text
stringlengths 1
148k
| label
int64 0
2
| __index_level_0__
int64 0
113k
⌀ |
---|---|---|
Vương Hành Du (王行瑜, ? - 895) là một quân phiệt vào cuối thời nhà Đường, kiểm soát Tĩnh Nan từ năm 887 cho đến khi qua đời vào năm 895. Ở thời điểm đỉnh cao, ông và đồng minh là Phượng Tường tiết độ sứ Lý Mậu Trinh từng kiểm soát chặt chẽ triều đình của Đường Chiêu Tông. Tuy nhiên, Vương hành Du sau đó chiến bại trước Hà Đông tiết độ sứ Lý Khắc Dụng, và bị thuộc hạ sát hại trên đường chạy trốn.
Thân thế.
Ông là người Bân châu (邠州)- thủ phủ của Tĩnh Nan quân. Ông trở thành một sĩ quan khi còn trẻ tuổi, và phụng sự tiết độ sứ Chu Mai khi Chu Mai tiến hành các chiến dịch chống lại cuộc nổi dậy của Hoàng Sào.
Phụng sự Chu Mai.
Năm 886, Đường Hy Tông chạy khỏi kinh sư Trường An đến Hưng Nguyên do quân triều đình thất bại trước liên quân của Hộ Quốc tiết độ sứ Vương Trọng Vinh và Hà Đông tiết độ sứ Lý Khắc Dụng. Chu Mai trước đó vốn liên kết với "Tả Thần Sách trung úy" Điền Lệnh Tư, song nay quay sang chống Đường Hy Tông và tôn một thành viên trong tông thất là Tương vương Lý Uân làm hoàng đế. Dưới chế độ của Lý Uân, Vương Hành Du được bổ nhiệm giữ chức Thiên Bình tiết độ sứ song không được ghi chép là từng đến nhậm chức; thay vào đó, Chu Mai phái ông đi tiến công Hưng Nguyên để bắt Đường Hy Tông.
Thoạt đầu, Vương Hành Du giành được một vài thắng lợi khi tiến công Tán Quan, buộc Thần Sách chỉ huy sứ Dương Thịnh (楊晟) phải chạy trốn đến Hưng châu. Khi Vương Hành Du tiến công Hưng châu, Dương Thịnh từ bỏ Hưng châu và triệt thoái đến Văn châu. Đường Hy Tông thay vào đó đã phái đô tướng Lý Thiền (李鋋) và Lý Mậu Trinh đi đánh Vương Hành Du ở Đại Đường phong, Vương Hành Du không thể đánh bại đội quân này.
Trong khi đó, sau khi kế nhiệm Điền Lệnh Tư, Dương Phục Cung đã truyền hịch đến Quan Trung nói rằng bất cứ ai giết chết Chu Mai sẽ đều được bổ nhiệm làm Tĩnh Nam tiết độ sứ. Vương Hành Du lo sợ sẽ bị Chu Mai trừng phạt vì không bắt được Đường Hy Tông, nên thuyết phục các thủ hạ của mình rằng họ nên quay sang chống lại Chu Mai, Khoảng tết năm 887, Vương Hành Du đột ngột đem quân trở về Trường An, tiến công và giết chết Chu Mai. Lý Uân chạy trốn song bị Vương Trọng Vinh sát hại. Sau đó, Đường Hy Tông bổ nhiệm Vương Hành Du làm Tĩnh Nan tiết độ sứ.
Cai quản Tĩnh Nan.
Năm 890, Đường Chiêu Tông ban cho Vương Hành Du chức "Thị trung".
Sau khi hoạn quan Dương Phục Cung chạy trốn và nổi dậy tại Sơn nam Tây đạo vào cuối năm 891 cùng các con nuôi và cháu nuôi. Đến mùa xuân năm 892, Vương Hành Du cùng đồng minh là Phượng Tường tiết độ sứ Lý Mậu Trinh, Trấn Quốc tiết độ sứ Hàn Kiến, Thiên Hùng tiết độ sứ Lý Mậu Trang (李茂莊), và Khuông Quốc tiết độ sứ Vương Hành Ước (王行約) cùng thượng tấu thỉnh cầu Hoàng đế phát động một chiến dịch tiêu diệt họ Dương và phong Lý Mậu Trinh là "Sơn Nam Tây đạo chiêu thảo sứ". Do không tin tưởng Lý Mậu Trinh, Đường Hy Tông thoạt đầu quyết định hòa giải, tuy nhiên Lý Mậu Trinh và Vương Hành Du đã từ chối tuân chỉ và khiển quân tiến công Sơn Nam Tây đạo, Đường Chiêu Tông sau đó buộc phải làm theo thỉnh cầu của họ. Sau đó, liên quân đánh bại họ Dương, Lý Mậu Trinh cũng đoạt được các lãnh địa của họ Dương. Trong chiến dịch, Đường Chiêu Tông đã ban chức "Trung thư lệnh" cho Vương Hành Du.
Năm 893, Lý Mậu Trinh và Vương Hành Du lên kết với tể tướng Thôi Chiêu Vĩ và người này bí mật thông báo cho họ các diễn biến trong triều đình. Chống lại lời can gián của Đỗ Nhượng Năng, Đường Chiêu Tông sau đó lên kế hoạch tiến công Lý Mậu Trinh, bổ nhiệm Từ Ngạn Nhược làm Phượng Tường tiết độ sứ và Đàm vương Lý Tự Chu (李嗣周) đem binh đi hộ tống Từ Ngạn Nhược. Tuy nhiên, trước khi Lý Tự Chu giao chiến với binh lính của Lý Mậu Trinh và Vương Hành Du, các tân binh của Lý Tự Chu do lọ sợ nên tiến hành đào ngũ. Lý Mậu Trinh và Vương Hành Du sau đó tiến đến kinh sự, Đường Chiêu Tông buộc phải hành hình Tây Môn Quân Toại (西門君遂), Lý Chu Đồng (李周潼) và Đoàn Hủ (段詡) và buộc Đỗ Nhượng Năng tự sát nhằm xoa dịu họ. Sau đó, Lý Mậu Trinh và Vương Hành Du kiểm soát chặt chẽ triều đình Trường An, các hoạn quan và triều sĩ đều liên kết với họ. Khi những người này mong muốn điều gì, họ sẽ báo với Lý Mậu Trinh và Vương Hành Du; Lý Mậu Trung và Vương Hành Du sau đó sẽ thượng tấu với Đường Chiêu Tông để yêu cầu tiến hành những hành động đó, Đường Chiêu Tông đều buộc phải chấp thuận. Tuy nhiên, cũng trong năm đó, khi Vương Hành Du yêu cầu được ban chức "Thượng thư lệnh", tể tướng Vi Chiêu Độ bí mật phản đối vì không ai dám mang tước hiệu này từ khi Đường Thái Tông mang nó, ngay cả Quách Tử Nghi cũng nhiều lần từ chối không nhận và không bao giờ sử dụng nó. Đường Chiêu Tông đồng ý, và cố gắng xoa dịu Vương Hành Du bằng việc ban cho Vương Hành Du chức "Thái sư", "Thượng phụ" và trao cho "thiết khoán"- đảm bảo rằng ông sẽ không bao giờ bị xử tội chết.
Năm 895, Thôi Chiêu Vĩ không hài lòng trước việc Đường Chiêu Tông bổ nhiệm Lý Hề giữ chức "Đồng bình chương sự" và ảnh hưởng tới quyền lực của bản thân, người này vì thế đã thông báo với Lý Mậu Trinh và Vương Hành Du rằng Vi Chiêu Độ phản đối thỉnh cầu ban chức "Thượng thư lệnh" của Vương Hành Du; và Vi Chiêu Độ cùng Lý Hề và Đường Chiêu Tông lên kế hoạch tiến công họ. Lý Mậu Trinh và Vương Hành Du sau đó đã thượng tấu phản đối việc Lý Hề làm "Đồng bình chương sự", Đường Chiêu Tông buộc phải bãi chức vụ này của Lý Hề.
Sau cái chết của Hộ Quốc tiết độ sứ Vương Trọng Doanh, xảy ra tranh chấp quyền lực giữa cháu trai Vương Kha và con trai là Vương Củng. Vương Củng đã thuyết phục Vương Hành Du, Lý Mậu Trinh và Hàn Kiến thượng tấu thỉnh cầu để Vương Củng cai quản Hộ Quốc và giao lại Bảo Nghĩa cho Vương Kha. Đường Chiêu Tông thấy Lý Khắc Dụng ủng hộ con rể Vương Kha nên từ chối. Sau đó, Lý Mậu Trinh, Vương Hành Du và Hàn Kiến tiến vào kinh sư, giết chết Lý Hề cùng Vi Chiêu Độ. Sau đó, họ dự tính phế truất Đường Chiêu Tông là tôn Cát vương Lý Bảo lên thay thế. Tuy nhiên, vào lúc đó họ hay tin Lý Khắc Dụng huy động binh lính và chuẩn bị tiến quân, họ để lại 2.000 lính ở Trường An nhằm giám sát hoàng đế rồi trở về quân của mình chuẩn bị chống lại Lý Khắc Dụng.
Bị đánh bại và qua đời.
Lý Khắc Dụng tiến quân và truyền hịch với lời lẽ gay gắt chống lại Lý Mậu Trinh, Vương Hành Du và Hàn Kiến, tố cáo họ lạm sát Vi Chiêu Độ và Lý Hề. Lý Khắc Dụng nhanh chóng chiến thắng và giết chết Giáng châu thứ sử Vương Dao (王瑤)- người liên minh với Vương Củng. Sau đó, Lý Khắc Dụng vượt Hoàng Hà và tiến công Khuông Quốc; Vương Hành Ước phải bỏ quân và chạy đến Trường An. Lý Khắc Dụng sau đó lại bao vây thủ phủ Hoa châu của Hàn Kiến.
Trong khi đó, các binh lính mà Lý Mậu Trinh và Vương Hành Du để lại Trường An lại xung đột với nhau, do họ đều muốn bắt Hoàng đế và đưa về quân của mình, Đường Chiêu Tông nhân thời cơ này đã chạy đến Tần Lĩnh để tránh bị bắt. Lý Khắc Dụng tiến về Trường An, binh lính hai quân chạy trốn về quân của họ.
Lý Khắc Dụng tiến đến Lê Viên trại thuộc Tĩnh Nan, Lý Mậu Trinh lo sợ nên quay sang tạ lỗi với Đường Hy Tông và cầu hòa với Lý Khắc Dụng, Đường Chiêu Tông do đó hạ chỉ buộc Lý Khắc Dụng tập trung vào tiến công Vương Hành Du. Đường Chiêu Tông sau đó tuyên bố tổng tiến công Vương Hành Du và tước hết các chức tước của ông. Mặc dù đã phái sứ giả đến chỗ Đường Chiêu Tông và Lý Khắc Dụng song Lý Mậu Trinh vẫn phái quân đến cứu viện Vương Hành Du, Đường Chiêu Tông sau đó ra chỉ buộc Lý Mậu Trinh phải rút quân. Đến mùa đông năm 895, Lê Viên trại thất thủ, Vương Hành Ước và Vương Hành Thực bỏ Ninh châu, và chạy trốn. Sau khi chiến bại trước Lý Khắc Dụng tại Long Tuyền trại, Vương Hành Du chạy đến Bân châu cố thủ, sau đó đề nghị đầu hàng song Lý Khắc Dụng từ chối. Sau đó, Vương Hành Du lại bỏ Bân châu và chạy trốn, ông bị các thủ hạ của mình giết chết trên đường chạy trốn; thủ cấp của ông bị đưa đến Trường An để trình Đường Chiêu Tông. Theo kiến nghị của Lý Khắc Dụng, Đường Chiêu Tông bổ nhiệm Tô Văn Kiến làm tiết độ sứ mới của Tĩnh Nan. | 1 | null |
Vương Trọng Vinh (, ? - 6 tháng 7 năm 887), là một quân phiệt vào cuối thời nhà Đường, kiểm soát Hà Trung quân. Ông tham gia trấn áp cuộc nổi dậy của Hoàng Sào, song sau đó lại có quan hệ thù địch với Đường Hy Tông và "Tả Thần Sách trung úy" Điền Lệnh Tư.
Thân thế.
"Cựu Đường thư" ghi ông là người Hà Trung, còn "Tân Đường thư" ghi ông là người Thái Nguyên. Cha của Vương Trọng Vinh là Vương Túng (王縱), đã lập được biên công trong thời gian giữ chức Diêm châu thứ sử. Nhờ công lao của cha, Vương Trọng Vinh được vào quân hiệu, cùng anh là Vương Trọng Doanh có hiệu "kiêu hùng", có danh tiếng trong quân đội. Vương Trọng Vinh có ít nhất một anh khác là Vương Trọng Giản (王重簡).
Đoạt lấy quyền lực.
Năm 880, khi đang giữ chức "Mã bộ quân đô ngu hậu" tại Hà Trung, Vương Trọng Vinh trở thành người cai quản Hà Trung. Theo "Cựu Đường thư", khi thủ lĩnh nổi dậy Hoàng Sào chiếm được kinh sư Trường An, Hà Trung tiết độ sứ Lý Đô (李都) cho rằng mình không thể kháng lại Hoàng Sào nên đã quy phục Đại Tề, và được phép tiếp tục ở lại trấn giữ Hà Trung, trong khi Vương Trọng Vinh được bổ nhiệm là "tiết độ phó sứ". Tuy nhiên, Vương Trọng Vinh phản đối các yêu cầu cung cấp vật chất từ Hoàng Sào nên đã buộc Lý Đô phải giao lại quyền hành cho mình; Vương sau đó xưng là "lưu hậu", giết chết sứ giả Đại Tề, và cử Lý Đô đến Thành Đô để tỏ lòng tôn kính với Đường Hy Tông. Ghi chép trong "Tân Đường thư" phần lớn cũng tương đồng, song có thêm chi tiết Đường Hy Tông đã phái Kinh Triệu doãn Đậu Duật (竇潏) thay thế Lý Đô, song Vương Trọng Vinh đã buộc Đậu Duật phải trở về Thành Đô và đoạt lấy quyền kiểm soát Hà Trung. "Tư trị thông giám" thì ghi rằng Vương Trọng Vinh đã làm loạn trước khi Hoàng Sào chiếm Trường An, buộc Đường Hy Tông phải triệu Lý Đô về kinh và bổ nhiệm ông là "lưu hậu"; và Vương Trọng Vinh sau đó đã quy phục Hoàng Sào song do bị Hoàng Sào yêu cầu cung cấp vật chất nên đã quay trở lại trung thành với triều Đường.
Chống Hoàng Sào.
Sau khi Vương Trọng Vinh quay sang chống lại Hoàng Sào, Hoàng Sào đã khiển bộ tướng Chu Ôn và thân thích là Hoàng Nghiệp (黃鄴) suất quân tiến công Hà Trung. Vương Trọng Vinh đánh bại quân Tề, và sau đó liên kết với Nghĩa Vũ tiết độ sứ Vương Xử Tồn (王處存)- người vừa tiến đến khu vực và có ý định tiến công Hoàng Sào. Họ tiến đến khu vực phía bắc sông Vị, chuẩn bị cho chiến dịch tái chiếm Trường An từ Hoàng Sào. Liên quân Đường cũng bao gồm binh lính của Trịnh Điền (鄭畋), Đường Hoằng Phu (唐弘夫), và Thác Bạt Tư Cung (拓拔思恭), họ tái chiếm Trường An trong một thời gian ngắn vào mùa hè năm 881, song sau khi các binh sĩ liên quân Đường sa vào cướp bóc người dân trong thành, quân Tề đã phản công, liên quân Đường thảm bại và phải rút khỏi Trường An. Trong thời gian diễn ra chiến dịch, Đường Hy Tông hạ chỉ bổ nhiệm Vương Trọng Vinh làm Hà Trung tiết độ sứ. Sau đó, Vương Trọng Vinh hợp binh với Chiêu Nghĩa tiết độ sứ Cao Tầm (高潯) công chiếm Hoa châu cho Đường. Vào mùa xuân năm 882, Chu Ôn chiếm được Đồng châu và sau đó tiến công Hà Trung, song bị Vương Trọng Vinh đẩy lui.
Không thể đánh bại Vương Trọng Vinh, Chu Ôn liên tục cầu viện Hoàng Sào, song đều bị Mạnh Khải (孟楷) giấu đi không báo cho Hoàng Sào. Vào mùa thu năm 882, cho rằng Đại Tề cuối cùng sẽ sụp đổ, Chu Ôn quy phục Vương Trọng Vinh, và do mẹ của Chu Ôn cũng mang họ Vương nên người này nhận Vương Trọng Vinh là "cữu" (anh/em của mẹ). Theo tiến cử của Vương Trọng Vinh, "Chư đạo hành doanh đô thống" Vương Đạc bổ nhiệm Chu Ôn là Đồng Hoa tiết độ sứ, và ban danh là "Toàn Trung".
Tuy nhiên, tại thời điểm đó, liên quân Đường lại lâm vào thế bế tắc với Hoàng Sào, và họ vẫn tiếp tục lo lắng về thực lực quân sự của mình. Vương Trọng Vinh bàn bạc với Dương Phục Quang, Vương Đạc, và Vương Huy, sau đó Dương Phục Quang đề xuất xá tội cho phản tướng người Sa Đà Lý Khắc Dụng và lệnh cho người này đến hợp binh, Lý Khắc Dụng chấp thuận và đưa quân đến. Trong khi đó, vào cuối năm 882, Đường Hy Tông đã ban chức "Đồng bình chương sự" cho Vương Trọng Vinh.
Năm 883, liên quân Lý Khắc Dụng và Vương Trọng Vinh tiến về phía Trường An, liên tục đánh bại quân Tề. Lý Khắc Dụng tiến quân vào Trường An, Hoàng Sào chạy trốn về phía đông. Do các công lao của mình trong việc trấn áp loạn Hoàng Sào, Vương Trọng Vinh được ban chức "Kiểm hiệu thái úy" và được phong tước "Lang Da quận vương".
Đối đầu với Điền Lệnh Tư.
Sau khi Đường Hy Tông trở về Trường An, triều đình Đường lâm vào cảnh ngân khố trống rỗng do sau loạn Hoàng Sào, các quân trở nên độc lập hơn với triều đình và không còn nộp sưu thuế nữa, triều đình Đường chỉ thu được thuế trong thành Trường An và vùng xung quanh. Vương Trọng Vinh khi trước đã đoạt lấy quyền kiểm soát hai đầm muối ở Hà Trung- nguyên thuộc quyền cai quản của "Diêm-thiết chuyển vận sứ" của triều đình, và chỉ nộp một lượng muối ít ỏi cho triều đình. "Tả Thần Sách trung úy" Điền Lệnh Tư là hoạn quan kiểm soát triều chính trên thực tế, người này đã thỉnh cầu Đường Hy Tông khôi phục quyền kiểm soát các đầm muối cho "Diêm-thiết chuyển vận sứ", và trao cho bản thân mình phụ trách hai đầm muối ở Hà Trung. Vương Trọng Vinh từ chối và liên tục trình tấu yêu cầu được giữ lại hai đầm muối, song không có kết quả. Tiếp theo, khi dưỡng tử của Điền Lệnh Tư là Điền Khuông Hựu (田匡祐) làm sứ giả đến Hà Trung, thoạt đầu Vương Trọn Vinh tôn trọng Điền Khuông Hựu, song Khuông Hựu ngạo mạn xúc phạm binh sĩ Hà Trung. Vương Trọng Vinh sau đó giam giữ Điền Khuông Hựu, công khai buộc tội Điền Khuông Hựu và Điền Lệnh Tư, song Vương Trọng Vinh nghe theo lời của giám quân và cho Khuông Hựu rời khỏi quân. Khi Khuông Hựu về lại Trường An, ông ta đã thúc giục Điền Lệnh Tư có hành động chống lại Vương Trọng Vinh. Vào mùa hè năm 885, Điền Lệnh Tư đã thỉnh Đường Hy Tông ban một chiếu chỉ thuyên chuyển Vương Trọng Vinh đến Thái Ninh , Thái Ninh tiết độ sứ Tề Khắc Nhượng chuyển đến Nghĩa Vũ , và Nghĩa Vũ tiết độ sứ Vương Xử Tồn chuyển đến Hà Trung.
Vương Trọng Vinh từ chối tuân chỉ và thượng biểu tố cáo Điền Lệnh Tư phạm 10 tội. Vương Xử Tồn cũng thượng tấu nói giúp Vương Trọng Vinh, và đến khi chiếu chỉ không được rút lại, Xử Tồn chỉ giả bộ tiến đến Hà Trung rồi lại quay về Nghĩa Vũ. Điền Lệnh Tư liên kết với Phượng Tường tiết độ sứ Lý Xương Phù và Tĩnh Nan tiết độ sứ Chu Mai, trong khi Vương Trọng Vinh cầu viện Lý Khắc Dụng. Khoảng tết năm 886, hai bên giao chiến, quân Vương/Trịnh giành được thắng lợi. Lý Khắc Dụng tiến về Trường An, Điền Lệnh Tư đưa Đường Hy Tông chạy đến Hưng Nguyên. Lý Khắc Dụng và Vương Trọng Vinh triệt thoái về Hà Trung và thượng tấu yêu cầu Điền Lệnh Tư phải chết. Sau đó, khi Đường Hy Tông ban chiếu chỉ cho Vương Trọng Vinh yêu cầu cung cấp lương thực cho quân triều đình, Vương Trọng Vinh đáp rằng ông sẽ từ chối tuân chỉ cho đến khi Điền Lệnh Tư bị hành hình. Trong khi đó, Chu Mai quay sang chống Đường Hy Tông, tôn một người trong tông thất là Lý Uân làm hoàng đế mới tại Trường An.
Hòa giải với Đường Hy Tông.
Điền Lệnh Tư biết toàn đế chế đều không ưa mình nên đã đến Tây Xuyên</ref> 西川, trị sở nay thuộc Thành Đô, Tứ Xuyên</ref>, kế nhiệm Điền Lệnh Tư cai quản Thần Sách quân là Dương Phục Cung. "Đồng bình chương sự" Đỗ Nhượng Năng chỉ ra rằng Vương Trọng Vinh và Dương Phục Quang (khi đó đã qua đời) là bằng hữu với nhau, Đường Hy Tông đã lệnh cho Dương Phục Cung viết thư thuyết phục Vương Trọng Vinh quay trở lại trung thành với Đường Hy Tông. Nhận được thư của Dương Phục Cung, Vương Trọng Vinh tuyên bố trung thành với Đường Hy Tông, cống nạp tơ lụa và còn thỉnh cầu tiến công Chu Mai, trong khi đó Lý Khắc Dụng cũng tuyên bố trung thành với Đường Hy Tông.
Khoảng tết năm 887, Chu Mai bị thuộc hạ là Vương Hành Du sát hại, Bùi Triệt và Trịnh Xương Đồ cùng khoảng 200 triều sĩ đưa Lý Uân chạy đến Hà Trung. Thoạt đầu, Vương Trọng Vinh giả bộ nghênh tiếp song sau đó đã bắt giữ và xử trảm Lý Uân, giam giữ Bùi Triệt và Trịnh Xương Đồ (sau cũng bị hành quyết theo lệnh của Đường Hy Tông). Vương Trọng Vinh đưa thủ cấp của Lý Uân đến Hưng Nguyên trình Đường Hy Tông. Đường Hy Tông sau đó trở về Trường An.
Qua đời.
Tuy nhiên, vào những năm cuối trong sự nghiệp, Vương Trọng Vinh càng cai trị Hà Trung khắc nghiệt hơn. Do ông từng trừng phạt nha tướng Thường Hành Nho (常行儒), Thường Hành Nho thấy hổ thẹn và cuối cùng quyết định chống lại ông. Vào mùa hè năm 887, Trương Hành Nho bắt đầu cuộc binh biến vào ban đêm và tiến công quân phủ. Vương Trọng Vinh chạy trốn đến biệt thự ở ngoài thành, song bị Thường Hành Nho tiến công và sát hại. Thường Hành Nho ủng hộ anh của Trọng Vinh là Thiểm Quắc tiết độ sứ Vương Trọng Doanh thay thế Vương Trọng Vinh, và Đường Hy Tông đã hạ chỉ chuyển Vương Trọng Doanh đến Hà Đông, cho con của Vương Trọng Doanh là Vương Củng (王珙) làm Thiểm Quắc lưu hậu. Sau khi kiểm soát Hà Trung, Vương Trọng Doanh giết chết Thường Hành Nho. Năm 895, Vương Trọng Doanh qua đời, dưỡng tử của Vương Trọng Vinh là Vương Kha (王珂) kế nhiệm, song đến năm 901 thì Hà Trung rơi vào tay Chu Toàn Trung. | 1 | null |
Đàm Toàn Bá (, 834?-918?) là người cai trị Kiền châu từ năm 913 đến năm 918, tức vào đầu thời Ngũ Đại Thập Quốc. Trong một thời gian dài, ông làm mưu chủ cho Lô Quang Trù- người cai quản Kiền châu trong 25 năm, và sau đó được người dân ủng hộ lãnh đạo châu. Năm 918, ông chiến bại trước quân Ngô, và qua đời sau đó.
Sự nghiệp ban đầu.
Đàm Toàn Bá là người Nam Khang. Theo ghi chép, Đàm Toàn Bá dũng cảm có chí lược, còn đồng hương Lô Quang Trù thì to cao hùng mạnh song không có tài năng. Vào cuối thời nhà Đường, phần phía nam của đế chế bị nhấn chìm trong các cuộc khởi nghĩa nông dân, Đàm Toàn Bá cũng khuyến khích Lô Quang Trù nổi dậy, Lô Quang Trù làm theo. Khi đội quân nổi dậy muốn suy tôn Đàm Toàn Bá làm chủ, Đàm Toàn Bá nhường lại vị trí thủ lĩnh cho Lô Quang Trù, còn đe dọa xử tử người nào bất tuân mệnh lệnh của Lô Quang Trù, đưa đội quân vào kỷ luật.
Năm 885, Lô Quang Trù chiếm được Kiền châu, tự xưng là thứ sử, cho Đàm Toàn Bá làm mưu chủ.
Làm quan ở Kiền châu.
Năm 902, Lô Quang Trù tiến công về phía nam để mở rộng lãnh địa, đầu tiên ông ta công chiếm Thiều châu, sau đó bao vây Triều châu, song bị Thanh Hải lưu hậu Lưu Ẩn đẩy lui. Khi Lưu Ẩn tiến công Thiều châu, Đàm Toàn Bá phục một vạn tinh binh ở khe núi, dùng các binh sĩ gầy yếu ra khiêu chiến, đại phá quân Thanh Hải, Lô Quang Trù vẫn giữ được Thiều châu. Mặc dù giành được thắng lợi, song Đàm Toàn Bá lại nhường công lao cho chư tướng, Lô Quang Trù vì vậy càng xem trọng ông.
Năm 910, Lô Quang Trù lâm bệnh, ông ta muốn nhường chức thủ lĩnh cho Đàm Toàn Bá, song Đàm Toàn Bá từ chối. Sau đó, khi Lô Quang Trù qua đời, Lô Diên Xương từ Thiều châu đến chịu tang, Đàm Toàn Bá ủng hộ Lô Diên Xương làm người kế nhiệm. Đàm Toàn Bá tiếp tục phụng sự cho Lô Diên Xương.
Năm 911, Lô Diên Xương bị "Chỉ huy sứ" Lê Cầu (黎球) ám sát, Lê Cầu đoạt lấy quyền cai quản Kiền châu và cũng định sát hại Đàm Toàn Bá. Đàm Toàn Bá xưng mình bị bệnh và thỉnh được cáo hưu, do vậy được miễn chết. Không lâu sau, Lê Cầu qua đời, kế nhiệm là nha tướng Lý Ngạn Đồ (李彥圖). Cũng lo sợ Lý Ngạn Đồ, Đàm Toàn Bá càng xưng bệnh nặng. Trong khi đó, hay tin Đàm Toàn Bá bị bệnh, Thanh Hải tiết độ sứ Lưu Nghiễm tiến công Thiều châu. Thiều châu thứ sử Liệu Sảng (廖爽) chạy đến Sở, chính quyền Kiền châu để mất Thiều châu.
Cai quản Kiền châu.
Lý Ngạn Đồ qua đời năm 912, người trong châu tôn Đàm Toàn Bá cai quản châu sự. Sau đó, Đàm Toàn Bá khiển sứ xin được nội phụ Hậu Lương, Hậu Lương Thái Tổ bổ nhiệm Đàm Toàn Bá làm Bách Thắng phòng ngự sứ, thứ sử của Kiền châu và Thiều châu. Đàm Toàn Bá cai trị Kiền châu trong bảy năm, được đánh giá là thiện chính.
Năm 918, Ngô phong "Hữu đô áp nha" Vương Kỳ (王祺) làm "Kiền châu hành doanh đô chỉ huy sứ", đem quân từ Hồng châu, Phủ châu, Viên châu, và Cát châu tiến công Đàm Toàn Bá. Người dân Kiền châu bất ngờ trước cuộc tiến công này, họ chỉ biết việc này sau khi Nghiêm Khả Cầu (嚴可求) dùng một lượng lớn tiền bạc để mộ thủy công Cám mở thủy đạo qua Cám Thạch, để chiến hạm Ngô có thể vượt qua mà tiến đến thành Kiền châu. Tuy nhiên, Kiền châu có chướng ngại thiên nhiên giúp cho việc phòng thủ, quân Ngô không thể chiếm thành một cách nhanh chóng. Quân Ngô sau đó bị dịch bệnh, nhiều binh sĩ bị chết, trong đó có Vương Kỳ, thay thế là Lưu Tín (劉信).
Trong khi đó, Đàm Toàn Bá cầu viện ba nước là chư hầu của Hậu Lương: Ngô Việt, Mân và Sở. Đáp lại, Ngô Việt vương Tiền Lưu khiển nhi tử Tiền Truyền Cầu (錢傳球) tiến công Tín châu của Ngô; Sở vương Mã Ân khiển Trương Khả Cầu (張可求) tiến đến Cổ Đình; và Mân vương Vương Thẩm Tri thì phái quân tiến đến Vu Đô, đều nhằm cứu Đàm Toàn Bá. Tuy nhiên, quân Ngô Việt bị Tín châu thứ sử Chu Bản (周本) đẩy lui. Sau đó, Lưu Tín phái quân đẩy lui quân Sở, quân Ngô Việt và quân Mân hay tin quân Sở thất bại thì cũng triệt thoái.
Lưu Tín ngày đêm tiến công thành Kiền châu, giết được cả nghìn lính song vẫn không chiếm được thành, ông ta khiển sứ giả vào thành thuyết phục Đàm Toàn Bá dâng của cải, rồi trở về. Khi ông ta khiển sứ đến báo với phụ chính Từ Ôn của Ngô, Từ Ôn tức giận và khiển Lưu Ngạn Anh (劉英彥)- nhi tử của Lưu Tín- suất 3.000 quân đến. Khi Lưu Ngạn Anh đến doanh trại của Lưu Tín và truyền lại lời đe dọa của Từ Ôn, Lưu Tín trở nên lo sợ và quyết định lại bao vây Kiền châu. Cuối cùng, Kiền châu thất thủ, Đàm Toàn Bá chạy đến Vu Đô, song bị quân Ngô ở đây bắt được. Quân Ngô giải Đàm Toàn Bá đến thủ đô Giang Đô của Ngô. Sau đó, Dương Long Diễn bổ nhiệm Đàm Toàn Bá làm "Hữu uy vệ tướng quân", Bách Thắng tiết độ sứ. Ông qua đời không lâu sau khi đến Giang Đô, thọ 85 tuổi âm. | 1 | null |
Điền Lệnh Tư (, ? - 893), tên tự Trọng Tắc (仲則), là một hoạn quan đầy quyền lực trong triều đại của Đường Hy Tông. Trong hầu hết thời gian Đường Hy Tông trị vì, Điền Lệnh Tư kiểm soát triều đình do có mối quan hệ thân cận với hoàng đế, cũng như có quyền kiểm soát Thần Sách quân. Ông vẫn giữ được địa vị của mình khi Đường Hy Tông phải chạy trốn đến Tây Xuyên để tránh loạn Hoàng Sào. Đến cuối thời gian trị vì của Đường Hy Tông, Điền Lệnh Tư buộc phải từ bỏ quyền lực sau khi tranh chấp với quân phiệt Vương Trọng Vinh, rồi đến nương nhờ anh là Tây Xuyên tiết độ sứ Trần Kính Tuyên. Tuy nhiên, đến năm 891, Vương Kiến đã đoạt lấy Tây Xuyên và giết chết Trần Kính Tuyên cùng Điền Lệnh Tư.
Thân thế.
Điền Lệnh Tư vốn mang họ Trần và có ít nhất hai anh em là Trần Kính Tuyên và Trần Kính Tuần (陳敬珣). Trong "Tân Đường thư, ông được mô tả là người Thục, còn "Tư trị thông giám" ghi ông là người Hứa châu Vào giữa những năm Hàm Thông (860-874) thời Đường Ý Tông, ông theo dưỡng phụ nhập nội thị tỉnh làm hoạn giả. Ông được mô tả là người có học thức, có mưu lược. Dưới triều đại của Đường Ý Tông, ông giữ chức 'tiểu mã phường sứ', được Phổ vương Lý Nghiễm sủng ái.
Thời Đường Hy Tông.
Trường khi Hoàng Sào công chiếm Trường An.
Đường Ý Tông qua đời năm 873, Lý Nghiễm được các hoạn quan Lưu Hành Thâm (劉行深) và Hàn Văn Ước (韓文約)- những người chỉ huy Thần Sách quân- tôn làm hoàng đế, tức Đường Hy Tông. Ngay sau khi trở thành hoàng đế, Đường Hy Tông bổ nhiệm Điền Lệnh Tư giữ chức 'xu mật sứ', và đến năm 875 thì thăng Điền Lệnh Tư làm 'Tả Thần Sách quân trung úy'. Do Đường Hy Tông mới 14 tuổi (âm) nên thích dành nhiều thì giờ để du hí, chính sự đều ủy quyền cho Điền Lệnh Tư quyết định, Hoàng đế thậm chí gọi Điền Lệnh Tư là "a phụ". Bất cứ khi nào gặp Đường Hy Tông, Điền Lệnh Tư đều chuẩn bị hai khay hoa quả, cùng ăn uống với thánh thượng. Theo đề xuất của Điền Lệnh Tư, phần lớn tài sản của các thương nhân Trường An bị triều đình tịch thu và nhập vào quốc khố. Bất cứ ai dám than phiền đều bị giết chết, các quan lại triều đình thì không dám can thiệp.
Năm 880, Đại Đường bị nhấn chìm trong các cuộc khởi nghĩa nông dân, cuộc khởi nghĩa lớn nhất là của Hoàng Sào. Do quân đội triều đình khặp khó khăn trong việc trấn áp, Điền Lệnh Tư bắt đầu tính đến kế hoạch dự phòng, theo đó trong trường hợp Trường An bị tấn công, ông sẽ đưa Hoàng đế nhập Thục. Điền Lệnh Tư tiến cử anh là 'tả kim ngô đại tướng quân' Trần Kính Tuyên, cùng một số tướng mà ông tin tưởng: Dương Sư Lập (楊師立), Ngưu Úc (牛勗), và La Nguyên Cảo (羅元杲), làm các tiết độ sứ ở đất Thục, hay còn gọi là Tam Xuyên . Đường Hy Tông đã lệnh cho bốn người chơi đánh bóng tranh Tam Xuyên. Trần Kính Tuyên đứng thứ nhất và được bổ nhiệm là Tây Xuyên tiết độ sứ, trong khi Dương Sư Lập được bổ nhiệm ở Đông Xuyên và Ngưu Úc được bổ nhiệm ở Sơn Nam Tây đạo. Trong thời kỳ này, Điền Lệnh Tư liên kết với Đồng bình chương sự Lô Huề (盧攜).
Đến mùa đông năm 880, Hoàng Sào tiến đến Đồng Quan, Điền Lệnh Tư và thượng thư Thôi Hàng (崔沆) đề xuất Đường Hy Tông thực hiện kế hoạch dự phòng là chạy đến Tam Xuyên. Thoạt đầu, Đường Hy Tông từ chối và lệnh cho Điền Lệnh Tư đưa thân quân đi phòng thủ Đồng Quan. Tuy nhiên, Điền Lệnh Tư chỉ tập hợp được các binh sĩ mới nhập ngũ và thiếu kinh nghiệm, họ không thể cứu viện cho đội quân triều đình đã trấn thủ ở Đồng Quan từ trước. Điền Lệnh Tư đổ lỗi về thất bại cho Lô Huề, buộc Lô Huề phải tự sát. Sau đó, Điền Lệnh Tư đưa Đường Hy Tông cùng bốn thân vương và một vài phi tần chạy khỏi Trường An, tiến về Thành Đô- thủ phủ của Tây Xuyên. Hoàng Sào chiếm được Trường An, thoạt đầu ông ta sống trong phủ của Điền Lệnh Tư song sau đó đã chuyển vào hoàng cung và xưng đế, đặt quốc hiệu là "Đại Tề".
Chạy đến Thành Đô lần thứ nhất.
Đường Hy Tông chạy đến Phượng Tường)- nơi cựu Đồng bình chương sự Trịnh Điền đang giữ chức tiết độ sứ. Sau khi bổ nhiệm Trịnh Điền giám sát chiến dịch chống Hoàng Sào, Đường Hy Tông chạy tiếp đến Sơn Nam Tây đạo, rồi đến Tây Xuyên theo lời mời của Trần Kính Tuyên. Trong cuộc chạy trốn khỏi Trường An, Thọ vương Lý Kiệt mới 14 tuổi (âm) kiệt sức vì phải đi bộ nên yêu cầu Điền Lệnh Tư trao cho mình một con ngựa, song Điền Lệnh Tư đáp lại: "Chỗ này là thâm sơn, sao có ngựa được" rồi đánh roi Lý Kiệt và buộc phải đi tiếp.
Khi đến Thành Đô, Điền Lệnh Tư nhanh chóng bị binh sĩ Tây Xuyên xa lánh do ông đã khao thưởng lớn các binh sĩ thân quân hộ tống hoàng đế đến Thành Đô, trong khi không chia sẻ phần thưởng cho binh sĩ Tây Xuyên. Sau khi 'Hoàng đầu quân sứ' Quách Kì (郭琪) oán trách, Điền Lệnh Tư đã cố gắng hạ độc giết Quách Kì, song không thành. Quách Kì do đó tiến hành binh biến, song nhanh chóng thất bại. Tả thập di Mạnh Chiêu Đồ (孟昭圖) thượng sớ thỉnh cầu Đường Hy Tông không nên chỉ nghe theo ý Điền Lệnh Tư và Trần Kính Tuyên trong việc trị quốc, mà nên nghe ý kiến của các quan lại khác, tuy nhiên Điền Lệnh Tư đã tịch thu sớ của Mạnh Chiêu Đồ, lưu đày rồi giết chết Mạnh nhằm đàn áp những ý kiến chỉ trích.
Đô thống Vương Đạc thoạt đầu đã chiến bại trước Hoàng Sào, chỉ đến nghe theo lời Dương Phục Quang cầu viện Lý Khắc Dụng thì tình thế mới biến đổi. Vào mùa xuân năm 883, sau khi quân Đường đánh bật Hoàng Sào khỏi Trường An, Điền Lệnh Tư nhân cớ đó đã kiến nghị bãi chức đô thống của Vương Đạc. Sau đó, Điền Lệnh Tư thuyết phục các đại pháp quan và tiết độ sứ thượng biểu kiến nghị Đường Hy Tông tán dương các công lao của ông, Đường Hy Tông do đó đã bổ nhiệm Điền Lệnh Tư là "Thập quân kiêm thập nhị vệ quan quân dung sứ". Cũng trong năm đó, sau khi Dương Phục Quang qua đời, Điền Lệnh Tư nhân cơ hội này để bãi chức xu mật sứ của Dương Phục Cung. Trong khi đó, Trịnh Điền không muốn chỉ đơn thuần là chấp thuận ý kiến của Điền Lệnh Tư và Trần Kính Tuyên, và Điền Lệnh Tư phản ứng lại bằng cách khuyến khích Lý Xương Ngôn (李昌言) đe dọa không cho Trịnh Điền đi qua Phượng Tường khi Đường Hy Tông trở về Trường An. Trịnh Điền buộc phải dâng biểu từ vị, đến dưỡng già tại Bành châu.
Trong khi đó, Điền Lệnh Tư và Trần Kính Tuyên cũng khiến Dương Sư Lập xa lánh khi bổ nhiệm Cao Nhân Hậu giữ chức Đông Xuyên tiết độ sứ. Điền Lệnh Tư cố gắng ngăn chặn bất cứ hành động nào của Dương Sư Lập khi triệu hồi Dương đến Thành Đô vào mùa xuân năm 884. Dương Sư Lập phản ứng bằng cách tuyên bố chống lại Điền Lệnh Tư và Trần Kính Tuyên. Cao Nhân Hậu sau đó tiến hành một chiến dịch chống Dương Sư Lập, bao vây thủ phủ Tử châu (梓州) của Đông Xuyên. Thuộc hạ của Dương Sư Lập là Trịnh Quân Hùng (鄭君雄) sau đó đã giết chủ tướng và đầu hàng.
Một trong các thuộc hạ cũ của Dương Phục Quang là Lộc Yến Hoằng khi đó đoạt lấy Sơn Nam Tây đạo. Điền Lệnh Tư chiêu dụ các thuộc hạ của Lộc Yến Hoằng là Vương Kiến, Hàn Kiến, Trương Tạo (張造), Tấn Huy (晉暉), và Lý Sư Thái (李師泰) bỏ chủ tướng và chạy đến chỗ ông. Điền Lệnh Tư sau đó nhận năm người này là dưỡng tử, và đặt họ dưới quyền chỉ huy trực tiếp của ông. Sau đó, Điền Lệnh Tư tiến công Lộc Yến Hoằng, Lộc Yến Hoằng từ bỏ Sơn Nam Tây đạo và chạy trốn. Sau đó, vào mùa xuân năm 885, Điền Lệnh Tư đã hộ tống Đường Hy Tông về Trường An, và ông vẫn tiếp tục kiểm soát triều đình.
Tranh chấp với Vương Trọng Vinh.
Tuy nhiên, sau khi Đường Hy Tông trở về Trường An, triều đình Đường lâm vào cảnh ngân khố trống rỗng do sau loạn Hoàng Sào, các quân trở nên độc lập hơn với triều đình và không còn nộp sưu thuế nữa, triều đình Đường chỉ thu được thuế trong thành Trường An và vùng xung quanh. Do Điền Lệnh Tư phát triển mạnh Thần Sách quân trong thời gian ở Tây Xuyên, triều đình nay không thể trả lương cho tất cả các tướng sĩ và quan lại. Điền Lệnh Tư cố gắng khắc phục tình hình bằng cách yêu cầu trao trả lại quyền kiểm soát các đầm muối ở Hà Trung. Hà Trung tiết độ sứ Vương Trọng Vinh không muốn từ bỏ các đầm muối nên đã nhiều lần thượng biểu phản đối. Điền Lệnh Tư khiển dưỡng tử là Điền Khuông Hựu (田匡祐) làm sứ giả đến Hà Trung, thoạt đầu Vương Trọng Vinh tôn trọng Điền Khuông Hựu, song Khuông Hựu ngạo mạn xúc phạm binh sĩ Hà Trung. Sau đó, Vương Trọng Vinh công khai buộc tội Điền Khuông Hựu và Điền Lệnh Tư, song cho phép Khuông Hựu rời khỏi quân. Khi Khuông Hựu về lại Trường An, ông ta đã thúc giục Điền Lệnh Tư có hành động chống lại Vương Trọng Vinh. Vào mùa hè năm 885, Điền Lệnh Tư đã thỉnh Đường Hy Tông ban một chiếu chỉ thuyên chuyển Vương Trọng Vinh đến Thái Ninh , Thái Ninh tiết độ sứ Tề Khắc Nhượng chuyển đến Nghĩa Vũ , và Nghĩa Vũ tiết độ sứ Vương Xử Tồn chuyển đến Hà Trung. Vương Trọng Vinh tức giận, từ chối đến Thái Ninh và liên minh với Lý Khắc Dụng, thượng biểu tố cáo Điền Lệnh Tư phạm 10 tội. (Vương Xử Tồn cũng cố gắng can thiệp giúp Vương Trọng Vinh, song Điền Lệnh Tư không chấp thuận.) Trước tình thế này, Điền Lệnh Tư liên kết với Phượng Tường tiết độ sứ Lý Xương Phù và Tĩnh Nan tiết độ sứ Chu Mai.
Các binh sĩ Thần Sách quân hợp binh với các binh sĩ Phượng Tường và Tĩnh Nan tiến công Hà Trung. Vương Trọng Vinh và Lý Khắc Dụng sau đó cũng hợp binh và giao chiến với liên quân Thần Sách/Tĩnh Nan/Phượng Tường tại Sa Uyển vào mùa đông năm 885. Liên quân Hà Trung/Hà Đông chiếm ưu thế, và sau đó chiến thắng, Chu Mai và Lý Xương Phù chạy về quân của họ. Lý Khắc Dụng tiến về Trường An, Điền Lệnh Tư hộ tống Đường Hy Tông chạy đến Phượng Tường. Chống lại mong muốn của Đường Hy Tông, Điền Lệnh Tư đã buộc Đường Hy Tông phải chạy tiếp đến Hưng Nguyên- thủ phủ của Sơn Nam Tây đạo. Theo mô tả, vào thời điểm này, người dân trong đế chế đều căm ghét Điền Lệnh Tư, Chu Mai và Lý Xương Phù hổ thẹn vì liên kết với ông nên đã quay sang chống lại ông, họ phái binh đuổi theo Đường Hy Tông. Tuy nhiên, họ không đuổi kịp, và thân quân sau đó kiểm soát Hưng Nguyên, buộc đồng minh của Chu Mai là Thạch Quân Thiệp (石君涉) phải chạy trốn. Trong khi đó, Chu Mai bắt được Tương vương Lý Uân và tôn Lý Uân làm hoàng đế tại Trường An. Đối mặt với sự chống đối rộng khắp, Điền Lệnh Tư đã đề nghị Dương Phục Cung kế nhiệm mình làm 'Tả Thần Sách trung úy' và 'quan quân dung sứ', và tự giáng mình làm Tây Xuyên giám quân sứ, sau đó chạy đến Tây Xuyên.
Chạy đến Thành Đô lần thứ hai.
Năm 887, Chu Mai bị thuộc hạ là Vương Hành Du giết, Vương Trọng Vinh giết chết Lý Uân, Đường Hy Tông quay trở lại Trường An. Đường Hy Tông ban một chiếu chỉ tước hết các chức tước của Điền Lệnh Tư và đày ông đến Đoan châu. Tuy nhiên, do Điền Lệnh Tư đang được Trần Kính Tuyên bảo hộ, quyết định lưu đày không bao giờ được thực hiện.
Trong khi đó, cựu thuộc hạ và dưỡng tử của Điền Lệnh Tư là Vương Kiến đã đoạt lấy binh sĩ của ông và biến họ thành một nhóm đạo tặc, liên kết lỏng lẻo với Đông Xuyên tiết độ sứ Cố Ngạn Lãng. Trần Kính Tuyên lo sợ rằng Vương Kiến và Cố Ngạn Lãng sẽ hợp binh tiến công Tây Xuyên, Điền Lệnh Tư đề xuất rằng để ông cố triệu hồi Vương Kiến gia nhập vào quân Tây Xuyên, Trần Kính Tuyên chấp thuận. Điền Lệnh Tư chiêu dụ Vương Kiến vào mùa đông năm 887, song sau đó, khi Vương Kiến đang tiến quân về Thành Đô quy phục, thuộc hạ của Trần Kính Tuyên là Lý Nghệ (李乂) lại cho rằng Vương Kiến là một mối đe dọa và Trần Kính Tuyên lệnh cho Vương Kiến không tiến thêm nữa. Vương Kiến tức giận, đánh bại các binh lính mà Trần Kính Tuyên phái đến để ngăn cản minh, tiến đến Thành Đô. Khi Điền Lệnh Tư lên trên tường thành để cố giải quyết tình hình, Vương Kiến đã cúi chào ông song nói rằng ông nay do không còn nơi nào để về nên bản thân Điền Lệnh Tư đã thành 'tặc'. Vương Kiến bao vây Thành Đô song không thể chiếm thành ngay lập tức. Đường Hy Tông phái sứ giả đến để hòa giải, song cả Vương Kiến và Trần Kính Tuyên đều không chấp thuận hòa giải.
Thời Đường Chiêu Tông.
Đường Hy Tông qua đời vào mùa xuân năm 888, Lý Kiệt được Dương Phục Cung tôn làm hoàng đế, tức Đường Chiêu Tông. Trong khi đó, Vương Kiến và Cố Ngạn Lãng thượng biểu cho tân hoàng đế buộc tội Trần Kính Tuyên, Đường Chiêu Tông vẫn còn uất hận Điền Lệnh Tư về chuyện khi xưa nên đã chuẩn thuận đề xuất của Vương và Cố. Đường Chiêu Tông bổ nhiệm Vi Chiêu Độ làm Tây Xuyên tiết độ sứ thay thế Trần Kính Tuyên, triệu Trần Kính Tuyên về Trường An giữ chức 'Long vũ thống quân'. Khi Trần Kính Tuyên từ chối, Đường Chiêu Tông tuyên bố Trần Kính Tuyên làm phản và lệnh cho Vi, Vương và Cố tiến công.
Năm 891, các quan lại của Đường Chiêu Tông bắt đầu tin rằng chiến dịch sẽ không thành công, Đường Chiêu Tông do đó đã ban một chiếu chỉ phục chức tước cho Trần Kính Tuyên và lệnh cho Cố Ngạn Lãng và Vương Kiến trở về lãnh địa của họ. Vương Kiến tin rằng chiến dịch sắp thành công nên đã buộc Vi Chiêu Độ phải giao lại quân lính cho mình và trở về Trường An một mình. Vương Kiến tiếp tục tiến công Thành Đô, trong khi phái quân đi chiếm các thành khác của Tây Xuyên. Vương Kiến cũng cắt đứt nguồn cung lương thực do Dương Thịnh (楊晟) đưa từ Bành châu đến Thành Đô.
Vào mùa thu năm 888, Điền Lệnh Tư thấy tình thế tuyệt vọng, tiến hành trò chuyện với Vương Kiến từ trên tường thành. Vương Kiến hứa hẹn sẽ tiếp tục xem Điền Lệnh Tư là cha nếu Trần Kính Tuyên đầu hàng. Đêm hôm đó, Điền Lệnh Tư đến doanh trại của Vương Kiến và chính thức giao ấn soái của Trần Kính Tuyên. Vương Kiến chấp thuận và tạ lỗi với Điền Lệnh Tư, nói rằng quan hệ phụ-tử được khôi phục, Vương Kiến đoạt được Tây Xuyên. Vương Kiến bổ nhiệm con của Trần Kính Tuyên là Trần Đào (陳陶) làm Nha châu thứ sử và lệnh Trần Kính Tuyên theo con đến Nhã châu, trong khi quản thúc Điền Lệnh Tư tại Thành Đô.
Mặc dù tuyên bố sẽ xem Điền Lệnh Tư là cha, Vương Kiến lại nhiều lần thượng biểu cho triều đình thỉnh cầu hành hình Trần Kính Tuyên và Điền Lệnh Tư. Tuy nhiên, triều đình Đường không chấp thuận, và đến mùa hè năm 893, Vương Kiến tuyên bố sẽ tự mình hành động. Vương Kiến buộc tội Trần Kính Tuyên âm mưu nổi dậy và phán xử tử. Vương Kiến lại buộc tội Điền Lệnh Tư giao thiệp với Phượng Tường tiết độ sứ Lý Mậu Trinh (Điền Lệnh Tư từng đối đãi tốt với Lý Mậu Trinh khi người này phục vụ trong Thần Sách quân, người này cũng từng cố can thiệp giúp Điền Lệnh Tư) và giết chết Điền Lệnh Tư. Khi phải lâm hình, Điền Lệnh Tư xé mảnh lụa và nói với người hành hình: "Ta từng giám sát thập quân, giết ta nên dùng cái này." Sau đó ông chỉ cho người hành hình cách thắt cổ, Điền Lệnh Tư qua đời song được mô tả là "sắc bất biến". Sau đó, Vào giữa những năm "Càn Ninh" (894-898) thời Đường Chiêu Tông, Điền Lệnh Tư lại được phục hồi các chức tước: "Tả Thần Sách trung úy", "Lục quân thập nhị vệ dung sứ", được phong tước Ngụy quốc công, ăn lộc 800 hộ, được ban hiệu "Trung trinh khải thánh định quốc công thần". | 1 | null |
Trần Kính Tuyên (, ? - 26 tháng 4 năm 893) là một tướng lĩnh nhà Đường. Là anh trai của hoạn quan đầy quyền lực đương thời là Điền Lệnh Tư, ông được giao kiểm soát Tây Xuyên. Sau đó, khi Trần Kính Tuyên từ chối tuân chỉ về Trường An, Đường Chiêu Tông liền cho quân tiến công Tây Xuyên. Cuối cùng, ông chiến bại trước Vương Kiến và bị giết, Vương Kiến sau này lập ra nước Tiền Thục.
Thân thế.
Theo "Tư trị thông giám", ông là người Hứa châu. Ông có ít nhất hai đệ: Trần Kính Tuần (陳敬珣) và Điền Lệnh Tư. Ông có lẽ còn hai anh khác, do Điền Lệnh Tư từng gọi ông là "tam huynh".
Đầu triều đại của Đường Hy Tông, Điền Lệnh Tư có quyền lực rất lớn trong triều đình, Đường Hy Tông còn gọi Điền Lệnh Tư là "a phụ." Điền Lệnh Tư đã cố gắng xin Trung Vũ tiết độ sứ Thôi An Tiềm cho Trần Kính Tuyên làm binh mã sứ, song Thôi An Tiềm từ chối. Do đó, Điền Lệnh Tư đã lệnh cho Trần Kính Tuyên đến kinh thành Trường An, cho Trần Kính Tuyên làm chỉ huy trong Tả Thần Sách quân, trong một vài năm sau thì Trần Kính Tuyên được thăng làm đại tướng quân.
Làm Tây Xuyên tiết độ sứ.
Trước khi Đường Hy Tông đến Thành Đô.
Năm 880, Đại Đường bị nhấn chìm trong các cuộc khởi nghĩa nông dân, cuộc khởi nghĩa lớn nhất là của Hoàng Sào. Do quân đội triều đình khặp khó khăn trong việc trấn áp, Điền Lệnh Tư bắt đầu tính đến kế hoạch dự phòng, theo đó trong trường hợp Trường An bị tấn công, ông sẽ đưa Hoàng đế nhập Thục. Điền Lệnh Tư tiến cử 'tả kim ngô đại tướng quân' Trần Kính Tuyên, cùng một số tướng mà Điền Lệnh Tư tin tưởng: Dương Sư Lập (楊師立), Ngưu Úc (牛勗), và La Nguyên Cảo (羅元杲), làm các tiết độ sứ ở đất Thục, hay còn gọi là Tam Xuyên. Đường Hy Tông đã lệnh cho bốn người chơi đánh bóng tranh Tam Xuyên. Trần Kính Tuyên đứng thứ nhất và được bổ nhiệm là Tây Xuyên tiết độ sứ, trong khi Dương Sư Lập được bổ nhiệm ở Đông Xuyên và Ngưu Úc được bổ nhiệm ở Sơn Nam Tây đạo.
Do Trần Kính Tuyên có xuất thân thấp kém lại không có thanh danh, khi tin tức Trần bộc xạ được bổ nhiệm làm tiết độ sứ mới được truyền đến Tây Xuyên, người Thục chấn động vì không biết Trần Kính Tuyên là ai. Có một yêu nhân từ Thanh Thành thừa cơ đem theo bè nhóm trá xưng là Trần Kính Tuyên; đến nhậm chức và bắt đầu ra lệnh. Tuy nhiên, Mã bộ sứ Cù Đại Phu (瞿大夫) đã phát hiện ra sự thật, tiến hành bắt giữ và giết chết hết bè nhóm của yêu nhân. Tháng 6 ÂL, Trần Kính Tuyên đến và nhậm chức, ông được mô tả là có tính sợ sệt và thận trọng, song giỏi phủ dụ thuộc cấp.
Khoảng tết năm 881, Hoàng Sào chiếm được Trường An, Đường Hy Tông chạy đến thủ phủ Hưng Nguyên của Sơn Nam Tây đạo. Khi Trần Kính Tuyên nhận được tin Hoàng đế chạy trốn, ông đã triệu giám quân Lương Xử Hậu (梁處厚) và kêu khóc phụng biểu nghênh đón Đường Hy Tông đến Thành Đô, đồng thời cho tu sửa hành cung. Trần Kính Tuyên phái 3.000 lính đến Hưng Nguyên để hộ vệ cho Đường Hy Tông. Do Hưng Nguyên có nguồn thực phẩm ít ỏi, Điền Lệnh Tư đã thuyết phục Đường Hy Tông tiếp tục đến Thành Đô, Đường Hy Tông chấp thuận. Đường Hy Tông khiển một số nô bộc đến Thành Đô trước, và khi những người này trông thấy hành cung mà Trần Kính Tuyên đã sửa chữa, có người nhận xét ngang ngược: "Người ta nói Tây Xuyên là đất man, hôm nay nhìn thì cũng không dơ bẩn", Trần Kính Tuyên liền cho bắt và đánh chết khiến mọi người sau đó đều cung kính. Trần Kính Tuyên đích thân đến Lộc Đầu quan để nghênh đón và hộ tống Đường Hy Tông đến Thành Đô. Đương Hy Tông ban cho Trần Kính Tuyên chức "Đồng bình chương sự".
Khi Đường Hy Tông ở Thành Đô.
Sau khi Đường Hy Tông đến Thành Đô, thoạt đầu Hoàng đế khao thưởng cho các tướng sĩ Tây Xuyên, song sau đó lại chỉ liên tục khao thưởng các thân quân đã tháp tùng Hoàng đế đến Thành Đô, khiến các tướng sĩ Tây Xuyên oán giận. Hoàng đầu quân sứ Quách Kì (郭琪) sau đó đã tiến hành một cuộc binh biến song kết quả là thất bại và phải chạy trốn, nhưng Trần Kính Tuyên tha cho gia quyến của Quách Kì.
Cách cai trị của Trần Kính Tuyên tại Tây Xuyên được mô tả là ngày càng khắc nghiệt, ông phái người bí mật theo dõi các quan lại địa phương. Tạ Hoằng Nhượng (謝弘讓)- người trấn thủ Tư Dương trấn bị cáo buộc sai trái rồi bị hành quyết bằng cách thức tàn nhẫn. Cung châu nha quan Thiên Năng (阡能) đã nổi dậy từ trước đó, khi thấy Tạ Hoằng Nhượng bị giết thì từ chối quy phục, đoạt lấy Cung châu cùng Nha châu và chống đối Trần Kính Tuyên. Trần Kính Tuyên phái quân đi đánh Thiên Năng, song thoạt đầu không chiến thắng. Trong khi đó, vào mùa hè năm 882, Đường Hy Tông ban cho Trần Kính Tuyên chức "Thị trung", phong tước cho Trần Kính Tuyên là Lương quốc công và bổ nhiệm Trần Kính Tuần làm Lãng châu thứ sử.
Cuộc nổi dậy của Thiên Năng phát triển nhanh chóng, và đến mùa thu năm 882, nó đã nằm ngoài tầm kiểm soát của Trần Kính Tuyên, bộ tướng Dương Hành Thiên (楊行遷) của ông không chỉ không đánh bại được Thiên Năng mà còn sát hại thường dân để lừa dối rằng mình giành được chiến thắng. Trong khi đó, Hàn Tú Thăng (韓秀升) và Khuất Hành Tùng (屈行從) khởi binh ở khu vực Tam Hiệp và cắt đứt tuyến đường tiếp tế cho Tây Xuyên từ phía đông. Trần Kính Tuyên khiển áp nha Trang Mộng Điệp (莊夢蝶) đi trấn áp, song không thành công.
Vào mùa đông năm 882, cuộc nổi dậy của Thiên Năng đã lan đến Thục châu, Trần Kính Tuyên đã cho áp nha Cao Nhân Hậu làm 'Đô chiêu thảo chỉ huy sứ' thay thế Dương Hành Thiên. Cao Nhân Hậu tuyên bố rằng những người từng đi theo Thiên Năng sẽ được miễn tội hoàn toàn nếu như chịu đầu hàng, quân của Thiên Năng vì thế tan rã. Cao Nhân Hậu bắt được Thiên Năng và xử tử người này cùng bốn thủ lĩnh nổi dậy khác, cũng như mưu chủ của Thiên Năng là Trương Vinh (張榮), song không thực hiện hành vi trả thù nào- một quyết định được Trần Kính Tuyên chấp thuận. Trần kính Tuyên bổ nhiệm Cao Nhân Hậu là Mi châu phòng ngự sứ.
Vào mùa xuân năm 883, do Trang Mộng Điệp liên tiếp chiến bại trước Hàn Tú Thăng và Khuất Hành Tùng, toàn bộ nguồn tiếp tế từ phía đông của Tây Xuyên bị cắt đứt, Trần Kính Tuyên khiển Cao Nhân Hậu đến vùng Tam Hiệp trấn áp quân nổi dậy. Kết quả, Cao Nhân Hậu giành chiến thắng, tuyến đường tiếp tế qua Tam Hiệp được khai thông trở lại.
Trong thời gian Đường Hy Tông trú tại Thành Đô, theo thỉnh cầu của Trần Kính Tuyên, Đường Hy Tông đồng ý "hòa thân" với Đại Phong Dân (tức Nam Chiếu). Khi hoàng đế Đại Phong Dân là Long Thuấn kiên quyết đòi hỏi thi hành hiệp định vào năm 883, Đường Hi Tông đã lập một nữ nhi trong tông thất triều Đường làm An Hóa trưởng công chúa, gả cô đến Đại Phong Dân.
Trong khi đó, Trần Kính Tuyên lại tham gia vào một cuộc tranh chấp với Tư đồ Trịnh Điền do Trịnh Điền phản đối cho phép Trần Kính Tuyên có chức tước cao hơn 'Đồng bình chương sự'. Trần Kính Tuyên và Điền Lệnh Tư do đó xúi giục Phượng Tường tiết độ sứ Lý Xương Ngôn (李昌言) đe dọa không cho Trịnh Điền đi qua Phượng Tường khi Đường Hy Tông trở về Trường An. Trịnh Điền buộc phải dâng biểu từ vị, đến dưỡng già tại Bành châu. Sau khi Trịnh Điền từ vị, đến tháng 9 ÂL, Trần Kính Tuyên được bổ nhiệm chức "Trung thư lệnh", tiến tước Dĩnh Xuyên quận vương.
Trong khi đó, Dương Sư Lập trở nên không hài lòng trước việc Điền Lệnh Tư và Trần Kính Tuyên kiểm soát Hoàng đế, và càng trở nên tức tối khi nghe được tin đồn rằng Trần Kính Tuyên hứa hẹn sẽ bổ nhiệm Cao Nhân Hậu làm Đông Xuyên tiết độ sứ. Vào mùa xuân năm 884, Điền Lệnh Tư biết rằng Dương Sư Lập bất mãn và lo ngại người này sẽ có hành động quân sự, vì thế Điền Lệnh Tư đã triệu hồi Dương Sư Lập đến triều đình ở Thành Đô giữ chức "Hữu bộc xạ"- một vị trí mang tính danh dự. Dương Sư Lập nhận được lệnh song từ chối tuân theo và huy động binh sĩ chống lại Trần Kính Tuyên. Đường Hy Tông tước bỏ các chức tước của Dương Sư Lập và khiển Cao Nhân Hậu đi trấn áp. Cao Nhân Hậu đánh bại thuộc hạ của Dương Sư Lập là Trịnh Quân Hùng (鄭君雄) và bao vây thủ phủ Tử châu (梓州) của Đông Xuyên. Vào mùa hè năm 884, Trịnh Quân Hùng phản lại Dương Sư Lập, Dương Sư Lập tự sát, Cao Nhân Hậu chiếm được Đông Xuyên. Sau chiến dịch Đông Xuyên, Đường Hy Tông rời Thành Đô vào mùa xuân năm 885 và quay trở lại Thành Đô. Trần Kính Tuyên hộ tống Hoàng đế xa đến Hán châu (漢州, nay thuộc Đức Dương) rồi quay trở về Thành Đô.
Sau khi Đường Hy Tông rời Thành Đô.
Sau khi Hoàng đế rời khỏi Thành Đô, Điền Lệnh Tư tiếp tục nắm quyền kiểm soát triều đình, và đến tháng 9 ÂL năm 885 thì Trần Kính Tuyên được chính thức phong làm chỉ huy, chế trí sứ của Tam Xuyên và vùng Tam Hiệp.
Đến cuối năm 885, Điền Lệnh Tư tham gia vào một cuộc tranh chấp với Hà Trung tiết độ sứ Vương Trọng Vinh. Sau khi chiến bại trước liên quân của Vương Trọng Vinh và Lý Khắc Dụng, Điền Lệnh Tư lại đưa Đường Hy Tông chạy đến Hưng Nguyên. Do thấy không thể tiếp tục nắm giữ quyền lực khi bị phản đối rộng khắp, Điền Lệnh Tư đã quyết định tự giáng mình làm Tây Xuyên giám quân sứ, sau đó chạy đến Tây Xuyên với Trần Kính Tuyên.
Đồng thời, Trần Kính Tuyên bắt đầu nghi ngờ Cao Nhân Hậu có thể quay sang chống lại mình. Trịnh Quân Hùng đương giữ chức Toại châu thứ sử, song lại tiến hành nổi dậy, chiếm cứ Hán châu và tiến công Thành Đô. Trần Kính Tuyên đã khiển bộ tướng Lý Thuận Chi (李順之) đi trấn áp Trịnh Quân Hùng, giết chết người này. Sau đó, Trần Kính Tuyên huy động binh sĩ và tập kích giết chết Cao Nhân Hậu. Tuy nhiên, Trần Kính Tuyên đã không thể nắm quyền kiểm soát Đông Xuyên do sau đó Đường Hy Tông bổ nhiệm Cố Ngạn Lãng là Đông Xuyên tiết độ sứ.
Vào mùa xuân năm 887, Đường Hy Tông ban một chiếu chỉ tước hết các chức tước của Điền Lệnh Tư và đày đến Đoan châu. Tuy nhiên, do Điền Lệnh Tư đang được Trần Kính Tuyên bảo hộ, quyết định lưu đày không bao giờ được thực hiện.
Vào mùa đông năm 887, Trần Kính Tuyên lo sợ rằng Vương Kiến và Cố Ngạn Lãng sẽ hợp binh tiến công Tây Xuyên. Điền Lệnh Tư đề xuất rằng để mình cố chiêu dụ Vương Kiến, Trần Kính Tuyên chấp thuận. Sau khi nhận được thư của Điền Lệnh Tư, Vương Kiến để gia quyến ở lại chỗ của Cố Ngạn Lãng tại Tử châu, tiến đến Thành Đô quy phục. Tuy nhiên, khi Vương Kiến tiến đến Lộc Đầu quan, thuộc hạ của Trần Kính Tuyên là Lý Nghệ (李乂) lại cho rằng Vương Kiến là một mối đe dọa và Trần Kính Tuyên lệnh cho Vương Kiến không tiến thêm nữa. Vương Kiến tức giận, đánh bại các binh lính mà Trần Kính Tuyên phái đến để ngăn cản, tiến đến Thành Đô. Vương Kiến chiếm được Hán châu và cho đệ của Cố Ngạn Lãng là Cố Ngạn Huy tiếp quản, Vương Kiến và Cố Ngạn Lãng sau đó tiến công Thành Đô song không chiếm được thành. Đường Hy Tông khiển sứ giả đến làm trung gian hòa giải, song cả Vương Kiến và Trần Kính Tuyên đều không chấp thuận. Chiến dịch chống Trần Kính Tuyên của Vương Kiến được mô tả là đã gây thiệt hại lớn cho toàn bộ 12 châu của Tây Xuyên quân, và kết quả là việc triều cống của Tây Xuyên vốn trước đó diễn ra thường xuyên song nay đã chấm dứt.
Đường Hy Tông qua đời vào mùa xuân năm 888, kế vị là Đường Chiêu Tông- người có một mối thù với Điền Lệnh Tư. Trong khi đó, Vương Kiến vẫn không thể chiếm được Thành Đô, ông ta thượng biểu cho Đường Chiêu Tông xin triều đình phái đến một Tây Xuyên tiết độ sứ mới, và nguyện sẽ phụng sự người đó, Cố Ngạn Lãng cũng thượng biểu với nội dung tương tự. Đường Chiêu Tông do đó bổ nhiệm Vi Chiêu Độ làm Tây Xuyên tiết độ sứ, đồng thời triệu hồi Trần Kính Tuyên về Trường An giữ chức 'Long vũ thống quân'. Tuy nhiên Trần Kính Tuyên từ chối tuân chỉ, chuẩn bị cho trận chiến với Vi Chiêu Độ, Đường Chiêu Tông do đó đã bãi tất cả các chức tước của ông. (Tuy nhiên, theo mô tả thì đương thời, Điền Lệnh Tư mới là người cai quản Tây Xuyên trên thực tế, quyết định tất cả các việc quan trọng.) Đường Chiêu Tông bổ nhiệm Vi Chiêu Độ là 'hành doanh chiêu thảo sứ', cùng Sơn Nam Tây đạo tiết độ sứ Dương Thủ Lượng, Cố Ngạn Lãng, và Vương Kiến tiến công Trần Kính Tuyên, và tách bốn châu của Tây Xuyên quân để thành lập Vĩnh Bình quân (永平, trị sở tại Cung châu), và bổ nhiệm Vương Kiến làm Vĩnh Bình tiết độ sứ.
Chống lại triều đình.
Vào mùa xuân năm 890, Vương Kiến bắt đầu bao vây Cung châu, có ý định dùng nơi này làm căn cứ cho các hoạt động của mình, các nỗ lực của Trần Kính Tuyên nhằm giải vây cho Cung châu đều thất bại, Cung châu thất thủ vào mùa thu năm 890. Vương Kiến để cộng sự là Trương Lâm (張琳) lưu thủ Cung châu còn bản thân quay lại tiếp tục bao vây Thành Đô. Theo mô tả, do phải kháng chiến chống lại triều đình, Trần Kính Tuyên đã tăng thuế rất cao và áp dụng các hình phạt tàn nhẫn với những người cất giấu tài sản, khiến bách tính rất khổ sở.
Tuy nhiên, vào mùa xuân năm 891, do Vi Chiêu Độ vẫn chưa chiếm được Thành Đô và quân triều đình vừa chiến bại trước Lý Khắc Dụng, Đường Chiêu Tông đã quyết định chấm dứt chiến dịch. Đường Chiêu Tông phục các chức tước cho Trần Kính Tuyên và triệu hồi Vi Chiêu Đô, trong khi lệnh cho Cố Ngạn Lãng và Vương Kiến trở về quân của họ. Vào thời điểm đó, do bị bao vây lâu ngày, Thành Đô phải chịu một nạn đói nghiêm trọng đến nỗi người dân trong thành phải ăn thịt đồng loại. Vương Kiến không muốn từ bỏ chiến dịch nên đe dọa Vi Chiêu Độ phải trao cho mình quyền chỉ huy binh sĩ triều đình, Vương Kiến sau đó tiếp tục bao vây Thành Đô.
Vào mùa thu năm 891, tình thế Thành Đô càng trở nên vô vọng, Vương Kiến cắt đứt tuyến đường tiếp tế duy nhất còn lại của thành từ Uy Nhung, tiết độ sứ Dương Thịnh (楊晟) là một người đi theo Điền Lệnh Tư. Khi Trần Kính Tuyên đi úy lạo quân sĩ, họ ngừng hưởng ứng ông. Điền Lệnh Tư đích thân đến doanh trại của Vương Kiến và đề nghị đầu hàng, Vương Kiến chấp thuận. Vương Kiến sau đó được bổ nhiệm làm Tây Xuyên tiết độ sứ, tuyên bố tiếp tục xem Điền Lệnh Tư là dưỡng phụ, bổ nhiệm con của Trần Kính Tuyên là Trần Đào (陳陶) làm Nha châu thứ sử và lệnh Trần Kính Tuyên theo con đến Nhã châu.
Qua đời.
Năm 892, Vương Kiến bãi chức Nha châu thứ sử của Trần Đào. Thoạt đầu, Vương Kiến cho Trần Kính Tuyên cư ngụ tại Tân Tân, cấp cho gia đình của Trần Kính Tuyên tô thuế của huyện này. Tuy nhiên, Vương Kiến nhiều lần thượng biểu cho triều đình thỉnh cầu hành hình Trần Kính Tuyên và Điền Lệnh Tư. Tuy nhiên, triều đình Đường không chấp thuận, và đến mùa hè năm 893, Vương Kiến tuyên bố sẽ tự mình hành động. Vương Kiến buộc tội Trần Kính Tuyên âm mưu nổi dậy và phán xử tử tại Tân Tân. Trần Kính Tuyên từ lâu đã nghi ngờ rằng sẽ có ngày bị Vương Kiến sát hại, vì thế luôn mang theo thuốc độc trong dây lưng để có thể tự sát trước khi bị hành hình, song khi ông bị bắt, các binh sĩ đã khám dây lưng của ông. Sau đó, Trần Kính Tuyên bị xử trảm. | 1 | null |
Dương Phục Cung (, ? - 894), tên tự Tử Khác (子恪), là một hoạn quan nhà Đường. Ông đóng vai trò chủ chốt trong triều đình của Đường Hy Tông và Đường Chiêu Tông. Sau đó ông bị Đường Chiêu Tông nghi ngờ chiếm đoạt quyền lực nên bị loại bỏ, vì thế ông quay sang khuyến khích con nuôi và cháu nuôi của mình cùng nổi dậy chống triều đình. Tuy nhiên, họ đã bị tướng Lý Mậu Trinh đánh bại, rồi bị bắt giữ trong lúc chạy trốn, cuối cùng bị hành hình tại Trường An.
Thân thế.
Ông vốn mang họ Lâm (林) và có lẽ trở thành thái giám khi còn nhỏ tuổi, là con nuôi của Dương Huyền Dực (楊玄翼)- giữ chức xu mật sứ vào giữa những năm "Hàm Thông" (860-874) thời Đường Ý Tông. (Dương Huyền Dực và Dương Huyền Giá (楊玄价) là anh em nuôi, do đó, Dương Phục Cung là anh em họ nuôi với Dương Phục Quang- con nuôi của Huyền Giá.) Dương Phục Cung là người có học thức, sau đó liên tục làm giám quân tại một vài đội quân triều đình. Trong cuộc nổi dậy của Bàng Huân vào những năm 868-869, Dương Phục Cung là giám quân tại Hà Dương, và sau khi cuộc nổi dậy của Bàng Huân bị dập tắt, do có công lao nên Dương Phục Cung được triệu hồi về Trường An giữ chức "Tuyên huy sứ". Sau khi Dương Huyền Dực qua đời vào năm 870, Dương Phục Cung từ nhiệm trong thời gian để tang, song nhanh chóng được triệu hồi triều giữ chức "xu mật sứ".
Thời Đường Hy Tông.
Dưới Triều đại của Đường Hy Tông, một hoạn quan khác là Điền Lệnh Tư do có mối quan hệ thân thiết với hoàng đế nên có được quyền lực rất lớn. Năm 880, khi quân nổi dậy của Hoàng Sào tiến đến Trường An, Dương Phục Cung là phó sứ của Điền Lệnh Tư khi người này chỉ huy Thần Sách quân- vốn do các hoạn quan nắm giữ. Sau đó, Điền Lệnh Tư và Đường Hy Tông chạy đến Tây Xuyên. Theo ghi chép thì do Điền Lệnh Tư kiểm soát triều chính, ít ai dám tranh luận với ông ta về các sách lược, song Dương Phục Cung lại nằm trong thiểu số đó, có lẽ một phần là vì Dương Phục Quang khi đó đang phụ trách một trong các đội quân Đường giao chiến với Hoàng Sào. Tuy nhiên, sau khi Dương Phục Quang qua đời vào năm 883, Điền Lệnh Tư ngay lập tức giáng Dương Phục Quang làm "Phi long sứ". Dương Phục Cung do đó xưng bệnh và trở về dinh thự tại Lam Điền.
Năm 885, khi cuộc nổi dậy của Hoàng Sào bị dập tắt và Đường Hy Tông quay trở về Trường An, Điền Lệnh Tư xảy ra tranh chấp với Hà Trung Vương Trọng Vinh. Sau khi chiến bại, Điền Lệnh Tư lại đưa Đường Hy Tông chạy khỏi Trường An, đến Hưng Nguyên. Trong cuộc chạy trốn này, Đường Hy Tông lại bổ nhiệm Dương Phục Cung làm "xu mật sứ", và ngay sau đó, Điền Lệnh Tư thấy tình thế bất lợi nên đã tiến cử Dương Phục Cung kế nhiệm mình giữ chức "Tả Thần Sách trung úy", còn bản thân thì đến Tây Xuyên. Sau đó, do mối quan hệ hữu hảo giữa Vương Trọng Vinh và Dương Phục Quang khi hai người cùng giao chiến với Hoàng Sào, Dương Phục Cung đã thuyết phục được Vương Trọng Vinh và Lý Khắc Dụng cam kết trung thành với Đường Hy Tông.
Trong khi đó, chiến dịch chống Đường Hy Tông của Chu Mai lâm vào thế bế tắc, Dương Phục Quang truyền hịch đến Quan Trung nói rằng ai giết được Chu Mai sẽ được bổ nhiệm làm Tĩnh Nan tiết độ sứ. Sau khi biết tin, thủ hạ của Chu Mai là Vương Hành Du đã tập kích Trường An, giết chết Chu Mai, buộc hoàng đế Lý Uân do Chu Mai lập phải chạy trốn rồi bị Vương Trọng Vinh giết chết. Sau đó, trên đường trở về Trường An, Đường Hy Tông dừng chân tại Phượng Tường, song lại xảy ra tranh chấp giữa tiết độ sứ Lý Xương Phù và con nuôi của Dương Phục Quang là Dương Thủ Lập (楊守立). Sự việc này khiến quân Phượng Tường và quan triều đình giao chiến, tướng triều đình là Lý Mậu Trinh đánh bại được Lý Xương Phù và chiếm lấy Phượng Tường. Khi Đường Hy Tông trở về Trường An, do lập được công nên Dương Phục Cung được giữ chức "Tả Thần Sách trung úy", "Lục quân thập nhị vệ quan quân dung sứ", phong tước "Ngụy quốc công"'.
Vào mùa xuân năm 888, Đường Hy Tông lâm bệnh nặng, Cát vương Lý Bảo (李保) được đánh giá là khôn ngoan, vì thế các quan lại trong triều muốn Lý Bảo kế vị, song Dương Phục Cung lại ủng hộ Thọ vương Lý Kiệt, vì thế Đường Hy Tông đã ban chiếu chỉ phong Lý Kiệt làm hoàng thái đệ. Sau khi Đường Hy Tông qua đời, Lý Kiệt (đổi tên thành Lý Mẫn) tức vị, tức Đường Chiêu Tông.
Phụng sự Đường Chiêu Tông.
Do có công đưa Đường Chiêu Tông lên ngôi, Dương Phục Cung đã cố gắng tận dụng ảnh hưởng của mình trong việc quyết định các sách lược, dần khiến cho Đường Hy Tông bất bình. Dương Phục Cung còn tỏ ra ngạo mạn với Hoàng đế, thậm chí ngồi kiệu đến Thái Cực điện, và nhận nhiều tướng lĩnh hùng mạnh làm dưỡng tử. Điều này khiến cho cả "Đồng bình chương sự" Khổng Vĩ và Đường Chiêu Tông đều công khai cáo buộc ông vô phép, Dương Phục Cung thoạt đầu trả lời rằng ông nhận nhiều tướng lĩnh làm con nuôi là để giúp bảo vệ hoàng đế, song không thể phản ứng lại khi Đường Chiêu Tông nói rằng nếu vậy các tướng lĩnh đó nên nhận họ Lý của hoàng tộc thay vì nhận họ Dương. (Đường Chiêu Tông sau đó yêu cầu Dương Thủ Lập phải phụng sự cho mình, và Dương Phục Cung phải đáp ứng mong muốn của Hoàng đế; Đường Chiêu Tông sau đó ban danh tính mới cho người này là Lý Thuận Tiết (李順節).)
Trong khi đó, Dương Phục Cung lại thù hằn sâu sắc với tể tướng Trương Tuấn, do thoạt đầu Dương Phục Cung đã tiến cử Trương Tuấn làm quan trong triều, song sau khi Dương Phục Cung đi dưỡng bệnh, người này ngay lập tức quay sang Điền Lệnh Tư. Do mối thù giữa hai người, Đường Chiêu Tông càng tin dùng Trương Tuấn để chống lại Dương Phục Cung. Năm 890, Trương Tuấn thuyết phục Đường Chiêu Tông tuyên chiến với Lý Khắc Dụng, với sự ủng hộ của Tuyên Vũ tiết độ sứ Chu Toàn Trung và Lô Long Lý Khuông Uy, song Dương Phục Cung phản đối. Tuy nhiên, sau đó chiến dịch của Trương Tuấn không thành công, được cho là một phần do Dương Phục Cung phá hoại. Sau khi Lý Khắc Dụng đánh bại quân triều đình, ông ta yêu cầu Trương Tuấn và Khổng Vĩ phải bị bãi chức, kết quả hai người này bị lưu đày.
Dương Phục Cung tiếp tục gây ảnh hưởng trong việc triều chính, và nhiều người trong số các con nuôi và cháu nuôi của ông trở thành các tướng lĩnh hùng mạnh, bao gồm Long Kiếm tiết độ sứ Dương Thủ Trinh (楊守貞) và Vũ Định tiết độ sứ Dương Thủ Trung (楊守忠), ngoài ra con nuôi của Dương Phục Quang là Dương Thủ Lượng (楊守亮) đang giữ chức Sơn Nam Tây đạo tiết độ sứ. Dương Phục Cung cũng kết thù oán với cữu phụ của Đường Chiêu Tông là Vương Côi (王瓌). Vào mùa thu năm 891, Dương Phục Cung tiến cử Vương Côi giữ chức Kiềm Nam tiết độ sứ. (Không rõ Kiềm Nam nằm ở vị trí nào; sử gia hiện đại Bá Dương cho rằng đó là một quân tưởng tượng do Dương Phục Cung tạo ra nhằm mục đích giết chết Vương Côi.) Khi Vương Côi đi qua Sơn Nam Tây đạo để đến nhậm chức, Dương Phục Cung đã bảo Dương Thủ Lượng phái binh lính giả làm đạo tặc để phục kích giết chết Vương Côi cùng đoàn người tháp tùng. Đường Chiêu Tông cho rằng Dương Phục Cung đứng sau chuyện này, vì thế trở nên căm hận Phục Cung. Hơn nữa, Lý Thuận Tiết cũng báo cho Đường Hy Tông về các hành vi xấu xa của Dương Phục Cung. Đường Chiêu Tông do đó giáng Dương Phục Cung làm Phượng Tường giám quân, song Dương Phục Cung xưng bệnh từ chối, sau đó Đường Hy Tông cho Dương Phục Cung trí sĩ.
Nổi dậy chống triều đình.
Dương Phục Cung về sống trong phủ đệ nằm gần Ngọc Sơn doanh (玉山營), doanh trai này do con nuôi ("giả tử") của Dương Phục Cung là Dương Thủ Tín cai quản. Dương Thủ Tín nhiều lần đến thăm ông, và do đó xuất hiện lời đồn đại rằng họ âm mưu làm phản. Đường Chiêu Tông hạ lệnh cho Thiên Uy đô tướng Lý Thuận Tiết và Thần Sách quân sứ Lý Thủ Tiết (李守節) đem binh công phủ đệ của Dương Phục Cung. Dương Phục Cung và Dương Thủ Tín dẫn gia tộc chạy đến Hưng Nguyên. Tại đây, họ cùng với Dương Thủ Lượng, Dương Thủ Trung, Dương Thủ Trinh và một con nuôi khác là Miên châu thứ sử Dương Thủ Hậu (楊守厚) cùng nổi dậy chống triều đình, song trên danh nghĩa thì tuyên bố thảo phạt Lý Thủ Tiết.
Triều đình không lập tức phái binh đến giao chiến với họ Dương, song đến mùa xuân năm 892, năm tiết độ sứ lân cận: Phượng Tường tiết độ sứ Lý Mậu Trinh, Tĩnh Nan tiết độ sứ Vương Hành Du, Trấn Quốc tiết độ sứ Hàn Kiến, Khuông Quốc Vương Hành Ước (王行約, huynh đệ của Hành Du), và Thiên Hùng tiết độ sứ Lý Mậu Trang (李茂莊, huynh đệ của Mậu Trinh) đã cùng trình tấu thỉnh cầu tiến công họ Dương, và cho Lý Mậu Trinh làm "Sơn Nam Tây đạo chiêu thảo sứ". Đường Chiêu Tông cho rằng nếu Lý Mậu Trinh đoạt được lãnh địa của Dương Phục Cung thì người này sẽ càng khó kiểm soát hơn, vì thế đã quyết định hòa giải, song không ai chấp thuận sự hòa giải của triều đình. Sau đó, Đường Chiêu Tông nhận thấy bắt buộc phải chấp thuận mong muốn của Lý Mậu Trinh, và chính thức bổ nhiệm Lý Mậu Trinh chỉ huy chiến dịch trấn áp họ Dương.
Lý Mậu Trinh nhanh chóng chiếm được phần lớn lãnh địa của họ Dương, và đến mùa thu năm 892 thì bao vây Hưng Nguyên. Dương Phục Cung cùng với Dương Thủ Lượng, Dương Thủ Tín, Dương Thủ Trinh, Dương Thủ Trung và Mãn Tồn (滿存) chạy đến Lãng châu. Vào mùa thu năm 894, Lý Mậu Trinh tiếp tục công chiếm Lãng châu, Dương Phục Cung, Dương Thủ Lượng và Dương Thủ Tín thoát khỏi vòng vây và cố gắng chạy đến Hà Đông. Tuy nhiên, khi qua Trấn Quốc, họ bị các binh sĩ của Hàn Kiến bắt giữ. Hàn Kiến hành quyết Dương Phục Cung và Dương Thủ Tín, đưa thủ cấp của họ và Dương Thủ Lượng đến Trường An, Dương Thủ Lượng cũng bị hành hình tại kinh sư. Một người con nuôi khác của ông là Dương Ngạn Bá (楊彥伯) đã đến được Hà Đông, Lý Khắc Dụng sau đó đã thượng tấu biện hộ cho Dương Phục Cung, và Vương Ngạn Bá vì thế được phép an táng Dương Phục Cung theo đúng nghi lễ, được phục hồi quan tước. | 1 | null |
Dương Phục Quang (, 842-883), là một hoạn quan và tướng lĩnh triều Đường. Ông được đánh giá là có công lao lớn trong việc đánh bại cuộc nổi dậy của Hoàng Sào.
Thân thế.
Dương Phục Quang sinh năm 842, dưới triều đại của Đường Vũ Tông. Ông nguyên mang họ Kiều (喬) và là người vùng Mân - tức Phúc Kiến ngày nay. Khi còn nhỏ, ông vào nội thị tỉnh làm thái giám và con nuôi của nội thường thị Dương Huyền Giới (楊玄价), do đó cải sang họ Dương. Dương Phục Quang được mô tả là khẳng khái có tiết nghĩa, dũng mãnh, gây ấn tượng với Dương Huyền Giới. Dương Phục Quang lại biết mưu lược, từng giữ chức giám quân ở các trấn.
Trước khi Hoàng Sào chiếm Trường An.
Năm Càn Phù thứ 3 (876), Dương Phục Quang giữ chức đô giám dưới quyền tướng Tăng Nguyên Dụ (曾元裕) trong chiến dịch trấn áp Vương Tiên Chi, sau được bổ nhiệm là Chiêu thảo phó sứ. Ông từng thượng tấu lên Đường Hy Tông, nói rằng Thượng Nhượng đã chiếm cứ Tra Nha Sơn, buộc quan quân phải triệt thoái về Đặng châu.
Tháng 11 ÂL năm 877, Dương Phục Quang khiển phán quan Ngô Ngạn Hành (吳彥宏) đến dụ hàng Vương Tiên Chi, Vương Tiên Chi khiển Thượng Quân Trường đến Đặng châu hiệp hàng. Tuy nhiên vào tháng 12 ÂL, khi đang trên đường đi thì Chiêu thảo sứ Tống Uy (宋威) đã phục kích và bắt giữ Thượng Quân Trường ở tây nam Dĩnh châu, sau đó tuyên bố rằng mình đã bắt được Thượng trong lúc lâm trận. Dương Phục Quang rất tức giận, thượng tấu nói rằng Thượng Quân Trường đích thực đang trên đường đến hàng, triều đình Đường khiển ngự sử Quy Nhân Thiệu (歸仁紹) cùng những người khác điều tra, song không có kết quả. Thượng Quân Trường sau bị xử trảm ở Cẩu Tích Lĩnh, các cuộc đàm phán giữa hai bên cũng chấm dứt.
Sau đó, khi Vương Đạc được bổ nhiệm là ""Nam diện hành doanh chiêu thảo đô thống" để trấn áp Hoàng Sào, Dương Phục Quang vẫn là giám quân. Năm 880, Dương Phục Quang giữ chức Kinh Nam giám quân, khi Lưu Cự Dung (劉巨容) trở về Tương Dương, Dương giám quân đã bổ nhiệm "Trung Vũ đô tướng" Tống Hạo (宋浩) tạm thời làm chủ phủ sự, "Thái Ninh đô tướng" Đoàn Ngạn Mô (段彥謨) đem binh trấn thủ thành. Sau đó, khi Tống Hạo tranh chấp với Đoàn Ngạn Mô về việc Tống Hạo trừng phạt một số binh sĩ của Đoàn Ngạn Mô, Đoàn Ngạn Mô đã giết Tống Hạo. Sau đó, Dương Phục Quang thượng tấu nói rằng Tống Hạo quá tàn khốc, kết quả là Đoàn Ngạn Mô không bị trừng phạt. (Theo phần liệt truyện về Dương Phục Quang trong "Tân Đường thư", Dương Phục Quang đã khuyến khích các hành động của Đoàn Ngạn Mô vì Tống Hạo bất kính với ông.) Sau đó, Dương Phục Quang giữ chức giám Trung Vũ quân.
Sau khi Hoàng Sào chiếm Trường An.
Cuối năm 880, Hoàng Sào chiếm được Trường An, Đường Hy Tông phải chạy trốn đến Thành Đô. Một số tướng lĩnh của Đường chịu quy phục Hoàng Sào, trong số đó có Trung Vũ tiết độ sứ Chu Ngập (周岌). Vào một đêm, khi Chu Ngập mời Dương Phục Quang đến một bữa tiệc, các thuộc hạ của Dương Phục Quang đã trình bày với ông rằng Chu Ngập nay đã quy phục Đại Tề và có thể sẽ giết chết ông. Dương Phục Quang đáp lại rằng ông có thể thuyết phục Chu Ngập quay lại trung thành với triều Đường, và cần phải bất chấp an nguy của bản thân mình để làm việc này, và vẫn quyết định tham gia bữa tiệc. Trong bữa tiệc, Dương Phục Quang thuyết phục thành công Chu Ngập, Dương Phục Quang còn lệnh cho dưỡng tử là Dương Thủ Lượng (楊守亮) ám sát sứ giả mà Hoàng Sào phái đến Trung Vũ. Sau đó, Dương Phục Quang phân 8.000 lính Trung Vũ thành tám đô, giao cho tám nha tướng như Lộc Yến Hoằng (鹿晏弘), Tấn Huy (晉暉), Vương Kiến, Hàn Kiến, Trương Tạo (張造), Lý Sư Thái (李師泰), và Bàng Tùng (龐從) chỉ huy. Quân Trung Vũ đã đẩy lui được quân Đại Tề do Chu Ôn thống lĩnh. Vào mùa đông năm 881, Dương Phục Quang tiến quân đến Vũ Công, chuẩn bị tham gia vào chiến dịch tái chiếm Trường An từ tay Hoàng Sào. Quân Đường sau đó tái chiếm Trường An trong một thời gian ngắn, nhưng rồi họ chiến bại trước Hoàng Sào và lại để mất kinh thành. Dương Phục Quang tiếp tục hợp binh với Hà Trung tiết độ sứ Vương Trọng Vinh, họ cũng thuyết phục được Chu Ông quay sang quy phục Đại Đường.
