngành vật lý thiên văn tại đại học Virginia, Hoa Kỳ. Tiểu sử Sinh ra tại thôn Thái Bình, xã Danh Lâm, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay đổi là xã Mai Lâm thuộc huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội), Trịnh Xuân Thuận lúc sáu tuổi theo gia đình di cư vào Nam, sống tại Đà Lạt rồi chuyển vào Sài Gòn. Ông học Trường Yersin (Lycée Yersin) tại Đà Lạt (địa điểm nay là Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt), rồi Trường Jean Jacques Rousseau (nay là Trường PTTH Lê Quý Đôn) tại Sài Gòn. Đây là 2 trường tư do người Pháp thành lập, toàn bộ quá trình học của ông từ mẫu giáo đến tốt nghiệp trung học đều là bằng tiếng Pháp. Năm 1966, sau tú tài, ông rời Sài Gòn đi du học Thụy Sĩ, và sau đó được nhận một học bổng du học tại Hoa Kỳ. Cha ông, Trịnh Xuân Ngạn, từng là viên chức trong Tối cao Pháp viện chính quyền Việt Nam Cộng hòa và sau 1975 thuộc diện phải đi học tập cải tạo. Ông đã nhờ một người bạn (một giáo sư Pháp) viết thư nhờ thủ tướng Phạm Văn Đồng can thiệp, sau đó cha ông được tự do và sang Pháp sinh sống. Ông đã theo học ngành vật lý thiên văn tại Viện Công nghệ California (California Institute of Technology) từ 1967 đến 1970, và tại Đại học Princeton từ 1970 đến 1974. Ông bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Princeton. Từ năm 1976, ông là giáo sư ngành này tại Đại học Virginia. Ông cũng là giáo sư thỉnh giảng tại Viện Đại học Paris VII (Université Paris VII - Diderot) Tháng 8 năm 2004, ông có về thăm Việt Nam và có những buổi nói chuyện về vũ trụ và vật lý thiên văn tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Sau này ông tiếp tục trở về Việt Nam nhiều lần để thỉnh giảng cho các trường đại học trong nước, cũng như tham gia các hội thảo khoa học , . Gia phả Ông nội Trịnh Xuân Thuận có hai người vợ. Bà lớn cùng gia đình năm 1954 đã di cư vào Nam. Cha ông, Trịnh Xuân Ngạn, từng là chánh án Tối cao Pháp viện Việt Nam Cộng hòa. Người em trai cùng cha khác mẹ là Trịnh Xuân Giới, tiến sĩ sử học, nguyên Hiệu trưởng trường Đoàn Trung ương, nguyên Phó ban Dân vận của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và sau này là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Con trai ông Giới là Trịnh Xuân Thanh, cán bộ bị truy nã quốc tế và sau đó bị bắt trong vụ án tham ô PVC. Tác phẩm Nhà nghiên cứu Cao Xuân Hạo đã nhận xét về ông như sau: "Trịnh Xuân Thuận thấm nhuần văn hóa Pháp, là công dân và làm việc tại Hoa Kỳ, viết những công trình khoa học bằng tiếng Anh, nhưng viết những tác phẩm về vũ trụ lại bằng tiếng Pháp. Điều đáng nói là những tác phẩm về vũ trụ nhưng đọc dễ hiểu, bởi chúng được viết từ một nhà khoa học giàu mỹ cảm, bằng tư duy lô-gích của một nhà khoa học, nhà triết học và trí tưởng tượng của một nhà thơ sành sỏi thiên văn. Chính kiến thức sâu rộng, đa dạng trên nhiều lĩnh vực của Trịnh Xuân Thuận, những khái niệm về thiên văn mà ông trình bày trở nên mềm mại, óng ả. Đó cũng là phương pháp của ông để đưa thiên văn học gần gũi với mọi người: 'Tác phẩm này dành cho những chính nhân (honnête homme), những người không có một hành trang kỹ thuật, nhưng tò mò muốn biết không chỉ những điều kỳ lạ mới nhất của khoa học ở thế kỷ XX mà cả những hệ quả triết học và thần học của những thành tựu đó' (lời đề tựa tác phẩm "Hỗn độn và hài hòa"). Chính phương pháp đó cũng được sử dụng trong "Giai điệu bí ẩn" và đưa nó trở thành tác phẩm best-seller ở Pháp và được dịch ra nhiều thứ tiếng. Có lẽ đó cũng là lý do đưa Trịnh Xuân Thuận, một công dân Mỹ lại có mặt chính thức trong phái đoàn của Tổng thống Mitterrand thăm Việt Nam năm 1993." Một số tác phẩm: La mélodie secrète, Fayard, 1988 Un astrophysicien, Beauchesne-Fayard, 1992 Le destin de l'univers: Le big bang, et après, Éditions Gallimard, coll. « » (nº 151), 1992 Le Chaos et l'Harmonie, Fayard, 1998 L'Infini dans la paume de la main - du Big Bang à l'éveil, viết chung với Matthieu Ricard, NiL éditions, 2000 Bản tiếng Anh là The Quantum and the Lotus, Three Rivers, 2004 Origines - la nostalgie des commencements, Fayard, 2003 Les Voies de la lumière, Éd. Fayard, 2007 Voyage au cœur de la Lumière, Éditions Gallimard, coll. « Découvertes Gallimard » (nº 527), 2008 Dictionnaire amoureux du Ciel et des Étoiles, Plon/Fayard, 2009 Le Big bang et après?, viết chung với Alexandre Adler, Marc Fumaroli và Blandine Kriegel, Albin Michel, 2010 Le Cosmos et le lotus, Albin Michel, 2011 (được Giải Louis Pauwels, 2012). Désir d'infini, Fayard, 2013 Face à l'univers, Autrement, 2015 Các bản dịch tiếng Việt Giai điệu bí ẩn. Và con người đã tạo ra vũ trụ (La Mélodie secrète), Phạm Văn Thiều dịch, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, 2000, 383 trang Hỗn độn và hài hòa (Le Chaos et l'Harmonie), Phạm Văn Thiều và Nguyễn Thanh Dương dịch, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, 2003 Cái vô hạn trong lòng bàn tay. Từ Big Bang đến Giác Ngộ (L'Infini dans la paume de la main - du Big Bang à l'éveil), viết chung với Matthieu Ricard, Phạm Văn Thiều - Ngô Vũ biên dịch, Nhà xuất bản Trẻ & Tạp chí Tia Sáng, 470 trang * Lượng tử và hoa sen (dịch từ cuốn The Quantum and the Lotus tức là bản tiếng Anh của L'Infini dans la paume de la main) Trò chuyện với Trịnh Xuân Thuận, Jacques Vauthier, Phạm Văn Thiều dịch, Nhà xuất bản Trẻ & Tạp chí Tia sáng, 2001, 170 trang Những con đường của ánh sáng (Les Voies de la lumière), Phạm Văn Thiều và Ngô Vũ dịch, Nhà xuất bản Trẻ, 2 tập Nguồn gốc - nỗi hoài niệm về những thuở ban đầu (Origines - la nostalgie des commencements), Phạm Văn Thiều và Ngô Vũ dịch, Nhà xuất bản Trẻ, 2006, 520 trang Từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao (Dictionnaire amoureux du Ciel et des Étoiles), Phạm Văn Thiều và Ngô Vũ dịch, Nhà xuất bản Tri thức, 2011, 784 trang Vũ trụ và hoa sen (Le Cosmos et le lotus), Phạm Văn Thiều và Phạm Nguyễn Việt Hưng dịch, Nhà xuất bản Tri thức, 2013, 280 trang Khát vọng tới cái vô hạn (Désir d'infini), Phạm Văn Thiều và Phạm Nguyễn Việt Hưng dịch, Nhà xuất bản Trẻ và Nhà xuất bản Tri thức, 2014, 364 trang Số phận của vũ trụ: Big Bang và sau đó (Le destin de l'univers: Le big bang, et après, "" [nº 151]), Hoàng Thanh Thúy Việt Hưng dịch, Kim Đồng, 2015, 143 trang Đối mặt với vũ trụ (Face à l'univers), Phạm Văn Thiều và Phạm Nguyễn Việt Hưng dịch, Nhà xuất bản Tri thức, 2016, 180 trang Giải thưởng Giải Moron 2007 của Hàn lâm viện Pháp cho tác phẩm Les Voies de la lumière (Những con đường của ánh sáng). Giải Kalinga 2009 của UNESCO về các đóng góp trong việc đại chúng hóa khoa học. Prix mondial Cino del Duca (Giải thưởng Thế giới của Fondation Simone et Cino del Duca) của Học viện Pháp Quốc (Institut de France) năm 2012, vì các tác phẩm của ông thể hiện "một cái nhìn phức hợp và tinh tế của một nhà khoa học và một người có đức tin về vũ trụ và vị trí của con người trong vũ trụ". Huân chương Bắc Đẩu Bội tinh của Chính phủ Pháp năm 2014, vì những đóng góp tận tụy thúc đẩy sự phát triển nền văn hóa khoa học và sự hợp tác xuyên Đại Tây Dương trong lĩnh vực vật lý thiên văn.
Đột biến sinh học là những biến đổi bất thường trong vật chất di truyền ở cấp độ phân tử (DNA, gen) hoặc cấp độ tế bào (nhiễm sắc thể), dẫn đến sự biến đổi đột ngột của một hoặc một số tính trạng, những biến đổi này có tính chất bền vững và có thể di truyền cho các đời sau. Đột biến là quá trình xảy ra đột ngột, riêng rẽ, ngẫu nhiên, không định hướng ở cơ thể sống trong điều kiện tự nhiên. Đa số là đột biến gen là đột biến lặn và có hại, một số ít có lợi và có ý nghĩa rất lớn đối với quá trình tiến hóa và chọn giống, còn có những đột biến không có hại cũng không có lợi cho cơ thể mang đột biến (Đột biến trung tính). Những cá thể mang đột biến đã biểu hiện trên kiểu hình của cơ thể gọi là thể đột biến. Nguyên nhân Do tác nhân của môi trường ngoài cơ thể (thường là do tác động của con người) như: Tác nhân vật lý: tia phóng xạ, tia cực tím, sốc nhiệt,... Tác nhân hóa học: ảnh hưởng của nhiều chất hóa học như nicotine, cosinsin, dioxine (chất độc da cam),... Tác nhân sinh học: vi-rút,.... Do nguyên nhân bên trong cơ thể: Những biến đổi bất thường trong sinh lý, sinh hóa trong tế bào (xuất hiện một cách tự nhiên). Phân loại Căn cứ vào tính chất xuất hiện đột biến, có thể phân chia thành các dạng như sau: Đột biến gen (là những biến đổi trong cấu trúc của gen gồm các dạng như mất, thêm, thay thế cặp nucleotide). Nếu đột biến liên quan đến 1 cặp nucleotide thì gọi là đột biến điểm. Đột biến nhiễm sắc thể, gồm: đột biến cấu trúc nhiễm sắc thể (mất đoạn, lặp đoạn, đảo đoạn, chuyển đoạn) và đột biến số lượng nhiễm sắc thể (thể dị bội, đa bội). Đột biến gen Đột biến gen là những biến đổi trong cấu trúc của gen xảy ra ở cấp độ phân tử tại một điểm nào đó trên phân tử DNA và có liên quan đến sự thay đổi về số lượng, thành phần, trật tự các cặp nucleotide trong gen. Có rất nhiều kiểu biến đổi về cấu trúc gen, trong đó những biến đổi liên quan đến 1 cặp nucleotide trong gen được gọi là đột biến điểm. Trong tự nhiên, tất cả các gen đều có thể bị đột biến nhưng với tần số rất thấp (1/1,000,000-1/10,000). Tuy nhiên tần số đột biến có thể thay đổi tùy thuộc vào các tác nhân gây đột biến. Tác nhân gây đột biến có thể là các chất hóa học (thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ,...), các tác nhân vật lý như tia phóng xạ (Tia X, Tia α, Tia β...) hoặc các tác nhân sinh học như virus có trong cơ thể hoặc môi trường bên ngoài cơ thể. Đột biến gen có thể xảy ra ở tế bào xôma (tế bào sinh dưỡng) và tế bào sinh dục. Các dạng đột biến gen tại một điểm thường gặp: 1. Mất một cặp nucleotide. 2. Thêm một cặp nucleotide. 3. Thay thế một cặp nucleotide. Cơ chế Cơ chế phát sinh đột biến gen là do bắt cặp không đúng trong nhân đôi DNA (không theo nguyên tắc bổ sung), hay tác nhân xen vào mạch khuôn hoặc mạch đang được tổng hợp phải trải qua quá trình tiền đột biến mới xuất hiện đột biến. Các base nito thường tồn tại ở 2 dạng cấu trúc là: dạng thường và dạng hiếm. Dạng hiếm làm các liên kết hydro bị thay đổi làm các Nu bắt cặp không đúng trong quá trình nhân đôi DNA gây đột biến gen. Ví dụ: A dạng thường biến đổi thành A dạng hiếm (A*) dẫn đến bị bắt cặp nhầm với X gây đột biến cặp A-T thành cặp A-X. Là do sự tác động của các tác nhân gây đột biến: Tác nhân sinh học: Một số virus có thể gây đột biến gen. Ví dụ: Virus HPV gây ung thư cổ tử cung. Tác nhân vật lý (Tia UV): làm cho 2 base Thymine trên một mạch liên kết với nhau làm phát sinh đột biến gen và tác nhân hóa học, chẳng hạn như: 5BU (5-Bromuraxin) là đồng đẳng của T có khả năng gây đột biến thay thế cặp A-T thành cặp G-X. EMS (Etyl Metyl-Sunfomat) là đồng đẳng của A và G gây đột biến thay thế cặp G-X thành cặp A-T. Acridine gây đột biến mất hoặc thêm cặp Nucleotide, nếu được chèn vào mạch khuôn cũ gây đột biến thêm cặp Nu. HNO3 gây đột biến thay thế cặp Nu. Cơ chế biểu hiện đột biến gen: Đột biến giao tử: Đột biến phát sinh trong quá trình giảm phân hình thành giao tử, xảy ra ở tế bào sinh dục nào đó thông qua thụ tinh sẽ đi vào hợp tử. Nếu là đột biến gen trội, nó sẽ biểu hiện thành kiểu hình ngay trên cơ thể mang đột biến gen đó. Nếu là đột biến gen lặn nó có thể đi vào hợp tử ở thể dị hợp Aa và vì gen trội lấn át nên đột biến không biểu hiện ra ngoài. Tuy nhiên nó không bị mất đi mà tiếp tục tồn tại trong quần thể và khi gặp tổ hợp đồng hợp lặn thì nó biểu hiện ra ngoài. Đột biến xôma: Đột biến xảy ra ở tế bào xôma, từ một tế bào bị đột biến thông qua nguyên phân nó được nhân lên thành mô, có thể di truyền bằng sinh sản sinh dưỡng. Nếu đó là đột biến gen trội sẽ được biểu hiện thành một phần của cơ thể, gọi là "thể khảm". Nếu đó là đột biến gen lặn, nó không biểu hiện ra kiểu hình & sẽ mất đi khi cơ thể chết. Đột biến tiền phôi: Đột biến xảy ra ở những lần nguyên phân đầu tiên của hợp tử, giai đoạn từ 2 đến 8 tế bào. Nó có thể đi vào hợp tử & di truyền cho thế hệ sau thông qua sinh sản hữu tính, nếu tế bào đó bị đột biến thành tế bào sinh dục. Chúng phổ biến. Làm thay đổi số lượng và trật tự sắp xếp các cặp nucleotide trong gen. Đột biến lặn không biểu hiện thành kiểu hình ở trạng thái dị hợp. Hậu quả làm gián đoạn một hay một số tính trạng nào đó (Gen -> mRNA -> Protein -> tính trạng). Ít ảnh hưởng đến sức sống và sự sinh sản của sinh vật. Vai trò Sự biến đổi cấu trúc phân tử của gen có thể dẫn đến biến đổi cấu trúc của loại protêin mà nó mã hóa, cuối cùng có thể dẫn đến biến đổi ở kiểu hình. Các đột biến gen biểu hiện ra kiểu hình ở từng cá thể riêng lẻ, không tương ứng với điều kiện sống, thường là đột biến lặn và có hại cho bản thân sinh vật vì chúng đã phá vỡ sự thống nhất hài hòa trong kiểu gen đã qua chọn lọc tự nhiên và duy trì lâu đời trong điều kiện tự nhiên, gây ra những rối loạn trong quá trình tổng hợp prôtêin. Đa số đột biến gen tạo ra các gen lặn và có hại, một số trung tính, một số có lợi, ngoài ra gen đột biến còn có thể gây chết. Những gen lặn chỉ biều hiện ra kiểu hình khi ở thể đồng hợp và trong điều kiên môi trường thích hợp. Qua giao phối, nếu gặp tổ hợp gen thích hợp, một đột biến vốn là có hại có thể trở thành có lợi. Đột biến gen gây ra những thay đổi trong nucléotide dẫn đến biến đổi mRNA và quá trình tổng hơp protéine nên thường gây ra hậu quả có hại, làm giảm khả năng sống của sinh vật. Ví dụ: Bệnh hồng cầu hình lưỡi liềm (hồng huyết cầu lưỡi liềm) ở người do đột biến thay thế cặp nucléotide (nuclêôtit) thứ sáu của chuỗi polipeptide Beta trong phân tử Hb làm acid glutamique bị thay thế bởi valin gây thiếu máu, giảm khả năng vận chuyển dưỡng khí. Trong thực tiễn, người ta gặp những đột biến tự nhiên và nhân tạo có lợi cho bản thân sinh vật. Ngoài ra có những đột biến do tác nhân chủ động của con người tạo ra tính trạng quý. Ví dụ: Ở lúa, thân lùn, không bị đổ, tăng số bông, số hạt, có lợi cho sản xuất. Ngoài những đột biến gen xảy ra trên DNA của nhiễm sắc thể, đột biến trên DNA của các bào quan như ty thể, lục lạp có thể gây ra những biến dị di truyền theo dòng mẹ Ý nghĩa Ý nghĩa, vai trò trong tiến hóa và chọn giống: Trong tiến hóa: Tính chất có lợi hay có hại của một đột biến gen chỉ là tương đối (có trường hợp này thì có lợi, có trường hợp khác có hại). Có trường hợp ở trạng thái dị hợp lại làm tăng sức sống, sức chống chịu của cơ thể đối với một số bệnh. Ví dụ: Người mang gen đột biến gây huyết cầu hình lưỡi liềm ở trạng thái dị hợp, có khả năng đề kháng với bệnh sốt rét. Tuy tính chất ngẫu nhiên, cá biệt, không xác định và thường ở trạng thái lặn nhưng đột biến gen vẫn được xem là nguồn nguyên liệu chủ yếu cho quá trình chọn lọc tự nhiên và vì vậy, có vai trò trong tiến hóa. Trong chọn giống: Một vài đột biến có lợi dùng làm cơ sở là nguồn nguyên liệu quan trọng cho tạo giống vật nuôi và cây trồng. Gây đột biến nhân tạo là một trong các phương pháp chọn giống thực vật hiện đại và có hiệu quả cao, góp phần tạo nên những tính trạng quý ở cây trồng. Ngoài ra đối với con người, đột biến gen gây hại cho cơ thể cho nên cần phát hiện và hạn chế nguyên nhân và sự tràn lan của gen đột biến. Đột biến nhiễm sắc thể Đột biến nhiễm sắc thể là sự biến đổi về cấu trúc, hình thái hoặc số lượng nhiễm sắc thể. Đột biến có thể xảy ra ở một cặp nhiễm sắc thể nào đó hoặc ở toàn bộ các cặp nhiễm sắc thể. Loại đột biến này phát sinh có thể là do các tác nhân mạnh trong ngoại cảnh (tia phóng xạ, hóa chất, sự biến đổi đột ngột của nhiệt độ) hoặc những rối loạn trong quá trình trao đổi chất nội bào, dẫn đến sự phân li không bình thường của các cặp nhiễm sắc thể. Đột biến số lượng nhiễm sắc thể Sư biến đổi số lượng nhiễm sắc thể có thể xảy ra ở một hay một cặp nhiễm sắc thể tạo nên thể dị bội hay xảy ra trên toàn bộ các cặp nhiễm sắc thể hình thành thể đa bội. Thể dị bội: Là hiện tượng số lượng nhiễm sắc thể của một hay một vài cặp nhiễm sắc thể tương đồng nào đó bị thay đổi hoặc thêm bớt một vài nhiễm sắc thể và có tên gọi là thể 3 nhiễm, thể đa nhiễm hay thể khuyết nhiễm. Được hình thành trong quá trình phát sinh giao tử, một cặp nhiễm sắc thể nào đó không phân li sẽ tạo giao tử có hai nhiễm sắc thể cùng cặp, qua thụ tinh sẽ hình thành hợp tử có 3 nhiễm sắc thể. Những biến đổi kiểu này thường gây hại cho cơ thể. Hội chứng Down ở người, còn gọi là hội chứng Mông Cổ vì người bị Down có nét giống người Mông Cổ. Người bị bệnh này thừa một nhiễm sắc thể số 21 (47 XX/XY + 21). Triệu chứng: Người si đần, cơ thể phát triển không bình thường, cổ rụt, gáy rộng và dẹt, khe mắt xếch, lông mi ngắn và thưa, lưỡi dài và dày, miệng hơi há, ngón tay ngắn, vô sinh. Hội chứng Turner (ở nữ): thiếu 1 nhiễm sắc thể số 23. Kí hiệu là XO (thiếu 1 nhiễm sắc thể X). Triệu chứng: Bệnh biểu hiện ở phụ nữ như: Nữ lùn, cổ ngắn, tuyến vú không phát triển, âm đạo hẹp, dạ con hẹp, không có kinh nguyệt, hay mất trí, trí tuệ bình thường. Hội chứng Klinefelter (ở nam): Có thêm 1 nhiễm sắc thể X: XXY. Triệu chứng: Nam người cao, chân tay dài, mù màu, si đần, tinh hoàn nhỏ, tuyến vú phát triển, mang những biểu hiện ở nữ giới. Hội chứng siêu nữ: Mang bộ nhiễm sắc thể 47 có thêm 1 nhiễm sắc thể X: XXX. Triệu chứng: Nữ vô sinh, rối loạn kinh nguyệt, buồng trứng và dạ con không phát triển, si đần. Hội chứng Edward: Hội chứng Edward hay còn gọi là trisomy 18 (47,XX,+18). Đây là một rối loạn di truyền do bị thừa một nhiễm sắc thể số 18 trong bộ gen. Thông thường, mỗi em bé sẽ nhận được 23 nhiễm sắc thể từ trứng của mẹ và 23 nhiễm sắc thể từ tinh trùng của người cha – tổng cộng 46 nhiễm sắc thể. Trong trường hợp trisomy 18, em bé có ba bản sao nhiễm sắc thể 18. Điều này khiến nhiều cơ quan của thai nhi phát triển một cách bất thường. Cơ chế hình thành đột biến dị bội: Do sự rối loạn phân ly của một hay một số nhiễm sắc thể kép trong cặp tương đồng trong quá trình giảm phân 1 hoặc giảm phân 2 dẫn đến các giao tử bất thường về số lượng, bộ nhiễm sắc thể đơn bội bị thừa hay thiếu vài nhiễm sắc thể. Sự kết hợp giữa các giao tử này với các giao tử bình thường sẽ tạo nên thể dị bội (ví dụ: bệnh Down). Nguyên nhân có thể là sự phân ly bất thường của cặp XX (nữ) hay XY (nam). Hoặc sự rối loạn phân ly xảy ra trong quá trình nguyên phân các tế bào dinh dưỡng là thành thể khảm (chỉ một phần cơ thể mang đột biến) xảy ra ở giai đoạn sớm của hợp tử trong các lần phân bào đầu tiên (tác hại như trường hợp đột biến ở tế bào sinh dục). Thể đa bội: Là hiện tượng làm tăng số lượng toàn thể bộ nhiễm sắc thể của tế bào thành đa bội chẵn (4n, 6n...) hoặc đa bội lẻ (3n, 5n...). Hình thành trong quá trình nguyên phân thoi vô sắc không hình thành, tất cả các cặp nhiễm sắc thể không phân li sẽ tạo thành tế bào 4n. Trường hợp bộ nhiễm sắc thể trong tế bào xôma tăng lên thành một bội số của n (nhiều hơn 2n) được gọi chung là thể đa bội. Tế bào đa bội có lượng DNA tăng gấp bội, quá trình tổng hợp các chất hữu cơ diễn ra mạnh mẽ, do đó kích thước tế bào lớn hơn. Cơ thể đa bội thường có cơ quan sinh dưỡng to, phát triển khỏe, chống chịu tốt. Hiện tượng đa bội khá phổ biến ở thực vật, hiếm gặp ở động vật và đã được ứng dụng có hiệu quả trong chọn giống cây trồng. Cơ chế hình thành: Trong quá trình giảm phân, sau khi bộ nhiễm sắc thể đã nhân đôi thành các nhiễm sắc thể kép, nhưng thoi vô sắc không được hình thành nên tạo các giao tử có 2n. Sự kết hợp giữa giao tử 2n với giao tử n bình thường cho hợp tử 3n (thể tam bội). Đột biến nếu xảy ra vào giai đoạn sớm của hợp tử trong lần nguyên phân đầu tiên tạo nên hợp tử 4n (thể tứ bội). Nếu hiện tượng này xảy ra ở đỉnh sinh trưởng của một cành cây thì sẽ tạo nên cành tứ bội trên cây lưỡng bội. Đặc điểm của thể đa bội: Tế bào đa bội có lượng DNA tăng gấp bội nên trong quá trình tổng hợp chất hữu cơ diễn ra mạnh mẽ, chính vì vậy, tế bào lớn, cơ quan dinh dưỡng to, phát triển khỏe, chống chịu tốt. Cơ thể đa bội lẻ hầu như không có khả năng sinh giao tử bình thường. Ví dụ như những cây không có hạt. Giá trị: Đột biến thể đa bội có giá trị kinh tế to lớn, nó cung cấp nguyên liệu cho quá trình chọn lọc và tiến hóa, làm cho sinh giới đa dạng, phong phú. Tạo giống có năng suất cao như: Dưa hấu 3n, nho 3n, củ cải đường 3n. Đa bội chẵn khắc phục hiện tượng bất thụ trong lai xa ở thực vật. Về cấu trúc Là những biến đổi bất thường về cấu trúc, hình thái hay số lượng nhiễm sắc thể. Đột biến cấu trúc nhiễm sắc thể có các dạng: mất đoạn, lặp đoạn, đảo đoạn, chuyển đoạn. Nguyên nhân chủ yếu là do tác nhân ngoại cảnh hay trong tế bào. Có thể quan sát dưới kính hiển vi quang học. Các thể mất đoạn, thêm đoạn làm thay đổi chất liệu di truyền, thường gây tác hại cho cơ thể, nhất là cơ thể người. Các thể đảo đoạn, chuyển đoạn không làm thay đổi chất liệu di truyền, thường không ảnh hưởng đến kiểu hình. Mất đoạn: là nhiễm sắc thể bị mất một đoạn (đoạn đó không chứa tâm động) do đứt, gãy nhiễm sắc thể hoặc trao đổi chéo không đều. Làm giảm số lượng gen trên nhiễm sắc thể, thường gây chết hoặc giảm sức sống. Xác định vị trí gen trên nhiễm sắc thể, loại bỏ các gen gây hại. Ví dụ: Ở người, nếu mất đoạn ở nhiễm sắc thể thứ 21 gây ra ung thư máu, mất đoạn vai ngắn ở nhiễm sắc thể số 5 gây hội chứng tiếng mèo kêu. Ở cây ngô (bắp) hay ruồi giấm mất một đoạn nhỏ không làm giảm sức sống kể cả thể đồng hợp. Mặc dù có hại nhưng người ta thường tận dụng hiện tượng mất đoạn để loại ra khỏi nhiễm sắc thể những gen không mong muốn. Thêm đoạn: (lặp đoạn, nhân đoạn) Một đoạn nào đó của nhiễm sắc thể được lặp lại một vài lần xen vào nhiễm sắc thể tương đồng, hay do sự trao đổi chéo giữa các cromatit không bình thường. Việc làm tăng hoặc giảm số lượng gen trên nhiễm sắc thể dẫn đến tăng cường hoặc giảm bớt mức biểu hiện của tính trạng. Ví dụ: Ở ruồi giấm lặp đoạn 16A hai lần trên nhiễm sắc thể X là cho mắt hình cầu thành mắt dẹt. Ở lúa mạch, lặp đoạn là tăng hoạt tính enzyme amylase, có lợi cho sản xuất bia, rượu. Đảo đoạn: Một đoạn nhiễm sắc thể nào đó bị đứt rồi quay ngược 180 độ và nối lại vào nhiễm sắc thể (có thể chứa tâm động hoặc không) làm thay đổi trật tự phân bố gen. Loại đột biến này ít gây ảnh hưởng đến sức sống của cá thể, góp phần tăng cường sự sai khác giữa các nhiễm sắc thể tương đồng giữa các nòi thuộc một loài vì vật chất di truyền không bị mất. Sắp xếp lại trật tự các gen trên nhiễm sắc thể dẫn đến tăng sự đa dạng giữa các thứ, các nòi trong cùng một nòi, ít ảnh hưởng tới sức sống. Sự sắp lại gen trên nhiễm sắc thể do đảo đoạn góp phần tạo sự đa dạng. Ví dụ: Ở ruồi giấm có 12 đảo đoạn trên nhiễm sắc thể số 3 tạo ra các nòi thích nghi với nhiệt độ khác nhau của môi trường. Chuyển đoạn: Một đoạn nhiễm sắc thể được chuyển dịch trên cùng một nhiễm sắc thể hay giữa hai nhiễm sắc thể khác nhau. Cả hai nhiễm sắc thể cùng cho và nhận một đoạn (chuyển đoạn tương hỗ) hay một bên cho, một bên nhận (chuyển đoạn không tương hỗ), làm thay đổi các nhóm gen liên kết. Đột biến chuyển đoạn thường gây chết, giảm hoặc mất khả năng sinh sản. Trong thiên nhiên đã phát hiện được nhiều chuyển đoạn nhỏ (đậu, lúa, chuối) đã vận dụng chèn gen cố định nitơ của vi khuẩn vào hệ gen của hướng dương tạo hàm lượng nitơ cao trong dầu hướng dương. Ở người, chuyển đoạn không cân giữa nhiễm sắc thể 22 với nhiễm sắc thể 9 tạo ra nhiễm sắc thể 22 ngắn hơn bình thường gây bệnh ung thư bạch cầu.
Thế vận hội hay Olympic (/Olympiakoí Agónes, , ), còn có tên gọi cũ là Thế giới vận động hội, là cuộc tranh tài trong nhiều môn thể thao giữa các quốc gia trên toàn thế giới. Thế vận hội gồm Thế vận hội Mùa hè và Thế vận hội Mùa đông được tổ chức xen kẽ nhau 2 năm/lần (vào các năm chẵn). Đây là một đại hội thể thao không chỉ là đua sức thể lực mà còn mang ý nghĩa biểu trưng cho tinh thần đoàn kết, hòa bình của toàn nhân loại. Thế vận hội bắt nguồn từ các cuộc thi đấu thể thao thời Hy Lạp cổ đại từ năm 776 trước Công Nguyên cho đến khi Hoàng đế La Mã là Theodosius I cấm đoán vào năm 394. Và Thế vận hội hiện đại được Nam tước người Pháp Pierre Frèdy de Coubertin tổ chức lần đầu tiên vào cuối thế kỷ 19. Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đã trở thành cơ quan chủ quản của Phong trào Olympic, với Hiến chương Olympic xác định cấu trúc và cơ quan có thẩm quyền của nó. Thế vận hội Mùa hè được diễn ra cứ 4 năm một lần từ năm 1896, trừ những năm diễn ra chiến tranh thế giới (như Chiến tranh thế giới thứ hai). Thế vận hội Mùa đông được thành lập vào năm 1924 cho những môn thể thao mùa đông. Mới đầu nó được tổ chức cùng năm với Thế vận hội mùa hè, nhưng từ năm 1994, Thế vận hội mùa đông và Thế vận hội mùa hè diễn ra xen kẽ nhau 2 năm/lần. Thế vận hội được quản lý bởi Liên đoàn Thể thao quốc tế (IFS), Ủy ban Olympic Quốc gia (NOC) và các ủy ban tổ chức cho mỗi thế vận hội Olympic cụ thể. Là cơ quan ra quyết định, IOC chịu trách nhiệm về việc lựa chọn các thành phố chủ nhà cho mỗi Thế vận hội. Các thành phố chủ nhà chịu trách nhiệm về tổ chức, tài trợ và kỷ niệm thế vận hội sao cho phù hợp với Hiến chương Olympic. Trong thời gian diễn ra thế vận hội, các nghi thức được tiến hành bao gồm nhiều nghi lễ trong đó có lễ khai mạc và bế mạc, trong mỗi buổi lễ đều sử dụng biểu tượng lá cờ và ngọn đuốc Olympic. Hơn 13.000 vận động viên cạnh tranh tại Thế vận hội Mùa hè và Thế vận hội Mùa đông ở 33 môn thể thao khác nhau và gần 400 cuộc thi. Các vận động viên đạt thành tích cao trong mỗi cuộc thi nhận được huy chương Olympic vàng, bạc, đồng tương ứng. Thế vận hội đã ảnh hưởng rộng lớn trên toàn thế giới. Thế nhưng, thế vận hội vẫn còn nhiều thách thức lớn như sử dụng chất doping trong thi đấu, khủng bố. Tuy nhiên, đây là cơ hội tốt để nước chủ nhà quảng bá hình ảnh quốc gia của mình trên thế giới. Lịch sử và những biến động trong thế vận hội Cách đây hơn 2700 năm, người Hy Lạp cổ đã tổ chức Đại hội Thể thao Olympic tại bán đảo Peloponnesus, cứ 4 năm/lần. Trong thời gian thi đấu, các thành bang không được mang vũ khí vào đấu trường hay đánh nhau. Năm 1896, Thế vận hội hiện đại lần đầu tiên được tổ chức tại Athena, Hy Lạp. Năm 1900, Thế vận hội Mùa hè lần thứ 2 tổ chức tại Paris, Pháp. Năm 1904, Thế vận hội Mùa hè lần thứ 3 tổ chức tại St. Louis, Hoa Kỳ, là lần đầu tiên được tổ chức tại Bắc Mỹ và cũng là lần đầu tiên Thế vận hội Mùa hè không tổ chức ở thủ đô. Năm 1908, Thế vận hội Mùa hè lần thứ 4 tổ chức tại London, Vương quốc Anh. Năm 1912, Thế vận hội Mùa hè lần thứ 5 tổ chức tại Stockholm, Thụy Điển. Năm 1913, lá cờ năm vòng tròn được thiết kế. Năm 1914, lá cờ năm vòng tròn lần đầu tiên được sử dụng tại Paris. Năm 1916, Thế vận hội Mùa hè lần thứ 6 không tổ chức do ảnh hương của chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Năm 1920, Thế vận hội Mùa hè lần thứ 7 tổ chức tại Antwerp, Bỉ. Năm 1924, Thế vận hội Mùa hè lần thứ 8 tổ chức tại Paris, Pháp và Paris trở thành thành phố đầu tiên hai lần tổ chức Thế vận hội Mùa hè. Cũng trong năm này, Thế vận hội Mùa đông lần đầu tiên được tổ chức tại Chamonix, Pháp và Pháp trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tổ chức Thế vận hội Mùa hè lẫn Thế vận hội Mùa đông. Năm 1928, Thế vận hội Mùa hè lần thứ 9 tổ chức tại Amsterdam, Hà Lan. Cũng trong năm này, Thế vận hội Mùa đông lần thứ 2 tổ chức tại St. Moritz, Thụy Sĩ. Năm 1932, Thế vận hội Mùa hè lần thứ 10 tổ chức tại Los Angeles, Hoa Kỳ và Hoa Kỳ trở thành quốc gia thứ hai sau Pháp hai lần tổ chức Thế vận hội Mùa hè. Cũng trong năm này, Thế vận hội Mùa đông lần thứ 3 tổ chức tại Lake Placid, New York, Hoa Kỳ và Hoa Kỳ trở thành quốc gia thứ hai sau Pháp trên thế giới tổ chức Thế vận hội Mùa hè lẫn Thế vận hội Mùa đông. Năm 1936, Thế vận hội Mùa hè lần thứ 11 tổ chức tại Berlin, Đức. Cũng trong năm này, Thế vận hội Mùa đông lần thứ 4 tổ chức tại Garmisch-Partenkirchen, Đức và Đức trở thành quốc gia thứ ba sau Pháp và Hoa Kỳ tổ chức Thế vận hội Mùa hè lẫn Thế vận hội Mùa đông. Các năm 1940 và 1944, Thế vận hội Mùa hè và Thế vận hội Mùa đông không tổ chức do ảnh hưởng của chiến tranh thế giới lần thứ hai. Năm 1948, Thế vận hội Mùa hè lần thứ 14 tổ chức tại London, Vương quốc Anh và London trở thành thành phố thứ hai sau Paris hai lần tổ chức Thế vận hội Mùa hè. Cũng trong 1948, Thế vận hội Mùa đông lần thứ 5 tổ chức tại St. Moritz, Thụy Sĩ và Thụy Sĩ trở thành quốc gia đầu tiên hai lần tổ chức Thế vận hội Mùa đông. Năm 1952, Thế vận hội Mùa hè lần thứ 15 tổ chức tại Helsinki, Phần Lan. Cũng trong năm này, Thế vận hội Mùa đông lần thứ 6 tổ chức tại Oslo, Na Uy. Năm 1956, Thế vận hội Mùa hè lần thứ 16 tổ chức tại Úc và là lần đầu tiên được tổ chức tại châu Đại Dương. Cũng trong 1956, Thế vận hội Mùa đông lần thứ 7 tổ chức tại Cortina d'Ampezzo, Ý. Năm 1960, Thế vận hội Mùa hè lần thứ 17 tổ chức tại Roma, Ý và Ý trở thành quốc gia thứ ba sau Pháp và Hoa Kỳ tổ chức Thế vận hội Mùa hè lẫn Thế vận hội Mùa đông. Cũng trong năm này, Thế vận hội Mùa đông lần thứ 8 tổ chức tại Thung lũng Squaw, California, Hoa Kỳ và Hoa Kỳ trở thành quốc gia thứ hai sau Thụy Sĩ hai lần tổ chức Thế vận hội Mùa đông. Năm 1964, Thế vận hội Mùa hè lần thứ 18 tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản và là lần đầu tiên được tổ chức tại châu Á. Cũng trong năm này, Thế vận hội Mùa đông lần thứ 9 tổ chức tại Innsbruck, Áo. Năm 1968, Thế vận hội Mùa hè lần thứ 19 tổ chức tại Thành phố México, México. Cũng trong 1968, Thế vận hội Mùa đông lần thứ 10 tổ chúc tại Grenoble, Pháp và Pháp trở thành quốc gia thứ ba sau Thụy Sĩ và Hoa Kỳ hai lần tổ chức Thế vận hội Mùa đông. Năm 1972, Thế vận hội Mùa hè lần thứ 20 tổ chúc tại München, Đức (lúc này là Tây Đức) và Đức trở thành quốc gia thứ tư sau Pháp, Hoa Kỳ và Anh hai lần tổ chức Thế vận hội Mùa hè. Cũng trong năm này, Thế vận hội Mùa đông lần thứ 11 tổ chức tại Sapporo, Nhật Bản, là lần đầu tiên Thế vận hội Mùa đông được tổ chức tại châu Á và Nhật Bản trở thành quốc gia châu Á đầu tiên tổ chức Thế vận hội Mùa hè lẫn Thế vận hội Mùa đông. Năm 1976, Tại Thế vận hội Mùa hè lấn thứ 21, Thủ tướng Hy Lạp Konstantinos Karamanlis đã viết thư gửi Chủ tịch nhiệm kỳ thứ sáu của Olympic là Killanin, yêu cầu vĩnh viễn đặt địa điểm tổ chức Olympic tại Hy Lạp, nhưng sau đó quyền đăng cai thuộc về Montreal, Canada. Cũng trong năm này, Thế vận hội Mùa đông lần thứ 12 tổ chức tại Innsbruck, Áo và Áo trở thành quốc gia thứ ba sau Hoa Kỳ và Pháp hai lần tổ chức Thế vận hội Mùa đông. Năm 1980, Thế vận hội Mùa hè lần thứ 22 tổ chức tại Moskva, Nga (lúc này là Liên Xô) và là lần đầu tiên Thế vận hội Mùa hè được tổ chức tại một quốc gia có diện tích lớn nhất thế giới. Cũng trong năm này, Thế vận hội Mùa đông lần thứ 13 tổ chức tại Lake Placid, New York, Hoa Kỳ và Lake Placid trở thành thành phố đầu tiên cũng như Hoa Kỳ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới ba lần tổ chức Thế vận hội Mùa đông. Năm 1982, Karamanlis được bầu làm Tổng thống, tiếp tục đưa ra yêu cầu tương tự nhưng Thế vận hội vẫn phải được các thành phố lớn trên thế giới chia nhau tổ chức. Năm 1984, Thế vận hội Mùa hè lần thứ 23 tổ chức tại Los Angles, Hoa Kỳ và Los Angles trở thành thành phố thứ ba trên thế giới sau Paris và London hai lần tổ chức Thế vận hội Mùa hè. Cũng trong năm này, Thế vận hội Mùa đông lần thứ 14 tổ chức tại Sarajevo, Bosna và Hercegovina (lúc này là Nam Tư). Năm 1988, Thế vận hội Mùa hè lần thứ 24 tổ chức tại Seoul, Hàn Quốc. Cũng trong năm này, Thế vận hội Mùa đông lần thứ 15 tổ chức tại Calgary, Canada và Canada trở thành quốc gia thứ tư sau Thụy Sĩ, Hoa Kỳ và Pháp tổ chức Thế vận hội Mùa hè lẫn Thế vận hội Mùa đông. Năm 1992, Thế vận hội Mùa hè lần thứ 25 tổ chức tại Barcelona, Tây Ban Nha và cũng là lần đầu tiên Thế vận hội Mùa hè tổ chức tại một quốc gia thuộc bán đảo Iberia. Cũng trong năm này, Thế vận hội Mùa đông lần thứ 16 tổ chức tại Albertville, Pháp và Pháp trở thành quốc gia thứ hai sau Hoa Kỳ ba lần tổ chức Thế vận hội Mùa đông. Năm 1994, Thế vận hội Mùa đông lần thứ 17 tổ chức tại Lillehammer, Na Uy và Na Uy trở thành quốc gia châu Âu thứ ba sau Thụy Sĩ và Áo hai lần tổ chức Thế vận hội Mùa đông và cũng từ đây, Thế vận hội Mùa đông và Thế vận hội Mùa hè không được tổ chức cùng một năm. Năm 1996 Thế vận hội Mùa hè lần thứ 26 tổ chức tại Atlanta, Georgia, Hoa Kỳ và Hoa Kỳ trở thành quôc gia đầu tiên bốn lần tổ chức Thế vận hội Mùa hè. Năm 1998, Thế vận hội Mùa đông lần thứ 18 tổ chức tại Nagano, Nhật Bản, đồng thời Nhật Bản trở thành quốc gia đầu tiên của châu Á hai lần đăng cai Thế vận hội Mùa đông. Năm 2000, Thế vận hội Mùa hè lần thứ 27 tổ chức tại Sydney, Úc và Úc trở thành quốc gia châu Đại Dương đầu tiên hai lần tổ chức Thế vận hội Mùa hè. Năm 2002, lần thứ 4, Salt Lake, Utah, Hoa Kỳ được đăng cai tổ chức Olympic mùa đông lần thứ 19 và Hoa Kỳ trở thành quốc gia đầu tiên bốn lần tổ chức Thế vận hội Mùa đông. Năm 2004, Thế vận hội Mùa hè lần thứ 28 tổ chức Athena, Hy Lạp và Hy Lạp trở thành quốc gia châu Âu thứ ba sau Pháp và Anh hai lần tổ chức Thế vận hội Mùa hè. Năm 2006, Thế vận hội Mùa đông lần thứ 20 tổ chức tại Torino, Ý và Ý trở thành quốc gia thứ ba sau Áo và Na Uy hai lần tổ chức Thế vận hội Mùa đông. Năm 2008, Thế vận hội Mùa hè lần thứ 29 tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc và là đầu tiên được tổ chức tại một quốc gia và vùng lãnh thổ (môn đua ngựa diễn ra ở Hồng Kông). Năm 2010, Thế vận hội Mùa đông lần thứ 21 tổ chức tại Vancouver, Canada và Canada trở thành quốc gia thứ hai châu Mỹ sau Hoa Kỳ hai lần tổ chức Thế vận hội Mùa đông. Cũng trong năm này, Thế vận hội Trẻ Mùa hè lần đầu tiên được tổ chức tại Singapore và Singapore trở thành quốc gia Đông Nam Á duy nhất tổ chức sự kiện này. Năm 2012, lần thứ 3, London, Anh được đăng cai tổ chức Olympic lần thứ 30 và London trở thành thành phố đầu tiên trên thế giới ba lần tổ chức Thế vận hội Mùa hè. Cũng trong năm này, Thế vận hội Trẻ Mùa đông lần đầu tiên tổ chức tại Innsbruck, Áo và Innsbruck trở thành thành phố đầu tiên của châu Âu tổ chức Thế vận hội Mùa đông lẫn Thế vận hội Trẻ Mùa đông. Năm 2014, Thế vận hội Mùa đông lần thứ 22 tổ chức tại Sochi, Nga và là lần đầu tiên được tổ chức tại một quốc gia có diện tích lớn nhất thế giới. Cũng trong năm này, Thế vận hội Trẻ Mùa hè lần thứ hai được tổ chức tại Nam Kinh, Trung Quốc. Năm 2016, Thế vận hội Mùa hè lần thứ 31 tổ chức tại Rio de Janeiro, Brasil và là lần đầu tiên được tổ chức tại Nam Mỹ. Cũng trong năm này, Thế vận hội Trẻ Mùa đông lần thứ hai tổ chức tại Lillehammer, Na Uy và Na Uy trở thành quốc gia châu Âu thứ hai sau Áo tổ chức Thế vận hội Mùa đông lẫn Thế vận hội Trẻ Mùa đông. Năm 2018, Thế vận hội Mùa đông lần thứ 23 tổ chức tại Pyeongchang, Hàn Quốc, là lần đầu tiên được tổ chức tại một vùng ngoại ô và Hàn Quốc trở thành quốc gia châu Á thứ hai sau Nhật Bản tổ chức Thế vận hội Mùa hè lẫn Thế vận hội Mùa đông. Cũng trong năm này, Thế vận hội Trẻ Mùa hè lần thứ ba tổ chức tại Buenos Aires, Argentina và là lần đầu tiên Thế vận hội Trẻ Mùa hè được tổ chức tại Nam Mỹ. Năm 2020, Thế vận hội Mùa hè lần thứ 32 tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản và trở thành thành phố đầu tiên của châu Á hai lần đăng cai Thế vận hội Mùa hè (đã dời sang năm 2021 và cũng là kì Thế vận hội Mùa hè đầu tiên không có sự cổ vũ của khán giả vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19,cũng là kỳ TVH đầu tiên tổ chức năm lẻ). Cũng trong năm này, Thế vận hội Trẻ Mùa đông lần thứ ba tổ chức tại Lausanne, Thụy Sĩ. Năm 2022, Thế vận hội Mùa đông lần thứ 24 tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc, trở thành thành phố đầu tiên trên thế giới đăng cai cả Thế vận hội Mùa hè cũng như Thế vận hội Mùa đông và Trung Quốc trở thành quốc gia châu Á thứ ba tổ chức Thế vận hội Mùa hè lẫn Thế vận hội Mùa đông. Cũng trong năm này, Thế vận hội Trẻ Mùa hè không tổ chức do ảnh hương của đại dịch COVID-19. Năm 2024, lần thứ 3, Pháp được đăng cai tổ chức Olympic mùa hè lần thứ 33 và cũng là lần thứ 3 Paris tổ chức Olympic mùa hè sau London. Cũng trong năm này, Thế vận hội Trẻ Mùa đông lần thứ tư tổ chức tại Gangwon, Hàn Quốc. Năm 2026, lần thứ 3, Ý được đăng cai tổ chức Olympic mùa đông lần thứ 25, là lần thứ hai Cortina d'Ampezzo, cũng là lần đầu tiên Milano tổ chức Olympic mùa đông và Ý trở thành quốc gia thứ hai của châu Âu sau Pháp ba lần tổ chức Thế vận hội Mùa đông. Cũng trong năm này, Thế vận hội Trẻ Mùa hè lần thứ tư tổ chức tại Dakar, Sénégal và là lần đầu tiên Thế vận hội Trẻ Mùa hè được tổ chức tại châu Phi. Năm 2028, lần thứ 5, Hoa Kỳ được đăng cai tổ chức Olympic mùa hè lần thứ 34, cũng là lần thứ ba Los Angeles tổ chức Olympic mùa hè sau London và Paris và Hoa Kỳ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới năm lần tổ chức Thế vận hội Mùa hè. Năm 2032, lần thứ 3, Úc được đăng cai tổ chức Olympic mùa hè, cũng là lần đầu tiên Brisbane tổ chức Olympic mùa hè và Úc trở thành quốc gia châu Đại Dương đầu tiên ba lần tổ chức Thế vận hội Mùa hè. Đại hội Olympic cổ đại Đại hội Olympic (cổ đại) là lễ hội nổi tiếng nhất trong bốn lễ hội quốc gia của Hy Lạp cổ đại (ba lễ hội kia là lễ Isthmian, Pythian và Nemean). Đại hội Olympic cổ đại được tổ chức vào mùa hè cứ bốn năm một lần tại đền thờ thần Zeus ở thành phố Olympia. Đại hội này có từ năm 776 TCN. Người chiến thắng đầu tiên trong Đại hội Olympic là Koroibos. Năm đầu tiên của Đại hội Olympic, các sứ thần được gửi đi khắp nơi trong thế giới Hy Lạp để yêu cầu các thành bang nộp triều cống cho thần Zeus. Sau đó các thành bang đã gửi đi các nhóm của mình để thi với nhóm khác để thể hiện sự tài giỏi của những tài năng thể thao. Người Hy Lạp thời đó tin rằng chư thần bảo hộ cho các kỳ Thế vận hội Olympic, do đó những cuộc thi đấu này thể hiện tính thống nhất về văn hóa của các thành bang bị chia rẽ về chính trị. Các cuộc thi chỉ dành cho những người đàn ông danh giá của dòng dõi người Hy Lạp. Kể từ khi một lực sĩ không may bị tuột quần vào thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên, các lực sĩ đều phải trần truồng khi thi đấu. Họ đều là những người chuyên nghiệp, được tập luyện tốt. Các sự kiện khác thì không được biết rõ, nhưng ngày đầu tiên của Đại hội được dùng cho việc tế lễ. Rất có thể bắt đầu ngày thứ hai là môn đi bộ, khán giả tụ họp lại trong "Stadion", một khu vực hình chữ nhật được làm dốc nghiêng trên mặt đất. Vào những ngày khác là môn "đô vật tự do Hy Lạp" (môn này là sự kết hợp giữa đấu vật và đấu quyền - giống quyền Anh). Luật chơi của môn thể thao đầu tiên này là quăng đối thủ xuống đất 3 lần. Quyền thuật (giống quyền Anh) càng ngày càng tàn bạo; đầu tiên những đấu thủ phải quấn dây da mềm quanh các ngón tay của họ như một cách làm yếu những cú đấm, nhưng những lần sau đó là da cứng, đôi khi họ còn làm nặng thêm bằng kim loại. Môn đô vật tự do là môn thể thao rất khắt khe, cuộc thi tiếp diễn cho đến khi một trong các đấu thủ được xem như thất bại. Môn đua ngựa thì mỗi người điều khiển một con, tuy giới hạn ở những người giàu có nhưng lại thu hút nhiều người đủ mọi tầng lớp. Sau môn đua ngựa là đến điền kinh năm môn phối hợp bao gồm vật, ném dĩa, phóng lao, nhảy xa và chạy nước rút. Con số chính xác của những môn thể thao và phương pháp dùng để xác định người thắng cuộc thì vẫn chưa biết. Cái dĩa trong môn ném dĩa làm bằng đồng, có lẽ có hình thấu kính. Còn cây lao thì có một cuộn dây cột ở đầu cán nhằm tạo ra lực quay để có tầm xa và chính xác hơn. Còn môn nhảy thì chỉ có nhảy xa, không có nhảy cao. Môn cuối cùng là môn chạy có mặc áo giáp. Những người thắng cuộc được đội trên đầu một vòng hoa Ôliu dại. Được các nhà thơ ca tụng, họ sống quãng đời còn lại bằng kinh phí của nhà nước. Đại hội Olympic cổ đại đã lên đến đỉnh cao của tính đại chúng vào thế kỷ thứ 5 và 4 trước Công nguyên. Xứ Sparta đã nhiều lần thắng cuộc. Xứ Athena trong thời đại hoàng kim đã bốn lần thắng giải, nhưng thành công vang dội nhất vẫn là thành phố Elis, quê hương của Coroebus. Vận động viên kiệt xuất nhất Hy Lạp cổ đại là Milo người xứ Croton, đã liên tiếp thắng giải năm kỳ Thế vận hội từ năm 536 cho đến năm 520 trước Công nguyên. Trong lần cuối cùng, ông ta vác trên vai một con vật tế thần bước vào sân vân động, trước khi ngồi xuống ăn thịt nó. Người ta kể rằng vào năm 496 trước Công nguyên, vua Alexandros I xứ Macedonia tham gia Đại hội Olympic. Người ta từ chối vì cho ông là vua man rợ, chứ không hoàn toàn là người Hy Lạp. Nhưng nhà vua xưng ông là con cháu của thần Heracles, ông đã đạt nhiều chiến thắng trong Đại hội Olympic và được nhà thi hào Pindar tán dương. Tuy phụ nữ không được tham gia các kỳ Đại hội, trong lịch sử Hy Lạp xưa vẫn có vài vận động viên nữ thắng giải Olympic. Nổi tiếng nhất là Kyniska - con gái của vua Archidamus II xứ Sparta, chiến thắng môn đua ngựa. Nàng cho người xây cất hai tượng đài của mình tại Olympía, một trong hai tượng đài đó có một bài thơ do nàng viết nên để ca ngợi chiến thắng của mình. Đội tuyển của vua Philippos II xứ Macedonia cũng thắng giải đua ngựa vào năm 356 trước Công nguyên, đúng vào ngày Alexandros ra đời, góp phần tạo nên lời tiên tri đúng đắn rằng Alexandros sau này sẽ là một ông vua bách chiến bách thắng. Đến cả khi Ki-tô giáo được truyền vào Hy Lạp, các kỳ Đại hội thể thao Olympic vẫn luôn được tổ chức. Sứ đồ Phaolô hẳn là một người hâm mộ, dù ông không phải là một vận động viên của Đại hội Olympic. Ông viết: "Tôi đã tham gia một cuộc thi đấu thật hay. Tôi đã chạy trên sân vận động. Tôi đã giữ niềm tin". Câu nói này đã lưu danh vào lịch sử Đại hội Olympic ở Hy Lạp xưa. Những kỳ Đại hội Olympic được tổ chức vào năm 388 hoặc là 393. Người chiến thắng cuối cùng được ghi nhận là một vận động viên người xứ Armenia. Khoảng năm 394, khi Hoàng đế La Mã là Theodosius I Đại Đế ban Thánh chỉ cấm đoán Đa thần giáo và công nhận Ki-tô giaó là quốc giáo của Đế quốc La Mã, ông ta đã hủy bỏ Đại hội Olympic cổ đại. Vào năm 426, có lẽ là do Hoàng đế Theodosius II xuống Thánh chỉ đốt sạch các miếu thờ Đa Thần giáo trên vùng Địa Trung Hải, đền thờ thần Thần Zeus bị đốt rụi. Không những thế, do thời đó liên tục có những trận động đất và lũ lụt, người ta không thể tổ chức Đại hội được nữa. Ý tưởng về Đại hội thể thao Olympic được hồi sinh vào đầu thế kỷ thứ 19. Thế vận hội Olympic hiện đại Giới thiệu Đại hội thể thao Olympic hiện đại (Thế vận hội), cuộc thi thể thao quốc tế để các vận động viên thể thao từ các nước khác nhau tranh tài, tổ chức 4 năm một lần tại những nơi khác nhau. Có hai loại Đại hội Olympic là Olympic mùa Hè và Olympic mùa Đông. Qua năm 1992 cả hai Thế vận hội được tổ chức cùng năm, nhưng từ năm 1994 thì được đổi lại sao cho cả hai sự kiện thể thao này diễn ra trong các năm xen kẽ nhau. Ví dụ như Olympic mùa Đông tổ chức năm 1994 thì Olympic mùa Hè tổ chức năm 1996, kế đến Olympic mùa Đông diễn ra năm 1998 và Olympic mùa Hè thì diễn ra vào năm 2000. Đại hội thể thao Olympic hiện đại bắt đầu vào năm 1896 tại Aten (Athens), Hy Lạp, hai năm sau khi nhà sư phạm và tư tưởng người Pháp - Pierre de Coubertin đề xuất rằng thế vận hội Olympic của người Hy Lạp cổ đại cần được hồi sinh để tôn vinh nền hòa bình thế giới. Chương trình Thế vận hội năm 1896 chỉ có các môn thể thao mùa hè (vì Thế vận hội mùa đông đến năm 1924 mới tổ chức) có 300 vận động viên đến từ 15 nước thi 43 môn thi đấu trong 9 môn thể thao khác nhau. Và đến thế vận hội mùa hè 100 năm sau đó tại Atlanta (Mỹ) 1996, có hơn 10.000 vận động viên đến từ hơn 190 nước thi 271 môn thi đấu trong 29 môn thể thao khác nhau. Ủy ban Olympic quốc tế Thế vận hội được quản lý bởi Ủy ban Olympic quốc tế (viết tắt là IOC - International Olympic Committee), tổng hành dinh đặt tại Lausanne, Thụy Sĩ. IOC ra đời tại Paris năm 1894 như một ủy ban độc lập và tự lựa chọn các thành viên cho mình (tuy nhiên để bắt đầu tiến hành, Coubertin đã tự chọn cho mình 15 thành viên). Hầu hết các thành viên được bầu chọn vào IOC là những cá nhân, đơn vị đã phục vụ trong NOCs (National Olympic Committees – Các ủy ban Olympic quốc gia) tại chính quốc gia của thành viên đó. Những thành viên đầu tiên của IOC là tất cả các thành viên châu Âu và châu Mỹ với một nước ngoại lệ là New Zealand (châu Úc). Thành viên châu Á đầu tiên gia nhập ủy ban là vào năm 1908 và châu Phi là 1910. Các thành viên của IOC phải nghỉ hưu vào tuổi 80 trừ phi họ được bầu chọn trước năm 1966. IOC có chức năng giám sát, quyết định nơi sẽ tổ chức thế vận hội, lập các quy định về Olympic trên toàn thế giới và thương lượng về bản quyền truyền hình các chương trình trong thời gian diễn ra thế vận hội. IOC làm việc chặt chẽ với NOCs, Liên đoàn thể thao không chuyên quốc tế (The International Amateur Athletic Federation - IAAF) và các liên đoàn thể thao quốc tế khác (International Sports Federations - ISFs) để tổ chức các kỳ thế vận hội. ISFs chịu trách nhiệm về những điều luật quốc tế và các quy tắc của các môn thể thao mà họ có ảnh hưởng. Chủ tịch IOC (được chọn từ các thành viên của IOC) được cộng tác bởi một ban lãnh đạo, nhiều phó chủ tịch và một số người của hội đồng IOC. Chủ tịch đầu tiên của IOC là ông Demetrius Vikélas, người Hy Lạp (làm việc 1894 -1896). Các chủ tịch tiếp theo là Count Henri de Baillet-Latour của Bỉ (1925-1942), J. Sigfrid Edström của Thụy Điển (1946-1952), Avery Brundage của Mỹ (1952-1972), Michael Morris, Lord Killanin của Ireland (1972-1980), Juan Antonio Samaranch của Tây Ban Nha (1980-2001), Jacques Rogge của Bỉ (2001-2013) và Thomas Bach (2013-). Quyết định các môn thi đấu Để đăng cai thế vận hội, một thành phố phải đệ trình bản kế hoạch lên IOC. Sau khi tất cả các bản kế hoạch được đưa lên, IOC tiến hành bỏ phiếu. Nếu không có thành phố nào giành được nhiều phiếu trong lần bỏ phiếu đầu tiên thì thành phố ít phiếu nhất sẽ bị loại và tiếp tục bỏ phiếu cho đến khi chọn được mới thôi. Thế vận hội được quyết định trước đó vài năm, nhờ vậy thành phố giành được quyền đăng cai có đủ thời gian để chuẩn bị. Trong việc lựa chọn nơi tổ chức Olympic, IOC quyết định dựa trên một số nhân tố chủ yếu mà thành phố đó có hoặc hứa sẽ tạo những tiện nghi tốt nhất và hiệu quả. IOC cũng quyết định những phần nào trên thế giới chưa được quyền đăng cai thế vận hội. Thí dụ như, thành phố Tokyo, Nhật Bản (thuộc châu Á) đăng cai Olympic Mùa hè 1964 thì sang năm 1968 tổ chức ở México (thuộc Mỹ Latinh). Vì sự phát triển quan trọng của truyền hình trên toàn thế giới, trong những năm gần đây, IOC cũng đưa vào việc chọn thành phố chủ nhà theo múi giờ. Ví dụ như mỗi khi thế vận hội diễn ra tại Mỹ hoặc Canada thì mạng truyền hình American sẵn sàng chịu nhiều chi phí bản quyền để phát hình trực tiếp rộng rãi vào những giờ chiếu phim. Một khi thế vận hội diễn ra ở đâu thì sẽ được ủy ban tổ chức địa phương ở đó tài trợ (những tổ chức này không phải là IOC hay NOC của nước chủ nhà). Điều này thường kết thúc với phần chia lợi nhuận từ bản quyền truyền hình thế vận hội, tiền từ các tập đoàn tài trợ, tiền bán vé, tiền quảng cáo và những nguồn tài trợ nhỏ khác chẳng hạn như những con tem bưu điện làm kỉ niệm hoặc tiền thu từ vé số quốc gia. Trong nhiều trường hợp cũng có sự giúp đỡ của chính quyền nước sở tại. Mặc dù nhiều thành phố giành được lợi nhuận từ thế vận hội, nhưng các kỳ Olympic cũng có thể khiến nhiều thành phố lâm vào tình trạng thiếu hụt tài chính. Ví dụ như Montréal, Canada đã chi ra một lượng lớn tiền bạc để chuẩn bị cho thế vận hội mùa hè năm 1976, nhưng số tiền thu được lại thấp hơn dự kiến khiến thành phố phải chịu nhiều khoản nợ lớn. Các vận động viên và tư cách tham dự Mặc dù Hiến chương Olympic, luật chính thức của Ủy ban Olympic, tuyên bố rằng Olympic là cuộc thi giữa các cá nhân và không phải là giữa các quốc gia nhưng IOC lại phân công các NOC có nhiệm vụ tuyển chọn riêng các đội tuyển Olympic quốc gia. Trong hầu hết các trường hợp, NOC làm điều này để nắm được các vận động viên đã trải qua kiểm tra để được thi đấu tại thế vận hội hoặc để chọn những vận động viên dựa trên những thành tích mà họ đã đạt được trước đó. Từ khi bắt đầu thế vận hội đến nay, các vận động viên nữ không chuyên của mọi tôn giáo, dân tộc đều có đủ tư cách tham dự. Mặc dù Coubertin phản đối sự tham gia thế vận hội của phụ nữ và không một phụ nữ nào thi đấu trong năm 1896, nhưng một số nhỏ vận động viên môn đánh gôn và quần vợt đã được thi đấu tại thế vận hội năm 1900. Các vận động viên nữ trong môn bơi lội và lặn được phép thi đấu tại thế vận hội năm 1912, còn những môn như thể dục và điền kinh thì mãi đến năm 1928 họ mới được tham gia. Kể từ đó các môn thể thao Olympic của nữ phát triển đáng kể và hiện nay số lượng nữ vận động viên trong một đội đã chiếm đến khoảng phân nửa trừ một số đội đến từ các nước Ả-rập hồi giáo. Coubertin và tổ chức IOC dự tính từ ban đầu là thế vận hội chỉ dành cho những vận động viên nghiệp dư. Tính chất không chuyên được xác định bởi sự tôn trọng triệt để với luật không chuyên, một luật lệ có từ thế kỷ 19 làm nền tảng để ngăn không cho các vận động viên chuyên nghiệp tham gia trong các môn thể thao như bơi thuyền và quần vợt. Bởi vì luật không chuyên ngăn cản các vận động viên kiếm được bất kỳ chi phí nào từ các hoạt động có liên quan đến thể thao nên các vận động viên thuộc tầng lớp bình dân khó mà đủ khả năng vừa kiếm sống vừa tập luyện để thi đấu. Tuy nhiên các luật lệ của thế vận hội về tính không chuyên vẫn là nguyên nhân của nhiều tranh cãi trong nhiều năm. Những câu hỏi đã được đưa ra như một vận động viên không chuyên có thể được đài thọ chi phí cho chuyến đi thi đấu, được đền bù chi phí thời gian mất việc, được thuê để dạy các môn thể thao hay không. Và những điều đó luôn được IOC (tổ chức đứng đầu trong việc xác định tính chuyên nghiệp trong các một thể thao khác) giải quyết một cách thỏa đáng. Năm 1983, đa số các thành viên của IOC đều chấp nhận hầu hết các vận động viên Olympic thi đấu một cách chuyên nghiệp với ý muốn rằng các môn thể thao là hoạt động chính của họ. Sau đó IOC đã hỏi lại mỗi ISF để xác định tính tư cách của chính môn thể thao và qua thập niên sau thì gần như tất cả các ISF đã bãi bỏ sự khác biệt giữa các vân động viên nghiệp dư và các vận động chuyên nghiệp, còn gọi là thế vận hội mở. Một trong những ví dụ điển hình của sự thay đổi là vào năm 1992, khi các vận động viên chuyên nghiệp đến từ Liên đoàn bóng rổ quốc gia (NBA – National Basketball Association) đã được phép thi đấu tại thế vận hội mùa hè Barcelona, Tây Ban Nha. Những nghi thức Thế vận hội luôn có những nghi thức, phần nhiều trong số đó thể hiện chủ đề tình hữu nghị và hợp tác hòa bình giữa các quốc gia. Lễ khai mạc Thế vận hội luôn luôn có cuộc diễu hành của các đội tuyển đến từ mỗi quốc gia tham dự tại sân vận động chính. Đoàn Hy Lạp luôn là đoàn đi đầu để kỷ niệm nguồn gốc xa xưa của Thế vận hội và đội nước chủ nhà luôn là đội đi cuối cùng (trừ Olympic Athens 1896 và Olympic Athens 2004 do Hy Lạp là chủ nhà nên đoàn Hy Lạp đi cuối cùng). Nghi lễ mở đầu là màn trình diễn tái hiện, hư cấu về thế vận hội qua thời gian trong một khung cảnh phức tạp và hoành tráng với âm nhạc và lời nói. Một trong những nghi lễ quan trọng là cuộc chạy rước đuốc và lễ rước đuốc Olympic. Ngọn lửa Olympic tượng trưng cho sự chuyển giao những ý nghĩa cao đẹp từ thế vận hội Hy Lạp cổ đại đến thế giới hiện đại. Ngọn đuốc Olympic được thắp sáng lần đầu tại Thế vận hội Mùa hè 1936. Trong cuộc chạy rước đuốc, ngọn lửa được thắp sáng tại thành phố Olympia, Hy Lạp và từ đó nó được nhiều người chạy bộ (trừ đường sông, biển) mang đi trải qua nhiều tuần lễ hoặc nhiều tháng trời để đến thành phố nước chủ nhà. Sau khi người rước đuốc cuối cùng đã thắp ngọn lửa Olympic lên ngọn đuốc chính tại sân vận động, người đứng đầu của nước chủ nhà tuyên bố thế vận hội bắt đầu và những con chim bồ câu được thả ra để tượng trưng cho niềm hi vọng thế giới hòa bình. Hai nghi thức đổi mới quan trọng khác đã xuất hiện sớm tại thế vận hội Antwerp, Bỉ năm 1920 đó là một lá cờ thế vận hội với năm vòng tròn có năm màu khác nhau trên nền trắng. Năm chiếc vòng tròn tượng trưng cho sự đoàn kết giữa các quốc gia năm châu: châu Phi, châu Mỹ, châu Á, châu Úc và châu Âu. Kế đến là sự ra đời của nghi thức đọc lời thề Olympic, được đọc bởi một thành viên của đội chủ nhà. Lời thề xác nhận cam kết của các vận động viên về tinh thần thể thao cao thượng trong thi đấu. Nghi lễ trao huy chương cũng là một phần quan trọng của thế vận hội. Sau mỗi môn thi đấu cá nhân tại thế vận hội, các huy chương được tặng thưởng có 3 giải nhất, nhì và ba cho 3 người có thành tích cao nhất. Lễ trao huy chương diễn ra sau mỗi trận đấu chung kết của từng môn, các vận động viên thắng cuộc bước lên bục để nhận huy chương vàng (thực ra là huy chương mạ vàng), huy chương bạc (mạ bạc) và huy chương đồng, kế đến quốc kỳ các nước của họ được kéo lên trong tiếng nhạc quốc ca nghiêm trang. Một vài nhà phê bình đề nghị rằng vì những kỉ niệm chương dường như trái với tinh thần quốc tế mà IOC đã công bố. Những biểu tượng quốc gia nên thay bằng lá cờ Olympic và nhạc là bài hát chính thức của Olympic. Ban đầu có một cuộc diễu hành khác của các quốc gia vào buổi lễ cuối cùng của thế vận hội. Tuy nhiên tại thế vận hội mùa hè vào năm 1956 tại Melbourne, Úc, các vận động viên đã tách khỏi hàng ngũ và đi lẫn vào nhau để kỉ niệm thế vận hội. Truyền thống này đã được tiếp tục tại các kỳ thế vận hội sau. Sau khi các vận động viên đã vào hết trong sân vận động Olympic tại buổi lễ, chủ tịch của IOC hẹn gặp lại các vận động viên và khán giả tại thế vận hội lần sau. Sau đó, chủ tịch IOC tuyên bố kết thúc thế vận hội và ngọn đuốc Olympic được tắt. Những buổi đầu Sau khi thắng lợi trong cuộc Chiến tranh Giải phóng Dân tộc (1821 - 1829) phá tan xiềng xích nô dịch của Đế quốc Ottoman, Hy Lạp đã tìm cách "hồi sinh" Đại hội Olympic thời xa xưa nhằm làm quảng bá các di sản cổ đại của họ. Đại hội Olympic của họ – bị giới hạn ở phạm vi dân tộc Hy Lạp – đã không thành công, diễn ra không thường xuyên và thu hút rất ít sự chú ý của quốc tế. Thế vận hội bị đình chỉ hoàn toàn vào năm 1889. Nhưng sau đó Coubertin đã thành công trong nỗ lực tổ chức thế vận hội một cách đàng hoàng vì quan niệm của ông về Đại hội thể thao mang tính quốc tế hơn là mang tính dân tộc. Mặc dù lúc bắt đầu công việc, ông quan tâm đến thể thao như một cách để nâng cao tính sẵn sàng chiến đấu của quân đội Pháp, nhưng cuối cùng ông đã hình dung chúng như một công cụ để chiến thắng các cuộc xung đột giữa các quốc gia. Coubertin bắt đầu phát triển những ý tưởng của mình cho một cuộc thi đấu thể thao quốc tế trong những năm 1880. Năm 1894 ông mời đại diện thể thao các nước đến Paris để thảo luận về thể thao không chuyên tại một đại hội thể thao quốc tế. Hội nghị có 78 đại biểu đến từ 9 quốc gia. Tại hội nghị, Coubertin đã dùng nghệ thuật và âm nhạc cổ điển để tạo ảnh hưởng với các đại biểu. Ông làm họ ngạc nhiên với đề xuất làm sống lại thế vận hội Olympic của thời xưa và họ đã đồng ý ủng hộ. Coubertin muốn Đại hội Olympic hiện đại làm nổi bật các môn thể thao của thời xưa và hiện đại. Chẳng hạn như môn ném dĩa là biểu tượng cho sự tiếp nối của quá khứ vì người Hy Lạp cổ đại đã từng luyện tập thể thao. Ngược lại, môn đua xe đạp là môn thể thao xuất hiện gần hơn nên đại diện cho thời hiện đại. Môn chạy marathon là để tưởng niệm một người lính Hy Lạp đã chạy bộ một mạch từ một thị trấn của Marathon đến Athens để báo tin quân Hy Lạp đã chiến thắng quân xâm lược Ba Tư, môn chạy này có khoảng cách ngắn hơn khoảng cách marathon thực sự là 42.2 km (khoảng 26.2 dặm) (đường đua dài nhất của Olympic cổ đại là khoảng 1000 m). Sự bất ổn trong chính phủ Hy Lạp đe dọa sự chuẩn bị cho thế vận hội năm 1896, nhưng Coubertin đã đến Athens và tranh thủ được sự ủng hộ giúp đỡ của hoàng gia Hy Lạp trong việc tổ chức thế vận hội. Mặc dù sau đó không có NOC để tuyển chọn các vận động viên và gửi họ đến thế vận hội, nhưng nhờ Coubertin quen biết với nhiều nhà thể thao người châu Âu và châu Mỹ nên đã vận động họ thành lập các đội tuyển quốc gia tại nước mình. Lúc ấy ước chừng một nửa số đội của châu Mỹ đến từ đại học Princeton vì ở đó có người bạn của Coubertin đang dạy môn lịch sử. Khoảng dưới 300 vận động viên đã thi đấu tại thế vận hội năm 1896 và không nhận được nhiều quan tâm của báo chí quốc tế, nhưng lại đủ sức thuyết phục để IOC tiếp tục các thế vận hội sau mỗi bốn năm. Olympic Mùa hè Thế vận hội năm 1896 bao gồm các môn: đua xe đạp, đấu kiếm, thể dục, bắn bia, bơi lội, quần vợt, điền kinh, cử tạ và đấu vật. Các vận động viên người Mỹ chiếm ưu thế hơn hẳn tại thế vận hội nhưng những thành tích của những người thắng cuộc không cao bởi những tiêu chuẩn đánh giá đương thời. Thomas Burke, người Mỹ là người chiến thắng trong cuộc chạy đua nước rút cự ly 100m trong 12 giây, tức là thấp hơn 1 giây so với kỷ lục thế giới. Bất chấp những thành tích này, thế vận hội đã thành công khi làm hài lòng khán giả và những người tham gia. Sự ủng hộ cộng đồng quốc tế cho thế vận hội 1900 tại Paris và thế vận hội 1904 tại St. Louis, Missouri, Mỹ đã làm Coubertin thất vọng, bởi vì cả hai kỳ thế vận hội này bị coi như là những "hội chợ quốc tế" hơn Olympic. Năm 1906, một thế vận hội đã được tổ chức tại Athens, Hy Lạp, vượt qua mọi phản đối của Coubertin. Mặc dù thế vận hội đã thành công nhưng những kết quả không bao giờ được xem như là phần chính trong lịch sử Olympic. Tại Thế vận hội 1908 tại Luân Đôn, Anh, đã chứng kiến cuộc đua tài quyết liệt giữa người Anh và người Mỹ, lên đến đỉnh điểm là khi những viên chức người Anh đã khiêng vận động viên chạy marathon người Ý Dorando Pietri qua vạch khi anh này đã bị té gần đích đến. Điều này có nghĩa là vận động viên người Mỹ Johnny Hayes không thắng được cuộc đua. Tuy nhiên, sau khi các viên chức Mỹ lớn tiếng phản đối, Hayes đã được tuyên bố là người thắng cuộc. 4 năm sau tại Thế vận hội 1912 ở Stockholm, Thụy Điển, vận động viên người Mỹ Jim Thorpe thắng cả hai môn điền kinh năm môn phối hợp và điền kinh mười môn để rồi chỉ nhận được những quyết định thu hồi huy chương vào năm 1913 chỉ vì anh ta đã từng chơi bóng chày bán chuyên nghiệp (nhưng sau này vào năm 1982, IOC đã hoàn trả lại huy chương và chiến thắng chính thức cho Thorpe). Môn bơi lội dành cho nữ cũng đã lần đầu tiên được đưa vào tổ chức tại Thế vận hội năm 1912 và hai vận động viên người Úc là Fanny Durack và Wilhelmina Wylie đã chiếm ưu thế. Lãnh đạo Ủy ban Olympic Hoa Kỳ James Sullivan đã không tán thành các môn thể thao nữ và không cho phép nữ công dân Mỹ thi đấu môn bơi lội tại thế vận hội 1912 (họ được phép thi bơi bắt đầu từ 1920). Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914–1918) đã buộc Thế vận hội 1916 tổ chức tại Berlin, Đức phải hủy bỏ. 4 năm sau, thông cảm với Bỉ, đất nước đã bị tàn phá nặng bởi sự xâm lăng của Đức trong thời gian chiến tranh, IOC quyết định tổ chức thế vận hội tại Antwerp. Năm 1920, vận động viên môn chạy người Phần Lan là Paavo Nurmi, biệt danh "người Phần Lan bay", đã giành được 3 trong tổng số 9 huy chương vàng Olympic ở môn thi đấu của anh ta là chạy cự ly 1000 mét, chạy việt dã cá nhân và đồng đội. Tại thế vận hội Paris 1924, Nurmi và vận động viên bơi lội người Mỹ Johnny Weissmuller là những vận động viên nổi bật. Thành tích chính của Nurmi là thắng trong môn chạy cự ly 1500 mét và 5000 mét. Còn Weissmuller đã thắng ở môn bơi tự do 100 mét, 400 mét và cũng là người thắng trong môn bơi đồng đội 4 x 200 mét bơi tự do. Thế vận hội Amsterdam, Hà Lan 1928 thì đáng chú ý nhất là sự có mặt của các môn điền kinh nữ. Mặc dù có một vài lời phàn nàn về môn chạy điền kinh cự ly 800 mét năm 1928 vì môn này hơi quá sức đối với nữ và bị hủy bỏ mãi cho tới năm 1960 mới tiếp tục. Năm 1930 IOC quyết định tiếp tục thử nghiệm các môn thể thao nữ tại thế vận hội Olympic. Nhờ quyết định này mà Babe Didrikson đã trở thành vận động viên nổi tiếng nhất tại thế vận hội Los Angeles 1932. Chị đã thắng trong môn chạy vượt rào cự ly 80 mét và môn ném lao, lập kỷ lục thế giới mới ở hai môn này và đứng hạng hai trong môn nhảy cao. Còn các vận động viên môn bơi lội người Nhật thì giành được những thành công lớn tại thế vận hội năm 1932 với thành tích tối thiểu một vận động viên Nhật Bản là vào đến các trận chung kết ở mỗi hạng mục thi đấu trong môn bơi lội. Đội Nhật Bản được tập luyện lâu hơn và khắt khe hơn đối phương. Những thành công của họ đã chứng minh những lợi ích của việc thực hiện luyện tập thể thao toàn thời gian tốt hơn là tập bán thời gian kiểu nghiệp dư. Dấu hiệu khác của sự thay đổi là thế vận hội Los Angeles đã thành công với rất nhiều vận động viên có tuổi đời còn rất trẻ như vận động viên bơi lội người Nhật Kusuo Kitamura đã thắng trong môn bơi tự do cự ly 1500 mét khi chỉ mới có 14 tuổi. Tại thế vận hội Berlin năm 1936 đã xảy ra sự kiện đặc biệt đó là việc chính phủ Quốc xã của nước chủ nhà đã tuyên truyền học thuyết cho rằng người da trắng là mạnh nhất và câu chuyện hay nhất của thế vận hội Berlin là vận động viên da đen người Mỹ là Jesse Owens, anh đã làm sụp đổ những tư tưởng của Đức Quốc xã khi chiến thắng ở môn đua cự ly ngắn 100 mét, 200 mét và môn nhảy cao. Owens cũng đoạt luôn huy chương thứ tư là chạy tiếp sức cự ly 4 x 100 mét. Cả hai kỳ thế vận hội theo dự tính sẽ diễn ra tại Tokyo, Nhật Bản và Luân Đôn, nước Anh vào các năm 1940 và 1944 nhưng đều bị hủy bỏ vì Chiến tranh thế giới thứ hai đang diễn ra (1939-1945). Tuy nhiên thế vận hội năm 1948 được tổ chức bất chấp sự thật là nhiều thành viên của IOC nghĩ rằng những nỗi khủng khiếp của Chiến tranh thế giới thứ hai tạo ra trò cười cho thiên hạ về ước mơ thế giới hòa bình của Coubertin. Tuy nhiên những người chủ trương tiếp tục duy trì thế vận hội Olympic đã chiếm ưu thế và Luân Đôn trở thành chủ nhà. Mặc dù Liên bang Xô Viết luôn cho rằng các thế vận hội là một âm mưu chính trị của chủ nghĩa tư bản, nhưng các nhà lãnh đạo của họ cũng quyết định gửi một đội đến thế vận hội Hensinki 1952, Phần Lan. Đội Xô Viết đã giành được thành công vang dội và người Mỹ bị "sốc" cho tới ngày cuối cùng của thế vận hội. Các vận động viên Xô Viết đoạt được nhiều huy chương hơn các vận động viên của Mỹ. Bốn năm sau, tại thế vận hội Melbourne, đội Xô Viết và Mỹ tiếp tục với những thành công của họ, được xếp thứ nhất và thứ hai trong bảng tổng sắp không chính thức về số huy chương quốc gia (những thành tích không chính thức được giữ kín số huy chương mà mỗi nước có được tại mỗi kỳ thế vận hội). Đội Australia, dẫn đầu là hai vận động viên bơi lội Murray Rose, Dawn Fraser và hai vận động viên môn chạy là Betty Cuthbert và Shirley Strickland, họ giành được tổng cộng 13 huy chương vàng để giúp nước chủ nhà vươn lên đứng hàng thứ ba sau Liên bang Xô Viết và Mỹ. Thế vận hội năm 1960, các vận động viên môn chạy người châu Phi như Wilson Kipriguit của Kenya và Abebe Bikila của Ethiopia đã giành được thành tích nổi trội tại thế vận hội, trong khi đó các vận động viên đến từ châu Âu lại chiếm ưu thế ở các môn như thể dục dụng cụ và cử tạ. Theo thứ tự mỗi kỳ thế vận hội kế tiếp nhau trong những năm 1960 là các năm 1960 (Rome - Ý), 1964 (Tokyo - Nhật Bản) và 1968 (Mexico City - Mexico) đã tạo ra các vận động viên "vàng" trong môn quyền Anh của Mỹ mà đã tiếp tục trở thành những võ sĩ quyền Anh chuyên nghiệp hạng nặng như Cassius Clay (sau này đổi tên là Muhammad Ali), Joe Frazier và George Foreman. Tại thế vận hội Munich - Đức năm 1972, hai đội Đông Đức và Tây Đức trước đây vốn chung một đội (năm 1949) nay lại là hai đội riêng biệt đã giành được hạng ba và hạng tư trong bảng tổng sắp huy chương không chính thức. Mặc dù tại thế vận hội năm 1972 vận động viên Xô Viết là Ludmilla Tourischeva đã thắng toàn diện môn thể dục dụng cụ nhưng một vận động viên Xô Viết khác là Olga Korbut lại thu hút nhiều chú ý nhất, chị đoạt ba huy chương vàng, điều này đã giúp khởi đầu một thời kỳ mới của sự phát triển quốc tế của môn thể dục dụng cụ. Bốn năm sau, tại thế vận hội Montréal, vận động viên Nadia Comaneci của Rumani đã giành giải toàn diện trong môn thể dục dụng cụ và trong môn xà gồ, chị đã xuất sắc giành được điểm số tối đa là 10 điểm. Thành tích nổi bật nhất tại thế vận hội năm 1976 đến từ đội bơi lội nữ của Đông Đức, họ giành thắng lợi 11 trong 13 làn bơi, vượt qua cả người Mỹ vốn được cho là chiếm ưu thế. Trong tổng số huy chương tại thế vận hội 1976 thì Đông Đức (tức CHDC Đức) với dân số khoảng 16 triệu người giành được 40 huy chương vàng. Ngược lại, nước Mỹ với dân số hơn 200 triệu người chỉ giành được có 34 huy chương vàng. Thế vận hội 1980 tổ chức tại Matxcơva và năm 1984 tổ chức tại Los Angeles đã bị những cuộc tẩy chay lớn (vì lý do chính trị), nên đội chủ nhà của mỗi nước đã quyết tâm tạo một chiến thắng lớn trong mỗi năm. Tại thế vận hội 1980 với 62 quốc gia tuyên bố tẩy chay, đội Xô Viết đã giành được 80 huy chương vàng, 69 huy chương bạc và 46 huy chương đồng. Cũng tại thế vận hội này vận động viên quyền Anh người Cuba là Téofilo Stevenson đã giành liên tiếp ba huy chương vàng ở hạng võ sĩ hạng nặng. Tại thế vận hội 1984 khi Liên Xô và 16 nước khác tẩy chay thế vận hội, thì đội Mỹ tuyên bố giành được 83 huy chương vàng, 61 huy chương bạc và 30 huy chương đồng. Tại đây vận động viên người Mỹ Carl Lewis đã nổi lên như một vận động viên điền kinh vĩ đại nhất trong thời đại của anh ta với chiến thắng ở các môn chạy cự ly 100 mét, 200 mét, 4 x 100 mét tiếp sức và nhảy xa. Nữ vận động viên người Mỹ là Lou Retton đoạt giải toàn diện trong môn thể dục dụng cụ. Tại thế vận hội Seoul, Hàn Quốc, Carl Lewis lặp lại chiến thắng của mình trong môn nhảy xa và bị nhận huy chương vàng muộn ở môn chạy cự ly 100 mét sau khi vận động viên người Canada là Ben Johnson được coi là chiến thắng lại bị phát hiện có sử dụng chất ma túy. Tại thế vận hội 1988, các vận động viên bơi lội Đông Đức, dẫn đầu là Kristin Otto đã giành chiến thắng 10 trong 15 môn dành cho nữ. Điều gây ấn tượng sâu sắc tương tự là vận động viên môn điền kinh người Mỹ Florence Griffith Joyner đã giành huy chương vàng ở môn chạy cự ly 100 mét, 200 mét, chạy tiếp sức 4 x 100 mét và Jackie Joyner Kersee đoạt huy chương vàng trong môn nhảy cao và điền kinh bảy môn phối hợp. Thế vận hội Barcelona 1992 Tây Ban Nha không có riêng quốc gia nào thi đấu nổi trội nhất. Những vận động viên được biết nhiều nhất trước và sau thế vận hội là Hoa Kỳ với đội bóng rổ có tên là Dream Team với các vận động viên của NBA như Michael Jordan, Larry Bird và Magic Johnson. Đội này đã thi đấu nổi bật và đạt thành tích là huy chương vàng. Năm 1996 lễ kỉ niệm 100 năm sự ra đời của thế vận hội hiện đại đã được tổ chức tại Atlanta, bang Georgia Hoa Kỳ. Có nhiều thành tích nổi bật tại thế vận hội này. Ở môn nhảy cầu, Fu Mingxia của Trung Quốc đã đoạt huy chương vàng ở thể loại cầu mềm 3 mét và cầu cứng 10 mét. Còn trong môn điền kinh, vận động viên người Mỹ Michael Johnson đã giành huy chương vàng ở môn chạy nước rút cự ly 200 mét và 400 mét. Trong khi đó vận động viên người Canada Donnovan Bailey chiến thắng ở môn chạy nước rút cự ly 100 mét. Thế nhưng thế vận hội đã thất bại bởi một nhóm khủng bố đã tấn công khu kỉ niệm thế vận hội của Atlanta. Một quả bom đã phát nổ vào buổi sáng ngày 27 tháng 8 làm một người chết và hơn 100 người bị thương nhưng thế vận hội vẫn tiếp tục diễn ra. Olympic Mùa Đông Mặc dù môn trượt băng nghệ thuật là một môn tại thế vận hội mùa hè từ năm 1908 đến 1920 và môn khúc côn cầu trên băng (ice-hockey) được chơi trong năm 1920, nhưng IOC lại do dự trong việc mở đầu thế vận hội mùa đông bởi vì những điều kiện khí hậu khiến cho thế vận hội mùa đông chỉ giới hạn ở những nước có đủ điều kiện về tuyết trong mùa đông. Khi Thụy Điển và Na Uy lần đầu tiên tổ chức thế vận hội 1911, Mỹ đã phản đối vì điều kiện sân bãi. Trớ trêu thay, những người Scandinavi đã thay đổi suy nghĩ của họ tại cuộc họp của IOC năm 1921 tranh cãi rằng thế vận hội mùa đông không giống như thế vận hội mùa hè, không thể quy tụ các vận động viên đến từ mọi quốc gia. Tuy nhiên IOC cũng thắng phiếu và thành lập Thế vận hội mùa Đông. Thế vận hội mùa đông lần đầu được tổ chức như một cuộc thi riêng biệt vào năm 1924 tại Chanix-Mont-Blanc, Pháp.Từ thời điểm đó đến năm 1992, thế vận hội mùa đông được tổ chức trong cùng năm với thế vận hội mùa hè nhưng bắt đầu từ thế vận hội mùa đông Lillehammer, Na Uy năm 1994, thế vận hội mùa đông được thay đổi lịch tổ chức sao cho cả hai thế vận hội mùa đông và mùa hè diễn ra xen kẽ nhau, nghĩa là nếu thế vận hội mùa hè tổ chức vào năm 1992 thì thế vận hội mùa đông sẽ tổ chức vào năm 1994 và lần kế tiếp của thế vận hội mùa đông là 1998 trong khi thế vận hội mùa hè là năm 1996. Thế vận hội mùa đông năm 1924 có 14 hạng mục thi đấu trong 5 môn thể thao khác nhau. Chương trình cho thế vận hội mùa đông năm 1998 tại Nagano của Nhật Bản là 60 hạng mục thi đấu trong 9 môn thể thao khác nhau. Trong thế vận hội mùa đông đầu tiên, những nước thuộc vùng Scandinavi đã phản đối cuộc thi. Các vận động viên người Na Uy thắng cả bốn hạng mục thi đấu trượt tuyết, trong khi các đấu thủ người Phần Lan giành được phần thắng ở 4 trong 5 hạng mục thi đấu trượt tuyết tốc độ. Bốn năm sau, thế vận hội mùa đông đầu tiên đã thu hút nhiều chú ý của quốc tế khi tại Saint Moritz, Thuỵ Sĩ, vận động viên trượt tuyết người Na Uy, chị Sonja Henie đã giành thắng lợi liên tiếp trong 3 thể loại trượt tuyết của thế vận hội. Với tài năng thiên phú của mình, chiến thắng của chị tại thế vận hội 1932 và 1936 đã góp phần đưa chị lên đỉnh cao thành công chói lọi như một minh tinh màn bạc. Thế vận hội mùa đông trong các năm 1940 và 1944 đã bị hủy bỏ vì Chiến tranh thế giới thứ hai diễn ra (đáng lẽ đã được tổ chức tại Sapporo, Nhật Bản và Cortina d’Ampezzo, Ý). Tại thế vận hội mùa đông đầu tiên sau chiến tranh ở Sain Moritz, vận động viên người Canada, Barbara Ann Scott đã giành huy chương vàng ở môn trượt băng nghệ thuật nữ, trong khi vận động viên người Mỹ là Dick Button cũng chiến thắng ở môn này dành cho nam. Đội khúc côn cầu trên băng của Canada đã giành huy chương vàng trong khi đó vận động viên người Mỹ Gretchen Fraser giành huy chương vàng trong môn trượt tuyết "slalom" dành cho nữ (thể loại "Slalom" nghĩa là trượt tuyết xuống dốc chữ chi có các chướng ngại vật). Tại thế vận hội mùa đông Oslo Na Uy năm 1952, đội khúc côn cầu trên băng của Canada lại một lần nữa giành được huy chương vàng. Còn các vận động viên trượt tuyết người Mỹ tiếp tục thành công của họ ở các môn trượt tuyết tại thế vận hội mùa đông Cortina d’Ampezzo năm 1956 với chiến thắng của Hayes Jenkins ở hạng mục dành cho nam và Tenley Albright trở thành vận động viên nữ đầu tiên của Mỹ giành huy chương vàng ở môn này. Vận động viên môn trượt tuyết xuống dốc người Ý là Toni Sailer đã xuất sắc giành được cả ba huy chương vàng ở môn thể loại trượt tuyết là: xuống dốc, "slalom", và "salom" rộng. Vận động viên David Jenkins, em trai của Hayes Jenkins thì lặp lại thành tích chiến thắng ở môn trượt băng nghệ thuật nam tại thế vận hội mùa đông Squaw Valley, California, trong khi đó một vận động viên người Mỹ khác Carol Heiss đã giành được huy chương vàng ở môn này dành cho nữ. Tại thế vận hội mùa đông năm 1964 được tổ chức tại Innsbruck - Áo, vận động viên môn trượt tuyết băng đồng người Thụy Điển là Sixten Jernberg đã giành được huy chương thứ 9 cuối cùng của mình với một huy chương vàng ở thể loại 50 mét cá nhân, một ở thể loại 4 x 10 km đồng đội và một huy chương đồng ở thể loại 15 km. Còn hai vận động viên của Liên Xô là Liudmila Belousova và Oleg Protopopov thì giành được huy chương vàng ở thể loại trượt băng nghệ thuật đôi nam nữ. Cặp vận động viên này đã lặp lại thành tích của họ ở thế vận hội mùa đông Grenoble, Pháp năm 1968. Còn vận động viên người Mỹ là Peggy Fleming đã giành được huy chương vàng ở hạng mục trượt băng nghệ thuật đơn nữ. Thế vận hội mùa đông 1968 cũng đã nổi tiếng với sự thành công xuất sắc của Jean Claude Killy, vận động viên người Pháp, anh đã lặp lại kỳ công của Sailer khi đoạt cả ba huy chương vàng ở hạng mục nam môn trượt tuyết băng đồng. Tại thế vận hội mùa đông năm 1972 tổ chức ở Sapporo, Nhật Bản, vận động viên trượt tuyết tốc độ người Hà Lan là Ard Schenk đã thắng lớn với 3 huy chương vàng ở 3 cự ly là 1500 mét, 5000 mét và 10.000 mét. Tại thế vận hội mùa đông 1976, Innsbruck lần nữa lại là nhà tổ chức. Vận động viên trượt tuyết tốc độ người Mỹ là Eric Heiden đã nổi tiếng tại thế vận hội mùa đông Lake Placid, New York, Mỹ năm 1980 khi anh "lãnh trọn" cả năm huy chương vàng ở thể loại trượt tuyết tốc độ cự ly 500 mét, 1000 mét, 1500 mét và 10000 mét. Thế vận hội mùa đông Sarajevo, Nam Tư năm 1984 thì nam vận động viên người Mỹ là Scott Hamilton đã giành được huy chương vàng ở môn trượt băng nghệ thuật và nữ vận động viên người Đông Đức là Katarina Witt cũng đoạt huy chương vàng ở môn này. Bốn năm sau, tại thế vận hội mùa đông Calgary, Alberta, Canada, Katarina Witt lại một lần nữa giành chiến thắng, còn người chiến thắng hạng mục nam là vận động viên người Mỹ Brian Boitano. Cặp vận động viên trượt băng nghệ thuật của Liên Xô là Ekaterina Gordeeva và Sergei Grinkov đoạt huy chương vàng trong khi đó vận động viên môn trượt tuyết tốc độ người Mỹ Bonnie Blair cũng đã giành được huy chương vàng (cự ly 500 mét), đây là chiếc huy chương vàng đầu tiên trong 5 chiếc huy chương vàng ở 3 kỳ Olympic của cô. Còn ở môn trượt tuyết dốc thì vận động viên người Ý là Alberto Tomba đoạt huy chương vàng. Thế vận hội mùa đông Albertville, Pháp năm 1992 thì huy chương vàng môn trượt băng nghệ thuật nữ thuộc về vận động viên người Mỹ gốc Nhật Kristi Yamaguchi và hai huy chương vàng ở môn trượt tuyết tốc độ cự ly 500 mét và 1000 mét thuộc về vận động viên Bonnie Blair. Tomba lặp lại thành tích của mình với chiến thắng ở môn trượt tuyết "slalom" vùng rộng. Cặp vận động viên trượt băng nghệ thuật của Liên Xô là Ekaterina Gordeeva và Sergei Grinkov tiếp tục chiến thắng ở môn này tại thế vận hội mùa đông Lillehammer năm 1994 và ở môn đơn nữ thì người chiến thắng là vận động viên người Ukraina Oksana Baiul. Một lần nữa vận động viên Bonnie Blair lại chiến thắng ở môn trượt tuyết tốc độ cự ly 500 mét và 1000 mét. Tại thế vận hội mùa đông Nagano - Nhật Bản năm 1998, vận động viên trượt tuyết Bắc Âu người Na Uy là Biorn Daehlie đã giành được 3 huy chương vàng ở các cự ly 1000 mét, 5000 mét, 2 x 10 km tiếp sức và một huy chương bạc (15 km "rượt đuổi"). Sau một lần té ngã nghiêm trọng ở thể loại trượt tuyết băng đồng, vận động viên người Áo Hermann Maier đã nhanh chóng hồi phục và đoạt luôn hai huy chương vàng ở thể loại "slalom" lớn và "slalom" siêu lớn. Đội nhảy xki (tức là thực hiện một cú nhảy cao và xa sau khi đã trượt tuyết một đoạn dài) của Nhật tính chung được 4 huy chương, gồm cả một huy chương vàng đồng đội. Các nữ vận động viên của Mỹ đã nổi bật với thành tích tại một số môn như cặp Tara Lipinski và Michelle Kwan giành được huy chương vàng và bạc ở môn trượt băng nghệ thuật; Picapo Street chiến thắng trong môn "slalom" siêu lớn; Nikki Stone thắng ở môn trượt ván trên không tự do và đội khúc côn cầu trên băng nữ cũng đã đoạt chức vô địch. Những xáo động về chính trị Mặc dù Thế vận hội được thành lập với ước mơ tốt đẹp cho nền hòa bình thế giới, nhưng đã có một thời Olympic hiện đại đã thực sự trở thành một sự kiện quốc tế quan trọng, nó cũng trở thành một "sàn đấu" cho những tranh cãi chính trị. Những Thế vận hội được nhiều người nói đến nhất là Thế vận hội Berlin năm 1936. IOC đã bỏ phiếu cho Berlin vào năm 1931 trước khi các thành viên của Ủy ban này biết rằng Đảng Quốc xã sẽ nhanh chóng nắm quyền điều hành nước Đức. Trong những năm đầu của những năm 1930, dưới luật lệ của Đức quốc xã, những vận động viên Đức – Do Thái đã bị loại ra khỏi đội tuyển Đức. Điều này đã vi phạm Hiến chương Olympic khiến cho người Mỹ đòi tẩy chay Thế vận hội 1936. Hoạt động tẩy chay đã thất bại bởi vì nhà lãnh đạo của Ủy ban Olympic Hoa Kỳ thời đó là Avery Brundage tin rằng các viên chức của Đức sẽ cho phép các vận động viên người Đức - Do Thái thi đấu. Thật vậy, nhưng chỉ có 2 vận động viên người Do Thái có mặt trong đội tuyển Đức tại Thế vận hội Olympic 1936. Có nhiều cuộc tẩy chay Thế vận hội đã xảy ra của nhiều quốc gia khác nhau. Năm 1956, Ai Cập, Liban và Iraq đã tẩy chay Thế vận hội Melbourne để phản đối sự xâm lăng của Anh, Pháp lên đất nước họ và sự "có mặt" của Israel tại Trung Đông. Những cuộc tẩy chay lớn đã xảy ra vào các năm 1976, 1980 và 1984. Năm 1976, nhiều quốc gia châu Phi yêu cầu New Zealand phải bị đuổi khỏi Thế vận hội Montréal vì "cái tội" đội bóng bầu dục của họ đã "chơi xấu" đội Nam Phi (thời đó vẫn còn luật lệ của những người ủng hộ chủ nghĩa Apacthai). Khi IOC không đồng ý với những yêu cầu của các nước châu Phi với lý do rằng bóng bầu dục không phải là môn thể thao Olympic (???), các vận động viên của 28 quốc gia châu Phi đã được chính phủ của họ gọi về nước. Còn vấn đề về cuộc tẩy chay Thế vận hội Moscow năm 1980 là sự xâm chiếm Afghanistan năm 1979 của Liên Xô. Mặc dù Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã buộc USOC (Ủy ban Olympic Hoa Kỳ) phải từ chối lời mời tham dự Thế vận hội 1980, nhiều NOC (Ủy ban Olympic quốc gia) khác đã bất chấp những đề nghị của chính phủ để tẩy chay Thế vận hội. Lúc đó Tổng thống Carter đã hành động để làm thất bại Thế vận hội 1980 (có tới 62 quốc gia tẩy chay Thế vận hội) và rõ ràng hành động này sẽ dẫn tới sự "trả đũa" của Liên Xô và đồng minh của họ. Và sự "trả đũa" này đã xảy ra tại Thế vận hội Los Angeles. Mặc dù Romania đã gửi một đội tới tham dự nhưng 16 nước đồng minh của Liên Xô đã tẩy chay thế vận hội này. Từ những năm 1940 đến những năm 1980, IOC cũng đã đụng phải những vấn đề chính trị bởi những mâu thuẫn của các quốc gia. Một vấn đề khó xử có liên quan tới đội tuyển Olympic Trung Quốc và Đài Loan là vì mâu thuẫn chính trị giữa một bên là nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ở đại lục và Trung Hoa Dân Quốc ở đảo Đài Loan. Năm 1952, IOC quyết định mời cả hai đội Trung Quốc và Đài Loan, nhưng mâu thuẫn chính trị đã dẫn tới việc tẩy chay Thế vận hội hàng thập niên của Trung Quốc đại lục. Họ đã không gửi đội tuyển tham dự Thế vận hội mãi cho đến Thế vận hội Lake Placid năm 1980. Một rắc rối chính trị khác là vào năm 1949, vì nước Đức bị phân chia thành hai thể chế chính trị khác nhau là Đông Đức và Tây Đức nên đã nảy sinh vấn đề là nên có một hay hai đội tuyển Đức. IOC cố gắng giải quyết vấn đề này bằng cách "năn nỉ" kết hợp đội tuyển Đông và Tây Đức làm một. Các cuộc đàm phán kéo dài trong nhiều năm và giải pháp này được thử nghiệm lần đầu tiên tại thế vận hội Melbourne 1956, nhưng sau đó đã tách ra. Mãi cho tới năm 1992, khi nước Đức thống nhất, cả hai đội này mới nhập lại làm một. IOC cũng đã từng phải đương đầu với sự phân biệt chủng tộc ở Nam Phi. IOC đã bỏ phiếu năm 1968 loại trừ đội Nam Phi ra khỏi Thế vận hội nhằm làm áp lực buộc chính phủ nước này từ bỏ luật Apartheid. Mãi cho tới thế vận hội Barcelona 1992, khi đó chủ nghĩa Apartheid không còn tồn tại nữa, Nam Phi mới được tham dự. Bạo lực cũng xảy ra tại các kỳ thế vận hội. Vào giữa kỳ Thế vận hội Munich 1972, hoạt động của thế vận hội đã trải qua những giờ phút bi thảm nhất. Một nhóm khủng bố vũ trang người Palestine đã xâm nhập vào làng Olympic (nơi ở của các vận động viên của các nước trong thời gian diễn ra thế vận hội), giết chết 2 thành viên của đội Israel và bắt đi chín con tin. Trong khi IOC họp hội nghị khẩn cấp thì được tin một cuộc đấu súng đã nổ ra và tất cả chín con tin cùng với 5 tên khủng bố bị giết chết, thế vận hội ngưng hoạt động một ngày. IOC quyết định thế vận hội vẫn diễn ra và đã được Israel tán thành. Những tiến bộ gần đây Trải qua nhiều thế kỷ với chiến tranh và xáo động chính trị, thế vận hội đã đạt được nhiều thành công trong những năm gần đây, thu hút nhiều công chúng hơn và thu được nhiều tiền hơn. Phần nhiều của sự thu hút công chúng và giàu có là nhờ sự phát triển của những phương tiện liên lạc vệ tinh và các chương trình truyền hình toàn cầu. Chẳng những càng ngày càng có nhiều người theo dõi thế vận hội mà còn có nhiều cơ hội phát triển việc bán bản quyền truyền hình thế vận hội với số tiền lên đến hàng trăm triệu đôla. Với các phần của thu nhập này, giờ đây các ủy ban tổ chức có thể tổ chức những thế vận hội hoành tráng mà không sợ phải gánh chịu những khoản nợ khổng lồ giống như ủy ban tổ chức thế vận hội Montréal, Canada năm 1976. Có nhiều tiền hơn, IOC cũng có thể trợ cấp để phát triển các môn thể thao ở các quốc gia kém phát triển. Thế vận hội cũng trở nên lệ thuộc vào các công ty đa quốc gia vì các công ty này luôn sẵn sàng chi ra hàng triệu đôla để trở thành nhà tài trợ chính thức của thế vận hội và dùng biểu tượng của thế vận hội để quảng cáo sản phẩm của họ. Điều này đã khiến cho hoạt động thế vận hội bị thương mại hóa. Một vấn đề nghiêm trọng khác là việc dùng thuốc để nâng cao thành tích trong thế vận hội (còn gọi là doping), đặc biệt là đồng hóa xteroit và hoóc-môn tăng trưởng của người. Các loại thuốc này bị cấm nhưng các vận động viên vẫn nghĩ rằng họ cần phải dùng chúng nếu phải thi đấu với trình độ Olympic. Sau khi nước Đức thống nhất vào năm 1990, bằng chứng về những gì mà những người quan sát nghi ngờ được đưa ra: hơn 20 năm qua, NOC của Đông Đức đã cung cấp thuốc nâng cao thành tích một cách có hệ thống cho các vận động viên chuyên nghiệp của họ. Từ 1968, IOC đã giải quyết vấn đề này bằng việc lập một Ủy ban chịu trách nhiệm trong việc phát hiện và phạt những người nào sử dụng các loại thuốc cấm đó. Nhờ những nỗ lực này mà nhiều vận động viên Olympic đã bị bắt và hủy bỏ tư cách tham dự Olympic, thế nhưng việc dùng các loại thuốc cấm vẫn không chấm dứt. Năm 1999, ban lãnh đạo của IOC bắt đầu cải cách phương pháp lựa chọn các thành phố đăng cai thế vận hội. Các thay đổi xảy ra sau khi có phát hiện nhiều quan chức của IOC đã vi phạm lời thề trong Hiến chương Olympic bởi họ bị cho là đã nhận những khoản chi trả bằng tiền mặt và những món quà "bồi dưỡng" bất chính từ các thành phố tranh cử quyền đăng cai thế vận hội. Các vi phạm đã xảy ra khi thành phố Salt Lake, Utah thắng lợi tại Thế vận hội Mùa đông 2002, và thành phố này vẫn được quyền đăng cai nhưng nhiều quan chức của Ủy ban tổ chức địa phương đã từ chức và nhiều người của IOC đã bị đuổi trong vụ bê bối. Những hạn chế về các hạng mục tổ chức tại Olympic Không phải môn nào cũng được tổ chức tại Olympic, ví dụ môn bóng bầu dục được toàn nước Mỹ ưa chuộng không có trong Olympic. Tất cả do Hiến chương Olympic quy định về các hạng mục được đưa vào Olympic là: Các hạng mục thi đấu chính thức trong Olympic phải được Ủy ban Olympic Quốc tế thừa nhận, do Ủy ban Liên hợp thể thao từng hạng mục quản lý. Các nội dung thi đấu nam tại Olympic mùa hè cần được triển khai rộng rãi bởi 75 quốc gia và 4 châu lục. Còn các nội dung nữ cần được triển khai tại 45 quốc gia và 3 châu lục. Các nội dung tại Thế vận hội mùa đông cần phải được triển khai rộng tại ít nhất 25 quốc gia và 3 châu lục. Các hạng mục này cần được xác định 7 năm trước khi thế vận hội tổ chức. Xác định một ngày rồi thì không thay đổi nữa. Ý nghĩa lá cờ 5 vòng tròn Lá cờ 5 vòng tròn là một biểu trưng tiêu biểu của Olympic. Lá cờ tung bay mỗi khi Olympic đến. Lá cờ biểu trưng cho 5 châu lục: màu vàng châu Á, màu xanh lục châu Âu, màu đen châu Phi, màu xanh lam châu Đại Dương, màu đỏ châu Mỹ. 5 màu vòng tròn đan vào nhau trên nền màu trắng như sự bình đẳng, tinh thần đoàn kết giữa các nước, các châu lục hay chính ý nghĩa của Olympic. Danh sách các kỳ thế vận hội
Bài hát Thế Vận Hội, hay bài ca Olympic, là bài hát do Spyros Samaras soạn dựa trên lời một bài thơ của nhà thơ và nhà văn Hy Lạp Kostis Palamas. Bài hát được biểu diễn lần đầu tiên tại Thế Vận Hội lần thứ nhất tổ chức tại Athens năm 1896. Nhưng từ năm 1958 bài hát mới được công khai trở thành bài ca chính thức cho Thế Vận Hội. Bài hát Thế Vận Hội đã được ghi âm và biểu diễn trong nhiều ngôn ngữ, vì những nước chủ nhà của từng Thế Vận Hội thường dịch bài hát sang ngôn ngữ của nước mình. Ví dụ tiếng Tây Ban Nha (Barcelona 1992), tiếng Anh (Atlanta 1996 và Salt Lake 2002), tiếng Nga (Moskva 1980) và tiếng Na Uy (Lillehammer 1994). Lời tiếng Hy Lạp Ο ΥΜΝΟΣ ΤΩΝ ΑΓΩΝΩΝ Αρχαίον Πνεύμ'αθάνατον, αγνέ πατέρα του ωραίου, του μεγάλου και τ'αληθινού, κατέβα, φανερώσου κι άστραψ'εδώ πέρα στην δόξα της δικής σου γης και τ'ουρανού. Στο δρόμο και στο πάλεμα και στο λιθάρι, στων ευγενών Αγώνων λάμψε την ορμή, και με τ'αμάραντο στεφάνωσε κλωνάρι και σιδερένιο πλάσε κι άξιο κορμί. Κάμποι, βουνά και πέλαγα φέγγουν μαζί σου σαν ένας λευκοπόρφυρος μέγας ναός, και τρέχει στο ναόν εδώ προσκυνητής σου, Αρχαίον Πνεύμ'αθάνατον, κάθε λαός. Lời tiếng Anh Olympian flame immortal Whose beacon lights our way Emblaze our hearts with the fires of hope On this momentous day As now we come across the world To share these Games of old Let all the flags of every land In brotherhood unfold Sing out each nation, voices strong Rise up in harmony All hail our brave Olympians With strains of victory Olympic light burn on and on O'er seas and mountains and plains Unite, inspire, bring honor To these ascending games May valor reign victorious Along the path of gold As tomorrow's new champions now come forth Rising to the fervent spirit of the game Let splendour proclaim each mortal deed Crowned with glory and fame And let fraternity and fellowship Surround the soul of every nation Oh flame, eternal in your firmament so bright Illuminate us with your everlasting light That grace and beauty and magnificence Shine like the sun Blazing above Bestow on us your honor, truth, and love Lời tiếng Việt Ngọn lửa Olympian bất tử Đèn hiệu của chúng ta chiếu sáng theo cách của chúng ta Nắm bắt trái tim của chúng tôi với những ngọn lửa hy vọng Vào ngày trọng đại này Bây giờ chúng ta đi khắp thế giới Để chia sẻ những trò chơi cũ Hãy để tất cả các lá cờ của mọi vùng đất Trong tình huynh đệ diễn ra Hát ra mỗi quốc gia, tiếng nói mạnh mẽ Tăng lên trong sự hài hòa Tất cả mưa đá các vận động viên dũng cảm của chúng tôi Với các chủng chiến thắng Ánh sáng Olympic đốt cháy và bừng cháy O'er biển và núi và đồng bằng Đoàn kết, truyền cảm hứng, mang vinh dự Để các trò chơi tăng dần này Cầu mong trị vì chiến thắng Dọc theo con đường vàng Khi các nhà vô địch mới ngày mai xuất hiện Nâng cao tinh thần nhiệt thành của trò chơi Hãy lộng lẫy tuyên bố mỗi hành động chết người Đăng quang với vinh quang và danh tiếng Và hãy để tình huynh đệ và học bổng Bao quanh linh hồn của mọi quốc gia Ôi ngọn lửa, vĩnh cửu trong bầu trời của bạn rất tươi sáng Chiếu sáng chúng tôi bằng ánh sáng vĩnh cửu của bạn Đó là ân sủng và vẻ đẹp và sự lộng lẫy Tỏa sáng như mặt trời Bừng sáng lên Ban cho chúng tôi danh dự, sự thật và tình yêu của bạn
Viện nghiên cứu lúa Đồng bằng sông Cửu Long (tên giao dịch tiếng Anh: Cuu Long Delta Rice Research Institute hay CLRRI) là một viện nghiên cứu và đào tạo trực thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) có địa chỉ tại xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ, Việt Nam với tổng diện tích 366 ha. Tiền thân của viện này là Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long được thành lập theo quyết định số 41 NN-TC/QĐ ngày 8 tháng 1 năm 1977. Trung tâm này đã được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đổi tên như hiện nay vào năm 1985. Chức năng Viện này có chức năng: Tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ về cây lúa, các cây trồng khác và hệ thống nông nghiệp vùng lúa; Xây dựng và thực hiện các chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ, hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước theo sự phân công của Nhà nước và của Bộ; Đào tạo, tập huấn và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp, trong đó có đào tạo tiến sĩ ngành di truyền và chọn cây giống. - Thực hiện nghiên cứu cơ bản và ứng dụng về cây lúa và các loại cây trồng khác trong hệ thống canh tác trên nền đất lúa. - Hợp tác nghiên cứu về cây lúa và hệ thống canh tác trên nền lúa với các cơ quan trong và ngoài nước. - Chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp. - Huấn luyện khoa học kỹ thuật cho cán bộ nông nghiệp và nông dân trong vùng ĐBSCL, tham gia đào tạo sau đại học. - Sản xuất và cung ứng các cấp giống lúa cho vùng ĐBSCL và các vùng khác.
Ngày 17 tháng 11 là ngày thứ 321 (322 trong năm nhuận) trong lịch Gregory. Còn 44 ngày trong năm. Sự kiện 794 – Thiên hoàng Kanmu dời đô từ Nagaoka đến Heian, mở đầu Thời kỳ Heian trong lịch sử Nhật Bản. Thế kỷ 10 935 – Phòng thánh sứ Lý Phảng của Mân đem quân tiến vào hậu cung, đâm trọng thương Hoàng đế Vương Diên Quân, cung nhân không muốn ông phải chịu khổ nên giết ông, tức ngày Canh Thìn (19) tháng 10 năm Ất Mùi. Thế kỷ 13 1292 theo lịch Julius – John Balliol được trở thành Quốc vương Scotland. Thế kỷ 16 1558 – Nữ vương Anh Mary I băng hà, và em cùng cha khác mẹ là công chúa Elizabeth nối ngôi. Thế kỷ 17 1603 – Người thám hiểm, nhà văn, và triều thần Anh Ngài Walter Raleigh ra tòa do tội phản quốc. Thế kỷ 18 1777 – Các điều khoản liên bang được gửi đến các tiểu bang để họ thông qua. 1796 – Chiến tranh Napoléon: trong Trận Arcole, quân đội Pháp thắng quân đội áo ở nước Ý.o Thế kỷ 19 1800 – Quốc hội Hoa Kỳ họp lần đầu tiên trong Điện Capitol Hoa Kỳ tại Washington, DC. 1820 – Đại úy Nathaniel Palmer được thành người Mỹ tới châu Nam Cực (Bán đảo Palmer lấy tên theo ông). 1839 – Kịch opera đầu tiên của Giuseppe Verdi, Oberto, conte di San Bonifacio ("Oberto, bá tước San Bonifacio) trình diễn đầu tiên ở Milan. 1855 – Nhà thám hiểm David Livingstone trở thành người Âu Châu đầu tiên nhìn thấy Thác Victoria, một trong những thác nước lớn nhất thế giới. 1856 – Tây Mỹ cổ: đối diện với Sông Sonoita ở miền nam Arizona ngày nay, Quân đội Hoa Kỳ xây dựng Pháo đài Buchanan để nhìn theo đất mới mua thuộc về Đất mua Gadsden. 1858 – Ngày số không của Ngày Julian chỉnh sửa. 1863 – Nội chiến Hoa Kỳ: Bao vây Knoxville bắt đầu khi quân đội của các Tiểu bang Liên minh Hoa Kỳ dẫn bởi Tướng James Longstreet bao vây thành phố Knoxville, Tennessee. 1869 – Ở Ai Cập, kênh đào Suez, nối Địa Trung Hải với Vịnh đỏ, được khai mạc trong tổ chức trau chuốt. 1871 – Hội Súng trường Quốc gia được hiến chương theo luật tiểu bang New York. Thế kỷ 20 1903 – Đảng Lao động Dân chủ Xã hội Nga chia ra thành hai phần: đảng Bolshevik (theo tiếng Nga có nghĩa là "đa số") và đảng Menshevik ("thiểu số"). Sau đó đảng Menshevik trở thành đảng đa số, tức là theo đúng nghĩa thì đảng Menshevik trở thành bolshevik và đảng Bolshevik trở thành menshevik. 1950 – Đạt Lai Lạt Ma đời 14 là Tenzin Gyatso chính thức thân chính tại Tây Tạng ở tuổi 15, xử lý sự vụ chính trị và tôn giáo. 1956 – Nguyên mẫu máy bay tiêm kích siêu âm Mirage III, do hãng Dassault Aviation của Pháp thiết kế và chế tạo, tiến hành chuyên bay đầu tiên. 1970 – Nhà phát minh người Mỹ Douglas Engelbart nhận bằng sáng chế đối với chuột máy tính đầu tiên. 1989: Tại Tiệp Khắc, cuộc Cách mạng Nhung bắt đầu với một cuộc biểu tình sinh viên ở Prague chống lại các chính sách của Thủ tướng Ladislav Adamec. 2000 – Alberto Fujimori bị bãi chức tổng thống của Peru. 2012 – Ít nhất 50 trẻ em thiệt mạng trong Tai nạn tàu hỏa Manfalut tại Ai Cập. 2013 – 50 người thiệt mạng trong tai nạn của Chuyến bay 363 của Tatarstan Airlines tại sân bay Kazan, Nga. Sinh 9 – Vespasian, Hoàng đế La Mã (m. 79) 1686, Hoàng tử Dận Tường 1755 – Louis XVIII của Pháp (m. 1824) 1799 – Lê Thị Ái, phong hiệu Lục giai Tiệp dư, thứ phi của vua Minh Mạng nhà Nguyễn 1949 – Nguyễn Tấn Dũng, cựu thủ tướng Việt Nam 1978 – Rachel McAdams, nữ diễn viên Canada 1986 – Nani, cầu thủ bóng đá người Bồ Đào Nha. Mất 935 – Vương Diên Quân, hoàng đế của nước Mân, tức ngày Canh Thìn (19) tháng 10 năm Ất Mùi. 1849 – Nguyễn Phúc Miên Vũ, tước phong Lạc Hóa Quận công, hoàng tử con vua Minh Mạng nhà Nguyễn (s. 1822) 1917 – Auguste Rodin, họa sĩ người Pháp 2014 – Phan Trọng Chinh, Trung tướng Quân lực Việt Nam Cộng hòa (s. 1931) Những ngày lễ Ngày Sinh viên Quốc tế Ngày Thế giới vì Trẻ sinh non Ngày Đấu tranh vì tự do và dân chủ tại Séc và Slovakia, kỷ niệm Cách mạng Nhung.
Máy đo mưa hay còn gọi là vũ lượng kế hoặc vũ kế là một dụng cụ được dùng bởi các nhà khí tượng học và thủy văn học để đo lượng mưa trong một khoảng thời gian. Hầu hết các máy đo mưa được đo bằng đơn vị milimét. Lượng mưa đôi khi được báo cáo bằng centimét hay inch. Các loại máy đo gồm các loại có một ống chia độ, máy đo khối lượng, máy đo nhỏ giọt và một ống gom được gắn vào. Mỗi loại có những ưu điểm và khuyết điểm riêng trong việc nhận thông tin về mưa. Các máy đo mưa cũng có những giới hạn của nó. Thí dụ trong trường hợp bão nhiệt đới, thì việc đo mưa hầu như không thể thực hiện hoặc cho kết quả không chính xác (giả sử rằng thiết bị không bị ảnh hưởng do bão) do gió quá mạnh. Mặt khác, máy đo mưa chỉ cho kết quả trong một khu vực nhỏ. Một trở ngại nữa là khi thời tiết lạnh, nhiệt độ giảm xuống dưới 0 °C. Khi đó, nước hoặc tuyết sẽ bị đóng băng và không thể chảy vào phễu thu. Máy đo mưa có thể được đọc một cách thủ công hoặc tự động bằng trạm quan trắc tự động. Tần suất đọc thông tin phụ thuộc vào yêu cầu của cơ quan khí tượng. Máy đo mưa, cũng như các dụng cụ thời tiết khác phải được đặt xa các công trình để đảm bảo độ chính xác. Máy đo mưa tiêu chuẩn Máy đo mưa tiêu chuẩn gồm có một phễu gắn vào ống chia độ, được đựng trong một thùng chứa. Hầu hết ống chia được chia theo milimét. Trong hình trên, ống chia được đánh dấu đến 25 mm, mỗi đường gạch ngang cách nhau 0,2 mm. Máy đo mưa theo khối lượng Một loại máy đo mưa theo khối lượng gồm có một vật chứa nằm ở một đầu bút ghi. Đầu ghi sẽ ghi thông tin lên một cuộn giấy. Máy không có khuyết điểm về đo thiếu so với máy đo mưa nhỏ giọt, nhưng giá của nó mắc hơn. Máy đo mưa nhỏ giọt Máy đo mưa nhỏ giọt sẽ tăng bút ghi lên mỗi khi lượng mưa tăng 0,2 mm. Thông tin được ghi mỗi 10 phút một lần. Máy đo mưa nhỏ giọt không chính xác như máy đo tiêu chuẩn vì mưa có thể dừng trước khi bút ghi tăng lên. Do đó, khi cơn mưa sau đến thì chỉ cần vài giọt mưa, bút ghi có thể sẽ nhảy lên mức mới, cho kết quả không chính xác. Máy đo lượng mưa hiện đại hiện nay Máy đo lượng mưa hiện đại nhất hiện nay có thể đo được lượng mưa rất nhỏ và lượng mưa rất lớn, chúng có thể kết hợp để đo các yếu tố khác như nhiệt độ, ẩm độ, tốc độ gió, hướng gió, nhiệt độ và độ ẩm của đất. Thông tin được truyền qua một modem khí tượng rồi đến modem (14-56k) để vào máy tính, thông tin khí tượng được cập nhật vài phút 1 lần và các thông tin tự động được ghi vào máy tính. (Thiết bị đó có tên là Agrarmeteorologie trong tiếng Đức.)
