text
stringlengths
1
148k
label
int64
0
2
__index_level_0__
int64
0
113k
Phaolô Tịnh Nguyễn Bình Tĩnh (30 tháng 5 năm 193021 tháng 11 năm 2023) là một giám mục của Giáo hội Công giáo người Việt Nam. Ông từng đảm trách vai trò Giám mục chính tòa của Giáo phận Đà Nẵng trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2006. Trước đó, ông cũng từng đảm nhận vai trò Giám mục phó Giáo phận Đà Nẵng. Trong Hội đồng Giám mục Việt Nam, ông từng đảm trách vai trò Chủ tịch Uỷ ban Giáo sĩ – Chủng sinh nhiệm kỳ 2001 – 2004. Khẩu hiệu Giám mục của ông là "Khiêm tốn phục vụ". Nguyễn Bình Tĩnh sinh tại Ninh Bình, là người con út trong một gia đình Công giáo. Ông cùng gia đình di cư vào Nam và theo học các chủng viện tại Vĩnh Long và Thị Nghè do các linh mục Xuân Bích giảng dạy. Sau quá trình tu học, ông được thụ phong linh mục năm 1960 và gia nhập Tu hội Xuân Bích năm 1961. Linh mục Nguyễn Bình Tĩnh sau đó du học Pháp và hồi hương làm giáo sư các đại chủng viện Nha Trang và Huế. Từ năm 1970, ông đảm trách vai trò Giám đốc Đại chủng viện Xuân Bích, Huế. Sau biến cố năm 1975, ông giữ vai trò là linh mục chính xứ và thành viên Ban Cố vấn, Giám đốc Đại chủng viện, Tổng Đại diện Giáo phận Đà Nẵng. Tháng 5 năm 2000, linh mục Nguyễn Bình Tĩnh được chọn làm giám mục phó Giáo phận Đà Nẵng. Ông được tấn phong giám mục cách gấp rút vào một tháng sau đó và kế vị chức giám mục chính tòa tháng 11 cùng năm. Ông hồi hưu vì lý do tuổi tác năm 2006, theo quy định của Giáo hội Công giáo và qua đời vào tháng 11 năm 2023. Ông là một trong ba giám mục xuất thân từ tu hội Xuân Bích tại Việt Nam. Hai người còn lại là Giám mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm (1975) và Anphong Nguyễn Hữu Long (2013). Ông cũng từng là Đại diện Xuân Bích tại Việt Nam. Thân thế và tu học. Giám mục Nguyễn Bình Tĩnh sinh ngày 30 tháng 5 năm 1930 tại giáo họ Phát Ngoại, giáo xứ Chính Tòa Phát Diệm, thuộc Giáo phận Phát Diệm (thuộc địa bàn xã Lưu Phương, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình ngày nay). Theo thông tin từ Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, ông sinh ngày 30 tháng 6 năm 1930. Song thân ông là ông Phêrô Nguyễn Văn Thừa và bà Maria Nguyễn Thị Nhiên. Nguyễn Bình Tĩnh là người con út trong gia đình. Tên thánh của ông được đặt theo Thánh tử đạo Phaolô Lê Bảo Tịnh. Thuở nhỏ, ông theo học tại Tiểu Chủng viện Ba Làng (thuộc phường Hải Thanh, Nghi Sơn, Thanh Hóa), kể từ năm 12 tuổi (khoảng năm 1942). Sau Hiệp định Genève, 1954, gia đình ông di cư vào Nam, ông được gửi theo học tại các Đại chủng viện Vĩnh Long và Đại Chủng viện Thị Nghè, do các linh mục Xuân Bích giảng dạy. Hai chủng viện này là một, có tiền thân là Đại chủng viện Xuân Bích tại Hà Nội (1930–1946; 1950–1954), dạy tại Thị Nghè từ năm 1954 đến năm 1956, tại Vĩnh Long từ năm 1956 đến năm 1962, sau ổn định tại Huế (Đại chủng viện Xuân Bích Huế) theo lời mời của Tổng giám mục Huế năm 1962. Thời kỳ linh mục. Ngày 31 tháng 5 năm 1960, Nguyễn Bình Tĩnh được thụ phong linh mục tại Thị Nghè, Sài Gòn, do Giám mục Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền chủ phong. Ông là linh mục thuộc linh mục đoàn giáo phận Kon Tum. Sau khi thụ phong, ngày 13 tháng 6 năm 1961, ông gia nhập Tu hội Xuân Bích (""), làm công tác huấn luyện đào tạo chủng sinh. Linh mục Tĩnh chỉ là linh mục của Giáo phận Kon Tum trong vòng hơn một năm trước khi gia nhập Hội Linh mục Xuân Bích, từ năm 1960 đến năm 1961. Linh mục Nguyễn Bình Tĩnh được cử đi du học tại Đại học Công giáo Paris, Pháp từ năm 1960 đến năm 1964 về Thần học. Sau khi tốt nghiệp năm 1964, ông trở về Việt Nam và được bổ nhiệm làm giáo sư Đại Chủng viện Xuân Bích Nha Trang và Huế. Tại chủng viện Huế, ông cũng chịu trách nhiệm về nguồn ngân quỹ cho chủng viện ("Econome") và Giáo sư các môn Xã hội học và Phụng Tự. Năm 1970, linh mục Phaolô Tịnh Nguyễn Bình Tĩnh được chọn làm Giám đốc Tiểu Chủng viện Thánh Gioan, Đà Nẵng. Tại chủng viện này, ông giảng dạy các môn Tín lý và Khoa học Tự nhiên. Các chủng sinh được ông hỗ trợ trong tư cách một người cha, thường tham gia các buổi họp phụ huynh cho các tiểu chủng sinh. Do vậy, các tiểu chủng sinh gọi ông với cái tên "bố Đốc" (viết tắt của Cha Giám đốc). Trong thời gian linh mục, linh mục Nguyễn Bình Tĩnh từng đóng vai trò trợ phong trong nghi thức truyền chức giám mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Quang Sách năm 1975. Ông giảng dạy tại Tiểu chủng viện Đà Nẵng cho đến năm 1984. Trong thời gian này, ông còn là Tổng Đại diện Giáo phận Đà Nẵng, từ năm 1977 đến năm 1987. Từ năm 1987 đến năm 1994, ông là Chủ tịch Hội đồng Linh mục Giáo phận Đà Nẵng. Đồng thời với chức Chủ tịch Hội đồng Linh mục, ông kiêm chức linh mục quản xứ Giáo xứ An Hải (từ năm 1987 đến năm 1994). Trang web "Việt Nam Thời Báo", website của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam trích bài đăng bản tiếng Việt của bài viết "An Analysis of the Vietnamese Communist Party’s suppression of the Catholic Church" (Bản phân tích việc đàn áp Giáo hội Công giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam) được viết năm 2002 bởi linh mục Trần Xuân Tâm. Linh mục Tâm sau đó đã gửi bài viết này đến Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Linh mục Tâm được Hội nhà Báo Độc lập Việt Nam trích dẫn viết trong bài viết rằng linh mục Nguyễn Bình Tĩnh là một người ủng hộ chính quyền một cách "công khai và hăng say", thông qua ví dụ là dùng văn kiện của Đảng trong bài giảng. Cũng trong bài viết này, giáo dân An Hải đuợc cho rằng đã cho biết linh mục Tĩnh đã chấp nhận cho một viên chức chính quyền đến mời gọi giáo dân tham gia chương trình trái phiếu chính phủ vào một ngày Chúa nhật năm 1991. Hai năm sau, tháng 3 năm 1993, cũng trong bối cảnh thánh lễ Công giáo, linh mục Tĩnh đã hỗ trợ phân phát tài liệu [truyên truyền] về ngừa thai nhân tạo và phá thai. Cũng theo tài liệu của linh mục Trần Xuân Tâm, một trong những điều kiện để mở lại Đại chủng viện là linh mục Nguyễn Bình Tĩnh được đặt làm Giám đốc Chủng viện. Năm 1994, linh mục Tĩnh được chọn làm Giám đốc Đại Chủng viện Xuân Bích Huế và đã giữ chức vụ này đến khi được chọn làm Giám mục. Ông là giám đốc chủng viện đầu tiên, sau một thời gian chủng viện phải ngưng hoạt động. Chủng viện Xuân Bích Huế thời gian này đào tạo giáo sĩ cho ba giáo phận Đà Nẵng, Huế và Kon Tum. Ngoài các chức vụ trên, ông còn là thành viên Ban Cố vấn giáo phận. Theo tài liệu của linh mục Trần Xuân Tâm do Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam đăng tải nêu thông tin giáo dân có biết đến một văn thư từ Công an Đà Nẵng gửi cho linh mục Tĩnh và gọi ông là "Giám mục" trong giai đoạn khoảng năm 1995 và 1996. Tài liệu này cũng cho rằng chính quyền đã sắp xếp bằng phương cách "hộ khẩu", buộc các linh mục giáo phận Đà Nẵng giảng dạy tại Huế phải chuyển hộ khẩu đến Huế, trừ trường hợp của linh mục Tĩnh. Các linh mục có hộ khẩu Huế sau đó bị chính quyền từ chối đề cử giám mục vì lý do "tình trạng thường trú". Linh mục Tâm cũng cho rằng Giám mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Quang Sách, tuy cần người kế vị hoặc ít nhất là một giám mục phó, không mong muốn và không đề cử linh mục Nguyễn Bình Tĩnh làm giám mục do nghi ngại việc này sẽ gây "nguy hại cho Giáo hội." Giám mục. Bổ nhiệm và tấn phong. Giám mục Giáo phận Đà Nẵng Phanxicô Xaviê Nguyễn Quang Sách thỉnh nguyện Tòa Thánh cho một giám mục phó. Tuy vậy, thời gian kéo dài và giám mục Sách không được Tòa Thánh chấp thuận cho hồi hưu dù sức khỏe kém, và tuổi tác đã cao, và một số phương án [nhân sự] đã bất thành. Với sự giới thiệu của Thánh bộ Truyền giáo, Giáo hoàng đã chuẩn thuận bổ nhiệm ứng viên là linh mục Nguyễn Bình Tĩnh làm giám mục. Ngày 10 tháng 5 năm 2000, Giáo hoàng Gioan Phaolô II, thông qua đề nghị của Thánh bộ Truyền giáo, bổ nhiệm linh mục Phaolô Tịnh Nguyễn Bình Tĩnh, hiện là Giám đốc Đại Chủng viện Xuân Bích, Huế làm Giám mục Phó Giáo phận Đà Nẵng. Việc đề nghị này được Hồng y Bộ trưởng trình bày với Giáo hoàng trong buổi triều yết. Tin tức bổ nhiệm chính thức được công bố vào ngày 27 tháng 5 cùng năm bởi Văn phòng Báo chí Tòa Thánh. Tân giám mục đã nhận nhiệm vụ giám mục ở tuổi "thất thập" với tâm trạng e ngại. Theo danh sách các giám mục Việt Nam trong sách "Hội đồng Giám mục Việt Nam 1980–2000" phát hành năm 2001, giám mục Nguyễn Bình Tĩnh là Giám mục thứ 78 của hàng giám mục Việt Nam. Ngày 26 tháng 6 năm 2000, Bộ Truyền giáo gửi điện văn khẩn cho phép truyền chức giám mục cho giám mục tân cử trước khi Tông sắc kịp đến. Sáng sớm ngày 30 tháng 6 năm 2000, lễ tấn phong giám mục cho Giám mục Tân cử Nguyễn Bình Tĩnh được Giám mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Quang Sách chủ sự, với phần nghi thức chính yếu do Giám mục Sách làm chủ phong với sự phụ phong của hai giám mục: Phaolô Bùi Văn Đọc "(Giám mục chính tòa Giáo phận Mỹ Tho)" và Giám mục Phêrô Trần Thanh Chung (Giám mục chính tòa Giáo phận Kon Tum). Lễ tấn phong diễn ra nhanh chóng do lo ngại về sức khỏe của Giám mục chính tòa Nguyễn Quang Sách đang chuyển biến xấu. Tham dự lễ tấn phong ngoài hai giám mục phụ phong, có 12 giám mục, 3 linh mục giám quản giáo phận. Số linh mục khoảng 240 vị. Khoảng 9.000 giáo dân có mặt từ lúc 3 giờ sáng để được sắp xếp tham dự buổi lễ. Lý do buổi lễ được tổ chức vào sáng sớm là do sức khỏe của Giám mục Nguyễn Quang Sách. Ngoài ra, các yếu tố khác như các nghi lễ được đơn giản hóa tối đa. Đáp từ trong buổi lễ, tân giám mục cho biết việc (bổ nhiệm) đến trong sự ngỡ ngàng của người trong cuộc. Ông tự nhận mình chỉ là một giám mục chuyển tiếp và bất đắc dĩ. Trong phần cảm ơn trong lễ truyền chức, tân giám mục cảm ơn các cấp chính quyền đã chấp thuận việc bổ nhiệm, và mong rằng họ hỗ trợ ông thi hành vai trò giám mục, để "là chứng từ hùng hồn cho chính sách tự do tôn giáo của Nhà Nước trước sau như một". Các hoạt động mục vụ. Ngày 6 tháng 11 năm 2000, Giám mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Quang Sách được chấp thuận đơn xin về hưu, với cương vị Giám mục phó, Giám mục Nguyễn Bình Tĩnh kế vị chức vụ Giám mục chính tòa Giáo phận Đà Nẵng. Theo số liệu được các giám mục báo cáo trong dịp Đại hội Thường niên Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 1999, giáo phận Đà Nẵng vào năm 1999 có khoảng 53.281 giáo dân, 48 linh mục, 329 tu sĩ (328 nữ tu, 1 nam tu) và 5 chủng sinh. Năm 2001, Uỷ ban Linh mục, Tu sĩ và Chủng sinh trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam được phân tách thành hai ủy ban: Uỷ ban Giáo sĩ và Chủng sinh và Uỷ ban Tu sĩ. Giám mục Tĩnh được chọn làm Chủ tịch Tiên khởi của Uỷ ban Tu sĩ – Chủng sinh và giữ vai trò này trong một nhiệm kỳ, kéo dài đến năm 2004. Tháng 6 năm 2001, một vụ tranh chấp giữa chính quyền và giáo xứ Trà Kiệu nổ ra. Chính quyền yêu cầu Giáo xứ Trà Kiệu nhượng lại nhà nguyện Thạnh Quang và hai lô đất để họ tiến hành xác lập khu di tích lịch sử. Chính quyền đã gửi thư trực tiếp đến linh mục Anphong Nguyễn Hữu Long, chánh xứ về yêu cầu của họ, và ra hạn chót giao nộp là ngày 25 tháng 6 năm 2001. Giám mục Tĩnh và linh mục Long cũng đã được chính quyền yêu cầu lên làm việc, tuy vậy họ từ chối giao nộp các tài sản trên. Vụ việc giao nộp không diễn ra, và ngày 29 tháng 6, linh mục Long cho biết ông không đủ thẩm quyền bàn giao đất đai. Trả lời chính quyền, Giám mục Nguyễn Bình Tĩnh cho biết đất đai của [giáo xứ Trà Kiệu], ông không có quyền, quyền này [trong tay] Hội đồng Giám mục Việt Nam. Tin tức này trước đó tạm thời không được lan truyền [rộng rãi tại hải ngoại], do linh mục Long cho biết Giám mục Nguyễn Bình Tĩnh không muốn làm lớn chuyện khi sự việc đang được giải quyết. Tạp chí "Annals Australasia" số 5 năm 2011, volume 112 số ra tháng 7 năm 2001 cho rằng chính quyền mong muốn thay nhà nguyện Thạnh Quang trở thành một viện bảo tàng. Cũng trong tháng 7 năm 2001, ông có dịp gặp với hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận và cuộc gặp kéo dài vài giờ đồng hồ tại phòng riêng của hồng y Thuận. Cuối năm 2001, sau khi chính quyền lấy mảnh đất của Giáo xứ Thanh Đức, giám mục Nguyễn Bình Tĩnh đã yêu cầu linh mục chính xứ không làm "ồn ào", theo tài liệu của linh mục Trần Xuân Tâm, đăng lại trên Việt Nam Thời Báo của Hội Nhà báo Độc lập. Cũng trong tài liệu này, giám mục Tĩnh đã được trích dẫn bảo vệ sự linh mục Nguyễn Tấn Khóa "của" [dưới quyền quản lý] ông, được giới thiệu vào Quốc hội Việt Nam. Giám mục Tĩnh được ghi nhận trả lời báo Công giáo và Dân tộc rằng "trong bối cảnh việt Nam chúng ta, công quyền ít có sự hiện diện của Giáo Hội, nên tôi thấy các linh mục tham gia vào Quốc hội là chuyện bình thường và cần thiết" và ông không cảm thấy trở ngại gì nếu linh mục thuộc giáo phận của ông được bầu chọn vào Quốc hội. Năm 2002, Nguyễn Bình Tĩnh là giám mục duy nhất vắng mặt trong chuyến viếng thăm Ad Limina của Hội đồng Giám mục Việt Nam đến Rôma, dù không có giới hạn nào từ chính quyền Việt Nam. Ngày 24 tháng 10 năm 2002, trong cuộc phỏng vấn với UCA News, Giám mục Nguyễn Bình Tĩnh bày tỏ sự lo ngại của ông đối với một số linh mục tại Việt Nam. Ông cho rằng một số linh mục không thể sống trong tình trạng thiếu thốn vật chất và tiện nghi, và khi kiếm tìm một lối sống dễ dãi và tiện nghi, sẽ dẫn đến việc tìm kiếm sự thư giãn và lạc thú. Vào đầu năm 2003, hưởng ứng lời thỉnh cầu của Giám mục Shlemon Warduni về việc kêu gọi cầu nguyện cho chiến tranh không xảy ra tại Iraq. Giám mục Tĩnh đã dành một đoạn trong thư mục vụ, kêu gọi giáo dân chầu Mình Thánh và lần hạt Mân Côi để cầu nguyện theo ý nguyện này. Năm 2003, ông nhận định lạc quan về các quy định mới về kế hoạch hóa dân số, ví dụ như cấm sinh sản vô tính và mang thai hộ, do phù hợp với Giáo huấn Công giáo, tuy vậy cho phép các cặp vợ chồng hiếm muộn dùng các phương pháp kỹ thuật là không phù hợp với giáo huấn giáo hội. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập giáo phận Đà Nẵng, giám mục Nguyễn Bình Tĩnh cho khởi công xây dựng công trình Tòa giám mục Đà Nẵng mới (cơ sở này nay là Trung tâm Mục vụ), trên phần đất chính ông xin từ chính quyền. Ông cũng cho xây dựng phòng khám An Bình để hỗ trợ người nghèo tại vùng Thăng Bình. Tuy vậy, công trình chưa kịp hoàn tất khi Giám mục Tĩnh hồi hưu. Giám mục Tĩnh, Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt, và hai giám mục khác cùng 21 nhà đào tạo chủng viện tham dự cuộc họp thường niên của các nhà đào tạo chủng sinh. Trả lời UCA News trong tư cách Chủ tịch Uỷ ban Giáo sĩ–Chủng sinh, Giám mục Tĩnh nhận định việc thiếu giáo sư chủng viện làm suy yếu việc đào tạo tri thức, mà cụ thể là ở Đại chủng viện Thánh Giuse Hà Nội. Ông cho rằng một trong những khó khăn của chủng viện là trình độ không đồng đều của chủng sinh và họ thiếu kỹ năng ngoại ngữ, đôi khi cả tiếng Việt. Trong thời gian quản nhiệm, Giám mục Nguyễn Bình Tĩnh quan tâm đến công việc truyền giáo tại các vùng núi phía Tây giáo phận Đà Nẵng. Ông cử linh mục kiêm nhiệm vùng truyền giáo, cử cộng đoàn Thừa Sai Mẹ Thiên Chúa đến vùng Thạnh Mỹ, Khâm Đức vào năm 2005. Ông cũng thường xuyên đến thăm mục vụ tại vùng đất này. Ông cũng được ghi nhận đã hỗ trợ xây dựng 65 nhà tình thương và chi phí khoan 22 giếng cho người khó khăn được tiếp cận nước sinh hoạt trong giai đoạn từ năm 2004 đến năm 2006. Ông thực hiện việc ủng hộ thông qua Hội Chữ thập đỏ các cấp. Giám mục Nguyễn Hữu Long, trong bài giảng tang lễ, cho biết con số căn nhà tình thương do Giám mục Tĩnh hỗ trợ lên đến con số hàng trăm. Trả lời phỏng vấn của BBC Tiếng Việt sau khi thông tin Giáo hoàng chấp thuận cho về hưu, Giám mục Nguyễn Bình Tĩnh đánh giá về giáo phận Đà Nẵng: "Trong thời gian tôi làm giám mục, mọi việc đều bình thường; vất vả nhưng có sự tiến bộ về giáo lý." Hưu dưỡng và qua đời. Hưu dưỡng. Ngày 13 tháng 5 năm 2006, Tòa Thánh công bố chấp nhận đơn xin về hưu của Giám mục Tĩnh, đồng thời bổ nhiệm linh mục Giuse Châu Ngọc Tri làm Giám mục chính tòa Giáo phận Đà Nẵng, kế vị Giám mục Tĩnh. Việc bổ nhiệm Giám mục Châu Ngọc Tri là một dấu hiệu cho sự cải thiện của quan hệ giữa Tòa Thánh và Việt Nam, trong bối cảnh chính quyền dần cho phép bổ nhiệm các giám mục, truyền chức linh mục và các hạn chế đối với các chủng viện. Lễ tấn phong cho Tân giám mục Giuse Tri diễn ra vào ngày 4 tháng 8 cùng năm, do chính Giám mục Nguyễn Bình Tĩnh làm chủ phong, giám mục phụ phong là các giám mục Stêphanô Nguyễn Như Thể – Tổng giám mục Tổng giáo phận Huế và Giám mục Antôn Vũ Huy Chương, giám mục chính tòa Giáo phận Hưng Hóa. Giám mục Tĩnh được ghi nhận nhắc nhớ người kế nhiệm rằng chức Giám mục không phải là cho vinh dự, nhưng là để phục vụ và cần phục vụ cho ích lợi của mọi người, chứ không phải để quản lý mọi người. Ngày 21 tháng 11 năm 2007, Giám mục Nguyễn Bình Tĩnh bổ nhiệm linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Văn Đán làm Giám đốc Đại chủng viện Xuân Bích, Huế, đồng thời kiêm chức Giám Tỉnh Hội dòng Xuân Bích Việt Nam. Trong thời gian nghỉ hưu, Giám mục Nguyễn Bình Tĩnh vẫn thường tham gia các hoạt động mục vụ như cử hành lễ trao Bí tích Thêm Sức, thăm viếng các giáo dân, người nghèo và hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn. Năm 2010, Giáo phận Đà Nẵng tổ chức kỉ niệm 50 năm Linh mục, 10 năm Giám mục cho Giám mục Tĩnh, đánh dấu bằng lễ đồng tế có sự hiện diện của ba đời Giám mục chính tòa Giáo phận Đà Nẵng: Giám mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Quang Sách, Giám mục Phaolô Tịnh Nguyễn Bình Tĩnh và Giám mục đương nhiệm Giuse Châu Ngọc Tri, ngoài ra cùng đồng tế còn có giám mục Giáo phận Phát Diệm Giuse Nguyễn Năng, quê hương Giám mục Tĩnh và đông đảo linh mục Giáo phận. Tuy vậy, sức khỏe chỉ cho ông tiếp tục thực hiện thăm viếng mục vụ, nghiên cứu và viết trong giai đoạn đầu sau nghỉ hưu. Ngày 5 tháng 5 năm 2011, Giám mục Nguyễn Bình Tĩnh trả lời phỏng vấn kênh BBC Tiếng Việt về chủ đề linh mục tham gia các hoạt động chính trị tại Việt Nam. Về việc cho phép linh mục tham gia chính trị, Giám mục Tĩnh cho rằng nếu linh mục có công với quốc gia, mong muốn phục vụ quốc gia và đôi khi là từ yêu cầu của chính quyền, linh mục có thể được giám mục cho phép tham gia chính trị. Ông cho biết, thông thường linh mục không được tham gia chính trị. Ông cũng khẳng định nếu linh mục xin phép và trường hợp đó là có lý, giám mục có thể cho phép, tuy vậy, linh mục tham gia "việc đời" mà không có phép của giám mục có thể đối diện với các hình phạt, ví dụ là đình chỉ tư cách linh mục (cấm thi hành chức vụ linh mục). Tính đến thời điểm ngày 1 tháng 7 năm 2019, ông là một trong hai giám mục Xuân Bích (P.S.S.) tại chức hoặc danh dự [còn sống] tại Việt Nam. Người còn lại là Giám mục giáo phận Vinh Anphong Nguyễn Hữu Long. Vào thời điểm năm 2020, ông đã lẫn, không còn nhận ra người quen. Qua đời. Giám mục Nguyễn Bình Tĩnh qua đời tại Nhà hưu dưỡng Giáo phận Đà Nẵng vào lúc 23 giờ 55 phút ngày 21 tháng 11 năm 2023, thọ 93 tuổi. Nguyên nhân về sự qua đời của ông không được công bố. Theo thông tin trên cáo phó, lễ nhập quan và cầu hồn được cử hành vào ngày 23 tháng 11 tại Hội trường Giáo xứ Chính tòa Đà Nẵng; trong khi thời gian viếng trong hai ngày 23 và 24 tháng 11. Thánh lễ an táng dự kiến được cử hành vào sáng ngày 25 tháng 11 năm 2023 tại Nhà thờ chính tòa Đà Nẵng. Sáng ngày 22 tháng 11, linh mục Đại diện Giám quản Bonaventura Mai Thái đón thi hài cố giám mục từ Nhà hưu dưỡng linh mục về nhà thờ chính tòa Đà Nẵng. Sau một ngày quàn để các giáo dân đến viếng, nghi thức nhập quan cũng như lễ cầu hồn được linh mục Thái cử hành vào sáng ngày 23 tháng 11. Sáng ngày 24 tháng 11 cùng năm, thi hài cố giám mục Nguyễn Bình Tĩnh được đưa vào nhà thờ chính tòa Đà Nẵng. Các giáo dân thuộc giáo phận Đà Nẵng và các phái đoàn ngoài giáo phận đã viếng thi hài cố giám mục tại đây. Tang lễ cố giám mục Nguyễn Bình Tĩnh đã diễn ra vào ngày 25 tháng 11 năm 2023. Chủ sự là Tổng giám mục Giuse Đặng Đức Ngân, Tổng giám mục phó Tổng giáo phận Huế, Giám quản Tông Tòa Giáo phận Đà Nẵng. Phụ trách phần giảng lễ trong lễ tang là Giám mục Anphong Nguyễn Hữu Long, giám mục giáo phận Vinh. Giám mục Long cho biết Giám mục Tịnh đã sống một cuộc đời khó nghèo và giản dị. Nghi thức phó dâng và từ biệt do Giám mục Giuse Châu Ngọc Tri cử hành. Tham dự lễ an táng có Hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, 11 giám mục và các linh mục, tu sĩ và giáo dân. Nghi thức do Giám mục Đa Minh Nguyễn Văn Mạnh cử hành. Cố giám mục Nguyễn Bình Tĩnh được an táng trong "hang đá Đức Mẹ Lộ Đức" thuộc khuôn viên nhà thờ chính tòa Đà Nẵng, cạnh vị tiền nhiệm là cố giám mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Quang Sách. Tại quê nhà Phát Diệm, một thánh lễ cầu nguyện cho cố giám mục cũng được linh mục Tổng Đại diện Giáo phận Phát Diệm Antôn Phan Văn Tự chủ tế vào chiều ngày 27 tháng 11 năm 2023. Ngày 30 tháng 11 năm 2023, Đại diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam Marek Zalewski gửi thông điệp phân ưu của Hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin gửi Tổng giám mục Đặng Đức Ngân để phân ưu về sự qua đời của cố giám mục Nguyễn Bình Tĩnh. Nội dung thông điệp cho biết Giáo hoàng đau buồn trước thông tin về sự ra đi của cố giám mục, đồng thời tri ân sứ vụ giám mục của cố giám mục Tĩnh, trong các công tác đào tạo chủng sinh và "cổ võ phẩm giá con người. Tông truyền. Giám mục Phaolô Tịnh Nguyễn Bình Tĩnh được tấn phong giám mục năm 2000, thời Giáo hoàng Gioan Phaolô II, bởi: Giám mục Phaolô Tịnh Nguyễn Bình Tĩnh đóng vai trò chủ phong trong nghi thức truyền chức giám mục cho: Giám mục Phaolô Tịnh Nguyễn Bình Tĩnh đóng vai trò phụ phong trong nghi thức truyền chức giám mục cho: Linh mục Phaolô Tịnh Nguyễn Bình Tĩnh đóng vai trò trợ phong trong nghi thức truyền chức giám mục cho:
1
null
Giuse Hoàng Văn Tiệm (1936 – 2013) là một Giám mục của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam. Ông nguyên là Giám mục chính tòa của Giáo phận Bùi Chu. Khẩu hiệu Giám mục của ông là "Người bảo sao thì cứ làm vậy". Giám mục Hoàng Văn Tiệm quê ở Nam Định, từ nhỏ đã chọn và đi theo con đường tu tập và gia nhập dòng Dòng Salêdiêng Don Bosco (S.D.B). Đầu thập niêm 60 của thế kỷ XX, ông vào nhà tập và đến năm 1969 được cử đi du học tại Bê-lem, năm 1973, ông được thụ phong linh mục tại Israel. Về nước, ông đảm nhận nhiều chức vụ như: Giáo sư Thần học luân lý tại Học viện Don Bosco Đà Lạt, linh mục Chánh xứ giáo xứ Thanh Bình (Đà Lạt), Giáo sư Thần học luân lý tại Đại chủng viện Hà Nội. Ngày 4 tháng 7 năm 2001, giáo hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm linh mục Giuse Hoàng Văn Tiệm làm Giám mục chính tòa Giáo phận Bùi Chu. Đến ngày 8 tháng 8 năm 2001, lễ tấn phong giám mục cho Giám mục Tân cử Hoàng Văn Tiệm được tổ chức tại nhà thờ chính tòa Giáo phận Bùi Chu, chủ phong là Hồng y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng – Tổng giám mục Hà Nội. Trong Hội đồng Giám mục Việt Nam, ông được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Tu sĩ. Ngày 17 tháng 8 năm 2013, ông đột ngột qua đời sau một cơn nhồi máu cơ tim, hưởng thọ 75 tuổi. Lễ an táng của ông được tổ chức ngày 21 tháng 8 cùng năm, thi hài ông được an táng tại Nhà thờ chính tòa Giáo phận Bùi Chu. Giám mục kế vị ông là Giám mục Phó Tôma Aquinô Vũ Đình Hiệu. Tu tập và thời gian là linh mục. Ông sinh ngày 12 tháng 9 năm 1936 tại giáo xứ Nam Phương, xã Hải Sơn, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, thuộc Giáo phận Bùi Chu, thân phụ là Giuse Hoàng Văn Phấn và thân mẫu là Maria Nguyễn Thị Yểng. Năm sinh trên giấy tờ của ông là 1938. Tại quê nhà, ông được cha già Đa Minh Vũ Ngọc Thụ hướng dẫn đi theo ơn gọi. Ông vào trường thử Trung Linh, trường thử Ninh Cường rồi đỗ vào tiểu chủng viện Trung Linh. Trong sự kiện di cư 1954, tiểu chủng viện Trung Linh chuyển vào Sài Gòn. Vì một số lý do nên năm 1959, thầy Giuse Tiệm chuyển sang Dòng Salêdiêng Don Bosco (SDB). Trong khoảng thời gian ngắn, hai năm, từ năm 1960, ông vào nhà tập và trong ông đi du học bốn năm từ năm 1969, học thần học tại Học viện Salésien ở Cremisan Italia, Bethlehem Israel. Ngày 19 tháng 4 năm 1973, ông được thụ phong Linh mục tại Israel. Sau khi về nước, từ năm 1973 đến năm 1975 Giáo sư Thần học luân lý tại Học viện Don Bosco Đà Lạt, trong khoảng 20 năm từ năm 1975, ông là linh mục Chánh xứ giáo xứ Thanh Bình tại Đà Lạt. Đến năm 1995, ông trở lại làm Giáo sư Thần học luân lý tại Đại chủng viện Hà Nội. Giám mục. Bổ nhiệm. Ngày 4 tháng 7 năm 2001, giáo hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm linh mục Giuse Hoàng Văn Tiệm làm Giám mục chính tòa Giáo phận Bùi Chu, kế vị Giám mục Giuse Maria Vũ Duy Nhất đã qua đời hai năm, khiến giáo phận này trống tòa. Ngoài ra, đồng thời, giáo hoàng bổ nhiệm linh mục Phaolô Nguyễn Thanh Hoan làm giám mục phó Giáo phận Phan Thiết và linh mục Giuse Vũ Duy Thống làm giám mục phụ tá Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh. Ông là vị giám mục dòng duy nhất trong Hội đồng Giám mục Việt Nam vào thời điểm được bổ nhiệm. Tấn phong. Đến ngày 8 tháng 8 năm 2001, lễ tấn phong giám mục cho Giám mục Tân cử Hoàng Văn Tiệm được tổ chức tại nhà thờ chính tòa Giáo phận Bùi Chu. Từ sáng sớm, khuôn viên toà giám mục Bùi Chu và các vùng lân cận cách khoảng 3 km, nơi nào cũng chật cứng xe và người đang tiến vào phía lễ đài. Lễ bắt đầu lúc 8 giờ 30 sáng, do Hồng y – Tổng giám mục chính tòa Tổng giáo phận Hà Nội, Tổng giám mục Trưởng Giáo tỉnh Hà Nội Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng chủ tế, cùng đồng tế với Hồng y Tụng là 18 giám mục khác và khoàng 300 linh mục, cùng đồng tế còn có 2 giám mục dòng Salesiene Don Bosco (SDB) ở Đài Loan và Thái Lan. Số giáo dân dự lễ khoảng 40.000 người, khuôn viên và trong nhà thờ chật cứng khiến nhiều người leo lên cây cao và các mái nhà cao tầng để dự lễ. Chủ phong giám mục cho Giám mục Tân cử Hoàng Văn Tiệm chính là Hồng y Phạm Đình Tụng, hai giám mục phụ phong là Giám mục chính tòa Giáo phận Thái Bình Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang và Giám mục chính tòa Giáo phận Phát Diệm Giuse Nguyễn Văn Yến. Các giám mục cùng được bổ nhiẹm với ông là giám mục Phaolô Nguyễn Thanh Hoan và Giuse Vũ Duy Thống lần lượt được tấn phong vào ngày 11 và 17 tháng 8 năm 2001. Mục vụ. Ông được bầu làm Chủ tịch ủy Ban Tu Sĩ thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam. Tháng 3 năm 2009, giáo phận Bùi Chu tổ chức Đại hội tu sĩ toàn quốc lần III, khi được phỏng vấn về tình hình tu sĩ và đường hướng tương lai tu sĩ Việt Nam, ông trả lời: Ngày 18 tháng 1 năm 2006, ông là người chủ phong Giám mục cho Tân giám mục phụ tá Giáo phận Phêrô Nguyễn Văn Đệ, dòng Don Bosco, người sau này trở thành Giám mục chính tòa Giáo phận Thái Bình. Ngày 10 tháng 4 năm 2013, Giám mục Giuse Hoàng Văn Tiệm đã đến thăm và huấn đức chủng sinh tại Đại chủng viện Thánh Giuse Hà Nội với chủ đề "Yêu mến và cầu nguyện cho Đức tân Giáo hoàng cũng là yêu mến Giáo hội". Hôm sau, ông dâng thánh lễ tại nhà nguyện để cầu cho Đại chủng viện và linh hồn Antôn Trịnh Văn Cả, một ân nhân của Đại chủng viện mới qua đời. Cùng đồng tế có Giám mục phụ tá Tổng giáo phận Hà Nội – Giám đốc Đại chủng viện Lôrensô Chu Văn Minh, linh mục quản lý Giuse, tham dự có các thầy tu đang học Thần học. Trong suốt 12 năm cai quản giáo phận Bùi Chu, Giám mục Giuse Tiệm quan tâm đến các tu sĩ và định một bệ phóng vững chắc cho giáo phận. Ông định liệu phân bố các tu sĩ được đào tạo âm thầm trong Sài Gòn từ thời Giám mục Giuse Maria Vũ Duy Nhất tiền nhiệm có thể đáp ứng nhu cầu mục vụ, ông còn gửi một tu sĩ du học tại Philipines, Nhật Bản, Pháp và Roma. Ông còn xây cất Đại Chủng viện để đào tạo linh mục cho giáo phận. Nhờ vậy, số lượng linh mục giáo phận tăng nhanh. Qua đời và tang lễ. Ông mất lúc 4h ngày 17 tháng 8 năm 2013 tại nhà thờ chính tòa Giáo phận Bùi Chu sau một cơn nhồi máu cơ tim, hưởng thọ 75 tuổi. Tin ông qua đời được công bố trên rất nhiều trang web Công giáo Việt Nam, của các giáo phận như: Giáo phận Mỹ Tho, Giáo phận Phan Thiết, Tổng giáo phận Huế...Tối cùng ngày, Giám mục chính tòa Giáo phận Vĩnh Long Tôma Nguyễn Văn Tân cũng qua đời vì nhồi máu cơ tim, cùng một ngày, hai giám mục Việt Nam đương chức qua đời. Nhiều giáo dân cho biết: trước đó vài ngày, lễ kính Thánh Đaminh bổn mạng của giáo phận Bùi Chu, Giám mục Tiệm còn rất khỏe mạnh, ông là chủ tế lễ đại triều và truyền chức linh mục cho sáu phó tế của giáo phận và vui cười chào hỏi mọi người. Lễ đưa chân được tổ chức vào ngày 18 tháng 8, do Giám mục kế vị Tôma Aquinô Vũ Đình Hiệu chủ tế. Ngày 19, Đoàn Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam do linh mục Antôn Maria Dương Phú Oanh, Ủy viên Ban Thường trực, Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam dẫn đầu đã đến viếng và dâng lễ cầu nguyện cho Giám mục Giuse Hoàng Văn Tiệm. Cùng đi với đoàn Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam có đoàn Ủy ban Đoàn kết Công giáo các tỉnh,thành phố: Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình và Hà Nam, ban Đoàn kết Công giáo các huyện Hải Hậu, Xuân Trường của tỉnh Nam Định. Trước khi vào viếng, đoàn được giám mục Tôma Aquinô Vũ Đình Hiệu tiếp đón tại phòng khách và bắt tay từng thành viên trong đoàn và cho người hướng dẫn đoàn vào viếng. Linh mục Lê Văn Luật chủ sự xướng kinh cầu nguyện và linh mục Dương Phú Oanh thay lời các thành viên trong đoàn nói lời chia buồn với giáo phận Bùi Chu. Đoàn dâng lễ ở nhà thờ chính tòa Bùi Chu lúc để cầu nguyện do linh mục Oanh đã chủ tế, đồng tế có linh mục Lê Văn Luật và linh mục quản đền thánh Hưng Nghĩa. Hơn 2000 giáo dân đã tham dự buổi lễ. Lễ an táng Giám mục Tiệm cử sáng ngày 21 tháng 8 do Tổng giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn – Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam chủ tế, cùng đồng tế có Tổng giám mục Đại diện Giáo hoàng Leopoldo Girelli – đại diện không thường trú tại Việt Nam, Giám mục Kế vị Tôma Aquinô Vũ Đình Hiệu và 20 giám mục khác, khoảng 300 linh mục và rất nhều tu sĩ nam nữ. Tham dự lễ an táng có rất đông giáo dân, chật kín khu vực Nhà thờ chính tòa, Tòa giám mục và các khu vực lân cận. Ban tang lễ cũng bố trí nhiều màn hình bên trời để truyền hình trực tiếp. Vào ngày 27 tháng 11 năm 2013, tại Đền Thánh Giêrađô – Nhà thờ Thái Hà, lễ giỗ 100 ngày Giám mục Hoàng Văn Tiệm qua đời, linh mục linh hướng của Cộng Đoàn Sinh Viên Công giáo Bùi Chu tại Hà Nội Gioan Lưu Ngọc Quỳnh đã dâng lễ cầu nguyện cho cố giám mục. Tham dự lễ còn có hơn 200 sinh viên Công giáo Bùi Chu đang làm việc, học tập và sinh hoạt tại Hà Nội. Tông truyền. Giám mục Giuse Hoàng Văn Tiệm được tấn phong giám mục năm 2001, thời Giáo hoàng Gioan Phaolô II, bởi: Giám mục Giuse Hoàng Văn Tiệm là Giám mục chủ phong cho giám mục: Giám mục Giuse Hoàng Văn Tiệm là Giám mục phụ phong cho giám mục:
1
null
Phaolô Nguyễn Thanh Hoan (1932–2014) là một giám mục của Giáo hội Công giáo Rôma tại Việt Nam Ông từng đảm nhận nhiệm vụ giám mục tại Giáo phận Phan Thiết trong hai giai đoạn là giám mục phó (2001–2005) và giám mục chính tòa (2005–2009). Khẩu hiệu giám mục của ông là "Tin Mừng cho người nghèo khó". Trong Hội đồng Giám mục Việt Nam, ông giữ vai trò Chủ tịch Ủy ban Bác Ái Xã Hội – Caritas trong hai nhiệm kỳ, kéo dài từ năm 2001 đến năm 2007. Sinh tại Nghệ An năm 1932 trong gia đình Công giáo, ngay từ năm 12 tuổi, cậu bé Nguyễn Thanh Hoan đã bước chân vào con đường tu trì. Sau quá trình di cư và tu học ở nhiều chủng viện Công giáo khác nhau, chủng sinh Hoan được phong chức linh mục tháng 4 năm 1965 tại Sài Gòn. Với tính bác ái Công giáo nổi trội, tân linh mục được bổ nhiệm giữ chức linh mục phó kiêm phụ trách Hội Thừa sai Paris tại Đông Hà, Quảng Trị. Sau khoảng thời gian ngắn, do sự ác liệt của vùng giới tuyến trong chiến tranh Việt Nam, linh mục Hoan đưa những người ông cưu mang và đông đảo giáo dân đến sinh sống tại Hàm Tuy (nay là Bình Thuận). Tại nơi đây, ông được bổ nhiệm chính xứ Bồ Câu Trắng do chính ông thành lập và đã tổ chức nhiều hoạt động từ thiện, cải thiện đời sống của người dân không phân biệt tôn giáo. Với sự đồng thuận giữa Tòa Thánh và chính quyền Việt Nam, linh mục Nguyễn Thanh Hoan dù lớn tuổi, vẫn được chọn làm giám mục phó Phan Thiết. Tin bổ nhiệm loan đi giữa tháng 7 năm 2001 và lễ tấn phong được tổ chức vào ngày 11 tháng 8 cùng năm. Sau bốn năm làm giám mục phó, ông kế nhiệm chức giám mục chính tòa tháng 4 năm 2005 và hồi hưu vì lý do tuổi tác tháng 7 năm 2009. Giám mục Nguyễn Thanh Hoan qua đời tháng 8 năm 2014 tại Tu đoàn Bác Ái Xã Hội. Thân thế và tu tập. Giám mục Nguyễn Thanh Hoan sinh ngày 11 tháng 11 năm 1932 (tài liệu Tòa Thánh cho rằng năm sinh là 1939) tại Giáo xứ Phi Lộc, Giáo phận Vinh (thuộc xã Diễn Quảng, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An), là người con thứ tám trong gia đình gồm 9 anh em trai. Song thân của ông là ông Phaolô Nguyễn Bá Linh và bà Maria Vũ Thị Đa. Ngày 13 tháng 8 năm 1944, gia đình đưa cậu bé Hoan đi nhập học tại trường Tập Xuân Phong. Ba năm sau đó, tháng 8 năm 1948, Nguyễn Thanh Hoan nhập học tại Tiểu chủng viện Xã Đoài. Sau đó, cậu được chuyển vào học tại Tiểu chủng viện Di cư vào năm 1954. Sau quá trình học tập, từ năm 1957 đến năm 1959, ông giảng dạy tại Tiểu chủng viện Thánh Phêrô Nguyễn Khắc Tự, Thủ Đức (Chủng viện Vinh di cư). Sau đó, tháng 8 năm 1959, chủng sinh Nguyễn Thanh Hoan tiếp tục con đường tu học bằng việc nhập học tại Đại chủng viện Xuân Bích Thị Nghè (Sài Gòn), Huế, Vĩnh Long. Linh mục. Nguyễn Thanh Hoan được thụ phong linh mục ngày 29 tháng 4 năm 1965 tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài Gòn. Sau khi chịu chức, vị linh mục trẻ tuổi được bổ nhiệm làm linh mục phó xứ Đông Hà, Quảng Trị. Với việc quan tâm đến từ thiện xã hội, linh mục trẻ tuổi còn được chọn kiêm nhiệm chức phụ trách Hội Thừa Sai Paris tại Đông Hà. Một năm sau khi được truyền chức linh mục, Nguyễn Thanh Hoan được bổ nhiệm phụ trách Chương trình Văn hoá Xã hội của Tổng giáo phận Huế. Hai năm sau đó, sau khi nhận được chuẩn thuận của tổng giám mục Philípphê Nguyễn Kim Điền, linh mục Hoan mở và đảm trách vai trò Hiệu trưởng một Cô nhi viện và trường Tư thục cấp III Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) để giúp đỡ các trẻ em mồ côi nạn nhân chiến tranh vùng giới tuyến. Năm 1968, linh mục Phaolô Hoan tốt nghiệp chương trình Đại học Văn khoa Huế với bằng Cử nhân Giáo khoa Triết học. Trong cùng năm này, sau biến cố Tết Mậu Thân, linh mục Hoan mở nhà tình thương "Gia đình Bồ Câu Trắng", đón nhận các nạn nhân chiến tranh. Năm 1972 với biến cố chiến tranh Mùa hè đỏ lửa Quảng Trị, ông di chuyển trường Đắc Lộ và 202 em mồ côi từ Quảng Trị vào Bình Tuy (bây giờ thuộc huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) lập làng thiếu nhi Bồ Câu Trắng. Đi cùng chuyến di cư có 300.000 giáo dân và các thành viên "gia đình Bồ Câu Trắng". Năm 1978, chính quyền mới ở Việt Nam tiếp quản cơ sở trường học và làng thiếu nhi, linh mục Hoan được điều chuyển phụ trách Giáo xứ Bồ Câu Trắng (nay là giáo xứ Thánh Linh). Những năm cuối thập niên 80, khi về thăm quê nhà là giáo xứ Phi Lộc, giáo phận Vinh, linh mục Nguyễn Thanh Hoan bắt gặp nhiều gia đình nghèo sinh sống trên thuyền chài, vì vậy ông quyết định mời gọi họ di cư theo mình về xã Tân Hà, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận trong hoàn cảnh rất khó khăn. Từ năm 1994, linh mục Hoan liên tục tổ chức nhiều chương trình từ thiện bác ái xã hội, xoá đói giảm nghèo, đồng thời thực hiện việc truyền giáo đến những người nghèo khó ở nông thôn. Đồng hành cùng linh mục Hoan là xe Honda Cub 81 cũ kỹ với hai bên đèn xi nhan lỏng lẻo gần rớt ra ngoài. Nhờ các hoạt động xã hội, người dân xã Tân Hà, huyện Hàm Tân, Bình Thuận hầu hết đều biết đến linh mục Hoan. Những hoạt động hỗ trợ người dân không phân biệt tôn giáo gồm khoan giếng nước sạch, cơi nới đường làng, xây dựng nhiều nhà tình thương và hỗ trợ điện lưới kéo vào thôn bản, các chương trình hỗ trợ phát triển nông nghiệp như "heo, bò tín dụng", xây đập lấy nước tưới tiêu đồng ruộng, các phòng khám Đông y miễn phí. Nhiều người dân tại đây sau đó đã cải sang đạo Công giáo. Công trình xã hội đáng ghi nhận là linh mục Hoan cho xây dựng đập nước lớn phục vụ nhu cầu tưới tiêu hơn 100 hecta đất nông nghiệp thuộc 300 gia đình. Kinh phí do Cộng đoàn Từ thiện từ Đức hỗ trợ. Từ năm 1999 đến năm 2001, linh mục Nguyễn Thanh Hoan đảm trách vai trò Linh mục Quản hạt Hàm Tân. Giám mục. Giám mục phó Phan Thiết. Ngày 14 tháng 7 năm 2001, linh mục Phaolô Nguyễn Thanh Hoan được Tòa Thánh Vatican bổ nhiệm làm giám mục phó Giáo phận Phan Thiết, với quyền kế vị. Cùng trong đợt bổ nhiệm này, Tòa Thánh còn bổ nhiệm hai tân giám mục khác là Giuse Hoàng Văn Tiệm, giám mục chính tòa Giáo phận Bùi Chu và giám mục phụ tá Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh Giuse Vũ Duy Thống. Các tân giám mục là kết quả vòng đàm phán vào tháng 6 cùng năm giữa Vatican và chính quyền Việt Nam. Ngoài các tân chức được chính quyền Việt Nam đồng thuận với đề cử từ Tòa Thánh nêu trên, chính quyền Việt Nam từng từ chối ứng viên chức tổng giám mục Hà Nội, một ứng viên cho chức giám mục Giáo phận Hưng Hóa (nơi trống tòa từ năm 1992) và