Tuy nhiên, quân Hoàng Sào vẫn còn mạnh, và Vương Trọng Vinh lo sợ khi phải đương đầu trực diện với Hoàng Sào. Dương Phục Quang đề xuất rằng liên quân Đường cần tranh thủ viện trợ của tù trưởng người Sa Đà là Lý Khắc Dụng. Dương Phục Quang đề xuất việc này với Vương Đạc, Vương Đạc đã ban một chiếu chỉ nhân danh Đường Hy Tông để triệu hồi Lý Khắc Dụng. Lý Khắc Dụng chấp thuận, và đưa quân đến hợp binh với Dương Phục Quang và Vương Trọng Vinh, chuẩn bị công chiếm Trường An. Vào mùa hè năm 883, dưới sự chỉ huy của Lý Khắc Dụng, quan quân đánh bại quân Hoàng Sào, buộc Hoàng Sào phải từ bỏ Trường An và chạy trốn về phía đông. Dương Phục Quang khiển sứ đi thông báo chiến thắng, bá quan đến chúc mừng. Mùa xuân năm 883, Dương Phục Quang được bổ nhiệm là "Đông diện đô thống giám quân sứ". Do lập được quân công, ông được ban chức "Khai phủ nghi đồng tam ti" và phong tước Hoằng Nông quận công.
Dương Phục Quang qua đời năm 883 tại Hà Trung. Theo mô tả, do ông giỏi phủ dụ sĩ tốt nên họ đã than khóc thảm thiết trước cái chết của ông. Dương Phục Quang có một số lượng lớn các con nuôi (không phải là thái giám), và nhiều người trong số họ trở thành các nhân vật quân sự chủ chốt. | 1 | null |
Khổng Vĩ (, ? - 1 tháng 10 năm 895), tên tự Hóa Văn (化文), là một quan lại triều Đường, từng giữ chức Tể tướng ("Đồng bình chương sự") dưới Triều đại của Đường Hy Tông và Đường Chiêu Tông.
Thân thế.
Gia tộc Khổng Vĩ xưng là hậu duệ của triết gia Khổng Tử thời Xuân Thu. Tằng tổ thúc của ông là Khổng Sào Phủ (孔巢父)- một quan lại trứ danh dưới Triều đại của Đường Đức Tông, từng giữ đến chức "Gián nghị đại phu". Tằng tổ phụ Khổng Sầm Phủ (孔岑父) của ông từng giữ đến chức "Tác phẩm tá lang" trong "Bí thư tỉnh"; tổ phụ Khổng Khôi (孔戣) của ông từng giữ đến chức "Lễ bộ thượng thư". Phụ thân Khổng Ôn Nhụ (孔溫孺) từng giữ chức Hoa Âm huyện thừa. Khổng Vĩ có ít nhất hai đệ là Khổng Giáng (孔絳) và Khổng Giam (孔緘).
Do Khổng Ôn Nhụ mất sớm, Khổng Vĩ được các thúc bá là Khổng Ôn Dụ (孔溫裕) và Khổng Ôn Nghiệp (孔溫業) nuôi. Do cả Khổng Ôn Dụ và Khổng Ôn Nghiệp đều làm quan ở phương trấn, Khổng Vĩ theo họ đến nơi đảm nhiệm chức vụ. Do những mối quan hệ mà Khổng Ôn Dụ và Khổng Ôn Nghiệp tạo dựng được, Khổng Vĩ từ sớm đã có tiếng trong triều đình.
Sự nghiệp ban đầu.
Khổng Vĩ thi đỗ "Tiến sĩ" vào năm 859, dưới Triều đại của Đường Tuyên Tông, sau đó giữ chức "Hiệu thư lang" tại "Bí thư tỉnh". Khi cựu Tể tướng Thôi Dận Do đi nhậm chức Đông Xuyên tiết độ sứ, ông ta đã mời Khổng Vĩ đi phụng sự cho mình. Sau đó, Khổng Vĩ lại phụng sự cho một cựu tể tướng khác là Thôi Huyễn khi người này đảm nhiệm chức vụ Hoài Nam tiết độ sứ. Tiếp đó, ông lại phụng sự cho Thôi Dận Do tại Hoa châu và sau đó là Hà Trung.
Theo tiến cử của tể tướng Dương Thu, Khổng Vĩ được nhậm chức Trường An úy, trực Hoằng Văn quán (弘文館). Sau đó, "Ngự sử trung thừa" Vương Đạc tiến cử Khổng Vĩ giữ chức "Giám sát ngự sử", sau đó Khổng Vĩ được bổ nhiệm là "Lễ bộ viên ngoại lang". Tể tướng Từ Thương sau đó tiến cử ông giữ chức "Khảo công viên ngoại lang", kiêm "Tập hiền trực học sĩ".
Khổng Vĩ sau đó phải từ bỏ việc làm quan trong triều để chịu tang mẫu thân, sau đó ông nhập triều giữ chức "Hữu tư viên ngoại lang". Do tể tướng Triệu Ẩn ấn tượng với tài văn của ông, tể tướng đã tiến cử ông giữ chức "Hàn lâm học sĩ", "Khảo công lang trung", "Tri chế cáo". Sau đó, ông được nhậm chức "Trung thư xá nhân", "Hộ bộ thị lang". Đến giữa những năm "Càn Phù" (874-879) thời Đường Hy Tông, ông bị bãi chức "học sĩ", xuất làm "Ngự sử trung thừa". Theo ghi chép thì Khổng Vũ có tính phương nhã và ghét sự gian ác, đến khi giữ chức "Hộ bộ thị lang", và sau là "Binh bộ thị lang", "Lại bộ thị lang", ông đều từ chối các yêu cầu đặc biệt của những cá nhân có quyền thế. Điều này khiến những người yêu cầu ông tức giận, vì thế ông bị chuyển sang giữ chức "Thái thường khanh".
Vào cuối năm 880, quân nổi dậy Hoàng Sào công chiếm kinh sư Trường An, Đường Hy Tông phải chạy đến Thành Đô. Khổng Vĩ tháp tùng Hoàng đế nhập Thục, và được bổ nhiệm là "Hình bộ thượng thư" và "phán Hộ bộ sự". Tuy nhiên, do tể tướng Tiêu Cấu không ưa Khổng Vĩ (từng là đồng sự khi cả hai còn là học sĩ), ông ta cáo buộc Khổng Vĩ quản lý yếu kém, vì thế Khổng Vĩ bị giáng làm "Thái tử thái bảo" (mặc dù khi đó chưa lập thái tử). Năm 885, sau khi Hoàng Sào bị đánh bại, Khổng Vĩ theo Đường Hy Tông trở về Trường An.
Cũng vào năm đó, "Tả Thần Sách truy úy" Điền Lệnh Tư xảy ra tranh chấp với Hà Trung tiết độ sứ Vương Trọng Vinh, Vương Trọng Vinh và đồng minh là Hà Đông tiết độ sứ Lý Khắc Dụng sau đó đánh bại liên quân của Điền Lệnh Tư và đồng minh, tiến về Trường An. Khổng Vĩ và Đỗ Nhượng Năng là một trong số ít các quan lại có thể tháp tùng Đường Hy Tông đến Hưng Nguyên. Đường Hy Tông sau đó bổ nhiệm Khổng Vĩ giữ chức "Ngự sử đại phu" và lệnh cho ông quay trở lại Trường An và Phượng Tường để truyền lệnh cho các triều sĩ đến đảm nhiệm chức vụ tại Hưng Nguyên. Tuy nhiên, khi Khổng Vĩ đến Phượng Tường, các triều sĩ, bao gồm các tể tướng Tiêu Cấu và Bùi Triệt lại từ chối gặp Khổng Vĩ, lý do là vì họ phẫn nộ trước việc Điền Lệnh Tư khống chế hoàn toàn Hoàng đế; thậm chí các thuộc cấp của Khổng Vĩ cũng lấy cớ để từ chối đi theo ông. Khổng Vĩ tức giận và nói: "Thê của ta bệnh sắp chết mà ta còn không săn sóc, nếu chư quân lấy chuyện của mình để toan tính, thì xin cáo từ!". Sau đó, Khổng Vĩ gặp một đồng minh của Điền Lệnh Tư là Phượng Tường tiết độ sứ Lý Xương Phù, ông yêu cầu Lý Xương Phù hộ tống, Lý Xương Phù ấn tượng với ông và cho lính hộ tống ông đến Hưng Nguyên.
Làm tể tướng lần thứ nhất.
Sau khi Khổng Vĩ đến Hưng Nguyên, Đường Hy Tông bổ nhiệm cả ông và Đỗ Nhượng Năng là "Binh bộ thị lang", "Đồng bình chương sự". Sau khi Đường Hy Tông có thể trở về Trường An, Khổng Vĩ được ban thêm chức vụ "Tả bộc xạ", ban cho danh "Trì nguy khải vận bảo nghệ công thần", thực ấp 4.000 hộ, ban cho "thiết khoán" tha 10 tử tội.
Thời Đường Chiêu Tông, Khổng Vĩ tiếp tục giữ chức "Đồng bình chương sự" và được phong tước "Lỗ quốc công". Khoảng tết năm 889, khi Đường Chiêu Tông lập lễ tế giao, các hoạn quan có nhiều quyền lực cũng muốn dự lễ. Khổng Vĩ phản đối, nói rằng việc này trái với truyền thống. Tuy nhiên, Đường Chiêu Tông vẫn cho phép các hoạn quan làm vậy, song phải mặc triều phục của các quan lại.
Khổng Vĩ và đồng cấp là Trương Tuấn liên tục kiến nghị Đường Chiêu Tông hãy cố gắng giảm bớt ảnh hưởng của Dương Phục Cung, Hoàng đế tiếp thu. Khổng Vĩ còn công khai buộc tộc Dương Phục Cung âm mưu làm phản, dựa trên việc người này và các dưỡng từ tập hợp một lượng lớn binh sĩ, cũng như duy trì một đội tư binh. Khổng Vĩ cũng cố gắng chống lại ảnh hưởng của Tuyên Vũ tiết độ sứ Chu Toàn Trung, và khi Chu Toàn Trung thỉnh cầu giao cho ông ta chức "Diêm-thiết chuyển vận sứ", Khổng Vĩ đã phản đối, nói với sứ giả của Chu Toàn Trung: "[Nếu] Chu công cần chức này, không hưng binh thì không được", Chu Toàn Trung bèn thôi.
Năm 890, do bực tức trước việc Lý Khắc Dụng lấn chiếm lãnh thổ, Chu Toàn Trung, Vận châu phòng ngự sứ Hách Liên Đạc và Lô Long Lý Khuông Uy đều dâng biểu xin triều đình thảo phạt Lý Khắc Dụng. Khi Đường Chiêu Tông hỏi ý kiến của các triều sĩ, hầu hết họ đều phản đối, trong đó có các "Đồng bình chương sự"' Đỗ Nhượng Năng và Lưu Sùng Vọng. Tuy nhiên, Khổng Vĩ và Trương Tuấn lại cho rằng đây là thời điểm để khẳng định quyền lực của Hoàng đế với các quân phiệt và dùng nó để chế ngự các hoạn quan; vì thế họ nhất quyết ủng hộ thảo phạt Lý Khắc Dụng. Đường Chiêu Tông cuối cùng chấp thuận, cho Trương Tuấn dẫn quân tiến công, tuy nhiên quan quân đã bị Lý Khắc Dụng đè bẹp, Trương Tuấn phải chạy về Trường An. Để xoa dịu Lý Khắc Dụng, vào mùa xuân năm 891, Đường Chiêu Tông đã bãi chức tể tướng của Khổng Vĩ và Trương Tuấn, cho Khổng Vĩ đi nhậm chức Kinh Nam tiết độ sứ.
Giữa hai lần làm tể tướng.
Khi Khổng Vĩ rời khỏi Trường An tiến về Kinh Nam, Dương Phục Cung bực tức với Khổng Vĩ nên đã sai binh lính giả làm đạo tặc chặn Khổng Vĩ ở ngay ngoài kinh sư, gây thiệt hại cho đoàn hộ tống của Khổng Vĩ và cướp vật phẩm của ông, Khổng Vĩ chỉ có thể thoát thân. Trong khi đó, do Lý Khắc Dụng vẫn chưa hài lòng, Đường Chiêu Tông quyết định đày ải Khổng Vĩ và Trương Tuấn, Khổng Vĩ được bổ nhiệm làm Quân châu thứ sử.
Trương Tuấn chạy trốn đến chỗ Trấn Quốc tiết độ sứ Hàn Kiến, viết thư cho Chu Toàn Trung xin người này can thiệp. Chu Toàn Trung dâng biểu nói giúp cho Trương Tuấn và Khổng Vĩ, Đường Chiêu Tông chấp thuận và hủy lệnh đày ải Trương Tuấn và Khổng Vĩ, Khổng Vĩ đến ở tại Trấn Quốc.
Làm tể tướng lần thứ hai.
Năm 895, sau khi Lý Hề và Vi Chiêu Độ bị liên quân Lý Mậu Trinh-Vương Hành Du-Hàn Kiến giết, Đường Chiêu Tông muốn tìm các "Đồng bình chương sự" có thể đứng lên trước các quân phiệt, do đó đã triệu Trương Tuấn và Khổng Vĩ đến Trường An, dự định lại để họ làm tể tướng. Khi đó, Khổng Vĩ bị ốm, song vẫn cố gắng đến Trường An, đích thân gặp Đường Chiêu Tông để từ chối, song Đường Chiêu Tông vẫn quyết định để ông làm tể tướng.
Trước hành động của Lý-Vương-Mậu, Lý Khắc Dụng tiến quân về Trường An, Đường Chiêu Tông sợ bị liên quân bắt nên chạy trốn đến Tần Lĩnh. Tuy nhiên, khi đoàn triều đình đến Sa Thành, Khổng Vĩ lâm bệnh nặng nên quay trở về Trường An. Ông qua đời ngay sau đó, được truy tặng là "Thái úy". | 1 | null |
Lã Dụng Chi (, ? - 29 tháng 12 năm 887) là một phương sĩ vào cuối thời nhà Đường. Ông được Hoài Nam tiết độ sứ Cao Biền tin tưởng và rất có quyền uy tại quân này, thậm chí từng có lúc vượt trên cả Cao Biền. Sau đó, một bộ tướng của Cao Biền là Tất Sư Đạc tiến hành nổi dậy, Hoài Nam rơi vào cảnh nội chiến. Sau khi chiến bại trước Tất Sư Đạc, Lã Dụng Chi liên kết với Dương Hành Mật, song bị Dương Hành Mật xử tử sau khi giành được thắng lợi.
Thân thế.
Lã Dụng Chi là người Bà Dương xuất thân từ một gia tộc thương nhân. Do vậy, ông từng đến và thân thuộc với thủ phủ Quảng Lăng của Hoài Nam quân. Sau khi cha qua đời, ông nương tựa vào cậu, nhưng rồi ông ăn cắp tiền bạc của cậu và chạy đến Cửu Hoa Sơn, trở thành môn đệ của Ngưu Hoằng Huy (牛弘徽), được dạy cho quỷ thuật. Sau đó, Lã Dụng Chi trở về Quảng Lăng bán thuốc trên phố. Ông trở nên quen biết với thân tướng Du Công Sở (俞公楚) của tiết độ sứ Cao Biền. Sau khi Lã Dụng Chi thuyết phục Du Công Sở rằng phép thuật của mình là thật, Du Công Sở giới thiệu ông với Cao Biền. Bản thân Cao Biền là người hiếu thần, và cũng tin vào khả năng của Lã Dụng Chi, đặc biệt là từ khi Lã Dụng Chi trình ra một số sách lược. Do đó, Cao Biền hậu đãi Lã Dụng Chi, cho Lã Dụng Chi làm quân chức.
Tăng cường quyền lực.
Sau khi được Cao Biền tín nhiệm, Lã Dụng Chi bắt đầu hối lộ các nô bộc của Cao Biền nhằm giám sát Cao Biền, từ đó có thể nói với Cao Biền về những điều mình biết được dựa trên "phép thuật". Ông cũng khiến Cao Biền thờ ơ với những người từng là thân tín: khiến Cao Biền tước binh quyền của Lương Toản (梁纘), giết Trần Củng (陳珙) cùng gia quyến, và giữ khoảng cách với Phùng Thụ (馮綬), Đổng Cẩn (董瑾), Du Công Sở, và Diêu Quy Lễ (姚歸禮). Ông còn đưa kì đảng Trương Thủ Nhất (張守一), Gia Cát Ân (諸葛殷), và Tiêu Thắng (蕭勝) đến chỗ Cao Biền, cùng nhau đoạt thêm nhiều quyền lực tại quân sở của Hoài Nam. Ông khuyến khích Cao Biền trích thêm nhiều tiền bạc của quân đội để xây dựng nơi thờ phụng thần linh, hơn nữa còn lập ra nhóm do thám người dân, nhằm đổ tội và tịch thu tài sản của người dân. Theo đề xuất của Lã Dụng Chi, Cao Biền cho lập ra đội quân Mạc Tà (莫邪) gồm hai vạn lính kiêu dũng, giao cho Lã Dụng Chi và Trương Thủ Nhất chỉ huy. Lã Dụng Chi sống xa hoa, có hơn 100 thiếp, và mặc dù được Cao Biền trao cho một lượng của cải lớn, song Lã Dụng Chi vẫn không đủ tiền để duy trì một gia đình lớn như vậy, do đó ông biển thủ khoản tiền mà Cao Biền có được do giữ chức "Diêm-thiết chuyển vận sứ". Theo ghi chép, do thúc giục của Lã Dụng Chi, Cao Biền dành thời gian của mình để cầu thần thánh, không còn chú tâm vào việc cai quản và hiếm khi gặp các thuộc cấp.
Do Du Công Sở là người tiến cử Lã Dụng Chi cho Cao Biền, nhiều quan lại của Cao Biền đổ lỗi cho Du Công Sở về tình trạng này. Do đó, Du Công Sở định kỳ gặp Lã Dụng Chi và thúc giục ông thay đổi, khiến Lã Dụng Chi oán hận. Lã Dụng Chi cũng bực bội với Diêu Quy Lễ vì người này thường công khai trách mắng ông và từng một lần từng cố gắng ám sát ông. Năm 883, Lã Dụng Chi quyết định loại bỏ Du Công Sở và Diêu Quy Lễ, ông xin Cao Biền ra một sắc lệnh cho hai người này suất quân tiến công các thủ lĩnh nổi dậy ở Thận huyện, và sau đó thông tin sai cho Lư châu Dương Hành Mật rằng Du và Diêu đi tiến công Dương. Dương Hành Mật sau đó phục kích, giết chết Du và Diêu, rồi báo với Cao Biền rằng hai người này định làm phản, Cao Biền không biết sự việc do Lã Dụng Chi sắp đặt nên quyết định ban thưởng cho Dương Hành Mật. Vào năm 884, khi Cao Biền gặp tụng tử là "Tả kiêu vệ đại tướng quân" Cao Ngu (高澞), Cao Ngu trình lên một sớ liệt kê 20 tội trạng của Lã Dụng Chi, khi bị Cao Biền vấn, Lã Dụng Chi thuyết phục Cao Biền rằng Cao Ngu làm vậy là do Lã Dụng Chi trước đó từng từ chối cho Cao Ngu vay tiền. Cao Biền đuổi Cao Ngu khỏi nhà, cho đi quản lý sự vụ ở Thư châu, và sau khi Cao Ngu chiến bại trước quân nổi dậy, Cao Biền xử tử Cao Ngu.
Năm 886, Khi Cao Biền ủng hộ Lý Uân làm hoàng đế Đường (tranh giành hoàng vị với Đường Hy Tông), Lý Uân bổ nhiệm Lã Dụng Chi làm Lĩnh Nam Đông đạo tiết độ sứ. Mặc dù vậy, không có ghi chép rằng Lã Dụng Chi đến Lĩnh Nam Đông đạo nhậm chức, ông lập ra trị sở riêng, kình địch với Cao Biền. Cao Biền bắt đầu nhận ra rằng Lã Dụng Chi có quyền lực quá lớn, song cũng lo ngại rằng mình không còn đủ mạnh để loại bỏ Lã Dụng Chi. Tuy nhiên, Lã Dụng Chi cũng nhận thấy Cao Biền không còn tin tưởng mình, vì thế ông bắt đầu lập mưu ám sát Cao Biền và đoạt lấy Hoài Nam, song khi đó chưa có hành động. Các thuộc hạ của Cao Biền lúc này đều lo sợ quyền uy của Lã Dụng Chi. Tất Sư Đạc đặc biệt lo lắng, vì ông ta từng đi theo Hoàng Sào. Một người thiếp của Tất Sư Đạc nổi tiếng xinh đẹp, do vậy Lã Dụng Chi muốn gặp mặt bà, song Tất Sư Đạc từ chối, tuy nhiên trong một lần Tất Sư Đạc không ở nhà, Lã Dụng Chi tìm mọi cách để trông thấy bà, Tất Sư Đạc tức giận và đuổi người thiếp này ra khỏi nhà.
Chiến đấu với Tất Sư Đạc.
Vào mùa hè năm 887, phản tướng Tần Tông Quyền từ Thái châu khiển bộ tướng đem quân tiến công vào các quân lân cận. Cao Biền hay tin thì khiển Tất Sư Đạc đem đội quân Bách Kị (百騎) đến Cao Bưu chuẩn bị kháng cự. Khi Tất Sư Đạc suất binh, do được Lã Dụng Chi đối đãi rất tốt nên Tất Sư Đạc lo sợ rằng Lã Dụng Chi có ý định đánh đổ mình. Khi Tất Sư Đạc hỏi ý thông gia là Cao Bưu trấn át sứ Trương Thần Kiếm (張神劍), Trương Thần Kiếm cho rằng Lã Dụng Chi sẽ không có hành động chống lại Tất Sư Đạc. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, một trong các nhi tử của Cao Biền lại muốn Tất Sư Đạc có hành động chống lại Lã Dụng Chi, nhằm vạch trấn bản chất gian ác của Lã Dụng Chi, vì thế gửi một lời nhắn cho Lã Dụng Chi: "Dụng Chi thường gặp Lệnh công và có ý muốn nhân thời cơ này để chống lại ông. Lệnh nay đã có ở chỗ Trương thượng thư. Hãy cẩn trọng!" Tất Sư Đạc đe dọa Trương Thần Kiếm, mặc dù người này không biết chuyện gì song sau đó chấp thuận cùng với Tất Sư Đạc và Trịnh Hán Chương (鄭漢章) nổi dậy chống lại Lã Dụng Chi.
Vào ngày 1 tháng 5 năm 887, Tất Sư Đạc và Trịnh Hán Chương sau khi công khai tuyên bố buộc tội Lã Dụng Chi, họ rời khỏi Cao Bưu rồi tiến về Dương châu. Lã Dụng Chi giám sát việc trấn thủ và thoạt đầu có thể đẩy lui các cuộc tiến công của Tất Sư Đạc. Tất Sư Đạc viết thư cho Tuyên Thiệp quan sát sứ Tần Ngạn, xin cầu viện và hứa sẽ để Tần Ngạn làm chủ Hoài Nam. Trong khi đó, Cao Biền và Lã Dụng Chi xảy ra bất hòa, Cao Biền bố trí phòng thủ tại quân phủ, giao cho cháu là Cao Kiệt (高傑) chỉ huy, chống lại Lã Dụng Chi. Sau đó, Cao Biền khiển thuộc hạ là Thạch Ngạc (石鍔) cùng ấu tử của Tất Sư Đạc đến gặp Tất Sư Đạc. Tất Sư Đạc lệnh cho ấu tử của mình về chỗ Cao Biền truyền đạt lại: "Hễ Lệnh công trảm Lã và Trương [tức Trương Thủ Nhất] để thể hiện với Sư Đạc, Sư Đạc sẽ không dám phụ ân, nguyện cho thê tử đến làm tin." Cao Biền lo sợ rằng Lã Dụng Chi có thể ra tay đồ sát gia quyến của Tất Sư Đạc, vì thế đem gia quyến của Tất Sư Đạc đến viện để bảo vệ.
Ngày 17 tháng 5, Tất Sư Đạc tiến công dữ dội vào Dương châu, song bị Lã Dụng Chi phản công đánh bại. Tuy nhiên, vào thời điểm này, Cao Kiệt phát động tiến công từ quân phủ của Cao Biền, mục đích là để bắt Lã Dụng Chi và giải đến cho Tất Sư Đạc. Lã Dụng Chi biết tin thì từ bỏ Dương châu và chạy trốn. Tất Sư Đạc đoạt lấy Dương châu, đồ sát các thuộc hạ của Lã Dụng Chi, quản thúc Cao Biền cùng gia quyến, nghênh đón Tần Ngạn đến Dương châu nhậm chức tiết độ sứ.
Sau khi rời khỏi Dương châu, Lã Dụng Chi tiến công căn cứ của Trịnh Hán Chương tại Hoài Khẩu, song không thể chiếm được nơi này. Trong lúc bao vây, Lã Dụng Chi ra một sắc lệnh đề tên Cao Biền để bổ nhiệm Dương Hành Mật làm "hành quân tư mã", lệnh cho người này đem quân đến cứu viện Dương châu. Dương Hành Mật huy động binh lính Lư châu và mượn thêm binh từ Hòa châu và tiến về Dương châu. Khi hay tin rằng Dương Hành Mật đến Thiên Trường, Lã Dụng Chi đến gặp Dương Hành Mật, Trương Thần Kiếm do tranh chấp với Dương Hành Mật nên cũng hợp binh với Dương Hành Mật.
Liên kết với Dương Hành Mật.
Dương Hành Mật bao vây Dương châu trong vài tháng song vẫn chưa chiếm được thành. Tuy nhiên, vào ngày 18 tháng 11, cựu thuộc hạ của Lã Dụng Chi là Trương Thẩm Uy (張審威) mở cổng thành cho quân của Dương Hành Mật tiến vào. Dương châu rơi vào tay Dương Hành Mật, Tần Ngạn và Tất Sư Đạc chạy trốn.
Trong khi đang bao vây Dương châu, Lã Dụng Chi mạo nhận rằng ông có một kho bí bật cất giấu bạc, và sẽ khao thưởng cho binh sĩ của Dương Hành Mật sau khi họ chiếm được Dương châu. Sau khi Dương châu thất thủ mà Lã Dụng Chi vẫn không giao ra bạc, Dương Hành Mật cho quản thúc Lã Dụng Chi và yêu cầu thuộc hạ là Điền Quân (田頵) thẩm vấn Lã Dụng Chi. Lã Dụng Chi thú nhận âm mưu trước đây là ám sát Cao Biền và đoạt lấy Hoài Nam. Cùng ngày (29 tháng 12), Dương Hành Mật xử tử Lã Dụng Chi bằng hình thức yêu trảm, đồ sát các thuộc hạ của Lã Dụng Chi. Theo ghi chép, những người căm ghét Lã Dụng Chi nhanh chóng tiến đến cắt xẻo hết [thịt] ông. | 1 | null |
Tất Sư Đạc (, ? - 2 tháng 3 năm 888) là một tướng lĩnh vào cuối thời nhà Đường. Ban đầu, ông tham gia cuộc nổi dậy của Vương Tiên Chi và Hoàng Sào, song sau đó phụng sự cho triều đình Đường. Năm 887, ông nổi dậy chống lại Hoài Nam tiết độ sứ Cao Biền, khởi đầu tình trạng chiến tranh liên miên tại quân từng một thời thịnh vượng này.
Tham gia nổi dậy.
Tất Sư Đạc là người Oan Câu, là đồng hương với Hoàng Sào. Khi Vương Tiên Chi nổi dậy chống triều đình của Đường Hy Tông vào năm 874, Tất Sư Đạc gia nhập vào quân nổi dậy. Ông có tài cưỡi ngựa và bắn cung, thuộc hạ gọi ông là "diêu tử" (chim cắt). Sau khi Vương Tiên Chi qua đời vào năm 878, có vẻ Tất Sư Đạc đi theo Hoàng Sào. Vào năm 879, khi Trấn Hải tiết độ sứ Cao Biền khiển các bộ tướng Trương Lân (張璘) và Lương Toản (梁瓚) tiến công Hoàng Sào và liên tiếp giành được thắng lợi, Tất Sư Đạc cùng với một số tướng lĩnh khác của Hoàng Sào, bao gồm Tần Ngạn, Lý Hãn Chi (李罕之) và Hứa Kình (許勍), đầu hàng Cao Biền, sau đó trở thành thuộc hạ của tiết độ sứ này.
Phụng sự Cao Biền.
Theo ghi chép, trong cuộc trấn áp quân nổi dậy Hoàng Sào của Cao Biền sau đó, Tất Sư Đạc lập được công lớn, do vậy mà được Cao Biền đối đãi tốt. Sau khi Cao Biền được thuyên chuyển đến Hoài Nam vào năm 879, có lẽ Tất Sư Đạc theo Cao Biền. Vào mùa hè năm 880, Hoàng Sào đánh bại và giết chết tướng Trương Lân rồi tiến về phía bắc, đến gần thủ phủ Dương châu của Hoài Nam. Tất Sư Đạc lúc này là một tướng lĩnh của Hoài Nam, ông cảnh báo Cao Biền rằng Hoàng Sào có ý định tiếp tục tiến về phía bắc để vào Trung Nguyên, thuyết phục Cao Biến đánh chặn Hoàng Sào. Tuy nhiên, Cao Biền lo lắng sau khi Trương Lân chiến bại và tử chiến, vì thế ông ta không tiến hành bất cứ nỗ lực nào để ngăn Hoàng Sào lại, quân Hoàng Sào sau đó tiến về đông đô Lạc Dương và kinh sư Trường An.
Nổi dậy chống Cao Biền.
Năm 887, do được Cao Biền tin tưởng, phương sĩ Lã Dụng Chi (呂用之) trên thực tế trở thành người khống chế quân phủ sự của Hoài Nam. Cao Biền sát hại các thuộc hạ lâu năm là Du Công Sở (俞公楚) và Diêu Quý Lễ (姚歸禮) do lời vu cáo của Lã Dụng Chi, điều này khiến các tướng sĩ trong quân trở nên lo sợ. Tất Sư Đạc đặc biệt lo lắng, vì ông từng đi theo Hoàng Sào. Một người thiếp của Tất Sư Đạc nổi tiếng xinh đẹp, do vậy Lã Dụng Chi muốn gặp mặt bà, song Tất Sư Đạc từ chối, tuy nhiên trong một lần Tất Sư Đạc không ở nhà, Lã Dụng Chi tìm mọi cách để trông thấy bà, Tất Sư Đạc tức giận và đuổi người thiếp này ra khỏi nhà.
Vào mùa hè năm 887, phản tướng Tần Tông Quyền từ Thái châu khiển bộ tướng đem quân tiến công vào các quân lân cận. Cao Biền hay tin thì khiển Tất Sư Đạc đem đội quân Bách Kị (百騎) đến Cao Bưu chuẩn bị kháng cự. Khi Tất Sư Đạc suất binh, Lã Dụng Chi đối đãi rất tốt với ông, điều này khiến ông lo sợ rằng Lã Dụng Chi có ý định đánh đổ mình. Thậm chí mẹ của Tất Sư Đạc cũng lo sợ, và bà phái người nói với ông: "Giả dụ có việc đó, con tự nỗ lực. Đừng có lo về lão mẫu, nhược tử." Khi Tất Sư Đạc hỏi ý thông gia là Cao Bưu trấn át sứ Trương Thần Kiếm (張神劍), Trương Thần Kiếm cho rằng Lã Dụng Chi sẽ không có hành động chống lại Tất Sư Đạc. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, một trong các con của Cao Biền lại muốn Tất Sư Đạc có hành động chống lại Lã Dụng Chi, nhằm vạch trần bản chất gian ác của Lã Dụng Chi, vì thế gửi một lời nhắn cho Lã Dụng Chi: "Dụng Chi thường gặp Lệnh công và có ý muốn nhân thời cơ này để chống lại ông. Lệnh nay đã có ở chỗ Trương thượng thư. Hãy cẩn trọng!" Tất Sư Đạc đe dọa Trương Thần Kiếm, mặc dù người này không biết chuyện gì song sau đó chấp thuận cùng với Tất Sư Đạc và Trịnh Hán Chương (鄭漢章) nổi dậy chống lại Lã Dụng Chi.
Vào ngày 1 tháng 5 năm 887, Tất Sư Đạc và Trịnh Hán Chương sau khi công khai tuyên bố buộc tội Lã Dụng Chi, họ rời khỏi Cao Bưu rồi tiến về Dương châu. Lã Dụng Chi giám sát việc trấn thủ và thoạt đầu có thể đẩy lui các cuộc tiến công của Tất Sư Đạc. Tất Sư Đạc vốn không tin tưởng đội quân của ông có thể chiếm được Dương châu, vì thế ông viết thư cho Tuyên Thiệp quan sát sứ Tần Ngạn, xin cầu viện và hứa sẽ để Tần Ngạn làm chủ Hoài Nam. Tần Ngạn khiển bộ tướng Tần Trù (秦稠) đến giúp đỡ Tất Sư Đạc. Trong khi đó, Cao Biền và Lã Dụng Chi xảy ra bất hòa, Cao Biền bố trí phòng thủ tại quân phủ, giao cho cháu là Cao Kiệt (高傑) chỉ huy, chống lại Lã Dụng Chi. Sau đó, Cao Biền khiển thuộc hạ là Thạch Ngạc (石鍔) cùng ấu tử của Tất Sư Đạc đến gặp Tất Sư Đạc. Tất Sư Đạc lệnh cho ấu tử của mình về chỗ Cao Biền truyền đạt lại: "Hễ Lệnh công trảm Lã và Trương để thể hiện với Sư Đạc, Sư Đạc sẽ không dám phụ ân, nguyện cho thê tử đến làm tin." Cao Biền lo sợ rằng Lã Dụng Chi có thể ra tay đồ sát gia quyến của Tất Sư Đạc, vì thế đem gia quyến của Tất Sư Đạc đến viện để bảo vệ.
Ngày 17 tháng 5, Tất Sư Đạc tiến công dữ dội vào Dương châu, song bị Lã Dụng Chi phản công đánh bại. Tuy nhiên, vào thời điểm này, Cao Kiệt phát động tiến công từ quân phủ của Cao Biền, mục đích là để bắt Lã Dụng Chi và giải đến cho Tất Sư Đạc. Lã Dụng Chi biết tin thì từ bỏ Dương châu và chạy trốn. Ngày hôm sau, Tất Sư Đạc thể hiện uy thế bằng việc cho binh lính cướp bóc trong thành. Cao Biền buộc phải gặp Tất Sư Đạc và cho ông giữ chức tiết độ phó sứ, sau đó chuyển giao toàn bộ quyền lực của Hoài Nam cho Tất Sư Đạc. Sau đó, Tất Sư Đạc gửi một bức thư cho Tần Ngạn, yêu cầu Tần Ngạn nhanh chóng đến Dương châu nhậm chức. (Bất chấp các lời khuyên rằng Tất Sư Đạc nên để Cao Biền làm tiết độ sứ trên danh nghĩa và từ chối để Tần Ngạn nhậm chức, họ chỉ ra rằng ông sẽ để mất quyền lực khi Tần Ngạn đến, và các châu khác của Hoài Nam chắc chắn không sẵn sàng phục vụ dưới quyền Tần Ngạn, vì thế có thể dẫn đến đổ máu thêm.) Tất Sư Đạc cũng quản thúc Cao Biền cùng gia quyến. Khi Tần Ngạn đến, ông ta cho Tất Sư Đạc làm soái, song bản thân buộc phải chuyển ra khỏi quân phủ.
Chiến bại trước Dương Hành Mật.
Lư châu thứ sử Dương Hành Mật không sẵn sàng chấp thuận Tần Ngạn, ông ta mượn thêm binh của Hòa châu thứ sử Tôn Đoan (孫端) tiến quân về Dương châu. Lã Dụng Chi hợp binh với Dương Hành Mật, và Trương Thần Kiếm (đổi lập trường do bất mãn vì Tất Sư Đạc từ chối chia sẻ chiến lợi phẩm). Dương Hành Mật bao vây Dương châu, bắt đầu từ ngày 20 tháng 6.
Tần Ngạn khiển Tất Sư Đạc và Trịnh Hán Chương phản công, song bị Dương Hành Mật đánh bại, Tần Ngạn sau đó không dám tiến hành một cuộc phản công giải vây nào khác. Lo ngại rằng Cao Biền dùng phép thuật để yểm mình và binh lính, Tần Ngạn đồ sát Cao Biền cũng gia quyến. Sau vài tháng bị bao vây, Dương châu chịu một nạn đói lớn, và các binh sĩ của Tần Ngạn đến từ Tuyên Thiệp phải dùng thịt người làm quân lương. Tuy vậy, Dương Hành Mật vẫn không chiếm được thành và định triệt thoái, song vào ngày 18 tháng 11, một thuộc hạ của Lã Dụng Chi là Trương Thẩm Uy (張審威) mở cổng thành cho quân của Dương Hành Mật tiến vào. Khi hay tin, Tần Ngạn và Tất Sư Đạc hỏi ý ni cô Vương Phụng Tiên (王奉仙) vì cho rằng bà có khả năng tiên tri, họ làm theo lời ni cô là chạy trốn, Dương Hành Mật đoạt được Dương châu.
Thoạt đầu, Tần Ngạn và Tất Sư Đạc định chạy đến Đông Đường ở gần Dương châu, song tướng Trương Hùng (張雄) từ chối tiếp nhận họ. Hai người định chạy về phía nam đến thủ phủ Tuyên châu của Tuyên Thiệp, song vào lúc này quân của Tần Tông Quyền do em là Tần Tông Hành (秦宗衡) tiến đến vùng lân cận, Tần Tông Hành phái sứ giả đến chỗ Tần Ngạn và Tất Sư Đạc, mời họ hợp binh chống Dương Hành Mật, hai người chấp thuận.
Không lâu sau, Tần Tông Hành bị cấp phó là Tôn Nho (孫儒) sát hại, Tôn Nho giành lấy quyền chỉ huy. Tôn Nho cùng với Tần Ngạn và Tất Sư Đạc sau đó tiến công Cao Bưu, buộc Trương Thần Kiếm phải chạy trốn đến Dương châu. Tuy nhiên, Tôn Nho không tin tưởng Tần Ngạn và Tất Sư Đạc, dần dần tước bỏ binh quyền của họ. Phó tướng Đường Hoành (唐宏) tin rằng Tôn Nho cuối cùng sẽ giết chết họ, vì thế ông ta quyết định tự cứu mình bằng cách vu cáo Tần Ngạn và Tất Sư Đạc liên kết với Tuyên Vũ tiết độ sứ Chu Toàn Trung. Vào đầu năm 888, Tôn Nho sát hại Tần Ngạn, Tất Sư Dạc và Trịnh Hán Chương. | 1 | null |
Vương Tiên Chi (, ? - 878) là một thủ lĩnh khởi nghĩa nông dân dưới triều đại Đường Hy Tông. Mặc dù cuộc nổi dậy của ông thất bại, tuy nhiên cùng với cuộc nổi dậy của đồng minh một thời là Hoàng Sào, nó đã mở khiến tình hình Đại Đường bắt đầu trở nên hỗn loạn rồi tiến tới sụp đổ.
Giai đoạn đầu nổi dậy.
Vương Tiên Chi là người Bộc châu, và là một người buôn lậu muối (khi đó triều đình Đường độc quyền buôn bán muối). Ông bắt đầu nổi dậy vào năm 874 tại Trường Viên, trong bối cảnh khu vực phía đông Hàm Cốc quan chịu cảnh lũ lụt và hạn hán liên miên, còn triều đình Đường có quá ít hoạt động cứu trợ. Quân nổi dậy của Vương Tiên Chi thoạt đầu có một nghìn lính, song sau khi ông cùng đồng minh Thượng Quân Trường chiếm được Bộc châu và Tào châu, quân số của họ đã tăng lên vài vạn người, và khi Thiên Bình tiết độ sứ Tiết Sùng (薛崇) cố gắng ngăn chặn đội quân của Vương Tiên Chi, ông ta đã bị đánh bại. Trong khi đó, Hoàng Sào cũng tiến hành nổi dậy, Vương Tiên Chi và Hoàng Sào khi đó liên kết lỏng lẻo với nhau.
Cuối năm 875, Vương Tiên Chi tiến công Nghi châu. Bình Lô tiết độ sứ Tống Uy (宋威) tình nguyện tiến công Vương Tiên Chi, Đường Hi Tông đã chấp thuận, khiển các đội quân khác đến hội với Hữu vũ vệ thượng tướng quân Tống Uy để tiến công quân nổi dậy.
Vào mùa hè năm 876, Tống Uy tiến công Vương Tiên Chi tại Nghi châu, Vương Tiên Chi chiến bại, Tống Uy sau đó đã thượng biểu tuyên bố rằng Vương Tiên Chi đã bị giết trong trận chiến. Đáp lại, Đường Hy Tông cho binh lính xuất ngũ, trở về quê hương. Tuy nhiên, vài ngày sau, lại có tin rằng Vương Tiên Chi chưa bị giết, triều đình lại phải huy động binh lính, khiến nhiều binh sĩ cảm thấy buồn rầu và kiệt sức. Vương Tiên Chi sau đó tiến đến Nhữ châu. Đường Hi Tông khiển các tướng Thôi An Tiềm (崔安潛), Tăng Nguyên Dụ (曾元裕), Tào Tường (曹翔), và Lý Phúc (李福) đi ngăn chặn Vương Tiên Chi, song Vương Tiên Chi đã nhanh chóng chiếm được Nhữ châu và giam giữ thứ sử Vương Liêu (王鐐)- đệ của tể tướng Vương Đạc.
Việc Vương Liêu bị bắt đã khiến nhiều người dân sửng sốt, họ lũ lượt chạy khỏi đông đô Lạc Dương. Đường Hi Tông đã cố gắng chiêu dụ Vương Tiên Chi và Thượng Quân Trường bằng cách hạ chiếu tha tội phong quan cho hai người, song khi đó Vương và Thượng không đáp lại. Vương Tiên Chi và Thượng Quân Trường tiến công Trịnh châu song bị Giám quân phán quan Lôi Ân Phù (雷殷符) đẩy lui, sau đó họ tiến về phía nam và tiến công Đường châu và Đặng châu. Vương Tiên Chi sau đó tập kích các châu khác thuộc Sơn Nam Đông đạo và Hoài Nam.
Hòa đàm với triều đình.
Khoảng tết năm 877, Vương Tiên Chi tiến công Kì châu. Trong cuộc tiến công này, Vương Liêu đã viết thư nhân danh Vương Tiên Chi cho Kì châu thứ sử Bùi Ác (裴偓)- người có quan hệ tốt với Vương Đạc; do vậy, Vương Tiên Chi và Bùi Ác đã đàm phán một thỏa thuận đình chiến tạm thời, và Bùi Ác cố gắng thuyết phục Vương Tiên Chi quy phục triều đình Trường An với hứa hẹn sẽ được miễn tội và cho làm quan. Bùi Ác còn mời Vương Tiên Chi, Hoàng Sào và khoảng 30 người của Vương Tiên Chi vào thành rồi thiết tiệc. Sau đó, Bùi Ác thượng biểu cho Đường Hy Tông, đề nghị trao một chức quan cho Vương Tiên Chi.
Khi biểu của Bùi Ác đến Trường An, hầu hết các đại thần đều phản đối, họ dẫn ra việc Đường Ý Tông khi xưa đã từ chối tha tội cho thủ lĩnh nổi dậy Bàng Huân và cuối cùng đã đánh bại được cuộc nổi dậy của người này, và biện luận rằng nếu tha tội cho Vương Tiên Chi thì sẽ khuyến khích các cuộc nổi dậy khác. Tuy nhiên, Vương Đạc kiên quyết xin Đường Hi Tông chấp thuận việc này. Cuối cùng, Đường Chiêu Tông chuẩn thuận, hạ chỉ bổ nhiệm Vương Tiên Chi là 'Tả Thần Sách quân áp nha' kiêm 'Giám sát ngự sử'. Khi một hoạn quan làm sứ giả đến Kì châu tuyên bố việc sách phong, Vương Tiên Chi thoạt đầu rất hài lòng, cả Vương Liêu và Bùi Ác đều chúc hạ ông. Tuy nhiên, khi hay tin về việc sách phong, Hoàng Sào lại tức giận vì ông ta không được nhận chức quan gì. Hoàng Sào mắng Vương Tiên Chi và tuyên bố rằng nếu Vương Tiên Chi tuân chỉ thì sẽ là phản bội lại các binh sĩ của mình, thậm chí còn đánh đập khiến Vương Tiên Chi bị thương ở trán, những người khác cũng lên tiếng phản đối. Vương Tiên Chi lo sợ nên từ chối tuân chỉ, đem quân cướp phá Kì châu, bắt một nửa số dân trong châu và giết chết một nửa còn lại. Bùi Ác và sứ giả triều đình chạy trốn, song Vương Liêu bị bắt trở lại. Tuy nhiên, sau sự kiện này, Vương Tiên Chi và Hoàng Sào chia tách trong một thời gian ngắn.
Vào mùa xuân năm 877, Vương Tiên Chi chiếm được Ngạc châu. Sau đó, Vương Tiên Chi tiến về phía bắc, lại hợp binh với Hoàng Sào, và họ bao vây Tống Uy tại Tống châu. Sau đó, tướng triều đình là Trương Tự Miễn (張自勉) đến cứu viện cho Tống Uy, quân nổi dậy đành từ bỏ các vị trí đã đoạt được. Vương Tiên Chi sau đó tiến về phía nam, liên tục chiếm cứ Ân châu và Tùy châu, trước khi tập kích Phục châu và Dĩnh châu.
Tuy nhiên, các cuộc hòa đàm giữa Vương Tiên Chi và triều đình đã sớm được nối lại, Chiêu thảo phó đô giám Dương Phục Quang lại đề nghị sẽ thỉnh triều đình phong quan cho Vương Tiên Chi nếu ông chịu quy phục. Các cuộc đàm phán đã tiến đến một giai đoạn mà Vương Tiên Chi khiển Thượng Quân Trường đến gặp Dương Phục Quang để bàn bạc chi tiết. Tuy nhiên, khi Thượng Quân Trường đang trên đường đến trại của Dương Phục Quang, Tống Uy đã phục kích và bắt giữ Thượng Quân Trường, sau đó tuyên bố rằng mình đã bắt được Thượng trong lúc giao chiến. Bất chấp các cố gắng của Dương Phục Quang, Thượng Quân Trường vẫn bị xử tử, các cuộc đàm phán giữa hai bên cũng chấm dứt.
Bị đánh bại và qua đời.
Cuối năm 877, Vương Tiên Chi hành quân về phía nam và bao vây Giang Lăng- thủ phủ của Kinh Nam. Vương Tiên Chi khiến cho Kinh Nam tiết độ sứ Dương Tri Ôn (楊知溫) bất ngờ, và suýt chiếm được thành. Tuy nhiên, khi Sơn Nam Đông đạo tiết độ sứ Lý Phúc đưa quân đến cứu viện Dương Tri Ôn, Vương Tiên Chi quyết định từ bỏ việc bao vây Giang Lăng.
Không lâu sau, Chiêu thảo phó sứ Tăng Nguyên Dụ đã đại thắng trước Vương Tiên Chi ngay phía đông của Thân châu, chiến thắng này dường như đã thuyết phục triều đình cho Tăng Nguyên Dụ thay thế chức "Chiêu thảo sứ" của Tống Uy, Trương Tự Miễn trở thành phó sứ. Đến mùa xuân năm 878, Tăng Nguyên Dụ lại đánh bại Vương Tiên Chi tại Hoàng Mai, Vương Tiên Chi bị giết trong lúc giao chiến. Thủ cấp của Vương Tiên Chi bị đưa đến Trường An để trình lên Đường Hi Tông. Thượng Nhượng (đệ của Thượng Quân Trường) đã đưa dư bộ của quân Vương Tiên Chi đến hội quân với Hoàng Sào. | 1 | null |
Lư Huề (, ? - 8 tháng 1 năm 881), tên tự Tử Thăng (子升), là một quan lại triều Đường, đã hai lần giữ chức "Đồng bình chương sự" dưới triều đại của Đường Hi Tông. Các sử gia truyền thống đổ lỗi việc ông đặt tin tưởng nhầm vào tài năng của tướng Cao Biền trong việc trấn áp loạn Hoàng Sào là nguyên nhân khiến Trường An thất thủ cùng sự sụp đổ sau này của đế chế.
Thân thế.
Gia đình ông xưng là người Phạm Dương, song đến đời Lư Huề thì định cư tại Trịnh Châu, Tổ phụ của ông là Lư Tổn (盧損)- không được liệt kê giữ chức quan nào trong Tể tướng thế hệ biểu của "Tân Đường thư", mặc dù phần liệt truyện viết về ông trong "Cựu Đường thư" thì ghi phụ thân ông là Lư Cầu (盧求) từng đỗ Tiến sĩ, từng làm quan ở các địa phương, cuối cùng giữ chức quận thủ, song phần tể tướng thế hệ biểu thì không đề cập đến chức quan nào.
Khởi đầu sự nghiệp.
Lư Huề đỗ Tiến sĩ vào năm 853, dưới triều đại của Đường Tuyên Tông. Sau đó, ông trở thành Tập hiền hiệu lý, rồi đi làm quan ở địa phương. Đến giữa những năm Hàm Thông (860-874) thời Đường Ý Tông, được triệu hồi về Trường An giữ chức Hữu thập di, Điện trung Thị ngự sử. Kế tiếp ông được thuyên chuyển sang Thượng thư tỉnh, giữ chức Huyện lệnh Trường An, rồi thứ sử Trịnh Châu. Sau này, Lư Huề lại được triệu hồi về Trường An để giữ chức Gián nghị đại phu. Đầu những năm Càn Phù thời Đường Hy Tông, Lư Huề được bổ nhiệm là Hàn lâm học sĩ, Trung thư xá nhân. Đến cuối những năm Càn Phù, ông được thăng chức thị lang bộ Hộ, Hàn lâm học sĩ thừa chỉ.
Năm 874, Lư Huề thượng biểu cho Đường Hi Tông thỉnh rằng bách tính khắp nơi phải chịu cảnh sưu thuế nặng nề, đặc biệt là trong bối cảnh xảy ra nạn đói do hạn hán ở phần trung tâm của đế chế, và chủ trương bãi miễn các loại thuế và tiếp tục xuất lương thực từ kho lương để cứu tế. Đường Hi Tông khen ngợi Lư Huề và hạ lệnh thực hiện các kiến nghị của ông, song trên thực tế không có hành động nào diễn ra trên thực tế.
Nắm quyền lần thứ nhất.
Vào mùa đông năm 874, Lư Huề cùng anh em họ là Trịnh Điền được bổ nhiệm giữ chức Đồng bình chương sự, trở thành Tể tướng trên thực tế. Tuy nhiên, mặc dù có quan hệ họ hàng, Lư Huề và Trịnh Điền thường chính kiến bất đồng. Năm 877, khi quân triều đình đang phải dành nhiều sức lực để trấn áp cuộc khởi nghĩa của Hoàng Sào, Lư Huề cùng Vương Đạc và Trịnh Điền xảy ra mâu thuẫn về việc có nên để tướng Trương Tự Miễn (張自勉) nằm dưới quyền của Tống Uy (宋威) hay không; trong đó Vương Đạc và Lư Huề ủng hộ còn Trịnh Điền thì phản đối, biện luận Tống Uy có thể tìm cách xử tử Trương Tự Miễn vì hai người này đang kình địch nhau. Vương Đạc và Lư Huề thượng biểu xin được bãi miễn chức vị, còn Trịnh Điền thượng biểu được về Xuyên dưỡng bệnh, Đường Hy Tông đều không cho phép. Sau khi Vương Đạc trở thành Nam diện hành doanh Chiêu thảo Đô thống, Lư Huề cũng không hài lòng trước diễn biến này, và ông phản đối đề xuất sau đó của Chiết Đông quan sát sứ Thôi Cầu (崔璆) với nội dung là bổ nhiệm Hoàng Sào làm Lĩnh Nam Đông đạo tiết độ sứ nhằm chiêu dụ Hoàng Sào. Thay vào đó, Hoàng Sào chỉ được triều đình trao cho một chức quan cấp thấp, điều này càng khiến Hoàng Sào bực tức và giữa hai bên sau đó không còn có hòa đàm.
Năm 878, Lư Huề và Trịnh Điền lại tham gia vào một cuộc tranh chấp khác, lần này là việc có nên gả một công chúa hoàng tộc Đường cho hoàng đế Nam Chiếu Long Thuấn để "hòa thân" hay không. Đề xuất này do Tây Xuyên tiết độ sứ Cao Biền đưa ra, Cao Biền và Lư Huề vốn có mối quan hệ thân thiết. Lư Huề ủng hộ đề xuất, còn Trịnh Điền thì phản đối, hai bên tranh luận kịch liệt đến độ Lư Huề ném một nghiên mực xuống đất, làm nó bị vỡ. Khi Đường Hi Tông hay tin thì nói: "Đại thần mắng nhiếc lẫn nhau, sao có thể làm gương cho tứ hải?" Do vậy, cả Trịnh Điền và Lư Huề đều bị bãi chức Đồng bình chương sự, giáng làm Thái tử Tân khách và phái đến đông đô Lạc Dương thay thế họ là Đậu Lô Triện và Thôi Hàng.
Giữa hai nhiệm kỳ.
Lô Huề nhanh chóng được triệu về kinh thành nhậm chức thượng thư bộ Binh. Đến tháng 12 ÂL năm 879, tiết độ sứ Hoài Nam Cao Biền sai Trương Lân (張璘) đi đánh Hoàng Sào, kết quả liên tiếp thắng lợi. Lư Huề từng tiến cử Cao Biền giữ chức Đô thống, nhân cơ hội này lại được tin dùng. Lô Huề do đó được bổ nhiệm là Môn hạ Thị lang, và một lẫn nữa giữ chức Đồng bình chương sự.
Nắm quyền lần thứ hai.
Lư Huề thay thế nhiều tướng lĩnh mà Vương Đạc (bị bãi chức sau thất bại trước Hoàng Sào vào năm 879) và Trịnh Điền đã bổ nhiệm ở các quân khác nhau nhằm chống lại Hoàng Sào. Theo ý của Lư Huề, Đường Hi Tông bổ nhiệm Cao Biền là Chư đạo hành doanh Binh mã Đô thống. Cao Biền tập hợp 7 vạn quân, và khi đó triều đình Đường tin chắc rằng Cao Biền có thể tiệt trừ cuộc khởi nghĩa của Hoàng Sào, song cũng có một vài quan lại tỏ ý e dè. Do có quan hệ thân thiết với Cao Biền và Tả Thần Sách trung úy Điền Lệnh Tư, Lư Huề có thể kiểm soát việc triều chính.
Vào mùa hè năm 880, Lư Huề bị đột quỵ và không thể đi lại. Sau đó, ông phục hồi và có thể yết cáo Đường Hi Tông, Đường Hi Tông miễn lễ cho Lư Huề. Mặc dù bị bệnh, song do có quan hệ với Điền Lệnh Tư và Cao Biền, Lư Huề tiếp tục là một nhân vật hàng đầu trong triều đình Đường. Tuy nhiên, do bệnh tình khiến ông không thể tập trung vào việc xử lý quốc sự, thân lại là Dương Ôn (楊溫) và Lý Tu (李修) đã ra nhiều quyết định thay cho ông, song hai người này công khai nhận hối lộ. Đậu Lô Triện cũng không thực sự có tài, vì thế người này làm theo các quyết định của Lư Huề. Trong khi đó, Đường Hy Tông không còn tiếp tục hoàn toàn ủng hộ "hòa thân" với Nam Chiếu, và theo đề xuất của Lư Huề và Đậu Lô Triện, Hi Tông phái Tào vương Lý Quy Niên (李龜年) và Từ Vân Kiền (徐雲虔) đi sứ sang Nam Chiếu tiếp tục đàm phán, ngăn chặn khả năng Nam Chiếu tiến công.
Tuy nhiên, vào lúc đó, Hoàng Sào đánh bại và giết chết Trương Lân, Cao Biền lo sợ nên không còn muốn giao chiến với Hoàng Sào, Hoàng Sào rộng đường tiến về phía bắc, hướng đến Lạc Dương và Trường An. Lô Huề liên tục nhận được tin xấu, không biết phải phản ứng thế nào, chỉ còn cách xưng bệnh không ra khỏi phủ. Khi Hoàng Sào chiếm được Đồng Quan vào khoảng tết năm 881 và tiến gần đến Trường An, Điền Lệnh Tư đã quy tội cho Lư Huề, Lư Huề lại bị giáng làm Thái tử Tân khách; Vương Huy (王徽) và Bùi Triệt (裴澈) thay thế vị trí của Lư Huề. Đêm hôm đó, Lư Huề uống rượu độc tự sát. Khi Đường Hi Tông chạy trốn và Hoàng Sào chiếm được Trường An, Hoàng Sào đã cho đào quan tài của Lư Huề lên rồi xé xác phanh thây tại thành. | 1 | null |
Lưu Hán Hoành (, ? - 887?) là một quân phiệt vào cuối thời nhà Đường. Ông thoạt đầu đã nổi dậy chống lại triều đình Đường, song sau đó đã chịu quy phục và kiểm soát Nghĩa Thắng. Cuối cùng, ông bị Tiền Lưu đánh bại và bắt giữ, bị giải đến chỗ Đổng Xương rồi bị hành quyết.
Nổi dậy chống Đường.
Lưu Hán Hoành là người Duyện châu. Năm 879, trong chiến dịch trấn áp loạn Hoàng Sào, 'Chư đạo hành doanh đô thống' Vương Đạc đã để Lưu Hán Hoành lưu thủ Giang Lăng còn bản thân thì suất chúng về phía bắc, tuyên bố là đến gặp Sơn Nam Đông đạo tiết độ sứ Lưu Cư Dung (劉巨容). Tuy nhiên, ngay khi Vương Đạc rời khỏi Giang Lăng, Lưu Hán Hoành đã nổi dậy chống lại triều đình, tiến hành cướp bóc và đốt phá Giang Lăng, sau đó thì suất quân tiến về phía bắc. Đội quân của Lưu Hàn Hoành phát triển, và đến mùa hè năm 880 thì đang cướp phá khu vực giữa Tống châu và Duyện châu. Đường Hy Tông đã hạ chỉ cho các quân lân quận đến trấn áp Lưu Hán Hoành, song họ không đạt được nhiều thành quả. Sau đó, Lưu Hán Hoành tiến về phía nam và cướp phá Thân châu và Quang châu. Tuy nhiên, cũng vào năm đó, Lưu Hán Hoành đề nghị được hàng phục, Đường Hy Tông phong Lưu Hán Hoành là Túc châu thứ sử.
Tiếp quản và cai quản Chiết Đông/Nghĩa Thắng.
Tuy nhiên, Lưu Hán Hoành không hài lòng khi chỉ được bổ nhiệm là một thứ sử. Do đó, vào năm 880, do Chiết Đông quan sát sứ Liễu Thao (柳瑫) đắc tội, triều đình đã cho Lưu Hán Hoành thay thế làm Chiết Đông quan sát sứ.
Khi Lưu Hàn Hoành đoạt được Chiết Đông, ông lại mưu tính đoạt lấy Chiết Tây. Năm 882, Lưu Hán Hoành khiển đệ Lưu Hán Hựu (劉漢宥) và 'Mã bộ quân ngu hậu' Tân Ước (辛約) suất 2 vạn quân và đóng trại ở Tây Lăng. Hàng châu thứ sử Đổng Xương phái thủ hạ là Tiền Lưu đi giao chiến với Lưu Hán Hựu và Tân Ước. Nhân cơ hội đêm tối sương mù, Tiền Lưu đã bí mật cho quân vượt sông Tiền Đường và tiến công trại quân Chiết Đông; Lưu Hán Hựu và Tân Ước bỏ chạy. Cũng trong năm đó, Lưu Hán Hoành lại khiển Đăng Cao trấn tướng Vương Trấn (王鎮) đem bảy vạn quân đến đóng ở Tây Lăng, Tiền Lưu lại vượt sông tập kích và tiêu diệt quân Chiết Đông, Vương Trấn chạy trốn.
Sang mùa xuân năm 883, Lưu Hán Hoành phân binh đóng quân ở ba trấn Hoàng Lĩnh (黃嶺), Nham Hạ (嚴下), và Trinh Nữ (貞女) đều thuộc Hàng châu ngày nay. Tiền Lưu phát động tiến công từ Phú Xuân , chiếm được Hoàng Lĩnh, bắt được những người trấn thủ Nham Hạ và Trinh Nữ. Tiền Lưu sau đó đánh bại quân tinh nhuệ của Lưu Hán Hoành đóng tại Chư Kị, Lưu Hán Hoành phải chạy trốn.
Vào mùa đông năm 883, Lưu Hán Hoành lại đem 10 vạn người tiến công chống Đổng Xương qua đường Tây Lăng, Tiền Lưu lại vượt sông Tiền Đường và đánh bại ông. Lần thất bại này thảm hại đến nỗi Lưu Hán Hoành đã phải ngụy trang là một ngư ông để chạy trốn. Tuy nhiên, sau đó Lưu Hán Hoành đã tái thiết lực lượng và lại đem 4 vạn quân giao chiến với Tiền Lưu, song tiếp tục chiến bại, đệ Lưu Hán Dung (劉漢容) và Tân Ước bị chém chết.
Trong nhiều năm, Lưu Hán Hoành triều cống với số lượng lớn cho Đường Hy Tông, vào cuối năm 883, Đường Hy Tông đã đổi Chiết Đông thành Nghĩa Thắng (義勝), bổ nhiệm Lưu Hán Hoành là Nghĩa Thắng tiết độ sứ.
Vào mùa xuân năm 884, thủ lĩnh khởi nghĩa Vương Trấn (王鎮) đã bắt giữ Vụ châu thứ sử Hoàng Kiệt (黃碣), và đầu hàng Tiền Lưu. Lưu Hán Hoành khiển bộ tướng Lâu Lãi (婁賚) tiến công giết chết Vương Trấn. Tiền Lưu đáp trả bằng việc hợp binh với Tưởng Côi (蔣瓌) tiến công và bắt được Lâu Lãi.
Thất bại và qua đời.
Vào mùa thu năm 886, Đổng Xương đề xuất sẽ trao Hàng châu cho Tiền Lưu nếu họ có thể chiếm được Nghĩa Thắng, Tiền Lưu chấp thuận và nói rằng chỉ có tiêu diệt Lưu Hán Hoành thì mới loại bỏ được đe dọa. Tiền Lưu đem quân đi qua các tuyến đường đồi núi và tập kích quân Nghĩa Thắng từ phía đông, tướng Nghĩa Thắng là Bào Quân Phúc (鮑君福) đầu hàng. Sau đó, Tiền Lưu giao chiến với đội quân Nghĩa Thắng còn lại và đánh bại họ, chiếm thủ phủ Việt châu của Nghĩa Thắng quân. Lưu Hán Hoành chạy trốn đến Thai châu. Khi Lưu Hán Hoành đến Thai châu, Thai châu thứ sử Đỗ Hùng (杜雄) thiết tiệc nghênh tiếp Lưu Hán Hoành và chuốc say binh lính của ông, sau đó bắt giữ và giải ông đến chỗ Đổng Xương, Đổng Xương xử tử ông. Đổng Xương đoạt lấy Nghĩa Thắng quân, và nhượng lại Hàng châu cho Tiền Lưu. | 1 | null |
Lý Dụ (李裕) (? - 17 tháng 5 năm 905), nguyên danh Lý Hựu (李祐) (đổi tên năm 897), giai đoạn 900-901 mang tên Lý Chẩn (李縝), là một thân vương nhà Đường. Ông là trưởng tử của Đường Chiêu Tông và Hà hoàng hậu giữ ngôi vị hoàng thái tử từ 897 đến 900. Năm 900, hoạn quan Lưu Quý Thuật đã buộc Đường Chiêu Tông phải thoái vị để cho Lưu Dụ làm hoàng đế; sau khi Đường Chiêu Tông phục vị, Lưu Dụ không còn là hoàng thái tử song vẫn được phụ hoàng yêu mến. Sau khi quân phiệt Chu Toàn Trung ám sát Đường Chiêu Tông vào năm 904, Chu Toàn Trung đã bỏ qua Lý Dụ và đưa cửu đệ của ông là Lý Tộ lên ngôi, đổi tên là Lý Chúc, tức Đường Ai Đế. Đến năm 905, Chu Toàn Trung đã giết chết Lý Dụ cùng với tám hoàng tử khác của Đường Chiêu Tông.
Thân thế.
Không rõ Lý Hựu sinh trước hay sau khi phụ hoàng Đường Chiêu Tông tức vị năm 888, mẹ của ông là Hà hoàng hậu, cửu đệ đồng mẫu Lý Chúc của ông sinh năm 892. Ông là trưởng tử của Đường Chiêu Tông. Năm 891, Đường Chiêu Tông phong ông làm Đức vương.
Làm thái tử.
Nhằm tránh cuộc tiến công của Phượng Tường tiết độ sứ Lý Mậu Trinh, Đường Chiêu Tông và triều đình Đường buộc phải chạy trốn khỏi kinh thành Trường An đến Hoa châu (華州, trị sở nay thuộc Vị Nam, Thiểm Tây) vào năm 896, Đường Chiêu Tông nằm dưới quyền kiểm soát của Trấn Quốc tiết độ sứ Hàn Kiến. Hàn Kiến trở nên lo sợ trước việc Đường Chiêu Tông đến Hoa châu cùng một số binh sĩ triều đình mới tuyển mộ, vì thế Hàn Kiến đã đề nghị Đường Chiêu Tông buộc các thân vương phải từ bỏ quyền chỉ huy đối với các binh sĩ mới này. Do bị Hàn Kiến thúc ép, Đường Chiêu Tông đã buộc phải tước quyền chỉ huy của các thân vương và để Hàn Kiến quản thúc tại gia với họ. Hàn Kiến biết điều này khiến Đường Chiêu Tông không hài lòng nên muốn xoa dịu, ông ra vì thế đã đề xuất lập Lý Hựu làm hoàng thái tử. Vào mùa xuân năm 897, Đường Chiêu Tông thực hiện điều này, và cũng đổi tên Lý Hựu thành Lý Dụ. Một thời gian ngắn sau đó, Hà thị được phong là hoàng hậu.
Làm hoàng đế.
Đường Chiêu Tông sau đó đã thiết lập hòa bình với Lý Mậu Trinh và trở về Trường An vào năm 899. Tuy nhiên, sau các thử thách tại Hoa châu, Đường Chiêu Tông trở nên chán nản, thường xuyên uống rượu và có tâm trạng bất định. Các hoạn quan nhiều quyền lực trong triều như Lưu Quý Thuật và Vương Trọng Tiên bắt đầu tính đến việc phế truất Chiêu Tông. Năm 900, Đường Chiêu Tông tự xuống tay giết chết một vài hoạn quan và cung nữ sau khi say, Lưu Quý Thuật đã quyết định hành động. Lưu Quý Thuật đưa các binh sĩ Thần Sách quân vào cung, buộc Đường Chiêu Tông phải giao ra quốc ấn và tiến hành quản thúc Chiêu Tông. Lưu Quý Thuật đưa Lý Dụ vào cung và ban một chiếu chỉ nhân danh Đường Chiêu Tông truyền ngôi cho Lý Dụ, đổi tên Lý Dụ thành Lý Chẩn. Đường Chiêu Tông trở thành Thái thượng hoàng còn Hà hoàng hậu trở thành thái thượng hoàng hậu.
Chưa đầy hai tháng sau, một nhóm sĩ quan Thần Sách quân trung thành với Đường Chiêu Tông đã giết chết Lưu Quý Thuật và Vương Trọng Tiên. Họ phục vị cho Đường Chiêu Tông. Một nhóm hoạn quan, trong hỗn loạn, đã hộ tống Lý Chẩn đến Tả Thần Sách quân. Họ đề xuất trả lại quốc ấn cho Đường Chiêu Tông, Đường Chiêu Tông chấp thuận và nói rằng Lý Dục không phải chịu trách nhiệm do còn trẻ. Đường Chiêu Tông cho Lý Dụ về đông cung, song tước bỏ địa vị thái tử và giáng làm Đức vương.
Sau khi Đường Chiêu Tông phục vị.
Đường Chiêu Tông sau đó đã bị hoạn quan Hàn Toàn Hối bắt cóc đến Phượng Tường vào năm 901. Theo lời xúi giục của Thôi Dận, Tuyên Vũ tiết độ sứ Chu Toàn Trung đã đưa quân đến Phượng Tường, bao vây thủ phủ của quân này, buộc Lý Mậu Trinh phải trao trả hoàng đế. Chu Toàn Trung sau đó đưa Đường Chiêu Tông và hoàng gia về Trường An.
Lúc này, Lý Dụ đang trưởng thành và được mô tả là anh tuấn. Chu Toàn Trung muốn soán vị nên lo ngại Lý Dụ, và nói với Thôi Dận rằng không nên để Lý Dụ sống do khi trước đã soán vị. Khi Thôi Dận chuyển tiếp đề xuất này cho Đường Chiêu Tông, Đường Chiêu Tông sửng sốt và đe dọa Chu Toàn Trung; Chu Toàn Trung sau đó đã chối bỏ việc đã nói điều đó với Thôi Dận. Sau đó, khi Chu Toàn Trung giết Thôi Dận và buộc Đường Chiêu Tông thiên đô Lạc Dương, Đường Chiêu Tông trở nên lo sợ rằng Chu Toàn Trung muốn giết Lý Dụ, và Chiêu Tông từng nói với thuộc hạ của Chu Toàn Trung là Tưởng Huyền Huy (蔣玄暉) "Đức vương là ái tử của Trẫm, Toàn Trung cớ sao lại cương quyết muốn giết?" Chu Toàn Trung càng trở nên lo ngại và đến năm 904, Chu Toàn Trung khiển dưỡng tử Chu Hữu Cung (朱友恭) và Thị thúc Tông (氏叔琮) đi ám sát Đường Chiêu Tông. Chu Toàn Trung lập Huy vương Lý Tộ làm hoàng đế, tức Đường Ai Đế (và đổi tên thành Lý Chúc), bỏ qua Lý Dụ mặc dù là trưởng tử.
Vào mùa xuân năm 905, vào tiết Xã Nhật, Chu Toàn Trung đã khiển Tưởng Huyền Huy đi mời Lý Dụ và bảy hoàng đệ đến dự tiệc tại Cửu Khúc Trì (九曲池). Trong bữa tiệc, Chu Toàn Trung đã lệnh cho binh sĩ bắt các thân vương và siết cổ giết chết họ. Thi thể của họ bị ném xuống ao. | 1 | null |
Lý Tùng Nghiễm (, 898-26 tháng 11 năm 946), nguyên danh Lý Kế Nghiễm (李繼曮) là nhi tử và người kế tự của Lý Mậu Trinh, quân chủ duy nhất của nước Kỳ thời Ngũ Đại Thập Quốc. Sau khi Lý Mậu Trinh quy phục nhà Hậu Đường và qua đời, Lý Tùng Nghiễm tiếp tục kiểm soát lãnh thổ cũ của Kỳ, sau đó ông trở thành một tướng lĩnh của cả Hậu Đường và triều đại kế thừa là Hậu Tấn.
Thân thế.
Lý Kế Nghiễm sinh năm 898, dưới triều đại của Đường Chiêu Tông, và là con trưởng của Lý Mậu Trinh và mẹ Lý phu nhân. Ngay cả trước khi"quán", ông đã nhậm chức Tư nghị tham quân, được ban "phi ngư đại", và giữ chức Bành châu thứ sử, Phượng Tường nha nội đô chỉ huy sứ. Vào giữa những năm Thiên Phục (901-904) thời Đường Chiêu Tông, khi đang giữ chức Tần vương phủ Hành quân tư mã, Kiểm hiệu thái phó, ông được bổ nhiệm làm Chương Nghĩa lưu hậu.
Thời Kỳ.
Sau khi triều Đường sụp đổ vào năm 906, Lý Mậu Trinh từ chối quy phục Hậu Lương Thái Tổ Chu Toàn Trung, cai quản độc lập với tước hiệu Kỳ vương, ban cho Lý Tùng Nghiễm chức Khai phủ nghi đồng tam ty, Kiểm hiệu thái úy, Chương Nghĩa quân tiết độ sứ, Tứ trấn Bắc Đình hành quân, Thị trung. Khi còn trẻ tuổi, ông được mô tả là thông minh, giỏi văn, tính tình mềm dẻo, song thiếu chính trực.
Thời Hậu Đường.
Thời Lý Tồn Úc.
Năm 923, Hậu Đường Trang Tông Lý Tồn Úc tiêu diệt Hậu Lương, sang năm sau Lý Mậu Trinh phái Lý Tùng Nghiễm đến Lạc Dương diện kiến Lý Tồn Úc xưng thần. Lý Tồn Úc nghênh tiếp Lý Kế Nghiễm và hậu đãi ông, chấp thuận cho Lý Mậu Trinh làm bề tôi. Khi ở Lạc Dương, Lý Kế Nghiễm tặng nhiều quà cho sủng thiếp của Lý Tồn Úc là Lưu thị, và theo quan điểm khi đó thì đây là một hành vi tinh quái. Hậu Đường Trang Tông ban cho Lý Kế Nghiễm chức vụ Trung thư lệnh, cho ông về với cha.
Sau khi trở về Phượng Tường, ông báo tin cho cha về thực lực quân sự hùng mạnh của Hậu Đường, Lý Mậu Trinh càng lo sợ và dâng biểu xin được đối đãi như một bề tôi bình thường. Sau khi được phong tước Tần vương, Lý Mậu Trinh qua đời, Lý Kế Nghiệm kế vị cai quản Phượng Tường, được Hậu Đường Trang Tông bổ nhiệm là Phượng Tường tiết độ sứ.
Khi Hậu Đường Trang Tông tiến hành tiến công Tiền Thục vào năm 925, Lý Kế Nghiễm được giao trách nhiệm tiếp tế, và theo mô tả thì các kho của Phượng Tường do đó mà cạn kiệt. Kế tiếp, ông theo quân Hậu Đường tiêu diệt Tiền Thục. Vào mùa xuân năm 926, để đề phòng, Ngụy vương Lý Kế Ngập sai Lý Kế Nghiễm và Lý Nghiêm (李嚴) hộ tống cựu đế Tiền Thục Vương Diễn đến Lạc Dương. Tuy nhiên, khi họ đến Phượng Tường, Giám quân sứ Sài Trọng Hậu (柴重厚) từ chối giao lại phù ấn của Phượng Tường cho ông, yêu cầu ông đến nhậm chức ở Lạc Dương.
Thời Lý Tự Nguyên.
Vào mùa hè năm 926, Hậu Đường Trang Tông bị sát hại trong một cuộc binh biến tại Lạc Dương, Lý Kế Nguyên nhanh chóng tiến về Lạc Dương và xưng đế, tức Hậu Đường Minh Tông. Khi hay tin này, Lý Kế Nghiễm trở về Phượng Tường, Hậu Đường Minh Tông giết Sài Trọng Hậu (vì để Lý Kế Nghiễm phục chức). Do trong thời gian cai quản Phượng Tường, Sài Trọng Hậu không gây hại gì cho người dân hay binh lính, vì thế Lý Kế Nghiễm dâng biểu xin tha mạng cho Sài Trọng Hậu. Mặc dù không được chấp thuận, song quan điểm phổ biến khi đó là tán dương ông.
Cũng vào năm đó, Hậu Đường Minh Tông hạ chỉ tán dương các công lao của Lý Kế Nghiễm cùng gia đình, ban tên Tùng Nghiễm cho ông (có cùng tên đệm với các hoàng tử của ông ta); các đệ của Lý Kế Nghiễm là Lý Kế Sưởng (李繼昶) và Lý Kế Chiêu (李繼照/李繼昭) cũng đổi tên đệm thành"Tùng".
Năm 927, Tây Xuyên tiết độ sứ Mạnh Tri Tường giết chết giám quân sứ. Khi hay tin, Lý Tùng Nghiễm cầm giữ vợ và con của Mạnh Tri Tường là Quỳnh Hoa trưởng công chúa và Mạnh Nhân Tán khi họ đến Phượng Tường, và sau đó thượng biểu xin chỉ thị của Hậu Đường Minh Tông, Hoàng đế ra lệnh cho ông phóng thích để họ trở về Tây Xuyên.
Năm 930, khi Hậu Đường Minh Tông chuẩn bị tế nam giao, Lý Tùng Nghiễm đến Lạc Dương để dự lễ. Sau khi kết thúc buổi lễ, Hậu Đường Minh Tông chuyển Lý Tùng Nghiễm đến Tuyên Vũ. Năm 933, ông lại đến diện kiến Hậu Đường Minh Tông, và sau đó được bổ nhiệm là Thiên Bình tiết độ sứ.
Thời Lý Tùng Hậu và Lý Tùng Kha.
Hậu Đường Minh Tông mất năm 933, Lý Tùng Hậu kế vị, tức Hậu Đường Mẫn Đế. Tuy nhiên, triều đình Hậu Đường do Chu Hoằng Chiêu (朱弘昭) và Phùng Uân (馮贇) khống chế. Đến mùa xuân năm 934, Lý Tùng Kha nổi dậy, đoạt lấy các tài sản của Lý Tùng Nghiễm còn ở Phượng Tường. Khi Lý Tùng Kha khởi hành rời khỏi Phượng Tường, người dân trong quân tụ tập thỉnh cầu ông ta hãy cho Lý Tùng Nghiễm về lại Phượng Tường, Lý Tùng Kha hứa sẽ làm vậy. Sau khi tiến vào Lạc Dương và giết Lý Tùng Hậu, Lý Tùng Kha xưng đế và chuyển Lý Tùng Nghiễm về lại Phượng Tường, cũng phong cho Lý Tùng Nghiễm tước hiệu Tần quốc công.
Thời Hậu Tấn.
Năm 936, Thạch Kính Đường nổi dậy, cùng với viện trợ của quốc chủ Khiết Đan Gia Luật A Bảo Cơ, ông ta tiêu diệt Hậu Đường và lập ra Hậu Tấn, tức Hậu Tấn Cao Tổ. Lý Tùng Nghiễm tiếp tục giữ chức Phượng Tường tiết độ sứ dưới quyền Hậu Tấn Cao Tổ, Hậu Tấn Cao Tổ phong cho Lý Tùng Nghiễm tước Tần vương, rồi Kỳ vương, thực ấp 15.000 hộ, thực phong 1.500 hộ.
Trong thời gian cai quản, Lý Tùng Nghiễm được mô tả thiên về là một quan văn thay vì quan võ, và trong khi khoan dung đối với nông dân, ông lại nghiêm khắc với sĩ tốt, gây ra nhiều bất bình trong sĩ tốt. Năm 938, các binh sĩ mà ông phái đi tuần tra ranh giới phía tây khi ra khỏi quân thành thì quay sang tiến hành binh biến, các binh sĩ này đột môn nhập thành cướp phá. Lý Tùng Nghiễm phát binh dưới trướng đánh bại loạn binh, loạn binh chạy về phía đông để tố cáo ông với triều đình Hậu Tấn. Tuy nhiên, khi loạn binh đến Trấn Quốc, họ bị tiết độ sứ Trương Ngạn Trạch (張彥澤) tiến công và giết sạch.
Sau khi Hậu Tấn Cao Tổ mất và Thạch Trọng Quý kế vị, Lý Tùng Nghiễm được giữ chức Thái bảo. Ông qua đời năm 946, trong khi vẫn đang giữ chức Phượng Tường tiết độ sứ. | 1 | null |
Lý Quốc Xương (; ? - 887), nguyên danh Chu Da Xích Tâm (朱邪赤心), tên tự Đức Hưng (德興), được triều Hậu Đường truy thụy hiệu Văn Cảnh hoàng đế cùng miếu hiệu Hiến Tổ, là một thủ lĩnh người Sa Đà vào những năm triều Đường suy tàn.
Thân thế.
Tổ tiên của Chu Da Xích Tâm là các tù trưởng kế tập của tộc Sa Đà. Sau đó tổ phụ và cha của Chu Da Xích Tâm là Chu Da Tận Trung (朱邪盡忠) và Chu Da Chấp Nghi (朱邪執宜) đã quyết định đưa bộ chúng chạy đến lãnh thổ Đường để chạy trốn Thổ Phồn. Thổ Phồn truy kích, Chu Da Tận Trung bị giết chết trong lúc giao chiến, và hơn một nửa bộ chúng Sa Đà bị giết chết hoặc bị bắt. Chu Da Chấp Nghi đem dư chúng đến Linh châu, được Sóc Phương tiết độ sứ Phạm Hi Triêu (范希朝) tiếp đón. Năm 809, khi Phạm Hi Triều được thuyên chuyển từ Sóc Phương đến Hà Đông, triều đình Đường lo ngại rằng người Sa Đà sẽ làm phản nên đã lệnh cho họ cũng đến Hà Đông, định cư tại khu vực Hoàng Hoa Đôi .
Khi Chu Da Chấp Nghi qua đời, Chu Da Xích Tâm kế tập làm thủ lĩnh của người Sa Đà. Năm 839, khi tướng Hồi Cốt là Quật La Vật (掘羅勿) nổi dậy chống lại Chương Tín khả hãn, Quật La Vật đề nghị Chu Da Xích Tâm giúp đỡ khi tặng cho Chu Da Xích Tâm 300 con ngựa, liên quân giữa họ đã đánh bại Chương Tín khả hãn, khiến Hồi Cốt suy sụp. Trong vài năm sau đó, dư bộ Hồi Cốt thường đột kích vùng biên thùy của Đường, người Sa Đà thường xuyên tham gia phản công Hồi Cốt cùng các bộ lạc khác trung thành với Đường. Năm 843, dưới quyền Thạch Hùng, Chu Da Xích Tâm đã tham vào chiến dịch tiến công Hồi Cốt, giải cứu Thái Hòa công chúa, người từng được gả cho cựu khả hãn của Hồi Cốt nhằm thực hiện "hòa thân" giữa hai bên.
Năm 847, một thời gian ngắn sau khi Đường Vũ Tông qua đời và Đường Tuyên Tông kế vị, mặc dù trong nước rối loạn song tướng Thổ Phồn là Luận Khủng Nhiệt (論恐熱) vẫn suất quân tiến công vùng Ngạc Nhĩ Đa Tư, liên minh cùng người Đảng Hạng và dư bộ Hồi Cốt. Đường Tuyên Tông phái Hà Đông tiết độ sứ Vương Tể (王宰) suất quân kháng cự, Vương Tể cho Chu Da Xích Tâm làm tiền phong. Quân Hà Đông sau đó đánh bại Luận Khủng Nhiệt, quân Thổ Phồn triệt thoái.
Trong loạn Bàng Huân.
Năm 868, dưới triều đại của Đường Ý Tông, các binh sĩ Từ Tứ đã tiến hành binh biến dưới sự lãnh đạo của Bàng Huân. Đường Ý Tông bổ nhiệm Khang Thừa Huấn (康承訓) là Nghĩa Thành tiết độ sứ và "Từ châu hành doanh đô chiêu thảo sứ". Khang Thừa Huấn thượng tấu xin để Chu Da Xích Tâm cùng các tù trưởng Thổ Dục Hồn, Đạt Đát, Khiết Bật (契苾) suất quân theo mình, được triều đình cho phép.
Quân của Khang Thừa Huấn hình thành vào năm 869 và chuẩn bị giao chiến với Bàng Huân, Khang Thừa Huấn phái Chu Da Xích Tâm làm tiền phong, và theo mô tả thì quân của Khang Thừa Huấn- đến từ 10 quân khác nhau- đều ấn tượng trước lòng dũng cảm của các binh sĩ Sa Đà. Sau đó, Chu Da Xích Tâm đã lập đại công trong các trận chiến chống lại Bàng Huân, bao gồm trận cuối cùng tại Bạc châu. Để thưởng cho công lao của Chu Da Xích Tâm, Đường Ý Tông đã ban danh tính "Lý Quốc Xương" cho ông, cho thuộc tịch Trịnh vương. Đường Ý Tông tách Đại Đồng khỏi Hà Đông, đặt trị sở tại Vân châu, và bổ nhiệm Lý Quốc Xương làm tiết độ sứ, song sau đó giữ Lý Quốc Xương ở lại Trường An một thời gian để đảm nhiệm chức "Tả kim ngô thượng tướng quân".
Giữa cuộc nổi dậy của Bàng Huân và Lý Khắc Dụng.
Năm 870, Đường Ý Tông bổ nhiệm Lý Quốc Xương là Chấn Vũ tiết độ sứ. Tuy nhiên, Lý Quốc Xương đã sớm khiến triều đình thịnh nộ khi ông có hành động thách thức, sát hại các thuộc hạ trong khi chưa được triều đình chấp thuận. Năm 872, Đường Ý Tông cố gắng thuyên chuyển Lý Quốc Xương về Đại Đồng quân giữ chức "Phòng ngự sứ". Lý Quốc Xương xưng bệnh không đến Đại Đồng. Sau đó, Lý Quốc Xương có vẻ vẫn được phép tại nhiệm ở Chấn Vũ, ông từng phái binh sĩ tham gia cùng quân triều đình trong các chiến dịch trấn áp cuộc nổi dậy của Vương Tiên Chi.
Nổi dậy chống Đường.
Năm 878, dưới triều đại của Đường Hy Tông, trưởng tử của Lý Quốc Xương là Lý Khắc Dụng giữ chức Sa Đà phó binh mã sứ tại Đại Đồng quân, đóng quân tại Úy châu. Khi đó, hầu hết đế chế chìm đắm trong các cuộc khởi nghĩa nông dân; Vân châu Sa Đà binh mã sứ Lý Tận Trung (李盡忠), cùng các nha tướng Khang Quân Lập (康君立), Tiết Chí Cần (薛志勤), Trình Hoài Tín (程懷信), và Lý Tồn Chương (李存璋), cũng dự tính nổi dậy, lý do là vì Đại Đồng phòng ngự sứ Đoàn Văn Sở (段文楚) đối xử khắc nghiệt với các binh sĩ và cắt bớt lượng tiếp tế cho họ. Lý Tận Trung thuyết phục Lý Khắc Dụng chấp thuận nổi dậy, sau đó tiến công và bắt giữ Đoàn Văn Sở. Lý Khắc Dụng chấp thuận và tiến đến Vân châu, chiếm lấy trị sở của Đại Đồng quân, giết chết Đoàn Văn Sở cùng một số thuộc hạ.
Thoạt đầu, Lý Quốc Xương cam kết trung thành với triều đình, thỉnh cầu phái người đến trấn thủ Đại Đồng và đề nghị được đích thân tiến công Lý Khắc Dụng nếu Lý Khắc Dụng không nghe theo. Tháng 2 ÂL, Đường Hy Tông do đó đã bổ nhiệm "Thái bộc khanh" Lô Giản Phương (盧簡方) làm Đại Đồng phòng ngự sứ và yêu cầu Lý Quốc Xương viết một bức thư thuyết phục Lý Khắc Dụng chấp thuận nghe theo lệnh của Lô Giản Phương. Tuy nhiên, đến tháng 4 ÂL, Hoàng đế lại bổ nhiệm Lô Giản Phương làm Chấn Vũ tiết độ sứ, còn Lý Quốc Xương trở thành Đại Đồng tiết độ sứ, tin rằng Lý Khắc Dụng sẽ không dám chống lại cha. Tuy nhiên, Lý Quốc Xương thực ra hy vọng rằng cả hai phụ tử sẽ đều được giữ một quân, vì thế khi tiếp nhận chiếu chỉ, ông trở nên tức giận và đã xé tờ chiếu chỉ, giết chết hoạn quan đến công bố sách phong. Sau đó, Lý Quốc Xương hợp binh với Lý Khắc Dụng và tập kích các quân khác trong khu vực. Đường Hy Tông bổ nhiệm Thôi Quý Khang (崔季康) là Hà Đông tiết độ sứ, "Bắc hành doanh chiêu thảo sứ", lệnh cho Lô Long tiết độ sứ Lý Khả Cử, Chiêu Nghĩa tiết độ sứ Lý Quân (李均), cũng như các tù trưởng Thổ Dục Hồn Hách Liên Đạc (赫連鐸) và Bạch Nghĩa Thành (白義誠), tù trưởng Sa Đà An Khánh (安慶), tù trưởng Tát Cát Mễ Hải Vạn (米海萬) cùng hợp binh tiến công phụ tử Lý Quốc Xương.
Lý Khắc Dụng và Lý Quốc Xương thoạt đầu giành được chiến thắng khi tập kích các quân lân cận, các binh sĩ Hà Đông liên tục bị đe dọa nên sinh ra nhiễu loạn, khiến một vài tiết độ sứ bị trúc xuất hoặc bị giết. Tuy nhiên, đến khi Lý Trác (李涿) nắm quyền chỉ huy toàn thể chiến dịch, quân Sa Đà lâm vào thế yếu. Vào mùa hè năm 880, đại tướng của Lý Khắc Dụng là Cao Văn Thủ (高文集) khi đó đang trấn thủ Sóc châu, đã đầu hàng Lý Trác, thân thích của Lý Quốc Xương là Lý Hữu Kim (李友金) và một số tù trưởng khác cũng đầu hàng. Lý Khắc Dụng suất quân tiến công Cao Văn Thủ nhằm tái chiếm Sóc châu. Tuy nhiên. Lý Khả Cử đã tiến công và đánh bại Lý Khắc Dụng tại Dược Nhi lĩnh trước khi Lý Khắc Dụng có thể đến nơi, giết Lý Tận Trung và Trình Hoài Tín. Lý Khả Cử sau đó lại đánh bại Lý Khắc Dụng tại Hùng Vũ quân. Trong khi đó, Lý Trác và Hách Liên Đạc tiến công Úy châu, là nơi Lý Quốc Xương đâng đóng quân, kết quả giành được chiến thắng. Lý Quốc Xương, Lý Khắc Dụng và gia quyến của họ buộc phải chạy sang lãnh địa của người Đạt Đát, khi đó là khu vực Âm Sơn.
Lưu vong và tái quy phục Đường.
Vài tháng sau đó, Hách Liên Đạt đã bí mật thuyết phục Đạt Đát giết chết những người Sa Đà đến tị nạn. Khi nghe được tin đồn về việc này, Lý Khắc Dụng đã thể hiện tài bắn cung của mình trong một bữa tiệc với các quý tộc Đạt Đát, tuyên bố rằng mình không muốn ở lại Đạt Đát mà muốn giúp triều Đường trấn áp loạn Hoàng Sào. Sau đó, Lý Khắc Dụng và Lý Quốc Xương vẫn ở lại Đạt Đát một thời gian.
Năm 881, Hoàng Sào chiếm được kinh thành Trường An, Đường Hy Tông phải chạy trốn, Lý Hữu Kim đã thuyết phục giám quân Trần Cảnh Tư (陳景思) thỉnh cầu Đường Hy Tông xá tội cho Lý Quốc Xương và Lý Khắc Dụng và triệu họ đến hợp binh với triều đình. Trần Cảnh Tư chấp thuận, và sau đó, Lý Khắc Dụng đem quân lính tiến về phía nam, tuy nhiên Hà Đông tiết độ sứ Trịnh Tùng Đảng lại từ chối tiếp tế cho binh sĩ Sa Đà. Đáp lại, Lý Khắc Dụng đã cho quân cướp phá các châu của Hà Đông, song bị Trịnh Tùng Đảng đẩy lui và phải triệt thoái về phía bắc. Lý Khắc Dụng chiếm được Hãn châu và Đại châu. Năm 882, Lý Quốc Xương - khi đó vẫn ở Đạt Đát- đã đưa gia quyến đến Đại châu.
Cuối năm đó, Đường Hy Tông lại triệu Lý Khắc Dung đến hợp binh với triều đình tiến công quân Đại Tề của Hoàng Sào, và khi đó, theo chiếu chỉ, Trịnh Tùng Đảng không còn ngăn cản Lý Khắc Dụng. Sau đó, Lý Khắc Dụng trở thành tướng thống lĩnh liên quân Đường tái chiếm Trường An. Đến năm 883, Lý Khắc Dụng được bổ nhiệm là Hà Đông tiết độ sứ còn Lý Quốc Xương được bổ nhiệm là Đại Bắc tiết độ sứ.
Truy phong.