Phần mềm ứng dụng (tiếng Anh: Application software, hay còn được viết tắt là app) là một loại chương trình có khả năng làm cho thiết bị điện tử thực hiện trực tiếp một công việc nào đó người dùng muốn thực hiện. Điều này khác với phần mềm hệ thống tích hợp các chức năng của thiết bị, nhưng có thể không trực tiếp thực hiện một tác vụ nào có ích cho người dùng. Phần mềm ứng dụng chia làm hai loại: Tiện ích và Công cụ Sự phân biệt giữa phần mềm hệ thống và phần mềm ứng dụng không rõ ràng. Tuy nhiên, đôi khi vấn đề này cũng được tranh cãi. Ví dụ trường hợp Bộ Tư pháp Hoa Kỳ và Microsoft tranh cãi Internet Explorer có phải là một phần của Windows không. Ví dụ tiêu biểu cho phần mềm ứng dụng là chương trình xử lý văn bản, bảng tính, chương trình giải trí. Các phần mềm ứng dụng thường được gom lại thành bộ phần mềm. Microsoft Office và OpenOffice.org là những bộ phần mềm gồm có chương trình xử lý văn bản, bảng tính và các phần mềm khác. Các phần mềm riêng biệt trong bộ phần mềm thường có giao diện và tính năng tương tự làm người dùng dễ dàng học và sử dụng. Và các phần mềm thường tương tác được với nhau để đem lại lợi ích cho người dùng. Ví dụ, phần mềm bảng tính có thể nhúng một phần văn bản vào. Trong một số hệ thống nhúng, người dùng không biết được phần mềm ứng dụng trong hệ thống, như các phần mềm điều khiển thiết bị cơ khí, y tế, DVD, VCD, máy giặt hay lò vi ba. Một số loại phần mềm ứng dụng Phần mềm văn phòng Dữ liệu Tính toán Làm nhóm Biểu mẫu Ghi chú Quản lý Trình diễn Xuất bản Văn bản Giao tiếp Dự án Tạo web Thiết kế Đồ họa Soạn nhạc Phần mềm xã hội Phần mềm giải trí Phần mềm quản lý Ứng dụng trên thiết bị di động Ứng dụng web
nhỏ|Chùa Cầu, Hội An Chùa Việt Nam (gọi thông tục là Chùa chiền) là các ngôi chùa trên lãnh thổ Việt Nam. Ở Việt Nam hiện có 18.491 ngôi chùa, chiếm 36% tổng số di tích Việt Nam. Chùa là cơ sở hoạt động và truyền bá Phật giáo. Tuy nhiên, một số chùa Việt Nam ngoài thờ Phật còn thờ thần (điển hình là thờ các vị thiền sư: Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không, Trần Nhân Tông và Lý Thần Tông), thờ tam giáo (Phật – Lão – Khổng), thờ Trúc Lâm Tam tổ... Để chỉ chùa thờ Phật, trong tiếng Việt còn có từ "chiền" (chữ Nôm: 廛 hoặc 纏). Một số người cho rằng từ "chiền" có thể có gốc từ cetiya của tiếng Pali hay caitya của tiếng Phạn, cả hai dùng để chỉ điện thờ Phật. Khái quát Theo câu tục ngữ Việt Nam "đất vua, chùa làng", các ngôi chùa đa số là thuộc về cộng đồng làng xã. Xây chùa bao giờ cũng là một việc trọng đại đối với làng quê Việt Nam. Việc chọn đất xây chùa thường bị chi phối bởi quan niệm phong thủy. Xây dựng chùa, phải chọn đất tốt, ngày tốt, giờ tốt. Đất tốt là nơi bên trái trống không, hoặc có sông ngòi, ao hồ ôm bọc. Núi hổ (hay tay hổ) ở bên phải phải cao dày, lớp lớp quay đầu lại, hoặc có hình hoa sen, tràng phướn, long báu hoặc có hình rồng, phượng, quy, xà chầu bái. Đó là đất dương cơ ái hổ (nền dương có tay hổ) vậy. Nước thì nên chảy quanh sang trái. Nếu đảo ky, thì mạch nước lại vào ở phía trước. Trước mặt có minh đường hay không có đều được cả. Các Chùa Việt Nam thường được xây dựng bằng các thứ vật liệu quen thuộc như tre, tranh cho đến gỗ, gạch, ngói... Nhưng người ta thường dành cho chùa những vật liệu tốt nhất có thể được. Vật liệu cũng như tiền bạc dùng cho việc xây dựng chùa thường được quyên góp trong mọi tầng lớp dân cư, gọi là của "công đức". Người ta tin là sẽ được hưởng phúc khi đem cúng vật liệu hay tiền bạc cho việc xây dựng chùa. Trên những cột gỗ lim không bị mối mọt, một số chùa khắc rõ tên người đóng góp. Ngoài ra các tên này cũng được ghi ở các bàn thờ bằng đá hoặc trên các đồ sành, sứ như bát hương, bình hoa, chân đèn... trong một danh sách dài. Ngày bắt đầu xây dựng chùa cũng như ngày khánh thành đều là những thời điểm có ý nghĩa trong đời sống nhân dân làng quê Việt Nam. Thường có những nghi lễ đặc biệt trong những ngày này. Chùa Việt Nam thường không phải là một công trình mà là một quần thể kiến trúc, gồm những ngôi nhà sắp xếp cạnh nhau hoặc nối vào nhau. Tùy theo cách bố trí những ngôi nhà này mà người ta chia thành những kiểu chùa khác nhau. Tên các kiểu chùa truyền thống thường được đặt theo các chữ Hán có dạng gần với mặt bằng kiến trúc chùa. Theo cấu trúc Chùa chữ Đinh Chùa chữ Đinh (丁), có nhà chính điện hay còn gọi là thượng điện, là nhà đặt các bàn thờ Phật, được nối thẳng góc với nhà bái đường hay nhà tiền đường ở phía trước. Một số chùa tiêu biểu kiểu kiến trúc này là chùa Hà, chùa Bộc (Hà Nội); chùa Nhất Trụ, chùa Bích Động (Ninh Bình); chùa Trăm Gian (Hà Nội); chùa Dư Hàng (Hải Phòng),... Chùa chữ Công Chùa chữ Công (工) là chùa có 'nhà chính điện và nhà bái đường song song với nhau và được nối với nhau bằng một ngôi nhà gọi là nhà thiêu hương, nơi sư làm lễ. Có nơi gọi gian nhà nối nhà bái đường với Phật điện này là ống muống. Tiêu biểu kiểu kiến trúc này là chùa Cầu (Hội An); chùa Keo (Thái Bình) Chùa chữ Tam Chùa chữ Tam (三) là kiểu chùa có ba nếp nhà song song với nhau, thường được gọi là chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng. Chùa Kim Liên, chùa Tây Phương ở Hà Nội có dạng bố cục như thế này. Chùa kiểu Nội công ngoại quốc Chùa kiểu Nội công ngoại quốc là kiểu chùa có hai hành lang dài nối liền nhà tiền đường ở phía trước với nhà hậu đường (có thể là nhà tổ hay nhà tăng) ở phía sau làm thành một khung hình chữ nhật bao quanh lấy nhà thiêu hương, nhà thượng điện hay các công trình kiến trúc khác ở giữa. Bố cục mặt bằng chùa có dạng phía trong hình chữ Công (工), còn phía ngoài có khung bao quanh như bộ Vi (口) bao bên ngoài như ở chữ Quốc (國). Đây là các dạng bố cục của các công trình kiến trúc chính. Ngoài ra, trong chùa còn có những ngôi nhà khác như nhà tổ, là nơi thờ các vị sư từng trụ trì ở chùa nay đã tịch, hoặc nhà tăng, nơi ở của các nhà sư và một số kiến trúc khác như gác chuông, tháp và tam quan. Chùa kiểu chữ Công (宮) là phổ biến hơn cả. Tuy nhiên có một số ngoại lệ, tiêu biểu là chùa Một Cột ở Hà Nội có hình dáng một bông sen nở trên mặt nước, hay ngôi chùa mới được xây cất như chùa Vĩnh Nghiêm có hai tầng ở Thành phố Hồ Chí Minh mang trong mình cả những nét truyền thống Phật giáo và cả những thành tựu của kiến trúc. Nhưng những ngoại lệ như vậy không nhiều. Kiến trúc Kiến trúc chùa Việt Nam được xây dựng và phát triển khá đa dạng qua các thời kỳ lịch sử khác nhau và không gian khác nhau, ở các phong cách kiến trúc địa phương. Chùa kiểu chữ Tam phổ biến hơn miền Nam hơn ở miền Bắc. Chùa của người Mường làm bằng tranh tre đơn giản. Chùa của người Khmer xây theo kiến trúc của Campuchia và Thái Lan - vốn ảnh hưởng văn hóa của đế chế Khmer. Chùa của người Hoa cũng có sắc thái kiến trúc riêng. Tam quan Tam quan là bộ phận không thể thiếu trong thành phần chùa Việt Nam, là cổng vào chùa, thường là một ngôi nhà với ba cửa vào. Có nhiều chùa có hai tam quan, một tam quan nội và một tam quan ngoại. Tầng trên của Tam quan có thể dùng làm gác chuông. Sân chùa Qua Tam quan là đến sân chùa. Sân của nhiều chùa thường được bày đặt các chậu cảnh, hòn non bộ với mục đích làm tăng thêm cảnh sắc thiên nhiên cho ngôi chùa. Diện tích của sân chùa phụ thuộc vào những điều kiện và đặc điểm riêng của từng chùa. Trong sân chùa, đôi khi có các ngọn tháp được xây dựng ở đây như ở chùa Dâu, chùa Thiên Mụ. Bái đường Từ dưới sân chùa, lớp kiến trúc đầu tiên của ngôi chùa là nhà bái đường (hay còn gọi là tiền đường, nhà thiêu hương). Để đi được đến đây thường phải đi lên một số bậc thềm. Ở nhà bái đường có thể đặt một số tượng, bia đá ghi sự tích của ngôi chùa, có thể đặt cả chuông, khánh nếu như ngoài cửa Tam quan không xây gác chuông. Giữa bái đường là hương án, nơi thắp hương chính. Thông thường người đến lễ chùa thắp hương ở đây. Số gian của bái đường tùy thuộc vào quy mô của chùa, nhỏ nhất là 3 gian, thông thường là 5 gian. Chính điện Qua nhà bái đường là chính điện. Giữa bái đường và chính điện có một khoảng trống không rộng lắm, để cho ánh sáng tự nhiên chiếu sáng. Nhà chính điện là phần quan trọng nhất của ngôi chùa vì nơi đây bày những pho tượng Phật chủ yếu của điện thờ Phật ở Việt Nam. Hành lang Chạy song song với chính điện, nối chính điện với hậu đường là hai gian hành lang, tạo thành một nhà ba gian. Hậu đường Qua nhà chính điện, theo đường hành lang ta đến nhà tăng đường (còn gọi là nhà hậu đường), cũng còn gọi là nhà tổ. Nhà hậu đường ở một số chùa trong miền nam Việt Nam liền sát sau nhà chính điện, ngay sau phía bàn thờ Phật. Trong thực tế, chùa có nhiều biến thể khác nhau. Ở một số chùa, phía sau điện thờ Phật còn có điện thờ Thần, đó là loại chùa tiền Phật hậu Thần phổ biến ở miền Bắc Việt Nam. Có chùa có gác chuông ở phía trước, có chùa có gác chuông ở phía sau, có chùa gác chuông ở ngay trên cửa Tam quan, có chùa gác chuông lại ở trên nhà tổ. Một số chùa có ngôi tháp lớn ở trước mặt, như chùa Dâu ở tỉnh Bắc Ninh, chùa Phổ Minh ở tỉnh Nam Định, nhưng một số chùa khác lại đặt các tháp ở hai bên chùa hay có vườn tháp riêng như chùa Trấn Quốc ở Hà Nội, chùa Bút Tháp ở Bắc Ninh, Chùa Bổ Đà ở tỉnh Bắc Giang. Ngoài công trình chính, chùa Việt Nam thường có vườn cây, vườn hoa được trồng và chăm chút cẩn thận. Nhiều chùa có cả giếng, ao, hồ sen, vườn. Bài trí tượng thờ nhỏ|Tượng Phật chùa Tây Phương Do lịch sử truyền nhập Phật giáo ở Việt Nam, phần lớn chùa Việt Nam là chùa Đại thừa. Do đó, ở nhà chính điện cũng như các tòa nhà khác trong chùa, có bài trí, bày nhiều tượng Phật, Bồ Tát cùng với các tượng thuộc những hệ phái Phật giáo khác. Trong chính điện Chính điện bao giờ cũng là nơi trung tâm của sự thờ cúng trong chùa. Ở đây có nhiều lớp bàn thờ làm thành bậc từ cao xuống thấp. Vị trí các tượng được thay đổi linh hoạt theo từng chùa. Có những chùa có rất nhiều tượng như chùa Mía ở Hà Tây, có tới 278 pho tượng, chùa Trăm Gian ở Hà Tây có 153 pho tượng... Các lớp bàn thờ được sắp xếp theo nguyên tắc sau: lớp bàn thờ cao nhất ở sâu trên cùng giáp mái chùa, sau đó các lớp bàn thờ đặt tượng cứ thấp dần, tiếp sau lớp bệ thờ cuối cùng bao giờ cũng là hương án. Nguyên tắc bài trí khá uyển chuyển và linh hoạt đối với mỗi chùa. Tuy vậy, một số nét chung thường thấy như sau Tầng cao nhất của bàn thờ ở chính điện, sát vách, thường có 3 pho tượng gọi là "Tam thế Phật", tức là các vị Phật của ba thời gian: quá khứ, hiện tại và vị lai. Một trong các Phật quá khứ là Phật A Di Đà, Phật hiện tại là Phật Thích Ca Mầu Ni, Phật tương lai sẽ là Bồ Tát Di Lặc (hiện tại đang thuyết giảng ở nội cung trời Đâu Suất, sẽ hạ sinh trong vài triệu năm nữa, sau khi Phật pháp bị trôi vào lãng quên). Ba tượng Tam thế có kích thước và hình dáng giống nhau, đỉnh đầu có gồ thịt nổi cao như búi tóc, tóc xoắn ốc, tai dài, ngực có chữ vạn (+), mình có sắc hoàn kim sáng rực, mặt nguyệt. Ba pho tượng Tam thế được đặt ngồi trên tòa sen. Phía dưới ba pho tượng trên thường xếp ba pho tượng gọi là "Di Đà tam tôn" (còn gọi là "Tây phương tam thánh") gồm tượng Phật A Di Đà ở giữa, tượng Bồ Tát Quán Thế Âm (tiếng Phạn: Avalokiteśvara) ở bên trái và tượng Bồ Tát Đại Thế Chí ở bên phải. Tượng Phật A Di Đà thường có kích thước lớn hơn các tượng khác. Tượng A Di Đà ở chùa Phật Tích cao 1,82 m, trong tư thế ngồi toạ thiền, không kể bệ và đài sen; tượng này ở chùa Bần Yên Nhân (Hưng Yên) cao tới 2 m, không kể bệ và đài sen. Hai tượng còn lại là hai vị thị giả giúp việc cứu thế cho Phật A Di Đà nên thường được tạc kiểu đứng chầu bên cạnh. Bộ "Di Đà tam tôn" được đặt ở tầng thứ hai để tỏ ý là mặc dù các ngài ở cõi Cực lạc nhưng vẫn có duyên và gần gũi với cõi Sa bà này, gần gũi với chúng sinh. Dưới ba pho tượng "Di Đà tam tôn", đã nói bên trên, thường là tượng Phật Thích Ca Mầu Ni (còn gọi là Thích ca giáo chủ) ngồi giữa với tượng Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi ở bên trái và tượng Bồ Tát Phổ Hiền ở bên phải. Thích Ca ngồi trên tòa sen, còn Văn Thù và Phổ Hiền đứng trên tòa sen. Bộ ba tượng này thể hiện cảnh Phật Thích Ca Mầu Ni đang thuyết pháp. Có nhiều nơi, thay vào vị trí của Văn Thù và Phổ Hiền là hai đệ tử của Thích Ca là Ca Diếp và A Nan Đà khi Phật Thích ca còn đang ở thế gian. Ở lớp ban thờ thứ tư, chiếm vị trí ở giữa là tượng Cửu Long. Hai bên là tượng Đế Thích và Phạm Thiên. Tượng Cửu Long diễn tả Phật Thích Ca Mầu Ni lúc mới sinh. Theo truyền thuyết, khi ngài mới giáng sinh, có chín con rồng xuống phun nước cho ngài tắm. Tắm xong, ngài tự đi được bảy bước về phía trước, tay trái chỉ lên trời, tay phải chỉ xuống đất mà nói "Thiên thượng, thiên hạ, duy ngã độc tôn" (trên trời, dưới trời chỉ có một ta), xong ngài lại nằm xuống theo kiểu con trẻ. Đế Thích là vua chủ tể cõi trời dục giới, còn Phạm Thiên là vua chủ tể cõi trời sắc giới. Vì là vua nên tượng các vị được tạc theo chân dung hoàng đế: đội mũ miện, ngồi trên ngai. Trên bàn thờ chính ở nhà thượng điện, ngoài tượng Phật A Di Đà, Phật Thích Ca, ở một số chùa còn có tượng Phật Di Lặc. Tượng được tạo với bộ mặt tươi cười, áo phanh, để hở cái bụng to. Thường hai bên tượng này, người ta còn đặt ở bên trái tượng Pháp hoa lâm Bồ Tát, bên phải là Đại diệu tướng Bồ Tát, gọi chung là Di Lặc Tam Tôn. Ngoài ra, ở một số chùa, sau lớp tượng Cửu long, người ta còn bày bốn pho tượng Tứ Thiên Vương. Đó là bốn vị Thiên Vương phân nhau cai quản bốn cõi ở bốn phía núi Tu-di, nơi ngự trị của Đế Thích. Có chùa lại bày tượng Tứ Bồ Tát vào vị trí của Tứ Thiên Vương. Những chùa rộng rãi còn bày thêm tượng tám vị Kim cương (Bát bộ Kim cương) ở hai bên sát chính điện, mỗi bên bốn vị, mặc giáp trụ và cầm vũ khí. Tượng Phật bà nghìn mắt nghìn tay cũng thấy được bày bổ sung vào điện chính. Cần lưu ý là các tượng Đức Quan thế âm có nhiều biến thể nhất trong các chùa ở Việt Nam và các biến thể này hầu hết lại được diễn tả bằng hình tướng nữ: Phật bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay, Quan Âm Thị Kính. Cũng ở nhà chính điện, ở hai bên dãy bàn thờ chư Phật có thể gặp lại tượng thờ Thái thượng Lão quân ở bên phải và Khổng Tử ở bên trái. Đây là hai vị tổ của Đạo giáo và Nho giáo được thờ trong điện thờ Phật của các chùa để diễn tả tư tưởng "Tam giáo đồng nguyên" của xã hội Việt Nam xưa. Trong bái đường Trong nhà tiền đường (gian bên cạnh của nhà bái đường) thường có hai tượng Hộ pháp là những vị thần bảo vệ Phật Pháp, mặc giáp trụ, cầm vũ khí, đứng hoặc ngồi trên lưng sấu, một loại sư tử huyền thoại. Kích thước của tượng rất lớn, đắp bằng đất thó. Dân gian vẫn nói "to như ông Hộ pháp" là cách nói so sánh với hai tượng này. Còn một số thuyết khác, đã thành phổ biến, cho rằng tượng vị bên trái là Khuyến thiện (gọi tắt là ông Thiện), tượng vị bên phải là Trừng ác (gọi tắt là ông Ác). Theo thuyết này thì việc bày đối xứng hai tượng ông Thiện-Ác nói lên sự tồn tại biện chứng của hai bản nguyên Thiện-Ác. Ở phía Đông nhà bái đường có ban thờ tượng Thổ địa thần, có một số chùa đưa tượng này ra thờ riêng ở một miếu bên cạnh chùa. Ở một số chùa, bên cạnh thờ Thổ địa thần ta gặp bàn thờ Long thần. Theo truyền thuyết, Long vương vốn lúc đầu định hãm hại Phật tổ, phá hoại sự nghiệp của Phật, không cho thành chính quả nhưng đã không phá nổi nên đã quy Phật và hộ trì Phật pháp. Phía Tây nhà bái đường thường có pho tượng Thánh tăng. Tượng này được bày nhiều nhất ở nhà tăng đường (nhà tổ). Ở nhà tổ, ngoài tượng các vị sư từng trụ trì ở chùa, còn có bàn thờ đặt tượng Bồ Đề Đạt Ma, nhà sư Ấn Độ đến Trung Hoa vào khoảng đầu thế kỷ 6, được coi là người sáng lập Thiền Tông ở đó. Ở nhà bái đường, đôi khi còn có các bàn thờ mười vị Diêm Vương, được gọi là thập điện Diêm Vương, tức mười vị vua cai quản mười tầng địa ngục. Nhà hành lang Nhà hành lang có thể là hai dãy nhà chạy song song ở hai bên nhà chính điện. Cũng có thể là hai dãy như vậy mà chung mái với nhà điện chính và mang đúng nghĩa là hành lang, theo hai lối hành lang này có thể đi tiếp vào hậu đường. Người ta thường bày tượng 18 vị Tổ truyền đăng, mỗi bên 9 tượng. Có chùa như chùa Keo ở Thái Bình, các tượng Tổ truyền đăng được bày ngay ở tiền đường. Còn ở chùa Tây Phương, Hà Tây lại là các tượng Tổ (trong 28 vị) người Ấn Độ mà Thiền tông Trung Quốc thừa nhận. Kích thước tượng Tổ truyền đăng tương tự như người thực, các vị ngồi trên tảng đá hay gốc cây, mỗi vị có một tư thế riêng, có dáng đang duy nghĩ trầm mặc. Sự đông đảo và đa dạng của các pho tượng này đã cho ra đời một thành ngữ "bày la liệt như La Hán". Cũng có khi tượng La Hán được bày ở nhà hậu đường. Nhà tăng đường Nhà tăng đường còn gọi là nhà hậu đường vì nằm sau chính điện, có thể được xây tách rời hoặc liền sát với chính điện. Cách bố trí tượng thờ ở nhà hậu đường cũng khá đa dạng, nhưng có thể hình dung một công thức sau: Gian giữa của nhà tăng đường thường có bày tượng Thánh tăng (còn gọi là A-nan-đà) và tượng Đức tổ Tây. Đức tổ Tây có pháp danh là Bồ-đề-đạt-ma. Ngài được coi là sư tổ thứ nhất của Thiền tông ở Trung Quốc. Ở nhà hậu đường của một số chùa còn bày tượng Quan Âm tống tử và Quan Âm tọa sơn. Hai bên tượng Quan Âm tống tử thường có hai tượng Kim đồng và Ngọc Nữ, hay hai tượng Thiện tài và Long nữ. Chùa Việt Nam còn có một điều đặc biệt đó là có các bàn thờ chư vị tức là các vị thánh của Đạo giáo và tín ngưỡng dân gian. Đó là bàn thờ Mẫu, tức nữ thần mẹ. Có nhiều Mẫu như: Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải, Mẫu Địa Phủ, Mẫu Liễu, Tứ pháp... Trong một số chùa, đằng sau điện thờ Phật là hậu cung thờ một vị thần. Các vị thần được thờ đều là những "nhân thần", có nghĩa là những con người được coi là có thực, nhưng về sau nhờ học tập, tu luyện, đã có tài thần thông biến hóa, nghĩa là có những khả năng của một vị thần. Nhờ những khả năng đó, họ cứu dân giúp nước và vì vậy, họ được nhân dân một vùng hay nhiều vùng thờ phụng. Ngoài ra, các nhân vật lịch sử thực sự cũng được thờ tại chùa. Họ là những ông quan, những danh sĩ hay những vị tướng đã có công với nước hay với nhân dân một vùng như Mạc Đĩnh Chi, trạng nguyên thời nhà Trần được thờ ở chùa Dâu, Bắc Ninh hay Đặng Tiến Đông, vị tướng thời nhà Tây Sơn, được thờ ở chùa Trăm Gian, Hà Tây. Trong các chùa này, thường có tượng chân dung các nhân vật lịch sử được thờ. Một hình thức thờ tự khác gắn với các chùa Việt Nam là thờ "hậu". Hình thức này có mối liên hệ với tập tục thờ cúng tổ tiên đã hình thành lâu đời ở Việt Nam. Nhiều người không có con muốn được thờ cúng sau khi chết, đã tìm đến nhà chùa. Họ đóng góp cho chùa một số tiền hay ruộng đất và xin nhà chùa cúng lễ họ sau khi chết. Sự thờ cúng này gọi là thờ "hậu". Trong nhiều chùa, bàn thờ "hậu" thường là một hành lang với những bát hương, đặt trước những tấm bia đá, gọi là bia "hậu", trên đó có khắc rõ tên tuổi, quê quán của những người không có con cháu nối dõi, thường là cả vợ và chồng, cùng với số tiền họ đóng vào chùa và yêu cầu được thờ ở chùa. Ở chùa Cổ Lễ Nam Định, các bia hậu được gắn dày đặc trên tường hành lang bao quanh chính diện. Các pháp bảo Cái bát Bát là một trong 6 vật dụng của nhà sư. Cái bát bắt nguồn từ truyền thuyết kể về chiếc bát khất thực. Ở các tượng của Phật A-di-đà hay Thích Ca Mâu Ni có thể đôi khi bắt gặp cái bát trên hai tay. Liên hoa Liên hoa (hay hoa sen) tượng trưng cho diệu pháp của đạo Phật, cùng một lúc có cả hoa và quả, sinh nở ra nhiều điều tốt lành. Trong điêu khắc và hội họa Phật giáo, hoa sen thường xuyên được xuất hiện. Chư Phật, Chư Bồ Tát đều ngồi trên tòa sen và những người được Phật độ về cõi Tây phương Cực lạc đều ngồi trên tòa sen. Chuông chùa Ở mọi thời đại, chuông được dùng để thức tỉnh và gọi. Tiếng chuông ngân lên rồi tắt lụi, có thể nghe được mà không bắt được. Sự vô thường của thế giới hiện hữu là một tư tưởng của Phật giáo. Mọi thứ đều sẽ tàn lụi, chúng hiện hữu trong cảm giác người quan sát nhưng lại không có thực. Giống như tiếng chuông, mọi thứ đều nhất thời. Theo nghi lễ Phật giáo, chuông được dùng để kêu gọi tín đồ cầu nguyện và lễ Phật. Có hai loại chuông: chuông to dùng để treo trên gác Tam quan hay ở nhà Bái đường, có thể nặng tới vài trăm kg; loại chuông thứ hai là chuông nhỏ hơn, tượng trưng, thường đặt ở tay một số vị thánh như Tứ đại Thiên Vương hay Quan Âm nghìn mắt nghìn tay. Gương Chiếc gương tượng trưng cho sự hư không và nó phản ánh tất cả mọi yếu tố của thế giới hiện hữu nhưng lại thu lấy bản chất của chúng. Thế giới hiện tượng được phản chiếu đầy đủ nhưng toàn thể bản chất chỉ là hư ảo, mọi sự chỉ là ý tưởng chủ quan mà người ta có vật ấy, Vì thế, gương diễn tả sự phù du của ảo ảnh vật chất. Gương có thể được đặt trên tay của Quan Âm nghìn mắt nghìn tay hay một vài pho tượng Tôn giả. Một số ngôi chùa An Giang: Chùa Phước Điền, Chùa Phật Lớn, Chùa Tây An,... Bắc Giang: Chùa Bổ Đà, Chùa Vĩnh Nghiêm,... Bắc Ninh: Chùa Bút Tháp, Chùa Dâu, Chùa Phật Tích, Chùa Dạm, Chùa Hàm Long Đà Lạt: Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt, Chùa Linh Phước Nha Trang: Chùa Long Sơn,Thiền viện Trúc Lâm (Nha Trang) Quảng Nam: Chùa Cầu Hà Nội: Chùa Thầy, Chùa Hương, Chùa Tây Phương, Chùa Trăm Gian, Chùa Một Cột, Chùa Trấn Quốc, Chùa Quán Sứ, Chùa Láng, Chùa Bối Khê, Chùa Mía, Chùa Đậu... Hà Nam: Chùa Long Đọi, Chùa Tam Chúc, Chùa Bà Đanh,... Hải Dương: Chùa Trăm Gian, Chùa Côn Sơn, Chùa Thanh Mai Hưng Yên: Chùa Chuông, Chùa Thái Lạc Huế: Chùa Thiên Mụ, Chùa Quốc Ân, Chùa Từ Đàm, Chùa Từ Hiếu, Chùa Huyền Không Sơn Thượng Ninh Bình: chùa Bái Đính, chùa Bích Động, chùa Non Nước, chùa Nhất Trụ Nam Định: Chùa Keo Hành Thiện, Chùa Phổ Minh, Chùa Cổ Lễ Quảng Ninh: Chùa Quỳnh Lâm, Chùa Yên Tử, Chùa Ba Vàng... Quảng Ngãi: Chùa Hang, Chùa Thiên Ấn Sóc Trăng: Chùa Dơi Thái Bình: Chùa Keo Thành phố Hồ Chí Minh: Chùa Vĩnh Nghiêm, Chùa Giác Lâm, Chùa Ấn Quang, Chùa Xá Lợi, Việt Nam Quốc Tự Tiền Giang: Chùa Vĩnh Tràng Vĩnh Phúc: Chùa Vĩnh Khánh, Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên,... Hình ảnh Chú thích Sách An tượng tam muội ở chùa Xiển Pháp, Hà Nội.
Rối loạn trầm cảm (MDD, Major Depressive Disorder) hay trầm cảm là một chứng rối loạn tâm thần phổ biến. Các triệu chứng của căn bệnh bao gồm: tâm trạng buồn bã kéo dài ít nhất hai tuần liên tiếp, lòng tự trọng thấp, mất hứng thú với các hoạt động bệnh nhân từng cảm thấy thú vị, hay các hoạt động bình thường cũng dần trở nên khó khăn với bệnh nhân, cảm thấy uể oải thiếu năng lượng, đau nhưng không rõ nguyên nhân. Có thể thỉnh thoảng những người mắc bệnh trầm cảm còn ảo tưởng hoặc gặp ảo giác. Các triệu chứng của căn bệnh có thể cách vài năm mới gặp, hoặc gần như luôn xuất hiện. Trầm cảm nặng thì nỗi buồn sẽ kéo dài hơn, và những việc vốn là một phần bình thường của cuộc sống bỗng trở nên khó khăn hơn. Ngoài ra khi mắc bệnh, cảm xúc của bệnh nhân sẽ trở nên bất thường. Việc chẩn đoán rối loạn trầm cảm chủ yếu dựa trên trải nghiệm mà bệnh nhân gặp qua vì vậy sẽ kiểm tra tình trạng tâm thần. Không có xét nghiệm trong phòng thí nghiệm, nhưng có thể thực hiện kiểm tra để loại trừ các tình trạng thể chất có thể gây ra các triệu chứng tương tự. Những người bị rối loạn trầm cảm nặng thường được điều trị bằng tư vấn và dùng thuốc chống trầm cảm. Những loại thuốc này khá hiệu quả, nhưng không có quá nhiều ảnh hưởng đối với người mắc bệnh nặng hơn. Các hình thức tư vấn được sử dụng bao gồm liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) và liệu pháp giao tiếp giữa các cá nhân, và liệu pháp điện giật (ECT) có thể được xem xét nếu các biện pháp khác không hiệu quả. Có thể cần nhập viện trong những trường hợp có nguy cơ gây hại cho bản thân và đôi khi có thể xảy ra trái với mong muốn của một người. Thời gian khởi phát chứng trầm cảm phổ biến nhất là ở độ tuổi 20 và 30, với nữ giới bị trầm cảm thường xuyên gấp đôi so với nam giới. Rối loạn trầm cảm nặng ảnh hưởng đến khoảng 163 triệu người (2% dân số thế giới) vào năm 2017. Tỷ lệ những người bị trầm cảm tại một thời điểm trong cuộc đời của họ thay đổi từ 7% ở Nhật Bản đến 21% ở Pháp. Tỷ lệ sống lâu hơn với chứng này ở các nước phát triển (15%) cao hơn so với các nước đang phát triển (11%). Chứng rối loạn này gây ra tình trạng bệnh kéo dài nhiều năm thứ hai, chỉ sau đau thắt lưng. Thuật ngữ major depressive disorder (rối loạn trầm cảm chính) được đưa ra bởi một nhóm bác sĩ lâm sàng Hoa Kỳ vào giữa những năm 1970. Nguyên nhân của rối loạn trầm cảm chủ yếu được cho là sự kết hợp của các yếu tố di truyền, môi trường và tâm lý, với khoảng 40% nguy cơ liên quan đến di truyền. Các yếu tố nguy cơ bao gồm tiền sử gia đình về tình trạng này, những thay đổi lớn trong cuộc sống, một số loại thuốc, các vấn đề sức khỏe mãn tính và lạm dụng chất kích thích. Nó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống cá nhân, cuộc sống công việc hoặc giáo dục cũng như thói quen ngủ, ăn uống và sức khỏe nói chung. Những người hiện tại hoặc trước đây bị ảnh hưởng bởi chứng rối loạn này có thể bị kỳ thị. Nguyên nhân Mô hình tâm lý xã hội sinh học đề xuất rằng các yếu tố sinh học, tâm lý và xã hội đều có vai trò gây ra trầm cảm. Các mô hình tạng stress quy định cụ thể mà kết quả trầm cảm khi một lỗ hổng tồn tại trước đó, hoặc tạng, được kích hoạt bởi các sự kiện cuộc sống căng thẳng. Tính dễ bị tổn thương tồn tại từ trước có thể là do di truyền, ngụ ý sự tương tác giữa tự nhiên và nuôi dưỡng, hoặc sơ đồ, kết quả từ quan điểm về thế giới được học trong thời thơ ấu. Lạm dụng thời thơ ấu, cả về thể chất, tình dục hoặc tâm lý, đều là các yếu tố nguy cơ dẫn đến trầm cảm, trong số các vấn đề tâm thần khác cùng xảy ra như lo lắng và lạm dụng ma túy. Chấn thương thời thơ ấu cũng tương quan với mức độ trầm cảm, thiếu phản ứng với điều trị và thời gian mắc bệnh. Tuy nhiên, một số người dễ mắc bệnh tâm thần hơn như trầm cảm sau chấn thương, và nhiều gen khác nhau đã được đề xuất để kiểm soát tính nhạy cảm. Di truyền Các nghiên cứu về gia đình và sinh đôi cho thấy gần 40% sự khác biệt giữa các cá nhân về nguy cơ mắc chứng rối loạn trầm cảm nặng có thể được giải thích bởi các yếu tố di truyền. Giống như hầu hết các rối loạn tâm thần, rối loạn trầm cảm chính là có khả năng bị ảnh hưởng bởi nhiều thay đổi di truyền cá nhân. Vào năm 2018, một nghiên cứu liên kết toàn bộ bộ gen đã phát hiện ra 44 biến thể trong bộ gen có liên quan đến nguy cơ trầm cảm nặng. Tiếp theo là một nghiên cứu năm 2019 đã tìm thấy 102 biến thể trong bộ gen có liên quan đến chứng trầm cảm. 5-HTTLPR, hoặc alen ngắn của serotonin vận chuyển gen khởi động đã gắn liền với tăng nguy cơ trầm cảm. Tuy nhiên, kể từ những năm 1990, các kết quả không nhất quán, với ba đánh giá gần đây cho thấy có thấy và hai đánh giá không tìm thấy. Các gen khác có liên quan đến tương tác gen-môi trường bao gồm CRHR1, FKBP5 và BDNF, hai gen đầu tiên liên quan đến phản ứng căng thẳng của trục HPA và gen sau liên quan đến hình thành thần kinh. Không có kết luận nào về tác động của gen ứng cử viên đối với bệnh trầm cảm, dù đơn lẻ hay kết hợp với căng thẳng trong cuộc sống. Nghiên cứu tập trung vào các gen ứng viên cụ thể đã bị chỉ trích vì có xu hướng tạo ra các phát hiện dương tính giả. Ngoài ra còn có những nỗ lực khác để xem xét sự tương tác giữa căng thẳng trong cuộc sống và nguy cơ mắc bệnh trầm cảm. Các vấn đề sức khỏe khác Trầm cảm cũng có thể là sản phẩm thứ phát sau một tình trạng bệnh mãn tính hoặc giai đoạn cuối, chẳng hạn như HIV / AIDS hoặc hen suyễn, và có thể được gọi là "trầm cảm thứ phát". Người ta vẫn chưa biết liệu các bệnh tiềm ẩn gây ra trầm cảm có ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hay không, do nguyên nhân chung (chẳng hạn như thoái hóa hạch nền trong bệnh Parkinson hoặc rối loạn điều hòa miễn dịch trong bệnh hen suyễn). Trầm cảm cũng có thể là do thuốc (kết quả của việc chăm sóc sức khỏe), chẳng hạn như trầm cảm do thuốc. Các liệu pháp liên quan đến chứng trầm cảm bao gồm interferon, thuốc chẹn beta, isotretinoin, thuốc tránh thai, thuốc trợ tim, thuốc chống co giật, thuốc antimigraine, thuốc chống loạn thần và các thuốc nội tiết tố như chất chủ vận hormone giải phóng gonadotropin. Lạm dụng ma túy khi còn nhỏ cũng có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm sau này trong cuộc sống. Trầm cảm xảy ra do mang thai được gọi là trầm cảm sau sinh, và được cho là kết quả của những thay đổi nội tiết tố liên quan đến thai kỳ. Rối loạn cảm xúc theo mùa, một dạng trầm cảm liên quan đến sự thay đổi ánh sáng mặt trời theo mùa, được cho là kết quả của việc giảm ánh sáng mặt trời. Sinh lý bệnh Sinh lý bệnh của trầm cảm vẫn chưa được hiểu rõ, nhưng các lý thuyết hiện tại xoay quanh hệ thống monoaminergic, nhịp sinh học, rối loạn chức năng miễn dịch, rối loạn chức năng trục HPA và các bất thường về cấu trúc hoặc chức năng của mạch cảm xúc. Lý thuyết monoamine, bắt nguồn từ hiệu quả của các loại thuốc monoaminergic trong điều trị trầm cảm, là lý thuyết thống trị cho đến gần đây. Lý thuyết cho rằng hoạt động không đủ của chất dẫn truyền thần kinh monoamine là nguyên nhân chính gây ra trầm cảm. Bằng chứng cho lý thuyết monoamine đến từ nhiều lĩnh vực. Thứ nhất, sự suy giảm cấp tính tryptophan, một tiền chất cần thiết của serotonin, một monoamine, có thể gây trầm cảm ở những người đang thuyên giảm hoặc người thân của bệnh nhân trầm cảm; điều này cho thấy rằng giảm dẫn truyền thần kinh serotonergic là quan trọng trong bệnh trầm cảm. Thứ hai, mối tương quan giữa nguy cơ trầm cảm và tính đa hình trong gen 5-HTTLPR, mã hóa các thụ thể serotonin, cho thấy một mối liên hệ. Thứ ba, giảm kích thước của locus coeruleus, giảm hoạt động của tyrosine hydroxylase, tăng mật độ thụ thể adrenergic alpha-2, và bằng chứng từ mô hình chuột cho thấy giảm dẫn truyền thần kinh adrenergic trong bệnh trầm cảm. Hơn nữa, giảm nồng độ axit homovanillic, thay đổi phản ứng với dextroamphetamine, phản ứng của các triệu chứng trầm cảm với chất chủ vận thụ thể dopamine, giảm liên kết thụ thể dopamine D1 trong thể vân, và tính đa hình của gen thụ thể dopamine liên quan đến dopamine, một monoamine khác, trong bệnh trầm cảm. Cuối cùng, sự gia tăng hoạt động của monoamine oxidase, chất phân hủy monoamine, có liên quan đến chứng trầm cảm. Tuy nhiên, lý thuyết này không phù hợp với thực tế rằng sự suy giảm serotonin không gây ra trầm cảm ở người khỏe mạnh, thực tế là thuốc chống trầm cảm làm tăng mức độ monoamines ngay lập tức nhưng phải mất vài tuần để phát huy tác dụng và sự tồn tại của thuốc chống trầm cảm không điển hình có thể có hiệu quả mặc dù không nhắm vào con đường này. Một lời giải thích được đề xuất cho sự chậm trễ trong điều trị, và hỗ trợ thêm cho sự thiếu hụt các monoamine, là giải mẫn cảm của sự tự ức chế trong nhân raphe bằng cách tăng serotonin qua trung gian của thuốc chống trầm cảm. Tuy nhiên, việc ức chế raphe lưng đã được đề xuất xảy ra do làm giảm hoạt động của hệ serotonergic trong sự suy giảm tryptophan, dẫn đến trạng thái trầm cảm do tăng serotonin. Tiếp tục phản bác giả thuyết monoamine là thực tế rằng những con chuột bị tổn thương raphe lưng không trầm cảm hơn so với đối chứng, phát hiện thấy tăng 5-HIAA ở những bệnh nhân trầm cảm bình thường với điều trị SSRI và sự ưa thích đối với carbohydrate ở những bệnh nhân trầm cảm. Vốn đã bị hạn chế, giả thuyết về monoamine đã được đơn giản hóa hơn nữa khi được trình bày với công chúng. Các bất thường về hệ thống miễn dịch đã được quan sát thấy, bao gồm cả mức độ tăng của các cytokine liên quan đến việc tạo ra các hành vi bệnh tật (trùng lặp với trầm cảm). Hiệu quả của thuốc chống viêm không steroid (NSAID) và chất ức chế cytokine trong điều trị trầm cảm, và bình thường hóa nồng độ cytokine sau khi điều trị thành công cho thấy thêm những bất thường của hệ thống miễn dịch trong bệnh trầm cảm. Các bất thường về trục HPA đã được gợi ý ở bệnh trầm cảm do mối liên quan của CRHR1 với bệnh trầm cảm và tần suất không ức chế thử nghiệm dexamethasone tăng lên ở bệnh nhân trầm cảm. Tuy nhiên, sự bất thường này không đủ để làm công cụ chẩn đoán vì độ nhạy của nó chỉ là 44%. Những bất thường liên quan đến căng thẳng này đã được giả thuyết là nguyên nhân của việc giảm thể tích hồi hải mã ở những bệnh nhân trầm cảm. Hơn nữa, một phân tích tổng hợp mang lại hiệu quả giảm ức chế dexamethasone và tăng phản ứng với các tác nhân gây căng thẳng tâm lý. Các kết quả bất thường hơn nữa đã bị che khuất với phản ứng thức tỉnh cortisol, với việc tăng phản ứng có liên quan đến trầm cảm. Các lý thuyết thống nhất các phát hiện về hình ảnh thần kinh đã được đề xuất. Mô hình đầu tiên được đề xuất là "Mô hình vỏ não Limbic", liên quan đến sự tăng động của các vùng cạnh bụng và sự giảm hoạt động của các vùng điều hòa phía trước trong quá trình xử lý cảm xúc. Một mô hình khác, "mô hình Corito-Striatal", gợi ý rằng những bất thường của vỏ não trước trong việc điều chỉnh cấu trúc thể vân và dưới vỏ dẫn đến trầm cảm. Một mô hình khác đề xuất sự tăng động của các cấu trúc khả năng trong việc xác định các kích thích tiêu cực và sự giảm hoạt động của các cấu trúc điều tiết vỏ não dẫn đến sự thiên vị cảm xúc tiêu cực và trầm cảm, phù hợp với các nghiên cứu về sự thiên vị cảm xúc. Các triệu chứng và dấu hiệu Trầm cảm nặng ảnh hưởng đáng kể đến các mối quan hệ gia đình và cá nhân, cuộc sống công việc hoặc trường học, thói quen ăn ngủ và sức khỏe nói chung của một người. Tác động của nó đối với hoạt động và hạnh phúc đã được so sánh với tác động của các bệnh mãn tính khác, chẳng hạn như bệnh tiểu đường. Một người trải qua giai đoạn trầm cảm nghiêm trọng thường biểu hiện tâm trạng thấp thỏm, trải qua mọi khía cạnh của cuộc sống và không có khả năng trải nghiệm niềm vui trong các hoạt động thú vị trước đây. Những người trầm cảm có thể bận tâm - hoặc suy ngẫm về - những suy nghĩ và cảm giác vô dụng, tội lỗi hoặc hối tiếc không phù hợp, bất lực hoặc tuyệt vọng. Trong trường hợp nghiêm trọng, người trầm cảm có thể có các triệu chứng rối loạn tâm thần. Những triệu chứng này bao gồm ảo tưởng hoặc ít phổ biến hơn là ảo giác, thường khó chịu. Các triệu chứng khác của trầm cảm bao gồm khả năng tập trung và trí nhớ kém (đặc biệt ở những người có biểu hiện u uất hoặc rối loạn tâm thần), rút lui khỏi các tình huống và hoạt động xã hội, giảm ham muốn tình dục, cáu kỉnh, và nghĩ đến cái chết hoặc tự tử. Mất ngủ là phổ biến ở những người trầm cảm. Trong mô hình điển hình, một người thức dậy rất sớm và không thể ngủ lại được. Tình trạng mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều cũng có thể xảy ra. Một số thuốc chống trầm cảm cũng có thể gây mất ngủ do tác dụng kích thích của chúng. Một người trầm cảm có thể báo cáo nhiều triệu chứng về thể chất như mệt mỏi, đau đầu hoặc các vấn đề về tiêu hóa; Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới về trầm cảm, phàn nàn về thể chất là vấn đề phổ biến nhất ở các nước đang phát triển. Cảm giác thèm ăn thường giảm, dẫn đến giảm cân, mặc dù đôi khi xảy ra hiện tượng thèm ăn và tăng cân. Gia đình và bạn bè có thể nhận thấy rằng hành vi của người đó là kích động hoặc hôn mê. Những người lớn tuổi bị trầm cảm có thể có các triệu chứng nhận thức khi mới khởi phát, chẳng hạn như hay quên, và cử động chậm lại đáng chú ý hơn. Trẻ trầm cảm thường có thể biểu hiện tâm trạng cáu kỉnh hơn là trầm cảm và có các triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi và tình huống. Hầu hết mất hứng thú đến trường và có biểu hiện sa sút trong học tập. Họ có thể được mô tả là đeo bám, đòi hỏi, phụ thuộc hoặc không an toàn. Việc chẩn đoán có thể bị trì hoãn hoặc bỏ sót khi các triệu chứng được hiểu là "tâm trạng ủ rũ bình thường". Các bệnh liên quan Chứng trầm cảm nặng thường xảy ra cùng với các vấn đề tâm thần khác. Khảo sát Bệnh tật Quốc gia 1990–92 (Hoa Kỳ) báo cáo rằng một nửa số người bị trầm cảm nặng cũng bị lo âu suốt đời và các rối loạn liên quan như rối loạn lo âu tổng quát. Các triệu chứng lo âu có thể có tác động lớn đến tiến trình của bệnh trầm cảm, với việc chậm phục hồi, tăng nguy cơ tái phát, tàn tật nhiều hơn và tăng các nỗ lực tự sát. Ngày càng có nhiều tỷ lệ lạm dụng rượu và ma túy và đặc biệt là sự phụ thuộc, và khoảng một phần ba số người được chẩn đoán mắc ADHD bị trầm cảm kèm theo. Rối loạn căng thẳng sau chấn thương và trầm cảm thường đồng thời xảy ra. Trầm cảm cũng có thể cùng tồn tại với rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), làm phức tạp việc chẩn đoán và điều trị cả hai. Trầm cảm cũng thường đi kèm với lạm dụng rượu và rối loạn nhân cách. Bệnh trầm cảm cũng có thể trở nên trầm trọng hơn trong những tháng cụ thể (thường là mùa đông) đối với những người mắc chứng rối loạn cảm xúc theo mùa. Mặc dù lạm dụng quá nhiều phương tiện kỹ thuật số có liên quan đến các triệu chứng trầm cảm, nhưng phương tiện kỹ thuật số cũng có thể được sử dụng trong một số trường hợp để cải thiện tâm trạng. Trầm cảm và đau đớn thường đồng thời xảy ra. Một hoặc nhiều triệu chứng đau xuất hiện ở 65% bệnh nhân trầm cảm, và từ 5 đến 85% bệnh nhân bị đau sẽ bị trầm cảm, tùy thuộc vào hoàn cảnh; tỷ lệ mắc bệnh ở phòng khám đa khoa thấp hơn và ở phòng khám chuyên khoa cao hơn. Việc chẩn đoán bệnh trầm cảm thường bị trì hoãn hoặc bỏ sót, và kết quả có thể xấu đi nếu bệnh trầm cảm được chú ý nhưng hoàn toàn bị hiểu nhầm. Trầm cảm cũng có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch tăng gấp 1,5 đến 2 lần, không phụ thuộc vào các yếu tố nguy cơ đã biết khác và bản thân nó có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp với các yếu tố nguy cơ như hút thuốc và béo phì. Những người bị trầm cảm nặng ít có khả năng tuân theo các khuyến nghị y tế để điều trị và ngăn ngừa các rối loạn tim mạch, điều này càng làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng y khoa. Ngoài ra, bác sĩ tim mạch có thể không nhận ra chứng trầm cảm tiềm ẩn làm phức tạp vấn đề tim mạch mà họ đang chăm sóc. Trầm cảm thường cùng tồn tại với các rối loạn thể chất phổ biến ở người cao tuổi, chẳng hạn như đột quỵ, các bệnh tim mạch khác, bệnh Parkinson và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Chẩn đoán Đánh giá lâm sàng Đánh giá chẩn đoán có thể được thực hiện bởi một bác sĩ đa khoa được đào tạo phù hợp, hoặc bởi bác sĩ tâm thần hoặc nhà tâm lý học, người ghi lại hoàn cảnh hiện tại, tiền sử tiểu sử, các triệu chứng hiện tại, tiền sử gia đình và việc sử dụng rượu và ma túy của người đó. Đánh giá cũng bao gồm kiểm tra trạng thái tinh thần, là đánh giá về tâm trạng và nội dung suy nghĩ hiện tại của người đó, đặc biệt là sự hiện diện của các chủ đề về sự tuyệt vọng hoặc bi quan, tự làm hại hoặc tự tử và không có suy nghĩ hoặc kế hoạch tích cực. Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần chuyên khoa rất hiếm ở các vùng nông thôn, do đó việc chẩn đoán và quản lý phần lớn được giao cho các bác sĩ lâm sàng chăm sóc ban đầu. Vấn đề này thậm chí còn được đánh dấu nhiều hơn ở các nước đang phát triển. Thang đánh giá không được sử dụng để chẩn đoán trầm cảm, nhưng chúng cung cấp dấu hiệu về mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng trong một khoảng thời gian, do đó, một người đạt điểm trên ngưỡng giới hạn nhất định có thể được đánh giá kỹ lưỡng hơn để chẩn đoán rối loạn trầm cảm. Một số thang đánh giá được sử dụng cho mục đích này; chúng bao gồm Thang đánh giá Hamilton về Bệnh trầm cảm, Bản kiểm kê về bệnh trầm cảm Beck hoặc Bản câu hỏi về hành vi tự tử đã được sửa đổi. Các bác sĩ chăm sóc chính và các bác sĩ không phải bác sĩ tâm thần khác gặp khó khăn hơn trong việc nhận thức kém và điều trị trầm cảm so với bác sĩ tâm thần, một phần do các triệu chứng thể chất thường đi kèm với trầm cảm, ngoài ra còn có nhiều rào cản về bệnh nhân, nhà cung cấp và hệ thống tiềm năng. Một đánh giá cho thấy rằng các bác sĩ không chuyên khoa tâm thần bỏ sót khoảng 2/3 số trường hợp, mặc dù điều này đã được cải thiện phần nào trong các nghiên cứu gần đây. Trước khi chẩn đoán rối loạn trầm cảm nặng, bác sĩ thường tiến hành kiểm tra y tế và các cuộc điều tra được lựa chọn để loại trừ các nguyên nhân khác gây ra các triệu chứng. Chúng bao gồm các xét nghiệm máu đo TSH và thyroxine để loại trừ suy giáp; chất điện giải cơ bản và calci huyết thanh để loại trừ rối loạn chuyển hóa; và công thức máu đầy đủ bao gồm ESR để loại trừ nhiễm trùng toàn thân hoặc bệnh mãn tính. Các phản ứng có hại đối với thuốc hoặc lạm dụng rượu cũng thường được loại trừ. Nồng độ testosterone có thể được đánh giá để chẩn đoán thiểu năng sinh dục, một nguyên nhân gây trầm cảm ở nam giới. Mức độ vitamin D có thể được đánh giá, vì mức độ vitamin D thấp có liên quan đến nguy cơ trầm cảm cao hơn. Những phàn nàn về nhận thức chủ quan xuất hiện ở những người già bị trầm cảm, nhưng chúng cũng có thể là dấu hiệu của sự khởi đầu của rối loạn sa sút trí tuệ, chẳng hạn như bệnh Alzheimer. Kiểm tra nhận thức và chụp ảnh não có thể giúp phân biệt trầm cảm với sa sút trí tuệ. Chụp CT có thể loại trừ bệnh lý não ở những người có triệu chứng loạn thần, khởi phát nhanh hoặc bất thường. Không có xét nghiệm sinh học nào xác nhận trầm cảm nặng. Nói chung, các cuộc điều tra không được lặp lại cho một đợt tiếp theo trừ khi có chỉ định y tế. Tiêu chí DSM và ICD Các tiêu chí được sử dụng rộng rãi nhất để chẩn đoán các tình trạng trầm cảm được tìm thấy trong Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn tâm thần của Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ và Phân loại Thống kê Quốc tế về Bệnh tật và Các Vấn đề Sức khỏe Liên quan của Tổ chức Y tế Thế giới trong đó sử dụng tên giai đoạn trầm cảm cho một rối loạn trầm cảm từng đợt và tái phát nhiều đợt. Hệ thống thứ hai thường được sử dụng ở các nước Châu Âu, trong khi hệ thống thứ nhất được sử dụng ở Hoa Kỳ và nhiều quốc gia không thuộc Châu Âu khác, và các tác giả của cả hai đã làm việc để phù hợp với hệ thống kia. Cả DSM-5 và ICD-10 đều đánh dấu các triệu chứng trầm cảm điển hình (chính). ICD-10 định nghĩa ba triệu chứng trầm cảm điển hình (chán nản tâm trạng, anhedonia, và giảm năng lượng), hai trong số đó nên có mặt để xác định chẩn đoán rối loạn trầm cảm. Theo DSM-5, có hai triệu chứng trầm cảm chính - tâm trạng chán nản và mất hứng thú / niềm vui trong các hoạt động (anhedonia). Những triệu chứng này, cũng như năm trong số chín triệu chứng cụ thể hơn được liệt kê, phải thường xuyên xảy ra trong hơn hai tuần (đến mức độ nó làm suy yếu chức năng) để chẩn đoán. Rối loạn trầm cảm nặng được phân loại là rối loạn tâm trạng trong DSM-5. Chẩn đoán xoay quanh sự hiện diện của các giai đoạn trầm cảm chính đơn lẻ hoặc tái phát. Các vòng loại hơn nữa được sử dụng để phân loại cả chính tập và diễn biến của rối loạn. Danh mục Rối loạn trầm cảm không xác định được chẩn đoán nếu biểu hiện của giai đoạn trầm cảm không đáp ứng các tiêu chí cho giai đoạn trầm cảm nặng. Hệ thống ICD-10 không sử dụng thuật ngữ rối loạn trầm cảm nặng nhưng liệt kê các tiêu chí rất giống nhau để chẩn đoán một giai đoạn trầm cảm (nhẹ, vừa hoặc nặng); thuật ngữ tái phát có thể được thêm vào nếu đã có nhiều đợt trầm cảm mà không có hưng cảm. Giai đoạn trầm cảm chính Một giai đoạn trầm cảm chính được đặc trưng bởi sự hiện diện của tâm trạng chán nản nghiêm trọng, kéo dài ít nhất hai tuần. Các tập có thể bị cô lập hoặc tái phát và được phân loại là nhẹ (ít triệu chứng vượt quá tiêu chí tối thiểu), trung bình hoặc nặng (ảnh hưởng rõ rệt đến hoạt động xã hội hoặc nghề nghiệp). Một giai đoạn có các biểu hiện loạn thần — thường được gọi là trầm cảm loạn thần — được tự động xếp hạng là nghiêm trọng. Nếu bệnh nhân đã có một giai đoạn hưng cảm hoặc tâm trạng tăng cao rõ rệt, thì chẩn đoán rối loạn lưỡng cực sẽ được thực hiện thay thế. Trầm cảm không có hưng cảm đôi khi được gọi là đơn cực vì tâm trạng vẫn ở một trạng thái cảm xúc hoặc "một cực cảm xúc". DSM-IV-TR loại trừ các trường hợp các triệu chứng là kết quả của việc mất đi, mặc dù người mất bình thường có thể tiến triển thành giai đoạn trầm cảm nếu tâm trạng vẫn tiếp diễn và các đặc điểm đặc trưng của giai đoạn trầm cảm nặng phát triển. Các tiêu chí đã bị chỉ trích vì chúng không tính đến bất kỳ khía cạnh nào khác của bối cảnh cá nhân và xã hội mà ở đó bệnh trầm cảm có thể xảy ra. Ngoài ra, một số nghiên cứu đã tìm thấy ít hỗ trợ thực nghiệm cho các tiêu chí cắt DSM-IV, cho thấy chúng là một quy ước chẩn đoán áp dụng cho một loạt các triệu chứng trầm cảm với mức độ nghiêm trọng và thời gian khác nhau. Mất mạng không còn là một tiêu chí loại trừ trong DSM-5, và giờ đây, bác sĩ lâm sàng phải phân biệt giữa phản ứng bình thường với mất mát và MDD. Loại trừ là một loạt các chẩn đoán liên quan, bao gồm chứng rối loạn nhịp tim, liên quan đến rối loạn tâm trạng mãn tính nhưng nhẹ hơn; trầm cảm ngắn hạn tái phát, bao gồm các giai đoạn trầm cảm ngắn gọn; Rối loạn trầm cảm nhẹ, theo đó chỉ có một số triệu chứng của trầm cảm nặng; và rối loạn điều chỉnh với tâm trạng chán nản, biểu thị tâm trạng thấp do phản ứng tâm lý trước một sự kiện hoặc tác nhân gây căng thẳng có thể xác định được. Ba rối loạn trầm cảm mới đã được thêm vào DSM-5: rối loạn điều hòa tâm trạng rối loạn, được phân loại theo sự cáu kỉnh đáng kể ở thời thơ ấu, rối loạn trầm cảm tiền kinh nguyệt (PMDD), gây ra các giai đoạn lo lắng, trầm cảm hoặc cáu kỉnh trong một hoặc hai tuần trước đó kinh nguyệt của phụ nữ, và rối loạn trầm cảm dai dẳng. Các phân loại nhỏ hơn DSM-5 đưa ra sáu loại phụ khác của trầm cảm, được gọi là các xác định, ngoài việc ghi nhận độ dài, mức độ nghiêm trọng và sự hiện diện của các đặc điểm rối loạn tâm thần: " Trầm cảm u sầu " được đặc trưng bởi mất niềm vui trong hầu hết hoặc tất cả các hoạt động, không phản ứng với các kích thích thú vị, chất lượng tâm trạng chán nản rõ ràng hơn so với đau buồn hoặc mất mát, các triệu chứng tồi tệ hơn vào buổi sáng, sớm- thức dậy vào buổi sáng, chậm phát triển tâm thần vận động, sụt cân quá mức (không nên nhầm lẫn với chứng chán ăn tâm thần), hoặc mặc cảm quá mức.] " Trầm cảm không điển hình " được đặc trưng bởi phản ứng tâm trạng (chứng rối loạn trương lực cơ nghịch lý) và tích cực, tăng cân đáng kể hoặc tăng cảm giác thèm ăn (ăn thoải mái), ngủ quá nhiều hoặc buồn ngủ (mất ngủ), cảm giác nặng nề ở các chi được gọi là liệt chì và suy giảm chức năng xã hội đáng kể như một hệ quả của quá mẫn cảm với sự từ chối giữa các cá nhân với nhau. "Trầm cảm catatonic " là một dạng trầm cảm nghiêm trọng và hiếm gặp liên quan đến rối loạn hành vi vận động và các triệu chứng khác. Ở đây, người đó bị câm và gần như sững sờ, bất động hoặc biểu hiện những chuyển động không mục đích hoặc thậm chí kỳ quái. Các triệu chứng catatonic cũng xảy ra trong bệnh tâm thần phân liệt hoặc trong các giai đoạn hưng cảm, hoặc có thể do hội chứng ác tính an thần kinh gây ra. "Trầm cảm với lo âu lo lắng " đã được thêm vào DSM-V như một phương tiện để nhấn mạnh sự đồng xuất hiện giữa trầm cảm hoặc hưng cảm và lo lắng, cũng như nguy cơ tự tử của những người trầm cảm với lo lắng. Chỉ định theo cách như vậy cũng có thể giúp tiên lượng những người được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm hoặc rối loạn lưỡng cực. "Trầm cảm khởi phát khi sinh nở" là tình trạng trầm cảm dữ dội, kéo dài và đôi khi mang tính hủy diệt ở phụ nữ sau khi sinh hoặc khi phụ nữ đang mang thai. DSM-IV-TR đã sử dụng phân loại "trầm cảm sau sinh", nhưng điều này đã được thay đổi để không loại trừ các trường hợp phụ nữ bị trầm cảm khi mang thai. [110] Trầm cảm khởi phát chu sinh có tỷ lệ mắc bệnh ở các bà mẹ mới sinh là 10-15%. DSM-V quy định rằng, để được coi là trầm cảm khi khởi phát chu sinh, khởi phát xảy ra khi mang thai hoặc trong vòng một tháng sau khi sinh. Người ta nói rằng trầm cảm sau sinh có thể kéo dài đến ba tháng. " Rối loạn cảm xúc theo mùa " (SAD) là một dạng trầm cảm, trong đó các giai đoạn trầm cảm xảy ra vào mùa thu hoặc mùa đông và hết vào mùa xuân. Chẩn đoán được thực hiện nếu ít nhất hai đợt xảy ra trong những tháng lạnh hơn mà không xảy ra vào các thời điểm khác, trong khoảng thời gian hai năm hoặc lâu hơn. Chẩn đoán phân biệt Để xác định rối loạn trầm cảm nặng là chẩn đoán có khả năng xảy ra nhất, các chẩn đoán tiềm năng khác phải được xem xét, bao gồm rối loạn nhịp tim, rối loạn điều chỉnh với tâm trạng chán nản hoặc rối loạn lưỡng cực. Bệnh rối loạn nhịp tim là một rối loạn tâm trạng mãn tính, nhẹ hơn, trong đó một người báo cáo tâm trạng thấp gần như hàng ngày trong khoảng thời gian ít nhất hai năm. Các triệu chứng không nghiêm trọng như các triệu chứng trầm cảm nặng, mặc dù những người mắc chứng rối loạn nhịp tim dễ bị các đợt trầm cảm nặng thứ phát (đôi khi được gọi là trầm cảm kép). Rối loạn điều chỉnh với tâm trạng chán nản là rối loạn tâm trạng xuất hiện như một phản ứng tâm lý đối với một sự kiện hoặc tác nhân gây căng thẳng có thể xác định được, trong đó các triệu chứng cảm xúc hoặc hành vi dẫn đến là đáng kể nhưng không đáp ứng các tiêu chí cho một giai đoạn trầm cảm nặng. Rối loạn lưỡng cực, còn được gọi là rối loạn hưng cảm - trầm cảm, là một tình trạng trong đó các giai đoạn trầm cảm xen kẽ với các giai đoạn hưng cảm hoặc hưng cảm. Mặc dù trầm cảm hiện được phân loại là một chứng rối loạn riêng biệt, nhưng vẫn có cuộc tranh luận đang diễn ra vì những người được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm nặng thường trải qua một số triệu chứng hưng cảm, cho thấy một rối loạn tâm trạng liên tục. Các chẩn đoán phân biệt khác liên quan đến hội chứng mệt mỏi mãn tính. Các rối loạn khác cần được loại trừ trước khi chẩn đoán rối loạn trầm cảm nặng. Chúng bao gồm trầm cảm do bệnh tật, thuốc men và lạm dụng chất kích thích. Trầm cảm do bệnh lý thể chất được chẩn đoán là rối loạn tâm trạng do tình trạng bệnh lý nói chung. Tình trạng này được xác định dựa trên tiền sử, phát hiện trong phòng thí nghiệm hoặc khám sức khỏe. Khi trầm cảm do dùng thuốc, lạm dụng thuốc hoặc tiếp xúc với chất độc, thì bệnh này được chẩn đoán là một chứng rối loạn tâm trạng cụ thể (trước đây được gọi là rối loạn tâm trạng do chất gây ra trong DSM-IV-TR). Tầm soát/sàng lọc và phòng ngừa Kể từ năm 2016, Lực lượng Đặc nhiệm Dịch vụ Dự phòng Hoa Kỳ (USPSTF) đã khuyến nghị tầm soát trầm cảm ở những người trên 12 tuổi; một tổng quan của Cochrane năm 2005 cho thấy việc sử dụng thường quy bảng câu hỏi sàng lọc ít ảnh hưởng đến việc phát hiện hoặc điều trị. Các nỗ lực phòng ngừa có thể làm giảm tỷ lệ của trầm cảm xuống từ 22 đến 38%. Ăn một lượng lớn cá cũng có thể làm giảm nguy cơ. Các can thiệp hành vi, chẳng hạn như liệu pháp giao tiếp giữa các cá nhân và liệu pháp nhận thức-hành vi, có hiệu quả trong việc ngăn ngừa chứng trầm cảm mới khởi phát. Bởi vì những biện pháp can thiệp như vậy có vẻ hiệu quả nhất khi được phân phối cho các cá nhân hoặc nhóm nhỏ, người ta gợi ý rằng họ có thể tiếp cận đối tượng mục tiêu lớn của mình một cách hiệu quả nhất thông qua Internet. Tuy nhiên, một phân tích tổng hợp trước đó cho thấy các chương trình phòng ngừa với thành phần nâng cao năng lực vượt trội hơn so với các chương trình định hướng hành vi về tổng thể và nhận thấy các chương trình hành vi đặc biệt không hữu ích cho người lớn tuổi, những người mà các chương trình hỗ trợ xã hội chỉ mang lại lợi ích cho họ. Ngoài ra, các chương trình ngăn ngừa trầm cảm tốt nhất bao gồm hơn tám phiên, mỗi phiên kéo dài từ 60 đến 90 phút, được cung cấp bởi sự kết hợp của những nhân viên chuyên nghiệp và những người trầm cảm khác, có thiết kế nghiên cứu chất lượng cao, mức độ hiệu quả được báo cáo và có hình thức can thiệp xác định. Hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần của Hà Lan cung cấp các biện pháp can thiệp phòng ngừa, chẳng hạn như khóa học "Đối phó với trầm cảm" (CWD) cho những người bị trầm cảm dưới ngưỡng. Khóa học được cho là thành công nhất của các can thiệp tâm lý để điều trị và phòng ngừa trầm cảm (cả về khả năng thích ứng với các quần thể khác nhau và kết quả của nó), với việc giảm 38% nguy cơ mắc bệnh trầm cảm nặng và hiệu quả như một phương pháp điều trị so sánh thuận lợi đến các liệu pháp tâm lý khác. Điều trị Ba phương pháp điều trị trầm cảm phổ biến nhất là liệu pháp tâm lý, thuốc và liệu pháp điện giật. Tâm lý trị liệu là sự lựa chọn điều trị (dùng thuốc) cho những người dưới 18 tuổi. Hướng dẫn năm 2004 của Viện Y tế và Chăm sóc Quốc gia Vương quốc Anh (NICE) chỉ ra rằng thuốc chống trầm cảm không nên được sử dụng để điều trị ban đầu trầm cảm nhẹ vì tỷ lệ rủi ro - lợi ích là thấp. Các hướng dẫn khuyến cáo rằng điều trị bằng thuốc chống trầm cảm kết hợp với các can thiệp tâm lý xã hội nên được xem xét đối với: Những người có tiền sử trầm cảm vừa hoặc nặng Những người bị trầm cảm nhẹ đã xuất hiện trong một thời gian dài Là phương pháp điều trị thứ hai cho chứng trầm cảm nhẹ vẫn tồn tại sau các can thiệp khác Là phương pháp điều trị đầu tiên cho bệnh trầm cảm vừa hoặc nặng. Các hướng dẫn lưu ý thêm rằng điều trị chống trầm cảm nên được tiếp tục trong ít nhất sáu tháng để giảm nguy cơ tái phát, và SSRI được dung nạp tốt hơn so với thuốc chống trầm cảm ba vòng. Các hướng dẫn điều trị của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ khuyến cáo rằng điều trị ban đầu nên được điều chỉnh riêng dựa trên các yếu tố bao gồm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, các rối loạn mắc phải, kinh nghiệm điều trị trước đó và sở thích của bệnh nhân. Các lựa chọn có thể bao gồm liệu pháp dược lý, liệu pháp tâm lý, tập thể dục, liệu pháp điện giật (ECT), kích thích từ trường xuyên sọ (TMS) hoặc liệu pháp ánh sáng. Thuốc chống trầm cảm được khuyến cáo là lựa chọn điều trị ban đầu ở những người bị trầm cảm nặng nhẹ, trung bình hoặc nặng, và nên được dùng cho tất cả bệnh nhân trầm cảm nặng trừ khi có kế hoạch điều trị ECT. Có bằng chứng cho thấy dịch vụ chăm sóc hợp tác của một nhóm bác sĩ chăm sóc sức khỏe tạo ra kết quả tốt hơn so với chăm sóc thông thường của một bác sĩ duy nhất. Các lựa chọn điều trị hạn chế hơn nhiều ở các nước đang phát triển, nơi mà việc tiếp cận với các nhân viên sức khỏe tâm thần, thuốc men và liệu pháp tâm lý thường khó khăn. Sự phát triển của các dịch vụ sức khỏe tâm thần còn ít ở nhiều quốc gia; trầm cảm được xem như một hiện tượng của thế giới phát triển mặc dù có bằng chứng ngược lại, và không phải là một tình trạng cố hữu đe dọa tính mạng. Một đánh giá của Cochrane năm 2014 cho thấy không đủ bằng chứng để xác định hiệu quả của liệu pháp tâm lý so với y tế ở trẻ em. Lối sống Tập thể dục được khuyến khích để kiểm soát trầm cảm nhẹ, và có tác dụng vừa phải đối với các triệu chứng. Tập thể dục cũng được chứng minh là có hiệu quả đối với chứng trầm cảm nặng (đơn cực). Nó tương đương với việc sử dụng thuốc hoặc các liệu pháp tâm lý ở hầu hết mọi người. Ở người lớn tuổi, nó dường như làm giảm trầm cảm. Tập thể dục có thể được khuyến nghị cho những người sẵn sàng, có động lực và thể chất đủ khỏe mạnh để tham gia vào một chương trình tập thể dục như một phương pháp điều trị. Có một lượng nhỏ bằng chứng cho thấy thức trắng 1 đêm có thể cải thiện các triệu chứng trầm cảm, với những tác động thường xuất hiện trong vòng một ngày. Hiệu ứng này thường là tạm thời. Bên cạnh cảm giác buồn ngủ, phương pháp này có thể gây ra tác dụng phụ là hưng cảm. Trong các nghiên cứu quan sát, việc cai thuốc lá có lợi cho bệnh trầm cảm tương đương hoặc lớn hơn so với việc dùng thuốc chữa trầm cảm. Bên cạnh tập thể dục, giấc ngủ và chế độ ăn uống có thể đóng một vai trò nào đó trong bệnh trầm cảm, và các biện pháp can thiệp vào những lĩnh vực này có thể là một biện pháp bổ sung hiệu quả cho các phương pháp thông thường. Liệu pháp trò chuyện Liệu pháp trò chuyện (tâm lý trị liệu) có thể được các chuyên gia sức khỏe tâm thần cung cấp cho các cá nhân, nhóm hoặc gia đình. Một đánh giá năm 2017 cho thấy liệu pháp hành vi nhận thức có vẻ tương tự như thuốc chống trầm cảm về mặt tác dụng. Một đánh giá năm 2012 cho thấy liệu pháp tâm lý tốt hơn là không điều trị chứ không phải các phương pháp điều trị khác. Với các dạng trầm cảm mãn tính và phức tạp hơn, có thể sử dụng kết hợp thuốc và liệu pháp tâm lý. Có bằng chứng chất lượng vừa phải cho thấy liệu pháp tâm lý là một bổ sung hữu ích cho việc điều trị bằng thuốc chống trầm cảm tiêu chuẩn đối với chứng trầm cảm kháng trị trong thời gian ngắn. Liệu pháp tâm lý đã được chứng minh là có hiệu quả ở những người lớn tuổi. Liệu pháp tâm lý thành công dường như làm giảm sự tái phát của bệnh trầm cảm ngay cả khi nó đã ngừng hoặc được thay thế bằng các đợt tăng cường không thường xuyên. Liệu pháp nhận thức hành vi Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) hiện có nhiều bằng chứng nghiên cứu nhất về việc điều trị trầm cảm ở trẻ em và thanh thiếu niên, CBT và liệu pháp tâm lý giữa các cá nhân (IPT) là những liệu pháp được ưu tiên cho chứng trầm cảm ở tuổi vị thành niên. Theo Viện Quốc gia về Sức khỏe và Lâm sàng ở những người dưới 18 tuổi, chỉ nên dùng thuốc kết hợp với liệu pháp tâm lý, chẳng hạn như CBT, liệu pháp giữa các cá nhân hoặc liệu pháp gia đình. Liệu pháp nhận thức hành vi cũng đã được chứng minh là làm giảm số ngày ốm của những người bị trầm cảm, khi được sử dụng cùng với chăm sóc ban đầu. Hình thức tâm lý trị liệu được nghiên cứu nhiều nhất cho bệnh trầm cảm là CBT, dạy khách hàng thách thức khả năng tự đánh bại bản thân, nhưng cách suy nghĩ (nhận thức) bền bỉ và thay đổi hành vi phản tác dụng. Nghiên cứu bắt đầu từ giữa những năm 1990 cho thấy rằng CBT có thể hoạt động tốt bằng hoặc tốt hơn thuốc chống trầm cảm ở bệnh nhân trầm cảm từ trung bình đến nặng. CBT có thể có hiệu quả ở thanh thiếu niên trầm cảm, mặc dù tác dụng của nó đối với các đợt trầm trọng chưa được biết rõ ràng. Một số biến số dự đoán sự thành công cho liệu pháp hành vi nhận thức ở thanh thiếu niên: mức độ suy nghĩ hợp lý cao hơn, ít vô vọng hơn, ít suy nghĩ tiêu cực hơn và ít biến dạng nhận thức hơn. CBT đặc biệt có lợi trong việc ngăn ngừa tái phát bệnh. Liệu pháp nhận thức hành vi và các chương trình nghề nghiệp (bao gồm điều chỉnh các hoạt động làm việc và hỗ trợ) đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc giảm số ngày ốm của công nhân bị trầm cảm. Các biến thể Một số biến thể của liệu pháp hành vi nhận thức đã được sử dụng ở những người bị trầm cảm, đáng chú ý nhất là liệu pháp hành vi cảm xúc hợp lý, và liệu pháp nhận thức dựa trên chánh niệm. Các chương trình giảm căng thẳng dựa trên chánh niệm có thể làm giảm các triệu chứng trầm cảm. Các chương trình thực hành tỉnh giác/chánh niệm cũng dường như là một biện pháp can thiệp đầy hứa hẹn trong giới trẻ. Phân tâm học Phân tâm học là một trường phái tư tưởng, được thành lập bởi Sigmund Freud, nhấn mạnh đến việc giải quyết những xung đột tinh thần vô thức. Các kỹ thuật phân tích tâm lý được một số học viên sử dụng để điều trị cho những thân chủ mắc chứng trầm cảm nặng. Một liệu pháp được thực hành rộng rãi hơn, được gọi là liệu pháp tâm lý động lực học, theo truyền thống của phân tâm học nhưng ít chuyên sâu hơn, họp một hoặc hai lần một tuần. Nó cũng có xu hướng tập trung nhiều hơn vào các vấn đề trước mắt của người đó, và có thêm sự tập trung vào xã hội và giữa các cá nhân. Trong một phân tích tổng hợp của ba thử nghiệm có đối chứng về Liệu pháp Tâm lý Hỗ trợ Tâm lý Động lực học Ngắn hạn, sự thay đổi này được phát hiện có hiệu quả như thuốc điều trị trầm cảm nhẹ đến trung bình. Thuốc chống trầm cảm Kết quả mâu thuẫn đã nảy sinh từ các nghiên cứu xem xét hiệu quả của thuốc chống trầm cảm ở những người bị trầm cảm cấp tính, nhẹ đến trung bình. Bằng chứng mạnh mẽ hơn ủng hộ tính hữu ích của thuốc chống trầm cảm trong điều trị trầm cảm mãn tính hoặc trầm trọng. Mặc dù những lợi ích nhỏ đã được tìm thấy, các nhà nghiên cứu Irving Kirsch và Thomas Moore nói rằng chúng có thể là do các vấn đề với các thử nghiệm chứ không phải do tác dụng thực sự của thuốc. Trong một ấn phẩm sau đó, Kirsch kết luận rằng tác dụng tổng thể của thuốc chống trầm cảm thế hệ mới thấp hơn các tiêu chí khuyến cáo về ý nghĩa lâm sàng. Kết quả tương tự cũng thu được trong một phân tích tổng hợp của Fornier. Một đánh giá do Viện Quốc gia về Y tế và Chăm sóc (Anh) ủy quyền đã kết luận rằng có bằng chứng mạnh mẽ cho thấy các chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI), chẳng hạn như escitalopram, paroxetine và sertraline, có hiệu quả cao hơn giả dược trong việc giảm 50% điểm trầm cảm ở mức độ trầm cảm nặng vừa và nặng, và có một số bằng chứng cho tác dụng tương tự ở bệnh trầm cảm nhẹ. Tương tự, một đánh giá có hệ thống của Cochrane về các thử nghiệm lâm sàng đối với thuốc chống trầm cảm ba vòng amitriptyline kết luận rằng có bằng chứng mạnh mẽ rằng hiệu quả của nó vượt trội hơn so với giả dược. Một đánh giá của Cochrane năm 2019 về việc sử dụng kết hợp thuốc chống trầm cảm cộng với thuốc benzodiazepine đã chứng minh hiệu quả được cải thiện khi so sánh với thuốc chống trầm cảm đơn thuần; tuy nhiên, những tác dụng này không được duy trì trong giai đoạn cấp tính hoặc liên tục. Lợi ích của việc bổ sung benzodiazepine nên được cân bằng với những tác hại có thể xảy ra và các chiến lược điều trị thay thế khác khi liệu pháp đơn trị liệu chống trầm cảm được coi là không phù hợp. Năm 2014 , Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ công bố một đánh giá có hệ thống về tất cả các thử nghiệm duy trì thuốc chống trầm cảm được đệ trình cho cơ quan này từ năm 1985 đến năm 2012. Các tác giả kết luận rằng điều trị duy trì làm giảm nguy cơ tái phát 52% so với giả dược, và tác dụng này chủ yếu là do trầm cảm tái phát ở nhóm giả dược hơn là tác dụng cai thuốc. Để tìm được loại thuốc chống trầm cảm hiệu quả nhất với ít tác dụng phụ nhất, có thể điều chỉnh liều lượng và nếu cần, có thể thử kết hợp các loại thuốc chống trầm cảm khác nhau. Tỷ lệ đáp ứng với loại thuốc chống trầm cảm đầu tiên được sử dụng dao động từ 50 đến 75% và có thể mất ít nhất sáu đến tám tuần kể từ khi bắt đầu dùng thuốc để cải thiện. Điều trị bằng thuốc chống trầm cảm thường được tiếp tục trong 16 đến 20 tuần sau khi thuyên giảm, để giảm thiểu khả năng tái phát, và thậm chí nên tiếp tục kéo dài đến một năm. Những người bị trầm cảm mãn tính có thể phải dùng thuốc vô thời hạn để tránh tái phát. SSRI là loại thuốc chính được kê đơn, do tác dụng phụ tương đối nhẹ và vì chúng ít độc hơn khi dùng quá liều so với các thuốc chống trầm cảm khác. Những người không đáp ứng với một SSRI có thể được chuyển sang một loại thuốc chống trầm cảm khác, và điều này dẫn đến sự cải thiện trong gần 50% trường hợp. Một lựa chọn khác là chuyển sang bupropion chống trầm cảm không điển hình. Venlafaxine, một loại thuốc chống trầm cảm có cơ chế hoạt động khác, có thể hiệu quả hơn một chút so với SSRI. Tuy nhiên, venlafaxine không được khuyến cáo ở Anh như một phương pháp điều trị đầu tiên vì bằng chứng cho thấy rủi ro của nó có thể lớn hơn lợi ích, và nó đặc biệt không được khuyến khích ở trẻ em và thanh thiếu niên. Đối với trẻ em, một số nghiên cứu đã ủng hộ việc sử dụng fluoxetine chống trầm cảm SSRI. Tuy nhiên, lợi ích dường như không đáng kể ở trẻ em, trong khi các thuốc chống trầm cảm khác không được chứng minh là có hiệu quả. Thuốc không được khuyến khích ở trẻ em bị bệnh nhẹ. Cũng không có đủ bằng chứng để xác định hiệu quả ở những người bị trầm cảm phức tạp do sa sút trí tuệ. Bất kỳ loại thuốc chống trầm cảm nào cũng có thể gây ra mức natri trong máu thấp; tuy nhiên, nó đã được báo cáo thường xuyên hơn với SSRI. Không có gì lạ khi SSRIs gây ra hoặc làm trầm trọng thêm chứng mất ngủ; thuốc an thần chống trầm cảm không điển hình mirtazapine có thể được sử dụng trong những trường hợp như vậy. Các chất ức chế monoamine oxidase không thể đảo ngược, một loại thuốc chống trầm cảm cũ hơn, đã bị cản trở bởi các tương tác thuốc và chế độ ăn uống có thể đe dọa tính mạng. Chúng vẫn chỉ hiếm khi được sử dụng, mặc dù các tác nhân mới hơn và dung nạp tốt hơn của lớp này đã được phát triển. Hồ sơ an toàn khác với các chất ức chế monoamine oxidase có thể đảo ngược, chẳng hạn như moclobemide, trong đó nguy cơ tương tác nghiêm trọng trong chế độ ăn uống là không đáng kể và các hạn chế về chế độ ăn uống ít nghiêm ngặt hơn. Không rõ liệu thuốc chống trầm cảm có ảnh hưởng đến nguy cơ tự tử của một người hay không. Đối với trẻ em, thanh thiếu niên và có thể là thanh niên từ 18 đến 24 tuổi, có nguy cơ cao hơn về cả ý tưởng tự tử và hành vi tự sát ở những người được điều trị bằng SSRI. Đối với người lớn, vẫn chưa rõ liệu SSRI có ảnh hưởng đến nguy cơ tự tử hay không. Một đánh giá không tìm thấy kết nối; một rủi ro khác tăng lên; và một phần ba không có nguy cơ ở những người 25–65 tuổi và giảm nguy cơ ở những người trên 65 tuổi. Cảnh báo hộp đen đã được đưa ra ở Hoa Kỳ vào năm 2007 về SSRIs và các loại thuốc chống trầm cảm khác do nguy cơ tự tử ở bệnh nhân dưới 24 tuổi tăng lên. Các sửa đổi thông báo phòng ngừa tương tự đã được Bộ Y tế Nhật Bản thực hiện. Thuốc khác Có một số bằng chứng cho thấy dầu cá bổ sung axit béo omega-3 có chứa hàm lượng cao từ axit eicosapentaenoic (EPA) đến axit docosahexaenoic (DHA) có hiệu quả trong việc điều trị, nhưng không phải là ngăn ngừa trầm cảm nặng. Tuy nhiên, một tổng quan của Cochrane xác định rằng không có đủ bằng chứng chất lượng cao để cho thấy axit béo omega-3 có hiệu quả trong bệnh trầm cảm. Có ít bằng chứng cho thấy việc bổ sung vitamin D có giá trị trong việc giảm bớt các triệu chứng trầm cảm ở những người thiếu vitamin D. Có một số bằng chứng sơ bộ cho thấy chất ức chế COX-2, chẳng hạn như celecoxib, có tác dụng hữu ích đối với chứng trầm cảm nặng. Lithium dường như có hiệu quả trong việc giảm nguy cơ tự tử ở những người bị rối loạn lưỡng cực và trầm cảm đơn cực xuống mức gần bằng với dân số chung. Có một phạm vi hẹp về liều lượng hiệu quả và an toàn của lithi do đó có thể cần theo dõi chặt chẽ. Hormone tuyến giáp liều thấp có thể được thêm vào các thuốc chống trầm cảm hiện có để điều trị các triệu chứng trầm cảm dai dẳng ở những người đã thử dùng nhiều đợt thuốc. Bằng chứng hạn chế cho thấy các chất kích thích, chẳng hạn như amphetamine và modafinil, có thể có hiệu quả trong ngắn hạn hoặc như một liệu pháp bổ trợ. Ngoài ra, người ta cho rằng bổ sung folate có thể có vai trò trong việc kiểm soát bệnh trầm cảm. Có bằng chứng dự kiến về lợi ích từ testosterone ở nam giới đối với các bệnh nhân trầm cảm. Liệu pháp co giật điện Liệu pháp co giật điện (ECT) là một phương pháp điều trị tâm thần tiêu chuẩn, trong đó các cơn co giật được gây ra bằng điện ở bệnh nhân để làm giảm các bệnh tâm thần. ECT được sử dụng khi có sự đồng ý rõ ràng như một phương pháp can thiệp cuối cùng cho rối loạn trầm cảm nặng. Một đợt ECT có hiệu quả đối với khoảng 50% những người bị rối loạn trầm cảm nặng kháng trị, cho dù đó là rối loạn đơn cực hay lưỡng cực. Điều trị theo dõi vẫn còn chưa được nghiên cứu, nhưng khoảng một nửa số người đáp ứng tái phát trong vòng 12 tháng. Ngoài các tác động lên não, các rủi ro vật lý chung của ECT tương tự như các rủi ro của gây mê toàn thân ngắn hạn. Ngay sau khi điều trị, các tác dụng phụ thường gặp nhất là lú lẫn và mất trí nhớ. ECT được coi là một trong những lựa chọn điều trị ít gây hại nhất cho phụ nữ mang thai bị trầm cảm nặng. Một liệu trình thông thường của ECT bao gồm nhiều lần tiêm, thường được dùng hai hoặc ba lần mỗi tuần, cho đến khi bệnh nhân không còn các triệu chứng. ECT được thực hiện dưới gây mê với thuốc giãn cơ. Liệu pháp điện giật có thể khác nhau về ứng dụng của nó theo ba cách: vị trí đặt điện cực, tần số điều trị và dạng sóng điện của kích thích. Ba hình thức áp dụng này có sự khác biệt đáng kể về cả tác dụng phụ và sự thuyên giảm triệu chứng. Sau khi điều trị, điều trị bằng thuốc thường được tiếp tục, và một số bệnh nhân nhận được ECT duy trì. ECT dường như hoạt động trong ngắn hạn thông qua tác dụng chống co giật chủ yếu ở thùy trán và lâu dài hơn thông qua tác dụng dưỡng thần kinh chủ yếu ở thùy thái dương giữa. Kích thích từ trường xuyên sọ Kích thích từ xuyên sọ (TMS) hoặc kích thích từ sâu xuyên sọ là một phương pháp không xâm lấn được sử dụng để kích thích các vùng nhỏ của não. TMS đã được FDA chấp thuận cho chứng rối loạn trầm cảm nặng kháng điều trị (trMDD) vào năm 2008 và đến năm 2014 bằng chứng chứng minh rằng nó có thể có hiệu quả. Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ Mạng lưới Canada về Rối loạn Tâm trạng và Lo lắng, và Đại học Tâm thần Hoàng gia Úc và New Zealand đã cho phép dùng TMS cho bệnh nhân trầm cảm. Kích thích dòng điện một chiều xuyên sọ Kích thích dòng điện một chiều xuyên sọ (tDCS) là một phương pháp không xâm lấn khác được sử dụng để kích thích các vùng nhỏ của não với sự trợ giúp của dòng điện yếu. Ngày càng nhiều bằng chứng đã được thu thập về hiệu quả của nó như một phương pháp điều trị trầm cảm. Một phân tích tổng hợp được công bố vào năm 2020 tóm tắt kết quả của chín nghiên cứu (572 người tham gia) kết luận rằng tDCS hoạt động tốt hơn đáng kể so với giả mạo về phản ứng (tương ứng là 30,9% so với 18,9%), thuyên giảm (19,9% so với 11,7%) và trầm cảm cải tiến. Theo một phân tích tổng hợp năm 2016, 34% bệnh nhân được điều trị bằng tDCS cho thấy giảm ít nhất 50% triệu chứng so với 19% được điều trị giả trong 6 thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng. Liệu pháp ánh sáng Liệu pháp ánh sáng rực rỡ làm giảm mức độ nghiêm trọng của triệu chứng trầm cảm, có lợi cho cả rối loạn cảm xúc theo mùa và trầm cảm trái mùa, và tác dụng tương tự như đối với các thuốc chống trầm cảm thông thường. Đối với chứng trầm cảm trái mùa, việc thêm liệu pháp ánh sáng vào liệu pháp chống trầm cảm tiêu chuẩn không hiệu quả. Đối với chứng trầm cảm trái mùa, trong đó ánh sáng được sử dụng chủ yếu kết hợp với thuốc chống trầm cảm hoặc liệu pháp đánh thức, một tác dụng trung bình đã được tìm thấy, với phản ứng tốt hơn so với điều trị kiểm soát trong các nghiên cứu chất lượng cao, trong các nghiên cứu áp dụng điều trị bằng ánh sáng buổi sáng và với những người đáp ứng tổng hoặc thiếu ngủ một phần. Cả hai phân tích đều ghi nhận chất lượng kém, thời gian ngắn và quy mô nhỏ của hầu hết các nghiên cứu được xem xét. Khác Không có đủ bằng chứng về Reiki và liệu pháp chuyển động khiêu vũ trong bệnh trầm cảm. Kể từ năm 2019, cần sa đặc biệt không được khuyến khích dùng làm phương pháp điều trị. Tiên lượng Các giai đoạn trầm cảm chính thường tự giải quyết theo thời gian cho dù chúng có được điều trị hay không. Bệnh nhân ngoại trú trong danh sách chờ đợi cho thấy giảm 10-15% các triệu chứng trong vòng vài tháng, với khoảng 20% không còn đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của rối loạn trầm cảm. Thời lượng trung bình của một tập được ước tính là 23 tuần, với tỷ lệ hồi phục cao nhất trong ba tháng đầu tiên. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng 80% những người bị giai đoạn trầm cảm lớn đầu tiên của họ sẽ có thêm ít nhất một lần trầm cảm nữa trong cuộc đời của họ, với thời gian trung bình là 4 giai đoạn. Các nghiên cứu dân số chung khác chỉ ra rằng khoảng một nửa số người có một đợt hồi phục (cho dù được điều trị hay không) và vẫn khỏe mạnh, trong khi nửa còn lại sẽ có thêm ít nhất một đợt nữa và khoảng 15% trong số đó bị tái phát mãn tính. Các nghiên cứu tuyển chọn từ các nguồn bệnh nhân nội trú chọn lọc cho thấy khả năng hồi phục thấp hơn và khả năng mãn tính cao hơn, trong khi các nghiên cứu chủ yếu là bệnh nhân ngoại trú cho thấy hầu hết đều hồi phục, với thời gian tập trung bình là 11 tháng. Khoảng 90% những người bị trầm cảm nặng hoặc rối loạn tâm thần, hầu hết trong số họ cũng đáp ứng các tiêu chuẩn về các rối loạn tâm thần khác, bị tái phát. Một tỷ lệ cao những người thuyên giảm hoàn toàn các triệu chứng vẫn có ít nhất một triệu chứng không được giải quyết hoàn toàn sau khi điều trị. Khả năng tái phát hoặc mãn tính nhiều hơn nếu các triệu chứng không được điều trị hết. Các hướng dẫn hiện tại khuyên bạn nên tiếp tục dùng thuốc chống trầm cảm từ bốn đến sáu tháng sau thuyên giảm để ngăn ngừa tái phát. Bằng chứng từ nhiều thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng cho thấy việc tiếp tục dùng thuốc chống trầm cảm sau khi hồi phục có thể làm giảm nguy cơ tái phát đến 70% (41% đối với giả dược so với 18% đối với thuốc chống trầm cảm). Hiệu quả phòng ngừa có thể kéo dài ít nhất trong 36 lần đầu tiên tháng sử dụng. Những người trải qua các đợt trầm cảm lặp đi lặp lại cần được điều trị liên tục để ngăn ngừa trầm cảm lâu dài và trầm trọng hơn. Trong một số trường hợp, người bệnh phải dùng thuốc suốt đời. Các ca bệnh kết quả kém có liên quan đến việc điều trị không phù hợp, các triệu chứng ban đầu nghiêm trọng bao gồm rối loạn tâm thần, khởi phát sớm, các đợt trước đó, phục hồi không hoàn toàn sau một năm điều trị, rối loạn tâm thần hoặc bệnh lý nặng có sẵn và rối loạn chức năng gia đình. Những người trầm cảm có tuổi thọ ngắn hơn những người không bị trầm cảm, một phần là do bệnh nhân trầm cảm có nguy cơ chết vì tự tử. Họ cũng có tỷ lệ tử vong do các nguyên nhân khác cao hơn, dễ mắc các tình trạng y tế hơn như bệnh tim. Có tới 60% số người chết vì tự tử mắc chứng rối loạn tâm trạng như trầm cảm nặng, và nguy cơ đặc biệt cao nếu một người có cảm giác tuyệt vọng rõ rệt hoặc mắc cả trầm cảm và rối loạn nhân cách ranh giới. Khoảng 2–8% người lớn bị trầm cảm nặng chết do tự tử, và khoảng 50% người chết do tự tử bị trầm cảm hoặc rối loạn tâm trạng khác. Nguy cơ tự tử suốt đời liên quan đến chẩn đoán trầm cảm nặng ở Hoa Kỳ được ước tính là 3,4%, trung bình có hai con số rất chênh lệch là gần 7% đối với nam giới và 1% đối với phụ nữ (mặc dù các nỗ lực tự tử thường xuyên hơn ở phụ nữ). Ước tính này thấp hơn đáng kể so với con số được chấp nhận trước đây là 15%, được rút ra từ các nghiên cứu cũ hơn về bệnh nhân nhập viện. Trầm cảm chính hiện là nguyên nhân hàng đầu gây ra gánh nặng bệnh tật ở Bắc Mỹ và các nước có thu nhập cao khác, và là nguyên nhân đứng hàng thứ tư trên toàn thế giới. Theo WHO, vào năm 2030, nó được dự đoán là nguyên nhân thứ hai gây ra gánh nặng bệnh tật trên toàn thế giới sau HIV. Chậm trễ hoặc thất bại trong việc tìm kiếm điều trị sau khi tái phát và việc các chuyên gia y tế không cung cấp phương pháp điều trị là hai rào cản để giảm thiểu tình trạng tàn tật. Trầm cảm có thể ảnh hưởng đến khả năng làm việc của bệnh nhân. Sự kết hợp giữa chăm sóc và hỗ trợ lâm sàng thông thường với việc trở lại làm việc (như làm việc ít giờ hơn hoặc thay đổi công việc) có thể làm giảm thời gian nghỉ ốm xuống 15% và dẫn đến ít triệu chứng trầm cảm hơn và cải thiện khả năng làm việc, giảm thời gian nghỉ ốm trung bình hàng năm là 25 ngày mỗi năm. Giúp những người trầm cảm trở lại làm việc mà không có liên quan đến chăm sóc y tế đã không được chứng minh là có ảnh hưởng đến những ngày nghỉ ốm. Các can thiệp tâm lý bổ sung (chẳng hạn như liệu pháp hành vi nhận thức trực tuyến) dẫn đến ít ngày ốm hơn so với chỉ quản lý tiêu chuẩn. Hợp lý hóa việc chăm sóc hoặc thêm các nhà cung cấp cụ thể để chăm sóc bệnh trầm cảm có thể giúp giảm thời gian nghỉ ốm. Dịch tễ học Rối loạn trầm cảm nặng ảnh hưởng đến khoảng 163 triệu người vào năm 2017 (2% dân số toàn cầu). Tỷ lệ những người bị ảnh hưởng tại một thời điểm trong cuộc đời của họ thay đổi từ 7% ở Nhật Bản đến 21% ở Pháp. Ở hầu hết các quốc gia, số người bị trầm cảm trong cuộc đời của họ nằm trong khoảng 8–18%. Ở Bắc Mỹ, xác suất mắc giai đoạn trầm cảm nghiêm trọng trong vòng một năm là 3–5% đối với nam và 8–10% đối với nữ. Trầm cảm nặng ở phụ nữ phổ biến gấp đôi so với nam giới, mặc dù vẫn chưa rõ lý do tại sao lại như vậy và liệu các yếu tố chưa được xác định có góp phần gây ra điều này hay không. Sự gia tăng tương đối liên quan đến sự phát triển dậy thì hơn là theo tuổi thời gian, đạt đến tỷ lệ trưởng thành trong độ tuổi từ 15 đến 18, và xuất hiện liên quan đến tâm lý xã hội hơn là các yếu tố nội tiết tố. Tính đến năm 2017, trầm cảm là nguyên nhân phổ biến thứ ba trên toàn thế giới gây ra khuyết tật ở cả hai giới, sau đau thắt lưng và đau đầu. Bệnh nhân có nhiều khả năng phát triển giai đoạn trầm cảm đầu tiên của họ ở độ tuổi từ 30 đến 40, và có lần mắc bệnh thứ hai, nhỏ hơn ở độ tuổi từ 50 đến 60. Nguy cơ trầm cảm nặng tăng lên khi mắc các bệnh thần kinh như đột quỵ, bệnh Parkinson, hoặc bệnh đa xơ cứng, và trong năm đầu tiên sau khi sinh con. Nó cũng phổ biến hơn sau các bệnh tim mạch, và có liên quan nhiều hơn đến những người có kết quả bệnh tim kém hơn là bệnh tốt hơn. Các nghiên cứu mâu thuẫn về tỷ lệ trầm cảm ở người cao tuổi, nhưng hầu hết các dữ liệu cho thấy có sự giảm ở nhóm tuổi này. Rối loạn trầm cảm phổ biến hơn ở người dân thành thị hơn ở nông thôn và tỷ lệ mắc hiện tăng ở các nhóm có yếu tố kinh tế xã hội kém hơn, ví dụ như người vô gia cư. Lịch sử Bác sĩ Hy Lạp cổ đại Hippocrates mô tả hội chứng u sầu như một căn bệnh riêng biệt với các triệu chứng thể chất và tinh thần đặc biệt; ông đã mô tả tất cả "nỗi sợ hãi và tuyệt vọng, nếu chúng kéo dài trong một thời gian dài" là triệu chứng của bệnh. Đó là một khái niệm tương tự nhưng rộng hơn nhiều so với chứng trầm cảm ngày nay; sự nổi bật được trao cho một nhóm các triệu chứng buồn bã, chán nản và thất vọng, và thường bao gồm cả nỗi sợ hãi, tức giận, ảo tưởng và ám ảnh. Bản thân thuật ngữ trầm cảm (depression) trong tiếng Anh đã có nguồn gốc từ động từ tiếng Latinh deprimere, "nhấn xuống". Từ thế kỷ 14, "deress" có nghĩa là để khuất phục hoặc hạ gục các linh hồn. Nó được sử dụng vào năm 1665 trong Biên niên sử của tác giả người Anh Richard Baker để chỉ một người nào đó bị "suy nhược tinh thần rất lớn", và tác giả người Anh Samuel Johnson cũng theo nghĩa tương tự vào năm 1753. Thuật ngữ này cũng được sử dụng trong sinh lý học và kinh tế học. Một cách sử dụng ban đầu đề cập đến một triệu chứng tâm thần là của bác sĩ tâm thần người Pháp Louis Delasiauve vào năm 1856, và đến những năm 1860, nó đã xuất hiện trong các từ điển y học để chỉ sự giảm chức năng cảm xúc và sinh lý. Kể từ thời Aristotle, từ melancholia đã được liên kết với những người đàn ông có học thức và trí tuệ thông minh, một mối nguy hiểm của sự suy ngẫm và sáng tạo. Khái niệm mới hơn đã loại bỏ những hiệp hội này và trong suốt thế kỷ 19, nó trở nên gắn bó hơn với phụ nữ. Mặc dù melancholia (trạng thái u buồn) vẫn là thuật ngữ chẩn đoán thống trị, nhưng trầm cảm (depression) ngày càng trở nên phổ biến trong các luận thuyết y học và là một từ đồng nghĩa vào cuối thế kỷ này; Bác sĩ tâm thần người Đức Emil Kraepelin có thể là người đầu tiên sử dụng nó như một thuật ngữ bao quát, đề cập đến các loại u sầu khác nhau như trạng thái trầm cảm. Sigmund Freud đã ví trạng thái u sầu như tang tóc trong bài báo Mourning and Melancholia năm 1917 của ông. Ông đưa ra giả thuyết rằng sự mất mát khách quan, chẳng hạn như mất đi một mối quan hệ quý giá do cái chết hoặc một cuộc chia tay lãng mạn, cũng dẫn đến mất mát chủ quan; cá nhân trầm cảm đã đồng nhất với đối tượng của tình cảm thông qua một quá trình vô thức, tự ái được gọi là ống thông âm đạo của bản ngã. Sự mất mát như vậy dẫn đến các triệu chứng u sầu trầm trọng hơn là tang tóc; không chỉ thế giới bên ngoài bị nhìn nhận tiêu cực mà bản thân bản ngã cũng bị tổn hại. Sự suy giảm nhận thức về bản thân của bệnh nhân được bộc lộ trong niềm tin về sự đổ lỗi, kém cỏi và không xứng đáng của bản thân. Ông cũng nhấn mạnh kinh nghiệm đầu đời là một yếu tố tiên quyết. Adolf Meyer đã đưa ra một khuôn khổ xã hội và sinh học hỗn hợp nhấn mạnh các phản ứng trong bối cảnh cuộc sống của một cá nhân, và cho rằng thuật ngữ trầm cảm nên được sử dụng thay vì u sầu. Phiên bản đầu tiên của DSM (DSM-I, 1952) chứa phản ứng trầm cảm và rối loạn thần kinh trầm cảm DSM-II (1968), được định nghĩa là một phản ứng quá mức đối với xung đột nội bộ hoặc một sự kiện có thể xác định được, và cũng bao gồm một loại trầm cảm hưng cảm. rối loạn tâm thần trong các rối loạn tình cảm lớn. Vào giữa thế kỷ 20, các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng trầm cảm là do sự mất cân bằng hóa học trong chất dẫn truyền thần kinh trong não, một lý thuyết dựa trên những quan sát được thực hiện vào những năm 1950 về tác dụng của Reserpine và isoniazid trong việc thay đổi mức độ dẫn truyền thần kinh monoamine và ảnh hưởng đến các triệu chứng trầm cảm. Lý thuyết về sự mất cân bằng hóa học chưa bao giờ được chứng minh. Thuật ngữ đơn cực (cùng với thuật ngữ lưỡng cực liên quan) được đặt ra bởi nhà thần kinh học và bác sĩ tâm thần Karl Kleist, và sau đó được sử dụng bởi các đệ tử của ông là Edda Neele và Karl Leonhard. Thuật ngữ Rối loạn trầm cảm chính (Major depressive disorder) được đưa ra bởi một nhóm bác sĩ lâm sàng Hoa Kỳ vào giữa những năm 1970 như là một phần của các đề xuất về tiêu chuẩn chẩn đoán dựa trên các mẫu triệu chứng (được gọi là "Tiêu chuẩn chẩn đoán nghiên cứu", dựa trên Tiêu chí Feighner trước đó), và được đưa vào DSM-III vào năm 1980. Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ đã thêm "rối loạn trầm cảm nghiêm trọng" vào Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần (DSM-III), như một phần của chứng rối loạn thần kinh trầm cảm trước đây trong DSM-II, cũng bao gồm các tình trạng hiện được gọi là rối loạn nhịp tim và rối loạn điều chỉnh với tâm trạng chán nản. Để duy trì tính nhất quán, ICD-10 đã sử dụng các tiêu chí tương tự, chỉ với những thay đổi nhỏ, nhưng sử dụng ngưỡng chẩn đoán DSM để đánh dấu giai đoạn trầm cảm nhẹ, thêm các phân loại ngưỡng cao hơn cho các giai đoạn vừa và nặng. Ý tưởng cổ xưa về sầu muộn vẫn tồn tại trong khái niệm về một nhóm nhỏ trầm cảm u sầu. Các định nghĩa mới về trầm cảm đã được chấp nhận rộng rãi, mặc dù có một số phát hiện và quan điểm trái ngược nhau. Đã có một số lập luận tiếp tục dựa trên kinh nghiệm để quay trở lại chẩn đoán bệnh u sầu. Đã có một số chỉ trích về việc mở rộng phạm vi chẩn đoán, liên quan đến việc phát triển và quảng bá thuốc chống trầm cảm và mô hình sinh học kể từ cuối những năm 1950. Xã hội và văn hoá Thuật ngữ Thuật ngữ "trầm cảm" được sử dụng theo một số cách khác nhau. Nó thường được dùng để chỉ hội chứng này nhưng có thể ám chỉ các rối loạn tâm trạng khác hoặc chỉ đơn giản là tâm trạng thấp. Khái niệm của mọi người về trầm cảm rất khác nhau, cả trong và giữa các nền văn hóa. Một nhà bình luận nhận xét: "Vì thiếu sự chắc chắn về mặt khoa học, cuộc tranh luận về chứng trầm cảm xoay quanh các câu hỏi về ngôn ngữ. Cái mà chúng ta gọi nó - là 'bệnh,' 'rối loạn', hay 'trạng thái tinh thần' - ảnh hưởng đến cách chúng ta xem, chẩn đoán và điều trị nó. " Có những khác biệt văn hóa về mức độ mà trầm cảm nghiêm trọng được coi là một căn bệnh cần điều trị chuyên môn cá nhân, hoặc là một dấu hiệu của điều gì đó khác, chẳng hạn như nhu cầu giải quyết các vấn đề xã hội hoặc đạo đức, kết quả của sự mất cân bằng sinh học hoặc phản ánh của cá nhân sự khác biệt trong cách hiểu về nỗi đau khổ có thể củng cố cảm giác bất lực và đấu tranh cảm xúc. Kỳ thị Các nhân vật lịch sử thường miễn cưỡng thảo luận hoặc tìm cách điều trị bệnh trầm cảm do sự kỳ thị của xã hội về tình trạng bệnh, hoặc do sự thiếu hiểu biết về chẩn đoán hoặc phương pháp điều trị. Tuy nhiên, việc phân tích hoặc giải thích các bức thư, nhật ký, tác phẩm nghệ thuật, bài viết, hoặc lời kể của gia đình và bạn bè về một số nhân vật lịch sử đã dẫn đến giả thuyết rằng họ có thể đã mắc một số dạng trầm cảm. Những người có thể đã bị trầm cảm bao gồm tác giả người Anh Mary Shelley, nhà văn người Anh gốc Mỹ Henry James, và tổng thống Mỹ Abraham Lincoln. Một số người nổi tiếng đương thời có khả năng bị trầm cảm bao gồm nhạc sĩ người Canada, Leonard Cohen và nhà viết kịch kiêm tiểu thuyết gia người Mỹ Tennessee Williams. Một số nhà tâm lý học tiên phong, chẳng hạn như người Mỹ William James và John B. Watson, đã phải đối phó với chứng trầm cảm của chính họ. Đã có một cuộc thảo luận kéo dài cho đến nay về việc liệu các rối loạn thần kinh và rối loạn tâm trạng có thể liên quan đến sự sáng tạo hay không, một cuộc thảo luận có từ thời Aristotle. Văn học Anh đưa ra nhiều ví dụ phản ánh về bệnh trầm cảm. Nhà triết học người Anh John Stuart Mill đã trải qua một khoảng thời gian kéo dài vài tháng về cái mà ông gọi là "trạng thái thần kinh buồn tẻ", khi một người "không thể nhận ra được sự thích thú hoặc phấn khích thú vị; một trong những tâm trạng đó khi những gì là khoái cảm vào những lúc khác, trở nên vô vị hoặc thờ ơ ". Ông đã trích dẫn "Sự từ chối" của nhà thơ người Anh Samuel Taylor Coleridge là một mô tả hoàn hảo về trường hợp của ông: "Một nỗi đau không thể nguôi ngoai, trống rỗng, tăm tối và thê lương, / Một nỗi đau buồn uể oải, ngột ngạt, không được giải tỏa, / Không tìm thấy lối thoát tự nhiên hay sự nhẹ nhõm / Bằng lời, hoặc thở dài, hoặc rơi lệ. " Nhà văn người Anh Samuel Johnson đã sử dụng thuật ngữ "con chó đen" vào những năm 1780 để mô tả chứng trầm cảm của chính mình, và sau đó nó được phổ biến bởi người mắc chứng trầm cảm, cựu Thủ tướng Anh, Sir Winston Churchill. Sự kỳ thị của xã hội đối với bệnh trầm cảm đang phổ biến và việc tiếp xúc với các dịch vụ sức khỏe tâm thần chỉ làm giảm điều này một chút. Ý kiến của công chúng về điều trị khác nhau rõ rệt so với ý kiến của các chuyên gia y tế; các phương pháp điều trị thay thế được cho là hữu ích hơn các phương pháp điều trị bằng dược lý, vốn được xem là kém hiệu quả. Tại Vương quốc Anh, Trường Cao đẳng Tâm thần Hoàng gia và Trường Cao đẳng Bác sĩ Đa khoa Hoàng gia đã tiến hành một chiến dịch chung 5 năm với bệnh Trầm cảm thất bại nhằm giáo dục và giảm kỳ thị từ năm 1992 đến năm 1996; một nghiên cứu của MORI được thực hiện sau đó cho thấy một sự thay đổi tích cực nhỏ trong thái độ của công chúng đối với bệnh trầm cảm và cách điều trị. Người già Trầm cảm đặc biệt phổ biến ở những người trên 65 tuổi và tần suất gia tăng sau độ tuổi này. Ngoài ra, nguy cơ trầm cảm tăng lên liên quan đến sự yếu ớt của cá nhân. Trầm cảm là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống ở người lớn cũng như người cao tuổi. Cả hai triệu chứng và cách điều trị ở người cao tuổi đều khác với những người còn lại trong dân số. Cũng như nhiều bệnh khác, người cao tuổi thường không có các triệu chứng trầm cảm cổ điển. Chẩn đoán và điều trị phức tạp hơn nữa ở chỗ người cao tuổi thường được điều trị đồng thời với một số loại thuốc khác, và thường mắc các bệnh đồng thời khác. Điều trị khác biệt ở chỗ các nghiên cứu về SSRI cho thấy ít tác dụng hơn và thường không đầy đủ ở người cao tuổi, trong khi các loại thuốc khác, chẳng hạn như duloxetine (một chất ức chế tái hấp thu serotonin-norepinephrine), với những tác dụng rõ ràng hơn lại có tác dụng phụ, chẳng hạn như chóng mặt, khô miệng, tiêu chảy và táo bón, có thể đặc biệt khó xử lý ở người cao tuổi. Tính đến năm 2015, liệu pháp giải quyết vấn đề là liệu pháp tâm lý duy nhất có hiệu quả đã được chứng minh và có thể được ví như một hình thức đơn giản hơn của liệu pháp hành vi nhận thức. Tuy nhiên, người cao tuổi bị trầm cảm hiếm khi được đưa ra bất kỳ phương pháp điều trị tâm lý nào và bằng chứng chứng minh các phương pháp điều trị khác hiệu quả là chưa đầy đủ. ECT đã được sử dụng ở người cao tuổi, và các nghiên cứu đăng ký cho thấy nó có hiệu quả, mặc dù ít hơn so với phần còn lại của dân số. Những rủi ro liên quan đến điều trị trầm cảm ở người cao tuổi so với lợi ích không hoàn toàn rõ ràng. Nghiên cứu Chụp MRI của những bệnh nhân bị trầm cảm đã cho thấy một số điểm khác biệt trong cấu trúc não so với những người không bị trầm cảm. Các phân tích tổng hợp của các nghiên cứu về hình ảnh thần kinh trong bệnh trầm cảm lớn báo cáo rằng, so với nhóm chứng, bệnh nhân trầm cảm có thể tích não thất bên và tuyến thượng thận tăng lên và thể tích nhỏ hơn của hạch nền, đồi thị, hồi hải mã và thùy trán (bao gồm cả vỏ não và hồi giáp). trực tràng). Tình trạng giảm cường độ liên quan đến những bệnh nhân có tuổi khởi phát muộn, và đã dẫn đến sự phát triển của lý thuyết suy giảm mạch máu. Các thử nghiệm đang xem xét tác động của độc tố botulinum đối với bệnh trầm cảm. Ý tưởng là loại thuốc này được sử dụng để làm cho người đó trông bớt cau có hơn và điều này ngăn chặn phản hồi tiêu cực từ khuôn mặt. Tuy nhiên, vào năm 2015, kết quả cho thấy rằng những tác động tích cực một phần đã được quan sát thấy cho đến thời điểm đó có thể là do tác dụng của giả dược. Trong năm 2018–2019, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cấp chỉ định liệu pháp Đột phá cho Con đường Thiện tâm và riêng Viện Usona. La bàn là một công ty vì lợi nhuận nghiên cứu psilocybin cho bệnh trầm cảm kháng điều trị; Usona là một tổ chức phi lợi nhuận nghiên cứu psilocybin cho chứng rối loạn trầm cảm nghiêm trọng trên phạm vi rộng hơn. Mô hình động vật Mô hình của trầm cảm ở động vật với mục đích của nghiên cứu bao gồm kiểm tra mô hình trầm cảm (chẳng hạn như trầm cảm do thuốc gây ra), ép buộc phải bơi, kiểm tra hệ thống treo đuôi, và mô hình bất lực học. Các tiêu chí thường được sử dụng để đánh giá trầm cảm ở động vật bao gồm biểu hiện của sự tuyệt vọng, thay đổi thần kinh và rối loạn trương lực cơ, vì nhiều tiêu chí khác về trầm cảm là không thể kiểm tra được ở động vật, chẳng hạn như cảm giác tội lỗi và xu hướng tự tử.
Trong vật lý học, ma sát là một loại lực cản xuất hiện giữa các bề mặt vật chất, chống lại xu hướng thay đổi vị trí tương đối giữa hai bề mặt. (Nói đơn giản là các lực cản trở chuyển động của một vật, tạo ra bởi những vật tiếp xúc với nó, được gọi là lực ma sát.) Lực ma sát làm chuyển hóa động năng của chuyển động tương đối giữa các bề mặt thành năng lượng ở dạng khác. Việc chuyển hóa năng lượng thường là do va chạm giữa phân tử của hai bề mặt gây ra chuyển động nhiệt hoặc thế năng dự trữ trong biến dạng của bề mặt hay chuyển động của các electron, được tích lũy một phần thành điện năng hay quang năng. Trong đa số trường hợp trong thực tế, động năng của các bề mặt được chuyển hóa chủ yếu thành nhiệt năng. Về bản chất vật lý, lực ma sát xuất hiện giữa các vật thể trong cuộc sống là lực điện từ, một trong các lực cơ bản của tự nhiên, giữa các phân tử, nguyên tử. Có thể xấp xỉ lực ma sát tỷ lệ với lực ép hai bề mặt lên nhau, áp lực F0 vuông góc với hai bề mặt, và hệ số ma sát, k, giữa các vật liệu: Phân loại Có ba loại lực ma sát: ma sát trượt, ma sát nghỉ, ma sát lăn. Ma sát nghỉ Ma sát nghỉ (hay còn được gọi là ma sát tĩnh) là lực xuất hiện giữa hai vật tiếp xúc mà vật này có xu hướng chuyển động so với vật còn lại nhưng vị trí tương đối của chúng chưa thay đổi. Ví dụ như, lực ma sát nghỉ ngăn cản một vật định trượt (chuẩn bị trượt nhưng vị trí tương đối vẫn chưa thay đổi nhiều - thay đổi ít) trên bề mặt nghiêng. Hệ số của ma sát nghỉ, thường được ký hiệu là μt, thường lớn hơn so với hệ số của ma sát động. Lực ban đầu làm cho vật chuyển động thường bị cản trở bởi ma sát nghỉ Một ví dụ khác về lực ma sát nghỉ là: lực ma sát nghỉ ngăn cản khiến cho bánh xe khi mới khởi động lăn không được nhanh như khi nó đang chạy. Mặc dù vậy khi bánh xe đang chuyển động, bánh xe vẫn chịu tác dụng của lực ma sát động. Cho nên lực ma sát nghỉ lớn hơn lực ma sát động. Lực ma sát nghỉ giúp cho vật không bị tác dụng bởi lực khác. Giá trị lớn nhất của lực ma sát nghỉ, khi vật bắt đầu chuyển động, hay ma sát nghỉ cực đại, được tính bằng công thức: F = F0kt với: kt là hệ số ma sát tĩnh. F0 là lực tác dụng mà vật tác dụng lên mặt phẳng Ma sát động Ma sát động xuất hiện khi một vật chuyển động so với vật còn lại và có sự cọ xát giữa chúng. Hệ số của ma sát động thường nhỏ hơn hệ số ma sát nghỉ. Mỗi loại ma sát động lại có một ký hiệu khác nhau: Các loại ma sát động: Ma sát trượt xuất hiện khi hai vật thể trượt trên nhau. Lực ma sát trượt cản trở làm cho vật đó không trượt nữa. Ví dụ như đẩy một quyển sách trên mặt bàn Ma sát nhớt là sự tương tác giữa một vật thể rắn và một chất lỏng hoặc một chất khí, ví dụ như một vật thể di chuyển qua môi trường lỏng hoặc khí. Lực ma sát của không khí tác dụng lên máy bay hay của nước tác dụng lên người thợ lặn đều là các ví dụ về lực ma sát nhớt. Loại lực ma sát này không chỉ xuất hiện do sự cọ xát - trường hợp này tạo ra lực ma sát có phương trùng với tiếp tuyến của bề mặt tiếp xúc giống như lực ma sát trượt, mà nó còn xuất hiện khi có lực vuông góc với bề mặt tiếp xúc. Lực này góp một phần đáng kể (là một phần quan trọng khi vận tốc của vật thể đủ lớn) tạo nên ma sát nhớt. Chú ý rằng trong một số trường hợp, lực này sẽ nâng vật thể lên cao. Ma sát lăn là lực ngăn cản lại sự lăn của một bánh xe hay các vật có dạng hình tròn trên mặt phẳng bởi sự biến dạng của vật thể và/ hoặc của bề mặt(có thể cũng không nhất thiết là có dạng hình tròn). Lực ma sát lăn nhỏ hơn các lực ma sát động khác. Hệ số ma sát lăn thường có giá trị là 0,001. Ví dụ điển hình nhất của lực ma sát lăn là sự di chuyển của bánh các loại xe trên đường Ma sát trượt Lực ma sát là lực cản trở chuyển động của vật này so với vật khác. Lực ma sát xuất hiện giữa bề mặt tiếp xúc của hai vật và phụ thuộc vào bề mặt tiếp xúc, độ lớn của áp lực, không phụ thuộc vào diện tích tiếp xúc và tốc độ của vật. Biểu thức: Trong đó: : độ lớn của lực ma sát trượt (N) : hệ số ma sát trượt N: Độ lớn áp lực (phản lực) (N) Đặc điểm của ma sát trượt Điểm đặt lên vật sát bề mặt tiếp xúc. Phương song song với bề mặt tiếp xúc. Chiều ngược với chiều chuyển động tương đối so với bề mặt tiếp xúc. Hệ số ma sát Hệ số ma sát không phải là một đại lượng có đơn vị, nó biểu thị tỉ số của lực ma sát nằm giữa hai vật trên lực tác dụng đồng thời lên chúng. Hệ số ma sát phụ thuộc vào chất liệu làm nên vật; ví dụ như, nước đá trên thép có hệ số ma sát thấp (hai vật liệu có thể trượt dễ dàng trên bề mặt của nhau), cao su trên mặt đường có hệ số ma sát lớn(hai loại vật liệu không thể dễ dàng trượt trên bề mặt của nhau). Các hệ số ma sát có thể nằm trong khoảng từ 0 cho tới một giá trị lớn hơn 1. Trong điều kiện tốt, lốp xe trượt trên bê tông có thể tạo ra hệ số ma sát với giá trị là 1,7. Lực ma sát luôn luôn có xu hướng chống lại chuyển động (đối với lực ma sát động) hoặc xu hướng chuyển động (đối với ma sát nghỉ) giữa hai bề mặt tiếp xúc nhau. Ví dụ như, một hòn đá trượt trên băng đã chịu tác dụng của lực ma sát động làm chậm nó lại. Một ví dụ về lực ma sát chống lại xu hướng chuyển động của vật, bánh xe của một chiếc xe đang tăng tốc chịu tác dụng của lực ma sát hướng vế phía trước; nếu không có nó bánh xe sẽ bị trượt ra phía sau. Chú ý rằng trong trường hợp này lực ma sát không chống lại chiều chuyển động của phương tiện mà nó chống lại xu hướng trượt trên đường của lốp xe. Hệ số ma sát là một đại lượng mang tính thực nghiệm; nó được xác định ra trong quá trình thí nghiệm chứ không phải từ tính toán. Những bề mặt ráp có khả năng tạo nên những giá trị cao hơn cho hệ số ma sát. Hầu hết các vật liệu khô kết hợp với nhau cho ta hệ số ma sát nằm trong khoảng từ 0.3 đến 0.7. Các giá trị ngoài tầm này thường rất hiếm gặp, nhưng Teflon có thể có hệ số ma sát thấp với giá trị là 0,04. Hệ số ma sát có giá trị không chỉ xuất hiện trong trường hợp bay lên nhờ có từ trường. Cao su trên các mặt tiếp xúc khác thường có hệ số ma sát nằm trong khoảng 1,0 đến 2.0. Một số hệ số ma sát Trong điều kiện nhất định, một số vật liệu có hệ số ma sát rất thấp. Ví dụ như graphite (nhiệt phân có trật tự cao) mà hệ số ma sát là dưới 0,01. Kiểu này được gọi là siêu trơn. Ứng dụng của ma sát trong cuộc sống xã hội Lực ma sát có thể được ứng dụng để làm biến dạng các bề mặt như trong kỹ thuật đánh bóng, mài gương, sơn mài,... Nó được dùng để hãm tốc độ các phương tiện giao thông, chuyển động năng của phương tiện thành nhiệt năng và một phần động năng của Trái Đất. Nhiệt năng sinh ra bởi lực ma sát còn được ứng dụng để đánh lửa, trong đá lửa, hoặc các dụng cụ tạo lửa của người tiền sử như theo một số giả thuyết. Giảm lực ma sát Lực ma sát cũng gây nhiều ảnh hưởng đôi khi ngược với mong muốn. Nó ngăn trở chuyển động, gây thất thoát năng lượng. Nó mài mòn các hệ thống cơ học cho đến lúc các hệ thống này bị biến dạng vượt qua ngưỡng cho phép của thiết kế. Nhiệt năng sinh ra bởi lực ma sát có thể gây chảy hoặc biến chất vật liệu, thay đổi hệ số ma sát. Trong các trường hợp như vậy, có thể áp dụng các phương pháp làm giảm ma sát liệt kê dưới đây. Chuyển ma sát trượt thành ma sát lăn Các ổ bi, chuyển ma sát trượt thành ma sát lăn, giúp giảm đáng kể ma sát trong các hệ thống cơ học. Giảm ma sát tĩnh Đối với các đoàn tàu hỏa trước đây, khi khởi động, đầu tàu được đẩy giật lùi, tạo khe hở giữa các toa tàu, trước khi tiến. Động tác này giúp đầu tàu kéo từng toa tàu một, chỉ phải chống lại lực ma sát tĩnh của mỗi toa một lúc. Thay đổi bề mặt Việc sử dụng các chất bôi trơn, như dầu mỡ hay bột than chì, giữa các bề mặt rắn có tác dụng giảm hệ số ma sát. Hiện tượng siêu trơn vừa được khám phá đối với than chì: một lượng rất nhỏ động năng bị chuyển thành nhiệt năng nhờ vào tương tác giữa các điện tử và/hoặc dao động mạng nguyên tử. Bôi trơn âm học dùng âm thanh để tạo ra tương tác giảm ma sát.