Giáo phận Hải Phòng trống tòa đã 3 năm. Lễ tấn phong cho Tân giám mục Nguyễn Thanh Hoan được cử hành sau đó vào ngày 11 tháng 8 cùng năm. Phần nghi thức truyền chức chính yếu được cử hành bởi vị chủ phong là giám mục chính tòa Phan Thiết Nicôla Huỳnh Văn Nghi và hai vị phụ phong là giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, giám mục chính tòa Giáo phận Đà Lạt và giám mục Tôma Nguyễn Văn Trâm, giám mục phụ tá Giáo phận Xuân Lộc. Khẩu hiệu giám mục của ông là "Tin Mừng cho người nghèo khó". Ngày 19 tháng 9 năm 2001, Ủy ban Bác ái Xã hội được thành lập trong Đại hội VIII của Hội đồng Giám mục Việt Nam. Ủy ban mới thành lập này được trao cho tân giám mục Phaolô Nguyễn Thanh Hoan làm Chủ tịch. Ủy ban này chỉ chính thức hoạt động với công việc từ thiện và cứu trợ đầu tiền sau kỳ họp ngày 26 tháng 9 năm 2002. Giám mục Nguyễn Thanh Hoan cùng linh mục thư ký Giáo tỉnh Sài Gòn tham gia Hội nghị Hội nghị toàn cầu của Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình được tổ chức lần đầu tiên tại Rôma từ ngày 27 đến ngày 30 tháng 10 năm 2004. Ngày 29 tháng 12 năm 2004, với sự đồng thuận của giám mục Nicôla Huỳnh Văn Nghi, giám mục Nguyễn Thanh Hoan thiết lập Tu đoàn Bác Ái Xã Hội, nay là Tu đoàn Anh Em Bác Ái Chúa Kitô Tôi Tớ (nhánh nam) và Tu đoàn Chị Em Bác Ái Chúa Kitô Tôi Tớ (nhánh nữ), nhằm mục đích hỗ trợ người nghèo. Giám mục chính tòa Phan Thiết. Ngày 1 tháng 4 năm 2005, Tòa Thánh loan tin chấp nhận cho giám mục Nicôla Huỳnh Văn Nghi hồi hưu và giám mục Nguyễn Thanh Hoan làm tân giám mục chính tòa Giáo phận Phan Thiết, Việt Nam. Bốn ngày sau đó, ông chính thức đảm nhận chức vụ mới này. Ngày 13 tháng 5 cùng năm, ông chủ sự nghi lễ khởi công nhà thờ kính Đức Mẹ Tà Pao. Để việc đến thăm tượng Đức Mẹ Tà Pao cho giáo dân, khách hành hương, thăm viếng được thêm thuận tiện, ngày 13 tháng 8 năm 2006, ông cử hành nghi thức khởi công đường lên núi Tà Pao và Trung tâm Hành hương Đức Mẹ Tà Pao. Trên một triệu người không phân biệt tôn giáo đã tham gia thánh lễ này. Bão Xangsane tàn phá 9 tỉnh thành miền Trung Việt Nam đầu tháng 10 năm 2006. Trước tình trạng lũ lụt cùng với bão tàn phá, nhiều người đã tử vong và tài sản đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trước tình trạng này, Ủy ban Bác ái Xã hội trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam do Nguyễn Thanh Hoan làm chủ tịch đề nghị giáo dân lạc quyên hỗ trợ, các quỹ Caritas của các giáo phận địa phương với tổng số tiền trên 500 triệu đồng để hỗ trợ các nạn nhân không phân biệt tôn giáo. Trong dịp này, Ủy ban cũng đã hỗ trợ các giáo phận Kon Tum và Đà Nẵng mỗi giáo phận 100 triệu đồng. Ngày 24 tháng 10 năm 2007, nhiều người mang sắc phục quân đội đến đập bỏ nhà thờ Sông Mao, tọa lạc tại xã Hải Ninh, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Nhà thờ này bị đập phá hoàn toàn, trừ hai công trình phụ là tháp chuông và hang Đức Mẹ. Trước hoàn cảnh như trên, ngày 31 tháng 10, giám mục Nguyễn Thanh Hoan viết thư gửi đến nhiều cơ quan, chính quyền các cấp thuộc tỉnh Bình Thuận như Ủy ban nhân dân tỉnh, Hội đồng Nhân dân tỉnh, Ban Tôn giáo tỉnh... nhằm phản ứng trước diễn biến này. Giám mục Hoan cho biết các giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân rất bất bình trước sự việc trên. Trong thư, giám mục Hoan cho rằng việc đập bỏ nhà thờ Sông Mao là trái pháp luật do nhà thờ đang bị tranh chấp, dù theo giám mục Hoan, không có văn bản trưng thu nhà thờ. Vị giám mục giáo phận Phan Thiết cho rằng diễn biến trên đi ngược với chính sách tôn giáo của chính phủ, khinh thường chủ quyền của tôn giáo đối với nơi thờ tự và xúc phạm tình cảm giáo hữu. Nguyễn Thanh Hoan nhận định, việc dùng lực lượng quân đội để phá công trình nhà thờ Sông Mao nhằm mục đích uy hiếp tôn giáo. Trước diễn biến trên, Nguyễn Thanh Hoan đề nghị giữ nguyên hiện trạng, đồng thời đặt nhiều câu hỏi: cơ quan ra lệnh phá hủy nhà thờ, sự khác nhau trong việc giải quyết giữa ngôi chùa và nhà thờ đang có chung tình trạng pháp lý cách khác biệt và thời hạn giải quyết vấn đề nhà thờ và nhu cầu tôn giáo cho giáo dân Sông Mao. Ngày 8 tháng 1 năm 2008, giám mục Nguyễn Thanh Hoan công bố thư chung mục vụ liên quan đến đức tin Công giáo. Với lý do trong vòng 5 năm trước đó có nhiều vụ việc làm hoang mang, ảnh hưởng đến đời sống của giáo dân và sự hiệp nhất giữa họ và vai trò của giám mục trong việc bảo vệ đức tin Công giáo, sau khi dựa vào một số tiêu chuẩn chung của Thánh bộ Giáo lý Đức Tin trực thuộc Tòa Thánh, giám mục Hoan tuyên bố các vụ việc gọi là "Phép lạ Mình Thánh Chúa ở Nhà thờ Tánh Linh (năm 2002), Phép lạ Trừ Quỷ ở Nhà thờ Tánh Linh (năm 2002), Phép lạ Trái Tim Chúa chảy máu ở Giáo xứ Phước An (năm 2007), Phép lạ Chữa người bị bại chân ở Giáo xứ Thánh Linh (năm 2007),…" là không phù hợp với tiêu chuẩn được đánh giá là "phép lạ" của Giáo hội Công giáo Rôma. Giữa tháng 3 năm 2008, giám mục Hoan tham gia Hội thảo toàn quốc về "Học thuyết xã hội Công giáo và hoạt động bác ái xã hội" tổ chức tại khuôn viên Tòa giám mục Xuân Lộc và có bài phát biểu tại hội nghị. Giám mục Hoan cho rằng, giáo sĩ và tu sĩ tại Việt Nam không dành mối quan tâm đến vấn đề từ thiện (thuật ngữ Công giáo là bác ái) khi giữ các lời khấn khiết tịnh, vâng lời và khó nghèo và cũng thừa nhận mình chưa quan tâm đến vấn đề này đúng mức. Ông cho rằng không nên động viên những người được hỗ trợ theo đạo Công giáo và mong muốn các hoạt động từ thiện bác ái được tổ chức và hệ thống như các hoạt động mục vụ và truyền giáo. Trong hai ngày 22 và 23 tháng 10 năm 2008, ông tham gia Hội nghị ra mắt Caritas Việt Nam. Tại ngày đầu tiên của Hội nghị, giám mục Hoan đã có bài phát biểu với chủ đề: "Caritas và cuộc sống con người". Ngày 1 tháng 4 năm 2009, ông tham dự lễ ra mắt Caritas Giáo phận Phan Thiết. Đây là giáo phận đầu tiên triển khai mô hình Caritas cấp giáo phận. Từ ngày 21 tháng 6 đến ngày 4 tháng 7 năm 2009, giám mục Nguyễn Thanh Hoan tham dự chuyến viếng thăm Tòa Thánh Vatican cùng với các giám mục người Việt Nam. Tại Rôma, ngày 27 tháng 6, ông tiếp kiến Giáo hoàng Biển Đức XVI cùng với các giám mục Việt Nam. Tòa Thánh chấp thuận cho giám mục Nguyễn Thanh Hoan từ nhiệm từ ngày 25 tháng 7 năm 2009 và bổ nhiệm giám mục kế nhiệm là nguyên giám mục phụ tá Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh Giuse Vũ Duy Thống. Giám mục Hoan hưu dưỡng tại Tu đoàn Bác ái Xã Hội. Ngày 25 tháng 7 cũng là lễ kỷ niệm tấn phong giám mục của Huỳnh Văn Nghi và Nguyễn Thanh Hoan, giám mục Hoan cho biết dù tuổi cao nhưng ông vẫn quyết định đứng ra lãnh đạo giáo phận dù thời gian không dài là vì đạt được thỏa thuận giữa chính quyền Việt Nam và Giáo hội Công giáo là rất khó. Nay ông vui mừng khi vị kế nhiệm là một giám mục trẻ tuổi. Giám mục Nguyễn Thanh Hoan qua đời tại Tu đoàn Bác Ái Xã Hội vào lúc 0 giờ ngày 18 tháng 8 năm 2014, thọ 82 tuổi. Tang lễ của ông diễn ra vào ngày 21 tháng 8, do Giuse Vũ Duy Thống chủ sự, cùng với 14 giám mục, hơn 200 linh mục từ các giáo phận khác nhau. Đóng góp. Giám mục Nguyễn Thanh Hoan được ghi nhận bởi nhiều hoạt động từ thiện xã hội của ông như: hỗ trợ người dân không phân biệt tôn giáo gồm khoan giếng nước sạch, cơi nới đường làng, xây dựng nhiều nhà tình thương và hỗ trợ điện lưới kéo vào thôn bản, mở nhà máy nước sạch phục vụ người nghèo, trao phương tiện đi học, quỹ hỗ trợ các học sinh miền quê. Ngoài ra, ông cũng tham gia hỗ trợ phát triển nông nghiệp như "heo, bò tín dụng", xây đập lấy nước tưới tiêu đồng ruộng, các phòng khám Đông y miễn phí... Ông cũng tham gia hỗ trợ các lĩnh vực cung cấp đất trồng trọt, cung cấp thực phẩm và thuốc miễn phí cho hơn 4.000 bệnh nhân mỗi tháng. Công trình thủy lợi đáng được ghi nhận nhất là đập nước hỗ trợ tưới tiêu cho vùng đất 100 hecta, vùng đất được chia đều cho 300 gia đình tham gia trồng lúa. Ông cũng đầu tư vốn vào các dự án kinh doanh nhỏ tại địa phương: trồng cây được sử dụng trong y học cổ truyền, trang trại lợn nhỏ và các doanh nghiệp nhỏ, từ đó hỗ trợ và tạo việc làm cho hơn 150.000 lao động. Giám mục Hoan cũng chính là vị sáng lập Tu đoàn Bác ái Xã hội hai nhánh nam và nữ. Tu đoàn này được thiết lập là để tiếp tục con đường hoạt động bác ái xã hội của ông. Tu đoàn này, tính đến năm 2014, đã phối hợp với chính quyền thành phố, giúp đỡ 239 gia đình nghèo bằng cách hỗ trợ các gói tín dụng nhỏ cho họ. Những hoạt động trên được chính quyền địa phương ghi nhận. Đánh giá. Linh mục Jean Baptiste Etcharren, nguyên Bề Trên Tổng Quyền Hội Thừa Sai Hải ngoại Paris, từng là linh mục chính xứ Đông Hà, Quảng Trị nơi linh mục Nguyễn Thanh Hoan đảm nhận chức linh mục phó, đưa ra nhận định: Giám mục Giuse Vũ Duy Thống đưa ra nhận định về vị tiền nhiệm: Linh mục Nguyên Tổng đại diện Giáo phận Phan Thiết Phêrô Nguyễn Xuân Anh đưa ra nhận định về cố giám mục: Tông truyền. Giám mục Phaolô Nguyễn Thanh Hoan được tấn phong giám mục năm 2001, thời Giáo hoàng Gioan Phaolô II, bởi:
1
null
Stêphanô Tri Bửu Thiên (sinh 1950) là một Giám mục của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam. Ông hiện là Giám mục chính tòa của Giáo phận Cần Thơ và đảm nhiệm vai trò này từ năm 2010. Khẩu hiệu Giám mục của ông là "Ðến với muôn dân". Trong Hội đồng Giám mục Việt Nam, giám mục Tri Bửu Thiên giữ chức Chủ tịch Ủy ban Thánh Nhạc trong hai nhiệm kỳ liên tiếp, từ năm 2004 đến năm 2010. Hiện nay, ông phụ trách vấn đề Đối thoại Liên tôn trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, nhiệm kỳ 2019-2022 (từ nhiệm kỳ 2022 được gọi là "Văn phòng"). Giám mục Tri Bửu Thiên sinh ra tại Sóc Trăng, từ thuở thiếu thời đã đi theo con đường tu học trong các Chủng viện Công giáo. Sau khoảng thời gian dài tu học cũng như gián đoạn, năm 1987, ông được truyền chức linh mục. Sau khi lần lượt đảm nhận nhiều chức vụ khác nhau như quản giáo họ Xuân Hòa, giáo sư Chủng viện, ông được cử đi du học Rôma và tốt nghiệp Tiến sĩ Thần học Luân Lý. Trở về Việt Nam, ông tiếp tục công việc giảng dạy tại Đại chủng viện. Tháng 11 năm 2002, Tòa Thánh bổ nhiệm linh mục Stêphanô Tri Bửu Thiên làm giám mục phó Cần Thơ. Lễ tấn phong diễn ra sau đó vào tháng 2 năm 2003. Ông kế vị chức giám mục Cần Thơ vào tháng 10 năm 2010, sau khi giám mục Lê Phong Thuận từ trần. Giám mục Tri Bửu Thiên được ghi nhận về phong cách sống cũng như hành xử bình dân đối với mọi người. Trăn trở của ông trong vai trò giám mục là loan truyền Kinh Thánh trong đời sống giáo dân và đào tạo hàng giáo sĩ. Ông cũng tích cực tham gia các hoạt động liên quan đến vấn đề đối thoại liên tôn. Tu nghiệp và thời kỳ linh mục. Giám mục Stêphanô Tri Bửu Thiên sinh ngày 15 tháng 2 năm 1950 tại Trà Long, Tân Long, Sóc Trăng (nay thuộc xã Tân Long, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng), thuộc Giáo phận Cần Thơ. Tại gia đình, trước khi đi theo con đường tu trì, ông thường cấy lúa phụ giúp gia đình. Nói về bản thân, ông cho biết "Tôi là Hai lúa, một nông dân của Miền Tây Nam bộ" cũng như thừa nhận mình là "giám mục nhà quê". Nói về món ăn yêu thích từ thuở ấu thơ, ông cho biết là món Súp xá bấu, vốn là một món ăn chỉ gồm món củ cải được muối mặn theo cách thức của người Hoa và nấu với sườn heo. Gia đình cậu bé Tri Bửu Thiên cư ngụ phía sau nhà dòng Chúa Cứu Thế. Thuở thiếu thời, cậu Thiên đảm nhận công việc giúp lễ ở Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Người dẫn dắt cậu đến với con đường tu trì là "thầy Fidel", theo cách gọi của cậu. Hằng năm, Tri Bửu Thiên đều về nơi đây để cảm tạ Mẹ Maria và tri ân người thầy Fidel của mình. Thầy Fidel của cậu bé Thiên vốn là người hỗ trợ trong phòng thánh của đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Chủng sinh Thiên hoàn thành chương trình Tiểu chủng viện tại Tiểu chủng viện Cần Thơ, sau đó tiếp tục việc học các môn triết và thần học tại Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X Đà Lạt trong khoảng từ năm 1971 đến năm 1977. Phó tế Stêphanô Tri Bửu Thiên được thụ phong linh mục vào ngày 22 tháng 7 năm 1987, thuộc linh mục đoàn Giáo phận Cần Thơ. Sau khi được truyền chức linh mục, tân linh mục Thiên được bổ nhiệm đảm nhiệm vai trò linh mục quản họ Xuân Hòa. Sau khoảng thời gian đầu thời kỳ linh mục tại Xuân Hòa, năm 1991, ông được thuyên chuyển làm Giáo sư Đại chủng viện Thánh Quý. Ba năm sau đó, linh mục Tri Bửu Thiên được chọn cử đi du học tại Giáo hoàng Ðại học Urbaniana ở Roma và tốt nghiệp Tiến sĩ Thần học Luân Lý. Ông hoàn thành việc du học vào năm 1998 và trở về Việt Nam đảm nhận vai trò giáo sư thần học tại Đại chủng viện Thánh Quý Cần Thơ. Giám mục phó Cần Thơ. Ngày 26 tháng 11 năm 2002, Tòa Thánh thông báo bổ nhiệm linh mục Stêphanô Tri Bửu Thiên giám mục phó giáo phận Cần Thơ. Cùng trong đợt bổ nhiệm này, Tòa Thánh còn bổ nhiệm tân giám mục Giáo phận Hải Phòng Giuse Vũ Văn Thiên. Việc bổ nhiệm này là kết quả của cuộc gặp thứ 12 của phái đoàn Tòa Thánh và chính phủ Việt Nam. Ngày 18 tháng 2 năm 2003, lễ tấn phong cho tân giám mục Stêphanô Tri Bửu Thiên được cử hành với nghi thức tấn phong bởi chủ phong là giám mục chính tòa Cần Thơ Emmanuel Lê Phong Thuận, tại Đại chủng viện Thánh Quý Cần Thơ. Hai vị phụ phong là giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt, giám mục chính tòa Giáo phận Lạng Sơn và Cao Bằng và Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nho, giám mục phó Giáo phận Nha Trang. Lễ tấn phong có sự tham gia của Tổng giám mục Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn và 17 giám mục khác, khoảng 300 linh mục từ khắp các giáo phận cũng tham gia đồng tế. Khoảng 8.000 giáo dân đã tham gia lễ truyền chức cho tân giám mục. Khẩu hiệu của giám mục Tri Bửu Thiên là "Đến với muôn dân", lấy từ tựa đề của Sắc lệnh Truyền giáo của Công đồng Vatican II. Từ năm 2004, giám mục Thiên giữ chức Chủ tịch Ủy ban Thánh Nhạc trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam và được tái cử chức vụ này trong nhiệm kỳ thứ hai, đảm nhận vai trò này đến năm 2010. Cuối tháng 9 năm 2004, giám mục Stêphanô Thiên viết thư ngỏ với tư cách Chủ tịch Ủy ban Thánh Nhạc để nói lên một số bất cập trong việc sử dụng các bài hát trong cử hành nghi lễ Công giáo: thánh nhạc bị lãng quên, thiếu đồng bộ và thiếu tính cộng đồng. Đồng thời, ông đề nghị các giám mục khác thực hiện một số công việc liên quan đến thánh nhạc như: thành lập ủy ban phụ trách thánh nhạc ở các giáo phận, phê chuẩn các bài hát sử dụng trong phụng vụ nghi lễ cùng nêu lên một số tiêu chuẩn của thánh nhạc. Tháng 6 năm 2008, giám mục Tri Bửu Thiên có bài thuyết giảng tại Đại hội Thánh Thể tại Tổng giáo phận Atlanta, Hoa Kỳ. Trong một cuộc gặp gỡ trước khi dự lễ tấn phong tân giám mục giáo phận Bắc Ninh Cosma Hoàng Văn Đạt, một ít người cùng dự bữa ăn cùng ông ghi nhận việc vị giám mục Cần Thơ việc di chuyển của mình khi cần về Thành phố Hồ Chí Minh đó là đi xe đò cao tốc. Ông cho biết việc đi xe đò thuận lợi, đúng giờ và tiết kiệm chi phí hơn so với việc dùng phương tiện là xe hơi cá nhân. Trong trường hợp kẹt xe, ông có thể chọn phương án di chuyển bằng xe ôm hoặc đi bộ. Trong thời gian từ ngày 21 tháng 6 đến ngày 4 tháng 7 năm 2009, Tri Bửu Thiên cùng các giám mục Công giáo Việt Nam thực hiện chuyến đi hành hương nghĩa vụ giám mục Ad Limina. Trong chuyến đi này, ông được phân công đảm nhận vai trò phụ tá lĩnh vực ngoại giao. Giám mục chính tòa Cần Thơ. Giai đoạn 2010 – 2014. Ngày 17 tháng 10 năm 2010, giám mục Tri Bửu Thiên kế nhiệm làm Giám mục chính tòa Giáo phận Cần Thơ sau khi giám mục chính tòa Emmanuel Lê Phong Thuận qua đời. Ngay sau khi chính thức quản lý giáo phận, giám mục Thiên quan niệm điều hành giáo phận theo tính đồng đoàn – tập thể nên ông quyết định bổ nhiệm linh mục Carôlô Hồ Bặc Xái, giám đốc Đại chủng viện Thánh Quý làm Tổng đại diện Giáo phận Cần Thơ, đồng thời thiết lập Ban cố vấn gồm 7 linh mục quản hạt cùng linh mục Tổng đại diện và thiết lập Hội đồng linh mục, theo quy định của Giáo luật. Ngoài 20 ủy ban giáo phận có sẵn ông cho thiết lập Ban Mục vụ Giáo phận để định hướng và hỗ trợ Hội đồng linh mục. Trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2012, giám mục Tri Bửu Thiên quản lý giáo phận theo các chủ đề "Thăng tiến Giáo phận": thăng tiến hàng giáo sĩ (2010), thăng tiến các hội đoàn (2011) và thăng tiến đời sống Kitô hữu (2012). Trong giai đoạn ba năm sau đó, từ năm 2013 đến năm 2016, ông quản lý giáo phân theo chủ đề Tân phúc âm hóa: Tân phúc âm hóa gia đình (2014), tân phúc âm hóa Cộng đoàn Giáo xứ – Dòng tu (2015) và tân phúc âm hóa Xã hội (2016). Khoảng cuối tháng 4 năm 2011, giám mục Tri Bửu Thiên và giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã ký bản kiến nghị xin chính quyền trao trả cơ sở từ thiện của các nữ tu Công giáo, vốn xây trên khu đất rộng 3.200 m². Theo các giám mục này, các nữ tu có quyền hợp pháp tại mảnh đất này vào năm 1876, chuyên dùng để thực hiện công tác từ thiện cho đến khi chính quyền đề nghị mượn năm 1976 để sử dụng làm trường học và bệnh viện. Tháng 2 năm 2010, nhận thấy các cơ sở đã xuống cấp và không còn được sử dụng, các nữ tu làm đơn xin lại cơ sở này, tuy vậy đơn này bị bác bỏ vì phía chính quyền Việt Nam cho rằng đây là tài sản của Nhà nước. Trước đó, tháng 10 năm 2010, chính quyền thông báo về việc sẽ đập bỏ cơ sở cũ xây một ngôi trường mới, đồng thời cũng cấp quyền sở hữu cho các viên chức của trường này. Hai giám mục cho rằng luật pháp đã không được tuân thủ và những việc này gây mất uy tín chính quyền, làm rộ lên làn sóng khiếu kiện đất đai tại Việt Nam. Ngày 5 tháng 1 năm 2012, giám mục Tri Bửu Thiên khởi sự án tuyên phong Chân phước cho linh mục Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và khởi động tiến trình điều tra tại cấp giáo phận. Ngày 21 tháng 7 cùng năm, ông chủ sự nghi thức đặt viên đá đầu tiên công trình Trung tâm mục vụ Giáo phận Cần Thơ, vốn là việc mong muốn của nhiều đời giám mục tiền nhiệm. Hiện tượng mạo danh các giáo sĩ Công giáo, giáo phận, dòng tu xuất hiện trên Facebook, email gây ảnh hưởng đến các cá nhân, tổ chức bị mạo danh. Nhằm tránh các hiểu lầm, Tòa giám mục Cần Thơ ra thông cáo cuối tháng 9 năm 2015 nhằm khẳng định giám mục Tri Bửu Thiên không sử dụng và có bất cứ tài khoản Facebook nào. Ngày 31 tháng 10 năm 2014, bộ phong thánh thuộc Giáo triều Rôma gửi thư xác nhận với giám mục Tri Bửu Thiên về tiến trình tuyên phong chân phước cho linh mục Trương Bửu Diệp rằng không có gì ngăn trở hồ sơ. Giai đoạn 2015 - nay. Nhằm thực hiện thông điệp Laudato si' của Giáo hoàng Phanxicô về chủ đề môi trường, giám mục Stêphanô Tri Bửu Thiên triển phổ biến đến các giáo hạt chương trình “Người tín hữu Công giáo có ý thức và có hành vi tích cực bảo vệ môi trường, làm giảm biến đổi khí hậu”. Ngày 20 tháng 9 năm 2015, giám mục Thiên chủ sự lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Giáo phận Cần Thơ. Trong dịp này, ông cũng thực hiện nghi thức làm phép một số cơ sở thuộc Trung tâm Mục vụ Giáo phận Cần Thơ. Trước đó, ông chủ sự nghi thức đặt viên đá đầu tiên cho công trình này năm 2012 và công trình hoàn thành tháng 7 năm 2014. Ngày 27 tháng 10 năm 2015, Stêphanô Tri Bửu Thiên tham gia đại hội Liên tôn lần V với chủ đề "Bồi đắp văn hóa gặp gỡ", cuộc gặp này tổ chức tại Trung tâm Mục vụ Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh. Từ ngày 16 đến 20 tháng 11 năm 2015, giám mục Stêphanô Thiên – phụ trách Đối thoại liên tôn và Đại kết của Hội đồng giám mục Việt Nam đến trung tâm Dòng Chúa Cứu Thế, Pattaya, Thái Lan, Văn phòng Đại kết và Liên tôn (OEIA) của Liên Hội đồng Giám mục Á châu để tham gia Hội nghị Giám mục về Liên tôn lần thứ sáu (BIRA VI) để kỷ niệm 50 năm Tuyên ngôn Nostra Aetate tại châu Á. Ngày 30 tháng 11 năm 2015, phái đoàn đại diện chính quyền do Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cùng đoàn công tác của Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, Thành ủy Cần Thơ và Tỉnh ủy Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau đã đến thăm và chúc mừng giáo phận Cần Thơ nhân dịp giáo phận Cần Thơ kết thúc Năm Thánh Tâm kỷ niệm 60 thành lập giáo phận. Tại cuộc gặp, ông Mẫn đánh giá cao sự đóng góp của giáo phận với việc phát triển kinh tế, xã hội trong khu vực và mong rằng giáo phận tiếp tục vận động giáo dân sống tốt đời đẹp đạo, tham gia phát triển kinh tế xã hội. Giám mục Tri Bửu Thiên bày tỏ sự cảm ơn chính quyền các cấp quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để giáo phận sinh hoạt tôn giáo và hỗ trợ giáo dân thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Chiều cùng ngày, linh mục Tổng đại diện Hồ Bặc Xái giới thiệu Kỷ yếu Giáo phận Cần Thơ và sáng ngày 1 tháng 12, lễ bế mạc chính thức do Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn chủ tế được cử hành. Trong hai ngày 19 và 20 tháng 12 năm 2015, Tri Bửu Thiên tham gia họp mặt Bề trên các hội dòng thuộc Giáo tỉnh Sài Gòn tại Trung tâm Mục vụ Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh. Cùng tham dự cuộc họp có một số giám mục khác cùng các linh mục đặc trách tu sĩ và hơn 300 tu sĩ nam nữ thuộc 187 dòng tu, tu đoàn và tu hội. Tháng 3 năm 2016, giám mục Thiên ký vào bản thông cáo của Tòa giám mục Cần Thơ với nội dung làm rõ một số chi tiết liên quan đến việc xin tôn phong Chân phước cho linh mục Trương Bửu Diệp. Các vấn đề mục vụ dưới thời giám mục Tri Bửu Thiên đạt được một số thành tựu nhất định: hoàn thành bản đồ giáo phận và 7 giáo hạt, thống kê về số lượng giáo dân. Việc tổ chức tôn kính Thánh Tâm và chầu Thánh Thể tại nhiều giáo xứ; phát hành tư liệu học hỏi giáo lý 5 phút vào mỗi Chúa nhật; kết nghĩa các họ đạo để hỗ trợ về tinh thần, vật chất và nhân sự, tái hiện thói quen đọc kinh tối trong gia đình của giáo dân; phát động phong trào làm sống lại đức tin Công giáo của các giáo dân rời xa giáo hội và thăm hỏi, mời người ngoài Công giáo tham gia các buổi lễ như lễ giáng sinh và truyền giáo. Ngoài ra, vấn đề giáo lý cũng được chú trọng: phát hành sách giáo lý các cấp học, nhiều sách giáo lý về các chủ đề khác nhau: "Học Hỏi Để Gặp Gỡ Đức Giêsu Kitô", "Kinh Tin Kính gia đình", "Nghi thức sám hối Năm Đức Tin", "12 đề tài về Năm Đức Tin", "Youcat – Giáo lý Hội thánh Công giáo cho người trẻ". Ngoài ra, giám mục Thiên trăn trở về vấn đề tác động cho giáo dân am hiểu thêm về Kinh Thánh, ứng dụng vào cuộc sống. Ông kêu gọi các linh mục chính sở mở các lớp về Thánh Kinh cho giáo dân tại giáo xứ của mình. Giám mục Tri Bửu Thiên đồng tế lễ bế mạc kỷ niệm 50 năm phong trào Cursillo hoạt động tại Việt Nam vào ngày 21 tháng 10 năm 2017. Sáu ngày sau đó, ông tham gia Hội ngộ Liên tôn lần VII với chủ đề "Đồng tâm kiến tạo nhân hòa". Đúng một năm sau đó, ngày 27 tháng 10 năm 2018, ông tham gia Hội ngộ Liên tôn lần VIII tổ chức tại Trung tâm Mục vụ Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh với chủ đề "Hiểu biết phụng sự nhân sinh". Tại chương trình hội ngộ lần này, ông góp phần với lời phát biểu khai mạc chương trình. Từ ngày 19 đến ngày 21 tháng 2 năm 2019, giám mục Tri Bửu Thiên tham gia hội nghị Ðại hội Kinh Thánh toàn quốc. Tại đại hội, giám mục Thiên có bài chia sẻ với chủ đề "Lời Chúa trong việc dạy Giáo lý." Nhận định. Xuân Thái viết trong bài viết "Người môn đệ Hai Lúa, và một lần gặp mặt, rất ngắn" đưa ra đôi lời nhận định về giám mục Tri Bửu Thiên: Linh mục Văn Chính, S.D.B. viết trong bài viết đề cập đến chủ đề "Linh mục ước mong gì nơi chủ chăn và Giám mục mong tạo tình thân thế nào với các linh mục của mình?" đã đưa ra nhận định: Tông truyền. Giám mục Stêphanô Tri Bửu Thiên được tấn phong giám mục năm 2003, thời Giáo hoàng Gioan Phaolô II, bởi: Giám mục Stêphanô Tri Bửu Thiên là Chủ phong trong nghi thức truyền chức cho giám mục: Giám mục Stêphanô Tri Bửu Thiên là Phụ phong trong nghi thức truyền chức cho các giám mục:
1
null
Giuse Võ Đức Minh (sinh 1944) là một giám mục của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam. Ông từng đảm trách vai trò Giám mục chính tòa Giáo phận Nha Trang từ năm 2009 đến năm 2022 và là giám mục thứ tư đảm trách chức vụ này. Ngoài ra, ông từng là Chủ tịch Ủy ban Kinh Thánh của Hội đồng Giám mục Việt Nam bốn nhiệm kỳ liên tiếp 2007–2010, 2010–2013, 2013–2016 và 2016–2019. Giám mục Giuse Võ Đức Minh sinh năm 1944 tại Quảng Bình trong một gia đình Công giáo. Từ thuở nhỏ, gia đình đã cho ông đi theo con đường tu học. Quá trình tu học kéo dài 15 năm kết thúc bằng việc Phó tế Võ Đức Minh được truyền chức linh mục tại Thụy Sĩ năm 1971. Sau khi trở thành linh mục, giám mục Giáo phận Đà Lạt cho linh mục Minh tiếp tục theo học về Kinh Thánh tại Học viện Kinh Thánh Giáo hoàng tại Rôma và tốt nghiệp tại đây năm 1974. Trong thời gian theo học này, linh mục Minh tham gia hỗ trợ mục vụ, đảm nhiệm nhiều vai trò của các giáo xứ ở Canada, Thụy Sĩ và Đức. Trở về Việt Nam tháng 5 năm 1974, Võ Đức Minh trở thành giáo sư Đại chủng viện, dạy Kinh Thánh và Thần học. Trong suốt thời gian làm linh mục, ông từng đảm nhận các vai trò như Thư ký Tòa giám mục Đà Lạt, chính xứ nhà thờ chính tòa Đà Lạt và Tổng đại diện Giáo phận. Cuối năm 2005, Tòa Thánh loan tin chọn linh mục Võ Đức Minh làm giám mục Phó Nha Trang. Ông chính thức kế vị trở thành Giám mục chính tòa Nha Trang vào tháng 7 năm 2009. Trong Hội đồng Giám mục Việt Nam, ông giữ vai trò Chủ tịch Ủy ban Kinh Thánh trong 4 nhiệm kỳ liên tiếp, từ khi Ủy ban này thành lập năm 2007 đến 2019. Ngoài ra, ông cũng từng đảm nhận vai trò Phó Tổng thư ký nhiệm kỳ 2007 - 2010. Tháng 7 năm 2022, Giám mục Võ Đức Minh chính thức rời chức vị giám mục Nha Trang, sau khi giáo hoàng chính thức chấp nhận đơn từ nhiệm của ông vì lý do tuổi tác, theo giáo luật Công giáo. Là một chuyên viên kinh thánh, Giám mục Võ Đức Minh có khả năng đọc tiếng Do Thái, Hy Lạp, Aramio và các sinh ngữ khác. Giám mục Giuse Minh hy vọng có khả năng dùng các khả năng của mình trong lĩnh vực này để phục vụ [giáo hội]. Gia thế và tu học. Giám mục Giuse Võ Đức Minh sinh ngày 10 tháng 9 năm 1944, tại Mỹ Đức, thuộc Giáo xứ Tam Tòa, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình thuộc Tổng giáo phận Huế (nay khu vực này thuộc Giáo phận Hà Tĩnh). Ông là người con thứ ba và là con trai trưởng trong gia đình có bảy người con (3 gái, 4 trai). Cha ông là ông Giuse Võ Đức Mẫn (1912–2000) thuộc giáo họ Mỹ Đức, giáo xứ Tam Tòa; mẹ ông là bà Isave Nguyễn Thị Trà (1914–1997) cũng thuộc giáo xứ Tam Tòa. Năm Võ Đức Minh lên 7 tuổi (1951), cậu theo gia đình rời giáo xứ Tam Tòa, Đồng Hới, Quảng Bình, vào định cư tại giáo xứ Thánh Nicolas, Thành phố Đà Lạt. Cậu bé Minh sau đó được gia đình cho học Tiểu học tại Đà Lạt, trong giai đoạn từ năm 1951 đến năm 1956. Võ Đức Minh được lãnh nhận Bí tích Thánh Thể lần đầu vào năm 1952, tại giáo xứ Thánh Nicolas. Con đường tu học của Võ Đức Minh bắt đầu khi gia đình cho cậu nhập học tại Tiểu Chủng viện Sài Gòn năm 1956. Sau khi tốt nghiệp Tiểu chủng viện năm 1965, cậu bé Minh học Triết học tại Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn. Năm 1966, giám mục Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền gửi chủng sinh Võ Đức Minh học tiếp chương trình Đại chủng viện Triết học và Thần học tại Đại chủng viện Fribourg, Thụy Sĩ. Cụ thể, chủng sinh Minh học tại Đại Chủng viện Thánh Carôlô của Giáo phận Fribourg, Lausanne và Genève tại Thụy Sĩ, để tiếp tục học Triết học và Thần học tại Phân Khoa Thần học của Đại học Fribourg. Cùng trong khoảng thời gian này, Võ Đức Minh được huấn luyện và học bổ sung về mục vụ tại Đại Chủng viện Giáo phận Fribourg. Ông tốt nghiệp với văn bằng Thạc sĩ Kinh Thánh vào năm 1971. Mùa hè năm 1969, Võ Đức Minh theo học tiếng Đức tại Goethe Institut, Passau ở vùng Niederbayern, Đức. Vào mùa hè năm 1970, ông tham dự Khóa học hỏi và nghiên cứu về Kinh Thánh tại Thánh địa Jerusalem. Hỗ trợ chủng sinh Giuse Võ Đức Minh trong quá trình tu học là nghĩa phụ, linh mục Gioan Baotixita Trần Thái Huân (1930–2017). Linh mục. Ngày 24 tháng 4 năm 1971, tại nhà thờ Chúa Kitô Vua ở Fribourg, Thụy Sĩ, phó tế Giuse Võ Đức Minh đã được Giám mục Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền, Giám mục Giáo phận Đà Lạt truyền chức Linh mục. Sau khi được truyền chức, linh mục Minh được tiếp tục theo học tại Học viện Kinh Thánh Giáo hoàng ở Rôma và tham dự khóa Kinh Thánh tại Giêrusalem. Tại Học viện Kinh Thánh, ông tốt nghiệp văn bằng Thạc sĩ Kinh Thánh năm 1974. Trong thời gian này, Võ Đức Minh đã tận dụng các kỳ nghỉ hè để thực hiện một số công việc mục vụ tại một số giáo xứ: linh mục phó xứ tại các giáo xứ Kranken und Erholungsheim tại Aachen, Đức (1971), giáo xứ Notre Dame ở Vevey, Thụy Sĩ (1972), giáo xứ Notre Dame des Neiges ở Montréal, Canada (1973); Quyền quản xứ tại giáo xứ Notre Dame du Peuple ở Genève, Thụy Sĩ (1972). Ngày 30 tháng 5 năm 1974, linh mục Võ Đức Minh trở về Giáo phận Đà Lạt và được bổ nhiệm làm giáo sư Kinh Thánh tại Đại Chủng viện Minh Hòa Đà Lạt. Ông còn dạy Kinh Thánh và Thần học tại Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn, Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X Đà Lạt, Đại chủng viện Sao Biển và nhiều cơ sở đào tạo Công giáo khác ở Việt Nam. Song song với các vai trò trên, trong suốt 16 năm, từ năm tháng 3 năm 1975 đến ngày 20 tháng 6 năm 1991, linh mục Minh đảm nhận vai trò Thư ký Tòa giám mục Đà Lạt, dưới thời Giám mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm. Ông cũng đảm nhận vai trò Quản lý Tòa Giám mục Đà Lạt trong thời gian ngắn từ tháng 3 đến tháng 10 năm 1975. Ngày 20 tháng 6 năm 1991, Võ Đức Minh được bổ nhiệm giữ chức linh mục chính xứ Nhà thờ chính tòa Đà Lạt, đồng thời kiêm nhiệm vai trò linh mục quản hạt Giáo hạt Đà Lạt. Ngày 19 tháng 6 năm 1999, ông được bổ nhiệm kiêm nhiệm thêm chức linh mục Tổng đại diện Giáo phận Đà Lạt. Ông giữ tất cả các vai trò trên cho đến ngày 9 tháng 11 năm 2005. Giám mục. Bổ nhiệm. Thông tin Tòa Thánh bổ nhiệm linh mục Võ Đức Minh làm giám mục đến với Tòa Giám mục Đà Lạt vào 15 giờ ngày 8 tháng 11 năm 2005. Nhận được tin này, giám mục Đà Lạt Phêrô Nguyễn Văn Nhơn loan tin đến các linh mục trẻ đang thường huấn cuối giờ chiều. Giám mục Nhơn cho biết tin bổ nhiệm chính thức có lẽ được công bố lúc 18 giờ chiều cùng ngày. Các linh mục trẻ bày tỏ sự vui mừng trước thông tin này, dù trước đó đã có các tin hành lang về việc bổ nhiệm vị tân chức. 18 giờ 20 cùng ngày, văn thư bổ nhiệm viết tiếng Ý đến Tòa Giám mục Đà Lạt, chính thức loan báo việc bổ nhiệm, nêu rõ: Giáo hoàng Biển Đức XVI đã quyết định bổ nhiệm linh mục Giuse Võ Đức Minh, linh mục Quản xứ chính tòa Đà Lạt và Tổng Đại diện giáo phận Đà Lạt làm giám mục Phó Giáo phận Nha Trang. Với việc bổ nhiệm này, Giám mục Võ Đức Minh là giám mục thứ 5 xuất phát từ Giáo phận Đà Lạt. Giám mục Tân cử Võ Đức Minh tổ chức lễ đồng tế để tạ ơn tại Nhà thờ chính tòa Đà Lạt sau đó vào ngày 9 tháng 11. Chia sẻ về thời điểm được bổ nhiệm chức Giám mục phó nhân dịp kỷ niệm 14 năm biến cố này, Giám mục Võ Đức Minh cho biết ông cảm giác xao xuyến, hồi hộp, và có cảm giác một khoảng trống mở ra trước mắt vì không biết phải thi hành chức vụ mới như thế nào khi giáo phận Nha Trang là một giáo phận ông ít khi lui đến. Nhận được tin bổ nhiệm, phái đoàn Giáo phận Nha Trang do các linh mục giữ vai trò quan trọng tại giáo phận đến chào thăm Tân giám mục Phó vào trưa ngày 9 tháng 11. Ngay ngày hôm sau, sáng 10 tháng 11, tân giám mục cùng một số linh mục Đà Lạt tiến về Tòa Giám mục Nha Trang. Huy hiệu Giám mục của Võ Đức Minh được công bố sau đó, với các ý nghĩa đơn giản, bao gồm Thánh Thể và Kinh Thánh là các hình ảnh lấy từ Cung Thánh nhà thờ chính tòa Đà Lạt, phông nền huy hiệu là hình ảnh con sông Tibêria, nơi Giêsu rao giảng và làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, gợi nên tương quan liên kết giữa núi và biển hướng đến chân trời. Chức vụ linh mục chính xứ nhà thờ chính tòa của linh mục Minh được trao cho linh mục Phaolô Lê Đức Huân, lễ nhậm chức của linh mục này diễn ra vào ngày 28 tháng 11 năm 2005. Tấn phong và Tạ ơn. Lễ tấn phong cho giám mục tân cử Giuse Võ Đức Minh được tổ chức vào ngày 15 tháng 12 năm 2005, tại Nhà thờ chính tòa Đà Lạt, do Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Hòa, Giám mục chính tòa Giáo phận Nha Trang, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam chủ phong và 2 giám mục phụ phong là giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, giám mục chính tòa Giáo phận Đà Lạt và giám mục chính tòa Giáo phận Mỹ Tho Phaolô Bùi Văn Đọc. Tham gia lễ tấn phong có các hồng y, tổng giám mục và giám mục đến từ ba giáo tỉnh thuộc Việt Nam, đồng thời khoảng 400 linh mục, rất nhiều tu sĩ nam nữ và 10.000 hoặc 12.000 giáo dân. Tại lễ tấn phong, khuôn viên nhà thờ chật cứng giáo dân tham dự. Buổi lễ được truyền hình trực tiếp tại ba địa điểm là khuôn viên nhà thờ chính tòa Đà Lạt, nhà vòm và phòng hội Gioan XXIII. Sau khi được tấn phong, Tân giám mục Minh cử hành nhiều lễ Tạ ơn, cụ thể tại Đại chủng viện Minh Hòa vào ngày 16 tháng 12, đây cũng là lễ đầu tiên ông cử hành sau khi được chính thức Tấn phong giám mục. Giám mục Minh cũng dâng lễ tạ ơn tại giáo xứ Thánh Tâm, Bảo Lộc ngày 21 tháng 12. Mục vụ. Sáng ngày 30 tháng 12 năm 2005, phái đoàn từ Giáo phận Đà Lạt gồm giám mục Nguyễn Văn Nhơn, Võ Đức Minh, 30 linh mục, 30 tu sĩ và 200 giáo dân giáo hạt chính tòa Đà Lạt đến Tòa giám mục Nha Trang để tiễn đưa tân giám mục Võ Đức Minh chính thức nhận chức vụ tại Nha Trang. Việc tiễn biệt diễn ra trong khung cảnh xúc động của các giáo dân. Giám mục chính tòa Phaolô Nguyễn Văn Hòa bày tỏ sự vui mừng của mình khi đón giám mục phó của giáo phận Nha Trang. Ngày 1 tháng 1 năm 2006, trong buổi lễ chủ sự giám mục Nguyễn Văn Hòa và đồng tế với giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, xuất thân từ Giáo phận Nha Trang công bố Tông sắc bổ nhiệm Giám mục Phó Giáo phận Nha Trang. Để xây dựng phòng truyền thống Giáo phận Nha Trang, giám mục phó Võ Đức Minh kêu gọi các thành phần giáo dân, tu sĩ, giáo sĩ hỗ trợ các tài liệu, di vật về Giáo phận Nha Trang, đặc biệt là các giám mục của giáo phận. Lá thư kêu gọi được ký ngày 25 tháng 8 năm 2007. Tại Đại hội của Hội đồng Giám mục Việt Nam lần thứ X vào năm 2007 diễn ra tại Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, giám mục Võ Đức Minh được bầu vào Ban Thường vụ của Hội đồng Giám mục Việt Nam, với chức vụ Phó Tổng thư ký. Ông còn được chọn làm một trong hai đại biểu chính thức của Hội đồng Giám mục Việt Nam tham dự Thượng Hội đồng Giám mục thế giới năm 2008. Ông đảm nhận vai trò này trong một nhiệm kỳ, từ năm 2007 đến năm 2010. Từ ngày 5 đến ngày 26 tháng 10 năm 2008, giám mục Võ Đức Minh đại diện cho Hội đồng Giám mục Việt Nam tham dự Thượng Hội đồng Giám mục thế giới lần thứ XII tại Roma về đề tài "Lời Chúa trong đời sống và sứ vụ của Hội Thánh." Tại Thượng Hội đồng này, giám mục Minh có bài phát biểu chính thức tại hội trường với chủ đề "Lời Chúa là nguồn an ủi và là sức mạnh cho dân Chúa tại Việt Nam trong dòng lịch sử". Ngoài ra, giám mục Võ Đức Minh còn được chọn là một trong số 12 nghị phụ chia sẻ Lời Chúa trong bài giảng tại hội trường trước phiên họp khoáng đại ngày 7 tháng 10 năm 2008, trong sự kiện có sự hiện diện của Giáo hoàng Biển Đức XVI. Đề tài của bài chia sẻ là: "Lời Chúa trong đời sống của người tín hữu." Ngày 4 tháng 12 năm 2009, giám mục chính tòa Nguyễn Văn Hòa tổ chức lễ mừng kim khánh linh mục, với các giám mục đến từ khắp Việt Nam tham gia đồng tế. Trước mặt các giám mục, linh mục đoàn và giáo dân, giám mục Hòa chính thức công bố Giáo hoàng đã chấp thuận đơn xin từ nhiệm của ông, vốn được đệ trình 3 năm trước đó. Với sự từ nhiệm của giám mục Hòa, giám mục phó Võ Đức Minh chính thức trở thành Giám mục chính tòa thứ tư của giáo phận Nha Trang. Xét đến sức khỏe của nguyên Giám đốc Chủng viện là linh mục Phêrô Phạm Ngọc Phi, ngày 27 tháng 6 năm 2014, Giám mục Võ Đức Minh đã bổ nhiệm lại các nhân sự của Chủng viện nhiệm kỳ 2014 – 2017, trong đó có việc bổ nhiệm linh mục Gioan Baotixita Ngô Đình Tiến làm Giám đốc Đại chủng viện Sao Biển Nha Trang kiêm Giám đốc Tiểu chủng viện Lâm Bích. Giám mục tiền nhiệm Phaolô Nguyễn Văn Hòa qua đời vào ngày 14 tháng 2 năm 2017. Lễ phát tang và tẩm liệm được giám mục Võ Đức Minh cử hành vào 9 giờ sáng ngày 15 tháng 2. Giám mục Minh cũng tham dự lễ an táng sau đó vào ngày 18 cùng tháng. Ngày 5 tháng 7 năm 2017, giám mục Võ Đức Minh, đồng tế cùng một số giám mục khác và linh mục đoàn đã cử hành nghi thức kỷ niệm 60 năm thiết lập Giáo phận Nha Trang, trong khuôn khổ Năm Thánh của Giáo phận này. Cũng trong cùng tháng, từ ngày 17 đến ngày 23 tháng 7, khóa hội nghị Kinh Thánh Đông Nam Á (CBF-SEA) được tổ chức tại Tòa Giám mục Nha Trang. Giám mục Võ Đức Minh, trên cương vị giám mục Chủ tịch ủy ban Kinh Thánh, tham dự hội nghị này. Tham dự hội nghị này có 33 giáo sĩ từ các quốc gia khu vực Đông Nam Á. Tháng 11 năm 2017, một cơn bão mạnh tiến vào vùng Giáo phận Nha Trang, tàn phá nhiều cơ sở tôn giáo, nhà cửa của đồng bào lương giáo. Nhận được những đóng góp về vật chất và tinh thần, những hỗ trợ từ đồng bào Việt Nam, ngày 22 tháng 12 năm 2017, giám mục Võ Đức Minh viết thư cảm ơn sự hỗ trợ của mọi người đã hỗ trợ giáo phận trong thời gian khó khăn. Nhân dịp mừng 55 năm thành lập Chủng viện Minh Hòa Đà Lạt, mừng thọ 80 tuổi và kim khánh linh mục của Hồng y, Tổng giám mục Tổng giáo phận Hà Nội Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, giám mục Võ Đức Minh cùng các giám mục xuất thân từ Đà Lạt: Hồng y Nguyễn Văn Nhơn, Tổng giám mục Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh Phaolô Bùi Văn Đọc, các giám mục giáo phận Đà Lạt Antôn Vũ Huy Chương và Đa Minh Nguyễn Văn Mạnh cử hành lễ kỷ niệm vào ngày 12 tháng 12 năm 2017. Từ ngày 2 đến ngày 11 tháng 3 năm 2018, giám mục Minh cùng đoàn giám mục người Việt tham gia chuyến hành hương Ad Limina quy định cho các giám mục công giáo. Tòa Giám mục Nha Trang tổ chức Ngày hội ngộ Truyền thông Giáo tỉnh Huế vào ngày 9 tháng 5 năm 2018, giám mục Võ Đức Minh tham gia ngày hội này. Phát biểu tại ngày gặp gỡ, giám mục Minh cho biết truyền thông có vai trò và ảnh hưởng lớn lao đến việc truyền giáo. Giám mục Minh cũng nhiều lần nhấn mạnh về vấn đề nạn tin giả. Chính phủ Việt Nam công bố Luật Tôn giáo 2017, trong đó có điểm mới là cho phép "tôn giáo giáo dục, đào tạo, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo theo quy định của pháp luật" (Điều 55). Trước đó, từ năm 2016, giám mục Võ Đức Minh đã đệ trình đơn lên Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa – Ban Tôn giáo nhằm xin cấp phép mở một phòng khám bệnh từ thiện, với mục đích phục vụ, hỗ trợ mọi người, đặc biệt là người nghèo. Sau đó, chính quyền đã chấp thuận đề nghị này, phòng khám từ thiện được lấy tên là Mẫu Tâm, với đội ngũ y bác sĩ gồm 10 thành viên, đều là các nữ tu Dòng Khiết Tâm Đức Mẹ Nha Trang và kêu gọi sự cộng tác của các bác sĩ không phân biệt tôn giáo tham gia hỗ trợ phòng khám. Sau quá trình xây dựng, ngày 21 tháng 10 năm 2018, giám mục Võ Đức Minh tham dự lễ khai trương phòng khám này. Từ ngày 19 đến ngày 21 tháng 2 năm 2019, Tòa Giám mục Nha Trang tổ chức Đại học Kinh Thánh toàn quốc với chủ đề:"Lời Chúa bền vững đến muôn đời". Sự kiện do Chủ tịch Ủy ban Kinh Thánh Võ Đức Minh chủ trì. Đại hội được tham gia bởi đông đảo các tu sĩ từ 27 giáo phận Việt Nam, đặc biệt một số giám mục đương nhiệm của Giáo hội Công giáo Việt Nam. Trong đại hội này, giám mục Võ Đức Minh có bài thuyết trình với chủ đề "Tầm quan trọng của Lời Chúa đối với đức tin người tín hữu". Trong các kỳ Đại hội Hội đồng Giám mục Việt Nam, giám mục Võ Đức Minh đã được bầu chọn giữ vai trò Chủ tịch Ủy ban Kinh Thánh trong bốn nhiệm kỳ liên tiếp từ Đại hội X đến Đại hội XIII (từ năm 2007 đến năm 2019). Trong suốt giai đoạn 17 năm thi hành công tác mục vụ [với tư cách là giám mục] giáo phận Nha Trang, Giám mục Võ Đức Minh cùng với giáo phận xây dựng được Tòa giám mục Nha Trang một cách quy mô, nhà hưu dưỡng linh mục giáo phận, kiến thiết được một phòng khám từ thiện của giáo phận. Trong thời kỳ quản lý, ông đã thiết lập số giáo xứ lên 100, thiết lập nhiều giáo hạt. Hưu dưỡng. Ngày 23 tháng 7 năm 2022, Văn phòng Báo chí Tòa Thánh ra thông cáo về việc Giáo hoàng Phanxicô đã chấp thuận đơn từ nhiệm chức Giám mục Nha Trang của Giám mục Võ Đức Minh. Cùng với thông cáo này, Tòa Thánh cũng bổ nhiệm Tổng giám mục Tổng giáo phận Huế Giuse Nguyễn Chí Linh làm Giám quản Tông Tòa Giáo phận Nha Trang, trong tình trạng "trống tòa và theo ý Toà Thánh". Giám mục Võ Đức Minh gửi một thư để bày tỏ tâm tình của mình đối với giáo dân giáo phận Nha Trang vào ngày tin tức được công bố. Văn phòng Tòa giám mục Nha Trang xác nhận thông tin về quá trình từ nhiệm của Giám mục Minh, qua đó cho biết ông đã nộp đơn từ nhiệm vào ngày 8 tháng 8 năm 2019, theo Giáo luật 401 triệt 1 và tự sắc của Giáo hoàng về vấn đề các giám mục tròn 75 tuổi ( “Imperare a congedarsi”). Tổng giám mục Linh dự kiến chính thực nhận vai trò Giám quản vào ngày 31 tháng 8 năm 2022, theo thông báo của Tòa Tổng giám mục Huế đề ngày 26 tháng 7 năm 2022. Giám mục Nha Trang Võ Đức Minh và Tổng giám mục Giám quản Nguyễn Chí Linh trong một buổi lễ chung sáng ngày 31 tháng 8 năm 2022. Buổi lễ này ngoài mang ý nghĩa là lễ tạ ơn của giám mục Minh còn là lễ tiếp nhận sứ vụ Giám quản của Tổng giám mục Linh và lễ tạ ơn của Giám mục Minh. Tông truyền. Giám mục Giuse Võ Đức Minh được tấn phong giám mục năm 2005, thời Giáo hoàng Biển Đức XVI, bởi: Giám mục Giuse Võ Đức Minh là Giám mục Phụ phong cho giám mục:
1
null
Phêrô Nguyễn Văn Đệ (sinh 1946) là một Giám mục của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam. Ông từng đảm trách vai trò Giám mục phụ tá Giáo phận Bùi Chu (2005–2009), giám mục chính tòa Giáo phận Thái Bình (2009–2022), Chủ tịch Ủy ban Tu sĩ của Hội đồng Giám mục Việt Nam nhiệm kì 2013–2016 và nhiệm kì 2016–2019. Khẩu hiệu Giám mục của ông là "Hãy cho tôi các linh hồn". Ngoài tiếng mẹ đẻ là tiếng Việt, ông còn có thể giao tiếp bằng tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Latinh. Thân thế và tu tập. Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Đệ sinh ngày 15 tháng 1 năm 1946 tại Trí Bưu, Thạch Hãn (nay thuộc phường 2, thị xã Quảng Trị), tỉnh Quảng Trị, thuộc tổng giáo phận Huế. Vì có chí hướng tu tập, ngày 15 tháng 8 năm 1965, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Đệ tiến đến việc được tổ chức nghi thức khấn dòng, gia nhập tu hội Dòng Salêdiêng Don Bosco. Sau khi học xong trung học, cậu tiếp tục con đường tu học của mình bằng việc được gửi đi học Triết học tại Hồng Kông trong khoảng thời gian từ năm 1965 đến năm 1968, sau đó tiếp tục theo học Thần học tại Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X Đà Lạt trong khoảng thời gian từ năm 1970 đến năm 1974. Linh mục. Phó tế Phêrô Nguyễn Văn Đệ, sau nhiều năm tu tập tại nhiều nơi theo quy định của Giáo luật, tiến đến việc được thụ phong linh mục vào ngày 17 tháng 12 năm 1973. Sau khi thụ phong chức vụ linh mục, vị linh mục trẻ tuổi Nguyễn Văn Đệ trở thành linh mục giáo sư Nhà tập Dòng Don Bosco (1976–1979). Sau đó, ông trở thành linh mục Chánh xứ giáo xứ Xuân Hiệp, quận Thủ Đức thuộc Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh (1979–1991). Từ năm 1991, ông đảm nhiệm vai trò Bề Trên Giám tỉnh Dòng Salesien Việt Nam và giữ chức vụ này cho đến năm 1997. Từ năm 1997 đến năm 2000, ông đảm nhận chức vụ Giám đốc Học viện Thần học Salesien Don Bosco. Sau đó, linh mục Đệ đóng vai trò là Giáo sư Đại chủng viện Hà Nội. Giám mục. Giám mục Phụ tá Bùi Chu. Ngày 29 tháng 11 năm 2005, Tòa Thánh loan tin Giáo hoàng Biển Đức XVI đã tuyển chọn linh mục Phêrô Nguyễn Văn Đệ, dòng Don Bosco, làm Giám mục phụ tá Giáo phận Bùi Chu, với hiệu tòa Ammaedara. Lễ tấn phong cho tân giám mục được tổ chức sau đó vào ngày 18 tháng 1 năm 2006 tại quảng trường nhà thờ chính toà Bùi Chu, với phần nghi thức truyền chức được cử hành bởi Giám mục chủ phong Giuse Hoàng Văn Tiệm, giám mục chính tòa Bùi Chu và 2 giám mục phụ phong gồm Tổng giám mục Tổng giáo phận Hà Nội Giuse Ngô Quang Kiệt và Tổng giám mục Stêphanô Nguyễn Như Thể từ Tổng giáo phận Huế. Giám mục chính tòa Thái Bình. Ngày 6 tháng 7 năm 2009, Hồng y Ivan Dias và giám mục Robert Sarah gửi thư đến Giám mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang tại giáo phận Thái Bình, công bố việc sẽ công bố tin bổ nhiệm giám mục chính tòa Thái Bình là Giám mục Nguyễn Văn Đệ sau đó vào ngày 25 cùng tháng. Ngày 25 tháng 7 năm 2009 ông được bổ nhiệm làm Giám mục chính tòa Thái Bình thay cho Giám mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang về hưu, ông đảm nhiệm chức vụ này kể từ ngày 9 tháng 9 năm 2009. Năm 2013, các giám mục Việt Nam họp phiên họp trong khuôn khổ Hội đồng Giám mục Việt Nam đã nhất trí chọn giám mục Nguyễn Văn Đệ làm Chủ tịch Ủy ban Tu Sĩ thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam nhiệm kì 2013–2016. Tháng 10 năm 2016, các giám mục Việt nam tiếp tục chọn giám mục Đệ giữ chức vụ Chủ tịch ủy ban Tu sĩ trong nhiệm kì 2016–2019. Ông giữ chức Giám đốc Đại chủng viện Thánh Tâm Thái Bình từ tháng 7 năm 2017. Từ nhiệm và hưu dưỡng. Ngày 29 tháng 6 năm 2020, Giám mục Nguyễn Văn Đệ đã công bố thông tin về ứng viên giám mục kế vị ông đảm nhận vai trò Giám mục chính tòa Thái Bình. Giám mục Đệ cho biết ông đã nhiều năm chuẩn bị với các giám mục thuộc giáo tỉnh Hà Nội đệ trình Tòa Thánh Vatican danh sách ứng viên giám mục Thái Bình. Ông cho biết sẽ viết đơn từ nhiệm vào đầu năm 2021 và chờ quyết định bổ nhiệm giám mục kế nhiệm. Giám mục Nguyễn Văn Đệ cũng kêu gọi giáo dân cầu nguyện để giáo phận sớm có tân giám mục. Ngoài ra, cùng được công bố với tin trên, còn có việc thành lập Dòng Mến Thánh giá Thái Bình và Tu đoàn Lòng Chúa Thương Xót Thái Bình; công năng Trung tâm Mục vụ Lòng Chúa Thương Xót An Lạc Thái Bình; việc mục vụ tại giáo miền Hưng Yên. Ngày 29 tháng 10 năm 2022, Văn phòng Báo chí Tòa Thánh ra thông cáo Giáo hoàng Phanxicô đã chấp thuận cho Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Đệ từ nhiệm sứ vụ Giám mục Chính tòa Giáo phận Thái Bình. Cùng với việc chấp thuận đơn từ nhiệm, giáo hoàng cũng bổ nhiệm linh mục Đa Minh Đặng Văn Cầu kế vị chức Giám mục Chính tòa Giáo phận Thái Bình. Theo thông cáo của Tòa Giám mục Thái Bình, ngày lễ mãn nhiệm của Giám mục Nguyễn Văn Đệ và tấn phong cho giám mục tân cử sẽ được thông báo sau. Ban Tư vấn Giáo phận Thái Bình tổ chức họp bất thường để bầu chọn Giám quản Giáo phận Thái Bình vào ngày 31 tháng 10 năm 2022. Các linh mục thuộc ban Tư vấn đã "xin" (sic) Giám mục Nguyễn Văn Đệ giữ chức vị Giám quản Giáo phận trong thời gian chờ tấn phong Giám mục Tân cử. Theo thông cáo đề ngày 2 tháng 11 năm 2022 của Tòa giám mục Thái Bình, thánh lễ tri truyền chức phó tế và tri ân nguyên giám mục chính tòa Nguyễn Văn Đệ sẽ được cử hành vào ngày 1 tháng 12. Một tuần sau đó, ngày 8 tháng 12, giáo phận Thái Bình sẽ kỷ niệm lễ mừng kính Thánh Quan Thầy và cử hành lễ truyền chức linh mục. Ngoài ra, thông cáo cũng xác định các nghi thức và lễ tấn phong cho giám mục kế vị Đặng Văn Cầu vào cuối tháng 12 năm 2022. Tông truyền. Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Đệ được tấn phong giám mục năm 2006, thời Giáo hoàng Bênêđíctô XVI: Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Đệ là Giám mục chủ phong cho giám mục:
1
null
Giuse Châu Ngọc Tri (sinh năm 1956) là một giám mục người Việt của Giáo hội Công giáo Rôma. Ông hiện đảm trách cương vị giám mục chính tòa Giáo phận Lạng Sơn và Cao Bằng và Đặc trách Văn phòng Mục vụ Đối thoại Đại kết và Liên tôn. Khẩu hiệu Giám mục của ông là "Trời mới – Đất mới". Giám mục Châu Ngọc Tri từng đảm nhận vai trò Chủ tịch Ủy ban Mục vụ Gia đình trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam trong các nhiệm kỳ 2007–2010, 2010–2013, 2013–2016 và 2016–2019. Trước khi quản lý giáo phận Lạng Sơn và Cao Bằng, ông từng đảm nhận vai trò giám mục chính tòa Giáo phận Đà Nẵng từ năm 2006 đến tháng 3 năm 2016. Thân thế và thiếu thời. Giuse Châu Ngọc Tri sinh ngày 12 tháng 9 năm 1956 tại thôn Phước Ấm hoặc thôn Chợ Được, xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Về phía địa giới theo quy ước của Công giáo, ông sinh tại địa điểm thuộc giáo họ Phước Ấm, giáo xứ Hà Lam, giáo hạt Tam Kỳ, Giáo phận Đà Nẵng. Song thân là ông Anrê Châu Ngọc Hiệu (1922–2003) và bà Lucia Nguyễn Thị Chín (sinh 1920), thuộc Họ đạo Phước Ấm, Giáo xứ Hà Lam, Giáo Hạt Tam Kỳ, Giáo phận Đà Nẵng. Cả hai ông bà đều làm nông dân và có gia cảnh nghèo khó. Châu Ngọc Tri là con thứ 7 trong gia đình có 10 người con và được rửa tội ngày 15 tháng 9 năm 1956 tại nhà thờ Phước Ấm, giáo xứ Vân Đoã, giáo phận Đà Nẵng. Cấp tiểu học, Châu Ngọc Tri theo học trường tiểu học Bình Triều, Thăng Bình, Quảng Nam. Cậu dừng học tại trường này vào năm 1964, vì gia đình lánh nạn chiến tranh, đến sinh sống tại vùng giáo xứ Trà Kiệu. Tại đây, cậu theo học tiếp tục tiểu học tại trường Têrêxa, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam vào năm 1966. Sau đó, gia đình di cư đến Hòa Khánh và tốt nghiệp tiểu học, theo học lớp 6 (đệ thất) tại trường Thánh Mẫu, phường Hoà Khánh, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Nhận biết sự yêu mến Thiên Chúa của con trai, thân mẫu cậu bé Tri dành thời gian uốn nắn đời sống đạo đức của cậu. Trước ngày lễ cử hành rước lễ lần đầu, bà đã bị quở trách giữa nhà thờ vì con trai đã đọc kinh quá lớn, lấn át người khác và đọc phần kinh của linh mục. Bà cũng tham gia các thánh lễ giả do con trai cử hành tại nhà. Châu Ngọc Tri nổi bật trong xứ đạo vì khả năng hiểu biết Kinh Thánh Công giáo và lời Chúa, sự siêng năng tham dự các thánh lễ và việc tham dự nhóm giúp lễ giáo xứ. Thời kỳ tu học. Trong giai đoạn từ năm 1969 đến năm 1975, cậu bé Tri theo học tiểu chủng viện Thánh Gioan, Giáo phận Đà Nẵng. Từ năm 1975, chủng sinh Tri vừa theo học Triết và Thần học tại đại chủng viện Hoà Bình. Năm 1982, chủng sinh Tri trở về với gia đình để lao động sản xuất và hỗ trợ mục vụ tại giáo xứ quê nhà Hà Lam. Ngày 3 tháng 9 năm 1989, chủng sinh Giuse Châu Ngọc Tri chịu chức phó tế tại "Hang Đức Mẹ Lộ Đức" thuộc Nhà thờ chính tòa Đà Nẵng, do Giám mục giáo phận Đà Nẵng Phanxicô Xaviê Nguyễn Quang Sách làm chủ phong. Linh mục. Ngày 21 tháng 11 năm 1989, phó tế Châu Ngọc Tri được thụ phong linh mục tại Hang Đức Mẹ Lộ Đức, nhà thờ chính toà Đà Nẵng, do Giám mục chính tòa Giáo phận Đà Nẵng Phanxicô Xaviê Nguyễn Quang Sách chủ phong. Ngoài tân linh mục Tri, còn có tân linh mục Phaolô Đoàn Quang Dân. Đây cũng này là lần thứ hai sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, giáo phận Đà Nẵng mới cử hành lễ phong chức linh mục. Sau khi được thụ phong linh mục, ngày 3 tháng 12 cùng năm, linh mục trẻ Giuse Tri được bổ nhiệm làm linh mục chính xứ giáo xứ Hà Lam, giáo hạt Tam Kỳ, giáo phận Đà Nẵng. Giáo xứ Hà Lam cũng chính là giáo xứ quê nội của ông. Ông đảm nhận chức vụ này đến ngày 8 tháng 9 năm 1998. Song song với chức vụ kể trên, từ ngày 24 tháng 9 năm 1995, ông là thành viên Hội đồng Tư vấn Giáo phận. Theo nguồn tin từ văn phòng Báo Chí Tòa Thánh, ông giữ vai trò thành viên tư vấn giáo phận từ năm 1996 đến năm 1998. Từ ngày 28 tháng 10 năm 1998 đến ngày 14 tháng 7 năm 2002, linh mục Châu Ngọc Tri du học và theo học môn Thần học Mục vụ Giáo lý (ISPC) tại Học viện Công giáo, Pháp. Sau khi hồi hương, ngày 12 tháng 2 năm 2003, ông được bổ nhiệm linh mục quản xứ Trà Kiệu, quản hạt Hội An. Đây là giáo xứ quê ngoại của ông. Ông cũng kiêm chức Quản đốc Đền Thánh Đức Mẹ Trà Kiệu và là thành viên Ban Tư vấn giáo phận (từ năm 2003). Giám mục. Giám mục chính tòa Đà Nẵng. Ngày 13 tháng 5 năm 2006, Giáo hoàng Biển Đức XVI bổ nhiệm làm linh mục Giuse Châu Ngọc Tri làm giám mục chính tòa Giáo phận Đà Nẵng, kế nhiệm Giám mục Phaolô Nguyễn Bình Tĩnh nghỉ hưu. Chính trong ngày công bố tin bổ nhiệm này, giám mục tân cử đã phải cùng hàng nghìn người cứu hộ cứu tại bãi biển Mỹ Khê do ảnh hưởng từ cơn bão Chanchu. Ông cho biết, chính trong thời gian này, ông đã nhận ra lời trích trong sách Khải huyền: "... biển không còn nữa, và tôi thấy Trời mới Đất mới...". Sáng ngày 4 tháng 8 năm 2006, lễ tấn phong giám mục và nhậm chức Giám mục Giáo phận Đà Nẵng được tổ chức tại sân trước nhà thờ chính toà Đà Nẵng. Đồng tế lễ tấn phong có 23 giám mục, một viện phu, hàng trăm linh mục. Tham dự lễ có các đại diện dòng tu, các chủng sinh, và các giáo dân diện các giáo xứ. Chủ phong cho tân chức là giám mục Phaolô Tịnh Nguyễn Bình Tĩnh và hai giám mục phụ phong gồm Tổng giám mục Tổng giáo phận Huế Stêphanô Nguyễn Như Thể và Giám mục Antôn Vũ Huy Chương, giám mục chính tòa giáo phận Hưng Hóa. Trong bài phát biểu cuối lễ tấn phong, tân giám mục cho biết ông cảm giác ngượng ngập khi lần đầu mặc phẩm phục giám mục khá lộng lẫy trước đông đảo mọi người, gửi lời tạ ơn, xin sự đón nhận của giáo dân giáo phận và cảm tạ Hội thừa Sai Paris về quãng thời gian du học. Tân giám mục chọn cho mình khẩu hiệu Trời mới – Đất mới, trích từ sách Khải Huyền. Ông giải thích khẩu hiệu của mình như sau: Tại Đại hội X Hội đồng Giám mục Việt Nam vào tháng 10 năm 2007 ở Hà Nội, ông được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Mục vụ Gia đình và tái nhiệm vào Đại hội XI Tháng 10 năm 2010 tại Trung tâm Mục vụ Tổng giáo phận Sài Gòn. Trong khuôn khổ Chuyến viếng thăm Bắc Mỹ của Giáo hoàng Phanxicô, giám mục Châu Ngọc Tri đã có chuyến viếng thăm Hoa Kỳ vào cuối tháng 9 năm 2015. Giám mục chính tòa Lạng Sơn và Cao Bằng. Ngày 12 tháng 3 năm 2016, văn phòng Báo chí Toà Thánh đã công bố thông tin về việc Giáo hoàng Phanxicô bổ nhiệm Giám mục Giuse Châu Ngọc Tri đang là Giám mục chính toà giáo phận Đà Nẵng làm giám mục chính toà giáo phận Lạng Sơn và Cao Bằng. Cũng theo thông báo thì Giám mục Giuse Đặng Đức Ngân đang là Giám mục chính toà giáo phận Lạng Sơn và Cao Bằng sẽ thay Giám mục Tri làm giám mục chính toà giáo phận Đà Nẵng.. Nhằm thông cáo cho giáo dân, linh mục Gabriel Nguyễn Ngọc Tuấn, Chánh văn phòng Tòa giám mục Đà Nẵng đã ra thông cáo về việc bổ nhiệm trong cùng ngày. Linh mục Tuấn cũng trích dẫn giáo luật nói về việc nguyên giám mục sẽ là giám quản cho đến khi tân giám mục nhậm chức. Đây là lần đầu tiên có việc hoán đổi sứ vụ giữa hai giám mục từ hai miền Việt Nam. Sáng ngày 17 tháng 3, một phái đoàn từ giáo phận Đà Nẵng do giám mục Châu Ngọc Tri dẫn đầu đến thăm Tòa giám mục Lạng Sơn và Cao Bằng. Chiều cùng ngày, giám mục Đặng Đức Ngân quyết định đưa phái đoàn giáo phận Lạng Sơn và Cao Bằng đến giáo phận Đà Nẵng nhằm bàn thảo chương trình chuyển giao sứ vụ. Ngày 18 tháng 3, hai phái đoàn đã ra thông cáo chung. Thông cáo nêu rõ: hai giáo phận Đà Nẵng và Lạng Sơn – Cao Bằng sau khi tham khảo ý kiến của các Tổng giám mục trưởng giáo tỉnh đã quyết định ngày đón Tân giám mục – lễ nhậm chức của giám mục Châu Ngọc Tri tại Tân giáo phận Lạng Sơn và Cao Bằng là vào ngày 9 tháng 4 cùng năm và của giám mục Đặng Đức Ngân tại Đà Nẵng là vào ngày 12 tháng 4. Ngày 9 tháng 4 năm 2016, Giáo phận Lạng Sơn và Cao Bằng chính thức được Giám mục Châu Ngọc Tri cai quản, đánh dấu bằng lễ nhận sứ vụ do đông đảo 26 giám mục đồng tế, hơn 50 linh mục trong ngoài giáo phận, hiện diện tại đây cũng có Giám mục Giám quản Giuse Đặng Đức Ngân – nguyên Giám mục chính tòa Giáo phận đón tiếp Tân giám mục. Thánh lễ do Hồng y – Tổng giám mục Trưởng giáo tỉnh Hà Nội Phêrô Nguyễn Văn Nhơn chủ sự tại nhà thờ chính tòa Giáo phận Lạng Sơn và Cao Bằng.. Ông là giám mục thứ tư quản lý giáo phận này. Giám mục Châu Ngọc Tri dành thời gian trả lời phỏng vấn của hãng truyền thông Công giáo VietCatholic và bài phỏng vấn được đăng tải vào ngày 9 tháng 4 năm 2016. Chia sẻ về tâm tình trước tin bổ nhiệm này, giám mục Châu Ngọc Tri cho biết ông có cảm xúc là buồn, vì phải xa quê hương đã gắn bó suốt cuộc đời 60 năm và các dự tính phát triển giáo phận bị bỏ dở. Tuy vậy, tân giám mục Lạng Sơn và Cao Bằng cho biết ông cần phải vâng phục. Nói về cảm xúc ban đầu, ông cho biết mình có cảm giác hoang mang, vì giáo phận được sai phái nằm ở vùng biên cương, có tỉ lệ giáo dân thấp và có nhiều đặc điểm riêng, nhiều điểm bất cập. Ông cho rằng khẩu hiệu mình chọn (Trời mới, Đất mới) cũng đã ứng nghiệm vào lần bổ nhiệm này. Ông thừa nhận mình bị kích động với ý nghĩa bổ nhiệm ra vùng ngoại biên và đã soạn thảo thư có nội dung "lên đường đi ra vùng ngọai biên theo lời mời gọi và sai phái của Hội Thánh". Ông nhận định trong cuộc đời tu trì của mình, tất cả bài sai (bổ nhiệm) đều là sai về phục vụ quê hương (giáo xứ quê nội Hà Lam, giáo xứ quê ngoại Trà Kiệu và giáo phận quê hương Đà Nẵng) và lần bổ nhiệm này chính là lần "sai đi" đầu tiên. Giám mục Tri cũng cho biết ông ái ngại khi phải xa thân mẫu đã cao niên, nhưng cho biết chính bà đã là nguồn động viên lớn cho ông. Một số nữ tu cao niên cũng ái ngại việc bổ nhiệm và đưa ra nhận định giám mục Tri đã bị đày đến vùng đất mới. Nhân dịp kỷ niệm một năm ngày giám mục Châu Ngọc Tri nhậm chức Giám mục Lạng Sơn và Cao Bằng, ông đã có bài trả lời phỏng vấn với VietCatholic. Nói về tâm tình của mình, giám mục Tri cho biết ông thấy môi trường tại đây không quá khắc nghiệt như đã từng tưởng tượng và đang dành thời gian để hội nhập, tiếp cận, quan sát.. Được hỏi về vấn đề truyền giáo, Giám mục Tri cho biết ông đang tìm hiểu đời sống giáo dân và sự khắc khỏi của họ. Trong ba tháng đầu tiên nhận nhiệm sở, ông đã dành thời gian thăm viếng. Giám mục Tri nhận định tình hình tôn giáo không thuận lợi, tương tự các vấn đề khác. Ông cho rằng Tin Mừng Công giáo loan báo tại giáo phận phải là Tin Mừng cho người nghèo. Ông loan báo trong dịp Thứ Năm Tuần Thánh sẽ triển khai hoạt động "Mái ấm Vùng Biên", để hỗ trợ người khó khăn trong thời gian giá rét. Trong thời gian quản lý đầu tiên này, ông cũng đã phát triển "Sân chư dân" và tổ chức triển lãm mỹ thuật "Trại Sáng tác Đi Ra Vùng Ngoại Biên". Giữa tháng 10 năm 2019, Giám mục Châu Ngọc Tri đã đón tiếp chuyến thăm mục vụ của Đại diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam Marek Zalewski. Đây là lần đầu tiên vị đại diên đến thăm giáo phận Lạng Sơn và Cao Bằng. Giám mục Tri đã hướng dẫn đại diện Tòa Thánh đến thăm các giáo điểm và giáo xứ. Tông truyền. Giám mục Giuse Châu Ngọc Tri được tấn phong giám mục năm 2006, thời Giáo hoàng Biển Đức XVI, bởi: Giám mục Giuse Châu Ngọc Tri là Giám mục Phụ phong cho các giám mục:
1
null
Mátthêu Nguyễn Văn Khôi (sinh 1951) là một giám mục của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam. Ông hiện là Giám mục chính tòa của Giáo phận Qui Nhơn và Chủ tịch Nghệ thuật Thánh trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam nhiệm kỳ 2022–2025. Trước đó, ông từng đảm nhận vai trò giám mục phó giáo phận Qui Nhơn, cũng như đảm nhận chức Chủ tịch Ủy ban Nghệ Thuật Thánh bốn nhiệm kỳ kéo dài từ năm 2010 đến năm 2022. Khẩu hiệu giám mục của ông là "Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng tôi". Ông sinh tại Bình Định trong một gia đình Công giáo. Tu trì từ thuở thiếu thời, chủng sinh Khôi theo học các chủng viện trong tổng thời gian 17 năm trước khi bị gián đoạn vì hoàn cảnh thời cuộc. Sau khoảng thời gian hơn một thập niên gián đoạn, Nguyễn Văn Khôi được phong chức linh mục năm 1989. Thời kỳ làm linh mục, linh mục Nguyễn Văn Khôi từng đảm nhận nhiều vai trò khác nhau: linh mục chính xứ, giáo sư chủng viện, linh mục hạt trưởng. Ông từng du học Rôma, tốt nghiệp văn bằng Tiến sĩ Thần học Luân Lý. Cuối năm 2009, Tòa Thánh thông cáo bổ nhiệm linh mục Nguyễn Văn Khôi làm giám mục phó giáo phận Qui Nhơn. Lễ tấn phong cho tân giám mục cử hành tháng 2 năm 2010 và ông kế nhiệm giám mục chính tòa tháng 6 năm 2012. Giám mục Nguyễn Văn Khôi là người có óc khôi hài, có tài hội họa và trang trí. Thân thế, tu tập. Giám mục Nguyễn Văn khôi sinh ngày 13 tháng 10 năm 1951 tại thôn Xuân Phương, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, thuộc Giáo xứ Gò Thị, Giáo phận Qui Nhơn. Cha ông là ông Giuse Nguyễn Chánh và mẹ là bà Maria Nguyễn Thị Báu (1918 – 2008). Hai ông bà song thân đều đã qua đời. Gia đình ông có ba anh em: anh cả đã qua đời, rồi đến Giám mục Khôi và em út là ông Nguyễn Kim An, có con là linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Kim Ngân. Nhận thấy cậu bé Khôi có chí hướng tu tập, năm 1963, gia đình đưa cậu nhập học Tiểu Chủng viện Làng Sông – Quy Nhơn và cậu đã tốt nghiệp tại đây năm 1970. Sau đó, chủng sinh Khôi tiếp tục con đường tu trì bằng việc học Triết và Thần học tại Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X, Đà Lạt từ tháng 8 năm 1970 đến năm 1977. Học cùng lớp Giáo hoàng Học viện, ngoài chủng sinh Khôi trở thành giám mục, còn có ba giám mục khác xuất thân, là là Cosma Hoàng Văn Đạt, Giuse Nguyễn Chí Linh và Giuse Nguyễn Năng. Ngoài chương trình chủng viện, chủng sinh Khôi còn theo học Khoa Văn học tại Đại học Công giáo Đà Lạt. Những năm chiến sự ác liệt tại các lãnh thổ thuộc giáo phận Qui Nhơn, chủng sinh Khôi nhiều lần lo lắng về sự ảnh hưởng của thời cuộc đến đời sống tu trì của mình. Ông bày tỏ hy vọng chiến tranh kết thúc để giáo dân đang rời vùng thôn quê có thể trở về sinh hoạt tôn giáo tại các ngôi giáo đường. Ngoài ra, trong hai năm 1974 và 1975, chủng sinh Khôi còn thực hiện các công việc tại Tiểu Chủng viện Qui Nhơn. Sau chiến tranh, đời sống tu trì gặp nhiều khó khăn, nhiều chủng sinh bỏ con đường tu trì về sinh sống với gia đình, riêng chủng sinh Khôi quyết tâm đi theo con đường tu trì. Ông thừa nhận gia đình lo lắng cho đời sống tu trì của con trai và nhiều lần chủng sinh Khôi suy nghĩ về sự khó khăn của gia đình, trở về hỗ trợ gia đình trong thời gian nghèo khổ. Nguyễn Văn Khôi thừa nhận, chính song thân là nguồn động viên ông tiếp tục theo con đường tu trì. Với việc Giáo hoàng Học viện bị giải thể, chủng sinh Khôi trở về quê hương sinh sống và được căn dặn kiếm kế sinh nhai chờ ngày tái tuyển sinh. Linh mục. Ngày 10 tháng 5 năm 1989, sau khoảng thời gian dài tu học và gián đoạn, Phó tế Nguyễn Văn Khôi được thụ phong linh mục bởi Giám mục Phaolô Huỳnh Đông Các, tại Nhà thờ chính tòa Qui Nhơn. Đây là lần phong chức linh mục đầu tiên của giáo phận sau 14 năm. Từ năm 1989 đến năm 2000, ông là linh mục Chánh xứ Nam Bình, từ năm 1994 đến năm 2000, ông còn Giáo sư Triết học Đại Chủng viện Sao Biển Nha Trang. Sau đó, từ năm 2000 đến năm 2005, ông du học tại Đại học Giáo hoàng Urbaniana, Rôma, đậu Tiến sĩ Thần học Luân lý. Đề tài Tiến sĩ của ông, dài 177 trang có chủ đề "La morale chrétienne et la nouvelle évangélisation dans le contexte culturel du Vietnam à la lumière de l’encyclique «Veritatis splendor».", tạm dịch: "Luân lý Kitô giáo và công cuộc tân phúc âm hóa trong bối cảnh văn hóa Việt Nam dưới ánh sáng của thông điệp «Veritatis splendor»". Sau khi về Việt Nam, linh mục Nguyễn Văn Khôi đảm nhiệm vai trò linh mục chánh xứ giáo xứ Chính toà Quy Nhơn. Ngoài ra, trong cùng thời gian này, linh mục Khôi còn đảm nhiệm vai trò Giáo sư Thần học Luân lý tại Đại chủng viện Sao Biển, giáo phận Nha Trang, nằm trong Ban thường huấn Giáo phận Qui Nhơn và linh mục Hạt Trưởng hạt Bình Định từ 2006. Giám mục. Ngày 31 tháng 12 năm 2009, Giáo hoàng Biển Đức XVI bổ nhiệm Linh mục Matthêu Nguyễn Văn khôi làm Giám mục Phó Giáo phận Qui Nhơn, trợ giúp giám mục Phêrô Nguyễn Soạn, 73 tuổi đang gặp vấn đề lớn về sức khỏe. Với việc bổ nhiệm này, tân giám mục là vị giám mục thứ 15 xuất thân từ Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X Đà Lạt và là vị thứ tư xuất thân từ khóa 13, sau các giám mục Cosma Hoàng Văn Đạt, Giuse Nguyễn Chí Linh và Giuse Nguyễn Năng. Đây là khóa có số giám mục xuất thân đông nhất, tính đến hết năm 2009. Tân giám mục đã nhận trả lời phỏng vấn của website Hội đồng Giám mục Việt Nam và bài phỏng vấn được công bố vào ngày 14 tháng 1 năm 2010. Nói việc việc chia tay hai công việc cũ đang đảm nhận là linh mục chánh xứ chính tòa và giáo sư chủng viện để trở thành giám mục, giám mục tân cử cho rằng ông cảm thấy luyến tiếc nhưng đánh giá các công tác này là bước chuẩn bị cho công việc của một giám mục. Tân giám mục công bố việc chọn khẩu hiệu của ông là "Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng tôi" (2Cr 5,14) ("Caritas Christi urget nos"). Ông cho biết lý do chọn khẩu hiệu này là do nhu cầu truyền giáo của giáo phận, với nhận định chính Chúa Giêsu là động lực thúc đẩy công việc truyền giáo. Huy hiệu giám mục do chính giám mục tân cử thiết kế với nhiều họa tiết độc đáo, trung tâm huy hiệu có hai ký tự PX tượng trưng cho Piô X và đàn chim Việt 4 con, tượng trưng cho bốn giám mục xuất thân đồng khóa 13 Giáo hoàng Học viện. Lễ tấn phong cho tân giám mục được dự định cử hành vào cuối tháng 1 năm 2010, nhưng phải dời lịch do trùng các sự kiện tĩnh tâm linh mục cho nhiều giáo phận. Thời điểm được dời đã rất cận Tết Nguyên Đán. Ngày 4 tháng 2 năm 2010, lễ tấn phong cho tân giám mục Nguyễn Văn Khôi được tổ chức trước mặt tiền Chủng viện Qui Nhơn. Chủ sự nghi thức truyền chức gồm chủ phong là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam—giám mục giáo phận Đà Lạt Phêrô Nguyễn Văn Nhơn và 2 phụ phong là Giám mục Giuse Nguyễn Năng—giám mục chính tòa Giáo phận Phát Diệm và Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh—Giám mục chính tòa Giáo phận Thanh Hóa. Trong hai nhiệm kì kéo dài từ năm 2010 đến năm 2016, các giám mục Việt Nam nhất trí bầu chọn làm Chủ tịch Ủy ban Nghệ thuật Thánh thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, và trong nhiệm kì 2016 đến năm 2019, ông tiếp tục được tái cử vào chức vụ này. Ngày 30 tháng 6 năm 2012, giáo hoàng chấp thuận đơn xin hồi hưu của Giám mục Phêrô Nguyễn Soạn, Giám mục Khôi chính thức kế vị vai trò giám mục chính tòa giáo phận Qui Nhơn. Sau khi kế nhiệm, Giám mục Khôi có bài trả lời phỏng vấn, được công bố trên trang web hãng truyền thông Công giáo VietCatholic. Nói về vai trò mới, giám mục Khôi thừa nhận ông có cả hai cảm xúc: mừng vui vì được dự phần vào công trình của Thiên Chúa và lo âu vì khả năng hạn hẹp của mình. Tân giám mục chính tòa bày tỏ trông đợi vào sự hỗ trợ từ Thiên Chúa. Chia sẻ về khoảng thời gian làm giám mục phó, ông cho biết đã thu thập được nhiều kinh nghiệm, và an tâm vì đã được làm quen, tuy vậy cũng lo lắng trước những điều chưa quen và khó khăn. Nhắc đến đường hướng mục vụ, Giám mục Khôi cho biết ông thực hiện các việc mục vụ hướng đến dịp kỷ niệm 400 năm đón nhận đức tin Công giáo (2018). Với cương vị Chủ tịch Ủy ban Nghệ thuật Thánh, ông cho biết đã nhận nhiệm vụ từ Hội đồng Giám mục, thiết kế đồ án "Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang". Giám mục Khôi cho biết linh mục Vinh Sơn Phạm Trung Thành, Tổng Thư ký Ủy ban trực tiếp mời các kiến trúc sư và các nhà thiết kế mỹ thuật thực hiện các đồ án. Giám mục Nguyễn Văn Khôi cho biết ông đã học được nhiều với vị tiền nhiệm trong công tác điều hành giáo phận, nổi bật nhất là sự khôn ngoan và tính thận trọng. Ông cho biết ông cẩn phải biết lắng nghe, đón nhận góp ý từ linh mục, giáo dân giáo phận. Nói về nghi thức nhậm chức tân giám mục chính tòa, Giám mục Khôi cho biết ông nhận tin từ Đại diện Tòa Thánh Leopoldo Girelli từ trước 5 ngày và cho rằng chỉ cần công bố tin bổ nhiệm và không tổ chức lễ nhậm chức. Các giám mục Việt Nam từ 27 giáo phận họp Đại hội XV Hội đồng Giám mục Việt Nam tại trung tâm Mục vụ Tổng giáo phận Hà Nội vào đầu tháng 10 năm 2022. Trong khuôn khổ đại hội, các giám mục tiếp tục chọn Giám mục Nguyễn Văn Khôi đảm trách vai trò Chủ tịch Ủy ban Nghệ thuật Thánh thuộc Hội đồng Giám mục trong nhiệm kỳ 2022–2025. Đời tư. Giám mục Mátthêu Nguyễn Văn Khôi có chiều cao 1,75 mét, cân nặng 70 kg (năm 2010), có tính cách khôi hài và thích đùa. Ông cũng có khiếu về hội họa và trang trí. Bức tranh treo tại Lễ đài lễ tấn phong tân giám mục Phêrô Nguyễn Soạn do chính linh mục Khôi thực hiện cách chuyên nghiệp. Ông cũng tự tay thiết kế huy hiệu giám mục của mình. Ông thường dành thời gian cận Tết để thăm hỏi các linh mục, dòng tu, trở về giáo xứ quê hương và dành ít thời gian cho họ hàng thân tộc, là người em trai và ba người cháu. Nói về Tết Nguyên Đán đáng nhớ nhất của mình, Giám mục Khôi cho rằng đó là dịp Tết Nguyên Đán năm 2008, khi thân mẫu ông qua đời. Giám mục Khôi cho rằng thân mẫu của mình đã vượt qua bệnh tật, và sống được thêm một năm, do lời cầu nguyện của ông với Thiên Chúa được chấp nhận. Tông truyền. Giám mục Mátthêu Nguyễn Văn Khôi được tấn phong giám mục năm 2010, thời Giáo hoàng Biển Đức XVI, bởi: Giám mục Mátthêu Nguyễn Văn Khôi là Giám mục phụ phong trong nghi thức truyền chức giám mục cho:
1
null
Gioan Maria Vũ Tất (sinh 1944) là một Giám mục của Giáo hội Công giáo Rôma tại Việt Nam. Ông từng đảm nhận vai trò Giám mục phụ tá Giáo phận Hưng Hóa từ năm 2010 đến năm 2011 và Giám mục chính tòa giáo phận này từ năm 2011 cho đến khi hồi hưu năm 2020. Khẩu hiệu Giám mục của ông là " Sự thật trong yêu thương". Thân thế và tu tập. Gioan Maria Vũ Tất sinh ngày 10 tháng 3 năm 1944 tại làng Bến Thôn, xã Dị Nậu, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc thành phố Hà Nội), thuộc giáo phận Hưng Hoá. Ông là em trong nội tộc của Giám mục Antôn Vũ Huy Chương. Từ năm 1955 đến năm 1962, Vũ Tất tu học tại tiểu chủng viện Thánh Giuse ở Sơn Lộc, Sơn Tây. Đến năm 1962 ông là giảng viên của tiểu chủng viện Sơn Lộc cho tới năm 1966. Đầu năm 1966, Vũ Tất về quê ở Thạch Thất lao động, đồng thời ông tham gia hướng dẫn các tu sinh có ý muốn tìm hiểu tu tập. Ông làm các công việc này ở quê nhà cho đến năm 1990. Năm 1977 ông được cử đi học Triết học và Thần học với các Giám mục Giuse Phan Thế Hinh (Giáo phận Hưng Hoá) và Giám mục Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng (Giáo phận Bắc Ninh). Ông theo học 10 năm cho đến năm 1987. Linh mục. Sau khi Gioan Maria Vũ Tất hoàn tất các chương trình học và thử thách mục vụ, ông đủ mọi điều kiện để được thụ phong linh mục theo quy định của Giáo hội Công giáo. Suốt nhiều năm liền Tòa giám mục đề nghị chính quyền chấp nhận để tổ chức lễ phong chức linh mục cho Phó tế Vũ Tất, nhưng đều không được chính quyền đồng ý. Hồng y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng, lúc ấy là đang là giám mục Giáo phận Bắc Ninh đã quyết định thụ phong linh mục chui" cho thầy Gioan Maria Vũ Tất vào ngày 1 tháng 4 năm 1987. Thánh lễ thụ phong linh mục cho Gioan Maria Vũ Tất được tổ chức trong một căn phòng tại toà giám mục Bắc Ninh mà không cần sự chấp nhận của chính quyền. Trước khi lễ thụ phong diễn ra một ngày, Gioan Maria Vũ Tất phải giả làm một người bán rau. Ông đi xe đạp vượt con đường gần 100 km từ quê nhà ở Thạch Thất ra tới Bắc Ninh để tham dự lễ phong chức linh mục cho mình nhằm tránh bị chính quyền phát hiện. Sau khi lãnh nhận chức linh mục, Gioan Maria Vũ Tất được cử về mục vụ tại giáo phận Hưng Hoá. Ông đặc trách việc đào tạo các linh mục cho đến năm 1995. Cũng trong thời gian này, có một năm ông đi tu nghiệp tại Đại Chủng viện Thánh Giuse, Hà Nội. Năm 1995, linh mục Gioan Maria được tòa giám mục cử đi học Giáo luật tại Đại học Urbaniana, Roma. Năm 1997, linh mục Vũ Tất tốt nghiệp cử nhân Giáo luật. Sau khi tốt nghiệp cử nhân tại Rôma, linh mục Vũ Tất được Giám mục cho phép qua Pháp. Tại Paris, linh mục Tất tiếp tục theo học các khóa về mục vụ tại Đại học Công giáo Paris, Pháp. Năm 1998, linh mục Gioan Maria Vũ Tất về nước. Ông đảm nhận chức trợ tá tại tòa Giám mục Hưng Hoá, kiêm nhiệm phụ trách mục vụ tại tỉnh Lào Cai.. Từ năm 1999 đến năm 2004, linh mục Gioan Maria là giảng viên môn Giáo luật tại đại chủng viện Thánh Giuse, Hà Nội. Đến năm 2003, ông được giám mục giáo phận giao làm chính xứ giáo xứ Bách Lộc, giáo phận Hưng Hoá. Ông thi hành mục vụ ở giáo xứ Bách Lộc bảy năm, cho đến năm 2010. Đầu năm 2005, ông được giao kiêm nhiệm chức phó giám đốc Đại chủng viện Thánh Giuse Hà Nội, phụ trách cơ sở 2 tại Cổ Nhuế, Sở Kiện. Giám mục. Ngày 29 tháng 3 năm 2010, Giáo hoàng Biển Đức XVI bổ nhiệm linh mục Gioan Maria Vũ Tất làm Giám mục Phụ tá giáo phận Hưng Hoá, giám mục hiệu toà Thisiduo Thánh Lễ Truyền Chức Giám mục phụ tá được tổ chức tại Nhà thờ Chính toà Sơn Lộc, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội, hồi 07g30 sáng Thứ Ba, ngày 15 tháng 6 năm 2010. Chủ phong cho tân chức là giám mục Hưng Hóa Antôn Vũ Huy Chương và phụ phong là hai giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm, giám mục phụ tá Thành phố Hồ Chí Minh và Lôrensô Chu Văn Minh, giám mục phụ tá Hà Nội. Ngày 1 tháng 3 năm 2011, Giáo hoàng Biển Đức XVI bổ nhiệm giám mục Vũ Tất làm Giám mục chính tòa Giáo phận Hưng Hóa, thế chỗ Giám mục Antôn Vũ Huy Chương được chuyển đi làm Giám mục chính tòa Giáo phận Đà Lạt. Ngày 22 tháng 3 năm 2011, lúc 10 giờ, Thánh lễ nhậm chức Giám mục chính tòa Giáo phận Hưng Hóa của Giám mục Gioan Maria Vũ Tất được cử hành tại Nhà thờ chính tòa Hưng Hóa. Ngày 29 tháng 8 năm 2020, Văn phòng Báo chí Tòa Thánh ra thông cáo thông tin việc giáo hoàng đã chấp thuận đơn xin từ nhiệm Giám mục chính tòa Giáo phận Hưng Hóa của Giám mục Vũ Tất. Giáo phận Hưng Hóa trống tòa theo ý Tòa Thánh. Tòa Thánh đồng thời bổ nhiệm Giám mục phụ tá giáo phận Vinh Phêrô Nguyễn Văn Viên làm giám quản Tông Tòa giáo phận Hưng Hóa. Lễ kết thúc nhiệm vụ của Giám mục Tất và khời đầu sứ vụ của giám mục Viên được vào tổ chức ngày 8 tháng 9 năm 2020 tại Nhà thờ chính tòa Sơn Lộc. Tông truyền. Giám mục Gioan Maria Vũ Tất được tấn phong giám mục năm 2010, thời Giáo hoàng Biển Đức XVI, bởi: Giám mục Gioan Maria Vũ Tất là Giám mục Chủ phong cho giám mục: Giám mục Gioan Maria Vũ Tất là Giám mục phụ phong Giám mục cho:
1
null
Hoàng Anh Attapeu là một câu lạc bộ bóng đá ở Attapeu, Lào thi đấu tại Lào League năm 2013. CLB có sân nhà là sân Attapeu. Chủ sở hữu CLB này là tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cũng là chủ sở hữu của CLB Hoàng Anh Gia Lai ở V-League. Câu lạc bộ Hoàng Anh Attapeu đã ngừng tham gia giải vô địch Lào từ năm 2016 và đã bị giải thể. Cầu thủ. ‘’Tính đến 20 tháng 1 năm 2013"
1
null
Câu lạc bộ bóng đá SHB Viêng Chăn (tiếng Lào: ສະໂມສອນເອັສເຮັສບີ ວຽງຈັນ) là một câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp đang thi đấu tại Lao Premier League, giải đấu cao nhất của Lào. Sân nhà của CLB là Sân vận động Quốc gia Lào ở thủ đô Viêng Chăn. Lịch sử. Câu lạc bộ có tiền thân là đội bóng đá thủ đô Viêng Chăn. Mùa bóng 2015 sau khi được thăng hạng Premier League và nhận được tài trợ của SHBank, đội bóng đổi tên thành "SHB Viêng Chăn".