Theo "Tư trị thông giám", Lý Quốc Xương qua đời vào năm 887, trong khi vẫn đang giữ chức Đại Bắc tiết độ sứ. Còn theo "Cựu Ngũ Đại sử", ông được truy phong chức vụ này. Sau khi cháu nội ông là Lý Tồn Úc lập ra nhà Hậu Đường vào năm 923, Lý Quốc Xương được truy thụy hiệu Văn Cảnh hoàng đế cùng miếu hiệu Hiến Tổ. | 1 | null |
Lý Khắc Ninh (, ? - 25 tháng 3 năm 908) là em trai của quân phiệt [[Lý Khắc Dụng]] vào những năm cuối của [[nhà Đường]]. Sau khi Lý Khắc Dụng qua đời, [[Hậu Đường Trang Tông|Lý Tồn Úc]] kế tập, Lý Khắc Ninh thoạt đầu làm quân sư cho Lý Tồn Úc, song sau đó ông nghe theo ý vợ là phu nhân Mạnh thị mà âm mưu soán vị. Khi âm mưu bị bại lộ, ông bị Lý Tồn Úc giết chết.
Thân thế.
Lý Khắc Ninh là em trai út của [[Lý Khắc Dụng]] Cha ông là tướng người [[Sa Đà]] [[Lý Quốc Xương]], Quốc Xương vốn mang danh tính là Chu Da Xích Tâm nhưng sau được ban cho họ Lý của hoàng tộc Đường và tên gọi Quốc Xương, Lý Khắc Ninh được mô tả là người nhân hiếu, có đức hạnh nhất trong số các anh em.
Phụng sự Lý Khắc Dụng.
Khi Lý Khắc Dụng nổi dậy chống lại Đại Đồng (大同, trị sở nay thuộc [[Đại Đồng, Sơn Tây|Đại Đồng]], [[Sơn Tây (Trung Quốc)|Sơn Tây]]) Quan sát sứ Đoàn Văn Sở (段文楚) vào năm 878, Lý Khắc Ninh theo anh khởi binh và đảm nhậm chức vụ Phụng Thành quân sứ. Khi đối thủ của Lý Khắc Dụng là [[Hách Liên Đạc]] tiến công căn cứ của quân Sa Đà tại Hoàng Hoa (黃花, nay thuộc [[Sóc Châu]], Sơn Tây), Lý Kế Ninh đăng thành huyết chiến, sau đó tham gia trấn thủ Úy châu (蔚州, nay thuộc [[Trương Gia Khẩu]], [[Hà Bắc (Trung Quốc)|Hà Bắc]]). Sau, Lý Khắc Dụng chiến bại và buộc phải chạy đến chỗ người Đạt Đát, tức khu vực [[Âm Sơn]]. Năm 881, Lý Khắc Dụng rời khỏi Đạt Đát để giúp triều đình trấn áp [[loạn Hoàng Sào|khởi nghĩa Hoàng Sào]], Lý Khắc Ninh nằm trong đội quân này; ông tiếp tục theo anh trong các chiến dịch chống lại [[Hoàng Sào]].
Năm 883, [[Đường Hy Tông]] bổ nhiệm Lý Khắc Dụng làm [[Tiết độ sứ]] vì lập được đại công trong việc trấp áp loạn Hoàng Sào, sau đó Lý Khắc Ninh được bổ nhiệm là Thứ sử Liêu châu (遼州, nay thuộc [[Tấn Trung]], Sơn Tây), và sau đó chuyển sang làm Phòng ngự sứ Vân châu (雲州, nay thuộc Đại Đồng, Sơn Tây). Đầu những năm Càn Ninh (894-898) thời [[Đường Chiêu Tông]], Lý Khắc Ninh được bổ nhiệm là Thứ sử Hãn châu (忻州, nay thuộc [[Hãn Châu]], Sơn Tây). Ông phụng sự Lý Khắc Dụng khi Lý Khắc Dụng đánh bại Tĩnh Nan (靜難, trị sở nay thuộc [[Hàm Dương]], [[Thiểm Tây]]) Tiết độ sứ [[Vương Hành Du]] vào năm 895, do lập được quân công nên được bổ nhiệm giữ chức "Tư đồ".
Năm 902, thủ phủ [[Thái Nguyên, Sơn Tây|Thái Nguyên]] của Hà Đông bị Tuyên Vũ (宣武, trị sở nay thuộc [[Khai Phong]], [[Hà Nam (Trung Quốc)|Hà Nam]]) Tiết độ sứ [[Chu Toàn Trung]] bao vây; khi đó Lý Khắc Ninh vừa rời Thái Nguyên trở về Hãn châu, song khi hay tin Chu Toàn Trung tiến công, ông đã trở lại Thái Nguyên và tuyên bố: "Thành này là nơi ta chết. Ta có thể đi đến nơi nào khác?". Lý Khắc Ninh đã giúp giữ vững sĩ khí cho binh lính, kết quả là thành đã giữ được.
Đầu những năm Thiên Hựu (904-919), Lý Khắc Ninh trở thành "Nội ngoại Phiên-Hán đô tri binh mã sứ", giữ chức "Thái bảo", Chấn Vũ (振武, trị sở nay thuộc [[Sóc Châu]], Sơn Tây) Tiết độ sứ, có thể tự quyết định các vấn đề quân sự và chính trị.
Năm 908, Tấn vương Lý Khắc Dụng lâm bệnh nặng, giao phó [[Hậu Đường Trang Tông|Lý Tồn Úc]] cho Lý Khắc Ninh, [[Trương Thừa Nghiệp]] (張承業), [[Lý Tồn Chương]], Ngô Củng (吳珙), và Lô Chất (盧質), trước khi qua đời vào ngày 23 tháng 2.
Sau khi Lý Khắc Dụng qua đời.
Tiếp đó, Lý Khắc Ninh vẫn duy trì kỷ luật trong quân đội, không ai dám tạo ra xáo trộn. Trong khi đó, các quan lại và tướng sĩ không kính trọng Lý Tồn Úc- khi đó mới 22 tuổi, và họ liên tục bình phẩm. Lý Tồn Úc lo sợ nên đã giao quyền chỉ huy quân đội cho Lý Khắc Ninh, song Lý Khắc Ninh từ chối, nói rằng Tồn Úc mới là người kế nhiệm hợp pháp. Theo ý của Lý Khắc Ninh và Trương Thừa Nghiệp, Lý Tồn Úc xưng là Tấn vương, Hà Đông Tiết độ sứ.
Lý Khắc Dụng có nhiều con nuôi làm quan cho Tấn, nhiều người họ lớn tuổi hơn và có tài năng quân sự hơn Lý Tồn Úc, do đó cũng không phục Lý Tồn Úc. Nhiều người từ chối đến yết kiến, và một số từ chối khấu đầu. Một trong số họ là Lý Tồn Hạo (李存顥) cố gắng thuyết phục Lý Khắc Ninh đoạt lấy quyền chỉ huy, song Lý Khắc Ninh từ chối lời đề nghị và thậm chí còn đe dọa xử tử Lý Tồn Hạo. Tuy nhiên, Lý Tồn Hạo và một số con nuôi của Lý Khắc Dụng đã nhờ vợ đến thuyết phục vợ của Lý Khắc Ninh là Mạnh thị. (Mạnh phu nhân là em gái của [[Mạnh Tri Tường]], nguyên là quan của Tấn và sau trở thành hoàng đế khai quốc của [[Hậu Thục]].) Mạnh phu nhân thuận theo và bà thúc giục Lý Khắc Ninh, khiến quyết tâm của Lý Khắc Ninh lay chuyển. Hơn nữa, ông cũng bất đồng quan điểm với Trương Thừa Nghiệp và Lý Tồn Chương, thường xuyên xảy ra tranh luận. Sau đó, Lý Khắc Ninh giết chết Đô ngu hậu Lý Tồn Chất (李存質), mà không được sự chấp thuận của Lý Tồn Úc. Ông cũng yêu cầu được giữ chức Tiết độ sứ Đại Đồng và được Lý Tồn Úc chấp thuận.
Mặc dù vậy, Lý Tồn Hạo sau đó lên kế hoạch cụ thể, được Lý Khắc Ninh chấp thuận không chính thức, theo đó sẽ bắt Lý Tồn Úc khi Tồn Úc đến phủ của Lý Khắc Ninh, rồi giải Lý Tồn Úc và mẹ là [[Trinh Giản hoàng hậu|Tào thái phu nhân]] đến chỗ hoàng đế [[nhà Hậu Lương|Hậu Lương]], đoạt lấy Hà Đông. Lý Khắc Ninh gặp Sử Kính Dung (史敬鎔) để thuyết phục người này tham gia vào âm mưu và giám sát Lý Tồn Úc. Sử Kính Dung giả bộ chấp thuận, song sau đó đã báo lại cho Lý Tồn Úc. Lý Tồn Úc gặp Tào thái phu nhân và Trương Thừa Nghiệp, thoạt đầu Tồn Úc muốn từ nhiệm để tránh xung đột, song Trương Thừa Nghiệp đã thuyết phục Tồn Úc chống lại chú mình. Trương Thừa Nghiệp cũng lệnh cho Lý Tồn Chương, Ngô Củng, Lý Tồn Kính (李存敬) và Chu Thủ Ân (朱守殷) chuẩn bị chống lại Lý Khắc Ninh.
Vào ngày 25 tháng 3 năm 908, Lý Tồn Úc tổ chức tiệc trong phủ của mình, tất cả quan lại cao cấp đều đến tham dự. Tuy nhiên, Lý Tồn Úc đã cho binh sĩ phục kích từ trước, và trong bữa tiệc, họ đã tiến ra bắt giữ Lý Khắc Ninh và Lý Tồn Hạo. Lý Tồn Úc khóc lóc, nói với Lý Khắc Ninh:
Lý Khắc Ninh rới nước mắt đối lại:
Hôm đó, Lý Tồn Úc xử tử Lý Khắc Ninh và Lý Tồn Hạo.
Tham khảo.
[[Thể loại:Mất năm 908]]
[[Thể loại:Nhân vật Ngũ đại Thập quốc]]
[[Thể loại:Tấn (Ngũ Đại Thập Quốc)]]
[[Thể loại:Sinh thế kỷ 9]] | 1 | null |
Lý Khả Cử (, ? - 885) là một quân phiệt vào cuối thời nhà Đường, ông kiểm soát Lô Long quân (盧龍, trị sở nay thuộc Bắc Kinh) từ năm 876 đến năm 885.
Cha của ông là Lý Mậu Huân, là người Hồi Cốt, thuộc thị tộc A Bố Tư (阿布思). Năm 875, Lý Mậu Huân đã lật đổ Lô Long tiết độ sứ Trương Công Tố trong một cuộc binh biến và nắm lấy quyền cai quản quân, sau đó được Đường Hy Tông chính thức bổ nhiệm là tiết độ sứ. Năm 876, Lý Mậu Huân thỉnh cầu xin cho bản thân được trí sĩ, và cho U châu tả tư mã Lý Khả Cử- làm lưu hậu. Hoàng đế hạ chiếu cho Lý Mậu Huân thoái hưu, bổ nhiệm Lý Khả Cử làm Lô Long lưu hậu, vài tháng sau chính thức bổ nhiệm Lý Khả Cử là tiết độ sứ.
Năm 878, khi Lý Khắc Dụng và cha là Lý Quốc Xương nổi dậy, Lý Khả Cử là một trong số các tướng lĩnh được Đường Hi Tông huy động binh lính để trấn áp. Sau đó, khi Lý Khả Cử tiến đánh Lý Khắc Dụng, Lý Khắc Dụng đóng quân tại Hùng Vũ quân để kháng cự. Sau đó, khi Lý Khắc Dụng phải trở về cứu viện Sóc châu, Lý Khả Cử khiển Hành quân tư mã Hàn Huyền Thiệu (韓玄紹) đánh chặn Lý Khắc Dụng, đè bẹp đội quân của Khắc Dụng và giết được khoảng 7.000 lính, sau đó lại giết được khoảng một vạn lính của Lý Khắc Dụng ở Hùng Vũ quân. Sau đó, khi Lý Quốc Xương bại trận trước quân triều đình, họ buộc phải chạy đến chỗ người Đạt Đát. Nhờ lập được quân công, Lý Khả Cử được ban chức vụ "Thị trung".
Năm 882, Lý Khắc Dụng cố trở về Đại Đồng, Lý Khắc Dụng giao chiến với cả Đại Đồng tiết độ sứ Hách Liên Đạc và Lý Khả Cử, đánh bại cả hai, song sau đó bị Hà Đông tiết độ sứ Trịnh Tòng Đảng đẩy lui và lại phải triệt thoái về phía bắc.
Sau đó, Lý Khắc Dụng quy phục triều đình và trở thành Hà Đông tiết độ sứ, ông ta liên minh với Nghĩa Vũ tiết độ sứ Vương Xử Tồn. Cả Lý Khả Cử và Thành Đức tiết độ sứ Vương Dung đều lo sự trước việc Lý Khắc Dụng khuếch trương thế lực, do đó cùng liên kết chinh phục Nghĩa Vũ để sau đó phân chia với nhau. Họ cũng thuyết phục Hách Liên Đạc tiến công Lý Khắc Dụng để ngăn quân Hà Đông đến cứu viện Vương Xử Tồn. Vào mùa xuân năm 885, họ phát động tiến công, Lý Khả Cử khiển bộ tướng là Lý Toàn Trung dẫn 6 vạn binh tiến công Dịch châu- một trong hai châu của Nghĩa Vũ, còn Vương Dung tiến công Vô Cực (無極, nay thuộc Thạch Gia Trang, Hà Bắc).
Thoạt đầu, cuộc tiến công của quân Lô Long giành được thắng lợi, thủ hạ của Lý Toàn Trung là Lưu Nhân Cung chiếm được Dịch châu bằng cách đào một đường hầm xuyên vào trong thành. Tuy nhiên, Vương Xử Tồn sau đó đã đánh bại Lý Toàn Trung và đoạt lại Dịch châu.
Lý Toàn Trung lo sợ sẽ bị Lý Khả Cử trách phạt do chiến bại, vì thế quyết định quay sang chống Lý Khả Cử. Lý Toàn Trung tập hợp các binh sĩ còn lại và tiến công U châu- thủ phủ của Lô Long quân. Lý Khả Cử không khể kháng cự nổi, vì thế ông đem gia quyến lên một tòa tháp rồi phóng hỏa tự sát. Lý Toàn Trung đoạt lấy Lô Long. | 1 | null |
Lý Tư Cung (李思恭) (? - 886?), nguyên tên là Thác Bạt Tư Cung (拓拔思恭), là một quân phiệt người Đảng Hạng vào cuối thời nhà Đường. Ông có đóng góp trong chiến dịch trấn áp cuộc nổi dậy của Hoàng Sào, và được bổ nhiệm là Định Nan tiết độ sứ. Các thành viên trong gia tộc của ông được kế tập cai quản Định Nan- tiền thân của nước Tây Hạ sau này.
Thân thế.
Ông là con của Thác Bạt Trọng Kiến, gia tộc của ông xuất thân là người Đảng Hạng, thuộc nhánh Bình Hạ (平夏). Cuối những năm "Hàm Thông" (861-874) thời Đường Ý Tông, ông đoạt lấy quyền kiểm soát Hựu châu- là châu do triều đình Đường thiết lập để quản lý người Đảng Hạng, xưng là thứ sử.
Chống Hoàng Sào.
Khoảng tết năm 881, dưới triều đại của Đường Hy Tông, quân nổi dậy Hoàng Sào công chiếm kinh sư Trường An, buộc Đường Hy Tông phải chạy đến Thành Đô. Một số tướng lĩnh Đường ở gần Trường An đã tập hợp binh lính để chuẩn bị tiến công tái chiếm kinh sư từ tay Hoàng Sào. Thác Bạt Tư Cung cũng tập hợp binh lính dưới quyền và tiến đến Phu châu để hợp binh với Phu Diên tiết độ sứ Lý Hiếu Xương (李孝昌). Họ tuyên thệ tiến công Hoàng Sào, và sau đó tiến về phía nam, hướng về Trường An. Do Thác Bạt Tư Cung thể hiện lòng trung thành, Đường Hy Tông bổ nhiệm ông làm quyền Hạ Tuy tiết độ sứ.
Sau đó, khi các đội quân Đường tập trung lại gần Trường An, Hoàng Sào từ bỏ thành. Các đội quân dưới quyền chỉ huy của Đường Hoằng Phu (唐弘夫), Trình Tông Sở (程宗楚), và Vương Xử Tồn tiến vào thành, song họ không thông báo cho Thác Bạt Tư Cung, Lý Hiếu Xương hay Phượng Tường tiết độ sứ Trịnh Điền. Sau đó, quân Tề của Hoàng Sào đánh bại quân của Thác Bạt Tư Cung và Lý Hiếu Xương tại Vương Kiều. Thác Bạt Tư Cung và Lý Hiếu Xương vẫn ở lại khu vực, Hoàng Sào khiển bộ tướng Chu Ôn đi phòng thủ chống lại họ. Không lâu sau, Đường Hy Tông chính thức bổ nhiệm Thác Bạt Tư Cung làm tiết độ sứ và đổi tên quân thành Định Nan. Thác Bạt Tư Cung và Lý Hiếu Cung sau đó giao chiến với Chu Ôn và đại tướng Thượng Nhượng của Tề, song không thể thắng thế và buộc phải triệt thoái.
Sau đó, Thác Bạt Tư Cung được giữ thêm chức "Tứ diện đô thống", quyền Kinh Triệu doãn. Trong "Tân Ngũ Đại sử" được viết vào thời Tống (địch thủ của Tây Hạ), ông được gọi là Thác Bạt Tư Kính (拓拔思敬), sử tịch này nửa tán dương và nửa xúc phạm khi giải thích rằng do ông không lập được đại công cũng không nổi dậy chống triều đình, nên các hành động của ông phần lớn không được ghi lại. Sau khi Hoàng Sào bị tiêu diệt, ông kiêm chức "Thái tử thái phó", được phong tước "Hạ quốc công", được ban họ Lý của hoàng tộc Đường. Vào một thời điểm, ông có vẻ như đoạt được Phu Diên, việc này sau được Hà Đông tiết độ sứ Lý Khắc Dụng đề cập đến.
Qua đời.
Năm 886, Đường Hy Tông chạy khỏi Trường An đến Hưng Nguyên, Tĩnh Nan tiết độ sứ Chu Mai tôn Tương vương Lý Uân làm hoàng đế tại Trường An. Đường Hy Tông hạ chỉ yêu cầu Lý Tự Cung tiến công Chu Mai. Tuy nhiên, trước khi có thể tiến quân, ông đã qua đời. Đường Hy Tông trao Định Nan quân cho Lý Tư Gián (李思谏) và trao Bảo Đại quân (tức Phu Diên) cho Lý Tư Hiếu (李思孝), cả hai đều là đệ của ông. Người kế nhiệm Lý Tư Gián là Lý Di Xương (李彝昌) có thể là con của Lý Tư Gián hoặc là con của Lý Tư Cung. | 1 | null |
Lý Xương Phù (李昌符, ? - 23 tháng 8 năm 887?) là một quân phiệt vào cuối thời nhà Đường, cai quản Phượng Tường từ năm 884 đến năm 887. Năm 887, đã xảy ra xung đột vũ trang giữa ông và triều đình, ông chiến bại trước tướng Lý Mậu Trinh và sau đó bị thủ hạ Tiết Tri Trù hành quyết.
Đoạt Phượng Tường.
Năm 884, huynh của Lý Xương Phù là Phượng Tường tiết độ sứ Lý Xương Ngôn lâm bệnh và bổ nhiệm Lý Xương Phù làm "lưu hậu" của quân. Đường Hy Tông sau đó đã bổ nhiệm Lý Xương Phù là tiết độ sứ.
Liên minh rồi phản lại Chu Mai.
Năm 885, "Tả Thần Sách trung úy" Điền Lệnh Tư đã liên kết với Lý Xương Phù và Tĩnh Nan tiết độ sứ Chu Mai để chống lại các tiết độ sứ Vương Trọng Vinh và Lý Khắc Dụng. Sau đó, liên quân Lý/Vương đánh bại liên quân Điền/Lý/Chu tại Sa Uyển. Khi Lý Khắc Dụng tiến đến Trường An, Điền Lệnh Tư đem Đường Hy Tông chạy đến Hưng Nguyên.
Trong khi đó, Chu Mai và Lý Xương Phù trở nên hổ thẹn vì liên minh giữa họ với Điền Lệnh Tư, vì thế họ quay sang lập một hoàng đế mới, người sẽ không chịu ảnh hưởng của Điền Lệnh Tư. Khi đó, Chu Mai bắt được một họ hàng xa của Đường hy Tông là Tương vương Lý Uân. Theo thỏa thuận với Lý Xương Phù, Chu Mai đưa Lý Uân trở về Trường An và sau đó tuyên bố Lý Uân là hoàng đế. Họ cũng phái binh đi tiến công Hưng Nguyên để bắt Đường Hy Tông, song bị đẩy lui. Tuy nhiên, sau khi Chu Mai tự phong mình là "Thị trung" và tự mình kiểm soát triều đình tại Trường An, Lý Xương Phù trở nên tức giận và từ chối tất cả các chức tước mà Lý Uân ban cho, quay sang trình tấu đến Hưng Nguyên bày tỏ trung thành với Đường Hy Tông. Đường Hy Tong ban cho Lý Xương Phù chức "Tư đồ".
Bị đánh bại và qua đời.
Vào cuối năm 886, Chu Mai bị thủ hạ là Vương Hành Du giết chết, Lý Uân chạy đến chỗ Vương Trọng Vinh song bị Vương Trọng Vinh giết. Khi Đường Hy Tông trên đường trở về Trường An vào mùa xuân năm 887, Hoàng đế có đi qua Phượng Tường. Lý Xương Phù lo sợ rằng khi Đường Hy Tông trở về Trường An thì ông có thể bị tra xét về việc trước đây từng liên kết với Chu Mai, vì thế Lý Xương Phù đã đề nghị Đường Hy Tông ở lại Phượng Tường lâu hơn với lý do cung điện ở Trường An chưa được sửa chữa, Đường Hy Tông chấp thuận.
Đến mùa hè năm 887, đoàn rước của Lý Xương Phù và đoàn rước của tướng triều đình Dương Thủ Lập (楊守立) tranh đường, dẫn đến binh sĩ hai bên chiến đấu với nhau, không dừng lại bất chấp các thái giám của Đường Hy Tông đứng ra can thiệp. Đêm hôm đó, Lý Xương Phù tiến công hành cung của Đường Hy Tông tại Phượng Tường, song nhanh chóng bị Dương Thủ Lập đánh bại. Lý Xương Phù đem gia tộc chạy đến Lũng châu. Đường Hy Tông sau đó đã khiển Vũ Định tiết độ sứ Lý Mậu Trinh tiến công Lý Xương Phù ở Lũng châu. Sau đó, vào mùa thu năm 887, Lũng châu thứ sử Tiết Tri Trù đã đầu hàng, giết chết Lý Xương Phù cùng gia tộc. Sau đó, Lý Mậu Trinh đoạt lấy Phượng Tường. | 1 | null |
Tề Khắc Nhượng () là một tướng lĩnh nhà Đường. Ông tham gia chống lại cuộc khởi nghĩa của Hoàng Sào, giữ chức vụ Thái Ninh tiết độ sứ. Sau khi thất bại trước quân Hoàng Sào, ông trở về Thái Ninh, song đến năm 886 thì bị lật đổ trong một cuộc tập kích của Chu Cẩn.
Chống Hoàng Sào.
Năm 880, khi ông đang giữ chức Thái Ninh tiết độ sứ, Đường Hy Tông lệnh cho binh lính từ các quân phía đông đến đóng tại Ân Thủy, binh lính của Tề Khắc Nhượng đến đóng quân tại Nhữ châu, để ngăn chặn quân Hoàng Sào tiến về phía tây bắc.
Vào mùa thu năm 880, Hoàng Sào tiến quân đến khu vực, và do áp đảo về quân số, Hoàng Sào đánh bại Thiên Bình tiết độ sứ Tào Toàn Trinh (曹全晸). Hơn nữa, cũng trong khoảng thời gian này, Trung Vũ tiết độ sứ Tiết Năng (薛能) bị sát hại trong một cuộc binh biến do Chu Ngập (周岌) lãnh đạo. Tề Khắc Nhượng lo sợ rằng Chu Ngập sẽ tập kích mình nên đã rời bỏ vị trí phòng thủ và trở về thủ phủ Duyện châu (兗州) của Thái Ninh. Sau khi Tề Khắc Nhượng rời đi, binh sĩ các quân khác cũng từ bỏ việc phòng thủ Ân Thủy, Hoàng Sào do vậy rộng đường tiến đến đông đô Lạc Dương và kinh thành Trường An.
Sau đó, Tề Khắc Nhượng tái tập hợp binh sĩ và tiến đến vùng lân cận Lạc Dương, song sức mạnh của Hoàng Sào ngày càng tăng, vì thế ông quyết định triệt thoái đến Đồng Quan để ngăn Hoàng Sào tiến về kinh thành. Tại thời điểm đó, Tề Khắc Nhượng vẫn có hơn 1 vạn lính, song binh sĩ của ông không có nguồn cung cấp lương thực. Khi Đường Hy Tông phái Trương Thừa Phạm (張承範) suất vài nghìn binh đến hiệp trợ Tề Khắc Nhượng, song Trương Thừa Phạm bày tỏ phản đối do cả hai đội quân đều không có nguồn cung cấp lương thực; Đường Hy Tông tuy vậy vẫn phái Trương Thừa Phạm đi, nói rằng lương thực sẽ đến sau, song trên thực tế là không có.
Vào ngày 4 tháng 1, 881, quân tiếp viện của Trương Thừa Phạm đến Đồng Quan, quân tiền phong của Hoàng Sào cũng tiến đến. Quân của Tề Khắc Nhượng và quân của Hoàng Sào giao chiến suốt buổi sáng, thoạt đầu ông có thể chống lại quân Hoàng Sào. Tuy nhiên, đến buổi trưa, quân của Tề Khắc Nhượng bị đói nên đã tan rã, các binh sĩ dẫm nát "Cấm Khanh" (禁坑), một thung lũng được đặt đầy chông gai nhằm tạo thành vành đai phòng thủ cho Đồng Quan, các chông gai bị phá hủy và quân Hoàng Sào có thể tiến công Đồng Quan. Tề Khắc Nhượng chạy trốn, trong khi Trương Thừa Phạm tiếp tục trấn giữ Đồng Quan, song thất thủ, Hoàng Sào tiếp tục công chiếm Trường An, Đường Hy Tông phải chạy trốn đến Thành Đô.
Thất thế tại Thái Ninh.
Sau thất bại trước Hoàng Sào, có vẻ Tề Khắc Nhượng đã trở về Thái Ninh, do ông vẫn được ghi là Thái Ninh tiết độ sứ vào năm 885. Vào mùa hè năm đó, trong một cuộc tranh chấp, Tả Thần Sách trung úy Điền Lệnh Tư đã thỉnh Đường Hy Tông ban một chiếu chỉ chuyển Hà Trung tiết độ sứ Vương Trọng Vinh đến Thái Ninh, chuyển Tề Khắc Nhượng đến Nghĩa Vũ , và chuyển Nghĩa Vũ tiết độ sứ Vương Xử Tồn chuyển đến Hà Trung. Vương Trọng Vinh sau đó cùng với Hà Đông tiết độ sứ Lý Khắc Dụng đánh bại Điền Lệnh Tư cùng đồng minh.
Năm 886, Chu Cẩn (朱瑾)- một viên quan và thân thích của Thiên Bình tiết độ sứ Chu Tuyên- đã đề nghị Tề Khắc Nhượng gả con cho ông ta. Tề Khắc Nhượng chấp thuận song không biết rằng điều này thực ra nằm trong âm mưu tiếp quản Thái Ninh của Chu Cẩn. Chu Cẩn đem theo một đoàn rước từ Vận châu (鄆州) đến Duyện châu, song giấu vũ khí và khôi giáp ở trên xe. Khi Chu Cẩn tiến đến Duyện châu, vào ngày nhận dâu, ông ta đã tập kích, đuổi Tề Khắc Nhượng khỏi Duyện châu. Chu Cẩn đoạt lấy Thái Ninh và cuối cùng được bổ nhiệm là tiết độ sứ. | 1 | null |
Thì Phổ (時溥, ? - 9 tháng 5 năm 893), là một quân phiệt vào cuối thời nhà Đường, giữ chức Cảm Hóa tiết độ sứ. Cuối cùng, ông chiến bại trước bộ tướng Bàng Sư Cổ của Chu Toàn Trung, và tự sát cùng gia tộc.
Đoạt lấy Cảm Hóa.
Thì Phổ là người Bành Thành, ông từng là một nha tướng tại Từ châu (trị sở tại Bành Thành). Cả ông và đồng cấp Trần Phan (陳璠) đều được Cảm Hóa tiết độ sứ Chi Tường (支詳) cảm mến.
Năm 881, sau khi quân nổi dậy Hoàng Sào chiếm được kinh sư Trường An, còn Đường Hy Tông thì chạy trốn, Chi Tường đã khiển Thì Phổ và Trần Phan đem 5000 lính đến cứu viện triều đình. Khi Thì Phổ tiến đến đông đô Lạc Dương, ông giả bộ tuyên bố rằng Chi Tường lệnh cho mình quay trở lại, và sau khi hợp binh với Trần Phan, họ tiến hành đồ sát ở Hà Âm và cướp phá Trịnh châu trước khi tiến về phía đông trở lại Từ châu. Chi Tường đã cố xoa dịu hai người khi nghênh đón khao thưởng thậm hậu, song Thì Phổ đã lệnh cho thân tín đến gặp Chi Tường và đe dọa, buộc Chi Tường phải nhường lại ấn tướng cho Thì Phổ. Chi Tường không thể chống lại nên đã xuất cư ra Đại Bành quán, Thì Phổ tự lập là "lưu vụ". Trần Phan cố gắng thuyết phục Thì Phổ giết chết Chi Tường, nói rằng Chi Tường đối đãi tốt với người dân trong quân và có thể đoạt lại quyền lực, tuy nhiên Thì Phổ từ chối và chỉ buộc Chi Tường đến Thành Đô với Đường Hy Tông. Tuy nhiên, trên đường đi, Trần Phan đã phục kích đồ sát Chi Tường cùng gia tộc. Sau đó, Đường Hy Tông hạ chiếu bổ nhiệm Thì Phổ là "lưu hậu", cùng năm lại thăng là "tiết độ sứ". Thì Phổ bổ nhiệm Trần Phan làm Tú châu thứ sử, song sau đó giết chết Trần Phan vì tội tham ô và tàn ác.
Chống Hoàng Sào.
Vào mùa xuân năm 882, khi Đường Hy Tông bổ nhiệm Vương Đạc làm "Chư đạo hành doanh đô thống", tổng chỉ huy chiến dịch chống lại Hoàng Sào, Thì Phổ được bổ nhiệm là "Thôi khiển cương vận tô phú phòng át sứ".
Năm 883, sau khi Hoàng Sào từ bỏ Trường An và chạy trốn về phía đông, Thì Phổ huy động binh sĩ đến đóng quân tại Ân Thủy, được bổ nhiệm làm "Đông diện binh mã đô thống". Trong khoảng thời gian đó, Thì Phổ bị trúng độc khi ăn, ông nghi ngờ phán quan Lý Ngưng Cổ (李凝古) hạ độc nên đã giết chết người này. Cha của Lý Ngưng Cổ là Lý Tổn (李損)- giữ chức "Tán kị thường thị" tại triều đình ở Thành Đô, Thì Phổ thượng tấu nói rằng Lý Ngưng Cổ và cha là đồng mưu, "Tả Thần Sách trung úy" Điền Lệnh Tư nhận hối lộ của Thì Phổ nên lệnh cho ngự sử đài xét hỏi, song Lý Tổn vẫn giữ được mạng sống do "Đồng bình chương sự" Tiêu Cấu (蕭遘) can thiệp.
Trong khi đó, quân của Hoàng Sào bao vây Trần châu cùng thứ sử Triệu Thù (趙犨). Thì Phổ cùng với Tuyên Vũ tiết độ sứ Chu Toàn Trung và Trung Vũ tiết độ sứ Chu Ngập đều suất quân đến cứu viện Triệu Thù. Thì Phổ liên tục giành chiến thắng trước các đội quân của Hoàng Sào và chư hầu là Phụng Quốc tiết độ sứ Tần Tông Quyền. Tuy nhiên, ba vị tiết độ sứ này nhận thấy họ không thể tự mình đương đầu với Hoàng Sào nên quyết định cầu viện Hà Đông tiết độ sứ Lý Khắc Dụng. Sau khi Lý Khắc Dụng tiến đến và đánh bại quân Hoàng Sào tại Trần châu, tướng chính của Hoàng Sào là Thượng Nhượng đã đầu hàng Thì Phổ.
Lý Khắc Dụng sau đó triệt thoái do mâu thuẫn với Chu Toàn Trung, tuy nhiên, Thì Phổ vẫn khiển bộ tướng Lý Sư Duyệt đem một vạn lính đuổi theo Hoàng Sào. Lý Sư Duyệt cùng Thượng Nhượng giao chiến với Hoàng Sào tại Duyện châu, kết quả là quân Hoàng Sào chiến bại và bị tiêu diệt gần hết, bản thân Hoàng Sào chạy trốn đến Lang Hổ Cốc. Ngày 13 tháng 7 năm 884, Lâm Ngôn giết chết Hoàng Sào, đem thủ cấp đến trình Thì Phổ. Tuy nhiên, trên đường đến trại của Thì Phổ, Lâm Ngôn chạm trán với quân Sa Đà và Bác Dã, quân Sa Đà và Bác Dã giết chết Lâm Ngôn và đem các thủ cấp đến trình Thì Phổ. Do lập được công lao hàng đầu trong việc tiêu diệt Hoàng Sào, Thì Phổ được bổ nhiệm là "kiểm hiệu thái úy", "Trung thư lệnh", và phong tước "Cự Lộc quận vương".
Chiến dịch chống lại Tần Tông Quyền.
Mặc dù Hoàng Sào đã bị tiêu diệt, song Tần Tông Quyền vẫn tiếp tục đem quân tiếp tục cướp phá các quân lân cận, và đến năm 885 thì xưng đế. Đường Hi Tông bổ nhiệm Thì Phổ là 'Thái châu tứ diện hành doanh binh mã đô thống'. (Mặc dù Thì Phổ là đô thống song sử liệu phần lớn chỉ mô tả các trận chiến giữa Chu Toàn Trung với Tần Tông Quyền.)
Năm 887, Hoài Nam xảy ra chiến sự, một số phe nhóm tranh giành quyền kiểm soát quân này, triều định đã bổ nhiệm Chu Toàn Trung kiêm chức Hoài Nam tiết độ sứ để bình định khu vực. Chu Toàn Trung bổ nhiệm Dương Hành Mật là Hoài Nam tiết độ phó sứ, và bổ nhiệm Tuyên Vũ hành quân tư mã Lý Phan (李璠) là Hoài Nam lưu hậu. Chu Toàn Trung viết thư cho Thì Phổ, yêu cầu cho Lý Phan đi qua Cảm Hóa trên đường đến Hoài Nam, song Thì Phổ bực tức trước việc chức tiết độ sứ Hoài Nam về tay Chu Toàn Trung trong khi bản thân có thâm niên hơn. Khi Lý Phan đến Tứ châu thuộc Cảm Hóa, Thì Phổ đã tiến hành phục kích, song nhờ người hộ tống là nha tướng Quách Ngôn (郭言) lực chiến nên Lý Phan đã chạy thoát. Từ thời điểm đó, kình địch giữa Tuyên Vũ và Cảm Hóa bùng phát thành chiến tranh. (Chu Toàn Trung cuối cùng đã không thể kiểm soát được Hoài Nam do Dương Hành Mật đối kháng và Thì Phổ can thiệp.)
Vào mùa xuân năm 888, triều đình đã cho Chu Toàn Trung thay thế chức "đô thống" chống Tần Tông Quyền của Thì Phổ, Tần Tông Quyền sau đó bị thủ hạ bắt giữ và đầu hàng Chu Toàn Trung. Điều này càng khiến quan hệ giữa Chu Toàn Trung và Thì Phổ trở nên xấu đi.
Chống Chu Toàn Trung.
Vào mùa xuân năm 889, bộ tướng của Chu Toàn Trung là Bàng Sư Cổ chiếm được Tú Thiên, và tiến vào Lã Lương. Thì Phổ suất quân giao chiến với Bàng Sư Cổ, song chiến bại và buộc phải chạy về Từ châu. Một tướng khác của Tuyên Vũ là Chu Trân (朱珍) sau đó chiếm được Tiêu huyện. Chu Toàn Trung sau đó đích thân dẫn quân đến, giết chết Chu Trân vì tội giết Lý Đường Tân (李唐賓), rồi tiến công Thì Phổ, nhưng vì gặp những trận mưa xối xả nên đành ra lệnh triệt thoái. Khi Thì Phổ cầu viện Lý Khắc Dụng, Lý Khắc Dụng đã phái Thạch Quân Hòa (石君和) đến giúp Thì Phổ.
Vào mùa hè năm 890, tướng Tú châu là Trương Quân (張筠) đã trục xuất thứ sử Trương Thiệu Quang (張紹光) do Chu Toàn Trung bổ nhiệm và quay sang trung thành với Thì Phổ. Đáp lại, Chu Toàn Trung suất quân tiến công Tú châu. Thì Phổ cố gắng giúp Trương Quân bằng cách cướp phá Đãng Sơn, Chu Toàn Trung khiển nhi tử là Chu Hữu Dụ đi giao chiến với Thì Phổ. Chu Hữu Dụ đánh bại Thì Phổ, bắt được Thạch Quân Hòa.
Vào mùa hè năm 891, bộ tướng Đinh Hội (丁會) của Chu Toàn Trung bao vây Tú châu, Trương Quân đầu hàng Đinh Hội vào mùa đông cùng năm, sau đó bộ tướng của Thì Phổ là Lưu Trí Tuấn (劉知俊) cũng đầu hàng Chu Toàn Trung. Việc Lưu Trí Tuấn đầu hàng gây ảnh hưởng hết sức tiêu cực cho quân đội của Thì Phổ, và từ đó đội quân này không thể phục hồi.
Chiến tranh kéo dài giữ Tuyên Vũ và Cảm Hóa đã tàn phá ba châu của Cảm Hóa vẫn nằm trong tay Thì Phổ: Từ châu, Tứ châu và Hào châu, khiến nông dân không thể canh tác và nguồn lương thực bị cạn kiệt, đặc biệt là hậu quả sau trận lụt lớn vào mùa xuân năm 892. Quân tiếp viện do Lý Khắc Dụng, Thiên Bình tiết độ sứ Chu Tuyên, và Thái Ninh tiết độ sứ Chu Cẩn đều không thể giúp Thì Phổ chống trả Chu Toàn Trung. Vào mùa xuân năm 892, Thì Phổ cầu hòa, Chu Toàn Trung chấp thuận, theo đó Thì Phổ sẽ về Trường An và triều đình sẽ cử người khác nhậm chức tại Cảm Hóa. Khi Chu Toàn Trung thượng tấu, Đường Chiêu Tông đã bổ nhiệm "Đồng bình chương sự" Lưu Sùng Vọng (劉崇望) làm Cảm Hóa tiết độ sứ, Thì Phổ nhậm chức "Thái tử thái sư". Tuy nhiên, Thì Phổ lo sợ rằng Chu Toàn Trung có ý lừa ông rời Từ châu rồi giết chết, vì thế từ chối nhượng lại chức vụ cho Lưu Sùng Vọng, Lưu Sùng Vọng trở về Trường An.
Trong khi đó, Thì Phổ phái một đội quân tiến về phía nam công chiếm Sở châu từ tay Chu Toàn Trung. Vào mùa hè năm 892, Dương Hành Mật khiển bộ tướng là Trương Huấn (張訓) và Lý Đức Thành (李德誠) đến tranh Sở châu, họ đánh bại quân của Thì Phổ và chiếm được Sở châu, bắt giữ thứ sử Lưu Toản (劉瓚) do Chu Toàn Trung bổ nhiệm. Vào mùa đông năm 892, Hào châu thứ sử Trương Toại (張璲) và Tứ châu thứ sử Trương Gián (張諫) đầu hàng Chu Toàn Trung, Thì Phổ nay chỉ còn kiểm soát Từ châu. Trước đó, Chu Toàn Trung khiển Chu Hữu Dụ suất quân tiến công Bộc châu của Thái Bình quân, và sau khi Chu Hữu Dụ chiếm được Bộc châu, Chu Toàn Trung lại khiển nhi tử chỉ huy cuộc bao vây chống Thì Phổ.
Vào mùa xuân năm 893, Thì Phổ phản công và giết chết Quách Ngôn ở Tú châu. Khi Chu Cẩn đem quân từ Thái Ninh đến tiếp viện cho Thì Phổ, Chu Hữu Dụ cùng một tướng Tuyên Vũ khác là Hoắc Tồn (霍存) đã giao chiến và đánh bại liên quân. Chu Cẩn chạy về Thái Ninh, song Thì Phổ giết được Hoắc Tồn trên chiến trường. Sau đó, Chu Hữu Dụ bao vây Từ châu, từ chối giao chiến khi Thì Phổ thách thức. Dưỡng tử của Chu Toàn Trung là Chu Hữu Cung (朱友恭) vu cáo Chu Hữu Dụ đồng lõa với Thì Phổ và Chu Cẩn, Chu Toàn Trung vì thế bổ nhiệm Bàng Sư Cổ thay thế Chu Hữu Dụ. Bàng Sư Cổ tiếp tục bao vây Từ châu trong vài tháng và cuối cùng chiếm được Bành Thành, Thì Phổ đưa gia tộc lên Đăng Tử lâu (燕子樓) rồi phóng hỏa tự sát. Chu Toàn Trung đoạt được Cảm Hóa. | 1 | null |
Thôi Chiêu Vĩ (, ? - 896), tên tự Uẩn Diệu (蘊曜), là một quan lại triều Đường, từng giữ chức tể tướng dưới triều đại của Đường Chiêu Tông. Theo sách sử cổ, ông không trung thành với Đường Chiêu Tông và thao túng triều đình cùng với các hoạn quan và các quân phiệt Lý Mậu Trinh, Vương Hành Du. Sau khi Lý Khắc Dụng đánh bại Vương Hành Du và Lý Mậu Trinh phải phục tùng, Đường Chiêu Tông cho đày ải rồi giết Thôi Chiêu Vĩ.
Thân thế.
Theo "Cựu Đường thư" và "Tân Đường thư", Thôi Chiêu Độ là người Thanh Hà, gia tộc ông có nguồn gốc từ nước Tề thời nhà Chu; và theo Tể tướng thế hệ biểu trong "Tân Đường thư" thì miêu tả rằng ông thuộc nhánh "Nam Tổ" của thị tộc, với các thành viên là những quan lại của nhà Hán, Tào Ngụy, nhà Tấn, Hậu Triệu, Lưu Tống, Bắc Ngụy, Bắc Tề, Bắc Chu, và nhà Đường. Theo liệt truyện về Thôi Chiêu Độ trong "Cựu Đường thư", tổ phụ ông là Thôi Tí (崔庇) từng giữ chức Toan Tảo huyện úy, còn phụ thân ông là Thôi Nghiễn (崔巘) từng giữ chức Ngạc Nhạc quan sát sứ, song Tể tướng thế hệ biểu trong "Tân Đường thư" không ghi Thôi Tí và Thôi Nghiễn có các chức vụ này, và phần liệt truyện về Thôi Chiêu Vĩ trong "Tân Đường thư" thì không ghi chép gì về họ. Thôi Chiêu Vĩ có ít nhất hai huynh: Thôi Chiêu Phù (崔昭符) và Thôi Chiêu Nguyên (崔昭原), và ít nhất một đệ là Thôi Chiêu Củ (崔昭矩).
Sự nghiệp ban đầu.
Sau đó, Thôi Chiêu Vĩ thi đỗ "Tiến sĩ" và dưới triều đại của Đường Chiêu Tông, ông giữ chức (không rõ là đồng thời hay kế tiếp) "Trung thư xá nhân", "Hàn lâm học sĩ", "Hộ bộ thị lang". Năm 891, sau khi triều đình chiến bại trước Hà Đông tiết độ sứ Lý Khắc Dụng, các "Đồng bình chương sự" (tức tể tướng) Trương Tuấn và Khổng Vĩ bị bãi chức, "Hàn lâm học sĩ thừa chỉ"/"Binh bộ thị lang" Thôi Chiêu Vĩ được bổ nhiệm giữ chức "Đồng bình chương sự" cùng với Từ Ngạn Nhược.
Làm Đồng bình chương sự.
Theo mô tả, trong khi giữ chức tể tướng, Thôi Chiêu Vĩ trở nên xảo trá và ghen tị với những người khác về thâm niên hoặc tài năng. Ông liên kết với các hoạn quan và quân phiệt lân cận kinh thành để nâng cao quyền lực của mình trong triều. Ông đặc biệt liên lạc chặt chẽ với Phượng Tường tiết độ sứ Lý Mậu Trinh và Tĩnh Nan tiết độ sứ Vương Hành Du. Do đó, khi Đường Chiêu Tông bắt đầu kế hoạch thảo phạt Lý Mậu Trinh và Vương Hành Du vào năm 893 và sai "Đồng bình chương sự" Đỗ Nhượng Năng chịu trách nhiệm lên kế hoạch, theo ghi chép thì Đỗ Nhượng Năng nói gì vào buổi sáng thì đến tối hai quân phiệt này đều biết. Cũng trong năm đó, sau khi đánh bại quân triều đình, theo lời thúc giục của Thôi Chiêu Vĩ, Lý Mậu Trinh và Vương Hành Du tiến quân về Trường An. Thôi Chiêu Vĩ ghen tức với Đỗ Nhượng Năng nên đã thông tin cho hai tiết độ sứ rằng chiến dịch này của triều đình là theo đề xuất của Đỗ Nhượng Năng, hai quân phiệt sau đó buộc Đường Chiêu Tông phải ra lệnh cho Đỗ Nhượng Năng tự sát.
Từ đó trở đi, Đường Chiêu Tông không còn cai trị một cách độc lập được nữa, nếu bất cứ đại thần nào đề xuất việc mà Thôi Chiêu Vĩ phản đối, Thôi Chiêu Vĩ sẽ lệnh cho người trong tộc là Thôi Đĩnh (崔鋋) báo cho Vương Hành Du, và lệnh cho Vương Siêu (王超) báo cho Lý Mậu Trinh. Hai quân phiệt này sau đó sẽ trình tấu phản đối đề xuất, và nếu như Đường Chiêu Tông vẫn còn do dự, họ sẽ tiếp tục trình tấu đe dọa Hoàng đế. Năm 893, theo tiến cử của Thôi Chiêu Vĩ, một họ hàng xa của ông là Thôi Dận cũng được ban chức "Đồng bình chương sự".
Cũng trong năm 893, Tuyên Vũ tiết độ sứ Chu Toàn Trung đã đề nghị chuyển "Diêm-thiết chuyển vận" đến trị sở của ông ta tại Biện châu (汴州). Thôi Chiêu Vĩ phản đối, lấy lý do là Chu Toàn Trung vừa mới đại thắng trước Cảm Hóa tiết độ sứ Thì Phổ và Thiên Bình tiết độ sứ Chu Tuyên, cho rằng nếu nay lại cho phép Chu Toàn Trung nắm giữ "Diêm thiết chuyển vận" thì sẽ không còn kiểm soát được người này. Đường Chiêu Tông đồng ý và ban một chiếu chỉ từ chối đề nghị của Chu Toàn Trung.
Năm 894, Đường Chiêu Tông bổ nhiệm Lý Hề giữ chức "Đồng bình chương sự", Thôi Chiêu Vĩ do không ưa Lý Hề và lo sợ rằng Lý Hề sẽ khiến quyền lực của mình bị ảnh hưởng, ông liền xúi giục "Thủy bộ lang trung" Lưu Tri Chế (劉崇魯) mặc áo tang và khóc lóc trong lúc thượng triều, lên tiếng phản đối Lý Hề, kết quả là Đường Chiêu Tông giáng chức Lý Hề. Tuy nhiên, đến năm 895 thì Đường Chiêu Tông lại bổ nhiệm Lý Hề làm "Đồng bình chương sự", Thôi Chiêu Độ bất mãn nên lệnh cho Thôi Đĩnh- nay là tiết độ phó sứ dưới quyền Vương Hành Du- thông báo cho Vương Hành Du rằng Lý Hề và Vi Chiêu Độ thuộc phe của Hoàng đế, chống lại Vương Hành Du và Lý Mậu Trinh. Vương Hành Du và Lý Mậu Trinh do đó liên tục trình tấu yêu cầu bãi chức của Lý Hề; Đường Chiêu Tông buộc phải chấp thuận. Tuy nhiên, sau một sự kiện khác, Vương Hành Du cùng Lý Mậu Trinh và Trấn Quốc tiết độ sứ Hàn Kiến tiến quân về kinh thành, tự ý xử tử Lý Hề và Vi Chiêu Độ.
Đến khi Lý Khắc Dụng tiến đánh liên quân Lý/Vương/Hàn, Đường Chiêu Tông chạy trốn đến Tần Lĩnh, Thôi Chiêu Vĩ cùng Từ Ngạn Nhược và Vương Đoàn, đi theo Hoàng đế. Sau khi Lý Khắc Dụng đánh bại Lý Mậu Trinh và Vương Hành Du, Thôi Chiêu Vĩ mất đi đồng minh, và sau khi Đường Chiêu Tông trở về Trường An, Thôi Chiêu Vĩ bị giáng làm "Hữu bộc xạ".
Qua đời.
Một thời gian ngắn sau, Đường Chiêu Tông lại đày ải Thôi Chiêu Vĩ, về mặt chính thức bổ nhiệm ông là Ngô châu tư mã. Trên đường đi lưu đày, Thôi Chiêu Vĩ viết thư cho Chu Toàn Trung, hy vọng Chu Toàn Trung sẽ can thiệp giúp mình. Tuy nhiên, thay vào đó, Đường Chiêu Tông lại ban chết cho Thôi Chiêu Vĩ. Trung sứ đem chiếu chỉ đuổi kịp Thôi Chiêu Vĩ tại Kinh Nam và chém đầu ông. | 1 | null |
Thôi Dận () (854-1 tháng 2 năm 904), tên tự Thùy Hưu (垂休), là một quan lại triều Đường, giữ chức "Đồng bình chương sự" trong triều đại của Đường Chiêu Tông. Ông cố gắng tiêu diệt các hoạn quan trong triều, và theo quan điểm truyền thống thì ông là người đã góp phần khiến Đại Đường diệt vong.
Thân thế.
Thôi Dận sinh năm 854, dưới triều đại của Đường Tuyên Tông. Ông xuất thân từ thị tộc Thôi ở Thanh Hà, xưng là hậu duệ của vương tộc nước Tề thời cổ, và có các tổ tiên làm quan dưới các triều đại Tần, Hán, Tào Ngụy, Tấn, Hậu Triệu, Nam Yên, Lưu Tống, Bắc Ngụy, Bắc Tề, và Đường. Cha của Thôi Dận là Thôi Thận Do (崔慎由), từng giữ chức "Đồng bình chương sự" dưới triều đại của Đường Tuyên Tông. Thôi Dận có ít nhất một huynh là Thôi Xương Hà (崔昌遐). (Theo liệt truyện về hoạn quan Cừu Sĩ Lương trong "Tân Đường thư", Thôi Dận phát triển lòng căm hận các hoạn quan từ đầu đời khi Thôi Thận Do kể lại với ông về một sự kiện diễn ra vào đầu triều đại của Đường Văn Tông, khi Cừu Sĩ Lương cố gắng lật đổ Hoàng đế.)
Sự nghiệp ban đầu.
Sau khi thi đỗ "Tiến sĩ", ông phụng sự cho Hà Trung tiết độ sứ Vương Trọng Vinh. (Vương Trọng Vinh giữ chức Hà Trung tiết độ sứ từ năm 881 đến khi qua đời vào năm 887.) Sau đó, ông nhập triều, lần lượt đảm nhiệm các chức vụ "Khảo công viên ngoại lang" rồi "Lại bộ viên ngoại lang". Sau đó, ông lần lượt được thăng làm "Lang trung", "Cấp sự trung", và "Trung thư xá nhân", Trong những năm Đại Thuận (890-891) thời Đường Chiêu Tông, Thôi Dận lần lượt giữ chức "Binh bộ thị lang", "Lễ bộ thị lang". (Theo ghi chép thì việc ông liên tục được thăng chức là do có một quan hệ thân cận với tể tướng Thôi Chiêu Vĩ- không phải là một người họ hàng gần, song xem ông là đồng tộc.)
Làm tể tướng lần thứ nhất.
Nhờ có mối quan hệ với Thôi Chiêu Vĩ, Thôi Dận trở thành tể tướng vào năm 893 với tên chức vụ chính thức là "Đồng bình chương sự", ngoài ra còn nhậm chức"Hộ bộ thị lang". Là một tể tướng, ông được mô tả là trong lòng thì xảo hiểm xong bề ngoài thì tỏ ra khoan dung. (thúc của ông là tướng Thôi An Tiềm nhận xét: "Phụ huynh của ta khắc khổ để lập ra môn hộ, song cuối cùng Truy lang [tức Thôi Dận] lại hủy hoại!".)
Năm 895, khi Vương Trọng Vinh qua đời ở Hà Đông (đương thời đổi tên thành Hộ Quốc), xảy ra tranh chấp quyền kế vị giữa con nuôi-cháu trai ruột Vương Kha và con trai ruột là Vương Củng của ông ta. Đường Chiêu Tông sau đó dàn xấp bằng việc bổ nhiệm Thôi Dận đi nhậm chức Hộ Quốc tiết độ sứ, song vẫn được giữ chức "Đồng bình chương sự" như một chức vụ danh dự, Vương Đoàn thay thế cương vị tể tướng của ông.
Làm tể tướng lần thứ hai.
Tuy nhiên, điều này không giúp chấm dứt tranh chấp, và theo lời xúi giục của Thôi Chiêu Vĩ, ba tiết độ sứ ủng hộ Vương Củng: Lý Mậu Trinh, Vương Hành Du và Hàn Kiến cùng tiến quân về Trường An, giết chết Lý Hề và Vi Chiêu Độ, buộc Đường Chiêu Tông phải chấp thuận yêu cầu của họ; đáp lại, nhạc phụ của Vương Kha là Lý Khắc Dụng suất quân tiến đánh. Đường Chiêu Tông lo sợ bị Mậu Trinh hay Hành Du bắt nên chạy trốn đến Tần Lĩnh. Thôi Dận cùng tể tướng Từ Ngạn Nhược và Vương Đoàn tháp tùng Hoàng đế. Sau khi Lý Khắc Dụng đánh bại Vương Hành Du, Đường Chiêu Tông trở về Trường An, Thôi Dận lại trở thành "Đồng bình chương sự", ngoài ra còn giữ chức "Trung thư thị lang"; tuy nhiên đồng minh Thôi Chiêu Vĩ của ông bị đày ải rồi bị hành quyết.
Năm 896, Lý Mậu Trinh lại tiến công Trường An, Đường Chiêu Tông và các quan lại triều đình chạy đến Hoa châu nương nhờ Hàn Kiến. Tuy nhiên, tại Hoa châu, Hàn Kiến khống chế triều đình. Do Hàn Kiến đề xuất, Hoàng đế quyết định cho Thôi Dận đi giữ chức Vũ An tiết độ sứ, vẫn được giữ chức "Đồng bình chương sự" như một chức vụ danh dự, thay thế chức tể tướng của Thôi Dận là Lục Ỷ.
Làm tể tướng lần thứ ba.
Tuy nhiên, Thôi Dận lại bí mật cầu viện Tuyên Vũ tiết độ sứ Chu Toàn Trung, đề xuất với quân phiệt này rằng ông ta có thể giành được vị thế khi sửa sang cung điện ở đông đô Lạc Dương và thỉnh cầu Đường Chiêu Tông dời đô về Lạc Dương. Chu làm theo ý của Thôi Dận, ngoài ra cũng huy động binh sĩ. Biểu do Chu Toàn Trung dâng lên Đường Chiêu Tông cũng nói rằng Thôi Dận là một bầy tôi trung thành với Hoàng đế, vì thế không nên bị cử đến phương trấn. Hàn Kiến lo sợ sẽ bị Chu Toàn Trung tiến đánh nên rút lại đề xuất, Đường Chiêu Tông sau đó giữ Thôi Dận ở lại trong triều và lại cho ông làm "Đồng bình chương sự", cùng Thôi Viễn. Thôi Dận không hài lòng vì Lục Ỷ từng thay thế mình, sau đó liền vu cáo Lụ Ỷ là một đồng minh của Lý Mậu Trinh, kết quả là Lục Ỷ bị phái đi làm Hạp châu thứ sử, đồng nghĩa với bị đi lưu đày.
Thôi Dận tiếp tục giữ chức tể tướng cho đến năm 899, tức khi Đường Chiêu Tông trở về Trường An. Sau đó, Thôi Dận chuyển sang đảm nhiệm chức "Trung thư thị lang" và "Lại bộ thượng thư"; Lục Ỷ nay nhập triều và được thay thế chức tể tướng của ông. (Trong nhiệm kỳ làm tể tướng 896-899, Thôi Dận bí mật lập mưu cùng Hoàng đế đồ sát các hoạn quan. Vương Đoàn lo sợ trước hậu quả của hành động này nên đã kêu gọi tiết chế. Khi Thôi Dận bị bãi chức tể tướng vào năm 899, ông cáo buộc Vương Đoàn đứng đằng sau hành động bãi chức này và từ đó kết thù oán với Vương Đoàn; ông cũng cáo buộc Vương Đoàn liên kết với các xu mật sứ Chu Đạo Bật (朱道弼) và Cảnh Vụ Tu (景務脩).)
Làm tể tướng lần thứ tư.
Phục chức.
Năm 900, Thôi Dận được cử đi nhậm chức Thanh Hải tiết độ sứ, mang chức vụ danh dự "Đồng bình chương sự". Thôi Dận cho rằng Vương Đoàn muốn cố gắng loại bỏ mình nên đã viết thư cho Chu Toàn Trung xin giúp đỡ. Đáp lại, Chu Toàn Trung nhiều lần dâng biểu buộc tội Vương Đoàn cấu kết với Chu Đạo Bật và Cảnh Vụ Tu, thúc giục Hoàng đế giữ Thôi Dận ở lại triều làm tể tướng. Do vậy, Thôi Dận được triệu về Trường An khi đang trên đường đến Thanh Hải. Khi về đến Trường An, ông lại trở thành tể tướng, đồng thời cũng giữ chức "Tư không", "Môn hạ thị lang". Thoạt đầu, Vương Đoàn bị giáng chức, còn Chu Đạo Bật và Cảnh Vụ Tu bị đưa đi làm giám quân ở phương trấn, sau đó cả ba đều nhận được lệnh phải tự sát. Sau sự việc này, quyền lực thực tế trong triều đình của Thôi Dận càng tăng thêm, và các hoạn quan trở nên căm ghét ông. Theo ghi chép, do ông ghen tị với quan tước của Từ Ngạn Nhược, Từ Ngạn Nhược đã phải xin đi nhậm chức ở Thanh Hải quân.
Xung đột với hoạn quan.
Các chỉ huy của Thần Sách quân là "Tả quân trung úy" Lưu Quý Thuật và "Hữu cung trung úy" Vương Trọng Tiên (王仲先), cùng các xu mật sứ mới là Vương Ngạn Phạm (王彥範) và Tiết Tề Ách (薛齊偓) lo sợ trước các hành động tiếp theo của Thôi Dận và Đường Chiêu Tông, và họ bắt đầu kế hoạch phế truất Chiêu Tông và đưa thái tử Lý Dụ lên ngôi. Vào mùa đông năm 900, các hoạn quan hành động, họ huy động binh sĩ của Thần Sách quân và buộc các quan lại triều đình, bao gồm Thôi Dận, phải ký vào một kiến nghị thỉnh cầu Đường Chiêu Tông truyền ngôi cho Thái tử, Đường Chiêu Tông buộc phải chấp thuận. Lưu Quý Thuật sát hại một số quan lại, hoạn quan, thị nữ và một số người khác được Đường Chiêu Tông cảm mến, song lại do dự trong việc giết chết Thôi Dận vì sợ rằng Chu Toàn Trung sẽ có phản ứng quyết liệt. Thay vào đó, các hoạn quan chỉ bãi chức "Diêm-thiết chuyển vận sứ" của ông.
Trong khi đó, Thôi Dận viết thư cho Chu Toàn Trung để thúc giục quân phiệt này huy động binh sĩ phục vị cho Đường Chiêu Tông. Do đó, Chu Toàn Trung đã giam giữ các sứ giả của Lưu Quý Thuật, phái thuộc hạ là Lý Chấn đến Trường An để trực tiếp trao đổi với Thôi Dận về các hành động tiếp theo. Thôi Dận cũng khiển phán quan Thạch Tiển (石戩) đi thuyết phục "Tả Thần Sách chỉ huy sứ" Tôn Đức Chiêu (孫德昭) lên kế hoạch tiến hành phản binh biến. Sau đó, Tôn Đức Chiêu thuyết phục các đồng sự là Đổng Ngạn Bật (董彥弼) và Chu Thừa Hối (周承誨) cùng tham gia phản binh biến. Đến mùa xuân năm 901, họ giết chết Lưu Quý Thuật, Vương Ngạn Phạm, Vương Trọng Tiên; Tiết Tề Ách tự sát. Sau khi được phục vị, Đường Chiêu Tông càng tin tưởng Thôi Dận hơn.
Sau khi Đường Chiêu Tông phục vị, Thôi Dận thúc giục Hoàng đế tước quyền kiểm soát Thần Sách quân của các hoạn quan và giao quyền này lại cho Thôi Dận và Lục Ỷ; biện luận rằng thay đổi này không chỉ giúp chấm dứt quyền lực của các hoạn quan mà còn giúp đối phó với các quân phiệt. Tuy nhiên, hành động này bị cả Lý Mậu Trinh (khi đó đang ở Trường An) và ba sĩ quan của Thần Sách quân từng giúp Hoàng đế phuc vị, phản đối. Đường Chiêu Tông do đó trao quyền chỉ huy Thần Sách quân cho các hoạn quan Hàn Toàn Hối và Trương Ngạn Hoằng (張彥弘). Thôi Dận lo sợ trước cảnh Thần Sách quân lại về tay các hoạn quan, vì thế bí mật yêu cầu Lý Mậu Trinh để lại 3.000 lính Phượng Tường tại kinh sư, cho dưỡng tử là Lý Kế Quân (李繼筠) chỉ huy, mục đích là để làm đối trọng — bất chấp ý của học sĩ Hàn Ác (韓偓) rằng điều này chỉ làm phức tạp tình hình. Cũng trong khoảng thời gian này, theo tiến cử Thôi Dận, thuộc hạ cũ của ông là Vương Bạc cũng được bổ nhiệm làm tể tướng, cùng với Bùi Xu.
Sau đó, Thôi Dận cũng cố gắng giảm bớt số tiền cấp cho Thần Sách quân bằng cách chấm dứt độc quyền mua bán men của quân đội. Lý Mậu Trinh lo ngại rằng binh lính Phượng Tường sẽ bị ảnh hưởng nên quyết định phản đối, và đích thân đến Trường An để trình bày với Hoàng đế. Khi Lý Mậu Trinh ở tại Trường An, Hàn Toàn Hối nhân cơ hội này đã thiết lập mối liên kết với Lý Mậu Trinh. Thôi Dận biết về sự việc, sau đó ông tăng cường mối quan hệ của mình với Chu Toàn Trung, đối lập với Lý Mậu Trinh.
Vào mùa hè năm 901, Thôi Dận và Đường Chiêu Tông lại thảo luận về việc đồ sát các hoạn quan, họ liên lạc bí mật với nhau, song các hoạn quan lại để một vài thị nữ biết đọc chữ trong cung làm gian tế, vì thế các hoan quan cũng biết được các kế hoạch của hai người. Khi Thôi Dận biết chuyện, ông lo sợ rằng các hoạn quan sẽ ra tay với mình trước, do đó ông đã viết thư cho Chu Toàn Trung để xin quân phiệt này huy động binh lính tiến về Trường An chống lại các hoạn quan. Vào mùa đông năm 901, các hoạn quan quan đứng đầu là Hàn Toàn Hối buộc Đường Chiêu Tông phải chạy đến Phượng Tường, Thôi Dận và Lý Kế Chiêu (tức Tôn Đức Chiêu) vẫn ở lại Trường An và đợi Chu Toàn Trung tiến đến, sau đó cùng hợp binh. Chu Toàn Trung cho di tản Thôi Dận cùng các quan lại triều đình khác, cũng như các cư dân còn lại ở Trường An, đến Hoa châu (nay thuộc về Chu Toàn Trung).
Sau đó, Chu Toàn Trung bao vây quân thành của Phượng Tường, trong khi tiến công và đoạt lấy các lãnh địa của Lý Mậu Trinh ở Quan Trung. (Trong khi bị bao vây, các hoạn quan buộc Đường Chiêu Tông phải hạ chỉ bãi chức tể tướng của Thôi Dận và Bùi Xu, song không có hiệu quả trên thực tế.) Do Bình Lô tiết độ sứ Vương Sư Phạm (王師範) về phe các hoạn quan, thuộc cấp của ông ta là Trương Cư Hậu (張居厚) tiến công Hoa châu, giết chết tri châu sự Lâu Kính Tư (婁敬思), song Thôi Dận sau đó đã đem quân tiến công và đánh bại Trương Cư Hậu, Trương Cư Hậu chạy trốn song bị bắt.
Lý Mậu Trinh sau đó đã giết chết các hoạn quan, bày tỏ ý định đầu hàng, yêu cầu Đường Chiêu Tông triệu Thôi Dận đến Phượng Tường và phục hồi toàn bộ các quan tước của Thôi Dận, Lý Mậu Trinh cũng đích thân viết thư cho Thôi Dận với lời lẽ khiêm tốn. Thoạt đầu, Thôi Dận lo sợ đây là cái bẫy của Lý Mậu Trinh nên từ chối, song do Chu Toàn Trung yêu cầu ông làm trung gian hòa giải, và thuyết phục ông đến Phượng Tường. Sau đó, Lý Mậu Trinh đưa Hoàng đế đến cho Chu Toàn Trung, Chu Toàn Trung và Thôi Dận hộ tống Hoàng đế quay trở về Trường An. Theo đề xuất của Thôi Dận và Chu Toàn Trung, Đường Chiêu Tông ban chiếu chỉ đồ sát các hoạn quan, kết thúc một thời kỳ lâu dài mà các hoạn quan trong triều có quyền lực to lớn. Thôi Dận kiêm "Lục quân thập nhị vệ sự". Cũng theo đề xuất của Thôi Dận, các tể tướng Tô Kiểm và Lô Quang Khải bị buộc phải tự sát do là đồng minh với Lý Mậu Trinh, còn Vương Bạc bị bãi chức tể tướng.
Mâu thuẫn với Chu Toàn Trung.
Sau đó, Chu Toàn Trung rời khỏi Trường An, song để một đội quân Tuyên Vũ ở lại, cho cháu là Chu Hữu Luân (朱友倫) thống lĩnh. Mặc dù Thôi Dận và Chu Toàn Trung là đồng minh lâu năm, song Thôi Dận bắt đầu trở nên lo ngại rằng Chu Toàn Trung muốn khống chế triều đình rồi soán vị. Do đó, Thôi Dận đề nghị Đường Chiêu Tông cho mình tái lập cấm binh. Vào mùa đông năm 903, Chu Hữu Luân qua đời trong một tai nạn, song Chu Toàn Trung thì tin rằng Thôi Dận đứng đằng sau việc này. Chu Toàn Trung phái Chu Hữu Lượng (朱友諒) đi thay thế Chu Hữu Luân, và còn khiển các binh sĩ Tuyên Vũ thâm nhập vào cấm quân do Thôi Dận tái thiết. Vào mùa xuân năm 904, Chu Toàn Trung dâng biểu cho Đường Chiêu Tông buộc tội Thôi Dận và Kinh Triệu doãn Trịnh Nguyên Quy (鄭元規) và Uy viễn quân sứ Trần Ban (陳班) mưu phản. Đường Chiêu Tông do đó đã hạ chỉ giáng Thôi Dận làm "Thái tử thiếu phó", nhậm chức ở Lạc Dương. Không lâu sau, các binh sĩ của Chu Toàn Trung bao vây phủ của Thôi Dận và giết chết ông, cùng với Trịnh Nguyên Quy và Trần Ban. | 1 | null |
Thượng Nhượng () là một nhân vật trong cuộc khởi nghĩa Hoàng Sào vào cuối thời nhà Đường, từng giữ chức Thái úy khi Hoàng Sào lập ra triều Đại Tề. Đến khi Hoàng Sào sắp bị tiêu diệt vào năm 884, Thượng Nhượng đã quay sang quy phục tướng Đường là Thì Phổ, tham gia chiến dịch tiêu diệt quân Hoàng Sào, sau đó ông bị Thì Phổ sát hại.
Thân thế.
Thượng Nhượng có ít nhất một anh là Thượng Quân Trường, Thượng Quân Trường cùng Vương Tiên Chi đã nổi dậy chống triều đình Đường vào năm 874 tại Trường Viên. Thượng Nhượng có vẻ đã theo anh trai tham gia cuộc nổi dậy này, và sau đó trở thành một thuộc hạ của Vương Tiên Chi.
Phụng sự Vương Tiên Chi.
Năm 876, Thượng Nhượng đã trở thành một chỉ huy trong hàng ngũ quân nổi dậy của Vương Tiên Chi, vào năm đó, Chiêu thảo phó sứ/Đô giám Dương Phục Quang đã thượng tấu lên Đường Hy Tông, nói rằng Thượng Nhượng đã chiếm cứ Tra Nha Sơn, buộc quan quân phải triệt thoái về Đặng châu.
Cũng trong năm 876, Vương Tiên Chi và Hoàng Sào xảy ra mâu thuẫn về thỏa thuận hòa bình với triều đình Đường. Hậu quả là quân nổi dậy đã bị phân thành hai nhóm, một nhóm đi theo Vương Tiên Chi và Thượng Quân Trường, và một nhóm theo Hoàng Sào. Có lẽ, Thượng Nhượng tiếp tục đi theo Vương Tiên Chi và Thượng Quân Trường, mặc dù ngay sau đó, Thượng Nhượng đã hội quân với Hoàng Sào tại Tra Nha Sơn. Năm 877, Thượng Quân Trường bị quân Đường bắt rồi bị Đường Hy Tông xử tử, các nỗ lực đàm phán giữa Vương Tiên Chi và triều đình cũng chấm dứt.
Vào mùa xuân năm 878, tướng Đường là Tăng Nguyên Dụ (曾元裕) đã đánh bại và giết chết Vương Tiên Chi. Thượng Nhượng đem dư chúng của Vương Tiên Chi đến hội quân với Hoàng Sào, từ đó phụng sự Hoàng Sào.
Phụng sự Hoàng Sào.
Trước khi Hoàng Sào xưng đế.
Vào thời điểm Thượng Nhượng gia nhập vào nghĩa quân của Hoàng Sào, Hoàng Sào đang bao vây Bạc châu. Thượng Nhượng đề nghị Hoàng Sào xưng vương, Hoàng Sào sau đó xưng là "Xung Thiên đại tướng quân" và cải nguyên "Vương Bá" để thể hiện độc lập với triều đình Đường.
Sau đó, Thượng Nhượng theo Hoàng Sào nam tiến đến khu vực nay là Quảng Đông rồi lại về bắc vào năm 879. Thượng Nhượng tham gia vào trận đánh chống lại tướng Đường là Lý Hệ (李係) tại Đàm châu, ông tiêu diệt quân của Lý Hệ. Sau đó, Thượng Nhượng cùng với đội quân (được mô tả là có 50 vạn tinh binh) tiến công Giang Lăng, khiến Vương Đạc phải chạy trốn. Sau đó, Hoàng Sào và Thượng Nhượng tiến công Sơn Nam Đông đạo, song chiến bại trước tiết độ sứ Lưu Cự Dung (劉巨容) và tướng Tào Toàn Trinh (曹全晸). Hoàng Sào và Thượng Nhượng chạy trốn, song Lưu Cự Dung và Tào Toàn Trinh lại ngừng truy kích, vì thế Hoàng Sào và Thượng Nhượng có thể tái thiết lực lượng.
Năm 880, Hoàng Sào tiến về Trường An, Đường Hi Tông phải chạy trốn đến Thành Đô. Khi Hoàng Sào tiến vào Trường An, Thượng Nhượng đã tuyên bố với dân chúng:
Bất chấp tuyên bố của Thượng Nhượng, các binh sĩ của Hoàng Sào vẫn thường xuyên cướp phá kinh thành, cả Hoàng Sào và Thượng Nhượng đều không thể ngăn cản họ. Không lâu sau, Hoàng Sào xưng đế và đặt quốc hiệu là "Đại Tề". Thượng Nhượng được bổ nhiệm giữ giức "Thái úy" và "Trung thư lệnh".
Phụng sự Đại Tề.
Tướng Đường là Trịnh Điền tiếp tục kháng cự Đại Tề ở Phượng Tường, vì thế vào mùa xuân năm 881, Hoàng Sào đã khiển Thượng Nhượng và Vương Bá (王播) suất 5 vạn quân tiến công Trịnh Điền. Quân Đại Tề xem nhẹ Trịnh Điền, tuy nhiên Trịnh Điền cùng với Đường Hoằng Phu (唐弘夫) đã giăng bẫy quân Đại Tề ở Long Vĩ pha, kết quả là quân Đại Tề bị tiêu diệt.
Trong khi đó, tại Trường An có người viết thơ châm biến các quan lại Đại Tề ở cửa Thượng thư tỉnh. Thượng Nhượng tức giận, đã khoét mắt các đầy tớ làm việc tại tỉnh và cho treo ngược họ, trong khi bắt tất cả những người có khả năng làm thơ trong thành, sát hại khoảng 3.000 người trong số họ.
Ngay sau đó, quân Đường dưới quyền chỉ huy của Đường Hoằng Phu, Vương Trọng Vinh, Vương Xử Tồn và Thác Bạt Tư Cung và Trịnh Điền đã bao vây Trường An, Hoàng Sào đã triệt thoái khỏi kinh thành một thời gian ngắn. Sau đó, Hoàng Sào phản công và chiếm lại Trường An, khiến quân Đường tổn thất nặng nề. Tiếp theo, quân Đường và quân Đại Tề liên tục giao chiến bên ngoài thành với kết quả bất phân thắng bại. Vào một trận chiến mùa thu năm 881, Thượng Nhượng đã hội quân với Chu Ôn đẩy lui các tướng Đường là Lý Hiếu Xương (李孝昌) và Thác Bạt Cung tại Đông Vị Kiều, gần Trường An. Tuy nhiên, khi Thượng Nhượng tiến công Nghi Quân trại) vào mùa thu năm 882, ông đã gặp phải một cơn bão tuyết khắc nghiệt, khiến cho khoảng 20-30% binh sĩ của ông chết cóng.
Vào mùa xuân năm 883, sau khi Lý Khắc Dụng đến hợp binh, quân Đường lại gây áp lực lên quân Đại Tề trong thành Trường An. Thượng Nhượng thống soái khoảng 15 vạn quân Đại Tề đi giao chiến với liên quân của Lý Khắc Dụng, Vương Trọng Vinh, Vương Xử Tồn và Dương Phục Quang, kết quả quân Đại Tề bị tiêu diệt. Trong khi đó, các tướng Đại Tề là Vương Phan (王璠) và Hoàng Quỹ (黃揆, em của Hoàng Sào) đã tái chiếm Hoa châu, song sau lại bị Lý Khắc Dụng bao vây. Hoàng Sào phái Thượng Nhượng đi giải vây cho Hoa châu. Tuy nhiên, không lâu sau, Hoàng Sào phải bỏ Quan Trung và chạy về phía đông, có lẽ Thượng Nhượng đi theo Hoàng Sào.
Khi Hoàng Sào bao vây Trần châu, Thượng Nhượng đóng quân tại Thái Khang. Hoàng Sào bao vây Trần châu khoảng 10 tháng song không chiếm được thành, trong khi đó quân Đường tiến công Thượng Nhượng và chiếm được Thái Khang cùng Tây Hoa- do Hoàng Tư Nghiệp (黃思鄴) trấn thủ, Thượng Nhượng và Hoàng Tư Nghiệp buộc phải chạy trốn. Kế tiếp, Hoàng Sào cũng trở nên lo sợ và từ bỏ bao vây Trần châu.
Hoàng Sào sau đó chuyển sang tiến công Biện châu, nơi Chu Ôn (nay quy phục triều Đường và cải danh thành Chu Toàn Trung) làm tiết độ sứ. Thượng Nhượng đem 5.000 kị binh tiến công Biện châu, song chiến bại trước các bộ tướng của Chu Toàn Trung là Chu Trân (朱珍) và Bàng Sư Cổ (龐師古). Lý Khắc Dụng hay tin Hoàng Sào tiến công Biện châu thì nhanh chóng tiến đến, tiêu diệt quân Đại Tề khi họ đang vượt sang bờ bắc Hoàng Hà. Thượng Nhượng đầu hàng một trong các tướng Đường tham gia vào chiến dịch là Cảm Hóa tiết độ sứ Thì Phổ.
Phụng sự Đường và qua đời.
Thượng Nhượng sau đó trở thành tướng dưới quyền Thì Phổ, Thì Phổ đã khiển Lý Sư Duyệt (李師悅) và Thượng Nhượng truy kích Hoàng Sào. Họ đuổi kịp Hoàng Sào tại Hà Khâu và tiêu diệt quân Hoàng Sào. bản thân Hoàng Sào chạy trốn đến Lang Hổ Cốc, sau đó bị cháu là Lâm Ngôn (林言) giết chết.
Sau khi Hoàng Sào chết, Thì Phổ đã sát hại Thượng Nhượng, người vợ Lưu thị của Thượng Nhượng trở thành thiếp của Thì Phổ, sau đó trở thành vợ của Kính Tường- một thuộc hạ thân tín của Thì Phổ. | 1 | null |
Trịnh Điền (, 821?/825?-883?), tên tự Đài Văn (臺文), gọi theo thụy hiệu là Huỳnh Dương Văn Chiêu công, là một quan lại vào cuối thời nhà Đường, từng hai lần giữ chức tể tướng dưới triều đại của Đường Hy Tông. Ông tham gia nhiều vào chiến dịch trấn áp cuộc nổi dậy của Hoàng Sào.
Thân thế.
Nếu giả định Trịnh Điền mất năm 883, ông có thể sinh năm 821 hoặc 825. Gia tộc của ông có nguồn gốc từ Huỳnh Dương, chỉ có thể truy nguyên xa đến kị của ông là Trịnh Thiểu Lân (鄭少鄰)- Trịnh châu tư sĩ tham quân. Trịnh Thiểu Lân cũng như ông của Trịnh Điền là Trịnh Mục (鄭穆) và cha của Trịnh Điền là Trịnh Á (鄭亞), đều thi đỗ "Tiến sĩ", và trong khi Trịnh Mục giữ đến chức [huyện] lệnh, Trịnh Á nổi tiếng với tài năng của bản thân rồi trở thành một thân tín của Lý Đức Dụ- người có quyền lực rất lớn dưới triều đại của Đường Vũ Tông, và từng giữ chức "Chính nghị đại phu". Ngoài Trịnh Điền, Trịnh Á còn có hai người con nhỏ tuổi hơn là Trịnh Tuấn (鄭畯) và Trịnh Bì (鄭毗).
Khởi đầu sự nghiệp.
Trịnh Điền thi đỗ "Tiến sĩ" vào năm 18 tuổi âm, sau đó ông phụng sự dưới quyền Tuyên Vũ tiết độ sứ, chức quan đến "Bí thư tỉnh", "Hiệu thư lang". Vào năm 22 tuổi âm, trong Lại bộ điều tuyển, ông thể hiện được tài năng xuất chúng trong thư pháp và phán đoán, được nhậm chức Vị Nam úy trực, "sử quán sự". Tuy nhiên, trước khi có thể đảm nhiệm các vị trí này, vào năm 847, do có quan hệ với Lý Đức Dụ- người thất thế dưới thời Đường Tuyên Tông, Trương Á bị giáng làm Quế châu thứ sử, Trịnh Điền theo cha đến Quế châu, cha ông qua đời ở đó. Trong thời gian Đường Tuyên Tông trị vì, triều đình nằm dưới quyền chi phối của "Đồng bình chương sự" Bạch Mẫn Trung (白敏中) và sau đó là Lệnh Hồ Đào (令狐綯), cả hai đều không ưa Lý Đức Dụ, và Trịnh Điền không giữ chức quan triều đình nào trong một thời gian dài.
Thời Đường Ý Tông.
Trong những năm "Hàm Thông" (860-874) thời Đường Ý Tông, sau khi Lệnh Hồ Đào rời khỏi triều đình Trường An đến nhậm chức ở phiên trấn, Hà Đông tiết độ sứ Lưu Chiêm (劉瞻) mời Trịnh Điền đến làm "tòng sự" cho mình. Sau đó, Trịnh Điền được triệu hồi về Trường An giữ chức "Ngu bộ viên ngoại lang". Tuy nhiên, "hữu thừa" Trịnh Huân (鄭薰) vốn thuộc đảng của Lệnh Hồ Đào, người này ngăn cản Trịnh Điền nhậm chức hành sự khi vu cáo Trịnh Điền, Trịnh Điền lại phải rời khỏi Trường An đi làm "tòng sự". Đến năm 864, Trịnh Điền lại được triệu hồi về Trường An để nhậm chức "Hình bộ viên ngoại lang".
Sau khi Lưu Chiêm trở thành "Đồng bình chương sự" vào năm 869, ông ta tiến cử Trịnh Điền, Trịnh Điền do vậy được thăng chức làm "Hàn lân học sĩ", "Hộ bộ lang trung". Trịnh Điền ngay sau đó cũng chịu trách nhiệm soạn thảo các sắc lệnh, và được trao chức "Trung thư xá nhân". Trong chiến dịch trấn áp cuộc nổi dậy của Bàng Huân, Trịnh Điền phần lớn soạn thảo các sắc lệnh liên quan đến việc quân, và theo ghi chép thì các đồng sự ngưỡng mộ ông vì tốc độ viết và nét chữ tinh tế. Ông tiếp tục được thăng chức "Hộ bộ thị lang", và sau khi cuộc nổi dậy của Bàng Huân bị dập tắt, ông giữ thêm chức "Hàn Lâm học sĩ thừa chỉ".
Năm 870, sau khi con gái là Đồng Xương công chúa qua đời, Đường Ý Tông thương tiếc công chúa nên đã hành quyết các hàn lâm y quan không thể cứu chữa cho công chúa, và bắt giữ khoảng 300 thành viên trong gia tộc của họ. Lưu Chiêm cố gắng can thiệp giúp họ và khiến Đường Ý Tông tức giận. Do "Đồng bình chương sự" Lộ Nham và phò mã Vi Bảo Hành vu cáo, Lưu Chiêm bị đưa đi lưu đày. Khi Trịnh Điền nhận được lệnh soạn thảo chiếu chỉ tuyên bố việc Lưu Chiêm phải đi lưu đày, ông đã sử dụng ngôn từ mà bề ngoài là trách tội Lưu Chiêm song thực ra là ca ngợi. Lô Nham do đó đã lệnh đày ải Trịnh Điền và giáng ông làm Ngô châu thứ sử.
Thời Đường Hy Tông.
Làm Đồng bình chương sự lần thứ nhất.
Đường Ý Tông qua đời năm 873, kế vị là Đường Hy Tông, Trịnh Điền dần chuyển đến gần kinh sư hơn — đầu tiên là đến Sâm châu và sau đó là đến Giáng châu. Sau đó, ông được triệu hồi về Trường An giữ chức "Hữu tán kị thường thị".
Năm 874, "Lại bộ thị lang" Trịnh Điền được bổ nhiệm giữ chức "Binh bộ thị lang", "Hàn lâm học sĩ thừa chỉ", "Đồng bình chương sự". Vào thời điểm đó, theo như thông thường thì Nam binh được tiếp tế lương thực từ năm đạo ở phía bắc, việc tiếp tế được tiến hành bằng đường biển và thường xuyên xảy ra tai nạn đắm tàu gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Theo đề xuất của Trịnh Điền, chức "Lĩnh Nam diêm-thiết chuyển vận sứ" chuyển giao cho Lĩnh Nam Đông đạo tiết độ sứ Vi Hà (韋荷), người này được quyền nấu nước biển lấy muối để bán, sau đó dùng số tiền thu được để mua lương thực từ các châu ở phía nam của Giang Tây. Theo ghi chép thì sau đó nguồn cung cấp thực phẩm cho Nam binh trở nên đầy đủ hơn. Kế tiếp, Lĩnh Nam cung quân phó sứ Vương Sư Phủ (王師甫) thỉnh được kiêm chức "tổng binh" và hứa sẽ dâng cho triều đình mỗi năm 20 vạn xâu tiền, Trịnh Điền cho rằng Sư Phủ dùng lợi để dụ triều đình nhằm mưu đoạt binh lính của Vi Hà. Kết quả là Vương Sư Phủ bị bãi chức, còn Trịnh Điền được phong tước "Huỳnh Dương quận hầu".
Năm 876, phần trung tâm và nam của Đại Đường bị nhấn chìm trong các cuộc khởi nghĩa nông dân, trong đó có cuộc nổi dậy của Vương Tiên Chi. Các đề xuất của Trịnh Điền nhằm ứng phó với cuộc nổi dậy phần lớn bị lờ đi. Do vậy, ông xin từ vị, song Đường Hy Tông không chấp thuận. Năm 877, xảy ra tranh chấp giữa Trịnh Điền với đồng cấp là Vương Đạc và Lô Huề, Vương Đạc và Lô Huề muốn Trương Tự Miễn (張自勉) nằm dưới quyền chỉ huy của Tống Uy (宋威), song Trịnh Điền phản đối vì sợ Tống Uy sẽ lạm quyền mà giết chết Tự Miễn. Do hai bên mâu thuẫn gay gắt, Vương Đạc và Lô Huề thượng biểu xin được bãi miễn chức vị, còn Trịnh Điền thượng biểu được về dưỡng bệnh, Đường Hy Tông đều không cho phép. (Mẹ của Trịnh Điền và của Lô Huề là tỉ muội của nhau).
Năm 878, Trịnh Điền và Lô Huề lại xảy ra tranh chấp lớn, lần này là việc gả một công chúa Đại Đường cho hoàng đế Nam Chiếu (lúc này có quốc hiệu "Đại Phong Dân") là Long Thuấn để kết "hòa thân" giữa hai bên, theo đề xuất của tiết độ sứ Cao Biền. Lô Huề ủng hộ "hòa thân", trong khi Trịnh Điền phản đối. Trong lúc tranh luận, Lô Huề đã ném một nghiên mực xuống nền nhà, khiến nó bị vỡ. Khi Đường Hy Tông hay tin thì nói: "Đại thần mắng nhiếc lẫn nhau, sao có thể làm gương cho tứ hải?" Do vậy, cả Trịnh Điền và Lô Huề đều bị bãi chức 'Đồng bình chương sự', giáng làm 'thái tử tân khách' và phái đến đông đô Lạc Dương, thay thế họ là Đậu Lô Triện và Thôi Hàng.
Phượng Tường tiết độ sứ.
Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau khi bị cách chức, Trịnh Điền được triệu hồi về Trường An giữ chức "Lại bộ thượng thư". Năm sau, ông nhậm chức Phượng Tường tiết độ sứ. Trong thời gian ở Phượng Tường, ông tuyển mộ được 500 tinh binh, và theo ghi chép thì nhờ các tinh binh này mà nạn cướp bóc trong quân giảm bớt.
In 880, thủ lĩnh nổi dậy Hoàng Sào công chiếm kinh sư Trường An, Đường Hy Tông chạy hướng đến Thành Đô. Tên đường đi, Hoàng đế có qua Lạc Cốc, Trịnh Điền đã chắn đường và khẩn cầu Hoàng đế không rời khỏi vùng lân cận Trường An, mời Hoàng đế đến Phượng Tường. Tuy nhiên, Đường Hy Tông sợ Hoàng Sào sẽ tiếp tục tiến công nên từ chối, và nói giao cho Trịnh Điền chịu trách nhiệm phòng thủ chống Hoàng Sào tiếp tục tiến công. Theo đề nghị của Trịnh Điền, Đường Hy Tông trao cho Trịnh Điền quyền được tự mình hành động.
Khi Trịnh Điền trở lại Phượng Tường, binh lính Phượng Tường lo sợ sẽ bị Hoàng Sào tiến công, và do đó xuất hiện những lời rì rầm rằng Trịnh Điền nên quy phục Hoàng Sào. Hoàng Sào xưng là hoàng đế Đại Tề, và phái sứ giả đến Phượng Tường tuyên bố đại xá. Trịnh Điền từ chối gặp sứ giả của Tề, thay vào đó thề nguyện cùng các binh lính rằng sẽ bảo vệ Đường. Tại thời điểm đó, có nhiều cấm binh không thể kịp theo Hoàng đế đến Thành Đô, Trịnh Điền đã gọi họ đến Phượng Tường và hợp nhất và đội quân của ông, dùng tài sản của mình để úy lạo họ. Khi Hoàng Sào tiếp tục phái bộ tướng Vương Huy (王暉) đến Phượng Tường để thuyết phục Trịnh Điền quy phục, Trịnh Điền liền chém đầu Vương Huy. Sau đó, Đường Hy Tông lại ban cho Trịnh Điền chức "Đồng bình chương sự", và "Kinh thành tứ diện chư quân hành doanh đô thống".
Vào mùa xuân năm 881, Hoàng Sào khiển bộ tướng Thượng Nhượng và Vương Bá (王播) suất quân tiến công Phượng Tường. Quân Tề xem Trịnh Điền là quan văn không biết gì về việc quân sự, vì thế không đề phòng chặt chẽ. Trịnh Điền phản công cùng đồng minh là Đường Hoằng Phu (唐弘夫), đại thắng quân Tề ở Long Vĩ pha. Sau đó, Trịnh Điền truyền hịch kêu gọi binh lính toàn Đại Đường tiến công Đại Tề. Theo ghi chép thì nhờ tuyên bố của Trịnh Điền mà người dân Đại Đường mới biết rằng Đường Hy Tông vẫn còn sống.
Vào mùa hè năm 881, liên quân Trịnh Điền, Đường Hoằng Phu, Trình Tông Sở (程宗楚), Vương Trọng Vinh, Vương Xử Tồn, và Thác Bạt Tư Cung cùng kéo về Trường An, Hoàng Sào bỏ thành. Tuy nhiên, sau khi quân Đường tiến vào Trường An, họ bắt đầu cướp phá kinh thành, đến nỗi bị sa lầy. Quân Tề sau đó phản công, giết Trình Tông Sở và Đường Hoằng Phu, các đội quân Đường khác tổn thất lớn, và họ buộc phải từ bỏ Trường An, kinh sư lại về tay quân Tề.
Do hậu quả của chiến dịch, các kho của Phượng Tường trở nên cạn kiệt. Đến mùa đông năm 881, Phượng Tường hành quân tư mã Lý Xương Ngôn- đang đóng quân tại Hưng Bình, tiến hành kích động các binh lính và dẫn họ về Phượng Tường để tiến công Trịnh Điền. Trịnh Điền không muốn thấy cảnh binh lính Đường chém giết lẫn nhau nên đã đầu hàng và chạy đến Thành Đô. Khi Trịnh Điền đến Phượng châu, ông dâng biểu cho Đường Hy Tông để xin từ vị. Đường Hy Tông hạ chiếu bổ nhiệm Lý Xương Ngôn là Phượng Tường tiết độ sứ, cho Trịnh Điền làm "Thái tử thiếu phó", văn phòng tại đông đô Lạc Dương.
Đồng bình chương sự lần hai.
