text
stringlengths
0
512k
Tháp CN (tiếng Anh: CN Tower) là một ngọn tháp nổi tiếng thế giới của thành phố Toronto, tỉnh Ontario, Canada (độ cao 553,33 m (1815 ft), tọa độ địa lý: 43°38′33.24″ N, 79°23′13.7″ W). Trong khoảng thời gian từ năm 1975 đến năm 2007, đây là kết cấu độc lập cao nhất thế giới nằm trên đất liền . Công trình được xem như biểu tượng của thành phố Toronto nói riêng và một trong những biểu tượng của Canada nói chung. Tháp thu hút khoảng 2 triệu khách du lịch một năm. Tên đầy đủ của tháp là Canadian National Tower (Tháp quốc gia Canada), nhưng tên này ít được sử dụng. Công trình được khởi công vào ngày 6 tháng 1 năm 1973 do Công ty Đường sắt Quốc gia Canada (Canadian National Railway) đầu tư xây dựng. Công ty này muốn xây dựng một tháp truyền hình và liên lạc viễn thông phục vụ tại vùng Đại Toronto và cũng muốn chứng tỏ sức mạnh của nền công nghiệp Canada. Những thành viên trụ cột của dự án gồm: Hãng xây dựng NCK Hãng kiến trúc John Andrews Hãng kiến trúc Webb, Zerafa, Menkes, Housden Hãng xây dựng Foundation Building Construction và Canron (bộ phận miền đông). Công trình được thi công liên tục, 24 giờ mỗi ngày và 5 ngày mỗi tuần, trong vòng 40 tháng liên tục với nhân lực tổng cộng 1573 người. Tháp CN khánh thành vào ngày 26 tháng 6 năm 1976. Bộ phận nhận tín hiệu vi sóng phát thanh từ xa được đặt ở độ cao 338 m và ăngten phát sóng được đặt trên đỉnh tháp. Tổng số vốn đầu tư cho công trình vào khoảng 300 triệu đô la Canada, tương đương 260 triệu đô la Mỹ, được thanh toán trong vòng 15 năm. Một cầu thang bằng thép gồm 1776 bậc dẫn lên đến tầng Skypod ở độ cao 447 m (1465 ft), tương đương bằng một tòa nhà 147 tầng, và đây là cầu thang cao nhất trên thế giới. Thang bộ này được sử dụng để thoát thân khẩn cấp trong trường hợp sự cố và không được sử dụng thường ngày, ngoại trừ cho hai cuộc thi leo thang từ thiện trong một năm. Đó là Ngày Trái Đất của Quỹ Sinh vật Hoang dã Thế giới (World Wildlife Fund) tổ chức vào mùa xuân và một lần khác vào mùa thu do United Way tại Toronto (United Way's Toronto chapter). Trung bình người ta mất khoảng 30 phút để leo lên đến phần thấp nhất của bầu tháp (phần vành trắng ở phía dưới của bầu tháp) tuy nhiên kỉ lục nhanh nhất được ghi nhận là 7 phút 52 giây.Trong thời gian xây dựng chỉ có duy nhất 1 người bị tử vong do tai nạn lao động. Chú thích CN CN, Tháp Kiến trúc Canada Kiến trúc hiện đại tại Canada
Trong khoa học máy tính thì thuật ngữ thiết bị khởi động được (bootable device) thường dùng để chỉ các thiết bị khởi động thoả mãn thêm các điều kiện sau: Bản thân thiết bị đó có chứa các dữ liệu khởi động được (như là một hệ điều hành chẳng hạn) Thiết bị có khả năng liên lạc và tiếp nhận sự chuyển giao quyền điều khiển máy từ BIOS Một khi được chuyển giao quyền điều khiển thì thiết bị sẽ tiếp tục giao trả quyền điều khiển này cho một dữ liệu khởi động được mà nó chứa trong kho lưu trữ riêng thông qua quá trình khởi động mồi. Các thí dụ thường thấy của thiết bị khởi động được là: ổ cứng có cài đặt hệ điều hành, các loại CDROM có khả năng tự khởi động (như là các CDROM) Đặc điểm Đặc điểm chung của các thiết bị khởi động được là chúng luôn luôn có một đoạn mã để thực thi việc khởi động mồi. Hiện nay, hai phương pháp được dùng rất rộng rãi cho các thiết bị khởi động được là sử dụng bộ tải khởi động (bootloader) và sử dụng MBR. Điều kiện để một thiết bị có khả năng khởi động được là BIOS của máy phải có tính năng hỗ trợ cho thiết bị này trong việc khởi động mồi. Thí dụ, hầu hết trong các máy tính PC ngày nay đều hỗ trợ cho việc khởi động qua các CDROM và đĩa mềm. Tuy nhiên, trong các hệ máy của thập niên 1970-1980 thì hầu như khả năng khởi động này chỉ có cho đĩa mềm. Một số hệ máy mới đã có khả năng khởi động trực tiếp lên các DVD và các thanh USB cắm thẳng vào cổng USB. Một thiết bị khởi động được không nhất thiết chỉ chứa một hệ điều hành mà Nó có thể chỉ có một phần cần thiết của hệ điều hành như trương hơp dĩa mềm khởi động được của DOS chỉ cần có io.sys, msdos.sys và lệnh cơ bản command.com là đủ Nó có thể có nhiều hơn một dữ liêu khởi động được, mà trường hợp này thường phải dùng một bộ tải khởi động để cho người sử dụng lựa chọn. Thường thấy nhất là các ổ cứng được cài đặt hai hệ điều hành bao gồm Linux và Microsoft Windows. Nguyên tắc chung để chế tạo Ngoài yêu cầu hỗ trợ về BIOS, nghĩa là khối mã BIOS trên máy phải cung cấp các dịch vụ cho phép nó kiểm nghiệm và giao quyền điều khiển cho thiết bị, thì ở nơi chứa đữ liệu khởi động được cần phải theo một tiêu chuẩn chung để BIOS có thể giao quyền. Thí dụ1: đối với các đĩa CDROM định dạng theo theo chuẩn ISO9660 và để sử dụng chuẩn cho CD khởi động được là El torito. Cách thiết kế thông thường là ở cung (sector) thứ 17 (viết dạng hexdecimal là 11h) sẽ phải chứa một bản khởi động trong đó có một nơi ghi lại địa chỉ của danh mục khởi động (boot catalog). Nội dung của danh mục khởi động sẽ là danh sách các ảnh khời động (boot image) mỗi ảnh khởi động sẽ bắt đầu cho một khối dữ liệu khởi động được. Thí dụ2: Đối với các đĩa cứng, đĩa mềm, hay thanh USB thì có thể đặt vào cung đầu tiên của các ổ nhớ này một chương trình MBR hay một bộ tải khởi động Trong cả hai thí dụ thì các lệnh jump và các ngắt BIOS sẽ giúp máy khởi động được lên thiết bị. Ứng dụng Các ứng dụng hiện nay của thiết bị khởi động được bao gồm: Tạo ra các dĩa CD hay DVD dùng để cài đặt các hệ điều hành mới lên các máy tính mà trước đây phải dùng đĩa mềm. Tạo ra các "hệ điều hành lưu động" gọn nhẹ trên đó thường có các chương trình tiện ích. Đặc biệt các thanh nhớ USB rất tiện lợi trong công tác này vì ngoài khả năng lưu trữ, các dữ liệu có thể được viết ra hay viết lại lên trên thanh ghi và với kích thước nhỏ thanh ghi có thể được cắm vào bất kì hệ thống máy tính nào có hỗ trợ cho việc khởi động trên ổ USB. Một số hãng như HP đã tận dụng khả năng này để cung cấp các phần mềm hỗ trợ cho các cài đặt đặc biệt trên máy mà không cần phải cài đặt các phần mềm này vào ổ cứng. Những kết quả nghiên cứu gần đây (2000-2006) đã cho phép các thiết bị khởi động được có khả năng dò tìm ra các thiết bị đặc thù trên máy của người tiêu dùng, từ đó tải lên các bộ điều vận thích hợp, đặc biệt là nó có thể trực tiếp ra lệnh nối mạng để thực thi các thao tác chuyên môn mà không cần phải khởi động ổ cứng. Đọc thêm Bart's way to create bootable CD-Roms (for Windows/Dos) Utility to make USB flash drives bootable
Kyodo News (共同通信社 Kyōdō Tsūshinsha; âm Hán-Việt: "Cộng đồng thông tín xã") là một hãng thông tấn của Nhật Bản, có trụ sở chính tại Tokyo, được thành lập vào tháng 11 năm 1945. Hãng này hoạt động trên nguyên tắc phi lợi nhuận, ngân sách hàng năm do các thành viên đóng góp và từ doanh thu của các khách hàng không phải là thành viên. Phần tin tiếng Nhật của hãng được phân phối và sử dụng rộng rãi tại các cơ quan truyền tin (truyền thanh, truyền hình và báo chí) của Nhật Bản. Tin tiếng Anh của Kyodo được truyền đi khắp thế giới. Kyodo News có một chi nhánh thành lập năm 1982 tại Mỹ, Kyodo News International, Inc. (KNI), đặt trụ sở tại Thành phố New York. Đây là bộ phận marketing và nghiên cứu của Kyodo. Toàn hãng có hơn 1.000 phóng viên, hơn nửa trong số họ làm việc ở trụ sở chính tại Tokyo. Hãng có khoảng 70 phóng viên và 40 cộng tác viên thường trú ở 50 địa điểm ở nước ngoài.
EFE là hãng thông tấn lớn nhất thế giới sử dụng tiếng Tây Ban Nha, có trụ sở chính tại Madrid, Tây Ban Nha. Hãng có mạng lưới 1.000 nhà báo và đội ngũ phóng viên cùng cộng tác viên gồm 2.000 người trải đều trên toàn thế giới. EFE tuyên bố trên trang Web của mình rằng hãng là hãng thông tấn lớn thứ tư thế giới. Sau khi cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha, EFE là instrumentalized như một cơ quan giám sát và lấy tên là Franco EFE mà không có sự biện minh hay giải thích. Trước đây đã có các cơ quan khác có tên bắt đầu với F mà đã bị phá hủy bởi chế độ độc tài, nhưng rõ ràng là cái tên không đến EFE thay Falangism, Franco và chủ nghĩa phát xít. Cơ quan này nói dối trong Franco "lợi ích quốc gia" trong phong cách của các triết lý của chủ nghĩa phát xít của Hitler và vẫn còn nằm ngày hôm nay. Một ví dụ ngoạn mục của mình và nằm xảo quyệt "để duy trì sự thống nhất của dân tộc Tây Ban Nha" là số người tham gia (56.000 so với 1.100.000) cho trình diễn độc lập của Catalonia, ngày ngày 10 tháng 7 năm 2010. Chú thích
Trong tiếng Việt, bia có thể là: Bia: là đích vẽ vòng tròn đồng tâm dùng để tập bắn Bia (bắt nguồn từ từ tiếng Pháp bière): đồ uống có cồn Bia (kiến trúc): tấm đá hay đồng có viết lại tên người có công, lời để lại hoặc các thông tin về người đã chết (thường đặt trước mộ) hay miêu tả một sự kiện. Hiện vật khảo cổ Bia
Hãng thông tấn, hãng tin hay thông tấn xã, là một tổ chức báo chí trong ngành truyền thông, có thể đại diện cho một chính phủ, một đất nước (ví dụ như Thông tấn xã Việt Nam) hay mang tính trung lập nhưng với mục tiêu kinh doanh mang lại lợi ích của cổ đông. Mục tiêu Mục tiêu của hãng quyết định hình thức hãng ấy đưa tin với ý nghĩa phổ cập thông tin, giáo dục hay kinh doanh. Nếu thuộc vào nhóm thứ nhất đưa thông tin phổ cập kiến thức, hãng thông tấn thường tăng doanh thu bằng việc kinh doanh thêm các ấn phẩm bán lẻ dựa vào tài nguyên nội dung và nhân lực sẵn có. Một hãng thông tấn kinh doanh thông tin thường bán buôn thông tin cho các khách hàng. Sản phẩm Sản phẩm của hãng thông tấn rất phong phú, từ tin tức (nội dung) đến các giải pháp kỹ thuật để truyền nội dung ấy đến khách hàng. Phần tin tức thường bao gồm tin nóng (bài viết, tin ảnh, đồ họa, video thời sự) hoặc các phóng sự chuyên đề với hình thức tương tự tin nóng song có khác biệt về thời gian sự kiện xảy ra trong tin đến thời điểm chúng được đưa lại. Phần hình thức truyền đa dạng từ phần mềm đến các thiết bị chuyên dùng có gắn sẵn phần mềm như sàn giao dịch ngoại hối. Khách hàng Khách hàng của một hãng thông tấn cũng đa dạng từ nhà nghiên cứu chính sách đến nhà đầu tư chứng khoán, có thể là cá nhân hay tổ chức, là cơ quan của chính quyền hoặc trong khối doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế thị trường. Tất nhiên phải nhắc đến một số lượng lớn khách hàng của các hãng thông tấn là các tờ báo in hoặc báo điện tử, tạp chí, đài phát thanh, truyền hình. Nếu các hãng thông tấn thường bán tin theo hình thức bán buôn thì chính những khách hàng kể trên của họ là những nhà bán lẻ. Do đó một hãng thông tấn không nhất thiết phải có báo in để bán sản phẩm của mình. Hợp đồng mua bán tin tức bao gồm mua tin lẻ hoặc thường là mua trọn gói, theo từng thể loại nhất định như thời sự, thể thao hay kinh doanh tiền tệ.
Canada thi đấu tại Thế vận hội Mùa đông 2006 ở Torino, Ý với 196 vận động viên và 220 nhân viên hỗ trợ. Vì là nước sẽ đăng cai Thế vận hội Mùa đông 2010, Canada phải thi đấu tốt tại Thế vận hội năm 2006. Mục đích của Ủy ban Olympic Canada năm 2006 là đứng thứ ba trên bảng tổng sắp huy chương, tạo đà cho mục tiêu có số huy chương cao nhất ở Thế vận hội Mùa đông 2010 tại Whistler, British Columbia . Canada đã đạt được mục đích tăng số huy chương ở mỗi kỳ Thế vận hội Mùa đông kể từ Thế vận hội năm 1980 tại Lake Placid, New York. Ngoài ra, những kết quả Giải vô địch ski thế giới mùa 2005–2006 cho thấy Canada có khả năng thi đấu tốt ở Torino.
Phú Khánh là một tỉnh cũ của Việt Nam tồn tại từ ngày 29 tháng 10 năm 1975 đến 30 tháng 6 năm 1989. Địa lý Tỉnh Phú Khánh có vị trí địa lý: Phía bắc giáp tỉnh Nghĩa Bình. Phía nam giáp tỉnh Thuận Hải. Phía đông giáp biển Đông. Phía tây giáp các tỉnh Gia Lai - Kon Tum, Đắk Lắk và Lâm Đồng. Lịch sử Tỉnh Phú Khánh được hợp nhất từ tỉnh Phú Yên, tỉnh Khánh Hòa, thành phố Nha Trang và thị xã Cam Ranh thời Việt Nam Cộng Hòa. Sau khi thành lập tỉnh Phú Khánh, các huyện mới cũng được thành lập trên cơ sở hợp nhất các huyện cũ, cụ thể: Hợp nhất thị xã Cam Ranh và huyện Cam Ranh huyện Cam Lâm. Hợp nhất hai huyện Vạn Ninh và Ninh Hòa thành huyện Khánh Ninh. Hợp nhất hai huyện Diên Khánh và Vĩnh Xương thành huyện Khánh Xương. Hợp nhất huyện Vĩnh Khánh với một số xã của huyện Vĩnh Sơn thành huyện Khánh Vĩnh. Sáp nhập các xã còn lại của huyện Vĩnh Sơn vào huyện Khánh Sơn. Hợp nhất hai huyện Sơn Hòa và Sông Hinh thành huyện Tây Sơn. Hợp nhất quận I và quận II của thành phố Nha Trang (cũ) thành thị xã Nha Trang (thị xã tỉnh lỵ tỉnh Phú Khánh). Tỉnh Phú Khánh vào cuối năm 1975 bao gồm thị xã Nha Trang (tỉnh lị), thị xã Tuy Hòa và 9 huyện: Cam Ranh, Đồng Xuân, Khánh Ninh, Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Khánh Xương, Tây Sơn, Tuy An, Tuy Hòa. Tháng 3 năm 1977, thành lập các huyện lớn như sau: Sáp nhập huyện Khánh Sơn vào huyện Cam Ranh Hợp nhất 2 huyện Khánh Xương và Khánh Vĩnh thành huyện Diên Khánh Hợp nhất 2 huyện Tuy An, Đồng Xuân và 4 xã: Sơn Long, Sơn Đỉnh, Sơn Xuân, Phú Mỗ của huyện Tây Sơn được hợp nhất thành huyện Xuân An Sáp nhập thị xã Tuy Hòa vào huyện Tuy Hòa và chuyển thị xã Tuy Hòa thành thị trấn Tuy Hòa thuộc huyện Tuy Hòa Sáp nhập 7 xã: Vĩnh Thái, Vĩnh Thanh, Vĩnh Trung, Vĩnh Lương, Vĩnh Phương, Vĩnh Hiệp và Vĩnh Ngọc của huyện Vĩnh Xương vào thị xã Nha Trang, và được chuyển thành thành phố Nha Trang. Tháng 9 năm 1978, tái lập thị xã Tuy Hòa từ một phần huyện Tuy Hòa, chia huyện Xuân An thành 2 huyện: Tuy An và Đồng Xuân, đồng thời, 4 xã: Sơn Xuân, Sơn Long và Sơn Định của huyện Xuân An được chuyển về huyện Tây Sơn. Tháng 3 năm 1979, chia lại huyện Khánh Ninh thành 2 huyện: Ninh Hòa và Vạn Ninh. Tháng 12 năm 1982, huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Đồng Nai được sáp nhập vào tỉnh Phú Khánh. Tháng 12 năm 1984, chia huyện Tây Sơn thành 2 huyện: Sông Hinh và Sơn Hoà. Ngày 27 tháng 6 năm 1985, tái lập huyện Khánh Sơn từ một phần huyện Cam Ranh; tái lập huyện Khánh Vĩnh từ một phần huyện Diên Khánh; thành lập huyện Sông Cầu từ một phần huyện Đồng Xuân.. Đến cuối năm 1988, tỉnh Phú Khánh có 15 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm: thành phố Nha Trang (tỉnh lị), thị xã Tuy Hòa và 13 huyện: Cam Ranh, Diên Khánh, Đồng Xuân, Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Ninh Hòa, Sơn Hòa, Sông Cầu, Sông Hinh, Trường Sa, Tuy An, Tuy Hòa, Vạn Ninh. Ngày 30 tháng 6 năm 1989, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa VIII ra nghị quyết chia tỉnh Phú Khánh để tái lập tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa: Tỉnh Khánh Hòa bao gồm thành phố Nha Trang và 7 huyện: Cam Ranh (sau là thành phố Cam Ranh), Diên Khánh, Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Ninh Hòa (sau là thị xã Ninh Hòa), Trường Sa, Vạn Ninh. Tỉnh Phú Yên gồm thị xã Tuy Hòa và 6 huyện: Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Cầu, Sông Hinh, Tuy An, Tuy Hòa (sau là huyện Tây Hòa và thị xã Đông Hòa). Chú thích
Họ Gừng (danh pháp khoa học: Zingiberaceae), là một họ của thảo mộc sống lâu năm với các thân rễ bò ngang hay tạo củ, bao gồm 47-56 chi và khoảng 1.075-1.600 loài. Nhiều loài là các loại cây cảnh, cây gia vị, hay cây thuốc quan trọng. Các thành viên quan trọng nhất của họ này bao gồm gừng, nghệ, riềng, đậu khấu và sa nhân. Đặc trưng Các loài trong họ này là thực vật tự dưỡng hay biểu sinh. Thân rễ lớn, thường phân nhánh, chứa nhiều chất dự trữ. Lá có các bẹ dài ôm lấy nhau làm thành thân giả, cuống ngắn và phiến lớn, giữa cuống và bẹ lá có phần phụ gọi là lưỡi bẹ (ligule). Thân lá thường có mùi thơm. Ở nhiều loài thân khí sinh chỉ xuất hiện khi cây ra hoa, mọc lên từ thân rễ, xuyên qua thân giả ra ngoài mang ở phần cuối 1 cụm hoa (chi Alpinia), nhưng có loài cụm hoa nằm ngay trên thân rễ ở sát mặt đất. Hoa không đều, đài hình ống, màu lục, tràng hình ống, phía trên chia 3 thùy, thùy giữa lớn hơn hai thùy bên. Chỉ có một nhị sinh sản (ở vòng trong) với 2 bao phấn lớn nứt phía trong. Một cánh môi hình bản lớn, màu sặc sỡ, do 3 nhị dính với nhau và biến đổi thành, nằm đối diện với nhị sinh sản. Hai nhị còn lại biến thành hai nhị lép (vô sinh) nhỏ nằm 2 bên bao phấn (nhiều khi giảm chỉ còn lại những vảy nhỏ, hoặc mất hẳn). Bầu dưới có 3 ngăn, mỗi ngăn chứa nhiều noãn. Vòi nhụy chui qua khe hở giữa 2 bao phấn và thò ra ngoài. Quả nang, đôi khi là quả mọng. Hạt có nội nhũ và cả ngoại nhũ. Mô của các loại cây trong họ này tiết ra tinh dầu có mùi đặc trưng. Phân loại Phân họ Siphonochiloideae: 1-2 chi, 20 loài. Tông Siphonochileae: Châu Phi và Madagascar. Chi Aulotandra Chi Siphonochilus (bao gồm cả Cienkowskia, Cienkowskiella) Phân họ Tamijioideae: 1 chi, 2 loài. Tông Tamijieae: Borneo. Chi Tamijia Phân họ Alpinioideae: 21-27 chi, 920 loài. Chủ yếu trong khu vực Ấn Độ - Malesia. Cũng có ở vùng nhiệt đới châu Phi, châu Mỹ và Australia. Chi Siliquamomum: sa nhân cải (incertae sedis) Tông Alpinieae: 16-22 chi, 830 loài. Các chi đa dạng loài là Alpinia (200 loài), Amomum (110 loài), Etlingera (110 loài), Renealmia (75 loài), Aframomum (60 loài), Hornstedia (50 loài). Chi Adelmeria (bao gồm cả Elmeria) Chi Aframomum (bao gồm cả Alexis, Marogna) Chi Alpinia (bao gồm cả Albina, Allagas, Buekia, Catimbium Holttum, Catimbium Jussieu?, Cenolophon, Doxanthes, Eriolopha, Galanga, Guillainia, Hellenia, Hellwigia, Heritiera, Kolowratia, Languas, Martensia, Monocystis, Odontychium, Strobidia, Zerumbet J. C. Wendl.): riềng Chi lai ghép X Alpingera F. Luc-Cayol = Alpinia Roxburgh X Etlingera Giseke Chi Amomum (bao gồm cả Cardamomum Kuntze, Elettariopsis, Geocallis, Paramomum, Torymenes, Zedoaria): sa nhân, đậu khấu. Chi Conamomum Chi Cyphostigma Chi Elettaria (bao gồm cả Cardamomum Noronha, Matonia): Tiểu đậu khấu. Chi Epiamomum Chi Etlingera (bao gồm cả Achasma, Bojeria, Diracodes, Geanthus, Nicolaia, Phaeomeria) Chi Geocharis Chi Geostachys (bao gồm cả Carenophila): địa sa Chi Hornstedtia (bao gồm cả Donacodes, Greenwaya, Stenochasma) Chi Lanxangia: Thảo quả. Chi Leptosolena Chi Meistera Chi Plagiostachys Chi Renealmia L.f., 1782 (bao gồm cả Alpinia L., Ethanium, Gethyra, Peperidium, Siphotria): Châu Phi chỉ có chi này. Chi Sulettaria. Tách ra từ chi Elettaria năm 2018. Chi Sundamomum Chi Vanoverberghia Chi Wurfbainia (bao gồm cả Paludana) Tông Riedelieae: 4 chi, 105 loài. Chi đa dạng nhất Riedelia (75 loài). Đông Malesia tới Australia (1 loài) và Thái Lan (1 loài). Chi Burbidgea Chi Pleuranthodium (bao gồm cả Psychanthus) Chi Riedelia (bao gồm cả Naumannia, Nyctophylax, Oliverodoxa, Rudelia, Thylacophora) Chi Siamanthus Phân họ Zingiberoideae: 33 chi, 695 loài. Phân bố Ấn Độ - Malesia, nhiệt đới Australia. Chi Monolophus (tách 22 loài từ Caulokaempferia, incertae sedis): thiền liền. Tông Zingibereae: 30 chi, 585 loài. Các chi đa dạng loài nhất là Curcuma (100 loài), Zingiber (100 loài), Boesenbergia (60 loài), Hedychium (50 loài). Chi Boesenbergia (bao gồm cả Curcumorpha, Gastrochilus, Jirawongsea): bồng nga truật. Chi Camptandra Chi Cautleya: cầu ly. Chi Cornukaempferia Chi Curcuma (bao gồm cả Hitchenia, Hitcheniopsis, Laosanthus, Paracautleya, Smithatris, Stahlianthus): nghệ Chi Distichochlamys: gừng đen, nghệ đen Chi Haniffia Chi Haplochorema (có thể gộp trong Boesenbergia) Chi Hedychium (bao gồm cả Brachychilum): ngải tiên Chi Kaempferia (bao gồm cả Monolophus Wallich non Delafosse et al., Tritophus, Zerumbet Garsault): địa liền. Chi Kedhalia Chi Larsenianthus Chi Myxochlamys Chi Nanochilus Chi Newmania Chi Parakaempferia Chi Pommereschea Chi Pyrgophyllum Chi Rhynchanthus Chi Roscoea Chi Scaphochlamys (bao gồm cả Borneocola) Chi Stadiochilus: Có thể không thuộc về tông này? Chi Zingiber (bao gồm cả Amomum L., Cassumunar, Dieterichia, Dymczewiczia, Jaegera, Pacoseroca, Thumung, Zerumbet Lestibudois): gừng. Tông Globbeae: 3-4 chi, 110 loài. Chi đa dạng loại nhất Globba (~100 loài khi gộp cả Mantisia). Chi Gagnepainia Chi Globba (bao gồm cả Achilus, Ceratanthera, Colebrookia, Hura, Lampujang, Manitia, Mantisia?, Sphaerocarpos) Chi Hemiorchis Chi Mantisia (có thể gộp trong Globba). Phát sinh chủng loài Cây phát sinh chủng loài dưới đây lấy theo APG III. Phân bố Họ này có khoảng 47-56 chi và hơn 1.070 (tùy tài liệu, có thể thống kê tới 1.370-1.600) loài, phân bố ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, chủ yếu ở nam và đông nam châu Á. Ở Việt Nam hiện biết gần 20 chi và gần 100 loài, trong đó nhiều cây có giá trị. Một số cây trồng như: Riềng (Alpinia officinarum Han.): thân rễ khỏe, phủ nhiều vảy, khi già có nhiều xơ, dùng làm gia vị và làm thuốc. Nghệ (Curcuma domestica-Val. hay Curcuma longa- L.): thân rễ làm gia vị, làm thuốc chữa bệnh dạ dày, bệnh vàng da, dùng cho phụ nữ sau khi sinh đẻ. Gừng (Zingiber officinale Rosc.): thân rễ thơm cay, dùng làm gia vị, làm mứt và làm thuốc, có tác dụng hưng phấn, dễ tiêu. Gừng gió (Zingiber zerumbet (Sm. ex L.): là loài mọc dại gặp nhiều trong rừng thứ sinh, có hoa màu trắng, cánh môi màu vàng nhạt, thân rễ vị đắng và cay, cũng được dùng làm thuốc. Ở rừng Việt Nam, còn gặp một số cây mọc ở tầng thấp như: Ré (Alpinia speciosa K. Chum.): cánh môi vàng có viền đỏ, quả mọng hình cầu, cây dùng lấy sợi. Thảo quả (Amomum tsaoko Roxb.) và sa nhân (Amomum villosum Lour.): là hai loại cây dùng làm thuốc, được khai thác nhiều để xuất khẩu (quả thảo quả còn dùng làm gia vị), gặp nhiều ở các rừng miền bắc Việt Nam.
Trượt băng tốc độ tại Thế vận hội Mùa đông 2006 (speed skating) bao gồm 12 bộ môn cho cả nam và nữ, mỗi phái thi đua trong 5 bộ môn cá nhân và 1 bộ môn đội. Bảng huy chương Nam 10000 m Đội Nữ 5000 m Đội Chú thích 2006 Sự kiện Thế vận hội Mùa đông 2006
Phạm Duy Tốn (chữ Hán: 范維遜; 1883 –25 tháng 2 năm 1924) là nhà văn xã hội tiên phong của nền văn học mới Việt Nam hồi đầu thế kỷ 20. Trước khi trở thành một nhà văn, nhà báo, ông từng là thông ngôn ở tòa Thống sứ Bắc Kỳ. Truyện ngắn Sống chết mặc bay của ông được coi là truyện ngắn đầu tiên theo lối Tây phương của văn học Việt Nam. Ngoài tên thật Phạm Duy Tốn, ông còn viết với các bút danh Ưu Thời Mẫn, Đông Phương Sóc, Thọ An.<ref name="cinet">Phạm Duy Tốn, theo tài liệu này thì ông là người viết các báo Đại Việt tân báo, Đăng cổ tùng báo, Nông cổ mín đàm, Đông dương tạp chí, Lục tỉnh tân văn, Nam Phong tạp chí, Trung Bắc tân văn.</ref> Một trong những người con của Phạm Duy Tốn là nhạc sĩ Phạm Duy (tên thật là Phạm Duy Cẩn). Tiểu sử Xuất thân và quê quán Phạm Duy Tốn sinh tại nhà số 54 đường Felloneau (nay là phố Hàng Dầu), Hà Nội. Nguyên quán của ông ở làng Phượng Vũ, xã Phượng Dực, huyện Thượng phúc ,phủ thường tín tỉnh Hà đông (nay là Phú Xuyên, thành phố Hà Nội). Cha Phạm Duy Tốn là ông Phạm Duy Đạt và mẹ là bà Nguyễn Thị Huệ (- 1926). Ông Đạt chỉ có hai người con, do đó ông Tốn còn có một người em gái sau này là vợ của Án sát Bắc Ninh. Trong bài Nói chuyện với Phạm Duy về Phạm Duy Tốn (báo Văn số 169), nhà văn, nhà báo Vũ Bằng dẫn lời Phạm Duy cho biết ông Phạm Duy Đạt là một ông Chánh tổng, còn bà Nguyễn Thị Huệ là "một người ả đầu cũ kỹ nổi tiếng hát hay một thời". Sau khi lấy nhau, bà Huệ bỏ nghề hát về bán dầu. Cũng theo lời Phạm Duy, nhờ nghề buôn bán của gia đình ông nội nên "chắc bố tôi cũng được lớn lên trong một hoàn cảnh dễ chịu, không bị thôi thúc vì đồng tiền" (Phạm Duy, Viết về bố, báo Văn số 169). Thuở nhỏ Phạm Duy Tốn học chữ Nho. Sau ông cùng với Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim học trường Thông ngôn Hà Nội (Quai de Commerce) ở Yên Phụ và tốt nghiệp năm 1901. Sau khi tốt nghiệp, Phạm Duy Tốn được bổ làm thông ngôn ngạch tòa sứ Ninh Bình rồi sang Thị Cầu (tòa sứ Bắc Ninh). Lúc ấy ông nổi tiếng là một thông ngôn có bản sắc riêng. Tuy nhiên, ông nhanh chóng bỏ công việc đúng theo sở học của mình mà không rõ lý do. Mặc dù có tài liệu nói ông bỏ việc vì chống đối người Pháp, nhưng theo lời Phạm Duy, có thể lý do là ở máu phiêu lưu và sự hiếu động của ông. Phạm Duy viết trong bài Viết về bố: "Theo lời mẹ tôi nói trong lúc răn dạy tôi khi còn bé thì bố tôi là một người rất đam mê, nhưng chóng chán. Làm đủ mọi việc nhưng không bao giờ làm hết một việc. Tính tình đó đã cắt nghĩa được sự hành nghề lung tung của bố tôi trong một quãng đời ngắn ngủi". Làm đủ nghề để kiếm sống Sau khi bỏ việc thông ngôn, Phạm Duy Tốn đi dạy học ở trường Trí Tri, phố Hàng Quạt, Hà Nội. Là một trong số những người Việt Nam đầu tiên húi tóc ngắn và mặc trang phục châu Âu, Phạm Duy Tốn cùng Nguyễn Văn Vĩnh là hai trong số những người sáng lập phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội năm 1907. Tiểu luận Phạm Duy Tốn, Journalist, Short Story Writer, Collector of Humorous Stories (Phạm Duy Tốn, nhà báo, tác giả truyện ngắn, nhà sưu tập truyện cười) của giáo sư John C. Schafer, đại học Huboldt State cho biết thêm Phạm Duy Tốn cùng Nguyễn Văn Vĩnh là hai người đã đệ đơn lên chính quyền thuộc địa của Pháp ở Đông Dương xin thành lập trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Tuy nhiên, trường này bị nhà chức trách đóng cửa vào năm 1908 vì là nơi tập hợp các trí thức yêu nước, có khuynh hướng độc lập dân tộc và chống lại thực dân Pháp. Sau khi thôi dạy học, ông làm đủ các nghề khác nhau. Đầu tiên là mở một tiệm cao lâu ở phố Cầu Gỗ, Hà Nội. Theo Phạm Duy, nghề mở tiệm ăn lúc đó nằm trong tay Hoa kiều, tiệm cao lâu của ông Phạm Duy Tốn là tiệm đầu tiên của người Việt Nam. Tuy nhiên, tiệm không cạnh tranh được và phải đóng cửa. Ông lại vay tiền để mở một tiệm vàng tên là Nam Bảo. Chính vì việc vay mượn này mà sau khi Phạm Duy Tốn mất, vợ ông, bà Nguyễn Thị Hòa, đã phải làm lụng suốt đời để trả món nợ cũ của chồng. Tiệm vàng thất bại, Phạm Duy Tốn lại cùng một số bạn bè đi tìm mỏ ở Quảng Yên, nhưng theo lời Phạm Duy, "việc tìm mỏ chắc không đem lại cho bố tôi những thích thú về tiền bạc hay tinh thần". Sau khi thất bại liên tục trên đường tìm sinh kế, Phạm Duy Tốn được một người bạn Pháp giúp đỡ bằng cách giới thiệu vào làm việc cho chi nhánh của Ngân hàng Đông Dương (Banque d'Indochine) ở Mông Tự, Trung Quốc. Ông ở Trung Quốc không lâu, lại bỏ việc trở về và quyết định theo đuổi nghề mà xưa nay ông vẫn cho là nghề phụ: viết văn, làm báo. Viết văn, làm báo Giáo sư Schafer trong tiểu luận đã dẫn bình luận với nghề báo và viết lách, Phạm Duy Tốn "đã tìm thấy tiếng gọi của ông" và ông theo đuổi các hoạt động này đến khi qua đời. Theo giáo sư dẫn một bài trong báo Văn năm 1971 có tựa là Tưởng niệm Phạm Duy Tốn cho biết Phạm Duy Tốn đã viết cho tất cả 11 tờ báo khác nhau. Hầu hết các tờ báo đó, như Đông Dương tạp chí hay Nam phong có trụ sở tại Hà Nội, nhưng ông cũng có vào Nam Kì để viết giúp các tờ báo của miền nam như Lục tỉnh tân văn hay Nông cổ mín đàm. Giáo sư Schafer viết khó xác định chính xác Phạm Duy Tốn đóng vai trò cụ thể gì trong nhiều tờ báo khác nhau, nhưng những tài liệu từ báo Văn cho thấy Phạm Duy Tốn đã làm biên tập và trợ lý biên tập cho một số tờ báo, ông cũng viết xã luận và truyện ngắn. Ông còn làm thư ký tòa soạn cho tờ Học báo trước khi nghỉ hưu vì sức khỏe. Hoạt động chính trị Phạm Duy Tốn còn là một chính trị gia. Năm 1919, ông được bầu vào Hội đồng dân biểu thành phố Hà Nội. Từ năm 1920 đến 1923, ông là nghị viên Viện Dân biểu Bắc Kỳ, đại biểu của khu vực ba, Hà Nội. Năm 1922, ông cùng một số trí thức và quan chức của chính quyền thuộc địa như Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Vũ Huy Quang tham dự Hội chợ triển lãm quốc tế (tức Đấu xảo) ở Marseilles, Pháp. Thời gian này sức khỏe ông đã kém đi nhiều và theo Phạm Duy, chuyến đi khiến ông càng yếu hơn. Phạm Duy Tốn bắt đầu hút thuốc phiện khi biết ông mắc bệnh lao và sẽ không còn sống được bao lâu. Lúc những bạn bè ở tờ Thực nghiệp dân báo đến thăm ông bên giường bệnh, Phạm Duy Tốn nói: "Người ta chỉ chết một lần. Tôi đã biết mình sẽ chết vài năm trước. Bệnh này không chữa được. Với tôi chết thì chẳng đáng hy vọng gì, nhưng cũng chẳng đáng sợ gì". Ông qua đời ngày 25 tháng 2 năm 1924 tại nhà riêng ở số 54, đường Hoàn Kiếm, Hà Nội. Gia đình và đời tư Gia đình Vợ Phạm Duy Tốn, bà Nguyễn Thị Hòa, theo lời Phạm Duy, là con gái một ông đồ ở phố Hàng Gai. Chị gái của bà Nguyễn Thị Hòa - bà Nguyễn Thị Nghi - là mẹ đẻ ông Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian nổi tiếng. Bà Nguyễn Thị Hòa và ông Phạm Duy Tốn có với nhau năm người con, ba trai, hai gái: Phạm Duy Khiêm (1908 - 1974), nhà giáo, nhà văn, chính trị gia, từng giữ chức Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Pháp, được trao giải Văn chương Đông Dương (Prix Littéraire D'Indochine) lần đầu tiên và giải thưởng Louis Barthou của Viện hàn lâm Pháp Phạm Thị Thuận Phạm Thị Chinh Phạm Duy Nhượng (1919 - 1967), nhà giáo, nhạc sĩ Phạm Duy Cẩn (1921 - 2013), tức nhạc sĩ Phạm Duy Sự nghiệp Nhà báo sắc sảo Một cây bút xuất sắc Hồi ký của Phạm Duy cho biết, năm 1913, giai đoạn Phạm Duy Tốn còn làm việc cho Ngân hàng Đông Dương ở Mông Tự, Trung Quốc, ông có viết bài gửi về cho tờ Đông Dương tạp chí. Có thể ước đoán Phạm Duy Tốn bắt đầu viết báo từ trước đó không lâu. Các tài liệu khác nhau cho thấy Phạm Duy Tốn từng viết cho các tờ Đông Dương tạp chí (bút hiệu Ưu Thời Mẫn), Trung Bắc tân văn, Công thị báo, Nam phong, Lục tỉnh tân văn, Nông cổ mín đàm, (bút hiệu Đông Phương Sóc), Thực nghiệp dân báo, Đăng cổ tùng báo, Đông Pháp thời báo... Schafer, trong tiểu luận đã dẫn, nói tìm hiểu các thành tựu làm báo của Phạm Duy Tốn là một việc khó khăn vì khó tập hợp được hết các tài liệu tất cả những tờ báo mà ông đã viết. May mắn là tại đại học Cornell còn lưu giữ một số bản tờ tuần báo Lục tỉnh tân văn mà Phạm Duy Tốn làm biên tập và viết bài vào giai đoạn 1915. Báo Lục tỉnh tân văn do một người Pháp là ông Francoise Henri Schneider làm chủ nhiệm và nhận kinh phí từ chính quyền thuộc địa Đông Dương. Các bài báo Phạm Duy Tốn viết cho tờ này, theo Schafer, hầu hết thuộc loại xã luận với nhiều đề tài khác nhau: quan hệ Pháp - Việt, giải thích tại sao Hoa kiều lại thành công hơn người Việt Nam trong việc kinh doanh, chỉ trích những người Ấn Độ cho vay nặng lãi ở Nam Kì... Bài báo thành công nhất của ông có lẽ là bài Hoạn nạn tương cứu viết về trận lũ lụt ở Bắc Kì vào các tháng 7 và 8 năm 1915 làm 60.000 người thiệt mạng vì chết đuối hoặc bệnh dịch sau đó. Bài báo mô tả hậu quả của trận lũ và gây xúc động mạnh trong dân chúng ở Nam Kì dẫn đến việc thành lập một hội từ thiện gây quỹ gửi cho người dân gặp nạn ở miền bắc. Cuộc bút chiến Văn minh giả Ngày 4 tháng 11 năm 1915, trong bài xã luận Văn minh giả đăng trên Lục tỉnh tân văn, Phạm Duy Tốn chỉ trích những kẻ học làm sang theo lối tây nhưng nghèo nàn trong văn hóa. Bài báo khiến nhiều người miền nam nổi giận vì coi đó là lời ám chỉ họ và một cuộc bút chiến nổ ra giữa Phạm Duy Tốn ở Lục tỉnh tân văn với biên tập của tờ Nông cổ mín đàm Nguyễn Kim Đính và các cây bút Lê Hoàng Mưu, Nguyễn Chánh Sắt. Cùng với tâm lý vùng miền, cuộc bút chiến do Phạm Duy Tốn mào đầu nhanh chóng trở nên gay gắt và lan rộng. Một số học giả miền nam buộc tội trí thức Bắc Kì như Đặng Thai Mai, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Duy Tốn là tay sai của người Pháp và báo chí của họ là công cụ tuyên truyền để chống lại quan điểm yêu nước và cách mạng. Những lời cáo buộc đó dựa trên việc sau cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, nhiều học giả như Phạm Duy Tốn thật sự tin tưởng ở việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp với mẫu quốc Pháp để học hỏi và khai phá văn minh. Giải thích cho quan điểm làm báo của mình, Phạm Duy Tốn viết bài Trách nhiệm người làm báo đăng trên Lục tỉnh tân văn trong đó ông so sánh nước Việt Nam như một con thuyền và người làm báo là những người chèo thuyền có trách nhiệm đưa nó đến bến bờ văn minh. Bài báo đề cập rộng đến các vấn đề vai trò và trách nhiệm của báo chí trong xã hội, cách lựa chọn và đặt đề tài của nhà báo... Sau này, tác giả Hoàng Sơn Công nhận định: "Trách nhiệm người làm báo là một trong những bài viết đầu tiên ở Việt Nam bàn về vai trò, trách nhiệm và đạo đức của người viết báo, được thể hiện dưới dạng nghị luận với văn phong rất đặc trưng của Phạm Duy Tốn: khôi hài nhưng nghiêm túc, trang trọng mà thiết tha". Nhà văn hiện thực tiên phong Mở đầu trào lưu văn học mới Phạm Duy Tốn viết văn không nhiều. Toàn bộ văn nghiệp của ông chỉ để lại có bốn truyện ngắn (xem danh mục tác phẩm), nhưng ông vẫn được đánh giá là một nhà văn có ảnh hưởng quan trọng với văn học Việt Nam trong thời kỳ đầu hiện đại hóa. Giáo sư Schafer, trong tiểu luận đã dẫn, cho rằng ông "thử nghiệm một lối văn mới với chủ nghĩa hiện thực và phương pháp khách quan trở nên phổ biến ở Pháp thông qua ngòi bút Guy de Maupassant". Trước đó, văn học Việt Nam còn xa lạ với những hình thức và cách thể hiện văn chương hiện đại. Phạm Duy Tốn đã trở thành một trong những người tiên phong mở lối cho giai đoạn thành tựu rực rỡ của nền văn học Việt Nam cách tân giai đoạn sau này. Thay vì viết những tác phẩm văn xuôi theo khuôn khổ truyền thống, Schafer nhận xét ông đã "mở ra cánh cửa sổ đến một thế giới khác, thế giới không chỉ bao gồm trí thức và những tầng lớp trên, mà cả nông dân và những người kéo xe cần lao". Các nhà phê bình thời bấy giờ thường so sánh Phạm Duy Tốn với Nguyễn Bá Học, một nhà văn cùng thời cũng viết các truyện ngắn. Truyện của Nguyễn Bá Học, dù cũng được coi là văn mới, nhưng vẫn được viết theo phong cách trang trọng và cổ điển. Như Thanh Lãng đã chỉ ra, Nguyễn Bá Học muốn duy trì những nền nếp đạo đức Nho giáo cổ truyền và cổ súy cho điều đó thông qua các tác phẩm của mình, còn Phạm Duy Tốn muốn cải cách xã hội, nên các tác phẩm của ông thường có khuynh hướng hòa nhập vào xã hội hiện thực rất rõ ràng, sâu sắc. Truyện ngắn Sống chết mặc bay! Sống chết mặc bay! là truyện ngắn đầu tay và nổi tiếng nhất của Phạm Duy Tốn, cũng là truyện ngắn đầu tiên của nền văn học mới Việt Nam, in trên báo Nam Phong tháng 12 năm 1918. Tác phẩm được giới thiệu một cách ấn tượng với người đọc: Dưới tiêu đề chữ to MỘT LỐI VĂN MỚI và lời giới thiệu đặc biệt của Phạm Quỳnh, câu chuyện trải dài suốt ba cột báo. Sự canh tân của truyện ngắn Sống chết mặc bay! không chỉ ở nội dung và các chi tiết miêu tả rất đắt, mà còn ở hình thức thể hiện mới mẻ. Thay vì bắt đầu bằng lời giới thiệu chính thức như các tác phẩm văn xuôi cổ điển, Sống chết mặc bay! mở đầu với đoạn mô tả trực tiếp những gì đang diễn ra, như một lát cắt vào giữa câu chuyện, điển hình cho "một lối văn mới": Gần một giờ đêm, trời mưa tầm tã. Nước sông Nhị Hà lên to quá; khúc đê làng... thuộc phủ..., xem chừng núng thế lắm, hai ba đoạn đã thẩm lậu rồi, không khéo thì vỡ mất.... Phạm Duy Tốn cũng đặc biệt thành công trong việc mô tả hai hình ảnh tương phản đối lập gay gắt: những người nông dân vất vả, hoảng hốt và hoàn toàn tuyệt vọng trước thiên tai; còn viên quan sở tại an nhàn, hưởng thụ, mặc kệ số phận dân đen: Than ôi! Cứ như cách quan ngồi ung dung như vậy, mà hai bên tả hữu, nha lại nghiêm trang, lính hầu rầm rập thì đố ai bảo rằng: gần đó có sự nguy hiểm to, sắp sinh ra một cảnh nghìn sầu muôn thảm, trừ những kẻ lòng lang dạ thú, còn ai nghĩ đến mà chẳng động tâm, thương xót đồng bào huyết mạch...Bùi Xuân Bào cho rằng Phạm Duy Tốn đã nhái lại truyện Le partie de billard của Alphonse Daudet xuất bản năm 1873. Tác phẩm này tả lại cảnh viên tướng chỉ huy chơi bi-a trong khi binh lính dầm mưa dãi gió ngoài mặt trận. Tuy nhiên, giáo sư Schafer khẳng định nhiều khả năng Sống chết mặc bay! được lấy cảm hứng từ chính những trải nghiệm của Phạm Duy Tốn với trận lũ lịch sử ở Bắc Kì mà ông từng mô tả trong bài báo nổi tiếng Hoạn nạn tương cứu, chứ không phải là sự sao chép từ văn chương Pháp. Tác phẩm Bực mình hay Câu chuyện thương tâm (Đông Dương tạp chí số 55, Hà Nội, 1914)Sống chết mặc bay! (báo Nam Phong, Hà Nội, ngày 8 tháng 12 năm 1918)Con người Sở Khanh (báo Nam Phong, Hà Nội, tháng 2 năm 1919)Nước đời lắm nỗi (báo Nam Phong, Hà Nội, ngày 23 tháng 5 năm 1919)Tiếu lâm An Nam'' (bút danh Thọ An, hai tập, nhà xuất bản Ích Ký, Hà Nội, 1924)
Giáo dục bảo vệ môi trường là một môn học nhằm giáo dục cho học sinh những kiến thức, hiểu biết về môi trường, những kỹ năng sống và làm việc trong một môi trường phát triển bền vững.
Trượt băng tốc độ cự ly ngắn tại Thế vận hội Mùa đông 2006 (short track speed skating) được tổ chức tại Torino Palavela và bao gồm 8 bộ môn - 4 cho phái nam và 4 cho phái nữ. Bảng huy chương Nam 1500 m 5000 m đội Nữ 1500 m 3000 m đội
Mắm tép là loại thực phẩm lên men được làm với nguyên liệu chính là tép, một loại động vật họ tôm đồng nhưng nhỏ hơn. Thịnh hành trên khắp đất nước Việt Nam, mắm tép cũng là đặc sản có giá trị thương mại tại nhiều địa phương. Con tép to nhất chỉ cỡ đầu đũa, thường sống ở bãi sông nước ngọt nơi có nhiều rong rêu hoặc ở đồng lúa gần ven sông. Quy trình thực hiện Mắm tép trước kia thường sử dụng nguyên liệu rất đơn giản, các cỡ tép to, tép nhỏ đều có thể làm mắm, thậm chí cả các loại tép co, tép mòng. Tép sau khi bắt về (thường bắt bằng riu hoặc te, một dụng cụ đan bằng tre, nứa hình con tôm cong ngược, đẩy trong nước để hớt tép), nhặt bỏ rác, rửa rất sạch. Nếu không rửa sạch mắm sẽ mất màu đỏ thơm và ngả sang nâu, thậm chí bị hỏng. Tép được trộn với muối và bột gạo rang nghiền thành thính gạo theo tỷ lệ khoảng cứ mười bát tép là bốn bát muối, hai bát gạo rang giã nhỏ. Trộn đều nguyên liệu sau đó cho vào hũ hoặc vò rồi bịt kín bằng bát ăn cơm ngoài cùng chít đất, ủ khoảng 1 tháng thì ăn được. Một số địa phương sử dụng cả đường, bột ngọt, gừng, riềng, tỏi, ớt băm, rượu trắng để trộn vào tép làm mắm. Sau khi thành phẩm hoàn tất mắm lại được trộn với đu đủ mỏ vịt (tức loại đu đủ ương, ửng đỏ nhưng chưa chín mềm) xắt nhỏ. Mắm tép màu đỏ hồng tươi, vị ngọt đậm và không nặng mùi như mắm tôm hoặc mắm cá, sánh đặc, để càng lâu càng ngon. Nếu muốn nấu nước mắm với nguyên liệu là mắm tép, người ta cho mắm tép vào một túi vải, rồi vắt kiệt lấy nước cốt cho vào nồi nấu lên, khi đun vừa lửa, nếu muốn mắm đặc thì đun lâu hơn. Sử dụng Mắm tép được sử dụng trong bữa cơm rất gọn gàng và dễ dùng nên có nhiều cách ăn từ đơn giản đến cầu kỳ, phức tạp: ăn sống mắm tép nguyên chất với cơm nguội hoặc kết hợp mắm tép với đu đủ ương; phối trộn mắm tép với gừng, tỏi, ớt để làm nước chấm cho rau thơm, cá lóc nướng trui hay cá lóc chiên xù; cuốn bánh tráng với mắm tép, thịt ba chỉ luộc và tôm đất luộc lột vỏ v.v. Những thực phẩm rất hợp khi kèm mắm tép là thịt lợn luộc, rau thơm, khế xanh, gừng, hành hoa, bún. Đặc sản địa phương Tại nhiều vùng duyên hải miền Bắc, miền Trung, Nam Bộ Việt Nam, thậm chí tại các vùng hồ, món mắm tép rất phổ biến và nhiều nơi đã nâng lên thành đặc sản địa phương, như mắm tép Hà Yên, mắm tép Trà Vinh, mắm tép Gia Viễn v.v. Ở Hà Nội, quanh chợ Hàng Bè có những nghệ nhân làm món mắm tép chưng thịt nổi tiếng. Chú thích
Chi Riềng (danh pháp khoa học: Alpinia) là một chi thực vật lớn, chứa trên 240 loài thuộc họ Gừng (Zingiberaceae). Các loài trong chi này có mặt tại các vùng có khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới của châu Á và các đảo trên Thái Bình Dương, và có nhu cầu lớn như là những loại cây cảnh do những bông hoa sặc sỡ của chúng. Các loài thực vật này được trồng từ các thân rễ lớn. Thân cây là các lá phiến ôm sát nhau thành bẹ, giống như ở các loài chuối. Hoa mọc trên các thân khí. Từ nguyên Tên khoa học Alpinia được đặt theo Prospero Alpini (1553-1617), một nhà thực vật học người Italia chuyên về các loại thực vật kỳ dị. Ghi chép về chữ riềng trong Từ điển Việt–Bồ–La (Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum) của Alexandre de Rhodes xuất bản năm 1651 như sau: "rièng, củ rièng: rays como gingiure que traua: radix in modum zinziberis, quod ſtrangulat.". Trong Nam Việt–Dương Hiệp Tự vị (南越洋合字彙, Dictionarium Anamitico-Latinum) của Jean-Louis Taberd xuất bản năm 1838 thì từ riềng được viết bằng Hán-Nôm là 萾. Cụ thể, tại trang 423 tác giả viết như sau: "萾 Riềng, galanga; amomum galanga.". Từ điển Trần Văn Kiệm còn cho rằng nó cũng được viết là giềng (trong cây/củ giềng) và có âm khác là giền (trong rau giền). Tuy nhiên, từ điển Taberd dùng chữ 𧁶 để chỉ giền trong rau giền, "𧁶 Giền species blitti seù amaranthi oleracei.; 蔞𧁶 rau giền, id.", và chỉ ghi nhận từ giềng (𦀚) trong giềng mối, giềng lưới. Lịch sử Tên chi Alpinia lần đầu tiên được Carl Linnaeus sử dụng năm 1753 cho Alpinia racemosa, một loài nhiệt đới Tân thế giới, danh pháp chính thức hiện nay là Renealmia pyramidalis. Sau đó nhiều loài châu Á đã được thêm vào Alpinia, trong khi các tác giả sau này có xu hướng đưa các loài ở châu Mỹ vào chi Renealmia. Schumann (1904) đã hoàn thiện các khái niệm phân loại này và sau đó khái niệm chi Alpinia năm 1810 của William Roxburgh đã được bảo tồn cho các loài châu Á với Alpinia galanga là loài điển hình của nó. Alpinia là chi điển hình của tông Alpinieae trong họ Zingiberaceae. Tông này bao gồm các loại cây thân thảo thường xanh, trong đó không có lớp cắt bỏ giữa thân rễ và các chồi lá, mặt phẳng xếp hai dãy của các lá nằm ngang theo hướng phát triển của thân rễ, và các nhị lép bên nhỏ, hoặc là suy giảm thành các vết phồng ở hai bên của đáy cánh môi hoặc là hoàn toàn không có. Không có các tuyến mật bên ngoài hoa, và quả thường là hình cầu và không nứt hoặc mọng thịt. Rất khó để xác định một đặc điểm dạng phái sinh mới hay đặc điểm chung cho các loài hiện được gán vào Alpinia. Hầu như tất cả các loài đều có hoa đầu cành trên các chồi lá và tất cả đều là loài ở châu Á, Australia và các đảo trên Thái Bình Dương. Các đặc trưng này giúp phân biệt Alpinia với chi Renealmia ở châu Mỹ và châu Phi, trong đó phần lớn các loài tạo ra các cụm hoa trên một chồi riêng biệt không lá mọc ra từ thân rễ, nhưng điều này không giúp tách biệt nó với các thành viên khác của tông Alpinieae. Do đó, ở một mức độ lớn nào đó, người ta buộc phải công nhận Alpinia bằng cách loại bỏ các chi khác, nghĩa là nó chỉ được phân biệt bằng các đặc điểm dạng gần của tông này. Schumann (1904) chia Alpinia thành 5 phân chi (Autalpinia, Probolocalyx, Catimbium, Dieramalpinia, Rhizalpinia) và 27 tổ. Smith (1990) lại chia Alpinia thành 2 phân chi (Alpinia, Dieramalpinia) với 11 tổ và 12 phân tổ. Nghiên cứu dựa theo trình tự ADN của Kress et al. (2005) chỉ ra rằng các loài trong chi này phát sinh từ nhiều nguồn gốc khác nhau. Nó tương ứng với cả 6 nhánh (Fax, Galanga, Carolinensis, Zerumbet, Eubractea, Rafflesiana) được phân bố trong tông Alpinieae, và nó không phù hợp với phân loại của Smith (1990) về chi này. Các nghiên cứu tiếp theo là cần thiết để làm rõ sự xếp loại của chi này. Đặc điểm Thân rễ bò lan, mập. Thân giả nhiều, phát triển tốt, hiếm khi không có. Lá nhiều, ít khi 1-4; phiến lá thuôn hay hình mác. Cụm hoa ở đầu cành, là chùy hoa, cành hoa hay cành hoa bông thóc, dày dặc hoặc lỏng lẻo, được bao phủ bởi 1-3 lá bắc tổng bao hình thìa khi chưa trưởng thành; các lá bắc (khi có) hở tới đáy, hiếm khi có nắp, mỗi lá bắc đỡ 1 hoa hoặc 1 xim hoa bọ cạp xoắn ốc chứa từ 2 hoa trở lên; lá bắc con hở tới đáy hoặc hình ống, hiếm khi có nắp, đôi khi không có. Đài hoa thường hình ống, đôi khi chẻ 1 bên. Thùy tràng trung tâm có nắp nhiều hay ít, thường rộng hơn các thùy tràng bên. Các nhị lép bên nhỏ hoặc không có, hình giùi hoặc tương tự như hình răng, hợp sinh ở đáy cánh môi. Cánh môi thường sặc sỡ, thường lớn hơn các thùy tràng hoa, đôi khi không dễ thấy, mép có thùy khác nhau tùy theo từng trường hợp hoặc nguyên. Có hoặc không có chỉ nhị; mô liên kết dạng mào hoặc không. Bầu nhụy thường 3 ngăn và noãn đính trụ. Đầu nhụy thường khá mở rộng, đôi khi hình chùy, hiếm khi quặp. Các nhụy lép thường rất lớn. Quả nang thường hình cầu, khô hoặc mọng thịt, không nứt hoặc nứt không đều. Hạt nhiều, thường có góc cạnh, có áo hạt. Các loài Tại thời điểm tháng 4 năm 2021, POWO công nhận 244 loài và 2 loài lai ghép, cộng 1 loài mô tả năm 2020. Alpinia globosa (Lour.) Horan., 1862 – Mè tré, sẹ, thảo khấu, ích trí nhân. Từ miền nam Vân Nam (Trung Quốc) tới Việt Nam. Alpinia gracillima Valeton, 1913 - Tây New Guinea. Alpinia graminea Ridl., 1909 - Philippines. Alpinia graminifolia D.Fang & G.Y.Lo, 1978 - Riềng lá hẹp. Quảng Tây (Trung Quốc). Alpinia guinanensis D.Fang & X.X.Chen, 1982 - Quảng Tây (Trung Quốc). Alpinia haenkei C.Presl, 1832 - Java, Philippines. Alpinia hagena R.M.Sm., 1978 - Papua New Guinea. Alpinia hainanensis K.Schum., 1904 (đồng nghĩa: A. henryi) - Riềng Hải Nam, riềng Henry. Đông nam Trung Quốc (gồm cả đảo Hải Nam) tới Việt Nam. Alpinia hansenii R.M.Sm., 1982 - Sabah, Sarawak (Borneo). Alpinia havilandii K.Schum., 1904 - Sabah (Borneo). Alpinia hibinoi Masam., 1943 - Hải Nam (Trung Quốc). Alpinia himantoglossa Ridl., 1916 - Tây New Guinea. Alpinia hirsuta (Lour.) Horan., 1862 - Riềng lông. Việt Nam. Alpinia hongiaoensis Tagane, 2020 - Lâm Đồng, Việt Nam. Alpinia horneana K.Schum., 1904 - Fiji (S. Viti Levu). Alpinia hulstijnii Valeton, 1923 - Maluku. Alpinia hylandii R.M.Sm., 1980 - Miền bắc Queensland. Alpinia × ilanensis S.C.Liu & J.C.Wang, 2009 - Đông bắc Đài Loan. (A. japonica × A. pricei). Alpinia illustris Ridl., 1909 - Philippines. Alpinia inaequalis (Ridl.) Loes., 1930 - Tây New Guinea. Alpinia intermedia Gagnep., 1902 - Từ Quảng Đông tới Đông Dương, Thái Lan và Myanmar, nam trung bộ và nam bộ Nhật Bản tới Philippines, quần đảo Kazan. Alpinia janowskii Valeton, 1913 - Tây New Guinea. Alpinia japonica (Thunb.) Miq., 1867 - Riềng Nhật Bản. Nam trung bộ và nam bộ Nhật Bản, miền bắc Đài Loan, miền nam Trung Quốc. Du nhập vào bán đảo Triều Tiên. Alpinia javanica Blume, 1827 - Riềng Java. Từ Thái Lan tới Malesia. Alpinia jianganfeng T.L.Wu, 1998 - Miền nam Trung Quốc. Alpinia jingxiensis D.Fang, 1980 - Phía tây khu tự trị Quảng Tây (Trung Quốc). Alpinia juliformis (Ridl.) R.M.Sm., 1990 - New Guinea. Alpinia kawakamii Hayata, 1915 - Miền nam Đài Loan. Alpinia kiungensis R.M.Sm., 1975 - Papua New Guinea. Alpinia klossii (Ridl.) R.M.Sm., 1990 - Tây New Guinea. Alpinia koidzumiana Kitam., 1946 - Iriomote-jima (Nhật Bản). Alpinia koshunensis Hayata, 1915 - Miền nam Đài Loan. Alpinia kusshakuensis Hayata, 1920 - Miền bắc Đài Loan. Alpinia kwangsiensis T.L.Wu & S.J.Chen, 1978 - Riềng Quảng Tây. Miền nam Trung Quốc. Alpinia latilabris Ridl., 1899 – Ri. Borneo, Malaysia bán đảo, Myanmar, Việt Nam. Alpinia lauterbachii Valeton, 1914 - Quần đảo Bismarck. Alpinia laxisecunda B.L.Burtt & R.M.Sm., 1972 - Quần đảo Solomon. Alpinia leptostachya Valeton, 1913 - Tây New Guinea. Alpinia ligulata K.Schum., 1899 - Borneo. Alpinia ludwigiana R.M.Sm., 1990 - Java. Alpinia maclurei Merr., 1922 - Riềng Maclure, riềng Quảng Đông. Miền nam Trung Quốc tới Việt Nam. Alpinia macrocephala K.Schum., 1904 không Hayata, 1915 - Fiji. Alpinia macrocrista Ardiyani & Ardi, 2015 - Sulawesi. Alpinia macroscaphis K.Schum., 1899 - Philippines. Alpinia macrostaminodia Chaveer. & Sudmoon, 2008 - Thái Lan. Alpinia macrostephana (Baker) Ridl., 1899 (công bố là A. macrostephanus) – Malaysia bán đảo. Alpinia macroura K.Schum., 1902 - Riềng đuôi nhọn. Thái Lan. Alpinia malaccensis (Burm.f.) Roscoe, 1807 - Riềng Malacca. Assam, Bangladesh, trung nam Trung Quốc, Myanmar, Tây Tạng, Việt Nam. Du nhập vào đông nam Trung Quốc, khu vực Đông và Tây Himalaya, Ấn Độ, Java, Maluku, Sri Lanka. Alpinia manii Baker, 1892 - Quần đảo Andaman và Nicobar. Alpinia manostachys Valeton, 1913 - Quần đảo Sunda Nhỏ, Tây New Guinea. Alpinia martini R.M.Sm., 1985 - Sarawak (Borneo). Alpinia maxii R.M.Sm., 1991 - Sulawesi. Alpinia melichroa K.Schum., 1904 - Sulawesi. Alpinia menghaiensis S.Q.Tong & Y.M.Xia, 1998 - Tây nam Vân Nam (Trung Quốc). Alpinia mesanthera Hayata, 1915 - Đài Loan. Alpinia microlophon Ridl., 1910 - Sarawak (Borneo). Alpinia modesta F.Muell. ex K.Schum., 1904 không F.M.Bailey, 1909 nom. illeg.? - Đông bắc Queensland. Alpinia mollis C.Presl, 1827 - Philippines. Alpinia mollissima Ridl., 1925 - Malaysia bán đảo. Alpinia monopleura K.Schum., 1899 - Từ miền bắc Sulawesi tới Maluku. Alpinia multispica (Ridl.) Loes., 1930 - Tây New Guinea. Alpinia murdochii Ridl., 1905 - Malaysia bán đảo. Alpinia musifolia Ridl., 1909 - Philippines. Alpinia mutica Roxb., 1810 - Riềng lá hẹp, riềng không mũi, riềng hoa thưa. Borneo, miền nam Ấn Độ, Java, Malaysia bán đảo, Myanmar, Sulawesi, Thái Lan, Việt Nam. Du nhập vào Fiji, Hawaii, Trinidad-Tobago. Alpinia myriocratera K.Schum., 1899 - Maluku. Alpinia nantoensis F.Y.Lu & Y.W.Kuo, 2008 - Đài Loan. Alpinia napoensis H.Dong & G.J.Xu, 1993 - Quảng Tây (Trung Quốc). Alpinia newmanii N.S.Lý, 2017 – Riềng Newman. Việt Nam. Alpinia nidus-vespae A.Raynal & J.Raynal, 1973 - Vanuatu. Alpinia nieuwenhuizii Valeton, 1904 - Borneo. Alpinia nigra (Gaertn.) Burtt, 1977 - Ấn Độ (gồm cả quần đảo Andaman và Nicobar), miền nam Trung Quốc, Bangladesh, Myanmar, Nepal, Sri Lanka, Thái Lan. Du nhập vào Cộng hòa Dominica, Jamaica, quần đảo Kazan, quần đảo Ogasawara. Alpinia nobilis Ridl., 1899 - Thái Lan, Malaysia bán đảo. Alpinia novae-hiberniae B.L.Burtt & R.M.Sm., 1972 - Quần đảo Bismarck. Alpinia novae-pommeraniae K.Schum., 1899 - Quần đảo Bismarck. Alpinia nutans (L.) Roscoe, 1806 – Bạch đậu khấu. Maluku. Alpinia oblongifolia Hayata, 1915 - Đài Loan, miền nam Trung Quốc (gồm cả Hải Nam), Lào, Việt Nam. Alpinia oceanica Burkill, 1896 - Quần đảo Bismarck tới quần đảo Solomon. Alpinia odontonema K.Schum., 1905 - New Guinea tới quần đảo Bismarck. Alpinia officinarum Hance, 1871 - Riềng, riềng thuốc, lương khương, cao lương khương. Đông nam Trung Quốc (gồm cả Hải Nam) tới Việt Nam, Myanmar. Alpinia × okinawaensis Tawada, 1987 - Quần đảo Lưu Cầu. (A. formosana × A. uraiensis). Alpinia oligantha Valeton, 1913 - Tây New Guinea. Alpinia orthostachys K.Schum., 1899 - Sulawesi. Alpinia oui Y.H.Tseng & Chih C.Wang, 2011 - Đài Loan. Alpinia ovata Z.L.Zhao & L.S.Xu, 2001 - Quảng Đông (Trung Quốc). Alpinia ovoidocarpa H.Dong & G.J.Xu, 1993 (A. ovoideocarpa, A. ovoideicarpa) – Quảng Tây, Arunachal Pradesh? Alpinia oxymitra K.Schum., 1902 - Riềng núi. Lào, Việt Nam, Thái Lan, Malaysia bán đảo. Alpinia oxyphylla Miq., 1861 - Riềng lá nhọn, ích trí, riềng thuốc. Miền nam Trung Quốc tới Việt Nam. Alpinia padacanca Valeton ex K.Heyne, 1922 - Sulawesi. Alpinia pahangensis Ridl., 1924 - Malaysia bán đảo. Alpinia papuana Scheff., 1876 - Tây New Guinea. Alpinia parksii (Gillespie) A.C.Sm., 1942 - Fiji. Alpinia penduliflora Ridl., 1909 - Philippines. Alpinia petiolata Baker, 1892 - Malaysia bán đảo. Alpinia pinnanensis T.L.Wu & S.J.Chen, 1978 - Riềng Bình Nam. Quảng Tây (Trung Quốc). Alpinia platychilus K.Schum., 1904 - Miền nam Vân Nam (Trung Quốc). Alpinia platylopha (Ridl.) Loes., 1930 - Tây New Guinea. Alpinia polyantha D.Fang, 1978 – Riềng nhiều hoa. Vân Nam, Quảng Tây. Alpinia porphyrea R.M.Sm., 1978 - Tây New Guinea. Alpinia porphyrocarpa Ridl., 1916 - Tây New Guinea. Alpinia pricei Hayata, 1915 - Miền đông Đài Loan. Alpinia psilogyna D.Fang, 1978 - Miền tây Quảng Tây. Alpinia ptychanthera K.Schum., 1899 - Sarawak (Borneo). Alpinia pubiflora (Benth.) K.Schum., 1904 - Philippines, New Guinea, miền tây quần đảo Caroline. Alpinia pulchella (K.Schum.) K.Schum., 1899 - Papua New Guinea. Alpinia pulcherrima Ridl., 1909 - Malaysia bán đảo. Alpinia pulchra (Warb.) K.Schum., 1904 - Papua New Guinea tới quần đảo Solomon. Alpinia pumila Hook.f., 1885 - Miền nam Trung Quốc. Alpinia purpurata (Vieill.) K.Schum., 1904 - Riềng đỏ, riềng tía, sẹ đỏ. Quần đảo Bismarck, Maluku, New Caledonia, New Guinea, quần đảo Solomon, Vanuatu. Du nhập vào Assam, Colombia, quần đảo Cook, Ecuador, Fiji, Hawaii, quần đảo Leeward, tây nam Mexico, Peru, quần đảo Santa Cruz, Thái Lan, Trinidad-Tobago, quần đảo Windward. Alpinia pusilla Ardi & Ardiyani, 2015 - Sulawesi. Alpinia rafflesiana Wall. ex Baker, 1892 - Thái Lan, Malaysia bán đảo. Alpinia regia K.Heyne ex R.M.Sm., 1977 - Maluku. Alpinia rigida Ridl., 1916 - Tây New Guinea. Alpinia romblonensis Elmer, 1915 - Philippines. Alpinia romburghiana Valeton, 1904 - Borneo. Alpinia rosacea Valeton, 1913 - New Guinea. Alpinia rosea Elmer, 1915 - Philippines. Alpinia roxburghii Sweet, 1826 (đồng nghĩa: A. blepharocalyx, A. bracteata Roxb., không Roscoe) - Riềng dài lông mép, riềng bẹ, riềng lá bắc to. Assam, Bangladesh, trung nam và đông nam Trung Quốc, Đông Himalaya, Ấn Độ, Lào, Malaysia bán đảo, Myanmar, Nepal, Thái Lan, Việt Nam. Alpinia rubricaulis K.Schum., 1899 - Sulawesi. Alpinia rubromaculata S.Q.Tong, 1989 - Miền nam Vân Nam. Alpinia rufa (C.Presl) Náves, 1880 - Philippines. Alpinia rufescens (Thwaites) K.Schum., 1904 - Sri Lanka. Alpinia rugosa S.J.Chen & Z.Y.Chen, 2012 - Miền nam Hải Nam. Alpinia salomonensis B.L.Burtt & R.M.Sm., 1972 - Quần đảo Solomon. Alpinia samoensis Reinecke, 1898 - Samoa. Alpinia sandsii R.M.Sm., 1991 - Sulawesi. Alpinia scabra (Blume) Náves, 1880 - Miền nam Thái Lan, Malaysia bán đảo, Java. Alpinia schultzei Lauterb. ex Valeton, 1914 - Papua New Guinea. Alpinia seimundii Ridl., 1922 - Malaysia bán đảo. Alpinia sericiflora K.Schum., 1899 - New Guinea. Alpinia sessiliflora Kitam., 1946 - Miền trung Đài Loan. Alpinia shimadae Hayata, 1915 - Đài Loan. Alpinia siamensis K.Schum., 1904 - Riềng Thái Lan, riềng Xiêm. Thái Lan, Việt Nam. Alpinia sibuyanensis Elmer, 1915 - Philippines. Alpinia singuliflora R.M.Sm., 1978 - Papua New Guinea. Alpinia smithiae M.Sabu & Mangaly, 1991 - Tây nam Ấn Độ. Alpinia stachyodes Hance, 1872 - Miền nam Trung Quốc. Alpinia stenobracteolata R.M.Sm., 1978 - Papua New Guinea. Alpinia stenostachys K.Schum., 1914 - Papua New Guinea. Alpinia strobilacea K.Schum., 1899 - Tây New Guinea. Alpinia strobiliformis T.L.Wu & S.J.Chen, 1978 - Riềng bông tròn. Vân Nam, Quảng Tây. Alpinia subfusicarpa Elmer, 1915 - Philippines. Alpinia submutica K.Schum., 1899 - Java. Alpinia subspicata Valeton, 1914 - Papua New Guinea. Alpinia subverticillata Valeton, 1913 - New Guinea. Alpinia superba (Ridl.) Loes., 1930 - Tây New Guinea. Alpinia suriana C.K.Lim, 2007 - Malaysia bán đảo. Alpinia tamacuensis R.M.Sm., 1982 - Sarawak (Borneo). Alpinia tonkinensis Gagnep., 1902 - Riềng Bắc Bộ, ré Bắc Bộ. Từ Quảng Tây tới miền bắc Việt Nam. Alpinia tonrokuensis Hayata, 1920 - Miền bắc Đài Loan. Alpinia trachyascus K.Schum., 1904 - Philippines. Alpinia tristachya (Ridl.) Loes., 1930 - New Guinea. Alpinia unilateralis B.L.Burtt & R.M.Sm., 1972 - Quần đảo Solomon. Alpinia uraiensis Hayata, 1915 - Miền bắc Đài Loan. Du nhập vào Nhật Bản và quần đảo Lưu Cầu. Alpinia valetoniana Loes., 1930 - Tây New Guinea. Alpinia velutina Ridl., 1921 - Riềng lông. Việt Nam. Alpinia velveta R.M.Sm., 1990 - Papua New Guinea. Alpinia versicolor K.Schum., 1899 - Miền bắc Sulawesi. Alpinia vietnamica H.Ð.Trần, Luu & Škorničk., 2019 - Việt Nam. Alpinia vitellina (Lindl.) Ridl., 1899 - Malaysia bán đảo. Alpinia vitiensis Seem., 1868 - Fiji. Alpinia vittata W.Bull, 1873 - Quần đảo Bismarck tới quần đảo Solomon. Alpinia vulcanica Elmer, 1919 - Philippines. Alpinia warburgii K.Schum., 1899 - Miền bắc Sulawesi. Alpinia wenzelii Merr., 1914 - Philippines. Alpinia werneri Lauterb. ex Valeton, 1914 - Papua New Guinea. Alpinia womersleyi R.M.Sm., 1978 - Papua New Guinea. Alpinia zerumbet (Pers.) B.L.Burtt & R.M.Sm., 1972 - Riềng ấm, riềng đẹp, sẹ nước, gừng ấm, thảo đậu khấu, đại thảo khấu. Bangladesh, Campuchia, Trung Quốc (trung nam, đông nam, Hải Nam), Nhật Bản, Lào, Malaysia bán đảo, Myanmar, quần đảo Lưu Cầu, Đài Loan, Thái Lan, Việt Nam. Du nhập vào Ascension, Bolivia, quần đảo Canary, quần đảo Cook, Cuba, Cộng hòa Dominica, Fiji, Florida, Haiti, Hawaii, Honduras, quần đảo Leeward, New Caledonia, quần đảo Ogasawara, Philippines, Puerto Rico, St.Helena, Trinidad-Tobago, quần đảo Windward. Hình ảnh Chú thích Smith, R.M. (1990) "Alpinia (Zingiberaceae): a proposed new infrageneric classification". Edinburgh Journal of Botany 47(1): 37, fig. 6B. W. John Kress, Ai-Zhong Liu, Mark Newman và Qing-Jun Li - The molecular phylogeny of Alpinia (Zingiberaceae): a complex and polyphyletic genus of gingers; American Journal of Botany; 2005; 92:167-178
là loạt manga, một câu chuyện ở lứa tuổi thiếu niên dựa theo Cờ vây viết bởi Hotta Yumi và minh họa bởi Obata Takeshi với bản anime chuyển thể. Bộ truyện được cố vấn chuyên môn bởi kỳ thủ cờ vây chuyên nghiệp Umezawa Yukari (lục đẳng). Bộ truyện đã góp công lớn vào việc phổ biến cờ vây tới giới trẻ Nhật Bản từ khi được xuất bản, và một vài nơi khác như Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan. Gần đây đây nhất là sự phổ biến rộng rãi của cờ vây tại Hoa Kỳ. Tựa truyện đôi lúc còn được viết tắt là "HnG". Xuất hiện lần đầu trong Weekly Shōnen Jump của Shueisha vào năm 1998, Hikaru no Go sớm đạt được thành công to lớn, khơi dậy làn sóng đam mê cờ vây chưa từng có trước đó; bộ truyện nhận Giải thưởng Shogakukan vào năm 2000 và đồng thời các tác giả còn nhận Giải thưởng Văn hóa Osamu Tezuka năm 2003 cho tác phẩm. 23 tập manga đã được xuất bản tại Nhật, bao gồm 189 chương và 11 "omake" (phụ chương). Bộ anime, sản xuất bởi Studio Pierrot, đã công chiếu tổng cộng 75 giờ 30 phút tập phim từ 2001 đến 2003 trên TV Tokyo, cùng với tập phim đặc biệt New Year's Special dài 77 phút công chiếu vào tháng 1 năm 2004. Tháng 1 năm 2004, bộ truyện ra mắt bản tiếng Anh tại Mĩ trong tạp chí Shonen Jump xuất bản bởi VIZ, hiện tại là VIZ Media. Năm 2005, VIZ Media đã đăng ký bản quyền anime. DVD tập 1 Hikaru no Go phát hành ngày 27 tháng 10 năm 2005. DVD Hikaru no Go "Sneak Preview" (tập đầu) phát hành trong số 1 năm 2006 của Shonen Jump (Kì 1, tập 4) cho những người đã đăng ký trước. Hikaru no Go được chiếu trên kênh ImaginAsian TV tại Mĩ. Bộ phim còn được giới thiệu trên dịch vụ truyền hình trực tuyến Toonami Jetstream vào ngày 14 tháng 7 năm 2006. Vào số tháng 4 năm 2008 của Shonen Jump, bộ truyện được thông báo đó là chương cuối cùng được đăng trong tạp chí Shonen Jump. Đến tháng 5 năm 2011, 23 tập tiểu thuyết đồ họa được phát hành chính thức tại Mĩ. Tại Việt Nam, nhà xuất bản Kim Đồng đã mua bản quyền và phát hành bộ truyện dưới tên Hikaru – Kì thủ cờ vây Tóm tắt Câu chuyện bắt đầu khi cậu bé Shindou Hikaru lục lọi căn gác xép của ông nội để tìm xem có gì có thể bán lấy tiền được và bắt gặp một chiếc bàn cờ vây cổ, không ai nhìn thấy vết máu trên bàn cờ ngoài cậu. Kỳ thực, đó là bàn cờ bị ám bởi hồn ma của Fujiwara no Sai, một kỳ thủ cờ vây đến từ thời đại Heian, vốn là người dạy cờ vây cho nhà vua nhưng do bị ganh ghét hãm hại nên đã bị đuổi khỏi thành. Uất ức, Sai trầm mình xuống sông tự vẫn, nhưng do vẫn còn nặng lòng với cờ vây, Sai đã nhập vào bàn cờ để đợi 1 người có thể thấy mình, và giúp mình chơi cờ. Hikaru là người thứ hai nhìn thấy và nghe được Sai (trước đó là bản nhân phường Shusaku). Sai còn rất nặng lòng với cờ vây, anh cố thuyết phục Hikaru chơi cờ, nhưng Hikaru cho đó là "trò giải trí của các ông già" nên không chịu. Sai rất buồn, và cảm xúc của anh khiến Hikaru choáng váng buồn nôn, vì thế Hikaru đành đưa Sai đến một hội quán cờ vây. Tại đây, Hikaru đấu với cậu bé duy nhất trong hội quán lúc đó mà không biết đó là Touya Akira, một thần đồng cờ vây, bằng cách đặt cờ vào các điểm Sai chọn. Ban đầu, Sai chỉ dùng "ván cờ hướng dẫn" (dẫn dắt đối phương nhìn ra đặt cờ vào vị trí tối ưu) để thắng Akira chỉ 2 mục (chưa cộng 5.5 điểm lợi thế cho Akira). Nhưng trong ván đấu thứ hai, sự nghiêm túc của Akira khiến Sai phải chơi "thực sự". Kết cục là Akira bị đánh bại hoàn toàn trong quãng thời gian còn ngắn hơn rất nhiều so với trận trước đó. Cậu đã thực sự bị sốc vì thất bại này trước Hikaru, từ đó Akira liên tục theo đuổi Hikaru. Akira thậm chí còn vì muốn đấu với Hikaru trong giải trung học mà tham gia vào câu lạc bộ cờ vây ở trường, nơi mà các đấu thủ có trình độ thấp hơn cậu nhiều và vì thế cậu phải chịu nhiều ghen tức và chèn ép. Khi Hikaru và Akira gặp nhau tại giải học sinh, Hikaru vì muốn đấu với Akira bằng sức của chính mình nên không chịu đánh theo chỉ dẫn của Sai. Cậu đã để lộ ra sức cờ quá yếu của mình lúc đó, khiến Akira rất tức giận và còn hét lên "Cậu đừng có đùa nữa!". Sau đó, cho rằng lâu nay mình đã kỳ vọng quá cao ở Hikaru trong khi Hikaru không có thực lực, Akira rất thất vọng nên đã từ bỏ việc theo đuổi Hikaru. Năm đó Akira thi lên chuyên nghiệp và chính thức trở thành một kì thủ chuyên nghiệp của Viện cờ Nhật Bản ở độ tuổi 13. Về Sai, kể từ khi Hikaru có hứng thú với cờ vây, anh không mấy khi được đấu trực tiếp nữa bởi vì Hikaru nghĩ rằng nếu để mọi người nhận ra sức cờ quá mạnh của Sai bên trong cậu thì cậu sẽ gặp rắc rối. Thay vào đó, Hikaru nghĩ ra trò cho Sai đấu cờ trên mạng, như vậy Sai có thể chơi cờ mà không để lộ danh tính thật sự và Hikaru sẽ không gây chú ý. Nickname 'sai' với trình độ của một "Bản nhân phường Shusaku học đấu pháp hiện đại" (lời Waya) nhanh chóng thu hút sự chú ý. Giới cờ vây nghiệp dư Nhật Bản và quốc tế xôn xao với câu hỏi: "'sai' là ai?". Phần Hikaru, sau khi nghe Akira nói "Tôi sẽ không bao giờ xuất hiện trước mặt cậu nữa" sau giải học sinh thì đã nói rằng "Nếu cậu chỉ đuổi theo cái bóng của tớ (chỉ Sai) thì có ngày con người thật của tớ sẽ đuổi kịp cậu". Từ đó, Hikaru dồn sức đuổi theo Akira trên con đường cờ vây để Akira phải nhìn cậu như một đối thủ thực sự và xứng tầm. Cậu đăng ký thi tuyển làm viện sinh của Viện cờ Nhật Bản nhờ sự giới thiệu của giáo sư Ogata Cửu đẳng, rồi sau đó vượt qua kỳ thi chuyên nghiệp sau Akira 1 năm. Qua Ogata, Akira biết được Hikaru đang cố gắng đuổi theo mình, còn Hikaru cũng biết Akira thực ra vẫn chú ý theo dõi cậu qua trận đấu giữa Vương tọa Zama và Akira, cùng việc Akira dạy kèm cờ vây cho Ochi để dùng Ochi nắm bắt thực lực của Hikaru trong ván đấu cuối của Hikaru ở kì thi lên chuyên nghiệp. Trận đấu đầu tiên của Shindou Hikaru sơ đẳng là trận gặp Touya Akira nhị đẳng, hai người đã có cơ giáp mặt nhau trong một trận đấu nghiêm túc đầu tiên. Thế nhưng ngay vào ngày thi đấu, Kì nhân Touya, cha của Akira đột quỵ do căng thẳng quá độ và phải nhập viện, khiến Akira phải bỏ trận đấu với Hikaru. Khi đến thăm Kì nhân Touya ở bệnh viện, Hikaru được biết Kì nhân Touya đã học chơi cờ trên mạng để giải khuây trong thời gian nằm viện. Cậu đã thuyết phục Kì nhân đấu với Sai trên mạng. Ván đấu giữa Kì nhân Touya và 'sai' là ván đấu đỉnh cao thu hút rất nhiều sự chú ý. Kết cục Sai đã thắng, Kì nhân Touya quyết định nghỉ hưu sau ván đấu này theo đúng lời hứa để chứng tỏ sự nghiêm túc của mình lúc đầu, cho dù Hikaru đã cố thuyết phục ông đừng làm thế. Trận đấu này còn mang ý nghĩa bước ngoặt trong cốt truyện Hikaru no Go bởi vì sau ván đấu Hikaru đã chỉ ra được sai lầm dẫn đến thất bại của Kì nhân Touya, đồng thời đưa ra được cách giải quyết nó, khiến Sai nhận ra Hikaru đã trưởng thành. Sai nhận ra rằng anh sắp phải biến mất mãi mãi. Anh muốn được dùng thời gian còn lại đấu càng nhiều càng tốt, nhưng Hikaru không hiểu nên cho rằng Sai đang ích kỷ. Cuối cùng, Sai thực sự biến mất khi đang chơi dở một ván cờ với Hikaru vào sáng ngày Tết con trai 5-5. Hikaru vì việc này mà vô cùng chấn động. Cậu nghĩ rằng vì cậu không cho Sai chơi cờ nên Sai đã biến mất, do đó cậu quyết định ngừng chơi cờ vây và liên tục bỏ đấu ở Viện cờ. Cậu không chịu nghe theo ai, ngay cả Akira vì nghĩ rằng nếu chơi cờ Sai sẽ không bao giờ quay lại. Chính lúc này, Isumi, một người bạn là Viện sinh của Hikaru quay về từ Trung Quốc. Isumi đã thuyết phục Hikaru chơi một ván cờ để giúp Isumi cởi bỏ mặc cảm trước đây. Hikaru miễn cưỡng nghe theo, và chính nhờ ván cờ này Hikaru đã nhận ra rằng Sai vẫn luôn ở bên cậu. Sai ở bên trong chính cờ vây của cậu, vì thế cách duy nhất được gặp Sai đó là tiếp tục chơi cờ. Hikaru đã khóc và quyết định trở lại với giới chuyên nghiệp. Cậu lập tức đến Viện cờ nói với Akira điều này, và Akira đã đáp lại: "Vậy thì hãy đuổi theo ta đi". Hikaru đã quay lại với một tinh thần nghiêm túc hơn hẳn, cộng với sức cờ rất mạnh khiến nhiều người phải kình nể. Không lâu sau, Akira và Hikaru đã có trận đấu thực sự đầu tiên. Nhờ ván đấu này, Akira và Hikaru đã nhận ra rằng họ chính là đối thủ định mệnh của nhau. Sau đó hai người thường xuyên đấu cờ tại hội quán của nhà Touya và thường xuyên cãi vã rất trẻ con. Hikaru muốn chứng tỏ mình có thực lực không kém gì Akira, nên quyết tham gia giải Bắc Đẩu tinh dành cho các kì thủ dưới 18 tuổi 3 nước Nhật, Hàn, Trung. Sau vòng loại, đội tuyển Nhật Bản đã được xác định gồm 3 người: Touya Akira, Shindou Hikaru và một kì thủ từ Viện cờ Kansai là Yashiro Kiyoharu. Hikaru đã nghe được rằng Ko Yongha, kì thủ 16 tuổi của Hàn Quốc cũng tham gia cúp Bắc Đẩu tinh đã có lời xúc phạm đến Bản nhân phường Shusaku, cũng tức là xúc phạm Sai, vì thế cậu rất tức giận. Kì thực đây là một sự hiểu lầm do vấn đề phiên dịch khi phỏng vấn với Yongha của Tạp chí cờ vây, nhưng dẫu sao vì thế Hikaru đã quyết tâm hơn bao giờ hết được đánh bại Ko Yongha. Tuy vậy, trong ván đấu với Yongha, Hikaru đã thua. Hikaru rất thất vọng về việc này, đến mức đã bật khóc sau ván đấu. Akira đã an ủi Hikaru và nói, Đi thôi Shindou. Đây không phải là kết thúc. Chẳng có kết thúc nào cả." Đó cũng là kết thúc phần chính của Hikaru no Go. Nước đi thần thánh Trong truyện có nhắc tới khái niệm Nước đi thần thánh (Kami no Itte) có thể hiểu là một nước đi có thể xoay chuyển cục diện của bàn cờ. Ở đầu truyện, Sai lý giải lý do mà anh chưa siêu thoát vì anh chưa đạt được Nước đi thần thánh. Trong truyện cũng không có ai có được nước đi này. Tuy nhiên trong trận đấu giữa Sai và Touya Kouyo, thì Hiraku nhìn được một nước đi có thể giúp cho Touya Kouyo chuyển bại thành thắng. Không lâu sau đó thì Sai chính thức được siêu thoát. Nhân vật Nhân vật chính Shindou Hikaru (進藤 ヒカル): Nhân vật chính của bộ truyện, khi bắt đầu của truyện, Hikaru là một học sinh lớp sáu hiếu động, vô lo và khá ham chơi. Khi bị cắt tiền tiêu vặt, cậu lên gác xép nhà ông nội cùng cô bạn thân Fujisaki Akari với hy vọng tìm được thứ gì có giá trị để bán lấy tiền. Tình cờ, cậu thấy một chiếc bàn cờ vây cổ, nhưng chỉ mình cậu thấy được vết máu dính trên mặt bàn. Fujiwara no Sai hiện lên, khiến Hikaru bị ngất. Khi tỉnh dậy, cậu nhận ra mình đã bị ám bởi hồn ma của Sai, chỉ mình cậu có thể nghe và thấy được anh. Sai có niềm yêu thích lớn với cờ vây. Khi anh đòi chơi cờ, ban đầu Hikaru không muốn vì cho đó là "trò giải trí của mấy ông già". Sai rất buồn, và cảm xúc của anh khiến Hikaru choáng váng buồn nôn liên tục. Cuối cùng cậu đành chấp nhận cho Sai chơi cờ. Khi gặp Touya Akira tại hội quán cờ vây, cậu đã đòi chơi với Akira mà không chấp quân (vì hai người bằng tuổi) mà không biết Akira là một thần đồng về bộ môn này. Hai lần đánh bại Akira (do Sai chơi), cậu bị lôi cuốn bởi lòng nhiệt huyết của Akira. Tuy nhiên, tại giải đấu học sinh, khi đấu với Akira bằng sức cờ ở trình độ sơ cấp của mình, cậu thua đậm và khiến Akira rất thất vọng. Không muốn bị coi thường bởi Akira, Hikaru đã nghiêm túc theo đuổi cờ vây dưới sự chỉ dẫn của Sai. Sau nhiều cố gắng, cậu cuối cùng đã tiến gần đến Akira bằng việc lên chuyên nghiệp, đồng thời có trận đấu thực sự đầu tiên với Akira. Cả Hikaru và Akira đều nhận ra họ chính là đối thủ định mệnh của nhau. Bên cạnh đó, hai người cũng nhanh chóng trở nên thân thiết như những người bạn, dù thường xuyên cãi vã. Hikaru mạnh lên rất nhanh. Cậu được rất nhiều cao thủ trong làng cờ vây chú ý, đó là nhờ tài năng thiên bẩm và sự dẫn dắt của Sai. Khi Sai biến mất, Hikaru có thời gian ngừng chơi cờ nhưng sau đó cậu đã trở lại, nghiêm túc theo đuổi cờ vây hơn bao giờ hết. Cậu rất yêu quý Sai, quyết tâm thay Sai đạt đến Nước đi thần thánh và rất dễ bị kích động khi có ai động đến Bản nhân phường Honinbou, thực ra là Sai. Quá trình nâng cao sức cờ của Hikaru cũng là quá trình trưởng thành về con người của cậu. Nét vẽ chuyên nghiệp của Obata Takeshi cho thấy cậu thay đổi rõ về ngoại hình cũng như cách ăn mặc khi lớn lên, đồng thời về tính cách cũng trở nên chín chắn hơn nhiều. Obata thường vẽ Hikaru mặc áo in hình số 5, đây là một cách chơi chữ vì số 5 五 trong tiếng Nhật được phát âm là Go. Fujiwara no Sai (藤原佐為): Là thủ cờ vây có tài năng thiên bẩm. Sai trong tiếng Nhật có nghĩa là bóng tối, trái ngược với Hikaru-ánh sáng, trong bản "Vua cờ" đã từng xuất bản tại Việt Nam, Sai được dịch là "Nguyên Vi". Anh là thầy dạy cờ cho Nhật hoàng thời Heian. Họ của Sai (Fujiwara) chứng tỏ anh có liên hệ với dòng họ Fujiwara, một dòng họ có quyền lực vô cùng lớn thời đại Heian. Một người dạy cờ khác của nhà vua đã thách đấu Sai để quyết định xem ai là người xứng đáng trở thành thầy của Nhật hoàng. Hắn đã gian lận và vu khống ngược lại Sai khi hắn phát hiện ra rằng trong hộp cờ đen của hắn có lẫn quân trắng của Sai, có thể là do khi rửa cờ người ta đã không chú ý, nên hắn đã tráo quân ấy vào số quân tù binh. Nhưng Sai phát hiện được và chỉ khi anh chuẩn bị lên tiếng nói với đức vua thì hắn lại đổ cho Sai, khiến cho anh thua ván cờ quyết định đó do không thể tập trung vì quá ấm ức. Sau đó Sai bị đuổi khỏi kinh thành vì tội gian lận. Đối với Sai thì tình yêu duy nhất trong cuộc đời chính là cờ vây, nên chỉ hai ngày sau anh đã trẫm mình tự vẫn. Linh hồn của Sai không được siêu thoát, đã quấn lấy một bàn cờ vây cho tới khoảng 800 năm sau, Sai gặp một cậu bé tên Torajirou, và bằng cách để Sai chơi cờ thông qua mình, Torajirou trở thành bản nhân phường (Honinbo) Shusaku. Tuy nhiên năm 34 tuổi, ông mất do bạo bệnh, và Sai phải chờ đợi 140 năm sau mới gặp được Hikaru. Sai rất hay đắm mình trong quá khứ: một bông tuyết, một chiếc lá cũng có thể gợi ra những năm tháng xưa kia của Sai. Tuy nhiên, Sai cũng rất trẻ con. Hikaru từng nói anh là "một ông thầy loăng quăng như con cún vậy". Trong quá trình dẫn dắt Hikaru, Sai dần nhận ra ở Hikaru một năng khiếu hiếm thấy trong môn cờ vây. Anh tận tình chỉ bảo cho cậu, đối với cậu anh là một người thầy, người anh, người bạn thân, thậm chí như là cả bảo mẫu. Chính vì vậy, sự biến mất của anh ở nửa sau câu chuyện đã gây chấn động tâm lý mạnh với Hikaru. Sau đó, nhờ sự giúp đỡ của Isumi, Hikaru trở lại với con đường cờ vây. Cậu quyết thay Sai đạt được sở nguyện 1000 năm của anh là Nước đi thần thánh (Kami no Itte). Từ khi Hikaru nghiêm túc với cờ vây, Sai ít khi được đấu cờ trực tiếp. Thay vào đó, anh thường xuyên đấu cờ trên mạng (vẫn nhờ Hikaru đặt cờ hộ) và nhanh chóng gây chấn động giới cờ vây online, được xem là kì thủ huyền thoại trên mạng. Bằng cách này, anh đã có trận đấu với Kì nhân Touya Kouyo. Đây là một trong những trận đấu quan trọng nhất trong Hikaru no Go, đánh dấu bước ngoặt của câu chuyện. Trong khi Hikaru và Akira là đối thủ định mệnh của nhau, Sai dường như coi cha của Akira, Kì nhân Touya Kouyo là đối thủ mạnh nhất của mình. Thêm vào đó, trong một phần ngoại truyện của Hikaru no Go, một sự thật nhỏ về Sai đã được tiết lộ đó là anh rất sợ con cóc, nhất là con cóc cười. Touya Akira (塔矢 アキラ): Một trong ba nhân vật chính của Hikaru no Go, Touya Akira là con trai của Danh nhân Touya Kouyo, cao thủ hàng đầu trong giới cờ vây chuyên nghiệp Nhật Bản, do đó cậu được tiếp xúc với cờ vây từ rất sớm. Ngoài việc là một tài năng cờ vây, Akira còn rất thông minh, cậu học ở Kaio, một trong những trường trung học hàng đầu Nhật Bản. Akira là một cậu bé rất điềm tĩnh và lịch sự, nhưng lại có cách đánh cờ rất quyết liệt, đánh đến cùng chứ ít khi chịu thua giữa chừng. Dương Hải, một ỳ thủ cờ vây người Trung Quốc từng nhận xét, "Akira thật lễ phép, nhìn vào kỳ phổ của cậu ta thì chẳng thể biết điều này." Akira có một tình yêu lớn với cờ vây. Vào lúc bắt đầu truyện, khi cậu 12 tuổi, Akira đã thường xuyên chỉ bảo cờ vây cho những người lớn tuổi hơn nhiều, do đó còn được gọi là "thầy Akira" hoặc "tiểu giáo sư". Cậu bị thua Hikaru hai lần, trong khi Hikaru tự nhận mình chưa chơi cờ vây bao giờ, điều này khiến cậu rất sốc. Một điều Akira không biết, đó là thực ra hai ván đấu đó đều do Sai đánh, Hikaru chỉ là người đặt cờ. Sau đó, Akira liên tục theo đuổi Hikaru, thậm chí vì Hikaru mà tham gia vào câu lạc bộ cờ vây ở trường để có cơ hội giáp mặt Hikaru lần nữa trong giải học sinh. Tại giải này, Hikaru đã không nghe theo chỉ dẫn của Sai mà muốn tự mình đánh với Akira, do đó để Akira nhận ra sức cờ yếu kém của mình. Akira rất thất vọng, vì thế cậu quyết định ngay năm đó thi lên làm kỳ thủ chuyên nghiệp. Cậu nói với Hikaru rằng cậu sẽ không bao giờ gặp Hikaru nữa, khiến Hikaru rất tức giận và quyết định đuổi theo Akira trên con đường cờ vây để cho cậu thấy "con người thật sự" của mình chứ không phải Sai. Trận đấu thực sự đầu tiên giữa Hikaru và cậu sau khi Hikaru lên chuyên nghiệp đã khiến cậu nhận ra cậu và Hikaru là hai đối thủ định mệnh của nhau. Sau đó, hai người thường xuyên chơi cờ tại hội quán của cha Akira và trở nên thân thiết. Vẻ ngoài Akira vẫn luôn là một cậu bé rất điềm tĩnh, chỉ khi ở bên Hikaru cậu mới để lộ rằng mình cũng rất trẻ con bằng "những cuộc cãi nhau của học sinh trung học" với Hikaru. Có thể nói Hikaru là người bạn thực sự đầu tiên của Akira. Akira cũng là người tiến gần nhất tới sự thật về Sai. Cậu cho rằng Sai tồn tại bên trong Hikaru, nhưng không thể giải thích được chuyện này một cách logic. Cậu đã nói điều này với Hikaru, và rằng "Chỉ mình tớ biết, vì tớ hiểu cậu nhất", do đó Hikaru đã hứa "một ngày nào đó" sẽ cho cậu biết sự thật. Trên bàn cờ, Akira là một đối thủ cực kỳ đáng gờm. Dù Hikaru có thể ngang ngửa với cậu về thực lực, nhưng về bản lĩnh thi đấu Akira vẫn là số một trong số các kì thủ trẻ. Sai từng nói chính nhờ có Touya Akira tồn tại mà Hikaru nghiêm túc trên con đường cờ vây. Touya Kouyo (塔矢行): Thường được gọi là Danh nhân (Meijin) Touya. Ông được xem là cao thủ cờ vây bậc nhất ở thời điểm hiện tại và là người tiến đến gần nhất với Nước cờ thần thánh. Trước khi nghỉ hưu ông là người giữ nhiều danh hiệu nhất trong làng cờ vây Nhật Bản như Danh nhân, Kì sinh (Kisei), Thập đẳng... Ông là người đã truyền cho Akira tình yêu cờ vây. Ông cũng có lòng tự trọng "cao ngất" và rất trọng lời hứa. Điều này được thể hiện bằng việc ông đã quyết định nghỉ hưu đúng như lời hứa với Hikaru và Sai sau khi đấu với Sai trên mạng. Sau đó, ông vẫn luôn chờ đợi được tái đấu với Sai. Cao thủ cờ vây Nhật Bản Ogata Seiji: Là một trong những kỳ thủ chuyên nghiệp mạnh nhất giới cờ vây Nhật Bản. Ogata cửu đẳng (khi bắt đầu truyện) là môn đệ của Danh nhân Touya Kouyo từ trước cả khi Akira ra đời, do đó rất thân thiết với Akira. Nếu nói Sai là người giúp Hikaru theo đuổi Akira thì Ogata lại là người luôn hướng sự chú ý của Akira về Hikaru bằng cách thường xuyên nói cho Akira tình hình của Hikaru, cho dù Akira tỏ ra cậu không hứng thú (nhưng khi Akira tỏ ra hứng thú thì anh lại không nói gì). Ogata là người giành được danh hiệu Thập đẳng của Danh nhân Touya trước khi ông nghỉ hưu. Ogata là người duy nhất Sai tâm sự cùng về Hikaru (cho dù anh không nghe thấy tiếng của Sai) ở giải Sư tử chiến, cũng là người cuối cùng mà Sai đấu một ván cờ hoàn chỉnh cuối cùng trước khi biến mất. Sau khi theo dõi trận đấu trên mạng giữa Sai và Danh nhân Touya, Ogata trở nên khao khát được đấu với Sai. Anh thậm chí còn có vài cử chỉ bạo lực với Hikaru để đòi chơi cung Sai cho dù Hikaru chối biến mối quan hệ với Sai. Bề ngoài, Ogata thường mặc những bộ complet bóng bấy và đi một chiếc Mazda đỏ thời trang. Ogata rất thích cá cảnh. Trong phim hoạt hình thậm chí còn có cảnh Ogata nựng nịu lũ cá. Bản nhân phường Kuwabara: Giáo sư Kuwabara là người giữ danh hiệu Bản nhân phường (Honinbo), một trong những danh hiệu cổ nhất và vì thế, đương nhiên cũng là một cao thủ. Không như Danh nhân Touya Kouyo, ông không chịu để cho các cao thủ khác có cơ hội giành được danh hiệu này, cho dù có nhiều lúc phải dùng đến một số mánh lới. Điều này, theo như ông giải thích đó là để chờ đón "làn sóng mới của làng cờ vây Nhật Bản". Bản nhân phường Kuwabara cũng là một trong những người chú ý đến và đặt kỳ vọng vào Shindou Hikaru, thậm chí còn trước cả khi ông chú ý Touya Akira. Khi đi ngang qua Hikaru ở Viện cờ Nhật Bản, ông đã quay lại nhìn Hikaru do cảm thấy một luồng "khí" kỳ lạ từ cậu. Ông và Ogata Seiji thường móc máy lẫn nhau. Kurata Atsushi: Là tài năng trẻ gây tiếng vang lớn trong làng cờ vây vài năm gần đây vì sự tiến bộ vượt bậc - lên chuyên nghiệp chỉ sau 2 năm học cờ. Một phần ngoại truyện cho biết trước khi trở thành kì thủ anh là sinh viên rất thông minh theo học ngành chứng khoán. Kurata cũng là một trong những người rất chú ý đến tài năng của Hikaru khi tình cờ gặp cậu tại một triển lãm cờ vây. Anh là trưởng đoàn Nhật Bản dẫn dắt các kì thủ trẻ tham dự cúp Bắc Đẩu tinh (Hotuko Cup) và là người tin tưởng giao cho Hikaru vị trí chủ tướng trong trận Nhật Bản gặp Hàn Quốc - điều làm tất cả mọi người theo dõi giải đấu rất ngỡ ngàng, thậm chí nhiều người còn rất bất bình vì thức lực hiện tại thì Akira vẫn nhỉnh hơn Hikaru. Kurata nhận ra tình cảm đặc biệt của Hikaru đối với Shukasu và gọi cậu là chuyên gia giám định bút tích Shukasu. Kurata được miêu tả là một anh chàng béo tham ăn, tự tin đến mức "kiêu" và rất ưa nịnh. Anh luôn tỏ ra ganh ghét kì thủ Hàn Quốc Antetsu vì báo giới Hàn gọi anh là "Tae An của Nhật Bản". Theo Kurata, đáng lẽ phải gọi Tae An là "Kurata của Hàn Quốc" mới đúng. Morishita Shigeo: Là thầy giáo của hội nghiên cứu cờ vây mà Waya giới thiệu cho Hikaru. Ông lên chuyên nghiệp cùng năm với Danh nhân Touya và từ đó đến giờ luôn ganh đua với Danh nhân. Ông luôn thúc ép các học trò của mình không được phép thua học trò của Touya. Morishita nhận xét Hikaru là người giỏi nhất trong số các học trò của ông. Trận đấu chính thức đầu tiên của Hikaru với thầy mình là tại vòng hai tranh danh hiệu Bản nhân phường diễn ra đồng thời với trận đấu chính thức đầu tiên của Akira với Ogata. Đó là cuộc đấu giữa những đối thủ đã quá quen thuộc nhưng ở một trận chính thức thì chưa bao giờ. Vương tọa Zama: Là cao thủ cờ vây và là người đang giữ danh hiệu Vương tọa. Ông là người đấu với Akira tại trận Tân kì thủ. Trước trận đấu Vương tọa có nói là nhường Tân kì thủ thắng để tất cả cùng vui vẻ nhưng sự nghiêm túc và quyết liệt của Akira trong ván đấu đã ép ông không thể chơi nương tay. Viện sinh Waya Yoshikata: Waya là một trong những người bạn đầu tiên của Hikaru ở Viện cờ. Sau này, Waya lên chuyên nghiệp cùng năm Hikaru và Ochi khi chỉ mới 15 tuổi. Waya rất chú ý đến Hikaru vì từng nghe Hikaru nói cậu muốn đánh bại Akira, một người Waya không ưa vì "hắn có tất cả". Waya từng chơi cờ với Sai trên mạng với nickname Zelda và là người duy nhất từng chat với Sai vài câu sau trận đấu. Từ đó Waya luôn để ý theo dõi Sai thi đấu. Cậu là người nhận ra Sai có thể là một đứa trẻ con vì thời gian Sai xuất hiện liên tục trên mạng là vào kì nghỉ hè và giọng điệu của Sai trong đoạn nói chuyện ngắn hôm ấy rất trẻ con. Waya cũng là người đưa ra nhận xét Sai giống như Shukasu học đấu pháp hiện đại. Sau này khi Hikaru nói hớ trước mặt Waya về đoạn chat ấy, cậu cho rằng Hikaru là môn đệ của Sai dù Hikaru đã chối bay biến. Waya là một người bạn tốt, luôn khích lệ Hikaru. Cậu là người giới thiệu Hikaru vào hội nghiên cứu cờ vây của thầy Morishita và là người dẫn Hikaru đi tập luyện tại các hội quán cờ khi diễn ra kì thi lên chuyên nghiệp. Nhờ vậy Hikaru có thể khắc phục được điểm yếu của mình khi đấu cờ với nhiều hạng người khác nhau. Waya hơn Hikaru một tuổi và khá giống Hikaru ở tính hiếu động quậy phá. Isumi Shinichiro: Isumi là một trong những viện sinh mạnh nhất, luôn đứng đầu viện cờ nhiều năm liên tiếp nhưng rất chật vật mới lên được chuyên nghiệp. Trong năm Hikaru lên chuyên nghiệp, vì bị phân tâm bởi những lời nói của Ochi, Isumi đã mắc sai lầm và để thua Hikaru. Anh rất thất vọng vì thi trượt, do đó lên đường sang Trung Quốc để đổi không khí. Tại đây, anh đã khắc phục được điểm yếu của mình là sự thiếu tự tin và dễ bị mất tập trung bởi người khác. Khi Isumi trở về cũng là lúc Hikaru đang bỏ thi đấu, anh đã giúp Hikaru quay trở lại với cờ vây. Năm đó, anh đậu kỳ thi chuyên nghiệp. Isumi hơn Hikaru 4 tuổi, là một anh chàng hiền lành, trung thực và rất nghiêm túc. Anh cũng là bạn tốt của Hikaru và Waya. Tại trận Tân kì thủ, Bản nhân phường Kuwabara đã hỏi lại tên Isumi và nói rằng ông sẽ ghi nhớ cái tên này. Isumi là một trong ba kì thủ trẻ (sau Hikaru và Akira) được Bản nhân phường ghi nhận tên trong bộ truyện. Ochi Kosuke: Ochi là một viện sinh hàng đầu, sinh ra trong một gia đình khá giả và thường nói "Touya Akira chẳng là cái gì cả". Thế nhưng khi thi lên chuyên nghiệp, cậu lại được ông thuê chính Touya Akira kèm cặp cho mình. Ban đầu, Ochi tỏ ra khá bất hợp tác, nhưng khi được Touya Akira cho biết rằng Hikaru là một đối thủ đáng gờm và được cho xem ván đấu mà Hikaru (thực ra là Sai) đánh bại Akira, cậu đã nghiêm túc luyện tập. Akira tận tình chỉ dạy cho Ochi bởi vì cậu muốn thông qua Ochi nắm bắt thực lực của Hikaru. Qua chuyện này, Ochi nhận ra Akira rất coi trọng và luôn dõi theo Hikaru, cậu tỏ ra khá ghen tức với Hikaru về chuyện này. Cậu nói dối với Hikaru rằng Akira chẳng nhắc gì về Hikaru, nhưng lại nói hớ khiến Hikaru nhận ra sự thật, từ đó mà Hikaru có động lực rất mạnh và thắng Ochi, lên thẳng chuyên nghiệp nhờ ván quyết định này. Ochi lên chuyên nghiệp cùng trong năm này với thành tích dẫn đầu, chỉ thua hai trận là với Isumi và Hikaru. Ochi nhỏ tuổi hơn Hikaru nhưng hiện tại cũng đang là kì thủ trẻ hàng đầu với thành tích thi đấu chỉ sau Akira. Ochi có quyết tâm khẳng định mình rất cao. Ochi đã vượt qua Waya để trở thành người đại diện cho Nhật tham dự cúp Bắc Đẩu tinh. Nhưng sau khi chứng kiến ván đấu giữa Yashiro và Hikaru cũng như nghe được sự tiếc nuối của mọi người vì Yashiro không thể tham dự giải đấu, Ochi đã thẳng thắn xin ban tổ chức được đấu lại với Yashiro để chứng minh sức cờ của mình xứng đáng được chọn. Tiếc là cậu đã thua và Yashiro thế chân cậu tham dự đội tuyển Nhật Bản. Tuy nhiên tính thẳng thắn và quyết tâm của Ochi đã khiến Waya cũng như các kì thủ khác khâm phục vì chỉ có trẻ con mới giữ được nhiệt huyết trong sáng đó còn người lớn chỉ biết tính toán thiệt hơn. Fukui Yuta: Thường được gọi là Fuku, là một viện sinh thuộc tổ một của viện cờ, có sở trường đánh cờ nhanh. Fuku là người "át vía" Waya. Dù thực lực của Waya cao hơn nhưng lại luôn thua khi đấu với Fuku. Tại vòng sơ loại của kì thi lên chuyên nghiệp, khi Hikaru đang bị áp lực và thua liên tiếp, trận đối mặt với đối thủ quen thuộc và có cùng sở trường chơi cờ nhanh là Fuku đã khiến Hikaru bình tĩnh và lấy lại được phong độ. Câu lạc bộ cờ vây trường Haze Fujisaki Akari: Akari là bạn từ nhỏ của Hikaru và dường như rất thích Hikaru. Cô từng không hiểu tại sao Hikaru đột ngột học cờ vây nhưng vì Hikaru học cờ nên cô cũng đi học cờ. Akari là một trong các thành viên đầu tiên của câu lạc bộ và là người làm hết sức mình để duy trì nó. Đây là một cô bé xinh xắn và khá dễ thương, tuy nhiên về sau vai trò của cô trong truyện trở nên khá mờ nhạt. Akari và Hikaru duy trì tình bạn trong suốt câu chuyện. Tsutsui Kimihiro: Tsutsui là sáng lập viên câu lạc bộ cờ vây trường trung học Haze, nơi Hikaru đang theo học. Tsutsui là một chàng trai khá nhút nhát và ban đầu không tự tin lắm về sức cờ của mình (thường xuyên đọc sách giải cờ khi đấu), dù vậy, Tsutsui thật sự rất thích cờ vây. Anh là một trong những người nhìn ra khả năng của Hikaru sớm nhất, nhờ quan sát sự tiến bộ nhanh lạ thường của cậu. Tsutsui là một trong nhưng người có ảnh hưởng lớn đến tình yêu cờ vây của Hikaru. Kaga Tetsuo: Kaga là chủ tướng câu lạc bộ cờ tướng trường Haze, nhưng lại cũng chơi giỏi cờ vây. Trước đây, Kaga được hướng cho học cờ vây. Anh từng đấu với Akira khi còn nhỏ và thắng vì Akira đã nhường. Vì chuyện này, Kaga tỏ ra rất ghét Akira vì "nó chẳng coi mình ra gì". Trong hội chợ trường Haze, Kaga đã dụi điếu thuốc lên bàn cờ vây, nói đó là "trò vớ vẩn", xúc phạm khả năng của Akira nên làm Hikaru rất tức giận. Vì Hikaru thua Kaga sau đó, nên đã phải theo lời Kaga khai gian 1 tuổi và tham gia thi đấu giải cờ trung học. Kaga là một người khá ngang tàng nhưng rất tốt bụng. Anh đã ủng hộ Hikaru làm viện sinh dù nếu vậy Hikaru sẽ không thể tham gia giải trung học nữa. Ở trường cậu là một học sinh quậy phá và có ảnh hưởng rất lớn đến các học sinh khác. Cả thành viên câu lạc bộ cờ tướng đều rất sợ Kaga ngay cả sau khi cậu đã ra trường. Mitani Yuki: Mitani là thành viên trong đội cờ vây trường Haze. Hikaru là người lôi kéo Mitani vào câu lạc bộ nên Mitani rất giận việc Hikaru trở thành viện sinh sẽ không thể tham gia giải cờ vây Trung học được nữa. Vì thế cậu cũng rời bỏ câu lạc bộ. Khi Hikaru bỏ đấu sau kì thi lên chuyên nghiệp Mitani đã mắng Hikaru là một kẻ hèn nhát và quay lại câu lạc bộ cờ. Sự quyết tâm của Mitani trong cờ vây tác động nhiều đến Hikaru. Chị gái Mitani là người cho Hikaru lên mạng miễn phí trong suốt thời gian Sai đấu cờ trên mạng. Đội tuyển Hàn Quốc Ko Yong Ha: 16 tuổi, là kì thủ trẻ hàng đầu Hàn Quốc, là chủ tướng đội Hàn Quốc tham dự giải Bắc Đẩu tinh. Vì sự cố phiên dịch, Hikaru hiểu nhầm Ko Yongha coi thường Bản nhân phường Shukasu nên quyết liệt muốn thi đấu với Ko. Trước sự dữ dội của Hikaru, Ko cố tình khiêu khích cậu khi phát biểu tại buổi khai mạc những lời xúc phạm đến Shukasu. Trong trận đấu với Nhật Bản, Hikaru đã để thua Ko chỉ với nửa mục và khiến Ko toát mồ lạnh trong suốt trận đấu. Hong Su Yong: quân lính của đội Hàn Quốc, từng đấu cờ với Hikaru khi cậu còn là viện sinh. Thời điểm ấy, Hon đang suy sụp bởi trượt kì thi lên chuyên nghiệp nên được bố mẹ gửi đến Nhật cho khuây khỏa. Trận đấu với Hikaru đã khiến Hon lấy lại tinh thần, quay về Hàn Quốc, quyết tâm rèn luyện để tái đấu với Hikaru với tư cách kì thủ chuyên nghiệp. Đó cũng là trận đấu thể hiện bước tiến lớn của Hikaru trong cờ vây. Đón nhận Manga đã bán được hơn 22 triệu bản tại Nhật.. Nó cũng đã giành được giải thưởng Shogakukan Manga năm 2000 [20] và Giải thưởng văn hóa Tezuka Osamu năm 2003. Ảnh hưởng đến sự phổ biến cờ vây Hikaru no Go đã làm tăng sự phổ biến của cờ vây tại Nhật Bản và nhiều nơi khác, đặc biệt ở trẻ em.. Kỳ thủ cờ vây chuyên nghiệp Umezawa Yukari tham gia vào vần cố vấn kỹ thuật cho manga khẳng định lại điều này thay mặt Nihon Ki-in. Cô thường có khoảng 1 phút ở mỗi cuối các tập phim để hướng dẫn chơi cờ vây cho trẻ em. Một trong những lý do khiến cô giúp cờ vây thịnh hành trong giới trẻ là vì cô được xem là "Kỳ thủ chuyên nghiệp có vẻ ngoài ưa nhìn nhất". Hikaru no Go'' đã góp phần làm tăng sự phổ biến và nhận thức của mọi người ở nhiều quốc gia mà tác phẩm được giới thiệu. Rất nhiều câu lạc bộ cờ vây đã được lập ra bởi những người hâm mộ tác phẩm. Truyền thông và thông tin phát hành Các tập phim Danh sách tập phim Hikaru no Go Các tập truyện Danh sách chương truyện Hikaru no Go Âm nhạc Các trò chơi điện tử chuyển thể Hikaru no Go - Chỉ phát hành tại Nhật trên các hệ máy Game Boy Advance Go do Konami sản xuất Hikaru no Go 2 - Cho Game Boy Advance Hikaru no Go 3 - Cho Gamecube và Game Boy Advance Hikaru and Sai xuất hiện với vai trò các nhân vật hỗ trợ trong Jump Super Stars Các diễn viên lồng tiếng Lồng tiếng Nhật Hikaru Shindo - Tomoko Kawakami Fujiwara-no-Sai - Susumu Chiba Akira Toya - Sanae Kobayashi Akari Fujisaki - Yumi Kakazu Kimihiro Tsutsui - Makoto Tsumura Tetsuo Kaga - Kentarō Itō Yuki Mitani - Yuu Asakawa Yoshitaka Waya - Reiko Takagi Shinichiro Isumi - Kenichi Suzumura Seiji Ogata - Keiji Fujiwara Kosuke Ochi - Youko Matsuoka Mr. Shu - Aruno Tahara Hiroyuki Ashiwara - Katsuyuki Konishi Koji Saeki - Toshitaka Shimizu Shirakawa-sensei - Koji Yusa Kaoru Kishimoto - Takahiro Sakurai Kuwabara Honinbo - Rokurō Naya Lồng tiếng Anh Hikaru Shindo - Samuel Vincent Fujiwara-no-Sai - Brad Swaile Akira Toya - Scott Perrie Akari Fujisaki - Chantal Strand Toya Meijin - Paul Dobson Kimihiro Tsutsui - Keith Miller Tetsuo Kaga - Andrew Toth Yuki Mitani - Cathy Weseluck Seiji Ogata - Michael Adamthwaite Asumi Nase - Alexandra Carter Dake - Alec Willows Kaoru Kishimoto - Brent Miller Mr. Hirose - Brian Dobson Kakimoto Sensei - Don Brown Kuwabara Honinbo - French Tickner Itō - Kirby Morrow Kojima - Matt Smith Mr. Shu - Michael Dobson Tetsuo's Father - Peter New Yori Hidaka - Rebecca Shoichet Kumara - Reece Thompson Michio Shirakawa - Ted Cole Aoki - Tony Sampson Mr. Akota - Ward Perry Mr. Kawai - Dave Pettitt Harumi Ichikawa - Kelly Sheridan Yoshitaka Waya - Matthew Erickson Shinichiro Isumi - Kristian Ayre Fuku (Yuta Fukui) - Nathan Tipple Asumi Nase - Alexandra Carter Ryo Iijima - Michael Adamthwaite Toshiro Tsubaki - Michael Donovan Su-Young Hong - Erika Lo Shinoda - John Murphy Mitsuko Shindo (Hikaru's Mother) - Cathy Weseluck Hiroyuki Ashiwara (4Dan) - Chris Gound Yun Sensei - Brian Drummond Mr. Kawai - Dave Pettitt Soga - Colin Murdock Heihachi Shindo (Grandpa) - Scott McNeil Matsuura - Tony Sampson Fukawa - Don Brown Tsuchiya - Robert O. Smith Mrs. Fukawa - Pauline Newstone Shosuke Kurimoto - Richard Newman Kurimoto's Secretary - David Radford Ginguji - Fred Keating Domoto - Andrew Kavadas Eiji Komiya - Andrew Toth Akiko Toya - Astrid Varnes Kyohei Katagari - Don Brown Kakimito Sensei - Don Brown Amano - Michael Donovan Kosuke's Grandfather - Trevor Devall Toshiki Adachi - Trevor Devall