1
null
Đại hội Thể thao châu Á 2014 hay Đại hội Thể thao châu Á thứ 17 (: 2014 Asian Games), chính thức biết đến dưới tên Asiad XVII là Á vận hội lần thứ 17 được tổ chức ở Incheon, Hàn Quốc từ 19 tháng 9 năm 2014 đến 04 tháng 10 năm 2014. Incheon giành quyền đăng cai vào 17 tháng 4 năm 2007, đánh bại Delhi, Ấn Độ. Incheon là thành phố thứ ba của Hàn Quốc sau Seoul (1986) và Busan (2002) đăng cai. Tổ chức. Chi phí. Chi phí của các trò chơi đã được ước tính vào khoảng US $1.620.000.000, với chính phủ Hàn Quốc và chính phủ Incheon bao gồm 19% và 78,9% tương ứng. Trong tổng ngân sách, một số 1,39 tỷ USD sẽ được sử dụng cho việc xây dựng các địa điểm và cơ sở hạ tầng, trong khi khoảng 11 triệu USD sẽ bao gồm việc xây dựng và duy trì các cơ sở đào tạo. Khoảng 103 triệu USD sẽ được sử dụng cho các dự án đường bộ và giao thông vận tải. Tuy nhiên, báo cáo tháng 6 năm 2012 cho thấy thành phố đang chịu áp lực về tài chính do nợ cuộc nổi dậy. Các IAGOC dự kiến sẽ tiết kiệm được 34 triệu USD sau khi đồng ý giảm từ 15.000 đến 2.025 vận động viên sẽ được cung cấp miễn phí cho giao thông vận tải và chỗ ở. Địa điểm. Các sân vận động chính, được gọi là sân vận động chính Asiad Incheon, có công suất tất cả chỗ ngồi của 61.074 chỗ ngồi, với 30.000 chỗ ngồi là biến sau khi Á vận hội. Các 400 triệu USD sân vận động, những người ban đầu lên kế hoạch cho 70.000 chỗ ngồi được thiết kế bởi Populous, người cũng đã thiết kế một số địa điểm sự kiện trên toàn thế giới, trong đó có sân vận động Olympic của Thế vận hội Mùa hè 2012. Lễ khởi công được tổ chức vào ngày 28 tháng 6 năm 2011 trong Yeonhui-dong, với việc xây dựng bắt đầu vào tháng 6 năm 2011 và dự kiến hoàn thành vào tháng 4 năm 2014. Giao thông vận tải. Tàu điện ngầm Incheon thời gian xây dựng đã được rút ngắn hơn dự kiến hoàn thành năm 2018. Do sự phổ biến ngày càng tăng của sân bay quốc tế Incheon trong các trò chơi, các thủ tục nhập cảnh đã được cải tiến để thuận tiện cho hành khách. Lễ rước đuốc. Ngọn đuốc đã được tiết lộ trong tháng 10 năm 2013, với motif thiết kế dựa trên những con chim chính thức của thành phố vùng đô thị đặc biệt Incheon, các cần cẩu, với xi lanh nội bộ màu xanh của ngọn đuốc biểu bầu trời và đại dương của Incheon. Bốn màu sắc (xanh, vàng, đỏ, tím) được thiết kế để đại diện cho năm khu vực của châu Á. Ngọn đuốc được thắp sáng tại Sân vận động Quốc gia Dhyan Chand ở New Delhi, Ấn Độ vào ngày 09 Tháng 8 năm 2014 này đánh dấu lần đầu tiên ngọn đuốc được thắp sáng bên ngoài của nước sở tại. Lần đầu tiên cũng, các trò chơi được tổ chức bởi thành phố của Hàn Quốc có rước đuốc quốc tế Uy Hải, một thành phố ở tỉnh Sơn Đông, chỉ là một thành phố khác tổ chức rước đuốc vào ngày 12 tháng 8 năm 2014. Lễ ánh sáng trong nước được tổ chức tại Manisan trên đảo Ganghwa vào ngày 12 tháng 8 năm 2014. Rơ le trong nước bắt đầu từ 13 tháng 8 năm 2014 và đi qua 70 thành phố cho 5.700 km cho đến khi lễ khai mạc. Lịch thi đấu. Trong lịch sau đây cho Đại hội Thể thao châu Á 2014, mỗi hộp màu xanh đại diện cho một cuộc thi sự kiện, chẳng hạn như vòng loại, vào ngày hôm đó. Các hộp màu vàng đại diện cho ngày trong đó trận chung kết huy chương, giải thưởng cho một môn thể thao được tổ chức, trong đó số đại diện cho số của trận chung kết đã được tranh cãi vào ngày hôm đó. Ở bên trái danh sách lịch từng môn thể thao với các sự kiện được tổ chức trong các trò chơi, và ở bên phải có bao nhiêu huy chương vàng đã giành chiến thắng trong thể thao đó. Có một khóa ở phía trên cùng của lịch để hỗ trợ người đọc. Thể thao. Lễ khai mạc. Lễ khai mạc sẽ bắt đầu lúc 18:00 (giờ địa phương theo Hàn Quốc) vào ngày 19 tháng 9 năm 2014. Việc thực hiện sẽ bao gồm bốn hành vi, từ "Châu Á từ lâu rồi", "Châu Á họp thông qua biển", "Châu Á như gia đình và bạn bè", và "Châu Á là một trong tương lai và tham gia với ngày hôm nay". Các môn thi đấu. Các môn thi đấu năm 2014 dự kiến sẽ tính năng 28 môn thể thao Olympic sẽ được tranh tài tại Thế vận hội Mùa hè 2016. Ngoài ra, tám phi thể thao Olympic sẽ được đặc trưng: bóng chày, bowling, dế, Kabaddi, karate, cầu mây, squash và wushu. Danh sách này được hoàn thành vào ngày 9 tháng 12 năm 2010 tại cuộc họp Hội đồng Olympic châu Á của OCA tại Muscat, Oman. Điều này dẫn đến trong sáu môn thể thao khác: thể thao lăn, trò chơi hội đồng quản trị (cờ vua, đi, cờ tướng), gợi ý các môn thể thao, bóng mềm, khiêu vũ thể thao và thuyền rồng, được tổ chức tại Đại hội trước được giảm từ danh sách. Danh sách này được thông qua ngày 13 tháng 7 năm 2011 trong hội đồng thường niên thứ 30 tại Tokyo như bóng mềm kết hợp với bóng chày là một môn thể thao, trong khi quần vợt mềm là theo kỷ luật của quần vợt. Lần đầu tiên, bắn cung hợp chất, ba môn phối hợp tiếp hỗn hợp, các sự kiện đội judo đã được giới thiệu. Những thay đổi trong các môn thể thao Olympic không đặc trưng tại Đại hội thể thao châu Á bị ảnh hưởng bởi các cuộc thảo luận với các tổ chức, người đã đề nghị loại bỏ của cricket từ chương trình bởi vì họ cảm thấy quá ít nước chơi nó, và bởi vì họ thiếu cơ sở hạ tầng để lưu trữ nó. Tuy nhiên, OCA tranh chấp việc loại bỏ đề xuất của cricket, với lý do phổ biến của nó và quan tâm người xem. Lễ bế mạc. Lễ bế mạc sẽ được tổ chức từ lúc 19:00 đến lúc 21:30 vào ngày 04 tháng 10 năm 2014. Bảng huy chương. Mười tốp được liệt kê NOC theo số lượng huy chương vàng được liệt kê dưới đây. Chủ nhà, Hàn Quốc, được đánh dấu. Quốc gia tham dự. Tất cả 45 thành viên của Hội đồng Olympic châu Á tham gia, điều này bao gồm Bắc Triều Tiên, bất chấp mối đe dọa tẩy chay sau khi tranh chấp với Hàn Quốc trên các điều khoản của lưu trữ đoàn vận động viên và các quan chức. Ả Rập Saudi là NOC duy nhất không gửi vận động viên nữ Á vận hội. Dưới đây là một danh sách của tất cả các NOC tham gia; số lượng tuyển thủ mỗi đoàn được nêu trong ngoặc.
1
null
Hoàng Bính (chữ Hán: 黃柄; 1857-1900) là một danh sĩ Việt Nam. Ông là Đình nguyên Hoàng giáp khoa thi Kỷ Sửu 1889, triều vua Thành Thái. Thân thế và sự nghiệp. Ông còn có tên là Hoàng Hữu Bính hay Hoàng Hữu Tiếp, sinh năm Định Tỵ 1857, người xã Bích Khê, tổng Bích La, huyện Thuận Xương, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị (nay thuộc huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị). Thân phụ ông là Hiệp biện đại học sĩ Hoàng Hữu Xứng, một trọng thần dưới triều vua Tự Đức. Do giáo dục của thân phụ, ông thụ đắc nền học vấn Nho giáo, nổi danh một thời với tài học và bút thiếp sinh động như rồng bay phượng múa. Năm 1879, ông đỗ Cử nhân xuất thân khoa thi năm Kỷ Mão, triều vua Tự Đức. Do có thân phậm Ấm sinh, sau khi đỗ Cử nhân, ông được bổ làm Giáo thụ lĩnh chức Huấn đạo ở phủ Triệu Phong. Khi phong trào Cần Vương nổ ra, ông cùng thông gia là Cử nhân Lê Thế Vỹ, người làng Tường Vân (phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị), cùng viết Hịch cổ vũ cho phong trào và lãnh đạo các nhân sĩ yêu nước. Ông cũng là thủ lĩnh của Vườn đào tụ nghĩa ở Bích Khê, quy tụ các danh sĩ ủng hộ cho phong trào Văn thân, là một trong 6 Vườn đào tụ nghĩa ở Quảng Trị. Thủ lĩnh Vườn đào Mai Xá, Tú tài Trương Quang Cung cũng là một là một thông gia với ông. Tuy nhiên, thời cuộc đổi thay, trước sự đàn áp của thực dân Pháp, các phong trào Cần Vương, Văn thân lần lượt tan rã. Chán nản, ông tìm vui trong đèn sách. Năm 1889, ông vào thi Hội đỗ Tiến sĩ khoa thi Kỷ Sửu. Vào Đình thí, ông cùng các 14 Tiến sĩ khoa thi Kỷ Sửu cùng thi chung với 8 Tiến sĩ khoa thi năm Ất Dậu được đặc cách vào thi (vốn bị gián đoạn do Sự biến Kinh thành), cả thảy 23 người. Khi truyền lô phân hạng, ông xếp đầu Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (còn gọi là Đình nguyên Hoàng giáp). Khi đó, ông mới 33 tuổi, một trong số 5 tiến sĩ trẻ nhất của khoa thi này. Đây cũng là khoa thi đầu tiên trong triều vua Thành Thái, cũng là vào năm đầu tiên ông vua này trị vì.. Khi biết tin ông đỗ Đình nguyên Hoàng giáp, Hội nguyên Nguyễn Thượng Hiền có tặng ông 2 câu đối: Sau khi đỗ Tiến sĩ, năm 1891, ông được triều đình bổ làm Tri phủ Tuy An, tỉnh Bình Định. Thời gian làm quan, ông nhiều lần tỏ ra thái độ chống đối với quan viên người Pháp. Chỉ được một năm, ông quyết định treo ấn từ quan. Tuy vậy, đến năm 1893, ông lại được triều đình tái bổ làm Kiểm đốc sở Tu thư và thăng hàm Thị độc học sĩ. Năm 1897, ông được cử làm giám khảo trường thi Hương tỉnh Hà Nam. Đến năm 1898, chán chường hoạn lộ, ông xin nghỉ hưu, về quê quán Bích Khê, Quảng Trị mở lớp dạy học. Sĩ tử các tỉnh về theo học ông rất đông và có nhiều người đỗ đạt. Năm 1900, ông lại được triều đình mời ra làm giám khảo trường thi Hương Bình Định và được thăng Hồng lô Tự khanh, bổ sung làm Toản tu Quốc sử quán và được Từ Dụ Thái hậu thưởng “Kim Khánh bội tinh”. Tuy nhiên, không lâu sau, ông bị bạo bệnh và qua đời, hưởng dương 43 tuổi. Sau khi ông qua đời, triều đình truy tặng ông hàm Quang lộc Tự khanh. Đám tang ông được tổ chức rất trọng thể tại quê nhà, có rất đông học trò cũ đang làm quan tại triều về dự và một số trực tiếp khiêng linh cữu thầy từ nhà ra đến tận huyệt. Hiện nay, lăng mộ ông vẫn được bảo tồn ở làng Bích Khê, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Lúc sinh thời, ông là người thủ cựu và cực đoan, rất ghét những gì có liên quan đến phương Tây, cực đoan đến độ chối từ cả chích thuốc khi đau ốm, chụp hình chân dung. Vì vậy, về sau không lưu lại được chân dung một thời.
1
null
Hoàng Kiêm (chữ Hán: 黃兼; 1870-1939), tự Cấn Sơn, hiệu là Ngọc Trang (玉莊), là một danh sĩ thời Nguyễn. Ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa thi Giáp Thìn 1904, làm quan đến chức Tổng đốc Nam Nghĩa (tương ứng với 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi ngày nay), hàm Hiệp tá Đại học sĩ, tước Vinh Lộc đại phu. Thân thế và khoa bảng. Ông còn có tên là Miện, sinh năm Canh Ngọ 1870 (tuy nhiên nhiều tài liệu ghi theo thông tin trên bia Tiến sĩ Văn miếu Huế là ông sinh năm Quý Dậu 1873), người thôn Ngọc Lâm, xã Hoàng Xá, tổng Quỳ Xá, huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu (nay thuộc xã Diễn Cát, huyện Diễn Châu), tỉnh Nghệ An. Theo văn bia Hoàng tộc tự bi ký do chính ông biên soạn, hiện vẫn còn được bảo tồn tại nhà thờ Hoàng tộc đại tôn, gia tộc ông vốn là một nhánh của họ Hoàng ở quận Giang Hạ (Trung Quốc), di cư sang Đại Việt, dòng họ nhiều đời từng dỗ đạt khoa bảng dưới thời nhà Lê. Đến Tiên tổ Hoàng Khắc Quýnh định cư ở xã Hoàng Xà, gia sản giàu có, mới lập ra Tế điền (ruộng tế), Kỵ điền (ruộng giỗ chạp), Văn điền (ruộng hội văn), Võ điền (ruộng hội võ) khoảng 30 mẫu, để hằng năm con cháu lấy đó phàm kế thờ phụng tổ tiên. Đến đời thân phụ ông là Hoàng Ngọc Quý, vốn là một người thông minh, trọng đạo nghĩa, nhưng khoa trường lận đận, nên sinh sống bằng nghề dạy học. Thân mẫu ông là bà Lê Thị Tường, sinh hạ được 5 người con nhưng lâm bệnh mất sớm khi ông mới 5 tuổi. Ông là người con thứ 3, gia cảnh vất vả, nên từ nhỏ ông cùng người em gái út thường xuyên được thân phụ đưa đến chỗ dạy để tiện chăm dưỡng. Mãi sau khi thân phụ ông lập kế thất, gia đình ông mới đỡ vất vả. Tư chất thông minh, lại được thân phụ nghiêm khắc sự giáo dưỡng, từ bé ông đã có tiếng là ngoan ngoãn hiếu thuận, sáng dạ, học giỏi... Giai thoại địa phương kể lại xưa mỗi bận đến trường ông phải qua sông Đò Đạu. Nhưng vì không có tiền đi đò, nên ngày 2 lần đi về, ông đều phải vấn áo quần lên đầu để lội qua sông. Khi trưởng thành, ông theo học Cử nhân Nguyễn Thức Tự, làng Đông Chữ, huyện Chân Phúc (nay là xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An), vốn nổi tiếng có kiến thức uyên thông, cốt cách thanh tao. Năm 1897, niên hiệu Thành Thái thứ 9, ông dự thi Hương và đỗ Tú tài. Năm 1903, niên hiệu Thành Thái thứ 15, ông đỗ Cử nhân khoa thi Quý Mão. Năm sau, vào thi Hội, ông đỗ Tiến sĩ; vào Đình thì, được xếp thứ 2 trong bảng Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Khi ông thi đỗ, thầy Đông Khê Nguyễn Thức Tự có câu đối chúc mừng: Nghĩa là: Khi vinh quy, cả tổng Quan Trung quê ông đã long trọng chuẩn bị đón rước, riêng nhân dân 2 làng: Ngọc Lâm (nay là xã Diễn Thắng), là tổ quán, và Quảng Hà (nay là xã Diễn Cát), là sinh quán của ông, đã cùng nhau đóng góp dựng một ngôi nhà gỗ 3 gian ngay tại vườn nhà (tức mảnh vườn di tích hiện nay) để làm quà tặng chúc mừng. Quan lộ. Sau khi thi đỗ, ông được triều đình bổ dụng làm Hàn lâm viện Biên tu. Tuy nhiên, đến năm 1906, thân phụ ông qua đời. Ông phải về quê cư tang 3 năm. Năm 1908, sau khi hết thời gian chịu tang, ông được triều đình bổ dụng làm Tri phủ Đức Thọ (Hà Tĩnh). Năm sau, ông được đổi làm Tri phủ Hà Thanh. Đến năm 1915, ông lại được điều về Kinh làm Lang trung bộ Hình. Năm 1918, ông được triệu làm Chánh chủ khảo khoa thi Hương ở trường thi Thừa Thiên Huế, sau đó được bổ dụng làm Án sát Thanh Hóa. Năm 1921, ông được thăng làm Bố chính tỉnh Thanh Hóa. Cũng trong năm này, ông thay mặt dòng họ soạn văn bia Hoàng tộc tự bi ký biểu dương công đức tiên tổ, Tú tài Hàn lâm viện Hoàng Khắc Điển viết chữ. Nội dung văn bia vẫn còn được bảo tồn tại nhà thờ Hoàng tộc đại tôn. Đầu năm 1924, ông được đổi làm chức Đồng thành phiên sứ tỉnh Quảng Bình. Năm 1925, ông được triều đình thăng làm Tuần vũ Hà Tĩnh. Nhân dịp này, Án sát Quảng Bình Ưng Bình có họa 2 bài thơ tiễn ông. Thời bấy giờ, ở Trung kỳ nổ ra nhiều cuộc nổi dậy đấu tranh chống sưu cao thuế nặng của thực dân Pháp. Vốn là người đức độ, giàu lòng thương dân, lại đã từng trải qua cuộc sống nghèo khổ thuở thiếu thời, nên ông rất thông cảm với người dân. Vì vậy, thời gian này ông đã ngấm ngầm tìm cách giúp đỡ nhân dân và chống đối thực dân Pháp. Sách "Câu đối xứ Nghệ" có chép về việc ông đã từng bí mật dán lên cổng dinh Tuần phủ một đôi câu đối có nội dung phê phán nhắc nhở như sau: Tạm dịch: Trước phản kháng của người dân, thực dân Pháp cho thành lập Viện dân biểu Trung kỳ để xoa dịu tình hình. Các nghị viên tham gia Viện dân biểu do các tầng lớp nhân dân bầu lên, có nhiệm vụ trực tiếp tư vấn cho chính quyền nhiều vấn đề về kinh tế, tài chính, an ninh, xã hội... Trong số các nghị viên của Viện dân biểu lúc bấy giờ có nhiều nhà yêu nước nổi tiếng như Huỳnh Thúc Kháng, Phan Thanh... Theo vị hiệu tại nhà thờ của ông, thì ông cũng từng được người dân bầu chọn vào Viện dân biểu Trung kỳ và trực tiếp giữ chức Hội trưởng Hội chu cấp An Định. Năm 1927, ông được triều đình thăng làm Tổng đốc Nam Nghĩa. Thời gian làm Tổng đốc, ông dốc lòng chăm lo việc phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân. Ông cũng ra sức bảo vệ người dân trước sự quấy nhiễu và sưu cao thuế nặng của người Pháp. Năm 1929, do hạn hán diễn ra trên diện rộng, gây mất mùa, đói kém, ông đã đệ trình lên Khâm sứ Pháp đề nghị giảm sưu thuế và gia hạn thời gian nộp thuế cho nhân dân, đồng thời chưa cho cấp dưới thu thuế của nhân dân theo hạn định. Việc làm này của ông đã được nhân dân Quảng Nam biết ơn nhưng viên công sứ Pháp thì nổi nóng buông lời doạ dẫm. Bất bình trước thái độ láo xược đó, ông đã bất hợp tác với người Pháp. Ông thường xuyên đến thăm viếng chí sĩ Phan Bội Châu, bấy giờ đang bị thực dân Pháp bắt an trí tại Huế. Năm 1930, ông xin hồi hưu. Triều đình thăng ông hàm Hiệp tá Đại học sĩ, cáo thụ Vinh Lộc đại phu, thụy Văn Ý, Tòng nhất phẩm. Hay tin ông từ quan, nhân dân Quảng Nam đã lưu luyến tiễn đưa ông và tặng ông các hoành phi, câu đối ca ngợi công đức của ông. Sách "Quan lại trong lịch sử Việt Nam" chép: Những năm cuối đời. Sau khi hồi hưu, ông cùng gia đình sống ở Vinh một thời gian rồi về an dưỡng hẳn tại quê nhà. Với kiến thức và uy tín của mình, ông vận động và tổ chức nhân dân địa phương xây dựng nhiều công trình dân sinh như xây cống Thủy Quan ngăn nước mặn cho đồng điền ở 3 làng Ngọc Lâm, Phú Hậu, Nho Lâm; xây cầu Anh Liệt bắc qua sông Đại Vạc tạo điều kiện cho giao thông qua 2 làng Ngọc Lâm và Nho Lâm được thuận lợi; xây dựng đập Ba Ra Đô Lương và hệ thống kênh mương tưới tiêu nối từ đập Ba Ra đến đồng ruộng ở các làng xã ở 3 huyện phía Bắc Nghệ An là Diễn – Yên – Quỳnh. Ông qua đời ngày 5 tháng 4 năm Kỷ Sửu (tức 23 tháng 5 năm 1939). Triều đình truy tặng ông hàm Thái tử Thiếu bảo. Mộ phần của ông được an táng đồng Cây Đa Đình, cách nhà thờ hiện nay chừng 3 km về phía Tây Nam. Để tỏ lòng kính trọng và ghi nhận công đức của ông, nhân dân địa phương đã lập bài vị phối thờ ông tại đền Hắc Y của làng Ngọc Lâm (nay là xã Diễn Thắng) để hương khói tri ân. Hiện tại, mộ và nhà thờ của ông được đặt tại xóm 7, xã Diễn Cát, Diễn Châu, Nghệ An; được chính quyền tỉnh Nghê An công nhận là di tích lịch sử – văn hoá. Di sản. Các tác phẩm thơ văn của ông chủ yếu được sáng tác trong thời gian về hưu tại quê nhà. Nội dung các bài thơ và câu đối của ông hầu hết đều mang nặng sự trăn trở trước cảnh đất nước bị thực dân Pháp xâm lược, nhân dân lầm than, thiên tai mất mùa đói kém, túng quẫn của ngườc dân. Thơ của ông hầu hết bị thất tán, nay có một số bài đã được sưu tầm giới thiệu trong các sách "Câu đối xứ Nghệ". Trước khi mất, ông để lại di chúc, trong có viết: ""Sẽ làm nhà thờ tại nơi ở. Trước làm phòng đọc sách, sau đó là nhà thờ.Ta rất vui với ý nguyện đó". Về sau, con cháu ông đã thực hiện di nguyện của ông, lập nên tủ sách cộng đồng mang tên ông. Gia đình. Ông có ba người vợ. Chánh thất là bà Hoàng Thị Đoái, người cùng thôn. Bà sinh hạ cho ông 6 người con. Hai thứ thất là bà Phan Thị Hoè, người gốc Huế, sống tại Kỳ Anh, Hà Tĩnh, sinh hạ được 8 người con; và bà Tạ Thị Sáu, người Diễn Bình, Diễn Châu, Nghệ An, không có con.
1
null
Nguyễn Duy Phiên (1885-?) là một nhà khoa bảng Việt Nam, quê ở thôn Lý Hòa thuộc Hà Bạc, huyện Bố Trạch, phủ Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình (nay thuộc xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình). Ông là một trong những vị hoàng giáp cuối cùng của triều Nguyễn cũng như nền khoa bảng Việt Nam kéo dài gần 900 năm. Ông đỗ hoàng giáp năm 1907, khoa thi Nho học cuối cùng được tổ chức dười đời vua Thành Thái, năm cuối cùng mà Thành Thái trên ngai vàng trước khi bị người Pháp phế truất. Trước đó, ông đỗ Cử nhân năm Quý Mão 1903. Sự nghiệp của ông hiện chưa rõ ràng, chỉ biết ông từng làm chức Tá lý.
1
null
Đinh Văn Chấp (1882-- 1953) sinh ngày 14 tháng 3 năm Nhâm Ngọ, là nhà khoa bảng đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ vào năm 1913, niên hiệu Duy Tân thứ 7. Ông là người xã Kim Khê, tổng Kim Nguyên, huyện Nghi Lộc, phủ Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An (nay là xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An). Ông là con trai thứ 2 của Tiến sĩ Trực Hiên khoa Ất hợi (1875) Đinh Văn Chất, là đời khoa bảng thứ 7 liên tiếp trong dòng họ Đinh Văn Kim Khê. Tháng 10 năm 1887, lúc mới 6 tuổi gia đình bị đại nạn: Bố là Đinh Văn Chất một văn thân yêu nước trong phong trào Cần Vương ( xem thêm về Đinh Văn Chất) đang lãnh đạo tổ chức nghĩa quân chiến đấu với Pháp và Nam Triều thì bị bắt, khép vào tội " Khi quân" và " tru di tam tộc", Đinh Văn Chấp được một bà cụ trong làng cứu thoát rồi đưa đến nhà bà ngoại ở hiệu thuốc Thuận Ký ( Vinh) rồi sang Phúc Kiến ( Trung Quốc) lánh nạn. Hơn 10 năm sau, năm 1898 Ông trở về nước và được Lê Huy Thản đưa vào Huế học ở trường Quốc Tử Giám. Thời gian này ông vừa học vừa dạy thêm để nuôi sống bản thân và gia đình. Với cốt cách hơn người, ngay từ nhỏ , Phan Bội Châu đã có thơ tặng ông:: Xương con lân trả cánh chim uyên Ai dám xem thường gã thiếu niên Trọng Mão xưa quen nhà đạo học Trường Canh nay thấy vẻ thần tiên Nhà gầy phước tổ sinh người quí Tớ hổ vai anh xét phận hèn Nghe nói Quê hương gần biển đảo Vừng Đông cỡi sóng đã bao phen. Năm Nhâm tý ( 1912) Đinh Văn Chấp thi đỗ Cử nhân. Năm sau ông đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ (Hoàng giáp) khoa Quý Sửu (1913) niên hiệu Duy Tân thứ 7. Khoá này ông đỗ đầu vì không có đệ nhất tiến sĩ và được bổ chức Đốc Học Quảng Nam. Từ năm 1920 đến năm 1935 Đinh Văn Chấp làm quan triều đình nhà Nguyễn tại một số địa phương như: Quảng Trị, Bình Thuận, Hoài Nhơn, Quảng Ngãi, Khánh Hoà... Năm 1936 Ông trở về Huế làm Tham tri Bộ Kinh Tế. Cuộc đời Đinh Văn Chấp làm nhiều việc cho quê hương dòng họ, Ông trùng tu cầu Khoa Trường, chợ Giang Đình, xây hội quán làng Kim Khê, sửa sang nhà thờ, giếng nước...Ông lập Gia phả họ Đinh Kim Khê, kết nối các dòng họ ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Dương. Ông để nhiều bút tích giá trị như các câu đối- hoành phi đặt trong một số nhà thờ Họ, làm nhiều bài thơ phản đối chiến tranh mang đậm văn hóa Thiền. Về văn học Việt Nam, Đinh Văn Chấp là người đầu tiên dịch các tác phẩm thơ văn chữ Hán thời Lý - Trần sang chữ quốc ngữ. Ông đăng trên 200 bài và nhiều kỳ trên Tạp chí Nam Phong nổi tiếng những năm đầu thế kỷ trước, góp phần to lớn trong việc bảo tồn di sản thơ văn nói chung và văn học thời Lý - Trần nói riêng. Trải qua thời gian dài làm Đốc học và nghiên cứu Phật học, ảnh hưởng của ông đến 11 người con rất lớn , các con Ông đều có địa vị và thành đạt, đặc biệt người con trai thứ 3 là Đinh Văn Nam (Trưởng lão hoà thượng Thích Minh Châu) là người Việt Nam đầu tiên đỗ Tiến sĩ về Phật học và văn học Pali tại Ấn Độ, người đầu tiên thành lập Viện Đại học về Phật Giáo tại Việt Nam (Viện Đại học Vạn Hạnh) Hoàng giáp Đinh Văn Chấp mất ngày 17 tháng 10 năm Quí tỵ ( 1953) hưởng thọ 72 tuổi tại Quê nhà. Ông được an táng cạnh mẹ là Cụ Trần Thị Nghị trong khu vườn của Gia đình (xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An). Ghi nhớ công lao của Ông, Quảng Nam- Đà Nẵng lấy tên Ông đặt tên con đường Đinh Văn Chấp trong thành phố Đà Nẵng.
1
null
Phan Huy Tùng (chữ Hán: 潘輝松; 1878-1939) là người xã Thu Hoạch, tổng Canh Hoạch, huyện Can Lộc, phủ Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh (nay thuộc xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Ông đỗ Cử nhân năm Bính Ngọ 1906, bổ làm Huấn đạo ở huyện Đông Sơn. Sau khi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân vào năm 1913, tức niên hiệu Duy Tân thứ 7, ông làm quan Lang trung Hình bộ. Ông là thân phụ của Phan Huy Quát, cựu chính khách thời Quốc gia Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa, và Phan Huy Lê, nhà sử học, Nhà giáo Nhân dân thời Việt Nam thống nhất.
1
null
Trịnh Thuần (1879-?) là người thôn Ích Hạ, xã Tài Trọng, tổng Dương Thủy, huyện Mỹ Hóa, phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa (nay thuộc Thôn Ích Hạ, xã Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Ông là Cử nhân năm Quý Mão 1903, giữ các chức quan Giáo thụ phủ Hưng Nguyên rồi Huấn đạo. Sau khi thi Hoàng giáp năm 1916, ông làm gì hiện chưa rõ.