Vào mùa xuân năm 882, Đường Hy Tông triệu Trịnh Điền đến Thành Đô, trao cho Trịnh Điền các chức vụ "Tư đồ", "Môn hạ thị lang", "Đồng bình chương sự". Mặc dù triều đình đang lưu vong, Trịnh Điền vẫn kiên quyết tuân theo nguyên tắc — như vào năm 883, Trịnh Điền đã mắng "Tả Thần sách trung úy" Điền Lệnh Tư và Tây Xuyên tiết độ sứ Trần Kính Tuyên khi ông từ chối yêu cầu của Điền Lệnh Tư là thăng chức cho thân tín Ngô Viên (吳圓) và Trần Kính Tuyên thì muốn có chức quan cao hơn. Do đó, Điền Lệnh Tư và Trần Kính Tuyên đã xúi giục Lý Xương Ngôn thượng ngôn sẽ không cho Trịnh Điền qua Phượng Tường khi triều đình trở về Trường An, Trịnh Điền đành xin từ vị. Đường Hy Tông giáng Trịnh Điền làm "Thái tử thái bảo". Con của ông là "Binh bộ thị lang" Trịnh Ngưng Tích (鄭凝積) được bổ nhiệm giữ chức Bành châu thứ sử, Trịnh Điền theo đến Bành châu dưỡng bệnh. Ông qua đời ngay sau đó. | 1 | null |
Trương Tuấn (張濬, ? - 20 tháng 1 năm 904), [[Tên chữ (người)|tên tự]] Vũ Xuyên (禹川), là một quan lại [[triều Đường]], từng giữ đến chức "Đồng bình chương sự" dưới triều đại của [[Đường Hy Tông]] và [[Đường Chiêu Tông]]. Vào đầu triều đại của Đường Chiêu Tông, Trương Tuấn là một người tán thành việc triều đình đoạt lại quyền lực từ các [[tiết độ sứ]], song buộc phải thối hưu sau khi quân triều đình do ông thống lĩnh chiến bại trước [[Lý Khắc Dụng]]. Đến cuối triều đại của Đường Chiêu Tông, triều đình trên thực tế nằm trong tay [[Hậu Lương Thái Tổ|Chu Toàn Trung]], người này lo ngại Trương Tuấn sẽ cản trở việc soán vị nên đã sát hại Trương Tuấn cùng gia tộc của ông.
Thân thế.
Trương Tuấn là người Hà Gian và xưng là hậu duệ của [[Trương Nhĩ]]- một đồng minh của [[Hán Cao Tổ]] trong [[chiến tranh Hán-Sở|Hán-Sở tranh hùng]], và sau trở thành chư hầu vương Triệu quốc đầu thời Hán, song tổ tiên của ông chỉ có thể truy nguyên xa đến Trương Tiện (張羨)- một viên quan triều [[Bắc Chu]] được ban họ [[Tiên Ti]] là Sất La (叱羅), song nhi tử là Trương Chiếu (張照) lại cải về họ Trương thời [[nhà Tùy]]. Các hậu duệ của Trương Chiếu phụng sự cho [[nhà Tùy]] và nhà Đường. Tổ phụ của Trương Tuấn là Trương Trọng Tố (張仲素) từng giữ đến chức "Trung thư xá nhân", song cha ông là Trương Đạc (張鐸) lại không phụng sự cho triều đình, hoặc chỉ có chức quan rất thấp. Ông có ít nhất hai đệ: Trương Vịnh (張泳) và Trương Hàng (張沆).
Theo ghi chép, Trương Tuấn là người tài giỏi, không gò bó, học nhiều văn sử, thích dùng đại ngôn, nên các kẻ sĩ thường không đánh giá tốt về ông. Do vậy, thoạt đầu ông không thể khởi đầu nghiệp làm quan, đi ở ẩn tại Kim Phượng Sơn (金鳳山) và dành thời gian học các thuật do [[Quỷ Cốc Tử]] truyền lại, hy vọng sẽ có thể dùng chúng trong những thời điểm khó khăn.
Sự nghiệp ban đầu.
Trong thời gian đi ở ẩn, Trương Tuấn gặp xu mật sứ [[Dương Phục Cung]], Dương Phục Cung tiến cử Trương Tuấn giữ chức "Thái thường bác sĩ". Trương Tuấn sau đó được bổ nhiệm là "Độ chi viên ngoại lang".
Năm 880, khi [[loạn Hoàng Sào|quân nổi dậy]] [[Hoàng Sào]] tiến gần đến kinh sư [[Trường An]], Trương Tuấn xưng bệnh và đem mẹ cùng gia tộc đến tị nạn ở Thương châu. Đến khi Hoàng Sào công chiếm Trường An, "Tả Thần Sách trung úy" [[Điền Lệnh Tư]] đưa [[Đường Hy Tông]] chạy hướng đến [[Thành Đô]]. Khi Đường Hy Tông qua Hưng Nguyên, đoàn triều đình chạy loạn cạn kiệt nguồn cung lương thực. Hán Âm lệnh Lý Khang (李康) đến gặp Hoàng đế cùng với hàng trăm con la chở lương thực. Khi Hoàng đế hỏi sao Lý Khang có thể nghĩ ra việc này, Lý Khang bẩm rằng ông ta được Trương Tuấn nhắc nhở. Sau đó, Đường Hy Tông triệu Trương Tuấn đến và bổ nhiệm ông giữ chức "Binh bộ lang trung". Sau đó, Trương Tuấn cũng lấy lòng Điền Lệnh Tư, bao gồm cả việc khấu đầu trước Điền Lệnh Tư, song chuốc lấy hổ thẹn khi Điền Lệnh Tư công khai chuyện này. Việc này cũng xúc phạm Dương Phục Cung, do Dương Phục Cung và Điền Lệnh Tư là đối thủ, đặc biệt là do Trương Tuấn sau khi lấy lòng Điền Lệnh Tư thì không còn để ý đến Dương Phục Cung.
Năm 882, "Chư đạo hành doanh đô thống" [[Vương Đạc (nhà Đường)|Vương Đạc]] đến Nghĩa Thành để giám sát chiến dịch chống Hoàng Sào. Trương Tuấn tháp tùng Vương Đạc và giữ chức "đô thống phán quan". Đương thời, [[Vương Kính Vũ]]- người cai quản Bình Lô, chấp thuận chức quan do Hoàng Sào ban cho, và khi Vương Đạc khiển Trương Tuấn đến Bình Lô cố gắng thuyết phục Vương Kính Vũ hợp binh với triều đình chống Hoàng Sào, Vương Kính Vũ thoạt đầu từ chối gặp mặt Trương Tuấn. Trương Tuấn trách mắng Vương Kính Vũ, và sau đó Vương Kính Vũ cho phép ông nói chuyện với các binh lính; Trương Tuấn sau đó biện luận với các binh lính địa phương rằng quân triều đình sẽ sớm đánh bại Hoàng Sào, và nay là lúc để học lập nên công trạng. Các binh sĩ nghe theo lời của Trương Tuấn, Vương Hành Du quy phục triều đình Đường và khiển binh đi tăng viện.
Sau khi Hoàng Sào bị đánh bại và Đường Hy Tông trở về Trường An, Trương Tuấn được bổ nhiệm giữ chức "Hộ bộ thị lang". Năm 887, ông được bổ nhiệm giữ chức "Binh bộ thị lang", "Đồng bình chương sự" (tức tể tướng). Khi biết tin, Hà Đông tiết độ sứ [[Lý Khắc Dụng]] lên tiếng phản đối với Hoàng đế, cho rằng Trương Tuấn chỉ giỏi ăn nói và sẽ có ngày làm nguy hại đến đế chế. Trương Tuấn từ đó mang thù oán với Lý Khắc Dụng.)
Làm Đồng bình chương sự.
[[Đường Chiêu Tông]] lên kế vị vào năm 888 do nhận được sự ủng hộ của Dương Phục Cung, Trương Tuấn tiếp tục giữ chức "Đồng bình chương sự". Sau đó, cả Trương Tuấn và đồng cấp là [[Khổng Vĩ]] đều tán thành triệt tiêu quyền hành của các hoạn quan. Đường Chiêu Tông chấp thuận, và do biết rằng Dương Phục Cung có thù oán với Trương Tuấn nên Hoàng đế tin tưởng giao phó cho Trương Tuấn lên kế hoạch loại bỏ quyền lực của Dương Phục Cung. Trương Tuấn thường tự so sánh bản thân với [[Tạ An]] thời [[Đông Tấn]] và [[Bùi Độ]] trước đó. Hơn nữa, Trương Tuấn còn đề xuất rằng triều đình cần phải có quân đội riêng, Đường Chiêu Tông vì thế đã lập một đội cấm binh tuyển từ vùng [[Quan Trung]], được khoảng 10 vạn binh sĩ.
Năm 890, Đại Đồng phòng sự sứ [[Hách Liên Đạc]] cùng với Tuyên Vũ tiết độ sứ [[Hậu Lương Thái Tổ|Chu Toàn Trung]], Lô Long tiết độ sứ [[Lý Khuông Uy]] đều dâng biểu xin Đường Chiêu Tông tuyên bố Lý Khắc Dụng là kẻ phản loạn và phát lệnh thảo phạt. Khi Đường Chiêu Tông đề nghị các triều sĩ cho ý kiến, hầu hết đều phản đối, bao gồm các "Đồng bình chương sự" [[Đỗ Nhượng Năng]] và [[Lưu Sùng Vọng]], tuy nhiên Trương Tuấn và Khổng Vĩ thì muốn nhân cơ hội này để khẳng định lại quyền lực của Hoàng đế và sau đó triệt tiêu quyền lực của các hoạn quan. Do Trương và Khổng tích cực ủng hộ, Đường Chiêu Tông đã bỏ qua những lời can gián và chấp thuận, bổ nhiệm Trương Tuấn là "Hà Đông hành doanh đô chiêu thảo chế trí nghi úy sứ", "Kinh Triệu doãn", cho Tôn Quỹ (孫揆) làm phó. Khi đem quân rời đi, Trương Tuấn bẩm riêng với Đường Chiêu Tông: "Xin đợi Thần trừ ngoại ưu trước, sau đó vì Bệ hạ trừ nội loạn." Tuy nhiên, những lời này vẫn đến tai Dương Phục Cung, khiến vị hoạn quan này trở nên lo sợ Trương Tuấn. Khi Dương Phục Cung thiết tiệc cho Trương Tuấn để tiễn ông ra trận, Trương Tuấn đã từ chối uống khi Dương Phục Cung mời rượu. Dương Phục Cung mỉa mai "Tướng công trượng việt chuyên chinh, sao có thái độ như vậy?" Trương Tuấn đáp: "Đợi khi ta bình tặc trở về, sẽ thấy vì sao ta có thái độ như vậy." Điều này càng khiến Dương Phục Cung bực tức, ông ta sau đó liền cố gắng ngăn cản chiến dịch.
Thoạt đầu, triều đình chiếm thế thượng phong, được tăng viện thêm các binh sĩ từ Trấn Quốc, Tĩnh Nan, Phượng Tường, Bảo Đại), và Định Nan. Chu Toàn Trung tiến công lãnh địa của Lý Khắc Dụng từ đông nam, còn Hách Liên Đạc và Lý Khuông Uy tiến công từ phía đông bắc. Hơn nữa, ngay khi quân của Trương Tuấn suất quân, đệ của Lý Khắc Dụng là Chiêu Nghĩa tiết độ sứ Lý Khắc Cung (李克恭) bị thủ hạ ám sát, thủ phủ Lộ châu của quân này rơi vào tay Chu Sùng Tiết (朱崇節)- thuộc hạ của Chu Toàn Trung. Khi hay tin, Đường Chiêu Tông và Trương Tuấn không muốn Chiêu Nghĩa rơi vào tay Chu Toàn Trung nên đã bổ nhiệm Tôn Quỹ làm Chiêu Nghĩa tiết độ sứ, lệnh cho Tôn Quỹ đến nhậm chức ngay lập tức.
Tuy nhiên, khi Tôn Quỹ tiến đến Lộ châu, ông không bố trí phòng ngự chặt chẽ, sau đó dưỡng tử của Lý Khắc Dụng là [[Lý Tồn Hiếu]] tập kích và bắt được Tôn Quỹ. Sự việc này đã khiến quân triều đình suy giảm sĩ khí, sau đó Lý Tồn Hiếu bao vây Lộ châu, quân Tuyên Vũ triệt thoái khỏi Chiêu Nghĩa. Trong khi đó các dưỡng tử khác của Lý Khắc Dụng là Lý Tồn Tín (李存信) và [[Hậu Đường Minh Tông|Lý Tự Nguyên]] đánh bại Lý Khuông Uy và Hách Liên Đạc.
Quan quân giao chiến với Lý Khắc Dụng tại Phần châu. Trấn Quốc tiết độ sứ [[Hàn Kiến]] cố gắng giành thế chủ động khi tập kích Lý Tồn Hiếu vào ban đêm, song Lý Tồn Hiếu đã có phòng ngừa từ trước. Sau đó, quân Tĩnh Nan và Phượng Tường đột ngột rời khỏi doanh trại, quan quân mất tinh thần và tan rã. Quân Hà Đông truy kích, đuổi kịp Trương Tuấn tại Tấn châu. Trương Tuấn giao chiến với quân Hà Đông song thất bại, và sau đó các binh sĩ Bảo Đại và Định Nan cũng chạy trốn, Trương Tuấn chỉ còn quân triều đình Trung ương cùng quân Trấn Quốc và một số quân lính do Chu Toàn Trung phái đến. Trương Tuấn cố thủ Tấn châu, Lý Tồn Hiếu bao vây thành, song ba ngày sau đó, Lý Tồn Hiếu cảm thấy sẽ không có lợi nếu bắt một tể tướng và đồ sát quan quân nên đã bãi bỏ bao vây và cho phép Trương Tuấn cùng Hàn Kiến chạy trốn.
Lý Khắc Dụng dâng biểu với lời lẽ gay gắt cho Đường Chiêu Tông, cáo buộc Trương Tuấn sai trái khi tiến công ông ta. Đường Chiêu Tông cố gắng xoa dịu Lý Khắc Dụng khi giáng Trương Tuấn làm Vũ Xương tiết độ sứ, và giáng Khổng Vĩ làm Kinh Nam tiết độ sứ, và phục quan tước cho Lý Khắc Dụng. Tuy nhiên, Lý Khắc Dụng vẫn chưa hài lòng, vì thế Đường Chiêu Tông đành phải đày ải Trương Tuấn và Khổng Vĩ, trong đó Trương Tuấn trên danh nghĩa đi nhậm chức Liên châu thứ sử, và sau đó là Tú châu tư hộ.
Thối hưu lần đầu.
Ngay sau khi rời khỏi Trường An, đến Lam Điền, ông chạy trốn khỏi đoàn người hộ tống, đến Hoa châu nương nhờ Hàn Kiến, cả ông và Khổng Vĩ đều viết thư cho Chu Toàn Trung xin người này hãy ra mặt giúp họ. Sau đó, Chu Toàn Trung thượng biểu nói giúp cho Trương Tuấn và Khổng Vĩ, Đường Chiêu Tông quyết định hủy bỏ việc đày ải, cả Trương Tuấn và Khổng Vĩ sau đó đều ở Hoa châu với Hàn Kiến.
Trở về làm quan trong triều.
Năm 895, sau khi [[Lý Mậu Trinh]], [[Vương Hành Du]] tiến quân đến Trường An, giết chết [[Lý Hề]] và [[Vi Chiêu Độ]], Đường Chiêu Tông muốn tìm các tể tướng mới sẵn sàng đương đầu trước các quân phiệt. Do đó, Đường Chiêu Tông triệu Trương Tuấn- lúc này đang sống tại Trường Thủy, và Khổng Vĩ nhập triều giữ chức "Thái tử tân khách", sau đó thăng Trương Tuấn là "Binh bộ thượng thư", "Chư đạo tô dung sứ". Đầu năm 896, khi Chu Toàn Trung thượng biểu tiến cử Trương Tuấn làm tể tướng, Lý Khắc Dụng thượng biểu yêu cầu triều đình thảo phạt Chu Toàn Trung, và đe dọa sẽ tiến công cung điện nếu Trương Tuấn được bổ nhiệm, Đường Chiêu Tông vì thế không lập Trương Tuấn làm tể tướng.
Cũng vào năm 896, Lý Mậu Trinh lại tiến công Trường An, Đường Chiêu Tông chạy đến Hoa châu, sau đó nằm trong tầm kiểm soát của Hàn Kiến. Trương Tuấn tháp tùng Đường Chiêu Tông đến Hoa châu, bị bãi chức "Chư đạo tô dung sứ", sau đó được bổ nhiệm là "Hữu bộc xạ". Sau đó, ông lại tìm cách thối hưu, và được cho phép nghỉ ngơi với tước hiệu "Tả bộc xạ" mang tính danh dự. Ông lại trở về Trường Thủy.
Thối hưu lần hai.
Đến năm 900, các hoạn quan đã buộc Đường Chiêu Tông phải nhường ngôi cho Thái tử [[Lý Dụ]]. Biết tin, Trương Tuấn đến gặp Hựu Quốc tiết độ sứ [[Trương Toàn Nghĩa]] (張全義) để thúc giục người này phát binh phục vị cho Đường Chiêu Tông, Trương Tuấn cũng viết thư cho nhiều tiết độ sứ khác với nội dung tương tự. Tuy nhiên, sau đó Trường An đã diễn ra phản binh biến, Đường Chiêu Tông phục vị
Sau đó, khi Chu Toàn Trung công chiếm Trường An, và các hoạn quan đưa Hoàng đế đến Phượng Tường của Lý Mậu Trinh, Trương Tuấn gặp Chu Toàn Trung và thuyết phục ông ta rằng Hàn Kiến từng có một thời gian dài liên kết với Lý Mậu Trinh, vì thế cần phải loại bỏ. Do vậy, Chu Toàn Trung đã đoạt lấy Trấn Quốc và chuyển Hàn Kiến đến Trung Vũ.
Do Chu Toàn Trung vẫn bao vây Phượng Tường, [[Hàn Toàn Hối]] phái sứ giả đến nhiều quân, tuyên bố Chu Toàn Trung có ý làm phản và kêu gọi các tiết độ sứ đem quân đến cứu Hoàng đế. Nhi tử của Trương Tuấn là [[Lý Nghiễm]] (李儼)- nguyên danh Trương Bá (張播)- trở thành sứ giả đến gặp Hoài Nam tiết độ sứ [[Dương Hành Mật]], thuyết phục Dương Hành Mật suất binh, song sau đó Dương Hành Mật hành động rất ít. Nhi tử và người kế nhiệm Vương Kính Vũ là [[Vương Sư Phạm]] từng là đồng minh trong một thời gian dài với Chu Toàn Trung, song bị Trương Tuấn thuyết phục nên đã hành động, song cuối cùng vẫn không thành công. Kết quả, Lý Mậu Trinh đầu hàng, Đường Chiêu Tông rơi vào tay Chu Toàn Trung.
Chu Toàn Trung lo rằng khi ông ta soán vị triều Đường thì Trương Tuấn sẽ xúi giục các tiết độ khác chống lại mình, do đó đã phái Trương Toàn Nghĩa có hành động chống Trương Tuấn. Khoảng tết năm 904, Trương Toàn Nghĩa khiển nha tướng Dương Lân (楊麟) dẫn binh giả làm đạo tặc đến Trường Thủy để sát hại Trương Tuấn cùng gia tộc. Vĩnh Ninh huyện lại Diệp Ngạn (葉彥) trước đây được Trương Tuấn đối đãi tốt, người này đã phát hiện ra âm mưu và đến gặp nhi tử của Trương Tuấn là [[Trương Cách]] (張格) và nói: "Tướng công không thể thoát khỏi họa này, Lang quân nên tự lo liệu", Trương Tuấn sau đó nói với Trương Cách: "Con ở lại đây thì tất sẽ cùng chết, nếu đi thì nhà ta mới giữ được dòng giống", Trương Cách sau đó chia tay cha và chạy đến đất Thục, sau phụng sự cho [[Tiền Thục]]. Khi người của Dương Lân đến, họ bao vây biệt thự của Trương Tuấn, đồ sát toàn bộ gia quyến của ông.
Tham khảo.
[[Thể loại:Mất năm 904]]
[[Thể loại:Nhân vật chính trị nhà Đường]]
[[Thể loại:Nhân vật quân sự nhà Đường]]
[[Thể loại:Sinh thế kỷ 9]] | 1 | null |
Từ Ngạn Nhược (, ? - 901), tên tự Du Chi (俞之), là một quan lại triều Đường, từng giữ chức "Đồng bình chương sự" (tức tể tướng) dưới triều đại của Đường Chiêu Tông.
Thân thế.
Ông là hậu duệ đời thứ sáu của Từ Hữu Công (徐有功), một quan lại nổi tiếng trong triều đại của Võ Tắc Thiên. Gia tộc của ông xưng là hậu duệ của Cao Dao thời nhà Hạ và có các tổ tiên làm quan của nhà Tần, nhà Hán, Tào Ngụy, nhà Tấn, Lưu Tống, Nam Tề, Nam Lương, Nam Trần, và nhà Đường. Tổ phụ của ông là Từ Tể (徐宰)- từng giữ chức "Đại lý bình sự", cha ông là Từ Xương (徐商)- từng giữ chức "Đồng bình chương sự" trong triều đại của Đường Ý Tông. Từ Ngạn Nhược có ít nhất bốn đệ: Từ Nhân Tự (徐仁嗣), Từ Nhân Củ (徐仁矩), Từ Nhân Phạm (徐仁範), và Từ Nhân Úc (徐仁勗).
Khởi đầu sự nghiệp.
Từ Ngạn Nhược thi đỗ "Tiến sĩ" vào năm 872, dưới triều đại của Đường Ý Tông. Đến triều đại của Đường Hy Tông, ông giữ các chức vụ "Thượng thư lang", "Tri chế cáo", chính thức bái quan với chức "Trung thư xá nhân".
Đường Chiêu Tông sau đó bổ nhiệm Từ Ngạn Nhược giữ chức "Ngự sử trung thừa". Năm 891, sau khi quân triều đình chiến bại trước Hà Đông tiết độ sứ Lý Khắc Dụng, các "Đồng bình chương sự" Trương Tuấn và Khổng Vĩ bị bãi chức, Từ Ngạn Nhược và Thôi Chiêu Vĩ trở thành những người thay thế. Từ Ngạn Nhược cũng được giao cho chức "Hộ bộ thị lang".
Làm Đồng bình chương sự.
Năm 893, do muốn kiềm chế quân phiệt Lý Mậu Trinh, Đường Chiêu Tông bổ nhiệm Từ Ngạn Nhược giữ chức Phượng Tường tiết độ sứ. Vào mùa thu năm 893, Đường Chiêu Tông khiển Đàm vương Lý Tự Chu (李嗣周) suất ba vạn cấm quân hộ tống Từ Ngạn Nhược đến nhậm chức. Tuy nhiên, Lý Mậu Trinh và đồng minh là Tĩnh Nan tiết độ sứ Vương Hành Du huy động binh lính sẵn sàng chiến đấu với cấm binh. Các binh lính cấm binh hộ tống đều mới nhập ngũ, vì thế trông thấy quân đối phương thì hoảng sợ và bỏ chạy, Lý Mậu Trinh và Vương Hành Du tiến về Trường An. Đường Chiêu Tông buộc phải thu hồi lại chiếu chỉ bổ nhiệm Từ Ngạn Nhược, cho phép Lý Mậu Trinh làm tiết độ sứ của cả Phượng Tường và Sơn Nam Tây đạo. Sau khi nhập triều, Từ Ngạn Nhược giữ chức "Ngự sử đại phu".
Sau khi "Đồng bình chương sự" Trịnh Khể thối hưu vào năm 894, Từ Ngạn Nhược kế nhiệm; ngoài ra còn được giữ chức "Trung thư thị lang", "Lại bộ thượng thư". Khi Lý Mậu Trinh cùng Vương Hành Du và Trấn Quốc tiết độ sứ Hàn Kiến lại tiến công Trường An vào năm 895, giết chết Vi Chiêu Độ và Lý Hề, Đường Chiêu Tông chạy trốn đến Tần Lĩnh. Từ Ngạn Nhược cùng với Vương Đoàn và Thôi Chiêu Vĩ tháp tùng Hoàng đế; họ trở về Trường An sau khi Lý Khắc Dụng đánh bại liên quân. Sau khi trở về Trường An, Đường Chiêu Tông ban cho Từ Ngạn Nhược chức vụ "Khai phủ nghi đồng tam ty", giữ chức "Tư không", tiến phong Tề quốc công, ban danh "Phù nguy khuông quốc trí lý công thần".
Năm 896, Lý Mậu Trinh lại tiến công Trường An, Đường Chiêu Tông và triều đình lại chạy khỏi Trường An, đến Hoa châu theo lời mời của Hàn Kiến. Khi ở Hoa châu, Đường Hy Tông bổ nhiệm Từ Ngạn Nhược là "Đại Minh cung lưu thủ", kiêm "Kinh Kỳ an phủ chế trí đẳng xứ". Sau khi Đường Hy Tông trở về Trường An vào năm 898, Từ Ngạn Nhược được trao chức "Thái bảo", "Môn hạ thị lang".
Thanh Hải tiết độ sứ.
Vào mùa thu năm 900, Thôi Dận trở thành đại thần nhiều quyền lực nhất trong triều, ông ta ghen tị với quan tước của Từ Ngạn Nhược. Cảm nhận được điều này, Từ Ngạn Nhược xin từ vị, xin được đi giữ chức Thanh Hải tiết độ sứ, tận dụng thời cơ Thanh Hải tiết độ sứ đương nhiệm là Tiết vương Lý Tri Nhu là một trong số ít các tiết độ sứ còn tuân theo lệnh của triều đình và xin được thay thế. Đường Chiêu Tông sau đó bổ nhiệm Từ Ngạn Nhược là Thanh Hải tiết độ sứ, cho ông giữ lại chức "Đồng bình chương sự" như một chức quan danh dự. Trên đường đến Thanh Hải, Từ Ngạn Nhược qua Kinh Nam, tiết độ sứ Thành Nhuế đề cập đến việc cắt trả hai châu Lễ-Lãng, hai châu này nguyên thuộc Kinh Nam song sau đó về tay Vũ Trinh tiết độ sứ Lôi Mãn. Từ Ngạn Nhược từ chối đề nghị triều đình trao trả giúp Thành Nhuế, so sánh Thành Nhuế với Tề Hoàn công và Tấn Văn công và có thể tự mình đánh bại Lôi Mãn.
Từ Ngạn Nhược qua đời vào cuối năm 901, trong khi vẫn đang giữ chức Thanh Hải tiết độ sứ. Ông di biểu tiến cử "Hành quân tư mã" Lưu Ẩn làm quyền lưu hậu. Gia tộc Lưu Ẩn sau đó kế tập nắm quyền cai quản Thanh Hải quân, đệ của Lưu Ẩn là Lưu Nham cuối cùng đã lập ra nước Nam Hán trên cơ sở Thanh Hải quân. | 1 | null |
Vi Bảo Hành (, ? - 873), tên tự Uẩn Dụng (蘊用), là một quan lại triều Đường. Ông có quyền lực rất lớn vào cuối triều đại của nhạc phụ là Đường Ý Tông, chức quan lên đến thượng thư, tư đồ và trở thành quan lại quyền lực nhất trong triều đình. Tuy nhiên, sau khi Đường Ý hoàng đế giá băng thì ông bị cáo buộc phạm tội rồi bị đưa đi lưu đày, sau lại bị ép tự sát.
Thân thế.
Ông là thành viên của danh tộc họ Vi ở Kinh Triệu, thuộc chi được gọi là Bình Tề công — được đặt theo một trong các tổ tiên của ông là Vi Thiến (韋瑱), người mang tước Bình Tề công vào thời Bắc Chu. Tổ tiên phụ hệ của Vi Bảo Hành từng làm quan cho nhà Hán, Tào Ngụy, Bắc Ngụy, Bắc Chu, nhà Tùy, và nhà Đường. Tổ phụ của ông là Vi Nguyên Trinh (韋元貞) không được liệt kê giữ chức quan nào, mặc dù cả Vi Nguyên Trinh và phụ thân của Bảo Hành là Vi Khác (韋愨) đỗ "tiến sĩ", Vi Khác làm quan trong triều, cuối cùng được giữ chức Vũ Xương tiết độ sứ. Theo Tể tướng thế hệ biểu trong "Tân Đường thư", Vi Bảo Hành có ít nhất một huynh là Vi Đức Lân (韋德鄰), và có ít nhất năm đệ là Vi Bảo Ân (韋保殷), Vi Thận Tư (韋慎思), Vi Bảo Phạm (韋保範), Vi Bảo Nghệ (韋保乂), và Vi Bảo Hiệp (韋保合), sau đó họ đều được làm quan.
Thời Đường Ý Tông.
Năm 864, trong thời gian trị vì của Đường Ý Tông, Vi Bảo Hành thi đỗ "Tiến sĩ". Năm 869, khi Vi Bảo Hành đương giữ chức "Hữu thập di" trong "Trung thư tỉnh", Đường Ý Tông gả con gái là Đồng Xương công chúa (do Quách thục phi sinh) cho Vi Bảo Hành, và ban cho họ một phủ đệ ở Quảng Hóa Lý, Vi Bảo Hành trở thành phò mã đô úy. Theo mô tả, Đường Ý Tông trao cho con gái rất nhiều của hồi môn là châu báu:
Vi Bảo Hành sau đó được thăng chức "Tả gián nghị đại phu", một chức vụ tham mưu cấp cao tại Môn Hạ tỉnh, cũng như "Hàn lâm học sĩ". Năm 870, ông phối hợp với thượng thư Lộ Nham (路巖) buộc tội tướng Khang Thừa Huấn (康承訓)- người mới trấn áp cuộc nổi dậy của Bàng Huân, kết quả là Khang Thừa Huấn bị đảy ải. Cũng trong năm đó, khi đang giữ chức "Binh bộ thị lang", và "Hàn lâm học sĩ thừa chỉ", Vi Chiêu Độ được bổ nhiệm giữ chức "Đồng bình chương sự", tức tể tướng. Do kết hôn với Đồng Xương công chúa, Vi Bảo Hành được phép tùy ý vào hoàng cung và thường dự tiệc với Quách thục phi, khiến phát sinh lời đồn đại rằng ông có quan hệ tình ái với Quách thục phi.
Vào mùa thu năm 870, Đồng Xương công chúa qua đời, Đường Ý Tông rất đau buồn và tức giận. Hoàng đế cho xử tử nhóm hàn lâm y quan chịu trách nhiệm chữa trị cho công chúa, và bắt giữ khoảng 300 họ hàng của họ, bất chấp lời khuyên can của "Đồng bình chương sự" Lưu Chiêm và "Kinh Triệu doãn" Ôn Chương (溫璋). Sau khi Lưu Chiêm bị bãi chức và Ôn Chương tự sát, Lộ Nham và Vi Bảo Hành vu cáo Lưu Chiêm âm mưu cùng các hàn lâm y quan đầu độc Đồng Xương công chúa, kết quả Lưu Chiêm bị đưa đi lưu đày ở Hoan châu.
Bất chấp việc Đồng Xương công chúa qua đời, quyền lực của Vi Bảo Hành vẫn không giảm đi, ông trở nên xung đột với Lộ Nham. Vi Bảo Hành buộc tội Lộ Nham trước Đường Ý Tông, kết quả Lô Nham bị bãi chức thượng thư vào năm 871. Sau đó, bằng các biện pháp tương tự, ông loại bỏ được "Thượng thư hữu bộc xạ" Vu Tông (vào năm 872) và "Thượng thư tả bộc xạ" Vương Đạc (vào năm 873), cả hai người này từng tỏ vẻ xem thường ông. Một nhóm quan lại cũng bị cáo buộc kết giao với Vu Tông và bị giáng chức, bao gồm Tiêu Cấu. (Các hành động của Vi Bảo Hành nhằm chống Vương Đạc và Tiêu Cấu được đánh giá là rất trái ngược với quan hệ tình cảm giữa các quan lại đương thời, do Vương Đạc là chủ văn khi Vi Bảo Hành thi khoa cử, còn Tiêu Cấu thì đỗ tiến sĩ cùng năm với Vi Bảo Hành.)
Thời Đường Hy Tông trị vì.
Đường Ý Tông qua đời vào năm 873, kế vị là Đường Hy Tông. Chuẩn theo di mệnh của Đường Ý Tông, Vi Bảo Hành trở thành người nhiếp chính trong thời gian Đường Hy Tông để tang. Tuy nhiên, các đối thủ nhanh chóng ra tay, và dựa theo những lời buộc tội của họ, đến mùa thu năm 873, ông bị biếm làm Hạ châu thứ sử, sau lại bị biếm làm Trừng Mại (huyện) lệnh. Cuối cùng, ông tuân lệnh mà tự sát, Vi Bảo Nghệ sau đó cũng bị lưu đày. | 1 | null |
Vi Chiêu Độ (, ? - 4 tháng 6 năm 895), [[Tên chữ (người)|tên tự]] Chính Kỉ (正紀), là một quan lại [[nhà Đường]]. Ông từng giữ chức "Đồng bình chương sự" dưới triều đại của [[Đường Hy Tông]] và [[Đường Chiêu Tông]]. Trong tình trạng quyền lực của hoàng đế bị suy giảm, các quân phiệt [[Lý Mậu Trinh]], [[Vương Hành Du]] và [[Hàn Kiến]] đã tiến vào kinh sư [[Trường An]], giết chết Vi Chiêu Độ và [[Lý Hề]].
Thân thế.
Ông là người Kinh Triệu. Tổ phụ Vi Thụ (韋綬) và cha Vi Bang (韋逄) của ông không được ghi chép mang chức quan nào. Vi Chiêu Độ thi đỗ "Tiến sĩ" vào năm 867, dưới triều đại của [[Đường Ý Tông]], và sau đó làm quan trong triều.
Thời Đường Hy Tông.
Vào giữa những năm "Càn Phù" (874-879) thời [[Đường Hy Tông]], Vi Chiêu Độ liên tục được thăng chức — "Thượng thư lang", "Tri chế cáo", chính thức bái quan với chức "Trung thư xá nhân". Khi Đường Hy Tông chạy khỏi Trường An vào đầu năm 881 để tránh [[loạn Hoàng Sào]], Vi Chiêu Độ đã theo Đường Hy Tông đến [[Thành Đô]], tại Thành Đô ông được bổ nhiệm giữ chức "Binh bộ thị lang" và "Hàn lâm học sĩ thừa chỉ'.
Vào mùa thu năm 881, ông được bổ nhiệm làm "Đồng bình chương sự", làm tể tướng trên thực tế. Theo ghi chép thì ông được trao chức vụ cao cấp này do có quan hệ với "Tả Thần Sách trung úy" [[Điền Lệnh Tư]]- hoạn quan khống chế triều đình Đường, mối quan hệ được thiết lập thông qua hòa thượng Thích Triệt (釋澈). Đến năm 886, khi các quân phiệt [[Vương Trọng Vinh]], [[Lý Khắc Dụng]], [[Chu Mai]], và [[Lý Xương Phù]] nổi dậy chống lại Điền Lệnh Tư và yêu cầu Điền Lệnh Tư phải chết, họ cũng yêu cầu điều tương tự với Vi Chiêu Độ, song họ không có các hành động tiếp theo, và Vi Chiêu Độ vẫn giữ được chức vị.
Sau đó, khi các cấm binh chiến đấu với Lý Xương Phù, Vi Chiêu Độ đã để các thành viên trong gia tộc ở lại trong trại lính để thể hiện sự tin tưởng rằng các binh lính triều đình có khả năng đánh bại Lý Xương Phù, theo ghi chép thì các binh sĩ được khích lệ phần nào từ hành động này. Sau đó, cấm binh do [[Lý Mậu Trinh]] chỉ huy chiến thắng trước Lý Xương Phù, Đường Hi Tông ban cho Vi Chiêu Độ chức "Thái bảo", "Thị trung". Sau khi Đường Hy Tông trở về Trường An, Hoàng đế cho Vi Chiêu Độ giữ chức "Trung thư lệnh".
Thời Đường Chiêu Tông.
Đường Hy Tông qua đời một thời gian ngắn sau khi trở về Trường An vào mùa xuân năm 888, kế vị là hoàng đệ [[Đường Chiêu Tông]]. Trong thời gian Đường Chiêu Tông để tang hoàng huynh, Vi Chiêu Độ là người nhiếp chính. Ông cũng được tấn phong tước hiệu "Kì quốc công".
Tiến công Tây Xuyên.
Ngay sau đó, Đường Chiêu Tông nhận được tấu chương của [[Cố Ngạn Lãng]] và [[Vương Kiến (Tiền Thục)|Vương Kiến]] xin triều đình thảo phạt Tây Xuyên tiết độ sứ [[Trần Kính Tuyên]]. Do có thù oán với huynh của Trần Kính Tuyên là hoạn quan [[Điền Lệnh Tư]], Đường Chiêu Tông triệu Trần Kính Tuyên về kinh sư giữ chức 'long vũ thống quân', cho Vi Chiêu Độ đến Đông Xuyên giữ chức tiết độ sứ song vẫn được giữ lại chức "Trung thư lệnh". Sau khi Trần Kính Tuyên từ chối tuân chỉ, Đường Chiêu Tông tước hết chức tước của Trần Kính Tuyên, và bổ nhiệm Vi Chiêu Độ là "Hành doanh chiêu thảo sứ", cùng các tiết độ sứ Cố Ngạn Lãng, Vương Kiến và [[Dương Thủ Lượng]] tiến công Tây Xuyên. Sau đó, Vi Chiêu Độ bao vây Thành Đô.
Tuy nhiên, vào năm 891, mặc dù Thành Đô đã lâm vào tình thế nguy cấp, phải chịu một nạn đói khủng khiếp, song Vi Chiêu Độ vẫn không thể chiếm được thành. Do triều đình mới thất bại trong cuộc chiến với [[Lý Khắc Dụng]], cạn nguồn tài vật cho chiến dịch chống Trần Kính Tuyên. Do đó, vào mùa xuân năm 891, Đường Chiêu Tông hạ chỉ khôi phục quan tước cho Trần Kính Tuyên, các tiết độ sứ trở về quân của mình. Tuy nhiên, Vương Kiến không muốn từ bỏ chiến dịch chống Trần Kính Tuyên, và thoạt đầu cố gắng thuyết phục Vi Chiêu Độ tiếp tục vây thành, song sau đó quay sang buộc Vi Chiêu Độ phải về Trường An để có thể tự mình tiến hành chiến dịch. Vương Kiến kích động các thuộc hạ của Cố Ngạn Lãng sát hại thân lại của Vi Chiêu Độ là Lạc Bảo (駱保) với lý do Lạc Bảo tham ô, mục đích là để đe dọa Vi Chiêu Độ. Vi Chiêu Độ lo sợ, xưng bệnh và giao lại quyền chỉ huy cho Vương Kiến, bản thân trở về Trường An. Sau trở về Trường An, ông được phái đi trấn thủ đông đô [[Lạc Dương]], không còn là đại pháp quan.
Lại làm quan tại Trường An.
Năm 893, sau khi triều đình chiến bại trước liên quân [[Lý Mậu Trinh]] và [[Vương Hành Du]], Đường Chiêu Tông buộc phải lệnh cho tể tướng [[Đỗ Nhượng Năng]] tự sát. Sau đó, Hoàng đế triệu Vi Chiêu Độ nhập triều giữ chức "Tư đồ", "Môn hạ thị lang", và "Đồng bình chương sự". Cũng trong năm đó, khi Vương Hành Du yêu cầu trao chức "Thượng thư lệnh", Vi Chiêu Độ bí mật phản đối, ông chỉ ra rằng không ai nắm giữ chức này kể từ khi [[Đường Thái Tông]] giữ nó trong triều đại của phụ hoàng [[Đường Cao Tổ]] — và ngay cả đại tướng [[Quách Tử Nghi]] cũng không dám nhận nó. Theo ý của Vi Chiêu Độ, Đường Chiêu Tông ban cho Vương Hành Du tước hiệu "Thượng phụ", cũng như "Thiết khoán" (鐵券)- khế ước miễn tử.
Qua đời.
Tuy nhiên, Vương Hành Du không bớt giận, đặc biệt là khi [[Thôi Chiêu Vĩ]] báo tin rằng Vi Chiêu Độ là người phản đối ban tước "Thượng thư lệnh". Vào mùa xuân năm 895, Vương Hành Du và Lý Mậu Trinh trình tấu buộc tội Vi Chiêu Độ bất tài và cáo buộc [[Lý Hề]] hiểm ác. Đường Chiêu Tông buộc phải bãi chức Lý Hề, song điều này vẫn không xoa dịu được Vương Hành Du và Lý Mậu Trinh. Vi Chiêu Độ lo sợ và thỉnh cầu được thối hưu, vì thế được ban chức "Thái phó" (đồng nghĩa với thối hưu). Tuy thế, vào mùa hè năm 895, Lý Mậu Trinh, Vương hành Du cùng [[Hàn Kiến]] tiến quân đến Trường An và yêu cầu Lý Hề và Vi Chiêu Độ phải chết. Đường Chiêu Tông ban đầu không chấp thuận, song Vương Hành Du vẫn tự ý bắt giữ rồi hành quyết Vi Chiêu Độ và Lý Hề. Sau khi Vương Hành Du chiến bại và tử chiến trước Lý Khắc Dụng, Đường Chiêu Tông truy phục quan tước của Vi Chiêu Độ, cho phép gia đình thu táng, phong là "Thái úy".
Tham khảo.
[[Thể loại:Mất năm 895]]
[[Thể loại:Quan lại nhà Đường]]
[[Thể loại:Nhiếp chính nhà Đường]]
[[Thể loại:Sinh thế kỷ 9]]
[[Thể loại:Tiến sĩ nhà Đường]]
[[Thể loại:Chính khách từ Tây An]] | 1 | null |
Vương Đạc (, ? - 884), tên tự Chiêu Phạm (昭範), là một quan lại triều Đường. Ông từng giữ chức tể tướng dưới triều đại của Đường Ý Tông và Đường Hy Tông. Sau khi thủ lĩnh nổi dậy Hoàng Sào công chiếm kinh thành Trường An vào năm 880, buộc Đường Hy Tông phải chạy trốn, Đường Hy Tông đã bổ nhiệm Vương Đạc giữ chức "đô thống" quân Đường ở phần trung tâm và đông của đế chế, ông sau đó thành công khi thuyết phục Lý Khắc Dụng và Chu Toàn Trung đứng về phía triều đình chống lại Hoàng Sào. Năm 884, khi Vương Đạc trên đường đến nhậm chức Nghĩa Xương tiết độ sứ, Lạc Tòng Huấn (樂從訓) đã tập kích sát hại Vương Đạc để cướp những người phụ nữ tháp tùng ông.
Thân thế.
Vương Đạc xuất thân từ một gia đình quý tộc, thúc phụ ông là Vương Bá (王播) từng giữ đến chức "Đồng bình chương sự", "Thượng thư tả bộc xạ" thời Đường Mục Tông và Đường Văn Tông, song cha của ông là Vương Viêm (王炎) lại mất sớm và không có địa vị cao. Vương Đạc thi đỗ "Tiến sĩ" vào những năm "Hội Xương" (841-847) thời Đường Vũ Tông, sau đó được phái đến địa phương làm quan trong hai nhiệm kỳ. Vào đầu triều đại của Đường Tuyên Tông, ông được triệu hồi về Trường An để giữ chức "Giám sát ngự sử", và sau đó phụng sự trong quan thự của Bạch Mẫn Trung khi người này giữ chức Tây Xuyên tiết độ sứ.
Thời Đường Ý Tông trị vì.
Đầu những năm "Hàm Thông" (860-874) thời Đường Ý Tông, Vương Đạc được triều hồi về Trường An để giữ chức "Giá bộ lang trung", và được giao trách nhiệm soạn thảo các cáo thị. Sau đó ông giữ chức "Trung thư xá nhân". Năm 864, ông được bổ nhiệm làm "Lễ bộ thị lang", quản lý việc cống sĩ trong hai năm, được mọi người khi đó tán dương tài đức. Năm 866, ông được bổ nhiệm làm "Hộ bộ thị lang".
Năm 870, "Binh bộ thị lang", "Diêm-thiết chuyển vận sứ" Vương Đạc được bổ nhiệm làm Lễ bộ thượng thư, "Đồng bình chương sự". Đương thời, đồng cấp của ông là phò mã Vi Bảo Hành rất có quyền lực, Vương Đạc nguyên là chủ văn trong kỳ thi khoa cử mà Vi Bảo Hành đã đỗ "Tiến sĩ". Tuy nhiên, khi Vi Bảo Hành cố đưa người của mình vào làm quan trong triều, Vương Đạc đã phản đối. Với các nỗ lực của Vi Bảo Hành, năm 873, Vương Đạc bị thuyên chuyển ra khỏi kinh thành, đi nhậm chức Tuyên Vũ tiết độ sứ, song vẫn được giữ lại chức "Đồng bình chương sự" như một chức vụ danh dự.
Dười thời Đường Hy Tông.
Trước khi Hoàng Sào chiếm Trường An.
Đường Ý Tông qua đời năm 873, người kế vị là Đường Hy Tông. Do cả hoạn quan Điền Lệnh Tư và "Đồng bình chương sự" Trịnh Điền đều cho rằng Vương Đạc có tài, Vương Đạc nhanh chóng được triều hồi về kinh thành giữ chức "Tả bộc xạ", và đến năm 876 thì được phục chức "Đồng bình chương sự", đồng thời được bổ nhiệm làm "Môn hạ thị lang", để giúp triều đình đối phó với các cuộc khởi nghĩa nông dân, trong đó mạnh nhất là cuộc nổi dậy của Vương Tiên Chi cùng Hoàng Sào.
Cuối năm 876, Vương Tiên Chi chiếm được Nhữ châu và bắt được em của Vương Đạc là thứ sử Vương Liêu (王鐐). Kỳ châu thứ sử Bùi Ác (裴偓) sau khi hòa đàm với Vương Liêu (bị Vương Tiên Chi ra lệnh), đã thượng biểu thỉnh triều đình phong quan cho Vương Tiên Chi để chiêu dụ người này. Hầu hết các đại thần bày tỏ phản đối, song do Vương Đạc kiên quyết, Đường Hy Tông đã ban chiếu chỉ bổ nhiệm Vương Tiên Chi là 'Tả Thần Sách quân áp nha' kiêm 'Giám sát ngự sử'. Tuy nhiên, do Hoàng Sào phản đối thỏa thuận, Vương Tiên Chi đã quay sang cướp phá Kỳ châu.
Năm 877, trong lúc triều đình vẫn đang tiến hành trấn áp cuộc nổi dậy của Vương Tiên Chi và Hoàng Sào, Vương Đạc và đồng cấp là Lô Huề xảy ra bất đồng lớn với Trịnh Điền về việc bổ nhiệm tương sĩ; Vương Đạc và Lô Huề muốn Trương Tự Miễn (張自勉) nằm dưới quyền chỉ huy của Tống Uy (宋威), song Trịnh Điền phản đối vì sợ Tống Uy sẽ lạm quyền mà giết chết Tự Miễn. Do hai bên mâu thuẫn gay gắt, Vương Đạc và Lô Huề thượng biểu xin được bãi miễn chức vị, còn Trịnh Điền thượng biểu được quy Xuyên dưỡng bệnh, Đường Hy Tông đều không cho phép.
Năm 878, tướng quan quân là Tăng Nguyên Dụ (曾元裕) đánh bại và giết chết Vương Tiên Chi, song Hoàng Sào tiếp tục là một mối đe dọa với triều đình Đường. Năm 879, Vương Đạc được bổ nhiệm giữ chức "Tư đồ" kiêm "Thị trung", Kinh Nam tiết độ sứ, "Nam diện hành doanh chiêu thảo đô thống". Khi Vương Đạc đến Kinh Nam, ông lập tức tiến hành chuẩn bị phòng thủ. Tuy nhiên, ông lại bổ nhiệm Lý Hệ (李係) đem 5 vạn tinh binh đến đóng quân ở Đàm châu ngăn cản Hoàng Sào, mặc dù Lý Hệ không có tài quân sự, lý do là vì Lý Hệ giỏi ăn nói và là chắt của đại tướng Lý Thịnh. Vào mùa đông năm 879, Hoàng Sào tiến công Lý Hệ và dễ dàng giành được chiến thắng. Do chưa thu thập đủ lượng binh sĩ như mong đợi, Vương Đạc chạy đến thủ phủ Giang Lăng của Kinh Nam rồi để thuộc hạ là Lưu Hán Hoành ở lại phòng thủ, song ngay khi ông dời khỏi Giang Lăng, Lưu Hán Hoành đã cho quân cướp phá Giang Lăng rồi nổi dậy. Do hậu quả của sự việc này, tháng 12 ÂL, Vương Đạc bị giáng làm "Thái tử tân khách" (mặc dù khi đó chưa lập Thái tử), và phải đến nhậm chức tại đông đô Lạc Dương. Chức vụ "đô thống" của ông được giao lại cho Hoài Nam tiết độ sứ Cao Biền.
Trong lúc Hoàng Sào chiếm Trường An.
Cuối năm 880, Cao Biền bất lực, Hoàng Sào chiếm được Trường An và xưng là hoàng đế Đại Tề, còn Đường Hy Tông chạy đến Tây Xuyên. Vương Đạc theo Hoàng đế nhập Thục, và đến tháng 2 ÂL năm 881, ông được bổ nhiệm làm "Đồng bình chương sự", "Môn hạ thị lang", "Tư đồ" và sang tháng 4 ÂL thì được bổ nhiệm làm "Thị trung". Vương Đạc nhận thấy Cao Biền không có hành động chống lại Hoàng Sào, vì thể lại đề nghị được giám sát các chiến dịch chống Hoàng Sào. Vào mùa xuân năm 882, Vương Đạc được bổ nhiệm làm "Trung thư lệnh", Nghĩa Thành tiết độ sứ, "Chư đạo hành doanh đô thống"; Thôi An Tiềm làm "phó đô thống". Vương Đạc có vẻ cũng có quyền ban chiếu chỉ nhân danh Đường Hy Tông, và thường xuyên tiến hành việc này trong đại chiến dịch chống lại Hoàng Sào. Vương Đạc sau đó dẫn các binh sĩ Tây Xuyên, Đông Xuyên, và Sơn Nam Tây đạo tiếp cận Trường An, hội quân với các tướng Đường để bao vây kinh thành.
Khi các đội quân Đường tập hợp, một trong các bộ tướng của Hoàng Sào là Chu Ôn- khi đó đang trấn thủ Đồng châu, đã đầu hàng Đường, Vương Đạc bổ nhiệm Chu Ôn là Đồng Hoa tiết độ sứ. Trong khi đó, theo đề xuất của Hành doanh đô giám Dương Phục Quang, Vương Đạc cũng ban chiếu chỉ xá tội cho tù trưởng Sa Đà Lý Khắc Dụng, lôi kéo Lý Khắc Dụng tiến công Đại Tề, Lý Khắc Dụng chấp thuận. Vương Đạc cũng lệnh cho Hà Đông tiết độ sứ Trịnh Tùng Đảng (鄭從讜) cho phép Lý Khắc Dụng đi qua quân của người này.
Tuy nhiên, khi các đội quân Đường tập hợp về Trường An và Lý Khắc Dụng trở thành người lãnh đạo chiến dịch, vào mùa xuân năm 883, theo ý của Điền Lệnh Tư, Đường Hy Tông đột ngột bãi chức đô thống của Vương Đạc và lệnh cho ông xử lý công việc ở Nghĩa Thành quân. Mặc dù vậy, do các công lao của mình, ông được phong tước Tấn quốc công.
Sau khi quân Đường đoạt lại Trường An.
Sau đó, quân Đường tái chiếm Trường An, Hoàng Sào đem quân chạy về phía đông và sau này bị giết. Chu Ôn đổi tên thành Chu Toàn Trung và được bổ nhiệm làm Tuyên Vũ tiết độ sứ, do là người từng bổ nhiệm Chu Toàn Trung nên Vương Đạc cho rằng mình có thể dựa vào sự hỗ trợ của Chu Toàn Trung. Thoạt đầu, Chu Toàn Trung đã giúp Vương Đạc duy trì khả năng phòng thủ của Nghĩa Thành quân. Tuy nhiên, đến mùa thu năm 884, Chu Toàn Trung ngày càng trở nên ngạo mạn, Vương Đạc nhận thấy không thể dựa vào Chu Toàn Trung được nữa. Lo sợ rằng Nghĩa Thành có thể bị Chu Toàn Trung đe dọa, Vương Đạc thỉnh cầu được nhập triều, song lại nhận được chiếu chỉ thuyên chuyển đến Nghĩa Xương quân.
Vương Đạc thường xuyên có nhiều phi tần và những thị nữ tháp tùng. Trên đường đến Nghĩa Xương nhậm chức, ông đi qua Ngụy Bác, thị thiếp ăn mặc đẹp đẽ như trong thời bình. Lạc Tòng Huấn- con của Ngụy Bác tiết độ sứ Lạc Ngạn Trịnh đã dẫn vài trăm người phục kích tại Cao Kê Bạc- gần thủ phủ Ngụy châu. Họ đã tiến công giết chết Vương Đạc cùng khoảng 300 tùy tùng, đoạt lấy tư trang và thị thiếp của ông. Lạc Ngạn Trinh sau đó tấu rằng Vương Đạc bị đạo tặc sát hại, triều đình Đường không thể truy cứu. | 1 | null |
Vương Dĩnh (, ? - 877) là một phản tướng của nhà Đường. Từ năm 875 đến năm 877, ông tiến quân cướp phá các khu vực nay thuộc Chiết Giang và Phúc Kiến.
Nguyên nhân nổi dậy.
Năm 875, Vương Dĩnh đang giữ chức Lang Sơn trấn át sứ, phụng sự dưới quyền Trấn Hải tiết độ sứ Triệu Ẩn. Vào năm này, ông cùng 68 người khác lập được chiến công, song Triệu Ẩn chỉ trao cho họ chức danh mà không ban thưởng vật chất. Khi Vương Dĩnh và những người khác lên tiếng đòi hỏi song không được chấp thuận, họ tiến hành binh biến và tôn Vương Dĩnh làm thủ lĩnh, đoạt lấy kho binh và cướp phá các khu vực lân cận, nhanh chóng tập hợp được gần một vạn người. Quân của Vương Dĩnh đánh chiếm Tô châu và Thường châu, và còn thiết lập một hạm đội, cho phép họ có thể xuôi ngược Trường Giang cũng như trên vùng biển gần. Quân của Vương Dĩnh có thể dễ dàng cướp phá các trấn: Trấn Hải, Trấn Đông, và Phúc Kiến.
Các chiến dịch của Vương Dĩnh.
Năm 876, Đường Hy Tông bổ nhiệm Cao Kiệt (高傑) làm 'Tả kiêu vệ tướng quân', đem một đội thủy quân tiến công Vương Dĩnh. Tuy nhiên, sau đó Vương Dĩnh thương lượng với Ôn châu thứ sứ Lỗ Thật (魯寔) để thỉnh hàng. Lỗ Thật thượng tấu triều đình Đường, triều đình Đường thoạt đầu chấp thuận, song trong chiếu thư lệnh cho Vương Dĩnh phải đến Trường An trước khi có thể được phong quan. Vương Dĩnh không lập tức từ chối yêu cầu này, song cố gắng trì hoãn việc khởi hành trong nửa năm. Sau đó, Vương Dĩnh thỉnh cầu được sách phong là Vọng Hải trấn sứ. Triều đình Đường từ chối thỉnh cầu này, thay vào đó chỉ hứa phong cho Vương Dĩnh là 'hữu soái phủ soái', và nói thêm rằng Vương Dĩnh được phép giữ lại toàn bộ số châu báu mà ông từng cướp được.
Vào mùa xuân năm 877, Vương Dĩnh dụ Lỗ Thật lên thuyền của mình rồi bắt giữ, tướng sĩ đi theo Lỗ Thật đều chạy trốn. Khi hay tin Lỗ Thật bị bắt, triều đình Đường bổ nhiệm 'Hữu long vũ đại tướng quân' Tống Hạo (宋皓) làm Giang Nam chư đạo chiêu thảo sứ, suất 15.000 quân tiến đánh Vương Dĩnh. Trong khi đó, Vương Dĩnh chiếm được Vọng Hải, sau đó cướp phá Minh châu và Thai châu. Vương Dĩnh chiếm cứ Thai châu, buộc Thai châu thứ sứ Vương Bảo (王葆) phải rút đến Đường Hưng . Đáp lại, Đường Hy Tông lệnh cho các quân Trấn Hải, Chiết Đông và Phúc Kiến đóng góp tàu cho chiến dịch chống Vương Dĩnh.
Qua đời.
Khi Vương Dĩnh trở lại Trấn Hải để cướp phá, Tiết độ sứ Bùi Cừ (裴璩) tập hợp binh sĩ và thoạt đầu từ chối giao chiến với Vương Dĩnh. Thay vào đó, Bùi Cừ bí mật chiêu dụ thủ hạ của Vương Dĩnh là Chu Thật (硃實) và phong Chu Thật là 'kim ngô tướng quân'. Chu Thật cùng 6.000-7.000 người đầu hàng, khiến lực lượng của Vương Dĩnh bắt đầu li tán. Vương Dĩnh đem dư chúng trở về Minh châu, song bị Dũng Kiều trấn át sứ Lưu Cự Dung (劉巨容) dùng 'đồng tiễn xạ' (筒箭射) bắn chết, cuộc nổi dậy của ông kết thúc. | 1 | null |
Vương Thức () là một quan lại và tướng lĩnh triều Đường. Ông từng là chỉ huy chiến dịch chống quân Nam Chiếu tại An Nam; cũng như chỉ huy chiến dịch trấn áp cuộc nổi dậy của thủ lĩnh Cừu Phủ (裘甫).
Thân thế.
"Cựu Đường thư" ghi cha của Vương Thức là "Đồng bình chương sự" Vương Bá (王播) còn "Tân Đường thư" thì ghi rằng cha của Vương Thức là Vương Khởi (王起)- đệ của Vương Bá, cũng là một triều sĩ.
Sự nghiệp ban đầu.
Do xuất thân của mình, Vương Thức được giữ chức "Thái tử chính tự", và đến năm 828, dưới triều đại của Đường Văn Tông, ông thi đỗ "hiền lương phương chính" và được phong quan. Sau đó, ông giữ chức "Điện trung thị ngự sử". Ông được đánh giá là sống đạm bạc khi còn trẻ, tuy nhiên vào giữa những năm Thái Hòa (827-835), Vương Thức đã cố gắng dựa thế hoạn quan Vương Thủ Trừng và Trịnh Chú để thăng tiến, và khi trung thừa Quy Dung (歸融) hặc tội, ông phải ra khỏi kinh thành đến giữ chức "Giang Lăng thiếu doãn".
Trong những năm "Đại Trung" (847-860) thời Đường Tuyên Tông, Vương Thức giữ chức Tấn châu thứ sử. Đương thời, khu vực Hoàng Hà uốn khúc xảy ra nạn đói lớn, người dân lưu tán khắp nơi. Chỉ có một vài châu hoan nghênh dân lưu tán, trong đó có Vương Thứ, các nỗ lực của ông đã cứu sống được vài nghìn người. Người Hồ trong khu vực cũng bị đói và họ tiến vào các thành cướp bóc, song sau khi hay tin Vương Thức cai quản nghiêm, họ tránh tiến công Tấn châu.
Làm quan tại An Nam.
Tuy nhiên, vào một thời điểm trước năm 858, Vương Thức trên danh nghĩa là thầy dạy cho Khang vương Lý Môn (李汶), song là ở phân ti tại Lạc Dương. Năm 858, Vương Thức được bổ nhiệm là An Nam đô hộ, kinh lược sứ. Khi đó, An Nam phải chịu các cuộc tiến công liên tiếp của Nam Chiếu (lúc đó mang quốc hiệu Đại Mông), do khi trước An Nam đô hộ Lý Trác (李涿) chính tham bạo cường nên người dân An Nam bản địa (trong đó có Lý Do Độc thủ lĩnh châu Lâm Tây) ủng hộ quân Nam Chiếu xâm nhập. Sau khi Vương Thức đến An Nam, ông cho dựng cây làm hàng rào ở các thành, do vậy có thể chống trả được các cuộc xâm nhập của Nam Chiếu.
Vương Thức cũng phải đối phó với các thuộc hạ nổi loạn, An Nam đô hiệu La Hành Cung (羅行恭) đã tập hợp 2.000 tinh binh quân dưới quyền chỉ huy của mình, trong khi quân do đô hộ chỉ huy yếu kém hơn và chỉ có số lượng vài trăm, do đó La Hành Cung kháng lại các mệnh lệnh của đô hộ. Sau khi Vương Thức đến, ông phạt đánh gậy La Hành Cung và cách chức đuổi ra vùng biên ải. Cũng trong năm đó, một nhóm binh lính do sợ rằng sẽ bị quân Đường từ Dung Quản tiến công nên đã bao vây quân phủ của Vương Thức, yêu cầu ông rời khỏi An Nam trở về phương Bắc, mục đích là để họ có thể phòng thủ thành trước một cuộc tiến công của Dung Quản. Vương Thức từ chối và quở trách, các binh lính này chạy trốn song sau đó bị Vương Thức bắt được và hành quyết. Vương Thức tiếp tục sử dụng các thủ đoạn khác nhau nhằm gây chia rẽ trong gia tộc tù trưởng họ Đỗ- thế lực từ lâu đã chống đối sự cai trị của các An Nam đô hộ, khiến tù trưởng Đỗ Thủ Trừng (杜守澄) chết trên đường chạy trốn. Theo tường thuật, trong 6 năm liên tiếp trước khi Vương Thức đến, An Nam không cống nạp hay nộp thuế cho triều đình, cũng không khao thưởng tướng sĩ, và Vương Thức đã phục hồi lại những việc này sau khi ông bình định khu vực. Do vậy, các vương quốc Chiêm Thành và Chân Lạp láng giềng lại tiếp tục mối quan hệ triều cống của họ với Đại Đường.
Chiến dịch chống Cừu Phủ.
Năm 860, dưới triều đại của Đường Ý Tông, Vương Thức không còn giữ chức An Nam đô hộ. Thời điểm đó, Cừu Phủ đang lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa nông dân nhấn chìm Chiết Đông, còn Chiết Đông quan sát sứ Trịnh Kỳ Đức (鄭祇德) không trấn áp nổi. Theo đề xuất của "Môn hạ thị lang" Hạ Hầu Tư, Đường Ý Tông bổ nhiệm Vương Thức là Chiết Đông quan sát sứ thay thế Trịnh Kỳ Đức. Khi yết kiến Đường Ý Tông, Vương Thức thỉnh cầu được giao một đội quân có quân số lớn, một thái giám tháp tùng hoàng đế đã phản đối do vấn đề chi phí. Tuy nhiên, Vương Thức biện luận rằng Giang-Hoài là nguồn thu thuế chính của đế quốc, và nếu việc trấn áp Cừu Phủ thất bại thì triều đình sẽ thiệt hại còn nhiều hơn là dồn sức cho một chiến dịch thành công. Đường Ý Tông chấp thuận và huy động binh lính từ các trấn: Trung Vũ, Nghĩa Thành, và Hoài Nam đến trấn áp quân nổi dậy dưới quyền Vương Thứ.
Khi Vương Thức tiến đến Chiết Đông, ông mộ thêm những người Hồi Cốt và Thổ Phồn lưu vong sinh sống trong khu vực Giang Hoài phụng sự cho mình, mục đích là để cải thiện khả năng di chuyển cho đội quân của ông do những người Hồi Cốt và Thổ Phồn lưu vong có tài cưỡi ngựa. Vương Thức phân đội quân của mình làm hai đạo tiến công Cừu Phủ theo hai hướng. Ông sử dụng một số chiến thuật khiến các sĩ quan giàu kinh nghiệm trong đội quân của ông cũng phải ngạc nhiên:
Sau khi Cừu Phủ chiến bại vài trận, ông ta chạy trốn đến Diệm. Vương Thức bao vây Diệm, Cừu Phủ sau đó đầu hàng. Vương Thức xử tử 20 thuộc hạ dưới quyền Cừu Phủ và giải Cừu Phủ đến Trường An.
Đàn áp quân Vũ Ninh.
Năm 862, các binh sĩ Ngân Dao tinh nhuệ tại Vũ Ninh đã tiến hành binh biến và trục xuất tiết độ sứ Ôn Chương (溫璋). Đường Ý Tông lập Vương Thức làm Vũ Ninh tiết độ sứ và lệnh cho ông đem các binh sĩ Trung Vũ và Nghĩa Thành từng tham gia đánh Cừu Phù đến Vũ Ninh. Các binh sĩ Ngân Dao hay tin thì trở nên lo sợ, và ba ngày sau khi Vương Thức đến, ông đã tuyên bố thiết đại tiệc tiễn các binh sĩ Trung Vũ và Nghĩa Thành, các binh sĩ cũng tham dự tiệc. Trong đại tiệc, Vương Thức lệnh cho các binh sĩ Trung Vũ và Nghĩa Thành bao vây và đồ sát các binh sĩ Ngân Dao, kết quả vài nghìn người bị giết. Sau đó, Đường Ý Tông hạ lệnh triệt tiêu Vũ Ninh, lãnh địa của trấn này bị phân chia giữa Hoài Nam và Duyện Hải, và Túc Tứ được thành lập mới. Vương Thức được giao phụ trách hoạt động phân bổ các tướng sĩ Vũ Ninh cho các quân này. Sau khi công việc hoàn tất, Vương Thức trở về kinh sư, giữ chức "Tả kim ngô đại tướng quân" cho đến cuối đời. | 1 | null |
Vương Tự (, ? - 886) là một quân phiệt vào cuối thời nhà Đường. Ông giữ chức Quang châu thứ sử từ năm 881 đến năm 885. Sau đó, đối mặt với các đòi hỏi vật chất của phản tướng Tần Tông Quyền, Vương Tự buộc người dân và binh sĩ Quang châu phải theo ông tiến về phía nam, đến khu vực nay là tỉnh Phúc Kiến. Vương Tự sau đó bị thuộc hạ là Vương Triều lật đổ.
Đoạt lấy Quang châu.
Vương Tự là người Thọ châu, và làm nghề giết mổ súc vật. Năm 881, trong bối cảnh Đại Đường chìm đắm trong các cuộc khởi nghĩa nông dân, Vương Tự cùng em rể Lưu Hành Toàn (劉行全) tập hợp được 500 người chiếm cứ Thọ châu. Sau một tháng, họ cũng chiếm được Quang châu. Vương Tự tự xưng là tướng quân, đội quân của ông phát triển lên hơn 1 vạn lính. Phụng Quốc tiết độ sứ Tần Tông Quyền dâng biểu cho Đường Hy Tông tiến cử Vương Tự làm Quang châu thứ sử, Đường Hy Tông chấp thuận.
Chạy đến Phúc Kiến.
Tuy nhiên, sau đó Tần Tông Quyền quay sang chống lại triều đình Đường, tự xưng là hoàng đế, lệnh cho Vương Tự phải nộp tô thuế cho ông ta. Đến khi Vương Tự không thể tự cung ứng, Tần Tông Quyền tức giận và phát binh tiến công Vương Tự. Vương Tự sợ hãi, tập hợp 5.000 binh sĩ từ Quang châu và Thọ châu, buộc lại dân phải vượt sang bờ nam Trường Giang. Đội quân của ông tiến đến và cướp phá Giang châu, Hồng châu, và Kiền châu. Sang mùa xuân năm 885, Vương Tự cho quân tiến xa hơn về phía nam, chiếm Đinh châu và Chương châu, song không giữ được lâu.
Bị lật đổ.
Khi Vương Tự tiến đến Chương châu, đội quân của ông thiếu lương thực. Do địa hình Phúc Kiến đạo hiểm trở, ông lệnh để người già yếu ở phía sau, ai vi phạm sẽ bị trảm. Duy có huynh đệ Vương Triều, Vương Thẩm Khuê (王審邽) và Vương Thẩm Tri tiếp tục đem mẹ là Đổng thị theo. Khi Vương Tự triệu họ đến trách mắng và đe dọa giết chết Đổng thị, họ liền xin cứu mạng Đổng thị, đề nghị được chết thay bà. Ngoài ra, các sĩ quan khác cũng lên tiếng nói giúp cho họ, Vương Tự động lòng.
Tuy nhiên, Vương Tự lúc này lại trở nên cực kỳ hoang tưởng, do có vọng khí giả báo với ông rằng "trong quân có khí vương giả". Ông sát hại các tướng sĩ mà ông nhận thấy họ dũng lược hơn mình hay có khí chất lãnh đạo, thậm chí Lưu Hành Toàn cũng bị giết. Thực tế là Vương Tự muốn giết một người thân cận với ông giống như Lưu Hành Toàn để khiến các sĩ quan khác khiếp sợ. Khi đội quân tiến đến Nam An, Vương Triều thuyết phục được tướng tiên phong của Vương Tự lật đổ Vương Tự, người này sợ sẽ là mục tiêu kế tiếp của Vương Tự lên đồng ý. Vương Triều cho 10 tráng sĩ phục kích trong bụi tre, chờ đến khi Vương Tự đến nơi thì xông lên bắt giữ. Sau đó, Vương Triều trở thành thủ lĩnh của đội quân.
Vào mùa thu năm 886, Vương Triều chiếm được thành Tuyền châu, giam Vương Tự trong biệt quán. Vương Tự tự thấy hổ thẹn nên tự sát. | 1 | null |
Vườn quốc gia Nino Konis Santana là vườn quốc gia đầu tiên của Đông Timor. Nó được thành lập vào ngày 3 tháng 8 năm 2007 bao gồm diện tích hơn 1.236 km vuông đất. Vườn quốc gia này liên kết ba vùng chim quan trọng: Lore, Monte Paitchau; Hồ Iralalara và đảo Jaco. Ngoài ra, vườn quốc gia cũng bao gồm một diện tích 556 km ² của Tam giác San hô, một khu vực dưới nước được cho là có sự đa dạng lớn nhất thế giới của cả các loài san hô và cá rạn san hô. Một số loài chim quý hiếm được bảo vệ tại vườn quốc gia đều trong tình trạng cực kỳ nguy cấp như: chim Cockatoo vàng mào, các loài đặc hữu bồ câu xanh Timor, hay có nguy cơ tuyệt chủng Bồ câu hoàng đế Timor, dễ bị tổn thương chim Di Timor.
Vườn quốc gia được đặt theo tên của Nino Konis Santana, một cựu chỉ huy của FALANTIL, lực lượng vũ trang của phong trào độc lập, người được sinh ra tại Tutuala, một ngôi làng nằm ở gần biên giới của vườn quốc gia. | 1 | null |
Hiếu Nguyên Phó Chiêu nghi (chữ Hán: 孝元傅昭儀, ? - 2 TCN), còn được gọi là Định Đào Phó Thái hậu (定陶傅太后), Định Đào Cung vương mẫu (定陶恭王母) hoặc Hiếu Nguyên Phó Hoàng hậu (孝元傅皇后), là một phi tần của Hán Nguyên Đế Lưu Thích, vị Hoàng đế thứ 10 của nhà Hán. Bà là mẹ của Định Đào cung vương, sau tặng Cung hoàng Lưu Khang và là bà nội của Hán Ai Đế Lưu Hân, vị Hoàng đế thứ 12 của nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc.
Được biết đến như một người phụ nữ tham vọng và độc đoán, Phó Chiêu nghi đương thời luôn muốn con trai mình Lưu Khang thay thế Hán Thành Đế Lưu Ngao, con của Vương Chính Quân, lên ngôi Hoàng đế nhà Hán. Cuối cùng, bà cũng thấy được cháu trai mình Lưu Hân, trở thành Hán Ai Đế. Thế nhưng, bà không bao giờ thỏa mãn được vị trí của mình luôn thua thiệt Vương Chính Quân, vì bà chỉ là phi tần trong khi Vương Chính Quân là Hoàng hậu.
Nhập cung Hán.
Phó Chiêu nghi xuất thân từ quận Hà Nội (nay là Hàm Đan, Hà Bắc). Cha bà mất sớm, người mẹ tái giá cùng người ở Ngụy quận là Trịnh Ông (郑翁), sinh ra một người con trai là Trịnh Uẩn (鄭惲). Đến tuổi trưởng thành, Phó thị bị đưa vào cung, làm Tài nhân trong cung của Thượng Quan Thái hoàng thái hậu - Hoàng hậu của Hán Chiêu Đế Lưu Phất Lăng. Sau đó, bà gặp được Thái tử Lưu Thích và được Thái tử sủng ái.
Năm Hoàng Long nguyên niên (49 TCN), Hán Tuyên Đế băng hà, Thái tử Lưu Thích lên ngôi, tức Hán Nguyên Đế. Hoàng đế lập Lưu Ngao làm Thái tử, do đó mẹ của Thái tử là Vương Chính Quân trở thành Hoàng hậu, còn Phó thị được phong là Tiệp dư. Tuy chỉ là thiếp thất, song Phó Tiệp dư được sủng ái cực kì, Vương Hoàng hậu bị lạnh nhạt. Về sau, bà sinh hai người con là Bình Đô công chúa (平都公主) và Tế Dương vương Lưu Khang. Mấy năm sau, Hán Nguyên Đế lập ra địa vị Chiêu nghi, dưới bậc Hoàng hậu và trên bậc Tiệp dư, liền phong cho Phó thị làm Chiêu nghi, ban cho Ấn tín và Dây treo triện.
Thái tử Lưu Ngao ngày một lớn, Hán Nguyên Đế ngày càng không hài lòng với phong cách của Thái tử, tỏ ra sủng ái Lưu Khang, con trai Phó Chiêu nghi hơn, điều này khiến bà càng mong cơ hội đoạt đích. Vào năm Kiến Chiêu thứ 4 (35 TCN), khi hoàng đệ nhỏ tuổi nhất của Nguyên Đế là Trung Sơn vương Lưu Cánh qua đời, Thái tử Lưu Ngao không hề tỏ ra đau buồn. Sử Đan (史丹), một thân nhân của bà nội Hán Nguyên Đế và là một quan chức cấp cao ủng hộ Thái tử, thuyết phục Nguyên Đế rằng Thái tử chỉ nhất thời không hiểu chuyện, nhưng Nguyên Đế vẫn không bằng lòng. Khi Tế Dương vương Lưu Khang càng thông minh và siêng năng, rất được Hán Nguyên Đế sủng ái. Trong khi đó, Thái tử Ngao chỉ biết đến tửu sắc. Khi Nguyên Đế bị bệnh thì Phó Chiêu nghi và Lưu Khang thường được triệu tập đến giường của Nguyên Đế, trong khi Vương Hoàng hậu và Thái tử Lưu Ngao hiếm khi được vậy. Trong lúc lâm bệnh, vì được khuyến khích bởi Phó Chiêu nghi mà Hán Nguyên Đế đã xem xét lại có nên thay ngôi Đông cung Thái tử giữa Ngao và Khang không. Chỉ khi có sự can thiệp của Sử Đan - người đã liều mạng sống của mình để bước lên thảm của long sàng Hoàng đế, một hành động mà chỉ có Hoàng hậu mới được phép làm, khuyên can Hán Nguyên Đế từ bỏ suy nghĩ phế trưởng lập thứ.
Góa phụ thời kỳ.
Định Đào Thái hậu.
Năm Cánh Ninh nguyên niên (33 TCN), Hán Nguyên Đế băng hà, con trai của Vương hoàng hậu là Lưu Ngao lên ngôi, tức Hán Thành Đế.
Theo thông lệ có từ trước, nếu hậu cung phi tần của hoàng đế sinh được con trai và người con trai ấy được phong Vương thì sau khi Tiên đế giá băng, mẫu tử vị Hậu phi đó phải lập tức lui về phong địa, tuyệt không được ở lại trong triều nữa. Do Lưu Khang được phong làm "Định Đào vương" của Định Đào quốc, nên Phó Chiêu nghi cũng đến đó ở cùng, được tôn gọi là Định Đào Thái hậu (定陶太后). Để tạo thế lực cho dòng họ của mình, bà đem con gái của người em cùng mẹ với mình là Đinh Cơ gả cho Lưu Khang.
Mối quan hệ huynh đệ giữa Thành đế và Định Đào vương Lưu Khang khá tốt. Định Đào vương thường được triệu về Trường An để dự yến cùng Hoàng đế. Khi đó Hán Thành Đế không có con, nên muốn chọn trong số các thân vương một người để nối ngôi. Lưu Khang đã được xem là người thừa kế tiềm năng. Phó Thái hậu rất vui mừng về điều này. Vương Phượng mượn chuyện xảy ra nhật thực ép Thành Đế đuổi Lưu Khang về đất phong Định Đào, không cho gọi trở về Trường An nữa, Thành Đế đành chịu. Đại thần Vương Chương tức giận vì sự chuyên quyền của ngoại thích, bèn kiến nghị Thành Đế bãi chức họ. Vương Phượng bèn tranh thủ sự ủng hộ của Vương Thái hậu gây sức ép với Thành Đế, khiến Thành Đế phải xin lỗi Mẫu hậu, bắt giam Vương Chương. Sau đó, Chương bị chết trong ngục.
Năm Dương Sóc thứ 2 (22 TCN), Lưu Khang qua đời, người con của ông là Lưu Hân nối tước Định Đào vương khi mới 3 tuổi. Năm Nguyên Diên thứ 4 (9 TCN), Hán Thành Đế tuyệt tự trong khi tuổi đã cao, ra chiếu chỉ tuyên triệu Định Đào vương Lưu Hân cùng Trung Sơn vương Lưu Hưng, con của Phùng Vương thái hậu; cùng về Trường An để chọn người làm Trữ quân kế vị. Phó Thái hậu cũng theo cháu nội Lưu Hân vào triều, và bà đã lén vào hậu cung dùng vàng bạc châu báu hối lộ cho Triệu Hoàng hậu và Vương Căn là cậu của Hán Thành Đế, nhờ cậy họ nói tốt cho Lưu Hân. Chính vì thế Lưu Hân mới được lập làm Hoàng Thái tử vào năm 8 TCN và chọn người cháu của Sở Hiếu vương là Lưu Cảnh đổi sang làm "Định Đào vương" để kế thừa tước vị này.
Hoàng thái thái hậu.
Năm Tuy Hòa thứ 2 (7 TCN), Hán Thành Đế băng hà, Thái tử Lưu Hân lên ngôi tức Hán Ai Đế, lập Phó thị (cháu gái của bà) làm Hoàng hậu, tôn Hoàng hậu Triệu Phi Yến làm Hoàng thái hậu, và tôn Hoàng thái hậu Vương Chính Quân làm Thái hoàng thái hậu.
Khoảng 10 ngày sau khi đăng cơ, Hán Ai Đế đón tổ mẫu cùng thân mẫu đến Vị Ương cung. Nhưng do đích-thứ khác biệt, Phó Thái hậu cùng mẹ ruột Ai Đế là Đinh Cơ ngoài đãi ngộ ra thì vẫn chỉ giữ vị hiệu khi còn ở Định Đào, do Hoàng thái hậu và Thái hoàng thái hậu chỉ có một mà không thể thêm người khác, chính điều này đã dấy lên nỗi bính bình của Hán Ai Đế, cũng như là đề tài tranh luận trong triều đình. Khi đó Cao Xương hầu Đổng Hoành (董宏) tấu lên, lấy ["Mẫu dĩ Tử quý"; 母以子贵] làm lý lẽ, cẩn tôn Phó Thái hậu và Đinh Cơ huy hiệu xứng đáng. Dưới áp lực của Đại tư mã Vương Mãng, cùng Khổng Quang và Sư Đan, Đổng Hoành bị cắt chức lưu đày, nhưng Hán Ai Đế sau đó liền đến Trường Tín cung, xin dâng thụy hiệu cho Lưu Khang làm [Cung Hoàng]. Rồi cuối cùng, Hán Ai Đế thuận nước đẩy thuyền, dựa vào đó mà ra chỉ tôn tước hiệu mới cha bà nội và mẹ ruột, Phó Thái hậu nhận tước hiệu Cung Hoàng thái hậu (恭皇太后), còn Đinh Cơ mẹ của Ai Đế được phong làm Cung Hoàng hậu (恭皇后), đều lấy thụy hiệu của Định Đào Cung vương Lưu Khang làm hiệu, để tỏ rõ phân biệt với Thái hoàng thái hậu và Hoàng thái hậu. Trong chiếu có viết:「"Kinh Xuân Thu nói 'Mẫu dĩ tử quý', ứng nên tôn kính Phó Thái hậu làm Cung Hoàng thái hậu, Đinh Cơ làm Cung Hoàng hậu, lấy tả hữu Chiêm sự, phong ấp và bày biện đều án theo Trường Tín cung cùng Trung cung đãi ngộ"」. Ngoài ra, Hán Ai Đế còn truy tôn cha của Phó Thái hậu làm "Sùng Tổ hầu" (崇祖侯), cha của Đinh Cơ làm "Bao Đức hầu" (褒德侯).
Thái hoàng thái hậu Vương Chính Quân ra Ngự lệnh cho người cháu trai của mình là Vương Mãng, chỉ huy của cấm quân, phải từ chức và chuyển giao quyền lực cho họ Phó và họ Đinh. Song Hán Ai Đế lại khước từ và muốn giữ Vương Mãng lại. Vài tháng sau, Vương Mãng và Phó Thái hậu nảy sinh mâu thuẫn. Trong một buổi yến tiệc, bảo tọa của Phó thái hậu được đặt trước bảo tọa của Vương Thái hoàng thái hậu nương nương. Vương Mãng thấy vậy, bèn quở trách và ra lệnh bảo tọa của Phó thái hậu phải được chuyển sang phía bên góc, Phó thái hậu vô cùng giận dữ, cho rằng họ Vương không xem trọng mình, bỏ về không dự tiệc. Để tránh sự tức giận của Phó Thái hậu, Vương Mãng liền từ chức, và Hán Ai Đế chấp thuận cho hắn.
Sau khi Vương Mãng từ chức, gia tộc họ Vương tạm rút khỏi vị trí quyền lực trong triều của mình. Thay vào đó, nhờ vào thế lực của bà mà họ Phó và họ Đinh được trọng dụng, lấn át thế lực ngoại thích họ Vương rồi dần trở thành phe cánh mới trong triều đình. Em trai cùng mẹ cùng cha của Phó thị có bốn người, là Phó Tử Mạnh (傅子孟), Phó Trung Thúc (傅中叔), Phó Tử Nguyên (傅子元) và Phó Ấu Quân (傅幼君). Trong đó, con của Tử Mạnh là Phó Hỉ (傅喜) làm đến Đại tư mã, tước "Cao Vũ hầu" (高武侯); con trai Trung Thúc là Phó Yến (傅晏) cũng làm Đại tư mã, hiệu "Khổng Hương hầu" (孔乡侯); con trai Ấu Quân là Phó Thương (傅商) phong làm "Nhữ Xương hầu" (汝昌侯); đem Sùng Tổ hầu sửa thành "Nhữ Xương Ai hầu" (汝昌哀侯). Con trai của người em khác cha là Trịnh Nghiệp (郑业) được phong làm "Dương Tín hầu" (阳信侯), truy tôn Trịnh Uẩn làm "Dương Tín Tiết hầu" (阳信节侯). Như vậy trong nhà Phó Thái hậu có sáu người được phong Hầu, 2 người làm Đại tư mã, 6 người làm bậc Cửu khanh, 10 người trở thành Thị trung, bổng lộc hơn 2.000 thạch.
Năm Kiến Bình thứ 2 (5 TCN), tháng 3, Cung Hoàng thái hậu Phó thị được Ai Đế tấn tôn làm Đế thái thái hậu (帝太太后), chiếu viết:「"Hán gia chế pháp, thân thuộc vì hiển quý mà được gia tôn, huy hiệu của Định Đào Cung hoàng nay không nên tiếp tục dùng chữ Định Đào nữa. Nên tôn Cung Hoàng thái hậu làm Đế thái thái hậu, Cung Hoàng hậu làm Đế thái hậu"」. Năm thứ 3 (4 TCN), tháng 6, chiếu tôn Đế thái thái hậu làm Hoàng thái thái hậu (皇太太后), tương đương với Thái hoàng thái hậu của Vương Chính Quân. Chỗ ở của Hoàng thái thái hậu được gọi là Vĩnh Tín cung (永信宮), các thiết có Thiếu phủ, Thái bộc, trật lộc đều là hơn 2.000 thạch.
Hại chết Phùng Viện.
Vào năm Tuy Hòa thứ 2 (7 TCN), Trung Sơn vương Lưu Kì Tử lâm trọng bệnh, Thái hậu Phùng Viện vất vả chăm sóc, ngày đêm cầu khấn thần linh. Hán Ai Đế vừa đăng cơ không lâu, nghe đến em họ bị bệnh, bèn sai Trương Do (張由) đến xem xét thăm bệnh. Nhưng sau đó, Trương Do trở về Trường An và tố cáo Phùng Thái hậu dùng trò phù thủy, đang nguyền rủa Ai Đế cùng Hoàng tổ mẫu của ông là Phó Thái hậu.
Phó Thái hậu vốn rất căm ghét Phùng Thái hậu do việc bà xả thân cứu Hán Nguyên Đế năm xưa, nay nhân cơ hội muốn dồn Phùng Thái hậu vào chỗ chết. Phó Thái hậu sai Đinh Huyền (丁玄) thẩm tra vụ án, bắt quan lại của Trung Sơn vương cùng người nhà của Phùng Thái hậu phân biệt giam cầm ở Lạc Dương, Ngụy quận và Cự Lộc. Sau đó, Phó Thái hậu một hoạn quan tên Sử Lập (史立), cùng Thừa tướng Trưởng sử phối hợp Đại Hồng lư thừa thẩm tra vụ án. Sử Lập hùa với Phó Thái hậu, giả mệnh tra khảo một số người liên quan với Phùng Thái hậu, trong đó có em gái bà là Phùng Tập (馮習) và em dâu là Phùng Quân Chi (馮君之; vốn không rõ họ gì, gọi theo họ chồng). Thế nhưng, Sử Lập vẫn không đủ chứng cứ tố cáo Phùng Thái hậu. Vu sư Lưu Ngô thừa nhận đã làm việc bùa phép, còn Y sĩ Từ Toại đã nói rằng Phùng Tập cùng Quân Chi từng nói:"Thời Vũ Đế, có Y sĩ Tu thị chữa khỏi bệnh cho Vũ Đế, tiền thưởng 2.000 vạng bạc. Hiện tại không thể chửa khỏi bệnh cho Thượng, lại không thể phong Hầu, chi bằng giết chết Thượng, khiến Trung Sơn vương kế vị, là có thể phong Hầu rồi!". Sử Lập thượng tấu tố cáo Phùng Thái hậu cùng một cơ số người tiến hành nguyền rủa Hoàng đế, đại nghịch bất đạo. Thế rồi, triều đình tiến hành tra khảo riêng Phùng Thái hậu, nhưng bà nhất quyết không chịu nhận.
Sử Lập khi đó đành ám thị ai là chủ mưu việc điều tra lần này, nói:"Gấu chạy lên trên điện, ngài từng dũng cảm như thế nào?! Bây giờ sợ hãi co rúm, thật khác xa!". Biết được Phó Thái hậu là chủ mưu, Phùng Thái hậu trở về tẩm cung nói tả hữu rằng:"Đó là chuyện xưa của tiền triều, làm sao một tiểu quan viên lại có thể biết?! Đây rõ ràng là muốn hãm hại ta", nói xong bà liền tự sát bằng thuốc độc. Năm đó, có 17 người trong nhà bà bị giết, chỉ duy nhất cháu trai là Lưu Kì Tử được tha.
Bị tước thụy hiệu.
Năm Nguyên Xuân nguyên niên (2 TCN), ngày 17 tháng 1 (âm lịch), Phó Thái hậu qua đời, không rõ bao nhiêu tuổi.
Dù chỉ là một phi thiếp, Phó thị sau khi qua đời đã được cháu nội Hán Ai Đế tiếm gọi với thụy hiệu Hiếu Nguyên Phó Hoàng hậu (孝元傅皇后), hợp táng cùng Hán Nguyên Đế vào Vị lăng (渭陵). Quy chế nhà Hán gắt gao, trong một đời Hoàng đế, chỉ có một Hoàng hậu được hợp táng cùng Hoàng đế và được đem thụy hiệu của Hoàng đế ấy làm thụy hiệu của mình, đến cả Hoàng hậu còn có phân biệt (như Cung Ai Hoàng hậu Hứa Bình Quân), chứ chưa nói đến phi tần. Chính điều này đã làm cho Thái hoàng thái hậu Vương Chính Quân không hài lòng và tức giận. Hành động của Hán Ai Đế được xem là không phù hợp lễ giáo và thiếu tôn trọng đối với Thái hoàng thái hậu đang tại vị.
Hơn một năm sau Hán Ai Đế cũng bạo băng, thế lực họ Vương lập tức trỗi dậy, nhanh chóng đoạt lại quyền hành chính trị còn thế lực họ Phó và họ Đinh suy sụp, cháu gái bà là Phó Hoàng hậu bị thu hồi Hoàng hậu tỉ thụ, phế truất ngôi chính cung. Vương Chính Quân liền triệu tập cháu mình là Vương Mãng về Trường An nhiếp chính cho Hán Bình Đế vừa đăng cơ. Vương Mãng không do dự bèn thanh trừng thế lực 2 họ Phó và Đinh. Phó thị bị tước bỏ thụy hiệu "Hiếu Nguyên hoàng hậu", giáng vị thành Định Đào Cung vương mẫu (定陶恭王母). Thi hài bị trục xuất khỏi Vị lăng rồi được đưa về Định Đào an táng trong sự uất ức của gia tộc họ Phó.
Năm Nguyên Trị thứ 5 (5), Vương Mãng dâng tấu lên Thái hoàng thái hậu Vương Chính Quân, nói mộ phần Phó Thái hậu không hợp lễ táng, nên phải khai quật để sửa sang. Tương truyền, khi mộ của bà được khai quật, bất ngờ lửa phụt ra, gây tổn hại thi thể và các vật phẩm chôn cất cùng. | 1 | null |
Dương Bá Nuôi (1920-2006) là một tướng lĩnh quân sự cấp cao của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông từng giữ các chức vụ Tư lệnh Quân khu Trị Thiên; Phó Chủ tịch Ủy ban Quân Quản Liên khu 4; Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân khu 4. Sau thời gian lâm bệnh và dưỡng bệnh từ 1983-1986 tại bệnh viện quân y 108 của tỉnh Thừa Thiên Huế, ông về nghỉ hưu với quân hàm Thiếu tướng.
Thân thế sự nghiệp.
Ông sinh năm 1920, quê ở làng Thanh Lương, xã Hương Xuân, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế, xuất thân trong một gia đình quan lại của triều đình Huế, nhà giàu. Ông có người anh trai cả là Dương Bá Quán và ông dượng là ông Dương Quang Hùng là gia đình cơ sở của đồng chí Nguyễn Chí Thanh và đồng chí Hoàng Anh. Người anh ruột và ông dượng của vị tướng từng quen biết với ông Cả Khiêm (tức ông Nguyễn Sinh Khiêm ) anh ruột của Bác Hồ khi ông này thường lui tới làng Thanh Lương để bốc thuốc chữa bệnh. Vì thế, từ nhỏ ông đã sớm được tiếp cận với tư tưởng cách mạng và lòng yêu nước.
Tháng 8 năm 1945, ông tham gia phong trào Việt Minh giành chính quyền. Sau khi Pháp tái chiếm Đông Dương, ông tham gia chiến đấu, đi từ chiến sĩ lên cấp chỉ huy tiểu đoàn. Giữa năm 1950, ông được Quân khu Trị Thiên cử đi tham dự một lớp học tại Việt Bắc, trong dịp này được tiếp xúc lần đầu tiên với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một lần ông đến thăm lớp học. Sau khi hoàn thành khóa học trở về, ông nhận được chỉ thị của cấp trên là ở lại để nghiên cứu và trao đổi kinh nghiệm với các đơn vị khác, nhưng đến cuối năm 1950, ông quyết định trốn về chiến trường Thừa Thiên để được trực tiếp tham gia chiến đấu mà không báo cáo với cấp trên. Về lại chiến trường, ông được Quân khu bổ nhiệm giữ chức vụ Trung đoàn phó Trung đoàn 18 kiêm Tham mưu trưởng trung đoàn. Tuy nhiên, không lâu sau, việc trốn về chiến trường của ông bị phát hiện. Ông phải viết bản tự kiểm điểm và nhận kỷ luật trở lại làm chỉ huy cấp tiểu đoàn.
Trên cương vị Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 436, Trung đoàn 101 thuộc Liên khu 4, ông chỉ huy tiểu đoàn 2 lần tập kích tiêu diệt đồn An Gia trong hệ thống phòng thủ Phú Ốc - Sịa (Quảng Điền) và ngày 12 tháng 2 năm 1951 và đêm ngày 3 và sáng ngày 4 tháng 3 năm 1951.