Cảng hàng không Điện Biên Phủ là sân bay ở thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, có tọa độ 21°23'41' ' vĩ Bắc, 103°00'10' ' kinh Đông. Mã IATA của sân bay này là DIN. Vị trí địa lý, lịch sử hoạt động, cơ sở vật chất Sân bay Mường Thanh hay còn gọi là sân bay Điện Biên Phủ có địa chỉ Tổ dân phố 10, phường Thanh Trường, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Đây vốn là sân bay dã chiến hồi 1954 – cứ điểm 206 năm xưa, một căn cứ tiếp vận rất quan trọng của Pháp và cũng là sân bay trung tâm của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Năm 1958, vận tải hàng không dân dụng chính thức được mở tại sân bay Điện Biên và do quân đội đảm nhiệm nhưng các chuyến bay còn rất ít. Đến năm 1984, kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tuyến đường bay Hà Nội - Điện Biên bằng máy bay AN24, AK40... được khôi phục, sân bay đưa vào khai thác với đường băng ghi nhôm dài 1400m. Sau 10 tháng khai thác, do các điều kiện kỹ thuật không cho phép, ngày 30/1/1995 đường bay đã bị cắt để sửa chữa đường cất hạ cánh. Sau khi sửa chữa, CHK Điện Biên đã hoạt động trở lại và máy bay là loại ATR72. Năm 1996, sân bay được đầu tư xây dựng đường hạ cất cánh dài 1430m, rộng 30m bằng bê tông, sân đỗ máy bay có 2 vị trí đỗ. Năm 1998 nâng lên 10 lần chuyến một tuần với khoảng trên 20 ngàn hành khách/năm. Năm 2004, CHK Điện Biên được đầu tư mở rộng sân đỗ máy bay diện tích 12.000m2 đảm bảo cho 4 vị trí máy bay đỗ. Nhà ga hành khách với diện tích sử dụng 2.500m2, đủ năng lực phục vụ hai chuyến bay ATR72 tương đương với 300 hành khách/giờ cao điểm. Các phương tiện hỗ trợ dưới mặt đất: 1 xe cứu hỏa, 1 xe khẩn nguy, 1 xe cứu thương, 1 xe tải hỗ trợ, 1 Xe đầu kéo: 2 Mooc chứa hành lý và hàng hóa rời Ngày nay, sân bay này đã được cải tạo, nâng cấp thành một cảng hàng không dân dụng của thành phố Điện Biên Phủ. Cảng hàng Điện Biên Phủ có tọa độ 21°23'50 vĩ Bắc, 103°00'28 kinh Đông. Sân bay có: Đài kiểm soát không lưu. Hệ thống rada dẫn đường. Đường lăn, sân đỗ máy bay diện tích 12.000m² đảm bảo cho 03 vị trí máy bay đỗ. Nhà ga hành khách rộng 2.500m2 với trang thiết bị và công nghệ hiện đại, phục vụ một lúc cả chuyến bay quốc tế và nội địa. Đây là sân bay lớn nhất miền Tây Bắc Việt Nam. Hiện tại, sân bay Điện Biên Phủ thực hiện ngày 3 chuyến Hà Nội - Điện Biên ,Điện Biên - Hà Nội và một chuyến từ TPHCM - Điện Biên,một số ngày đặc biệt có thể tăng lên 4 -5chuyến trên ngày và có khả năng đáp ứng mỗi ngày 4 chuyến bay, hạ cánh một giờ cao điểm. Do sân bay Điện Biên nằm trong khu vực lòng chảo, tĩnh không 2 đầu đường cất hạ cánh hạn chế nên không thể kéo dài đường băng để khai thác các loại tàu bay lớn như A320, A321 và tương đương. Việc lắp đèn đêm và hệ thống dẫn đường hiện đại cho đường cất hạ cánh hiện hữu cũng không được thực hiện do vướng về tĩnh không, do đó cảng này cũng chỉ khai thác được ban ngày. Đáng nói hơn, do nằm trong khu vực vùng núi cao, điều kiện thời tiết phức tạp, thường xuyên có mây mù, mưa, tầm nhìn hạn chế nên tỷ lệ huỷ chuyến tại Điện Biên khá cao so với các sân bay khác. Ngoài phục vụ thương mại sân bay còn phục vụ nhiệm vụ chính trị đảm bảo an ninh an toàn tuyệt đối cho các chuyến bay chuyên cơ, ưu tiên, chuyến bay quân sự của cán bộ Đảng, nhà nước và các khách ngoại giao lên thăm và làm việc tại tỉnh Điện Biên Ngày 31/7, lãnh đạo UBND tỉnh Điện Biên đã có buổi kiểm tra tiến độ các khu tái định cư (TĐC) theo quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Điện Biên. Theo đó, đối với hạng mục sân bay, đến nay các đơn vị đã thực hiện kê khai, kiểm đếm xong đối với 1.305/1.305 hộ gia đình, cá nhân và 18/23 tổ chức. Đối với điểm TĐC số 1 của dự án, đã thi công các hạng mục hạ tầng kỹ thuật đạt 95%; hạ tầng xã hội hoàn thành 50%; hoàn thành 100% các lô đất với khoảng 562 ô đất đủ điều kiện giao đất TĐC. Tại điểm TĐC số 3, đã hoàn thành 228 ô đất đủ điều kiện giao đất TĐC; các hạng mục kỹ thuật hoàn thành 80%. Tại điểm TĐC C13 mở rộng, đã hoàn thành 173/173 ô đất, đủ điều kiện giao đất TĐC, hạng mục kỹ thuật đạt 98%. Tại điểm TĐC C13, đã thi công xong 3 lô đất dân cư LK03, LK04, Lk05; hoàn thành 50% các lô đất với 55/110 ô đủ điểu kiện giao đất TĐC. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô đánh giá, hiện mới chỉ có các dự án xây dựng điểm TĐC sân bay là cơ bản đảm bảo tiến độ, các dự án còn lại vẫn chậm so với yêu cầu. Trong thời gian tới, lãnh đạo tỉnh đề nghị TP Điện Biên Phủ tập trung giải phóng mặt bằng tại địa điểm xây dựng Trung đoàn Cảnh sát cơ động và thực hiện phương án xây dựng cho các đơn vị thuộc Công an tỉnh. Tỉnh giao huyện Điện Biên tập trung xây dựng phương án giải phóng mặt bằng tại địa điểm xây dựng Trung đoàn 741; phối hợp với Sở Lao động  - Thương binh và xã hội để triển khai xây dựng các đơn vị trực thuộc sở phải di dời. Trước đó, vào ngày 27/3, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án mở rộng sân bay Điện Biên, đồng thời giao cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (ACV) triển khai thực hiện. Dự án có tổng mức đầu tư đạt 1.547 tỷ đồng, trong đó 100% vốn chủ sở hữu của ACV. Thời hạn hoạt động dự án là 50 năm; tiến độ thực hiện là 34 tháng kể từ khi chấp thuận chủ trương đầu tư. Các hạng mục chính tại sân bay Điện Biên bao gồm toàn bộ khu bay và khu hàng không dân dụng, được đầu tư bằng nguồn vốn doanh nghiệp, công tác giải phóng mặt bằng sử dụng ngân sách của tỉnh Điện Biên. Theo kế hoạch, dự án sân bay Điện Biên mở rộng được phê duyệt là sân bay lưỡng dụng, có chức năng đảm bảo cho máy bay tầm trung A320, A321 và tương đương cất hạ cánh. Đường cất hạ cánh tại dự án mới có kích thước 2.400 m x 45 m, đáp ứng công suất 2 triệu hành khách/năm đến năm 2030. Tổng nhu cầu sử dụng đất dự án là hơn 201 ha. Nhà ga Sân bay có một đường cất hạ cánh dài 1.830m, rộng 30m, bề mặt bê tông xi măng. Đường lăn, sân đỗ máy bay diện tích 12.000m² đảm bảo cho 3 vị trí máy bay đỗ. Nhà ga hành khách rộng 2.400m² đạt cấp 3C và có 3 vị trí đỗ máy bay. Do vậy, sân bay Điện Biên chỉ có thể phục vụ các tàu bay cỡ nhỏ như atr 72 hoặc tương đương với tần suất không nhiều Tầng 1: Dành cho khách đến và làm thủ tục chuyến bay đi; Diện tích: 1700m2; 1 quầy dịch vụ căng tin giải khát; 4 quầy làm thủ tục, 1 băng chuyền hành lí đến, 1 phòng VIP; Quầy hành lý thất lạc Tầng 2: bao gồm khu vực khu vực hạn chế, khu vực cách ly gồm 2 cửa hành khách ra máy bay: Diện tích: 800m2 Tổng công ty Hàng không Việt Nam (ACV) đề xuất tổng mức đầu tư xây mới toàn bộ sân bay này khoảng 4.780 tỷ đồng, trong đó công trình khu bay dự kiến 1.400 tỷ đồng; các công trình hàng không dân dụng 1.700 tỷ đồng, điều hành bay 155 tỷ đồng. Công tác giải phóng mặt bằng dự kiến 1.530 tỷ đồng. Tại khu bay, ACV đề xuất xây dựng mới đường cất hạ cánh dài 2.400 m x 24m, hệ thống đường lăn nối bãi đỗ, đường lăn song song và đèn tiếp cận. Công trình nhà ga hành khách được đề xuất xây mới 2 tầng, đáp ứng 2 triệu hành khách một năm và các hạng mục phụ trợ; xây dựng sân đỗ tàu bay với 6 vị trí đỗ máy bay A320/321 và tương đương. Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không, giai đoạn đến năm 2020, cảng hàng không Điện Biên có công suất khoảng 300.000 hành khách và 500 tấn hàng hóa mỗi năm. Đến năm 2030, dự kiến công suất sân bay nâng lên 2 triệu hành khách và 10.000 tấn hàng hóa mỗi năm. Bên cạnh đó, kế hoạch phát triển đội tàu bay hiện tại của các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet, Jestar Pacific từ nay đến năm 2030 tập trung vào các loại tàu bay A320 trở lên và kết cấu hạ tầng CHK Điện Biên hiện tại sẽ không đáp ứng được nhu cầu khai thác của các hãng hàng không trong những năm tới. Sáng 22-1-2022, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã phát lệnh khởi công dự án mở rộng cảng hàng không Điện Biên nhằm nâng công suất khai thác của sân bay này khi khai thác máy bay loại lớn hơn. Dự án mở rộng sân bay Điện Biên có tổng mức đầu tư hơn 1.467 tỉ đồng từ nguồn vốn của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV. Chi phí giải phóng mặt bằng có tổng mức đầu tư 1.555 tỉ đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh Điện Biên. Mục tiêu của dự án là nâng cấp hạ tầng sân bay, đáp ứng khai thác được các máy bay Airbus A320, A321 và tương đương, thay vì chỉ khai thác các máy bay nhỏ như trước đó. Đồng thời nâng cấp nhà ga hành khách hiện hữu từ 300.000 hành khách/năm lên 500.000 khách/năm. Sân bay Điện Biên được khôi phục từ sân bay Mường Thanh do người Pháp xây dựng. Hiện nay sân bay Điện Biên có 1 đường băng dài 1.830m, rộng 30m, được đưa vào sử dụng từ năm 1994, hệ thống trang thiết bị giản đơn, sân đỗ tàu bay có 3 vị trí đỗ, nhà ga hành khách đươc xây dựng năm 2004 có công suất 300.000 khách/năm. Do hai đầu đường băng vướng núi và hệ thống trang thiết bị hạ tầng đơn giản, sân bay Điện Biên chỉ khai thác được dòng máy bay phản lực cánh quạt loại nhỏ như ATR 72, máy bay phản lực nhỏ như Embraer 190 vào ban ngày trong điều kiện thời tiết cho phép. Vì vậy, ngày 27-3-2021, Thủ tướng đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án mở rộng sân bay Điện Biên - sân bay duy nhất trong 6 tỉnh biên giới Tây Bắc của nước ta. Để sân bay có thể đồng bộ khai thác máy bay Airbus A320, A321 và tương đương, ACV sẽ xây dựng đường băng dài 2.400m, rộng 45m, lề vật liệu rộng mỗi bên 7,5m, dải hãm phanh 2 đầu đường băng dài 100m, rộng 60m; sân quay đầu máy bay ở 2 đầu đường băng. Đồng thời xây thêm đường lăn, hệ thống đèn tiếp cận hạ cánh. Nhà ga hành khách sân bay Điện Biện sẽ được xây mới với thiết kế 2 tầng, công suất 500.000 khách/năm. Dự kiến, dự án nâng cấp sân bay Điện Biên sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác vào quý 3- 2023. Phát biểu tại lễ khởi công dự án, Phó thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, Điện Biên nằm ở cực Tây Bắc của Tổ quốc, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế - xã hội. Việc sớm hoàn thành dự án mở rộng cảng hàng không Điện Biên có ý nghĩa rất quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống của nhân dân. Theo quyết định của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Sân bay Điện Biên chính thức đóng cửa từ ngày 15.4.2023 để triển khai các hạng mục của dự án. Trước đó, tại Quyết định số 270/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT ban hành ngày 21.3.2023 về việc đóng cửa tạm thời Cảng hàng không Điện Biên (Sân bay Điện Biên), Bộ trưởng Bộ GTVT quyết định: Đóng cửa tạm thời Sân bay Điện Biên từ 0h ngày 15.4.2023 đến 23h59 ngày 17.12.2023 để triển khai thực hiện các hạng mục của Dự án đầu tư xây dựng, mở rộng Sân bay Điện Biên. Mặc dù ngày 15.4 Sân bay Điện Biên mới chính chức đóng cửa nhưng trước đó từ cuối tháng 3 đến nay, tại sân bay này chỉ có vài chuyến bay được thực hiện do hiện tượng thời tiết "mù khô" nên máy bay không thể cất/hạ cánh. Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên là dự án nhóm B, công trình giao thông cấp I, với tổng mức đầu tư là hơn 1.467 tỉ đồng từ nguồn vốn của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam. Riêng công tác giải phóng mặt bằng với tổng mức đầu tư 1.555 tỉ đồng được đảm bảo từ nguồn ngân sách của tỉnh Điện Biên. Dự án gồm đường cất hạ cánh 35-17 kích thước 2400mx45m, sân quay 2 đầu, kết cấu BTXM đảm bảo khai thác máy bay A320/A321 hoặc tương đương; lề vật liệu rộng mỗi bên 7,5m, dải hãm phanh 2 đầu đường cất hạ cánh kích thước 60x100m và xây dựng hệ thống đèn tiếp cận CAT I... Dự án cũng cải tạo, mở rộng công suất khai thác nhà ga hành khách hiện hữu từ 300.000 khách/năm lên 500.000 khách/năm. Nhà ga được thiết kế gồm 2 tầng trong đó, tầng 1 bao gồm: Khu vực mái sảnh, Khu vực hành khách đi và khu vực hành khách đến; Tầng 2 là Khu vực phòng chờ, phòng khách hạng thương gia, khu vực dịch vụ thương mại và các khu vực phụ trợ phục vụ khai thác. Các hãng hàng không và tuyến bay Thống kê San lượng hành khách phục vụ 5 năm từ năm 2010-2014: Chuyến bay thử nghiệm bằng máy bay phản lực Embraer E-190LR Sáng ngày 19/8/2021, chuyến bay QH18 của hãng Bamboo Airways đã hạ cánh xuống sân bay Điện Biên lúc 12h30 - thực hiện thành công chuyến bay kĩ thuật từ Hà Nội tới Điện Biên. Dự sự kiện có các đồng chí: Lê Thành Đô: Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Đức Toàn: Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Võ Huy Cường: Phó Cục trưởng Cục hàng không Việt nam; Nguyễn Ngọc Trọng: Phó Tổng giám đốc Hãng hàng không Bamboo Airways. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử dòng máy bay phản lực hiện đại đã hạ cánh thành công xuống sân bay Điện Biên Phủ
Hiện nay tại Việt Nam có tổng cộng 22 sân bay có hoạt động bay dân sự trong đó có 10 sân bay quốc tế. Sân bay Liên Khương (tỉnh Lâm Đồng) theo quy hoạch sẽ được tiến hành nâng cấp và xây dựng trở thành cảng hàng không quốc tế trong tương lai. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, sân bay Liên Khương chưa có quyết định chính thức là "sân bay quốc tế", dù đã có một số đường bay quốc tế. Mới đây, Sân bay Chu Lai (tỉnh Quảng Nam) cũng được hãng hàng không giá rẻ Vietjet đề xuất đầu tư nâng cấp 20.000 tỉ đồng theo 3 giai đoạn từ 2020-2025 để đến năm 2025 trở thành Cảng hàng không quốc tế và trở thành trung tâm trung chuyển, vận tải hàng hóa lớn của cả nước theo quy hoạch của Bộ GTVT năm 2017. Tất cả sân bay tại Việt Nam nằm dưới sự quản lý trực tiếp của Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam, có trụ sở tại Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh. Hầu hết các sân bay ở Việt Nam đều có hoạt động bay quân sự. Dưới đây là danh sách các sân bay tại Việt Nam: Sân bay đang hoạt động Sân bay dân dụng Lưu ý: In đậm là sân bay quốc tế. Năng lực khai thác và các tuyến bay Sân bay dân sự Sân bay quân sự Các sân bay trên kế hoạch Dưới đây là các sân bay đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt quy hoạch Các sân bay không còn hoạt động Tên in đậm là các sân bay tạm ngưng khai thác để nâng cấp hoặc xây dựng lại Tên in nghiêng và gạch chân là sân bay đã không còn tồn tại. Tên ghi bên dưới là tên gọi khác. Chú thích
Cảng hàng không quốc tế Vinh là sân bay quốc tế của Việt Nam ở xã Nghi Liên, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, có tọa độ 18°44'44' ' vĩ Bắc, 105°39'50' ' kinh Đông. Sân bay nằm cách trung tâm thành phố Vinh khoảng 6–7 km. Năm 2009, Cảng hàng không Vinh đã vận chuyển hơn 257.000 hành khách; năm 2013 đón trên 1.000.000 khách. Năm 2014 đạt gần 1.250.000 lượt khách. Năm 2015, dự kiến sân bay Vinh đạt 1,5 triệu lượt khách . Lượng hàng hóa vận chuyển qua sân bay Vinh năm 2012 đạt 1.805 tấn; năm 2013 đạt 1.500 tấn; năm 2014 đạt 2.990 tấn, (tăng 93,2% so với năm 2013). Số lần cất hạ cánh năm 2009 đạt 3.167 lượt chuyến, năm 2012 đạt 5.526 lượt chuyến; năm 2013 đạt 6.996 lượt chuyến; năm 2014 đạt 8.756 lượt chuyến, tăng 25,2% so với năm 2013. Căn cứ vào tốc độ phát triển vận chuyển hành khách và hàng hóa trong những năm qua và xu thế tăng trưởng của các cảng hàng không trong cả nước, mức tăng trưởng của sân bay Vinh trong những năm tới vẫn giữ được với nhịp độ cao, dự báo trong năm 2012 – 2015 tốc độ tăng trưởng ở mức: 15 -30% năm, những năm 2015 -2020 tốc độ tăng trưởng: 8-15% năm; Giai đoạn 2020-2030 tăng trưởng 4-8% năm. Theo dự báo của Bộ Giao thông Vận tải, đến năm 2020, Cảng hàng không Vinh sẽ đạt 2,5 triệu hành khách/năm và đến năm 2030, đạt 7 triệu hành khách/năm Sân bay Vinh do Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (NAA), một tổng công ty của Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam, quản lý. Thủ tướng đã ký quyết định bổ sung Cảng hàng không Vinh vào mạng lưới quy hoạch sân bay quốc tế trong cả nước, công nhận và công bố sân bay Vinh thành sân bay Quốc tế. Sân bay có khả năng tiếp nhận cùng lúc 7 máy bay cỡ lớn như A320, A321, ATR72 hoặc tương đương. Ngày 6/5/2021 và 7/5/2021, sân bay phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 cho gần 340 cán bộ, nhân viên tại Cảng. Mã IATA: VII (theo tên của thành phố Vinh) Mã ICAO: VVVH Lịch sử Cảng hàng không Vinh do thực dân Pháp xây dựng vào năm 1937 với đường cất – hạ cánh dài 1400 x 30m bằng đất và một vài công trình phụ trợ khác: sân đỗ máy bay, kho xăng dầu…Trước năm 1994, cảng hàng không Vinh hầu như không được đầu tư sửa chữa. Năm 1994, trước nhu cầu khai thác đường bay Hà Nội – Vinh – Đà Nẵng và ngược lại, nhà nước đã đầu tư trên 20 tỷ đồng để sửa chữa đường cất – hạ cánh, xây dựng nhà ga, đường lăn, sân đỗ. Năm 1995, hoàn tất công tác đầu tư sửa chữa và đưa vào khai thác thường lệ đường bay Hà Nội – Vinh – Đà Nẵng với tần suất 6 chuyến/tuần. Từ năm 1997, sân bay Vinh khai thác tuyến Vinh Đà Nẵng với tần suất 3 chuyến/tuần. Từ năm 2001 – 2003, sân bay đã liên tục được đầu tư xây dựng các công trình như: đường lăn, sân đỗ máy bay, nhà ga hành khách dân dụng, các công trình quản lý bay, tháp chỉ huy…đặc biệt là cải tạo và kéo dài đường cất – hạ cánh đạt cấp 4C, tiếp nhận được các loại máy bay A320, A321 có giảm tải hoặc các loại máy bay tương đương. Sân bay Vinh ngày càng được phát triển, từng bước được xây dựng trở thành một cảng hàng không quốc tế hoàn chỉnh, đồng bộ và hiện đại đáp ứng được các nhu cầu khai thác sử dụng. Cơ sở hạ tầng Sân bay quốc tế Vinh có một đường cất hạ cánh dài 2400 m, rộng 45 m, bề mặt bê tông at-phan. Sân đỗ máy bay (apron) có diện tích 38.438 m² đáp ứng cho 7 vị trí đỗ máy bay. Thiết bị dẫn đường: Hệ thống đèn tiệm cận; đèn thềm; đèn cánh thềm; đèn giới hạn đường CHC; đèn lề đường CHC; đèn lề đường băng Hệ thống an ninh - an toàn: Hệ thống ngăn chặn - chống khủng bố; Hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động; Hệ thống kiểm tra , giám sát an ninh, sao lưu dữ liệu; Phục vụ y tế khẩn cấp 24/7. Nhà ga hành khách - Cảng hàng không Vinh được khởi công từ tháng 4/2014 do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư gần 1.200 tỷ đồng. Bao gồm các hạng mục: Xây dựng nhà ga hành khách với tổng diện tích sàn khoảng 11.706 m²; hệ thống chiếu sáng trong và ngoài nhà ga; hệ thống cấp thoát nước nhà ga, sân đậu ô tô, hệ thống đường giao thông…. Dự án được quy hoạch dựa trên mục tiêu xây dựng hoàn chỉnh một nhà ga hàng không dân dụng tiện nghi, thẩm mỹ, hiện đại và chất lượng cao, đạt cấp dịch vụ theo tiêu chuẩn mức C (Level of service C) theo phân mức tiêu chuẩn phục vụ hành khách của IATA. Công trình nhà ga hành khách đã hoàn thành đưa vào sử dụng từ tháng 1/2015. Nhà ga có 2 tầng, gồm 4 cửa ra máy bay, trong đó tầng 1 phục vụ hành khách đến, tầng 2 phục vụ hành khách đi. Công suất khai thác 3 triệu hành khách/năm, đủ năng lực phục vụ 1.000 hành khách/giờ cao điểm. Bên trong nhà ga có 28 quầy làm thủ tục hàng không, 2 băng chuyền hành lý đi, 2 băng chuyền hành lý đến, 4 thang máy; trang bị đầy đủ hệ thống camera quan sát, máy soi chiếu an ninh, máy soi chiếu hành lý… Ngày 23/2/2019.UBND Tỉnh Nghệ an và Tổng công ty hàng không Việt Nam(ACV) đã khánh thành nhà ga quốc tế Vinh đúng dịp Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư Xuân Kỷ Hợi 2019.Nhà ga quốc tế vinh gồm 2 tầng(được xây dựng trên cơ sở nhà ga cũ).Tầng 1 là Ga đi và ga đến,ga đi gồm 07 quầy thủ tục check-in,4 quầy thủ tục xuất cảnh và các dịch vụ ăn uống khác.Ga đến gồm 1 sảnh đến và 4 quầy Nhập cảnh.Tầng 2 là khu vực phòng chờ cách ly,gồm 2 cửa ra tàu bay.Năng lực phục vụ 800.000 lượt khách/năm. Cùng ngày,Hãng Bamboo airways đã khai trương 4 đường bay (Hà nội,Tp.HCM,Đà lạt và Buôn mê thuột).Chuyến bay quốc tế đầu tiên là từ Vinh đến Bangkok do hãng Vietjet Air khai thác,trong tương lai sẽ khai trương đường bay Vinh-Vientiane,Vinh-Tokyo,Vinh-Seoul và Vinh-Kuala Lumpur.Đánh dấu bước phát triển mới của Cảng hàng không Quốc tế Vinh,Sân bay lớn nhất khu vực Bắc Miền Trung. Các tuyến bay và các hãng hàng không hoạt động Hiện nay, tại sân bay Vinh mặc dù là cảng hàng không quốc tế nhưng không có một đường bay quốc tế nào, các hãng hàng không Vietnam Airlines, VietJet Air,Bamboo Airways,Vasco,và Pacific Airlines đang khai thác bình quân 35 lượt chuyến bay/ngày. Riêng dịp Tết nguyên đán khai thác bình quân 40-64 chuyến/ngày. Thống kê Tương lai Cùng với quy hoạch phát triển mở rộng về quy mô hoàn chỉnh, cơ sở hạ tầng kỹ thuật ngày càng hiện đại, Cảng hàng không Vinh sẽ có nhiều hãng hàng không quan tâm khai thác mở thêm nhiều tuyến bay mới nối các địa phương trong cả nước với thành phố Vinh, trung tâm kinh tế, văn hoá, thương mại và du lịch của khu vực Bắc Trung Bộ. Sân bay quốc tế Vinh cũng chính thức có các đường bay thẳng quốc tế Vinh - Viêng Chăn, Vinh - Singapore (hiện chuyến bay Vinh - Singapore phải dừng làm thủ tục tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất). Trong tương lai gần, sẽ mở thêm một số đường bay quốc tế như Vinh – Thái Lan, Vinh - Đài Loan, Vinh - Hàn Quốc. Sau đó, Chính phủ dự kiến mở rộng Cảng hàng không Vinh thành cảng hàng không quốc tế với quy mô lớn, mở các tuyến bay đi Trung Quốc, Đông Bắc Á và các nước khác. Dự án xây dựng nhà ga hành khách T2, công suất thiết kế 5 triệu hành khách/năm,bao gồm 1 triệu hành khách quốc tế và 4 triệu khách nội địa. tổng diện tích sàn nhà ga khoảng 16.500m2, khái toán tổng mức đầu tư khoảng 1.681 tỷ đồng; Dự án xây dựng sân đỗ máy bay trước nhà ga T2 với công suất thiết kế 7 vị trí đỗ máy bay code E, 2 vị trí đỗ máy bay code C, có tổng mức đầu tư khoảng 1.001 tỷ đồng. Các dự án này dự kiến bàn giao mặt bằng chậm nhất cuối quý II/2019, khởi công vào quý III năm 2019, hoàn thành đưa vào khai thác quý IV năm 2020. Với quy mô chức năng phù hợp tại vị trí mới và phong cách kiến trúc hiện đại, bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách theo dự báo, nhà ga mới mang tầm vóc của công trình hàng không của quốc gia sẽ nâng tầm vị thế của TP Vinh, Nghệ An và khu vực Bắc Miền Trung; góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của vùng đất nhiều tiềm năng này.
Chi Nghệ (danh pháp khoa học: Curcuma) là một chi trong họ thực vật Zingiberaceae (họ Gừng) chứa các loài như nghệ, nga truật hay uất kim hương Thái Lan. Từ nguyên Tên gọi khoa học xuất phát từ tiếng Phạn kuṅkuma, dùng để chỉ loài nghệ phổ biến rộng và được biết đến nhiều nhất là Curcuma longa. Ghi chép về chữ nghệ trong Từ điển Việt–Bồ–La (Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum) của Alexandre de Rhodes xuất bản năm 1651 như sau: "nghệ: açafrão: crocus, i. dụôm nghệ: tingir com açafrão: croco inficere.",. Như thế, Rhodes có lẽ cho rằng nó ít nhất là tương tự như nghệ tây (Crocus sativus) trong vai trò nhuộm màu vàng cho thực phẩm, do Crocus sativus là loại cây trồng tại khu vực Địa Trung Hải để lấy nhụy hoa sấy khô làm gia vị và nhuộm màu thực phẩm. Từ điển này không có chữ ngải. Trong Flora Cochinchinensis, João de Loureiro mô tả 3 loài Curcuma mà ông biết có tại miền nam Việt Nam với các tên gọi tiếng Việt tương ứng là: Curcuma longa: ngệ, kuong hùynh, kiām hoâm. Curcuma rotunda (danh pháp chính thức hiện nay là Boesenbergia rotunda): ngải miọ, pum ngô méu. Curcuma pallida (danh pháp chính thức hiện nay là Curcuma zedoaria): ngệ hoang, san kiām hoâm. Như thế, ở đây tên gọi ngải đã được dùng để chỉ các loài Curcuma. Trong Nam Việt–Dương Hiệp Tự vị (南越洋合字彙, Dictionarium Anamitico-Latinum) của Jean-Louis Taberd xuất bản năm 1838 thì các từ nghệ và ngải đều viết bằng Hán-Nôm là 艾. Cụ thể, tại trang 333 tác giả viết như sau: "艾 Ngải, herba quaedam medicinalis seu species absynthii quâ adustiones fiunt. 艾灸 Ngải cứu, id; artemisia vulgaris... 艾鐄 Ngải vàng, curcumae species. 艾葉 Ngải diệp: absynthii species... ", như thế ngải nói chung là cây thuốc thuộc chi Artemisia (như A. vulgaris hay A. absinthium), nhưng ngải vàng thì là loài thuộc chi Curcuma. Tại trang 338, tác giả viết về chữ nghệ như sau: "艾 Nghệ, croci species seu curcuma longa.", và ở đây thì nghệ là tên thông thường của Crocus (không có ở Việt Nam) hoặc Curcuma longa. Điều này giải thích tại sao trong tên gọi của một số loài của chi Curcuma lại có chữ ngải, như ngải tím (C. aeruginosa, C. zedoaria), ngải trắng (C. aromatica). Các tên gọi uất kim, khương hoàng hay nga truật có lẽ có nguồn gốc từ tiếng Trung, tương ứng với 郁金 = uất kim, 姜黄 = khương hoàng và 莪术 = nga thuật, các tên gọi được Flora of China dùng trong tên gọi tiếng Trung của các loài thuộc chi Curcuma. Về mặt phân loại học thì Crocus (họ Iridaceae, bộ Asparagales - thực vật một lá mầm), Artemisia (họ Asteraceae, bộ Asterales - thực vật hai lá mầm thực sự) và Curcuma (họ Zingiberaceae, bộ Zingiberales - thực vật một lá mầm) không có quan hệ họ hàng gì. Phân bố Các loài nghệ là bản địa khu vực Đông Nam Á, miền nam Trung Quốc, tiểu lục địa Ấn Độ, New Guinea và miền bắc Australia. Một số loài được cho là đã du nhập và tự nhiên hóa ở các vùng ấm áp khác trên thế giới như châu Phi nhiệt đới, Trung Mỹ, Florida, và một loạt các đảo khác nhau trên Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương. Nói chung, hầu hết các loài nghệ phát triển tốt trong đất cát tơi xốp ở những nơi có bóng râm. Sử dụng Nghệ đã được sử dụng ở Ấn Độ từ thời cổ đại như là một chất thay thế cho nghệ tây (Crocus spp.) và các chất màu vàng khác. Nghệ thường được sử dụng để tạo hương vị hoặc tạo màu cho bột cà ri, mù tạt, bơ và pho mát. Mô tả Thân rễ phân nhánh, mọng thịt, thơm, thường với các rễ mang củ. Lá ở gốc; phiến lá hình mũi mác rộng hoặc thuôn dài, hiếm khi thẳng hẹp. Cụm hoa là cành hoa dạng bông thóc ở đầu cành trên thân giả hoặc trên các chồi riêng biệt sinh ra từ thân rễ, đôi khi xuất hiện trước lá; cuống thẳng; các lá bắc hợp sinh trong khoảng 1/2 chiều dài của chúng và tạo thành các túi, tỏa rộng ở các đầu tự do, mỗi lá bắc đối diện một xim hoa bọ cạp xoắn ốc gồm 2-7 hoa, các lá bắc ở đỉnh thường có màu khác biệt, lớn, vô sinh, tạo thành một mào; lá bắc con rời đến gốc. Đài hoa thường hình ống ngắn, chẻ 1 bên, đỉnh 2-3 thùy hoặc có răng. Tràng hoa hình phễu; các thùy hình trứng hoặc thuôn dài, gần bằng nhau hoặc thùy trung tâm dài hơn, đỉnh có mấu nhọn. Các nhị lép bên hình tựa cánh hoa, hợp sinh tại gốc với chỉ nhị và cánh môi. Cánh môi với phần trung tâm sẫm lại và mỏng hơn, các thùy bên chồng lên với các nhị lép bên. Chỉ nhị ngắn, rộng; bao phấn lắc lư, gốc thường có cựa; không có phần phụ liên kết. Bầu nhụy 3 ngăn. Quả nang hình elipxoit, 3 mảnh vỏ, nứt. Hệ thống học và phát sinh chủng loài Nghiên cứu phát sinh chủng loài phân tử của Záveská et al. (2012) chia Curcuma làm 3 phân chi. Cụ thể như sau: Curcuma subgen. Curcuma: Đối với các đại diện điển hình của phân chi này thì các đặc trưng phái sinh chia sẻ chung về hình thái bao gồm sự hiện diện của các tuyến trên bầu; cụm hoa thường với mào; hoa kiểu viên đạn sắp xếp chật chội; và sự hiện diện của hai cựa hướng về phía trước. Nhiều thành viên của phân chi này có phân bố rộng khắp và được trồng ở Nam Á, Đông Nam Á và nhiều nơi khác trong vùng nhiệt đới, nhưng trung tâm đa dạng của các loài sinh sản hữu tính (tạo hạt) là Ấn Độ, Bangladesh và Myanmar, và trung tâm đa dạng của các loài sinh sản sinh dưỡng có lẽ là Ấn Độ. Mối quan hệ của các loài trong phân chi này rất phức tạp vì đa bội hóa và lai ghép hóa là quan trọng trong hình thành loài. Cấu trúc phân cấp trong phạm vi phân chi này dường như có liên quan đến sự thay đổi kích thước bộ gen, phần lớn phù hợp với dữ liệu AFLP. Đa phân cơ sở trong phân chi Curcuma (nhóm Curcuma-II trong các cây phát sinh chủng loài ITS và cpDNA) tương ứng với các loài có kích thước bộ gen đơn bội lớn hơn (‘Genome Group II và III’ sensu Leong-Škorničková et al., 2007), trong khi nhánh tận cùng nhất của cây (nhóm ‘Curcuma-I’ trong các cây phát sinh chủng loài ITS và cpDNA) bao gồm các loài có các giá trị 1Cx (‘Genome Group I’ sensu Leong-Škorničková et al., 2007) nhỏ hơn. Curcuma subgen. Ecomata: Gộp 2 nhóm ‘Ecomata’ và ‘Pierreana’: Các loài Curcuma có tuyến trên bầu, cựa bao phấn, hầu hết có các lá bắc sinh sản nhọn hợp sinh ở gốc và thiếu mào dễ thấy của các lá bắc vô sinh, các lá với lưỡi bẹ phát triển tốt. 2n chủ yếu là 42. Vùng thực vật Đông Dương, từ Đông Myanmar và miền nam Trung Quốc đến Campuchia và miền nam Việt Nam. Curcuma subgen. Hitcheniopsis: Không tuyến trên bầu và cựa bao phấn. Phân bố địa lý của phân chi Hitcheniopsis là tương tự như phân chi Ecomata, với một số loài vươn xa hơn về phía tây đến Myanmar (như C. parviflora), đông bắc Ấn Độ và cả miền nam Trung Quốc (Stahlianthus spp.). Các loài Tại thời điểm tháng 2 năm 2021 POWO công nhận 128 loài, cộng 5 loài mô tả lần đầu tiên năm 2020, và 5 loài mô tả lần đầu tiên năm 2021. Curcuma aeruginosa Roxb., 1810: Nghệ xanh, nghệ đen, ngải tím, nghệ ten đồng. Curcuma albiflora Thwaites, 1861 Curcuma alismatifolia Gagnep., 1903: Nghệ lá từ cô hay uất kim hương Thái Lan. Curcuma amada Roxb., 1810 Curcuma amarissima Roscoe, 1826 Curcuma andersonii (Baker) Škorničk., 2015 Curcuma angustifolia Roxb., 1810 không Dalzell & A.Gibson, 1861: Nghệ lá hẹp. Curcuma antinaia Chaveer. & Tanee, 2007 Curcuma arida Škorničk. & N.S.Lý, 2015: Nghệ khô hạn. Curcuma aromatica Salisb., 1808: Nghệ rừng, nghệ trắng, ngải trắng, uất kim. Curcuma arracanensis W.J.Kress & V.Gowda, 2012 Curcuma attenuata Wall. ex Baker, 1890 Curcuma aurantiaca Zijp, 1915 Curcuma australasica Hook.f., 1867 Curcuma bakeriana Hemsl., 1892 Curcuma bella Maknoi, K.Larsen & Sirirugsa, 2011 Curcuma bhatii (R.M.Smith) Škorničk. & M.Sabu, 2005 Curcuma bicolor Mood & K.Larsen, 2001 Curcuma caesia Roxb., 1810 Curcuma campanulata (Kuntze) Škorničk., 2015: Tà liền chuông. Curcuma candida (Wall.) Techapr. & Škorničk., 2012: Thiền liền trắng. Curcuma cannanorensis R.Ansari, V.J.Nair & N.C.Nair, 1982 Curcuma caulina J.Graham, 1839 Curcuma ceratotheca K.Schum., 1899 Curcuma cinnabarina Škorničk. & Soonthornk., 2020 Curcuma clovisii Škorničk., 2015 Curcuma cochinchinensis Gagnep., 1907: Nghệ Nam Bộ Curcuma codonantha Škorničk., 2003 Curcuma coerulea K.Schum., 1904 Curcuma colorata Valeton, 1918 Curcuma comosa Roxb., 1810 Curcuma coriacea Mangaly & M.Sabu, 1989 Curcuma corniculata Škorničk., 2014 Curcuma cotuana Luu, Škorničk. & H.Đ.Trần, 2017: Ngải Cơ Tu. Curcuma decipiens Dalzell, 1850 Curcuma eburnea Škorničk., Suksathan & Soonthornk., 2020 Curcuma ecomata Craib, 1912 Curcuma elata Roxb., 1820: Mì tinh rừng. Curcuma euchroma Valeton, 1918 Curcuma exigua N.Liu, 1987 Curcuma ferruginea Roxb., 1810 Curcuma fimbriata Škorničk. & Soonthornk., 2021 Curcuma flammea Škorničk., 2014 Curcuma flaviflora S.Q.Tong, 1986 Curcuma glans K.Larsen & Mood, 2001 Curcuma glauca (Wall.) Škorničk., 2015 Curcuma globulifera Škorničk. & Soonthornk., 2021 Curcuma gracillima Gagnep., 1903: Nghệ mảnh. Curcuma graminifolia (K.Larsen & Jenjitt.) Škorničk., 2015 Curcuma grandiflora Wall. ex Baker, 1890 Curcuma gulinqingensis N.H.Xia & Juan Chen, 2013 Curcuma haritha Mangaly & M.Sabu, 1993 Curcuma harmandii Gagnep., 1907: Nghệ Harmand, nghệ hác-man. Curcuma heyneana Valeton & Zijp, 1917 Curcuma inodora Blatt., 1931 Curcuma involucrata (King ex Baker) Škorničk., 2015 Curcuma karnatakensis Amalraj, Velay. & Mural., 1991 Curcuma kayahensis Nob.Tanaka & M.M.Aung, 2019 Curcuma kudagensis Velayudhan, V.S.Pillai & Amalraj, 1990 Curcuma kwangsiensis S.G.Lee & C.L.Liang, 1977: Nghệ Quảng Tây Curcuma larsenii C.Maknoi & T.Jenjittikul, 2006 Curcuma latiflora Valeton, 1913 Curcuma latifolia Roscoe, 1825 Curcuma leonidii Škorničk. & Luu, 2013: Nghệ Leonid, nghệ lê-ô-nít. Curcuma leucorrhiza Roxb., 1810 Curcuma loerzingii Valeton, 1918 Curcuma longa L., 1753: Nghệ, nghệ nhà, nghệ trồng, uất kim, khương hoàng, co hem, co khản min (tiếng Thái). Curcuma longispica Valeton, 1918 Curcuma macrochlamys (Baker) Škorničk., 2015 Curcuma mangga Valeton & Zijp, 1917 Curcuma meraukensis Valeton, 1913 Curcuma micrantha Škorničk. & Soonthornk., 2021 Curcuma montana Roxb., 1800 Curcuma mukhraniae R.Kr.Singh & Arti Garg, 2014 Curcuma mutabilis Škorničk., M.Sabu & Prasanthkumar, 2004 Curcuma myanmarensis (W.J.Kress) Škorničk., 2015 Curcuma nankunshanensis N.Liu, X.B.Ye & Juan Chen, 2008 Curcuma neilgherrensis Wight, 1853 Curcuma newmanii Škorničk., 2013 Curcuma oligantha Trimen, 1885 Curcuma ornata Wall. ex Baker, 1890 Curcuma pambrosima Škorničk. & N.S.Lý, 2010: Củ giờ. Curcuma papilionacea Soonthornk., Ongsakul & Škorničk., 2020 Curcuma parviflora Wall., 1830: Nghệ hoa nhỏ. Curcuma parvula Gage, 1904 Curcuma pedicellata (Chaveer. & Mokkamul) Škorničk., 2015 Curcuma peramoena Souvann. & Maknoi, 2014 Curcuma petiolata Roxb., 1820 - nghệ sen Curcuma phaeocaulis Valeton, 1918 Curcuma picta Roxb. ex Škorničk., 2008 Curcuma pierreana Gagnep., 1907: Nghệ Pierre, bình tinh chét. Curcuma plicata Wall. ex Baker, 1890 Curcuma porphyrotaenia Zipp. ex Span., 1842 Curcuma prakasha S.Tripathi, 2002 Curcuma prasina Škorničk., 2017 Curcuma pseudomontana J.Graham, 1839 Curcuma purpurascens Blume, 1827 Curcuma putii Maknoi & Jenjitt., 2019 Curcuma pygmaea Škorničk. & Šída f., 2013: Nghệ lùn. Curcuma reclinata Roxb., 1810 Curcuma rhabdota Sirirugsa & M.F.Newman, 2000 Curcuma rhomba Mood & K.Larsen, 2001 Curcuma roscoeana Wall., 1829 Curcuma roxburghii M.A.Rahman & Yusuf, 2012 Curcuma rubescens Roxb., 1810 Curcuma rubrobracteata Škorničk., M.Sabu & Prasanthkumar, 2003 Curcuma ruiliensis N.H.Xia & Juan Chen, 2021: Nga truật Thụy Lệ (瑞丽莪术). Curcuma sahuynhensis Škorničk. & N.S.Lý, 2015: Nghệ Sa Huỳnh, rau nghệ. Curcuma saraburiensis Boonma & Saensouk, 2019 Curcuma sattayasaiorum Chaveer. & Sudmoon, 2008 Curcuma scaposa (Nimmo) Škorničk. & M.Sabu, 2007 Curcuma sessilis Gage, 1904 Curcuma sichuanensis X.X.Chen, 1984: Nghệ Tứ Xuyên Curcuma singularis Gagnep., 1907: Cây khỏe, sâm đá. Curcuma sparganiifolia Gagnep., 1903: Nghệ lá hắc tim lang. Curcuma spathulata Škorničk. & Soonthornk., 2021 Curcuma stenochila Gagnep., 1905: Nghệ hoa vàng. Curcuma stolonifera Nob.Tanaka, K.Armstr. & M.M.Aung, 2020 Curcuma strobilifera Wall. ex Baker, 1890 Curcuma sumatrana Miq., 1861: Nghệ Sumatra Curcuma supraneeana (W.J.Kress & K.Larsen) Škorničk., 2015 Curcuma sylvatica Valeton, 1918 Curcuma thailandica Boonma & Saensouk, 2020 Curcuma thorelii Gagnep., 1907: Nghệ Thorel. Curcuma tongii Y.H.Tan & Li X.Zhang, 2019 Curcuma trichosantha Gagnep., 1907 Curcuma vamana M.Sabu & Mangaly, 1988 Curcuma viridiflora Roxb., 1810 Curcuma vitellina Škorničk. & H.Đ.Trần, 2010 Curcuma wallichii M.A.Rahman & Yusuf, 2012 Curcuma wilcockii M.A.Rahman & Yusuf, 2012 Curcuma woodii N.H.Xia & Juan Chen, 2015 Curcuma xanthella Škorničk., 2013 Curcuma yingdeensis N.H.Xia & Juan Chen, 2019 Curcuma yunnanensis N.Liu & C.J.Chen, 1987: Nghệ Vân Nam Curcuma zanthorrhiza Roxb., 1820 - Nghệ rễ vàng Curcuma zedoaria (Christm.) Roscoe, 1810: Nga truật, còn gọi là nghệ đen, ngải tím, bồng nga truật, tam nại. Curcuma zedoaroides Chaveer. & Tanee, 2008 Việt Nam Ở Việt Nam hiện tại xác định có 22-32 loài nghệ, trong đó 22 loài là: C. aeruginosa, C. angustifolia, C. aromatica, C. cochinchinensis, C. elata, C. gracillima, C. longa (du nhập), C. rhomba, C. singularis, C. thorelii, C. zanthorrhiza (du nhập). Các loài mới mô tả giai đoạn 2010-2017 bao gồm C. arida, C. cotuana, C. leonidii, C. newmanii, C. pambrosima, C. pygmaea, C. sahuynhensis, C. vitellina, C. xanthella và 2 loài chuyển từ chi Stahlianthus/Kaempferia sang là C. campanulata và C. candida. Một số tài liệu còn liệt kê tới 10 loài khác, gồm: C. alismatifolia, C. harmandii, C. parviflora, C. petiolata, C. pierreanna, C. rubescens?, C. sparganifolia, C. stenochila, C. trichosantha, C. zedoaria; nhưng POWO cho rằng chúng không có ở Việt Nam. Sách Cây cỏ Việt Nam của Phạm Hoàng Hộ còn liệt kê một loài nghệ được gọi là ngải tía với danh pháp C. rubens và mô tả như sau: "Địa thực vật cao 1,5 m; củ to đến 8 cm, thơm, đắng, nạc ngà giữa hơi sậm; rễ to 3-4 mm. Lá tía; phiến thon, to đến 60 × 17 cm; cuống dài. Phát hoa ở đất cao 15 cm, lá hoa tía, mang 3-4 hoa; đài hường, cánh hoa đỏ hay tía; môi vàng. Ở trũng ẩm: Thất Sơn (Châu Đốc)". Tuy nhiên, không có nguồn nào liệt kê danh pháp C. rubens mà danh pháp gần tương tự nhất là C. rubescens Roxb., 1810, nhưng loài này chỉ có trong khu vực đông bắc Ấn Độ, Bangladesh và Myanmar. Hình ảnh Chú thích Chi Nghệ trên trang botanyvn.com
Bộ Cói (danh pháp khoa học: Cyperales) là một bộ của thực vật một lá mầm (Monocotyledones hay Liliopsida) chỉ chứa một họ duy nhất là họ Cói (Cyperaceae). Họ Hòa thảo (hay họ Lúa- danh pháp khoa học Poaceae) trước kia đã từng được đưa vào bộ này, nhưng hiện nay thông thường nó được tách ra thành bộ riêng, được gọi tương ứng là bộ Hòa thảo hay bộ Lúa (Poales). Đôi khi bộ Cói cũng được trộn lẫn với bộ Bấc (Juncales). Phân loại gần đây nhất (APG II, 2003) đưa cả hai họ Cói và họ Bấc (Juncaceae) vào trong bộ Hòa thảo, vì thế mà tên gọi bộ Cói đã trở thành lỗi thời. Đặc điểm Cây thân cỏ sống lâu năm, ít khi một năm, thường mọc ở các chỗ ẩm ướt. Thân rễ nằm dưới đất, thân khí sinh không phấn đốt, tiết diện ngang hình tam giác hay hơi tròn. Lá có bẹ ôm lấy thân mọc ra từ gốc, hai mép của bẹ thường dính nhau thành ống: lá xếp thành ba dãy theo thân. Hoa nhỏ, mọc thành bông nhỏ ở kẻ một lá bắc, những bông nhỏ này lại tập hợp thành bông, chùm, chùy... Hoa lưỡng tính hay đơn tính, thụ phấn nhờ gió. Bao hoa rất giảm, dạng vảy khô xác hay dạng lông cứng, từ 1 đến 6 hay nhiều mảnh, có khi không có. Nhị 3, bao phấn đính gốc. Bộ nhụy gồm ba lá noãn hợp thành bầu trên, một ô chỉ chứa một noãn, một vòi và ba đầu nhụy dài. Quả đóng, hạt có nội nhũ bột bao quanh phôi. Bộ Cói có khoảng 70-95 chi với 3.800-4.000 loài, phân bố rộng rãi khắp nơi, đặc biệt là ở vùng ôn đới và hàn đới. Tại Việt Nam hiện biết 28 chi và trên 300 loài. Một số loài Quan trọng nhất là cây cói (Cyperus malaccensis Lam.) mọc dại ở vùng nước lợ, tại Việt Nam hiện được trồng nhiều để dệt chiếu, bao tải, thảm, túi xách, làm đồ đan lát, mỹ nghệ. Một vài loài mọc dại phổ biến như: Củ gấu (Cyperus rotundus L.): cây cỏ nhỏ có thân rễ hình củ màu nâu đen. Đây là loài cỏ dại ăn hạt đất vườn, nhưng củ của nó được dùng làm thuốc chữa bệnh phụ nữ tốt. Cỏ năn đốt (Eleocharis equisetina Perl.): thân tròn, có ngấn, cụm hoa hình tháp bút ờ ngọn. Thường gặp ở các ruộng chua hoặc bãi lầy. Cỏ đầu ruồi (Fimbristylis monostachya Hassk. ex L.): thân khí sinh cứng, mọc thành búi ở đất chua, trảng cỏ, ven đường. Cỏ bạc đầu (Kyllinga brevifolia Rottb.): cụm hoa hình đầu, màu rắng, thường mọc ở các bãi cỏ, bờ ruộng, lề đường. Công dụng: Một số loài được dùng làm cây cảnh, một số loài dùng để sản xuất giấy, có loài ăn được, có loài làm thuốc. Hình ảnh Chú thích
Bit cực trái (tiếng Anh: leftmost bit) là bit nằm ở vị trí đầu tiên trong dãy số nhị phân nếu đếm từ trái sang phải. Trong máy tính, bit cực trái thường được sử dụng làm bit dấu (sign bit), tức dùng để biểu diễn cho dấu của số (xem hình minh họa bên dưới). Trong hầu hết trường hợp, nếu bit dấu là 1, số sẽ là số âm, và nếu bit dấu là 0, số sẽ là số dương.
{{Infobox Geopolitical organization | name = Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) | linking_name = Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương | symbol_type = | image_symbol = | symbol_width = | image_map = Asia-Pacific Economic Cooperation nations.svg | map_caption = Các nền kinh tế thành viên APEC có màu xanh lá. | org_type = Diễn đàn kinh tế | membership_type = Thành viên | membership = 21 thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (tiếng Anh: Asia-Pacific Economic Cooperation, viết tắt là APEC) là diễn đàn của 21 nền kinh tế thành viên vành đai Thái Bình Dương với mục tiêu tăng cường mối quan hệ về kinh tế và chính trị. APEC được thành lập vào năm 1989 để đáp ứng sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng của các nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương và sự xuất hiện của khối thương mại khu vực ở các nơi khác trên thế giới; để xoa dịu nỗi sợ hãi về một Nhật Bản với kinh tế công nghiệp hóa cao (một thành viên của G8) sẽ thống trị hoạt động kinh tế ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương; và để thiết lập thị trường mới cho các sản phẩm nông nghiệp và nguyên liệu ngoài châu Âu. Diễn đàn tổ chức các kỳ họp thường niên lần lượt tại mỗi quốc gia thành viên, với người đứng đầu chính phủ mỗi quốc gia thành viên (ngoại trừ Đài Loan, do sức ép của Trung Quốc, chỉ đại diện với một thành viên ngang cấp Bộ trưởng với tư cách là lãnh đạo nền kinh tế dưới tên gọi Trung Hoa Đài Bắc). Kỳ họp cấp cao nhất này được gọi là "Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC" (tiếng Anh: APEC Economic Leaders' Meeting), báo chí Việt Nam cũng thường gọi là "Hội nghị cấp cao APEC", được tổ chức lần lượt tại mỗi nền kinh tế thành viên APEC. Từ năm 1991, khi cả Trung Quốc, Đài Loan đều trở thành thành viên APEC, cụm từ "các nền kinh tế" được dùng để chỉ các nước thành viên thay vì sử dụng cụm từ "quốc gia", cũng như không gọi kỳ họp cấp cao là "Hội nghị thượng đỉnh", vì nó thường dùng để chỉ một cuộc họp của các nguyên thủ quốc gia. Điều này nhằm tránh các vấn đề xung đột chính trị từ các quốc gia và vùng lãnh thổ hiện tranh chấp như Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông. Trong hầu hết (nhưng không phải tất cả) các hội nghị cấp cao, các nhà lãnh đạo tham dự phải mặc quốc phục của nước chủ nhà. APEC có ba quan sát viên chính thức: Ban Thư ký Hiệp hội các nước Đông Nam Á, Hội đồng Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương và Ban Thư ký Diễn đàn các Đảo Thái Bình Dương. Nước chủ nhà của năm APEC thường được mời tham dự cuộc họp G20 với tư cách đại diện khu vực theo hướng dẫn của G20. Cơ cấu tổ chức Cấp chính sách Hội nghị không chính thức các nhà Lãnh đạo Kinh tế APEC (AELM) Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao – Kinh tế APEC Cấp làm việc Hội nghị các Quan chức Cao cấp (SOM) Ủy ban Thương mại và Đầu tư (CTI) (1993) Ủy ban Ngân sách và Quản lý (BMC) (1993) Ủy ban Kinh tế (EC) (1994) Ủy ban SOM về Hợp tác Kinh tế – Kĩ thuật (ESC) (1998) 11 nhóm công tác về: Kỹ thuật Nông nghiệp, Năng lượng, Nghề cá, Phát triển Nguồn nhân lực, Khoa học và công nghệ, Bảo vệ tài nguyên biển, Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Thông tin và Viễn thông, Du lịch, Xúc tiến thương mại, Vận tải. 3 nhóm đặc trách của SOM về: Thương mại điện tử (Electronic Commerce Steering Group) (1999) Mạng các điểm liên hệ về giới (Gender Focal-Points Network) (2003) Chống khủng bố (Counter-Terrorism Task Force) (2003) Ban Thư ký APEC (trụ sở ở Singapore) (1992) Lịch sử Tháng 1 năm 1989, Thủ tướng Úc Bob Hawke đưa ra lời kêu gọi kiến tạo một sự hợp tác kinh tế hữu hiệu hơn cho toàn vùng châu Á -Thái Bình Dương. Kết quả của lời kêu gọi này là Hội nghị đầu tiên của APEC tổ chức tại Canberra, Úc vào tháng 10, Hội nghị đặt dưới quyền chủ tọa của bộ trưởng ngoại giao Úc, Gareth Evans. Với sự tham dự của các bộ trưởng đến từ 12 quốc gia, Hội nghị kết thúc với lời cam kết sẽ tổ chức Hội nghị hàng năm tại Singapore và Hàn Quốc. Hội nghị Các nhà lãnh đạo APEC được tổ chức lần đầu vào năm 1993 khi Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton nhận ra rằng ông có thể sử dụng Hội nghị cấp cao này như một công cụ hữu hiệu giúp đem vòng đàm phán Uruguay (của WTO), lúc ấy đang lạc hướng, trở lại với lộ trình ban đầu. Tổng thống quyết định mời các nhà lãnh đạo những nền kinh tế thành viên đến tham dự Hội nghị tại đảo Blake, tiểu bang Washington. Tại đây, các nhà lãnh đạo kêu gọi tiếp tục tháo gỡ những rào cản thương mại và đầu tư, với viễn kiến về một "cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương" sẽ tiến đến thịnh vượng thông qua hợp tác. Trụ sở của APEC được đặt tại Singapore. Năm 1994, Bản dự thảo "Mục tiêu Bogor" của APEC được chuẩn thuận bởi Hội nghị các nhà lãnh đạo APEC tại Bogor nhắm vào mục tiêu mở rộng và tự do hóa các lãnh vực thương mại và đầu tư bằng cách giảm thiểu rào cản thuế quan trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đến mức ở giữa số không và năm phần trăm vào khoảng năm 2010 tại các nước đã công nghiệp hóa và năm 2020 tại các nước đang phát triển. Năm 1995, APEC thiết lập một cơ quan tư vấn doanh nghiệp gọi là Hội đồng Tư vấn Doanh nghiệp APEC (ABAC) với thành phần nhân sự là các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đến từ các nền kinh tế thành viên (mỗi nước cử ba người). Năm 1997 khi Hội nghị các nhà lãnh đạo APEC họp ở Vancouver, Canada, một cuộc tranh luận gay gắt đã nổ ra khi các nhà chính trị đã yêu cầu lực lượng Cảnh sát Hoàng gia Canada (Royal Canadian Mounted Police, RCMP) sử dụng hơi cay chống lại những người biểu tình bất bạo động. Đoàn biểu tình phản đối sự hiện diện của một số nhà độc tài như tổng thống Suharto của Indonesia. APEC đã đẩy mạnh vòng đàm phán thương mại mới và ủng hộ chương trình hỗ trợ kiến tạo năng lực thương mại tại Hội nghị các nhà lãnh đạo năm 2001 tại Thượng Hải, dẫn đến sự khởi đầu thành công của Nghị trình Phát triển Doha một vài tuần sau đó. Các nhà lãnh đạo cũng ủng hộ "Thỏa hiệp Thượng Hải" do Hoa Kỳ đề xuất, nhấn mạnh đến việc thực thi những cam kết của APEC nhằm mở cửa thị trường, cải cách cơ chế và xây dựng năng lực. Như là một phần của thoả hiệp, các nhà lãnh đạo cũng cam kết phát triển và thực thi những tiêu chuẩn về tính minh bạch (transperancy) của APEC, cắt giảm chi phí giao dịch thương mại trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương khoảng 5% trong vòng 5 năm, và theo đuổi chính sách tự do mậu dịch liên quan đến các sản phẩm kỹ thuật và dịch vụ. Thủ lĩnh nhóm Hồi giáo cực đoan Jemaah Islamiah, Hambali, âm mưu tấn công Hội nghị cấp cao APEC họp vào tháng 10 năm 2003 tại Bangkok. Hambali bị cảnh sát Thái bắt giữ ở thành phố Ayutthaya gần Bangkok ngày 11 tháng 8 năm 2003, trước khi người này có thể hoàn tất kế hoạch tấn công của mình. Năm 2004, Chile là quốc gia đầu tiên tại Nam Mỹ đứng ra tổ chức Hội nghị các nhà lãnh đạo APEC. Nghị trình năm 2004 của APEC tập chú vào các vấn đề khủng bố và thương mại, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ và chuẩn bị cho Thỏa ước Tự do Mậu dịch và Thỏa ước Thương mại Khu vực. Năm 2005, Hội nghị tổ chức vào tháng 11 tại Busan, Hàn Quốc, tập chú vào vòng đàm phán thương mại Doha dự định được đem ra thảo luận tại Hội nghị bộ trưởng WTO họp tại Hồng Kông vào tháng 12 trong năm. Trước đó, các cuộc thương thảo đã được tổ chức tại Paris giữa các quốc gia thành viên WTO, trong đó có Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU), đặt trọng tâm vào việc cắt giảm hàng rào thương mại nông nghiệp. EU phản đối các cắt giảm về thuế quan nông nghiệp vì nguy cơ làm tan rã tiến trình đàm phán, trong khi APEC cố gắng thuyết phục EU đồng ý cắt giảm phụ cấp nông nghiệp. Bên ngoài, các cuộc tụ họp phản kháng cách ôn hòa chống APEC diễn ra ở Busan nhưng không ảnh hưởng gì đến chương trình làm việc của APEC. Và tháng 11 năm 2017 Hội nghị cấp cao APEC được long trọng tổ chức tại Đà Nẵng, Việt Nam. Các nền kinh tế thành viên Cho đến nay, hầu hết các nước nằm bên bờ Thái Bình Dương đều gia nhập tổ chức này, ngoại trừ: Colombia và Ecuador thuộc khu vực Nam Mỹ; Guatemala, Salvador, Nicaragua, Honduras, Costa Rica và Panama thuộc khu vực Trung Mỹ; Campuchia, Bắc Triều Tiên và Đông Timor ở châu Á; Các đảo quốc Thái Bình Dương Fiji, Tonga và Samoa. Đảo Guam tích cực đòi hỏi một vị trí thành viên riêng biệt, dẫn chứng các trường hợp của Hồng Kông và Đài Loan, nhưng bị Hoa Kỳ bác bỏ vì nước này đến nay vẫn là đại diện chính thức cho Guam. Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC thường niên Các ý kiến về APEC APEC đã bị chỉ trích vì thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do, trong đó áp đặt những hạn chế đối với luật pháp của quốc gia và địa phương, với việc điều chỉnh và bảo đảm quyền lao động, bảo vệ môi trường và tiếp cận thuốc chữa bệnh an toàn với giá cả hợp lý. Theo tổ chức này, đây là "diễn đàn hàng đầu nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hợp tác, thương mại và đầu tư ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương" được thành lập để "tăng cường tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng cho khu vực và củng cố cộng đồng Châu Á - Thái Bình Dương". Tuy nhiên, vẫn còn tranh cãi về việc thực sự APEC có đạt được bất cứ điều gì mang tính xây dựng hay không, đặc biệt là từ quan điểm của các nước châu Âu không thể tham gia vào APEC và các quốc đảo Thái Bình Dương mà vì lý do nào đó không thể tham gia vào APEC nhưng sẽ phải chịu hậu quả từ các chính sách của APEC. Vấn đề cốt lõi nằm ở chỗ APEC, như nhiều diễn đàn khác trên thế giới, kể cả Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, cũng chỉ là một "Diễn đàn" không hơn không kém. Ở đó ai thích thì nói, ai thích thì nghe, không có một sự chú tâm nào hết và cũng chẳng có dân chủ khi mọi quyền lực sử dụng sức mạnh có tính toàn cầu được giao cho lực lượng giữ gìn hòa binh Liên Hợp Quốc. Lực lượng này chưa tham gia một trận đánh lớn nào nhưng đã có hàng trăm thường vong bởi đạn của cả hai bên. Vì thế mà trên toàn thế giới hiện nay chưa thể có một cơ quan quản lý chung, một sức mạnh quân sự để thực lý công pháp chung nên mọi khuyến nghị của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc cũng như các thành viên của nó đều có tỷ lệ thực thi kém cỏi (dưới 10% và đứng ngang hàng với các quốc gia kém phát triển nhất). APEC 2018 cũng không phải là ngoại lệ về kinh tế. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung không chỉ gián tiếp gây tổn hại đến khả năng tăng trưởng kinh tế toàn cầu mà còn trực tiếp gây tổn hại đến chính hai đối thủ là Mỹ và Trung Quốc. Ngay cả khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận ra rằng Mỹ và phương Tây đã "vỗ béo" Trung Quốc trong suốt hơn 30 năm qua thì sự "phản tỉnh" ấy đã là quá muộn. Trung Quốc đã trở thành thế lực kinh tế có tiền măng đứng thứ hai sau Mỹ và hiện vẫn chưa có dấu hiệu ngừng phát triển, bất chấp các đòn trừng phạt, áp thuế... mà Mỹ đã đưa ra. Lãnh đạo hiện tại của các nền kinh tế APEC
Năng lượng Mặt Trời, bức xạ ánh sáng và nhiệt từ Mặt Trời, đã được khai thác bởi con người từ thời cổ đại bằng cách sử dụng một loạt các công nghệ phát triển hơn bao giờ hết. Bức xạ Mặt Trời, cùng với tài nguyên thứ cấp của năng lượng mặt trời như sức gió và sức sóng, sức nước và sinh khối, làm thành hầu hết năng lượng tái tạo có sẵn trên Trái Đất. Chỉ có một phần rất nhỏ của năng lượng mặt trời có sẵn được sử dụng. Điện mặt trời nghĩa là phát điện dựa trên động cơ nhiệt và pin quang điện. Sử dụng năng lượng mặt trời chỉ bị giới hạn bởi sự khéo léo của con người. Một phần danh sách các ứng dụng năng lượng mặt trời sưởi ấm không gian và làm mát thông qua kiến trúc năng lượng mặt trời, qua chưng cất nước uống và khử trùng, chiếu sáng bằng ánh sáng ban ngày, nước nóng năng lượng mặt trời, nấu ăn năng lượng mặt trời, và quá trình nhiệt độ cao nhiệt cho công nghiệp purposes. Để thu năng lượng mặt trời, cách phổ biến nhất là sử dụng tấm năng lượng mặt trời. Công nghệ năng lượng Mặt Trời được mô tả rộng rãi như là hoặc năng lượng mặt trời thụ động hoặc năng lượng mặt trời chủ động tùy thuộc vào cách chúng nắm bắt, chuyển đổi và phân phối năng lượng mặt trời. Kỹ thuật năng lượng mặt trời hoạt động bao gồm việc sử dụng các tấm quang điện và năng lượng mặt trời nhiệt thu để khai thác năng lượng. Kỹ thuật năng lượng mặt trời thụ động bao gồm các định hướng một tòa nhà về phía Mặt trời, lựa chọn vật liệu có khối lượng nhiệt thuận lợi hoặc tài sản ánh sáng phân tán, và thiết kế không gian lưu thông không khí tự nhiên.. Năng lượng từ mặt trời Trái Đất nhận được 174 petawatts (PW) của bức xạ mặt trời đến (sự phơi nắng) ở phía trên không khí. Khoảng 30% được phản xạ trở lại không gian trong khi phần còn lại được hấp thụ bởi các đám mây, đại dương và vùng đất. phổ của ánh sáng năng lượng mặt trời ở bề mặt của Trái Đất là chủ yếu lây lan qua nhìn thấy được và cận hồng ngoại phạm vi với một vai nhỏ trong các cận tử ngoại Bề mặt Trái Đất, biển và bầu không khí hấp thụ bức xạ mặt trời, và điều này làm tăng nhiệt độ của chúng. Không khí ấm có chứa nước bốc hơi từ các đại dương tăng lên, gây ra lưu thông khí quyển hoặc đối lưu. Khi không khí đạt đến một độ cao, nơi nhiệt độ thấp, hơi nước ngưng tụ thành mây, mưa lên trên bề mặt của Trái Đất, hoàn thành chu kỳ nước. [[Tiềm ẩn nhiệt ngưng tụ nước khuếch đại đối lưu, sản xuất các hiện tượng khí quyển như gió, cơn bão và chống cơn bão s. Ánh sáng mặt trời bị hấp thụ bởi các đại dương và các vùng đất giữ bề mặt ở nhiệt độ trung bình là 14°C. Bằng cách quang hợp cây xanh chuyển đổi năng lượng mặt trời vào năng lượng hóa học, trong đó sản xuất thực phẩm, gỗ và sinh khối từ nhiên liệu có nguồn gốc hóa thạch Tổng số năng lượng mặt trời được hấp thụ bởi bầu khí quyển, đại dương của Trái Đất và vùng đất là khoảng 3.850.000 exajoules (EJ) mỗi năm SMIL trích dẫn một thông lượng hấp thụ năng lượng mặt trời của 122 PW. Nhân con số này bằng số giây trong một năm sản lượng 3.850.000 EJ. Trong năm 2002, đây là năng lượng trong một giờ so với thế giới được sử dụng trong một năm. Quang chụp khoảng 3.000 EJ mỗi năm trong sinh khối lượng năng lượng mặt trời đến bề mặt của. hành tinh là quá rộng lớn trong một năm là khoảng hai lần càng nhiều hơn bao giờ hết sẽ được thu được từ tất cả các nguồn tài nguyên không tái tạo của Trái Đất than, dầu, khí đốt tự nhiên, và uranium được khai thác kết hợp . Năng lượng mặt trời có thể được khai thác ở mức độ khác nhau trên thế giới. Tùy thuộc vào vị trí địa lý gần gũi hơn với đường xích đạo "tiềm năng năng lượng mặt trời có sẵn. Các ứng dụng của công nghệ năng lượng mặt trời Năng lượng mặt trời chủ yếu đề cập đến việc sử dụng bức xạ mặt trời để kết thúc thực tế. Tuy nhiên, tất cả các nguồn năng lượng tái tạo, khác hơn so với địa nhiệt và thủy triều, lấy năng lượng từ mặt trời. Công nghệ năng lượng mặt trời rộng rãi mô tả như là thụ động hoặc hoạt động tùy thuộc vào cách họ nắm bắt, chuyển đổi và phân phối ánh sáng mặt trời. Kỹ thuật hoạt động năng lượng mặt trời sử dụng các tấm quang điện, máy bơm để chuyển đổi ánh sáng mặt trời vào kết quả đầu ra hữu ích. Kỹ thuật thụ động năng lượng mặt trời bao gồm việc lựa chọn vật liệu có đặc tính thuận lợi nhiệt, thiết kế không gian tự nhiên lưu thông không khí và tham khảo các vị trí xây dựng một Mặt trời. Công nghệ năng lượng mặt trời hoạt động tăng nguồn cung cấp năng lượng và được coi là bên cung cấp công nghệ, trong khi các công nghệ năng lượng mặt trời thụ động làm giảm nhu cầu cho các nguồn lực khác và thường được xem là công nghệ phía cầu. Kiến trúc và quy hoạch đô thị Ánh sáng mặt trời có ảnh hưởng đến thiết kế xây dựng từ đầu của lịch sử kiến ​​trúc. Advanced năng lượng mặt trời kiến ​​trúc và phương pháp quy hoạch đô thị lần đầu tiên được sử dụng bởi Hy Lạp và Trung Quốc, những người theo định hướng của tòa nhà phía nam để cung cấp ánh sáng và sự ấm áp. Các tính năng phổ biến của kiến ​​trúc năng lượng mặt trời thụ động là định hướng tương đối so với mặt trời, tỷ lệ nhỏ gọn (diện tích bề mặt thấp tỷ lệ khối lượng), che chọn lọc (nhô ra) và khối lượng nhiệt. Khi các tính năng này phù hợp với khí hậu địa phương và môi trường, họ có thể sản xuất đủ ánh sáng không gian mà ở trong một phạm vi nhiệt độ thoải mái. Megaron House của Socrates là một ví dụ cổ điển về thiết kế năng lượng mặt trời thụ động gần đây nhất cách tiếp cận mô hình thiết kế máy tính sử dụng năng lượng mặt trời buộc với nhau chiếu sáng năng lượng mặt trời,. sưởi ấm và thông gió hệ thống tích hợp [năng lượng mặt trời thiết kế gói thiết bị năng lượng mặt trời hoạt động như máy bơm, quạt và cửa sổ chuyển đổi có thể bổ sung cho thiết kế thụ động và cải thiện hiệu năng hệ thống. Ốc đảo nhiệt đô thị (UHI) là những khu vực đô thị với nhiệt độ cao hơn môi trường xung quanh. Nhiệt độ cao hơn là một kết quả hấp thụ của ánh sáng mặt trời bằng các vật liệu đô thị chẳng hạn như nhựa đường và bê tông, có thấp hơn albedo và cao hơn nhiệt năng hơn so với trong môi trường tự nhiên. Một phương pháp đơn giản chống lại các hiệu ứng UHI là sơn các tòa nhà và đường trắng và trồng cây. Sử dụng phương pháp này, một giả thuyết "mát mẻ cộng đồng" chương trình tại Los Angeles đã dự báo rằng nhiệt độ đô thị có thể được giảm khoảng 3 °C với chi phí ước tính 1 tỷ USD, đưa ra ước tính tổng lợi ích hàng năm của Mỹ 530 triệu USD từ giảm chi phí và điều hòa không khí tiết kiệm chăm sóc sức khỏe Nông nghiệp và làm vườn [[Tập tin:Westland kassen.jpg|nhỏ|nhà kính như thế này ở thành phố Westland của Hà Lan phát triển rau, trái cây và hoa.] Nông nghiệp và vườn tìm cách tối ưu hóa ảnh chụp của năng lượng mặt trời để tối ưu hóa năng suất của cây trồng. Kỹ thuật chẳng hạn như chu kỳ trồng theo thời gian, định hướng thiết kế hàng, so le chiều cao giữa các hàng và sự pha trộn của giống cây trồng có thể cải thiện năng suất cây trồng. Trong khi ánh sáng mặt trời thường được xem là một nguồn tài nguyên phong phú, các trường hợp ngoại lệ làm nổi bật tầm quan trọng của năng lượng mặt trời để sản xuất nông nghiệp. Trong thời gian mùa phát triển ngắn của Little Ice Age, Pháp và Anh nông dân sử dụng các bức tường trái cây để tối đa hóa việc thu năng lượng mặt trời. Những bức tường này đã hành động như khối lượng nhiệt và tăng tốc quá trình chín bằng cách giữ các nhà máy ấm. Bức tường trái cây đầu tiên đã được xây dựng vuông góc với mặt đất và phải đối mặt với phía nam, nhưng theo thời gian, các bức tường dốc đã được phát triển để tận dụng tốt hơn của ánh sáng mặt trời. Năm 1699, Nicolas Fatio de Duillier thậm chí còn đề nghị sử dụng theo dõi cơ chế mà có thể trục theo mặt trời Các ứng dụng của năng lượng mặt trời trong nông nghiệp sang một bên từ cây trồng đang phát triển bao gồm bơm nước, cây khô, ấp trứng gà và phân gà khô. Gần đây công nghệ đã được chấp nhận bởi vinters, người sử dụng năng lượng được tạo ra bởi các tấm pin mặt trời để ép nho điện Nhà kính chuyển đổi năng lượng ánh sáng mặt trời để làm nóng, cho phép sản xuất quanh năm và tăng trưởng (trong môi trường kèm theo) các loại cây trồng đặc sản và cây trồng khác không phù hợp tự nhiên với khí hậu địa phương. Nhà kính nguyên thủy lần đầu tiên được sử dụng trong thời La Mã để sản xuất dưa chuột quanh năm cho vị hoàng đế La Mã Tiberius Các nhà kính hiện đại đầu tiên được xây dựng ở châu Âu trong thế kỷ 16 để giữ cho thực vật kỳ lạ mang về từ cuộc thám hiểm ở nước ngoài Các nhà kính vẫn là một phần quan trọng của nghề làm vườn ngày nay, và vật liệu nhựa trong suốt cũng được sử dụng để tác dụng tương tự trong polytunnel và các bao gồm hàng. Chiếu sáng năng lượng mặt trời Lịch sử của ánh sáng là bị chi phối bởi việc sử dụng ánh sáng tự nhiên. Người La Mã được công nhận right với ánh sáng càng sớm càng thế kỷ thứ 6 và tiếng Anh pháp luật lặp lại những bản án này với các đạo luật theo toa của 1832 Trong thế kỷ 20 chiếu sáng nhân tạo đã trở thành nguồn chiếu sáng nội thất, nhưng các kỹ thuật chiếu sáng bằng ánh sáng ban ngày và các giải pháp chiếu sáng năng lượng mặt trời lai là cách để giảm mức tiêu thụ năng lượng. Daylighting hệ thống thu thập và phân phối ánh sáng mặt trời để cung cấp cho chiếu sáng nội thất. Công nghệ này thụ động trực tiếp hiệu số sử dụng năng lượng bằng cách thay thế ánh sáng nhân tạo và bù đắp năng lượng gián tiếp sử dụng năng lượng mặt trời không bằng cách giảm sự cần thiết phải điều hòa không khí Mặc dù rất khó xác định, việc sử dụng của ánh sáng mặt trời [# Tác dụng trên sức khỏe con người ánh sáng tự nhiên cũng mang lại lợi ích sinh lý và tâm lý so với ánh sáng nhân tạo thiết kế Daylighting ngụ ý lựa chọn cẩn thận các loại cửa sổ, kích thước và định hướng, các thiết bị che bên ngoài có thể được coi là tốt. Các tính năng cá nhân bao gồm mái răng cưa, phần có ánh sáng cửa sổ, ánh sáng kệ, cửa sổ ở mái nhà và ống ánh sáng. Họ có thể được kết hợp thành những cấu trúc hiện có, nhưng hiệu quả nhất khi tích hợp vào một thiết kế xây dựng thiết kế năng lượng mặt trời gói tài khoản cho các yếu tố như chói, thông lượng nhiệt và thời gian sử dụng. Khi daylighting tính năng được thực hiện, họ có thể làm giảm nhu cầu năng lượng ánh sáng liên quan đến 25%. Chiếu sáng năng lượng mặt trời lai là một hoạt động năng lượng mặt trời phương pháp cung cấp chiếu sáng nội thất. HSL hệ thống thu thập ánh sáng mặt trời bằng cách sử dụng các gương tập trung theo dõi Mặt Trời và sử dụng quang s để truyền tải nó bên trong tòa nhà để bổ sung ánh sáng thông thường. Trong một câu chuyện ứng dụng các hệ thống này có thể truyền tải 50% của ánh sáng mặt trời trực tiếp nhận được Đèn năng lượng mặt trời có tính phí trong ngày và ánh sáng vào lúc hoàng hôn là một cảnh tượng phổ biến dọc theo lối đi Mặc dù ánh sáng ban ngày tiết kiệm thời gian quảng cáo là một cách để sử dụng ánh sáng mặt trời để tiết kiệm năng lượng, nghiên cứu gần đây đã được hạn chế và báo cáo kết quả trái ngược nhau: một số nghiên cứu báo cáo tiết kiệm, nhưng cũng giống như nhiều cho thấy không có hiệu lực hoặc thậm chí bị lỗ, đặc biệt là khi xăng tiêu thụ được đưa vào tài khoản. Sử dụng điện bị ảnh hưởng rất nhiều bởi khí hậu, địa lý và kinh tế, làm cho nó khó có thể khái quát từ các nghiên cứu đơn lẻ Nhiệt mặt trời Công nghệ nhiệt mặt trời có thể được sử dụng cho đun nước nóng, sưởi ấm không gian, làm mát không gian và quá trình sinh nhiệt. Nước nóng Hệ thống nước nóng năng lượng mặt trời sử dụng ánh sáng mặt trời để làm nóng nước. Trong vĩ độ địa lý thấp (dưới 40 độ) 60-70% sử dụng nước nóng với nhiệt độ lên đến 60 °C có thể được cung cấp bởi hệ thống sưởi ấm mặt trời. Các loại phổ biến nhất của máy nước nóng năng lượng mặt trời được sơ tán thu ống (44%) và thu gom tấm kính phẳng (34%) thường được sử dụng nước nóng trong nước; và các tấm thu không tráng nhựa (21%) sử dụng chủ yếu để làm nóng bể bơi. Đến năm 2007, tổng công suất lắp đặt của các hệ thống nước nóng năng lượng mặt trời là khoảng 154 GW Trung Quốc đi đầu thế giới trong việc triển khai của họ với 70 GW đã được cài đặt. năm 2006 và mục tiêu dài hạn của 210 GW vào năm 2020. Israel và Síp là các nhà lãnh đạo bình quân đầu người trong việc sử dụng các hệ thống nước nóng năng lượng mặt trời với hơn 90% hộ gia đình sử dụng chúng Tại Hoa Kỳ, Canada và Úc làm nóng bể bơi là ứng dụng ưu thế của nước nóng năng lượng mặt trời với công suất lắp đặt 18 GW vào năm 2005 Hệ thống sưởi ấm, làm mát và thông gió Tại Hoa Kỳ, hệ thống sưởi ấm, thông gió và điều hòa không khí (HVAC) chiếm 30% (4,65 EJ) năng lượng được sử dụng trong các tòa nhà thương mại và gần 50% (10,1 EJ) năng lượng sử dụng trong các tòa nhà dân cư. Công nghệ sưởi ấm, làm mát và thông gió năng lượng mặt trời có thể được sử dụng để bù đắp một phần năng lượng này. Nhiệt khối là vật liệu bất kỳ có thể được sử dụng để lưu trữ nhiệt nóng từ Mặt trời trong trường hợp của năng lượng mặt trời. Các vật liệu nhiệt khối phổ biến bao gồm đá, xi măng và nước. Chúng đã được sử dụng trong lịch sử ở vùng khí hậu khô hạn và khu vực ôn đới ấm để giữ mát các tòa nhà bằng cách hấp thụ năng lượng mặt trời vào ban ngày và bức xạ nhiệt đã lưu trữ để không khí mát vào ban đêm. Tuy nhiên, chúng cũng có thể được sử dụng trong khu vực ôn đới lạnh để duy trì sự ấm áp. Kích thước và vị trí của nhiệt khối phụ thuộc vào nhiều yếu tố như điều kiện khí hậu, chiếu sáng bằng ánh sáng ngày và bóng râm. Khi kết hợp đúng cách, nhiệt khối duy trì nhiệt độ không gian trong một phạm vi thoải mái và làm giảm sự cần thiết để sưởi ấm phụ trợ và thiết bị làm mát. Một ống khói năng lượng mặt trời (hoặc ống khói nhiệt, trong bối cảnh này) là một hệ thống thông gió năng lượng mặt trời thụ động bao gồm một trục thẳng đứng kết nối nội thất và ngoại thất của một tòa nhà. Do sự nóng lên của ống khói, không khí bên trong được đun nóng gây ra một updraft kéo không khí thông qua tòa nhà. Hiệu suất có thể được cải thiện bằng cách sử dụng kính và vật liệu nhiệt khối theo cách bắt chước nhà kính. Rụng lá cây và thực vật đã được phát huy như một phương tiện để kiểm soát năng lượng mặt trời sưởi ấm và làm mát. Khi trồng ở phía nam của một tòa nhà, lá của chúng cung cấp bóng mát trong mùa hè, trong khi các cành trụi lá cho phép ánh sáng đi trong mùa đông. Kể từ trần, cây trụi lá tạo bóng râm 1/3 đến 1/2 của bức xạ mặt trời, có một sự cân bằng giữa lợi ích của bóng mát mùa hè và mất mát tương ứng của sưởi ấm mùa đông. Trong khí hậu với tải làm nóng đáng kể, cây rụng lá không nên được trồng ở phía nam của một tòa nhà bởi vì chúng sẽ can thiệp với tính có sẵn năng lượng mặt trời mùa đông. Tuy nhiên, chúng có thể được sử dụng ở phía đông và phía tây để cung cấp một mức độ bóng mát mùa hè mà không làm ảnh hưởng đến tăng năng lượng mặt trời mùa đông. Xử lý nước Chưng cất năng lượng mặt trời có thể được sử dụng để làm cho mặn hoặc nước lợ uống được. Ví dụ đầu tiên trong số này là bởi nhà giả kim thuật thế kỷ XVI Ả Rập. dự án chưng cất năng lượng mặt trời quy mô lớn lần đầu tiên được xây dựng vào năm 1872 tại thị trấn khai thác mỏ Las Salinas của Chile Nhà máy, trong đó có khu vực thu năng lượng mặt trời 4.700 m², có thể sản xuất lên đến 22.700L mỗi ngày và hoạt động 40 năm. Các thiết kế chưng cất cụ thể bao gồm dốc đơn, dốc đôi (hay kiểu nhà kính), thẳng đứng, hình nón, hấp thụ ngược, bấc nhiều, và nhiều ảnh hưởng. Các still này có thể hoạt động trong chế độ thụ động, tích cực, hoặc lai. Still dốc đôi là kinh tế nhất cho các công dụng gia đình phi tập trung, trong khi các đơn vị đa ảnh hưởng tích cực phù hợp hơn cho các ứng dụng quy mô lớn. Khử trùng nước năng lượng mặt trời (SODIS) liên quan đến việc phơi sáng các chai nhựa polyethylene terephthalate (PET) đổ đầy nước dưới ánh sáng mặt trời trong vài giờ. Thời gian phơi sáng khác nhau tùy thuộc vào thời tiết và khí hậu từ tối thiểu là sáu giờ đến hai ngày trong điều kiện hoàn toàn u ám Đó là khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới như là một phương pháp khả thi cho xử lý nước hộ gia đình và lưu trữ an toàn. Hơn hai triệu người ở các nước đang phát triển sử dụng phương pháp này đối với nước uống hàng ngày của họ Năng lượng mặt trời có thể được sử dụng trong một ao nước ổn định để điều trị nước thải mà không có hóa chất hoặc điện. Một lợi thế môi trường thêm rằng tảo phát triển trong ao như vậy và tiêu thụ carbon dioxide trong quang hợp, mặc dù tảo có thể sản xuất hóa chất độc hại làm cho các nước không sử dụng được Nấu ăn Bếp năng lượng mặt trời sử dụng ánh sáng mặt trời để nấu nướng, làm khô và khử trùng. Chúng có thể được nhóm lại thành ba loại lớn: bếp hộp, bếp tấm và bếp phản xạ. Bếp năng lượng mặt trời đơn giản nhất là bếp hộp đầu tiên được xây dựng bởi Horace de Saussure vào năm 1767. Bếp hộp cơ bản bao gồm một thùng cách nhiệt có nắp đậy trong suốt. Nó có thể được sử dụng hiệu quả với bầu trời u ám một phần và thường sẽ đạt đến nhiệt độ 90-150 °C. Bếp tấm sử dụng một tấm phản chiếu ánh sáng mặt trời trực tiếp vào một thùng chứa cách nhiệt và đạt đến nhiệt độ so sánh với bếp hộp. Bếp phản xạ sử dụng các hình học khác nhau tập trung (đĩa, máng, gương Fresnel) để tập trung ánh sáng vào một bộ chứa nấu ăn. Các bếp này đạt đến nhiệt độ 315 °C và cao hơn nhưng yêu cầu ánh sáng trực tiếp để hoạt động đúng và phải được thay đổi vị trí để theo dõi Mặt trời Bát năng lượng mặt trời là một công nghệ tập trung sử dụng các bếp năng lượng mặt trời tại Auroville, Pondicherry, Ấn Độ, nơi mà một bộ phản xạ tĩnh hình cầu tập trung ánh sáng dọc theo đường thẳng vuông góc nội thất các của hình cầu bề mặt, và một hệ thống điều khiển máy tính di chuyển bộ nhận để giao nhau đường này. Hơi nước được sản xuất trong bộ nhận ở nhiệt độ đạt 150 °C và sau đó được sử dụng cho quá trình nhiệt trong nhà bếp. Một bộ phản xạ được phát triển bởi Wolfgang Scheffler vào năm 1986 được sử dụng nhiều trong nhà bếp năng lượng mặt trời. Bộ phản xạ Scheffler là các đĩa parabol linh hoạt kết hợp các khía cạnh của đáy và các bộ tập trung tháp năng lượng. theo dõi cực được sử dụng để theo dõi quá trình hàng ngày của mặt trời và độ cong của phản xạ được điều chỉnh cho các thay đổi theo mùa trong góc tới của ánh sáng mặt trời. Những bộ phản xạ này có thể đạt được nhiệt độ 450-650 °C và có một điểm tiêu cự cố định, đơn giản hoá việc nấu ăn. Hệ thống bộ phản xạ Scheffler lớn nhất thế giới tại Abu Road, Rajasthan, Ấn Độ có khả năng nấu tới 35.000 suất ăn mỗi ngày. Trong năm 2008, hơn 2,000 lò nấu Scheffler lớn đã được xây dựng trên toàn thế giới. Nhiệt quy trình Công nghệ năng lượng mặt trời tập trung như đĩa parabol, máng và bộ phản xạ Scheffler có thể cung cấp nhiệt quá trình cho các ứng dụng thương mại và công nghiệp. Hệ thống thương mại đầu tiên là Dự án Năng lượng Tổng số Mặt trời (STEP) ở Shenandoah, Georgia, Mỹ, một khu vực của 114 đĩa parabol cung cấp 50% của các quá trình làm nóng, điều hòa không khí và yêu cầu điện cho một nhà máy sản xuất quần áo. Hệ thống này đồng phát kết nối lưới điện cung cấp 400 kW điện cộng với năng lượng nhiệt dưới dạng hơi nước 401 kW và 468 kW nước lạnh, và có một tải trọng lưu trữ cao điểm một giờ nhiệt Ao bay hơi là các ao cạn tập trung chất rắn hòa tan thông qua bay hơi. Việc sử dụng các ao bốc hơi để có được muối từ nước biển là một trong những ứng dụng lâu đời nhất của năng lượng mặt trời. Sử dụng hiện đại bao gồm các giải pháp ngâm nước muối tập trung được sử dụng trong khai thác mỏ ngấm và loại bỏ các chất rắn hòa tan từ các dòng thải. Các dòng quần áo, các clotheshorse, và giá đỡ quần áo làm khô quần áo thông qua bay hơi gió và ánh sáng mặt trời mà không có điện hoặc khí tiêu thụ. Tại một số bang của Hoa Kỳ pháp luật bảo vệ "quyền khô" quần áo. Thu không tráng men lộ (UTC) đục tường phải đối mặt với ánh nắng mặt trời được sử dụng để sấy sơ bộ không khí thông gió. UTCs có thể làm tăng nhiệt độ không khí đến lên đến 22 °C và cung cấp nhiệt độ cửa hàng của 45-60 °C. thời gian hoàn vốn ngắn người thu gom lộ (3 đến 12 năm) làm cho họ một giải pháp thay thế hiệu quả chi phí hơn so với các hệ thống thu thập bằng kính Đến năm 2003, hơn 80 hệ thống kết hợp với một khu vực thu đạt 35.000 m² đã được cài đặt trên toàn thế giới, bao gồm 860 m² thu tại Costa Rica được sử dụng để làm khô hạt cà phê và 1.300 m² thu tại Coimbatore, Ấn Độ được sử dụng để làm khô cúc vạn thọ Điện mặt trời Điện mặt trời là việc chuyển đổi ánh sáng mặt trời thành điện, hoặc trực tiếp bằng cách sử dụng quang điện (PV), hoặc gián tiếp bằng cách sử dụng điện mặt trời tập trung (CSP). Hệ thống CSP sử dụng ống kính, gương và các hệ thống theo dõi để tập trung một khu vực rộng lớn của ánh sáng mặt trời vào một chùm nhỏ. PV chuyển đổi ánh sáng thành dòng điện bằng cách sử dụng hiệu ứng quang điện. Các nhà máy CSP thương mại được phát triển đầu tiên vào những năm 1980, và lắp đặt CSP SEGS 354 MW là nhà máy điện mặt trời lớn nhất trên thế giới và nằm ở sa mạc Mojave của California. Các nhà máy CSP lớn khác bao gồm Nhà máy điện mặt trời Solnova (150 MW) và Nhà máy điện mặt trời Andasol (100 MW), cả hai ở Tây Ban Nha. Số 97 MW Nhà máy quang điện Sarnia Canada là nhà máy quang điện lớn nhất thế giới. Điện mặt trời tập trung Các hệ thống điện mặt trời tập trung (CSP) sử dụng ống kính, gương và các hệ thống theo dõi để tập trung một khu vực rộng lớn của ánh sáng mặt trời vào một chùm nhỏ. Nhiệt tập trung sau đó được sử dụng như một nguồn năng lượng cho một nhà máy điện thông thường. Một loạt các công nghệ tập trung tồn tại, phát triển nhất là máng parabol tập trung phản xạ tuyến tính Fresnel, đĩa Stirling và các tháp điện mặt trời. Kỹ thuật khác nhau được sử dụng để theo dõi Mặt trời và tập trung ánh sáng. Trong tất cả các hệ thống này một chất lỏng làm việc được làm nóng bởi ánh sáng mặt trời tập trung, và sau đó được sử dụng để phát điện hoặc lưu trữ năng lượng. Pin quang điện Pin mặt trời, hay tế bào quang điện (PV), tế bào năng lượng mặt trời là một thiết bị chuyển đổi ánh sáng thành dòng điện bằng cách sử dụng hiệu ứng quang điện. Các tế bào năng lượng mặt trời đầu tiên được xây dựng bởi Charles Fritts trong những năm 1880. Năm 1931, một kỹ sư người Đức, tiến sĩ Bruno Lange, phát triển một tế bào hình ảnh bằng cách sử dụng selenide bạc ở vị trí của oxit đồng. Mặc dù tế bào selenium nguyên mẫu chuyển đổi ít hơn 1% ánh sáng tới thành điện năng, cả hai Ernst Werner von Siemens và [[James Clerk Maxwell đều nhận ra tầm quan trọng của phát hiện này. Sau công trình của Russell Ohl trong những năm 1940, các nhà nghiên cứu Gerald Pearson, Calvin Fuller và Daryl Chapin tạo ra tế bào năng lượng mặt trời silicon vào năm 1954. Những tế bào năng lượng mặt trời ban đầu có giá 286 USD mỗi watt và đạt hiệu suất 4,5-6%. Hóa học năng lượng mặt trời Quá trình hóa học năng lượng mặt trời sử dụng năng lượng mặt trời để dẫn dắt phản ứng hóa học. Các quá trình này đã bù đắp năng lượng mà nếu không sẽ phải đến từ nguồn nhiên liệu hóa thạch và cũng có thể chuyển đổi năng lượng mặt trời thành nhiên liệu thỏa mãn điều kiện lưu trữ và vận chuyển. Năng lượng mặt trời gây ra các phản ứng hóa học có thể được chia thành nhiệt hóa hoặc quang hóa Một loạt nhiên liệu có thể được sản xuất bởi quang hợp nhân tạo Xúc tác hóa học đa điện tử liên quan trong việc đưa ra các nhiên liệu carbon (như methanol) từ giảm lượng khí carbon dioxide là một thách thức, một sự thay thế khả thi là hydrogen sản xuất từ ​​proton, mặc dù sử dụng nước như là nguồn gốc của các điện tử (như các nhà máy) đòi hỏi phải làm chủ quá trình oxy hóa đa điện tử của hai phân tử nước oxy phân tử. Một số người dự kiến ​​làm việc nhà máy nhiên liệu năng lượng mặt trời tại các khu vực đô thị ven biển vào năm 2050 - tách nước biển cung cấp hydro để được chạy qua các nhà máy điện dùng tế bào nhiên liệu lân cận và nước tinh khiết được sản ra sẽ đi trực tiếp vào hệ thống nước đô thị.. Công nghệ sản xuất Hydrogen là một khu vực quan trọng của nghiên cứu hóa học năng lượng mặt trời từ những năm 1970. Ngoài điện phân điều khiển bởi các tế bào quang điện hoặc tế bào hóa nhiệt, quy trình nhiệt hóa cũng đã được khám phá. Một cách như vậy sử dụng các bộ tập trung để phân tách nước thành oxy và hydro ở nhiệt độ cao (2300-2.600 °C). Cách tiếp cận khác sử dụng nhiệt từ các bộ tập trung năng lượng mặt trời để lái xe tái tạo hơi khí tự nhiên do đó làm tăng tổng sản lượng hydro so với phương pháp tái tạo thông thường. Chu kỳ nhiệt hóa đặc trưng bởi sự phân hủy và tái sinh của chất phản ứng trình bày một con đường khác để sản xuất hydro. Quá trình Solzinc được phát triển tại Viện Khoa học Weizmann sử dụng một lò năng lượng mặt trời 1 MW để phân hủy oxide kẽm (ZnO) ở nhiệt độ trên 1200 °C. Phản ứng này ban đầu sản xuất kẽm tinh khiết, sau đó có thể phản ứng với nước để sản xuất hydro Công nghệ Sunshine to Petrol (S2P) của Sandia sử dụng nhiệt độ cao tạo ra bằng cách tập trung ánh sáng mặt trời cùng với một chất xúc tác zirconia/ferrite để phá vỡ dioxide carbon trong khí quyển thành oxy và carbon monoxide (CO). Khí carbon monoxide sau đó có thể được sử dụng để tổng hợp các nhiên liệu thông thường chẳng hạn như methanol, xăng và nhiên liệu phản lực Một thiết bị quang điện hóa là một loại pin, trong đó các dung dịch tế bào (hoặc tương đương) tạo ra các sản phẩm hóa học trung gian giàu năng lượng khi được chiếu sáng. Những sản phẩm hóa học trung gian giàu năng lượng có khả năng có thể được lưu trữ và sau đó phản ứng tại điện cực để tạo ra một điện thế. Tế bào hóa học ferric-thionine là một ví dụ của công nghệ này. Tế bào điện hóa hay các PEC bao gồm một chất bán dẫn, thường là titanium dioxide hoặc các titanate có liên quan, đắm mình trong điện phân. Khi chất bán dẫn được chiếu sáng một điện thế được phát triển. Có hai loại tế bào điện hóa: tế bào quang điện chuyển đổi ánh sáng thành điện và các tế bào quang sử dụng ánh sáng để điều khiển các phản ứng hóa học như phản ứng điện phân Một tế bào kết hợp nhiệt/quang hóa cũng đã được đề xuất. Quá trình Stanford PETE sử dụng năng lượng nhiệt mặt trời để tăng nhiệt độ của một kim loại nhiệt khoảng 800C để tăng tốc độ sản xuất của điện lực để điện giải CO2 trong khí quyển thành carbon hoặc carbon monoxide sau đó chúng có thể được sử dụng để sản xuất nhiên liệu, và nhiệt dư cũng có thể được sử dụng. Xe năng lượng mặt trời Phát triển của một chiếc xe sử dụng năng lượng mặt trời đã được một mục tiêu kỹ thuật từ những năm 1980. Thách thức Mặt trời Thế giới là một cuộc đua xe năng lượng mặt trời định kỳ sáu tháng, nơi các đội từ các trường đại học và doanh nghiệp đua tài trên đoạn đường qua trung tâm nước Úc từ Darwin Adelaide. Năm 1987, khi nó được thành lập, tốc độ trung bình của người chiến thắng là vào năm 2007 tốc độ trung bình của người chiến thắng đã được cải thiện đến Thách thức Mặt trời Bắc Mỹ và Thách thức Mặt trời Nam Phi là các cuộc thi so tài phản ánh sự quan tâm quốc tế về kỹ thuật và phát triển xe năng lượng mặt trời. Một số xe sử dụng các tấm pin mặt trời năng lượng phụ trợ, chẳng hạn như cho điều hòa không khí, để giữ cho nội thất mát mẻ, do đó giảm nhiên liệu Năm 1975, thuyền năng lượng mặt trời thực tế đầu tiên được xây dựng ở Anh Năm 1995, tàu thuyền chở khách kết hợp các tấm PV bắt đầu xuất hiện và được sử dụng rộng rãi. Năm 1996, Kenichi Horie thực hiện chuyến vượt biển năng lượng mặt trời đầu tiên qua Thái Bình Dương, và chiếc bè "sun21" thực hiện chuyến vượt biển năng lượng mặt trời đầu tiên qua Đại Tây Dương trong mùa đông 2006-2007. Có các kế hoạch đi vòng quanh thế giới trong năm 2010 Năm 1974, các máy bay không người lái AstroFlight Sunrise thực hiện chuyến bay năng lượng mặt trời đầu tiên. Ngày 29 tháng tư 1979, Solar Riser thực hiện chuyến bay đầu tiên bằng năng lượng mặt trời, hoàn toàn được kiểm soát, máy bay mang theo con người, đạt độ cao . Năm 1980, Gossamer Penguin thực hiện các chuyến bay thử nghiệm đầu tiên chỉ sử dụng pin quang điện. Điều này đã được nhanh chóng theo sau bởi Solar Challenger vượt qua eo biển Anh trong tháng 7 năm 1981. Năm 1990 Eric Scott Raymond trong 21 bước nhảy đã bay từ California đến Bắc Carolina bằng cách sử dụng năng lượng mặt trời. Sự phát triển sau đó quay trở lại với phương tiện bay không người lái (UAV) Pathfinder (1997) và các thiết kế tiếp theo, mà đỉnh cao là Helios đã thiết lập kỷ lục độ cao cho một máy bay không được đẩy bằng tên lửa tại năm 2001 Các Zephyr, phát triển bởi BAE Systems là thứ mới nhất trong dòng máy bay năng lượng mặt trời phá kỷ lục, thực hiện chuyến bay 54 giờ trong năm 2007, chuyến bay kéo dài hàng tháng được hình dung vào năm 2010. Một bóng bay năng lượng mặt trời là một quả bóng màu đen được làm đầy với không khí thông thường. Khi ánh sáng mặt trời tỏa sáng trên khinh khí cầu, không khí bên trong được làm nóng và giãn nở gây lực nổi lên, giống như bóng không khí nóng được làm nóng nhân tạo. Một số bóng bay năng lượng mặt trời là đủ lớn cho chuyến bay của con người, nhưng việc sử dụng thường bị hạn chế vào thị trường đồ chơi do tỉ lệ diện tích bề mặt trên tải trọng tương đối cao Các buồm năng lượng mặt trời là một hình thức được đề xuất của động cơ đẩy tàu vũ trụ sử dụng gương màng lớn để khai thác áp suất bức xạ từ mặt trời. Không giống như tên lửa, cánh buồm năng lượng mặt trời không cần nhiên liệu. Mặc dù lực đẩy là nhỏ so với tên lửa, nó vẫn tiếp tục miễn là mặt trời chiếu vào cánh buồm triển khai và trong chân không tốc độ không gian đáng kể cuối cùng có thể đạt được Khí cầu độ cao lớn (HAA) là một phương tiện vận tải nhẹ hơn không khí, không người lái, thời gian dài, sử dụng khí helium để nâng, và tế bào năng lượng mặt trời lớp mỏng làm động lực. Cục phòng chống tên lửa Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã ký hợp đồng với Lockheed Martin xây dựng nó để tăng cường Hệ thống phòng chống tên lửa đạn đạo (BMDS) Các khí cầu có một số lợi thế cho chuyến bay năng lượng mặt trời: chúng không yêu cầu động lực để duy trì độ cao, và vỏ của khí cầu phơi bày một khu vực rộng lớn cho mặt trời. Phương pháp lưu trữ năng lượng Năng lượng mặt trời vào ban đêm, và lưu trữ năng lượng là một vấn đề quan trọng bởi vì các hệ thống năng lượng hiện đại thường giả định sẵn có liên tục của năng lượng. Hệ thống nhiệt khối có thể lưu trữ năng lượng mặt trời dưới dạng nhiệt ở nhiệt độ trong nước hữu ích cho mỗi ngày hoặc mùa thời. Hệ thống lưu trữ nhiệt thường sử dụng vật liệu sẵn có với năng lực nhiệt đặc trưng cao như đất, nước và đá. Hệ thống được thiết kế tốt có thể hạ thấp nhu cầu cao điểm, thay đổi thời gian sử dụng về các giờ ngoài giờ cao điểm và giảm các yêu cầu sưởi ấm và làm mát tổng thể Các vật liệu thay đổi pha như sáp paraffin và Muối Glauber là một phương tiện lưu trữ nhiệt khác. Những vật liệu này rẻ tiền, sẵn có, và có thể cung cấp nhiệt độ trong nhà hữu ích (khoảng 64 °C). "Ngôi nhà Dover" (tại Dover, Massachusetts) là ngôi nhà đầu tiên sử dụng một hệ thống sưởi ấm muối Glauber, vào năm 1948. Năng lượng mặt trời có thể được lưu trữ ở nhiệt độ cao bằng cách sử dụng muối nóng chảy. Muối là một phương tiện lưu trữ có hiệu quả bởi vì chúng có chi phí thấp, có nhiệt dung riêng cao và có thể cung cấp nhiệt ở nhiệt độ tương thích với các hệ thống điện thông thường. Solar Two sử dụng phương pháp lưu trữ năng lượng này, cho phép nó lưu trữ 1,44 TJ trong bể chứa 68 m³ của nó với một hiệu quả lưu trữ hàng năm khoảng 99%. Các hệ thống PV không nối lưới có truyền thống sử dụng pin sạc được để lưu trữ điện dư thừa. Với các hệ thống nối lưới, điện dư thừa có thể được gửi đến lưới truyền tải, trong khi điện lưới tiêu chuẩn có thể được sử dụng để đáp ứng thiếu hụt. Các chương trình Đo đếm điện trong mạng cung cấp cho hộ gia đình một tín dụng cho bất kỳ điện năng nào mà họ cung cấp cho lưới điện. Điều này thường được xử lý một cách hợp pháp bằng cách "lăn trở lại" đồng hồ đếm điện bất cứ khi nào ngôi nhà sản xuất điện nhiều hơn so với tiêu thụ. Nếu việc sử dụng điện lưới là dưới số không, công ty tiện ích được yêu cầu phải trả tiền cho thêm theo tỷ lệ tương tự như họ tính phí người tiêu dùng. Phương pháp tiếp cận pháp lý khác liên quan đến việc sử dụng hai đồng hồ đếm điện, để đếm điện tiêu thụ so với điện được sản xuất. Điều này ít phổ biến hơn do chi phí lắp đặt tăng lên của đồng hồ thứ hai. Thủy điện tích năng lưu trữ năng lượng trong các hình thức của nước bơm khi năng lượng có sẵn từ một hồ chứa độ cao thấp lên độ cao cao hơn. Năng lượng bị thu hồi khi nhu cầu cao bằng cách xả nước để chạy thông qua một máy phát điện thủy điện Phát triển, triển khai và kinh tế Bắt đầu với việc tăng sử dụng than đi kèm với Cách mạng công nghiệp, tiêu thụ năng lượng đã dần dần chuyển từ gỗ và sinh khối về nhiên liệu hóa thạch. Sự phát triển sớm của các công nghệ năng lượng mặt trời bắt đầu vào những năm 1860 được thúc đẩy bởi một kỳ vọng rằng than sẽ sớm trở nên khan hiếm. Tuy nhiên, phát triển các công nghệ năng lượng mặt trời trì trệ trong những năm đầu thế kỷ XX khi đối mặt với sự sẵn có ngày càng tăng, tính kinh tế, và sự tiện dụng của than và dầu mỏ Lệnh cấm vận dầu 1973 và cuộc khủng hoảng năng lượng 1979 gây ra sự tổ chức lại chính sách năng lượng trên toàn thế giới và mang lại sự chú ý đổi mới để phát triển công nghệ năng lượng mặt trời. chiến lược triển khai tập trung vào các chương trình khuyến khích, chẳng hạn như Chương trình Sử dụng quang điện liên bang ở Mỹ và Chương trình Sunshine tại Nhật Bản. Những nỗ lực khác bao gồm việc hình thành các cơ sở nghiên cứu ở Mỹ (SERI, NREL), Nhật Bản (NEDO), và Đức (Viện các hệ thống năng lượng mặt trời Fraunhofer ISE). Máy nước nóng năng lượng mặt trời thương mại bắt đầu xuất hiện tại Hoa Kỳ trong những năm 1890. Các hệ thống này được tăng cường sử dụng cho đến khi những năm 1920 nhưng đã dần dần bị thay thế bằng nhiên liệu sưởi ấm rẻ hơn và đáng tin cậy hơn. Như với quang điện, nước nóng năng lượng mặt trời thu hút sự chú ý gia tăng như một kết quả của các cuộc khủng hoảng dầu mỏ vào những năm 1970 nhưng lãi suất giảm xuống trong những năm 1980 do giá xăng dầu giảm. Phát triển trong lĩnh vực nước nóng năng lượng mặt trời tiến triển đều đặn trong suốt những năm 1990 và tỷ lệ tăng trưởng trung bình 20% mỗi năm kể từ năm 1999. Mặc dù thường bị đánh giá thấp, đun nước nóng và làm mát năng lượng mặt trời đến nay là công nghệ năng lượng mặt trời được triển khai rộng rãi nhất với công suất ước tính khoảng 154 GW năm 2007 ngày nay, với tiến bộ trong việc chế tạo các module quang điện, những tấm năng lượng mặt trời với chất lượng tốt đã được sản xuất khá nhiều, hiệu suất cao, phục vụ đa dạng cho các nhu cầu sinh hoạt của con người, các tấm năng lượng mặt trời này đa dạng về hiệu năng (12-24v), công suất. Xu hướng sử dụng năng lượng mặt trời đang ngày càng rõ rệt và đo sẽ là xu thế của thời đại mới. Ứng dụng điện mặt trời tại Việt Nam Tại Việt Nam theo EVN tính tới ngày 30/5/2019 đã có 47 dự án điện mặt trời với tổng công suất lắp máy 2.300 MW được đấu nối vào lưới điện quốc gia . Năm 2019 hiện có 8 nhà máy sản xuất pin năng lượng mặt trời đã và đang xây dựng tại Việt Nam. Tiêu chuẩn ISO Tổ chức Tiêu chuẩn Quốc tế đã thành lập một số các tiêu chuẩn liên quan đến các thiết bị năng lượng mặt trời. Ví dụ, tiêu chuẩn ISO 9050 liên quan đến kính xây dựng trong khi ISO 10217 liên quan đến các vật liệu được sử dụng trong các máy nước nóng năng lượng mặt trời.