1
null
Lê Văn Kỷ (chữ Hán: 黎文紀; 1892-1959) là một nhà khoa bảng Việt Nam. Ông đỗ Tiến sĩ khoa Kỷ Mùi 1919, khoa thi Nho học cuối cùng trong lịch sử khoa cử Việt Nam. Lê Văn Kỷ người thôn Lạc Thiên, xã Cổ Ngu, tổng Văn Lâm, huyện La Sơn, phủ Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh (nay thuộc xã Trung Lễ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Ông là anh trai cả của giáo sư Lê Văn Thiêm, Tiến sĩ Khoa học toán học đầu tiên của Việt Nam. Dòng họ Lê ở Trung Lễ là một gia tộc danh tiếng, có nhiều người đỗ giải nguyên như Lê Văn Tự, Lê Văn Huân, Lê Thước... Ông nội ông là Cử nhân Lê Văn Thống. Bà nội ông là Phan Thị Đại, chị ruột Tiến sĩ Phan Đình Phùng. Giải nguyên Lê Văn Huân là chú ruột của ông. Thân sinh ông là Lê Văn Nhiễu (1869-1929), Cử nhân khoa Canh Tý 1900, tuy đỗ đạt nhưng không ra làm quan, mà ở lại quê nhà dạy học, bốc thuốc, phụng dưỡng cha mẹ, nuôi dạy con cái. Ông là anh cả trong gia đình có 13 người con, với 8 con trai và 5 con gái. Ảnh hưởng gia tộc có truyền thống khoa bảng, năm Mậu Ngọ 1918, ông thi đỗ Cử nhân, năm sau thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Mùi niên hiệu Khải Định 4 (1919), khi mới 28 tuổi.. Sau khi đỗ đạt, do nhờ kiến thức y lý của thân phụ truyền dạy, ông được triều đình bổ dụng làm viện tại Thái y viện, thăng dần đến chức Phó ngự y, hàm tòng ngũ phẩm. Tuy nhiên, sớm nhận ra tiến bộ của của khoa học phương Tây, ông từ quan, chuyển sang học tiếng Pháp, thi rất nhanh qua nhiều bậc học và cuối cùng tốt nghiệp Trường Y Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, ông được chính quyền thực dân Pháp bổ dùng vào làm việc tại Quy Nhơn với tư cách là một y sĩ tại đây. Ông qua đời năm 1959, tại Sông Cầu, Phú Yên. Mộ phần của ông hiện được an táng tại thôn Tiến Phú, xã Tiến Lợi, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
1
null
Cường Bạo đại vương (chữ Hán: 強暴大王), tên thật Phùng Cường Bạo (馮強暴) hoặc Phùng Bạo (馮暴) là một vị tướng thời Đinh và là một nhân vật được thần thánh hóa trong cổ tích Việt Nam. Ông xuất thân là một ngư dân ngang tàng, có sức khỏe và tài năng chiêu dân chống lại thiên tai, được triều đình nhà Đinh trọng dụng và ban thưởng. Ông được xem là sinh ra ở làng Bối Duyến, huyện Thiên Bản (nay thuộc làng Bối La, xã Cộng Hoà huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định), ngày nay vẫn còn đền thờ của ông Câu chuyện. Vào thời loạn 12 sứ quân, họ Phùng ở làng Hoa Thạch, huyện Lôi Dương, phủ Thiệu Thiên, Châu Ái (Thiệu Hóa, Thanh Hoá) đã hai đời di cư ra Bối Duyến (Vụ Bản, Nam Định) sinh sống, đến đời ông Phùng Văn Cường, lấy bà Nguyễn Thị Duyệt vốn người làng Lãng Tình, huyện Đông Quan (nay thuộc xã Thụy Chính, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) đã lâu mà vẫn không sinh con. Ông bà dốc sức vào việc tạc tượng, đúc chuông, xây cầu dựng chùa… và làm điều phúc đức. Lúc đó ở trên núi Bảo Đài thuộc huyện Phong Doanh (nay là Ý Yên) có chùa Cực Lạc là một ngôi chùa cổ nổi tiếng. Ông bà Cường biết tin, vội đem tiền gạo đến công đức, thắp nhang làm lễ cầu xin đức Phật ban phúc quả. Lễ xong ông bà trở lại nhà. Đêm đó khi ngủ bà mơ thấy có một người cao lớn, đang hoàng mặt mũi khôi ngô, mắt sáng tinh anh, từ trên không trung hạ xuống đứng thẳng trước mặt xưng: Thần là Duy Nhạc thần Tướng, theo lệnh của Thượng đế, thấy ông bà là người phúc đức nên xuống làm con của ông bà. Quả nhiên từ đó bà mang thai. Đến ngày 8 tháng chạp năm Đinh Tị (957), bà sinh được một con trai, mặt mũi khôi ngô, mắt sáng như sao, tiếng như hổ gầm chuông kêu, tướng mạo đường hoàng, đặt tên là Bạo. Bạo lớn nhanh, thông minh nhanh nhẹn hơn hẳn các bạn trẻ cùng trang lứa và ăn rất khoẻ gấp năm mười lần trẻ khác, bố mẹ nuôi Bạo rất vất vả. Nhưng càng lớn Bạo càng ngang ngược, nghịch ngợm bố mẹ răn dậy không được. Bạo lên tới 9 tuổi thì lần lượt bố mẹ qua đời, chỉ còn lại ông một mình, chuyên nghề ăn trộm. Trong huyện có viên quản mục họ Trương giữ việc tuần phòng. Trương rất gian ác, nhiều lần tìm mưu tính kế hại ông để lập công với quan trên. Một đêm hắn rình mò mãi mới bắt được ông Bạo. Hắn sai người trói ông Bạo lại, bỏ vào một cái rọ lợn khiêng vứt xuống hồ định dìm cho chết, nhưng may nhờ Thổ công giúp ông nhờ thủy thần kéo ông lên được. Dân làng khi ngủ đều mơ thấy Thổ công hiện lên bảo: Ông Bạo chính là Duy Nhạc thần tướng giáng sinh, có kẻ muốn làm hại ông Bạo muốn bỏ rọ trôi sông. Muốn sống thì các ngươi mau đi cứu ông Bạo, nếu không nghe thì dân sẽ chết hết không còn một mống. Dân làng Bối La rước ông Bạo về làng, từ đó nghe lời ông, làm theo mọi việc sắp xếp của ông. Ông Bạo chủ chương tách Bối La thành một khu riêng biệt, lo canh tác bảo vệ làng. Dân trong làng được nhờ ân đức của ông. Quan huyện Thiên Bản dâng sớ tâu với triều đình nhà Đinh về sự mưu trí và dũng cảm của Phùng Cường Bạo. Đinh Tiên Hoàng lại sai sứ thần về tận làng Bối La, truyền lệnh cho Cường Bạo vào triều bệ kiến. Nhà vua thử tài võ nghệ và trí dũng của ông và cho rằng ông Bạo xứng đáng được nhận quan cao chức trọng ở triều đình, bèn phong chức lưu lại triều đình, nhà vua phong cho ông chức Quan Nội hầu, ban cho áo mũ và 100 hốt vàng, ban đất lộc điền ngay tại quê nhà. Nhà vua khuyên ông từ nay phải cúng giỗ tổ tiên, bố mẹ cho tròn chữ hiếu. Để nhắc nhở ông, nhà vua ban cho bố mẹ mỗi người 10 mẫu ruộng tự, truyền cho dân làng Bối La quê nội và Lãng Tình quê ngoại hàng năm đến ngày giỗ ông bà phải cùng lo ngày tế tự. Nhà vua còn ra lệnh miễn sưu dịch binh lương cho dân sở tại sau này khi ông Bạo qua đời, dân phải lập đền thờ. Nhà vua còn lệnh cho dân làng sở tại phải lập dinh phủ cho ông và truyền lệnh cho dân Bối La cùng quân sĩ mang kiệu cờ, trống linh đình rước ông Bạo về làng. Giai thoại. Đánh bại Thần Sấm. Do Cường Bạo mắc một số lỗi làm Thượng đế nổi giận, Thượng đế bèn truyền cho Thiên Lôi thần xuống trị tội. Thổ công nhà ông Bạo cũng có mặt trong buổi chầu vội bay về báo tin cho ông Bạo biết trước. Cường Bạo truyền cho dân làng mua thật nhiều dầu lạc, dầu vừng và hái thật nhiều lá mùng tơi đem giã nhuyễn, trộn với dầu rồi chưng lên, quét lên mái nhà. Quả nhiên chiều hôm sau, đúng giờ mùi, trời bỗng nổi cơn giông, mưa to gió lớn sấm chớp đùng đùng. Ông Bạo biết Thiên Lôi sắp xuống, liền cắm gậy đứng phục trong cửa. Thiên Lôi vâng lệnh Ngọc hoàng sát khí đùng đùng, một tay cầm cờ, một tay cầm búa từ trên trời bay xuống nhảy thẳng vào nóc nhà nhà ông Bạo, định đứng đó tìm cách đánh ông Bạo. Bất ngờ mái nhà Ông Bạo trơn khiến cho Thiên Lôi trượt ngã xuống đất, văng cả búa cờ ra xa. Từ trong nhà ông Bạo nhảy bổ ra lấy gậy đánh Thiên Lôi què chân, Thiên Lôi chống đỡ không được, cố bay lên không trung lùi về Thiên đình tâu với Ngọc Hoàng là bị ông Bạo đánh bại, lại bị tước cả búa và cờ. Ngọc Hoàng sai vị thiên Lôi khác. Ông Bạo sai người nhặt nhiều ổi xanh, hạ mấy cây tre già, cưa ống thành từng đoạn vứt xuống đầy sân. Khi Thiên Lôi nhảy xuống sân bị ngã xoài trên mặt đất văng cả cờ lẫn búa, ông Bạo đã nấp sẵn trong cửa, xông ra lấy gậy đánh què chân. Thất bại hai lần Ngọc Hoàng càng tức giận, cho rằng dân trong làng đã giúp Bạo đánh lại Trời, nên sai thủy thần dâng nước dìm chết cả. Thổ công biết vậy bèn về báo cho Cường Bạo, ông hợp dân lại bàn cách chống lại. Ngay hôm đó ông huy động dân chặt chuối làm bè, mối bè kết 12 cây chuối vững chắc rồi xếp lúa gạo đồ đạc lên trên, dân đưa gia đình lên bè ngồi mặc cho nước dâng cao, đến gần cửa nhà trời, ông đánh chiêng ầm ĩ, miệng thét lớn giữa tiếng hò vang rầm rộ của dân chúng. Thượng đế vô cùng hoảng hốt, lại truyền gấp cho thủy thần hạ nước xuống. thủy thần vội sai hàng đàn rồng ra hút nước, nước rút nhanh chóng, không bao lâu làng mạc lại hiện ra như cũ, dân chúng khắp nơi đều kính phục. Theo lệnh nhà vua, dân làng lập một toà đình phủ mới ở phía tây làng rồi rước ông về ở đó. Từ đó ông Bạo vui thú việc làng, việc nhà, dạy dân làm ăn. Vào một buổi chiều hè, trời oi bức ông Bạo ra miễu cây ở cánh đồng Lục, vừa hóng mát, vừa xem thợ cấy cày trên đồng ruộng, không quên mang theo cây gậy đề phòng thiên Lôi đánh lén nhưng do cắm gậy đầu bờ để giúp một người dân cày ruộng mà để Thiên Lôi lấp trong mây bay xuống, giáng búa đánh lén vào người ông. Khi trời quang mây tạnh, người dân chạy ra thì đã thấy mối đùn con trâu cũng đang lấy sừng húc đất vun thành mộ lớn. Biết rằng ông Bạo đã hoá, dân làng thương tiếc làm lễ tang trọng thể và dâng sớ tâu với nhà vua. Đinh Tiên Hoàng truyền cho dân sửa sang đình phủ thành đền thờ chở đá về xây lăng miếu ngay nơi mộ của ngài. Nhà vua sắc phong cho ông là Cường Bạo hiển linh Đại quan hầu đại vương, cho phép làng Bối La phụng thờ, xuân thu hai kì sai quan đến tế, dân còn cho lập ban thờ thổ công ngay cạnh đền thờ của ông. Tương truyền cái gậy của ông Bạo văng về tận làng Lãng Tình, quê mẹ của ông. Còn con trâu sau khi húc đất đắp mộ cho ông, đã chạy thẳng ra Bát Xã, Đồ Sơn sát biển. Dị bản. Cường Bạo chỉ có mẹ ở nhà vì cha chết từ thuở lọt lòng. Anh có người vợ là con gái một đạo sĩ. Anh hay chơi thân với Táo quân (thần bếp). Từ hôm đó mẹ anh nhiều lần khuyên con nên làm ăn cho phát đạt, nhưng anh không chịu nghe. Bởi thế mẹ anh phải tâu lên Ngọc Hoàng Thượng đế. Ngọc Hoàng phái ngay Thiên Lôi xuống trừng phạt. Táo quân lập tức báo tin cho Cường Bạo. Đêm đó Thiên Lôi cùng với thần Mưa thần Gió ầm ầm lao xuống, làm mưa làm gió dưới hạ giới. Thiên Lôi ngã uỵch vì thứ nước trơn Cường Bạo bôi lên mái nhà. Thần đã bị Cường Bạo chiếm lấy vũ khí. Ngọc Hoàng cử Long Vương xuống hạ giới trừ ngay Cường Bạo. Ngài sai Quận Rết, rồi Quận Rắn. Đều bị Cường Bạo hạ ngục. Ngài phải tâu lên Diêm Vương chuyện bộ hạ của mình đi có về không. Diêm Vương cử Quận Cú lên bắt Cường Bạo. Quận Cú bị Táo Quân lừa khiến Cường Bạo bình an vô sự. Diêm Vương tâu lên Ngọc Hoàng. Ngọc Hoàng hạ lệnh cho Long Vương hợp sức với Thiên Lôi và các thần Mưa thần Bão mau mau dâng nước cho thật cao làm cho vợ chồng Cường Bạo chìm xuống đáy biển, lôi cổ đến trị tội. Sau Người bảo các thần kia cùng Thủy thần về trời và rút nước. Long Vương không cam chịu, sai một con cua ra ngoài đồng, Cường Bạo đi qua dẫm vào và qua đời. Dấu vết lịch sử. Phía tây làng Bối La cây cối mọc um tùm, đất cao rộng có ngôi đền thờ Cường Bạo Đại Vương theo kiểu chữ đinh nhìn về hướng nam. Nhìn chếch về phía tay nam là lăng mộ của ngài. Đền còn dấu tích kiến trúc nhà Lê, nhưng đã được trùng tu từ thời Thành Thái. Hậu cung chia thành cấm cung và điện thần, cung cấm có khám thờ lớn, đặt trong tượng Cường Bạo đại vương bằng đồng cao tới 1.6m ngồi trên một bệ đá, đầu đội mũ cánh chuồn, chân đi hia. Tương truyền rằng đây chính là nơi ông Cường Bạo chết. Trong đền, có một số câu đối của các văn nhân nổi tiếng đất Sơn Nam, tiêu biểu: Kinh thiên cố sự danh tam giới Đạp địa dư tinh khoá lục kỳ Dịch: "Kinh trời chuyện cũ lừng ba cõi" "Dậy đất dấu thiêng vượt sáu kỳ" Hay đôi câu đối như sau: Ái Châu chính khí thu quang nhạc Thiên bản lục kỳ cắng cổ kim Dịch: "Khí thiêng châu Ái đã hoà cùng non nước" "Chuyện lạ Thiên Bản sống mãi với thời gian"
1
null
Quách Đồng Dần (1566-1650) là nhà khoa bảng sống vào thời Lê-Trịnh. Quê ông là Đông Ngàn, xứ Kinh Bắc, nay là huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Ông sống trong khoảng cuối thế kỷ XVI-đầu thế kỷ XVII. Nhà ông nghèo nên phải vừa học vừa làm thuê. Không chỉ thế, số phận còn trêu ngươi ông tới mức thi không biết bao lần mà mãi chẳng đậu. Nhưng cuối cùng, ông đỗ Tiến sĩ vào năm 1634, tức là khi đã 68 tuổi. Trong buổi vinh quy, ông có làm đôi câu tự thuật rằng: Dịch ra có nghĩa là: Quả thực, tấm gương của Quách Đồng Dần là hiếm có.
1
null
Nepal là vùng đất rộng lớn có diện tích 147.181 km2 (56.827 sq mi) chiếm phần trung tâm của dãy Himalaya giữa Khu vực sinh thái Palearctic và Indomalaya. Phạm vi độ cao từ 67 m (220 ft) trên mực nước biển ở phía đông nam Terai đến 8.848 m (29.029 ft) tại Sagarmatha trong một khoảng bề ngang ngắn. Các sườn dốc theo độ cao đã tạo thành 11 vùng sinh thái có khí hậu từ nhiệt đới thấp dưới 500 m (1.600 ft) để vùng núi cao trên 5.000 m (16.000 ft) tại Himalaya, bao gồm 9 vùng sinh thái trên cạn với 36 kiểu thảm thực vật. Thực vật ghi nhận có 1.120 loài thực vật không hoa và 5.160 loài thực vật có hoa. Nepal xếp thứ 10 về sự đa dạng thực vật có hoa ở châu Á. Động vật ghi nhận có 181 loài thú, 844 loài chim, 100 loài bò sát, 43 loài lưỡng cư, 185 loài cá nước ngọt, và 635 loài bướm. Nhận thức được tầm quan trọng về sự đa dạng sinh học, Chính phủ Nepal đã thành lập một mạng lưới gồm 17 khu bảo tồn từ năm 1973, bao gồm 10 vườn quốc gia, 3 khu bảo tồn động vật hoang dã, 3 khu bảo tồn và 1 khu bảo tồn thú săn. Ngoài ra, 3 khu Ramsar đã được công nhận vào năm 2003. Dưới đây là danh sách các vườn quốc gia, khu bảo tồn động vật hoang dã, khu bảo tồn, khu bảo tồn thú săn và khu Ramsar.
1
null
Trần Dĩnh Sĩ (1858-1914) là một nhà nho sông dưới thời Nguyễn. Quê của Trần Dĩnh Sĩ bây giờ là: Điền Môn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Sự nghiệp. Ông đỗ Cử nhân năm 1891, sơ bổ chức Giáo thụ phủ Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ông dành ngôi vị Hoàng giáp vào năm Ất Mùi, 1895, niên hiệu Thành Thái thú. Sau đó một năm, ông được thăng lên làm Hàn lâm viện Tu soạn sung chức Quốc sử quán Thừa biện và đã góp phần biên soạn một số tập của bộ Đại Nam Thực lục chính biên. Vào năm 1897, Trần Dĩnh Sĩ nắm chức Tri phủ Tuy An, tỉnh Phú Yên. Năm 1909, triều đình ông cử đi Nghệ An làm Giám khảo khoa thi Hương, sau đó ông giữ chức Tham biện Nội các cho đến khi về hưu. Đánh giá. Bạn thân, đồng hương Nguyễn Lộ Trạch, tiến sĩ Huỳnh Thúc Kháng nhận xét qua bài viết trên báo Tiếng Dân số 424 năm 1931: "Tiên sinh (chỉ Nguyễn Lộ Trạch) có người bạn học cũng đồng hương, học giỏi có tiếng, lúc học thân nhau, sau ông kia đậu Hoàng giáp, xem bộ đắc ý".
1
null
Võ Văn Đức (1831-?) là một võ sĩ. Ông là người xã Nông Sơn, tổng An Thái Thượng, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc huyện Điện Bàn tỉnh Quảng Nam). Ông là người văn võ song toàn, nổi danh một thời ở đất võ Bình Định. Ông đỗ Hoàng giáp võ (tên đầy đủ là đệ nhị giáp võ tiến sĩ) vào đời Tự Đức, cụ thể là vào năm 1865. Trước đó,cần nhớ rằng ông đã đỗ Cử nhân võ vào 10 năm trước đó, năm 1855.
1
null
Nguyễn Văn Vận (1832-?) là một võ sĩ. Ông là người thuộc xã Đông Xuyên, tổng An Thành, huyện Quảng Điền, phủ Thừa Thiên (nay thuộc huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế). Ông đỗ Cử nhân võ khi đã 29 tuổi. 6 năm sau, vua cho nhận Chánh đội trưởng Xuất đội, sung vào học ở Võ học đường. Tiếp theo, ông thi Hội đỗ đầu trúng cách, sau đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ võ xuất thân vào năm Tự Đức thứ 22 1868. Sự nghiệp của ông hiện chưa rõ.
1
null
Kinect (tên mật trong thời gian phát triển là Project Natal) là thiết bị cảm biến ngoại vi thu chuyển động phát triển bởi Microsoft dành cho máy console Xbox 360 và Windows. Khi kết nối vào Xbox 360, người chơi có thể điều khiển và tương tác với máy console mà không cần tay cầm điều khiển, thông qua giao diện người dùng tự nhiên sử dụng cử chỉ và lệnh thoại. Mục đích của dự án này là làm nâng cao trải nghiệm của người dùng Xbox 360 lên một tầm cao mới, vượt xa cách chơi game truyền thống. Kinect cạnh tranh trực tiếp với Wii Remote Plus của Wii và PlayStation Move với bộ cảm biến PlayStation Eye của PlayStation. Kinect phát hành tại Bắc Mỹ vào ngày 4 tháng 11 năm 2010, tại châu Âu vào ngày 10 tháng 11 năm 2010, tại Úc, New Zealand và Singapore ngày 18 tháng 11 năm 2010, và tại Nhật Bản ngày 20 tháng 11 năm 2010. Khi mua thiết bị sẽ có hai lựa chọn, một là mua Kinect sẽ tặng kèm Kinect Advantures, hai là mua Kinect tặng kèm Kinect Advantures cùng với máy Xbox 360 4 GB hoặc 250 GB. Phiên bản cho Windows được ra mắt sau đến hai năm, ngày 1 tháng 2 năm 2012. Kinect lập kỷ lục Guinness thế giới về "thiết bị điện tử bán chạy nhất" sau khi bán được tổng cộng 8 triệu thiết bị trong 60 ngày đầu tiên. 24 triệu máy đã được "tẩu tán" cho đến tháng 1 năm 2012. Microsoft ra mắt bộ công cụ phát triển phần mềm Kinect cho Windows 7 ngày 16 tháng 6 năm 2011. Bộ công cụ phát triển phần mềm này cho phép các nhà phát triển viết ứng dụng cho Kinect ở ngôn ngữ C#, C++/CLI, Visual Basic 2005.
1
null
Gnaeus Domitius Ahenobarbus (11 tháng 12 năm 17 trước công nguyên—tháng 4 năm 40 công nguyên) là một người thân cận của năm vị hoàng đế La Mã nhà Julia-Claudia. Domitius là con trai duy nhất của Antonia Maior (cháu gái của hoàng đế Augustus và con gái của chị Augustus, Octavia nhỏ, người đã kết hôn với Marcus Antonius) và Lucius Domitius Ahenobarbus (chấp chính quan năm 16 TCN). Anh chị em ruột duy nhất của ông là Domitia Lepida Già và Domitia Lepida Trẻ, mẹ của Hoàng hậu Valeria Messalina (người vợ thứ ba của Hoàng đế Claudius). Ông là cháu trai lớn của Hoàng đế Augustus, anh rể và anh em họ thứ hai của Hoàng đế Caligula. Anh em họ mẹ của Hoàng đế Claudius và người cha đẻ của Hoàng đế Nero. Trong suốt cuộc đời của mình, Domitius đã gắn liền với những tiếng xấu. Ông bị cáo buộc là đồng lõa với Albucilla trong việc ngoại tình và giết người, và cũng phạm tội loạn luân với em gái của mình là Domitia Lepida, và suýt bị xử chém chỉ vì cái chết của Hoàng đế Tiberius. Người vợ Agrippina của ông sau này đã cưới người chú Claudius góa vợ của cô. Lucius đã được hoàng đế nhiều tuổi Claudius nhận làm con nuôi và mang tên "Nero Claudius Caesar Drusus Germanicus". Khi Claudius qua đời vào ngày 13 tháng 10 năm 54, Nero trở thành người kế nhiệm ông với tên "Nero Claudius Caesar Augustus Germanicus". Nero đã cho dựng tượng của Domitius để tưởng nhớ và Viện nguyên lão La Mã đã chấp thuận việc xây dựng các bức tượng của ông trong năm 55.
1
null
Domitia Lepida, còn được gọi là Domitia Lepida Trẻ, Domitia Lepida Minor, hoặc chỉ đơn giản là Lepida (khoảng 10 TCN-54 CN), là con gái út của Lucius Domitius Ahenobarbus và Antonia Maior. Bà là em gái của Domitia (người mà thường bị nhầm lẫn với bà) và Gnaeus Domitius Ahenobarbus, cha của hoàng đế Nero. Bà là cháu gái của Hoàng đế Augustus, cháu gái của Octavia Trẻ và Marcus Antonius, chị em họ thứ hai để Hoàng đế Caligula, chị em họ và mẹ vợ của Hoàng đế Claudius, và cô của Hoàng đế Nero. Lepida là một người phụ nữ có sắc đẹp và có ảnh hưởng vào lúc bấy giờ. Cũng giống như chị gái của mình, bà cũng rất giàu có. Bà sở hữu một "praedia Lepidiana" ở Calabria.
1
null
Legatus Augusti pro praetore (nghĩa đen: "phái viên của hoàng đế - quyền pháp quan") là danh hiệu chính thức của thống đốc ở một số tỉnh của Hoàng đế của đế chế La Mã trong thời kỳ Nguyên thủ, thông thường ở những nơi mà một hay nhiều quân đoàn đồn trú. Tỉnh đã được gọi là tỉnh của hoàng đế có nghĩa là thống đốc của tỉnh đó được bổ nhiệm bởi các hoàng đế, trái ngược với các tỉnh của Viện nguyên lão, mà thống đốc (gọi là Quyền chấp chính quan) đã được bầu bởi Viện Nguyên lão và Nhân dân La Mã.
1
null
Publius Quinctilius Varus (46 TCN ở Cremona, Cộng hòa La Mã - 9 CN tại Germania) là một chính trị gia La Mã, tướng và chấp chính quan dưới thời Hoàng đế Augustus, ông được biết đển chủ yếu vì đã mất ba quân đoàn La Mã và chính mạng sống của mình khi bị quân đội Người German dưới sự chỉ huy của Arminius phục kích trong Trận chiến rừng Teutoburg. Ông là một người thuộc dòng dõi quý tộc có quan hệ mất thiết với Hoàng gia La Mã và một viên quan coi hành chính giàu kinh nghiệm, được Hoàng đế giao trọng trách củng cố các tỉnh mới tại vùng Germania vào mùa thu năm 6. Đầu năm 6, trước khi Varus là chỉ huy quân đội trên sông Rhine, Khâm sai ("Legatus") Gaius Sentius Saturninus và quan Tổng tài kiêm Khâm sai Marcus Aemilius Lepidus dưới quyền Tiberius - người thống lĩnh một đạo quân gồm thâu 65 nghìn Bộ binh nặng, khoảng 1 vạn - 2 vạn Kỵ binh và cung thủ, 1 vạn - 2 vạn dân thường (13 quân đoàn & đoàn tùy tùng, có thể là khoảng hơn 10 vạn người) đã lập kế hoạch tổ chức một cuộc tiến công vua Marbod của người Markoman - một thị tộc của người Sueb, vốn vị vua này đã tránh được các cuộc tấn công của Drusus I trong năm 9 trước Công Nguyên vào lãnh thổ của dân Boii, nơi họ thành lập một liên minh bộ lạc hùng mạnh với dân Hermundur, Quad, Semnon, Lugia, Zumi, Buton, Mugilon, Sibin và Langobard. Trong năm 4, Tiberius tiến quân vào Germania và chinh phục người Cananefate ở miền Hạ Germania, người Kat gần thượng nguồn sông Weser, và dân Brukter ở phía nam của rừng Teutoburg. Sau đó, Tiberius xua quân vượt qua Weser. Tuy nhiên, trong năm 6 một cuộc nổi dậy lớn nổ ra trong tỉnh Illyricum (sau này được chia thành Pannonia và Dalmatia). Nó được biết tới trong lịch sử bở cái tên "Batonianum Bellum" và được lãnh đạo bởi Bato người Daesitiate, Bato người Breucia, Pinnes của Pannonia. Cuộc khởi nghĩa này kéo dài gần 4 năm trời và Tiberius đã buộc phải ngừng chiến dịch của ông chống lại Marbod, công nhận ông ta là vua và phái tám quân đoàn của mình (VIII Augusta, XV Apollinaris, XX Valeria Victrix, XXI Rapax, XIII Gemina, XIV Gemina, XVI Gallica và một đơn vị chưa được biết ) tới vùng Balkan. Gần một nửa trong số tất cả các quân đoàn La Mã đã được tập hợp lại để đàn áp cuộc khởi nghĩa này - với nguyên nhân của khởi nghĩa là sự bất mãn của người dân trước sự bỏ bê, thiếu lương thực chủ yếu (kể từ 22 trước Công Nguyên, sau một cuộc khủng hoảng chính trị vào năm 23 trước Công Nguyên và bạo loạn trong năm 22, 21 và 19 trước Công nguyên, đã kết thúc sau năm 8), thuế má nặng nề và hành động tàn ác của những nhân viên thu thuế. Chiến dịch này, dẫn đầu bởi Tiberius và quan coi quốc khố kiêm Khâm sai Germanicus dưới thời hoàng đế Augustus, là một trong những cuộc chiến khó khăn nhất và quan trọng nhất đối với đế chế La Mã. Trong thời gian bắt đầu của cuộc khởi nghĩa ở phần phía nam của Illyricum, Varius giữ chức Thái thú, hay nói cách khác là "Khâm sai quyền Pháp quan của Hoàng đế" ("Legatus Augusti pro praetore") và chỉ có sẵn ba quân đoàn. Có lẽ Varus được bổ nhiệm do ông là chồng của cháu gái Augustus. Augustus tưởng lầm rằng Germania đã bị dẹp yên, do đó ông giao cho Varus bắt đầu thực hiện quá trình La Mã hóa. Varus đã áp đặt sự thống trị khắt khe và mục nát tại Germania. Ông thu phục dân German bằng những chính sách như tịch thu lương thực mùa đông của họ giết cả một làng nếu dân làng không thần phục La Mã. Người dân các tỉnh khiếp sợ trước những hành động của Varus, tuy nhiên ông ta có được sự tôn trọng lớn của Viện nguyên lão La Mã. Ông có lẽ là yếu nhân đứng thứ tư vào thời của mình sau Augustus, Tiberius và Germanicus. Trên sông Rhine (có thể là trại "castra Vetera" gần Xanten hoặc "castra Novaesium" gần Neuss), ông là chỉ huy của quân đoàn XVII, XVIII (có thể XIIX ) và XIX (XVIIII ), trước đó chỉ huy bởi tướng Gaius Sentius Saturninus, người đã được triệu hồi về kinh thành Roma và đã được ban thưởng bằng một cuộc diễu binh chiến thắng (triumphalia ornamenta) 2 quân đoàn khác ở khu trú đông của quân đội tại castrum Moguntiacum (I Germanica, Legio V Alaudae) được chỉ huy bởi cháu của Varus, chấp chính quan thứ hai Lucius Nonius Asprenas. Ông trận vong vào tháng 9 năm 9 tại rừng Teutoburg.
1
null
Thực dưỡng ( hoặc , xuất phát từ có nghĩa là "lớn" và là "đời sống") là một chế độ ăn kiêng hợp mốt (fad diet) và dưỡng sinh một cách cố định dựa trên các ý tưởng về các loại thực phẩm được rút ra từ Thiền tông. Chế độ ăn uống này cố gắng cân bằng các yếu tố âm dương của thực phẩm và của dụng cụ nấu nướng. Nguyên tắc chính của chế độ ăn uống thực dưỡng là giảm các thực phẩm từ động vật, ăn thực phẩm được trồng tại địa phương đang trong mùa và tiêu thụ bữa ăn trong chừng mực. Điểm hội tụ của triết lý và thực hành nằm chính yếu ở thực phẩm và sự ăn uống. Hiện tại, không có bằng chứng khoa học chất lượng cao nào chỉ ra chế độ ăn uống thực dưỡng là mang lại lợi ích đặc biệt cho những người mắc bệnh ung thư hay bất kỳ bệnh nào khác, và thậm chí nó có thể gây hại. Cả Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ và Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Vương quốc Anh đều khuyên không nên áp dụng chế độ ăn kiêng này. Lịch sử. Nguồn gốc. Thời Hi Lạp Cổ đại, người ta đã sử dụng thuật ngữ "Đời sống lớn" (macrobiotic) để chỉ một phép dưỡng sinh tự nhiên và kéo dài tuổi xuân. Năm 1796, bác sĩ người Đức mang tên Christoph Wilhelm Hufeland đã ngợi ca một cuộc sống lành mạnh và một chế độ ăn uống thích hợp, được gọi là Makrobiotik. Georges Ohsawa đã mượn tên này để "tây phương hóa" nghệ thuật Tân Dưỡng Sinh mà ông truyền bá. Ở Phương Đông, từ lâu các dân tộc nơi đây đã thiết lập được mối quan hệ giữa thực phẩm, vạn vật,năng lượng tâm linh và sức khỏe qua một hệ thống triết lý sâu sắc từ Kinh Dịch. Nền y khoa của phương Đông chú trọng sử dụng các loại thảo dược, cùng phương pháp ăn uống thích hợp để điều tiết sức khỏe. Trong thiền tông Nhật Bản, người ta đã áp dụng một chế độ ăn gọi là "nấu ăn shōjin" (精進料理, shōjin ryōri), là một chế độ ăn giúp tăng cường trí phán đoán. Giáo sư Sagen Ijizuka (1850 - 1909) người Nhật, được xem là người đi tiên phong trong việc ghi lại các hiểu biết trong truyền thống sang ngôn ngữ khoa học. Trước ông, có nhiều người đã nghiên cứu con đường này, nhất là Ekiken Kaibara (1630-1716), trong đó tất cả các ghi chép của ông được tập hợp lại trong cuốn sách tên là Yojokun (Lời khuyên để Trường sinh) Ohsawa. Một trong những mục đích của Georges Ohsawa là thống nhất các quan niệm duy vật của phương Tây và siêu hình học của Phương Đông, qua đó giải quyết các xung đột của nhân loại. Ông dành trọn cả cuộc đời để chứng minh tính đúng đắn và cần thiết của lý thuyết của mình bằng bất cứ giá nào. Nó nhấn mạnh sự cần thiết phải thông đạt về lý thuyết Âm-Dương, cùng với sự thực hành của bản thân để kiểm chứng. Với ông, mục đích trước hết là khai mở trí phán đoán, để con người có khả năng đọc hiểu một cách tổng thể tất cả các tình huống và những vấn đề hóc búa, qua đó quyết định có nên làm hay không, tự do trong sự biết rõ nguyên nhân và kết quả của chúng. Hậu Ohsawa. Sau khi Ohsawa mất, Thực dưỡng được truyền bá đi khắp thế giới bởi các môn đệ của ông, với tư cách là một phương pháp với mục đích để có được sức khỏe. Vào giữa những năm 70, nó được phổ biến bởi Michio Kushi (1926), một đệ tử của Ohsawa, tại Boston, Hoa Kỳ. Kushi đã phát triển phương pháp này một cách có hệ thống, có sự hợp tác và đồng thuận với các cơ quan chức trách (Bộ Y tế Hoa Kỳ, các hiệp hội Y-Bác sĩ...), nhấn mạnh đến mặt dưỡng sinh và trị bệnh của phương pháp này. Nó cũng được điều chỉnh đề phụ hợp hơn với chế độ ăn của người Mỹ để họ dễ dàng thực hiện hơn (được gọi là Thực dưỡng hiện đại) kết hợp với các phương pháp khác như bấm huyệt, xoa bóp, châm cứu, và các học thuyết Đông Y khác như ngũ hành. Ở Pháp, trong những năm 1980, sự việc của Roger Ikor (nhà văn Pháp, có con trai thực hiện phương pháp Thực dưỡng đã tự tử), phương pháp này bị liệt vào một trong những phong trào nguy hiểm. Trong vài năm gần đây, nó trở thành mốt tại Mỹ, nhờ vào số lượng người đông đảo thực hành, đặc biệt là các ngôi sao nổi tiếng. Trong những năm 1990, nó đã được phổ biến tại Đông Âu. Nền tảng. Chế độ ăn uống thực dưỡng gắn liền với Thiền tông và dựa trên ý tưởng cân bằng âm dương. Chế độ ăn uống này đề xuất ra 10 kế hoạch ăn uống khác nhau được thực hiện để đạt tỷ lệ âm: dương là 5:1. Chế độ ăn thực dưỡng được phổ biến bởi George Ohsawa vào những năm 1930 và sau đó được đệ tử của ông là Michio Kushi nối tiếp. Nhà lịch sử y học Barbara Clow viết rằng, cũng giống như nhiều loại phương pháp chữa bệnh bừa bãi khác, thực dưỡng chứa các quan điểm về bệnh tật và liệu pháp mâu thuẫn với y học chính thống. Thực dưỡng nhấn mạnh các ngũ cốc nguyên hạt được trồng tại địa phương, đậu, rau củ, các loại rong biển ăn được, các sản phẩm từ đậu nành lên men và trái cây kết hợp thành các bữa ăn theo nguyên tắc cân bằng của Trung Quốc cổ đại được gọi là âm dương. Ngũ cốc nguyên hạt và các sản phẩm của ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt (gạo đỏ hoặc gạo nâu) và sợi mì kiều mạch của Nhật Bản (soba), nhiều loại rau củ nấu chín và rau sống, đậu và các sản phẩm từ đậu, gia vị tự nhiên nhẹ, cá, các loại quả cứng và hạt, đồ uống nhẹ (không chứa chất kích thích) như trà bancha, và trái cây được khuyến khích dùng. Một số người đề xướng thực dưỡng nhấn mạnh rằng âm dương là những tính chất tương đối và chỉ có thể xác định được thông qua một so sánh. Tất cả các thực phẩm đều được coi là có cả hai tính chất của âm và dương nhưng với một tỉ lệ nào đó. Các thực phẩm có được gọi là dương thì được cho là cứng chắc, đậm đặc, nặng và nóng, trong khi những thực phẩm có tính chất âm được coi là có tính giản nỡ, nhẹ, lạnh và tính khuếch tán. Tuy nhiên, các điều này là tương đối; "Dương" hay "Âm" chỉ được nói đến liên quan đến các thực phẩm khác. Gạo lứt và các loại ngũ cốc nguyên hạt khác như lúa mạch, kê, yến mạch, quinoa, lúa mì, lúa mạch đen, và teff được thực dưỡng coi là các thực phẩm cân bằng âm dương. Do đó, trong các danh sách liệt kê các loại thực phẩm thực dưỡng, chúng thường được xác định là âm hay dương bằng cách so sánh với các loại ngũ cốc nguyên hạt. Các loài rau củ trong họ cà bao gồm cà chua, ớt, khoai tây và cà tím cùng với rau bina, củ cải đường và bơ đều không được khuyến khích sử dụng hoặc chỉ được dùng một cách rất hạn chế trong nấu ăn theo phương pháp thực dưỡng, vì chúng được coi là mang tính cực kỳ âm. Một số người hành nghề thực dưỡng cũng không khuyến khích việc sử dụng thuốc ngủ vì chất solanine kiềm được cho là ảnh hưởng đến sự cân bằng calci. Một số người ủng hộ theo chế độ thực dưỡng tin rằng rau củ bạch anh có thể gây viêm trong cơ thể và loãng xương. Thực hành. Thực phẩm. Một số hướng dẫn chung về chế độ ăn uống thực dưỡng theo kiểu Nhật Bản như sau (chế độ ăn thực dưỡng cũng được nói rằng có thể thay đổi rất nhiều, phụ thuộc vào hoàn cảnh địa lý và cuộc sống của mỗi người): Cá và hải sản, các loại hạt, hạt nhỏ (seed) và bơ hạt tách vỏ, gia vị, chất làm ngọt, trái cây và đồ uống đôi khi có thể được sử dụng, hai đến ba lần mỗi tuần. Các sản phẩm động vật được nuôi lớn lên trong tự nhiên khác có thể được bao gồm nếu cần dùng trong quá trình chuyển đổi giữa các chế độ ăn uống hoặc theo nhu cầu của cá nhân. Đồ dùng nhà bếp. Dụng cụ nấu ăn nên được làm từ một số vật liệu như gỗ hoặc thủy tinh, trong khi một số vật liệu bao gồm nhựa, đồng và lớp phủ chống dính là cần phải tránh. Các lò nướng điện không nên được sử dụng. Dinh dưỡng. Phần lớn thành phần trong chế độ ăn thực dưỡng không phải là để cung cấp nhiều dinh dưỡng. Cá cung cấp vitamin B12 trong chế độ ăn thực dưỡng, vì các chất tương tự vitamin B12 chưa được tìm thấy trong bất kỳ thực phẩm tự nhiên nào, bao gồm các loại rong biển, đậu nành, các sản phẩm lên men và tảo. Mặc dù thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật không chứa vitamin B12 một cách tự nhiên, nhưng một số thực phẩm được tăng cường thêm B12 và các chất dinh dưỡng khác trong quá trình chế biến. Vitamin A có sẵn trong thực vật như cà rốt và rau bina. Protein đầy đủ có sẵn trong các loại ngũ cốc, hạt, đậu và các sản phẩm từ đậu. Nguồn axit béo Omega-3 được thảo luận trong bài viết liên quan, và có chứa các sản phẩm đậu nành, quả óc chó, hạt lanh, hạt bí ngô, hạt cây gai dầu và cá béo. Riboflavin cùng với hầu hết các vitamin B khác có nhiều trong ngũ cốc nguyên hạt. Sắt ở dạng không heme trong đậu, các loại rau biển và rau xanh là đủ cho sức khỏe tốt; thông tin chi tiết có trong cơ sở dữ liệu của USDA. Ung thư. Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo "chế độ ăn ít chất béo, chất xơ bao gồm chủ yếu là các sản phẩm thực vật" đối với bệnh nhân ung thư. Tuy nhiên, họ kêu gọi những người mắc bệnh ung thư không nên dựa vào các chương trình ăn kiêng như một phương pháp điều trị duy nhất hoặc chính yếu. Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Vương quốc Anh tuyên bố: "Không có bằng chứng khoa học nào chứng minh rằng chế độ ăn uống thực dưỡng có thể điều trị hoặc chữa khỏi bệnh ung thư hoặc bất kỳ bệnh nào khác". An toàn. Các biến chứng. Một trong những phiên bản sớm hơn của chế độ ăn thực dưỡng có liên quan đến việc chỉ ăn gạo lức và uống nước đã được liên hệ đến sự thiếu hụt dinh dưỡng nghiêm trọng và thậm chí tử vong. Chế độ ăn kiêng thực dưỡng nghiêm ngặt trong đó không ăn sản phẩm từ động vật có thể dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng trừ khi chúng được lên kế hoạch một cách cẩn thận trước. Nguy hiểm có thể tồi tệ hơn đối với những người mắc bệnh ung thư, những người có thể phải đối mặt với việc sụt cân không mong muốn và thường có nhu cầu dinh dưỡng và calo tăng lên. Dựa vào thực dưỡng để điều trị bệnh như là phương pháp duy nhất và né tránh hoặc trì hoãn chăm sóc y tế thông thường theo bác sĩ cho bệnh nhân ung thư có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe. Trẻ em. Trẻ em cũng có thể bị thiếu hụt dinh dưỡng do chế độ ăn uống thực dưỡng. Phụ nữ mang thai. Chế độ ăn thực dưỡng chưa được kiểm nghiệm hay thử nghiệm ở phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú, và các dự đoán tệ nhất là không đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển bình thường của thai nhi. Tại Việt Nam. Tại Việt Nam, thực dưỡng đang bị hiểu sai do có những ý kiến cho rằng thực dưỡng có thể chữa được ung thư, trong khi về bản chất, nó chỉ là một phương pháp hỗ trợ ăn uống và dưỡng sinh. Theo Giáo sư, Tiến sĩ Mai Trọng Khoa, Giám đốc Trung tâm Ung Bướu, Bệnh viện Bạch Mai, việc áp dụng thực dưỡng với quan niệm rằng bỏ đói tế bào ung thư để chữa bệnh là nhận thức không đúng, rất nguy hiểm, có thể khiến người bệnh chết vì suy kiệt hay rối loạn chuyển hóa. Tế bào ung thư vẫn cần chất dinh dưỡng cung cấp từ người bệnh. Người bệnh ung thư mà không đủ dinh dưỡng sẽ bị ốm yếu, không đủ khả năng chống chọi bệnh tật. Đã có trường hợp tử vong ở Hà Nội liên quan đến việc ăn uống theo phương pháp thực dưỡng được lan truyền trên Internet. Người này được cho là mắc bệnh tiểu đường nhưng đã bỏ thuốc điều trị, chuyển sang ăn chế độ thực dưỡng, sau 2 tháng người này bị sụt cân đáng kể và phải nhập viện trong tình trạng suy kiệt, sau đó đã tử vong. Hiện tại, trên mạng có nhiều ý kiến trái chiều giữa 2 bên: phía y học và phía truyền thông ủng hộ theo chế độ ăn uống thực dưỡng. Theo Bác sĩ Ngô Đức Hùng, Bệnh viên Bạch Mai, có một cách ăn thực dưỡng được gọi là "phương pháp số 7" bao gồm sữa hạt, muối mè và gạo lứt, được phía thực dưỡng cho rằng có thể chữa trị được rất nhiều bệnh, bao gồm khả năng tẩy giun và chữa ung thư. Trên thực tế đã có nhiều người tử vong hoặc bệnh trở nên tồi tệ hơn do ngừng sử dụng các phương pháp điều trị y học để đi theo các trào lưu vô căn cứ. Trong đó, có nhiều trào lưu mang tính chất phản khoa học bao gồm việc ăn thực dưỡng và bỏ thuốc chữa bệnh. Thực dưỡng cơ bản bao gồm các thành phần tốt cho sức khỏe như ngũ cốc nguyên cám và rau củ; nguyên tắc ăn càng ít các thực phẩm chế biến là đúng, nhưng việc chế độ ăn kiêng này có thể chữa trị được hay tác động đến bệnh ung thư hoặc các bệnh khác là sai lầm. Theo bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Quận Thủ Đức, Nhật Bản có tỷ lệ ung thư cao hơn Việt Nam, với 248 ca mắc/100.000 dân số, trong khi đó con số tại Việt Nam là 151/100.000 (số liệu năm 2018). Tại Nhật có rất nhiều bệnh nhân ung thư nhưng không ai dừng việc điều trị để theo phương pháp thực dưỡng hoặc dùng các thực phẩm chức năng khác.
1
null
Nasutoceratops là một chi khủng long sừng ăn cỏ. Loài này đã sinh sống trong thời kỳ cuối kỷ Phấn Trắng (cuối Campania, khoảng 75,97-75,51 Ma) ở nơi nay là bang Utah, Hoa Kỳ. Loài khủng long này cao khoảng 5m, có mũi rất lớn và sừng trước mặt dài. Loài khủng long này được đặt tên Nasutoceratops, có nghĩa là "mũi to, mặt sừng". Nasutoceratops nặng khoảng 2,5 tấn, có diềm xếp cắt rãnh sâu phía sau đầu. Hóa thạch của Nasutoceratops được tìm thấy gần Đài tưởng niệm Grand Staircase-Escalante của bang Utah. Các nhà khoa học đã mất nhiều năm nghiên cứu hóa thạch này và xác định được nó khoảng 75 triệu năm tuổi.
1
null
Tillandsia xerographica là một loài thực vật có hoa thuộc họ họ Dứa (Bromeliaceae), bản địa tại miền nam Mexico, El Salvador, Guatemala và Honduras. Tên loài xuất phát từ tiếng Hy Lạp ξηρός ("xeros"), nghĩa là "khô," và γραφία ("graphia"), nghĩa là "kiểu viết." Môi trường sống. "Tillandsia xerographica" sinh sống tại rừng khô và rừng cây bụi gai ở độ cao từ 140 tới 600 m tại miền nam Mexico, Guatemala và El Salvador. Nhiệt độ trung bình tại khu vực phân bố từ 22 °C - 28 °C, với độ ẩm 60% to 72% và lượng mưa hàng năm từ 550 đến 800 mm.
1
null
Khủng bố nhà nước là thuật ngữ chỉ về việc khủng bố được tiến hành, thực hiện bởi Nhà nước chống lại một quốc gia, dân tộc khác và nó cũng đề cập đến những hành vi bạo lực được thực hiện bởi nhà nước để đàn áp, chống lại những người dân của chính quốc gia đó. Sử dụng. Thuật ngữ khủng bố nhà nước được cố Tổng thống Palsetin Yasser Arafat đề cập đến để chỉ về những vụ việc tấn công đàn áp của chính quyền Israel chống lại nền độc lập, tự do của nhân dân Palestin và thuật ngữ này được nhiều lãnh đạo các chính đảng Palestin dùng để chỉ về những hành động của chính quyền Israen Đặc biệt là vụ việc Thủ lĩnh Hamas Sheikh Ahmed Yassin bị Israel sát hại với việc máy bay bắn hai quả tên lửa trúng ông này, Chính quyền Palestine lên án Israel là khủng bố nhà nước Tổ chức Hội nghị Hồi giáo (OIC) cũng từng lên án Mỹ gián tiếp gây ra cuộc xung đột đẫm máu ở Trung Đông bởi vì Mỹ ủng hộ chủ nghĩa khủng bố nhà nước của Israel chống lại Palestine Năm 2014, với việc tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam trong vụ giàn khoan HD 981, ông chuyên gia Nguyễn Ngọc Giao cho rằng đây cũng là hành động khủng bố nhà nước.
1
null
Archaeognatha là một bộ côn trùng không cánh, còn được gọi là bọ đuôi ngắn nhảy. Chúng là một trong những loài côn trùng tiến hóa ít thay đổi nhất, xuất hiện vào kỷ Devon, cùng thời gian với nhện. Tên Archaeognatha có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp, "archaeos" có nghĩa là "cổ" và "gnatha" có nghĩa là "hàm". Archaeognatha trước đây thuộc về bộ Thysanura, cả hai bộ đều có ba sợi râu đuôi. Các khoảng 350 loài trong hai họ phân bố trên toàn thế giới. Không có loài hiện đang có nguy cơ bảo tồn, mặc dù bộ này là một trong những bộ được nghiên cứu kém nhất trong số các bộ côn trùng, vì vậy nó có thể chỉ đơn giản là không có ai nhận ra rằng bất kỳ loài có nguy cơ tuyệt chủng.