Đầu năm 1953, ông được lệnh ra Việt Bắc để học tập chỉnh quân. Trong đợt này, ông có dịp lần thứ 2 gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau khi trở về, ông tiếp tục giữ chức vụ Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 436. Đầu năm 1953, ông chỉ huy tiểu đoàn dẫn đầu đội hình Trung đoàn 101 theo đường xuyên Trường Sơn tiến thẳng xuống Hạ Lào, đánh chiếm thị xã Attapeu, mở màn chiến dịch Đông – Xuân 1953-1954. Ông cùng đơn vị chiến đấu trong đội hình Trung đoàn 101 cơ động trên các mặt trận Trung - Hạ Lào và Đông bắc Campuchia cho đến sau trận Điện Biên Phủ mới rút về nước.
Sau khi về nước, đơn vị ông được tái tổ chức, ông được bổ nhiệm làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 101. Đầu thập niên 1960, ông được lệnh vào Quân khu Trị Thiên nhận nhiệm vụ. Tháng 12 năm 1963, ông ra Hà Nội báo cáo tình hình của chiến trường Quân khu IV (lúc này ông là Tham mưu trưởng Quân khu). Trong dịp này, ông lần thứ 3 gặp và tiếp chuyện với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Rời cơ quan, đi dọc biên giới Lào-Việt đến làng Ho (Quảng Bình) thì có xe của Bộ Tổng tham mưu đón. Ra Hà Nội, sau một đêm nghỉ ngơi, ông đến Văn phòng làm việc của Bộ Tổng tham mưu để làm việc với đồng chí Văn Tiến Dũng . Khi biết có đồng chí Dương Bá Nuôi ở chiến trường Trị-Thiên-Huế ra báo cáo tình hình, Bác nói: -"Hay quá, nhưng hôm nay Bác bận, Bác muốn nghe tình tình Trị-Thiên-Huế, văn phòng sẽ thu xếp và báo cho cháu sau". Sáng hôm sau, đúng giờ, Bác qua để nghe báo cáo. Vừa ngồi xuống, Bác vào chuyện ngay: “Chú Dũng (Đại tướng Văn Tiến Dũng), chú có thể về làm việc, Bác biết chú còn nhiều việc lắm, cứ để Bác với chú Nuôi trò chuyện cũng được”.
Sau khi trở về chiến trường, ông được bổ nhiệm làm Tư lệnh Quân khu Trị Thiên (thuộc Mặt trận B5), chịu trách nhiệm phối hợp với Đoàn 559 làm đường ô tô từ La Hạp đi A Túc để chuyển hàng cho chiến trường Trị Thiên (đường B45), đón các đơn vị chính quy vào Nam chiến đấu, trong đó có một bộ phận của Trung đoàn 101 với phiên hiệu Trung đoàn 101A.
Đêm mồng 5, rạng sáng 6 tháng 4 năm 1967, ông chỉ huy bộ đội địa phương Hương Trà phối hợp với đặc công quân khu Trị Thiên đánh tập kích đồn Km17, diệt gọn Trung đoàn Bộ binh 3 do Thiếu tá Nguyễn Văn Thọ - Chỉ huy trưởng, bắt được 120 tù binh và thu nhiều chiến lợi phẩm.
Đầu năm 1968, ông là một trong 2 cán bộ của Sư đoàn 325 cử phối thuộc Sư đoàn 304 tham gia chỉ huy trong trận Làng Vây. Sau trận này, ông được phân công giữ chức Tham mưu phó Quân khu. Sau Chiến dịch 1972, ông được bổ nhiệm làm Phó tư lệnh Quân khu 4, hàm Thượng tá, phụ trách Sở chỉ huy cơ bản ở Cốc Ba Bó, trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy cánh Bắc Huế và Quảng Trị, đồng thời lo giải quyết việc hậu phương.
Trong Chiến dịch Huế - Đà Nẵng, ông trực tiếp chỉ huy một mũi đột kích gồm Trung đoàn 4 và một số đơn vị lẻ giao chiến với một Lữ đoàn Thủy quân Lục chiến Việt Nam Cộng hòa và tiến chiếm thành phố Huế. Ông được thăng hàm Đại tá ngay trong trận này.
Sau khi chiếm được Huế, ông được phân công làm Phó Chủ tịch Ủy ban Quân Quản Thừa Thiên Huế và giữ chức vụ này từ tháng 3 đến tháng 7 năm 1975, đến khi chính quyền dân sự được thành lập. Ông được bổ nhiệm làm Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân khu IV và giữ chức vụ này cho đến khi nghỉ hưu với quân hàm Thiếu tướng.
Sau khi nghỉ hưu, ông được bầu vào chức vụ Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ông qua đời năm 2006 tại Huế.
Ngày 23 tháng 12 năm 2013 UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế đã có . trong đó có đặt tên một con đường mang tên Dương Bá Nuôi cho một con đường tại Làng Thanh Lương thuộc thị xã Hương Trà nơi quê hương của ông.
Giai thoại.
Năm 1963, ông đại diện Quân khu Trị Thiên ra Bắc báo cáo cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau khi nghe báo cáo, Hồ Chủ tịch hỏi:
Do e ngại vấn đề giai cấp nên ông rụt rè trả lời:
Hồ Chủ tịch ngắt lời:
Hồ Chủ tịch lại hỏi:
Ông Nuôi chỉ vào bản đồ, đáp:
Hồ Chủ tịch nói: | 1 | null |
Tiêu khiển hay thú vui tiêu khiển được hiểu là việc làm cho tâm trạng thoái mái bằng những thú vui chơi giải trí nhẹ nhàng, nó là một yếu tố thiết yếu của con người về mặt sinh học và tâm lý học nhằm hướng đến niềm vui. Tùy theo từng người, nhóm xã hội, tâm trạng, hoàn cảnh mà người ta có những trò tiêu khiển khai thú tiêu khiển khác nhau. Những hoạt động giải trí đơn giản như nghe nhạc, vẽ vời, uống trà thưởng nguyệt cũng được xem là thú vui tiêu khiển. Một số tầng lớp những người giàu có, thành đạt thường có những thú tiêu khiển độc đáo và khá tốn kém như nuôi chó Tây, chim hiếm, cá cảnh độc, nuôi trăn khổng lồ, rắn độc, gấu, hổ, cá sấu, ăn uống dát vàng hoặc có những bộ sưu tập đắt tiền chơi những môn thể thao, lập kỷ lục... hoặc một số trò tiêu khiển khác người thậm chí là quái đản, dị hợm. Nhìn chung, thú tiêu khiển có thể là bất kỳ hoạt động giải trí nào gắn liền với sở thích, tính cách của người thực hiện. Tuy nhiên, khi nhắc đến thú vui tiêu khiển, trong hình dung của người Việt Nam thường xuất hiện những hình thức giải trí theo xu hướng tiêu cực để đem lại niềm vui ngắn hạn. | 1 | null |
Nguyễn Hữu Vạn (sinh 1956) là cựu chính khách Việt Nam. Ông nguyên là Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam. Ông có bằng Tiến sĩ Kinh tế và Cử nhân Lý luận chính trị tại Việt Nam.
Thân thế sự nghiệp.
Ông sinh ngày 28 tháng 6 năm 1956, quê quán tại Thuỵ Sơn, Thái Thụy, Thái Bình.
Từ tháng 4 năm 1979 đến tháng 5 năm 1991, ông công tác tại Sở Tài chính - Vật giá tình Hoàng Liên Sơn, thăng dần từ ngạch cán bộ chuyên môn lên chức vụ trưởng phòng. Ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 30 tháng 4 năm 1984, chính thức ngày 30 tháng 4 năm 1985.
Tháng 5 năm 1991, ông được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Sở Tài chính - Vật giá Hoàng Liên Sơn. Sau khi tỉnh Hoàng Liên Sơn được chia tách, tháng 10 năm 1991, ông về làm Phó giám đốc Sở Tài chính tỉnh Lào Cai. Đến tháng 1háng 1 năm 1992, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Lào Cai.
Tháng 2 năm 2000, ông được bầu làm Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, và được bầu làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai. Tháng 7 năm 2002, ông được điều chuyển về làm Bí thư huyện ủy Sa Pa (Lào Cai), vẫn giữ chức vụ Ủy viên ban Thường vụ Tỉnh ủy. Tháng 1 năm 2006, được bầu làm Phó bí thư Tỉnh ủy Lào Cai khóa XIII, nhiệm kỳ 2005 – 2010, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai khoá XIII, nhiệm kỳ 2004 – 2011.
Ngày 4 tháng 3 năm 2010, tại Hội nghị bất thường Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lào Cai khóa XIII, nhiệm kỳ 2005 – 2010, ông được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai khoá XIII, nhiệm kỳ 2005 – 2010.
Ngày 24 tháng 5 năm 2013, ông được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn làm Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Tháng 4 năm 2016, Quốc hội khóa XIII đã bầu ông Hồ Đức Phớc làm Tổng Kiểm toán Nhà nước thay cho ông Nguyễn Hữu Vạn. | 1 | null |
Fable III là trò chơi điện tử thể loại hành động nhập vai thứ ba trong dòng trò chơi Fable. Trò chơi được phát triển bởi Lionhead Studios cho hệ Xbox 360 và Microsoft Windows còn Microsoft Game Studio thì lo phần phát hành và phân phối. Phiên bản trên hệ Xbox 360 đã phát hành vào ngày 26 tháng 10 năm 2010 còn phiên bản cho Windows thì phát hành vào ngày 17 tháng 5 năm 2011.
Bối cảnh của tác phẩm là 50 năm sau các sự kiện trong Fable II với cốt truyện tập trung vào một nhân vật chính là hoàng tử hay công chúa của xứ Albion khi thấy anh trai mình bắt đầu phát điên vì quyền lực và sử dụng nó một cách quá tàn bạo đã rời bỏ lâu đài và chuẩn bị cho một cuộc nổi dậy lật đổ người anh trai của mình để trở thành minh quân hay một bạo chúa mới. Cùng với người thầy, quản gia và chú chó trung thành của mình người chơi sẽ bắt đầu đi khám phá thế giới, thành lập liên minh, tìm kiếm chi phí cho việc và được sự hướng dẫn của một người phụ nữ bí ẩn trên con đường ảo ảnh nơi từng đoạn sẽ được mở ra sau các sự kiện và nhân vật chính sẽ có được các sức mạnh ma thuật và kỹ năng mà đoạn đường được mở cung cấp để đi tiếp con đường ngày càng chông gai. Về phép thuật thì trò chơi cung cấp bốn phép thuật chính, từng đoạn của con đường ảo ảnh sẽ có lựa chọn để làm cho các phép thuật ngày càng mạnh hơn và đặc biệt hơn khi đến một lúc nào đó hai phép thuật có thể nhập lại làm một tạo ra một phép thuật liên hợp. Vũ khí trong trò chơi thì ngoài các vũ khí "sống" mà người chơi có sẵn sẽ "tiến hóa" cùng với con đường ảo ảnh thì người chơi có thể mua các vũ khí khác trong các lò rèn vũ khí, nhưng trong một lần chơi chỉ có một lượng nhỏ vũ khí sẽ xuất hiện vì thế với người thích sưu tập nếu muốn có đầy đủ vũ khí thì sẽ phải hợp tác với người chơi khác để vào thế giới của họ xem có bán loại vũ khí mà mình không có hay không. Một điểm đặc biệt khác của trò chơi là trong chuyến hành trình của mình thì chú chó trung thành sẽ theo sát gót không rời, chú chó này sẽ giúp tìm các kho báu chôn dưới lòng đất và chiến đấu cùng người chơi. Với việc kiếm tiền thì người chơi có thể làm nhiều công việc khác nhau hay mua nhà rồi cho thuê. Nhân vật chính cũng có thể lập gia đình với nhân vật khác.
Trò chơi nhận được các đánh giá tích cực trên hệ Xbox 360 còn Windows thì nhận nhiều ý kiến khác nhau.
Phát triển.
Khi "Fable III" bắt đầu được công bố thì Molyneux đã nói rằng trò chơi sẽ có các chủ đề khác nhau khi so sánh với các tác phẩm trước vì thế nó sẽ rất khó để thực hiện "Nếu tất cả các chức năng đều tương tự như nhau và người chơi sẽ chỉ có một cốt truyện, những địa điểm mới thì họ sẽ mất đi sự quan tâm".
Trong một cuộc phỏng vấn với OXM UK, Molyneux nói về cách Fable có nguy cơ trở thành trò chơi trong thể loại nơi nhân vật không có quyền lực gì và yếu ớt nhưng dần trở nên mạnh hơn sau khi hạ đo ván những kẻ xấu. Cấu trúc đó đã được áp dụng trong rất nhiều trò chơi khác, nhưng ông hỏi "Kết lại thế tại sao trò chơi vẫn có một chút sự thu hút?" và trả lời luôn đó là vì các yếu tố của "Fable III" nơi nhân vật có thể lật đổ một bạo chúa và trở thành người lãnh đạo cũng như có thể chọn con đường đi riêng cho mình thiện hay ác, tàn bạo hay nhân từ và nó không chỉ tác động đến nhân vật mà là cả một vương quốc.
Georg Backer người chuyên lo việc phối âm cho các trò chơi của Lionhead đã nói rằng trò chơi có đến 42 tiếng hội thoại. Trong đó phần lớn là do các nhân vật trong trò chơi nói chuyện với nhau về các tin đồn của các sự kiện đang diễn ra và người chơi có thể nghe lỏm được. Các nhân vật phụ này có đến 2000 câu đối thoại với hơn 80 người tham gia lồng tiếng.
Có 14 phiên bản mở rộng bổ sung dùng để tải về đã được thực hiện. Các phiên bản này thêm một số nhiệm vụ, khu vực, các tính năng, trang phục và giống chó mới. Phiên bản đặc biệt của trò chơi tích hợp 9 phiên bản này.
Truyền thông.
Sách.
Peter David đã thực hiện một tiểu thuyết có tựa "Fable: The Balverine Order" và bắt đầu phát hành vào ngày 05 tháng 10 năm 2010, cốt truyện lấy bối cảnh một khoảng thời gian nào đó sau Fable II nhưng trước "Fable III" nói về hai nhân vật cùng trên đường thức hiện một nhiệm vụ là tìm người sói đã sát hại người thân của mình.
Peter David cũng thực hiện một tiểu thuyết khác có tựa "Fable: Blood Ties" và phát hành vào ngày 25 tháng 10 năm 2011. Cốt truyện lấy bối cảnh ít lâu sau các sự kiện trong "Fable III".
Đón nhận.
"Fable III" nhận được các đánh giá tích cực trên hệ Xbox 360. IGN đã đánh giá phiên bản này là 8,5/10 với nhận xét khen kết thúc của trò chơi nhưng than phiền về phần mở đầu chậm chạp và thiếu sáng tạo. GameSpot thì cho trò chơi 7,5/10 điểm với nhận xét "Thế giới tuyệt đẹp đầy sự hài hước và cá tính" nhưng cũng nói "Một loạt các vấn đề kỹ thuật và lối chơi quá đơn giản khiến trò chơi bớt thú vị". Official Xbox Magazine nói "Phần đáng nhớ nhất của Fable III không phải vì nó làm cho bạn cười mà bởi vì nó cũng làm cho bạn phải quan tâm. Nếu một vết sẹo xuất hiện trên mặt nhân vật bạn sẽ cảm thấy tội lỗi. Khi chú chó của bạn cứu bạn trong một trận chiến, bạn sẽ cảm thấy tự hào.".
Phiên bản dành cho hệ máy tính cá nhân thì lại nhận nhiều ý kiến khác nhau. IGN lại cho phiên bản này là 6/10 và gọi nó là "Sự thất vọng của hoàng tộc" với "giao diện không phù hợp với nền tảng máy tính", "Cốt truyện không đồng đều về nhịp điệu", "Hệ thống chiến đấu chán ngắt" và "Nhiệm vụ lặp đi lặp lại". GameSpot đánh giá phiên bản này là 7/10 với nhận xét "Có cải tiến đồ họa và chiến đấu khó hơn" cũng như than phiền "Cách chơi đơn giản" làm "Giảm sự hứng thú". | 1 | null |
TMA Solutions là công ty thuộc Tập đoàn Công nghệ TMA (tiếng Anh: TMA Tech Group hoặc TMA Technology Group, tiếng Việt: Công ty TNHH Giải Pháp Phần Mềm Tường Minh, gọi tắt TMA) là một tập đoàn Việt Nam, kinh doanh các dịch vụ liên quan đến phát triển phần mềm.
Tiểu sử.
Vào tháng 3 năm 1997, bà Bùi Ngọc Anh thành lập công ty TMA với 6 kỹ sư tại phòng khách nhà bà. Vào thời điểm đó, một công ty công nghệ thông tin ở Canada có ý thuê nhà bà Ngọc Anh làm chi nhánh cho công ty, đồng thời cũng muốn nhờ bà hoàn thành giúp các thủ tục pháp lý để mở chi nhánh cho mình. Nhưng cuối cùng, vì lý do tài chính nên công ty này đã hủy hợp đồng, thế là bà Ngọc Anh, cùng với vốn kiến thức đã thu thập được trong thời gian qua đã cho ra đời công ty TMA.
Đến năm 1998, TMA đón nhận khách hàng đầu tiên từ Mỹ và Canada. Vào năm này, số lượng thành viên của TMA đã tăng lên gấp ba lần, tức 18 người.
Năm 1999, con số 18 người này lại một lần nữa tăng lên gấp 3, TMA đạt được mức 54 nhân viên, và dời trụ sở sang quận Phú Nhuận. Hiện nay, trụ sở này vẫn là trụ sở chính của công ty.
Vào năm 2000, TMA có thêm khách hàng mới từ Úc, Singapore, Ấn Độ và Nhật Bản.
Năm 2001, TMA có thêm trụ sở mới, cũng ở quận Phú Nhuận. Đồng thời cũng có thêm khách hàng từ Nhật Bản.
Năm 2003, TMA thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển R&D. Số lượng nhân viên lúc này cũng đạt được 200 người.
Năm 2005, TMA thành lập trụ sở ở nước ngoài đầu tiên tại Canada. Xét về mặt các trụ sở trong nước, cùng với trụ sở tại đường Đặng Văn Ngữ (quận Phú Nhuận) được thành lập vào năm 2004, đến năm 2005, TMA lại mở thêm một trụ sở mới trên đường Trần Hữu Trang (quận Phú Nhuận), đẩy số lượng trụ sở lên 5, góp phần mở rộng quy mô công ty hơn.
Năm 2006-2008: TMA thành lập thêm 3 chi nhánh mới ở Nhật bản, Mỹ và ở châu Âu. Vào lúc này, TMA bước đầu thâm nhập thị trường châu Âu với các khách hàng từ Đức, Pháp, Đan Mạch. Thành lập TMA Training Center (Trung tâm Đào Tạo TMA) cho việc đào tạo kỹ sư và sinh viên.
Năm: 2009-2010: Thành lập trụ sở thứ sáu của mình tại công viên phần mềm Quang Trung. Đồng thời cho ra đời Trung tâm Giải pháp Di Động TMA (TMA Mobile Solutions). Thêm vào đó, TMA mở thêm một chi nhánh mới tại Úc. Vào năm 2009, TMA cũng có mặt tại triển lãm CommunicAsia2009 ở Singapore. Ngày 29/7/2010, Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển CNTT-TT (ICT R&D Center - iRDC) của TMA được thành lập nhằm phục vụ hợp tác phát triển công nghệ và sản phẩm mới (iRDC).
Năm 2011: TMA thành lập Tech Lab và Trung tâm Thực tập Sinh viên (SDC) nhằm đào tạo và nâng cao trình độ các thế hệ sinh viên, đặc biệt là sinh viên CNTT. Vào năm này, TMA cũng thành lập Bảo tàng và Thư viên sách cũ tại Lab6 (công viên phần mềm Quang Trung)
Năm 2012: TMA tham gia triển lãm CommunicAsia2012 tại Singapore. Cùng năm, TMA cũng tham gia triển lãm CNTT CeBIT tại Hannover, Đức. Lúc này, số lượng nhân viên của TMA là 1200 người.
Năm 2013: số lượng nhân viên là 1400 người.
Năm 2015: số lượng nhân viên là 1800 người.
Năm 2017: kỉ niệm 20 năm thành lập, số lượng kỹ sư CNTT đang làm việc tại TMA đạt hơn 2000 người. Thành lập TMA Innovation Center (Trung tâm sáng tạo TMA)
Năm 2018: khởi công xây dựng công viên sáng tạo TMA tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Số lượng nhân viên tại TMA là 2400 kỹ sư.
Đánh giá.
Theo đánh giá của Aberdeen Group vào năm 2002, TMA thuộc nhóm 15 công ty gia công phần mềm toàn cầu tốt nhất, đồng thời cũng là công ty gia công phần mềm có quy mô lớn nhất Thành phố Hồ Chí Minh. | 1 | null |
Phêrô Gioan Trần Xuân Hạp (6 tháng 10 năm 1920 – 6 tháng 7 năm 2005) là một giám mục Công giáo người Việt Nam. Ông nguyên là giám mục chính tòa thứ ba của Giáo phận Vinh từ khi Hạt Đại diện Tông Tòa Vinh được nâng cấp lên hàng giáo phận vào năm 1960, đảm nhận vai trò này trong vòng hơn 20 năm, từ năm 1979 đến năm 2000. Khẩu hiệu giám mục của ông là "Xin cho con say mê Thánh Giá".
Thân thế và tu tập.
Giám mục Trần Xuân Hạp sinh ngày 6 tháng 10 năm 1920 trong một gia đình Công giáo đạo đức giáo xứ Nhân Hòa, giáo phận Vinh. Giáo xứ này có địa giới thuộc về làng Nhân Hòa, phường Võng Nhi, tổng Kim Nguyên, huyện Nghi lộc, tỉnh Nghệ An (cho đến năm 2007, thuộc xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An). Thân phụ là ông Phêrô Trần Văn Trường và thân mẫu là bà Maria Hà Thị Còn. Ông là người con thứ hai trong gia đình gồm có sáu anh em. Nhiều người trong gia tộc của ông là linh mục và chủng sinh: hai chủng sinh Trần Khanh và Trần Khánh, các linh mục Hà Văn Gia (cậu nội), Nguyễn Thần Đồng, Hà Ngọc Cai, ...
Do ham học giáo lý Công giáo và có trí thông minh, cậu Trần Xuân Hạp nhanh chóng được nhận Bí tích Thêm Sức khi chỉ mới bảy tuổi (năm 1927). Chủ sự nghi thúc Ban bí tích là Giám mục André Léonce Joseph Eloy Bắc. Năm 9 tuổi, cậu bé Hạp được cậu ruột là linh mục Hà Văn Gia, lúc này đảm nhận chức vụ linh mục quản xứ Ngọc Long, nhận nuôi dạy, do đó cậu bé Hạp dọn đến giáo xứ Ngọc Long. Năm 1931, linh mục Gia chuyển đến giáo xứ Cam Lâm và qua đời tại nhiệm sở vào cuối tháng 2 năm 1932. Linh mục Gia gửi cậu Hạp cho linh mục Hiên đang đảm trách giáo xứ Bùi Ngọa nuôi dạy.
Năm 1933, cậu bé Trần Xuân Hạp được gửi theo học tại Chủng viện dự bị Xuân Phong, với tư cách là chủng sinh Khóa II của chủng viện này. Năm 1936, cậu được cho phép nhập học học Tiểu chủng viện Xã Đoài. Năm 1942, chủng sinh Hạp thực tập tham gia công tác giảng dạy tại Tiểu chủng viện, đồng thời thực tập thầy giảng. Sau khoảng thời gian dài, năm 1951, ông tiếp tục con đường tu học bằng cách vào học Đại Chủng viện. Đại chủng viện trước đó phải đóng cửa do hoàn cảnh chiến sự, do đó chủng sinh Hạp đã phải chờ đợi hai năm mới được nhập học Đại chủng viện.
Linh mục.
Phêrô Trần Xuân Hạp thụ phong chức Linh mục ngày 1 tháng 2 năm 1959 tại Nhà thờ chính tòa Xã Đoài. Song thân của tân linh mục lúc này đang sinh sống tại miền Nam. Sau khi được truyền chức linh mục, vị linh mục trẻ được bổ nhiệm đảm nhận vai trò quản xứ Minh Cầm và đảm nhận nhiệm vụ này đến năm 1963. Sau thời gian công tác mục vụ tại Minh Cầm, linh mục Hạp được điều chuyển đảm nhận giáo xứ Đan Sa và đảm nhận vai trò này đến năm 1973. Cả hai giáo xứ này có địa giới đều thuộc tỉnh Quảng Bình.
Từ năm 1973 đến 1979, linh mục Hạp được chọn làm quản hạt Hướng Phương, kiêm Linh mục Tổng đại diện giáo phận Vinh. Trong thời kỳ linh mục, linh mục Trần Xuân Hạp được ghi nhận là một linh mục tận tình chăm sóc mục vụ cho giáo dân.
Giám mục.
Bổ nhiệm và Truyền chức.
Ngày 10 tháng 1 năm 1979, Tòa Thánh loan báo tin bổ nhiệm linh mục Phêrô Trần Xuân Hạp, lúc này là linh mục Tổng đại diện giáo phận Vinh, làm Giám mục chính tòa giáo phận Vinh, thay thế cố giám mục Phêrô Maria Nguyễn Năng qua đời trước đó sáu tháng. Cùng trong ngày này, cùng với tin tức bổ nhiệm giám mục Tân cử Trần Xuân Hạp, Tòa Thánh cũng bổ nhiệm linh mục Giuse Maria Nguyễn Tùng Cương của Tổng giáo phận Hà Nội làm Giám mục Chính tòa Giáo phận Hải Phòng. Dựa theo tiêu chí ngày bổ nhiệm chức giám mục, Giám mục Trần Xuân Hạp là Giám mục người Việt Nam thứ 56 của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam. Tân giám mục 59 tuổi, lãnh nhận sứ vụ lãnh đạo một giáo phận có đông đảo giáo dân, nhưng do hậu quả của chiến tranh, "tan hoang về tinh thần và vật chất". Giám mục Tân cử Trần Xuân Hạp đã cung hiến nhà thờ chính tòa mới của Giáo phận Vinh vào ngày 3 tháng 3 năm 1979.
Lễ tấn phong giám mục của Giám mục Tân cử Trần Xuân Hạp được tổ chức ngày 4 tháng 3 năm 1979, do Tổng giám mục đô thành Tổng giáo phận Hà Nội Giuse Maria Trịnh Văn Căn làm chủ phong với sự phụ phong của Giám mục Phêrô Phạm Tần, Giám mục chính tòa Giáo phận Thanh Hóa. Ông chọn khẩu hiệu giám mục cho mình là "Xin cho con say mê Thánh Giá". Cùng ngày với lễ truyền chức giám mục, nhà thờ chính tòa được cung hiến trước đó một ngày được chính thức khánh thành.
Mục vụ và các hoạt động xã hội.
Sau dịp Họp Hội đồng Giám mục Việt Nam vào năm 1980, Giám mục Trần Xuân Hạp tham gia chuyến viếng thăm Tòa Thánh Ad Limina.
Năm 1981, Đại chủng viện thánh Phanxicô Xaviê bị cho đóng cửa. Ngày 22 tháng 11 năm 1988, Đại Chủng viện Xã Đoài được mở cửa trở lại với tên mới là Đại Chủng viện Thánh Phanxicô Xaviê Vinh Thanh, do Giám mục Trần Xuân Hạp làm Giám đốc. Chủng viện này mở lại là do sự cộng tác và công lao của giám mục Hạp và Giám mục Phêrô Phạm Tần, giám mục giáo phận Thanh Hóa. Giám mục Trần Xuân Hạp giữ chức Giám đốc Đại chủng viện từ năm 1988 đến năm 2000, giám mục Phêrô Phạm Tần, và linh mục Giuse Vương Ðình Ái đồng giữ chức Phó giám đốc.
Chủ trương chia tách Giáo phận Vinh thực tế đã có từ thời giám mục Phêrô Gioan Trần Xuân Hạp. Năm 1994, Giám mục Hạp gửi văn thư yêu cầu cho phép chia tách giáo phận, tuy nhiên, lúc này giám mục Hạp đã 74 tuổi, sắp cận tuổi về hưu là 75 của Giáo hội Công giáo. Chính vì lý do này, các Bộ của Tòa Thánh yêu cầu công việc chia tách này nên để lại cho Giám mục kế nhiệm.
Giám mục Hạp âm thầm giúp đỡ những người khó khăn, hổ trợ họ bằng cách trực tiếp đưa đến hoặc gửi. Giám mục Hạp hằng năm hoặc qua các tu sĩ, chủng sinh giúp đỡ họ về tinh thần và vật chất. Khi được xin số liệu về những việc ông đã giúp đỡ cho nhũng người cùi, giám mục Hạp từ chối việc này, cho biết ông "không thích làm rùm beng". Ông cho thiết lập Ngày tình thương và Quỹ Tình thương. Ông đã liên hệ bệnh viện và các bác sĩ và hỗ trợ chi phí và phương tiện đi lại nhằm hỗ trợ các trẻ em bị khiếm khuyết ở đôi mội về mặt thẩm mỹ. Vấn đề này được đề cập cụ thể trong Thư chung số 6 năm 1992.
Giám mục Trần Xuân Hạp cũng được ghi nhận đã hỗ trợ chính quyền giảm bớt các tệ nạn xã hội, cụ thể là trong Thông báo số 8 năm 1998, yêu cầu các linh mục quản hạt thông báo với các cha xứ tạo phong trào xây dựng đời sống mới, chốngc ác tệ nạn xã hội như "say sưa rượu chè, trai gái, xì ke ma tuý và các tệ nạn khác" Trước đó, thư chung số 2 năm 1994 nhân dịp Năm Quốc tế về Gia Đình, Giám mục Hạp kêu gọi thánh hóa các gia đình, chống lại các ấn phẩm đồi trụy.
Hưu dưỡng và qua đời.
Sau hơn 20 năm cai quản giáo phận, ngày 11 tháng 12 năm 2000, với lý do tuổi cao sức yếu, ông đã viết đơn xin từ nhiệm và được Tòa Thánh chấp thuận. Giám mục phó Phaolô Maria Cao Đình Thuyên đương nhiên kế vị ông, trở thành Giám mục chính tòa Giáo phận Vinh. Thông báo này cũng được công bố trên trang tin Văn phòng Báo chí Tòa Thánh.
Ngày 3 tháng 12 năm 2003, Tòa Thánh gửi lời chúc mừng của Giáo hoàng Gioan Phaolô II đến Giám mục Trần Xuân Hạp nhân dịp ngân khánh giám mục của giám mục này. Lễ đồng tế kỷ niệm nhân dịp này được cử hành sau đó vào ngày 4 tháng 3 năm 2004.
Trong khoảng thời gian làm Giám mục Giáo phận, ông hai lần đi dự Ad Limina vào năm 1980 và 1990 của Giám mục đoàn Việt Nam và trong lần thứ hai đã xin khai mở Năm Thánh nhân dịp hiến dâng Giáo phận Vinh cho Mẹ Maria tròn 100 năm và 146 năm thành lập Giáo phận.
Giám mục Trần Xuân Hạp qua đời ngày 6 tháng 7 năm 2005, hưởng thọ 85 tuổi. Nhận tin giám mục Hạp qua đời, các phái đoàn từ 150 giáo xứ của giáo phận, cũng đại diện chính quyền các cấp từ ba tỉnh thành Quảng Bình, Hà Tĩnh và Nghệ An đã đến viếng. Giám mục Giáo phận Vinh Cao Đình Thuyên đã yêu cầu các giáo xứ cử hành tuần cửu nhật cầu nguyện cho cố giám mục Trần Xuân Hạp, kết thúc bằng lễ cầu nguyện trọng thể vào ngày 14 tháng 7 tại các giáo xứ trong giáo phận.
Lễ an táng cố giám mục được cử hành tại Quảng trường Nhà thờ chính tòa Xã Đoài vào ngày 9 tháng 7 cùng năm. Chủ tế tang lễ là Giám mục Cao Đình Thuyên. Lễ an táng có sự tham gia của bảy giám mục từ các giáo phận, các linh mục đại diện các giáo phận, dòng tu. Chính quyền từ Ban Tôn giáo Chính phủ và địa phương cử đại diện tham dự. Giảng lễ an táng là Giám mục Giuse Hoàng Văn Tiệm, giám mục giáo phận Bùi Chu. Trong Di chúc, cố giám mục xác định rằng những gì thuộc về ông, sau khi ông qua đời, đều thuộc về giáo phận Vinh.
Tông truyền.
Giám mục Phêrô Gioan Trần Xuân Hạp được tấn phong giám mục năm 1979, thời Giáo hoàng Gioan Phaolô II, bởi:
Giám mục Phêrô Gioan Trần Xuân Hạp là Giám mục Chủ phong cho giám mục: | 1 | null |
Giuse Maria Vũ Duy Nhất (1911 – 1999) là một Giám mục của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam. Ông nguyên là Giám mục chính tòa của Giáo phận Bùi Chu. Khẩu hiệu Giám mục của ông là "Lạy Cha, xin vâng ý Cha".
Tu tập và linh mục.
Vũ Duy Nhất sinh ngày 15 tháng 11 năm 1911 tại giáo xứ Sa Châu, nay thuộc xã Giao Châu, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, thuộc giáo phận Bùi Chu. Thuở nhỏ, ông theo học ở Tiểu chủng viện, lên Đại chủng viện đến năm thứ nhất ra làm thầy giảng và đi giúp xứ. Năm 1957, ông được gọi về Tòa giám mục và phục vụ chủng viện Mẫu Tâm, rồi học tiếp thần học.
Sau quá trình tu học, ông được thụ phong linh mục vào ngày 27 tháng 11 năm 1960 tại nhà thờ chính tòa Bùi Chu. Trong khoảng thời gian từ năm 1972 đến năm 1976, ông đảm nhận vai trò linh mục chính xứ Giáo xứ Đồng Nghĩa. Từ năm 1976, ông đảm trách vai trò linh mục Chính giáo phận.
Giám mục.
Này 4 tháng 7 năm 1979, Tòa Thánh thông báo sắc chỉ của Giáo hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm Linh mục Giuse Vũ Duy Nhất làm Giám mục phó Bùi Chu với quyền kế vị. Ngày 8 tháng 8 năm 1979, lễ tấn phong Giám mục của Tân chức được tổ chức tại nhà thờ chính tòa Bùi Chu, do Hồng y Giuse Trịnh Văn Căn chủ phong, Tổng giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình và Giám mục Đa Minh Lê Hữu Cung phụ phong.
Ngày 12 tháng 3 năm 1987, kế vị chức Giám mục chính tòa Bùi Chu, khi đã 76 tuổi. Ông 2 lần tham gia đoàn các giám mục Việt Nam sang Roma yết kiến Giáo hoàng Gioan Phaolô II vào các năm 1990 và 1996.
Trong thời gian quản lý giáo phận, giám mục Vũ Duy Nhất canh tân cơ cấu tổ chức của giáo phận Bùi Chu, cho khai mởi các hoạt động tìm hiểu giáo lý Công giáo, hỗ trợ và tái thiết các hội đoàn Công giáo tại giáo phận. Ngoài ra, ông cũng chú trọng đến việc đào tạo các linh mục. Chính vì thế, từ năm 1989, Vũ Duy Nhất gửi các chủng sinh giáo phận đến học tại Đại chủng viện Thánh Giuse Hà Nội. Ngoài gửi các chủng sinh học tại Hà Nội, nhờ sự hỗ trợ của Đức ông Gioan Trần Văn Hiến Minh, giám mục Vũ Duy Nhất gửi các chủng sinh vào học tại đại chủng viện Đức Ái tại Thành phố Hồ Chí Minh, vốn là chủng viện ngoại trú liên giáo phận. Việc làm này được Tòa Thánh đồng thuận.
Suốt gần ba thập niệm từ lễ truyền chức linh mục lần cuối cùng vào ngày năm 1963, giáo dân Bùi Chu mới tham dự lễ truyền chức linh mục cho 6 ứng viên Giám mục Giuse Vũ Duy Nhất cử hành vào ngày 3 tháng 10 năm 1997. Năm 1999, giám mục Giuse Vũ Duy Nhất đã truyền chức cho 20 linh mục cách bí mật.
Giám mục Vũ Duy Nhất được nhận định là một người khiêm nhường. Bộ Loan Báo Tin Mừng của Tòa Thánh dành lời khen đến ông, nhận định ông là người "khôn ngoan, trung thành với Mẹ Giáo Hội, qua chính những sứ vụ mà ngài đã lãnh nhận và thi hành."
Giám mục Vũ Duy Nhất qua đời ngày 11 tháng 12 năm 1999 tại Bùi chu. Lễ an táng ông diễn ra ba ngày sau đó, ngày 14 tháng 12, do Hồng y - Tổng giám mục Tổng giáo phận Hà Nội Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng – Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, chủ sự. Cùng đồng tế có 120 linh Mục và 8 giám mục. Tham dự tang lễ còn có các phái đoàn là các tu sĩ và giáo dân có 160 người từ miền Trung và 80 người từ miền Nam, trong đó có phái đoàn dòng Đa Minh do linh mục Giám Tỉnh Nguyễn Cao Luật dẫn đầu.
Tông truyền.
Giám mục Giuse Maria Vũ Duy Nhất được tấn phong giám mục năm 1979, thời Giáo hoàng Gioan Phaolô II, bởi: | 1 | null |
Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang (8 tháng 1 năm 1931 – 5 tháng 10 năm 2017) là một giám mục của Giáo hội Công giáo Rôma tại Việt Nam. Ông nguyên là Giám mục chính tòa Giáo phận Thái Bình, đảm nhận chức vụ này trong gần 20 năm, từ năm 1990 đến năm 2009. Khẩu hiệu giám mục của ông là "Chân lý trong tình thương".
Ngoài việc quan tâm đến đời sống tôn giáo, giám mục Sang còn viết, xuất bản nhiều đầu sách khác nhau về văn thơ với bút danh Bạch Lạp, Tông Đồ, Người Quan Sát. Ông cũng từng được ngỏ ý mời vào hội nhà văn.
Giám mục Nguyễn Văn Sang quê ở Hoài Đức, ngoại thành Hà Nội, có chí hướng tu trì từ nhỏ. Sau quá trình tu học, năm 1954, chủng sinh Sang cùng với Đại chủng viện di cư vào Nam, sau đó từ bỏ ý định, trở lại Hà Nội tu học và thụ phong linh mục năm 1958. Sau quá trình công tác mục vụ, năm 1979, linh mục Sang được bổ nhiệm làm linh mục chính xứ Nhà thờ Lớn Hà Nội, Tổng quản miền Hà Nội.
Năm 1981, Tòa Thánh chọn linh mục Nguyễn Văn Sang làm Giám mục Phụ tá Hà Nội. Sau cái chết của Hồng y, Tổng giám mục Hà Nội Giuse Maria Trịnh Văn Căn, khi ấy đang làm Giám quản Giáo phận Thái Bình sau khi Giám mục Giuse Maria Đinh Bỉnh qua đời, giám mục Nguyễn Văn Sang được bổ nhiệm làm Giám quản rồi Giám mục chính tòa Giáo phận Thái Bình năm 1990. Giám mục Sang có cách tiếp cận và đề nghị khéo léo với các cấp chính quyền để đề nghị các nhu cầu của Giáo phận. Ngoài công tác mục vụ, ông cũng thường làm các công tác từ thiện. Ông giữ chức vụ Giám mục Thái Bình đến khi nghỉ hưu năm 2009.
Tại Hội đồng Giám mục Việt Nam, Nguyễn Văn Sang từng giữ nhiều chức vụ quan trọng khác nhau: Tổng Thư ký (1983 – 1989), Phó Chủ tịch (1989 – 1995), Chủ tịch Ủy ban Giáo dân (1995 – 2004).
Năm 2004, Chủ tịch nước trao tặng Giám mục Nguyễn Văn Sang Huân chương Đại đoàn kết dân tộc. Sau khi nghỉ hưu, Nguyễn Văn Sang được mời trở thành thành viên Mặt trận Tổ Quốc, Quốc hội nhưng ông quyết định từ chối.
Thân thế và tu tập.
Giám mục Nguyễn Văn Sang sinh ngày 8 tháng 1 năm 1931 tính theo các giấy tờ chính thức, còn về các giấy tờ thuộc tôn giáo, ông chọn ngày 8 tháng 1 năm 1932 làm ngày sinh chính thức. Nguyễn Văn Sang sinh tại giáo xứ Lại Yên, thuộc huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay thuộc xã Lại Yên, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội), thuộc Tổng giáo phận Hà Nội. Cậu bé Nguyễn Văn Sang được cho học tại trường nhà xứ Hà Nội Gendreau và được linh mục giám đốc là linh mục Hạnh tuyển làm giúp lễ, chính vì thế, ước muốn tu tập của cậu nảy sinh. Thấy cậu bé Sang có chí hướng tu tập, gia đình cho cậu theo học tại Tiểu Chủng viện Hoàng Nguyên, rồi Đại Chủng viện Xuân Bích. Sau 2 năm học tại trường Trung học Pháp, cậu tốt nghiệp với bằng Tú tài Sinh ngữ, Triết học.
Tháng 10 năm 1954, toàn khối giáo sư và đại chủng sinh Đại chủng viện Xuân Bích đã di cư vào Nam và tập kết tại Vĩnh Long, thì nhận được lời kêu gọi "trở về" của Đại diện Tông Tòa Hạt Đại diện Tông Tòa Hà Nội là Giám mục Giuse Maria Trịnh Như Khuê. Chủng sinh Nguyễn Văn Sang đơn độc trở về Hà Nội vào cuối tháng 10, đáp lời kêu gọi của giám mục Khuê. Trở về giáo phận, chủng sinh Sang vừa đi làm công nhân tại xưởng in Têrêsa, vừa theo học chương trình Thần học tại Tiểu chủng viện Thánh Gioan trong khoảng thời gian từ năm 1955 đến 1958. Thời gian học Đại chủng viện, thực tế chỉ có duy nhất chủng sinh Nguyễn Văn Sang được 6 giáo sư giảng dạy, vì chủng viện chỉ có một mình ông là Chủng sinh.
Linh mục.
Ngày 18 tháng 4 năm 1958, sau khi học tập đầy đủ theo Giáo luật, Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang được thụ phong Linh mục do Đại diện Tông Tòa Hà Nội Giuse Trịnh Như Khuê chủ phong tại Nhà thờ Lớn Hà Nội. Sau ngày thụ phong, tân linh mục Sang được giám mục Khuê điều về trợ giúp giáo xứ Hàm Long và làm Giáo sư Tiểu chủng viện Thánh Gioan Hà Nội.
Năm 1964, linh mục Sang được bổ nhiệm giữ chức thư ký văn phòng Toà Tổng Giám mục. Đại chủng viện Thánh Giuse Hà Nội mở khoá đầu tiên (đầu năm 1970), ông trở thành Giáo sư quan trọng của Đại chủng viện này trong suốt khoảng thời gian từ năm 1973 đến năm 1981.
Năm 1978, linh mục Nguyễn Văn Sang tháp tùng Giám mục Phêrô Maria Nguyễn Huy Quang, giám mục chính tòa Giáo phận Hưng Hoá đến Rôma nhằm mục đích tham gia Hội nghị Truyền giáo, do Thánh Bộ Truyền giáo Tòa Thánh tổ chức. Cũng trong dịp này, linh mục Sang cũng được tham dự 2 lễ an táng (Giáo hoàng Phaolô VI và Giáo hoàng Gioan Phaolô I) và 2 lễ đăng quang của Giáo hoàng là các giáo hoàng Gioan Phaolô I và Gioan Phaolô II.
Năm 1979, ông tháp tùng Tân Tổng giám mục Hà Nội Giuse Maria Trịnh Văn Căn sang Rôma nhận mũ Hồng y. Khi trở về, linh mục Sang được hồng y Căn bổ nhiệm kiêm nhiệm nhiều chức vụ mới là linh mục Chánh xứ nhà thờ chính tòa Hà Nội và Tổng quản khu vực Hà Nội. Các chức vụ này trước đây do chính Hồng y Trịnh Văn Căn đảm nhận.
Giám mục.
Giám mục Phụ tá Tổng giáo phận Hà Nội.
Ngày 24 tháng 3 năm 1981, Tòa Thánh bổ nhiệm linh mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang làm Giám mục hiệu tòa Sarda, Giám mục phụ tá Tổng giáo phận Hà Nội, ông được tấn phong Giám mục ngày 22 tháng 4 cùng năm do Hồng y Giuse Maria Trịnh Văn Căn chủ phong, phụ phong có Tổng giám mục Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh Phaolô Nguyễn Văn Bình và Giám mục Giáo phận Hải Phòng Giuse Maria Nguyễn Tùng Cương.
Ngày 25 tháng 4 năm 1981, Hồng y Giuse Trịnh Văn Căn đặt Tân giám mục phụ tá Nguyễn Văn Sang làm Tổng đại diện giáo phận Hà Nội, theo Giáo luật. Ngày 1 tháng 5, tân giám mục được chọn giữ chức vụ Giám đốc Đại chủng viện Hà Nội. Giám mục Sang thực tế kế nhiệm chính Hồng y Căn trong vai trò này, ông đảm nhiệm chức vụ này đến năm 1989.
Từ năm 1983 đến năm 1989, Nguyễn Văn Sang đảm trách vai trò Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam và giữ chức vụ này trong hai nhiệm kỳ liên tiếp. Năm 1985, ông tham dự Diễn đàn quốc tế về Hoà bình tổ chức tại Mascơva, do Giáo hội Chính Thống tổ chức. Một năm sau đó, giám mục Sang tham dự cuộc họp C.I.D.S.E. ở Bruxelles (Bỉ). Và cũng chính tại nơi này vào năm 1987, ông tham dự Hội nghị Hoà bình.
Năm 1988, Nguyễn Văn Sang là một trong 2 đại biểu dự Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới bàn về vai trò của giáo dân. Tháng 4 năm 1989, ông đại diện Hồng y Căn tham dự Đại hội Thánh Thể quốc tế tổ chức tại Seoul (Hàn Quốc) và đầu năm 1990 thì tham dự Hội nghị Hoà bình ở Milan.
Giám quản và Giám mục chính tòa Thái Bình.
Tháng 5 năm 1990, Tòa Thánh chọn Giám mục phụ tá Hà Nội Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang làm Giám quản Tông Tòa Giáo phận Thái Bình. Tuy vậy, chính giám mục Sang từng xác nhận việc giám mục Phaolô Bùi Chu Tạo giữ vai trò giám quản trong những ngày giáo phận Thái Bình trống tòa. Ngày 3 tháng 12 cùng năm, Tòa Thánh bổ nhiệm giám mục này làm Giám mục chính tòa Giáo phận Thái Bình. Giáo hoàng Gioan Phaolô II gọi điện, đề nghị tặng một chiếc xe cho giám mục Sang làm mục vụ tại nhiệm sở mới, tuy vậy Nguyễn Văn Sang không nhận chiếc xe này.
Giám mục Nguyễn Văn Sang khắc khoải nhắc về thời gian đầu nhận giáo phận, ông đã quỳ xuống bến phà Tân Đệ và hôn mặt đất nơi này, sau đó vào nhà thờ Chính toà Thái Bình. Ông đánh giá giáo dân nơi đây rất sốt sắng nhưng bảo thủ, vì ảnh hưởng bởi sự giáo dục của các linh mục Dòng Đa Minh. Giám mục Sang nhắc nhớ lại cái nhìn không thiện cảm đối với tân giám mục của một số người, trong đó các cả linh mục, cả những tiếng nói hoài nghi về khả năng quản lý giáo phận của vị tân chức. Trước việc bổ nhiệm này, phía chính quyền địa phương có thành kiến với giám mục Sang, đánh giá rằng vị giám mục đang có vị trí cao trong Hội đồng giám mục, công tác tại Thủ đô được bổ nhiệm đến Thái Bình, có thể là nội gián của Vatican. Vì thế, trong suốt 2 năm, giám mục Sang không thể xin được Hộ khẩu, các chuyến công tác ngoại quốc đều không được cấp phép. Ngoài ra, chính quyền địa phương từng gửi thư tố cáo giám mục Nguyễn Văn Sang 10 tội trạng khác nhau.
Trong thời kỳ "mở cửa", giám mục Sang dễ dàng thực hiện các công tác mục vụ hơn các vị tiền nhiệm. Ông tiến hành viếng thăm các giáo xứ, xúc tiến phong trào học hỏi Thánh Kinh và xóa đói giảm nghèo (1993), kêu gọi UNICEF tài trợ 500 giếng nước sạch cho giáo dân (1997)... Chính những hoạt động này góp phần nâng cao chất lượng đời sống cả về mặt tôn giáo lẫn xã hội.
Năm 1996, Giám mục Nguyễn Văn Sang xin Tòa Thánh cho tổ chức Năm Thánh Giáo phận Thái Bình nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Giáo phận và 90 năm xây dựng Nhà thờ chính tòa. Kết quả, Tòa Thánh quyết định ban ơn Toàn Xá trong ba Năm Thánh liên tiếp (1996, 1997, 1998) cho Giáo phận. Nói về vấn đền tự do tôn giáo ở Việt Nam, trong một cuộc phỏng vấn năm 2000 với phóng viên của CNS Hoa Kỳ, trong dịp Tổng thống Bill Clinton sang thăm Việt Nam giám mục Nguyễn Văn Sang cho biết ông quan niệm dù bất kỳ quốc gia nào, có tôn giáo như Ý, Afghanistan đều không bao giờ có tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo hoàn toàn, tuyệt đối. Làm rõ hơn về nhận định này, giám mục Sang đánh giá đó là vấn đề của mỗi quốc gia, hệ thống chính trị khác nhau và vấn đề tự do tôn giáo ở Việt Nam hiện tiến triển rất nhiều. Việc này cũng được nhắc đến trong bài viết "Những tiếng nói thiện chí của các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài và trong nước về tự do tôn giáo ở Việt Nam" đăng trên trang web của Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam. Để hàn gắn và hòa giải những mâu thuẫn trong quá khứ, Giám mục Nguyễn Văn Sang có những hành động thực tế. Năm 2000, tại nhà thờ Cao Mại, cơ sở tôn giáo từng bị đốt năm 1950 vì những khác biệt lương giáo. Cử hành lễ tại đây, đến nghi thức chúc bình an, giám mục Nguyễn Văn Sang mời gọi mọi người bắt tay và ôm hôn nhau. Chính giám mục Sang, nơi cung thánh nhà thờ này, đã ôm hôn một vị Hòa thượng, ông Bí thư và ông Chủ tịch. Ông giải thích việc làm trên là biểu lộ của sự tha thứ và hòa hợp.
Trong vai trò Chủ tịch Ủy ban Giáo dân trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, giám mục Nguyễn Văn Sang nhiều lần dẫn đầu các phái đoàn các giáo dân trẻ tuổi tham gia Đại hội Giới trẻ Công giáo Thế giới như tổ chức tại Pháp, Ý, Canada... và tổ chức thành công nhiều cuộc hội thảo khoa học về chủ đề "Hội nhập văn hoá" như Văn hoá Công giáo Việt Nam (năm 2000); Sống đạo theo cung cách Việt Nam (năm 2003).
Năm 2004, Giám mục Nguyễn Văn Sang được Chủ tịch nước tặng Huân chương Đại đoàn kết dân tộc.
Giám mục Nguyễn Văn Sang có cách hành xử khôn léo với chính quyền các cấp, ông thường nhiều lần đến thăm, chúc Tết các cơ quan trung ương và khéo léo đề nghị những vấn đề liên quan đến ích lợi của giáo phận. Trong sự kiện tranh chấp đất đai tại Hà Nội năm 2008 tại Tòa Khâm sứ cũ 42 Nhà Chung và 178 Nguyễn Lương Bằng, Giám mục Nguyễn Văn Sang âm thầm thương thuyết với chính quyền, dàn xếp giữa Tòa Giám mục lẫn Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội nhưng sự việc lại bất thành. Giám mục Sang cho rằng ông viết các bài báo tôn trọng công lý và sự thật, gây mất lòng cả đôi bên nhưng trung dung và tế nhị, lấy từ những hiểu biết về quá khứ của mình do đó nhận được đánh giá từ các nhân vật chính quyền là có tinh thần xây dựng.
Tuy còn khó khăn, nhưng Giám mục Nguyễn Văn Sang còn là một mạnh thường quân lớn cho các công trình từ thiện như các giếng nước khoan, quỹ tín dụng cho người nghèo, các phòng khám từ thiện. Cụ thể, có 800 giếng nước được khoan hoặc đào để phục vụ cộng đồng không phân biệt tôn giáo. Ngoài ra, hàng trăm nghìn đôla cho vay không lấy lãi, thường mất cả vốn cho vay.
Giáo phận Thái Bình thời Giám mục Sang quản lý có thêm 38 giáo xứ mới và 2/3 số linh mục của giáo phận tính đến năm 2011 được giám mục Sang truyền chức. Thời kỳ giám mục Sang cai quản cũng tiến hành xây dựng công trình nhà thờ chính toà và hoàn thành sau 3 năm xây dựng, cung hiến ngày 13 tháng 10 năm 2007. Trong giai đoạn cuối cùng của thời gian đảm nhiệm vai trò Giám mục chính tòa Thái Bình, các dòng tu nam nữ tại giáo phận phát triển mạnh mẽ. Việc xây nhà thờ chính tòa Thái Bình năm 2007, Giám mục Sang đóng vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm kinh phí: ông đi ra nước ngoài để vận động, đến các Trung tâm hành hương quốc tế để xin bổng lễ. Nhằm kiện toàn hơn nhân sự cho Giáo phận, giám mục Sang đã quyết định gửi nhiều lớp chủng sinh theo học Đại Chủng viện Hà Nội, Đại Chủng viện Sao Biển (Nha Trang), mở lại Chủng viện Mỹ Đức (năm 2008)... Về Đại hội Giới Trẻ Công giáo miền Bắc, chính giám mục Nguyễn Văn Sang là người đưa ra sáng kiến tổ chức.
Giám mục Sang cũng rất kĩ tính trong việc chọn giám mục kế vị mình: khi nhận được tin Bộ Truyền giáo đề nghị một nhân sự ở phía Nam ra tiếp quản giáo phận, Giám mục Sang tỏ vẻ không đồng tình vì cho rằng phía Bắc, Giáo hội cũng có nhiều người tài. Tòa Thánh quyết định chọn Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Đệ, Giám mục phụ tá Giáo phận Bùi Chu, làm Giám mục chính tòa Giáo phận Thái Bình, kế vị giám mục Sang.
Các công việc chính yếu thời kỳ giám mục Nguyễn Văn Sang cai quản Giáo phận Thái Bình là công tác đào tạo linh mục, cho tái khai mở chủng viện Mỹ Đức, gửi một số linh mục đi du học ngoại quốc, khôi phục lại các hội đoàn và dòng tu, trùng tu các cơ sở tôn giáo. Ngoài ra, Nguyễn Văn Sang còn là nhà hòa giải tích cực giữa các thành phần trong giáo hội và xã hội.
Nghỉ hưu và qua đời.
Ngày 6 tháng 7 năm 2009, hồng y Ivan Dias và giám mục Robert Sarah gửi thư đến Giám mục Nguyễn Văn Sang, công bố việc sẽ công bố tin bổ nhiệm Tân giám mục chính tòa Thái Bình là Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Đệ sau đó vào ngày 25 cùng tháng. Đúng như thông báo trước đó, ngày 25 tháng 7 năm 2009, Tòa Thánh chính thức loan báo giáo hoàng đã chấp thuận đơn từ nhiệm Giám mục chính tòa Thái Bình của Giám mục Nguyễn Văn Sang, bổ nhiệm giám mục phụ tá Giáo phận Bùi Chu Nguyễn Văn Đệ kế vị. Cùng trong bản tin này, Giáo hội Việt Nam còn có nhiều tin bổ nhiệm khác như: giáo hoàng chấp thuận đơn xin hồi hưu của giám mục chính tòa Giáo phận Phan Thiết Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, đồng thời bổ nhiệm Giám mục Giuse Vũ Duy Thống kế nhiệm, bổ nhiệm Giám mục chính tòa Giáo phận Phát Diệm Giuse Nguyễn Năng và giám mục phụ tá Giáo phận Xuân Lộc Tôma Vũ Đình Hiệu. Sau khi Nguyễn Văn Sang về hưu, có cán bộ mong muốn mời Giám mục Sang sau khi nghỉ hưu sẽ tham gia Mặt trận Tổ Quốc hay Quốc hội nhưng Giám mục Sang từ chối.
Trưa ngày 25 tháng 8 năm 2017, Tòa giám mục Giáo phận Thái Bình ra thông báo về tình trạng sức khỏe giảm sút của giám mục Nguyễn Văn Sang. Tòa giám mục cũng xin mọi người cầu nguyện cho thời khắc lâm chung của vị nguyên giám mục giáo phận.
Giám mục Nguyễn Văn Sang qua đời vào khoảng 19 giờ ngày 5 tháng 10 năm 2017. Sau khoảng thời gian dài cử hành các thánh lễ cầu nguyện và kính viếng, sáng ngày 9 tháng 10 năm 2017, lễ an táng cố giám mục được cử hành. Thánh lễ an táng do Hồng y Tổng giám mục Tổng Giáo phận Hà Nội Phêrô Nguyễn Văn Nhơn chủ tế, với sự tham gia của đông đảo giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân, Giám mục Giáo phận Hải Phòng Giuse Vũ Văn Thiên phụ trách phần giảng lễ, nghi thức tiễn biệt do giám mục chính tòa Thái Bình Phêrô Nguyễn Văn Đệ chủ sự và giám mục Giáo phận Đà Nẵng Giuse Đặng Đức Ngân chủ sự nghi thức tại huyệt mộ. Giám mục Nguyễn Văn Sang được an táng tại Hầm mộ Nhà thờ chính tòa Giáo phận Thái Bình.
Văn học.
Giám mục Nguyễn Văn Sang viết nhiều sách, với gần 100 đầu sách, trong đó có nhiều cuốn được xuất bản: "Bước đường hành hương" (3 tập, Nhà xuất bản Hà Nội), "Hành hương và Thăm viếng" (2 tập, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn), "Đối thoại Tôn giáo" (3 tập, Nhà xuất bản Tôn giáo), "Đời dâng hiến" (Nhà xuất bản Tôn giáo)... Tính đến cuối năm 2009, giám mục Sang đã cho xuất bản gần 20 đầu sách liên kết với Nhà xuất bản Hà Nội, Nhà xuất bản Hội Nhà văn (cuốn Hành hương và thăm viếng tái bản đến 3 lần), Nhà xuất bản Tôn giáo... Sách dịch của giám mục Nguyễn Văn Sang cũng có 5 cuốn, thơ 2 tập, và còn cả chủ đề kịch... Các tác phẩm văn học của Giám mục Nguyễn Văn Sang đa phần đều có các chủ đề đời thường và thân thuộc, ít tác phẩm có nội dung về tôn giáo. Vào thời điểm thập niêm 1980 đầy khó khăn, ít có người được sang nước ngoài, các tường thuật được chứa đựng trong quyển sách "Bước đường Hành hương" của giám mục Nguyễn Văng Sang gây được sự chú ý. Nội dung của cuốn sách này nói về vùng Đất Thánh, Rôma, Paris và kể cả các nghi thức bầu cử và tang lễ của giáo hoàng là chủ đề hấp dẫn đối với người Công giáo.
Giám mục Nguyễn Văn Sang cũng không ngại tiếp xúc giới báo chí và thường xuyên thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn. Ông cũng từng được mời làm thành viên Hội nhà văn nhưng từ chối đề nghị này.
Nhận định.
Trong lễ an táng Giám mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang, giám mục Giuse Vũ Văn Thiên có lời nhận định:
Trong Hồi ký của mình, giám mục Phaolô Lê Đắc Trọng đánh giá:
Tông truyền.
Giám mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang được tấn phong giám mục năm 1981, thời Giáo hoàng Gioan Phaolô II, bởi:
Giám mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang là Giám mục Phụ phong cho các giám mục: | 1 | null |
Phêrô Trần Thanh Chung (10 tháng 11 năm 1926 – 10 tháng 9 năm 2023) là một giám mục của Giáo hội Công giáo Rôma tại Việt Nam. Ông từng đảm trách vai trò Giám mục chính tòa của Giáo phận Kon Tum trong 8 năm năm từ năm 1995 đến năm 2003. Trước đó, ông còn đảm trách vai trò giám mục phó giáo phận này từ năm 1981. Khẩu hiệu giám mục của ông là "Ngài yêu tôi".
Sinh năm 1926, Trần Thanh Chung sớm đi theo con đường tu học từ năm 10 tuổi. Sau gần 20 năm tu học, tháng 5 năm 1955, ông được truyền chức linh mục. Thăng tiến trên con đường tu trì, ông trở thành Giám đốc Tiểu chủng viện Thừa Sai Kon Tum tại Đà Lạt từ năm 1966 đến năm 1974, Tổng Đại diện Giáo phận Kon Tum từ năm 1977 đến năm 1981.
Tháng 3 năm 1981, Trần Thanh Chung được chọn làm giám mục phó Giáo phận Kon Tum và được cử hành nghi thức truyền chức tháng 12 cùng năm. Ông kế vị chức vị chính tòa năm 1995 và hồi hưu năm 2003 vì lý do tuổi theo quy định Giáo luật.
Ngoài vai trò đảm trách giáo phận, Trần Thanh Chung còn đảm nhận chức danh Phó Tổng Thư ký phụ trách Giáo tỉnh Huế trong bốn nhiệm kỳ liên tiếp: 1986 – 1989; 1989 – 1992; 1992 – 1995 và 1995 – 1998.
Thân thế và tu tập.
Trần Thanh Chung sinh ngày 10 tháng 11 năm 1926, tại thôn Cồn Dầu, nay thuộc phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng, thuộc Giáo phận Đà Nẵng. Địa giới giáo hội Công giáo thuộc giáo xứ Cồn Dầu, giáo phận Đà Nẵng. Cồn Dầu từng thuộc tỉnh Quảng Nam, do đó một số tài liệu đề cập nơi sinh của ông thiếu thống nhất giữa Đà Nẵng và Quảng Nam. Thân phụ ông là ông Simon Trần Xuân (qua đời năm 1947) và thân mẫu ông là bà Isave Nguyễn Thị Bài (qua đời năm 1972).
Thuở nhỏ, Trần Thanh Chung theo học trường làng tại giáo xứ Cồn Dầu. Sau đó, cậu bé Chung theo học tại Tiểu Chủng viện Thừa Sai Kon Tum từ ngày 2 tháng 4 năm 1937. Linh mục giới thiệu cậu là chánh xứ Cồn Dầu Phêrô Nguyễn Văn Chánh. Cậu là chủng sinh thuộc một trong những khóa đầu tiên của Chủng viện Kon Tum. Sau thời gian tu học, chủng sinh Chung dạy học tại Tiểu chủng viện Thừa sai Kon Tum, kể từ năm 1948.
Tháng 10 năm 1949, chủng sinh Trần Thanh Chung nhập học tại Đại chủng viện Sài Gòn. Ông lãnh chức phó tế ngày 26 tháng 3 năm 1955 tại Sài Gòn, với nghi thức do Giám mục Jean Cassaigne Sanh chủ sự.
Thời kỳ linh mục.
Ngày 25 tháng 5 (hoặc 25 tháng 8) năm 1955, Phó tế Trần Thanh Chung được phong chức linh mục tại Nhà thờ chính tòa Địa phận Kon Tum, do Giám mục Paul Léon Seitz Kim chủ phong. Tân linh mục là một trong tám linh mục đầu tiên được đào tạo tại Chủng viện Thừa sai Kon Tum. Sau khi lãnh chức linh mục, tháng 9 năm 1955, tân linh mục Chung được chọn làm giáo sư kiêm quản lý Tiểu Chủng viện Thừa sai Kon Tum. Kể từ tháng 6 năm 1957, ông đảm nhận vai trò linh mục chính sở Tân Cảnh. Tên gọi của Giáo xứ chính là tên Việt hóa do linh mục Chung chọn, dựa theo tên địa danh "Dak Tơkan" dành cho một con suốt chảy qua khu vực giáo xứ.
Chỉ một thời gian ngắn thi hành tác vụ linh mục tại Tân Cảnh, ông được điều chuyển làm linh mục chính sở Plei Kơbei vào năm 1958. Tháng 9 năm 1966, linh mục Phêrô Trần Thanh Chung được chọn làm Giám đốc Tiểu chủng viện Thừa sai Kon Tum, chi nhánh Đà Lạt. Ông rời chức vụ trên vào tháng 8 năm 1974, khi đảm trách vai trò phụ trách Trung Tâm Đồng bào Thượng và kiêm quản lý các xứ đạo Mang Yang và Phú Yên. Ông chỉ đảm nhận chức vụ mới này một năm, từ tháng 8 năm 1974 đến tháng 8 năm 1975.
Tháng 8 năm 1975, linh mục Trần Thanh Chung là linh mục chính xứ Đức An, giáo hạt Pleiku và đảm nhận vai trò này đến ngày 15 tháng 4 năm 1986. Song song với vai trò trên, từ năm 1977 đến năm 1981, ông là Tổng Đại diện Giáo phận Kon Tum.
Giám mục.
Ngày 26 tháng 3 năm 1981, Tòa Thánh loan tin bổ nhiệm linh mục Phêrô Trần Thanh Chung làm Giám mục Phó Giáo phận Kon Tum, trợ giúp Giám mục chính tòa Alexis Phạm Văn Lộc. Lễ tấn phong cho Tân giám mục diễn ra vào lúc 18h00, 22 tháng 11 cùng năm, do Giám mục chính tòa Giáo phận Kon Tum Alexis Phạm Văn Lộc, chủ phong tại Nhà Nguyện Chủng viện Thừa Sai Kon Tum. Buổi lễ được tổ chức vào buổi chiều, do hoàn cảnh vào sáng cùng ngày, do không có hai giám mục phụ phong và trong tình cảnh hoàn toàn bình thường, vị chủ phong không thể tiến hành nghi lễ truyền chức. Chiều cùng ngày, Ủy ban Nhân dân Thị xã Kon Tum gửi văn thư và sau khi tham vấn linh mục đoàn, Giám mục Phạm Văn Lộc quyết định dùng đặc quyền trong trường hợp đặc biệt để tiến hành lễ truyền chức (mà không có hai giám mục phụ phong). Giám mục Lộc giải thích quyết định trên là nhằm "khỏi phải xin phép đổi ngày khác có thể gây phiền phức cho chính quyền, và như vậy cũng thuận tiện cho chúng ta". Tân giám mục đã chọn khẩu hiệu giám mục: “Delexit me”: Ngài đã yêu mến tôi (Gal 2,20). Phêrô Trần Thanh Chung là giám mục thứ 61 trong hàng giáo phẩm Việt Nam và là Giám mục chính tòa thứ năm của giáo phận Kon Tum.
Sau khi được tấn phong giám mục, ông tiếp tục vai trò linh mục chánh xứ Đức An đến ngày 15 tháng 4 năm 1986. Sau đó, ông chuyển về sống tại Tòa giám mục Kon Tum. Ngày 8 tháng 4 năm 1995, Tòa Thánh chấp thuận đơn xin về hưu của Giám mục chính tòa Alexis Phạm Văn Lộc, với cương vị Giám mục Phó Giáo phận, ông chính thức kế nhiệm trở thành Giám mục chính tòa Giáo phận Kon Tum. Lễ nhậm chức của ông diễn ra trong cùng ngày, trong bối cảnh lễ Thứ Năm Tuần Thánh của Giáo hội Công giáo, nhằm ngày 13 tháng 4 năm 1995. Giai đoạn ông đảm trách chức Giám mục chính tòa là một giai đoạn không thuận lợi [trong lịch sử giáo phận]. Nhậm chức chính tòa, ông đã sắp xếp các giáo xứ có linh mục chính xứ, bổ nhiệm các linh mục vào các giáo vụ quan trọng trong giáo phận, cũng như chọn linh mục điều hành chủng viện. Ngày 28 tháng 10 năm 1996, ông chọn linh mục Micae Hoàng Đức Oanh làm Tổng đại diện Giáo phận. Với vai trò là giám mục chính tòa, ông chỉ có thể cử hành các nghi thức mục vụ Công giáo tại một số giáo xứ, hỗ trợ an ủi các giáo sĩ và giáo dân trong hoàn cảnh khó khăn. Đối với đời sống giáo phận, Giám mục Chung cho hồi phục dịp tĩnh tâm chung cho các linh mục và tu sĩ. Dưới thời giám mục Chung, một số cơ sở tôn giáo thiết yếu của giáo phận được tu sửa (Nhà thờ Chính tòa, năm 1994; Chủng viện, năm 1997).
Ông cũng xin và được chấp thuận mở "Năm Thánh" tại Giáo phận dịp kỷ niệm 150 năm truyền đạo Công giáo tại vùng Tây Nguyên vào năm 1998. Số liệu thống kê vào năm 1998 cho thấy giáo phận, ngoài 2 giám mục đương chức và hưu dưỡng, có 180.000 giáo dân (51% dân tộc Kinh và 49% các dân tộc khác), 42 linh mục (trong ngoài giáo phận, tính cả triều và dòng), 14 đại chủng sinh, 145 nữ tu, 91 nhà thờ, 358 giáo xứ và giáo họ. Con số giáo dân tăng lên vào năm 2002, đạt mức 187.719 người.
Bắt đầu từ đại hội Hội đồng Giám mục Việt Nam (lần 3) chọn Giám mục Trần Thanh Chung làm Phó Tổng Thư ký phụ trách Giáo tỉnh Huế nhiệm kỳ 1986 – 1989, ông tái đắc cử chức danh này trong ba nhiệm kỳ sau đó, đảm trách vai trò này đến năm 1998.
Hưu dưỡng và qua đời.
Ngày 16 tháng 7 năm 2003, Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã chấp nhận đơn nghỉ hưu của Giám mục Phêrô Trần Thanh Chung và bổ nhiệm linh mục Micae Hoàng Đức Oanh – Tổng đại diện giáo phận, làm tân giám mục chính tòa Giáo phận Kon Tum. Ngày 28 tháng 8 năm 2003, lễ tấn phong Tân Giám mục Hoàng Đức Oanh được cử hành. Nghi thức truyền chức cho giám mục tân cử được cử hành bởi Giám mục Trần Thanh Chung trong tư cách chủ phong, hai Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Hòa và Phêrô Nguyễn Soạn trong vai trò phụ phong. Đồng tế ngoài ba vị cử hành nghi thức còn có 11 giám mục khác và 300 linh mục khác, tổ chức tại tiền đình Nhà thờ chính tòa Kon Tum. Với lễ tấn phong cho giám mục kế vị, giám mục Trần Thanh Chung chính thức hồi hưu.
Ngày 21 tháng 11 năm 2011, Giám mục Trần Thanh Chung đồng tế với Giám mục kế vị Hoàng Đức Oanh cùng 5 giám mục khác cùng 120 linh mục để chủ sự lễ tang người tiền nhiệm Alexis Phạm Văn Lộc, tham dự có Bề trên các Hội Dòng, chủng sinh, nam nữ tu sĩ và ước chừng 10 ngàn giáo dân đủ các sắc tộc trong giáo phận. Sau đó, ông chủ sự nghi thức phó dâng và từ biệt.
Ngày 25 tháng 8 năm 2015, giáo phận Kon Tum tổ chức mừng kỷ niệm 60 linh mục cho giám mục Trần Thanh Chung. Ngày 7 tháng 9 năm 2023, trên website giáo phận Kon Tum đăng thông tin xin giáo dân cầu nguyện cho ông vì sức khỏe ông đang trong tình trạng suy yếu. Bản tin cũng cho biết giám mục Kon Tum Aloisiô Nguyễn Hùng Vị đã cử hành Bí tích Xức Dầu Bệnh nhân cho giám mục Chung tại giáo xứ Hoàng Yên vào cùng ngày.
Giám mục Phêrô Trần Thanh Chung qua đời vào lúc 6 giờ 25 phút sáng ngày 10 tháng 9 năm 2023 tại giáo xứ Hoàng Yên, giáo hạt Chư Prông, Gia Lai, Giáo phận Kon Tum. Theo lịch trình được công bố, nghi thức tẩn liệm cử hành sáng ngày 11 tháng 9, trong khi thời gian viếng thi hài là trong bốn ngày, từ ngày 10 đến ngày 13 tháng 9. Ngày 12 tháng 9, thi hài cố giám mục được di quan về Nhà thờ chính tòa Kon Tum. Thánh lễ an táng cố giám mục được cử hành tại Nhà thờ chính tòa Kon Tum sáng ngày 14 tháng 9, và thi hài ông được an táng tại khuôn viên giáo xứ này, cạnh thi hài giám mục tiền nhiệm Alexis Phạm Văn Lộc. Chủ tế lễ an táng là Giám mục Kon Tum Aloisiô Nguyễn Hùng Vị, đồng tế có Hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, 6 giám mục khác và các linh mục. Bộ Nội vụ, Ban Tôn giáo Chính phủ cử đại diện và các cấp chính quyền hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai có sự quan tâm và chia buồn cùng giáo phận.
Nhận định.
Linh mục Tổng Đại diện Phêrô Nguyễn Vân Đông nhận định về giám mục Trần Thanh Chung:
Tông truyền.
Giám mục Phêrô Trần Thanh Chung được tấn phong năm 1981, thời Giáo hoàng Gioan Phaolô II, bởi:
Giám mục Phêrô Trần Thanh Chung là Chủ phong trong nghi thức truyền chức cho giám mục:
Giám mục Phêrô Trần Thanh Chung là Phụ phong trong nghi thức truyền chức cho giám mục: | 1 | null |
Giuse Nguyễn Văn Yến (sinh 1942) là một Giám mục của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam. Ông hiện đảm trách vai trò Phó Chủ tịch Ủy ban Bác ái Xã hội – Caritas Việt Nam. Ông từng đảm trách vai trò Giám mục chính tòa Giáo phận Phát Diệm. Khẩu hiệu Giám mục của ông là "Vâng Lời Và Bình An".
Thân thế, tu tập và linh mục.
Giám mục Nguyễn Văn Yến sinh ngày 26 tháng 12 năm 1942 tại Giáo xứ Vĩnh Trị – Tổng giáo phận Hà Nội (Làng Vĩnh Trị, xã Yên Trị, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định). Theo truyền tục của gia tộc, ông là hậu duệ của hai thánh tử đạo Việt Nam: thánh Đính và thánh Lý Mỹ. Trong giai đình, ông là em ruột linh mục Giuse Phủ. Năm 1954, cậu bé Nguyễn Văn Yến nhập học Tiểu chủng viện Hà Nội. Sau quá trình tu học, năm 1960, cậu quyết đình làm nghề may để nuôi sống bản thân. Sau 13 năm đình trệ việc tu học, năm 1973, Nguyễn Văn Yến tiếp tục con đường tu học của mình bằng cách trở lại Đại Chủng viện Hà Nội.
Sau quá trình tu học dài hạn, ngày 26 tháng 6 năm 1977, Phó tế Nguyễn Văn Yến tiến đến việc được thụ phong linh mục. Chủ phong trong nghi lễ truyền chức là Tổng giám mục Giuse Maria Trịnh Văn Căn. Sau khi được truyền chức linh mục, ông lần lượt giữ các chức vụ linh mục chính xứ Gia Trạng, Đại Lai, Kẻ Nấp, Di Sở và Vĩnh Trị thuộc Tổng giáo phận Hà Nội.
Nghĩa phụ của ông là giám mục Giáo phận Hải Phòng Giuse Maria Nguyễn Tùng Cương.
Thời kỳ giám mục.
Bổ nhiệm và tấn phong.
Giám mục Phát Diệm Bùi Chu Tạo lần lượt mất đi hai giám mục phó và trong thời gian bảy năm ba lần mắc trọng bệnh. Do lo ngại giáo phận trống ngôi và cần thiết có một giám mục phó, ông đã kêu gọi giáo dân giáo phận cầu nguyện cho có một tân giám mục. Ngày 12 tháng 6 năm 1988, linh mục Giuse Nguyễn Văn Yến về đến giáo phận Phát Diệm. Ngày 14 tháng 11 năm 1988, Tòa Thánh loan tin Giáo hoàng đã bổ nhiệm linh mục Giuse Nguyễn Văn Yến làm Giám mục phó Giáo phận Phát Diệm. Ông đã chờ đợi sáu tháng kể từ ngày về Giáo phận Phát Diệm trước khi được tấn phong giám mục.
Lễ tấn phong cho giám mục Nguyễn Văn Yến được cử hành ngày 16 tháng 12 cùng năm. Phần nghi thức truyền chức được cử hành bởi vị chủ phong là Hồng y – Tổng giám mục chính tòa Tổng giáo phận Hà Nội Giuse Maria Trịnh Văn Căn, hai giám mục phụ phong là Giám mục Giuse Maria Nguyễn Tùng Cương, giám mục chính tòa Giáo phận Hải Phòng – thầy dạy và nghĩa phụ và Giám mục Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng, giám mục chính tòa Giáo phận Bắc Ninh.
Giám mục phó Phát Diệm.
Trong thời kỳ làm giám mục phó, Nguyễn Văn Yến được giám mục Bùi Chu Tạo ủy nhiệm xây dựng Nhà Nguyện tại Tòa Giám mục, nhà xứ Phát Diệm và một số công trình khác. Cụ thể, năm 1988, xây mới các khu vực ở Nhà Chung và Tòa giám mục, năm 1989 xây dựng nhà xứ Phát Diệm, tu sửa Nhà Hội quán và tường rào Nhà Chung, xây và sửa khu Nhà gạo cũ. Từ năm 1992 đến năm 1995, ông cho tiến hành xây cất cũng như khánh thành nhiều nhà xứ và nhà thờ trong giáo phận. Ngoài xây dựng, sửa chữa các công trình tôn giáo, ông phát động phong trào “Dạy và học giáo lý” trong toàn giáo phận: đào tạo giáo lý viên, in các kinh sách đạo và quy định ngày Chúa nhật cầu nguyện cho việc dạy giáo lý. Ông cũng phát động chấn hưng tháng Đức Mẹ (tháng 5). Vì tình trạng thiếu linh mục ở các xứ đạo, Giám mục phó Yến cử hành mục vụ khắp giáo phận: tĩnh tâm, Thêm Sức, chủ tọa, cử hành các lễ Chúa Nhật và lễ tang ở nhiều miền trong giáo phận Phát Diệm.
Là một giám mục tại một quốc gia thuộc xứ truyền giáo của Giáo hội Công giáo, cuối tháng 10 năm 1994, giám mục Nguyễn Văn Yến đến Rôma theo học "lớp
bồi dưỡng các tân giám mục”. Khóa học này kéo dài đến giữa tháng 1 năm 1995.
Giám mục Phát Diệm và hưu dưỡng.
Sau 10 năm đảm nhận vai trò giám mục Phó, ngày 3 tháng 11 năm 1998, Nguyễn Văn Yến kế nhiệm làm Giám mục chính tòa Phát Diệm sau khi Giám mục chính tòa Phaolô Bùi Chu Tạo từ nhiệm. Ông xuất ngoại tham gia các sự kiện: lễ bế mạc Năm Thánh 2000 và tham dự Ngày Thanh niên Thế giới lần XV tại Roma và lễ vinh thăng hồng y cho Tổng giám mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận năm 2001.
Sau khi hoàn tất xây dựng các cơ sở trong khu vực Nhà chung và Toà Giám mục Phát Diệm, Giám mục Nguyễn Văn Yến cho tiến hành trùng tu Quần thể kiến trúc Nhà thờ chính tòa Phát Diệm.
Ngày 14 tháng 4 năm 2007, Giáo hoàng Biển Đức XVI chấp nhận đơn xin về hưu của Giám mục Giuse Nguyễn Văn Yến, theo Giáo luật điều 401 Khoản 2. Giáo phận Phát Diệm trống tòa và được tạm quản bởi Giám mục Giáo phận Thanh Hóa Giuse Nguyễn Chí Linh cho đến khi Tòa Thánh bổ nhiệm linh mục Giuse Nguyễn Năng kế nhiệm Giám mục Chính tòa vào năm 2009.
Ngày 17 tháng 12 năm 2013, Giám mục chính tòa Giáo phận Bùi Chu Tôma Vũ Đình Hiệu, Chủ tịch Ủy ban bác ái – xã hội thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam Việt Nam và Linh mục Vinh Sơn Vũ Ngọc Đồng SDB, Giám đốc Caritas Việt Nam hiện diện tại Vương cung Thánh đường Sở Kiện, Hà Nội để đồng tế lễ Tạ ơn với Nguyên Giám mục Giuse Nguyễn Văn Yến nhân dịp kỷ niệm 25 năm thụ phong Giám mục.
Sau một thời gian hưu dưỡng tại Sở Kiện, Tổng giáo phận Hà Nội, Giám mục Nguyễn Văn Yến đã trở về giáo phận Phát Diệm, tĩnh dưỡng tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận, kể từ ngày 15 tháng 9 năm 2021.
Tông truyền.
Giám mục Giuse Nguyễn Văn Yến được tấn phong giám mục năm 1988, thời Giáo hoàng Gioan Phaolô II, bởi:
Giám mục Giuse Nguyễn Văn Yến là Giám mục Phụ phong cho các giám mục: | 1 | null |
Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến (20 tháng 9 năm 1945 – 24 tháng 9 năm 2006) là một Giám mục của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam. Ông nguyên là Giám mục chính tòa của Giáo phận Bắc Ninh. Khẩu hiệu Giám mục của ông là "Xin cho mọi người nên một".
Thân thế và tu tập.
Ông sinh ngày 20 tháng 9 năm 1945 tại giáo xứ Đại Lãm, nay thuộc xã Tam Dị, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, thuộc giáo phận Bắc Ninh. Bảy ngày sau, cậu được rửa tội tại nhà thờ của giáo xứ. Cha ông là ông Giuse Nguyễn Văn Tô (? – 27 tháng 3 năm 1983) – một nhà giáo từ năm 1954, phục vụ công tác giảng dạy trong các trường nhà chung. Mẹ ông là là bà Anna Nguyễn Thị Để. Giám mục Nguyễn Quang Tuyến là người con thứ hai trong gia đình có 6 anh em: bốn trai, hai gái. Thuở nhỏ, cậu bé Tuyến tỏ ra là một cậu bé chăm ngoan, chịu khó học tập và năng dự lễ, cậu còn yêu mến Thánh Maria.
Trong thời gian học tiểu học, cậu Tuyến là một học sinh thông minh, có chí hơn người và thường xuyên đứng đầu lớp. Tháng 8 năm 1957, cậu bé Tuyến bắt đầu con đường tu học của mình bằng cách nhập học tại Tiểu chủng viện Thánh Gioan Hà Nội. Tại đây, chủng sinh Tuyến luôn gương mẫu, say mê học tập, tu luyện. Năm 1960, chủng sinh Giuse Tuyến tạm lánh Tiểu chủng viện về quê là Đại Lãm. Trở về quê, cậu chủng sinh Nguyễn Quang Tuyến tiếp tục học văn hóa và tốt nghiệp Phổ thông Trung học năm 1964, đồng thời vẫn còn giữ ý định tu trì. Sau khi tốt nghiệp, vì hoàn cảnh chiến tranh hết sức khó khăn, ông lao động trên nông trường và âm thầm theo học môn Thần học, do chính Giám mục Bắc Ninh Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng hướng dẫn.
Linh mục.
Ngày 16 tháng 9 năm 1974, Phó tế Nguyễn Quang Tuyến sau những năm học hành vất vả, đã đủ điều kiện được phong chức linh mục, chính Giám mục Phạm Đình Tụng truyền chức linh mục cho ông. Cùng trong đợt truyền chức này còn có 8 tân linh mục khác. Trong điều kiện khó khăn, đến năm 1980, linh mục Tuyến mới công khai thi hành chức vị linh mục trong công tác mục vụ. Giáo phận Bắc Ninh hoang tàn sau Di cư 1954, vị linh mục trẻ làm linh mục quản nhiệm trong coi nhiều giáo xứ cũng như giáo hạt, có lúc gần như cả giáo phận. Ông có tầm nhìn và định hướng cho việc đào tạo chủng sinh.
Giám mục.
Ngày 15 tháng 12 năm 1988, Tòa Thánh loan tin bổ nhiệm linh mục Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến làm Giám mục Phó Giáo phận Bắc Ninh. Lễ Tấn phong cho Tân giám mục được cử hành sau đó vào ngày 25 tháng 1 năm 1989. Tháng 8 năm 1994, ông được kế vị làm Giám mục chính tòa Giáo phận Bắc Ninh thay cho người tiền nhiệm là Giám mục Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng vừa được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Tổng giáo phận Hà Nội. Ông là giám mục Giáo phận Bắc Ninh đầu tiên xuất thân từ chính giáo phận này.
Ngày 21 tháng 7 năm 2006, ông chia tay giáo dân trong giáo phận để đi chữa bệnh. Ông qua Hoa Kỳ tham dự Đại Hội Thánh Mẫu tại Dòng Đồng Công vào tháng 8 năm 2006 và sau đó đã đến Portland Oregon để chữa bệnh trong 2 tuần.
Các bác sĩ giải phẫu bướu ở bụng cho ông 19 tháng 9, sau đó ông đã tỉnh và đi lại được. Nhưng đến ngày 21 tháng 9 thì ông lên cơn sốt nặng và bị hôn mê. Khám nghiệm sau cho biết lý do qua đời vì bị ung thư máu.
Qua đời và tang lễ.
Qua đời.
Giám mục Nguyễn Quang Tuyến qua đời vào lúc 6 giờ 58 phút sáng ngày 24 tháng 9 năm 2006 giờ Việt Nam tại bệnh viện Providence Mendical Center Hospital, Portland, Tiểu bang Oregon, Hoa Kỳ. Giáo phận Bắc Ninh do ông cai quản trống tòa vào thời điểm đó.
Các lễ cầu nguyện tại Giáo phận.
Chiều ngày 25 tháng 9 năm 2006, hầu hết các linh mục trong giáo phận Bắc Ninh đã tụ họp về Nhà thờ chính tòa hiệp dâng Thánh lễ cầu nguyện cho ông. Đông đảo tín hữu đến tham dự Thánh lễ làm cho nhà thờ chật kín. Linh mục chủ tế Đa Minh Nguyễn Văn Kinh, đại diện cho các linh mục giáo phận phát tang và kêu gọi toàn thể tín hữu trong giáo phận cầu nguyện và dâng lễ cầu cho Cố giám mục Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến.
Trưa 27 tháng 9 năm 2006, tại Nhà thờ chính tòa, 8 linh mục giáo phận đã đồng tế dâng lễ cầu nguyện cho linh hồn giám mục Tuyến. Đây là Thánh lễ do Ban hành giáo và Hội Gia trưởng giáo hạt Bắc Ninh xin dâng cầu cho cố Giám mục. Nhiều giáo xứ khác nhau trong giáo phận cũng tổ chức dâng Thánh lễ cầu nguyện cho Cố giám mục Giuse. Tại giáo xứ Dân trù, có khoảng gần 2,000 giáo dân tham dự Thánh lễ. Tại khắp các giáo xứ trong các giáo hạt Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phú, Thái Nguyên, Gia Lương, Đồng Chương – Vân Cương đều long trọng tổ chức dâng lễ cầu nguyện ông. Thánh lễ nào tín hữu cũng tới tham dự chật kín nhà thờ và rất nhiều người đã bật khóc trước di ảnh của ông.
Tối ngày 29 tháng 9 năm 2006, linh mục Cosma Hoàng Văn Đạt, SJ, Linh mục Linh hướng Đại chủng viện Thánh Giuse Hà Nội, đã tới chủ sự Thánh lễ cầu nguyện cho Cố Giám mục Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến tại Nhà thờ chính tòa Bắc Ninh.
Cùng ngày 29 tháng 9, Hồng y Ivan Dias Tổng trưởng bộ truyền giảng Tin mừng, đã gửi điện chia buồn:
Tối ngày 1 tháng 10 năm 2006, ngày lễ mừng kính Đức Mẹ Mân Côi bảo trợ giáo phận Bắc Ninh, tại nhà thờ Chính toà Bắc Ninh, Tổng giám mục Tổng giáo phận Hà Nội Giuse Ngô Quang Kiệt đã tới chủ sự thánh lễ cầu cho Giáo phận và cho Giám mục Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến. Toàn thể các linh mục trong giáo phận và một số linh mục về tham dự lễ tang cùng đồng tế với Tổng giám mục Kiệt.
Đón linh cữu tại sân bay.
Ngày 2 tháng 10 năm 2006, đoàn xe đi đón linh cữu Giám mục Nguyễn Quang Tuyến rời Tòa giám mục Bắc Ninh. Thành phần phái đoàn gồm có: linh mục Đa Minh Nguyễn Văn Kinh – trưởng ban tang lễ, các đại diện của linh mục giáo phận, dòng Đa Minh, dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức, dòng Đức Bà Truyền giáo, tu hội Đức Mẹ Hiệp nhất, tu hội Truyền tin, tu hội Trợ tá, tu hội Thánh Tâm, các Đại chủng sinh, Thân nhân gia đình ông, Anh em nhà Gioan, Ban hành giáo và giáo dân Giáo phận.
Cầu nguyện và tang lễ.
Suốt ngày 3 tháng 10 năm 2006, từ 4 giờ sáng cho tới 12 giờ khuya, dòng người đông đảo nối đuôi nhau tới Nhà thờ chính tòa kính viếng và dâng lễ cầu nguyện cho cố Giám mục Giuse Maria Nguyễn Quang Tuyến.
Sáng ngày 4 tháng 10, lễ an táng ông bắt đầu, tuy vậy, hàng ngàn giáo dân từ các miền xa về Tòa giám mục Bắc Ninh ngay từ tối 3 tháng 10 và tờ mờ sáng 4 tháng 10. Những giáo dân này ngủ qua đêm ngoài trời tại sân Tòa giám mục. Ước chừng có khoảng hơn 10,000 tín hữu tham dự lễ. Chủ sự thánh lễ là Tổng giám mục Trưởng Giáo tỉnh Hà Nội Giuse Ngô Quang Kiệt cùng khoảng 170 linh mục đồng tế từ trong và ngoài giáo phận, trong số này có rất nhiều linh mục Tổng đại diện. Hàng giám mục có tất cả 10 Giám mục từ khắp các giáo phận Việt Nam.
Đánh giá.
Tổng Giám mục Hà Nội Giuse Ngô Quang Kiệt đánh nhận xét về ông:
Viết trong Hồi ký, linh mục Roco Nguyễn Tự Do, Dòng Chúa Cứu Thế đưa ra nhận định về giám mục Nguyễn Quang Tuyến: | 1 | null |
Giuse Nguyễn Phụng Hiểu (1921 – 1992) là một Giám mục của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam. Ông nguyên là Giám mục chính tòa của Giáo phận Hưng Hóa trong khoảng thời gian ngắn từ cuối năm 1990 đến khi qua đời năm 1992. Khẩu hiệu Giám mục của ông là "Các con hãy nên Chứng nhân của Thầy".
Giám mục Nguyễn Phụng Hiểu quê ở Kim Sơn, Ninh Bình. Từ thuở thiếu thời, ông đã đi theo con đường tu học và học tại các chủng viện Công giáo khác nhau tại giáo phận Hưng Hóa cũng như giáo phận Phát Diệm. Sau 17 năm tu học trong thời kỳ Pháp thuộc và chiến tranh Đông Dương, năm 1951, ông được truyền chức linh mục.
Năm 1952, linh mục Giuse Hiểu bắt đầu làm việc tại giáo phận Hưng Hóa. Trải qua nhiều chức vụ khác nhau trong thời kỳ linh mục, tháng 1 năm 1989, ông được chọn làm Giám quản Giáo phận Hưng Hóa. Tòa Thánh chọn linh mục giám quản Nguyễn Phụng Hiểu làm giám mục chính tòa Hưng Hóa tháng 12 năm 1990. Giám mục Nguyễn Phụng Hiểu chính thức quản lý giáo phận Hưng Hóa từ tháng 4 năm 1991, sau nghi thức tấn phong. Tuy nhiên, do tuổi cao nên chỉ vài tháng sau, ông lâm bệnh nặng và qua đời vì ung thư tháng 5 năm 1992.
Thân thế và những năm đầu tu nghiệp.
Giám mục Nguyễn Phụng Hiểu sinh ngày 19 tháng 3 năm 1921 tại giáo họ Hàm Phu, giáo xứ Quân Triêm, nay thuộc xã Xuân Chính, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, thuộc giáo phận Phát Diệm. Năm 13 tuổi (1934), cậu bé Hiểu bắt đầu con đường tu trì của mình bằng việc nhập học tại Tiểu chủng viện Hà Thạch, thuộc địa bàn tỉnh Phú Thọ, thuộc giáo phận Hưng Hóa. Sau 12 năm tu học tại Hà Thạch, năm 1945, chủng sinh Giuse Hiểu tiếp tục việc học tại Đại chủng viện Thượng Kiệm, giáo phận Phát Diệm, tỉnh Ninh Bình.