Augustin-Louis Cauchy (đôi khi tên họ được viết là Cô-si) là một nhà toán học người Pháp sinh ngày 21 tháng 8 năm 1789 tại Paris và mất ngày 23 tháng 5 năm 1857 cũng tại Paris. Ông vào học Trường Bách khoa Paris (École Polytechnique) lúc 16 tuổi. Năm 1813, ông từ bỏ nghề kỹ sư để chuyên lo về toán học. Ông dạy toán ở Trường Bách khoa và thành hội viên Hàn lâm viện Khoa học Pháp. Công trình lớn nhất của ông là lý thuyết hàm số với ẩn số tạp. Ông cũng đóng góp rất nhiều trong lãnh vực toán tích phân và toán vi phân. Ông đã đặt ra những tiêu chuẩn Cauchy để nghiên cứu về sự hội tụ của các dãy trong toán học. Tiểu sử Tuổi trẻ và giáo dục Cauchy là con trai của Louis François Cauchy (1760-1848) và Marie-Madeleine Desestre. Cauchy có hai anh em, Alexandre Laurent Cauchy (1792-1857), người đã trở thành chủ tịch của một bộ phận tòa án phúc thẩm vào năm 1847, và một thẩm phán của tòa án giám đốc thẩm vào năm 1849, và Eugène François Cauchy (1802-1877), một nhà báo cũng là người đã viết một số tác phẩm toán học. Cauchy kết hôn với Aloise de Bure năm 1818. Cô ấy là một họ hàng của các nhà xuất bản đã xuất bản hầu hết các công trình của ông. Cauchy có hai con gái là Marie Françoise Alicia (1819) và Marie Mathilde (1823). Cha Cauchy (Louis Francois Cauchy) là một viên chức cao trong cảnh sát Paris của chế độ mới. Ông đã mất chức vụ của mình vì cuộc Cách mạng Pháp (ngày 14 tháng 7 năm 1789) nổ ra một tháng trước khi Cauchy được sinh ra. Gia đình Cauchy sống sót qua cuộc cách mạng và Thời kì Khủng bố (tạm dịch từ Reign of Terror) và trốn thoát đến Arcueil, nơi ông được giáo dục đầu tiên từ cha của mình. Sau những thực hiện của Robespierre, gia đình trở về Paris an toàn. Cha ông (Louis-François Cauchy) tìm thấy cho mình một công việc hành chính và nhanh chóng lên chức. Khi Napoléon Bonaparte lên nắm quyền vào năm 1799,cha Cauchy được thăng tiến thêm một bước, trở thành Tổng thư ký của Thượng viện, làm việc trực tiếp dưới quyền của Laplace (người được biết đến với công trình toán học của mình). Nhà toán học nổi tiếng Lagrange cũng không quá xa lạ với gia đình Cauchy. Theo lời khuyên của Lagrange, Augustin-Louis được ghi danh vào École Centrale du Panthéon, trường trung học tốt nhất của Paris tại thời điểm đó, trong mùa thu 1802. Hầu hết các chương trình giảng dạy bao gồm các ngôn ngữ cổ điển; Cauchy - một chàng trai trẻ và đầy tham vọng, là một sinh viên xuất sắc, giành được nhiều giải thưởng trong tiếng Latinh và Nhân văn học. Mặc dù những thành công này, Cauchy đã chọn một sự nghiệp kỹ thuật, và chuẩn bị cho bản thân thi đỗ vào École Polytechnique. Năm 1805, ông đứng thứ hai trong số 293 ứng viên về kỳ thi này, và được nhận tuyển. Một trong những mục đích chính của trường là để cung cấp cho các kỹ sư dân dụng và quân sự trong tương lai một nền giáo dục khoa học và toán học cao cấp. Nhà trường có chức năng theo kỷ luật quân đội, khiến cho Cauchy có một số vấn đề trong việc thích nghi. Tuy nhiên, ông đã hoàn thành Polytechnique năm 1807, lúc 18 tuổi, và đã đi vào École des Ponts et Chaussées (Trường Cầu Đường). Ông tốt nghiệp kỹ sư dân dụng, với các danh hiệu cao nhất. Những năm tháng kỹ thuật Sau khi hoàn thành khoá học vào năm 1810, Cauchy chấp nhận một công việc kỹ sư cơ sở tại Cherbourg, nơi Napoleon có ý định xây dựng một căn cứ hải quân. Augustin-Louis ở lại trong ba năm, và mặc dù ông đã có một công việc quản lý vô cùng bận rộn, ông vẫn tìm thấy thời gian để chuẩn bị ba bản thảo toán học mà ông đã gửi hội đồng cấp cao của Học viện Pháp quốc. Hai bản thảo đầu tiên về khối đa diện đã được chấp nhận, bản thứ ba về Mặt cắt hình nón đã bị từ chối. Tháng 9 năm 1812, Cauchy bây giờ 23 tuổi, sau khi trở bệnh do làm việc quá sức, Cauchy quay về Paris. Một lý do khác cho sự trở về của ông là do ông đã mất đi sự yêu thích trong công việc kỹ thuật của mình, ngày càng bị thu hút bởi vẻ đẹp trừu tượng của toán học tại Paris, nơi ông sẽ tìm được một vị trí tốt hơn liên quan đến toán học. Mặc dù ông vẫn giữ vị trí kỹ thuật của mình, ông đã được chuyển từ biên chế của Bộ Hàng hải sang Bộ Nội vụ. Nhà toán học Pháp Sinh viên trường Bách khoa Paris Nhà toán học thế kỷ 18 Người Paris Tín hữu Công giáo Pháp Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Pháp Lịch sử vi tích phân
Thuật ngữ Ajax có thể liên quan đến: Ajax Amsterdam, đội bóng chủ chốt của Amsterdam, Hà Lan Ajax (lập trình), viết tắt của Asynchronous JavaScript and XML, một kỹ thuật mới để phát triển ứng dụng web Ajax (thần thoại), trong Thần thoại Hy Lạp JavaScript
NetNam là một công ty tiên phong về lĩnh vực Internet ở Việt Nam (từ 1993). Mục tiêu chính của công ty là phát triển việc nghiên cứu, cung cấp các mạng lưới thông tin đến cộng đồng bằng những công nghệ tiên tiến nhất. Sau 2 năm thử nghiệm cung cấp dịch vụ điện thư, vào năm 1994, NetNam trở thành nhà cung cấp dịch vụ Internet đầu tiên tại Việt Nam, với dịch vụ thư điện tử dưới tên miền quốc gia .vn. Các dịch vụ dựa trên thư điện tử như diễn đàn, liên lạc nội bộ, thư viện điện tử... được cung cấp cho hàng ngàn khách hàng chỉ sau 1 năm giới thiệu. Các dịch vụ khác như thiết kế Web, FTP, TelNet... được NetNam cung cấp đầy đủ khi Internet được chính thức cho phép hoạt động tại Việt Năm từ 1997. NetNam là đơn vị đầu tiên mang Internet đến Việt Nam và là một trong những ISP đầu tiên của Việt Nam. Năm 1998, Công ty NetNam chính thức được thành lập với vai trò làm cầu nối giữa nghiên cứu và thực tiễn. Lịch sử từ những năm 1992, một nhóm kỹ sư của Viện công nghệ thông tin, đứng đầu là KS Trần Bá Thái, đã bắt tay vào nghiên cứu về công nghệ mạng máy tính và các dịch vụ tiền thân của Internet. Năm 1993, các ý tưởng về việc hình thành một mạng máy tính cung cấp dịch vụ cho người dân được hình thành 7/12/1994: NetNam - mạng e-mail đầu tiên tại Việt Nam ra đời từ phòng Hệ thống mạng máy tính của Viện Công nghệ thông tin Năm 1997: NetNam trở thành một trong 4 nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) đầu tiên tại Việt Nam Tháng 10 năm 1998: Thành lập Doanh nghiệp nhà nước - Công ty NetNam, trực thuộc Viện Công nghệ thông tin. Tháng 5 năm 1999: Văn phòng giao dịch tại Press Club chính thức khai trương Tháng 7 năm 2000: Chi nhánh NetNam tại Thành phố Hồ Chí Minh chính thức hoạt động Tháng 2 năm 2001: khai trương trang thông tin home.netnam.vn Tháng 10 năm 2003: Nhân sự NetNam vượt qua con số 100 Tháng 2 năm 2004: Bắt đầu thử nghiệm cung cấp dịch vụ Internet băng rộng Tháng 2 năm 2006: Đổi tên trang home.netnam.vn, tạo logo và khai trương trang thông tin thoibaoviet.com Tháng 5 năm 2006: Trở thành nhà cung cấp giải pháp hàng đầu cho các khách sạn 5 sao tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh Tháng 5/2010: NetNam tiến hành đại hội cổ đông thành lập, chuyển thành Công ty cổ phần NetNam Tổ chức Sau khi chuyển thành Công ty cổ phần, Ban lãnh đạo của NetNam: Hội đồng Quản trị: Chủ tịch: ông Trần Bá Thái Phó Chủ tịch: ông Nguyễn Trung Chính Thành viên: ông Vũ Thế Bình, ông Ngô Đức Anh, ông Hoàng Ngọc Hùng Ban Tổng giám đốc: Tổng Giám đốc: ông Vũ Thế Bình Phó Tổng giám đốc: ông Ngô Đức Anh Trước khi cổ phần hóa, NetNam là đơn vị trực thuộc Viện Công nghệ thông tin, trong quá trình hoạt động luôn được viện định hướng, hỗ trợ, hợp tác, chuyển giao trong nghiên cứu, phát triển công nghệ. Bộ phận Nghiên cứu - Phát triển của NetNam được sự hỗ trợ đắc lực của cán bộ của Viện CNTT (gồm hơn 200 chuyên gia cao cấp, trong đó có 60 tiến sĩ và phó tiến sĩ, 16 giáo sư và phó giáo sư). Với chức năng kinh doanh, NetNam có khả năng sử dụng các chuyên gia cao cấp để triển khai các dự án công nghệ thông tin cỡ lớn. Công ty NetNam hiện có trên 170 cán bộ, tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Các sản phẩm, dịch vụ NetNam cung cấp 3 mảng dịch vụ chính là ISP, OSP và MSP: Các dịch vụ ISP: gồm các dịch vụ truy nhập Internet, metronet, dịch vụ diện rộng, IPLC/MPLS... Hiện dịch vụ truy nhập Internet của NetNam được cung cấp trên nền cả hai loại giao thức Internet là IPv4 và IPv6 (ISP đầu tiên cung cấp dịch vụ loại này) Các dịch vụ OSP: gồm tên miền, hosting, co-location, server-hosting, e-mail, e-mail marketing, website,... Các dịch vụ MSP gồm các dịch vụ thuê ngoài ICT, quản trị an toàn thông tin, quản trị mạng, quản trị máy chủ, quản trị hạ tầng CNTT... Ngoài ra, NetNam cung cấp các giải pháp liên quan đến networking và Internet, như các giải pháp Wi-Fi, an toàn an ninh mạng,...
Chùa Bổ Đà, còn được gọi là chùa Bổ, chùa Tam Giáo, còn có tên chữ là Tứ Ân tự (四恩寺) là một ngôi chùa toạ lạc trên ngọn núi Phượng Hoàng (Bổ Đà sơn), bờ tả dòng sông Cầu, thuộc địa phận thôn Thượng Lát, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang (thời phong kiến là xã Tiên Lát, tổng Tiên Lát, huyện Yên Việt, phủ Bắc Hà, trấn Kinh Bắc xưa). Chùa nằm cách trung tâm thị trấn Bích Động khoảng 10 km về phía Tây, Chùa Bổ Đà là một trong những ngôi chùa độc đáo nhất vùng đất Kinh Bắc, là trung tâm Phật giáo lớn của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Chùa đã được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt năm 2016 và bộ kinh phật khắc trên gỗ thị lưu giữ trong chùa được đánh giá là cổ nhất của dòng thiền Lâm Tế,... Chùa Bổ là một trong những nơi còn giữ nguyên bản nét kiến trúc truyền thống Việt cổ. Chùa có kiến trúc độc đáo và khác biệt so với các ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc Việt Nam, vườn tháp đẹp và lớn nhất Việt Nam, nhiều cổ vật có giá trị và kho tàng di sản Hán - Nôm phong phú. Đây cũng là nơi sơn thủy giao hòa, nhìn sông tựa núi, cảnh sắc, không gian nhuốm màu huyền thoại, xung quanh là đồi núi xóm làng bao bọc. Chùa thờ Tam giáo, trong đó có Quán Thế Âm Bồ Tát, Trúc Lâm Tam tổ (gồm Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang), Khổng Tử... Các cuốn sách bằng tre, đá để lại vẫn lưu truyền đào tạo những người gia nhập phái Lâm Tế (Sơn Môn Bồ Đà) theo phong tục cũ. Quần thể chùa Bổ Đà là một tập hợp di tích gồm: chùa cổ có tên là Bổ Đà sơn (gọi tắt là chùa Bổ Đà, chùa Bổ; còn gọi là chùa Quán Âm), chùa chính Tứ Ân, Am Tam Đức (xây dựng sau, vào thời Hậu Lê). Ngoài ra trên núi Bổ Đà còn có đền thờ Thạch tướng quân (tức Thạch Tướng Đại Vương - có công giúp vua Hùng thứ 16 chống giặc ngoại xâm). Trụ trì hiện nay của nhà chùa là Đại đức Thích Tục Vinh (thế danh: Trương Lý Vinh), Ủy viên Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bắc Giang nhiệm kỳ V (2017-2022). Tên gọi Sự tích về ông tiều phu Câu chuyện truyền thuyết về sự ra đời của chùa Bổ Đà mang nhiều huyền bí. Tương truyền, vào khoảng thế kỷ thứ XI, dưới chân núi có một gia đình tiều phu tuy nghèo nhưng rất tốt bụng, chăm chỉ hiền lành, dân trong làng ai cũng quý mến. Hiềm một nỗi đã ngoài 40 tuổi mà họ vẫn chưa có con. Một hôm người chồng vác búa cắp rìu lên núi kiếm củi bỗng gặp một gốc cây thông già, mỗi nhát bổ ông lại niệm: "Quan thế âm Phật". Sau đó được 32 đồng tiền ở gốc cây, tự lấy làm lạ bèn đến vị cao tăng hỏi thì cao tăng bảo rằng: "Đức phật quan âm có 32 điều ứng". Người tiều phu khấn cầu rằng: "Nhược bằng đức Phật quan âm phù hộ cho tôi sinh con trai, tôi xin dựng chùa thờ". Quả nhiên sau đó người tiều phu có con trai thực, rồi dành dụm được ít tiền bèn dựng một ngôi chùa ngay gốc cây thông già, lợp gianh và tô một pho tượng Quan âm Tống Tử để hương khói phụng thờ. Sau dần dần nhiều người qua lại lễ bái, cầu việc gì cũng đều biến ứng, bèn trở nên nơi danh lam thắng cảnh, vì thế gọi tên là chùa ông Bổ. Vì là chùa thờ vị Phật Đà (Bụt Đà, có nguồn gốc từ chữ Buddha) đã ứng hiện giúp ông tiều phu (ông bổ củi) nên gọi là chùa Bổ Đà. Cũng có cách giải thích khác rằng, Bổ Đà là cách gọi chệch từ Phổ Đà - có nguồn gốc từ chữ Phật Đà. Đây là nơi đức Quán Âm Bồ Tát ứng hiện cứu đời nên còn được gọi là chùa Quán Âm. Sau này, chùa bao gồm cả chùa Tứ Ân, nên nó còn có tên Tứ Ân tự (tên gọi của chùa chính được gọi cho cả quần thể chùa bao gồm chùa Tứ Ân, chùa Quán Âm, chùa Cao...). Các di tích Phật giáo Các di tích dân gian bản địa Lịch sử Sách Bắc Ninh toàn tỉnh địa dư chí có ghi: Núi Bổ Đà là ngọn núi bậc nhất của huyện Việt Yên. Bắt đầu từ Thái Nguyên qua Yên Thế mà lại. Nhiều ngọn liên tiếp quây quần, bỗng nổi lên núi Bổ Đà, vừa cao vừa to. Trong đó lại gọi riêng ngọn núi cao nhất là núi Phượng Hoàng. Những ngọn thấp hơn một chút là núi Yên Ngự, núi Kim Quy. Núi có chùa Tam Giáo, có miếu Thạch tướng quân. Dấu vết vật chất và thư tịch còn lại ở chùa cho biết Chùa có từ thời nhà Lý thế kỷ 11 và được xây dựng lại vào thời Lê Trung hưng, dưới triều vua Lê Dụ Tông (1705-1728). Trong cuộc chiến tranh Việt - Tống 1077, quân Tống trú quân ở vùng đồi núi rừng cây Tiên Lát quanh khu vực chùa Bổ. Sau lần tấn công thất bại ở Như Nguyệt, Quách Quỳ quyết định chọn điểm tấn công lần thứ hai là ở xã Tam Đa vì đoạn sông Cầu ở đây nông và hẹp, dễ vượt qua để tiến về Thăng Long. Lý Thường Kiệt đã dự phòng tình huống trên, nên đã đắp phòng tuyến cao và cắm rào tre dày, lập trại ngựa chiến và ém quân trong những nơi rậm rạp. Quân Tống lợi dụng ban đêm từ vùng lòng chảo núi Tiên Lát bí mật tiến ra bờ sông, kết cây làm bè lớn, mỗi bè chở được 500 quân, rồi bất ngờ hạ thủy nhiều bè, ào ạt chở đại quân tiến vào địa phận Thọ Đức - Phấn Động, liều mạng mở đường đột phá. Khi đó quân Lý nhất loạt xông ra, từ trên bờ cao đánh xuống. Quân Tống nguy khốn muốn về không được. Toàn bộ đội quân Tống sang sông bị tan rã, phần lớn bị tiêu diệt, số còn lại phải đầu hàng. Sau trận thất bại này Quách Quỳ mất hẳn khả năng tấn công, phải ra lệnh ai bàn đánh sẽ bị chém. Năm Quý Mão (1723) niên hiệu Bảo Thái nhà Lê (1720 - 1729) có vị trụ trì tên là Phạm Kim Hưng làm quan giữ sách nhà Lê trong chiều. Do bất mãn với triều đình, ông xin từ quan về quê lập nghiệp. Thời bấy giờ triều đình cho phép người dân theo tín ngưỡng của 3 đạo chính là Thích - Khổng - Lão. Trong cung đình Nhà Lê, cứ một tuần lại có một buổi giảng về các thuyết Tam Đạo. Cũng như chùa Bút Tháp, Bồ Đà chỉ dành riêng cho các bậc vua chúa tu hành. Sau khi từ quan, với những bài giảng về đạo, cụ Phạm Kim Hưng cũng xuống tóc vào chùa Bổ một lòng hướng về cõi Phật. Phạm Kim Hưng tiến hành trùng tu toà chính diện, thiêu hương, tiền đường, dựng cột đá, cột gỗ làm thêm được vài gian, nhưng bia đá chữ mờ không còn gì là dấu vết người xưa. Đến niên hiệu Cảnh Hưng nhà Lê (vua Lê Hiển Tông 1740 - 1786) có vị sư tổ họ Ngô (sư tổ Ngô Tính Ánh, Ngô Tuệ Không) quê ở làng Bình Vọng, huyện Thượng Phúc, tỉnh Hà Nội (nay là huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội). Ngài từ bỏ vinh hoa phú quý, xuất gia tu đạo, sắc phong là Hảo tiết hoà thượng, tự là Tinh Anh, vân du tới đây ngắm thấy phong cảnh địa linh tịch tĩnh, có thể lập thành nơi kha trường thuyết pháp, bèn cùng với nhân dân xây dựng chùa Tứ Ân và am Tam Đức (lúc này am mới có 3 tháp sư tổ). Lại trùng tu chùa Quán Âm, dùng gỗ lim gạch ngói xây dựng một gian, cử tăng già chùa Tứ Ân chủ trì. Từ đó trở thành nơi tùng lâm sầm uất. Kế truyền đến đời thứ tư là hoà thượng Chiếu Không, trùng tu một ngôi hai gian bằng đá xây vào năm Giáp Ngọ (1834), niên hiệu Minh Mạng (1820 - 1840). Đến niên hiệu Thiệu Trị (1841 – 1847) lại đúc tượng Quan Thế Âm, tiếp tục xây dựng chùa Tứ Ân nhất nhất đều mới. Niên hiệu Tự Đức (1847 – 1883) đệ tử là ngài Phả Thuần lại dựng tiền đường năm gian làm nơi từ tụng. Đến đây, toàn bộ quần thể chùa Bổ đã hoàn thành có tới 100 gian. Từ năm 1786 trở đi, trải qua nhiều hòa thượng kế tiếp xây dựng chùa Bổ, các hoà thượng Như Chiếu, Phả Tiến và các Hòa thượng sau này đã nhiều lần trùng tu mở mang xây dựng thêm chùa thành nơi tùng lâm quy mô rộng lớn. Theo Đại đức Thích Tục Vinh, trụ trì chùa hiện nay thì, không phải chỉ có vị sư Phạm Kim Hưng từ quan về đây tu hành mà lần lượt có 18 vị nữa, tổng cộng là có 19 vị. Khi còn làm triều chính thì có người theo đạo Phật, người theo đạo Nho, người theo đạo Lão. Khi đến chùa thì đều theo đạo Phật, nhưng trò nào thì cũng phải thờ thầy (phụ mẫu tại đường, chư phật tại thế), cho nên chùa thờ Tam giáo. Đây là điều đặc biệt mà ít có ở các ngôi chùa khác tại Việt Nam. Trải qua những biến động thăng trầm của lịch sử, dù nhiều cuộc chiến tranh đã đi qua nhưng thật may mắn cho chùa Bồ Đà vẫn giữ nguyên được vẻ cổ kính như thuở khai thiên. Trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp, Mỹ; chùa Bồ Đà cũng từng là nơi căn cứ địa cách mạng của Quân đội Nhân dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đề nghị nhà chùa chọn Bồ Đà làm nơi đào tao đội quân trinh sát, phục vụ cho sự nghiệp giải phóng miền Nam. Ngày 31 tháng 1 năm 1992, chùa Bổ được công nhận là di tích Kiến trúc - Nghệ thuật cấp quốc gia theo Quyết định số 138/QĐ của Bộ Văn hóa, Thông tin và Thể thao do Thứ trưởng Vũ Khắc Liên ký phê duyệt. Năm 2007, Bộ Văn hoá - Thông tin đầu tư 17 tỉ đồng đại tu toàn bộ khu di tích. Ngày 22 tháng 12 năm 2016, chùa Bổ Đà (cùng 12 di tích khác) được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt (đợt 7) theo Quyết định số 2499/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký phê duyệt. Ngày 12 tháng 3 năm 2017 (tức ngày 15 tháng 2 năm Đinh Dậu), nhân dịp lễ hội chùa Bổ Đà xuân Đinh Dậu, UBND tỉnh Bắc Giang long trọng tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt này. Di sản nổi bật Chùa Bổ Đà là một trong những trung tâm Phật giáo lớn của dòng thiền phái Trúc Lâm, là một trong những nơi còn giữ nguyên bản nét kiến trúc truyền thống Việt cổ. Hiện chùa Bổ Đà còn nhiều tài liệu, hiện vật, cổ vật quý có giá trị lớn về mặt văn hóa, lịch sử, kiến trúc và mỹ thuật. Đặc biệt là Mộc bản kinh Phật cổ nhất Việt Nam được khắc trên gỗ thị. Gần đây người ta phát hiện thấy một di vật rất thú vị của nhà văn Nguyên Hồng tại chùa, đó là một bản chép tay những quy chế của nhà chùa hồi ông trốn đời đi tu. Trung tâm Phật giáo lớn của thiền phái Trúc Lâm Chùa Bổ Đà là một trong những trung tâm Phật giáo lớn của dòng thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Thiền phái Trúc Lâm là thiền tông thứ tư ở Việt Nam do Điều Ngự giác hoàng Trần Nhân Tông (1279 - 1293) lập ra (thiền phái này được xem là tiếp nối của dòng Yên Tử, dòng Yên Tử lại là sự hợp nhất của ba dòng thiền Việt Nam của thế kỉ thứ 12 – đó là dòng Thảo Đường, Vô Ngôn Thông và Tì-ni-đa-lưu-chi) có tính chất độc lập sáng tạo của Phật giáo ở Việt Nam. Điều Ngự giác hoàng Trần Nhân Tông được coi là tổ đệ nhất. Tổ đệ nhị là Kim Cương Pháp Loa và tổ đệ tam là Huyền Quang (gọi chung là Trúc Lâm Tam tổ). Cả ba vị tổ đều có tượng thờ ở nhà tổ của chùa. Sau này, vào thế kỷ 18 - 19, thiền phái Trúc Lâm hòa vào Lâm Tế tông và chùa Bổ Đà cũng được coi là một trong những trung tâm Phật giáo lớn của dòng thiền Lâm Tế. Đây là nơi kế truyền các vị tổ sư khai trường thuyết pháp đào tạo các tăng ni. Hàng năm kết hạ an cư có các vị tăng ni tín đồ tham thiền học đạo khá đông. Nét kiến trúc truyền thống Việt cổ Chùa Bổ là một trong những nơi còn giữ nguyên bản nét kiến trúc truyền thống Việt cổ. Chùa có kiến trúc độc đáo và khác biệt so với các ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc Việt Nam, đó là lối kiến trúc "nội thông ngoại bế" tạo vẻ u tịch, thanh vắng, linh thiêng. Với hệ thống bố cục kiến trúc hài hòa được xây dựng bằng các vật liệu: gạch nung, ngói, tiểu sành, tường bao được làm bằng đất rất độc đáo. Các bức tường, cổng và một số công trình khác được xây dựng hoàn toàn bằng đất nện theo lối chình tường. Cổng vào chùa nền lát đá muối có kích thước to nhỏ khác nhau, xây theo kiến trúc thời Nguyễn mang dáng dấp gác chuông. Điểm đặc biệt ở đây là nhiều bức tường được xây bằng tiểu sành giống như làng Thổ Hà, nơi chuyên sản xuất chum vại, tiểu sành cách đó vài cây số, tạo vẻ rất trầm mặc, gần gũi với vùng thôn quê ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Toàn bộ chùa chính có diện tích khoảng 51.784 m² được phân ra làm ba khu rõ rệt. Khu vườn: 31.000 m², khu nội tự chùa 13.000 m² và khu vườn tháp rộng: 7.784 m². Khu vườn tháp tăng cổ kính: Một trong những nét đặc sắc của chùa Bổ mà du khách cũng không thể bỏ qua là khu vườn tháp tăng. Khu vườn tháp là một bãi đất nằm nghiêng theo độ cao của núi Bổ Đà trên diện tích gần 8.000 m² là nơi tàng lưu xá lị, tro cốt nhục thân của các vị hòa thượng dòng thiền Lâm Tế. Nhà chùa đã dùng đá núi, gạch chỉ và đất thó xây dựng một bức thành dài bao quanh vườn tháp, khiến khu vườn luôn ở trong sự thanh tịch sâu lắng. Với khoảng 100 ngôi tháp, vườn tháp chùa Bổ Đà được đánh giá là đẹp và lớn nhất trong số những ngôi cổ tự ở Việt Nam. Đây là nơi yên nghỉ của hơn 1.000 vị cao tăng đã từng tu hành tại chùa qua các thời kì lịch sử. Mỗi cây tháp an táng từ 4 thi hài đến 26 thi hài; đa số tháp trong vườn là tháp 3 - 4 tầng với độ cao 3 – 5 m, những ngôi tháp sư tổ còn cao rộng hơn nữa. Các ngôi tháp mộ xếp hàng hàng, lớp lớp và được xây dựng theo những quy định riêng và rất chặt chẽ của thiền môn. Trong số 3 cuốn gia phả bằng chữ Hán ghi rất rõ ràng: "Chỉ những người trong phái Sơn Môn mới được an táng tại vườn tháp, tháp của tăng trên đỉnh có hình bình cam lộ đặt trên tòa sen, tháp của ni trên đỉnh có búp sen. Khu vườn chùa: được trồng các loại cây ăn quả truyền thống và các loại hoa màu theo thời vụ. Xung quanh được đào hào (rộng 2 m x sâu 1,5 m) vừa để thoát nước vừa để ngăn cách bảo vệ. Ngoài giá trị vật chất của di tích, từ xưa khu vườn chùa Bổ Đà đã là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân. Khu nội tự (chùa Tứ Ân): Chùa chính Tứ Ân xây dựng vào thời Hậu Lê, được thiết kế theo kiểu kiến trúc Nội công ngoại quốc (một nét đặc trưng của chùa Việt Nam) bố trí tám cửa ra vào tượng trưng cho tám quái của vũ trụ (bát quái), đường đi thiết kế theo kiểu chữ Lục (六), trời mưa đi từ nhà nọ sang nhà kia không bị ướt. Kiểu kiến trúc này giống với chùa Phật Tích ở Bắc Ninh. Toàn bộ khu chùa hiện nay gồm 16 toà nhà lớn nhỏ với tổng số 92 gian. Bao gồm: nhà bếp, nhà tạo soạn, nhà tổ ly, nhà tổ, nhà tiền tế, nhà in kinh, nhà trai, nhà hành lang hình thước thợ, nhà pháp, nhà khách, nhà ga, toà tam bảo. Toà tam bảo kiến trúc theo kiểu chữ đinh (丁). Phần hậu cung dài 12 m x 7,7 m gồm 5 gian. Toà tiền đường dài 21 m x 11 m có 7 gian, tường gạch, lợp ngói, nền lát gạch vuông, nền nhà cao 0,90 m có 3 bậc. Bậc thềm được lát bằng những phiến đá xanh có kích thước to nhỏ khác nhau. Phía trên là 5 bộ cửa bức bàn. Dấu vết kiến trúc còn lại cho thấy các công trình được xây dựng vào thời Lê – Nguyễn. Từ khi khởi dựng đến nay nó vẫn ở nguyên vị trí ban đầu. Hệ thống cổ vật Hiện chùa Bổ Đà còn nhiều tài liệu, hiện vật, cổ vật quý có giá trị lớn về mặt văn hóa, lịch sử, kiến trúc và mỹ thuật. Hệ thống tượng Phật thời Lê Trong chùa còn lưu giữ hệ thống tượng Phật thời Lê bằng gỗ khá đầy đủ. Tượng Phật chùa Bổ Đà không chỉ có giá trị lịch sử về sự phát triển của đạo Phật, của thiền phái Trúc Lâm, nó còn là những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc phong phú. Trong đó có toà Cửu Long. Ở đây còn cây đèn thời Lê bằng gỗ. Mỗi cây cao 0,60 m; 1 choé cao 0,60 m; 1 lọ độc bình, 1 quả chuông đồng cao 1 m, đường kính 0,60 m có niên hiệu Tự Đức. Hai án thư ở nhà tam bảo sơn son thiếp vàng chạm khắc tinh xảo. Các bức đại tự, hoành phi, câu đối được sơn son thiếp vàng lộng lẫy. Chùa còn 1 chiếc mõ cá dài 0,60 m. Mộc bản kinh Phật thiền phái Lâm Tế Chùa Bổ Đà hiện nay còn lưu giữ được nhiều tài liệu quý hiếm có ý nghĩa cho việc nghiên cứu khoa học. Ở đây còn lưu giữ một kho tàng di sản Hán Nôm phong phú về số lượng, đa dạng về loại hình, ngoài những tấm bia đá, chuông đồng còn có hàng trăm cuốn kinh sách, luật giới nhà Phật. Đặc biệt trong chùa còn lưu giữ bộ ván kinh Phật là một trong những bộ Kinh khắc gỗ cổ nhất Việt Nam được khắc vào khoảng năm 1741 khi các vị tổ sư xây dựng chùa Tứ Ân. Ngày 7 tháng 5 năm 2016, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác nhận kỷ lục Bộ Mộc bản Kinh phật tại chùa Bổ Đà của Thiền phái Lâm Tế khắc trên gỗ thị cổ nhất Việt Nam. Ngày 30 tháng 4 năm 2017, tại thành phố San Diego, Hoa Kỳ; Liên minh Kỷ lục thế giới (Worldkings) đã xác nhận kỷ lục Bộ mộc bản kinh phật của Chùa Bổ Đà là Bộ mộc bản kinh phật khắc trên gỗ thị của thiền phái Lâm Tế cổ nhất thế giới. Ngày 25 tháng 12 năm 2017, Mộc bản chùa Bổ đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia theo Quyết định số 2089/QĐ-TTg do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký phê duyệt. Bằng Công nhận Bảo vật đã được trao cho nhà chùa và chính quyền địa phương dịp Hội chùa Bổ Đà xuân Mậu Tuất (2018) sau đó. Bộ Kinh này được khắc không lâu so với bộ kinh Pháp Hoa tại chùa Phật Quang (đường Trần Quang Khải, phường Hưng Long, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) được khắc trong 28 năm (từ năm 1706 đến năm 1734), đã được đưa vào sách kỷ lục Việt Nam ngày 2 tháng 1 năm 2006. Cả hai bộ Kinh được cho là cổ nhất Việt Nam này có điểm chung là đều khắc trên gỗ thị. Bộ kinh tại chùa Bổ Đà được hình thành xuất phát từ ý tưởng của các vị tổ sư, đồng thời cũng là những người xây dựng ra ngôi chùa muốn có một bộ kinh để truyền dạy đạo Phật, đó là những di vật Phật học đặc biệt quý giá để lại cho đời sau. Bộ kinh mang những tư tưởng của hai dòng Phật giáo lớn nhất Châu Á xưa là Ấn Độ và Trung Hoa. Trong đó, có hơn 2.000 mộc bản của các bộ kinh như: Lăng nghiêm chính mạch, Yết ma hội bản, Nam hải ký quy... Bộ kinh được xếp trên 8 giá, mỗi giá có 4 tập sách kinh gồm 240 tấm ván gỗ hợp thành, tất cả có khoảng gần 2.000 tấm. Mỗi tấm gỗ dùng để khắc kinh dài trung bình 50 cm, rộng 25 cm và dày khoảng 2,5 cm. Nếu muốn xem đồng loạt toàn bộ kho kinh cổ ở đây thì phải có khoảng đất rộng 250 – 300 m² để rải các tấm ván kinh ra. Bộ kinh được khắc trên gỗ thị, một loại cây gỗ mọc phổ biến ở vùng rừng núi này. Gỗ thị không những bền mà còn rất nhẹ, đây cũng là một đặc điểm thuận lợi để khắc cũng như vận chuyển kinh. Trải qua gần 300 năm, bộ kinh hiện nay vẫn còn khá nguyên vẹn. Đặc biệt là những tấm gỗ thị dùng để khắc kinh đều rất bền, đẹp, không bị mối mọt, dù không dùng một loại thuốc bảo quản nào. Kinh được khắc nổi bằng chữ Hán, nét chữ tinh xảo, đến nay vẫn còn rất sắc, rõ nét. Đặc biệt, bộ kinh gỗ này có nói đến những đặc trưng của Phật giáo Trung Hoa khi được truyền vào Việt Nam với 3 tông phái (Thiền tông, Tịnh độ tông và Mật tông). Trọng tâm của bộ kinh nói đến nỗi khổ của con người và sự giải thoát. Trong đó tiêu biểu nhất là Tứ Diệu Đế - 4 chân lý kỳ diệu của đạo Phật - gồm: Khổ Đế, Nhân Đế, Diệt Đế và Đạo Đế. Bộ kinh còn nói đến cõi niết bàn, những vòng luân hồi chuyển kiếp của một đời người, giải thích thế nào là sự tu nhân tích đức, cõi vô vi... Bộ kinh cũng thể hiện những tư tưởng của Phật giáo Việt Nam, đặc biệt là sự ảnh hưởng của dòng Phật giáo thiền phái Trúc Lâm Tam tổ. Khác với mộc bản kinh Phật tại chùa Vĩnh Nghiêm (vừa vượt qua vòng sơ thẩm của UNESCO để trở thành di sản văn hóa của nhân loại), mộc bản chùa Bổ Đà được đánh giá là độc đáo và sở hữu nhiều bản có niên đại sớm hơn so với mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm. Vì vậy, mộc bản chùa Bổ Đà hoàn toàn có đủ điều kiện để đệ trình lên Tổ chức Giáo dục, Khoa học, Văn hóa của Liên Hợp Quốc xem xét công nhận là di sản tư liệu của Thế giới. Những bộ sách Hán Nôm này một số đã được dịch và in ra chữ quốc ngữ. Sự độc đáo của bộ kinh đặc biệt này đã thu hút hàng nghìn khách thập phương về đây tham quan, tế lễ mỗi năm. Lễ hội Bổ Đà Ngày 23 tháng 1 năm 2017, lễ hội Bổ Đà là một trong 11 di sản được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (đợt 17) theo Quyết định số 217/QĐ-BVHTTDL do Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện ký phê duyệt. Theo Hồ sơ tư liệu, Cục Di sản văn hóa: lễ hội Bổ Đà diễn ra 2 lần trong năm, 16 - 18 tháng Hai và 12 tháng Chín. Hội chùa Bổ Đà hàng năm tổ chức từ ngày 16 đến 18 tháng 2 âm lịch rất long trọng và đông vui (phần lễ kéo dài từ Tết Nguyên Đán). Đó là ngày giỗ tổ khai sơn lập ra chùa Bổ Đà. Thanh niên nam nữ khách thập phương kéo về dự hội rất đông. Đến hẹn lại lên, vào dịp lễ hội ngoài việc đến lễ Phật cầu mong an lạc, còn là dịp để những liền anh, liền chị của các làng quan họ trong vùng gặp gỡ, giao duyên trong những bộ trang phục truyền thống với những làn điệu dân ca quan họ mượt mà, đằm thắm, thấm đượm hồn quê. Ngoài đợt hội chính vào đầu năm, hội Bổ Đà còn diễn ra vào dịp 12 tháng Chín, ngày hóa của Thạch linh thần tướng. Nơi thờ nằm ở trên đỉnh núi Phượng Hoàng (đỉnh cao nhất trong dãy Bổ Đà sơn). Tục truyền khi Thạch Linh thần tướng đánh tan quân giặc, Ngài lên đó rồi hóa về trời, vì thế, nhân dân lập đền ở đây để thờ phụng. Vào ngày này nhân dân trong vùng cũng chuẩn bị lễ vật để dâng lên Thạch tướng quân như: mâm xôi gà, thịt lợn luộc, bánh chưng, xôi, oản, hoa quả….Sáng ngày 12 tháng Chín, tại đình Thượng Lát, sau khi khấn thỉnh các vị thần Thành hoàng, đoàn kiệu rước hành tiến theo nhịp nhạc sênh tiền đến đền Thượng và làm lễ tế tại đó.. Thứ tự đoàn rước gồm: đội cờ hội; đội múa lân; đội dâng hương (khiêng mâm lễ); đội cờ lệnh; đội trống, chiêng; đội nhạc (kèn, sáo, nhị, hồ); đội tùy giá (kiếm, đại đao, bát bửu, lệnh bài). Kiệu Thánh 4 người trước, 4 người sau,lọng, tàn che kiệu Thánh trước và 2 bên; sau kiệu là đội tế. Đến đền Thượng, đội tế thực hiện các nghi thức tế, đọc chúc văn. Tế xong, chúc văn được hóa, nhân dân vào lễ. Sau đó, đoàn rước quay về đình Thượng Lát. Ngoài ra, ngày 8 tháng 4 Phật đản làm lễ dâng hương ở chùa, ngày 15 tháng 7 lễ tán hạ. Ảnh hưởng Chùa Bổ Đà là một trung tâm Phật giáo lớn của Việt Nam nói chung và tỉnh Bắc Giang nói riêng và được coi là một trong hai ngôi chùa lớn nhất tỉnh Bắc Giang. "Bắc Phổ Đà (Bổ Đà), Nam Hương Tích" là một cách để định danh cho những nét đặc trưng của chùa chiền Bắc bộ. Người Bắc Giang có câu: "Thứ nhất là chùa Đức La, Thứ nhì chùa Bổ, thứ ba chùa Tràng" Người xưa đã mượn câu thơ trong truyện thơ Quan Âm Thị Kính (truyện thơ mà có giả thuyết cho rằng đã ra đời tại vùng Kinh Bắc) để ví cảnh sắc tại chùa Bổ Đà: "Bốn bề phong cảnh lạ thay Bồng lai kia cũng thế này mà thôi". Hiện nay, Trung Quốc và Ấn Độ ở phía Nam đều có chùa Hương Tích, phía Bắc là chùa Phổ Đà nổi tiếng, trong khi phía Nam của Việt Nam cũng có chùa Hương Tích và phía Bắc là Bồ Đà. Cho đến nay các nhà sử học vẫn chưa lý giải được chùa Bồ Đà có liên quan gì đến chùa Phổ Đà của Trung Quốc và Ấn Độ hay không. Những tích cổ về sự gia đời, các công trình cổ kính và thuyết thờ cúng giữa Bồ Đà của Việt Nam và các nước vẫn là một bí ẩn chưa có lời giải.. Nhưng có một điểm tương đồng giữa chùa Bổ Đà trên núi Bổ Đà (Bổ Đà sơn) ở Việt Nam và chùa Phổ Đà trên núi Phổ Đà (Phổ Đà sơn) ở Trung Quốc là đều có liên quan tới truyền thuyết về Quán Thế Âm Bồ Tát. Chỉ dẫn du lịch Những năm gần đây du khách thập phương trong cả nước khá quan tâm tới du lịch chùa Bổ. Từ Hà Nội, để đi tới chùa Bổ ta đến thành phố Bắc Ninh tiếp tục đi qua cầu Đáp Cầu rẽ trái men theo đường đê tả Cầu và sườn núi 3 km là tới. Hoặc tới Thổ Hà đi tiếp theo hướng Bắc tới làng Lát rẽ phải, từ Thổ Hà tới Chùa Bổ là 3 km. Với các địa phương ở xa phải di chuyển bằng đường hàng không, từ Sân bay quốc tế Nội Bài, ta đi theo tuyến cao tốc Nội Bài - Móng Cái (quốc lộ 18) đến thành phố Bắc Ninh sau đó tiếp tục đi sang địa phận Bắc Giang và đến chùa Bổ theo chỉ dẫn ở trên. Ngoài ra, khi du khách đến thăm chùa Bổ có thể đồng thời đến thăm hai địa điểm du lịch nổi tiếng nữa của đất Bắc Giang, đó là làng nghề Thổ Hà và đền Bà Chúa Kho (Việt Yên). Các địa điểm này chỉ cách nhau từ 3 đến 5 km.
Đền thờ (và điện thờ) là công trình kiến trúc được xây dựng để thờ cúng một vị thần hoặc một danh nhân quá cố. Nhiều đền thờ dành cho các thần thánh trong tôn giáo hoặc tín ngưỡng địa phương. Nhiều đền thờ được xây dựng để ghi nhớ công ơn của một anh hùng có công với đất nước hay công đức của một cá nhân với địa phương mà được dựng lên theo truyền thuyết dân gian. Ở Trung Quốc có các đền thờ các vị thần tiên của Đạo giáo như Tam Thanh Huyền Đế, Linh quan, Lão Đăng lộc đình, Thần Vũ Bát sát, Lão tổ Thiền sư, Hắc hổ Huyền đàn và Sùng linh Địa kỳ, ở Ai Cập cổ đại có các đền thờ chư thần (như đền thần Isis ở Philae) hoặc đền thờ pharaon; còn ở Hy Lạp có các đền thờ các vị thần trong Thần thoại Hy Lạp như đền Delphi thờ thần Apollo. Ở Việt Nam có nhiều nhân vật có thực trong lịch sử được xây dựng đền thờ ở rất nhiều nơi là các vị vua: Lý Nam Đế, Triệu Quang Phục, Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành; các nhân vật lịch sử: Lý Quốc Sư, Lý Thường Kiệt, Tô Hiến Thành, Thánh Tam Giang, Trần Hưng Đạo và các vị thần thánh như Tản Viên Sơn Thánh, Cao Sơn, Quý Minh. Ở Việt Nam Phú Thọ: Đền Hùng, Đền Mẫu Âu Cơ Hà Nội: Đền Sóc, Đền Hát Môn, Đền Nội Bình Đà, Đền Và, Đền Phù Đổng, Đền Lý Quốc Sư, Thăng Long tứ trấn, Đền Ngọc Sơn Hưng Yên: Đền Dạ Trạch Hải Dương: Đền Kiếp Bạc Bắc Ninh: Đền Lý Bát Đế Nam Định: Đền Trần Thái Bình: Đền Trần Quang Ninh: Đền Cửa Ông Ninh Bình: Đền Vua Đinh, Đền Vua Lê, Đền Thánh Nguyễn Thanh Hoá: Đền Bà Triệu Nghệ An: Đền Cuông Bình Định: Đền Tây Sơn Tam Kiệt Đồng Nai: Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh TP. Hồ Chí Minh: Đền thờ Trần Hưng Đạo Kiên Giang: Đền Thờ Mạc Cửu
Thơ là hình thức nghệ thuật dùng từ trong ngôn ngữ làm chất liệu và sự chọn lọc từ cũng như tổ hợp của chúng được sắp xếp dưới hình thức lôgíc nhất định tạo nên hình ảnh hay gợi cảm âm thanh có tính thẩm mỹ cho người đọc, người nghe. Từ thơ thường được đi kèm với từ câu để chỉ một câu thơ, hay với từ bài để chỉ một bài thơ. Một câu thơ là một hình thức câu cô đọng, truyền đạt một hoặc nhiều hình ảnh, có ý nghĩa cho người đọc, và hoàn chỉnh trong cấu trúc ngữ pháp. Một câu thơ có thể đứng nguyên một mình. Một bài thơ là tổ hợp của các câu thơ. Tính cô đọng trong số lượng từ, tính tượng hình và dư âm thanh nhạc trong thơ biến nó thành một hình thức nghệ thuật độc đáo, tách biệt hẳn khỏi các hình thức nghệ thuật khác. Thơ có lịch sử lâu dài. Định nghĩa sớm nhất ở châu Âu về thơ có thể bắt đầu từ nhà triết học người Hy-Lạp Aristotle (384–322 TCN). Ở Việt Nam, thơ có thể bắt nguồn từ tục ngữ, ca dao mà ra. Những câu có vần điệu, dễ nhớ như Sấm bên đông, động bên tây vốn là những kinh nghiệm được đúc kết thông qua sự từng trải, sự quan sát các hiện tượng thiên nhiên, mà đúc kết lại, truyền từ đời nọ sang đời kia, giống như một thứ mật mã trong ngôn ngữ để truyền thông tin vậy. Những đúc kết bao gồm đủ mọi mặt trong cuộc sống, sau này khi được biến thành những câu ca dao, câu vè, chúng trở thành hình thức văn nghệ, giải trí. Thông qua giao lưu giữa các nền văn hóa, các thể loại thơ được tăng dần. Từ những cấu trúc đơn giản đến những cấu trúc phức tạp. Những xu hướng gần đây cho thấy, cấu trúc không còn là yếu tố quan trọng trong thơ. Trong các thể loại thơ ở Việt Nam, ta có thể kể đến vài loại như lục bát, song thất lục bát, các thể loại thơ Đường luật như thất ngôn bát cú, thất ngôn tứ tuyệt, ngũ ngôn bát cú rồi đến các loại thơ mới và thơ tự do. Ngoại trừ thơ tự do, một hình thức hầu như không có một cấu trúc rõ rệt, các loại thơ khác hầu như đều có cấu trúc nhất định. Chặt chẽ nhất có thể là các loại thơ Đường, trong đó cấu trúc về nội dung, luật về số chữ trong câu, số câu trong bài, về cách gieo vần quyết định thể loại của bài thơ. Sự khắt khe trong cấu trúc làm cho thơ Đường trở nên gần như một hình loại văn học chỉ dành riêng cho các tầng lớp trung lưu trở lên, là những người có giáo dục đường hoàng. Chính vì sự khắt khe này, thơ Đường hiện nay dần dần bị phai nhạt và hầu như không còn ai để ý đến nữa. Hiện nay, thơ trở thành hình thức nghệ thuật hầu như ai cũng biết đến. Không ai đã từng thông qua quá trình giáo dục mà không biết vài câu thơ. Thơ còn trở nên hình thức để bày tỏ tâm tư và chứa đựng tính sáng tạo của con người. Có thể nói, sự tồn tại của thơ đi song song với sự tồn tại của ngôn ngữ. Còn ngôn ngữ tức là còn thơ. Một cách hiểu về thơ Thơ, thơ ca hay thi ca, là khái niệm chỉ các loại sáng tác văn học có vần điệu, có đặc điểm ngắn gọn, súc tích, nhiều ý cô đọng. Một bài văn cũng có thể là một bài thơ nếu sự chọn lọc các từ trong đó súc tích và gây cảm xúc cho người đọc một cách nhanh chóng. Bên cạnh đó, một bài thơ thường còn mang tính vần giữa câu nọ với câu kia và tổ hợp của các câu gây ra âm hưởng nhạc tính trong bài. Thơ thường dùng như hình thức biểu tả cảm xúc trữ tình, hoặc tình cảm xúc động trước hiện tượng xảy ra trong cuộc sống, như khi người ta đứng trước phong cảnh ngoạn mục, hoặc đứng trước thảm cảnh. Sự tương tác giữa tình cảm con người và hoàn cảnh tạo nên những cảm nghĩ mà người ta muốn bày tỏ với một phong độ chắt lọc, tinh khiết, không rườm rà, song có mức thông tin cao, đột phát, nhưng cô đọng và khúc chiết. Muốn làm được như vậy, người làm thơ phải có một con mắt quan sát chi tiết, tổng quát hóa, và nhanh chóng liên tưởng giữa những hình ảnh quan sát được với những gì vốn có trước đây. Tính nhạc trong thơ là một hình thức làm cho bài thơ dễ được cảm nhận bởi người nghe hay người đọc và sức cảm nhận nhanh chóng này tương tự như hiệu ứng của việc xem phim và nghe âm nhạc trong phim hòa quyện với nhau cùng một lúc. Câu chữ trong thơ văn, hay trong ngôn ngữ, giúp con người tái tạo lại hình ảnh mà nó miêu tả, song âm thanh và vần điệu của các từ lại gây cảm xúc về âm nhạc. Sự kết nối khéo léo giữa hai tính chất này của ngôn ngữ thúc đẩy sự tìm tòi các từ có âm thanh hay, xác thực với tình cảm người viết muốn truyền, đồng thời tìm tòi những từ mới. Tính âm nhạc còn thể hiện trong việc sử dụng các từ diễn tả âm thanh như "rì rào", "vi vút", "ầm ầm", "lanh canh",... Chính vì tính chất này, việc làm thơ nhiều khi tương tự như việc làm toán, hoặc việc bài binh bố trận trong quân sự, mà bài toán hay kẻ thù phải chinh phục chính là cảm xúc của họ, và câu chữ hoặc từ là phép toán hay lực lượng quân đội mà họ có, và người làm thơ phải nhanh chóng tìm ra phương pháp biểu tả tình cảm của mình dưới một hình thức cô đọng, hợp lý, với một số lượng từ rất nhỏ. Để lùng tìm những câu, chữ, từ, nghĩa nhanh chóng, người làm thơ thường phải kinh qua một quá trình luyện tập lâu dài, bằng cách đọc sách, học cách biểu tả tình cảm của mình bằng những câu chữ ngắn gọn, đồng thời có cảm quan nhạy bén với ngữ nghĩa của từ được dùng. Thơ còn đòi hỏi tính phân tích các từ ghép và cô đọng từ. Chính vì thế, nhiều khi do làm thơ, người làm thơ dễ rơi vào tình trạng liên tưởng giữa từ của nghĩa này sang từ của nghĩa khác. Khi được dùng trong thơ, người ta còn gọi là sự "chơi chữ". Tính hội họa trong thơ, hay còn gọi là tính tạo hình, là một tính chất cơ bản. Người làm thơ, trước khi viết thơ, thường rơi vào tình trạng mà người ta gọi là "cảm hứng". Trong tình trạng này, các hình ảnh thu được trong trí nhớ, có thể bao gồm cả các khung cảnh ở bên ngoài quan sát được, liên kết với nhau, tạo nên một thế giới nhỏ bé. Hình ảnh có thể rõ đến mức người ta gần như cảm thấy có thể động vào những vật thể, ngửi thấy mùi vị, thấy sự chuyển động của vật thể, thấy màu sắc v.v. Người làm thơ sẽ sống trong thế giới ấy trong khi họ đang nghĩ về bài thơ, họ sẽ đi lại, vào các góc của thế giới của mình, nhìn rõ hơn các vật cảnh, liên kết thêm những màu sắc, những chuyển động, những dãy liên tiếp của các sự kiện xảy ra, hay nói cách khác, họ xa rời cái thế giới mà họ đang sống. Chính vì hiện tượng này, người ta có câu nói đùa, chỉ các nhà thơ là thơ thẩn, nằm mơ hay mơ mộng như người ở trên cung trăng. Đây là một hiện trạng có thật. Sự hưng phấn do được sống trong thế giới riêng của mình, được sắp đặt nó theo ý riêng của mình, được thêm thắt, chắt lọc, được cho các vật chuyển động, xoay quanh các vật, chiêm ngưỡng chúng, cảm giác chúng v.v. gây nên sự ham mê, thôi thúc người làm thơ tiếp tục sống và diễn tả lại chúng bằng từ ngữ. Không những quan sát và diễn tả không thôi, họ còn phải nâng sự quan sát của họ lên đến một mức độ nhạy bén, hoa mỹ, không tầm thường - đây chính là sự khác biệt giữa thơ và truyện hay với các loại hình nghệ thuật khác. Một số cách dùng từ để thể hiện: {| class="wikitable" !Quan sát!!Cách diễn tả thường thấy!!Cách diễn tả có tính thơ hơn |- |Mưa|| align="center" |ảm đạm, xối xả, rầu rĩ||align="center"|thì thầm, lõm bõm, quất mặt, vắt nước, bạc trời đất, xiên ngang trời |- |Buồn|| align="center" |thảm, rầu, ơi là buồn, héo hắt, tênh||align="center"|lãng đãng, nham nhở, đặc sệt, nhỏ giọt, thở khói đen, bám rễ, đeo trên ngực |- |Hoa|| align="center" |nở, thắm, thơm lừng, thơm ngát, thơm nồng||align="center"|chúm chím, nứt ra, ngóc đầu, nhảy múa, hát vị ngọt, phanh lồng ngực tỏa hương |} Việc chọn lọc từ tạo nên hình ảnh thường được thấy rất nhiều trong các bài thơ. Có những hình ảnh đẹp, mềm mại, hài hòa, thơ mộng. Có những hình ảnh khắc khổ, vuông thành sắc cạnh, song cũng có những hình ảnh đồ sộ, đôi khi gớm ghiếc. Mỗi một hình ảnh đều nhằm tái tạo lại thị giác, cảm quan của người làm thơ lúc họ viết. Một trong những ví dụ về hình ảnh có thể tìm thấy trong tập Truyện Kiều của Nguyễn Du: Cỏ non xanh tận chân trời Cành lê trắng điểm một vài bông hoa Do ảnh hưởng của quan niệm hội họa dưới thời người làm thơ còn sống, Nguyễn Du thường sử dụng phong thái thủy mặc trong thơ của mình. Phong cảnh đơn sơ, chấm điểm, phác thảo và nhẹ nhàng, nhưng không kém sức quyến rũ. Một câu khác của Bà Huyện Thanh Quan trong bài Qua đèo Ngang: Lom khom dưới núi tiều vài chú Lác đác bên sông chợ mấy nhà Hay Nguyễn Khuyến: Ao thu lạnh lẽo nước trong veo Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo Sóng biếc theo làn hơi gợn tí Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo. Hay gần đây hơn của Trần Đăng Khoa trong bài Nghe thầy đọc thơ: Em nghe thầy đọc bao ngày Tiếng thơ đỏ nắng, xanh cây quanh nhà Mái chèo nghiêng mặt sông xa Bâng khuâng nghe vọng tiếng bà năm xưa Không chỉ là những hình ảnh đẹp, tĩnh tại, hình ảnh trong thơ còn động đậy, hoạt bát. Người đọc thơ vừa hình tượng được vật thể, vừa thấy màu sắc, vừa thấy sự chuyển động của chúng. Chính vì lý do này, nhiều khi các vật được miêu tả trong thơ được nhà thơ cho thêm tính "hoạt họa" của nó, hay còn gọi là "nhân cách hóa". Dùng động từ cho những vật tưởng là vô tri, vô giác cũng giống như việc thổi sức sống vào trong vật thể, làm nó sống động trong đầu người đọc thơ. Chẳng hạn Trần Đăng Khoa đã viết trong bài Mặt bão: Bão đến ầm ầm Như đoàn tàu hỏa Bão đi thong thả Như con bò gầy Hay trong bài "Góc Hà Nội" Nắng tháng tư xỏa mặt Che vội vàng nỗi nhớ đã ra hoa. .. Thành phố ngủ trong rầm rì tiếng gió Nhà ai quên khép cửa Giấc ngủ thôi miên cả bến tàu Đương nhiên khi đọc những câu thơ trên, chúng ta còn thấy tính ẩn dụ, so sánh hình ảnh. Tính tương đương của hình ảnh làm cho người đọc dễ liên tưởng hơn, đặc biệt khi để miêu tả một trạng thái với nhiều chi tiết mà tính chắt lọc của thơ không cho phép người ta được rườm rà. Ví von, ẩn dụ còn gây hiệu ứng về các trạng thái tình cảm, chẳng hạn như người ta cảm thấy những vật vô tri, vô giác, hay những hoàn cảnh tự nhiên bỗng trở nên đáng yêu hơn, ngộ nghĩnh hơn, đáng ghét hơn, hay đáng sợ hãi hơn v.v. Những hình ảnh ví von ngộ nghĩnh thường thấy trong các bài thơ của thiếu nhi làm, chẳng hạn mấy câu thơ [[Trần Đăng Khoa (nhà thơ) |Khoa]] làm lúc 9 tuổi trong bài Buổi sáng nhà em: Ông trời nổi lửa đằng đông Bà sân vấn chiếc khăn hồng đẹp thay .. Chị tre chải tóc bên ao Nàng mây áo trắng ghé vào soi gương Bác nồi đồng hát bùng boong Bà chổi loẹt quẹt lom khom trong nhà Song nó cũng xuất hiện trong những bài của những nhà thơ lớn tuổi. Ví dụ Nguyễn Mỹ trong bài Con đường ấy: Nắng bay từng giọt - nắng ngân vang Ở trong nắng có một ngàn cái chuông Hoặc Hàn Mặc Tử trong bài Một Nửa Trăng: Hôm nay chỉ có nửa trăng thôi Một nửa trăng ai cắn vỡ rồi Đặc biệt tính ví von trong thơ Hồ Xuân Hương gây nhiều trạng thái tình cảm nửa hư, nửa thực, gần như trêu chọc người đọc, như trong bài Đánh Cờ: Quân thiếp trắng, quân chàng đen, Hai quân ấy chơi nhau đà đã lửa. Thọat mới vào chàng liền nhảy ngựa, Thiếp vội vàng vén phứa tịnh lên. Hai xe hà, chàng gác hai bên, Thiếp thấy bí, thiếp liền ghểnh sĩ. Hay trong bài Ốc nhồi (thơ Hồ Xuân Hương): Bác mẹ sinh ra phận ốc nhồi, Đêm ngày lăn lóc đám cỏ hôi. Quân tử có thương thì bóc yếm, Xin đừng ngó ngoáy lỗ trôn tôi. Nếu hình ảnh trong đầu của nhà thơ không sống động, thì người đọc thơ cũng không có cảm quan sống động của bài thơ. Sự tương tác giữa họa, nhạc trong thơ có thể gần như tương tự với sự đóng góp của họa sĩ, nhạc sĩ, hay nói cách khác, sự dàn dựng một bộ phim, và họa sĩ, nhạc công, đạo diễn phim v.v. tất cả đều chỉ bởi nhà thơ với ngòi bút và những từ ngữ trong một hệ thống ngôn ngữ mà ra. Cách sử dụng dùng hình ảnh động đậy bằng việc cho thêm các động từ cũng thường được thấy trong các bài thơ Đường, đặc biệt là trong các vế đòi hỏi tính đối lập. Chẳng hạn Hồ Xuân Hương trong bài Lên chơi Đông Sơn tự: Đông Sơn cảnh chiếm một hồ riêng, Uyên báu bay về, khói pháp chen, Đá núi điểm đầu, mưa phất xuống, Ngàn hoa nở rộ, gió tung lên, Đế Bà hương hỏa thơm bên xóm, Trịnh Chúa xe qua vết cũ còn, Cứu độ bè từ qua bể khổ, Chim âu ngủ đứng bến ngư thôn. Một điểm khá quan trọng trong phim ảnh, nhạc, thơ hoặc bất cứ một hình thức nghệ thuật nào là tính lôgic của các sự kiện. Sự phát triển của các hình ảnh từ nhỏ đến lớn, từ trầm đến thanh, từ mịn màng đến gồ ghề v.v. phải luôn luôn được cân nhắc. Người đọc thơ bị lôi cuốn một phần cũng vì tính lôgic của nó. Rất nhiều bài thơ, ngay cả của những thi sĩ nổi tiếng, do sắp xếp các hình ảnh trong thơ thiếu tính lôgic mà bài thơ của họ không được mấy người để ý. Những hình ảnh đẹp họ gợi lên, hay những tương tác giữa các nhân vật trong thơ, cũng như tiến trình dẫn đến cao trào không có một sự phát triển lôgic nhất định, gây cảm giác bấp bênh, lõm bõm, và rời rạc cho người đọc. Nhạc trong thơ, hay sự tiến trình của cao trào cũng như thoái trào trong thơ, cũng tương tự như tiến trình của âm nhạc, đòi hỏi phải theo cung, theo nhịp và theo sự tiến triển của thời gian. Trong hội họa tiến trình này còn được hiểu như tiến trình của các gam màu, đồng dạng hoặc đối lập. Thơ không phải là một tổ hợp của các hình ảnh lộn xộn, song là một chuỗi các hình ảnh được gắn lại với nhau theo một quá trình sắp đặt hợp lý, không kể tính thuận nghịch. Chính vì đặc tính này, người làm thơ, hay các nhà thơ, còn có thể được gọi là các "nghệ sĩ". Họ không chỉ là người biết nhiều từ vựng, biết mường tượng phong cảnh giỏi, mà họ còn là người biết sắp xếp các sự kiện hợp lý, và các bài thơ của họ tái tạo lại tình cảm, tái tạo lại sự kiện trong đầu người đọc nhanh chóng và gắn bó, như sự phát triển tình cảm của họ khi họ viết một bài thơ. Nắm bắt được sự phát triển tình cảm của mình, gây dựng được cao trào đòi hỏi nhà thơ gần như có thêm một bản sao của chính mình. Họ phải quan sát cảm quan và sự tiến triển tình cảm của chính bản thân, ghi nhớ chúng và viết lại. Cảm quan của nhà thơ, sự hội tụ của các sự kiện bên ngoài, tính triết lý v.v. đều ảnh hưởng bởi ngoại cảnh và môi trường xã hội. Không một nhà thơ nào không bị ảnh hưởng của điều kiện chính trị, lịch sử, phong cách suy nghĩ của thời đại khi họ còn sống. Tứ thơ, hay ý tứ của bài thơ, là tình cảm, hình ảnh chủ đạo mà bài thơ muốn truyền đạt. Phong cách là cách chọn từ, cách diễn đạt ý tưởng của mình, chẳng hạn: ngộ nghĩnh, đơn sơ, mộc mạc, đơn giản, thanh thoát, gồ ghề, góc cạnh, mỉa mai, châm biếm, hoặc là cao thượng, đầy tính triết lý v.v. Cấu tứ của bài thơ là cấu trúc và ý tưởng gộp lại. Cách sắp xếp các câu thơ, sự sắp xếp của bài thơ, luật sử dụng trong bài thơ, vần điệu và tính nhạc đều là một phần của cấu tứ. Để có một cấu tứ tốt, người làm thơ thường phải nâng tầm mắt mình cao hơn tình cảm của mình, bao quát toàn bộ bài thơ, làm chủ chính tác phẩm của mình. Một điểm nữa khá quan trọng, song lại có thể là lỗ hổng lớn nhất trong tất cả các bài bàn luận về thơ là dư âm. Dư âm là cảm quan người đọc có được sau khi đọc một cụm từ, một câu thơ, một đoạn thơ, hay một bài thơ. Tuy nguồn gốc của dư âm là ở bản thân cấu kết của các từ, cách sử dụng từ, của âm thanh và hình ảnh do các từ tạo ra, song kết quả của dư âm còn do ảnh hưởng của tâm trạng người đọc, cảm quan của người đọc, hay nói cách khác, khả năng cảm nhận của người đọc. Sở dĩ dư âm là một lỗ hổng lớn là vì tính khó bao trùm được của bất cứ một bàn luận nào về khía cạnh này. Có thể nói dư âm là kết xuất của cảm quan của người viết thơ cộng với cảm quan của người đọc thơ. Tạo được dư âm như mình mong muốn là cái thần của người làm thơ. Nó cũng tương tự như cảm quan của người nghe âm nhạc, sau khi nghe một đoạn nhạc. Tính mỹ thuật và âm hưởng của bài thơ, của đoạn nhạc là cái làm cho người ta nhớ và mến trọng. Có lẽ vì thế mà nhiều nhà thơ dùng ngoại cảnh để nói nội tình hơn là phân tích tình cảm nội tâm, tức là đi gián tiếp hay hơn là đi trực tiếp, hay lấy cái chung để nói cái riêng tư hay hơn là lấy cái riêng tư để nói cái riêng tư. Dư âm còn có thể là cái hương vị của bài thơ, từ đó người đọc cảm nhận được phong thái, cái hay cái đẹp trong tâm tư của nhà thơ. Nếu tôi nói hoa thơm thì người đọc chưa chắc đã cảm thấy hoa thơm, nhưng nếu tôi nói thoảng đưa trong không gian thì người đọc thấy cái gì nhè nhẹ, hình dung được cái hương bay. Hay nói cách khác, người làm thơ không diễn tả những gì hiển hiện trước mặt, không nói những gì hiển nhiên vốn có, bằng ngôn ngữ cửa miệng, đầu lưỡi, tức là thứ ngôn ngữ vẫn dùng thường ngày, song dùng một cách khác, gián tiếp chỉ đến điều mình muốn nói. Một trong những ví dụ là cách dùng hình ảnh cái bàn với những cái ghế trống rỗng trong vở nhạc kịch Những người khốn khổ, phỏng theo tiểu thuyết cùng tên của Victor Hugo. There's a grief that can't be spoken. There's a pain goes on and on. Empty chairs at empty tables Now my friends are dead and gone. ... Phantom faces at the window. Phantom shadows on the floor. Empty chairs at empty tables Where my friends will meet no more. Tạm dịch: Có những nỗi thương tiếc không bật được thành lời. Có những nỗi đau lê gót chẳng dừng. Những cái ghế vắng vẻ bên những cái bàn trống không Những người bạn của tôi giờ đã chết và không còn nữa. ... Ảo ảnh của những gương mặt ngoài cửa sổ. Những bóng ma trên sàn nhà. Những cái ghế vắng vẻ bên những cái bàn trống không Nơi những người bạn của tôi không còn gặp nhau được nữa. Nếu cộng những câu trên với bản nhạc hát chúng thành bài hát thì dư âm là những giọt nước mắt trào ra. Như vậy việc dùng hình ảnh gián tiếp để nói cái nỗi đau ở trong lòng có tác động mạnh hơn, có sức truyền cảm lớn hơn, hơn là chỉ đơn giản nói "những người bạn của tôi chết cả rồi". Làm thơ là việc khó và không phải ai cũng có thể làm được. Nhiều khi người ta cho rằng khả năng làm thơ là một thiên phú, trời cho và thường gây cảm xúc thán phục nếu ai đó có khả năng "xuất khẩu thành thơ". Đương nhiên khi làm thơ, người làm thơ phải có hiểu biết và một trí tuệ nhất định, song kể cả khi dùng trí tuệ thì trí tuệ của người làm thơ cũng bị cảm xúc của tình cảm chủ quan chi phối. Thơ là thể loại văn học lấy cảm xúc, lấy trí tuệ súc tích được diễn đạt theo hình thức có vần điệu hoặc tự do (không vần điệu). Trong việc sáng tác các thể loại văn học thì nhà thơ là người cần thiên phú nhất, cho nên ít khi do học mà làm được thơ hay, dù nếu đã làm được thơ hay và cũng được học thì vẫn tốt hơn. Thơ tồn tại như một loại thể văn học, còn "chất Thơ" hay "chất Thi ca" thì tồn tại ở nhiều loại hình, loại thể văn nghệ và trong thiên nhiên nói chung. Ví dụ một phong cảnh đẹp, một không khí môi trường gợi cảm xúc thi ca - như mùa thu vàng, chiều đông tuyết nhẹ rơi lãng đãng, khi tiễn hay đón gặp lại người thân sau nhiều năm xa vắng... làm cho tâm hồn tràn lên cảm xúc trữ tình, khiến ta như muốn ca lên, hát lên để biểu lộ một cái gì đó dạt dào hay xao xuyến. Nói tóm lại thi ca là tất cả những gì thuộc tình cảm và lý trí chịu sự chi phối của cảm xúc rung động đa dạng của con người. Khi nào bạn còn những rung động đó, nghĩa là tâm hồn bạn còn chất thi ca, còn khiến bạn sống có ý nghĩa hơn trên cõi đời này. Thơ, ngoài đặc điểm đó, lại là một nghệ thuật tuân theo các tính chất riêng của thể loại này - trong đó yếu tố trời cho làm thơ là số một. Những tính chất riêng của thể loại thơ là một vấn đề lớn, mà muốn hiểu nó chúng ta cần tham khảo từ nhiều nguồn như các giáo trình văn học, cũng như các nguồn khác. Phân tích Âm Âm do sự nhóm họp của một hoặc nhiều nguyên âm tạo nên. Những âm gần giống nhau, không kể các phụ âm đứng trước hay đứng sau hay sự tác động của các dấu gây sự trầm bổng của âm, tạo nên vần trong thơ. Chẳng hạn, âm đơn: à, ca, cha, đá, lá, ta âm kép: biên, chiêm, chuyên, xuyên Bảng phân các loại âm sau đây được trích từ Hệ thống thanh trong tiếng Việt (Việt Nam Văn Học Sử Yếu, Dương Quảng Hàm): {| class="wikitable" !Loại thanh!!Tên các thanh!!Dấu chỉ thanh!!Ghi chú |- ||Bằng||phù bình thanhtrầm thượng thanh||không có dấudấu huyền |- |rowspan="2"|Trắc||phù thương thanhtrầm thương thanhphù khứ thanhtrầm khứ thanh||ngã (~)hỏi (?)sắc (')nặng (.) | |- ||phù nhập thanhtrầm nhập thanh||sắc (')nặng (.)||riêng cho các tiếngđằng sau có phụ âmt, c, p và ch |} Nếu lựa từ sao cho có âm và thanh tương hợp thì khi đọc lên sẽ nghe êm tai, ta gọi lời văn có vần. Hai tiếng vần với nhau khi có âm tương tự và có cùng thanh (hoặc là cùng bình thanh hoặc là cùng trắc thanh). Trong thơ, vấn đề hợp vần là điều cốt yếu. Sự phối trí âm thanh nhịp điệu là yếu tố cơ bản của thơ. Vần Vần là những chữ có cách phát âm giống nhau, hoặc gần giống nhau, được dùng để tạo âm điệu trong thơ. Đây là một quy luật để nối các câu trong bài thơ với nhau. Thường vần được dùng để nối câu gieo vào chữ cuối cùng của câu thơ. Có hai loại vần: vần bình: những chữ không dấu hoặc dấu huyền — ba, bà vần trắc: những chữ có dấu hỏi, ngã, sắc, nặng — bả, bã, bá, bạ Chữ "đấy", "cấy" cùng phát ra một âm "ây" song đều thuộc trắc thanh. Những tiếng "dâu", "màu", "sầu" có âm "âu" và "au" và thuộc bình thanh. Vần thể còn được quan niệm là vần giàu hay nghèo: Vần giàu (hay còn gọi là Vần chính): những chữ có cùng âm và thanh Thanh bằng: Phương, sương, cường, trường Thanh trắc: Thánh, cảnh, lãnh, ánh Vần nghèo (hay còn gọi là Vần thông): đồng thanh nhưng với âm tương tự Thanh bằng: Minh, khanh, huỳnh, hoành Thanh trắc: Mến, lẽn, quyện, hển Ví dụ hai câu dùng vần chính: Lầu Tần chiều nhạt vẻ thu Gối loan tuyết đóng, chăn cù giá đông Cưỡng vận Khi hai vần là vần thông với nhau mà thôi. Người lên ngựa kẻ chia bào Rừng phong thu đã nhuộm màu quan san Lạc vận Khi hai vần không thuộc vần chính hay vần thông. Người về chiếc bóng năm canh Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi Trong thơ Việt, có hai cách gieo vần Gieo vần ở giữa câu (yêu vận hay "vần lưng"): Chữ cuối của câu trên vần với một chữ nằm bên trong câu dưới như trong thể thơ lục bát, chữ cuối câu có sáu chữ vần với chữ thứ sáu của câu tám chữ sau đó. Chẳng hạn truyện Kiều (1(6)-2(6)) (2(8)-3(6)) (3(6)-4(6)) (4(8)-..): Người về chiếc bóng năm canh Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi Vầng trăng ai xẻ làm đôi? Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường Gieo vần ở cuối câu (cước vận hay "vần chân"): Các chữ ở cuối câu vần với nhau. Vần tiếp Các cặp trắc bằng xen kẽ tiếp nhau. Chẳng hạn Xuân Diệu trong Tương Tư Chiều (2,3) (4,5) (6,7): Bữa nay lạnh mặt trời đi ngủ sớm, Anh nhớ em, em hỡi! Anh nhớ em. Không gì buồn bằng những buổi chiều êm, Mà ánh sáng đều hòa cùng bóng tối. Gió lướt thướt kéo mình qua cỏ rối; Vài miếng đêm u uất lẩn trong cành; Mây theo chim về dãy núi xa xanh Từng đoàn lớp nhịp nhàng và lặng lẽ. Không gian xám tưởng sắp tan thành lệ. Vần chéo Trong thi đoạn bốn câu, chữ cuối câu thứ nhất vần với câu thứ ba và chữ cuối câu thứ hai vần với câu thứ tư. Chẳng hạn Anh Thơ trong bài Tiếng chim tu hú (1,3) (2,4): Nắng hè đỏ hoa gạo Nước sông Thương trôi nhanh Trên đường đê bước rảo Gió nam giỡn lá cành Nhiều khi chỉ cần chữ cuối câu thứ hai vần với câu thứ tư mà thôi. Chẳng hạn Quang Dũng trong bài Đôi bờ (2,4): Xa quá rồi em người mỗi ngả Bên này đất nước nhớ thương nhau Em đi áo mỏng buông hờn tủi Dòng lệ thơ ngây có dạt dào? Vần ôm Trong thi đoạn bốn câu, chữ cuối câu thứ nhất vần với câu thứ tư và chữ cuối câu hai vần với câu thứ ba. Vần trắc ôm vần bằng, hay ngược lại. Chẳng hạn Nguyên Sa trong Áo lụa Hà Đông (1,4) (2,3): Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng Vần ba tiếng Trong thi đoạn bốn câu, chữ cuối câu một, câu hai và câu thứ tư vần với nhau. Câu ba khác vần. Chẳng hạn Thâm Tâm trong Tống Biệt Hành (1,2,3). Đưa người ta không đưa qua sông Sao có tiếng sóng ở trong lòng? Bóng chiều không thắm không vàng vọt Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong? Cách gieo vần dùng chữ cuối cùng của câu cũng xuất hiện trong các bài thơ của châu Âu, chẳng hạn như hai câu trích trong bài On His Being Arrived to the Age of Twenty-three của nhà thơ người Anh John Milton (tiếng Anh): That I to manhood am arrived so near, And inward ripeness doth much less appear, Hay tạm dịch là: Rằng tôi đến tuổi trưởng thành đã đến rất gần Và sự chín muồi bên trong ít xuất hiện hơn nhiều Ở đây âm "ia" (của near và appear) được dùng để làm vần nối hai câu thơ. Điệu Điệu, hay còn gọi là nhạc điệu, tạo nên do âm thanh của từ được chọn và nhịp điệu ngắt câu. Nhạc trong thơ được tạo nên bởi ba yếu tố: vần, tiết tấu và từ. Thơ lục bát, ca dao là một thể loại giàu nhạc tính. Âm hưởng của vần: (a)- Vần bằng thường gây cảm giác nhẹ nhàng, mềm mại. Gió mơn man sợi nắng mành Sương còn đu ngọn lá xanh miệt mài Dương gian hé rạng hình hài Trời se sẽ lạnh, đất ngai ngái mùi (b) - Vần trắc thường gây cảm giác mạnh mẽ, động đậy, tỉnh thức. Gió mơn man sợi nắng mành Sương còn đu ngọn lá xanh miệt mài Dương gian hé rạng hình hài Trời se sẽ lạnh, đất ngai ngái mùi Tiết tấu của câu: Tiết tấu là nói đến cái nhịp, cái điệu của câu thơ. dựa vào chỗ ngắt đoạn, tức chỗ chia câu thành từng vế, mỗi vế có nghĩa trọn vẹn. Đó là nhịp dài (--), khi ngâm người ta ngừng lại ngân nga lâu một chút. Ngoài ra, trong mỗi vế, khi ngâm tùy theo hứng, người ta cũng có thể ngừng lại ngân nga ngắn hơn ở những chỗ vế chia thành từng bộ phận, đó là nhịp ngắn (-). Dương gian (-) hé rạng (-) hình hài (--) Trời (-) se sẽ lạnh (-), đất ngai (--) ngái mùi(--) Nhịp trong thơ: tạo nên do sự phân định của câu và của từ, tương tự khi viết cho dấu phẩy, khi đọc ngưng hơi. Nhịp (4/4) - (2/2/2/2) Em ngồi cành trúc (--) em tựa cành mai (--)Đông đào (-) tây liễu (-) biết ai (-) bạn cùng (--) Nhịp (2/2/2) - (2/2/2/2) Trời mưa (-) ướt bụi (-) ướt bờ (-)Ướt cây (-) ướt lá (--) ai ngờ (-) ướt em (--) Nhịp (2/4) - (2/2/2/2) Yêu mình (--) chẳng lấy được mình (--)Tựa mai (-) mai ngã (--) tựa đình (-) đình xiêu (--) Nhịp (2/4) - (4/4) Đố ai (-) quét sạch lá rừng (--)Để ta khuyên gió (--) gió đừng rung cây (--) Nhịp (2/4) - (2/4/2) Hỡi cô (-) tát nước bên đàng (--)Sao cô (-) múc ánh trăng vàng (--) đổ đi (--) Nhịp (4/2) - (2/4/2) Trách người quân tử (-) bạc tình (--)Chơi hoa (--) rồi lại bẻ cành (--) bán rao (--) Nhịp (3/2/2) - (4/3/2) Đạo vợ chồng (-) thăm thẳm (-) giếng sâu (--)Ngày sau cũng gặp (--) mất đi đâu (-) mà phiền (--) Nhạc tính của từ: Theo ngữ học, mỗi từ đơn của ta thường là một âm tiết, khi phát lên nhẹ hay mạnh, trong hay đục là tùy theo vị trí phát âm của nó trong khẩu cung (kể từ môi đến cuống họng, kể cả độ mở của miệng). Một từ được phát lên tại vị trí nào trong khẩu cung là phải chịu ảnh hưởng của bốn yếu tố tạo nên nó: nguyên âm, phụ âm đầu, phụ âm cuối và thanh. Vì thế từ nào có: nguyên âm bổng như: i, ê, e phụ âm vang như: m, n, nh, ng thanh bổng như: không dấu, dấu sắc, dấu hỏi, thì từ được phát ra, âm sẽ cao, trong và nhẹ. Ngược lại, từ nào gặp phải: nguyên âm trầm: u, ô, o, phụ âm tắc: p, t, ch, c, và thanh trầm: dấu huyền, dấu ngã, dấu nặng thì từ phát ra âm sẽ đục và nặng. Sự trong đục của các từ ngắt nhịp trong câu, và nhất là của các từ dùng làm vần có ảnh hưởng nhiều nhất đến nhạc tính của thơ. Hôm qua (-) tát nước đầu đình (--) Bỏ quên cái áo (-) Trên cành hoa sen (--) Em được (--) thì cho anh xin (--) Hay là (-) em để làm tin (-) trong nhà. (--) Những từ ngắt nhịp và những từ dùng làm vần trong 4 câu thơ này hầu hết đều có những yếu tố tạo nên âm vang và trong, nên nhạc thơ nghe vui, diễn tả được tình cảm trong sáng, yêu đời của chàng trai ở đây. Nụ tầm xuân (-) nở ra xanh biếc. (--) Em đã có chồng (--) anh tiếc (-) lắm thay. (--) Âm "iếc" trong 2 từ "biếc" và "tiếc" lấy làm vần ở đây có 2 nguyên âm bổng (iê) vút cao với thanh sắc cũng thuộc loại thanh bổng nhưng đã bị đứt hơi, tắc nghẽn bởi phụ âm cuối ‘c’, được mệnh danh là âm tắc, nên khi đọc lên nghe như tiếng nấc, nhạc thơ vì vậy chậm lại, nghe nghẹn ngào, tức tưởi. Như thế, vần "iếc" ở đây gieo rất đắt, đã cực tả được nỗi tiếc nuối đứt ruột của chàng trai khi trở lại chốn cũ, gặp lại người xưa, tình mình thì đang nồng, người mình yêu lại quá đẹp, nhưng than ôi muộn mất rồi, vì nay nàng đã là gái có chồng! Yêu ai tha thiết, thiết tha Áo em hai vạt trải ra chàng ngồi. Đôi khi để đảm bảo cho nhạc tính của câu ca dao (âm luật, âm vận), những âm tiết của từ kép có thể đảo ngược vị trí. Như câu ca dao trên hai âm tiết "tha thiết" được đảo thành "thiết tha" vì thể lục bát chỉ gieo vần bằng (tha, ra). Thơ hoặc ca dao hay sử dụng từ láy, nhờ sự lập lại toàn thể hay một số yếu tố của từ gốc mà từ láy khi phát âm, hai điểm phát âm sẽ trùng nhau (từ láy hoàn toàn) hay tiến sát gần nhau (từ láy không hoàn toàn) tạo thành một chuỗi hòa âm, giúp cho nhạc điệu của thơ vừa phong phú, vừa tăng uyển chuyển, nhịp nhàng. Luật Luật làm thơ: Vần bằng (hay cũng gọi là "bình") được ký hiệu bằng B, vần trắc được ký hiệu bằng T, vần không theo luật ký hiệu bằng số 0 (vần tự do, có thể là thanh bất kì, bằng hoặc trắc). Thơ lục bát Thơ lục bát có nguồn gốc lâu đời, là một thể thơ dân tộc ta, thơ lục bát bao gồm có thể từ hai câu trở lên. Trong đó thì cứ hai câu ghép lại thành một cặp câu. Các cặp câu gồm có một câu 6 tiếng (câu lục) và một câu 8 tiếng (câu bát), và xen kẽ cứ câu lục là câu bát rồi đến cặp câu khác, số câu trong bài không giới hạn. Lục bát là một trong hai thể loại thơ chính của Việt Nam (lục bát và song thất lục bát). Thơ lục bát ở Việt Nam được truyền bá và phát triển hàng trăm năm nay. Thơ lục bát đã thấm đẫm tâm hồn người Việt chúng ta vì đó là thể thơ trong ca dao, đồng dao và các bài ru con. Ngày nay thơ lục bát vẫn được các nhà thơ hiện đại tiếp thu, hoàn chỉnh và giữ một vị trí quan trọng trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Thơ lục bát rất giản dị về quy luật, dễ làm, thường dùng để diễn tả những cung bậc cảm xúc khác nhau trong tâm hồn con người. Thơ lục bát có nguồn gốc lâu đời, là một thể thơ dân tộc ta, thơ lục bát bao gồm có thể từ hai câu trở lên. Trong đó thì cứ hai câu ghép lại thành một cặp câu. Các cặp câu gồm có một câu 6 tiếng (câu lục) và một câu 8 tiếng (câu bát), và xen kẽ cứ câu lục là câu bát rồi đến cặp câu khác, số câu trong bài không giới hạn. Thông thường thì bắt đầu bằng câu sáu chữ và chấm dứt ở câu tám. Nhưng cũng có khi kết thúc bằng câu sáu để đạt tính cách lơ lửng, hiểu ngầm, hay diễn đạt sự đột ngột. Thơ lục bát cũng cần tuân thủ luật về thanh và vần, vì vậy tìm hiểu thơ lục bát là tìm hiểu về luật và vần của nó. Luật về thanh giúp cho câu thơ trở nên hài hòa. Các vần chính là hình thức kết dính các câu thơ lại với nhau. Luật thanh trong thơ lục bát; Thơ lục bát có 2 câu chuẩn là câu lục và câu bát, cũng như thơ Đường luật, nó tuân thủ quy tắc nhất, tam, ngũ bất luận; nhị, tứ, lục phân minh. Nghĩa là các tiếng thứ 1, 3, 5, 7 trong câu có thể tự do về thanh, nhưng các tiếng thứ 2, 4, 6, 8 thì phải theo luật chặt chẽ. Luật như sau: Ví dụ: Nửa đêm qua huyện Nghi Xuân (B - T - B) Bâng khuâng nhớ Cụ, thương thân nàng Kiều (Tố Hữu) Về phối thanh, chỉ bắt buộc các tiếng thứ tư phải là trắc, các tiếng thứ hai, thứ sáu, thứ tám phải là bằng, nhưng trong câu tám các tiếng thứ sáu thứ tám phải khác dấu, nếu trước là dấu huyền thì sau phải là không dấu hoặc ngược lại: Một cây làm chẳng nên non Ba cây chụm lại nên hòn núi cao Thế nhưng đôi khi có thể tự do về tiếng thứ hai của câu lục hay câu bát, có thể biến nó thành thanh trắc. Hoặc là câu lục giữ nguyên mà câu bát thì lại theo thứ tự T-B-T-B những câu thơ thế này ta gọi là lục bát biến thể. Ví dụ: Có xáo thì xáo nước trong T-T-B Đừng xáo nước đục đau lòng cò con T-T-B-B Hay: Con cò lặn lội bờ sông Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non T-B-T-B Cách gieo vần trong thơ lục bát: Thơ lục bát có cách gieo vần khác với các thơ khác. Có nhiều vần được gieo trong thơ nhiều câu chứ không phải là một vần, điều này tạo cho thơ lục bát tính linh hoạt về vần. Thể thơ lục bát thường được gieo vần bằng; tiếng cuối của câu lục hiệp với tiếng thứ sáu của cậu bát, tiếng thứ sáu của câu bát hiệp với tiếng của câu lục tiếp; cứ như thế đến hết bài lục bát: Trăm năm trong cõi người ta Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau Trải qua một cuộc bể dâu Những điều trông thấy mà đau đớn lòng Như thế ngoài vần chân có cả ở hai câu 6, 8 lại có cả vần lưng trong câu tám. Tiểu đối trong thơ lục bát: Đó là đối thanh trong hai tiếng thứ 6 (hoặc thứ 4) của câu bát với tiếng thứ 8 câu đó. Nếu tiếng này mang thanh huyền thì tiếng kia bắt buộc là thanh ngang và ngược lại. Ví dụ: Đau đớn thay phận đàn bà Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung. Ngoài đối thanh còn có đối ý: Dù mặt lạ, đã lòng quen (Bích câu kì ngộ) Cách ngắt nhịp trong thơ lục bát: Thơ lục bát thông thường ngắt nhịp chẵn, là nhịp 2/2/2, hoặc 4/4 để diễn tả những tình cảm thương yêu, buồn đau... Người thương/ ơi hỡi/ người thương Đi đâu/ mà để/ buồng hương/ lạnh lùng Đôi khi để nhấn mạnh nên người ta đổi thành nhịp lẻ đó là nhịp 3/3: Chồng gì anh/ vợ gì tôi Chẳng qua là cái nợ đời chi đây Khi cần diễn đạt những điều trắc trở, khúc mắc, mạnh mẽ, đột ngột hay tâm trạng bất thường, bất định thì có thể chuyển sang nhịp lẻ 3/3, 1/5, 3/5... Thể thơ lục bát với cách gieo vần, phối thanh và ngắt nhịp giản dị mà biến hóa vô cùng linh hoạt, phong phú và đa dạng, nó rất dồi dào khả năng diễn tả. Đa số ca dao được sáng tác theo thể lục bát. Theo thống kê của các nhà nghiên cứu có hơn 90% lời thơ trong ca dao được sáng tác bằng thể thơ này. Từ những đặc trưng cấu trúc ngữ nghĩa trên có thể thấy về cơ bản thể thơ lục bát vẫn là thể thơ nền nã, chỉn chu với những quy định rõ ràng về vần nhịp, về số tiếng mỗi dòng thơ, về chức năng đảm trách của mỗi câu trong thể. Tuy vậy cũng có lúc câu lục tràn sang câu bát, câu lục và câu bát dài quá khổ, có khi xê dịch phối thanh, hiệp vần... đó là dạng lục bát biến thể. Sự biến đổi đó là do nhu cầu biểu đạt tình cảm ngày càng phong phú, đa dạng phá vỡ khuôn hình 6/8 thông thường. Tuy nhiên dù phá khuôn hình, âm luật, cách gieo vần của thể thơ lục bát cơ bản vẫn giữ nguyên. Đó là dấu hiệu đặc trưng cho ta nhận biết nó vẫn là thể lục bát. Bên cạnh lục bát truyền thống còn có lục bát biến thể là những câu có hình thức lục bát nhưng không phải trên sáu dưới tám mả có sự co giãn nhất định về âm tiết về vị trí hiệp vần... Hiện tượng lục bát biến thể là vấn đề đáng chú ý trong ca dao, chúng ta có thể xem xét một số trường hợp: lục bát biến thể tăng, lục bát biến thể giảm số tiếng. Xét về mặt nội dung thơ lục bát diễn đạt tâm trạng nhiều chiều của nhân vật trữ tình. Thông thường người bình dân hay mượn thể loại văn vần này để bày tỏ nỗi lòng, tâm trạng của mình trong cuộc sống, sinh hoạt, tình yêu... do vậy thể thơ chủ yếu của ca dao vẫn là thể lục bát vì nó có khả năng diễn đạt tất thảy những cung bậc cảm xúc như: tình yêu trai gái, tình yêu gia đình, xóm làng, yêu đồng ruộng, đất đai, yêu lao động, yêu thiên nhiên.... Dân tộc nào cũng có một thể thơ, một điệu nhạc phù hợp với cách điệu cuộc sống của dân tộc đó. Lục bát là thể thơ hài hoà với nhịp đập của con tim, nếp nghĩ, cách sinh hoạt của người dân Việt Nam. Ca dao, tiếng nói mang đầy âm sắc dân tộc cũng được chuyển tải bằng lục bát. Việc sáng tạo thể thơ độc đáo này thể hiện đời sống tinh thần phong phú của người bình dân, rất nhiều nhà thơ thành công nhờ thể thơ này. Những truyện thơ vĩ đại nhất của Việt Nam như Truyện Kiều, Lục Vân Tiên đều được thể hiện bằng hình thức thơ Lục bát. Sau này các nhà thơ hiện đại cũng đã rất thành công khi vận dụng thể lục bát trong các sáng tác của mình. Nguyễn Bính, Đồng Đức Bốn tiêu biểu cho dòng lục bát dân gian. Dòng lục bát trí tuệ có thể xem Lửa thiêng của Huy Cận trong phong trào Thơ Mới là thành tựu mở đầu. Dòng lục bát hiện đại có Bùi Giáng, Nguyễn Duy, Tố Hữu... Bởi cái chất duyên dáng, kín đáo, không ồn ào của lối nghĩ phương Đông, lục bát đã giữ cho mình luôn có cái vẻ nền nã. Ngày nay thể lục bát vẫn là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Thơ song thất lục bát Song thất là hai câu bảy chữ nối theo hai câu lục bát. Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn đã được Đoàn Thị Điểm diễn nôm lại bằng thể thơ này. Trong câu bảy chữ trên, chữ thứ ba, bảy là vần trắc, chữ thứ năm là vần bình; trong câu bảy chữ dưới, chữ thứ ba, bảy là vần bình, thứ năm là vần trắc; trong câu lục, chữ thứ hai, sáu là vần bình, chữ thứ tư là vần trắc; trong câu bát, chữ thứ hai, sáu, tám là vần bình, chữ thứ tư là vần trắc. {| class="prettytable" |- ||Câu số||colspan="8" align="center"|Vần |- ||1|| 0|| 0||T|| 0||B|| 0||T|| |- ||2|| 0|| 0||B|| 0||T|| 0||B|| |- ||3|| 0||B|| 0||T|| 0||B|| || |- ||4|| 0||B|| 0||T|| 0||B|| 0||B |- !Chữ thứ!!1!!2!!3!!4!!5!!6!!7!!8 |} Chàng thì đi cõi xa mưa gió Thiếp lại về buồng cũ gối chăn Đoái trông theo đã cách ngăn Tuôn màu mây biếc, trải ngần núi xanh Chữ cuối cùng của câu có bảy chữ trên vần với chữ thứ năm của cây bảy chữ dưới, chữ cuối câu bảy chữ ở dưới vần với chữ cuối của câu sáu chữ trong hai câu lục bát tiếp theo, chữ cuối câu sáu chữ lục bát vần với chữ thứ sáu của câu có tám chữ, và chữ cuối của câu tám chữ lục bát vần với chữ thứ năm của câu bảy chữ tiếp theo. Tuy nhiên, chữ cuối câu lục bát tám chữ cũng có thể vần với chữ thứ ba câu bảy chữ, biến đổi âm trong vần chữ này đổi sang vần bình. Do đó, chữ thứ ba trong câu bảy chữ trên có thể là trắc hay bằng. {| class="prettytable" |- ||Câu số||colspan="8" align="center"|Vần |- ||1|| 0|| 0|| 0|| 0||B|| 0||T|| |- ||2|| 0|| 0||B|| 0||T|| 0||B|| |- ||3|| 0||B|| 0||T|| 0||B|| || |- ||4|| 0||B|| 0||T|| 0||B|| 0||B |- !Chữ thứ!!1!!2!!3!!4!!5!!6!!7!!8 |} Nước trong chảy lòng phiền chẳng rửa Cỏ xanh thơm dạ nhớ khó quên Nhủ rồi tay lại trao liền Bước đi một bước lại vin áo chàng Thơ bốn chữ Nếu chữ thứ hai là vần bằng thì chữ thứ tư là vần trắc. {| class="prettytable" |- ||Câu số||colspan="4" align="center"|Vần |- ||1|| 0||T|| 0||B |- ||2|| 0||B|| 0||T |- !Chữ thứ!!1!!2!!3!!4 |} Bão đến ầm ầm Như đoàn tàu hỏa Ngược lại, nếu chữ thứ hai là vần trắc thì chữ thứ tư là vần bằng. {| class="prettytable" |- ||Câu số||colspan="4" align="center"|Vần |- ||1|| 0||B|| 0||T |- ||2|| 0||T|| 0||B |- !Chữ thứ!!1!!2!!3!!4 |} Chim ngoài cửa sổ Mổ tiếng võng kêu Song nhiều bài thơ không theo luật ở trên. Bão đi thong thả Như con bò gầy Thơ năm chữ Tương tự như luật của thơ bốn chữ ở trên, song cũng nhiều trường hợp không theo luật. Hôm nay đi chùa Hương Hoa cỏ mờ hơi sương Cùng thầy me em dậy Em vấn đầu soi gương Thơ sáu chữ Dùng chữ cuối cùng, với cách gieo vần như vần chéo hoặc vần ôm: Vần chéo Quê hương là gì hở mẹ Mà cô giáo dạy phải yêu Quê hương là gì hở mẹ Ai đi xa cũng nhớ nhiều Đỗ Trung Quân - Quê Hương Vần ôm Xuân hồng có chàng tới hỏi: -- Em thơ, chị đẹp em đâu? -- Chị tôi tóc xõa ngang đầu Đi bắt bướm vàng ngoài nội Huyền Kiêu - Tình sầu Thơ bảy chữ Do ảnh hưởng của Thất ngôn tứ tuyệt trong thơ Đường, thơ bảy chữ hiện nay vẫn còn mang âm hưởng luật của nó. Có hai loại câu: Vần bằng {| class="prettytable" |- ||Câu số||colspan="7" align="center"|Vần |- ||1|| 0||B|| 0||T|| 0||B||B |- ||2|| 0||T|| 0||B|| 0||T||B |- ||3|| 0||T|| 0||B|| 0||T||T |- ||4|| 0||B|| 0||T|| 0||B||B |- !Chữ thứ!!1!!2!!3!!4!!5!!6!!7 |} Quanh năm buôn bán ở mom sông Nuôi đủ năm con với một chồng Lặn lội thân cò khi quãng vắng Eo sèo mặt nước buổi đò đông Tú Xương – Thương vợ Hay gần đây hơn: Em ở thành Sơn chạy giặc về Tôi từ chinh chiến cũng ra đi Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì (Quang Dũng – Đôi mắt người Sơn Tây) Vần trắc {| class="prettytable" |- ||Câu số||colspan="7" align="center"|Vần |- ||1|| 0||T|| 0||B|| 0||T||B |- ||2|| 0||B|| 0||T|| 0||B||B |- ||3|| 0||B|| 0||T|| 0||B||T |- ||4|| 0||T|| 0||B|| 0||T||B |- !Chữ thứ!!1!!2!!3!!4!!5!!6!!7 |} Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau: Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu Phen này ông quyết đi buôn cối Thiên hạ bao nhiêu đứa giã trầu Hiện nay, thể thơ này được cải biên và nó chỉ còn là: {| class="prettytable" |- ||Câu số||colspan="7" align="center"|Vần |- ||1|| 0||B|| 0||T|| 0||B||0 |- ||2|| 0||T|| 0||B|| 0||T||0 |- !Chữ thứ!!1!!2!!3!!4!!5!!6!!7 |} Ta về cúi mái đầu sương điểmNghe nặng từ tâm lượng đất trời Cảm ơn hoa đã vì ta nởThế giới vui từ mỗi lẻ loi Tô Thùy Yên – Ta về Thơ tám chữ Chữ cuối có vần trắc thì chữ thứ ba là vần trắc, chữ thứ năm và sáu là vần bằng {| class="prettytable" |- || ||colspan="8" align="center"|Vần |- || || 0|| 0||T|| 0||B||B|| 0||T |- !Chữ thứ!!1!!2!!3!!4!!5!!6!!7!!8 |} Chữ cuối có vần bằng thì chữ thứ ba là vần bằng, chữ thứ năm và sáu là vần trắc. {| class="prettytable" |- || ||colspan="8" align="center"|Vần |- || || 0|| 0||B|| 0||T||T|| 0||B |- !Chữ thứ!!1!!2!!3!!4!!5!!6!!7!!8 |} Nhưng nhiều lúc cũng không như thế. Cách gieo vần Vần tiếp Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé, Tôi sẽ trách -- cố nhiên -- nhưng rất nhẹ; Nếu trót đi, em hãy gắng quay về, Tình mất vui lúc đã vẹn câu thề Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở. Thơ viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ, Cho nghìn sau... lơ lửng... với nghìn xưa... Hồ Dzếnh - Ngập Ngừng Vần chéo Trong ánh nắng hạt sương dần nhẹ bỗng Rồi tan vào thoáng đãng trời xanh Cánh hoa mỏng rập rờn với gió Có nhớ về hạt sương sớm long lanh? Hải Kỳ - Giấc mơ Vần ôm Đêm Trường Sơn. Lá với nước rầm rì Hơi đá lạnh nép mái nhà nghe ngóng Chúng tôi ngồi xòe tay trên lửa nóng Máu bàn tay mang hơi lửa vào tim Nguyễn Khoa Điềm - Bếp lửa rừng Muốn cho thơ tám chữ thêm âm điệu, một số nhà thơ thường gieo vần chữ thứ tám của câu trên với chữ thứ năm hay sáu của câu dưới: Sàn gác trọ những tâm hồn bão nổi Những hào hùng, uất hận gối lên nhau Cao Tần - Ta làm gì cho hết nửa đời sau? Dạng Thơ lục bát Thơ song thất lục bát Thơ bốn chữ Thơ năm chữ Thơ sáu chữ Thơ bảy chữ Thơ tám chữ Thơ tự do Thơ Đường luật (Thất ngôn bát cú,thất ngôn tứ tuyệt) Các dạng thơ nổi tiếng trên thế giới Các nhà thơ nổi tiếng trên thế giới Xem bài: Nhà thơ Ghi chú
Thuật ngữ vitamin B12 (viết tắt B12) có hai cách dùng: Ở nghĩa rộng, nó chỉ nhóm cobalamin, là những hợp chất chứa Co, gồm những chất như cyanocobalamin (hình thành khi sử dụng xyanua trong quá trình tinh chế), hyđrôxocobalamin và 2 thể coenzym của B12, mêtylcobalamin (MeB12) và 5-deôxyadenosylcobalamin (adenosylcobalamin - AdoB12). Theo nghĩa chuyên biệt hơn, B12 được dùng để chỉ cyanocobalamin. Đây là dạng B12 được dùng trong thực phẩm và chế phẩm bổ sung dinh dưỡng. - Pseudo-B12 (B12 giả) là những chất giống B12 được tìm thấy ở một số sinh vật như Spirulina spp. (tảo lam, cyanobacteria). Tuy nhiên, các chất này không có hoạt tính sinh học của B12 đối với cơ thể người. - Vitamin B12 có cấu tạo rất phức tạp, công thức phân tử C63H90O14N14PCo, phân tử lượng 1490; nhiệt độ nóng chảy khoảng 300oC - Vitamin B12 có dạng tinh thể màu đỏ, không mùi vị, bền trong tối, bền ở nhiệt độ thường, bền ở pH acid; dễ phân hủy ngoài ánh sáng. - Cyanocobalamin được tách ra từ Lactobacillus lactics. Do có độ bền cao và sẵn có nên đây là dạng vitamin thường được sử dụng nhất. Cyanocobalamin còn xuất hiện trong tự nhiên dưới dạng adenosylcobalamin và methylcobalamin (gốc 5' - deoxyadenosyl và gốc methyl thay thế gốc cyanide). - Adenosylcobalamin (coenzyme B12) tham gia vào phản ứng sắp xếp lại nguyên tử H, gốc alkyl và gốc acyl giữa hai nguyên tử carbon kề nhau. Phản ứng này đóng vai trò quan trọng trong trao đổi chất ở nhiều loại vi khuẩn. - Ở động vật, vitamin B12 tham gia vào phản ứng chuyển methylmalonyl-CoA thành sucinyl-CoA. Thiếu vitamin B12 dẫn đến việc thải acid methylmalonic ra nước tiểu. Vitamin B12 còn tham gia tạo các acid deoxyribonucleic. - Methylcobalamin được tạo thành trong quá trình methyl hóa homocystein thành methionine. Enzyme liên quan đến phản ứng này là methyl transferase phụ thuộc cobalamin. - Sự hấp thụ Cyanocobalamin được thực hiện nhờ một "yếu tố nội tại" là glycoprotein do tế bào viền tuyến đáy vị tiết ra. Sự thiếu hụt vitamin B12 trong cơ thể chủ yếu do nguyên nhân rối loạn hấp thu (do tạo thành "yếu tố nội tại" không phù hợp) hay do bệnh thiếu máu. - Vitamin B12 (sử dụng độc lập hay kết hợp cùng kháng sinh) có khả năng thúc đẩy tăng trưởng ở gà con, heo sữa, lợn thiến do nó ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa vitamin và protein. Vì thế, Vitamin B12 được sử dụng rộng rãi trong chăn nuôi. Hiệu quả sử dụng đặc biệt cao đối với động vật còn non. Vitamin B12 cũng được dùng để tăng sản lượng ở trứng gà đẻ. - Nhu cầu vitamin B12 hàng ngày ở người lớn khoảng 3 4 g. Nồng độ bình thường trong huyết tương khoảng 450 pg/ml. - Gan, thận, lách, tuyến ức và các mô cơ là những cơ quan chứa nhiều vitamin B12. Ăn nhiều nội tạng động vật là phương pháp tốt để giảm nhẹ các biểu hiện thiếu vitamin B12 ở người. - Độ bền của vitamin B12 phụ thuộc vào yếu tố. Vitamin này tương đối bền ở pH 4 6, thậm chí ở nhiệt độ cao. Trong môi trường kiềm hay khi có mặt các chất khử như acid ascorbic hay SO2, vitamin B12 bị phân hủy nhanh. Khi có sự hiện diện của vitamin C, vitamin B12 trở nên ít bền vững với nhiệt độ hơn và có thể bị phá hủy lượng đáng kể. Trong chế biến, vitamin B12 khá bền vững với nhiệt độ, trừ khi trong môi trường kiềm hoặc nhiệt độ quá 100oC.
Thuật ngữ "Sinh tố" trong bài này nói về một loại hợp chất hữu cơ có trong thực phẩm. Để biết về một loại thức uống, xem bài sinh tố trái cây. Vitamin (còn gọi là sinh tố, bắt nguồn từ từ Hán Việt duy sinh tố 维生素) là một phân tử hữu cơ (hoặc tập hợp các phân tử có liên quan) là một loại vi chất dinh dưỡng thiết yếu mà một sinh vật cần với số lượng nhỏ để duy trì hoạt động đúng đắn của quá trình trao đổi chất. Các chất dinh dưỡng thiết yếu không thể được tổng hợp trong cơ thể, cả hoặc không đủ số lượng, và do đó phải có được thông qua chế độ ăn uống. Vitamin C có thể được tổng hợp bởi một số loài nhưng không phải bởi những loài khác; Nó không phải là vitamin trong trường hợp đầu tiên mà là trong lần thứ hai. Thuật ngữ vitamin không bao gồm ba nhóm chất dinh dưỡng thiết yếu khác: khoáng chất, axit béo thiết yếu và amino acid thiết yếu. Hầu hết các vitamin không phải là các phân tử đơn lẻ, mà là các nhóm phân tử liên quan được gọi là vitamers. Ví dụ, vitamin E bao gồm 4 tocopherol và 4 tocotrienol. 13 vitamin cần thiết cho quá trình trao đổi chất của con người là: vitamin A (như all- trans - retinol, all- trans -retinyl-este, cũng như all- trans - beta-carotene và các loại carotenoid A khác), vitamin B1 (thiamin), vitamin B2 (riboflavin), vitamin B3 (niacin), vitamin B5 (axit pantothenic), vitamin B6 (pyridoxin), vitamin B7 (biotin), vitamin B9 (axit folic hoặc folate), vitamin B12 (cobal), vitamin C (axit ascorbic), vitamin D (calciferols), vitamin E (tocopherol và tocotrienol) và vitamin K (quinon). Vitamin có chức năng sinh hóa đa dạng. Vitamin A hoạt động như một chất điều chỉnh sự phát triển và biệt hóa tế bào và mô. Vitamin D cung cấp chức năng giống như hormone, điều chỉnh chuyển hóa khoáng chất cho xương và các cơ quan khác. Các vitamin B có chức năng như các đồng yếu tố enzym (coenzyme) hoặc tiền chất cho chúng. Vitamin C và E có chức năng như chất chống oxy hóa. Cả việc thiếu vitamin và dư vitamin có thể có khả năng gây bệnh đáng kể về mặt lâm sàng, mặc dù tiêu thụ quá nhiều lượng vitamin tan trong nước là ít có khả năng xảy ra. Trước năm 1935, nguồn vitamin duy nhất là từ thực phẩm. Nếu ăn thiếu vitamin, kết quả là chứng thiếu vitamin và hậu quả là các bệnh phát sinh. Sau đó, các viên thuốc vitamin được sản xuất thương mại gồm phức hợp vitamin B chiết xuất men và vitamin C bán tổng hợp đã có sẵn. Điều này được tiếp nối vào những năm 1950 bởi việc sản xuất và tiếp thị hàng loạt các chất bổ sung vitamin, bao gồm vitamin tổng hợp, để ngăn ngừa sự thiếu hụt vitamin trong dân số nói chung. Các chính phủ bắt buộc phải bổ sung vitamin vào thực phẩm chủ yếu như bột hoặc sữa, được gọi là tăng cường thực phẩm, để ngăn ngừa sự thiếu hụt. Khuyến cáo về việc bổ sung axit folic khi mang thai làm giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh ở trẻ sơ sinh. Mặc dù việc giảm tỷ lệ thiếu hụt vitamin rõ ràng có lợi ích, việc bổ sung được cho là rất ít giá trị đối với những người khỏe mạnh đang tiêu thụ một chế độ ăn uống đầy đủ vitamin. Thuật ngữ vitamin có nguồn gốc từ chữ vitamine, được đặt ra vào năm 1912 bởi nhà hóa sinh người Ba Lan Casimir Funk, người đã cô lập một phức hợp các vi chất dinh dưỡng thiết yếu cho sự sống, tất cả đều được ông coi là các amin thiết yếu (vital amine). Tuy nhiên sau đó người ta phát hiện ra một số vitamin không phải là axit amin, vì vậy "vital amine" được đổi thành "vitamin". Tất cả các vitamin đã được phát hiện (xác định) từ năm 1913 đến 1948. Danh sách Phân loại Vitamin được phân loại là hòa tan trong nước hoặc hòa tan trong chất béo. Ở người có 13 loại vitamin: 4 tan trong chất béo (A, D, E và K) và 9 tan trong nước (8 vitamin B và vitamin C). Các vitamin tan trong nước dễ dàng hòa tan trong nước và nói chung là dễ dàng đào thải ra khỏi cơ thể, đến mức mà lượng nước tiểu là một yếu tố dự báo mạnh mẽ về tiêu thụ vitamin. Bởi vì chúng không được lưu trữ dễ dàng, lượng tiêu thụ đều đặn là rất quan trọng. Các vitamin tan trong chất béo được hấp thụ qua đường ruột với sự trợ giúp của lipid (chất béo). Vitamin A và D có thể tích lũy trong cơ thể, có thể dẫn đến nguy hiểm thừa vitamin. Thiếu vitamin tan trong chất béo do kém hấp thu có ý nghĩa đặc biệt trong bệnh xơ nang. Anti vitamin Anti-vitamin là các hợp chất hóa học ức chế sự hấp thụ hoặc hoạt động của vitamin. Ví dụ, avidin là một protein trong lòng trắng trứng sống có tác dụng ức chế sự hấp thụ biotin; nó bị vô hiệu hóa bằng cách nấu ăn. Pyrithiamine, một hợp chất tổng hợp, có cấu trúc phân tử tương tự thiamin (vitamin B1) và ức chế các enzym sử dụng thiamin. Chức năng sinh hóa Mỗi vitamin thường được sử dụng trong nhiều phản ứng, và do đó hầu hết có nhiều chức năng. Về sự tăng trưởng của thai nhi và sự phát triển thời thơ ấu Các vitamin rất cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển bình thường của một sinh vật đa bào. Sử dụng bản thiết kế di truyền được thừa hưởng từ cha mẹ của nó, thai nhi phát triển từ các chất dinh dưỡng mà nó hấp thụ. Nó đòi hỏi một số vitamin và khoáng chất cần có mặt tại một số thời điểm nhất định. Những chất dinh dưỡng này tạo điều kiện cho các phản ứng hóa học tạo ra da, xương, cơ bắp và các bộ phận khác. Nếu có sự thiếu hụt nghiêm trọng của một hoặc nhiều chất dinh dưỡng này, một đứa trẻ có thể bị bệnh do thiếu hụt. Ngay cả những thiếu sót nhỏ cũng có thể gây ra thiệt hại vĩnh viễn. Bảo dưỡng sức khỏe người lớn Sau khi tăng trưởng và phát triển hoàn thành, vitamin vẫn là chất dinh dưỡng thiết yếu cho sự duy trì lành mạnh của các tế bào, mô và cơ quan tạo nên một sinh vật đa bào; chúng cũng cho phép một dạng sống đa bào sử dụng hiệu quả năng lượng hóa học được cung cấp bởi thực phẩm mà nó ăn và để giúp xử lý protein, carbohydrate và chất béo cần thiết cho quá trình hô hấp tế bào. Lượng tiêu thụ Nguồn Phần lớn, vitamin thu được từ chế độ ăn, nhưng một số được thu nhận bằng các phương tiện khác: ví dụ, vi sinh vật trong hệ vi sinh đường ruột sản xuất vitamin K và biotin; và một dạng vitamin D được tổng hợp trong các tế bào da khi chúng tiếp xúc với một bước sóng nhất định của tia cực tím có trong ánh sáng Mặt Trời. Con người có thể sản xuất một số vitamin từ tiền chất mà họ tiêu thụ: ví dụ, vitamin A được tổng hợp từ beta-carotene; và vitamin B3 được tổng hợp từ amino acid tryptophan. Sáng kiến Tăng cường Thực phẩm liệt kê các quốc gia có chương trình tăng cường bắt buộc đối với vitamin A và vitamin B1, B2, B3, B9 và B12. Thiếu hụt Các kho dự trữ của cơ thể cho các vitamin khác nhau rất khác nhau; vitamin A, D và B12 được lưu trữ với số lượng đáng kể, chủ yếu ở gan, và chế độ ăn của người trưởng thành có thể bị thiếu vitamin A và D trong nhiều tháng và B12 trong một số trường hợp trong nhiều năm, trước khi bị sinh bệnh. Tuy nhiên, vitamin B3 (niacin và niacinamide) không được lưu trữ với số lượng đáng kể, vì vậy lượng dự trữ có thể chỉ kéo dài một vài tuần. Đối với vitamin C, các triệu chứng đầu tiên của bệnh scorbut trong các nghiên cứu thực nghiệm về sự thiếu hụt vitamin C hoàn toàn ở người đã thay đổi rất nhiều, từ một tháng đến hơn sáu tháng, tùy thuộc vào lịch sử chế độ ăn trước đó xác định lượng vitamin lưu trữ trong cơ thể. Sự thiếu hụt vitamin được phân loại là nguyên phát hoặc thứ phát. Sự thiếu hụt nguyên phát xảy ra khi một sinh vật không có đủ vitamin trong thức ăn. Sự thiếu hụt thứ phát có thể là do rối loạn cơ bản ngăn cản hoặc hạn chế sự hấp thụ hoặc sử dụng vitamin, do "yếu tố lối sống", chẳng hạn như hút thuốc, uống quá nhiều rượu hoặc sử dụng thuốc cản trở sự hấp thụ hoặc sử dụng của vitamin. Những người ăn một chế độ ăn uống đa dạng không có khả năng bị thiếu vitamin nguyên phát nghiêm trọng, nhưng có thể tiêu thụ ít hơn lượng khuyến cáo; một cuộc khảo sát thực phẩm và thực phẩm bổ sung quốc gia được thực hiện tại Hoa Kỳ trong giai đoạn 2003-2006 đã báo cáo rằng hơn 90% cá nhân không tiêu thụ vitamin bổ sung được phát hiện có mức độ không đủ của một số vitamin thiết yếu, đặc biệt là vitamin D và E. Sự thiếu hụt vitamin ở người được nghiên cứu kỹ lưỡng liên quan đến thiamin (beriberi), niacin (pellagra), vitamin C (scorbut), folate (dị tật ống thần kinh) và vitamin D (còi xương). Trong phần lớn thế giới phát triển, những thiếu hụt này rất hiếm; điều này là do A) cung cấp đủ thực phẩm và B) bổ sung vitamin vào thực phẩm thông thường (tăng cường). Ngoài các bệnh thiếu vitamin cổ điển này, một số bằng chứng cũng cho thấy mối liên hệ giữa việc thiếu vitamin và một số rối loạn khác nhau. Dư thừa Một số vitamin đã ghi nhận có độc tính cấp tính hoặc mãn tính ở lượng lớn hơn, được gọi là độc tính khi dùng quá nhiều. Liên minh châu Âu và chính phủ của một số quốc gia đã thiết lập giới hạn trên cho mức tiêu thụ (ULs) cho những vitamin có ghi nhận độc tính (xem bảng). Khả năng tiêu thụ quá nhiều vitamin từ thực phẩm là rất thấp, nhưng lượng hấp thụ quá mức (ngộ độc vitamin) từ thực phẩm bổ sung đã xảy ra. Trong năm 2016, việc tiếp xúc quá liều với tất cả các công thức vitamin và đa vitamin/khoáng chất đã được báo cáo từ 63.931 cá nhân cho Hiệp hội các Trung tâm kiểm soát độc dược Hoa Kỳ với 72% các ca phơi nhiễm này ở trẻ em dưới 5 tuổi. Tại Hoa Kỳ, phân tích một cuộc khảo sát về chế độ ăn uống và bổ sung quốc gia đã báo cáo rằng khoảng 7% người dùng bổ sung người trưởng thành vượt quá mức giới hạn trên đối với folate và 5% những người trên 50 tuổi vượt quá mức đối với vitamin A. Tác dụng của nấu ăn Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã tiến hành các nghiên cứu sâu rộng về tỷ lệ hao hụt của các chất dinh dưỡng khác nhau từ các loại thực phẩm và phương pháp nấu ăn khác nhau. Một số vitamin có thể trở nên "có sẵn về mặt sinh học" hơn - nghĩa là cơ thể có thể sử dụng được - khi thức ăn được nấu chín. Bảng dưới đây cho thấy các loại vitamin khác nhau có dễ bị mất do nhiệt không, chẳng hạn như nhiệt từ đun sôi, hấp, chiên, v.v. Hiệu quả của việc cắt rau có thể được nhìn thấy khi tiếp xúc với không khí và ánh sáng. Các vitamin tan trong nước như B và C hòa tan vào nước khi rau được đun sôi, và sau đó bị mất khi nước bị loại bỏ. Mức đề xuất Trong việc thiết lập các hướng dẫn dinh dưỡng của con người, các tổ chức chính phủ không nhất thiết phải đồng ý về số lượng cần thiết để tránh thiếu hụt hoặc số lượng tối đa để tránh nguy cơ độc tính. Ví dụ, đối với vitamin C, lượng khuyến cáo trong khoảng từ 40 mg/ngày ở Ấn Độ đến 155 mg/ngày ở Liên minh châu Âu. Bảng dưới đây cho thấy Yêu cầu trung bình ước tính của Hoa Kỳ (EAR) và Trợ cấp chế độ ăn uống được khuyến nghị (RDAs) đối với vitamin, PRI cho Liên minh châu Âu (cùng khái niệm với RDAs), theo sau là ba tổ chức chính phủ coi là mức tiêu thụ an toàn. RDA được đặt cao hơn EAR để bù cho những người có nhu cầu cao hơn mức trung bình. Lượng nhập đầy đủ (AI) được đặt khi không có đủ thông tin để thiết lập EAR và RDA. Các chính phủ khá chậm trễ sửa đổi thông tin kiểu này. Đối với các con số của Hoa Kỳ, ngoại trừ calci và vitamin D, tất cả các dữ liệu dưới đây có từ năm 1997-2004.