1
null
Bộ Cá chép mỡ (danh pháp khoa học: Characiformes) là một bộ của lớp Cá vây tia (Actinopterygii), bao gồm cá chép mỡ và đồng minh của chúng. Hợp lại trong 23 họ được công nhận, có vài nghìn loài khác nhau, trong đó nổi tiếng nhất là piranha và cá tetra. Phân loại. Characiformes là thành viên của 1 đoạn được gọi là Otophysa trong liên bộ Ostariophysi. Otophysa chứa ba bộ khác là Cypriniformes, Siluriformes và Gymnotiformes. Characiformes tạo thành một nhóm gọi là Characaphysi/Characaphysae với Siluriformes và Gymnotiformes. Characiformes là nhóm chị em với các bộ Siluriformes và Gymnotiformes, mặc dù điều này đã từng gây tranh luận bởi bằng chứng phân tử gần đây. Ban đầu bộ cá chép mỡ được đặc trong 1 họ duy nhất là họ Characidae. Kể từ đó 18-22 họ khác nhau đã lần lượt được tách ra. Tuy nhiên, phân loại đã thay đổi một phần, vào năm 2011, nghiên cứu gần đây khẳng định Characidae như đã được định nghĩa là một họ đơn ngành. Hiện nay, có 23 họ, khoảng 284 chi, và ít nhất 2.041 loài. Phân bộ Citharinoidei, trong đó có các họ Distichodontidae và Citharinidae, được coi là nhóm chị em với phần còn lại của bộ Cá chép mỡ là phân bộ Characoidei. Tiến hóa. Loài cá chép mỡ lâu đời nhất là "Santanichthys" vào đầu kỷ Phấn trắng (giai đoạn Alba ở Brasil. Trong khi tất cả các loài còn sinh tồn là nước ngọt, loài này có lẽ sống ở nước lợ hay nước mặn. Nhiều hóa thạch khác cũng được biết đến. Characiformes khả năng đa dạng hóa đầu tiên vào kỷ Phấn Trắng (Creta), mặc dù hóa thạch ít được biết đến. Trong kỷ Creta, đường rạn nứt giữa Nam Mỹ và châu Phi có lẽ đang hình thành; điều này giải thích sự tương phản trong sự đa dạng giữa hai châu lục này. Sự đa dạng kém hơn của chúng ở châu Phi có thể giải thích tại sao một số họ cá nguyên thủy của bộ này và bộ Cypriniformes cùng tồn tại với chúng trong khi chúng lại vắng mặt ở Nam Mỹ, nơi các loài cá này có thể đã bị tuyệt chủng. Bộ Characiformes đã không kịp lan rộng sang châu Phi đủ sớm để có thể vươn tới cầu đất liền nối châu Phi và châu Á. Thời kỳ sớm nhất mà chúng lan tới Trung Mỹ là vào cuối thế Miocen. Phát sinh chủng loài. Cây phát sinh chủng loài vẽ theo Betancur và ctv (2016). Phân bố. Characiformes đa dạng nhất ở vùng nhiệt đới Tân thế giới, nơi chúng được tìm thấy trong các sông, hồ nhiệt đới trong khắp khu vực Nam Mỹ và Trung Mỹ. Tại châu Phi có ít nhất khoảng 209 loài Characiformes, bao gồm các họ Distichodontidae, Citharinidae, Alestiidae và Hepsetidae. Phần còn lại của bộ cá này có nguồn gốc từ châu Mỹ. Quan hệ với con người. Một vài loài cá chép mỡ khá lớn, rất quan trọng trong cung cấp thực phẩm và câu cá giải trí. Tuy nhiên, hầu hết là cá nhỏ sống thành đàn. Nhiều loài được biết đến như tetra được nuôi phổ biến trong hồ cá nhờ màu sắc của chúng tươi sáng, sức chịu đựng cao, không gây hại cho các loài cá khác trong bể.
1
null
Thằn lằn chân ngón kingsadai (danh pháp hai phần: "Cyrtodactylus kingsadai") là một loài thằn lằn chân ngón trong họ Tắc kè được phát hiện tại mũi Đại Lãnh, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, Nam Trung Bộ Việt Nam và được công nhận loài mới trên tạp chí Zootaxa số 3686 phát hành tháng 7 năm 2013. Tên định danh loài được đặt theo tên của thạc sĩ Phouthone Kingsada thuộc Trường Đại học Quốc gia Lào, người vừa mất vì sốt xuất huyết năm 2012. Mô tả. Thằn lằn chân ngón kingsadai có chiều dài mõm-gốc đuôi SVL khoảng 94 mm, thân màu nâu nhạt với một vệt sẫm màu sau gáy và 4 vệt sẫm màu ngang thân, có một vảy gian mũi, 17-23 hàng u lồi quanh giữa thân, 39-46 hàng vảy bụng, gờ da hai bên sườn rõ.
1
null
Jungiery (chữ Hán: 喬傑立; bính âm: Qiáo Jié Lì; Hán-Việt: Kiều Kiệt Lập) là một công ty giải trí hay công ty quản lý nghệ sĩ tại Đài Loan. Công ty được liên kết với Đài truyền hình Tam Lập (SETTV) và các nghệ sĩ của họ chủ yếu xuất hiện trên các talk show và các chương trình giải trí của đài SETTV với vai trò MC. Tổng giám đốc là ông Tôn Đức Vinh (hay còn gọi là Tôn Tổng). Các nghệ sĩ trực thuộc công ty đang hoạt động tại Đài Loan, đặc biệt là sự xuất hiện của họ trong các bộ phim truyền hình đình đám, trong ca hát và trong phát hành album. Nghệ sĩ và nhóm nhạc. Các nghệ sĩ trực thuộc công ty Jungiery được gọi chung là J-Star.
1
null
François Édouard Anatole Lucas (1842-1891) là một nhà toán học người Pháp. Ông là người đã nghiên cứu và đặt tên cho dãy Fibonacci, công trình toán học nổi tiếng nhất của nhà toán học người Ý Fibonacci. Đồng thời ông cũng nghiên cứu dãy số Lucas và các dãy số tương tự về tính chất với dãy số này. Tên của ông đã được đặt cho số Lucas, đó là cách mà người người ta vinh danh nhà toán học người Pháp này.
1
null
Bạc đầu bông (danh pháp khoa học Mayaca fluviatilis) là một loài thực vật có hoa trong họ Mayacaceae. Loài này được Aubl. mô tả khoa học đầu tiên năm 1775. Phân bố. Bạc đầu bông thường được tìm thấy trong các vùng nhiệt đới phía đông châu Á và trong các môi trường nhân tạo (như cánh đồng lúa). Đặc điểm. Bạc đầu bông có màu sắc xanh, đầu bạc. Cây có cấu trúc thân dài, chiều cao 5–15 cm, chiều rộng 2–5 cm phát triển ổn định ở nhiệt độ 18-28 độ. Đây là dạng cây thủy sinh dễ trồng trong hồ cá thủy sinh. Nó phát triển tốt ở điều kiện ánh sáng 2-4 watt cho mỗi gallon. Phân bón vi chất dinh dưỡng thúc đẩy cây lớn hơn, tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Nếu bổ sung thêm CO2, và một chế độ bón phân trong đó có nitrate, phosphate, kali và các vi chất dinh dưỡng bổ sung, Bạc đầu bông sẽ cho ra lá xanh căn và bung xòe lớn. Độ pH và độ cứng đóng vai trò tối thiểu trong việc phát triển của cây. Cây thích ánh sáng. Nếu có ánh sáng cường độ cao, cây sẽ phát triển các tông màu vàng và màu đỏ và các cây sẽ tăng trưởng nhỏ gọn hơn. Nếu cây không nhận đủ ánh sáng sẽ trở nên cao hơn, ốm và xanh hơn. Cây có một hệ thống gốc ấn tượng và rất cần các chất dinh dưỡng. Nếu phosphate được giữ cao (1-2 ppm), loài này sẽ liên tục ra hoa nhỏ màu trắng tím trên ngọn. Cây tạo ra những cành bên có thể dễ dàng được tách ra từ cây chính bằng kéo nên thuộc loại cây thủy sinh cắt cắm. Trồng lại các cành phụ có thể có chút vấn đề vì cây nhẹ và có xu hướng nổi lên mặt nước. Tuy nhiên, cây ra rễ rất nhanh. Sử dụng. Bạc đầu bông là loài cây đẹp được ưu chuộng trong giới thủy sinh hiện nay. Với hình dáng và vẻ đẹp tuyệt vời, Cây Bạc đầu bông là một cây hậu cảnh phổ biến trong hồ thủy sinh hiện nay. Với sự tăng trưởng khá cao và sự hấp thụ dinh dưỡng tốt, Bạc đầu bông còn là ứng viên tuyệt vời cho các hồ thủy sinh bị dư dinh dưỡng. Do cây có thân hình nhỏ nên Cây Bạc đầu bông thích hợp trồng trong các hồ thủy sinh nhỏ.
1
null
Hương bồ lá hẹp hay còn gọi cỏ nến lá hẹp, bồn bồn, thủy hương, bồ hoàng (danh pháp: Typha angustifolia) là một loài thực vật có hoa trong họ Hương bồ "Typhaceae". Loài này được L. mô tả khoa học đầu tiên năm 1753. Phân bố. Cây mọc ở ruộng, đầm lầy, ven sông rạch, các vùng ngập nước nước ngọt, còn gặp trên bùn có nước lợ, có khi tạo thành đám ruộng trải dài khu vực vùng ôn đới và nhiệt đới. Đặc điểm. Cây mọc ở đầm lầy, sống nhiều năm, có thân rễ bò, thân đứng cao 1–2 m. Lá dài 30–60 cm, phẳng, hẹp, rộng 4-10mm, cứng, gốc có bẹ, mọc đối xứng hai bên ôm thân. Hoa cái có lông mảnh trên trụ nhụy dài, có hoa lép, màu vàng nhạt mọc bên trên. Hoa đực có phiến hoa như sợi, thường có 3 nhị, đầu hoa đực hình trụ có màu nâu. Quả bế nhỏ, dài. Cây thường ra hoa vào tháng 3-7. Sử dụng. "Xem bài chi tiết: Chi Hương bồ"
1
null
Typha domingensis là một loài thực vật có hoa trong họ Typhaceae. Loài này được Pers. miêu tả khoa học đầu tiên năm 1807. Loài này được tìm thấy trên khắp các vùng ôn đới và nhiệt đới trên toàn thế giới. Đôi khi nó được tìm thấy như là một liên kết phụ trong các hệ sinh thái rừng ngập mặn như rừng ngập mặn Petenes của Yucatán. Trong đầm lầy ở miền nam Iraq, Khirret là món tráng miệng được làm từ phấn hoa của loại cây này. Trong y học dân gian Thổ Nhĩ Kỳ, hoa hồng ngoại của cây này và Typha khác được sử dụng bên ngoài để điều trị các vết thương như bỏng. Chất chiết xuất của "T. domingensis" đã được chứng minh là có đặc tính chữa lành vết thương trong mô hình chuột.
1
null
Typha latifolia là một loài thực vật có hoa trong họ Typhaceae. Loài này được L. miêu tả khoa học đầu tiên năm 1753. Loài này được tìm thấy như một loài thực vật bản địa ở Bắc và Nam Mỹ, Châu Âu, Âu Á và Châu Phi. Ở Canada, loài này phân bố ở tất cả các tỉnh và cả Lãnh thổ Yukon và Tây Bắc, và ở Hoa Kỳ, nó có nguồn gốc từ tất cả các bang trừ Hawaii. Đây là một loài được giới thiệu và xâm lấn, và được coi là một loại cỏ độc hại, ở Úc và Hawaii. [8] Nó đã được báo cáo ở Indonesia, Malaysia, New Zealand, Papua New Guinea và Philippines. "Typha latifolia" đã được tìm thấy ở nhiều vùng khí hậu, bao gồm nhiệt đới, cận nhiệt đới, ôn đới phía nam và phía bắc, ven biển ẩm ướt và lục địa khô. "Typha latifolia" được tìm thấy ở độ cao từ mực nước biển đến 7.500 feet (2.300 m). "Typha latifolia" là một loài "đất ngập nước bắt buộc", có nghĩa là nó luôn được tìm thấy trong hoặc gần nước. "Typha latifolia" thường mọc ở những vùng bị ngập lụt, nơi độ sâu của nước không vượt quá 2,6 feet (0,8 mét). Tuy nhiên, "Typha latifolia" cũng đã được báo cáo phát triển trong thảm nổi trong nước sâu hơn một chút. "Typha latifolia" mọc chủ yếu ở nước ngọt nhưng cũng xuất hiện ở vùng đầm lầy hơi lợ. [9] Các loài có thể thay thế các loài khác có nguồn gốc từ đầm lầy muối khi giảm độ mặn. Trong điều kiện như vậy, cây có thể bị coi là xâm lấn, vì nó cản trở việc bảo tồn môi trường đầm lầy muối. "Typha latifolia" có chungphạm vi của nó với các loài liên quan khác và lai với "Typha angustifolia", để tạo thành "Typha × glauca" ("Typha angustifolia × T. latifolia"). "Typha latifolia" thông thường thường được tìm thấy trong nước nông hơn so với cattail lá hẹp. Cây cao 1,5 đến 3 mét (5 đến 10 feet) và nó có 2 lá rộng44 cm (¾ đến 1½ inch), và thường sẽ mọc ra ở độ sâu 0,75 đến 1 mét (2 đến 3 feet).
1
null
Cỏ nến, hương bồ thảo, thủy hương bồ, bồn bồn (danh pháp Typha orientalis) là một loài thực vật có hoa trong họ Hương bồ "Typhaceae". Loài này được C.Presl miêu tả khoa học đầu tiên năm 1851. Phân bố - Đặc điểm - Ích lợi. "Xem bài chi tiết: Chi Hương bồ"
1
null
Cốc Cốc (trước đây có tên là Cờ Rôm+) là trình duyệt dành cho thị trường Việt Nam do Công ty trách nhiệm hữu hạn công nghệ Cốc Cốc phát triển dựa trên nền tảng mã nguồn mở Chromium - một nền tảng phổ biến, có tính bảo mật, được nhiều trình duyệt web khác sử dụng, ví dụ như Google Chrome, Edge và Opera. Cốc Cốc sử dụng bộ máy tìm kiếm Cốc Cốc. Tính đến năm 2020, trình duyệt này có hơn 25 triệu người đang dùng.. Bạn có thể tải trình duyệt Cốc Cốc một cách dễ dàng qua App Store, Google Play hoặc Website https://coccoc.com Tổng quan. Về cơ bản, các tính năng, chất lượng và độ ổn định của Cốc Cốc là khá tương đồng với Google Chrome do sử dụng chung một nhân là nền tảng mã nguồn mở Chromium, được xác nhận bởi báo chí như Dân trí, VnExpress, GenK, và cộng đồng công nghệ. Cốc Cốc bổ sung các tính năng: hỗ trợ thêm dấu tự động và sửa lỗi chính tả khi gõ văn bản; tăng tốc độ tải tệp; tìm và tải tệp âm thanh và video từ các trang giải trí đa phương tiện; lướt web không giới hạn nhờ năng lực phân giải tên miền; tích hợp sẵn từ điển Anh-Việt. Trang đánh giá sản phẩm công nghệ VnReview nhận xét: "Những bổ sung khá thực tế và sát với yêu cầu của người Việt Nam khiến cho Cốc Cốc trở nên đáng giá hơn." Tính năng. Tự động thêm dấu. Khi người dùng gõ một đoạn văn bản không dấu, Cốc Cốc sẽ đưa ra các gợi ý tiếng Việt có dấu tương ứng với độ chính xác cao, nhờ hệ thống phân tích thông minh cài đặt trên các máy chủ của Cốc Cốc. Do tính năng này chỉ được cài đặt cho các ô nhập liệu thông thường, người dùng hoàn toàn không phải lo lắng về nguy cơ rò rỉ mật khẩu của mình. Đội ngũ phát triển Cốc Cốc kỳ vọng giải pháp thêm dấu tự động sẽ giúp người dùng Việt tăng tốc đáng kể các tác vụ phổ biến sử dụng trình duyệt như: soạn email, chat, viết bài trên blog, forum, mạng xã hội… Theo tính toán của đội phát triển, tính năng này sẽ giúp tăng tốc độ gõ văn bản tới 50% cho người dùng bình thường (không có khả năng gõ phím 10 ngón) và 20% cho người dùng cao cấp. Vào Facebook. Để hỗ trợ truy cập Facebook ổn định, Cốc Cốc được trang bị cơ chế dự trữ phân giải tên miền đặc biệt, cho phép tự động xử lý hệ thống phân giải tên miền (DNS), nhằm giải quyết những cản trở truy cập website thường gặp ở các trình duyệt khác. Nhờ đó, người dùng Cốc Cốc sẽ có các trải nghiệm lướt web không giới hạn giống như khi họ sử dụng các trình duyệt thông thường có kèm theo các phần mềm bổ trợ như Hotspot Shield hay Ultrasulf. Tính năng Download Media. Cốc Cốc có khả năng bắt liên kết tự động, cho phép người dùng tải các tệp tin âm thanh, video khi nghe nhạc, xem phim... trên các trang mạng giải trí đa phương tiện. Đối với các trang cung cấp nhiều hơn một định dạng, ví dụ như YouTube, có thể chọn tùy chọn tải xuống với chất lượng full HD hay HD, FLV, 3G... Một tiện lợi khác là khả năng tải toàn bộ album nhạc tại chỗ. Người dùng tính năng tải thường xuyên có thể chọn tải nhanh chỉ với một lần nhấp chuột. Download Nhanh. Cốc Cốc cho phép người dùng tải tệp nhanh hơn nhờ tích hợp giải pháp tải tệp đa luồng, tương tự như phần mềm tăng tốc độ tải dữ liệu phổ biến hiện nay là IDM. Với 8 luồng song song, tốc độ tải tệp của Cốc Cốc có thể nhanh gấp 8 lần bình thường. Đây là một trong những cải tiến vượt trội của Cốc Cốc kể từ thời điểm ra mắt phiên bản đầu tiên . Tuy nhiên cần lưu ý, tốc độ thực tế sẽ phụ thuộc vào tốc độ đường truyền và giới hạn băng thông của máy chủ lưu trữ file. Download Torrent. Cốc Cốc có thể tải tệp torrent trực tiếp trên trình duyệt mà không cần đến phần mềm của bên thứ ba như BitTorrent hay MTorrent. Ngoài ra, người dùng cũng có thể chuyển tệp từ máy tính có cài Côc Cốc sang điện thoại sử dụng trình duyệt Cốc Cốc Mobile. Chính tả. Nhằm tăng cường hỗ trợ Tiếng Việt, khi người dùng soạn thảo bất cứ văn bản nào trên trình duyệt, Cốc Cốc sẽ tự động phát hiện các lỗi chính tả mắc phải, gạch chân màu đỏ và gợi ý cách viết đúng, với độ chính xác 94%. Người dùng có thể tự chỉnh sửa, hoặc nhấp đúp vào từ bị sai để trình duyệt tự động sửa lỗi. Các thử nghiệm cho thấy cứ 100 trường hợp kiểm tra lỗi chính tả tiếng Việt, thì Cốc Cốc cho kết quả sửa lỗi tương đương hoặc tốt hơn Google Chrome trong 97 trường hợp. Theo ước tính của nhóm phát triển, tính năng này giúp người dùng tiết kiệm khoảng 4-10 ngày một năm cho thời gian đánh máy và chỉnh sửa văn bản. Tra từ điển. Khi người dùng nháy đúp chuột trái vào một từ tiếng Anh hoặc chữ Hán, một hộp thông tin nhỏ sẽ xuất hiện giúp tra cứu nhanh nghĩa, cách phát âm (đối với tiếng Anh), phiên âm và cách viết (đối với chữ Hán. Thao tác tương tự với giá tiền nước ngoài sẽ làm xuất hiện một hộp hiển thị chuyển đổi ngoại tệ sang Việt Nam đồng và một số ngoại tệ khác. Tính năng đọc tin trên trình duyệt Cốc Cốc. Sau hơn một năm ra mắt, tính năng Cốc Cốc Đọc Tin (hay còn gọi là "Trình đọc báo cá nhân hóa") đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của hơn 6 triệu người dùng với hơn 160 triệu lượt click vào các tin bài được hiển thị mỗi tháng.Nhờ ứng dụng sâu AI vào quá trình vận hành, Cốc Cốc Đọc Tin có khả năng phân tích sở thích xem tin tức của người dùng thông qua hành động đánh giá bài viết, trang báo thường truy cập và chủ đề được quan tâm. Sau đó, hệ thống sẽ quét hàng nghìn trang báo điện tử, bản tin, blog, video blog và chỉ tổng hợp lại những tin người dùng muốn đọc trên tab mới. Ví dụ, nếu gần đây bạn thường đọc các bài báo về sự kiện bầu cử Tổng thống ở Mỹ, bạn sẽ nhận được nhiều hơn các nội dung liên quan đến chủ đề này trên tab mới, do đó không bỏ lỡ các tin tức, bình luận nóng hổi trong nước và quốc tế. Tháng 10/2020, Cốc Cốc chính thức nâng cấp tính năng Cốc Cốc Đọc Tin lên phiên bản 2.0. Dựa trên các ý kiến khảo sát, Cốc Cốc điều chỉnh cách thức hiển thị nội dung nhằm cung cấp thêm dữ kiện cho AI "học" thói quen tiêu thụ nội dung, từ đó đề xuất tin tức phù hợp hơn với sở thích của người dùng. Tính năng lọc quảng cáo trên Cốc Cốc. Mỗi ngày, bạn tiếp cận với hàng nghìn quảng cáo trực tuyến. Quảng cáo có nội dung không liên quan, quảng cáo tiềm ẩn rủi ro như quảng cáo bán hàng sai sự thật, quảng cáo mang tính chất lừa đảo như đầu tư tiền ảo, dự đoán kết quả xổ số. Hơn nữa là những quảng cáo chứa mã độc nằm ở các vị trí "hiểm hóc" mà bạn rất dễ bấm nhầm. Do đó, tính năng lọc quảng cáo được mặc định kích hoạt trên Cốc Cốc giúp bạn giảm thiểu các rủi ro trên. Tính năng này cho phép trình duyệt hiển thị ít quảng cáo gây phiền nhiễu hơn như banner quảng cáo che mất nội dung website hay pop-up, video quảng cáo tự động bật tiếng. Tuy nhiên, phần lớn các website cung cấp nội dung miễn phí đều duy trì hoạt động từ nguồn thu nhập chính là quảng cáo. Vì vậy, tính năng lọc quảng cáo vẫn cho phép hiển thị các quảng cáo "chấp nhận được", hay các quảng cáo không làm phiền và cản trở nội dung đang xem, mang lại giải pháp cân bằng giữa trải nghiệm người dùng và quyền lợi của người làm website. Từ tháng 6/2020, Cốc Cốc đã tích hợp công nghệ Adblock Plus nhằm nâng cấp tính năng lọc quảng cáo trên trình duyệt. Adblock Plus là tiện ích lọc quảng cáo, chặn phần mềm độc hại và vô hiệu hóa các yếu tố theo dõi. Tor. Tính năng này hiện vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm. Chế độ ẩn danh với Tor nhằm nâng cao tính bảo mật và riêng tư cho người dùng. AI Chat và AI Search. Ngày 30/5/2023, Cốc Cốc chính thức giới thiệu bộ đôi sản phẩm Cốc Cốc AI Chat và Cốc Cốc AI Search tới người dùng, đánh dấu cú chuyển mình ấn tượng sau 10 năm xây dựng và phát triển tại thị trường Việt Nam. Đây là 2 sản phẩm đầu tiên trong hệ sinh thái Cốc Cốc AI Lab, bộ phận nghiên cứu và phát triển các sản phẩm trí tuệ nhân tạo do Cốc Cốc mới thành lập, với mục tiêu giúp người dùng tận hưởng nhiều lợi ích hơn từ không gian số. Cốc Cốc AI Lab sẽ đảm nhiệm sứ mệnh nghiên cứu, phát triển và tích hợp những sản phẩm ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) mới nhất, tiện lợi nhất trên trình duyệt và công cụ tìm kiếm Cốc Cốc. Đặc biệt, người dùng sẽ được trải nghiệm các ứng dụng này hoàn toàn miễn phí. Cốc Cốc AI Chat là chatbot ứng dụng mô hình ngôn ngữ lớn (Large Language Model - LLM), được phát triển dựa trên mô hình GPT 3.5 và dữ liệu từ tìm kiếm Cốc Cốc. Nhờ vậy, sản phẩm có khả năng cung cấp câu trả lời bằng văn bản nhanh, cập nhật và chính xác. Sản phẩm hỗ trợ tốt nhất cho ngôn ngữ tiếng Việt và có hỗ trợ dịch truy vấn bằng tiếng Anh để trả lời bằng tiếng Việt. Điểm khác biệt nổi bật của Cốc Cốc AI Chat nằm ở năng lực hiểu tiếng Việt và xử lý linh hoạt, chính xác những nội dung truy vấn mang đặc trưng văn hóa Việt Nam, điểm hạn chế của hầu hết các sản phẩm tương tự trên thị trường. Bằng việc đưa ra phản hồi tự nhiên, gần gũi, Cốc Cốc AI Chat có thể hỗ trợ người dùng như một trợ lý AI người Việt. Người dùng có thể trò chuyện với Cốc Cốc AI Chat để tham khảo câu trả lời về đa dạng chủ đề, sáng tạo nội dung, xử lý các tác vụ liên quan đến ngôn ngữ như tóm tắt, dịch văn. Cốc Cốc AI Search là tính năng cung cấp câu trả lời bằng cách sử dụng AI để tóm tắt nội dung từ các kết quả liên quan đến truy vấn của người dùng, cho phép người dùng nhận kết quả nhanh, chính xác và an toàn hơn mà không phải truy cập nhiều trang web.
1
null
Việt Phương (1928 – 2017) hay Trần Việt Phương là một nhà thơ hiện đại nổi tiếng của Việt Nam. Tập thơ "Cửa mở" của ông, xuất bản vào năm 1970, được đánh giá là một hiện tượng thơ, một sự kiện văn học, một sự kiện xã hội vào thời điểm đó. Sau 2 tuần phát hành, tập thơ đã được bán hơn 5.300 bản. Năm 2023, Tập thơ Cửa mở đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học, nghệ thuật. Ông là một viên chức thuộc Văn phòng Chính phủ và được coi là thư ký thâm niên nhất của thủ tướng chính phủ. Ông trải qua 53 năm làm Thư ký riêng cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng, cùng một số năm đồng thời còn làm Thư ký cho Tổng Bí thư Lê Duẩn. Cuộc đời. Nhà thơ Việt Phương tên thật là "Trần Quang Huy", sinh ngày 6 tháng 12 năm 1928, quê ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Trần Quang Huy tham gia Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu vào năm 1944 và đã 2 lần bị thực dân Pháp và phát xít Nhật bắt giam vì hoạt động cách mạng. Ông từng đậu tú tài thời Pháp thuộc. . Từ tháng 9 năm 1945 đến năm 1947, ông Huy là bộ đội Nam tiến tham gia kháng chiến chống Pháp và từng bị thương trong chiến đấu. Kể từ năm 1947 đến năm 2000 là thư ký riêng của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Trong suốt 53 năm với vai trò thư ký của ông Phạm Văn Đồng, từ năm ông 19 tuổi, ông đã theo Phạm Văn Đồng từ vị trí Phó thủ tướng đến Thủ tướng và rồi sau này là cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng. Mặc dù ông được coi là Thư ký Thủ tướng Chính phủ có thâm niên nhất ở Việt Nam hiện nay. Trong quá trình giúp việc cho Thủ tướng Đồng, Việt Phương cũng tham gia vào nhóm các cán bộ giúp việc cho Tổng bí thư Lê Duẩn. Ông đồng thời là thành viên chủ lực của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương. Năm 1993, Việt Phương về nghỉ hưu theo chính sách khi ông 65 tuổi, tuy nhiên ông vẫn được Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký quyết định làm Ủy viên thường trực của Tổ chuyên gia tư vấn của Thủ tướng. Sau khi Tổ chuyên gia tư vấn này được mở rộng ra thành Ban Nghiên cứu đổi mới của Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải, Việt Phương vẫn tiếp tục làm Ủy viên thường trực của Ban này cho đến khi Ban giải thể. Trong nhiều năm, ông là nhà nghiên cứu lý luận chính trị, cộng tác viên của Hội đồng lý luận trung ương. Nhiều bài viết, phát biểu của ông tại các hoạt động trong khuôn khổ Hội đồng lý luận trung ương đã được NXB CTQG Sự thật in trong sách "Suy nghĩ về ngày mai". Ông qua đời lúc 8 giờ 50 ngày 6 tháng 5 năm 2017 tại Bệnh viện Hữu Nghị, Hà Nội, thọ 89 tuổi. Gia đình. Ông Việt Phương có vợ là bà Trần Tú Lan. Ông bà có hai người con trai là Trần Trung Thực sinh năm 1956 và Trần Quang Huy sinh năm 1960. Ông lấy tên khai sinh của mình đặt luôn tên cho con. Bà Tú Lan sinh năm 1934 là giáo viên, nhiều người nổi tiếng từng là học sinh của bà như Dương Trung Quốc, Chu Hảo... Ông Trần Trung Thực là Vụ trưởng của Bộ Công Thương. Trước đó ông là tham tán công sứ ở Cộng đồng châu Âu tại Bỉ nhiều năm. Nhà thơ Việt Phương có ba cháu nội, trong đó cháu lớn của ông mang tên ông là Trần Việt Phương. Sáng tác. Việt Phương thuộc thế hệ nhà thơ hiện đại của Việt Nam. Mặc dù Việt Phương làm thơ và nổi tiếng từ khá lâu, nhưng mãi đến khi ngoài 80 tuổi ông mới làm đơn xin gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam. ông chọn cho mình dòng thơ suy tưởng để nói về những đề tài lớn như Tổ quốc, Nhân dân, Con người, Chiến tranh, Vũ trụ, Tình yêu… Tập thơ "Cửa mở" của ông khi được xuất bản vào năm 1970 đã gây sự chú ý của dư luận do tập thơ có các bài thơ với lối tư duy nhân văn khá mới so với cách nhìn nhận của thời đại lúc bấy giờ. “Cửa mở” được đánh giá là mở thêm một cánh cửa cho thơ Việt trong thập niên lúc ấy. Các bài thơ trong tập thơ này được nhiều công nhân, nông dân, chiến sĩ, viên chức thời ấy thuộc và biết đến nhiều. Vì lối viết mới, tập thơ bị đánh giá nhiều về tư tưởng. Đã có một cuộc hội thảo với phạm vi hẹp để bàn về "Cửa mở" và tác giả của nó được tổ chức tại Nhà xuất bản Văn học vào ngày 12 tháng 11 năm 1970 do ông Như Phong, Giám đốc Nhà xuất bản Văn Học, chủ trì. Một cuộc họp khác với sự tham dự của các cán bộ cấp cao trong đó có cả Tổng bí thư Lê Duẩn cũng được tổ chức để đánh giá về tập thơ Cửa mở của Việt Phương Nhiều thành phần, nhiều người phê bình chống đối tập thơ rất nhiều ở các khía cạnh. Nhưng sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Bí thư Lê Duẩn xem qua và không phản đối thì tập thơ đã được "cho qua". Thậm chí nhà thơ Việt Phương còn được chọn trong cuộc bình xét đảng viên xuất sắc nhất của năm để khen thưởng. Tác phẩm. Việt Phương làm thơ từ năm 1960. Một số sáng tác nổi tiếng của ông được nhiều người biết đến: Các tập thơ: Sách nghiên cứu kinh tế, lý luận chính trị:
1
null
Bão Soulik (Philippines đặt tên là bão Bão Huaning) là một xoáy thuận nhiệt đới mạnh và là siêu bão đầu tiên của mùa bão tây bắc Thái Bình Dương năm 2013. Nó đã gây ra thiệt hại trên diện rộng ở Đài Loan và miền đông Trung Quốc vào tháng 7 năm 2013. Cơn bão bắt nguồn từ một vùng áp thấp về phía đông bắc đảo Guam vào ngày 6 tháng 7 rồi nhanh chóng phát triển thành áp thấp nhiệt đới vào ngày 7 tháng 7. Chủ yếu di chuyển về phía tây, áp thấp nhanh chóng mạnh lên từ ngày 8 tháng 7 và đạt cường độ mạnh nhất vào ngày 10 tháng 7. Lúc này sức gió đạt 185 km/h (115 mph) và áp suất khí quyển ở mức 925 mbar (hPa; 27.32 inHg). Bão Soulik sau đó đổ bộ vào phía bắc Đài Loan vào ngày 12 tháng 7 trước khi suy yếu thành bão nhiệt đới. Xuất hiện trong một thời gian ngắn trên eo biển Đài Loan, cơn bão di chuyển vào bờ lần thứ hai ở Phúc Kiến vào ngày 13 tháng 7. Nó được ghi nhận lần cuối dưới dạng áp thấp nhiệt đới vào ngày 14 tháng 7. Bão Soulik gây gió giật tới và mưa lớn ở Đài Loan. Nhiều cây cối và đường dây tải điện bị gãy đổ, làm khoảng 800,000 người không có điện. Lũ lụt nghiêm trọng buộc hàng ngàn người phải sơ tán. Bốn người chết và 123 người bị thương. Thiệt hại về nông nghiệp lên đến 1,27 triệu tân Đài tệ (42,55 triệu đô la Mỹ). Ở miền đông Trung Quốc, hơn 162 triệu người chịu ảnh hưởng của cơn bão. Mưa lớn và gió bão gây thiệt hại trên diện rộng và gây thiệt mạng cho 3 người ở Quảng Đông và 2 người ở Chiết Giang. Hơn 2.000 ngôi nhà bị phá hủy và tổng thiệt hại lên đến 2,51 tỉ nhân dân tệ (408 triệu đô la Mỹ). Công tác chuẩn bị. Nhật Bản. Vài giờ sau khi công bố Soulik là một cơn bão nhiệt đới, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản lưu ý rằng quần đảo Ryukyu nằm trong đường đi của cơn bão. Đến ngày 10 tháng 7, quần đảo Daitō được dự báo là sẽ có gió mạnh khi cơn bão di chuyển về phía nam. Do quy mô lớn của cơn bão, các khu vực phía bắc như quần đảo Amami được dự báo là vẫn sẽ thấy được ảnh hưởng của bảo. Bắt đầu từ tối ngày 10 tháng 7 và tiếp tục đến ngày 12 tháng 7, các bến phà ở các đảo phía nam ngừng hoạt động và các tàu chở hàng được khuyến cáo đi theo lộ trình khác. Nông dân trên đảo Miyako-jima được khuyến cáo nên thu hoạch vụ xoài trước khi cơn bão đổ bộ. Ngày 12 tháng 7, tất cả những chuyến bay đến và đi từ sân bay Ishigaki và sân bay Miyako đều bị hủy bỏ. Đài Loan. Tại Đài Loan, hơn 8.000 người được sơ tán khỏi các vùng đồi núi do mối đe dọa về sạt lở đất. 3.000 dân cư được sơ tán khỏi thành phố Cao Hùng, 2.000 người khác cũng được sơ tán khỏi thành phố Bình Đông. Cục Thời tiết Trung ương Đài Loan đã đưa ra "Tin tức Bão và Cảnh báo Bão". Philippines. Mặc dù được dự báo là sẽ không ảnh hưởng tới Philippines, nhưng cơn bão sẽ làm tăng cường gió mùa tây nam ở các khu vực phía tây từ ngày 10 tháng 7. PAGASA đưa ra cảnh báo bão ở tỉnh Batanes, phía bắc đảo Luzon và dự báo sức gió . Ngư dân ở miền duyên hải phía bắc và phía đông được khuyến cáo tránh ra khơi do biển động. Ngày 12 tháng 7, cảnh báo bão ở Batanes được nâng lên mức 2 do sức gió được dự báo sẽ đạt khi cơn bão lướt qua khu vực này. Thêm vào đó, Calayan và quần đảo Babuyan cũng được cảnh báo bão mức 1. Sau khi cơn bão đổ bộ vào Đài Loan, cảnh báo này được hủy bỏ cho toàn bộ các khu vự vào sáng ngày 13 tháng 7. Trung Quốc đại lục. Ngày 11 tháng 7, hầu hết miền đông Trung Quốc được đặt ở mức báo động vàng, mức thứ hai của hệ thống báo động gồm bốn mức, còn Phúc Kiến được đặt ở mức báo động cam, mức cao thứ hai. Dân cư ở Phúc Kiến, Giang Tây và Chiết Giang được khuyến cáo chuẩn bị cho mưa lớn có khả năng gây ra lũ lụt và sạt lở đất. Ở Phúc Kiến, hơn 304,000 người được sơ tán trước khi bão Soulik đổ bộ. Giao thông công cộng bị đình chỉ ở một số khu vực, 142 chuyến bay từ sân bay quốc tế Trường Lạc Phúc Châu bị hủy bỏ. Thêm vào đó, khoảng 5.500 quân đã được điều tới 18 quận ở Phúc Kiến để hỗ trợ công tác cứu nạn. Ảnh hưởng. Nhật Bản. Lướt qua phía nam quần đảo Ryukyu, bão Soulik gây gió mạnh cho một số nơi vào ngày 13 tháng 7 với vận tốc cao nhất là tại Yonaguni, Okinawa. Gió bão làm gãy đổ nhiều cây cối và đường dây tải điện, gây ra tình trạng mất điện cho khoảng 16.100 hộ gia đình. Mùa màng cũng chịu thiệt hại đáng kể, lên đến 484 triệu yên (4,87 triệu đô la Mỹ), hầu hết là với mía. Có tổng cộng 11 người bị thương. Lượng mưa cao nhất đạt tại Ishigaki. Đài Loan. Theo Cục Thời tiết Trung ương, bão Soulik đổ bộ vào Đài Loan với sức gió , giật . Ở Đài Bắc, gió bão mạnh tới đã thổi bay mái nhà, làm gãy đổ đường dây tải điện, bật gốc 1.000 cây cối. Tại đỉnh điểm của cơn bão, khoảng 800,000 dân cư không có điện. Mưa lớn đạt đến . Lũ quét và sạt lở đất gây thiệt hại trên diện rộng và buộc hàng nghìn người phải sơ tán. Tại Phố Lý, Nam Đầu, chín người được cứu thoát khỏi nhà của mình sau khi khu vực bị ngập lụt. Tại thành phố ven biển Cơ Long, đường sá bị ngập trong nước biển. Các khu vực thấp trũng dọc sông cũng bị ngập lụt và một thị trấn đã buộc phải sơ tán. 123 người bị thương và 4 người đã thiệt mạng. Ngành nông nghiệp chịu nhiều thiệt hại đáng kể, lên tới 1,27 triệu tân Đài tệ (42,55 triệu đô la Mỹ), trong số đó thiệt hại về mùa màng chiếm đến 1,12 triệu tân Đài tệ (37,53 triệu đô la Mỹ). Lúa, chuối, lê, ổi và tre là những cây trồng chịu thiệt hại nặng nhất. Tổng cộng 457 ngôi trường bị hư hại, thiệt hại lên đến 46,3 triệu tân Đài tệ (1,5 triệu đô la Mỹ). Ngay sau cơn bão, các công ty điện lực đã huy động khoảng 1.600 nhân lực để phục hồi những đường dây tải điện bị phá hủy. Điện được phục hồi hoàn toàn vào ngày 15 tháng 7. Trung Quốc đại lục. Vùng ven biển Phúc Kiến bị tấn công bởi gió bão và những đợt sóng cao tới . Tại Ninh Đức, gió mạnh phá hủy các biển hiệu và làm cây cối bật gốc. Thống kê sơ bộ cho thấy 72 triệu người chịu ảnh hưởng của cơn bão, hơn một nửa trong số đó tạm thời bị mất nhà cửa. Có ít nhất 990 ngôi nhà đã sụp đổ và thiệt hại kinh tế trực tiếp lên đến 1,744 tỷ nhân dân tệ (284,2 triệu đô la Mỹ). Tuy nhiên không có người nào thiệt mạng. Tại Ôn Châu, Chiết Giang, 410.000 người chịu ảnh hưởng của cơn bão và thiệt hại về kinh tế lên đến 212 triệu nhân dân tệ (34,58 triệu đô la Mỹ). Cơn bão cũng gây mưa lớn ở Quảng Đông, nhiều nơi đạt . Điều này dẫn đến lũ lụt ở nhiều khu vực và gây ảnh hướng tới 38,2 triệu người. Có khoảng 2 triệu người buộc phải sơ tán. Mực nước Sông Hàn đạt , cao hơn so với mức lũ với lưu lượng lên đến 5,230 m³ (18,400 ft3) một giây. Ít nhất ba người thiệt mạng và 1,076 ngôi nhà bị phá hủy, thiệt hại lên đến 350 triệu nhân dân tệ (57 triệu đô la Mỹ). Tại Giang Tây, mưa lớn đạt mức cao nhất và trung bình là trên phạm vi toàn tỉnh. Hai người thiệt mạng và một người mất tích. Ước tính có khoảng 35.84 triệu người chịu ảnh hưởng trực tiếp ở Giang Tây, trong đó 6,159 người bị mất nhà cửa, tổng thiệt hại lên đến 353 triệu nhân dân tệ (57,5 triệu đô la Mỹ). Về phía bắc, ở Thanh Đảo, Sơn Đông, rất nhiều tảo biển bị đánh dạt vào bờ do ảnh hưởng của cơn bão.
1
null
Viện Kỹ thuật Công trình đặc biệt là một đơn vị đào tạo và nghiên cứu khoa học trực thuộc Học viện Kỹ thuật Quân sự, được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Khoa công trình quân sự và Trung tâm Kỹ thuật các công trình đặc biệt. Khoa Công trình quân sự được thành lập ngày 21/10/1966. Ngày 14/5/1968 Khoa tổ chức khai giảng lớp bổ túc kỹ sư đầu tiên và sau này ngày đó được chọn là ngày truyền thống của Khoa, nay là ngày truyền thống của Viện Kỹ thuật công trình đặc biệt. Đội ngũ cán bộ, giảng viên. Hiện nay, toàn Viện có 105 cán bộ và giảng viên, trong đó có: Đội ngũ giảng viên của nhà trường được đào tạo cơ bản, toàn diện, hơn 90% trình độ sau đại học, hơn 50% trình độ tiến sĩ, tiến sĩ khoa học, 14 đồng chí giáo sư, phó giáo sư (10/2020). Tổ chức. Viện trưởng: Đại tá, PGS, TS công trình quân sự Vũ Ngọc Quang Phó Viện trưởng:
1
null
Yagyū Jūbei nanaban shōbu(tạm dịch:Yagyū Jūbei 7 phen thắng phụ )là tên một cuốn tiểu thuyết thời đại của nhà văn Tsumoto Yō, được Bungei Shunju (Văn nghệ xuân thu) xuất bản năm 2004. Đây cũng là tiêu đề của loạt phim Jidaigeki truyền hình do nam tài tử Murakami Hiroaki thủ diễn và phát sóng năm 2005. Jidaigeki truyền hình. Loạt phim này gồm 6 tập, mỗi tập 44 phút, được phát sóng từ 21:15~21:59 vào các tối thứ sáu hàng tuần trong khuôn khổ Jidaigeki thứ sáu (Kin-yō Jidaigeki) trên đài truyền hình NHK tổng hợp. Nhân vật chính Yagyū Jūbei do Murakami Hiroaki diễn, Miyamoto Musashi do tài tử Chiba Shin-ichi thủ vai . Qua loạt phim này, Murakami Hiroaki trở thành diễn viên huyền thoại đóng Yagyū Jūbei. Hai diễn viên trước đó là Konoe Jūshirō và Chiba Shin-ichi cũng đã trở thành những tượng đài bất tử qua vai diễn nhân vật Yagyū Jūbei. Bối cảnh phim diễn ra vào thời Tướng quân Tokugawa Iemitsu, khi chính quyền Mạc phủ Tokugawa dần đi vào ổn định. Sau khi Tokugawa Tadanaga tự sát, chức Tướng quân lọt vào tay Iemitsu thì các thành phần chống đối bắt đầu lộ diện, âm mưu lật đổ Mạc phủ. Trong bối cảnh đó, Yagyū Jūbei đang hành tẩu giang hồ thì được cha mình là Yagyū Munenori gọi trở về Edo để lập kế hoạch ngăn cản âm mưu đánh đổ Mạc phủ... Loạt phim này đặt nặng tính chân thực trong việc mô tả kiếm thuật. Từng chiêu kiếm, từng động tác đều được mô tả kỹ càng và hợp lý. Sau khi công chiếu, loạt phim này được khán giả xem đài đón nhận nồng hậu nên năm sau, đài NHK còn chế tác thêm 、phần tiếp theo vào năm 2006 là Yagyū Jūbei nanaban shōbu Shimabara no ran』(Yagyū Jūbei 7 phen thắng phụ, loạn Shimabara) (trọn 7 tập) và Yagyū Jūbei nanaban shōbu Saigo no tatakai(Yagyū Jūbei 7 phen thắng phụ, trận chiến cuối cùng) (trọn 8 tập). Loạt phim này còn dc phát sóng lại từ 24-2-2006~31-3-2006 trên kênh chuyên về Jidaigeki của đài NHK BS Premium. Diễn xuất. Hồi 1 Hồi 2 Hồi 3 Hồi 4 Hồi 5 Hồi 6 Bài hát chủ đề. "Tatakai tsuzukeru otoko tachi e"
1
null
Vườn quốc gia tại Argentina là một mạng lưới bao gồm 33 vườn quốc gia. Các địa điểm này bao gồm rất nhiều dạng địa hình và môi trường sinh thái, từ vườn quốc gia Baritú trên biên giới phía Bắc với Bolivia tới Vườn quốc gia Tierra del Fuego ở xa về phía nam của lục địa. Việc thành lập các vườn quốc gia bắt đầu vào năm 1903 khi 73 dặm vuông đất ở chân dãy Andes gần thị trấn Francisco Moreno, thuộc tỉnh Santa Cruz được đưa vào quản lý. Điều này tạo thành hạt nhân của một khu vực được bảo vệ lớn hơn ở Patagonia gần San Carlos de Bariloche. Năm 1934, một đạo luật đã được thông qua việc thành lập hệ thống các vườn quốc gia, hình thành các khu vực được bảo vệ đầu tiên là Vườn quốc gia Nahuel Huapi và vườn quốc gia Iguazú. Lực lượng cảnh sát của các vườn quốc gia cũng đã được thành lập, thực thi pháp luật, ngăn ngừa chặt phá rừng và săn bắn. Nhiệm vụ ban đầu của họ phần lớn là để thiết lập chủ quyền quốc gia trên các khu vực tranh chấp và bảo vệ biên giới. Năm vườn quốc gia tiếp tục được thành lập vào năm 1937 tại Patagonia và các thị trấn mọc ra với dịch vụ và kế hoạch để thúc đẩy du lịch và giáo dục. Sáu vườn quốc gia khác được thành lập vào năm 1970. Năm 1970, một đạo luật mới thành lập bảo vệ các nhóm vườn quốc gia mới, thành lập các vườn quốc gia về di tích quốc gia, khu bảo tồn giáo dục và khu bảo tồn tự nhiên. Ba vườn quốc gia đã được công bố trong những năm 1970. Trong năm 1980, một luật mới khẳng định vị thế của các vườn quốc gia - pháp luật này vẫn còn có hiệu lực tới ngày nay. Những năm 1980 chứng kiến ​​việc cộng đồng và chính quyền địa phương đã giúp đỡ trong việc điều hành và phát triển các vườn quốc gia. Mười vườn quốc gia tiếp tục được thành lập với sự hợp tác và giúp đỡ của dân địa phương. Năm 2000, Vườn quốc gia Mburucuyá và vườn quốc gia Copo đã được thành lập, cùng với El Leoncito là một khu bảo tồn thiên nhiên đã được nâng lên thành một vườn quốc gia. Trụ sở của Cục vườn quốc gia là tại trung tâm thành phố Buenos Aires, trên khu phố Santa Fe Avenue. Một thư viện và trung tâm thông tin được mở cửa cho công chúng mỗi ngày. Dưới đây là danh sách 33 vườn quốc gia trên đất liền cùng với 3 vườn quốc gia biển của Argentina (1 vườn quốc gia dự kiến thành lập). Danh sách. Vào ngày 06 tháng 8 năm 2011, "dự án thành lập Vườn quốc gia La Fidelidad", với diện tích 1480 km² trên địa bàn tỉnh Chaco. Đến ngày 24 tháng 10 năm 2014, theo Luật 26.996 được sự đồng thuận nhất trí bởi hạ viện và thượng viện Argentina, Vườn quốc gia El Impenetrable chính thức được thành lập. Tháng 2 năm 2013, nỗ lực để thành lập vườn quốc gia Somuncurá, nằm ​​trên cao nguyên rộng lớn của tỉnh Río Negro, kéo dài 1.4 triệu ha tương đương với 14000 km², làm cho nó trở thành vườn quốc gia lớn nhất tại Argentina.