Thời kỳ linh mục.
Sau quá trình tu học dài hạn, Phó tế Giuse Nguyễn Phụng Hiểu được thụ phong linh mục vào ngày 26 tháng 5 năm 1951. Sau khi được truyền chức, ông được bổ nhiệm giữ chức linh mục phó giáo xứ Liễu Đề, tỉnh Nam Định, thuộc giáo phận Bùi Chu. Một năm sau khi trở thành linh mục, Giuse Nguyễn Phụng Hiểu quyết định gia nhập Giáo phận Hưng Hoá. Đại diện Tông Tòa Hưng Hóa Jean Marie Mazé Kim quyết định bổ nhiệm linh mục Hiểu làm linh mục phó giáo xứ Vĩnh Lộc, hỗ trợ họ đạo Thạch Thán và các họ đạo mới thành lập.
Chỉ hai năm sau khi bắt đầu làm việc ở Giáo phận Hung Hóa, năm 1954, linh mục Giuse Nguyễn Phụng Hiểu được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Tiểu chủng viện Sơn Lộc. Trong giai đoạn từ năm 1960 đến năm 1967, linh mục Hiểu là Quản lý Địa phận, đồng thời kiêm nhiệm chức linh mục chánh xứ Sơn Tây. Cũng trong năm này, ông được chọn làm nhân chứng về văn thư thành lập Dòng Ba thánh Đa Minh của Giám mục Phêrô Maria Nguyễn Huy Quang. Giám mục Quang và linh mục Hiểu cùng linh mục Giuse Nguyễn Ngọc Bảo là ba thành viên tiên khởi của Dòng Ba tại xứ Sơn Tây, thuộc giáo phận Hưng Hóa.
Năm 1979, ông được bổ nhiệm đảm nhận vai trò linh mục Chánh xứ Tinh Lam, phụ trách nhiều xứ đạo, họ đạo nhánh với 42 nhà thờ, 9.200 giáo dân. Ngày 22 tháng 1 năm 1989, giám mục chính tòa Hưng Hóa Giuse Phan Thế Hinh qua đời, linh mục Giuse Nguyễn Phụng Hiểu được chọn làm Giám quản giáo phận Hưng Hóa, về cư trú ở Sơn Tây. Cũng trong thời gian này, linh mục Hiểu còn đảm trách nhiệm vụ giáo sư Thần học tín lý cho Đại chủng viện Thánh Giuse Hà Nội.
Thời kỳ giám mục.
Bổ nhiệm và tấn phong.
Ngày 3 tháng 12 năm 1990, Giáo hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm linh mục Giám quản Giuse Nguyễn Phụng Hiểu làm Giám mục chính tòa Giáo phận Hưng Hóa. Tuy vậy, hơn 3 tháng sau đó tin tức bổ nhiệm mới được chính thức thông báo. Đợt bổ nhiệm này ngoài tin bổ nhiệm tân giám mục Hưng Hóa còn có tin thuyên chuyển giám mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang làm Giám mục chính tòa Giáo phận Thái Bình.
Ban đầu lễ tấn phong cho giám mục tân cử dự định vào ngày lễ kính Giuse, một vị thánh và là Thánh bổn mạng của giám mục Nguyễn Phụng Hiểu. Tuy vậy, dự tính này phải hủy bỏ và lùi lại đến ngày 8 tháng 4 năm 1991, với mục đích để có sự tham gia của đông đảo giám mục Việt Nam, do kỳ họp thường niên được tổ chức tại Hà Nội vào khoảng thời gian này. Lễ tấn phong tân giám mục Nguyễn Phụng Hiểu là lễ tấn phong có sự tham gia của hàng giám mục đông đảo nhất cho đến thời điểm đó, với 25 vị. Chủ phong trong nghi thức truyền chức là giám mục Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng, Giám mục chính tòa Giáo phận Bắc Ninh kiêm Giám quản Tông Tòa Tổng giáo phận Hà Nội. Cùng đồng tế cũng như tham gia lễ tấn phong có hơn 40 linh mục và 20.000 giáo dân đa số là người dân tộc Mèo từ Sapa (Lào Cai).
Tòa thánh cử Tổng Giám mục Alberto Tricarico, Sứ thần Tòa Thánh tại Bangkok, đại diện Giáo hoàng sang dự lễ. Giáo hoàng Gioan Phaolô II tặng riêng cho tân giám mục một thánh giá đeo ngực bằng bạc và sẽ do Tổng giám mục Alberto trao cho vị tân chức. Vào giờ chót, tổng giám mục Alberto Tricarico không thể đến sang Việt Nam dự lễ.
Trong thời kỳ làm giám mục, ông quyết định gửi 13 chủng sinh vào học tại miền Nam và quyết định xây dựng Tòa giám mục tại Sơn Tây.
Lâm bệnh và qua đời.
Giám mục Nguyễn Phụng Hiểu chính thức trở thành giám mục Hưng Hóa khi đã thất thập. Việc quản nhiệm một giáo phận nghèo khó và có địa bàn rộng lớn làm ông trở bệnh. Chỉ vài tháng sau ngày tấn phong, tháng 8 năm 1991, ông đi Roma điều trị bệnh tại bệnh viện Piô X. Ông di chuyển bằng xe lăn khi giáo hoàng đến thăm bệnh. Trở về Việt Nam tháng 12 năm 1991, ông tiếp tục điều trị tại bệnh viện Việt–Xô (Hà Nội) trong 2 tháng. Sau Tết Nguyên đán năm 1992, ngày 11 tháng 2 giám mục Nguyễn Phụng Hiểu đến Thành phố Hồ Chí Minh để theo chữa bệnh bằng phương pháp đông y. Thời gian điều trị bệnh, giáo phận Hưng Hóa có nhiều tin buồn diễn ra liên tiếp: 4 người thân với vị giám mục qua đời trong vòng 30 ngày, điều này làm sức khỏe ông suy yếu dần.
Ngày 7 tháng 5, ông dự lễ tấn phong tân giám mục phụ tá Giáo phận Xuân Lộc Tôma Nguyễn Văn Trâm và ngay ngày hôm sau đến trụ sở Giáo phận Hưng Hóa tại Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh để giã từ trở về giáo phận Hưng Hóa. Bệnh ung thư bộc phát, giám mục Hiểu được đưa đến điều trị tại Trung tâm cấp cứu bệnh viện Sài Gòn. Ông qua đời lúc 14 giờ 20 phút, ngày 9 tháng 5 năm 1992 thọ 71 tuổi.
Linh cữu cố giám mục được quàn tại nhà thờ xứ Lộc Hưng, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó, chuyển linh cữu về thị xã Sơn Tây nơi tạm đặt Tòa Giám mục Hưng Hóa. Lễ an táng cố giám mục Nguyễn Phụng Hiểu chủ tế bởi giám mục Phaolô Bùi Chu Tạo, giám mục Giáo phận Phát Diệm vào ngày 14 tháng 5, nghi thức đọc điếu văn do giám mục Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng chủ sự. Giáo dân đến từ các tỉnh vùng Tây Bắc Việt Nam như: Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Phú Thọ, Yên Bái, Hà Tây, Hòa Bình, Hà Giang, Tuyên Quang đến dự lễ tang giám mục Nguyễn Phụng Hiểu.
Giám mục Giuse Nguyễn Phụng Hiểu chính thức lãnh đạo giáo phận Hưng Hóa trong khoảng thời gian 1 năm 29 ngày, tuy nhiên ông đã thực hiện các công tác mục vụ cho giáo phận Hưng Hóa từ nhiều năm trước, từ năm 1934 và đồng hành cùng giáo phận trong những ngày tháng chiến tranh và thời hậu chiến.
Nhận định.
Linh mục Giuse Nguyễn Gia Huấn nhận định trong lễ giỗ 25 năm cố giám mục Nguyễn Phụng Hiểu:
Tông truyền.
Giám mục Giuse Nguyễn Phụng Hiểu được tấn phong năm 1991, dưới thời Giáo hoàng Gioan Phaolô II, bởi: | 1 | null |
Phaolô Maria Cao Đình Thuyên (7 tháng 1 năm 1927 - 29 tháng 8 năm 2022) là một giám mục người Việt Nam của Giáo hội Công giáo Rôma. Ông từng đảm trách vai trò Giám mục chính tòa của Giáo phận Vinh trong suốt 10 năm từ năm 2000 đến năm 2010. Khẩu hiệu Giám mục của ông là "Cùng chịu đóng đinh vào Thập Giá Đức Kitô".
Thân thế và tu tập.
Giám mục Cao Đình Thuyên sinh ngày 7 tháng 1 năm 1927. Có nguồn tin ghi nhận ngày sinh của ông là ngày 7 tháng 12 năm 1926 tại giáo họ Tràng Lưu, giáo xứ Tràng Lưu, nay thuộc xã Lộc Yên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, thuộc Giáo phận Vinh (nay khu vực này thuộc Giáo phận Hà Tĩnh). Thân sinh là ông Gioan Baotixita Cao Đình Tùng (qua đời năm 1967) và bà Anna Nguyễn Thị Đích (qua đời năm 1968).
Năm 11 tuổi ông được linh mục Phaolô Kim quản xứ Thượng Nậm đã nhận đỡ đầu và gửi đi Trường Tập Xuân Phong, đến ngày 13 tháng 8 năm 1938 thì nhập học tại đây. Sau đúng bốn năm tại trường tập, cậu bé Thuyên được cho học tiếp tại tiểu chủng viện Xã Đoài. Sau khi hoàn thành chương trình tiểu chủng viện, năm 1950, chủng sinh Phaolô Cao Đình Thuyên quyết định về giúp Sở Quản lý Nhà chung Xã Đoài. Đầu năm 1955, chủng sinh Thuyên được mời gọi tiếp tục con đường tu học tại Đại chủng viện Xã Đoài.
Con đường thăng tiến của chùng sinh Thuyên diễn ra khá nhanh: ngày 1 tháng 5 năm 1957, được gia nhập hàng giáo sĩ. Hai tháng sau đó, ngày 21 tháng 12, ông chịu các chức nhỏ. Hơn một năm sau, ngày 31 tháng 1 năm 1959, chủng sinh Thuyên trở thành Phụ phó tế rồi nhanh chóng trở thành Phó tế vào ngày 1 tháng 2 năm 1960.
Linh mục.
Ngày 14 tháng 5 năm 1960, Phó tế Cao Đình Thuyên được cử hành nghi thức truyền chức linh mục do Giám mục Gioan Baotixita Trần Hữu Đức chủ sự. Sau khi được truyền chức, vị linh mục trẻ tuổi được bổ nhiệm làm linh mục quản xứ Quy Hậu vào ngày 12 tháng 7 cùng năm. Linh mục Thuyên đã cử hành các nghi thức mục vụ tại giáo xứ miền núi này trong suốt 11 năm.
Ngày 13 tháng 8 năm 1971, linh mục Phaolô Thuyên được chọn đảm nhiệm vai trò quản lý Tòa giám mục. Trong vai trò quản lý Tòa Giám mục, năm 1977, linh mục Cao Đình Thuyên cho khởi công tái thiết nhà thờ chính tòa Xã Đoài. Ba năm sau khi khởi công, năm 1980, linh mục đoàn bầu chọn ông làm linh mục Tổng Đại diện Giáo phận Vinh. Ngoài ra, ông còn kiêm thêm vị trí linh mục Quản hạt của 2 giáo hạt Nhân Hòa và Xã Đoài.
Giám mục.
Ngày 6 tháng 7 năm 1992, Tòa Thánh công bố việc Giáo hoàng đã tuyển chọn linh mục Phaolô Cao Đình Thuyên, Tổng đại diện Giáo phận Vinh, làm Giám mục phó Giáo phận này. Mãi đến ngày 1 tháng 11 cùng năm, Tông sắc Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám mục phó mới về đến Giáo phận. Lễ tấn phong cho Tân giám mục được cử hành cách trọng thể sau đó vào ngày 19 tháng 11 năm 1992, với phần nghi thức được chủ sự bởi vị chủ phong là Giám mục Phêrô Gioan Trần Xuân Hạp, giám mục chính tòa giáo phận Vinh. Ngoài ra còn có hai vị phụ phong là Giám mục Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng, giám mục chính tòa Giáo phận Bắc Ninh, giám quản Tông Tòa Tổng giáo phận Hà Nội và giám mục Giuse Maria Nguyễn Tùng Cương, giám mục chính tòa Giáo phận Hải Phòng. Tân giám mục Thuyên chọn cho mình khẩu hiệu: “Cùng chịu đóng đinh vào thập giá với Đức Kitô” (Gl 2, 19).
Ngày 11 tháng 12 năm 2000, Giám mục phó Cao Đình thuyên kế vị chức vị Giám mục chính tòa, thay thế Giám mục Phêrô Gioan Trần Xuân Hạp nghỉ hưu. Tháng 7 năm 2009, ông cùng các giám mục Việt Nam thực hiện chuyến viếng thăm Tòa Thánh Ad Limina. Trong chuyến đi này, ông viếng thăm các hội đoàn và ân nhân đã giúp đỡ giáo phận Vinh. Giám mục Cao Đình Thuyên được gọi là "giám mục trên từng cây số" vì hành trình mục vụ của ông được thực hiện khắp ba tỉnh thành Việt Nam là Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình, thuộc giáo phận Vinh trước chia tách. Trong thời gian đảm nhiệm vai trò giám mục giáo phận, giám mục Cao Đình Thuyên đã đến thăm tất cả các giáo xứ và gần 400 giáo họ trên địa bàn giáo phận (gần như tất cả số giáo họ) trên địa bàn giáo phận Vinh cũ, hay thuộc hai giáo phận Vinh và Hà Tĩnh. Giám mục Cao Đình Thuyên còn được [giáo dân Công giáo] đặt cho những danh hiệu khác như "Ông tiên", "vị Giám mục lập kỷ lục đắc nhân tâm".
Trong thời gian đảm nhận vai trò giám mục chính tòa, giám mục Cao Đình Thuyên là chủ phong cho 104 phó tế và linh mục; thiết lập 30 giáo xứ trong địa bàn giáo phận, tái thiết và thành lập các họ đạo, sáp nhập 6 giáo xứ phía Nam sông Gianh, được chuyển từ Tổng giáo phận Huế vào năm 2005. Ông cũng đã cho phép thành lập nhiều đoàn thể, ban ngành và hội đoàn Công giáo Giáo phận Vinh.
Hưu dưỡng và qua đời.
Ngày 13 tháng 5 năm 2010, Giáo hoàng Biển Đức XVI chấp nhận đơn xin từ nhiệm của Giám mục chính tòa Giáo phận Vinh của Giám mục Cao Đình Thuyên và chức vụ Tổng giám mục Tổng giáo phận Hà Nội Giuse Ngô Quang Kiệt, ngoài ra, giáo hoàng đồng thời quyết định bổ nhiệm linh mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp, hiện là Giám đốc học vụ tỉnh dòng Đa Minh, chủ nhiệm câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình làm tân Giám mục chính tòa kế vị giám mục Thuyên về hưu. Ngày 23 tháng 7 cùng năm, ông là Giám mục chủ phong cho Giám mục Hợp – người kế vị mình.
Ngày 7 tháng 12 năm 2015, giáo phận Vinh tổ chức lễ mừng thọ 90 tuổi cho giám mục Cao Đình Thuyên và kỉ niệm 55 năm linh mục cho ông.
Tháng 7 năm 2016, giám mục Cao Đình Thuyên bị ngã và được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện 115, sau đó được chuyển ra Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội điều trị. Ngày 16 tháng 11 năm 2017, giáo phận Vinh đã tổ chức lễ kỉ niệm 25 năm giám mục cho ông tại nhà thờ chính tòa Xã Đoài. Đồng tế lễ có giám mục Nguyễn Thái Hợp và Giám mục phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Viên và đông đảo linh mục và giáo dân.
Trong thời gian hưu dưỡng, Giám mục Thuyên vẫn có đủ sức khỏe để thực hiện các công việc mục vụ tại hai giáo phận Vinh và Hà Tĩnh (trong địa bàn ba tỉnh Nghệ-Tĩnh-Bình).
Giám mục Phaolô Maria Cao Đình Thuyên qua đời lúc 13 giờ ngày 29 tháng 8 năm 2022 tại bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, thành phố Vinh. Trong hai ngày 30 và 31 tháng 8, thi hài cố giám mục được quàn tại Nhà thờ chính tòa Xã Đoài và trong mỗi ngày tổ chức 6 thánh lễ để cầu nguyện. Hơn 500 phái đoàn và hàng chục nghìn giáo dân đã đến viếng thi hài và cầu nguyện cho cố giám mục. Tổng trưởng Bộ Loan báo Tin Mừng (Bộ Truyền giáo) Tòa Thánh Luis Antonio Tagle và Đại diện Giáo hoàng không thường trú tại Việt Nam, Tổng giám mục Marek Zalewski và Hội đồng Giám mục Việt Nam đã gửi điện thư chia buồn đến hai giáo phận Vinh và Hà Tĩnh.
Thánh lễ an táng được cử hành vào lúc 8 giờ 30 phút ngày 1 tháng 9 tại Nhà thờ chính tòa Xã Đoài, Giáo phận Vinh. Chủ tế là Giám mục Anphong Nguyễn Hữu Long và cùng đồng tế có các giám mục, đức ông, các linh mục trong và ngoài giáo phận Vinh và Hà Tĩnh. Nghi thức phó dâng và từ biệt do Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Viên chủ sự.
Cộng đồng giáo dân giáo phận Vinh di cư đang sinh sống ngoài lãnh thổ giáo phận Vinh tổ chức các lễ cầu nguyện cho cố giám mục. Các buổi lễ được cử hành tại London, Anh (1 tháng 9), Scotland (30 tháng 8), Bắc California, Hoa Kỳ (ba lễ; 3 và 4 tháng 9), Đài Loan (4 tháng 9), miền Nam Việt Nam (3 tháng 9), Hà Nội (1 tháng 9).
Tông truyền.
Giám mục Phaolô Maria Cao Đình Thuyên được tấn phong giám mục năm 1992, thời Giáo hoàng Gioan Phaolô II, bởi:
Giám mục Phaolô Maria Cao Đình Thuyên là Giám mục Chủ phong cho giám mục:
Giám mục Phaolô Maria Cao Đình Thuyên là Giám mục Phụ phong cho giám mục: | 1 | null |
Phêrô Trần Đình Tứ (sinh 1937) là một giám mục người Việt của Giáo hội Công giáo Rôma. Ông nguyên là Giám mục chính tòa thứ ba của Giáo phận Phú Cường và là nguyên Chủ tịch Ủy ban Phụng Tự của Hội đồng Giám mục Việt Nam trong ba nhiệm kỳ liên tiếp, kéo dài từ năm 2007 đến năm 2016. Khẩu hiệu Giám mục của ông là "Yêu Rồi Làm".
Giám mục Trần Đình Tứ sinh tại Thái Bình, bắt đầu con đường tu trì từ năm 11 tuổi. Sau khoảng thời gian 17 năm tu học, ông được truyền chức linh mục tháng 4 năm 1965. Sau khi trở thành linh mục, ông đảm nhận chức phó xứ Lễ Trang trong thời gian ngắn và được chuyển làm phó xứ Chính Tòa Phú Cường. Linh mục Tứ sau đó được cử đi du học và nhận được hai văn bằng Tiến sĩ Giáo luật và Cử nhân Phụng vụ.
Về Việt Nam, ông đảm nhận nhiều vai trò quan trọng trong giáo phận cũng như trở thành Tổng Thư ký Ủy ban Phụng tự trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam. Tòa Thánh bổ nhiệm linh mục Trần Đình Tứ làm giám mục chính tòa Phú Cường tháng 11 năm 1998 và nghi thức tấn phong cử hành tại Rôma vào đầu tháng 1 năm 1999.
Thời làm giám mục, ông đảm nhận nhiều vai trò trong đời sống tôn giáo trong và ngoài nước. Ông cũng là giám mục khởi công và hoàn tất nhà thờ chính tòa Phú Cường.
Thân thế và tu tập.
Giám mục Trần Đình Tứ sinh ngày 2 tháng 3 năm 1937 tại Thuần Túy, nay thuộc xã Đông La, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, thuộc Giáo phận Thái Bình. Năm 11 tuổi, ông bắt đầu con đường tu học của mình bằng việc nhập học tại Tiểu chủng viện Mỹ Đức, Thái Bình. Ngay năm đầu tiên ở Tiểu chủng viện, chủng sinh Trần Đình Tứ bị Giám đốc Chủng viện đuổi học do quy kết chủng sinh Tứ "vừa xướng kinh vừa đốt pháo" khi cậu này làm rớt đế đèn dầu. Sau khi năn nỉ và khó khăn về đi lại do hoàn cảnh chiến tranh, nên được chấp thuận ở lại. Chủng sinh Tứ cũng từng bị nhiều giáo sư chủng viện bỏ phiếu loại khỏi chủng viện, tuy vậy vẫn tiếp tục được theo học. Sau khi Hiệp định Genève có hiệu lực, chủng sinh Tứ di cư vào miền Nam, học tại Tiểu chủng viện Phan Rang, Tấn Tài. Sau một năm tại Tiểu chủng viện Phan Rang, Trần Đình Tứ được cử đi du học và học tại học viện Albertô, Hồng Kông phân môn Triết học năm 1955.
Trở về Việt Nam ba năm sau đó, chủng sinh Trần Đình Tứ được cử giúp xứ, dạy học tại trường Nguyễn Duy Khang, Thành phố Sài Gòn. Sau khi hoàn tất chương trình Triết học, cậu được cử đi du học Rôma, nhưng bỏ lỡ cơ hội do bị thủng phổi. Từ năm 1961, cậu bắt đầu học phân môn Thần học tại Đại Đại Chủng viện thánh Giuse, Sài Gòn và học tại đây đến năm 1965.
Linh mục.
Ngày 29 tháng 4 năm 1965, Phó tế Phêrô Trần Đình Tứ được truyền chức linh mục do giám mục chính tòa Giáo phận Mỹ Tho Giuse Trần Văn Thiện cử hành. Sau khi trở thành linh mục, linh mục Tứ được bổ nhiệm đảm nhận vai trò linh mục phó giáo xứ Lễ Trang, hạt Phú Giáo, giáo phận Phú Cường trong thời gian ngắn trước khi được điều chuyển giữ chức linh mục phó giáo xứ chính tòa Phú Cường.
Năm 1968, linh mục Trần Đình Tứ được cử đi du học tại Rôma và đạt được hai văn bằng Tiến sĩ Giáo luật và Cử nhân Phụng vụ. Sau 5 năm du học, ông trở về Việt Nam và được bổ nhiệm giữ chức phó Giám đốc Tiểu Chủng viện Thánh Giuse Phú Cường. Đến năm 1975, ông trở thành Giám đốc Đại Chủng viện Thánh Giuse Phú Cường và giữ chức này đến năm 1988.
Từ năm 1987, linh mục Phêrô Trần Đình Tứ đảm nhận vai trò linh mục chánh xứ nhà thờ chính tòa Phú Cường kiêm Quản hạt giáo hạt Phú Cường và Chánh án Tòa án hôn phối giáo phận Phú Cường. Song song cùng chức vụ này, ông đảm nhận vai trò Giáo sư hai môn Phụng vụ và Luân lý tại Đại Chủng viện Sài Gòn từ năm 1985.
Từ năm 1985 đến năm 1991, linh mục Phêrô Trần Đình Tứ đảm nhận vai trò linh mục Tổng Thư ký Ủy ban Phụng tự trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam.
Giám mục.
Ngày 5 tháng 11 năm 1998, Tòa Thánh thông báo bổ nhiệm linh mục Phêrô Trần Đình Tứ làm tân Giám mục chính tòa Giáo phận Phú Cường. Tòa Thánh gửi thư mời giám mục Tứ đến Rôma để giáo hoàng Gioan Phaolô II chủ sự nghi thức Tấn phong Giám mục, nghi thức Tấn phong được diễn ra vào ngày 6 tháng 1 cùng năm. Theo lời của chính Giám mục Tứ, sau khi được Tòa Thánh đề cử, việc đề cử ông gặp nhiều cản trở, chỉ được giải quyết bốn năm sau đó. Giáo phận Phú Cường lúc này có 63 linh mục triều và 1 linh mục dòng. Ngoài ra còn có 29 đại chủng sinh và 67 nữ tu.
Tân giám mục được tấn phong vào ngày 6 tháng 1 năm 1999 bởi Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II tại đền thờ Thánh Phêrô tại Vatican. Khẩu hiệu Giám mục của ông là: "Yêu rồi làm". Một ngày sau lễ tấn phong, giáo hoàng Gioan Phaolô II có buổi tiếp kiến các tân giám mục và gia đình của họ. Cùng tham dự buổi lễ này có Tổng giám mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, giám mục chính tòa giáo phận Long Xuyên Gioan Baotixita Bùi Tuần, Đức ông Trần Văn Khả từ Bộ Kỷ luật Bí tích và 20 thành viên gia đình tân giám mục. Một ngày sau đó, ông cùng thân nhân đi Hoa Kỳ sau đó trở về Việt Nam vào cuối tháng. Giám mục Phêrô Trần Đình Tứ chính thức nhận giáo phận Phú Cường ngày 26 tháng 1 cùng năm.
Từ tháng 10 năm 1999, giám mục Trần Đình Tứ đặc trách Hội Thừa sai Việt Nam, sau khoảng thời gian gián đoạn vì hoàn cảnh và ông đảm nhận chức vụ này cho đến tháng 10 năm 2020. Từ năm 2001, giám mục Tứ đảm nhận vai trì chủ tịch Ủy ban Phụng tự trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam. Từ năm 2002, giám mục Phêrô Trần Đình Tứ là đại biểu Giáo hội Việt Nam tại các Đại hội Thánh Thể Quốc tế.
Trong Hội đồng Giám mục Việt Nam, ông đảm nhận công tác Chủ tịch Ủy ban Phụng tự và Nghệ thuật thánh nhiệm kỳ 2004 – 2007, sau đó trở thành chủ tịch hai ủy ban: Ủy ban Nghệ thuật thánh và Ủy ban Phụng tự nhiệm kỳ 2007 – 2010. Trong hai nhiệm kỳ kéo dài từ năm 2010 đến năm 2016, Giám mục Tứ chỉ còn đảm nhận chức chủ tịch Ủy ban Phụng tự. Ông cho rằng trách vụ về Uỷ ban Phụng Tự và Hội Thừa Sai là hai trách vụ nặng nề. Riêng vai trò Đặc trách Hội Thừa sai, ông cho biết đã hết lòng từ chối nhưng không được chấp thuận. Ông cho biết ông không có nhiều thời gian để chăm lo cho Hội Thừa Sai. Chỉ hai năm sau khi được tấn phong giám mục, ông bị tai nạn làm đứt hai gân máu não và tiên liệu bị tâm thần, nhưng sau đó được chữa lành.
Năm 2007, giám mục Phêrô Trần Đình Tứ trở thành thành viên Hội đồng Giáo hoàng đặc trách Đối thoại liên tôn.
Ngày 13 tháng 6 năm 2009, giám mục Trần Đình Tứ cho khởi công xây dựng nhà thờ chính tòa Phú Cường. Trong thời kỳ giám mục, ông đã truyền chức cho khoảng 400 linh mục.
Ngày 30 tháng 6 năm 2012, Giáo hoàng Biển Đức XVI chấp nhận đơn nghỉ hưu của ông theo giáo luật. Giám mục Giuse Nguyễn Tấn Tước chính thức kế vị chức giám mục chính tòa. Giám mục Tước là học trò và cũng là người được Giám mục Phêrô Trần Đình Tứ cho đi du học. Cùng vào ngày này, giáo hoàng cũng chấp thuận đơn từ nhiệm của giám mục Qui Nhơn Phêrô Nguyễn Soạn.
Tuy đã hồi hưu, giám mục Trần Đình Tứ vẫn tiếp tục công việc xây dựng nhà thờ chính tòa Phú Cường cho đến ngày hoàn tất. Sau khi từ nhiệm chức vụ giám mục chính tòa Giáo phận Phú Cường, Giám mục Phêrô Trần Đình Tứ vẫn kiêm nhiệm các chức vụ: Chủ tịch Ủy ban Phụng tự trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đặc trách Hội Thừa sai Việt Nam, Thành viên Hội đồng Giáo hoàng đặc trách đối thoại liên tôn, Đại biểu Giáo hội Việt Nam tại Ủy ban Giáo hoàng đặc trách các Đại hội Thánh Thể Quốc tế.
Ngày 6 tháng 1 năm 2014, tại nhà nguyện Giáo phận Phú Cường, Giám mục Phêrô Trần Đình Tứ cử hành lễ tạ ơn kỷ niệm 15 năm Giám mục. Đồng tế trong thánh lễ còn có sự hiện diện của Tổng Giám mục Leopoldo Girelli – Đại diện Tòa Thánh tại Việt Nam và 10 giám mục khác, cùng đông đảo các linh mục, tu sĩ, chủng sinh, giáo dân thuộc các giáo phận Phú Cường, Xuân Lộc, Thành phố Hồ Chí Minh...
Tông truyền.
Giám mục Phêrô Trần Đình Tứ được tấn phong giám mục năm 1999, thời Giáo hoàng Gioan Phaolô II, bởi:
Giám mục Phêrô Trần Đình Tứ là Giám mục Chủ phong trong nghi thức truyền chức giám mục cho: | 1 | null |
"A" là một bài hát của nhóm nhạc nữ Hàn Quốc Rainbow. Bài hát được phát hành vào ngày 12 tháng 8 năm 2010 và sau đó nằm trong mini-album thứ hai của nhóm, "So Girls".
Phiên bản tiếng Hàn.
Lịch sử.
Một bức ảnh về hình tượng của nhóm trong bài hát đã được công bố vào ngày 4 tháng 8 năm 2010. Video âm nhạc của bài hát được ra mắt vào ngày 12 tháng 8 năm 2010 cùng với sự phát hành của đĩa đơn.
Sáng tác.
Bài hát được sản xuất bởi Han Jae Ho và Kim Seung Soo, người đã từng sản xuất các bài hát "Rock U", "Pretty Girl", "Honey", "Wanna", "Mister" và "Lupin" cho nhóm nhạc cùng công ty của họ, KARA.
Quảng bá.
Các hoạt động quảng bá cho bài hát bắt đầu vào ngày 13 tháng 8 năm 2010 trên "Music Bank" của KBS cũng như "Music Core" của MBC, "Inkigayo" của SBS và "M! Countdown" của Mnet.
Tại Nhật Bản, Rainbow biểu diễn bài hát trên các chương trình "Happy Music", "Hey!Hey!Hey! Music Champ" và "Music Japan" cũng như sự kiện đầu tiên của nhóm ở quận Ikebukuro của Tokyo với sự tham dự của 2,000 người hâm mộ.
Doanh số.
Bài hát xuất hiện lần đầu tiên ở vị trí thứ 50 và leo lên vị trí thứ 11 trong tuần tiếp theo. Thứ hạng cao nhất của bài hát là vị trí thứ 9 vào ngày 4 tháng 9 năm 2010. Bài hát lọt vào vị trí thứ 76 trên bảng xếp hạng cuối năm của Gaon với 337.665.388 điểm.
Phiên bản tiếng Nhật.
Bài hát được thu âm lại bằng tiếng Nhật và phát hành thành đĩa đơn tiếng Nhật đầu tay của nhóm vào ngày 7 tháng 9 năm 2011 dưới dạng nhạc số và ngày 14 tháng 9 năm 2011 dưới dạng CD với 4 phiên bản khác nhau.
Sáng tác.
Lời bài hát được dịch sang tiếng Nhật bởi Yu Shimoji và nice73.
Doanh số.
Phiên bản CD xuất hiện lần đầu tiên trên bảng xếp hạng hàng ngày của Oricon ở vị trí thứ 3 và sau đó là bảng xếp hạng hàng tuần cũng ở vị trí này với 24,082 bản. | 1 | null |
Hippocamp, tên cũ là S/2004 N 1 là một vệ tinh nhỏ của sao Hải Vương được phát hiện vào năm 2013. Vì rất nhỏ nên nó không được tàu vũ trụ "Voyager 2" quan sát thấy trong năm 1989. Mark Showalter của Viện SETI phát hiện ra nó vào tháng 7 năm 2013 bằng cách phân tích hình ảnh lưu trữ của Sao Hải Vương được thực hiện bởi Kính viễn vọng không gian Hubble 2004-2009. Hippocamp quay một vòng quanh Sao Hải Vương mỗi 22 giờ và 28,1 phút.
Khám phá.
Mark Showalter đã phát hiện ra Hippocamp vào ngày 1 tháng 7 năm 2013 trong khi kiểm tra các hình ảnh của Kính viễn vọng Không gian Hubble (HST). Từ năm 2009, ông đã sử dụng một kỹ thuật tương tự như xoay để bù cho chuyển động quỹ đạo và cho phép xếp chồng nhiều hình ảnh để làm nổi bật các chi tiết mờ. Sau khi quyết định mở rộng khu vực tìm kiếm ra ngoài bán kính, ông đã tìm thấy một "chấm nhỏ khá rõ ràng" đại diện cho vệ tinh mới. Sau đó, ông đã tìm thấy nó nhiều lần trong các hình ảnh khác được lưu trữ từ năm 2004. "Voyager 2", đã quan sát tất cả các vệ tinh bên trong khác của sao Hải Vương, đã không phát hiện ra nó trong chuyến bay năm 1989 do độ mờ của nó. Nếu những hình ảnh liên quan đã có sẵn cho công chúng từ lâu, phát hiện này có thể được thực hiện bởi bất kỳ ai.
Hippocamp là vệ tinh đầu tiên của sao Hải Vương được phát hiện kể từ tháng 9 năm 2003, khi Psamathe được phát hiện.
Đặc điểm vật lý.
Hippocamp được cho là giống với các vệ tinh bên trong khác của sao Hải Vương trong việc có bề mặt tối như "nhựa đường bẩn". Các suất phản chiếu hình học của chúng nằm trong khoảng từ 0,07 đến 0,10. Bắt nguồn từ cường độ rõ ràng 26,5 của Hippocamp, đường kính của nó ban đầu được cho là khoảng 16 đến 20 km, khiến nó trở thành vệ tinh nhỏ nhất được biết đến của sao Hải Vương. Các quan sát gần đây hơn về các vệ tinh của sao Hải Vương đã chỉ ra rằng Hippocamp lớn gần gấp đôi so với suy nghĩ trước đây, cho nó đường kính là 34,8 km. Tuy nhiên, nó vẫn còn ở một biên độ rộng nhỏ nhất trong số các vệ tinh trong vành đai của sao Hải Vương.
Đặc điểm quỹ đạo.
Hippocamp hoàn thành một quỹ đạo quanh sao Hải Vương cứ sau 22 giờ và 28,1 phút (0,9362 ngày), ngụ ý một bán trục lớn, hoặc khoảng cách quỹ đạo là 105.283 km (65.420 dặm), chỉ bằng một phần tư Mặt Trăng của Trái Đất và khoảng hai lần bán kính trung bình của các vành đai của Sao Hải Vương. Cả độ nghiêng và độ lệch tâm của nó đều gần bằng không. Nó quay quanh giữa Larissa và Proteus, khiến nó trở thành vệ tinh ngoài cùng thứ hai trong số các vệ tinh thông thường của sao Hải Vương. Kích thước nhỏ của nó tại vị trí này chạy ngược lại xu hướng giữa các vệ tinh thông thường khác của sao Hải Vương có đường kính ngày càng tăng với khoảng cách ngày càng tăng so với sơ cấp.
Các giai đoạn của Larissa và Hippocamp nằm trong khoảng một phần trăm của cộng hưởng quỹ đạo 3:5, trong khi Hippocamp và Proteus nằm trong 0,1% của cộng hưởng 5:6. Larissa và Proteus được cho là đã vượt qua 1:2 cộng hưởng chuyển động trung bình vài trăm triệu năm trước. Proteus và Hippocamp đã rời khỏi Larissa kể từ đó bởi vì hai cái trước nằm ngoài quỹ đạo đồng bộ của sao Hải Vương (chu kỳ tự quay của Sao Hải Vương là 0,6713 ngày) và do đó được tăng tốc theo chiều dọc, trong khi đó, Larissa đang ở trong và đang bị giảm tốc độ. | 1 | null |
Vườn quốc gia của New Zealand là 14 khu bảo tồn được quản lý bởi Cục Bảo tồn. "vì lợi ích, sử dụng và hưởng thụ của công chúng". Đây là những địa điểm du lịch nổi tiếng, ba phần mười khách du lịch khi tới đây ít nhất đã ghé thăm ít nhất một vườn quốc gia trong thời gian ở New Zealand. Hầu hết các vườn quốc gia đều là các cảnh quan đẹp nhất của New Zealand, các vườn quốc gia đầu tiên thành lập tất cả tập trung vào phong cảnh núi non. Từ những năm 1980, vườn quốc gia đã có sự đa dạng hơn về cảnh quan. bao gồm cả các vườn quốc gia mang tính văn hóa, lịch sử. Vườn quốc gia Tongariro là vườn quốc gia đặc biệt, và cũng là một trong 31 di sản hỗn hợp khi nơi đây mang cả giá trị ý nghĩa về văn hóa lẫn thiên nhiên, còn Te Wahipounamu cũng là một di sản thiên nhiên thế giới bao gồm 4 vườn quốc gia của New Zealand.
Đạo luật Vườn quốc gia năm 1980 được ban hành để hệ thống hóa các mục đích, quản lý và lựa chọn các vườn quốc gia. Nó bắt đầu bằng việc thiết lập các định nghĩa của một vườn quốc gia.
Đạo luật này còn nói rõ rằng, công chúng sẽ có quyền tự do truy cập vào các vườn quốc gia, mặc dù điều này phụ thuộc vào các hạn chế để đảm bảo việc bảo tồn các loài cây bản địa, động vật và các ý nghĩa phúc lợi nói chung. Truy cập vào khu vực bảo vệ đặc biệt (550 km ²) theo giấy phép. Theo Đạo luật, các vườn quốc gia sẽ được duy trì trong trạng thái tự nhiên càng nhiều càng tốt để giữ được giá trị như là khu bảo tồn đất, nước và rừng. Thực vật bản địa và động vật được bảo tồn và cho du khách chiêm ngưỡng tại các khu vực sinh thái mà chúng sinh sống mà không can thiệp vào để đảm bảo tính hoang dã tự nhiên. Việc sinh hoạt của các nhà nghiên cứu chỉ là những túp lều được giới hạn ở ngoài khu vực bảo tồn, chỉ có các công cụ được sử dụng để kiểm soát động vật hoang dã hoặc nghiên cứu khoa học mới được đem vào trong vườn quốc gia.
Dưới đây là danh sách các vườn quốc gia tại New Zealand đã được thành lập và được quản lý theo đạo luật 1980.
Danh sách.
Khu vực trung tâm rừng Waipoua, phía bắc Dargaville, đã được đề xuất với tên gọi vườn quốc gia Kauri. Khu vực có chứa hầu hết loài "kauri" còn lại của New Zealand, bao gồm cả cây kauri lớn nhất, Tāne Mahuta. Dưới các tán rừng kauri cũng là nơi trú ẩn cho các loài đang bị đe dọa bao gồm cả loài chim Kiwi nâu đảo Bắc. Đề xuất này hiện đang được nghiên cứu bởi Cục Bảo tồn. | 1 | null |
Scandal việc do thám bí mật người dân 2013 dính líu tới những sự kiện xảy ra từ tháng 6 năm 2013, sau khi cựu nhân viên của cơ quan NSA, Edward Snowden, đã công bố những tài liệu mật của cơ quan này. Những tài liệu này cho thấy một cách chi tiết, bằng cách nào Hoa Kỳ và Anh theo dõi người dân một cách rộng lớn, đặc biệt là kiểm soát Internet. Ngoài ra các báo chí còn tường thuật là, tình báo của Hoa Kỳ nghe lén cả các tòa đại sứ Âu châu.
Những tiết lộ của Snowden.
Trong những tiết lộ đầu tiên, tờ báo Anh "The Guardian" và tờ báo Hoa Kỳ "The Washington Post" công bố tài liệu và tin tức về chương trình do thám để kiểm soát thông tin từ các truyền thông qua Internet, mà ít ai biết tới, "PRISM" và "Boundless Informant". Vào ngày 8 tháng 6 năm 2013, tờ "The Guardian" tường thuật về Boundless Informant. Theo như tờ báo này thì 70 ngàn báo cáo đã được soạn ra từ những tin tức lấy được trên mạng.
Sau đó một ngày, vào ngày 9 tháng 6, Edward Snowden, người mà cho tới giữa tháng 5 vẫn còn làm công cho hãng cố vấn Hoa Kỳ Booz Allen Hamilton với công việc quản lý hệ thống máy tính tại NSA, mới tiết lộ là những tin tức đó từ anh mà ra.
Theo những tài liệu mà Snowden đã đưa cho tờ "Guardian" và tờ "Washington Post", Cơ quan mật thám Anh Government Communications Headquarters (GCHQ) đã do thám một cách hệ thống chính trị gia của các nước khác tại cuộc họp mặt thượng đỉnh G20 (Nhóm 20 nước có nền kinh tế quan trọng nhất) tại London. Chẳng hạn như thư điện tử và máy tính bị dò xét, và một số ngay cả khi cuộc họp thượng định đã kết thúc bằng cách dùng Keylogger để lấy trộm các dữ liệu. Trong các cuộc họp các chính trị gia Anh được cho biết ngay lập tức, các thành viên của các nước khác đã nói chuyện với ai.
Chương trình và hệ thống do thám.
PRISM.
Trong khuôn khổ chương trình PRISM dữ liệu từ các Servers của 9 hãng lớn Internet Hoa Kỳ, trong đó có Apple, Microsoft, Facebook, Google và Skype bị thu thập. Nhờ những dữ liệu này người ta có thể kiểm soát trực tiếp những người bị theo dõi. Các hãng chối là không có tình nguyện đưa các dữ liệu. Họ nói là chỉ cung cấp các dữ liệu căn cứ theo quyết định của quan tòa.
Boundless Informant.
Chương trình "Boundless Informant" của Hoa Kỳ phân tích những dữ liệu mà NSA thu thập. Với kỹ thuật khai phá dữ liệu (data mining) trong ngành cơ sở dữ liệu họ có thể lọc ra được những tin tức cần biết từ các thư điện tử hay dữ liệu điện thoại, chẳng hạn những liên lạc của một người bị nghi ngờ là kẻ khủng bố.
Chương trình Tempora của Anh quốc.
Tempora là một chương trình của cơ quan tình báo Anh GCHQ để thu thập dữ liệu từ liên lạc viễn thông và Internet từ những cáp quang chạy qua lãnh thổ Anh.
Việc kiểm soát toàn cầu của Hoa Kỳ.
Đức.
Trong một cuộc phỏng vấn với tuần báo Đức Der Spiegel Snowden cho biết, cơ quan NSA đã thiết lập với sự đồng ý của tình báo Đức Bundesnachrichtendienstes (BND) tại Wiesbaden trung tâm củng cố tình báo, Consolidated Intelligence Center", từ đó kiểm soát hệ thống viễn thông. Ngoài ra tờ "Spiegel" còn tường thuật, ở Đức mỗi tháng khoảng 500 triệu liên lạc truyền thông bị NSA theo dõi. Liên lạc truyền thông ở đây có nghĩa là những cuộc nói chuyện điện thoại, thư điện tử, SMS và liên lạc qua Chat. Tại Fort George G. Meade sẽ được lưu giữ thông tin, đường giây nào đã liên lạc với nhau.
CIA do thám ở Đức.
Ngày 4 tháng 7 năm 2014 báo chí loan báo, một nhân viên của sở tình báo Đức BND bị viện kiểm sát liên bang ra lệnh bắt vào ngày 2 tháng 7 vì đã do thám cho CIA. Nhân viên BND từ 2012 tổng cộng đã lấy cắp 218 tài liệu mật của BND bán cho CIA với giá là 25.000 Euro. Có ít nhất 3 tài liệu có dính líu tới vụ điều tra về sự cố NSA của quốc hội. Tên gián điệp nhị trùng này đã khai là mỗi tuần một lần gởi tài liệu mật lấy được cho CIA.
Vào ngày 7 tháng 7 năm 2014 theo tin tức của đài truyền hình NDR, WDR vào báo SZ có thêm một trường hợp gián điệp thứ hai. Nhân viên của công an liên bang và của viện kiểm sát liên bang đã lục soát trong khu vực Berlin nhà cửa và phòng làm việc của một nhân viên bộ quốc phòng, bị tình nghi là cũng do thám cho một cơ quan tình báo của Hoa Kỳ.
Vì hai vụ này chính phủ Đức đã đòi hỏi (không phải trục xuất) là đại diện cho cơ quan tình báo của Hoa Kỳ tại Berlin phải rời khỏi nước Đức.
Brasil.
Theo như tờ báo Brasil O Globo cả người dân Brasil cũng bị nghe lén. Hàng triệu thư điện tử và các cuộc nói chuyện điện thoại bị kiểm soát theo như một bài báo, mà được viết bởi nhà báo của tờ "Guardian" Glenn Greenwald cùng với phóng viên tờ "O Globo". Brasil là nước bị theo dõi nhiều nhất so với các nước châu Mỹ Latin khác. Brasil đã quyết định là sẽ điện thoại cho Liên Hợp Quốc để bàn về các hoạt động do thám của Hoa Kỳ. Mục đích là để bảo vệ tốt hơn đời sống riêng tư của những người sử dụng các công cụ Internet.
Theo dõi các tòa đại sứ.
Những tiết lộ cũng cho thấy, cơ quan NSA nghe lén cả các tòa đại sứ ngoại quốc, nhất là Âu châu, như xâm nhập hệ thống máy tính.
Phản ứng và hậu quả.
Ecuador.
Ecuador, nơi mà Edward Snowden cũng đã xin tỵ nạn, đã hủy bỏ một hiệp ước thương mại với Hoa Kỳ, mà trong đó Hoa Kỳ cho nước này những đặc quyền thuế má rẻ, sau khi Hoa Kỳ dọa sẽ hủy bỏ hiệp ước, nếu nước này cho phép Snowden tỵ nạn.
Hoa Kỳ.
Theo một cuộc dò hỏi qua điện thoại của tổ chức Gallup, mà kết quả được công bố vào ngày 12 tháng 65,3 % những người tuổi trưởng thành Hoa Kỳ được hỏi không chấp nhận chương trình theo dõi này, 37 % đồng ý.
Tuy nhiên, trong quốc hội thì đa số các dân biểu của cả hai đảng Dân Chủ và Cộng hòa chấp nhận chương trình do thám qua điện thoại và Internet. Tổng thống Barack Obama biện hộ cho chương trình PRISM vào ngày 7 tháng 6 năm 2013 với câu: "Người ta không thể có 100% an ninh và 100% giữ kín chuyện riêng tư và không có bất tiện gì cả." | 1 | null |
Vương tức Lilian, Công tước phu nhân xứ Halland (nhũ danh Lillian May Davies, 30 tháng 8 năm 1915 – 10 tháng 3 năm 2013), là một người mẫu thời trang xứ Wales và trở thành thành viên của vương thất Thụy Điển vào năm 1976 khi bà kết hôn với Bertil của Thụy Điển, Công tước xứ Halland. Như vậy, bà cũng đồng nghĩa là thím của Vua Carl XVI Gustaf của Thụy Điển và mợ của Nữ vương Margrethe II của Đan Mạch.
Sinh thời.
Bà sinh vào ngày 30 tháng 08 năm 1915, tại Swansea, Nam xứ Wales, là con gái của William John Davies và vợ Gladys Mary (nhũ danh Curran). Cô bỏ một 'l' từ tên đầu tiên của cô khi cô trở thành một người mẫu thời trang. Cô được nhìn thấy trên các tạp chí thời trang như Vogue. Cha mẹ cô ly thân vào những năm 1920, nhưng họ đã không ly dị chính thức cho đến năm 1939.
Kết hôn lần thứ nhất.
Năm 1940, cô kết hôn với nam diễn viên người Scotland Ivan Craig (1912-1994) ở Horsham, Tây Sussex. Một thời gian ngắn sau khi đám cưới của họ, Craig tham gia quân đội Anh và ở tại châu Phi, nơi ông phục vụ trong Thế chiến II. Trong thời gian này Lilian làm việc tại một nhà máy làm radio cho Hải quân Hoàng gia Anh và tại một bệnh viện dành cho binh sĩ bị thương.
Kết hôn lần thứ hai.
Năm 1943, cô đã gặp Vương tử Bertil của Thụy Điển, ở Luân Đôn, trong bữa tiệc cocktail sinh nhật lần thứ 28 của mình. Ngay sau cuộc gặp mặt, họ đã nảy sinh tình cảm với nhau, dù cô ấy vào thời điểm đó đã có chồng, người mà cô đã ly dị hai năm sau đó vào năm 1945. Cuộc ly hôn được truyền thông đương thời mô tả là rất thân thiện và không có sự chỉ trích nào từ hai bên. Cô về sống với Hoàng tử Bertil nhưng hai người không lấy nhau mãi đến ngày 07 tháng 12 năm 1976 họ mới chính thức kết hôn tại nhà thờ Drottningholm Palace trong sự hiện diện của nhà vua và hoàng hậu Thụy Điển.
Từ năm 1976 đến năm 2005, Vương phi Lilian tham dự giải Nobel hàng năm. Ở tuổi 91 cô ngưng công việc này, vì tuổi già | 1 | null |
Vườn quốc gia Fiordland chiếm góc phía tây nam của đảo Nam, New Zealand. Nó là vườn quốc gia lớn nhất trong 14 vườn quốc gia ở New Zealand, với diện tích 12.500 km ², và là một phần quan trọng của Te Wahipounamu, di sản thế giới của UNESCO. Vườn quốc gia này được quản lý bởi Bộ Bảo tồn.
Đặc điểm địa lý.
Trong quá khứ, đây là khu vực lạnh với các sông băng ăn sâu vào đất liền tạo thành nhiều vịnh hẹp sâu, nổi tiếng nhất (và được biết tới nhiều nhất) trong số đó là Milford Sound. Các vịnh hẹp đáng chú ý khác bao gồm Doubtful Sound và Dusky Sound. Từ một trong những đỉnh núi trong vườn quốc gia Fiordland, một cái nhìn từ núi Aspiring/Tititea vươn về phía bắc có thể có một cái nhìn toàn cảnh vườn quốc gia này. [1]
Bờ biển Fiordland tăng lên và có những khu vực ăn sâu vào đất liền, với các vịnh hẹp chạy từ thung lũng phía Nam của dãy Alps đảo Nam, như Kepler và Murchison. Ở cuối phía bắc của vườn quốc gia, một số đỉnh núi tăng lên đến hơn 2.000 mét.
Ngoài ra, băng còn tạo ra hai hòn đảo lớn không có người ở, Đảo Secretary và Resolution. Một số hồ lớn nằm toàn bộ hoặc một phần trong ranh giới của vườn quốc gia, đặc biệt là Hồ Te Anau, Hồ Manapouri, Hồ Monowai, Hồ Hauroko, và Hồ Poteriteri. Thác nước Sutherland cao 581 mét, phía tây nam của Milford Sound trên Track Milford, là một trong những thác nước cao nhất thế giới.
Gió tây thổi không khí ẩm từ biển Tasman vào các dãy núi, làm mát không khí vì nó tăng lượng mưa của vùng, trên 700 cm ở nhiều nơi trong vườn quốc gia. Điều này hỗ trợ cho các khu rừng mưa ôn đới tươi tốt của rừng ôn đới vùng sinh thái Fiordland.
Động thực vật.
Động vật hoang dã trong khu vực này bao gồm cá heo, hải cẩu, chim, chuột, thỏ và nai. Trong số các loài chim thì có loài Kakapo, là một loài vẹt lớn không bay và đặc hữu của New Zealand hay loài chim Kiwi. Vườn quốc gia là nơi sinh trưởng của nhiều rừng cây "Nothofagus", một lượng lớn các cây bụi và dương xỉ. Thảm thực vật đất rừng bao gồm "Blechnum discolor" [2]. | 1 | null |
Phó Tuấn (chữ Hán: 傅俊, ? – 31), tự Tử Vệ, người Tương Thành, Dĩnh Xuyên , tướng lĩnh, khai quốc công thần nhà Đông Hán, một trong Vân Đài nhị thập bát tướng.
Cuộc đời và sự nghiệp.
Phó Tuấn ban đầu làm Đình trưởng. Lưu Tú đi qua Tương Thành, Tuấn hưởng ứng, giữ chức Hiệu úy. Huyện nha Tương Thành kết tội, giết chết mẹ, em trai và họ hàng của ông. Tuấn theo Lưu Tú tham gia trận Côn Dương, đại phá tướng nhà Tân là Vương Tầm, nhờ công được thăng làm Thiên tướng quân. Lưu Tú bắc tiến Lạc Dương, mệnh cho ông chỉ huy riêng một cánh quân, đánh phá hai thành Kinh, Mật ở phía đông Lạc Dương. Lưu Tú khen ngợi chiến công của Tuấn, đặc biệt cho ông quay về quê cũ Tương Thành, an táng thân thuộc đã chết.
Năm 23, Tuấn nghe tin Lưu Tú tiến đánh Hà Bắc, đem theo hơn 10 tân khách, từ Tương Thành khởi hành, ngày đêm không nghỉ, đến Hàm Đan thì bắt kịp đại quân. Lưu Tú cảm động trước lòng trung thành của ông, giao cho thống soái đội quân Dĩnh Xuyên tinh nhuệ. Mỗi khi giao chiến, Tuấn đều đưa quân bản bộ đi trước, xung phong phá trận, lập nhiều kỳ công. Năm 25, Lưu Tú xưng đế, ông được nhiệm chức Thị trung, ở bên cạnh Hoàng đế, ra vào cung đình, bàn bạc những việc cơ mật.
Năm 26, Tuấn được phong Côn Dương hầu. Năm sau (27) được bái làm Tích nỗ tướng quân. Cùng Chinh nam đại tướng quân Sầm Bành đánh phá Tần Phong ở Kinh Tương, sau đó lĩnh thủy quân đi Giang Đông, bình định Dương Châu.
Năm 31, Tuấn mất. Con là Phó Xương kế tự, dời phong Vu Hồ hầu. | 1 | null |
Ivan Craig ("Walter Ivan Sackville Craig", sinh ngày 22 tháng 2 năm 1912 tại Edinburgh - mất ngày 7 tháng 3 năm 1995 tại Surrey) là diễn viên người Anh, con trai của Dr. Eric S. Craig và Dorothy Gertrude Meldrum.
Năm 1940, ông kết hôn với Lilian May Davies (một người mẫu thời trang, người sau này đã trở thành Công nương Lilian của Thụy Điển), tuy nhiên đến ngày 7 tháng 11 năm 1947 thì ly hôn. | 1 | null |
Sự hình thành hình nến Búa ngược chủ yếu xảy ra ở đáy của các xu hướng xuống và là lời cảnh báo về một sự đảo ngược đi lên tiềm năng. Điều quan trọng cần lưu ý là mẫu hình đảo ngược chỉ là một cảnh báo thay đổi giá tiềm năng, không phải là một tín hiệu, trong và của chính nó, để mua.
Sự hình thành Búa ngược, giống như sự hình thành Sao băng, được tạo ra khi giá mở, giá thấp, và giá đóng là trong khoảng cùng một mức giá. Ngoài ra, có một bóng trên dài, trong đó phải có ít nhất hai lần chiều dài của thân nến.
Khi giá thấp và giá mở là như nhau, một hình nến Búa ngược tăng được hình thành và nó được coi là một dấu hiệu tăng mạnh hơn khi giá thấp và giá đóng giống nhau, tạo thành một Người treo giảm (Người treo giảm vẫn được coi là tăng, chỉ không tăng nhiều bởi vì phiên kết thúc bằng cách đóng cửa với giảm giá).
Sau khi một xu hướng giảm dài, sự hình thành của một Búa ngược là tăng vì giá do dự di chuyển của chúng xuống bằng cách tăng đáng kể trong phiên. Tuy nhiên, người bán trở lại vào chứng khoán, tương lai, hoặc tiền tệ và đẩy giá trở lại gần giá mở, nhưng thực tế là giá đã có thể tăng đáng kể cho thấy rằng con bò đang thử nghiệm sức mạnh của con gấu. Những gì xảy ra vào phiên sau mẫu hình Búa ngược là cái cho thương nhân một ý tưởng về việc liệu giá sẽ cao hơn hoặc thấp hơn. | 1 | null |
Đỗ Duy Đệ (1817-?), hiệu là Phương Giang, là nhà khoa bảng. Ông là người xã Hương Cáp, tổng Cử Lâm, huyện Thư Trì, phủ Kiến Xương, tỉnh Nam Định (nay là xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình). Ông đỗ Hương cống (thời Nguyễn gọi là Cử nhân) năm Mậu Thân 1848, tức niên hiệu Tự Đức thứ 2. 1 năm sau, ông đỗ Hoàng giáp. Ông từng làm quan Thị giảng Học sĩ. | 1 | null |
Lê Đình Diên (1824-1883), hiệu là Cúc Linh và Cúc Hiên, là nhà khoa bảng sống dưới thời Nguyễn. Quê ông là thôn Hạ Đình, xã Nhân Mục Cựu, tổng Khương Đình, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Nội (nay thuộc phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, thủ đô Hà Nội). Ông đỗ Hương cống (được gọi là Cử nhân dưới thời Nguyễn) năm Mậu Thân 1848, tức niên hiệu Tự Đức thứ 2. Năm sau, ông đỗ Hoàng giáp. Ông giữ các chức như Hàn lâm viện Biên tu, Tri phủ Tân An, Nội các Tu thư, Hàn lâm viện Kiểm thảo và Tu soạn, Đốc học Nghệ An và Hà Nội, Tư nghiệp Quốc tử giám. Sau ông cáo quan nghỉ hưu về mở trường dạy học và sống tại phố Hàng Đậu, Hà Nội . | 1 | null |
Điện ảnh Đông Á là nền điện ảnh được sản xuất tại khu vực Đông Á hoặc do người Đông Á sản xuất. Nó là một phần của điện ảnh châu Á, do đó cũng là một phần của điện ảnh thế giới. Điện ảnh thế giới được sử dụng trong cộng đồng các quốc gia nói tiếng Anh để nói đến tất cả các bộ phim nói tiếng nước ngoài.
Những ngành công nghiệp điện ảnh quan trọng nhất khu vực Đông Á phải kể đến Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc. Các quốc gia khác bao gồm Mông Cổ, Việt Nam, Bắc Triều Tiên và Ma Cao.
Các thuật ngữ 'Điện ảnh Viễn Đông', 'Điện ảnh châu Á', 'Điện ảnh phương Đông' đôi khi được sử dụng đồng nghĩa với điện ảnh Đông Á, đặc biệt tại Hoa Kỳ, mặc dù phạm vi lớn hơn có nghĩa là điện ảnh châu Á có thể áp dụng cho những bộ phim được sản xuất tại các khu vực khác của châu Á, đặc biệt là điện ảnh Ấn Độ với ngành công nghiệp phim Bollywood rất lớn mạnh. | 1 | null |
Phạm Thanh (1821-?), hiệu là Đạm Trai và Nghị Trai, tự là Di Khanh, là nhà khoa bảng thời Nguyễn.
Cuộc đời và sự nghiệp.
Phạm Thanh là người thôn Nội, xã Trương Xá, tổng Đăng Trường, huyện Hậu Lộc, phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa (nay là xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa). Ông đỗ giải nguyên kì thi Hương năm Mậu Thân 1848, niên hiệu Tự Đức. Ba năm sau, ông đỗ bảng nhãn. Điều đặc biệt của khoa thi năm ấy là vua Tự Đức, sau giấc mơ kỳ lạ (trong giấc mơ này, ông được một người báo đã bỏ sót đỗ một người rồi trưng ra 2 chữ Thanh), đã mở thêm ân khoa, và Vũ Duy Thanh cũng đỗ Bảng nhãn. Việc hai ông cùng tên Thanh và cùng đỗ Bảng nhãn trong cùng 1 năm quả là hiếm thấy trong lịch sử khoa bảng nước ta.
Phạm Thanh làm quan tới chức Tham tri Bộ Hộ.
Đôi câu đối điếu Vũ Duy Thanh.
Cảm kích trước tấm lòng trung quân ái quốc, yêu nước thương dân cũng như sự đa tài của Vũ Duy Thanh, Phạm Thanh đã là đôi câu đối điếu người cùng tên và cũng đỗ Bảng nhãn trong cùng năm với mình rằng:
Hai câu đó có nghĩa là: | 1 | null |
"Alone" là một bài hát của nhóm nhạc nữ Hàn Quốc Sistar, được phát hành vào ngày 12 tháng 4 năm 2012 bởi Starship Entertainment.
Phát hành.
Thông báo chính thức về sự trở lại của Sistar được đăng tải lên fan-cafe của nhóm vào ngày 31 tháng 3 năm 2012. 3 ngày sau, hai bức ảnh chụp từ video âm nhạc của "Alone" được công bố.
Từ ngày 4 đến ngày 9 tháng 4 năm 2012, video giới thiệu của từng thành viên lần lượt ra mắt theo thứ tự từ Hyorin, Bora, Soyou đến Dasom. Những hình ảnh chính thức của album được ra mắt vào ngày 5 tháng 4.
Đĩa đơn được phát hành trên các trang web âm nhạc vào ngày 12 tháng 4 năm 2012. Video âm nhạc chính thức của bài hát cũng được ra mắt trong cùng ngày.
Vào ngày 28 tháng 6 năm 2012, một bản phối lại của bài hát do DJ Smells thực hiện được phát hành trong EP "Loving U".
Quảng bá.
Các hoạt động quảng bá cho "Alone" bắt đầu vào ngày 12 tháng 4 trên chương trình "M! Countdown" của Mnet. Sistar cũng biểu diễn bài hát trên "Music Bank", "Music Core" và "Inkigayo"
Doanh số.
Bài hát đứng đầu các bảng xếp hạng âm nhạc trực tuyến Hàn Quốc ngay sau khi được phát hành và xuất hiện lần đầu tiên trên bảng xếp hạng đĩa đơn của Gaon ở vị trí đầu bảng. Đến hết tháng 8 năm 2012, "Alone" đã được tải về 2,557,984 lần. | 1 | null |
Hoàng Xuân Hiệp (hay Hợp) (chữ Hán: 黃春洽; 1825-?) là một nhà khoa bảng Việt Nam. Ông đỗ Thám hoa khoa thi năm Tân Hợi (1851).
Thân thế sự nghiệp.
Hoàng Xuân Hợp sinh năm Tân Dậu 1825, người thôn Dũng Thọ, tổng Đông Thọ, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội (nay thuộc quận Hoàn Kiếm, thủ đô Hà Nội); nguyên quán tại làng Châu Khê, huyện Đường An (nay thuộc xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang), tỉnh Hải Dương.
Ông đỗ Cử nhân (Hương cống thời Nguyễn) năm Đinh Mùi 1847, niên hiệu Tự Đức thứ 1. Bốn năm sau, ông vào thi Hội khoa thi năm Tân Hợi (1851), được ban đỗ Đệ nhất giáp cập đệ Đệ tam danh, tức bậc Thám hoa, chỉ xếp sau Bảng nhãn Phạm Thanh. Sự nghiệp quan trường của ông làm quan đến chức Hiền viện tập Thị giảng Học sĩ. | 1 | null |
Ảnh động cinemagraphs là ảnh chụp tĩnh vật có những chuyện động nhỏ lặp đi lặp lại tạo thành một video clip. Chúng được xuất ra dưới dạng ảnh động GIF hoặc một số định dạng video khác, có thể tạo cho người xem cảm giác đảng xem hoạt ảnh.Một biến thể của nó là "video snapshot". một biến thể khác là "audio snapshot" (ảnh tĩnh được liên kết với tệp âm thanh được tạo tại thời điểm chụp ảnh bởi một số máy ảnh nhất định cung cấp chức năng độc quyền này).
Thuật ngữ "cinemagraph" được đặt ra bởi các nhiếp ảnh gia người Mỹ Kevin Burg và Jamie Beck, những người đã sử dụng kỹ thuật này để tạo hoạt ảnh cho thời trang và tin tức của họ bắt đầu từ đầu năm 2011. | 1 | null |
Đỗ Nhượng Năng (, 841–893), tên tự Quần Ý (群懿), là một quan lại triều Đường, từng giữ chức "Đồng bình chương sự" dưới triều đại của Đường Hy Tông và Đường Chiêu Tông. Đầu triều đại của Đường Chiêu Tông, do không nghe theo lời can gián của Đỗ Nhượng Năng, Đường Chiêu Tông vẫn cho lập kế hoạch tiến công quân phiệt Lý Mậu Trinh. Sau khi đánh bại quân triều đình, Lý Mậu Trinh tiến vào Trường An, theo đòi hỏi của Lý Mậu Trinh, Đường Chiêu Tông buộc phải lệnh cho Đỗ Nhượng Năng tự sát.
Thân thế.
Đỗ Nhượng Năng sinh năm 841, dưới triều đại của Đường Vũ Tông, là hậu duệ của đại thần Đỗ Như Hối vào đầu thời Đường. Cha ông là Đỗ Thẩm Quyền, từng giữ đến chức "Đồng bình chương sự" dưới triều đại của Đường Ý Tông.
Sự nghiệp ban đầu.
Đỗ Nhượng Năng thi đỗ "Tiến sĩ" vào năm 872, cuối triều đại của Đường Ý Tông. Sau đó ông trở thành Hàm Dương úy. Khi cựu tể tướng Vương Đạc nhậm chức Tuyên Vũ, ông ta đã mời Đỗ Nhượng Năng đến phụng sự cho mình.
Sau đó, dưới thời Đường Hy Tông, Đỗ Nhượng Năng được triệu về kinh sư giữ chức Trường An úy, "Tập hiền hiệu lý". Khi mẹ qua đời, ông phải từ bỏ chức vụ để chịu tang bà một thời gian. Sau khi mãn hạn, ông phụng sự cho Hoài Nam tiết độ sứ Lưu Nghiệp (劉鄴). Sau đó, ông lại nhập triều giữ chức "Giám sát ngự sử".
Khi Ngưu Uý (牛蔚) giữ chức Sơn Nam Tây đạo tiết độ sứ, Đỗ Nhượng Năng phụng sự cho Ngưu Úy.
Sau đó, Đỗ Nhượng Năng lại nhập triều, lần lượt kinh qua các chức vụ: "Hữu bổ khuyết", "Khởi cư lang"; "Lễ bộ viên ngoại lang"; và "Binh bộ viên ngoại lang". Trong loạn Hoàng Sào, khi Đường Hy Tông phải chạy đến Thành Đô vào cuối năm 880, Đỗ Nhượng Năng cũng chạy theo và bắt kịp Hoàng đế tại Thành Đô. Tại Thành Đô, ông được bổ nhiệm giữ chức "Lễ bộ lang trung", "Sử quán tu soạn". Sau đó ông được trao chức "tri chế cáo", "Trung thư xá nhân".
Theo ghi chép thì vào thời gian này, do Đường Hy Tông phải thường xuyên ban các chiếu chỉ để chỉ thị trong chiến dịch chống Hoàng Sào, nhiều chiếu chỉ được viết một cách nhanh chóng. Đường Hy Tông hài lòng với tài soạn thảo chiếu chỉ của Đỗ Nhượng Năng và bổ nhiệm ông giữ chức "Hộ bộ thị lang". Sau khi Hoàng Sào bị đánh bại và Đường Hy Tông trở về Trường An, Đỗ Nhượng Năng được giữ chức "Lễ bộ thượng thư", "Ngân thanh Quang lộc đại phu", phong tước "Kiến Bình huyện khai quốc tử". Sau đó, ông nhậm chức "Binh bộ thượng thư", "Hàn lâm học sĩ thừa chỉ".
Cuối năm 885, Hà Trung tiết độ sứ Vương Trọng Vinh và đồng minh là Hà Đông tiết độ sứ Lý Khắc Dụng tiến về Trường An. Đường Hy Tông chạy đến Hưng Nguyên, Đỗ Nhượng Năng là một trong số ít ỏi các quan lại đi theo Hoàng đế. Sau đó, Đường Hy Tông bổ nhiệm ông và Khổng Vĩ giữ chức "Đồng bình chương sự'.
Làm Đồng bình chương sự.
Trong khi đó, Tĩnh Nan tiết độ sứ Chu Mai tôn một người họ hàng xa của Đường Hy Tông là Tương vương Lý Uân lên ngôi, chỉ còn vài quân là còn nghe theo lệnh của Đường Hy Tông. Khi Dương Phục Cung kế nhiệm Điền Lệnh Tư, Đỗ Nhượng Năng chỉ ra rằng Dương Phục Quang (qua đời từ trước) có mối quan hệ gần gũi với Vương Trọng Vinh và Lý Khắc Dụng khi giao chiến với Hoàng Sào, đề xuất Dương Phục Cung tận dụng mối quan hệ này để viết thư thuyết phục họ trung thành với Đường Hy Tông. Kết quả, hai quân phiệt này đã tuyên bố trung thành với Đường Hy Tông và gửi đồ tiếp tế đến Hưng Nguyên.
Sau khi thoát nạn, Đường Hi Tông bổ nhiệm Đỗ Nhượng Năng là "Trung thư thị lang", "Binh bộ thượng thư", "Tập hiền điện đại học sĩ", tiến phong "Tương Dương quận khai quốc công", thực ấp 2.000 hộ, ngoài ra còn được bái là "Đặc tiến". Thoạt đầu, Đường Hy Tông hạ chỉ xử tử tất cả các quan lại nhận chức quan của Lý Uân trao cho, song Đỗ Nhượng Năng đứng ra can thiệp, và có khoảng 70-80% trong số các quan lại này được tha. Sau đó, khi Đường Hy Tông qua Phượng Tường trên đường trở lại Trường An, cấm binh và binh sĩ của Lý Xương Phù xảy ra mâu thuẫn nên giao chiến với nhau. Trong trận chiến, Đỗ Nhượng Năng đến hành cung của Đường Hy Tông, hành động này tăng sĩ khí cho các binh sĩ cấm binh và họ đã đánh bại được quân địa phương.
Sau khi Đường Chiêu Tông kế vị, Đỗ Nhượng Năng tiếp tục giữ chức "Đồng bình chương sự", và được phong tước "Tấn quốc công". Năm 890, khi Khổng Vĩ và Trương Tuấn ủng hộ tiến hành một chiến dịch chống Lý Khắc Dụng, Đỗ Nhượng Năng và Lưu Sùng Vọng bảy tỏ phản đối, song Đường Chiêu Tông vẫn tiến hành chiến dịch, kết quả là thất bại hoàn toàn vào năm 891.
Năm 892, Dương Phục Cung cùng các con nuôi và cháu nuôi tiến hành nổi dậy chống triều đình ở Sơn Nam Tây đạo, Lý Mậu Trinh không được triều đình cho làm "chiêu thảo sứ" đã tự ý tiến quân, gửi thư với lời lẽ ngạo mạn cho Đỗ Nhượng Năng và Tây Môn Quân Toại (西門君遂)- người chỉ huy Thần Sách quân. Cuối cùng, Đường Chiêu Tông phải cho Lý Mậu Trinh làm chiêu thảo sứ, kết quả họ Dương bị đánh bại.
Bị Lý Mậu Trinh ép chết.
Tuy nhiên, sau khi giành chiến thắng trước họ Dương, Lý Mậu Trinh càng trở nên ngạo mạn khi liên lạc với triều đình. Vào mùa xuân năm 893, sau khi từ chối tuân theo sự bổ nhiệm của Đường Chiêu Tông, Lý Mậu Trinh trình biểu với lời lẽ bất kính và đe dọa cho Hoàng đế, gửi một bức thư đe dọa cho Đỗ Nhượng Năng.
Đường Chiêu Tông tức giận và tuyên bố thảo phạt Lý Mậu Trinh, bất chấp Đỗ Nhượng Năng can gián rằng quân triều đình không đủ tiềm lực. Đường Chiêu Tông còn bổ nhiệm Đỗ Nhượng Năng phụ trách chiến dịch, Đỗ Nhượng Năng miễn cưỡng chấp thuận. Tuy nhiên, Thôi Chiêu Vĩ lại thông báo trước các diễn biến và kế hoạch cho Lý Mậu Trinh và Vương Hành Du, họ tiến hành kích động người dân Trường An phản đối chiến dịch, bao gồm tiến công bạo lực khi Tây Môn Quân Toại, Đỗ Nhượng Năng và Trịnh Diên Xương xuất hiện.
Sau khi đánh bại quân triều đình, Lý Mậu Trinh và Vương Hành tiến đến gần Trường An. Thôi Chiêu Vĩ vốn bực bội với Đỗ Nhượng Năng từ lâu, ông ta thông tin với Lý Mậu Trinh rằng chủ ý tiến công là của Đỗ Nhượng Năng, Lý Mậu Trinh do đó đã trình biểu liệt kê một số tội danh của Đỗ Nhượng Năng và yêu cầu Hoàng đế phải xử tử ông. Đỗ Nhượng Năng nói với Đường Chiêu Tông: "Thần đã nói điều này từ trước, nay thỉnh dùng thần để giải nguy." Đường Chiêu Tông thoạt đầu cố gắng xoa dịu Lý Mậu Trinh bằng cách đày Đỗ Nhượng Năng đi nhậm chức Ngô châu thứ sử, hành hình Tây Môn Quân Toại cùng hai hoạn quan khác là Lý Chu Đồng (李周潼) và Đoàn Hủ (段詡) và đổ cho ba người này là chủ mưu phát động chiến dịch. Sau đó, Hoàng đế lại giáng Đỗ Nhượng Năng là Lôi châu tư hộ, song Lý Mậu Trinh vẫn không chấp thuận, tuyên bố sẽ không rút quân nếu Đỗ Nhượng Năng chưa bị giết.
Đường Chiêu Tông cuối cùng buộc phải lệnh Đỗ Nhượng Năng cùng các huynh đệ Đỗ Ngạn Lâm (杜彥林) và Đỗ Hoằng Huy (杜弘徽) tự sát. Sau đó, khi Lý Khắc Dụng đánh bại và giết chết Vương Hành Du, còn Lý Mậu Trinh tuân lệnh triều đình trong một thời gian ngắn, Đường Chiêu Tông truy phục quan tước cho Đỗ Nhượng Năng. Con của Đỗ Nhượng Năng là Đỗ Hiểu sau này phụng sự cho nhà Hậu Lương. | 1 | null |
Chung Truyền (, ? - 906), tước hiệu Nam Bình vương (南平王), là một quân phiệt vào cuối thời nhà Đường. Ông chiếm cứ một phần rộng lớn của Trấn Nam, giữ chức tiết độ sứ của quân này trên 20 năm.
Thân thế.
Chung Truyền là người Cao An. Ông là một người buôn bán nhỏ khi còn trẻ, và thích săn bắn. Trong một lần, khi đang say rượu, ông gặp phải một con hổ. Thay vì chạy trốn, ông quyết định đấu với con hổ mặc dù không có vũ khí trong tay. Con hổ cào vào vai của ông, song ông cũng giữ được nó và khiến nó không thể tiếp tục tiến công. Đúng lúc có người khác đến và giúp ông chém chết con hổ. (Chung Truyền ghi nhớ sâu đậm sự việc này và sau đó dùng nó để khuyến khích các con của mình nên dùng trí tuệ của họ thay vì sức mạnh bạo lực.)
Đoạt lấy Giang Tây.
Thập niên 870, quân nổi dậy của Vương Tiên Chi qua lại lưu vực Trường Giang, bao gồm Giang Tây. Chung Truyền tập hợp một nhóm người Di-Liêu trong vùng, dùng đồi núi làm thành lũy, quân số cuối cùng lên tới 1 vạn, tự xưng "Cao An trấn phủ sứ". Vương Tiên Chi khiển Liễu Ngạn Chương chiếm Phủ châu song sau lại rút đi, Chung Truyền thừa cơ chiếm Phủ châu, Đường Hy Tông sau đó hạ chiếu bổ nhiệm Chung Truyền làm Phủ châu thứ sử.
Năm 882, trong lúc quân nổi dậy của Hoàng Sào đang chiếm đóng Trường An, Chung Truyền tiến công thủ phủ Hồng châu (洪州) của Giang Tây, trục xuất quan sát sứ Cao Mậu Khanh (高茂卿) do triều đình bổ nhiệm. Triều đình Đường ở Thành Đô cũng lo ngại trước việc Mẫn Úc (閔勗) chiếm cứ Hồ Nam, quyết định thăng Giang Tây thành Trấn Nam quân, bổ nhiệm Mẫn Úc làm Trấn Nam tiết độ sứ, hy vọng rằng Mẫn Úc sẽ tiến công Chung Truyền, song Mẫn Úc từ chối. Cũng trong năm đó, theo thỉnh cầu của Hoài Nam tiết độ sứ Cao Biền, triều đình Đường đành phải bổ nhiệm Chung Truyền làm Giang Tây đoàn luyện sứ. Không lâu sau, Đường Hy Tông lại bổ nhiệm Chung Truyền làm Trấn Nam tiết độ sứ, "kiểm hiệu thái bảo" và "Trung thư lệnh", phong tước Dĩnh Xuyên quận vương; sau cải phong Nam Bình vương.
Cai quản Trấn Nam quân.
Các hành động trong vai trò tiết độ sứ của ông được ghi chép một cách rời rạc trong sách sử cổ. Do triều đình Trung ương Đường suy sụp sau loạn Hoàng Sào, các châu huyện không tiến cử nhân tài địa phương, duy có Chung Truyền thường tiến cử kẻ sĩ, tổ chức uống rượu lễ để tiễn đưa, nhiều người muốn nhận được ân huệ của Chung Truyền nên đi cả nghìn lý đến phủ của Chung Truyền.
Phàm mỗi khi xuất quân công chiến, Chung Truyền đều đến cúng bái ở Phật từ, bánh được xếp thành hình tê giác và voi, cao vài tầm. Đến cuối thời gian cai trị, Chung Truyền đánh thuế nặng, các thương nhân do vậy từ bỏ tuyến đường giao thương đi qua Trấn Nam quân.
Năm 896, Chung Truyền, cũng như Trấn Hải tiết độ sứ Tiền Lưu và Vũ Xương tiết độ sứ Đỗ Hồng đều lo sợ trước sự bành trướng của Hoài Nam tiết độ sứ Dương Hành Mật, họ cầu cứu Tuyên Vũ tiết độ sứ Chu Toàn Trung ở phía bắc. Chu Toàn Trung khiển Chu Hữu Cung (朱友恭) đem quân tiến công Hoài Nam,
Năm 897, Chung Truyền lên kế hoạch tiến công Cát châu thứ sử Chu Bội (周琲). Chu Bội quyết định bỏ Cát châu, chạy sang Hoài Nam.
Năm 898, Đường Chiêu Tông bổ nhiệm Chung Truyền làm "Thị trung".
Sau khi Chung Truyền bỏ Phủ châu, Nguy Toàn Phúng thừa cơ chiếm cứ, đến năm 901, Chung Truyền đem binh vây Nguy Toàn Phúng tại Phủ châu, bỗng xuất hiện hỏa hoạn trong thành, khiến sĩ dân hoảng sợ. Chư tướng thỉnh công thành ngay, song Chung Truyền nói: "Thừa cơ khi người khác gặp nguy là phi nhân", lại nói: "Tội của Toàn Phúng, không làm hại dân". Sau khi hỏa hoạn kết thúc, Nguy Toàn Phúng biết chuyện liền cứ sứ giả đến tạ tội, đề nghị gả một con gái làm vợ của Chung Khuông Thì- con của Chung Truyền. Sau đó, ông ta trung thành ít nhất là trên danh nghĩa với Chung Truyền.
Qua đời.
Trong khi đó, Chung Truyền bổ nhiệm Chu Khuông Thì và con nuôi là Chung Diên Quy (鍾延規) làm thứ sử (Trung Khuông Thì giữ chức Viên châu thứ sử còn Chung Diên Quy giữ chức Giang châu thứ sử). Khi Chung Truyền qua đời vào năm 906, các binh sĩ ủng hộ Chu Khuông Thì làm lưu hậu. | 1 | null |
Cố Ngạn Lãng (顧彥朗, ? - 891) là một quân phiệt vào cuối thời nhà Đường, ông giữ chức Đông Xuyên tiết độ sứ từ năm 887 cho đến khi qua đời.
"Tân Đường thư" ghi ông là người Phong châu. Cả ông và em là Cố Ngạn Huy đều từng là tiểu hiệu trong Thiên Đức quân. Quân sứ Thái Kinh (蔡京) nói rằng tướng mạo anh em họ cho thấy về sau sẽ được phong hầu phong tướng, vì thế bảo con mình tặng tiền bạc cho họ. Trong khởi nghĩa Hoàng Sào, Cố Ngạn Lãng và Cố Ngạn Huy phụng sự trong chiến dịch trấn áp quân nổi dậy và tham gia tái chiếm kinh sư Trường An từ tay Hoàng Sào. Cố Ngạn Lãng sau đó được bổ nhiệm giữ chức "Hữu vệ đại tướng quân". | 1 | null |
Đỗ Hồng (杜洪, ? - 905) là một quân phiệt vào cuối thời nhà Đường. Ông kiểm soát Vũ Xương từ năm 886 đến năm 905. Năm 905, ông chiến bại trước Dương Hành Mật, bị bắt giữ và xử tử.
Đoạt lấy Vũ Xương.
Đỗ Hồng là người Ngạc châu- thủ phủ của Vũ Xương quân, khi còn nhỏ là một diễn viên kịch. Cuối những năm "Càn Phù" (874-879) thời Đường Hy Tông, khi đế chế chìm đắm trong các cuộc khởi nghĩa nông dân, Ngạc châu thứ sử Thôi Thiệu (崔紹) mộ những người dân khỏe mạnh vào "thổ đoàn quân" để phòng thủ quân nổi dậy tiến công, cuối cùng phát triển thành một đội quân đông đảo, Đỗ Hồng trở thành một châu tướng.
Lộ Thẩm Trung (路審中) được triều đình bổ nhiệm cai quản Hàng châu, song không được quân phiệt Tiền Lưu cho nhậm chức; do đó Lô Thẩm Trung tạm trú tại Hoàng châu thuộc Vũ Xương. Khi hay tin Thôi Thiệu qua đời vào năm 884, Lô Thẩm Trung mộ 3.000 người tiến chiếm Ngạc châu. Sau đó, Nha tướng Đỗ Hồng trục xuất Nhạc châu thứ sử, tự tuyên bố là người kế nhiệm.
Năm 886, thủ lĩnh nổi dậy Chu Thông (周通) tiến công Ngạc châu, Lô Thẩm Trung bỏ Ngạc châu mà chạy trốn. Đỗ Hồng nhân thời cơ này, đem quân tiến vào Ngạc châu và xưng là Vũ Xương lưu hậu, sau đó được Đường Hy Tông chính thức bổ nhiệm.
Cai quản Vũ Xương quân.
Mặc dù được triều đình bổ nhiệm làm lưu hậu, Đỗ Hồng lại liên kết với quân phiệt- Tuyên Vũ tiết độ sứ Chu Toàn Trung, ngăn cản các quân ở phía đông nam mà không liên kết với Chu Toàn Trung khi họ đi qua Vũ Xương để đến nộp cống phẩm cho triều đình Trường An.
Tháng 3 ÂL năm 894, Hoàng châu thứ sử Ngô Thảo (吳討) đem châu hàng Hoài Nam tiết độ sứ Dương Hành Mật- đối thủ của Chu Toàn Trung. Đáp lại, Đỗ Hồng tiến công Ngô Thảo, mặc dù Dương Hành Mật khiển Chu Diên Thọ (朱延壽) đem quân đến cứu Ngô Thảo, song Ngô Thảo vẫn lo sợ rồi quyết định đầu hàng hoàn toàn Dương Hành Mật. Dương Hành Mật khiển (瞿章) đi tiếp quản Hoàng châu và phòng thủ trước Đỗ Hồng.
Lo sợ Dương Hành Mật bành trướng, vào năm 896, Đỗ Hồng cùng Trấn Hải tiết độ sứ Tiền Lưu và Trấn Nam tiết độ sứ Chung Truyền đều cầu viện Chu Toàn Trung. Chu Toàn Trung khiển Chu Hữu Cung (朱友恭) tiến về phía nam, song có vẻ như Chu Hữu Cung không dám quá mạo hiểm.
Năm 897, theo chiếu chỉ của Đường Chiêu Tông, Dương Hành Mật tiến công Đỗ Hồng, Đỗ Hồng cầu viện Chu Toàn Trung. Chu Toàn Trung khiển Niếp Kim (聶金) tập kích Tứ châu của Hoài Nam và khiển Chu Hữu Cung tiến công Hoàng châu. Niếp Kim bỏ Hoàng châu và đem sĩ dân đi về phía nam, đến Vũ Xương trại. Sau đó, Chu Hữu Cung chiếm được Vũ Xương trại, bắt được Niếp Kim, đoạt lấy Hoàng châu.
Năm 903, Dương Hành Mật bổ nhiệm Thăng châu thứ sử Lý Thần Phúc (李神福) làm "Ngạc-Nhạc hành doanh chiêu thảo sứ", "Thư châu đoàn luyện sứ" Lưu Tồn (劉存) làm phó, đem quân tiến công Đỗ Hồng. Đầu tiên, Lý Thần Phúc công chiếm huyện Vĩnh Hưng của Ngạc châu. Sau đó, Lý Thần Phúc bao vây thành Ngạc châu, Đỗ Hồng cầu viện Chu Toàn Trung. Chu Toàn Trung khiển Hàn Kình (韓勍) đêm 1 vạn quân đến Nhiếp Khẩu), cũng khiển sứ giả đến chỗ Kinh Nam tiết độ sứ Thành Nhuế (成汭), Vũ An tiết độ sứ Mã Ân, và Vũ Trinh tiết độ sứ Lôi Ngạn Uy (雷彥威), thuyết phục họ cứu viện Đỗ Hồng. Thành Nhuế lo sợ trước sức mạnh của Chu Toàn Trung, cũng muốn mở rộng lãnh địa, quyết định đem thủy binh từ Kinh châu đi cứu Đỗ Hồng, song Mã Ân và Lôi Ngạn Cung lại thừa cơ công chiếm Kinh châu, Thành Nhuế sau đó chiến bại trước Lý Thần Phúc. Thành Nhuế nhảy xuống sông tự sát, Hàn Kình cũng triệt thoái, Đỗ Hồng nay không còn viện binh. Tuy nhiên, do Ninh Quốc tiết độ sứ Điền Quân và Nhuận châu đoàn luyện sứ An Nhân Nghĩa (安仁義) quay sang phản lại Dương Hành Mật, Dương Hành Mật yêu cầu Lý Thần Phúc chuyển mục tiêu sang Điền Quân.
Bại trận bị giết.
Năm 904, sau khi tiêu diệt Điền Quân, Dương Hành Mật lại khiển Lý Thần Phúc tiến công Vũ Xương. Chu Toàn Trung khiển sứ giả đến chỗ Dương Hành Mật, tìm cách can thiệp giúp Đỗ Hồng, Dương Hành Mật đáp rằng sẽ chỉ làm vậy nếu Đường Chiêu Tông trở về Trường An (Chu Toàn Trung đương thời kiểm soát Hoàng đế). Cũng trong năm 904, khi Lý Thần Phúc lâm bệnh, Dương Hành Mật khiển Lưu Tồn thay thế ông ta tiếp tục bao vây Ngạc châu. Đến mùa xuân năm 905, Chu Toàn Trung khiển Tào Diên Tộ (曹延祚) đem binh giúp Đỗ Hồng thủ Ngạc châu, song ngay sau đó Lưu Tồn hạ được thành và bắt giữ Đỗ Hồng cùng Tào Diên Tộ, giải họ đến Dương châu. Khi Dương Hành Mật hỏi Đỗ Hồng rằng tại sao không đầu hàng, Đỗ Hồng đáp: "Không nỡ phụ Chu công." Dương Hành Mật sau đó cho xử chém Đỗ Hồng cùng Tào Diên Tộ trên đường phố Dương châu. | 1 | null |
Leighton John Baines (1 tháng 12 năm 1984) là một cựu cầu thủ bóng đá đã giải nghệ, anh đã có 13 năm thi đấu cho Everton và 5 năm thi đấu cho đội tuyển Anh trong vai trò Hậu vệ chạy cánh trái.
Wigan Athletic.
Baines bắt đầu sự nghiệp tại Wigan Athletic vào năm 2002,là 1 thành viên của đội hình giành xuất thăng hạng từ giải hạng nhì của bóng đá Anh lên hạng nhất của Wigan.Khi Wigan Athletic lên được chơi lên chơi ở Premier League vào mùa 2004-05 Baines đã ghi bàn thắng đầu tiên
Everton.
Vào tháng 7 năm 2007, Baines đã từ chối Sunderland AFC,tuy rằng họ đã trả với giá 6 triệu£ và được sự đồng ý của đội bóng chủ quản là Wigan để đến với Everton FC.Baines chơi ko tốt ở mùa thứ nhất nhưng đến mùa thứ 2 đã chứng kiến sự tiến bộ của Baines ở Everton.Với việc Joseph Yobo gặp chấn thương Joleon Lescott đẩy vào đá trung vệ anh đã được đá chính và trong mùa giải đó anh đã 2 lần là cầu thủ của tháng.Mùa 2010/11 anh có suất đá chính từ đầu mùa đến cuối mùa ở Everton.Điều đó giúp anh dược gọi vào tuyển quốc gia,anh cũng đã ghi 7 bàn và có đến 11 đường kiến tạo thành bàn.
Mùa 2011/12 anh ghi dược 5 bàn và 4 lần trong đó là tên chấm penalty.Mùa 2012/13 Baines đã có 116 đường chuyền tạo cơ hội cho các đồng đội nhiều hơn bất kì cầu thủ nào ở 5 giải vô địch hàng đầu châu Âu như Juan Mata hay Xavi. | 1 | null |
Vương Cáo (王郜) là một quân phiệt vào cuối thời nhà Đường, kế vị cha giữ chức Nghĩa Vũ tiết độ sứ vào năm 895, và giữ chức vụ này cho đến năm 900.
Cha ông là Vương Xử Tồn, trở thành Nghĩa Vũ tiết độ sứ vào năm 879. Dưới quyền của cha, Vương Cảo giữ chức "phó đại sứ". Sau khi Vương Xử Tồn qua đời vào năm 895, các binh sĩ tôn Vương Cáo làm lưu hậu. Đường Chiêu Tông do đó bổ nhiệm ông giữ chức lưu hậu, rồi tiết độ sứ. Năm 897, Đường Chiêu Tông ban cho Vương Cáo chức "Đồng bình chương sự".
Đương thời, Tuyên Vũ tiết độ sứ Chu Toàn Trung và Hà Đông tiết độ sứ Lý Khắc Dụng là địch thủ của nhau. Năm 900, Chu Toàn Trung khiển bộ tướng là Trương Tồn Kính (張存敬) đem quân tiến về phía bắc để chinh phục các đồng minh của Lý Khắc Dụng ở phía đông Thái Hành Sơn, trong đó có Vương Cáo. Sau khi buộc Thành Đức tiết độ sứ Vương Dung phải quy phục, Trương Tồn Kính tiến công Nghĩa Vũ. Vương Cáo khiển thúc phụ là "hậu viện đô tri binh mã sứ" Vương Xử Trực đem vài vạn binh lính chống cự lại quân của Trương Tồn Kính. Vương Xử Trực đề xuất không giao chiến ngay lập tức với quân Tuyên Vũ, mà nên khiến cho quân Tuyên Vũ mệt mỏi trước rồi mới giao chiến sau, tuy nhiên Vương Cáo lại không nghe theo ý của thúc phụ. Vương Cáo theo ý của quan khổng mục Lương Vấn (梁汶) rằng quân Nghĩa Vũ có lợi thế về số lượng và nên đối đầu trực tiếp, vì thế ông lệnh cho Vương Xử Trực phải lập tức giao chiến. Tuy nhiên, Trương Tồn Kính đánh bại Vương Xử Trực, quân Nghĩa Vũ tổn thất nặng nề và một nửa bị giết chết; dư bộ hộ tống Vương Xử Trực chạy về thủ phủ Định châu.