Cháo là một món ăn chủ yếu dùng gạo và nước khi nấu của nhiều dân tộc tại Đông Á và Đông Nam Á. Đối với người Việt cháo là một trong hai món ăn thường ngày nhất: cơm và cháo. Tại Trung Quốc cháo được gọi là 粥 (tiếng Phổ thông phát âm là "zhōu", tiếng Quảng Đông đọc "zuk"; âm Hán Việt là "chúc"); tại Nhật Bản cháo được viết dùng chung chữ 粥 nhưng phát âm là "kayu". Trong khi đó, Thái Lan gọi cháo là joke, Malaysia có tên bubur cho cháo, Campuchia dùng từ babar và Philippines dùng từ lugaw. Phiên bản tiếng Anh dành cho cháo là congee. Trong một số trường hợp món cháo được dịch sang tiếng Anh là porridge, có nghĩa là cháo đặc, ám chỉ các loại "cháo" nói chung của phương Tây lẫn phương Đông, sử dụng nguyên liệu từ gạo đến bột mì, yến mạch, sữa,... Cách chế biến Có nhiều cách thức để nấu cháo. Nguyên liệu chính để nấu cháo là gạo và nước. Để được thành cháo thường thì thể tích nước phải hơn gấp ba lần thể tích gạo và một cái nồi chỉ dành cho việc nấu cháo. Bắt đầu nấu thì cần ngọn lửa mạnh để hột gạo được nhào lộn trong nước sôi và nở bung ra, rồi giảm dần độ nóng để nấu cho đến khi hột gạo được chín nhừ, nấu càng lâu thì cháo càng đặc. Chỉ nấu cho đến khi hột gạo nở bung và chín trong nước thì gọi là cháo hoa để ăn với đường thẻ. Đôi khi người ta còn rang gạo trước khi nấu thì gọi là cháo khê để ăn với gỏi thịt gà. Dùng cơm nguội để nấu thì gọi là cháo tù thì lượng nước cần thiết sẽ ít hơn, loại cháo này thường được ăn chung với thịt kho hoặc cá kho là một loại thức ăn được lưu giữ trong vài ngày. Ngoài cháo trắng ra, còn có cháo nấu chung với rất nhiều các loại nguyên liệu khác như các loại rau, củ, quả, các loại thịt và thủy hải sản, cùng các gia vị như tỏi, gừng, hành lá hoặc hành củ, v.v. Tùy theo cách nấu và các loại nguyên liệu mà người ta có thể nấu hàng trăm loại cháo khác nhau, ở mỗi vùng của Việt Nam thường có một loại cháo rất ngon riêng của mình được nấu bằng đặc sản của địa phương. Cháo (các loại) thường được ăn chung với dầu cháo quẩy. Một số loại cháo thông dụng Cháo thịt lợn (heo) Cháo hoa, cháo trắng Cháo hành Cháo lòng là cháo được chế biến với lòng heo, dồi heo và các gia vị khác tuỳ theo địa phương Cháo huyết Cháo gà Cháo vịt Cháo giải cảm Cháo Hồng Kông Cháo cá Cháo quẩy: cháo ăn kèm với quẩy Cháo ốc thập cẩm Cháo sen Cháo ngũ cốc Ý nghĩa Cháo có ý nghĩa phong phú trong cuộc sống của người Việt dùng làm thức ăn cho người bệnh, người già, trẻ em hay đơn giản là một món quà ăn. Cháo còn đi vào đời sống tinh thần của người Việt, trong tiếng Việt có rất nhiều thành ngữ liên quan đến từ cháo như: "ăn cháo đá bát", "ăn một bát cháo chạy ba quãng đồng", "nên cơm cháo", "nấu cháo điện thoại", "quần nước cháo, áo nước dưa", v.v. Cháo tại các quốc gia Cháo thường rất phổ biến tại nhiều quốc gia chấu Á như Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Bangladesh, Ấn Độ, Nhật, Hàn Quốc,... và vài quốc gia phương Tây như Bồ Đào Nha,... Hình ảnh
Quảng Ngãi là thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Ngãi, thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, Việt Nam. Địa lý Thành phố Quảng Ngãi nằm ở trung bộ Việt Nam; cách Thủ đô Hà Nội 898 km, cách Thành phố Hồ Chí Minh 819 km, cách thành phố Đà Nẵng 146 km. Cách các thành phố khác: Huế 229 km, Quy Nhơn 176 km, Kon Tum 198 km, có vị trí địa lý: Phía nam giáp huyện Tư Nghĩa Phía đông nam giáp huyện Mộ Đức Phía bắc giáp huyện Bình Sơn Phía tây và tây bắc giáp huyện Sơn Tịnh Phía đông giáp biển Đông. Thành phố Quảng Ngãi có diện tích 160,15 km², dân số năm 2019 là 261.417 người. Sông Trà Khúc chảy qua giữa lòng thành phố, chia thành phố thành bờ Bắc và bờ Nam. Khí hậu Quảng Ngãi có khí hậu nhiệt đới gió mùa (Köppen Am). Nhiệt độ rất ấm áp quanh năm, mặc dù chúng giảm đáng kể từ tháng 10 đến tháng 3. Mùa mưa kéo dài từ tháng 8 đến giữa tháng 1 với nguy cơ lớn là bão và mùa khô kéo dài từ cuối tháng 1 đến giữa tháng 7 Hành chính Thành phố Quảng Ngãi có 23 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 9 phường: Chánh Lộ, Lê Hồng Phong, Nghĩa Chánh, Nghĩa Lộ, Nguyễn Nghiêm, Quảng Phú, Trần Hưng Đạo, Trần Phú, Trương Quang Trọng và 14 xã: Nghĩa An, Nghĩa Dõng, Nghĩa Dũng, Nghĩa Hà, Nghĩa Phú, Tịnh An, Tịnh Ấn Đông, Tịnh Ấn Tây, Tịnh Châu, Tịnh Hòa, Tịnh Khê, Tịnh Kỳ, Tịnh Long, Tịnh Thiện. Lịch sử Năm 1807 nhà Nguyễn xây dựng trấn Quảng Ngãi trên diện tích khoảng 26 ha tại xã Chánh Mông, thuộc huyện Chương Nghĩa. Đến năm 1896, đường xuyên Việt chạy ngang qua xã, nên đổi tên là xã Chánh Lộ. Người Pháp đặt tên là Chánh Lộ phố, được gọi là vùng trung tâm trấn. Chánh Lộ phố có hai phường: Bắc Lộ phường và Nam Lộ phường. Đến năm 1929 mở rộng lên ngã ba Thu Lộ, thành lập thêm Thu Lộ phường. Cách mạng Tháng Tám 1945, trên cơ sở ba phường của Chánh Lộ phố, chính quyền cách mạng tỉnh quyết định thành lập thị xã Quảng Ngãi. Đến ngày toàn quốc kháng chiến 19 tháng 12 năm 1946, các cơ quan tỉnh và đồng bào nội thị chuyển ra nông thôn, thị xã Quảng Ngãi sáp nhập với làng Ngọc Án, gọi là xã Nghĩa Lộ, trực thuộc huyện Tư Nghĩa. Thời Việt Nam Cộng hòa, chính quyền Sài Gòn tách Bắc Lộ phường thành hai, đặt ra bốn ấp: Bắc Môn, Bắc Lộ, Nam Lộ, Thu Lộ, lập nên xã Cẩm Thành. Để tiện cho việc chỉ đạo cuộc kháng chiến, tháng 6 năm 1965, Tỉnh ủy Quảng Ngãi quyết định tái lập thị xã Quảng Ngãi trực thuộc tỉnh, gồm 4 ấp nói trên và các thôn của hai xã Nghĩa Lộ, Nghĩa Dõng, cùng một số thôn của các xã Nghĩa Điền, Tịnh Ấn. Ngày 24 tháng 3 năm 1975, thị xã Quảng Ngãi được giải phóng hoàn toàn. Tháng 2 năm 1976, hai tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi hợp nhất thành tỉnh Nghĩa Bình. Đồng thời, thị xã Quảng Ngãi hợp nhất với huyện Tư Nghĩa thành thị xã Quảng Nghĩa thuộc tỉnh Nghĩa Bình. Tuy nhiên, tỉnh lỵ tỉnh Nghĩa Bình đặt tại thị xã Quy Nhơn (nay là thành phố Quy Nhơn). Do bị mất vai trò là tỉnh lỵ trong thời gian dài (1975 – 1989), thị xã Quảng Nghĩa mất đi nhiều cơ hội phát triển nên dần thua kém các đô thị khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Sau khi hợp nhất, thị xã Quảng Nghĩa gồm 4 phường: Lê Hồng Phong, Nguyễn Nghiêm, Trần Hưng Đạo, Trần Phú và 13 xã: Nghĩa An, Nghĩa Điền, Nghĩa Dõng, Nghĩa Hà, Nghĩa Hiệp, Nghĩa Hòa, Nghĩa Kỳ, Nghĩa Lâm, Nghĩa Lộ, Nghĩa Phương, Nghĩa Thắng, Nghĩa Thương, Nghĩa Trung. Ngày 24 tháng 3 năm 1979, chia xã Nghĩa Lộ thành 2 xã: Nghĩa Phú và Nghĩa Chánh. Ngày 23 tháng 4 năm 1979, đổi tên xã Nghĩa Phú thành xã Nghĩa Lộ. Ngày 24 tháng 8 năm 1981, Hội đồng bộ trưởng ban hành Quyết định 41-HĐBT về việc thành lập một số huyện thuộc tỉnh Nghĩa Bình. Theo đó, giải thể thị xã Quảng Nghĩa để tái lập thị xã Quảng Ngãi và huyện Tư Nghĩa. Đồng thời, thành lập xã Quảng Phú trên cơ sở tách thôn 2 và thôn 3 của xã Nghĩa Điền thuộc huyện Tư Nghĩa, chia xã Nghĩa Dõng thành 2 xã: Nghĩa Dõng và Nghĩa Dũng. Thị xã Quảng Ngãi có 4 phường: Lê Hồng Phong, Nguyễn Nghiêm, Trần Hưng Đạo, Trần Phú và 5 xã: Nghĩa Chánh, Nghĩa Dõng, Nghĩa Dũng, Nghĩa Lộ, Quảng Phú. Ngày 30 tháng 6 năm 1989, tỉnh Quảng Ngãi được tái lập từ tỉnh Nghĩa Bình cũ, thị xã Quảng Ngãi trở lại là tỉnh lỵ tỉnh Quảng Ngãi. Ngày 22 tháng 2 năm 1991, chia xã Nghĩa Lộ thành xã Nghĩa Lộ và phường Chánh Lộ. Ngày 29 tháng 8 năm 1994, chuyển xã Nghĩa Lộ thành phường Nghĩa Lộ. Ngày 17 tháng 12 năm 2001, chuyển xã Nghĩa Chánh và Quảng Phú thành 2 phường có tên tương ứng. Ngày 23 tháng 12 năm 2002, Bộ Xây dựng ban hành Quyết định số 1711/QĐ-BXD công nhận thị xã Quảng Ngãi là đô thị loại III. Ngày 26 tháng 8 năm 2005, Chính phủ ban hành Nghị định 112/2005/NĐ-CP thành lập thành phố Quảng Ngãi trên cơ sở toàn bộ diện tích của thị xã Quảng Ngãi. Thành phố Quảng Ngãi có 3.712 ha diện tích tự nhiên và 133.843 nhân khẩu, có 10 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 8 phường: Lê Hồng Phong, Nguyễn Nghiêm, Trần Hưng Đạo, Nghĩa Chánh, Chánh Lộ, Nghĩa Lộ, Trần Phú, Quảng Phú và 2 xã: Nghĩa Dũng, Nghĩa Dõng. Ngày 12 tháng 12 năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 123/NQ-CP điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính thành phố Quảng Ngãi. Theo đó: Chuyển toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của thị trấn Sơn Tịnh và 9 xã: Tịnh Ấn Tây, Tịnh Ấn Đông, Tịnh An, Tịnh Long, Tịnh Châu, Tịnh Thiện, Tịnh Khê, Tịnh Hòa, Tịnh Kỳ thuộc huyện Sơn Tịnh và 3 xã: Nghĩa Hà, Nghĩa Phú, Nghĩa An thuộc huyện Tư Nghĩa về thành phố Quảng Ngãi quản lý. Thành lập phường Trương Quang Trọng trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của thị trấn Sơn Tịnh. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, thành phố Quảng Ngãi có 16.015,34 ha diện tích tự nhiên, 260.252 nhân khẩu với 23 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 9 phường và 14 xã, giữ ổn định đến nay. Ngày 24 tháng 9 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1654/QĐ-TTg công nhận thành phố Quảng Ngãi là đô thị loại II. Tên đường của Quảng Ngãi trước năm 1975 Đường Võ Tánh nay là đường Nguyễn Nghiêm Đường Phan Bội Châu nay là đường Hùng Vương & Nguyễn Chánh Nguyễn Thái Học nay là Nguyễn Bá Loan Trần Thúc Nhẫn nay là Trương Quang Trọng Phan Thanh Giản nay là Lê Khiết Hòa Bình nay là Nguyễn Thụy Trần Cao Vân nay là Nguyễn Tự Tân và Lê Ngung Lê Lợi nay là Phạm Xuân Hòa Kinh tế - xã hội Kinh tế Công nghiệp Khu công nghiệp Quảng Phú (nơi ra đời các sản phẩm như bia Dung Quất, nước khoáng Thạch Bích, sữa đậu nành Fami Vinasoy, bánh kẹo Quảng Ngãi Biscafun. Nông - lâm - ngư nghiệp Dân cư sống ở các xã phía đông thành phố vẫn sống chủ yếu vào nông nghiệp và ngư nghiệp. Thành phố có đến 3 xã giáp biển (Tịnh Kỳ, Tịnh Khê, Nghĩa An), đây là nơi tập trung đội tàu đánh bắt của thành phố. Dịch vụ Việc kinh doanh, buôn bán và các dịch vụ khác tập trung ở khu vực nội thành. Sầm uất nhất là khu vực phía Đông nội thành gồm các phường Lê Hồng Phong, Nguyễn Nghiêm, Trần Hưng Đạo, Chánh Lộ, Nghĩa Chánh. Kinh tế 2015 Năm 2015, kinh tế của thành phố Quảng Ngãi tiếp tục có bước phát triển khá, tổng giá trị sản xuất ước đạt 44.560 tỷ đồng, tăng 13,16% so với năm 2014; tổng giá trị gia tăng 13.197 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế 11,79%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng: Dịch vụ 48,32%; công nghiệp - xây dựng 38,12% và nông lâm ngư nghiệp 13,56%.Trong năm, có 927 hộ thoát nghèo; giải quyết việc làm cho trên 5.000 lao động... Mục tiêu kinh tế Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ thành phố đề ra mục tiêu trong 5 năm đến là xây dựng và phát triển thành phố trở thành đô thị “năng động và thân thiện”, với tỷ lệ đô thị hóa đạt 60%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 5 năm đạt 30.000 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch: Dịch vụ 53,29%; công nghiệp - xây dựng 36,6% và nông nghiệp 10,11%. Đồng thời, sẽ tạo việc làm mới và tăng thêm việc làm hằng năm 7.000 - 8.000 lao động; thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 3.000 USD/người/năm... Xã hội Giáo dục Thành phố Quảng Ngãi là trung tâm giáo dục- đào tạo của tỉnh Quảng Ngãi. Trên địa bàn thành phố tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng và phân hiệu các đại học lớn của Việt Nam. Đại học - Cao đẳng Trường Đại học tài chính kế toán Quảng Ngãi Trường Đại học Phạm Văn Đồng Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh. Phân hiệu Quảng Ngãi tại Quảng Ngãi Trường Cao đẳng Y tế Đặng Thùy Trâm Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Quảng Ngãi Trường Cao đẳng công thương Thành phố Hồ Chí Minh, chi nhánh Quảng Ngãi Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc. Trung cấp Trường Trung cấp nghề tỉnh Quảng Ngãi Trung học phổ thông Trường THPT chuyên Lê Khiết Trường THPT Trần Quốc Tuấn Trường THPT Lê Trung Đình Trường THPT Võ Nguyên Giáp Trường THPT Sơn Mỹ Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng Trường THPT Tư thục Hoàng Văn Thụ Trường THPT Tư thục Nguyễn Bỉnh Khiêm (đã đóng cửa, nay là trường mầm non tiểu học Việt - Úc tại nơi này). Du lịch Công viên Ba Tơ Nằm ở giữa hai đầu cầu Trà Khúc 1 và Trà Khúc 2, được giới hạn bởi 2 tuyến đường Bà Triệu và Tôn Đức Thắng. Đây là nơi thường xuyên tổ chức các hoạt động du xuân, thưởng hoa mỗi khi tết đến xuân về. Bảo tàng tổng hợp tỉnh Địa chỉ: 99 Lê Trung Đình. Đây là nơi trưng bày các di vật tìm thấy của văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chămpa, văn hóa các dân tộc tỉnh. Quảng trường tỉnh Quảng Ngãi Nằm ở đường Phạm Văn Đồng. Đây là quảng trường lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi. Nới đây là nơi người dân thường tập thể dục thể thao, và tổ chức các hoạt động, sự kiện lớn của tỉnh. Thành cổ Châu Sa Thành cổ Châu Sa nằm ở xã Tịnh Châu. Đây là một trong các di tích của người Chăm. Thắng cảnh Núi Ấn Sông Trà Thiên Ấn niêm hà được mệnh danh là đệ nhất thắng cảnh tỉnh Quảng Ngãi. Nhìn từ xa, núi Thiên Ấn như một chiếc ấn trời niêm xuống dòng sông Trà Khúc. Trên núi Thiên Ấn có chùa Thiên Ấn và di tích mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng. Khu chứng tích Sơn Mỹ Khu chứng tích Sơn Mỹ (Khu chứng tích Mỹ Lai) nằm ở xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi. Đây là nơi ghi lại tội ác của Đế quốc Mỹ thảm sát 504 người ngày 16/03/1968. Núi Thiên Bút Núi Thiên Bút nằm ở phường Nghĩa Chánh. Núi Bút đang được triển khai xây dựng thành công viên thứ hai của Thành phố. Bến Tam Thương, núi Phú Thọ Là danh thắng nằm ở cửa Đại Biển Mỹ Khê Nằm ở xã Tịnh Khê, nơi đây được xem là bãi biển đẹp hàng đầu Quảng Ngãi, cùng với biển Khe Hai và biển Sa Huỳnh. Giao thông Đường bộ Quốc lộ 1 chạy qua thành phố Quảng Ngãi gọi là Đường tránh Đông (đường Bà Triệu – Đinh Tiên Hoàng – Lý Thường Kiệt) Đường Mỹ Trà - Mỹ Khê (đường Hoàng Sa) Đường bờ nam sông Trà (đường Trường Sa) Bến xe mới Quảng Ngãi (02 – Trần Khánh Dư, phường Nghĩa Chánh, TP. Quảng Ngãi). Bến xe Chín Nghĩa (đường Trần Thủ Độ). Cầu Trà Khúc 1, cầu Trà Khúc 2, cầu đường sắt Trường Xuân, cầu Thạch Bích, cầu Cổ Luỹ Biển số xe: 76B1 - XXX.XX, 76B2 - XXX.XX, 76U1 - XXX.XX, Đường sắt Ga Quảng Ngãi là một trong những ga chính trên trục Bắc - Nam của đường sắt thống nhất nằm ở phía Tây trung tâm thành phố trên đường Trần Quốc Toản, phường Trần Phú. Đường thủy Cảng Sa Kỳ (xã Tịnh Kỳ) nằm cách trung tâm thành phố Quảng Ngãi 12 km về phía Đông Bắc. Đây là tuyến đường thủy nội địa nối với Lý Sơn. Đường hàng không Sân bay Chu Lai (tỉnh Quảng Nam, được sử dụng chung với thành phố Quảng Ngãi) cách thành phố Quảng Ngãi 35 km về phía Bắc. Trong thành phố có sân bay cũ đã ngừng hoạt động (thuộc đường Hoàng Hoa Thám, phường Quảng Phú) Thủy lợi, cấp nước Thủy lợi Thạch Nham cung cấp nước tưới tiêu cho thành phố Nhà máy nước Quảng Phú cung cấp nước cho thành phố công suất 20.000 m³/ngày đêm. Bưu chính viễn thông Bưu điện tỉnh Quảng Ngãi (Số 70 Quang Trung, Phường Lê Hồng Phong) Giao dịch cấp 1 (Số 80 Phan Đình Phùng). Bệnh viện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi (đường Lê Hữu Trác); Bệnh viện Đa khoa thành phố Quảng Ngãi (đường Nguyễn Du); Bệnh viện Y học Cổ Truyền (đường Hùng Vương); Bệnh viện Sản - Nhi (đường Hùng Vương); Bệnh viện Nhân Tâm (đường Đinh Tiên Hoàng); Bệnh viện Phúc Hưng (đường Cao Bá Quát); Bệnh viện Mắt (đường Nguyễn Tự Tân). Báo Báo điện tử Quảng Ngãi (02 Cao Bá Quát) Truyền hình Đài Phát thanh Truyền hình Quảng Ngãi (PTQ) – 165 Hùng Vương Các nhà máy của Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi 1. Nhà máy Sữa đậu nành Việt Nam Vinasoy – Chi nhánh Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi Địa chỉ: Số 02, đường Nguyễn Chí Thanh, Phường Quảng Phú, Thành phố Quảng Ngãi, Tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam. 2. Nhà máy Sữa đậu nành Vinasoy Bắc Ninh – Chi nhánh Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi Địa chỉ: Đường TS5, Khu công nghiệp Tiên Sơn, Phường Đồng Nguyên, Thành phố Từ Sơn, Tỉnh Bắc Ninh, Việt Nam. 3. Nhà máy Sữa đậu nành Vinasoy Bình Dương – Chi nhánh Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi Địa chỉ: Số 15, đường số 31, Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore II-A, Phường Vĩnh Tân, Thị xã Tân Uyên, Tỉnh Bình Dương, Việt Nam. 4. Nhà máy Nước khoáng Thạch Bích – Chi nhánh Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi Địa chỉ: Số 02, đường Nguyễn Chí Thanh, Phường Quảng Phú, Thành phố Quảng Ngãi, Tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam. 5. Nhà máy Bánh kẹo Biscafun – Chi nhánh Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi Địa chỉ: Số 02, đường Nguyễn Chí Thanh, Phường Quảng Phú, Thành phố Quảng Ngãi, Tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam.
Buôn Ma Thuột (còn được viết là Ban Mê Thuột, Buôn Mê Thuột) là thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Đắk Lắk, Việt Nam. Đây là thành phố lớn nhất ở vùng Tây Nguyên và là đô thị miền núi có dân số đông nhất Việt Nam. Tên gọi Không có buôn nào có tên riêng là Buôn Ma Thuột trong cùng thời kỳ khi người Pháp xây dựng đô thị tại đây. Có nhiều luận chứng từ phía người Ê đê bản địa là ông ama Thuôt tên là Y- Druôt theo ghi chép của bà Linh Nga Niê Kdăm ghi lại từ già làng ở huyện C'mgar. Tư liệu Pháp được KTS. Nguyễn Thanh Hà tìm được, có ghi (*: Un très gros village se trouve préciément à 54 kilomètres de là occupé par les Rhadés Kpa sous les orders de Methuot, c’est à 700 mètres plus au Sud-Est de ce dernier, au bord de l’Ea-Tam) rồi tiến đến nơi đây thành lập đô thị, chứng tỏ ông Mê Thuôt có tồn tại nhưng ở Buôn Mê Thuột hay ở ngoài vùng thì không có thông tin đầy đủ. Theo KTS. Phạm Ngọc Cảnh là người đọc và dịch nội dung cơ bản trên 3 tấm bản đồ về Buôn Ma Thuột đồng ý về sự tồn tại này khớp với các từ như sông Mê Kông, trại tù Mé Wall của Pháp ở C'mgar (trại Mê Van), và một cô gái Mé Sao là vợ của chánh sứ Sarbatier theo một bài báo, ông là người Pháp từng quản lí ở Buôn Ma Thuột trong thời kì Pháp Thuộc. Nhưng tên thật của ông Mé Thuột là gì thì chưa có tài liệu nào minh chứng cụ thể, và ông sống ở đâu. Người nổi tiếng trong tờ bản đồ về Buôn Ma Thuột 1918 là Khunjunop tên thật là Y Thu K’Nul. Các thông tin về Mê Thuột vẫn còn trong bế tắc. Để làm rõ nghĩa nên tìm kiếm và giải nghĩa tương đồng của 4 từ Mé Kong - Mé Thuôt - Mé wall - Mé Sao (1 danh từ chỉ người 1 danh từ chỉ dòng sông lớn, 1 danh từ chỉ địa danh trại tù, Mé Thuôt=?) có liên quan nhiều đến vùng hạ Lào, thuộc bản đồ Đàng Trong - Đàng Ngoài thời Trịnh Nguyễn. Tập tục của người Rhade thì phụ nữ là người giữ của cải, nhà cửa, rồi đón chồng về ở nhà phụ nữ. Phân biệt Nam và nữ là Y và H trong thời buổi sau cách mạng giải phóng, nhiều khả năng Mé Thuột là một phụ nữ như người vợ Mé Sao của công sứ Sarbatier. Ama Thuột có tên khai sinh là Y Mun H'Dơk. Y Mun H'Dơk sinh ra và lớn lên ở buôn Ky, nhưng lại được sắp đặt trong cương vị là khoa pin ea (người đứng đầu buôn) của buôn Ako Siêr, bởi vì, Y Mun H'Dơk đã được con gái của tù trưởng Ama Blơi (Y Ngut H'Dơk) mà thanh thế vang khắp vùng khi chưa có người Pháp đặt chân đến, cưới về làm chồng. Dòng họ H'Dơk của chàng ở buôn Ky cũng là chủ bến nước ở đây, nhưng luật tục không cho người con trai quyền thừa kế, nên Y Mun H'Dơk phải tuân theo luật tục của buôn làng và thế là chỉ có những người chị, em gái của chàng được thừa kế quyền đó. Thế nhưng, Y Mun H'Dơk vẫn là người mang trong mình dòng máu của dòng họ H'Dơk, giống như bố vợ và cũng là cậu của mình, khi về làm khoa pin ea cho dòng họ Niê Buôn Kmriêk của buôn Ako Siêr, thanh thế của những người đàn ông dòng họ H'Dơk trở nên lẫy lừng. Hai vợ chồng Y Mun không có con, không có người nối dõi, vì thế, họ đã nhận cháu mình là Y Thuột và H'tế thuộc dòng họ Niê Buôn Kmriêk của buôn Ako Siêr làm con nuôi, và cái tên Ama Y Thuột bắt đầu được dân làng gọi từ đây. Những năm đầu Buôn Ma Thuột được xây dựng tại khu vực Buôn Kram, cạnh buôn Alê-A, Alê-B, ngày nay là thoải triền đồi khu vực ngõ cua đường Đinh Tiên Hoàng về nhánh suối Ea Tam. Thời kỳ Pháp đô hộ được đặt tên đô thị là Ban Mê Thuot, từ '' Ban'' bao hàm một nghĩa rộng, ví như ''Ban'' là đô thị các buôn, các buôn như khu khu vực nhỏ, ngang phường. Bản đồ thời kỳ 1905-1918-1930, ''Ban'' và ''Buôn'' được phân biệt rõ rệt qua tư liệu bản đồ lịch sử của người Pháp, qua thời Việt Nam Cộng hòa phiên âm thành Ban Mê Thuột, sau 1975 gọi thành Buôn Ma Thuột, nên nhiều người suy diễn là có vị tù trưởng ama Thuột, dẫn đến sự nhầm lẫn nghiêm trọng. Ngoài ra còn các cách gọi sai khác như Bản Mế Thuột - Bản Mế Thuật, Buôn Ma Thuộc - Buôn Ma Thuật, Ban Mê Thuộc - Ban Mê Thuật, đều là cách gọi sai lệch về thông tin của thành phố. Từ những năm 2005, 1 số người có thói quen dùng từ BMT để nói về Buôn ma Thuột ! Càng về sau, từ bmt càng trở nên quen thuộc hơn, nói bmt là mọi người hiểu ngay đó là Buôn ma Thuột. Lịch sử Nguyên xưa, nơi đây là vùng đất cư trú của người Ê Đê, với nhiều nhà dài Ê Đê nằm dọc theo suối Ea Tam, xuôi theo dòng đổ ra sông (Sêrêpôk). Các buôn được điều hành bởi già làng cho mỗi buôn. Những buôn làng được ghi nhận đầu tiên trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột ngày nay gồm có Buôn Kram, Buôn Alê, Buôn Păn Lăn, Buôn Kosier, Buôn Enao, Buôn Akõ Dhông, Buôn Dung. Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, người Pháp tổ chức nhiều chuyến thám hiểm nhằm mục đích tiếp cận và tìm cách khai phá vùng cao nguyên phía Tây Việt Nam, quan trọng nhất với các chuyến thám hiểm của bác sĩ Alexandre Yersin và của Henri Maitre. Các chuyến thám hiểm đến vùng cao nguyên Darlac được tiếp cận theo hướng sông Mê Kông đi vào sông Sêrêpôk, tới Buôn Đôn. Nhờ các vị vua săn voi ở Buôn Đôn, người Pháp tìm được nhánh suối Eanao - EaTam, nơi các buôn làng người Ê Đê sinh sống với mật độ lớn và gần nhau. Trước năm 1905, do các thương lái miền xuôi thường xuyên nhũng nhiễu, và bóc lột cạn kiệt vật phẩm của người Thượng dẫn đến người Thượng thường tràn xuống vùng Khánh Hòa ngày nay cướp lương thực. Do vậy người Pháp quyết định thành lập trung tâm hành chính Ban - Mê - Thuôt và tỉnh DarLac ở vùng Tây Nguyên. Dẫn đến việc hình thành một trung tâm hành chính mới với tên gọi Ban Mê Thuột, với lực lượng lao động chính là người Ê Đê bản địa, trong công cuộc khai thác thuộc địa thời kỳ đầu của người Pháp ở Darlac. Năm 1905, bản đồ quy hoạch đầu tiên về Ban Mê Thuôt được ấn bản. Tư liệu này ngày nay vẫn còn để đối chiếu. Buôn đầu tiên được ghi nhận trong địa bàn thành phố ngày nay là buôn Kram. Cùng thời kỳ này các đồn điền được lập dựa theo sự phân bố dân cư tự nhiên của các dân tộc nơi đây ở trên toàn tỉnh Darlac. Các thầy giáo người Huế, người Bình Định, các công nhân người Phú Yên, Khánh Hòa, Nha Trang được thực dân Pháp đưa lên Tây Nguyên để hướng dẫn người Ê Đê các phương thức sản xuất cơ bản, như trồng lúa, trồng cây công - nông nghiệp, khai thác gỗ rừng... Năm 1918, bản đồ thứ 2 được ấn bản. Xuất hiện ngôi làng An Nam (làng người Trung Kỳ) được bố trí bên cạnh buôn Kram tại Ban Mê Thuôt. Tư liệu hình ảnh ghi nhận đã có các ngôi trường dạy người Ê Đê các phương thức sản xuất mới. Thời kỳ này chữ quốc ngữ phiên âm theo tiếng Ê Đê được thực dân Pháp phổ biến dần trên Darlac, sử thi Đam San được ghi chép lại bởi công sứ Sabatier. Bản đồ 1918 ghi nhận thêm một buôn lớn về phía Tây Nam thành phố ngày nay là buôn Alê A và Alê B. Năm 1930, ấn bản tờ bản đồ ghi nhận khu phố An Nam, khu phố của người Trung Kỳ riêng biệt, ngày nay là khu trung tâm của thành phố, nơi tọa lạc đình Lạc Giao, chùa Sắc Tứ Khải Đoan. Và khu phố Tây của người Pháp ở phía Đông thành phố nay là khu vực đường Nguyễn Công Trứ - Đinh Tiên Hoàng - Hùng Vương và khu bảo tàng, khu vực người Êđê cũng được tách riêng biệt không kết hợp vào khu người Trung Kỳ. Cuối thời kỳ Pháp thuộc, Bảo Đại, vị hoàng đế cuối cùng của Việt Nam, thường xuyên cùng gia đình đến Tây Nguyên nghỉ mát. Tại Ban Mê Thuôt, các công trình được xây dựng gắn với tên tuổi ông như dinh Bảo Đại, Biệt thự hồ Lăk gắn với tên người vợ ông Nam Phương Hoàng Hậu, chùa Sắc Tứ Khải Đoan gắn với Đoan Huy Hoàng Thái Hậu. Trong thời kỳ Thế chiến thứ hai, quân Nhật tiến vào Đông Dương, nắm toàn quyền kiểm soát vùng đồng bằng Đông Dương dù vẫn duy trì bộ máy của thực dân Pháp. Tuy nhiên, do thiếu thốn nhân lực, người Nhật vẫn để vùng núi xa xôi ít dân, trong đó có cả đất Tây Nguyên, bao gồm cả vùng DarLac, cho người Pháp quản lý cho đến tận năm 1945, trước khi Nhật đảo chính Pháp tại Đông Đương. Sau khi tái kiểm soát được phần lớn Đông Dương, người Pháp thành lập Quốc gia Việt Nam, đưa Bảo Đại lên làm Quốc trưởng. Riêng vùng đất Tây Nguyên, người Pháp đặt riêng thành Hoàng triều Cương thổ mà ở đó Bảo Đại vẫn giữ vị thế của một Hoàng đế trên danh nghĩa. Với thất bại ở trận Điện Biên Phủ, người Pháp buộc phải ký kết Hiệp định Genève, 1954, chấm dứt quá trình thuộc địa Đông Dương. Tân thủ tướng Quốc gia Việt Nam là Ngô Đình Diệm, với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của người Mỹ, tuyên bố phế truất vị quốc trưởng bù nhìn Bảo Đại, thành lập chính thể Việt Nam Cộng hòa trên phần lãnh thổ miền Nam Việt Nam, xóa bỏ Hoàng triều Cương thổ và sáp nhập vào lãnh thổ Việt Nam. Cơ cấu hành chính tỉnh Darlac bấy giờ được chia thành các quận, quận Lạc Thiện, quận Phước An, quận Buôn Hồ, quận Ban Mê Thuột, với thị xã là Lạc Giao (樂郊). Thời kỳ này các thị trấn thị tứ bước đầu được đô thị hóa ở Đarlac, các phương tiện cơ giới ở Darlac tăng vọt, không chỉ cơ giới ở phương tiện giao thông, mà các máy móc phục vụ nông nghiệp cũng xuất hiện, các sân bay được xây dựng, riêng Ban Mê Thuột có đến 2 sân bay trong thời kỳ này, một sân bay cho trực thăng gọi là phi trường Lạc Giao, một sân bay cho các máy bay lớn là phi trường Phụng Dực (phi trường này được xây từ các gói viện trợ của Mỹ cho Pháp trong trước năm 1950, nay là sân bay Buôn Ma Thuột) cũng trong thời kỳ này tổng thống Ngô Đình Diệm cũng xuất hiện nhiều ở Ban Mê Thuột, ông ăn tết ở Ban Mê Thuột năm 1957 và đồng thời tổ chức lễ hội kinh tế khi ông ăn tết ở đây. Tết Mậu Thân năm 1968 đánh dấu các cuộc chiến tranh về cách mạng, quyền lợi, dân chủ trong sản xuất, cho người nông dân- công nhân, Ban Mê Thuột cũng chính thức nằm trong các vùng chiến sự. Cuộc chiến kéo dài đến ngày 10 tháng 3 năm 1975, Quân Giải Phóng Miền Nam chính thức kết thúc cuộc chiến tại Ban Mê Thuột, trong chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng đất nước, đánh bại Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Sau năm 1975, thị xã đổi tên thành Buôn Ma Thuột, gồm 8 phường: Tân An, Tân Lập, Tân Thành, Tân Tiến, Thắng Lợi, Thành Công, Thống Nhất, Tự Do và 16 xã: Buôn Trấp, Cư ÊBur, Cư Jút, Cư Suê, Ea Bông, Ea Kao, Ea Nuôl, Ea Tam, Ea Tiêu, Ea Tu, Hòa Đông, Hòa Khánh, Hòa Phú, Hòa Thắng, Hòa Thuận, Hòa Xuân. Năm 1977, UBND tỉnh ban hành các quyết định điều chỉnh lại địa giới hành chính một số phường, xã như sau: Sáp nhập hai phường Tự Do và Tân An thành phường Tự An Chia xã Buôn Trấp thành 4 xã Buôn Trấp, Ea Bông, Ea Na và Quảng Điền Chuyển xã Cư Suê về huyện Krông Búk quản lý. Ngày 23 tháng 10 năm 1978, thành lập xã Cuôr Knia tại vùng kinh tế mới Cuôr Knia. Ngày 19 tháng 9 năm 1981, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định 75-HĐBT. Theo đó, tách 5 xã: Buôn Trấp, Ea Bông, Ea Na, Quảng Điền, Ea Tiêu để thành lập huyện Krông Ana. Ngày 26 tháng 1 năm 1989, chia xã Cư Jút thành 3 xã: Nam Dong, Ea Pô và Ea T'Ling. Ngày 14 tháng 9 năm 1989, chia xã Ea T'Ling thành 3 xã: Ea T'Ling, Tâm Thắng và Trúc Sơn. Ngày 19 tháng 6 năm 1990, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định 227-HĐBT. Theo đó, tách 5 xã: Ea T’Ling, Tâm Thắng, Trúc Sơn, Ea Pô, Nam Dong thuộc thị xã Buôn Ma Thuột (gồm 36.400 ha diện tích tự nhiên và 18.379 người) và 35.100 ha diện tích tự nhiên (toàn bộ là đất lâm nghiệp) của xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil để thành lập huyện Cư Jút. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, thị xã Buôn Ma Thuột còn lại 7 phường: Tân Lập, Tân Thành, Tân Tiến, Thắng Lợi, Thành Công, Thống Nhất, Tự An và 12 xã: Cư Êbur, Cuôr Knia, Ea Kao, Ea Nuôl, Ea Tam, Ea Tu, Hòa Đông, Hòa Khánh, Hòa Phú, Hòa Thắng, Hòa Thuận, Hòa Xuân. Ngày 29 tháng 8 năm 1994, thành lập xã Ea Bar trên cơ sở tách một phần diện tích và dân số của các xã Cuôr Knia và Cư ÊBur. Cuối năm 1994, thị xã Buôn Ma Thuột có 7 phường: Tân Lập, Tân Thành, Tân Tiến, Thắng Lợi, Thành Công, Thống Nhất, Tự An và 13 xã: Cư Êbur, Cuôr Knia, Ea Bar, Ea Kao, Ea Nuôl, Ea Tam, Ea Tu, Hòa Đông, Hòa Khánh, Hòa Phú, Hòa Thắng, Hòa Thuận, Hòa Xuân. Ngày 21 tháng 1 năm 1995, Chính phủ ban hành Nghị định 08/CP. Theo đó: Chuyển thị xã Buôn Ma Thuột thành thành phố Buôn Ma Thuột Chuyển xã Ea Tam thành phường Ea Tam Thành lập phường Khánh Xuân trên cơ sở tách một phần diện tích và dân số của các xã Hòa Khánh và Hòa Xuân Chuyển 3 xã: Cuôr Knia, Ea Nuôl và Ea Bar về huyện Ea Súp quản lý (nay 3 xã này thuộc huyện Buôn Đôn) Chuyển 3 xã: Hòa Phú, Hòa Xuân và Hòa Khánh về huyện Cư Jút quản lý Chuyển xã Hòa Đông về huyện Krông Pắc quản lý. Thành phố Buôn Ma Thuột có 9 phường: Ea Tam, Khánh Xuân, Tân Lập, Tân Thành, Tân Tiến, Thắng Lợi, Thành Công, Thống Nhất, Tự An và 5 xã: Cư Êbur, Ea Kao, Ea Tu, Hòa Thắng, Hòa Thuận. Ngày 18 tháng 11 năm 1996, Chính phủ ban hành Nghị định 71-CP. Theo đó: Chia phường Tân Lập thành 3 phường: Tân Lập, Tân Hòa và Tân An Chia phường Thắng Lợi thành 2 phường: Thắng Lợi và Tân Lợi Chia phường Thống Nhất thành 2 phường: Thống Nhất và Thành Nhất. Ngày 26 tháng 11 năm 2003, Quốc hội ban hành Nghị quyết 22/2003/QH11 chia tỉnh Đắk Lắk thành hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh lỵ) của tỉnh Đăk Lăk, bao gồm 13 phường: Ea Tam, Khánh Xuân, Tân An, Tân Hòa, Tân Lập, Tân Lợi, Tân Thành, Tân Tiến, Thắng Lợi, Thành Công, Thành Nhất, Thống Nhất, Tự An và 5 xã: Cư Êbur, Ea Kao, Ea Tu, Hòa Thắng, Hòa Thuận. Ngày 2 tháng 1 năm 2004, Chính phủ ban hành Nghị định 04/2004/NĐ-CP. Theo đó, sáp nhập 3 xã: Hòa Phú, Hòa Khánh và Hòa Xuân thuộc huyện Cư Jút (sau khi chuyển huyện Cư Jút về tỉnh Đắk Nông mới thành lập) trở lại thành phố Buôn Ma Thuột. Thành phố Buôn Ma Thuột có 13 phường và 8 xã trực thuộc như hiện nay. Ngày 28 tháng 2 năm 2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 38/2005/QĐ-TTg công nhận thành phố Buôn Ma Thuột là đô thị loại II. Ngày 9 tháng 2 năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 228/QĐ-TTg công nhận thành phố Buôn Ma Thuột là đô thị loại I. Địa lý Thành phố Buôn Ma Thuột nằm ở khu vực trung tâm của Tây Nguyên, độ cao trung bình 500 m, cách Hà Nội khoảng 1300 km, cách Thành phố Hồ Chí Minh 350 km, cách Đà Nẵng khoảng 647 km, có vị trí địa lý: Phía đông giáp huyện Krông Pắc Phía đông nam giáp huyện Cư Kuin Phía tây giáp huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông Phía nam giáp huyện Krông Ana Phía bắc giáp các huyện Cư M'gar và Buôn Đôn. Thành phố Buôn Ma Thuột có diện tích 377,18 km², dân số năm 2019 là 375.590 người, mật độ dân số đạt 996 người/km². Khí hậu Hành chính Thành phố Buôn Ma Thuột có 21 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 13 phường: Ea Tam, Khánh Xuân, Tân An, Tân Hòa, Tân Lập, Tân Lợi, Tân Thành, Tân Tiến, Thắng Lợi, Thành Công, Thành Nhất, Thống Nhất, Tự An và 8 xã: Cư Êbur, Ea Kao, Ea Tu, Hòa Khánh, Hòa Phú, Hòa Thắng, Hòa Thuận, Hòa Xuân. Đặc biệt có 7 buôn (làng) nội thành với gần chục nghìn người Êđê, họ vẫn giữ kiến trúc nhà ở và lối sản xuất riêng ngay trong lòng thành phố. Kết quả phân định 3 khu vực của thành phố Buôn Ma Thuột theo quyết định số 03/2009/QĐ-UBND của UBND Tỉnh Đắk Lắk ngày 13/01/2009 như sau: Khu trung tâm, gồm 8 phường: Tân Tiến, Thắng Lợi, Thống Nhất, Thành Công, Tân Lợi, Tự An, Tân Lập, Tân Thành. Khu cận trung tâm, gồm 4 phường:Tân Hòa, Thành Nhất, Ea Tam, Tân An; Khu ven nội, gồm 9 phường, xã: Khánh Xuân, Cư Êbur, Hòa Thắng, Hòa Khánh, Hòa Thuận, Ea Tu, Ea Kao, Hòa Phú, Hòa Xuân. Kinh tế - xã hội Thủ phủ cà phê Tuy cây cà phê đã được du nhập vào Việt Nam từ rất sớm (1870) nhưng được trồng đại trà ở Đắk Lắk chỉ từ những năm sau 1930 trong những đồn điền của những nhà tư bản Pháp như CADA,... nhưng do vùng đất đất đỏ bazan này đặc biệt phù hợp với việc canh tác cà phê nên việc phát triển diện tích trồng ở đây đã tăng lên; hiện tại, theo số liệu thống kê, Đắk Lắk có đến hơn 175.000 ha cà phê (thực tế có đến trên 200.000 ha vì một số diện tích không được tính do không trong quy hoạch). Đắk Lắk cũng chính là nơi được xem là nơi có năng suất cà phê thu hoạch cao nhất thế giới và góp phần chính trong việc đưa sản lượng cà phê Việt Nam lên vị trí số 2 (riêng cà phê robusta chiếm vị trí số 1) của những quốc gia xuất khẩu cà phê. Ở Đắk Lắk gần như huyện nào cũng có trồng cà phê, nhưng cà phê Buôn Ma Thuột vẫn luôn được đánh giá là có chất lượng cao nhất và có hương vị đặc trưng nhất, chính vì vậy thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột được thế giới biết đến và địa danh Buôn Ma Thuột được nhiều người ví như "thủ phủ cà phê". Buôn Ma Thuột đạt chuẩn một thị xã từ năm 1960 và công bố trên tư liệu bản đồ của lính Mĩ, hơn ba chục con đường nhựa tại khu Ngã 6 trung tâm được ghi chụp lại không ảnh trong những năm 1969. Chợ được xếp loại chợ trung ương trong thời Việt Nam Cộng hòa, công nghiệp chưa có, ngành nông nghiệp với các cây công nghiệp, như cao su, cà phê đã phát triển rực rỡ và xuất khẩu đi các thị trường quốc tế từ những năm 1932. Nay Buôn Ma Thuột đã trở thành thành phố năng động và phát triển nhanh nhất Tây Nguyên, năm 2010 trở thành đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh. Buôn Ma Thuột được chính phủ công nhận là thành phố có quy hoạch tương đối tốt trong một thời gian ngắn. Cùng với thành phố Bắc Ninh, Đà Lạt, Hòa Bình, Huế, Thái Nguyên, Sơn La, Vinh, Việt Trì, Hà Nội, Buôn Ma Thuột đã được chọn là 10 đô thị sạch trên cả nước và được tuyên dương trong lễ kỷ niệm Ngày đô thị Việt Nam (8/11/2009). Tốc độ tăng trưởng hàng năm bình quân: 13.5% (2018) Tổng thu ngân sách nhà nước: gần 2.500 tỷ đồng, trong đó thu ngân sách theo phân cấp: 1.502 tỷ đồng Tổng chi ngân sách nhà nước: gần 1.183 tỷ đồng Huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội: 9.086 tỷ đồng Giá trị sản xuất công nghiệp - TTCN: 9.109 tỷ đồng Thu nhập bình quân đầu người: 78 triệu /người/năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa doanh thu dịch vụ: 37.191 tỷ đồng Tỷ trọng các ngành: 44.87% công nghiệp-xây dựng, 49.81% thương mại-dịch vụ, 5.32% nông-lâm nghiệp. Giao thông: 98% đường nội thành được nhựa hóa, là đầu mối giao thông cấp vùng và quốc gia. Tỷ lệ hộ nghèo: 0.85% Tỷ lệ cây xanh đô thị: 8.88 m²/người Cấp điện: 100% đường phố chính và 80% đường hẻm đã được chiếu sáng Cấp-thoát nước: 80% dân số được dùng nước sạch với định mức 137 lít/người/ngày. Ngoài ra Buôn Ma Thuột có hệ thống xử lý nước thải do chính phủ Đan Mạch tài trợ được đánh giá tiên tiến nhất Việt Nam hiện nay mà chưa có thành phố nào ở Việt Nam đạt được. Văn hóa-giáo dục: đã có 21/21 xã, phường hoàn thành phổ cập trung học cơ sở. Bình quân cứ 2,5 người thì có một người đi học.Năm 2015 ngành giáo dục của thành phố tiếp tục được đầu tư một cách toàn diện cả về cơ sở vật chất và nguồn lực con người. 100% các trường học trên địa bàn được xây dựng kiên cố khang trang, gần 100 % số giáo viên có trình độ đạt chuẩn trong đó có 56% giáo viên có trình độ trên chuẩn. Chất lượng giáo dục toàn diện không ngừng được nâng lên.Tuy nhiên bạo lực học đường với nam và nữ sinh vẫn xảy ra, tỉ lệ bạo lực ở nữ sinh có xu hướng tăng mạnh. Toàn thành phố có 59 trường được công nhận chuẩn Quốc gia. Y tế: 21/21 Xã, Phường đều đã có y, bác sĩ túc trực. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên: 1,3%. Thương mại Trên địa bàn thành phố có nhiều hệ thống siêu thị và trung tâm thương mại lớn đến từ nhiều nơi khác nhau như Vincom, MM Mega, Go,Nguyễn Kim, Coopmart... đáp ứng như cầu mua sắm của người dân. Hiện nay thành phố đang triển khai xây dựng khu đô thị Bắc Tân Lợi nằm trên địa bàn phường Tân Lợi. Danh sách các Học viện trường Đại học - Cao đẳng tại Buôn Ma Thuột Trường Đại học Tây Nguyên Trường Đại học Y dược Buôn Ma Thuột Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại Đắk Lắk Trường Đại học Đông Á Cao đẳng FPT Polytechnic Tây Nguyên Học viện Hành chính Quốc gia khu vực Tây Nguyên Cao đẳng Y tế Đắk Lắk Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên Cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk Cao đẳng Bách khoa Tây Nguyên Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Đắk Lắk Cao đẳng Công thương Việt Nam cơ sở Đắk Lắk Năm 1994, Trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Du, Đắk Lắk được thành lập. Đây là một trong những ngôi trường chuyên đầu tiên ở khu vực Tây Nguyên. Sau 25 năm xây dựng và phát triển, trường đã đạt nhiều thành tích nổi trội như: 4 năm liền dẫn đầu khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên trong kì thi Học sinh giỏi Quốc gia, luôn giữ được vị trí cao trong các cuộc thi Olympic 30/4, Olympic 10/3 (thuộc tỉnh nhà), Olympic chuyên Khoa học tự nhiên, Học sinh giỏi Quốc Gia, quốc tế và khu vực. Huân chương lao động hạng Nhì 3 lần, đạt Huân chương lao động hạng Nhất vào năm 2022,... Đóng vai trò quan trọng, đào tạo học sinh năng khiếu, góp phần vào công cuộc Công nghiệp hoá, hiện đại hóa của khu vực Tây Nguyên, cũng như chất lượng đào tạo mũi nhọn của tỉnh nhà nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung. Văn hóa - du lịch Kho tàng văn hóa phi vật thể Tây Nguyên Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được thể hiện qua ngôn ngữ, phong cách diễn tấu,... riêng biệt và độc đáo, chính vì thế đã được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Loại hình văn học dân gian truyền miệng cũng là di sản văn hóa phi vật thể phong phú của các dân tộc Tây Nguyên, trong đó sử thi Đam San. Tượng gỗ dân gian Tây Nguyên, chủ yếu là tượng nhà mồ một yếu tố không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Ê Đê. Dù mang nhiều dáng vẻ nhưng chúng gặp nhau ở một điểm là đều lấy cảm hứng từ đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất và đời sống tâm linh gắn với phong tục tập quán của mỗi tộc người. Ngoài những giá trị tiêu biểu nêu trên, Tây Nguyên còn có kho tàng di sản văn hóa phi vật thể khác, đó là kiến trúc nhà dài truyền thống... của các dân tộc Bắc Tây Nguyên, kiến trúc nhà dài của dân tộc Êđê; nghề dệt và trang phục. Đồng bào Tây Nguyên có nhiều hình thức lễ hội liên quan đến chu kỳ canh tác nương rẫy; lễ nghi vòng đời người; lễ hội cộng đồng,... Lễ hội Cà phê Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột, hay Buôn Ma Thuột cà phê Festival, là một lễ hội được tổ chức định kỳ 2 năm 1 lần ở thành phố Buôn Ma Thuột của tỉnh Đắk Lắk, đây là một lễ hội lớn ở Tây Nguyên . Nhằm tôn vinh cây cà phê, loài cây chiếm vị trí độc tôn trong cơ cấu cây trồng ở đây và chiếm đến 60% sản lượng cà phê của Việt Nam, loài cây đã đem lại sự ấm no, trù phú cho mảnh đất vùng cao này. Lễ hội mới chỉ bắt đầu được tổ chức từ năm 2005 trong chương trình quảng bá hình ảnh Thủ phủ cà phê Buôn Ma Thuột. Bên cạnh các hoạt động trao đổi về, quy trình, các thức, sản xuất, chế biến cà phê. Các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao diễn ra sôi nổi. Hình thức giao dịch trực tuyến với thị trường thế giới. Ngã 6 Ban Mê Ngã 6 Ban Mê là trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột. Ở đây có Tượng đài chiến thắng Buôn Ma Thuột được coi như biểu tượng của thành phố. Trước đây, khi mới giải phóng nơi đây chỉ là một vòng xoay với một cột đèn ba ngọn. Sau này một tượng đài được dựng lên với điểm nhấn chính chiếc xe tăng bằng sắt thép đã mở đầu trận đánh vào Buôn Ma Thuột. Đến những năm cuối thế kỷ trước thì tượng đài chiến thắng đã được xây dựng hoàng tráng như hiện nay. Nơi đây từng có một chiếc xe tăng T-34 của Nga nhưng nó được đưa vào bảo tàng năm 1997 và thay thế vào đó là một chiếc xe mô hình. Cây Kơnia còn sót lại Cây Kơnia, hay còn gọi là Cốc, là một loài cây thân gỗ lớn, cao 15–30 m, đường kính 40–60 cm, tên khoa học là Irvingia malayana, thuộc họ Irvingiaceae. Loài cây này mang ý nghĩa tâm linh rất lớn đối với người đồng bào dân tộc thiểu số, họ coi chúng là nơi trú ngụ của thần thánh, của vong linh những người đã khuất, rất ít khi họ đụng chạm đến chúng, chặt phá chúng; vì vậy trên nương rẫy của đồng bào thường có các cây Kơ nia cổ thụ được sử dụng như cây che mát mỗi lúc nghỉ giải lao, nghỉ trưa. Do bài hát Bóng cây Kơ-nia nổi tiếng vì vậy du khách khi đến Buôn Ma Thuột luôn muốn tìm xem tận mắt cây Kơ Nia. Ở trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột có một cây Kơ nia cổ thụ nằm trong khuôn viên sân sau nhà văn hóa trung tâm tỉnh, cách ngã 6 Ban Mê vài trăm mét. Buôn AKô Đhông Buôn AKô Đhông hay Buôn Cô Thôn, làng Ma Rin là một buôn làng người Ê Đê ở thành phố Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk. AKô Đhông theo tiếng Ê Đê có nghĩa là buôn đầu nguồn vì nó ở đầu nguồn một con suối lớn ở Buôn Ma Thuột là suối Ea Nuôl. Ở đây nguồn suối bắt đầu cũng chính là bến nước cũ của buôn, một bến nước rất đẹp nhưng hiện tại không còn được sử dụng do bị ô nhiễm vì ở ngay trung tâm thành phố. Buôn nằm ở cuối đường Trần Nhật Duật- thành phố Buôn Ma Thuột. Đây là một buôn được quy hoạch rất đẹp và giữ được nhiều giá trị truyền thống, hiện tại là một điểm du lịch hấp dẫn của thành phố. Nằm trong quy hoạch khu trưng bày lịch sử của Buôn Ma Thuột. Danh lam thắng cảnh Do Buôn Ma Thuột là nơi đầu tiên người Kinh lưu lạc đến lập nghiệp để xây dựng Đăk Lăk hôm nay nên ở đây tập trung hầu hết các di tích có ý nghĩa lịch sử của Đăk Lăk như: Đình Lạc Giao Chùa Sắc tứ Khải Đoan Nhà đày Buôn Ma Thuột Bia Lạc Giao Khu Biệt điện Bảo Đại - hiện tại là Bảo tàng các dân tộc Việt Nam tại Đắk Lắk Toà Giám mục tại Đắk Lắk Đặc biệt, thành phố Buôn Ma Thuột có 05 di tích lịch sử, văn hoá được công nhận cấp quốc gia và cấp tỉnh, trong đó có 04 di tích cấp quốc gia, gồm: Nhà đày Buôn Ma Thuột, Đình Lạc Giao, Biệt Điện Bảo Đại số 04 Nguyễn Du, Bia tưởng niệm 100 chiến sỹ Nam tiến và 01 di tích cấp tỉnh là di tích Tượng đài Mậu thân 1968. Đây là những chứng tích hào hùng của truyền thống lịch sử lập nước, giữ nước của các dân tộc tỉnh Đắk Lắk nói chung và thành phố Buôn Ma Thuột nói riêng. Các di tích văn hoá lịch sử của thành phố Buôn Ma Thuột đều có giá trị phục vụ du lịch cao. Những di tích lịch sử văn hoá nêu trên, tuy chưa phải là tất cả, song cũng đủ để chứng minh rằng, giá trị nhân văn được thể hiện đậm nét qua các di tích lịch sử, văn hoá và có thể khai thác một cách có hiệu quả trong việc phục vụ du lịch của thành phố Buôn Ma Thuột . Du khách cũng có thể đến với làng văn hóa buôn AKô Đhông, ngắm cây Kơ nia cổ thụ giữa lòng thành phố sát Ngã 6 Ban Mê, thưởng thức hương vị cà phê Ban Mê,... Với vị trí trung tâm và giao thông thuận tiện Buôn Ma Thuột cũng chính là trung tâm du lịch lớn nhất của Đăk Lăk nối các điểm du lịch quan trọng trong tỉnh như Bản Đôn, Hồ Lắk, cụm thác Đray Sáp...Về cơ bản dịch vụ du lịch còn yếu kém và hạn chế, bên cạnh đó rừng bị tàn phá ồ ạt, phá vỡ cảnh quan chung. Giao thông Đường bộ Đường bộ toàn tỉnh hiện có 397,5 km đường quốc lộ, trong đó: Quốc lộ 14 nối về phía phía bắc đi Pleiku (195 km), đi Kon Tum (244 km), nối với Đà Nẵng, về phía nam đi ĐăkNông, Bình Phước, Bình Dương, Tp Hồ Chí Minh (350 km). Quốc lộ 26 đi Ninh Hòa, Nha Trang (198 km).Hiện tại quốc lộ nhỏ và xuống cấp, tình trạng tai nạn giao thông nhiều và đều. Quốc lộ 27 đi Đà Lạt (193 km).Hiện tại quốc lộ nhỏ và xuống cấp, tình trạng tai nạn giao thông nhiều và đều. Quốc lộ 14C: từ ranh giới tỉnh Gia Lai đến ranh giới tỉnh Đăk Nông(68,5 km). Quốc lộ 29: Bộ GT-VT đã có Quyết định chuyển 2 tuyến đường ĐT645 (Phú Yên) và ĐT633 (Đắk Lắk) thành quốc lộ (QL) 29. Tuyến ĐT645 xuất phát từ QL.1 qua các huyện: Đông Hòa, Tây Hòa và Sông Hinh (Phú Yên) lưu thông với ĐT633 (Đắk Lắk). QL 29 là QL thứ 2 nối các tỉnh Tây Nguyên (280 km) Dự kiến quy hoạch xây dựng trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột có 3 bến xe khách, 1 bến xe buýt ở trung tâm thành phố, hình thành mạng lưới các điểm đỗ xe buýt nội thị và đến các điểm ven đô, các huyện lân cận, 3 bãi đỗ xe tải các bãi đỗ xe con, xe du lịch ở những nơi tham quan, du lịch, khu vui chơi giải trí, trung tâm thương mại, chợ. Tại ở mỗi thị xã, mỗi huyện có từ 1- 2 bến xe khách. Cuối năm 2019, Tỉnh uỷ Đắk Lắk đã đưa ra chủ trương xây dựng tuyến đường cao tốc Đắk Lắk - Khánh Hoà nhằm giảm thời gian di chuyển giữa hai tỉnh, đồng thời giúp phát triển kinh tế-xã hội cho toàn tỉnh. Đây cũng là địa phương có hai dự án Đường cao tốc Buôn Ma Thuột – Gia Nghĩa và Đường cao tốc Liên Khương – Buôn Ma Thuột đi qua đang được triển khai đầu tư xây dựng. Đường hàng không Sân bay Buôn Ma Thuột (mã sân bay IATA: BMV, mã sân bay ICAO: VVBM) là một sân bay hỗn hợp dân sự và quân sự tại thành phố Buôn Ma Thuột. Trước năm 1975, sân bay này vốn là sân bay quân sự Hòa Bình hay còn gọi là Phi trường Phụng Dực do VNAF quản lý. Sân bay có đường băng dài 3.000 m, rộng 45 m có thể tiếp nhận những máy bay tầm ngắn như ATR72, F70, tầm trung như A320, A321, B767 và có đèn chiếu sáng phục vụ bay đêm, trong khi đó công suất thiết kế nhà ga 1.900.000 lượt hành khách/năm. Đến năm 2030 phục vụ 3.000.000 hành khách/năm. Các tuyến bay gồm có: Buôn Ma Thuột - Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh Buôn Ma Thuột - Sân bay quốc tế Đà Nẵng Buôn Ma Thuột - Sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội Buôn Ma Thuột - Sân bay quốc tế Vinh, Nghệ An Buôn Ma Thuột - Sân bay Thọ Xuân, Thanh Hóa Buôn Ma Thuột - Sân bay quốc tế Cát Bi, Hải Phòng Buôn Ma Thuột - Sân bay Chu Lai, Quảng Nam. Với tổng mức đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng, nhà ga hành khách Cảng hàng không Buôn Ma Thuột chính thức được khánh thành 24/12/2012. Nhà ga mới có công suất đáp ứng đến năm 2020 là 1,9 triệu hành khách/năm. Cảng hàng không Buôn Ma Thuột nằm tại địa bàn Thôn 8 xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) - là một trong 8 cảng hàng không địa phương trực thuộc Tổng công ty Cảng hàng không miền Nam. Việc mở rộng nâng cấp cảng hàng không Buôn Ma Thuột là dự án cần thiết góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh quốc phòng khu vực Tây Nguyên. Theo như Quy hoạch chung thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk - tầm nhìn đến năm 2025, Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột sẽ được nâng cấp lên Cảng Hàng không quốc tế, đẩy mạnh phát triển tỉnh Đắk Lắk nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung. Đường sắt Dự án tuyến đường sắt Tuy Hòa - Buôn Ma Thuột đã được Xí nghiệp Tư vấn thiết kế công trình giao thông sắt bộ thuộc Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam xây dựng hoàn chỉnh. Toàn tuyến đường sắt có chiều dài 160 km, đi qua 8 ga, xuất phát từ ga Phú Hiệp và điểm cuối là ga Buôn Ma Thuột. Nhưng đối với nền khoa học và kinh tế, cùng quản lý nước nhà thì đây chỉ là viễn cảnh định hướng đề ra không biết khi nào mới thành hiện thực (đã có chủ trương tạm hoãn, đưa ra khỏi quy hoạch). Theo quy hoạch, Buôn Ma Thuột là trung tâm của hệ thống đường sắt Tây nguyên trong tương lai ; ga đầu mối nối các tuyến đi Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông và Lâm Đồng, phục vụ đắc lực cho công cuộc phát triển kinh tế và quốc phòng khu vực Tây nguyên rộng lớn. Tên đường phố Buôn Ma Thuột trước 1975 Cường Để nay là Nguyễn Văn Trỗi Võ Tánh nay là Nguyễn Thị Minh Khai Hàm Nghi nay là Trần Phú Ama Trang Long nay là Nơ Trang Long Lê Lợi và Nguyễn Công Trứ nay là Nguyễn Công Trứ Phan Đình Phùng nay là Phan Đình Giót Nguyễn Du nay là Y Ngông Cao Thắng nay là Ngô Đức Kế Gia Long và Hùng Vương nay là Hùng Vương Nguyễn Tri Phương nay là Mạc Thị Bưởi Lê Văn Duyệt nay là Xô Viết Nghệ Tĩnh Tôn Thất Thuyết và Ama Trang Gưh nay là Lê Hồng Phong Nguyễn Thái Học nay là Điện Biên Phủ Huyền Trân Công Chúa nay là Nguyễn Đức Cảnh Tự Do, Thống Nhất và Độc Lập nay là Nguyễn Tất Thành Yersin nay là Mai Hắc Đế Ngoài việc thay đổi tên cho một số tuyến đường và các tên đường cũ bao gồm: Hàm Nghi, Lê Lợi, Phan Đình Phùng, Nguyễn Du, Cao Thắng, Nguyễn Tri Phương, Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Thái Học vẫn được sử dụng để đặt tên cho các tuyến đường nhỏ và vừa ở các phường ở thành phố Buôn Ma Thuột. Chú thích
Đồng Hới là thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Bình, Việt Nam. Địa lý Thành phố Đồng Hới nằm giữa Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh và bên tuyến đường sắt Bắc-Nam với ga Đồng Hới là một trong những ga chính, cách thủ đô Hà Nội 500 km về phía Bắc, cách thành phố Đà Nẵng 267 km về phía Nam, cách Thành phố Hồ Chí Minh 1.220 km về phía Nam, có sông Nhật Lệ chảy qua, có vị trí địa lý: Phía bắc và tây giáp huyện Bố Trạch Phía nam giáp huyện Quảng Ninh Phía đông giáp Biển Đông với 12 km bờ biển cát trắng. Thành phố Đồng Hới có diện tích 155,87 km², dân số năm 2020 là 136.078 người, mật độ dân số đạt 873 người/km². Địa hình Đồng Hới nằm gần cửa sông Nhật Lệ. Nguồn nước ngọt cung cấp cho thành phố được lấy từ Bàu Tró - một hồ nước ngọt tại thành phố, nơi lưu trữ nhiều hiện vật của văn hóa Bàu Tró. Đồng Hới có 12 km bờ biển với các bãi tắm đẹp (Nhật Lệ, Bảo Ninh, Quang Phú). Sông Nhật Lệ chảy qua Đồng Hới là một con sông đẹp, là con sông do Sông Kiến Giang và Sông Long Đại hợp thành. Phía tây Đồng Hới là dãy núi bao bọc mà theo quan niệm Phong thủy là "hậu chẩm", phía trước là sông và biển có đồi cát Bảo Ninh án ngữ như bức bình phong. Nếu tin theo thuật phong thủy thì đây là "cát địa". Trước đây, Bảo Ninh bị cách trở với Đồng Hới nhưng sau khi có cầu Nhật Lệ, khu vực này đã đô thị hóa, là nơi có các khu nghỉ dưỡng. Di sản thiên nhiên thế giới vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng cách Đồng Hới 40 km về phía tây bắc. Thành phố Đồng Hới nằm về phía đông của dãy Trường Sơn, địa hình thành phố có đặc thù nghiêng dần từ Tây sang Đông, chia thành các khu vực sau: Vùng gò đồi phía Tây: chiếm 15% diện tích tự nhiên với các dãy đồi lượn sóng vắt ngang từ Bắc xuống Nam tại khu vực phía Tây thành phố trên địa bàn các xã phường Đồng Sơn, Nghĩa Ninh, Thuận Đức với cao độ trung bình từ 12–15 m, độ dốc trung bình 7–10%. Thổ nhưỡng của vùng này có đặc điểm độ phì thấp, đất đai nghèo chất dinh dưỡng, tầng đất màu không dày, thuận lợi để phát triển cây lâm nghiệp, cây công nghiệp dài ngày và cây ăn quả. Vùng bán sơn địa xen kẽ đồng bằng: chiếm 37% diện tích tự nhiên với cao độ trung bình từ 5–10 m (nơi cao nhất 18 m và thấp nhất là 2,5 m), độ dốc trung bình từ 5–10%. Đây là một vòng cung có dạng gò đồi thấp xen kẽ đồng bằng hẹp bao bọc lấy khu vực đồng bằng, kéo dài từ Bắc - Đông Bắc đến Tây Bắc–Tây Nam và Nam–Đông Nam, phân bố dọc theo các phường xã Quang Phú, Lộc Ninh, Bắc Lý, Bắc Nghĩa, Thuận Đức, Đồng Sơn, Nghĩa Ninh, là vùng sản xuất lương thực hoa màu, đặc biệt là vành đai rau xanh phục vụ cho thành phố. Vùng đồng bằng: chiếm khoảng 38% diện tích tự nhiên, thuộc khu vực trung tâm trên địa bàn các phường xã: Đồng Phú, Đồng Mỹ, Hải Đình, Phú Hải, Đức Ninh Đông, Đức Ninh, Nam Lý, Bắc Lý. Địa hình tương đối bằng phẳng, đồng ruộng xen lẫn sông, hồ, kênh rạch, độ dốc nhỏ khoảng 0,2%, cao độ trung bình 2–4 m, nơi thấp nhất là 0,5 m; đây là nơi tập trung mật độ dân cư cao cùng với các cơ sở hạ tầng kinh tế chủ yếu của thành phố, thuận lợi cho việc phát triển các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. Vùng cát ven biển: nằm về phía Đông thành phố, chiếm khoảng 10% diện tích tự nhiên, địa hình gồm các dải đồi cát nối liền chạy song song bờ biển, có nhiều bãi ngang và cửa lạch, độ chia cắt nhỏ với cao độ trung bình 10 m, thấp nhất là 3 m, phân bố đều trên địa bàn: Quang Phú, Hải Thành, Bảo Ninh, thuận lợi cho phát triển thủy sản, du lịch biển và một số chương trình rau sạch. Khí hậu Đồng Hới nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa và chịu ảnh hưởng của khí hậu đại dương. Tính chất khí hậu chuyển tiếp giữa miền Bắc và miền Nam, với đặc trưng khí hậu nhiệt đới điển hình ở phía Nam và có mùa đông lạnh ở miền Bắc với hai mùa rõ rệt trong năm: mùa khô và mùa mưa. Chế độ nhiệt Nhiệt độ trung bình năm là 24,4 °C, nhiệt độ thấp nhất (tháng 12, tháng 1) khoảng 7,8–9,4 °C, nhiệt độ cao nhất (tháng 6, tháng 7) khoảng 40,1–40,6 °C. Tổng tích ôn đạt trị số 8.600–9.000 °C; biên độ nhiệt chênh lệch ngày đêm từ 5–8 °C; số giờ nắng trung bình trong ngày là 5,9 giờ. Chế độ mưa: Lượng mưa trung bình hằng năm từ 1.300 - 4.000 mm, phân bố không đều giữa các tháng trong năm. Mùa mưa tập trung từ tháng 9 đến tháng 11, chiếm 75 - 80% tổng lượng mưa cả năm, liên quan nhiều đến áp thấp nhiệt đới, hoàn lưu bão và hoạt động của gió mùa Đông Bắc, nên thường gây ngập lụt trên diện rộng. Mùa khô từ tháng 12 đến tháng 8 năm sau, lượng mưa ít, trùng với mùa khô hanh nắng gắt, gắn với gió Tây Nam khô nóng, lượng bốc hơi lớn gây nên hiện tượng thời tiết cực đoan khô hạn ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống. Tháng có lượng mưa lớn nhất là tháng 9, tháng 10 (502 - 668 mm), tháng có lượng mưa thấp nhất là tháng 3, tháng 4 (44 - 46 mm). Chế độ gió: Có 2 mùa gió chính, Gió mùa đông Bắc xuất hiện từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau thường kèm theo mưa phùn, giá lạnh Gió Tây Nam (gió Lào) xuất hiện từ tháng 4 đến tháng 8 gây khô nóng và hạn hán. Bão thường xuyên xuất hiện trong năm với tần suất 1-2 cơn/năm, tập trung vào các tháng 9,10,11, bão xuất hiện với cường độ mạnh với sức tàn phá dữ dội. Thủy văn Vùng thành phố thuộc lưu vực sông Nhật Lệ, một trong 5 con sông chính của tỉnh Quảng Bình. Sông Nhật Lệ do hai nhánh của hệ thống sông Đại Giang và Kiến Giang hợp thành đổ ra biển Đông qua giữa lòng thành phố, tạo ra cảnh quan môi trường đẹp. Ngoài ra còn có các sông Mỹ Cương là một nhánh nhỏ đổ ra sông Lệ Kỳ, sông Lệ Kỳ là một nhánh nhỏ đổ ra sông Nhật Lệ và sông Cầu Rào là những sông ngắn nhỏ nhưng đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu thoát nước của thành phố. Nhìn chung hệ thống sông ngòi trên địa bàn thành phố có đặc điểm chung là chiều dài ngắn, dốc, tốc độ dòng chảy lớn. Sự phân bố dòng chảy theo mùa rõ rệt và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của mưa lũ ở thượng nguồn và chế độ thủy triều ở cửa sông. Trong mùa mưa, lượng nước chảy dồn từ các sườn núi xuống các thung lũng hẹp, tập trung về các con sông trên địa bàn, cùng với triều cường làm nước sông lên rất nhanh gây lũ và ngập lụt lớn trên diện rộng. Ngược lại về mùa khô, mực nước sông xuống thấp, dòng chảy nhỏ đã hạn chế phần nào đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, ở các vùng đất thấp và hạ lưu các con sông thường bị xâm nhập mặn khá sâu về phía thượng nguồn, ảnh hưởng xấu tới sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, có thể vận dụng đặc điểm này để quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ. Về đặc điểm thủy triều, vùng biển Đồng Hới và sông Nhật Lệ chịu ảnh hưởng của chế độ bán nhật triều ngày với 2 đỉnh triều xen kẽ, biên độ triều cường trung bình 1,2 m, có thể lợi dụng để tàu thuyền ra vào và neo đậu tại các cửa sông. Lịch sử Đồng Hới đã từng là nơi chúa Nguyễn xây thành Đồng Hới, lũy Thầy để làm tiền tuyến chống đỡ cho Đàng Trong trong thời kỳ chiến tranh Trịnh-Nguyễn. Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam bị không lực Hoa Kỳ san phẳng và sau chiến tranh thị xã được xây dựng lại. Các hiện vật khai quật tài Bàu Tró đã cho thấy người Việt đã đến định cư ở khu vực này từ 5000 năm. Trải qua một thời kỳ dài trong lịch sử, đây là khu vực tranh chấp giữa Vương quốc Champa và Đại Việt. Lịch sử Đồng Hới có thể xem bắt đầu từ thời kỳ Lý Thường Kiệt đưa quân vào dẹp loạn Chiêm Thành và xây dựng nơi đây thành trấn biên cho Đại Việt. Lịch sử đô thị Đồng Hới có lẽ được tính từ thời kỳ chúa Nguyễn Hoàng vượt dãy Hoành Sơn để tránh bị Chúa Trịnh tiêu diệt. Các đời Chúa Nguyễn sau này đã cho xây dựng Thành Đồng Hới để làm trấn biên phía bắc Đàng Trong chống lại các cuộc tấn công của Chúa Trịnh. Đào Duy Từ, một nhà chính trị, quân sự quê ở Thanh Hóa, đã đi theo Chúa Nguyễn vào Nam lập nghiệp và đã chỉ đạo xây dựng Thành Đồng Hới. Cùng với việc xây dựng thành là việc phát triển thị (chợ búa, dân cư) sinh sống trong và xung quanh khu vực thành. Ngày nay, dấu vết còn lại của Thành Đồng Hới và Quảng Bình Quan vẫn còn hiện diện. Trong thời kỳ Pháp thuộc, Đồng Hới là một thị trấn nhỏ tỉnh lỵ của Quảng Bình. Nơi đây đã có trường Saint Marie. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, quân đội Pháp đã sử dụng sân bay Đồng Hới để chống phá Việt Minh và Pathet Lào ở khu vực Bắc Trung Bộ và Trung Nam Lào. Trong thời kỳ Không quân Mỹ đánh phá miền Bắc Việt Nam, cũng như Quảng Bình, Đồng Hới bị bom B-52 của Không quân Mỹ tàn phá nặng nề. Chứng tích của sự tàn phá này còn sót lại hiện nay có thể thấy là Nhà thờ Tam Tòa. Sau năm 1975, tỉnh Quảng Bình hợp nhất với hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên thành tỉnh Bình Trị Thiên, thị xã Đồng Hới thuộc tỉnh Bình Trị Thiên, gồm 4 phường: Đồng Phú, Đồng Sơn, Hải Thành và Phú Hải. Ngày 18 tháng 1 năm 1979, chuyển 5 xã: Nghĩa Ninh, Lộc Ninh, Lý Ninh, Đức Ninh và Bảo Ninh thuộc huyện Lệ Ninh về thị xã Đồng Hới quản lý. Ngày 2 tháng 4 năm 1985, chuyển 2 xã Lương Ninh và Vĩnh Ninh thuộc huyện Lệ Ninh về thị xã Đồng Hới quản lý. Ngày 13 tháng 6 năm 1986, chia xã Lộc Ninh thành 2 xã: Lộc Ninh và Quang Phú. Sau khi tỉnh Bình Trị Thiên được tách ra như cũ vào ngày 30 tháng 6 năm 1989, thị xã Đồng Hới trở thành tỉnh lị Quảng Bình và được đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng. Ngày 29 tháng 9 năm 1990, chuyển 2 xã Lương Ninh và Vĩnh Ninh về huyện Quảng Ninh vừa tái lập. Ngày 9 tháng 11 năm 1991, chia xã Lý Ninh thành 2 phường: Bắc Lý và Nam Lý. Ngày 4 tháng 8 năm 1992, thành lập 2 phường Đồng Mỹ và Hải Đình từ một phần phường Đồng Phú. Ngày 30 tháng 5 năm 1998, thành lập xã Thuận Đức trên cơ sở 4.322 ha diện tích tự nhiên và 2.412 nhân khẩu của phường Đồng Sơn; 206 ha diện tích tự nhiên và 238 nhân khẩu của phường Bắc Lý và 350 nhân khẩu của xã Đức Ninh đang xây dựng kinh tế mới ở phía tây phường Đồng Sơn. Ngày 28 tháng 10 năm 2003, thị xã Đồng Hới được công nhận là đô thị loại III. Ngày 2 tháng 1 năm 2004, Chính phủ ban hành Nghị định 07/2004/NĐ-CP. Theo đó: Thành lập phường Đức Ninh Đông trên cơ sở 313,69 ha diện tích tự nhiên và 5.037 nhân khẩu của xã Đức Ninh. Thành lập phường Bắc Nghĩa trên cơ sở 776,10 ha diện tích tự nhiên và 6.220 nhân khẩu của xã Nghĩa Ninh. Ngày 16 tháng 8 năm 2004, Chính phủ ban hành Nghị định 156/2004/NĐ-CP thành lập thành phố Đồng Hới trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của thị xã Đồng Hới. Thành phố Đồng Hới có 16 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gồm 10 phường và 6 xã. Ngày 30 tháng 7 năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1270/QĐ-TTg công nhận thành phố Đồng Hới là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Quảng Bình. Ngày 1 tháng 2 năm 2020, sáp nhập phường Đồng Mỹ và phường Hải Đình thành phường Đồng Hải. Thành phố Đồng Hới có 9 phường và 6 xã như hiện nay. Hành chính Thành phố Đồng Hới có 15 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 9 phường: Bắc Lý, Bắc Nghĩa, Đồng Hải, Đồng Phú, Đồng Sơn, Đức Ninh Đông, Hải Thành, Nam Lý, Phú Hải và 6 xã: Bảo Ninh, Đức Ninh, Lộc Ninh, Nghĩa Ninh, Quang Phú, Thuận Đức. Kinh tế - xã hội Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng (gạch sứ tráng men gốm, xi măng, nhôm), đánh bắt và nuôi trồng thủy-hải sản, thương mại. Trong giai đoạn 2015-2020, tăng trưởng GDP bình quân của Đồng Hới tăng trưởng đều 20%, sản xuất tiểu thủ công nghiệp theo hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ và công nghiệp trong cơ cấu kinh tế. Đồng Hới có 1698 doanh nghiệp tiểu thủ công nghiệp. GDP đầu người năm 2019 của Đồng Hới là 6850 USD ~ 150 triệu đồng, cao gấp 2,4 lần thu nhập bình quân đầu người của cả nước, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0.5%. Thu ngân sách năm 2019 đạt 5540,461 tỷ đồng. Thành phố này có 3 Khu công nghiệp tây bắc Đồng Hới, Bắc Đồng Hới và Phú Hải. Giáo dục Theo số liệu thống kê 2016, toàn thành phố có 46 trường phổ thông (23 Tiểu học, 17 THCS, 5 THPT, 1 Trung học), bậc Mầm non có 19 trường, bậc Đại học có 1 trường. Danh sách trường THPT tại Đồng Hới THPT Chuyên Võ Nguyên Giáp (THPT Chuyên Quảng Bình) THPT Đào Duy Từ THPT Đồng Hới THPT Phan Đình Phùng (THPT Bán công Đồng Hới) THPT DTNT tỉnh Quảng Bình THCS và THPT Chu Văn An (Dân lập) Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông năm học 2015-2016: Số học sinh dự thi: 9.710 học sinh, Tỷ lệ tốt nghiệp: 93,53% Kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia năm 2017, Quảng Bình có 9.933 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có 9.862 học sinh trung học phổ thông, 71 học sinh giáo dục thường xuyền, ngoài ra còn có 1.157 thí sinh tự do (5.677 thí sinh dự thi để xét tuyển sinh đại học, cao đẳng với 19.952 nguyện vọng tuyển sinh) Năm học 2017-2018, chỉ có duy nhất Trường THPT Chuyên Võ Nguyên Giáp tổ chức thi tuyển vào lớp 10 trên toàn thành phố và tỉnh, các trường còn lại tuyển sinh theo hình thức xét tuyển. Mầm non Nhiều trường mầm non ở TP Đồng Hới rơi vào tình trạng quá tải Văn hóa Bàu Tró: Với những di chỉ được tìm thấy tại đây như các công cụ bằng sinh vật biển như ốc, sò... và các công cụ bằng đá. Qua nghiên cứu cho thấy chúng có niên đại khoảng 5000 năm. Mùa hè năm 1923, hai thông tin viên người Pháp thuộc Viện Viễn Đông Bác cổ là Max và Depiruy) đã phát hiện di chỉ khảo cổ học Bàu Tró. Cuối mùa hè năm 1923, nhà địa chất kiêm khảo cổ học Etinen Patte đã tổ chức khai quật Di chỉ Bàu Tró và công bố kết quả nghiên cứu trong một báo cáo trên tập san Trường Viễn Đông Bác Cổ nhan đề: "Về một di chỉ thời tiền sử đá mới, đống vỏ sò Ở Bàu Tró, Tam Tòa gần Đồng Hới". Hiện vật thu được còn tàng trữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, gồm: 46 rìu đá, 140 mảnh tước, 2 hòn đá bằng thạch anh, 1 dụng cụ đá dùng để tu chỉnh ép, 14 bàn nghiền hạt, 1 chì lưới, một số thổ hoàng (đá son), 1 đốt xương sống cá, vỏ sò, mảnh gốm . Quảng Bình Quan: Đây là một chốt trên đường kinh lý Bắc Nam trước kia. Trước kia khi không có Cầu Dài, đường kinh lý Bắc Nam bắt đầu từ Đại Học Quảng Bình, đi về phía Quảng Bình Quan theo đường Hữu Nghị, Thống Nhất, Nguyễn Hữu Cảnh, rồi từ đó qua chợ bắt đò (thuyền) sang Bảo Ninh rồi tiếp tục đi Quảng Ninh, vào miền Nam. Sau này có cầu Dài thì người ta đi theo đường Quốc lộ 1 như hiện nay. Thành Đồng Hới: Đây là một bộ phận nằm trong tổng thể các di tích quân sự của Đồng Hới vào thời kì Trịnh - Nguyễn phân tranh. Thành Đồng Hới qua các thời kỳ (nhà Nguyễn - Pháp thuộc) là tỉnh lỵ của Quảng Bình. Trong thành có các công trình: nhà ở của Quan (Tỉnh Ủy hiện nay); Nhà lính (Bộ Chỉ Huy quân sự hiện nay); nhà tù (Hiện nay không còn sử dụng, giờ là chỗ Công ty công trình đô thị), nhà của cảnh sát (Sở cảnh sát hiện nay), sân vận động (Nay đã bị phá dỡ),... Tường thành được xây bằng gạch cao khoảng 6m. Nay di tích này chỉ còn một số đoạn lẻ tẻ ở Đồng Hới, nhìn rõ nhất từ trên bản đồ là một hào nước xung quanh thành theo kiến trúc thành xưa. Lũy Thầy: Được xây dựng vào thời kì Trịnh Nguyễn phân tranh. Do chúa Nguyễn Phúc Nguyên ra lệnh cho tổng đốc Đào Duy Từ xây dựng nhằm bảo vệ biên giới Đàng Trong của nhà Nguyễn. Thành được đắp bằng đất có chiều dài 8 km bao quanh thành Đồng Hới. Nay có thể nhìn thấy lũy Thầy từ đường Quách Xuân Kỳ và phía Tây phường Phú Hải, đoạn đê này giờ có tên đường là Trương Định, thành phố Đồng Hới. Nhà thờ Tam Tòa, được xây năm 1886. Hàn Mặc Tử đã được rửa tội ở đây vào năm 1912 với tên thánh là Franois Nguyễn Trọng Trí). Trong 8 năm từ 1964 đến 1972, không quân Mỹ đã ném bom miền Bắc Việt Nam, nhà thờ Tam Toà cũng bị bom đánh sập chỉ còn lại tháp chuông. Nhà thờ Tam Tòa, tháp nước, cây đa Hải Đình, là những điểm dùng để định vị thị xã từ trên cao nên vẫn còn sau các cuộc đánh bom của quân mỹ, còn lại thị xã Đồng Hới bị san phẳng. Thành phố còn có Bệnh viện Cuba - Đồng Hới do Chính phủ Cuba tặng sau năm 1975. Du lịch Thành phố Đồng Hới là nơi nghỉ ngơi của du khách đến tham quan di sản thế giới: Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng; tắm biển tại Bãi biển Nhật Lệ, Đá Nhảy; suối nước khoáng Bang; khu nghỉ mát SunSpa Resort tại thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh. Ẩm thực chủ yếu: Các món ăn hải sản, khu du lịch SunSpa phục vụ thực khách đủ các món Âu - Á. Bảo tàng chiến tranh tại xã Nghĩa Ninh. Thành phố có 140 khách sạn và nhà khách các loại. Năm 2014, lượng du khách đến tham quan đạt gần 1.000.000 người. Giai đoạn 2015 - 2020 quyết tâm đưa du lịch thành phố Đồng Hới nói riêng và tỉnh Quảng Bình nói chung thành trung tâm du lịch hàng đầu cả nước và khu vực châu Á. Bãi biển Nhật Lệ được bình chọn là một trong 10 bãi biển hấp dẫn nhất Việt Nam năm 2014. Thành phố hiện nay đang đầu tư hàng loạt sân golf lớn mang tầm cỡ quốc tế, trong đó dự án tổ hợp 10 sân golf nằm trên diện tích 1900 héc ta với tổng mức đầu tư hơn 8500 tỷ đồng của tập đoàn FLC, đây là tổ hợp sân golf lớn thứ 2 thế giới sau chuỗi sân golf ở Hải Nam, Trung Quốc và hiện đại bậc nhất. Đây sẽ là kinh đô sân golf của Việt Nam, chuyên tổ chức các giải quốc tế, thu hút một lượng khách du lịch rất lớn. Dự án 10 sân golf và quần thể resort nằm ở thành phố Đồng Hới và các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh được khởi công xây dựng ngày 26 tháng 4 năm 2016 và hoàn thành giai đoạn 1 vào tháng 11 năm 2016, khai trương cho golf thủ vào đầu năm 2017. Ngoài ra, Quảng Bình còn nổi tiếng với những món đặc sản làm nức lòng người dân du lịch như cháo bánh canh, bánh bèo, bánh lọc và các loại hải sản. Giao thông Đồng Hới là nơi có các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không. Đường bộ: Quốc lộ 1, quốc lộ 15A và đường Hồ Chí Minh. Để tăng cường an toàn giao thông và tốc độ lưu thông, một đường tránh đã được xây dựng. Đường tránh này có 4 làn xe, 2 làn gom dân sinh và dài 23 km. Đây cũng là địa phương có dự án Đường cao tốc Bùng – Vạn Ninh đi qua đang được xây dựng. Đường sắt: theo đường sắt Bắc Nam tại ga Đồng Hới, cách ga Hàng Cỏ 522 km về phía nam. Ga Đồng Hới là một trong tám ga chính của cả nước,với số lượng hành khách lớn. Đường thủy: cảng Nhật Lệ cách Cảng Hòn La (50 km phía bắc Đồng Hới), nằm trong khu kinh tế Hòn La. Đường hàng không: sân bay Đồng Hới được khánh thành ngày 19/05/2008 với năng lực sân bay: 500.000 hành khách/năm Các tuyến đường bộ lớn Quang Trung, Lý Thường Kiệt, Lý Thánh Tông (Quốc lộ 1) Đường tránh TP Đồng Hới Trần Hưng Đạo Nguyễn Hữu Cảnh Phạm Văn Đồng Võ Nguyên Giáp Hữu Nghị Lê Lợi Đường Hồ Chí Minh Mốc thời gian khai thác sân bay Đồng Hới Tháng 6 năm 2009, tuyến bay nối Sân bay quốc tế Nội Bài ở Hà Nội . Từ ngày 1 tháng 7 năm 2009, có thêm tuyến bay nối với Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) của Vietnam Airlines.. Ngày 01/2/2015, Hãng hàng không Jetstar Pacific Airlines khai trương đường bay giữa Đồng Hới – Thành phố Hồ Chí Minh bằng tàu bay A321. Ngày 10/5/2015, Hãng hàng không VietJet khai trương đường bay từ TP Hồ Chí Minh đến TP Đồng Hới. Từ 26/3/2017, Vasco sẽ khai thác đường bay Hà Nội - Đồng Hới với tần suất 7 chuyến/tuần bằng tàu bay ATR72 Ngày 29-4-2017, Hãng hàng không Jetstar Pacific khai trương đường bay Hải Phòng đi Quảng Bình và ngược lại bằng máy bay Airbus A320. Ngày 01/6/2017, Vietjet nay mở đường bay giá rẻ Hà Nội – Đồng Hới Ngày 11-8-2017, Jetstar Pacific cũng khai trương đường bay quốc tế đầu tiên Đồng Hới (Quảng Bình) - Chiang Mai (Thái lan) Kể từ tháng 10, Jetstar Pacific thông báo tạm dừng đường bay Đồng Hới - Cát Bi do thời kỳ thấp điểm về du lịch của các địa phương Năm 2018, Tập đoàn FLC đã đề xuất thực hiện dự án đầu tư nâng cấp mở rộng sân bay Đồng Hới. Dự án đầu tư nâng cấp sân bay này sẽ được tiến hành từ quý 4/2018 và hoàn thành công tác nâng cấp vào năm 2020, lúc đó đường băng sân bay này sẽ đạt cấp 4E với chiều dài 3.600m và chiều rộng 45 m, có thể phục vụ các loại tàu bay dân dụng lớn nhất như A350, Boeing 787 Dreamliner, với hai nhà ga (quốc tế và nội địa), tổng công suất thiết kế 10 triệu lượt khách/năm. Sau khi hoàn thành nâng cấp, sẽ có nhiều tuyến bay nội địa và quốc tế sẽ được mở tại sân bay này. Danh nhân Thi sĩ Hàn Mặc Tử Giám mục Giuse Võ Đức Minh
Long Xuyên là thành phố tỉnh lỵ của tỉnh An Giang, Việt Nam. Thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam. Long Xuyên cũng từng là tỉnh lỵ của tỉnh Long Xuyên cũ trước 1956. Thành phố Long Xuyên là đô thị loại I, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, thành phố tỉnh lỵ của tỉnh An Giang, có vai trò quan trọng trong vùng ĐBSCL và cả nước. Về dân số TP. Long Xuyên đứng thứ hai vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), chỉ sau TP. Cần Thơ. TP. Long Xuyên hiện là đô thị có tỷ trọng thương mại dịch vụ cao nhất trong hệ thống 12 đô thị tỉnh lỵ của vùng ĐBSCL (trên 80%) Thành phố có vị trí chiến lược trong vùng, là điểm giao thoa giữa hai khu vực năng động của vùng đô thị trung tâm và tứ giác Long Xuyên; nằm trên điểm giao của các tuyến giao thông trọng yếu của vùng ĐBSCL, có lợi thế kết nối thuận lợi liên vùng và quốc tế. TP. Long Xuyên được xác định là đô thị loại I của vùng; là trung tâm tăng trưởng kinh tế, trung tâm thương mại dịch vụ; trung tâm đào tạo, chuyển giao công nghệ, trung tâm công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản, có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh An Giang, và vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL. Lịch sử Thời phong kiến Năm Kỷ Dậu 1789, một đồn nhỏ được thành lập tại vàm rạch Tam Khê được gọi là thủ Đông Xuyên. Đại Nam nhất thống chí tỉnh An Giang chép: "Thủ Đông Xuyên cũ ở đường lạch bờ phía tây Hậu Giang thuộc địa phận huyện Tây Xuyên, đặt từ năm Kỷ Dậu, đầu thời trung hưng [Nguyễn Ánh dựng nghiệp], sau bỏ. Năm Minh Mạng thứ 18 [1837] đặt làm sở thuế quan, nay [năm Tự Đức] bỏ." Tại vị trí thủ Đông Xuyên rồi sở Đông Xuyên huyện Tây Xuyên (trùng tên với một huyện Đông Xuyên đương thời cũng của tỉnh An Giang nhà Nguyễn), đến thời Tự Đức thành một phố thị với chợ Đông Xuyên tại ngã ba rạch Đông Xuyên với sông Hậu Giang. Đến thời Pháp xâm chiếm Nam Kỳ (tức khoảng năm 1863) cái tên chợ Đông Xuyên được biến đổi thành chợ Long Xuyên, trùng với tên một huyện Long Xuyên (nguyên là đất Cà Mau) của tỉnh Hà Tiên đã từng có trước đó. Từ khi Pháp chiếm An Giang năm 1867 đến 1876, họ chia An Giang thành khoảng 5 hạt tham biện, tên Long Xuyên của chợ này được lấy làm tên của hạt tham biện Long Xuyên. Trong khi đó, huyện Long Xuyên của tỉnh Hà Tiên (nay là tỉnh Cà Mau) thì kết thúc tồn tại. Năm Minh Mạng thứ 13 (1832) lấy đất Tầm Phong Long (được vua Chân Lạp là Nặc Tôn giao cho Việt Nam vào năm 1757 để đền ơn chúa Nguyễn đã trợ giúp lấy lại ngôi vua) cùng với huyện Vĩnh An tỉnh Vĩnh Long, đặt làm tỉnh An Giang với 2 phủ Tuy Biên và phủ Tân Thành. Lỵ sở của tỉnh An Giang đặt tại thành Châu Đốc. Lại cử chức An Hà Tổng đốc, thống lãnh hai tỉnh An Giang và Hà Tiên, lại thành lập hai ty Bố chánh, Án sát... Địa bàn thành phố Long Xuyên ngày nay thuộc huyện Tây Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang thời ấy.<ref name="a">Địa chí An Giang tập I, tr. 29, 47.</ref> Thì thành phố Long Xuyên là đất thuộc phủ Tuy Biên. Cho nên sau này (1909), Nam kỳ phong tục nhơn vật diễn ca của Nguyễn Liên Phong có câu:Long Xuyên thuộc phủ Tuy Biên, Cựu trào có đặt Tây Xuyên huyện đường.Thời Pháp thuộc Năm 1876, hạt Long Xuyên được thành lập (chủ hạt là Briere), bắt đầu hình thành khu vực chợ Đông Xuyên tại thôn Mỹ Phước, trung tâm hành chính thuộc thôn Bình Đức. Năm 1900, tỉnh Long Xuyên được thành lập gồm 3 đơn vị hành chính cấp quận: quận Châu Thành (phần đất thuộc huyện Tây Xuyên cũ), quận Thốt Nốt (phần đất căn bản thuộc huyện Phong Phú, phủ Tuy Biên cũ) và quận Chợ Mới (phần đất căn bản thuộc huyên Đông Xuyên và Vĩnh An của phủ Tân Thành cũ), trong đó có 8 tổng với 54 làng xã. Năm 1917, địa bàn Long Xuyên hiện nay chỉ có hai làng là Bình Đức và Mỹ Phước, thuộc tổng Định Phước, quận Châu Thành, tỉnh Long Xuyên. Thời Pháp thuộc, làng Mỹ Phước vừa đóng vai trò là quận lỵ quận Châu Thành và là tỉnh lỵ tỉnh Long Xuyên. Giai đoạn 1945-1956 Về phía chính quyền Cách mạng, năm 1945 địa bàn thành phố Long Xuyên ngày nay thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Long Xuyên. Năm 1947, thuộc tỉnh Long Châu Hậu. Đến năm 1950, thuộc tỉnh Long Châu Hà. Năm 1954, tỉnh Long Xuyên được tái lập, địa bàn thành phố Long Xuyên lúc đó trở lại thuộc tỉnh Long Xuyên. Giai đoạn 1956-1976 Việt Nam Cộng hòa Ngày 22 tháng 10 năm 1956, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm ký Sắc lệnh 143/VN để "thay đổi địa giới và tên Đô thành Sài Gòn – Chợ Lớn cùng các tỉnh và tỉnh lỵ tại Việt Nam". Địa giới và địa danh các tỉnh ở miền Nam thay đổi nhiều, một số tỉnh mới được thành lập. Theo Sắc lệnh này, địa phận Việt Nam Cộng hoà gồm Đô thành Sài Gòn và 22 tỉnh. Lúc này tỉnh Châu Đốc và tỉnh Long Xuyên được sáp nhập để thành lập tỉnh mới có tên là tỉnh An Giang. Tỉnh lỵ tỉnh An Giang đặt tại Long Xuyên và vẫn giữ nguyên tên là "Long Xuyên", về mặt hành chánh thuộc xã Mỹ Phước, quận Châu Thành. Như vậy, vùng đất Long Xuyên được chọn làm tỉnh lỵ của tỉnh An Giang mới thay cho Châu Đốc trước đó. Thời Việt Nam Cộng hòa, xã Mỹ Phước vẫn tiếp tục vừa đóng vai trò là quận lỵ quận Châu Thành và là tỉnh lỵ tỉnh An Giang. Năm 1957, hai xã Bình Đức và Mỹ Phước được chia ra thành 5 xã là Bình Đức, Mỹ Hòa Hưng, Phước Đức (thuộc tổng Định Thành) và Mỹ Phước, Mỹ Thới (thuộc tổng Định Phước). Năm 1959, xã Phước Đức nhập vào xã Bình Đức và Mỹ Phước. Long Xuyên là tỉnh lỵ của tỉnh An Giang cho đến năm 1975. Chính quyền Cách mạng Năm 1956, chính quyền Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và sau này là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cũng quyết định đặt vùng đất Long Xuyên thuộc huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Năm 1957, tách một phần đất của huyện Châu Thành để thành lập thị xã Long Xuyên trực thuộc tỉnh An Giang. Năm 1971, sau khi tách đất tỉnh An Giang để thành lập tỉnh Châu Hà, thị xã Long Xuyên vẫn thuộc tỉnh An Giang. Tháng 5 năm 1974, thị xã Long Xuyên lại thuộc tỉnh Long Châu Hà theo Hội nghị thường trực của Trung ương Cục miền Nam. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, chính quyền quân quản Cộng hòa miền Nam Việt Nam ban đầu vẫn đặt thị xã Long Xuyên trực thuộc tỉnh Long Châu Hà cho đến đầu năm 1976. Từ năm 1976 đến nay Tháng 2 năm 1976, thị xã Long Xuyên trở lại thuộc tỉnh An Giang, đồng thời vẫn tiếp tục đóng vai trò là tỉnh lỵ tỉnh An Giang. Thị xã Long Xuyên ban đầu bao gồm 4 xã: Bình Đức, Mỹ Bình, Phước Mỹ và Mỹ Phước. Ngày 27 tháng 1 năm 1977, sáp nhập xã Mỹ Thới thuộc huyện Châu Thành vào thị xã Long Xuyên. Ngày 1 tháng 3 năm 1977, theo Quyết định số 239/TCUB của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, thị xã Long Xuyên bao gồm 4 phường: Bình Đức, Mỹ Bình, Mỹ Long, Mỹ Phước và 2 xã: Mỹ Hòa, Mỹ Thới. Ngày 25 tháng 4 năm 1979, tách một phần diện tích và dân số của phường Bình Đức để thành lập thị trấn An Châu (thị trấn huyện lỵ huyện Châu Thành). Ngày 23 tháng 8 năm 1979, sáp nhập xã Mỹ Hòa Hưng thuộc huyện Châu Thành vào thị xã Long Xuyên. Ngày 12 tháng 1 năm 1984, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 8-HĐBT về việc phân vạch địa giới phường, thị trấn và một số xã thuộc tỉnh An Giang. Theo đó: Thành lập phường Mỹ Xuyên trên cơ sở điều chỉnh một phần diện tích và dân số của phường Mỹ Long và xã Mỹ Hòa. Thành lập xã Mỹ Khánh trên cơ sở điều chỉnh một phần diện tích và dân số của xã Mỹ Hòa và phường Bình Đức. Thành lập xã Mỹ Thạnh trên cơ sở điều chỉnh một phần diện tích và dân số của xã Mỹ Thới. Ngày 1 tháng 3 năm 1999, Chính phủ ban hành Nghị định số 09/1999/NĐ-CP. Theo đó, thành lập thành phố Long Xuyên trên cơ sở toàn bộ 10.687 ha diện tích tự nhiên và 245.149 người của thị xã Long Xuyên. Sau khi thành lập, thành phố Long Xuyên có 5 phường và 5 xã. Ngày 2 tháng 8 năm 1999, Chính phủ ban hành Nghị định số 64/1999/NĐ-CP. Theo đó: Chuyển 2 xã Mỹ Thạnh và Mỹ Thới thành 2 phường có tên tương ứng. Thành lập phường Bình Khánh trên cơ sở điều chỉnh một phần diện tích và dân số của phường Bình Đức. Thành lập phường Mỹ Quý trên cơ sở điều chỉnh một phần diện tích và dân số của phường Mỹ Phước. Ngày 12 tháng 4 năm 2005, Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2005/NĐ-CP. Theo đó, thành lập phường Đông Xuyên trên cơ sở điều chỉnh một phần diện tích và dân số của phường Mỹ Xuyên, chuyển xã Mỹ Hòa thành phường Mỹ Hòa. Thành phố Long Xuyên có 11 phường và 2 xã như hiện nay. Ngày 14 tháng 4 năm 2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 474/QĐ-TTg, công nhận thành phố Long Xuyên là đô thị loại II. Ngày 23 tháng 7 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1078/QĐ-TTg, công nhận thành phố Long Xuyên là đô thị loại I trực thuộc tỉnh An Giang. Địa lý Thành phố Long Xuyên cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 185 km về phía tây nam, thành phố Cần Thơ khoảng 60 km về phía tây bắc và cách thủ đô Phnôm Pênh (Campuchia) 204 km. Thành phố nằm bên bờ sông Hậu và có vị trí địa lý: Phía đông giáp huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp Phía tây giáp huyện Châu Thành và huyện Thoại Sơn Phía nam giáp quận Thốt Nốt và huyện Vĩnh Thạnh thuộc thành phố Cần Thơ Phía bắc và đông bắc huyện Chợ Mới. Thành phố có diện tích 114,96 km², dân số năm 2019 là 272.365 người, mật độ dân số đạt 2.369 người/km². Thành phố Long Xuyên có diện tích nội thành là 24,4 km², chiếm khoảng 19,08% diện tích đất tự nhiên thành phố. Là một trong những trung tâm đô thị lớn của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể, tại Quyết định số 1078/QĐ-TTg,Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký công nhận thành phố Long Xuyên là đô thị loại I trực thuộc tỉnh An Giang vào năm 2020 Thành phố Long Xuyên là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh An Giang có vị trí chiến lược, là điểm giao thoa giữa 2 khu vực năng động của vùng đô thị trung tâm và tứ giác Long Xuyên. Thành phố đồng thời nằm trong trung tâm của vùng tam giác phát triển Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Phnom Penh (Campuchia). Các công trình phục vụ công cộng và cơ sở kỹ thuật hạ tầng đô thị được đầu tư, xây dựng đồng bộ, ngày càng hoàn thiện trên nhiều lĩnh vực. Nhiều dự án trọng điểm được triển khai và đẩy nhanh tiến độ thực hiện, thu hút các tập đoàn lớn như T&T, FLC, TMS,... Hành chính Thành phố Long Xuyên có 13 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 11 phường: Bình Đức, Bình Khánh, Đông Xuyên, Mỹ Bình, Mỹ Hòa, Mỹ Long, Mỹ Phước, Mỹ Quý, Mỹ Thạnh, Mỹ Thới, Mỹ Xuyên và 2 xã: Mỹ Hòa Hưng, Mỹ Khánh được chia thành 96 khóm - ấp. Tên đường ở thành phố Long Xuyên trước năm 1975 Đường Phan Thanh Giản nay là đường Huỳnh Văn Hây. Đường Thành Thái nay là đường Ngô Gia Tự. Đường Châu Văn Tiếp nay là đường Nguyễn Văn Cưng. Đại lộ Phạm Hồng Thái nay là hai đường Nguyễn Huệ A và Nguyễn Huệ B. Đường Nguyễn An Ninh nay là đường Lý Tự Trọng. Đường Trương Vĩnh Ký nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai. Đại lộ Tự Do nay là đường Nguyễn Trãi. Đường Trần Hưng Đạo và Liên tỉnh 9 nay là đường Trần Hưng Đạo. Đường Đồng Khánh nay là đường Hùng Vương. Đường Lê Văn Duyệt nay là đường Lương Văn Cù. Công trường Đốc Binh Vàng nay là đường Phan Thành Long và Đoàn Văn Phối. Đường Võ Tánh và Trưng Nữ Vương nay là đường Hai Bà Trưng. Đường Quang Trung nay là đường Lê Minh Ngươn. Bến Chưởng Binh Lễ nay là đường Lê Thị Nhiên Đường Nguyễn Trãi nay là đường Nguyễn Văn Sừng. Đường Liên xã số 1 nay là đường Hà Hoàng Hổ. Đường Hùng Vương nay là đường Lê Văn Nhung. Đường Nguyễn Tri Phương nay là đường Lê Hồng Phong. Đường Đỗ Hữu Vị nay đường Nguyễn Đăng Sơn. Đường Tạ Thu Thâu nay là đường Nguyễn Thanh Sơn. Đường Gia Long nay là đường Tôn Đức Thắng. Đường Liêu Tường Thái nay là đường Lê Triệu Kiết. Đường Ngô Văn Nhung nay là đường Châu Văn Liêm. Đường Phạm Ngũ Lão nay là đường Lê Lai. Kinh tế - xã hội Thành phố Long Xuyên có lợi thế kết nối thuận lợi với các vùng của quốc gia, quốc tế, nằm trên điểm giao của các tuyến giao thông trọng yếu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và chỉ cách sân bay quốc tế Cần Thơ khoảng 60 km. Thành phố cũng có điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp dựa trên lợi thế có cảng Mỹ Thới là cảng hoạt động có hiệu quả thứ 2 ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có thể tiếp nhận tàu 10.000DWT, đang mở rộng kho bãi nâng công suất cảng lên 3,5 triệu tấn/năm. Với thế mạnh thương mại nội địa và xuất nhập khẩu, thành phố Long Xuyên hiện là đô thị có tỷ trọng thương mại dịch vụ (chiếm 81,5% trong cơ cấu kinh tế), cao nhất trong hệ thống 12 đô thị tỉnh lỵ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.? Năm 1818, quan trấn thủ trấn Vĩnh Thanh là Thoại Ngọc Hầu cho đào kênh nối rạch Đông Xuyên với rạch Giá, chợ Đông Xuyên (tức chợ Long Xuyên) đã sớm trở thành đầu mối giao lưu hàng hóa quan trọng của tỉnh. Hiện nay, cả 11 phường và 2 xã đều có chợ, riêng chợ Long Xuyên (thuộc phường Mỹ Long) là chợ chính và sầm uất nhất tỉnh. Nhìn chung, Long Xuyên là một thành phố khá phát triển về thương mại (chủ yếu là mua bán lúa gạo) và công nghiệp chế biến thủy sản (như cá basa), với hơn sáu nhà máy và hơn chục ngàn công nhân. Năm 2008, tổng diện tích gieo trồng toàn TP. Long Xuyên gần 11.600 ha, đạt sản lượng lương thực 72.314 tấn; thủy sản có 527 bè cá và 229 ha mặt nước nuôi trồng thu hoạch 33.385 tấn; chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng đạt sản lượng thịt 3.700 tấn... Ngành Công nghiệp chế biến lương thực - thực phẩm, thì: Ở TP. Long Xuyên có khoảng 90 nhà máy xay xát-lau bóng gạo, 8 nhà máy chế biến thủy sản, 1 nhà máy chế biến nông sản và rau quả xuất khẩu Bình Khánh và 1 Nhà máy thức ăn gia súc Afiex. Các cơ sở chế biến nước mắm và nước chấm có tiếng như: Vị Hương, Cửu Long, Miền Tây Mitaco, Hương Sen... Ngoài ra, nơi đây hiện có 14 ngành nghề truyền thống đang tồn tại, gồm: se nhang, làm bánh tráng, làm lưỡi câu, làm len, đồ sắt, làm dầm chèo, đan đát, chằm nón, dệt, đóng xuồng ghe, làm cẩm thạch v.v...đã hình thành từ hàng chục năm nay. Hiện nay, thành phố đang triển khai xây dựng khu đô thị Sao Mai Bình Khánh 5 nằm trên địa bàn phường Bình Khánh. Khu đô thị Diamond City hay còn gọi là khu đô thị Tây Sông Hậu nằm trên địa bàn phường Mỹ Phước, Mỹ Quý và phường Mỹ Long, khu đô thị Golden City ở phường Mỹ Hòa, khu đô thị bắc Long Xuyên ở phường Bình Đức, khu đô thị T&T Long Xuyên ở phường Mỹ Bình, khu đô thị Tây Nam thành phố Long Xuyên. Hạ tầng Hiện nay, trên địa bàn thành phố Long Xuyên đã và đang hình thành một số khu đô thị mới như khu đô thị Sao Mai, khu đô thị Golden City, khu đô thị Diamond City (Tây Sông Hậu), khu đô thị Tây Nam Long Xuyên, khu đô thị bắc Long Xuyên, khu đô thị T&T Long Xuyên... Năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Long Xuyên đạt mức 30.542 tỷ đồng, chiếm 28% giá trị của tỉnh. Tốc độ tăng tưởng GDP giai đoạn 2017 – 2019 đạt mức 10,25%. Kinh tế phát triển,GRDP bình quân đầu người ở thành phố tăng cao, đạt mức 132 triệu đồng/người/năm. Cũng trong năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 0,03%. Tổng thu ngân sách năm 2020 khoảng 1.028 tỷ đồng, chi ngân sách là 1.098 tỷ đồng. Giáo dục Trước năm 1886, ở Long Xuyên chỉ có những trường làng dạy chữ Nho và trường tổng dạy chữ quốc ngữ. Năm 1886, mới có Trường tiểu học Pháp Việt (là trường xưa nhất của tỉnh, nay là Trường Tiểu học Nguyễn Du). Năm 1917, hình thành "Long Xuyên khuyến học hội" với vai trò tích cực của Hồ Biểu Chánh. Năm 1929, Ở Long Xuyên có 1 trường nam, 1 trường nữ với 1.144 học sinh. Ngoài ra, còn có trường nội trú Trần Minh (vị trí ở Trường THCS Nguyễn Trãi và Trường Tiểu học Châu Văn Liêm hiện nay) với 105 học sinh và một trường người Hoa (bang Quảng Đông) với 30 học sinh. Sau 1930, trường nội trú Trần Minh có mở các lớp nội trú đầu lớp Cao đẳng Tiểu học. Ngày 12 tháng 11 năm 1948, với sự cho phép của tỉnh trưởng Nguyễn Ngọc Thơ, trường Trung học mang tên Collège de Long Xuyên khai giảng khóa đầu tiên, gồm 76 học sinh. Tháng 2 năm 1952, trường được đổi tên thành Trường Trung học Thoại Ngọc Hầu. Khoảng cuối thập niên 50, đầu thập niên 60 Long Xuyên có Trường Trung học Tư thục Khuyến Học Từ năm 1962 cho đến 1975, ngoài hai trường công lập là Trường Trung học Tổng hợp Thoại Ngọc Hầu (nay là Trường Trung học phổ thông chuyên Thoại Ngọc Hầu), Trường Trung học Tổng hợp Chưởng Binh Lễ (nay là một phần của Trường Đại học An Giang), các trường trung học tư dạy đến các lớp đệ nhị cấp (nay được gọi là cấp trung học phổ thông) cũng lần lượt ra đời, như: Trường Hoa Liên, Trường Bồ Đề, Trường Phụng Sự (nay là Trường PTTH Long Xuyên)... Về trung học chuyên nghiệp, có Trường Trung học Kỹ thuật An Giang (thành lập năm 1962), Trường Trung học Nông Lâm Súc (thành lập năm 1963), Trường Sư phạm Long Xuyên (thành lập năm 1969), Trường nữ hộ sinh quốc gia (thành lập năm 1970)... Năm 1972, Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo mở Viện Đại học Hòa Hảo tại Long Xuyên, có khoảng 2.000 sinh viên theo học 5 phân khoa: Văn chương, Thương mại-Ngân hàng, Bang giao quốc tế, Khoa học quản trị và Sư phạm. Năm 1974, Giáo hội Thiên Chúa giáo nâng cấp Chủng viện Tê rê xa thành Đại chủng viện thánh Thomas để đào tạo cấp linh mục. Sau 30 tháng 4 năm 1975, chính quyền mới đã nhanh chóng tiếp quản, cho sửa chữa và thành lập thêm nhiều trường lớp ở khắp các phường xã trong thành phố. Tháng 12 năm 1999, Trường Đại học An Giang được thành lập tại địa chỉ 25 Võ Thị Sáu, Long Xuyên, An Giang. Đây là trường đại học công lập thứ hai ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Y tế Xưa, như mọi vùng miền khác, ở Long Xuyên mỗi khi người dân bị bệnh thường được chữ trị bằng thuốc Nam, thuốc Bắc. Mãi đến năm 1910, Bệnh viện Long Xuyên mới được xây dựng, nhưng vào năm 1929 cũng chỉ có 4 trại bệnh, 2 nhà bảo sanh với 1 bác sĩ, 5 y tá và vài ba dì phước. Trước năm 1975, cơ sở y tế của Long Xuyên có khoảng 500 giường bệnh. Hiện nay, Long Xuyên là trung tâm y tế lớn nhất tỉnh, ngoài các phòng khám tư nhân Đông y lẫn Tây y, Long Xuyên còn có hai bệnh viện tư là Hạnh Phúc và Bình Dân, cùng hai bệnh viện công mang tên Bệnh viện Đa khoa Trung tâm tỉnh An Giang và Bệnh viện Đa khoa thành phố Long Xuyên nhằm phục vụ việc phòng và khám chữa bệnh cho người dân. Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang quy mô lớn với 10 tầng, 600 giường bệnh và là bệnh viện đầu tiên ở ĐBSCL có sân đỗ trực thăng. Long Xuyên còn có Bệnh viện Tim mạch, khám chữa bệnh liên quan đến tim mạch cho người dân trong tỉnh và cả các tỉnh lân cận. Ngoài ra còn có Bệnh viện Mắt, Răng - Hàm - Mặt, Tai - Mũi - Họng. Văn hóa - du lịch Nhà văn Sơn Nam nhận xét: Long Xuyên là một thị xã (nay đã là thành phố) mãi còn trẻ, theo kịp đà tiến triển của cả nước, tuy ở xa thủ đô. Được như thế, nhờ truyền thống yêu nước, nhờ nếp sống cởi mở, hiếu khách. Quanh thị xã, với sông sâu nước chảy, với cây xanh, ta gặp vài kiểu nhà sàn đẹp mắt, định hình để thích nghi với cơn lụt hàng năm. Kỹ thuật nấu ăn, bánh trái có thể bảo là không kém hoặc hơn hẳn nhiều vùng trong đồng bằng. Đáng kể nhứt là đội ngũ nhà văn, nhà thơ, nhà soạn nhạc khá hùng mạnh, tài hoa, nhiều người thuộc tầm cỡ lớn... Ông Lê Minh Tùng, Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang đã cho biết: An Giang trong đó có Long Xuyên là một vùng đất mới, những cư dân lớp đầu phần lớn ở vùng Ngũ Quảng vào với hai bàn tay trắng. Trong tình cảnh đó, hành trang tinh thần, đó là đạo lý "trung-hiếu-tiết-nghĩa"; là ‘lá lành đùm lá rách", "một cây làm chẳng nên non"; là "ơn đền nghĩa trả", "ân oán phân minh", căm ghét kẻ bội phản. Về sau, khi công cuộc khai khẩn đi dần vào ổn định, người dân trở nên rộng rãi, phóng khoáng, trọng nhân nghĩa và có tính bao dung hơn. Ngày nay, ngoài những tính cách trên, tính năng động, ít bảo thủ, thích tiếp thu cái mới ngày càng thể hiện rõ nét trong quá trình làm ăn kinh tế và sản xuất nông nghiệp... Tính cách và lối sống của người dân An Giang trong đó có Long Xuyên khá tiêu biểu cho một nền văn minh sông nước (như tập quán làm nhà sàn, nhóm chợ trên sông, nuôi cá trong lồng bè, dùng ghe xuồng để đi lại và mua bán…) mà nhà văn Sơn Nam đã gọi một cách nôm na là văn minh miệt vườn. Năm 1876, Châu Đốc và Long Xuyên mở nhà "dây thép" do người Pháp chỉ huy, người Việt vào tập sự, gọi là "điển sinh" (học sinh Bưu điện) Năm 1904, ông Phan Bội Châu vào Sài Gòn, ghé Mỹ Tho, Cao Lãnh, Sa Đéc rồi đến Bảy Núi, hy vọng tìm vài nhân vật của phong trào "trung quân ái quốc" còn sót lại...Tương truyền ông Phan cũng đã ghé chùa Minh Sư, ở chợ Long Xuyên. Năm 1927 nhà máy đầu tiên của tỉnh đặt tại Vàm Cống. Cuối năm 1930, chợ Long Xuyên bắt đầu có điện, do công ty Điện từ Cần Thơ tải sang. Tháng 7 năm 1917, kịch nghệ mới (hát cải lương) xuất hiện, thử nghiệm ở chợ Long Xuyên, do sáng kiến của Hồ Biểu Chánh, bấy giờ đang tích cực hoạt động trong "Hội Khuyến Học Long Xuyên". Buổi hát này cùng thời điểm với Gò Công và sớm hơn buổi ra mắt "Cải lương kịch xã" thử nghiệm tại rạp Eden Sài Gòn đến 2 tháng. Trong tình hình bấy giờ, quả là đi tiên phong. Năm 1919, tuồng Ô Thước do Tổng đốc An-Hà là Cao Hữu Dực sáng tác, được đem ra diễn tại Long Xuyên nhân dịp Phạm Quỳnh ghé thăm. Trong quyển "Nghệ thuật sân khấu Việt Nam", Trần Văn Khải ghi đoàn hát Sĩ Đồng Ban thành lập ở Long Xuyên, trong buổi đầu. Đồng thời với An Hà báo của Cần Thơ, vào tháng 1 năm 1918, Đại Việt tạp chí ra hàng tháng. Đây là tờ báo chính thức của Long Xuyên Hội Khuyến học Long Xuyên do Hồ Biểu Chánh, Đặng Thúc Liêng, Lê Thường Tiên phụ trách. Ngày đua xe đạp phát triển sớm ở Long Xuyên, tháng 7 năm 1925, bày cuộc đua xe Long Xuyên - Châu Đốc và ngược lại. Phụ nữ Long Xuyên theo nhịp sinh hoạt mới, đã mạnh dạn đi xe đạp như nam giới (năm 1927, ở chợ Long Xuyên có tổ chức cuộc đua xe đạp dành cho phụ nữ). Nên biết, năm 1916 vài cô gái ở Sài Gòn chạy đua xe đạp với nhau, bị dư luận cho là quá tân thời, có bài vè "Cô Ba, cô Sáu đua xe máy". Năm 1925, thi sĩ Tản Đà vào Nam. Trong khoảng thời gian này ông có ghé thăm Long Xuyên, và nhà thơ...đã "thương nhớ" mắm.Hà tươi cửa biển Tu Ran, Long Xuyên chén mắm, Nghệ An chén cà. (Thú ăn chơi) Xưa có câu: Trai Nhân Ái, gái Long Xuyên. Nhà văn Sơn Nam giải thích: Trai Nhân Ái (Phong Điền, thuộc Cần Thơ) giỏi nghề đóng tam bản, ghe hầu. Gái Long Xuyên giỏi khắp miền với bánh trái, thêu thùa, may vá. Di tích - thắng cảnh Ở Long Xuyên có ba di tích được xếp hạng cấp quốc gia, đó là: Ngôi nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Đình Mỹ Phước và Bắc Đế miếu (tức chùa Ông Bắc). Năm 2012, Khu lưu niệm chủ tịch Tôn Đức Thắng đã được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt Ngoài ra, Long Xuyên còn có công viên Nguyễn Du, nhà thờ chính toà Long Xuyên, quảng trường Hai Bà Trưng, chợ nổi Long Xuyên...được nhiều du khách tìm đến tham quan. Công viên Nguyễn Du rộng khoảng 0,3 km² cận kề bên sông Hậu. Nơi trung tâm khuôn viên là một hồ nước tự nhiên, khiến phong cảnh nơi đây thêm đẹp và thoáng mát. Chợ nổi Long Xuyên là nơi tập trung hàng trăm xuồng, ghe từ khắp nơi đến để mua bán hàng hóa (chủ yếu là hàng nông sản). Ai bán loại nào sẽ treo hàng ("bẹo" hàng) trên cây sào cao để người mua dễ nhận biết. Chợ nổi chỉ hoạt động từ khoảng 5 giờ sáng đến 10 giờ mỗi ngày... Hình ảnh Chú thích