Trong toán học, chuỗi Fourier (được dặt tên theo nhà toán học Joseph Fourier) của một hàm tuần hoàn là một cách biểu diễn hàm đó dưới dạng tổng của các hàm tuần hoàn có dạng ejnx, trong đó, e là số Euler và j là đơn vị số ảo.Theo công thức Euler, các chuỗi này có thể được biểu diễn một cách tương đương theo các hàm sin và hàm cos. Một cách tổng quát, một chuỗi hữu hạn của các hàm lũy thừa của số ảo được gọi là một chuỗi lượng giác. Fourier là người đầu tiên nghiên cứu chuỗi lượng giác theo các công trình trước đó của Euler, d'Alembert và Daniel Bernoulli. Fourier đã áp dụng chuỗi Fourier để giải phương trình truyền nhiệt, các công trình đầu tiên của ông được công bố vào năm 1807 và 1811, cuốn Théorie analytique de la chaleur của ông được công bố vào năm 1822. Theo quan điểm của toán học hiện đại, các kết quả của Fourier có phần không chính thức liên quan đến sự không hoàn chỉnh trong khái niệm hàm số và tích phân vào đầu thế kỉ XIX. Sau đó, Dirichlet và Riemann đã diễn đạt lại các công trình của Fourier một cách chính xác hơn và hoàn chỉnh hơn. Khái niệm chung Cho một hàm số f với giá trị phức và biến thực t, f: R → C, mà f(t) là liên tục và khả vi gián đoạn, tuần hoàn với chu kì T, và bình phương khả tích trên đoạn đến với chiều dài T, nghĩa là, với là chu kì, và là cận tích phân. Chuỗi Fourier của f là mà trong đó, với các số nguyên không âm n, là tần số góc (theo radian) của hàm số f, là các hệ số Fourier chẵn của f, và là các hệ số Fourier lẻ của f. Một cách tương đương, dưới dạng mũ hàm phức, với: là đơn vị ảo, và theo đúng công thức Euler. Chuỗi Fourier cho các hàm số tuần hoàn có chu kì 2π Với một hàm tuần hoàn khả tích ƒ(x) trên đoạn [−π, π], các số và được gọi là các hệ số Fourier của ƒ. Tổng một phần của chuỗi Fourier của ƒ, được ký hiệu bởi Tổng một phần của ƒ là các đa thức lượng giác. Tổng một phần SN ƒ xấp xỉ hàm số ƒ, và sự xấp xỉ tốt dần lên khi N tiến ra vô hạn. Chuỗi vô hạn được gọi là chuỗi Fourier của ƒ. Tính hội tụ của chuỗi Fourier Chuỗi Fourier không phải lúc nào cũng hội tụ, và ngay cả khi nó hội tụ tại một điểm x0 trên trục x, giá trị tổng của chuỗi tại x0 có thể khác giá trị của ƒ(x0). Nếu một hàm số bình phương khả tích trên đoạn [−π, π], thì chuỗi Fourier hội tụ đến hàm số đó tại hầu hết tất cả các điểm. Tính trực giao
Trượt tuyết tự do tại Thế vận hội Mùa đông 2006 (frestyle skiing) được tổ chức tại Sauze d'Oulx (gần Torino). Trong Thế vận hội này trượt tuyết tự do bao gồm các bộ môn Aerial và Mogul cho cả hai phái nam và nữ. Bảng huy chương Nam Nữ Chú thích Sự kiện Thế vận hội Mùa đông 2006 2006
Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội (Hanoi Architectural University) là một trường đại học chuyên ngành, một trong những trường hàng đầu về đào tạo nhóm ngành kỹ thuật,công nghệ và thiết kế tại Việt Nam. Bên cạnh đào tạo, trường còn là trung tâm nghiên cứu, cố vấn, thực hiện các dự án cho doanh nghiệp và Chính phủ Việt Nam. Đại học Kiến trúc Hà Nội, tiền thân là Ban Kiến trúc Trường Mỹ thuật Đông Dương thuộc thời kỳ Pháp thuộc, được hình thành vào năm 1926 tại Hà Nội. Năm 1966 sáp nhập vào trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Qua các giai đoạn lịch sử thăng trầm, trường được đổi tên và vị trí nhiều lần trước khi được chính thức thành lập theo Quyết định số 426/TTg ngày 17/09/1969 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Trường trực thuộc Bộ Xây dựng Việt Nam. Lịch sử Ghi chú: Thời Pháp thuộc tại Bán đảo Đông Dương chỉ có Ban Kiến trúc thuộc trường Mỹ thuật Đông Dương (École des Beaux-Arts) tại Hà Nội đào tạo ngành kiến trúc, lập ra năm 1926. Ngày 27/10/1924, Trường Mỹ thuật Đông Dương (École Supérieure des Beaux-Arts de l'Indochine) được thành lập tại Hà Nội theo sắc lệnh của Toàn quyền Đông Dương Martial Merlin, Hiệu trưởng lúc này là họa sĩ Victor Tardieu. Sau quá trình phát triển, nay trường trở thành trường đại học Mỹ thuật Việt Nam. Ngày 01/10/1926: Ban Kiến trúc trực thuộc Trường Mỹ thuật Đông Dương được hình thành. Ngày 22/10/1942: Trường Mỹ thuật Đông Dương phân ra thành Trường Mỹ nghệ thực hành Hà Nội và Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông dương. Theo nghị định ngày 02/02/1942: Ban Kiến Trúc được nâng lên thành trường Kiến Trúc vẫn trực thuộc trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ngày 22/02/1944: Trường Cao đẳng Kiến trúc được hợp nhất vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Quốc gia Paris. Do hoàn cảnh chiến tranh nên dời về Đà Lạt với tên gọi trường Cao đẳng Kiến trúc Đà Lạt. Ngày 06/09/1948: Trường Kiến trúc Đà Lạt được tách ra khỏi trường Cao đẳng Mỹ thuật Quốc gia Paris và hợp nhất vào Viện đại học Đông Dương (sau đó là Viện đại học Hà Nội) với tên gọi mới là trường Cao đẳng Kiến trúc. Ngày 8/6/1961: Chính phủ đã có văn bản số 1927 cho phép Bộ Kiến trúc với sự phối hợp của Bộ Giáo dục mở Lớp đào tạo Kiến trúc sư tại đại học Bách khoa, số lượng tuyển sinh mỗi khóa 100 người. Các lớp sinh viên Kiến trúc khoá 1961, 1962, 1963 được biên chế thành ngành Kiến trúc khoá VI, VII, VIII thuộc Khoa Xây dựng Trường đại học Bách khoa Hà Nội. Tháng 10/1963: sau khi đã chuẩn bị đủ cơ sở Trường lớp, và đội ngũ kỹ sư giảng dạy, có sự thoả thuận với Bộ Giáo dục, Lớp Đào tạo Kiến trúc sư được chuyển khỏi Bách khoa, hoạt động độc lập, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Kiến trúc. Năm 1966: Chính phủ quyết định sáp nhập Lớp Đào tạo KIến trúc sư vào Trường đại học Xây dựng, trở thành Khoa Kiến trúc Đô thị Trường đại học Xây dựng. Ngày 17/9/1969: Trường Đại học Kiến trúc được thành lập theo Quyết định 181/CP, trên cơ sở của ngành Kiến trúc Đô thị tách ra từ Trường đại học Xây dựng, địa điểm tại Hà Đông. Ngày mới thành lập, trường đào tạo bậc đại học 4 ngành: Kiến trúc sư, Kỹ sư Xây dựng dân dụng và Công nghiệp, Kỹ sư Xây dựng công trình kỹ thuật Thành phố, Kỹ sư Kinh tế Xây dựng. Trường có 2 khoa: Khoa Kiến trúc và Khoa Kỹ thuật Xây dựng. Quy mô tuyển sinh là 200 sinh viên mỗi khóa. 2 năm sau, Trường phát triển thành 4 Khoa: Khoa Kiến trúc, Khoa Đô thị, Khoa Xây dựng, Khoa Cơ bản. Quy mô tuyển sinh tăng dần đến 400 sinh viên mỗi khóa. Những năm tiếp theo, Trường được mở thêm các ngành mới: Kỹ sư Xây dựng công trình ngầm, Kỹ sư Quản lý Đô thị, Mỹ thuật Công nghiệp. Từ năm 1990, trường được giao đào tạo sau đại học các ngành đang được đào tạo tại Trường. Vinh danh Mỗi học kỳ, trường sẽ trao tặng giấy khen có chữ ký của Hiệu trưởng cho sinh viên đạt thành tích trong nghiên cứu khoa học và 18 sinh viên là thủ khoa của các ngành và được xướng tên ở buổi tổng kết năm học. Thủ khoa toàn trường sẽ được phát biểu trong buổi lễ này. Các đồ án đạt loại xuất sắc và các bài thi tự luận điểm cao sẽ được trưng bày tại sảnh trường, trong thời gian trưng bày trường sẽ mở cửa tự do để người dân và các doanh nghiệp có thể vào tham quan. Thành tích Huân chương Lao động: Hạng Ba (1986); Hạng Hai (2013); Hạng Nhất (1983)(2019); Huân chương Độc lập: Hạng Ba (2001); Hạng Hai (1995); Hạng Nhất (1991); Chủ tịch Nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng Nhà trường Huân chương Hồ Chí Minh (2006); Nhà nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào tặng Huân chương Lao động Hạng Ba (2000); Cờ thi đua Bộ Xây dựng (2014, 2016); Cờ thi đua Chính phủ (2015). Đạt tiêu chuẩn Kiểm định chất lượng Giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo (2018)
Trượt tuyết băng đồng tại Thế vận hội Mùa đông 2006 (cross-country skiing) được tổ chức từ 11 đến 26 tháng 2 năm 2006 tại Pragelato Plan ở Torino. Có tất cả 12 bộ môn được thi đấu cho cả hai phái nam và nữ. Bảng huy chương Nam 4 × 10 km 50 km Nữ 4 × 5 km 30 km Chú thích Sự kiện Thế vận hội Mùa đông 2006 2006
Trường Đại học Xây dựng Hà Nội (Hanoi University of Civil Engineering) là một trường đại học tại Việt Nam. Lúc đầu là Khoa Xây dựng của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội từ năm 1956. Đến năm 1966 tách ra thành trường riêng. Đến năm 2017, trường trở thành 1 trong 4 trường đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chuẩn quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu do Hội đồng cấp cao đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học (HCERES) công nhận. Ngày 13/8/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1396/QĐ-TTg đổi tên Trường Đại học Xây dựng thành Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, có trụ sở chính tại thành phố Hà Nội. Lịch sử Năm 1956, trường Đại học Bách Khoa thành lập Khoa xây dựng. Năm 1966, qua quyết định số 144/CP ngày 8 tháng 8 năm 1966, Khoa xây dựng chính thức được tách ra thành Đại học Xây dựng. Năm 1971, trước lời kêu gọi của Tổ quốc, cùng với sinh viên các trường Tổng hợp, Bách Khoa, Kinh Tế Kế Hoạch, hàng ngàn sinh viên Đại Học Xây dựng nhập ngũ (một trong những trường có sinh viên nhập ngũ nhiều nhất), gác bút để cầm súng bảo vệ Quê hương, Đất nước. Nhiều người đã nằm lại mãi chiến trường, nhiều người mang thương tật, nhiều người may mắn trở về tiếp tục học tập, nhưng họ đều xứng đáng là những anh hùng, là những người con ưu tú của Tổ quốc, góp phần tô thắm thêm truyền thống Nhà trường. Do hoàn cảnh chiến tranh, Đại học Xây dựng được di tản lên Hương Canh, Vĩnh Phúc. Sau khi hòa bình lập lại, năm 1982, trường bắt đầu lên kế hoạch chuyển trở về Hà Nội. Đến cuối năm 1983, trường chính thức chuyển về Hà Nội nhưng bị phân tán ở 4 địa điểm khác nhau: Cổ Nhuế, Phúc Xá, Bách Khoa và Đồng Tâm. Năm 1991, trường được tập trung về một địa điểm tại phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Năm 2014, trường lên kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở mới đào tạo thực nghiệm tại Hà Nam với diện tích 24ha. Năm 2016, trường khởi công xây dựng giảng đường H3 với diện tích 13000m² sàn xây dựng Năm 2017, trường trở thành 1 trong 4 trường đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chuẩn kiểm định quốc tế do Hội đồng cấp cao đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học (HCERES) công nhận. Năm 2021, theo quyết định số 1396/QĐ-TTg ngày 13 tháng 8 năm 2021 của Thủ tướng chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký thay, trường Đại học Xây dựng được đổi tên thành trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Trải qua hơn 50 năm xây dựng và phát triển, mỗi bước đi của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đều gắn liền với sự phát triển của ngành, của Thủ đô Hà Nội và của đất nước. Ra đời trong hoàn cảnh ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các thế hệ thầy và trò đã không hề bị khuất phục, luôn đứng vững và không ngừng phấn đấu vươn lên cho đến ngày nay, xây dựng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội trở thành một trung tâm đào tạo, NCKH & chuyển giao công nghệ lớn, uy tín của đất nước, xứng đáng với nhiều phần thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ trao tặng. 1 Huân chương Hồ Chí Minh 2 Huân chương Độc lập hạng Nhất 1 Huân chương Độc lập hạng Nhì 1 Huân chương Độc lập hạng Ba 1 Huân chương Lao động hạng Nhất 1 Huân chương Lao động hạng Nhì 1 Huân chương Lao động hạng Ba 1 Huân chương Chiến công hạng Ba 54 Huân chương Lao động (hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba) và hàng trăm bằng khen của Chính phủ, các Bộ, tỉnh và thành phố cho các tập thể và cá nhân. 500 Huân, Huy chương Kháng chiến chống Mỹ, trên 600 Huy chương “Vì sự nghiệp giáo dục” cho các cán bộ của trường. Bộ môn Đường ôtô và đường thành phố được Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng. Quy mô đào tạo Đại học Xây dựng Hà Nội hiện có 24 Giáo sư, 102 Phó Giáo sư, 137 giảng viên cao cấp, 239 Tiến sỹ, 409 Thạc sỹ, 9 Nhà giáo Nhân dân và 67 Nhà giáo Ưu tú. Là một trong những trường có đội ngũ giảng viên chất lượng nhất. Đào tạo đại học Hệ chính quy: quy mô đào tạo khoảng 19.000 sinh viên, trong đó: Hệ chính quy: Gồm 24 ngành/chuyên ngành, thời gian đào tạo 5 năm, tập trung; Hệ chính quy bằng 2: Gồm 20 ngành/chuyên ngành, thời gian đào tạo 3 năm, tập trung; Hệ chính quy liên thông: Gồm 10 ngành/chuyên ngành; thời gian đào tạo 2,5 năm, tập trung; Hệ vừa làm vừa học: Gồm 24 ngành/chuyên ngành; thời gian đào tạo 5,5 năm; với quy mô đào tạo khoảng 3.000 sinh viên, chưa kể các hệ đào tạo ngắn hạn và đào tạo thường xuyên. Những ngành/chuyên tiêu biểu: Ngành kiến trúc, Ngành Kiến trúc/ Chuyên ngành Kiến trúc Công nghệ, Ngành Kiến trúc cảnh quan, Ngành Kiến trúc Nội thất, Ngành Quy hoạch vùng và đô thị, Cấp thoát nước, Ngành Kỹ thuật xây dựng Công trình giao thông/Chuyên ngành xây dựng Cầu đường,... Ngoài các ngành, chuyên ngành học thuộc chương trình đào tạo thông thường, một số ngành, chuyên ngành học còn được tổ chức đào tạo dưới dạng hợp tác, liên kết quốc tế nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển và hội nhập. * Sinh viên có thể đăng ký chương trình chất lượng cao hoặc chương trình liên kết để nâng cao chất lượng đào tạo. Đào tạo sau đại học Đào tạo thạc sĩ: Gồm 17 chuyên ngành với quy mô 1.950 học viên cao học Đào tạo tiến sĩ: Gồm 19 chuyên ngành với quy mô 135 nghiên cứu sinh.. Bên cạnh đó, trường còn tổ chức các chương trình đào tạo ngắn hạn (cấp chứng chỉ) nhằm bồi dưỡng, nâng cao kiến thức với các chuyên đề xuất phát từ yêu cầu thực tiễn như Giám sát thi công xây dựng công trình, Quản lý dự án đầu tư xây dựng, Đấu thầu xây dựng, Bất động sản, Các lớp nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho Kỹ sư mới ra trường... Các hiệu trưởng
Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh (University of Architecture Ho Chi Minh City) là một trường đại học chuyên ngành, chuyên đào tạo về nhóm ngành xây dựng và thiết kế tại Việt Nam, đồng thời, bên cạnh đào tạo, trường còn là trung tâm nghiên cứu, cố vấn, thực hiện các dự án cho doanh nghiệp và Chính phủ Việt Nam. Trường trực thuộc Bộ Xây dựng (Việt Nam). Hiện tại, trường đã có tổng cộng năm cơ sở đào tạo tại ba thành phố khác nhau. Trong đó có một cơ sở tại TP Đà Lạt, hai cơ sở tại TP Cần Thơ. Lịch sử Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, tiền thân là Ban Kiến trúc Trường Mỹ thuật Đông Dương thuộc thời kỳ Pháp thuộc, được hình thành vào năm 1926 tại Hà Nội. Thành lập theo Quyết định số 426/TTg ngày 27/10/1976 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Trường trực thuộc Bộ Xây dựng Việt Nam.Ngày 27/10/1924, Trường Mỹ thuật Đông Dương (École Supérieure des Beaux-Arts de l'Indochine) được thành lập tại Hà Nội theo sắc lệnh của Toàn quyền Đông Dương Martial Merlin, Hiệu trưởng lúc này là họa sĩ Victor Tardieu. Sau quá trình phát triển, nay trường trở thành trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Ngày 01/10/1926: Ban Kiến trúc trực thuộc Trường Mỹ thuật Đông Dương được hình thành. Ngày 22/10/1942: Trường Mỹ thuật Đông Dương phân ra thành Trường Mỹ nghệ thực hành Hà Nội và Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông dương. Theo nghị định ngày 02/02/1942: Ban Kiến Trúc được nâng lên thành trường Kiến Trúc vẫn trực thuộc trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ngày 22/02/1944: Trường Cao đẳng Kiến trúc được hợp nhất vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Quốc gia Paris. Do hoàn cảnh chiến tranh nên dời về Đà Lạt với tên gọi trường Cao đẳng Kiến trúc Đà Lạt. Ngày 06/09/1948: Trường Kiến trúc Đà Lạt được tách ra khỏi trường Cao đẳng Mỹ thuật Quốc gia Paris và hợp nhất vào Viện Đại học Đông Dương (sau đó là Viện Đại học Hà Nội) với tên gọi mới là trường Cao đẳng Kiến trúc. Cuối năm 1950: Trường Cao đẳng Kiến trúc được chuyển về Sài Gòn và trực thuộc Viện đại học Hà Nội chi nhánh miền Nam. Ngày 01/03/1957: Mỹ can thiệp vào Việt Nam. Viện đại học Hà Nội chi nhánh miền Nam được đổi tên thành Viện đại học Sài Gòn và Trường Cao đẳng Kiến trúc được nâng cấp thành Trường Đại học Kiến trúc Sài Gòn, thuộc quyền sở hữu của Quốc gia Việt Nam. Lúc này niên học của trường được kéo dài lên 6 năm. Năm 1972: Trường được xây mới dựa trên đồ án tốt nghiệp cùng năm của sinh viên Trương Văn Long, được chỉ đạo xây dựng bởi Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Thâng. Công trình có hình khối, phong cách kiến trúc tuân thủ chặt chẽ theo trường phái Kiến trúc Hiện đại, lúc này các dãy nhà trệt mái ngói vẫn bao bọc xung quanh khối nhà chính. Đến thập niên 1990, công trình được tiếp tục xây dựng các khối nhà mới kết cấu thay cho các dãy nhà mái ngói xung quanh. Sau Sự kiện 30 tháng 4 năm 1975: Ban Quân Quản tiếp nhận trường Đại học Kiến Trúc Sài Gòn. Ngày 27/10/1976: Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập theo quyết định số 426/TTg của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Năm 1979: Khoa Xây dựng được thành lập, mở đầu cho việc đào tạo các ngành ngoài Kiến trúc. Trường trở thành một trong những nơi đào tạo ngành Xây dựng đầu tiên ở Việt Nam. Năm 1995: Theo quyết định của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Trường Kiến Trúc là thành viên của Đại học Quốc gia trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam. Ngày 10/10/2000: Đại học Kiến trúc cùng với Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Kinh tế, Đại học Nông Lâm, Đại học Sư phạm, Đại học Luật tách ra khỏi Đại học Quốc gia và trở thành trường độc lập. Năm 2002: Theo quyết định của Thủ tướng Phan Văn Khải, Trường Đại học Kiến trúc trực thuộc Bộ Xây dựng. Tháng 10/2010: Khai giảng khóa đầu tiên tại cơ sở Cần Thơ và Đà Lạt. Giám đốc, Khoa trưởng và Hiệu trưởng qua các thời kỳ 1950-1954: Giám đốc O. Arthur Kruze. 1955-1966: Giám đốc GS. TS. Trần Văn Tải. 1967-1970: Khoa trưởng GS. TS. Nguyễn Quang Nhạc. 1971-1973: Khoa trưởng GS. TS. Phạm Văn Thâng. 1974-1975: Khoa trưởng GS. TS. Tô Công Vân. 1976-1978: Hiệu trưởng PGS. TS. Trương Tùng. 1979-1995: Hiệu trưởng PGS. TS. Mai Hà San. 1995-2005: Hiệu trưởng TS. Hoàng Như Tấn. 2005-2015: Hiệu trưởng NGƯT. PGS. TS. Phạm Tứ. 2015 đến nay: Hiệu trưởng PGS. TS. Lê Văn Thương. Tiêu cực Theo đại diện Thanh tra Bộ Tài chính kết luận, nhóm trường Đại học Kiến trúc bị tố cáo thu tiền học phí sai quy định, số tiền vi phạm là 4,7 tỉ đồng.
Dưới đây là danh sách tiêu biểu về những hiện tượng UFO được quan sát gây xôn xao dư luận và nổi tiếng. Danh sách bao gồm cả những trường hợp được cho là nhìn thấy sinh vật ngoài Trái Đất và bị người ngoài Trái Đất bắt cóc. Một vài trường hợp đã được biết đến rộng rãi và đi vào văn hóa dân gian. Những trường hợp khác không rõ ràng và mới chỉ có những nhà UFO học và những người đam mê lĩnh vực này biết đến là chủ yếu. Thời điểm xảy ra Khoảng những năm 1400 TCN: theo tài liệu gây tranh cãi Tulli Papyrus, những người ghi chép của pharaoh Thutmose III đã báo cáo rằng "những chiếc đĩa bay bốc lửa" xuất hiện phía trên bầu trời của Ai Cập cổ đại. Năm 1800: ngày 29 tháng 3, nhà truyền đạo Fritsch nhìn thấy tại Quedlinburg (Đức) một điểm bé xíu đi ngang qua Mặt Trời trong 6 giờ. Năm 1802: ngày 27 tháng 2, nhà truyền đạo Fritsch nhìn thấy tại Quedlinburg một điểm bé xíu đi ngang qua Mặt Trời ở hướng đông bắc. Năm 1839: ngày 2 tháng 10, Cupper nhìn thấy sự vận động đi qua của một vật thể không xác định phía trước Mặt Trời. Năm 1849: ngày 12 tháng 3, Sidebotham nhìn thấy sự di chuyển của một vật nhỏ xíu trên Mặt Trời. Năm 1859: ngày 26 tháng 3, Lescarbault nhìn thấy chuyển động của một vật lạ trước Mặt Trời. Liaias ở Brasil cũng nhìn thấy như vậy. Năm 1862: ngày 20 tháng 3, Lummis, công nhân ở Manchester, nhìn thấy chuyển động của một vật thể lạ trước Mặt Trời. Năm 1913 và sau đó: những ánh sáng kỳ lạ trên núi Brown. Năm 1944: Foo fighter, những quả cầu nhiều màu được các phi công nhìn thấy trên khắp thế giới. Năm 1946 và sau đó, những quả rocket ma, được nói đến nhiều lần trên bầu trời vùng Scadinavi. Năm 1947: báo cáo của Kenneth Arnold, sự kiện mở đầu cho sự xuất hiện thuật ngữ "đĩa bay". Năm 1947: ngày 14 tháng 6 hay ngày 4 tháng 7, sự kiện UFO ở Roswell, lực lượng không quân Mỹ bắt được một cái đĩa bay ngày 8 tháng 7. Năm 1948: những quả cầu lửa màu xanh được trong thấy trên bầu trời nhiều căn cứ quân sự Mỹ, một cuộc nghiên cứu chính thức đã được bắt đầu. Năm 1948: sự kiện Mantell, lực lượng không quân Mỹ gửi một phi công máy bay quân sự để quan sát một chiếc UFO - máy bay đã bị rơi. Năm 1948: sự kiện Kapustin Yar, một UFO giống hình "điếu thuốc" bị một máy bay MiG của Nga bắn rơi. Năm 1949: nhà thiên văn học Clyde Tombaugh ghi nhận một hiện tượng lạ trên không trung. Năm 1950: ngày 15 tháng 8, sự kiện UFO Mariana ở Great Falls, Montana, Montana. Năm 1952: một loạt báo cáo UFO qua liên lạc radar gây xôn xao ở Washington, D.C., Hoa Kỳ. Năm 1953: phi công quân sự Mỹ Felix Moncla biến mất khi đang bám đuổi một cái UFO. Năm 1954: hàng trăm báo cáo UFO ở Pháp. Năm 1954: những vệ tinh chưa từng được biết đến đi theo quỹ đạo, nhà thiên văn học Clyde Tombaugh có liên quan đến sự kiện này. Năm 1955: Kelly-Hopkinsville chạm trán một nhóm sinh vật khôi hàng đang đe dọa một gia đình. Năm 1957: rất nhiều chiếc ô tô bị mắc kẹt do một cái UFO lớn ở Levelland Texas và New Mexico, trên khu vực quân sự New Mexico. Năm 1961: đồi bắt cóc, sự kiện sinh vật ngoài Trái Đất bắt cóc lần đầu tiên được công bố rộng rãi. Năm 1964: Lonnie Zamora một nhân viên cảnh sát ở Socorro, New Mexico, Mỹ ghi nhận một cuộc gặp gỡ kín. Năm 1965: bức ảnh của Frank Borman, một bức ảnh UFO của một nhà du hành vũ trụ, ông ta chụp một cái UFO bay theo phi hành đoàn Gemini 7. Năm 1967: sự kiện hồ Falcon. Năm 1967: Ngày 4 tháng 10, người ta thấy một vật thể rơi xuống cả Shag, sau khi hải quân Canada tìm kiếm, họ cho rằng đó là một cái UFO bị rơi. Năm 1969: chứng kiến của Jimmy Carter, đây là một báo cáo chính thức được ghi nhận bởi một tổng thống. Năm 1969: chứng kiến của Neil Armstrong, một báo cáo UFO của nhà du hành vũ trụ, ông ta nhìn thấy hai cái UFO sau khi tàu Apollo 11 hạ cánh xuống Mặt Trăng. Năm 1971: dấu vết ở Delphos, UFO để lại dấu vết không rõ ràng. Năm 1973: sự kiện sinh vật ngoài Trái Đất bắt cóc ở Pascagoula. Năm 1974: sự kiện núi Berwyn, chứng kiến tại Anh. Năm 1975: sự kiện bắt cóc Travis Walton, một người đàn ông biến mất trong nhiều ngày- khi trở về mang theo câu chuyện về một vụ bắt cóc mà sau đó được chuyển thành phim. Năm 1977: một báo cáo gây xôn xao tại một hòn đảo đầm lầy tại Brasil: một cái UFO nguy hiểm làm thương 35 người, cả hòn đảo phải đi sơ tán. Năm 1978: sự mất tích của Valentich, một phi công người Australia đã ghi nhận UFO trước khi biến mất không để lại dấu vết. Năm 1979: sự kiện hạt Marshall, một quận trưởng bị tấn công bởi một luồng sáng dường như đụng vào xe ông ta. Năm 1980: sự kiện Landrum, một cảnh tượng kỳ lạ diễn ra kèm theo ba nhân chứng bị thương. Năm 1982: cuộc đột kích sân bay vũ trụ Baikonur, dàn phóng tắt sau khi UFO tấn công phá hoại vào tháng 6. Năm 1985: sự kiện Tbilisi, phi hành đoàn máy bay thương mại Xô Viết và các hành khách chứng kiến một ánh sáng kỳ lạ từ Tbilisi ở Gruzia tới Tallinn ở Estonia vào tháng 1 năm 1985. Năm 1986: ngày 29 tháng 1, sự kiện UFO Height 611, một UFO được cho là bị rơi xuống Dalnegorsk, liên bang Xô Viết, theo sau bời một cái UFO hạ cánh năm 1989. Năm 1986: ngày 16 tháng 11, phi hành đoàn hàng không Nhật số 1628 thấy một nhóm UFO bay theo ở đông bắc Alaska trong 50 phút. Năm 1990: ở Bỉ, nhiều người nhìn thấy một UFO tam giác, xem UFO hình tam giác đen. Năm 1996: sự kiện Varginha, nhiều quan sát thấy các sinh vật kỳ lạ ở Minas Gerais, Brasil. Năm 1997: sự kiện Phoenix, Arizona, nhiều ánh sáng chuyển động chậm theo hệ thống trên bầu trời khu xe điện ngầm Phoenix. Năm 2001: ngày 11 tháng 11, một UFO xuất hiện trên đoạn phim trong cuộc tấn công ngày 11 tháng 9 nhằm vào Thành phố New York. Một vật thể nhỏ có thể nhìn thấy được trên bầu trời khi chiếc máy bay thứ hai đâm vào Trung tâm Thương mại Thế giới. Năm 2004: máy bay tuần tra chống buôn lậu ma túy của México ghi nhận UFO qua máy quay phim hồng ngoại. Năm 2005: ngày 27 tháng 4, Nhà Trắng rút vấn đề UFO khỏi lĩnh vực không lưu. Điều này được giải thích rằng "có lẽ một đám mây hay nhiều con chim". Năm 2005: các UFO được báo cáo và chụp ảnh ở vùng Kaufman, Texas. Năm 2009: Quầng sáng lạ đâm thẳng vào chiếc turbine gió E-48 tại thị trấn Conishiolme, hạt Lincolnshire, Vương quốc Anh Năm 2010: UFO xuất hiện ở New York, Hoa Kỳ Năm 2015: Luồng ánh sáng xanh UFO ở Hà Lan
Trong ngôn ngữ máy tính, các phép toán trên thao tác bit (tiếng Anh: bitwise operation) là các phép toán được thực hiện trên một hoặc nhiều chuỗi bit hoặc số nhị phân tại cấp độ của từng bit riêng biệt. Các phép toán này được thực hiện nhanh, ưu tiên, được hỗ trợ trực tiếp bởi vi xử lý, và được dùng để điều khiển các giá trị để tính toán. Đối với các loại vi xử lý đời cũ, các phép toán trên thao tác bit thường nhanh hơn phép chia đáng kể, đôi khi nhanh hơn phép nhân, và đôi khi nhanh đáng kể hơn phép cộng, trong khi các vi xử lý hiện đại thường thực hiện phép nhân và phép cộng nhanh tương đương các phép toán trên thao tác bit do cấu trúc đường ống lệnh của chúng dài hơn. Cũng nhờ vào các lựa chọn trong thiết kế cấu trúc, các phép toán trên thao tác bit thường sử dụng ít tài nguyên hơn. Các toán tử thao tác bit Các toán tử thao tác bit (tiếng Anh: bitwise operator) là các toán tử được sử dụng chung với một hoặc hai số nhị phân để tạo ra một phép toán thao tác bit. Hầu hết các toán tử thao tác bit đều là các toán tử một hoặc hai ngôi. Trong các giải thích dưới đây, bất kỳ dấu hiện nào của vị trí một bit được tính từ phía bên phải (nhỏ nhất), tiến dần về bên trái. Ví dụ: số nhị phân 0001 (số một trong hệ thập phân) có các số 0 ở mọi vị trí trừ vị trí đầu tiên. AND Toán tử thao tác bit AND lấy 2 toán hạng nhị phân có chiều dài bằng nhau và thực hiện phép toán lý luận AND trên mỗi cặp bit tương ứng bằng cách nhân chúng lại với nhau. Nhờ đó, nếu cả hai bit ở vị trí được so sánh đều là 1, thì bit hiển thị ở dạng nhị phân sẽ là 1 (1 x 1 = 1); ngược lại thì kết quả sẽ là 0 (1 x 0 = 0). Ví dụ: 0101 (số thập phân 5) AND 0011 (số thập phân 3) = 0001 (số thập phân 1) Phép toán này có thể được sử dụng để xác định xem nếu một bit được thiết đặt (1) hoặc trống (0). Ví dụ: Cho trước dãy bit 0011 (số 3 trong hệ thập phân), để xác định xem bit thứ 2 có được thiết đặt hay không, ta sử phép toán thao tác bit AND với một dãy bit có chứa số 1 duy nhất ở bit thứ 2, ví dụ: 0011 (số thập phân 3) AND 0010 (số thập phân 2) = 0010 (số thập phân 2) Vì kết quả 0010 là khác 0, ta biết là bit thứ 2 trong dãy bit ban đầu đã được thiết đặt. Điều này được gọi là che đậy bit. (Bằng phép loại suy, công dụng của mặt nạ, các phần không nên bị thay thế hoặc các phần không được quan tâm. Trong trường hợp này, các giá trị 0 che đậy cho các bit không được quan tâm). Nếu ta lưu trữ kết quả, nó có thể được sử dụng để lưu trữ để xóa các bit được lựa chọn trong một thanh ghi. Cho ví dụ 0110 (số 6 trong hệ thập phân), bit thứ 2 có thể được xóa đi bằng cách sử dụng phép toán thao tác bit AND với dãy có một số 0 duy nhất ở bit thứ 2: 0110 (số thập phân 6) AND 1101 (số thập phân 13) = 0100 (số thập phân 4) Vì đặc tính này, việc kiểm tra tính chẵn lẻ của số nhị phân trở nên dễ dàng bằng cách kiểm tra giá trị của bit có giá trị thấp nhất. Sử dụng ví dụ phía trên ta có: 0110 (số thập phân 6) AND 0001 (số thập phân 1) = 0000 (số thập phân 0) Trong C, C++, Java, C#, toán tử thao tác bit AND được biểu diễn bằng ký hiệu "&" (dấu và): x = y & z; Trong Pascal, toán tử này là "and". Ví dụ: x:= y and z; NOT Toán tử thao tác bit NOT, hay còn gọi là còn được gọi là toán tử lấy phần bù (complement), là toán tử một ngôi thực hiện phủ định luận lý trên từng bit, tạo thành bù 1 (one’s complement) của giá trị nhị phân cho trước. Bit nào là 0 thì sẽ trở thành 1, và 1 sẽ trở thành 0. Ví dụ: NOT 0111 (số thập phân 7) = 1000 (số thập phân 8) Bảng chân trị cho NOT: Phép toán thao tác bit lấy phần bù sẽ tương đương với bù 2 (two’s complement) của giá trị được tính trừ đi 1. Nếu phép toán bù 2 được sử dụng, như vậy: NOT x = -x – 1 Đối với các số nguyên không âm, phép toán thao tác bit lấy phần bù của một số là "hình ảnh phản chiếu"  của số đó tính tới điểm giữa của giới hạn số nguyên không âm. Vi dụ: đối với số nguyên 8-bit, NOT x = 255 – x, có thể được biểu diễn trên đồ thị dưới dạng một đường thẳng đi xuống mà đường thẳng đó "lật" một dãy tăng dần từ 0 đến 255, đến một dãy giảm dần từ 255 xuống 0. Một ví dụ đơn giản nhưng dễ hình dung là việc đảo ngược một hình ảnh trắng đen mà mỗi pixel trong đó được coi là một số nguyên không âm. Trong các ngôn ngữ lập trình C, C++, Java, C#, toán tử thao tác bit NOT được biểu diễn bằng ký hiệu "~" (dấu ngã). Trong Pascal, toán tử này là "not". Ví dụ: x = ~y; // C Hay x:= not y; { Pascal } Câu lệnh trên sẽ gán cho x giá trị "NOT y" - tức phần bù của y. Chú ý rằng, toán tử này không tương đương với toán tử luận lý "not" (biểu diễn bằng dấu chấm than "!" trong C/C++). Về vấn đề này, xin xem ở bài toán tử hoặc các bài về ngôn ngữ C/C++. Toán tử NOT hữu dụng khi ta cần tìm bù 1 của một số nhị phân. Nó cũng có thể được sử dụng làm bước đầu tiên để tìm số bù 2. OR Phép toán trên thao tác bit OR lấy hai dãy bit có độ dài bằng nhau và thực hiện phép toán lý luận bao hàm OR trên mỗi cặp bit tương ứng. Kết quả ở mỗi vị trí sẽ là 0 nếu cả hai bit là 0, ngược lại thì kết quả là 1. Ví dụ: 0101 (số thập phân 5) OR 0011 (số thập phân 3) = 0111 (số thập phân 7) Bảng chân trị cho OR: Trong C, C++, Java, C#, toán tử thao tác bit OR được biểu diễn bằng ký hiệu "|" (vạch đứng). Trong Pascal, toán tử này là "or". Ví dụ: x = y | z; // C Hay: x:= y or z; { Pascal } Câu lệnh trên sẽ gán cho x kết quả của "y OR z". Chú ý rằng toán tử này không tương đương với toán tử luận lý "or" (biểu diễn bằng cặp vạch đứng "||" trong C/C++). Về vấn đề này, xin xem ở bài toán tử hoặc các bài về ngôn ngữ C/C++. Phép toán thao tác bit OR có thể được sử dụng để thiết đặt bit được chọn thành 1. Ví dụ: Nó có thể được sử dụng để bật (set) một bit (hoặc cờ) trong thanh ghi, trong đó mỗi bit đại diện cho một trạng thái trong phép logic đúng sai (boolean). Vì thế, 0010 (số 2 thập phân) có thể được xem là một bộ 4 cờ, trong đó cờ thứ nhất, thứ ba và thứ tư là trống (0)  và cờ thứ hai được bật (1). Cờ thứ tư có thể được bật bằng cách thực hiện phép toán thao tác bit OR giữa giá trị này và một dãy bit với duy nhất bộ bit thứ 4: 0010 (số thập phân 2) OR 1000 (số thập phân 8) 1010 (số thập phân 10) Kỹ thuật này là một cách hiệu quả để lưu trữ một số trong những giá trị phép toán logic đúng sai (boolean) sử dụng ít bộ nhớ nhất có thể. Khi làm việc với các máy không có nhiều không gian bộ nhớ trống, các lập trình viên thường áp dụng kĩ thuật trên. Lúc đó, thay vì khai báo tám biến kiểu bool (C++) độc lập, người ta sử dụng từng bit riêng lẻ của một byte để biểu diễn giá trị cho tám biến đó. XOR Phép toán thao tác bit XOR lấy hai dãy bit có cùng độ dài và thực hiện phép toán logic bao hàm XOR trên mỗi cặp bit tương ứng. Kết quả ở mỗi vị trí là 1 chỉ khi bit đầu tiên là 1 hoặc nếu chỉ khi bit thứ hai là 1, nhưng sẽ là 0 nếu cả hai là 0 hoặc cả hai là 1. Ở đây ta thực hiện phép so sánh hai bit, kết quả là 1 nếu hai bit khác nhau và là 0 nếu hai bit giống nhau. Ví dụ: 0101 (số thập phân 5) XOR 0011 (số thập phân 3) 0110 (số thập phân 6) (cách nhớ dễ nhất là: 2 bit giống nhau trả về 0, 2 bit khác nhau trả về 1) Bảng chân trị cho XOR: Phép toán thao tác bit XOR có thể được sử dụng để đảo ngược các bit được lựa chọn trong thanh ghi (còn được gọi là bật (set) hoặc lật (flip)). Bất kỳ bit nào được bật bằng cách thực hiện phép toán thao tác bit XOR nó với 1. Ví dụ: cho dãy bit 0010 (số 2 thập phân), bit thứ hai và thứ tư có thể được kích hoạt bằng cách sử dụng phép toán thao tác bit XOR với một dãy bit có chứa 1 ở vị trí thứ hai và thứ tư: 0010 (số thập phân 2) XOR 1010 (số thập phân 10) = 1000 (số thập phân 8)   Kỹ thuật này có thể được sử dụng để điều khiển dãy bit biểu hiện các bộ chứa phép toán logic đúng sai (boolean). Trong C, C++, Java, C#, toán tử thao tác bit XOR được biểu diễn bằng ký hiệu "^" (dấu mũ). Trong Pascal, toán tử này là "xor". Ví dụ: x = y ^ z; // C Hay: x:= y xor z; { Pascal } Câu lệnh trên sẽ gáp trình viên hợp ngữ (Assembly) thường sử dụng toán tử XOR để gán giá trị của một thanh ghi (register) về 0. Khi thực hiện phép toán XOR cho một mẫu bit với chính bản thân nó, mẫu nhị phân nhận được sẽ toàn bit 0. Trên nhiều kiến trúc máy tính, sử dụng XOR để gán 0 cho một thanh ghi sẽ được CPU xử lý nhanh hơn so với chuỗi thao tác tương ứng để nạp và lưu giá trị 0 vào thanh ghi. Dịch chuyển và quay bit Các phép dịch chuyển bit đôi khi được xem là các phép toán thao tác bit, bởi vì chúng sẽ xem một giá trị dưới dạng một dãy bit hơn là dưới dạng số lượng số (numerial quantity). Trong các phép toán này, các chữ số sẽ được di chuyển, hoặc dịch chuyển, sang trái hoặc phải. Các thanh ghi trong vi xử lý máy tính có độ dài cố định, vì vậy một vài bit sẽ bị "dịch chuyển ra ngoài" thanh ghi ở một đầu, trong khi đó thì một lượng bit tương ứng sẽ được "dịch chuyển vào" ở đầu còn lại; sự khác biệt ở các phép toán dịch chuyển bit nằm ở chỗ cách chúng xác định giá trị của các bit được dịch chuyển vào. Dịch chuyển số học Trong dịch chuyển số học, các bit được dịch chuyển ra khỏi đầu hoặc đuôi sẽ bị loại bỏ. Trong phép dịch chuyển số học về bên trái, các số 0 được dịch chuyển vào bên phải; trong phép dịch chuyển số học bên phải, bit thể hiện dấu được thêm vào bên trái, do đó dấu của số được giữ nguyên. Ví dụ dưới đây sử dụng thanh ghi 8-bit: 00010111 (số thập phân +23) Dịch chuyển trái = 00101110 (số thập phân +46) 10010111 (số thập phân -105) Dịch chuyển phải = 11001011 (số thập phân -53) Trường hợp đầu tiên, những số tận cùng bên trái được dịch chuyển khỏi thanh ghi, một số 0 mới được thêm vào cuối bên phải của thanh ghi. Trường hợp thứ hai, thành phần cuối bên phải đã được dịch chuyển ra khỏi, và số 1 được thêm vào bên trái, bảo toàn được dấu của số. Nhiều lần dịch chuyển có thể được rút ngắn lại còn một lần. Ví dụ: 00010111 (số thập phân +23) Dịch sang trái 2 lần. = 01011100 (số thập phân +92) Dịch chuyển số học bên trái n lần tương đương nhân với 2n (nếu giá trị đó không gây tràn bộ nhớ), trong khi đó thì phép dịch chuyển số học sang phải n lần của một giá trị bù 2 thì tương đương với việc chia cho 2n và làm tròn về phía âm vô cùng. Nếu số nhị phân được xem là bù 1, thì phép dịch chuyển sang phải tương tự sẽ cho kết quả bằng với việc chia số đó cho 2n và làm tròn về phía 0. Dịch chuyển luận lý Trong dịch chuyển luận lý, các số 0 sẽ được dịch chuyển vào để thay thế các bit bị loại bỏ. Do đó dịch chuyển luận lý và dịch chuyển số học bên trái là hoàn toàn giống nhau. Tuy nhiên, dịch chuyển luận lý thêm giá trị 0 vào vị trí bit quan trọng nhất, thay vì sao chép bit mang dấu, điều này khá lý tưởng cho các số nhị phân không dấu, trong khi phép dịch chuyển số học sang phải thì lại lý tưởng cho các số nhị phân bù 2 có dấu. Quay không nhớ Một dạng khác của dịch chuyển được gọi là dịch chuyển vòng hay quay bit. Với phép toán này, các bit được xoay giống như là hai đầu của thanh ghi được gộp lại với nhau. Những giá trị được dịch chuyển vào ở bên phải trong một lần dịch chuyển trái chính là bất kỳ giá trị nào đã được dịch chuyển ra ở bên trái, và ngược lại. Thao tác này hữu ích nếu xảy ra yêu cầu giữ lại toàn bộ bit hiện thời, và thường được sử dụng trong mật mã học kỹ thuật số. Quay có nhớ Quay có nhớ tương tự với phép quay không nhớ, nhưng hai đầu của thanh ghi được tách ra bởi cờ nhớ (carry flag). Bit được dịch chuyển vào (ở bất kỳ đầu nào) là giá trị cũ của cờ nhớ, và bit được dịch chuyển ra (ở đầu còn lại) trở thành giá trị mới của cờ nhớ. Một phép quay có nhớ có thể mô phỏng một phép quay luận lý hoặc số học của một vị trí bằng cách thiết lập cờ nhớ trước tiên. Ví dụ, nếu cờ nhớ mang giá trị 0, thì x XOAY-PHẢI-CÓ-NHỚ-MỘT-LẦN là phép dịch chuyển luận lý sang phải, và nếu cờ nhớ giữ giá trị của bản sao chép của bit chứa dấu, thì x XOAY-PHẢI-CÓ-NHỚ-MỘT-LẦNlà phép dịch chuyển số học sang phải. Vì lý do này, một số vi điều khiển như các PIC tầm thấp chỉ có xoay và xoay có nhớ, mà không cần đến các cấu trúc dịch chuyển số học và luận lý. Dịch chuyển trong C, C++, C# và Python Trong các ngôn ngữ dựa trên C, các toán tử dịch chuyển trái và phải lần lượt là << và >>. Số lượng cần dịch chuyển được cung cấp ở đối số thứ hai của toán tử dịch chuyển. Ví dụ: x = y << 2; gán cho x kết quả của phép dịch chuyển y sang trái 2 bit, tương đương với phép nhân với 4. Trong ngôn ngữ C, kết quả của việc dịch chuyển sang phải một giá trị âm là xác định, và giá trị của phép dịch chuyển sang trái của giá trị chứa dấu là không xác định nếu kết quả không được thể hiện dưới dạng của kết quả. Trong C#, phép dịch chuyển sang phải là một phép dịch chuyển số học khi mà toán hạng là biến kiểu int hoặc long. Nếu toán hạng đầu tiên thuộc kiểu uint hoặc ulong, phép dịch chuyển sang phải là phép dịch chuyển luận lý. Dịch chuyển trong Java Trong Java, tất cả các giá trị mang kiểu số nguyên đều có dấu, và các toán tử  << và >> thực hiện các phép dịch chuyển số học. Java còn thêm vào toán tử >>> để thực hiện phép dịch chuyển luận lý sang phải, nhưng bởi vì phép dịch chuyển sang trái số học và luận lý là như nhau, nên không có toán tử <<< trong Java. Một vài chi tiết về các toán tử dịch chuyển trong Java: Thao tác  << (dịch trái), >> (dịch phải có dấu), và >>> (dịch phải không dấu) được gọi là các toán tử dịch chuyển. Kiểu giá trị mà phép dịch bit biểu thị là dạng cao cấp của toán hạng bên trái. Ví dụ, aByte >>> 2 thì tương đương với ((int) aByte) >>> 2. Nếu như kiểu giá trị cao cấp của toán hạng bên trái là int, thì chỉ có năm bit thấp nhất theo thứ tự của toán hạng bên phải được sử dụng như là khoảng cách dịch chuyển. Điều này giống như là toán hạng bên phải được sử dụng cho một toán tử luận lý thao tác bit AND & với giá trị che đậy 0x1f (0b11111). Khoảng cách dịch chuyển thực ra luôn nằm trong khoảng từ 0 tới 31, một cách bao quát. Nếu như kiểu giá trị cao cấp của toán hạng bên trái là long, thì chỉ có sáu bit thấp nhất theo tứ tự của toán hạng bên phải được sử dụng như là khoảng cách dịch chuyển. Điều đó giống như là toán hạng bên phải được sử dụng cho một toán tử luận lý thao tác bit AND & với giá trị che đậy 0x3f (0b111111). Khoảng cách dịch chuyển thực ra luôn nằm trong khoảng từ 0 tới 63, một cách bao quát. Kết quả của n >>> s là n bị dịch chuyển sang phải s bit và đệm 0 vào bên trái tương ứng. Trong toán tử nói chung và phép dịch bit nói riêng, kiểu dữ liệu  byte được hàm ý chuyển thành int. Nếu giá trị byte đó là âm, và bit bậc cao nhất là một, thì các số một sẽ được điền vào để lấp đầy các bytes được thêm vào ở kiểu int. Do đó byte b1=-5; int i = b1 | 0x0200; sẽ cho kết quả i == -5. Dịch chuyển trong Pascal Trong Pascal, cũng như các trình biên dịch tương tự nó (như là Object Pascal và Standard Pascal), các thao tác dịch trái và dịch phải lần lượt là shl và shr. Khoảng cách dịch chuyển sẽ được thêm vào trong đối số thứ hai. Ví dụ, câu lệnh sau cho x là kết quả của phép dịch y sang trái hai bit: x:= y shl 2; Ứng dụng Các phép toán trên thao tác bit là đặc biệt cần thiết trong các ngôn ngữ lập trình bậc thấp như các ngôn ngữ dùng để viết ra các trình cắm thiết bị (drivers), đồ họa bậc thấp, hình thành gói giao thức các truyền thông, và giải mã. Mặc dù các hệ thống máy thường có sẵn các cấu trúc (instructions) hiệu quả cho việc thực hiện các phép toán học và phép luận lý (logic), tuy nhiên trong thực tế, các thao thác này có thể được thực hiện bằng cách kết hợp các toán tử thao tác bit và phép thử số 0 (zero-testing) bằng nhiều cách khác nhau. Ví dụ, dưới đây là mã giải (pseudocode) của phép nhân Ai Cập cổ đại chỉ ra cách để có thể nhân hai số nguyên tùy thích a và b (trong đó a lớn hơn b) mà chỉ cần sử dụng thao tác dịch chuyển bit và phép cộng: c = 0 while b ≠ 0 if (b and 1) ≠ 0 c = c + a left shift a by 1 right shift b by 1 return c Một ví dụ nữa là mã giải của phép cộng, chỉ ra cách để tính tổng của hai số nguyên a và b sử dụng các toán tử thao tác bit và phép thử số 0: while a ≠ 0 c = b and a b = b xor a left shift c by 1 a = c return b Lưu ý: các dấu = trong các ví dụ trên là phép gán chứ không phải là phép tương đương.
Johann Georg Faust (hoặc Johannes Faust, Georg Faust; khoảng 1480 – 1541) là một nhà chiêm tinh, một thầy thuốc, một nhà ảo thuật người Đức. Trong thời kỳ văn học cải cách tôn giáo thế kỷ 16, xuất hiện 68 giai thoại về nhân vật Faust được Johannes Spies ghi chép lại và từ đó lưu truyền trong dân gian về nhân vật này như một huyền thoại: người bán linh hồn cho quỷ. Sách dân gian Faust Sách truyện dân gian (Volksbuch) là một khái niệm phổ biến của văn học Đức thế kỷ 15-16. Nhân vật trong truyện này thường thông minh, hóm hỉnh, nhiều yếu tố lạ, có hành động "kinh thiên động địa" trong những tình huống phức tạp, éo le... Đây còn là những tác phẩm khuyết danh được in bằng giấy thông thường và bán rẻ nhằm phổ biến rộng rãi trong công chúng. Năm 1587, J.Spies cho xuất bản cuốn sách truyện dân gian về Faust cùng lời giải thích: Chuyện về Faust, kẻ làm quỷ thuật du đãng và là tên phù thủy. Hắn liên minh với quỷ sứ. Hắn phiêu lưu mạo hiểm. Và hắn phải nhận lấy số phận của mình. Kẻ không kính trọng thánh thần và là ví dụ khủng khiếp răn đe mọi người. Faust-một học giả tài ba, tính tình ngạo mạn, chuyên giao du với những kẻ đồi bại, sống đời sống của kẻ vô thần một cách tự do, phóng túng. Để thỏa mãn lòng mong muốn mở mang trí tuệ, Faust kết thân với quỷ Mephisto ở dưới địa ngục và hiến đi linh hồn của mình. Sau khi mở mang được rất nhiều kiến thức, thỏa mãn mọi dục vọng ở trần gian thì Faust bị Mephisto xé tan xác khiến cho máu, óc Faust vung vãi khắp nơi. 68 câu chuyện về Faust là những huyền thoại đầy tính phiêu lưu, mạo hiểm, khám phá những bí mật của trời đất, một sự xâm phạm thiêng liêng đến thánh thần... xuất phát từ một nhân vật có thật trong đời sống được công chúng hết sức ưa chuộng và là nguồn cảm hứng cho kịch Faust của Goethe ra đời sau này. Kịch Faust Kịch thơ-văn xuôi Faust là tác phẩm tiêu biểu của nhà văn J.Wolfgang Goethe. Tác phẩm gồm 12.111 câu thơ xen lẫn với văn xuôi được thể hiện trong một cấu trúc độc đáo: mở đầu là 32 câu thơ đề tặng làm màn giáo đầu sân khấu-thiên đình. Faust J gồm 25 cảnh liên tiếp, không chia hồi.Faust – tâm trạng của đại văn hào Goethe –tâm trạng của thời đại Faust I xuất bản năm 1808. Goethe hoàn thành Faust II ngày 22.7.1831. Goethe sáng tác Faust I khi đang ở tuổi thanh niên, ở tâm trạng chán ghét muốn nổi loạn chống lại "sự cùng khổ Đức".Đó là tâm trạng của các nhà văn và thế hệ thanh niên phong trào Bão táp và Xung kích. Faust II gốm 5 hồi viết theo kết cấu cổ điển.Faust II được bắt đầu khi Goethe đã năm mươi tuổi và hoàn thành một năm trước khi Goethe ra đi vào cõi vĩnh hằng – vào năm ông 82 tuổi. Ở Faust II, Faust không còn là con người đi tìm những lạc thú trần gian, giờ Faust chỉ muốn hành động giúp ích cho đời. Từ hình tượng bác sĩ Faust trong dân gian, Goethe đã tìm thấy một khát vọng vô biên về sức mạnh sáng tạo và chinh phục của con người. Nhờ bán linh hồn cho Mephisto mà Faust có thể lên thiên đường, xuống địa ngục, cải lão hoàn đồng, khai hoang lấn biển... Cuộc đời Faust trải qua rất nhiều thử thách, cám dỗ và cuối cùng, chàng rút ra được chân lý "khởi thủy là hành động" và khẳng định Chỉ những ai hàng ngày biết chinh phục mới đáng hưởng tự do và cuộc sống. Xây dựng hình tượng song song: Faust-con người với những nỗ lực không ngừng vượt qua cám dỗ và Mephisto-quỷ sứ với những bạo liệt của dục vọng, quyết bám lấy trần gian bằng tất cả các giác quan, Goethe đã dựng chân dung hằng có của một con người: tốt và xấu. Sự tồn tại Faust và Mephisto trong mỗi con người là có thật. Kịch Faust là loại "kịch trong kịch" với nhiều tác phẩm nhỏ được lồng ghép nhau. Nội dung phong phú của tác phẩm được biểu hiện dưới hình thức văn chương biến đổi linh hoạt thơ - văn xuôi, các đối thoại triết học, các khúc ca, đoạn ngâm... được bố trí bất ngờ tạo nên tính chất hấp dẫn lôi cuốn đặc biệt. Ở kịch Faust, người ta thấy được "lịch sử nhân loại được hồi sinh trọn vẹn theo từng bước chân của Faust" (G.Chonhio). Faust, từ một nhân vật có thật đã trở thành hình tượng huyền thoại trong dân gian và đến nay, trở thành một tác phẩm gắn liền với tên tuổi của Goethe. Người bán linh hồn Than ôi, trong con người tôi, hai linh hồn cùng ở. Một đằng thì bạo liệt đam mê, quyết xa rời trần gian bằng mọi giác quan cơ thể. Một đằng thì quyết bám lấy trần ai cuộc thế để bay lên từng tinh khiết, cõi tổ tiên xưa. Trong lịch sử văn học thế giới, Faust là nhân vật duy nhất dám đổi linh hồn của mình để tìm kiếm sức mạnh sáng tạo và khám phá. Giống như nhân vật Don Quichotte của Cervantes, hoàng tử bé của Saint-Exupéry, con bọ Gregor Samsa của Kafka... Faust bước vào thế giới của những điều ngoài sự biết của con người bằng chính trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo của họ. Linh hồn của Faust, có giá trị như một cuộc đấu tranh giữa thiện-ác, giữa sống và chết, giữa cám dỗ và ý chí... Faust gợi mở mô-típ hóa thân trong văn học. Trong sách dân gian, Faust chết một cách bi thảm. Còn Goethe đã để các thiên thần đón linh hồn Faust lên thiên đường sau câu nói cuối cùng của chàng: Thời gian ơi ngừng lại! vì ở Faust, con người là như thế: thiên thần - quỷ dữ.
Các dụng cụ đo lường điện tử (đôi khi được gọi là hệ thống đo lường điện tử) là các dụng cụ đo lường có chức năng đo lường các đại lượng vật lý hoặc phi vật lý với sự trợ giúp của các thiết bị điện tử. Chúng thường biểu diễn kết quả đo thông qua các phương tiện hiển thị khác nhau. Thông thường một dụng cụ đo lường điện tử có cấu trúc gồm khối cảm biến, bộ khuếch đại, bộ xử lý và cuối cùng là bộ hiển thị. Bộ cảm biến có nhiệm vụ thực hiện cảm nhận và biến đổi các đại lượng vật lý hoặc phi vật lý cần đo thành các tín hiệu điện. Các tín hiệu điện này sau đó sẽ được khuếch đại và hiệu chỉnh sao cho tương quan sự biến đổi giữa các đại lượng vật lý hoặc phi vật lý và tín hiệu điện sau cảm biến có tính chất tuyến tính. Hay nói cách khác, sự biến đổi của tín hiệu điện sau cảm biến sẽ phản ánh thực chất của quá trình biến đổi các đại lượng vật lý/phi vật lý đó. Tiếp sau, các tín hiệu này sẽ được tiếp tục đưa qua các hệ thống xử lý tín hiệu (có thể là xử lý tín hiệu số hoặc tương tự) rồi sau đó phối ghép và đưa qua các phương tiện hiển thị như màn hình, bảng hiển thị LED, các thiết bị in ấn hoặc các thiết bị ngoại vi khác...
Hoàng Su Phì là một huyện miền núi biên giới thuộc tỉnh Hà Giang, Việt Nam. Địa lý Huyện Hoàng Su Phì nằm ở phía tây tỉnh Hà Giang, nằm trên thượng nguồn sông Chảy và sông Bạc, cách thành phố Hà Giang 100 km về phía tây, có vị trí địa lý: Phía đông giáp huyện Vị Xuyên và huyện Bắc Quang Phía tây giáp huyện Xín Mần Phía nam giáp huyện Quang Bình Phía bắc giáp Trung Quốc với đường biên giới 41,421 km. Huyện Hoàng Su Phì có diện tích 632,38 km², dân số năm 2019 là 66.683 người, mật độ dân số đạt 105 người/km². Lịch sử Xa xưa, vùng đất huyện Hoàng Su Phì là một bộ phận của huyện Bình Nguyên, tỉnh Tuyên Quang. Đến cuối đời Lê, huyện Bình Nguyên được đổi là châu Vị Xuyên thuộc phủ Tương Yên, tỉnh Tuyên Quang. Năm 1831, châu Vị Xuyên tách thành huyện Vị Xuyên (thuộc phủ Tương An) và huyện Vĩnh Tuy (nay là huyện Hoàng Su Phì). Đến năm 1833, triều đình Nhà Nguyễn cắt phần đất nằm ở hữu ngạn Sông Lô, thành lập huyện mới lấy tên là Vĩnh Tuy (sau đổi là Bắc Quang). Phần đất còn lại gọi là huyện Vị Xuyên với 5 tổng, 31 xã, thôn trong đó có tổng Hoàng Su Phì. Ngày 20 tháng 8 năm 1891, tỉnh Hà Giang được thành lập trên cơ sở phủ Tương yên và huyện Vĩnh Tuy, thuộc đạo quan binh thứ ba. Từ đó huyện Vị Xuyên thuộc tỉnh mới Hà Giang. Về sau huyện này lại chia thành hai huyện Vị Xuyên và Hoàng Su Phì. Dưới thời Pháp thuộc, Hoàng Su Phì (Hoàng Thụ Bì) gồm các tổng xã: Tổng Tụ Nhân: Gồm các xã Bản Luốc, Ho Tao, Trung Thịnh và Tụ Nhân Tổng Xín Mần (Thanh Môn): Gồm các xã Hữu Yên và Man Máy. Ngày 30 tháng 4 năm 1962, dưới chính thể mới của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, một số xã của Hoàng Su Phì được chia thành nhiều xã nhỏ, trong đó: Chia xã Tụ Nhân thành 5 xã: Bản Phùng, Bản Máy, Bản Pắng, Nàn Sỉn và Thàng Tín Chia xã Chí Cà thành 2 xã: Chí Cà và Pà Vầy Sủ. Ngày 13 tháng 12 năm 1962, Bộ Nội vụ ban hành Quyết định số 328-NV về việc đổi tên xã Thèn Chu Thùng thành xã Thèn Chu Phìn. Ngày 15 tháng 12 năm 1962, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định 211/1962/QĐ-CP về việc: Chia các xã Trung Thịnh thành 6 xã: Trung Thịnh, Ngán Chiên, Thu Tà, Việt Thái, Nàng Đôn và Pờ Ly Ngài Chia xã Chế Là thành 4 xã: Cốc Rế, Tả Nhìu, Chế Là và Nấm Dẩn Chia xã Cốc Pài thành 3 xã: Cốc Pài (nay là thị trấn Cốc Pài), Nàn Ma và Bản Ngò. Ngày 1 tháng 4 năm 1965, Chính phủ ban hành Quyết định số 49-CP về việc chia tách huyện Hoàng Su Phì thành 2 huyện: Hoàng Su Phì và Xín Mần. Trong đó huyện Hoàng Su Phì gồm 21 xã. Sau năm 1975, huyện Hoàng Su Phì thuộc tỉnh Hà Tuyên, gồm 21 xã: Bản Luốc, Bản Nhùng, Bản Péo, Chiến Phố, Đản Ván, Hồ Thầu, Nậm Dịch, Nam Sơn, Nàng Đôn, Ngàm Đăng Vài, Pố Lồ, Pờ Ly Ngài, Sán Xả Hồ, Tả Sử Chóng, Tân Tiến, Thàng Tín, Thèn Chu Phìn, Trung Thịnh, Tụ Nhân, Tùng Sán và Vinh Quang. Ngày 14 tháng 5 năm 1981, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định 185/1981/QĐ-CP về việc: Sáp nhập một phần xã Thàng Tín và xã Thèn Chu Phìn vào xã Pố Lồ Sáp nhập một phần xã Pố Lồ vào xã Vinh Quang. Ngày 18 tháng 11 năm 1983, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định 136-HĐBT về việc: Điều chỉnh xã Bản Máy của huyện Xín Mần vào huyện Hoàng Su Phì Điều chỉnh 2 xã: Trung Thịnh và Nàng Đôn vào huyện Xín Mần Điều chỉnh 3 xã: Thông Nguyên, Tiên Nguyên và Xuân Minh của huyện Bắc Quang về huyện Hoàng Su Phì quản lý. Huyện Hoàng Su Phì có 23 xã: Bản Luốc, Bản Máy, Bản Nhùng, Bản Péo, Chiến Phố, Đản Ván, Hồ Thầu, Nậm Dịch, Nam Sơn, Ngàm Đăng Vài, Pố Lồ, Pờ Ly Ngài, Sán Xả Hồ, Tả Sử Chóong, Tân Tiến, Thàng Tín, Thèn Chu Phìn, Thông Nguyên, Tiên Nguyên, Tụ Nhân, Tùng Sán, Vinh Quang và Xuân Minh. Năm 1986, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 14-HĐBT về việc thành lập xã Nậm Khòa tách từ xã Thông Nguyên. Tháng 7 năm 1991, thành lập xã Nậm Ty tách từ xã Thông Nguyên, sáp nhập xã Bản Phùng của huyện Xín Mần vào Hoàng Su Phì. Ngày 1 tháng 10 năm 1991, tỉnh Hà Giang được tái lập, Hoàng Su Phì trở thành huyện của tỉnh Hà Giang. Ngày 29 tháng 8 năm 1994, huyện tiếp nhận lại xã Nàng Đôn từ huyện Xín Mần. Ngày 20 tháng 8 năm 1999, Chính phủ ban hành Nghị định 74/1999/NĐ-CP về việc thành lập thành thị trấn Vinh Quang, thị trấn huyện lỵ huyện Hoàng Su Phì trên cơ sở xã Vinh Quang. Cuối năm 2002, huyện Hoàng Su Phì có thị trấn Vinh Quang và 26 xã: Bản Luốc, Bản Máy, Bản Nhùng, Bản Péo, Bản Phùng, Chiến Phố, Đản Ván, Hồ Thầu, Nậm Dịch, Nậm Khòa, Nam Sơn, Nậm Ty, Nàng Đôn, Ngàm Đăng Vài, Pố Lồ, Pờ Ly Ngài, Sán Xả Hồ, Tả Sử Chóng, Tân Tiến, Thàng Tín, Thèn Chu Phìn, Thông Nguyên, Tiên Nguyên, Tụ Nhân, Tùng Sán, Xuân Minh. Ngày 1 tháng 12 năm 2003, Chính phủ ban hành Nghị định 146/2003/NĐ-CP về việc điều chỉnh toàn bộ các xã Tiên Nguyên và Xuân Minh để thành lập huyện Quang Bình. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính thành lập huyện Quang Bình, huyện Hoàng Su Phì còn lại 62.942 ha diện tích tự nhiên và 53.447 nhân khẩu, có 25 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm 24 xã: Đản Ván, Bản Luốc, Bản Máy, Bản Nhùng, Bản Péo, Bản Phùng, Chiến Phố, Hồ Thầu, Nàng Đôn, Nam Sơn, Nậm Dịch, Nậm Khoà, Nạm Ty, Ngàm Đăng Vài, Pố Lồ, Pờ Ly Ngài, Sán Sả Hồ, Tân Tiến, Tả Sử Choóng, Thông Nguyên, Thàng Tín, Thèn Chu Phìn, Tụ Nhân, Túng Sán và thị trấn Vinh Quang. Ngày 1 tháng 1 năm 2020, xã Bản Péo được sáp nhập vào xã Nậm Dịch. Huyện Hoàng Su Phì có 1 thị trấn và 23 xã như hiện nay. Hành chính Huyện Hoàng Su Phì có 24 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm thị trấn Vinh Quang (huyện lỵ) và 23 xã: Bản Luốc, Bản Máy, Bản Nhùng, Bản Phùng, Chiến Phố, Đản Ván, Hồ Thầu, Nam Sơn, Nàng Đôn, Nậm Dịch, Nậm Khòa, Nậm Ty, Ngàm Đăng Vài, Pố Lồ, Pờ Ly Ngài, Sán Xả Hồ, Tả Sử Choóng, Tân Tiến, Thàng Tín, Thèn Chu Phìn, Thông Nguyên, Tụ Nhân, Túng Sán. Kinh tế - xã hội Một phần ba dân số của huyện sống trên vùng cao nên cuộc sống rất khó khăn. Định hướng của huyện là phát triển trồng chè shan tuyết và thảo quả để cải thiện đời sống của nhân dân. Hoàng Su Phì có 12 dân tộc sinh sống, trong đó đông nhất là dân tộc Nùng chiếm hơn 38%, tiếp đó là dân tộc Dao 22%, H’Mông 13%, còn lại là các dân tộc khác. Hoàng Su Phì là địa bàn sinh sống chính của dân tộc La Chí. Đến năm 2012, huyện Hoàng Su Phì có 199 thôn, tổ dân phố. Văn hóa Hoàng Su Phì là nơi tập trung nhiều lễ hội của các dân tộc như: Lễ hội Khu Cù Tê của dân tộc La Chí Cấp sắc Nhảy lửa Cầu mùa của dân tộc Dao đỏ Lồng Tồng của dân tộc Tày Cúng rừng của dân tộc Nùng Du lịch Hoàng Su Phì nổi tiếng với các di sản ruộng bậc thang của các dân tộc Dao, La Chí, Phù Lá, Tày, Nùng, H'Mông, Pu Péo,... tập trung tại các xã Bản Phùng, Bản Luốc, Bản Nhùng, Nậm Khòa,... Ngoài ra trên địa bàn huyện còn có đỉnh Chiêu Lầu Thi cao 2402 m là một địa điểm trekking nổi tiếng. Chú thích
Một hệ thống đo lường là một bộ các đơn vị đo lường có thể dùng để đo lường bất cứ đại lượng vật lý nào. Bộ các đơn vị đo lường này chứa các đơn vị cơ bản, tất cả các đơn vị đo lường khác đều có thể được suy ra từ các đơn vị cơ bản. Trong nhiều hệ đo lường, các đơn vị đo cơ bản thường ứng với đo đạc chiều dài, khối lượng, và thời gian. Các hệ đo lường đầy đủ hơn chứa thêm điện tích hoặc dòng điện. Trong lịch sử loài người, các hệ đo lường được hình thành dần theo quy ước địa phương để phục vụ trao đổi hàng hóa, đo đạc đất đai... Thời phong kiến, các vị vua quy định dùng các hệ đo lường thống nhất trong lãnh thổ trị vì; một trong các lý do là để giảm gian lận thương mại. Khi giao thương quốc tế trở nên thịnh hành, các hệ đo lường chuẩn cho nhiều quốc gia ra đời. Hiện tại, hệ đo lường phổ biến nhất là hệ đo lường quốc tế.
Bán kính Schwarzschild hay bán kính hấp dẫn RS, của một vật thể là bán kính giới hạn mà nếu kích thước của vật thể bằng với giá trị này thì nó sẽ trở thành một hố đen (lực hấp dẫn lớn tới mức vận tốc vũ trụ cấp hai của vật thể đó đạt tới ngưỡng vận tốc ánh sáng). Bán kính Schwarzschild của vật thể khối lượng M được cho bởi công thức sau: Trong đó là bán kính hấp dẫn Schwarzschild, tính bằng m G là hằng số hấp dẫn (6.6742×10-11 m3 kg-1 s-2) là khối lượng vật thể, tính bằng kg c là vận tốc ánh sáng trong chân không (300.000.000m/s). Bán kính Schwarzschild của Mặt Trời là xấp xỉ 3 km và của Trái Đất là khoảng 9 mm, nghĩa là nếu nén(thu nhỏ) toàn bộ Trái Đất lại thành một viên bi bán kính 9mm thì nó sẽ biến thành một hố đen. Bán kính Schwarzschild là hệ quả của mêtric Schwarzschild do Karl Schwarzschild tìm ra vào năm 1916. Tuy nhiên các nhà thiên văn học cần phải có nhiều thời gian hơn nữa để nghiên cứu sâu, tiếp cận tương đối gần để có thể tính toán, đo đạc chính xác các thông số về mật độ tại điểm kỳ dị, ngoài rìa chân trời sự kiện, hay kích thước hố đen tương quan với khối lượng ,đồng thời dựa trên kết quả quan trắc của nhiều hố đen có thể quan sát được trong vũ trụ, để có đủ cơ sở xây dựng công thức tính bán kính Schwazrschild Rs cùng hằng số hấp dẫn G thật chính xác và thuyết phục .
ATP có thể là: Adenosin triphosphat, ATP (hóa học) Hiệp hội quần vợt nhà nghề nam, ATP (quần vợt) Available-To-Promise, Quá trình ATP
Từ Faust có nhiều nghĩa: Johannes Faust, một nhà giả kim thuật đã trở thành nhân vật chính của nhiều truyền thuyết dân gian và tác phẩm nghệ thuật, trong đó có: Bi kịch của Johann Wolfgang von Goethe, xem Urfaust, Faust (phần I), Faust (phần II). Opera của Charles François Gounod, xem Faust (opera). Bản nhạc giao hưởng của Franz Liszt, xem Faust (Nhạc giao hưởng). Phim Faust – eine deutsche Volkssage (Faust – Một truyền thuyết dân gian Đức) năm 1926. Phim Faust (phim 1960). Văn nhại (tiếng Anh: parody) Faust. Der Tragödie dritter Teil (Faust. Phần ba của bi kịch) của Friedrich Theodor Vischer. Bi kịch của Christopher Marlowe, xem Tragical History of Doctor Faustus. Tiểu thuyết của Thomas Mann, xem Doktor Faustus. Một ban nhạc Đức, xem Faust (ban nhạc). Một hãng sản xuất bia tại Miltenberg (Đức), xem Faust (bia). Một hiệp hội tác giả tại Frankfurt am Main, xem Faust Frankfurt. Hiệp hội FAUST tại Hannover (Đức). Nhà văn nữ Christa Faust.
Chiếc Giỏ bay nhẹ hay cái túi nhẹ đã là một "sản phẩm thừa" của thân thuyền. Trên tất cả nó đã được ứng dụng trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất cho các tàu chiến quân sự. Chiếc giỏ bay nhẹ được thả đi từ bên trên xuyên qua tầng mây khoảng hơn mấy trăm mét, sau đó quan sát và phục vụ việc điều khiển tàu bay. Chiếc thân thuyền được phát triển bởi Juray phục vụ cho việc định thám thẳng ăng ten của một chiếc tàu bay. Sợi dây ăng ten treo tự do tự uốn mình với gió. Các hình thái trọng lượng của thân thuyền phục vụ gia giảm, những cái đã được Juray phát triển tiếp theo sau kĩ thuật vận động chất khí và chấtlỏng. Các thân thuyền đã được Juray tiếp tục phát triển cho giỏ bay nhẹ không cánh.
Chân không (), trong lý thuyết cổ điển, là không gian không chứa vật chất. Từ "vacuum" xuất phát từ một từ Latin vacuus có nghĩa là "trống" hoặc là "khoảng trống". Như vậy chân không có thể tích khác không và khối lượng (và do đó năng lượng) bằng không. Do không có vật chất bên trong, chân không là nơi không có áp suất. Một số lý thuyết lượng tử cho biết khái niệm chân không theo nghĩa cổ điển không tồn tại, do vi phạm nguyên lý bất định. Chân không, theo các lý thuyết này, luôn có sự dao động khối lượng (và do đó năng lượng) nhỏ. Điều này nghĩa là, ở một thời điểm nào đó, luôn có thể xuất hiện một cách ngẫu nhiên các hạt có năng lượng dương và một thời điểm khác hạt này biến mất. Các hạt ngẫu nhiên xuất hiện trong chân không tạo ra một áp suất gọi là áp suất lượng tử chân không. Các thí nghiệm đo đạc áp suất này sẽ giúp khẳng định độ chính xác của các lý thuyết lượng tử về chân không. Trong thực tế, không có nơi nào trong vũ trụ quan sát được tồn tại chân không hoàn hảo như lý thuyết. Các thí nghiệm và các ứng dụng thực tế có thể tạo ra các không gian chứa ít vật chất và có áp suất thấp. Những không gian này cũng hay được gọi là "chân không" trong kỹ thuật, như khi nói về máy bơm chân không, tùy theo quy ước về giới hạn áp suất thấp. Như vậy, chân không được hiểu là khoảng không-thời gian cụ thể có mật độ vật chất thấp và/hoặc rất thấp. Lưu ý, khái niệm thấp và rất thấp ở đây được hiểu một cách tương đối... Trang thái chân không, do đó, hiểu là trạng thái có áp suất nhỏ hơn áp suất khí quyển trung bình chuẩn, và được chia thành: Chân không thấp (p>100Pa) Chân không trung bình (100Pa>p>0.1Pa) Chân không cao (0.1Pa>p>10−5Pa) Chân không siêu cao (p<10−5Pa) Nói chung, nơi có điều kiện gần với chân không nhất là khoảng không giữa các thiên thể, hoặc khoảng không ở ngoài rìa vũ trụ (cách trung tâm Vụ Nổ Lớn hơn 15 tỷ năm ánh sáng). Hạt photon của ánh sáng và bức xạ điện từ được cho là di chuyển trong chân không, đúng hơn là trong không gian không có vật chất nào ngoài hạt này, với tốc độ không đổi và không phụ thuộc vào hệ quy chiếu, thường được gọi là tốc độ ánh sáng. Lịch sử Hơn 25 thế kỉ qua, chân không đã được con người gán cho nhiều khái niệm khác nhau. Theo quan niệm của các nhà khoa học thời cổ đại ở thế kỉ XV, mà tiêu biểu là Democritos- cha đẻ của thuyết nguyên tử, cho rằng chân không là không gian không chứa vật chất, trống rỗng, hoàn toàn không có gì. Qua đó, có nghĩa là với thể tích khác không, nhưng khối lượng bằng không dẫn đến năng lượng bằng không thì áp suát bằng không. Một thế kỉ sau, Aristote lại phủ nhận chân không và ca ngợi thiên nhiên. Thiên nhiên có mặt ở khắp mọi nơi, cho rằng không gian chứa đầy "ete vũ trụ"-chất "tinh túy tuyệt vời", nó có mặt ở mọi nơi, mọi chốn. Vậy, chân không không thể tồn tại, vì nếu có thì chuyển động của một vật sẽ phải "tức thời" hay "bất tận". Những tư duy ý niệm có tính triết học về chân không. "trống rỗng", "hư vô" thống trị tư duy của thế giới Ả Rập, La Mã, Hy Lạp đó chỉ bị đánh đổ khi có sự ra đời khoa học thực nghiệm của Galileo (1564-1642), Pascal (1623-1662), Torricelli (1608-1647) ở thế kỉ XVII. Dù bản chất của chân không chưa được sáng tỏ nhưng kể từ đó, chân không mới đi dần vào hiện thực cuộc sống. Nhưng đến năm 1654, sau thí nghiệm của Quả cầu Magdeburg do Otto von Guericke tiến hành tại bang Magdeburg, nước Đức, quê hương ông, chân không mới thực sự được hiểu đúng và bắt đầu phục vụ sản xuất. Có thể nói, ông là người đặt nền tảng, là cha đẻ của chân không. Nói về thí nghiệm Quả cầu Magdeburg. Mỗi học sinh đều được học ở trung học, trong thí nghiệm này, có 16 con ngựa - mỗi bên tám con kéo một bán cầu kim loại đã mài nhẵn, áp sát vào nhau và được rút hết không khí bên trong bằng chiếc máy hút chân không cũng do Otto chế tạo vào năm 1650. Qua thí nghiệm này, con người mới thấy được sức ép to lớn của khí quyển lên mặt đất như thế nào. Ngày nay, lý thuyết lượng tử đã khẳng định rằng: Do sự đúng đắn của nguyên lý bất định mà luôn có sự dao động khối lượng và năng lượng (dù rất nhỏ) trong lòng chân không. Nghĩa là, những hạt mang năng lượng vẫn tồn tại trong chân không. Chúng tạo ra áp suất trong lòng chân không, gọi là áp suất lượng tử chân không. Và, thực tế đã chứng minh không tồn tại môi trường chân không hoàn hảo như lý thuyết. Chân không được tạo ra thực tế có ít vật chất, áp suất thấp, được gọi là chân không kĩ thuật. Điện từ học Trong điện từ học cổ điển, chân không của môi trường tự do, hay môi trường tự do hay chân không hoàn hảo, là một môi trường tham chiếu chuẩn cho các hiệu ứng điện từ. Một vài tác giả xem môi trường tham chiếu này là chân không cổ điển, một thuật ngữ có khuynh hướng để phân biệt với chân không QED hay chân không QCD, nơi mà sự dao động chân không có thể tạo ra mật độ hạt ảo tức thời và hằng số điện môi và độ thấm tương đối không giống nhau. Trong lý thuyết điện từ học cổ điển, môi trường tự do có các tính chất sau: Bức xạ điện từ truyền qua mà không bị cản trở với vận tốc bằng vận tốc ánh sáng, 299.792,458 m/s theo đơn vị SI. Các nguyên tắc chồng chất điện từ hoàn toàn chính xác. Điện môi và thấm điện chính là hằng số điện môi ε0]] vá hằng số từ μ0]], lần lượt (theo đơn vị SI), hay chính xác là 1 (theo đơn vị Gauss). Trở kháng (η) bằng trở kháng của môi trường chân không Z0 ≈ 376.73 Ω. Chân không của điện từ học cổ điển có thể được xem xét là môi trường điện từ lý tưởng với quan hệ trong hệ SI dược biểu diễn: mối tương quan giữa trường D và E, và trường từ H-field H thành trường từ B-field B. Với r là vị trí trong không gian và t là thời gian.