Trước thất bại của thúc phụ, Vương Cáo lo sợ nên quyết định chạy đến Hà Đông. (Các binh sĩ Nghĩa Vũ sau đó ủng gộ Vương Xử Trực làm "lưu hậu", và Vương Xử Trực đã có thể thiết lập hòa bình với Chu Toàn Trung.) Lý Khắc Dụng trao cho Vương Cáo chức vụ danh dự là "kiểm hiệu thái úy". Ông qua đời vào đầu những năm Thiên Phục (901-904) ở Tấn Dương. | 1 | null |
Vương Xử Tồn (, 831–895) là một tướng lĩnh cuối thời nhà Đường, cai quản Nghĩa Vũ quân. Ông là một trong các tướng lĩnh có đóng góp nhiều nhất trong chiến dịch trấn áp cuộc nổi dậy của Hoàng Sào.
Thân thế.
Vương Xử Tồn sinh năm 831, tức dưới triều đại của Đường Văn Tông. Ông là người lý Thắng Nghiệp, huyện Vạn Niên, Trường An, tổ tiên của ông từng làm sĩ quan trong Thần Sách quân trong nhiều thế hệ. Cha của ông là Vương Tông (王宗) không những là một tướng cao cấp trong Thần Sách quân, mà còn là một thương nhân tài giỏi. Theo ghi chép, Vương Tông trở nên giàu có đến nỗi có thể phung phí lương thực và có rất nhiều nô bộc. Vương Tông từng đảm nhiệm các chức vụ "Kiểm hiệu tư không", "Kim ngô đại tướng quân", "Tả nhai sứ", Diêu Lĩnh và Hưng Nguyên tiết độ sứ. Bản thân Vương Xử Tồn bắt đầu sự nghiệp với chức "hữu quân trấn sứ", sau từng thăng làm "kiêu vệ tướng quân" và "tả quân tuần sứ". Sau đó, ông được bổ nhiệm giữ chức Định châu chế trí sứ, châu này khi đó là thủ phủ của Nghĩa Vũ quân. Năm 879, Vương Xử Tồn được bổ nhiệm giữ chức Nghĩa Vũ tiết độ sứ.
Chống Hoàng Sào.
Khoảng tết năm 881, quân nổi dậy của Hoàng Sào công chiếm kinh sư Trường An và xưng là hoàng đế Đại Tề, Đường Hy Tông chạy hướng đến Thành Đô. Khi hay tin Trường An thất thủ, Vương Xử Tồn quyết định suất quân tiến về Trường An tiếp viện cho triều đình ngay từ trước khi Đường Hy Tông truyền lệnh, ông cũng phái 2.000 lính đến Hưng Nguyên để hộ giá Hoàng đế. Vương Xử Tồn liên kết với Hà Trung tiết độ sứ Vương Trọng Vinh; họ suất quân tiến về phía Trường An, lập trại ở bờ bắc sông Vị.
Vào mùa hè năm 881, một số tướng Đường hợp binh gần Trường An để chuẩn bị tái chiếm thành, trong đó, ngoài Vương Xử Tồn và Vương Trọng Vinh, còn có Đường Hoằng Phu (唐弘夫), Trình Tông Sở (程宗楚), Thác Bạt Tư Cung, và Trịnh Điền. Lo sợ trước liên quân Đường, Hoàng Sào từ bỏ Trường An và chạy trốn; trong khi đó cư dân Trường An cố gắng hỗ trợ quân Đường bắt cách ném gạch đá vào quân Tề. Trình Tông Sở, Vương Xử Tồn và Đường Hoằng Phu tiến vào thành để tán dương các cư dân. Tuy nhiên, thay vì úy lạo dân chúng, các binh lính lại cướp bóc kinh thành, sa lầy với số tài sản cướp được. Quân Tề biết được điều này và tiến hành phản công, và sau các trận chiến trên đường phố, quân Đường bị đè bẹp. Trình Tông Sở và Đường Hoằng Phu bị giết, còn Vương Xử Tồn chỉ có thể thoát thân. Quân Tề tái chiếm Trường An và đồ sát cư dân vì họ đã trợ giúp cho quân Đường trong lúc giao tranh. Một thời gian sau đó, quân Đường không thể tiến hành một cuộc tiến công khác nhằm tái chiếm Trường An. Trong khi đó, tù trưởng Sa Đà là Lý Khắc Dụng quyết định quy phục triều đình Đường và đem quân đến tiếp viện, song cũng tiến hành cướp bóc tại Hãn châu và Đại châu. Gia tộc của Vương Xử Tồn và Lý Khắc Dụng kết sui gia trong nhiều đời và có quan hệ hữu hảo, do vậy Đường Hy Tông bảo ông viết thư cho Lý Khắc Dụng vào mùa thu năm 882, quở trách Lý Khắc Dụng về việc cướp bóc và bảo Lý Khắc Dụng chờ nhận lệnh nếu thực lòng muốn cứu viện triều đình.
Năm 883, Lý Khắc Dụng tiến quân đến vùng phụ cận Trường An, liên quân Đường lại tiến công và chiếm được thành. Hoàng Sào chạy trốn về phía đông, và cuối cùng bị giết vào năm 884. "Chư đạo hành doanh đô thống" Vương Đạc sau đó vinh danh các tướng lĩnh lập công lao trong chiến dịch, Vương Xử Tồn được vinh danh đứng thứ nhất trong việc "cần vương cử nghĩa".
Sau loạn Hoàng Sào.
Triều đình ban thưởng cho các tướng lĩnh, Lý Khắc Dụng được bổ nhiệm giữ chức Hà Đông tiết độ sứ, ông ta sau đó dùng Hà Đông làm căn cứ để tiếp tục khuếch trương thế lực. Vương Xử Tồn tiếp tục tuân lệnh triều đình, song cũng liên kết với Lý Khắc Dụng, cho cháu của mình kết hôn với con gái của Lý Khắc Dụng. Tuy nhiên, láng giềng của Vương Xử Tồn là Thành Đức tiết độ sứ Vương Dung và Lô Long tiết độ sứ Lý Khả Cử lại lo sợ Lý Khắc Dụng, do đó họ quyết định tiến công Vương Xử Tồn rồi chia nhau Nghĩa Vũ. Vào mùa xuân năm 885, họ phát động tiến công, và thuyết phục Đại Đồng tiết độ sứ Hách Liên Đạc tiến công Lý Khắc Dụng để ngăn không cho quân Hà Đông cứu viện Vương Xử Tồn.
Tuy nhiên, cuộc tiến công của Hách Liên Đạc không thể ngăn được Lý Khắc Dụng đến cứu viện Vương Xử Tồn, và quân Hà Đông đẩy lui quân Thành Đức. Tướng của Lý Khả Cử là Lý Toàn Trung chiếm được Dịch châu- một trong hai châu của Nghĩa Vũ. Tuy nhiên, quân Lô Long trở nên ngạo mạn sau khi chiếm được Dịch châu. Vương Xử Tồn cho 3.000 lính giả làm cừu (bằng cách mặc da cừu) tiến đến vào ban đêm. Quân Lô Long nghĩ rằng đó là cừu thật nên xông ra để bắt. Vương Xử Tồn sau đó tập kích đánh bại quân Lô Long và tái chiếm Dịch châu, buộc Lý Toàn Trung phải chạy trốn.
Trong khi đó, Vương Trọng Vinh và người kiểm soát triều đình là "Tả Thần Sách quân trung úy" Điền Lệnh Tư xảy ra tranh chấp. Điền Lệnh Tư thỉnh Đường Hy Tông ban một chiếu chỉ thuyên chuyển Vương Trọng Vinh đến Thái Ninh , chuyển Thái Ninh tiết độ sứ Tề Khắc Nhượng chuyển đến Nghĩa Vũ, và chuyển Vương Xử Tồn chuyển đến Hà Trung. Vương Xử Tồn phản đối, nói rằng mình vừa mới đẩy lui cuộc tiến công của quân Lô Long/Thành Đức và không thể rời khỏi Nghĩa Vũ lúc này, và để giúp đỡ cho Vương Trọng Vinh, ông nói rằng Vương Trọng Vinh từng lập được đại công trong việc trấn áp Hoàng Sào và không nên dễ dàng bị thuyên chuyển. Điền Lệnh Tư bỏ qua phản đối của Vương Xử Tồn, lệnh cho ông phải đến Hà Trung. Vương Xử Tồn đến Tấn châu, song sau đó phải đối mặt với kháng cự từ phía thuộc hạ của Vương Tọng Vinh là Tấn châu thứ sử Ký Quân Vũ (冀君武), do đó ông trở lại Nghĩa Vũ.
Năm 892, Lý Khắc Dụng và Vương Xử Tồn tiến công Vương Dung, song bị đẩy lui.
Năm 895, Vương Xử Tồn qua đời, binh lính ủng hộ con trai ông là Vương Cáo kế nhiệm. Đường Chiêu Tông truy thụy cho ông là "Trung Túc". | 1 | null |
Lư Diên Xương (, ? - 911) là người cai quản Kiền châu vào đầu thời Ngũ Đại Thập Quốc trong lịch sử Trung Quốc.
Cha ông là Lư Quang Trù, là người Nam Khang. Năm 885, Lô Quang Trù chiếm được Kiền châu, tự xưng là thứ sử. Năm 902, sau khi Lô Quang Trù chiếm được Thiều châu, ông ta giao châu này lại cho Lô Diên Xương trấn thủ.
Năm 910, Lư Quang Trù lâm bệnh, ông ta muốn nhường chức thủ lĩnh cho Đàm Toàn Bá, song Đàm Toàn Bá từ chối. Sau đó, khi Lô Quang Trù qua đời, Lô Diên Xương từ Thiều châu đến chịu tang, Đàm Toàn Bá ủng hộ Lô Diên Xương làm người kế nhiệm. Ngô vương Dương Long Diễn sau đó khiển sứ đến phong chức Kiền châu thứ sử cho Lô Diên Xương. Tuy nhiên, thông qua Sở vương, Lô Diên Xương cũng gửi mật biểu cho triều đình Hậu Lương, nói rằng: "Thần nhận chức quan của Hoài Nam là để trì hoãn âm mưu của họ, mong giúp triều đình kinh lược Giang Tây"
Hậu Lương Thái Tổ sau đó bổ nhiệm Lư Diên Xương làm Trấn Nam lưu hậu, song Trấn Nam quân đương thời thuộc lãnh thổ Ngô. Lô Diên Xương cho bộ tướng Liêu Sảng (廖爽) kế nhiệm ông giữ chức Thiều châu thứ sử.
Lư Diên Xương ham du hành săn bắn quá mức, đến tháng 12 ÂL thì bị "Bách Thắng quân chỉ huy sứ" Lê Cầu (黎球) ám sát, Lê Cầu đoạt lấy quyền cai quản Kiền châu. | 1 | null |
Chung Khuông Thì (鍾匡時) là một quân phiệt vào những năm cuối thời nhà Đường. Ông cai quản Trấn Nam quân sau khi cha là Chung Truyền qua đời, song sau đó chiến bại trước Hoài Nam tiết độ sứ Dương Ác.
Năm 901, Trấn Nam tiết độ sứ Chung Truyền đem binh vây Nguy Toàn Phúng tại Phủ châu, bỗng xuất hiện hỏa hoạn trong thành, sĩ dân hoảng sợ. Chư tướng thỉnh công thành ngay, song Chung Truyền nói: "Thừa cơ khi người khác gặp nguy là phi nhân", lại nói: "Tội của Toàn Phúng, không làm hại dân". Sau khi hỏa hoạn kết thúc, Nguy Toàn Phúng biết chuyện liền cứ sứ giả đến tạ tội, đề nghị gả một nữ nhi làm thê của Chung Khuông Thì.
Chung Truyền bổ nhiệm Chu Khuông Thì làm Viên châu thứ sử, bổ nhiệm con nuôi là Chung Diên Quy (鍾延規) làm Giang châu thứ sử. Khi Chung Truyền qua đời vào năm 906, các binh sĩ ủng hộ Chu Khuông Thì làm lưu hậu.
Trong khi đó, Chung Diên Quy hận rằng mình không được lập, khiển sứ giả sang hàng Hoài Nam tiết độ sứ Dương Ác. Dương Ác nhân cơ hội này cho Tăng châu thứ sử Tần Bùi (秦裴) làm "Tây Nam hành doanh đô chiêu thảo sứ", đem quân tiến công Trấn Nam. Tần Bùi tiến đến Hồng châu, quân mới đến Liệu châu, chư tướng thỉnh trở thủy lập trại song Tần Bùi không nghe theo. Chung Khuông Thì khiển bộ tướng Lưu Sở (劉楚) đi chống lại quân Hoài Nam, kết quả bị Tần Bùi phá trại bắt giữ. Sau đó Tần Bùi bao vây thành Hồng châu.
Chu Khuông Thì thủ thành bất xuất, Tần Bùi nhanh chóng hạ được thành Hồng châu, bắt Chung Khuông Thì cùng tư mã Trần Tượng và 5.000 binh sĩ, giải họ đến thủ phủ Dương châu của Hoài Nam. Dương Ác tự kiêm Trấn Nam tiết độ sứ, cho Tần Bùi làm Hồng châu chế trí sứ.
Khi Chung Khuông Thì bị giải đến Dương châu, Dương Ác trách Chung Khuông Thì, Chung Khuông Thì cúi đầu sát đất xin chết. Dương Ác thương xót nên tha cho ông, song xử trảm Trần Tượng thị chúng. | 1 | null |
Lư Quang Trù (, ? - 910) là một quân phiệt vào cuối thời nhà Đường, sau đó ông trên danh nghĩa quy phục cả Hậu Lương và Ngô. Ông cai quản Kiền châu từ năm 885 đến khi qua đời vào năm 910.
Lư Quang Trù là người Nam Khang. Theo ghi chép, Lô Quang Trù to cao hùng mạnh song không có tài năng, còn đồng hương Đàm Toàn Bá thì dũng cảm có chí lược. Vào cuối thời nhà Đường, phần phía nam của đế chế bị nhấn chìm trong các cuộc khởi nghĩa nông dân, Đàm Toàn Bá khuyến khích Lư Quang Trù nổi dậy, ông làm theo. Khi đội quân nổi dậy muốn suy tôn Đàm Toàn Bá làm chủ, Đàm Toàn Bá nhường lại vị trí thủ lĩnh cho Lư Quang Trù, còn đe dọa xử tử người nào bất tuân mệnh lệnh của ông, đưa đội quân vào kỷ luật.
Năm 885, Lư Quang Trù chiếm được Kiền châu, tự xưng là thứ sử, cho Đàm Toàn Bá làm mưu chủ.
Năm 902, Lư Quang Trù tiến công về phía nam để mở rộng lãnh địa, đầu tiên ông công chiếm Thiều châu, giao cho nhi tử là Lô Diên Xương (盧延昌) cai quản. Sau đó, ông bao vây Triều châu, song bị Thanh Hải lưu hậu Lưu Ẩn đẩy lui. Lưu Ẩn sau tiến công Thiều châu, song bị Đàm Toàn Bá đánh bại, Lô Quang Trù vẫn giữ được Thiều châu. Sau thắng lợi, Lư Quang Trù càng xem trọng Đàm Toàn Bá.
Sau khi Tuyên Vũ tiết độ sứ Chu Toàn Trung soán vị triều Đường, lập ra triều Hậu Lương, Lư Quang Trù nằm giữa hai thế lực lớn là Hoằng Nông (sau gọi là Ngô)- không quy phục Hậu Lương- ở phía bắc, và Lưu Ẩn- chư hầu của Hậu lương - ở phía nam. Lư Quang Trù quyết định sai sứ giả đến cống nạp cho Hoàng đế Hậu Lương. Đáp lại, Hậu Lương Thái Tổ thành lập Bách Thắng quân gồm Kiền châu và Thiều châu, bổ nhiệm Lư Quang Trù làm Bách Thắng phòng ngự sứ, kiêm Ngũ Lĩnh khai thông sứ.
Năm 909, sau khi đánh bại quân phiệt Nguy Toàn Phúng, Hoằng Nông thôn tính lãnh thổ của ông ta - gồm bốn châu tập trung quanh Phủ châu. Đáp lại, tháng 8 ÂL, Lư Quang Trù quyết định quy phục Hoằng Nông, song ông cũng khiển sứ thể hiện tiếp tục quy phục triều đình Hậu Lương. Năm 910, Hậu Lương Thái Tổ bổ nhiệm Lư Quang Trù làm Trấn Nam lưu hậu, song trên thực tế Trấn Nam quân đương thời là lãnh thổ của Hoằng Nông.
Năm 910, Lư Quang Trù lâm bệnh, ông ta muốn nhường chức thủ lĩnh cho Đàm Toàn Bá, song Đàm Toàn Bá từ chối. Sau đó, khi Lô Quang Trù qua đời, Lư Diên Xương từ Thiều châu đến chịu tang, Đàm Toàn Bá ủng hộ Lô Diên Xương làm người kế nhiệm. | 1 | null |
Nguy Toàn Phúng () là một quân phiệt vào cuối thời nhà Đường. Ông cát cứ Phủ châu từ năm 882 đến năm 909, và từng có thời điểm kiểm soát cả ba châu lân cận. Sau khi triều đình Đường sụp đổ, ông vẫn tiếp tục cát cứ, song đến năm 909 thì chiến bại trước quân của nước Hoằng Nông, lãnh thổ của ông bị Hoằng Nông thôn tính.
Đoạt lấy Phủ châu.
Ông là người Nam Thành và là thủ lĩnh của người dân địa phương. Năm 882, khi quân nổi dậy Chung Truyền (đã chiếm được Phủ châu từ trước) công chiếm Hồng châu rồi được Đường Hy Tông bổ nhiệm làm Giang Tây quan sát sứ, Chung Truyền bỏ Phủ châu, Nguy Toàn Phúng nhân cơ hội này chiếm cứ châu nhà. Nguy Toàn Phúng cũng cử đệ là Nguy Tử Xương (危仔倡) chiếm cứ Tín châu.
Quy phục Chung Truyền.
Năm 901, Trấn Nam tiết độ sứ Chung Truyền đem binh vây Nguy Toàn Phúng tại Phủ châu, bỗng xuất hiện hỏa hoạn trong thành, sĩ dân hoảng sợ. Chư tướng thỉnh công thành ngay, song Chung Truyền nói: "Thừa cơ khi người khác gặp nguy là phi nhân", lại nói: "Tội của Toàn Phúng, không làm hại dân". Sau khi hỏa hoạn kết thúc, Nguy Toàn Phúng biết chuyện liền cứ sứ giả đến tạ tội, đề nghị gả một nữ nhi làm thê của Chung Khuông Thì- nhi tử của Chung Truyền. Sau đó, ông trung thành ít nhất là trên danh nghĩa với Chung Truyền.
Năm 906, Chung Truyền qua đời, các binh sĩ Trấn Nam thoạt đầu ủng hộ Chung Khuông Thì tập vị. Tuy nhiên, sau đó Hoài Nam tiết độ sứ Dương Ác khiển tướng Tần Bùi (秦裴) tiến công và đánh bại Chuông Khuông Thì. Dương Ác đoạt lấy lãnh thổ của họ Dương, tự kiêm chức Trấn Nam tiết độ sứ.
Sau thời Chung Khuông Thì.
Năm 909, Hoài Nam nay trở thành nước Hoằng Nông (Ngô), quân chủ là Dương Long Diễn. Nguy Toàn Phúng lúc này không chỉ kiểm soát Phủ châu và Tín châu, mà còn chiếm cứ Viên châu và Cát châu , trong cùng năm ông tự xưng là Trấn Nam tiết độ sứ, huy động quân của bốn châu (tuyên bố là có đến 10 vạn quân) tiến công Hồng châu. Binh sĩ Hoằng Nông trấn thủ trong vùng chỉ có 1.000, tướng lại đều sợ, Trấn Nam tiết độ sứ Lưu Uy (劉威) của Hoằng Nông bí mật khiển sứ cáo cấp đến kinh đô Quảng Lăng, song hàng ngày vẫn triệu liêu tá đến ăn uống. Nguy Toàn Phúng nghe tin thì do dự và đóng tại Tượng Nha Đàm, không dám tiến thêm, thỉnh Sở tiếp viện. Sở vương Mã Ân khiển chỉ huy sứ Uyển Mai (苑玫) hội binh với Viên châu thứ sử Bành Ngạn Chương (彭彥章) của Nguy Toàn Phúng, cùng bao vây thành Cao An của Hoằng Nông, nhằm trợ giúp cho Nguy Toàn Phúng.
Trước tình thế này, phụ chính Từ Ôn của Hoằng Nông bổ nhiệm tướng Chu Bản làm "Tây nam diện hành doanh chiêu thảo ứng viện sứ", đem 7.000 binh cứu viện Cao An. Chu Bản cho rằng Mã Ân chỉ muốn hỗ trợ cho Nguy Toàn Phúng và không thực sự muốn chiếm Cao An, do vậy ông ta quyết định tiến thẳng đến Tượng Nha Đàm để giao chiến với Nguy Toàn Phúng. Khi ông ta đến nơi, dựng trại chỉ cách một con sông với Nguy Toàn Phúng, cho lính già yếu ra khiêu chiến. Quân của Nguy Toàn Phúng vượt sông tiến công quân của Chu Bản, song bị Chu Bản đánh bại, binh sĩ của Nguy Toàn Phúng dẫm đạp lên nhau mà chết hoặc chết đuối trong đầm. Chu Bản bắt được Nguy Toàn Phúng, rồi tiếp tục tiến công Viên châu và bắt Bành Ngạn Chương. Sau đó, Nguy Tử Xương chạy sang Ngô Việt, toàn bộ các lãnh địa của Nguy Toàn Phúng cuối cùng đều rơi vào tay Hoằng Nông.
Nguy Toàn Phúng bị giải đến Quảng Lăng. Do trước đây Nguy Toàn Phúng từng tiếp tế lượng thực cho Dương Hành Mật khi Dương Hành Mật đoạt lấy Thuyên Thiệp, Dương Long Diễn thả Nguy Toàn Phúng, ban cho nhiều của cải. | 1 | null |
Lưu Khiêm () hay Lưu Tri Khiêm () (? - 894), được Nam Hán truy tôn là Thánh Vũ hoàng đế (聖武皇帝) và miếu hiệu Đại Tổ (代祖), là một sĩ quan tại Thanh Hải quân của triều Đường. Do lập được công, Lưu Khiêm được bổ nhiệm làm Phong châu thứ sử, xây dựng sức mạnh quân sự của ông tại châu này. Sau khi ông qua đời, con trai ông là Lưu Ẩn đã đoạt lấy toàn bộ Thanh Hải quân, một người con trai khác là Lưu Nghiễm sau đó lập ra nước Nam Hán.
Thân thế.
Các thư tịch cổ mâu thuẫn về nguồn gốc gia đình của Lưu Khiêm, song tựu trung ông xuất thân từ một gia đình có địa vị khiêm tốn. Theo "Tân Đường thư", ông là người Thượng Thái, song đến sống ở Phong châu do nhiễu loạn ở quê hương. Theo "Cựu Ngũ Đại sử", phụ thân ông là Lưu Nhân An (劉仁安) đến sống ở Lĩnh Nam sau khi giữ chức Triều châu trưởng sử. Theo "Tân Ngũ Đại sử", phụ thân ông là Lưu An Nhân (劉安仁) là người Thượng Thái và chuyển đến vùng Mân (tức Phúc Kiến), sau trở thành một thương nhân ở vùng Nam Hải. Cuối cùng, Lưu Khiêm một sĩ quan cấp thấp trong quân đội của Thanh Hải quân. Mặc dù có xuất thân khiêm tốn, cựu Tể tướng- Lĩnh Nam Đông đạo (sau đổi tên thành Thanh Hải quân) tiết độ sứ Vi Trụ (韋宙) nhận thấy tài năng của Lưu Khiêm nên quyết định gả một người cháu gái cho Lưu Khiêm. Khi vợ của Vi Trụ phản đối, Vi Trụ nói: "Đó là người phi thường. Có lẽ sẽ có ngày con cháu ta có thể dựa vào hắn." Sau đó, Lưu Khiêm lập được công trong các chiến dịch chống các đội quân khởi nghĩa nông dân.
Năm 879, quân nổi dậy của Hoàng Sào tràn vào thủ phủ Quảng châu của Lĩnh Nam Đông đạo. Sau khi Hoàng Sào từ bỏ Quảng châu vào năm 880, khu vực rơi vào cảnh hỗn loạn. Lưu Khiêm thừa cơ chiếm cứ Phong châu. Năm 883, Đường Hy Tông bổ nhiệm Lưu Khiêm làm Phong châu thứ sử. kiêm Hạ Thủy trấn sứ.
Cai quản Phong châu.
Sau khi nhậm chức Phong châu thứ sử, Lưu Khiêm phủ dụ thu nạp dân lưu vong, chi tiêu tiết kiệm, nuôi sĩ tốt. Không lâu sau, ông đã có 1 vạn tinh binh, nhiều chiến hạm, tình hình Phong châu yên định. Sau đó, ông bị bệnh, triệu các con trai đến và nói với họ: "Nay đạo tặc đang phát triển ở Ngũ Lĩnh. Ta có tinh giáp tế giới, các con nên cố gắng lập công, không để lỡ thời cơ"
Sau khi Lưu Khiêm qua đời vào năm 894, các tướng sĩ ủng hộ Lưu Ẩn làm người lãnh đạo, Đường Chiêu Tông bổ nhiệm Lưu Ẩn làm Phong châu thứ sử thay thế Lưu Khiêm.
Gia đình.
Tương truyền, người vợ Vi thị của ông đã giết chết người thiếp Đoàn thị do ghen tuông, sau khi bà phát hiện Lưu Khiêm giấu Đoàn thị trong một căn nhà cách xa phủ. Lưu Khiêm an táng Đoàn thị. Trên một phiến đá gần mộ Đoàn thị có khắc các chữ "Ẩn", "Đài", và "Nham", Lưu Khiêm thấy vậy đã dùng ba chữ này để đặt tên cho ba người con trai. | 1 | null |
Chu Hữu Văn (, ? - 912), nguyên tên là Khang Cần (康勤), tên tự Đức Minh (德明), là một thân vương của triều Hậu Lương thời Ngũ Đại Thập Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông là nghĩa tử của hoàng đế khai quốc Hậu Lương Thái Tổ, được xem là người kế vị tiềm năng. Tuy nhiên, vào năm 912, Dĩnh vương Chu Hữu Khuê hành thích Thái Tổ và đưa Chu Hữu Văn vào chỗ chết.
Thân thế.
Khi còn trẻ, Chu Hữu Văn có dung mạo tuấn tú, hiếu học, thiện đàm luận, rất có tài làm thơ. Ông trở thành con nuôi của Chu Toàn Trung và đổi tên thành Chu Hữu Văn, trước khi Chu Toàn Trung trở thành tiết độ sứ của bốn trấn vào năm 901 sau đó Chu Toàn Trung cho Chu Hữu Văn giữ chức "độ chi", "diêm-thiết chế trí sứ". Chu Hữu Văn là con thứ hai của Chu Toàn Trung, anh cả là Chu Hữu Dụ (朱友裕) qua đời trước khi Hậu Lương được thành lập. Trong các chiến dịch chinh phục các quân xung quanh của Chu Toàn Trung, Chu Hữu Văn chịu trách nhiệm thu thuế và quản lý tài chính để tiếp tế cho binh sĩ. Theo ghi chép thì Chu Toàn Trung quý mến ông hơn hai người con đẻ là Chu Hữu Khuê và Chu Hữu Trinh.
Phụng sự Hậu Lương Thái Tổ.
Năm 907, Chu Toàn Trung buộc Đường Ai Đế phải thiện nhượng cho mình, kết thúc triều Đường và mở đầu triều Hậu Lương, Chu Toàn Trung trở thành Hậu Lương Thái Tổ. Hậu Lương Thái Tổ phong vương cho các hoàng tử, Tuyên Vũ tiết độ phó sứ Chu Hữu Văn được phong là Bác vương, được bổ nhiệm giữ chức Khai Phong doãn, "phán viện sự", cai quản Kiếm Xương viện (chịu trách nhiệm về tài chính). Sau khi Hậu Lương Thái Tổ chính thức chọn Lạc Dương làm kinh đô, Khai Phong trở thành Đông đô, Chu Hữu Văn trở thành Đông đô lưu thủ. Theo ghi chép, từ sau thời điểm đó, Chu Hữu Văn thường dành thời gian vào việc uống rượu và không còn lưu tâm đến nhiệm vụ như trước kia.
Năm 911, sau khi Hậu Lương Thái Tổ triệu Thái châu thứ sử Trương Thận Tư (張慎思) đến Lạc Dương, Lưu Hành Tông (劉行琮) tiến hành binh biến và chuẩn bị dẫn loạn binh chạy sang Hoài Nam, Vương Tồn Nghiễm (王存儼) giết Hành Tông và tự quản lý châu sự. Chu Hữu Văn không hài lòng trước việc này và phát binh tiến công, song Hậu Lương Thái Tổ khi hay tin thì chỉ ra rằng nếu làm vậy thì Vương Tồn Nghiễm sẽ chạy sang Hoài Nam, vì thế phái người đến ngăn Chu Hữu Văn.
Sau khi chiến bại trong một chiến dịch chống Tấn vào mùa xuân năm 912, Hậu Lương Thái Tổ lâm bệnh và giành mùa hè năm 912 để dưỡng bệnh tại Ngụy châu. Trong lúc Hậu Lương Thái Tổ dưỡng bệnh, Chu Hữu Văn tới Ngụy châu để thăm vua cha và mời vua cha đến thăm Đại Lương (tức Khai Phong). Hậu Lương Thái Tổ chấp thuận, và sau đó qua Đại Lương trước khi trở về Lạc Dương.
Bị giết.
Trong khi đó, theo ghi chép thì từ sau khi Trương thị qua đời, Hậu Lương Thái Tổ ngày càng trở nên dâm loạn, đếm nỗi khi các hoàng tử đi xa làm nhiệm vụ, ông liền triệu các con dâu vào cung để "thị tẩm" (hầu ngủ). Vợ của Chu Hữu Văn là Vương thị được mô tả là đặc biệt xinh đẹp, được Hậu Lương Thái Tổ sủng ái, điều này góp phần khiến cho Hậu Lương Thái Tổ ngày càng tin tưởng Chu Hữu Văn, dự định cho Chu Hữu Văn kế vị. Chu Hữu Khuê đang giữ chức "Tả hữu Khống Hạc đô chỉ huy sứ" đặc biệt ghen tị với sự yêu mến mà vua cha thể hiện với Chu Hữu Văn.
Vào mùa hè năm 912, sau khi trở về Lạc Dương, Hậu Lương Thái Tổ lâm bệnh nặng, Hoàng đế khiển Vương đến Đại Lương để triệu Chu Hữu Văn hồi kinh, có ý giao lại hoàng vị cho ông. Vợ của Chu Hữu Khuê là Trương thị cũng có mặt trong cung và biết được chuyện này, bà mật báo cho Chu Hữu Khuê.
Đêm 18 tháng 7, Chu Hữu Khuê đem quân tiến vào hoàng cung và hành thích Hậu Lương Thái Tổ. Chu Hữu Khuê không công bố về việc phụ hoàng qua đời, sai Cung phụng quan Đinh Chiêu Phổ (丁昭溥) đem chiếu chỉ giả đến Đông đô, lệnh cho Chu Hữu Trinh giết Chu Hữu Văn, Chu Hữu Trinh làm theo thánh chỉ. Sau đó, Chu Hữu Khuê đổ tội hành thích cho Chu Hữu Văn, rồi lên ngôi. Sau khi Chu Hữu Trinh lật đổ Chu Hữu Khuê vào năm 913 và tức vị, ông ta phục hồi thanh danh và quan tước cho Chu Hữu Văn.
Tham khảo.
[[Thể loại:Mất năm 912]]
[[Thể loại:Nhân vật chính trị Ngũ đại Thập quốc]]
[[Thể loại:Năm sinh không rõ]]
[[Thể loại:Hậu Lương (Ngũ đại)]]
[[Thể loại:Sinh thế kỷ 9]] | 1 | null |
Vườn quốc gia tại Philippines (Philippines: "Pambansang Liwasan ng Pilipinas") là các vườn quốc gia có các giá trị tự nhiên, lịch sử được bảo vệ và sử dụng bền vững do Bộ Môi trường và Tài nguyên và hệ thống pháp luật quốc gia về vườn quốc gia (năm 1992) Tính đến hết năm 2012, có 240 khu bảo tồn ở Philippines, trong đó 34 địa điểm được phân loại là vườn quốc gia.
Dưới đây là danh sách 34 vườn quốc gia tại Philippines. | 1 | null |
Marjorie Dias de Oliveira, được biết đên nhiều hơn với tên gọi Marjorie Estiano (sinh ngày 8 tháng 3 năm 1982), là một nữ ca sĩ và nữ diễn viên một truyền hình Brazil, điện ảnh. Cô sinh ra ở thành phố Curitiba, Marjorie Estiano đóng vai phản diện như Natasha Ferreira trong Malhação telenovela. Sau đó, cô đóng vai chính trong Rede Globo telenovela Duas Caras. vai trò của Maria Paula. Marjorie Estiano được chọn để đóng vai trò chính trong telenovela các Lado a Lado, trong đó cô thủ vai nhân vật Laura Assunção. | 1 | null |
Nguyễn Văn Giao (chữ Hán: 阮文交; 1811-1863), hiệu Quất Lâm (橘林), tự là Đạm Như, là một danh sĩ Việt Nam thế kỷ 19.
Cuộc đời và sự nghiệp.
Theo Gia phả gia tộc, Nguyễn Văn Giao, húy là Tao, sinh vào giờ Sửu ngày 3 tháng 11 năm Tân Mùi (tức 18 tháng 12 năm 1811), người xã Trung Cần, tổng Nam Kim, huyện Thanh Chương, phủ Anh Sơn (nay là xã Nam Trung, huyện Nam Đàn), tỉnh Nghệ An. Thân phụ là ông Nguyễn Danh Học, là một thầy thuốc và thầy địa lý, từng làm quan trong Trấn Ty, triều Gia Long, sang triều Minh Mạng, nghỉ hưu về nhà dạy con cháu học và đọc sách thánh hiền, được triều định phong hàm Lục phẩm Hàn lâm viện trước tác. Thân mẫu là bà Trần Thị Khoan, người Thịnh Quả, được triều đình tặng hiệu "Quốc nhân vinh" và "Lục phẩm an nhân". Anh ông là Nguyễn Trọng Dực, cũng là một danh sĩ có tiếng.
Ông đậu Tú tài khoa Tân Mão 1831. Năm Giáp Ngọ niên hiệu Minh Mạng thứ 15 1834, đi đỗ Cử nhân (Hương cống), nhưng do cuối quyển có chữ viết phạm trường quy nên xét lại bị đánh hỏng, bị án "Chung thân bất đắc ứng thi" (suốt đời không được đi thi). Trong suốt 17 năm liền sau đó không được đi thi, ông về quê dạy học. Số người theo học rất đông, thành đạt nhiều.
Mãi đến năm Nhâm Tý 1852, niên hiệu Tự Đức thứ 5, ông mới được ân xá. Ông thi lần thứ hai và đỗ Giải nguyên ở trường Nghệ. Năm sau ông dự khoa thi Quý Sửu niên hiệu Tự Đức năm thứ 6 (1853), đậu Hội nguyên. Vào thi Đình, ông được chấm đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, Đệ tam danh (tức Thám hoa) khi đã 42 tuổi.
Sau khi thi đỗ, tháng 11 năm đó, ông được bổ thụ Hàn lâm viện Trước tác, nhận chức vụ Hành tẩu ở Nội các. Tháng 8 năm Ất Sửu 1855, được thăng thụ Hàn lâm viện Thừa chỉ. Năm Mậu Ngọ 1858, được thăng nhiệm Hàn lâm viện Thị giảng học sĩ kiêm chức Hành tẩu Nội các. Tháng 6 năm Kỷ Mùi 1859, thăng thực thụ Thị giảng học sĩ, tháng 1 năm Nhâm Tuất 1862, thăng thụ Thị độc học sĩ, vẫn kiêm chức Tham biện Nội các.
Ông mất ngày 18 tháng 3 năm Quý Hợi (tức 5 tháng 5 năm 1863). Thi hài ông được đưa về quê an táng. Triều đình truy tặng ông hàm Quan lộc Tự khanh, tòng Tam phẩm.
Giai thoại.
Trong thời chịu án không được đi thi, ông đọc sách, làm thơ, trong đó có bài sau:
Vua Tự Đức nghe bài thơ này, biết có sự uẩn khúc, đã ân xá cho ông thi lại. Nhờ vậy mà ông đã đỗ đầu thi Hội và thi Đình.
Khoa thi Quý Sửu 1853 có Nguyễn Đức Đạt và Nguyễn Văn Giao cùng quê ở tổng Nam Kim, cùng đỗ Tiến sĩ, cùng đậu Đình nguyên, Đệ nhất giáp Thám hoa. Sau khi vinh quy bái tổ, Nguyễn Đức Đạt đến thăm nhà Nguyễn Văn Giao, thấy nhà ông đồng khoa chỗ nào cũng có đậu (đúng mùa thu hoạch đậu) liền ra vế đối:
Nguyễn Văn Giao trông ra hàng rào cây dâm bụt đang trổ nhiều hoa, liền đối:
Tác phẩm nổi bật.
Ông có nhiều trước tác, nay còn lưu lại được 4 tác phẩm
Ngoài ra còn ghi nhận được một số trước tác của ông như:
Lưu Ngọc Quân trong công trình nghiên cứu của mình có đề cập trường hợp thư tịch Việt Nam sau khi truyền nhập Trung Quốc được các văn sĩ Trung Quốc in khắc rồi lại từ Trung Quốc quay về Việt Nam. Đó là tập Sử Luận của Nguyễn Đạm Như Phủ (tức Nguyễn Văn Giao).Vào năm Đồng Trị thứ 10 (1871), Nguyễn Hữu Lập, học sĩ Hàn Lâm Viện, được lệnh đi sứ Trung Quốc, khi qua sông Trường Sa, tình cờ gặp gỡ Tương Âm Lý Phụ Diệu mà ca tụng tập Sử Luận của bác ông là Nguyễn Đạm Như Phủ, viết về lịch sử Trung Quốc từ Thượng Cổ đến triều Minh, các câu trong bài luận đều là những câu có sẵn trong Thập Tam Kinh. Sách này sau được Từ Thụ Minh, Ngọc Khởi Vận, Tương Âm Lý Phụ Diệu đề tựa, do họ Lý vào năm Đồng Trị thứ 13 (1874) in khắc. Thư viện Quốc gia Trung Quốc có hai bản khắc in năm 1874 với tên Sử Luận ký hiệu 142429 và 72095, còn tại Viện nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội lại là hai bản viết tay, một đề Nguyễn Thám Hoa Đạm Như Phủ Sử Luận Thập Tam Kinh Tập Cú (VNV.1728), một bản đề Sử Luận Tập Cú (A.234). Do hai bản lưu tại thư viện Quốc gia Trung Quốc là bản khắc in, còn hai bản lưu tại Viện nghiên cứu Hán Nôm là bản viết tay nhưng ở phần mục lục đều có bài đề tựa của Từ Thụ Minh, Ngọc Khải Vận và bài bạt của Lý Phụ cho nên Lưu Ngọc Quân cho rằng có thể bản chép lưu tại Viện nghiên cứu Hán Nôm là chép từ bản khắc Trung Quốc.
Di sản.
Ngày nay tại xóm Tân Hoa, xã Nam Trung, huyện Nam Đàn Nghệ An có Nhà thờ Thám hoa Nguyễn Văn Giao. Tại đây còn lưu giữ nhiều di vật quý như: Bản sắc phong khảm trên gỗ tếch, phủ nhũ vàng; Tấm bia đá xanh nhỏ 25 cm x 25 cm, 2 tấm bia lớn ở phía trước nhà thờ trong đó có một tấm hình chữ nhật, tấm bia kia có hoa văn hình rồng, trên đỉnh có hình mặt trăng toả sáng và nhiều hoa văn sống động. Bia ở đây đều khắc chữ Hán cổ. Trong bàn thờ còn có mũ cánh chuồn Vua ban cho ông, nhưng lại bằng gỗ dổi, được khắc tạo rất công phu. | 1 | null |
Mai Thế Quý (hay Quí) (1822-?) là người đã đỗ đồng tiến sĩ xuất thân vào năm 1853, tức niên hiệu Tự Đức, ông là người của xã Phù Lưu Thượng, tổng Phù Lưu, huyện Thiên Lộc, phủ Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh (nay thuộc xã Phù Lưu, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Ông đỗ Cử nhân (Hương cống thời Nguyễn) năm Nhâm Tý 1852. Ông từng làm Tuần phủ Tuyên Quang, sau bị giáng làm Án sát. | 1 | null |
Vũ Nhự (1840-1886) là người phường Kim Cổ, tổng Thuận Mỹ. huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội (nay thuộc quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội). Ông đỗ Cử nhân năm Tân Dậu 1861, đời vua Tự Đức, sau đỗ Hoàng giáp vào 7 năm sau. Ông giữ các chức quan Tri phủ Từ Sơn, Đốc học Hà Nội, hàm Quang lộc Tự khanh sung làm ở Nội các, Tuần phủ Hà Nội, Tổng đốc, Hàn lâm viện Trực học sĩ, Toản tu Quốc sử quán, Tham tri Lễ bộ. | 1 | null |
Phan Trọng Mưu (, 1851-1904) là một nhà nho, người xã Đông Thái, huyện La Sơn, tỉnh Hà Tĩnh (nay thuộc xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ tỉnh Hà Tĩnh). Ông là Hương cống (thời Nguyễn gọi là Cử nhân) năm Bính Tý 1876, đời vua Tự Đức. 3 năm sau, 1879, ông đỗ đồng tiến sĩ xuất thân. Ông từng làm Đốc học Quảng Ngãi, sau ông tham gia cuộc khởi nghĩa Hương Khê chống Pháp của Phan Đình Phùng, nên bị đục tên trên bia Tiến sĩ ở Huế.. | 1 | null |
Giải bóng đá Ngoại hạng Campuchia (tiếng Anh: Cambodian Premier League, viết tắt: CPL) là giải đấu cao nhất của Liên đoàn bóng đá Campuchia. Giải đấu hoạt động theo hệ thống thăng hạng và xuống hạng cùng với giải hạng Hai Campuchia. Kể từ mùa giải 2022, Giải Ngoại hạng Campuchia có sự góp mặt của 8 câu lạc bộ và được quản lý bởi Công ty Liên đoàn Bóng đá Campuchia (CFLC).
Trước đó, giải đấu có tên gọi "Giải bóng đá vô địch quốc gia Campuchia (Metfone C-League)", với 13 đội bóng"." Do các quy định mới của CFLC, 5 đội sẽ bị giáng xuống hạng Hai, tám đội còn lại thi đấu theo thể thức vòng tròn ba lượt với 21 vòng đấu. Tổng cộng toàn giải có tất cả 168 trận, khởi tranh từ đầu tháng 3 tới tháng 9, với các trận đấu diễn ra vào ngày thứ bảy và chủ nhật.
Đội vô địch giải đấu sẽ đại diện cho Campuchia tham dự vòng bảng AFC Cup cùng với đội vô địch Cúp Hun Sen. Trong trường hợp một câu lạc bộ vô địch cả CPL và HSC, đội á quân của CPL sẽ được tham dự vòng play-off AFC Cup.
Lịch sử.
Giải bóng đá vô địch quốc gia đầu tiên ở Campuchia bắt đầu vào năm 1982, chủ yếu dựa trên mô hình bóng đá Liên Xô gồm các câu lạc bộ nghiệp dư do các bộ, cảnh sát, quân đội và các doanh nghiệp nhà nước thành lập. Vào những năm 2000, bóng đá Campuchia đã trải qua một cuộc tái cấu trúc nhằm nâng cao các tiêu chuẩn chung của môn thể thao này. Điều này dẫn đến sự ra đời của C-League, sau đó được đổi tên thành Metfone Campuchia League hoặc Metfone C-League vào đầu mùa giải 2005 vì lý do tài trợ. Trong những năm tiếp theo, tiêu chuẩn chuyên nghiệp thay đổi với việc các câu lạc bộ được thành lập và được tài trợ bởi các tổ chức doanh nghiệp. Vào tháng 10 năm 2021, Satoshi Saito, cựu nhà tiếp thị quốc tế cho FC Barcelona của La Liga, được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành của Công ty Liên đoàn Bóng đá Campuchia (CFLC). Công ty này sẽ tiếp quản các nhiệm vụ hành chính và tài chính của Metfone C-League và thành lập giải đấu với tư cách là Giải Ngoại hạng Campuchia bắt đầu từ mùa giải 2022.
Kể từ khi ra đời với tư cách là một giải đấu chuyên nghiệp chính thức vào năm 2005, đã có tổng cộng 36 câu lạc bộ tham gia thi đấu. 6 đội bóng đã từng vô địch giải đấu, trong đó Phnom Penh Crown là đội bóng thành công nhất với 7 lần lên ngôi. | 1 | null |
Vũ Tuấn (1825-?) là nhà nho đã đỗ đồng tiến sĩ xuất thân năm Kỷ Mão 1879. Quê ông ở xã Hữu Can Lộc, tổng Nội Ngoại, huyện Can Lộc, phủ Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh (nay thuộc xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Tuy chỉ là tú tài nhưng Vũ Tuấn lại được chọn vào học trường Quốc tử giám (Huế). Ông từng làm quan Tri phủ Thuận Thành | 1 | null |
Giải bóng đá ngoại hạng Lào (,) là giải bóng đá chuyên nghiệp cấp cao nhất của Lào. Giải có sự tham dự của 14 câu lạc bộ sau lần mở rộng năm 2015.
Thể thức thi đấu.
Các đội bóng thi đấu vòng tròn 2 lượt đi và về trên sân nhà - sân khách. Điểm số được tính cho mỗi trận thắng là 3 điểm, hòa 1 điểm và thua không có điểm. Bảng xếp hạng căn cứ theo các chỉ số lần lượt là: điểm số, hiệu số bàn thắng, tổng số bàn thắng và cuối cùng là thành tích đối đầu trực tiếp. Sau khi kết thúc mùa giải, đội xếp đầu bảng xếp hạng sẽ được nhận cúp vô địch, tiền thưởng và vé tham dự giải bóng đá châu lục dành cho các câu lạc bộ AFC Cup.
Những nhà vô địch theo thời gian.
<br> | 1 | null |
Phan Huy Nhuận (chữ Hán: 潘輝潤; 1847-1912) là một danh sĩ Nho học Việt Nam nửa cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.
Cuộc đời và sự nghiệp.
Phan Huy Nhuận là người thôn Đông Thái, xã Yên Đồng, tổng Việt Yên, huyện La Sơn, phủ Đức Thọ (nay thuộc xã Đức Châu, huyện Đức Thọ), tỉnh Hà Tĩnh. Theo gia phả họ Phan Ung Dinh thì ông tên húy là Hoán, thuộc đời thứ 12, chi thứ nhất. Ông sinh vào năm Đinh Mùi 1847 (văn bia Tiến sĩ ghi ông sinh năm Giáp Thìn 1844), song thân ông là Tú tài Phan Huy Tế (có tài liệu chép là Phan Nhật Chương) và bà Phan Thị Phương, người xã Việt Yên, con Tiến sĩ Phan Bá Đạt. Bác ruột ông là Tiến sĩ Tổng đốc Phan Tam Tĩnh.
Ông đỗ Cử nhân năm Mậu Dần 1878. Năm Kỷ Mão 1879, niên hiệu Tự Đức thứ 23, ông đỗ Đồng tiến sĩ xuất thân, đứng thứ 5/6 Tiến sĩ lúc 33 tuổi. Người anh họ ông là Phan Trọng Mưu (con Phan Tam Tĩnh) đỗ đồng khoa, trên ông 3 bậc. Trước đó 2 năm, một người anh bên ngoại ông (anh con dì) là Phan Đình Phùng đỗ Đình nguyên Tiến sĩ.
Quan nghiệp của ông từng làm đến Bố chính tỉnh Phú Yên rồi làm Công bộ Thị lang. Năm Thành Thái thứ 10 (Mậu Tuất 1898), do tranh chấp với Án sát Nguyễn Đốc Nhuận nên bị triều đình phạt giáng xuống 4 cấp rồi về hưu.
Ông mất ngày 14 tháng 1 năm Tân Hợi (tức 2 tháng 1 năm 1912), thọ 65 tuổi. | 1 | null |
Nguyễn Đình Dương (1844-1886) là một nhà khoa bảng Việt Nam. Quê ông là thôn Thư Trai, xã Lạc Nghiệp, tổng Lạc Trị, huyện Thạch Thất, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây (nay là thị trấn Phúc Thọ, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội). Nguyễn Đình Dương là Cử nhân (tức Hương cống) năm Canh Ngọ 1870, niên hiệu Tự Đức thứ 23 và làm Hậu bổ tỉnh Bắc Ninh. Sau khi thi đỗ Hoàng giáp vào năm 1880, ông làm Án sát Hưng Hoá, Biện lý Hộ bộ, Bố chánh Quảng Bình. Khi nghĩa quân Cần Vương tấn công Quảng Bình, ông bị chết tại trận. | 1 | null |
Khiếu Năng Tĩnh (chữ Hán: 叫能靜; 1835-1915) là học giả uyên thâm, nhà giáo dục lỗi lạc của Việt Nam thời cận đại.
Tiểu sử.
Ông sinh ra tại xã Chân Mỹ, tổng Tử Vinh, huyện Đại An, phủ Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định (nay thuộc xã Yên Cường, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định). Năm 1878, ông đỗ Cử nhân (Hương cống). 2 năm sau, ông đỗ đồng tiến sĩ xuất thân. Ông làm quan Đốc học Hà Nội, Tế tửu Quốc tử giám.
Ông đã được các sĩ phu đương thời ca ngợi là người có tấm lòng bao dung, biết trọng dụng và góp công đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước. Chính Khiếu Năng Tĩnh đã phát hiện và góp phần nuôi dưỡng cho tài năng của Phan Bội Châu. Bên cạnh sự nghiệp, Khiếu Năng Tĩnh còn để lại cho đời những tác phẩm văn thơ và địa chí đồ sộ như "Minh Mạng chính yếu", "Luận ngữ diễn âm", "Hà Nội tỉnh chí", "Tỉnh địa dư chí lược" v.v...
Làm Chánh chủ khảo tại trường thi Nghệ An.
Năm Canh Tý 1900, Khiếu Năng Tĩnh là Chánh chủ khảo tại Nghệ An. Ở đó, ông cùng với nhiều vị quan giám khảo khác rất bất ngờ trước hình ảnh một cụ già râu tóc bạc phơ đi thi cùng với biết bao người trẻ. Đó chính là Đoàn Tử Quang, một nho sinh độc nhất vô nhị trong lịch sử khoa bảng Việt Nam. Vì đây là chuyện hiếm thấy nên Khiếu Năng Tĩnh đã viết bài ký "Nghệ trường giai sự" (Việc đáng nói ở trường thi Nghệ An) để mô tả những hành động mà Đoàn Tử Quang đã làm trong buổi thi ấy. Hết ngạc nhiên rồi cảm phục, Khiếu Năng Tĩnh đã thảo tờ chiếu lên vua Thành Thái xin cho thí sinh độc nhất vô nhị này được đỗ, dù có mắc một số lỗi khi phạm một số quy định của trường thi ngày ấy, nên Đoàn Tử Quang đã đỗ ở tuổi 82, nhưng bị xếp thứ 29 trong 30 người trúng tuyển.
Vinh danh.
Sau khi Khiếu Năng Tĩnh qua đời, con cháu dòng họ và học trò đã tu sửa ngôi nhà của ông thành nơi thờ tự. Hằng năm tại từ đường còn diễn ra lễ kỵ Tiến sĩ Khiếu Năng Tĩnh vào ngày mùng 6 tháng tư âm lịch và nhiều sinh hoạt văn hoá của con, cháu trong họ.
Để vinh danh ông, chính quyền đã đặt tên ông cho trường trung học cơ sở ở quê nhà ông tại xã Yên Cường, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.
Ở quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh có một con đường mang tên Khiếu Năng Tĩnh toạ lạc tại phường An Lạc A. | 1 | null |
Nguyễn Đức Quý (1849-1887) là nhà khoa bảng đã đỗ Hoàng giáp trong khoa thi duy nhất của đời vua Kiến Phúc, khoa thi năm 1884. Nguyễn Đức Quý là người thôn Hoành Sơn, xã Nam Kim Thượng, tổng Nam Kim, huyện Thanh Chương, phủ Anh Sơn, tỉnh Nghệ An (nay thuộc xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Năm Bính Tý 1876, niên hiệu Tự Đức thứ 30, ông đỗ Hương cống (Cử nhân). Ông làm quan Hàn lâm viện Biên tu. Sau theo phong trào Cần Vương, được vua Hàm Nghi phong Tán tương quân vụ, nhưng kẻ xấu hại và ông bị bắn chết trong đợt đi lấy lương thực. | 1 | null |
Volusianus (; ? – 253), là Hoàng đế La Mã từ năm 251 đến 253. Ông là con trai của Gaius Vibius Trebonianus Gallus với người vợ Afinia Gemina Baebiana. Ngoài ra Volusianus còn có thêm một người em gái nữa tên là Vibia Galla.
Sau khi Decius mất vào đầu tháng 6 năm 251 đã dẫn đến việc bầu chọn Trebonianus Gallus lên ngôi báu. Gallus còn nhận nuôi con của Decius là Hostilianus và lập ông làm đồng hoàng đế. Volusianus được phong làm "Caesar" và "Princeps Juventutis". Đến cuối năm 251 Hostilianus chết vì bệnh dịch hạch và Volusianus thay thế ông làm "Augustus" và đồng hoàng đế. Cả hai cha con về sau đều bị đám loạn quân giết chết vào năm 253 ở Interamna. | 1 | null |
Hostilianus (; khoảng 230 – 251) là Hoàng đế La Mã vào năm 251. Hostilianus được sinh ra tại Sirmium (nay là Sremska Mitrovica, Serbia) ở Illyricum vào khoảng năm 230 hoặc hơn nữa, là con trai của hoàng đế tương lai Decius với vợ là Herennia Cupressenia Etruscilla. Cậu còn là em trai của Hoàng đế Herennius Etruscus.
Sau khi cha kế thừa ngôi vị, Hostilianus nhận được sự đối đãi như một vị hoàng tử nhưng luôn ở vị trí thứ yếu dưới cái bóng của người anh Herennius, vốn được hưởng đặc ân của người con trưởng và sẽ kế vị trong tương lai. Vào đầu năm 251, Decius tấn phong Herennius làm đồng hoàng đế và Hostilianus nối giữ danh hiệu "Princeps Iuventutis" (tiểu hoàng tử). Decius và Herennius sau đó liền phát động chiến dịch thảo phạt vua Cniva của người Goth để trừng trị vị chúa rợ vì tội dám xâm phạm tuyến biên giới sông Danube. Hostilianus vẫn ở lại Roma do thiếu kinh nghiệm quân sự nên hoàng hậu Herennia phải đóng vai trò nhiếp chính.
Tuy nhiên chiến dịch này bị các sử gia coi là một thảm bại trong lịch sử quân sự Đế quốc La Mã, do cả hai cha con Hoàng đế Herennius và Decius đều chết trong trận Abrittus và trở thành hai vị hoàng đế đầu tiên bị quân ngoại tộc giết chết trong trận chiến. Quân đội La Mã trú đóng ở sông Donau liền tôn Trebonianus Gallus làm hoàng đế mới, nhưng Roma vẫn công nhận ngôi vị hợp pháp của Hostilianus. Do Trebonianus là một vị tướng có uy tín nên phần lớn đều lo ngại sẽ nổ ra một cuộc nội chiến khác để tranh giành quyền kế vị, mặc dù thực tế rằng ông đã tôn trọng ý muốn của Roma và quyết định nhận Hostilianus làm con nuôi. Nhưng đến cuối năm 251, nạn dịch hạch Cyprian đã bùng phát trong Đế quốc, gây tử vong trên quy mô lớn và vị hoàng đế trẻ tuổi Hostilianus yểu mệnh cũng tử vong trong đại dịch này. Cậu là vị hoàng đế đầu tiên trong 40 năm chết vì nguyên nhân tự nhiên và một trong số 13 người khác. Cái chết của Hostilianus đã mở đường cho sự cai trị của Hoàng đế Trebonianus và đứa con hoang của ông là Volusianus. | 1 | null |
Herennius Etruscus (; 227 – 251), là Hoàng đế La Mã vào năm 251 và là đồng hoàng đế với cha mình Decius. Ngoài ra hoàng đế Hostilianus chính là em trai của ông.
Herennius được sinh ra gần Sirmium ở Pannonia (nay là Sremska Mitrovica, Serbia) trong thời kỳ cha ông đang giữ nhiều trọng trách quân sự tại triều. Mẹ ông là Herennia Cupressenia Etruscilla, một phụ nữ xuất thân từ gia đình Nguyên lão nghị viên có vai vế trong triều. Herennius có quan hệ thân mật với cha mình và từng tháp tùng ông từ hồi còn làm bảo dân quan quân sự vào năm 248, rồi khi Decius được hoàng đế Marcus Julius Philippus bổ nhiệm làm tướng để đối phó với cuộc nổi dậy của Pacatianus ở phòng tuyến sông Danube. Decius đã thành công trong việc đánh bại kẻ tiếm ngôi này và cảm thấy tự tin để bắt đầu một cuộc nổi loạn của riêng mình vào năm sau. Được đám binh sĩ tôn phò làm hoàng đế, Decius tiến quân vào Ý và đánh bại Philip gần khu vực ngày nay là Verona. Trong khi đó tại Roma, Herennius chính thức tuyên bố thừa kế ngôi vị và tiếp nhận danh hiệu "Princeps Iuventutis" (tiểu hoàng tử).
Kể từ lúc Herennius lên ngôi, các bộ tộc người Goth đã tiến hành đột kích qua tuyến biên giới sông Donau và các tỉnh Moesia và Dacia. Vào đầu năm 251, Decius phong Herennius là "Augustus" và lập ông làm đồng hoàng đế. Ngoài ra, Herennius được chọn là một trong những chấp chính quan của năm. Hai cha con giờ đây đều đồng trị vì, sau đó lao vào một cuộc viễn chinh chống lại vua Cniva của người Goth để trừng phạt những kẻ xâm lược vì tội xâm phạm cương thổ của Đế quốc La Mã. Hostilianus thì để ở lại Roma và hoàng hậu Herennia Etruscilla đóng vai trò nhiếp chính. Cniva và quân của ông đã trở về vùng đất của họ với những chiến lợi phẩm thu được khi giao tranh với quân La Mã. Nhằm thể hiện một chiến thuật quân sự rất phức tạp, Cniva chia quân của ông thành nhiều toán nhỏ hơn và dễ quản lý hơn rồi bắt đầu đẩy lùi quân La Mã vào một cái đầm lầy chật hẹp. Đôi lúc trong hai tuần đầu tiên của tháng 6, quân đội hai bên đều tham chiến trong trận Abrittus. Kết quả là Herennius tử trận dưới làn mưa tên của quân thù. Decius thì may mắn sống sót sau cuộc đối đầu ban đầu và chỉ bị giết chết cùng đám tàn quân trước khi kết thúc một ngày. Herennius và Decius là hai vị hoàng đế đầu tiên tử trận khi giao chiến với quân ngoại tộc.
Với những tin tức về cái chết của các vị hoàng đế, quân đội liền suy tôn Trebonianus Gallus làm hoàng đế nhưng ở Roma thì Hostilianus lại được kế thừa ngôi vị hoàng đế hợp pháp từ cha và anh, rồi chính Hostilianus cũng chết ngay sau đó trong một đợt bùng phát bệnh dịch hạch. | 1 | null |
Irene thành Athena hay Irene người Athena () (752 – 803) là tên thường gọi của Irene Sarantapechaina (), là Nữ hoàng Đông La Mã đương vị từ năm 797 đến 802. Trước khi trở thành Nữ hoàng đương vị, Irene là Hoàng hậu từ năm 775 đến 780 và Hoàng thái hậu từ năm 780 đến 797. Đôi lúc bà thường tự gọi mình là "basileus" ("βασιλεύς") tức 'Hoàng đế'. Trong thực tế, bà thường gọi mình là "basilissa" ("βασίλισσα") tức 'Nữ hoàng', mặc dù có ba trường hợp cá biệt tước vị "basileus" được bà sử dụng.
Thiếu thời.
Irene sinh ra trong một gia đình quý tộc Hy Lạp ở Athena là gia tộc Sarantapechos. Dù bà là một đứa trẻ mồ côi nhưng lại có người chú Konstantinos Sarantapechos là một quý tộc và có thể giữ chức "strategos" (tướng quân) của một tỉnh tại Hy Lạp. Bà được Hoàng đế Konstantinos V đưa đến Constantinoplis vào ngày 1 tháng 11 năm 769 và kết hôn với con trai của ông là Leo IV vào ngày 17 tháng 12. Vào ngày 14 tháng 1 năm 771, Irene đã hạ sinh một đứa con trai sau này là Hoàng đế Konstantinos VI. Khi Konstantinos V mất vào tháng 9 năm 775, Leo mới 25 tuổi kế thừa ngôi vị.
Mặc dù Leo là một người bài trừ thánh tượng và cố theo đuổi một chính sách điều tiết đối với sự bài trừ thánh tượng, thế nhưng chính sách của ông ngày càng trở nên khắc nghiệt hơn vào tháng 8 năm 780, khi một số triều thần bị trừng phạt vì biểu lộ lòng tôn kính các tượng thánh. Theo truyền thuyết, một hôm ông chợt phát hiện ra các tượng thánh bị che giấu trong đống đồ của Irene và từ chối ngủ chung giường với bà sau đó. Tuy nhiên, khi Leo qua đời vào ngày 8 tháng 9 năm 780, Irene đóng vai trò nhiếp chính cho đứa con trai mới lên chín vương hiệu Konstantinos V.
Nắm quyền.
Irene đã gần như ngay lập tức phải đối mặt với một âm mưu mà bà nghe ngóng được là có một nhóm triều thần sẽ đưa Nikephoros, một người em cùng cha khác mẹ của Leo IV lên ngôi "Caesar". Để loại trừ khả năng thâu tóm quyền hành của nhóm mưu phản, bà đã lập tức buộc Nikephoros và đồng đảng phải thụ phong linh mục và ra lệnh cho họ quản lý Thánh lễ vào ngày Giáng Sinh.
Ngay từ năm 781, Irene bắt đầu tìm kiếm một mối quan hệ thân mật hơn với nhà Carolingia và Đức Giáo hoàng. Bà tiến hành đàm phán hôn lễ cho con trai bà với Rotrude, con gái của Charlemagne với người vợ thứ ba của ông Hildegard nhằm kết tình thông gia. Irene còn thận trọng gửi một viên quan tới dạy tiếng Hy Lạp cho công chúa người Frank. Rồi đột nhiên Irene đã tự hủy bỏ việc hứa hôn vào năm 787 để chống lại mong muốn của Konstantinos V.
Kế đến Irene phải khuất phục cuộc nổi loạn của Elpidius, viên trấn thủ đảo Sicilia có gia đình đã bị tra tấn và bỏ tù khi một hạm đội được phái đi đã thành công trong việc đánh bại người Sicilia. Elpidius trốn sang châu Phi, rồi từ đó đào thoát sang Ả Rập. Sau thành công của viên tướng quân dưới thời Konstantinos V là Michael Lachanodrakon, người đã đánh lui một cuộc tấn công của người Ả Rập trên tuyến biên giới phía Đông, một đội quân Ả Rập đông đảo dưới sự thống lĩnh của vua Harun al-Rashid đã tiến chiếm vùng Anatolia vào mùa hè năm 782. Viên tướng giữ thành Bucellarian Theme là Tatzates thấy khó chống cự nổi bèn đào thoát sang Ả Rập đã buộc Irene đồng ý thỏa thuận đình chiến ba năm đổi lại bà phải trả một khoản cống nạp hàng năm là 70.000 hoặc 90.000 dinar vàng cho người Ả rập, lại còn cấp cho họ 10.000 bộ quần áo bằng lụa và chuẩn bị chu cấp đầy đủ mọi trong thời gian họ rút quân.
Triều đại.
Vấn đề tôn giáo.
Hành động đáng chú ý nhất Irene là khôi phục lại tôn kính các tượng thánh Chính Thống giáo (hình ảnh của Chúa Kitô hay các Thánh). Rồi để bầu Tarasios, một trong những quý tộc của bà làm Thượng phụ vào năm 784, Irene đã cho triệu tập hai công đồng Giáo hội. Công đồng đầu tiên được tổ chức vào năm 786 ở Constantinoplis đã thất bại do sự phản đối của binh lính. Công đồng thứ hai được triệu tập tại Nicaea vào năm 787, chính thức phục hồi việc tôn kính các tượng thánh và thống nhất Giáo hội Chính Thống giáo Đông phương với Tòa Thánh La Mã. (Xem thêm Công đồng Ecumenical thứ bảy)
Trong khi việc này giúp cải thiện mối quan hệ với Giáo hoàng thì nó lại không ngăn chặn được sự bùng nổ của một cuộc chiến tranh với người Frank, lúc này đã cất quân đánh chiếm Istria và Benevento vào năm 788. Bất chấp vận rủi, những nỗ lực quân sự của Irene đã gặp một số thành công: năm 782 viên sủng thần của bà là Staurakios đã khuất phục được người Slav vùng Balkan và đặt nền tảng cho sự bành trướng của Đông La Mã và tái Hy Lạp hóa trong khu vực. Tuy nhiên, Irene vẫn hay bị người Ả Rập quấy phá và vào năm 782 và 798 đã phải chấp nhận các điều khoản của các vị Khalip Al-Mahdi và Harun al-Rashid.
Khuynh đảo triều chính.
Khi Konstantinos gần trưởng thành, ông bắt đầu dần dần trở nên không muốn cam chịu dưới sự thống trị độc đoán của mẹ mình. Để tự giải thoát chính mình, ông đã tiến hành binh biến nhưng không may bị Irene phát hiện và dẹp tan không mấy khó khăn, kể từ lúc đó nữ hoàng đã yêu cầu quân thần phải thề sẽ trung thành mỗi mình bà. Sự bất mãn nhân dịp này tăng lên vào năm 790 đã mở ra một cuộc chống đối và đám binh sĩ dẫn đầu bởi Armeniacs, chính thức tuyên bố Konstantinos VI là người cai trị duy nhất.
Mối quan hệ thân hữu có vẻ giả dối được duy trì giữa Konstantinos và Irene mà tước vị nữ hoàng đã được xác nhận vào năm 792, thế nhưng các phe phái đối thủ còn lại, với Irene do sự tác động của những mưu đồ khéo kéo với các giám mục và các triều thần, đã tổ chức một âm mưu hùng cường nhân danh nữ hoàng. Konstantinos chỉ có thể lẩn tránh để viện trợ cho các tỉnh nhưng ngay cả giới quý tộc cũng bày mưu tính kế vây quanh lấy ông. Không may ông bị đám người hầu thân cận bắt giữ trên bờ biển ở Bosphorus châu Á và đưa trở lại cung điện ở Constantinoplis. Nữ hoàng ra lệnh khoét mắt ông chảy máu và chết vài ngày sau đó. Hiện tượng nhật thực và bóng tối kéo dài 17 ngày sau đó được những người mê tín cho là do sự ghê tởm của trời đối với sự kiện này.
Dù đôi lúc có ý kiến cho rằng bà hành xử như một vị vua, hơn nữa Irene còn tự gọi mình là "basileus" (βασιλεύς), 'hoàng đế', chứ không phải là "basilissa" (βασίλισσα), 'nữ hoàng', trên thực tế chỉ có ba trường hợp mà bà sử dụng danh hiệu "basileus": hai tài liệu về pháp luật mà bà đã ký tên mình là "Hoàng đế người La Mã" và một đồng tiền vàng của bà được tìm thấy ở Sicilia mang danh hiệu "basileus". Trong mối quan hệ với các đồng tiền, dòng chữ có chất lượng kém và vì thế việc quy ra các đồng tiền này là của bà có vấn đề. Trên thực tế, bà đã sử dụng danh hiệu "basilissa" này trong tất cả các chiếu chỉ, văn thư, tiền xu và con dấu khác.
Di sản.
Irene ở ngôi được năm năm từ 797 đến 802. Giáo hoàng Leo III lúc này đang cần sự giúp đỡ chống lại kẻ thù chính trị ở Roma và là người chứng kiến ngôi vị Hoàng đế Đông La Mã gần như bỏ trống đã làm lễ đăng quang cho Charlemagne làm Hoàng đế La Mã vào năm 800. Điều này được xem như là một sự xúc phạm đến Đế quốc Đông La Mã. Tuy nhiên, Irene được cho là đã cố gắng thương lượng một cuộc hôn nhân giữa bà với Charlemagne nhưng theo chính Theophanes the Confessor cho biết, kế hoạch đã bị thất bại cũng do sự can thiệp của Aetios, một trong những sủng thần của nữ hoàng.
Năm 802, giới quý tộc tiến hành binh biến bắt giữ bà và đưa Nikephoros, trưởng quan tài chính ("logothetēs tou genikou") lên ngôi hoàng đế. Irene bị lưu đày đến đảo Lesbos và buộc phải tự xoay xở lấy. Do phải sống khổ cực cộng với sức khỏe suy nhược nên sang năm sau (803) thì bà qua đời.
Lòng nhiệt thành của Irene trong việc khôi phục sự thờ phụng tượng thánh và tu viện đã được Theodore the Confessor ca ngợi bà như một vị thánh của Giáo hội Chính Thống giáo Đông phương, nhưng bà vẫn không được phong thánh. Lời tuyên bố về việc phong thánh cho bà chủ yếu là từ các nguồn sử liệu của phương Tây. Lời tuyên bố như vậy cũng không có cơ sở từ quyển Menaion (cuốn sách về nghi thức tế lễ cung cấp những điều hợp lệ cho các thánh của Giáo hội Chính Thống giáo Đông phương), cuốn "Cuộc đời các Thánh" của nhà thần học Nikodemos the Hagiorite hoặc bất kỳ cuốn sách nào khác của Giáo hội Chính Thống giáo Đông phương.
Gia đình.
Qua cuộc hôn nhân với Hoàng đế Leo IV, Irene chỉ có một đứa con trai duy nhất là Konstantinos VI sẽ kế thừa ngôi vị sau này. Một người bà con của Irene là Theophano đã được Hoàng đế Nikephoros I chọn làm con dâu cho cậu con trai và người kế vị của mình là Staurakios vào năm 807. Một người họ hàng nữ khác không rõ tên được gia tộc gả cho Telerig, thủ lĩnh rợ Bulgar vào năm 776. Ngoài ra, Irene còn có một đứa cháu trai khác.
Liên kết ngoài.
Nguồn sơ cấp
Nguồn thứ cấp | 1 | null |
Đế quốc Trung Phi (tiếng Pháp: Empire centrafricain) (1976-1979) là một chế độ quân chủ chuyên chế tự phong trong thời gian ngắn (tự xưng như một "đế quốc") thay thế cho tên gọi Cộng hòa Trung Phi, chế độ này bị thay thế khi tái lập nền Cộng hòa. Đế quốc được thành lập khi tổng thống nước Cộng hòa Jean-Bédel Bokassa tự phong là Hoàng đế Bokassa I vào ngày 4 tháng 12 năm 1976. Về sau chế độ quân chủ bị bãi bỏ khi Bokassa bị cựu tổng thống David Dacko lật đổ với sự hỗ trợ của Pháp và quốc hiệu "Cộng hòa Trung Phi" được khôi phục vào ngày 21 tháng 9 năm 1979.
Thành lập.
Vào tháng 9 năm 1976, Bokassa giải tán chính phủ và thay thế bằng "Conseil de la Revolution Centrafricaine" ("Hội đồng Cách mạng Trung Phi"). Đến ngày 4 tháng 12 năm 1976 tại hội nghị Đảng MESAN, Bokassa cho soạn thảo một hiến pháp mới và tuyên bố nước cộng hòa là một chế độ quân chủ với tên gọi chính thức "Đế quốc Trung Phi". Sau đó ông ban hành hiến pháp đế quốc, tuyên bố cải đạo sang Công giáo La Mã và tự mình lên ngôi lấy đế hiệu "SMI Bokassa 1er ", S.M.I. nghĩa là "Sa Majesté Impériale" tức "Hoàng đế Bệ hạ" vào ngày 4 tháng 12 năm 1977. Tước vị đầy đủ của Bokassa là "Empereur de Centrafrique par la volonté du peuple Centrafricain, uni au sein du parti politique national, le MESAN" ("Hoàng đế Trung Phi từ ý nguyện của nhân dân Trung Phi, đoàn kết trong Đảng Chính trị Quốc gia, MESAN"). Bộ hoàng bào, nghi trượng tráng lệ và lễ đăng quang xa hoa cùng việc gầy dựng chế độ phần lớn đều lấy cảm hứng từ Napoleon I, người khi còn là Đệ nhất Tổng tài đã chuyển đổi nền Cộng hòa Cách mạng Pháp sang Đế chế thứ nhất. Lễ đăng quang của ông ước tính chi phí quốc gia ngốn khoảng 22 triệu USD, chiếm một phần tư ngân sách của chính phủ năm đó, và phần lớn do Pháp tài trợ.
Mặc dù Bokassa tuyên bố với thế giới rằng đế quốc mới sẽ mang hình thức quân chủ lập hiến, trên thực tế quốc gia này vẫn duy trì chế độ độc tài quân sự. Hoàng đế Bokassa giữ lại quyền hạn độc tài của mình từ hồi còn làm tổng thống. Những vụ đàn áp bất đồng chính kiến vẫn còn khá phổ biến. Tra tấn được cho là đặc biệt tràn lan, với cáo buộc rằng thậm chí ngay cả chính Bokassa thỉnh thoảng còn tham gia đánh đập những người biểu tình và chống đối chế độ của ông.
Đàn áp.
Cho đến tháng 1 năm 1979, Pháp đã hỗ trợ tất cả những gì có cho Bokassa nhưng điều này bị xói mòn sau cuộc bạo loạn ở thủ đô Bangui dẫn đến một cuộc thảm sát dân thường. Từ ngày 17 tháng 4 đến ngày 19 tháng 4, một trăm học sinh trung học đã bị giết chết sau khi họ từ chối mua bộ đồng phục đắt tiền có mang hình ảnh của hoàng đế Bokassa I. Bokassa bị cáo buộc tham gia vào vụ thảm sát, đánh đập một số trẻ em đến chết bằng cây gậy của mình. Tuy nhiên, các báo cáo ban đầu được Tổ chức Ân xá Quốc tế tiếp nhận cho thấy các học sinh trung học bị bắt giữ và đem nhốt vào một xà lim nhỏ rồi bị bóp nghẹt hoặc bị đánh đập dã man cho đến chết.
Giới truyền thông từ sau cái chết của các học sinh đã mở đường cho một cuộc đảo chính thành công này dưới sự tiếp tay của Pháp (trong chiến dịch Barracuda) đưa David Dacko khôi phục lại quyền hành trong khi Bokassa đang trốn tới Libya vào ngày 20 tháng 9 năm 1979.
Bị lật đổ.
Chiến dịch Barracuda.
Kế hoạch lật đổ Bokassa của chính phủ Pháp còn gọi là "Cuộc viễn chinh thuộc địa cuối cùng của Pháp" ("la dernière expédition Coloniale française") do nhà ngoại giao kỳ cựu của Pháp là ông Jacques Foccart thực hiện với tên gọi "Chiến dịch Barracuda". Chiến dịch bắt đầu vào đêm ngày 20 tháng 9 và kết thúc vào sáng sớm hôm sau. Một đội biệt kích bí mật từ Cục tình báo Pháp SDECE (giờ là DGSE), cùng với Trung đoàn Nhảy dù Thủy quân lục chiến số 1 của Lực lượng đặc biệt Pháp hoặc 1er RPIMa dưới sự chỉ huy của Đại tá Brancion-Rouge, đổ bộ từ vận tải cơ Transall và tìm cách chiếm sân bay Mpoko ở Bangui. Khi có sự xuất hiện của hai máy bay vận tải, một thông báo đã được gửi đến Đại tá Degenne cùng với phi đội "Barracuda" của mình (mật danh cho tám trực thăng Puma và máy bay vận tải Transall) cất cánh từ sân bay quân sự N'Djamena ở nước láng giềng Chad chuẩn bị tiến hành cuộc đảo chính.
Đế quốc sụp đổ.
Vào 12:30 ngày 21 tháng 9 năm 1979, cựu tổng thống thân Pháp David Dacko đã tuyên bố sự sụp đổ của Đế quốc Trung Phi. David Dacko vẫn giữ chức tổng thống cho đến khi ông bị André Kolingba lật đổ vào ngày 1 tháng 9 năm 1981. | 1 | null |
Philipphê Nguyễn Kim Điền (13 tháng 3 năm 1921 – 8 tháng 6 năm 1988) là một giám mục của Giáo hội Công giáo Rôma tại Việt Nam. Ông nguyên là Giám mục chính tòa Tiên khởi Giáo phận Cần Thơ và nguyên Tổng giám mục đô thành Tổng Giáo phận Huế. Khẩu hiệu Giám mục của ông là "Nên mọi sự cho mọi người". Ông là giám mục duy nhất trên thế giới xuất thân từ dòng Tiểu Đệ.
Tổng giám mục Nguyễn Kim Điền sinh ra tại Trà Vinh và lớn lên tại Sài Gòn. Sau khi trở thành linh mục một khoảng thời gian ngắn, ông trở thành giám đốc chủng viện tại Sài Gòn nhưng quyết định từ bỏ để gia nhập dòng Tiểu Đệ, lấy đời sống khó nghèo làm mục tiêu. Trong thời gian là linh mục dòng Tiểu Đệ, ông lao động, mưu sinh bằng các công việc như khuân vác, đạp xích lô đồng thời thực hiện công việc truyền giáo. Năm 1960, linh mục Điền được chọn làm Giám mục Cần Thơ rồi thăng Tổng giám mục, Giám quản Tông Tòa Tổng giáo phận Huế vào năm 1964 trước khi chính thức trở thành Tổng giám mục đô thành Huế bốn năm sau đó.
Tổng giám mục Điền có cách xử lí tế nhị với chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, ông quyết định phân tách Giáo hội khỏi sự ảnh hưởng của chính quyền. Sau chiến tranh Việt Nam, ông nhiều lần lên tiếng bàn luận về các quyền tự do, không những trong tôn giáo và còn về nhiều vấn đề khác. Chính quyền mới đánh giá tổng giám mục Điền là gián điệp của thế lực ngoại bang cài cắm tại Việt Nam, "phần tử chống Cộng quyết liệt". Phía Công giáo, giáo hoàng Gioan Phaolô II gọi ông là "vị tổng giám mục anh dũng", báo chí Tây phương gọi ông là "giám mục kiên cường".
Nguyễn Kim Điền qua đời ngày 8 tháng 6 năm 1988 tại bệnh viện Chợ Rẫy, Thành phố Hồ Chí Minh. Cái chết đột ngột của giám mục Điền khiến nhiều nguồn tin cho rằng ông đã bị đầu độc. Hiện nay, hàng ngày vẫn có giáo dân đến viếng, cầu nguyện trước mộ phần cố tổng giám mục Điền. Đối với đa số giáo dân Huế, ông là một vị thánh tử đạo.
Tổng giám mục Nguyễn Kim Điền cũng chính là tác giả bản dịch tiếng Việt của "Kinh Hòa Bình", sau này được linh mục nhạc sĩ Kim Long phổ nhạc năm 1960. Ngoài việc quản lý các giáo phận, ông từng đảm trách Caritas Việt Nam (1968 – 1972) và Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Miền Nam Việt Nam. Sau khi Việt Nam thống nhất, ông đảm nhận vai trò phó chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam trong 3 nhiệm kỳ đầu tiên, từ năm 1980 đến năm 1989.
Thân thế và những năm đầu tu nghiệp.
Tổng giám mục Nguyễn Kim Điền sinh ngày 13 tháng 3 năm 1921 tại xã Long Đức, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh, thuộc Giáo phận Vĩnh Long (một số tài liệu ghi nhận nơi sinh của ông là Gia Định). Thân sinh ông là một viên chức trong hội đồng giáo xứ. Nguyễn Kim Điền là người con thứ 4 trong tổng số 7 người con trong gia đình. Trong các anh chị em, ông còn có một người em gái đi theo con đường tu trì là nữ tu Nguyễn Thị Thủy.
Năm 1928, gia đình Nguyễn Kim Điền quyết định chuyển đến sinh sống ở Gia Định. Sau khi gia đình chuyển đến Gia Định, cậu bé Nguyễn Kim Điền được cho nhập học ở tu chủng viện Sài Gòn hai năm sau đó. Một số tài liệu khác cho rằng cậu chính thức tu học tại Tiểu chủng viện Sài Gòn năm 1933, sau đó tiếp tục con đường tu học bằng việc học tại Đại chủng viện Sài Gòn kể từ năm 1940.
Thời kỳ linh mục.
Sau quá trình tu học dài hạn tại chủng viện, phó tế Nguyễn Kim Điền tiến đến việc được truyền chức linh mục vào ngày 21 tháng 9 năm 1947. Lễ truyền chức này ngoài linh mục Điền còn có 6 tân linh mục khác. Sau khi được truyền chức, vị linh mục trẻ tuổi được giám mục Đại diện Tông Tòa Sài Gòn Jean Cassaigne Sanh bổ nhiệm đảm trách vai trò giáo sư chủng viện Sài Gòn. Chưa đầy hai năm sau khi được truyền chức linh mục, năm 1949, linh mục Nguyễn Kim Điền đã được trao trọng trách Giám đốc chủng viện. Ông được đánh giá là một linh mục đạo đức và trí thức. Khoảng thời gian này, ông cùng với một số linh mục giáo sư chủng viện, trong đó có linh mục Phaolô Nguyễn Văn Bình sáng lập tờ báo nguyệt san mang tên Tông Đồ. Một khoảng thời gian ngắn trong năm 1951, ông trở về phụ giúp linh mục Phêrô Khánh tại Cầu Kho trước khi trở về giảng dạy tại chủng viện. Nói về quyết định từ bỏ chức Giám đốc Chủng viện, Nguyễn Kim Điền cho biết ông mong muốn phục vụ người nghèo và chia sẻ khó khăn với những người này.
Năm 1955, với ý định hỗ trợ những người khó nghèo, linh mục Nguyễn Kim Điền quyết định gia nhập "Dòng Tiểu Đệ Phúc Âm" do linh mục Charles de Foucault thành lập. Để gia nhập dòng, linh mục Điền được đưa đi làm tập sinh tại sa mạc Sahara. Sau thời gian tu luyện tại hai địa điểm là El-Abiodh (Sahara) và Saint Maximin, ngày 12 tháng 11 năm 1956, ông chính thức được nhận vào dòng, với nghi thức nhận áo dòng trước mặt giám mục De Provenchère, linh mục Voillaume và một số các nữ tu dòng Tiểu Muội. Tính đến năm 2016, ông là một trong 12 thành viên của Dòng Tiểu Đệ Chúa Giêsu, tên gọi khác là dòng Tiểu Đệ, Bằng việc được nhập dòng, linh mục Nguyễn Kim Điền là người Việt Nam đầu tiên chọn tu dòng Tiểu Đệ và cũng là người đầu tiên của dòng trở thành giám mục.
Năm 1957, linh mục Nguyễn Kim Điền trở về Việt Nam và quyết định sống ẩn dật theo khuynh hướng dòng Tiểu Đệ. Ông sống cùng với các thành viên dòng khác ở Bàn Cờ, sống bằng nghề đạp xe xích lô, có khi lại sống quanh khu vực chợ Cầu Muối, làm công việc khuân vác ở bến tàu. Ngoài ra, ông còn dành thời gian đến Kata giúp người dân tộc Thượng ở Di Linh. Trong khoảng thời gian sinh sống tại Sài Gòn, lòng đạo đức của linh mục Nguyễn Kim Điền và đời sống khó nghèo của ông được nhiều người biết đến. Nhiều dòng tu, chủng viện mời linh mục Nguyễn Kim Điền hỗ trợ công tác giảng phòng, một trong số đó là giảng tĩnh tâm cho linh mục đoàn Hạt Đại diện Tông Tòa Sài Gòn.
Ngày 7 tháng 2 năm 1957, linh mục Điền cùng 3 tu sĩ khác được đưa đến khu đất Tòa giám mục Cần Thơ tại Bình Thủy, Cần Thơ, nơi có một căn nhà trống và không có cửa. Họ dựng tạm một bàn thờ, thuê đất để trồng trọt và xây dựng "Nhà Huynh Đệ" trong khoảng thời gian một tuần. Mục đích dựng căn nhà này là dùng để hướng dẫn các thành viên mới có ý định gia nhập dòng Tiểu Đệ. Căn nhà của các tu sĩ này thực tế là một chòi lá tồi tàn, lụp xụp và có khe hở dưới sàn, mái thấp và rất nóng nực. Giám mục Giáo phận Cần Thơ Phaolô Nguyễn Văn Bình cũng tham gia việc xây dựng căn nhà lá này bằng việc góp sức mình để kéo lá. Ngoài các công việc kể trên, linh mục Nguyễn Kim Điền cũng từng làm một số công việc khác như làm thợ mộc, thợ hồ, nhân viên dọn dẹp đường phố...
Cuối thập niên 1950, linh mục Nguyễn Kim Điền dành thời gian để nói chuyện với một nhóm người trẻ độc thân hành nghề bác sĩ, luật sư... về các chủ đề khác nhau. Ông tránh nhận mình là một linh mục để các buổi nói chuyện thêm phần cởi mở. Trong các chủ đề khi bàn luận, linh mục Điền thường hạn chế nói về chính trị và thường góp chuyện ở mảng văn hóa xã hội. Nguyễn Kim Điền cũng không bình luận gì khi nhóm những người độc thân này bàn luận về , trong đó có bàn đến Ngô Đình Nhu (cố vấn chính trị Việt Nam Cộng hòa), Ngô Đình Diệm (lúc đó là Tổng thống Việt Nam Cộng hòa) và giám mục Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục. Các buổi nói chuyện cùng nhóm bạn này được Nguyễn Kim Điền duy trì đến cuối năm 1960. Ông thừa nhận mình có chung chí hướng cải thiện đời sống cho người dân miền Nam, tương đồng với chí hướng của các thành viên trong nhóm bạn trẻ này.
Thời kỳ làm linh mục, Nguyễn Kim Điền tham gia kể chuyện trong các buổi chiếu phim câm sau các buỗi lễ chiều thứ bảy. Các phim do ông lồng tiếng có nội dung đa dạng: phim về các thánh Công giáo, phim hài Charlot, phim Tin tin et Milou. Ông cũng đi cùng các tu sĩ thuộc nhóm Truyền giáo di chuyển bằng ghe, bằng xuống đến các họ đạo ở vùng xa hoặc vùng chến sự. Thời kỳ từ năm 1954 đến năm 1960, tình hình chiến tranh cơ bản ổn định hơn, nhóm giáo sĩ này dễ dàng hoạt động tại vùng nông thôn. Cũng trong khoảng thời gian làm linh mục, Nguyễn Kim Điền dịch bản "Kinh Hòa Bình", sau đó đưa cho người thanh niên trẻ tuổi Kim Long (sau trở thành linh mục) viết nên bài hát "Kinh Hòa Bình".
Giám mục Giáo phận Cần Thơ.
Ngày 24 tháng 11 năm 1960, Giáo hoàng Gioan XXIII ban hành Tông Hiến Venerabilium Nostrotrum thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam. Từ đây, Giáo hội Công giáo Việt Nam gồm ba Giáo tỉnh: Giáo tỉnh Hà Nội, Giáo tỉnh Huế và Giáo tỉnh Sài Gòn. Việc chia tách giáo phận Long Xuyên làm cho địa giới của giáo phận Cần Thơ trở nên nhỏ lại so với thời kỳ còn là Địa phận. Cùng với Long Xuyên, Tòa Thánh cũng thành lập các giáo phận mới khác là giáo phận Mỹ Tho và giáo phận Đà Lạt.
Trong cùng ngày, Tòa Thánh báo tin giáo hoàng quyết định chọn linh mục Philípphê Nguyễn Kim Điền làm Giám mục chính tòa Tiên khởi của Giáo phận Cần Thơ thay thế vị giám mục cũ tại đây là Phaolô Nguyễn Văn Bình được chọn làm Tổng giám mục đô thành Tổng giáo phận Sài Gòn. Việc đề cử linh mục Nguyễn Kim Điền lên chức giám mục do chính giám mục Bình đề cử. Linh mục Nguyễn Kim Điền nhận được điện thư báo tin được chọn làm giám mục khi đang đánh bắt cá ven sông. Trong bút kí đề ngày 8 tháng 12 năm 1960, giám mục tân cử Nguyễn Kim Điền viết:"Hôm nay tôi báo cho anh chị em biết một tin buồn: tôi được chọn làm giám mục Cần Thơ thế Đức Cha Bình trở thành Tổng giám mục Sàigòn, vì Hội đồng Giám mục được thiết lập tại Việt Nam... Một Tiểu Đệ được chọn làm giám mục. Chân thành mà nói tôi khổ tâm và không thể hiểu nổi. Đại diện giáo quyền nói rằng tôi không thể khước từ. Tôi xin chấp nhận sứ mệnh này như lời mời đón nhận Thánh Giá..." Trong dịp này, một nhà báo hỏi Nguyễn Kim Điền rằng ông có bằng cấp ra sao để có thể được chọn làm giám mục, tân giám mục vui vẻ trả lời rằng ông có "bằng xích lô đạp".
Lễ tấn phong giám mục cho tân giám mục Nguyễn Kim Điền được tổ chức tại địa điểm vườn hoa cuối Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, với mặt tiền khán đài hướng ra đường Tự Do vào ngày 22 tháng 1 năm 1961, cùng với 3 tân giám mục khác. Chủ phong trong nghi thức truyền chức giám mục là Tổng giám mục Tổng giáo phận Huế Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục và hai vị phụ phong là giám mục Jean Cassaigne Sanh, M.E.P., nguyên Đại diện Tông Tòa Hạt Đại diện Tông Tòa Sài Gòn và giám mục Tađêô Lê Hữu Từ, nguyên Đại diện Tông Tòa Hạt Đại diện Tông Tòa Phát Diệm. Philípphê Nguyễn Kim Điền là một trong những người trẻ tuổi nhất của Giáo hội Công giáo Việt Nam được tấn phong giám mục, lúc đó ông 40 tuổi.
Sau khi được tấn phong tại Sài Gòn, tân giám mục Nguyễn Kim Điền đã cử hành các nghi thức nhận giáo phận Cần Thơ vào ngày 3 tháng 4 năm 1961. Thời kỳ làm giám mục Cần Thơ, ông đã thay đổi về nhiều mặt của giáo phận này. Về mặt cơ sở, ông quyết định cho di dời cơ sở Tiểu chủng viện Á thánh Quý từ Khánh Hưng về Cái Răng vào giữa tháng 12 năm 1961 và định chỗ trên mảnh đất vị tiền nhiệm Phaolô Nguyễn Văn Bình đã mua trước đó. Ngoài ra, giám mục Điền cho xây dựng công trình nhà hưu dưỡng linh mục giáo phận. Quan tâm đến các dòng tu, tháng 3 năm 1960, 3 tu sĩ dòng Tiểu Đệ từ Bình Thủy về Xóm Chài, đối diện Nhà thờ chính tòa Cần Thơ. Riêng về dòng các nữ tu do giám mục Bình thành lập, giám mục Điền đặt tên cho dòng này là Dòng Mến Thánh giá Khánh Hưng, là dòng thuộc quyền giáo phận Cần Thơ. Nhằm huấn luyện các nữ tu của dòng mới, ông mời các nữ tu dòng Mến Thánh giá Đà Lạt và Hà Nội trợ giúp. Ông cũng thiếp lập dòng ba Phanxicô tại Nhà thờ chính tòa cũng như Giáo xứ Đại Hải.