Pleiku (còn được viết là Plei Cu, Plây Cu, Plây Ku hay Plei Ku, đọc là Pờ-lây-cu) là thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Gia Lai, thuộc vùng Tây Nguyên, Việt Nam. Pleiku là thành phố lớn thứ 2 tại Tây Nguyên về diện tích đô thị và quy mô dân số (sau Buôn Ma Thuột), đây cũng là đô thị quan trọng nhất của vùng Bắc Tây Nguyên và là một trong 22 đô thị loại I của Việt Nam. Thành phố Pleiku cũng là nơi đóng trụ sở Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 và Bộ Tư lệnh Binh đoàn 15. Tên gọi Theo Nghị định của Toàn quyền Đông Dương ngày 4 tháng 7 năm 1905, "Plei-Kou" đã xuất hiện lần đầu tiên trong văn bản, với nội dung: Đem vùng miền núi phía Tây tỉnh Bình Định thành lập một tỉnh tự trị, lấy tên là Plei-Kou-Derr". Phân tích cách viết tên "Plei-Kou-Derr", tên "Pleiku" ngày nay thoát thai từ "Plei-Kou". Còn "Derr" là một yếu tố của từ tiếng Jarai. Cái tên "Plei-Kou-Derr" có thể là từ "Plơi Kơdưr" được phiên tự theo cách viết tiếng Pháp. "Plơi" tiếng Jarai nghĩa là "làng". Còn "Kơdưr" có hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất là "hướng Bắc", nghĩa thứ hai là "trên cao". Cả hai nghĩa này đều phù hợp với vị trí của Pleiku. Bởi vì ngày xưa vùng đất sinh sống của người Jarai là phía Nam của Pleiku, từ Phú Thiện trở vào. Với nghĩa thứ hai, Pleiku là làng có độ cao hơn so với các làng khác của người Jarai. Như vậy, "Plơi Kơdưr" nghĩa là "làng Bắc" hoặc "làng thượng" (trên cao). Về việc phiên tự "Kơ" thành "Kou" có thể là do lúc đó chưa có ký tự "ơ" như ngày nay nên người ta dùng hai ký tự "ou" để đọc là "ơ". Còn "Dưr" được viết thành "Derr" có thể là do lúc đó chưa có ký tự "ư" nên viết thành "e". Cái tên "Plei-Kou-Derr" có thể là từ tiếng Jrai "Plơi Kơdưr Chư Hdrông" trong tiếng Jarai có nghĩa là "Những ngôi làng phía bắc núi Chư Hdrông" (tức Núi Hàm Rồng), có lẽ ám chỉ khu vực sinh sống của người Jarai nhóm Jrai Hdrông và Jarai A-ráp xung quanh núi lửa đã tắt Chư Hdrông, được phiên tự theo cách viết tiếng Pháp thành "Plei-Kou-Derr" sau này Chính quyền Việt Nam Cộng hoà gọi là Pleiku. Theo Nghị định Toàn quyền Đông Dương ngày 24 tháng 5 năm 1925, đại lý hành chính Pleiku thuộc tỉnh Kon Tum được thành lập. Từ đây, Pleiku với ý nghĩa một địa danh cả về cách đọc và cách viết đã ra đời và tồn tại đến ngày nay. Lịch sử Ngày 3 tháng 12 năm 1929, theo Nghị định Khâm sứ Trung Kỳ, thị xã Pleiku đã được thành lập. Gần 3 năm sau đó, ngày 24 tháng 5 năm 1932 và ngày 4 tháng 3 năm 1933, Nghị định Toàn quyền tiếp tục tách phần đất thuộc đại lý Pleiku cũ (thuộc tỉnh Kon Tum) để thành lập tỉnh Pleiku. Ngày 27 tháng 7 năm 1953, Nghị định số 495-Cab/Ml của Thủ tướng Chính phủ Quốc gia Việt Nam đặt trung tâm các tỉnh thuộc Hoàng triều Cương thổ phía Nam (các tỉnh thuộc Tây Nguyên hiện nay) thành thị trấn. Pleiku cùng Dran, Djiring, Blao, Buôn Ma Thuột, Kon Tum đều là thị trấn. Sau Hiệp định Genève (1954), chính quyền Việt Nam Cộng Hòa vẫn lấy Pleiku làm tỉnh lỵ của tỉnh Pleiku. Ngày 26 tháng 1 năm 1957, Nghị định số 27-BNV/HC/NĐ của Bộ Nội vụ Việt Nam Cộng Hòa bãi bỏ nghị định số 495-Cab/Ml của Thủ tướng Chính phủ Quốc gia Việt Nam, các thị trấn được đổi thành xã, thị trấn Pleiku trở thành xã Pleiku. Dưới thời Đệ Nhất Cộng hòa, Pleiku vẫn được gọi là thị xã, nhưng nằm trong xã Hội Thương - Hội Phú thuộc quận Lệ Trung. Từ năm 1962, chính quyền mới quy hoạch mở rộng thị xã này. Như vậy trong hơn 40 năm (1932-1975) dưới thời thuộc Pháp cũng như Việt Nam Cộng hòa, Pleiku là tên tỉnh, đồng thời có giai đoạn là tên thị trấn, thị xã nhưng trực thuộc xã (chứ không phải là cấp hành chính thị xã tương đương quận, huyện hiện nay) và luôn là tỉnh lỵ của tỉnh Pleiku. Sau tháng 3 năm 1975, Pleiku là tên thị xã duy nhất và là tỉnh lỵ của tỉnh Gia Lai (trước và sau khi sáp nhập 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum thành tỉnh Gia Lai - Kon Tum, trong thời gian sápnhập tỉnh 1976-[[1991]), ban đầu, thị xã Pleiku có 12 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 6 phường: Diên Hồng, Hoa Lư, Hội Phú, Hội Thương, Thống Nhất, Yên Đỗ và 6 xã: An Phú, Biển Hồ, Gào, Hòa Phú, Tân Bình, Trà Bá. Ngày 17 tháng 8 năm 1981, Hội đồng Bộ trưởng ban hành quyết định 30-HĐBT. Theo đó: Thành lập 2 xã: Trà Đa và Diên Phú Sáp nhập xã Tân Bình về huyện Mang Yang (nay là huyện Đăk Đoa) để quản lý Sáp nhập xã Hòa Phú về huyện Chư Păh quản lý Sáp nhập 2 xã: Chư Á và Chư Jôr thuộc huyện Mang Yang về thị xã Pleiku (hiện nay, xã Chư Á thuộc về thành phố Pleiku và xã Chư Jôr đã sáp nhập vào xã Chư Đăng Ya của huyện Chư Păh) để quản lý. Ngày 12 tháng 8 năm 1991, sau khi tỉnh Gia Lai - Kon Tum tách ra thành 2 tỉnh: Gia Lai và Kon Tum, thì thị xã Pleiku đã trở lại là tỉnh lị của tỉnh Gia Lai với 14 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 6 phường: Diên Hồng, Hoa Lư, Hội Phú, Hội Thương, Thống Nhất, Yên Đỗ và 8 xã: An Phú, Biển Hồ, Chư A, Chư Jôr, Diên Phú, Gào, Trà Bá, Trà Đa. Ngày 11 tháng 11 năm 1996, Chính phủ ban hành Nghị định số 70-CP. Theo đó: Thành lập xã Tân Sơn trên cơ sở 850 ha diện tích tự nhiên và 3.516 nhân khẩu của xã Chư Jôr Thành lập xã Nghĩa Hưng trên cơ sở 2.550 ha diện tích tự nhiên với 4.069 nhân khẩu của xã Biền Hồ (gồm toàn bộ diện tích và dân số của 3 thôn: 7, 8, 9 và 2 làng: Ia Lũ, Ia Nhing) và 261,7 ha diện tích tự nhiên và 809 nhân khẩu của xã Ia Sao thuộc huyện Chư Păh (gồm toàn bộ diện tích và dân số của 3 làng:Bi, Brông, Krung), xã Nghĩa Hưng có 2.811,7 ha diện tích tự nhiên và 4.878 nhân khẩu. Điều chỉnh 4.011,7 ha diện tích tự nhiên và 5.574 nhân khẩu của thị xã Pleiku (gồm toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của 2 xã: Chư Jôr và Nghĩa Hưng) về huyện Chư Păh mới thành lập để quản lý. Như vậy, đến thời điểm này, thị xã Pleiku còn lại 22.568,5 ha và 159.987 nhân khẩu với 14 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 6 phường: Diên Hồng, Hoa Lư, Hội Phú, Hội Thương, Thống Nhất, Yên Đỗ và 8 xã: An Phú, Biển Hồ, Chư Á, Diên Phú, Gào, Tân Sơn, Trà Bá, Trà Đa. Ngày 19 tháng 11 năm 1998, thị xã Pleiku được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại III theo Quyết định số 1194/QĐ-BXD. Ngày 24 tháng 4 năm 1999, Chính phủ ban hành Nghị định số 29/1999/NĐ-CP.Theo đó, thành lập thành phố Pleiku trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của thị xã Pleiku. Thành phố Pleiku có 22.569,6 ha diện tích tự nhiên và 160.192 nhân khẩu với 14 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 6 phường: Diên Hồng, Yên Đỗ, Hoa Lư, Hội Thương, Hội Phú, Thống Nhất và 8 xã: Biển Hồ, Tân Sơn, Trà Đa, Chư á, An Phú, Trà Bá, Diên Phú và Gào. Ngày 11 tháng 8 năm 1999, Chính phủ ban hành Nghị định số 70/1999/NĐ-CP. Theo đó: Thành lập phường Tây Sơn trên cơ sở điều chỉnh 154,33 ha diện tích tự nhiên và 10.112 nhân khẩu của phường Hoa Lư. Thành lập phường Ia Kring trên cơ sở điều chỉnh 669,72 ha diện tích tự nhiên và 10.270 nhân khẩu của phường Diên Hồng. Ngày 9 tháng 11 năm 2000, Chính phủ ban hành Nghị định số 67/2000/NĐ-CP. Theo đó: Thành lập phường Yên Thế trên cơ sở 1.187 ha diện tích tự nhiên và 12.916 nhân khẩu của xã Biển Hồ Thành lập phường Trà Bá trên cơ sở 758,67 ha diện tích tự nhiên và 13.990 nhân khẩu của xã Trà Bá. Xã Trà Bá (sau khi đổi tên thành xã Chư HDrông) có 2.360,33 ha diện tích tự nhiên và 4.610 nhân khẩu. Ngày 13 tháng 5 năm 2002, chuyển xã Ia Kênh thuộc huyện Ia Grai về thành phố Pleiku quản lý. Ngày 15 tháng 9 năm 2006, điều chỉnh 706,33 ha diện tích tự nhiên và 7.967 nhân khẩu của xã Chư Á để thành lập phường Thắng Lợi. Thành phố Pleiku có 26.060,60 ha diện tích tự nhiên và 188.223 nhân khẩu với 20 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 12 phường: Diên Hồng, Ia Kring, Hội Thương, Hoa Lư, Tây Sơn, Thống Nhất, Hội Phú, Yên Đỗ, Yên Thế, Trà Bá, Thắng Lợi và 8 xã: Biển Hồ, Chư HDrông, An Phú, Trà Đa, Gào, Diên Phú, Tân Sơn, Ia Kênh, Chư Á. Ngày 17 tháng 4 năm 2008, Chính phủ ban hành Nghị định 46/2008/NĐ-CP. Theo đó: Thành lập phường Đống Đa trên cơ sở điều chỉnh 402,43 ha diện tích tự nhiên và 6.068 nhân khẩu của phường Thống Nhất Thành lập phường Chi Lăng trên cơ sở điều chỉnh 1.245,37 ha diện tích tự nhiên và 7.330 nhân khẩu của xã Chư HDrông Thành lập phường Phù Đổng trên cơ sở điều chỉnh 103,31 ha diện tích tự nhiên với 6.175 nhân khẩu của phường Hội Phú và 349,87 ha diện tích tự nhiên với 7.927 nhân khẩu của phường Trà Bá, phường Phù Đổng có 453,18 ha diện tích tự nhiên và 14.102 nhân khẩu. Điều chỉnh 187,78 ha diện tích tự nhiên và 968 nhân khẩu của xã Ia Kênh về xã Chư HDrông quản lý. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính: Phường Thống Nhất còn lại 626,27 ha diện tích tự nhiên và 7.733 nhân khẩu. Phường Hội Phú còn lại 452,89 ha diện tích tự nhiên và 8.427 nhân khẩu. Phường Trà Bá còn lại 408,80 ha diện tích tự nhiên và 10.612 nhân khẩu. Xã Ia Kênh còn lại 3.303,22 ha diện tích tự nhiên và 3.054 nhân khẩu. Xã Chư HDrông còn lại 1.302,74 ha diện tích tự nhiên và 3.777 nhân khẩu. Thành phố Pleiku có 26.199,34 ha diện tích tự nhiên và 200.262 nhân khẩu với 23 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 15 phường: Hoa Lư, Tây Sơn, Diên Hồng, Ia Kring, Yên Đỗ, Hội Thương, Yên Thế, Thắng Lợi, Trà Bá, Hội Phú, Phù Đổng, Thống Nhất, Đống Đa, Chi Lăng và 8 xã: Trà Đa, Chư Á, Biển Hồ, Tân Sơn, Gào, An Phú, Diên Phú, Chư HDrông, Ia Kênh. Ngày 25 tháng 2 năm 2009, Chính phủ ban hành Quyết định số 249/QĐ-TTg công nhận thành phố Pleiku là đô thị loại II. Ngày 25 tháng 2 năm 2009, thành phố Pleiku được Chính phủ công nhận là đô thị loại II theo quyết định số Quyết định số 249/QĐ-TTg. Ngày 1 tháng 2 năm 2020, sáp nhập toàn bộ 13,13 km² diện tích tự nhiên và 2.464 người của xã Chư HDrông vào phường Chi Lăng.. Như vậy, đến thời điểm này, thì thành phố Pleiku có 22 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 14 phường và 8 xã như hiện nay. Ngày 22 tháng 1 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 146/QĐ-TTg công nhận thành phố Pleiku là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Gia Lai. Địa lý Thành phố Pleiku nằm ở trung tâm tỉnh Gia Lai, có vị trí địa lý: Phía đông giáp huyện Đak Đoa Phía tây giáp huyện Ia Grai Phía nam giáp huyện Chư Prông Phía bắc giáp huyện Chư Păh. Pleiku nằm trên trục giao thông giữa quốc lộ 14, quốc lộ 19 nối thông suốt cả nước, gần ngã ba Đông Dương, nằm trên cung đường Hồ Chí Minh, và trong vùng tam giác tăng trưởng các tỉnh lân cận, cũng như các quốc gia láng giềng như Campuchia, Lào. Tổng diện tích tự nhiên là 26.076,8 ha, là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của tỉnh Gia Lai. Thành phố Pleiku cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 600 km về phía bắc, cách thủ đô Hà Nội 1.287 km về phía nam và cách thành phố Buôn Ma Thuột 181 km, cách Đà Nẵng 377 km. Pleiku nằm trên độ cao trung bình 700m - 800 m; ngã ba Hàm Rồng hay ngã ba Quốc lộ 14 và Quốc lộ 19 (phía Nam của thành phố Pleiku) có độ cao là 785m. Khí hậu Dân cư Năm 1971 thời Việt Nam Cộng hòa tỉnh lỵ Pleiku có 34.867 cư dân. Theo niêm giám thống kê, dân cư thành phố bao gồm 28 dân tộc đang sinh sống; người Kinh chiếm đa số (87,5%), còn lại là các dân tộc khác, chủ yếu là các dân tộc Gia Rai và Ba Na (12,5%). Số người trong độ tuổi lao động khoảng 328.240 người chiếm 65% dân số. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm nhanh, đến năm 2008 đạt 1,12%. Kết quả trên đã góp phần tích cực cho công tác xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Các đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống chủ yếu trong các làng như làng Plei Ốp (phường Hoa Lư), Làng Kép (phường Đống Đa), Làng Brúk Ngol (phường Yên Thế), và một số làng khác. Toàn đô thị có 62.829 hộ với 274.048 người có hộ khẩu thường trú. Tính cả dân số quy đổi có khoảng 504.984 người. Hành chính Thành phố Pleiku được chia thành 22 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 14 phường: Chi Lăng, Diên Hồng, Đống Đa, Hoa Lư, Hội Phú, Hội Thương, Ia Kring, Phù Đổng, Tây Sơn, Thắng Lợi, Thống Nhất, Trà Bá, Yên Đỗ, Yên Thế và 8 xã: An Phú, Biển Hồ, Chư Á, Diên Phú, Gào, Ia Kênh, Tân Sơn, Trà Đa. Kinh tế Thành phố có ưu thế về thổ nhưỡng, thời tiết thuận lợi cho phát triển các loại cây công nghiệp như cao su, cà phê, hồ tiêu, cây lâm sản đa dạng. Các tiềm năng về du lịch từ các công trình thủy điện, thủy lợi, cảnh quan thiên nhiên do đặc thù địa hình Tây Nguyên mang lại như du lịch sinh thái, cảnh quan, lịch sử v.v… Du lịch tại Pleiku: du lịch hồ Đức An, công viên Đồng Xanh, Về Nguồn, Biển Hồ T'Nưng... Ngoài ra ngay tại Pleiku, du khách có thể được thưởng thức hương vị cafê ở phố núi Pleiku. Ưu thế về đất đai rộng, chưa được khai thác nhiều, có khả năng thu hút đầu tư nhanh khi có chính sách phù hợp. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm là 14,65% (giai đoạn 1999 - 2004), cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng ngày càng tăng trong cơ cấu chung của GDphường Thu nhập bình quân đầu người đạt 662 USD/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 550 hộ chiếm 1,45% (cuối năm 2003 là 1,78%), theo quy định của Bộ lao động thương binh và xã hội với tiêu chí đạt được như trên thì địa bàn thành phố cơ bản thoát nghèo. Khu công nghiệp Trà Đa đang tiếp tục thu hút đầu tư của các doanh nghiệp (trên 30 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, đến nay đã có 13 doanh nghiệp đi vào hoạt động, 5 doanh nghiệp đang xây dựng cơ bản), khu Công nghiệp Nam Hàm Rồng, khu công nghiệp Bắc Biển Hồ điện đã có nhiều doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời tỉnh đang quy hoạch phát triển cụm du lịch tham quan các cảnh quan đẹp của núi rừng Tây Nguyên như thác Phú Cường, thác Ba, thác Bầu Cạn, thủy điện Yaly, nhà lao Pleiku, Biển Hồ nước, công viên Đồng Xanh, Diên Hồng, công viên văn hóa các dân tộc thiểu số… Thành phố Pleiku đã được Bộ Xây dựng phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố đến năm 2020. Đang tổ chức kêu gọi các nhà đầu tư thi công các khu quy hoạch đã được phê duyệt: Khu dân cư Lê Thánh Tôn, Nguyễn Chí Thanh, Diên Phú, IaSoi; cụm CN-TTCN, khu đô thị mới Hoa Lư - Phù Đổng (Công ty FBS đang đầu tư xây dựng), suối Hội Phú (Tập đoàn CN Than - Khoáng sản đang đầu tư), và các khu dân cư mới theo quy hoạch, các khách sạn cao tầng v.v… Khoáng sản có khá nhiều nhưng phân tán. Hiện có mỏ manhezit đang được Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam xem xét đầu tư khai thác Cơ sở hạ tầng Điện Điện chiếu sáng: mạng lưới điện quốc gia đã kéo đến 23/23 xã, phường, thôn, làng. Hơn 99,21% số hộ dân được sử dụng lưới điện quốc gia (năm 2004). Các trạm biến áp lớn: Trạm biến áp 500kV Pleiku 2, thuộc địa phận xã Ia Kênh Các trạm 110kV gồm: Biển Hồ (E41), thuộc địa phận phường Yên Thế, có 4 xuất tuyến 35kV (371 - 374) và 9 xuất tuyến 22kV (471 - 479), cấp điện cho các phường Yên Thế, Thắng Lợi, Đống Đa, Thống Nhất, Hoa Lư, Phù Đổng, Tây Sơn, Hội Thương và các xã Biển Hồ, Tân Sơn, Chư Á, An Phú (Pleiku), các huyện Chư Păh, Đăk Đoa, Ia Grai và một phần thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum). Các XT 35kV cấp điện tại các TTG F3 (Biển Hồ), F4 (Pleimun), F31 (Chư Păh) Diên Hồng (E42), thuộc địa phận phường Ia Kring, có 1 xuất tuyến 110kV (172), 4 xuất tuyến 35kV (371 - 374) và 9 xuất tuyến 22kV (471 - 478, 480), cấp điện cho các phường Diên Hồng, Hội Thương, Ia Kring, Đống Đa, Tây Sơn, Hội Phú, Trà Bá, Phù Đổng, Chi Lăng và các xã Diên Phú, Ia Kênh, Gào (Tphường Pleiku), các huyện Ia Grai, Đức Cơ (Gia Lai), các huyện Ia H'Drai, Sa Thầy (Kon Tum) và một phần tỉnh Ratanakiri thuộc nước bạn Campuchia. Các XT 35kV 372, 373 cấp điện cho TTG F7 (Trà Bá) và F21 (Bar Măih) Tây Pleiku, thuộc trạm 500kV Pleiku 2 (xã Ia Kênh), cấp điện cho XT 480/E42 Các trạm biến áp trung gian gồm: Trà Bá (F7), thuộc địa phận phường Trà Bá, có 2 xuất tuyến 35kV (371, 373) và 2 xuất tuyến 22kV (471, 473). Chủ yếu cấp điện cho phường Chi Lăng, xã Ia Kênh, xã Gào (Pleiku), XT 471/F7 đến trạm cắt F12 (Đăk Đoa) cấp điện cho toàn thị trấn Đăk Đoa và một phần của huyện Đăk Đoa. XT 371/F7 cấp điện cho TTG F20 (Chư Prông), XT 373/F7 cấp điện cho TTG F19 (Hàm Rồng) Hàm Rồng (F19), thuộc địa phận phường Chi Lăng, có 3 xuất tuyến 22kV (472, 473, 474), chủ yếu cấp điện cho huyện Chư Prông, huyện Đăk Đoa và xã Gào (Pleiku) Nước Cấp nước sinh hoạt: tỷ lệ dân số được dùng nước sạch là 86%, cấp 259,72 lít nước/người/ngày. Môi trường đô thị Vệ sinh môi trường: được chú trọng đầu tư đồng bộ với sự phát triển hạ tầng đô thị, đến cuối năm 2004 thành phố sẽ quản lý, chăm sóc trên 6.000 cây xanh đường phố. Thông tin liên lạc Hệ thống thông tin liên lạc đang được mở rộng đầu tư nâng cấp, đến nay đã phủ sóng thông tin toàn bộ 23/23 xã, phường, thôn, làng. Tính đến cuối năm 2003 số máy điện thoại bình quân đạt 16 máy/100 dân, cuối năm 2004 đạt 19 máy/100 dân (dự kiến cuối năm 2017 đạt 98 máy/100 dân). Công trình dân dụng Công sở, nhà dân đã được đầu tư nâng cấp khang trang, hiện đại, đến nay có hơn 92% nhà kiên cố và bán kiên cố. Khu vực nội thành phần lớn là nhà kiên cố, cao tầng; Trung tâm thương mại đã được đầu tư làm mới và hệ thống các chợ khu vực đi vào hoạt động ổn định. Qua 5 năm xây dựng và phát triển đô thị, tổng mức đầu tư toàn xã hội trong 5 năm (1999 - 2004) trên địa bàn thành phố đạt hơn 1.245 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Thành phố đầu tư hơn 110 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị, kết quả đạt khả quan như đầu tư trên 64 tỷ đồng xây dựng mới, cải tạo nâng cấp 65 trường học (350 phòng học); đầu tư trên 24 tỷ đồng xây dựng 225 đường hẻm với tổng chiều dài 112 km đường giao thông nông thôn (đường láng nhựa và bê tông xi măng); cải tạo nâng cấp và xây dựng mới 72 phòng họp tổ dân phố, thôn, làng… Trường học Thành phố hiện đang có rất nhiều trường học. Trong đó nổi bật là Trung học phổ thông chuyên Hùng Vương, Trung học cơ sở Nguyễn Du, Trung học cơ sở Nguyễn Huệ, Trung học cơ sở Trưng Vương, Trung học cơ sở Phạm Hồng Thái, trường Cao đẳng Sư phạm, Phân hiệu Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh, Phân hiệu Trường Đại học Đông Á. Bệnh viện Thành phố cũng có rất nhiều bệnh viện cấp tỉnh: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Quân y 211 (Binh đoàn Tây Nguyên), Bệnh viện Quân y 15 (Binh đoàn 15), Bệnh viện Đại học Y Dược - Hoàng Anh Gia Lai, Bệnh viện nhi, Bệnh viện Lao-phổi. Giao thông Hiện có 850 km đường bộ, bao gồm 18.7 km đường bê tông xi măng, 100.7 km đường bê tông nhựa, 467.8 km đường láng nhựa, 8.5 m đường cấp phối và 254.3 km đường đất. Quốc lộ 14 nối về phía bắc đi Kon Tum (49 km), nối với Đà Nẵng. Nối về phía nam đi Buôn Ma Thuột (182 km), đi Thành phố Hồ Chí Minh (545 km). Quốc lộ 19 nối về phía đông đi ra quốc lộ 1, đi Quy Nhơn (166 km). Tỉnh lộ 664 về phía tây đi huyện Ia Grai, biên giới nước bạn Campuchia. Sân bay Pleiku (tên cũ là sân bay Cù Hanh) cách trung tâm thành phố khoảng 5 km đã được đầu tư nâng cấp để tiếp nhận các máy bay lớn (A320). Hiện có các đường bay kết nối Pleiku với Hà Nội (Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways), Thành phố Hồ Chí Minh (Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways), Hải Phòng (Vietjet Air, Bamboo Airways), Đà Nẵng (Bamboo Airways) và Vinh (Bamboo Airways). Đường Phố Pleiku Sau Năm 1975 A Sanh An Dương Vương Anh Hùng Núp Ama Quang Âu Dương Lân Âu Cơ Bế Văn Đàn Bùi Dự Bùi Đình Túy Bà Triệu Cao Bằng Cao Thắng Cao Bá Quát Cách Mạng Tháng 8 Cô Giang Cô Bắc Chu Mạnh Chinh Châu Văn Liêm Chử Đồng Tử Duy Tân Đinh Tiên Hoàng Đoàn Thị Điểm Đào Duy Từ Đồng Tiến Đống Đa Hai Bà Trưng Hoàng Văn Thụ Hoàng Văn Thái Hoàng Hoa Thám Huyền Trân Công Chúa Hồ Tùng Mậu Hồ Xuân Hương Huỳnh Thúc Kháng Hùng Vương Hàn Mạc Tử Hàn Thuyên Hàm Nghi Lê Lợi Lê Lai Lê Đại Hành Lê Duẩn Lê Thánh Tôn Lê Quang Định Lê Hồng Phong Lạc Long Quân Lê Văn Tám Lê Đình Chinh Lê Thị Riêng Lý Thái Tổ Lý Nam Đế Lý Thường Kiệt Lữ Gia Lương Thanh Lương Định Của Lương Ngọc Quyến Nguyễn An Ninh Nguyễn Văn Trỗi Nguyễn Thị Minh Khai Nguyễn Tất Thành Nguyễn Trung Trực Nguyễn Thái Học Nguyễn Văn Linh Nguyễn Siêu Nguyễn Chí Thanh Nguyễn Thứ Lễ Nguyễn Đình Chiểu Nguyễn Xí Nguyễn Đường Nguyễn Công Trứ Nguyễn Thị Định Nguyễn Du Ngô Quyền Ngô Tất Tố Kim Đồng Ký Con Trần Bội Cơ Trần Xuân Soạn Trần Phú Trần Nhân Tông Trần Hưng Đạo Trần Quý Cáp Trần Quốc Toản Trần Kiên Trần Quang Diệu Tuệ Tĩnh Tăng Bạt Hổ Tô Hiệu Tô Vĩnh Diện Tôn Đức Thắng Tôn Thất Tùng Trường Chinh Phan Bội Châu Phan Đình Phùng Phan Đăng Lưu Phạm Ngọc Thạch Phạm Văn Đồng Phạm Hùng Võ Nguyên Giáp Võ Văn Kiệt Võ Thị Sáu Võ Trung Thành Võ Văn Tần Văn Cao Vạn Kiếp Ung Văn Khiêm Siu Bleh Sư Vạn Hạnh Yên Đỗ Đường 17/3 Quang Trung... Trước năm 1975 Đường Mạc Đĩnh Chi và Khổng Tử nay là đường Hồ Xuân Hương. Đường Minh Mạng nay là đường Bùi Thị Xuân. Đường Cường Để nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai. Đường Lê Văn Duyệt nay là đường Trần Phú. Đường Phó Đức Chính nay là đường Nguyễn Văn Trỗi. Đường Phan Thanh Giản nay là đường Lê Hồng Phong. Đường Hoàng Diệu nay là đường Hùng Vương. Đường Hiền Vương nay là đường Nguyễn Trãi. Đường Nguyễn Du và Trần Quang Khải nay là đường Trần Quang Khải. Đường Cô Bắc nay là đường Cù Chính Lan. Đường Cô Giang nay là đường Võ Thị Sáu. Đường Võ Tánh nay là đường Hoàng Văn Thụ. Đường Nguyễn Đình Chiểu và Yesin nay là đường Nguyễn Du. Đường Trịnh Minh Thế nay là đường Trần Hưng Đạo. Đường Trần Hưng Đạo nay là đường Hoàng Hoa Thám. Biển số xe Xe gắn máy, xe máy điện, xe tay ga: 81-Bx xxxx(x) 81-Dx xxxx(x) 81-Fx xxxx(x) 81-Gx xxxx (x) 81-Hx xxxx(x) 81-Mx xxxx(x) 81-Nx xxxx(x) 81-Px xxxx(x) 81-Tx xxxx(x) 81-MĐx xxxxx Ô tô, xe tải: 81A xxxxx 81C xxxxx 81M xxxxx Hình ảnh
Mỹ Tho (美湫) là thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Tiền Giang, Việt Nam. Thành phố Mỹ Tho hiện là đô thị loại I, thuộc Vùng kinh tế trọng điểm Nam bộ. Đây là thành phố trực thuộc tỉnh loại I đầu tiên của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Mỹ Tho cũng là một trong những đô thị trọng điểm của vùng. Tên gọi Có nhiều ý kiến về nguồn gốc địa danh Mỹ Tho. Đa số ý kiến cho rằng Mỹ Tho bắt nguồn từ phương ngữ gốc Khmer như Mi Sâr biến thể thành Mỹ và Tho, có nghĩa là xứ có người con gái da trắng, đẹp. Từ đó Mỹ, chữ Hán nghĩa là đẹp, nhưng từ Tho không có trong chữ Hán nên có lối viết khác nhau qua chữ Nôm, có hai lối viết, để chỉ vùng nước thơm hay cỏ thơm. Sự kết hợp hai thành tố có ngữ âm hoàn toàn Việt Nam, "mỹ" và "tho", không tạo nên một ý nghĩa nào theo cách hiểu trong tiếng Việt. Những tài liệu về lịch sử và sinh hoạt của người Khmer trong vùng thời xa xưa đã xác định địa phương này có lúc đã được gọi là "Srock Mỳ Xó" (xứ nàng trắng). Người Việt gọi là Mỹ Tho, đã bỏ đi chữ Srock, chỉ còn giữ lại Mỳ Xó. Mỹ Tho trong lịch sử là một vùng đất quan trọng được sớm khai phá bởi người Hoa, là một thành phố có tổ chức… trích dẫn như sau: Theo "Gia Định thành thông chí": Mỹ Tho đồn: Đồn Mỹ Tho tại phía nam trấn, xưa là rừng hoang, hổ báo làm hang ổ…(Tại trấn Nam nhất lý hứa, cựu vi hoang lâm, hổ báo quần huyệt...). Mỹ Tho sông ngòi: Sông Mỹ Tho ở trước mặt trấn, là con sông lớn của trấn, bắt nguồn từ nội địa tỉnh Vân Nam…(Tại trấn tiền, vi bản trấn đại giang, kỳ nguyên phát ư nội địa Vân Nam tỉnh...). Theo "Đại Nam nhất thống chí": Mỹ Tho phố lớn: chợ, quán: chợ Mỹ Tho tại huyện Kiến Hưng, thường gọi là chợ là phố lớn. Nhà ngói, rui chạm, đình cao, chùa rộng. Sông sâu tàu thuyền, buồm giong qua lại như dệt cửi…(Mỹ Tho thị tại Kiến Hưng huyện, tục danh đại phố thị, ngõa ốc, điêu manh, cao đình, quảng tự. Dương hà thuyền sưu phẩm tường, vãng lai như chức ty...) Mỹ Tho quan thuế: Cửa ải Mỹ Tho ở huyện Kiến Hưng, năm thứ mười sáu Minh Mạng lập ra cửa ải thu thuế. Đến năm thứ ba Thiệu Trị thì bãi bỏ…(Tại Kiến Hưng huyện, Minh Mạng thập lục niên, thiết quan chinh thuế. Thiệu Trị tam niên đình...) Theo "Lịch sử cuộc viễn chinh Nam Kỳ" ("Histoire de la conquête de la Cochinchine") tác giả người Pháp viết: Sài Gòn là trung tâm quân sự, Mỹ Tho là trung tâm thương mại. Các ghe thuyền của người Nhật người Tàu, người An Nam, người Xiêm có đáy cạn dễ di chuyển trên sông gần nơi sản xuất gạo, thêm vào truyền thống người dân địa phương từ bao thế kỷ, khiến cho Mỹ Tho trở thành trung tâm buôn bán lớn nhất của Nam kỳ, trước khi người Âu đến. ... Mỹ Tho là một vùng có nhà cửa rộng lớn, lợp bằng là dừa nước theo theo tập quán. Nhưng dọc theo bờ kinh Bưu điện (Arroyo de la Poste hay kinh Bảo Định) nhà cửa thanh nhã hơn nhiều, mái lợp ngói giữa những vườn dừa vườn cau, tất cả có vẻ trang nhã, phong lưu, đôi khi giàu có. Có thể so sánh với cảnh phồn hoa đô hội của Chợ Quán và kinh người Tàu ở Sài Gòn... Theo "Địa phương chí Mỹ Tho 1902" (Monographie de Mỹ Tho 1902), tác giả người Pháp viết: ...Vị trí của Mỹ Tho thật tuyệt diệu. Nó chiếm một vị thế trung chuyển quan trọng vào bậc nhất cho các loại ghe chài to lớn từ miền Tây lên Chợ lớn (Sài Gòn) qua con kinh Bảo Định và con kinh Chợ Gạo. Mỹ Tho lại có con đường sắt đầu tiên của Đông Dương, con đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho và con đường thủy nối liền Sài Gòn và các tỉnh miền Tây lên tận Phnôm Pênh qua bến Tàu Lục Tỉnh Mỹ Tho... Lịch sử Thời phong kiến Vào năm 1679, một nhóm khoảng 3.000 người Minh Hương được Chúa Nguyễn cho định cư vùng đất mới này. Trong nhóm do Dương Ngạn Địch đứng đầu, lập Mỹ Tho đại phố (chữ Hán: 美萩大浦) ở làng Mỹ Chánh, huyện Kiến Hòa. Khu đại phố này kéo dài đến Cầu Vĩ, Gò Cát, tức khu vực xã Mỹ Phong hiện nay. Rất nhiều làng xã mọc lên xung quanh khu vực Mỹ Tho: Thái Trấn lập làng An Hoà (sau đổi là Thạnh Trị), Nguyễn Văn Trước lập làng Điều Hòa. Vào thế kỷ 17, Mỹ Tho đã trở thành một trong hai trung tâm thương mại lớn nhất Nam Bộ lúc bấy giờ (trung tâm còn lại là Cù lao Phố, Biên Hòa). Sự hưng thịnh của phố chợ Mỹ Tho cho thấy nền sản xuất nông - ngư nghiệp và kinh tế hàng hóa địa phương ở thời điểm đó đã có những bước phát triển đáng kể, đặc biệt là đối với ngành thương mại. Năm 1772, Mỹ Tho thuộc đạo Trường Đồn, đến năm 1779 đạo Trường Đồn được nâng lên thành dinh Trường Đồn. Năm 1781, dinh Trường đồn lại đổi tên thành dinh Trấn Định. Đến năm 1785, quân Xiêm đã tràn sang và biến nơi đây thành bãi chiến trường (Trận Rạch Gầm - Xoài Mút). Phố xá bị tàn phá, của cải bị cướp bóc nên Mỹ Tho đại phố trở nên tiêu điều. Thương nhân ở đây hầu hết đều chuyển lên làm ăn ở Sài Gòn - Bến Nghé. Năm 1788, mặc dù được khôi phục dần, nhưng không còn nhộn nhịp như trước. Đến năm Nhâm Tý (1792), Chúa Nguyễn cho dời lỵ sở dinh Trấn Định về chợ Mỹ Tho thuộc thôn Mỹ Chánh (khu vực Chợ Cũ thuộc phường 2, 3 và 8 ngày nay) và cũng tại đây chúa Nguyễn đã cho xây dựng thành Trấn Định. Thành được xây theo đồ họa kiến trúc của ông Trần Văn Học. Năm 1826, vua Minh Mạng lại cho dời lỵ sở trấn Định Tường sang phía tây sông Bảo Định thuộc hai thôn Điều Hòa và Bình Tạo của huyện Kiến Hưng (nay thuộc các phường 1, 4 và 7), phủ Kiến An, tỉnh Định Tường. Cũng trong năm này, ông Dương Tấn Tuyên lập một ngôi chợ bên cạnh thành mới tại khu vực chợ Mỹ Tho ngày nay. Mỹ Tho luôn luôn là trị sở, tỉnh lỵ tỉnh Định Tường và đến năm 1900 trở thành tỉnh lỵ tỉnh Mỹ Tho khi tỉnh này được thành lập. Mỹ Tho từng có đường xe lửa nối với Sài Gòn dài 71 km, khánh thành ngày 20 tháng 7 năm 1885, bị phá hỏng thời chống Pháp. Thời Pháp thuộc Trước năm 1900 Thời Pháp thuộc (1862-1945), theo Hiệp ước Nhâm Tuất năm 1862, Định Tường cùng với Biên Hòa và Gia Định bị cắt nhượng cho Pháp. Lúc đầu địa bàn tỉnh Định Tường được chia làm 4 hạt Thanh tra, tạm gọi tên theo tên các phủ huyện cũ, sau mới đổi tên gọi theo địa điểm đóng trụ sở. Đó là: Hạt Thanh tra Kiến An hay Kiến Hưng, sau đổi là hạt Thanh tra Mỹ Tho. Hạt Thanh tra Kiến Hòa sau đổi là hạt Thanh tra Chợ Gạo. Hạt Thanh tra Kiến Đăng sau đổi là hạt Thanh tra Cai Lậy. Hạt Thanh tra Kiến Tường sau đổi là hạt Thanh tra Cần Lố. Ngày 5 tháng 12 năm 1868, giải thể hạt Thanh tra Cai Lậy nhập vào hạt Thanh tra Mỹ Tho, kể từ ngày 15 tháng 12 năm 1868. Tiếp theo, ngày 23 tháng 12 năm 1868, giải thể hạt Thanh tra Chợ Gạo nhập vào hạt Thanh tra Mỹ Tho. Nhưng đến ngày 20 tháng 10 năm 1869 hạt Thanh tra Cai Lậy được lập lại theo địa bàn cũ và đến ngày 8 tháng 9 năm 1870 dời trụ sở về Cái Bè, nên gọi là hạt Thanh tra Cái Bè. Ngày 20 tháng 9 năm 1870, giải thể hạt Thanh tra Cần Lố, đưa hai tổng Phong Hòa và Phong Phú vào hạt Thanh tra Cái Bè, đồng thời đưa hai tổng Phong Nẫm và Phong Thạnh qua hạt Thanh tra Sa Đéc. Ngày 5 tháng 6 năm 1871, giải thể hạt Thanh tra Cái Bè nhập vào địa bàn hạt Thanh tra Mỹ Tho. Như vậy 4 hạt Thanh tra trên lần lượt bị giải thể và hợp nhất lại thành Hạt Thanh tra Mỹ Tho. Từ ngày 5 tháng 1 năm 1876, các hạt Thanh tra được thay bằng hạt Tham biện. Năm 1876, tỉnh Định Tường bị Pháp giải thể và biến thành 2 tiểu khu hay hạt tham biện (arrondissement) là Mỹ Tho và Gò Công, thuộc khu vực hành chính (circonscription) Mỹ Tho. Sau năm 1900 Theo Nghị định ngày 20 tháng 12 năm 1899 của Toàn quyền Đông Dương đổi tất cả các hạt tham biện thành tỉnh thì từ ngày 1 tháng 1 năm 1900 hạt tham biện Mỹ Tho trở thành tỉnh Mỹ Tho. Tỉnh lỵ Mỹ Tho đặt tại làng Điều Hòa thuộc tổng Thuận Trị, quận Châu Thành. Năm 1912, chính quyền thực dân Pháp chia tỉnh lỵ Mỹ Tho ra hai vùng: vùng 1 thị tứ có 2 đại lý (délégation), vùng 2 có hai làng Điều Hòa và Bình Tạo. Ngày 1 tháng 1 năm 1933, mở rộng ranh giới tỉnh lỵ Mỹ Tho về phía tây, lấy thêm phần đất các làng Thạnh Trị, Đạo Ngạn và Bình Tạo. Ngày 16 tháng 12 năm 1938, Mỹ Tho được công nhận là thị xã hỗn hợp (còn gọi là Hiệp xã). Ngày 29 tháng 7 năm 1942, chia Hiệp xã Mỹ Tho thành 4 khu hành chánh: Khu hành chánh 1: tương đương các phường 1 và 7 hiện nay Khu hành chánh 2: tương đương các phường 2, 3 và 8 hiện nay Khu hành chánh 3: tương đương phường 4 và một phần phường 6 hiện nay Khu hành chánh 4: tương đương phường 5 và một phần phường 6 hiện nay Trong kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954), về phía chính quyền Cách mạng, cho thành lập thị xã Mỹ Tho trực thuộc tỉnh Mỹ Tho. Địa bàn thị xã Mỹ Tho khi đó còn bao gồm luôn ba xã vùng ven: Trung An, Đạo Thạnh, Tân Mỹ Chánh. Giai đoạn 1956-1976 Việt Nam Cộng hòa Ngày 22 tháng 10 năm 1956, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm ban hành Sắc lệnh số 143-NV để "thay đổi địa giới và tên Đô thành Sài Gòn – Chợ Lớn cùng các tỉnh và tỉnh lỵ tại Việt Nam". Địa giới và địa danh các tỉnh ở miền Nam thay đổi nhiều, một số tỉnh mới được thành lập. Theo Sắc lệnh này, địa phận Nam Phần của Việt Nam Cộng Hoà gồm Đô thành Sài Gòn và 22 tỉnh. Lúc này, tỉnh Định Tường được thành lập trên phần đất tỉnh Mỹ Tho (trừ vùng nằm phía nam sông Tiền Giang là quận An Hóa thì đổi tên thành quận Bình Đại và nhập vào tỉnh Kiến Hòa) và tỉnh Gò Công cũ. Tỉnh lỵ tỉnh Định Tường đặt tại Mỹ Tho và vẫn giữ nguyên tên là "Mỹ Tho", về mặt hành chánh thuộc xã Điều Hòa, quận Châu Thành. Sau năm 1956, chính quyền Việt Nam Cộng hòa giải thể thị xã Mỹ Tho, nhập địa bàn vào xã Điều Hòa, quận Châu Thành. Trong giai đoạn 1956-1960, xã Điều Hòa vừa đóng vai trò là quận lỵ quận Châu Thành và là tỉnh lỵ tỉnh Định Tường. Ngày 08 tháng 11 năm 1960, quận Châu Thành đổi tên thành quận Long Định, đồng thời dời quận lỵ tới xã Long Định. Lúc này, về mặt hành chánh tỉnh lỵ Mỹ Tho thuộc địa bàn xã Điều Hòa, quận Long Định, tỉnh Định Tường. Ngày 23 tháng 5 năm 1964, chính quyền Việt Nam Cộng hòa chia quận Long Định thành quận Châu Thành và quận Long Định. Khi đó, xã Điều Hòa trở lại thuộc quận Châu Thành và tỉnh lỵ Mỹ Tho tiếp tục nằm trong địa bàn xã Điều Hòa, quận Châu Thành cho đến năm 1970. Ngoài ra, từ năm 1964 đến năm 1975 quận lỵ quận Châu Thành đặt tại xã Trung An. Địa bàn xã Điều Hòa khi đó bao gồm 25 ấp trực thuộc: Lạc Hồng, Võ Tánh, Ngô Quyền, Nguyễn Huệ, Trương Vĩnh Ký, Thái Lập Thành, Nguyễn Trãi, Phan Văn Trị, Trịnh Hoài Đức, Đinh Bộ Lĩnh, Mỹ Chánh, Phan Thanh Giản, Học Lạc, Đốc Binh Kiều, Nguyễn Huỳnh Đức, Mỹ Phúc, Xóm Dầu, Cộng Hòa, Quyết Tiến, Cộng đồng, Đồng Tiến, Dân Chủ, Võ Thắng, Bình Thành, Bình Tạo. Ngày 30 tháng 9 năm 1970, Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa ban hành Sắc lệnh số 114/SL-NV cải biến xã Điều Hòa thành thị xã Mỹ Tho, là thị xã tự trị trực thuộc chính quyền Trung ương Việt Nam Cộng hòa, đồng thời kiêm tỉnh lỵ tỉnh Định Tường. Ngày 10 tháng 6 năm 1971, chia địa bàn thị xã Mỹ Tho thành 6 khu phố: Khu phố 1: gồm các ấp Lạc Hồng, Võ Tánh, Ngô Quyền, Nguyễn Huệ, Trương Vĩnh Ký, Thái Lập Thành, Nguyễn Trãi (tương đương phường 1 và phường 7 hiện nay) Khu phố 2: gồm các ấp Phan Văn Trị, Trịnh Hoài Đức, Đinh Bộ Lĩnh, Mỹ Chánh (tương đương phường 2 hiện nay) Khu phố 3: gồm các ấp Phan Thanh Giản, Học Lạc, Đốc Binh Kiều, Nguyễn Huỳnh Đức, Mỹ Phúc, Xóm Dầu (tương đương phường 3 và phường 8 hiện nay) Khu phố 4: gồm các ấp Cộng Hòa, Quyết Tiến, Cộng đồng, Đồng Tiến, Dân Chủ (tương đương phường 4 hiện nay) Khu phố 5: gồm ấp Chiến Thắng,ấp Nguyễn Tri Phương (tương đương phường 5 hiện nay) Khu phố 6: gồm các ấp Bình Thành, Bình Tạo (tương đương phường 6 hiện nay) Ngày 3 tháng 1 năm 1972, đổi tất cả các đơn vị ấp thành khóm trực thuộc khu phố; đồng thời khóm Bình Thành thuộc Khu phố 6 được chia làm 3 khóm: Bình Thành, Lý Thường Kiệt, Ngô Tùng Châu Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam Tuy nhiên chính quyền Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (sau này là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam) và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không công nhận tên gọi tỉnh Định Tường và vẫn giữ tên tỉnh cũ là tỉnh Mỹ Tho. Đồng thời, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam vẫn duy trì thị xã Mỹ Tho trực thuộc tỉnh Mỹ Tho trong giai đoạn 1956-1967. Ngày 24 tháng 8 năm 1967, Trung ương cục miền Nam đã chuẩn y tách thị xã Mỹ Tho ra khỏi tỉnh Mỹ Tho, đồng thời nâng thị xã lên thành thành phố Mỹ Tho trực thuộc Khu 8. Lúc bấy giờ, chính quyền cách mạng chia thành phố Mỹ Tho thành 4 quận, 1 thị trấn, 6 phường và 5 xã: Quận 1: các phường 1 và 7 hiện nay Quận 2: các phường 2, 3 và 8 hiện nay Quận 3: các phường 4, 5 và 6 hiện nay Quận 4: các phường 9, 10 và Tân Long; các xã Tân Mỹ Chánh, Đạo Thạnh, Mỹ Phong, Trung An hiện nay. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, chính quyền quân quản Cộng hòa miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ vẫn duy trì ba đơn vị hành chính cấp tỉnh ngang bằng nhau là tỉnh Mỹ Tho, tỉnh Gò Công và thành phố Mỹ Tho cho đến đầu năm 1976. Ngày 20 tháng 9 năm 1975, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 245-NQ/TW về việc bỏ khu, hợp tỉnh trong toàn quốc "nhằm xây dựng các tỉnh thành những đơn vị kinh tế, kế hoạch và đơn vị hành chính có khả năng giải quyết đến mức cao nhất những yêu cầu về đẩy mạnh sản xuất, tổ chức đời sống vật chất, văn hóa của nhân dân, về củng cố quốc phòng, bảo vệ trị an, và có khả năng đóng góp tốt nhất vào sự nghiệp chung của cả nước". Theo Nghị quyết này, tỉnh Long An, tỉnh Bến Tre, tỉnh Mỹ Tho, tỉnh Gò Công và thành phố Mỹ Tho sẽ hợp nhất lại thành một tỉnh, tên gọi tỉnh mới cùng với nơi đặt tỉnh lỵ sẽ do địa phương đề nghị lên. Nhưng đến ngày 20 tháng 12 năm 1975, Bộ Chính trị lại ra Nghị quyết số 19/NQ điều chỉnh lại việc hợp nhất tỉnh ở miền Nam Việt Nam cho sát với tình hình thực tế, theo đó tỉnh Mỹ Tho, tỉnh Gò Công và thành phố Mỹ Tho được tiến hành hợp nhất lại thành một tỉnh. Từ năm 1976 đến nay Ngày 24 tháng 2 năm 1976, Chính phủ Việt Nam quyết định hợp nhất tỉnh Mỹ Tho, tỉnh Gò Công và thành phố Mỹ Tho để thành lập tỉnh mới: tỉnh Tiền Giang (trừ huyện Bình Đại nằm phía nam sông Tiền đã nhập vào tỉnh Bến Tre từ trước). Đồng thời, các quận cũ trực thuộc (quận 1, quận 2, quận 3 và quận 4) cũng bị giải thể và các phường xã trực thuộc thành phố do thành phố Mỹ Tho lúc này chuyển thành thành phố cấp huyện trực thuộc tỉnh Tiền Giang. Thành phố Mỹ Tho đóng vai trò là tỉnh lỵ tỉnh Tiền Giang cho đến ngày nay. Năm 1976, thành phố Mỹ Tho được Trung ương công nhận là đô thị loại 3 trực thuộc tỉnh Tiền Giang. Thành phố Mỹ Tho khi đó bao gồm 8 phường: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 và 5 xã vùng ven: Tân Long, Tân Mỹ Chánh, Đạo Thạnh, Mỹ Phong, Trung An.. Ngày 9 tháng 12 năm 2003, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 154/2003/NĐ-CP về việc thành lập phường, xã thuộc thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công và huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Nội dung Nghị định về việc thành lập các phường mới thuộc thành phố Mỹ Tho như sau: Thành lập phường Tân Long trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Tân Long. Thành lập phường 9 trên cơ sở 274 ha diện tích tự nhiên và 9.270 nhân khẩu của xã Tân Mỹ Chánh. Thành lập phường 10 trên cơ sở 69,32 ha diện tích tự nhiên và 3.323 nhân khẩu của xã Đạo Thạnh, 197,26 ha diện tích tự nhiên và 6.964 nhân khẩu của xã Trung An. Phường 10 có 266,58 ha diện tích tự nhiên và 10.287 nhân khẩu. Ngày 7 tháng 10 năm 2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 248/2005/QĐ-TTg về việc công nhận thành phố Mỹ Tho thuộc tỉnh Tiền Giang là đô thị loại II. Ngày 26 tháng 9 năm 2009, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị quyết số 28/NQ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Châu Thành, huyện Chợ Gạo để mở rộng địa giới hành chính thành phố Mỹ Tho; điều chỉnh địa giới hành chính xã, thành lập xã thuộc thành phố Mỹ Tho, huyện Châu Thành, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang như sau: 1. Điều chỉnh địa giới hành chính huyện Châu Thành, huyện Chợ Gạo để mở rộng địa giới hành chính thành phố Mỹ Tho: Mở rộng địa giới hành chính thành phố Mỹ Tho trên cơ sở điều chỉnh 2.585,77 ha diện tích tự nhiên và 24.440 nhân khẩu của huyện Châu Thành (bao gồm toàn bộ 1.211,64 ha diện tích tự nhiên và 5.505 nhân khẩu của xã Thới Sơn; 329,90 ha diện tích tự nhiên và 4.174 nhân khẩu của xã Long An; 177,69 ha diện tích tự nhiên và 1.754 nhân khẩu của xã Thạnh Phú; 510,01 ha diện tích tự nhiên và 6.177 nhân khẩu của xã Phước Thạnh; 356,53 ha diện tích tự nhiên và 6.830 nhân khẩu của xã Bình Đức) và 709,51 ha diện tích tự nhiên và 6.917 nhân khẩu của huyện Chợ Gạo (bao gồm 502,33 ha diện tích tự nhiên và 4.986 nhân khẩu của xã Lương Hòa Lạc; 207,18 ha diện tích tự nhiên và 1.931 nhân khẩu của xã Song Bình) về thành phố Mỹ Tho quản lý. Thành phố Mỹ Tho có 8.154,08 ha diện tích tự nhiên và 204.142 nhân khẩu. 2. Điều chỉnh địa giới hành chính xã, thành lập xã thuộc thành phố Mỹ Tho, huyện Châu Thành và huyện Chợ Gạo. Thành lập xã Phước Thạnh thuộc thành phố Mỹ Tho trên cơ sở điều chỉnh 329,90 ha diện tích tự nhiên và 4.174 nhân khẩu của xã Long An; 177,69 ha diện tích tự nhiên và 1.754 nhân khẩu của xã Thạnh Phú; 510,01 ha diện tích tự nhiên và 6.177 nhân khẩu của xã Phước Thạnh (phần diện tích tự nhiên và nhân khẩu của xã Phước Thạnh thuộc huyện Châu Thành điều chỉnh về thành phố Mỹ Tho). Xã Phước Thạnh có 1.017,60 ha diện tích tự nhiên và 12.105 nhân khẩu. Điều chỉnh 356,53 ha diện tích tự nhiên và 6.830 nhân khẩu của xã Bình Đức (phần diện tích tự nhiên và nhân khẩu điều chỉnh về thành phố Mỹ Tho) về xã Trung An thuộc thành phố Mỹ Tho quản lý; Điều chỉnh 502,33 ha diện tích tự nhiên và 4.986 nhân khẩu của xã Lương Hòa Lạc (phần diện tích tự nhiên và nhân khẩu điều chỉnh về thành phố Mỹ Tho) về xã Đạo Thạnh thuộc thành phố Mỹ Tho quản lý; Điều chỉnh 207,18 ha diện tích tự nhiên và 1.931 nhân khẩu của xã Song Bình (phần diện tích tự nhiên và nhân khẩu điều chỉnh về thành phố Mỹ Tho) về xã Tân Mỹ Chánh thuộc thành phố Mỹ Tho quản lý; Điều chỉnh 323,14 ha diện tích tự nhiên và 3.093 nhân khẩu còn lại của xã Phước Thạnh về xã Thạnh Phú thuộc huyện Châu Thành quản lý. 3. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính huyện Châu Thành, huyện Chợ Gạo để mở rộng địa giới hành chính thành phố Mỹ Tho; điều chỉnh địa giới hành chính xã, thành lập xã thuộc thành phố Mỹ Tho, huyện Châu Thành, huyện Chợ Gạo: Xã Đạo Thạnh có 1.031,47 ha diện tích tự nhiên và 12.427 nhân khẩu. Xã Tân Mỹ Chánh có 931,59 ha diện tích tự nhiên và 8.975 nhân khẩu. Xã Trung An có 1.063,03 ha diện tích tự nhiên và 14.651 nhân khẩu. Thành phố Mỹ Tho sau khi điều chỉnh, mở rộng có diện tích tự nhiên là 8.154,08 ha (tăng 3.295,28 ha), dân số 204.142 người (tăng 94.725 người), 17 đơn vị hành chính phường – xã (tăng 02 đơn vị). Diện tích và dân số tăng thêm để mở rộng TP được điều chỉnh từ một phần của các xã: Long An, Phước Thạnh, Thạnh Phú, Bình Đức và toàn bộ xã Thới Sơn (huyện Châu Thành) và một phần các xã: Song Bình – Lương Hoà Lạc (Chợ Gạo). 17 đơn vị hành chính cấp phường – xã của TP Mỹ Tho khi được điều chỉnh mở rộng bao gồm các phường: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, Tân Long và các xã: Phước Thạnh, Trung An, Thới Sơn, Đạo Thạnh, Tân Mỹ Chánh, Mỹ Phong . Ngày 05 tháng 2 năm 2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 242/QĐ-TTg về việc công nhận thành phố Mỹ Tho là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Tiền Giang. Như vậy, tính đến thời điểm này, thành phố Mỹ Tho là đô thị loại I thứ hai của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sau thành phố Cần Thơ, là thành phố trực thuộc tỉnh đầu tiên của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được công nhận đô thị loại I và là đô thị loại I thứ 17 của cả nước. Địa lý Thành phố Mỹ Tho nằm ở trung tâm tỉnh Tiền Giang, thuộc khu vực bắc sông Tiền, cách Thành phố Hồ Chí Minh 70 km về phía Nam, có vị trí địa lý: Phía đông và phía bắc giáp huyện Chợ Gạo Phía tây giáp huyện Châu Thành Phía nam giáp huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Theo thống kê năm 2019, thành phố có diện tích 81,54 km², dân số là 228.109 người, mật độ dân số đạt 2.798 người/km². Người Việt chiếm đa số, ngoài ra còn có người Hoa, Chăm, Khmer cùng chung sống. Khí hậu Hành chính Thành phố Mỹ Tho có 17 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 11 phường: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, Tân Long và 6 xã: Đạo Thạnh, Trung An, Mỹ Phong, Tân Mỹ Chánh, Thới Sơn, Phước Thạnh. Kinh tế Thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh với cơ cấu công nghiệp, xây dựng chiếm tỷ trọng 36,9%, thương mại - dịch vụ chiếm 47,5% và nông, ngư nghiệp chiếm 15,6% (số liệu năm 2004), trong đó ngư nghiệp chiếm khoảng 20% với đoàn tàu đánh bắt 400 phương tiện, được trang bị khá hiện đại các thiết bị đánh bắt và phục vụ đánh bắt. Về kinh tế: tốc độ tăng trưởng GDP bình quân từ năm 1995 đến nay trên 15%; giá trị công nghiệp xây dựng trên địa bàn đến năm 2006 khoảng 1.000 tỷ đồng, thu ngân sách 150 tỷ đồng, đầu tư xây dựng trên 110 tỷ đồng. Thành phố có thế mạnh về thương mại - dịch vụ và tiềm năng du lịch, đặc biệt là du lịch xanh miệt vườn, sông nước. Số lượng khách tham quan du lịch hàng năm đều tăng (năm 2001: 350.000 khách, năm 2002: 400.000 khách đến tham quan du lịch thành phố Mỹ Tho). Thành phố Mỹ Tho là đầu mối giao thông thủy - bộ rất thuận lợi đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh. Cụ thể, có sông Tiền là một trong hai nhánh của sông Cửu Long. Đây là tuyến giao thông quan trọng mang tính đối ngoại của thành phố Mỹ Tho, rất tiện lợi vận chuyển, lưu thông hàng thủy sản, nối liền Mỹ Tho với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long ra biển Đông về Thành phố Hồ Chí Minh. Về đường bộ có Quốc lộ 1, Quốc lộ 50, Quốc lộ 60 là những tuyến giao thông đối ngoại quan trọng của thành phố. Trong tương lai không xa sẽ có tuyến đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương và tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho. Năm 2007 tốc độ tăng trưởng GDP của toàn thành phố là 32.8%, thu nhập bình quân đầu người đạt 20,881 triệu đồng- mức cao nhất của toàn tỉnh. Nếu như năm 2006, giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố đạt trên 1.598 tỷ đồng (tăng 26,47% so với năm 2005), thì năm 2007 ước đạt trên 2.302 tỷ đồng (cao nhất so với các địa phương trong tỉnh), tăng 41,91% so với năm 2006. Trong những năm gần đây, nền kinh tế của thành phố tiếp tục có những diễn biến tốt, kinh tế tăng trưởng ở mức cao 27,03%, giá trị sản xuất công nghiệp tăng trên 33,53%, tổng mức lưu chuyển hàng hoá và doanh thu dịch vụ tăng khoảng 29,5%, kim ngạch xuất khẩu tăng 55,45%, các khu vực kinh tế đều tăng cao so với năm 2007, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt khá cao (trên 70%), vốn đầu tư xây dựng cơ bản thực hiện trên 81%. Thu nhập bình quân đầu người: 1842 USD Tỉ lệ hộ nghèo: 0.3% Công nghiệp Ước tính ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 33,84% trong tổng cơ cấu GDP của thành phố. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp chiếm khoảng 40% giá trị của cả tỉnh. Ngày nay, toàn thành phố có 1 khu công nghiệp quy mô lớn là Khu Công nghiệp Mỹ Tho (79 ha) và 2 cụm Công nghiệp Tân Mỹ Chánh, Cụm công nghiệp Trung An... đều làm ăn có hiệu quả và luôn có mức tăng trưởng cao so với các KCN ở tỉnh lân cận và đang là nơi thu hút nguồn lao động lớn. Do có vị trí trung tâm, nơi đây còn là đầu mối chính chuyển hàng hoá từ TP. Hồ Chí Minh về toàn vùng đồng bằng và là đầu mối thu hút nhiều nguồn nông sản từ các tỉnh khác về. Dự kiến xây dựng mới cụm công nghiệp xã Mỹ Phong với diện tích 20 ha. Thương mại - dịch vụ Ngành thương mại – dịch vụ chiếm 57,68% trong tổng cơ cấu GDP của toàn thành phố với tốc độ phát triển nhanh, phân bố rộng khắp trong nội thị. Do đó thành phố được xem là đầu mối dịch vụ hàng đầu của toàn tỉnh. Hệ thống giao dịch, trao đổi hàng hóa phân bố rộng và ngày càng được nâng cao về quy mô lẫn chất lượng. Phía đông nam là Bến Xe Tiền Giang và đông bắc là Cảng Mỹ Tho có công suất 1500 tấn - một cảng quan trọng trong hệ thống cảng của toàn đồng bằng và cả nước, có thể đón tàu có trọng tải lớn và là nơi trung chuyển hàng hóa của vùng. Hoạt động hội chợ thương mại diễn ra rất sôi nổi, dưới sự quản lý của Trung tâm xúc tiến thương mại (thuộc Sở Công Thương Tiền Giang). Từ năm 2008 đến nay tại thành phố Mỹ Tho trung bình mỗi năm có 5 hội chợ triển lãm. Đặc biệt là hội chợ tổ chức vào dịp tết (mỗi năm một lần). Trên địa bàn thành phố hiện đã có nhiều ngân hàng chọn nơi đây để mở các chi nhánh và phòng giao dịch của mình như: ACB (Ngân hàng TMCP Á Châu), Sacombank (Ngân hàng Sài Gòn Thương tín), Vietcombank (Ngân hàng ngoại thương Việt Nam), Vietinbank (Ngân hàng công thương Việt Nam), BIDV (Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam), MB (Ngân hàng quân đội), MHB (Ngân hàng phát triển nhà ĐB Sông Cửu Long), SCB (Ngân hàng Thương mại Cổ Phần Sài Gòn), Eximbank (Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Vịệt Nam), Ngân hàng Phương Nam, Đông Á Bank (Ngân hàng Đông Á), Agribank (Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam), ABBank (Ngân hàng An Bình), TP Bank (Ngân hàng Tiên Phong), Kienlong Bank (Ngân hàng Kiên Long), Sea Bank (Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Nam Á),... cùng một hệ thống các máy rút tiền tự động (ATM) trên toàn địa bàn thành phố giúp cho việc giao dịch của người dân và du khách rất thuận lợi. Ngoài ra Thành phố Mỹ Tho còn có nhiều chuỗi siêu thị như: Trung tâm thương mại BigC Go Mỹ Tho, siêu thị Coopmart - Mỹ Tho (thuộc hệ thống Sài Gòn Coop), siêu thị điện máy Chợ Lớn liền kề, siêu thị điện máy Nguyễn Kim, siêu thị văn hóa Tiền Giang (siêu thị sách Nguyễn Văn Cừ), siêu thị Vinatex (thuộc Tập đoàn dệt may Việt Nam), siêu thị Baby Mark,... Ngoài ra, hệ thống Trung tâm Thương mại Mỹ Tho quy mô gồm 1 hầm thông và 5 tầng lầu ở vị trí Trung tâm thành phố. Văn hóa - du lịch Ẩm thực Mỹ Tho có đặc sản nổi tiếng là Hủ tiếu Mỹ Tho. Khác với Hủ tiếu Nam Vang, Hủ tiếu Mỹ Tho có thêm tôm, mực, hải sản, ốc nên nước dùng ngọt. Sợi hủ tiếu Mỹ Tho làm từ gạo thơm, dẻo (nổi tiếng là thứ gạo Gò Cát của làng Mỹ Phong), phải dùng trong ngày, do vậy có mùi thơm của gạo, to và trong, trụng nước sôi thì mềm nhưng không bị bở, nhai dai dai, nên gọi là hủ tiếu dai, ăn không có mùi chua. Hủ tiếu Mỹ Tho thường ăn với phụ gia là giá sống, chanh, ớt, hẹ, nước tương, rau cải, (sau này còn có thêm cần tây, sườn heo và trứng cút), có thể ăn với thịt bò viên và tương ớt, tương đen . Nhắc đến hủ tiếu không thể bỏ qua hai món nổi tiếng khác của Mỹ Tho đó là Hủ tiếu sa tế và hủ tiếu bò viên. Đây là hai món ăn khoái khẩu của người dân thành phố có hương vị đậm đà, thơm ngon. Du lịch Các địa điểm tham quan: Chùa Vĩnh Tràng, chùa Bửu Lâm, chùa Phật Ân, chùa Linh Phước, chùa Phổ Đức, Nhà thờ chính tòa Mỹ Tho, nhà thờ tin lành Ấp Bắc, nhà thờ Thánh Giuse Lao Công, nhà thờ Nữ Vương Hòa Bình, nhà thờ Giáo xứ Thánh An Tôn, trại rắn Đồng Tâm, Bảo tàng Tiền Giang, Cù lao Thới Sơn, Giếng Nước, Bến Tắm Ngựa, Bờ Kè Sông Tiền, Quảng Trường Mỹ Tho,... Mỹ Tho đã và đang phát triển đa dạng nhiều loại hình du lịch theo tour liên kết và du lịch miệt vườn với nhiều chương trình tour đa dạng và mở rộng liên với Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Nhiều khu vui chơi du lịch trung tâm như: chùa Vĩnh Tràng, Trại rắn Đồng Tâm, khu vui chơi tổng hợp và du lịch miệt vườn sông nước Cửu Long Cù Lao Thới Sơn với các cồn: Cồn Long, cồn Lân, cồn Quy, cồn Phụng hợp thành vùng đất tứ linh vô cùng độc đáo mà du khách không thể không ghé qua. Ngoài ra, du khách còn có thể đón tàu ở bến Lạc Hồng để tham quan các cù lao miền sông nước, ăn trái cây, thăm trại làm mật ong, nghe hát cải lương đặc sắc Nam Bộ, đón tàu cao tốc Greenlines DP ở bến tàu du lịch Tiền Giang để đi Vũng Tàu. Giao thông Đường phố 30 tháng 4Âu Dương LânẤp BắcCô GiangDiệp Minh TuyềnDương KhuyĐại lộ Hùng VươngĐặng Minh NhuậnĐinh Bộ LĩnhĐoàn GiỏiĐoàn Thị NghiệpĐỗ Văn ThốngĐỗ QuangĐốc Binh KiềuĐống ĐaGò CátGiồng DứaHọc LạcHoàng DiệuHoàng Hoa ThámHoàng SaHoàng ViệtHồ BéHồ Văn Ngà Hồ Văn NhánhHuyện ToạiHuỳnh Tịnh CủaKý ConLãnh Binh CẩnLê ChânLê Đại HànhLê LợiLê Thị Hồng GấmLê Thị PhỉLê Văn DuyệtLê Văn NghềLê Văn PhẩmLê Văn ThạnhLê Việt ThắngLý Công UẩnLý Thường KiệtMỹ ChánhNam Kỳ Khởi NghĩaNgô Gia Tự (Đường tỉnh 864) Ngô QuyềnNguyễn An NinhNguyễn Bỉnh KhiêmNguyễn Công BìnhNguyễn HuệNguyễn Huỳnh ĐứcNguyễn Hữu TríNguyễn Minh ĐườngNguyễn Ngọc BaNguyễn Tử VânNguyễn Thị Minh KhaiNguyễn Thị Thập (Quốc lộ 60)Nguyễn Tri PhươngNguyễn Trung TrựcNguyễn QuânNguyễn SángNguyễn Văn Giác (hay Anh Giác)Nguyễn Văn NguyễnPhạm Hùng (Đường tỉnh 870)Phạm ThanhPhan Bội ChâuPhan Lương TrựcPhan Hiển ĐạoPhan Thanh GiảnPhan Văn KhỏePhan Văn TrịPhùng HáQuốc lộ 1Quốc lộ 50Rạch GầmSơn NamTết Mậu ThânThái Văn ĐẩuThái Sanh HạnhThiên Hộ DươngThủ Khoa HuânTrần Ngọc GiảiTrần Nguyên HãnTrần Hưng ĐạoTrần Quốc ToảnTrần Thị SanhTrần Thị ThơmTrần Văn HiểnTrịnh Hoài ĐứcTrịnh Văn QuảngTrưng TrắcTrưng NhịTrương ĐịnhTrương Thành CôngTrương Vĩnh KýTrường SaTrừ Văn ThốVõ Nguyên Giáp (Đường bờ kè sông Tiền)Võ TánhVũ MạnhXóm DầuYersin Tên đường thành phố Mỹ Tho xưa và nay Đường Alexandre De Rhodes nay là đường Nguyễn Tri PhươngĐường Gia Long nay là đường 30 tháng 4Đường Ngô Tùng Châu nay là đường Lê Thị Hồng GấmĐường Nguyễn Viết Thanh (trước năm 1970 là đường Lý Thường Kiệt) nay là đường Rạch GầmĐường Lý Thường Kiệt nối dài (trước năm 1960 là đường xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho cũ) nay là đường Lý Thường KiệtĐường Pasteur (trước năm 1960 là đường Vòng Nhỏ) nay là đường Trần Hưng ĐạoĐường Trương Công Định nay là đường Trương ĐịnhĐại lộ Ông bà Nguyễn Trung Long (trước năm 1960 là đại lộ Trần Quốc Tuấn) nay là đường Nam Kỳ Khởi NghĩaĐường Thái Lập Thành nay là đường Giồng DứaĐường Nguyễn Tri Phương nay là đường Ấp BắcĐường Châu Văn Tiếp nay là đường Lê Thị PhỉĐường Lộ Đất nay là đường Dương KhuyĐại lộ Đại tá Trần Hoàng Quân (trước năm 1960 là đường Pasteur) nay là đường Tết Mậu ThânĐường Tạ Thu Thâu nay là đường Nguyễn Văn NguyễnĐường Lộ Ma nay là đường Thái Sanh HạnhĐường Trần Quốc Tuấn nay là đường Trần Quốc Toản Thành phố kết nghĩa Thành phố Nam Định Thành phố Changwon, tỉnh Gyeongsangnam-do. Thành phố Kyoto, tỉnh Kyoto Thành phố Dallas, bang Texas Hình ảnh Chú thích
Sơn Tây có thể là một trong số các địa danh sau: Việt Nam Tỉnh Sơn Tây: một tỉnh cũ ở miền Bắc Việt Nam tồn tại đến năm 1965, được thành lập dưới thời nhà Nguyễn (trước đó là Thừa tuyên hay Trấn Sơn Tây dưới triều Hậu Lê, thường gọi là Xứ Đoài), thủ phủ là Thành cổ Sơn Tây thuộc thị xã Sơn Tây, Hà Nội ngày nay. Thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội Huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi Xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh Trung Quốc Tỉnh Sơn Tây: một tỉnh nằm ở miền Bắc Trung Quốc
Sao chổi Shoemaker-Levy 9 (SL9, tên gọi thiên văn D/1993 F2) là một sao chổi va vào Sao Mộc năm 1994, và các nhà thiên văn đã được chứng kiến lần đầu hiện tượng hai thiên thể trong Hệ Mặt Trời đâm vào nhau. Sự kiện này được báo chí trên thế giới đăng tải và nhiều nhà thiên văn khắp thế giới theo dõi sát. Vụ va chạm gợi mở nhiều thông tin về Sao Mộc, như khí quyển và vai trò của hành tinh này trong việc dọn dẹp rác vũ trụ cho vòng trong của Hệ Mặt Trời. Lịch sử phát hiện Các nhà thiên văn Carolyn Shoemaker, Eugene M. Shoemaker và David Levy đã khám phá ra sao chổi này, là sao chổi thứ 9 được phát hiện. Nó được định vị vào ngày 24 tháng 3 năm 1993, trong ảnh chụp qua kính viễn vọng Schmidt đường kính 0,46 mét ở Đài thiên văn núi Palomar, California, Hoa Kỳ. Các nghiên cứu nhanh chóng cho thấy sao chổi này không giống các sao chổi đã biết: nó quay quanh Sao Mộc chứ không quay quanh Mặt Trời, dường như bị Sao Mộc hút vào từ một quỹ đạo quanh Mặt Trời trước đó vào những năm đầu của thập kỷ 1970. SL9 nhanh chóng vượt qua giới hạn Roche và bị vỡ thành nhiều mảnh (các quan sát ghi nhận được 21 mảnh) đâm vào khí quyển hành tinh khí khổng lồ. Vệ tinh của Sao Mộc Lúc được khám phá, SL9 đã tan rã thành nhiều mảnh, có đường kính lên đến 2 km, với nguyên nhân được cho là do lực triều của Sao Mộc kéo vỡ từ tháng 7 năm 1992. Các mảnh này sau đó đâm vào khí quyển ở nam bán cầu Sao Mộc trong khoảng thời gian từ 16 tháng 7 đến 22 tháng 7 năm 1994, với tốc độ tương đối so với Sao Mộc là 60 kilômét trên giây. Nhiều tháng sau các vụ đâm để lại những vết đen hình tròn trên bề mặt Sao Mộc, được nhiều nhà quan sát miêu tả là còn rõ hơn Vết Đỏ Lớn của hành tinh này. Hố va chạm Trong vòng 6 ngày, người ta đã quan sát thấy 21 mảnh của SL9 đâm vào bề mặt Sao Mộc gây ra các hố va chạm. Hố đầu tiên do mảnh A (các mảnh của SL9 được đánh dấu theo thứ tự bảng chữ cái tiếng Anh từ A đến W) vào lúc 20h13 UTC lao vào khí quyển Sao Mộc với tốc độ khoảng 60 km/s. Các thiết bị trên tàu Galileo quan sát thấy quả cầu lửa đạt nhiệt độ đến 24.000 K (lưu ý nhiệt độ lớp khí quyển Sao Mộc chung quanh đó chỉ khoảng 130 K), và nhanh chóng hạ xuống 1.500 K trong vòng 40 giây.
Vết Đỏ Lớn hay Đốm Đỏ Lớn là một cơn bão với xoáy nghịch trên Sao Mộc, nằm ở khoảng 22° phía nam xích đạo, đã kéo dài 340 năm. Cơn bão này lớn đến mức có thể thấy từ Trái Đất qua kính viễn vọng. Nó được quan sát thấy lần đầu bởi Giovanni Domenico Cassini hoặc Robert Hooke khoảng năm 1665. Ảnh chụp bên phải được thực hiện bởi Voyager 1 ngày 25 tháng 2 năm 1979, khi tàu này bay ngang qua ở khoảng cách 9,2 triệu km tới Sao Mộc. Các chi tiết mây với kích thước nhỏ tới 160 km có thể được quan sát trên ảnh. Các vùng gợn sóng nhiều màu sắc bên trái Vết Đỏ Lớn là một vùng có các chuyển động sóng phức tạp trong khí quyển Sao Mộc. Kích thước của cơn bão này có thể được so sánh với kích thước của một cơn bão nhỏ hơn màu trắng nằm ngay dưới có đường kính cỡ Trái Đất. Vết Đỏ Lớn dài khoảng 24.000 đến 40.000 km và rộng khoảng 12.000 đến 14.000 km, đủ sức chứa ba Trái Đất bên trong. Hình bầu dục nằm tại tâm Vết Đỏ Lớn quay ngược chiều kim đồng hồ, với chu kỳ khoảng 6 ngày. Đám mây cao nhất trong cơn bão này nằm ở độ cao khoảng 8 km phía trên các đám mây ở vùng xung quanh bão. Các cơn bão như Vết Đỏ Lớn không phải là hiếm gặp trên các khí quyển đầy nhiễu loạn của các hành tinh khí khổng lồ. Sao Mộc còn có các vết trắng và vết nâu, là những cơn bão nhỏ hơn và không được đặt tên. Các vết trắng chứa các đám mây lạnh ở tầng trên của khí quyển. Các vết nâu, nóng hơn, nằm tại "tầng bão thông thường". Các cơn bão này có thể kéo dài từ vài giờ đến vài thế kỷ. Các vết đỏ khác trên Sao Mộc Ngoài vết đỏ lớn, Sao Mộc còn có hai vết đỏ khác nhỏ hơn.
Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, gọi tắt là Khu di tích Phủ Chủ tịch tại Hà Nội, là nơi sống và làm việc lâu nhất của Hồ Chí Minh (từ 19 tháng 12 năm 1954 đến 2 tháng 9 năm 1969), được Bộ Văn hóa Thông tin ra Quyết định xếp hạng là Khu di tích ngày 15 tháng 5 năm 1975. Hiện nay, nơi đây đã được thủ tướng chính phủ Việt Nam đưa vào danh sách xếp hạng 23 di tích quốc gia đặc biệt. Khu đất này nguyên là phần đất phía tây bắc của Hoàng thành thuộc Kinh thành Thăng Long xưa. Khi Pháp xâm lược Việt Nam, sau khi chiếm xong miền Bắc đã chọn Hà Nội làm trung tâm đầu não cho toàn bộ Đông Dương và Phủ toàn quyền Đông Dương được xây dựng trên mảnh đất này. Sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, nơi này được chọn là nơi làm việc của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước, đồng thời là nơi sống và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nơi đây cũng là nơi Hồ Chí Minh đã qua đời. Tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng gặp nhiều đoàn khách là đại biểu của các chính đảng, đoàn thể, tôn giáo; đại biểu của công nhân, nông dân, trí thức, quân đội; đại biểu của các dân tộc thiểu số; đại biểu của người dân Miền Nam Việt Nam và quân nhân thuộc Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam (ở Việt Nam gọi tắt là "đồng bào chiến sĩ miền Nam") Cũng tại nơi đây, ông còn tiếp những người là đại biểu những người Việt sống ở nước ngoài về thăm Việt Nam; đại biểu của các đội thiếu niên, đoàn thanh niên, hội phụ nữ... Ngày 9 tháng 2 năm 1955, cửa Phủ Chủ tịch đã mở cho các thiếu niên đến vui chơi, từ đó các thiếu nhi có nhiều dịp được vào đây thăm Bác. Bác Hồ còn tổ chức nhiều triển lãm tranh thiếu nhi tại đây. Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, khu Phủ Chủ tịch trở thành khu di tích lịch sử. Nhiều khách du lịch tại Việt Nam và khắp thế giới đến thăm khu di tích này. Khi Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh được thành lập ngày 12 tháng 9 năm 1977, khu này nằm dưới sự quản lý của Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ngày 6 tháng 11 năm 1992, Khu di tích Phủ Chủ tịch được tách ra khỏi Bảo tàng Hồ Chí Minh và trực thuộc Bộ Văn hóa Thông tin. Tổng thể khu di tích rộng hơn 14 hécta, trong đó diện tích được xếp hạng là 22.000 m², bao gồm 16 công trình, công trình đã tồn tại lâu nhất là hơn 100 năm và gần nhất là hơn 40 năm. Một số công trình có giá trị lớn trong khu di tích: "Nhà sàn Bác Hồ": phục chế theo nhà sàn theo kiểu nhà đồng bào dân tộc ở Việt Bắc, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở từ ngày 18 tháng 5 năm 1958 đến ngày 17 tháng 8 năm 1969. Ngôi nhà sàn này được dựng lại theo nguyên mẫu năm 1969, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. Năm 1969, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã mua gỗ về làm một ngôi nhà sàn đồng dạng dựng trên nền cũ tại Hà Nội, còn nhà sàn gốc được cất giữ bảo quản trong kho . Nhà 54, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc từ ngày 19 tháng 12 năm 1954 đến ngày 18 tháng 5 năm 1958. Sau khi chuyển về sống ở Nhà sàn, hàng ngày ông vẫn đến đây ăn cơm và sử dụng các phương tiện vệ sinh cá nhân. Phòng họp Bộ Chính trị, nơi quyết định cuộc Tấn công và nổi dậy Xuân 1968. Nhà 67, nơi họp Bộ Chính trị, cũng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh dưỡng bệnh và qua đời. Giàn hoa Phủ Chủ tịch, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh thường tiếp khách. Nhà bếp A và nhà bếp B. Nhà Thủ tướng. Nhà ký sắc lệnh. Đường Xoài: con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh thường đi bách bộ sau giờ làm việc và tập thể dục buổi sáng. "Đường mòn Bác Hồ": con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh luyện tập với mong muốn có đủ sức vào thăm người dân miền Nam Việt Nam trong những năm cuối đời. "Ao cá Bác Hồ" với diện tích 3.320 m², sâu 3 m, có nhiều loài cá được thả tại đây. Ngoài ra, khu vườn tại đây có 161 loài thực vật thuộc 54 họ thực vật, trong đó có 58 loài có nguồn gốc nước ngoài. Chú thích
Đặng Thai Mai (25 tháng 12 năm 1902—25 tháng 9 năm 1984) còn được biết đến dưới tên gọi Đặng Mai và những bút danh Thanh Tuyền, Thanh Bình. Ông là giáo sư, nhà giáo, nhà văn, nhà phê bình văn học Việt Nam và ông cũng là Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Viện trưởng đầu tiên của Viện Văn học Việt Nam. Tiểu sử Đặng Thai Mai sinh ngày 25 tháng 12 năm 1902 tại làng Lương Điền (nay là Thanh Xuân), huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An trong một gia đình nho học. Cha ông là Đặng Nguyên Cẩn, đỗ phó bảng, tham gia phong trào Duy Tân cùng với Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng, bị thực dân Pháp bắt, đày đi Côn Đảo. Ông là hậu duệ của Tể tướng Đặng Dung, thuộc chi Tiến sĩ Đặng Công Thiếp. Sau khi cha bị bắt, ông về sống tại quê nội từ năm 6 tuổi, và được bà nội nuôi dưỡng, giáo dục lòng yêu nước, học chữ Hán và chữ Quốc ngữ theo chương trình Đông Kinh nghĩa thục. Ông cũng theo học chính quy ở các trường tiểu học và trung học Vinh từ năm 1917 tới năm 1924. Năm 1925, khi đang theo học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương - Hà Nội, ông tham gia phong trào đòi "ân xá" Phan Bội Châu, truy điệu Phan Châu Trinh, đồng thời gia nhập đảng Tân Việt. Năm 1928, ông trở thành giáo sư Trường Quốc học Huế. Năm 1929, khi đảng Tân Việt tan vỡ, ông bị xử một năm tù treo, sau đó lại trở về dạy học ở Huế. Ông lại bị bắt năm 1930 và bị xử 3 năm vì tham gia phong trào Cứu tế đỏ. Sau khi ra tù, Đặng Thai Mai ra Hà Nội sống và dạy học tại trường tư Gia Long (1932). Đến năm 1935, Đặng Thai Mai cùng với các bạn là Phan Thanh, Hoàng Minh Giám, Võ Nguyên Giáp... lập ra Trường Tư thục Thăng Long. Năm 1936, ông cùng Nguyễn Văn Tố, Vương Kiêm Toàn, Phan Thanh, Võ Nguyên Giáp,... thành lập ra Hội truyền bá chữ Quốc ngữ. Ông bắt đầu hoạt động văn hóa thời kì Mặt trận Dân chủ (1936-1939), viết báo và sáng tác một số truyện ngắn bằng tiếng Pháp nêu gương các chiến sĩ cách mạng buổi đầu (Cô câm đã lên tiếng,Chú bé...). Năm 1939, ông ứng cử Viện dân biểu Trung Kỳ, thay cho Phan Thanh vừa mất, và đã trúng cử. Năm 1944, ông cho ra đời tác phẩm Văn học khái luận - cuốn sách đầu tiên trình bày có hệ thống nhiều vấn đề lý luận văn học theo quan điểm tiến bộ, như điển hình và cá tính, nội dung và hình thức, truyền thống và hiện đại. Đặng Thai Mai cũng là người có công giới thiệu văn học hiện đại Trung Quốc qua các công trình Lỗ Tấn (1944), Tạp văn Trung Quốc (1944), các bản dịch kịch Lôi Vũ, Nhật xuất của Tào Ngu, Lịch sử văn học Trung Quốc hiện đại, tập 1 (viết năm 1958). Sau Cách mạng tháng Tám, ông giảng dạy ở bậc đại học và nghiên cứu phê bình văn học. Năm 1946, ông được bầu làm đại biểu Quốc hội khoá I, Ủy viên Ban dự thảo Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng thời là Bộ trưởng Bộ giáo dục trong Chính phủ liên hiệp kháng chiến thành lập ngày 2 tháng 3 năm 1946. Cũng trong năm này, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Trong các giai đoạn về sau, ông lần lượt giữ các chức vụ về văn hoá và giáo dục như Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Thanh Hóa, Hội trưởng Hội văn hóa Việt Nam, Giám đốc Trường dự bị đại học và Sư phạm cao cấp Liên khu IV, Giám đốc trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Viện trưởng Viện Văn học, Chủ tịch Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam. Ông cũng cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị như Văn thơ cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX (1960), Trên đường học tập và nghiên cứu (tập 1, 1959, tập 2, 1965 và tập 3, 1973). Đặng Thai Mai có vốn nho học uyên thâm và am hiểu văn học cổ điển Pháp, văn học hiện đại Trung Quốc, văn học cận đại Việt Nam. Đặng Thai Mai là nhà lý luận phê bình sắc sảo. Năm 1982, ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh. Năm 1996, ông lại được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt I) về các công trình nghiên cứu văn học Việt Nam và văn học thế giới. Đặng Thai Mai mất ngày 25 tháng 9 năm 1984. Nơi an nghỉ cuối cùng tại Nghĩa trang Mai Dịch. Tác phẩm Văn học khái luận (1944) Lỗ Tấn (1944) Tạp văn trong văn học Trung Quốc ngày nay (1945) Chủ nghĩa nhân văn thời kỳ văn hóa Phục Hưng (1949) Giảng văn Chinh Phụ Ngâm (1950) Lược sử văn học hiện đại Trung Quốc (1958) Lỗ Tấn, thân thế và văn nghệ (1958) Văn thơ Phan Bội Châu (1958) Văn thơ cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX (1961) Trên đường học tập và nghiên cứu, tập 1 (1959), tập 2 (1969), tập 3 (1970). Tiếng Việt, một biểu hiện hùng hồn của sức sống dân tộc (1967) Đặng Thai Mai - tác phẩm, tập 1 (1978), tập 2 (1984) Hồi ký Đặng Thai Mai (1985) Trao tặng, giải thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I (1996) về các công trình nghiên cứu văn học Việt Nam và văn học thế giới. Huân chương Hồ Chí Minh (1982) Giáo sư (1976) Nhà giáo nhân dân UBND thành phố Hà Nội quyết định lấy tên của ông đặt cho một đường phố mới ở phường Quảng An, thuộc quận Tây Hồ, đường Đặng Thai Mai. Gia đình Đặng Thai Mai lập gia đình với bà Hồ Thị Toan. Hai ông bà có năm con gái và một con trai, trong đó ba con rể của ông là tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam (Võ Nguyên Giáp, Phạm Hồng Cư và Phạm Hồng Sơn). Trưởng nữ: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Bích Hà, vợ của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam. Thứ nữ: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Hạnh, vợ của cố Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Cục trưởng Cục Văn hoá, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Phó Tư lệnh, Chủ nhiệm chính trị Quân khu 2, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Thứ nữ: Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thanh Lê, nguyên giảng viên khoa Ngữ Văn Đại học Sư phạm Hà Nội, vợ của nhà nghiên cứu Ý học, Hiệp sĩ danh dự nhà nước Ý, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn học, Phó Giáo sư Nguyễn Văn Hoàn. Thứ nữ: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Anh Đào, nguyên giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, vợ của cố Trung tướng Phạm Hồng Sơn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Quân sự, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Viện trưởng Học viện Quân sự cấp cao. Trưởng nam: Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đặng Thái Hoàng, Giảng viên trường Đại học Xây dựng. Thứ nữ: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Xuyến Như, công tác tại Viện Ứng dụng Công nghệ. Chú thích
Nhôm oxide hay nhôm oxide, còn gọi là a-lu-min (bắt nguồn từ từ tiếng Pháp alumine /alymin/), là một hợp chất hóa học của nhôm và oxy với công thức hóa học Al2O3. Nó còn được biết đến với tên gọi alumina trong cộng đồng các ngành khai khoáng, gốm sứ, và khoa học vật liệu. Nó có hệ số giãn nở nhiệt 0.063 (đơn vị ?), nhiệt độ nóng chảy cao 2054°C. Nhôm oxide là thành phần chính của boxide, loại quặng chủ yếu chứa nhôm. Trong công nghiệp, boxide được tinh luyện thành Nhôm oxide thông qua công nghệ Bayer và sau đó được chuyển thành nhôm kim loại theo công nghệ Hall-Heroult. Quặng boxide là Al2O3 không tinh khiết có chứa các sắt oxide (III) (Fe2O3) và silic dioxide (SiO2). Nó được làm tinh khiết nhờ công nghệ Bayer: Al2O3 + 3 H2O + 2 NaOH --(nhiệt)--> 2NaAl(OH)4. Sắt(II,III) oxide Fe2O3 không hòa tan trong dung dịch kiềm. Silic dioxide SiO2 bị hòa tan thành silicat Si(OH)6−6. Trong quá trình lọc, Fe2O3 bị loại bỏ. Bổ sung thêm acid thì thành nhôm hydroxide (Al(OH)3) kết tủa. Silicat vẫn còn trong dung dịch. Sau đó, Al(OH)3 --(nhiệt)--> Al2O3 + 3 H2O. Al2O3 ở đây là alumina. Các loại đá quý như hồng ngọc và saphir chủ yếu là nhôm oxide, màu của chúng là do các tạp chất gây ra. Nhôm oxide là lớp bảo vệ cho nhôm kim loại chống lại tác động ăn mòn của không khí. Nhôm kim loại là một chất hoạt động hóa học mạnh với oxy trong không khí và nó nhanh chóng tạo ra một lớp mỏng Nhôm oxide trên bề mặt. Lớp Nhôm oxide này rất vững chắc, không cho không khí thẩm thấu qua và nhôm không bị oxy hóa tiếp. Độ dày và các thuộc tính của lớp oxide này có thể được tăng cường bằng quá trình gọi là anode hóa. Một loạt các hợp kim, chẳng hạn như đồng thau-nhôm, khai thác thuộc tính này bằng cách cho thêm một lượng nhỏ nhôm vào hợp kim của đồng và thiếc để tăng tính chống ăn mòn. Nhôm oxide là một chất cách nhiệt và cách điện tốt. Trong dạng tinh thể, nó được gọi là corundum (Số CAS là 1302-74-5 và có độ cứng cao (theo thang độ cứng Mohs đạt tới 9) làm cho nó thích hợp để sử dụng như là vật liệu mài mòn và như là thành phần của các thiết bị cắt. Nhôm oxide dạng bột thường được sử dụng như là phương tiện cho ghi sắc kế. Tháng 8 năm 2004, các nhà khoa học tại Hoa Kỳ làm việc cho 3M đã phát triển một kỹ thuật để tạo ra hợp kim của alumina và các nguyên tố đất hiếm để sản xuất thủy tinh gọi là alumina trong suốt. Nhôm oxide được đưa vào danh sách hóa chất của EPA năm 1988. Tính bền Ion Al3+ có điện tích lớn(3+) và bán kính ion nhỏ(0,048 nm) bằng 1/2 bán kính ion Na+ hoặc 2/3 bán kính ion Mg2+ nên lực hút giữa ion Al3+ và ion O2- rất mạnh, tạo ra liên kết rất bền vững.Do cấu trúc này mà Al2O3 có nhiệt độ nóng chảy rất cao (2050 độ C) và khó bị khử thành kim loại Al. Ứng dụng Trong vật liệu gốm Nhôm oxide là một thành phần của vật liệu gốm alumina thuộc nhóm lưỡng tính. Chất này có thể nằm trong các nguồn như: cao lanh, đất sét, felspat, alumina vôi hóa, alumina ngậm nước. Do alumina có nhiệt độ nóng chảy cao, vật liệu gốm sứ alumina vẫn giữ được 90% độ bền ở 1100 °C và được dùng để chế tạo các chi tiết cần có tính chịu nhiệt. Vật liệu gốm sứ alumina nung có thể cứng hơn wolfram carbide hay zircon và có tính chống mài mòn cực tốt do đó được dùng để chế tạo các chi tiết nghiền, dụng cụ & dao cắt, ổ bạc làm việc ở nhiệt độ cao và rất nhiều chi tiết cơ khí khác. Alumina là yếu tố quan trọng thứ hai sau silica (silic dioxide). Cùng với silica và các oxide trợ chảy, alumina ngăn chặn sự kết tinh (nhờ đó tạo thành thủy tinh – men ổn định). Alumina là yếu tố chính làm tăng độ bền cho men: tăng độ bền kéo, giảm độ giãn nở nhiệt, tăng độ cứng và tăng khả năng chống ăn mòn hóa học. Thêm alumina nói chung làm tăng nhiệt độ nóng chảy của men; tuy nhiên, trong một số công thức có chứa soda-vôi (natri hydroxide- calci hydroxide, thêm một lượng nhỏ alumina lại làm giảm nhiệt độ nóng chảy. Tăng hàm lượng Al2O3 làm men "cứng" hơn, bền & ổn định hơn trên khoảng nhiệt độ rộng hơn (tuy nhiên hàm lượng cao quá có thể dẫn đến "crawling", lỗ kim và bề mặt thô ráp). Thêm alumina vào ngăn chặn sự kết tinh và hóa mờ của men trong quá trình làm nguội. Ngược lại, thêm một lượng nhỏ CaO giúp giảm độ nhớt của men nóng chảy (nghĩa là men chảy lỏng hơn). Alumina vôi hóa không sử dụng làm nguồn cung cấp Al2O3 cho men nhưng alumina ngậm nước nghiền thật mịn có thể cung cấp Al2O3 và cho mặt men mờ xỉn. Cao lanh, felspat, nephelin, syenit là những nguồn cung cấp tốt nhất, trong đó lý tưởng nhất là cao lanh do nó còn ảnh hưởng quan trọng đến sự tạo thành huyền phù, độ keo... Trong công thức men, nên sử dụng tối đa felspat và cao lanh làm nguồn cung cấp Al2O3 cho đến khi hàm lượng chất kiềm đạt tới mức giới hạn, sau đó bổ sung lượng alumina nếu cần bằng alumina ngậm nước. Alumina là yếu tố khống chế độ chảy loãng của men nung (vì alumina giúp hình thành những mối liên kết chặt giữa oxide trợ chảy và silica), giữ không cho men chảy loãng và chảy khỏi bề mặt phủ men. Đây là lý do nó được gọi là "oxide trung gian". Tỉ số silica trên alumina là chỉ số chính cho biết độ bóng mặt men. Khi không có bo, tỉ số silica trên alumina nhỏ hơn 5:1 thường cho mặt men khá mờ xỉn. Tỉ số lớn hơn 8:1 thường cho mặt men bóng nếu không có sự hiện diện của titani, kẽm, magnesi hay calci. Alumina ngậm nước có thể tạo bọt và làm đục men. Alumina vôi hóa có thể được sử dụng trong thành phần đất sét thay cho đá lửa khi cần (làm thân nung cứng và trắng hơn) nhưng nó đắt hơn nhiều so với đá lửa.
VNI là một trong số các quy ước nhập tiếng Việt từ bàn phím quốc tế vào văn bản trên máy tính theo kiểu nhập số sau chữ cái. Khi nhập văn bản theo quy ước VNI trên bàn phím quốc tế, phần mềm tự động chuyển các số từ quy ước này sang chữ cái đặc biệt hay dấu thanh tương ứng trong font chữ tiếng Việt đang dùng. Lịch sử Kiểu gõ và Bộ chữ VNI do kỹ sư Hồ Thành Việt sáng tạo năm 1987, cũng là người đầu tiên sáng tạo ra các phông chữ Quốc ngữ có dấu để dùng trên máy điện toán từ thời của hệ điều hành MS-DOS. Trong những năm 1990, Microsoft đã tích hợp phương thức nhập VNI vào Windows 95 Vietnamese Edition và MSDN. Tuy nhiên, công ty VNI cho rằng Microsoft sử dụng trái phép công nghệ này và đã đưa Microsoft ra tòa về vấn đề này. Microsoft đã giải quyết vụ việc ra tòa, rút ​​phương thức nhập VNI khỏi toàn bộ dòng sản phẩm của họ và phát triển phương thức nhập riêng. Mặc dù hầu như không được biết đến, nó đã xuất hiện trong mọi phiên bản Windows kể từ Windows 98. Windows 10 version 1903 đã chính thức hỗ trợ kiểu gõ Telex và VNI. Gboard (ứng dụng bàn phím ảo trên thiết bị Android và iOS tích hợp công cụ Tìm kiếm do Google phát triển) chưa hỗ trợ bộ gõ này. Quy ước Các dấu của chữ được gõ ngay sau chữ đó. Do vậy để gõ VNI cho ra chữ số ngay sau chữ cái, phải ấn 2 lần liên tiếp cùng một phím số. Ví dụ muốn gõ a1, ta gõ a11—phím 1 sẽ thay đổi lại dấu sắc (') trong á thành số 1 (nếu gõ a12 thì sẽ thành à). Tuy vậy, có thể sử dụng vùng phím số phía bên phải (Numeric keypad) của bàn phím khi đang ở trạng thái Numeric Lock (đối với bàn phím tiêu chuẩn 104 phím) để gõ số ngay sau chữ, vì bộ gõ VNI không ảnh hưởng tới vùng phím này. Ưu và nhược điểm so với Telex VNI có nhược điểm là sử dụng hàng phím số để sinh dấu nên phạm vi gõ rộng hơn và chậm hơn so với Telex. Tuy vậy nó có ưu điểm là vì các phím sinh dấu không ở trong các phím chữ cái nên việc gõ song song Anh-Việt là thoải mái hơn và không cần đổi bộ gõ. Điều này rất thích hợp cho các lập trình viên ở Việt Nam khi vừa phải dùng tiếng Anh để gõ các câu lệnh code đồng thời phải dùng tiếng Việt để gõ văn bản hiển thị của chương trình (ví dụ như lập trình ứng dụng hay website tiếng Việt) mà không muốn phải đổi bộ gõ nhiều lần. Nó cũng thích hợp cho người nước ngoài gõ tiếng Việt hơn vì dễ tìm phím sinh dấu (nằm ở hàng phím số) hơn kiểu Telex (nằm rải rác trong bàn phím chữ).
Chế Lan Viên (1920 – 1989), tên khai sinh là Phan Ngọc Hoan, là một nhà thơ, nhà văn hiện đại Việt Nam. Cuộc đời văn nghiệp Phan Ngọc Hoan, sinh ngày 20 tháng 10 năm 1920 (tức ngày 9 tháng 9 năm Canh Thân) tại xã Cam An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Ông lớn lên và theo học ở Quy Nhơn, đỗ bằng Thành chung (THCS hay cấp II hiện nay) thì thôi học, đi dạy tư kiếm sống. Có thể xem Quy Nhơn, Bình Định là quê hương thứ hai của Chế Lan Viên, nơi đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong tâm hồn của thi sĩ tài ba. Ông bắt đầu làm thơ từ năm 12, 13 tuổi. Năm 17 tuổi, với bút danh Chế Lan Viên, ông xuất bản tập thơ đầu tay nhan đề Điêu tàn, có lời tựa đồng thời là lời tuyên ngôn nghệ thuật của "Trường Thơ Loạn". Cả tập Điêu tàn là cảm xúc của ông về cả một Đế chế- Đế chế Chiêm Thành và ông đã xót thương thay sự "Điêu tàn" của Đế chế này đến mức lấy Chế làm họ cho mình, trong khi ông tên là Phan Ngọc Hoan sinh tại Quảng Trị. Ông thương xót một triều đại đã từng là "Giặc phương Nam" của nước Việt ta với các Thủ lĩnh như Chế Củ, Chế Bồng Nga,.. đã bị các Vua Việt Nam xóa sổ. Từ đây, cái tên Chế Lan Viên trở nên nổi tiếng trên thi đàn Việt Nam. Ông cùng với Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Quách Tấn được người đương thời gọi là "Bàn thành tứ hữu" của Bình Định. Năm 1939, ông ra học tại Hà Nội. Sau đó Chế Lan Viên vào Sài Gòn làm báo rồi ra Thanh Hóa dạy học. Năm 1942, ông cho ra đời tập văn Vàng sao, tập thơ triết luận về đời với màu sắc siêu hình, huyền bí. Cách mạng Tháng Tám nổ ra, ông tham gia phong trào Việt Minh tại Quy Nhơn, rồi ra Huế tham gia Đoàn xây dựng cùng với Hoài Thanh, Lưu Trọng Lư, Đào Duy Anh. Thời kỳ này, Chế Lan Viên viết bài và làm biên tập cho các báo Quyết thắng, Cứu quốc, Kháng chiến. Phong cách thơ của ông giai đoạn này cũng chuyển dần về trường phái hiện thực. Tháng 7 năm 1949, trong chiến dịch Tà Cơn-đường 9 (Quảng Trị), Chế Lan Viên gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1954, Chế Lan Viên tập kết ra Bắc làm biên tập viên báo Văn học. Từ năm 1956 đến năm 1958, ông công tác ở phòng văn nghệ, Ban tuyên huấn trung ương và đến cuối năm 1958 trở lại làm biên tập tuần báo Văn học (sau là báo Văn nghệ). Từ năm 1963 ông là ủy viên thường vụ Hội nhà văn Việt Nam, ủy viên ban thư ký Hội nhà văn Việt Nam. Ông cũng là đại biểu Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa các khóa IV, V và VI, ủy viên Ban văn hóa - giáo dục của quốc hội. Sau 1975, ông vào sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ông mất ngày 19 tháng 6 năm 1989 (tức ngày 16 tháng 5 năm Kỷ Tỵ) tại Bệnh viện Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh, thọ 68 tuổi. Ông được nhà nước Việt Nam truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật (1996). Con gái ông, bà Phan Thị Vàng Anh, cũng là một nhà văn nổi tiếng. Phong cách của Chế Lan Viên Con đường thơ của Chế Lan Viên "trải qua nhiều biến động, nhiều bước ngoặt với những trăn trở, tìm tòi không ngừng của nhà thơ", thậm chí có một thời gian dài im lặng (1945-1958). Trước Cách mạng tháng Tám, thơ Chế Lan Viên là một thế giới đúng nghĩa "trường thơ loạn": "kinh dị, thần bí, bế tắc của thời Điêu tàn với xương, máu, sọ người, với những cảnh đổ nát, với tháp Chàm". Những tháp Chàm "điêu tàn" là một nguồn cảm hứng lớn đáng chú ý của Chế Lan Viên. Qua những phế tích đổ nát và không kém phần kinh dị trong thơ Chế Lan Viên, ta thấy ẩn hiện hình bóng của một vương quốc hùng mạnh thời vàng son, cùng với nỗi niềm hoài cổ của nhà thơ. Sau Cách mạng tháng Tám, thơ ông đã "đến với cuộc sống nhân dân và đất nước, thấm nhuần ánh sáng của cách mạng", và có những thay đổi rõ rệt. Trong thời kì 1960-1975, thơ Chế Lan Viên vươn tới khuynh hướng sử thi hào hùng, chất chính luận, đậm tính thời sự. Sau năm 1975, "thơ Chế Lan Viên dần trở về đời sống thế sự và những trăn trở của cái "tôi" trong sự phức tạp, đa diện và vĩnh hằng của đời sống". Phong cách thơ Chế Lan Viên rất rõ nét và độc đáo. Thơ ông là sức mạnh trí tuệ được biểu hiện trong khuynh hướng suy tưởng - triết lý. "chất suy tưởng triết lý mang vẻ đẹp trí tuệ và sự đa dạng, phong phú của hình ảnh thơ được sáng tạo bởi một ngòi bút thông minh, tài hoa" Khai thác triệt để các tương quan đối lập. Và nổi bật nhất là năng lực sáng tạo hình ảnh phong phú, độc đáo nhiều ý nghĩa biểu tượng. Quan điểm và tính cách Chế Lan Viên là người rất thẳng tính và khó tính, lại hay tranh luận. Khi tranh luận và phê bình ông rất gay gắt và thẳng thắn, không vị nể ai dù là đàn anh lớn tuổi hay bạn bè thân thiết. Nhiều nhà thơ, nhà văn như Phan Khôi, Xuân Diệu, Tú Mỡ, Yến Lan, Nguyễn Văn Bổng, Bùi Hiển, Hoàng Minh Châu... đều từng phải nghe và đọc những lời phê bình nặng nề của Chế Lan Viên. Tính hay cãi của Chế Lan Viên nổi tiếng đến mức khi ông và nhà thơ Nguyễn Viết Lãm mới đi công tác ở Hunggari về, phu nhân Vũ Thị Thường đã hỏi ngay "Thế hai ông đi với nhau có cãi nhau không đấy?". Còn Xuân Diệu thì nói: "Bây giờ cậu ấy ghê quá, chứ trước kia hồi còn trẻ khi xuất bản Điêu tàn xử sự khiêm tốn". Chế Lan Viên cũng khuyến khích các nhà thơ, nhà văn mạnh dạn phản ánh những vấn đề của xã hội, ông kêu gọi "hoan nghênh các văn nghệ sĩ làm phận sự chuyên chính với cái xấu, không chịu hữu khuynh với cái xấu bằng tác phẩm của mình". Bản thân Chế Lan Viên cũng biết tính cách của mình khiến nhiều người phật ý và thù ghét. Một số bạn bè như nhà văn Nguyễn Văn Bổng hiểu tính của Chế Lan Viên nên chỉ cười trừ bỏ qua. Mặt khác, theo nhà phê bình Mai Quốc Liên, Chế Lan Viên cũng là người đa cảm, dễ xúc động, dễ mủi lòng, dễ tha thứ. Chế Lan Viên quan niệm thơ văn là trí tuệ vì vậy không dễ dãi được. Bài thơ "Người thay đổi đời tôi" gửi cho Đài tiếng nói Việt Nam ban đầu dài 80 trang A4, tuy nhiên trước khi phát thanh Chế Lan Viên đã thu hồi bản thảo về sửa chữa, cắt gọt chỉ còn 2 trang mới thôi. Ông cũng đặc biệt không khoan nhượng với những trường hợp mà ông xem là lệch lạc về quan điểm chính trị cũng như học thuật. Chế Lan Viên là người có tài hùng biện và khả năng ứng đối trong chuyện trò, giao tiếp. Sự ứng đối trong giao tiếp của ông không chỉ sắc bén mà còn rất nhanh nhạy, kịp thời. Với vốn tri thức uyên bác và khả năng biện luận, ông nhận được sự thán phục của nhiều bạn văn trong và ngoài nước. Xuân Diệu nhận xét: "Tranh luận với Chế Lan Viên rất khó. Rõ ràng mình có lý mà cuối cùng lại hóa ra đuối lý với Chế Lan Viên". Nam Trân từng nhận xét: "Chế Lan Viên như một ông trạng khi đi sứ". Còn nhà văn Anh Đức nói: "Tài ứng đối của Chế Lan Viên thể hiện rất rõ trong các cuộc họp. Anh nói có lý lẽ, có hình ảnh, giàu sức thuyết phục.[...] Nếu ở thời vua chúa, thì thể nào anh cũng phải đi sứ." Giới văn nghệ sĩ nhìn chung thích nghe Chế Lan Viên nói chuyện nhưng nhiều người cũng rất ngại khi tranh luận với ông. Các bút danh Ngoài bút danh Chế Lan Viên (được hiểu là tác giả tự nhận mình là bông hoa lan trong khu vườn nhà họ Chế- dòng họ vua chúa của dân tộc Chăm ở nước Chiêm Thành xưa) nổi tiếng, trong bài giới thiệu tập tiểu luận Những bước đường tư tưởng của tôi của Xuân Diệu, đăng trên báo Văn học tháng 9 năm 1958, ông ký bút danh Thạch Hãn (tên một con sông tỉnh Quảng Trị quê ông). Nhiều bài báo in trên báo Thống Nhất, xuất bản ở Hà Nội trước tháng 5 năm 1975, ông cũng ký bằng bút danh này. Từ năm 1959 đến năm 1963, trong thời gian làm biên tập báo Văn học, phụ trách chuyên mục Nói chuyện văn thơ, trả lời bạn đọc, ông ký bút danh Chàng Văn. Năm 1961, Nhà xuất bản Văn học đã cho xuất bản hai tập Vào nghề và Nói chuyện văn thơ của tác giả Chàng Văn. Trong mục Nụ cười xuân trên báo Văn học, Chế Lan Viên có hai bài viết ngắn là Ngô bói Kiều và Lý luận Đờ Gôn ký tên Oah (tức Hoan). Đời tư và gia đình Chế Lan Viên lập gia đình lần đầu tiên vào năm 1943 với bà Nguyễn Thị Giáo, con của một đại phú hào, dưới sự gợi ý và khuyên nhủ của nhà thờ Quách Tấn. Chính Quách Tấn cũng đứng ra sắp xếp và giúp đỡ hai người lấy nhau khi gia đình nhà bà Giáo có ý ngăn cản vì Chế Lan Viên chưa có sự nghiệp. Hai người có ba người con là Phan Lai Triều, Phan Trường Định và Phan Thị Chấn Thanh. Tuy nhiên sau một thời gian dài chung sống hạnh phúc, cuộc hôn nhân xảy ra sóng gió khi Chế Lan Viên sang Trung Quốc chữa bệnh và hai người ly dị vào năm 1959. Chế Lan Viên kết hôn lần thứ hai vào năm 1961 với nhà văn Vũ Thị Thường (tên thật là Lê Thị Kim Nga), sinh năm 1930 tại thôn Tả Thanh Oai, xã Đại Thành, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây. Bà hoạt động trong lĩnh vực báo chí và phong trào phụ nữ, tác giả của truyện ngắn Cái hom giỏ đoạt giải A cuộc thi truyện ngắn báo Văn học năm 1958. Cuộc hôn nhân cũng được sư mai mối của một bạn văn khác là nhà văn Nguyễn Thành Long (tác giả của Lặng lẽ Sa Pa). Ông và bà Thường có hai con là Phan Thị Thắm và Phan Thị Vàng Anh. Sau khi Chế Lan Viên qua đời, bà Thường là người sưu tầm, biên soạn các bài thơ chưa được xuất bản của Chế Lan Viên để công bố thành 3 tập Di cảo thơ. Tác phẩm chính Thơ Điêu tàn (1937), 37 bài thơ Gửi các anh (1954), 13 bài thơ Ánh sáng và phù sa (1960), 70 bài thơ Hoa ngày thường - Chim báo bão (1967), 49 bài thơ Những bài thơ đánh giặc (1972) Đối thoại mới (1973), 64 bài thơ Ngày vĩ đại (1976) Hoa trước lăng Người (1976), 12 bài thơ Dải đất vùng trời (1976) Hái theo mùa (1977), 75 bài thơ Hoa trên đá I,II (1984 - 1988), 15 và 16 bài thơ Tuyển tập thơ Chế Lan Viên (tập I, 1985 tập II, 1990) Ta gửi cho mình (1986) Di cảo thơ I, II, III (1992, 1993, 1995) Tuyển tập thơ chọn lọc Văn Vàng sao (1942) Thăm Trung Quốc (bút ký, 1963) Những ngày nổi giận (bút ký, 1966) Bác về quê ta (tạp văn, 1972) Giờ của đô thành (bút ký, 1977) Nàng tiên trên mặt đất (1985) Tiểu luận phê bình Kinh nghiệm tổ chức sáng tác (1952) Nói chuyện thơ văn (1960) Vào nghề (1962) Phê bình văn học (1962) Suy nghĩ và bình luận (1971) Bay theo đường bay dân tộc đang bay (1976) Nghĩ cạnh dòng thơ (1981) Từ gác Khuê Văn đến quán Trung Tân (1981) Ngoại vi thơ (1987) Nàng và tôi (1992) Chú thích Có tài liệu ghi ông sinh ngày 14 tháng 1 năm 1920. Thực ra trong thời gian 1945-1950 Đảng Cộng sản Việt Nam không hoạt động công khai mà tuyên bố tự giải tán, chỉ có một bộ phận "công khai" mang tên Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin. Hoàng Như Mai, Nguyễn Đăng Mạnh, Hà Minh Đức, Nguyễn Văn Long, Trần Hữu Tá, Văn học 12, nhà xuất bản Giáo dục, 2007, trang 119 Sđd, trang 119 Sđd, trang 119 Sđd, trang 119 Nhận xét "'Chế Lan Viên là nhà thơ luôn có sự tìm tòi, khám phá và sáng tạo. Ông luôn biết kế thừa, phát huy những tinh hoa của nền văn chương và nhân loại để mang lại cho tác phẩm của mình một vẻ đẹp riêng. Ông có sự nhận thức sâu sắc về chức năng của văn chương và sứ mệnh thiêng liêng của người nghệ sĩ đối với cuộc sống." "Thành tựu nghệ thuật Chế Lan Viên đã đạt được trong quá trình sáng tạo chính là những đóng góp lớn lao đối với sự phát triển của thơ ca Việt Nam nói riêng và văn chương Việt Nam nói chung."
Dưới đây là danh sách các thuật ngữ dùng trong ngữ âm học, xếp theo thứ tự chữ cái của các từ tiếng Anh.
Ngày 18 tháng 11 là ngày thứ 322 (323 trong năm nhuận) trong lịch Gregory. Còn 43 ngày trong năm. Sự kiện 923 – Hậu Đường Trang Tông Lý Tồn Úc đem quân đến thủ đô Đại Lương của triều Hậu Lương, Hoàng đế Hậu Lương Chu Hữu Trinh tự sát. 935 – Sau khi phụ thân là Mân Huệ Tông Vương Diên Quân qua đời trong một cuộc binh biến, Vương Kế Bằng tuyên bố rằng Hoàng thái hậu lệnh cho ông giám quốc và tức hoàng đế vị trong ngày, tức ngày Tân Tị (20) tháng 10 năm Ất Mùi 1067 – Tống Thần Tông ban tên Tư trị thông giám cho biên niên sử Thông chí mà Tư Mã Quang dâng lên. 1095 – Hội đồng Clermont, do Giáo hoàng Urban II kêu gọi, bắt đầu để thảo luận về việc gửi lính đi giải phóng Đất Thánh trong cuộc Viễn chinh Chữ thập đầu tiên. 1302 – Giáo hoàng Boniface VIII ra sắc lệnh Unam sanctam. 1307 – William Tell bắn một quả táo khỏi đầu của con ông. 1421 – Một quãng tường của bờ đê ven biển Zuider Zee bị vỡ, làm 72 làng bị ngập và làm vào khoảng 10.000 người bị chết ở Hà Lan. 1477 – William Caxton in ra Dictes or Sayengis of the Philosophres (Tục ngữ của các Nhà triết học), cuốn sách đầu tiên mà được in ra dùng máy in ở nước Anh. 1493 – Christopher Columbus lần đầu tiên kiếm thấy đảo Puerto Rico ngày nay. 1626 – Đền thờ Thánh Phêrô ở Thành Vatican được thánh hiến. 1812 – Các cuộc chiến tranh của Napoléon: Mặc dù quân Pháp chiến bại trong trận Krasnoi tại Nga song Thống chế Michel Ney trở thành người dũng cảm nhất trong số những người dũng cảm. 1824 – Quốc hội Mexico quyết định Thủ đô Mexico là một khu vực liên bang, thuộc quyền hạn quản lý của liên bang. 1865 – Câu chuyện The Celebrated Jumping Frog of Calaveras County (Con ếch nhảy nổi tiếng của Quận Calaveras) của Mark Twain được xuất bản trong tờ báo New York Saturday Press. 1883 – Các hãng đường xe lửa thiết lập năm múi giờ tiêu chuẩn cho Bắc Mỹ, làm khỏi bị lẫn lộn do hàng ngàn giờ địa phương. 1912 – Chiến tranh Balkan lần thứ nhất: Quân Ottoman đại thắng trước quân Bungary trong Trận Çatalca lần thứ nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. 1928 – Phát hành phim Tàu hơi nước Willie, phim hoạt hình có lồng tiếng đầu tiên của Disney và được xem là sự ra mắt của hai nhân vật hoạt hình chuột Mickey và chuột Minnie. 1930 – Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam được thành lập. 1959 – Phim sử thi Ben-Hur được công chiếu tại New York, phim đoạt được 11 giải Oscar và là phim tốn kém nhất cho đến đương thời. 1942 – Liên Xô kết thúc giai đoạn phòng thủ trong trận Stalingrad. 1991 – Chiến tranh giành độc lập Croatia: Quân đội Nhân dân Nam Tư chiếm được thành phố Vukovar ở miền đông Croatia, chấm dứt cuộc vây hãm dài 87 ngày. 2007 – Hàng chục ngàn người cả nước Slovenia đã đổ về thủ đô Ljubljana tham gia cuộc biểu tình đòi tăng lương và yêu cầu bình đẳng hơn giữa người giàu và người nghèo. Sinh 1834 – Carl Benjamin Klunzinger, bác sĩ, nhà động vật học người Đức (m. 1914). 1928 – Chuột Mickey, nhân vật hoạt hình, linh vật và biểu tượng của Disney. 1937 – Nguyễn Đức Sơn, nhà thơ người Việt Nam (m. 2020). 1994 – Han So-hee,diễn viên,người mẫu người Hàn Quốc Mất 1897 – Nguyễn Phúc Miên Trinh, tước phong Tuy Lý vương, hoàng tử con vua Minh Mạng (s. 1820). 2015 – Jonah Lomu, huyền thoại bóng bầu dục người New Zealand (s. 1975). Những ngày lễ và kỷ niệm
Liên tông có thể là: Tên gọi khác của Tịnh độ tông trong Phật giáo. Một bậc (supertribus) trong phân loại sinh vật, còn gọi là siêu tông.
Minh Đạo có thể là: Địa danh Xã Minh Đạo, huyện Tiên Du, Bắc Ninh, Việt Nam Tên người Một niên hiệu của vua Lý Thái Tông thời Lý tại Việt Nam Một tên khác của thiền sư Vĩnh Gia Huyền Giác thời nhà Đường Diễn viên Minh Đạo Khác Ngũ chi Minh Đạo, các giáo phái xuất hiện ở Nam Kỳ dưới sự ảnh hưởng của người Hoa phản Thanh phục Minh
Độ dài Planck, , là một đơn vị trong hệ thống đo lường Planck. Nó tượng trưng cho một độ dài nhỏ nhất có nghĩa trong vật lý lý thuyết hiện đại. Định nghĩa Độ dài Planck được định nghĩa như sau: , trong đó: là hằng số Planck đơn giản là hằng số hấp dẫn là vận tốc ánh sáng trong chân không. Trong hệ thống đo lường quốc tế SI: m, với sai số tương đối bằng 7,5×10−5.
Mã Tổ có thể chỉ: Đảo Mã Tổ và toàn bộ Quần đảo Mã Tổ, là những hòn đảo thuộc Đài Loan, (Trung Hoa Dân Quốc) quản lý. Mã Tổ Đạo Nhất, thiền sư Trung Quốc thời nhà Đường.
Trung văn hay Trung Văn có thể được dùng để chỉ: Tiếng Trung Quốc (thường là chỉ Hán ngữ tiêu chuẩn) Chữ Hán Phường Trung Văn thuộc quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội, Việt Nam.