Chủ nghĩa nhân văn hay chủ nghĩa nhân bản là một lập trường triết học nhấn mạnh tiềm năng cá nhân và xã hội cũng như quyền tự chủ của con người, những người được coi là điểm khởi đầu cho cuộc tìm hiểu đạo đức và triết học nghiêm túc. Ý nghĩa của thuật ngữ “chủ nghĩa nhân văn” đã thay đổi theo các phong trào trí tuệ liên tiếp gắn liền với nó. Trong thời kỳ Phục hưng Ý, các tác phẩm cổ đã truyền cảm hứng cho các học giả Ý, làm phát sinh phong trào chủ nghĩa nhân văn thời Phục hưng. Trong Thời đại Khai sáng, các giá trị nhân văn được tái củng cố nhờ những tiến bộ trong khoa học và công nghệ, mang lại niềm tin cho con người trong việc khám phá thế giới. Đến đầu thế kỷ 20, các tổ chức ủng hộ chủ nghĩa nhân văn đã phát triển mạnh mẽ ở Châu Âu và Hoa Kỳ, và từ đó đã mở rộng ra toàn thế giới. Vào đầu thế kỷ 21, thuật ngữ này thường biểu thị sự tập trung vào hạnh phúc của con người và ủng hộ quyền tự do, quyền tự chủ và tiến bộ của con người. Nó coi nhân loại có trách nhiệm thúc đẩy và phát triển cá nhân, tán thành phẩm giá bình đẳng và vốn có của tất cả con người, đồng thời nhấn mạnh mối quan tâm đối với con người trong mối quan hệ với thế giới. Bắt đầu từ thế kỷ 20, các phong trào nhân văn thường không mang tính tôn giáo và gắn liền với chủ nghĩa thế tục. Thông thường nhất, chủ nghĩa nhân văn đề cập đến một quan điểm phi thần học tập trung vào cơ quan con người và dựa vào khoa học và lý trí hơn là sự mặc khải từ một nguồn siêu nhiên để hiểu thế giới. Những người theo chủ nghĩa nhân văn có xu hướng ủng hộ nhân quyền, tự do ngôn luận, các chính sách tiến bộ và dân chủ. Những người có thế giới quan nhân văn cho rằng tôn giáo không phải là điều kiện tiên quyết của đạo đức và phản đối việc tôn giáo vướng mắc quá mức vào giáo dục và nhà nước. Các tổ chức nhân văn đương đại hoạt động dưới sự bảo trợ của Humanists International. Các hiệp hội nhân văn nổi tiếng là Hiệp hội Nhân văn Vương quốc Anh và Hiệp hội Nhân văn Hoa Kỳ. Từ nguyên Từ "chủ nghĩa nhân văn" bắt nguồn từ từ tiếng Latin humanitas, được Cicero và các nhà tư tưởng khác sử dụng lần đầu tiên ở La Mã cổ đại để mô tả các giá trị liên quan đến giáo dục khai phóng. Từ nguyên này tồn tại trong khái niệm đại học hiện đại về nhân văn - nghệ thuật, triết học, lịch sử, văn học và các ngành liên quan. Từ này xuất hiện trở lại trong thời kỳ Phục hưng Ý với tên umanista và đi vào tiếng Anh vào thế kỷ 16. Từ "nhân văn" được dùng để mô tả một nhóm sinh viên văn học cổ điển và những người ủng hộ nền giáo dục cổ điển. Vào cuối thế kỷ 18, Thomas Howes là một trong nhiều đối thủ của Joseph Priestley trong các cuộc tranh chấp Đơn vị nổi tiếng. Do ý nghĩa học thuyết khác nhau của Nhất vị luận và Chủ nghĩa Nhất thể, Howes đã đặt ra "tên gọi chính xác hơn của những người theo chủ nghĩa nhân văn và chủ nghĩa nhân văn" khi đề cập đến những người như Priestley "những người duy trì nhân tính đơn thuần của Chúa Kitô". Nguồn gốc thần học này của chủ nghĩa nhân văn được coi là lỗi thời. Vào đầu thế kỷ 19, thuật ngữ humanismus được sử dụng ở Đức với nhiều nghĩa và từ đó, nó quay trở lại tiếng Anh với hai ký hiệu riêng biệt; một thuật ngữ học thuật liên quan đến việc nghiên cứu văn học cổ điển và cách sử dụng phổ biến hơn nhằm biểu thị một cách tiếp cận phi tôn giáo đối với cuộc sống trái ngược với chủ nghĩa hữu thần. Có lẽ nhà thần học người Bavaria Friedrich Immanuel Niethammer đã đặt ra thuật ngữ chủ nghĩa nhân văn để mô tả chương trình giảng dạy cổ điển mới mà ông dự định cung cấp tại các trường trung học ở Đức. Chẳng bao lâu, các học giả khác như Georg Voigt và Jacob Burckhardt đã áp dụng thuật ngữ này. Vào thế kỷ 20, từ này đã được tinh chỉnh hơn nữa, mang ý nghĩa hiện đại về cách tiếp cận cuộc sống theo chủ nghĩa tự nhiên và tập trung vào hạnh phúc và tự do của con người. Định nghĩa Không có một định nghĩa duy nhất và được chấp nhận rộng rãi về chủ nghĩa nhân văn, và các học giả đã đưa ra những ý nghĩa khác nhau cho thuật ngữ này. Đối với triết gia Sidney Hook, viết vào năm 1974, những người theo chủ nghĩa nhân văn phản đối việc áp đặt một nền văn hóa vào một số nền văn minh, không thuộc về một nhà thờ hay một tôn giáo chính thức nào, không ủng hộ các chế độ độc tài và không biện minh cho việc sử dụng bạo lực để cải cách xã hội. Hook cũng cho biết các nhà nhân văn ủng hộ việc xóa đói và cải thiện sức khỏe, nhà ở và giáo dục. Trong cùng một bộ sưu tập đã được biên tập, triết gia Nhân văn H. J. Blackham cho rằng chủ nghĩa nhân văn là một khái niệm tập trung vào việc cải thiện điều kiện xã hội của nhân loại bằng cách tăng cường quyền tự chủ và phẩm giá của tất cả con người. Năm 1999, Jeaneane D. Fowler cho biết định nghĩa về chủ nghĩa nhân văn nên bao gồm việc bác bỏ thần thánh và nhấn mạnh vào hạnh phúc và tự do của con người. Bà cũng lưu ý rằng vẫn còn thiếu hệ thống niềm tin hoặc học thuyết chung, nhưng nhìn chung, những người theo chủ nghĩa nhân văn hướng tới hạnh phúc và sự tự thỏa mãn. Năm 2015, nhà nhân văn nổi tiếng Andrew Copson đã cố gắng định nghĩa chủ nghĩa nhân văn như sau: Chủ nghĩa nhân văn mang tính tự nhiên trong cách hiểu về vũ trụ; khoa học và sự tìm hiểu tự do sẽ giúp chúng ta hiểu biết nhiều hơn về vũ trụ. Cách tiếp cận khoa học này không hạ thấp con người xuống mức thấp hơn con người. Những người theo chủ nghĩa nhân văn coi trọng việc theo đuổi một cuộc sống hạnh phúc, có ý nghĩa và tự xác định. Chủ nghĩa nhân văn là đạo đức; đạo đức là con đường để con người cải thiện cuộc sống. Các nhà nhân văn tham gia vào hành động thiết thực để cải thiện điều kiện cá nhân và xã hội. Theo Liên minh Nhân văn và Đạo đức Quốc tế:Chủ nghĩa nhân văn là một quan điểm sống dân chủ và đạo đức, khẳng định con người có quyền và có trách nhiệm tạo ra ý nghĩa và hình dáng cho cuộc sống của chính mình. Nó tượng trưng cho việc xây dựng một xã hội nhân đạo hơn thông qua đạo đức dựa trên con người và các giá trị tự nhiên khác trên tinh thần lý trí và tự do tìm hiểu thông qua khả năng của con người. Nó không phải là hữu thần, và nó không chấp nhận những quan điểm siêu nhiên về thực tại.Từ điển định nghĩa chủ nghĩa nhân văn là một thế giới quan hoặc lập trường triết học. Theo Từ điển Merriam Webster, chủ nghĩa nhân văn là "... một học thuyết, thái độ hoặc cách sống tập trung vào lợi ích hoặc giá trị của con người; đặc biệt: một triết lý thường bác bỏ chủ nghĩa siêu nhiên và nhấn mạnh đến phẩm giá, giá trị và khả năng tự nhận thức của một cá nhân thông qua lý do". Lịch sử Tiền nhiệm Dấu vết của chủ nghĩa nhân văn có thể được tìm thấy trong triết học Hy Lạp cổ đại. Các triết gia tiền Socrates là những triết gia phương Tây đầu tiên cố gắng giải thích thế giới theo lý trí con người và quy luật tự nhiên mà không dựa vào thần thoại, truyền thống hay tôn giáo. Protagoras, sống ở Athens c. 440 TCN, đưa ra một số ý tưởng nhân văn cơ bản, mặc dù chỉ có những phần nhỏ trong tác phẩm của ông còn tồn tại. Ông đã đưa ra một trong những tuyên bố bất khả tri đầu tiên; theo một đoạn: "Về các vị thần, tôi không thể biết rằng chúng tồn tại hay chúng không tồn tại cũng như chúng có hình dạng như thế nào: vì nhiều điều ngăn cản tôi biết điều này, sự mù mờ của nó và sự ngắn ngủi của cuộc đời con người". Socrates nói về sự cần thiết phải “biết chính mình”; tư tưởng của ông đã thay đổi trọng tâm của triết học đương đại từ thiên nhiên sang con người và hạnh phúc của họ. Socrates, một người hữu thần bị xử tử vì chủ nghĩa vô thần, đã nghiên cứu bản chất của đạo đức bằng lý luận. Aristotle (384–322 TCN) dạy chủ nghĩa duy lý và một hệ thống đạo đức dựa trên bản chất con người cũng song hành với tư tưởng nhân văn. Vào thế kỷ thứ ba trước Công nguyên, Epicurus đã phát triển một triết lý có ảnh hưởng lớn, lấy con người làm trung tâm, tập trung vào việc đạt được eudaimonia. Chủ nghĩa sử thi tiếp tục lý thuyết nguyên tử của Democritus—một lý thuyết duy vật cho rằng đơn vị cơ bản của vũ trụ là một nguyên tử không thể phân chia được. Hạnh phúc của con người, cuộc sống tốt đẹp, tình bạn và việc tránh xa những điều thái quá là những thành phần chính của triết học Epicurean phát triển mạnh mẽ trong và ngoài thế giới hậu Hy Lạp. Các học giả lặp đi lặp lại quan điểm rằng những đặc điểm nhân văn trong tư tưởng Hy Lạp cổ đại là nguồn gốc của chủ nghĩa nhân văn 2.000 năm sau. Các phong trào tiền thân khác đôi khi sử dụng từ vựng giống hoặc tương đương với chủ nghĩa nhân văn hiện đại của phương Tây có thể được tìm thấy trong triết học và tôn giáo Trung Quốc như Đạo giáo và Nho giáo. Các bản dịch tiếng Ả Rập của văn học Hy Lạp cổ đại trong thời kỳ Nhà Abbas vào thế kỷ thứ tám và thứ chín đã ảnh hưởng đến các triết gia Hồi giáo. Nhiều nhà tư tưởng Hồi giáo thời trung cổ theo đuổi diễn ngôn mang tính nhân văn, hợp lý và khoa học trong quá trình tìm kiếm kiến thức, ý nghĩa và giá trị. Một loạt các tác phẩm Hồi giáo về tình yêu, thơ ca, lịch sử và thần học triết học cho thấy tư tưởng Hồi giáo thời trung cổ cởi mở với những ý tưởng nhân văn về chủ nghĩa cá nhân, đôi khi là chủ nghĩa thế tục, chủ nghĩa hoài nghi, chủ nghĩa tự do và tự do ngôn luận; các trường học được thành lập tại Baghdad, Basra và Isfahan. Phục hưng Bài chi tiết: Chủ nghĩa nhân văn thời Phục hưng Phong trào trí tuệ sau này được gọi là chủ nghĩa nhân văn thời Phục hưng lần đầu tiên xuất hiện ở Ý và có ảnh hưởng lớn đến cả văn hóa phương Tây đương thời và hiện đại. Chủ nghĩa nhân văn thời Phục hưng nổi lên ở Ý và mối quan tâm mới đến văn học và nghệ thuật xuất hiện ở Ý vào thế kỷ 13. Các học giả Ý đã khám phá ra tư tưởng Hy Lạp cổ đại, đặc biệt là của Aristotle, thông qua các bản dịch tiếng Ả Rập từ Châu Phi và Tây Ban Nha. Các trung tâm khác là Verona, Naples và Avignon. Petrarch, người thường được coi là cha đẻ của chủ nghĩa nhân văn, là một nhân vật quan trọng. Petrarch lớn lên ở Avignon; ông có thiên hướng đi học từ rất sớm và học cùng với người cha được giáo dục tốt của mình. Sự nhiệt tình của Petrarch đối với các văn bản cổ đã khiến ông khám phá ra những bản thảo như Pro Archia của Cicero và De Chorographia của Pomponius Mela có ảnh hưởng đến sự phát triển của thời Phục hưng. Petrarch đã viết những bài thơ Latinh như Canzoniere và De viris illustribus, trong đó ông mô tả những ý tưởng nhân văn. Đóng góp quan trọng nhất của ông là danh sách các cuốn sách phác thảo bốn lĩnh vực chính—hùng biện, triết học đạo đức, thơ ca và ngữ pháp—đã trở thành nền tảng của nghiên cứu nhân văn (studia humanitatis). Danh sách của Petrarch chủ yếu dựa vào các tác giả cổ đại, đặc biệt là Cicero. Sự hồi sinh của các tác giả theo chủ nghĩa cổ điển tiếp tục sau cái chết của Petrarch. Chưởng ấn Florence và nhà nhân văn Coluccio Salutati đã biến thành phố của ông trở thành trung tâm nổi bật của chủ nghĩa nhân văn thời Phục hưng; Nhóm của ông bao gồm các nhà nhân văn nổi tiếng khác—trong đó có Leonardo Bruni, người đã khám phá lại, dịch và phổ biến các văn bản cổ. Những người theo chủ nghĩa nhân văn có ảnh hưởng nặng nề đến giáo dục. Vittorino da Feltre và Guarino Veronese đã tạo ra các trường học dựa trên các nguyên tắc nhân văn; chương trình giảng dạy của họ đã được áp dụng rộng rãi và đến thế kỷ 16, Paideia nhân văn là quan điểm chủ đạo của giáo dục dự bị đại học. Song song với những tiến bộ trong giáo dục, các nhà nhân văn thời Phục hưng đã đạt được tiến bộ trong các lĩnh vực như triết học, toán học và tôn giáo. Về triết học, Angelo Poliziano, Nicholas xứ Cusa và Marsilio Ficino đã đóng góp nhiều hơn vào sự hiểu biết của các nhà triết học cổ điển cổ đại và Giovanni Pico della Mirandola đã làm suy yếu sự thống trị của triết học Aristoteles bằng cách làm sống lại chủ nghĩa hoài nghi của Sextus Empiricus. Các nghiên cứu tôn giáo bị ảnh hưởng bởi sự phát triển của chủ nghĩa nhân văn thời Phục hưng khi Giáo hoàng Nicholas V khởi xướng việc dịch các văn bản Kinh thánh tiếng Do Thái và tiếng Hy Lạp, cũng như các văn bản khác bằng các ngôn ngữ đó sang tiếng Latinh đương thời. Các giá trị nhân văn lan rộng từ Ý vào thế kỷ 15. Sinh viên, học giả sang Ý học tập trước khi trở về quê hương mang theo những thông điệp nhân văn. Các nhà in dành riêng cho các văn bản cổ được thành lập ở Venice, Basel và Paris. Vào cuối thế kỷ 15, trung tâm của chủ nghĩa nhân văn đã chuyển từ Ý sang Bắc Âu, với Erasmus ở Rotterdam là học giả nhân văn hàng đầu. Hiệu quả lâu dài nhất của chủ nghĩa nhân văn thời Phục hưng là chương trình và phương pháp giáo dục của nó. Những người theo chủ nghĩa nhân văn nhấn mạnh vào tầm quan trọng của văn học cổ điển trong việc cung cấp kỷ luật trí tuệ, tiêu chuẩn đạo đức và khẩu vị văn minh cho giới thượng lưu—một cách tiếp cận giáo dục đã đạt đến kỷ nguyên đương đại. Thời kỳ khai sáng Trong Thời đại Khai sáng, những ý tưởng nhân văn lại nổi lên, lần này xa hơn từ tôn giáo và văn học cổ điển. Khoa học và chủ nghĩa trí tuệ tiến bộ, và các nhà nhân văn lập luận rằng tính hợp lý có thể thay thế chủ nghĩa thần linh như một phương tiện để hiểu thế giới. Các giá trị nhân văn, chẳng hạn như lòng khoan dung và phản đối chế độ nô lệ, bắt đầu hình thành. Những ý tưởng triết học, xã hội và chính trị mới xuất hiện. Một số nhà tư tưởng bác bỏ chủ nghĩa hữu thần một cách thẳng thừng; và chủ nghĩa vô thần, thần giáo và sự thù địch với tôn giáo có tổ chức được hình thành. Trong thời kỳ Khai sáng, Baruch Spinoza đã định nghĩa lại Thiên Chúa là biểu tượng cho tổng thể của tự nhiên; Spinoza bị buộc tội theo chủ nghĩa vô thần nhưng vẫn giữ im lặng về vấn đề này. Chủ nghĩa tự nhiên cũng được thúc đẩy bởi các Encyclopédistes nổi tiếng. Nam tước d'Holbach đã viết Hệ thống Tự nhiên mang tính bút chiến, tuyên bố rằng tôn giáo được xây dựng trên sự sợ hãi và đã giúp đỡ những kẻ bạo chúa trong suốt lịch sử. Diderot và Helvetius đã kết hợp chủ nghĩa duy vật của họ với sự phê phán chính trị sắc bén. Cũng trong thời kỳ Khai sáng, quan niệm trừu tượng về con người bắt đầu hình thành - một thời điểm quan trọng cho việc xây dựng triết học nhân văn. Những lời kêu gọi trước đây đối với “đàn ông” giờ chuyển sang “quý ông”; để minh họa quan điểm này, học giả Tony Davies chỉ ra các tài liệu chính trị như Khế ước xã hội (1762) của Rousseau, trong đó ông nói "Con người sinh ra tự do, nhưng ở khắp mọi nơi đều bị xiềng xích". Tương tự như vậy, Quyền con người của Thomas Paine sử dụng dạng số ít của từ này, bộc lộ một quan niệm phổ quát về "con người". Song song đó, chủ nghĩa kinh nghiệm Baconian—mặc dù bản thân nó không phải là chủ nghĩa nhân văn—dẫn đến chủ nghĩa duy vật của Thomas Hobbes. Học giả J. Brent Crosson lập luận rằng, mặc dù có niềm tin rộng rãi rằng sự ra đời của chủ nghĩa nhân văn chỉ là chuyện của châu Âu, nhưng tư tưởng trí tuệ từ châu Phi và châu Á cũng đóng góp đáng kể. Ông cũng lưu ý rằng trong thời kỳ khai sáng, con người phổ quát không bao gồm tất cả mọi người mà được định hình bởi giới tính và chủng tộc. Theo Crosson, sự chuyển đổi từ con người sang con người bắt đầu trong thời kỳ khai sáng và vẫn đang tiếp diễn. Crosson cũng lập luận rằng sự khai sáng, đặc biệt là ở Anh, không chỉ tạo ra khái niệm về con người phổ quát mà còn sinh ra những ý tưởng giả khoa học, chẳng hạn như những ý tưởng về sự khác biệt giữa các chủng tộc, đã định hình nên lịch sử châu Âu. Từ Darwin đến thời đại hiện nay Triết gia người Pháp Auguste Comte (1798–1857) đã đưa ra ý tưởng—mà đôi khi được cho là của Thomas Paine—về một "tôn giáo của nhân loại". Theo học giả Tony Davies, đây vốn là một giáo phái vô thần dựa trên một số nguyên lý nhân văn và có một số thành viên nổi bật nhưng nhanh chóng suy tàn. Tuy nhiên, nó vẫn có ảnh hưởng trong thế kỷ 19, và chủ nghĩa nhân văn cũng như sự bác bỏ chủ nghĩa siêu nhiên của nó được lặp lại trong các tác phẩm của các tác giả sau này như Oscar Wilde, George Holyoake—người đặt ra từ chủ nghĩa thế tục—George Eliot, Émile Zola và E. S. Beesly. Cuốn The Age of Reason của Paine, cùng với những lời phê bình Kinh thánh thế kỷ 19 của các nhà Hegel người Đức David Strauss và Ludwig Feuerbach, cũng góp phần tạo ra những hình thức mới của chủ nghĩa nhân văn. Những tiến bộ trong khoa học và triết học đã cung cấp cho các học giả những lựa chọn thay thế khác cho niềm tin tôn giáo. Lý thuyết về chọn lọc tự nhiên của Charles Darwin đã đưa ra cho các nhà tự nhiên học lời giải thích về tính đa dạng của các loài. Lý thuyết của Darwin cũng cho rằng con người chỉ đơn giản là một loài tự nhiên, mâu thuẫn với quan điểm thần học truyền thống coi con người cao hơn động vật. Các triết gia Ludwig Feuerbach, Friedrich Nietzsche, và Karl Marx tấn công tôn giáo trên nhiều cơ sở, còn các nhà thần học David Strauss và Julius Wellhausen đặt câu hỏi về Kinh thánh. Song song đó, chủ nghĩa vị lợi được phát triển ở Anh thông qua các tác phẩm của Jeremy Bentham và John Stuart Mill. Chủ nghĩa vị lợi, một triết lý đạo đức, tập trung vào hạnh phúc của con người, nhằm mục đích loại bỏ nỗi đau của con người và động vật bằng các phương tiện tự nhiên. Ở châu Âu và Mỹ, khi các phê bình triết học về niềm tin hữu thần ngày càng gia tăng, phần lớn xã hội đã xa lánh tôn giáo. Các xã hội có đạo đức được hình thành, dẫn tới phong trào nhân văn đương đại. Sự trỗi dậy của chủ nghĩa duy lý và phương pháp khoa học được tiếp nối vào cuối thế kỷ 19 ở Anh với sự khởi đầu của nhiều hiệp hội duy lý và đạo đức, chẳng hạn như Hiệp hội Thế tục Quốc gia, Liên minh Đạo đức và Hiệp hội Báo chí Duy lý. Trong thế kỷ 20, chủ nghĩa nhân văn được thúc đẩy hơn nữa nhờ công trình của các triết gia như A. J. Ayer, Antony Flew và Bertrand Russell, những người ủng hộ chủ nghĩa vô thần trong cuốn Tại sao tôi không phải là người theo đạo Cơ đốc đã phổ biến rộng rãi hơn nữa các ý tưởng nhân văn. Năm 1963, Hiệp hội Nhân văn Anh phát triển từ Liên minh Đạo đức và sáp nhập với nhiều nhóm đạo đức và duy lý nhỏ hơn. Ở những nơi khác ở châu Âu, các tổ chức nhân văn cũng phát triển mạnh mẽ. Ở Hà Lan, Liên minh Nhân văn Hà Lan đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi sau Thế chiến thứ hai; ở Na Uy, Hiệp hội Nhân văn Na Uy đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi. Ở Hoa Kỳ, chủ nghĩa nhân văn phát triển với sự trợ giúp của những nhân vật quan trọng của Giáo hội Nhất thể. Các tạp chí nhân văn bắt đầu xuất hiện, bao gồm The New Humanist, xuất bản Tuyên ngôn Nhân văn I vào năm 1933. Liên minh Đạo đức Hoa Kỳ nổi lên từ các xã hội nhỏ, mới thành lập, theo chủ nghĩa đạo đức. Hiệp hội Nhân văn Hoa Kỳ (AHA) được thành lập vào năm 1941 và trở nên phổ biến như một số đối tác ở Châu Âu. AHA lan rộng đến tất cả các bang và một số nhân vật nổi tiếng như Isaac Asimov, John Dewey, Erich Fromm, Paul Kurtz, Carl Sagan và Gene Roddenberry đã trở thành thành viên. Các tổ chức nhân văn từ khắp các châu lục đã thành lập Liên minh Đạo đức và Nhân văn Quốc tế (IHEU), hiện được gọi là Nhân văn Quốc tế, và thúc đẩy chương trình nghị sự nhân văn thông qua các tổ chức Liên hợp quốc UNESCO và UNICEF. Chủ nghĩa nhân văn đa dạng Những nhà tự nhiên học đầu thế kỷ 20, những người xem chủ nghĩa nhân văn của họ như một tôn giáo và tham gia vào các giáo đoàn giống như nhà thờ, đã sử dụng thuật ngữ "chủ nghĩa nhân văn tôn giáo". Chủ nghĩa nhân văn tôn giáo xuất hiện chủ yếu ở Mỹ và hiện nay hiếm khi được thực hành. Hiệp hội Nhân văn Hoa Kỳ phát sinh từ chủ nghĩa nhân văn tôn giáo. Thuật ngữ tương tự đã được các nhóm tôn giáo như Quaker sử dụng để mô tả thần học nhân văn của họ. Thuật ngữ "chủ nghĩa nhân văn thời Phục hưng" được đặt cho một truyền thống cải cách văn hóa và giáo dục được thực hiện bởi các thủ tướng dân sự và giáo hội, nhà sưu tập sách, nhà giáo dục và nhà văn phát triển trong thế kỷ 14 và đầu thế kỷ 15. Vào cuối thế kỷ 15, những học giả này bắt đầu được gọi là umanisti (những nhà nhân văn). Trong khi nguồn gốc của chủ nghĩa nhân văn hiện đại có thể bắt nguồn từ thời Phục hưng, thì chủ nghĩa nhân văn thời Phục hưng lại rất khác..Các thuật ngữ khác sử dụng "chủ nghĩa nhân văn" trong tên của họ bao gồm: Chủ nghĩa nhân văn Kitô giáo: một dòng lịch sử vào cuối thời Trung cổ trong đó các học giả Kitô giáo kết hợp đức tin Kitô giáo với sự quan tâm đến thời cổ đại và tập trung vào hạnh phúc của con người. Chủ nghĩa nhân văn đạo đức: một từ đồng nghĩa với Văn hóa đạo đức, nổi bật ở Mỹ vào đầu thế kỷ 20 và tập trung vào mối quan hệ giữa con người với nhau. Chủ nghĩa nhân văn khoa học: điều này nhấn mạnh niềm tin vào phương pháp khoa học như một thành phần của chủ nghĩa nhân văn như được mô tả trong các tác phẩm của John Dewey và Julian Huxley; chủ nghĩa nhân văn khoa học phần lớn đồng nghĩa với chủ nghĩa nhân văn thế tục. Chủ nghĩa nhân văn thế tục: được đặt ra vào giữa thế kỷ 20, ban đầu nó là một nỗ lực nhằm bôi nhọ chủ nghĩa nhân văn, nhưng một số hiệp hội nhân văn đã chấp nhận thuật ngữ này. Chủ nghĩa nhân văn thế tục đồng nghĩa với phong trào nhân văn đương thời. Chủ nghĩa nhân văn Marxist: một trong một số trường phái đối thủ của tư tưởng Marxist chấp nhận các nguyên lý nhân văn cơ bản như chủ nghĩa thế tục và chủ nghĩa tự nhiên, nhưng khác với các nhánh khác của chủ nghĩa nhân văn vì quan điểm mơ hồ của nó về dân chủ và bác bỏ ý chí tự do. Chủ nghĩa nhân văn kỹ thuật số: một khuôn khổ triết học và đạo đức mới nổi nhằm tìm cách bảo tồn và phát huy các giá trị, phẩm giá và hạnh phúc của con người trong bối cảnh tiến bộ công nghệ nhanh chóng, đặc biệt là trong lĩnh vực kỹ thuật số. Triết lý Immanuel Kant đã cung cấp cơ sở triết học hiện đại cho câu chuyện nhân văn. Lý thuyết về triết học phê phán của ông đã hình thành nền tảng của thế giới tri thức, bảo vệ chủ nghĩa duy lý và đặt nền tảng cho nó trong thế giới thực nghiệm. Ông cũng ủng hộ ý tưởng về quyền tự chủ đạo đức của cá nhân, đây là nền tảng cho triết lý của ông. Theo Kant, đạo đức là sản phẩm của cách sống con người chứ không phải là một tập hợp các giá trị cố định. Thay vì một quy tắc đạo đức phổ quát, Kant đề xuất một quy trình phổ quát nhằm định hình nền đạo đức khác nhau giữa các nhóm người. Chủ nghĩa nhân văn gắn liền với tính hợp lý. Đối với những người theo chủ nghĩa nhân văn, con người là sinh vật có lý trí, lý trí và phương pháp khoa học là phương tiện đi tìm chân lý. Những người theo chủ nghĩa nhân văn cho rằng khoa học và tính hợp lý đã thúc đẩy sự phát triển thành công trong nhiều lĩnh vực khác nhau trong khi việc viện dẫn các hiện tượng siêu nhiên không giải thích được thế giới một cách mạch lạc. Một dạng suy nghĩ phi lý là quy nạp. Các nhà nhân văn hoài nghi về những lời giải thích về hiện tượng tự nhiên hoặc bệnh tật dựa vào các tác nhân ẩn giấu. Quyền tự chủ của con người là một dấu hiệu khác của triết học nhân văn. Để con người có thể tự chủ, niềm tin và hành động của họ phải là kết quả của lý trí của chính họ. Đối với những người theo chủ nghĩa nhân văn, quyền tự chủ đề cao phẩm giá của mỗi cá nhân; không có quyền tự chủ, nhân tính của con người bị giảm sút. Những người theo chủ nghĩa nhân văn cũng coi bản chất con người là phổ quát, không phân biệt chủng tộc và địa vị xã hội, làm giảm tầm quan trọng của bản sắc tập thể và biểu thị tầm quan trọng của cá nhân. Nhà triết học và người ủng hộ chủ nghĩa nhân văn Corliss Lamont, trong cuốn sách Triết học của chủ nghĩa nhân văn (1997), đã nêu:Trong đạo đức nhân văn, mục đích chính của suy nghĩ và hành động là thúc đẩy lợi ích của con người trần thế này nhằm mang lại vinh quang lớn hơn cho con người. Khẩu hiệu của Chủ nghĩa Nhân văn là hạnh phúc cho toàn thể nhân loại trong kiếp này, trái ngược với sự cứu rỗi linh hồn cá nhân ở kiếp sau và sự tôn vinh một Đấng Tối cao siêu nhiên... Nó chân thành chào đón mọi thú vui lành mạnh và nâng cao cuộc sống, từ những thú vui mãnh liệt của tuổi trẻ đến những thú vui chiêm nghiệm của tuổi trưởng thành, từ những thú vui đơn giản là ăn uống, ánh nắng mặt trời và thể thao, đến sự trân trọng phức tạp hơn đối với nghệ thuật và văn học, tình bạn và sự hiệp thông xã hội. Chủ đề Đạo đức Thái độ nhân văn đối với đạo đức đã thay đổi kể từ khi bắt đầu. Bắt đầu từ thế kỷ 18, các nhà nhân văn đã hướng tới một lập trường khách quan và phổ quát về đạo đức. Cả triết học vị lợi—nhằm mục đích gia tăng hạnh phúc và giảm bớt đau khổ của con người—và đạo đức học Kant, trong đó tuyên bố rằng con người nên hành động phù hợp với những châm ngôn mà con người có thể mong muốn để trở thành quy luật phổ quát, đã định hình nên câu chuyện đạo đức nhân văn cho đến đầu thế kỷ 20. Bởi vì các khái niệm về ý chí tự do và lý trí không dựa trên chủ nghĩa tự nhiên khoa học, nên ảnh hưởng của chúng đối với những người theo chủ nghĩa nhân văn vẫn tồn tại vào đầu thế kỷ 20 nhưng đã bị suy giảm bởi sự tiến bộ xã hội và chủ nghĩa quân bình. Là một phần của những thay đổi xã hội vào cuối thế kỷ 20, đạo đức nhân văn đã phát triển để hỗ trợ chủ nghĩa thế tục, dân quyền, quyền tự chủ cá nhân, khoan dung tôn giáo, chủ nghĩa đa văn hóa và chủ nghĩa quốc tế. Sự phê phán theo chủ nghĩa tự nhiên đối với đạo đức nhân văn là sự phủ nhận sự tồn tại của đạo đức. Đối với những người hoài nghi theo chủ nghĩa tự nhiên, đạo đức không được thiết lập sẵn trong con người trong quá trình tiến hóa của họ; con người chủ yếu là ích kỷ và tự cho mình là trung tâm. Bảo vệ đạo đức nhân văn, triết gia nhân văn John R. Shook đưa ra ba quan sát dẫn đến việc ông chấp nhận đạo đức. Theo Shook, homo sapiens có một khái niệm về đạo đức hẳn đã có với loài người kể từ khi bắt đầu lịch sử loài người, phát triển bằng cách nhận biết và suy nghĩ về các hành vi. Ông cho biết thêm đạo đức là phổ biến trong các nền văn hóa của con người và tất cả các nền văn hóa đều cố gắng nâng cao trình độ đạo đức của mình. Shook kết luận rằng mặc dù đạo đức ban đầu được tạo ra bởi gen của chúng ta, nhưng văn hóa đã định hình đạo đức con người và tiếp tục như vậy. Ông gọi "chủ nghĩa tự nhiên đạo đức" là quan điểm cho rằng đạo đức là một hiện tượng tự nhiên, có thể được nghiên cứu một cách khoa học và là một công cụ chứ không phải là một tập hợp các học thuyết được sử dụng để phát triển văn hóa con người. Nhà triết học nhân văn Brian Ellis ủng hộ một lý thuyết đạo đức nhân văn xã hội gọi là "chủ nghĩa vị lợi hợp đồng xã hội", dựa trên chủ nghĩa tự nhiên và sự đồng cảm của Hume, lý thuyết đạo đức của Aristoteles và chủ nghĩa duy tâm của Kant. Theo Ellis, đạo đức nên hướng tới eudaimonia, một khái niệm của Aristoteles kết hợp một cuộc sống thỏa mãn với đức hạnh và hạnh phúc bằng cách cải thiện xã hội trên toàn thế giới. Nhà nhân văn Andrew Copson áp dụng cách tiếp cận đạo đức theo chủ nghĩa hệ quả và vị lợi; theo Copson, mọi đặc điểm đạo đức nhân văn đều hướng tới phúc lợi con người. Triết gia Stephen Law nhấn mạnh một số nguyên tắc đạo đức nhân văn; tôn trọng quyền tự chủ đạo đức cá nhân, bác bỏ các mệnh lệnh đạo đức do Chúa ban, mục đích vì hạnh phúc của con người và "nhấn mạnh vai trò của lý trí trong việc đưa ra các phán đoán về đạo đức". Cách tiếp cận vô thần của chủ nghĩa nhân văn đối với đạo đức đã khiến các nhà bình luận tôn giáo chỉ trích. Sự cần thiết của một vị thần cung cấp các bộ học thuyết để đạo đức tồn tại là một lập luận phổ biến; theo nhân vật Ivan Karamázov của Dostoevsky trong Anh em nhà Karamazov, "nếu Chúa không tồn tại thì mọi thứ đều được phép". Lập luận này cho thấy sự hỗn loạn sẽ xảy ra nếu niềm tin tôn giáo biến mất. Đối với những người theo chủ nghĩa nhân văn, chủ nghĩa hữu thần là một trở ngại cho đạo đức hơn là một điều kiện tiên quyết cho nó. Theo các nhà nhân văn, hành động chỉ vì sợ hãi, tuân thủ giáo điều và mong được khen thưởng là động cơ ích kỷ hơn là đạo đức. Những người theo chủ nghĩa nhân văn chỉ ra tính chủ quan của những mệnh lệnh thiêng liêng được cho là khách quan bằng cách đề cập đến tình huống khó xử Euthyphro, do Socrates đặt ra ban đầu: "Chúa ra lệnh điều gì đó vì nó tốt hay điều gì đó tốt vì Chúa ra lệnh cho nó?" Nếu sự tốt lành độc lập với Thiên Chúa thì con người có thể đạt tới sự tốt lành mà không cần tôn giáo nhưng thuyết tương đối sẽ nảy sinh nếu Thiên Chúa tạo ra sự tốt lành. Một lập luận khác chống lại sự chỉ trích tôn giáo này là bản chất đạo đức do con người tạo ra, thậm chí thông qua các phương tiện tôn giáo. Việc giải thích thánh thư hầu như luôn bao gồm lý luận của con người; những người giải thích khác nhau đưa ra những lý thuyết trái ngược nhau. Tôn giáo Chủ nghĩa nhân văn được nhiều người coi là phản đối tôn giáo. Nhà triết học tôn giáo David Kline, truy tìm nguồn gốc của sự thù địch này kể từ thời Phục hưng, khi các quan điểm nhân văn phá vỡ trật tự tôn giáo được xác định trước đó. Kline mô tả một số cách mà phản đề này đã phát triển. Kline lưu ý rằng sự xuất hiện của kiến thức tự tin do con người tạo ra, vốn là một phương pháp nhận thức luận mới, đã đẩy nhà thờ ra khỏi vị trí uy quyền của nó. Kline sử dụng mô hình của những người không theo chủ nghĩa nhân văn như Copernicus, Kepler và Galileo để minh họa cách các khám phá khoa học bổ sung vào việc giải cấu trúc câu chuyện tôn giáo ủng hộ kiến thức do con người tạo ra. Điều này cuối cùng đã tách số phận của con người khỏi ý muốn thiêng liêng, thúc đẩy những thay đổi chính trị và xã hội. Mối quan hệ giữa nhà nước và công dân thay đổi khi các nguyên tắc nhân văn công dân xuất hiện; người dân không còn phải phục tùng các chế độ quân chủ có nền tảng tôn giáo mà có thể theo đuổi vận mệnh của riêng mình. Kline cũng chỉ ra các khía cạnh của niềm tin cá nhân đã làm tăng thêm sự thù địch giữa chủ nghĩa nhân văn và tôn giáo. Chủ nghĩa nhân văn gắn liền với những nhà tư tưởng lỗi lạc, những người ủng hộ việc chống lại sự tồn tại của Chúa bằng những lập luận duy lý. Sự phê phán chủ nghĩa hữu thần tiếp tục diễn ra thông qua các cuộc cách mạng nhân văn ở châu Âu, thách thức các thế giới quan, thái độ và mê tín tôn giáo trên cơ sở hợp lý—một xu hướng tiếp tục kéo dài đến thế kỷ 20. Theo Stephen Law, việc tuân theo chủ nghĩa nhân văn theo chủ nghĩa thế tục đã đặt con người vào thế đối đầu với tôn giáo, đặc biệt là các tôn giáo thống trị quốc gia đang cố gắng duy trì những đặc quyền đã đạt được trong những thế kỷ qua. Đáng lưu ý những người theo tôn giáo có thể là những người theo chủ nghĩa thế tục. Law lưu ý rằng chủ nghĩa thế tục bị chỉ trích vì đàn áp quyền tự do ngôn luận của những người theo tôn giáo nhưng kiên quyết phủ nhận cáo buộc đó; thay vào đó, ông nói, chủ nghĩa thế tục bảo vệ loại tự do này nhưng phản đối địa vị đặc quyền của các quan điểm tôn giáo. Theo Andrew Copson, chủ nghĩa nhân văn không phải là không tương thích với một số khía cạnh của tôn giáo. Ông nhận thấy rằng các thành phần như tín ngưỡng, thực hành, bản sắc và văn hóa có thể cùng tồn tại, cho phép một cá nhân chỉ theo một số học thuyết tôn giáo cũng được xác định là một nhà nhân văn. Copson nói thêm rằng các nhà phê bình tôn giáo thường coi chủ nghĩa nhân văn là kẻ thù của tôn giáo nhưng hầu hết những người theo chủ nghĩa nhân văn đều là những người ủng hộ sự khoan dung tôn giáo hoặc thể hiện sự tò mò về tác động của tôn giáo trong xã hội và chính trị, đồng thời bình luận: "Chỉ một số ít thường xuyên bị xúc phạm bởi niềm tin sai lầm của người khác". Ý nghĩa của cuộc sống Vào thế kỷ 19, cùng với sự suy tàn của tôn giáo và mục đích luận kèm theo của nó, câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống trở nên nổi bật hơn. Không giống như các tôn giáo, chủ nghĩa nhân văn không có quan điểm rõ ràng về ý nghĩa cuộc sống. Những người theo chủ nghĩa nhân văn thường nói rằng con người sáng tạo hơn là khám phá ý nghĩa. Trong khi các triết gia như Nietzsche và Sartre viết về ý nghĩa cuộc sống trong một thế giới vô thần thì tác phẩm của Albert Camus đã phản ánh và định hình chủ nghĩa nhân văn. Trong cuốn Huyền thoại về Sisyphus của Camus, ông trích dẫn một câu chuyện thần thoại Hy Lạp, trong đó người anh hùng phi lý Sisyphus có số phận phải đẩy một tảng đá nặng lên một ngọn đồi; tảng đá trượt trở lại và anh ta phải lặp lại nhiệm vụ. Sisyphus phủ nhận Chúa và những ý nghĩa định sẵn của cuộc sống, nhưng lập luận rằng cuộc sống có giá trị và ý nghĩa, và mỗi cá nhân có thể tạo ra ý nghĩa cuộc sống của mình. Do đó, Camus nhấn mạnh tầm quan trọng của quyền tự quyết cá nhân và quyền tự quyết nằm ở trung tâm của chủ nghĩa nhân văn. Những cách giải thích theo chủ nghĩa nhân văn cá nhân về ý nghĩa cuộc sống khác nhau, từ việc theo đuổi hạnh phúc mà không liều lĩnh và thái quá cho đến việc tham gia vào lịch sử loài người và kết nối với những người thân yêu, động vật và thực vật. Một số câu trả lời gần giống với câu trả lời của tôn giáo. diễn ngôn nếu lời kêu gọi thần thánh bị bỏ qua. Theo giáo sư nhân văn Peter Derks, các yếu tố góp phần tạo nên ý nghĩa của cuộc sống là mục đích sống xứng đáng về mặt đạo đức, sự tự đánh giá tích cực, sự hiểu biết về môi trường của mình, được người khác nhìn nhận và thấu hiểu, khả năng kết nối cảm xúc với người khác và khao khát có được ý nghĩa trong cuộc sống. Giáo sư nhân văn Anthony B. Pinn đặt ý nghĩa của cuộc sống vào việc tìm kiếm cái mà ông gọi là "tính chủ quan phức tạp". Pinn, người đang ủng hộ một tôn giáo nhân văn, phi thần được lấy cảm hứng từ các nền văn hóa châu Phi, nói rằng việc tìm kiếm ý nghĩa không bao giờ đạt được của cuộc sống sẽ góp phần mang lại hạnh phúc, và các nghi lễ và nghi lễ, là dịp để suy ngẫm, tạo cơ hội để đánh giá. ý nghĩa của cuộc sống, cải thiện hạnh phúc. Trong đời sống công cộng Trong chính trị Dấu ấn của chủ nghĩa nhân văn đương đại trong chính trị là nhu cầu về chủ nghĩa thế tục. Triết gia Alan Haworth cho biết chủ nghĩa thế tục mang lại sự đối xử công bằng cho mọi công dân của một quốc gia vì tất cả đều được đối xử không phân biệt đối xử; tôn giáo là vấn đề riêng tư và nhà nước không có quyền gì đối với vấn đề này. Ông cũng lập luận rằng chủ nghĩa thế tục giúp ích cho tính đa dạng và đa dạng, vốn là những khía cạnh cơ bản của thế giới hiện đại của chúng ta. Trong khi chủ nghĩa man rợ và bạo lực có thể được tìm thấy ở hầu hết các nền văn minh, Haworth lưu ý rằng tôn giáo thường thúc đẩy những lời hùng biện và tạo điều kiện cho những hành động này. Ông cũng cho biết các giá trị của sự chăm chỉ, trung thực và bác ái được tìm thấy ở các nền văn minh khác. Theo Haworth, chủ nghĩa nhân văn phản đối sự phi lý của chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa toàn trị, cho dù đây là một phần của chủ nghĩa phát xít hay chủ nghĩa cộng sản Marxist-Leninist. Theo giáo sư Joseph O. Baker, trong lý luận chính trị, chủ nghĩa nhân văn đương đại được hình thành bởi hai khuynh hướng chính; thứ nhất là chủ nghĩa cá nhân và thứ hai thiên về chủ nghĩa tập thể. Quỹ đạo của mỗi xu hướng có thể lần lượt dẫn tới chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa xã hội, nhưng vẫn tồn tại một loạt các kết hợp. Những người theo chủ nghĩa nhân văn theo chủ nghĩa cá nhân thường có quan điểm triết học về chủ nghĩa nhân văn; trong chính trị, những người này có khuynh hướng theo chủ nghĩa tự do và trong đạo đức có xu hướng đi theo cách tiếp cận khoa học. Những người theo chủ nghĩa tập thể có quan điểm thực dụng hơn về chủ nghĩa nhân văn, thiên về chủ nghĩa xã hội và có cách tiếp cận nhân đạo đối với đạo đức. Nhóm thứ hai có mối liên hệ với tư tưởng của Marx thời trẻ, đặc biệt là quan điểm nhân học bác bỏ thực tiễn chính trị của ông. Một yếu tố đẩy nhiều nhà nhân văn ra khỏi quan điểm tự do là những hậu quả của chủ nghĩa tân tự do hoặc chủ nghĩa tư bản mà họ cảm thấy nó kéo theo. Chủ nghĩa nhân văn là một phần của cả hai dòng tư tưởng lớn của thế kỷ 20—chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa Mác. Chủ nghĩa xã hội đầu thế kỷ 19 được kết nối với chủ nghĩa nhân văn. Vào thế kỷ 20, cách giải thích mang tính nhân văn về chủ nghĩa Marx tập trung vào các tác phẩm đầu tiên của Marx, xem chủ nghĩa Marx không phải là "chủ nghĩa xã hội khoa học" mà là một sự phê phán triết học nhằm khắc phục "sự tha hóa". Ở Hoa Kỳ, chủ nghĩa tự do chủ yếu gắn liền với các nguyên tắc nhân văn, khác với cách sử dụng cùng một từ của người Châu Âu, vốn có ý nghĩa kinh tế. Vào thời kỳ hậu 1945, Jean-Paul Sartre và các nhà hiện sinh Pháp khác ủng hộ chủ nghĩa nhân văn, liên kết nó với chủ nghĩa xã hội trong khi cố gắng giữ thái độ trung lập trong Chiến tranh Lạnh. Trong tâm lý học và tư vấn Bài chi tiết: Tâm lý học nhân văn Tư vấn nhân văn là tâm lý học ứng dụng lấy cảm hứng từ chủ nghĩa nhân văn, là một xu hướng chính của tư vấn. Có nhiều cách tiếp cận khác nhau như thảo luận và tư duy phản biện, giải đáp nỗi lo lắng hiện hữu và tập trung vào các khía cạnh xã hội và chính trị của vấn đề. Tư vấn nhân văn tập trung vào việc tôn trọng thế giới quan của khách hàng và đặt nó vào bối cảnh văn hóa phù hợp. Cách tiếp cận này nhấn mạnh động lực vốn có của một cá nhân hướng tới sự tự thực hiện và sáng tạo. Nó cũng thừa nhận tầm quan trọng của các câu hỏi đạo đức về sự tương tác của một người với mọi người theo thế giới quan của một người. Điều này được kiểm tra bằng quá trình đối thoại. Tư vấn nhân văn có nguồn gốc từ Hà Lan sau Thế chiến II. Tư vấn nhân văn dựa trên công trình của các nhà tâm lý học Carl Rogers và Abraham Maslow. Nó giới thiệu một tâm lý nhân văn, tích cực để đáp lại những gì Rogers và Maslow coi là quan điểm quá bi quan về phân tâm học vào đầu những năm 1960. Các nguồn khác bao gồm các triết lý của chủ nghĩa hiện sinh và hiện tượng học. Một số tổ chức tư vấn hiện đại có nguồn gốc nhân văn, như Hiệp hội Tư vấn và Trị liệu Tâm lý Anh, được thành lập bởi Harold Blackham, được ông phát triển cùng với Dịch vụ Tư vấn Nhân văn của Hiệp hội Nhân văn Anh. Việc chăm sóc mục vụ nhân văn thời hiện đại ở Anh và Hà Lan dựa trên các yếu tố của tâm lý nhân văn. Nhân khẩu học Dữ liệu nhân khẩu học về các nhà nhân văn rất thưa thớt. Học giả Yasmin Trejo đã xem xét kết quả Nghiên cứu Cảnh quan Tôn giáo năm 2014 của Trung tâm Nghiên cứu Pew. Trejo không dùng sự tự nhận dạng để đo lường những người theo chủ nghĩa nhân văn mà kết hợp câu trả lời của hai câu hỏi: "Bạn tin vào Chúa hay một linh hồn vũ trụ?" (cô ấy chọn những người trả lời 'không') và "khi nói đến câu hỏi đúng hay sai, bạn dựa vào điều nào sau đây để được hướng dẫn nhiều nhất?" (chọn câu trả lời 'thông tin khoa học' và 'triết học và lý trí'). Theo Trejo, hầu hết những người theo chủ nghĩa nhân văn xác định là vô thần hoặc bất khả tri (37% và 18%), 29% là "không có gì đặc biệt", trong khi 16% những người theo chủ nghĩa nhân văn xác định là có tôn giáo. Cô cũng nhận thấy hầu hết những người theo chủ nghĩa nhân văn (80%) đều được nuôi dưỡng trong nền tảng tôn giáo. Sáu mươi phần trăm những người theo chủ nghĩa nhân văn kết hôn với vợ/chồng không theo tôn giáo, trong khi một phần tư kết hôn với người theo đạo Thiên chúa. Có sự phân biệt giới tính giữa những người theo chủ nghĩa nhân văn: 67% là nam giới. Trejo nói rằng điều này có thể được giải thích bởi thực tế là nhiều nam giới tự nhận mình là người vô thần, trong khi phụ nữ có mối liên hệ chặt chẽ hơn với tôn giáo do tính xã hội hóa, ảnh hưởng của cộng đồng và các khuôn mẫu; một số phụ nữ, đặc biệt là những người Latin theo Công giáo, phải theo đạo và nhiều người trong số họ tuân theo những mong đợi của cộng đồng. Những phát hiện khác ghi nhận trình độ học vấn cao của hầu hết những người theo chủ nghĩa nhân văn, cho thấy địa vị kinh tế xã hội cao hơn. Dân số những người theo chủ nghĩa nhân văn áp đảo người da trắng không phải gốc Tây Ban Nha; theo Trejo, điều này là do các nhóm thiểu số thường rất sùng đạo. Phê bình Sự chỉ trích chủ nghĩa nhân văn tập trung vào việc tuân thủ nhân quyền, điều mà một số nhà phê bình gọi là "phương Tây". Các nhà phê bình cho rằng các giá trị nhân văn đã trở thành công cụ thống trị đạo đức của phương Tây, là một hình thức của chủ nghĩa thực dân mới dẫn đến áp bức và thiếu đa dạng về đạo đức. Các nhà phê bình khác, cụ thể là các nhà nữ quyền, các nhà hoạt động da đen, các nhà phê bình hậu thuộc địa, và những người ủng hộ đồng tính nam và đồng tính nữ, nói rằng chủ nghĩa nhân văn là một triết lý áp bức vì nó không thoát khỏi những thành kiến của những người đàn ông da trắng, dị tính đã hình thành nên nó. Giáo sư lịch sử Samuel Moyn tấn công chủ nghĩa nhân văn vì mối liên hệ của nó với nhân quyền. Theo Moyn, khái niệm nhân quyền trong những năm 1960 là lời tuyên bố đấu tranh chống thực dân, nhưng ý tưởng đó sau đó đã biến thành một tầm nhìn không tưởng không tưởng, thay thế cho những điều không tưởng đã thất bại của thế kỷ 20. Do đó, việc sử dụng thuật hùng biện về nhân quyền theo chủ nghĩa nhân văn đã biến nhân quyền thành một công cụ đạo đức không thực tế và cuối cùng là phi chính trị. Ông cũng lưu ý đến điểm chung giữa chủ nghĩa nhân văn và diễn ngôn Công giáo về phẩm giá con người. Giáo sư nhân chủng học Talal Asad cho rằng chủ nghĩa nhân văn là một dự án của tính hiện đại và là sự tiếp nối thế tục hóa của thần học Cơ đốc giáo phương Tây. Theo Asad, giống như Giáo hội Công giáo đã truyền bá học thuyết Kitô giáo về tình yêu tới Châu Phi và Châu Á đồng thời hỗ trợ phần lớn dân số của họ làm nô lệ, các giá trị nhân văn đôi khi là cái cớ để các nước phương Tây mở rộng ảnh hưởng của họ sang các khu vực khác của đất nước. thế giới nhân đạo hóa “những kẻ man rợ”. Asad cũng cho biết chủ nghĩa nhân văn không phải là một hiện tượng thuần túy thế tục mà lấy ý tưởng về bản chất của nhân loại từ Cơ đốc giáo. Theo Asad, chủ nghĩa nhân văn phương Tây không thể kết hợp các truyền thống nhân văn khác, chẳng hạn như các truyền thống từ Ấn Độ và Trung Quốc, nếu không gộp lại và cuối cùng loại bỏ chúng. Giáo sư xã hội học Didier Fassin đã tuyên bố rằng việc chủ nghĩa nhân văn tập trung vào sự đồng cảm và lòng trắc ẩn, thay vì lòng tốt và công lý, là một vấn đề. Theo Fassin, chủ nghĩa nhân văn bắt nguồn từ truyền thống Cơ đốc giáo, đặc biệt là Dụ ngôn Người Samari nhân lành, trong đó sự đồng cảm được phổ cập. Fassin cũng lập luận rằng bản chất trung tâm của chủ nghĩa nhân văn, sự thiêng liêng của sự sống con người, là một chiến thắng tôn giáo được giấu trong lớp vỏ thế tục. Lời chỉ trích chính từ những người theo đạo Tin lành, chẳng hạn như Tim LaHaye, là chủ nghĩa nhân văn phá hủy các giá trị đạo đức và gia đình truyền thống. Theo Corliss Lamont, lời chỉ trích này là một chiến dịch độc hại của những kẻ cuồng tín tôn giáo, cái gọi là Đa số Đạo đức, những người cần một vật tế thần ma quỷ để tập hợp những người theo họ. Các đối thủ tôn giáo khác khinh miệt chủ nghĩa nhân văn bằng cách cho rằng nó mang tính vật chất, từ đó làm giảm tính nhân văn vì nó phủ nhận bản chất tinh thần và nhu cầu của con người. Ngoài ra, vì mục tiêu của cuộc sống là đạt được của cải vật chất nên chủ nghĩa nhân văn tạo ra lòng tham và tính ích kỷ. Đáp lại lời chỉ trích này, Norman khẳng định rằng hoàn toàn không có lý do gì các nhà nhân văn phải cam kết với quan điểm rằng thứ duy nhất đáng sống là 'của cải vật chất'. Ông cho rằng lời buộc tội như vậy là dựa trên sự hiểu biết “cẩu thả” về chủ nghĩa duy vật. Tuy nhiên, ông thừa nhận có sự "căng thẳng" trong chủ nghĩa nhân văn vì ủng hộ kiến thức khoa học nên nó dường như cam kết với một quan niệm duy vật coi con người là hệ thống vật chất và do đó không khác nhiều so với bất kỳ thứ gì khác trong vũ trụ. Chủ nghĩa phản nhân văn Bài chi tiết: Chủ nghĩa phản nhân văn Chủ nghĩa phản nhân văn là một lý thuyết triết học bác bỏ chủ nghĩa nhân văn như một hệ tư tưởng tiền khoa học. Lập luận này phát triển trong thế kỷ 19 và 20 song song với sự tiến bộ của chủ nghĩa nhân văn. Các nhà tư tưởng nổi tiếng đặt câu hỏi về tính siêu hình của chủ nghĩa nhân văn và bản chất con người trong khái niệm tự do của nó. Nietzsche, trong khi rời khỏi quan điểm nhân văn, ủng hộ Khai sáng, đã chỉ trích chủ nghĩa nhân văn vì ảo tưởng về một số chủ đề, đặc biệt là bản chất của sự thật. Theo Nietzsche, sự thật khách quan là một ảo tưởng nhân hình và chủ nghĩa nhân văn là vô nghĩa, và việc thay thế chủ nghĩa hữu thần bằng lý trí và khoa học chỉ đơn giản là thay thế tôn giáo này bằng tôn giáo khác. Theo Karl Marx, chủ nghĩa nhân văn là một dự án tư sản cố gắng thể hiện mình là cấp tiến một cách không chính xác. Sau sự tàn bạo của Thế chiến thứ hai, các câu hỏi về bản chất con người và khái niệm về con người đã được đổi mới. Trong Chiến tranh Lạnh, nhà triết học Marxist có ảnh hưởng Louis Althusser đã đưa ra thuật ngữ "chủ nghĩa phản nhân văn lý thuyết" để tấn công cả chủ nghĩa nhân văn và các trào lưu xã hội chủ nghĩa giống nhân văn, tránh những cách giải thích mang tính cấu trúc và hình thức hơn về Marx. Theo Althusser, những tác phẩm đầu tiên của Marx cộng hưởng với chủ nghĩa duy tâm nhân văn của Hegel, Kant và Feuerbach, nhưng Marx đã chuyển hướng hoàn toàn sang chủ nghĩa xã hội khoa học vào năm 1845, bác bỏ các khái niệm như bản chất của con người. Các tổ chức nhân văn Các tổ chức nhân văn tồn tại ở một số nước. Humanists International là một tổ chức toàn cầu.Ba quốc gia có số lượng tổ chức thành viên Quốc tế Nhân văn nhiều nhất là Anh, Ấn Độ và Mỹ. Tổ chức nhân văn lớn nhất là Hiệp hội Nhân văn Na Uy. Những người theo chủ nghĩa nhân văn Vương quốc Anh—trước đây là Hiệp hội Nhân văn Anh—và Hiệp hội Nhân văn Hoa Kỳ là hai trong số những tổ chức nhân văn lâu đời nhất. Năm 2015, Tổ chức Nhân văn Vương quốc Anh có trụ sở tại London có khoảng 28.000 thành viên. Thành viên của nó bao gồm một số người nổi tiếng như Richard Dawkins, Brian Cox, Salman Rushdie, Polly Toynbee và Stephen Fry, những người được biết đến vì tham gia vào các cuộc tranh luận công khai, thúc đẩy chủ nghĩa thế tục và phản đối việc nhà nước tài trợ cho các tổ chức dựa trên đức tin. Các nhà nhân văn Vương quốc Anh tổ chức và tiến hành các nghi lễ phi tôn giáo cho đám cưới, đặt tên, mừng tuổi và tang lễ. Hiệp hội Nhân văn Hoa Kỳ (AHA) được thành lập vào năm 1941 từ các hiệp hội nhân văn trước đó. Tạp chí The Humanist của nó là sự tiếp nối của ấn phẩm trước đó The Humanist Bulletin. Năm 1953, AHA thành lập giải thưởng "Nhà nhân văn của năm" để vinh danh những cá nhân thúc đẩy khoa học. Đến những năm 1970, nó đã trở thành một tổ chức được công nhận rộng rãi, khởi xướng các chiến dịch ủng hộ quyền phá thai và phản đối các chính sách phân biệt đối xử. Điều này dẫn đến việc tổ chức này trở thành mục tiêu của quyền tôn giáo vào những năm 1980. Chú thích
Bộ môn Bi đá trên băng tại Thế vận hội Mùa đông 2006 (curling) được tổ chức tại thị trấn Pinerolo (khoảng 40 km về phía tây nam của Torino) từ 13 đến 24 tháng 2 năm 2006. Sau khi các đội đã hoàn tất thi đấu với nhau, bốn đội đứng hạng đầu của bảng sẽ được vào bán kết. Hạng được tính dựa vào số trận thắng; nếu đội A và đội B có cùng số trận thắng nhưng B đã thắng trận giữa A và B thì B sẽ có hạng cao hơn. Khi vào bán kết thì đội hạng 1 đấu với đội hạng 4, và đội hạng 2 đấu với đội hạng 3. Bảng huy chương Nam Các đội Vòng loại Bán kết 22 tháng 2 Huy chương đồng 23 tháng 2 Huy chương vàng 23 tháng 2 Nữ Các đội Vòng loại Bán kết 22 tháng 2 Huy chương đồng 23 tháng 2 Huy chương vàng 23 tháng 2 Chú thích 2006 Sự kiện Thế vận hội Mùa đông 2006
Hai môn phối hợp tại Thế vận hội Mùa đông 2006, bộ môn hỗn hợp trượt tuyết việt dã và bắn súng, được tổ chức tại Cesena (gần Torino) từ 11 đến 25 tháng 2 năm 2006. Tổng cộng có 10 bộ môn: 5 cho nam và 5 cho nữ. Bảng huy chương Nam 4 × 7,5 km 40 lần bắn: 20 đứng, 20 nằm; 25 giây mỗi lần bắn không trúng đích Nữ 4 × 6 km 40 lần bắn: 20 đứng, 20 nằm; 25 giây mỗi lần bắn không trúng đích Chú thích Sự kiện Thế vận hội Mùa đông 2006 2006
Thức cột Doric là một trong 3 cột cơ bản và được sử dụng nhiều nhất trong hệ thống thức cột cổ điển của kiến trúc Hy Lạp cổ đại, hai cột còn lại là Ionic và Corinth. Thức cột Doric được xem là thức cột được tạo ra đầu tiên, vào khoảng thế kỉ 4 trước Công nguyên và hoàn thiện vào thế kỷ 5 và được sử dụng ở đền Parthenon và đền Propylaea ở Athena, Hy Lạp. Thức cột Doric do người Dorian sáng tạo ra, sau đó phát triển mạnh ở Peloponnesus (Πελοπόννησος), miền nam của Ý và Sicilia; ngược lại với thức Ionic, vốn phát triển ở Ionia, ngày nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ. Có những vùng mà người ta có thể tìm thấy cả hai loại cột như khu Acropolis ở thủ đô Athena được xây dựng với cả hai loại cột. Từ nửa sau thế kỷ 6 trước Công nguyên, người Hy Lạp dùng thức Doric với tỷ lệ đường kính cột trên chiều cao cột là 1:5 đến 1:6. Với dáng vẻ khỏe mạnh và vững chắc của mình, cột Doric thể hiện một sức mạnh và vẻ đẹp nam tính, trong khi thức cột Ionic phản ánh sự duyên dáng và vẻ đẹp mềm mại của người phụ nữ. Tuy nhiên, điều nay không nhất thiết phản ánh sự phân biệt trong sử dụng của hai loại cột ở đền thờ các nam thần và các nữ thần. Trong kiến trúc La Mã, thức cột Doric ít được sử dụng trong các công trình công cộng hơn kiến trúc Hy Lạp, có lẽ vì người La Mã thích vẻ đẹp giàu sang và tinh tế của các thức cột Ionic và thức cột Corinthian. Và vì vậy, trong phiên bản của kiến trúc La Mã, thức cột Doric thường có một vài sửa đổi như thêm phần đế cột và một vài chi tiết ở đầu cột. Cấu tạo của cột Dựa trên cấu trúc của thức Doric, người ta cho rằng thức cột này xuất phát từ kết cấu gỗ, với sự mô phỏng về cấu trúc cũng như việc tái hiện các chi tiết trang trí từ vật liệu gỗ vào vật liệu đá. Trong phiên bản nguyên gốc Hy Lạp, cột Doric không có đế (base) mà được đặt trực tiếp lên nền phẳng của ngôi đền. Theo Vitruvius, cột được đặt phần bệ đỡ hàng cột (stylobat) để chịu tải trọng, dưới đó là phần nền (stereobat) và phần móng cột. Thân cột được tạo với 20 đường rãnh soi chạy song song (flutes), và được kết thúc bằng một đầu cột (capital) phẳng, được loe ra to hơn so với thân cột. Đầu cột có một mũ cột gồm một tấm vuông (abacus) phía trên và một mũ đỡ cong vành khăn (echinus) lượn phía dưới. Trong phiên bản La Mã, phần rãnh soi được thu hẹp lại, do vậy phần tiếp giáp giữa các rãnh không sắc nhọn như ở phiên bản Hy Lạp. Phần dầm ngang (entablature) được đặt trực tiếp lên đầu cột, những dầm này dùng để liên kết các đầu cột tạo thành một khung cứng, đồng thời dùng để đỡ băng ngang (tiếng Anh: frieze, tiếng Pháp: frise) bên trên có nhiều trang trí, có phù điêu hết sức công phu. Phần diềm mái (frieze) này được phân chia thành các tấm giữa (metoph) và các tấm khắc 3 nét (triglyph). Các tấm khắc 3 nét tái hiện phần kết thúc của một dầm gỗ, hàng diềm chấm nhỏ (guttae) bằng đá mô phỏng lại những mẩu gỗ chêm được sử dụng trong kết cấu gỗ. Phần chạm khắc của tấm giữa (metoph) tương đương với những đĩa sành trang trí được chèn vào giữa phần kết các dầm gỗ. Tiếp đến là một diềm ngang với phào (cornice) đưa ra khỏi mặt đứng và phần diềm mái trên cùng hình tam giác đều với những hình điêu khắc lớn nổi tiếng. Phần diềm mái đua (cornice) này được đưa vươn hẳn ra khỏi tường tương đương với phần thấp của mái và phần ngói lát, để thoát nước xuống mặt đất mà không chảy lên mặt tường. Các rãnh soi của diềm mái cũng tương tự như những đường soi ở đầu hồi nhà gỗ. Phần dầm ngang (entablature) chắc, khỏe, nhìn nặng hơn so với các thức cột Ionic và thức cột Corinth. Một số công trình sử dụng cột Doric Đền Apollo tại Delos là một ngôi đền dạng peripteral sử dụng cột Doric. Đây là ngôi đền lớn nhất để thờ phụng thần Apollo trên đảo Delos (Δήλος, Dhilos). Đây được cho là nơi mà thần Apollo được sinh ra. Ngôi đền được khởi công vào năm 478 trước Công nguyên, tuy nhiên không bao giờ được hoàn thành. Trong giai đoạn độc lập của thành bang Athena, những người dân tại đảo Delos chuyển sang thờ thần Poros. Ngôi đền này thuộc dạng đền 6 cột (hexastyle), với 6 cột dọc theo mặt chính và 13 cột dọc theo cạnh dài của ngôi đền. Tất cả các cột đều được đặt trùng tâm với những tấm khắc (triglyph) của phần diềm mái ngoại trừ cột góc. Các thân cột mộc, không có rãnh soi, được đặt trực tiếp mà không có đế lên bệ đỡ hàng cột (stylobat). Phần cổ cột (necking) ở đỉnh cột và phần đệm vành khăn (echinus) được chăm chút với các đặc điểm cổ xưa. Đền thờ Hephaestus được xây dựng vào khoảng năm 449 trước Công nguyên ở Athena. Đây là ngôi đền cổ Hy Lạp được bảo tồn tốt nhất đến thời điểm hiện tại. Ngôi đền này thờ thần Hephaestus (còn gọi là thần Hephaesteion). Đôi khi người ta gọi đó là đền Theseum (tiếng Hy Lạp: Θησείο, Thisio). Tương tự như đền tại Delos, công trình có 6 cột Doric ở mặt đứng chính và 13 cột dọc theo cạnh dài của ngôi đền. Tuy nhiên phần diềm mái (frieze) của đền lại bị thay bằng diềm mái của thức cột Ionic. Đền Parthenon (tiếng Hy Lạp: Παρθενώνας) là ngôi đền nổi tiếng nhất trong số những di tích còn lại của nền văn minh Hy Lạp cổ đại và được xem như một trong những di sản kiến trúc bậc nhất của thế giới. Công trình được xây trên đỉnh của đồi Accropolis ở Anthena vào khoảng năm 446 trước Công nguyên để tôn vinh và cảm tạ nữ thần bảo hộ của thành phố là thần Anthena trong các cuộc chiến tranh ở vùng vịnh Ba Tư.
Giải bóng đá hạng Nhì Quốc gia hay giải hạng Nhì (tiếng Anh: V.League 3) là một giải bóng đá bán chuyên nghiệp cao thứ 3 trong hệ thống giải đấu bóng đá nam của Việt Nam, xếp sau V.League 1 (Giải Vô địch Quốc gia) và V.League 2 (Giải hạng Nhất), và xếp trên Giải hạng Ba. Giải đấu được quản lý bởi Liên đoàn bóng đá Việt Nam và được tổ chức hàng năm. Mùa giải 2022, hai câu lạc bộ Hòa Bình và Bình Thuận được thăng hạng đến Giải bóng đá Hạng Nhất Quốc gia 2023. Các trận chung kết Mùa giải 2022 Bình Thuận và Hòa Bình thăng hạng và sẽ tham gia V.League 2 mùa sau. Mùa giải 2021 Mùa giải 2020 Do đội bóng Gia Định xin rút khỏi V.League 2 2021 nên suất tham dự còn lại sẽ thuộc về đội bóng Công An Nhân Dân Mùa giải 2019 Mùa giải 2018 Phố Hiến được thăng hạng lên chơi tại V.League 2 mùa 2019. Mùa giải 2017 Mùa giải 2016 PVF đánh bại Bình Định ở loạt sút luân lưu 11m với tỷ số 5-4 và được quyền thăng hạng mùa bóng tới. Mùa giải 2015 Viettel 3 - 0 Cà Mau Tây Ninh 2 - 0 Bình Định Đội được thăng hạng: Vietel, Tây Ninh, Cà Mau (sau khi thắng Bình Định trong trận Playoff) Mùa giải 2014 Mùa giải 2013 Vòng chung kết được xác định với sự góp mặt của 6 đội bóng nhất-nhì mỗi bảng (A, B và C), đội thắng trận đầu tiên sẽ là nhà vô địch. Ba đội còn lại tranh hai suất dự Giải hạng nhất năm sau. Đội vô địch: Huế, Sanna Khánh Hòa, XM Fico Tây Ninh; Đội thăng hạng: Huế, Sanna Khánh Hòa, XM Fico Tây Ninh, TP.HCM và Đắk Lắk. Mùa giải 2012 Mùa giải 2011 Mùa giải 2010 Mùa giải 2009 Mùa giải 2008 Mùa giải 2007 Mùa giải 2006 Đội lên hạng: Than Quảng Ninh (nhất bảng A), Thành Nghĩa Dung Quất Quảng Ngãi (nhất bảng B), Cần Thơ (nhất bảng C). Xếp hạng Nhất - Nhì - Ba toàn giải cho 3 đội xếp thứ nhất tại ba bảng, riêng 2 bảng A và C do cùng có 6 đội tham dự nên không tính kết quả của đội xếp thứ nhất gặp đội thứ 6. Theo đó, BTC giải xác định các danh hiệu toàn giải như sau: Vô địch: Thành Nghĩa Dung Quất Quảng Ngãi (18 điểm) Á quân: Than Quảng Ninh (16 điểm) Hạng ba: Cần Thơ (14 điểm) Mùa giải 2005 Giành quyền thăng hạng nhất: Quân khu 5, Tây Ninh, TP.Hồ Chí Minh, Quân khu 4 và Lâm Đồng. Mùa giải 2004 Không có trận chung kết nhưng vòng chung kết xác định Khánh Hòa vô địch, đội xếp thứ hai Strata Đồng Nai. Đội vô địch: Khánh Hòa; Đội á quân: Strata Đồng Nai; Đội thăng hạng: Khánh Hòa và Strata Đồng Nai. Mùa giải 2003 Lên hạng nhất: Quảng Nam, Khách sạn Khải Hoàn. Xuống hạng ba: Thanh niên Hà Nội và Vạn Chinh. Mùa giải 2002 Không có trận chung kết, các đội chỉ đá vòng tròn một lượt theo hai bảng A-B để xếp hạng. Lên hạng nhất: Đắk Lắk, Quân khu 5 (bảng A), Bưu điện Hồ Chí Minh và An Giang (bảng B). Xuống hạng ba: Quảng Ninh (bảng A) và Quân khu 9 (bảng B). Mùa giải 2001 Không có trận chung kết, các đội chỉ đá vòng tròn một lượt theo hai bảng A-B để xếp hạng. Đội vô địch: Thanh Hóa (Nhất Bảng A) và Cần Thơ (Nhất Bảng B) Đội thăng hạng: Thanh Hóa và Cần Thơ lên chơi tại Giải hạng Nhất Quốc gia 2001-2002. Mùa giải 2000
Edward Paul "Teddy" Sheringham (sinh ngày 2 tháng 4 năm 1966) là một cựu cầu thủ bóng đá người Anh. Ông đã từng là thành viên đội tuyển bóng đá quốc gia Anh, từng là đội trưởng của câu lạc bộ Tottenham Hotspurs và là một trong những cầu thủ của câu lạc bộ Manchester United trong mùa bóng 1998-1999, mùa bóng lịch sử với 3 chức vô địch Ngoại hạng Anh, cúp FA và UEFA Champions League. Teddy Sheringham được sinh ra tại Highams Park, London, Anh. Các câu lạc bộ đã thi đấu Millwall F.C. (1983-1991) Nottingham Forest F.C. (1991-1992) Tottenham Hotspur F.C. (1992-1997 và 2001-2003) Manchester United F.C. (1997-2001) Portsmouth (2003-2004) West Ham United F.C. (2004-2007) Colchester United (2007-2008) Thành tích Djurgården Division 2 Norra: 1985 Millwall Football League Group Cup: 1982–83 Football League Second Division: 1987–88 Nottingham Forest Full Members' Cup: 1991–92 Manchester United Premier League: 1998–99, 1999–2000, 2000–01 FA Cup: 1998–99 FA Charity Shield: 1997 UEFA Champions League: 1998–99 Intercontinental Cup: 1999 West Ham United Football League Championship play-offs: 2005
Phan Văn Tài Em (sinh ngày 23 tháng 4 năm 1982) là một cựu cầu thủ và huấn luyện viên bóng đá người Việt Nam. Anh chính là đội trưởng của Đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2008. Phan Văn Tài Em đã từng giành được một Quả bóng vàng Việt Nam vào năm 2005. Các câu lạc bộ đã thi đấu Đội bóng đá năng khiếu huyện Châu Thành, Long An (1994-1998) Đội bóng đá năng khiếu tỉnh Long An, (1998-2001) Gạch Đồng Tâm Long An (2001-2011) Navibank Sài Gòn (2011- 2012) Sài Gòn Xuân Thành (2012- 2013) Đồng Tâm Long An (2013-2016) Bàn thắng quốc tế Thành tích Câu lạc bộ Đồng Tâm Long An Giải bóng đá vô địch quốc gia Việt Nam: Vô địch (2) : 2005, 2006 Cúp quốc gia Việt Nam: Vô địch (1) : 2005 Á quân (1) : 2006 Siêu cúp bóng đá Việt Nam: 2006 Navibank Sài Gòn Cúp quốc gia Việt Nam: 2011 Sài Gòn Xuân Thành Cúp quốc gia Việt Nam: 2012 Quốc tế Đội tuyển quốc gia Việt Nam Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á: Vô địch (1) : AFF Suzuki Cup 2008 HC Đồng (1) : Tiger Cup 2002 Đội tuyển U-23 Việt Nam SEA Games bộ môn bóng đá nam: Huy chương bạc (2): 2003, 2005 Danh hiệu cá nhân Quả bóng vàng Việt Nam: 2005 Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất: 2004 Bên lề Anh cũng vào vai khách mời trong bộ phim điện ảnh 11 niềm hy vọng. Bộ phim xoay quanh về đề tài bóng đá, khởi chiếu vào ngày 11 tháng 5 năm 2018.
Ân điển (hoặc ân sủng) theo thần học Kitô giáo là ân huệ hoặc phúc lành của Thiên Chúa ban cho con người mà không nhất thiết bởi vì công đức mà họ đã làm. Theo nghĩa rộng, ân điển thiên thượng được dùng để chỉ sự ban cho của Thiên Chúa dành cho loài người như sự sống, sự sáng tạo và sự cứu rỗi. Trong nghĩa hẹp và là ý nghĩa phổ biến hơn, ân điển được dùng để miêu tả những phương tiện giúp con người được cứu khỏi nguyên tội (tội tổ tông) và được ban cho sự cứu rỗi. Khái niệm này về ân điển là trọng tâm của Cơ Đốc giáo cũng như là vấn đề còn có nhiều dị biệt trong vòng các giáo phái Cơ Đốc. Các khái niệm về ân sủng Hầu hết các tín hữu Ki-tô giáo đều tin rằng con người được cứu rỗi bởi ân sủng của Thiên Chúa. Đa phần tín hữu thuộc các giáo phái phương Tây đồng ý rằng loài người sinh ra trong tội lỗi. Đó là hậu quả của tội nguyên tổ; một bản chất tội lỗi mang tính kế thừa; nó cũng là một phần trong điều kiện làm người. Theo niềm tin truyền thống, tội nguyên tổ được giải thích như là hậu quả của sự sa ngã đầu tiên của con người mà đại diện là ông Adam và bà Eva đã phạm tội trong vườn địa đàng. Một số người không công nhận sách Sáng thế là lịch sử, nhưng ngay cả những người này cũng đồng ý rằng con người sinh ra trong tội lỗi. Tình trạng ân sủng nguyên thủy mà loài người đã từng được hưởng là do Thiên Chúa ban cho họ và cho dòng dõi của họ, cho đến khi họ sa ngã. Con người sinh ra đã mất quyền hưởng sự cứu rỗi. (Ngược lại, Chính thống giáo Đông phương không tán đồng giáo lý nguyên tội này). Do vậy, ân sủng của Thiên Chúa được ban khi con người đang bị nhấn chìm trong tình cảnh tuyệt vọng. Thiên Chúa, bởi ý mình, sai các tiên tri và những bậc thông tuệ đến để bày tỏ sự hiện hữu của mình cho nhân loại. Thiên Chúa ban kinh Torah, Luật pháp Moses cho người Do Thái và khiến họ trở Dân được tuyển chọn để cung ứng một hình mẫu đạo đức cho phần còn lại của nhân loại. Cũng qua dân Do Thái mà Thiên Chúa sai con mình, Đức Giê su Ki tô đến để chuộc tội lỗi của nhân loại qua khổ hình đóng đinh, sau đó Giê-xu đã sống lại. Ân sủng của Thiên Chúa được ban cho nhưng Thiên Chúa không có bổn phận phải cứu rỗi bất kỳ ai; con người cũng không có khả năng tự làm cho mình trở nên tốt đủ để có thể lên Thiên đàng. Nhờ sự chuộc tội và hiến tế của Đức Ki tô, con người mới được cứu rỗi. Về phần mình, con người cần phải dự phần vào sự cứu chuộc ấy. Một số giáo phái Ki tô giáo đã diễn giải ân sủng là "Phần thưởng của Thiên Chúa dành cho con người với cái giá mà Chúa Ki tô phải trả". Trong thư gởi tín hữu ở Êphêsô, Thánh Phao-lô đã viết về vấn đề này, "Ấy là bởi ân sủng (by Grace), thông qua (nhờ) đức tin (through faith) mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Thiên Chúa. Ấy chẳng phải bởi việc làm, hầu cho không ai khoe mình." Theo Kitô giáo, nhờ ân sủng của Thiên Chúa mà sự cứu rỗi được ban cho con người, miễn là tín đồ chịu tin nhận Chúa Giê-su Ki tô là Chúa và là Đấng Cứu Chuộc, tức là tin rằng Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa, và là đấng Messiah (Messiah nghĩa là đấng chịu xức dầu, trong tiếng Hebrew nghĩa là Giê-su Ki tô, tin rằng Giê-su chết trên thập giá để cất bỏ tội lỗi khỏi con người để con người trở nên hoàn toàn trong trắng trước mặt Thiên Chúa. Do vậy, ân sủng là ý định và sự chọn lựa của Thiên Chúa muốn ban sự cứu rỗi cho con người. Khái niệm về ân điển trong Kinh Thánh Kinh Thánh Hebrew Từ חסד (checed) trong tiếng Hebrew được Kinh Thánh của người Do Thái dùng để chỉ ân điển có nghĩa là lòng nhân từ. Khái niệm căn cốt này đặt trọng tâm vào lòng thủy chung và tính nhẫn nại là những đức hạnh cần thiết để duy trì mối quan hệ theo giao ước, mặc cho sự sa ngã thường xuyên bởi con dân của giao ước mà Kinh Thánh Hebrew là lời chứng cho giao ước này, tức là giao ước được thiết lập giữa Thiên Chúa và tuyển dân của Ngài. Các khái niệm khác được dùng trong Kinh Thánh Hebrew để miêu tả ân điển của Thiên Chúa là một nhóm từ có nguyên tố căn bản là hanam, nghĩa là tình yêu tự nguyện; và haram, ngụ ý sự thương xót và lòng trắc ẩn, bao hàm một hành động khởi phát từ lòng thương xót mà phục hồi mối quan hệ đã bị phá vỡ. Tất cả những khái niệm này đều được các tiên tri của dân tộc Do Thái sử dụng để miêu tả sự chọn lựa của Thiên Chúa dành cho dân Israel như là tuyển dân của ngài và lòng nhẫn nại khiến Ngài không hề lìa bỏ họ mặc dù dân tộc này thường xuyên vi phạm giao ước. Tân Ước Từ ân điển trong Tân Ước được dịch từ tiếng Hi Lạp charis (χαρις), nghĩa là "sự ban cho", trong nguyên nghĩa là một điều đem đến sự vui thỏa, ngọt ngào, hữu ích và thú vị. Chúa Giê-xu không dùng từ này nhưng trong Phúc âm Lu-ca và Phúc âm Giăng, từ này thường được dùng chỉ riêng cho ngài. Tuy vậy, qua các dụ ngôn của Chúa Giê-xu được ký thuật trong các sách phúc âm có thể nhận thấy Chúa Giê-xu đã giảng dạy khái niệm về ân điển. Hơn nữa, ngài cũng nhấn mạnh rằng ân điển là sự ban cho, là đặc ân của Thiên Chúa. Dụ ngôn Người làm công trong vườn nho kể về một chủ vườn nho (theo cách giải thích truyền thống của Cơ Đốc giáo, là biểu trưng cho Thiên Chúa) thuê mướn một số người làm việc cho mình từ lúc sáng sớm, sau đó lại thuê thêm một số nữa, rồi vào lúc chỉ còn một giờ đồng hồ là kết thúc ngày làm việc, ông chủ lại thuê thêm một số người làm công là những người chờ đợi suốt ngày không được ai thuê mướn, rồi thì ông trả cho mỗi người số tiền công bằng nhau. Khi những người làm công suốt cả ngày tỏ vẻ bất bình, chủ vườn giải thích với họ rằng, "Ta há không có phép dùng của cải ta theo ý muốn ta sao?....... Những kẻ rốt sẽ trở nên đầu và kẻ đầu sẽ trở nên rốt là như vậy". Tương tự, câu chuyện nổi tiếng Người con trai hoang đàng được ký thuật trong Phúc âm Lu-ca, theo cách hiểu của hầu hết tín hữu Cơ Đốc, hàm chứa sự dạy dỗ của Chúa Giê-xu về ân điển. Một người con trai đòi phần mình trong của thừa kế để rồi tiêu xài hoang phí cho đến đồng xu cuối cùng. Sau khi sống trong sự khốn khổ, người con liều trở về nhà mà không dám mong đợi ân huệ của cha mình. Song, người cha đã mừng rỡ chào đón đứa con hoang đàng trước sự bất bình của con trai trưởng, người vẫn luôn kề cận và tận tuỵ hầu việc ông. Suốt trong dòng lịch sử Cơ Đốc giáo, nhiều người nắm bắt được sợi chỉ xuyên suốt các câu chuyện kể này của Chúa Giê-xu: Ấy chính là ân điển của Thiên Chúa đã làm đảo lộn mọi ý niệm cố hữu của con người về công đức, về điều mà họ cho là mình xứng đáng được hưởng, và về những gì mà họ tin là phần thưởng dành cho những nỗ lực của họ. Hai khía cạnh của ân điển Tân Ước trình bày hai phương diện của ân điển. Một mặt, ân điển được ban cho từ Thiên Chúa để tha thứ mọi tội lỗi, mặt khác ân điển không giải thoát con người khỏi trách nhiệm phải sống ngay thẳng. Chúa Giê-xu đã nói,"Các ngươi đừng tưởng ta đến để phá bỏ luật pháp hay lời tiên tri; Ta đến không phải để phá song để làm cho trọn. Vì ta nói thật cùng các ngươi, đang khi trời đất chưa qua đi thì một chấm một nét trong luật pháp cũng không qua đi được cho đến khi mọi sự được trọn. Vậy, ai huỷ một điều cực nhỏ nào trong những điều răn này, và dạy người ta làm như vậy, thì sẽ bị xưng là cực nhỏ trong nước thiên đàng. Vì ta phán cùng các ngươi rằng, nếu sự công bình của các ngươi không trỗi hơn sự công bình của các thầy thông giáo và người dòng Pha-ri-si, thì các ngươi chắc không vào nước thiên đàng." Về sau Phao-lô cũng viết:"Ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Thiên Chúa. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình." Theo Phao-lô, sự cứu rỗi, cũng giống tiền công người chủ cho những người làm công trong chuyện ngụ ngôn kể trên, là sự ban cho của Thiên Chúa, là đặc ân của ngài. Nếu con người làm nên sự cứu rỗi bởi công đức của mình, con người có thể kiêu hãnh vì nhờ gắng công mà trở nên thánh khiết. Khi ấy, ân điển của Thiên Chúa ban cho sẽ không còn giá trị so với những nỗ lực của con người. Một câu chuyện kể của Chúa Giê-xu được chép trong chương 25 của Phúc âm Matthew có thể giúp làm sáng tỏ vấn đề. Một ông chủ trước khi đi xa, gọi các tôi tớ đến mà phó thác tài sản của mình. Một người được giao năm ta lâng (đơn vị tiền tệ của người Do Thái thời ấy), người kia hai, người khác một, tuỳ theo khả năng của mỗi người. Khi chủ đi vắng, người nhận năm ta lâng và người nhận hai ta lâng dùng số tiền ấy để đầu tư và làm chúng tăng gấp đôi trong khi người được giao một ta lâng đem tiền chôn xuống đất. Khi chủ trở về, hai người đầu đem nộp lại cho chủ số tiền đã sinh lợi. Chủ nói: "Tốt lắm, các ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ lập các ngươi coi sóc nhiều; hãy đến hưởng sự vui mừng của chúa ngươi". Nhưng đối với tôi tớ thứ ba, tức là người đã chôn giấu số tiền được giao, chủ tức giận mà nói rằng:"Hỡi đầy tớ dữ và biếng nhác kia! Sao ngươi không đưa bạc của ta cho người buôn bạc, rồi khi ta trở về, sẽ lấy vốn và lời. Vậy, hãy lấy ta lâng của người này mà cho người có mười ta lâng. Vì sẽ cho thêm kẻ nào đã có, thì họ sẽ dư dật; nhưng kẻ nào không có, thì cũng cất luôn điều họ có nữa. Còn tên đầy tớ vô ích này, hãy quăng ra ngoài là chỗ tối tăm, ở đó sẽ có khóc lóc và nghiến răng". Dụ ngôn trên giúp chúng ta hiểu được sự hài hoà giữa ân điển và việc làm. Tất cả tôi tớ đều nhận lãnh tiền từ tay chủ, người chủ đã giao cho họ tiền bạc của mình. Vì vậy, không ai trong vòng họ có thể kiêu hãnh về số tiền mình đang giữ, như lời của Sứ đồ Phao Lô, chúng ta được cứu bởi ân điển, không phải bởi việc làm, để không ai có thể khoe mình. Dù vậy, những người này phải có trách nhiệm sử dụng món quà ân điển như thế nào để làm sáng danh Thiên Chúa. Không chịu làm điều ấy là tội lỗi, như lời của Gia-cơ,"Đức tin không có việc làm thì chết." Khi một người tiếp nhận ân điển sẽ có một sự thay đổi triệt để trong nội tâm – từ bỏ lối sống tội lỗi và trải nghiệm sự tái sinh để thể hiện đức tin trong nếp sống mới. Gia-cơ xem đây là dấu hiệu của đức tin thật. Ân điển là sức mạnh giúp tín hữu khước từ tội lỗi, theo đuổi nếp sống thánh khiết, và làm các việc lành. Đây là một phép thử: không có những điều này có nghĩa là ân điển chưa hề chạm đến lòng họ. Như thế, theo giáo huấn của Gia-cơ, việc lành là kết quả tất yếu của trải nghiệm được cứu rỗi. Theo dòng lịch sử Vào cuối thời kỳ Tân Ước, hội thánh trải qua nhiều thay đổi trong mối quan hệ với bối cảnh xã hội và với Đế quốc La Mã, cơ cấu quyền lực bao trùm lên toàn lãnh thổ trên đó phong trào Cơ Đốc đang phát triển. Những thay đổi này đem hội thánh ra khỏi giai đoạn bị bách hại và bị nhìn xem là một mối đe doạ thường trực để bước vào một thời kỳ mới khi Hoàng đế Constantine ra lệnh chấm dứt các cuộc bách hại và nhìn nhận Cơ Đốc giáo là một tôn giáo hợp pháp. Hơn nữa, Hoàng đế La Mã còn tích cực quan tâm đến phương cách điều hành giáo hội, ông triệu tập Công đồng Nicea (công đồng đầu tiên của giáo hội) để giải quyết những bất đồng thần học về học thuyết Arius. Nhiều sử gia tin rằng hoàng đế muốn khuyến khích sự hiệp nhất trong hội thánh vì tin rằng điều này sẽ giúp bảo toàn sự thống nhất của đế quốc. Lịch sử Cơ Đốc giáo trong giai đoạn này là một sự đảo ngược của số phận. Không còn là một thiểu số bị khước từ, cộng đồng Cơ Đốc đang nắm trong tay một sức mạnh chính trị. Giới cầm quyền quan tâm đến việc chọn lựa các nhà lãnh đạo hội thánh. Hoàng đế thì can thiệp để giải quyết những bất đồng của giáo hội. Nhiều người ngoại đạo, nhận thấy thiện cảm hoàng đế dành cho hội thánh, mau chóng xếp hàng xin gia nhập. Đây là lúc bắt đầu thời kỳ suy tàn của Đế quốc La Mã như là một thực thể quyền lực thống nhất. Xuất hiện sự chia rẽ văn hoá giữa Đế quốc La Mã phương Đông sử dụng ngôn ngữ Hi Lạp và Đế quốc La tinh ở phương Tây. Cũng xuất hiện những phân cách quan trọng về kinh tế và quân sự giữa phương Đông tương đối thịnh vượng và phương Tây khá là tả tơi. Tình trạng bất đồng này dẫn đến sự sụp đổ của Đế quốc La tinh trong vòng gần hai trăm năm. Biến cố này cũng ảnh hưởng đến vận mệnh của Cơ Đốc giáo. Sự thay đổi trong mối quan hệ với Đế quốc La Mã và với giới cầm quyền cũng làm thay đổi trọng tâm của các học thuyết của hội thánh. Khi hội thánh còn là một cộng đồng bị đặt ngoài vòng pháp luật, các tác phẩm của họ tập chú vào tính hợp pháp luận bàn về sự tự do của tín hữu Cơ Đốc trong khung cảnh của một xã hội không Cơ Đốc rộng lớn hơn. Nhưng khi giáo hội trở nên một định chế đầy quyền lực và đang tiếp nhận nhiều đặc ân của chính quyền, trong thực tế là một công cụ của Đế quốc, xem ra điều quan trọng hơn đối với họ trong lúc này là cần tập chú vào nguy cơ mà thuyết vô luật pháp (antinomianism) gây ra, nhằm chống đỡ thẩm quyền của giáo hội trong một đế quốc đang dần tan rã, và như thế phát triển các giáo thuyết giúp gia tăng quyền lực của giáo hội. Cơ Đốc giáo phương Tây Theo Cơ Đốc giáo phương Tây, ân điển là sự nhân từ của Thiên Chúa dành cho loài người. Ân điển là đặc ân của Thiên Chúa. Không ai có thể giành được hoặc xứng đáng hoặc có thể dùng công đức mà đổi lấy ân điển. Không ai có quyền đòi hỏi ân điển. Ân điển là món quà siêu nhiên Thiên Chúa ban cho loài người để họ nhận lãnh sự cứu rỗi vĩnh cửu. Sự cứu rỗi vĩnh cửu tự nó là phước hạnh của thiên đàng vì được ở trong sự hiện diện của Thiên Chúa. Trong ba ý niệm nền tảng - tội lỗi, sự cứu chuộc, và ân điển – ân điển là phương tiện, được thiết lập bởi Thiên Chúa, để đem đến cho con người sự cứu chuộc khỏi tội lỗi qua Chúa Cơ Đốc hầu con người hưởng sự sống vĩnh cửu trên thiên đàng. Ân điển là món quà siêu nhiên của Thiên Chúa mà chúng ta cần có để có thể nhận lãnh sự cứu rỗi đời đời gồm có ân điển thánh hóa, các phẩm hạnh, các ân tứ của Chúa Thánh Linh và ân điển hiện thực. Ân điển có hai hình thức, Ân điển hiện thực và Ân điển thánh hoá. Ân điển hiện thực là sự soi sáng nhất thời tâm trí hoặc củng cố sức mạnh ý chí để thực hiện các hành động siêu nhiêu nhằm giúp chúng ta đạt được, duy trì hay tăng trưởng trong ân điển thánh hoá. Ân điển thánh hoá là tình trạng siêu nhiên lan toả trong linh hồn nhằm giúp chúng ta dự phần vào sự sống thiên thượng, ngụ ý sự hiện diện của Chúa Thánh Linh, đấng ngụ cư trong lòng tín hữu. Khi chúng ta phạm trọng tội, Chúa Thánh Linh sẽ rời bỏ chúng ta và chúng ta sẽ đánh mất ân điển thánh hoá. Ân sủng và Công đức Một số giáo hội thuộc Ki tô giáo phương Tây, đặc biệt là Công giáo, tin rằng ân sủng của Thiên Chúa ban cho con người theo ý ngài. Tín hữu được nhận lãnh ân sủng qua việc tham dự các bí tích của giáo hội. Khái niệm cho rằng các bí tích có tác dụng chuyển tải ân sủng Thiên Chúa dẫn đến việc cần có hàng giáo phẩm được truyền chức bởi giáo hội để cử hành Bí tích. Ân sủng được nhận lãnh qua Bí tích giúp dẫn dắt tín hữu vào cuộc sống cao đẹp hơn cũng như giúp sâu nhiệm hoá đức tin. Thêm vào cho ân sủng thánh hoá là công đức có được bởi các việc lành; bởi công đức này, tín hữu có thể nhận lãnh sự ban thưởng từ Thiên Chúa. Ngược lại, tội lỗi làm ảnh hưởng công đức chúng ta có trước Thiên Chúa. Các trọng tội không chỉ xoá hết công đức mà còn dập tàn ân sủng thánh hóa trong linh hồn các tín hữu đã chịu rửa tội (báp têm), vì vậy những người này cần được nhận bí tích hoà giải(penance) trong khi những tội nhẹ hơn chỉ làm sút giảm phần công đức. Người mang tội trọng phải xuống hỏa ngục; người không đủ công đức để lên thiên đàng thì vào luyện Ngục, nơi đó họ vẫn còn có cơ hội được xoá hết tội lỗi của mình. Cơ Đốc giáo phương Đông Tại phương Đông, Ki tô giáo xem ân sủng là quyền lực của Thiên Chúa, hoặc là sự thể hiện quyền năng của Thiên Chúa để tha thứ và chữa lành tâm linh con người. Các Bí tích(sacrament) là "phương tiện của ân sủng" bởi vì Thiên Chúa chỉ hành động qua hội thánh. Ân sủng là hành động do chính Thiên Chúa thể hiện, không phải là một thực thể được tạo dựng, nên không thể được xem là một loại hàng hóa. Không có sự phân biệt giữa tội đáng chết và tội không đáng chết, không có giáo lý Ngục luyện tội (chỉ xuất hiện ở phương Tây sau cuộc Đại Ly giáo xảy ra vào thế kỷ 11), cũng không có "sự tồn trữ công đức thặng dư". Thay vào đó, các giáo hội phương Đông nhấn mạnh vào vai trò của Chúa Thánh Linh trong đời sống Cơ Đốc và duy trì nếp sống khổ hạnh như kiêng ăn và bố thí, không phải là cách thức bày tỏ sự ăn năn hối cải về tội lỗi đã phạm, cũng không phải để tích luỹ công đức, nhưng là một biện pháp kỷ luật tâm linh nhằm giúp ngăn giảm tội lỗi trong tương lai, giúp tự chủ bản thân và tránh bị bắt phục bởi dục vọng. Thần học Chính Thống giáo không chấp nhận khái niệm ân điển không thể cưỡng chống, nhưng dạy rằng con người cần sử dụng ý chí tự do của mình để hợp tác với ân điển thiên thượng để được cứu rỗi, và gọi đó là thuyết đồng vận. Kháng Cách Trước khi đề cập đến những phê phán của Cuộc Cải cách Kháng Cách đối với ý niệm cho rằng ân điển là một loại tiền tệ tâm linh, cần phải lưu ý đến những lợi ích của ý niệm này. Ý niệm đã giúp gây dựng giáo hội bằng cách cung cấp cho con người sự dạy dỗ tỏ tường rằng mọi hành động phục vụ giáo hội sẽ được ban thưởng bởi Thiên Chúa. Nó cũng nhấn mạnh đến hậu quả tàn khốc của tội lỗi, cùng lúc bảo đảm rằng các thánh lễ của giáo hội có giá trị tha thứ tội lỗi phạm phải sau khi chịu rửa tội và giúp dẫn dắt tín hữu trở về với ân điển. Trong khi đó, cũng cần xét xem khái niệm cho rằng ân điển là một loại tiền tệ tâm linh có phù hợp với sự dạy dỗ của Tân Ước hay không. Có thể thấy giáo lý này đôi khi đã trở thành đối tượng của một vài lạm dụng. Nguyên nhân trực tiếp khiến Martin Luther treo 95 luận đề trên cửa nhà thờ Wittenberg năm 1517 là tư tưởng tuân giữ thánh lễ cách máy móc và giáo lý tồn trữ công đức của giáo hội thời trung cổ. Hành động này được đẩy nhanh hơn khi Johann Tetzel đến thành phố Wittenberg, được phép của Vatican, rao bán chứng chỉ xá tội (indulgences). Sự linh nghiệm của chứng chỉ xá tội đã được khẳng định dựa trên giáo lý về tồn trữ ân điển được công bố bởi Giáo hoàng Clement VI, cho rằng công đức có được bởi những hành động xuất phát từ lòng sùng tín sẽ làm gia tăng số lượng ân điển được tích lũy. Hành động khởi phát từ lòng sùng tín là những đóng góp dành cho giáo hội. Hơn nữa, giáo hội đã tích luỹ số lượng ân điển vượt quá nhu cầu cần có để đem tín hữu vào thiên đàng. Vì vậy, giáo hội muốn chia sẻ phần thặng dư của mình để nhận lại vàng bạc thế gian. Sự giận dữ của Martin Luther khi ông chống lại quan điểm này – đối với Luther, điều này chẳng khác gì buôn bán sự cứu rỗi – là sự trở lại với quan điểm thần học về ân điển của Phao-lô. Theo lời dạy của Luther, khi đối diện với sự công chính tuyệt đối của Thiên Chúa, con người bị đặt trong tình trạng hoàn toàn tuyệt vọng và vô phương biện hộ. Nếu Thiên Chúa chỉ có đức công bình mà không có lòng thương xót, mọi người đều phải chịu trừng phạt nơi hoả ngục. Bởi vì tất cả mọi người, ngay cả những người tốt nhất, cũng chỉ xứng đáng chịu đọa đày nơi địa ngục. Con người không có khả năng đạt được sự cứu rỗi bằng nỗ lực của chính mình, vì ngay cả những ý định cao quý nhất của con người cũng bị vấy bẩn bởi bản chất tội lỗi. Học thuyết này còn được gọi là sự sa ngã hoàn toàn (total depravity), một thuật ngữ đến từ thần học Calvin. Ấy là chỉ bởi đức tin (sola fide) và chỉ bởi ân điển (sola gratia) mà con người được cứu. (Xem Năm Tín lý Duy nhất). Việc lành là hành động khởi phát từ lòng biết ơn hướng về Cứu Chúa; việc lành không phải là điều kiện để được cứu, càng không thể làm cho con người được cứu rỗi. Vì vậy, trong thần học về sự cứu rỗi của Luther không có chỗ cho ý niệm công đức. Chỉ có ân điển của Thiên Chúa mới cứu được con người, không phải bởi công đức cũng không phải bởi nỗ lực của con người. Không ai có thể cho rằng mình có quyền hưởng ân điển của Thiên Chúa. Ấy chỉ bởi lòng độ lượng của Thiên Chúa mà con người được cứu rỗi. Sự cứu rỗi theo thần học Luther khởi đầu bằng sự công nhận tình trạng phá sản tâm linh, người ăn năn tội phải thừa nhận sự bất lực hoàn toàn của mình để tin cậy vào Thiên Chúa mà được cứu, và nhận biết rằng sự đoán phạt dành cho tội lỗi của mình đã được cất bỏ bởi vì Chúa Giê-xu đã trả giá cho điều đó bằng huyết của ngài. Nhờ vậy mà sự công chính của Chúa Giê-xu được dành cho những ai thuộc về ngài. Chú thích
Phan Khôi (chữ Hán: 潘瓌; 1887 - 1959), bút danh Chương Dân, là một học giả tên tuổi, một nhà thơ, nhà văn, thành viên nhóm Nhân Văn - Giai Phẩm, cháu ngoại của Tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu, đỗ Tú tài chữ Hán năm 19 tuổi nhưng lại mở đầu và cổ vũ cho phong trào Thơ mới. Ông còn là một nhà báo tài năng, một người tích cực áp dụng tư tưởng duy lý phương Tây, phê phán một cách hài hước thói hư tật xấu của quan lại phong kiến và thực dân Pháp. Ông cũng là một trong số ít nhà báo tiếp thu nhiều tư tưởng mới, đa văn hóa từ Hồng Kông, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp... Ông còn nổi tiếng vì sự trực ngôn, trước 1945 được mang danh là Ngự sử văn đàn. Ông phê phán chính sách cai trị của người Pháp một cách sát sườn, đối thoại với các học giả từ Bắc đến Nam không e dè kiêng nể. Những năm 1956 - 1958 cũng vì cung cách nói thẳng ấy ông đã buộc phải dừng sáng tác. Ông qua đời vào năm 1959. Tiểu sử Phan Khôi sinh ngày 6 tháng 10 năm 1887 tại làng Bảo An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, là con của Phó bảng Phan Trân (tri phủ Điện Khánh) và bà Hoàng Thị Lệ (con gái Tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu). Ông có quan hệ họ hàng với nhà cách mạng Phan Thanh và Phan Bôi tức Huỳnh Hữu Nam. Ông học giỏi Nho văn và đỗ tú tài năm 19 tuổi. Sau đó ông gặp cụ Phan Bội Châu, cụ Phan Châu Trinh và bị ảnh hưởng bởi tư tưởng của hai cụ. Năm 1907, ông ra Hà Nội, tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục và làm việc cho tạp chí Đăng Cổ Tùng Báo. Khi tờ tạp chí bị cấm ông về Nam Định rồi về Hải Phòng ẩn náu. Ít lâu sau ông lén về Quảng Nam hoạt động trong phong trào Văn Thân cùng với cụ Huỳnh Thúc Kháng. Trong một cuộc biểu tình đòi giảm thuế, tức vụ Trung Kỳ dân biến, ông bị bắt và giam tại nhà tù Quảng Nam đến năm 1914 thì được ân xá. Ra khỏi tù, ông lại về Hà Nội viết cho báo Nam Phong. Vì bất bình với Phạm Quỳnh, ông bỏ Hà Nội vào Sài Gòn viết cho báo Lục Tỉnh Tân Văn. Năm 1920, ông lại trở ra Hà Nội viết cho báo Thực Nghiệp Dân Báo và báo Hữu Thanh. Năm 1928, Thực Nghiệp Dân Báo và Hữu Thanh bị đóng cửa, ông lại trở vào nam viết cho báo Thần Chung và Phụ nữ tân văn. Năm 1931, Phan Khôi trở ra Hà Nội viết cho tờ Phụ nữ thời đàm. Năm 1936, ông vào Huế viết cho tờ Tràng An và xin được phép xuất bản báo Sông Hương. Năm 1939, Sông Hương đóng cửa, Phan Khôi lại trở vào Sài Gòn dạy học chữ Nho và viết tiểu thuyết. Sau năm 1945, tức sau Cách mạng tháng Tám, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời từ Quảng Nam ra Hà Nội tham gia kháng chiến với cương vị một nhà văn hóa, sau lại lãnh chức vụ chủ nhiệm Chi bộ Quảng Ngãi của Việt Nam Quốc dân đảng. Ông ở Việt Bắc suốt 9 năm nhưng vì bị bệnh nên phải vào bệnh viện một thời gian. Cuối năm 1954 hòa bình lập lại, Phan Khôi về Hà Nội cùng với các văn nghệ sĩ khác. Trong thời gian 1956-1957, là một trong những người thành lập tờ Nhân Văn và có các bài phê phán giới lãnh đạo văn nghệ lúc bấy giờ, ông bị buộc phải ngừng sáng tác, được ít lâu thì ông qua đời năm 1959 tại Hà Nội. Khi mất, ông được chôn cất tại nghĩa trang Mai Động, sau đó, do chiến tranh, các ngôi mộ buộc phải thuyên chuyển hoặc bị bom đạn, thời tiết san phẳng đi. Mộ ông Phan Khôi bị thất lạc trong những ngôi mộ vô thừa nhận không ai biết, đến nay ngay cả con cháu ông cũng không biết mộ ông nằm ở đâu Vinh danh Năm 2007, kỷ niệm 120 năm ngày sinh của ông, một tọa đàm về ông đã được Tạp chí Xưa và Nay, Hội khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức. Loạt sách Phan Khôi - Tác phẩm đăng báo, do nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân sưu tầm, cũng được xuất bản những tập đầu. Bà Phan Thị Miều (bút danh Phan Thị Mỹ Khanh), con gái học giả Phan Khôi có viết sách “Nhớ cha tôi Phan Khôi”(NXB Đà Nẵng, 2001) Năm 2013, cuốn sách "Nắng được thì cứ nắng - Phan Khôi từ Sông Hương đến Nhân Văn" đoạt giải thưởng ở hạng mục Phê bình Lý luận văn học của Hội Nhà văn Hà Nội. Tác giả của cuốn sách là Phan An Sa, con út nhà văn Phan Khôi.Đây được xem là tác phẩm mô tả chi tiết và chân thực nhất về sự nghiệp làm báo cũng như cuộc đời Phan Khôi. Phim tư liệu Con mắt còn có đuôi trên trang Phóng sự - tài liệu của Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng Năm 2013, thành phố Đà Nẵng đặt tên phố Phan Khôi cho một con phố dài 615 mét thuộc quận Cẩm Lệ. Tháng 10/2014, tỉnh Quảng Nam tổ chức hội thảo có chủ đề “Phan Khôi và những đóng góp trên lĩnh vực văn hóa”. Hơn 40 đại biểu là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trên các lĩnh vực văn học, lịch sử trong cả nước đã có tham luận giới thiệu và thảo luận về Phan Khôi. Tháng 3/2015, tỉnh Quảng Nam chính thức đặt tên đường Phan Khôi ở thành phố Tam Kỳ. Đó là con đường dài 310 mét, rộng 19,5 mét có đầy đủ hạ tầng kĩ thuật với hệ thống cấp thoát nước, điện chiếu sáng, cây xanh. Tác phẩm Ông là hội viên Hội nhà văn Việt Nam, từng làm giám khảo trong các giải văn học của hội nhà văn Việt Nam. Các tác phẩm chính của ông: Bàn về tế giao (1918) Tình già (thơ mới - 1932) Chương Dân thi thoại (1936) Trở vỏ lửa ra (tiểu thuyết, 1939) Tìm tòi trong tiếng Việt (1950) Chủ nghĩa Mác và ngôn ngữ (dịch của Stalin, 1951) Việt ngữ nghiên cứu (1955) Dịch Lỗ Tấn (từ 1955 đến 1957) Ngẫu cảm (thơ chữ Hán) Viếng mộ ông Lê Chất (thơ chữ Hán) Ông Năm chuột (truyện ngắn) Ông cũng là một trong những người dịch Kinh Thánh Tin Lành sang tiếng Việt. Nhận xét Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân nói về ông như sau: "Phan Khôi hiện diện trước xã hội, trước cuộc đời này chỉ với tư cách nhà báo; người ta biết ông chủ yếu qua những gì ông viết ra đăng lên báo chí; nhưng, qua hoạt động báo chí, Phan Khôi chứng tỏ mình còn là một học giả, một nhà tư tưởng, một nhà văn. Phan Khôi là nhà tư tưởng đã đặt ra hàng loạt vấn đề: phê phán Khổng giáo, tiếp nhận tư tưởng Âu Tây, nữ quyền. Ông cũng là một nhà Hán học và Trung Quốc học am hiểu những vấn đề của xã hội Trung Quốc đương thời, ông là một dịch giả đã dịch Kinh Thánh của đạo Tin Lành ra tiếng Việt, một nhà Việt ngữ học cả ở phần lý thuyết lẫn thực hành, một nhà văn xuôi với thể hài đàm và một nhà phê bình văn học. Có thể nói Phan Khôi là người thể hiện rõ nhất và thành công nhất chủ trương duy tân kiểu Phan Chu Trinh vào đời sống, nhưng khác với người tiền bối ấy, Phan Khôi hoàn toàn không thể hiện mình như một chí sĩ; ông sống như một người thường trong đời thường, chỉ hoạt động chuyên nghiệp như một nhà ngôn luận, chỉ tác động đến xã hội bằng ngôn luận. Phan Khôi thuộc trong số những trí thức hàng đầu có công tạo ra mặt bằng tri thức và văn hoá cho xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX, nhưng đặt bên cạnh những gương mặt sáng láng như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Huỳnh Thúc Kháng…, ông thường tự thể hiện như kẻ phản biện, và sự phản biện của ông thường đem lại chiều sâu mới cho tri thức." Chú thích
Bộ Dứa (danh pháp khoa học: Bromeliales) là tên gọi thực vật của một bộ trong số các bộ thực vật có hoa. Trong các hệ thống phân loại truyền thống, chẳng hạn như hệ thống Engler hay hệ thống Cronquist nó chỉ chứa một họ duy nhất là họ Dứa (Bromeliaceae). Trong hệ thống Thorne người ta còn cho thêm họ Rapateaceae vào bộ này và nó được coi là một bộ của hai họ này. Bộ này không được công nhận trong hệ thống APG II, và người ta đưa cả hai họ này vào bộ Hòa thảo (Poales). Chú thích
Họ Dứa (danh pháp khoa học: Bromeliaceae) là một họ lớn của thực vật có hoa gồm 51 chi và chừng 3475 loài được biết đến có nguồn gốc chủ yếu từ vùng nhiệt đới châu Mỹ, một loài từ cận nhiệt đới châu Mỹ và một loài từ Tây Phi, Pitcairnia feliciana. Họ này bao gồm cả các loài thực vật biểu sinh, chẳng hạn loài rêu Tây Ban Nha (Tillandsia usneoides) cũng như các loài thực vật tự dưỡng sống trên đất như dứa (Ananas comosus). Nhiều loài trong họ này có khả năng lưu trữ nước trong "quả" được tạo ra nhờ sự chồng lên nhau khá chặt của các gốc lá. Tuy nhiên, họ này là đa dạng đủ để bao gồm cả các loại dứa có "quả", các loài thực vật biểu sinh Tillandsia lá xám lấy nước từ các cấu trúc lá gọi là túm lông, và thậm chí một lượng lớn các loài thực vật mọng nước cư trú trong các sa mạc. Loài dứa lớn nhất là Puya raimondii, cao tới 3–4 m với hoa cao tới 9–10 m, và loài nhỏ nhất có lẽ là rêu Tây Ban Nha. Đặc điểm Cây thân cỏ, phần lớn sống biểu sinh trên thân các cây to, một số ít sống trên đất. Thân ngắn, mang những lá hình giải xếp thành hoa thị ở gốc. Hoa tập hợp thành bông, chùm hay chùy. Nhiều loài có lá bắc có màu sặc sỡ. Hoa mẫu 3. Quả mở (ở các chi có bầu trên) và quả mọng (ở các chi có bầu dưới). Hạt bé, nội nhũ bột. Cây họ Dứa có nhiều đặc điểm sinh thái đặc biệt. Rễ của các loài biểu sinh chủ yếu để bám vào thân cây chủ, ở một số loài rễ hoàn toàn không phát triển. Lá mọc chụm lại ở gốc thành hình phễu, trong có nước và chất hữu cơ bị phân hủy, nên là môi trường sống thích hợp cho một số động vật và thực vật nhỏ (một số cây ăn thịt, giáp xác thấp, lưỡng thê v.v). Gốc lá hút nước và chất dinh dưỡng thay cho rễ. Ở nhiều loài lại có lông và mô giữ nước phát triển. Phát sinh chủng loài Cây phát sinh chủng loài dưới đây lấy theo APG III. Một vài hình ảnh về họ dứa Phân loại Họ Bromeliaceae hiện được đặt trong bộ Poales. Phân họ Họ Bromeliaceae được chia làm ba phân họ: Bromelioideae (32 chi, 861 loài) Pitcairnioideae (16 chi, 1030 loài) Tillandsioideae (9 chi, 1277 loài) Các chi Trồng và sử dụng Chỉ có một loài dứa (Ananas comosus), là có giá trị quan trọng trong thương mại trong vai trò của một loại cây trồng thực phẩm. Nhiều loài dứa khác là các loại cây cảnh phổ biến. Cây dứa Loài dứa có giá trị kinh tế nhất là loài thuộc chi Ananas với danh pháp khoa học Ananas comosus (Merr.) với nhiều giống khác nhau. Loài dứa này là loại cây ăn quả nhiệt đới nổi tiếng. Hoa tập hợp quanh một trục lớn thành bông ngắn, mỗi hoa mọc ở kẽ một lá bắc màu tím, bầu dưới, quả mọng. Quả dứa là một quả phức, phần ăn được gồm trục hoa và các lá bắc mọng nước, còn quả thật nằm trong các mắt dứa. Ở Việt Nam hiện biết có trồng 4 giống sau: Dứa ta (Ananas comosus spanish hay Ananas comosus sousvar red spanish) là cây chịu bóng tốt, có thể trồng ở dưới tán cây khác. Quả to nhưng vị ít ngọt. Dứa mật (Ananas comosus sousvar Singapor spanish) có quả to, thơm, ngon, trồng nhiều ở Nghệ An. Dứa tây hay dứa hoa (Ananas comosus queen) được nhập nội từ 1931, trồng nhiều ở các đồi vùng trung du. Quả bé nhưng thơm, ngọt. Dứa không gai (Ananas comosus cayenne) được trồng ở Nghệ An, Quảng Trị, Lạng Sơn. Cây không ưa bóng. Quả to hơn các giống trên.
Cúp EFL (tiếng Anh: EFL Cup hay League Cup), hiện được gọi là Carabao Cup vì lý do tài trợ, là một giải đấu bóng đá theo thể thức loại trực tiếp, được điều hành bởi English Football League. Tại Việt Nam, giải còn được biết tới với tên gọi Cúp Liên đoàn Anh (mặc dù dịch không chính xác với tên gốc). Được tổ chức bởi English Football League (EFL), giải đấu dành cho bất kỳ câu lạc bộ nào trong 4 cấp độ hàng đầu của hệ thống giải bóng đá Anh - tổng cộng 92 câu lạc bộ - bao gồm Premier League, Championship, League One và League Two. Giải được tổ chức lần đầu tiên vào mùa giải 1960–61 với tên gọi Football League Cup, đây là một trong ba giải bóng đá cao nhất ở Anh, cùng với Premier League và Cúp FA. Các nhà tài trợ Từ 1981 đến 2017, Cúp EFL được đổi tên theo nhà tài trợ: Các trận chung kết và thống kê Các kỷ lục Đội bóng vô địch nhiều nhất: Liverpool (9 lần) Đội bóng vô địch nhiều lần liên tiếp nhất: Liverpool (1981–1984) và Manchester City (2018–2021) (cùng 4 lần) Đội tham dự nhiều trận chung kết nhất: Liverpool (12 trận) Cầu thủ vô địch nhiều nhất: 5 lần Ian Rush (Liverpool, 1981–1984, 1995) Sergio Agüero, Fernandinho và David Silva (Manchester City, 2014, 2016, 2018–2020) Cầu thủ tham dự nhiều trận chung kết nhất: 6 Ian Rush cho Liverpool (1981, 1982, 1983, 1984, 1987, 1995) Emile Heskey cho Leicester City (1997, 1999, 2000), Liverpool (2001, 2003) và Aston Villa (2010) Cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất: Geoff Hurst và Ian Rush (cùng có 50 bàn) Cầu thủ ghi bàn nhiều nhất trong 1 mùa giải: 12 – Clive Allen (Tottenham Hotspur, mùa giải 1986–87) Cầu thủ ghi bàn nhiều nhất trong 1 trận đấu: 6 – Frankie Bunn (Oldham Athletic vs Scarborough, ngày 25 tháng 10 năm 1989) Chiến thắng với tỷ số lớn nhất: Liverpool 10–0 Fulham ở vòng 2 lượt đi ngày 23 tháng 9 năm 1986 West Ham United 10–0 Bury ở vòng 2 lượt về ngày 25 tháng 10 năm 1983 Chiến thắng với tổng tỷ số lớn nhất sau 2 lượt trận ở vòng bán kết: Manchester City 10–0 Burton Albion (9–0 sân nhà, 1–0 sân khách), ngày 23 tháng 1 năm 2019. Chiến thắng với tỷ số cao nhất trong trận chung kết: Swansea City 5–0 Bradford City vào ngày 24 tháng 2 năm 2013 Trận đấu có nhiều bàn thắng nhất: 12 Reading 5–7 Arsenal ở vòng 4 ngày 30 tháng 10 năm 2012 Dagenham & Redbridge 6–6 Brentford ở vòng 1 ngày 12 tháng 8 năm 2014 Nhiều quả phạt đền nhất trong loạt sút luân lưu: 27 – Derby County 14–13 Carlisle United (ngày 23 tháng 8 năm 2016) Cầu thủ trẻ nhất từng ra sân: Harvey Elliott (15 tuổi, 174 ngày) – Millwall vs Fulham, ngày 25 tháng 9 năm 2018) Cầu thủ trẻ nhất ghi bàn trong trận chung kết: Norman Whiteside (17 tuổi 324 ngày) – Manchester United vs Liverpool năm 1983 Đội trưởng trẻ nhất trong trận chung kết: Barry Venison (20 tuổi 7 tháng 8 ngày) – Sunderland vs Norwich City năm 1985
Trẩu trơn hay còn gọi trẩu lùn, tung (danh pháp hai phần: Vernicia fordii) là một loài cây sớm rụng lá trong họ Đại kích. Nó có nguồn gốc ở Trung Quốc. Tại đây nó có nhiều tên gọi như: 油桐 (du đồng - tức cây đồng lấy dầu) là tên gọi chính thức, trong khi các tên khác như 桐油樹 - đồng du thụ, 光桐 - quang đồng, 三年桐 - tam niên thụ, 百年桐 - bách niên thụ, 桐子樹-đồng tử thụ) là các tên gọi phổ biến. Tại Việt Nam, một số người còn gọi nó là cây tung (có lẽ là do ảnh hưởng của kiểu phiên âm bính âm của 桐 là tóng được sách vở bằng tiếng Anh viết là "tung tree") hoặc trẩu lùn, trẩu đồng, trẩu Trung Quốc. Cây du đồng có giá trị để lấy dầu, nó được chiết ra từ hạt của cây này. Nó cũng đã được đưa vào Argentina, Paraguay và Hoa Kỳ để trồng. Dầu du đồng, còn gọi là dầu gỗ Trung Hoa, trong lịch sử đã được dùng để thắp đèn tại Trung Quốc. Ngày nay, nó được sử dụng như là một thành phần của sơn, véc ni cũng như để xảm thuyền. Nó cũng được dùng để đánh bóng các đồ gỗ gia dụng. Dầu của nó có độc do chứa saponin. Thành phần chủ yếu của dầu du đồng là 75 - 80% axít a-elaeo stearic, 15% axít ôleic, khoảng 4% axít palmitic, khoảng 1% axít stearic. Các chất khác ở dạng dấu vết như tanin, các phytosterol, và saponin. Đặc điểm Cây thân nhỏ, cao tới 7–9 m (23–30 ft) với tán rộng. Lá đơn, mọc so le, dài từ 15–25 cm (6-10 inch) và rộng bản, hình trái tim hay với 3 thùy nông, giống lá cây thích, cuống lá dài, màu xanh lục cả trên và dưới với các tuyến màu đỏ dễ thấy tại gốc lá. Hoa đơn tính trên cùng một cây, có 5 cánh màu trắng với các sọc màu đỏ hay tía ở phần dưới phía trong, sát với cuống hoa, xuất hiện trước hoặc cùng với lá thành cụm vào khoảng tháng 4-5. Quả cứng, là loại quả hạch hình quả lê, kích thước 4–7 cm (1.5- 3 inch), thông thường chứa 4-5 hạt to có chứa dầu, hàm lượng đạt tới 58-70%, quả non có màu xanh lục, nhưng khi chín chuyển thành màu nâu-tía vào cuối mùa hè hay đầu mùa thu (tháng 7-10). Vỏ cây mỏng và nhẵn, màu nâu xám với các rãnh rất nông màu nâu đỏ.
Đồng Đức Bốn (30 tháng 3 năm 1948 - 14 tháng 2 năm 2006) là một nhà thơ Việt Nam. Tiểu sử Đồng Đức Bốn được sinh ra trong một gia đình lao động nghèo ở ngoại ô Hải Phòng. Năm 1966, ông gia nhập lực lượng Thanh niên xung phong. Sau đó, ông làm thợ cơ khí (bậc 6 trên 7) tại Xí nghiệp Cơ giới của Tổng Công ty Xây dựng Bạch Đằng (Hải Phòng), Xí nghiệp Cơ khí 20-7 rồi Công ty Xuất nhập khẩu gia cầm Hải Phòng. Ông được làm đại diện cho công ty này tại Hà nội và bắt đầu sáng tác thơ vào cuối những năm 1980. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Đồng Đức Bốn mất ngày 14 tháng 2 năm 2006 tại nhà riêng ở thôn Song Mai, xã An hồng, huyện An Hải, Thành phố Hải Phòng khi ông 58 tuổi bởi bệnh ung thư phổi. Các tác phẩm Con ngựa trắng và rừng quả đắng. Nhà xuất bản Văn học, 1992 Chăn trâu đốt lửa. Nhà xuất bản Lao động, 1993 Trở về với mẹ ta thôi. Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2000 Cuối cùng vẫn còn dòng sông. Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2000 Chuông chùa kêu trong mưa 2002 Chim mỏ vàng và hoa cỏ độc. Nhà xuất bản Hội nhà văn 2006 (tập thơ cuối cùng, dày 1.108 trang) Thơ Đồng Đức Bốn Trở về với mẹ ta thôi (trích) Chẳng ai biết đến mẹ tôi Bạc phơ mái tóc bên trời hoa mơ Còng lưng gánh chịu gió mưa Nát chân tìm cái chửa chưa có gì Cầm lòng bán cái vàng đi Để mua những cái nhiều khi không vàng… Trở về với mẹ ta thôi Giữa bao la một khoảng trời đắng cay Mẹ không còn nữa để gầy Gió không còn nữa để say tóc buồn Người không còn dại để khôn Nhớ thương rồi cũng vùi chôn đất mềm… Chăn Trâu đốt lửa Chăn trâu đốt lửa trên đồng Rạ rơm thì ít gió đông thì nhiều Mải mê đuổi một con diều Củ khoai nướng để cả chiều thành tro. Yêu một ngày hơn triệu mùa đông Em bỏ chồng về ở với tôi không" Đánh giá Đồng Đức Bốn có nhiều đóng góp quan trọng trong thể loại thơ lục bát. Thơ lục bát của ông với cách ngắt nhịp, dùng từ và rất giàu hình ảnh với tứ thơ sâu sắc đã chinh phục được bạn đọc. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nhận xét về thơ của ông là trong khoảng 80 bài thơ, có khoảng 15 bài thơ cực hay, tài tử vô địch, nhưng có nhiều bài cũng chẳng ra gì. Chú thích
Hà Sơn Bình là một tỉnh từng tồn tại ở Miền Bắc Việt Nam từ ngày 27 tháng 12 năm 1975 đến 12 tháng 8 năm 1991 trên cơ sở sáp nhập hai tỉnh Hà Tây và Hòa Bình. Địa lý Tỉnh Hà Sơn Bình có vị trí địa lý: Phía bắc giáp tỉnh Vĩnh Phú Phía đông bắc giáp thủ đô Hà Nội Phía đông giáp tỉnh Hải Hưng Phía đông nam giáp tỉnh Hà Nam Ninh Phía nam giáp tỉnh Thanh Hóa Phía tây giáp tỉnh Sơn La. Lịch sử Khi hợp nhất, tỉnh Hà Sơn Bình có 24 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc, bao gồm 3 thị xã: Hà Đông, Sơn Tây, Hòa Bình và 21 huyện: Ba Vì, Chương Mỹ, Đà Bắc, Đan Phượng, Hoài Đức, Kim Bôi, Kỳ Sơn, Lạc Sơn, Lạc Thủy, Lương Sơn, Mai Châu, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Quốc Oai, Tân Lạc, Thạch Thất, Thanh Oai, Thường Tín, Ứng Hòa, Yên Thủy. Tỉnh lỵ đặt tại thị xã Hà Đông. Ngày 29 tháng 12 năm 1978, cùng với hai huyện Mê Linh, Sóc Sơn của tỉnh Vĩnh Phú, hai thị xã Hà Đông, Sơn Tây và 5 huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất cùng một số xã thuộc huyện Quốc Oai, Chương Mỹ, Thanh Oai, Thường Tín thuộc tỉnh Hà Sơn Bình được nhập vào thủ đô Hà Nội theo nghị quyết của kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa VI. Tuy nhiên, trên thực tế, thị xã Hà Đông vẫn thuộc tỉnh Hà Sơn Bình và là tỉnh lỵ. Tỉnh còn 2 thị xã: Hà Đông, Hòa Bình và 16 huyện: Chương Mỹ, Đà Bắc, Kim Bôi, Kỳ Sơn, Lạc Sơn, Lạc Thủy, Lương Sơn, Mai Châu, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Quốc Oai, Tân Lạc, Thanh Oai, Thường Tín, Ứng Hòa, Yên Thủy, với diện tích 5.978km², dân số 1.569.000 người (1981). Ngày 27 tháng 3 năm 1984, thành lập thị trấn Xuân Mai thuộc huyện Chương Mỹ trên cơ sở tách một phần diện tích và dân số của xã Thủy Xuân Tiên. Ngày 6 tháng 9 năm 1986, thành lập thị trấn Phú Xuyên, thị trấn huyện lỵ huyện Phú Xuyên trên cơ sở giải thể xã Liên Hòa và thành lập thị trấn Phú Minh thuộc huyện Phú Xuyên trên cơ sở tách thôn Nhố Tống và xóm trại của thôn Văn Minh thuộc xã Văn Nhân. Ngày 19 tháng 3 năm 1988, thành lập thị trấn Tế Tiêu, thị trấn huyện lỵ huyện Mỹ Đức trên cơ sở tách thôn Tế Tiêu của xã Đại Nghĩa; hành lập thị trấn Thường Tín, thị trấn huyện lỵ huyện Thường Tín trên cơ sở tách phố Ga của xã Văn Bình; thôn Trần Phú của xã Văn Phú; phố Vồi, chợ Vồi của xã Hà Hồi. Ngày 23 tháng 12 năm 1988, thành lập thị trấn Quốc Oai, thị trấn huyện lỵ huyện Quốc Oai trên cơ sở giải thể xã Hoàng Ngô. Ngày 26 tháng 12 năm 1990, thành lập thị trấn Chúc Sơn, thị trấn huyện lỵ huyện Chương Mỹ trên cơ sở tách một phần diện tích và dân số của hai xã Ngọc Sơn, Ngọc Hòa. Huyện Chương Mỹ có 2 thị trấn và 37 xã. Huyện Mỹ Đức có 1 thị trấn và 22 xã. Huyện Phú Xuyên có 2 thị trấn và 26 xã. Huyện Quốc Oai có 1 thị trấn và 15 xã. Huyện Thường Tín có 1 thị trấn và 28 xã. Ngày 12 tháng 8 năm 1991, kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa VIII ra nghị quyết chia tỉnh Hà Sơn Bình để tái lập tỉnh Hà Tây và tỉnh Hòa Bình. Đồng thời, trả thị xã Sơn Tây và 5 huyện: Đan Phượng, Hoài Đức, Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất của thủ đô Hà Nội về tỉnh Hà Tây quản lý. Cũng trong năm này, huyện Mê Linh của Hà Nội chuyển trở về tỉnh Vĩnh Phú (từ năm 1997 thuộc tỉnh Vĩnh Phúc) quản lý. Tỉnh Hà Tây gồm 2 thị xã: Hà Đông, Sơn Tây và 12 huyện: Ba Vì, Chương Mỹ, Đan Phượng, Hoài Đức, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Quốc Oai, Thạch Thất, Thanh Oai, Thường Tín, Ứng Hòa. Tỉnh Hòa Bình gồm thị xã Hòa Bình và 9 huyện: Đà Bắc, Kim Bôi, Kỳ Sơn, Lạc Sơn, Lạc Thủy, Lương Sơn, Mai Châu, Tân Lạc, Yên Thủy. Ngày 12 tháng 12 năm 2001, huyện Kỳ Sơn chia thành 2 huyện: Kỳ Sơn và Cao Phong. Ngày 8 tháng 1 năm 2004, sáp nhập thị trấn Tế Tiêu và xã Đại Nghĩa để thành lập thị trấn Đại Nghĩa thuộc huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây. Ngày 27 tháng 10 năm 2006, thành lập thành phố Hòa Bình trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của thị xã Hòa Bình. Ngày 27 tháng 12 năm 2006, thành lập thành phố Hà Đông trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của thị xã Hà Đông. Ngày 2 tháng 8 năm 2007, thành lập thành phố Sơn Tây trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của thị xã Sơn Tây. Từ 1 tháng 8 năm 2008, cùng với huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc, toàn bộ diện tích, dân số của tỉnh Hà Tây và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình được sáp nhập vào Thủ đô Hà Nội. Từ đây, chính thức giải thể tỉnh Hà Tây. Ngày 8 tháng 5 năm 2009, thành phố Hà Đông trở thành quận Hà Đông trực thuộc thủ đô Hà Nội, thành phố Sơn Tây trở thành thị xã Sơn Tây trực thuộc thủ đô Hà Nội. Đồng thời, điều chỉnh lại địa giới các huyện Quốc Oai và Thạch Thất, sáp nhập thêm 4 xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Ngày 17 tháng 12 năm 2019, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 830/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Hòa Bình (nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2020). Theo đó, sáp nhập toàn bộ diện tích và dân số của huyện Kỳ Sơn vào thành phố Hòa Bình. Tỉnh Hòa Bình hiện nay gồm thành phố Hòa Bình và 9 huyện: Đà Bắc, Kim Bôi, Lạc Sơn, Lạc Thủy, Lương Sơn, Mai Châu, Tân Lạc, Yên Thủy, Cao Phong. Hành chính Khi hợp nhất, tỉnh Hà Sơn Bình có 24 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc, bao gồm 3 thị xã: Hà Đông, Sơn Tây, Hòa Bình và 21 huyện: Ba Vì, Chương Mỹ, Đà Bắc, Đan Phượng, Hoài Đức, Kim Bôi, Kỳ Sơn, Lạc Sơn, Lạc Thủy, Lương Sơn, Mai Châu, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Quốc Oai, Tân Lạc, Thạch Thất, Thanh Oai, Thường Tín, Ứng Hòa, Yên Thủy. Tỉnh lỵ đặt tại thị xã Hà Đông. Trước khi giải thể vào năm 1991, tỉnh Hà Sơn Bình có 18 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc,bao gồm 2 thị xã: Hà Đông (tỉnh lỵ), Hòa Bình và 16 huyện: Chương Mỹ, Đà Bắc, Kim Bôi, Kỳ Sơn, Lạc Sơn, Lạc Thủy, Lương Sơn, Mai Châu, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Quốc Oai, Tân Lạc, Thanh Oai, Thường Tín, Ứng Hòa, Yên Thủy (ngày 29 tháng 12 năm 1978, cùng với hai huyện Mê Linh, Sóc Sơn của tỉnh Vĩnh Phú, hai thị xã Hà Đông, Sơn Tây và 5 huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất cùng một số xã thuộc huyện Quốc Oai, Chương Mỹ, Thanh Oai, Thường Tín thuộc tỉnh Hà Sơn Bình được nhập vào thủ đô Hà Nội theo nghị quyết của kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa VI).