Về vấn đề tôn giáo, giám mục Nguyễn Kim Điền cho lập Nhà Tu sĩ truyền giáo tại Cái Khế, đồng sáng lập "Đệ tử viện truyền giáo" cùng giám mục Giuse Trần Văn Thiện (giáo phận Mỹ Tho), đồng thời thiết lập nhiều họ đạo tại Cần Thơ và các vùng phụ cận. Nhằm thay thế linh mục Antôn Nguyễn Văn Thiện, nguyên Tổng đại diện được cử làm giám mục, ông bổ nhiệm linh mục Cyprianô Nguyễn Thạnh Mậu làm tân Tổng đại diện. Giám mục Nguyễn Kim Điền đến Thành phố Sài Gòn để tìm kiếm và thuyết phục các linh mục và tu sĩ di cư từ miền Bắc gia nhập giáo phận Cần Thơ. Giám mục Điền thu được kết quả một phần vì khả năng thuyết giảng, thuyết minh phim đã làm ấn tượng các giáo sĩ. Tổng cộng có hơn 20 linh mục quyết định gia nhập giáo phận Cần Thơ. Cuối tháng 5 năm 1961, ông phong chức linh mục cho 4 phó tế đầu tiên của Giáo phận Cần Thơ. Là một giám mục Công giáo có tư duy tách khỏi sự ảnh hưởng của chính quyền Ngô Đình Diệm, khi đi thăm mục vụ, Nguyễn Kim Điền từ chối sự bảo vệ của xe quân sự, thường tự lái xe 2 CV hoặc đi cùng vị thư ký. Việc này được ghi nhận trên tờ báo Informations Catholiques Internationales số ngày 15 tháng 3 năm 1963.
Giám mục Nguyễn Kim Điền cũng là một nghị phụ tham dự đầy đủ 4 giai đoạn của Công đồng Vatican II diễn ra từ năm 1962 đến năm 1965. Ông là một trong 17 vị giám mục Công giáo Việt Nam tham gia Công đồng này. Từ năm 1964, từ khi Tòa Thánh thuyên chuyển giám mục Điền đến Tổng giáo phận Huế làm Giám quản Tông Tòa thì linh mục Tổng đại diện Cyprianô Nguyễn Thạnh Mậu được trao quyền điều hành, quản lý giáo phận Cần Thơ.
Giám quản Tông Tòa Tổng giáo phận Huế.
Ngày 30 tháng 9 năm 1964, Tòa Thánh quyết định bổ nhiệm Giám mục Philípphê Nguyễn Kim Điền giữ chức Giám quản Tông Tòa Tổng giáo phận Huế, thăng hàm Tổng giám mục, với danh nghĩa Giám mục Hiệu tòa Pario (Parium). Quyết định này chính thức công bố ngày 11 tháng 11. Trước đó, tờ Catholic Standard and Times đã công bố tin bổ nhiệm này trong số ra ngày 17 tháng 1 năm 1964. Giám mục Điền tiếp tục giữ chức vụ Giám mục chính tòa Giáo phận Cần Thơ trong thời kỳ này. Một số nguồn dẫn khác ghi nhận nhầm rằng giám mục Điền được bổ nhiệm làm Tổng giám mục phó Tổng giáo phận Huế. Mới đến Huế, tổng giám mục Điền quyết định đi thăm các xứ tân tòng ở những nơi hẻo lánh, thường tự mình đi xe máy đến các giáo xứ không quá xa xôi, nội thành thành phố Huế. Những chuyến thăm mục vụ này đều không được thông báo trước và Nguyễn Kim Điền thường trực tiếp đi thăm các gia đình giáo dân, việc này làm cho họ phấn khởi. Về phương tiện di chuyển, Nguyễn Kim Điền tránh sử dụng phương tiện giao thông của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Một trong những việc quan trọng trong năm 1964 là Tổng giám mục Nguyễn Kim Điền cho tổ chức Đại hội La Vang vào giữa tháng 5 năm 1964.
Ngày 1 tháng 11 năm 1963, cuộc đảo chính nổ ra, chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ, tổng giám mục Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục (anh trai của Ngô Đình Diệm) đang đảm nhận chức vụ Tổng giám mục đô thành Tổng giáo phận Huế đang tham dự Công đồng Vatican II không thể trở về Việt Nam. Sau đảo chính, thiếu tướng Tôn Thất Xứng được bổ nhiệm giữ chức Tư lệnh Vùng I kiêm Đại biểu Chính phủ Việt Nam Cộng hòa tại Trung Nguyên Trung Phần. Tướng Xứng gửi văn thư đến Tòa Tổng giám mục Huế, yêu cầu giám mục Nguyễn Kim Điền bàn giao cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa tài sản của tổng giám mục Ngô Đình Thục. Để trả lời vấn đề này, tổng giám mục Nguyễn Kim Điền có thư hồi đáp, trong đó nêu lên vấn đề các tài sản như nhà cửa, xe, các tài sản khác ông đang quản lý với tư cách là tài sản của Giáo hội Công giáo và khẳng định không phải là tài sản của ông Thục. Vị giám quản Huế cho rằng nếu tướng Tôn Thất Xứng muốn tịch thu các tài sản trên thì cần điều quân đội cùng khí giới để đến lấy. Đồng thời lá thư phản hồi này cũng được tổng giám mục Điền gửi đến Bộ Nội vụ Việt Nam Cộng hòa tại Sài Gòn. Vụ việc chấm dứt, ông Tôn Thất Xứng quyết định không xúc tiến việc tịch thu tài sản.
Năm 1964, các tỉnh miền Trung phải trải qua nhiều đợt bão, lũ. Tổng giám mục Nguyễn Kim Điền quyết định tặng dây chuyền vàng đã được tặng tại Tây Đức để bán ủng hộ tiền trợ giúp lũ lụt. Dây này sau đó được đem gây quỹ để tổ chức xổ số trúng thưởng và đạt mức quyên góp 200.000 đồng. Linh mục trúng giải quyết định gửi tặng lại tổng giám mục Điền. Ngày 7 tháng 12 năm 1965, ông tham dự lễ bế mạc Công đồng Vaticanô II cùng 8 giám mục đang quản nhiệm các giáo phận tại Việt Nam, trong đó có 6 giám mục người Việt.
Năm 1967, giám mục Điền bổ nhiệm linh mục Emmanuel Nguyễn Vinh Gioang làm Thư ký và linh mục Gioang đảm trách vai trò này đến năm 1972. Cũng trong năm này, nhân dịp tham dự hội nghị Caritas Internationalis tổ chức tại Rôma, trả lời câu hỏi của một nhà báo người Ý để tìm hiểu quan điểm của giám mục Nguyễn Kim Điền đối với những người cộng sản Việt Nam, ông trả lời: "Là giám mục Công giáo, tôi không theo chủ nghĩa cộng sản, nhưng tôi coi những người cộng sản Việt Nam như anh em tôi". Chính vì câu trả lời này, dư luận đánh giá giám mục Điền là một giám mục "đỏ".
Tổng giám mục đô thành Tổng giáo phận Huế.
Trước khi kết thúc chiến tranh Việt Nam.
Tháng 2 năm 1968, Tổng giám mục Nguyễn Kim Điền thoát chết khi ông và hàng ngàn người tị nạn đang tập trung tại Tiểu chủng viện Huế thì một quả hỏa tiễn do quân đội Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa bắn vào căn phòng văn cạnh, tạo một lỗ thủng lớn tại căn phòng này. Ngày 17 tháng 2 năm 1968, Tổng giám mục Huế Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục từ nhiệm. Gần một tháng sau đó, ngày 11 tháng 3, giám mục giám quản Nguyễn Kim Điền được bổ nhiệm làm Tổng giám mục đô thành Tổng giáo phận Huế. Tin này được công bố rộng rãi vào ngày 30 tháng 3. Việc giám mục Ngô Đình Thục rời khỏi vai trò Tổng giám mục Huế cũng được cho biết chi tiết rằng chính quyền Việt Nam Cộng hòa không chấp nhận và không cấp hộ chiếu cho ông Thục. Cũng trong năm này, tổng giám mục Nguyễn Kim Điền bắt đầu quản lý Caritas Việt Nam. Ông giữ chức vụ này cho đến năm 1972.
Trong biến cố Tết Mậu Thân, đoàn các giám mục Việt Nam do Tổng giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình đến thăm thành phố Huế, cùng đi có giám mục Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi. Máy bay trực thăng đáp vào sân bóng trước mặt dòng Chúa Cứu Thế Huế. Tại đây, tổng giám mục Nguyễn Kim Điền đón tiếp đoàn, đồng thời có rất đông đảo nạn nhân chiến tranh tại địa điểm này. Tổng giám mục Bình thay mặt phái đoàn các giám mục an ủi họ. Hình ảnh tang tóc sau trận chiến Mậu Thân làm giám mục Điền cảm thấy đau xót. Giáo xứ chính tòa Phủ Cam cũng trở thành một nơi đầy tang tóc. Tại đây, hơn 300 người đã bị bắt đi và bị giết tại khe Đá Mài, quận Nam Hòa, tỉnh Thừa Thiên. Ngày 23 tháng 3, Khâm sứ Tòa Thánh tại Việt Nam Angelo Palmas đáp chuyến bay từ Sài Gòn đến Huế. Ông đã có cuộc gặp với tổng giám mục Nguyễn Kim Điền. Trước cuộc gặp này, khâm sứ Palmas đã gửi phần cứu trợ từ Giáo hoàng Phaolô VI cho tổng giám mục Điền. Khâm sứ Tòa Thánh cùng vị giám quản Huế đã đến thăm một số trung tâm tị nạn, nơi hàng ngàn gia đình đang tạm trú rất đông đúc. Biến cố này đã làm Tổng giáo phận Huế thiệt hại nặng về vật chất cũng như tinh thần.
Khoảng tháng 10 năm 1969, tổng giám mục Nguyễn Kim Điền trở về Việt Nam sau chuyến đi đến Rôma. Ông được biết tin chính quyền tìm được xác hàng trăm nạn nhân chỉ còn dưới dạng xương khô tại Khe Đá Mài. Những hình ảnh này được công bố rộng rãi. Khi vừa đặt chân về Sài Gòn, một dân biểu Việt Nam Cộng hòa phát biểu với báo chí về việc người này cho rằng ông Nguyễn Kim Điền tranh chấp các thi hài vừa được tìm thấy. Vụ việc dần trở nên phức tạp vì có nhiều tổ chức tôn giáo, chính trị bất đồng về địa điểm an táng các nạn nhân. Tuy vậy cuối cùng họ thống nhất chọn an táng các nạn nhân tại chân núi Ba Tầng, gần núi Ngự Bình, phía sau lưng làng Phủ Cam. Dân biểu Nguyễn Lý Tưởng đưa tin cho báo chí xác nhận rằng Tổng giám mục Nguyễn Kim Điền, trong thời gian xảy ra tranh chấp trên, đang ở ngoại quốc và không biết việc gì về vụ việc này. Khi về đến Huế, Nguyễn Kim Điền đến nhà thờ chính tòa Phủ Cam dâng lễ cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình của họ. Trong dịp này, ông cũng tuyên bố Công giáo không liên quan gì đến cuộc tranh chấp nói trên.
Tổng giám mục Nguyễn Kim Điền tổ chức Hội nghị Giám mục Giáo tỉnh Huế, kéo dài trong hai ngày 23 và 24 tháng 4 năm 1970. Chủ đề và nội dung Hội nghị là bàn luận về việc đào tạo linh mục, giáo dục chủng sinh, truyền giáo trong thời đại mới, đời sống Kitô hữu, công lý và hòa bình. Trong chiến dịch Mùa hè đỏ lửa năm 1972, các cơ sở tôn giáo của Tổng giáo phận nằm trên địa bàn tỉnh Quảng Trị bị thiệt hại nặng nề, gần như trở thành bình địa.
Ngày 6 tháng 1 năm 1971, trong phiên họp thường niên của Hội đồng Giám mục Việt Nam, các giám mục quyết định thiết lập thành lập Hội Thừa sai Việt Nam. Hội mới này được trao cho Tổng giám mục Nguyễn Kim Điền đảm nhận vai trò Tổng Đặc trách Hội Thừa sai Việt Nam. Ông giữ chức vụ này đến năm 1975. Nhắc nhớ đến vài kỷ niệm về tổng giám mục Nguyễn Kim Điền, linh mục Ngô Văn Trọng, người cùng cộng tác và hỗ trợ cố tổng giám mục trong giai đoạn 1967 đến năm 1970 cho biết tổng giám mục Điền là một người sống đơn sơ và sống với các nguyên tắc: đúng giờ, đúng ngày và nói được làm được. Linh mục Trọng cho biết thêm rằng tổng giám mục Nguyễn Kim Điền thường đi bộ một mình với mục đích đọc kinh, lần hạt Mân Côi và đôi khi mời một linh mục đi cùng để trò chuyện.
Sau khi hiệp định Paris được ký kết ngày 27 tháng 1 năm 1973, phong trào Sùng Kính Đức Mẹ (Đạo Binh Xanh) tổ chức rước tượng Đức Mẹ Fatima đến Việt Nam để cầu nguyện cho hòa bình. Tượng này được chuyển từ Sài Gòn ra Huế và chuyển ngược vào các giáo phận phía Nam. Máy bay chuyển tượng đến Huế được tổng giám mục Nguyễn Kim Điền đón tại phi trường và cho rước bằng đường bộ đến La Vang. Lý do tổng giám mục Điền sử dụng đường bộ là vì ông không đồng ý sử dụng máy bay trực thăng là phương tiện của chính quyền Việt Nam Cộng hòa.
Năm 1973, trong bài giảng tại Vương cung thánh đường Đức Mẹ La Vang trong tình trạng đổ nát, tổng giám mục Nguyễn Kim Điền đã lên án các phe phái chính trị của Việt Nam, cả chính quyền Sài Gòn lẫn những người Cộng sản về các hành vi tham nhũng, thối nát, xã hội nghèo đói, chậm tiến, bất công. Bài giảng của ông được phổ biến rộng rãi tại Thành phố Sài Gòn. Những tư tưởng này được ông nhắc lại tại cuộc họp của Liên Hội đồng Giám mục Á Châu và quan điểm này đã được chú ý. Nhân dịp gặp lại người bạn cũ Trần Đông Phong tại Tòa giám mục Huế, tổng giám mục Nguyễn Kim Điền hỏi người này liệu chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có đưa quân vào phía Nam vĩ tuyến 17 hay không. Ông Phong phân tích các khó khăn về tôn giáo và ví dụ về tôn giáo thông qua các vụ việc về hai hồng y Stephan Wyszynski và Joseph Mindszenty. Sau khi được phân tích, Nguyễn Kim Điền khẳng định trong trường hợp quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiến vào thành phố Huế, ông sẽ ở lại thành phố để hướng dẫn giáo dân.
Trong một buổi cầu nguyện chung tại thánh địa Công giáo La Vang vào ngày 1 tháng 2 năm 1974, tổng giám mục Nguyễn Kim Điền cầu nguyện cho những người không bao giờ muốn rời bỏ vị trí và mong họ nghĩ nhiều hơn cho đất nước, cho người dân và phát biểu rằng Đức Mẹ La Vang đã đến gặp những người đang tước quyền lợi xã hội của người dân. Đây là một trong những lời chỉ trích công khai, một điểm bất thường đối với giám mục Công giáo được ghi nhận bởi thượng nghị sĩ Việt Nam Cộng hòa Bùi Văn Giải. Năm 1974, Tổng giám mục Nguyễn Kim Điền tham dự Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới lần thứ III tại Rôma với chủ đề Truyền giáo trong Thế giới Hiện đại, kéo dài từ ngày 27 tháng 9 đến ngày 26 tháng 10 năm 1974. Ông là một trong hai đại diện được Hội đồng Giám mục cử đi tham gia thượng hội đồng, vị còn lại là giám mục Phêrô Nguyễn Huy Mai, giám mục giáo phận Ban Mê Thuột. Phát biểu trong dịp này, tổng giám mục Điền cũng chia sẻ rằng có nhiều giám mục tử đạo vì đức tin, nhưng chưa hề có giám mục tử đạo vì công bằng xã hội. Nhằm tham gia hội nghị này, Nguyễn Kim Điền bắt đầu chuyến đi vào ngày 8 tháng 9 và trở về Việt Nam vào khoảng thời gian gần cuối năm 1974. Tổng giám mục Nguyễn Kim Điền tham gia với tư cách đồng chủ tọa khóa hội thảo VII về Truyền Bá Phúc Âm toàn quốc được tổ chức tại Nha Trang từ ngày 12 đến ngày 14 tháng 11 năm 1974 ra quyết định về các lễ nghi tôn kính Ông bà Tổ tiên trong đời sống Công giáo tại Việt Nam.
Đầu năm 1975, nhận định tình hình quân đội Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa sẽ đánh chiếm Huế, tổng giám mục Nguyễn Kim Điền thăm dò các linh mục thuộc giáo phận và nhận được kết quả xấu: chỉ 6 trên 120 linh mục tình nguyện ở lại cùng ông, thực hiện công việc mục vụ với chính quyền mới. Vì thế, ông vào Thành phố Sài Gòn, tìm 1 nhà hưu cho các linh mục đã già yếu của Huế di tản và quyết định bàn giao Hội Thừa Sai Việt Nam cho Tổng giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình. Tháng 3 năm 1975, ông chia tay bạn cũ là ông Trần Đông Phong, và cho biết trở về Huế trước khi thành phố thất thủ để chứng minh giáo hội Công giáo luôn đồng hành và chia sẻ với giáo dân.
Mặc dù đã chính thức đảm nhiệm vai trò Tổng giám mục Huế, trong suốt 11 năm, trừ một căn phòng nhỏ dùng để ngủ, còn lại tất cả các phòng khác trong Tòa Tổng giám mục Huế vẫn được Tổng giám mục Điền cho giữ nguyên trạng, với mục đích chờ đón tổng giám mục Ngô Đình Thục trở về. Sau 1975, ông quyết định cho thay đổi khi biết chắc Tổng giám mục Thục sẽ không về Việt Nam được nữa. Nhóm Hướng Thiện Phật giáo, một tổ chức từ thiện nổi tiếng ở Huế xem Tổng giám mục Nguyễn Kim Điền và vị bảo trợ tinh thần, thường xuyên ghé thăm Tổng giám mục Điền trong năm này. Nguyễn Kim Điền tế nhị tách giáo hội ra khỏi chính quyền, trong suốt 11 năm từ 1964 đến 1975, ông không sử dụng máy bay của Không lực Việt Nam Cộng hòa và Không lực Hoa Kỳ. Ngoài ra, ông cũng cẩn thận, không tiếp đón bất kì một nhân vật nào của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa tại Tòa Tổng giám mục với tư cách là quan chức chính quyền, chỉ chào đón với tư cách cá nhân.
Trong những năm đầu tiên làm tổng giám mục Huế, Nguyễn Kim Điền trải qua nhiều biến cố lịch sử quan trọng như các biến cố năm 1968, 1972 và 1975. Tình hình chính trị bất ổn tác động làm tình hình giáo dân Tổng giáo phận bất định, nhiều lần rời bỏ nhưng sau đó lại hồi hương. Một số số liệu thống kê cho thấy vào năm 1975, tổng giáo phận Huế có 169 linh mục, trong đó có 148 linh mục triều, 53.650 giáo dân, 88 đại chủng sinh. Giáo phận cũng có 72 nam tu sĩ và 722 nữ tu.
Những ngày đầu tiên sau chiến tranh.
Không giống như những gì đã xảy ra vào năm 1954, khi tình trạng di cư diễn ra bất chấp ý kiến của các cấp Giáo hội Công giáo, sau biến cố năm 1975, có tất cả tám giám mục Công giáo ở lại với giáo phận của mình. Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình kêu gọi giáo dân hãy ở lại các khu vực đã thuộc về quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Một số giám mục trở về giáo phận của mình khi các vùng thuộc giáo phận của mình, quân Việt Nam Cộng hòa sắp thất thủ, trong đó có tổng giám mục Nguyễn Kim Điền trở về Huế một ngày trước khi Huế về tay chính quyền mới. Ngoài ra còn có các giám mục khác như Phaolô Nguyễn Văn Hòa tại Ban Mê Thuột và giám mục Nicôla Huỳnh Văn Nghi đã vội vã trở về Phan Thiết. Trong một cuộc gặp ngày 21 tháng 3 năm 1975, giám mục Đà Nẵng Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi cho biết ông sẽ trở về giáo phận trong tháng 5, đồng thời xác nhận giám mục Nguyễn Kim Điền đã trở về Huế.
Ngày 19 tháng 3 năm 1975, tổng giám mục Nguyễn Kim Điền về Đà Nẵng thông qua số chuyến bay ít ỏi còn lại của Hàng không Việt Nam Cộng hoà. Xe đưa ông đến Tòa Giám mục rạng sáng hôm sau. Tổng giám mục Điền cũng cho gọi linh mục Tađêô Nguyễn Văn Lý ra Huế chung sống mục vụ tại Tổng giáo phận Huế. Sáng 26 tháng 3 năm 1975, Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam tiến vào treo lá cờ của Cộng hòa Miền Nam Việt Nam trên nóc Kinh thành Huế. Trước đó, sau khi từ chối lên các chuyến trực thăng đến Hoa Kỳ, Nguyễn Văn Lý nhận được cuộc gọi trong trạng thái khá hoảng hốt của tổng giám mục Nguyễn Kim Điền, khi ông này cho biết ông chỉ còn 10 cộng sự trong đó có 7 linh mục, trong khi đó những người khác đã bỏ đi. Tổng giám mục Điền hỏi về việc linh mục Lý về chức vụ Tuyên úy Hội Truyền giáo Sài Gòn có còn cần thiết trong hoàn cảnh hiện tại và mời linh mục Lý đến Tổng giáo phận Huế để hỗ trợ. Linh mục Lý đã nhận lời và dùng số tiền còn lại mua vé máy bay từ Sài Gòn đến Đà Nẵng, sau đó đi bộ và đến Huế vào ngày 25 tháng 3. Tổng cộng, sau biến cố tháng 4 năm 1975, 18 linh mục rời Tổng giáo phận Huế vào miền Nam và 13 vị ra hải ngoại. Giáo dân còn lại 41.941 người.
Các tu sĩ và giáo sĩ thuộc tổng giáo phận Huế di tản vào Đà Nẵng và các vùng đất sâu hơn về hướng Nam. Trong thời gian này, Nguyễn Kim Điền và các linh mục giữ các vai trò chính của giáo phận quyết định ở lại nhiệm sở. Một vài ngày kể từ khi quân đội từ phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào đến Huế, họ tiến công Đà Nẵng. Nhận được tin về việc các giáo sĩ và tu sĩ vẫn đang còn ở Đà Nẵng, Nguyễn Kim Điền yêu cầu linh mục Thư ký mời các linh mục trở về với lời nhắn: "Bây giờ ở đâu cũng như nhau cả. Mời quý Cha về lại Giáo phận, mỗi vị kiếm một giáo xứ để ở mà cai quản cho đến mãn đời!". Các linh mục sau đó trở về giáo phận. Sau khi chọn linh mục Nguyễn Văn Lý làm thư ký, tổng giám mục Nguyễn Kim Điền yêu cầu linh mục này viết một bức thư mang thông điệp hòa giải và hợp tác để gửi cho chính quyền mới. Nói chuyện với linh mục thư ký, tổng giám mục Điền cho rằng cuối cùng hòa bình và sự bình yên đã trở lại và mong muốn những chính sách tự do tôn giáo ghi trong Hiến pháp của chính quyền mới được thực thi.
Trong những ngày đầu tiên sau khi chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp quản Huế, lệnh khám xét được áp dùng với Tòa Tổng giám mục và có 3 cán bộ đến thẩm vấn giám mục Nguyễn Kim Điền trong khoảng thời gian vài giờ và kết lúc lúc 19 giờ 30 phút. Linh mục Nguyễn Văn Lý đứng hành lang trong khi tổng giám mục Điền đang trong quá trình thẩm vấn. Nội dung phỏng vấn, Nguyễn Kim Điền được yêu cầu trả lời bằng văn bản nhiều lần với các câu hỏi tương tự, sau đó thảo luận về những điểm khác biệt giữa các bản trả lời. Việc thẩm vấn tiếp tục vào ngày hôm sau. Trong ngày phỏng vấn thứ hai, Nguyễn Kim Điền yêu cầu thư ký gửi một bức thư này cho hiệu trưởng của trường Quốc Học, đến các cơ sở tôn giáo tại những khu vực khó khăn nhất và yêu cầu linh mục này chuẩn bị báo cáo về những nhu cầu của những người khó khăn.
Sau đó, ngày 1 tháng 4, Ủy ban Quân quản tỉnh Thừa Thiên mời Tổng giám mục Nguyễn Kim Điền tham dự buổi mít tinh để chào mừng ngày Huế trở về với chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tại đây, Tổng giám mục Điền quyết định phát biểu theo tinh thần tích cực, vui mừng vì chiến tranh chấm dứt. Tâm Thư của tổng giám mục Nguyễn Kim Điền gửi giáo dân giáo phận Huế đề ngày 1 tháng 4 năm 1975 có nội dung:
Trong lễ ra mắt Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng Huế tổ chức vào ngày 09 tháng 4 năm 1975, tổng giám mục Nguyễn Kim Điền phát biểu thể hiện sự tin tưởng việc tổ chức này đảm bảo tôn trọng tự do tín ngưỡng, đồng thời ông cũng nêu nhận định rằng giáo dân Công giáo sẽ góp phần tích cực xây dựng quê hương và họ sẽ được chu toàn bổn phận với Tổ quốc và Thiên Chúa.
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, các giáo sĩ quản lý giáo hội kêu gọi giáo dân bình tĩnh và chấp nhận hoàn cảnh cũng như chế độ mới. Trong đó có hai vị giám mục nổi bật là Tổng giám mục Tổng giáo phận Sài Gòn Phaolô Nguyễn Văn Bình và Tổng giám mục Huế Philípphê Nguyễn Kim Điền, hai giám mục theo chủ trương của Công đồng Vatican II. Các giám mục này trở thành điểm tựa cho giáo dân trong hoàn cảnh mới. Trong Chiến dịch Mùa Xuân 1975 của quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Huế là nơi mà đoàn quân này tiến vào đầu tiên. Tổng giám mục Điền trong hoàn cảnh đó trở thành giám mục đầu tiên công khai kêu gọi giáo dân Công giáo chấp nhận và hợp tác với chính quyền mới.
Một giáo dân được công an huấn luyện được đưa vào làm quản gia tại Tòa Tổng giám mục Huế tên là Nguyễn Văn Bông. Ông này là một giáo dân giáo xứ chính tòa Phủ Cam và cựu chủng sinh chủng viện Hoan Thiện. Nhờ lý lịch này, tổng giám mục Nguyễn Kim Điền tin dùng người này. Được tin dùng, Nguyễn Văn Bông thu thập tin tức từ Tòa giám mục, gây khủng hoảng cho giáo phận Huế. Nguyễn Văn Bông lưu trữ nhẫn giám mục của Tổng giám mục Điền và vẫn chưa hoàn trả lại. Sau khi Việt Nam thống nhất, linh mục Louis Nguyễn Văn Bính (thường gọi là "Bính nhỏ", sinh năm 1937) và quản gia Nguyễn Văn Bông chỉ dẫn, giám mục Điền quyết định hiến khá nhiều tài sản của Tổng giáo phận Huế cho chính quyền mới. Phía Công giáo cho rằng việc hiến trong "tình trạng bị cưỡng bức" nên không hợp pháp. Trong thư ngày 30 tháng 10 năm 1975, tổng giám mục Nguyễn Kim Điền viết thư gửi các linh mục và hội dòng để quyết định việc bàn giao các cơ sở giáo dục của Tổng giáo phận thuộc thành phố Huế và hai tỉnh Thừa Thiên, Quảng Trị cho nhà nước Việt Nam mượn với mục đích phục vụ công tác giáo dục ngay trong năm học 1975 - 1976. Việc cho mượn này được Tổng giám mục phó Stêphanô Nguyễn Như Thể xác nhận rằng tổng giám mục Điền chỉ cho chính quyền Việt Nam quyền sử dụng và không hiến các cơ sở này.
Nhằm đảm báo tính liên tục của chức vụ Tổng giám mục Huế, Tổng giám mục Nguyễn Kim Điền dùng năng quyền đặc biệt tấn phong tân tổng giám mục phó Stêphanô Nguyễn Như Thể với quyền kế vị vào ngày 7 tháng 9 năm 1975. Việc bổ nhiệm, thuyên chuyển linh mục sau biến cố năm 1975 gặp nhiều khó khăn. Từ sau năm 1975 cho đến khi qua đời, tổng giám mục Điền chỉ có thể phong chức được 6 linh mục, gồm 2 người giữa năm 1975 và 4 tân linh mục vào đầu năm 1976. Trong thời gian đầu sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, hai tổng giám mục Huế sắp xếp lại nhân sự và bổ nhiệm các linh mục giữ các vai trò quan trọng của giáo phận Huế. Trong tháng 11 năm 1975, Nguyễn Kim Điền có dịp đến gặp với thủ tướng Việt Nam lúc đó là ông Phạm Văn Đồng.
Ngày 28 tháng 2 năm 1976, tổng giám mục Nguyễn Kim Điền viết bài viết "Cảm nghĩ" về vụ việc tại nhà thờ Vinh Sơn, chính quyền đánh giá là một bài viết thiếu tích cực. Ngày 1 tháng 5 năm 1976, tổng giám mục Nguyễn Kim Điền cũng cho phổ biến tập sách "Tôi Vui Sống" để hướng dẫn giáo dân trong hoàn cảnh mới. Tập sách được in ra và sau đó cho phân phát khắp giáo phận Huế, đặc biệt tại các giáo xứ vùng quê và các cụm giáo dân kinh tế mới. Nội dung sách hướng dẫn cách cầu nguyện và cử hành bí tích trong hoàn cảnh thiếu linh mục. Chính quyền Việt Nam cho rằng tập sách này ẩn chứa nội dung đấu tranh nên ra lệnh cho các cán bộ thu hồi quyển sách này. Trong tập sách này, Nguyễn Kim Điền viết:
Ngày 2 tháng 9 năm 1976, tổng giám mục Nguyễn Kim Điền xin phép chính quyền đến thủ đô Hà Nội để chào mừng Hồng y Tiên khởi người Việt Nam là hồng y Giuse Maria Trịnh Như Khuê, tổng giám mục Tổng giáo phận Hà Nội. Đây cũng là lần đầu tiên hai giám mục gặp nhau. Trên đường đi ra Hà Nội, tổng giám mục Điền cũng ghé thăm và gặp các giám mục Giáo phận Vinh và Giáo phận Thanh Hóa. Tại Hà Nội, ông ở lại hai tuần và được gặp nhiều giáo sĩ quan trọng: giám mục Giáo phận Bắc Ninh Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng, tổng giám mục phó Hà Nội Giuse Maria Trịnh Văn Căn, các linh mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang, Phaolô Lê Đắc Trọng, Giuse Maria Nguyễn Tùng Cương..
Trong suốt hai năm từ tháng 4 năm 1975 đến tháng 4 năm 1977, tổng giám mục Nguyễn Kim Điền cùng các linh mục, tu sĩ và giáo dân tìm cách chứng tỏ thiện chí của người Công giáo trong việc tái thiết Việt Nam. Không những tích cực vẻ bề ngoài, trong nhiều cuộc gặp riêng tư, ông đề nghị giáo dân luôn giữ bản chất Công giáo, không nên có thành kiến về người khác. Nguyễn Kim Điền khuyến khích sống nhẫn nhục và hòa hợp trong tinh thần yêu thương. Tình hình mục vụ Công giáo gặp nhiều khó khăn và các sắc lệnh, văn kiện, nghị định và hiến pháp chưa được thực thi. Nhiều nhà thờ, tu viện bị thu hồi và cấm việc cử hành lễ; việc tuyển chọn chủng sinh, thuyên chuyển linh mục, tu sĩ bị hạn chế và giáo dân ở các vùng khó khăn, vùng kinh tế mới không có lễ để tham gia, việc hội họp của giáo dân bị kiểm soát. Vấn đề này được nêu lên với Ủy ban nhân dân nhưng trách nhiệm không được làm rõ, tạo nên căng thẳng giữ cán bộ chính quyền và giáo dân Công giáo. Các cơ sở tôn giáo thuộc tổng giáo phận Huế như trường học, tu viện và các cơ sở xã hội lần lượt lượt đều bị thu hồi. Cũng trong năm này, tổng giám mục Nguyễn Kim Điền tự quyết việc khai giảng tiểu chủng viện Hoan Thiện và điều này làm chính quyền địa phương bối rối.
Hai bài phát biểu năm 1977.
Năm 1977, trong 2 cuộc họp do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức, Tổng giám mục Nguyễn Kim Điền có hai bài phát biểu với chủ đề chính là tự do tôn giáo. Linh mục Tađêô Nguyễn Văn Lý cho đánh máy lời phát biểu và phổ biến trong linh mục đoàn giáo phận Huế. Bài phát biểu này sau đó đã được in phổ biến tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng như được đăng trên các báo chí ngoại quốc. Linh mục Hồ Văn Quý, giám đốc Đại chủng viện Huế và linh mục Nguyễn Văn Lý bị kết án 20 năm tù vào cuối tháng 8 năm 1977. Nhân dịp Việt Nam đề nghị gia nhập Liên Hợp Quốc, hai linh mục này được trả tự do. Chính quyền yêu cầu Tổng giám mục Điền bổ nhiệm hai linh mục này chỉ trong phạm vi vùng quê. Một số linh mục và nữ tu cũng bị bắt vì cáo buộc phân phối trái phép hai bản văn phát biểu của tổng giám mục Nguyễn Kim Điền.
Bài phát biểu thứ nhất diễn ra tại một buổi họp do Mặt trận Tổ quốc Bình Trị Thiên và Thành phố Huế ngày 15 (hoặc 19) tháng 4 năm 1977 với lý do được chính thức công bố là thông báo nhân vụ việc chính quyền bắt giữ 6 nhà sư của Phật giáo Việt Nam Thống nhất hệ phái Ấn Quang tại Thành phố Hồ Chí Minh. Nguyễn Kim Điền được mời phát biểu ý kiến, tuy vậy lại không đi vào nội dung chính, vì cho rằng nghĩa vụ loan tin và cắt nghĩa là của chính quyền. Cá nhân ông tổng giám mục cho rằng các vụ việc về tôn giáo chỉ là các sự kiện đơn độc. Ông Nguyễn Kim Điền nêu lên ý kiến rằng mình không thỏa mãn với chính sách tự do tín ngưỡng và liệt kê các hạn chế. Bài phát biểu của tổng giám mục Nguyễn Kim Điền chia làm hai phần là tự do tín ngưỡng và quyền bình đẳng. Trước khi đi vào bài phát biểu, giám mục Điền cho biết ông phát biểu với thiện chí và mong Mặt trận Tổ quốc không gán cho ông hai chữ "phản động". Nguyễn Kim Điền thổ lộ ông ghét và sợ cái nhãn mác này, không muốn "gánh" nó vào người.
Sau lần phát biểu ý kiến đầu tiên, vào ngày 22 tháng 4, tổng giám mục Nguyễn Kim Điền tham gia cuộc họp với nội dung đóng góp ý kiến cho bản dự thảo "Đề cương báo cáo của Đảng bộ tỉnh Bình Trị Thiên". Tổng giám mục Điền được đề nghị tham gia ý kiến. Sau khi nói về việc đề nghị chuyển vị trí một số nội dung có liên quan đến tôn giáo, Nguyễn Kim Điền nói về vấn đề lao động, giám mục Điền cho rằng, nếu tự do tín ngưỡng phát triển hơn thì năng suất của giáo dân Công giáo cũng sẽ cao và nêu một vài dẫn chứng. Tổng giám mục Huế cũng cho rằng tự do tín ngưỡng thực sự khiến người dân có tôn giáo sống hạnh phúc và thoải mái dưới chế độ xã hội chủ nghĩa. Tổng giám mục Nguyễn Kim Điền cũng nêu lên rằng trên thực tế có một số khẩu hiệu ngược với các chính sách của Nhà nước Việt Nam. Phần kết, Nguyễn Kim Điền cho rằng tôn giáo là một nhu cầu tâm lý và xã hội nên không thể cấm đoán, cần tôn trọng tự do tín ngưỡng để mọi người cùng nhau xây dựng Tổ quốc.
Với hai bài phát biểu này, Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh có lá thư gửi cho Tổng giám mục Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh (tên cũ là Sài Gòn) Phaolô Nguyễn Văn Bình vào ngày 6 tháng 8. Mặt trận tỉnh Bình Trị Thiên cũng ra thông báo về việc lan truyền hai bài phát biểu trên sau đó vào ngày 17 tháng 9. Tiêu đề bức thư được gửi cho tổng giám mục Bình tại Thành phố Hồ Chí Minh là "Nhận định về Hai bản văn ghi lại lời phát biểu của Tổng giám mục Nguyễn Kim Điền", do ông Nguyễn Văn Chì, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh gửi. Nội dung bức thư này, ông Nguyễn Văn Chì bày tỏ sự không đồng tình với các luận điểm và lên án tổng giám mục Nguyễn Kim Điền lặp lại luận điệu của các đế quốc Pháp và Mỹ, làm mất phẩm giá bản thân và đồng đạo.
Nhằm mục đích đáp lại các cáo buộc, Nguyễn Kim Điền gửi thư đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Bình Trị Thiên để tái khẳng định các luận điểm trong hai lần phát biểu trước. Nhận thấy các bản văn phát biểu được phổ biến không chính thức, trong thư lần này, tổng giám mục Điền để nghị công khai hóa bức thư cho giáo dân, cho người ngoài Công giáo toàn quốc và các các hãng truyền thông ngoại quốc đã đăng tải hai bài phát biểu trước đó. Lời đề nghị này sau đó đã không được thực hiện.
Giai đoạn 1978 – 1983.
Năm 1978, Việt Nam thực hiện thống nhất chương trình giáo dục và có tin sẽ áp dụng đối với các cơ sở đào tạo tu sĩ của các tôn giáo. Chính quyền mong muốn loại một số chủng sinh mà theo họ là vô phương cải tạo. Họ thông báo mời hai tổng giám mục tổng giáo phận Huế làm việc để hợp tác cùng nhà nước loại trừ một số chủng sinh theo chính quyền là không tốt. Hai vị tổng giám mục Huế khước từ đề nghị này, vì vậy chính quyền loại 2/5 số chủng sinh (18/45), đa phần là các chủng sinh "bướng bỉnh" đã hoàn tất chương trình tu học vào tháng 5 năm 1978. Chính quyền cho rằng nếu hai giám mục Huế hợp tác thì số chủng sinh bị loại có thể đã ít hơn.
Tại Huế, ngày 16 tháng 3 năm 1979, Ủy ban Nhân dân Bình Trị Thiên công bố quyết định số 284-QĐ-/NC với mục tiêu hỗ trợ giáo hội Thiên Chúa giáo tổ chức lại các trường tôn giáo theo nghị quyết 297/CP của Hội đồng Chính phủ. Bản sao Nghị định được gửi cho Tòa Tổng giám mục Huế. Sau khi nhận được nghị định, tổng giám mục Nguyễn Kim Điền gửi phúc đáp đến Ủy ban Nhân dân, trong đó đưa nhiều luận điểm về tôn giáo và lịch sử giáo hội Công giáo nhằm chứng minh rằng nếu tuân theo quyết định số 284 thì các chủng viện sẽ đi ngược lại với luật lệ của giáo hội.
Ngày 13 tháng 12 năm 1979, Ủy ban Nhân dân Bình Trị Thiên công bố Quyết định số 2342-QĐ/UB thu hồi tiểu chủng viện Hoan Thiện với quan niệm đây là một trường tư thục. Nguyễn Kim Điền đã viết thư gửi lại cho chính quyền và Mặt trận Tổ quốc tỉnh này với nội dung trình bày việc Tiểu chủng viện Hoa Thiện là nơi thường trú của chủng sinh từ lâu đời. Sau việc thu hồi này có 3 linh mục đang giảng dạy và hơn 80 chủng sinh phải về sống với gia đình. Tổng giám mục Điền đề nghị để tang cho Tiểu chủng viện. Tại Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh, tổng giám mục Nguyễn Văn Bình cũng có những lá thư gửi đến Ủy ban nhân dân thành phố với nội dung tương tự, tuy vậy mang một phong cách khác với tổng giám mục Nguyễn Kim Điền.
Năm 1980, tổng giám mục Huế Nguyễn Kim Điền cùng tổng giám mục phó Stêphanô Nguyễn Như Thể tham dự đại hội lần thứ nhất của Hội đồng Giám mục Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội. Hai vị giám mục của Huế đều không vừa ý về Thư Chung, nhưng để bày tỏ tính hiệp nhất nên quyết định kí tên chung vào văn bản này. Tại Tổng giáo phận Huế, hầu như Thư Chung không được phổ biến đến giáo dân. Các buổi làm việc chung kéo dài từ ngày 24 tháng 4 đến ngày 1 tháng 5 năm 1980, kết quả bầu cử các chức danh đã được ban điều hành của Đại hội công bố. Các giám mục đã bầu tổng giám mục Nguyễn Kim Điền giữ chức Phó Chủ tịch. Cùng trong năm 1980, các đại diện của Hội đồng Giám mục Việt Nam đã thực hiện chuyến viếng thăm Ad Limina đến Tòa Thánh Vatican và gặp gỡ giáo hoàng Gioan Phaolô II. Tại buổi gặp, giáo hoàng đã gọi tổng giám mục Nguyễn Kim Điền với danh hiệu "vị tổng giám mục anh dũng" (Vaillant Confrère).
Từ năm 1981, do chịu nhiều áp lực, tổng giám mục Nguyễn Kim Điền bị nhồi máu cơ tim, cao huyết áp, xơ cứng động mạch, suy thận, cột sống và tiểu đường. Tuy nhiên, tình trạng các bệnh này không quá nghiêm trọng. Tháng 10 năm 1981, nhà nước Việt Nam không chấp thuận cho Tổng giám mục Nguyễn Kim Điền đến Roma tham dự họp đại hội do Bộ Truyền giáo tổ chức vào ngày 13 cùng tháng vì lý do "không tích cực với cách mạng". Cuối năm 1982, linh mục chính xứ nhà thờ chính tòa Phủ Cam Phaolô Nguyễn Kim Bính cho thành lập đội tình nguyện hỗ trợ công việc tang lễ và các nghi thức khác. Tổng giám mục Nguyễn Kim Điền đã chuẩn y quyết định thành lập "Ban Chung sự Hiếu đạo" của nhà thờ Phủ Cam.
Tổng giám mục Nguyễn Kim Điền công khai lên tiếng phản đối việc thành lập Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, đã đình chỉ nhiệm vụ linh mục đối với linh mục Nguyễn Văn Bính do không nghe lời tổng giám mục Điền và tham dự đại hội. Ngày 19 tháng 10 năm 1983, Nguyễn Kim Điền viết thư phản đối gửi linh mục Nguyễn Thế Vịnh, Chủ tịch Ủy ban Liên lạc Công giáo toàn quốc (tiền thân của Ủy ban Đoàn kết Công giáo), về vấn đề chuẩn bị đại hội. Ngoài tổng giám mục Nguyễn Kim Điền, các giám mục Việt Nam khác có phản ứng rất dè đặt. Bản thư này, ông cho gửi đến các giám mục trên toàn Việt Nam để cho các vị này được biết. Tại tổng giáo phận Huế, tổng giám mục Nguyễn Kim Điền công khai ngăn cấm các linh mục thuộc quyền tham gia Ủy ban Đoàn kết. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, tổng giám mục Nguyễn Văn Bình cảnh báo về việc tránh nguy cơ noi theo chính quyền Trung Quốc về việc cố tách người Công giáo ra khỏi Giáo triều Rôma. Cả hai giám mục này đều phản đối việc tạo ra một cơ chế Công giáo nhưng ngoài sự kiểm soát của Giáo hội.
Linh mục đại biểu Quốc hội Việt Nam Huỳnh Công Minh đã có cuộc gặp với tổng giám mục Nguyễn Kim Điền với mục đích đề nghị tổng giám mục Điền giải trình về việc đình chỉ nhiệm vụ linh mục và hủy bỏ hình phạt (hay còn gọi là "giải vạ") đã áp dụng với linh mục Nguyễn Văn Bính. Trả lời linh mục Minh, vị tổng giám mục Huế cho biết khi nào linh mục Bính rời Ủy ban Đoàn kết Công giáo thì vạ sẽ tức khắc được giải. Hành động đình chỉ cử hành mục vụ Công giáo đối với linh mục Bính khiến dư luận so sánh hành động này với một giám mục phía Bắc là Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng trong việc bảo vệ sự độc lập của Giáo hội Công giáo. Việc đình chỉ chức vụ linh mục Bính, tờ New York Times cho rằng đây là linh mục giáo phận Huế duy nhất trong Ủy ban Đoàn kết Công giáo, đồng thời vì việc đình chỉ này mà Nguyễn Kim Điền đối mặt với làn sóng chỉ trích trên báo chí và hệ thống truyền hình.
Nhận thấy việc liên lạc của các nữ tu dòng Mến Thánh giá Bình Tuy đến trụ sở "Nhà Mẹ" ở Huế gặp nhiều bất tiện, giám mục Nguyễn Kim Điền gửi thư cho giám mục giáo phận Phan Thiết Nicôla Huỳnh Văn Nghi đề nghị giám mục này đồng ý cho các nữ tu Mến Thánh giá Bình Tuy gia nhập giáo phận Phan Thiết. Giám mục Nghi sau khi bàn thảo với linh mục Tổng đại diện đã chấp nhận đề nghị này. Để đệ trình Tòa Thánh, giám mục Huỳnh Văn Nghi đến thăm Bộ Truyền giáo (còn gọi là bộ Phúc âm hóa các Dân tộc) trong chuyến đi Rôma năm 1983 đế trình bày nguyện vọng này. Quyết định số 5105/83 ngày 29 tháng 10 năm 1983 của Bộ Truyền giáo đã xác nhận nội dung chấp thuận đề nghị của giám mục Huỳnh Văn Nghi.
Cuối tháng 11 năm 1983, Tổng giám mục phó Stêphanô Nguyễn Như Thể từ chức vì lý do sức khỏe, sau 8 năm hỗ trợ tổng giám mục Nguyễn Kim Điền điều hành giáo phận. Một số nguồn tin cho rằng tổng giám mục Nguyễn Như Thể chịu áp lực từ phía Nhà nước Việt Nam. Ngày 13 tháng 4 năm 1984, tổng giám mục Điền bí mật phong chức cho linh mục Giacôbê Lê Văn Mẫn làm giám mục phụ tá. Tuy vậy, do vị này có thể chưa được báo cho Tòa Thánh nên chưa được liệt kê vào danh sách các giám mục Việt Nam.
Giai đoạn 1984 – 1988.
Tổng giám mục Nguyễn Kim Điền cải trang để đến viếng địa điểm hành hương La Vang, tuy vậy ý định này bất thành. Giám mục Điền quyết định viết thư cho ông Nguyễn Hữu Thọ, chủ tịch Quốc hội Việt Nam, trong thư đề cập đến việc ông bị công an tỉnh Bình Trị Thiên gọi đi làm việc trong khoảng 120 ngày, từ ngày 5 tháng 4 năm 1984 đến ngày 15 tháng 10 năm 1984 với ba cáo trạng: "chống đối quyền hành nhà nước, có thái độ phản động, và tỏ ra lòng tự kiêu quá đáng." Ngoài ra, từ đây, Tổng giám mục Điền bị quản thúc tại nhà và không được quyền đi lại trong giáo phận. Ngày 19 tháng 6 năm 1985, phân khoa đại học Tuebingen tại Đức trao bằng Tiến sĩ Danh dự cho Tổng giám mục Nguyễn Kim Điền, vì những đóng góp của ông trong việc phục vụ quê hương và giáo hội. Giám mục Franz Josef Kuehnle, Giám mục phụ tá Giáo phận Stutgart Rottenburg đã thay mặt tổng giám mục Điền nhận văn bằng này.
Hai ngày sau khi kết thúc thời gian làm việc với công an Bình Trị Thiên, ngày 17 tháng 10, tổng giám mục Nguyễn Kim Điền gửi Thư chung đến toàn thể giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân trong tổng giáo phận Huế nhằm mục đích cảm ơn họ đã cầu nguyện cho ông và công bố về nội dung làm việc với công an cho giáo dân biết. Kể từ thời điểm này, các hoạt động sinh hoạt tôn giáo như tuyển sinh và đào tạo chủng sinh, giảng dạy giáo lý, phong chức và in ấn phổ biến tài liệu Công giáo và việc thuyên chuyển của linh mục tu sĩ dần bị giới hạn và cấm đoán. Thời kỳ này, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Yêu nước chưa hoạt động sâu rộng trong tổng giáo phận Huế, tuy vậy cũng có một số giáo sĩ đi theo Ủy ban này, tạo sự chia rẽ trong giáo phận. Trong thư, Nguyễn Kim Điền cho biết buổi thẩm vấn cuối cùng hỏi về lý do ông phản đối Ủy ban Đoàn kết Công giáo. Nguyễn Kim Điền cho biết ông giải thích theo giáo luật và sắc lệnh thánh bộ giáo sĩ Tòa Thánh, nhưng được phản hồi là các luật này chưa được nhà nước Việt Nam kiểm duyệt. Nhằm đáp lại câu hỏi thẩm vấn về việc Ủy ban Đoàn kết Công giáo được luật pháp bảo trợ và cho phép, Nguyễn Kim Điền trích dẫn Thánh Kinh để trả lời rằng ông cần vâng phục Thiên Chúa hơn người đời.
Trong thời gian tổng giám mục Nguyễn Kim Điền bị quản thúc, giáo dân vì không có giáo sĩ cử hành bí tích tôn giáo nên họ quyết định đến Tòa giám mục để cử hành bí tích Thêm Sức. Thời gian này, Mặt trận Tổ quốc mời 6 linh mục hạt trưởng đi du lịch Hà Nội. Các linh mục này cho rằng tổng giám mục Nguyễn Kim Điền không được phép tham dự Đại hội Hội đồng Giám mục Việt Nam – là một sinh hoạt tôn giáo quan trọng, nếu các linh mục đi tham quan giải trí thì thật mâu thuẫn nên đã từ chối lời đề nghị này. Cũng trong năm 1985, thân mẫu ông qua đời, nhưng Nguyễn Kim Điền không thể vào Thành phố Hồ Chí Minh vì đang bị hạn chế không được phép rời khỏi Huế. Báo "New York Times" cho rằng Tổng giám mục Điền đã bị ngăn cản các công việc mục vụ và đồng thời cũng bị quản thúc vì cản trở các linh mục tham gia Ủy ban Đoàn kết Công giáo, việc này đã gây "đụng độ" với nhà cầm quyền Hà Nội.
Tháng 7 năm 1985, tổng giám mục Nguyễn Kim Điền gửi thư đến Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhằm báo cáo giáo hoàng về tình trạng ở giáo phận Huế. Bức thư này được viết bằng tiếng Latinh và ông nhờ hai nữ tu là Nữ Tu Trương Thị Nông và Trương Thị Lý (Bề Trên Dòng Mến Thánh Giá, Huế) chuyển thư vào Thành phố Hồ Chí Minh, nhờ Tòa Tổng lãnh sự Pháp chuyển giúp sang Roma. Công an theo dõi vụ việc, cho bắt hai nữ tu và linh mục Bí thư (Thư ký) của tổng giám mục Điền là linh mục Trần Văn Quý, thẩm vấn về việc làm trên và gọi việc này là "Vụ Gián điệp quan trọng Trương Thị Lý".
Trước những căng thẳng khiến cho sinh hoạt tôn giáo đình trệ, Tổng giám mục Nguyễn Kim Điền cảm thấy cô đơn và tuyệt vọng khi nhìn đến các giáo phận khác. Trong tình cảnh này, ông hình dung về cảnh tù ngục trước mắt. Ở bức tâm thư gửi đến các tầng lớp tín hữu giáo phận Huế ngày 19 tháng 10 năm 1985, Nguyễn Kim Điền viết rằng ông cảm thấy hạnh phúc vì được Thiên Chúa kêu gọi chịu tù ngục và chịu chết vì "bênh vực nhân quyền, công lý và hòa bình!" Nhằm dặn dò tín hữu, Nguyễn Kim Điền cho biết hậu quả của việc chống lại luật người đời là tù ngục và cái chết. Vị tổng giám mục Huế cho biết ông sẵn sàng đón nhận những điều này. Thư Chung này theo một số nhận định là do việc đình chỉ chức vụ với linh mục Nguyễn Văn Bính đã tạo nên những căng thẳng với chính quyền, trong thư còn có đoạn viết: "Khi tôi bị bắt rồi, thì xin anh chị em đừng ai tin lời khai nào, dù có kèm theo chữ ký mà người ta kể là của chính tôi." Ngoài ra, ông cũng nhờ tín hữu Công giáo cầu nguyện thêm cho mình.
Ngày 8 tháng 11 năm 1985, tổng giám mục Nguyễn Kim Điền quyết định công bố di chúc của mình. Hoàn cảnh ra đời của di chúc là sau vụ việc hai nữ tu Bề trên Dòng Mến Thánh giá Thừa sai Trương Thị Lý và Trương Thị Nông vì tội làm gián điệp, khi mang trong người một số thư tín của Tổng giám mục Nguyễn Kim Điền. Để bảo vệ hai nữ tu và linh mục Nguyễn Văn Quý, vốn bị mời đi làm việc nhiều lần, Tổng giám mục Nguyễn Kim Điền gửi thư số 7/86-TTGMH ngày 3 tháng 7 năm 1985 gửi đến Ủy ban Nhân dân, Công an tỉnh Thừa Thiên, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, nhận tất cả trách nhiệm về phần mình và nhấn mạnh linh mục Quý và hai nữ tu (bị bắt) là vô tội vì họ không biết nội dung của lá thư. Trong thư, Philípphê Nguyễn Kim Điền đề cập đến quyền được viết thư và đưa bản tin của mình nhằm thực hiện mục đích tôn giáo; đồng thời cũng cho rằng nếu bản tin bị quy trách nhiệm pháp lý và do tòa án Việt Nam xét xử, thì ông coi đây là một vụ việc "bắt bớ tôn giáo". Thư này, giám mục Nguyễn Kim Điền cũng thông báo cho Hội đồng Giám mục Việt Nam, các tu sĩ trong giáo phận Huế và Tòa Thánh. Năm 1986, Nguyễn Kim Điền không được cho phép tham gia Hội nghị Tông đồ Giáo dân tại Rôma. Tham gia hội nghị này, đại diện 40 quốc gia phản đối chính quyền Việt Nam ngăn cản tổng giám mục Điền tham dự hội nghị.
Trong ba tháng từ cuối năm 1987 đến đầu năm 1988, Nguyễn Kim Điền được triệu tập lên làm việc với Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh. Sau khoảng thời gian này, giám mục Điền mệt và sau khi được xác nhận bị tăng huyết áp, thời gian làm việc với Viện Kiểm sát kết thúc. Đây là lần cuối cùng tổng giám mục Nguyễn Kim Điền đến các cơ quan chức năng để làm việc.
Ngày 25 tháng 3 năm 1988, tổng giám mục Nguyễn Kim Điền gửi thư cho Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Văn Linh. Trong thư, ông kể lại việc mình tuyên bố trong một cuộc họp quốc tế rằng ông không thể theo chủ nghĩa Cộng sản, nhưng vẫn xem những người Cộng sản Việt Nam là anh em và lời bình luận năm 1980 của Trưởng Ban tôn giáo Hà Nội nhận xét rằng trong khung cảnh năm 1967, giám mục Điền phát biểu như trên sẽ chỉ thiệt hại cho bản thân. Nguyễn Kim Điền khẳng định lập trường của ông không thay đổi kể từ khi trả lời phỏng vấn. Trong thư, ông cũng nêu lên sự khó khăn của việc không được rời thành phố Huế sau quá trình làm việc 120 ngày vào năm 1984 và những khó khăn trong việc mục vụ. Trong thư, vị tổng giám mục cho rằng việc này sẽ làm ông khó thuyết phục những người Công giáo về chính sách tự do tôn giáo của chính phủ. Ông cũng yêu cầu được cấp quyền tự do đi lại để thăm mục vụ giáo dân. Thư này sau đó không được hồi đáp.
Trong thời kỳ Nguyễn Kim Điền lãnh đạo giáo phận Huế đã gặp nhiều khó khăn: Bị quan sát canh chừng thường xuyên tại Tòa Tổng giám mục Huế, nội dung bài giảng bị theo dõi; không được cấp phép tham gia các phiên họp của Hội đồng Giám mục Việt Nam và đi chuyến đi hành hương nghĩa vụ giám mục Ad Limina, tham gia các hội nghị của Tòa Thánh; bị hạn chế đi lại chỉ trong thành phố Huế, các linh mục cộng sự gặp nhiều khó khăn; việc thuyên chuyển linh mục, các hoạt động tôn giáo còn khó khăn, các cơ sở tôn giáo bị phong tỏa và lục soát, nhiều lần bị triệu tập làm việc tại các cơ quan chính quyền địa phương trong thời gian kéo dài. Lễ giáng sinh hằng năm, tổng giám mục Nguyễn Kim Điền cử hành lễ vào giữa đêm tại Nhà thờ Phủ Cam. Thành phần ngoài tín hữu Công giáo tham dự rất đông nên nhà thờ này dành một nửa phần nhà thờ (phân thành hai nửa trái - phải) cho người ngoài Công giáo tham dự. Những bài giảng của ông phù hợp với hoàn cảnh xã hội và thực tiễn cuộc sống, nên tạo sự thu hút đối với người ngoài Công giáo.
Trong những ngày tháng khó khăn, một giám mục đã gửi thư hiệp thông chia sẻ đến tổng giám mục Nguyễn Kim Điền, nội dung thư là một tờ giấy trắng đi kèm chữ ký của giám mục này. Tổng giám mục Điền rất vui mừng vì nhận được lá thư ấy. Giáo hoàng Gioan Phaolô II dùng nhiều phương cách và nhiều lần nêu ý kiến về việc đề nghị Việt Nam trả tự do cho Tổng giám mục Nguyễn Kim Điền và tổng giám mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận mà giáo hoàng cho rằng họ bị tù và bị chèn ép.
Sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, tổng giám mục Nguyễn Kim Điền đã viết nhiều văn thư cũng như có các bài phát biểu khác nhau về nhiều lĩnh vực của đời sống: "Quyền tự do tín ngưỡng" trong các lá thư ngày 19 và 24 tháng 4 năm 1977, với nội dung chính là ghi lại những lời tuyên bố trong hai buổi tham khảo ý kiến và di chúc gửi tổng giáo phận Huế vào ngày 19 tháng 10 năm 1985; "Quyền tự do đào tạo linh mục" trong các thư ngày 17 tháng 5 và 15 tháng 12 năm 1979. Về nội dung "Quyền tự do đi lại", ông đề cập trong thư 10-1981 (hành hương Đức Mẹ La Vang) và thư ngày 25 tháng 3 năm 1988 (Ad limina); "Quyền tự do tư tưởng và thông tin", Tổng giám mục Nguyễn Kim Điền viết thư ngày 3 tháng 7 năm 1986 về buổi làm việc với công an về vụ việc liên quan đến bề trên Dòng Mến Thánh Giá Thừa Sai Trương Thị Lý. Ngoài ra, đề cập đến "Các nguy cơ của Giáo hội", Nguyễn Kim Điền viết trong thư ngày 19 tháng 10 năm 1983 gửi linh mục Nguyễn Thế Vịnh và thư gửi cho tổng giáo phận Huế. Chủ đề "Nhân quyền, quyền được hiến pháp nhà nước bảo vệ" được tổng giám mục Điền đề cập đến trong thư gửi Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ vào ngày 11 tháng 4 năm 1986.
Những ngày tháng cuối đời.
Qua đời và những nghi vấn.
Những tháng cuối đời, Tổng Giám mục Nguyễn Kim Điền chữa bệnh tại Tòa giám mục Huế, tuy nhiên Giám đốc Bệnh viện Huế đã có cuộc gặp mặt trực tiếp và cho biết rằng bệnh của ông không thể chữa khỏi. Ông bác sĩ đề nghị giám mục Điền vào Thành phố Hồ Chí Minh chữa bệnh và hứa sẽ hỗ trợ việc thu xếp với chính quyền trong việc xin phép. Vài ngày sau đó, vị giám đốc này mang giấy xác nhận sự đồng ý của chính quyền về đề nghị trên.
Tháng 5 năm 1988, Tổng giám mục Nguyễn Kim Điền được chính quyền Việt Nam cho phép vào Thành phố Hồ Chí Minh chữa bệnh, nhưng ông cảm thấy e ngại và lo lắng nên quyết định cư trú tại Tòa giám mục Sài Gòn, với sự chăm sóc y tế của bác sĩ riêng. Tại đây, ông dưỡng bệnh tại tầng dưới và nằm trên một giường xếp, bên cạnh có một bàn nhỏ dùng để viết. Lúc này, Nguyễn Kim Điền mắc nhiều bệnh khác nhau như cao huyết áp, dạ dày, thấp khớp, tiểu đường...
Đến đầu tháng 6 năm 1988, do tình trạng sức khỏe yếu kém và sa sút trầm trọng, tổng giám mục Nguyễn Kim Điền được đưa vào bệnh viện Nguyễn Trãi trong ngày 4 tháng 6, sau đó ba ngày ông được chuyển sang bệnh viện Thống Nhất và sau cùng vào bệnh viện Chợ Rẫy. Mục đích của ông là chữa bệnh để có đủ sức khỏe nhằm đến Tòa Thánh trình báo về vị ông dự định đặt làm tổng giám mục phó và giám mục mật phong Giacôbê Lê Văn Mẫn. Trước đó, có hai giám mục đến thăm ông và đề nghị ông đến bệnh viện Chợ Rẫy để hoàn thiện hồ sơ bệnh án, nhằm mục đích đưa giám mục Điền chữa bệnh tại Rôma. Mặc dù trước đó Nguyễn Kim Điền có ý định từ bỏ việc chữa bệnh do bác sĩ thừa nhận không thể chữa bệnh của ông, nhưng ông vẫn tiếp tục nằm viện tại Chợ Rẫy sau khi có tin báo rằng giấy tờ chữa bệnh ngoại quốc đã hoàn thiện.
Ngày 6 tháng 6 năm 1988, Thánh bộ Truyền giáo nhận tin xin chuyển đi Roma chữa bệnh của tổng giám mục Điền khi được Nhà nước Việt Nam cho phép và đã được chấp thuận. Hội đồng Giám mục Việt Nam liên lạc xin Tòa Thánh cho tổng giám mục Nguyễn Kim Điền chữa bệnh tại Rôma, Tòa Thánh đã chấp thuận và gửi điện tín một cách nhanh chóng đến Việt Nam. Tuy vậy, chỉ một giờ sau đó, trưa ngày 8 tháng 6 năm 1988, tổng giám mục Nguyễn Kim Điền qua đời tại bệnh viện Chợ Rẫy, Thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 67 tuổi, với 41 năm linh mục và 25 năm giám mục, trong đó có 22 năm mục vụ tại Tổng giáo phận Huế. Sự qua đời đột ngột của tổng giám mục Nguyễn Kim Điền gây chấn động đến Tòa Thánh Vatican và Giáo hội Công giáo Rôma. Trong những phút cuối đời, khoảng 13 giờ, ông bấm chuông gọi cấp cứu, tuy vậy không có người đến hỗ trợ và qua đời ít phút sau đó. Tài liệu chính thức ghi giờ qua đời của cố tổng giám mục là 13 giờ 30 phút.
Tại Việt Nam, xuất hiện những nghi vấn về cái chết của giám mục Nguyễn Kim Điền khi ông qua đời tại bệnh viện Chợ Rẫy, nguyên do bởi cái chết của một giám mục có tư tưởng bất đồng chính kiến lại ở một bệnh viện do Nhà nước điều hành. Nội vụ Việt Nam xác nhận tổng giám mục Nguyễn Kim Điền qua đời do bệnh tim. Linh mục Tađêô Nguyễn Văn Lý nêu ý kiến của ông này cho rằng tổng giám mục Điền đã bị chính quyền Việt Nam ám hại bằng cách cho thuốc độc thông qua y tá vào ngày 6 tháng 6, và cho uống thuốc xổ đến khi qua đời ngày 8 tháng 6. Nữ y tá thừa lệnh cho thuốc độc đã xin lỗi thân nhân cố tổng giám mục, sau đó được đưa sang Đức du học. Đề nghị khám nghiệm thi hài để tìm ra loại chất độc bị từ chối. Trước khi mất, cố giám mục đã bày tỏ sự tha thứ của mình đối với những người liên quan đến vụ việc trên. Các tờ báo, đài phát thanh như VOA, BBC, đài Pháp, đài Chân lý Á châu ở Manila loan tin và bình luận về cái chết của vị tổng giám mục Huế. Dư luận trong và ngoài nước đánh giá chính quyền Việt Nam gián tiếp hoặc trực tiếp hại tổng giám mục Nguyễn Kim Điền.
Khi Tổng giám mục Huế Nguyễn Kim Điền qua đời, các phương tiện truyền tin đều bị gián đoạn: các đường điện thoại gọi ra Huế đều bị cắt, lúc đó chưa có fax, e-mail và nội bộ các giáo sĩ không có điện thoại. Tất cả các điện tín gửi ra Huế đều được gửi đến khi hoàn tất việc an táng cố tổng giám mục. Tổng giáo phận Huế không biết tin tức về việc qua đời của tổng giám mục Điền nên thành lập một phái đoàn vào Thành phố Hồ Chí Minh để thăm và tiễn đưa ông đi Rôma, cùng chuyến viếng thăm hành hương Ad limina ngày 9 tháng 6.
Tang lễ và các hoạt động liên quan.
Tổng giáo phận Huế nhận được thông tin về việc Tổng giám mục Nguyễn Kim Điền qua đời vào ngày hôm sau, 09 tháng 6 năm 1988. Nhà thờ chính tòa Phủ Cam và sau đó Dòng Chúa Cứu Thế thực hiện nghi thức gieo chuông báo tử (chuông sầu). Trên thực tế, các giáo sĩ tại Huế biết được tin này nhờ bản tin từ đài Radio Veritas, Philippines. Nhận được tin tổng giám mục Huế qua đời, giáo hoàng Gioan Phaolô II đã gọi cố tổng giám mục bằng danh hiệu "Grand Figure d’Evêque" cho ông trong điện tín chia buồn với giáo dân Tổng giáo phận Huế vào ngày 10 tháng 6 năm 1988.
Linh cữu cố tổng giám mục Philípphê Nguyễn Kim Điền được chuyển về tòa tổng giám mục Sài Gòn. Tổng giám mục Tổng giáo phận Sài Gòn Phaolô Nguyễn Văn Bình tổ chức lễ đồng tế vào chiều cùng ngày. Thi hài cố tổng giám mục được đặt tạm trên băng-ca, một hình ảnh gây khó chịu đối với thân nhân của ông cũng như các linh mục phái đoàn Tổng giáo phận Huế. Họ đã chỉ trích tổng giám mục Nguyễn Văn Bình và các linh mục có trách nhiệm về việc bất kính với thi hài cố tổng giám mục Nguyễn Kim Điền.
Nguyên Tổng giám mục phó Stêphanô Nguyễn Như Thể cùng các linh mục Huế sau đó đã tổ chức khâm liệm rồi di quan đến nhà thờ chính tòa Sài Gòn (Nhà thờ Đức Bà) để giáo dân viếng và cử hành lễ vào sáng ngày 11 tháng 6. Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình chủ lễ, cùng với 8 giám mục, một Đan viện phụ và khoảng 300 linh mục đồng tế. Sau đó thi hài cố tổng giám mục được chuyển về Huế bằng đường bộ.
Ngày 12 tháng 6, nhận được tin tức về xe chở linh cữu tổng giám mục Nguyễn Kim Điền sẽ về đến Huế trong ngày hôm đó, vào lúc ba giờ chiều, các thanh niên giáo xứ Phủ Cam đã sử dụng xe máy để vào Đà Nẵng nhằm đón xe chở thi hài. Tại giáo xứ, các đoàn thể chuẩn bị, tạo thành hàng dọc từ Tòa giám mục đến Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, kéo dài 2 km. Sáu giờ chiều hôm đó, đoàn xe trên đã về đến giáo xứ Phủ Cam. Thi hài cố giám mục được quàn tại Tòa giám mục trong khoảng thời gian 20 giờ đồng hồ để các đoàn tôn giáo khác đến viếng và đến chiều ngày 14 tháng 6 thì di quan về nhà thờ chính tòa để giáo dân đến viếng. Trong thời gian viếng, các đoàn thể đã liên tục cử hành lễ cầu nguyện và cảm tạ tổng giám mục Điền. Trong các lễ này, giáo dân tham dự rất đông. Chính quyền tại Huế không có hành động gì ngoài việc gửi các mật vụ theo dõi tình hình. Quan tài cố tổng giám mục được thiết kế với phần khung kính tại khuôn mặt, có thể đóng mở bằng mảnh gỗ để giáo dân có thể nhìn mặt cố giám mục lần cuối. Linh cữu tổng giám mục Điền với môi miệng tím bầm, hai tay tím thẫm, hai hốc mắt trái và phải đều tím bầm và có hai bong bóng máu đen sẫm kích thước rất lớn tại hai lỗ mũi, vỡ rồi lại hiện, làm giáo dân có nhiều nghi vấn, sau đó phải cho đóng nắp quan tài.
Lễ an táng được cử hành vào ngày 15 tháng 6, do Tổng giám mục Thành phố Hồ Chí Minh Phaolô Nguyễn Văn Bình chủ tế cùng nhiều giám mục và linh mục đoàn Tổng giáo phận Huế. Nhiều nguồn tin cho rằng hồng y Giuse Maria Trịnh Văn Căn chủ sự tang lễ. Tuy số lượng giáo dân ở thành phố Huế và vùng phụ cận chỉ vào khoảng 10.000 người, nhưng số người có mặt, kể cả ngoài Công giáo, do có cảm tình với cố tổng giám mục lên đến khoảng 50-60 nghìn người. Lễ tang cố tổng giám mục Nguyễn Kim Điền được linh mục Nguyễn Văn Lý đánh giá là sự kiện quy tụ đông người nhất tại Huế sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975. Nhiều quan chức địa phương cũng đã tham dự lễ an táng cố tổng giám mục. Thi hài cố Tổng giám mục Nguyễn Kim Điền được an táng tại cánh trái Cung Thánh trong nhà thờ chính toà Phủ Cam. Tang lễ kết thúc vào 11 giờ cùng ngày, tuy vậy trước sự tham dự và sùng bái của giáo dân, đến chiều tối nghi thức hạ huyệt mới được cử hành.
Tưởng nhớ.
Linh mục Phaolô Nguyễn Kim Bính, Hạt trưởng giáo hạt Thành phố Huế đồng thời là linh mục chính xứ Nhà thờ chính tòa Phủ Cam cho trang trí mộ cố tổng giám mục Nguyễn Kim Điền cách lộng lẫy, với hình thức tương tự mộ của một thánh tử đạo. Việc này đã bị phái đoàn Tòa Thánh góp ý trong một lần đến thăm nhà thờ Phủ Cam rằng không nên đi trước quyết định của Tòa Thánh. Vì vậy, linh mục Bính đã cho chỉnh sửa lại mộ phần với cách trang trí đơn giản: phần mộ sát với nền nhà thờ, bên trên có một tấm đá cẩm thạch đen, có khắc tiểu sử vắn tắt về cố tổng giám mục.
Một nhóm linh mục giáo dân được gọi là nhóm linh mục Nguyễn Kim Điền được thành lập. Nhóm này gồm linh mục Chân Tín Dòng Chúa Cứu Thế và 3 linh mục Tổng giáo phận Huế là Tađêô Nguyễn Văn Lý, Phêrô Phan Văn Lợi và Phêrô Nguyễn Hữu Giải. Họ cho xuất bản quyển sách "Chứng nhân của Sự thật và Lẽ phải" vào năm 2008 nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày qua đời của tổng giám mục Nguyễn Kim Điền, với nội dung là tất cả các chứng từ, văn kiện và các bài phát biểu công khai của cố tổng giám mục trong khoảng thời gian từ sau tháng 4 năm 1977.
Tổ chức Phong trào Giáo dân thành lập Giải thưởng tự do Tôn giáo mang tên cố tổng giám mục Nguyễn Kim Điền vào năm 2009.
Nhận định.
Giáo sư Nguyễn Lý Tưởng, cựu dân biểu chế độ Việt Nam Cộng Hòa nhắc nhớ lại kỷ niệm của ông với giám mục Nguyễn Kim Điền:
Linh mục Tađêô Nguyễn Văn Lý đưa ra nhận định:
Tác giả Nguyễn An Quý đưa ra đánh giá về phong cách giảng lễ của cố tổng giám mục Nguyễn Kim Điền trong bài viết "Nhớ lại lúc được tin Cố TGM Nguyễn Kim Điền chết" như sau:
Linh mục Trần Cao Tường nói về kỷ niệm của ông này với vị linh mục giảng phòng Nguyễn Kim Điền:
Tông truyền.
Tổng giám mục Philípphê Nguyễn Kim Điền được tấn phong giám mục năm 1961, thời Giáo hoàng Gioan XXIII, bởi:
Tổng giám mục Philípphê Nguyễn Kim Điền đóng vai trò chủ phong trong nghi thức truyền chức cho giám mục:
Tổng giám mục Philípphê Nguyễn Kim Điền đóng vai trò phụ phong trong nghi thức truyền chức cho các giám mục: | 1 | null |
Giuse Trần Xuân Tiếu (sinh 1944) là một Giám mục của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam. Ông từng đảm trách vai trò Giám mục chính tòa của Giáo phận Long Xuyên, từ năm 2003 đến năm 2019. Ngoài ra, giám mục Tiếu cũng từng đảm nhận vai trò Chủ tịch Ủy ban Giáo dân trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam trong hai nhiệm kỳ liên tiếp: 2010 – 2013 và 2013 – 2016. Khẩu hiệu Giám mục của ông là "Để tất cả nên một".
Thân thế và tu tập.
Giám mục Trần Xuân Tiếu sinh ngày 20 tháng 8 năm 1944 (theo giấy Rửa Tội) hoặc 1945 tại Phú Ốc, nay thuộc phường Lộc Hòa, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định, thuộc Tổng Giáo phận Hà Nội nhưng theo gia đình di cư vào Nam 1954. Năm 12 tuổi (1957), gia đình đưa cậu bé Tiếu nhập học tại Tiểu chủng viện Pio XII Hà Nội, Chợ Lớn. Từ năm 1962, cậu học tại Tiểu Chủng viện Sài Gòn.
Sau thời gian học tại Tiểu chủng viện, năm 1965, chủng sinh Trần Xuân Tiếu được gửi sang Roma học Triết và Thần học của Đại học Giáo hoàng Urbaniana.
Ngoài tiếng Ý, Giám mục Tiếu còn thông thạo nhiều ngoại ngữ khác như: Anh, Pháp, Đức, Latinh.
Thời kỳ linh mục.
Chủng sinh Trần Xuân Tiếu trở về Việt Nam năm 1972.
Sau một thời gian thực tập, Phó tế Trần Xuân Tiếu được thụ phong linh mục ngày 10 tháng 8 năm 1974 tại Sài Gòn, với vai trò linh mục thành viên linh mục đoàn Giáo phận Long Xuyên. Tân linh mục sau đó được bổ nhiệm đảm trách vai trò thư ký của Giám mục Giáo phận Long Xuyên Micae Nguyễn Khắc Ngữ. Năm 1995, ông kết thúc nhiệm vụ ở Tòa Giám mục, được bổ nhiệm làm linh mục chính xứ Giáo xứ Chính tòa Giáo phận Long Xuyên và Giáo sư Thần học luân lý ở Đại Chủng viện Thánh Quý Cần Thơ.
Trong khoảng thời gian từ năm 1995 đến năm 1998, linh mục Trần Xuân Tiếu đảm nhận vai trò linh mục Chánh xứ Nhà thờ chính tòa Long Xuyên. Cũng trong thời gian này, năm 1998, linh mục Tiếu được bổ nhiệm làm Giáo sư Thần học Luân Lý tại Đại chủng viện Thánh Quý Cần Thơ và linh mục Tổng Đại diện Giáo phận Long Xuyên.
Thời kỳ giám mục.
Ngày 3 tháng 6 năm 1999, Tòa Thánh bổ nhiệm cùng lúc ba tân giám mục cho Giáo hội Công giáo Việt Nam, cụ thể: linh mục Giuse Trần Xuân Tiếu làm Giám mục phó Long Xuyên, linh mục Phêrô Nguyễn Soạn làm Giám mục chính tòa Giáo phận Qui Nhơn và linh mục Giuse Ngô Quang Kiệt làm Giám mục chính tòa Giáo phận Lạng Sơn và Cao Bằng – vị giám mục đến năm 2005 trở thành Tổng giám mục Tổng giáo phận Hà Nội.
Lễ tấn phong cho hai tân giám mục xuất thân giáo phận Long Xuyên là Giám mục Trần Xuân Tiếu và Ngô Quang Kiệt được tổ chức vào ngày 29 tháng 6 năm 1999. Phần nghi thức truyền chức chính yếu cho hai tân giam mục được cử hành bởi Chủ phong là Giám mục Gioan Baotixita Bùi Tuần, giám mục chính tòa Long Xuyên và hai vị phụ phong là giám mục Emmanuel Lê Phong Thuận, giám mục chính tòa Giáo phận Cần Thơ và giám mục Giáo phận Thái Bình Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang. Lễ phong chức có sự hiện diện của 15 tổng giám mục và giám mục và gần 400 linh mục đồng tế.
Ngày 2 tháng 10 năm 2003, Tòa Thánh chấp thuận đơn xin hồi hưu của Giám mục Gioan Baotixita Bùi Tuần, giám mục chính toà Long Xuyên. Giám mục Tuần hồi hưu, với cương vị giám mục phó, giám mục Trần Xuân Tiếu kế nhiệm chức vụ Giám mục chính tòa Giáo phận Long Xuyên, Việt Nam.
Ngày 1 tháng 5 năm 2010, Giám mục Trần Xuân Tiếu ký sắc lệnh thành lập dòng Mến Thánh Giá Long Xuyên.
Trong hai nhiệm kỳ liên tiếp, kéo dài từ năm 2010 đến năm 2016, Giám mục Tiếu đảm nhận vai trò Chủ tịch Ủy ban Giáo Dân trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam.
Ngày 25 tháng 8 năm 2017, Văn phòng Báo chí Tòa Thánh loan tin Giáo hoàng Phanxicô quyết định bổ nhiệm Giám mục Giuse Trần Văn Toản, hiện là Giám mục Phụ tá Giáo phận Long Xuyên, Hiệu tòa Acalisso làm Giám mục Phó Giáo phận Long Xuyên với quyền kế vị. Với quyền kế nhiệm, Giám mục Toản đương nhiên kế vị chức Giám mục chính tòa Giáo phận khi Giám mục Tiếu từ nhiệm hoặc qua đời.
Trong thời kỳ giám mục Trần Xuân Tiếu làm Giám mục chính tòa Long Xuyên, ông đã nhiều lần viết kiến nghị với chính quyền trao trả lại cơ sở Đại chủng viện Thánh Tôma cho giáo phận sinh hoạt mục vụ. Đơn kiến nghị được giám mục Tiếu kiên nhẫn hàng năm, cứ vào tháng 3, dịp lễ kính Thánh Giuse viết và gửi đơn. Việc xin lại cơ sở này, có sự góp sức của nguyên giám mục Gioan Baotixita Bùi Tuần, nêu lên ước nguyện tuổi già là xin lại cơ sở này.
Ngày 23 tháng 2 năm 2019, Tòa Thánh loan báo Giáo hoàng đã chấp thuận đơn từ nhiệm của Giám mục Tiếu. Giám mục Phó Giuse Trần Văn Toản đương nhiên kế vị trở thành Giám mục chính tòa Giáo phận Long Xuyên. Trong Tâm Thư cho công bố cùng ngày, Giám mục Tiếu cho biết ông đã cố gắng chu toàn bổn phận của một giám mục trong suốt 20 năm qua, đồng thời có lời cảm tạ đến các thành phần giáo phận đã hỗ trợ ông thi hành sứ vụ.
Trong thời kỳ làm Giám mục, Giám mục Trần Xuân Tiếu quan tâm đến giáo dân bằng cách tổ chức và đào tạo họ. Ngoài ra, về vấn đề các cơ sở tôn giáo, ông cho xây dựng và kiến thiết lại các cơ sở của Giáo phận. Về các hội đoàn và phong trào Công giáo Tiến hành, Giám mục Tiếu đề cao sự thống nhất các hoạt động. Ngoài ra, giám mục Trần Xuân Tiếu cũng được đánh giá rằng có tinh thần đối thoại và cởi mở.
Trong bức thư đầu tiên trong cương vị Giám mục chính tòa Long Xuyên, giám mục Giuse Trần Văn Toản bày tỏ mong mỏi giám mục Tiếu tiếp tục đồng hành cùng giáo phận trong các sự kiện, đồng thời mong muốn tổ chức các dịp kỷ niệm của Giám mục Tiếu như mừng thọ 75 năm, 45 năm linh mục và 20 năm giám mục.
Sáng ngày 16 tháng 3 năm 2019, với lễ kỷ niệm 20 năm giám mục, 45 năm linh mục và thọ 75 tuổi. Buổi lễ được quyết định tổ chức các âm thầm, chủ trương không mời khách, không cử hành các nghi lễ trang trọng. Tham gia đồng tế ngoài giám mục Trần Xuân Tiếu còn có các linh mục, giám mục Trần Văn Toản. Tham dự thánh lễ có một ít giáo dân.
Tông truyền.
Giám mục Giuse Trần Xuân Tiếu được tấn phong giám mục năm 1999, thời Giáo hoàng Gioan Phaolô II, bởi:
Giám mục Giuse Trần Xuân Tiếu là Giám mục Chủ phong cho giám mục: | 1 | null |
Phêrô Nguyễn Soạn (sinh năm 1936) là một giám mục Công giáo tại Việt Nam, thuộc Giáo hội Công giáo Rôma. Ông từng đảm nhận vai trò Giám mục chính tòa của Giáo phận Qui Nhơn trong khoảng thời gian từ năm 1999 đến năm 2012. Khẩu hiệu giám mục là "Thưa Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy" ("Scis Quia Amo Te").
Sinh năm 1936 tại Bình Định, sau quá trình tu học tại các tiểu chủng viện Qui Nhơn và Nha Trang, cũng như Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X Đà Lạt, phó tế Nguyễn Soạn được truyền chức linh mục vào tháng 12 năm 1968, cho giáo phận Qui Nhơn. Sau khi được thụ phong linh mục, ông tiếp thục theo học để hoàn thành chương trình tại Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X Đà Lạt, trước khi du học tại Đại học Giáo hoàng Urbaniana và tốt nghiệp Tiến sĩ Giáo luật. Trở về Việt Nam năm 1974, ông nhận chức vụ Giám đốc Đại chủng viện Qui Nhơn và chánh xứ Qui Hải, cho đến năm 1979. Ông là linh mục trợ giúp giáo xứ chính tòa từ năm 1989, trước khi trở thành chánh xứ năm 1992. Trong khoảng thời gian này, ông từng kiêm chức Tổng Đại diện giáo phận Qui Nhơn từ năm 1989.
Tháng 6 năm 1999, Tòa Thánh bổ nhiệm linh mục Nguyễn Soạn làm Giám mục Chính tòa Giáo phận Qui Nhơn, và ông đã giữ chức vụ này cho đến năm 2012. Trong Hội đồng Giám mục Việt Nam, giám mục Nguyễn Soạn từng giữ vai trò Tổng Thư ký Hội đồng trong hai khóa liên tiếp, kéo dài từ năm 2001 đến năm 2007. Ngoài tiếng mẹ đẻ là tiếng Việt, ông còn có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Latinh.
Thân thế.
Giám mục Phêrô Nguyễn Soạn sinh ngày 15 tháng 12 năm 1936 tại giáo hạt Gò Dài, giáo xứ Gò Thị, giáo phận Qui Nhơn (nay thuộc xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định). Ngoài giám mục Soạn, giáo xứ Gò Thị (theo địa giới ngày nay), là nơi xuất thân của ba giám mục khác, là Phaolô Huỳnh Đông Các, Mátthêu Nguyễn Văn Khôi và Giuse Huỳnh Văn Sỹ. Ông cố nội của giám mục Soạn, ông Nguyễn Khuê (còn gọi là "Trùm Phê") và họ hàng, đã giúp xây dựng kiên cố nhà thờ họ đạo Phước Thiện năm 1940. Ngoài giám mục Soạn, cháu cố ông Khuê còn có một người khác làm linh mục, là linh mục Luy Nguyễn Bảo.
Cậu bé Nguyễn Soạn sau đó theo học triết học và thần học tại các Tiểu chủng viện Qui Nhơn và Nha Trang, trước khi theo học tại Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X Đà Lạt. Cậu bé Soạn gia nhập tiểu chủng viện Làng Sông, Qui Nhơn năm 1949 và sau hiệp định Genève năm 1954 được ký kết, chuyển đến tu học tại Tiểu chủng viện Nha Trang. Chủng sinh Soạn sau đó từng đảm nhận công việc giám thị tiểu chủng viện khi đang học Đại chủng viện.
Thời kỳ Linh mục.
Ngày 21 tháng 12 năm 1968, Phêrô Nguyễn Soạn được thụ phong linh mục. Ông thuộc linh mục đoàn Giáo phận Qui Nhơn. Ông tiếp tục hoàn tất chương trình học tại Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X Đà Lạt, sau đó được giám mục giáo phận cử đi du học Rôma và tốt nghiệp văn bằng Tiến sĩ Giáo luật tại Đại Học Giáo hoàng Urbaniana (1973) và trở về Việt Nam năm 1974. Ngoài bằng Tiến sĩ Giáo luật, ông còn có văn bằng văn chương Anh tại Sài Gòn.
Sau biến cố năm 1975, linh mục Nguyễn Soạn đảm nhận chức Giám đốc Đại chủng viện Qui Nhơn và kiêm thêm chức chính xứ Qui Hải. Năm 1979, chính quyền Việt Nam mượn Đại chủng viện, giáo dân Qui Hải không còn nơi thờ tự, do đó được sáp nhập vào giáo xứ Qui Hiệp.
Năm 1989, linh mục Nguyễn Soạn được bổ nhiệm chức Tổng Đại diện Giáo phận Qui Nhơn. Ông từng cộng tác mục vụ tại Nhà thờ chính tòa Qui Nhơn trong giai đoạn từ năm 1989 đến năm 1992, dưới thời Giám mục chính tòa Phaolô Huỳnh Đông Các kiêm nhiệm chính xứ Chính tòa. Năm 1992, ông trở thành linh mục chính xứ Giáo xứ chính tòa và đảm nhận chức vụ này cho đến năm 2000. Trong thời gian này, năm 1992, ông đã cho lắp đồng hồ điện tử có phát chuông và bài thánh ca "Ave Ave Ave Maria". Ông cũng cho xây dựng Nhà thờ giáo họ Hội Lộc (tại bán đảo Phương Mai) bằng việc di chuyển vật liệu từ Qui Nhơn đến Hội Lộc bằng ghe và thuyền. Nhà thờ giáo họ này khánh thành năm 1996. Năm 2000, giám mục Soạn đồng thuận cải tạo một số hạng mục như Nhà xứ và nhà thờ giáo xứ chính tòa.
Trong thời kỳ linh mục, linh mục Nguyễn Soạn được nhận định đã thành công trong các công việc mục vụ giáo xứ, đào tạo chủng sinh cho giáo phận cũng như hỗ trợ Giám mục Huỳnh Đông Các điều hành giáo phận trong thời kỳ khó khăn chung của xã hội Việt Nam.
Thời kỳ Giám mục.
Ngày 3 tháng 6 năm 1999, Tòa Thánh bổ nhiệm linh mục Phêrô Nguyễn Soạn làm Tân giám mục chính tòa, kế vị Giám mục Phaolô Huỳnh Đông Các về hưu, cùng thông báo bổ nhiệm đợt này có Tân Giám mục Giáo phận Lạng Sơn và Cao Bằng Giuse Ngô Quang Kiệt - người đến năm 2005 trở thành Tổng giám mục Hà Nội và Tân Giám mục Phó Giáo phận Long Xuyên Giuse Trần Xuân Tiếu. Với việc bổ nhiệm này, Giám mục Nguyễn Soạn là giám mục chính tòa thứ tư của giáo phận Qui Nhơn kể từ khi Qui Nhơn được nâng cấp thành giáo phận năm 1960.
Lễ tấn phong cho Tân giám mục Nguyễn Soạn được cử hành sau đó vào ngày 12 tháng 8 cùng năm, với phần nghi thức chính yếu được cử hành cách trọng thể bởi Chủ phong là Tổng Giám mục đô thành Tổng giáo phận Huế Stêphanô Nguyễn Như Thể và hai vị phụ phong là Giám mục Phaolô Huỳnh Đông Các, nguyên Giám mục Qui Nhơn và Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nho, giám mục Phó Giáo phận Nha Trang.
Nhân dịp Anrê Phú Yên được giáo hội Công giáo tôn phong chân phước, và là vị tử đạo đầu tiên của giáo hội Công giáo Việt Nam. Hội trại Giảng viên, giáo lý viên giáo phận Qui Nhơn lần đầu được tổ chức tại quê hương Mằng Lăng của tân chân phước vào ngày lễ kính chân phước, 26 tháng 7 năm 2000. Giám mục Nguyễn Soạn đã cử hành lễ đồng tế tại giáo xứ này. Năm 2001, Hội đồng Giám mục Việt Nam bầu chọn giám mục Nguyễn Soạn giữ chức Tổng Thư ký nhiệm kỳ 2001 đến năm 2004. Ông tái đắc cử chức vụ này và nắm vai trò Tổng Thư ký đến năm 2007. Ông tham dự Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ X vào tháng 10 năm 2001, và được bầu chọn làm thành viên Uỷ ban Bầu cử Hậu Thượng Hội đồng Giám mục. Cùng với Tổng giám mục Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Giám mục Nguyễn Soạn có bài tham luận ngắn bằng tiếng Pháp trong khuôn khổ Thượng Hội đồng Giám mục vào ngày 3 tháng 10 năm 2001.
Giám mục Nguyễn Soạn được ghi nhận là người đã ra sức đào tạo nhân sự cũng như phát triển cơ sở hạ tầng cho giáo phận Qui Nhơn. Dưới thời Giám mục Nguyễn Soạn, cơ sở Chủng viện Làng Sông của Qui Nhơn đã được cho trùng tu cách "sơ khởi" vào năm 2011. Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương được thiết lập và được cho tạm cư trú để chăm sóc cơ sở này. Trong 13 năm đảm nhận chức vụ Giám mục Qui Nhơn, dưới thời giám mục Soạn có 39 tân linh mục, 10 giáo xứ tân/tái lập, nhiều cơ sở Công giáo được xây dựng, bao gồm 24 nhà thờ (giáo xứ hoặc giáo họ) và số chủng sinh, nữ tu gia tăng hàng năm. Dưới thời Giám mục Nguyễn Soạn, số giáo dân đạt mức 70.000.
Vì sức khỏe Giám mục Nguyễn Soạn suy yếu cách trầm trọng, ngày 31 tháng 12 năm 2009, Tòa Thánh bổ nhiệm linh mục Mátthêu Nguyễn Văn Khôi làm giám mục phó giáo phận Qui Nhơn. Ngày 30 tháng 6 năm 2012, Giáo hoàng Biển Đức XVI chấp nhận đơn từ nhiệm của Giám mục Nguyễn Soạn. Với việc chấp thuận này, Giám mục Phó Nguyễn Văn Khôi đương nhiên kế vị ông trở thành Giám mục Chính tòa. Từ đây, ông nghỉ hưu tại tòa Giám mục Giáo phận Qui Nhơn, Việt Nam.
Ngày 24 tháng 11 năm 2018, Bộ Truyền giáo gửi điện thư chúc mừng 50 năm thụ phong linh mục của Giám mục Phêrô Nguyễn Soạn. Chưa đầy một tuần sau đó, ngày 30 tháng 11, Giáo hoàng Phanxicô cũng gửi điện thư chúc mừng nhân dịp kỷ niệm này. Lễ đồng tế kỷ niệm 50 năm thụ phong linh mục của Giám mục Soạn được tổ chức vào chiều ngày 21 tháng 12 năm 2018. Sức khỏe của Giám mục Soạn rất yếu, cần có người dìu mỗi khi di chuyển.
Tông truyền.
Giám mục Phêrô Nguyễn Soạn được tấn phong giám mục năm 1999, dưới thời Giáo hoàng Gioan Phaolô II, bởi:
Giám mục Phêrô Nguyễn Soạn là giám mục Phụ phong giám mục cho các giám mục: | 1 | null |
Subsets and Splits
No community queries yet
The top public SQL queries from the community will appear here once available.