Trong vật lý hạt và vũ trụ học vật lý, hệ thống đo lường Planck là một tập các đơn vị đo lường định nghĩa hoàn toàn dựa trên năm hằng số vật lý phổ quát, sao cho những hằng số vật lý này có giá trị là 1 khi được biểu diễn trong hệ đơn vị Planck. Năm đơn vị cơ bản của hệ đo lường Planck là độ dài Planck, khối lượng Planck, thời gian Planck, nhiệt độ Planck, và điện tích Planck. Được đề ra lần đầu năm 1899 bởi nhà vật lý Max Planck, những đơn vị này còn được gọi là đơn vị tự nhiên vì định nghĩa của chúng đến từ tính chất của tự nhiên mà không dựa trên những khái niệm do con người xây dựng. Hệ đo lường Planck không phải là hệ đơn vị tự nhiên duy nhất, nhưng các đơn vị Planck đến từ tính chất của chân không mà không dựa trên tính chất của vật nguyên mẫu hay hạt sơ cấp nào. Chúng thường được dùng trong việc nghiên cứu các thuyết thống nhất như là hấp dẫn lượng tử. Cụm từ quy mô Planck dùng để chỉ mức không gian, thời gian, năng lượng và những đại lượng khác mà khi vượt quá (hoặc thấp hơn) thì các tiên đoán của Mô hình chuẩn, lý thuyết trường lượng tử và thuyết tương đối rộng không thể kết hợp cùng nhau, và hiệu ứng lượng tử của lực hấp dẫn được coi là sẽ thống trị. Quy mô này có thể có mức năng lượng khoảng (lượng năng lượng tương đương với khối lượng Planck), khoảng thời gian khoảng (thời gian Planck) và độ dài vào khoảng (độ dài Planck). Ở quy mô Planck, những lý thuyết hiện nay không dùng để mô tả vũ trụ, và các nhà vật lý không có một mô hình khoa học cụ thể để dự đoán vũ trụ hoạt động như thế nào. Ví dụ điển hình nhất là trạng thái của vũ trụ trong khoảng 10−43 giây sau Vụ Nổ Lớn, khoảng 13,8 tỉ năm trước. Năm hằng số phổ quát mà hệ đo lường Planck quy về 1 là: tốc độ ánh sáng trong chân không, , hằng số hấp dẫn, , hằng số Planck thu gọn, , hằng số Boltzmann, , hằng số Coulomb, Mỗi hằng số này đều liên quan đến một lý thuyết hay khái niệm vật lý cơ bản: với thuyết tương đối hẹp, với thuyết tương đối rộng, với cơ học lượng tử, với nhiệt động lực học, và với điện từ học. Giới thiệu Mọi hệ đo lường đều có thể chọn một tập các đại lượng và đơn vị cơ bản, rồi từ đó định nghĩa tất cả mọi đại lượng và đơn vị khác. Ví dụ, trong hệ đo lường quốc tế, các đại lượng SI cơ bản bao gồm độ dài với đơn vị là mét. Trong hệ đo lường Planck, một tập các đại lượng cơ bản tương tự có thể được sử dụng, khi ấy đơn vị Plank cơ bản cho độ dài sẽ là độ dài Planck, đơn vị cơ bản cho thời gian là thời gian Planck. Những đơn vị này được suy ra từ năm hằng số vật lý phổ quát trong Bảng 1, sao cho những hằng số này có giá trị bằng 1 khi được biểu diễn dưới hệ đo lường Planck. Ví dụ, định luật vạn vật hấp dẫn của Newton, có thể được biểu diễn thành: Cả hai phương trình đều phù hợp về mặt thứ nguyên và hợp lý trong mọi hệ đo lường. Tuy nhiên, phương trình thứ hai không có , nếu được viết trong hệ đo lường Planck (tức ), thì ta có thể rút gọn thành: Phương trình cuối này (không có ) chỉ đúng khi , , và là giá trị của những đại lượng đó trong đơn vị Planck. Do đó việc sử dụng đơn vị Planck hay hệ đơn vị tự nhiên khác cần phải cẩn trọng. Nói về việc , Paul S. Wesson viết rằng, "Về mặt toán học, nó là một mẹo hữu ích. Về mặt vật lý nó làm mất đi thông tin và có thể dẫn đến nhầm lẫn." Định nghĩa Một tính chất của đơn vị Planck là hệ đo lường này là thống nhất. Ví dụ, lực tương tác hấp dẫn giữa hai vật thể đều có khối lượng 1 khối lượng Planck, đặt cách nhau 1 độ dài Planck là một đơn vị Planck cho lực. Tương tự, quãng đường ánh sáng đi được trong 1 thời gian Planck là 1 độ dài Planck. Để tính giá trị của các đơn vị Planck cơ bản theo hệ SI hay hệ đo lường nào khác, năm phương trình trên phải được thỏa mãn: Giải hệ năm phương trình trên cho ta các giá trị duy nhất cho năm đơn vị Planck cơ bản: Bảng 2 định nghĩa các đơn vị Planck theo những hằng số cơ bản. Tuy nhiên, khi biểu diễn trong hệ đo lường khác như hệ SI, giá trị của chúng chỉ là xấp xỉ. Điều này là do sai số trong giá trị của các hằng số và trong hệ SI. Giá trị của và trong hệ SI là tuyệt đối do định nghĩa của giây, mét, kilogram và kelvin không có sai số. Độ điện thẩm chân không có sai số tương đối khoảng Giá trị của đã được xác định bằng thực nghiệm với sai số tương đối là xuất hiện trong định nghĩa của tất cả đơn vị Planck ngoại trừ điện tích, do đó những đơn vị này đều mang sai số xuất phát từ sai số trong giá trị của . Đơn vị khác Trong một hệ đo lường, đơn vị cho nhiều đại lượng vật lý có thể được suy ra từ các đơn vị cơ bản. Bảng 3 là một số đơn vị Planck được suy ra từ các đơn vị ở trên. Hầu hết các đơn vị Planck đều có lớn hoặc bé hơn rất nhiều để được dùng trong thực tế, vì vậy hệ đo lường Planck thường chỉ được sử dụng trong vật lý lý thuyết. Thực chất, 1 đơn vị Planck thường là giá trị lớn nhất hoặc nhỏ nhất của một đại lượng vật lý mà vẫn có nghĩa trong những lý thuyết vật lý hiện đại. Ví dụ, sự hiểu biết của ta về Vụ Nổ Lớn bắt đầu với Kỷ nguyên Planck, lúc vũ trụ có tuổi đời là 1 thời gian Planck và có đường kính là 1 độ dài Planck. Lý thuyết về vũ trụ trước 1 thời gian Planck cần phải có hấp dẫn lượng tử, kết hợp các hiệu ứng lượng tử vào thuyết tương đối rộng. Một lý thuyết như vậy hiện chưa xuất hiện. Một ngoại lệ cho việc các đơn vị Planck có độ lớn hay bé không tưởng là khối lượng Planck, có giá trị khoảng 22 microgram: rất lớn so với các hạt hạ nguyên tử, nhưng nằm trong khoảng của sinh vật sống. Lịch sử Khái niệm đơn vị tự nhiên được giới thiệu năm 1881 bởi George Johnstone Stoney. Ông thấy rằng điện tích lượng tử hóa, và đã đưa ra đơn vị độ dài, thời gian và khối lượng bằng cách chuẩn hóa , và điện tích cơ bản thành 1. Hệ đo lường này được gọi là hệ đo lường Stoney theo tên ông. Năm 1899 (một năm trước sự hình thành của lý thuyết lượng tử), Max Planck đưa ra ý tưởng về hằng số Planck. Ở cuối bài viết, Planck đề xuất hệ đơn vị cơ bản mà sau này được đặt theo tên ông, dựa trên một hằng số là hằng số Planck. Planck gọi hằng số này là trong bài viết, ngày nay ký hiệu và phổ biến hơn. Planck nhấn mạnh tính phổ quát của hệ đo lường mới này, viết: Planck chỉ xét những đơn vị dựa trên các hằng số phổ quát và để đưa ra các đơn vị tự nhiên cho độ dài, thời gian, khối lượng, và nhiệt độ. Bài luận văn của Planck cũng đưa ra giá trị cho các đơn vị cơ bản, gần đúng với giá trị hiện nay. Các đơn vị cơ bản gốc do Planck đề ra năm 1899 lớn gấp giá trị ngày nay. Điều này là do việc sử dụng hằng số Plank thu gọn () trong đơn vị hiện đại, không có trong đề xuất của Planck. Planck không dùng đơn vị điện từ nào. Tuy nhiên, do ý tưởng của hệ đo lường này là biến tất cả hằng số thành 1, cộng đồng khoa học đã dần chấp nhận đặt hằng số Coulomb thành 1 và bao gồm điện tích trong hệ đơn vị Planck cơ bản. Đặt hằng số Coulomb thành 1 khiến giá trị của một đơn vị điện tích bằng với giá trị dùng trong hệ đo lường QCD. Tuy nhiên, tùy vào mục tiêu, một số nhà vật lý có cách tiếp cận đơn giản hơn và chỉ coi hệ đơn vị Planck gồm độ dài, khối lượng và thời gian. Năm 2006, cơ quan quản lý SI đưa ra một đề xuất nội bộ, cố định điện tích Planck thay vì điện tích cơ bản (do "cố định sẽ giữ ở giá trị thông thường là 4π × = −7 H/m và khiến phụ thuộc vào giá trị của "). Đề xuất này bị từ chối, thay vào đó giá trị của điện tích cơ bản được cố định theo định nghĩa. Hiện tại để tính điện tích Planck cần dùng điện tích cơ bản (giá trị chính xác theo định nghĩa) và hằng số cấu trúc tinh tế (giá trị xuất phát từ thực nghiệm và có thể có sai số do đo đạc). Ý nghĩa Hệ đo lường Planck không mang tính duy con người, nhưng vẫn có sự chọn lựa tùy ý trong các hằng số cơ bản. Không như mét và giây, được định nghĩa trong hệ SI vì lý do lịch sử, độ dài Planck và thời gian Planck xuất phát từ khái niệm vật lý cơ bản. Do đó chúng giúp các nhà vật lý thay đổi góc nhìn và đặt lại câu hỏi. Nhà vật lý Frank Wilczek viết rằng: Tuy đúng là lực đẩy tĩnh điện giữa hai proton (cô lập trong chân không) lớn hơn nhiều so với lực hút hấp dẫn giữa chúng, điều này không phải là do độ mạnh tương đối giữa hai lực cơ bản này. Từ góc nhìn của hệ đo lường Planck, so sánh này không có nghĩa, vì khối lượng và điện tích là hai đại lượng không cân xứng. Thay vì đó, sự chênh lệch về độ lớn này chủ yếu là do việc điện tích của proton xấp xỉ bằng điện tích đơn vị nhưng khối lượng proton nhỏ hơn rất nhiều so với khối lượng đơn vị. Quy mô Planck Trong vật lý hạt và vũ trụ học vật lý, quy mô Planck (hay thang Planck) mô tả những thứ ở mức năng lượng vào khoảng GeV (năng lượng Planck, tương ứng với tương đương khối lượng–năng lượng của khối lượng Planck, 2,17645 × 10−8 kg) mà khi đó hiệu ứng lượng tử của lực hấp dẫn trở nên đáng kể. Ở quy mô này, những lý thuyết hiện có về tương tác hạt sử dụng lý thuyết trường lượng tử không còn đúng nữa, do tác động của sự không thể tái chuẩn hóa của lực hấp dẫn trong những lý thuyết hiện nay. Mối quan hệ với lực hấp dẫn Tại quy mô của độ dài Planck, độ lớn của lực hấp dẫn được cho là sẽ tương đương với những lực khác, và có lý thuyết cho rằng tất cả lực cơ bản sẽ hợp nhất ở quy mô này, mặc dù cơ chế chính xác cho sự hợp nhất này chưa được biết rõ. Quy mô Planck này là nơi tác động của hấp dẫn lượng tử trở nên đáng kể trong các tương tác cơ bản, và các tính toán và cách tiếp cận hiện nay sụp đổ. Trong khi các nhà vật lý hiểu biết khá rõ về sự tương tác của các lực cơ bản khác ở mức độ lượng tử, lực hấp dẫn lại có nhiều vấn đề hơn hẳn và không thể kết hợp với cơ học lượng tử ở mức năng lượng rất cao sử dụng lý thuyết trường lượng tử. Khi ấy, cần phải có một lý thuyết hấp dẫn lượng tử để giải quyết vấn đề này. Một số cách tiếp cận khác bao gồm lý thuyết dây và thuyết M, hấp dẫn lượng tử vòng, hình học không giao hoán, và cơ học lượng tử p-adic. Trong vũ trụ học Trong vũ trụ học Big Bang, kỷ nguyên Planck hay thời kỳ Planck là giai đoạn sớm nhất của Vụ Nổ Lớn, trước khi vũ trụ có tuổi đời bằng một thời gian Planck, , xấp xỉ 10−43 giây. Không có lý thuyết vật lý nào hiện nay có thể mô tả khoảng thời gian ngắn như vậy, và không rõ khái niệm thời gian có ý nghĩa gì với giá trị nhỏ hơn thời gian Planck. Các nhà vật lý cho rằng hiệu ứng lượng tử của lực hấp dẫn thống trị các tương tác vật lý trong trường hợp đó. Ở quy mô này, lực thống nhất của Mô hình chuẩn được xem là hợp nhất với lực hấp dẫn. Cực kỳ nóng và đặc, kỷ nguyên Planck được nối tiếp bởi kỷ nguyên thống nhất lớn, nơi lực hấp dẫn bị tách khỏi lực thống nhất của Mô hình chuẩn, theo sau bởi kỷ nguyên lạm phát, kết thúc sau khoảng 10−32 giây (hay 1010 tP). So với kỷ nguyên Planck, vũ trụ quan sát được hiện nay khi biểu diễn bằng đơn vị Planck trông rất tột cùng: Sự xuất hiện các con số lớn gần bằng hoặc liên quan tới 1060 trong bảng trên là một điều ngẫu nhiên làm một số nhà lý thuyết tò mò. Đó là một ví dụ về kiểu số lớn tình cờ khiến một số nhà vật lý như Eddington và Dirac phát triển một giả thuyết vật lý khác (như là vận tốc ánh sáng thay đổi hay giả thuyết G biến thiên của Dirac). Sau khi hằng số vũ trụ được đo đạc năm 1998, xấp xỉ bằng 10−122 trong đơn vị Planck, người ta thấy rằng con số này gần bằng nghịch đảo của bình phương tuổi của vũ trụ. Barrow và Shaw (2011) đề xuất một lý thuyết khác mà trong đó Λ là một trường thay đổi sao cho giá trị của nó Λ ~ T−2 trong suốt lịch sử của vũ trụ. Các đơn vị Diện tích Planck Điện tích Planck Độ dài Planck Động lượng Planck Động lượng Planck bằng khối lượng Planck nhân với vận tốc ánh sáng. Không giống như các đơn vị Planck khá, động lượng Planck nằm trong khoảng kích cỡ con người. Ví dụ, chạy với một vật nặng 2 kg (108 khối lượng Planck) với vận tốc chạy trung bình 3 m/s (10−8 tốc độ ánh sáng trong chân không) khiến vật đó có khoảng 1 động lượng Planck. Một người nặng 70 kg đi bộ với vận tốc khoảng sẽ có động lượng vào khoảng 15 . Khối lượng Planck Khối lượng riêng Planck Khối lượng riêng Planck là một đơn vị rất lớn, bằng khoảng 1023 khối lượng mặt trời ép vào một không gian cỡ hạt nhân nguyên tử. Khối lượng riêng Planck được xem là giá trị chặn trên của khối lượng riêng. Lực Planck Lực Planck là đơn vị của lực suy ra từ các đơn vị Planck cơ bản cho thời gian, độ dài và khối lượng. Nó bằng đơn vị tự nhiên của động lượng chia cho thời gian. Lực Planck liên quan tới sự tương quan giữa lực hấp dẫn và lực điện từ: lực hút hấp dẫn giữa hai vật nặng 1 khối lượng Planck cách nhau 1 độ dài Planck là 1 lực Planck; tương tự, lực đểy/hút tĩnh điện giữa hai diện tích Planck cách nhau 1 độ dài Planck có độ lớn bằng 1 lực Planck. Lực Planck xuất hiện trong phương trình trường Einstein, mô tả tính chất của trường hấp dẫn xung quanh một vật thể bất kỳ: trong đó là tenxơ Einstein và là tenxơ ứng suất–năng lượng. Lực Planck do đó mô tả mức độ hay khả năng của không-thời gian bị bẻ cong bởi một khối lượng-năng lượng cho trước. Từ năm 1993, nhiều tác giả (De Sabbata & Sivaram, Massa, Kostro & Lange, Gibbons, Schiller) cho rằng lực Planck là lực lớn nhất có thể quan sát được trong tự nhiên. Tính chất giới hạn này đúng cho lực hấp dẫn và bất kỳ loại lực nào khác. Năng lượng Planck Hầu hết các đơn vị Planck đều rất nhỏ, như độ dài hay thời gian Planck, hoặc rất lớn, như nhiệt độ hay gia tốc Planck. Để so sánh, năng lượng Planck xấp xỉ bằng năng lượng dự trữ trong một thùng nhiên liệu (57.2 L xăng với 34.2 MJ/L hóa năng). Tia vũ trụ năng lượng cực cao quan sát năm 1991 có mức năng lượng đo được khoảng 50 joules, bằng khoảng . Về mặt lý thuyết, các photon năng lượng cao nhất mang khoảng 1 năng lượng, trên mức đó nó không khác một hạt Planck mang cùng năng lượng. Nhiệt độ Planck Một nhiệt độ Planck, bằng khoảng , được coi là giới hạn cơ bản của nhiệt độ. Một vật thể với nhiệt độ (TP) sẽ phát ra bức xạ vật đen with a bước sóng tối đa là (độ dài Planck), khi đó mỗi photon và va chạm sẽ có đủ năng lượng để tạo thành hạt Planck. Hiện không có mô hình vật lý nào mô tả được nhiệt độ lớn hơn hoặc bằng nhiệt độ Planck . Thời gian Planck Một đơn vị thời gian Planck là khoảng thời gian cần để ánh sáng di chuyển được quãng đường 1 độ dài Planck trong chân không, tức bằng khoảng 5.39 × 10−44 s (đơn vị Gauss). Tất cả thí nghiệm và trải nghiệm thực tế diễn ra trên khoảng thời gian lớn hơn rất nhiều so với thời gian Planck, khiến bất kỳ hiện tượng gì diễn tra ở quy mô Planck không thể phát hiện được với trình độ khoa học công nghệ ngày nay. , sai số thời gian nhỏ nhất trong đo đạc trực tiếp nằm trong khoảng 850 zepto giây (8.50 × 10−19 giây). Các phương trình vật lý Bảng 6 cho thấy việc sử dụng đơn vị Planck đơn giản hóa nhiều phương trình cơ bản trong vật lý, do nó chuẩn hóa năm hằng số phổ quát (và tích của chúng) thành giá trị là 1. Trong hệ SI, ta cần xem xét đơn vị của các hằng số. Trong hệ đo lường Planck, ta không cần phải viết chúng nếu đã được hiểu trước. Các cách chuẩn hóa khác Như đã nói ở trên, hệ đo lường Planck được suy ra bằng cách "chuẩn hóa" giá trị của một số hằng số phổ quát thành 1. Cách chuẩn hóa này không phải là duy nhất hay tốt nhất. Hơn nữa, việc chọn thừa số nào để chuẩn hóa trong số các hằng số trong vật lý không rõ ràng, và giá trị của hệ đo lường Planck phụ thuộc vào sự chọn lựa này. Hệ số 4 rất phổ biến trong vật lý lý thuyết vì diện tích bề mặt của một mặt cầu với bán kính là . Điều này, cùng với khái niệm của thông lượng, là cơ sở của định luật nghịch đảo bình phương, định luật Gauss, và toán tử div cho mật độ thông lượng. Ví dụ, trường hấp dẫn và điện trường tạo bởi điện tích điểm có tính đổi xứng hình cầu. Ví dụ, hệ số xuất hiện trong mẫu số của định luật Coulomb trong đơn vị Lorentz–Heaviside, là do thông lượng của điện trường được phân phối đều khắp bề mặt của hình cầu. Tương tự với định luật hấp dẫn của Newton. (Nếu không gian có nhiều hơn ba chiều, hệ số 4 sẽ phải được chỉnh sửa theo hình học của mặt cầu trong không gian nhiều chiều.) Do đó một số nhà vật lý sau Planck đề xuất không chuẩn hóa mà là (hoặc hay ) thành 1. Làm thế sẽ tạo ra hệ số (hoặc hay ) trong phương trình của định luật vạn vật hấp dẫn, tương đồng với định luật Coulomb viết theo độ điện thẩm chân không. Khi việc này được áp dụng cho hằng số điện từ , hệ đơn vị này được gọi là hệ đo lường Lorentz–Heaviside dạng hợp lý hóa. Khi áp dụng cho cả đơn vị Planck và hằng số hấp dẫn, người ta gọi đó là hệ đo lường Planck hợp lý hóa và được dùng trong vật lý hạt. Nói cách khác, hệ đo lường Planck hợp lý hóa được định nghĩa sao cho . Lực hấp dẫn Năm 1899, định luật vạn vật hấp dẫn của Newton vẫn được coi là chính xác, khi mà thuyết tương đối rộng vẫn chưa ra đời. Do đó Planck chuẩn hóa hằng số hấp dẫn trong định luật của Newton thành 1. Trong những lý thuyết sau đó, hầu như luôn xuất hiện trong công thức cùng hệ số 4 hoặc một hệ số nguyên nào khác. Do đó, một số đề xuất cho rằng nên chuẩn hóa thay vì chỉ . Chuẩn hóa thành 1: Định luật hấp dẫn Gauss trở thành (thay vì trong đơn vị Planck). Loại bỏ khỏi phương trình Poisson. Loại bỏ trong phương trình điện từ hấp dẫn. Những phương trình này, đúng trong trường hấp dẫn yếu hoặc không-thời gian phẳng, có dạng giống với phương trình Maxwell (và phương trình lực Lorentz) của điện từ, với khối lượng riêng thay vì mật độ điện tích, và thay cho . Chuẩn hóa trở kháng đặc trưng của sóng hấp dẫn trong chân không thành 1. (Thường được biểu diễn là ) Loại bỏ khỏi công thức Bekenstein–Hawking (cho entropy của một lỗ đen theo khối lượng và diện tích chân trời sự kiện ), trở thành . Chuẩn hóa sẽ loại bỏ khỏi phương trình trường Einstein, tác động Einstein–Hilbert, và phương trình Friedmann, cho lực hấp dẫn. Hệ đơn vị Planck sửa đổi sao cho được gọi là hệ đo lường Planck thu gọn, do khối lượng Planck được chia cho . Ngoài ra, công thức Bekenstein–Hawking cho entropy của lỗ đen trở thành . Chuẩn hóa sẽ loại bỏ hằng số khỏi tác động Einstein–Hilbert. Phương trình trường Einstein dạng sử dụng hằng số vũ trụ trở thành . Lực điện từ Hệ đơn vị Planck chuẩn hóa hằng số Coulomb thành 1 (giống hệ đo lường CGS). Điều này khiến cho đơn vị Planck cho trở kháng, bằng , trong đó là trở kháng đặc trưng của chân không. Chuẩn hóa độ điện thẩm chân không thành 1: Chuẩn hóa độ từ thẩm chân không (vì ). Chuẩn hóa trở kháng đặc trưng của chân không . Loại bỏ khỏi dạng không thứ nguyên của phương trình Maxwell. Loại bỏ khỏi dạng không thứ nguyên của định luật Coulomb, nhưng hệ số vẫn nằm trong mẫu số. Nhiệt độ Planck chuẩn hóa hằng số Boltzmann thành 1. Chuẩn hóa thành 1: Loại bỏ hệ số trong dạng không thứ nguyên của phương trình nhiệt năng trên hạt trên bậc tự do. Không ảnh hưởng gì đến các đơn vị Planck cơ bản hay suy ra trong Bảng 3 và 4 Sự thay đổi bất biến của tự nhiên Một số nhà vật lý như Dirac và Milne đề xuất ý kiến cho rằng các "hằng số" vật lý có thể thay đổi theo thời gian (ví dụ như tốc độ ánh sáng biến thiên hay giả thuyết G thay đổi của Dirac). Những lý thuyết này chưa được chấp nhận và còn nhiều ẩn số xung quanh việc "hằng số" vật lý có thể thay đổi. Một câu hỏi quan trọng là: Một sự thay đổi như thế có làm thay đổi kết quả của các thí nghiệm vật lý, hay thậm chí là nhận thức của chúng ta về hiện thực hay không? Nếu một hằng số vật lý không có thứ nguyên, như tốc độ ánh sáng, thay đổi, liệu ta có cảm nhận hay đo đạc được nó không? George Gamow trong quyển sách Mr. Tompkins trong vương quốc kỳ diệu cho rằng một sự thay đổi đủ lớn của một hằng số vật lý có thứ nguyên, như tốc độ ánh sáng trong chân không, sẽ dẫn đến sự thay đổi trong nhận thức. John D. Barrow thách thức quan điểm này: Ta có thể biết được nếu một đại lượng vật lý không thứ nguyên như là hằng số cấu trúc tinh tế hoặc tỉ lệ khối lượng proton-electron thay đổi, nhưng nếu tất cả đại lượng không thứ nguyên (bao gồm tỉ số giữa hai đại lượng cùng thứ nguyên) không thay đổi, thì ta không thể biết nếu một đại lượng có thứ nguyên, như là vận tốc ánh sáng đã thay đổi hay chưa. Nếu tốc độ ánh sáng bị giảm đi một nửa, thành (với điều kiện tất cả đại lượng không thứ nguyên không đổi), thì độ dài Planck sẽ tăng lên gấp 2 lần từ góc nhìn của một quan sát viên từ bên ngoài không bị ảnh hưởng. Trong góc nhìn của những người trong vũ trụ đó, vận tốc ánh sáng vẫn sẽ là 1 độ dài Planck mới trên 1 thời gian Planck mới – không thay đổi so với ban đầu. Tuy nhiên, với điều kiện đã cho, tỉ số giữa kích cỡ của nguyên tử (xấp xỉ bằng bán kính Bohr) và độ dài Planck là một hằng số không thứ nguyên: Do đó đối với người quan sát từ bên ngoài, nguyên tử sẽ lớn gấp 2 lần ban đầu, chúng ta sẽ cao hơn 2 lần, cây thước dài một mét sẽ dài hơn gấp 2 lần. Cảm nhận của chúng ta về khoảng cách và độ dài so với độ dài Planck hay so với bất kỳ đơn vị nào khác vẫn không đổi. Tính bất biến của thang đo tương đối với hệ đo lường Planck, hay bất kỳ hệ đo lường tự nhiên nào khác, khiến một số nhà vật lý kết luận rằng một sự thay đổi của hằng số vật lý chỉ có thể được biết qua sự thay đổi của hằng số vật lý không thứ nguyên. Một hằng số vật lý không thứ nguyên là hằng số cấu trúc tinh tế. Một số nhà vật lý thực nghiệm khẳng định đã đo được sự thay đổi trong hằng số này, dẫn đến nhiều tranh luận về việc đo đạc hằng số vật lý. Vài nhà vật lý lý thuyết cho rằng trong một số trường hợp rất đặc biệt, thay đổi trong hằng số cấu trúc tinh tế có thể được đo đạc qua thay đổi trong các hằng số vật lý có thứ nguyên. Những người khác bác bỏ khả năng này dưới bất kỳ trường hợp nào. Khó khăn trong việc phát hiện sự thay đổi của các hằng số vật lý có thứ nguyên dẫn đến tranh luận về việc liệu một hằng số vật lý thứ nguyên có ý nghĩa thực tế nào không.
Khối lượng Planck, , là một đơn vị đo lường trong hệ thống đo lường Planck. Định nghĩa Khối lượng Planck được định nghĩa như sau: , trong đó: là hằng số Planck đơn giản là hằng số trọng trường là vận tốc ánh sáng trong chân không. Trong hệ thống đo lường quốc tế SI: kg, với sai số tương đối bằng 7,5×10−5. Trong vật lý hạt nhân, đôi lúc người ta dùng khối lượng Planck đơn giản có trị số như sau: kg.
Thời gian Planck, , là một đơn vị đo lường trong hệ thống đo lường Planck. Về mặt lý thuyết, nó tượng trưng cho một đơn vị thời gian nhỏ nhất mà người ta có thể tưởng tượng được. Định nghĩa Thời gian Planck được định nghĩa như sau: , trong đó: là hằng số Planck đơn giản là hằng số hấp dẫn là vận tốc ánh sáng trong chân không. Trong hệ thống đo lường quốc tế SI: s, với sai số tương đối bằng 7,5×10−5. Diễn giải Thời gian Planck là thời gian cần thiết để một quang tử vượt được một khoảng cách bằng độ dài Planck trong chân không với vận tốc ánh sáng. Đó là một đơn vị thời gian nhỏ nhất có được một ý nghĩa vật lý dựa theo những lý thuyết vật lý hiện đại.
Nhiệt độ Planck, , là một đơn vị đo lường trong hệ thống đo lường Planck, là nhiệt độ cao nhất có thể diễn tả được bằng các phép đo vật lý. Trong đơn vị SI, nhiệt độ Planck là khoảng 1,417×1032 kelvin (bằng với độ Celsius, vì chênh lệch nhỏ không đáng kể ở quy mô này), hoặc 2,55×1032 độ Fahrenheit hoặc Rankine. Lịch sử Ngày nay những gì được gọi là nhiệt độ Planck lần đầu tiên được giới thiệu vào năm 1899 bởi Max Planck cùng với giới thiệu của mình về những gì ngày nay được gọi là độ dài Planck, khối lượng Planck và thời gian Planck. Định nghĩa Nhiệt độ Planck được định nghĩa như sau: , trong đó: là khối lượng Planck là hằng số Boltzmann là hằng số Planck đơn giản là hằng số trọng trường là vận tốc ánh sáng trong chân không. Trong hệ thống đo lường quốc tế SI: K, với sai số tương đối bằng 7,5×10−5. Do đó nhiệt độ Planck có một trị số vô cùng to lớn. Diễn giải Nhiệt độ Planck là nhiệt độ tối đa có một ý nghĩa dựa theo những lý thuyết vật lý hiện đại. Nó tương ứng với nhiệt độ của những lỗ đen khi những lỗ này bốc hơi hoặc với nhiệt độ của vũ trụ tức khắc ngay sau Vụ nổ lớn.
Mona Lisa (La Gioconda hay La Joconde, Chân dung Lisa Gherardini, vợ của phong del Giocondo) là một bức chân dung thế kỷ 16 được vẽ bằng chất liệu sơn dầu trên một tấm gỗ dương tại Florence bởi Leonardo da Vinci trong thời kì Phục Hưng Ý. Tác phẩm thuộc sở hữu của Chính phủ Pháp và hiện được trưng bày tại bảo tàng Louvre ở Paris, Pháp với tên gọi Chân dung Lisa Gherardini, vợ của Francesco del Giocondo. Bức tranh là một bức chân dung nửa người và thể hiện một phụ nữ có những nét thể hiện trên khuôn mặt thường được miêu tả là bí ẩn. Sự mơ hồ trong nét thể hiện của người mẫu, sự lạ thường của thành phần nửa khuôn mặt, và sự huyền ảo của các kiểu mẫu hình thức và không khí hư ảo là những tính chất mới lạ góp phần vào sức mê hoặc của bức tranh. Có lẽ nó là bức tranh nổi tiếng nhất từng bị đánh cắp và được thu hồi về bảo tàng Louvre. Ít tác phẩm nghệ thuật khác từng là chủ đề của nhiều sự chăm sóc kỹ lưỡng, nghiên cứu, thần thoại hoá và bắt chước tới như vậy. Một sự nghiên cứu và vẽ thử bằng chì than và graphite về Mona Lisa được cho là của Leonardo có trong Bộ sưu tập Hyde, tại Glens Falls, NY. Bối cảnh Da Vinci bắt đầu vẽ Mona Lisa vào khoảng năm 1503, trong Thời Phục hưng Ý và theo Vasari, "sau khi ông đã bỏ rơi nó trong bốn năm, không hoàn thành…." Ông được cho là đã tiếp tục bức vẽ trong ba năm sau khi đã rời sang Pháp và hoàn thành nó một thời gian ngắn trước khi mất năm 1519. Da Vinci đã mang bức tranh từ Ý tới Pháp năm 1516 khi Vua François I mời nghệ sĩ tới làm việc tại Clos Lucé gần lâu đài của nhà vua tại Amboise. Có thể nhất là qua những người thừa kế của trợ lý của da Vinci là Salai, nhà vua đã mua bức tranh với giá 4,000 écu và giữ nó tại Château Fontainebleau, nơi nó ở lại cho tới khi được trao cho Louis XIV. Louis XIV đưa bức tranh tới Cung điện Versailles. Sau cuộc Cách mạng Pháp, nó được đưa tới Louvre. Napoleon I chuyển nó tới phòng ngủ trong Cung điện Tuileries; sau đó nó quay trở lại Louvre. Trong Chiến tranh Pháp-Phổ (1870–1871) nó được chuyển từ Louvre tới một nơi cất giấu nào đó tại Pháp. Mãi tới giữa thế kỷ 19 Mona Lisa mới bắt đầu nổi tiếng khi các nghệ sĩ của phong trào Biểu tượng bắt đầu ca ngợi nó, và gắn nó với những ý tưởng của họ về sự bí ẩn của phụ nữ. Nhà phê bình Walter Pater, trong tiểu luận năm 1867 của mình về da Vinci, đã thể hiện quan điểm này bằng cách miêu tả nhân vật trong bức tranh như một kiểu hiện thân bí ẩn của nữ tính vĩnh cửu, người "già hơn những hòn đá mà bà ngồi lên" và người "đã chết nhiều lần và biết được những bí ẩn của nấm mồ." Tên tranh và chủ thể Mona Lisa là tên của Lisa del Giocondo, một thành viên của gia đình Gherardini tại Florence và Tuscany và là vợ của một thương nhân tơ lụa giàu có người Florence là Francesco del Giocondo. Bức tranh được đặt hàng cho ngôi nhà mới của họ và để kỷ niệm ngày sinh của đứa con trai thứ hai, Andrea. Danh tính của người mẫu đã được xác định chắc chắn tại Đại học Heidelberg năm 2005 bởi một chuyên gia thư viện người đã khám phá ra một đoạn ghi chú năm 1503 ngoài lề một cuốn sách do Agostino Vespucci viết. Các học giả theo nhiều cách suy nghĩ, xác định ít nhất bốn bức tranh khác nhau là Mona Lisa và nhiều người là đối tượng của nó. Mẹ của Da Vinci, Caterina, trong một ký ức xa, Isabella của Naples hay Aragon, Cecilia Gallerani, Costanza d'Avalos—người cũng được gọi là "merry one" hay La Gioconda, Isabella d'Este, Pacifica Brandano hay Brandino, Isabela Gualanda, Caterina Sforza, tất cả đều đã được chính da Vinci đặt tên cho người mẫu. Danh tính nhân vật ngày nay được cho là Lisa, vốn luôn là một quan điểm truyền thống. Tên bức tranh xuất phát từ một đoạn miêu tả của Giorgio Vasari trong cuốn tiểu sử da Vinci của ông xuất bản năm 1550, 31 năm sau khi nghệ sĩ qua đời. "Leonardo đã nhận vẽ, cho Francesco del Giocondo, bức chân dung Mona Lisa, vợ ông…." (một phiên bản trong ). Trong tiếng Italia, ma donna có nghĩa quý bà của tôi. Nó đã trở thành madonna, và cách viết gọn mona. Mona vì thế là một cách đề cập lịch sự, tương tự như Ma’am, Madam, hay my lady trong tiếng Anh. Trong tiếng Ý hiện đại, hình thức ngắn của madonna thường được đánh vần là Monna, vì thế cái tên thỉnh thoảng được đọc là Monna Lisa, hiếm trong tiếng Anh và phổ thông hơn trong các ngôn ngữ Romance như tiếng Pháp và tiếng Ý. Khi ông mất năm 1525, trợ lý của da Vinci là Salai sở hữu bức tranh và gọi tên nó trong các giấy tờ riêng của mình là la Gioconda, nghệ sĩ đã di chúc để lại bức tranh này cho Salai. Theo nghĩa tiếng Italia là vui vẻ, hạnh phúc hay vui tươi, Gioconda là một tên hiệu của người mẫu, một sự chơi chữ theo hình thức giống cái của tên người chồng bà là Giocondo và tính tình của bà. Trong tiếng Pháp, cái tên La Joconde cũng có nghĩa kép như vậy. Đánh cắp và hư hại Bức hoạ Mona Lisa hiện được treo tại Bảo tàng Louvre ở Paris, Pháp. Danh tiếng ngày càng tăng của bức hoạ còn lớn thêm khi nó bị đánh cắp vào ngày 21 tháng 8 năm 1911. Ngày hôm sau, Louis Béroud, một họa sĩ, đi vào Louvre và vào Salon Carré nơi bức tranh Mona Lisa đã được trưng bày trong 5 năm. Tuy nhiên, nơi bức tranh Mona Lisa đáng lẽ phải có ở đó, ông chỉ thấy bốn chiếc móc thép. Béroud liên hệ với người chỉ huy đội canh gác, ông này cho rằng bức tranh đang được đưa đi chụp ảnh hay cho các mục đích marketing. Vài giờ sau, Béroud kiểm tra lại với người chịu trách nhiệm khu vực đó của bảo tàng và sự việc được xác nhận rằng bức tranh Mona Lisa không ở chỗ những nhà nhiếp ảnh. Bảo tàng Louvre bị đóng cửa một tuần để trợ giúp việc điều tra vụ trộm. Nhà thơ Pháp Guillaume Apollinaire, người từng một lần kêu gọi "đốt cháy" Louvre bị nghi ngờ; ông đã bị bắt và tống giam. Apollinaire đã tìm cách làm dính líu tới người bạn của mình là họa sĩ Pablo Picasso, người cũng bị đưa tới thẩm vấn, nhưng cả hai người sau này đều được chứng minh là không có liên quan. Ở thời điểm đó, bức tranh được cho là đã mất tích vĩnh viễn, và phải mất hai năm trước khi kẻ trộm thực sự bị phát hiện. Nhân viên bảo tàng Louvre Vincenzo Peruggia đã lấy trộm nó bằng cách xâm nhập toà nhà trong những giờ mở cửa, trốn trong một phòng để đồ và lấy trộm bức tranh rồi giấu nó trong áo khoác đi ra ngoài khi bảo tàng đã đóng cửa. Peruggia là một người Italia yêu nước và ông tin rằng bức tranh của Leonardo da Vinci phải được đưa quay trở lại trưng bày trong một bảo tàng của Italia. Peruggia cũng có thể có động cơ bởi một người bạn, người bán những bức tranh chép của tác phẩm này, việc mất tranh gốc sẽ làm những bức tranh chép tăng giá vùn vụt. Sau khi đã giữ bức tranh trong căn hộ của mình trong hai năm, Peruggia trở nên mất kiên nhẫn và cuối cùng bị bắt khi tìm cách bán nó cho những vị giám đốc của Uffizi Gallery ở Florence; bức tranh được trưng bày trên khắp Italia và được trao trả về Louvre năm 1913. Peruggia được ca ngợi về lòng yêu nước ở Italia và chỉ bị tù vài tháng về tội này. Trong Chiến Tranh Thế Giới thứ hai, bức tranh một lần nữa bị đưa khỏi Louvre và mang tới nơi an toàn, ban đầu là Château d'Amboise, sau đó là Loc-Dieu Abbey và cuối cùng tới Bảo tàng Ingres ở Montauban. Năm 1956, phần dưới của bức tranh đã bị hư hại nghiêm trọng khi một kẻ phá hoại hắt axít vào nó. Ngày 30 tháng 12 cùng năm ấy, một người Bolivia trẻ tuổi tên là Ugo Ungaza Villegas đã phá hoại bức tranh bằng cách ném một hòn đá vào nó. Việc này khiến bức tranh mất một mẩu màu gần khuỷu tay trái, chỗ này sau đó đã được vẽ lại. Kính chống đạn đã được dùng để bảo vệ bức hoạ Mona Lisa sau những cuộc tấn công sau đó. Tháng 4 năm 1974, một phụ nữ tàn tật, bực tức vì chính sách của bảo tàng với người tàn tật, đã phun sơn đỏ vào bức tranh khi nó đang được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Tokyo. Ngày 2 tháng 8 năm 2009, một phụ nữ Nga, quẫn trí vì bị từ chối trao quyền công dân Pháp, đã ném một chiếc cốc hay chén trà bằng đất nung, mua tại bảo tàng vào bức tranh ở Louvre, làm vỡ mặt kính. Ở cả hai trường hợp trên, bức tranh đều không bị hư hại. Bảo tồn Bức tranh Mona Lisa đã tồn tại trong hơn 500 năm, và một hội đồng quốc tế nhóm họp năm 1952 đã lưu ý rằng "bức tranh đang ở một tình trạng bảo tồn tốt." Điều này một phần nhờ kết quả của nhiều biện pháp bảo tồn đã được áp dụng với bức tranh. Một cuộc phân tích chi tiết năm 1933 bởi Madame de Gironde cho thấy những nhà bảo tồn ở giai đoạn đầu đã "hành động với sự cẩn trọng lớn." Tuy thế, việc sử dụng véc ni được làm cho bức tranh đã làm nó tối đi thậm chí ngay từ cuối thế kỷ 16, và một cuộc vệ sinh và tái phủ véc ni quá tay năm 1809 đã làm mất một số thành phần trên cùng của lớp sơn, khiến một số phần sơn trên mặt nhân vật bị tẩy mất. Dù có những cuộc xử lý như vậy, Mona Lisa đã được bảo tồn tốt trong suốt lịch sử, và mặc dù sự cong vênh của tấm panel khiến những người quản lý có "một số lo lắng", đội bảo tồn năm 2004-05 vẫn lạc quan về tương lai của tác phẩm. Tấm gỗ dương Ở một số thời điểm trong lịch sử của mình, bức hoạ Mona Lisa đã bị tháo khỏi khung nguyên thủy. Tấm gỗ dương tự nhiên được để cho cong tự nhiên theo thay đổi về độ ẩm, và vì thế, một vết nứt đã bắt đầu phát triển ở gần đỉnh tấm. Vết nứt đã mở rộng xuống đường tóc của nhân vật. Ở giữa thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, một số người đã tìm cách làm ổn định vết nứt bằng cách lắp hai thanh gỗ óc chó hình bướm vào phía sau tấm ở độ sâu khoảng 1/3 tấm. Công việc này đã được thực hiện một cách có tay nghề, và đã thành công trong việc ổn định vết nứt. Trong một khoảng thời gian từ năm 1888 tới năm 1905, hay có lẽ ở một thời điểm nào đó khi bức tranh bị lấy cắp, thanh gỗ phía trên đã rơi ra. Một nhà bảo tồn sau đó đã dán và bồi đoạn rỗng và vết nứt bằng vải. Khung gỗ sồi co giãn (được thêm vào năm 1951) và các thanh chéo (1970) giúp tấm gỗ không bị cong thêm nữa. Một thanh hình cánh bướm giúp tấm gỗ không nứt thêm nữa. Bức tranh hiện được giữ ở những điều kiện không khí được kiểm soát chặt chẽ trong hộp kính chống đạn. Độ ẩm được duy trì ở mức 50% ±10%, và nhiệt độ được duy trì trong khoảng 18 tới 21 °C. Để bù trừ cho những sự thay đổi do độ ẩm, hộp được bổ sung thêm một đệm bằng silica gel được xử lý để cung cấp 55% độ ẩm tương đối. Khung Bởi cục gỗ dương của bức tranh Mona Lisa nở ra và co lại theo thay đổi độ ẩm, bức tranh đã bị cong một chút. Để bù cho sự cong vênh mà bức tranh phải trải qua trong thời gian lưu trữ trong Thế chiến II, và để chuẩn bị cho việc trưng bày bức tranh để kỷ niệm ngày sinh lần thứ 500 của Da Vinci, bức hoạ Mona Lisa năm 1951 được lắp một khung gỗ sồi co giãn với các tấm chéo gỗ sồi. Khung co giãn này, được dùng thêm cho khung trang trí được miêu tả phía dưới, tạo áp lực trên tấm gỗ để giữ nó không cong vênh thêm nữa. Năm 1970, các thanh chéo gỗ sồi được đổi thành gỗ thích sau khi mọi người phát hiện ra rằng gỗ sồi dễ bị côn trùng làm hư hại. Năm 2004-2005, một đội nghiên cứu và bảo tồn đã thay thế các thanh gỗ thích bằng gỗ ngô đồng, và một thanh chéo kim loại nữa được thêm vào để đo độ cong của tấm gỗ dương một cách khoa học. Bức hoạ Mona Lisa đã từng có nhiều khung trang trí trong lịch sử tồn tại của mình, tuỳ theo những thay đổi trong phong cách thẩm mĩ trong nhiều thế kỷ. Năm 1906, nữ bá tước Béarn đã lắp cho bức tranh chiếc khung hiện thời, một chiếc khung thời Phục hưng thích hợp với giai đoạn lịch sử của bức hoạ. Các cạnh của bức tranh ít nhất đã bị cắt bớt một lần trong lịch sử tồn tại của nó để được lắp vừa vào trong những chiếc khung, nhưng không phần nào của lớp sơn nguyên bản bị cắt đi. Vệ sinh và sửa Cuộc vệ sinh, phun véc ni lại và sửa chữa lớn đầu tiên được ghi lại với bức hoạ Mona Lisa diễn ra năm 1809, công việc được Jean-Marie Hooghstoel tiến hành, ông chịu trách nhiệm việc khôi phục các bức tranh cho các phòng tranh của Bảo tàng Napoléon. Công việc gồm làm vệ sinh bằng cồn, sửa lại màu, và phun lại véc ni cho bức tranh. Năm 1906, nhà bảo tồn của Louvre là Eugène Denizard đã thực hiện việc sửa lại màu nước trên những khu vực lớp sơn bị hư hại bởi vết nứt của tấm gỗ dương. Denizard cũng sửa lại các cạnh của bức tranh bằng véc ni, để che đi những phần từng trước kia từng bị che khuất bởi một chiếc khung cũ. Năm 1913, khi bức tranh tái xuất hiện sau khi bị ăn trộm, Denizard một lần nữa được triệu tới để sửa chữa bức Mona Lisa. Denizard được chỉ đạo làm vệ sinh bức tranh nhưng không được dùng dung môi, và thực hiện việc sửa chữa nhỏ với nhiều vết xây xát trên màu nước. Năm 1952, lớp véc ni trên hậu cảnh bức tranh bị phẳng ra. Sau vụ tấn công thứ hai năm 1956, nhà bảo tồn Jean-Gabriel Goulinat được triệu tập để sửa chữa những hư hại ở khuỷu tay trái của Mona Lisa bằng màu nước. Năm 1977, một sự hư hại do côn trùng mới được phát hiện phía sau tấm gỗ vì việc lắp đặt những thanh chéo để giữ bức tranh không bị cong. Hư hại này đã được xử lý bằng carbon tetraclorua, và sau này bằng cách xử lý ethylene oxit. Năm 1985, chấm này một lần nữa được xử lý bằng carbon tetrachloride như một biện pháp phòng ngừa. Trưng bày Ngày 6 tháng 4 năm 2005—sau một giai đoạn bảo dưỡng, ghi chép và phân tích—bức tranh được chuyển tới một vị trí mới trong Salle des États (Phòng các Quốc gia) tại Bảo tàng. Nó được trưng bày trong một không gian kín, có điều hoà nhiệt độ, được xây dựng đặc biệt sau một lớp kính chống đạn. Khoảng 6 triệu người tới ngắm bức tranh tại bảo tàng Louvre hàng năm. Danh tiếng Nhà sử học Donald Sassoon đã sắp xếp sự tăng trưởng danh tiếng của bức tranh. Hồi giữa những năm 1800, Théophile Gautier và các nhà thơ lãng mạn đã có thể viết về Mona Lisa như một femme fatale (người đàn bà gây tai hoạ) bởi Lisa là một người bình thường. Mona Lisa "…là một cuốn sách mở mà trong đó mỗi người có thể đọc thấy điều mình muốn; có thể bởi bà không phải là một hình ảnh tôn giáo; và, có thể, bởi những người có cái nhìn có tính chất văn học chủ yếu là nam giới những người coi bà là hiện thân của nguồn vui bất tận của đàn ông." Trong thế kỷ 20, bức tranh đã bị đánh cắp, một vật thể để sao chép hàng loạt, buôn bán, đả kích và suy đoán, và đã được sao chép lại trong "300 bức tranh và 2,000 quảng cáo". Đối tượng bị miêu tả là điếc, đang để tang, móm, một "gái điếm hạng sang", người tình của nhiều người, một sự phản ánh chứng loạn thần kinh của các nghệ sĩ, và một nạn nhân của bệnh giang mai, nhiễm trùng, liệt, mất cảm giác, cholesterol hay đau răng. Giới học giả cũng như những suy đoán không chuyên đã gắn cái tên Lisa với ít nhất bốn bức hoạ khác nhau và danh tính của người mẫu cho ít nhất mười người khác nhau. Khách tham quan nói chung mất khoảng 15 giây để ngắm Mona Lisa. Cho tới thế kỷ 20, Mona Lisa là một trong nhiều tác phẩm và chắc chắn không phải là "bức tranh nổi tiếng nhất" thế giới như hiện tại. Trong số những tác phẩm tại Louvre, năm 1852 giá trị thị trường của nó là 90,000 franc so với các tác phẩm của Raphael có giá lên tới 600,000 franc. Năm 1878, cuốn hướng dẫn Baedeker gọi nó là "tác phẩm được chào đón nhiều nhất của Leonardo tại Louvre". Từ năm 1851 tới năm 1880, các nghệ sĩ tới thăm Louvre đã sao chép Mona Lisa chỉ khoảng bằng một nửa số lần so với các tác phẩm của Bartolomé Esteban Murillo, Antonio da Correggio, Paolo Veronese, Titian, Jean-Baptiste Greuze và Pierre Paul Prud'hon. Từ tháng 12 năm 1962 tới tháng 3 năm 1963, chính phủ pháp đã cho Hoa Kỳ mượn bức tranh để trưng bày tại Thành phố New York và Washington D.C.. Năm 1974, bức tranh được triển lãm tại Tokyo và Moskva. Trước chuyến đi tháng 3 năm 1962, bức tranh đã được ước định giá, để bảo hiểm, ở mức $100 triệu; cuối cùng bảo hiểm không được mua, thay vào đó mọi người chi thêm tiền cho an ninh. Là một bức tranh đắt giá, chỉ gần đây nó mới bị vượt giá trị, theo giá dollar hiện thời, bởi ba bức tranh khác: bức Portrait of Adele Bloch-Bauer I của Gustav Klimt, được bán với giá $135 triệu, bức Woman III của Willem de Kooning được bán với giá $138 triệu tháng 11 năm 2006, và bức No. 5, 1948 của Jackson Pollock được bán với giá kỷ lục $140 triệu tháng 11 năm 2006. Dù những con số này cao hơn con số định giá năm 1962 của Mona Lisa, việc so sánh chưa tính tới thay đổi về giá bởi lạm phát - $100 triệu năm 1962 tương đương xấp xỉ $700 triệu năm 2009 khi tính bù lạm phát theo Chỉ số Giá Tiêu dùng Mỹ. Suy đoán về bức tranh Mặc dù người mẫu theo truyền thống đã được xác định là Lisa del Giocondo, nhưng sự thiếu hụt một bằng chứng xác thực từ lâu đã khởi nguồn cho nhiều giả thuyết khác, gồm cả khả năng rằng da Vinci đã sử dụng chính chân dung của mình. Các khía cạnh khác của bức tranh từng là chủ đề suy đoán là kích cỡ gốc của nó, nó có phải bản gốc không, tại sao nó được vẽ, và nhiều lời giải thích bằng cách nào có thể tạo ra một nụ cười bí ẩn như vậy. Di sản Giới nghệ thuật tiên phong đã lưu ý tới sự nổi tiếng không thể bác bỏ của Mona Lisa. Vì vị thế quá nổi bật của bức tranh, những thành viên trường phái Dada và siêu thực thường tạo ra những hình thức chuyển đổi và biếm hoạ. Ngay từ năm 1883, một bức Mona Lisa hút tẩu thuốc đã được trưng bày tại "Incoherents" ở Paris. Năm 1919, Marcel Duchamp, một trong những thành viên có ảnh hưởng nhất của trường phái Dada, đã tạo ra L.H.O.O.Q., một bức tranh nhại Mona Lisa được làm bằng cách vẽ thêm lên một bức tranh chép rẻ tiền một bộ ria mép và một chòm râu dê, cũng như thêm vào đoạn ghi chú thô lỗ, khi đọc tho trong tiếng Pháp có âm kiểu "Elle a chaud au cul" (dịch "bà ta bị nóng đít". Đây là một cách ám chỉ người phụ nữ trong tranh đang ở tình trạng kích động tình dục và sẵn sàng quan hệ). Đây tạo ra như một trò đùa có chủ định kiểu Freud, ám chỉ tới lời đồn đại về sự đồng tính của da Vinci. Theo Rhonda R. Shearer, bức tranh nhái thực thế là một bản chép dựa một phần trên chính khuôn mặt của Duchamp. Salvador Dalí, nổi tiếng về tác phẩm siêu thực của mình, đã vẽ Self portrait as Mona Lisa năm 1954. Năm 1963 sau khi bức tranh được đưa tới triển lãm tại Hoa Kỳ, Andy Warhol đã tạo ra những bản in lụa của nhiều Mona Lisa gọi là Thirty are Better than One (Ba mươi tốt hơn một), giống các tác phẩm của ông với Marilyn Monroe (Twenty-five Colored Marilyns, 1962), Elvis Presley (1964) và Campbell's soup (1961–1962). Chú thích Tư liệu tham khảo
Ngộ độc arsenic là các bệnh kinh niên do sử dụng nước uống có chứa arsenic ở nồng độ cao trong một khoảng thời gian dài. Các hiệu ứng bao gồm sự thay đổi màu da, sự hình thành của các vết cứng trên da, ung thư da, ung thư phổi, ung thư thận và bàng quang cũng như có thể dẫn tới hoại tử. Tổ chức y tế thế giới (WHO) đề nghị mức giới hạn của arsenic là 0,01 mg/L trong nước uống; việc hấp thụ một lượng lớn arsenic trong một thời gian dài có thể dẫn tới ngộ độc arsenic. Nồng độ arsenic cao trong nước uống có thể tìm thấy ở một số khu vực sử dụng các nguồn nước tự tạo, chẳng hạn như trong nước của các giếng khoan không qua tinh chế và thẩm định chất lượng bởi các cơ quan y tế có thẩm quyền.
Atlantis (, "Đảo Atlas ") là một hòn đảo hư cấu được đề cập như phép phúng dụ về sự kiêu ngạo của những quốc gia trong tác phẩm Timaeus và Critias của Platon. Nó là một lục địa lớn với nhiều đảo nhỏ vây quanh, là nơi con người sống theo bản năng tự nhiên và sức mạnh. Người Alantis đã xây dựng một nền khoa học khác hẳn và được xem như phép lạ ngày nay dựa trên sự rung động của kim thạch và âm thanh. Theo tác phẩm, Atlantis đại diện cho thế lực hải quân đối địch vây hãm "Athens thời Cổ đại". Atlantis cũng là hiện thân mang tính giả lịch sử về nhà nước lý tưởng của Platon trong Cộng hòa. Trong câu chuyện, Athens đẩy lùi cuộc tấn công của người Atlantis, họ không giống với bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới mà người Hy Lạp biết thời bấy giờ. Điều này được xem là minh chứng cho tính ưu việt trong quan niệm nhà nước của Platon. Câu chuyện kết thúc khi các vị thần không còn ban ân cho Atlantis nữa và kết cục là Atlantis bị chìm xuống Đại Tây Dương. Mặc dù Atlantis chỉ đóng một vai trò nhỏ trong tác phẩm của Platon, nhưng câu chuyện về nó có tầm ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực văn chương. Khía cạnh phúng dụ của Atlantis đã được sử dụng trong những tác phẩm không tưởng của một số nhà văn thời Phục hưng, chẳng hạn như New Atlantis của Thomas Bacon và Utopia của Thomas More. Bên cạnh đó, cũng có một số học giả nghiệp dư ở thế kỷ 19 hiểu sai cách kể chuyện phúng dụ của Platon thành truyền thuyết lịch sử, đáng chú ý nhất là tác phẩm Atlantis: The Antediluvian World của Ignatius L. Donnelly. Chỉ dẫn mơ hồ của Platon về thời gian của các sự kiện (xảy ra từ hơn 9.000 năm trước thời đại của ông), và vị trí được coi là của Atlantis ("vượt ra ngoài tầm của Trụ cột Heracles"), đã góp phần dẫn đến nhiều võ đoán giả khoa học. Kết quả là Atlantis trở thành lời giải thích cho tất cả những gì được coi là các nền văn minh thất lạc thời tiền sử, và tiếp tục truyền cảm hứng cho tác phẩm hư cấu đương đại, từ truyện tranh cho đến phim ảnh, hoạt hình, trò chơi điện tử. Trong khi các nhà triết học và các nhà nghiên cứu cổ điển ngày nay đều đồng tình rằng câu chuyện về Atlantis là hư cấu, thì vẫn còn tranh cãi về những gì được cho là nguồn cảm hứng của nó. Platon được biết là đã mượn một số phép phúng dụ và ẩn dụ từ những truyền thuyết xưa cũ, chẳng hạn như câu chuyện về chiếc nhẫn của Gyges. Điều này khiến một số học giả điều tra nguồn cảm hứng của Atlantis có thể là từ các ghi chép của người Ai Cập về vụ phun trào Thera, cuộc xâm lược của tộc người biển cả (sea peoples), hoặc cuộc chiến thành Troia. Các nhà nghiên cứu khác thì cho rằng chuỗi truyền thuyết này là không có thật và nhấn mạnh rằng Platon đã sáng tạo ra một câu chuyện hoàn toàn hư cấu, lấy cảm hứng từ các sự kiện thời bấy giờ như thất bại trong cuộc xâm lược Sicily của người Athens trong khoảng thời gian 415-413 TCN hoặc sự kiện thành bang Helike bị tàn phá vào năm 373 TCN. Tác phẩm đối thoại của Platon Timaeus Các nguồn chính duy nhất cho Atlantis là các cuộc đối thoại của Platon trong Timaeus và Critias; tất cả các đề cập khác của hòn đảo này đều dựa trên chúng. Các cuộc đối thoại tuyên bố trích dẫn Solon, người đã viếng thăm Ai Cập trong khoảng thời gian từ 590 đến 580 TCN; họ nói rằng ông đã dịch hồ sơ tiếng Ai Cập về Atlantis. Được viết vào năm 360 TCN, Platon đã giới thiệu về Atlantis trong Timaeus: Bốn người xuất hiện trong hai cuộc đối thoại đó là các chính trị gia Critias và Hermocrates cũng như các nhà triết học Socrates và Timaeus của Locri, mặc dù chỉ có Critias nói về Atlantis. Trong các tác phẩm của mình, Platon sử dụng rộng rãi phương pháp Socrates để thảo luận về các vị trí trái ngược trong bối cảnh giả định. Timaeus bắt đầu bằng một lời giới thiệu, tiếp theo là một tài khoản về sự sáng tạo và cấu trúc của vũ trụ và các nền văn minh cổ đại. Trong phần giới thiệu, Socrates suy nghĩ về một xã hội hoàn hảo, được mô tả trong tác phẩm Cộng hòa của Platon (khoảng năm 380 TCN), và tự hỏi liệu ông và các vị khách của mình có thể nhớ lại một câu chuyện minh họa một xã hội như vậy. Critias đề cập đến một câu chuyện mà ông coi là lịch sử, đó sẽ là ví dụ hoàn hảo, và sau đó ông đã làm theo bằng cách mô tả Atlantis như được ghi lại trong Critias. Trong ký ức của ông, Athens cổ đại dường như đại diện cho "xã hội hoàn hảo" và Atlantis là đối thủ của nó, đại diện cho sự đối nghịch của những đặc điểm "hoàn hảo" được mô tả trong tác phẩm Cộng hòa. Atlantis tại Đông Nam Á Kể từ khi Stephen Oppenheimer có những nghiên cứu và nhận định rằng người Đông Nam Á chính là những chủ nhân của những con người tại các nền văn minh cổ đại là Ai Cập và Lưỡng Hà. Họ được cho là nhóm dân cư đã sống sót sau sự kiện đại hồng thuỷ hoặc những vùng đất bị nhấn chìm dần bởi mực nước biển ở cuối kỷ băng hà. Họ cũng là chủ nhân các kỹ thuật trồng lúa, đóng thuyền chính vì vậy những con người này đã đem tất cả những gì gọi là "văn minh" nhất thời đó đem theo để định cư phát triển và cả bao gồm câu chuyện Đại Hồng Thuỷ nêu trên. Năm 2017 nhà địa chất học người Indonesia là Dhani Irwanto, ông đã công bố công trình đồ sộ về việc chứng minh địa điểm Atlantis là ở tại khu vực biển Java, nằm trên thềm lục địa phía nam rộng lớn Sundaland cách đây hơn 11.000 năm TCN. Nền văn minh này là sự phát triển tiền nhiệm bởi nhiều những nền văn minh khác, bởi lẽ tại vùng biển Java có nhiều dấu tích về con người đã có sự phát triển vượt bậc hơn những nơi khác trên trái đất vốn được xem là thời kỳ đồ đá mới - săn bắt hái lượm vẫn là xu hướng chính. Và dấu tích nổi bật nhất là Đền - Kim tự tháp Gunung Padang có niên đại hơn 20.000 năm TCN, điều này đặt một dấu chấm hỏi về lịch sử loài người. Atlantis đã có hình thái là một cộng đồng con người chung sống với số lượng dân số đông đúc, tuy nhiên thành phố của họ xây dựng trên những vùng đất thấp, chính vì thế khi kỷ Younger Dryas vừa kết thúc, mực nước biển dâng đột ngột kết hợp sự vận động các mảng địa chất đã tạo nên vô số các cơn sóng thần tác động mọi nơi trên trái đất trong đó có Atlantis. Điều này trùng khớp với những mô tả của Plato về việc lục địa ấy bị nhấn chìm trong một đêm. Dhani Irwanto cho rằng cái tên Atlantis là sự biến tấu phù hợp theo thị hiếu văn hoá Hy Lạp của những con người kể chuyện. Trên thực tế Atlantis chỉ là cái tên ám chỉ vùng đất bị nhấn chìm bởi cơn đại hồng thuỷ. Plato đã có hơn 60 chi tiết mô tả về vùng đất ấy, những mô tả ấy lại có những thông tin về địa chất, điều kiện tự nhiên, khí hậu nhiệt đới, sinh vật đa dạng... phù hợp vùng đất tại Đông Nam Á hơn là các khu vực địa lý khác. Plato được kể nghe câu chuyện về Atlantis bởi sự truyền miệng từ đời này sang đời khác và gốc gác câu chuyện đến từ ông cậu của Plato sống cách đây 300 năm đã từng hành hương đến Ai Cập, và được nghe những câu chuyện được truyền miệng về thành phố - vùng đất bị nhấn chìm. Vị trí thủ phủ Atlantis mà Dhani Irwanto xác định là mảng địa chất hiện đang chìm dưới đại dương và được bao phủ bởi rạng san hô Gosong Gia.
Ngày 19 tháng 11 là ngày thứ 323 (324 trong năm nhuận) trong lịch Gregory. Còn 42 ngày trong năm. Sự kiện 461 – Nguyên lão Libius Severus trở thành hoàng đế của Đế quốc Tây La Mã, song quyền lực thực tế nằm trong tay Thống lĩnh Ricimer. 461 – Thánh Hilarius được trở thành Giáo hoàng. 537 – Quân Đông Ngụy dưới quyền Cao Hoan giao tranh với quân Tây Ngụy dưới quyền Vũ Văn Thái trong trận Sa Uyển. 1493 – Cristoforo Colombo đổ bộ lên hòn đảo mà ông trông thấy vào ngày hôm trước, và đặt tên đảo là San Juan Bautista (Thánh Gioan Tẩy Giả), ngày nay là Puerto Rico. Ông là người Âu Châu đầu tiên đến đảo. 1863 – Tổng thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln đọc bài Diễn văn Gettysburg trong lễ thánh hiến nghĩa địa quân đội tại Gettysburg, Pennsylvania. 1881 – Một vẫn thạch rơi xuống đất gần làng Großliebenthal, về phía tây nam của Odessa (Ukraina). 1942 – Đệ Nhị Thế Chiến: Hồng quân Liên Xô dưới quyền lãnh đạo của Georgy Zhukov bắt đầu tiến hành Chiến dịch Sao Thiên Vương chống lại các lực lượng phe Trục tại Stalingrad và các vùng phụ cận. 1967 – Đài truyền hình TVB chính thức phát sóng tại Hồng Kông, hiện là đài truyền hình vô tuyến hàng đầu tại lãnh thổ này. 1969 – Cầu thủ bóng đá người Brasil Pelé ghi bàn thắng thứ 1000 của mình khi thi đấu cho Santos trong trận đấu với Vasco da Gama tại Rio de Janeiro. 1997 – Ngày đầu Internet tại Việt Nam được hòa vào mạng Internet toàn cầu. Sinh 1168 – Tống Ninh Tông, hoàng đế Nam Tống (m. 1224) 1600 – Charles I của Anh (m. 1649) 1711 – Mikhail Vasilyevich Lomonosov, nhà khoa học và học giả người Nga (m. 1765) 1786 – Carl Maria von Weber, nhà soạn nhạc người Đức (m. 1826) 1805 – Ferdinand de Lesseps, nhà ngoại giao và công trình sư người Pháp, phát triển Kênh đào Suez (m. 1894) 1828 – Nữ chúa Lakshmibai, nữ vương Ấn Độ (m. 1858) 1831 – James A. Garfield, chính trị gia Hoa Kỳ, Tổng thống thứ 20 của Hoa Kỳ (m. 1881) 1875 – Mikhail Kalinin, chính trị gia Liên Xô (m. 1946) 1887 – James Batcheller Sumner, nhà hóa học người Mỹ, được nhận Giải Nobel hóa học (m. 1955) 1909 – Peter Drucker, nhà lý luận người Mỹ (m. 2005) 1915 – Earl Wilbur Sutherland Jr., nhà s. lý học người Mỹ, được nhận Giải Nobel (m. 1974) 1917 – Indira Gandhi, chính trị gia Ấn Độ, Thủ tướng thứ ba của Ấn Độ (m. 1984) 1934 – Valentin Kozmich Ivanov, cầu thủ bóng đá người Nga thi đấu trong đội tuyển Liên Xô (m. 2011) 1936 – Lý Viễn Triết, nhà hóa học người Mỹ gốc Đài Loan, được nhận giải Nobel hóa học 1956 – Paul Keane, diễn viên Úc 1961 – Meg Ryan, diễn viên và nhà sản xuất người Mỹ 1962 – Jodie Foster, diễn viên, đạo diễn, nhà sản xuất người Mỹ 1962 – Sean Parnell, chính trị gia người Mỹ, Thống đốc thứ 12 của Alaska 1963 – Mariléia dos Santos, cầu thủ bóng đá Brasil 1964 – Petr Nečas, chính trị gia người Séc, Thủ tướng thứ 9 của Cộng hòa Séc 1965 – Laurent Blanc, cầu thủ bóng đá người Pháp 1973 – Ryukishi07, tác giả người Nhật 1975 – Sushmita Sen, người mẫu và diễn viên Ấn Độ, đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ 1994 1985 – Chris Eagles, cầu thủ bóng đá người Anh 1989 – Tyga, người đọc rap người Mỹ 1991 – Vũ Lỗi, cầu thủ người Trung Quốc 1993 – Suso, cầu thủ bóng đá người Tây Ban Nha 1994 – Ibrahima M'baye, cầu thủ bóng đá người Senegal Mất 1009 – Lê Long Đĩnh, hoàng đế cuối cùng của nhà Tiền Lê (s. 986) 1635 – Nguyễn Phúc Nguyên, hay chúa Sãi, chúa Nguyễn của Đàng Trong (s. 1563). 1665 – Nicolas Poussin, họa sĩ người Pháp (s. 1594) 1826 – Nguyễn Thị Trường, phong hiệu Quý nhân, thứ phi của vua Minh Mạng nhà Nguyễn (s. 1796). 1828 – Franz Schubert, nhà soạn nhạc người Áo (s. 1797) 1847 – Nguyễn Phúc Gia Trang, công chúa con vua Minh Mạng (s. 1831). 1931 – Từ Chí Ma, nhà thơ Trung Hoa (s. 1897) 1935 – Nguyễn Hữu Thị Nhàn, tôn hiệu Khôn Nguyên Hoàng thái hậu, chính thất của vua Đồng Khánh (s. 1870). 1970 – Andrey Ivanovich Yeryomenko, Nguyên soái Liên Xô (s. 1892) 1990 – Tôn Lập Nhân, Tổng tư lệnh Lục quân Trung Hoa Dân Quốc (s. 1900) 1993 – Leonid Iovich Gaidai, đạo diễn hài kịch Liên Xô (s. 1923) 2004 – John Robert Vane, nhà dược lý học Anh Quốc, đoạt giải Nobel (s. 1927) 2005 – Erik Balling, đạo diễn người Đan Mạch (s. 1924) Những ngày lễ Ngày Toilet Thế giới Ngày Quốc tế Nam giới Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất – Ngày hành hương
Một vật thể bay không xác định, còn được gọi là UFO (viết tắt của trong tiếng Anh) là bất kỳ hiện tượng trên không được trông thấy mà không thể được nhận dạng hay giải thích ngay lập tức. Khi điều tra, hầu hết các UFO được xác định là các vật thể hoặc hiện tượng khí quyển đã được biết đến, trong khi một số nhỏ vẫn chưa giải thích được. Những nhà khoa học và những tổ chức hoài nghi như Ủy ban Điều tra Hoài nghi đã đưa ra các lời giải thích tầm thường về một số lượng lớn các UFO được cho là do hiện tượng tự nhiên, công nghệ của con người, ảo tưởng hoặc trò lừa bịp gây ra. Các nhóm nhỏ nhưng lớn tiếng của "những nhà UFO học" ủng hộ các giả thuyết không theo quy ước, giả khoa học, một số trong số đó vượt ra ngoài tuyên bố về các chuyến thăm do người ngoài hành tinh điển hình và đôi khi là một phần của các tôn giáo mới. Trong khi những lần bắt gặp bất thường đã được báo cáo trên bầu trời xuyên suốt lịch sử, UFO đã không đạt được sự nổi bật về văn hóa thời nay cho đến giai đoạn sau Thế chiến thứ II, leo thang trong Thời đại Không gian. Thế kỷ thứ 20 đã chứng kiến những cuộc nghiên cứu và điều tra về các báo cáo UFO được thực hiện bởi một số chính phủ (chẳng hạn như các Dự án Grudge and Sign ở Hoa Kỳ và Dự án Condign ở Vương quốc Anh), cũng như bởi nhiều tổ chức và cá nhân. Lịch sử Lịch sử xa xưa trước thế kỷ thứ 20 Con người đã quan sát bầu trời xuyên suốt lịch sử, và đôi khi bắt gặp những cảnh tượng bất thường: chẳng hạn như sao chổi, thiên thạch sáng, một hoặc nhiều hơn trong số năm hành tinh có thể dễ dàng nhìn thấy bằng mắt thường, các hành tinh giao hội và các hiện tượng quang học trong khí quyển như mặt trời giả và mây hình thấu kính. Một ví dụ đặc biệt nổi tiếng là Sao chổi Halley: hiện tượng này được các nhà thiên văn Trung Quốc ghi lại lần đầu tiên vào năm 240 trước Công nguyên và thậm chí có thể sớm đến tận năm 467 trước Công nguyên. Vì nó đi qua hệ mặt trời phía bên trong cứ sau 76 năm, nó thường được xác định là một sự kiện biệt lập độc nhất trong các tài liệu lịch sử cổ đại khi các tác giả không biết rằng đây là một hiện tượng lặp lại. Những ghi nhận như vậy trong lịch sử thường được coi như những điềm báo/điều kỳ diệu siêu nhiên, thiên thần hoặc những điềm báo tôn giáo khác. Trong khi những người đam mê UFO đôi khi nhận xét về sự tương đồng giữa một số biểu tượng tôn giáo nhất định trong các bức tranh thời Trung cổ và các báo cáo về UFO, đặc tính kinh điển và tính biểu tượng của những hình ảnh đó được các nhà sử học nghệ thuật ghi lại bằng cách áp đặt nhiều lời giải thích tôn giáo thông thường hơn vào những hình ảnh như vậy. Một số ví dụ về các quan sát tiền hiện đại về các hiện tượng bất thường trên không: Julius Obsequens là một nhà văn La Mã, người được cho là đã sống vào giữa thế kỷ thứ tư sau Công nguyên. Tác phẩm duy nhất gắn liền với tên tuổi này là Liber de prodigiis (Cuốn sách của những Thần đồng), được trích hoàn toàn từ một sách toát yếu được viết bởi Livy; De prodigiis được xây dựng như một lời kể về những điều kỳ diệu xảy ra ở Rome từ năm 249 đến năm 12 trước Công nguyên. Một khía cạnh trong những tác phẩm của Obsequens đã khiến cho một số người đam mê UFO hứng thú là ông đề cập đến những thứ di chuyển trên bầu trời. Có thể đó là mô tả về thiên thạch, và, vì Obsequens đang viết khoảng 400 năm sau các sự kiện mà ông mô tả, nên văn bản không phải là lời kể của những người chứng kiến tận mắt. Một bức tranh khắc gỗ của Hans Glaser xuất hiện trên một tờ báo rộng vào năm 1561 đã được giới văn hóa đại chúng coi là "hiện tượng thiên thể trên Nuremberg" và có liên quan đến nhiều tuyên bố về phi hành gia cổ đại khác nhau. Theo nhà văn Jason Colavito, hình ảnh đại diện cho "sự miêu tả gián tiếp của một mặt trời giả lòe loẹt", một hiện tượng quang học khí quyển đã được biết đến. Một báo cáo tương tự đến từ năm 1566 tại Basel và, thật vậy, vào thế kỷ thứ 15 và 16, nhiều tờ rơi viết về "phép lạ" và "cảnh tượng trên trời". Vào ngày 25 tháng Một năm 1878, tờ Denison Daily News đăng một bài báo trong đó John Martin, một nông dân địa phương, kể rằng đã nhìn thấy một vật thể lớn, tối, hình tròn giống như một quả bóng bay bay "với tốc độ tuyệt vời". Martin, theo thông tin từ tờ báo, nói rằng nó có kích thước tương đương với một cái đĩa theo quan điểm của anh, một trong những cách sử dụng đầu tiên của từ "đĩa" (sau này thành "đĩa bay") liên quan đến UFO. Vào tháng Tư năm đó, các báo cáo về "các khinh khí cầu bí ẩn" như vậy ở nhiều vùng khác nhau của Hoa Kỳ khá giống với những làn sóng UFO hiện đại. Nhiều người thậm chí báo cáo rằng họ đã nói chuyện với các phi công điều khiển các đĩa bay đó. Những báo cáo về nhiều con tàu kỳ lạ và ánh sáng nhân tạo trên bầu trời đã được đăng trên các tờ báo địa phương trong hai thập kỷ sau đó, đỉnh điểm là vụ hoảng loạn hàng loạt vào năm 1897, nơi một số người lo sợ rằng Thomas Edison đã tạo ra một ngôi sao nhân tạo có thể bay quanh đất nước. Khi được hỏi ý kiến về những báo cáo như vậy, Edison nói, "Tôi đảm bảo với bạn rằng đó là tin giả hoàn toàn." Thế kỷ 20 và sau đó Tại các chiến trường Thái Bình Dương và châu Âu trong Thế chiến thứ hai, những quả cầu lửa tròn, phát sáng được gọi là "foo fighter" đã được các phi công của phe Đồng minh và phe Trục báo cáo. Một số lời giải thích của Đồng minh được đưa ra vào thời điểm đó bao gồm ngọn lửa của Thánh Elmo, hành tinh Kim, ảo giác do thiếu oxy, hoặc vũ khí bí mật của Đức. Năm 1946, hơn 2.000 báo cáo được thu thập, chủ yếu bởi quân đội Thụy Điển, về các vật thể trên không không xác định trên bầu trời các quốc gia Scandinavia, cùng với những báo cáo biệt lập từ Pháp, Bồ Đào Nha, Ý và Hy Lạp. Các vật thể này được gọi là "mưa đá Nga" (và sau này là "tên lửa ma") vì người ta cho rằng các vật thể bí ẩn này có thể là những vụ thử tên lửa V1 hoặc V2 của Đức do Nga chiếm được và tiến hành. Hầu hết trong số chúng được xác định là hiện tượng tự nhiên như thiên thạch. Cơn sốt UFO phổ biến do nhiều người ghi nhận bắt nguồn từ việc truyền thông đăng tin hàng loạt các báo cáo vào ngày 24 tháng Sáu năm 1947, rằng một phi công dân sự tên là Kenneth Arnold cho biết đã nhìn thấy chín vật thể bay thành đội hình gần Núi Rainier ở Hoa Kỳ. Vào thời điểm đó, anh ta mô tả các vật thể bay giống như một cái đĩa, dẫn đến các báo chí đưa tin là "đĩa bay". Chẳng bao lâu, các báo cáo về bắt gặp đĩa bay trở thành chuyện thường ngày, với một ví dụ đặc biệt nổi tiếng là vụ Roswell, nơi mà tàn tích của một quả bóng bay bị bắn rơi được một nông dân thu hồi và bị quân nhân tịch thu. Câu chuyện nhận được ít sự chú ý vào thời điểm đó, nhưng người ta bắt đầu quan tâm lại vào những năm 1990 khi công chúng dậy sóng xung quanh việc phát sóng video khám nghiệm tử thi Người ngoài hành tinh được quảng cáo là "video quay thực" nhưng sau đó được thừa nhận là một "màn tái hiện" bị dàn dựng. Nhiều người tự nhận đã bắt gặp UFO nói rằng họ đã tương tác với người ngoài hành tinh lái tàu vũ trụ đó và một số ít người nói rằng họ đã tự mình đến thăm các tàu bay. Năm 1961, câu chuyện về vụ bắt cóc do người ngoài hành tinh đầu tiên đã gây chấn động khi Barney và Betty Hill bị thôi miên sau khi nhìn thấy một UFO và nói rằng những ký ức mất đi nhớ lại về trải nghiệm của họ ngày càng trở nên chi tiết hơn với những năm tháng trôi qua. Khi các câu chuyện truyền thông và đồn đoán đang tràn lan ở Mỹ, vào năm 1953, các quan chức tình báo (Ban Robertson) lo ngại rằng "những cuộc xâm nhập thực sự" của máy bay kẻ thù "trên lãnh thổ Hoa Kỳ có thể bị lẫn vào trong một mớ ảo tưởng lập dị" của các báo cáo về UFO. Truyền thông được nhờ giúp gỡ rối và can ngăn các báo cáo về UFO, đỉnh điểm là một chương trình truyền hình đặc biệt năm 1966, “UFO: Bạn, Thù hay Tưởng tượng?”, trong đó Walter Cronkite “kiên nhẫn” giải thích cho người xem rằng UFO chỉ là tưởng tượng. Cronkite nhờ Carl Sagan và J. Allen Hynek giúp, người đã nói với Cronkite, “Cho đến thời điểm này, không có bằng chứng khoa học hợp lệ nào cho thấy chúng ta đã được tàu vũ trụ đến thăm”. Một quan chức thuộc NICAP (Ủy ban Điều tra Quốc gia Về Hiện tượng Trên không) Donald E. Keyhoe viết rằng Phó Đô đốc Roscoe Hillenkoetter, giám đốc đầu tiên của CIA, "muốn công khai bằng chứng về UFO". Một hội đồng của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia năm 1969 đã xem xét Báo cáo của Condon và tán thành với nó, nhận xét rằng: “Trong khi nghiên cứu sâu hơn về các khía cạnh cụ thể của chủ đề (ví dụ, các hiện tượng khí quyển) có thể hữu ích, một nghiên cứu về UFO nói chung không phải là một cách có triển vọng để mở rộng hiểu biết khoa học về các hiện tượng." Sử dụng kết luận của ban, Lầu Năm Góc thông báo rằng họ sẽ không điều tra các báo cáo về UFO nữa. Theo Keith Kloor, "sức quyến rũ của đĩa bay" vẫn còn phổ biến với công chúng vào những năm 1970, thúc đẩy việc sản xuất những bộ phim khoa học viễn tưởng như Close Encounters of the Third Kind và Alien, "tiếp tục thu hút sự say mê của công chúng". Kloor viết rằng vào cuối những năm 1990, "các chủ đề phụ UFO lớn khác đã được đưa vào văn hóa đại chúng một cách nổi bật, chẳng hạn như hiện tượng bắt cóc và câu chuyện về âm mưu của chính phủ, thông qua những cuốn sách bán chạy và, tất nhiên là, Hồ sơ X ". Những vụ việc và sự kiện đáng chú ý Anh Sự kiện ở Rừng Rendlesham là một loạt các trường hợp bắt gặp những ánh sáng được báo cáo mà lại không giải thích được gần Rừng Rendlesham ở Suffolk, Anh vào cuối tháng Mười Hai năm 1980, sau đó liên quan đến các lời khai về UFO hạ cánh. Pháp Những vụ việc bắt gặp UFO nổi bật nhất ở Pháp bao gồm: sự kiện UFO Valensole năm 1965. Vụ việc Trans-en-Provence năm 1981. Hoa Kỳ Trong sự kiện UFO Kecksburg, Pennsylvania (1965), người dân cho biết họ đã nhìn thấy một vật thể đâm xuống trong khu vực. Năm 1975, Travis Walton tuyên bố bị người ngoài hành tinh bắt cóc. Bộ phim Fire in the Sky (1993) dựa trên sự kiện này, nhưng đã thêm thắt rất nhiều cho câu chuyện gốc. "Ánh sáng trên bầu trời Phoenix" vào ngày 13 tháng Ba năm 1997 Từ nguyên Ngày 25 tháng 1 năm 1878, nhật báo Deninson viết rằng John Martin, một nông dân địa phương, ngày hôm trước đã báo cáo về sự kiện mình nhìn thấy một vật thể to, đen, dạng đĩa bay giống với cái khí cầu đang bay "với vận tốc kinh khủng", và cũng sử dụng từ "cái đĩa" để miêu tả vật thể bay không xác định. Khoảng 70 năm sau đó, năm 1947, phương tiện truyền thông sử dụng thuật ngữ "đĩa bay" để miêu tả những vật thể bay không xác định như Kenneth Arnold đã thấy. Chín vật thể mà Kenneth Arnold đã nói tới chưa hẳn là có hình dạng "đĩa bay". Arnold lúc đầu miêu tả và vẽ hình tám vật thể mỏng, phẳng, phía đầu thuôn tròn còn phía sau vát cụt trở thành một điểm. (Xem Kenneth Arnold để thấy hình vẽ và các miêu tả chi tiết). Hình vẽ vật thể thứ chín, có phần to hơn, dạng boomerang hoặc hình lưỡi liềm. Dù sao đi nữa, nhiều năm sau, Arnold đã đề nghị sửa cụm từ "giống một cái đĩa" thành "đĩa bay". Trong tiếng Anh, một thuật ngữ khác cũng được các phương tiện truyền thông quen sử dụng là "flying disks" cũng như "flying saucer". Giữa năm 1950, một khảo sát cho thấy thuật ngữ "đĩa bay" đã ăn sâu vào trong ngôn ngữ bình thường ở Mỹ. 94% số người được hỏi cho là đã quá quen thuộc với nó, và nó xuất hiện thường xuyên trong tin tức, khá nổi tiếng, vượt trên cả universal military training (75%), bookie (người đánh cược ngựa chuyên nghiệp) (67%), hay cold war (chiến tranh lạnh) (58%). "Đĩa bay" là thuật ngữ thông dụng dùng cho hầu hết mọi vật thể bay không xác định trên không trung suốt từ cuối thập niên 1940 đến thập niên 1960, thậm chí ngay cả khi chúng không thật sự có dạng đĩa. Thuật ngữ này càng trở nên phổ biến hơn vào cuối thập niên 1960. Việc sử dụng "UFO" thay cho "đĩa bay" được đề nghị lần đầu tiên năm 1952 bởi Edward J.Ruppelt - chủ biên Project Blue Book của không quân Hoa Kỳ, ông ta cảm thấy "đĩa bay" không đủ khả năng nắm bắt mọi khác biệt trong các hiện tượng đang nói tới. Đề nghị của ông ta nhanh chóng được lực lượng không quân chấp nhận. Thuật ngữ UFO đã dẫn đến nhiều cuộc tranh luận về ngữ nghĩa. Những người hoài nghi cho rằng "UFO" chỉ đơn giản nghĩa là vật thể "không xác định" khi quan sát chứ không phải là không thể giải thích được, như vậy thì ít liên quan đến sự sống ngoài Trái Đất. Ngược lại, có nhà nghiên cứu lại cho rằng thuật ngữ trên hoàn toàn đã giới hạn trong những gì nhìn thấy, mở ra đòi hỏi phải nghiên cứu tiếp, đặt ra thách thức cho những lời giải thích thông thường. Trong qui chế của không quân Mỹ năm 1954, có định nghĩa về UFOB (Undentified Flying Obbject) là các vật được chuyên chở bằng máy bay trong những nhiệm vụ, có tính khí động học hoặc có những điểm đặc biệt, không chuyên dụng cho máy bay, tên lửa hiện hành, không được nhận diện chính xác như các loại thông thường, hơn nữa UFOB dành riêng cho mục đích bí mật quốc gia và chắc chắn "mang tính chất chuyên môn". Rõ ràng UFBO không thể áp dụng để giải thích những sự kiện nhìn thấy UFO, chẳng hạn hiện tượng ảo giác tự nhiên hay vật thể nhân tạo, ngoại trừ, có lẽ máy bay chưa từng được biết đến có nguồn gốc từ nước khác. Như vậy, chữ "U" trong UFO, thay vì "không xác định (unidentified) thì thích hợp hơn phải là chưa thể giải thích được (unexplained) hay bất thường (unconventional). Trong tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Pháp, thuật ngữ tương ứng với UFO là OVNI (tiếng Tây Ban Nha: Objeto Volador No Identificado; tiếng Bồ Đào Nha:Objeto Voador Não Identificado; tiếng Pháp: Objet Volant Non Identifié). Phát âm Ruppelt đề nghị rằng "UFO" nên được phát âm thành một từ – "you-foe". Điều này chỉ phổ biến ở Anh, còn ở Mỹ, người ta thích đọc theo cách viết tắt hơn, rõ từng chữ một: "U.F.O.". Nhà vật lý Eward Condon đề nghị nên phát âm là "ooh-foe", song điều này hầu như bị bác bỏ. UFO và văn hóa Không cần đợi đến những lời giải thích cuối cùng, UFO đã trở thành một hiện tượng văn hóa toàn thế giới. Kể từ giữa những năm thập niên 1900, UFO đã là một chủ đề rộng rãi của nhiều cuốn sách, điện ảnh, bài hát, phim tài liệu và các phương tiện truyền thông khác. Chủ đề UFO là chủ đề phổ biến sớm nhất trên phương tiện truyền thông máy tính. Hàng triệu người có những mức độ ưa thích khác nhau về chủ đề này. UFO đóng một phần vai trò trong du lịch, chẳng hạn ở Roswell, New Mexico, nơi một UFO có thể bị rơi vào năm 1947. (Xem sự kiện UFO ở Roswell.) Một báo cáo thống kê năm 1996 chỉ ra rằng 71% người Mỹ tin rằng chính phủ đang che giấu thông tin về UFO. Một kết quả báo cáo khác năm 2001 nói rằng 33% số người được hỏi tin rằng "người ngoài Trái Đất đã từng viếng thăm Trái Đất một vài lần trong quá khứ". Hai kết quả khảo sát dường như đã làm lộn xộn và mâu thuẫn khi xem xét rằng chỉ có giả thuyết sự sống ngoài Trái Đất mới là lời giải thích cho UFO. Năm 2002, khảo sát do kênh truyền hình Sci Fi thực hiện cho kết quả tương tự nhưng tăng thêm số người tin UFO là khí cụ bay ngoài Trái Đất. Lại có khoảng 70% cảm thấy chính phủ không chia sẻ mọi thông tin mà họ biết về UFO và sự sống ngoài Trái Đất. 56% nghĩ UFO là thật và 48% tin UFO đã từng viếng thăm Trái Đất. Dường như người càng trẻ lại càng có niềm tin đó. UFO và khoa học UFO học là ngành khoa học khảo sát, nghiên cứu các báo cáo, nhân chứng về UFO. Trong khi đa số muốn lờ đi chủ đề này thì một số khác, trong đó có những người không chuyên nghiệp và một vài nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu. Chất lượng nghiên cứu của những người không chuyên nghiệp lại rất không đồng đều. Có một lỗi phổ biến khi cho rằng chỉ có một câu hỏi duy nhất được đặt ra trong chủ đề này là liệu sự xuất hiện của UFO có phải là đại diện cho sinh vật có trí tuệ ngoài Trái Đất hay không (như thế sẽ làm thu hẹp lĩnh vực này và hạn chế tranh luận). Đặt tính xác đáng vật lý của UFO ra một bên, khi nghiên cứu UFO trong lĩnh vực văn học dân gian và nhân chủng học thì ít nhất cũng có thể tìm thấy những khám phá mới trong lĩnh vực tâm lý học (cá thể và xã hội). Từ cuối thập niên 1940, mọi người trên khắp thế giới đã trở nên quen thuộc với báo cáo về UFO. Các báo cáo có phạm vi rộng lớn với nhiều trường hợp, gồm có các hành tinh, ngôi sao, hệ thống sắp xếp các đám mây, sét hòn, trò đùa cố ý, thử nghiệm máy bay chiến đấu, ảo giác và tàu vũ trụ của sinh vật ngoài Trái Đất. Bất chấp số lượng lớn các báo cáo và sự chú ý của dư luận, cộng đồng khoa học rất ít quan tâm đến UFO. Một phần là do trên thực tế không có những quỹ hỗ trợ cộng đồng hay chính phủ nhằm trợ giúp việc nghiên cứu UFO. UFO là chủ đề của nhiều nghiên cứu khác nhau trong suốt nhiều năm và đang được mở rộng phạm vi sang khoa học chính xác. Một số cơ quan chính phủ và quân đội của Hoa Kỳ, Canada, Anh, Pháp, Thụy Điển, Bỉ, Brasil, México, Tây Ban Nha và Liên bang Xô Viết đã nhiều lần đưa ra các báo cáo nghiên cứu UFO. Mặc dù gặp vô cùng bối rối trong nhiều trường hợp, song không chính phủ nước nào dám công khai đề xuất rằng UFO đại diện cho dạng sinh vật có trí tuệ ngoài Trái Đất. Bất chấp nhiều trường hợp không giải thích được, ý kiến nói chung của cộng đồng khoa học là có thể tất cả mọi chứng kiến về UFO, về cơ bản là kết quả do nhầm lẫn khi quan sát hiện tượng tự nhiên hay nhân tạo, trò đùa cố ý hoặc hiện tượng tâm lý như ảo giác hoặc bệnh lý trong giấc ngủ (thường giải thích hiện tượng thấy bị người ngoài Trái Đất bắt cóc). Thống kê của lực lượng Không quân Hoa Kỳ cho biết những giải thích như thế chỉ chiếm 1% trong tổng số các trường hợp. Song vẫn còn nhiều giảng viên, giáo sư cảm thấy chủ đề này thật là lãng phí thời gian, các chứng cứ thiếu độ tin cậy. Mặc dù vậy, cũng có ít giáo sư, giảng viên đang tự nghiên cứu chủ đề này. Theo một cuộc khảo sát, do việc ít tìm hiểu, nghiên cứu chủ đề đã làm tăng số người theo phe phản đối, đồng thời tạo nên một xu hướng "không chịu chấp nhận". Có lẽ giả thuyết nổi trội hơn cả giữa những người ủng hộ là giả thuyết sinh vật ngoài Trái Đất viếng thăm mặc dù giả thuyết huyền bí về UFO cũng có khi được đưa ra. Những lý do khác được trích dẫn, thể hiện thái độ coi thường của cộng đồng khoa học về chủ đề này: Lý luận rằng sinh vật ngoài Trái Đất không thể có lúc đó bởi lẽ khoảng cách và năng lượng đòi hỏi cho việc di chuyển qua không gian, giữa các hành tinh trong thời gian hợp lý (theo như các định luật vật lý đã biết hiện nay). Nhiều báo cáo không đáng tin cậy hoặc thiếu thỏa đáng về mặt vật lý nói riêng và khoa học nói chung. Nhiều hoàn cảnh có thể dẫn đến nhầm lẫn khi quan sát vật thể thông thường, chẳng hạn khi nhìn qua một khoảng cách trên bầu trời - cách tiếp cận như thế có thể gây nên ấn tượng mạnh ngay từ cái liếc nhìn ban đầu. Sự cảm tính nói chung bao trùm khắp chủ đề, trong đó có thể kể đến cách nhìn nhận của nhiều người nghiên cứu nghiệp dư thiếu những trang bị kiến thức khoa học đúng đắn. Nhiều nhà khoa học đồng ý rằng hình ảnh tàu vũ trụ của sinh vật ngoài Trái Đất là không có thật, lại có ý kiến cho rằng thái độ báo cáo thiếu suy luận cá nhân mà chỉ hiểu được nguyên theo giả thuyết đó. Tại sao, ví dụ, hiện tượng xuất hiện với tần số lớn trong hàng thập kỷ mà lại không thấy nỗ lực cố gắng của sinh vật ngoài Trái Đất nhằm thể hiện sự xuất hiện mơ hồ của chúng? Hay là, nếu một nền văn minh ngoài Trái Đất đã dự định vẽ bản đồ hoặc khảo sát Trái Đất, như giả thuyết, tại sao nó phải thực hiện trong thời gian dài đến thế, trong khi với kỹ thuật của chúng lúc nay, chẳng hạn vệ tinh, có thể làm việc đó rất nhanh chóng. Phần nhiều trong số lý lẽ nghi ngờ chỉ dựa vào việc đoán chừng, giả thuyết về ý đồ và kỹ thuật của sinh vật ngoài Trái Đất. Tại sao chúng phải che giấu sự tồn tại của chúng? Tại sao mối quan tâm của chúng chỉ hạn chế hướng vào các quan sát vật lý đơn giản? Tại sao việc di chuyển giữa các hành tinh gần như không thể, tóm lại, về căn bản chỉ biết thừa nhận kỹ thuật và khoa học của chúng hiện đại, cao cấp hơn nhiều so với nhân loại ngày nay. Một số lý lẽ thiếu sự hiểu biết. Rất nhiều các hiện tượng, ví dụ "ánh sáng kỳ lạ trên bầu trời", có thể dễ dàng là do nhầm lẫn đơn giản, còn cấu trúc vật thể thay đổi ở mức độ hẹp, thường do hiệu ứng vật lý (xem ở dưới). Theo một cuộc khảo sát chính thức năm 1977 của Hiệp hội Thiên văn Hoa Kỳ (American Astronomical Society) thì đa số người trả lời (1356 người, hơn một nửa số thành viên cơ quan) nghĩ UFO xứng đáng được nghiên cứu và tỏ ý muốn đóng góp thời gian và chuyên môn cho cho việc nghiên cứu, cụ thể: 53% cảm thấy UFO chắc chắn hoặc có thể là một chủ đề đáng được nghiên cứu khoa học trong tương lai, đối lập với 20% cảm thấy chắc chắn hay có lẽ không phải vậy. 80% bày tỏ thiện chí đóng góp trong việc giải đáp bí ẩn UFO. Việc thiếu kiến thức đã làm cho những người theo phe phản đối thiếu ham muốn nghiên cứu. Chỉ 29% trong số người dành ít hơn 1 giờ để đọc chủ đề cảm thấy nghiên cứu sâu hơn nữa là hợp lý, đối lập với 68% số người đã dành trên 300 giờ. Những nhà khoa học trẻ có đam mê hơn những nhà khoa học lớn tuổi. Số người theo phe phản đối chống giả thuyết sinh vật ngoài Trái Đất viếng thăm tăng cao. Có lẽ cách giải thích thông thường như trò lừa đảo hoặc máy bay thông dụng/không thông dụng hay hiện tượng tự nhiên đã tăng số người theo phe hoài nghi từ 30% đến 23%, đối lập với 3% tin UFO thực sự là phi thuyền của sinh vật ngoài Trái Đất. Một khảo sát khác thực hiện năm 1973 trên 400 thành viên Viện Hàng không Vũ trụ Hoa Kỳ, khoảng 2/3 nghĩ rằng UFO có thể có thật, có lẽ hoặc nhất định là một vấn đề có ý nghĩa khoa học. 5% nói rằng họ đã từng chứng kiến UFO, 10% nghĩ UFO đến từ vũ trụ. Tác giả khảo sát đã trên chú ý tính chất nghiêm túc trong những người trả lời, có thể họ sợ sự chỉ trích từ phía các đồng nghiệp và danh tiếng bị nhạo báng. Nhiều nhà khoa học quan tâm nghiên cứu UFO nhưng thích làm việc yên tĩnh một mình hơn bởi sợ bị nhạo báng. Những ghi chép tiêu biểu về UFO Dạng đĩa, phía trước thóp nhỏ. Những ánh sáng chuyển động nhanh - mà đã được ghi nhận sớm nhất rằng chuyển động của nó như "chiếc đĩa nhảy vụt lên khỏi mặt nước". Đĩa bay đôi khi được ghi nhận là có chuyển động "lảo đảo" ở tốc độ thấp. Dạng hình tam giác lớn hoặc nguồn sáng hình tam giác (xem UFO hình tam giác đen). Hình điếu thuốc với những cửa sổ sáng. Các dạng khác: hình chữ V, hình cầu, vòm, hình thoi, khối không có hình dạng xác định màu đen, hình trứng và hình trụ. Phân loại theo Jacques Vallée Loại I Vật thể lạ hình cầu, đĩa hoặc dạng khối hình khác, đáp trên hoặc gần mặt đất (chừng độ cao cây, hoặc thấp hơn, có thể đi kèm dấu vết như nhiệt độ cao, chói sáng hoặc có hiệu ứng lên máy móc. Trên hoặc gần mặt đất Trên hoặc gần mặt nước Hoạt động hay dấu hiệu sáng chói gây sự chú ý Vật thể có vẻ như đang "trinh sát" một phương tiện giao thông của Trái Đất Loại II Vật thể lạ có dạng hình trụ đứng trên bầu trời, kèm theo một đám mây. Hiện tượng này thường được đặt cho nhiều cái tên như "điếu thuốc-mây" hay "khối cầu-mây". Chuyển động một cách bất thường trên bầu trời Bất động và sinh ra các vật thể con (thường gọi là "vật thể vệ tinh") Được nhiều vật thể con bao quanh Loại III Vật thể lạ có dạng khối cầu, đĩa hay ellip. Chuyển động theo kiểu "lá rơi" xuống, hoặc lên và xuống hay đung đưa Đang chuyển động liên tục thì đột ngột dừng lại, rồi chuyển động tiếp Thay đổi hình dạng khi đang bay, chẳng hạn thay đổi độ sáng, sinh ra các vật thể con... Dạng "cá đuối" hay đi thành đám nhiều vật thể Đột ngột thay đổi quỹ đạo khi đang bay liên tục, chuyển thành bay chậm trên một khu vực nhất định, hoặc đột ngột chuyển hành trình Loại IV Vật thể lạ bay liên tục Bay liên tục Quỹ đạo phụ thuộc vào chiếc máy bay ở gần Bay theo một khối tổ chức Quỹ đạo zig-zag Loại V Vật thể lạ mờ ảo, ví dụ không rõ vật liệu, không hữu hình hoàn toàn, không có dạng vật chất đặc. Mờ ảo Vật thể dạng điểm sáng như ngôi sao Lướt nhanh qua bầu trời, có thể với quỹ đạo kỳ lạ Vật thể bay đã xác định (IFO) Khoảng 90% các báo cáo nhìn thấy UFO cuối cùng đã được giải thích. Trong khi chỉ có một tỉ lệ nhỏ báo cáo là cố ý tung tin sai lệch, hầu hết là do nhầm lẫn trong khi quan sát các hiện tượng tự nhiên và nhân tạo. Tuy nhiên, tỷ lệ thực tế giữa UFO và IFO phụ thuộc vào người nghiên cứu và thay đổi lớn tùy theo tiêu chuẩn. Những nhầm lẫn thông thường khi quan sát hiện tượng nhân tạo là: Khí cầu (khí tượng hay du lịch) Máy bay quân sự Ánh đèn nhấp nháy của máy bay thông dụng khi hạ cánh Máy bay đặc biệt hoặc kỹ thuật cao cấp (như SR-71 Blackbird, máy bay ném bom B-2 Steath) Máy bay quảng cáo Diều Pháo hoa Trò đùa cố ý Những nhầm lẫn thông thường khi quan sát hiện tượng tự nhiên là: Mặt Trăng, các ngôi sao và hành tinh Điều kiện thời tiết bất thường Sao băng ở gần hoặc có kích thước lớn Bầy chim Đàn côn trùng Sét hòn Cực quang Những cách giải thích UFO phổ biến Tùy thuộc vào tác giả ước đoán, có từ 3% đến 30% trong tổng số các trường hợp vẫn còn chưa thể giải thích nổi. Một vài trong số những giả thuyết phổ biến nhất cho những sự kiện UFO chưa thể giải thích nổi là: Giả thuyết sinh vật ngoài Trái Đất viếng thăm (phổ biến nhất). Giả thuyết huyền bí. Giả thuyết cỗ máy thời gian hay khí cụ bay do tương lai gửi đến. Tương tự, những người theo phe phản đối cũng đưa ra các giả thuyết: Giả thuyết tâm lý xã hội Giả thuyết các hiện tượng tự nhiên có thể giải thích được, ví dụ sét hòn Giả thuyết khí cụ bay nhân tạo (xem đĩa bay quân sự) Thường thì hơn một cách giải thích- kết hợp nhiều giải thuyết nêu trên được trích dẫn để giải thích cho đa số các trường hợp. Hiện tượng huyền bí Lĩnh vực UFO không phải lúc nào cũng trùng với sự kiện huyền bí, mặc dù thường thì là như vậy. Một vài nhà nghiên cứu cho rằng có mối liên hệ trực tiếp giữa UFO và hiện tượng huyền bí. Tương tự, một số giáo phái đã đưa UFO thành phần trung tâm của tín ngưỡng họ. (Xem Hiện tượng và giả thuyết huyền bí về UFO.) Nhiều bức tranh tôn giáo rất cổ xưa mà cũng đã chứa hình ảnh về UFO và sinh vật ngoài Trái Đất. Cũng nhiều người tin rằng trong suốt lịch sử, sinh vật ngoài Trái Đất đã có ít nhiều ảnh hưởng đến phong tục tập quán nhiều khu vực. (Xem giả thuyết những nhà du hành vũ trụ cổ xưa.) Thuyết âm mưu Đôi khi người ta gán cho UFO là một phần trong những âm mưu kỹ lưỡng mà chính phủ đang cố ý che giấu sự tồn tại của sinh vật ngoài Trái Đất (alien) hay cộng tác với chúng. Cũng có suy đoán rằng sự kiện UFO là các thử nghiệm bay của những khí cụ bay, vũ khí cao cấp. Trong trường hợp UFO bị nhìn thấy thì đó là sự thất bại trong việc giữ bí mật, hoặc cố ý tìm cách xâm phạm thông tin tình báo. (Xem Vùng 51.) Cũng có đề xuất cho rằng tất cả hay đa số kỹ thuật, văn hóa nhân loại được xây dựng từ cơ sở từ các liên lạc với nền văn minh ngoài Trái Đất. (Xem giả thuyết những nhà du hành vũ trụ cổ xưa.)
Số đăng ký CAS là sự xác định bằng chuỗi số định danh duy nhất cho các nguyên tố hóa học, các hợp chất hóa học, các polyme, các chuỗi sinh học, các hỗn hợp và các hợp kim. Chúng còn được nói đến như là các số CAS hay các CAS RN. Dịch vụ tóm tắt hóa chất (CAS - viết tắt của Chemical Abstracts Service trong tiếng Anh), một bộ phận của Hiệp hội hóa chất Hoa Kỳ, gắn các chuỗi số định danh này cho mọi hóa chất đã được miêu tả trong các loại sách vở. Mục đích của nó là làm cho việc tìm kiếm trong các cơ sở dữ liệu thuận tiện hơn, do các hóa chất thông thường có rất nhiều tên gọi khác nhau. Gần như mọi cơ sở dữ liệu về hóa chất ngày nay đều cho phép tìm kiếm theo số CAS. Vào thời điểm ngày 11 tháng 1 năm 2008 đã có tổng cộng 33.552.206 hóa chất và 59.569.924 chuỗi có trong đăng ký CAS. Chuỗi số mới nhất được gán vào thời điểm này là 960354-22-7 — số lượng hiện tại được công bố ở đây . Khoảng 4.000 số mới được thêm vào mỗi ngày. CAS cũng duy trì và bán cơ sở dữ liệu về các hóa chất này, được biết đến như là đăng ký CAS. Định dạng Số đăng ký CAS được tách bởi các dấu gạch ngang thành ba phần, phần đầu tiên có thể chứa tới 6 chữ số, phần thứ hai chứa 2 chữ số, và phần thứ ba chứa một số duy nhất như là số kiểm tra. Các số được gán theo trật tự tăng dần và chúng không có bất kỳ một ý nghĩa nội tại nào. Số kiểm tra được tính theo quy tắc sau: Đọc theo chiều từ phải sang trái thì trọng số của chúng tăng dần theo trật tự 1, 2, 3, 4 v.v. Lấy tổng số của tích các số tương ứng với trọng số của nó, sau đó lấy số dư trong phép chia cho 10. Ví dụ, số CAS của nước là 7732-18-5, do số kiểm tra được tính như sau (8×1 + 1×2 + 2×3 + 3×4 + 7×5 + 7×6) mod 10 = 105 mod 10 = 5 (mod là phép tính lấy phần dư). Các đồng phân, các enzym và các hỗn hợp Các đồng phân khác nhau của phân tử nhận được các số CAS khác nhau: D-glucoza có số CAS là 50-99-7, L-glucoza có số CAS 921-60-8, α-D-glucoza có số CAS 26655-34-5 v.v. Đôi khi, toàn bộ các lớp của các phân tử có một số CAS duy nhất: ví dụ, nhóm các rượu dehydrogenas có số CAS duy nhất là 9031-72-5. Một ví dụ về hỗn hợp có số CAS là tinh dầu mù tạc (8007-40-7). Tìm kiếm Khi sử dụng các số CAS để tìm kiếm trong cơ sở dữ liệu, nó là có ích khi tính đến số của các hợp chất có liên quan gần. Ví dụ, để tìm kiếm thông tin về cocain (CAS 50-36-2), người ta cần tính đến cocain hiđrôclorua (CAS 53-21-4), do nó là dạng phổ biến nhất của cocain khi sử dụng như là một dược phẩm.
Bức tường Planck (đặt theo tên nhà vật lý Max Planck) chỉ khoảng thời gian của lịch sử vũ trụ trong đó vũ trụ có độ tuổi bằng thời gian Planck, tức là khoảng giây. Trước thời gian này là khoảng thời gian được gọi là kỷ nguyên Planck, là khoảng thời gian trong đó tất cả các định luật vật lý cổ điển hiện tại như các định luật của vật lý lượng tử gặp phải giới hạn và cần thiết phải có một mô tả ở cấp vi mô về lực hấp dẫn (ta gọi một thuyết như vậy là Hấp dẫn lượng tử), mà đến nay vẫn còn là điều bí ẩn. Những hiểu biết của chúng ta do vậy vướng phải một "bức tường" trừu tượng. Các độ đo vật lý như áp suất, nhiệt độ cao đến mức mà không-thời gian có vẻ như đạt đến một độ cong (curvature) vô hạn, mà ta còn gọi là một điểm kỳ dị trong thuyết tương đối rộng. Kích thước của vũ trụ tại thời điểm này có độ lớn bằng độ dài Planck, ký hiệu , và có giá trị xấp xỉ , là độ dài vật lý nhỏ nhất có nghĩa trong các lý thuyết vật lý hiện tại. Nó thể hiện một độ dài tự nhiên theo đó có thể xuất hiện một lý thuyết hấp dẫn lượng tử nào đó. Thời gian và không gian mà chúng ta hay quy ước trở thành các khái niệm rõ ràng là phức tạp hơn nhiều "bên ngoài" bức tường Planck, tức là trong suốt kỷ nguyên Planck. Những nghiên cứu gần đây trong ngành lý thuyết dây và trong ngành lý thuyết hấp dẫn lượng tử vòng cũng đều cho rằng thời gian và không gian có lẽ không phải là những khái niệm nguyên thủy mà xuất phát từ một thực tế lý thuyết phức tạp hơn thế. Chẳng hạn như một khi đạt đến kích thước Planck, thời gian và không gian sẽ không liên tục nữa mà dần dần có tính chất rời rạc và không liên tục. Chú thích
Con Đường Tơ Lụa (, ) là một hệ thống các con đường buôn bán nổi tiếng đã từ hàng nghìn năm nối châu Á với châu Âu (cách hay nói là giữa phương Đông và phương Tây). Địa lý Con đường tơ lụa to lớn bắt đầu từ Phúc Châu, Hàng Châu, Bắc Kinh, Trường An (Trung Quốc) qua Mông Cổ, Ấn Độ, Afghanistan, Kazakhstan, Iran, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, xung quanh vùng Địa Trung Hải và đến tận toàn châu Âu. Con đường cũng đi đến cả Triều Tiên và Nhật Bản (Và thậm chí là ở 2 miền Bắc-Nam Việt Nam). Nó có chiều dài khoảng 4.000 dặm, hay là 6.437 km. Lịch sử Trung Quốc là nước đầu tiên tìm ra cách trồng dâu nuôi tằm, lấy kén ươm tơ, dệt lụa sớm nhất trên thế giới, xuất hiện ít nhất là khoảng 5.300 năm trước. Tơ lụa thời đó được dành riêng cho vua chúa và hàng quý tộc, sau này lụa tơ tằm được đưa đi các vùng. Con đường tơ lụa dần dần được hình thành từ đó. Thế kỷ 2 trước Công Nguyên, Trương Khiên nhận lệnh từ Hán Vũ Đế đi về phía Tây tìm người Nguyệt Chi nhằm kết đồng minh chống lại quân Hung Nô. Trải qua nhiều gian khổ, Trương Khiên đã tìm được người Nguyệt Chi ở nơi là miền Bắc Ấn Độ ngày nay. Trên đường về ông cùng tùy tùng đã mang theo nhiều sản vật mà triều đình rất quan tâm. Nhờ đó những tuyến đường nhỏ trước đây đã được kết nối lại với nhau, nhiều tuyến mới được khai phá và an toàn hơn do được sự bảo vệ của triều đình. Tuyến đường mà Trương Khiên đã khai phá được người đời sau gọi là Con đường tơ lụa. Giao lưu văn hóa Con đường tơ lụa là một con đường huyền thoại nối liền Trung Hoa rộng lớn với vùng Tây Á, gắn liền với hàng ngàn câu chuyện truyền thuyết xa xưa. Không đơn thuần chỉ là huyết mạch thông thương buôn bán của những "thươ bằng tiếng Đức Seidenstraße (Con đường tơ lụa) khi ông xuất bản hàng loạt những cuốn sách và những bài nghiên cứu vào giữa thế kỷ 19 về con đường thương mại cổ đại này. Tuy nhiên lịch sử của Con đường tơ lụa có từ trước đó rất lâu. Theo những tài liệu còn lưu lại, Trương Khiên (張騫) người Trung Quốc là người đầu tiên đặt những viên gạch xây nên nền móng của con đường thương mại này. Vào thời nhà Hán (206 TCN-220), ông phải mang những văn kiện ngoại giao từ Trung Quốc đi về vùng đất phía Tây. Chính chuyến Tây du này đã hình thành nên một con đường thương mại phồn thịnh bậc nhất thời bấy giờ. Kinh tế Con đường tơ lụa được hình thành từ thế kỷ 2 TCN nhưng ban đầu, con đường này được thành lập với ý định quân sự nhiều hơn mục tiêu thương mại. Muốn tìm được những đồng minh nhằm khống chế bộ lạc Hung Nô (匈奴), năm 138 TCN, vua Hán Vũ Đế đã cử Trương Khiên đi về phía Tây với chiếu chỉ ngoại giao trong tay, nhưng không may Trương Khiên đã bị chính bộ lạc Hung Nô bắt và giam giữ. Sau 10 năm bị bắt giữ, Trương Khiên trốn khỏi trại và vẫn tiếp tục nhiệm vụ, ông hành trình về Trung Á, Tây Vực. Tiếp kiến biết bao vị thủ lĩnh ở khu vực này nhưng chẳng ai chịu giúp nhà Hán cả. Năm 126 TCN, Trương Khiên trở về nước. Tuy thất bại nhưng với những kiến thức và thông tin thu được, ông đã viết cuốn sách Triều dã kim tài trong đó đề cập đến những vùng đất ông đã đặt chân tới, vị trí địa lý, phong tục tập quán, sản vật, hàng hóa và đặc biệt là tiềm năng giao thương. Triều dã kim tài đã kích thích mạnh các thương gia Trung Hoa. Sau đó Con đường tơ lụa dần được hình thành, người Trung Hoa mang vải lụa, gấm vóc, sa, nhiễu... đến Ba Tư và La Mã đồng thời những doanh nhân các vùng khác cũng tìm đường đến với Trung Hoa. Thời kỳ đầu, những bậc đế vương và những nhà quý tộc của La Mã thích lụa Trung Hoa đến mức họ cho cân lụa lên và đổi chỗ lụa đó bằng vàng với cân nặng tương đương. Chuyện cũng nói rằng Nữ hoàng Ai Cập Cleopatra lúc đó chỉ diện váy lụa Trung Quốc mà thôi. Chính trị thời đó cũng có ảnh hưởng lớn đến Con đường tơ lụa. Khi nhà Hán suy vong vào thế kỷ 3, Con đường tơ lụa cũng bị đình lại. Năm 607, quan viên nhà Tùy là Bùi Củ (裴矩) trở về sau khi thực hiện một chuyến vi hành các nước Tây Vực, và do biết rằng Dạng Đế đang tìm kiếm các mục tiêu để tiến hành chinh phục, Bùi Củ đề xuất với Dạng Đế rằng các nước Tây Vực có rất nhiều châu báu và rằng sẽ dễ dàng thôn tính Thổ Dục Hồn. Do vậy, Dạng Đế bắt đầu tính đến việc tấn công Thổ Dục Hồn để mở ra con đường tơ lụa. Năm 608, Bùi Củ đã thuyết phục các bộ tộc Thiết Lặc tấn công Thổ Dục Hồn, quân Thiết Lặc đại phá quân Thổ Dục Hồn. Mộ Dung Phục Doãn đưa các thần dân chạy về phía đông, vào Tây Bình quận (gần tương ứng với Tây Ninh, Thanh Hải ngày nay), khiển sứ thỉnh hàng cầu cứu Tùy Dạng Đế. Dạng Đế phái An Đức vương Dương Hùng (楊雄) và Hứa công Vũ Văn Thuật (宇文述) đến tiếp ứng cho Mộ Dung Phục Doãn. Tuy nhiên, khi quân của Vũ Văn Thuật đến Lâm Khương thành, Mộ Dung Phục Doãn trở nên sợ hãi trước sức mạnh của quân Tùy và quyết định chạy trốn về phía tây. Vũ Văn Thuật dẫn binh truy kích, chiếm được hai thành Mạn Đầu và Xích Thủy, chém được trên 3000 thủ cấp, bắt được 200 quý tộc và 4.000 hộ Thổ Dục Hồn mới về. Mộ Dung Phục Doãn chạy về tây nam đến vùng núi tuyết hoang vu, đất cũ của Thổ Dục Hồn rộng 4000 lý theo chiều đông tây và 2000 lý theo chiều bắc nam rơi vào tay nhà Tùy. Triều đình Tùy đặt 4 quận: Thiện Thiện, Thả Mạt, Tây Hải, Hà Nguyên để quản lý hành lang Hà Tây, đưa những tội nhân đến đày ở đất này. Năm 609, Mộ Dung Phục Doãn đã dẫn quân thoát ra khỏi vùng núi tuyết và đoạt lại đất đai bị mất, sang tháng 5 ÂL, Dạng Đế thân chinh tấn công Thổ Dục Hồn. Quân của Dạng Đế mặc dù gặp những thất bại nhỏ song đã một lẫn nữa buộc Mộ Dung Phục Doãn phải chạy trốn, tái khẳng định quyền kiểm soát của Tùy đối với các vùng đất cũ của Thổ Dục Hồn. Có trong tay Mộ Dung Thuận, Dạng Dế phong người này làm khả hãn, dưới sự trợ giúp của Đại Bảo vương Ni Lặc Chu (尼洛周), tiến về phía tây để cố nắm quyền kiểm soát đối với người Thổ Dục Hồn. Tuy nhiên, đến Tây Bình quận thì Ni Lặc Chu bị bộ hạ sát hại, và Mộ Dung Thuận lại trở về Tùy. Cùng năm 609, sau khi diệt Thổ Dục Hồn, Tùy Dạng Đế đến Trương Dịch chiêu kiến quân chủ các nước Tây Vực. Kết quả, quân chủ và đại thần của 27 nước Tây Vực đến dự yến, như Cao Xương vương Khúc Bá Nhã. Để thể hiện sự giàu có đầy đủ của quốc gia, vào tết Nguyên Tiêu năm 610, Tùy Dạng Đế ở đông đô cho biểu diễn nhạc vũ tạp kỹ chiêu đãi các thương nhân người Tây Vực, giữa đêm đốt đèn chiếu sáng như ban ngày, trăng lặn mới thôi. Đồng thời mời người Tây Vực uống rượu no say, người Tây Vực qua đó nhận thấy sự phô trương xa hoa quá độ của Tùy Dạng Đế cùng sự giàu có của nhà Tùy nên về sau càng ra sức tiến hành giao thương mậu dịch, nhờ đó triệt để mở ra con đường tơ lụa đã bị đóng lại hơn ba trăm năm từ thời Ngụy Tấn Nam - Bắc triều. Khi nhà Đường hưng thịnh, tiếp tục kế thừa cùng phát triển con đường tơ lụa này. Cũng vào thời Đường, do thấy được giá trị của con đường giao thương Đông - Tây này, các vị hoàng đế đã ban hành hàng loạt những chiếu chỉ nhằm khuyến khích thương mại và cũng từ đó, những nhà truyền giáo đã bắt đầu tìm đến với phương Đông. Con đường tơ lụa dưới triều Đường đã trở thành một điểm nhấn rõ nét trong lịch sử thương mại thế giới. Đến thế kỷ 10, nhà Đường bị lật đổ, Con đường tơ lụa cũng bị suy thoái dần. Tuy nhiên với sự hùng mạnh của đế quốc Nguyên Mông, công việc buôn bán sau đó lại thịnh vượng. Dưới triều Nguyên, một người Ý nổi tiếng là Marco Polo (1254-1324) đã lưu lạc đến Trung Quốc và làm quan ở đây 20 năm, sau đó ông trở về nước bằng Con đường tơ lụa. Ông cũng là người có đóng góp cho sự phát triển của mối giao thương Đông - Tây khi viết nên cuốn sách Marco Polo du ký (tiếng Ý: Il Milione) kể về toàn bộ quá trình lưu lạc đến phương Đông của mình trong đó có đề cập đến những chuyến hàng đầy ắp sản vật trên Con đường tơ lụa. Nhưng đến giữa thời nhà Minh, Con đường tơ lụa đã bị vương triều này khống chế và bắt mọi người phải nộp thuế rất cao cũng như vương triều này chủ trương đóng cửa đất nước ở cả trên bộ lẫn trên biển và bế quan tọa cảng khiến cho những thương gia nước ngoài phải tìm đến những con đường vận chuyển bằng đường biển hoặc không giao thương với nước Trung Hoa nữa hoặc cả 2. Với việc giao thương qua đường biển phát triển (hình thành Con đường tơ lụa trên biển). Từ thế kỷ thứ 7, Quảng Châu đã được xem là nơi khởi đầu của Con đường tơ lụa trên biển. Trước tiên là các thương gia Ả Rập và sau đó là Bồ Đào Nha, Anh, Pháp, Hà Lan lần lượt kéo đến giao lưu buôn bán và trao đổi. Quảng Châu tràn ngập hàng hoá của nước ngoài và bản địa, Con đường tơ lụa trên bộ dần dần biến mất. Hồi chuông cáo chung của Con đường tơ lụa này vang lên cũng là lúc người Ba Tư (Iran ngày nay) đã dần học được cách làm tơ lụa của người Trung Hoa và việc trung chuyển tơ lụa từ đó giảm hẳn do người Ba Tư tự làm và bán trực tiếp cho La Mã chứ không nhập khẩu từ nước Trung Hoa nữa. Nghiên cứu khảo cổ và di vật Trong những chuyến khảo cổ sau này, người ta đã tìm ra khoảng 50.000 cổ vật nằm rải rác trên Con đường tơ lụa. Chúng là những hiện vật vô giá về lịch sử thương mại thời xưa. Con đường tơ lụa với những chuyến hàng đầy ắp đã trở thành dĩ vãng, những dấu chân lạc đà giờ đã bị cát bụi sa mạc xóa nhòa nhưng cái tên "Con đường tơ lụa" sẽ còn mãi trong lịch sử như một cây cầu kết nối ngoại thương giữa hai nền văn minh Trung Quốc và La Mã. Dọc theo Con đường tơ lụa có sự hoà trộn và biến hoá trong đức tin tại các địa phương khác nhau đã làm nảy sinh nhiều kiểu đạo Phật khác nhau và có khi không hề giống với đạo Phật nguyên thủy tại Ấn Độ. Từ kỹ thuật nấu rượu tới Phật giáo và thường được "đổi" bằng hàng hóa, sản vật, người Trung Hoa chuyển đi tơ lụa, thuốc súng, giấy và gốm sứ bằng Con đường tơ lụa. Đổi lại, những kiến thức về thiên văn học giúp Trung Quốc làm sâu thêm những hiểu biết của mình về vũ trụ. Những bản vẽ Mặt Trăng, ngôi sao đã chứng tỏ sự khao khát tìm tòi của người Trung Hoa về vũ trụ. Một tấm bản đồ tìm được ở Đôn Hoàng, Cam Túc làm người ta phải ngạc nhiên: toàn bộ 1.500 vì sao mà con người biết đến 8 thế kỷ sau này đều giống với những gì đã được tả trong tấm bản đồ đó. Bất chấp vô số những kỳ quan phương Đông mà các thương gia phương Tây đã miêu tả trong các chuyến đi dọc theo Con đường tơ lụa, vẫn có rất nhiều người hoài nghi việc con đường đó có thực sự tồn tại hay không. Chỉ sau khi cha con nhà thám hiểm người Venezia - Niccolò Polo và Marco Polo - trở về sau chuyến hành trình thứ hai, người ta mới bắt đầu tin rằng Con đường tơ lụa là có thật. Theo bà Susan Whitfield, "Con đường tơ lụa là con đường: Thương mại, Du hành, Chiến tranh và Niềm tin" và gần 800 năm sau chuyến hành trình của Marco Polo, Con đường tơ lụa huyền thoại lại được tái hiện trong cuộc triển lãm do Thư viện Anh vừa tổ chức năm 2004 giúp cho công chúng nhận biết những giá trị thực của Con đường tơ lụa. Chứng tỏ những ảnh hưởng của Con đường tơ lụa đối với những nền văn minh dọc theo con đường là một thành công cực lớn của cuộc triển lãm. Người ta đã phải mất công chuẩn bị suốt 5 năm, và những hiện vật từ Bảo tàng Guimet ở Paris, Pháp, Bảo tàng Nghệ thuật Ấn Độ ở Berlin, Đức, Bảo tàng Miho ở Tokyo, Nhật Bản và bộ sưu tập riêng của Thư viện Anh... đã truyền cho công chúng niềm cảm hứng mà Withfield đã có được sau 20 năm tìm tòi về Trung Hoa cổ đại do làm việc lâu năm ở Trung Quốc. Con đường tơ lụa đã ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều người là những hình ảnh của những đàn súc vật chất đầy hàng hoá, tơ lụa trên lưng, nhẫn nại hướng tới những miền đất lạ. Con đường tơ lụa trên biển Ulsan, Hàn Quốc Ninh Ba, Trung Quốc Tuyền Châu, Trung Quốc Quảng Châu, Trung Quốc Hội An, Việt Nam Colombo, Sri Lanka Debal, Pakistan Poompuhar, Tamil Nadu, Ấn Độ Korkai, Tamil Nadu, Ấn Độ Musiri, Kerala, Ấn Độ Goa, Ấn Độ Mumbai, Ấn Độ Cochin, Ấn Độ Masulipatnam, Ấn Độ Lothal, Ấn Độ Derbent, Nga Astrakhan, Nga Muscat, Oman Aden, Yemen Suez, Ai Cập Ayas, Thổ Nhĩ Kỳ Venice, Ý Roma, Ý Đông Nam Á Kedah (Buổi đầu lịch sử của Kedah) Langkasuka Ligor Chi Tu Gangga Nagara Malacca Pan Pan Muziris, Ấn Độ Chân Lạp, Ấn Độ Khmer/Kambuja Srivijaya, Indonesia Pasai, Indonesia Perlak, Indonesia Luy Lâu, Việt Nam Hà Nội, Việt Nam Vân Đồn, Việt Nam Phố Hiến, Việt Nam Hội An, Việt Nam Cù Lao Chàm, Việt Nam Vijaya, Chăm Pa (Thị Nại, Việt Nam) Óc Eo, Phù Nam (Việt Nam)
NFPA 704 là một tiêu chuẩn được Hiệp hội phòng cháy quốc gia Hoa Kỳ đưa ra. Nó được nói đến một cách thông thường như là "hình thoi cháy", được các nhân viên của bộ phận tình trạng khẩn cấp sử dụng để nhanh chóng và dễ dàng xác định các rủi ro gây ra bởi các hóa chất nguy hiểm ở gần đó. Nó là cần thiết để xác định các phương tiện và thiết bị (nếu có) nào là cần thiết và/hoặc các rủi ro/các thủ tục cần phải thực hiện (ví dụ gọi cho đội dọn dẹp HAZMAT). Biểu tượng Biểu tượng của NFPA được chia thành 4 phần thông thường là có màu mang ý nghĩa tượng trưng, trong đó màu xanh lam dùng để chỉ các nguy hiểm đối với sức khỏe, màu đỏ dùng để chỉ khả năng cháy, màu vàng dùng để chỉ khả năng phản ứng hóa học, và màu trắng chứa các mã đặc biệt cho các nguy hiểm lạ thường. Tất cả các khả năng gây nguy hiểm cho sức khỏe, khả năng cháy và phản ứng hóa học được đánh giá theo thang độ từ 0 (không nguy hiểm; chất thông thường) tới 4 (cực kỳ nguy hiểm). Xanh lam/Sức khỏe 4. Phơi nhiễm trong thời gian cực ngắn có thể dẫn đến tử vong hay để lại các tổn thương lớn vĩnh cửu. (Ví dụ Hydro xyanua) 3. Phơi nhiễm trong thời gian ngắn có thể dẫn tới các tổn thương nghiêm trọng tạm thời hay vĩnh cửu. (Ví dụ khí clo, axit sunfuric, hydro lỏng) 2. Phơi nhiễm mạnh hay liên tục nhưng không kinh niên có thể dẫn tới mất khả năng tạm thời hay các tổn thương nhất thời có thể nào đó. (Ví dụ khí anhiđrit cacbonic, clorofom) 1. Sự phơi nhiễm có thể sinh ra kích thích nhưng chỉ có các tổn thương nhỏ. (Ví dụ nhựa thông, butan) 0. Sự phơi nhiễm trong điều kiện cháy không sinh ra các nguy hiểm mặc dù đó là các vật liệu cháy được. (Ví dụ dầu lạc) Đỏ/Khả năng cháy 4. Bay hơi nhanh chóng và toàn bộ ở nhiệt độ và áp suất thông thường, hoặc rất nhanh phân tán trong không khí và cháy rất nhanh. (Ví dụ prôpan, butan) 3. Các chất lỏng và chất rắn nào có thể bắt lửa dưới gần như mọi điều kiện nhiệt độ môi trường xung quanh. (Ví dụ xăng) 2. Phải có nhiệt độ môi trường xung quanh tương đối cao hay bị đốt nóng vừa phải trước khi có thể bắt lửa. (Ví dụ dầu diesel) 1. Phải đốt nóng trước khi có thể bắt lửa. (Ví dụ tinh dầu cải dầu, khí amonia) 0. Không cháy. (Ví dụ nước) Vàng/Khả năng phản ứng 4. Có khả năng nổ và phân hủy ở điều kiện nhiệt độ và áp suất bình thường. (ví dụ TNT) 3. Có khả năng nổ và phân hủy nhưng đòi hỏi phải có nguồn kích thích mạnh, phải được đốt nóng trong không gian kín trước khi phản ứng, hoặc có phản ứng gây nổ với nước. (ví dụ fluor) 2. Tham gia phản ứng hóa học mãnh liệt ở nhiệt độ và áp suất cao, phản ứng mãnh liệt với nước, hay có thể tạo hỗn hợp nổ với nước. (ví dụ calci) 1. Thông thường là ổn định, nhưng có thể trở thành không ổn định ở nhiệt độ và áp suất cao. (ví dụ phosphor đỏ) 0. Thông thường là ổn định, thậm chí kể cả trong các điều kiện gần nguồn lửa, và không có phản ứng với nước. (ví dụ nitơ lỏng, butan) Trắng/Đặc biệt Khu vực "thông báo đặc biệt" màu trắng có thể chứa một vài biểu tượng sau: 'W' - phản ứng với nước trong các tình huống bất thường hay nguy hiểm. 'OX' - chất oxy hóa Chỉ có 'W' và 'OX' là phần chính thức của tiêu chuẩn NFPA 704, nhưng các biểu tượng tự giải thích khác thỉnh thoảng cũng được sử dụng trong các tình huống không chính thức. 'COR' - chất ăn mòn; axít hay base mạnh 'ACID' và 'ALK' là cụ thể hơn. 'BIO' - Các chất nguy hiểm sinh học Hình ba lá phóng xạ () - là biểu tượng phóng xạ.