War Rock là một game hành động bắn súng góc nhìn người thứ nhất, tương tự như Battlefield 2 (mặc dù WarRock được phát hành trước Battlefield 2). Phiên bản War Rock đang được phát hành như một trò chơi miễn phí. Phiên bản tiếng Anh đang được phát hành dưới dạng thử mở (open beta). Thông tin Phiên bản tiếng Anh hạn chế với một số lượng các bản đồ, cơ giới và vũ khí. Người chơi có thể chọn lựa các nhân vật khác nhau, với những đặc thù riêng về vũ khí, và trang phục khác nhau với những chiến thuật riêng. Trò chơi cũng có hệ thống cấp bậc riêng. Trong tương lai, phiên bản tiếng Anh sẽ có thêm nhiều bản đồ mới, cửa hàng bán đồ vật, và đặc biệt là máy bay. Phiên bản tiếng Hàn Quốc có máy bay, nhiều bản đồ hơn, chế độ CS, và cửa hàng bán đồ. Để đảm bảo công bằng cho người chơi với những người lừa đảo sử dụng các công cụ để tăng chỉ số, trò chơi đã sử dụng phần mềm nprotect Gameguard để bảo vệ. Phiên bản tiếng Hàn Quốc sử dụng phần mềm GuardCAT. Mặc dù vậy, một số lượng lớn hacker, bot vẫn còn trong trò chơi. Nhân vật Người chơi có thể chọn một trong hệ thống năm nhân vật cơ bản: Công binh (tiếng Anh: Military Engineers) được trang bị súng tiểu liên MP5 và một chiếc chìa vặn ốc (được dùng để sửa chữa). Khả năng của công binh là sửa chữa những phương tiện cơ giới để tăng tính chiến đấu. MP5 rất tốt trong cự ly gần và trung bình, đôi khi MP5 còn tốt hơn K2. Cứu thương (tiếng Anh: Medics) cũng được trang bị tiểu liên MP5 cùng với bộ cứu thương để hồi sinh lực cho chính mình, đồng đội, cũng như quân địch. Khả năng của Cứu thương có hạn chế là phải chữa trị những vết thương dần dần, và những vết thương lớn cũng có thể cần nhiều lần chữa trị. Thêm nữa, bộ cứu thương cũng cần phải phục hồi trước khi được dùng lại. Lính bắn tỉa (tiếng Anh: Scouts) là những tay thiện xạ của WarRock, được trang bị súng ngắm M24 và lựu đạn nổ K400. Lính bắn tỉa có tầm đạn bắn xa nhất trong các nhân vật. Lính bắn tỉa thường bị chết ít nhất và có số giết cao nhất. Lính bắn tỉa hoàn toàn vô dụng ở những pha va chạm trong tầm ngắn. Trong những phiên bản tiếp theo nhân vật này sẽ có khả năng phát hiện quân địch nhờ sử dụng ống ngòm và có thể gọi thả bom từ trên không. Chiến binh (tiếng Anh: Combatants) được trang bị súng trường Daewoo K2 cùng lựu đạn nổ K400. Mặc dù K2 không chính xác như súng MP5, nhưng mạnh hơn và có nhiều đạn hơn. Trong những phiên bản tiếp theo, Chiến binh cũng có thể mang theo súng máy M249 SAW. Lính chiến đấu được dùng để tấn công vào những căn cứ của quân địch, và tàn phá căn cứ chính. Mặc dù họ giết được số lượng lớn nhất, nhưng cũng chết nhiều nhất. Đơn vị vũ khí nặng (tiếng Anh: Heavy Weapons Units) là đơn vị chống các loại xe bọc sắt có súng Panzerfaust 3 cùng với mìn chống tăng. Trong những phiên bản sắp tới, đơn vị này có thể mang theo RPG-29 hoặc những loại súng tương tự. Đơn vị vũ khí hạng nặng rất hiệu quả trong việc chống các xe, và sẽ hiệu quả hơn nếu đi cùng với Chiến binh. Đơn vị vũ khí nặng rất dễ bị bắn tỉa, có tốc độ bắn thấp, và ít đạn, và khi hết đạn họ sẽ trở nên vô dụng. Tất cả các nhân vật trên đều mang theo súng lục Colt (hoặc những loại súng nhỏ tương tự) và trong những màn đầu trực diện, họ có thể sử dụng "nắm đấm" (tiếng Anh: knuckle). Cơ giới Chú ý: Cơ giới không có trong bản đồ IDA. K1A1 Xe tăng lớn - Người lái được trang bị pháo 120 mm để chống tăng, hoặc sử dụng để cản bước tiến của đối phương, và súng máy 50 cal được lắp vào nòng pháo. Hai vị trí phụ được trang bị súng máy 50 cal, nhưng bị hạn chế góc bắn. Tăng có chỉ số giáp cao, và cần nhiều lần bắn mới hạ được. Tăng rất hiệu quả trong việc càn quét quân địch bởi khả năng bảo vệ người lái cao. Có trong bản đồ Ohara và Havana. Wiesel 1 Xe tăng nhỏ - Có trong bản đồ Emblem, chỉ có thể chở được 1 người với súng, nhưng khá linh hoạt. CR125 Xe máy (không có trang bị súng) - Được trang bị để di chuyển nhanh, người lái không được bảo vệ. Có trong bản đồ Emblem. Humvee - Xe đa năng. Được sử dụng trong những cuộc di chuyển nhanh, sát thương cao và tốc độ bắn của súng máy nhanh, và đơn giản. Được trang bị súng máy vô hạn đạn và bắn nhanh hơn tăng. Vị trí bắn súng, người lái không được bảo vệ. Có trong bản đồ Montana, Ohara, Havana, Emblem. Xe tải 60 - Phòng thủ kém, không được trang bị vũ khí, nhưng di chuyển nhanh và khả năng chở được 8 người (kể cả lái xe). Có trong bản đồ Ohara. Súng cố định Cal50 - Có tốc độ bắn cao, vô hạn đạn nhưng góc nhìn hạn chế và không thể di chuyển được. Được sử dụng để phòng thủ hoặc bảo vệ một địa điểm quan trọng, cũng có thể sử dụng để chống các xe cơ giới. Người sử dụng không được bảo vệ. Tìm thấy trong tất cả các bản đồ. Bản đồ Số lượng bản đồ đang được tăng lên trong các phiên bản. Trong phiên bản tiếng Hàn Quốc đã có nhiều. Đây là một số bản đồ trong phiên bản tiếng Anh. Bản đồ nhỏ Ravello là một bản đồ thành thị. Bản đồ có nhà thờ, nhiều ngõ hẻm nhỏ, và hệ thống hầm ngầm kết nối nhiều phần trong bản đồ. Lính bắn tỉa thường nấp trong nhà thờ và bắn tỉa từ tháp chuông. Bất cứ đội nào có được nhà thờ đều có khả năng thắng cao. Montana là một bản đồ thành thị tương tự như Ravello. Bản đồ rất thích hợp với những va chạm nảy lửa. Chỉ có một sự tranh chấp trong bản đồ: nguồn điện ở giữa bản đồ. Bản đồ cũng có một số toà nhà, thích hợp cho lính bắn tỉa hoặc những tay súng. Harbor IDA cũng là một bản đồ thành thị tương tự như Ravello và Montana. Là bản đồ duy nhất được chọn thời gian là đêm tối, bản đồ sẽ thích hợp để ẩn nấp, khó bị phát hiện. Hai tòa nhà được nối với nhau bằng một đường thông. Tòa nhà trung tâm sẽ là vị trí tốt để bắn tỉa, trong khi đó mặt đất sẽ là nơi thích hợp để mai phục quân địch bởi số lượng lớn container. Đơn vị vũ khí hạng nặng là không cần thiết trong bản đồ này bởi không có xe cơ giới. Emblem là sự kết hợp giữa chiến trang trong thành thị và không gian lớn. Xe tăng nhỏ (như Wiesel 1), humvee, và xe máy có trong bản đồ này. Bản đồ có một căn nhà lớn ở trung tâm, với hai căn nhà nhỏ hơn ở hai bên, thông với nhau bằng một lối đi hẹp ở hai bên. Vị trí tốt nhất cho lính bắn tỉa là ở đỉnh ngọn đồi bên cạnh căn cứ chính, nóc căn cứ, và nóc các ngôi nhà ở giữa. Nóc nhà và vị trí có súng cố định Cal50 rất dễ bị bắn tỉa. Bản đồ lớn Ohara là một bản đồ sa mạc. Có 3 căn cứ ở giữa các căn cứ chính hai bên, nhưng có phần gần hơn về đội màu vàng. Điều chắc chắn rằng đôi nào có càng nhiều xe tăng, và căn cứ hơn sẽ nắm quyền điều khiển trận đấu. Mặc dù là sa mạc nhưng có rất nhiều vị trí tốt cho lính bắn tỉa mà không bị phát hiện. Havana là phiên bản lớn hơn của các bản đồ Montana, Ravello, và Harbor IDA. Giống như Ohara, trò chơi sẽ rất căng thẳng và hồi hộp bởi số lượng lớn người chơi. Xe tăng K1A1 and và xe Humvee có trong bản đồ này và nên sử dụng tối đa chúng. Bản đồ phù hợp với tất cả các loại nhân vật, mặc dù có hơi khó khăn hơn đối với đơn vị vũ khí nặng.
Đạo đức là một từ Hán-Việt, được dùng từ xa xưa để chỉ một yếu tố trong tính cách và giá trị của mỗi con người. Là hệ thống các quy tắc về chuẩn mực của cộng đồng và xã hội. Đạo là con đường, đức là tính tốt hoặc những công trạng tạo nên. Khi nói một người có đạo đức là ý nói người đó có sự rèn luyện thực hành các lời răn dạy về đạo đức, sống chuẩn mực và có nét đẹp trong đời sống và tâm hồn.Và người có đạo đức rất biết quan tâm người khác. Đạo đức trong tâm lý học Khái niệm đạo đức Đạo đức là hệ thống quy tắc, tiêu chuẩn, chuẩn mực xã hội mà nhờ đó con người tự nguyện điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với lợi ích của cộng đồng, xã hội. Một số phạm trù cơ bản của đạo đức Nghĩa vụ Nghĩa vụ chính là trách nhiệm của cá nhân đối với nhu cầu, lợi ích chung của cộng đồng, xã hội. Có hai loại nghĩa vụ cơ bản là nghĩa vụ đạo đức và nghĩa vụ pháp lý. Khi nhu cầu, lợi ích cá nhân nảy sinh mâu thuẫn với nhu cầu lợi ích xã hội: cá nhân phải biết hi sinh cái riêng vì cái chung; Xã hội có trách nhiệm bảo đảm cho sự thoả mãn nhu cầu, lợi ích của cá nhân. Lương tâm Lương tâm có thể được hiểu như tiếng nói bên trong đầy quyền uy chỉ dẫn, thôi thúc con người ta làm những điều tốt, ngăn cản, chỉ trích làm những điều xấu. Theo quan điểm biện chứng của đạo đức học thì lương tâm là ý thức trách nhiệm và tình cảm đạo đức của cá nhân về sự tự đánh giá những hành vi, cách cư xử của mình trong đời sống xã hội. Sự hình thành lương tâm là quá trình phát triển lâu dài từ thấp đến cao trong quá trình lao động sản xuất và giao tiếp xã hội. Có thể nêu ra các mức độ phát triển của lương tâm như sau: Ý thức về cái cần phải làm do sự sợ hãi bị trừng phạt bởi thiết chế xã hội hoặc ý niệm tâm linh. Ý thức về cái cần phải làm, cần phải tránh vì xấu hổ trước người khác và trước dư luận xã hội. Ý thức về cái cần phải làm vì xấu hổ với bản thân. Khi cá nhân xấu hổ với bản thân, với những hành vi của mình là bước đầu của cảm giác lương tâm. Từ cảm giác đó đến sự phán xét các suy nghĩ, hành vi của mình thì đó chính là lương tâm. Vì thế lương tâm có quan hệ chặt chẽ với ý thức nghĩa vụ của con người. Khi con người làm những điều xấu, độc ác thì lương tâm cắn rứt. Trái lại khi cá nhân làm những điều tốt, cao thượng thì lương tâm thanh thản. Do vậy, trong cấu trúc của lương tâm tồn tại khái niệm xấu hổ, hối hận. Giữ cho lương tâm trong sạch là một tiêu chí hạnh phúc và tiêu chí sống của con người. Thiện và Ác Thiện và Ác là cặp phạm trù đối lập nhau trong mọi thời đại, là thước đo đời sống đạo đức của mọi cá nhân trong xã hội Cái Thiện là cái tốt đẹp biểu hiện lòng nhân ái của con người trong cuộc sống hàng ngày. Đó chính là hành vi thể hiện lợi ích của cá nhân phù hợp với yêu cầu và sự tiến bộ xã hội. Cái thiện phải được thể hiện qua việc góp phần thúc đẩy sự tiến bộ xã hội, đem lại lợi ích cho mọi người trong xã hội. Hồ Chí Minh đã nói: "Việc thiện thì dù nhỏ đến mấy cũng làm, việc ác thì dù nhỏ đến mấy cũng tránh" (Hồ Chí Minh, Về vấn đề giáo dục, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, 1990, tr. 55). Là cái thiện là phấn đấu cho cuộc sống của con người ngày càng trở nên tốt đẹp hơn và giàu tính nhân văn hơn. Cái Ác là cái đáng ghét, ghê tởm, cái cần phải gạt bỏ trong đời sống cá nhân và xã hội. Cái ác làm mất đi sự văn minh của cuộc sống con người. Quan điểm về thiện và ác mang tính lịch sử và có thể hoán đổi cho nhau. cái thiện và ác được chúng ta đánh giá tuỳ vào nó có thúc đẩy hay cản trở sự phát triển của xã hội, hạnh phúc của con người. Chiết tự Đạo: Đường đi, hướng đi, lối làm việc, ăn ở. Đức: Theo Khổng Tử, sống đúng luân thường là có Đức. Theo Đạo (Lão tử) tu thân tới mức hiệp nhất với trời đất, an hoà với mọi người là có Đức. Đạo đức được xem là khái niệm luân thường đạo lý của con người, nó thuộc về vấn đề tốt-xấu, hơn nữa xem như là đúng-sai, được sử dụng trong 3 phạm vi: lương tâm con người, hệ thống phép tắc đạo đức và trừng phạt đôi lúc còn được gọi giá trị đạo đức; nó gắn với nền văn hoá, tôn giáo, chủ nghĩa nhân văn, triết học và những luật lệ của một xã hội về cách đối xử từ hệ thống này. Đạo đức thuộc hình thái ý thức xã hội, là tập hợp những nguyên tắc, quy tắc nhằm điều chỉnh và đánh giá cách ứng xử của con người trong quan hệ với nhau, với xã hội, với tự nhiên trong hiện tại hoặc quá khứ cũng như tương lai chúng được thực hiện bởi niềm tin cá nhân, bởi truyền thống và sức mạnh của dư luận xã hội. Đạo đức là một hiện tượng lịch sử và xét cho cùng, là sự phản ánh của các quan hệ xã hội. Có đạo đức của xã hội nguyên thủy, đạo đức của chế độ chủ nô, đạo đức phong kiến, đạo đức tư sản, đạo đức cộng sản. Lợi ích của giai cấp thống trị là duy trì và củng cố những quan hệ xã hội đang có; trái lại, giai cấp bị bóc lột tuỳ theo nhận thức về tính bất công của những quan hệ ấy mà đứng lên đấu tranh chống lại và đề ra quan niệm đạo đức riêng của mình. Trong xã hội có giai cấp, đạo đức có tính giai cấp. Đồng thời, đạo đức cũng có tính kế thừa nhất định. Các hình thái kinh tế - xã hội thay thế nhau, nhưng xã hội vẫn giữ lại những điều kiện sinh hoạt, những hình thức cộng đồng chung. Tính kế thừa của đạo đức phản ánh "những luật lệ đơn giản và cơ bản của bất kì cộng đồng người nào" (Lênin). Đó là những yêu cầu đạo đức liên quan đến những hình thức liên hệ đơn giản nhất giữa người với người. Mọi thời đại đều lên án cái ác, tính tàn bạo, tham lam, hèn nhát, phản bội... và biểu dương cái thiện, sự dũng cảm, chính trực, độ lượng, khiêm tốn... "không ai nghi ngờ được rằng nói chung đã có một sự tiến bộ về mặt đạo đức cũng như về tất cả các ngành tri thức khác của nhân loại" (Enghen). Quan hệ giữa người với người ngày càng mang tính nhân đạo cao hơn. Ngay trong xã hội nguyên thủy đã có những hình thức đơn giản của sự tương trợ và không còn tục ăn thịt người. Với sự xuất hiện của liên minh bộ lạc và nhà nước, tục báo thù của thị tộc dần dần mất đi. Xã hội chủ nô coi việc giết nô lệ là việc riêng của chủ nô, đến xã hội phong kiến, việc giết nông nô bị lên án. Đạo đức phong kiến bóp nghẹt cá nhân dưới uy quyền của tôn giáo và quý tộc; đạo đức tư sản giải phóng cá nhân, coi trọng nhân cách. "Nhưng chúng ta vẫn chưa vượt được khuôn khổ của đạo đức giai cấp. Một nền đạo đức thực sự có tính nhân đạo, đặt lên trên sự đối lập giai cấp và mọi hồi ức về sự đối lập ấy chỉ có thể có được khi nào xã hội đã tới một trình độ mà trong thực tiễn của đời sống, người ta không những thắng được mà còn quên đi sự đối lập giai cấp". Đó là trình độ của xã hội tương lai, xã hội cộng sản chủ nghĩa (Enghen). Đạo đức theo Kinh Dịch Đạo (道) theo quan niệm của người xưa là con đường, là năng lực phổ biến điều hành mọi sự mọi sự vận động và biến hóa không ngừng của vạn vật và sự việc quanh ta. Đạo trong Kinh Dịch đặt trên nền tảng thiên kinh địa nghĩa: trật tự xã hội phản ánh trật tự vũ trụ. Không có một đấng tối cao nào có thể tùy tiện ban phúc giáng họa mà chỉ còn các nguyên lý vô ngã Âm Dương, ngã 我 = tôi, vô ngã = không có cái tôi, mà theo ngôn ngữ hiện đại được hiểu là quy luật khách quan. Nói một cách khác theo ngôn ngữ của chúng ta ngày nay thì Đạo là quy luật xảy ra xung quanh ta không tùy thuộc vào ý nguyện cá nhân của bất cứ ai. Đức 德 là hiểu Đạo. Đức là mức độ tập trung của Đạo ở một con người. Nói theo ngôn từ ngày nay Đức là trình độ năng lực nắm vững và vận dụng quy luật. Trình độ cao bao nhiêu thì Đức dày bấy nhiêu. Thánh nhân là người có Đức. Theo cách hiểu ngày nay thánh nhân đơn giản chỉ là "người có trình độ" nắm vững được sự vận động khách quan của quy luật, kể cả quy luật tự nhiên lẫn quy luật xã hội. Một khái niệm khác về Đạo Đức là Đức Hạnh. quẻ Bát Thuần Khảm - Lời tượng viết: nước chảy không ngừng là hình tượng của quẻ tập Khảm. Người quân tử lấy việc rèn luyện năng lực thực hiện làm trọng. Tượng Viết: Thủy tấn chí, tập khảm, quân tử dĩ thường đức hạnh, tập giáo sự. 象曰: 水洊至, 習坎, 君子以常德行, 習教事. Hành 行- Một âm là hạnh - đức hạnh. Như ở trên đã trình bày, năng lực là đức 德, khi thi hành gọi là hạnh 行. Chữ hạnh 行 này cùng một chữ với hành của hành động 行動. Vì thế cho nên: . Tương đối tính Đạo đức vừa có tính đa dạng và uyển chuyển, vừa có tính bất biến tương đối. Đạo đức là các khái niệm manh mún, do các mối quan hệ xa hội từ thời xa xưa tạo nên. Trong nhiều trường hợp, đạo đức bị phân ly thành nhiều dạng hành sự được gọi là tốt hoặc xấu so với một chủ quan. Đạo đức có thể biểu hiện các hành sự mâu thuẫn với chính nó, đạo đức đánh giá phương tiện phân ly với mục đích, vì vậy đạo đức chỉ là một cái ảo giác về ý nghĩa. Con người là không có tự ngã, là gồm những ham muốn, có những tư duy khác nhau trong từng thời điểm, là những bản năng và vô thức tập thể được ẩn dấu rất sâu khiến một sự ham muốn nào đó tạo nên một hành sự đạo đức được dạy để bồi đắp cho cái mặt nạ cái tôi (Atma). Để thấy được cái cải trang kín đáo ấy ta sē xem qua một ví dụ: Một người thấy người đi đường rơi một cái ví có thể có ít hoặc rất nhiều tiền. trường hợp A: Người đó định tâm không muốn lấy ví của người kia, nhưng lại cần một lời cảm ơn hay gì đó làm thỏa mãn cái tôi của anh ta là anh ta là một người có đạo đức, anh ta tự tâm đắc trong lòng là như vậy, và nếu có ai bảo anh ta vô đạo đức, anh ta sē nhớ lại hành động tốt của mình và ấm ức trong lòng, thực ra hành động trả ví trên là một hành vi chuộc lợi vô thức mang yếu tố tâm thần, những ham muốn được có cái tôi đạo đức bị ẩn đi, chỉ lộ ra hành động đạo đức không có lý do rõ ràng. trường hợp A1: anh ta trả lại ví do có nhiều con mắt người khác, hoặc sợ gặp rắc rối, hoặc đắn đo giữa ham muốn đạo đức(A), ham muốn tiền vì sợ người khác lấy miễn phí, sau đó anh ta chọn một phương án an toàn một cách vô thức. trường hợp B: Anh ta định tâm sē lấy trộm tiền, nếu anh ta trả lại tức là ham muốn A trên nhiều hơn ham muốn tiền bạc vì nhiều lý do như tiền ít chẳng hạn, lúc này quá trình tư duy tâm thần giống trường hợp A, nếu không trả bị phán xét là vô đạo đức.Nếu anh ta không lấy, cūng không trả lại, anh ta không ham muốn tiền, đạo đức cái tôi, anh ta không chăm chút cho cái tôi của mình nữa bởi nhiều lý do như chán trường, thù ghét xã hội, hoặc thậm chí là do lựa chọn có "ý thức" khi đã giác ngộ...v...v.Lúc này, cái đạo đức kia sē phán xét anh ta là vô đạo đức. 'Kết luận, đạo đức là một cách gọi các hành xử xã hội chỉ được tạo bởi các phản ứng vô thức, vô ngã'. Các loại đạo đức Hiếu thảo Trang nghiêm Thuần hậu Cẩn hạnh Cẩn ngôn Khiêm cung Từ tốn Kiên nhẫn Trì thủ Đại tín Hy sinh Lịch sự Biết ơn Lễ độ Tự trọng Tôn trọng Thật thà Giản dị Tiết kiệm Trung thực Tôn sư trọng đạo Tự tin Đoàn kết Dũng cảm Khoan dung Siêng năng Tương trợ Liêm khiết Tự lập Giữ chữ tín Chí công vô tư Tự chủ Lý tưởng Năng động, sáng tạo Danh dự Hạnh phúc Lương tâm Những nguyên tắc trong rèn luyện đạo đức Nguyên tắc thứ nhất: Muốn có đạo đức trước hết nói phải đi đôi với làm và luôn nêu gương về đạo đức. Đối với mỗi người đều nói nhiều mà làm ít, nói mà không làm, hơn nữa nói một đằng, làm một nẻo thì chỉ đem lại hậu quả phản tác dụng. Việc nêu gương thì không ở lĩnh vực nào mà vấn đề nêu gương lại được đặt ra như trong lĩnh vực đạo đức. Trong gia đình: Đó là tấm gương của bố mẹ đối với con cái, của anh chị đối với các em; trong nhà trường thì đó là tấm gương của thầy, cô giáo đối với học sinh; trong tổ chức, tập thể, Đảng, Nhà nước là tấm gương của những người đứng đầu, phụ trách, lãnh đạo, của cấp trên đối với cấp dưới; trong xã hội thì đó là tấm gương của người này đối với người khác. Một bài diễn văn hay không bằng một tấm gương sống. Nguyên tắc thứ hai: Để rèn luyện đạo đức là xây đi đôi với chống. Trong cuộc sống hàng ngày, những hiện tượng tốt - xấu, đúng - sai, cái đạo đức và cái vô đạo đức vẫn còn đan xen nhau, đối chọi nhau, thông qua hành vi của mỗi một con người khác nhau. Thậm chí, những đan xen và đối chọi ấy còn diễn ra ngay trong bản thân mỗi một con người. Do đó việc xây và chống trong lĩnh vực đạo đức hoàn toàn là điều không đơn giản. Để xây và chống có hiệu quả phải tạo thành phong trào quần chúng rộng rãi. Nguyên tắc thứ ba là: Phải tu dưỡng đạo đức suốt đời. Bởi mỗi người phải thường xuyên chăm lo tu dưỡng đạo đức hàng ngày, đó là công việc kiên trì, bền bỉ suốt đời. Trong thực tiễn, có người trong lúc đấu tranh thì hăng hái, trung thành, không sợ nguy hiểm, không sợ gian khổ, hy sinh, nhưng đến khi có ít quyền hạn thì đâm ra kiêu ngạo, xa xỉ, phạm vào tham ô, lãng phí, quan liêu, biến thành người có tội. Đối với mỗi con người việc rèn luyện đạo đức cách mạng phải được thực hiện trong hoạt động thực tiễn, trong đời tư cũng như trong đời công, sinh hoạt, học tập, lao động, chiến đấu; trong mọi mối quan hệ xã hội từ hẹp đến rộng, từ nhỏ đến lớn, từ gia đình đến nhà trường, đoàn thể, xã hội; từ quan hệ bạn bè đến đồng chí, anh em, cấp trên, cấp dưới, với Đảng, với nước, với dân và cả trong quan hệ quốc tế. Một số quan điểm về đạo đức Khi đạo Bà la môn ở Ấn Độ đang thống trị với sự phân chia đẳng cấp sâu sắc trong xã hội. Nỗi bất bình của thái tử Tất đạt đa về sự phân chia đẳng cấp, kì thị màu da và đồng cảm với nỗi khổ của muôn dân đã dẫn đến sự hình thành một tôn giáo mới. Sau này, khi môn đệ của Đức Phật Thích Ca thắc mắc tại sao các pháp sư Bà la môn tự xưng là cao cấp và kinh rẻ đẳng cấp mà đức Phật xuất thân, ngài trả lời (Trường bộ kinh): Theo Trang Tử: Theo Hồ Chí Minh Đề thi tốt nghiệp Trung học phổ thông môn Văn năm 2011-2012 chính thức từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (Việt Nam) có khẳng định: Đạo đức giả Ngược lại với Đạo đức là Đạo đức giả. Cùng với những thói ích kỷ, đố kị, xu nịnh, a dua, thói đạo đức giả là một thói xấu đang hoành hành mối quan hệ giữa con người và con người. Nó làm mất dần vẻ chân thực vốn có của đời sống xã hội. Nạn đạo đức giả sẽ làm suy yếu nền văn hóa của một đất nước. Dân gian đã có rất nhiều thành ngữ, ca dao… để vạch mặt kẻ đạo đức giả: "Miệng nam mô, bụng một bồ dao găm", hoặc "Bề ngoài thơn thớt nói cười, bề trong nham hiểm giết người không dao". "ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa" Thói đạo đức giả có mặt ở khắp mọi nơi, mọi chốn, nhưng rất khó bị phát giác. Thói đạo đức giả luôn đi cùng với tâm lý cả tin. Ở đâu có sự cả tin thì ở đó có thói đạo đức giả. Đạo đức xã hội chủ nghĩa (chân chính) hướng con người tới tinh thần cao cả của tâm hồn, văn hóa. Bởi vậy, trong cuộc sống luôn đòi hỏi sự rèn luyện. Cảnh giác và tẩy trừ thói đạo đức giả là điều vô cùng cần thiết, trước hết là sự cảnh giác với chính bản thân mình. Nguyên nhân Do chủ nghĩa cá nhân, người nói dối trá vì quyền lợi của mình. Thiếu những tấm gương đạo đức thực sự xung quanh người nói (chứ không phải trong sách vở), hoặc tâm lý ỉ lại vào những tấm gương mà không chịu làm gương trước do sợ thiệt. Do áp lực (người quyền trên, từ lãnh đạo, từ đồng nghiệp...) đè nặng lên vai người nói, mà năng lực thì có hạn, người nói phải đối phó với sự thật có thể gây thất vọng cho người khác (bệnh thành tích). Muốn thật có khi cũng không được, bởi điều đó ảnh hưởng tới những người khác. Do tâm lý sống chung với tiêu cực của các thành viên trong xã hội, coi đạo đức giả là chuyện bình thường trong thời buổi hiện nay; thờ ơ, ngại va chạm, thiếu đấu tranh để bảo vệ lẽ phải. Do tâm lý đám đông, thấy người khách hô khẩu hiệu thì cũng chỉ hô khẩu hiệu theo chứ chưa nghĩ tới những khó khăn khi làm (tính chất phong trào). Đây là vấn đề rộng lớn, liên quan đến nhiều người, nhiều Bộ ngành, đia phương.... Một cá nhân hoặc ít người không thể thay đổi được. Mà đòi hỏi cả xã hội, các ngành nghề, mỗi người đều phải vào cuộc, tạo nên một sự thay đổi đồng bộ. Đôi khi đạo đức giả lại là công cụ bất đắc dĩ của một người, một nhóm người...để tự vệ trước thói đạo đức giả của một người, một nhóm người...khác (có khi bị cho là ngụy biện) Tác hại Sự mất uy tín của cá nhân (tổ chức...) do người đó (người trong tổ chức đó...) có thói đạo đức giả, ảnh hưởng ở trong nước và có thể đối với cả quốc tế. Tạo ra một hệ thống cổ xúy lừa đảo và tham nhũng, bởi trong những hệ thống đàng hoàng hơn, chân chính hơn thì người đạo đức giả khó có chỗ đứng. Những người sống đúng với đạo đức truyền thống, người làm khoa học nghiêm chỉnh bị o ép, coi thường, dẫn đến chán nản, khó phát huy khả năng do có nhiều bất công. Sự lây truyền căn bệnh thành tích từ các em học sinh từ khi ngồi trên ghế nhà trường, bệnh lừa đảo... đến các thế hệ tiếp sau. Các giá trị xã hội bị đảo lộn. Đánh mất chính mình v.v Một số quan điểm về đạo đức giả Một lần vua Lý Thánh Tông hỏi Ỷ Lan về kế trị nước, Ỷ Lan tâu: Nghe xong Lý Thánh Tông rất phục. Theo Hồ Chí Minh: Theo Giáo sư Trần Hữu Dũng: Nhà sử học Dương Trung Quốc phê phán thói đạo đức giả và đưa ra đề xuất "cần có một dự án luật để điều chỉnh vấn đề mại dâm": Giáo sư Ngô Bảo Châu: Nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần: Nhưng Bill Gates thì cho rằng: Đạo đức giả không đồng nghĩa với nói dối Nói dối có nhiều mục đích khác nhau: Nói dối mà có lợi cho cả người nói và người nghe: là một biểu hiện của trêu đùa, bông đùa...Nhiều khi là liệu pháp tâm lý giúp người nghe, được ứng dụng trong Tâm lý trị liệu.(ám thị) Nói dối mà có lợi cho người nói, không có lợi (hoặc có hại) cho người nghe, được gọi là dối trá, là một biểu hiện của lợi dụng, tham nhũng, bệnh thành tích, đạo đức giả, nịnh hót, mị dân...Trong chiến đấu thì nói dối có thể là chiến thuật, mưu kế...(ám thị) Nói dối mà không có lợi cho người nói, có lợi cho người nghe là một biểu hiện của lòng cao thượng. Nói dối mà có hại cho cả người nói và người nghe là khi thói đối trá bị lật tẩy, đôi khi là hậu quả của lời nói dối tưởng như vô hại. Phòng chống Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, mỗi người tự rèn luyện bản thân, người trách nhiệm càng cao thì càng phải làm gương cho người khác xung quanh mình, nâng cao tính kỷ luật của bản thân, nói đi đôi với làm. Đảm bảo pháp luật được thực hiện một cách đầy đủ, nghiêm túc. Nghiêm trị những kẻ tham nhũng, cơ hội... Nâng cao dân trí để không cả tin, không cho thói đạo đức giả có chỗ đứng.
Trao đổi chất ( , lấy từ metabolē, "biến đổi"), còn gọi là chuyển hóa hay biến dưỡng, là tập hợp các biến đổi hóa học giúp duy trì sự sống trong các tế bào của sinh vật. Ba mục đích chính của quá trình trao đổi chất là chuyển đổi thức ăn/nhiên liệu thành năng lượng để sử dụng cho các quá trình của tế bào, biến đổi thức ăn/nhiên liệu thành các đơn vị để tạo nên protein, lipid, axit nucleic cùng một số carbohydrate và loại bỏ chất thải chuyển hóa. Những phản ứng này được xúc tác bởi các enzym cho phép các sinh vật sinh trưởng và sinh sản, duy trì cấu trúc bản thân và đáp ứng với môi trường xung quanh. Thuật ngữ "trao đổi chất" ​​cũng có thể dùng để chỉ tất cả các phản ứng hóa học xảy ra trong sinh vật sống, bao gồm tiêu hóa và vận chuyển các chất giữa các tế bào hoặc giữa tế bào với môi trường, trong trường hợp các phản ứng diễn ra trong tế bào thì được gọi là chuyển hóa trung gian hoặc trao đổi chất trung gian. Trao đổi chất thường được chia thành hai loại chính: dị hóa, quá trình "phá vỡ" các chất hữu cơ ví dụ như, phân giải glucose thành pyruvate trong hô hấp tế bào; và đồng hóa, quá trình "xây dựng" các thành phần của tế bào như protein và axit nucleic. Thông thường, dị hóa sẽ giải phóng năng lượng và đồng hóa thì tiêu tốn năng lượng. Các phản ứng hóa học trong trao đổi chất được tổ chức thành các con đường chuyển hóa, trong đó một chất hóa học được biến đổi thông qua một loạt các bước để thành một chất khác, với sự tham gia của một chuỗi các enzym. Enzym rất quan trọng trong trao đổi chất bởi vì các phân tử này cho phép các sinh vật đẩy nhanh tốc độ các phản ứng đòi hỏi năng lượng bằng cách kết cặp chúng với các phản ứng tự phát giải phóng năng lượng. Nếu không có enzym, những phản ứng đòi hỏi năng lượng sẽ không thể xảy ra. Enzym hoạt động như chất xúc tác và cho phép các phản ứng diễn ra với tốc độ nhanh hơn. Enzym cũng cho phép điều hòa các con đường chuyển hóa nhằm đáp ứng với những thay đổi trong môi trường của tế bào hoặc tín hiệu từ các tế bào khác. Hệ thống chuyển hóa của một sinh vật cụ thể sẽ xác định chất nào sẽ là chất dinh dưỡng hoặc là chất độc hại với chúng. Ví dụ, một số sinh vật nhân sơ có thể sử dụng hydrogen sulfide như một chất dinh dưỡng, nhưng khí này lại gây độc đối với động vật. Tốc độ chuyển hóa sẽ ảnh hưởng đến lượng thức ăn mà sinh vật yêu cầu, và cũng ảnh hưởng đến cách thức chúng có thể hấp thụ thức ăn đó. Một đặc điểm nổi bật của quá trình trao đổi chất là sự giống nhau của các con đường và thành phần chuyển hóa cơ bản giữa các loài khác nhau. Ví dụ, tập hợp các axit carboxylic, được biết đến như là sản phẩm trung gian trong chu trình axit citric, có mặt trong tất cả các sinh vật đã biết, được tìm thấy từ các loài chỉ như vi khuẩn đơn bào Escherichia coli đến tận các sinh vật đa bào lớn như voi. Những điểm tương đồng nổi bật trong các con đường trao đổi chất có thể là do sự xuất hiện sớm của chúng trong lịch sử tiến hóa và vẫn được giữ lại vì mang hiệu quả cao. Thành phần hóa sinh chủ chốt Hầu hết các cấu trúc và thành phần làm nên động vật, thực vật hay vi sinh vật được cấu thành từ bốn đại phân tử cơ bản: amino acid, axit nucleic, carbohydrate và lipid (thường được gọi là chất béo). Vì những phân tử này rất quan trọng cho sự sống, nên các phản ứng trao đổi chất tập trung vào việc tạo ra các phân tử này trong quá trình xây dựng tế bào và mô, hoặc phân giải chúng và sử dụng chúng làm nguồn năng lượng qua quá trình tiêu hóa. Các chất hóa sinh này có thể được kết hợp với nhau để tạo ra các polymerr như DNA và protein, các đại phân tử thiết yếu của sự sống. Amino acid và protein Protein được tạo thành từ chuỗi các amino acid được nối với nhau bởi các liên kết peptide. Nhiều protein là các enzyme tham gia xúc tác các phản ứng hóa học trong quá trình trao đổi chất. Một số protein khác lại có chức năng cấu trúc hoặc chức năng cơ học, chẳng hạn như những protein hình thành khung xương tế bào-hệ thống "giàn giáo" giúp duy trì hình dạng cả tế bào. Protein cũng rất quan trọng cho một số chức năng khác như tín hiệu tế bào liên lạc, đáp ứng miễn dịch, bám dính tế bào, vận chuyển chủ động qua màng sinh chất và chu kỳ tế bào. amino acid cũng góp phần cho chuyển hóa năng lượng tế bào bằng cách cung cấp nguồn carbon để đi vào chu trình axit citric (chu trình axit tricarboxylic), đặc biệt khi nguồn năng lượng chính, chẳng hạn như glucose, bị cạn kiệt hoặc khi các tế bào đang trải qua những stress về chuyển hóa. Lipid Lipid là nhóm chất sinh hóa đa dạng nhất. Chức năng cấu trúc chính của chúng là giúp tạo nên các phần của màng sinh học cả bên trong và bên ngoài, chẳng hạn như màng tế bào hoặc chúng cũng có thể dùng làm nguồn năng lượng cho tế bào. Lipid thường được định nghĩa là các phân tử sinh học kỵ nước hoặc lưỡng phần nhưng lại có thể tan trong các dung môi hữu cơ như benzene hoặc chloroform. Chất béo là một nhóm lớn các hợp chất có chứa các axit béo và glycerol. Triacylglyceride là một phân tử được cấu tạo từ một glycerol gắn với ba este axit béo. Ngoài cấu trúc cơ bản này thì trong tế bào còn tồn tại một số biến thể, chẳng hạn như sphingolipid với mạch khung được thay bằng sphingosine, phospholipid với một trong ba axit béo được thay bằng nhóm ưa nước phosphat. Các steroid như cholesterol cũng là một nhóm lớn khác của lipid. Carbohydrate Carbohydrate có thể là aldehyde hoặc ketone, với nhiều nhóm hydroxyl được gắn vào, và có thể tồn tại dưới dạng thẳng hoặc vòng. Carbohydrate là nhóm các phân tử sinh học phong phú nhất, và phù hợp với nhiều vai trò, chẳng hạn như lưu trữ và vận chuyển năng lượng (tinh bột, glycogen) hay đóng vai trò là các thành phần cấu trúc (cellulose ở thực vật, chitin ở động vật). Các đơn vị carbohydrate cơ bản được gọi là monosaccharide (đường đơn), có thể kể đến như galactose, fructose, và quan trọng nhất là glucose. Monosaccharide có thể được liên kết với nhau để tạo thành các polysaccharide (đường đa) theo vô số cách khác nhau. Nucleotide Hai axit nucleic, DNA và RNA, là các polyme của nucleotide. Mỗi nucleotide gồm một nhóm phosphat gắn với một đường ribose hoặc deoxyribose cùng với một base nitơ. Axit nucleic rất quan trọng cho việc lưu trữ và truyền đạt thông tin di truyền, thông tin di truyền này sẽ được "diễn giải" qua quá trình phiên mã và sinh tổng hợp protein. Thông tin này được bảo quản bởi các cơ chế sửa chữa DNA và được nhân lên thông qua quá trình sao chép DNA. Nhiều virus lại sử dụng bộ gen RNA, chẳng hạn như HIV, và có thể phiên mã ngược để tạo ra DNA từ bộ gen RNA của virus. RNA trong ribozyme như thể cắt nối (spliceosome) và ribôxôm cũng có hoạt động tương tự như enzyme vì nó có thể xúc tác cho các phản ứng hóa học. Các nucleoside riêng lẻ được tạo ra bằng cách gắn một nucleobase với đường ribose. Các base này là các hợp chất dị vòng có chứa nitơ, được chia làm hai nhóm là purine hoặc pyrimidine. Nucleotide cũng có thể hoạt động như các coenzyme trong phản ứng chuyển-nhóm-chuyển hóa. Coenzyme Trao đổi chất liên quan đến một lượng lớn các phản ứng hóa học, nhưng hầu hết có thể được xếp vào một vài loại phản ứng cơ bản liên quan đến việc chuyển các nhóm chức của nguyên tử và liên kết của chúng giữa các phân tử. Các phản ứng hóa học thông thường này cho phép các tế bào sử dụng một nhóm nhỏ các chất chuyển hóa trung gian để mang các nhóm chức giữa các phản ứng khác nhau. Những chất chuyển nhóm trung gian này được gọi là coenzyme. Mỗi loại phản ứng chuyển nhóm này được thực hiện bởi một coenzyme đặc hiệu, là cơ chất cho một tập hợp các enzyme tạo ra, và một tập hợp enzyme khác sử dụng chúng. Do đó, các coenzyme này liên tục được tạo ra, sử dụng và sau đó lại được tái tạo. Một coenzym quan trọng là adenosine triphosphate (ATP), "đồng tiền năng lượng" chung cho tế bào. Nucleotide này được sử dụng để chuyển năng lượng hóa học giữa các phản ứng hóa học khác nhau. Chỉ có một lượng nhỏ ATP trong các tế bào, nhưng chúng được tái tạo liên tục; mỗi ngày cơ thể con người có thể sử dụng một lượng ATP bằng với khối lượng của mình. ATP hoạt động như một cầu nối giữa hai quá trình là dị hóa và đồng hóa. Dị hóa thì phá hủy các phân tử, còn đồng hóa lại xây nên những phân tử này. Phản ứng dị hóa tạo ra ATP, và phản ứng đồng hóa lại sử dụng ATP này. ATP cũng có thể đóng vai trò như chất mang nhóm phosphate trong các phản ứng phosphoryl hóa. Vitamin là một loại hợp chất hữu cơ cần thiết với lượng nhỏ mà không thể tự tổng hợp trong các tế bào. Trong dinh dưỡng ở người, hầu hết các vitamin hoạt động như coenzyme sau khi sửa đổi; ví dụ, tất cả các vitamin tan trong nước được phosphoryl hóa hoặc được kết hợp với nucleotide khi chúng được sử dụng trong tế bào. Nicotinamide adenine dinucleotide (NAD+), một dẫn xuất của vitamin B3 (niacin), là một coenzyme quan trọng đóng vai trò làm chất nhận hydro. Có hàng trăm loại enzyme dehydrogenase riêng biệt cho việc loại bỏ các electron khỏi cơ chất của chúng và khử NAD+ thành NADH. NADH này lại có thể sử dụng để khử các cơ chất khác với hoạt động của enzyme reductase. Nicotinamide adenine dinucleotide tồn tại ở hai dạng "gần gũi" trong tế bào là NADH và NADPH. Dạng NAD+/NADH quan trọng hơn trong các phản ứng dị hóa, còn dạng NADP+/NADPH được sử dụng trong các phản ứng đồng hóa. Chất khoáng và cofactor Các nguyên tố vô cơ cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất; một số thì rất giàu trong tế bào (ví dụ: natri và kali) trong khi một số khác hoạt động ở nồng độ rất thấp. Khoảng 99% khối lượng của động vật có vú được tạo thành từ các nguyên tố carbon, nitơ, calci, natri, clo, kali, hydro, phospho, oxy và lưu huỳnh. Các hợp chất hữu cơ (protein, lipid và carbohydrate) có phần lớn thành phần là carbon và nitơ; hầu hết oxy và hydro có mặt dưới dạng nước. Các nguyên tố vô cơ phong phú đóng vai trò như các ion điện ly. Các ion quan trọng nhất là natri, kali, calci, magiê, chloride, phosphat và ion bicacbonat hữu cơ. Việc duy trì gradient ion chính xác trên màng tế bào giúp duy trì ổn định áp suất thẩm thấu và pH. Các ion cũng đặc biệt quan trọng đối với chức năng của tế bào thần kinh và cơ, vì điện thế hoạt động trong các mô này được tạo ra bằng cách trao đổi các chất điện giải giữa dịch ngoại bào và phần lỏng của tế bào, còn gọi là bào tương. Các chất điện giải đi vào và rời các tế bào qua các protein trên màng tế bào được gọi là các kênh ion. Ví dụ, hoạt động co cơ phụ thuộc vào sự dịch chuyển của các ion calci, natri và kali nhờ các kênh trên màng sinh chất và các ống T. Kim loại chuyển tiếp thường có mặt với vai trò là các nguyên tố vi lượng trong các sinh vật, kẽm và sắt là những nguyên tố phong phú nhất trong nhóm này. Những kim loại này được sử dụng trong một số protein như cofactor và rất cần thiết cho hoạt động của các enzyme như catalase và các protein vận chuyển oxy như hemoglobin. Cofactor kim loại được gắn chặt vào các vị trí đặc hiệu trong protein; và mặc dù cofactor của enzyme có thể được biến đổi trong quá trình xúc tác, chúng luôn trở về trạng thái ban đầu vào cuối phản ứng. Các kim loại vi lượng này được hấp thụ vào sinh vật qua các chất vận chuyển đặc hiệu và nếu chúng chưa được sử dụng: chúng sẽ liên kết với các protein dự trữ như ferritin hoặc metallothionein. Quá trình dị hóa Dị hóa là tập hợp các quá trình chuyển hóa làm "phân nhỏ" các đại phân tử. Chúng cũng bao gồm cả quá trình phân giải và oxy hóa các chất dinh dưỡng trong thức ăn. Mục đích của các phản ứng dị hóa là cung cấp năng lượng và các nguyên liệu cần thiết cho các phản ứng đồng hóa-xây nên các phân tử phức tạp hơn. Bản chất chính xác của các phản ứng dị hóa này là khác nhau đối với các sinh vật khác nhau. Do vậy, sinh vật có thể được phân loại dựa trên nguồn năng lượng và carbon của chúng (hay nhóm dinh dưỡng chính của chúng), như trong bảng dưới đây. Các phân tử hữu cơ được sử dụng làm nguồn năng lượng bởi các sinh vật hữu cơ dưỡng, trong khi các sinh vật vô cơ dưỡng lại sử dụng cơ chất vô cơ còn các sinh vật quang dưỡng thì thu nhận ánh sáng mặt trời làm năng lượng hóa học. Tuy nhiên, tất cả các dạng trao đổi chất khác nhau phụ thuộc vào các phản ứng oxy hóa khử liên quan đến việc chuyển các electron từ các chất cho điện tử như phân tử hữu cơ, nước, amonia, hydrogen sulfide hoặc các ion chứa sắt sang các chất nhận điện tử như oxy, nitrat hoặc sulfat. Ở động vật, những phản ứng này liên quan đến các phân tử hữu cơ phức tạp được bẻ gãy thành các phân tử đơn giản hơn, như carbon dioxide và nước. Trong các sinh vật quang hợp, chẳng hạn như thực vật và vi khuẩn lam, các phản ứng chuyển điện tử này không giải phóng năng lượng nhưng được sử dụng như một cách để dự trữ năng lượng hấp thụ từ ánh sáng mặt trời. Các phản ứng dị hóa phổ biến nhất ở động vật có thể được chia thành ba giai đoạn chính. Trong giai đoạn đầu tiên, các đại phân tử hữu cơ, chẳng hạn như protein, polysaccharide hoặc lipid, bị tiêu hóa thành các phần nhỏ hơn ở bên ngoài tế bào. Tiếp theo, các phân tử nhỏ này được các tế bào hấp thu và chuyển thành các phân tử nhỏ hơn nữa, thường là acetyl coenzyme A (acetyl-CoA), kèm theo giải phóng một số năng lượng. Cuối cùng, nhóm acetyl trên CoA bị oxy hóa thành nước và carbon dioxide trong chu trình axit citric và chuỗi vận chuyển electron, giải phóng năng lượng được lưu trữ bằng cách khử coenzyme nicotinamide adenine dinucleotide (NAD+) thành NADH. Tiêu hóa Tế bào không thể hấp thụ được ngay các đại phân tử như tinh bột, cellulose hoặc protein, những phân tử rất lớn này phải chia thành các phần nhỏ hơn trước khi chúng có thể được sử dụng trong quá trình chuyển hóa tế bào. Một số loại enzyme phổ biến sẽ giúp tiêu hóa các polymer này. Các enzyme tiêu hóa này bao gồm protease giúp tiêu hóa protein thành các amino acid, hay như các glycoside hydrolase sẽ tiêu hóa polysaccharide thành các loại đường đơn hay còn gọi là monosaccharide. Vi khuẩn thì đơn giản là tiết các enzyme tiêu hóa vào môi trường xung quanh, còn động vật chỉ tiết ra các enzyme này từ các tế bào được chuyên hóa trong đường ống tiêu hóa, có thể kể đến như dạ dày, tuyến tụy, và tuyến nước bọt. Các amino acid hoặc đường được tạo ra nhờ các enzyme ngoại bào này sau đó được đưa vào các tế bào bằng các protein vận chuyển tích cực. Năng lượng từ các hợp chất hữu cơ Dị hóa carbohydrate là phân giải các phân tử carbohydrate thành các đơn vị nhỏ hơn. Carbohydrate thường đi vào tế bào sau khi chúng được tiêu hóa thành các monosaccharide. Khi đã ở bên trong tế bào, con đường chính của phân giải là đường phân ("tách đường"). Các loại đường như glucose và fructose sau khi tham gia đường phân sẽ được tách thành pyruvate và tạo ra một số ATP. Pyruvate là chất trung gian cho một số con đường chuyển hóa khác nhau, nhưng phần lớn chúng sẽ được chuyển thành acetyl-CoA thông qua quá trình đường phân hiếu khí (có oxy) và đi vào chu trình axit citric. Mặc dù một số ATP được tạo ra trong chu trình axit citric, sản phẩm quan trọng nhất của chu trình này là NADH, được tạo thành từ NAD+ với điện tử từ acetyl-CoA. Quá trình oxy hóa này giải phóng carbon dioxide là sản phẩm thải. Trong điều kiện yếm khí, đường phân lại tạo ra lactate, nhờ enzyme lactate dehydrogenase tái oxy hóa NADH thành NAD+ để tiếp tục sử dụng trong lần đường phân tiếp theo. Ngoài đường phân, glucose có thể được phân giải theo con đường khác là con đường pentose phosphate, khử coenzyme NADPH và tạo ra các loại đường pentose như ribose, thành phần đường có thể cấu tạo nên axit nucleic. Chất béo được dị hóa qua phản ứng thủy phân thành axit béo tự do và glycerol. Glycerol sẽ đi vào đường phân và các axit béo được phân nhỏ bởi quá trình beta oxy hóa để giải phóng acetyl-CoA, rồi chất này lại đi vào chu trình axit citric. Axit béo sẽ tạo ra nhiều năng lượng hơn so với carbohydrate vì carbohydrate chứa nhiều oxy hơn trong cấu trúc của chúng. Steroid cũng bị phá vỡ bởi một số vi khuẩn bằng quá trình tương tự như quá trình beta oxy hóa, và quá trình phân giải này liên quan đến việc giải phóng một lượng đáng kể acetyl-CoA, propionyl-CoA và pyruvate, tất cả đều có thể được sử dụng bởi tế bào để tạo ra năng lượng. Loài M. tuberculosis ("vi khuẩn lao") cũng có thể sinh trưởng chỉ với lipid cholesterol là nguồn carbon duy nhất; các gen liên quan đến con đường sử dụng cholesterol được xác định là tối quan trọng trong các giai đoạn lây nhiễm của vi khuẩn này. amino acid được sử dụng để tổng hợp protein và các phân tử sinh học khác, hoặc cũng có thể bị oxy hóa thành urê và carbon dioxide để sinh năng lượng. Quá trình oxy hóa bắt đầu với việc loại bỏ các nhóm amin bởi một enzyme transaminase. Nhóm amin sẽ được đưa vào chu trình urê, để lại một bộ khung cacbon dưới dạng axit keto. Một số axit keto là chất trung gian trong chu trình axit citric, ví dụ như bước khử amin glutamate để tạo α-ketoglutarate. Các amino acid tạo đường cũng có thể được chuyển đổi thành glucose thông qua con đường tân tạo đường (gluconeogenesis) (thảo luận dưới đây). Biến đổi năng lượng Phosphoryl hóa oxy hóa Trong quá trình phosphoryl hóa oxy hóa, các electron bị tách khỏi các phân tử hữu cơ trong các quá trình như chu trình axit citric sẽ được chuyển tới oxy và giải phóng năng lượng. Năng lượng này sẽ được sử dụng để tổng hợp ATP. Ở sinh vật nhân chuẩn, phosphoryl hóa oxy hóa được thực hiện bởi một loạt các protein trên màng ti thể gọi là chuỗi vận chuyển điện tử. Ở sinh vật nhân sơ, các protein tham gia lại được tìm thấy ở màng trong của tế bào. Các protein này sử dụng năng lượng giải phóng từ việc truyền electron từ các phân tử bị khử như NADH đến oxy để bơm proton qua màng. Việc bơm proton ra khỏi chất nền ti thể tạo ra chênh lệch nồng độ proton trên màng tế bào và hình thành một gradient điện hóa. Theo đúng nguyên lý khuếch tán, proton sẽ vào lại vào chất nền ty thể (do nồng độ proton ở xoang gian màng cao hơn trong chất nền) và đi qua một enzyme gọi là ATP synthase. Dòng proton sẽ khiến một tiểu đơn vị của enzyme này quay, làm thay đổi hình dạng vị trí hoạt động của miền synthase và phosphoryl hóa adenosine diphosphate (ADP) để tạo thành ATP. Năng lượng từ các hợp chất vô cơ Hóa vô cơ dưỡng là một hình thức chuyển hóa được tìm thấy ở các sinh vật nhân sơ. Khác với quá trình trên, năng lượng thu được từ quá trình oxy hóa là từ các hợp chất vô cơ. Những sinh vật này có thể sử dụng hydro, các hợp chất bị khử của lưu huỳnh (như sulfide, hydrogen sulfide và thiosulfat), sắt (II) oxit hoặc amonia làm nguồn năng lượng khử và chúng sẽ oxy hóa các hợp chất này với các chất nhận electron như oxy hoặc nitrit để tạo năng lượng. Các quá trình vi sinh này rất quan trọng trong các chu trình sinh địa hóa toàn cầu như quá trình tạo acetic, nitrat hóa và khử nitơ cũng như rất quan trọng đối với độ màu mỡ của đất. Năng lượng từ ánh sáng mặt trời Năng lượng trong ánh sáng mặt trời bị "bẫy" hay bắt giữ bởi thực vật, vi khuẩn lam, vi khuẩn tía, vi khuẩn lưu huỳnh màu lục và một số sinh vật nguyên sinh. Quá trình này thường được kết hợp với việc chuyển đổi cacbon dioxide thành các hợp chất hữu cơ, như là một phần của quá trình quang hợp (sẽ được thảo luận dưới đây). Tuy nhiên, hệ thống "bẫy" năng lượng và hệ thống cố định cacbon có thể hoạt động độc lập trong các sinh vật nhân sơ, chẳng hạn như ở vi khuẩn tía và vi khuẩn lưu huỳnh màu lục có thể sử dụng ánh sáng mặt trời làm nguồn năng lượng, trong khi chuyển đổi giữa cố định cacbon và lên men các hợp chất hữu cơ. Trong nhiều sinh vật, việc "bẫy" năng lượng mặt trời có nguyên tắc khá giống với quá trình phosphoryl hóa oxy hóa, vì đều liên quan đến việc lưu trữ năng lượng dưới dạng gradient điện hóa của proton. Lực đẩy proton này sau đó sẽ thúc đẩy tổng hợp ATP. Các electron cần thiết để vận hành chuỗi vận chuyển electron này đến từ các protein-thu-nhận-ánh-sáng được gọi là các trung tâm phản ứng quang hợp hoặc các rhodopsin. Các trung tâm phản ứng được chia thành hai loại tùy thuộc vào loại sắc tố quang hợp hiện diện; mà ở hầu hết các vi khuẩn quang hợp thì chỉ có một loại, trong khi thực vật và vi khuẩn lam có đến hai loại. Ở thực vật, tảo và vi khuẩn lam, hệ thống quang hợp hay quang hệ II sử dụng năng lượng ánh sáng để loại bỏ các electron khỏi nước, giải phóng và thải ra oxy. Các electron sau đó sẽ đi vào phức hợp cytochrome b6f, sử dụng năng lượng của chúng để bơm các proton xuyên qua màng thylakoid trong lục lạp. Những proton này sẽ vào trở lại qua màng tế bào và đi qua ATP synthase, giống như đã nói ở trên. Các electron sau đó sẽ tới quang hệ I và tiếp đó có thể được sử dụng để khử coenzyme NADP+ thành NADPH để sử dụng trong chu kỳ Calvin (sẽ thảo luận dưới đây) hoặc được quay vòng để sinh ra thêm ATP. Đồng hóa Đồng hóa là tập hợp các quá trình chuyển hóa nhằm "xây dựng", tổng hợp các phân tử phức tạp với năng lượng được lấy từ các phản ứng dị hóa. Nhìn chung, các phân tử phức tạp tạo thành cấu trúc tế bào được xây dựng dần dần từ các tiền chất nhỏ và đơn giản hơn. Quá trình đồng hóa liên quan đến ba giai đoạn cơ bản. Bước đầu tiên, tổng hợp các tiền chất như amino acid, monosaccharide, isoprenoid và nucleotide, bước thứ hai, hoạt hóa chúng trở thành dạng phản ứng với năng lượng từ ATP, và bước thứ ba, lắp ráp các tiền chất này và tạo nên các phân tử phức tạp như protein, polysaccharides, lipid và axit nucleic. Các sinh vật khác nhau thì có những cách khác nhau để tổng hợp các chất trong tế bào của mình. Các sinh vật tự dưỡng như thực vật có thể xây dựng các phân tử hữu cơ phức tạp trong các tế bào như polysaccharide và protein từ các phân tử chỉ đơn giản như carbon dioxide và nước. Các sinh vật dị dưỡng, mặt khác, để sản xuất các phân tử lớn như vậy lại đòi hỏi một đầu vào phức tạp hơn, chẳng hạn như monosaccharide và amino acid. Các sinh vật có thể được phân loại hơn nữa dựa trên năng lượng tối ưu cho chúng: sinh vật quang tự dưỡng và quang dị dưỡng thu năng lượng từ ánh sáng mặt trời, trong khi sinh vật hóa tự dưỡng và hóa dị dưỡng lại có được năng lượng từ các phản ứng oxy hóa vô cơ. Cố định cacbon Quang hợp là quá trình tổng hợp cacbohydrat nhờ ánh sáng mặt trời và carbon dioxide (CO2). Ở thực vật, vi khuẩn lam và tảo, trong quang hợp thải oxy, nước được "tách" ra (gọi là quá trình quang phân li) và oxy tạo ra như một sản phẩm thải. Quá trình này sử dụng ATP và NADPH được tạo ra bởi các trung tâm quang hóa, và như đã mô tả ở trên, để chuyển đổi CO2 thành glycerate 3-phosphate, sau đó chất này có thể biến đổi thành glucose. Phản ứng cố định cacbon này được thực hiện bởi enzyme RuBisCO và là một phần của chu trình Calvin - Benson. Có thể tạm nói có ba loại quang hợp xảy ra ở thực vật, cố định carbon C3, cố định carbon C4 và quang hợp CAM. Chúng khác nhau theo lộ trình mà CO2 đi vào chu trình Calvin: các cây C3 thì cố định CO2 trực tiếp, trong khi quang hợp C4 và CAM gắn CO2 vào các hợp chất khác trước, đây là một đặc điểm thích nghi để chống chịu với ánh sáng mặt trời gay gắt và điều kiện khô hạn. Trong các sinh vật nhân sơ có quang hợp, các cơ chế cho quá trình cố định cacbon là đa dạng hơn. Ở những sinh vật này, cacbon dioxide có thể được cố định bởi chu trình Calvin - Benson, chu trình axit citric đảo ngược, hoặc carboxyl hóa acetyl-CoA. Các sinh vật nhân sơ hóa tự dưỡng cũng cố định CO2 thông qua chu trình Calvin - Benson, nhưng sử dụng năng lượng từ các hợp chất vô cơ để thúc đẩy phản ứng. Cacbohydrat và glycan Trong quá trình chuyển hóa cacbohydrat, các axit hữu cơ đơn giản có thể được chuyển đổi thành monosaccharide như glucose và sau đó được sử dụng để "lắp ráp" nên các polysaccharide như tinh bột. Quá trình tạo ra glucose từ các hợp chất như pyruvate, lactate, glycerol, glycerate 3-phosphate và amino acid được gọi là tân tạo đường hay gluconeogenesis. Quá trình tân tạo đường biến pyruvate thành glucose-6-phosphate thông qua một loạt các chất trung gian, nhiều chất trong số đó cũng giống với trong đường phân. Tuy nhiên, con đường này không chỉ đơn giản là đảo ngược lại con đường đường phân, vì có một vài bước được xúc tác bởi các enzyme không liên quan gì đến đường phân cả. Điều này là quan trọng vì nó cho phép quá trình hình thành và phân hủy glucose được quy định và điều hòa riêng biệt, và ngăn cản cả hai con đường chạy đồng thời và trở thành một chu trình vô ích (giống như một chiếc xe mà không kiểm soát được "tiến lên" hay "lùi xuống"). Mặc dù chất béo là một cách phổ biến để dự trữ năng lượng, nhưng ở các động vật có xương sống thì không thể chuyển hóa lượng chất béo dự trữ này thành glucose thông qua tân tạo đường vì các sinh vật này không thể chuyển đổi acetyl-CoA thành pyruvate; thực vật thì có thể, nhưng động vật thì không, chúng thiếu bộ máy enzym cần thiết. Kết quả là, nếu nhịn đói một thời gian dài, động vật có xương sống cần tạo ra các thể xeton từ các axit béo để thay thế glucose vì một số mô như não không thể chuyển hóa các axit béo. Ở các dạng sinh vật khác như thực vật và vi khuẩn, vấn đề chuyển hóa này được giải quyết bằng chu trình glyoxylate, đi qua bước decarboxyl hóa trong chu trình axit citric và cho phép biến đổi acetyl-CoA thành oxaloacetate, chất này có thể được sử dụng để sản xuất glucose. Polysaccharide và glycan được tổng hợp bằng cách bổ sung tuần tự monosaccharide nhờ enzyme glycosyltransferase. Enzyme này sẽ chuyển đường từ một chất cho đường-phosphate phản ứng như uridine diphosphate glucose (UDP-glucose) đến một nhóm nhận hydroxyl trên chuỗi polysaccharide đang được tổng hợp. Vì bất kỳ nhóm hydroxyl nào trên vòng của cơ chất cũng có thể là nhóm nhận này, các polysaccharide được tạo ra có thể có với cấu trúc thẳng hoặc phân nhánh. Polysaccharide được tạo ra có thể có các chức năng cấu trúc hoặc trao đổi chất, hoặc được gắn vào các lipid và protein bằng các enzyme gọi là oligosaccharyltransferases. Axit béo, isoprenoid và steroid Axit béo được tạo ra bởi các enzyme tổng hợp axit béo bằng cách trùng hợp và sau đó là khử đi các đơn vị acetyl-CoA. Các chuỗi acyl trong các axit béo được mở rộng bằng một chu trình phản ứng thêm nhóm acyl, đầu tiên là khử để tạo ra rượu, khử nước để tạo thành nhóm alkene và sau đó lại khử tiếp để tạo thành nhóm alkane. Các enzyme sinh tổng hợp axit béo được chia thành hai nhóm: nếu ở động vật và nấm, tất cả các phản ứng tổng hợp axit béo này được thực hiện bởi một loại protein loại I đa năng, thì ở thực vật và vi khuẩn lại có các enzyme loại II riêng biệt để thực hiện từng bước trên con đường. Terpene và isoprenoid là một nhóm lớn các chất béo bao gồm các carotenoid và tạo thành lớp lớn nhất trong các sản phẩm tự nhiên đến từ thực vật. Các hợp chất này được tạo ra bằng cách lắp ráp và cải biến các đơn vị isoprene được cho từ tiền chất phản ứng isopentenyl pyrophosphate và dimethylallyl pyrophosphate. Những tiền chất này có thể được tổng hợp theo nhiều cách khác nhau. Ở động vật và cá hồi, con đường mevalonate tạo ra các hợp chất này từ acetyl-CoA, trong khi ở thực vật và vi khuẩn, con đường không mevalonate sử dụng pyruvate và glyceraldehyde 3-phosphate làm cơ chất. Một phản ứng quan trọng sử dụng các isoprene được hoạt hóa này là phản ứng sinh tổng hợp steroid. Ở đây, các đơn vị isoprene được kết hợp với nhau để tạo thành squalene và sau đó được gấp lại và tạo thành một tập hợp các vòng để tạo ra lanosterol. Lanosterol sau đó có thể được chuyển đổi thành các steroid khác như cholesterol và ergosterol. Protein Các sinh vật khác nhau có những điểm khác nhau về khả năng tổng hợp 20 amino acid thông thường. Hầu hết vi khuẩn và thực vật có thể tổng hợp tất cả hai mươi loại này, nhưng động vật có vú chỉ có thể tổng hợp mười một amino acid không thiết yếu, vì vậy mà chín amino acid thiết yếu còn lại phải được lấy từ thực phẩm. Một số loài ký sinh đơn giản, chẳng hạn như vi khuẩn Mycoplasma pneumoniae, không có quá trình tổng hợp amino acid và sẽ lấy amino acid trực tiếp từ vật chủ của chúng. Tất cả các amino acid được tổng hợp từ các chất trung gian trong quá trình đường phân, chu trình axit citric hoặc con đường pentose phosphat. Nitơ được cung cấp bởi glutamate và glutamine. Tổng hợp amino acid phụ thuộc vào sự hình thành của axit alpha-keto thích hợp, sau đó được chuyển thành dạng amino acid. amino acid được tạo thành protein bằng cách lắp ráp với nhau để tạo thành một chuỗi liên kết peptit. Các protein khác nhau do có các trình tự khác nhau của chuỗi bên amino acid: đây chính là cấu trúc bậc một của protein. Cũng giống như các chữ cái của bảng chữ cái có thể được kết hợp để tạo thành một loạt các từ vô tận, các amino acid có thể được liên kết thành các trình tự khác nhau để tạo thành một lượng rất lớn các protein. Protein được tạo ra từ các amino acid, những amino acid này đã được hoạt hóa bằng cách gắn vào một phân tử tRNA qua một liên kết este. Tiền chất aminoacyl-tRNA này được tạo ra trong một phản ứng cần năng lượng ATP và được thực hiện nhờ một aminoacyl tRNA synthetase. Sau đó, aminoacyl-tRNA này là cơ chất cho ribosome, sẽ giúp tích hợp amino acid vào chuỗi protein đang kéo dài, dựa vào RNA thông tin đang được dịch mã. Tổng hợp và "cứu vãn" nucleotide Nucleotide được tạo thành từ các amino acid, carbon dioxide và axit formic trong các con đường đòi hỏi phải có một lượng lớn năng lượng chuyển hóa. Do đó, hầu hết các sinh vật đều có hệ thống hiệu quả để "cứu vãn" các nucleotide đã được hình thành trước đó. Purine được tổng hợp dưới dạng các nucleoside (các base gắn liền với ribose). Cả adenine và guanine đều được tạo ra từ tiền chất nucleoside inosine monophosphate, được tổng hợp bằng cách sử dụng các nguyên tử từ các amino acid glycine, glutamine và axit aspartic, cũng như formate được chuyển từ coenzyme tetrahydrofolate. Pyrimidine, mặt khác, được tổng hợp từ các thể orotate, được tạo thành từ glutamine và aspartate. Chất lạ sinh học và chuyển hóa oxy hóa-khử Tất cả các sinh vật thường xuyên tiếp xúc với các hợp chất mà chúng không thể sử dụng làm chất dinh dưỡng cũng như không có chức năng trao đổi chất và do đó, sẽ thật là có hại nếu các chất này được tích tụ trong các tế bào. Những hợp chất có khả năng gây hại này được gọi là chất lạ sinh học (xenobiotic). Một số ví dụ chẳng hạn như thuốc tổng hợp, chất độc tự nhiên và thuốc kháng sinh, các chất này được giải độc bởi một tập hợp các enzyme chuyên biệt. Ở người, các enzyme này bao gồm các loại cytochrome P450 oxidase, UDP-glucuronosyltransferase, và glutathione S-transferase. Hệ thống enzyme này hoạt động trong ba pha, đầu tiên là oxy hóa các chất lạ này (pha I), sau đó là liên hợp các nhóm giúp hòa tan trong nước lên phân tử (pha II). Chất lạ đã qua xử lý sau đó có thể được bơm ra khỏi tế bào, các sinh vật đa bào có thể chuyển hóa thêm sản phẩm này trước khi được bài tiết ra ngoài (pha III). Trong sinh thái học, các phản ứng này đặc biệt quan trọng trong việc phân hủy sinh học các chất gây ô nhiễm và xử lý sinh học đất bị ô nhiễm cũng như sự cố tràn dầu. Nhiều phản ứng ở vi sinh vật giống với phản ứng ở các sinh vật đa bào, nhưng với sự đa dạng đáng kinh ngạc của thế giới vi sinh, các vi sinh vật có thể xử lý nhiều chất lạ sinh học hơn so với các sinh vật đa bào. Nhờ thế mà vi sinh vật có thể sử dụng để phân hủy các chất ô nhiễm hữu cơ bền vững như các hợp chất clo hữu cơ. Một vấn đề liên quan đối với sinh vật hiếu khí là stress oxy hóa. Trong trường hợp này, các quá trình như phosphoryl hóa oxy hóa hay hình thành liên kết disulfide trong quá trình cuộn gấp protein tạo ra các gốc oxy phản ứng như hydrogen peroxide. Các nhóm oxy hóa gây hại này được loại bỏ bởi các chất chống oxy hóa như glutathione và các loại enzyme như catalase và peroxidase. Nhiệt động lực học của sinh vật Các sinh vật vẫn phải tuân theo các định luật về nhiệt động lực học, liên quan đến quá trình truyền nhiệt và sinh công. Định luật thứ hai của nhiệt động lực học phát biểu rằng: trong bất kỳ hệ thống kín nào, lượng entropy (đơn vị đo "hỗn loạn") không thể giảm. Thoạt nhìn, mức độ tổ chức tuyệt vời của sinh vật sống dường như mâu thuẫn với định luật này (vì không "hỗn loạn" lắm), điều này vẫn là có thể vì tất cả các sinh vật là các hệ thống mở, có các quá trình trao đổi vật chất và năng lượng với môi trường xung quanh. Do đó, các hệ thống sống không ở trạng thái cân bằng, nhưng thay vào đó là các hệ thống tiêu tán duy trì mức độ phức tạp cao của sinh vật bằng cách làm tăng entropy lớn hơn trong môi trường của chúng. Quá trình trao đổi chất của tế bào đạt được điều này bằng cách kết nối các quá trình dị hóa xảy ra tự phát với các quá trình đồng hóa không tự phát. Trong các thuật ngữ nhiệt động lực học, quá trình trao đổi chất hay chuyển hóa duy trì "trật tự" bằng cách tạo ra "hỗn loạn". Có thể nói, sinh vật là các đảo entropy thấp ("trật tự") giữa môi trường có entropy luôn tăng lên ("hỗn loạn"). Điều hòa và kiểm soát Vì môi trường của hầu hết các sinh vật liên tục thay đổi, các phản ứng trao đổi chất phải được điều chỉnh hiệu quả để duy trì một tập hợp các điều kiện liên tục trong các tế bào, trạng thái này gọi là cân bằng nội môi. Điều hòa chuyển hóa cũng cho phép các sinh vật phản ứng với các tín hiệu và tương tác tích cực với môi trường sống của chúng. Có hai khái niệm rất quan trọng để hiểu về cách thức các con đường trao đổi chất được kiểm soát, và hai khái niệm này liên kết chặt chẽ với nhau. Thứ nhất, điều hòa hoạt động enzyme trong một con đường chuyển hóa là làm tăng hoặc giảm hoạt tính của chúng để đáp ứng với tín hiệu. Thứ hai, sự kiểm soát được thực hiện bởi enzyme này là hiệu quả mà những thay đổi trong hoạt tính của nó có tác động lên tốc độ tổng thể của con đường (thông lượng qua con đường). Ví dụ, một enzyme có thể có những thay đổi lớn trong hoạt tính (tức là nó được điều hòa ở mức cao) nhưng nếu những thay đổi này ít ảnh hưởng đến thông lượng của một con đường chuyển hóa, thì enzyme này không liên quan nhiều đến việc kiểm soát con đường này. Có nhiều mức độ điều hòa trao đổi chất. Trong điều hòa nội tại hay bên trong, các con đường trao đổi chất tự điều chỉnh để đáp ứng với những thay đổi về mức độ cơ chất hoặc sản phẩm; ví dụ, nếu số lượng sản phẩm giảm thì có thể tăng thông lượng qua con đường để bù đắp. Kiểu điều hòa này thường liên quan đến điều hòa dị lập thể trong hoạt tính của nhiều enzyme có trong các con đường chuyển hóa này. Điều hòa bên ngoài lại liên quan đến việc tế bào ở một sinh vật đa bào thay đổi mức độ trao đổi chất của nó để đáp ứng với tín hiệu đến từ các tế bào khác. Những tín hiệu này thường ở dạng các chất truyền tin hòa tan như hormone hoặc các yếu tố tăng trưởng và được nhận diện bởi các thụ thể đặc hiệu trên bề mặt tế bào. Những tín hiệu này sau đó được truyền trong tế bào bởi các hệ thống chất truyền tin thứ hai và thường liên quan đến quá trình phosphoryl hóa protein. Một ví dụ được hiểu rất rõ về kiểm soát bên ngoài là điều hòa chuyển hóa glucose thông qua hormone insulin. Insulin được sản xuất để đáp ứng với việc gia tăng nồng độ glucose trong máu (hay tăng đường huyết). Các hormone này sẽ gắn với các thụ thể insulin trên màng tế bào và từ đó kích hoạt một loạt các protein kinase làm cho các tế bào hấp thu glucose đồng thời chuyển hóa đường này thành các phân tử dự trữ như axit béo và glycogen. Quá trình chuyển hóa glycogen được kiểm soát bởi hoạt động của hai enzyme là phosphorylase, một loại enzyme phân giải glycogen, và glycogen synthase, một loại enzyme giúp tạo ra glycogen. Hai enzyme này được điều chỉnh theo kiểu nghịch đảo: nếu như phosphoryl hóa làm ức chế glycogen synthase, thì lại hoạt hóa phosphorylase. Insulin gây tổng hợp glycogen bằng cách kích hoạt phosphatase protein và làm giảm quá trình phosphoryl hóa các enzyme này. Tiến hóa Một số con đường chuyển hóa trung tâm mà ta vừa nhắc đến ở trên, chẳng hạn như đường phân và chu trình axit citric, là có mặt ở cả ba lãnh giới của các sinh vật sống và hiện diện trong tổ tiên chung phổ biến cuối cùng. Tế bào tổ tiên này là sinh vật nhân sơ và có thể là một sinh vật sinh mêtan với một lượng lớn các con đường chuyển hóa amino acid, nucleotide, carbohydrate và lipid. Một số con đường cổ xưa vẫn được duy trì đến tận bây giờ. Quá trình tiến hóa có thể đã chọn lọc những con đường này vì tính tối ưu của chúng trong giải quyết các vấn đề chuyển hóa cụ thể, chẳng hạn như với đường phân và chu trình axit citric: hai quá trình này tạo ra các sản phẩm cuối cùng với hiệu quả cao mà số "bước" (số phản ứng) là tối thiểu Con đường chuyển hóa đầu tiên dựa trên enzyme có thể là một phần trong quá trình trao đổi chất nucleotide purine, còn các con đường chuyển hóa trước đó là một phần của thế giới RNA cổ đại. Nhiều mô hình đã được đề xuất để mô tả các cơ chế mà theo đó các con đường trao đổi chất mới được phát triển. Trong số này có thể kể đến như: bổ sung thêm các enzyme mới vào một con đường tổ tiên ngắn, lặp lại và phân kỳ cho toàn bộ con đường, hoặc là tuyển thêm các enzyme đã tồn tại và cải biến chúng thành một con đường phản ứng mới. Tầm quan trọng tương đối của các cơ chế này là không rõ ràng, nhưng các nghiên cứu gen đã chỉ ra rằng các enzyme trong một con đường có thể có một tổ tiên chung, cho thấy rằng nhiều con đường đã phát triển dần dần với các chức năng mới được hình thành từ các bước đã tồn tại trong con đường trước đó. Một mô hình thay thế xuất phát từ các nghiên cứu theo dõi sự tiến hóa của cấu trúc protein trong các mạng lưới chuyển hóa, mô hình này đã gợi ý rằng: các enzyme được tuyển vào là rất phổ biến, hay tức là "mượn" các enzyme để thực hiện các chức năng tương tự trong các con đường trao đổi chất khác nhau (chứng cứ trong cơ sở dữ liệu MANET) dẫn đến tiến hóa khảm nhờ enzyme. Khả năng thứ ba là một số phần của quá trình trao đổi chất có thể tồn tại dưới dạng "module" có thể được tái sử dụng trong các con đường khác nhau và thực hiện các chức năng tương tự trên các phân tử khác nhau. Cũng như tiến hóa của giúp hình thành các con đường trao đổi chất mới, tiến hóa cũng có thể làm mất một số chức năng trao đổi chất. Ví dụ, ở một số ký sinh trùng, các quá trình chuyển hóa không cần thiết cho việc tồn tại bị mất và các amino acid, nucleotide và carbohydrate hoàn chỉnh có thể được lấy khi "thu dọn" từ vật chủ. Khả năng chuyển hóa tối thiểu tương tự cũng được tìm thấy trong các sinh vật nội cộng sinh. Nghiên cứu và ứng dụng Theo phương pháp cổ điển trước đây, quá trình trao đổi chất được nghiên cứu theo phương pháp quy giản, tức là tập trung vào chỉ một con đường chuyển hóa duy nhất. Đặc biệt có giá trị là phương pháp sử dụng các mẫu dò phóng xạ trên toàn bộ cơ thể, mô và tế bào, nhằm xác định con đường đi từ tiền chất đến sản phẩm cuối cùng bằng cách xác định các sản phẩm trung gian và sản phẩm cuối cùng mang dấu phóng xạ. Các enzyme xúc tác các phản ứng hóa học này sau đó có thể được phân lập, động học của các phân tử này cũng như đáp ứng của chúng với các chất ức chế đã được nghiên cứu. Cách tiếp cận song song là xác định các phân tử nhỏ trong tế bào hoặc mô; bộ hoàn chỉnh các phân tử này được thì gọi là tập chuyển hóa. Nhìn chung, các nghiên cứu này đưa ra một cái nhìn tốt về cấu trúc và chức năng của các con đường trao đổi chất đơn giản, nhưng không đủ khi áp dụng cho các hệ thống phức tạp hơn như sự trao đổi chất của cả một tế bào hoàn chỉnh. Để có ý tưởng về sự phức tạp của các mạng chuyển hóa trong các tế bào với hàng ngàn enzyme khác nhau, ta có thể nhìn vào hình thể hiện tương tác chỉ có 43 protein và 40 chất chuyển hóa ở bên phải, trong khi hệ gen cung cấp một danh sách chứa tới 45.000 gen. Tuy vậy, ở thời điểm hiện tại, ta chỉ có thể sử dụng dữ liệu di truyền này để tái tạo lại các mạng hoàn chỉnh các phản ứng sinh hóa và tạo ra các mô hình toán học tổng thể hơn là có thể giải thích và dự đoán hành vi của các tương tác này. Các mô hình này đặc biệt mạnh mẽ khi được tích hợp thêm các dữ liệu về con đường và chất chuyển hóa thu được thông qua các phương pháp cổ điển kèm với dữ liệu về biểu hiện gen từ các nghiên cứu về vi dãy DNA và protein học. Sử dụng những kỹ thuật này, một mô hình trao đổi chất ở người đã được tạo ra, mô hình này sẽ chỉ hướng cho việc việc khám phá thuốc và nghiên cứu sinh hóa trong tương lai. Các mô hình này hiện đang được sử dụng trong phân tích mạng lưới chuyển hóa, nhằm phân loại các bệnh ở người thành các nhóm có chung protein hoặc chất chuyển hóa. Các mạng trao đổi chất vi khuẩn là một ví dụ nổi bật về tổ chức "hình nơ", một hệ thống có khả năng thu nhập vào một lượng các chất dinh dưỡng và sản xuất rất nhiều sản phẩm và các đại phân tử phức tạp, nhưng sử dụng rất ít chất trung gian. Do đầu vào và đầu ra với rất nhiều chất nhưng số lượng chất trung gian ít nên nếu biểu diễn trực quan, hệ thống này như bị thắt ở giữa (giống chiếc nơ). Một ứng dụng công nghệ chính của thông tin này là kỹ thuật trao đổi chất. Ở đây, các sinh vật như nấm men, thực vật hoặc vi khuẩn được biến đổi gen và trở thành những công cụ cực kỳ hữu ích trong công nghệ sinh học. Chúng có thể hỗ trợ sản xuất các loại thuốc như kháng sinh hoặc hóa chất công nghiệp như 1,3-propanediol và axit shikimic. Những thay đổi di truyền này thường nhằm mục đích giảm lượng năng lượng được sử dụng để sản xuất sản phẩm, tăng sản lượng và giảm thiểu chất thải. Lịch sử Thuật ngữ metabolism (chuyển hóa) có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp – "Metabolismos" với nghĩa "thay đổi", hoặc "lật đổ". Trong cuốn Các phần của động vật, Aristotle đã viết đẩy đủ chi tiết từ quan điểm của ông về quá trình trao đổi chất dưới dạng một mô hình dòng chảy mở. Ông tin rằng ở mỗi giai đoạn của quá trình biến đổi, nguyên liệu từ thực phẩm đã được biến đổi, nhiệt được giải phóng thì tượng trưng cho nguyên tố lửa trong cổ điển, còn các phần thừa được bài tiết dưới dạng nước tiểu, mật hoặc phân. Ibn al-Nafis mô tả về trao đổi chất trong tác phẩm năm 1260 của ông với tên là Al-Risalah al-Kamiliyyah fil Siera al-Nabawiyyah ("Lập luận của Kamil cho tiểu sử của vị Tiên tri"), trong đó có những chữ sau đây "Cả cơ thể và các bộ phận của cơ thể đều ở trong trạng thái phá hủy và xây dựng liên tục, nên sự thay đổi tất yếu là vĩnh viễn" Lịch sử nghiên cứu khoa học về quá trình trao đổi chất đã kéo dài vài thế kỷ. Mục tiêu nghiên cứu cũng đã chuyển từ xem xét toàn bộ cơ thể động vật trong các nghiên cứu ban đầu, đến chỉ xét những phản ứng trao đổi chất riêng biệt trong nghiên cứu hóa sinh hiện đại. Các thí nghiệm được kiểm soát đầu tiên về quá trình chuyển hóa của con người được xuất bản bởi Santorio Santorio vào năm 1614 trong cuốn sách Ars de statica medicina. Santorio đã mô tả cách ông tự cân khối lượng chính mình trước và sau khi ăn, ngủ, làm việc, quan hệ tình dục, ăn chay, uống rượu và bài tiết. Nhà y học này đã phát hiện ra rằng hầu hết thức ăn mà ông ăn vào bị mất thông qua cái mà ông gọi là "mồ hôi không thể nhận biết". Trong những nghiên cứu khởi đầu này, các cơ chế của các quá trình trao đổi chất này chưa được xác định và tồn tại học thuyết duy sinh cho rằng: tồn tại "lực sống" giúp điều khiển các mô sống. Vào thế kỷ 19, khi nghiên cứu quá trình lên men đường thành rượu, Louis Pasteur kết luận rằng quá trình lên men được xúc tác bởi các chất trong tế bào nấm men mà ông gọi là "yếu tố lên men". Ông viết rằng "lên men rượu là một quá trình liên quan với sự sống và tổ chức của các tế bào nấm men, chứ không phải là với cái chết hoặc sự hư hỏng của tế bào." Phát hiện này, cùng với ấn phẩm của Friedrich Wöhler vào năm 1828 cho một bài báo về việc tổng hợp hóa học thành công urê, đáng chú ý vì đây là hợp chất hữu cơ đầu tiên được tạo ra từ các tiền chất hoàn toàn vô cơ. Điều này chứng minh rằng các hợp chất hữu cơ và các phản ứng hóa học được tìm thấy trong các tế bào sống không khác biệt về mặt nguyên tắc so với bất kỳ khía cạnh nào khác của hóa học. Việc khám phá ra các enzyme vào đầu thế kỷ 20 bởi Eduard Buchner đã tách việc nghiên cứu phản ứng hóa học của trao đổi chất ra khỏi việc ​​nghiên cứu sinh học tế bào, và đánh dấu sự khởi đầu của bộ môn sinh hóa. Khối lượng kiến ​​thức sinh hóa đã phát triển nhanh chóng trong suốt đầu thế kỷ 20. Một trong những nhà sinh hóa hiện đại có cống hiến nhất là Hans Krebs, ông đã đóng góp rất lớn cho nghiên cứu về chuyển hóa. Ông phát hiện ra chu trình urê và sau đó, khi làm việc với Hans Kornberg, ông tìm ra chu trình axit citric và chu trình glyoxylate. Nghiên cứu sinh hóa hiện đại đã được hỗ trợ rất nhiều bởi sự phát triển của các kỹ thuật mới như sắc ký, nhiễu xạ tia X, quang phổ NMR, đánh dấu phóng xạ, kính hiển vi điện tử và mô phỏng động lực phân tử. Những kỹ thuật này đã cho phép phát hiện và phân tích chi tiết về nhiều phân tử và con đường chuyển hóa trong tế bào.
Suy ngẫm về Triết học tiên khởi, với tựa đề con Chứng minh sự tồn tại của Chúa trời và sự khác biệt thực sự giữa tâm và thân, (tên Latinh: Meditationes de prima philosophia, in qua Dei existentia et animae immortalitas demonstrantur) là cuốn sách viết bởi René Descartes được xuất bản lần đầu năm 1641. Nội dung cuốn sách mở rộng hệ thống triết học của Descartes mà ông đã giới thiệu lần đầu trong cuốn Phương pháp luận (1637). Cuốn sách bao gồm 6 tự luận, trong đó, Descartes loại bỏ mọi niềm tin không tuyệt đối xác định, rồi cố gắng xác lập những gì mà ta có thể tin chắc. Các tự luận Tự luận I: Về những gì ta có thể nghi ngờ Trong Tự luận I, tác giả sử dụng ngôi thứ nhất và văn phong biện chứng, từng bước xé bỏ các kiến giải bằng một nguyên tắc thông suốt. Nguyên tắc đó là: ta nên kiềm chế để không khẳng định những điều không xác định, như thể nó là sai vậy. Tuy nhiên, ông công nhận rằng tâm thức có thói quen tin vào những gì nó nhận thức được, và do đó, ý chí phải cẩn trọng giả thiết rằng mọi niềm tin có sẵn đều có thể sai. Để hỗ trợ luận đề đó, ông bàn về ba cấp độ: cảm giác, giấc mơ, và giả thuyết về con quỷ dối lừa. Mặc dù cả ba đều có thể làm sai lạc nhận thức của chúng ta, Descartes xác nhận rằng chúng không có đủ năng lực để làm sai lạc được sự kiện rằng ta "có vẻ như" đang nhận thức. Năng lực tư duy và tồn tại cũng được xem là bất khả xâm phạm. Tự luận II: Về bản chất của tâm thức con người - cái được hiểu biết nhiều hơn là thể xác Trong Tự luận II, Descartes đưa ra một giải thích về hình thái của tư tưởng, đôi khi còn được gọi là chủ nghĩa đại diện, để tiếp nối các nghi ngờ trong Tự luận I. Ông xác định năm bước trong lý thuyết này: Ta chỉ có thể tiếp cận thế giới các ý niệm của ta; các sự vật trong thế giới tự nhiên chỉ có thể được tiếp cận một cách gián tiếp. Các ý niệm này được hiểu là bao gồm mọi nội dung của trí tuệ, trong đó có nhận thức, hình dung, ký ức, khái niệm, niềm tin, chủ ý, quyết định, v.v.. Các ý niệm đại diện cho các sự vật tách rời chính các ý niệm đó. Những sự vật được đại diện này nhiều khi "nằm ngoài" trí tuệ. Các ý niệm này có thể đại diện một cách chính xác hoặc sai lạc. Descartes lý luận rằng lý thuyết đại diện này tách rời thế giới khỏi trí tuệ, dẫn tới sự cần thiết có một dạng cầu nối giữa hai bên và mang lại những lý do chính đáng để tin rằng các ý niệm đại diện chính xác thế giới bên ngoài. Có thể thấy tấm ván đầu tiên mà ông dùng để xây dựng cây cầu này trong trích đoạn sau: Nói cách khác, ý thức của một người hàm ý sự tồn tại của người đó. Tại một trong các trả lời của Descartes tới các bình luận phản đối cuốn sách, ông đã tóm tắt điều đó trong một câu nói nổi tiếng Tôi tư duy, nên tôi tồn tại. Khi đã chắc chắn được về tự tồn tại của mình, Descartes tìm cách tìm hiểu "tôi" là gì. Ông chối bỏ phương pháp truyền thống là tìm kiếm một định nghĩa vì sau đó các từ trong định nghĩa sẽ cần được định nghĩa. Ông tìm các thuật ngữ đơn giản mà không cần phải được định nghĩa mà nghĩa của chúng chỉ cần "nhìn là thấy". Từ đó, các sự thật hiển nhiên, các thuật ngữ phức tạp có thể được xây dựng. Điểm đầu tiên trong các sự thật hiển nhiên này là chứng minh của Descartes về sự tồn tại được xem xét lại từ một cách nhìn mới: Để định nghĩa bản thân rõ hơn, Descartes tìm đến ví dụ về sáp nến. Ông khẳng định rằng sáp nến không phải là sáp nến vì màu sắc, hình dạng hoặc kết cấu bề mặt, do tất cả những đặc điểm đó đều có thể thay đổi nhưng chất đó vẫn là sáp nến. Do đó, ông phân biệt giữa nhận thức thông thường và đánh giá. Hiện thực của sáp nến được "lĩnh hội, không phải bằng các giác quan hay năng lực hình dung trí tuệ, mà chỉ bằng hiểu biết." Khi ta hiểu các nguyên lý toán học của chất, chẳng hạn nó giãn nở do nhiệt độ cao, hình dạng và cơ chế, thì tri thức về sáp nến mới có thể rõ ràng và xác thực. Nếu một chất chẳng hạn sáp nến có thể được hiểu theo kiểu này, thì bản thân chúng ta cũng có thể được hiểu một cách tương tự. Khi đó, bản thân ta không được xác định bằng những gì ta cảm nhận về chính mình - cánh tay này, cái đầu này, đôi mắt này - mà bằng những điều ta suy nghĩ. Do đó, ta "không thể nắm bắt cái gì dễ dàng hơn hoặc rõ ràng hơn tâm thức của chính mình". Tự luận III: Về sự tồn tại của Chúa trời Trên nền tảng rằng "Tôi tồn tại", trong Tự luận III, Descartes tìm cách chứng minh rằng "Tôi không cô độc". Trong quá trình đó, ông giải bài toán hoài nghi về các tiêu chí bằng lý lẽ sau: Tôi tồn tại như là một thực thể tư duy. Làm thế nào để tôi chắc chắn về điều đó? Vì tôi hiểu nó rõ ràng và xác thực đến mức nó không thể sai được. Bất cứ cái gì được hiểu một cách rõ ràng và xác thực đều là đúng. Tiếp theo, trước khi tiếp tục các lý lẽ của mình, Descartes sắp xếp lại nội dung của tâm thức con người thành các ý niệm và các ý niệm hành động. Có ba nguồn gốc có thể của các ý niệm; chúng là bẩm sinh, hoặc thu được từ bên ngoài bản thân, hoặc được bản thân tạo ra. Các ý niệm hành động được tạo từ các nhận xét, ý muốn và cảm xúc. Ông cũng phân biệt giữa thực tại hình thức và thực tại chủ quan. Thực tại hình thức là những gì có thực (chẳng hạn một con hươu cao cổ thật) hoặc một suy nghĩ thật về một con hươu cao cổ). Còn thực tại chủ quan đại diện cho các ý niệm tự tạo (ví dụ thần núi hay ngựa một sừng). Sử dụng tiêu chí "rõ ràng và xác thực", Descartes tìm cách chứng minh ông không cô độc bằng cách chứng minh rằng Chúa tồn tại. Ông chọn phương pháp này vì nếu không có kiến thức về việc Chúa có tồn tại hay không hoặc Chúa có phải một kẻ lừa dối hay không, sẽ không có cách nào để bàn về thách thức của thực tại về kẻ lừa dối đầy quyền năng. Để làm được điều đó, đầu tiên ông thiết lập một nguyên lý nhân quả: Mức độ thực tế trong nguyên nhân ít nhất cũng phải bằng mức độ thực tế trong kết quả. Ví dụ, nếu một suy nghĩ về một con voi được gây ra bởi bức tranh vẽ một con voi, thì bức tranh đó phải có mức độ thực tế không nhỏ hơn suy nghĩ kia. Nếu không, nó đã không thể tạo ra suy nghĩ đó. Sử dụng nguyên lý nhân quả này, trong Tự luận III, Descartes đưa ra hai lý lẽ bản thể học về sự tồn tại của Chúa trời. Lý lẽ thứ nhất bắt đầu bằng sự thật rằng mỗi người trong chúng ta đều có một ý niệm về Chúa trời, lý lẽ thứ hai bắt đầu với sự thật rằng bản thân ta tồn tại.Lý lẽ 1 Tôi có một ý niệm về Chúa trời (một bản thể hoàn hảo vô cùng). Ý niệm đó phải có một nguyên nhân. Không có cái gì đến từ hư vô. Nguyên nhân phải có mức độ thực tế không kém ý niệm. Tôi không hoàn hảo vô cùng. Tôi không thể là nguyên nhân của ý niệm đó. Phải có một nguyên nhân mà nó là hoàn hảo vô cùng. Chúa trời tồn tại.Lý lẽ 2 Tôi tồn tại. Sự tồn tại của tôi phải có một nguyên nhân. Nguyên nhân đó phải là một trong các khả năng sau: a) chính bản thân tôi b) tôi vẫn luôn luôn tồn tại c) cha mẹ tôi hay cái gì đó không hoàn hảo bằng Chúa trời d) Chúa trời Không phải a. Nếu tôi đã tạo ra chính mình thì tôi đã làm cho bản thân hoàn hảo. Không phải b. Việc tôi đã luôn tồn tại không dẫn đến được chuyện tôi hiện đang tồn tại, trừ khi có một nguyên nhân nào đó đã bảo tồn tôi. Không phải c. Nguyên nhân đó hẳn phải hoàn hảo không kém tôi và lại được tạo ta từ một nguyên nhân khác. Điều này dẫn tới một sự hồi quy vô hạn. d. Chúa trời tồn tại. Quá trình truy ngược tìm nguyên nhân kết thúc tại một nguyên nhân cuối cùng - một cái sở hữu sự tồn tại tự thân (self-existence) hoàn hảo và sở hữu mọi điều hoàn hảo mà từ đó đã xuất phát ý niệm của tôi. Từ các lý lẽ này, Descartes cảm thấy rằng ông đã chứng minh ông không đơn độc trong vũ trụ vì còn có Chúa trời - một bản thể hoàn hảo, quyền năng và mẫn tuệ vô cùng. Không những thế, ông còn chứng minh được rằng vị Chúa trời này không thể là kẻ lừa dối: Tự luận IV: Về đúng và sai Các kết luận của các Tự luận khác rằng cả "tôi" và "Chúa trời" đều tồn tại dẫn đến một vấn đề khác: Nếu Chúa trời nhân hậu vô cùng và là nguồn gốc của mọi điều thiện, thì bằng cách nào mà sai lầm và lừa dối lại có chỗ để tồn tại? Descartes cố gắng trả lời câu hỏi này trong Tự luận IV. Dàn lý lẽ của ông tập trung vào Cây sự sống (Great Chain of Being - scala naturae), trong đó cái thiện hoàn hảo của Chúa trời tương ứng với thực thể hoàn thiện của Ngài. Còn đầu kia của thước đo là sự trống rỗng hoàn toàn, đó cũng chính là cực điểm của cái ác. Do đó, con người là một trung gian ở giữa hai cực điểm đó, không "thực" hay "thiện" bằng Chúa trời, nhưng "thực" và "thiện" hơn sự trống rỗng. Do đó, lầm lỗi (như là một phần của cái ác) không phải là một thực tại tích cực, nó chỉ là sự vắng mặt của cái đúng. Theo cách đó, sự tồn tại của nó là được phép trong hoàn cảnh của một vị Chúa trời không bao giờ lầm lỗi. Descartes còn thừa nhận hai điểm có thể cho phép khả năng ông có thể sai lầm. Trước hết, ông ghi nhận rằng rất có thể tri thức hạn chế của ông ngăn cản ông hiểu được tại sao Chúa trời lại quyết định tạo ra ông theo cách mà ông có thể phạm sai lầm. Nếu ông có thể thấy những gì Chúa thấy, với một tầm nhìn vô tận và đầy đủ, có lẽ ông sẽ có thể đánh giá được khả năng phạm lỗi của mình là lựa chọn tốt nhất. Ông dùng điểm này để tấn công cấu trúc nguyên nhân Aristotle. Như Aristotle đã miêu tả, nguyên nhân cuối cùng của một đối tượng là nguyên do để nó tồn tại. Nhưng Descartes khẳng định rằng vì ông không có khả năng thấu hiểu tâm thức của Chúa trời, nên qua khoa học ta không thể hiểu được hoàn toàn nguyên do (tại sao) mà chỉ có thể hiểu được cơ chế (bằng cách nào). Thứ hai, ông nhận ra rằng Chúa trời có khả năng sáng tạo nhiều thứ mà ông chắc chỉ là một phần của chúng. Có lẽ sai sót chỉ biểu hiện khi nhìn từng cá thể và được hóa giải khi nhìn toàn thể. Cuối cùng, Tự luận IV quy nguồn gốc của sai lầm cho sự không nhất quán giữa hai tặng phẩm thần thánh: hiểu biết và ý nguyện. Hiểu biết được cho dưới một dạng không hoàn chỉnh, trong khi về bản chất, ý nguyện chỉ có thể được cho một cách hoàn chỉnh hoặc không được cho. Nếu một người thu được một số hiểu biết nhất định và sau đó "chọn" cách hành động ra ngoài hiểu biết đó, thì người đó phạm sai lầm. Do đó, cả hai tặng phẩm của Chúa trời (hiểu biết và ý nguyện) luôn luôn là điều tốt đẹp, chỉ có việc anh ta sử dụng không đúng đắn mới là sai lầm. Tự luận V: Về bản chất của các đối tượng vật chất và bàn thêm về sự tồn tại của Chúa trời Tự luận V mở đầu với mục đích mở rộng "những điều đã biết" về Chúa trời và bản thân để bao hàm cả các đối tượng vật chất bên ngoài. Descartes để dành phần này cho Tự luận V thay cho một điều mà ông cho là nền tảng hơn nhưng theo cùng một hướng: bàn luận về các ý niệm về các sự vật ngoại vi đó. Trong quá trình đó, ông tình cờ gặp một chứng minh logic khác về sự tồn tại của Chúa trời. Trong khi cân nhắc các ý niệm về các sự vật bên ngoài này, Descartes nhận ra rằng chúng có thể được chia thành hai nhóm: các ý niệm rõ ràng xác thực, và các ý niệm lộn xộn mơ hồ. Nhóm thứ nhất bao gồm các ý niệm về sự mở rộng, khoảng thời gian và chuyển động. Các ý niệm hình học này không thể bị hiểu sai hoặc bị kết hợp theo một cách làm cho chúng trở nên sai. Ví dụ, nếu ta xây dựng ý niệm về một sinh vật có cái đầu của hươu cao cổ, thân của sư tử và đuôi của một con hải ly, và nếu câu hỏi đặt ra là sinh vật này có ruột già hay không, thì người ta sẽ phải bịa ra câu trả lời. Nhưng, cho dù ta kết hợp hoặc sắp xếp các tính chất toán học như thế nào đi nữa, tổng ba góc của một tam giác vẫn là 180 độ và cạnh lớn nhất vẫn luôn luôn đối diện góc lớn nhất. Do vậy, Descartes phát hiện ra rằng các chân lý này có bản chất của chính mình và hoàn toàn độc lập với suy nghĩ hay kiến giải của con người. Trong khi suy nghĩ về sự độc lập của các ý niệm về các đối tượng ngoại vi này, Descartes nhận ra rằng ông chắc chắn về Chúa trời bao nhiêu thì cũng chắc chắn về các khái niệm toán học này bấy nhiêu. Ông khẳng định rằng điều này là tự nhiên, vì chỉ có các ý niệm về Chúa trời mới hàm ý sự tồn tại của Chúa. Ông sử dụng ví dụ về một ngọn núi và một thung lũng. Tuy người ta không thể hình dung một ngọn núi không có thung lũng, điều đó không có nghĩa rằng tồn tại một ngọn núi hay một thung lũng nào đó. Tuy nhiên, điều đó lại có nghĩa rằng núi và thung lũng là không thể tách rời, cho dùng chúng có tồn tại hay không. Còn khi tôi không thể hình dung Chúa trời mà lại cho rằng Chúa không tồn tại, điều đó có nghĩa sự tồn tại không thể tách rời khỏi Ngài. Nói một cách đơn giản, lý lẽ của ông được sắp xếp như sau: Chúa trời được định nghĩa như là một thực thể vô cùng hoàn hảo. Sự hoàn hảo bao hàm sự tồn tại. Vậy, Chúa trời tồn tại. Tuy Descartes đã khẳng định sự tồn tại của Chúa qua các lý lẽ trước, lý lẽ này cho phép ông giải quyết được bất cứ sự không hài lòng nào mà ông đã có thể có đối với tiêu chí của ông về sự "rõ ràng và xác thực" của sự thật. Với việc sự tồn tại của Chúa trời đã được khẳng định, mọi nghi vấn rằng những gì ta đã từng nghĩ là thực chứ không phải một giấc mơ có thể được loại bỏ. Khi đã nhận thức được điều này, Descartes khẳng định rằng nếu không có tri thức chắc chắn này về sự tồn tại của một thực thể hoàn hảo và tối cao, sự đảm bảo cho bất kỳ một sự thật nào cũng là không thể. Tự luận VI: Về sự tồn tại của các đối tượng vật chất và sự khác biệt thực sự giữa tâm thức và thể xác Trong Tự luận VI, Descartes bàn về sự tồn tại tiềm tàng của vật chất bên ngoài bản thân và Chúa trời. Đầu tiên, ông thiết lập rằng những đối tượng như vật có thể tồn tại đơn giản chỉ vì Chúa trời có khả năng tạo ra chúng. Biết rằng sự tồn tại của các đối tượng đó là có thể, Descartes dựa vào sự phổ biến của các hình ảnh trí óc để tìm cách chứng minh. Để làm điều này, ông phân biệt giữa hiểu biết thuần túy và hình dung. Hiểu biết là một cái gì đó được hiểu nhưng không được nhìn thấy trong trí óc. Còn các hình dung là những gì được nhìn thấy như là các bức ảnh trong trí óc. Ông giải thích bằng ví dụ sau đây: Tuy nhiên, Descartes chưa đưa ra chứng minh rằng các đối tượng ngoại vi tồn tại, ông mới chỉ ra rằng sự tồn tại của chúng có thể được giải thích một cách thuận tiện bằng quá trình trí óc đó. Để đạt được chứng minh này, đầu tiên ông xem lại các tiền đề cho các "Tự luận" - rằng không thể tin tưởng các giác quan, và rằng những gì ông được dạy "bởi thiên nhiên" không có mấy tín nhiệm. Tuy nhiên, ông nhìn các luận cứ này trong một ngữ cảnh mới; sau khi viết "Tự luận I", ông đã chứng minh sự tồn tại của chính ông và của một vị Chúa trời hoàn hảo. Do vậy, Descartes nhanh chóng nhảy đến các chứng minh về sự phân chia giữa thể xác và tâm thức và về sự tồn tại của các sự vật vật chất:Chứng minh rằng thể xác là tách biệt với tâm thức Chúa trời có thể tạo bất cứ cái gì mà tôi có thể nhận thức một cách rõ ràng và xác thực. Nếu Chúa tạo một thứ gì đó để nó độc lập với một thứ khác, chúng sẽ tách biệt với nhau. Tôi hiểu một cách rõ ràng và xác thực về sự tồn tại của tôi như là một thực thể tư duy (mà không đòi hỏi sự tồn tại của một thể xác). Do vậy, Chúa trời có thể tạo một thực thể tư duy độc lập với thể xác. Tôi hiểu một cách rõ ràng và xác thực về thể xác của tôi như là một thứ mở rộng (mà nó không đòi hỏi một tâm thức). Do vậy, Chúa trời có thể tạo một thể xác độc lập với tâm thức. Do vậy, tâm thức của tôi là một thực tại tách biệt khỏi thể xác của tôi. Vậy tôi (một thực thể tư duy) có thể tồn tại mà không cần một thể xác.Chứng minh về thực tại của các sự vật vật chất ngoại vi''' Do các giác quan của mình mà tôi có một "xu hướng mạnh" tin vào thực tại của các sự vật vật chất bên ngoài. Chúa trời hẳn đã tạo tôi với bản chất đó. Nếu các sự vật vật chất độc lập không tồn tại, thì Chúa là một kẻ lừa dối. Nhưng Chúa không phải là kẻ lừa dối. Vậy, các sự vật vật chất tồn tại và chứa đựng các tính chất bản chất của chúng. Sau khi sử dụng hai luận cứ này để xua đi thuyết duy ngã và chủ nghĩa hoài nghi, Descartes dường như đã thành công trong việc định nghĩa thực tại thành ba phần: Chúa trời (vô hạn), các tâm thức, và các sự vật vật chất (hai loại sau đều hữu hạn). Ông kết thúc bằng bàn luận về các chi tiết khác về thực tại mà một số người có thể xem là các mâu thuẫn, chẳng hạn các cảm giác tại các chi bị cụt, bệnh phù (dropsy) và các giấc mơ. Phản hồi và phản đối Những người phản đối Descartes đã đưa bản thảo của mình cho một số nhà triết học, thần học và logic học trước khi xuất bản các Tự luận của ông. Các phản đối của họ và các phản hồi của ông (đôi khi dài nhiều trang) đã được kèm theo lần xuất bản thứ nhất của các Tự luận. Do đó, cuộc đối thoại này được coi như một phần của quan điểm của Descartes được biểu đạt trong các Tự luận. Có bảy phản đối: Nhà thần học người Hà Lan Johannes Caterus (hay Johan de Kater); nhiều nhà thần học và triết học do người bạn và thông tín viên chính của Descartes Friar Marin Mersenne tập hợp; triết gia người Anh Thomas Hobbes; nhà thần học và luận lý học Antoine Arnauld; nhà triết học Pierre Gassendi; một đối chiếu khác bởi Mersenne; và thầy tu dòng Tên Pierre Bourdin. Xem thêm René Descartes Triết học hiện đại Tham khảo Liên kết ngoài The Meditations Essays about The Meditations Meditationes de prima philosophia'', éd. de Amstelodami, ex typographia Blavania, 1685 (Vicifons) Sách triết học Siêu hình học Sách năm 1641
Đơn vị ở lớn Marseille (thường còn được biết dưới tên Unité d'Habitation) là một tác phẩm nổi tiếng của Kiến trúc Hiện đại, được kiến trúc sư Le Corbusier thiết kế. Công trình được xây dựng từ năm 1945 đến năm 1952, nằm tại số 280 đường Michelet, thành phố Marseille. Đây là một trong năm đơn vị ở lớn của Le Corbusier. Sau này, Le Corbusier còn thiết kế một loạt các đơn vị ở khác tại Rezé, Firminy, và Briey (Pháp) tại Berlin (Đức). Nhưng công trình tại Marseille là nổi tiếng nhất. Tòa nhà này dài 165 m, rộng 24 m, cao 56 m, có 17 tầng được đặt trên một hệ cột chống. Trong nhà có 15 tầng để ở, chứa được 337 hộ gia đình từ độc thân đến 10 người. Tầng 7, tầng 8 là khu dịch vụ công cộng. Tầng trên cùng có nhà trẻ, mẫu giáo. Trên mái có vườn hoa, bể bơi và đường chạy 300 m. Le Corbusier đã thể hiện quan điểm quy hoạch đô thị của mình ở công trình này, toàn bộ ngôi nhà là cả một thị trấn. Để xây dựng công trình này, Le Corbusier đã lập ra xưởng thiết kế của các nhà xây dựng (Atelier des Bâtisseurs - AtBat). Xưởng này qui tụ các kiến trúc sư và các kĩ sư xây dựng, đặt dưới sự chỉ đạp của kĩ sư gốc Nga Vladimir Bodiansky. Ngoài ra có thêm sự cộng tác của các kiến trúc sư André Wogenscky và Georges Candilis tại công trường.