1
null
Lạc vào xứ Oz vĩ đại và quyền năng (tựa tiếng Anh: Oz the Great and Powerful) là một bộ phim phiêu lưu hài hước của Hoa Kỳ sản xuất năm 2013, đạo diễn bởi Sam Raimi, sản xuất bởi Joe Roth, và kịch bản do David Lindsay-Abaire và Mitchell Kapner viết. Các diễn viên thủ vai chính trong phim bao gồm James Franco trong vai "phù thủy xứ Oz" Oscar Diggs, Mila Kunis trong vai "phù thủy độc ác của miền Tây" Theodora, Rachel Weisz trong vai "phù thủy độc ác của miền Đông" Evanora, và Michelle Williams trong vai Glinda "phù thủy tốt bụng". Zach Braff, Bill Cobbs, Joey King và Tony Cox đảm nhiệm các vai phụ còn lại. Bộ phim được dựa trên bộ tiểu thuyết Oz của nhà văn L. Frank Baum, và cũng để tưởng nhớ tới bộ phim "Phù thủy xứ Oz" sản xuất năm 1939 bởi hãng MGM. Lấy bối cảnh từ 20 năm trước so với các sự kiện xảy ra trong bộ sách, "Lạc vào xứ Oz vĩ đại và quyền năng" tập trung vào nhân vật "phù thủy xứ Oz" Oscar Diggs, người đã lạc vào xứ Oz diệu kỳ và gặp gỡ ba phù thủy: "phù thủy độc ác của miền Tây" "Theodora", "phù thủy độc ác của miền Đông" "Evanora" và "Glinda" "phù thủy tốt bụng". Oscar sau đó gia nhập vào công cuộc tìm lại trật tự và hòa bình ở xứ Oz, cùng lúc đó anh cũng chiến đấu để hòa giải những bất đồng với những phù thủy kia và với cả chính bản thân mình. "Lạc vào xứ Oz vĩ đại và quyền năng" lần đầu ra mắt ở rạp El Capitan vào ngày 14 tháng 2 năm 2013, và được phát hành tại hầu hết các rạp bởi Walt Disney Pictures vào ngày 8 tháng 3 năm 2013, dưới định dạng Disney Digital 3D, RealD 3D và IMAX 3D, cũng như ở các rạp truyền thống. Mặc dù nhận được nhiều ý kiến phê bình trái chiều, bộ phim đã đạt được doanh thu vang dội, thu về 491 triệu USD toàn cầu, 149 triệu USD giành được vào tuần đầu tiên công chiếu trên toàn thế giới. Cốt truyện. Vào năm 1905 ở Kansas, ‘’Oscar "Oz" Diggs’’ là nhà ảo thuật làm việc cho một gánh xiếc lưu động. Khi cơn bão ập đến, một người đàn ông cực kỳ khỏe mạnh làm việc tại gánh xiếc phát hiện Oscar đã ve vãn vợ mình và đuổi theo anh ta. Oscar trốn thoát trong một chiếc khinh khí cầu, nhưng bị hút vào cơn lốc xoáy và cơn lốc ấy đã đưa anh ta tới vùng đất Oz. Ở đó, anh ta gặp một phù thủy xinh đẹp nhưng vẫn còn rất ngây thơ tên là Theodora, người tin rằng anh ta chính là vị pháp sư được tiên tri sẽ tiêu diệt được tên phù thủy độc ác đã giết vị vua của xứ Oz. Đang trên đường tới thành phố Emerald, Theodora đã yêu Oscar. Họ bất ngờ gặp chú khỉ biết bay Finley, người mang nợ Oscar mạng sống khi Oscar cứu nó khỏi một con sư tử. Oscar giãi bày với Finley rằng mình thực ra không phải là một vị pháp sư. Ở thành phố Emerald, Oscar gặp người chị của Theodora tên là Evanora, người nói với anh rằng tên phù thủy độc ác đang cư trú ở Khu rừng tối và sẽ bị giết nếu phá hủy được chiếc đũa thần của cô ấy, bởi đó là cội nguồn của mọi sức mạnh của cô ta. Quyết định sẽ ăn cắp chiếc đũa thần đó, Oscar và Finley có thêm người bạn đồng hành tới khu rừng là Cô bé sứ, một búp bê bằng sứ còn trẻ và biết nói; ngôi làng và gia đình của cô đã bị phá hủy bởi tên phù thủy độc ác. Ba người tới được khu rừng, và lúc đang đi lấy trộm cây đũa thần, họ phát hiện "tên phù thủy độc ác" thật ra là Glinda "phù thủy tốt bụng", người đã kể cho họ nghe rằng Evanora mới là "phù thủy độc ác" thật. Evanora đã nhìn thấy việc này qua quả bóng pha lê của cô ta và khiến Theodora ghen tức với Oscar, hiểu nhầm rằng anh ta đang cố ve vãn cả ba cô phù thủy. Cô ta liền đưa cho Theodora, người đang tan nát trái tim, một quả táo thần sẽ xóa bỏ mọi đau khổ của cô. Theodora đã cắn nó, nhưng lúc cô nhận ra Evanora là phù thủy độc ác thực sự thì đã quá muộn. Quả táo đó đã biến cô thành một phù thủy độc ác có màu da xanh lè. Glinda đưa nhóm của Oscar tới lãnh địa của Oz để trốn thoát khỏi lũ winkies và khỉ đầu chó trong quân đội của Evanora. Cô nói riêng với Oscar rằng cô biết anh không phải là pháp sư thật. Tuy nhiên, cô vẫn tin rằng họ có thể cùng nhau ngăn Evanora được, và cho anh một "quân đội" bao gồm các Quadlings (những người nông dân), tinkers (những người thợ hàn) và Munchkins (những người lùn). Theodora xâm nhập lãnh địa của Glinda và tức giận cho Oscar biết về bộ dạng mới kinh khủng của mình trước khi đe dọa sẽ giết Oscar và mọi người đi theo anh ta với quân đội được huấn luyện chu đáo của thành phố Emerald. Oscar hết hi vọng vào cơ hội của mình, tuy nhiên sau khi kể cho cô bé sứ nghe câu chuyện về những thành công chói lọi của vị anh hùng Thomas Edison, anh ta nhận ra rằng họ có thể chiến đấu nhờ vào những trò ảo thuật khéo tay của mình. Glinda và những thần dân của cô mở một cuộc tấn công giả vờ vào lâu đài của những Phù thủy độc ác bằng cách sử dụng lũ bù nhìn điều khiển bằng ròng rọc, được che bằng những đám khói dày. Những tên phù thủy bị lừa khi tung ra lũ khỉ đầu chó của mình vào cánh đồng đầy cây thuốc phiện sẽ ru ngủ chúng. Tuy nhiên, hai tên khỉ đầu chó đã bắt được Glinda. Sau đó cô bị đưa tới quảng trường thành phố và trói chặt lại. Trong lúc đó, Oscar đã thâm nhập vào thành phố Emerald với các đồng minh của mình, chỉ giả vờ bỏ đi trên một chiếc khinh khí cầu chở đầy vàng, sau đó đã bị Theodora phá hủy bằng một quả cầu lửa. Oscar sau đó đã bí mật tới chỗ các bạn mình, nói rằng cái chết của mình chỉ là giả mà thôi. Sử dụng một chiếc máy tạo khói được giấu kín và một máy chiếu hình ảnh, anh ta biểu diễn hình ảnh ba chiều khổng lồ của khuôn mặt mình trong hình dạng "thật", và một cuộc trình diễn pháo hoa để tấn công và đe dọa những phù thủy xấu xa. Evanora sợ hãi trốn trong lâu đài của mình trong khi Theodora tìm cách trốn thoát với cái chổi của mình, không thể nào làm bị thương được vị pháp sư không thể khuất phục. Cô bé sứ đã giải thoát cho Glinda, người đánh bại Evanora, phá hủy cái vòng cổ bằng ngọc lục bảo của phù thủy xấu xa đã che giấu bề ngoài già nua thật của mình. Phù thủy Evanora đang bị xua đuổi cuối cùng cũng được hai con khỉ đầu chó còn sót lại cắp đi. Oscar, giờ đây là vua của xứ Oz, sử dụng chiếc máy chiếu để giữ được niềm tin của mọi người rằng anh là một pháp sư quyền năng. Anh ta cũng mang đến những món quà cho những người bạn của mình: thợ hàn trưởng, người đã giúp anh lắp ráp máy móc, nhận được con dao gập dùng trong các chuyến cắm trại của Oscar; Knuck, người lùn hay gắt gỏng, sứ giả của Glinda, nhận được một chiếc mặt nạ với cái miệng cười; Finley, một người rất nhẫn nại, giành được tình bạn đẹp với Oscar cùng với chiếc mũ đội đầu của anh; và cô bé sứ đã chấp nhận những người bạn như là một gia đình mới của mình. Cuối cùng, Oscar đưa Glinda trở ra phía sau chiếc rèm của chiếc máy chiếu và hôn cô. Sự kế tục. "Lạc vào xứ Oz vĩ đại và quyền năng" lấy bối cảnh vào năm 1905, 20 năm trước những sự kiện được nhắc tới trong bộ tiểu thuyết gốc "Phù thủy xứ Oz". Bộ phim thể hiện một số phong cách nghệ thuật và tiến bộ kĩ thuật tương đồng với bộ truyện và bộ phim sản xuất năm 1939. Phần mở đầu của bộ phim được thể hiện dưới dạng hình ảnh đen trắng, rồi dần chuyển sang phim có màu khi nam diễn viên chính lạc vào xứ Oz; thêm và đó, kích thước khung cảnh cũng từ từ mở rộng từ kích cỡ 4:3 sang màn ảnh rộng 2.35:1, và âm thanh cũng chuyển đổi từ hệ âm thanh một kênh sang hệ âm thanh vòng. Giống như bộ phim được sản xuất năm 1939, Glinda di chuyển trong những bong bóng khổng lồ, và thành phố Emerald thực sự có màu ngọc lục bảo (giống như tên gọi của nó); trong cuốn tiểu thuyết, các nhân vật đeo kính màu để khiến cho mọi thứ xuất hiện như vậy. Vẻ bề ngoài màu xanh lá cây trông như tượng của "phù thủy độc ác của miền Tây" trông giống vẻ ngoài của cô ta trong bộ phim cũ hơn, bởi trong tiểu thuyết, phù thủy là một bà già thấp chỉ có một bên mắt. Những phù thủy độc ác được miêu tả là những chị em, một ý tưởng bắt nguồn từ bộ phim năm 1939. Một số diễn viên đóng vai các nhân vật trong vùng đất Oz cũng đã tham gia diễn xuất trong phân cảnh ở Kansas, ví dụ như Frank, người trợ lý của Oscar mà anh ta coi như là "con khỉ đã được huấn luyện" của mình (nhân vật của Frank trong vùng đất Oz là con khỉ có cánh Finley), và cô gái ngồi trên xe lăn tại phân cảnh Kansas có nhiều nét tương đồng với cô gái bằng sứ (ở Kansas Oscar đã không thể làm cho cô gái tàn tật ngồi trên xe lăn ấy đi được và anh ta đã có cơ hội thực hiện điều này khi anh ta chữa cái chân bị gãy của cô bé sứ). Một nhân vật khác, Annie (Michelle Williams), nhắc Oscar rằng cô ấy đã được hứa hôn với John Gale, có lẽ cũng là lời gợi ý về dòng dõi của cha mẹ Dorothy Gale. Một số các nhân vật tham khảo khác bao gồm Con bù nhìn, được dựng lên bởi những người dân trong thành phố như một mẹo gây sợ hãi; Tin Woodman (người bằng gỗ), người sáng tạo ra nó được giới thiệu là Master Tinker; và Con hổ nhút nhát đã bị Oscar dọa đuổi đi sau khi nó tấn công Finley. Tương tự như vậy, nhiều nhân vật khác nhau của Oz cũng được miêu tả lại bên cạnh những người Munchkins; vương quốc Quadlings, những người sống cùng với cô bé sứ ở thế giới sứ, và lũ Winkies (bọn chúng không có tên cụ thể trong bộ phim ngày xưa). Giống như thế, Glinda - ít nhất là trong khi cô bị tạm thời xua đuổi - cũng được nói đến bởi tên gọi của cô trong tiểu thuyết (phù thủy tốt bụng của miền Nam), không giống như bộ phim năm 1939, ở đó tên của cô là "Phù thủy tốt bụng của miền Bắc" (bởi nhân vật này bị hợp nhất với nhân vật "Phù thủy tốt bụng của miền Bắc"). Nước mắt của Theodora để lại những vết sẹo trên mặt cô, cho thấy sự yếu đuối của cô với nước (điều đã gây ra kết cục phải chịu khuất phục của cô trước Dorothy vị cứu tinh của xứ Oz). Thêm nữa, Oz được giới thiệu là một thế giới có thực giống như trong cuốn tiểu thuyết, khác với bộ phim năm 1939, nó chỉ là một giấc mơ. Dàn diễn viên. Raimi, người thường tuyển bạn bè và các diễn viên không chuyên vào các vai phụ, đã tuyển người em trai của mình, Ted Raimi trong vai một người có tính hoài nghi ở thị trấn nhỏ trong buổi biểu diễn ảo thuật của Oscar, người đã kêu lên rằng "Tôi thấy sợi dây!"; Jim Moll, thầy giáo dạy kịch trước đây của anh ở trường Birmingham Groves High School, trong vai người dân thị trấn số 10; Jim Bird, giáo viên dạy môn nghiên cứu xã hội trước đây của anh tại trường Birmingham West Maple Middle School (Junior High) và "Những người phụ nữ của cái chết độc ác" — các nữ diễn viên Ellen Sandweiss, Betsy Baker và Theresa Seyferth a.k.a. Theresa Tilly a.k.a. Sarah York từ bộ phim "The Evil Dead" của Raimi —trong vai ba người dân thị trấn Quadling. Sản xuất. Lịch sử của Disney với "Oz". Sau thành công của bộ phim Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn năm 1937, Walt Disney lên kế hoạch sản xuất một bộ phim hoạt hình dựa trên cuốn truyện đầu tiên trong bộ sách "Oz" của nhà văn L. Frank Baum. Roy O. Disney, chủ tịch của Walt Disney Studios, được Baum thông báo rằng họ đã bán bản quyền sản xuất phim dựa trên cuốn truyện đầu tiên đó cho Samuel Goldwyn, người sau đó đã bán lại cho Louis B. Mayer vào năm 1938. Dự án được phát triển bởi Metro-Goldwyn-Mayer thành bộ phim nhạc kịch chuyển thể nổi tiếng "The Wizard of Oz" với các vai chính thuộc về Judy Garland, Ray Bolger, Bert Lahr, Jack Haley, Margaret Hamilton và Billie Burke, ra mắt vào năm sau đó. Vào năm 1954, khi bản quyền phim của mười ba cuốn sách còn lại của bộ "Oz" vẫn còn đang để ngỏ, Walt Disney Productions giành được chúng phục vụ việc sử dụng cho series phim truyền hình của Walt Disney "Disneyland" và bộ phim người đóng "Con đường cầu vồng tới xứ Oz", tuy nhiên dự án đã bị bỏ dở và không bao giờ được hoàn thành nữa. Lịch sử của Disney với series truyện "Oz" tiếp diễn với bộ phim ra mắt năm 1985 "Trở lại xứ Oz", nhận được phản ứng nghèo nàn cả về chuyên môn lẫn doanh thu, nhưng vẫn phát triển một phiên bản kế tục từ sau lần ra mắt đó. Sau bộ phim "Trở lại xứ Oz", Disney để mất bản quyền sản xuất phim sang bộ sách "Oz" và sau đó chúng đã chuyển sang dạng cho sử dụng tự do. Vào năm 2005, lịch sử của Disney với series "Oz" tiếp tục với bộ phim truyền hình nhạc kịch "Phù thủy xứ Oz của những con rối Muppets" bắt đầu loạt phim The Muppets, được công chiếu trên đài truyền hình ABC (Hoa Kỳ). Vào năm 2012, lịch sử của Disney với series "Oz" một lần nữa tiếp tục với "March of the Oreos". Đây là một bài hát xuất hiện trong bộ phim hoạt hình Wreck-It Ralph (2012). Bài hát được thể hiện bởi những người lính gác cho nhà vua Candy và đây chính là một phiên bản lấy ý tưởng từ bài hát "March of the Winkies" từ bộ phim Phù thủy xứ Oz (1939). Quá trình phát triển. Nhà viết kịch bản Mitchel Kapner đã bị hấp dẫn bởi viễn cảnh khám phá nguồn gốc của các nhân vật trong "Phù thủy xứ Oz" sau khi đọc cuốn tiểu thuyết thứ 6 trong series "Thành phố Emerald của xứ Oz". Nhà sản xuất Joe Roth cũng tham gia với lý do gần như tương tự Kapner, ông phát biểu rằng "...trong những năm tôi dành để điều hành Walt Disney Studios – tôi đã biết để tìm ra một câu chuyện cổ tích với nhân vật nam chính tốt khó đến mức nào. Bạn đã được xem Người đẹp ngủ trong rừng (1959), Cô bé Lọ Lem (1950) và Alice (1951). Nhưng một câu chuyện cổ tích với nhân vật nam chính thực sự rất khó tìm. Nhưng với câu chuyện gốc của "Phù thủy xứ Oz", đây chính là một câu chuyện cổ tích có nhân vật nam chính một cách hết sức tự nhiên. Đó chính là lý do vì sao tôi biết đây là ý tưởng thực sự đáng theo đuổi cho một bộ phim." Kapner và người đồng sáng tác Palak Patel đã trình bày ý tưởng trên với Sony Pictures nhưng bị từ chối. Năm 2009, dự án được thiết lập ở Walt Disney Pictures khi trường quay này đặt hàng bộ phim "Lạc vào xứ Oz vĩ đại và quyền năng" dưới tên tạm thời trong quá trình sản xuất là "Brick". Thời kì này Dick Cook đang đảm nhiệm vai trò chủ tịch của Walt Disney Studios, người kế tục ông sau này là Rich Ross và tiếp đó là Alan Horn, sự thay đổi trong quản lý liên tục như vậy thường khiến cho các tác phẩm chính ra mắt công chúng khó lòng tồn tại được qua nhiều đời chủ tịch. David Lindsay-Abaire sau đó đã được bổ nhiệm làm giám đốc sản xuất trở lại, thay cho Patel. Sản xuất tiền kỳ. Ban đầu Roth tìm đến Robert Downey, Jr. cho vai diễn Pháp sư vào tháng 4 năm 2010. Vào mùa hè năm đó, Sam Raimi được thuê làm đạo diễn cho phim từ một danh sách ứng cử bao gồm cả các đạo diễn Sam Mendes và Adam Shankman. Vào tháng 1 năm 2011, Raimi gặp gỡ Downey, nhưng không giấu giếm việc casting của mình. Khi thấy Downey không mấy hào hứng với vai diễn, Johnny Depp là người tiếp theo được tiếp cận nhờ quan hệ hợp tác trước đó của anh với công ty trong loạt phim và thương hiệu "Cướp biển vùng Caribbean" và "Alice ở xứ sở thần tiên" (2010). Depp thích vai diễn này nhưng từ chối tham gia, lấy lý do rằng anh đang làm việc cho một dự án phim tent-pole khác của Disney, "The Lone Ranger". Bộ phim không tìm được diễn viên chính cho tới khi James Franco bước vào đàm phán để đảm nhận vai chính cho bộ phim (cùng với khoảng 7 triệu USD thù lao), năm tháng trước khi bộ phim được bấm máy theo kế hoạch. Franco và Raimi đã từng làm việc cùng nhau trong loạt phim 3 phần "Người nhện" trước đây. Franco tiếp tục được ảo thuật gia Lance Burton đào tạo để chuẩn bị cho vai diễn. Nhà viết kịch bản Mitchell Kapner tìm hiểu các thông tin về vị Pháp sư từ tiểu thuyết của L. Frank Baum để phác thảo một câu chuyện ban đầu. Raimi muốn bộ phim có một chút hơi hướng giống với phiên bản 1939 và bổ sung cho bộ phim những tình tiết tương tự phiên bản này. Disney muốn giảm kinh phí sản xuất cho phim xuống khoảng xấp xỉ 200 triệu USD. Vào tháng 6 năm 2011, nhạc soạn nhạc Danny Elfman được chọn để viết nhạc cho phim "Lạc vào xứ Oz vĩ đại và quyền năng"', mặc dù Elfman và Raimi đã từng có những bất đồng khi sản xuất "Người nhện 2" (2004) và Elfman tuyên bố họ sẽ không bao giờ làm việc cùng nhau nữa. Việc tuyển chọn diễn viên cho phim được giao cho các diễn viên địa phương ở Michigan. Quay phim. Công tác quay phim tại hiện trường cho "Lạc vào xứ Oz vĩ đại và quyền năng" bắt đầu vào ngày 25 tháng 7 năm 2011, tại Raleigh Michigan Studios ở Pontiac, Michigan, sử dụng các máy quay định dạng 3D. Raimi quyết định sử dụng các trường quay thật kết hợp với công nghệ mô phỏng hình ảnh trên máy tính (computer-generated imagery – CGI) trong quá trình quay phim. Các trường quay thực tế được xây dựng để các diễn viên có được sự tưởng tượng trực quan hơn, chứ không sử dụng công nghệ "màn hình xanh" (Chroma key) cho tất cả các cảnh. Kĩ thuật màn hình xanh (Chroma key) chỉ được sử dụng cho những cảnh nền phía sau. Zach Braff và Joey King cũng có mặt tại trường quay, thu âm các đoạn đối thoại cùng lúc với các diễn viên khác mỗi khi các nhân vật được tạo ra trên máy tính (CG) của họ xuất hiện trong các phân cảnh. Các con rối cũng được huy động để có một phiên bản thực tế của Cô bé sứ, giúp các diễn viên có một cái nhìn trực quan hơn để diễn xuất. Braff mặc một bộ quần áo chuyển động màu xanh da trời để thực hiện những chuyển động của Finley và có một máy quay cận cảnh khuôn mặt để ghi lại những chuyển động trên khuôn mặt Finley trong những cảnh bay. Giám đốc nghệ thuật Robert Stromberg, người từng làm việc với các bộ phim "Avatar" và "Alice ở xứ sở thần tiên", lấy cảm hứng từ bộ phim của Frank Capra và James Wong Howe để đạt được mẫu thiết kế Art Deco mà ông đã hình dung trong đầu cho thành phố Emerald. Stromberg tạo ra sự tương phản giữa phần hình ảnh đầy màu sắc rực rỡ của "Oz" với khung cảnh có phần giản dị của "Alice", cho biết rằng mặc dù cả hai bộ phim cùng hướng tới những thế giới kì ảo tương tự, không khí và khung cảnh chung của hai bộ phim là "hoàn toàn khác nhau". Vào năm 2011, Stromberg và nhóm của ông đến thăm kho lưu trữ của Walt Disney trong giai đoạn sản xuất tiền kỳ để tham khảo phong cách sản xuất nghệ thuật từ các phim hoạt hình Disney trước đó như "Pinocchio", "Bambi", "Fantasia", "Cô bé Lọ Lem", "Người đẹp ngủ trong rừng", "Alice ở xứ sở thần tiên", và "Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn", thu thập từ các thiết kế và chất liệu nhằm đưa tới cho phim một chút hơi hướng từ phong cách cổ điển của Disney. Nhà thiết kế phục trang Gary Jones tập trung vào tính chân thực của các thiết kế: "Chúng tôi bắt đầu bằng việc nghiên cứu cẩn thận và phác thảo ý tưởng về kiểu dáng của trang phục cho giống với thời kỳ lịch sử đó nhưng khi bắt tay vào công việc, chúng tôi tạo ra một thế giới khác hẳn". Đội sản xuất phải làm việc dưới sự ràng buộc với các quy định của Warner Bros., chủ sở hữu hợp pháp của những yếu tố mang tính chuẩn mực trong phiên bản phim năm 1939 của MGM (thông qua chi nhánh của nó Turner Entertainment), bao gồm cả đôi dép bằng đá ruby của Judy Garland. Do vậy, Disney không thể sử dụng chúng hay bất kì nhân vật nào tương tự từ bộ phim đó. Điều này dẫn tới màu da xanh lá cây của phù thủy độc ác, được Disney sử dụng khi bộ phận quản lý tính hợp pháp của họ xem là một hình ảnh hoàn khác gọi là "Theostein" (một sự kết hợp của "Theodora" và "Frankenstein"). Thêm nữa, công ty này cũng không thể sử dụng ‘’cái nốt ruồi ở cằm’’ ở hình tượng của Margaret Hamilton trong vai "Phù thủy độc ác của miền Tây", và cũng không thể sử dụng thiết kế ‘’gió xoáy’’ trên con đường gạch vàng cho Munchkinland. Cùng với những vấn đề pháp lý, đoàn phim cũng phải đối mặt với nhiều lần trì hoãn khi một số diễn viên bận tham gia một số công việc không liên quan khác. Rachel Weisz giữa lúc đang quay phim để tham gia vai diễn chính của cô trong "The Bourne Legacy", Michelle Williams buộc phải tham gia thúc đẩy cho lễ ra mắt của "My Week with Marilyn", và bố của Franco qua đời trong khi quá trình sản xuất đang tiến hành. Roth so sánh việc sắp xếp các lịch chồng chéo nhau của các diễn viên với "việc kiểm soát không lưu" vậy. Phần hóa trang và các bộ phận giả của Mila Kunis cần tới bốn giờ để có tác dụng và một giờ nữa để loại bỏ, và Kunis mất tới gần hai tháng để chữa khỏi hoàn toàn hậu quả của những vết hóa trang khỏi da của cô. Sản xuất hậu kỳ. Raimi phải chữa lại một số chi tiết khung cảnh thiên nhiên ghê sợ để nhận được đánh giá PG mong muốn của Disney từ MPAA. Sony Pictures Imageworks được ký hợp đồng thực hiện hiệu ứng đặc biệt và kỹ xảo cho phim. Âm nhạc. Nhà soạn nhạc Danny Elfman ghi chú rằng phần nhạc của phim có thể được sản xuất nhanh chóng, với phần lớn nhạc phim được viết chỉ trong sáu tuần. Nói về chất lượng của phần nhạc phim, Elfman phát biểu, "Chúng tôi đang tiếp cận với phong cách cổ điển nhưng có ý thức không để nó trở nên lỗi thời. Hãy để kịch mê-lô (một loại kịch phóng đại) là chính kịch mê-lô, hãy để mọi thứ là chính nó. Tôi cũng nghĩ rằng có một điều thuận lợi khi tôi có thể viết nhạc kiểu tường thuật, và khi tôi có thể viết kiểu nhạc tường thuật thì tôi có thể viết nhanh hơn, vì đây chính là năng khiếu của tôi: tôi có thể kể một câu chuyện bằng âm nhạc." Ca sĩ kiêm nhạc sĩ người Mỹ Mariah Carey ghi âm một single pop quảng cáo có tên "Almost Home" viết bởi Carey, Simone Porter, Justin Gray, Lindsey Ray, Tor Erik Hermansen, và Mikkel Eriksen (a.k.a. Stargate) cho phần nhạc phim. Single này được phát hành ngày 19 tháng 2 năm 2013 bởi Island Records. Nhạc phim. Phần nhạc phim gốc cho "Lạc vào xứ Oz vĩ đại và quyền năng" được phát hành trên đĩa và trên định dạng kĩ thuật số bởi Walt Disney Records vào ngày 5 tháng 3 năm 2013. Phiên bản đĩa CD được phát hành trên cơ sở hợp tác với Intrada Records. Phát hành. Vào tháng 5 năm 2011, trước khi việc bấm máy bắt đầu, Walt Disney Studios Motion Pictures định ngày phát hành ra rạp ở Bắc Mĩ của phim "Lạc vào xứ Oz vĩ đại và quyền năng" vào ngày 8 tháng 3 năm 2013. Bộ phim ra mắt lần đầu tại rạp El Capitan Theatre ở Hollywood vào ngày 14 tháng 2 năm 2013. Disney phát hành phim rộng rãi tới 3,912 rạp. Quá trình tiếp thị và quảng cáo. Để quảng cáo cho bộ phim, Disney hợp tác với IMAX Corporation và HSN (Home Shopping Network) tổ chức một chiến dịch khinh khí cầu khắp toàn Hoa Kỳ, bắt đầu ở California tại Walt Disney Studios ở Burbank, dừng ở bốn địa điểm: rạp El Capitan Theatre trong lần ra mắt đầu tiên, Disneyland Resort ở Anaheim, Daytona International Speedway ở Florida và Central Park ở New York City. Disney cũng đồng thời quảng cáo bộ phim tại các công viên giải trí của họ; "Lễ hội hoa và vườn quốc tế" ở Epcot trình diễn một khu vườn đa chức năng và một khu vui chơi lấy chủ đề từ bộ phim và Disney California Adventure một số cảnh mẫu ở rạp Muppet*Vision 3D theatre. Phát hành tại gia đình. "Lạc vào xứ Oz vĩ đại và quyền năng" được phát hành bởi Walt Disney Studios Home Entertainment trên đĩa Blu-ray, Blu-ray 3D, DVD và bản download kĩ thuật số vào ngày 11 tháng 6 năm 2013. Bộ phim là sản phẩm đầu tiên của Disney không đi kèm một bản sao đĩa kĩ thuật số, thay vào đó họ chỉ cung cấp một phiên bản cho phép tải về từ trên mạng. "Lạc vào xứ Oz vĩ đại và quyền năng" giành được vị trí số 1 vào tuần đầu tiên phát hành phiên bản mua về tại gia đình về doanh số bán đĩa với 46% doanh thu đến từ phiên bản đĩa Blu-ray. Phản hồi. Doanh thu. "Lạc vào xứ Oz vĩ đại và quyền năng" thu được 234,903,076 USD ở Hoa Kỳ và Canada, và 257,000,000 USD ở các nước khác; và tính đến ngày 14 tháng 7 năm 2013, đạt được doanh thu toàn cầu là 491,903,076 USD. Đây là bộ phim có doanh thu cao thứ 5 năm 2013 toàn cầu và là bộ phim có doanh thu cao thứ 89 ở Bắc Mĩ. Các báo cáo sơ bộ cho biết bộ phim đã thu được từ 80 – 100 triệu USD cho lần đầu ra mắt ở Bắc Mĩ. Bộ phim thu được 2 triệu USD từ các buổi chiếu lúc 9 giờ tối vào tối thứ năm. Vào ngày đầu ra mắt, "Lạc vào xứ Oz vĩ đại và quyền năng" thu được 24.1 triệu USD, trở thành bộ phim có doanh thu ngày ra mắt cao thứ tư của tháng 3. Trong dịp cuối tuần đầu tiên ra mắt, bộ phim đứng đầu về doanh số với 79.1 triệu USD lợi nhuận, trở thành bộ phim có doanh thu vào dịp cuối tuần đầu tiên cao thứ ba của tháng 3. Do dù bộ phim có doanh số ra mắt cao hơn hầu hết tất cả các phim khác, "Lạc vào xứ Oz vĩ đại và quyền năng" vẫn bị "Alice ở xứ sở thần tiên" (2010) bỏ xa với doanh số khi mới ra mắt đạt 116.1 triệu USD. Phiên bản 3D của bộ phim chiếm 53% lợi nhuận dịp cuối tuần đầu ra mắt. 52% khán giả tới rạp là phụ nữ. Điều đáng ngạc nhiên là, số gia đình đến xem chỉ đạt 41% khán giả, trong khi các cặp đôi đến rạp chiếm tới 43%. Bộ phim vẫn đứng ở vị trí đầu bảng về doanh số ở dịp cuối tuần thứ hai ra mắt với 41.3 triệu USD lợi nhuận. Ở ngoài Bắc Mĩ, bộ phim thu được 69.9 triệu USD lợi nhuận trong dịp cuối tuần đầu tiên ra mắt từ 46 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong số các thị trường đó, doanh số cao nhất của bộ phim là ở Nga và khối Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) (14.7 triệu USD), Trung Quốc (9.06 triệu USD) và Pháp và khu vực Maghreb (5.77 triệu USD). Doanh số tuần mở đầu của bộ phim theo sau "Alice ở xứ sở thần tiên" ngoại trừ ở Nga và khối Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS). Nó vẫn giữ được vị trí đầu tiên về doanh thu ở ngoài Bắc Mĩ trong dịp cuối tuần thứ hai nữa. Về tổng doanh số, những quốc gia 'Oz' thu được lợi nhuận cao nhất là Nga và khối Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) (27.3 triệu USD), Trung Quốc (25.5 triệu USD) và Anh, Ireland, Malta (22.3 triệu USD). Trước khi ra mắt tại các rạp, một số nguồn tin cho biết "Lạc vào xứ Oz vĩ đại và quyền năng" được kì vọng sẽ lặp lại doanh thu giống như bộ phim "Alice ở xứ sở thần tiên" (2010). Tuy nhiên, "Oz" chỉ thu được số lợi nhuận chưa bằng một nửa doanh thu toàn cầu của "Alice". Phần kế tiếp. Vào ngày 7 tháng 3 năm 2013, tạp chí "Variety" xác nhận rằng Disney đã chấp thuận kế hoạch cho phần tiếp theo, với sự tham gia lần nữa của Mitchell Kapner trong vai trò người viết kịch bản. Mila Kunis nói trong một buổi phỏng vấn với E! News, "Chúng tôi đều đã chấp thuận việc sản xuất các phần tiếp theo." Vào ngày 8 tháng 3 năm 2013, Sam Raimi phát biểu với "Bleeding Cool" rằng ông không có ý định đạo diễn các phần sau, "Tôi đã để ngỏ kết thúc cho một đạo diễn khác nếu họ có ý định sản xuất các phần sau," và "Tôi bị hấp dẫn bởi cốt truyện nhưng không nghĩ rằng một phần thứ hai sẽ có điều gì đó khiến tôi hào hứng." Kapner và Roth đều nói rằng phần tiếp theo "chắc chắn sẽ không có" Dorothy, khi Kapner chỉ ra rằng có tới hai mươi năm giữa các sự kiện xảy ra trong phim và khi Dorothy xuất hiện, và "có nhiều chuyện có thể xảy ra trong quãng thời gian đó ".
1
null
là cầu thủ bóng đá người Nhật Bản. Ông thi đấu cho đội tuyển quốc gia Nhật Bản. Sự nghiệp đội tuyển quốc gia. Tháng 5 năm 1934, Abe được chọn vào đội tuyển quốc gia Nhật Bản tham dự Đại hội Thể thao Viễn Đông 1934 ở Manila. Tại giải đấu này, vào ngày 13 tháng 5, ông có trận đấu ra mắt trước Đông Ấn Hà Lan. Ngày 15 tháng 5, ông cũng thi đấu trước Philippines. Ông thi đấu 2 trận cho Nhật Bản năm 1934.
1
null
Hồ Tài Huệ Tâm là một giáo sư sử học tại Đại học Harvard, Mỹ. Bà lớn lên ở Sài Gòn, du học Mỹ năm 1966, lấy bằng thạc sĩ, rồi tiến sĩ sử học Việt Nam và Trung Quốc ở Đại học Harvard vào năm 1977. Sau đó bà dạy ở trường này từ năm 1980 tới nay. Gia thế. Hồ Tài Huệ Tâm là con gái của nhà trí thức cách mạng Hồ Hữu Tường, người đã từng tham gia tham gia phong trào Đệ Tứ Quốc tế cùng với các ông Phan Văn Trường, Tạ Thu Thâu, và là dân biểu đối lập dưới thời Đệ Nhị Cộng hòa Việt Nam. Sự nghiệp. Bà nghiên cứu về lịch sử xã hội, nhất là lịch sử miền Nam. Vấn đề lịch sử đầu tiên mà Hồ Tài Huệ Tâm chọn nghiên cứu là phong trào nông dân mà điển hình là sự ra đời của các đạo Hòa Hảo và Cao Đài ở miền Nam Việt Nam: "Hòa Hảo và Cao Đài là phong trào nông dân nhưng có mang tính tôn giáo, là hai hiện tượng rất miền Nam."
1
null
Kim Yong-Sik (25 tháng 7 năm 1910 - 8 tháng 3 năm 1985) là một cầu thủ bóng đá người thuộc Đại Hàn Dân Quốc(Hàn Quốc). Đội tuyển bóng đá quốc gia Nhật Bản. Kim Yong-Sik thi đấu cho ĐTQG Nhật từ năm 1936 đến 1940 trước khi quay trở lại Triều Tiên và phục vụ cho đội tuyển Đại Hàn rồi chuyển qua công tác huấn luyện(Ông từng cùng Nhật tham dự Olympic 1936 và là huấn luyện viên vô địch Asian Cup 1960). Thống kê sự nghiệp. !Tổng cộng||3||0
1
null
Lee Yoo-Hyung (21 tháng 1 năm 1911 - 29 tháng 1 năm 2003) là một cầu thủ và huấn luyện viên bóng đá người Hàn Quốc. Đội tuyển bóng đá quốc gia Nhật Bản. Lee Yoo-Hyung thi đấu cho ĐTQG Nhật Bản từ năm 1940, ông chuyển sang cho đội tuyển bóng đá quốc gia Đại Hàn Dân Quốc năm 1948. Thống kê sự nghiệp. !Tổng cộng||1||0
1
null
Wilhelm Friedemann Bach (sinh năm 1710 tại Weimar, mất năm 1784 tại Berlin) là nhà soạn nhạc, nghệ sĩ đàn organ người Đức. Ông là con trai trưởng của nhà soạn nhạc vĩ đại Johann Sebastian Bach. Wilhelm Friedemann Bach cùng với nhiều người em của mình thuộc thời kỳ âm nhạc Cổ điển. Cuộc đời và sự nghiệp. Wilhelm Friedemann Bach theo học ngành luật tại Đại học Tổng hợp Leipzig (điểm này giống với nhiều nhà soạn nhạc danh tiếng, như Handel đã đi học luật tại theo ý cha mình, hay Tchaikovsky cũng đi học luật cũng bời ý kiến của bậc sinh thành. Đây là điều giống nhau rất thú vị ở nhiều nhà soạn nhạc), còn về phần âm nhạc, Wilhelm được chính người cha Johann Sebastian dạy dỗ. Để có bài tập cho đứa xon của mình, Johann Sebastian đã phải sáng tác những bản invention, những bản prelude và các tác phẩm đàn phím khác. Trong khoảng thời gian từ năm 1733 đến năm 1736, Wilhelm Friedemann Bach trở thành nghệ sĩ đàn organ cho Nhà thờ Dresden. Đứa con này của Johann Sebastian cũng là một nghệ sĩ đàn organ xuất sắc chẳng kém gì cha mình đến nỗi nhiều người đương thời coi ông là một trong những người chơi nhạc cụ này lỗi lạc nhất. Trong khi đó, Wilhelm Friedemann Bach cúng cho ra đời nhiều bản concerto và sonata cho đàn phím. Năm 1746, Bach chuyển về làm việc tại Halle. 18 năm sau, ông chuyển ra hoạt động độc lập và không nhận chức trách nào thường xuyên nữa. Trong lúc đó, ông vẫn sáng tác và biểu diễn. 20 năm cuối đời có lẽ là những năm khốn khó nhất của đứa con đầu lòng của Johann Sebastian Bach. Túng thiếu, khó khăn, đó là những gì chúng ta có thể nói về 20 năm này. Để kiếm sống, Wilhelm Friedemann Bach đã phải cầm cố, bán nhiều tác phẩm của người cha để lại. Thậm chí, ông còn sử dụng tên tuổi của người cha quá cố để gán vào những tác phẩm do chính mình sáng tác ra. Wilhelm Friedemann Bach là một con người có thực tài về âm nhạc, cả về sáng tác cũng như biểu diễn, nhưng ông lại là người sống lang bạt. Phong cách sáng tác. Wilhelm Friedemann Bach có những bản Fantasia đi trước thời đại, biết kết hợp khoa học đối vị cổ xưa với cảm hứng lãng mạn, thậm chí mang cả phong cách của chủ nghĩa ấn tượng, những phong cách đã nảy nở trong nền âm nhạc cổ điển thể kỷ XIX. Friedemann Bach có những đóng góp không nhỏ và không thua kém gì đứa em Carl Philipp Emanuel trong việc định hình những hình thức hiện đại của các thể loại sonata và concerto. Những tác phẩm của người con cả của Johann Sebastian Bach tuy được ít người biết tới như những tác phẩm của người cha vĩ đại, nhưng đã toát lên một tính cách rất mạnh mẽ, tính cách ấy được thể hiện rõ ràng nhất bởi đứa con này của Bach vĩ đại nếu ta đem so sánh âm nhạc của những đứa con của "chàng trai khổng lồ của âm nhạc phương Tây". Các tác phẩm. 1 vở opera, chín bản giao hưởng, 21 bản cantata, năm bản concerto cho piano và dan nhạc giao hưởng, các bản trio-sonata, bản sonata cho 2 cây đàn violin, chín bản sonata, 10 bản fantasia cùng rất nhiều bản fuga, choral-prelude.
1
null
là cầu thủ bóng đá người Nhật Bản. Ông thi đấu cho đội tuyển quốc gia Nhật Bản. Sự nghiệp câu lạc bộ. Aoki sinh ngày 10 tháng 4 năm 1929. Ông thi đấu cho Chiyoda Life. Sự nghiệp đội tuyển quốc gia. Ngày 5 tháng 1 năm 1955, ông có trận đấu ra mắt cho đội tuyển quốc gia Nhật Bản trước Miến Điện. Aoki qua đời ngày 23 tháng 4 năm 2014ở tuổi 85.
1
null
Posidonia là một chi thực vật có hoa trong họ Posidoniaceae. Chúng bao gồm 9 phân loài thực vật biển (cỏ biển) được tìm thấy ở các vùng biển của Địa Trung Hải và xung quanh bờ biển phía nam của Úc. Phân loài. Đây là danh sách các loài danh nghĩa của chi này: Các loài được mô tả bởi Linnaeus, nhà thực vật học người Thụy Điển. "Posidonia oceanica" được tìm thấy ở Địa Trung Hải, phần còn lại có mặt ở khu vực xung quanh bờ biển phía nam của Úc. Một số loài cỏ biển là loài đặc hữu của Tây Úc. Năm 2006, người ta đã phát hiện ra loài "Posidonia oceanica" có mặt ở phía nam của đảo Ibiza, Tây Ban Nha. Khu vực có biển có chiều dài lên tới 8 km trên và tuổi thọ lên đến 100.000 năm tuổi, khiến nó có thể là một trong những khu vực đồng cỏ biển lớn nhất và lâu đời nhất trên Trái đất.
1
null
Phyllospadix thường được gọi là surfgrass, là một chi cỏ biển trong họ Zosteraceae, thực vật có hoa. "Phyllospadix" phát triển ở vùng biển dọc theo bờ biển ôn đới Bắc Thái Bình Dương. Đây là một trong những chi cỏ biển có thể thực hiện thụ phấn hoàn toàn trong nước.
1
null
Zostera là một chi của Họ Rong lá lớn, thường được gọi là cỏ lươn biển, hoặc đơn giản là cỏ biển hoặc cỏ lươn, và còn được một số ngư dân và người chèo thuyền giải trí bao gồm cả người lái du thuyền gọi là rong biển. Chi Zostera có 15 loài.
1
null
Chi Lô hội hay chi Nha đam (danh pháp khoa học: Aloe) là một chi thực vật bao gồm hơn 500 loài cây mọng nước có hoa. Loài phổ biến nhất là "Aloe vera" (tức lô hội/nha đam thường), thường được trồng hay hái vì mục đích y dược. Một số loài khác, như "Aloe ferox", cũng được trồng hay hái từ tự nhiên. Hệ thống APG IV (2016) xếp chi nay vào phân họ Asphodeloideae, họ Asphodelaceae. Trong phân họ này, nó thường được đặt vào tông Aloeae. Trong quá khứ, nó được xếp vào họ Aloaceae (nay được gộp vào Asphodeloidae) hoặc Liliaceae. Loài "Agave americana" (thùa), mà đôi khi được gọi là "American aloe" (lô hội Mỹ), thuộc về Asparagaceae, một họ khác. Các loài này bản địa châu Phi nhiệt đới (gồm cả Madagascar), Jordan, bán đảo Ả Rập và nhiều đảo trong Ấn Độ Dương (Mauritius, Réunion, Comoros, v.v.). Nhiều loài đã tự nhiên hóa và lan rộng ra những khu vực khác (vùng Địa Trung Hải, Ấn Độ, Úc, Bắc và Nam Mỹ, v.v.). Mô tả. Đa số loài thuộc chi Lô hội có lá lớn, dày, mập mạp. Hoa thường hình ống, có màu rực rỡ như vàng, cam, hồng, hay đỏ, mọc thành cụm dày. Nhiều loài trông có vẻ như không có thân, với cụm lá mọc ngang mặt đất. Chúng có thể có hoặc không có nhánh cây. Về bề ngoài, chúng có màu từ xám đến xanh sáng, đôi khi kèm cả sọc vằn. Vài loài ở Nam Phi có dáng giống cây gỗ. Các loài. Hơn 500 loài được xếp vào chi "Aloe", cộng với nhiều loài đồng nghĩa, loài chưa phân định, phân loài, giống và loài lai. Một số loài được chấp nhận là: Ngoài cây lai giữa các loài cùng chi, nhiều loài lai với chi khác đã được tạo ra qua trồng trọt, như giữa "Aloe" và "Gasteria" ("×Gasteraloe") hay giữa "Aloe" và "Astroloba" ("×Aloloba").