Trong khoa học máy tính, reflection (có thể dịch là "phản tỉnh", "tự xét mình") là việc tiến trình có khả năng xem xét, nội quan, và sửa đổi kết cấu cùng với hành trạng của chính nó. Bối cảnh lịch sử Các máy tính ban sơ nhất đều được lập trình bằng ngôn ngữ bản địa là hợp ngữ, vốn đã có tính reflection, vì ta có thể lập trình trên những kiến trúc gốc này theo cách là định nghĩa lệnh chỉ thị như dữ liệu và viết code tự sửa được chính nó. Khi việc lập trình phần đông đều chuyển sang những ngôn ngữ biên dịch cấp cao hơn như Algol, Cobol, Fortran, Pascal, và C, thì khả năng reflection này phần lớn biến mất, mãi đến thời những ngôn ngữ lập trình mới hơn thì tính năng reflection có sẵn vào hệ thống kiểu dữ liệu mới xuất hiện lại. Luận án tiến sĩ năm 1982 của Brian Cantwell Smith đã giới thiệu khái niệm computational reflection trong ngôn ngữ lập trình thủ tục và khái niệm về meta-circular interpreter làm thành phần trong 3-Lisp. Công dụng Reflection giúp lập trình viên làm nên các thư viện phần mềm tổng loại để hiển thị dữ liệu, xử lý các định dạng dữ liệu khác nhau, thi hành tuần tự hóa hay khử tuần tự dữ liệu cho việc liên lạc, hoặc làm việc bọc và mở bọc dữ liệu cho các container hoặc các burst trong quá trình liên lạc. Để sử dụng reflection cho hiệu quả thì hầu như luôn luôn cần có kế hoạch nào đó: framework thiết kế, bản mô tả encoding, thư viện đối tượng, bản đồ cơ sở dữ liệu hoặc quan hệ thực thể. Reflection làm cho ngôn ngữ hợp với mã hướng mạng hơn. Ví dụ, reflection trợ giúp các ngôn ngữ như Java thao tác tốt hơn trong hệ thống mạng bằng cách tạo điều kiện cho các thư viện cho việc tuần tự hóa, bọc gói và biến thiên các định dạng dữ liệu. Các ngôn ngữ không có reflection như C thì cần phải sử dụng trình biên dịch phụ trợ cho tác vụ, như Abstract Syntax Notation, thì mới tạo được mã cho việc tuần tự hóa và bọc gói. Reflection có thể được dùng để quan sát và sửa đổi việc thực thi chương trình tại runtime. Thành phần trong chương trình hướng reflection có thể giám sát sự thực thi của vùng code và có thể sửa đổi chính nó tùy theo mục tiêu mong muốn của vùng code đó. Điều này thường đạt được bằng cách gán mã chương trình một cách động ngay tại runtime. Trong các ngôn ngữ lập trình hướng đối tượng như Java, reflection cho phép tra duyệt lớp, giao diện, trường và phương thức trong runtime mà không cần biết tên của lớp, giao diện, trường, phương thức đấy tại compile time. Nó cũng cho phép instantiate đối tượng mới và invoke phương thức. Reflection thường hay được dùng trong kiểm thử phần mềm, chẳng hạn như để tạo/instantiate mock object trong runtime. Reflection cũng là sách lược then chốt cho lập trình meta. Trong một số ngôn ngữ lập trình hướng đối tượng như C# và Java, reflection có thể được dùng để lách khỏi các luật về tính khả cập thành viên. Với property của C#, điều này có thể đạt được bằng cách ghi trực tiếp lên trường chống lưng (thường là bị ẩn) của property non-public. Cũng có thể truy xuất phương thức non-public của lớp và kiểu rồi sau đó invoke nó bằng tay. Điều này dùng được cho file nội bộ dự án cùng với những thư viện bên ngoài như assembly của .NET và archive của Java. Thực hiện Ngôn ngữ mà hỗ trợ reflection thì mang lại một số lượng tính năng khả dụng ở runtime, khó mà làm được những tính năng đó nếu dùng ngôn ngữ cấp thấp hơn. Một số tính năng này là: Khám phá và sửa đổi cấu trúc mã nguồn (chẳng hạn như khối mã, lớp, phương thức, giao thức, v.v.) như đối tượng hạng nhất tại runtime. Từ chuỗi khớp với tên symbol của lớp hoặc hàm, đổi sang tham chiếu hoặc invocation tới lớp hoặc hàm đó. Tính giá trị chuỗi như thể nó là mã lệnh trong runtime. Tạo ra trình thông dịch mới cho bytecode của ngôn ngữ để mang lại ý nghĩa hoặc mục đích mới cho cấu trúc lập trình nào đó. Các tính năng này có thể được thực hiện theo nhiều cách khác nhau. Trong MOO, reflection là một phần tự nhiên của quán ngữ lập trình thường dụng. Khi động từ (phương thức) được gọi, các biến khác nhau như verb (tên của động từ được gọi) và this (đối tượng mà trên đó động từ được gọi) sẽ tự động được điền vào làm ngữ cảnh cho lệnh gọi đấy. Về bảo mật thì thường được quản lý bằng cách dùng lập trình để truy cập call stack: gọi vào hàm callers() sẽ trả về danh sách các phương thức theo thứ tự gọi dần về động từ hiện hành, nên kiểm tra callers()[0] (tức lệnh do người dùng gốc invoke) cho phép động từ bảo vệ chính mình khỏi việc sử dụng trái phép. Ngôn ngữ biên dịch thì dựa vào hệ thống runtime để cung cấp thông tin về mã nguồn. Ví dụ: file thực thi được biên dịch từ Objective-C thì nó ghi lại tên của tất cả phương thức ở một khối trong file thực thi đó và dành ra một bảng để sắp các tên đó với các phương thức tương ứng (hoặc selector cho các phương thức tương ứng) trong chương trình. Còn ở ngôn ngữ biên dịch mà có hỗ trợ tạo ra hàm ngay ở runtime, chẳng hạn Common Lisp, thì môi trường runtime phải có kèm cả trình biên dịch hoặc trình thông dịch. Reflection có thể được thực hiện cho các ngôn ngữ không có sẵn reflection bằng cách sử dụng hệ biến đổi chương trình để vạch ra đường lối biến đổi tự động cho mã nguồn. Cân nhắc bảo mật Reflection có thể cho phép người dùng tạo ra dòng điều khiển không ngờ được xuyên qua ứng dụng và có thể lách khỏi các biện pháp bảo mật. Điều này có thể bị những kẻ tấn công khai thác. Các lỗ hổng trong lịch sử ở Java do 'reflection không an toàn' gây ra có thể tạo điều kiện cho code truy xuất đến máy bất khả tín ở xa, từ đó thoát khỏi cơ chế bảo mật sandbox của Java. Một nghiên cứu quy mô lớn về 120 lỗ hổng Java vào năm 2013 đã kết luận rằng 'reflection không an toàn' là lỗ hổng phổ biến nhất trong Java, mặc dù không phải là cái bị khai thác nhiều nhất. Ví dụ Các đoạn mã sau đây đều tạo ra một instance của lớp rồi gọi phương thức của nó. Với mỗi ngôn ngữ lập trình, trình tự lệnh để gọi bình thường và trình tự lệnh để gọi dựa trên reflection đều được thể hiện. C# Sau đây là ví dụ trong C#:// Không dùng reflection Foo foo = new Foo(); foo.PrintHello(); // Dùng reflection Object foo = Activator.CreateInstance("complete.classpath.and.Foo"); MethodInfo method = foo.GetType().GetMethod("PrintHello"); method.Invoke(foo, null); Delphi / Object Pascal Ví dụ Delphi / Object Pascal sau đây giả định rằng có một lớp đã được khai báo trong một đơn vị được gọi là :uses RTTI, Unit1; // Không dùng reflection procedure WithoutReflection; var Foo: TFoo; begin Foo := TFoo.Create; try Foo.Hello; finally Foo.Free; end; end; // Dùng reflection procedure WithReflection; var RttiContext: TRttiContext; RttiType: TRttiInstanceType; Foo: TObject; begin RttiType := RttiContext.FindType('Unit1.TFoo') as TRttiInstanceType; Foo := RttiType.GetMethod('Create').Invoke(RttiType.MetaclassType, []).AsObject; try RttiType.GetMethod('Hello').Invoke(Foo, []); finally Foo.Free; end; end; eC Sau đây là ví dụ trong eC:// Không dùng reflection Foo foo { }; foo.hello(); // Dùng reflection Class fooClass = eSystem_FindClass(__thisModule, "Foo"); Instance foo = eInstance_New(fooClass); Method m = eClass_FindMethod(fooClass, "hello", fooClass.module); ((void (*)())(void *)m.function)(foo); Go Sau đây là ví dụ trong Go:import "reflect" // Không dùng reflection f := Foo{} f.Hello() // Dùng reflection fT := reflect.TypeOf(Foo{}) fV := reflect.New(fT) m := fV.MethodByName("Hello") if m.IsValid() { m.Call(nil) } Java Sau đây là ví dụ trong Java:import java.lang.reflect.Method; // Không dùng reflection Foo foo = new Foo(); foo.hello(); // Dùng reflection try { Object foo = Foo.class.getDeclaredConstructor().newInstance(); Method m = foo.getClass().getDeclaredMethod("hello", new Class<?>[0]); m.invoke(foo); } catch (ReflectiveOperationException ignored) {} JavaScript Sau đây là ví dụ trong Javascript:// Không dùng reflection const foo = new Foo() foo.hello() // Dùng reflection const foo = Reflect.construct(Foo) const hello = Reflect.get(foo, 'hello') Reflect.apply(hello, foo, []) // Dùng eval eval('new Foo().hello()') Julia Sau đây là ví dụ trong Julia:julia> struct Point x::Int y end # Tra duyệt bằng reflection julia> fieldnames(Point) (:x, :y) julia> fieldtypes(Point) (Int64, Any) julia> p = Point(3,4) # Truy cập bằng reflection julia> getfield(p, :x) 3 Objective-C Sau đây là ví dụ trong Objective-C, ngầm định rằng code đang sử dụng framework OpenStep hoặc Foundation Kit:// lớp Foo. @interface Foo : NSObject - (void)hello; @end // Gửi "hello" tới instance Foo, không dùng reflection. Foo *obj = [[Foo alloc] init]; [obj hello]; // Gửi "hello" tới instance Foo, có dùng reflection. id obj = [[NSClassFromString(@"Foo") alloc] init]; [obj performSelector: @selector(hello)]; Perl Sau đây là ví dụ trong Perl:# Không dùng reflection my $foo = Foo->new; $foo->hello; # hoặc Foo->new->hello; # Dùng reflection my $class = "Foo" my $constructor = "new"; my $method = "hello"; my $f = $class->$constructor; $f->$method; # hoặc $class->$constructor->$method; # Dùng eval eval "new Foo->hello;"; PHP Sau đây là ví dụ trong PHP:// Không dùng reflection $foo = new Foo(); $foo->hello(); // Dùng reflection, thông qua Reflections API $reflector = new ReflectionClass('Foo'); $foo = $reflector->newInstance(); $hello = $reflector->getMethod('hello'); $hello->invoke($foo); Python Sau đây là ví dụ trong Python:# Không dùng reflection obj = Foo() obj.hello() # Dùng reflection obj = globals()["Foo"]() getattr(obj, "hello")() # Dùng eval eval("Foo().hello()") R Sau đây là ví dụ trong R:# Không dùng reflection, coi như foo() trả về đối tượng kiểu S3 có mang phương thức "hello" obj <- foo() hello(obj) # Dùng reflection class_name <- "foo" generic_having_foo_method <- "hello" obj <- do.call(class_name, list()) do.call(generic_having_foo_method, alist(obj)) Ruby Sau đây là ví dụ sử dụng Ruby:# Không dùng reflection obj = Foo.new obj.hello # Dùng reflection class_name = "Foo" method_name = :hello obj = Object.const_get(class_name).new obj.send method_name # Dùng eval eval "Foo.new.hello" Xojo Sau đây là ví dụ sử dụng Xojo:' Không dùng reflection Dim fooInstance As New Foo fooInstance.PrintHello ' Dùng reflection Dim classInfo As Introspection.Typeinfo = GetTypeInfo(Foo) Dim constructors() As Introspection.ConstructorInfo = classInfo.GetConstructors Dim fooInstance As Foo = constructors(0).Invoke Dim methods() As Introspection.MethodInfo = classInfo.GetMethods For Each m As Introspection.MethodInfo In methods If m.Name = "PrintHello" Then m.Invoke(fooInstance) End If Next
Hangeul (, cách gọi của Hàn Quốc ) hay Choson'gul (, cách gọi của Bắc Triều Tiên ), cũng được gọi là Chữ Triều Tiên hay Chữ Hàn Quốc là một bảng chữ cái tượng thanh của người Triều Tiên dùng để viết Tiếng Triều Tiên, khác với hệ thống vân tự ngữ tố Hanja mượn từ chữ Hán. Thoạt nhìn, Hangul trông có vẻ như kiểu chữ biểu ý hay tượng hình, nhưng thực sự nó là chữ biểu âm. Mỗi đơn vị âm tiết của Hangul bao gồm ít nhất hai trong số 24 tự mẫu (chamo): 14 phụ âm và 10 nguyên âm. Trong lịch sử, bảng chữ cái tiếng Triều Tiên có một số nguyên âm và phụ âm nữa. (Xem Chamo không dùng nữa.) Tên gọi Tên chính thức Thời kỳ Nhà Triều Tiên, Hangul có tên gọi ban đầu là Huấn dân chính âm (훈민정음; Hunminjŏngŭm; 訓民正音). (Xem Lịch sử) Tên gọi hiện nay Hangul (한글, chữ Hàn) được Ju Si-gyeong đưa ra năm 1912 vừa có nghĩa là "đại văn tự" trong tiếng Triều Tiên cổ và "văn tự Triều Tiên" trong tiếng Triều Tiên hiện đại. Nó không thể viết bằng chữ Hán được, mặc dù âm tiết đầu, Han (한), nếu dùng theo nghĩa là "Triều Tiên", thì có thể viết là 韓 (Hàn). Theo Bảng mẫu tự phiên âm quốc tế (IPA), nó được đọc là , và được phiên âm Latinh hóa thành các dạng sau: Hangeul, hay Han-geul, theo phương pháp phiên âm Latinh cải tiến tiếng Triều Tiên mà chính phủ Hàn Quốc sử dụng và khuyến khích sử dụng trong mọi văn bản bằng tiếng Anh. Nhiều tài liệu gần đây đã chọn cách viết này. Han'gŭl theo phương pháp phiên âm McCune-Reischauer. Khi dùng trong tiếng Anh thì thông thường các dấu phụ bị loại bỏ và trở thành Hangul, hay đôi khi cũng không viết hoa là hangul. Cách viết này xuất hiện trong nhiều từ điển tiếng Anh. Hankul theo phương pháp phiên âm Latinh hóa kiểu Yale, một cách viết phổ biến nữa trong các từ điển tiếng Anh. Ở Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, nó được gọi là Choson'gul (조선글), xem các nguyên nhân liên quan đến các tên gọi khác nhau về Triều Tiên. Các tên khác Chính âm, tên gọi ngắn cho Huấn dân chính âm (Xem Lịch sử) Urigeul (우리글 "chữ viết chúng ta") được dùng cả ở miền Nam và Bắc Triều Tiên, nhưng người không phải Triều Tiên không sử dụng. Cho tới đầu thế kỷ XX, những nho sĩ và quý tộc vẫn chuộng chữ Hán và thường bài bác Hangul, họ hay gọi bảng chữ cái với những tên như là: Ngạn văn (언문 諺文, nghĩa là "chữ viết thô tục"). Amkeul (암클 "chữ viết đàn bà"), nguyên do là nữ giới thường dùng loại chữ này. 암- (có lẽ xuất phát từ chữ 陰 "âm" là tiền tố chỉ giống cái). Ahaegeul (아해글 "chữ viết trẻ con") vì những đứa trẻ không thể học chữ Hán cũng hay dùng Hangul. Và một số tên gọi khác như: Achimgeul (아침글 "chữ viết học trong vòng một buổi sáng") Quốc văn (국문, , gukmun) Tuy nhiên, việc sử dụng chữ Hán tại Hàn Quốc ngày càng hiếm kể từ vài thập kỷ nay, và tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên thì bị cấm hẳn, do vậy các tên gọi này ngày nay chỉ ghi nhận trong lịch sử mà không còn dùng nữa. Lịch sử Hangul được vị vua thứ tư của nhà Triều Tiên là Triều Tiên Thế Tông (1418-1450) sáng tạo với sự góp sức của các nhân sĩ trong Tập hiền điện (集賢殿, 집현전. Chiphyŏnjŏn). Cũng có một số chi tiết cho thấy vua Thế Tông có lẽ được các thành viên vương tộc hỗ trợ và làm việc trong vòng bí mật vì gặp phải phản đối của tầng lớp trí thức ưu tú. Hệ thống chữ viết này hoàn thành vào cuối tháng 12 năm 1443 hoặc tháng 1 năm 1444, và ấn bản năm 1446 trong một tài liệu có tựa Huấn dân chính âm (Hunmin Jeong-eum) và đó cũng là tên của hệ thống ký tự mới này. Ở Hàn Quốc, ngày ấn bản của Huấn dân chính âm, 9 tháng 10, là một ngày lễ mang tên ngày Hangul tại Hàn Quốc. Tại CHDCND Triều Tiên đó là ngày 15 tháng 1. Một huyền thoại xưa kể rằng vua Thế Tông nhận ra các chữ viết này sau khi tìm hiểu một ma trận phức tạp, nhưng điều võ đoán này không còn giá trị nữa từ khi một tài liệu viết năm 1446 có tên gọi Huấn dân chính âm giải lệ (Hunminjŏngŭm Haerye) được phát hiện vào năm 1940. Tài liệu này giải thích cặn kẽ vì sao những chữ cái này được thiết kế. (Xem Thiết kế chamo.) Vua Thế Tông giải thích việc ông tạo ra chữ viết mới là vì chữ Hán (Hancha) dùng cho các văn bản tiếng Triều Tiên thường không chính xác và khó phổ cập cho tầng lớp bình dân (Huấn dân chính âm có nghĩa là "Âm chuẩn để giáo dục dân"), vì vậy người dân cần có một thứ chữ mới giúp nhanh chóng và dễ dàng xóa nạn mù chữ của họ. Huấn dân chính âm giải lệ viết rằng, một người thông minh có thể học xong bảng chữ cái trong vòng một buổi sáng, còn những người khù khờ thì cũng chỉ cần mười ngày. Vào thời điểm đó, chỉ có những người đàn ông thuộc tầng lớp quý tộc (lưỡng ban) (yangban 兩班) mới được học đọc và viết Hanja. Và vì toàn bộ văn bản viết bằng Hanja nên đa số người Triều Tiên đều mù chữ. Hangul bị tầng lớp trí thức ưu tú phản đối kịch liệt, cho rằng chỉ có Hancha mới là chữ viết hợp pháp duy nhất, đồng thời họ cũng e sợ địa vị xã hội và chính trị của họ sẽ bị bảng chữ cái đe dọa. Những phản đối của Thôi Vạn Lý (崔萬里, 최만리, Ch'oe Malli) và các nhà hủ Nho khác vào năm 1444 là một ví dụ cụ thể. Dầu sao thì hệ thống ký tự mới này nhanh chóng phổ biến rộng rãi trong nhân dân, nhất là nữ giới và những nhà văn tầng lớp dưới. Tuy nhiên sau đó triều đình thờ ơ hơn với Hangul. Trước tình hình người dân có thể nhanh chóng truyền đi các thông tin "nguy hiểm" thông qua hệ thống ký tự bảng chữ cái, Yên San Quân (1494-1506), vị vua thứ 10 của nhà Triều Tiên cấm việc học và sử dụng Hangul cũng như cấm hẳn các tài liệu về nó vào năm 1504, và vua Trung Tông (1506-1544) xóa bỏ luôn Bộ Hanja vào năm 1506. Đến lúc này chỉ có phụ nữ và những người không được học hành tử tế mới dùng Hangul. Tuy nhiên, không lâu sau đó, vào cuối thế kỷ XVI Hangul trở nên thịnh đạt dần cùng với sự phát triển của hai trào lưu thi ca là Kasa (歌詞) và Sijo (時調). Trong thế kỷ XVII, các tiểu thuyết viết bằng Hangul trở thành "mốt", mặc dù việc sử dụng bảng chữ cái vẫn chưa được xem là hợp pháp. Vào cuối thế kỷ XIX, chủ nghĩa dân tộc Triều Tiên phát triển mạnh mẽ khi Nhật Bản muốn tách Triều Tiên ra khỏi vùng ảnh hưởng của Trung Quốc. Hangul từ đó trở thành một biểu tượng quốc gia dân tộc đối với một số nhà cách mạng. Cuộc cải cách Giáp Ngọ (갑오 개혁) do các nhà chính trị theo Nhật khởi xướng đưa đến việc bảng chữ cái được chọn dùng trong các tài liệu chính thức lần đầu tiên vào năm 1894. Nó được dạy trong các trường phổ thông vào năm 1895, và vào năm 1896 tờ báo Độc lập tân văn (獨立新聞, 독립신문, Tongnip Sinmun) viết bằng tiếng Anh và Hangul ra đời. Sau khi Triều Tiên bị Nhật Bản thôn tính vào năm 1910, Hangul vẫn được dạy tại các trường học kèm với tiếng Nhật, tuy nhiên sau đó bị cấm vì chính sách đồng hóa văn hóa của Nhật Bản. Chamo Chamo (자모; 字母 (tự mẫu, nghĩa là "chữ cái") hay natsori (낱소리) nghĩa là các chữ cái cấu thành Hangul. Có tất cả 51 chamo, trong đó 24 chữ tương đương với các chữ cái của bảng chữ cái Latinh. 27 chữ còn lại là các chữ phức gồm hai, đôi khi ba chamo. Trong 24 chamo đơn thì 14 là phụ âm (cha-ŭm 자음, 子音 - tử âm) và 10 là nguyên âm (mo-eum 모음, 母音 - mẫu âm). Năm phụ âm đơn được nhân đôi để tạo thành năm phụ âm thời thái (xem dưới đây), trong khi đó 11 chữ phức khác được cấu thành từ hai phụ âm khác nhau. Mười nguyên âm chamo có thể được kết hợp để tạo thành 11 nguyên âm đôi. Dưới đây là bảng tóm tắt: Các chamo đang được sử dụng: 14 phụ âm đơn: ㄱㄴㄷㄹㅁㅂㅅㅇㅈㅊㅋㅌㅍㅎ. 5 phụ âm kép: ㄲㄸㅃㅆㅉ. 11 phức từ phụ âm: ㄳㄵㄶㄺㄻㄼㄽㄾㄿㅀㅄ> 6 nguyên âm đơn: ㅏㅓㅗㅜㅡㅣ 4 nguyên âm đơn ngạc hóa bằng y: ㅑㅕㅛㅠ 11 nguyên âm đôi: ㅐㅒㅔㅖㅘㅙㅚㅝㅞㅟㅢ Các chamo không còn được sử dụng: Những phụ âm đơn không dùng nữa là ㅿㆁㆆㅱㅸㆄ Những phụ âm kép không dùng nữa là ㅥㆀㆅㅹ Những phức từ không dùng nữa là ㅦㅧㅨㅪㅬㅭㅮㅯㅰㅲㅳㅶㅷㅺㅻㅼㅽㅾㆂㆃ, và phức từ ba ㅩㅫㅴㅵ Nguyên âm không dùngㆍ Các nguyên âm đôi không dùng ㆎㆇㆈㆉㆊㆋㆌ Bốn trong số các nguyên âm đơn chamo phái sinh bằng một dấu ngắn để chỉ ngạc hóa (với y đằng trước): ㅑ ya, ㅕ yeo, ㅛ yo và ㅠ yu. Bốn nguyên âm này được tính trong 24 chamo đơn vì dấu ngạc hóa bằng y nằm ngoài văn cảnh không thể hiện y. Trên thực tế, những nguyên âm với dấu y không được coi là chamo riêng biệt. Đối với những phụ âm đơn, ㅊ chieut, ㅋ kieuk, ㅌ tieut và ㅍ pieup là các từ phát sinh có âm bật hơi cấu thành lần lượt từ các phụ âm chính ㅈ jieut, ㄱ giyeok, ㄷ digeut và ㅂ bieup, thêm vào các dấu thể hiện âm hơi. Các phụ âm nhân đôi gồm hai phụ âm riêng biệt đặt song song nhau, bao gồm: ㄲ ssang-giyeok (kk: ssang- 쌍 "kép"), ㄸ ssang-digeut (tt), ㅃ ssang-bieup (pp), ㅆ ssang-siot (ss), và ㅉ ssang-jieut (jj). chamo nhân đôi không thể hiện phụ âm nhân đôi, mà thể hiện thời thái. Các âm của các chamo phụ âm đơn và đôi không phát âm được một mình trong văn bản thông thường. Về phân loại có ba loại chamo chính: Sơ thanh hay âm đầu (초성, 初聲, choseong): thanh mẫu của phụ âm trước nguyên âm. Loại này cũng bao gồm tất cả năm chamo nhân đôi. chamo câm ㅇ dùng để chỉ khi không có sơ thanh. Vị trí: đặt trên đầu, bên trái, hay góc trên bên trái của đơn vị âm tiết. Xem: Bảng phụ âm và nguyên âm Hangul#Sơ thanh Trung thanh hay âm giữa (중성, 中聲 jungseong): các nguyên âm bao gồm các nhân âm tiết. Vị trí: nằm giữa đơn vị âm tiết nếu có một chung thanh, nếu không sẽ nằm bên phải hoặc bên dưới. Xem danh sách các trung thanh tại #Thiết kế chamo nguyên âm Chung thanh hay âm cuối (종성, 終聲 jongseong): đuôi vần của phụ âm sau nguyên âm. Các chamo cơ bản có thể là chung thanh, và sơ thanh câm ㅇ đọc là ng ở vị trí cuối. Tuy nhiên, chỉ có chamo nhân đôi ㅆ (ss) và ㄲ (kk) là có thể ở cuối. Vị trí: đặt bên dưới, bên phải hay góc dưới bên phải của đơn vị âm tiết. Xem: Bảng phụ âm và nguyên âm Hangul#Chung thanh Thiết kế chamo Hangul là kiểu chữ viết duy nhất trên thế giới thuộc loại đặc trưng. Một ký tự có thể tương ứng một từ nên có thể được coi là kiểu chữ biểu ý (hay còn gọi là chữ tượng hình như trong trường hợp dùng hancha), hay thuộc kiểu âm tiết (như kana), hay thuộc kiểu chữ viết mẫu tự (tức là dùng một bảng chữ cái gồm có nhiều phụ âm và/hoặc nguyên âm như trong trường hợp này). Hangul còn hơn thế nữa khi phân biệt các tính chất ngữ âm như vị trí phát âm (môi, đầu lưỡi, vòm mềm, thanh hầu) cũng như cách phát âm (âm tắc, âm mũi, âm xuýt, âm hơi) đối với các chamo phụ âm, cũng như ngạc hóa (với âm y- đằng trước), hài hòa nguyên âm và biến đổi nguyên âm (umlaut) đối với các chamo nguyên âm. Chẳng hạn, chamo ㅌ t gồm có ba nét, mỗi nét đều có nghĩa: nét trên cùng để chỉ đó là âm tắc, như 응 ’, ㄱ g, ㄷ d, ㅂ b, ㅈ j, đều có cùng nét (chamo cuối là âm tắc xát, một chuỗi tắc-xát); nét giữa chỉ đó là âm hơi, như ㅎ h, ㅋ k, ㅍ p, ㅊ ch, cũng có nét này; và nét cong bên dưới để chỉ âm đầu lưỡi, như ㄴ n, ㄷ d, ㄹ l. Hai phụ âm, ㅇ và ㅁ, có cách phát âm kép, và có thể lần lượt dùng hai thành tố để miêu tả (/câm và /). Đối với chamo nguyên âm, nét chấm lúc trước (nay là nét gạch nối ngắn) cho biết nguyên âm đó có thể được ngạc hóa; nét này nếu được nhân đôi sẽ chỉ ngạc hóa thực sự (y-). Vị trí của nét này cho biết nguyên âm thuộc lớp hài hòa nguyên âm nào ("sáng" và "tối"). Đối với chamo hiện đại, một nét dọc thêm vào để chỉ umlaut, sinh ra ㅐ , ㅔ , ㅚ , ㅟ từ ㅏ , ㅓ , ㅗ , ㅜ . Tuy nhiên, đây không nằm trong ý đồ ban đầu của việc thiết kế kiểu chữ viết này mà là quá trình phát triển tự nhiên ban đầu từ đuôi nguyên âm đôi trong nguyên âm ㅣ. (v.d. ㅐ , ㅚ , v.v.) Thực ra, trong các giọng Triều Tiên, kể cả giọng chuẩn Seoul, một số vẫn còn là nguyên âm đôi. Mặc dù việc thiết kế ra chữ viết này có thể là kiểu đặc trưng, vì các lý do thực dụng mà nó được coi như bảng chữ cái. Chẳng hạn, chamo ㅌ không đọc như ba chữ đầu lưỡi-tắc-hơi, mà chỉ là phụ âm t. Cũng như vậy, nguyên âm đôi trước đây ㅔ được đọc như một nguyên âm độc lập e. Bên cạnh chamo, Hangul cũng dùng dấu phụ để chỉ dấu nhấn giọng (pitch accent). Một âm tiết với âm cao được đánh dấu chấm (·) bên trái của nó (khi viết theo chiều dọc); một âm tiết có âm lên cao được đánh hai dấu chấm (:). Những dấu này ngày nay không còn dùng nữa. Tuy vậy, mặc dù chiều dài nguyên âm là yếu âm vị quan trọng trong tiếng Triều Tiên, nó không thể hiện ra trong bảng chữ cái, ngoại trừ những âm tiết với âm lên cao thì bắt buộc phải có nguyên âm dài. Mặc dù chia sẻ một vài tính chất với mẫu tự Mông Cổ (Phagspa) (tức âm vị học Ấn ), như các quan hệ giữa các chamo cùng cơ quan phát âm và nguyên tắc lập bảng chữ cái của nó, các tính chất khác thì ảnh hưởng của chữ viết katakana Nhật Bản, như đơn vị âm tiết và các phụ âm cơ bản. Âm tắc không kêu không bật hơi như g cho ㄱ , d cho ㄷ , và b for ㅂ được coi là cơ bản trong tiếng Hàn, nhưng không có trong ngôn ngữ Ấn; cũng như âm xuýt s cho ㅈ và âm chảy (liquid consonant) l cho ㄹ . (ㅈ được phát âm là vào thế kỷ XV.) Trong Huấn dân chính âm, Thế Tông giải thích cách thiết kế các phụ âm theo theo hình dáng miệng khi phát âm (nguyên tắc ngữ âm học phát âm); còn nguyên âm thì theo nguyên tắc âm và dương cũng như hài hòa nguyên âm. Thiết kế chamo phụ âm Các mẫu tự cho phụ âm thuộc năm nhóm cơ quan phát âm, mỗi nhóm có một hình cơ bản, và các mẫu tự phát sinh từ những hình này bằng cách cho thêm vào các nét phụ. Các hình cơ bản mô hình hóa các bộ phận như lưỡi, vòm miệng, răng, và thanh môn sử dụng khi tạo âm thanh. Các tên Triều Tiên cho các nhóm này dùng thuật ngữ ngữ âm học truyền thống bằng tiếng Hán-Hàn. Âm vòm mềm (아음, 牙音 a-eum: "nha âm"): ㄱ g , ㅋ k Hình cơ bản: ㄱ là hình nhìn phía bên cạnh lưỡi khi kéo về phía vòm miệng mềm. (Để minh họa xin xem liên kết ngoài phía dưới.) Mẫu tự ㅋ phái sinh từ ㄱ, với một nét phụ thể hiện sự bật hơi. Âm đầu lưỡi (설음, 舌音 seol-eum: "thiệt âm"): ㄴ n , ㄷ d , ㅌ t , ㄹ r/l Hình cơ bản: ㄴ là hình nhìn bên cạnh đầu lưỡi khi kéo về phía ổ răng. Các mẫu tự phái sinh từ ㄴ được phát âm với cùng cách phát âm cơ bản. Nét trên của ㄷ thể hiện sự kết nối chặt với vòm miệng. Nét giữa của ㅌ thể hiện sự bật hơi. Nét trên của ㄹ thể hiện một âm vỗ của lưỡi. Âm đôi môi (순음, 唇音 sun-eum: "thần âm"): ㅁ m , ㅂ b , ㅍ p Hình cơ bản: ㅁ thể hiện viền ngoài của đôi môi. Nét trên của ㅂ thể hiện sự bật ra của b. Nét trên của ㅍ thể hiện sự bật hơi. Âm xuýt (치음, 齒音 chieum: "xỉ âm"): ㅅ s , ㅈ j , ㅊ ch Hình cơ bản: ㅅ ban đầu có hình như một mũi nhọn ʌ, không có chân chữ (serif) phía trên. Nó thể hiện hình nhìn bên cạnh của răng. Nét trên trong ㅈ thể hiện sự kết nối với vòm miệng. Nét trên trong ㅊ thể hiện thêm một âm bật hơi. Âm thanh hầu (후음, 喉音 hueum: "hầu âm"): ㅇ ng , ㅎ h Hình cơ bản: ㅇ là đường viền của thanh môn. Ban đầu ㅇ là hai mẫu tự, một vòng đơn thể hiện sự câm lặng (âm trống), và một vòng tròn phía trên có nét sổ dọc phía trên, ㆁ, thể hiện âm mũi ng. Mẫu tự nay không dùng nữa là ㆆ, thể hiện âm tắc thanh hầu (glottal stop), được phát âm trong thanh môn và được đóng lại thể hiện bằng nét trên, như ㄱㄷㅈ. Phái sinh từ ㆆ là ㅎ, trong đó nét dùng thêm thể hiện sự bật hơi. Thuyết ngữ âm gắn với sự phái sinh của âm tắc thanh hầu ㆆ và âm hơi ㅎ từ ㅇ chính xác hơn cách dùng IPA hiện đại. Trong IPA, các âm thanh hầu đặt ở vị trí như thể có một vị trí phát âm "thanh hầu" nào đó. Tuy nhiên, một thuyết ngữ âm gần đây cho thấy âm tắc thanh hầu và [h] là những đặc trưng riêng biệt của 'âm tắc' và 'âm hơi' mà không có một vị trí phát âm thực sự, như trong các cách phát âm dựa trên ký hiệu vòng ㅇ. Thiết kế chamo nguyên âm Các mẫu tự nguyên âm được thiết kế dựa trên ba yếu tố: Một nét ngang thể hiện Mặt Đất bằng phẳng, tức yếu tố âm. Một chấm thể hiện Mặt Trời, tức yếu tố dương. (Chấm này trở thành nét sổ ngắn khi viết bằng bút lông.) Một nét thẳng thể hiện Con người đứng thẳng, trung tố điều hòa cả âm và dương. Các chấm (ngày nay là các nét gạch ngắn) được thêm vào ba yếu tố cơ bản này để phái sinh thêm các chamo nguyên âm đơn khác. Nguyên âm đơn Mẫu tự ngang: đây là các mẫu tự nguyên âm sau. ㅗ o (đọc là ô) ㅜ u ㅡ eu (ŭ, đọc là ư) Mẫu tự đứng: đây từng là các mẫu tự nguyên âm trước. (ㅓ eo đã chuyển về vị trí sau của miệng, đọc là ơ hay o) ㅏ a ㅓ eo (ŏ, đọc là o hay ơ) ㅣ i Chamo phức. Hangul không bao giờ có một âm w, ngoại trừ theo từ nguyên học Hán-Hàn. Vì o hay u trước a hay eo thành âm , mà không có ở đâu khác, có thể được phân tích như một o hay u âm vị, như vậy không cần mẫu tự cho . Tuy nhiên, cần tuân theo luật hài hòa nguyên âm ở đây: ㅜ âm với ㅓ âm; ㅏ dương với ㅗ dương. Mặt khác, chamo phức kết thúc bằng ㅣ i ban đầu là các nguyên âm đôi. Mặc dù vậy một số đã trở thành nguyên âm hoàn toàn. ㅐ = ㅏ + ㅣ (ai > ae) ㅔ = ㅓ + ㅣ (ei > e) ㅘ = ㅗ + ㅏ (oa > wa) ㅙ = ㅗ + ㅏ + ㅣ (oai > wae) ㅚ = ㅗ + ㅣ (oi > oe) ㅝ = ㅜ + ㅓ (ue > weo) ㅞ = ㅜ + ㅓ + ㅣ (uei > uê) ㅟ = ㅜ + ㅣ (ui > uy) ㅢ = ㅡ + ㅣ (ưi > ī) Nguyên âm ngạc hóa: không có chamo y- trong hệ Latinh. Thay vào đó, âm này thể hiện bằng cách nhân đôi nét nối vào nét gốc. ㅑ = ㅏ + một nét ㅕ = ㅓ + một nét ㅛ = ㅗ + một nét ㅠ = ㅜ + một nét ㅒ = ㅐ + một nét ㅖ = ㅔ + một nét Người ta dùng hai phương pháp để tổ chức và phân loại các nguyên âm này là hài hòa nguyên âm và ngạc hóa y. Trong bảy nguyên âm, bốn có thể có âm y- đằng trước ("ngạc hóa y"). Bốn nguyên âm này được viết với một nét ngang cạnh một nét dọc: ㅓㅏㅜㅗ. (Do ảnh hưởng của thư pháp Trung Hoa, các chấm trở thành gạch nối như thế.) Ngạc hóa khi đó thể hiện bằng cách nhân đôi các nét gạch ngang này: ㅕㅑㅠㅛ. Ba nguyên âm còn lại không ngạc hóa được thì được viết bằng nét gạch đơn: ㅡㆍㅣ. Tiếng Triều Tiên giai đoạn này có hài hòa nguyên âm hơn ngày nay rất nhiều. Nguyên âm thay đổi tuỳ theo môi trường của chúng, và thuộc vào các nhóm "điều hòa". Điều này ảnh hưởng đến hình thái học của tiếng này, và âm vị học của tiếng Triều Tiên được miêu tả theo âm và dương: nếu một từ có nguyên âm dương ('sáng'), thì hầu hết các hậu tố cũng phải có một nguyên âm dương; tương tự, nếu một gốc có nguyên âm âm ('tối'), thì các hậu tố cũng cần âm. Có một nhóm thứ ba là nhóm "điều hòa" ('trung tính' theo thuật ngữ Tây phương) có thể đã tồn tại cùng với các nguyên âm âm hoặc dương. Nguyên âm trung tính trong tiếng Triều Tiên là ㅣ i. Các nguyên âm âm là ㅡㅜㅓ eu, u, eo; các chấm là theo các hướng âm là 'xuống dưới' và 'sang trái'. Các nguyên âm dương là ㆍㅗㅏ, ə, o, a, các chấm theo hướng dương là 'lên trên' và 'sang phải'. Như trình bày ở trên, Hunmin Jeong-eum (Huấn dân chính âm) nói rằng các hình của các chamo không có chấm ㅡㆍㅣ cũng được chọn để thể hiện khái niệm âm, dương, và điều hòa. (Dấu chấm ㆍ ə ngày nay không còn dùng nữa.) Còn có một tham số thứ ba để thiết kế chamo nguyên âm là: chọn ㅡ là hình cơ bản của ㅜ và ㅗ, cũng như ㅣ là hình cơ bản của ㅓ và ㅏ. Để hiểu thấu đáo được những đặc tính chung của các nét gạch dọc và ngang này cần hiểu phát âm chính xác của những nguyên âm này vào thế kỷ thứ XV. Cách phát âm không chắc chắn chủ yếu đối với các chamo ㆍㅓㅏ. Một vài nhà ngôn ngữ học lần lượt dựng lại các nguyên âm này thành ; một số khác thì thành . Tuy nhiên, các chamo có nét sổ ngang ㅡㅜㅗ thì có vẻ như đều đã là nhưng nguyên âm sau hay nguyên âm giữa, . Thuyết của Ledyard về thiết kế chamo phụ âm Có một số thuyết về nguồn gốc chữ viết Hangul mà vua Thế Tông tạo ra. Mặc dù chưa được công nhận rộng rãi nhưng giáo sư Gari Ledyard thuộc Đại học Columbia cho rằng có năm phụ âm phái sinh từ bảng chữ cái tiếng Mông Cổ Phagspa từ thời nhà Nguyên, còn phần còn lại thì phát sinh từ bên trong như trong Huấn dân chính âm miêu tả. Tuy thế, các phụ âm cơ bản này không phải là những mẫu tự có hình họa đơn giản nhất trong Huấn dân chính âm, mà là phụ âm cơ bản trong âm vị học tiếng Trung Quốc. Huấn dân chính âm nói rằng vua Thế Tông đã phỏng theo "Cổ triện" 古篆 để tạo ra Hangul. Nghĩa chính của 古 là cổ không được các nhà triết học quan tâm vì bảng chữ cái không có giống chức năng với triện tự 篆字 Trung Quốc. Tuy nhiên, 古 cũng còn có thể là cách chơi chữ dựa trên chữ Mông Cổ 蒙古, và 古篆 có thể là cách viết tắt của 蒙古篆字 "Mông Cổ triện tự", nghĩa là một biến thể của bảng mẫu tự Phagspa được viết cho giống chữ triện Trung Hoa. Chắc chắn là có các bản thảo Phagspa trong thư viện hoàng gia Triều Tiên, và một vài vị đại quan của Thế Tông đọc được tốt chữ viết này. Nếu đúng thế thì sự lảng tránh của vua Thế Tông về mối liên hệ với Mông Cổ có thể thông hiểu khi xem xét quan hệ của Triều Tiên với nhà Minh Trung Quốc sau khi nhà Nguyên sụp đổ, cũng như giới trí thức khinh miệt coi người Mông Cổ như "mọi rợ". Theo Ledyard, năm mẫu tự mượn đơn giản nhất về hình họa cho phép tạo ra các chamo phức và để chỗ để phái sinh ra các âm tắc hơi ㅋㅌㅍㅊ. Nhưng ngược lại với cách truyền thống, các âm không tắc (ng ㄴㅁ và ㅅ) phái sinh bằng cách bỏ các nét trên của các mẫu tự này. Dù dễ dàng phái sinh ㅁ từ ㅂ bằng cách bỏ nét trên, nhưng phái sinh ㅂ từ ㅁ không dễ vì ㅂ không tương tự như các âm tắc khác. Cách giải thích về âm ng cũng khác so với cách truyền thống. Nhiều từ Trung Hoa bắt đầu bằng âm ng, nhưng vào thời vua Thế Tông, âm ng hoặc là câm hoặc là được phát âm là tại Trung Hoa, và trở thành âm câm khi tiếng Triều Tiên mượn các từ này. Hình họa của âm ng (nét sổ đứng bên trái bằng cách bỏ nét trên của ㄱ) lẽ ra cũng trông tương tự nhu nguyên âm ㅣ . Giải pháp của Thế Tông đã giải quyết cả hai vấn đề: nét sổ dọc từ ㄱ được thêm vào ký hiệu vòng ㅇ để tạo thành ᇰ (một vòng tròn với một dọc đứng bên trên), mang cả âm ở giữa và cuối từ, và ở đầu từ thì câm. (Ngày này giữa ㅇ và ᇰ không còn khác sự biệt.) Thêm vào đó, cách tạo ra các mẫu tự không dùng nữa ᇢᇦᇴ w, v, f (dùng cho sơ thanh tiếng Trung vi phi phu 微非敷), bằng cách thêm một vòng tròn nhỏ dưới ㅁㅂㅍ (m, b, p), tương tự như thêm vòng nhỏ vào ba biến thể của h trong Phagspa. Trong Phagspa, vòng này cũng thể hiện w sau các nguyên âm. Sơ thanh tiếng Trung 微 vi dùng để chỉ âm m hoặc w trong các phương ngôn khác nhau, và điều này cũng được phản ánh trong việc chọn ㅁ [m] với ㅇ (trong [w] Phagspa) là các thành phần của bảng chữ cái ᇢ, cho các mẫu tự khác cấu thành từ hai thành tố để ghi nhận hai cách phát âm địa phương. Cuối cùng, đa phần các mẫu tự của Hangul mượn cấu trúc hình học đơn giản, ít nhất là lúc ban đầu, nhưng ㄷ d [t] luôn có một hình môi nhỏ nhô ra từ góc trên bên trái, giống như mẫu tự Phagspa d [t]. Tính chất này có thể thấy trong mẫu tự tiếng Tạng d, ད. Thứ tự chamo Hangul không để lẫn phụ âm và nguyên âm như các bảng chữ cái Tây phương (bảng chữ cái Latinh và bảng chữ cái Cyrill). Thay vào đó, thứ tự là theo kiểu Ấn, đầu tiên là các phụ âm vòm mềm, sau đó là âm đầu lưỡi, âm môi, âm xuýt, v.v. Tuy nhiên, các phụ âm đặt trước nguyên âm chứ không phải là sau như trong tiếng Phạn và tiếng Tạng. Thứ tự hiện nay do Thôi Thế Trân (崔世珍, Ch'oe Sejin) đưa ra và năm 1527. Việc này có trước khi có các phụ âm thời thái và các chamo kép thể hiện chúng. Sự hợp hai mẫu tự ㅇ và ㆁ cũng chỉ có sau khi thiết lập thứ tự bảng chữ cái hiện nay. Do vậy, khi các chính quyền Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên chính thức đưa bảng chữ cái vào dùng rộng rãi thì họ đã sắp thứ tự khác hẳn nhau: phía Hàn Quốc thì nhóm các mẫu tự tương đồng vào cùng nhóm, còn Triều Tiên thì đặt các mẫu tự mới vào cuối bảng. Trật tự tại Hàn Quốc Thứ tự hiện nay của các chamo phụ âm là: ㄱ ㄲ ㄴ ㄷ ㄸ ㄹ ㅁ ㅂ ㅃ ㅅ ㅆ ㅇ ㅈ ㅉ ㅊ ㅋ ㅌ ㅍ ㅎ Chamo phụ âm kép được đặt ngay sau chamo đơn mà chúng dựa trên. Không phân biệt giữa ㅇ câm và ㅇ giọng mũi. Thứ tự của chamo nguyên âm là: ㅏ ㅐ ㅑ ㅒ ㅓ ㅔ ㅕ ㅖ ㅗ ㅘ ㅙ ㅚ ㅛ ㅜ ㅝ ㅞ ㅟ ㅠ ㅡ ㅢ ㅣ Các nguyên âm đơn trước, với các mẫu tự phái sinh tùy theo thể của chúng: đầu tiên là thêm i, sau đó ngạc hóa, rồi đến ngạc hóa với i thêm vào. Nguyên âm đôi bắt đầu bằng w- được xếp thứ tự tùy theo phát âm của nó là ㅏ hay ㅓ với một nguyên âm thứ hai, không như các hai chữ một âm (digraph) riêng biệt. Trật tự tại Triều Tiên Triều Tiên áp dụng một trật tự cổ truyền. Thứ tự hiện nay của các chamo phụ âm là: (rỗng) ㄱ ㄴ ㄷ ㄹ ㅁ ㅂ ㅅ ㅇ ㅈ ㅊ ㅋ ㅌ ㅍ ㅎ ㄲ ㄸ ㅃ ㅆ ㅉ (ㅇ rỗng) Mẫu tự ㅇ đầu tiên là ㅇ ng âm mũi, là âm cuối trong tiếng Triều Tiên hiện nay. ㅇ nếu dùng ở đầu một từ thì lại đặt sau ㅉ vì nó là một mẫu tự giữ chỗ. Lưu ý là các mẫu tự "mới" tức là các phụ âm kép và nguyên âm phức, được đặt vào cuối bảng chữ cái, trước mẫu tự ㅇ rỗng, nhằm để tránh thay đổi thứ tự truyền thống đối với phần còn lại của bảng chữ cái. Thứ tự hiện nay của các chamo nguyên âm là: ㅏ ㅑ ㅓ ㅕ ㅗ ㅛ ㅜ ㅠ ㅡ ㅣ ㅐ ㅒ ㅔ ㅖ ㅚ ㅟ ㅢ ㅘ ㅝ ㅙ ㅞ Tất cả các chữ đôi một âm và ba chữ một âm (trigraph), gồm cả nguyên âm đôi cổ ㅐ và ㅔ, được đặt ngay sau các nguyên âm cơ bản, như vậy gần như duy trì thứ tự truyền thống trong bảng chữ cái của Thôi. Tên Chamo Trật tự bảng chữ cái được gọi là "trật tự ganada" (가나다 순), đặt theo ba chamo đầu (g, n, và d) nối vào nguyên âm đầu tiên (a). Chamo được Thôi Thế Trân đặt tên vào năm 1527. Triều Tiên đặt tên cho các mẫu tự khi chính thức sử dụng bảng chữ cái. Tên chamo phụ âm Sau đây là tên chính thức của các phụ âm hiện nay, các tên này có hai âm tiết và có phụ âm ở đầu lẫn cuối: Toàn bộ chamo ở Triều Tiên, cũng như tất cả chamo dùng tại Hàn Quốc trừ ba mẫu tự thuộc danh pháp cổ truyền, đều có tên gọi dưới dạng chữ cái + i + eu + chữ cái. Ví dụ, Thôi viết bieup với hancha 非 (bi, phi) 邑 (eup, ấp). Tên gọi của g, d, và s là ngoại lệ vì không có hancha cho euk, eut, và eus. 役 (yeok, dịch) được dùng thay cho euk. Cũng vì không có hancha kết thúc bằng t hay s, Thôi đã chọn hai hancha đọc theo chú giải tiếng Triều Tiên, 末 kkeut ("mạt" tức cuối) và 衣 os ("y" tức áo). Ban đầu, Thôi đặt tên cho j, ch, k, t, p, và h theo kiểu một âm tiết không theo quy tắc là ji, chi, ki, ti, pi, và hi, vì chúng không nên được dùng như phụ âm cuối như đặc tả trong Huấn dân chính âm. Tuy nhiên sau khi xác lập quy tắc chính tả mới vào năm 1933, trong đó cho phép tất cả các phụ âm có thể trở thành phụ âm cuối, thì các tên gội đã đổi thành dạng hiện nay. Phụ âm chamo kép đi trước tên phụ âm chính bằng các từ 쌍 ssang, nghĩa là "song" (đôi), hay 된 doen tại Triều Tiên nghĩa là "mạnh". Từ đó: Tại Triều Tiên, một cách nữa để gọi chamo là theo dạng tên mẫu tự + eu (ㅡ), ví dụ, 그 geu cho chamo ㄱ, 쓰 sseu cho chamo ㅆ, v.v. Tên chamo nguyên âm Tên các chamo nguyên âm đơn giản với phụ âm rỗng ㅇ ieung đặt trước nguyên âm đó: Chamo không dùng nữa Một số chamo ngày nay không dùng nữa, bao gồm các mẫu tự dùng để ghi các âm Triều Tiên không còn trong ngôn ngữ ngày nay nữa, cũng như các mẫu tự để ghi âm các bảng vần (韻圖) tiếng Trung Quốc mà chưa bao giờ còn dùng trong tiếng Triều Tiên. Một vài mẫu tự cổ hay gặp là, ㆍ hay 丶 ə (arae-a 아래아 "a thấp hơn"): đọc như IPA, gần giống eo ngày nay. Ə là dạng trung thanh trong nhóm, hoặc được thấy như nguyên âm đôi ㆎ area-ae. Từ ahə ("trẻ con"), ban đầu được viết bằng mẫu tự này, đã bị đổi thành ai (아이). ㅿ z (bansios 반시옷): một âm khá lạ, phát âm có lẽ như IPA (một âm xát vòm mũi hóa). ㆆ ’ (yeorin-hieuh 여린히읗 "hieuh nhẹ" hay doen-ieung 된이응 "ieung mạnh"): âm tắc cổ thanh hầu, "nhẹ hơn ㅎ và khàn hơn ㅇ". ㆁ ng (yet-ieung 옛이응): mẫu tự chamo nguyên thủy cho ; ngày này đã hợp vào với ㅇ ieung. (Trên vài phông chữ (fontface) trên máy tính, yet-ieung trông như phiên bản bẹt hơn của ieung, tuy thế dạng đúng của là với một đỉnh dài hơn trong bản có chân chữ của ieung.) ㅸ β (gabyeoun-bieup 가벼운비읍): IPA. Mẫu tự này trông có vẻ như dạng hai chữ một âm bieup và ieung, có thể phức tạp hơn. Trong phần này, có ba chamo ít phổ biến hơn dùng cho các âm trong bảng vần tiếng Trung Quốc, ᇢ w ([w] hay [m] IPA), ᇴ f, và ㅹ ff theo lý thuyết . Ngoài ra còn có hai chamo kép không dùng nữa là, ㆅ x (ssanghieuh 쌍히읗 "hieuh đôi"): hoặc IPA. ㆀ (ssang-ieung 쌍이응 "ieung đôi"): chamo khác dùng trong bảng vần. Trong hệ bảng chữ cái nguyên thể, chamo đôi dùng để ghi các phụ âm tiếng Trung Quốc "giọng đục" (thì thào), và không dùng cho tiếng Triều Tiên. Sau này một quy ước tương tự được đưa ra để ghi các phụ âm "thời thái".) Cũng có các phức từ phụ âm không còn tồn tại trong tiếng Triều Tiên nữa, như ㅴ bsg và ㅵ bsd, cũng như nguyên âm đôi chỉ được dùng để biểu đạt các trung thanh tiếng Trung như ㆇ, ㆈ, ㆊ, ㆋ. Một số chamo ghi các âm trong tiếng Triều Tiên cổ vẫn còn được vài phương ngữ của tiếng Triều Tiên sử dụng; trong khi các chamo để phiên tiếng Hán cổ thì mất dần theo thời gian. Cấu trúc âm tiết Ngoại trừ một số hình vị ngữ pháp được sử dụng vào buổi ban đầu của Hangul, không có chamo nào có thể đứng một mình để biểu diễn tiếng Hàn. Thay vào đó, chamo được nhóm thành từng đơn vị âm tiết chứa, ít nhất, một thanh mẫu ở đầu (sơ thanh) và một nhân âm tiết ở giữa (trung thanh). Khi một âm tiết không có phụ âm ở đầu, thì ký tự rỗng ㅇ ieung được dùng đệm vào. Không dùng âm đệm khi không có âm đuôi (chung thanh). Ký tự rỗng có nguồn gốc chỉ vì thế, nhưng vì cũng chỉ dùng để ở ví trí đầu, và phụ âm ng trở thành câm khi đứng đầu giống như khi thêm một gạch nhỏ vào ký tự rỗng, nên cả hai thường được xem là giống nhau. Các đơn vị âm tiết thường được tạo thành từ hai hay ba chamo: Hai chamo: sơ thanh (một phụ âm hay nhóm phụ âm, hay ký tự rỗng ㅇ) + trung thanh (một nguyên âm hay nguyên âm đôi) Ba chamo: sơ thanh + trung thanh + chung thanh (một phụ âm hay một nhóm phụ âm) Việc thay thế, hay "chồng" các chamo vào trong đơn vị âm tiết tuân theo tập quy luật sau: Thành phần của chamo phức được viết từ trái sang phải. Hai phần phức tạp nhất: ㅄ, ㅝ, v.v. (Các kết hợp đã lỗi thời thì phức tạp hơn: ㅵ, ㆋ, v.v.) Mọi nguyên âm Hangul hiện đại đều có hoặc một gạch dọc hoặc ngang. chamo nguyên âm dọc được viết bên phải của sơ thanh: ㅣ i. chamo nguyên âm ngang được viết bên dưới sơ thanh: ㅡ eu. Khi một chamo nguyên âm có cả thành phần ngang và dọc, nó sẽ bao quanh sơ thanh tính từ dưới sang bên phải: ㅢ ui. chamo cuối, nếu có một, được thêm vào ở dưới đáy. Điều này được gọi là 받침 batchim "nền hỗ trợ". Các đơn vị luôn được viết theo trật tự phát âm, sơ thanh-trung thanh-chung thanh. Vì vậy, Âm tiết với chamo nguyên âm ngang được viết trên xuống: 읍 eup. Âm tiết với chamo nguyên âm dọc và chung thanh đơn giản được viết theo chiều đồng hồ: 쌍 ssang. Âm tiết với chamo nguyên âm bao quanh có chiều là (xuống-phải-xuống): 된 doen. Âm tiết với âm cuối phức được viết từ trái sang phải ở đáy: 밟 balp. Đơn vị âm tiết tạo thành được viết trong hình nhữ nhật có cùng kích thước và hình dạng như một hancha, vì thế khi nhìn vào có thể nhầm lẫn là một Hán tự hancha. Không tính chamo đã lỗi thời, thì có khoảng 11,571 khối Hangul. Đã từng có vài thay đổi nhỏ trong thế kỷ XX khi bỏ đi các khối âm tiết và viết chamo riêng rẽ thành hàng ngang như phương Tây: ㄱㅡㄷ geut. Tuy nhiên, việc dùng khối đơn vị làm cho Hangul trở nên dễ đọc hơn, vì mỗi âm tiết có hình dạng duy nhất. Bây giờ phép chính tả của Hangul là trực quan (morphophonology) (xem ở dưới), nghĩa là các từ Hangul có hình dạng dễ nhận biết. Đây là một sự trợ giúp lớn người đọc; tương tự như vậy, lợi thế trong việc nhận dạng các từ giống nhau đã giúp cho kiểu chữ viết toàn phụ âm (abjad) Semit không cần tới nguyên âm trong cả nghìn năm. Trên thực tế, những người thường đọc tiếng Trung Quốc và tiếng Hàn thường cho rằng đọc các chuỗi các ký tự trong bảng chữ cái như tiếng Anh như thể đọc một bảng Morse, vì thế việc chuyển cách ghi tiếng Hàn sang dạng ngang không được nhiều người ủng hộ. Chính tả Mãi cho tới thế kỷ XX, chưa có phép chính tả chính thức nào được thiết lập. Do cách nối vần, sự đồng hóa mạnh phụ âm, các giọng địa phương khác nhau cùng nhiều lý do khác, một từ trong tiếng Hàn có thể có nhiều cách đánh vần. Vua Thế Tông có vẻ thích cách đánh vần đa âm vị (morphophonemic spelling) (thể hiện hình thái học bên dưới) hơn là dùng dạng đơn âm vị (thể hiện âm thanh thực sự). Tuy nhiên, vào thời kì đầu của nó, Hangul bị ảnh hưởng mạnh bởi cách đánh vần đơn âm vị. Trải qua hàng thế kỉ, phép chính tả đã dần trở thành đa âm, trước hết ở danh từ, sau đó đến động từ. Ngày nay trên thực tế, nó là chủ yếu đa âm vị. Các phát âm và dịch nghĩa: một người không thể làm được Phép chính tả đơn âm vị: 모타는사라미 Phép chính tả đa âm vị: 못하는사람이 Chú giải âm vị-âm vị: Sau cải cách Giáp Ngọ vào năm 1894, nhà Triều Tiên và sau này là Đế quốc Đại Hàn bắt đầu sử dụng Hangul trong mọi tài liệu chính thức. Dưới sự quản lý của triều đình, cách sử dụng đúng Hangul, bao gồm phép chính tả, được thảo luận mãi cho tới khi Hàn Quốc bị đô hộ (日韓併合條約) bởi Nhật Bản vào năm 1910. Triều Tiên Tổng Đốc Phủ (朝鮮総督府) người Nhật đã thiết lập cách viết kết hợp giữa Hancha và Hangul, giống chữ viết bên Nhật. Chính phủ đã chỉnh sửa lại cách đánh vần vào năm 1912, 1921 và 1930, để hướng về dạng đơn âm vị. Hiệp hội Hangul do Ju Si-gyeong sáng lập đã đề nghị một phép chính tả mới, mạnh về đa âm vị (morphophonemic) vào năm 1933, và đã trở thành khuôn mẫu cho các phép chính tả hiện đại ở cả Bắc và Nam Triều Tiên. Sau khi Triều Tiên chia đôi, phép chính tả ở phía Bắc và Nam đều có những sự thay đổi riêng rẽ. Sách hướng dẫn chính tả bảng chữ cái được gọi là Hangeul matchumbeop, được chỉnh sửa lần cuối ở Hàn Quốc và được Bộ Giáo dục phát hành là vào năm 1988. Cách viết pha trộn Vào thời Nhật Bản đô hộ, hanja được dùng cho các gốc từ vựng (danh từ và động từ), và bảng chữ cái cho các từ văn phạm và biến tố, cũng như kanji và kana dùng trong tiếng Nhật. Dù vậy, hancha bị cấm dùng hẳn tại CHDCND Triều Tiên, và ở Hàn Quốc thì chỉ được dùng trong ngoặc để chú giải tên riêng và để phân biệt các từ đồng âm khác nghĩa. Các chữ số Ả Rập cũng được dùng với Hangul, chẳng hạn 2005년 7월 5일 (ngày 5 tháng 7, năm 2005). Các chữ Latinh, đôi khi cũng có các mẫu tự trong các bảng chữ cái khác có thể tìm thấy trong các văn bản tiếng Triều Tiên với mục đích minh họa, hoặc các từ mượn chưa thể bản địa hóa được. Kiểu viết Hangul có thể viết dọc hoặc viết ngang. Kiểu viết truyền thống là theo kiểu Trung Quốc tức là viết từ trên xuống dưới và từ phải qua trái. Cách viết ngang theo kiểu viết Latinh được Ju Si-gyeong khởi xướng và ngày càng phổ biến. Trong Huấn dân chính âm, Hangul được in theo kiểu không chân (sans-serif) bằng các đường có góc cạnh với độ đầy đều đặn. Kiểu này thấy trong các sách ấn hành trước năm 1900, và có thể còn thấy trong các tượng hay cột chạm. Qua hàng thế kỷ, cách viết bằng bút lông theo kiểu thư pháp ngày càng dùng nhiều, với cách dùng nét và góc cạnh như thư pháp Trung Quốc. Kiểu viết này gọi là myeongjo (Chữ Hán: 明朝, Minh triều, Tiếng Nhật minchō), và ngày nay vẫn còn được dùng trong sách báo, tạp chí và phông chữ trong máy tính. Một kiểu không chân với các đường có độ dày đều đặn phổ biến hơn khi viết bằng bút chì hay bút mực và là kiểu chữ phổ biến trong các trình duyệt Web.
Viêm cơ tim là tình trạng viêm, hoại tử hoặc ly giải của tế bào cơ tim gây nên do nhiễm trùng, do bệnh mô liên kết, do nhiễm độc hoặc không rõ nguyên nhân. Các quá trình bệnh lý này ảnh hưởng đến cơ tim kèm hoặc không kèm theo triệu chứng toàn thân. Những biểu hiện thường gặp nhất là suy tim, tuy nhiên đôi khi rối loạn nhịp hoặc đột tử là biểu hiện đầu tiên của bệnh. Nhiễm virus là nguyên nhân thường gặp nhất của viêm cơ tim. Nguyên nhân và dịch tễ Tỷ lệ mắc bệnh của viêm cơ tim không được biết rõ do có nhiều trường hợp viêm cơ tim nhẹ nhàng tự khỏi nên người bệnh và gia đình không nhận thấy. Viêm cơ tim do virus thường xảy ra rải rác, tuy nhiên đôi khi cũng xảy thành dịch. Ở trẻ bú mẹ, viêm cơ tim do virus thường biểu hiện bằng viêm cơ tim cấp tính và rất trầm trọng. Ở trẻ nhỏ (2 đến 5 tuổi) bệnh cũng thường khởi đầu bằng viêm cơ tim cấp nhưng ít nặng nề hơn. Ở trẻ lớn hơn và thanh thiếu niên, bệnh thường không có triệu chứng và trẻ thường đến phòng khám khi đã có biểu hiện bệnh cơ tim giãn, thường là hậu quả của viêm cơ tim virus tiềm tàng trước đó. Tác nhân gây bệnh thường gặp nhất của viêm cơ tim là adenovirus và Coxsackie virus B cùng nhiều loại virus khác nữa. Sinh lý bệnh Viêm cơ tim do virus có thể biểu hiện bằng một tình trạng viêm rất đột ngột đặc trưng bằng sự tẩm nhuận tế bào viêm, thoái hóa và hoại tử tế bào cơ tim, sau đó là quá trình xơ hóa của cơ tim. Một hình thức khác của viêm cơ tim do virus là RNA hoặc DNA, vật chất di truyền của virus, có thể tồn tại lâu dài trong cơ tim. Cơ thể chống lại tình trạng này bằng những phản ứng miễn dịch thông qua sự hoạt hóa các tế bào lympho độc tế bào (cytotoxic lymphocytes) và tế bào giết tự nhiên (natural killer cells). Tuy nhiên những phản ứng miễn dịch này cùng với sự phát triển không bình thường của virus lại làm suy giảm chức năng cơ tim mà không có sự tiêu tế bào rõ rệt. Ngoài ra, sự tồn tại của virus có thể làm thay đổi sự biểu hiện kháng nguyên của phức hợp hòa hợp tổ chức chính (major histocompatibility complex) tạo nên sự phơi nhiễm của hệ miễn dịch với những kháng nguyên tân tạo. Sự giải phóng các cytokine như yếu tố ly giải khối u alpha (TNF alpha) và interleukin 1 cũng khởi động những thay đổi bất thường về đáp ứng miễn dịch của cơ thể. Hậu quả cuối cùng của các quá trình bệnh lý phức tạp trên thường là bệnh cơ tim giãn. Biểu hiện lâm sàng Biểu hiện lâm sàng tùy thuộc vào lứa tuổi trẻ bị bệnh và vào bản chất cấp tính hay mạn tính của tình trạng nhiễm virus. Trẻ sơ sinh thường biểu hiện bệnh bằng sốt, suy tim nặng, suy hô hấp, tím, tiếng tim nghe xa xăm, mạch yếu, nhịp nhanh, hở van hai lá do vòng van bị giãn rộng, nhịp ngựa phi, nhiễm toan và sốc. Các biểu hiện đi kèm có thể là viêm gan virus, viêm màng não nước trong, và nổi ban. Ở thể tối cấp, trẻ có thể tử vong trong vòng 1 đến 7 ngày kể từ khi khởi bệnh. X quang lồng ngực thường cho thấy tim to một cách bất thường, phù phổi. Đo điện tim có thể thấy nhịp nhanh xoang, điện thế phức hợp QRS giảm, bất thường về đoạn ST cũng như sóng T. Đôi khi rối loạn nhịp là biểu hiển đầu tiên của bệnh. Lúc này các triệu chứng như sốt và tim to gợi ý viêm cơ tim cấp. Ở trẻ lớn hơn viêm cơ tim cấp cũng có thể biểu hiện bằng suy tim xung huyết cấp nhưng thường gặp hơn là suy tim có tiến triển từ từ hoặc tình trạng nhịp nhanh thất xảy ra đột ngột. Ở những bệnh nhân này, tình trạng nhiễm virus cấp tính đã qua và thường đã có tình trạng bệnh cơ tim giãn. Xét nghiệm cận lâm sàng Tốc độ lắng máu là một trong những xét nghiệm phát hiện phản ứng viêm có thể tăng trong viêm cơ tim. Tuy nhiên tốc độ lắng máu có thể tăng trong rất nhiều tình trạng viêm và không do viêm khác. Đây là một xét nghiệm không đặc hiệu. Các men tim như creatine phosphokinase, lactate dehydrogenase, troponine T, CK-MB, SGOT (AST), SGPT (ALT) có thể tăng trong viêm cơ tim cấp và mạn tính. Tuy nhiên nếu các men này âm tính cũng không loại trừ được tình trạng viêm cơ tim. Kỹ thuật khuếch đại chuỗi polymerase (PCR: Polymerase Chain Reaction) có thể phát hiện được bộ gien của virus trong tế bào cơ tim nhưng không phát hiện được ở máu ngoại vi. Kỹ thuật này xác định được loại virus nào gây bệnh. Tuy nhiên đây là kỹ thuật đắt tiền không phải có sẵn ở các cơ sở y tế. Siêu âm tim phát hiện chức năng co bóp của cơ tim giảm rõ và thường có tràn dịch màng ngoài tim, hở van hai lá và không có tổn thương của mạch vành cũng như các bất thường bẩm sinh khác. Viêm cơ tim có thể phát hiện được bằng sinh thiết nội tâm mạc. Kỹ thuật này thường được thực hiện bằng thông tim. Sinh thiết nội tâm mạc cũng cho biết các nguyên nhân khác của bệnh cơ tim như bệnh tích trữ, khiếm khuyết ty lạp thể. Chẩn đoán phân biệt Các bệnh có thể có biểu hiện giống viêm cơ tim cấp là thiếu hụt carnitine, khiếm khuyết ty lạp thể do di truyền, bệnh cơ tim giãn vô căn, viêm ngoại tâm mạc, xơ chun hóa nội tâm mạc, các bất thường về động mạch vành. Điều trị Điều trị viêm cơ tim cấp liên quan đến những biện pháp hỗ trợ trong suy tim nặng. Nếu chức năng co bóp của cơ tim giảm cùng với hạ huyết áp hệ thống thì có thể dùng dopamine hoặc epinephrine. Tuy nhiên tất cả các thuốc gây co bóp tim, kể cả digoxin, đều phải được dùng hết sức thận trọng vì bệnh nhân viêm cơ tim dễ có khuynh hướng bị loạn nhịp với các thuốc này. Digoxin thường chỉ bắt đầu bằng một nửa liều thông thường. Nếu có tràn dịch màng ngoài tim gây chèn ép tim thì có thể phải chọc tháo dịch. Thuốc chống loạn nhịp đôi khi phải dùng tương đối mạnh thậm chí có thể phải dùng đến amiodarone đường tĩnh mạch. Ở trẻ lớn có thể đặt dụng cụ tạo nhịp hỗ trợ. vai trò của corticosteroid trong viêm cơ tim cấp chưa thống nhất. Đôi khi có thể dùng đến thuốc ức chế miễn dịch. Hiện tại các nghiên cứu về tác dụng của globuline miễn dịch trong điều trị viêm cơ tim cấp đang được tiến hành. Tiên lượng Tiên lượng của viêm cơ tim cấp do virus ở trẻ sơ sinh còn rất đen tối: tỷ lệ tử vong lên đến 75%. Những bệnh nhân có triệu chứng nhẹ nhàng hơn có thể có tiên lượng tốt hơn và y văn cũng đã miêu tả những trường hợp hồi phục hoàn toàn. Tiên lượng của trẻ lớn bị bệnh cơ tim giãn do nguyên nhân virus cũng không khả quan lắm. Những bệnh nhân này tiếp tục có biểu hiện cơ tim giãn, xơ hóa và suy biến chức năng của cơ tim. Ở người lớn có từ 5 đến 10% bệnh nhân tự lui bệnh. Tuy nhiên có đến 50% bệnh nhân chết trong vòng 2 năm và 80% bệnh nhân chết trong vòng 8 năm nếu không được thay tim.
Max Karl Ernst Ludwig Planck (23 tháng 4 năm 1858 – 4 tháng 10 năm 1947) là một nhà vật lý người Đức, được xem là người sáng lập cơ học lượng tử và do đó là một trong những nhà vật lý quan trọng nhất của thế kỷ 20. Ông đạt giải Nobel vật lý năm 1918. Cuộc đời và sự nghiệp Gia thế và niên thiếu Max Planck xuất thân từ một gia đình có truyền thống học thuật. Ông cố Heinrich Ludwig Planck (1785–1831) và ông nội Heinrich Ludwig Planck (1785–1831) là giáo sư ngành Thần học tại Göttingen. Bố của ông, Wilhelm Johann Julius Planck (1817–1900), là giáo sư ngành luật tại Kiel và München; người chú Gottlieb Planck (1824–1907) cũng là một luật sư, là một trong những người góp phần chủ yếu lập bộ Công dân luật (Bürgerliches Gesetzbuch, viết tắt BGB). Ông ra đời ngày 23 tháng 4 năm 1858 tại Kiel, là con của Johann Julius Wilhelm Planck và người vợ thứ hai là Emma Patzig (1821–1914); ông có bốn anh chị em ruột (Hermann, Hildegard, Adalbert và Otto), cũng như hai anh chị cùng cha khác mẹ (Hugo và Emma) đời vợ trước của Johann Julius Wilhelm Planck. Ông sống những năm đầu tại Kiel cho đến khi gia đình chuyển về München. Nơi đây, ông đi học ở trường trung học Maximilian; một trong những người bạn học của ông là người sáng lập Viện bảo tàng Đức (Deutsches Museum) Oskar von Miller. Ông tốt nghiệp phổ thông năm 17 tuổi. Học tập Planck rất có khiếu về âm nhạc. Ông chơi đàn dương cầm, phong cầm, cello và được đào tạo giọng hát. Ông sáng tác bài ca và một ca kịch nhỏ (Operette, 1876) cho hội sinh viên của ông, Câu lạc bộ ca nhạc München. Nhưng thay vì học âm nhạc, ông quyết định học vật lý. Giáo sư vật lý tại München, Philipp von Jolly, khuyên ông không nên học bộ môn này vì "trong ngành này hầu như tất cả đã được nghiên cứu, và công việc còn lại chỉ là việc trám vá một vài chỗ thiếu sót không quan trọng" ("in dieser Wissenschaft schon fast alles erforscht sei, und es gelte, nur noch einige unbedeutende Lücken zu schließen") – một quan điểm được nhiều nhà vật lý thời đó đại diện. Planck ứng đáp rằng: "Tôi không ôm ấp nguyện vọng khai phá đất mới mà chỉ muốn hiểu những cơ sở đã có của khoa học vật lý, và nếu có thể, đi sâu thêm nữa" ("Ich hege nicht den Wunsch, Neuland zu entdecken, sondern lediglich, die bereits bestehenden Fundamente der physikalischen Wissenschaft zu verstehen, vielleicht auch noch zu vertiefen"). Và ông bắt đầu học ngành vật lý vào năm 1874 tại Đại học München. Nơi Jolly, Planck thực hiện các buổi thí nghiệm duy nhất trong cả cuộc đời nghiên cứu của ông (về sự khuếch tán của khinh khí qua sự nung nóng platin); không bao lâu sau, ông chuyển qua ngành vật lý lý thuyết. Planck đến Berlin học một năm (1877-1878) để học tập với những nhà vật lý học nổi danh là Hermann von Helmholtz và Gustav Kirchhoff cũng như nhà toán học Karl Weierstraß. Planck ghi như sau về Helmholtz: "... chẳng bao giờ chuẩn bị tốt, nói lắp bắp, luôn tính sai và làm người nghe nhàm chán", và nói về Kirchhoff: "... chuẩn bị bài dạy kĩ lưỡng, tuy nhiên, khô khan và đơn điệu". Mặc dù vậy, ông kết bạn rất thân với Helmholtz. Phần lớn ông tự học từ những bài viết của Rudolf Clausius. Qua ảnh hưởng này mà lĩnh vực nghiên cứu của ông sau này trở thành lý thuyết nhiệt học. Tháng 10 năm 1878, ông kết thúc chương trình cao học (Lehramtsexamen), và trình luận án tiến sĩ tháng 3 năm 1879 mang tên "Luận về nguyên tắc thứ hai của nhiệt động lực học" (Über den zweiten Hauptsatz der mechanischen Wärmetheorie). Tháng 6 năm 1880, ông trình luận án hậu tiến sĩ (Habilitationsschrift) với tựa đề "Trạng thái quân bình của các vật đẳng hướng ở các nhiệt độ khác nhau" (Gleichgewichtszustände isotroper Körper in verschiedenen Temperaturen). Sự nghiệp học thuật Sau khi trình luận án hậu tiến sĩ, ông làm giảng sư không công tại München để chờ ứng cử giáo sư. Mặc dù các chuyên gia thời đó không lưu tâm đến ông, Max Planck vẫn tiếp tục công trình nghiên cứu trong lĩnh vực lý thuyết nhiệt học, dần dần phát triển một dạng hình thức của nhiệt động học như Josiah Willard Gibbs nhưng không biết về điểm này. Khái niệm entropy – vốn được Clausius đề nhập – giữ vai trò trung tâm trong công trình của ông. Tháng 4 năm 1885, Đại học Christian-Albrecht ở Kiel cử Planck làm phó giáo sư (Extraordinarius) môn Vật lý lý thuyết. Lương một năm của ông lúc đó là 2000 RM (Reichsmark). Các công trình nghiên cứu về entropy và cách ứng dụng nó – phần lớn để đáp ứng những vấn đề vật lý hóa học – được tiến triển. Ông đưa ra lời giải thích từ phía nhiệt động học cho thuyết phân chế điện giải (elektrolytische Dissoziationstheorie) của Svante Arrhenius. Nhưng Svante Arrhenius lại tỏ vẻ khước từ quan điểm này. Trong thời kì dạy ở Kiel này, Planck đã bắt đầu công trình nghiên cứu phân tích giả thiết nguyên tử (Atomhypothese). Tháng 4 năm 1889, Planck được bổ nhiệm kế thừa Kirchhoff tại Berlin (người ta cho là qua sự giới thiệu của Helmholtz); từ 1892 trở đi, ông là giáo sư chính vị (Ordinarius). Lương năm của ông giờ đây là 6200 RM (cộng thêm khoảng 1000 RM cho phí dụng và bản quyền). Năm 1907, Planck được mời làm giáo sư kế thừa Boltzmann tại Viên, nhưng ông từ chối, ở lại Berlin và để đáp ân thầy mình, sinh viên Berlin thực hiện buổi biểu tình cầm đuốc ở đây. Ông về hưu danh dự ngày 1 tháng 10 năm 1907; người thừa kế ông là Erwin Schrödinger. Gia đình Tháng 3 năm 1887, Planck cưới em gái của một người bạn học trung học, bà Marie Merck (1861–1909). Gia đình sống tại Kiel, đường Wilhelminenstraße 43, trọ cùng nhà với một gia đình thợ mộc. Ông có bốn người con với đời vợ này: Karl (1888–1916), hai chị em song sinh Emma (1889–1919) và Grete (1889–1917) cũng như Erwin (1893–1945). Sau khi nhậm chức tại Berlin, gia đình Planck trú tại một villa đường Wangenheim 21, Berlin-Grunewald. Nhiều giáo sư đại học Berlin sống xung quanh và nhà của Planck trở thành trung tâm hoạt động xã hội và âm nhạc. Thuộc về những người khách thường lai vãng là những nhà khoa học nổi danh như Albert Einstein, Otto Hahn và Lise Meitner. Truyền thống tấu nhạc với nhau vốn bắt nguồn từ gia đình của Helmholtz. Tuy nhiên, sau những năm hạnh phúc này thì gia đình Planck phải chịu nhiều hoạ nạn: Marie Planck chết ngày 17 tháng 10 năm 1909, có lẽ vì bệnh lao. Tháng 3 năm 1911, Planck cưới Marga von Hoesslin (1882–1948) và người con trai thứ ba của ông, Herrmann, sinh ra vào tháng 12. Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, con trai Karl của ông chết tại Verdun (Pháp), Erwin bị lính Pháp bắt giam năm 1914. Năm 1917, Grete chết trong khi sinh đứa con đầu. Chồng cô sau cưới cô em là Emma, là người sau hai năm chết cũng dưới những hoàn cảnh như vậy. Max Planck kham chịu những thảm hoạ này với một sự điềm tĩnh bất động. Hai đứa cháu gái sau mang tên của mẹ là Grete và Emma. Cuối cùng, vào tháng 1 năm 1945, Erwin Planck bị buộc tội tham dự cuộc ám sát Hitler không thành công và xử tử hình.Vào ngày hôm đó, ông ngồi bên chiếc đàn dương cầm và đánh lên những giai điệu mà đứa con trai ông yêu thích Giáo sư tại Berlin Tại Berlin, Planck gia nhập Hiệp hội Vật lý Berlin và ghi lại như sau về thời gian này: "Lúc đó, tôi là nhà lý thuyết độc nhất và vì vậy, môi trường xung quanh không dễ mấy chính vì tôi đề xuất thuyết entropy, một thuyết đương thời không được ưa chuộng vì là một quái vật toán học". Qua sự đề nghị của ông mà Hội Vật lý tự đổi tên là Hiệp hội Vật lý Đức (Deutsche Physikalische Gesellschaft, DPG) vào năm 1898. Planck dạy môn vật lý lý thuyết trong sáu học kỳ. Lise Meitner ghi lại là "lãnh đạm, hơi bàng quan". Một người dự thính người Anh khác nhắc lại là Planck "không cần giấy ghi chú, không bao giờ phạm lỗi, không bao giờ ngập ngừng; người thuyết giảng hay nhất mà tôi đã chứng kiến" (James R. Partington). Số người tham dự những buổi dạy của ông lên từ 18 (1890) đến 143 (1909). Thính giả người Anh còn ghi thêm: "Lúc nào cũng có người đứng quanh giảng đường. Vì giảng đường khá nóng và chật nên một vài người tham dự thỉnh thoảng ra ngoài hành lang, nhưng sự việc này không quấy nhiễu buổi dạy". Planck không lập trường phái nào và tổng cộng có được 20 nghiên cứu sinh với những tên tiêu biểu sau đây: Max Abraham 1897 (1875–1922) Moritz Schlick 1904 (1882–1936) Walther Meißner 1906 (1882–1974) Max von Laue 1906 (1879–1960) Fritz Reiche 1907 (1883–1960) Walter Schottky 1912 (1886–1976) Walther Bothe 1914 (1891–1957) Định luật bức xạ Vào khoảng thời gian 1894, Planck bắt đầu chú ý đến vấn đề bức xạ của hắc thể hay vật đen vốn đã được Kirchhoff dùng công thức để trình bày vào năm 1859: Cường độ của sự bức xạ điện từ mà một hắc thể (được xem là một vật hấp thu lý tưởng, cũng được gọi là lỗ hổng bức xạ) phát ra trong trạng thái bình hoành nhiệt động lực liên quan như thế nào với tần số của sự bức xạ (ví dụ như màu của ánh sáng) và nhiệt độ của vật thể? Vấn đề này được nghiên cứu trong viện vật lý và kĩ thuật, nhưng định luật Rayleigh-Jeans không thể được áp dụng để giải thích những kết quả thí nghiệm với tần số cao. Wilhelm Wien lập công thức xử lý được các kết quả thí nghiệm ở tần số cao, nhưng lại bó tay trước kết quả ở tần số thấp (định luật bức xạ Wien). Planck sáp nhập hai định luật và qua sự tiếp cận bằng thuyết entropy, ông tìm ra định luật miêu tả rất tốt kết quả thí nghiệm, định luật bức xạ Planck; định luật này được trình bày lần đầu trong một cuộc họp của DPG ngày 19 tháng 10 năm 1900. Ngày 14 tháng 12 năm 1900, ông đã trình bày lý thuyết của định luật bức xạ; nhưng vì thế mà ông áp dụng cơ học thống kê của nhà vật lý học Ludwig Boltzmann, vốn bị ông phản bác. Ông cự tuyệt mọi quan niệm thống kê thuần tuý về định luật hai nhiệt động lực học (theo nó, entropy không bao giờ giảm với thời gian), bởi vì ông xem xét nó dưới khía cạnh tự minh bạch: "... một hành động của tuyệt vọng... tôi đã sẵn sàng hi sinh những gì xưa nay tôi tin chắc trong vật lý" ("... ein Akt der Verzweiflung... ich war zu jedem Opfer an meinen bisherigen physikalischen Überzeugungen bereit..."). So sánh với nó thì giả định năng lượng chỉ được phóng ra ở dưới dạng lượng tử E = h ν (với h là hằng số Planck và ν tần số của sự bức xạ) gần như là việc bên lề, "một giả định hình thức thuần tuý. Tôi chẳng suy nghĩ gì nhiều khi ấy" ("... eine rein formale Annahme, ich dachte mir eigentlich nicht viel dabei..."). Ngày nay, giả định có tính mâu thuẫn với vật lý cổ điển này được xem là điểm khởi phát của ngành vật lý lượng tử và là thành tựu khoa học lớn nhất của Max Planck. (Tuy nhiên cần nên biết là trong những công trình lý thuyết ở những năm 1877, Ludwig Boltzmann đã có lập trường một cách rất tự nhiên là mức năng lượng của một hệ thống vật lý có thể là không liên tục). Trong thời gian sau, Planck tìm cách nắm được ý nghĩa của các lượng tử nhưng không hiệu quả. Ông ghi lại như sau: "Những thí nghiệm vô hiệu quả của tôi với mục đích sáp nhập thuyết lượng tử vào lý thuyết cổ điển bằng cách nào đó đã kéo dài nhiều năm, hao tổn rất nhiều công sức của tôi". Các nhà vật lý học khác như John Strutt Nam tước Rayleigh, James Jeans và Hendrik Antoon Lorentz sau đó nhiều năm vẫn đặt thường số này bằng 0 để không bị xung đột với vật lý cổ điển. Nhưng Planck biết rõ là thường số này có một giá trị chính xác khác 0. Ông nhắc lại như sau: "Tôi không hiểu được sự ngoan cố của Jeans. Ông ta là một ví dụ thế nào một nhà lý thuyết không nên là, tương tự trường hợp Hegel trong triết học, và sự việc còn tệ hơn nhiều cho những sự kiện nếu chúng không đúng." Max Born ghi lại như sau về Max Planck: "Ông có tính bẩm sinh và theo truyền thống gia đình là bảo thủ, không thiên về những đổi mới cách mạng và giữ thái độ hoài nghi với những lời phán đoán. Nhưng niềm tin của ông vào năng lực ép buộc của tư duy lập cơ sở trên sự thật lớn đến mức ông không chần chờ khi đề xuất một giả định mâu thuẫn với truyền thống, bởi vì ông tin chắc là không có một lối ra nào khác". Quan hệ với Einstein Năm 1905, ba công trình nghiên cứu xướng đạo của Albert Einstein – một nhà vật lý chưa từng ai biết cho đến lúc đó – xuất hiện trong Niên báo vật lý (Annalen der Physik). Planck là một trong những người hiếm hoi nhận ra ý nghĩa của lý thuyết tương đối hẹp. Nhờ ảnh hưởng của ông mà lý thuyết tương đối được công nhận và phổ biến tại nước Đức. Chính Planck cũng đã góp phần lớn trong việc khởi thảo thuyết tương đối đặc thù này. Tuy nhiên, ban đầu giả định của Einstein về quang tử – để giải thích hiện tượng hiệu ứng quang điện do Philipp Lenard phát hiện năm 1902 – đã bị Planck từ khước; ông không chịu gác qua một bên thuyết điện động lực học của Maxwell và nói rằng: "Lý thuyết về ánh sáng sẽ không bị đẩy lùi vài thập niên, mà là vài thế kỉ cho đến thời điểm Christian Huygens phản đối thuyết phát xạ mãnh liệt của Newton...". Năm 1910, Einstein nói về ứng xử dị thường của nhiệt dung riêng ở nhiệt độ thấp như một hiện tượng không được giải thích bởi vật lý cổ điển. Để giải đáp những mâu thuẫn, Planck và Walther Nernst tổ chức cuộc hội thảo Solvay đầu tiên (Brussels 1911), và ở đây, Einstein đã thuyết phục được Max Planck về sự tồn tại của quang tử. Trong lúc này, Planck đã nắm chức chủ nhiệm tại Đại học Berlin và cũng qua đó có khả năng gọi Einstein đến Berlin và lập cho ông một bộ môn mới (1914). Ông kết bạn thân với vị này và họ thường hoà nhạc cùng nhau. Chiến tranh thế giới thứ nhất và Cộng hoà Weimar Khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bắt đầu, Planck cũng không thoát khỏi sự hăng hái nhiệt tình hiện hành thời. Ông ghi lại: "Ngoài những sự kiện khủng khiếp thì cũng có những điểm to lớn và hay: Những giải đáp nhanh chóng cho những vấn đề nội chính khó nhất qua sự thống nhất của tất cả các đảng,... sự đề cao tất cả những người giỏi và chân chính." Mặc dù khước từ tất cả các dạng chủ nghĩa dân tộc thái quá, ví như trường hợp Học viện khoa học Preußen đã trao giải thưởng cho một công trình nghiên cứu Ý dưới ảnh hưởng của ông (Planck giữ một trong bốn ghế chủ tịch hội) mặc dù Ý vừa chuyển sang phía địch thủ. Mặc dù vậy, tờ "Biểu minh của 93 nhà trí thức" (Manifest der 93 Intellektuellen), một quyển sách nhỏ tuyên truyền chiến tranh mang chữ ký của ông, trong khi thái độ chủ trương hòa bình khắt khe của Einstein gần như đã đưa ông vào tù (Einstein chỉ thoát nạn vì lúc đó mang quốc tịch Thuỵ Sĩ). Năm 1915, sau nhiều cuộc hội ngộ với Lorentz, Planck đã thu hồi các thành phần của biểu minh này và 1916, ông ký tên chống chủ nghĩa thôn tính của nước Đức. Trong thời hỗn loạn sau chiến tranh, Planck – lúc này đã là người có thẩm quyền bậc nhất trong lĩnh vực vật lý tại Đức – ra khẩu lệnh cho các bạn đồng nghiệp là "chịu đựng và tiếp tục làm việc" (Durchhalten und weiterarbeiten). Tháng 10 năm 1920, Fritz Haber và Planck lập "Hội cấp cứu khoa học Đức" (Notgemeinschaft der Deutschen Wissenschaft) với mục đích tương trợ các công trình nghiên cứu đang trong hoàn cảnh khốn cùng. Phần lớn những nguồn tài trợ có nguồn từ ngoại quốc. Planck lúc này giữ nhiều chức vụ lớn tại Đại học Berlin, Học viện khoa học Preußen (Preußische Akademie der Wissenschaften), Hội Vật lý Đức (Deutsche Physikalische Gesellschaft) cũng như Hội Kaiser-Wilhelm (Kaiser-Wilhelm-Gesellschaft, viết tắt KWG, sau này đổi thành hội Max Planck); dưới những hoàn cảnh như thế thì việc nghiên cứu cá nhân là một việc bất khả thi. Planck gia nhập đảng DVP, đảng của Stresemann, theo đuổi những mục đích tự do về mặt nội chính, nhưng có vẻ theo chủ nghĩa tu chính về phía ngoại giao. Ông từ khước quyền bầu cử phổ thông và quan niệm rằng chế độ Đức quốc xã sau này bắt nguồn từ sự "Bùng dậy của chính quyền số đông". Cơ học lượng tử Cách diễn giảng cơ học lượng tử theo trường phái Kopnenhagen của Bohr, Heisenberg và Pauli trong những năm cuối thập niên 1920 không được Planck tán thành. Cùng với ông, Schrödinger, Laue và Einstein giờ đây cũng được xếp vào hạng bảo thủ. Planck quan niệm thuyết cơ học ma trận của Heisenberg là một học thuyết kinh dị và đón chào phương trình Schrödinger như một sự giải thoát. Ông cho rằng, cơ học sóng sẽ thế chỗ cơ học lượng tử, đứa con của ông. Tuy nhiên, khoa học đã vượt qua những nghi vấn của Planck. Và định luật Planck vốn là phát kiến trong thời nghiên cứu trẻ tuổi của Planck giờ đây có giá trị cho chính ông khi nhìn nhận các phát kiến khác của giới trẻ: Một chân lý khoa học mới thường không thắng bằng cách thuyết phục những người phản đối và họ tự thú là được dạy, mà qua việc những người này dần dần qua đời cũng như thế hệ đang lên được làm quen với chân lý ngay từ đầu. Chế độ độc tài Đức quốc xã và Chiến tranh thế giới thứ hai Khi Đức quốc xã nắm quyền năm 1933 thì Planck đã 74 tuổi. Ông phải chứng kiến sự kiện bạn bè đồng nghiệp bị trục xuất khỏi văn phòng làm việc, bị hạ nhục và chứng kiến việc hàng trăm nhà nghiên cứu phải ra khỏi nước Đức. Một lần nữa, ông áp dụng khẩu lệnh "ráng chịu đựng và tiếp tục làm việc", thỉnh cầu những nhà vật lý muốn xuất cảnh ở lại, và ông cũng thành công phần nào trong việc này (ví dụ như trường hợp Heisenberg). Hahn hỏi Planck là có thể nào tụ hợp một số giáo sư được công nhận để làm một kháng thư chống lại việc đối xử các nhà vật lý gốc Do Thái, và Planck ứng đáp như sau: "Nếu ông tụ họp 30 người như vậy thì hôm sau 150 người khác đến phản đối, vì họ muốn có chỗ làm của những người kia." Trong trường hợp Fritz Haber Planck thậm chí đến nơi Hitler để can thiệp – dĩ nhiên là hoàn toàn vô ích. Haber mất năm 1934 tại hải ngoại. Một năm sau, với tư cách là chủ tịch hội KWG (từ năm 1930), Planck tổ chức một buổi tưởng niệm Haber một cách thách thức. Ông cũng tạo điều kiện cho một loạt khoa học gia gốc Do Thái làm việc trong các học viện của KWG. Năm 1936, nhiệm kì chủ tịch KWG của Planck chấm dứt, và vì sự thúc đẩy của chế độ Đức quốc xã nên ông từ khước việc ra ứng cử một lần nữa. Dần dần, bầu không khí chính trị ngày càng gắt gao. Johannes Stark, đại biểu của nhánh Vật lý Aryan (Arische Physik) và chủ tịch viện Vật lý kĩ thuật đế quốc (Physikalisch-Technische Reichsanstalt) lăng mạ Planck trong một tờ báo của SS; Sommerfeld và Heisenberg bị gọi là "Do Thái trắng" ("weiße Juden") và ông gây nhiều điểm bất đồng trong toàn ngành Vật lý lý thuyết. "Văn phòng khoa học trung ương" tìm hiểu về gia phả của Planck nhưng chỉ đạt được một kết quả vô vị là ông chỉ có 1/16 máu Do Thái. Năm 1938, Planck ăn mừng sinh nhật 80 tuổi. Trong khi cuộc tổ chức long trọng của DPG đang diễn biến thì nhà vật lý học ngưiời Pháp Louis de Broglie được nhận mề đai Max Planck - ngay trước khi thế chiến bắt đầu. Planck nhận được hơn 900 lời chúc mừng và ông đã đích thân hồi đáp từng lá thư. Cuối năm 1938, học viện vật lý bị kiểm soát theo kiểu Gleichschaltung, Planck từ chức vì phản đối. Mặc dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn thường đi thuyết giảng, ví dụ như năm 1937 đi các nước ở Biển Đông châu Âu (Baltic States) với bài thuyết nổi danh là "Tôn giáo và khoa học tự nhiên" ("Religion und Naturwissenschaft") và vào năm 1943, ông còn chinh phục nổi vài ngọn núi trên 3000m ở rặng Alps. Trong thế chiến thứ hai, quân Đồng Minh liên tục tiến hành các chiến dịch ném bom khiến Planck và vợ ông phải rời Berlin đến chỗ ở riêng bên sông Elbe. Ông viết năm 1942: "Tôi khát khao trải qua hoạn nạn và được sống cho đến khi chứng kiến bước ngoặt, khởi điểm của sự thăng tiến". Năm 1942, căn nhà của ông tại Berlin bị bom đạn tàn phá. Trong những tuần cuối của cuộc chiến, gia đình ông sa vào biên giới của phe Đồng Minh. Cuối cùng, sau chiến tranh, ông được đưa về nhà của cô cháu tại Göttingen. Những năm cuối Ngay sau chiến tranh, Hiệp hội Kaiser-Wilhelm (Kaiser-Wilhelm-Gesellschaft) được lập lại với sự chỉ đạo từ Göttingen; chính quyền chiếm đóng Anh bắt đặt tên khác và vì vậy, Hiệp hội Max-Planck (Max-Planck-Gesellschaft) được kiến lập (kể từ tháng 2 năm 1948). Planck lại giữ ghế chủ tịch hội về mặt hình thức. Mặc dù các vấn đề sức khoẻ ngày càng tăng nhưng Planck vẫn tiếp tục đi thuyết giảng. Năm 1946, ông tham dự các buổi lễ của Hiệp hội hoàng gia (Royal Society) nhân dịp kỉ niệm ngày sinh nhật thứ 300 của Newton với tư cách là người Đức duy nhất được mời. Ngày 4 tháng 10 năm 1947, Planck qua đời sau khi bị té và nhiều cơn tai biến mạch máu não khác. Quan điểm tôn giáo Planck tận tụy và bền bỉ trung thành với đạo Thiên chúa từ thời thơ ấu cho đến khi mất nhưng ông cũng rất rộng mở với những quan điểm và tôn giáo khác và không hài lòng với những đòi hỏi về niềm tin không được thắc mắc của các tổ chức của nhà thờ Đức quốc xã. Thiên Chúa mà Planck tin là một đấng toàn năng, biết tất cả, nhân từ nhưng không thể hiểu được, ngập tràn tất cả mọi thứ, biểu hiện bằng các biểu tượng, bao gồm các định luật vật lý. Quan điểm của ông có thể đã được thúc đẩy bởi một cách nhìn trái ngược của Einstein và Schrödinger - chống lại những nhà thực chứng, tổng kết chủ quan thế giới của cơ học lượng tử vũ trụ của Bohr, Heisenberg và những người khác. Planck quan tâm đến chân lý và vũ trụ ngoài tầm quan sát, và phản đối chủ nghĩa vô thần như là một nỗi ám ảnh với các biểu tượng. Planck xem những nhà khoa học như một con người của trí tưởng tượng và niềm tin, "đức tin" được hiểu tương tự như "có một giả thuyết chấp nhận được" ("having a working hypothesis"). Ví dụ, các nguyên tắc của quan hệ nhân quả là không đúng hay sai mà là một hành động của đức tin. Huy chương và vinh dự Huy chương Lorentz 1927 "Pour le Mérite" dành cho khoa học và nghệ thuật 1915 (Planck là chủ tịch hội trao huân chương này từ 1930 trở đi) Giải Nobel Vật lý năm 1918 (được trao năm 1919) Huân chương con ó của Đế quốc Đức năm 1928 Huy chương Max-Planck (1928, cùng với Einstein; giải này được tặng bởi DPG năm 1928) Giải Goethe năm 1945 Tiến sĩ danh dự của các đại học Frankfurt, München (TH), Rostock, Berlin(TH), Graz, Athen, Cambridge, London và Glasgow Viện sĩ Viện hàn lâm giáo hoàng về Khoa học Tiểu hành tinh 1069 được gọi để tôn vinh Planck là "Stella Planckia" (1938) Từ năm 1957 đến 1971, các đồng tiền 2-DM của Đức mang hình của Max Planck. Tác phẩm Planck, Max. (1897). Vorlesungen über Thermodynamik Planck, Max. (1900). "Entropy and Temperature of Radiant Heat ." Annalen der Physik, vol. 1. no 4. April, pg. 719-37. Planck, Max. (1901). "On the Law of Distribution of Energy in the Normal Spectrum ". Annalen der Physik, vol. 4, p. 553 ff.
Sau đây là các bảng phụ âm và nguyên âm jamo Hangul, với nguyên thể màu xanh lơ ở hàng đầu tiên, và các phái sinh của chúng (có thêm thanh âm) nằm ở các hàng sau. Chúng được chia thành các bảng sơ thanh, nguyên âm và chung thanh. Sơ thanh (phụ âm) Nguyên âm mẫu tự Hangul Thứ tự:ㅏ、ㅐ、ㅑ、ㅒ、ㅓ、ㅔ、ㅕ、ㅖ、ㅗ、ㅘ、ㅙ、ㅚ、ㅛ、ㅜ、ㅝ、ㅞ、ㅟ、ㅠ、ㅡ、ㅢ、ㅣ Chung thanh (phụ âm)
Sởi (tiếng Anh: measles) là bệnh có tầm quan trọng đặc biệt trong nhi khoa. Trước đây bệnh xảy ra rất thường xuyên và có tỷ lệ lây nhiễm cũng như tử vong rất cao nhưng hiện nay không còn phổ biến nhờ vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Sởi là một bệnh nhiễm virus cấp tính đặc trưng ở giai đoạn cuối bằng ban dạng dát-sẩn xuất hiện tuần tự từ cổ, mặt, ngực, thân, chân tay kèm theo sốt cao. Nguyên nhân gây bệnh Nguyên nhân gây bệnh là virus sởi. Đây là một loại virus ARN thuộc chi Morbilivirus nằm trong họ Paramyxoviridae. Hiện nay người ta chỉ phát hiện một típ huyết thanh virus sởi. Trong giai đoạn tiền triệu và một thời gian ngắn sau khi phát ban, virus sởi có thể được tìm thấy trong dịch tiết mũi hầu, máu và nước tiểu. Virus có thể hoạt động sau khi để 34 giờ ở nhiệt độ phòng. Dịch bệnh và thống kê Năm 2014 Theo báo cáo của Tổ chức y tế Thế giới WHO, chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2014 đã ghi nhận gần 56.000 trường hợp mắc sởi, tại 75 quốc gia trên thế giới. Các quốc gia có số mắc bệnh cao trong năm 2014 là: Philippines với hơn 17.600 ca mắc và 69 ca tử vong (đã tuyên bố dịch), Trung Quốc với 26.000 ca mắc. Theo đó, cứ mỗi một giờ trôi qua, trên toàn cầu có 14 trẻ tử vong do sởi. Tại Việt Nam, trong dịch sởi đầu năm 2014, đến ngày 19 tháng 4 đã có số ca mắc 8.500 và có ít nhất 114 ca tử vong. Vào ngày 22 tháng 1 năm 2014, Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố và chứng nhận Colombia miễn nhiễm và không còn bệnh sởi và trở thành quốc gia Mỹ Latinh đầu tiên chấm dứt bệnh sởi trong lãnh thổ của họ. Dịch tễ Sởi có thể gây dịch khắp nơi trên thế giới. Trong quá khứ, các vụ dịch thường xảy ra cứ mỗi 2 đến 4 năm vào mùa xuân ở các thành phố lớn, khi mà số lượng một nhóm trẻ không có miễn dịch với sởi đủ lớn. Sởi ít khi biểu hiện thầm lặng. Trước khi có vaccine sởi, lứa tuổi mắc bệnh thường gặp nhất là 5 đến 10 tuổi. Những người sinh trước năm 1957 được coi như có miễn dịch tự nhiên với sởi vì lúc đó sởi lưu hành rất phổ biến. Hiện nay bệnh thường gặp ở trẻ ở độ tuổi trước khi đi học không được tiêm chủng ngừa sởi. Ở Việt Nam, sởi vẫn còn là một bệnh tương đối thường gặp mặc dù tỷ lệ mắc đã giảm rõ rệt so với trước khi có chương trình tiêm chủng mở rộng. Lây truyền Sởi là một bệnh dễ lây lan: trong gia đình nếu có một người bị bệnh thì có đến 90% những người chưa có miễn dịch sẽ bị nhiễm bệnh. Người bệnh phát tán virus mạnh nhất là vào giai đoạn tiền triệu (giai đoạn xuất tiết) thông qua các hạt nhỏ bắn ra khi ho, khi nói chuyện hoặc khi tiếp xúc. Điều đáng nói ở đây là giai đoạn lây lan mạnh này xuất hiện vào lúc khi bệnh chưa được chẩn đoán, do đó, dĩ nhiên cũng không có biện pháp phòng ngừa. Trẻ sơ sinh được mẹ truyền các kháng thể miễn dịch thông qua nhau thai. Lượng kháng thể có thể tồn tại từ 4 đến 6 tháng, do vậy trẻ ít khi mắc bệnh trong giai đoạn này. Tuy vậy, một số bằng chứng cho thấy kháng thể từ mẹ có thể bảo vệ trẻ đến tháng thứ 9 sau khi sinh. Đây là lý do tiêm chủng ngừa sởi thường được thực hiện trước 12 tháng (xin xem phần sau). Bệnh sinh Những tổn thương đặc trưng của sởi xuất hiện ở da, niêm mạc mũi hầu, phế quản, niêm mạc đường tiêu hóa và kết mạc mắt. Tại đây xuất hiện các dịch xuất tiết thanh mạc và sự tăng sinh của các tế bào đơn nhân và một số tế bào đa nhân quanh mao mạch. Các tổ chức bạch huyết cũng tăng sinh thường gặp nhất là ở ruột thừa, nơi có thể tìm thấy các tế bào khổng lồ đa nhân (tế bào khổng lồ hệ võng nội mô Warthin - Finkeldey). Biểu hiện ở da là những tổn thương các tuyến đưới da và lỗ chân lông. Hạt Koplik cũng chứa các chất xuất tiết thanh dịch và sự tăng sinh các tế bào nội mô tương tự như ở da. Viêm phổi kẽ là do các tế bào khổng lồ Hecht. Viêm phổi cũng do bội nhiễm vi khuẩn. Trong một số trường hợp viêm não, quá trình thoái hóa myeline có thể xảy ra quanh khoảng mạch trong não và tủy sống. Trong viêm não toàn bộ xơ hóa bán cấp (SSPE: Subacute Sclerosing PanEncephalitis) hay còn gọi viêm não chậm, sự hiện diện của virus trong các hạt vùi nội bào tương và trong nhân gây nên sự thoái hóa từ từ và tiến triển của vỏ não (chất xám) và chất trắng. Biểu hiện lâm sàng Sởi biểu hiện trên lâm sàng qua ba giai đoạn: Giai đoạn ủ bệnh. Giai đoạn tiền triệu với dấu hiệu nội ban (còn gọi là hạt Koplik). Giai đoạn cuối với ban dát - sẩn và sốt cao. Giai đoạn ủ bệnh Thời kỳ ủ bệnh thường kéo dài từ 10 đến 12 ngày là thời gian từ khi trẻ bị nhiễm virus gây bệnh đến khi xuất hiện những dấu hiệu đầu tiên của giai đoạn tiền triệu. Trong giai đoạn này trẻ không biểu hiện triệu chứng gì của bệnh. Giai đoạn tiền triệu Giai đoạn tiền triệu thường kéo dài 5 đến 15 ngày được đặc trưng bởi sốt mức độ nhẹ đến vừa, ho khan, chảy mũi nước, viêm kết mạc mắt. Những triệu chứng này hầu như luôn luôn xảy ra trước khi nội ban xuất hiện. Nội ban hay hạt Koplik là dấu hiệu chỉ điểm của bệnh. Nội ban xuất hiện ở khẩu cái cứng hoặc khẩu cái mềm (vòm họng). Hạt Koplik là những hạt nhỏ bằng hạt cát, màu trắng ngà, xung quanh có viền đỏ. Hạt thường xuất hiện và biến mất nhanh trong vòng 12 đến 24 giờ. Kết mạc mắt có thể bị viêm đỏ và có dấu hiệu sợ ánh sáng. Người bệnh thường có ho khan tức ho không có đàm. Đôi khi giai đoạn tiền triệu biểu hiện bằng những triệu chứng nặng nề như sốt cao, co giật hoặc thậm chí viêm phổi. Giai đoạn phát ban Đây là giai đoạn điển hình nhất của bệnh với triệu chứng phát ban tuần tự trên da. Ban thường xuất hiện đầu tiên ở vùng chân tóc phía sau tai, sau đó xuất hiện ở mặt và lan dần xuống phía dưới trong vòng 24 đến 48 giờ. Ban sởi là những ban dạng dát-sẩn hơi nổi lên trên bề mặt da, sờ mịn như nhung và không đau, không hoặc ít ngứa, không sinh mủ. Trong trường hợp nhẹ, ban thường đứng gần nhau nhưng riêng rẽ. Trong trường hợp nặng, ban có xu hướng hợp với nhau làm thành những ban lớn hơn, thậm chí từng mảng xuất huyết (sởi đen). Trong thể đặc biệt nặng, ban có thể có dấu hiệu xuất huyết. Khi ban lan đến chân thì sốt cũng đột ngột giảm đi nếu không có biến chứng. Sau đó ban cũng nhạt dần và mất đi đúng theo tuần tự nó đã xuất hiện, nghĩa là cũng từ trên xuống dưới. Sau khi ban mất đi, trên da còn lại những dấu màu sậm lốm đốm như vằn da báo. Sởi không điển hình Một số trường hợp bệnh sởi biểu hiện không giống như miêu tả ở trên như trong trường hợp bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch, ban có thể không điển hình. Các bệnh này thường là bệnh nhân AIDS, hội chứng thận hư, điều trị thuốc ức chế miễn dịch... Chẩn đoán Chẩn đoán chủ yếu dựa vào yếu tố dịch tễ (tiếp xúc nguồn lây) và biểu hiện lâm sàng với những dấu hiệu và triệu chứng miêu tả ở trên. trong đó việc phát hiện nội ban và ngoại ban tuần tự có ý nghĩa quyết định. Xét nghiệm cận lâm sàng chỉ có ý nghĩa nghiên cứu hơn là phục vụ cho công tác điều trị. Trong giai đoạn tiền triệu, có thể phát hiện các tế bào khổng lồ đa nhân từ bệnh phẩm ngoáy mũi họng. Công thức máu có thể cho thấy giảm tế bào đa nhân trung tính và tăng tương đối tế bào lympho. Khi bội nhiễm vi khuẩn gây viêm tai giữa hay viêm phổi thì tế bào đa nhân trung tính có thể tăng cao. Đây cũng là dấu hiệu có ích trong phát hiện biến chứng bội nhiễm. Dịch não tủy chỉ thực hiện khi trẻ có biểu hiện tổn thương thần kinh. Trong trường hợp này, protein tăng cao, tế bào ít tăng và chủ yếu là các tế bào lympho, glucose dịch não tủy bình thường. Kháng thể có thể phát hiện được khi xuất hiện ban trên lâm sàng. Kháng thể IgM cho biết tình trạng nhiễm trùng cấp tính. Kháng thể IgG cho biết bệnh nhân đã được miễn dịch do tiêm chủng hay mắc bệnh trước đó. IgG cũng là kháng thể duy nhất mẹ truyền cho con qua nhau thai và có tác dụng bảo vệ trẻ trong khoảng 4 đến 6 tháng đầu đời. Phân lập virus bằng cách cấy trên tế bào phôi người hoặc tế bào thận khỉ. Những thay đổi bệnh lý tế bào thường xảy ra trong khoảng 5-10 ngày với sự xuất hiện các tế bào khổng lồ đa nhân cùng với các hạt vùi trong nhân tế bào. Chẩn đoán phân biệt Cần chẩn đoán phân biệt với: Sởi Đức (rubella): Ban ít hơn sởi, sốt cũng nhẹ nhàng hơn.thường có hạch sau tai Đào ban ấu nhi (roseola infantum) do HHV 6: thường gặp ở trẻ nhũ nhi. Ban có hình dạng giống ban sởi nhưng thường xuất hiện khi sốt giảm đột ngột và thường xuất hiện đầu tiên ở bụng. Kết mạc mắt không viêm còn trong sởi kết mạc viêm đỏ gây nên biểu hiện mắt kèm nhèm trên lâm sàng. Nhiễm virus như echovirus, Coxackievirus và adenovirus: ban cũng không đặc trưng như ban sởi. Tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng do Epstein Barr virus: ban ít hơn nhưng cũng có thể xuất hiện dày lên khi dùng thuốc ampicilline. Bệnh thường kèm theo viêm họng đôi khi có mủ, sưng hạch cổ, gan lách to... Toxopalasmosis. Nhiễm khuẩn huyết do não mô cầu: bệnh thường nặng nề với bối cảnh sốc trụy mạch, ban lan nhanh và không theo tuần tự, ban thường có hình sao, xuất huyết màu tím thẫm (tử ban). Sốt tinh hồng nhiệt. Các bệnh do rickettsia. Bệnh Kawasaki. Nổi ban do dị ứng thuốc: tiền sử dùng thuốc. Các bệnh huyết thanh. Sốt xuất huyết: Sốt cao 39 đến 40 độ C. Tuy nhiên ở Sởi khi sốt, phát ban còn có triệu chứng ho, đau họng... Còn sốt xuất huyết thì không. Sốt xuất huyết thường gây biến chứng nặng sau 4 đến 5 ngày nếu không được chữa trị kịp thời Điều trị Tài liệu này chỉ mang tính tham khảo không có tính pháp lý và không thể thay thế điều trị của các bác sĩ chuyên khoa nhi. Điều trị bệnh sởi cần thực hiện ở bệnh viện nhằm mục đích cách ly và phát hiện kịp thời các biến chứng. Giống như trong đa phần các bệnh do virus, hiện tại chưa có điều trị đặc hiệu chống virus sởi mà chỉ có điều trị hỗ trợ. Điều trị hỗ trợ gồm hạ sốt bằng Paracetamol, Ibuprofen; nghỉ ngơi tại giường, bù phụ nước-điện giải, phát hiện biến chứng kịp thời. Điều trị kháng sinh khi có bằng chứng bội nhiễm vi khuẩn. Các thuốc kháng virus hiện nay không có tác dụng. Vitamin A Tình trạng thiếu vitamin A gặp ở 90% bệnh nhi mắc sởi ở châu Phi và gặp ở 22-72% bênh nhi mắc sởi ở Mỹ. Có mối tương quan nghịch giữa nồng độ Vitamin A trong máu với mức độ nặng của sởi. Điều trị bằng Vitamin A đường uống chứng tỏ làm giảm tỷ lệ tử vong cũng như biến chứng ở trẻ em mắc sởi tại các nước đang phát triển. Liều khuyến cáo là 100 000 đơn vị quốc tế cho trẻ 6 tháng đến 1 tuổi; 200 000 đơn vị cho trẻ trên 1 tuổi và dùng liều duy nhất. Trẻ suy dinh dưỡng và trẻ có dấu hiệu ở mắt do thiếu vitamin A nên thêm một liều vào ngày hôm sau và một liều thứ ba 4 tuần sau đó. Biến chứng Các biến chứng thường gặp của sởi là viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, viêm não. Chính các biến chứng này làm kéo dài thời gian bệnh, ảnh hưởng đến dinh dưỡng của trẻ. Hậu quả là suy dinh dưỡng. Suy dinh dưỡng, đến lượt nó, lại là tiền đề cho các bệnh nhiễm trùng phát sinh. Đây là vòng lẩn quẩn bệnh lý thường gặp. Viêm phổi kẽ gây ra do chính bản thân virus sởi (viêm phổi tế bào khổng lồ). Viêm phổi do sởi ở bệnh nhân AIDS thường gây tử vong và hiếm khi có ban điển hình. Thường gặp hơn là bội nhiễm vi khuẩn gây nên viêm phổi. Các vi khuẩn thường gặp là phế cầu, liên cầu nhóm A, tụ cầu và Hemophilus Influenzae típ b. Viêm tai giữa là biến chứng luôn luôn phải nghĩ đến ở trẻ mắc sởi. Nguyên nhân gây bệnh cũng tương tự như trong viêm phổi. Nếu không phát hiện kịp thời, viêm tai giữa có thể gây thủng màng nhĩ ảnh hưởng đến thính lực. Đôi khi viêm tai giữa cấp không được điều trị đúng có thể đưa đến viêm tai giữa mạn tính với biến chứng nguy hiểm là viêm tai xương chũm và áp xe não. Tiêu chảy cũng là biến chứng thường gặp sau sởi đặc biệt ở những trẻ suy dinh dưỡng và thiếu vitamin A. Trẻ dễ bị mắc lỵ trực trùng và tiêu chảy kéo dài. Đôi khi do cơ địa suy kiệt, bệnh nhi dễ có nguy cơ nhiễm trùng huyết tiêu điểm từ ruột. Viêm loét giác mạc: đây là biến chứng kinh điển và đáng sợ. Trẻ suy dinh dưỡng và thiếu vitamin A là những đối tượng có nguy cơ cao nhất. Bệnh có thể diễn biến từ loét gây mờ giác mạc, hỏng toàn bộ giác mạc đến làm mủ trong nhãn cầu. Hậu quả là giảm thị lực đến mù vĩnh viễn toàn bộ. Biến chứng này hiện nay cũng đã giảm rõ nhờ điều kiện dinh dưỡng được cải thiện và nhờ vào chiến dịch bổ sung vitamin A cho cộng đồng. Sởi làm suy giảm chức năng miễn dịch của cơ thể nên có thể tạo điều kiện cho thể lao tiềm ẩn tái bùng phát mạnh mẽ. Viêm cơ tim cũng có thể xảy ra nhưng hiếm gặp hơn. Viêm não ước tính khoảng 1-2/1000 trường hợp mắc sởi. Không có mối tương quan giữa mức độ nặng của bệnh sởi với khả năng xuất hiện viêm não. Cũng không có tương quan giữa triệu chứng khởi đầu của viêm não với tiên lượng của nó. Có hai thể viêm não do sởi. Một thể là do phản ứng miễn dịch thông qua sự hình thành phức hợp kháng nguyên-kháng thể. Một thể khác là do sự hiện diện của virus sởi tồn tại trong tế bào thần kinh gây nên viêm não chậm có thể xuất hiện 5 năm thậm chí 15 năm sau khi mắc sởi. Các biến chứng thần kinh khác là hội chứng Guillain-Barrée, liệt nửa người, huyết khối tĩnh mạch não... thường ít gặp. Tiên lượng Tiên lượng có thể thay đổi tùy theo thể trạng của trẻ, phát hiện và điều trị kịp thời hay không, sự xuất hiện các biến chứng...Tử vong có thể xảy ra do viêm phổi, viêm não. Trong lich sử ví dụ vụ dịch ở đảo Faroe năm 1846, tỷ lệ tử vong là 25%. Ở Mỹ, tỷ lệ tử vong ước tính 1 -2/1000 trường hợp. Ở các nước đang phát triển, nơi mà tình trạng suy dinh dưỡng còn cao và hệ thống y tế còn nhiều khiếm khuyết thì tử lệ tử vong chắc chắn cao hơn, biến chứng cũng cao hơn. Phòng bệnh Khi phát hiện trẻ có tiếp xúc với nguồn lây bệnh nên cách ly trẻ ở bệnh viện từ ngày thứ 7 sau khi tiếp xúc đến ngày thứ 5 sau khi xuất hiện ban sởi bởi giai đoạn này là giai đoạn lây lan mạnh. Vaccine Hiện nay các nước tiên tiến thường tiêm ngừa sởi bằng vaccine tam liên sởi-quai bi-rubella (sởi Đức). Mũi tiêm đầu tiên thực hiện lúc trẻ được 12 đến 15 tháng tuổi. Mũi tiêm nhắc lại có thể thực hiện lúc trẻ được 4-6 tuổi tuy nhiên cũng có thể tiêm nhắc vào bất cứ lúc nào sau mũi thứ nhất 4 tuần. Trẻ không được tiêm nhắc mũi thứ hai nên được tiêm vào lúc 10 đến 12 tuổi. Ở các nước có tỷ lệ lưu hành sởi khá cao thì có thể tiêm mũi đầu tiên ngay lúc trẻ được 6 tháng tuổi. Chương trình tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam thực hiện mũi tiêm sởi lúc trẻ 9 tháng tuổi. Mũi tiêm này chỉ chứa vaccine sởi. Tại các thành phố lớn hiện có vaccine tam liên như trên nhưng không miễn phí. Các gia đình có điều kiện nên tiêm loại vaccine này. Vì vaccine sởi là loại vaccine sống giảm độc lực nên không được khuyến cáo ở phụ nữ có thai, trẻ suy giảm miễn dịch tiên phát, trẻ bị bệnh lao không được điều trị, bệnh nhân ung thư, bệnh nhân ghép tạng, bệnh nhân đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc trẻ bị bệnh AIDS giai đoạn nặng. Phòng ngừa sau phơi nhiễm Trong vòng 6 ngày từ khi tiếp xúc nguồn lây, việc sử dụng globuline miễn dịch có thể phòng ngừa bệnh hoặc làm giảm mức độ nặng của sởi. Đây là phương thức phòng ngừa đắt tiền và cũng không phổ biến ở Việt Nam. Ngay cả tại các nước phát triển thì cũng chỉ một số đối tượng được khuyến cáo sử dụng phương pháp này. Đó là phụ nữ có thai chưa được miễn dịch với sởi, trẻ nhỏ hơn 6 tháng tuổi sinh ra từ mẹ không có miễn dịch chống sởi... Do vậy biện pháp đơn giản và hữu hiệu nhất vẫn là tiêm chủng ngừa bệnh theo chương trình quốc gia.