Cúp FA (tên tiếng Anh đầy đủ: The Football Association Challenge Cup) là một giải bóng đá loại trực tiếp hàng năm dành cho Nam ở Anh. Được tổ chức lần đầu tiên trong mùa giải 1871–72, đây là giải bóng đá lâu đời nhất trên thế giới. Nó được tổ chức và được đặt theo tên của Liên đoàn bóng đá Anh (FA). Kể từ năm 2015, giải mang tên The Emirates FA Cup vì được tài trợ bởi hãng hàng không Emirates. Giải bóng đá này dành cho bất kỳ câu lạc bộ bóng đá nào đủ điều kiện tham dự từ cấp độ 10 của hệ thống giải bóng đá Anh. Kỷ lục 763 câu lạc bộ đã thi đấu trong mùa giải 2011–12. Đội đoạt chức vô địch sẽ nhận được một chiếc cúp FA, đủ điều kiện tham dự UEFA Europa League và một suất tranh Siêu cúp Anh. Tính đến năm 2020, Arsenal là đội đoạt nhiều Cúp FA nhất với 14 lần đăng quang. Đương kim vô địch hiện tại là câu lạc bộ Manchester City, đội giành chiến thắng 2-1 trước câu lạc bộ Manchester United ở trận chung kết năm 2023. Lịch sử Vào năm 1863, khi Hiệp hội Bóng đá (FA) mới được thành lập, họ đã công bố bộ Luật Trò chơi của Bóng đá Hiệp hội, nhằm thống nhất những quy tắc khác nhau đang được sử dụng trước đó. Vào ngày 20 tháng 7 năm 1871, tại văn phòng của báo The Sportsman, Thư ký FA C. W. Alcock đề xuất với ủy ban FA rằng "nên thiết lập một Cúp Thách đấu kết nối với Hiệp hội, trong đó tất cả các câu lạc bộ thuộc Hiệp hội đều được mời tham gia". Vào tháng 11 năm 1871, giải đấu Cúp FA khởi đầu. Sau mười ba trận đấu, Wanderers được vinh danh là người chiến thắng trong trận chung kết, vào ngày 16 tháng 3 năm 1872. Wanderers tiếp tục giành chiếc cúp vào năm tiếp theo. Đến mùa giải 1888–89, giải đấu bắt đầu được củng cố khi các vòng loại được đưa vào. Sau phiên bản 1914–15, do Thế chiến thứ nhất nổ ra, giải đấu bị hoãn và không tiếp tục cho đến 1919–20. Trận chung kết Cúp FA 1923, thường được gọi là "Trận chung kết Con Ngựa Trắng", diễn ra tại Sân vận động Wembley vừa mới khai trương (lúc đó còn được gọi là Sân vận động Đế chế). Trận chung kết năm 1927 chứng kiến lần đầu tiên bản hát "Abide with Me" được trình diễn tại trận chung kết Cúp, và từ đó đã trở thành một truyền thống trước trận đấu. Do sự bùng phát của Thế chiến thứ hai, giải đấu không diễn ra từ phiên bản 1938–39 cho đến 1945–46. Vì những giai đoạn tạm ngừng do chiến tranh, giải đấu không kỷ niệm năm kỷ niệm tròn cho đến mùa giải 1980–81; không ngạc nhiên rằng trận chung kết đã có bàn thắng của Ricky Villa, sau đó được bình chọn là bàn thắng hay nhất từng được ghi trong một trận chung kết Cúp FA, nhưng sau đó đã bị thay thế bởi Steven Gerrard. Lịch sử Sau một số rối loạn về luật lệ trong giải đấu đầu tiên, Hiệp hội Bóng đá (FA) quyết định mọi trận hòa sẽ dẫn đến việc tổ chức trận đá lại, với các đội tiếp tục thi đấu trong các trận đá lại tiếp theo cho đến khi có một đội giành chiến thắng cuối cùng. Alvechurch và Oxford City đã thi đấu nhiều trận đá lại nhất trong vòng loại 1971-72, với một cặp đấu kéo dài tới 6 trận. Tuy nhiên, việc tổ chức nhiều trận đá lại đã bị bỏ trong giải đấu chính từ mùa giải 1991-92 và trong vòng loại từ mùa giải 1997-98. Trận đá lại cũng đã được loại bỏ hoàn toàn từ các trận bán kết và trận chung kết mùa giải từ năm 2000, từ tứ kết từ mùa giải 2016-17 và vòng 5 từ mùa giải 2019-20. Sự phát triển lại của sân vận động Wembley đã khiến cho trận chung kết được tổ chức bên ngoài nước Anh lần đầu tiên, với các trận chung kết từ năm 2001 đến 2006 diễn ra tại Millennium Stadium ở Cardiff. Trận chung kết trở lại Wembley vào năm 2007, và các trận bán kết từ năm 2008 cũng được tổ chức tại đây. Các Sân vận động Trận đấu trong 12 vòng thi đấu của giải thường được tổ chức tại sân nhà của một trong hai đội. Các trận bán kết và trận chung kết được tổ chức tại một địa điểm trung lập - sân vận động Wembley đã được xây dựng lại. Các vòng thi đấu Trong các trận đấu của 12 vòng thi đấu, đội chơi tại sân nhà được quyết định khi các trận đấu được bốc thăm – đơn giản là đội đầu tiên được bốc thăm cho từng trận đấu. Đôi khi các trận đấu có thể phải được chuyển đến sân vận động khác do sự kiện khác diễn ra, vấn đề an ninh hoặc sân vận động không phù hợp để đón đội mạnh. Tuy nhiên, kể từ năm 2003, các câu lạc bộ không thể di chuyển sân nhà để tăng sức chứa hoặc vì lý do tài chính. Nếu phải di chuyển sân nhà, phải diễn ra tại một địa điểm trung lập và bất kỳ tiền thu thêm nào từ việc di chuyển sẽ được đưa vào quỹ chung. Trong trường hợp hòa, trận đá lại sẽ diễn ra tại sân nhà của đội ban đầu thi đấu trên sân khách. Trong những thời kỳ có thể tổ chức nhiều trận đá lại, trận đá lại thứ hai (và các trận đá lại tiếp theo) sẽ diễn ra tại sân trung lập. Các câu lạc bộ có thể thỏa thuận tung xúc xắc để quyết định quyền chơi ở sân nhà trong trận đá lại thứ hai. Bán kết Từ năm 2008, các trận bán kết đã chỉ diễn ra tại sân Wembley mới được xây dựng. Điều này đã xảy ra một năm sau khi sân mở cửa và ngay sau khi sân đã tổ chức một trận chung kết (vào năm 2007). Trong thập kỷ đầu của giải đấu, sân Kennington Oval được dùng để tổ chức các trận bán kết. Trong khoảng thời gian từ thập kỷ đầu tiên đó cho đến khi sân Wembley mở cửa lại, các trận bán kết đã diễn ra tại các sân vận động trung lập có sức chứa lớn ở khắp nơi trên nước Anh. Thường thì đây là sân nhà của các đội bóng không tham gia vào trận bán kết, và được chọn sao cho cách xa tương đối giữa hai đội, để đảm bảo tính công bằng trong việc di chuyển. Ba sân vận động được sử dụng nhiều nhất trong khoảng thời gian này là Villa Park ở Birmingham (55 lần), Hillsborough ở Sheffield (34 lần) và Old Trafford ở Manchester (23 lần). Wembley Stadium ban đầu cũng đã được sử dụng bảy lần cho các trận bán kết, từ năm 1991 đến 2000 (trận cuối cùng được tổ chức tại đó), nhưng không phải lúc nào cũng cho các trận đấu có sự tham gia của các đội bóng ở Luân Đôn. Vào năm 2005, cả hai trận bán kết đã được tổ chức tại sân Millennium. Vào năm 2003, FA đã quyết định sử dụng sân vận động Wembley mới làm địa điểm cố định cho các trận bán kết, nhằm thu hồi khoản nợ liên quan đến việc xây dựng sân vận động này. Quyết định này gặp nhiều ý kiến trái chiều, bởi nó vừa gây bất tiện cho người hâm mộ của các đội ở xa London, vừa làm giảm giá trị đặc biệt của việc thi đấu trận chung kết tại Wembley. Trong việc bảo vệ quyết định này, Liên đoàn bóng đá Anh (FA) cũng đã trích dẫn sự tăng cường về sức chứa mà sân Wembley mang lại, tuy nhiên trận đấu năm 2013 giữa Millwall và Wigan Athletic đã dẫn đến việc đưa ra biện pháp chưa từng thấy khi đặt 6,000 vé bán cho các cổ động viên trung neutral sau khi trận đấu không thể bán hết. Một cuộc thăm dò ý kiến của các cổ động viên do The Guardian tiến hành vào năm 2013 đã phát hiện ra có 86% sự phản đối về việc tổ chức bán kết tại sân Wembley. Trận chung kết Từ khi sân vận động Wembley Stadium mới được xây dựng và khai trương vào mùa giải 2007, trận chung kết đã diễn ra tại đây. Trong giai đoạn từ năm 2001 đến 2006, do quá trình xây dựng lại, trận chung kết đã được tổ chức tại sân vận động Millennium Stadium tại Cardiff, xứ Wales. Trước khi Wembley được xây mới, trận chung kết diễn ra tại sân vận động gốc là Wembley Stadium ban đầu, từ khi nó khai trương vào mùa giải 1922–23 (lúc đó mang tên Sân vận động Đế chế). Một ngoại lệ trong chuỗi 78 trận chung kết tại Sân vận động Đế chế này (bao gồm cả 5 trận đá lại) là trận tái đấu năm 1970 giữa Leeds United và Chelsea, diễn ra tại Old Trafford ở Manchester. Trước khi Sân vận động Đế chế khai trương, trong 51 năm trước đó, trận chung kết (bao gồm 8 trận đá lại) đã được tổ chức tại nhiều địa điểm khác nhau, chủ yếu tại London, đặc biệt là sân vận động Kennington Oval và sau đó là Crystal Palace. Tại sân Oval, trận chung kết đã diễn ra 22 lần (kể từ kì thi đấu đầu tiên vào năm 1872 và chỉ trừ 2 lần cho đến năm 1892). Sau đó, Crystal Palace đã tổ chức 21 trận chung kết từ năm 1895 đến năm 1914, với 4 trận đá lại được tổ chức ở nơi khác. Các địa điểm khác tại London bao gồm sân vận động Stamford Bridge từ năm 1920 đến năm 1922 (3 trận chung kết cuối cùng trước khi chuyển đến Sân vận động Đế chế); và sân Lillie Bridge Grounds thuộc Đại học Oxford tại Fulham cho trận chung kết thứ hai trong lịch sử, vào năm 1873. Sân cỏ nhân tạo Từ mùa giải 2014–15 và sau đó, Liên đoàn bóng đá Anh (FA) đã cho phép sử dụng sân cỏ nhân tạo (3G) trong tất cả các vòng đấu của giải đấu. Theo quy định mùa giải 2015-16, sân cỏ nhân tạo phải đạt tiêu chuẩn một sao của FIFA, hoặc hai sao đối với các trận đấu liên quan tới một trong 92 câu lạc bộ chuyên nghiệp. Quyết định này đã được thông qua hai năm trước đó cho việc sử dụng sân cỏ nhân tạo 3G chỉ trong các vòng loại - nếu một đội có sân cỏ nhân tạo tiến xa vào giai đoạn thi đấu chính thức, họ phải chuyển trận đấu của mình đến sân của một đội khác cũng có sân cỏ tự nhiên tham gia được chấp thuận. Dù ban đầu là người ủng hộ mạnh mẽ cho loại sân cỏ này, trận đấu đầu tiên trong giai đoạn thi đấu chính thức được tổ chức trên sân cỏ nhân tạo 3G là trận tái đấu vòng một, được truyền hình tại Gallagher Stadium của đội Maidstone United vào ngày 20 tháng 11 năm 2014. Cúp Đội chiến thắng giải đấu sẽ nhận được Cúp FA. Cúp này chỉ được FA cho mượn cho câu lạc bộ; theo quy định hiện tại (mùa giải 2015-16), cúp phải được trả lại trước ngày 1 tháng 3, hoặc sớm hơn nếu được thông báo trước ít nhất bảy ngày. Theo truyền thống, đội vô địch sẽ giữ Cúp đến lễ trao giải vào năm sau, tuy nhiên gần đây, FA đã tổ chức các chương trình quảng cáo bằng việc đưa Cúp đi du lịch trước khi trận chung kết diễn ra. Cúp FA gồm ba phần - chính là chén cúp, nắp và đế. Có hai mẫu thiết kế cúp đã được sử dụng, nhưng tổng cộng đã có năm chiếc cúp được trao tặng. Ban đầu, chiếc cúp gọi là "tượng nhỏ bằng thiếc", cao 18 inch và được làm bởi Martin, Hall & Co. Nó đã bị đánh cắp vào năm 1895 và không bao giờ tìm lại được, vì vậy nó đã được thay thế bằng một bản sao chính xác, được sử dụng đến năm 1910. Tuy nhiên, FA quyết định thay đổi thiết kế sau khi đội chiến thắng năm 1909, Manchester United, tự tạo một bản sao, khiến FA nhận ra họ không sở hữu bản quyền. Mẫu thiết kế mới lớn hơn này do Fattorini and Sons tạo ra và bắt đầu được sử dụng từ năm 1911. Từ năm 1992, để bảo quản chiếc cúp gốc này, một bản sao chính xác đã được sử dụng, tuy nhiên, sau hơn hai thập kỷ, bản sao này đã phải được thay thế vì bị hao mòn do tiếp xúc nhiều hơn so với các thời kỳ trước đây. Bản sao thứ ba này, được sử dụng lần đầu vào năm 2014, được làm nặng hơn để chịu được việc cầm nắm nhiều hơn. Trong số bốn chiếc cúp còn tồn tại, chỉ bản sao năm 1895 đã vào sở hữu tư nhân. Tên của đội chiến thắng được khắc trên dải bạc quanh đế ngay khi trận chung kết kết thúc, để chuẩn bị cho lễ trao giải. Điều này có nghĩa là người khắc chỉ có năm phút để hoàn thành một công việc mà trong điều kiện bình thường sẽ mất 20 phút, tuy nhiên thời gian có thể được tiết kiệm bằng cách khắc năm mà trong suốt trận đấu và vẽ tên đội dự định sẽ chiến thắng. Trong trận chung kết, chiếc cúp được trang trí bằng những dải ruy băng theo màu sắc của cả hai đội, và dải ruy băng của đội thua sẽ được gỡ bỏ sau khi trận đấu kết thúc. Thói quen buộc dải ruy băng bắt đầu sau khi Tottenham Hotspur giành chiến thắng trong 1901 FA Cup Final và vợ của một người đứng đầu trong Spurs quyết định buộc những dải ruy băng màu xanh da trời và trắng lên tay cầm của cúp. Truyền thống tại các trận chung kết tại sân Wembley, lễ trao giải được tổ chức tại Hộp hoàng gia, với các cầu thủ, dẫn đầu bởi đội trưởng, đi lên bậc thang tới lối đi phía trước hộp và trở lại bằng một bậc thang thứ hai ở phía bên kia hộp. Tại sân Cardiff, lễ trao giải được tiến hành trên một bục trên sân. Thói quen trao cúp ngay sau trận đấu không bắt đầu cho đến trận chung kết năm 1882. Sau trận chung kết đầu tiên vào năm 1872, chiếc cúp không được trao tặng cho đội chiến thắng là Wanderers cho đến một buổi tiệc tổ chức bốn tuần sau tại Nhà hàng Pall Mall ở London. Theo luật ban đầu, cúp sẽ được trao tặng vĩnh viễn cho câu lạc bộ nào giành chiến thắng ba lần trong giải đấu. Tuy nhiên, sau khi đội Wanderers giành chiến thắng ba lần sau trận chung kết năm 1876, luật đã được thay đổi bởi Thư ký FA CW Alcock (cũng là đội trưởng của Wanderers trong chiến thắng đầu tiên của họ). Portsmouth có danh hiệu là câu lạc bộ bóng đá giữ cúp FA trong khoảng thời gian liên tục dài nhất - đến bảy năm. Portsmouth đã đánh bại Wolverhampton Wanderers 4–1 trong trận chung kết năm 1939 và được trao tặng cúp sau khi trở thành nhà vô địch Cúp FA mùa giải 1938–39. Nhưng khi xảy ra Thế chiến II vào tháng 9 năm 1939, giải đấu League bóng đá và Cúp FA cho mùa giải mùa giải 1939–40 bị hủy bỏ suốt thời kỳ chiến tranh. Được đồn rằng người quản lý Portsmouth, Jack Tinn, đã giữ cúp FA 'an toàn dưới gường của mình' trong suốt thời kỳ chiến tranh, nhưng điều này là một đồn thị thành. Bởi vì thành phố biển Portsmouth là mục tiêu quân sự chính cho các cuộc không kích của Luftwaffe Đức, cúp FA thực sự đã được mang đi mười dặm về phía bắc của Portsmouth, đến làng Hampshire gần đó có tên Lovedean, và ở đó, cúp đã ở trong một quán rượu nông thôn mái ngói tên The Bird in Hand suốt bảy năm của thời kỳ chiến tranh. Sau khi Thế chiến II kết thúc, cúp FA đã được câu lạc bộ trả lại cho Liên đoàn bóng đá để sẵn sàng cho trận chung kết 1946 FA Cup Final. Thiết kế ban đầu từ năm 1871 Bản gốc năm 1871 Chiếc cúp đầu tiên, được gọi là 'tượng nhỏ từ thiếc', được chế tạo bởi hãng Martin, Hall & Co với giá 20 bảng Anh. Tuy nhiên, nó đã bị đánh cắp khỏi cửa hàng giày ở Birmingham thuộc sở hữu của William Shillcock vào ngày 11 tháng 9 năm 1895 khi Aston Villa đang giữ cúp, và từ đó không còn thấy lại. Dù đã có phần thưởng 10 bảng Anh cho thông tin, nhưng tội ác này không bao giờ được phát hiện. Vì việc xảy ra khi cúp đang ở tại Aston Villa, FA đã phạt họ 25 bảng Anh để mua một chiếc cúp thay thế. Hơn 60 năm sau, tội phạm chuyên nghiệp 80 tuổi là Henry (Harry) James Burge đã tuyên bố mình đã thực hiện vụ trộm này và thú nhận cho một tờ báo. Câu chuyện này đã được đăng trên tờ báo Sunday Pictorial vào ngày 23 tháng 2 năm 1958. Ông tuyên bố rằng mình đã thực hiện vụ cướp này cùng với hai người đồng đội khác. Tuy nhiên, khi có những không trùng khớp với bản báo cáo đồng thời trên tờ báo Birmingham Post (vụ án xảy ra trước khi có bản báo cáo cảnh sát) về cách thức xâm nhập và những vật phẩm khác bị mất, các thám tử quyết định không có khả năng kết tội thực tế và vụ án được đóng lại. Burge tuyên bố rằng chiếc cúp đã được nấu chảy để làm những đồng tiền giả half-crown, điều này phù hợp với thông tin tình báo của thời đại, khi bạc bị đánh cắp được sử dụng để tạo ra đồng tiền giả sau đó được rửa tiền thông qua các cửa hàng cá cược tại sân đua địa phương. Tuy nhiên, Burge không có lịch sử về làm giả mạo trong 42 vụ kết án trước đó, trong đó ông đã phải bỏ tù 42 năm. Ông cũng từng bị giam từ năm 1957 đến năm 1961 vì tội trộm xe. Ông được thả ra vào năm 1961 và qua đời vào năm 1964. Bản sao năm 1895 Sau vụ trộm, một bản sao của chiếc cúp được tạo ra và được sử dụng cho đến khi một thiết kế mới cho cúp được thực hiện vào năm 1911. Bản sao năm 1895 sau đó được trao tặng cho chủ tịch lâu năm của FA là Lord Kinnaird. Lord Kinnaird qua đời vào năm 1923, và gia đình ông đã giữ cúp trong tay họ, ngoài tầm nhìn, cho đến khi họ quyết định đưa nó lên sàn đấu giá vào năm 2005. Nó đã được bán tại nhà đấu giá Christie's vào ngày 19 tháng 5 năm 2005 với giá £420.000 (478.400 bảng Anh bao gồm phí đấu giá và thuế). Mức giá bán này đã lập kỷ lục thế giới mới cho một món đồ kỷ niệm bóng đá, vượt qua con số £254.000 đã trả cho Cúp World Cup Jules Rimet vào năm 1997. Người chiến thắng đấu giá là David Gold, chủ tịch kiêm đồng chủ tịch của Birmingham City; ông cho rằng FA và chính phủ không đều đang làm gì đó để đảm bảo chiếc cúp được giữ lại trong nước, vì vậy ông quyết định mua lại để bảo vệ cho quốc gia. Vì vậy, Gold đã trao tặng chiếc cúp cho National Football Museum tại Preston vào ngày 20 tháng 4 năm 2006, nơi nó được trưng bày ngay lập tức cho công chúng thấy. Sau đó, cùng với bảo tàng, nó đã được chuyển đến vị trí mới tại Manchester. Vào tháng 11 năm 2012, cúp đã được trao tặng một cách trang trọng cho Royal Engineers, sau khi họ đánh bại Wanderers 7–1 trong trận đá lại từ thiện của trận chung kết FA Cup đầu tiên. Vào tháng 9 năm 2020, Gold đã bán lại bản sao của chiếc cúp với giá 760.000 bảng Anh qua nhà đấu giá Bonhams. Vào tháng 1 năm 2021, đã được tiết lộ rằng chiếc cúp đã được mua lại bởi Sheikh Mansour bin Zayed Al Nahyan, chủ sở hữu của Manchester City, người tuyên bố rằng cúp sẽ được trả lại Bảo tàng Bóng đá Quốc gia như một món vay. Thiết kế hiện tại từ năm 1911 Ban đầu năm 1911 Thiết kế lại của chiếc cúp, lần đầu sử dụng vào năm 1911, lớn hơn với chiều cao 61,5 cm (24,2 inch), được thiết kế và sản xuất bởi Fattorini & Sons ở Bradford, và ngẫu nhiên đã được giành bởi Bradford City trong lần ra mắt đầu tiên. Trong tập phát sóng ngày 27 tháng 3 năm 2016 của chương trình truyền hình của BBC Antiques Roadshow, chiếc cúp này được định giá 1 triệu bảng Anh bởi chuyên gia Alastair Dickenson, tuy nhiên ông đề xuất rằng do thiết kế với hình ảnh của nho và cây nho, có thể nó không được tạo ra đặc biệt cho FA, mà thay vào đó là một thiết kế có sẵn ban đầu dùng để làm một thùng đựng rượu vang hoặc sâm panh. Điều này đã bị bác bỏ sau đó khi Thomas Fattorini được mời đến Antiques Roadshow để "ám sát" Alastair Dickenson với thiết kế chiến thắng của Fattorini & Sons. Chương trình đã được quay tại Baddesley Clinton và phát sóng vào ngày 23 tháng 10 năm 2016. Một bản sao nhỏ hơn nhưng hoàn toàn giống nhau cũng được tạo ra bởi công ty Thomas Fattorini, là cúp FA North Wales Coast, và được tranh đấu hàng năm bởi các thành viên của Hiệp hội khu vực đó. Bản sao năm 1992 Bản sao của năm 1992 được sản xuất bởi hãng Toye, Kenning and Spencer. Họ đã tạo ra một bản sao khác của chiếc cúp này, để phòng tránh bất kỳ sự cố nào có thể xảy ra với chiếc cúp chính. Bản sao năm 2014 Bản sao năm 2014 được tạo ra bởi Thomas Lyte, được làm thủ công từ bạc sterling 925 trong hơn 250 giờ. Họ đã tăng trọng lượng để làm cho cúp bền hơn, nó hiện nặng khoảng . Thống kê Các trận chung kết Nhà tài trợ Kể từ mùa giải 1994–95, Cúp FA đã được tài trợ. Tuy nhiên, để bảo vệ sự uy tín của giải đấu, tên giải đấu luôn bao gồm 'FA Cup' bên cạnh tên của nhà tài trợ. Từ năm 2006 đến 2013, Umbro cung cấp bóng cho tất cả các trận đấu tại Cúp FA. Đến mùa giải 2013–14 được thay thế bởi Nike, hãng này đã sản xuất bóng thi đấu chính thức của giải đấu trong năm mùa giải. Mitre tiếp quản mùa giải 2018–19, bắt đầu hợp tác sản xuất bóng thi đấu trong 3 năm với FA. Đài truyền hình
Đắk Nông là một tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên, miền Trung, Việt Nam. Năm 2021, Đắk Nông là tỉnh, thành Việt Nam đông thứ 57 về số dân, xếp thứ 52 về Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), xếp thứ 47 về GRDP bình quân đầu người, đứng thứ 7 về tốc độ tăng trưởng GRDP. Với 660.135 người dân, số liệu GRDP đạt 20,7 nghìn tỉ Đồng (tương ứng với 896,1 triệu USD), GRDP bình quân đầu người đạt 59,61 triệu đồng (tương ứng với 2.600 USD), tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 8,63%. Tỉnh Đắk Nông được thành lập vào ngày 1 tháng 1 năm 2004 theo Nghị quyết số 22/2003/QH11 ban hành ngày 26 tháng 11 năm 2003 của Quốc hội trên cơ sở tách một phần diện tích và dân số của tỉnh Đắk Lắk. Địa lý Vị trí địa lý Đắk Nông nằm ở cửa ngõ phía tây nam của Tây Nguyên, nằm trong vùng tọa độ từ 11°45 đến 12°50 vĩ độ bắc và từ 107°12 đến 108°07 kinh độ đông. Trung tâm tỉnh Đắk Nông là thành phố Gia Nghĩa nằm cách thành phố Buôn Ma Thuột với chiều dài 125 km theo đường quốc lộ 14, cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 250 km về phía Nam, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 689 km về phía Bắc, cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 1358 km về phía Bắc, có vị trí địa lý: Phía đông và phía bắc giáp tỉnh Đắk Lắk Phía tây giáp tỉnh Bình Phước và tỉnh Mondulkiri, Vương quốc Campuchia với đường biên giới dài khoảng 141 km Phía nam và đông nam giáp tỉnh Lâm Đồng. Các điểm cực của tỉnh Đắk Nông: Điểm cực Đông: xã Đăk Plao, huyện Đắk Glong Điểm cực Tây: xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức Điểm cực Nam: xã Hưng Bình, huyện Đắk R'lấp Điểm cực Bắc: xã Ea Po, huyện Cư Jút. Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có 2 cửa khẩu quốc tế với Vương quốc Campuchia là cửa khẩu Đăk Per thuộc huyện Đắk Mil và Bup'rang thuộc địa phận Tuy Đức. Điều kiện tự nhiên Đắk Nông nằm trọn trên cao nguyên M’Nông, với độ cao trung bình từ 600 mét đến 700 mét so với mặt nước biển, cao nhất là ở Tà Đùng với độ cao lên đến 1.982 mét. Nhìn chung địa hình Đắk Nông chạy dài và thấp dần từ đông sang tây. Địa hình đa dạng, phong phú và bị chia cắt mạnh, có sự xen kẽ giữa các núi cao, với các cao nguyên rộng lớn, dốc thoải, lư­ợn sóng, khá bằng phẳng xen kẽ các dải đồng bằng thấp trũng. Khí hậu Đắk Nông chuyển tiếp giữa hai tiểu vùng khí hậu Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, chính vì vậy chế độ khí hậu mang đặc điểm chung của khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, nhưng có sự nâng lên của địa hình nên có đặc trưng của khí hậu cao nguyên nhiệt đới ẩm, vừa chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam khô nóng. Khí hậu phân hóa thành 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa thường kéo dài từ tháng 4 đến hết tháng 11, tập trung trên 90% lượng mưa cả năm. Lượng mưa trung bình năm 2.513mm. Mùa khô từ tháng 12 đến hết tháng 3 năm sau, lượng mưa không đáng kể. Nhiệt độ trung bình năm 22–230C, nhiệt độ cao nhất 350C, thấp nhất 140C. Với điều kiện thời tiết này rất phù hợp với phát triển các cây trồng nhiệt đới lâu năm. Tuy nhiên khí hậu ở Đắk Nông cũng có những mặt bắt lợi là sự mất cân đối về lượng mưa trong năm và sự biến động lớn về biên độ nhiệt ngày đêm và theo mùa, nên yếu tố quyết định đến sản xuất và sinh hoạt là việc cấp nước, giữ nước và việc bố trí mùa vụ cây trồng. Đắk Nông có mạng lưới sông suối, hồ, đập phân bố tương đối đều khắp, thuận lợi để khai thác nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng các công trình thủy điện. Đất đai Đắk Nông khá phong phú và đa dạng, được chia thành 5 nhóm đất chính gồm Nhóm đất xám, đất đỏ bazan, còn lại là đất đen bồi tụ. Đất nông nghiệp chiếm 47% tổng diện tích tự nhiên. Trong đó đất trồng cây công nghiệp lâu năm chiếm phần lớn diện tích. Hành chính Tỉnh Đắk Nông có 8 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 1 thành phố và 7 huyện với 71 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 6 phường, 5 thị trấn và 60 xã. Lịch sử Thời Pháp thuộc năm 1893, người Pháp toàn quyền cai trị vùng cao nguyên Trung phần, trong đó có khu vực nay là tỉnh Đắk Nông. Hệ thống hành chính thực dân tập trung ở Đăk Mil và Đăk Song. Trong thời gian từ năm 1912 đến năm 1936, tại khu vực cao nguyên M'Nông đã diễn ra cuộc khởi nghĩa lớn và quy mô kéo dài chống lại thực dân Pháp do thủ lĩnh người dân tộc M'Nông là N'trang Lơng lãnh đạo. Năm 1940, bên cạnh nhà tù Buôn Ma Thuột, Pháp cho xây dựng Ngục Đăk Mil (nay thuộc huyện Đăk Mil). Khu vực này năm 1946 thuộc Xứ Thượng Nam Đông Dương rồi đến năm 1950 thì gom vào Hoàng triều Cương thổ trước khi đơn vị này bị xóa bỏ năm 1955 dưới chính thể Việt Nam Cộng hòa. Từ năm 1959, khu vực Nâm Nung trở thành khu căn cứ của lực lượng quân cách mạng. Tháng 1 năm 1959, chính quyền Việt Nam Cộng hòa thành lập tỉnh Quảng Đức trên cơ sở tách gần như toàn bộ quận Đăk Song (trừ tổng Đăk Lao ở phía bắc) và một phần quận Lăk từ tỉnh Darlac (Đắk Lắk), cùng với một phần nhỏ tỉnh Phước Long và tỉnh Lâm Đồng. Tỉnh lị đặt tại Gia Nghĩa. Địa giới hành chính tỉnh Quảng Đức, về cơ bản giống như địa giới tỉnh Đắk Nông ngày nay (trừ huyện Cư Jút hiện nay khi đó thuộc quận Ban Mê Thuột của tỉnh Darlac), được chia làm 3 quận: Đức Lập, Kiến Đức, Khiêm Đức và khu hành chính Đức Xuyên. Tháng 12 năm 1960, Chính quyền Cách mạng cũng đã quyết định thành lập tỉnh Quảng Đức, giữa năm 1961, tỉnh Quảng Đức do khu VI trực tiếp chỉ đạo. Đầu năm 1962, Chính quyền Cách mạng quyết định giải thể tỉnh Quảng Đức, chuyển Đức Lập, Đức Xuyên nhập về tỉnh Đắk Lắk, Kiến Đức nhập về tỉnh Phước Long, Khiêm Đức nhập về tỉnh Lâm Đồng. Sau ngày hai miền thống nhất, tháng 5 tháng 1975, tỉnh Quảng Đức được tái lập lại. Tháng 11 năm 1975, tỉnh Quảng Đức sáp nhập vào tỉnh Đắk Lắk. Ngày 26 tháng 11 năm 2003, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 22/2003/QH11 chia tỉnh Đắk Lắk thành hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Khi tách ra, tỉnh Đắk Nông có 6 đơn vị hành chính gồm 6 huyện: Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Nông, Đắk R'lấp, Đắk Song, Krông Nô. Tỉnh lỵ đặt tại thị trấn Gia Nghĩa, huyện Đắk Nông. Ngày 27 tháng 6 năm 2005, chia huyện Đắk Nông thành thị xã Gia Nghĩa (thị xã tỉnh lị tỉnh Đắk Nông) và huyện Đắk Glong. Ngày 22 tháng 11 năm 2006, chia huyện Đắk R'lấp thành 2 huyện: Đắk R'lấp và Tuy Đức. Ngày 1 tháng 1 năm 2020, chuyển thị xã Gia Nghĩa thành thành phố Gia Nghĩa. Tỉnh Đắk Nông có 1 thành phố và 7 huyện như hiện nay. Kinh tế Năm 2021, mức độ tăng trưởng kinh tế tỉnh Đắk Nông đứng thứ 2 Khu vực Tây Nguyên và đứng thứ 7 so với cả nước. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2021 theo giá so sánh 2010 ước đạt 20.728 tỉ đồng (tương đương 896,1 triệu USD), tăng 8,63% so với năm trước. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 59,61 triệu đồng/người (tương đương 2.225 USD/người). Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2021 ước đạt 2.847 tỉ đồng, đạt 103,74% dự toán địa phương giao và đạt 112,25% so với cùng kỳ năm trước; Chi ngân sách là 8.598 tỉ đồng, đạt 121,69% dự toán địa phương giao và tăng 12,91% so với năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính năm 2021 tăng thấp hơn so với mức tăng của các năm trước (năm 2021 tăng 4,90%, năm 2020 tăng 6,37%, năm 2019 tăng 10,38% so với cùng kỳ). Về cơ cấu nền kinh tế năm 2021, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 38,11% GRDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 18,74%; khu vực dịch vụ chiếm 38,69%; thuế sản phẩm (-) trừ trợ cấp sản phẩm, chiếm 4,46%. Tổng sản lượng lương thực năm 2011 đạt 317,5 ngàn tấn, bằng 99,97% kế hoạch. Sản lượng cà phê nhân 140.069 tấn, 75% hộ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch. Giá trị sản xuất trên 01 ha canh tác đạt 39,02 triệu, tăng 2,03 triệu so với năm 2010. Trong năm 2022, UBND tỉnh đã chỉ đạo, điều hành thực hiện hoàn thành vượt và đạt 11/11 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra. Tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 7,59%, tăng 0,09% so với kế hoạch; thu ngân sách Nhà nước ước đạt 3.475 tỷ đồng, vượt 15,8% kế hoạch; tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 19.280 tỷ đồng, tăng 14,5% so với năm 2021; GRDP bình quân đầu người ước đạt 59,61 triệu đồng, đạt 112% kế hoạch; Tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 3%, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm trên 5%; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 19.312 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ; Tổng lượt khách du lịch đến Đắk Nông năm ước thực hiện cả năm 2022 đạt 480.000 lượt, tăng 280,6% so với cùng kỳ; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 38,5%, trồng mới rừng tập trung đạt 2.039,57 ha; xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm, dự kiến có thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; công tác đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, môi trường, cải cách hành chính, chuyển đổi số, phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được quan tâm chỉ đạo và có những chuyển biến tích cực; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững... Xã hội Giáo dục Tính đến thời điểm ngày 30 tháng 9 năm 2011, trên địa bàn toàn tỉnh Đắk Nông có 240 trường học ở cấp phổ, trong đó có Trung học phổ thông (cấp 3) có 22 trường, Trung học cơ sở (cấp 2) có 82 trường, Tiểu học có 136 trường, bên cạnh đó còn có 89 trường mẫu giáo. Với hệ thống trường học như thế, nền giáo dục trong địa bàn tỉnh Đắk Nông cũng tương đối hoàn chỉnh, góp phần giảm thiểu nạn mù chữ trong địa bàn tỉnh. Ngoài ra tỉnh có 1 trường chuyên đó là Trường THPT chuyên Nguyễn Chí Thanh: Số 08 Lê Duẩn, Thành phố Gia Nghĩa. Tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 367 cơ sở giáo dục, trong đó có 41 cơ sở giáo dục ngoài công lập, có 179/316 trường MN-PT công lập đạt chuẩn quốc gia, đạt 56,65%. Cụ thể: Giáo dục mầm non có 126 trường, 36 trường ngoài công lập, 41 trường chuẩn quốc gia, đạt 45,5%. Tiểu học có 119 trường, 01 trường ngoài công lập, 72 trường chuẩn quốc gia, đạt 61,53%. THCS có 79 trường, 02 trường ngoài công lập, 52 trường trường chuẩn quốc gia, đạt 67,53%. THPT có 33 trường, 01 trường ngoài công, 14 trường chuẩn quốc gia, đạt 43,75%. Giáo dục thường xuyên có 08 trung tâm (gồm 01 trung tâm cấp tỉnh và 07 trung tâm cấp huyện). Giáo dục hòa nhập có 02 trung tâm, 01 trung tâm tư thục. Y tế Theo thống kê về y tế năm 2011, trên địa bàn toàn tỉnh Đắk Nông có 79 cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Sở Y tế. Trong đó có 8 trạm xá, 71 trạm y tế phường xã, với 1029 giường bệnh và 258 bác sĩ, 596 y sĩ, 859 y tá và khoảng 483 nữ hộ sinh. Đắk Nông có bệnh viện tuyến tỉnh là Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông, nhưng cơ sở vật chất và kỹ thuật tại bệnh viện còn nhiều mặt hạn chế, thiếu các máy móc thiết bị hỗ trợ nên tình trạng bệnh nhân phải chuyển tuyến đến các bệnh viện tuyến trên như: Bệnh viện Chợ Rẫy (Hồ Chí Minh), Bệnh viện Đà Nẵng (Đà Nẵng), Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên (tỉnh Đắk Lắk) còn cao. Ngành Y tế của tỉnh đang tập trung về nhân lực, tìm hiểu các kỹ thuật hiện đại, tham gia các khóa đào tạo từ các bệnh viện tuyến trên để hạn chế được tình trạng trên. Toàn ngành có 14 đơn vị trực thuộc Sở Y tế (trong đó, có 06 đơn vị tuyến tỉnh: Chi cục Dân số KHHGĐ, Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm, Bệnh viên đa khoa tỉnh, Trung tâm Giám đinh y khoa, Trung tâm Pháp Y, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh và 08 Trung tâm Y tế các huyện/thành phố) với khoảng hơn 2.000 cán bộ công chức, viên chức và người lao động. Tổng số biên chế hiện có/biên chế giao là 2186/2156, trong đó, tổng số bác sĩ là 507 (sau đại học là 149); cử nhân và thạc sĩ y tế công cộng là 11; chủng loại khác là 1668. Bệnh viện đa khoa tỉnh với quy mô 380 giường bệnh với 411 cán bộ y tế (Bác sỹ: 119; Dược: 24; Điều dưỡng: 149; Kỹ thuật viên: 32, Chuyên ngành khác: 87). Tuyến huyện gồm 7 Trung tâm Y tế đa chức năng có 915 giường bệnh với 991 cán bộ y tế (Bác sỹ: 249; Dược: 106; Điều dưỡng: 261; Kỹ thuật viên: 59, Chuyên ngành khác: 316). Tuyến xã gồm 71 xã, phường, thị trấn: 561 cán bộ y tế (Bác sỹ: 85; Dược: 73; Điều dưỡng: 148; Chuyên ngành khác: 225). Dân số Dân số tính đến ngày 1/4/2019 của toàn tỉnh đạt 622.168, trong đó dân số thành thị: 97.040 người, chiếm 15,04%; dân số nông thôn: 548.361 người, chiếm 84,96%; dân số nam: 330.108 người, chiếm 51,15%; dân số nữ: 315.293 người, chiếm 48,85%. Tổng tỷ suất sinh năm 2018 đạt 1,82 con/phụ nữ, tiếp tục duy trì ở mức sinh thay thế. Tỷ lệ tăng tự nhiên là 14,85‰; tỷ suất sinh thô là 21,01‰; tỷ suất chết thô là 6,16‰. Tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi là 24,7‰. Tỷ suất chết của trẻ em dưới 5 tuổi là 37,6‰. Tuổi thọ trung bình của dân số toàn tỉnh năm 2018 là 69,92 năm, trong đó nam là 67,11 năm và nữ là 72,9 năm.. Tỷ lệ dô thị hóa tính đến năm 2022 đạt 30%. Tính đến ngày 1 tháng 4 năm 2019, toàn tỉnh có 12 tôn giáo khác nhau đạt 281.643 người, nhiều nhất là Công giáo có 176.790 người, tiếp theo là đạo Tin Lành có 83.700 người, Phật giáo có 20.600 người, đạo Cao Đài có 341 người. Còn lại các tôn giáo khác như Phật giáo Hòa Hảo có 97 người, Minh Lý đạo có 70 người, Hồi giáo có 18 người, Tứ Ân Hiếu Nghĩa có chín người, tôn giáo Baha'i có bảy người, Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam có sáu người, Bà La Môn có bốn người và 1 người theo Minh Sư đạo. Theo thống kê của tổng cục thống kê Việt Nam, tính đến ngày 1 tháng 4 năm 2009, toàn tỉnh Đắk Nông có 40 dân tộc. Trong đó, đông nhất là người kinh với 332.431 người, xếp thứ 2 là người Mnông với 39.964 người, vị trí thứ 3 là người Nùng với 27.333 người, người Mông ở vị trí thứ 4 với 21.952 người, cùng với các dân tộc khác như người Tày với 20.475 người, người Dao có 13.932 người, người Thái có 10.311 người, người Mạ có 6.456 người, Ê Đê có 5.271 người, người Hoa có 4.686 người, người Mường có 4.070 người...cùng một số dân tộc ít người khác. Theo thống kê năm 2020, tỉnh Đắk Nông có diện tích 6.509,27 km², dân số năm 2020 là 637.907 người, mật độ dân số đạt 98 người/km². Văn hóa Nét đặc sắc của Đắk Nông có lẽ vẫn phần nào là rất nhiều của Đắk Lắk do một thời gian dài tỉnh này là một khu vực của Đắk Lắk. Vùng đất này có nền văn hóa cổ truyền khá đa dạng của nhiều dân tộc đậm nét truyền thống và bản sắc riêng. Nơi đây còn lưu giữ nhiều pho sử thi truyền miệng rất độc đáo như sử thi Đam San dài hàng ngàn câu. Các luật tục cổ, kiến trúc nhà sàn, nhà rông và tượng nhà mồ còn chứa bao điều bí ẩn đầy hấp dẫn. Các loại nhạc cụ dân tộc từ lâu đời đã trở nên nổi tiếng và là niềm tự hào của cả vùng Tây Nguyên, của văn hóa dân gian Việt Nam: bộ đàn đá của người M'Nông (huyện Lăk - Đăk Lăk), bộ chiêng đá được phát hiện tại Đắk R'lấp có niên đại hàng ngàn năm về trước, đàn T'rưng, đàn K'lông pút, đàn nước, kèn, sáo... Nếu đúng dịp, du khách sẽ được tham dự những lễ hội độc đáo còn nguyên chất dân gian. Trong lễ hội, cả buôn làng cầm tay nhau nhảy múa xung quanh đống lửa theo nhịp của cồng, chiêng. Đăk Nông là vùng đất sinh sống từ hàng ngàn đời của đồng bào các dân tộc tại chỗ, đồng thời cũng là vùng đất quần tụ của cư dân từ nhiều vùng miền về sinh cơ, lập nghiệp nên đời sống tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng cũng vô cùng phong phú. Ngoài ra, đồng bào các dân tộc Đăk Nông còn có rất nhiều tín ngưỡng để tôn thờ, đặc biệt là đồng bào các dân tộc tại chỗ thờ cúng Yàng (Trời), thần Núi, thần Sông v.v. và rất nhiều lễ hội như: Lễ hội Đâm trâu (ăn trâu). Lễ mừng nhà mới, Lễ mừng mùa, Lễ bỏ mả .v.v. phong phú và đặc sắc. Giao thông Có Quốc lộ 14, Quốc lộ 14C, Quốc lộ 28 đi qua. Hình ảnh Chú thích
Lý thuyết phát hiện tín hiệu (Detection theory hay signal detection theory), là một phương tiện để xác định khả năng nhận diện giữa tín hiệu và nhiễu. Nó có ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như quản lý chất lượng (quality control), viễn thông, radar phát hiện, và tâm lý học (psychology). Khái niệm này giống với tỉ số tín hiệu trên nhiễu dùng trong khoa học, và nó cũng rất có ích trong quản lý các báo động (alarm management), khi mà việc tách các sự kiện quan trọng ra khỏi môi trường có nhiễu là rất quan trọng. Theo lý thuyết, có một số các thiết bị nhận dạng tâm lý học nhằm xác định cách mà chúng ta nhận diện một tín hiệu, và mức ngưỡng của chúng ta (để quyết định là có hay không có tín hiệu) là bao nhiêu. Kinh nghiệm, sự mong đợi, và trạng thái tâm lý (ví dụ: mệt mỏi) và một số yếu tố khác đều ảnh hưởng đến ngưỡng. Ví dụ, một người lính gác trong thời chiến sẽ có vẻ phát hiện các dấu hiệu kẻ địch kém hơn so với trong thời bình. Tâm lý học Lý thuyết phát hiện tín hiệu (SDT) được dùng khi các nhà tâm lý học muốn đo cách mà chúng ta đưa ra quyết định dựa trên những điều kiện không chắc chắn, chẳng hạn cách mà chúng ta nhận diện ra (dự đoán) khoảng cách trong điều kiện sương mù. SDT cho rằng bộ đưa ra quyết định, ví dụ: bộ não con người, không phải là một thiết bị nhận thông tin một cách bị động, mà là một bộ ra quyết định mang tính chủ động để có thể đưa ra các đánh giá về mặt cảm nhận, khá khó khăn dựa trên các điều kiện không chắc chắn. Trong tình huống sương mù, chúng ta buộc phải xác định khoảng cách tới một vật thể chỉ bằng các tác nhân kích thích hình ảnh mà đã bị làm suy yếu bởi sương mù. Vì độ sáng của đối tượng, chẳng hạn ánh đèn giao thông, được dùng bởi bộ não để nhận ra khoảng cách đến một đối tượng, và sương mù làm giảm độ sáng của đối tượng đó, chúng ta cảm nhận là đối tượng phải ở xa hơn nhiều so với khoảng cách thực. Để có thể đo được khả năng nhận diện (khả năng cảm nhận) và định kiến, các nhà tâm lý học đo các thông số hits (có tín hiệu, và ta phát hiện ra nó) và correct negatives hay correct rejection (không có tín hiệu, và ta xác nhận là không có), cũng như false alarms (không có tín hiệu, nhưng ta phát hiện lại là có) và misses (có tín hiệu, nhưng ta lại không phát hiện ra.) Bằng cách đo các biến này, các nhà tâm lý học có thể nhận ra cách mà một người xác định một sự vật dưới nhiều điều kiện khác nhau.
Bắc Ninh là thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Bắc Ninh, Việt Nam. Thành phố Bắc Ninh có diện tích 82,64 km² với dân số là 280.217 người (tính đến năm 2022), là thành phố trực thuộc tỉnh đông thứ 4 về dân số tại miền Bắc, mật độ dân số đạt 3.391 người/km², bao gồm 19 phường: Đáp Cầu, Thị Cầu, Vũ Ninh, Suối Hoa, Ninh Xá, Tiền An, Vệ An, Vạn An, Kinh Bắc, Đại Phúc, Võ Cường, Vân Dương, Hạp Lĩnh, Phong Khê, Khúc Xuyên, Khắc Niệm, Hòa Long, Kim Chân, Nam Sơn. Cơ cấu kinh tế những năm qua chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng thương mại - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng đạt trên 99%. Với sự phát triển toàn diện, ngày 25/12/2017 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 2088/QĐ-TTg về việc công nhận thành phố Bắc Ninh là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Bắc Ninh. Năm 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (theo giá so sánh 2010) ước đạt 36.834,8 tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2016, chiếm 30,1% GRDP toàn tỉnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 12,2%/năm. Cơ cấu chuyển dịch tích cực theo hướng kinh tế đô thị: Thương mại - dịch vụ chiếm 52,6%, công nghiệp - xây dựng chiếm 46,6%, nông, lâm nghiệp và thủy sản còn 0,8%. Thương mại - dịch vụ phát triển mạnh, tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2022 ước đạt 36.522 tỷ đồng, gấp 1,7 lần so với năm 2016 và chiếm khoảng 51,3% giá trị toàn tỉnh, bình quân tăng 13,7%. Sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) năm 2020 ước đạt 123.772 tỷ đồng (vượt 24.772 tỷ đồng so với kế hoạch), gấp 1,75 lần năm 2016; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 16,3%/năm. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2020 ước thực hiện 5.788 tỷ đồng. Thu nội địa năm 2020 gấp 2,7 lần so với năm 2016, tốc độ tăng thu bình quân là 30,4%/năm. Thu từ tiền sử dụng đất 5 năm ước đạt 3.904 tỷ đồng, chiếm 34% tổng thu nội địa. Tổng chi ngân sách địa phương năm 2020 ước thực hiện 2.314 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân đạt 14,2%/năm. Địa lý Thành phố Bắc Ninh nằm ở phía bắc tỉnh Bắc Ninh, có vị trí địa lý: Phía đông giáp thị xã Quế Võ Phía tây giáp huyện Yên Phong Phía nam giáp huyện Tiên Du Phía bắc giáp huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Thành phố Bắc Ninh nằm ở phía nam sông Cầu, phía Đông Bắc của tỉnh Bắc Ninh, cách trung tâm thủ đô Hà Nội 30 km về phía nam, cách thành phố Bắc Giang 20 km về phía bắc có diện tích 82,64 km², là đầu mối quan trọng giữa Hà Nội với các tỉnh phía Bắc, trên hành lang kinh tế Việt Nam – Trung Quốc, nằm trong tam giác tăng trưởng Hà Nội – Hải Phòng - Quảng Ninh. Hành chính Thành phố Bắc Ninh có 19 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 19 phường: Đại Phúc, Đáp Cầu, Hạp Lĩnh, Hòa Long, Khắc Niệm, Khúc Xuyên, Kim Chân, Kinh Bắc, Nam Sơn, Ninh Xá, Phong Khê, Suối Hoa, Tiền An, Thị Cầu, Vạn An, Vân Dương, Vệ An, Võ Cường, Vũ Ninh. Hiện nay, Bắc Ninh là 1 trong 7 thành phố trực thuộc tỉnh không có xã trực thuộc (cùng với Dĩ An, Đông Hà, Sóc Trăng, Thủ Dầu Một, Từ Sơn và Vĩnh Long). Lịch sử Năm 1948, do tình hình kháng chiến đòi hỏi, theo yêu cầu của bộ trưởng bộ Nội vụ lúc bấy giờ là ông Phan Kế Toại, chủ tịch chính phủ Liên hiệp Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh ra sắc lệnh 162/SL ngày 14 tháng 4 năm 1948 tạm thời giải tán thị xã Bắc Ninh (trong giai đoạn kháng chiến), sáp nhập một phần vào huyện Yên Phong thành khu phố Kinh Bắc và sáp nhập phần còn lại vào huyện Võ Giàng thành khu phố Vũ Ninh. Năm 1962, hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh hợp nhất thành tỉnh Hà Bắc, thị xã Bắc Ninh thuộc tỉnh Hà Bắc. Sau năm 1975, thị xã Bắc Ninh có 5 phường: Đáp Cầu, Ninh Xá, Thị Cầu, Tiền An, Vệ An và 2 xã: Kinh Bắc, Vũ Ninh. Ngày 3 tháng 5 năm 1985, xã Đại Phúc của huyện Quế Võ (nay là thị xã Quế Võ) và xã Võ Cường của huyện Tiên Sơn (nay là huyện Tiên Du và thành phố Từ Sơn) được sáp nhập vào thị xã Bắc Ninh. Ngày 6 tháng 11 năm 1996, Quốc hội khóa IX kỳ họp thứ 10 phê chuẩn về việc tách và thành lập một số tỉnh. Theo đó, tỉnh Bắc Ninh được tái lập, thị xã Bắc Ninh là tỉnh lỵ tỉnh Bắc Ninh. Ngày 8 tháng 4 năm 2002, thành lập phường Suối Hoa trên cơ sở 48,87 ha diện tích đất tự nhiên và 1.405 người của xã Vũ Ninh; 16,98 ha diện tích đất tự nhiên và 2.649 người của xã Đại Phúc, 52,65 ha diện tích đất tự nhiên của xã Kinh Bắc. Ngày 25 tháng 8 năm 2003, thành lập 3 phường Vũ Ninh, Kinh Bắc và Đại Phúc trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của 3 xã tương ứng. Ngày 11 tháng 5 năm 2005, thị xã Bắc Ninh được công nhận là đô thị loại III. Cuối năm 2005, thị xã Bắc Ninh có 9 phường: Đại Phúc, Đáp Cầu, Kinh Bắc, Ninh Xá, Suối Hoa, Thị Cầu, Tiền An, Vệ An, Vũ Ninh và 1 xã Võ Cường. Ngày 26 tháng 1 năm 2006, Chính phủ ban hành nghị định thành lập thành phố Bắc Ninh thuộc tỉnh Bắc Ninh trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của thị xã Bắc Ninh, với 9 phường: Đáp Cầu, Thị Cầu, Vũ Ninh, Suối Hoa, Tiền An, Ninh Xá, Vệ An, Kinh Bắc, Đại Phúc và 1 xã: Võ Cường, với tổng diện tích 23,34 km², dân số là 121.028 người. Ngày 9 tháng 4 năm 2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 60/2007/NĐ-CP điều chỉnh địa giới thành phố Bắc Ninh. Theo đó, sáp nhập 9 xã: Kim Chân, Vân Dương, Nam Sơn (thuộc huyện Quế Võ (nay là thị xã Quế Võ)), Hạp Lĩnh, Khắc Niệm (thuộc huyện Tiên Du), Phong Khê, Khúc Xuyên, Vạn An, Hòa Long (thuộc huyện Yên Phong) vào thành phố Bắc Ninh và thành lập phường Võ Cường thuộc thành phố Bắc Ninh. Thành phố có 10 phường và 9 xã, với tổng diện tích 80,28 km², dân số là 150.331 người. Ngày 5 tháng 2 năm 2010, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 06/NQ-CP thành lập các phường Vân Dương, Vạn An, Hạp Lĩnh từ các xã có tên tương ứng, thành phố Bắc Ninh có 13 phường và 6 xã. Ngày 29 tháng 12 năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 137/NQ-CP thành lập các phường Khắc Niệm, Khúc Xuyên và Phong Khê từ các xã có tên tương ứng, thành phố Bắc Ninh thành 16 phường và 3 xã. Ngày 25 tháng 6 năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1044/QĐ-TTg công nhận thành phố Bắc Ninh là đô thị loại II. Ngày 26 tháng 12 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2088/QĐ-TTg công nhận thành phố Bắc Ninh là đô thị loại I thuộc tỉnh Bắc Ninh. Ngày 16 tháng 10 năm 2019, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 787/NQ-UBTVQH14 chuyển 3 xã: Hòa Long, Kim Chân, Nam Sơn thành 3 phường có tên tương ứng (nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1 tháng 12 năm 2019). Thành phố Bắc Ninh có 19 phường trực thuộc như hiện nay. Kinh tế Quy mô kinh tế GRDP 2020 (giá hiện hành) ước tính 63.145 tỷ đồng. Quy mô kinh tế GRDP 2020 (giá so sánh 2010) ước tính 36.834 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2020 ước thực hiện 5.788 tỷ đồng GRDP bình quân đầu người: 10.807 USD. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 123.772 tỷ đồng. Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng ước đạt 31.800 tỷ đồng. Thành phố có 9 doanh nghiệp nhà nước, 3.020 doanh nghiệp ngoài nhà nước, trong đó 420 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) năm 2020 ước đạt 123.772 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách gần 5.800 tỷ đồng, trong đó thu nội địa là 3.206 tỷ đồng Hiện TP có khoảng 70 khách sạn (5 khách sạn 5 sao), 458 nhà hàng, 252 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú và trên 90 chi nhánh, điểm giao dịch của các tổ chức tín dụng, ngân hàng trong và ngoài nước. Về đô thị, thành phố thời gian tới sẽ triển khai các khu đô thị lớn như Vinhomes (360ha), Himlam (300ha), T&T (500ha), Phú Điền (100ha), Bách Việt (48ha), Viglacera (26ha),... Về thương mại, dịch vụ TP sẽ có 1 TTTM quy mô cấp vùng tích hợp nhiều công năng được Aeon Mall đầu tư xây dựng với tổng số vốn đầu tư dự kiến 190 triệu USD vào năm 2023. Văn hóa Thành phố Bắc Ninh có 192 di tích lịch sử, văn hóa; trong đó có 87 di tích được xếp hạng (41 di tích cấp quốc gia, 47 di tích cấp tỉnh). Giao thông Đường bộ có Quốc lộ 1, quốc lộ 18, quốc lộ 38, đường cao tốc Hà Nội – Bắc Giang, đường cao tốc Nội Bài – Bắc Ninh – Hạ Long chạy qua, đường sắt có đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng, đường sắt Yên Viên - Cái Lân chạy qua, đường thủy có sông Cầu chảy qua. Hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, thủy nội địa thuận lợi cho việc sản xuất, lưu thông hàng hóa và thu hút đầu tư trên các lĩnh vực thương mại – dịch vụ - công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, theo hướng công nghệ cao và phát triển du lịch. Các đường phố chính trên địa bàn Đường Lý Thái Tổ Đường Lê Thái Tổ Đường Lý Anh Tông Đường Kinh Dương Vương Đường Đoàn Phú Tứ Đường Nguyễn Văn Cừ Đường Trần Hưng Đạo Đường Lý Quốc Sư Đường Nguyễn Trãi Đường Nguyên Phi Ỷ Lan Đường Lạc Long Quân Đường Hoàng Quốc Việt Đường Nguyễn Đăng Đạo Đường Phù Đổng Thiên Vương Đường Lê Văn Thịnh Đường Huyền Quang Đường Thiên Đức Đường Bình Than Đường Âu Cơ... Hạ tầng Công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị - nông thôn được triển khai tích cực, nhiều tuyến đường giao thông kết nối nội ngoại thành, các tuyến đường trung tâm được xây dựng mới và nâng cấp; nhiều dự án khu đô thị với quy mô lớn được đầu tư và đưa vào sử dụng như: Vũ Ninh - Kinh Bắc, Hòa Long - Kinh Bắc, Hồ Ngọc Lân III; Khu đô thị mới đường Lê Thái Tổ (khu HUD); Khu đô thị mới Bắc đường Kinh Dương Vương (phường Vũ Ninh); Khu đô thị mới Nam Võ Cường (phường Võ Cường); Khu đô thị Himlam Greenpark (phường Đại Phúc),… Hiện Thành phố Bắc Ninh có 2 khu công nghiệp tập trung và 5 cụm công nghiệp, làng nghề. Thương mại – dịch vụ phát triển sôi động, nhất là dịch vụ tài chính, đào tạo, y tế, lưu trú, ăn uống… Thành phố được quy hoạch khá đồng bộ, bài bản theo hướng hiện đại, bền vững và đô thị thông minh, giàu bản sắc văn hóa; đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Qua 20 năm sau khi tái lập tỉnh, kinh tế thành phố đã phát triển vượt bậc, hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng một cách đồng bộ, hoàn chỉnh cùng với cơ sở chính sách thông thoáng của tỉnh, kết hợp với những điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, hệ thống giao thông đầu mối, nguồn nhân lực dồi dào, trình độ dân trí phát triển, cơ sở hạ tầng kinh tế, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của đô thị Bắc Ninh đã cơ bản hoàn thiện, đời sống kinh tế và tinh thần của người dân được nâng cao; diện mạo đô thị đã có bước thay đổi đáng kể, thành phố Bắc Ninh đã và đang trở thành điểm hấp dẫn thu hút đầu tư các doanh nghiệp trong và ngoài nước, góp phần quan trọng thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Khẳng định vai trò vị thế đô thị trung tâm của tỉnh Bắc Ninh và vùng thủ đô Hà Nội. Chú thích
Cú sốc Nixon hay cú sốc đô la là một biện pháp kinh tế của Tổng thống Mỹ Richard Nixon. Ngày 15 tháng 8 năm 1971 đồng đô la Mỹ đã tụt giá xuống mức thấp nhất kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, Tổng thống Nixon đã tuyên bố Mỹ sẽ đơn phương phá giá đồng đô la, đình chỉ khả năng quy đổi của đồng đô la ra vàng, đồng thời áp đặt mức thuế đặc biệt 10% đối với hàng hóa nhập khẩu. Năm 1971, Mỹ tuyên bố phá giá USD từ 35 USD/ounce vàng thành 38 USD/ounce vàng, sau đó đồng đôla Mỹ tiếp tục sụt giảm so với tiền tệ các nước tư bản khác. Hệ thống tiền tệ thế giới Bretton Woods bị tan vỡ. Những hành động này chủ yếu nhằm vào Nhật Bản và Tây Âu, những nước tuy là đồng minh chiến lược của Mỹ nhưng ngày càng trở thành đối thủ cạnh tranh kinh tế với Mỹ.
{{Infobox Olympic games|2010|Mùa đông|Thế vận hội| | image = 2010 Winter Olympics logo.svg | alt = Biểu trưng Thế vận hội Mùa đông 2010 | caption = The 2010 Winter Olympics logo, the Inukshuk | host_city = Vancouver, Canada | motto = With glowing hearts() | nations = 82 | athletes = 2.566 (1044 nữ, 1522 nam) | events = 86 trong 7 môn thể thao (15 phân môn) | opening = 12 tháng 2 | closing = 28 tháng 2 | opened_by = Toàn quyền Michaëlle Jean | cauldron = Catriona Le May DoanNancy GreeneWayne GretzkySteve Nash | stadium = BC Place | winter_prev = Turin 2006 | winter_next = Sochi 2014 | summer_prev = Bắc Kinh 2008 | summer_next = Luân Đôn 2012 }} Thế vận hội Mùa đông 2010 hay Thế vận hội Mùa đông lần thứ XXI () là Thế vận hội Mùa đông lần thứ 21, diễn ra từ ngày 12 đến ngày 28 tháng 2 năm 2010 tại Vancouver cùng vùng ngoại vi (Richmond, West Vancouver và University Endowment Lands) và Whistler (Canada). Đây là kỳ Thế vận hội lần thứ ba được tổ chức tại Canada, nhưng là lần đầu tiên tại bang British Columbia. Hai lần trước, Canada đã đăng cai Thế vận hội Mùa hè 1976 được tổ chức tại Montreal, Quebec và Thế vận hội Mùa đông 1988 được tổ chức tại Calgary, Alberta. Đây là lần đầu tiên, Canada vươn lên vị trí dẫn đầu toàn đoàn trên bảng tổng sắp huy chương, lần cuối cùng một nước chủ nhà giành được thành tích này là Na Uy tại Thế vận hội Mùa đông 1952. Với 14 tấm huy chương vàng, Canada cũng phá vỡ kỷ lục về số huy hương vàng giành được tại một kỳ Thế vận hội Mùa đông. Kỷ lục trước đó là 13 tấm, thành tích đạt được của đoàn Liên Xô tại Thế vận hội Mùa đông 1976 và Na Uy tại Thế vận hội Mùa đông 2002. Đoàn Hoa Kỳ cũng phá được một kỷ lục tại kỳ đại hội này, khi họ giành được tổng cộng 37 tấm huy chương các loại, phá vỡ kỷ lục về số huy chương giành được tại một kỳ Thế vận hội Mùa đông là 36 tấm, trước đó được đoàn Đức thiết lập vào năm 2002. Các đoàn Slovakia và Belarus cũng giành được tấm huy chương vàng Thế vận hội Mùa đông đầu tiên trong lịch sử của mình tại kỳ Olympic lần này. Để nâng chất lượng tuyết nhân tạo, người ta có thể thêm vào nước các chất phụ gia hóa học hoặc sinh học, còn được gọi là “chất làm cứng tuyết”, chẳng hạn như muối và phân bón. Một loại thuốc trừ sâu đã được sử dụng tại Thế vận hội Vancouver 2010 để nước đóng băng ở nhiệt độ cao hơn. Kết quả bầu chọn Hiệp hội Olympic Canada (Canadian Olympic Association) nhận được ba hồ sơ của Vancouver, Calgary và Thành phố Québec xin đại diện cho Canada đi vận động giành quyền đăng cai Thế vận hội Mùa đông 2010. Tại vòng bỏ phiếu đầu tiên diễn ra vào ngày 21 tháng 11 năm 1998, hồ sơ của Vancouver-Whistler giành được 26 phiếu, Thành phố Québec 25 còn Calgary 21. Ngày 3 tháng 12 năm 1998, tại vòng bỏ phiếu thứ hai diễn ra, Vancouver giành chiến thắng với tổng số phiếu là 40 so với 32 phiều của Thành phố Québec. Vancouver giành quyền đăng cai Thế vận hội kỳ này tại phiên họp thứ 115 của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) được tổ chức vào ngày 2 tháng 7 năm 2003 diễn ra ở Praha, Cộng hòa Séc. Kết quả được chủ tịch IOC Jacques Rogge công bố . Tại vòng bỏ phiếu cuối cùng, hai đối thủ của Vancouver là các thành phố: Pyeongchang của Hàn Quốc và Salzburg, Áo. Pyeongchang dẫn đầu ở vòng bỏ phiếu đầu tiên, còn Salzburg bị loại. Ở vòng bỏ phiếu thứ hai, tất cả những thành viên đã bầu cho Salzburg đều dồn phiếu cho Vancouver. Đây là kỳ bầu cử sít sao nhất trong lịch sử của IOC kể từ khi Sydney đánh bại Bắc Kinh để giành quyền đăng cai Thế vận hội Mùa hè 2000 cũng chỉ với 2 phiếu cách biệt. Địa điểm thi đấu Một số địa điểm thi đấu, như nhà thi đấu Richmond Olympic Oval, có độ cao ngăng với mặt nước biển, một điều tương đối hiếm cho một kỳ Thế vận hội Mùa đông. Vancouver là thành phố lớn nhất từng đăng cai một kỳ Olympic Mùa đông. Vào tháng 2, khi kỳ đại hội diễn ra, nhiệt độ trung bình tại Vancouver là vào khoảng 4.8 °C (40.6 °F). Lễ khai mạc và bế mạc được tổ chức tại BC Place Stadium, địa điểm đã nhận được hơn 150 triệu $ cho việc trùng tu. Các địa điểm thi đấu tại Vancouver và vùng ngoại vi bao gồm Pacific Coliseum, trung tâm Vancouver Olympic/Paralympic Centre, trung tâm UBC Winter Sports Centre, nhà thi đấu Richmond Olympic Oval và khu trượt tuyết Cypress Mountain. GM Place, nhà thi đấu của đội Vancouver Canucks, là địa điểm tổ chức thi đấu môn khúc côn cầu trên băng, nhưng do chính sách không được gắn tên quảng cáo vào một địa điểm thi đấu Olympic, nên nhà thi đấu sẽ mang tên Canada Hockey Place trong thời gian kỳ đại hội diễn ra. Thế vận hội Mùa đông 2010 là kỳ Thế vận hội đầu tiên môn hockey trên băng sẽ thi đấu trên một sân băng theo kích cỡ NHL dù sẽ thi đấu theo luật quốc tế. Các địa điểm thi đấu tại Whistler bao gồm khu trượt tuyết Whistler Blackcomb, Whistler Olympic Park và trung tâm Whistler Sliding Centre. Linh vật Các linh vật của kỳ đại hội lần này được giới thiệu vào ngày 27 tháng 11 năm 2007. Lấy cảm hứng từ các loài vật trong thần thoại của người thổ dân các lãnh thổ Tây Bắc Canada: Miga — Chú gấu biển thần thoại. Là sự lai giống giữa loài Cá hổ kình và loài Gấu Kermode. Quatchi — Cũng là một loài vật thần thoại, loài sasquatch. Sumi - Là sự lai giống giữa loài cá hổ kình, loài gấu và loài chim bão, xuất hiện nhiều trên các totem của người thổ dân da đỏ . Các quốc gia tham dự Có 82 đoàn cử vận động viên thi đấu tại Thế vận hội Mùa đông 2010. Quần đảo Cayman, Colombia, Ghana, Montenegro, Pakistan, Peru và Serbia lần đầu tham dự Đại hội. Trong khi các đoàn Jamaica, México và Maroc đánh dấu sự trở lại sau khi vắng mặt tại Thế vận hội Mùa đông 2006. Tonga cũng đã có thể có mặt tại kỳ Olympic lần này khi đăng ký một vận động viên thi đấu tại môn luge, nhưng anh đã không vượt qua được vòng loại cuối cùng. Luxembourg có hai vận động viên vượt qua vòng loại, nhưng một người đã không đáp ứng đầy đủ các điều kiện của Ủy ban Olympic của quốc gia này, trong khi người còn lại gặp chấn thương trước kỳ Đại hội. (*) Các quốc gia sau đã có vận động viên thi đấu tại Thế vận hội Mùa đông 2006 nhưng vắng mặt tại Vancouver kỳ này: Các môn thi đấu Có 15 môn thể thao được tranh tài tại Thế vận hội Mùa đông 2010. Tám môn thể thao được xếp hạng vào các môn thể thao trên băng: Xe trượt băng (bobsleigh), luge, skeleton, khúc côn cầu trên băng, trượt băng nghệ thuật, trượt băng tốc độ, trượt băng vòng ngắn và bi đá trên băng (curling). Ba môn được xếp vào thể loại trượt tuyết alpine và snowboarding gồn: trượt tuyết alpine, trươt tuyết tự do và snowboarding. Bốn môn thể thao được xếp vào hạng các môn thể thao Nordic (phương Bắc) bao gồm: biathlon, trượt tuyết việt dã, nhảy ski và thể thao Nordic phối hợp.Trong ngoặc là số bộ huy chương của từng môn. Trượt tuyết Alpine (10) Biathlon (10) Xe trượt băng (bobsleigh) (3) Trượt tuyết việt dã (cross-country skiing) (12) Bi đá trên băng (curling) (2) Trượt băng nghệ thuật (4) Trượt tuyết tự do (freestyle skiing) (6) Khúc côn cầu trên băng (2) Luge (3) Trượt tuyết Nordic (3) Trượt băng vòng ngắn (short track speed skating) (8) Skeleton (2) Nhảy ski (3) Snowboarding (6) Trượt băng (speed skating'') (12) Bảng tổng sắp huy chương Dưới đây là mười đoàn dẫn đầu về số huy chương giành được tại Thế vận hội Mùa đông 2010. Nước chủ nhà Canada được đánh dấu. Tai nạn Đúng ngày khai mạc của kỳ Thế vận hội Mùa đông lần này, Nodar Kumaritashvili, vận động viên môn luge thuộc đoàn Gruzia đã thiệt mạng trong một buổi tập sau khi xe trượt của anh bị văng ra khỏi đường trượt va vào phải một cột thép.
Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam là chức danh lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ 1951 đến 1969, vị trí cao nhất là Chủ tịch Đảng Lao động Việt Nam của Hồ Chí Minh; tuy nhiên, sau khi Hồ Chí Minh qua đời, chức danh này bị bãi bỏ và Tổng Bí thư trở lại thành chức vụ cao nhất. Từ 1960 đến 1976, chức vụ này được gọi là Bí thư thứ nhất. Đây là chức danh lãnh đạo cao nhất trong hệ thống chính trị Việt Nam. Tổng Bí thư là người đứng đầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản, chủ trì công việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các quyền hạn khác. Hiện nay, Tổng Bí thư cũng kiêm nhiệm Bí thư Quân ủy Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Theo điều lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng Cộng sản sẽ bầu ra Ban Chấp hành Trung ương, Ban Chấp hành Trung ương bầu ra Bộ Chính trị và bầu Tổng Bí thư từ một trong các Ủy viên Bộ Chính trị. Kể từ năm 2001, nhiệm kỳ Tổng Bí thư tương đương nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Trung ương; đồng chí Tổng Bí thư sẽ giữ chức vụ cho tới khi Ban Chấp hành Trung ương khóa mới bầu ra Tổng Bí thư mới. Trách nhiệm và quyền hạn Tổng Bí thư chịu trách nhiệm cao nhất trước Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, cùng Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư chịu trách nhiệm trước toàn Đảng và toàn dân về sự lãnh đạo trên mọi lĩnh vực công tác, chủ trì công việc thường nhật của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương. Chỉ đạo tổ chức, quán triệt triển khai thực hiện sơ kết, tổng kết các nghị quyết, quy chế thông báo của Đại hội Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Thi hành thẩm tra việc tuân thủ Điều lệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, nghị quyết Đại hội Đảng,... trong các tổ chức cơ quan của Đảng. Có thể thảo luận với Ban Chấp hành Trung ương thành lập, giải thể các cơ quan trực thuộc Trung ương Đảng quản lý. Danh sách Tổng Bí thư qua các thời kỳ Đảng Cộng sản Đông Dương (1930 – 1951) Phụ trách điều hành Ban Chấp hành Trung ương Lâm thời (1930) Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương (1930 – 1931) Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương (1935 – 1951) Đảng Lao động Việt Nam (1951 – 1976) Tổng Bí thư (1951 – 1976) Trong thời gian cải cách ruộng đất vì những sai lầm nghiêm trọng, Trường Chinh từ chức Tổng Bí thư Đảng Lao động Việt Nam. Tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 10, khóa II, Hồ Chí Minh với chức vụ Chủ tịch Đảng được Trung ương Đảng phân công kiêm nhiệm chức vụ Tổng Bí thư. Chủ tịch Đảng (1951 – 1969) Chủ tịch Hồ Chí Minh là người duy nhất nắm giữ chức vụ này trong giai đoạn 1951–1969. Trong giai đoạn này, Chủ tịch Đảng là chức vụ có quyền hạn và trách nhiệm lớn nhất, hơn cả Tổng Bí thư. Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời năm 1969, chức vụ này bị bãi bỏ Đảng Nhân dân Cách mạng Việt Nam (1962 – 1975) Đảng Nhân dân Cách mạng Việt Nam là chi bộ của Đảng Lao động Việt Nam ở phía Nam trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam. Đảng Nhân dân Cách mạng chịu sự lãnh đạo của Đảng Lao động dù bên ngoài về lý thuyết 2 đảng hoạt động độc lập với nhau. Cơ cấu tổ chức của Đảng Nhân dân Cách mạng khá tương đồng với Đảng Lao động. Có 2 chức vụ chính là Chủ tịch Đảng và Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương. Điều hành Đảng thực tế thuộc về Trung ương Cục Miền Nam, Khu ủy Khu V, Khu ủy Khu Trị Thiên trực thuộc Trung ương Đảng Lao động. Sau 30/4/1975, Đảng hoạt động trên danh nghĩa Đảng Lao động, danh xưng Đảng Nhân dân Cách mạng không còn nữa. Đảng Cộng sản Việt Nam (1976 – nay) Sau chiến thắng 1975 thống nhất đất nước, năm 1976, tên gọi Đảng Cộng sản Việt Nam đã được sử dụng trở lại, trên cơ sở sáp nhập Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Việt Nam. Các nguyên Tổng Bí thư còn sống Tính đến ngày 1 tháng 7 năm 2023, chỉ có duy nhất nguyên Tổng Bí thư còn sống là Nông Đức Mạnh. Nguyên Tổng Bí thư qua đời gần đây nhất là Lê Khả Phiêu vào ngày 7 tháng 8 năm 2020 sau tuổi 89. Dưới đây là danh sách nguyên Tổng Bí thư còn sống được xếp theo thứ tự nhiệm kỳ:
Thế vận hội Mùa hè 2008, tên chính thức là Thế vận hội Mùa hè lần thứ XXIX (), là một sự kiện thể thao quốc tế quan trọng diễn ra tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) từ ngày 8 (riêng môn bóng đá bắt đầu thi đấu từ ngày 6 tháng 8) đến 24 tháng 8 năm 2008. Tiếp theo đó là Thế vận hội Mùa hè dành cho người khuyết tật sẽ diễn ra từ ngày 6 tháng 9 đến ngày 17 tháng 9. Có đến 11.028 vận động viên tranh tài ở 302 nội dung thi đấu thuộc 28 môn thể thao, nhiều hơn 1 nội dung so với Thế vận hội Mùa hè 2004. Thế vận hội Bắc Kinh 2008 đánh dấu việc lần thứ 3 sự kiện thể thao quốc tế này được tổ chức trong vùng lãnh thổ có 2 Ủy ban Olympic khác nhau, với môn đua ngựa được tổ chức tại Hồng Kông, đồng thời là lần thứ ba Thế vận hội Mùa hè được tổ chức tại châu Á. Quyền tổ chức Thế vận hội được trao cho Bắc Kinh sau một cuộc bầu chọn hết sức nghiêm ngặt của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) vào ngày 13 tháng 7 năm 2001. Biểu tượng chính thức của thế vận hội, tên gọi "Bắc Kinh nhảy múa" (Dancing Beijing), dựa theo chữ kinh (京) để nói đến thủ đô của nước chủ nhà (Beijing - 北京). Năm linh vật của Olympics 2008 là năm Bé Phúc (福娃), mỗi linh vật tượng trưng cho 1 màu sắc trên vòng tròn olympic và cũng là biểu tượng của văn hoá Trung Hoa. Khẩu hiệu "Cùng một thế giới, chung một ước mơ" (One World, One Dream) kêu gọi toàn thế giới đoàn kết lại trong tinh thần Olympic. Chính phủ Trung Quốc đã truyền bá về Thế vận hội nhằm làm nổi bật vị thế của Trung Quốc trên thế giới, tích cực đầu tư xây dựng những công trình mới và phát triển hệ thống giao thông. Tổng cộng 37 khu thi đấu được sử dụng để tổ chức các sự kiện thể thao, trong đó bao gồm 12 công trình được xây mới. Từ đầu năm 2007, cựu Chủ tịch Uỷ ban Tổ chức Olympic Quốc tế, ông Juan Antonio Samaranch đã phát biểu rằng đây là "Thế vận hội tuyệt vời nhất" trong lịch sử các kỳ Olympic; Chủ tịch đương nhiệm IOC cũng khẳng định rằng IOC không chút hối hận khi quyết định tổ chức Thế vận hội Mùa hè lần thứ 29 tại Bắc Kinh. Khai mạc Olympic đã tiêu tốn của Trung Quốc 100 triệu USD (USD năm 2008) và được xem là màn khai mạc Thế vận hội vĩ đại nhất trong lịch sử các kỳ Thế vận hội. Tuy nhiên, do kỳ Olympic được tổ chức vào đúng thời điểm sau vụ bạo loạn Tây Tạng 2008 và chiến tranh Nam Ossetia 2008, nhiều người đã cáo buộc "đây là kì Olympic của bọn vi phạm nhân quyền" và kỳ Olympic bị giảm sức hút do thế giới chuyển hướng chú ý sang chiến trường giữa Nga và Gruzia. Nhiều cuộc biểu tình và tẩy chay Olympic đã nổ ra, gây căng thẳng chưa từng có tiền lệ tại Trung Quốc. Cuộc đua giành quyền đăng cai Trong phiên họp lần thứ 112 của IOC diễn ra tại thủ đô Moskva, Nga, vào ngày 13 tháng 7 năm 2000, Bắc Kinh vượt qua các thành phố Toronto, Paris, Istanbul và Osaka để trở thành nơi đăng cai Thế vận hội Mùa hè lần thứ 29. Trước phiên họp này, 5 thành phố khác (Băng Cốc, Cairo, La Habana, Kuala Lumpur, và Sevilla) cũng đệ trình hồ sơ xin đăng cai đến IOC nhưng không bao gồm bản tóm lược vào năm 2000. Sau vòng bỏ phiếu đầu tiên, Bắc Kinh có số phiếu vượt trội so với 4 ứng cử viên còn lại. Thành phố Osaka chỉ chiếm được 6 phiếu bầu, đứng ở vị trí cuối cùng, và bị loại khỏi cuộc đua. Đến vòng 2, Bắc Kinh chiếm được đa số phiếu, đợt bỏ phiếu lần 3 xem như không cần thiết. Sau khi giành được quyền đăng cai, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lý Lam Thanh tuyên bố rằng:" thắng lợi của Trung Quốc minh chứng cho sự nhìn nhận của thế giới về sự bền vững xã hội, phát triển kinh tế của Trung Quốc và đời sống khoẻ mạnh của người dân Trung Quốc." Trước đây, Bắc Kinh đã từng mất quyền đăng cai Thế vận hội Mùa hè 2000 về tay thành phố Sydney. Xây dựng cơ sở vật chất và công tác chuẩn bị Khu liên hợp thể thao Vào tháng 5 năm 2007, Bắc Kinh tiến hành xây dựng 31 khu thể thao liên hợp trong khu vực thủ đô nhằm phục vụ thế vận hội. Chính phủ Trung Quốc cũng đầu tư nâng cấp và xây dựng 6 khu liên hợp và 59 trung tâm huấn luyện nằm ngoài Bắc Kinh. Những công trình kiến trúc lớn nhất là Sân vận động Quốc gia Bắc Kinh, Nhà thi đấu Bắc Kinh, Trung tâm thể thao dưới nước quốc gia Bắc Kinh, Trung tâm hội nghị quốc gia, Công viên Thế vận hội Bắc Kinh, và Nhà thi đấu Ngũ Khỏa Tùng. 85% ngân sách dành cho công tác xây dựng 6 khu liên hợp chính này là 2,1 tỉ đô la Mỹ (17.4 tỉ nhân dân tệ), đến từ nhiều nhà tài trợ. Nhiều nguồn tài trợ đang mong đợi có được quyền sở hữu các công trình này sau kỳ thế vận hội. Tổng cục điều hành thể dục thể thao nhà nước sẽ sở hữu và quản lý một vài khu với chức năng là những tiện ích cho những sự kiện thể thao quốc gia trong tương lai. Olympic Bắc Kinh trở thành sự kiện thể thao đắt giá nhất trong lịch sử các kỳ thế vận hội, với tổng số tiền đầu tư là 40,9 tỉ USD, tính từ năm 2001 đến 2007, vào dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, năng lượng, giao thông, và hệ thống cung cấp nước. Một vài môn thể thao thi đấu ngoài địa phận Bắc Kinh như môn bóng đá ở Tần Hoàng Đảo, Thượng Hải, Thẩm Dương và Thiên Tân; đua thuyền ở Thanh Đảo; và vì "tình trạng bấp bênh của các bệnh dịch ở ngựa và một số khó khăn chính trong việc thiết lập khu cách ly bệnh", môn đua ngựa diễn ra ở Hồng Kông. Sân vận động Quốc gia Bắc Kinh Sân vận động Quốc gia Bắc Kinh là nơi diễn ra những sự kiện chính của Thế vận hội Mùa hè 2008, thường được gọi là sân vận động tổ chim do hình dáng của nó. Việc xây dựng sân Tổ chim bắt đầu vào ngày 24 tháng 12 năm 2000. Sân vận động Quảng Đông đã được thiết kế, xây dựng và hoàn tất vào năm 2001 cho thế vận hội, nhưng Bắc Kinh quyết định xây dựng 1 sân vận động mới. Các quan chức chính phủ Trung Quốc đã kêu gọi các nhà thiết kế trên thế giới cùng tranh tài thiết kế kiến trúc cho sân vận động mới này. Công ty Thuỵ Sĩ Herog & de Meuron Architekten AG cộng tác với Tập đoàn Xây dựng và Khảo sát Trung Quốc đã thắng. Sân vận động có khung bê tông như đan chéo nhau với sức chứa hơn 90.000 người. Ban đầu, kiến trúc sư mô tả thiết kế tổng thể tương tự như tổ chim với tầm nhìn trải rộng và mái vòm co rút phía trên khán đài. Tuy nhiên, vào năm 2004, mái vòm đã không được triển khai vì một số lý do kinh tế và an toàn. Sân vận động Quốc gia Bắc Kinh là nơi diễn ra lễ khai mạc và bế mạc của Thế vận hội 2008, nơi thi đấu môn điền kinh và hai trận chung kết môn bóng đá. Làng vận động viên Olympic Bắc Kinh mở cửa vào ngày 16 tháng 7 năm 2008 và cho phép tham quan từ ngày 26 tháng 7 năm 2008. Giao thông Để chuẩn bị cho thế vận hội, hệ thống tàu điện ngầm Bắc Kinh mở rộng, tăng gấp đôi kích cỡ và công suất hoạt động so với trước. Hệ thống cũ bao gồm 4 tuyến đường tàu và 64 trạm. 7 tuyến mới và hơn 80 trạm mới đã được xây dựng, bao gồm tuyến đường nối trực tiếp thành phố với sân bay quốc tế của thủ đô Bắc Kinh. Ngay tại sân bay, có 11 xe lửa tự động hoạt động, mỗi xe chứa khoảng 83 hành khách, giúp giải quyết nhu cầu di chuyển giữa các ga hàng không. Hầu hết các phương tiện giao thông này sẽ được vận hành từ ngày 30 tháng 6 năm 2008, một tháng trước ngày khai mạc Thế vận hội. Vào tháng 1 năm 2007, Ủy ban tổ chức thế vận hội Bắc Kinh (viết tắt là BOCOG) thông báo rằng xe điện ngầm sẽ gắn thêm màn hình tivi trong suốt kỳ thế vận hội để hành khách theo dõi những tin tức và sự kiện mới nhất xảy ra tại Olympic Bắc Kinh 2008; đồng thời, mạng lưới sóng di động cũng có thể hoạt động, giúp hành khách có thể sử dụng phương tiện liên lạc trong ga tàu điện ngầm. Vào ngày mùng 1 tháng 8 năm 2008, Ga Xe lửa Nam Bắc Kinh đã hoạt động lại sau 2 năm nâng cấp. Tuyến xe lửa liên tỉnh Bắc Kinh - Thiên Dương dài 120 km cũng được khánh thành cùng ngày, nối ga mới với thành phố đồng đăng cai - Thiên Tân với tốc độ di chuyển 350 km/h, cao nhất thế giới hiện nay. Theo Tổng cục Quản lý Hàng không dân dụng Trung Quốc, 5 cấp báo động mới cho thời tiết xấu và an toàn bay sẽ được bổ sung tại sân bay. Hệ thống này được thiết kế nhằm đảm bảo độ an toàn khi di chuyển cho hơn 3 triệu khách tham quan trong nước và quốc tế đổ đến Bắc Kinh tại kỳ thế vận hội lần này. Đối với đường bộ, Bắc Kinh lập ra 38 tuyến xe bus công cộng chính nối các địa điểm thi đấu Olympic với nhau. 2.500 xe buýt cỡ lớn và 4.500 xe buýt nhỏ, được hơn 8.000 lái xe điều khiển làm nhiệm vụ chuyên chở khán giả giữa các khu thi đấu. Trước khi thế vận hội diễn ra, hệ thống giao thông công cộng của thành phố cũng đã được điều chỉnh lại, để hợp lý hóa hơn 110 tuyến xe bus đã tồn tại từ trước. Các vận động viên, các vị khách mời của Ủy ban Olympic và giới truyền thông sẽ được chuyên chở trong thành phố bởi đội xe 5.000 chiếc Volkswagen "tiết kiệm nhiên liệu, và thải ít khí thải". Bắc Kinh cũng đã tạm thời thiết lập hệ thống điều chỉnh lưu lượng giao thông theo biển số xe để cải thiện tình trạng ô nhiễm không khí của thành phố. Hệ thống chính thức được áp dụng từ ngày 20 tháng 6 năm 2008, và sẽ được kéo dài trong hai tháng, từ ngày 20 tháng 6 cho đến ngày 20 tháng 9. Tùy vào số cuối cùng của biển số xe là số chẵn hay số lẻ mà xe sẽ chỉ được ra đường vào ngày chẵn hay ngày lẻ. Biện pháp này hy vọng có thể làm giảm khoảng 45% lưu lượng trong tổng số 3.3 triệu xe thường xuyên di chuyển trên đường phố Bắc Kinh. Ngoài ra, 300.000 xe cũ thải nhiều khí thải sẽ bị cấm từ ngày mùng 1 tháng 7, kế hoạch cũng cấm phần lớn các xe cộ đến từ ngoài Bắc Kinh vào thành phố. Việc tăng cường hệ thống giao thông công cộng hy vọng có thể đảm bảo được việc đi lại của hành khách, ước tính tăng khoảng hơn 4 triệu người hàng ngày trong kỳ đại hội, so với thường nhật. Quảng bá hình ảnh Biểu trưng Biểu tượng chính thức của Olympic Bắc Kinh 2008 được ra mắt chính thức vào ngày mùng 3 tháng 8, năm 2003 trong buổi lễ tại Thiên Đàn được tổ chức bởi Ủy ban tổ chức Thé vận hội lần thứ 29 Bắc Kinh (第29届奥林匹克运动会组织委员会 - Đệ nhị thập cửu giới áo lâm thất khắc vận động hội tổ chức ủy viên hội, gọi tắt là 北京奥组委 - Bắc Kinh áo tổ ủy). Biểu tượng chính thức của thế vận hội, tên gọi là "Bắc Kinh nhảy múa" (舞动的北京), gồm một chữ tượng hình thể hiện một hình nhân nhảy múa, dựa theo chữ kinh (京) được viết cách điệu như bản in của một chiếc ấn Trung Hoa, để nói đến thủ đô của nước chủ nhà. Phía dưới là năm vòng tròn của lá cờ Olympic, biểu tượng của phong trào Olympic, và chữ Beijing 2008 (Bắc Kinh 2008) được viết cách điệu theo thư pháp Trung Hoa. Linh vật Linh vật chính thức của Thế vận hội mùa hè lần này là 5 Bé Phúc (福娃 Fúwá). Chúng được Cơ quan quốc gia ngiên cứu văn học cổ điển Trung Hoa giới thiệu vào ngày 11 tháng 11 năm 2005, đúng một nghìn ngày trước khi khai mạc Olympic 2008. 5 Phúc Oa là: Bối Bối (贝贝), Tinh Tinh (晶晶), Hoan Hoan (欢欢), Nghênh Nghênh (迎迎) và Ni Ni (妮妮). Nếu lấy âm đầu tiên của mỗi tên vừa rồi gắp lại với nhau, ta sẽ ghép được một câu có cách phát âm gần với « 北京欢迎你 - Běijīng huānyíng nǐ », có nghĩa là « Bắc Kinh chào đón bạn». Mỗi một bé Phúc mang một màu của phong trào Olympic. Đồng thời, mỗi một Bé Phúc cũng thể hiện một hành trong ngũ hành: Cô cá Bối Bối (贝贝), màu xanh nước biển thuộc mệnh Thủy. Chú gấu trúc Tinh Tinh (晶晶), màu đen thuộc mệnh Kim. Ngọn lửa Hoan Hoan (欢欢), màu đỏ thuộc mệnh Hoả. Chú sơn dương Tây Tạng Nghênh Nghênh (迎迎), màu vàng thuộc mệnh Thổ. Và chim yến Ni Ni (妮妮), màu xanh lá cây thuộc mệnh Mộc. Khẩu hiệu Ngày 26 tháng 6 năm 2005, BOCOG đã công bố khẩu hiệu của Olumpic lần này là « Cùng một thế giới, chung một ước mơ » (Tiếng Hoa: 同一个世界 同一个梦想; Tiếng Anh: One World, One Dream) » . Khẩu hiệu mong muốn mọi người áp dụng tinh thần Olympic để tham gia xây dựng một tương lai rực rỡ hơn cho nhân loại. Khẩu hiệu này đã được chọn trong tổng số hơn 210 000 ý tưởng được gửi đến từ khắp nơi trên thế giới. Bài hát chính thức Bài hát chính thức đầu tiên được phát hành mang tên 'We Are Ready' (Chúng tôi đã sẵn sàng), đúng một năm trước khi Thế vận hội 2008 chính thức khởi tranh. Bài hát được 133 nghệ sĩ đến từ Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc đại lục, Singapore và Hàn Quốc thể hiện. Bài hát thứ hai được phát hành mang tên Bắc Kinh đón chào bạn (tiếng Trung Quốc: 北京歡迎你, giản thể: 北京欢迎你, Bính âm: Beijing huanying ni, Hán Việt: Bắc Kinh hoan nghênh nhĩ, tiếng Anh: Beijing Welcomes You) là bài hát nhân dịp đếm ngược 100 ngày đến Olympic của Thế vận hội Mùa hè 2008 tổ chức tại Bắc Kinh. Bài hát được trình bày bởi 100 ca sĩ nổi tiếng đến từ các nước Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mông Cổ và Singapore. Video của bài hát chiếu những nơi nổi tiếng ở khắp khu vực Bắc Kinh. Lời bài hát được sáng tác bởi nhạc sĩ người Hồng Kông, Lâm Tịch và nhạc được sáng tác bởi nhạc sĩ người Trung Quốc, Tiểu Kha. Còn bài hát được hát ở lễ khai mạc Bắc Kinh 2008 là bài Bạn và tôi (我和你) được thể hiện qua giọng ca của cặp nghệ sĩ Lưu Hoan và Sarah Brightman. Phát sóng truyền hình Thế vận hội lần này là kỳ Olympic đầu tiên mà chương trình thi đấu được sản xuất và phát sóng trên truyền hình hoàn toàn theo chuẩn HDTV. Hành trình rước đuốc Ngọn đuốc của thế vận hội 2008 Thiết kế của ngọn đuốc Olympic dựa trên cuộn giấy truyền thống và sử dụng thiết kế truyền thống gọi là "tường vân" (tường của cát tường). Ngọn đuốc có thể giữ lửa trong điều kiện sức gió là 65 km/h, nhiệt độ -40 độ C và dưới cơn mưa có lượng nước 50mm/h. Hành trình rước đuốc, với tên gọi "Chuyến hành trình hợp nhất" kéo dài 130 ngày với đoạn đường dài 137.000 km, hành trình dài nhất trong lịch sử các cuộc rước đuốc tại thế vận hội từ năm 1936 tại Đức. Tại một số quốc gia trên tuyến đường, ngọn đuốc đã gặp nhiều người biểu tình chống các chính sách của chính phủ Trung Quốc. Theo tạp chí Times, đây là "thảm hoạ tuyên truyền" cho Trung Quốc, với lời cáo buộc về việc vi phạm nhân quyền tại đất nước Trung Quốc, đặc biệt là khu vực Tây Tạng. Hành trình rước đuốc Ngọn đuốc được đưa từ ngày 24/3/2008, bắt đầu từ đỉnh Olympia tại Hy Lạp. Tiếp đó, ngọn đuốc băng qua Hy Lạp đến sân vận động Panathinaiko tại thủ đô Athens, đến Bắc Kinh ngày 31/3/2008. Từ Bắc Kinh, ngọn đuốc bắt đầu chuyến du hành qua khắp các châu lục, ngoại trừ Nam Cực, ghé qua các thành phố nằm trên con đường tơ lụa, con đường nối liền Trung Quốc với phần còn lại của thế giới xưa. Khoảng 21.880 người, được tuyển chọn bởi nhiều tổ chức, tham gia rước đuốc. Ngọn lửa thiêng Olympic được đem đến đỉnh Everest theo đoạn dường "cao tốc" dài 108 km nằm 1 bên ngọn núi, phía giáp với cao nguyên Tây Tạng, được xây dựng riêng cho cuộc rước đuốc. Dự án trị giá 19.7 triệu đô này kéo dài từ địa phận Tingri của quận Xigazê đến trại dừng chân dưới chân núi Everest. Vào tháng 3 năm 2008, Trung Quốc đã cấm các nhà leo núi đến khu vực này; sau đó, Trung Quốc thuyết phục chính phủ Nepal đóng cửa khu vực núi Everest thuộc lãnh thổ Nepal, chính thức bày tỏ mối lo ngại về môi trường tại khu vực. Việc này cũng cho thấy Trung Quốc lo ngại các nhà hoạt động tại Tây Tạng có thể gây ra những bất lợi cho quá trình rước đuốc lên "nóc nhà thế giới". Ban đầu, ngọn đuốc dự định sau khi qua Việt Nam sẽ đến Đài Loan rồi về Hồng Kông. Tuy nhiên, chính phủ Đài Loan đã bác bỏ đề nghị trên, cho rằng lộ trình qua Đài Loan hiện diện như một phần lộ trình nội địa trên đất nước Trung Hoa, không phải là lộ trình quốc tế. Việc quốc kỳ và quốc ca của Trung Hoa Dân quốc bị cấm dọc theo lộ trình cũng là một phần của lời bác bỏ. Đài Loan và Trung Quốc đều đổ lỗi cho nhau vì lôi vấn đề chính trị vào sự kiện quốc tế này. Thế vận hội Lễ khai mạc Lễ khai mạc Thế vận hội Mùa hè 2008 diễn ra tại Sân Vận Động Quốc gia Bắc Kinh vào ngày mùng 8 tháng 8, năm 2008 lúc 8 giờ tối (giờ Trung Quốc, múi giờ UTC+8). Con số 8 mang ý nghĩa thịnh vượng và tự tin trong truyền thống văn hoá Trung Hoa. Buổi lễ được đạo diễn bởi nhà làm phim Trương Nghệ Mưu với sự tham gia trình diễn của 15.000 diễn viên. Bề dày văn hoá nghệ thuật Trung Hoa cổ bao quát lễ khai mạc. Bắt đầu bằng tiếng trống Fou đếm lùi thời gian, cuộn giấy khổng lồ bất thình lình hiện ra và trở thành sân khấu chính của buổi biểu diễn. Bài hát chính thức của Olympic 2008, tựa đề "Bạn và Tôi" vang lên với giọng ca của nữ ca sĩ người Anh Sarah Brightman và nam danh ca Trung Quốc Lưu Hoan. Cựu vận động viên Lý Ninh được vinh dự nhóm lên ngọn lửa thiêng tại sân vận động quốc gia. Thứ tự diễu hành của các đoàn vận động viên cũng khác biệt so với những lễ khai mạc trước đây. Thay vì tiến vào sân vận động theo thứ tự bảng chữ cái La-tinh, các đoàn vận động viên (từ nhỏ đến lớn) diễu hành theo số nét trong tên theo phiên âm tiếng Hoa của quốc gia mình. Ví dụ như Australia (một trong những đoàn đầu tiên theo thứ tự thông thường) trở thành đoàn cuối cùng bước vào sân vận động vì chữ đầu tiên trong tên của quốc gia này (澳大利亚, Hoa giản thể) có 16 nét. Đất nước của truyền thống Olympic Hy Lạp diễu hành đầu tiên và nước chủ nhà Trung Quốc sau cùng cũng là một điểm đáng lưu ý. Cả thế giới nhìn nhận buổi lễ khai mạc "ngoạn mục và phi chính trị". Nhưng một vài chi tiết kỹ xảo được sử dụng cũng đã bị phanh phui sau buổi lễ. Đầu tiên là màn pháo hoa mà khán giả truyền hình được chứng kiến bao gồm nhiều hình ảnh được vẽ trước bằng đồ họa vi tính và ghép vào đoạn phim, do Ban tổ chức vì lý do an ninh đã quyết định không cho máy bay trực thăng bay quanh sân vận động để quay cảnh này. Tiếp sau là sự kiện cô bé Lâm Diệu Khả, ca sĩ nhí hát bài Ca xướng tổ quốc trong lễ khai mạc, bị phát hiện hát nhép. Người trình diễn ca khúc này là một bé gái khác, tên là Dương Bái Nghi, có chất giọng hoàn hảo nhưng không được lên hình do bị sún răng và có ngoại hình kém hơn Lâm Diệu Khả. Chi tiết không chính xác cuối cùng bị phát hiện là việc hình ảnh 56 em nhỏ rước lá cờ Trung Hoa tiến vào Sân vận động, trong đó có 55 em mặc các trang phục khác nhau của các dân tộc thiểu số Trung Quốc, dù đã tuyên bố em nhỏ mặc sắc phục của dân tộc nào đều chính xác là người dân tộc đó, nhưng thật ra, tất cả các em đều là người Hán. Hơn 100 nhà cầm quyền cấp cao, các nguyên thủ quốc gia và chủ tịch nước cùng 170 Bộ trưởng Bộ Thể thao đã tham dự trong lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh 2008. Lễ bế mạc Lễ bế mạc Thế vận hội Mùa hè 2008 diễn ra tại Sân Vận Động Quốc gia Bắc Kinh vào ngày mùng 24 tháng 8 năm 2008 lúc 8 giờ tối (giờ Trung Quốc, múi giờ UTC+8). Trong buổi lễ cũng có lễ bàn giao quyền tổ chức Thế vận hội giữa Bắc Kinh và Luân Đôn. Ông Quách Kim Long, Thị trưởng Bắc Kinh, đã trao lại lá cờ Olympic cho vị thị trưởng London là ông Boris Johnson, kèm theo sau đó là màn trình diễn ngắn của các nghệ sĩ Anh quốc do Ủy ban tổ chức Thế vận hội London (London Organising Committee for the Olympic Games - LOGOG) thực hiện. Các đoàn tham dự Thế vận hội 2008 Sau buổi lễ khai mạc diễn ra ngày 8 tháng 8 năm 2008, 205 quốc gia có Ủy ban Olympic (trừ Brunei) đã cử đoàn vận động viên tham gia tranh tài ở các nội dung. Trung Quốc và Mỹ là 2 đoàn lớn nhất với số lượng thành viên lần lượt là 639 và 539 người. Một số quốc gia chỉ cử 1 vận động viên làm đại diện tham dự Olympic. Thế vận hội lần này chào đón sự tham dự của 3 thành viên mới lần đầu tham dự là: quần đảo Marshall, Montenegro, và Tuvalu. Vận động viên bơi lội Nam Phi Natalie du Toit, người đã giành được 5 huy chương vàng trong Thế vận hội dành cho người khuyết tật tại Athens năm 2004, đủ tiêu chuẩn để tranh tài tại Thế vận hội Olympic Bắc Kinh, trở thành vận động viên khuyết tật đầu tiên đủ tiêu chuẩn tham gia thi đấu tại thế vận hội (sau vận động viên Olivér Halassy vào năm 1936). Một vận động viên khác là Natalia Partyka (cụt cẳng tay phải bẩm sinh) tham gia tranh tài nội dung bóng bàn cho tuyển Ba Lan. Các môn thể thao Thể thao dưới nước Lịch thi đấu Sau đây là lịch thi đấu chính thức tại Thế vận hội Mùa hè 2008. Bảng tổng sắp huy chương Sự kiện nổi bật Vận động viên bơi lội Hoa Kỳ Michael Phelps phá vỡ kỷ lục số huy chương vàng đạt được trong một Thế vận hội sau khi đoạt được huy chương vàng thứ 8 tại Bắc Kinh. Vận động viên điền kinh Jamaica Usain Bolt đoạt huy chương vàng trong môn chạy cự ly 100 mét và 200 mét tại Thế vận hội, phá vỡ kỷ lục thế giới với thời gian 9,69 và 19,30 giây. Trong kỳ Thế vận hội này, lần đầu tiên có ba VĐV khuyết tật đạt đủ điều kiện để tham gia tranh tài cùng những VĐV bình thường là VĐV bơi lội Natalie du Toit và VĐV điền kinh Oscar Pistorius, cả hai đều là người Nam Phi và VĐV bóng bàn Natalia Partyka người Ba Lan. Trung Quốc lần đầu tiên trong lịch sử giữ vị trí nhất bảng tổng sắp Huy chương vàng toàn đoàn một Thế vận hội Mùa hè với 51 HCV, bỏ cách đoàn xếp thứ hai là Hoa Kỳ (từng nhiều năm đứng đầu bảng) tới 15 HCV, tuy tổng số huy chương đoạt được thua đoàn Hoa Kỳ.