1
null
Chamaescilla là một chi thực vật có hoa trong họ Xanthorrhoeaceae. Trước năm 2016 nó được coi là thuộc họ Asparagaceae. Các loài trong chi này có các lá sát gốc giống như cỏ và các rễ củ. Các hoa có 6 cánh (mỗi cánh có 3 gân) và 6 nhị. Quả nang chứa hạt màu đen, bóng. Các loài. Chi này chứa 3 loài
1
null
Chlorophytum (, tên thông thường tiếng Anh Spider Plant), là một chi gồm gần 200 loài thực vật có hoa thường xanh, sống lâu năm thuộc phân họ Agavoideae của họ Asparagaceae. Đây là cây bản địa của vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Phi, Úc, và châu Á. Chúng phát triển chiều cao từ 10–60 cm, với lá dẹp, dài 15–75 cm và rộng 0.5–2 cm, rễ củ dày. Hoa nhỏ, thường có màu trắng.
1
null
Disporum là một chi thực vật có hoa trong họ Colchicaceae. Chi này chứa khoảng 20 loài cây lâu năm, sinh sống ở châu Á, từ miền bắc Ấn Độ tới Nhật Bản, về phía nam tới Indonesia và về phía bắc tới Viễn Đông Nga. Chi này trước đây chứa 5 loài ở Bắc Mỹ, nhưng chúng đã được tách ra thành chi "Prosartes" và chuyển sang họ Loa kèn phù hợp với các khác biệt về tế bào học và hóa học cũng như từ các kết quả nghiên cứu phát sinh chủng loài phân tử. Các loài. Ngoài ra còn có 5 loài chuyển sang chi "Prosartes":
1
null
Furcraea là một chi thực vật mọng nước trong phân họ Agavoideae, của họ Asparagaceae. Các loài trong chi này là bản địa khu vực nhiệt đới thuộc México, Caribe, Trung Mỹ và miền bắc Nam Mỹ. Danh sách loài. Danh sách dưới đây lấy theo The Plant List và phân chia theo các nhóm dưới cấp chi
1
null
Milla là danh pháp khoa học của một chi thực vật có hoa trong phân họ Brodiaeoideae thuộc họ Asparagaceae. Phần lớn các loài là bản địa Mexico, với 1 loài có khu vực phân bố trải dài tới Guatemala, Honduras, Arizona, Texas và New Mexico. Các loài. "Milla" chứa 10 loài được công nhận:
1
null
Hoàng tinh, hoàng tinh hoa đỏ hay củ cơm nếp (tên khoa học: Polygonatum) là một chi thực vật có hoa trong họ Asparagaceae. Nhiều loài của chi này có thân rễ (dạng củ) được dùng làm dược liệu trong Đông y, chẳng hạn như hoàng tinh ("Polygonatum sibiricum"), điền hoàng tinh ("Polygonatum kingianum").
1
null
Rohdea là một chi thực vật có hoa trong họ Asparagaceae., bản địa khu vực miền đông châu Á (bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Himalaya và Đông Dương) Trước đây người ta cho rằng chi này chỉ chứa một loài là vạn niên thanh ("R. japonica"), nhưng các nghiên cứu gần đây đã chuyển một số loài từ các chi khác vào chi này Trong hệ thống APG III năm 2009, chi này được đặt trong phân họ Nolinoideae (trước đây là họ Ruscaceae) của họ Asparagaceae). Nó cũng đã từng được đặt trong họ Convallariaceae. Các loài trong chi này là cây thân thảo có thân rễ sống lâu năm, với rễ chùm. Các lá thường xanh, hình mũi mác rộng bản, dài 15–50 cm và rộng 2,5–7 cm, nhọn đỉnh. Hoa mọc thành cụm hoa ngắn, mập, dày dặc, dài 3–4 cm, mỗi hoa màu vàng nhạt, dài 4–5 mm. Quả là dạng quả mọng màu đỏ đường kính 8 mm, mọc thành cụm dày gồm vài quả. Mặc dù đôi khi bị viết sai thành "Rhodea" (tên chi chính thức của một nhóm động vật chân bụng), nhưng chi này trên thực tế đặt theo tên Michael Rohde (1782-1812), một nhà thực vật học người Đức sống ở Bremen. Trồng và sử dụng. Loài "Rohdea japonica" được trồng làm cây cảnh. Trong tiếng Trung nó được gọi là vạn niên thanh (giản thể: 万年青; phồn thể: 萬年青, nghĩa đen là "thường xanh"), và vì lý do này nó từng được sử dụng làm biểu tượng trong một số loại huy hiệu, phù hiệu (ví dụ tại đây ). Trong tiếng Nhật nó được gọi là "omoto". Loài này cũng được sử dụng làm thuốc trong y học cổ truyền Trung Hoa, mặc dù nói chung nó được coi là không ăn được và có thể có độc. Không nhầm lẫn loài vạn niên thanh này với các loài vạn niên thanh (còn gọi là minh ty hay lượng ty) thuộc chi "Aglaonema" của họ Araceae. Các loài. Các loài được chấp nhận
1
null
Sansevieria trong quá khứ là một chi thực vật có hoa của các cây có nguồn gốc từ Châu Phi, đặc biệt là Madagascar và miền nam Châu Á, hiện được đưa vào chi Dracaena trên cơ sở các nghiên cứu phát sinh chủng loại phân tử. Đây là tên thường gọi của khoảng 70 loài trước đây được đặt trong chi này, nổi bật nhất là Lưỡi hổ. Dracaena là một chi thực vật có hoa trong họ Asparagaceae.
1
null
Tupistra là một chi thực vật có hoa trong họ Asparagaceae. Các loài. Chi này chứa khoảng 20 loài thực vật có hoa ở khu vực miền nam châu Á, từ miền nam Trung Quốc tới Sumatra và đảo Ambon. Trong hệ thống APG III, nó được đặt trong phân họ Nolinoideae của họ Asparagaceae (trước đây thuộc họ Ruscaceae). Tại thời điểm tháng 8/2013, World Checklist of Selected Plant Families (WCSP) công nhận 21 loài:
1
null
Uvularia là một chi thực vật có hoa trong họ Colchicaceae. Tại khu vực bản địa chúng được gọi là "bellworts" (cỏ chuông), "bellflowers" (hoa chuông) hay "merrybells" (chuông vui vẻ). Tên chi phát sinh từ tiếng Latin "ūvula" nghĩa là "quả nho nhỏ", có lẽ là do cách thức các bông hoa rủ xuống. Chúng thường mọc trên các chỗ dốc trong rừng hay khe núi và lan rộng bằng các thân bò lan, hay các thân rễ dạng thân bò lan. Chúng thường cao và ra 1 hay 2 hoa mỗi thân vào tháng 4 và tháng 5, rủ xuống từ các nách lá. Các loài "Uvularia" là cây thân thảo sống lâu năm với thân đơn hoặc chia thành 2 cành mọc thẳng. Lá so le, không cuống hoặc xuyên lá. Hoa đơn (đôi khi đôi) rủ xuống từ đỉnh các thân, bề ngoài là từ nách lá nhưng thực tế là đầu ngọn. Chúng nở hoa vào mùa xuân với các hoa hình chuông bao gồm các cánh đài dài. Quả có 3 thùy, màu từ ánh lục tới nâu ánh vàng, mỗi ngăn chứa 1-3 hạt tròn. Các loài. Có 5 loài được công nhận thuộc chi "Uvularia". Tất cả đều là đặc hữu Bắc Mỹ. Khu vực sinh sống của chúng là từ miền bắc Florida tới Nova Scotia về phía tây tới Manitoba và về phía nam tới Texas.
1
null
Yucca là một chi thực vật có hoa trong họ Asparagaceae. Species. , World Checklist of Selected Plant Families công nhận 49 loài Yucca và một số giống lai: Một số loài khác được phân loại trước đây ở Yucca hiện được phân loại trong các chi "Dasylirion", "Furcraea", "Hesperaloe", "Hesperoyucca", và "Nolina".
1
null
Doryanthaceae là một họ thực vật hạt kín, được các hệ thống APG đặt trong bộ Asparagales. Họ này mới được các nhà phân loại học công nhận gần đây. Họ chỉ bao gồm 1 chi có danh pháp "Doryanthes" gồm khoảng 2 loài ("Doryanthes excelsa" và "Doryanthes palmeri") mọc thành dạng nơ hoa hồng, sống tại vùng duyên hải miền đông Australia. Phát sinh chủng loài. Cây phát sinh chủng loài dưới đây lấy theo APG III.
1
null
Hypoxis là một chi thực vật có hoa trong họ Hypoxidaceae. Các loài trong chi này phân bố trên toàn cầu ở châu Phi, châu Mỹ, châu Á, và Úc. châu Âu thiếu các loài bản địa. Hầu hết các loài sống ở Nam Bán cầu, đặc biệt ở nam châu Phi. Các loài. Có khoảng 90 hoặc 100 đến 150 loài trong chi này. Đến tháng 8 năm 2013, World Checklist of Selected Plant Families công nhận 90 loài:
1
null
Rhodohypoxis là một chi thực vật có hoa trong họ Hypoxidaceae, có nguồn gốc tại miền nam châu Phi (Nam Phi, Lesotho, Swaziland). Một vài loài là cây trồng. Mô tả và phân bố. Các loài "Rhodohypoxis" phát triển từ những củ nhỏ. Hoa nở vào mùa hè và tàn vào mùa đông. Khi nở hoa, chúng thường cao . Hoa màu trắng, hồng hoặc đỏ. "Rhodohypoxis" được tìm thấy ở phần miền đông của Nam Phi, điển hình ở dãy Drakensberg tại Natal, Nam Phi và Lesotho. Đây là khu vực mưa nhiều mùa hè và mùa đông tương đối khô.
1
null
Dianella là một chi thực vật có hoa trong họ Xanthorrhoeaceae. Hương bài hay còn gọi là rễ hương (Nghệ An), Rễ Quạ (Hà nội, Hải Dương...), tên khoa học là Dianella Ensifolia.DC. Nhiều người nhầm tưởng là cỏ hương bài ("Vetiveria zizanioides." Phân bố: Hương bài phân bố từ Nhật Bản tới Ấn Độ, phân bố nhiều ở Australia và New zealand. Tại Việt Nam, Hương bài được trồng với quy mô lớn ở Thanh Chương - Nghệ An. Hương bài phù hợp với khí hậu nhiệt đới gió mùa, kỵ với khí hậu ẩm ướt, phèn. Thích hợp nhất trên nền đất đỏ bazan. Miêu tả: Hương bài thân cỏ, lá đối xứng hình rẻ quạt. Có rễ chùm, nhiều rễ. Sinh sản bằng 2 phương pháp: Vô tính (ươm nhánh) và hữu tính (xử lý hạt giống). Hiện nay phương pháp ươm nhánh được ưa chuộng hơn vì cây giống phát triển nhanh hơn cho hiệu quả kinh tế cao hơn, Thời gian sinh trưởng của hương bài khoảng 24 tháng. Tuy nhiên, với đặc tính đẻ nhánh và nhánh già tự khô và chết đi, nên hương bài có thể tự duy trì cuộc sống trong thời gian dài. Có 4 phần cơ bản: - "Rễ": Rễ chùm, dài tối đa 50 cm, ăn ở tầng trên mặt đất. Trong rễ có nhiều tinh dầu -"Thân": Thân cao khoảng 50 cm, thân mắt lóng. mỗi mắt khoảng 4–5 cm. Tại mỗi lóng, có 2 lá đối xứng, và mầm có thể phát triển được (giống cây mía).Đặc biệt là phần gốc (củ) chứa nhiều tinh dầu nhất, càng lên cao thì lượng tinh dầu càng giảm. - "Lá": Lá mọc đối xứng, lá dài khoảng 30–40 cm, rộng 2–3 cm. "- Quả": Khi còn non có màu xanh nhạt, khi chín có màu xanh dương rất đẹp. Các loài chim tự nhiên như bồ câu, thậm chí là gà rất thích ăn quả này. Một số nghiên cứu cho biết, quả chứa độc tố, thậm chí là thân và lá. Nhưng cũng có tác dụng tích cực như chữa giun, làm đẹp da. Hiện nay các nhà khoa học vẫn đang tích cực nghiên cứu. Ứng dụng: Với đặc tính tinh dầu tự nhiên, thơm dịu ngọt, hương bài được ứng dụng là hương cúng. Được các nưóc châu Á rất ưu chuộng như Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ. Ngoài ra, hương bài còn được chiết suất trong ngành mỹ phẩm - làm đẹp da.
1
null
Chi Hoa hiên, còn gọi là Chi Huyên thảo, chi Kim châm hay chi Hoàng hoa thái (danh pháp khoa học: Hemerocallis) là một chi thực vật có hoa trong họ Thích diệp thụ, trước đây từng được đưa vào họ Loa kèn. Các giống hoa hiên rất đa dạng về màu sắc và hình dáng, là kết quả từ các nỗ lực lai tạo chuyên nghiệp. Hàng ngàn giống cây trồng đã đăng ký được đánh giá cao và nghiên cứu bởi các hiệp hội Hoa hiên địa phương cũng như quốc tế. Từ nguyên. Tên gọi "Hemerocallis" bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp (hēmera, nghĩa là "ngày", "ban ngày") và (kalos, nghĩa là "đẹp"). Các loài. The World Checklist of Selected Plant Families công nhận 19 loài : Sử dụng trong ẩm thực. Hoa của một số loài trong chi này ăn được, sử dụng trong ẩm thực Trung Hoa, như các món canh chua cay, mộc tu nhục và la hán trai. Chúng được bán trong các khu chợ, siêu thị ở châu Á với các tên như Kim châm (金針), Hoàng hoa thái (黃花菜). Lá non và thân rễ của một số loài cũng ăn được.
1
null
Gaius Julius Caesar, được biết đên rộng rãi với tên gọi Gaius Caesar hoặc Caius Caesar, là con trai lớn của Marcus Vipsanius Agrippa và Julia Già. Ông được sinh ra vào khoảng thời gian từ ngày 14 tháng 8 đến 13 tháng 9 năm 20 TCN hoặc theo các nguồn khác là vào ngày 23 tháng 9 năm 20 TCN. Ban đầu ông được đặt tên là Gaius Vipsanius Agrippa, khi được ông ngoại, đương kim Hoàng đế La Mã, Augustus Caesar, thuộc thị tộc Julia, nhận nuôi, tên của ông cũng được đổi thành Gaius Julius Caesar theo tên người cha mới. Tiểu sử. Gaius và em trai Lucius Caesar đều được nhận nuôi bởi ông ngoại của mình, hoàng đế La Mã Augustus, người đã chỉ định hai cậu trai trẻ người thừa kế của mình. Vào năm 6 TCN, giới bình dân La Mã lên tiếng ủng hộ Gaius trở thành Chấp chính quan, mặc dù trên thực tế, ông chỉ mới 14 và thậm chí chưa mặc "Toga virilis". Bằng một sự thỏa hiệp, mọi người đã thống nhất rằng ông cần phải có chỗ đứng trong Viện nguyên lão, và ông đã được thực hiện lãnh designatus với ý định rằng ông sẽ trở thành chấp chính quan khi ông lên hai mươi.
1
null
Marcus Valerius Messalla Barbatus (11 TCN - 20/21) từng là chấp chính quan của Đế quốc La Mã. Ông là cha của La Mã Hoàng hậu Valeria Messalina, chắt của Hoàng đế Augustus, và cha vợ của Hoàng đế Claudius. Ông là con trai của Marcus Valerius Messalla Messallinus và Claudia Marcella nhỏ. Cha ông từng hai lần làm chấp chính quan. Ông nội của ông là nhà hùng biện nổi tiếng Marcus Valerius Messalla Corvinus. Ông bà ngoại của ông là lãnh Gaius Claudius Marcellus nhỏ và Octavia Minor, em gái của Augustus. Messala Barbatus đã kết hôn với người chị em họ Domitia Lepida nhỏ. Hôn nhân của họ dẫn đến việc, con trai họ, Marcus Valerius Messala Corvinus người đã trở thành chấp chính quan vào năm 58 và hoàng hậu Valeria Messalina (20-48) trong tương lai. Messala Barbatus được bầu làm Chấp chính quan trong năm 20. Một số nhà sử học hiện đại tin rằng ông mất trong khoảng thời gian trong 20 hoặc đầu năm 21. Những người anh chị em được biết đến duy nhất là người chị Claudia Pulchra, người đã kết hôn với một vị tướng và chính trị gia Publius Quinctilius vẹo và em gái Valeria, sinh vào năm TCN, kết hôn với Vipstanus Lucius Gallus (15 TCN - 17 CN), từng làm pháp quan vào năm 17, và họ đều có con nối dõi.
1
null
Marcus Aurelius Cotta Maximus Messalinus là một chính trị gia La Mã sống vào thế kỷ thứ 1. Ông từng phục vụ như là một nguyên lão dưới triều nhà Julia-Claudia và trở chấp chính quan vào năm 20. Ông là em trai của bà nội Hoàng hậu Lollia Paulina, người vợ thứ ba của Hoàng đế Caligula, và em gái của cô Lollia Saturnina.
1
null
HMS "Crescent" (H48) là một tàu khu trục lớp C được Hải quân Hoàng gia Anh Quốc chế tạo vào đầu những năm 1930. Thoạt tiên phục vụ cùng Hạm đội Nhà, nó được tạm thời điều động đến Hồng Hải và Ấn Độ Dương khi Ý xâm chiếm Abyssinia vào năm 1935–1936. "Crescent" được chuyển cho Hải quân Hoàng gia Canada vào cuối năm 1936 và đổi tên thành HMCS "Fraser". Nó đặt căn cứ tại bờ biển phía Tây Canada cho đến khi Chiến tranh Thế giới thứ hai nổ ra vào tháng 9 năm 1939, lúc nó được chuyển đến vùng bờ biển Đại Tây Dương làm nhiệm vụ hộ tống các đoàn tàu vận tải. Con tàu được điều đến Anh vào tháng 5 năm 1940 và đã giúp vào việc triệt thoái người tị nạn khỏi Pháp vào đầu tháng 6. "Fraser" bị đắm ngày 25 tháng 6 năm 1940 do va chạm với tàu tuần dương trên đường trở về sau một nhiệm vụ như vậy. Thiết kế và chế tạo. "Crescent" có trọng lượng choán nước tiêu chuẩn , và lên đến khi đầy tải. Nó có chiều dài chung , mạn thuyền rộng và mớn nước . Con tàu được cung cấp động lực bởi hai turbine hơi nước hộp số Parsons, dẫn động hai trục chân vịt, tạo ra công suất cho phép đạt tốc độ tối đa . Hơi nước cho turbine được cung cấp bởi ba nồi hơi ống nước Admiralty hoạt động ở áp suất và nhiệt độ . "Crescent" mang theo tối đa dầu đốt cho phép nó có tầm xa hoạt động ở tốc độ đường trường . Thành phần thủy thủ đoàn bao gồm 145 sĩ quan và thủy thủ. Chiếc tàu khu trục được trang bị bốn khẩu pháo QF Mk IX trên các tháp pháo đơn, được đặt tên 'A', 'B', 'X' và 'Y' tuần tự từ trước ra sau. Cho mục đích phòng không, "Crescent" có một khẩu QF 3 inch 20 cwt giữa hai ống khói và hai khẩu QF 2-pounder Mk II phía sau sàn trước. Pháo 3-inch được tháo dỡ vào năm 1936, và các khẩu 2-pounder được tái bố trí trên các bệ giữa hai ống khói. Nó còn được trang bị hai bệ ống phóng ngư lôi bốn nòng trên mặt nước dùng cho ngư lôi . Ba cầu trượt được dùng để thả mìn sâu, mỗi chiếc chứa được hai quả mìn. Sau khi Thế Chiến II nổ ra, số mìn sâu mang theo được tăng lên 33 quả, được thả bởi một đường ray và hai máy phóng. "Crescent" được đặt hàng vào ngày 30 tháng 1 năm 1930 tại xưởng tàu của hãng Vickers-Armstrongs ở Barrow-in-Furness trong Kế hoạch Chế tạo 1929. Nó được đặt lườn vào ngày 1 tháng 12 năm 1930, hạ thủy vào ngày 29 tháng 9 năm 1931 và hoàn tất vào ngày 15 tháng 4 năm 1932. Lịch sử hoạt động. Sau khi "Crescent" nhập biên chế vào ngày 21 tháng 4 năm 1932, nó được phân về Chi hạm đội Khu trục 2 thuộc Hạm đội Nhà. Nó bị tai nạn va chạm với tàu chị em tại Chatham vào ngày 21 tháng 7, buộc phải sửa chữa cho đến ngày 27 tháng 8. "Crescent" được tái trang bị tại Chatham từ ngày 30 tháng 3 đến ngày 6 tháng 5 năm 1933 trước khi được bố trí đến Tây Ấn từ tháng 1 đến tháng 3 năm 1934. Nó lại trải qua một đợt tái trang bị khác tại Chatham từ ngày 27 tháng 7 đến ngày 3 tháng 9 năm 1934 trước khi được cho tách khỏi Hạm đội Nhà trong vụ Khủng hoảng Abyssinia để bố trí tại Ấn Độ Dương và Hồng Hải từ tháng 9 năm 1935 đến tháng 4 năm 1936. Sau khi quay trở về nhà, nó được tái trang bị tại Sheerness từ ngày 23 tháng 4 đến ngày 13 tháng 6, rồi được đưa về lực lượng dự bị một thời gian ngắn. Cùng với tàu chị em , "Crescent" được bán cho Canada vào ngày 20 tháng 10 năm 1936 trị giá tổng cộng 400.000 Bảng Anh. Nó được tái trang bị để đáp ứng các tiêu chuẩn của Canada, kể cả việc trang bị sonar ASDIC Kiểu 124, và được bàn giao vào ngày 1 tháng 2 năm 1937. Con tàu được đổi tên thành HMCS "Fraser", và nhập biên chế Hải quân Hoàng gia Canada tại Chatham vào ngày 17 tháng 2, "Fraser" được điều động về vùng bờ biển Thái Bình Dương của Canada, và đi đến căn cứ Esquimalt vào ngày 3 tháng 5 năm 1937. Nó tiếp tục ở lại đây cho đến khi được lệnh đi đến vùng bờ Đông vào ngày 31 tháng 8 năm 1939. Khi Chiến tranh Thế giới thứ hai nổ ra vào ngày 3 tháng 9 năm 1939, "Fraser" băng qua kênh đào Panama và đi đến Halifax vào ngày 15 tháng 9. Cùng các tàu chị em, nó được sử dụng vào việc hộ tống tại chỗ các đoàn tàu vận tải vượt đại dương khởi hành từ Halifax. Đến tháng 11, Trạm Bắc Mỹ và Tây Ấn của Hải quân Hoàng gia Anh nắm quyền kiểm soát các tàu khu trục Canada. Chúng đã hộ tống đoàn tàu vận tải chuyển phần lớn Sư đoàn bộ binh 1 Canada sang Anh vào giữa tháng 12. Đến tháng 3 năm 1940, nó được lệnh gia nhập Lực lượng Jamaica để tuần tra tại vùng biển Caribe trước khi được điều đến Bộ chỉ huy Tiếp cận phía Tây hai tháng sau đó. Vào ngày 26 tháng 5, nó rời Bermuda hướng sang Anh, đi đến Plymouth vào ngày 3 tháng 6, nơi nó lập tức được huy động vào việc triệt thoái binh lính Đồng Minh khỏi nhiều cảng của Pháp trên bờ biển Đại Tây Dương. Trong năm 1940, dàn ống phóng ngư lôi phía đuôi của nó được tháo dỡ thay bằng một khẩu phòng không. Vào ngày 25 tháng 6 năm 1940, "Fraser", tàu chị em HMCS "Restigouche" (H00) và tàu tuần dương đang trên đường quay trở về từ St. Jean de Luz sau khi giải cứu người tị nạn bị quân Đức vây hãm trong khuôn khổ Chiến dịch Ariel, khi "Fraser" bị "Calcutta" húc phải tại cửa sông Gironde. Bị mũi chiếc tàu tuần dương đâm trúng ngay trước cầu tàu, "Fraser" bị cắt làm đôi và chìm ngay lập tức. Chỉ có 45 người trong số thủy thủ đoàn được "Restigouche" và các tàu lân cận giải cứu. Nhiều người sống sót từ "Fraser" được chuyển sang HMCS "Margaree" (H49) vào cuối mùa Hè đó, và bị mất khi con tàu này cũng bị chìm vào ngày 22 tháng 10 năm 1940 do hậu quả va chạm với chiếc tàu hàng MV "Port Fairy".
1
null
HMS "Crusader" (H60) là một tàu khu trục lớp C được Hải quân Hoàng gia Anh Quốc chế tạo vào đầu những năm 1930. Nó đã phục vụ cho Hạm đội Nhà và Hạm đội Địa Trung Hải trước Chiến tranh Thế giới thứ hai, vào cuối năm 1936 từng được bố trí đến vùng biển Tây Ban Nha trong sáu tháng do cuộc Nội chiến tại đây để thực thi việc cấm vận vũ khí cho cả hai phe xung đột do Pháp và Anh chủ trương. "Crusader" được chuyển cho Hải quân Hoàng gia Canada vào năm 1938 và đổi tên thành HMCS "Ottawa". Nó đặt căn cứ tại bờ biển Thái Bình Dương của Canada trước chiến tranh, nhưng được chuyển đến vùng bờ biển Đại Tây Dương ba tháng sau khi Thế Chiến II nổ ra. "Ottawa" làm nhiệm vụ hộ tống các đoàn tàu vận tải trong Trận Đại Tây Dương, cùng với một tàu khu trục Anh đánh chìm một tàu ngầm Ý tại vùng biển Bắc Đại Tây Dương vào tháng 11 năm 1941 trước khi bị tàu ngầm Đức "U-91" đánh chìm vào ngày 14 tháng 9 năm 1942. Thiết kế và chế tạo. "Crusader" có trọng lượng choán nước tiêu chuẩn , và lên đến khi đầy tải. Nó có chiều dài chung , mạn thuyền rộng và mớn nước . Con tàu được cung cấp động lực bởi hai turbine hơi nước hộp số Parsons, dẫn động hai trục chân vịt, tạo ra công suất cho phép đạt tốc độ tối đa . Hơi nước cho turbine được cung cấp bởi ba nồi hơi ống nước Admiralty hoạt động ở áp suất và nhiệt độ . "Crusader" mang theo tối đa dầu đốt cho phép nó có tầm xa hoạt động ở tốc độ đường trường . Thành phần thủy thủ đoàn bao gồm 145 sĩ quan và thủy thủ. Chiếc tàu khu trục được trang bị bốn khẩu pháo QF Mk IX trên các tháp pháo đơn, được đặt tên 'A', 'B', 'X' và 'Y' tuần tự từ trước ra sau. Cho mục đích phòng không, "Crusader" có một khẩu QF 3 inch 20 cwt giữa hai ống khói và hai khẩu QF 2-pounder Mk II phía sau sàn trước. Pháo 3-inch được tháo dỡ vào năm 1936, và các khẩu 2-pounder được tái bố trí trên các bệ giữa hai ống khói. Nó còn được trang bị hai bệ ống phóng ngư lôi bốn nòng trên mặt nước dùng cho ngư lôi . Ba cầu trượt được dùng để thả mìn sâu, mỗi chiếc chứa được hai quả mìn. Sau khi Thế Chiến II nổ ra, số mìn sâu mang theo được tăng lên 33 quả, được thả bởi một đường ray và hai máy phóng. Các cải biến cho "Ottawa" trong chiến tranh không được biết chắc chắn. Các ảnh chụp cho thấy bằng chứng chắc chắn có bốn khẩu Oerlikon 20 mm phòng không được bổ sung, gồm một cặp trên bệ đèn pha và một cặp hai bên cánh cầu tàu, nhưng nó giữ lại khẩu QF 2 pounder ngay cả khi Oerlikon 20 mm được tăng cường. Tháp pháo 'Y' trên sàn sau cũng được tháo dỡ để lấy chỗ chứa thêm ít nhất 60 quả mìn sâu. "Crusader" được đặt hàng vào ngày 15 tháng 7 năm 1930 tại Xưởng tàu Portsmouth trong Kế hoạch Chế tạo 1929. Nó được đặt lườn vào ngày 12 tháng 9 năm 1930, hạ thủy vào ngày 30 tháng 9 năm 1931 như là chiếc tàu chiến thứ hai của Hải quân Anh mang cái tên này, và hoàn tất vào ngày 2 tháng 5 năm 1932. Lịch sử hoạt động. "Crusader" thoạt tiên được điều về Chi hạm đội khu trục 9 thuộc Hạm đội Nhà và tiếp tục ở lại đơn vị này trong bốn năm tiếp theo. Nó được tái trang bị lần đầu tại Portsmouth từ ngày 30 tháng 7 đến ngày 4 tháng 9 năm 1934. Sau khi Ý xâm chiếm Abyssinia vào tháng 8 năm 1935, "Crusader" cùng với chi hạm đội được gửi đi tăng cường cho Hạm đội Địa Trung Hải trong tháng tiếp theo. Từ tháng 10 năm 1935 đến tháng 3 năm 1936, nó được bố trí tại Hồng Hải để theo dõi sự điều động các tàu chiến Ý; và sau khi quay trở về, nó được tái trang bị tại Portsmouth từ ngày 27 tháng 4 đến ngày 30 tháng 5. Trong giai đoạn đầu của cuộc Nội chiến Tây Ban Nha vào tháng 8–tháng 9 năm 1936, chiếc tàu khu trục đã di tản kiều dân Anh khỏi các cảng Tây Ban Nha trong vịnh Biscay. "Crusader" được phân công hộ tống bảo vệ cho tàu sân bay từ tháng 1 năm 1937 đến tháng 3 năm 1938, ngoại trừ một đợt tái trang bị ngắn từ ngày 30 tháng 3 đến ngày 27 tháng 4 năm 1937. Con tàu trải qua một đợt sửa chữa lớn tại Sheerness bắt đầu từ ngày 28 tháng 4 năm 1938 nhằm giúp nó đạt các tiêu chuẩn của Canada, kể cả việc trang bị sonar ASDIC Kiểu 124. "Crusader" được bán cho Hải quân Hoàng gia Canada với giá 817.500 Đô la Canada, và nó được nhập biên chế vào ngày 15 tháng 6 năm 1938 dưới tên gọi HMCS "Ottawa". Con tàu được điều về vùng bờ biển Thái Bình Dương của Canada, đi đến căn cứ Esquimalt vào ngày 7 tháng 11 năm 1938. Nó ở lại đây cho đến khi được lệnh đi đến Halifax, Nova Scotia vào ngày 15 tháng 11 năm 1939, nơi nó hộ tống các đoàn tàu vận tải, kể cả đoàn tàu đã chuyển một nửa Sư đoàn Bộ binh Canada 1 sang Anh vào ngày 10 tháng 12. Đuôi của "Ottawa" bị hư hại do va chạm với tàu kéo "Bansurf" vào tháng 4 năm 1940, việc sửa chữa mất hai tháng mới hoàn tất. Vào ngày 27 tháng 8 năm 1940, "Ottawa" lên đường đi Greenock, Scotland, và được phân về Đội hộ tống 10 trực thuộc Bộ chỉ huy Tiếp cận phía Tây sau khi đến nơi vào ngày 4 tháng 9, làm nhiệm vụ hộ tống vận tải. Đến tháng 10, dàn ống phóng ngư lôi phía đuôi tàu được tháo dỡ, thay bằng một khẩu pháo phòng không QF 12-pounder Mk V. Trong các ngày 24–26 tháng 9, nó cứu vớt những người sống sót từ hai chiếc tàu buôn Anh: 55 người từ chiếc bị tàu ngầm Đức "U-43" đánh chìm, và 60 người từ chiếc bị "U-29" đánh chìm. "Ottawa" đã hỗ trợ cho tàu khu trục Anh đánh chìm tàu ngầm Ý "Comandante Faà di Bruno" vào ngày 7 tháng 11. Vào giữa tháng 11, nó được trang bị một bộ radar Kiểu 286 dò tìm mặt đất tầm ngắn, một phiên bản cải biến từ radar ASV của Không quân Hoàng gia Anh. Tuy nhiên, thiết bị sơ khai này chỉ có khả năng quét trực tiếp phía trước với ăn-ten cố định, buộc con tàu phải đổi hướng để dò tìm. Đến ngày 23 tháng 11, nó cứu vớt 29 người sống sót từ chiếc tàu chở ngũ cốc bị "U-100" đánh chìm. "Ottawa" quay trở lại Canada vào tháng 6 năm 1941 và được phân về Lực lượng Hộ tống Newfoundland để bảo vệ các đoàn tàu vận tải tại Đại Tây Dương. Nó được điều sang Đội hộ tống C4 vào tháng 5 năm 1942. Đến đầu tháng 9, hạm trưởng của nó từ chối việc thay thế bộ điều khiển hỏa lực và máy đo tầm xa trên nóc cầu tàu bằng radar dò tìm mục tiêu Kiểu 271. Vào ngày 14 tháng 9, trong khi hộ tống Đoàn tàu vận tải ON 127 ở cách về phía Đông St. John's, Newfoundland, "Ottawa" trúng ngư lôi phóng từ tàu ngầm Đức "U-91". Mười phút sau, do không thể cơ động, nó trúng thêm một quả ngư lôi thứ hai và chìm mười phút sau đó. 114 thành viên thủy thủ đoàn đã thiệt mạng, kể cả hạm trưởng, trong khi các tàu lân cận cứu vớt được 69 người sống sót.
1
null
Mẫu hình Hòn đảo là một mẫu hình biểu đồ nến có thể được định nghĩa là một hoạt động giao dịch nhỏ gọn trong một phạm vi giá, tách ra khỏi di chuyển đang tiến hành nó, sự tách biệt này là do một gián đoạn kiệt sức và di chuyển tiếp theo hướng ngược lại xảy ra do kết quả của một gián đoạn phân lập. Hình thành. Xem xét kỹ các hình thành mẫu hình Hòn đảo cho thấy sự đảo ngược Hòn đảo bao gồm một gián đoạn kiệt sức và di chuyển tiếp theo được theo sau bởi một gián đoạn phân lập. Không phổ biến, gián đoạn phân lập để hoàn thành hòn đảo này được điền đầy trong một vài phiên bằng cách kéo lại như một kết quả của phản ứng. Các đảo ngược Hòn đảo cũng có thể xảy ra, ngược lại, ở đỉnh cao của đảo ngược của hình thành đầu và vai. Ví dụ, giả định rằng giá trong một xu hướng tăng đóng tại giá cao của nó 84,00 USD và mở ra tại 86,00 USD vào phiên sau và sau đó không rơi xuống dưới giá mở cửa. Tuy nhiên, gần cuối phiên, nó di chuyển lên cao hơn nữa và chạm 88,00 USD nhưng đóng cửa tại 87,60 USD. Quan sát như vậy, cho thấy một gián đoạn 2,00 USD mà không được lấp đầy. Trên giá thị trường phiên sau mở tại 87,40 USD, chạm giá cao 88,90 USD và đóng cửa tại 87,00 USD. Một vài phiên sau đó hoặc phiên sau, giá thị trường mở tại 84,00 USD và đóng cửa tại 82,90 USD, giữ cho nó bên dưới khu vực 86,00 USD và 84,00 USD. Tất cả các giao dịch trên 86,00 USD sẽ xuất hiện trên biểu đồ phân tích kỹ thuật để được cách ly và được gọi là, một đảo ngược Hòn đảo.
1
null
Apteria aphylla là một loài thực vật có hoa trong họ Burmanniaceae. Loài này được Thomas Nuttall mô tả lần đầu tiên năm 1822 dưới danh pháp "Lobelia aphylla". Năm 1834, ông đổi danh pháp cho nó thành "Apteria setacea", trở thành loài duy nhất trong chi mới Apteria. Năm 1903, John Hendley Barnhart trong John Kunkel Small hiệu chỉnh lại danh pháp thành "Apteria aphylla". Với tên gọi trong tiếng Anh "nodding-nixie", nó là loài bản địa khu vực miền nam Hoa Kỳ (từ đông Texas tới nam Gruzia), Mexico, Trung Mỹ, Tây Ấn và Nam Mỹ.
1
null
Campylosiphon congestus là một loài thực vật có hoa trong họ Burmanniaceae. Loài này được tìm thấy ở vùng nhiệt đới Tây và Trung Phi. Loài được Charles Henry Wright mô tả khoa học đầu tiên năm 1897 dưới danh pháp "Gymnosiphon congestus". Năm 1938, Fredrik Pieter Jonker đổi nó thành "Burmannia congesta". Danh pháp này được coi là chính thức cho tới khi nghiên cứu phát sinh chủng loài của Vincent Merckx và ctv năm 2008 cho thấy "Burmannia congesta" có quan hệ họ hàng gần với "Campylosiphon purpurascens" hơn là với các loài "Burmannia" khác. Năm 2010, Paulus Johannes Maria Maas đổi danh pháp cho nó thành "Campylosiphon congestus".
1
null
Dictyostega orobanchoides là một loài thực vật có hoa trong họ Burmanniaceae. Loài này được William Jackson Hooker mô tả lần đầu tiên vào tháng 1 năm 1840 dưới danh pháp "Apteria orobanchoides". Tháng 4 cùng năm John Miers mô tả nó với danh pháp như hiện nay được công nhận.
1
null
Miersiella umbellata là một loài thực vật có hoa trong họ Burmanniaceae. Loài này được John Miers mô tả khoa học đầu tiên năm 1841. Năm 1903, Ignatz Urban chuyển nó sang chi do ông mới mô tả là Miersiella. Nó là bản địa khu vực Nam Mỹ (bao gồm Brasil, Guiana thuộc Pháp, Suriname, Guyana, Venezuela, Colombia và Peru).
1
null
Hồ Đơn Dương (còn gọi là hồ Đa Nhim) là hồ chứa của nhà máy thủy điện Đa Nhim tại thị trấn D'Ran, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, Việt Nam. Hồ nằm cách trung tâm Đà Lạt gần 40 km về hướng đông, trên đường đi Phan Rang. Vị trí địa lý. Hồ Đơn Dương thuộc thị trấn Đran, huyện Đơn Dương. Cách Đà Lạt về hướng Đông 40 km trên đường đi Phan Rang. Diện tích mặt hồ là 9,7km2, cao khoảng 1042m so với mực nước biển. Thời tiết xen lẫn giữa ôn đới và nhiệt đới.. Hồ Đa Nhim là một công trình độc đáo của Đông Nam Á do người Nhật thiết kế.. Gần đó là điểm tham quan du lịch đèo Ngoạn Mục.
1
null
Álvaro Negredo Sánchez (; sinh ngày 20 tháng 8 năm 1985) là cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp người Tây Ban Nha đang chơi cho CLB Cádiz ở vị trí tiền đạo tại giải vô địch quốc gia Tây Ban Nha La Liga. Với biệt danh "La fiera de Vallecas" (quái thú vùng Vallecas), anh bắt đầu sự nghiệp tại Real Madrid, dù vậy anh không thể tìm được vị trí trong đội Một, sau đó chuyển sang thi đấu cho Almería và Sevilla. Trong 6 mùa giải, anh ghi tổng cộng 102 bàn thắng trong 209 trận tại La Liga. Là thành viên trong đội tuyển quốc gia Tây Ban Nha từ năm 2009, Negredo giúp đội tuyển vô địch Euro 2012. Sự nghiệp CLB. Rayo Vallecano. Sinh ra tại Madrid, Negredo bắt đầu sự nghiệp tại CLB địa phương Rayo Vallecano, có trận đấu chuyên nghiệp đầu tiên vào đầu năm 2005 tại giải Segunda División B. Manchester City. Ngày 19 tháng 7 năm 2013 Manchester City thông báo có được Negredo với giá 20 triệu £. Anh chuyển sang Manchester City một thời gian ngắn sau đồng đội Jesús Navas. Cuộc sống cá nhân. Các anh của Negredo, César và Rubén cũng từng là cầu thủ bóng đá, César là hậu vệ còn Rubén là tiền đạo. Cả hai thi đấu toàn bộ sự nghiệp tại các giải đấu thấp.
1
null
Củ nâu, tên khoa học Dioscorea cirrhosa, còn gọi là khoai leng, thự lương, giả khôi, khoai lang, má bau (Thái)..., là một loài thực vật có hoa trong họ Dioscoreaceae. Loài này được Lour. mô tả khoa học đầu tiên năm 1790. Đây là một loài thực vật được sử dụng như một loại thuốc trong Đông y tại cả Việt Nam lẫn Trung Quốc.
1
null
Dioscorea tokoro là một loài thực vật có hoa trong họ Dioscoreaceae. Loài này được Makino ex Miyabe mô tả khoa học đầu tiên năm 1889. Công dụng. dây leo, sống lâu năm, thân rễ ngắn phình thành củ to. Lá mọc so le, hình tim. Hoa đơn tính khác gốc. Quả nhỏ có dìa. Than rễ dùng làm thuốc chữa phong thấp, lợi tiểu
1
null
Tacca chantrieri là một loài thực vật có hoa trong họ Dioscoreaceae. Loài này được André miêu tả khoa học đầu tiên năm 1901. Tacca chantrieri còn được gọi là Hoa dơi, Hoa quỷ dữ, Râu hùm hay Mèo đen thường sinh trưởng ở những vùng nhiệt đới. Nó mọc trong các khu rừng, thung lũng và dọc theo các con sông ở độ cao giữa 200 và 1300 mét. Nó thích ẩm, nhưng không ẩm ướt, địa điểm bán râm với nhiệt độ và độ ẩm cao.. Khi trưởng thành, cây cao khoảng 60 cm và mọc ra những bông hoa kèm theo các sợi dây nhỏ dài chừng 30 cm. Khi mới nở, hoa có màu trắng nhưng khi lớn, cánh hoa từ từ chuyển sang màu đen. Nó được tìm thấy ở các tỉnh của Trung Quốc và Đông Nam Á. Một số ít tìm thấy tại Ấn Độ, Sri Lanka, Bangladesh…
1
null
Tacca integrifolia là một loài thực vật có hoa trong họ Dioscoreaceae. Loài này được Ker Gawl. miêu tả khoa học đầu tiên năm 1812. Đây là loài bản địa của rừng mưa nhiệt đới và cận nhiệt đới của Trung Á. Nó lần đầu tiên được mô tả bởi nhà thực vật học người Anh John Bellenden Ker Gawler năm 1812. Loài này có nguồn gốc từ các vùng đồi núi thuộc vùng Trung Á nhiệt đới và cận nhiệt đới. Nó được biết đến từ Pakistan, Đông Ấn Độ, Sri Lanka, Bhutan, Bangladesh, Nepal, Myanmar, Malaysia, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam và miền đông Trung Quốc. Nó phát triển trong rừng nhiệt đới ẩm ướt, phát triển trong các bãi rác ở những nơi râm mát. "T. Integrifolia" là một loại thảo mộc phát triển từ một thân rễ. Phiến lá được mọc trên cành cây dài và có hình elip hình trụ có hình trụ dài, hình trụ, kích cỡ .
1
null
Hồi đầu hay còn gọi là vùi đầu, vùi sầu, vùi đầu thảo, thủy điền thất, mằn tảo láy, vạn bố, bơ bỉa mến, (danh pháp khoa học: Tacca plantaginea) là một loài thực vật có hoa trong họ Dioscoreaceae. Loài này được (Hance) Drenth miêu tả khoa học đầu tiên năm 1972.
1
null
Wurmbea novae-zelandiae là một loài thực vật có hoa trong họ Colchicaceae. Loài này được Joseph Dalton Hooker miêu tả khoa học đầu tiên năm 1878 dưới danh pháp "Anguillaria novae-zelandiae" dựa theo mô tả trước đó của Thomas Kirk. Năm 1879 John Gilbert Baker chuyển nó sang chi "Iphigenia" Từ năm 2015 nó được chuyển sang chi "Wurmbea" với danh pháp "Wurmbea novae-zelandiae" .
1
null
Kuntheria pedunculata là một loài thực vật có hoa trong họ Colchicaceae. Loài này được Ferdinand Jacob Heinrich von Mueller miêu tả khoa học đầu tiên năm 1891 dưới danh pháp "Schelhammera pedunculata". Năm 1987 John Godfrey Conran và Harold Trevor Clifford chuyển nó sang chi do họ mới thành lập. Cho tới năm 2018 nó vẫn là loài duy nhất của chi này. Loài này là đặc hữu Queensland, Australia.
1
null
Amana erythronioides (danh pháp cũ Tulipa erythronioides) là một loài thực vật có hoa thuộc họ Loa kèn (Liliaceae). Đây là cây bản địa Trung Quốc (An Huy, Chiết Giang) và Nhật Bản (Musashi, Ise). "Amana erythronioides" là cây lâu năm, có thân hành, đạt chiều cao 20 cm. Hoa trắng, có vân tím.
1
null
Erythronium klamathense là một loài thực vật có hoa trong họ Liliaceae. Loài này được Applegate miêu tả khoa học đầu tiên năm 1930. Đây là loài bản địa bắc California (các quận Shasta và Siskiyou) và nam Oregon (các quận Jackson, Josephine, Klamath, Douglas và Lane Counties), nơi chúng mọc trên các núi Klamath và các đỉnh cực nam của dãy núi Cascade.
1
null
Bối mẫu A Nhĩ Thái (danh pháp hai phần: Fritillaria meleagris) là một loài thực vật có hoa trong họ Liliaceae. Loài này được L. miêu tả khoa học đầu tiên năm 1753. Đây là loài bản địa từ vùng đồng bằng sông lũ ở châu Âu, nơi chúng mọc rất nhiều.
1
null
Fritillaria monantha là một loài thực vật có hoa trong họ Liliaceae. Loài này được Migo miêu tả khoa học đầu tiên năm 1939. Loài cây này chỉ được tìm thấy ở Trung Quốc, được tìm thấy ở các tỉnh An Huy, Hà Nam, Hồ Bắc, Giang Tây, Tứ Xuyên và Chiết Giang. "Fritillaria monantha" tạo củ có đường kính lên tới 20 mm. Thân cây cao tới 100 cm. Hoa rủ xuống, thường có màu vàng đến tím nhạt, có đốm tím.
1
null