Thang điểm hôn mê Glasgow (tiếng Anh: Glasgow Coma Scale) là một phương pháp đánh giá tình trạng ý thức của người bệnh một cách lượng hóa. Được thiết lập để lượng giá độ hôn mê của nạn nhân bị chấn thương đầu, hiện nay người ta còn dùng thang điểm Glasgow trong những trường hợp bệnh lý khác. Thang điểm này khá khách quan, đáng tin cậy, có giá trị tiên lượng và rất thuận tiện trong việc theo dõi diễn tiến của người bệnh. Số điểm của một bệnh nhân cụ thể được ghi một cách ngắn gọn là điểm Glasgow (tiếng Anh: Glasgow Coma Score, viết tắt GCS). Thang điểm này được giới thiệu lần đầu vào năm 1974 bởi hai giáo sư khoa thần kinh tại trường Đại học Glasgow là Graham Teasdale và Bryan J. Jennett. Về sau, hai ông cùng viết cuốn Xử trí các chấn thương đầu (Management of Head Injuries) (Nhà xuất bản FA Davis, 1981 ISBN 0803650191), là một tác phẩm nổi tiếng trong giới chuyên môn. Thang điểm Glasgow (dùng cho bệnh nhân người lớn) Thang điểm có 3 yếu tố, gồm các đáp ứng bằng mắt, lời nói và vận động. Điểm chi tiết cũng như tổng số điểm của ba loại đáp ứng đều được theo dõi. Tổng điểm GCS thấp nhất là 3 (hôn mê sâu hoặc chết), và cao nhất là 15 (người hoàn toàn tỉnh và đang thức). Ở Việt Nam, khi dùng thang điểm Glasgow người ta thường giữ nguyên các chữ viết tắt bằng tiếng Anh là E (mắt - eye opening), V (lời nói - best verbal response) và M (vận động - best motor response). Tiếp cận người bệnh Nguyên tắc là phải luôn bắt đầu bằng việc quan sát, hỏi han, lay gọi người bệnh để xem đáp ứng của họ. Nếu không có đáp ứng với lời nói mới bắt đầu các biện pháp gây đau. Ghi nhận điểm cao nhất mà bệnh nhân đạt được trong từng loại đáp ứng. Đáp ứng bằng mắt (E) Có 4 mức độ: Mở mắt tự phát. Mở mắt khi nghe gọi. (Cần phân biệt với ngủ, nếu bệnh nhân ngủ và mở mắt khi bị đánh thức thì ghi là 4 điểm, không phải 3). Mở mắt khi bị làm đau. (Ấn vào giường móng, nếu không đáp ứng mới dùng các phép thử khác gây đau nhiều hơn - ấn trên hốc mắt hoặc trước xương ức bằng góc giữa đốt ngón tay thứ nhất và thứ hai). Không mở mắt. Đáp ứng bằng lời nói (V) Có 5 mức độ: Trả lời chính xác. (Bệnh nhân trả lời đúng những nội dung đơn giản, quen thuộc như tên, tuổi của bản thân, quê quán, mùa, năm v.v.). Trả lời, nhưng nhầm lẫn. (Bệnh nhân vẫn "nói chuyện" được với người khám nhưng tỏ ra lú lẫn trong các câu trả lời). Phát ngôn vô nghĩa. (Bệnh nhân có thể nói thành câu, nhưng không "nói chuyện" với người khám). Phát âm khó hiểu. (Có thể kêu rên, nhưng không thành những từ ngữ hẳn hoi). Hoàn toàn im lặng. Đáp ứng vận động (M) Có 6 mức độ: Thực hiện yêu cầu. ("Tuân lệnh", làm những việc đơn giản theo yêu cầu của người khám: mở/nhắm mắt, nắm/xòe bàn tay v.v.) Cấu véo đáp ứng chính xác. Cấu véo đáp ứng không chính xác. Co cứng (kiểu) mất vỏ khi đau. (Phản xạ bất thường: co cứng các chi - tư thế của người bị tổn thương vỏ não). Duỗi cứng (kiểu) mất não khi đau. (Co cơ khiến cho vai xoay trong, cánh tay bị úp sấp xuống - tư thế của người bị tổn thương não). Không đáp ứng với đau. Phân tích các điểm ghi nhận Tổng số điểm cũng như từng điểm chi tiết đều có ý nghĩa quan trọng, do đó, điểm Glasgow của một bệnh nhân thường được ghi theo kiểu của thí dụ sau: "GCS = 10 (E3 V4 M3) lúc 17:25". Việc phân tích chi tiết dành cho các nhà chuyên môn, nhưng nhìn chung, mức độ hôn mê được đánh giá là: nặng, khi GCS ≤ 8, trung bình, với GCS từ 9 đến 12, nhẹ, khi GCS ≥ 13. Thang điểm Glasgow biến đổi Ở vài nơi, người ta hiệu chỉnh thang điểm Glasgow bằng cách loại bỏ yếu tố "tránh cái đau" trong phần đáp ứng vận động (M). Do đó, M chỉ có 5 mức điểm, tổng số điểm tối đa là chỉ là 14 (thay vì 15). Thang điểm hôn mê Glasgow trong nhi khoa Thang điểm Glasgow (cho người lớn) nhiều khi không thích hợp để áp dụng cho trẻ em, nhất là ở các bé dưới 36 tháng tuổi (lứa tuổi mà hầu hết trẻ em đều nói chưa rành). Do đó, người ta đã thiết lập thang điểm hôn mê Glasgow trong nhi khoa (tiếng Anh: Pediatric Glasgow Coma Scale, viết tắt PGCS). Thang điểm này cũng gồm ba loại đáp ứng: mắt (E), lời nói (V) và đáp ứng thần kinh vận động (M). Điểm thấp nhất là 3 (hôn mê sâu hoặc chết), và cao nhất là 15 (trẻ hoàn toàn tỉnh và đang thức). Tiếp cận bệnh nhi Nguyên tắc luôn là bắt đầu bằng việc quan sát, hỏi han, lay gọi bệnh nhi để xem đáp ứng của trẻ. Nếu không có đáp ứng với lời nói mới bắt đầu các biện pháp gây đau. Ghi nhận điểm cao nhất mà bệnh nhi đạt được trong từng loại đáp ứng. Đáp ứng bằng mắt tốt nhất (E) Có 4 mức độ: Mở mắt tự phát. Mở mắt khi nghe gọi. (Cần phân biệt với ngủ, nếu trẻ ngủ và mở mắt khi bị đánh thức thì ghi là 4 điểm, không phải 3). Mở mắt khi bị làm đau. (Mô tả ở phần người lớn). Không mở mắt. Đáp ứng bằng lời nói tốt nhất (V) Có 5 mức độ: Trẻ giao tiếp bình thường (bằng lời nói nếu đã biết nói). Trẻ bứt rứt, khó chịu và khóc thường xuyên. Trẻ kêu la khi bị làm đau. Trẻ rên rỉ khi bị làm đau, nhưng không thành những từ ngữ hẳn hoi. Hoàn toàn im lặng. Đáp ứng vận động tốt nhất (M) Có 6 mức độ: Trẻ cử động tự nhiên, có chủ đích. Trẻ co tay hoặc chân bị sờ chạm. Trẻ co tay hoặc chân bị làm đau. Co cứng (kiểu) mất vỏ khi đau. (Mô tả ở phần người lớn). Duỗi cứng (kiểu) mất não khi đau. (Mô tả ở phần người lớn). Không đáp ứng với đau. Phân tích các điểm ghi nhận Việc phân tích chi tiết dành cho các nhà chuyên môn, nhưng nhìn chung, nguy cơ tử vong cao khi tổng số điểm < 8.
1-Propanol là một loại rượu với công thức phân tử CH3CH2CH2OH. Nó còn được biết đến với các tên gọi Propan-1-ol, rượu 1-propylic, rượu n-propylic hay đơn giản là propanol. Nó được sử dụng như là dung môi trong công nghiệp dược phẩm cũng như để chế tạo nhựa tổng hợp và các este xenluloza. Trong tự nhiên, nó được tạo ra với một lượng nhỏ bằng lên men. Thuộc tính hóa học 1-Prôpanol có các phản ứng hóa học của rượu bậc nhất. Do vậy nó dễ dàng chuyển hóa thành các ankyl halide; ví dụ iod tạo ra 1-iodoprôpan với hiệu suất 90% (xúc tác phosphor đỏ), trong khi PBr3 và xúc tác ZnCl2 tạo ra 1-brômoprôpan. Phản ứng với axít axêtic với sự có mặt của chất xúc tác H2SO4 trong điều kiện este hóa Fischer tạo ra prôpyl axêtat, trong khi cho prôpanol phản ứng với axít formic có thể tạo ra prôpyl format với hiệu suất 65%. Phản ứng oxy hóa 1-prôpanol bằng Na2Cr2O7 và H2SO4 chỉ tạo ra 36% prôpionalđêhít và vì thế đối với phản ứng loại này các phương pháp có hiệu suất cao hơn được khuyến nghị sử dụng như PCC hay oxy hóa Swern. oxy hóa với axít crômic sinh ra axít prôpionic Điều chế 1-Prôpanol là thành phần chính của dầu rượu tạp, sản phẩm phụ tạo thành từ các amino acid nào đó khi khoai tây hay ngũ cốc được lên men để sản xuất êtanol. Hiện nay, nó không còn là nguồn cơ bản của 1-prôpanol. 1-Prôpanol được sản xuất bằng hydro hóa prôpionalđêhít với chất xúc tác. Prôpionalđêhít tự nó được sản xuất thông qua công nghệ oxo, bằng cách hydroformylat hóa êtylen sử dụng cacbon mônôxít và hydro với chất xúc tác như côban octacacbonyl hay phức chất rôđi. (1) H2C=CH2 + CO + H2 → CH3CH2CH=O (2) CH3CH2CH=O + H2 → CH3CH2CH2OH Trong phòng thí nghiệm thông thường người ta điều chế 1-prôpanol bằng cách xử lý 1-iodoprôpan với Ag2O ẩm. Lịch sử 1-Prôpanol được Chancel phát hiện ra năm 1853, là người đã thu được nó bằng chưng cất phân đoạn dầu rượu tạp.
Glasgow có liên quan đến các bài sau: Glasgow là một thành phố của nước Scotland. Thang điểm hôn mê Glasgow là một phương pháp đánh giá hôn mê trong y khoa. Và các tên khác chưa có trong Wikipedia tiếng Việt.
Nhóm anlyl là một nhóm anken hydrocarbon với công thức H2C=CH-CH2-. Nó có thể coi như một nhóm vinyl, CH2=CH-, gắn với mêtylen -CH2. Ví dụ rượu anlyl có cấu trúc H2C=CH-CH2OH. Các hợp chất chứa nhóm anlyl thông thường được nói đến như là các hợp chất anlyl. Vị trí của nguyên tử cacbon bão hòa, trong đó nhóm anlyl được gắn vào (trong trường hợp này, nguyên tử cacbon bên cạnh nhóm OH trong rượu anlyl) được gọi là vị trí anlyl. Nhóm, chẳng hạn -OH, được gắn tại vị trí anlyl đôi khi được mô tả như là anlyl. Hai ví dụ đơn giản nhất về các hợp chất anlyl là anlyl chloride và rượu anlyl. Các sự thay thế cho nhóm nói trên, chẳng hạn trans-but-2-en-1-yl hay nhóm crôtyl (CH3CH=CH-CH2-) cũng có thể coi như là các nhóm anlyl. Các nhóm mêtylen anlyl có phản ứng đặc biệt chẳng hạn như trong các phản ứng oxy hóa anlyl, phản ứng -en và ankyl hóa anlyl bất đối xứng Trost.
Glasgow (tiếng Gael Scotland: Glaschu) là thành phố lớn nhất trong số 32 đơn vị hành chính của Scotland, nằm bên sông Clyde ở phần phía tây miền trung đất nước. Trong Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, Glasgow là thành phố lớn thứ ba, sau Luân Đôn và Birmingham. Glasgow được phát triển từ địa phận giáo mục từ thời Trung cổ và sau đó là sự thành lập của trường Đại học Glasgow, đóng góp vào sự huy hoàng của xứ Scotland. Từ thế kỷ 18 thành phố trở thành một trong những trung tâm thương mại chính với châu Mỹ qua Đại Tây Dương. Với Cách mạng Công nghiệp, thành phố và các vùng lân cận trở thành một trong những trung tâm kỹ thuật và nghề đóng tàu ưu việt của thế giới, tạo nên nhiều tàu thuyền mang tính cách mạng và nổi tiếng. Thành phố cũng từng được gọi là "Thành phố Thứ hai của Đế chế Anh" vào thời kỳ Nữ hoàng Victoria. Ngày nay Glasgow nằm trong số 20 thành phố thương mại lớn nhất châu Âu và cũng là nơi đặt trụ sở của nhiều công ty kinh tế tại Scotland. Trong cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, dân số của Glasgow đã vượt trên một triệu người, và là thành phố lớn thứ tư trong châu Âu, sau Luân Đôn, Paris và Berlin. Trong thập niên 1960, sự di cư diện rộng tới những thành pố mới và vùng ngoại ô dẫn đến việc giảm dân số của Glasgow tới 580.690. Toàn bộ vùng bao quanh thành phố được bao phủ bởi khoảng 2,3 triệu người, 41% dân số của Scotland. Từ nguyên Cái tên Glasgow bắt nguồn từ Glas Cau trong tiếng Cumbric, có nghĩ là Green Hollow (xanh rỗng), nhằm ám chỉ những đồng cỏ xanh thẵm chạy dọc vùng Molendinar Burn, mà ngày nay là Nhà thờ Glasgow. Lịch sử Khu vực xung quanh Glasgow đã tổ chức các cộng đồng trong hàng thiên niên kỷ, với sông Clyde cung cấp vị trí tự nhiên để câu cá. Người La Mã sau đó đã xây dựng tiền đồn trong khu vực, và giữ Roman Britannia, tách khỏi Celtic và Pictish Caledonia, xây dựng bức tường Antonine, phần còn lại vẫn có thể được nhìn thấy ở Glasgow ngày nay. Glasgow được thành lập bởi nhà truyền giáo Saint Mungo vào thế kỷ thứ 6. Ông đã cho xây một nhà thờ trên thung lũng Molendinar, nay là Nhà thờ Glasgow, và trong những năm sau, Glasgow trở thành một trung tâm tôn giáo. Glasgow đã phát triển trong những thế kỷ tiếp theo. Các cây cầu đầu tiên được xây dựng Clyde sông tại Glasgow được ghi nhận từ khắp nơi trên 1285, đưa ra tên của nó vào vùng Briggait của thành phố, hình thành các tuyến đường chính Bắc-Nam qua sông qua Glasgow chéo. Sự ra đời của Đại học Glasgow và thành lập Tổng Giáo phận Glasgow năm 1492 đã nâng cao vị thế tôn giáo và giáo dục của thị trấn và gia tăng sự giàu có. Thương mại đầu tiên của nó là nông nghiệp, sản xuất bia và đánh bắt cá, với cá hồi và cá trích được xuất khẩu sang châu Âu và Địa Trung Hải. Sau cuộc cải cách Cải chánh Tin Lành ở Châu Âu và với sự khuyến khích của Công ước Hoàng gia Burghs, 14 tổ hợp các nghề thủ công gắn liền với nhau như Nhà Thương mại vào năm 1605 để phù hợp với quyền lực và ảnh hưởng trong hội đồng thị trấn của các Hội Thương Gia trước đó đã thành lập Nhà buôn Thương gia tại cùng năm. Glasgow sau đó đã được nâng lên tình trạng của Hoàng gia Burgh trong 1611. tài sản đáng kể của Glasgow đến từ thương mại, sản xuất và phát minh quốc tế, bắt đầu vào thế kỷ 17 với đường, tiếp theo là thuốc lá, và sau đó bông và lanh, các sản phẩm của Đại Tây Dương thương mại nô lệ hình tam giác. Daniel Defoe đã viếng thăm thành phố vào đầu thế kỷ 18 và nổi tiếng đã xuất bản trong cuốn sách của mình " Một chuyến đi xuyên đảo" của Vương quốc Anh, rằng Glasgow là "thành phố sạch và đẹp nhất và được xây dựng tốt nhất ở Anh, ngoại trừ Luân Đôn". Vào thời điểm đó, dân số của thành phố khoảng 12.000, và thành phố này vẫn chưa trải qua những thay đổi lớn lao về kinh tế và đô thị, do phong trào Khai sáng và Cách mạng Công nghiệp Scotland. Cảng thương mại Sau khi Đạo luật Liên bang năm 1707, Scotland tiếp tục tiếp cận với các thị trường rộng lớn của Đế quốc Anh mới, và Glasgow trở nên nổi tiếng như một trung tâm thương mại quốc tế với và đi từ châu Mỹ, đặc biệt là đường mật, thuốc lá, bông và hàng chế tạo. Lãnh chúa thuốc lá của thành phố đã tạo ra một cảng nước sâu ở Port Glasgow trên Firth of Clyde, vì dòng sông bên trong thành phố đã quá nông. Đến cuối thế kỷ 18, hơn một nửa thương mại thuốc lá của Anh tập trung vào sông Clyde của Glasgow, với hơn 47.000.000 lb (21.000 t) thuốc lá đang được nhập khẩu mỗi năm ở đỉnh cao của nó. Vào thời điểm đó, Glasgow có tầm quan trọng thương mại khi thành phố tham gia buôn bán đường, thuốc lá và bông sau đó. Công nghiệp hóa Việc mở Kênh Monkland và lưu vực nối với Kênh Forth và Clyde tại Cảng Dundas vào năm 1795, tạo điều kiện tiếp cận các mỏ quặng sắt và than đá rộng lớn ở Lanarkshire. Sau khi các dự án kỹ thuật sông rộng lớn nạo vét và đào sâu sông Clyde cho đến Glasgow, đóng tàu trở thành ngành công nghiệp chính ở thượng nguồn của dòng sông, đi tiên phong bởi các nhà công nghiệp như Robert Napier, John Elder, George Thomson, Sir William Pearce và Sir Alfred Yarrow. Sông Clyde cũng trở thành nguồn cảm hứng quan trọng cho các nghệ sĩ, như John Atkinson Grimshaw, John Knox, James Kay, Sir Muirhead Bone, Robert Eadie, Stanley Spencer và LS Lowry, sẵn sàng miêu tả thời đại công nghiệp mới và thế giới hiện đại. Dân số Glasgow đã vượt qua thành phố Edinburgh vào năm 1821. Sự phát triển của các tổ chức dân sự bao gồm cảnh sát thành phố Glasgow vào năm 1800, một trong những lực lượng cảnh sát đầu tiên trên thế giới. Bất chấp khủng hoảng do sự sụp đổ của Ngân hàng thành phố Glasgow vào năm 1878, tăng trưởng tiếp tục và đến cuối thế kỷ 19, nó là một trong những thành phố được gọi là "Thành phố Đế quốc thứ hai" và sản xuất hơn một nửa trọng tải của Anh của vận chuyển, và một phần tư của tất cả các đầu máy trên thế giới. Ngoài sự nổi trội của nó trong ngành đóng tàu, kỹ thuật, máy móc công nghiệp, xây dựng cầu, hóa chất, thuốc nổ, than đá và dầu khí, nó đã phát triển như một trung tâm hàng đầu về dệt may, sản xuất hàng may mặc, sản xuất thảm, chế biến da, đồ gỗ, đồ gốm, thực phẩm, đồ uống và thuốc lá; in ấn và xuất bản. Vận chuyển, ngân hàng, bảo hiểm và các dịch vụ chuyên nghiệp đã mở rộng cùng một lúc. Glasgow đã trở thành một trong những thành phố đầu tiên ở châu Âu đạt tới một triệu người. Các ngành nghề và khoa học mới của thành phố thu hút cư dân mới từ khắp vùng Lowlands và Highlands của Scotland, từ Ireland và các vùng khác của Anh và từ Châu Âu. Trong giai đoạn này, việc xây dựng nhiều kiệt tác kiến ​​trúc vĩ đại nhất của thành phố và các dự án kỹ thuật dân dụng đầy tham vọng nhất, như các công trình xử lý nước thải Milngavie, tàu điện ngầm Glasgow, thư viện Mitchell và phòng trưng bày nghệ thuật Kelvingrove đã được tài trợ bởi sự giàu có của nó. Thành phố cũng đã tổ chức một loạt các Triển lãm Quốc tế tại Kelvingrove Park, vào năm 1888, 1901 và 1911, với Triển lãm Quốc tế lớn nhất của Anh, Triển lãm Empire, sau đó được tổ chức vào năm 1938 tại Bellahouston Park, thu hút 13 triệu du khách. Thế kỷ 20 chứng kiến ​​sự suy giảm và đổi mới trong thành phố. Sau Thế chiến I, thành phố bị ảnh hưởng bởi cuộc suy thoái Thế giới lần thứ I và cuộc Đại khủng hoảng kinh tế sau đó, điều này cũng dẫn đến sự trỗi dậy của chủ nghĩa xã hội cấp tiến và phong trào "Red Clydeside". Thành phố đã hồi phục sau Thế chiến thứ hai và tăng trưởng nhờ sự bùng nổ sau chiến tranh kéo dài suốt những năm 1950. Vào những năm 1960, sự phát triển của ngành công nghiệp ở các nước như Nhật Bản và Tây Đức đã làm suy yếu vị trí nổi bật của nhiều ngành công nghiệp của thành phố. Kết quả là, Glasgow đã trải qua thời kỳ suy thoái kinh tế tương đối nhanh và nhanh chóng không công nghiệp hóa, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao, suy thoái thành thị, suy giảm dân số, phụ thuộc vào phúc lợi và sức khoẻ kém cho người dân thành phố. Đã có những nỗ lực tích cực trong việc tái tạo lại thành phố, khi Tổng công ty Glasgow xuất bản Báo cáo Bruce gây tranh cãi, đưa ra hàng loạt các sáng kiến ​​nhằm xoay chuyển sự suy giảm của thành phố. Báo cáo đã dẫn tới một chương trình xây dựng và tái tạo rất lớn và triệt để bắt đầu vào giữa những năm 1950 và kéo dài vào cuối những năm 1970. Điều này liên quan đến việc phá dỡ hàng loạt các khu nhà ổ chuột khét tiếng của thành phố và thay thế chúng bằng các khu nhà ở và khối tháp lớn ở ngoại ô. Thành phố đã đầu tư vào các cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, với hệ thống đường sá và đường cao tốc rộng khắp chia cắt khu vực trung tâm. Cũng có những cáo buộc rằng Văn phòng Scotland đã cố tình phá hoại ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Glasgow ở Scotland sau chiến tranh bằng cách chuyển hướng đầu tư vào các ngành công nghiệp mới sang các khu vực khác trong thời kỳ Silicon Glen và tạo ra các thị trấn mới của Cumbernauld, Glenrothes, Irvine, Livingston và East Kilbride, phân tán dọc các vùng đất thấp Scotland để giảm một nửa số dân số của thành phố. Vào cuối những năm 1980, đã có một sự hồi sinh đáng kể trong vận mệnh kinh tế của Glasgow. Chiến dịch "Glasgow mile better" được khởi động vào năm 1983 và mở ra Bộ sưu tập Burrell vào năm 1983 và Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Scotland năm 1985 đã tạo điều kiện cho vai trò mới của Glasgow như là một trung tâm dịch vụ kinh doanh và tài chính của châu Âu và thúc đẩy sự gia tăng du lịch và đầu tư. Loại thứ hai tiếp tục được củng cố bởi di sản của Liên hoan Glasgow Garden vào năm 1988, với tư cách là Văn hoá Văn hoá châu Âu vào năm 1990 và nỗ lực hợp nhất nhằm đa dạng hóa nền kinh tế của thành phố. Tuy nhiên, đó là di sản công nghiệp đóng vai trò thúc đẩy du lịch chủ chốt. Sự phục hồi kinh tế rộng lớn hơn đã tiếp tục tồn tại và việc tái thiết liên tục các khu vực trong thành phố, bao gồm cả việc Cải tạo bờ sông Clyde quy mô lớn, đã dẫn tới những người giàu có di chuyển trở lại sống ở trung tâm thành phố Glasgow, gây ra những cáo buộc về sự khuấy động. Thành phố hiện đang được Lonely Planet xem là một trong 10 thành phố du lịch hàng đầu thế giới. Mặc dù cuộc phục hưng kinh tế của Glasgow, East End của thành phố vẫn là trọng tâm của việc tước quyền xã hội. Báo cáo Kiểm toán Kinh tế Glasgow công bố năm 2007 cho biết khoảng cách giữa khu vực thịnh vượng và nghèo đói của thành phố đang mở rộng. Năm 2006, 47% dân số của Glasgow sống ở 15% khu vực bị tước đoạt nhất ở Scotland, trong khi Trung tâm Công lý Xã hội cho biết 29,4% cư dân ở độ tuổi lao động của thành phố "không hoạt động về mặt kinh tế". Mặc dù nhẹ phía sau trung bình ở Anh, Glasgow vẫn có tỷ lệ việc làm cao hơn Birmingham, Liverpool và Manchester. Trong năm 2008, thành phố được xếp hạng 43 về An toàn Cá nhân trong chỉ số Mercer của 50 thành phố an toàn nhất trên thế giới. Báo cáo của Mercer đã đặc biệt quan tâm đến chất lượng cuộc sống, nhưng đến năm 2011 ở Glasgow, một số khu vực vẫn "không đáp ứng được các Mục tiêu Chất lượng Không khí Scotland đối với lượng nitơ dioxide (NO2) và chất bụi (PM10)". Chính phủ và chính trị Mặc dù Glasgow Corporation đã đi tiên phong trong phong trào xã hội chủ nghĩa ở thành phố từ cuối thế kỷ XIX, kể từ Đạo luật Đại diện của Nhân dân năm 1918, Glasgow đã ngày càng ủng hộ ý tưởng cánh tả và chính trị ở cấp quốc gia. Các hội đồng thành phố được kiểm soát bởi Đảng Lao động trong hơn ba mươi năm, kể từ sự suy giảm của các cấp tiến. Kể từ năm 2007, khi các cuộc bầu cử của chính quyền địa phương ở Scotland bắt đầu sử dụng phiếu bầu có thể chuyển nhượng được duy nhất chứ không phải là hệ thống trước-qua-post, sự thống trị của Đảng Lao độngtrong thành phố bắt đầu giảm. Do kết quả của cuộc bầu cử địa phương tại Anh năm 2017, SNP đã thành lập một cơ quan quản lý thiểu số chấm dứt 33 năm kiểm soát liên tục của Lao động. Trong hậu quả của cuộc Cách mạng Nga năm 1917 và cuộc cách mạng của 1918-1919 Đức, đình công thường xuyên của thành phố và các tổ chức vũ trang gây ra báo động nghiêm trọng tại Westminster, với một cuộc nổi dậy trong tháng 1 năm 1919 khiến các Tự do Thủ tướng Chính phủ, David Lloyd George, để triển khai 10.000 binh lính và xe tăng trên đường phố của thành phố. Một cuộc biểu tình khổng lồ trong quảng trường George Square của thành phố vào ngày 31 tháng 1 đã kết thúc bằng bạo lực sau khi Đạo luật Riot được đọc. Hành động công nghiệp tại các nhà máy đóng tàu đã làm nổi bật cụm từ " Red Clydeside ". Trong những năm 1930, Glasgow là căn cứ chính của Đảng Lao động độc lập. Vào cuối thế kỷ hai mươi, nó trở thành trung tâm của cuộc đấu tranh chống lại thuế thu thập; được giới thiệu ở Scotland một năm trước khi phần còn lại của Vương quốc Anh và cũng là cơ sở chính của Đảng Xã hội Xcốtlen, một đảng chính trị cánh tả khác ở Scotland. Thành phố này đã không có một đảng Bảo thủ kể từ cuộc bầu cử năm Hillhead năm 1982, khi SDPlấy ghế, nằm trong khu vực giàu nhất Glasgow. Tài sản của Đảng Bảo thủ vẫn tiếp tục giảm trong thế kỷ 21, chỉ giành được một trong 79 thành viên Hội đồng Thành phố Glasgow vào năm 2012 mặc dù đã từng là đảng kiểm soát (như Tiến bộ) từ năm 1969-1972 khi ông Donald Liddle vị Quản đốc Chúa phi lao động cuối cùng. Glasgow có mặt tại cả Hạ viện ở London, và Quốc hội Scotland ở Holyrood, Edinburgh. Tại Westminster, nó được đại diện bởi 7 Nghị sĩ, tất cả được bầu ít nhất mỗi năm năm một lần để đại diện cho các cử tri cá thể, sử dụng hệ thống bỏ phiếu đầu tiên trong quá khứ. Tại Holyrood, Glasgow được đại diện bởi mười sáu MSP, trong đó có chín người được bầu để đại diện cho các cử tri cá thể mỗi bốn năm một lần bằng cách sử dụng lần đầu tiên trong quá khứ, và bảy người được bầu làm thành viên bổ sung trong khu vực, theo cách đại diện tỷ lệ. Kể từ cuộc bầu cử Quốc hội Scotland, năm 2016, Glasgow được đại diện tại Holyrood bởi 9 đảng MSPs quốc gia Xcốt-len, 4MSPs lao động, 2 MSP bảo thủ và 1 MSP Scotland Xanh. Trong Quốc hội Châu Âu, thành phố này là một phần của vùng bầu cử ở Scotland, nơi bầu ra 6 thành viên của Quốc hội Châu Âu. Vì Glasgow được bảo trợ và hoạt động dưới hai chế độ chính phủ trung ương riêng rẽ, Nghị viện Scotland và Chính phủ Vương quốc Anh, họ xác định nhiều vấn đề mà Hội đồng Thành phố Glasgow không chịu trách nhiệm. Khu vực bầu cử Glasgow của Quốc hội Scotland bao gồm khu vực hội đồng thành phố Glasgow, khu vực Rutherglen của South Lanarkshire và một phần nhỏ phía đông của Renfrewshire. Nó bầu chín trong số 73 quốc hội của quốc hội đầu tiên qua các thành viên bầu cử và bảy trong số 56 thành viên bổ sung. Cả hai loại thành viên này đều được biết đến như các Thành viên của Quốc hội Scotland (MSPs). Hệ thống bầu cử được thiết kế để tạo ra một hình thức đại diện tỷ lệ. Trận đấu đầu tiên được tổ chức vào năm 1999 với tên và ranh giới của các đơn vị bầu cử hiện tại của Westminster (Hạ viện). Năm 2005, số Thành viên Westminster của Nghị viện đại diện cho Scotland được cắt giảm xuống còn 59, với các cử tri mới được thành lập, trong khi số lượng các MSP hiện tại được giữ lại tại Holyrood. Trong cuộc bầu cử Quốc hội Scotland năm 2011, ranh giới của khu vực Glasgow được vẽ lại. Địa lý Glasgow nằm trên bờ sông Clyde, ở phía Tây Scotland. Sông quan trọng thứ hai của nó là Kelvin tên của nó đã được sử dụng trong việc tạo ra tiêu đề của Baron Kelvin và do đó kết thúc như đơn vị SI của nhiệt độ. Trên bản đồ cũ Glasgow được hiển thị trong khu vực của quận trước năm 1975 của Lanarkshire; từ 1975 đến 1996 nó xuất hiện trong vùng Strathclyde. Khí hậu Mặc dù có vĩ độ bắc, tương tự như Moskva, khí hậu Glasgow được phân loại là ôn đới đại dương (Köppen Cfb). Dữ liệu có sẵn trực tuyến cho 3 trạm thời tiết chính thức ở khu vực Glasgow: Paisley, Abbotsinch và Bishopton. Tất cả đều nằm ở phía tây của trung tâm thành phố. Do vị trí tây nam của nó và gần với Đại Tây Dương, Glasgow là một trong những khu vực nhẹ nhàng hơn của Scotland. Nhiệt độ thường cao hơn hầu hết các nơi có vĩ độ như nhau so với Anh Quốc, do ảnh hưởng nóng lên của Dòng Gulf Stream. Tuy nhiên, điều này dẫn đến những mùa rõ rệt hơn so với nhiều nước Tây Âu. Tại Paisley, lượng mưa trung bình hàng năm là 1.245 mm (49,0 inch). Mùa đông mát và u ám, với trung bình tháng Giêng là 5.0 °C (41.0 °F), mặc dù thấp đôi khi rơi xuống dưới độ đóng băng. Kể từ năm 2000, Glasgow đã trải qua vài đợt mùa đông rất lạnh, mùa đông và khắc nghiệt, nơi nhiệt độ đã giảm xuống dưới mức đóng băng. Tuy nhiên, các trường hợp cực đoan nhất đã thấy nhiệt độ khoảng -12 °C (10 °F) trong khu vực. Sự tích tụ tuyết rơi không thường xuyên và ngắn ngủi. Những tháng mùa xuân (tháng 3 đến tháng 5) thường nhẹ và thường khá dễ chịu. Rất nhiều cây cối và cây cối của Glasgow bắt đầu nở hoa vào thời điểm này trong năm, và các công viên và vườn hoa đầy màu sắc mùa xuân. Trong những tháng mùa hè (tháng 6 đến tháng 8), thời tiết có thể thay đổi đáng kể từ ngày này qua ngày khác nhau, từ hơi nước mát và ẩm ướt đến khá ấm áp với những ngày nắng dịu. Những đợt khô hạn của thời tiết ấm thường rất khan hiếm. Các điều kiện ẩm ướt và ẩm ướt không mưa thường xuyên. Nhìn chung mô hình thời tiết khá là không ổn định và không ổn định trong những tháng này, chỉ với những đợt sóng nóng thường xuyên. Tháng ấm nhất thường là tháng 7, với mức cao trung bình trên 20 °C (68 °F). Những ngày hè có thể thỉnh thoảng đạt đến 27 °C (81 °F), và rất hiếm khi vượt quá 30 °C (86 °F). Mùa thu thường mát đến nhẹ và lượng mưa ngày càng tăng. Vào đầu mùa thu có thể có một số thời kỳ ổn định của thời tiết và nó có thể cảm thấy dễ chịu với nhiệt độ nhẹ và một số ngày nắng. Bộ dữ liệu chính thức của Văn phòng Met Office bắt đầu từ năm 1959 và cho thấy rằng chỉ có một vài mùa hè ấm áp và không nóng ở Glasgow, trái ngược với các khu vực khác ở phía nam của Anh và phía đông ở châu Âu. Tháng ấm nhất trong loạt dữ liệu là Tháng 7 năm 2006, với nhiệt độ trung bình cao 22,7 °C (72,9 °F) và thấp 13,7 °C (56,7 °F). Ngay cả sự kiện cực đoan này chỉ phù hợp với một mùa hè bình thường với những điểm tương đồng tương tự ở châu Âu lục địa, nhấn mạnh đến ảnh hưởng của hàng hải. Tháng lạnh nhất trong lịch sử kể từ khi loạt dữ liệu bắt đầu vào tháng 12 năm 2010, trong một đợt sóng lạnh trầm trọng ảnh hưởng đến các hòn đảo Anh. Ngay cả khi đó, mức cao tháng 12 đã ở trên mức đóng băng ở 1.6 °C (34.9 °F) với nhiệt độ thấp -4.4 °C (24.1 °F). Điều này vẫn đảm bảo tháng lạnh nhất của Glasgow năm 2010 vẫn còn nhẹ hơn sootherother -3 °C (27 °F) thường được sử dụng để xác định normals khí hậu lục địa. Nhiệt độ cực đại dao động từ -19.9 °C (-4 °F) đến 31.2 °C (88 °F), tại Abbotsinch, và -14.8 °C đến 31.0 °C (88 °F) tại Paisley. Nhiệt độ lạnh nhất đã xảy ra trong những năm gần đây là -12,5 °C (9,5 °F) tại Bishopton trong tháng 12 năm 2010. Nhân khẩu học Vào những năm 1950, dân số của thành phố Glasgow đã đạt đỉnh điểm 1.089.000. Glasgow sau đó là một trong những thành phố đông dân nhất trên thế giới. Sau những năm 1960, các khoảng trống của các khu vực thành thị nội địa nghèo đói như Gorbals và di chuyển đến " các thị trấn mới " như East Kilbride và Cumbernauld đã dẫn đến sự suy giảm dân số. Ngoài ra, ranh giới của thành phố đã được thay đổi hai lần vào cuối thế kỷ 20, làm cho so sánh trực tiếp khó khăn. Thành phố tiếp tục mở rộng vượt ra ngoài ranh giới hội đồng thành phố vào các khu vực ngoại ô xung quanh, bao gồm khoảng 400 dặm vuông (1.040 km 2) của tất cả các khu vực ngoại ô liền kề, nếu thị trấn đi lại và làng mạc. Có hai định nghĩa khác nhau cho dân cư Glasgow: Hội đồng Thành phố Glasgow (mất năm Rutherglen và Cambuslang đến South Lanarkshire năm 1996) và Khu đại đô thị Glasgow (bao gồm khu phố cổ xung quanh thành phố). Sự gia tăng dân số của Glasgow trong thế kỷ thứ mười tám và mười chín liên quan đến sự phát triển kinh tế cũng như sự phát triển nội tại với phần lớn những người mới đến thành phố từ bên ngoài Scotland là từ Ireland, đặc biệt là các quận phía bắc của Donegal, Fermanagh, Tyrone và Derry. Trong Cuộc Tổng điều tra Anh năm 1881, 83% dân số được sinh ra ở Scotland, 13% ở Ireland, 3% ở Anh và 1% ở nơi khác. Đến năm 1911, thành phố đã không còn thu hút được số dân di dân. Tỷ lệ nhân khẩu học trong Tổng điều tra Anh năm 1951 là: sinh ở Scotland 93%, Ireland 3%, Anh 3% và các nơi khác 1%. Vào đầu thế kỷ 20, nhiều người Litvan là người tị nạn bắt đầu định cư ở Glasgow và vào thời điểm cao nhất trong những năm 1950; có khoảng 10.000 trong khu vực Glasgow. Nhiều người Scots gốc Ý cũng định cư tại Glasgow, có nguồn gốc từ các tỉnh như Frosinone giữa Roma và Napoli và Lucca ở phía tây bắc Tuscany vào thời điểm này, nhiều ban đầu làm việc như "Kiến thức cơ bản Pokey đàn ông". Trong những năm 1960 và 1970, nhiều người châu Á cũng định cư ở Glasgow, chủ yếu ở khu vực Pollokshields. Có khoảng 30.000 người Pakistan, 15.000 người Ấn Độ và 3.000 người Bangladesh cũng như người Trung Quốc, nhiều người trong số họ định cư tại khu vực Garnethill của thành phố. Kể từ năm 2000, chính phủ Anh đã theo đuổi chính sách phân tán người xin tị nạn để giảm bớt áp lực lên nhà ở xã hội ở khu vực Luân Đôn. Thành phố này cũng là nơi có khoảng 8.406 (1,42%) người Ba Lan đang sinh sống. Kể từ cuộc Tổng điều tra năm 2001 của Vương Quốc Anh, sự suy giảm dân số đã bị đảo ngược. Dân số là tĩnh trong một thời gian; nhưng do di cư từ các vùng khác của Scotland cũng như nhập cư từ nước ngoài, dân số đã bắt đầu phát triển. Dân số của khu hội đồng thành phố là 593.245 vào năm 2011, và khoảng 2.300.000 người sống ở Glasgow du lịch đến nơi làm việc. Vùng này được định nghĩa là bao gồm hơn 10% số cư dân đi du lịch đến Glasgow để làm việc và không có ranh giới cố định. Mật độ dân số của Luân Đôn sau cuộc điều tra dân số năm 2011 được ghi nhận là 5.200 người trên một kilômét vuông, trong khi 3.395 người trên mỗi kilômét vuông được đăng ký tại Glasgow. Trong năm 1931, mật độ dân số là 16.166 / sq mi (6,242 / km 2), làm nổi bật sự "hở" vào các vùng ngoại ô và thị trấn mới được xây dựng để giảm kích thước của một trong những của châu Âu thành phố đông dân cư nhất. Vào năm 2005, Glasgow có tuổi thọ thấp nhất tại bất kỳ thành phố nào của Anh ở tuổi 72,9. Phần lớn đã được thực hiện trong năm bầu cử Glasgow East 2008. Năm 2008, Tổ chức Y tế Thế giới báo cáo về sự bất bình đẳng về sức khỏe, tiết lộ rằng tuổi thọ nam giới dao động từ 54 năm Calton đến 82 năm trong vùng lân cận Lenzie, Đông Dunbartonshire. Kinh tế Glasgow có nền kinh tế lớn nhất ở Scotland và là trung tâm của khu vực đô thị Tây Trung Scotland. Glasgow cũng có GDP cao thứ ba trên đầu người của bất kỳ thành phố nào ở Anh (sau London và Edinburgh). Thành phố này tự duy trì hơn 410.000 việc làm trong hơn 12.000 công ty. Trong giai đoạn 2000-2005 đã có hơn 153.000 việc làm trong thành phố - mức tăng trưởng 32%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của Glasgow là 4,4% và đứng thứ hai chỉ sau London. Trong năm 2005, đã có hơn 17.000 việc làm mới được tạo ra, và năm 2006, đầu tư của khu vực tư nhân trong thành phố này đã đạt 4,2 tỷ bảng Anh, tăng 22% trong một năm. 55% cư dân ở Greater Glasgow mỗi ngày đi làm tham quan thành phố. Một khi các ngành công nghiệp chế tạo có xu hướng xuất khẩu chủ đạo như đóng tàu và các kỹ thuật nặng khác đã dần dần được thay thế bởi tầm hoạt động kinh tế đa dạng hơn, mặc dù các công ty sản xuất chính vẫn tiếp tục đặt trụ sở chính ở thành phố như Aggreko, Weir Group, Clyde Blowers, Howden, Sản phẩm Linn, trò chơi Firebrand, William Grant & Sons, Whyte và Mackay, Tập đoàn Edrington, Động cơ Polar Anh và Động cơ Albion. Glasgow từng là một trong những thành phố quan trọng nhất ở Anh về sản xuất, tạo ra rất nhiều sự giàu có của thành phố; ngành công nghiệp nổi bật nhất là đóng tàu dựa trên sông Clyde. Mặc dù Glasgow nợ nhiều của tăng trưởng kinh tế cho ngành công nghiệp đóng tàu, mà vẫn tiếp tục ngày hôm nay trong các hình thức của BAE Systems Hàng hải - Tàu thủy hải quân hai nhà máy đóng tàu ', thành phố có nguồn gốc từ việc buôn bán thuốc lá và được ghi nhận là đã "tăng từ giấc ngủ trung cổ của nó "từ thương mại thuốc lá, đi tiên phong bởi những con số như John Glassford. Thành phố cũng được ghi nhận cho ngành công nghiệp xây dựng đầu máy xe lửa của nó, do các công ty như Công ty Đầu máy Bắc Anh- đã phát triển trong thế kỷ 19 trước khi bước vào thập niên 1960. Trong khi ngành sản xuất đã giảm, nền kinh tế Glasgow đã có sự tăng trưởng tương đối đáng kể trong các ngành công nghiệp cấp ba như dịch vụ tài chính và kinh doanh, truyền thông, khoa học sinh học, công nghiệp sáng tạo, y tế, giáo dục đại học, bán lẻ và du lịch. Glasgow hiện là điểm du lịch nước ngoài phổ biến thứ hai ở Scotland (thứ năm ở Anh) và cung cấp trung tâm bán lẻ lớn nhất của Scotland. Từ năm 1998 đến năm 2001, khu vực dịch vụ tài chính của thành phố tăng trưởng ở mức 30%, thu được lợi ích đáng kể cho Edinburgh, vốn là trung tâm của ngành tài chính Scotland. Glasgow hiện nay là một trong mười sáu trung tâm tài chính lớn nhất của Châu Âu, với số lượng ngày càng tăng của các công ty tài chính trong khu vực tài chính Blue Chip thành lập các hoạt động hoặc trụ sở chính đáng kể trong thành phố. Những năm 1990 và thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 đã chứng kiến ​​sự tăng trưởng đáng kể về số lượng các trung tâm dịch vụ cuộc gọi có trụ sở tại Glasgow. Trong năm 2007 khoảng 20.000 người, một phần ba của tất cả nhân viên trung tâm cuộc gọi ở Scotland, đã được sử dụng bởi các trung tâm cuộc gọi Glasgow. tăng trưởng này, sử dụng cao của các cơ quan tuyển dụng để tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp là công nhân tạm thời đã dẫn đến những lời buộc tội bóc lột của thực tiễn như nhiều giờ, lương thấp và thiếu an ninh việc làm bởi các tổ chức công đoàn khác. Trong những năm gần đây, một số trung tâm gọi điện đã thực hiện các biện pháp để khắc phục những lời chỉ trích này. Các ngành sản xuất chính của thành phố bao gồm các công ty tham gia; đóng tàu và chưng cất, in ấn và xuất bản, hóa chất và hàng dệt may cũng như các ngành tăng trưởng mới như quang điện tử, phát triển phần mềm và công nghệ sinh học. Glasgow hình thành phía tây của khu vực công nghệ cao của Silicon Glen ở Scotland.
Giáo phận Rôma (,) là giáo phận ở thủ đô Roma (Ý), bao gồm cả Tòa Thánh Vatican. Giáo phận này luôn là giáo phận của giáo hoàng (Giáo hoàng là giám mục chính tòa của giáo phận) và được coi là Thánh đô của Giáo hội Công giáo Rôma, Giám quản Rôma hiện nay là hồng y Angelo De Donatis. Nhà thờ chính tòa của giáo phận là Vương cung thánh đường Thánh Gioan Latêranô. Chú thích
Ngày 21 tháng 11 là ngày thứ 325 trong mỗi năm thường (thứ 326 trong mỗi năm nhuận). Còn 40 ngày nữa trong năm. Sự kiện 235 – Anterus được bầu cử làm Giáo hoàng. 1009 - Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng đế Đại Cồ Việt, lập ra triều Lý, Việt Nam. 1272 – Hoàng tử Edward được trở thành Quốc vương Anh. 1631 – Tổ Đại Thọ mở cổng thành Đại Lăng Hà, suất chúng đến doanh trại quân Kim đầu hàng Hoàng Thái Cực, trận Đại Lăng Hà kết thúc (ngày Mậu Thìn, tức 28 tháng 10 âm lịch). 1783 – Ở Paris, Jean-François Pilâtre de Rozier và François Laurent, hầu tước Arlandes thực hiện chuyến bay khinh khí cầu không có dây lần đầu tiên. 1789 – Bắc Carolina thông qua Hiến pháp Hoa Kỳ và trở thành tiểu bang thứ 12 của Hoa Kỳ. 1791 – Đại tá Napoléon Bonaparte được thăng cấp tướng hẳn và được bổ nhiệm làm Tổng tư lệnh của các Quân đội Cộng hòa Pháp. 1894 – Quân đội Nhật Bản giành chiến thắng trước quân đội Đại Thanh trong trận Lữ Thuận Khẩu. 1916 – Trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất, tàu HMHS Britannic của Anh Quốc đâm phải thủy lôi và chìm trên biển Aegea. 1954 – Đảng Nhân dân Hành động được thành lập tại Singapore với tổng bí thư là Lý Quang Diệu, là đảng cầm quyền tại Singapore từ năm 1959. 1962 – Quân đội Trung Quốc tuyên bố ngừng bắn đơn phương, kết thúc Chiến tranh Trung-Ấn. 1970 – Trong chiến tranh Việt Nam, quân đội Hoa Kỳ tiến hành tập kích một trại giam ở Sơn Tây nhằm giải thoát các tù binh Mỹ đang bị giam giữ. 1995 – Hòa ước Dayton được ký tắt tại căn cứ không quân Wright–Patterson tại Ohio, kết thúc ba năm rưỡi chiến tranh tại Bosna và Hercegovina. 2013 – Vụ sập trần siêu thị Riga tại Latvia khiến 54 người thiệt mạng. 2013 – Bắt đầu những cuộc biểu tình tại Kiev, Ukraina dẫn đến việc chế độ Yanukovych sụp đổ. Sinh 1643 – René-Robert Cavelier, Sieur de La Salle, nhà thám hiểm người Pháp (m. 1687) 1694 – Voltaire, triết gia người Pháp (m. 1778) 1796 – Nguyễn Phúc Ngọc Nga, phong hiệu An Thái Công chúa, công chúa con vua Gia Long nhà Nguyễn (m. 1856). 1811 – Tăng Quốc Phiên, nhân vật quân sự nhà Thanh (m. 1872) 1818 – Lewis Henry Morgan, nhà nhân loại học người Mỹ (m. 1881) 1852 – Francisco Tárrega, người chơi đàn guitar và nhà soạn nhạc người Tây Ban Nha (m. 1909) 1854 – Giáo hoàng Biển Đức XV (m. 1922) 1898 – René Magritte, họa sĩ người Bỉ (m. 1967) 1902 – Isaac Bashevis Singer, tác gia người Mỹ gốc Ba Lan, đoạt giải Nobel Văn học (m. 1991) 1914 – Henri Laborit, thầy thuốc và triết gia người Pháp (m. 1995) 1950 – Thạch Tu, diễn viên Hồng Kông 1965 – Björk, ca sĩ-người viết bài hát, nhà sản xuất, và diễn viên Iceland. 1979 – Vincenzo Iaquinta, cầu thủ bóng đá người Ý 1984 – Jena Malone, diễn viên và ca sĩ người Mỹ 1985 – Carly Rae Jepsen, ca sĩ, người viết bài hát, diễn viên người Canada 1985 – Jesús Navas, cầu thủ bóng đá người Tây Ban Nha 1992 – Conor Maynard, ca sĩ, người viết bài hát người Anh 1992- Kang Seung-yoon, ca sĩ, thành viên WINNER Mất 496 – Giáo hoàng Gêlasiô I 615 – Côlumbanô, nhà truyền giáo người Ireland (b. 543) 1695 – Henry Purcell, nhà soạn nhạc người Anh (b. 1659) 1811 – Heinrich von Kleist, tác gia người Đức (b. 1777) 1844 – Ivan Andreyevich Krylov, tác gia người Nga (b. 1769) 1916 – Franz Joseph I của Áo (b. 1830) 1970 – Chandrasekhara Venkata Raman, nhà vật lý học người Ấn Độ, đoạt giải Nobel Vật lý (b. 1888) 1992 – Kaysone Phomvihane, chính trị gia Lào, Chủ tịch nước thứ hai của Lào (b. 1920) 1997 – Diệp Minh Tuyền, nhà thơ, nhạc sĩ Việt Nam (m. 1941). 2009 – Konstantin Petrovich Feoktistov, phi hành gia Liên Xô (b. 1926) 2012 – Ajmal Kasab, kẻ khủng bố người Pakistan (b. 1987) Những ngày lễ và ngày kỉ niệm
Risk Your Life: Path of the Emperor (tiếng Anh, viết tắt RYL) là tên của MMORPG (trò chơi phân vai trực tuyến nhiều người chơi đồng loạt) rất nổi tiếng do Gammasoft (Hàn Quốc) và Youxiland (Đài Loan) hợp tác phát triển và phát hành trên hơn 20 quốc gia với trên 10 triệu người tham gia. RYL là game online khá hay với các tính năng khó có game online nào có được. RYL được xây dựng trên môi trường 3D thuần túy với các tính năng PvM, PvP. Những trận đánh chiếm pháo đài, tượng đài, công thành với hàng ngàn người tham gia và từng lọt vào bảng xếp hạng top 10 game xuất sắc nhất Thế giới do website mmorpg.com bình chọn. Nội dung "Hàng ngàn năm trước công nguyên…" Cuộc sống yên bình ở Kartehena bị phá vỡ bởi cuộc nội chiến, Lord Luipolt quyết định rời bỏ quê hương, đi về bờ biển tây của lục địa, Grand Coast và xây dựng nên vương quốc Karterfant. Trước khi băng hà, Luipolt đã truyền ngôi lại cho Conlatin. Vị hoàng đế mới lập tức củng cố quân đội, nghiên cứu ma thuật rồi đem quân đi xâm lược Island of Scyna và bắt đầu dòm ngó đến "viên ngọc" Cearnarvon. Một thời gian dài trong quá khứ, người Ancient với trí tuệ tuyệt vời đã sáng tạo ra Ak’kan thông minh và mạnh mẽ. Nhưng cùng với sự phát triển vượt bậc đó là việc thiên nhiên bị tàn phá khủng khiếp. Cho đến một ngày, núi lửa bỗng phun trào, tro bụi và nham thạch che phủ mọi dấu vết của một thời đại hoàng kim. Những Ak’kan sống sót, lãnh đạo bởi huyền thoại Merkhad, đã xây dựng lên một quốc gia có nền văn minh hơn hẳn người Ancient, với cái tên Merkhadian. Cuộc sống phồn thịnh cùng thời gian đã xóa nhòa ký ức về thảm họa, mảnh đất cũ trở nên quá chật trội, Merkhadian bắt đầu tìm cách mở rộng lãnh thổ. Nhưng trước khi đưa quân đến Caernarvon, thiên nhiên lại một lần nữa nổi giận, đập tan tất cả. Trong cảnh hoang tàn đó, những kẻ sống sót mất hết hy vọng vào tương lai. Chỉ khi Latra xuất hiện và cứu rỗi những linh hồn bé bỏng bằng tình thương và quyền năng vô hạn của mình. Cô tiến hành một cuộc di dân về Caernarvon, giúp họ định cư rồi biến mất cùng cánh cổng thời gian Dimensional. Và thế là, cuộc chiến giữa Merkhadian và Karterfant nhằm giành giật vùng đất mới bắt đầu. Trong khi đó, đế chế Kartehena hung bạo dập tắt cuộc nổi loạn và đưa quân đánh Grand Coast, buộc Conlatin rút quân khỏi Caernavon. Sự thiện chiến của cường quốc Kartehena đã khiến Conlatin thất thủ và rút theo đường biển về Island of Scyna. Rõ ràng, Caernarvon trở thành hi vọng cuối cùng của Karterfant..."
Thành Tam Vấn (1418-1456) là một trong những người đã tạo ra bảng chữ cái tiếng Triều Tiên Hangul.
Chi Linh lăng hay chi Cỏ ba lá thập tự (danh pháp khoa học: Medicago) là một chi thực vật trong họ Đậu (Fabaceae), có hoa sống lâu năm, chủ yếu được nói đến như là M. sativa L., tức cỏ linh lăng. Cỏ linh lăng là thực vật lâu năm, sống từ 5 đến 12 năm, phụ thuộc vào các giống và đặc điểm khí hậu nơi sinh trưởng. Chúng là cây giống đậu sống lâu năm ở các khu vực ôn đới, có thể phát triển tới độ cao 1 mét. Lá của chúng mọc thành cụm lá chét, mỗi cụm có ba lá và các cụm hoa màu tím tía. Chúng có hệ rễ sâu, đôi khi sâu tới 4,5 mét. Điều này làm cho chúng có tính chịu khô hạn tốt. Cỏ linh lăng (Medicago sativa) và tên chi của chúng (Medicago) được cho là có nguồn gốc từ Ba Tư Trung cổ. Nó được đưa vào Hy Lạp khoảng năm 490 TCN như là thức ăn cho ngựa của quân đội Ba Tư. Nó cũng được đưa từ Chile vào Hoa Kỳ khoảng năm 1860. Chúng được trồng rộng khắp thế giới như là thức ăn cho bò và chủ yếu được trồng để thu hoạch dưới dạng cỏ khô hay ủ chua với các loại thức ăn cho gia súc khác như ngô. Cỏ ba lá có giá trị dinh dưỡng cao trong số các loại cây trồng để thu hoach dưới dạng cỏ khô phổ biến nhất, chúng cũng được sử dụng như là bãi chăn thả hay thức ăn dự trữ cho gia súc. Giống như các loại cây thuộc họ Đậu khác, các mắt rễ của chúng có chứa các loại vi khuẩn, chẳng hạn như Rhizobium là các vi khuẩn có khả năng cố định đạm, tạo ra thức ăn gia súc giàu protein mà ít phụ thuộc vào lượng nitơ chuyển hóa được trong đất. Chúng được trồng rộng rãi vào khoảng thế kỷ 17 và là một trong các tiến bộ quan trọng của nông nghiệp châu Âu. Quan hệ cộng sinh của nó với vi khuẩn cố định đạm và công dụng như là thức ăn gia súc đã nâng cao hiệu quả của sản xuất nông nghiệp một cách đáng kể. Linh lăng là một trong số ít các thực vật có sự tự gây độc. Chính vì thế hạt cỏ linh lăng sẽ không mọc được trong các khu vực đang có cỏ linh lăng. Vì vậy, các cánh đồng cỏ linh lăng phải được cày bừa hay luân canh (trồng loại cây khác trước khi tái gieo hạt của chúng) trước khi gieo hạt trở lại. Các chồi non của cỏ linh lăng cũng được sử dụng như một thành phần của món xa lát tại Hoa Kỳ và Úc. Các cọng mềm cũng được người sử dụng như là rau ở một vài khu vực. Các phần thân già ít được người sử dụng do chứa nhiều xơ. Cỏ ba lá có tiềm năng để trở thành loại rau có năng suất cao, cũng như được chế biến thành bột bằng cách làm khô và nghiền nhỏ hay bằng cách nghiền nhão ra để chiết lấy các chất dinh dưỡng có trong lá. Người ta cũng cho rằng cỏ linh lăng có tác dụng làm tăng tiết sữa. Tại Hoa Kỳ, các bang trồng nhiều cỏ linh lăng là Wisconsin và California, với phần lớn sản lượng của bang thứ hai có được từ vùng hoang mạc Mojave nhờ sự cung cấp nước tưới của California Aqueduct. Trồng trọt Cỏ linh lăng có thể gieo vào mùa xuân hay mùa thu, và phát triển tốt trên các loại đất được tưới tiêu nước tốt với pH khoảng 6,8-7,5. Cỏ linh lăng cần nhiều kali; các loại đất có độ dinh dưỡng thấp cần phải được bón phân bằng phân hữu cơ hay phân hóa học. Thông thường người ta gieo 13–17 kg/hecta (12-15 pao/mẫu Anh) trong các khu vực có khí hậu thích hợp và khoảng 22 kg/hecta (20 pao/mẫu Anh) trong các khu vực xa hơn về phía nam (ở Bắc bán cầu). Các loại cây che bóng thông thường được trồng, cụ thể là đối với vụ gieo hạt mùa xuân để giảm cỏ dại. Thuốc diệt cỏ đôi khi cũng được sử dụng. Trong phần lớn các khu vực, cỏ linh lăng được thu hoạch từ 3-4 lần trong năm. Tổng năng suất khoảng 10 tấn/hecta (4 tấn/mẫu Anh) nhưng dao động theo khu vực và phụ thuộc vào thời tiết cũng như giai đoạn trưởng thành khi thu hoạch. Những lần thu hoạch sau thường có năng suất cao hơn nhưng thành phần dinh dưỡng lại hay bị giảm. Các loại bọ chét trên lá có thể giảm sản lượng đáng kể, cụ thể là đối với lần thu hoạch thứ hai trong năm do thời tiết là ấm nhất. Sử dụng thuốc trừ sâu đôi khi được áp dụng để ngăn không cho chúng phát triển. Cỏ linh lăng cũng dễ bị tổn thương trước bệnh thối gốc Texas (do nấm Phymatotrichopsis omni gây ra). Một số ấu trùng của một số loài thuộc bộ Lepidoptera như bướm mắt cáo (Semiothisa clathrata) cũng ăn lá của cỏ linh lăng. Việc gieo trồng cỏ linh lăng để lấy hạt đòi hỏi phải có sự thụ phấn nhân tạo, do vậy khi cỏ linh lăng ra hoa người ta phải đưa những "sinh vật thụ phấn" nhân tạo ra gần cánh đồng. Thông thường người ta dùng loài ong làm tổ dưới đất (Megachile rotundata), được nuôi trong các tổ đặc biệt gần các cánh đồng trồng cỏ lấy hạt, hay các tổ ong mật (chi Apis). Thu hoạch Khi cỏ linh lăng được sử dụng làm cỏ khô, thông thường người ta cắt chúng và đóng kiện. Các đống cỏ khô vẫn còn được áp dụng trong một số khu vực có điều kiện cơ giới hóa thấp, nhưng việc đóng thành kiện tròn được sử dụng nhiều hơn do dễ vận chuyển. Lý tưởng nhất để thu hoạch là khi cỏ linh lăng bắt đầu nở hoa. Khi sử dụng các thiết bị cơ giới thay vì cắt thủ công, quy trình được bắt đầu với máy xén cỏ, nó xén cỏ linh lăng và xếp thành luống. Sau khi cỏ đã phơi khô thì máy kéo có gắn thiết bị đóng kiện thu thập cỏ khô và đóng thành kiện. Có ba loại kiện thông dụng đối với cỏ linh lăng. Các kiện "vuông" nhỏ—kích thước khoảng 40 x 45 x 100 cm (15 in x 18 in x 38 in) - được sử dụng cho các gia súc nhỏ và ngựa đơn lẻ. Các kiện vuông nhỏ này nặng khoảng 25–30 kg (50-70 pao) phụ thuộc vào độ ẩm và có thể dễ dàng di chuyển. Các trang trại nuôi bò sử dụng các loại kiện tròn lớn, thông thường có đường kính 1,4 đến 1,8 m (4,5 đến 6 ft) và cân nặng khoảng 500-1.000 kg. Các kiện loại này có thể xếp thành đống vững chắc, được xếp đặt trong các khu vực nuôi bò, ngựa thành bầy. Gần đây, người ta còn đóng các kiện vuông lớn, có tỷ lệ kích thước tương tự như kiện vuông nhỏ, nhưng các kích thước thì lớn hơn. Kích thước được thiết lập sao cho kiện cỏ vừa khít với kích thước của thùng xe tải. Một số loài Các loài dưới đây lấy theo ILDIS Medicago agropyretorum Medicago alatavica Medicago arabica - Linh lăng Ả Rập Medicago arborea - Linh lăng thân gỗ Medicago archiducis-nicolai Medicago astroites Medicago blancheana Medicago brachycarpa Medicago cancellata Medicago carstiensis Medicago caucasica Medicago ciliaris - Linh lăng lông mịn Medicago constricta Medicago coronata - Linh lăng vương miện Medicago crassipes Medicago cretacea Medicago cyrenaea Medicago daghestanica Medicago difalcata Medicago disciformis Medicago doliata Medicago edgeworthii Medicago falcata - Linh lăng hoa vàng Medicago fischeriana Medicago glomerata Medicago granadensis Medicago grossheimii Medicago gunibica Medicago heldreichii Medicago hemicoerulea Medicago heyniana Medicago hybrida Medicago hypogaea Medicago intertexta - Linh lăng Calvary Medicago karatschaia Medicago komarovii Medicago laciniata - Linh lăng lá khía Medicago lanigera Medicago laxispira Medicago littoralis - Linh lăng duyên hải Medicago lupulina - Linh lăng đen Medicago marina - Linh lăng biển Medicago medicaginoides Medicago meyeri Medicago minima - Linh lăng nhỏ Medicago monantha Medicago monspeliaca Medicago murex - Linh lăng gai Medicago muricoleptis Medicago noeana Medicago orbicularis - Linh lăng quả tròn Medicago orthoceras Medicago ovalis Medicago papillosa Medicago persica Medicago phrygia Medicago pironae Medicago playtcarpa Medicago polyceratia Medicago polychroa Medicago polymorpha - Linh lăng lá khía răng cưa Medicago praecox - Linh lăng Địa Trung Hải Medicago prostrata Medicago radiata - Linh lăng quả tia Medicago retrorsa Medicago rhodopea Medicago rigida Medicago rigidula Medicago rigiduloides Medicago rotata Medicago rugosa Medicago rupestris Medicago ruthenica Medicago sativa - Cỏ linh lăng Medicago sauvagei Medicago saxatilis Medicago schischkinii Medicago scutellata - Linh lăng khiên Medicago secundiflora Medicago shepardii Medicago sinskiae Medicago soleirolii Medicago strasseri Medicago suffruticosa Medicago syriaca Medicago talyschensis Medicago tenoreana Medicago tornata Medicago transoxana Medicago truncatula Medicago tunetana Medicago turbinata - Linh lăng phương nam Medicago vardanis Medicago virescens Các giống Các nghiên cứu và tìm kiếm đáng chú ý đã được thực hiện đối với cây trồng quan trọng này. Hiện nay, có rất nhiều giống của nhà nước và tư nhân được đưa ra để thích nghi với các điều kiện khí hậu và thời tiết cụ thể. Phần lớn các cải tạo về giống cỏ linh lăng trong các thập niên vừa qua là nhằm tăng sức chống chịu đối với các loại bệnh tật, nâng cao khả năng chịu rét tại các khu vực có khí hậu lạnh cũng như tạo ra các giống có nhiều lá chét. Cỏ linh lăng nhiều lá chét có nhiều hơn 3 lá chét tại mỗi chét lá (Thuật ngữ cỏ ba lá trong trường hợp này không thể hiện đúng biểu hiện bề ngoài của chúng). Nó có thành phần dinh dưỡng cao hơn tính theo trọng lượng do ở đây có tương đối nhiều lá tính trên cùng một lượng cuống lá. Ghi chú
Cỏ linh lăng (danh pháp hai phần: Medicago sativa), tên thường gọi cỏ Alfalfa là một loài cây thuộc chi Linh lăng (Medicago) của họ Đậu (Fabaceae). Hàm lượng protein cao của nó làm cho nó rất thích hợp để làm thức ăn cho gia súc. Nó có bộ nhiễm sắc thể 4n. M. sativa có lẽ có nguồn gốc từ Trung Á và đã được con người gieo trồng tại Trung Cận Đông từ thời kỳ đồ đồng để nuôi ngựa và sau đó đã được đưa vào châu Âu. Hiện nay, cỏ Alfalfa là cây thức ăn chăn nuôi quan trọng ở nhiều quốc gia và được thế giới mệnh danh là "nữ hoàng thức ăn chăn nuôi". M. sativa chủ yếu được trồng để sản xuất cỏ khô. Tác dụng của cỏ linh lăng Giúp giảm cholesterol Ngăn ngừa bệnh tiểu đường Giảm triệu chứng mãn kinh Tác dụng chống oxy hóa
Nhạc đỏ, tức nhạc cách mạng Việt Nam, là một dòng của tân nhạc Việt Nam gồm những bài hát sáng tác trong thời kỳ Chiến tranh Đông Dương, ở miền Bắc Việt Nam và vùng giải phóng ở miền Nam Việt Nam trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam và sau năm 1975 khi Việt Nam thống nhất. Khái niệm "nhạc đỏ" chỉ hay dùng trong nhân dân (để phân biệt với "nhạc xanh", "nhạc vàng"...) và chỉ có từ khoảng đầu thập niên 1990 trở đi theo sự "phân màu" cho âm nhạc của nhạc sĩ Trần Hoàn, còn các văn bản nhà nước gọi đây là nhạc cách mạng, nhạc truyền thống hay nhạc chính thống. Tuy nhiên biểu tượng của cách mạng trong quang phổ chính trị là màu đỏ, nên gọi nhạc đỏ cũng như nhạc cách mạng vậy. Theo Jason Gibbs, thì các bài hát cách mạng mà ban đầu là nhạc hùng Pháp, hay bài Quốc tế ca dịch sang tiếng Việt, cùng với bài "Cùng nhau đi hồng binh" (Đinh Nhu) là các bài hát đầu tiên của Tân nhạc Việt Nam. Cụm từ "nhạc đỏ" xuất hiện trong dân chúng giữa thập niên 1990 khi có phong trào phổ biến các bài hát cách mạng qua các băng video, cassette, tức được thương mại hóa (trước đó gần như chỉ phát trên phát thanh, truyền hình và biểu diễn trực tiếp). Cụm từ "nhạc đỏ" được phổ biến theo sự phân loại màu sắc âm nhạc của nhạc sĩ Trần Hoàn khi còn là Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin với sự đề xuất của nhạc sĩ Phạm Tuyên trong thập niên 1990. Theo đó, âm nhạc được phân loại theo "màu sắc", màu đỏ (nhạc đỏ, hồng ca) được ghép cho nhạc cách mạng, nhạc chiến tranh quân sự và nhạc đoàn đội, hùng ca, tỉnh ca, nhạc phong trào Thanh Niên Xung Phong, những bài hát có màu sắc chính trị cách mạng. Màu đỏ với hàm ý tích cực, tượng trưng cho sự tươi sáng và lòng nhiệt huyết tuổi trẻ hăng hái góp sức, xây dựng, cống hiến sức lực và tuổi thanh xuân cho quốc gia dân tộc và cộng đồng xã hội. Màu vàng tượng trưng cho sự vàng úa, khô héo, ru ngủ với hàm ý tiêu cực cho các bài hát tình cảm buồn có nội dung chua cay, chia ly, ngăn cách, bi quan yếm thế. Năm 1997, làng nhạc Việt có thêm một "màu nhạc" nữa được nhiều người gọi là nhạc xanh để chỉ các bài hát nhạc trẻ, nhạc trữ tình tươi sáng có nhạc điệu và nội dung sáng sủa, lạc quan tích cực. Từ đó ra đời giải thưởng Làn Sóng Xanh và một loạt các ca sĩ nổi tiếng với dòng nhạc này. Tuy vậy, sự phân loại màu nhạc chưa bao giờ có sự thống nhất trong cộng đồng, do đó hiện nay cách gọi truyền thống phổ biến cho dòng nhạc này vẫn là nhạc cách mạng, trên các văn bản chính thức là nhạc truyền thống cách mạng thay vì cách gọi "nhạc đỏ" như những năm 1990. Các ca khúc nhạc đỏ thường để cổ vũ tinh thần chiến đấu của chiến sĩ, phục vụ kháng chiến, truyền đạt những chính sách của nhà nước, khuyến khích tình yêu lý tưởng cộng sản, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, và những bài hát trữ tình cách mạng, thể hiện tình yêu quê hương đất nước hoặc cổ vũ lao động, xây dựng, tinh thần lạc quan, yêu đời, cống hiến và có tính cộng đồng. Các ca khúc nhạc đỏ thường ít tính hiện thực hóa mà mang tính lý tưởng hóa hay lãng mạn hóa cao, nhưng khác với các ca khúc thời tiền chiến có tính lãng mạn tách rời đời sống, thường không có không gian hoặc thời gian cụ thể, nhạc đỏ đặt tính lãng mạn, lý tưởng hóa gắn với cuộc sống xã hội, có không gian và thời gian cụ thể, và thực tế hóa. Các bài hát nhạc đỏ phần lớn thuộc dòng thính phòng, được hát bởi các giọng tenor và soprano, dàn hợp xướng, và âm hưởng dân ca, giai điệu phức tạp nhưng lời nhiều bài bình dị đi vào quần chúng số đông. Không kể các bài hành khúc, tổ khúc, hợp xướng thường hát tốp ca hay hợp xướng, phần lớn các bài nhạc đỏ hát bằng giọng trưởng quãng âm cao và rộng, sáng, đôi khi kèm hợp xướng. Nhạc đỏ thường theo điệu March (hành khúc), Valse, Slow Waltz hay Boston, Slow Ballad, Slow Surf, Blues, đến Chachacha, Disco, một số là các trường ca giai điệu phức tạp. Tính cách mạng còn thể hiện trong nhiều tác phẩm khí nhạc hay nhạc viết cho trẻ em. Nhạc đỏ đa số là hành khúc, có tính chất quần chúng cao, bên cạnh đó có nhiều sáng tác nghiêng về chất cổ điển có thể chơi với dàn nhạc giao hưởng, và các sáng tác có tính chất nhạc nhẹ, và tính chất dân gian. Từ cuối thập niên 1970 Nhà nước mới cho sáng tác nhạc nhẹ sau một thời gian bị cấm và các sáng tác nhạc nhẹ ban đầu gọi là các ca khúc chính trị, cũng là một phần nhạc đỏ hiểu theo cách hiểu đại chúng. Lối hát Bel Canto rất phổ biến khi nhiều bài hát hay có các quãng cao, rộng. Nhạc đỏ cùng với nhạc dân ca, truyền thống, opera nhạc kịch và nhạc giao hưởng là những thể loại âm nhạc duy nhất được phát trên đài phát thanh Việt Nam từ 1954-1975 ở miền Bắc. Nhạc giao hưởng chủ yếu là phát tác phẩm của các tác giả Liên Xô như Sergei Taneyev, Shostakovich, Prokofiev, Myaskovsky, Rodion Shchedrin, Tchaikovsky, Mikhail Glinka, cùng các tác giả cổ điển như Beethoven, Chopin, Mozart...Tuy không có chủ trương kiểm duyệt công khai, nhưng âm nhạc thời kỳ trước 1975 tại miền Bắc và nhạc đỏ có sự định hướng, chỉ đạo và kiểm soát của lãnh đạo và nhà nước. Với mong muốn tiến nhanh tiến mạnh lên XHCN thời trước Đổi mới, nên các bài nhạc đỏ thường có tính cách mạng, tính chiến đấu cao về mặt tư tưởng, thoát ly khỏi tư tưởng chủ nghĩa cá nhân. Các bài nhạc đỏ thường thể hiện tính cộng đồng rất cao, và theo hướng lành mạnh hóa văn hóa tư tưởng. Khác với các dòng nhạc khác thường khai thác tình yêu cá nhân là chủ đạo, mà xã hội hay thiên nhiên chỉ làm nền hay mang tính minh họa, nhạc đỏ không có tình yêu cá nhân tách rời xã hội. Tình yêu cá nhân phải gắn bó với tình yêu quê hương, đất nước, cộng đồng, thậm chí mở lòng ra cả nhân loại, gắn với chiến đấu, lao động, học tập, công tác, và chỉ có tình yêu chung thủy, đợi chờ, tình cảm không bị chi phối bởi vật chất được nhắc tới nhiều, không có thất tình, cô đơn, yếu đuối. Các ca khúc nhạc đỏ thường rất chặt chẽ về tư tưởng, ít mô tả cái Tôi cá nhân, cho dù nó thể hiện tư tưởng rất cao thượng và rộng lớn. Âm nhạc không chịu sự chi phối của thị trường, tiền bạc, không theo cung cầu, do đó hạn chế các ca khúc thị trường sáng tác theo thị hiếu (nở rộ miền Nam trước 1975 và sau Đổi mới). Nhưng mặt khác kiểm soát chặt cũng hạn chế sáng tạo của các nhạc sĩ, và các tư tưởng lớn thường nhân dân không nắm bắt kịp, ít chạm được tới quần chúng bình dân, và sau thời Đổi mới, tâm lý xã hội có nhiều chuyển biến, các ca khúc nhạc đỏ xét về tư tưởng càng thể hiện tính lý tưởng hóa. Sau Đổi mới, xuất hiện nhiều bài hát xã hội, kể cả phê phán thói hư tật xấu của xã hội, các tệ nạn nhưng chưa nhiều và chưa có những tác phẩm lớn có giá trị cao. Một số nhạc sĩ nhạc đỏ tiêu biểu như Dương Minh Viên, Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận, Nguyễn Xuân Khoát, Phạm Duy, Văn Cao, Tô Hải, Nguyễn Văn Tý, Phạm Tuyên, Huy Du, Hoàng Việt, Hoàng Vân, Phan Huỳnh Điểu, Diệp Minh Tuyền, Chu Minh, Hoàng Hiệp, Hoàng Hà, Trần Kiết Tường, Lư Nhất Vũ, Trần Long Ẩn, Phạm Minh Tuấn, Văn Chung, Xuân Hồng, Thuận Yến, Trần Hoàn, Nguyễn Đức Toàn, Nguyễn Văn Thương,... Những ca sĩ nổi tiếng của nhạc đỏ (cũng thường là các ca sĩ dòng thính phòng, opera) có thể kể đến như: NSND Quốc Hương, NSND Thương Huyền, NSND Trần Khánh, NSND Mai Khanh, NSƯT Trần Thụ, NSƯT Trần Chất, NSƯT Văn Hanh, NSƯT Tân Nhân, NSƯT Lê Hằng, NSND Trung Kiên, NSND Quý Dương, NSND Trần Hiếu, NSƯT Kiều Hưng, NSND Tường Vi, NSƯT Hữu Nội, NSƯT Kim Nhớ, NSND Thanh Huyền, NSƯT Bích Liên, NSƯT Tuyết Thanh, Kim Ngọc, NSƯT Diệu Thúy, NGƯT Mỹ Bình, Thu Phương, NSƯT Tuyết Nhung, NSƯT Vũ Dậu, Phan Huấn, Dương Minh Đức, NSND Quang Thọ, NSND Doãn Tần, NSƯT Thúy Hà, NSND Thanh Hoa, NSƯT Tiến Thành, NSND Lê Dung, NSND Thu Hiền, NSND Trung Đức, NSƯT Đức Chính, NSƯT Tuấn Phong, NSƯT Quang Lý, NSƯT Bích Việt, NSND Tạ Minh Tâm, NSND Rơ Chăm Phiang, NSND Thái Bảo, Trọng Tấn, NSƯT Đăng Dương, NSƯT Việt Hoàn, NSƯT Quang Hưng, NSƯT Phạm Phương Thảo Mạnh Dũng, Thanh Thúy, Cao Minh, Anh Thơ, Lan Anh, Tân Nhàn... Do nhạc đỏ nhiều bài rất nhiều người hát kể cả các ca sĩ không chuyên dòng nhạc này, nên trừ số rất ít, mỗi ca sĩ nổi bật ở một vài bài. Giống như các nhạc sĩ và nhạc công của miền Bắc trong thời kỳ này, họ chủ yếu được đào tạo ở nhạc viện trong nước và các nhạc viện thuộc Liên Xô và các nước Đông Âu. Trước 1945 cũng có những ca khúc vẫn được xếp vào dòng nhạc đỏ như bài Cùng nhau đi Hồng binh của Đinh Nhu, một số bài hát của Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước... Nhưng phải đến khi xảy ra cuộc chiến tranh Việt - Pháp, nhiều nhạc sĩ lãng mạn đi theo kháng chiến sáng tác những ca khúc mới thì nhạc đỏ mới thực sự hình thành. Giai đoạn 1945-1954 Đây là giai đoạn khởi đầu của dòng tân nhạc cách mạng, tuy vậy những tác phẩm ưu tú nhất cũng đã xuất hiện trong thời kì này. 2 nhóm sáng tác có ảnh hưởng mạnh mẽ đầu tiên phải kể đến là Nhóm Tổng Hội Sinh Viên do Lưu Hữu Phước sáng lập và Nhóm Đồng Vọng do Hoàng Quý sáng lập. 2 nhóm này quy tụ nhiều nhạc sĩ nổi danh đương thời như Văn Cao, Đỗ Nhuận, Canh Thân... Tiếp đó là những nhạc sĩ tuy không gia nhập nhóm nào, nhưng đã theo kháng chiến và sáng tác nhạc phục vụ kháng chiến như Phạm Duy, Đoàn Chuẩn, Phạm Đình Chương, Tô Vũ, Tô Hải, Lê Trực (Hoàng Việt), Ngọc Bích...Và âm nhạc của giai đoạn này cũng đã chuyển biến theo hướng mới, ca khúc thường có nội dung sáng sủa, hùng mạnh hoặc bi tráng, gần gũi với hiện thực. Nhạc sĩ sáng tác dồi dào và cũng gặt hái nhiều thành công nhất trong giai đoạn này là Phạm Duy với những ca khúc nhạc hùng, nhạc kêu gọi, chiêu hồi, hoặc là mang đậm chất dân ca và nói lên suy nghĩ của tầng lớp thanh niên đi kháng chiến, cũng như đi thẳng vào đời sống người dân trước cuộc chiến. Theo Hoàng Cầm, Phạm Duy là "số một" tại Việt Bắc lúc bấy giờ. Tuy vậy cũng chính Phạm Duy là người bị phê bình vì những ca khúc buồn, và cuối cùng là bị cách mạng cấm phổ biến sau khi ông rời bỏ chiến khu về thành. Một số ca khúc tiêu biểu của thời kì này: Nhạc tuổi xanh, Đường về quê, Đường Lạng Sơn, Bên ni bên tê, Bà mẹ Gio Linh, Bao giờ anh lấy được đồn Tây, Về miền trung, Chiến sĩ vô danh, Nương chiều, Bông Lau rừng xanh pha máu, Việt Bắc, Xuất quân, Thanh niên ca... (Phạm Duy), Tiến quân ca, Bắc Sơn, Gò đống đa, Trường ca Sông Lô, Làng tôi, Chiến sĩ Việt Nam, Không quân Việt Nam... (Văn Cao), Du kích Ba Tơ (Dương Minh Viên), Du kích sông Thao (Đỗ Nhuận), Đoàn vệ quốc quân, Mùa đông binh sĩ (Phan Huỳnh Điểu), Lời người ra đi (Trần Hoàn), Hò kéo pháo (Hoàng Vân)... Nhạc cách mạng vào giai đoạn này tuy đang đi vào lề lối cách mạng, nhưng vẫn còn mang những tình cảm lãng mạn của thời tiền chiến. Các nhạc sĩ thường sáng tác dựa trên tình yêu nước thương nòi, lấy chất liệu từ hiện thực, hơn là từ lý tưởng cách mạng. Cho đến khi các cuộc hội nghị quan trọng về văn nghệ vào năm 1949 và sau đó là Hội nghị Việt Bắc 1950, đưa ra chủ trương, khuôn khổ cho các nhạc sĩ sáng tác theo đường lối tư tưởng của Đảng, thì dòng nhạc cách mạng cũng chuẩn bị bước thay đổi rõ rệt. Nhiều nhạc sĩ nổi bật của phong trào do không chấp nhận thay đổi, đã rời bỏ kháng chiến như Phạm Duy, Ngọc Bích, Phạm Đình Chương... Đồng thời có những nhạc sĩ ở lại tiếp tục sáng tác như Hoàng Việt, Đỗ Nhuận, Tô Hải, Nguyễn Văn Tý..., cũng như một số nhạc sĩ trẻ đi theo kháng chiến từ năm 1946, bắt đầu sáng tác trong kháng chiến như Hoàng Vân, Hoàng Việt... những nhạc sĩ này sẽ trở thành những tác giả chủ lực của nền tân nhạc cách mạng ở giai đoạn tiếp theo, giai đoạn sau hiệp định Geneve. Giai đoạn 1954-1975 Trong giai đoạn này, nhạc đỏ cùng với nhạc dân ca, truyền thống là những thể loại âm nhạc duy nhất phát thanh trên đài phát thanh Việt Nam ở miền bắc. Những bài dân ca cũng được cải biến hoặc viết thêm lời để truyền đạt các chính sách của nhà nước. Nhiều bài nhạc đỏ trong thời kỳ này còn tính đấu tranh rất cao với ca từ mạnh như Cô gái Sài Gòn đi tải đạn. Về khí nhạc, các nhạc sĩ đi học khóa đầu ở Nhạc viện Trung ương Bắc Kinh, một số nghệ sĩ được đào tạo thời Pháp hoặc ở Pháp, và các lớp học sinh do Trường Âm nhạc quốc gia (sau này thành Nhạc Viện Hà Nội, rồi Học Viện Âm nhạc Quốc Gia Việt Nam) đã cho ra đời những dàn nhạc giao hưởng có kết hợp với nhạc cụ truyền thống tạo nên một nền âm nhạc chuyên nghiệp từ cuối những năm 1950. Bản thơ giao hưởng đầu tiên của Việt Nam, Thành đồng Tổ quốc, được Hoàng Vân cho ra đời vào năm 1960, sau đó tới bản giao hưởng Quê Hương của Hoàng Việt (1965). Những năm 1960 là bước khởi đầu cho thời hoàng kim của dòng nhạc đỏ với nhiều tác phẩm lớn cho hợp xướng, cho dàn nhạc giao hưởng, nhạc vũ kịch..., song song với một nền ca khúc rất phát triển. Về sau có nhiều tác phẩm, đáng chú ý: "Việt Nam muôn năm" (hợp xướng với dàn nhạc giao hưởng), "Hồi tưởng" (hợp xướng với dàn nhạc giao hưởng), "Vượt núi" (hợp xướng)..., các bản độc tấu cho đàn bầu, flûte, oboë, saxophone, concerto cho piano, concertino cho violon (Hoàng Vân), “Miền nam quê hương ta ơi!" (Huy Du), "Trở về đất mẹ", “Tây Nguyên chiến thắng” (Nguyễn Văn Thương), Ra khơi (Tạ Phước), nhạc sĩ Đàm Linh có thanh xướng kịch Nguyễn Văn Trỗi, đại hợp xướng Trường ca Việt Nam (1970), thơ giao hưởng Những cánh bay (1970), thơ múa Những người đi săn (1972), Rhapsodie Bài ca chim ưng cho violon và dàn nhạc (1972), nhạc sĩ Nguyễn Thị Nhung các tác phẩm Đau thương và phẫn nộ, Quê mẹ, Vũ khúc (viết cho piano), hai thơ giao hưởng: Nữ anh hùng miền Nam và Khát vọng,... Các tác phẩm viết cho đàn bầu: Cung đàn đất nước (Xuân Khải), Vì miền Nam (Huy Thục), sáo trúc: Nhớ về Nam (Ngọc Phan - Nguyễn Văn Thương)...Bài ca bên cánh võng Nguyên Nhung Giai đoạn sau 1975 Sau 1975, một số nhạc sĩ trong Phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe như Tôn Thất Lập sau khi ra Bắc học ở Nhạc viện Hà Nội, cũng sáng tác một số bài hát có nội dung cổ vũ lao động, xây dựng, và cũng được xem là nhạc đỏ. Ngoài ra nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng sáng tác một vài bài hát cổ động và phong trào thời kỳ này cũng được xem là nhạc đỏ. Đến thời kỳ Đổi mới, những dòng nhạc khác được phép lưu hành song song, nhưng nhạc đỏ vẫn được ưu tiên nâng đỡ và lưu truyền tại các đoàn thể thanh niên, sinh viên, học sinh và tại các nhà hát, tụ điểm ca nhạc thuộc các đoàn thể trên hoặc của nhà nước. Những bài nhạc đỏ được phổ biến trong thời kỳ này ôn hòa hơn, không thể hiện tính chiến đấu và diệt địch nữa, mà thay vào đó là ca ngời tinh thần lao động, xây dựng đất nước. Các nhạc sĩ trụ cột của dòng nhạc đỏ Việt Nam như Hoàng Vân, Phạm Tuyên, Hồ Bắc, Nguyên Nhung cùng các thế hệ đi tiếp sau như Phú Quang, Trần Tiến, Nguyễn Cường vẫn tiếp tục sáng tác các tác phẩm khí nhạc, hợp xướng và ca khúc. Từ đầu thập niên 1980 nhạc đỏ bao gồm các tác phẩm nhạc nhẹ hay có phong cách nhạc nhẹ. Nhưng dòng có chất cổ điển vẫn là chủ đạo. Sang thập niên 2000 nhiều bài ca yêu nước mang phong cách nhạc trẻ của thế hệ nhạc sĩ trẻ, như Việt Nam ơi của Minh Beta, Những trái tim Việt Nam của Phương Uyên, Việt Nam trong tôi là của Yến Lê, Lá cờ của Tạ Quang Thắng, Sẽ chiến thắng- Việt Nam sẽ chiến thắng của Nguyễn Hải Phong, Chúng Tôi Là Công An Nhân Dân của Phạm Tiến Dũng... Chủ đề sáng tác Nhạc đỏ gồm các chủ đề chính: Cổ vũ tinh thần chiến đấu của nhân dân và chiến sĩ vì khát vọng độc lập, hòa bình và thống nhất. Ca ngợi đảng Cộng sản Việt Nam, ca ngợi chủ tịch Hồ Chí Minh, các lãnh tụ, anh hùng, ca ngợi lý tưởng cộng sản. Thể hiện tính đấu tranh giai cấp theo lý tưởng cộng sản. Ca ngợi quê hương, đất nước, tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa trong sáng, liên kết tình cảm cá nhân và gia đình với tình yêu đất nước và nhiệm vụ bảo vệ, xây dựng đất nước, lý tưởng cộng sản. Ca ngợi tuổi trẻ, tinh thần lao động xây dựng đất nước trong thời chiến và trong thời kỳ bao cấp và đổi mới sau này. Ca ngợi tinh thần hòa đồng, nếp sống hướng về cộng đồng, lành mạnh, lạc quan, thay cho "Cái Tôi" mang tính ích kỷ cá nhân. Cổ vũ và truyền đạt những chính sách của Nhà nước Việt Nam. Ca ngợi phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các thuộc địa hay phong trào cánh tả trên thế giới Địa phương ca và ngành ca (các bài hát về các địa phương hay các ngành nghề cụ thể) Tuy nhiên các chủ đề này không bao giờ tách bạch mà thường luôn gắn bó, liên quan đến nhau, đậm chất chính trị. Đặc điểm Một số đặc điểm có thể nêu ra để giúp phân biệt với những dòng nhạc khác: Nhạc đỏ thường liên kết tình yêu đôi lứa, gia đình trong tình yêu đất nước, yêu lý tưởng cộng sản và nhiệm vụ bảo vệ, xây dựng đất nước. Thể hiện tính đấu tranh giai cấp hoặc phân biệt địch-ta và thể hiện tinh thần "ta thắng địch thua" rất rõ ràng. Luôn luôn thể hiện tinh thần lạc quan, ngay cả trong chiến tranh. Không có tinh thần chủ bại hoặc yếm thế. Có những bài nói về hòa bình, đau thương, phản đối chiến tranh như nhạc phản chiến hoặc thương đau, thất bại, chết chóc như những bài do phong trào "Du Ca Việt Nam" sáng tác hoặc nhạc vàng, có nói về tổn thất chiến tranh. Tại miền Bắc trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam và trong cả nước kể từ sau 1975, nhạc đỏ cũng như các dòng nhạc khác chịu sự kiểm duyệt của cán bộ lãnh đạo do Đảng và Nhà nước chỉ định . Nhiều sáng tác theo định hướng của Nhà nước nhưng đa số ca khúc đều được sáng tác từ cảm hứng cá nhân của các tác giả. Ngược lại, nhạc đỏ lại bị cấm bởi chính quyền thực dân Pháp và Quốc gia Việt Nam trong thời kỳ trước 1954 (không phải tất cả), và ở miền Nam dưới thời Việt Nam Cộng hòa trong khoảng thời gian từ năm 1954-1975. Những bài tân nhạc Việt Nam được lưu hành ở miền Bắc trong thời kỳ 1954-1975, hầu hết là nhạc đỏ (nhạc tiền chiến bị cấm sau Phong trào Nhân văn - Giai phẩm). Ngoài ca khúc có tính đại chúng, dòng nhạc này nhiều tác phẩm được hàn lâm hóa với nhiều tác phẩm và thể loại lớn dành cho dàn nhạc giao hưởng, hợp xướng cổ điển. Yếu tố âm nhạc dân tộc cũng được sưu tầm, ứng dụng vào sáng tác âm nhạc đương đại. Quãng âm cao rộng, mạnh mẽ. Mức độ phổ biến Trong Chiến tranh Đông Dương và Chiến tranh Việt Nam, nhạc cách mạng được phổ biến rộng rãi ở miền Bắc, nhiều bài hát cũng được sáng tác và lưu truyền rộng rãi trong những vùng do Mặt trận Giải phóng miền Nam kiểm soát ở miền Nam. Từ năm 1975, với chiến thắng của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhạc cách mạng càng được phổ biến rộng rãi hơn trên phạm vi cả nước. Sau thời kỳ Đổi mới, dòng nhạc này bị cạnh tranh bởi các dòng nhạc khác như nhạc tiền chiến, nhạc vàng, nhạc xanh, nhạc hải ngoại, nhạc nước ngoài, nhạc trẻ...
Trong tiếng Việt, cỏ ba lá có thể đề cập tới một số loài thực vật thuộc các chi sau đây: Chi Cỏ ba lá (Trifolium) Chi Linh lăng (Medicago), còn gọi là cỏ ba lá thập tự, linh lăng Chi Nhãn hương (Melilotus), còn gọi là cỏ ba lá thơm, nhãn hương, ngạc ba Chi Chua me đất (Oxalis)
Chi Cỏ ba lá (danh pháp khoa học: Trifolium) là một chi của khoảng 300 loài thực vật trong họ Đậu (Fabaceae). Chúng chủ yếu sinh sống ở các khu vực ôn đới của Bắc bán cầu, nhưng, giống như nhiều chi khác của khu vực ôn đới, chúng cũng sống ở các khu vực miền núi thuộc miền nhiệt đới. Các loại cây này là các cây thân thảo sống một năm hoặc lâu năm có ba lá chét (rất hiếm cây có 5- hay 7-lá chét), với các lá kèm hợp sinh tại cuống lá, và các cụm hoa có màu đỏ, tía, trắng (rất hiếm hoa màu vàng); các hạt nhỏ được che phủ trong đài hoa. 18 loài có nguồn gốc ở Anh và một số loài được nuôi trồng rộng khắp để làm cỏ khô cho động vật. Loài cỏ ba lá được trồng nhiều nhất là cỏ ba lá hoa trắng (Trifolium repens) và cỏ ba lá hoa đỏ (Trifolium pratense). Các chi khác có họ hàng gần thông thường cũng hay được gọi là cỏ ba lá, bao gồm Melilotus (cỏ ba lá thơm, ngạc ba, nhãn hương) và Medicago (linh lăng, cỏ ba lá thập tự). Tên khoa học có nguồn gốc từ tiếng Latinh tres (ba) và folium (lá), được gọi như thế là do hình dạng đặc trưng của lá, nó có ba lá chét, vì thế mà có tên gọi phổ biến là cỏ ba lá. Cỏ ba lá thông thường được các ấu trùng của một số loài bướm bộ Lepidoptera như bướm mắt cáo, bướm nâu (Euxoa nigricans) và bướm cơ-nhép (Agrotis clavis) ăn. Những cây cỏ ba lá bốn cánh (tức là những loại cỏ ba lá có 4 lá chét) được xem là biểu tượng của sự may mắn. Gieo trồng Cỏ ba lá, hoặc là được gieo trồng một mình hoặc là trong hỗn hợp với các loại cỏ khác, có một lịch sử lâu dài để tạo ra các sản phẩm chủ yếu cho đất, vì một số lý do: nó phát triển rất tự do, các cành non sẽ mọc trở lại sau khi bị cắt xén; nó tạo ra số lượng lớn sản phẩm ngon và bổ dưỡng cho gia súc; nó phát triển tốt trong nhiều loại đất và khí hậu; và do vậy nó là thích hợp để tạo ra các bãi chăn thả hay cải tạo đất. Tuy nhiên, hiện nay ngoại trừ trên một số đất giàu calci, nó có sản lượng cực kỳ thất thường. Trong nhiều khu vực, nông dân đã phát hiện ra rằng cỏ ba lá đã biến mất hoàn toàn vào giữa mùa xuân, hoặc chỉ tìm thấy chúng còn rất ít ở chỗ này chỗ kia trên các cánh đồng. Vẫn không có sự giải thích thích đáng nào được đưa ra cho "căn bệnh của cỏ ba lá" cũng như không có biện pháp phục hồi cụ thể nào. Tuy nhiên, một thực tế quan trọng đã được công nhận là khi việc luân canh mùa màng được quản lý sao cho cỏ ba lá không trở lại trên cùng một thửa ruộng trong một khoảng thời gian ngắn hơn 8 năm thì sau đó nó sẽ phát triển với sức sống mãnh liệt nguyên thủy của nó. Sự hiểu biết về điều này đã giúp cho nông dân ở nhiều khu vực khác nhau canh tác để có thể cứu vãn loại cây quan trọng này. Đã từng có thời gian người ta cho rằng việc đưa các loài cây họ Đậu khác vào vòng luân canh có ảnh hưởng tốt rõ ràng đối với cỏ ba lá khi nó được gieo trồng trong vụ kế tiếp; nhưng thực tế cho thấy các loài cây họ Đậu khác chỉ tạo ra sự thuận lợi trong các tình huống ngẫu nhiên của sự gần như là cần thiết để kéo dài chu kỳ vòng quay của cỏ ba lá. Căn bệnh của cỏ ba lá có lẽ gắn liền với sự suy giảm các động vật thụ phấn. Việc nuôi ong thông thường là do nhu cầu cao từ phía nông dân có các bãi chăn thả có cỏ ba lá, là những người mong muốn là ong sẽ hoạt động trên các cánh đồng của mình, do người ta nhận thấy việc kết hạt tăng lên theo sự gia tăng hoạt động của ong. Các loài T. incarnatum, cỏ ba lá hoa đỏ thẫm hay cỏ ba lá Italy, không đủ sức chịu rét để có thể phát triển trong khí hậu của Scotland trong các mùa đông thông thường, nhưng lại là loài cây làm thức ăn gia súc có giá trị tại Anh. Nó được gieo trồng ngay sau khi thu hoạch các loại ngũ cốc với số lượng 20–22 kg/ha. Người ta đã nhận ra rằng chúng nảy mầm tốt hơn khi lớp đất bề mặt được xới và bừa chứ không cần cày lật đất. Nó phát triển mạnh về mùa xuân. Nó cũng phù hợp để thu hoach như là cỏ khô. Tuy nhiên, chỉ có thể thu hoạch nó được một lần, do nó không đâm chồi trở lại sau khi cắt xén. T. repens, cỏ ba lá hoa trắng hay cỏ ba lá Hà Lan, là một loài cây lâu năm rất phổ biến ở các đồng cỏ và bãi chăn thả được chăm sóc tốt. Hoa của nó màu trắng hay ánh hồng và trở thành màu nâu và rũ xuống khi tràng hoa bị héo. T. hybridum, cỏ ba lá Alsike hay cỏ ba lá Thụy Điển, là loài cây lâu năm được đưa vào Anh đầu thế kỷ 19 và hiện nay đã thích nghi với khí hậu ở Anh. Hoa của chúng màu trắng hay hồng và tương tự như loài nói trên. T. medium, cỏ ba lá đồng cỏ hay cỏ ba lá dích dắc, là loài cây lâu năm với thân cây ngoằn ngoèo và hoa màu hồng tía, có ít giá trị nông nghiệp. Các loài khác được trồng ở Anh là: T. arvense, cỏ ba lá chân thỏ; được tìm thấy ở các cánh đồng và các bãi chăn thả khô, là một loại cây nhỏ thân mềm với hoa nhỏ màu trắng hay hồng nhạt và đài hoa nhỏ như tơ; T. fragiferum, cỏ ba lá dâu tây, với hoa mọc thành cụm dày hình cầu màu hồng tía và đài hoa phình to lên; T. procumbens, cỏ ba lá hublông, trên các bãi chăn thả khô và ven đường, hoa có màu vàng nhạt tựa như cây hublông thu nhỏ; và rất giống với T. minus. T. minus, là loài cây phổ biến ở các bãi chăn thả và ven đường, với hoa nhỏ màu vàng ánh nâu sẫm. Loài cây này đôi khi cũng được gọi là cây lá chụm hoa. Các mẫu cây lá chụm hoa và các loài cỏ ba lá khác rất ít khi tìm thấy với 4 lá chét, và tương tự như các loại cây hiếm khác, chúng được coi là đem lại may mắn khi tìm thấy. Sử dụng Các loại cỏ ba lá là những thức ăn có giá trị, do hàm lượng protein cao, phổ biến và phong phú. Ở dạng tươi, chúng khó tiêu hóa, nhưng có thể ăn sau khi luộc trong 5-10 phút. Hoa khô và hạt trong quả có thể chế biến thành bột có giá trị dinh dưỡng và trộn lẫn với các thức ăn khác. Hoa khô cũng có thể sử dụng như chè.
Huỳnh Thúc Kháng (chữ Nho: 黃叔沆, 1 tháng 10 năm 1876 - 21 tháng 4 năm 1947), tự Giới Sanh, hiệu Mính Viên (hay đôi khi được viết là Minh Viên), là một chí sĩ yêu nước người Việt Nam. Ông là Bộ trưởng Bộ Nội vụ (1946-1947) và Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (giai đoạn từ 31 tháng 5 đến 21 tháng 10 năm 1946), trước đó ông từng giữ chức Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ thời thuộc Pháp. Nổi tiếng với tài năng, đức độ và lòng yêu nước, người dân Việt Nam thường nhắc đến ông với một tên gọi gần gũi: Cụ Huỳnh. Thân thế Theo tên chữ Hán trên trang bìa quyển Tập diễn văn của ông Hoàng Thúc Kháng, in năm 1926 thì đúng ra đọc (và viết) tên ông phải là Hoàng Thúc Kháng. Tuy nhiên, do kiêng húy Đoan Quốc Công Nguyễn Hoàng, họ Hoàng phải đổi thành Huỳnh. Đến nay các tỉnh miền Trung và Nam vẫn dùng âm Huỳnh. Tuy vậy, vẫn có sách dùng Hoàng Thúc Kháng. Ông sinh ngày 1 tháng 10 năm 1876, là người làng Thạnh Bình, tổng Tiên Giang Thượng, huyện Tiên Phước, phủ Tam Kỳ (nay thuộc xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước), tỉnh Quảng Nam. Cha ông là Huỳnh Văn Phương, tự Tấn Hữu, xuất thân nhà nông hào nhưng cũng học qua Nho học, nhiều phen thi cử nhưng không đỗ. Mẹ ông là Nguyễn Thị Tình, người làng Hội An nhưng cư ngụ làng Phú Thị (nay thuộc xã Tiên Châu, huyện Tiên Phước), em ruột Phó bảng Nguyễn Đình Tựu. Học vấn Nguyên tên ông là Huỳnh Văn Thước, là con trai thứ 4 và là con trai út trong nhà, nhưng vì 2 anh trai mất sớm, chị gái cả Huỳnh Thị Duật sinh năm 1873, lấy chồng tại Hương Lâm, Tứ Chánh nay thuộc xã Tiên Hiệp - huyện Tiên Phước - tỉnh Quảng Nam nên ông là người con trai duy nhất. Bởi sự kỳ vọng của song thân, từ nhỏ ông đã được rèn dạy để tiến thân bằng khoa cử. Ông bắt đầu học chữ Nho từ năm 8 tuổi dưới sự dạy dỗ của người cậu ruột là Tế tửu Quốc tử giám Nguyễn Đình Tựu, đổi tên là Huỳnh Hanh, tự là Giới Sanh. Năm 13 tuổi đã văn hay chữ tốt. Năm 1900 ông đậu Giải nguyên kỳ thi Hương năm Canh Tý 1900, được xưng tụng là một trong Thập Ngũ Phụng Tề Phi của đất Quảng Nam xưa. Năm Giáp Thìn 1904 ông đỗ Đệ Tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân. Sự nghiệp Lãnh đạo phong trào Duy Tân Ông cùng với Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và Trần Quý Cáp là những nhà lãnh đạo phong trào Duy Tân. Vì lý do đó, ông bị bắt trong năm 1908, rồi bị đày ở Côn Đảo suốt 11 năm, đến mãi năm 1919 mới được trả tự do. Hoạt động trong Nghị viện Trung Kỳ Năm 1926, ông đắc cử dân biểu rồi được cử làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ. Trong ba năm hoạt động ở Viện, ông cương quyết tranh đấu trong nghị trường, rồi nhân việc chống lại Khâm sứ Pháp, ông từ chức. Sáng lập báo Tiếng Dân Năm 1927 ông sáng lập tờ báo Tiếng Dân, được xuất bản tại Huế, và bị chính quyền thời bấy giờ đình bản năm 1943. Tham gia Chính phủ Liên hiệp Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ông ra tham gia Chính phủ Liên hiệp lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với chức vụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Theo Trần Trọng Kim thì trong thời gian này, khi được hỏi về công việc, Huỳnh Thúc Kháng đã nói: "Bây giờ việc gì cũng do địa phương tự trị cả, thành ra không có việc gì mấy, và khi có việc gì, thì họ làm sẵn xong cả rồi, tôi chỉ có vài chữ ký mà thôi". Năm 1946, khi Hồ Chí Minh sang Pháp đàm phán, Huỳnh Thúc Kháng được cử làm Quyền Chủ tịch nước Việt Nam. Thời gian này ông còn là Chủ tịch Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam. Cuối năm 1946, ông là Đặc phái viên của Chính phủ vào cơ quan Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Trung Bộ tại Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Ngày 21 tháng 4 năm 1947, ông lâm bệnh nặng và mất tại huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Làm theo tâm nguyện của ông, nhân dân đã an táng ông trên đỉnh núi Thiên Ấn. Nơi đây là đệ nhất thắng cảnh của Quảng Ngãi. Nhà lưu niệm Huỳnh Thúc Kháng tại xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, Quảng Nam vẫn còn lưu giữ nhiều kỷ vật có giá trị, được một người cháu nuôi trong dòng tộc bảo quản. Đánh giá Trong thư gửi vĩnh biệt cụ Huỳnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Cụ Huỳnh là người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao. Vì lòng yêu nước mà Cụ trước đây bị bọn thực dân làm tội, đày ra Côn Đảo. Mười mấy năm trường gian nan cực khổ, nhưng lòng son dạ sắt, yêu nước thương nòi của Cụ chẳng những không sờn, mà lại thêm cương quyết. Cụ Huỳnh là người giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khó không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời cụ Huỳnh không cần danh vị, không cần lợi lộc, không thèm làm giàu. Cả đời Cụ Huỳnh chỉ phấn đầu cho dân được tự do, nước được độc lập, đến ngày nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập Chính phủ ta mời Cụ ra. Tuy đã 71 tuổi, nhưng Cụ vẫn hăng hái nhận lời, Cụ nói: "Trong lúc phục hưng dân tộc, xây dựng nước nhà thì bất kỳ già, trẻ, trai, gái, ai cũng ra sức phụng sự Tổ quốc"". Tưởng nhớ Để tưởng nhớ đến ông, tại nhiều tỉnh và thành phố như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Hạ Long (Quảng Ninh), Quảng Ngãi, Nhơn Trạch (Đồng Nai)... có những con đường và ngôi trường mang tên ông. Ngày 19 tháng 2 năm 2013, chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký quyết định truy tặng Huân chương Sao Vàng để ghi nhận công lao của ông đối với đất nước. Tác phẩm Huỳnh Thúc Kháng đồng thời là một nhà thơ, một nhà nghiên cứu văn học và lịch sử. Ông còn có nhiều bút danh khác như: Sử Bình Tử, Tha Sơn Thạch, Khi Ưu Sinh, Xà Túc Tử, Thức Tự Dân, Ưu Thời Khách, Hải Âu, Ngu Sơn, Khách Quan... Tác phẩm chủ yếu còn giữ hiện nay là: Thi Tù Tùng Thoại Lịch sử Phan Tây Hồ tiên sinh Thơ văn với thời đại Thi văn các nhà chí sĩ Việt Nam (ký Phi Bằng) Huỳnh Thúc Kháng niên phố Bức thư gởi Cường Để Và rất nhiều thơ chữ Quốc ngữ, chữ Hán có giá trị khác. Bài thơ Bài ca lưu biệt của ông viết năm 1908, trước khi ông bị đày ra Côn Đảo, từng được lưu truyền rộng rãi trong nhân dân miền Trung thời kỳ Pháp thuộc: Trăng trên trời có khi tròn khi khuyết,Người ở đời đâu khỏi tiết gian nan. Đấng trượng phu tùy ngộ nhi an,Tố hoạn nạn hành hồ hoạn nạn. Tiền lộ định tri thiên hữu nhãn,Thâm tiêu do hứa mộng hoàn gia, Bấy nhiêu năm cũng vẫn chưa già.Nọ núi Ấn, này sông Đà, Non sông ấy còn chờ ta thêu dệt.Kìa tụ tán chẳng qua là tiểu biệt, Ngựa Tái ông họa phúc biết về đâu!Một mai kia con tạo khéo cơ cầu, Thảy bốn biển cũng trong vòng trời đất cả.Ư bách niên trung tu hữu ngã, Dẫu đến lúc núi sụp, biển lồi, trời nghiêng, đất ngả,Tấm lòng vàng, tạc đá vẫn chưa mòn. ''Trăng kia khuyết đó lại tròn! Đời tư Năm 1895, Huỳnh Thúc Kháng kết hôn với bà Nguyễn Thị Sắt (1881-1953). Ông và bà Sắt có hai người con gái là Huỳnh Thị Xuân Lan, thường gọi là cô Yển (1903-1930) và Huỳnh Thị Thu Cúc, thường gọi là cô Kình (1908-1927). Năm 1924, theo lời thúc giục của bà Sắt để có con trai, ông lấy vợ hai là bà Hồ Thị Chuông (hoặc Chưởng) là người cùng làng. Tuy nhiên, ông và bà Chuông không có con chung. Năm 1933, bà Chuông ra Huế thăm ông và mất tại đây. Chú thích
Cobalt(II) oxide (công thức hóa học CoO) là một oxide của cobalt. Nó có khối lượng mol 74,9324 đơn vị carbon, nhiệt độ nóng chảy 1.933 ℃. Nó có thể ở dạng kết tinh với màu từ xanh lục ôliu tới đỏ hay chất bột màu từ hơi xám tới đen, được sử dụng khá rộng rãi trong công nghiệp gốm sứ như là phụ gia để tạo men và nước men màu xanh lam cũng như trong công nghiệp hóa chất để sản xuất các muối cobalt(II). Các tinh thể CoO có cấu trúc pericla (muối đá) với hằng số lưới 4,2615 Å. Cobalt(II) oxide là một chất tạo màu tốt, rất ổn định, được sử dụng nhiều trong thủy tinh, men, enamel và cả cho ngành sơn. cobalt(II) oxide được sử dụng rộng rãi trong các loại mực đề can, màu men lót, vết màu trên thân và men màu. Chất này có thể thu từ nguồn tự nhiên. Có nhiều dạng nguyên liệu thô và tất cả đều có thể phân hủy dễ dàng thành CoO là dạng ổn định. Các nguồn này có thể là dạng oxide màu đen Co3O4, tỉ lệ phân hủy–giải phóng oxy và chuyển thành CoO là 93% ở 800 °C; hay dạng cobalt(III) oxide màu xám (Co2O3) với 90% CoO; và dạng cobalt(II) carbonat màu tím nhạt (CoCO3) với 63% CoO. Ngoài ra, có thể dùng cobalt(IV) oxide (CoO2). Ứng dụng Cobalt(II) oxide được sử dụng để chế tạo vật liệu điện từ, bán dẫn, chất tạo màu trong gốm sứ, chất oxy hóa, chất xúc tác và vật liệu dương cực (anode) cho các loại pin Ni-MH hay Ni-Cd. Trong vật liệu gốm Cobalt(II) oxide được sử dụng trong nhiều thế kỷ như là chất tạo màu cho các đồ gốm sứ, các ví dụ sớm nhất đã biết có từ thế kỷ 12 tại các lò sản xuất gốm tại Đức. Phụ gia cobalt tạo ra màu xanh lam sẫm có tên gọi cobalt xanh. CoO được dùng trong vật liệu gốm thuộc nhóm tạo màu. cobalt(II) oxide là chất tạo màu xanh cobalt truyền thống và đáng tin cậy ở mọi nhiệt độ nung, trong hầu hết mọi loại men. Nó là một chất tạo màu mạnh, thông thường chỉ dùng ít hơn 1% là màu đã đủ đậm. Sắc độ xanh thì có thể bị ảnh hưởng theo nhiều cách do sự hiện diện của các oxide khác. Nếu cần giảm sắc xanh, có thể dùng oxide sắt, titani, rutil hay nickel. Dù cobalt(II) oxide có nhiệt độ nóng chảy rất cao, nó vẫn là một chất trợ chảy mạnh, hoà tan dễ dàng trong hầu hết các loại men đặc biệt là các loại men kiềm thổ và bor. Cũng do hoà tan dễ dàng nên màu xanh do cobalt(II) oxide tạo ra dễ bị loang và khó giữ được những nét in rạch ròi, đặc biệt là khi in ở lớp men phủ. Do cobalt(II) oxide hoà tan khá tốt trong men nóng chảy, nó không có chức năng làm mờ. Cobalt(II) oxide rất nhạy cảm với môi trường lò (oxy hóa hay khử, nung nhanh hay nung chậm). Nó thường được nung khô với oxide nhôm và CaO để làm mực màu cho lớp men lót mềm. Các loại vết màu thường là hỗn hợp nhôm oxide, cobalt và kẽm để đạt được một màu xanh lam mềm hơn. Kết hợp Cobalt(II) oxide khi kết hợp với: Oxide sắt và oxide mangan cho màu lam đá phiến. Bari oxide cho màu lục lam Magnesi oxide cho màu từ tím đến tím hoa cà. Chromi oxide và oxide mangan cho màu lam đen hay màu đen. Chromi oxide và đồng có thể cho màu từ thuần xanh cobalt qua lam ánh lục đến xanh lá chromi (thuận lợi nhất khi hàm lượng silica không cao quá và chỉ vừa đủ alumina). Silica, B2O3 và hàm lượng cao MgO có thể tạo ra các màu đỏ, tím, oải hương hay hồng.
Chromi(III) oxide (công thức hóa học: Cr2O3) là một oxide của chromi. Nó có phân tử khối 151,9942 g/mol, nhiệt độ nóng chảy 2435 ℃. Chromi(III) oxide lưỡng tính là dạng oxide bền vững duy nhất của chromi trong khoảng nhiệt độ đến 1200 ℃ (sau đó nó sẽ bắt đầu hóa hơi một phần). Chất này lấy từ nguồn chromi oxide tự nhiên hoặc kali đichromat. Trong vật liệu gốm Cr2O3 được dùng là chất tạo màu trong vật liệu gốm nhóm tạo màu. Nó luôn cho màu xanh lục (xanh chromi) đặc trưng dù nung chậm hay nhanh, môi trường lò oxy hóa hay khử. Tuy nhiên nó cho men màu xanh mờ và nhạt. Nếu có CaO, màu xanh có thể chuyển sang màu xanh cỏ. Chất làm mờ zirconi với hàm lượng 1–2% thường được thêm vào men có chromi để ổn định hoá men và ngăn chặn hiện tượng "viền nâu". Có thể chuyển màu xanh xám của chromi thành màu xanh lông công bằng cách thêm coban(II) oxide (1% mỗi loại, có thể phải có thêm một chút MgO), sử dụng trong các loại men chứa bo và natri. Chromi(III) oxide sử dụng trong men có kẽm có khuynh hướng tạo ra kẽm chromiat màu vàng đến vàng lục. Chromi(III) oxide kết hợp với thiếc cho màu hồng vì vậy nếu cần làm sáng màu xanh Chromi có thể sử dụng vôi bột trắng và nhôm oxide thay vì dùng thiếc. Màu hồng chromi-thiếc sẽ có độ đồng nhất cao nếu hỗn hợp được nung chảy trước (chủ yếu là tạo sự biến màu) và nếu men có hàm lượng calci hay stronti cao (tối thiểu 10% CaO), không có kẽm. Thông thường hàm lượng thiếc oxide khoảng 4–5%, cao hơn Chromi(III) oxide từ 20 đến 30 lần. Màu hồng chromi-thiếc chuyển sang màu tím nếu trong men có lượng đáng kể bo. Nếu men có thành phần là 3,3 SiO2, 0,27 Al2O3, 0,2 B2O3, 0,15 Li2O, 0,5 CaO, 0,1 MgO, 0,15 Na2O được pha màu 5% thiếc oxide, 0,6% coban(II) cacbonat, 0,17% Chromi(III) oxide sẽ có màu tím đẹp ở mức 6 của que thăm nhiệt. Chromi(III) oxide trong men có hàm lượng chì cao sẽ tạo thành chì(II) chromat màu vàng. Trong men gốc nên có thêm các oxide kiềm thổ. Thêm kẽm oxide sẽ có thể tạo màu cam. Dưới 950 ℃, trong men có hàm lượng chì cao, nhôm thấp, chromi(III) oxide cho màu đỏ đến cam, thường có dạng kết tinh bề mặt. Nếu thêm soda màu sẽ chuyển sang vàng. Chromi(III) oxide được sử dụng trong hầu hết mọi loại vết màu đen oxy hóa. Nó có thể chiếm đến 40% trong hệ Cr–Co–Fe và 65% trong hệ Cu–Cr.
Vườn quốc gia Phú Quốc là một vườn quốc gia của Việt Nam nằm tại đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Vườn quốc gia Phú Quốc được thành lập theo Quyết định số 91/2001/QĐ-TTg ngày 8 tháng 6 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam về việc chuyển hạng Khu bảo tồn thiên nhiên Phú Quốc thành Vườn quốc gia Phú Quốc. Vị trí Vườn quốc gia Phú Quốc bao gồm địa phận khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc đảo, khu vực núi Hàm Rồng, Gành Dầu và Cửa Cạn. Vườn quốc gia Phú Quốc có ranh giới hành chính thuộc các xã: Gành Dầu, Bãi Thơm, Cửa Cạn và một phần các xã Cửa Dương, Hàm Ninh, Dương Tơ và phường Dương Đông của thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Vườn quốc gia Phú Quốc trải dài từ 10°12' đến 10°27' vĩ bắc và từ 103°50' đến 104°04' kinh đông. Quy mô diện tích Tổng diện tích 31.422 ha, bao gồm: khu bảo vệ nghiêm ngặt 8.603 ha, phân khu phục hồi sinh thái 22.603 ha, phân khu hành chính và dịch vụ 33 ha. Chức năng Bảo tồn hệ sinh thái rừng nhiệt đới hải đảo, nguồn gen động, thực vật rừng quý hiếm và có giá trị, các sinh cảnh rừng tự nhiên độc đáo của rừng trên đảo. Duy trì và phát triển độ che phủ của thảm thực vật rừng để đảm bảo chức năng phòng hộ rừng đầu nguồn, cung cấp nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt của nhân dân, phát triển bền vững kinh tế, xã hội của thành phố đảo Phú Quốc. Góp phần củng cố an ninh quốc phòng, tăng cường sức mạnh cho tuyến phòng thủ tây nam Việt Nam. Cơ quan quản lý ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang đã có Quyết định 01/2002/QĐ-UB ngày 17/01/2002 thành lập Ban quản lý trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, gồm Ban giám đốc và các phòng chức năng. Năm 2002, biên chế của Ban quản lý là 32 người. Hoạt động du lịch Vườn quốc gia Phú Quốc đã thu hút nhiều khách du lịch nhờ cảnh đẹp thiên nhiên và những bãi biển hoang sơ, hơn nữa Phú Quốc rất có tiềm năng về du lịch sinh thái được chính quyền cho là một chiến lược lâu dài để phát triển kinh tế một cách bền vững, giảm thiểu những tác động của du lịch với môi trường tự nhiên. Các giá trị đa dạng sinh học Hiện nay có ít thông tin về khu hệ động vật đảo Phú Quốc. Thảm thực vật nơi đây là rừng thường xanh trên địa hình đồi núi thấp. Vườn quốc gia Phú Quốc có đến 12.794 ha rừng, trên các đai cao rừng còn giàu, tuy vậy ở các đai thấp rừng bị suy thoái nhiều, với ưu thế ở đây là các cây họ Đậu (Fabaceae). Đến nay đã ghi nhận được 929 loài thực vật trên đảo. Cũng có một vài ghi nhận cho rằng ở Phú Quốc trước đây có loài vượn Pillê sinh sống. Phần biển Phú Quốc rất phong phú và đa dạng, các rặng san hô bắt gặp ở quanh các đảo nằm ở phía nam. Các rặng san hô này chiếm đến 41% diện tích. Khu hệ cá trong các rặng san hô rất phong phú, các loài họ Cá mú (Serranidae) và họ Cá bướm (Chaetodontidae) và nhiều loài có giá trị kinh tế khác. Đã thống kê được 89 loài san hô cứng, 19 loài san hô mềm, 125 loài cá ở rặng san hô, 132 loài thân mềm, 32 loài da gai và 62 loài rong biển, trong đó nhiều loài quan trọng như trai tai tượng vảy (Tridacna squamosa) và ốc đụn cái (Trochus nilotichus). Phú Quốc đã ghi nhận loài đồi mồi (Eretmochelys imbricata) đến vùng biển này đẻ trứng, nhưng đến nay tần suất gặp chúng là rất ít, ngoài ra có các thông tin từ người dân địa phương về sự xuất hiện của bò biển dugong nhưng vẫn chưa có nghiên cứu chính thức. Các dự án có liên quan Dân số trong vùng Dân cư trên đảo Phú Quốc là dân du nhập từ nhiều vùng khác nhau. Trên đảo ngư nghiệp là hoạt động kinh tế chính, mặc dù vậy du canh, du cư là mối đe dọa lớn đối với đa dạng sinh học. Việc xây dựng quá nhiều khu công viên chủ đề, khu biệt thự, resort trong tương lai có thể khiến diện tích cây xanh ở Phú Quốc bị thu hẹp lại.
Từ Hán-Triều hay Từ Hán-Hàn là từ vựng tiếng Triều Tiên có nguồn gốc trực tiếp hay gián tiếp từ tiếng Trung Quốc qua Hanja (Hán tự) và các từ được tạo thành từ chúng - Hanja-eo (한자어; 漢字語; "Hán tự ngữ"). Hanja được đưa vào bán đảo Triều Tiên trong suốt thời kì nhà Hán của Trung Quốc (202 TCN–220 CN)—chủ yếu thông qua bài thơ Thiên Tự Văn (Cheonjamun 千字文)—và sự du nhập của chúng vào Triều Tiên gắn liền với sự truyền bá đạo Phật. Những từ hay dùng nhất trong tiếng Hàn có nguồn gốc bản địa. Các từ Hán-Triều ngày nay chiếm khoảng 60% từ vựng tiếng Triều Tiên.
Hậu hiện đại, hay còn gọi là điều kiện hậu hiện đại, (tiếng Anh: postmodernity, tiếng Pháp: post-modernité), là thuật ngữ do các nhà triết học, xã hội học, phê bình nghệ thuật và xã hội sử dụng để nói về các khía cạnh của điều kiện nghệ thuật, văn hóa, kinh tế và xã hội hiện đại, hình thành nên đời sống con người cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21 với những đặc trưng cơ bản. Những đặc trưng này bao gồm sự toàn cầu hóa, chủ nghĩa tiêu thụ, sự phân tán quyền lực, việc phổ biến kiến thức ngày càng trở nên dễ dàng hơn (xem Hiện đại).
Văn học hậu hiện đại là trào lưu văn học xuất hiện sau Chiến tranh thế giới thứ hai tại xã hội Tây phương, đỉnh cao là vào những năm 70, 80, với hàng loạt các kỹ thuật sáng tác và tư tưởng văn nghệ mới để phản ứng lại các quy chuẩn của văn học hiện đại, trong khi đó cũng phát triển thêm các kỹ thuật và giả định cơ bản của văn học hiện đại (xem chủ nghĩa hiện đại, chủ nghĩa hậu hiện đại).