Apollo (tiếng Hy Lạp: Απόλλων Apóllon) là thần ánh sáng, chân lý và nghệ thuật trong thần thoại Hy Lạp, thường được thể hiện dưới hình dạng một chàng trai tóc vàng, đeo cung bạc và mang đàn lia. Thần là con ngoại hôn của thần Zeus và nữ thần Leto. Chị song sinh của Apollo là nữ thần săn bắn Artemis. Trong các tác phẩm của Homer, Apollo thường được gọi là vị thần bắn xa muôn dặm. Trong thời kỳ sau Apollo thường được đồng nhất với thần Mặt Trời Helios. Từ nguyên Cái tên Apollo không được tìm thấy trong các văn bản Linear B (hệ chữ viết ký âm tiếng Hy Lạp Mycenea), tuy nhiên rất có khả năng nó đã xuất hiện ở dạng văn tự khuyết ]pe-rjo-[ (Linear B: ]-[) trên bảng kim thạch KN E 842, dù rằng văn tự đó cũng có lẽ được đọc là "Hyperion" ([u]-pe-rjo-[ne]). Tóm lại, ta vẫn chưa rõ nguồn gốc của cái tên Apollo. Kiểu chính tả Ἀπόλλων (phát âm tiếng Attica Cổ điển: [a.pól.lɔːn]) đã thay thế gần như tất cả các kiểu viết khác kể từ Công nguyên đầu tiên, nhưng dạng Doric Ἀπέλλων (Appelon) mới thực là dạng cổ xưa hơn, vì nguyên căn của nó là từ *Ἀπέλjων. Từ nêu trên có lẽ chung gốc với từ tháng Apellaios (Ἀπελλαῖος) trong lịch Doric, và lễ cúng apellaia (ἀπελλαῖα) cầu phước cho các thanh niên trong lễ apellai (ἀπέλλαι). Theo một số học giả, những từ trên đều bắt nguồn từ tiếng Doric apella (ἀπέλλα), với nghĩa ban đầu là "bức tường/hàng rào quây động vật", rồi sau bị biến đổi ngữ nghĩa thành "đám đông bên trong một quảng trường." Apella (Ἀπέλλα) là tên gọi hội đồng quần chúng tại thành bang Sparta, tương ứng với hội đồng ecclesia (ἐκκλησία) ở các thành bang Hy Lạp dân chủ khác. Nhà ngôn học Hà Lan R. S. P. Beekes bác bỏ mối liên hệ của danh xưng Apollo với apellai mà cho rằng tên của vị thần có từ nguyên Tiền-Hy Lạp (tức là cơ tầng từ vựng được mượn từ một thổ ngữ trước khi người Hy Lạp tới định cư sinh sống) *Apalyun. Dân gian Hy Lạp xưa cho rằng Apollo có mối liên hệ với động từ Hy Lạp ἀπόλλυμι (apollymi), nghĩa là "hủy diệt". Trong tác phẩm Cratylus, Platon cho rằng tên của vị thần có liên hệ với các từ sau: ἀπόλυσις (apolysis), "sự cứu chuộc"; ἀπόλουσις (apolousis), "sự thanh lọc"; ἁπλοῦν ([h]aploun), "đơn giản"; và đặc biệt liên quan đến dạng tiếng Thelessia Ἄπλουν; và Ἀειβάλλων (aeiballon), "luôn, liên tục bắn". Hesychius kết nối danh xưng Apollo với từ Doric ἀπέλλα (apella), nghĩa là "hội đồng", do Apollo là vị thần của đời sống chính trị, và ông cũng liên hệ tên thần với σηκός (sekos), nghĩa là "bãi rào (nhốt súc vật)", do Apollo còn là thần của bầy đàn. Trong tiếng Macedon cổ đại, πέλλα (pella) có nghĩa là "đá", một số địa danh ở Hy Lạp có lẽ bắt nguồn từ gốc đó, bao gồm: Πέλλα (Pella, thủ đô của vương quốc Macedon cổ đại) và Πελλήνη (thành bang Pellēnē/Pellene). Một số giả thuyết từ nguyên phi-Hy Lạp đã được đề xuất. Một vị thần mang tên Apaliunas (tiếng Hitti: d) có được nhắc đến trong bức thư Manapa-Tarhunta. Danh xưng Apaliunas này phản ánh dạng tiền thân là *Apeljōn, điều mà các nhà ngôn học có thể đoán được khi đem so sánh từ Ἀπείλων của tiếng Cypriot và Ἀπέλλων của tiếng Doric. Tên của vị thần Lydia Qλdãns /kʷʎðãns/ có lẽ bắt nguồn từ dạng /kʷalyán-/ sớm hơn, tức là trước khi nó bị ngạc hóa, lược âm, và trải qua sự biến âm *y tiền Lydia thành âm d. Lưu ý âm môi mạc thế chỗ âm môi /p/ ở từ Ἀπέλjων của tiếng Tiền-Doric và Apaliunas của tiếng Hitti. Các lĩnh vực do Apollo chi phối và biểu tượng Apollo là người có quyền năng chi phối bệnh tật, vẻ đẹp, ánh sáng, việc chữa bệnh, những người khai hoang, y học, thuật bắn cung, thơ ca, tiên tri, nhảy múa, lý trí, sức mạnh lý trí, các pháp sư và là thần hộ mệnh cho các bầy hay đàn thú nuôi. Những vật tượng trưng phổ biến nhất của Apollo là đàn lia và cây cung. Ngoài ra kithara (một hình thức cải tiến của cây đàn lia) và miếng gảy đàn cũng như bàn tế thần (sacrificial tripod), tượng trưng cho khả năng tiên tri của thần, cũng là những vật tương trưng thường thấy. Đại hội thể thao Pythian được tổ chức mỗi 4 năm một lần tại Delphi để tỏ lòng ngưỡng vọng của người Hy Lạp đối với Apollo. Vòng nguyệt quế được dùng để làm vật tế thần và làm vương miện biểu trưng cho chiến thắng tại Đại hội. Cây cọ cũng là một loại cây được sùng kính vì Apollo được sinh ra dưới một cây cọ ở Delos. Những loài vật được dùng để cúng tế thần bao gồm sói, cá heo và trứng của chúng, thiên nga, châu chấu (tượng trưng cho âm nhạc và ca khúc), chim ưng, quạ, rắn (tượng trưng cho quyền năng của Apollo là thần tiên tri), chuột và điểu sư, con vật trong thần thoại với mình sư tử và đầu đại bàng có nguồn gốc từ phương Đông. Là vị thần của sự di dân khai hoang, Apollo hướng dẫn những người đi khai phá các vùng đất mới đặc biệt là ở giai đoạn bùng nổ các cuộc khai hoang vào khoảng 750–550 TCN. Theo tín ngưỡng của người Hy Lạp, thần là người đã giúp đỡ cho người dân đảo Crete và người Arcadia tìm thấy thành Troia. Tuy nhiên, câu chuyện này phản ánh một ảnh hưởng văn hóa có chiều hướng địa lý ngược lại: các văn bản viết dạng chữ tượng hình của người Hittite xưa có đề cập đến một vị thần vùng Tiểu Á gọi là Appaliunas hay Apalunas có liên quan đến một thành phố gọi là Wilusa được hầu hết các học giả cho rằng chính là thành Illios của Hy Lạp. Trong cách lý giải này, tước hiệu của Apollo là Lykegenes có thể hiểu một cách đơn giản là "được sinh tại Lycia" trên thực tế đã tách thần khỏi sự liên quan đến những con sói. Thông thường Apollo hay đại diện cho sự hài hòa, trật tự và lý trí—những tính cách hoàn toàn trái ngược với thần Dionysus, vị thần của rượu nho, thường đại diện cho tình cảm và sự thiếu kiềm chế. Điều này thể hiện rõ trong hai tính từ trong tiếng Anh mang ý nghĩa trái ngược là Apollonian và Dionysian. Tuy nhiên, người Hy Lạp nghĩ về hai tính cách này như một sự bổ sung: hai thần là anh em của nhau và khi Apollo tránh đông ở Hyperborea, thần sẽ để đền Delphi lại cho Dionysus. Việc thờ phụng Theo nhà sử học Herodotos thì thần Horus của người Ai Cập cổ đại chính là Apollo, và Apollo là tên của Horus trong tiếng Hy Lạp cổ đại. Apollo có một đền thờ rất nổi tiếng ở Delphi và một số đền thờ đáng chú ý khác ở Clarus và Branchidae. Thần được biết đến như là người dẫn đầu của các nàng thơ (muse). Những bài hát ca tụng Apollo được gọi là Paean. Sự thờ phụng thần Apollo của người La Mã được kế thừa từ người Hy Lạp. Ngay từ triều đại của Tarquinius Superbus, các vị vua đã đến Delphi để xin các sấm truyền. Trong bộ sử "Historiai", Herodotos kể lại rằng: xưa kia vua xứ Lydia là Kroisos bại trận mất nước, bị quân Ba Tư bắt sống và trình lên vua Cyrus Đại Đế nước Ba Tư. Vua Ba Tư truyền lệnh cho lập một cái dàn thiêu lớn, trói vua Lydia lại và bỏ ông lên dàn thiêu. Nhưng rồi vua Kroisos đã thuyết phục được vua Cyrus Đại Đế. Cảm động, vua Ba Tư cho người dập thật nhanh đám lửa đang bùng cháy, nhưng không thành công. Tiếp theo đó, Herodotos dẫn lời kể của người Lydia, rằng vua Lydia khi nhận thấy quân lính Ba Tư chẳng thể dập đám lửa đang sắp sửa giết ông, bèn gọi to thần Apollo và còn bái lạy thần. Lúc ấy, bầu trời trong xanh và không hề có gió, nhưng bỗng nhiên, mây đen kéo đến, một cơn mưa dữ dội đột ngột xảy ra, và dĩ nhiên là dàn thiêu hoàn toàn bị dập tắt. Vua Cyrus Đại Đế thả tự do cho vua Kroisos, ông còn khen vua Kroisos là người tốt và được trời thương. Bacchylides cũng kể rằng thần thánh đã cứu sống vua Lydia khi ông bị lâm nguy, nhưng theo học giả Josef Wiesehöfer thì có tư liệu khác kể ông đã bị vua Ba Tư giết sau khi quân Ba Tư chiếm được kinh đô Sardis, và ghi nhận của các tác giả Hy Lạp cổ đại về cách đối đãi của vua Ba Tư với vua Lydia có lẽ là hoàn toàn không đáng tin cậy. Vào năm 430 TCN, một ngôi đền đã được xây dựng để thờ phụng Apollo khi xảy ra một trận dịch hạch. Suốt thời kỳ Chiến tranh Punic lần thứ II trong năm 212 TCN, nhằm tỏ lòng tôn kính với thần, Ludi Apollinares (một đại hội thể thao) đã được xây dựng. Dưới thời Augustus, người luôn xem mình có được sự bảo trợ đặc biệt từ Apollo, thậm chí tự nhận mình là con của thần, thì sự sùng bái Apollo lại càng tăng và thần trở thành một trong những vị thần chính của La Mã. Sau cuộc chiến tại Actium, Augustus càng bành trướng lãnh thổ của mình đã cúng tế rất nhiều chiến lợi phẩm cho thần và cứ mỗi 5 năm lại tổ chức những đại hội thể thao để tỏ lòng kính trọng, ngưỡng vọng đối với Apollo. Ông cũng cho xây dựng một đền thờ thần khác trên đồi Palatine và chuyển các đại hội thể thao, mà dựa vào chúng Horace đã sáng tác Carmen Saeculare, về đó với mục đích sùng kính với Apollo và Diana. Những lễ hội chính nhằm thờ phụng Apollo là Carneia, Daphnephoria, Delia, Hyacinthia, Pyanepsia, Pythia và Thargelia. Đại hội Ludi Apollinares là một đại hội thể thao được tổ chức trọng thể nhằm tôn vinh thần. Sự sùng bái đối với Apollo đã quay trở lại cùng với sự phát triển của những người theo trào lưu đánh thức đức tin đối với Chủ nghĩa đa thần Hy Lạp phong trào đa thần hiện đại. Một ví dụ của việc đánh thức lại đức tin này là nhóm Kyklos Apollon. Cũng tương tự, cùng với nữ thần Athena, Apollo (dưới tên gọi là Phevos) sau nhiều tranh luận đã được chọn là người ban phước cho Thế vận hội mùa hè 2004 ở Athena. Thần Apollo trong nghệ thuật Trong các tác phẩm nghệ thuật, thần Apollo thường được miêu tả là một người đàn ông trẻ, đẹp trai, không có râu và thường cầm một cây đàn lia hay cái cung. Trong tác phẩm tranh khảm (mosaic) của El Djem vào cuối thế kỷ thứ II, Roman Thysdrus, (tranh minh họa bên phải) thần được thể hiện là Apollo Helios với vầng hào quang sáng ngời, nhưng sự lõa thể của thần được che đậy bằng tấm áo choàng, một dấu hiệu của quy ước về tính giản dị, vừa phải trong các đế chế sau này. Một hình ảnh Apollo với hào quang trên đầu khác trong tranh khảm từ Hadrumentum hiện đang trong viện bảo tàng tại Sousse . Những quy ước của hình thức biểu hiện này: đầu hơi nghiêng, môi hé mở, mắt to, tóc xoăn được cắt thành từng mớ phủ nhẹ qua cổ được tiếp tục phát triển vào thế kỷ thứ III trước Công nguyên để thể hiện Alexander Đại đế (theo Bieber 1964, Yalouris 1980). Một thời gian sau khi bức tranh khảm này được thực hiện, một trong những hình ảnh đầu tiên của Giê-su cũng được thể hiện không có râu và tỏa hào quang trên đầu. Thần thoại về Apollo Ra đời Khi Hera phát hiện ra rằng Leto đang mang thai với Zeus, chồng mình, bà bèn cấm Leto sinh con trên mặt đất (terra-firma), trên lục địa hay bất cứ một hòn đảo nào trên biển. Trong khi lang thang khắp nơi, Leto tìm được một hòn đảo mới nổi lên trên mặt biển gọi là đảo Delos thỏa mãn tất cả các yêu cầu khắc nghiệt của Hera và sinh con trên đó. Cả hòn đảo được rất nhiều thiên nga vây quanh. Sau đó, Zeus tìm cách bảo vệ Leto, ông đưa bà xuống đáy đại dương. Hòn đảo Delos sau này là nơi thiêng liêng bất khả xâm phạm dành cho Apollo. Trong một dị bản khác của câu chuyện, Hera đã bắt cóc Ilithyia, nữ thần của việc sinh sản, để không cho Leto sinh con. Các thần khác đã lừa Hera để bà thả cho Ilithyia đi bằng cách đưa cho bà một sợi dây đeo cổ dài 9 yard bằng hổ phách. Theo truyền thuyết, Artemis là người ra đời trước và sau giúp đỡ mẹ sinh ra Apollo. Một bản khác thì nói rằng Artemis đã chào đời trước Apollo một ngày trên đảo Ortygia và rồi bà giúp mẹ mình vượt biển đến đảo Delos sinh ra Apollo một ngày sau đó. Apollo được sinh ra vào ngày 7 (ἡβδομαγενης) của tháng Thargelion theo tín ngưỡng của đảo Delos hay là tháng Bysios theo tín ngưỡng của thành phố Delphi. Ngày 7 và ngày 20 là những ngày của trăng non và trăng tròn sau đó đã là những ngày mà người ta tiến hành thờ cúng thần. Thời niên thiếu Khi còn trẻ, Apollo đã giết chết con quái long Python sống tại Delphi bên cạnh suối Castalian vì Python đã cố hãm hiếp Leto khi bà mang thai Apollo và Artemis. Apollo đã giết Python và chịu sự trừng phạt vì Python là con của Gaia. Apollo và Admetus Khi Zeus đánh con trai của Apollo là Asclepius bằng một tia sét vì dám làm người chết sống lại (và vì thế đã cướp mất người của Hades), Apollo đã trả thù bằng cách giết chết một Cyclops, người đã trao cho Zeus tia sét. Apollo lẽ ra đã bị đày xuống Tartarus vĩnh viễn nhưng thay vào đó chỉ bị tuyên án một năm lao động khổ sai nhờ mẹ là Leto xin hộ. Suốt thời gian này, thần làm công việc của một người chăn cừu cho Vua Admetus của Pherae ở Thessalia. Admetus đã đối xử với Apollo rất tốt nên bù lại thần cũng mang lại rất nhiều lợi ích to lớn cho Admetus. Apollo đã giúp Admetus cưới được Alcestis, con gái của Vua Pelias rồi sau đó lại thuyết phục Định Mệnh cho Admetus sống nếu như có người chịu thế mạng cho ông khi ông chết. Tuy nhiên, đến khi Admetus phải chết thì cha mẹ ông là những người mà ông nghĩ rằng sẽ sẵn sàng chết thay cho ông đã từ chối. Thay vào đó, Alcestis đã xin thế mạng. Nhưng cuôi cùng, Heracles đã tìm cách "thuyết phục" Thanatos, thần chết, cho nàng trở lại dương thế. Apollo trong cuộc chiến thành Troia Apollo đã nổi cơn thịnh nộ và bắn những mũi tên mang mầm bệnh sang doanh trại của quân Hy Lạp trong suốt cuộc chiến thành Troia vì Agamemnon đã tỏ lời khinh bỉ một thầy tế của Apollo. Đây là thầy tế Chryses cha của Chryseis, người đã bị quân Hy Lạp bắt. Apollo yêu cầu quân Hy Lạp thả cô gái ra và cuối cùng họ cũng phải thực hiện điều đó. Khi Diomedes làm Aeneas bị thương (theo Iliad), Apollo đã cứu ông ta. Đầu tiên, nữ thần sắc đẹp Aphrodite đã cố cứu Aeneas nhưng cũng bị Diomedes làm bị thương. Apollo đã bao bọc Aeneas trong một đám mây của thần và đem ông ta đến Pergamos, một nơi linh thiêng tại thành Troia và để cho Artemis chữa trị cho ông ta ở đó. Apollo cũng giúp cho Paris giết Achilles nếu như Paris không thể hoàn thành sứ mệnh đó một mình. Niobe Niobe là hoàng hậu của xứ Thebes, vợ của vua Amphion. Bà tự cho mình hơn Leto vì bà có đến mười bốn người con gồm bảy nam và bảy nữ gọi là Niobids trong khi Leto chỉ có Apollo và Artemis. Apollo đã dùng tên tẩm thuốc độc giết bảy người con trai còn Artemis giết bảy người con gái của Niobe khi họ luyện tập thể thao. Theo một số dị bản thì có một số trong mười bốn người được tha (thường là Chloris). Amphion, trước cái chết của các con đã tự kết liễu cuộc đời (có bản là bị Apollo giết) sau khi thề sẽ trả thù. Niobe hoàn toàn suy sụp đã chạy sang Mt. Siplyon thuộc Tiểu Á và than khóc rồi hóa đá. Nước mắt của bà chảy thành dòng sông Achelous. Zeus biến tất cả người dân của Thebes thành đá để không ai có thể chôn cất các Niobid mãi tận chín ngày sau khi họ chết cho đến khi chính các thần là người tống táng họ. Đời sống tình cảm và con cái của Apollo Những người yêu khác giới Daphne Apollo theo đuổi tiên nữ Daphne, con gái của Peneus, nhưng bị nàng từ chối. Sự đam mê cuồng dại này của Apollo bắt nguồn từ việc thần trúng một mũi tên của thần Eros, người rất tức giận vì Apollo đã chế giễu tài bắn cung của mình. Eros cũng tức giận vì những lời hát của Apollo. Vì thế, Eros cũng bắn một mũi tên ghét bỏ vào người Daphne làm cho nàng cự tuyệt tình cảm của Apollo. Bị Apollo theo đuổi quá mức, Daphne cầu xin Mẹ đất giúp nàng (trong một vài bản khác thì nàng cầu xin cha nàng là một thần sông) và được biến thành một cây nguyệt quế. Sau này, cây nguyệt quế luôn được Apollo đeo trên trán và trở thành loài cây được dùng để cúng tế cho Apollo. Clytia và Leucothea Apollo cũng có quan hệ tình cảm với một công chúa là người phàm tên gọi là Leucothea, vốn là con gái của Orchamus và là chị của Clytia. Để có thể vào được phòng riêng của Leucothea, Apollo phải cải trang thành mẹ nàng. Clytia rất ghen tỵ với chị mình vì nàng cũng yêu Apollo nên đã phản bội lại niềm tin của Leucothea và mách lại với Orchamus về bí mật đó. Giận dữ, Orchamus ra lệnh chôn sống Leucothea. Apollo không thể nào tha thứ được những điều mà Clytia đã gây ra cho người chàng yêu nên đã khiến cho Clytia chết dần chết mòn. Apollo biến nàng thành một loài cây, tùy theo bản là cây vòi voi hay cây hướng dương luôn phải hướng theo Mặt Trời. Marpessa Marpessa bị Idas bắt cóc vì quá yêu nhưng chính Apollo cũng say đắm nàng. Zeus bắt nàng phải chọn một trong hai người và cuối cùng Marpessa đã chọn Idas bởi vì nàng e rằng là một vị thần bất tử, Apollo sẽ chán ghét nàng khi nàng già và xấu đi. Castalia Castalia cũng là một tiên nữ khác được Apollo yêu. Nàng chạy trốn và lặn sâu xuống dòng suối ở Delphi ở dưới chân ngọn Parnassos. Dòng suối này sau đó được gọi tên theo tên của nàng. Nước suối này rất linh thiêng và được dùng để lau rửa các đền thờ ở Delphi và truyền cảm hứng cho các thi sĩ. Cyrene Với Cyrene, Apollo có một con trai là Aristaeus, người sau này trở thành thần hộ mệnh của gia súc, cây ăn quả, săn bắn, nghề nông và nuôi ong. Thần cũng là một culture-hero và đã dạy cho con người các kỹ thuật để làm bơ sữa, cách dùng lưới cài bẫy trong săn bắt, cũng như cách trồng cây ô liu. Hecuba Hecuba, vợ của vua Priam của Troia, có một con trai với Apollo tên là Troilius. Một câu sấm truyền đã tiên tri rằng thành Troia sẽ không bao giờ sụp đổ cho đến khi Troilius hai mươi tuổi. Troilius và chị mình là Polyxena đã bị mai phục và bị Achilles giết chết. Cassandra Apollo cũng yêu Cassandra, con gái của Hecuba và Priam, là chị cùng mẹ khác cha với Troilius. Thần hứa sẽ ban cho Cassandra món quà quý giá là khả năng tiên tri nếu nàng đồng ý tình cảm của thần. Cassandra nhận lời nhưng sau đó, nàng mộng thấy Apollo ruồng bỏ mình nên đã từ chối Apollo. Apollo tức giận trừng phạt nàng bằng một lời nguyền rằng sẽ chẳng có ai tin những lời tiên tri của Cassandra. Trong chiến tranh thành Troia, Cassandra đã tiên tri được và ngăn mọi người đừng cho ngựa gỗ vào thành Troia vì đó sẽ là nguyên nhân diệt vong của thành, nhưng không một ai tin lời tiên tri của nàng. Sau khi chiến tranh thành Troia kết thúc, Cassandra đã bị bắt về phục vụ cho vua Agamemnon và trở thành vợ lẽ của ông. Trong khi đó, vợ của Agamemnon, nữ hoàng Clytemnestra thực ra đã ngoại tình với Aegisthus, người chị em họ của ông trong suốt thời gian mười năm trên chiến trận thành Troia. Đôi tình nhân sau đó đã giết Agamemnon cùng Cassandra. Coronis Coronis, con gái của vua Phlegyas xứ Lapiths, là một mối tình khác của Apollo. Tuy nhiên, khi mang thai Asclepius (con của Apollo), Coronis lại còn yêu Ischys, con trai của Elatus. Một con quạ đã báo cho Apollo biết về điều này. Lần đầu nghe tin đó, Apollo không tin và tức giận hóa phép biến loài quạ, khi đó có bộ lông trắng trở nên đen thui vì dám loan truyền những điều gian dối. Khi biết được sự thật, thần nhờ nữ thần Artemis đến giết Coronis. Apollo cũng biến quạ thành con vật thiêng với nhiệm vụ thông báo những cái chết quan trọng. Tuy nhiên, Apollo lại cứu sống đứa bé và trao cho nhân mã Chiron nuôi dưỡng. Giận dữ vì cái chết của con mình, Phlegyas đã ra lệnh đốt đền thờ của Apollo ở Delphi và sau đó đã bị Apollo giết vì hành động đó. Những người tình đồng giới Apollo là vị thần có nhiều người tình đồng giới nhất trong tất cả các vị thần Hy Lạp. Điều đó có lẽ xuất phát từ việc một vị thần được xem là thần của võ trường, nơi tất cả các thanh niên phải khỏa thân thi đấu, vị thần đó trở thành hình tượng tiêu biểu và lý tưởng cho một người hướng dẫn và cũng là một erastes lý tưởng, hay còn gọi là người tình của cậu bé trai (Sergent, p. 102). Tất cả các tình nhân đồng giới của Apollo đều nhỏ hơn thần đúng theo kiểu Quan hệ đồng tính nam trong Hy Lạp cổ đại. Nhiều người yêu của thần Apollo bị chết "bất đắc kỳ tử", cho thấy các truyền thuyết này là một phần của những hình thức biến đổi, trong đó những thiếu niên chết đi để có thể tái sinh thành một người trưởng thành. Hyacinth Hyacinth là một người yêu của Apollo. Chàng là một hoàng tử của Sparta, rất khôi ngô tuấn tú. Hai người đang luyện tập ném đĩa thì một cái đĩa bay trúng đầu của Hyacinth và giết chết chàng trai trẻ. Người ném chiếc đĩa đó là thần gió Tây Zephyrus, người đang ghen với Apollo vì chính ông ta cũng yêu Hyacinth. Hyacinth chết rồi, Apollo ngập tràn đau khổ đến nỗi thần nguyền rủa sự bất tử của mình và mong được cùng chết với người yêu. Dùng máu của Hyacinth, thần tạo ra hoa lan dạ hương (Hyacinth) để tưởng nhớ và những giọt nước mắt của thần hoen cánh hoa. Lễ hội hoa lan dạ hương là một hoạt động kỷ niệm ở thành bang Sparta. Acantha Một người yêu khác thần là Acantha, linh hồn của cây ô rô. Khi Acantha chết, chàng được Apollo hóa thành một loài cây ưa nắng và chị chàng là Acanthis được các thần khác hóa thành một loài chim thistle finch. Cyparissus Cyparissus, hậu duệ của Heracles cũng là một tình nhân đồng giới của Apollo. Thần tặng cho chàng trai một con hươu thuần hóa nhưng Cyparissus lại vô tình giết chết con vật bằng một cây lao khi nó đang nằm ngủ trong một bụi cây. Cyparissus xin Apollo hãy để cho nước mắt chàng rơi mãi và cuối cùng Apollo biến chàng thành một cây bách - được xem như là một loài cây u buồn vì những dòng nhựa ứa ra từ thân cây trông như những dòng lệ. Apollo và sự ra đời của Hermes Hermes được sinh ra trên đỉnh Cyllene ở Arcadia. Câu chuyện về thần được kể trong một ca khúc thần thoại (hymn) của Homer về Hermes. Mẹ của Hermes, Maia, mang thai với Zeus trong một mối quan hệ bí mật. Bà bó con mình trong chăn nhưng khi bà ngủ say thì Hermes đã tìm cách thoát ra được. Thần chạy đến Thessalia nơi Apollo đang chăn bầy gia súc của mình. Hermes trộm một số bò của Apollo và đem chúng đến một cái hang trong rừng sâu gần Pylos sau khi đã xóa hết các dấu vết trên đường đi. Trong hang sâu, Hermes thấy một con ba ba và thần đã giết chết nó, bỏ hết thịt chỉ giữ lại mai của nó rồi cùng với ruột của một con bò, thần làm nên cây đàn lia đầu tiên. Apollo đến gặp Maia và than phiền rằng Hermes đã lấy cắp bò của thần nhưng Hermes đã nhanh chóng chui vào chăn trở lại nên Maia không tin lời Apollo. Cuối cùng, Zeus phải can thiệp, thần khẳng định những gì mình đã chứng kiến và đứng về phía Apollo. Khi đó, Hermes bắt đầu chơi cây đàn lia. Là một vị thần của âm nhạc, Apollo lập tức thích ngay nhạc cụ này và đề nghị đổi những con bò đã bị đánh cắp với cây đàn. Vì thế, Apollo trở thành một bậc thầy về đàn lia còn Hermes lại sáng tạo ra một nhạc cụ dạng ống hơi khác là cái khèn. Sau đó, Apollo lại đổi vương trượng để lấy cây cái khèn của Hermes. Những chuyện khác Khi Zeus giết chết Asclepius, con trai Apollo, vì dám làm cho người chết sống lại và vi phạm quy luật sinh tử của vạn vật thì Apollo cũng giết các khổng lồ một mắt Cyclopes, những người đã cho Zeus tia sét mà thần dùng để giết Asclepius. Để trừng phạt Apollo vì điếu đó, Zeus đã bắt Apollo phải phục vụ cho Vua Admetus. Apollo, thông qua sấm truyền ở đền thờ tại Delphi, đã ra lệnh cho Orestes phải giết mẹ chàng là Clytemnestra cùng với tình nhân của bà là Aegisthus. Vì tội ác này, Orestes đã bị các Erinyes - các vị thần của sự trả thù - trừng phạt rất thảm khốc. Trong Odyssey, Odysseus (hay Ulysses) và đoàn thủy thủ của ông dạt vào một hòn đảo vốn là vùng đất thiêng của thần Mặt Trời Helios, nơi thần nuôi giữ các con gia súc của mình. Dù Odysseus đã cánh báo các bạn mình không được chạm đến chúng (theo lời căn dặn trước đó của Tiresias và Circe) nhưng họ vẫn giết và ăn thịt của một số con. Vì thế, Helios đã xin thần Zeus phá hủy con tàu của họ. Nhưng các thủy thủ đã cứu được Odysseus. Apollo cũng có một cuộc tranh tài chơi đàn lia với con trai mình là Cinyras. Khi thua cuộc, Cinyras đã tự tìm đến cái chết. Apollo đã giết những người khổng lồ Aloadae khi họ tìm cách gây nên bão tố trên đỉnh Olympus. Truyền thuyết cũng nói rằng, Apollo thường cưỡi trên lưng một con thiên nga đến vùng Hyperboreans suốt những tháng đông giá. Con thiên nga này thần thường cho người yêu mình là Hyacinth mượn để cưỡi. Apollo biến Cephissus thành một quái vật biển. Những cuộc thi tài âm nhạc Pan Một lần nọ, Pan muốn so tài âm nhạc cùng Apollo và thách thức vị thần của đàn lia xem tài nghệ ai cao hơn. Tmolus, thần núi, được chọn làm trọng tài. Pan thổi những ống tiêu của mình và cả ông cũng như vua Midas, người luôn trung thành với ông, cảm thấy rất hài lòng vì những giai điệu giản dị đó. Sau đó, đến lượt Apollo gảy những dây đàn. Dĩ nhiên vị thần của âm nhạc là người chiến thắng và khi Tmolus công bố điều đó thì tất cả mọi người đều đồng ý chỉ trừ Midas. Ông không phục và lên tiếng đòi sự công bằng. Apollo không thể chịu nổi việc đôi tai của một người có thể sai lầm đến vậy nên quyết định biến chúng thành tai của lừa. Marsyas Marsyas là một nhân dương nửa người, nửa dê cũng cả gan thách đấu với Apollo về tài năng âm nhạc. Ông ta nhặt được một cây aulos (một nhạc cụ gồm hai ống sậy). Nhạc cụ này vốn là do Athena làm ra nhưng việc thổi nó làm nữ thần bị phồng hai bên má nên bà vất đi. Dĩ nhiên, Marsyas thua và đã bị lột da sống trong một hang động gần Calaenae ở Phrygia vì dám xấc xược thách thức thánh thần. Máu ông chảy thành dòng sông Marsyas. Một bản khác cho rằng Apollo đã dựng ngược cây đàn lia và đánh trong khi Marsyas không thể làm như thế với nhạc cụ của mình nên bị Apollo treo ngược lên cây và lột da. (Theo MAN MYTH & MAGIC của Richard Cavendish) Các danh hiệu Cũng như các vị thần Hy Lạp khác, Apollo có rất nhiều các tên gọi, phản ánh sự đa dạng phong phú về những vai trò, trách nhiệm và khía cạnh có liên quan đến thần. Tuy vậy, dù thần có rất nhiều danh hiệu trong thần thoại Hy Lạp thì chỉ có một ít được dùng trong văn chương Latin, chủ yếu là Phoebus ("người tỏa sáng") là danh hiệu được dùng rất phổ biến trong cả thời Hy Lạp và La Mã khi muốn nói về Apollo như một vị thần của ánh sáng. Đối với vai trò chữa bệnh của thần, các danh hiệu của Apollo bao gồm Akesios và Iatros, có nghĩa là "người chữa lành". Thần cũng được gọi là Alexikakos ("người ngăn tai ương") và Apotropaeus ("người đẩy lùi tai họa");tên gọi này được người La Mã đổi thành Averruncus. Trong cương vị là một vị thần của bệnh dịch và người chống lại chuột và châu chấu thì Apollo được biết đến với tên gọi Smintheus ("người bắt chuột") và Parnopius ("châu chấu"). Người La Mã cũng gọi thần là Culicarius ("xua đuổi ruồi nhặng"). Ở khía cạnh chữa trị thì người La Mã gọi thần là Medicus ("bác sĩ điều trị") và có cả một đền thờ được dùng để cúng tế "Apollo Medicus ở Roma, nằm ngay gần đền thờ của nữ thần Bellona. Là một vị thần của thuật bắn cung, Apollo được gọi là Aphetoros ("thần của cung tên") và Argurotoxos ("có cây cung bạc"). Người La Mã thì gọi là Articenens (có nghĩa là "đeo cung"). Trong vai trò của vị thần của mục đồng, Apollo được gọi là Nomios ("đi lang thang"). Apollo còn được gọi là Archegetes ("quản lý sự thành lập") có nghĩa là người coi sóc các vùng đất thuộc địa. Thần cũng được biết đến với tên gọi là Klarios, xuất phát từ chữ Doric klaros ("sự phân đất") vì thần là người trông nom các thành bang lẫn các thuộc địa, các vùng đất mới. Apollo cũng có tên là Delphinios ("người Delphi"), có nghĩa là "đến từ trong lòng" vì mối quan hệ của thần với Delphoi (Delphi). Ở Delphi, thần còn được gọi là Pythios ("người Pythios"). Một thuyết nguyên nhận (aetiology) trong các trường ca của Homer liên kết tên gọi này và những con cá heo. Kynthios, một tên gọi phổ biến khác bắt nguồn từ việc thần được sinh ra trên đỉnh Cynthus. Apollo còn được gọi là Lyceios hay Lykegenes có nghĩa là "giống chó sói" hay "thuộc về Lycia" và Lycia là nơi đặt nền tảng cho một số hình thức tín ngưỡng đối với thần. Đặc biệt trong vai trò là vị thần tiên tri, Apollo được gọi là Loxias ("mơ hồ"). Người La Mã còn gọi thần là Coelispex ("người gác bầu trời"). Apollo cũng được gọi là Musagetes trong cương vị người dẫn đầu của các nàng thơ và Nymphegetes khi thần "dẫn đầu các tiên nữ". Acesius là họ của Apollo, và thần được thờ ở Elis với họ này. Họ này cũng có nghĩa là akestor và alezikakos phản ánh vai trò của thần là một vị thần ngăn ngừa tai ương. Trong văn hóa đại chúng Trong phần "Who Mourns for Adonis?" (Ai khóc than cho Adonis?) của Chương trình TV "Star Trek", Thuyền trưởng Kirk, Pavel Chekov, ông Spock và Bác sĩ McCoy đã gặp một người đàn ông tự nhận mình là thần Apollo trên một hành tinh mà họ vô tình đặt chân đến. Trong sê-ri Battlestar Galactica, một trong các nhân vật chính có tên là Apollo. Bài hát "Cygnus X-1 Book II: Hemispheres" trong album Hemispheres phát hành năm 1978 của nhóm Rush kể về cuộc đấu tranh của hai bán cầu não là Apollo, vị thần của lý trí, cùng với Dionysus, vị thần của tình cảm. Vào thập niên 1960, NASA đã đặt tên một chương trình của mình là Chương trình Mặt Trăng Apollo vì thần là vị thần của sự thông thái. Một số người đã hiểu nhầm rằng các tên lửa mang phi hành gia lên Mặt Trăng tên là Apollo, thật ra các tên lửa này được gọi là Saturn V. Apollo cũng là chủ đề chính cho bài thơ sáng tác năm 1820 của Percy Bysshe Shelley có tên là "Hymn of Apollo" (Ngợi ca Apollo).
Sân bay Phù Cát (mã sân bay IATA: UIH, mã sân bay ICAO: VVPC, tên giao dịch chính thức: Cảng hàng không Phù Cát, tiếng Anh: Phu Cat Airport) là một sân bay lưỡng dụng ở huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, miền Trung Việt Nam. Sân bay này do Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam, một cơ quan của Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam, quản lý. Năm 2019, sân bay này phục vụ khoảng 1,6 triệu lượt khách. Sân bay Phù Cát còn là nơi huấn luyện quân sự và là căn cứ của Trung đoàn không quân 925 thuộc Sư đoàn không quân 372. Lịch sử Sân bay này được xây năm 1966, lúc đó có tên gọi là Sân bay Gò Quánh, làm căn cứ 60 chiến thuật không quân của Không lực Việt Nam Cộng hoà. Sau năm 1975, sân bay này được bộ Quốc phòng nước CHXHCN Việt Nam trực tiếp quản lý và đến tháng 9 năm 1984 thì chuyển thành sân bay hỗn hợp quân sự và dân sự thay thế cho sân bay Quy Nhơn ở nội thành Quy Nhơn. Sân bay Phù Cát nằm bên cạnh Quốc lộ 1, đường sắt Bắc Nam, thị trấn Gò Găng (huyện Phù Cát) và thị xã An Nhơn. Cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 30 km về phía tây bắc, cách trung tâm thị xã An Nhơn khoảng 10km về phía Bắc, trung tâm thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn khoảng 20km về phía Đông Bắc và cách trung tâm phường Bồng Sơn, thị xã Hoài Nhơn 65km về phía Nam, đó là những địa phương có kinh tế phát triển và sở hữu những địa điểm du lịch nổi tiếng của Bình Định. Ngày 17 tháng 1 năm 2015, Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam đã khởi công dự án mở rộng, nâng cấp năng lực khai thác ở sân bay Phù Cát. Dự án mở rộng sân đỗ đảm bảo 07 vị trí đậu máy bay A320/A321 và tương đương (tăng 3 vị trí đậu máy bay so với trước khi mở rộng). Hệ thống đèn chiếu sáng sân đỗ, đèn hiệu được đầu tư bổ sung, đảm bảo Cảng hàng không Phù Cát có thể khai thác các chuyến bay đêm. Dự án này hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2015. Hiện nay (2022), sân bay Phù Cát là một trong các sân bay nhộn nhịp của khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Xếp sau sân bay quốc tế Đà Nẵng và sân bay quốc tế Cam Ranh về lượng hành khách thông qua. Sáng ngày 6/6/2021, Bamboo Airways khai trương phòng chờ First lounge by Bamboo Airways (Member of FLC Group). Phòng chờ có khuôn viên rộng tới 250m2, lấy cảm hứng xứ sở nhiệt đới xanh tràn ngập khắp không gian và thiết kế hiện đại, sang trọng. Ngày 1/7/2021 sân bay thông báo ngừng phát thanh thông tin chuyến bay tại nhà ga. Tất cả các thông tin liên quan đến chuyến bay và cập nhật cửa ra máy bay, giờ ra máy bay sẽ hiển thị trên màn hình thông tin (FIDS) tại nhà ga. Nâng cấp thành sân bay quốc tế Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã quyết định đầu tư nâng cấp Sân bay Phù Cát theo hướng sẽ trở thành Cảng hàng không quốc tế với 3 hạng mục chính: mở rộng sân đỗ, xây dựng mới Nhà ga hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế và nâng cấp đường băng. Theo thiết kế, Nhà ga hành khách gồm 2 tầng, lấy ý tưởng thiết kế từ hình ảnh của Đàn Nam Giao. Tầng 1 có hình vuông tượng trưng cho Đất, tầng 2 có hình tròn tượng trưng cho Trời, ở giữa nhà ga có khoảng trống hình tròn thông suốt từ tầng trệt lên mái nhà ga để hấp thụ trực tiếp ánh sáng và khí trời. Trên mái của tầng 1 sẽ trồng cỏ và cây xanh làm cho nhà ga mát mẻ vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông, đồng thời tạo cảnh quan và không gian xanh mát cho nhà ga. Nhà ga hành khách có năng lực phục vụ 600 hành khách giờ cao điểm, công suất thiết kế 2,5 triệu hành khách/năm, có khả năng mở rộng để nâng công suất lên 4 triệu hành khách/năm. Sau khi mở rộng sân đậu, sân bay Phù Cát sẽ đảm bảo 10 vị trí đậu máy bay A321-200 và tương đương (tăng 3 vị trí so với trước đó), đáp ứng nhu cầu khai thác trong tương lai gần. Hệ thống đèn chiếu sáng sân đỗ, đèn hiệu được đầu tư bổ sung, đảm bảo Cảng hàng không Phù Cát có thể khai thác các chuyến bay đêm. Việc mở rộng sân đỗ máy bay đảm bảo kết nối đồng bộ với hệ thống sân đường khu bay đã tính đến việc phát triển mở rộng sân đỗ trong tương lai. Tháng 11 năm 2018, UBND tỉnh Bình Định và Cục Hàng không Việt Nam đã thống nhất sử dụng nhà ga T2 (nhà ga cũ), Cảng hàng không Phù Cát (sân bay Phù Cát) để chuyên phục vụ cho các chuyến bay quốc tế đi và đến sân bay này. Đồng thời, sẽ sớm sửa chữa, lắp đặt thiết bị cần thiết bảo đảm theo quy định để phục vụ đưa, đón khách quốc tế. Dự kiến, hãng Bamboo Airways là đơn vị đầu tiên khai thác các chuyến bay quốc tế đi và đến sân bay Phù Cát. Tháng 1/2020 đã mở các chuyến bay quốc tế đầu tiên tại sân bay Phù Cát khởi hành từ Cheongju(Hàn Quốc) và ngược lại do hãng hàng không Bamboo Airways khai thác. Theo đó, nhà ga cũ (T2) của Sân bay Phù Cát thành nhà ga quốc tế, còn nhà ga mới (T1) vẫn để làm nhà ga nội địa. Hiện tại, Vietnam Airlines cho biết đã có kế hoạch khai thác chuyến bay quốc tế đi và đến Quy Nhơn từ tháng 3/2020. Trong khi đó đại hiện hai hãng hàng không Jetstar Pacific và VietJetAir cho biết vẫn chưa có kế hoạch khai thác chuyến bay quốc tế nào. Hiện nay (2022), tỉnh Bình Định kiến nghị nâng cấp sân bay Phù Cát để tăng công suất lên gấp đôi - 5 triệu hành khách, 50.000 tấn hàng hoá và đón được máy bay cỡ lớn. Ngày 5/11, ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết địa phương vừa đề xuất Bộ Giao thông Vận tải xem xét, kiến nghị Thủ tướng cho chủ trương khảo sát, lập quy hoạch mở rộng Phù Cát thành sân bay quốc tế. Sân bay Phù Cát hiện có một nhà ga hai tầng, phục vụ được 600 khách vào giờ cao điểm, công suất thiết kế 2,5 triệu khách một năm; một đường băng dài hơn 3.000 m, rộng 45 m và sân đỗ với 7 vị trí. Theo đó, UBND tỉnh Bình Định kiến nghị đầu tư mở rộng sân đỗ (từ 7 lên 14 chỗ đậu); làm đường băng thứ hai đạt chuẩn 4E từ nguồn ngân sách nhà nước để có thể khai thác các máy bay lớn như Boeing 787, 777, Airbus A350. Địa phương cũng muốn xây mới nhà ga theo phương thức PPP (đối tác công - tư). Khi đó, công suất sân bay lên 5 triệu khách một năm, hàng hóa đạt 50.000 tấn một năm. Các hãng hàng không và tuyến bay Thống kê Chú thích 2. https://vnexpress.net/binh-dinh-muon-mo-rong-san-bay-phu-cat-4532531.html Phù Cát Giao thông công cộng Bình Định Phù Cát Phù Cát Phù Cát
Apollo có nhiều nghĩa: Apollo trong thần thoại Hy Lạp Chương trình Apollo của NASA, bắt đầu 1961 và chấm dứt 1972, đã gửi 6 đoàn thám hiểm lên Mặt Trăng Thiên thạch (asteroid) 1862 Apollo; các thiên thạch cùng loại với thiên thạch này được gọi là thiên thạch Apollo Tên của Hố Apollo trên Mặt Trăng Trong ngành tin học, Apollo có thể là Hãng Apollo Computers và một kỹ thuật của họ có tên là Apollo/Domain Phần mềm Apollo của Heikki Ylinen Apollo cũng là tên của 2 nhà hát: Nhà hát Apollo (Harlem) tại Thành phố New York và Nhà hát Apollo (London) tại khu West End của London. Ngoài ra, có một số tàu chiến của Hải quân Hoàng gia Anh đã mang tên HMS Apollo; Hải quân Hoa Kỳ cũng có tàu USS Apollo (AS-25). Hải quân Canada có một chương trình quân sự gọi là Chiến dịch Apollo. Tên Apollo cũng được dùng cho: Ban nhạc rock Phần Lan Apollo Tạp chí nghệ thuật tiếng Anh Apollo Ở Việt Nam, có Tổ chức Giáo dục và Đào tạo Apollo chuyên giảng dạy tiếng Anh và cung cấp thông tin du học cũng như học bổng ở các trường đại học của Anh và Úc.
Thời sơ khai Phật Thích-ca Mâu-ni (sa. śākyamuni) Mười đại đệ tử Xá-lợi-phất (sa. śāriputra) Mục-kiền-liên (sa. maudgalāyana) Ma-ha-ca-diếp (sa. mahākāśyapa) A-nậu-lâu-đà (sa. aniruddha) Tu-bồ-đề (sa. subhūti) Phú-lâu-na (sa. pūrṇa) Ca-chiên-diên (sa. kātyāyana) Ưu-ba-li (sa. upāli) La-hầu-la (sa. rāhula) A-nan-đà (sa. ānanda) Thiền tông hệ phả Thiền sư Ấn Độ Thiền sư Trung Quốc Sáu vị Tổ đầu tiên và những môn đệ kế thừa Bồ-đề-đạt-ma (zh. 菩提達磨, sa. bodhidharma) Huệ Khả (zh. huìkě 慧可) 487-593 Tăng Xán (zh. sēngcàn 僧璨, ja. sōsan) ?-606 Tì-ni-đa-lưu-chi hoặc Diệt Hỉ (zh. 毘尼多流支 hoặc 滅喜, sa. vinītaruci), ?~594, Thiền tông du nhập Việt Nam, Diệt Hỉ Thiền phái (滅喜禪派). Đạo Tín (zh. dàoxìn 道信, ja. dōshin) 580-651 Pháp Dung 法融 (Hōyū) 594-657 Trí Nham 智巖 (Chigan) 600-677 Huệ Phương 慧方 (Ehō) 629-695 Pháp Trì 法持 (Hōji) 635-702 Trí Oai 智威 (Chii) 646-722 Huệ Trung 慧忠 (Echū) 683-769 Huyền Tố 玄素 (Genso) Kính Sơn Đạo Khâm 徑山道欽 (Kinzan Dōkin) 714-792 Hoằng Nhẫn, Hongren 弘忍 (Kōnin) 601-674 Thần Tú, Shénxiù 神秀 (Jinshū) um 605-706, Gründung der Nordschule Nghĩa Phúc, Yìfú 義福 (Gifuku) 658-736 Phổ Tịch, Pǔjì 普寂 (Fujaku) 651-739 Đạo Tuyền, Dàoxuán 道璿 (Dōsen) 702-760 Nam Nhạc Minh Toàn 南嶽明瓚 (Nangaku Myōsan) Trí Sân, Zhìshēn 智詵 (Chisen) 609-702, Xử Tịch, Chùjì 處寂 (Shojaku) 648-734 Vô Tướng, Wúxiàng 無相 (Musō) 684-762 Vô Trụ, Wúzhù 無住 (Mujū) 714-774 Huệ Năng, Huineng 慧能 (Daikan Enō) 638-713, Gründung der Südschule Hà Trạch Thần Hội, Hézé Shénhuǐ 荷澤神會 (Kataku Jinne) 670-762, Ngũ Đài Vô Danh, Wǔtái Wúmíng 五臺無名 (Godai Mumyō) 722-793 ? ? Toại Châu Đạo Viên, Suìzhōu Dàoyuán 遂州道圓 (Suishū Dōen) Khuê Phong Tông Mật, Guīfēng Zōngmì 圭峰宗密 (jap. Keihō Shūmitsu) Vĩnh Gia Huyền Giác, Yǒngjiā Xuánjué 永嘉玄覺 (Yōka Genkaku) 665-713 Nam Dương Huệ Trung, Nanyang Huizhong 南陽慧忠 (Nanyō Echū) 675-775 Đam Nguyên Ứng Chân, Danyuan Yingzhen 耽源應真 (Tangen Ōshin) Thanh Nguyên Hành Tư, Qingyuan Xingsi 青原行思 (Seigen Gyōshi) 660-740 Thạch Đầu Hi Thiên, Shitou Xiqian 石頭希遷 (Sekitō Kisen) 700-790 Dược Sơn Duy Nhiễm, Yàoshan Weiyan 藥山惟儼 (Yakusan Igen) 745-828 Vân Nham Đàm Thịnh, Yunyan Tansheng 雲儼曇晟 (Ungan Donjō) 780-841 Động Sơn Lương Giới, Dongshan Liangjie 洞山良价 (Tōzan Ryōkai) 807-869, khai sáng Tông Tào Động, Soto Zen Đạo Ngô Viên Trí, Daowu Yuanzhi 道吾圓智 (Dōgo Enchi) 769-835 Thạch Sương Khánh Chư, Shishuang Qingzhu 石霜慶諸 (Sekisō Keisho) 807-888 Trương Chuyết Tú Tài, Zhangzhuo Xiucai 張拙秀才 (Chōsetsu Shūsai) Thiên Hoàng Đạo Ngộ, Tianhuang Daowu 天皇道悟 (Tennō Dōgo) 748-807 Long Đàm Sùng Tín, Longtan Chongxin 龍潭崇信 (Ryōtan Sūshin) Đức Sơn Tuyên Giám, Deshan Xuanjian 德山宣鑑 (Tokusan Senkan) 782-865 Nham Đầu Toàn Hoát, Yantou Quanhuo 巖頭全豁 (Gantō Zenkatsu) 828-887 Thúy Nham Sư Ngạn, Ruiyan Shiyan 瑞巖師彥 (Zuigan Shigen) Tuyết Phong Nghĩa Tồn, Xuefeng Yicun 雪峰義存 (Seppō Gison) 822-908 Vân Môn Văn Yến, Yunmen Wenyan 雲門文偃 (Ummon Bun'en) 864-949, khai sáng Vân Môn Tông. Huyền Sa Sư Bị, Xuansha Shibei 玄沙師備 (Gensha Shibi) 835-908 La Hán Quế Sâm, Luohan Guichen 羅漢桂琛 (Rakan Keijin) 867-928 Pháp Nhãn Văn Ích, Fayan Wenyi 法眼文益 (Hōgen Bun'eki) 885-958, khai sáng Pháp Nhãn Tông. Nam Nhạc Hoài Nhượng, Nanyue Huairang 南嶽懷讓 (Nangaku Ejō) 677-744, Zweite Hauptlinie der Tang-Zeit Mã Tổ Đạo Nhất, Mazu Daoyi 馬祖道一 (Baso Dōitsu) 709-788 Bá Trượng Hoài Hải, Baizhang Huaihai 百丈懷海 (Hyakujō Ekai) 720-814 Hoàng Bá Hi Vận, Huangbo Xiyuan 黃蘗希運 (Huangbo, (Ōbaku Kiun)) ?-850 Lâm Tế Nghĩa Huyền, Linji Yixuan 臨濟義玄 Linji, (Rinzai Gigen) ?-866, sáng lập Lâm Tế Tông. Quy Sơn Linh Hựu, Guishan Lingyou 潙山靈祐 (Isan Reiyū) 771-853, sáng lập Quy Ngưỡng Tông. Wúyántōng, vi. Vô Ngôn Thông 無言通 (auch Bất Ngôn Thông 不言通), ?~826, sáng lập Thiền phái Vô Ngôn Thông tại Việt Nam. Nam Tuyền Phổ Nguyện, Nanquan Puyuan 南泉普願 (Nansen Fugan) 748-835 Trường Sa Cảnh Sầm, Changsha Jingcen 長沙景岑 (Chōsha Keijin) ?-868 Triệu Châu Tùng Thẩm, Zhaozhou Congshen 趙州從諗 (Jōshū Jūshin) 778-897 Đại Mai Pháp Thường, Damei Fachang 大梅法常 (Daibai Hōjō) 752-839 Hàng Châu Thiên Long 杭州天龍 (Kōshū Tenryū) Trưởng lão Câu Chi 俱胝 (Gutei) Ngũ gia thất tông Quy Ngưỡng tông Quy Sơn Linh Hựu, Guishan Lingyou 潙山靈祐 (Isan Reiyū) 771-853 Xiangyan Zhixian 香嚴智閑 (Kyōgen Chikan) ?-898 Yangshan Huiji 仰山慧寂 (Kyōzan Ejaku) 807-883 Nanta Guangyong 南塔光涌 (Nantō Kōyū) 850-938 Bajiao Huiqing 芭蕉慧清 (Bashō Esei) Xingyang Qingyang 興陽清讓 (Kōyō Shinjō) Lâm Tế tông Linji Yixuan 臨濟義玄 (Rinzai Gigen) ?-866 Sansheng Huiran 三聖慧然 Xinghua Cunjiang 興化存獎 (Kōke Zonshō) 830-888 Nanyuan Huiyong 南院慧顒 (Nan'in Egyō) ?-930 Fengxue Yanzhao 風穴延沼 (Fuketsu Enshō) 896-973 Shoushan Shengnian 首山省念 (Shuzan Shōnen) 926-993 Fenyang Shanzhao 汾陽善昭 (Fun'yo Zenshō) 942-1024 Shishuang Chuyuan 石霜楚圓 (Sekisō Soen) 986-1039 Yangqi Fanghui 楊岐方會 (Yōgi Hōe) 992-1049 Gründung der Yōgi-Schule Baiyun Shouduan 白雲守端 (Hakuun Shutan) 1025-1072 Wuzu Fayan 五祖法演 (Goso Hōen) 1024?-1104 Kaifu Daoning 開福道寧 (Kaifuku Dōnei) Yuehan Shanguo 月菴善果 (Gettan Zenka) Laoan Zudeng 老衲祖燈 (Rōnō Sotō) Yuelin Shiguan 月林師觀 (Gatsurin Shikan) 1143-1217 Wumen Huikai 無門慧開 (Mumon Ekai) 1183-1260 Verfasser des Mumonkan Xindi Juexin 心地覺心 Yuanwu Keqin 圓悟克勤 (Engo Kokugon) 1063-1135 Verfasser des Hekiganroku Huguo Jingyuan 護國景元 (Gokoku Keigen) Huoan Shiti 或菴師體 (Wakuan Shitai) 1108-1179 Huqiu Shaolong 虎丘紹隆 (Kukyū Jōryū) 1077-1136 Yingan Tanhua 應庵曇華 (Ōan Donge) 1103-1163 Mian Xianjie 密庵咸傑 (Mittan Kanketsu) 1118-1186 Songyuan Chongyue 松源崇嶽 (Shōgen Sūgaku) 1139-1209 Wuming Huixing 無明慧性 (Mumyō Eshō) Lanxi Daolong 蘭溪道隆 (Rankei Dōryū/Daikaku) 1213-1278 Yunan Puyan 運庵普巖 (Un'an Fugan) 1156-1226 Xutang Zhiyu 虛堂智愚 (Kidō Chigu) 1185-1269 (jap.) Nampo Jōmyō 南浦紹明 (Daiō Kokushi 大應國師) 1235-1309 Poan Zuxian 破庵祖先 (Hoan Sosen) 1136-1211 Wuzhun Shifan 無準師範 (Bushun Shihan) 1177-1249 Wuxue Zuyuan 無學祖元 (Mugaku Sogen) 1226-1286 Enni Benen 圓爾辨圓 (Shōichi Kokushi) 1201-1280 Xueyan Zuqin 雪巖祖欽 (Setsugan Sokin) Gaofeng Yuanmiao 高峰原妙 (Kōhō Gemmyō) 1238-1295 Zhongfeng Mingben 中峰明本 (Chūhō Myōhon) 1263-1323 Dahui Zonggao 大慧宗杲 (Daie Sōkō) 1089-1163 Fozhao Deguang 佛照德光 (Busshō Tokkō) 1121-1203 Jingshan Ruyan (Kinzan Nyoen) ?-1125 Huiyan Zhizhao (Maigan Chishō) Pojian Jujian 北磵居簡 (Hokkan Kokan) 1164-1246 Wuchu Daguan 物初大觀 (Busso Daikan) 1201-1268 Huanglong Huinan 黃龍慧南 (Ōryō E'nan) 1002-1069 Gründung der Ōryo-Schule Yungai Shouzhi 雲蓋守智 (Ungai Shichi) 1025-1115 Baofeng Kewen 寶峰克文 (Hōbō Kokumon) 1025-1102 Doushuai Congyue 兜率從悅 (Tosotsu Jūetsu) 1044-1091 Huitang Zuxin 晦堂祖心 (Maidō Soshin) 1025-1100 Sixin Wuxin 死心悟新 (Shishin Goshin) 1044-1115 Xuan Huaichang 虛庵懷敞 (Kian Esho) Eisai 明菴栄西 1141-1215 Tào Động tông Dongshan Liangjie 洞山良价 (Tōzan Ryōkai) Động Sơn Lương Giới 807-869 Yuezhou ganfeng 越州乾峰 (Esshū Kempō) Caoshan Benji 曹山本寂 (Sōzan Honjaku) 840-901 Yunju Daoying 雲居道膺 (Ungo Dōyō) ?-902 Tongan Daopi 同安道丕 Tongan Guanzhi 同安觀志 Liangshan Yuanguan 梁山緣觀 Dayang Jingxuan 大陽警玄 943-1027 Touzi Yiqing 投子義青 1032-1083 Furong Daokai 芙蓉道楷 1043-1118 Lumen Zijue 鹿門自覺 ?-1117 Danxia Zichun 丹霞子淳 (Tanka Shijun) 1064-1119 Hongzhi Zhengjue 宏智正覺 1091-1157 Zide Huihui 1097-1183 Zhenxie Qingliao 真歇清了 1090-1151 Tiantong Zongjue 天童宗珏 1091-1162 Xuedou Zhijian 雪竇智鑑 1105-1192 Tiantong Rujing 天童如淨 (Tendō Nyojō) 1162-1228 Dōgen Kigen 道元 (chin. Dao-yuan) Huyền Hi Đạo Nguyên1200-1253 Jakuen 寂円 (ch. Chi-yüan) 1207-1299 Vân Môn tông Vân Môn Văn Yển (zh. yunmen wenyan 雲門文偃, ja. ummon bun'en) 864-949 Đức Sơn Duyên Mật (zh. deshan yuanmi 德山緣密, ja. tokusan emmitsu) Động Sơn Thủ Sơ (zh. dongshan shouchu 洞山守初, ja. tōsan shusho) Hương Lâm Trừng Viễn (zh. xiānglín chengyuăn 香林澄遠, ja. kyōrin chōon) Trí Môn Quang Tộ (zh. zhimen guangzu 智門光祚, ja. chimon kōso) ?-1031 Tuyết Đậu Trọng Hiển (zh. xuedou chongxian 雪竇重顯, ja. setchō jūken) 980-1052, tác giả của Bích nham lục Pháp Nhãn tông Pháp Nhãn Văn Ích (zh. fayan wenyi, 法眼文益, ja. hōgen bun'eki) 885-958 Thiên Thai Đức Thiều (zh. tiāntāi désháo 天台德韶, ja. tendai tokushō) 891-972 Vĩnh Minh Diên Thọ (zh. yongming yanshou 永明延壽, ja. yōmyō enju) 904-975 Thiền sư Nhật Bản Thiền sư Việt Nam Khương Tăng Hội, Mâu Tử Thiền phái Tì-ni-đa-lưu-chi Pháp Hiền, Huệ Nghiêm, Thanh Biện Định Không, Đinh La Quý, Vô Ngại Pháp Thuận, Thiền Ông, Sùng Phạm Ma Ha, Pháp Bảo, Vạn Hạnh Định Huệ, Đạo Hạnh, Trì Bát Thuần Chân, Đạo Pháp, Huệ Sinh Minh Không, Bản Tịch, Thiền Nham Quảng Phúc, Khánh Hỉ, Giới Không Pháp Dung, Thảo Nhất, Trí Thiền Đạo Lâm, Chân Không, Tịnh Thiền Diệu Nhân, Viên Học, Viên Thông, Y Sơn Thiền phái Vô Ngôn Thông Cảm Thành, Thiện Hội, Vân Phong Khuông Việt, Đa Bảo, Định Hương Thiền Lão, Viên Chiếu, Cứu Chỉ Bảo Tính, Minh Tâm, Quảng Trí Lý Thái Tông, Thông Biện, Đa Vân Mãn Giác, Ngộ Ấn, Biện Tài Đạo Huệ, Bảo Giám, Không Lộ Bản Tịnh, Bảo Giác, Viên Trí Giác Hải, Trí Thiền, Tịnh Giới Tịnh Không, Đại Xả, Tín Học Trường Nguyên, Tĩnh Lực, Trí Bảo Minh Trí, Quảng Nghiêm, Thường Chiếu Trí Thông, Thần Nghi, Thông Thiền Hiện Quang, Tức Lự, Ứng Thuận Thiền phái Thảo Đường Lý Thánh Tông, Bát Nhã, Ngộ Xá Ngô Ích, Hoằng Minh, Không Lộ, Định Giác Đỗ Anh Vũ, Phạm Âm, Lý Anh Tông, Đạt Mạn Trương Tam Tạng, Chân Huyền, Đỗ Thường Hải Tịnh, Lý Cao Tông, Nguyễn Thức, Phạm Phụng Ngự Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử Thông Thiền, Nhật Thiển, Tức Lự Chí Nhàn, Ứng Thuận, Tiêu Dao Tuệ Trung Thượng sĩ, Trần Thái Tông Trần Nhân Tông, Thạch Kim Pháp Loa, Hương Sơn, Pháp Cổ Huyền Quang, Cảnh Huy, Quế Đường Hương Hải Trung quán tông & Tam luận tông (三論宗) của Cưu-ma-la-thập (Kumārajīva) Kumārajīva 鳩摩羅什, 343-413 Sengsong 僧嵩, (北魏僧) Sengyuan 僧淵, 414-481 Fadu 法度, 437-500 Senglang 僧朗 Sengchuan Jicang 吉藏, 549-623 Daosheng 道生, 355-434 Daoheng 道恒, 346-417 Tanying 曇影 Faqin 法欽 Tanwucheng 曇無成 (南朝劉宋時代僧) Sengzhao 僧肇, 384-414 Sengrui 僧睿 Huiguan 慧觀 Sengyan 慧嚴, 363-443 Daorong 道融, 372-445 Sengquan 僧詮, (南朝梁代三論宗僧) Senglang 僧朗 Sengqi 僧契 Sengqian 僧遷, (後秦時代僧) Sengdao 僧導, 362-457 Mật tông (密宗) tại Trung Quốc Chân Ngôn tông tại (真言宗, ja. Shingon-shū) tại Nhật Bản Pháp tướng tông (法相宗) của Huyền Trang Pháp tướng tông (Hossō-shū) tại Nhật Bản
Chiến tranh Lạnh (1947-1991, tiếng Anh: Cold War) là chỉ đến sự căng thẳng địa chính trị và xung đột ý thức hệ đỉnh điểm giữa hai siêu cường (đứng đầu và đại diện hai khối đối lập): Hoa Kỳ (chủ nghĩa tư bản) và Liên Xô (chủ nghĩa xã hội). Chiến tranh Lạnh bắt đầu từ năm 1947 với sự ra đời của thuyết Truman. Chiến tranh Lạnh kết thúc với sự tan rã của Liên Xô vào năm 1991. Thuật ngữ lạnh được sử dụng vì không có sự chiến đấu trực tiếp diện rộng giữa hai siêu cường, nhưng họ đã ủng hộ những nước đồng minh đang có xung đột nhằm gia tăng vị thế chính trị, nó được gọi là những cuộc chiến tranh ủy nhiệm (proxy wars). Lịch sử Những nước tư bản phương Tây được dẫn dắt bởi Hoa Kỳ, một quốc gia theo thể chế cộng hòa liên bang với hệ thống chính trị đa đảng, cũng như những quốc gia First-World (chỉ những quốc gia liên kết chung với NATO hoặc chống lại Liên Xô trong Chiến tranh lạnh). Đại đa số các quốc gia First-World là các nước cộng hòa hoặc quân chủ lập hiến cũng với hệ thống chính trị đa đảng và những tổ chức độc lập, nhưng về mặt kinh tế và chính trị thì họ chi phối chặt chẽ một mạng lưới của những quốc gia cộng hòa kém phát triển và các chế độ độc tài khác, hầu hết trong số đó từng là các thuộc địa cũ của Khối phương Tây. Liên Xô thì tuyên bố mình là một quốc gia theo Chủ nghĩa Marx-Lenin, áp dụng hệ thống chính trị độc đảng được lãnh đạo bởi một cấp lãnh đạo cao nhất là Xô viết tối cao và Bộ chính trị. Các Đảng cộng sản lãnh đạo toàn bộ quốc gia, báo chí, quân sự, kinh tế và những tổ chức địa phương khắp Second World (Second World chỉ những quốc gia vệ tinh hoặc đồng minh của Liên Xô), bao gồm những thành viên của Hiệp ước Warsaw và những quốc gia khác theo Hệ thống XHCN. Điện Kremlin đã tài trợ tiền của cho những đảng cộng sản hoặc cánh tả trên khắp thế giới, nhưng họ bị thách thức vị thế này bởi Cộng hòa nhân dân Trung Hoa của Mao Trạch Đông theo sau đó là sự chia rẽ Trung Quốc-Liên Xô vào khoảng những năm 1960. Gần như tất cả các quốc gia thuộc địa đã giành được độc lập trong khoảng thời gian 1945-1960, họ đã trở thành Third World (những quốc gia trung lập) trong Chiến tranh Lạnh. Ấn Độ, Indonesia và Nam Tư đã đi đầu trong việc thúc đẩy sự trung lập với Phong trào Không liên kết, nhưng các quốc gia này chưa bao giờ có nhiều tầm ảnh hưởng trên thế giới. Liên Xô và Hoa Kỳ chưa từng tham gia trực tiếp vào một cuộc chiến tranh vũ trang toàn diện. Tuy nhiên, cả hai đều vũ trang mạnh mẽ để chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện có thể xảy ra. Riêng Trung Quốc và Hoa Kỳ đã từng giao chiến với nhau trong một cuộc chiến tranh có thương vong cao tại Triều Tiên (1950-53) mà kết thúc với sự bế tắc cho cả hai bên. Mỗi bên đều có một chiến lược hạt nhân riêng nhằm ngăn cản một cuộc tấn công của phía bên kia, trên cơ sở một cuộc tấn công như vậy sẽ dẫn đến sự hủy diệt hoàn toàn của kẻ tấn công - "Học thuyết về sự hủy diệt lẫn nhau được đảm bảo" (MAD). Bên cạnh những phát triển kho vũ khí hạt nhân của cả hai bên, và triển khai của họ về lực lượng quân sự thông thường, cuộc đấu tranh cho vị thế thống trị được thể hiện qua các cuộc chiến tranh ủy nhiệm trên toàn cầu, chiến tranh tâm lý, chiến dịch tuyên truyền, hoạt động gián điệp, cấm vận, sự ganh đua ở các môn thể thao tại những giải đấu và các chương trình công nghệ như Cuộc chạy đua vào không gian. Giai đoạn đầu của Chiến tranh Lạnh (1947-1953) khi chính quyền Mỹ ban hành ra Học thuyết Truman bắt đầu trong 2 năm đầu tiên sau khi kết thúc Thế chiến II (1945). Liên Xô củng cố sự kiểm soát của mình lên những quốc gia của khối Đông Âu, trong khi Hoa Kỳ bắt đầu một chiến lược ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản trên toàn cầu, mở rộng quân sự và viện trợ tài chính tới những quốc gia Đông Âu (ví dụ như ủng hộ phe chống cộng sản trong Nội chiến Hy Lạp và thành lập liên minh quân sự NATO). Sự kiện phong tỏa Berlin (1948-49) là cuộc khủng hoảng ngoại giao lớn đầu tiên của Chiến tranh Lạnh. Với chiến thắng của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong Nội chiến Trung Quốc và sự bùng nổ của Chiến tranh Triều Tiên (1950-53), căng thẳng giữa hai bên đã lan rộng. USSR (Gọi tắt của Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết) và USA (Hoa Kỳ) đã cạnh tranh giành sự ảnh hưởng của mình tại những quốc gia Mỹ Latinh và những thuộc địa đang giành độc lập ở châu Phi và châu Á. Liên Xô đã dập tắt cuộc bạo động ở Hungari. Sự mở rộng và leo thang đã xảy ra lần lượt nhiều cuộc khủng hoảng ngoại giao lớn như Khủng hoảng Suez năm 1956, Khủng hoảng Berlin 1961 và Khủng hoảng tên lửa Cuba 1962, suýt nữa gây ra một cuộc chiến tranh hạt nhân. Trong thời gian đó, phong trào hòa bình quốc tế đã được thiết lập và phát triển giữa các công dân khắp thế giới, đầu tiên ở Nhật Bản từ năm 1954, khi người dân trở nên lo lắng về những vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân, nhưng sớm lan rộng sang châu Âu và Hoa Kỳ. Phong trào hòa bình, và đặc biệt là phong trào chống lại vũ khí hạt nhân, đạt được tiến triển và được dân chúng ủng hộ nhiều hơn từ những năm cuối thập niên 1950, và đầu những năm 1960, và đã tiếp tục phát triển qua những năm của thập niên 70 và 80 với những cuộc tuần hành, biểu tình, và nhiều hoạt động phi nghị viện phản đối chiến tranh và kêu gọi phi hạt nhân hóa trên toàn cầu. Theo sau Khủng hoảng tên lửa Cuba, một giai đoạn mới đã bắt đầu đã cho thấy mối quan hệ phức tạp của sự chia rẽ Xô-Trung, trong khi những đồng minh của Hoa Kì, đặc biệt là Pháp đã rời khỏi NATO (Quay lại vào năm 2009). USSR đã dập tắt thành công phong trào Mùa xuân Prague 1968 của Tiệp Khắc, trong khi Hoa Kỳ đã trải nghiệm sự hỗn loạn khủng khiếp ngay trong nội bộ nước này bởi phong trào dân quyền, chống phân biệt chủng tộc và phản đối Chiến tranh Việt Nam (1955-1975), cuộc chiến mà Hoa Kỳ đã bước vào tham chiến sau khi Pháp buộc phải từ bỏ cai trị Việt Nam và Việt Nam bị tạm chia cắt thành 2 vùng tập kết quân sự năm 1954, rồi cuối cùng nó đã kết thúc với thất bại nặng nề của Hoa Kỳ và chế độ bản địa chống cộng ở Nam Việt Nam do Mỹ hậu thuẫn, Việt Nam thống nhất dưới chế độ xã hội chủ nghĩa do đảng Cộng sản lãnh đạo năm 1976. Những năm trong thập niên 1970, cả hai bên bắt đầu trở nên quan tâm hơn trong việc xem xét để tạo ra mối quan hệ quốc tế ổn định và dễ dự đoán hơn, mở đầu cho một giai đoạn lắng dịu (de'tence) bao gồm việc "Đàm phán giới hạn vũ khí chiến lược" và quan hệ cởi mở của Mỹ với Cộng hòa nhân dân Trung Hoa như một chiến lược đối trọng tới USSR. Sự lắng dịu đã sụp đổ tại những năm cuối thập niên 1970 với sự bắt đầu của Chiến tranh Liên Xô-Afghanistan trong năm 1979. Những năm đầu thập niên 1980 là một giai đoạn đã gia tăng căng thẳng, với việc Liên Xô bắn hạ máy bay KSL-Filght-007 của Nam Triều Tiên và những đợt diễn tập quân sự Ablee Archer của NATO, cả hai đều ở năm 1983. Hoa Kỳ đã tăng sức ép kinh tế, ngoại giao, quân sự lên Liên Xô, vào thời điểm Liên Xô đã bị trì trệ kinh tế. Vào ngày 12 tháng 6 năm 1982, một triệu người biểu tình đã tụ tập ở Công viên Trung tâm, New York để kêu gọi kết thúc chạy đua vũ trang, chiến tranh Lạnh và đặc biệt là giải trừ vũ khí hạt nhân. Giữa những năm 1980, lãnh đạo mới Mikhail Gorbachev đã đưa ra những sự cải cách tự do hóa perestroika (1987) (tên một hoạt động chính trị cho sự cải cách trong Đảng Cộng sản Liên Xô trong suốt những năm của thập niên 80) và glasnost (cởi mở, 1985) và kết thúc sự dính líu quân sự của Liên Xô vào Afghanistan năm 1979 rồi sau đó là sự thắng lợi của những người chống cộng Afganistan năm 1992. Sức ép về chủ quyền quốc gia đã lớn mạnh hơn trong Đông Âu, đặc biệt tại Phần Lan. Trong thời gian đó Gorbachev từ chối sử dụng quân đội Liên Xô để củng cố những chế độ trì trệ thuộc Khối Hiệp ước Warsaw như đã xảy ra trong quá khứ. Kết quả trong năm 1989 là một làn sóng cách mạng đã lật đổ tất cả những nhà nước thuộc khối XHCN của Trung và Đông Âu. Bản thân Đảng cộng sản Liên Xô đã mất sự kiểm soát và bị đình chỉ hoạt động sau một kế hoạch đảo chính chống Gorbachev sớm thất bại trong tháng 8 năm 1991. Điều này dẫn tới sự tan rã chính thức của Liên Xô vào tháng 12 năm 1991 và sự sụp đổ của những nhà nước thuộc khối XHCN trong những quốc gia khác như Mông Cổ, Campuchia, và Nam Yemen. Vì vậy, Hoa Kỳ trở thành siêu cường quốc duy nhất của thế giới. Chiến tranh Lạnh và những sự kiện của nó đã để lại một sức ảnh hưởng đến tận ngày nay. Nó thường được nói tới trong văn hóa đại chúng (đặc biệt với thành công quốc tế của loạt sách và phim của thương hiệu James Bond) cũng như sự đe dọa của chiến tranh hạt nhân. Trong khi đó, một sự căng thẳng quốc gia lặp lại giữa quốc gia kế thừa Liên Xô là Nga, và Hoa Kỳ trong những năm sau 2010 (bao gồm những đồng minh phương Tây) và đặc biệt là sự gia tăng căng thẳng giữa cường quốc mới nổi là Trung Quốc với Mỹ và đồng minh phương Tây, đôi khi được nói đến với tên gọi "Chiến tranh lạnh lần 2" (tên tiếng Anh: Second Cold War). Những nguồn gốc của thuật ngữ Tại thời điểm kết thúc Thế chiến II, nhà văn Anh George Orwell đã sử dụng thuật ngữ Chiến tranh Lạnh (từ tiếng Anh: cold war), như một khái niệm chung, trong tiểu luận của ông "You and the Atomic Bomb" (Bạn và quả bom nguyên tử) được xuất bản ngày 19 tháng 10 năm 1945, trên tờ Tribune của Anh. Suy ngẫm về một thế giới sống dưới cái bóng của một mối đe doạ chiến tranh hạt nhân, Orwell đã xem xét những tiên đoán của James Burnham về một thế giới bị phân cực: Trong tờ The Observer xuất bản ngày 10 tháng 3 năm 1946, Orwell đã viết rằng "... sau hội nghị Moskva vào cuối tháng 12, Nga đã bắt đầu thực hiện một cuộc ‘chiến tranh lạnh’ với Mỹ và Đế chế Anh." Việc sử dụng lần đầu tiên thuật ngữ Chiến tranh Lạnh để miêu tả chi tiết xung đột địa chính trị thời hậu chiến giữa Liên Xô và Hoa Kì đến từ một diễn văn của Bernard Baruch, một cố vấn quyền lực của những tổng thống Đảng dân chủ, Tại Nam Carolina, ngày 16 tháng 4 năm 1947, ông đã có bài phát biểu (theo nhà báo Herbert Bayard Swope) nói rằng, "Hãy để chúng ta không bị lừa gạt: chúng ta hiện ở giữa một cuộc chiến tranh lạnh." Nhà báo Walter Lippmann đã làm cho thuật ngữ được biết đến rộng rãi, với cuốn sách The Cold War (1947). Khi được yêu cầu trong năm 1947 về nguồn gốc của thuật ngữ, Lippman đã tìm nguồn gốc nó tới một thuật ngữ tiếng Pháp từ những năm thập niên 1930, la guerre froid Bối cảnh Đã có một sự bất đồng trong giới sử học về điểm khởi đầu của Chiến tranh Lạnh. Trong khi hầu hết các nhà sử học coi nó bắt nguồn từ giai đoạn ngay sau Thế chiến II, những người khác cho rằng nó bắt đầu vào gần cuối Thế chiến I, dù những căng thẳng giữa Đế chế Nga, và các quốc gia châu Âu khác cùng Hoa Kỳ có từ giữa thế kỷ XIX. Như một kết quả của cuộc Cách mạng Bolshevik năm 1917 tại Nga (tiếp đó là sự rút lui của nước này khỏi Thế chiến I), nước Nga bị cô lập khỏi quan hệ ngoại giao quốc tế. Ngay sau Cách mạng Tháng Mười, liên quân 14 nước phương Tây (Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật...) đã đem quân can thiệp vào nước Nga nhằm bóp chết Chính phủ Xô Viết. Tuy nhiên, kế hoạch này đã thất bại, và nước Nga Xô viết được thành lập năm 1922. Tuy nhiên, nước Nga Xô viết phải tiếp tục đối phó với sự bao vây, cô lập của các nước phương Tây trong những năm sau đó. Lãnh tụ nước Nga Xô Viết là Vladimir Lenin đã nói rằng Liên bang Xô viết bị bao vây bởi một "vòng vây tư bản thù địch", và ông coi ngoại giao là một vũ khí để khiến các kẻ thù của Liên Xô bị chia rẽ, bắt đầu với việc thành lập Quốc tế Cộng sản Xô viết, kêu gọi những cuộc nổi dậy cách mạng ở nước ngoài. Lãnh tụ sau đó Joseph Stalin, người coi Liên bang Xô viết là một "hòn đảo xã hội chủ nghĩa", đã nói rằng Liên Xô phải thấy rằng "vòng vây chủ nghĩa tư bản hiện tại sẽ bị thay thế bởi một vòng vây xã hội chủ nghĩa." Ngay từ năm 1925, Stalin đã nói rằng ông coi chính trị quốc tế là một thế giới lưỡng cực trong đó Liên bang Xô viết sẽ thu hút các quốc gia đang hướng theo chủ nghĩa xã hội và các quốc gia tư bản sẽ thu hút các quốc gia đang hướng theo chủ nghĩa tư bản, trong khi thế giới đang ở trong một giai đoạn "bình ổn tạm thời của chủ nghĩa tư bản" trước sự sụp đổ cuối cùng của nó. Nhiều sự kiện đã làm gia tăng sự nghi ngờ và không tin tưởng lẫn nhau giữa các cường quốc phương tây và Liên Xô: sự phản đối của những người Bolsheviks với chủ nghĩa tư bản; việc Liên Xô ủng hộ cuộc tổng đình công của công nhân Anh năm 1926 dẫn tới việc ngừng quan hệ giữa hai nước; Tuyên bố năm 1927 của Stalin rằng sự cùng tồn tại hoà bình với "các quốc gia tư bản... đang trôi dần vào quá khứ"; những cáo buộc bí ẩn trong phiên xử án mẫu Shakhty về một cuộc đảo chính đã được lập kế hoạch do Pháp và Anh chỉ đạo; cuộc thanh lọc chính trị và truy tố tại Liên Xô những vụ xử án điểm Moskva gồm cả những cáo buộc gián điệp của Pháp, Anh, Nhật và Đức; cái chết của 1 triệu người tại Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Xô viết Ukraina trong nạn đói tại Ukraina tháng 3 năm 1932; cuộc Đại khủng hoảng tại các nước tư bản vào giai đoạn 1929-1933; phương Tây ủng hộ Bạch vệ trong cuộc Nội chiến Nga; Hoa Kỳ từ chối công nhận Liên Xô cho tới tận năm 1933; và việc Liên Xô tham gia Hiệp ước Rapallo. Những việc này làm trở ngại các quan hệ Xô-Mỹ và là một vấn đề gây lo ngại dài lâu với các lãnh đạo ở cả hai nước. Thế chiến II và thời kỳ hậu chiến (1939–47) Quan hệ châu Âu đầu Thế chiến 2 (1939-41) Quan hệ của Liên Xô với phương Tây càng xấu đi khi Anh - Pháp ký với Đức Quốc xã bản Hiệp ước Munich, làm ngơ cho Đức chiếm Tiệp Khắc. Liên Xô cho rằng Anh - Pháp đã cố tình làm ngơ cho Đức để mong nước này tấn công Liên Xô. Để trả đũa, một tuần trước khi Thế chiến II nổ ra, Liên bang Xô viết và Đức ký Hiệp ước Molotov-Ribbentrop, trong đó thoả thuận không giao chiến và phân chia vùng ảnh hưởng tại Đông Âu giữa hai nước. Bắt đầu một tuần sau đó, vào tháng 9 năm 1939, Đức tấn công Ba Lan và phân chia ảnh hưởng tại phần còn lại của Đông Âu theo những thỏa thuận tại Hiệp ước. Thực chất, bản Hiệp ước giống như một thỏa thuận "câu giờ" nhằm kéo dài thời gian hòa hoãn giữa 2 đối thủ, và cả Đức lẫn Liên Xô đều biết rằng chiến tranh giữa 2 nước sắp xảy ra. Trong một năm rưỡi tiếp theo, họ đã tham gia vào một mối quan hệ kinh tế trên diện rộng, trao đổi với nhau các vật liệu cần thiết cho cuộc chiến tranh cho tới khi Đức phá vỡ Hiệp ước Molotov-Ribbentrop với Chiến dịch Barbarossa, cuộc xâm lược Liên Xô qua lãnh thổ hai quốc gia đã bị phân chia từ trước. Đồng minh chống Phe Trục (1941-45) Trong nỗ lực chiến tranh chung của mình, bắt đầu từ năm 1941, người Liên Xô nghi ngờ rằng người Anh và người Mỹ đã âm mưu để người Liên Xô phải chịu gánh nặng chiến đấu chống Phát xít Đức. Theo quan điểm này, các Đồng minh phương Tây đã cố tình trì hoãn việc mở một mặt trận chống Phát xít thứ hai nhằm chỉ tham chiến ở thời điểm cuối cùng và đặt ra những quy định cho hoà bình. Vì thế, những nhận thức của Liên Xô về phương Tây đã để lại một sự căng thẳng ngầm và thù địch mạnh giữa các cường quốc Đồng Minh. Hậu chiến và những mâu thuẫn ban đầu Hội nghị Yalta Hội nghị Yalta, diễn ra từ ngày 4 đến ngày 11 tháng 2 năm 1945, là cuộc gặp giữa tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt, thủ tướng Anh Winston Churchill và Chủ tịch Liên Xô Iosif Vissarionovich Stalin ở Yalta (thuộc bán đảo Krym, Liên Xô). Nội dung của cuộc họp để bàn về tương lai hậu chiến của Đức và Ba Lan, cũng như việc tham chiến của Liên Xô ở mặt trận Thái Bình Dương. Bộ ba Anh - Mỹ - Liên Xô đồng ý chia nước Đức dưới sự kiểm soát của Anh, Mỹ, Pháp và Liên Xô. Sau này ba phần của Anh, Mỹ, Pháp được nhập lại thành Tây Đức và phần của Liên Xô được gọi là Đông Đức. Stalin yêu cầu Đức bồi thường 20 tỷ đô la tiền chiến phí, nhưng bị bác bỏ tại hội nghị. Lúc này, dù sao chiến tranh vẫn diễn ra ở mặt trận Thái Bình Dương (chủ yếu giữa quân Mỹ và phát xít Nhật). Roosevelt muốn Stalin tuyên chiến với Nhật, đánh đổ phát xít Nhật. Stalin đồng ý. Ba Lan, dưới sự giám sát của Hồng quân Liên Xô, có lẽ gặp nhiều khó khăn nhất. Trong hội nghị, Stalin bác bỏ thỉnh cầu mang chính quyền Ba Lan về trạng thái trước thế chiến. Theo Stalin, Liên Xô sẽ cung cấp an ninh cần thiết cho Ba Lan. Ông đồng ý cho Ba Lan bầu cử tự do dựa trên nền tảng chính quyền cộng sản chủ nghĩa. Sự thành lập của Liên Hợp Quốc Cũng tại hội nghị Yalta, bộ ba đồng ý thành lập Liên Hợp Quốc. Một tổ chức tương tự Hội Quốc Liên cũng đã được thành lập sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, nhưng không hiệu quả về sau - có nhiều ý kiến cho rằng lý do là ở chỗ Mỹ không tham gia. Mục đích chủ yếu của Liên Hợp Quốc là bảo đảm an ninh thế giới. Nhiệm kỳ của Truman Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt đột ngột qua đời vào ngày 12 tháng 4 năm 1945. Phó tổng thống Harry S. Truman lên thế. Truman là một người có quan điểm cứng rắn, nhiều lúc cực đoan chứ không mềm dẻo như tổng thống tiền nhiệm (chú ý rằng đường lối của Truman ảnh hưởng nhiều đến cách chính sách của Mỹ thời hậu chiến và trong Chiến tranh Lạnh). Hội nghị Potsdam Truman gặp Stalin lần đầu là ở Hội nghị Potsdam (ngoại ô của Berlin) vào tháng 7 năm 1945. Đại diện của Anh lúc này là Clement Attlee, vừa đắc cử Thủ tướng ở Anh. Hội nghị nhấn mạnh các vấn đề được đưa ra ở Hội nghị Yalta, trong đó có các vấn đề về tương lai của Đức và Ba Lan. Stalin tiếp tục yêu cầu bồi thường thiệt hại chiến tranh. Truman nhắc lại lời hứa của Stalin về bầu cử tự do tại Ba Lan. Ở hội nghị, Truman cũng tuyên bố bom nguyên tử đã được thử nghiệm ở New Mexico, Stalin - mặc dù đã biết điều này thông qua các gián điệp ở Mỹ Bom nguyên tử có ý nghĩa lớn đối với Chiến tranh Lạnh, trong đó là sự chạy đua công nghệ nguyên tử giữa Mỹ và Liên Xô. Bom nguyên tử cũng được dùng đầu tiên trong chiến tranh ở Nhật theo yêu cầu của Truman. Quan điểm của Liên Xô Sau khi mất gần 22 triệu người trong cuộc chiến, Liên Xô muốn thành lập các quốc gia đồng minh xung quanh họ vì vấn đề an ninh. Ngoài ra, một trong những mục tiêu của xây dựng chủ nghĩa cộng sản là truyền bá tư tưởng cộng sản ra khắp thế giới, loại bỏ chủ nghĩa tư bản, và nhiệm vụ của đảng cộng sản là thúc đẩy sự lan truyền đó. Stalin bác bỏ những sự hợp tác với Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Vì nếu làm ngược lại, vô tình ông sẽ đóng góp vào sự lớn mạnh của chủ nghĩa tư bản. Stalin ủng hộ sự mở rộng của chủ nghĩa cộng sản ở Tây Âu và châu Á sau này. Liên bang Xô Viết và sự lớn mạnh của chủ nghĩa cộng sản Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Hồng quân Liên Xô giúp các nước Đông Âu thoát khỏi quân phát xít, đồng thời chính quyền theo đường lối cộng sản chủ nghĩa cũng được thiết lập tại các nước này. Albania và Bulgaria Ở Albania, những người ủng hộ chủ nghĩa cộng sản bị loại trừ vào những năm chiến tranh, sau này được Stalin thiết lập lại. Khi bầu cử diễn ra các năm sau đó, những nhà lãnh đạo chống cộng bị thất bại. Ở Bulgaria, chính phủ xã hội chủ nghĩa được thiết lập từ năm 1944 đến 1948. Tiệp Khắc Tiệp Khắc có truyền thống chống lại chủ nghĩa cộng sản từ trước thế chiến, nhưng việc bị Anh - Pháp bỏ rơi khiến người Tiệp Khắc quay sang ủng hộ Liên Xô. Trong cuộc bầu cử tự do năm 1946, các nhà lãnh đạo đảng cộng sản giành được 40% tổng số phiếu, đủ để thành lập chính phủ mới. Sau này các đảng viên lên thay thế nhiều vị trí trong bộ Công an, cùng với sự hỗ trợ của Liên Xô, họ tổ chức các cuộc mít-tinh, đình công v.v. Đến năm 1948, Tiệp Khắc trở thành một nước có chính phủ cộng sản chủ nghĩa. Hungary và Romania Cuối năm 1945, tại Hungary các người cộng sản thất bại trong cuộc bầu cử, các lực lượng Xô Viết vẫn được giữ lại. Họ yêu cầu đưa đảng cộng sản lên nắm bộ Công an. Việc bắt giữ những phần tử chống cộng có thể đã giúp các người cộng sản lên nắm chính quyền vào cuộc tái bầu cử năm 1947. Hồng quân Liên Xô cũng được lưu lại ở România. Năm 1945, vua của Romania bị buộc phải phong quyền thủ tướng cho một người cộng sản, hai năm sau nhà vua bị buộc phải thoái vị. Chế độ quân chủ của Romania chấm dứt Tây Đức và Đông Đức Cuối năm 1944 đầu năm 1945, Đồng Minh đã quyết định rằng sẽ chia cắt nước Đức sau chiến tranh. Nước Đức rồi bị chia thành 4 vùng chiếm đóng với 2 ý thức hệ đối lập. Vào tháng 5 năm 1949, ba nước Mỹ, Anh và Pháp hợp nhất ba vùng chiếm đóng miền Tây của họ và thành lập nên nước Cộng hòa Liên bang Đức đi theo con đường tư bản chủ nghĩa và thân phương Tây do Mỹ đứng đầu. Vào ngày 7 tháng 10 vùng Liên Xô chiếm đóng ở miền Đông thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Đức, đi theo con đường xã hội chủ nghĩa và trở thành một nhà nước vệ tinh của Liên Xô. Phần Lan và Nam Tư Phần Lan được giữ độc lập với Liên Xô và ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản. Năm 1948, Phần Lan ký hiệp ước với Liên Xô, cam kết không gia nhập bất kỳ liên minh quân sự nào để chống Liên Xô. Nam Tư cũng tương đối độc lập khỏi sự ảnh hưởng của Liên Xô. Tuy nhiên quốc gia này vẫn dưới sự lãnh đạo của một chính quyền cộng sản với người lãnh đạo Josip Broz, hay còn được biết đến như là Tito. Tito chủ trương xây dựng chủ nghĩa xã hội không dựa vào Liên Xô và không áp dụng mô hình kinh tế của Liên Xô giống như các nước Đông Âu khác. Vào năm 1948, Stalin muốn lật đổ Tito nhưng thất bại và chấp nhận sự lãnh đạo của Tito. Tóm lại, sau chiến tranh thế giới thứ 2, một loạt các nhà nước xã hội chủ nghĩa thân Liên Xô đã được thành lập ở Đông Âu, bao gồm: Cộng hòa Nhân dân Albania (11 tháng 1 năm 1946) Cộng hoà Nhân dân Bulgaria (15 tháng 9 năm 1946) Cộng hòa Nhân dân Ba Lan (19 tháng 1 năm 1947) Cộng hòa Nhân dân Romania (ngày 13 tháng 4 năm 1948) Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc (9 tháng 5 năm 1948) Cộng hòa Nhân dân Hungary (20 tháng 8 năm 1949) Cộng hòa Dân chủ Đức (7 tháng 10 năm 1949) Ban đầu, Cộng hòa Liên bang Xã hội chủ nghĩa Nam Tư dưới sự lãnh đạo của Josip Broz Tito đã đứng về phía Liên Xô, tuy nhiên sau chia rẽ Tito-Stalin năm 1948 thì nhà nước này đã theo đuổi một chính sách trung lập. Bức màn Sắt Trong một bài diễn văn vào tháng 2 năm 1946. Stalin khẳng định sự thành công của chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa tư bản sẽ bị sụp đổ. Mặc dù sẽ phải trải qua nhiều năm trước khi có đủ lực lượng vũ trang để đối đầu với Mỹ, Liên Xô vẫn thúc đẩy sự mở rộng của chủ nghĩa cộng sản bằng cách ủng hộ các phong trào cánh tả, các phong trào đấu tranh của công nhân ở các nước Tây Âu. Một tháng sau, để đáp trả, Winston Churchill (lúc này không còn là thủ tướng, nhưng vẫn là một nhân vật có tiếng nói mạnh mẽ trong chính trị Anh) đưa ra ý kiến phản bác lại Stalin, và sự thành lập "Bức màn Sắt" là một biểu tượng cho sự chia cắt giữa hai hệ tư tưởng đối nghịch nhau ở châu Âu lúc này. Churchill cũng kêu gọi Mỹ tiếp tục ngăn chặn Stalin lôi kéo các nước khác ở châu Âu theo chủ nghĩa cộng sản, điều mà ông gọi là Bức màn sắt, nơi chủ nghĩa cộng sản đang ngự trị ở phía Đông châu Âu. Chính sách chống Cộng của Mỹ, bắt đầu Chiến tranh Lạnh Sau một bài phân tích của George Kennan, một nhà chính trị Mỹ ở Moskva, nội dung chủ yếu là chủ nghĩa cộng sản không thể bị đánh đổ một cách nhanh chóng, Mỹ thừa nhận việc các nước Đông Âu sẽ thuộc về tầm ảnh hưởng của Liên Xô. Nhưng đồng thời, Mỹ cũng thúc giục những hành động nhằm loại bỏ chủ nghĩa cộng sản khỏi Tây Âu, kể cả ở Liên Xô. Ngày 12 tháng 3 năm 1947, Tổng thống Harry S. Truman đã tuyên bố Mỹ sẽ tích cực hỗ trợ việc chống lại các phong trào cộng sản chủ nghĩa, đây là chính sách chính thức của ngoại giao Hoa Kỳ được gọi là Học thuyết Truman. Tổng thống Truman tuyên bố rằng: "Hầu như mọi quốc gia đều phải chọn những cách sống khác nhau. Và sự lựa chọn thường không phải là một sự lựa chọn tự do. Một cách là dựa vào ý muốn của số đông... Cách thứ hai là dựa vào ý muốn của số ít một cách bắt buộc... Tôi tin tưởng rằng các đường lối của Mỹ là ủng hộ những con người tự do, những người đang chống lại sự phụ thuộc theo số ít (có vũ trang) hoặc bằng áp lực. Tôi tin tưởng rằng chúng ta phải giúp đỡ những con người tự do để họ quyết định số phận của mình bẳng những cách riêng của họ." Dựa vào học thuyết Truman, Hoa Kỳ đã đem quân can thiệp vào tình hình chiến sự của một loạt các quốc gia khác trên thế giới: ủng hộ phe bảo hoàng trong nội chiến Hy Lạp, ủng hộ Nam Triều Tiên chống lại cuộc tấn công của Bắc Triều Tiên trong chiến tranh Triều Tiên, ủng hộ thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam trong chiến tranh Đông Dương, và cho quân viễn chinh tham chiến trong chiến tranh Việt Nam. Để thi hành chính sách chống lại các phong trào cộng sản chủ nghĩa, Hoa Kỳ đã ủng hộ cả các chính quyền độc tài quân phiệt, miễn là chính quyền đó có tư tưởng chống Cộng. Từ năm 1951, Mỹ đã coi chính quyền phát xít Tây Ban Nha là một trong số các đồng minh vì chính sách chống cộng quyết liệt của chính quyền này (dù Mỹ luôn lên án chủ nghĩa phát xít). Trong vòng một thập kỷ tiếp đó, một số lớn viện trợ được chuyển cho Tây Ban Nha Mỹ cũng như viện trợ chiến phí cho thực dân Pháp quay trở lại xâm chiếm Việt Nam, thực dân Hà Lan quay trở lại xâm chiếm Indonesia với mục đích ngăn chặn các chính quyền cộng sản lên nắm quyền ở những quốc gia này. Tới năm 1954, 80% chiến phí của quân Pháp ở Việt Nam là do Mỹ chi trả. Chính sách Truman về mặt kinh tế không chỉ được thực hiện ở châu Âu. Trong trường hợp Trung Quốc, Hoa Kỳ đã giúp đỡ các lực lượng chủ nghĩa dân tộc Quốc dân Đảng của Tưởng Giới Thạch trong cuộc nội chiến với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Vào năm 1949, Đảng Cộng sản do Mao Trạch Đông lãnh đạo đã giành thắng lợi trong cuộc nội chiến, khiến cho hệ thống xã hội chủ nghĩa được nối liền từ châu Âu sang châu Á. Ngày 18/6/1948, Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ thông qua chỉ thị bí mật 10/2 nhằm phê chuẩn các kế hoạch đặc biệt chống lại phong trào cộng sản, Frank Wisner đã được giao trọng trách là người lập kế hoạch và tiến hành cuộc chiến bí mật trên. Dưới sự bảo trợ của các nhân vật có ảnh hưởng như Forrestal, Kennan và sau đó là Allen Dulles, Wisner đã liên tục triển khai nhiều chiến dịch chống Cộng. Các điệp viên Mỹ tại khu vực do Liên Xô kiểm soát tại Đức đã tổ chức nhiều hoạt động quy mô gây bất ổn tại Berlin. Hàng ngàn người di cư từ Liên Xô, các nước Đông Âu, Trung Quốc và Triều Tiên được Mỹ huấn luyện và trang bị vũ khí, trước khi tung trở lại quê hương để hoạt động chống phá; triển khai nhiều kho vũ khí bí mật tại các nước châu Âu và Trung Đông để sẵn sàng cho mục đích phá hoại, nổi dậy sau này. CIA còn dựng lên "Đài phát thanh châu Âu tự do" phát bằng tất cả những thứ tiếng của các quốc gia đối địch. Nhà lý luận chính trị, giáo sư Noam Chomsky cho rằng các phong trào cộng sản và xã hội chủ nghĩa trở thành phổ biến ở các nước nghèo bởi vì họ đã mang đến những cải thiện về sự bình đẳng, phúc lợi xã hội và kinh tế quốc gia tại những nước họ lên nắm quyền. Điều này khiến chính phủ Mỹ lo ngại với lập luận "Nếu tại một đất nước nhỏ bé và nghèo nàn như Grenada, phong trào cộng sản có thể thành công trong việc mang về một cuộc sống tốt hơn cho người dân, một số nước khác sẽ tự hỏi: Tại sao chúng ta lại không thể?" Nếu không dập tắt ngay các phong trào này, thì các nước khác cũng sẽ học theo và nổi dậy chống lại Mỹ, khi đó quyền lực của nước Mỹ trên thế giới sẽ suy yếu nghiêm trọng. Do đó, Mỹ đã có rất nhiều nỗ lực để đàn áp các "phong trào cách mạng nhân dân" ở Chile, Việt Nam, Nicaragua, Iran, Cuba, Lào, Grenada, El Salvador, Guatemala... Chomsky đề cập đến điều này như là "mối đe dọa của một ví dụ tốt." Chiến tranh Lạnh được "hâm nóng" Vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki là một sự kiện rất quan trọng trong Chiến tranh thế giới thứ hai và trong Chiến tranh Lạnh. Quan trọng ở chỗ nó mở ra một thời kỳ nguyên tử với sự xuất hiện của vũ khí tàn phá lớn. Nó cũng mở ra cuộc chạy đua về công nghệ nguyên tử gay gắt giữa Mỹ và Liên Xô. Kế hoạch Marshall Sở dĩ Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra cũng là do những kết quả của Chiến tranh thế giới thứ nhất, khi nghèo đói và thiếu ổn định về kinh tế ở các nước châu Âu dẫn tới sự phát triển các tư tưởng cực đoan. Sau Thế chiến II, Mỹ có hai đề án để kiểm soát châu Âu: đề án thành lập Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào năm 1949 để kiểm soát châu Âu về an ninh, và đề án thành lập Liên minh châu Âu (EU) nhằm kiểm soát châu Âu về chính trị và kinh tế. Về kinh tế, George C. Marshall phác thảo bản Kế hoạch Marshall, ủng hộ sự thành lập các chương trình phục hồi kinh tế cho châu Âu bằng việc tăng cường nền thương mại tự do ở châu Âu sẽ giúp khắc phục các khó khăn, mở thị trường ra khắp thế giới. Trong bài diễn văn ở Đại học Harvard vào tháng 6 năm 1947, Marshall phát biểu: "Đây là một điều logic khi nước Mỹ nên làm bất cứ điều gì nó có thể để giúp đỡ nền kinh tế thế giới, đem lại trạng thái lành mạnh cho nó. Chính sách của chúng ta không chống lại một đất nước hay một chính sách nào khác. Chính sách của chúng ta chống lại nghèo đói, suy sụp, và hỗn loạn..." Cùng với Chính sách Truman, Kế hoạch Marshall nhấn mạnh sự tự do trong kinh tế và sự viện trợ của Mỹ sẽ khắc phục các khó khăn lúc bấy giờ của châu Âu. Kế hoạch Marshall đã cung cấp khoản viện trợ ban đầu trị giá 4 tỉ đô la cho các nước Tây Âu. Đến khi kế hoạch này kết thúc hồi cuối năm 1951, hơn 12 tỉ đô la đã được đóng góp. Năm 1948, Ủy ban Mỹ phụ trách châu Âu được thành lập do William Donovan đứng đầu, cấp phó của William Donovan trong ủy ban này là Allen Dulles, về sau trở thành Giám đốc Cục tình báo Mỹ (CIA). Kế hoạch Marshall cũng là một phần trong kế hoạch chính trị của Mỹ nhằm tăng cường sự ảnh hưởng của Mỹ đối với các nước Đồng minh Tây Âu và chống lại Liên Xô, cũng như để tạo thuận lợi cho việc kinh doanh của các tập đoàn đa quốc gia Mỹ tại Tây Âu. Để phục vụ mục đích này, Mỹ đã viện trợ kinh tế cho cả chính quyền phát xít Tây Ban Nha, cũng như viện trợ chiến phí cho thực dân Pháp, thực dân Hà Lan quay trở lại xâm chiếm Đông Nam Á. Tuy vậy, nó cũng tạo lợi ích cho kinh tế các nước Tây Âu, giúp các nước này hồi phục kinh tế. Trong những năm từ 1948 đến năm 1952, các nước Tây Âu phát triển nhanh. Tình trạng nghèo đói cùng cực sau chiến tranh đã kết thúc. Tây Âu bước vào một thời kỳ tăng trưởng nhanh kéo dài hai thập kỷ, cho phép chất lượng cuộc sống được cải thiện nhanh. Viện trợ từ Kế hoạch Marshall cũng giúp các quốc gia Tây Âu nới lỏng các biện pháp khắc khổ và chế độ phân phối, giảm thiểu bất mãn và mang lại ổn định chính trị. Ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản tại Tây Âu bị giảm sút mạnh mẽ, trên toàn khu vực, các đảng cộng sản Tây Âu mất dần sự ủng hộ của dân chúng trong những năm tiếp theo của Kế hoạch Marshall. Trong khi đó Stalin ngăn chặn không cho phép các nước Đông Âu tham gia kế hoạch này, ông coi kế hoạch này là mối đe dọa nghiêm trọng cho sự kiểm soát của Liên Xô với khối Đông Âu, và tin rằng nó sẽ khiến chủ nghĩa tư bản nổi lên ở các quốc gia Đông Âu. Để đáp trả, Liên Xô đã thiết lập COMECON như một lời cự tuyệt cho Kế hoạch. Sự phục hồi kinh tế ở các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu diễn ra chậm hơn so với Tây Âu, và nền kinh tế đã không bắt kịp với các nước Tây Âu, dẫn đến khoảng cách giàu nghèo giữa Đông và Tây Âu. Kế hoạch Marshall nhìn chung nhận được phản ứng tích cực, nhưng cũng nhận phải một số chỉ trích. Noam Chomsky, một học giả cánh tả có xu hướng chống chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân, trong một bài viết đã cáo buộc rằng số tiền mà người Mỹ viện trợ cho Pháp và Hà Lan đã được những quốc gia này sử dụng cho những cuộc xâm chiếm quân sự của họ ở Đông Nam Á. George McTurnan Kahin cho rằng Hà Lan đã sử dụng một phần lớn số viện trợ để tái chiếm Indonesia trong Chiến tranh giành độc lập Indonesia. Noam Chomsky cho rằng kế hoạch Marshall có căn nguyên là để "thiết lập nền móng cho các công ty xuyên quốc gia lớn của Mỹ", qua đó tăng cường sự khống chế kinh tế Tây Âu của các tập đoàn tư bản Mỹ Ludwig von Mises thì tin rằng "Sự trợ cấp của Mỹ khiến cho các chính phủ châu Âu có thể che giấu phần nào các ảnh hưởng tai hại của các chính sách mang tính xã hội mà họ thực hiện." Ông cũng chỉ trích viện trợ nước ngoài cho Tây Âu, rằng nó tạo ra kẻ thù ý thức hệ, bóp nghẹt nền kinh tế tự do mà thay vào đó là sự lệ thuộc vào nguồn viện trợ Mỹ. Một số chỉ trích khác cho rằng Kế hoạch Marshall thực chất là một bản giao kèo, theo đó Mỹ sẽ giúp đỡ tài chính và kinh tế cho các nước châu Âu để đổi lại sự nhượng bộ chính trị đối với Mỹ của các quốc gia trên châu lục này. Theo đó, Mỹ có quyền tác động vào các cuộc bầu cử quốc hội và thành lập chính phủ các nước châu Âu, đồng thời vô hiệu hóa vai trò của Tổng thống Pháp vào thời điểm đó là Tướng Charles de Gaulle, một người đi theo chủ nghĩa dân tộc độc lập, và đưa các chính khách thân Mỹ lên nắm quyền ở các nước châu Âu. Mục tiêu chủ yếu của Đề án này là từng bước khiến các nước châu Âu từ bỏ chủ quyền quốc gia, và thay vào đó là một trung tâm kiểm soát châu Âu nằm dưới sự kiểm soát của Mỹ. Viện trợ cho Tây Berlin Hiểu rằng Stalin sẽ không bao giờ đồng ý việc thống nhất nước Đức trong khi phải nhân nhượng phe Đồng minh phương Tây, ba nước Đồng minh Tư bản phương Tây là Anh-Pháp-Mỹ quyết định nhập ba vùng phụ thuộc vào, thành lập Cộng hòa Liên bang Đức (không phải Cộng hòa Liên bang Đức ngày nay), hay còn gọi là Tây Đức. Liên Xô thành lập Cộng hòa Dân chủ Đức, hay Đông Đức, dười sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Đức. Thủ đô của Đức – Berlin - tuy nằm trong lãnh thổ Đông Đức, bị chia cắt thành hai: Đông Berlin là thủ đô của Đông Đức và Tây Berlin là lãnh thổ đặc biệt của Tây Đức. Tại 2 vùng có chế độ kinh tế khác hẳn nhau: ở Tây Đức lương công nhân cao hơn, mặt hàng đa dạng hơn, nhưng ở Đông Đức thì có chi phí sinh hoạt rẻ, được miễn phí y tế, giáo dục. Có khoảng 50.000 người Đông Đức, hay còn gọi là Grenzgängers hằng ngày vẫn vượt qua ranh giới 2 vùng, làm việc ở Tây Đức để được nhận mức lương cao hơn, nhưng lại trở về sinh sống và cư ngụ ở Đông Đức do chi phí sinh hoạt rẻ hơn. Với hàng hóa cơ bản, chính phủ Đông Đức trợ cấp cho người dân. Ngược lại, ở Tây Đức có kinh tế thị trường nhiều người bán, nhiều người mua. Tận dụng điều này, thị trường chợ đen phát triển nhanh: người Tây Đức mua lương thực, thực phẩm với giá tương đối rẻ ở Đông Đức, trong khi người Đông Đức mua các hàng hóa tiêu dùng cao cấp mà Đông Đức rất khan hiếm. Để đối phó, Stalin quyết định đóng cửa con đường này và đóng các con đường giao thông vào Tây Berlin. Cuộc bủa vây này gây ra sự thiếu hụt lương thực và đồ tiêu dùng cho 2,5 triệu người ở Tây Berlin. Truman không muốn đe dọa vũ trang để mở lại các mối giao thông vào Tây Berlin mà ông cũng không muốn Tây Berlin rơi vào tay của Liên Xô. Cho nên Truman quyết định các chiến dịch viện trợ cho Tây Berlin bằng cách thả hàng viện trợ xuống từ trên không. Trong vòng 15 tháng, quân đội Anh và Mỹ cung cấp 200.000 chuyến bay cung cấp lương thực, nhiên liệu. Mỗi ngày 13.000 tấn hàng hóa được viện trợ cho Tây Berlin. Tháng 5 năm 1949, Stalin tháo bỏ lệnh phong tỏa Tây Berlin. Chiến dịch viện trợ của liên minh Anh-Mỹ cũng ngừng vào tháng 9 cùng năm. Sự hình thành các khối liên hiệp NATO Liên Hợp Quốc là một ủy ban tín nhiệm trong việc giúp đỡ phục hồi kinh tế các nước trên thế giới. Tuy nhiên, Liên Xô cũng là một thành viên, nhiều chính sách đưa ra bị Liên Xô bác bỏ vì tin rằng nó là con bài cho sự bành trướng của Tư bản Phương tây. 1946, Louis St. Laurent, bộ trưởng bộ ngoại giao Canada đưa ra ý tưởng thành lập một "liên minh chuộng hòa bình" để giúp châu Âu chống lại những sự chi phối của Liên Xô. Các nhà lãnh đạo Mỹ tỏ ra quan tâm đến ý tưởng trên, mặc dù có người không đồng tình, cho rằng việc thành lập một ủy ban như vậy có thể dẫn đến chiến tranh. Tháng 4 năm 1949, Canada, Mỹ tham gia với Bỉ, Anh, Đan Mạch, Pháp, Iceland, Ý, Luxembourg, Hà Lan, Na Uy, Bồ Đào Nha thành lập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (North Atlantic Treaty Organization hay NATO). Sự thành lập liên minh NATO có ý nghĩa lớn trong lịch sử Mỹ, chấm dứt chính sách cô lập của Mỹ đối với các vấn đề châu Âu. Tuy nhiên, việc NATO ra đời khiến Liên Xô rất bất an, bởi việc Mỹ thành lập một liên minh quân sự gồm nhiều nước ngay sát Liên Xô là một mối đe dọa an ninh rất lớn với nước này. Quyền chi phối NATO thuộc về Mỹ, nếu Mỹ huy động quân đội các nước NATO để phát động tấn công Liên Xô, thì Liên Xô sẽ bị bao vây và phải chống đỡ với rất nhiều kẻ thù cùng một lúc. Khối Warszawa Để đáp trả việc NATO ra đời, Liên Xô thành lập khối Hiệp ước Warszawa (Организация Варшавского договора) gồm Liên Xô và các nước đồng minh trong phe xã hội chủ nghĩa ở châu Âu (Albania, Ba Lan, Hungary, Bulgaria, Cộng hoà dân chủ Đức, Tiệp Khắc, Romania). Ngày 31 tháng 3 năm 1954, để giảm căng thẳng ngoại giao giữa 2 bên, Bộ Ngoại giao Liên Xô đề nghị cho nước này gia nhập NATO với điều kiện liên minh này đứng trung lập. Ngày 7 tháng 5 năm 1954, Mỹ, Anh và Pháp bác bỏ đề nghị với lý do việc kết nạp Liên Xô là "không phù hợp với tôn chỉ phòng thủ và dân chủ" của khối. Sự ra đời của NATO và khối Hiệp ước Warszawa đã đánh dấu sự xác lập của cục diện 2 cực, 2 phe. "Chiến tranh lạnh" đã bao trùm toàn thế giới. Liên minh kinh tế Warszawa cũng đồng thời xuất hiện Sự lớn mạnh của chủ nghĩa cộng sản Liên Xô và vũ khí hạt nhân Năm 1949, Liên Xô thành công trong việc chế tạo vũ khí hạt nhân, xóa bỏ thế độc quyền về công nghệ hạt nhân của Hoa Kỳ. Để lấy lại ưu thế, Truman phê chuẩn việc nghiên cứu bom nhiệt hạch tại Hoa Kỳ. Cũng vào thời điểm này, Truman thành lập Ủy ban An ninh Liên bang (Federal Civil Defense Administration) nhằm thành lập các phương tiện truyền thông cho nhân dân về việc đối phó với chiến tranh hạt nhân (thành lập hầm chống bom,...) nhưng thực tế không hiệu quả. Đảng cộng sản Trung Quốc chiến thắng Sau khi chống lại Phát xít Nhật, uy tín của nhà lãnh đạo Đảng cộng sản Mao Trạch Đông lên cao. Mỹ giúp đỡ Tưởng Giới Thạch chống lại Mao Trạch Đông. Nhưng về sau Mỹ chấm dứt viện trợ vì cho rằng sự nắm quyền của Mao Trạch Đông là không thể tránh khỏi. Năm 1949, Đảng Cộng sản Trung Quốc giành thắng lợi, chính quyền Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch buộc phải rút ra đảo Đài Loan. Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập và liên minh với Liên Xô. Tình trạng thù địch tiếp diễn giữa những người Cộng sản trên lục địa và những người Quốc gia ở Đài Loan kéo dài trong suốt cuộc Chiến tranh Lạnh. Dù Hoa Kỳ từ chối giúp đỡ Tưởng Giới Thạch trong hy vọng "khôi phục lục địa" của ông, họ vẫn tiếp tục giúp đỡ Trung Hoa Dân Quốc về quân sự và chuyên gia để ngăn Đài Loan rơi vào tay Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Nhờ sự hỗ trợ của phương Tây (đa phần các nước phương Tây tiếp tục công nhận Trung Hoa Dân Quốc là chính quyền hợp pháp duy nhất của Trung Quốc), Trung Hoa Dân Quốc tại Đài Loan giữ được vai trò đại diện của Trung Quốc tại Liên hiệp quốc cho tới năm 1971, khi Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa giành được vị trí này. Chiến tranh Lạnh và tác động trong lòng nước Mỹ Vào khoảng thời kỳ khủng hoảng kinh tế thế giới, số lượng người Mỹ tham gia vào đảng cộng sản tăng lên, chủ yếu là do suy nghĩ rằng cuộc khủng hoảng trên là điểm yếu, là dấu hiệu sụp đổ của chủ nghĩa tư bản. Một lần nữa, "Nỗi sợ Đỏ" (Red Scare) – sợ những tư tưởng của chủ nghĩa cộng sản - tồn tại trên đất Mỹ. Mối lo sợ những người cộng sản trong chính quyền Mỹ lên cao, điều này dẫn đến những cuộc đàn áp chống cộng mang tính cực đoan, vi phạm hiến pháp và trái với tư tưởng Mỹ từ khi lập quốc. Về đối nội, tại Mỹ đầu thập niên 1950, các thế lực chống cộng cực đoan nắm quyền, McCarthy và J. Edgar Hoover thực hiện các chiến dịch chống cộng gồm theo dõi, phân biệt đối xử, sa thải, khởi tố và bắt giam nhiều người bị xem là đảng viên cộng sản hoặc ủng hộ chủ nghĩa cộng sản. Một bộ phận trong số những nạn nhân bị mất việc, bị bắt giam hoặc bị điều tra quả thật có quan hệ trong hiện tại hoặc trong quá khứ với Đảng Cộng sản Hoa Kỳ. Nhưng đại bộ phận còn lại có rất ít khả năng gây nguy hại cho nhà nước và sự liên quan của họ với người cộng sản là rất mờ nhạt. Chính phủ Mỹ đẩy mạnh tuyên truyền để công chúng nghĩ rằng những người cộng sản là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Truman thành lập những chương trình chống các gián điệp của Liên Xô thâm nhập vào chính quyền của Mỹ... các chương trình này điều tra hàng triệu nhân viên chính phủ, trong đó khoảng vài trăm người bị buộc từ chức. Quốc hội Mỹ cũng có tổ chức riêng để bảo vệ an ninh quốc gia. HUAC (House Un-American Activities Committee - Ủy ban Hạ viện Kiểm Tra Hành Động Bất Hợp Hoa Kỳ) được thành lập năm 1938, giúp điều tra các phần tử không trung thành. Đặc biệt là Hollywood vì Hollywood được cho là có ảnh hưởng mạnh mẽ đến tư tưởng của nhân dân. Chính sách McCarren-Walter: Cùng với Truman và Quốc hội Mỹ, thượng nghị sĩ Pat MacCarren cũng tham gia vào phong trào chống cộng sản ở Mỹ. Tuy nhiên, ông không nhắm tới các công dân Mỹ mà nhắm tới các "phần tử không trung thành" là thành phần nhập cư từ các vùng mà chủ nghĩa cộng sản đang thống trị. Thập niên 1950 Mỹ Latinh Nếu như mục tiêu của Mỹ trong những năm đầu của Chiến tranh Lạnh là ngăn chặn sự lan rộng của chủ nghĩa cộng sản, giai đoạn này Mỹ chủ động hơn với việc "đẩy lùi" chủ nghĩa đó. Tuy nhiên, tổng thống lúc bấy giờ, Dwight D. Eisenhower, muốn tránh các đụng chạm với Liên Xô. Mỹ đã thiết lập các chế độ ủng hộ mình bằng can thiệp quân sự, tài trợ cho phe đối lập hoặc hỗ trợ đảo chính (Mỹ có nhiều đầu tư trục lợi vào kinh tế của các nước Nam Mỹ). Năm 1954, CIA cho rằng những nhà lãnh đạo của Guatemala ủng hộ chủ nghĩa xã hội, và sau đó Mỹ đã lật đổ chính quyền ở đây (Đảo chính Guatemala năm 1954). Chiến dịch tình báo của CIA hỗ trợ cuộc đảo chính này có mật danh là Operation PBSUCCESS. CIA đã tuyển dụng và đào tạo một đơn vị lính đánh thuê nhỏ dưới sự chỉ huy của một người Guatemala lưu vong tên là Carlos Castillo Armas để chiếm đóng Guatemala, với 30 máy bay Mỹ không mang phù hiệu để hỗ trợ đường không. Đại sứ Mỹ Peurifoy chuẩn bị danh sách những người Guatemala cần xử tử. Cuộc đảo chính dẫn tới việc nhà độc tài quân sự Carlos Castillo Armas lên nắm quyền, người đầu tiên trong một loạt các nhà cai trị độc tài được Hoa Kỳ hậu thuẫn ở Guatemala. Cuộc đảo chánh đã bị chỉ trích rộng rãi trên trường quốc tế và tạo nên tâm lý chống Mỹ lâu dài ở Mỹ Latinh. Cố gắng bào chữa cho cuộc đảo chính, CIA đã khởi động Operation PBHISTORY, tìm kiếm bằng chứng về ảnh hưởng của Xô viết ở Guatemala, nhưng bị thất bại. Castillo Armas nhanh chóng thể hiện quyền lực độc tài, cấm phe đối lập, giam giữ và tra tấn các đối thủ chính trị, và đảo ngược các cải cách xã hội của Cách mạng. Gần bốn thập kỷ của cuộc nội chiến tiếp theo, những du kích cánh tả đã chiến đấu với một loạt các chế độ độc tài thân Mỹ tại Guatemala. Có ít nhất 200.000 người đã bị giết, phần lớn là thường dân. Đỉnh điểm của cuộc chiến là chiến dịch diệt chủng ở Ixil của tổng thống Rios Montt. Vị thế của Mỹ tại Mỹ latinh bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau thắng lợi của Cách mạng Cuba năm 1958 do Fidel Castro lãnh đạo đã lật đổ chế độ độc tài thân Mỹ Fulgencio Batista. Fidel Castro sau đó tuyên bố đưa Cuba đi theo con đường xã hội chủ nghĩa. Đây dược coi là một chiến thắng của Liên bang Xô viết, với việc họ có được một đồng minh chỉ cách vài dặm từ bờ biển Hoa Kỳ. Châu Á Trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai, Triều Tiên chịu sự cai trị của Phát xít Nhật. Sau khi Nhật thua trận, theo thỏa thuận giữa 2 bên, Liên Xô tiến quân vào miền Bắc, còn Mỹ tiến quân vào miền Nam Triều Tiên. Tại mỗi vùng đã thành lập riêng rẽ 2 nhà nước khác nhau. Bắc Triều Tiên theo chế độ xã hội chủ nghĩa được Liên Xô hậu thuẫn và Nam Triều Tiên theo đường lối tư bản chủ nghĩa được Mỹ ủng hộ. Hai miền lấy vĩ tuyến 38 làm ranh giới tạm thời. Năm 1949, Mỹ và Liên Xô rút khỏi Triều Tiên. Theo kế hoạch thì sẽ thành lập chính phủ chung trên cả nước, nhưng Chính phủ 2 miền không công nhận lẫn nhau, và đều tuyên bố mình là chính phủ hợp pháp duy nhất của toàn nước Triều Tiên. Sau các căng thẳng ngày càng tăng giữa 2 miền Triều Tiên, tháng 6 năm 1950, Quân đội Bắc Triều Tiên của Kim Nhật Thành tấn công Nam Triều Tiên. Sợ rằng nước Triều Tiên cộng sản dưới sự lãnh đạo của Kim Nhật Thành có thể đe doạ Nhật Bản và cổ vũ các phong trào cách mạng cộng sản khác ở châu Á, Truman ra lệnh cho các lực lượng Hoa Kỳ và với sự giúp đỡ của Liên hiệp quốc phản công lại cuộc tấn công từ Bắc Triều Tiên. Người Liên Xô tẩy chay các cuộc gặp của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc và phản đối việc Hội đồng không giao ghế cho Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa và vì thế đã không thể phủ quyết việc Hội đồng thông qua hành động của Liên hiệp quốc phản đối cuộc tấn công của Bắc Triều Tiên. Một lực lượng phối hợp của Liên hiệp quốc với các quân nhân của Nam Triều Tiên, Hoa Kỳ, Anh Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada, Australia, Pháp, Philippines, Hà Lan, Bỉ, New Zealand và các nước khác cùng ngăn chặn cuộc tấn công. Trung Quốc sau đó cũng đã đem quân hỗ trợ Bắc Triều Tiên, khiến cho chiến sự leo thang quyết liệt. Một thoả thuận ngừng bắn được thông qua vào tháng 7 năm 1953, tuy vậy bán đảo Triều Tiên vẫn bị chia cắt cho đến ngày nay dù 2 miền Triều Tiên đang nỗ lực xây dựng nền hòa bình lâu dài và bền vững mà tái thống nhất đất nước họ lại thành 1 chính quyền trung ương duy nhất ở tại xứ sở và dân tộc này. Việt Nam Eisenhower lên nhậm chức sau khi kết thúc Chiến tranh Triều Tiên. Mỹ viện trợ Pháp trong việc tái xâm lược các thuộc địa của họ ở Đông Dương, trong đó có Việt Nam. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nối dậy kháng chiến và cuối cùng đã đánh bại Pháp năm 1954. Sau khi Pháp thất bại, Hoa Kỳ nhảy vào thế chân, lập nên chế độ Việt Nam Cộng Hòa nhằm chia cắt Việt Nam. Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN viện trợ cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại miền Bắc và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại miền Nam tiến hành cuộc chiến tranh chống Mỹ, thống nhất đất nước năm 1976. Lào Nội chiến Lào bắt đầu tháng 5 năm 1959 với việc Hoa Kỳ tham gia can thiệp vào tình hình Đông Dương. Trung Đông Mỹ cũng thực hiện những kế hoạch tại các nước Ả Rập với nguồn dầu hỏa trù phú để các nước này không ủng hộ Liên Xô (năm 1952, cố gắng thiết lập lại chính quyền thân Mỹ). Mỹ và Anh đã hậu thuẫn cho vụ đảo chính tại Iran năm 1953 nhằm lật đổ thủ tướng Mosaddegh, người đã dám giành lại quyền kiểm soát ngành khai thác dầu mỏ Iran khỏi tay các nước phương Tây. CIA chi hàng triệu USD để mua chuộc các quan chức và trả cho các băng đảng để gây bạo loạn trên đường phố Tehran. Mossadegh cuối cùng cũng bị lật đổ và vua Shah (Mohammed Reza Pahlevi) trở về nắm quyền. Với sự ủng hộ mạnh mẽ từ phía Anh và Mỹ, triều đình Shah trao cho phương Tây các ngành công nghiệp Iran và đàn áp phe đối lập trong tầng lớp tăng lữ Hồi giáo Shia và những người ủng hộ dân chủ. Chế độ của Shah bị nhân dân căm ghét: Quần chúng nhận thức rằng Shah chịu ảnh hưởng lớn - nếu không nói là con rối - của thế lực phi Hồi giáo phương Tây (Hoa Kỳ), rằng văn hóa hưởng thụ Hoa Kỳ đang làm ô uế đất nước Iran; rằng chế độ của Shah quá thối nát và ngông cuồng. Tất cả dẫn tới cuộc cách mạng Iran năm 1979. 1957, Eisenhower tuyên bố Chính sách Eisenhower, trong đó nói lên rằng Mỹ sẽ dùng vũ trang để "bảo vệ nền tự chủ của một quốc gia hay một nhóm quốc gia ở Trung Đông trước sự đe dọa của các thái độ thù nghịch". Tới cuối thập niên 1950, Tình báo Mỹ đã tiến hành hơn 200 chiến dịch bí mật ở nước ngoài, chủ yếu là can thiệp vào các tiến trình chính trị tại các quốc gia độc lập có xu hướng ủng hộ chủ nghĩa xã hội. Trong giai đoạn 1948-1982, Mỹ viện trợ tích cực cho Israel tiến hành các cuộc chiến tranh với các nước Ả rập. Israel đã chiếm đóng toàn bộ nước láng giềng Palestine, có những giai đoạn còn chiếm đóng một phần lãnh thổ Ai Cập và Syria. Sự kiện Hungary năm 1956 Sau thế chiến II Hungary trở thành một nhà nước theo thể chế Xã hội chủ nghĩa, dưới sự lãnh đạo chuyên chính khắt khe của Thủ tướng Rákosi Mátyás.. Dưới sự lãnh đạo của Mátyás, chính phủ Hungary trở thành một trong những chính phủ hà khắc nhất ở châu Âu. Trước những chính sách sai lầm của chính phủ Mátyás, nhân dân Hungary trở nên tức giận. Sự từ chức của Mátyás vào tháng 7 năm 1956 đã khuyến khích sinh viên, các nhà văn và nhà báo trở nên sôi nổi và mạnh dạn chỉ trích chính trị hơn. Trong buổi chiều ngày 23 tháng 10 năm 1956, gần 20.000 người biểu tình Hungary đưa ra một danh sách Các yêu cầu của Cách mạng Hungary năm 1956, gồm cả việc bầu cử tự do, các hội đồng độc lập và điều tra các hành động của Stalin và Rákosi tại Hungary. Theo lệnh của Bộ trưởng quốc phòng Liên Xô Georgy Zhukov, xe tăng Liên Xô tiến vào Budapest, nhưng lính Liên Xô có lệnh không được nổ súng Những người biểu tình tấn công vào Toà nhà nghị viện, khiến chính phủ phải sụp đổ.. Chính phủ mới của Imre Nagy lên nắm quyền lực trong cuộc cách mạng đã giải tán cảnh sát mật Hungary, đồng thời tuyên bố ý định rút khỏi Khối hiệp ước Warsaw và cam kết chính sách bầu cử mới. Bạo động nhanh chóng lan ra khắp Hungary, hàng nghìn người tự tổ chức thành các nhóm vũ trang, họ lùng tìm và giết hại các thành viên của Cảnh sát an ninh nhà nước (ÁVH) và binh lính Liên Xô. Các biểu tượng của chủ nghĩa cộng sản như sao đỏ và các tượng đài tưởng niệm chiến tranh Xô-Đức bị tháo bỏ, và những cuốn sách về chủ nghĩa Cộng sản bị đốt cháy. Những người cộng sản ủng hộ Liên Xô và các thành viên ÁVH thường bị các nhóm vũ trang này hành quyết hay bỏ tù, trong khi những trại giam bị phá và tù nhân được trang bị vũ khí. Nhiều đội vũ trang tự phát nổi lên, như nhóm 400 tay súng do József Dudás chỉ huy, chuyên tấn công hay giết hại những người có thiện cảm với Liên Xô và các thành viên ÁVH.. Một cuộc ngừng bắn được thu xếp ngày 28 tháng 10, và tới ngày 30 tháng 10 hầu hết quân đội Liên Xô đã rút khỏi Budapest về các trại đồn trú ở vùng nông thôn Hungary. Sau một số cuộc tranh luận, ngày 30 tháng 10 Ban lãnh đạo Liên Xô quyết định không lật đổ chính phủ mới của Hungary. Tuy nhiên sau sự kiện những người phản kháng có vũ trang tấn công biệt đội ÁVH bảo vệ các trụ sở của Đảng Công nhân Lao động Hungary tại Budapest ở Köztársaság tér (Quảng trường Cộng hoà) nhằm trả thù cho những vụ bắn súng vào người biểu tình bởi ÁVH tại thành phố Mosonmagyaróvár Bộ chính trị Liên Xô chuyển sang lập trường trấn áp cuộc cách mạng với một lực lượng lớn của Liên Xô tiến vào Budapest và các vùng khác của nước này. Ước tính có khoảng 200.000 người bỏ trốn khỏi Hungary, khoảng 26.000 người Hungary bị chính phủ mới của János Kádár (một người thân Liên Xô) đem ra xét xử, trong số đó 13.000 người bị bỏ tù. Imre Nagy bị Tòa án tối cao Hungary tuyên án tử hình cùng với Pál Maléter và Miklós Gimes, sau những phiên toà bí mật tháng 6 năm 1958. Tới tháng 1 năm 1957, chính phủ Hungary đã dập tắt mọi sự đối lập công cộng. Những hành động trấn áp mạnh tay đã khiến nhiều người theo Chủ nghĩa Mác ở phương Tây trở nên xa lánh, tuy vậy nó đã làm tăng cường quyền kiểm soát của các Đảng cộng sản ở mọi quốc gia cộng sản Đông Âu. Động thái của Liên Xô đã khiến nhiều người phương Tây bất ngờ, tuy vậy họ không có hành động gì can thiệp. Việc Hoa Kỳ không hành động đã khiến nhiều người Hungary nổi giận và thất vọng. Chương trình phát thanh của đài Voice of America và những bài phát biểu của Tổng thống Dwight D. Eisenhower và Ngoại trưởng John Foster Dulles trước đó đã gợi ý rằng Hoa Kỳ ủng hộ việc "giải phóng người dân bị giam cầm" ở các nước cộng sản. Tuy nhiên, khi Liên Xô trấn áp người biểu tình ở Hungary, Hoa Kỳ đã không làm gì ngoài việc đưa ra những tuyên bố công khai bày tỏ sự thông cảm với hoàn cảnh của họ. Khủng hoảng kênh đào Suez 1956 Liên quân Vương quốc Anh, Pháp, Israel (với sự hậu thuẫn của Mỹ) tấn công vào lãnh thổ Ai Cập, bắt đầu từ ngày 29 tháng 10 năm 1956. Cuộc tấn công diễn ra sau quyết định của Ai Cập về việc quốc hữu hóa kênh đào Suez, và việc Ai Cập công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (một quốc gia xã hội chủ nghĩa) trong thời kỳ đỉnh điểm căng thẳng giữa Trung Quốc và Đài Loan. Liên minh giữa ba quốc gia, đặc biệt là Israel, đã khá thành công trong việc tạm chiếm kênh đào Suez, nhưng Liên Xô đe dọa can thiệp quân sự để cứu nguy cho Ai Cập, nếu liên quân không chịu rút lui. Lo ngại chiến tranh leo thang thành cuộc thế chiến mới, Mỹ đe dọa cấm vận kinh tế Israel, cắt nguồn cung dầu cho Anh nếu họ không rút khỏi khu vực Sinai, đây là điều gây bất ngờ cho Israel, Anh và Pháp, bởi Mỹ vốn là đồng minh của họ. Tổn thất về chính trị với Anh, Pháp và Israel sau chiến dịch quân sự này là cực kỳ lớn. Quan hệ Anh - Mỹ bị tổn hại nghiêm trọng, trong khi vị thế Liên Xô được tăng cường tại Trung Đông như là một người bảo vệ cho các nước Ả Rập khỏi chủ nghĩa thực dân phương Tây. Thủ tướng Anh Anthony Eden từ chức, Israel miễn cưỡng rút quân. Tổng thống Ai Cập Nasser không bị lật đổ và trở thành anh hùng trong thế giới Arab, và kênh đào Suez vẫn thuộc về Ai Cập. Thập niên 1960 Sự kiện vịnh con Lợn và cuộc Khủng hoảng tên lửa Cuba Hy vọng lặp lại thành công ở Guatemala và Iran năm 1961, CIA viện dẫn cuộc di tản quy mô lớn tới Hoa Kỳ sau khi Castro lên nắm quyền, đã huấn luyện và trang bị một nhóm vũ trang là người Cuba lưu vong đổ bộ xuống Vịnh con Lợn, nơi họ tìm cách tạo ra một cuộc nổi dậy chống chế độ Castro. Không quân Mỹ cũng tham gia ném bom trong sự kiện này, làm khoảng 2000 - 4000 thường dân Cuba thiệt mạng. Tuy nhiên, cuộc tấn công đã thất bại nặng nề. Sau đó, Castro công khai tuyên bố ông là một người Marxist - Leninist và tạo lập Cuba trở thành nhà nước Cộng sản đầu tiên tại châu Mỹ và tiếp tục quốc hữu hoá các ngành công nghiệp chính của đất nước. Chính phủ Liên Xô nắm lấy cơ hội từ cuộc xâm lược bất thành như một lý lẽ để thuyết phục Fidel cho phép quân đội Liên Xô đóng quân ở Cuba. Họ cũng quyết định đặt các tên lửa hạt nhân tầm trung ở Cuba, các tên lửa này đủ gần để có thể tấn công và hủy diệt lãnh thổ Hoa Kỳ. Liên Xô coi việc đặt các hệ thống tên lửa hạt nhân tại Cuba là một cách để đáp trả lại việc Mỹ bố trí các hệ thống tương tự tại Thổ Nhĩ Kỳ. Để trả đũa, Tổng thống John F. Kennedy phong tỏa biển Caribe và lên kế hoạch tấn công Cuba, cả thế giới trở nên lo sợ trước nguy cơ về một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba. Sau nhiều ngày căng thẳng, người Liên Xô quyết định rút tên lửa về nước, đổi lại Hoa Kỳ cam kết sẽ không xâm lược Cuba đồng thời rút các tên lửa của họ khỏi Thổ Nhĩ Kỳ. Sau cuộc chạm trán suýt nữa đã khiến thế giới xảy ra chiến tranh hạt nhân này, hai vị lãnh đạo đã cấm các vụ thử hạt nhân trong không trung và dưới mặt nước sau năm 1962. Người Liên Xô cũng bắt đầu một chiến dịch xây dựng lại quân đội trên diện rộng. Sự rút lui đã làm ảnh hưởng tới vị trí của Khrushchev, và ông nhanh chóng bị loại bỏ sau đó và được thay thế bởi Leonid Brezhnev. Khủng hoảng Berlin năm 1961 Mặc dù Đông Đức tăng cường canh giữ biên giới và hạn chế đi lại đối với công dân của mình, nhưng vẫn có hơn 3 triệu người Đông Đức trốn sang Tây Đức từ năm 1945 đến năm 1961, hầu hết trong số họ đi qua biên giới giữa hai thành phố Đông Berlin (Đông Đức) và Tây Berlin (Tây Đức). Số người bỏ trốn này chiếm gần 1/5 dân số của Đông Đức khi đó, và chủ yếu là người trẻ, năng động và có học thức. Do đó việc di dân này là mối đe dọa cho sức mạnh kinh tế của Đông Đức và cuối cùng là cho sự tồn tại của quốc gia này Tháng 6, Liên Xô bất ngờ yêu cầu quân Đồng Minh rút ra khỏi Tây Berlin . Yêu cầu đã bị bác bỏ, vào ngày 13 tháng 8, Đông Đức đã đóng cửa biên giới giữa 2 thành phố Đông và Tây Berlin đồng thời dựng lên một hàng rào dây thép gai, về sau được mở rộng thành Bức tường Berlin nhằm ngăn chặn dòng người di cư sang phía tây . Bức tường đã chia cắt phần Tây Berlin với phần phía đông của thành phố và chia cắt với lãnh thổ của nước Cộng hòa Dân chủ Đức bao bọc chung quanh Tây Berlin. Bức tường này là một trong những biểu tượng nổi tiếng nhất của cuộc Chiến tranh Lạnh và của việc chia cắt nước Đức, vì vậy người dân Tây Đức đã gọi nó là "Bức tường ô nhục". Một cuộc chạm trán trực tiếp có vẻ nguy hiểm giữa quân đội Mỹ và Xô Viết xảy ra vào ngày 27 tháng 10 năm 1961 tại Checkpoint Charlie trên đường Friedrich (Friedrichstraße) khi 10 chiếc tăng mỗi bên đã đỗ đối diện nhau ngay trước vạch ranh giới. Thế nhưng vào ngày hôm sau cả hai nhóm tăng đều được rút về. Cả hai phe đều không muốn vì Berlin mà cuộc Chiến tranh Lạnh sẽ leo thang hay cuối cùng là đi đến một thế chiến thứ 3. Mùa xuân Praha Khi Alexander Dubček lên nắm quyền lực ở Tiệp Khắc, ông đã tiến hành một loạt các biện pháp nhằm phi tập trung hóa nền kinh tế và cải cách chính trị đất nước. Các quyền tự do được trao gồm nới lỏng các hạn chế với truyền thông, ngôn luận và đi lại . Dubček cũng tuyên bố rút Tiệp Khắc ra khỏi khỏi Khối hiệp ước Warszawa. Những cuộc cải cách diễn ra tại Tiệp Khắc đã không được Liên Xô ủng hộ, và một số lãnh đạo thân Liên Xô trong Đảng Cộng sản Tiệp Khắc (gồm Biľak, Švestka, Kolder, Indra, và Kapek) cũng phản đối Dubček, họ đã gửi một yêu cầu tới chính phủ Liên Xô đề nghị can thiệp Sau những cuộc đàm phán không thành công, Liên Xô đã gửi hàng nghìn quân của Khối hiệp ước Warszawa cùng xe tăng tấn công vào Tiệp Khắc Cuộc tấn công được tiến hành theo Học thuyết Brezhnev, một chính sách buộc các quốc gia Khối Đông Âu gắn kết lợi ích quốc gia vào lợi ích của Khối như một tổng thể và thực thi quyền can thiệp của Xô viết nếu một quốc gia thuộc khối có biểu hiện đi theo tư bản chủ nghĩa. Lãnh đạo Tiệp Khắc ra lệnh không kháng cự nên sự kiện này diễn ra ít đổ máu, nhưng cuộc tấn công dẫn tới một làn sóng di cư gồm khoảng 70.000 người Séc trong giai đoạn đầu, và tổng thể sau đó lên tới 300.000 người đã chạy sang nước khác. Cuối cùng Dubček bị lật đổ và Gustáv Husák, người thay thế Dubček và cũng trở thành Chủ tịch nước, đã đảo ngược hầu hết các biện pháp cải cách tiến bộ của ông. Sự kiện ở Praha xảy ra đã làm nhiều người cánh tả ở phương Tây có quan điểm Mác - Lenin thất vọng với Liên Xô. Nó góp phần vào sự phát triển của các ý tưởng của chủ nghĩa Cộng sản Tây Âu trong các đảng cộng sản phương Tây, các đảng này tách xa khỏi Liên Xô và thi hành các đường lối đấu tranh riêng tại quốc gia của họ. Chia rẽ Trung-Xô Cuộc Đại nhảy vọt của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa và các chính sách dựa trên nông nghiệp thay vì công nghiệp nặng của nước này thách thức mô hình chủ nghĩa xã hội kiểu Liên xô và những dấu hiệu của ảnh hưởng Xô viết lên các nước Xã hội chủ nghĩa. Khi quá trình "phi Stalin hoá" diễn ra ở Liên xô, nhà sáng lập cách mạng Trung Quốc, Mao Trạch Đông, lên án "chủ nghĩa xét lại" của Liên xô. Người Trung Quốc cùng dẫn bất đồng với việc luôn chỉ có vai trò thứ hai trong thế giới cộng sản. Trong thập niên 1960, một sự chia rẽ công khai xuất hiện giữa hai cường quốc; những căng thẳng đã dẫn tới một loạt các cuộc xung đột dọc theo biên giới Trung-Xô. Mỹ Latinh Mỹ ủng hộ cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống João Goulart tại Brazil và lập lên một chính phủ thân Mỹ tại đây. Năm 1965, Mỹ đưa quân vào Dominica để tấn công Đảng Cách mạng Dominican và Đảng Cách mạng 14 tháng 6 khi hai đảng cánh tả này đang tổ chức biểu tình chống chính quyền quân sự thân Mỹ. Từ năm 1962, Mỹ can thiệp vào cuộc Nội chiến Guatemala bằng việc hỗ trợ chính phủ độc tài quân sự của nước này chống lại các lực lượng nổi dậy cánh tả. Các nhóm nổi dậy này về sau đã nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình từ Cuba và Nicaragua. Cuộc nội chiến đã kéo dài hàng chục năm, gây nên những tổn thất to lớn cho đất nước Guatemala. Có ít nhất 200.000 người đã bị giết trong cuộc nội chiến, phần lớn là thường dân. Đỉnh điểm của cuộc chiến là chiến dịch diệt chủng ở Ixil của tổng thống Rios Montt. Châu Á Mỹ và Phương Tây đã ủng hộ các lực lượng chống cộng ở Indonesia trong chiến dịch thảm sát hơn 500.000 người cộng sản từ năm 1965 đến năm 1966. Một bản báo cáo của CIA năm 1968 đã xếp cuộc thanh trừng chống Cộng này vào một trong số những vụ thảm sát đẫm máu nhất thế kỷ 20. Vào năm 1967, Mỹ ủng hộ Israel trong cuộc Chiến tranh Sáu Ngày với các nước Ả Rập được Liên Xô hậu thuẫn. Kết thúc cuộc chiến, Israel đã mở rộng được đáng kể lãnh thổ của họ, giành được quyền kiểm soát vùng Đông Jerusalem, dải Gaza, bán đảo Sinai, Bờ Tây và cao nguyên Golan. Tổng thể, lãnh thổ Israel rộng ra gấp ba lần, bao gồm cả một triệu người Ả Rập nay bị đặt dưới quyền kiểm soát của Israel trong các lãnh thổ mới chiếm được. Châu Phi Vào năm 1960, đã từng có một tổng thống cánh tả nổi bật ở Ghana là Kwame Nkrumah. Ông là thủ tướng dưới thời người Anh cai trị từ năm 1952 đến 1960, khi Ghana độc lập thì ông trở thành tổng thống. Đó là một người xã hội chủ nghĩa, với tư tưởng chống đế quốc, vào năm 1965 ông viết một cuốn sách lấy tên là "Chủ nghĩa thực dân mới: Giai đoạn cuối cùng của chủ nghĩa đế quốc". Nkrumah bị CIA lật đổ trong cuộc đảo chính năm 1966. CIA đã phủ nhận mọi liên quan nhưng báo chí Anh đưa tin có 40 sĩ quan CIA hoạt động tại đại sứ quán Mỹ đã "cung cấp hào phóng cho các kẻ thù bí mật của tổng thống Nkrumah" và công việc của họ "đã được thưởng công đầy đủ". Cựu sĩ quan CIA John Stockwell tiết lộ thêm về vai trò quyết định của CIA trong vụ đảo chính với cuốn sách "In Search of Enemies". Patrice Lumumba, chủ tịch đương nhiệm của phong trào Liên Phi Quốc gia Congo, đã tham gia vào quá trình giành độc lập của Congo và trở thành thủ tướng dân cử đầu tiên của Congo năm 1960. Ông ấy bị lật đổ trong cuộc đảo chính được CIA hậu thuẫn của Joseph-Desire Mobutu, vốn là chỉ huy quân đội. Mobutu giao Lumumba cho phe ly khai và lính đánh thuê được Bỉ hậu thuẫn. Lumumba đã chiến đấu ở tỉnh Katanga và bị bắn chết trong một vụ đọ súng với lính đánh thuê Bỉ. Cuộc chạy đua công nghệ giữa Mỹ và Liên Xô Vào giai đoạn này, cuộc chay đua vũ trang giữa Mỹ và Liên Xô trở nên gay gắt và quyết liệt hơn. Vũ khí hạt nhân Đáng đề cập ở đây là sự thành công trong việc điều chế bom nhiệt hạch - hay còn gọi là bom H (với sức công phá có thể đạt gấp 1000 lần bom nguyên tử) của Liên Xô, chưa đầy 1 năm sau khi Mỹ cho nổ thử quả bom H đầu tiên. Trong khoảng 1954-1958, 19 quả bom H được Mỹ thử nghiệm. Đây là sự đe dọa tàn phá toàn cầu bởi vũ khí hạt nhân. Tên lửa liên lục địa Nói chung, Mỹ thua Liên Xô ở công nghệ tên lửa. Liên Xô đã hoàn thành tên lửa liên lục địa (thường chứa đầu đạn hạt nhân) có thể bắn tới Mỹ chỉ trong 30 phút, với công nghệ thời bấy giờ thì Mỹ không thể đánh chặn loại vũ khí này. Lúc này Mỹ vẫn chưa có tên lửa liên lục địa, nếu muốn thâm nhập lãnh thổ của Liên Xô thì các máy bay Mỹ phải bay nhiều giờ và phải vượt qua hàng phòng thủ của Xô Viết với các tên lửa đất đối không. Vào tháng 5 năm 1960, Liên Xô hạ một chiếc máy bay U-2 (máy bay thám thính) của Mỹ trên bầu trời Xô Viết. Công nghệ vũ trụ Vào 4 tháng 10 năm 1957, Liên Xô đã phóng thành công Sputnik 1, vệ tinh nhân tạo đầu tiên vào quỹ đạo Trái Đất, khởi đầu cuộc chạy đua vào vũ trụ. Vì các tiềm năng quân sự và kinh tế, Sputnik đã gây nên hoảng sợ và các tranh luận về chính trị ở Hoa Kỳ, làm cho chính quyền Eisenhower đưa ra một số chương trình, trong đó có cả việc thành lập NASA. Cùng lúc đó, sự kiện Sputnik được nhìn nhận tại Liên Xô như một dấu hiệu quan trọng về khả năng khoa học kỹ thuật của quốc gia. Ở Liên Xô, vụ phóng Sputnik và chương trình thám hiểm vũ trụ kế tiếp đã thu hút được sự ủng hộ của công chúng. Đối với một đất nước chỉ vừa hồi phục sau chiến tranh đó là một điều quan trọng và đầy khích lệ để thấy được sức mạnh khoa học kĩ thuật trong thời đại mới. Liên Xô cũng là nước đầu tiên đưa động vật vào quỹ đạo Trái Đất, con chó tên là Laika (tiếng Anh, "Barker"), đã du hành trong vệ tinh Sputnik 2 của Liên Xô vào năm 1957. Ngày 12 tháng 4 năm 1961, phi hành gia Liên Xô Yuri Gagarin trở thành người đầu tiên của nhân loại bay vào vũ trụ trên chuyến bay kéo dài 1 giờ 48 phút cùng con tàu Vostok 1. Khi hạ cánh ở một nông trang, Gagarin gặp một bà già, anh nói: "Bác đừng hoảng sợ. Con là một người Xô Viết!". Câu nói của Gagarin thể hiện niềm tự hào về đất nước Xô viết, song anh đã trở thành anh hùng - không chỉ ở Liên Xô mà trên toàn thế giới. Tiếp theo đó, Liên Xô cũng đạt được nhiều thành tựu khác: Tiếp sau Gagarin là phi hành gia Gherman Titov với chuyến bay kéo dài 25 giờ, Titov là người đầu tiên ngủ trong không gian vũ trụ. Ngày 16 tháng 6 năm 1963, Valentina Tereshkova là người phụ nữ đầu tiên bay vào vũ trụ. Ngày 18 Tháng 3 năm 1965, phi hành gia Alexei Leonov bước ra khỏi tàu vũ trụ Voskhod 2, trở thành người đầu tiên đi bộ ngoài không gian vũ trụ. Ngày 3 tháng 2 năm 1966, tàu thám hiểm không người lái Luna-9 đã trở thành tàu vũ trụ đầu tiên hạ cánh trên mặt trăng. Ngày 1 tháng 3 năm 1966, Venera 3 của Liên Xô trở thành tàu vũ trụ đầu tiên hạ cánh trên một hành tinh khác - Sao Kim. Ngày 17 tháng 11 năm 1970, Lunokhod 1 đã trở thành chiếc xe tự hành đầu tiên được điều khiển từ Trái Đất để đến một hành tinh khác. Nó đã tiến hành phân tích bề mặt của Mặt Trăng và gửi hơn 20.000 bức ảnh về Trái Đất. Ở Mỹ, song song với việc đầu tư vào công nghệ không gian như phát triển vệ tinh v.v. Mỹ cũng có những kế hoạch bí mật phát triển các khinh khí cầu gián điệp, đĩa bay (Kế hoạch Mogul...) Vệ tinh do thám đầu tiên đã được không quân Hoa Kỳ phóng lên vào tháng 6 năm 1959. Vào ngày 7 tháng 8 năm 1959, vệ tinh Explorer 6 của NASA đã gửi về những bức ảnh đầu tiên của Trái Đất chụp từ ngoài không gian. Hoa Kỳ cũng là nước đầu tiên phóng vệ tinh khí tượng vào vũ trụ, khi vệ tinh TIROS-1 được phóng vào không gian bởi NASA vào ngày 1 tháng 4 năm 1960. Vào tháng 12 năm 1968, Hoa Kỳ dẫn đầu trong cuộc đua lên mặt trăng khi James Lovell, Frank Borman và Bill Anders bay vòng quanh Mặt Trăng. Họ trở thành những người đầu tiên ăn mừng Giáng sinh trong không gian vài ngày sau đó hạ cánh an toàn. Người Mỹ Neil Armstrong trở thành người đầu tiên bước trên bề mặt của Mặt Trăng vào 21 tháng 7 năm 1969. Những bình luận viên xã hội đều công nhận việc hạ cánh lên Mặt Trăng là một trong những khoảnh khắc mang tính biểu tượng nhất của thế kỉ 20, và lời nói của Armstrong trong lần đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng đã được ghi vào lịch sử: "Đây là bước chân nhỏ bé của một con người, nhưng là bước tiến khổng lồ của cả nhân loại" Sau khi cuộc đua lên mặt trăng kết thúc, Liên Xô và Mỹ chuyển sang cạnh tranh trong việc nghiên cứu xây dựng các trạm cư trú lâu dài trong vũ trụ. Ngày 19 tháng 4 năm 1971, trạm không gian Salyut 1 của Liên Xô trở thành Trạm không gian đầu tiên trong lịch sử loài người. Chương trình Salyut có vai trò quan trọng đối với sự phát triển công nghệ các trạm không gian từ cơ bản, giai đoạn phát triển kỹ thuật, từ trạm lắp rắp một cổng đến phức tạp - đa cổng, thành tiền đồn dài hạn trên quỹ đạo với năng lực khoa học ấn tượng, công nghệ này tiếp tục được kế thừa cho đến nay. Bước sang thập niên 1980, cuộc chạy đua vào không gian trở nên chậm lại. Vào ngày 12 tháng 4 năm 1981, Hoa Kỳ đã phóng lên tàu vũ trụ có thể tái sử dụng đầu tiên (tàu con thoi) nhân dịp kỉ niệm 20 năm chuyến bay của Gagarin. Sau cái chết của Korolyov, chương trình không gian của Liên Xô được cấp ít kinh phí hơn, họ chỉ cố gắng duy trì thế cân bằng với Hoa Kỳ. Cách tổ chức không hiệu quả và việc thiếu ngân sách đã làm họ mất đi lợi thế ban đầu trong cuộc chạy đua. Một số quan sát viên cho rằng giá thành của cuộc chạy đua vũ trụ, cùng với cuộc chạy đua vũ trang cũng hết sức đắt, cuối cùng đã làm hệ thống kinh tế Liên Xô rơi vào trì trệ vào thập niên 1980 và là một trong những yếu tố dẫn tới sự tan rã của Liên Xô. Đến cuối thập niên 1980, với sự tan băng trong quan hệ Mỹ - Liên Xô, 2 bên bắt đầu chuyển từ cạnh tranh sang hợp tác, cùng nhau triển khai một số dự án nghiên cứu chung về du hành vũ trụ. Thập niên 1970 Hòa giải Trung-Mỹ Như một kết quả của sự chia rẽ Trung-Xô, căng thẳng dọc theo biên giới Trung Quốc-Liên Xô đạt đến đỉnh cao vào năm 1969, và Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon quyết định lợi dụng mâu thuẫn giữa hai nước xã hội chủ nghĩa lớn nhất để thay đổi cán cân quyền lực theo hướng có lợi cho Phương Tây. Trung Quốc cũng muốn cải thiện mối quan hệ với người Mỹ với ý định hợp tác tiêu diệt Liên Xô. Chuyến thăm Trung Hoa của Tổng thống Mỹ Richard Nixon năm 1972 đã đánh dấu sự thay đổi cục diện thế giới, biến "cái bắt tay lịch sử giữa lãnh đạo hai nước bên kia Thái Bình Dương" thành hiện thực và đánh dấu sự khởi đầu cho một kỉ nguyên mới.. Giảm căng thẳng Trong quá trình thập niên 1960 và 1970, các bên tham gia Chiến tranh Lạnh đấu tranh cho một hình mẫu mới và phức tạp hơn của các mối quan hệ quốc tế trong đó thế giới không còn bị phân chia thành các khối đối đầu rõ rệt nữa. Liên xô đã hoàn thành một sự cân bằng hạt nhân với Mỹ. Từ đầu giai đoạn hậu chiến, Tây Âu và Nhật Bản nhanh chóng hồi phục từ những tàn phá của Thế chiến II và duy trì được sự tăng trưởng kinh tế mạnh trong suốt thập niên 1950 và 60, với GDP trên đầu người đạt tới mức của Hoa Kỳ, trong khi kinh tế Khối Đông Âu rơi vào trì trệ vào thập niên 1970 Trung Quốc, Nhật Bản, và Tây Âu; sự phát triển của dân tộc ở Thế giới thứ ba, và sự không thống nhất ngày càng lớn bên trong liên minh các nước Xã hội chủ nghĩa đều là điềm báo về một cơ cấu thế giới đa cực mới. Hơn nữa, Khủng hoảng năng lượng năm 1973 đã tạo ra một sự thay đổi lớn trong sự thịnh vượng kinh tế của các cường quốc. Sự gia tăng nhanh chóng của giá dầu đã tàn phá nền kinh tế của cả Mỹ và Liên Xô. Trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, Richard M. Nixon cùng Cố vấn An ninh Quốc gia của ông là Henry Kissinger đã tạo nên một chính sách đối ngoại mà sau này được biết đến với tên gọi "hòa hoãn" hay "Giảm căng thẳng" (detenté) với Liên Xô – đúng như nghĩa đen của từ này là xoa dịu những căng thẳng Chiến tranh Lạnh giữa Liên Xô và Mỹ.Giảm căng thẳng vừa có lợi ích chiến lược vừa có lợi ích kinh tế với cả hai phía trong cuộc Chiến tranh Lạnh, được nâng đỡ bởi lợi ích chung trong việc tìm cách kiểm soát sự mở rộng và phổ biến các loại vũ khí hạt nhân. Tổng thống Richard Nixon và lãnh đạo Liên xô Leonid Brezhnev đã ký hiệp ước SALT I để hạn chế sự phát triển các loại vũ khí chiến lược. Sự kiểm soát vũ khí cho phép cả hai siêu cường giảm bớt sự gia tăng khủng khiếp của ngân sách quốc phòng. Cùng lúc đó, các nước châu Âu vốn bị chia rẽ giờ đã bắt đầu theo đuổi các mối quan hệ gần gũi hơn. Chính sách Ostpolitik (hướng về phía Đông) của Thủ tướng Tây Đức Willy Brandt đã dẫn tới việc công nhận nhà nước Đông Đức. Sự hợp tác theo các Thoả thuận Helsinki đã dẫn tới nhiều thoả thuận khác về kinh tế, chính trị và nhân quyền. Một loạt các thoả thuận kiểm soát vũ khí như SALT I và Hiệp ước Chống Tên lửa Đạn đạo được hình thành để giới hạn sự phát triển của các loại vũ khí chiến lược và giảm tốc cuộc chạy đua vũ trang. Cũng có những sự xích lại gần nhau giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa gia nhập Liên hiệp quốc, và các quan hệ thương mại và văn hoá được thúc đẩy, đáng chú ý nhất là chuyến thăm có tầm quan trọng lớn của Nixon tới Trung Quốc năm 1972. Trong lúc đó, Liên Xô cũng ký kết các hiệp ước hữu nghị và hợp tác với nhiều quốc gia không thuộc khối xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là trong số các nước Không liên kết và các nước thuộc Thế giới thứ ba. Mỹ Latinh Bài chi tiết: Chiến tranh bẩn thỉu, và Chiến tranh Falkland Khi Salvador Allende, một người có tư tưởng xã hội chủ nghĩa, trở thành tổng thống Chile vào năm 1970, tổng thống Mỹ Nixon đã ra lệnh cho CIA lên kế hoạch lật đổ Allende. Để đáp trả lại việc Allende quốc hữu hóa các mỏ đồng và các nhà máy của Mỹ, chính phủ Mỹ đã cắt giảm buôn bán với Chile tạo ra tình trạng khan hiếm và hỗn loạn kinh tế tại quốc gia này (Mỹ là đối tác thương mại hàng đầu của Chile khi đó). CIA và bộ ngoại giao Mỹ đã thực hiện chiến dịch tuyên truyền chống lại Allende ở Chile trong suốt một thập kỷ, tài trợ cho các chính khách bảo thủ, các đảng phái, các công đoàn, các nhóm sinh viên và tất cả các dạng truyền thông, trong khi mở rộng mối quan hệ với quân đội. Nền kinh tế của Chile dưới thời Allende ngày càng lún sâu vào khủng hoảng. Cuối cùng ông ta bị lật đổ bởi cuộc đảo chính quân sự do Augusto Pinochet cầm đầu. Sau khi Pinochet lên nắm quyền, Mỹ đã ủng hộ chiến dịch truy quét những người cộng sản của Pinochet (Chiến dịch Kền kền khoang), chiến dịch mà ông ta xem là cần thiết để để cứu đất nước thoát khỏi chủ nghĩa cộng sản. Chiến dịch này đã gây nên cái chết của 3000 người. Tuy vậy Chile đã có sự phát triển nhanh về kinh tế trong những năm Pinochet cầm quyền, đến nỗi nhiều người đã ca tụng đó là "Phép màu Chile" . Châu Á Thất bại của Mỹ ở Việt Nam đã được nhiều người xem là một thất bại nhục nhã của siêu cường mạnh nhất thế giới trước một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới. Hàng loạt báo trên thế giới đều công bố sự kiện này. Sau đó Mỹ chấp nhận kí Hiệp định Paris tại Paris, Pháp cùng với Việt Nam để chính thức rút khỏi Việt Nam. Mỹ ủng hộ Israel trong cuộc Chiến tranh Yom Kippur với liên minh các nước Ả Rập vốn nhận được sự hậu thuẫn từ Liên Xô. Mỹ cũng đứng về phía Israel trong xung đột giữa Israel và Palestine (trong khi Liên Xô ủng hộ Palestine). Mỹ hỗ trợ các nhóm phiến loạn người Kurd có ý định lật đổ chính quyền thân Liên Xô của Iraq. Tuy vậy những người Kurd đã thất bại trước quân đội chính phủ Iraq vào năm 1975. Nội chiến Lào kết thúc tháng 12 năm 1975. Cuộc xâm nhập Campuchia tấn công vào miền Đông Campuchia vào năm 1970 của quân đội Hoa Kỳ. Châu Phi Cuộc Cách mạng Bồ Đào Nha năm 1974 đã lật đổ nhà độc tài Estado Novo, tạo điều kiện cho các thuộc địa của Bồ Đào Nha tại châu Phi là Angola và Mozambique giành độc lập không lâu sau đó. Sau khi giành độc lập, Angola lâm vào một cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài hai thập kỷ giữa một bên là lực lượng MPLA (Phong trào nhân dân Giải phóng Angola) được khối xã hội chủ nghĩa (đặc biệt là Liên Xô và Cuba) ủng hộ, và một bên là Liên minh Quốc gia vì sự độc lập toàn vẹn của Angola (UNITA) được Mỹ ủng hộ. Ngoài ra còn một phe thứ ba nữa là Mặt trận Dân tộc Giải phóng Angola (FNLA) có vai trò không đáng kể trong cuộc nội chiến. Tất cả các lực lượng nước ngoài rút khỏi Angola vào năm 1989. Đến năm 2002, cuộc nội chiến kết thúc với thắng lợi dành cho MPLA. Ở Ethiopia, vị hoàng đế thân Mỹ Haile Selassie bị lật đổ bởi những người cộng sản do Mengistu Haile Mariam cầm đầu. Mengistu trở thành Tổng thống của nước Cộng hòa Nhân dân Ethiopia. Trong 2 năm 1977-1978, Mengistu củng cố quyền lực của mình bằng việc đàn áp tàn bạo các nhóm đối lập và những người chống đối chính quyền, gây nên cái chết của khoảng 500.000 người Rapoport, Knives Are Out in . Tháng 7 năm 1977, Somali bất ngờ đem quân tấn công Ethiopia. Liên Xô phản đối hành động xâm chiếm và ngừng ủng hộ Somalia, chuyển qua bắt đầu ủng hộ Ethiopia, ngược lại Hoa Kỳ quay sang ủng hộ Somalia. Cuộc xung đột này còn được biết tới với cái tên Chiến tranh Ogaden. Chiến sự kết thúc khi Quân đội Somalia rút lui về bên kia biên giới và tuyên bố một thỏa thuận đình chiến. Đến năm 1990, Mengistu tuyên bố ông ta từ bỏ chủ nghĩa cộng sản, và bắt đầu tiến hành mở cửa nền kinh tế. Tuy nhiên, tháng 5 năm 1991, mặt trận dân chủ nhân dân Ethiopia (EPRDF) lật đổ Mengistu, ông ta sau đó phải tị nạn tại Zimbabwe. Từ 1979 đến 1985 Học thuyết Reagan Vào năm 1980, Ronald Reagan đã đánh bại Jimmy Carter trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Khi trở thành tổng thống, Reagan đã đảo ngược chính sách "Giảm căng thẳng" với Liên Xô, tăng mạnh chi tiêu cho quân sự và quyết tâm loại bỏ tầm ảnh hưởng của Liên Xô ở mọi nơi trên thế giới . Reagan gọi Liên Xô là "đế quốc tà ác" đồng thời tuyên bố rằng chủ nghĩa cộng sản sẽ sớm sụp đổ và sẽ bị bỏ lại trong "đống tro tàn của lịch sử" Speeches to Both Houses, Parliamentary Information List, Standard Note: SN/PC/4092, Last updated: ngày 27 tháng 11 năm 2008, Author: Department of Information Services. Thủ tướng Anh Thatcher cũng lên án mạnh mẽ Liên Xô và tố cáo chính quyền Liên Xô "Âm mưu thống trị thế giới" https://www.rt.com/op-edge/thatcher-ussr-cold-war-gorbachev-528/. Dưới một chính sách chống cộng quyết liệt được biết đến như học thuyết Reagan, Reagan và chính phủ của ông cung cấp trợ giúp công khai và cả bí mật cho các phong trào chống cộng sản trên toàn thế giới đặc biệt là tại Châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latin với mục tiêu lật đổ các chính phủ cộng sản do Liên Xô hậu thuẫn tại những khu vực này. Tháng 3 năm 1983, Reagan giới thiệu Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược (viết tắt theo tiếng Anh là SDI), một dự án quốc phòng mà sẽ sử dụng các hệ thống có căn cứ trên không gian và mặt đất để bảo vệ Hoa Kỳ khỏi các cuộc tấn công bằng tên lửa hạt nhân liên lục địa chiến lược. Reagan tin rằng lá chắn quốc phòng này có thể khiến cho chiến tranh hạt nhân không thể xảy ra Beschloss, p. 293. Nhà lãnh đạo Liên Xô Yuri Andropov thì nói rằng SDI sẽ đặt "toàn thế giới trong nguy cơ chạy đua vũ trang".. Một số nhà phân tích Liên Xô cho rằng việc Reagan đưa ra dự án SDI là một chiến thuật nhằm đẩy Liên Xô vào một cuộc chạy đua vũ trang quy mô lớn với Hoa Kỳ với mục đích làm suy yếu nền kinh tế của Liên Xô vốn đang rơi vào tình trạng trì trệ. Nhiều nhà phân tích Phương Tây thì lại cho rằng chương trình SDI của Reagan đã làm cho Liên Xô nhận ra rằng hệ thống kinh tế và xã hội của nó không thể duy trì cuộc đua vũ trang với Hoa Kỳ, buộc giới lãnh đạo Liên Xô phải tìm kiếm những giải pháp nhượng bộ và cuối cùng chấp nhận thất bại Vì những lý do đó, David Gergen, một cựu phụ tá của Tổng thống Reagan, về sau đã tin rằng chính SDI đã góp phần giúp kết thúc cuộc chiến tranh lạnh một cách nhanh chóng hơn. Cuộc tập trận Able Archer năm 1983 Châu Á Cách mạng Hồi giáo Iran Cách mạng Hồi giáo Iran (hay còn được biết với tên Cách mạng Iran, Cách mạng trắngIslamic Revolution of Iran , MS Encarta.Iranian Revolution.The Shah and the Ayatollah: Iranian Mythology and Islamic Revolution (Hardcover), ISBN 0-275-97858-3, by Fereydoun Hoveyda, brother of Amir Abbas Hoveyda., Tiếng Ba Tư: انقلاب اسلامی, Enghelābe Eslāmi) là cuộc cách mạng lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế thân Mỹ do Shah Mohammad Reza Pahlavi đứng đầu, thành lập quốc gia Cộng hòa Hồi giáo dưới sự lãnh đạo của giáo chủ Ayatollah Ruhollah Khomeini, người lãnh đạo cuộc cách mạng và là người khai sinh ra nước Cộng hòa Hồi giáo Cuộc cách mạng đã thay thế chế độ quân chủ chuyên chế thân Phương Tây bằng một chế độ có tư tưởng chống Phương Tây quyết liệt bị phương Tây cho là "độc tài thần quyền", Năm 1953, Thủ tướng Mohammad Mossadegh, người đã quốc hữu hóa các mỏ dầu của đất nước, được bầu vào chiếc ghế thủ tướng thông qua một cuộc bầu cử dân chủ. Nhờ cuộc đảo chính do CIA và MI6 giật dây, có mật danh Chiến dịch Ajax, Mossadegh bị lật đổ và bắt giam, còn Vua Shah thì quay trở lại ngai vàng. Tư tưởng của người Iran vẫn cho rằng Anh và Mỹ chịu trách nhiệm trong sự phá hoại tiến trình dân chủ này của Iran. Vua Shah duy trì mối quan hệ thân cận với Hoa Kỳ và một số quốc gia phương Tây khác, và thường được các chính quyền tổng thống Hoa Kỳ ủng hộ vì các chính sách và sự thù nghịch đối với Chủ nghĩa xã hội của ông. Chế độ của vua Shah không được nhân dân ưa chuộng: Quần chúng nhận thức rằng vua Shah chịu ảnh hưởng lớn - nếu không nói là con rối - của thế lực phi Hồi giáo phương Tây (chỉ Hoa Kỳ), nơi mà nền văn hóa của nó đang làm ô uế đất nước Iran; rằng chế độ của Shah ngột ngạt, thối nát, và ngông cuồng. Lãnh tụ cách mạng Ayatollah Khomeini tuyên bố rằng đã có 60.000 đàn ông, phụ nữ và trẻ em đã "tử vì đạo" (bị sát hại) dưới chế độ của Shah và con số này xuất hiện trong Hiến pháp Cộng hòa Hồi giáo Iran. Một thành viên của quốc hội Iran đã đưa ra con số "70.000 chiến sĩ tử đạo và 100.000 bị thương khi tiêu diệt chế độ độc tài thối nát". Các cuộc biểu tình chống lại Shah bắt đầu vào tháng 10 năm 1977. Từ tháng 8 đến tháng 12 năm 1978, các cuộc đình công và biểu tình đã làm tê liệt đất nước Iran. Trước sức ép của quần chúng, vua Shah rời Iran để sống lưu vong vào ngày 16 tháng 1 năm 1979. Chế độ quân chủ sụp đổ sau ngày 11 tháng 2 khi quân du kích và quân nổi dậy đánh bại quân đội trung thành với Shah, đưa Ayatollah Ruhollah Khomeini lên nắm quyền chính thức và lập nên nước Cộng hòa Hồi giáo Iran. Một số nguồn tin về sau cho rằng Hoa Kỳ thực sự đã bật đèn xanh để Khomeini lật đổ chính quyền của Shah. Đã có bằng chứng được đưa ra cho thấy chính phủ Hoa Kỳ đã tài trợ cho Khomeini bằng cách chuyển 150 triệu USD vào tài khoản ngân hàng khi ông ta tị nạn ở Pháp. Một biên bản ghi nhớ của CIA với Khomeini và Shah đã nói rằng: tuy Khomeini quyết tâm lật đổ Shah và không chấp nhận thỏa hiệp, và ông trong quá khứ đã từng hợp tác với các nhóm khủng bố Hồi giáo, nhưng Khomeini cũng chống chủ nghĩa Cộng sản triệt để như Shah, do đó Mỹ sẵn sàng tài trợ cho Khomeini để đảm bảo dù Shah có bị lật đổ hay không thì Iran sẽ có một chính phủ chống Cộng Chiến tranh Liên Xô - Afghanistan Vào tháng 4 năm 1978, Đảng Dân chủ Nhân dân Afghanistan (PDPA) đã lên nắm quyền lực ở Afghanistan sau cuộc Cách mạng Saur và tuyên bố đưa đất nước đi theo chủ nghĩa cộng sản. Tình hình bắt đầu trở thành nghiêm trọng sau một loạt những sáng kiến cải cách của chính phủ của Tổng thống Taraki với mục tiêu nhổ bật "gốc rễ chế độ phong kiến" trong xã hội Afghanistan. Những biện pháp cải cách đó mang lại một số thay đổi tiến bộ, nhưng chúng được thực hiện theo cách thức tàn bạo và vụng về. Xã hội nông thôn Afghanistan phần lớn vẫn tuân theo truyền thống Hồi giáo và các bộ tộc, và những cuộc cải cách ruộng đất đe dọa những nền móng của nó; tương tự việc cải cách giáo dục và tăng quyền tự do cho phụ nữ bị coi là hành động tấn công Đạo Hồi. Vì thế, sự phản kháng chống lại những cuộc cải cách ngày càng mạnh mẽ hơn. Trong vòng vài tháng, phe đối lập với chính phủ đã khởi xướng một cuộc nổi dậy ở miền đông Afghanistan, cuộc nổi dậy nhanh chóng mở rộng thành một cuộc nội chiến do các chiến binh nổi dậy, được gọi là Mujahideen, tiến hành chống lại các lực lượng của chính phủ Afghanistan trên toàn quốc. Mujahideen coi việc người Cơ đốc hay người Xô viết vô thần kiểm soát Afghanistan là một điều "báng bổ Hồi giáo" cũng như văn hóa truyền thống của họ. Họ đã công bố một cuộc "jihad" (thánh chiến) với mục tiêu lật đổ chính phủ Afghanistan. Những người nổi dậy Mujahideen đã được huấn luyện quân sự và cung cấp vũ khí bởi Pakistan và Trung Quốc, trong khi Liên Xô gửi hàng ngàn cố vấn quân sự để hỗ trợ chính phủ PDPA. Vào giữa năm 1979, Hoa Kỳ đã bắt đầu một chương trình bí mật để cung cấp vũ khí cho những chiến binh mujahideen. Đến tháng 4 năm 1979, Afghanistan thực sự rơi vào tình trạng hỗn loạn. Chính phủ Afghanistan đã thẳng tay trấn áp những người phản đối, tử hình hàng ngàn tù nhân chính trị và ra lệnh giết hại dân thường không vũ trang , khiến những nhóm vũ trang chống lại chính phủ ngày càng nhận đuơc sự ủng hộ của nhân dân. Vào tháng 9 năm 1979, Tổng thống Khalqist Nur Muhammad Taraki đã bị ám sát trong cuộc đảo chính do một thành viên của PDPA vốn bất bình với Taraki là Hafizullah Amin tiến hành, Amin sau đó đảm nhận chức tổng thống. Amin không nhận được sự tin tưởng từ Liên Xô, vì vậy vào ngày 24/12/1979 Liên Xô đã đổ quân vào Afghanistan và lật đổ chính quyền của Amin. Một chính quyền thân Liên Xô, đứng đầu là Babrak Karmal Parcham được dựng lên để lấp đầy khoảng trống quyền lực. Quân đội Liên Xô tiến vào Afghanistan với số lượng ngày một lớn với lí do là để đảm bảo ổn định tình hình tại Afghanistan dưới quyền Karmal. Tuy vậy, Hồng quân đã gặp phải sự phản kháng quyết liệt từ phe nổi dậy. Kết quả là Liên Xô đã dần dần bị lún sâu vào chiến sự tại Afghanistan. Quân đội Liên Xô chiếm giữ hầu hết các thành phố và các đường giao thông chính, trong khi mujahideen tiến hành chiến tranh du kích với các nhóm nhỏ hoạt động chủ yếu ở vùng nông thôn. Liên Xô đã sử dụng không quân ném bom trên quy mô lớn, san bằng các ngôi làng ở nông thôn vốn là nơi trú ẩn của các mujahideen, phá hủy các mương tưới tiêu quan trọng và khiến nhiều dân thường thiệt mạng. Các trận lụt sau đó làm phát sinh dịch sốt rét, nhất là ở tỉnh Nangarhar Đại hội đồng LHQ thông qua nghị quyết phản đối sự can thiệp của Liên Xô. Phương Tây coi cuộc tấn công của Liên Xô là hành vi "xâm lược", và Mỹ đã tuyên bố tẩy chay Thế vận hội 1980 tại Moscow. Đáp trả lại, Liên Xô cũng tuyên bố tẩy chay Thế vận hội mùa hè 1984 tại Los Angeles. Song trong khi đó, Ấn Độ, một đồng minh xã hội chủ nghĩa cánh tả thân cận của Liên Xô, lại đã ủng hộ chiến dịch của Liên Xô và cung cấp hỗ trợ tình báo và tiếp vận quan trọng cho quân đội Liên Xô. Trong các quốc gia Khối Warszawa, chỉ có România là chỉ trích Liên Xô. Liên Xô ban đầu lên kế hoạch để ổn định chính phủ dưới sự lãnh đạo mới của Karmal, và rút lui trong vòng sáu tháng hoặc một năm. Nhưng họ đã gặp phải sự phản kháng dữ dội từ các mujahideen và bị mắc kẹt trong một cuộc chiến đẫm máu kéo dài chín năm. Cái giá về quân sự cũng như về ngoại giao chẳng bao lâu là quá cao cho Liên Xô . Vì đó là một cuộc chiến tranh dai dẳng nó thỉnh thoảng được ví là cuộc "chiến tranh Việt Nam của Liên Xô" hay "cái bẫy gấu" bởi báo chí Phương Tây Năm 1989, Liên Xô rút quân về nước, trong khi chiến tranh giữa các phe phái ở Afganistan tiếp tục diễn ra. Vào ngày 27 tháng 4 năm 1992, chế độ Cộng sản Afghanistan chính thức bị lật đổ hẳn và Mujahideen lên nắm quyền. Cuộc chiến đã có những tác động rất lớn đối với Liên bang Xô viết và thường được nhắc đến như là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự tan rã của Liên Xô vào năm 1991. Campuchia và Khmer Đỏ Từ 1975-1978, tin vào sự hậu thuẫn của chính quyền Trung Quốc, chính quyền Khmer Đỏ ở Campuchia đã nhiều lần tấn công vào vùng Tây Nam Việt Nam, tàn sát thường dân, đánh phá các cơ sở kinh tế và quân sự dọc biên giới với mục đích làm kiệt quệ đối phương. Họ đã bị chính quyền và quân đội Việt Nam đổ quân đánh bại năm 1979 và lập nhà nước Cộng hòa Nhân dân Campuchia và đưa Hun Sen lên làm thủ tướng. Dù đã bị đánh sụp, Khmer Đỏ vẫn được hậu thuẫn bởi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Hoa Kỳ, vì muốn cô lập nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam lúc đó đang được Liên Xô hỗ trợ. Trong giai đoạn 1979-1988, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cùng với Mỹ và Thái Lan, vào thời kì mặn nồng nhất của quan hệ Trung-Mỹ, đã cung cấp vũ khí, thông tin tình báo và căn cứ để tiếp tế cũng như cung cấp nơi trú ẩn cho bính lính Khmer Đỏ. Khmer Đỏ tiến hành các hoạt động buôn lậu gỗ và đá quý, nhận hỗ trợ quân sự từ Trung Quốc, Mỹ thông qua quân đội Thái. Tổng cộng, theo cựu tổng thống Lý Quang Diệu, trong khoảng thời gian một thập kỷ, Khmer Đỏ nhận được hỗ trợ từ khối ASEAN, Mỹ và Trung Quốc khoảng 1,3 tỷ dollar. Tổ chức cứu trợ khẩn cấp Campuchia của Mỹ, dựa vào đại sứ quán Mỹ tại Bangkok, đã nuôi dưỡng và hỗ trợ Khmer đỏ để tiếp tục chống lại chính phủ mới của Campuchia do Việt Nam hậu thuẫn. Dưới sức ép của Mỹ, Chương trình Lương thực thế giới đã cung cấp lương thực cho 20.000 đến 40.000 lính Khmer đỏ. Suốt một thập kỷ sau đó, cơ quan tình báo quân đội Mỹ đã giúp Khmer đỏ do thám qua vệ tinh, đồng thời các lực lượng đặc nhiệm của Mỹ và Anh hướng dẫn quân Khmer đỏ đặt hàng triệu quả mìn bộ binh khắp miền Tây Campuchia Dù bị lật đổ, Khmer Đỏ tiếp tục giữ ghế tại Liên Hợp Quốc, đại diện bởi Thiounn Prasith. Các chính phủ phương Tây tiếp tục ủng hộ Khmer Đỏ tại Liên hiệp quốc và bỏ phiếu ủng hộ Khmer Đỏ giữ ghế tại đây<ref name="autogenerated1_2">Pilger, John. 2004. In Tell me no lies", Jonathan Cape Ltd</ref> Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng dùng quyền của mình ở Liên Hiệp quốc để giữ ghế đại diện cho Khmer Đỏ, nên dù chỉ còn là một nhóm du kích trong rừng nhưng Khmer Đỏ lại được coi là đại diện hợp pháp duy nhất của người dân Campuchia. Dù Việt Nam đề nghị rút quân để đổi lại một thỏa thuận chính trị nhằm loại trừ việc Khmer Đỏ quay trở lại nắm quyền lực, nhưng ASEAN, Trung Quốc và Hoa Kỳ coi điều này là không thể chấp nhận được. Mỹ Latinh Các nhóm phiến quân Contras Thuật ngữ Contras là hàng loạt nhóm vũ trang cánh hữu được Hoa Kỳ hỗ trợ tài chính và vũ khí, hoạt động từ năm 1979 đến đầu thập niên 1990. Các nhóm này hoạt động chống lại chính quyền hội đồng Tái Thiết Dân tộc Nicaragua của Đảng Sandinista cánh tả theo chủ nghĩa xã hội. Chính quyền Sandinista nhận được sự hậu thuẫn từ Liên Xô và Cuba. Trong số các nhóm contra tại Nicaragua, nhóm Lực lượng dân chủ Nicaragua (FDN) nổi lên như là nhóm lớn nhất. Từ giai đoạn ban đầu, các nhóm Contras nhận được hỗ trợ tài chính và quân sự từ Chính phủ Hoa Kỳ, và sức mạnh quân sự của họ phụ thuộc vào sự hỗ trợ này. Sau khi Quốc hội Hoa Kỳ thông qua việc cấm hỗ trợ, chính quyền của Tổng thống Reagan vẫn tiếp tục âm thầm hỗ trợ contras. Các hành vi âm thầm hỗ trợ này đã lên đến đỉnh điểm trong vụ Iran-Contra. Trong cuộc chiến chống lại Chính phủ Nicaragua, lực lượng Contras đã có hàng loạt hành động vi phạm nhân quyền và sử dụng các chiến thuật khủng bố, thực hiện hơn 1300 cuộc tấn công khủng bố. Các hoạt động trên được thực hiện một cách có hệ thống theo chiến lược của lực lượng này. Những người ủng hộ quân Contras đã cố gắng che giấu các hoạt động này, nhất là chính phủ Hoa Kỳ khi đó đã thực hiện một chiến dịch tuyên truyền nhằm để công chúng có thiện cảm hơn đối với lực lượng contras. Năm 1986, tại Mỹ xảy ra vụ bê bối Contragate. Scandal này có dính líu tới các quan chức cao cấp của Mỹ, họ bí mật bán vũ khí cho Iran trong khi quốc hội Mỹ đã có lệnh cấm xuất khẩu vũ khí cho Iran. Kế hoạch ấy được bịa ra dưới một câu chuyện khác nhằm bảo đảm việc phóng thích tù nhân Mỹ tại Iran, khiến dư luận Mỹ phẫn nộ. Tiền kiếm được trong đợt buôn bán sau đó đã được Mỹ bí mật dùng để tài trợ cho các nhóm phiến quân Contras ở Nicaragua. 11 thành viên của chính quyền Tổng thống Mỹ Reagan đã bị kết án sau một loạt các cáo buộc liên quan đến vụ bê bối này. Mỹ xâm lược Grenada Cuộc tấn công Grenada hay còn gọi là chiến dịch Urgent Fury là cuộc xâm lược của Mỹ vào Grenada năm 1983. Grenada là một quốc đảo Caribbean với 91.000 dân, nằm cách Venezuela 160 km (100 dặm) về phía bắc. Năm 1983, một chính phủ cánh tả được thành lập ở Grenada, và được Cuba ủng hộ. Vào ngày 25/10/1983, Mỹ cùng với các đồng minh trong Lực lượng phòng vệ Đông Caribe xâm chiếm Grenada. Hoa Kỳ đã biện minh cho vụ xâm lược bằng một loạt các lý lẽ, mặc dù Liên Hợp Quốc, Canada và Anh Quốc coi hành động này là một sự vi phạm chưa từng thấy luật pháp quốc tế. Tương quan 2 bên khá chênh lệch, quân Mỹ có khoảng 7300 quân và có sự yểm trợ của lực lượng Không quân Hải quân Mỹ, ngoài ra còn có binh lính của một số nước đồng minh của Mỹ trong khu vực Caribe như Barbados, Jamaica trong khi đó Grenada chỉ có 1200 quân, trong đó có khoảng 900 quân tới từ Cuba và một số cố vấn quân sự tới từ các nước thuộc khối XHCN: Liên Xô, Đông Đức, Bắc Triều Tiên. Trong cuộc tấn công, lực lượng Hoa Kỳ chỉ gặp phải sự kháng cự vừa phải của một lực lượng nhỏ quân đội Cuba và Grenada. Tổng cộng có 19 lính Mỹ thiệt mạng và 116 người bị thương, 3 trực thăng bị rơi. Phía Grenada có 45 người chết, 337 người bị thương, ngoài ra còn có 24 người Cuba thiệt mạng. Bên cạnh những tổn thất quân sự, 24 thường dân Grenada thiệt mạng, trong đó có 18 người thiệt mạng do Không quân Mỹ ném bom trúng một bệnh viện tâm thần ở Grenada. Kết quả của cuộc tấn công này là chiến thắng dành cho Mỹ sau vài tuần, lập nên một chính phủ mới thân Mỹ cho Grenada. Chấm dứt Chiến tranh Lạnh (1985–1991) Những cuộc cải tổ của Gorbachev Tới khi Mikhail Gorbachev là người khá trẻ lên làm Tổng bí thư năm 1985, nền kinh tế Liên Xô đang ở trong tình trạng trì trệ và phải đối mặt với sự giảm sút mạnh từ nguồn thu ngoại tệ nước ngoài vì sự sụt giá dầu mỏ trong thập niên 1980. Những vấn đề này khiến Gorbachev đầu tư vào các biện pháp nhằm khôi phục đất nước đang trì trệ. Một sự khỏi đầu không hiệu quả đã dẫn tới kết luận rằng những thay đổi cơ cấu mạnh hơn là cần thiết vào tháng 6 năm 1987 Gorbachev thông báo một kế hoạch cải cách kinh tế được gọi là perestroika, hay tái cơ cấu. Perestroika giảm bớt hệ thống sản xuất theo hạn ngạch, cho phép sự sở hữu tư nhân với các doanh nghiệp và mở đường cho đầu tư nước ngoài. Các biện pháp đó có mục đích tái định hướng các nguồn tài nguyên quốc gia từ những cam kết quân sự đắt giá thời Chiến tranh Lạnh sang những khu vực công cộng có hiệu quả lớn hơn. Dù có thái độ hoài nghi ban đầu ở phương Tây, nhà lãnh đạo mới của Liên Xô đã chứng minh sự kiên quyết đảo ngược điều kiện kinh tế đang xấu đi của Liên Xô thay vì tiếp tục cuộc chạy đua vũ trang với phương Tây. Một phần là một cách để chống sự đối lập bên trong với những cuộc cải cách của mình, Gorbachev đồng thời đưa ra glasnost, hay mở cửa, tăng cường tự do cho báo chí và sự minh bạch hoá các định chế nhà nước. Glasnost có mục đích làm giảm tham nhũng ở trên thượng tầng Đảng Cộng sản và giảm bớt sự lạm dụng quyền lực bên trong Uỷ ban Trung ương. Glasnost cũng cho phép sự tăng cường tiếp xúc giữa các công dân Liên Xô và thế giới phương Tây, đặc biệt với Hoa Kỳ, góp phần vào việc đẩy nhanh sự giảm căng thẳng giữa hai nước. Sự tan băng trong mối quan hệ Trước những nhượng bộ về quân sự và chính trị của Kremlin, Reagan đồng ý tại lập các cuộc đàm phán về các vấn đề kinh tế và giảm mức độ chạy đua vũ trang. Cuộc đàm phán đầu tiên được tổ chức vào tháng 11 năm 1985 tại Geneva, Thuỵ Sĩ. Ở một cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo, chỉ với một người phiên dịch tháp tùng, đã đồng ý về nguyên tắc giảm bớt 50% kho vũ khí hạt nhân của mỗi nước. Một Hội nghị thượng đỉnh Reykjavík thứ hai được tổ chức tại Iceland. Những cuộc đàm phán diễn ra tốt đẹp cho tới khi sự tập trung chuyển sang đề xuất của Reagan về Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược, mà Gorbachev muốn bị loại bỏ: Reagan đã từ chối. Những cuộc đàm phán thất bại, nhưng một cuộc họp thượng đỉnh thứ ba năm 1987 đã dẫn tới một bước đột phá với việc ký kết Hiệp ước các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF). Hiệp ước INF loại bỏ mọi loại vũ khí hạt nhân, được phóng từ tên lửa đạn đạo mặt đất và tên lửa hành trình với tầm bắn trong khoảng 500 tới 5,500 kilômét (300 tới 3,400 dặm) và cơ sở hạ tầng phục vụ nó. Hiệp ước INF được Mỹ và Liên Xô ký kết ngày 8/12/1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988. Căng thẳng Đông-Tây nhanh chóng giảm xuống từ giữa cho tới cuối thập niên 1980, ở mức thấp nhất tại cuộc họp thượng đỉnh cuối cùng tại Moskva năm 1989, khi Gorbachev và George H. W. Bush ký hiệp ước kiểm soát vũ khí START I. Trong năm tiếp sau mọi điều trở nên rõ ràng với người Liên Xô rằng các khoản trợ cấp dầu mỏ và khí đốt, cùng với chi phí cho việc duy trì một quân đội to lớn, là cái phễu khổng lồ làm thất thoát đi các nguồn tài nguyên kinh tế. Ngoài ra, ưu thế an ninh của một vùng đệm đã được công nhận là không thích hợp và người Liên Xô chính thức tuyên bố rằng họ không còn can thiệp vào công việc của các quốc gia đồng minh ở Đông Âu nữa. Năm 1989, các lực lượng Liên Xô rút khỏi Afghanistan và tới năm 1990 Gorbachev đồng ý với việc thống nhất nước Đức, khả năng thay thế duy nhất là một kịch bản kiểu vụ Thiên An Môn. Khi bức tường Berlin bị phá bỏ, ý tưởng "Ngôi nhà Chung châu Âu" của Gorbachev bắt đầu thành hình. Ngày 3 tháng 12 năm 1989, Gorbachev và người kế tục Reagan, George H. W. Bush, tuyên bố cuộc Chiến tranh Lạnh đã chấm dứt tại Hội nghị thượng đỉnh Malta; một năm sau, hai đối thủ cũ là các đối tác trong cuộc Chiến tranh vùng Vịnh chống lại đồng minh lâu đời của Liên Xô là Iraq. Sự khủng hoảng của hệ thống Xô viết Tới năm 1989, hệ thống liên minh của Liên Xô đã trên bờ vực sụp đổ, và không có sự hỗ trợ quân sự của Liên Xô, các lãnh đạo đảng cộng sản tại các nhà nước thuộc Khối hiệp ước Warsaw dần mất quyền lực. Ở chính bên trong Liên Xô, glasnost đã làm yếu đi các liên kết giữ chặt Liên bang Xô viết và tới tháng 2 năm 1990, với sự giải tán Liên Xô đang dần hiện ra, Đảng Cộng sản đã đánh mất quyền lãnh đạo đất nước kéo dài 73 năm của mình. Cùng lúc ấy, các tuyên bố bất đồng, đòi ly khai với nhà nước trung ương được cho phép bởi glasnost và sự gia tăng "vấn đề tính chất quốc gia" dần khiến các nước cộng hoà tạo thành Liên bang Xô viết tuyên bố tự trị khỏi Moskva, với việc các quốc gia vùng Baltic rút lui hoàn toàn khỏi Liên Xô. Làn sóng cách mạng năm 1989 quét qua khắp Trung và Đông Âu đã lật đổ các nhà nước cộng sản kiểu Liên Xô, như Ba Lan, Hungary, Tiệp Khắc và Bulgaria, Romania là nước duy nhất thuộc Khối Đông Âu lật đổ chính quyền theo cách bạo lực và đã hành quyết vị lãnh đạo nhà nước. Liên Xô tan rã Thái độ thoải mái của Gorbachev với Đông Âu ban đầu không có trên lãnh thổ Liên Xô, thậm chí Tổng thống Mỹ George Bush, người cố gắng duy trì các quan hệ thân thiện, cũng lên án các vụ giết hại vào tháng 1 năm 1991 tại Latvia và Lithuania, cảnh báo riêng rằng các mối quan hệ kinh tế có thể bị đóng băng nếu tình trạng bạo lực tiếp diễn. Liên bang Xô viết đã bị suy yếu thật sự sau một đảo chính thất bại và số lượng ngày càng tăng các nước cộng hoà Xô viết, đặc biệt là Nga, đã từng đe doạ ly khai khỏi Liên Xô, tuyên bố giải thể nó vào ngày 25 tháng 12 năm 1991.. Khi đó, Tổng thống Hoa Kỳ George H.W. Bush đã bày tỏ cảm xúc sung sướng của mình khi Liên Xô tan rã: "Sự kiện vĩ đại nhất từng diễn ra trên thế giới trong suốt cuộc đời của tôi, trong toàn bộ cuộc đời của mỗi chúng ta, chính là sự kiện này đây: Nhờ vào ân sủng của Thiên Chúa, nước Mỹ đã chiến thắng cuộc Chiến tranh Lạnh" . Với việc Liên Xô sụp đổ, Hoa Kỳ trở thành siêu cường duy nhất còn tồn tại trên thế giới. Di sản Được thành lập ngày 21 tháng 12 năm 1991, Cộng đồng các quốc gia độc lập được coi là thực thể kế tục của Liên Xô nhưng theo các lãnh đạo Nga mục tiêu của nó là "cho phép một cuộc hôn nhân văn minh" giữa các nước cộng hoà xô viết và liên kết chúng vào một liên minh lỏng lẻo. Sau Chiến tranh Lạnh, Nga cắt giảm mạnh chi tiêu quân sự, nhưng sự thay đổi gây tác động mạnh, bởi lĩnh vực công nghiệp quân sự trước kia sử dụng tới một phần năm lực lượng lao động Liên Xô và việc giải giáp khiến hàng triệu công dân Liên Xô cũ rơi vào cảnh thất nghiệp. Sau khi Nga thực hiện các cuộc cải cách kinh tế kiểu tư bản trong thập niên 1990, nó đã phải hứng chịu một cuộc khủng hoảng tài chính và một thời gian giảm phát nghiêm trọng hơn Hoa Kỳ và Đức từng phải đối mặt trong cuộc Đại giảm phát. Tiêu chuẩn sống tại Nga đã sút giảm đi trong những năm thời hậu Chiến tranh Lạnh, dù nền kinh tế đã bắt đầu tăng trưởng trở lại từ năm 1999. Di sản của cuộc Chiến tranh Lạnh tiếp tục ảnh hưởng tới các vấn đề thế giới. Sau sự giải tán Liên Xô, thế giới thời hậu Chiến tranh Lạnh bị đa số mọi người coi là đơn cực, với Hoa Kỳ là siêu cường duy nhất. Chiến tranh Lạnh đã định nghĩa vai trò chính trị của Hoa Kỳ trên thế giới thời hậu Thế chiến II: tới năm 1989 Hoa Kỳ có các liên minh quân sự với 50 quốc gia, và có 1.5 triệu quân đồn trú ở nước ngoài tại 117 quốc gia. Chiến tranh Lạnh cũng đã định chế hoá một cam kết quốc tế với một nền công nghiệp quân sự và chi tiêu cho khoa học quân sự to lớn và thường xuyên. Chi phí quân sự của Hoa Kỳ trong những năm Chiến tranh Lạnh được ước tính là khoảng 8 nghìn tỉ USD (thời giá 2002), trong khi gần 100.000 người Mỹ thiệt mạng trong Chiến tranh Triều Tiên và Chiến tranh Việt Nam. Dù sự thiệt hại nhân mạng của binh sĩ Liên Xô là ít hơn Mỹ rất nhiều, phần trăm trong Tổng sản lượng kinh tế của Liên Xô chi cho cuộc chiến lớn hơn nhiều so với Mỹ. Ngoài sự thiệt mạng của những binh sĩ mặc quân phục, hàng triệu người đã chết trong các cuộc chiến tranh ủy nhiệm của các siêu cường trên khắp thế giới, đáng kể nhất là tại Đông Nam Á. Đa số các cuộc chiến tranh ủy nhiệm và các khoản viện trợ cho các cuộc xung đột địa phương đã chấm dứt cùng với Chiến tranh Lạnh, những cuộc chiến tranh giữa các quốc gia, các cuộc chiến tranh sắc tộc, các cuộc chiến tranh cách mạng, cũng như số người tị nạn và những người phải rời bỏ nhà cửa trong các cuộc khủng hoảng đã giảm mạnh ở những năm sau cuộc Chiến tranh Lạnh. Không một huy chương chiến dịch riêng biệt nào đã được tạo ra cho cuộc Chiến tranh Lạnh, tuy nhiên, vào năm 1998, Quốc hội Hoa Kỳ đã cấp Chứng nhận Ghi công thời Chiến tranh Lạnh "cho mọi thành viên các lực lượng vũ trang và những nhân viên dân sự của chính phủ liên bang đã phục vụ trung thành và xứng đáng Hợp chúng quốc Hoa Kỳ ở bất kỳ thời điểm nào trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, được định nghĩa là từ ngày 2 tháng 9 năm 1945 tới ngày 26 tháng 12 năm 1991." Tuy nhiên, di sản của cuộc Chiến tranh Lạnh không phải luôn dễ dàng bị xoá bỏ, bởi nhiều căng thẳng kinh tế và xã hội đã bị khai thác làm lý do cho cuộc cạnh tranh thời Chiến tranh Lạnh ở nhiều nơi thuộc Thế giới thứ ba vẫn còn sâu sắc. Sự tan rã quyền quản lý nhà nước ở một số khu vực trước kia thuộc các chính phủ cộng sản chủ nghĩa đã tạo ra các cuộc xung đột dân sự và sắc tộc mới, đặc biệt là tại Nam Tư cũ. Ở Đông Âu, sự kết thúc Chiến tranh Lạnh đã dẫn tới một thời kỳ tăng trưởng kinh tế và một sự tăng trưởng mạnh chủ nghĩa tự do, trong khi ở nhiều nơi khác trên thế giới, như Afghanistan, độc lập đi liền với sự phá sản nhà nước. Theo sử gia Geoffrey Roberts, trên bình diện thế giới, sự sụp đổ của Liên Xô khiến phương Tây không còn một đối trọng đủ mạnh mẽ, thế giới ngày nay vẫn còn xa mới có thể gọi là an toàn. Theo tiến sĩ Marcus Papadopoulos, một chuyên gia về Nga, việc Liên Xô sụp đổ khiến cho sự can thiệp của Mỹ và phương Tây vào công việc nội bộ của các nước tăng mạnh, với các vi phạm luật pháp quốc tế ở mức độ chưa từng thấy. Nếu Liên Xô còn tồn tại thì những cuộc chiến tranh của phương Tây tấn công Nam Tư, Iraq, Libya, Syria... sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố và Hồi giáo cực đoan sẽ không bao giờ xảy ra. Đánh giá Ngay khi thuật ngữ "Chiến tranh Lạnh" trở nên phổ thông trong việc đề cập tới những căng thẳng thời hậu chiến giữa Hoa Kỳ và Liên bang Xô viết, việc giải thích quá trình và các nguyên nhân cuộc xung đột đã là nguồn gốc của một cuộc tranh cãi dữ dội giữa các nhà sử học, các nhà khoa học chính trị và các nhà báo. Đặc biệt, các nhà sử học có sự bất đồng lớn với việc quy trách nhiệm cho ai về sự tan vỡ quan hệ Liên Xô-Hoa Kỳ sau Thế chiến II; và liệu cuộc xung đột giữa hai siêu cường là không thể tránh khỏi, hay có thể tránh được. Các nhà sử học cũng không đồng ý về việc chính xác cuộc Chiến tranh Lạnh là gì, các nguồn gốc cuộc xung đột là gì, và làm sao để gỡ rối các hình mẫu hành động và phản ứng giữa hai bên. Dù những giải thích về nguồn gốc cuộc xung đột trong các cuộc tranh luận hàn lâm là phức tạp và trái ngược, nhiều trường phái tư tưởng chính về chủ đề có thể được xác định. Các nhà sử học thường nói về ba cách tiếp cận khác nhau tới việc nghiên cứu Chiến tranh Lạnh: các tường thuật "chính thống", "xét lại", và "hậu xét lại". Những tường thuật "chính thống" ở phương Tây áp đặt trách nhiệm về cuộc Chiến tranh Lạnh cho Liên Xô và sự mở rộng của nó vào Đông Âu. Các tác giả "xét lại" quy nhiều trách nhiệm về việc làm tan vỡ hoà bình thời hậu chiến cho Hoa Kỳ, viện dẫn một loạt nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm cô lập và đe doạ Liên Xô từ trước khi Thế chiến II chấm dứt. Những người theo phái "hậu xét lại" xem xét các sự kiện của Chiến tranh Lạnh dưới nhiều góc độ hơn, và cố gắng cân bằng hơn trong việc xác định điều gì đã xảy ra trong Chiến tranh Lạnh. Đa số việc chép sử về Chiến tranh Lạnh sử dụng hai hay thậm chí cả ba tiêu chí lớn đó.
ILIAS là một phần mềm nguồn mở hỗ trợ việc tổ chức xây dựng và triển khai nội dung giảng dạy và học trực tuyến (tiếng Anh: e-learning). Phần mềm này là phần mềm nguồn mở đầu tiên hỗ trợ chuẩn SCORM 1.2 RTE-3, do đó khi sử dụng, không phải băn khoăn về việc sử dụng lại những nội dung đã thiết kế trên ILIAS. ILIAS được thiết kế theo lối lập trình hướng đối tượng nên có thể phát triển tiếp để phục vụ các nhu cầu đặc biệt. ILIAS được phát triển từ năm 1998 trong khuôn khổ của dự án VIRTUS của trường Đại học Tổng hợp Köln (tiếng Đức:Universität zu Köln) và từ năm 2000 bởi một mạng lưới phát triển có tên là ILIAS opensource mà trong đó bao gồm nhiều cơ quan cũng như cá nhân riêng lẻ. Đặc biệt cho người sử dụng Việt Nam, hiện nay ILIAS đã hỗ trợ tốt tiếng Việt.
Hồ Eyre (hay hồ Kati Thanda theo cách gọi của người bản địa Úc, được mệnh danh là Hồ ẩn-hiện) là hồ nước mặn lớn nhất tại Úc và có vị trí thấp nhất ở nước này. Hồ này ở tọa độ , cách phía bắc Adelaide khoảng 700 km và là trọng điểm của lòng chảo nội lục của Lưu vực hồ Eyre rộng lớn ở miền trung Úc. Quanh hồ này, có hình thành khu Vườn quốc gia hồ Eyre. Hồ này có chu kỳ nước đầy rồi cạn khoảng mỗi 3 năm. Khi nước đầy, mép hồ thấp hơn mực nước biển 8 m, khi hồ cạn thì thấp hơn 15 m. Do đó, diện tích mặt nước hồ không cố định, dao động 0 đến 8.200 km², phụ thuộc vào nước mưa. Khi hồ cạn, mặt đáy hồ lộ ra một lớp muối khá dày. Hồ chia làm hai phần nối với nhau bởi kênh Goyder: Hồ Eyre Bắc dài khoảng 144 km rộng khoảng 66 km; Hồ Eyre Nam dài 64 km rộng 24 km. Lớp muối ở chỗ dày nhất lên đến 50 cm.
Mario Botta (sinh ngày 1 tháng 4 năm 1943, tại Mendrisio, bang Ticino, Thụy Sĩ) là một kiến trúc sư Hiện đại nổi tiếng với việc sử dụng các hình khối cơ bản, đường nét hình học mạnh mẽ, đặc trưng với sử dụng vật liệu gạch trong công trình. Mario Botta bắt đầu học việc như một thợ vẽ tại xưởng thiết kế kiến trúc của Luigi Camenisch và Tita Carloni ở Lugano, Thụy Sĩ từ năm 15 tuổi. Ông đã thiết kế công trình đầu tiên của mình là nhà cho cha cố ở Genestrerio vào năm 16 tuổi tuy nhiên không rõ là công trình có được xây dựng hay không. Sau đó Botta theo học tại Liceo Artistico ở Milano, Ý và Đại học Kiến trúc (tiếng Ý: l'Istituto Universitario di Architettura) ở Venezia. Năm 1970, Botta mở văn phòng thiết kế riêng của mình tại Lugano. Phong cách thiết của Mario Botta chịu ảnh hưởng mạnh của Le Corbusier, Carlo Scarpa và Louis Kahn. Một số công trình thiết kế 1967 Trung tâm Nghiên cứu Khí tượng Quốc gia Boulder, Colorado, Mỹ 1971 Biệt thự ở Cadenazzo, ở Riva San Vitale (1971-1973), ở Ligornetto (1975-1976), ở Stabio, La Casa Rotonda (1982), ở Morbio Superiore (1984) và ở Daro (1992) 1972-1977 Trường học Morbio Inferiore, bang Ticino Thiết kế 1987 Nhà văn hóa Chambéry, Pháp 1988 Nhà băng Gotardo, Lugano, Thụy Sĩ Ảnh 1988 Thư viện Villeurbanne, Pháp Ảnh 1989 Nhà thờ ở Évry, Pháp 1991 Nhà ở và cửa hàng, Lugano, Thụy Sĩ. 1995 Nhà thờ Évry, Pháp Ảnh 1996 Nhà nguyện Santa Maria degli Angeli, Monte Tamaro, Thụy Sĩ, Ảnh 1994 Bảo tàng Nghệ thuật San Francisco, Mỹ 2000 Trung tâm Dürrenmatt Neuchâtel, Thụy Sĩ 2004 Bảo tàng Leuum, Seoul, Hàn Quốc Ảnh
Mã Viện (, 14 TCN-49), tự Văn Uyên (文淵), người Phù Phong, Mậu Lăng (nay là huyện Phù Phong, địa cấp thị Bảo Kê, tỉnh Thiểm Tây) là một viên tướng người Hán phục vụ dưới trướng Quỳ Ngao sau quy thuận nhà Đông Hán. Người ta cũng tin rằng Mã Siêu trong thời kỳ Tam Quốc là hậu duệ của ông. Lăng mộ của ông còn ở đông bắc Hưng Bình, Thiểm Tây ngày nay. Ông còn được gọi là Phục Ba tướng quân (伏波將軍) hay Mã Phục Ba (馬伏波). Trong lịch sử Trung Quốc, Mã Viện được xem là nhà chỉ huy quân sự tài ba, đã lập nhiều chiến thắng giúp Hán Quang Vũ Đế thống nhất đế quốc sau thời kỳ loạn Vương Mãng, chinh phục, bình định các bộ tộc xung quanh, trong đó có người Việt ở Giao Chỉ. Ông được biết đến về sự kiên trì và sự tôn trọng của ông đối với đồng nghiệp, bạn bè và thuộc cấp, cũng như tính chấp hành kỷ luật của ông. Con gái của ông sau này đã trở thành hoàng hậu của vua Hán Minh Đế - tức là Minh Đức hoàng hậu. Trong lịch sử Việt Nam, Mã Viện được biết đến như là người đã dập tắt cuộc nổi dậy của Hai Bà Trưng và tiếp tục sự thống trị của người Hán ở Giao Chỉ. Các chiến dịch Trong sự nghiệp chính trị, quân sự của mình, Mã Viện đã phục vụ vua Hán Quang Vũ Đế thống nhất đế quốc và các cuộc hành quân chống lại người Việt cũng như các bộ lạc Ô Hoàn ở quận Vũ Lăng. Đội quân của Mã Viện đã đánh bại quân đội của lãnh chúa Ngôi Hiêu (隗囂) (khoảng năm 30-33), là người kiểm soát khu vực miền đông tỉnh Cam Túc. Năm 34-35, Mã Viện cũng tham gia bình định người Khương ở khu vực hiện nay thuộc tỉnh Cam Túc và Thanh Hải. Một trong những chiến thắng quân sự lớn nhất của ông là việc xâm lược, bình định Giao Chỉ. Năm 40, hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị khởi nghĩa chống chính quyền Hán đô hộ Giao Chỉ; hai bà được các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố hưởng ứng đã thu phục 65 thành. Trưng Trắc lên ngôi vua, tức Trưng Nữ Vương. Năm 41, Hán Quang Vũ Đế sai các quận Trường Sa, Hợp Phố chuẩn bị xe thuyền, sửa cầu đường và trữ lương đi đánh Giao Chỉ. Mã Viện làm Phục Ba tướng quân, Lưu Long làm phó tướng sang đánh Giao Chỉ. Tháng 1 âm lịch năm 42, Mã Viện đem quân men theo đường biển, san núi làm đường hơn nghìn dặm, đánh nhau với Trưng Nữ Vương ở Lãng Bạc. Mã Viện thắng, tiến lên chiếm Mê Linh rồi lại đánh bại Trưng Vương ở Cấm Khê. Trưng Vương và em là Trưng Nhị đều tử trận. Mã Viện thu được Giao Chỉ, bèn tiến quân vào quận Cửu Chân đàn áp các nhóm quân còn sót của Trưng Vương. Mã Viện đi đến đâu cũng lập quận huyện, xây thành quách và đào sông tưới ruộng để dụ dỗ dân chúng. Năm 44, Mã Viện hoàn tất đàn áp đẫm máu người Việt; quân của ông cũng chết hại rất nhiều, chỉ còn 1 nửa so với lúc xuất phát. Hán Quang Vũ Đế phong Mã Viện tước Tân Tức hầu, ban cho thực ấp 3.000 hộ. Năm 49, trong khi đem quân đi chống lại các bộ lạc Ngũ Khê ở quận Vũ Lăng (ngày nay là miền đông tỉnh Quý Châu và tây bắc tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc), Mã Viện qua đời trong một căn bệnh truyền nhiễm, cũng là bệnh đã giết chết một lượng lớn quân của ông. Bị cáo buộc Sau khi ông qua đời, phó tướng của ông là Cảnh Thư (耿舒), người đã từ lâu không đồng ý với chiến lược của Mã Viện, cùng với phò mã của vua Hán Quang Vũ Đế là Lương Tùng (梁松), người trước đó có hằn thù với Mã Viện, đã ngụy tạo ra nhiều chứng cứ để chống lại Mã Viện. Phần lớn các chứng cứ này ngày nay chúng ta không rõ là gì; chỉ còn hai cáo buộc cụ thể được biết. Trong cáo buộc thứ nhất, Mã Viện được cho là người chịu trách nhiệm về bệnh truyền nhiễm, khi ông ra lệnh hành quân chống lại các bộ lạc Ô Hoàn. Trong cáo buộc thứ hai, ông được cho là đã biển thủ ngọc trai và sừng tê giác trong các chiến dịch quân sự. Cáo buộc này có thể là sự hiểu sai về một trong các món ăn ưa thích của Mã Viện (món ông cho rằng có khả năng chống lại bệnh truyền nhiễm) là hạt ý dĩ (một loại cây thân thảo, có quả với nhân màu trắng, được trồng trọt tại miền nam Trung Quốc và miền bắc Việt Nam), thứ ông đã cho chở với số lượng lớn về kinh đô Lạc Dương. Hán Quang Vũ Đế đã tin vào các cáo buộc này và đã tước đi thái ấp cũng như tước hầu của Mã Viện. Tới năm Kiến Sơ thứ 3 (78), Hán Chương Đế mới truy tặng Viện tước Trung Thành hầu. Con cái Mã Viện có bốn con trai là Mã Liêu, Mã Phòng, Mã Quang và Mã Khách Khanh. Con gái là Mã hoàng hậu của Hán Minh Đế. Thành ngữ Mã Viện là nguồn gốc của hai thành ngữ Trung Quốc. Thành ngữ thứ nhất là "da ngựa bọc thây" (馬革裹屍 - mã cách khỏa thi), có nghĩa một khi phải bỏ thân nơi chiến địa, nên lấy da ngựa bọc thây. Cụm từ này nằm trong câu nói của Mã Viện với một người bạn tên là Mạnh Ký. Câu nói đó như sau: 男兒要當死於邊野,以馬革裹屍還葬耳,何能臥床上在兒女子手中邪! (nam nhi yếu đương tử ư biên dã, dĩ mã cách khỏa thi hoàn táng nhĩ, hà năng ngọa sàng thượng tại nhi nữ tử thủ trung tà!, bản dịch: Làm trai nên chết ở chốn biên thùy, lấy da ngựa bọc thây mà chôn mới là đáng trọng, chứ sao lại chịu nằm ở xó giường, chết ở trong tay bọn đàn bà con trẻ thì có hay gì?) Thành ngữ thứ hai là "vẽ hổ không thành, lại thành chó" (畫虎不成, 反類犬 - họa hổ bất thành, phản loại khuyển). Câu này liên quan đến lời khuyên răn của ông đối với các cháu của mình. Ông khuyên đừng cố gắng bắt chước nhân vật anh hùng lừng danh thời đó là Đỗ Bảo (杜保); có thể không thành anh hùng như Bảo, mà thành kẻ bỏ đi.
Tấm bản đồ Piri Reis được khám phá năm 1929 khi cung điện Topkapi ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ đang được cải tạo thành một viện bảo tàng. Nó là một tấm bản đồ vẽ trên da linh dương, chủ yếu là các chi tiết bờ biển phía đông châu Phi và bờ biển Nam Mỹ. Tấm bản đồ này được cho là do Piri Reis, một đô đốc nổi tiếng của hạm đội Thổ Nhĩ Kỳ vẽ năm 1513. Chi tiết đáng chú ý của tấm bản đồ là mô tả về một vùng đất nối liền từ hướng nam với Nam Mỹ rất giống với đường bờ biển châu Nam Cực ngày nay. Nhiều học giả đã đưa ra tranh luận của mình, họ trích dẫn rằng hàng thế kỷ trước những nhà vẽ bản đồ đã mô tả được vùng đất phía nam của thế giới. Vùng đất đó có thể chỉ do ông ta chắp nối từ một truyền thuyết, mà mô tả về nó một cách ngẫu nhiên giống như bờ biển thực sự ngày nay. Có học giả lại cho rằng bản đồ Piri Reis được phát triển từ nhiều tấm bản đồ của Christopher Columbus. Đề xuất rằng tấm bản đồ đã miêu tả một phần vùng đất của châu Nam Cực cổ đã gặp nhiều sự phản bác. Đầu tiên, tấm bản đồ có tỉ lệ lớn và ít chi tiết, người ta cho rằng hình vẽ vùng đất không đủ độ chính xác để đối chiếu với hình dạng địa lý ngày nay. Thứ hai, mọi điểm giống nhau mà người ta nghi ngờ là hình ảnh chụp bằng vệ tinh về châu Nam Cực dưới lớp băng có thể không xác đáng, thời kỳ châu Nam Cực chưa bị bao phủ băng tuyết khó có thể biết được hoàn toàn bởi lẽ mực nước biển lúc bấy giờ thấp hơn nhiều. Tấm bản đồ Piri Reis hiện nay được cất giữ trong thư viện cung điện Topkapi ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ nhưng hiếm khi được đem ra trưng bày trước công chúng.
Trong lý thuyết phát hiện tín hiệu, đường cong ROC, tiếng Anh receiver operating characteristic (ROC), còn gọi là receiver operating curve (đường cong đặc trưng hoạt động của bộ thu nhận - để xác định là có tín hiệu hay chỉ là do nhiễu), là một đồ thị một trục là Độ nhạy, trục còn lại là (1 - Đặc trưng) cho một hệ thống phân loại nhị phân khi mà ngưỡng phân loại của nó bị thay đổi (giá trị của ngưỡng -cutpoint- là nằm trên trục hoành, đường thẳng đứng cho thấy sự phân tách: phần bên trái được xem là không có thuộc tính cần kiểm tra, phần bên phải được xem là có thuộc tính cần kiểm tra) (xem hình). Giá trị của ngưỡng sẽ quyết định số lượng: true positives, true negatives, false positives, false negatives (xem trong phân loại nhị phân). Đường cong ROC cũng có thể được biểu diễn bằng một dạng tương đương bằng cách vẽ phần true positive (TP) theo phần false positive (FP). Hiệu của (1 - Đặc trưng) bằng false positive (FP), ví dụ: đặc trưng=0,9 thì FP=0,1. Ứng mỗi ngưỡng, sẽ cho ta một điểm (true positive, false positive). Như vậy với nhiều lựa chọn ngưỡng khác nhau, sẽ cho ta một tập hợp các điểm trên đồ thị TP-FP. Tập các điểm này sẽ tạo thành đường cong ROC. Hoàn cảnh ra đời Việc sử dụng đường cong ROC cũng rất phổ biến. Đường cong ROC dùng để đánh giá các kết quả của một dự đoán và ứng dụng đầu tiên của nó là cho việc nghiên cứu các hệ thống nhận diện trong việc phát hiện các tín hiệu radio khi có sự hiện diện của nhiễu vào thập niên 1940, sau sự kiến cuộc tấn công Trân Châu Cảng. Công trình nghiên cứu đầu tiên nhằm mục đích xác định lý do vì sao mà các "bộ hoạt động thu nhận" (receiver operators) của rađa của quân đội Mỹ lại bỏ qua tín hiệu của các máy bay Nhật. Vào thập niên 1960 chúng bắt đầu được sử dụng trong lĩnh vực tâm vật lý (tiếng Anh:psychophysics), để ước định khả năng phát hiện của con người (và thường là của động vật) đối với các tín hiệu yếu. Chúng còn chứng tỏ cho thấy tính hữu hiệu trong việc đánh giá các kết quả của máy học, như việc đánh giá các động cơ tìm kiếm trên Internet. Chúng còn được sử dụng mạnh mẽ trong dịch tễ học (epidemiology) và nghiên cứu y khoa và thường được sử dụng trong điều trị bệnh dựa trên triệu chứng (dựa vào một loạt các triệu chứng để quyết định là một người có bệnh hay không). Phương pháp dự đoán tốt nhất có thể sẽ cho ra đồ thị là một điểm ở góc trên bên trái của không gian ROC, ví dụ: 100% Độ nhạy (mọi true positives đều được tìm thấy) và 100% Đặc trưng (không có false positives nào cả). Bộ dự đoán ngẫu nhiên sẽ cho kết quả là một đường thẳng tạo một góc 45 độ với trục hoành, tính từ phía dưới bên trái đến phía trên bên phái: điều này là vì, khi ngưỡng tăng, sẽ có cùng số lượng true positives và false positives giảm đi. Tính chất Đường cong càng đi dọc theo biên trái và rồi đi dọc theo biên phía trên của không gian ROC, thì chứng tỏ kết quả kiểm tra càng chính xác. Đường cong càng tiến tới thành đường chéo 45 độ trong không gian ROC, thì độ chính xác của kiểm tra càng kém. Hệ số góc của đường thẳng tiếp tuyến tại một điểm cutpoint cho ta tỉ lệ likelihood ratio (LR) của giá trị cutpoint đó của bài kiểm tra. Diện tích phía dưới đường cong, giới hạn trong không gian ROC, là thước đo cho độ chính xác của bài kiểm tra, chẳng hạn: 1 là tối ưu, 0.5 là kém. Phần diện tích này có ý nghĩa là thước đo cho khả năng phận biệt (discrimination) tốt hay xấu. Để có thể tính được phần diện tích này, có 2 phương pháp thường dùng (không dùng tham số -non-parametric và có dùng tham số -parametric) và chúng thường được hiện thực thành các chương trình máy tính. Kết quả cho ra là diện tích và sai số chuẩn (standard error) dùng để có thể so sánh giữa các phép kiểm tra khác nhau, hay trong cùng một phép kiểm tra nhưng với số cá thể khác nhau. Ứng dụng Đôi khi, đường cong ROC dùng để khởi tạo thống kê tóm tắt. Ba dạng chính hay dùng: giao của đường cong ROC với đường thẳng vuông góc 90 độ với đường chéo (no-discrimination line) diện tích của vùng tạo bởi đường cong ROC và đường chéo (no-discrimination line) diện tích phía dưới đường cong ROC, thường gọi AUC d ' (tiếng Anh phát âm là "d-prime"), được tình bằng khoảng cách giữa giá trị trung bình của phân bố của hoạt động trong hệ thống dưới điều kiện chỉ có nhiễu và phân bố của nó dưới điều kiện tín hiệu kèm nhiễu, chia cho độ lệch chuẩn của chúng, với giả thiết là cả hai phân bố này là chuẩn với cùng độ lệch chuẩn. Tuy nhiên, nếu cố gắng qui đường cong ROC thành một giá trị số đơn thì sẽ mất đi thông tin về the pattern of tradeoffs of the particular discriminator algorithm. Trong kĩ thuật, diện tích giữa đường cong ROC và đường thẳng trục hoành là thống kê thường hay dùng nhất, vì những tính chất toán học hữu ích của nó trong thống kê không tham số (non-parametric statistic.) Diện tích này thường được gọi đơn giản là phần khác biệt (discrimination.) Trong ngành psychophysics, d ' là thước đo hay dùng nhất. Hình minh họa bên cho thấy việc sử dụng đồ thị ROC để biểu diễn phần khác biệt giữa mức độ khác biệt của các giải thuật dự đoán epitope khác nhau. Bạn muốn phát hiện ít nhất 60% lượng epitopes trong protein của một virus, bạn có thể đọc từ đồ thị để biết rằng khoảng 1/3 dữ liệu ra được đánh dấu nhầm chúng là một epitope. Thông tin không hiển thị ở đây là người dùng giải thuật biết giá trị ngưỡng nào thì sẽ cho một điểm cụ thể trên đồ thị ROC. Liên kết bên ngoài Receiver Operating Characteristic bibliography A simple example of a ROC curve A more thorough treatment of ROC curves and signal detection theory Phần mềm AccuROC ROC applets MedCalc Web based ROC calculator ROCKIT
Họ Cúc (tên khoa học: Asteraceae hoặc Compositae), còn gọi là họ Hướng dương, họ Cúc tây, là một họ thực vật có hoa hai lá mầm. Tên gọi khoa học của họ này có từ chi Aster (Cúc tây) và có từ nguyên từ gốc tiếng Hy Lạp mang nghĩa ngôi sao-hình dáng của bông hoa trong các loài của nó, được điển hình hóa thành tên gọi phổ biến chung là hoa cúc. Họ Asteraceae là họ lớn thứ nhất hoặc thứ hai trong ngành Magnoliophyta, chỉ có Họ Phong lan (Orchidaceae) là có thể có sự đa dạng lớn hơn, với khoảng 25.000 loài đã được miêu tả. Họ này theo các định nghĩa khác nhau chứa khoảng 900-1.650 chi và từ 13.000-24.000 loài. Theo dữ liệu của Vườn thực vật hoàng gia Kew mà APG II trích dẫn, họ này chứa 1.620 chi và 23.600 loài và như thế thì nó lại là họ đa dạng nhất, do cũng theo dữ liệu của Kew thì họ Lan chỉ có khoảng gần 22.000 loài. Các chi lớn nhất là Senecio (1.500 loài), Vernonia (1.000 loài), Cousinia (600 loài), Centaurea (600 loài). Định nghĩa các chi thường có vấn đề và một số chi thường xuyên bị chia nhỏ thành các nhóm nhỏ hơn Đặc điểm Các loài thuộc về họ Cúc phải chia sẻ mọi đặc trưng sau (Judd và những tác giả khác, 1999). Không có đặc điểm nào trong số này, được trích ra riêng rẽ, có thể coi là được chia sẻ bởi hai hay nhiều nhóm thuộc cùng nhánh (synapomorphy). Cụm hoa: Cụm hoa dạng đầu Bao phấn hữu tính, tức là với các nhị hoa kết hợp lại với nhau tại các gờ của chúng bởi các bao phấn, tạo thành ống Bầu nhụy với sự phân bổ cơ bản của các noãn hoa Các noãn hoa trên một bầu nhụy Mào lông (chùm lông trên quả) Quả là loại quả bế (tạo thành từ một lá noãn và không nẻ ra khi chín). Các sesquiterpen có mặt trong tinh dầu, nhưng không có các iriđôit. Đặc trưng phổ biến và chung nhất của các loài này là trong cách nói thông thường gọi là "hoa", là cụm hoa hay cụm hoa hình đầu (đúng ra là hoa hình giỏ (lam trạng hoa tự); là một cụm dày dặc của nhiều hoa nhỏ, thông thường gọi là các chiếc hoa (nghĩa là "các hoa nhỏ"). Các loài trong họ Cúc thông thường có một hoặc cả hai loại hoa con. Vòng ngoài của cụm hoa hình đầu tương tự như ở hoa hướng dương được cấu thành từ các hoa con có dạng cánh hoa dài, được gọi là lưỡi bẹ; chúng là hoa tia. Phần bên trong của đầu cụm hoa (hay đĩa) được hợp thành từ các hoa nhỏ với các cánh hoa hình ống; chúng là các hoa đĩa hay hoa phễu hoặc hoa ống. Thành phần của các hoa họ Cúc dao động từ hoa toàn tia (tương tự như ở các loài bồ công anh, chi Taraxacum) tới hoa toàn đĩa (tương tự như ở các loài cỏ dứa). Bản chất hỗn hợp của các cụm hoa của các loài thực vật này đã làm cho các nhà phân loại học thời kỳ đầu gọi họ này là họ Compositae (từ chữ composit - nghĩa là kép, hợp, phức). Mặc dù các quy tắc quản lý cách đặt tên gọi cho các họ thực vật thông báo rằng tên gọi phải xuất phát từ chi điển hình, trong trường hợp này là Aster, và vì thế sẽ là Asteraceae. Tuy nhiên, tên gọi đã thịnh hành trước đây Compositae vẫn được chấp nhận như là tên gọi khác cho họ này (ICBN Điều. 18.6). Các chi trong họ này được chia thành 13 tông. Chỉ có một trong số 13 tông này là Lactuceae, có thể là có đủ khác biệt để có thể coi là một phân họ (phân họ Cichorioideae); các tông còn lại, phần lớn là chồng ghép lẫn nhau, được đưa vào phân họ Asteroideae (Wagner, Herbst và Sohmer, 1990). Phân loại Họ Cúc được công nhận rộng khắp và đặt trong bộ Asterales. Theo truyền thống người ta công nhận hai phân họ là Asteroideae (hay 'Tubuliflorae') và Cichorioideae (hay 'Liguliflorae'). Phân họ thứ hai này là cận ngành và được chia ra thành nhiều nhóm nhỏ trong phần lớn các hệ thống phân loại mới. Cây phát sinh loài tại đây dựa theo Panero & Funk (2002), cũng được thể hiện trong hệ thống APG. Họ Asteraceae Phân họ Asteroideae Tông Anthemideae Tông Athroismeae Tông Astereae Tông Bahieae Tông Calenduleae Tông Chaenactideae Tông Coreopsideae Tông Doroniceae Tông Eupatorieae Tông Gnaphalieae Tông Helenieae Tông Heliantheae Tông Inuleae Tông Madieae Tông Millerieae Tông Neurolaeneae Tông Perityleae Tông Plucheae Tông Polymnieae Tông Senecioneae Tông Tageteae Phân họ Barnadesioideae Chi Arnaldoa - Barnadesia - Chuquiraga - Dasyphyllum - Doniophyton - Duseniella - Fulcaldea - Schlechtendalia Phân họ Carduoideae Tông Cardueae Phân họ Cichorioideae Tông Arctotideae Tông Cichorieae Tông Eremothamneae Tông Gundelieae Tông Liabeae Tông Mutisieae Tông Tarchonantheae Tông Vernonieae Cây phát sinh loài Biểu đồ không chắc chắn được vẽ dưới đây. Hình hoa rô biểu thị nhánh được hỗ trợ rất kém (<50%), dấu chấm là nhánh được hỗ trợ kém (<80%). Đáng nói tới là bốn phân họ Asteroideae, Cichorioideae, Carduoideae và Mutisioideae chiếm tới 99% sự đa dạng loài của cả họ (tương ứng là khoảng 70%, 14%, 11% và 3%). Ứng dụng Các loài thực vật có giá trị thương mại quan trọng trong họ này bao gồm các loại cây cho rau như rau diếp, rau diếp xoăn, atisô, hướng dương và atisô Jerusalem. Guayule (Parthenium argentatum) là nguồn nhựa mủ ít gây dị ứng. Nhiều thành viên trong họ Asteracae là các nguồn sản xuất mật hoa dồi dào và có ích cho việc lượng giá các quần thể động vật thụ phấn trong thời kỳ nở hoa của chúng. Centaurea (xa cúc), Helianthus annuus (hướng dương trồng), và một số loài Solidago (goldenrod) là các nguồn cung cấp mật và phấn hoa chủ yếu cho ong mật. Solidago sản xuất ra phấn hoa tương đối giàu protein, điều này giúp cho ong mật sống tốt qua được mùa đông. Nhiều loài trong họ này còn được trồng làm cây cảnh để lấy hoa, ví dụ các loài thuộc chi Chrysanthemum. Một số loài cây còn được sử dụng làm vị thuốc trong y học cổ truyền như bồ công anh, cúc hoa (cúc hoa vàng - Chrysanthemum indicum - và cúc hoa trắng). Hoa cúc thường được dùng trong đám tang, vì vậy người châu Âu và châu Mỹ vô cùng tối kị và ghét những ai tặng hoa cúc cho họ, vì chẳng khác nào bạn đang nguyền rủa họ chết. Tuy vậy, ở Việt Nam, các loại cúc vàng, chẳng hạn như cúc Đà Lạt được ưa chuộng để chưng trong ngày Tết.
Phân loại nhị phân (tiếng Anh: Binary classification) là nhiệm vụ phận loại các phần tử của một tập hợp các đối tượng ra thành 2 nhóm dựa trên cơ sở là chúng có một thuộc tính nào đó hay không (hay còn gọi là tiêu chí). Một số nhiệm vụ phân loại nhị phân điển hình: kiểm tra y khoa xem một bệnh nhân có bệnh nào đó hay không (thuộc tính để phân loại là căn bệnh đó) quản lý chất lượng trong nhà máy, ví dụ: xác định xem một sản phẩm làm ra là đủ tốt để bán chưa, hay nên loại bỏ nó (thuộc tính để phân loại là tính đủ tốt) xác định xem một trang hay một bài báo có nên nằm trong tập kết quả của một truy vấn hay không (thuộc tính là độ liên quan của bài báo - thường là sự hiện diện của một số từ nào đó trong bài báo đó) Phân loại nói chung là một trong những vấn đề được nghiên cứu trong khoa học máy tính với mục đích học tự động các hệ thống phân loại. Một số phương pháp thích hợp cho việc học phân loại nhị phân gồm có: cây quyết định, mạng Bayes, support vector machine, và mạng nơron. Đánh giá bộ phân loại nhị phân Để đánh giá độ hiệu quả của một xét nghiệm y khoa, người ta thường sử dụng các khái niệm độ nhạy và đặc trưng. Những khái niệm này rất hữu ích cho việc đánh giá bộ phân loại nhị phân. Giả sử chúng ta xét nghiệm xem một vài người nào đó có bệnh hay không. Một số người có bệnh, và kết quả xét nghiệm là dương tính (positive). Họ được gọi là các dương tính đúng. Một số người có bệnh, nhưng kết quả xét nghiệm âm tính (negative). Họ được gọi là các âm tính sai. Một số không có bệnh, và kết quả xét nghiệm cũng là âm tính. Họ được gọi là các âm tính đúng. Một số không có bệnh, nhưng kết quả xét nghiệm lại là dương tính. Họ được gọi là các dương tính sai. Tổng số người dương tính đúng, âm tính đúng, dương tính sai, âm tính sai chiếm 100% tổng số người được xét nghiệm. Độ nhạy (sensitivity) là tỉ lệ của số người bị bệnh được xác định đúng là có bệnh trên tổng số người bị bệnh, nghĩa là (dương tính đúng)/(dương tính đúng + âm tính sai). Nó có thể được coi là "xác suất xét nghiệm cho kết quả dương tính khi người được xét nghiệm có bị bệnh". Độ nhạy càng cao, càng ít khả năng bệnh không được phát hiện (hoặc, trong trường hợp quản lý chất lượng ở nhà máy, càng ít sản phẩm lỗi được đưa ra thị trường). Đặc trưng (specificity) là tỉ lệ của số người không bị bệnh có kết quả xét nghiệm âm tính trên tổng số người không có bệnh (thực), nghĩa là (âm tính đúng)/(âm tính đúng + dương tính sai). Nó còn được coi là xác suất xét nghiệm cho kết quả âm tính đối với người không có bệnh. Độ đặc trưng càng cao, càng ít người mạnh khỏe được coi là bị bệnh (hoặc trong trường hợp nhà máy, càng ít tiền bị tốn phí do loại bỏ các sản phẩm chất lượng tốt thay vì đem bán chúng). Về mặt lý thuyết, độ nhạy và đặc trưng là độc lập, tức là cả hai đều có thể đạt đến 100%. Trong thực tế, chúng ta phải đánh đổi cái này để được cái kia - cái này tốt lên thì cái kia xấu đi, không thể đạt được cả hai. Một điểm cần chú ý nữa, là độ nhạy và đặc trưng là độc lập với tỉ lệ giữa số cá thể âm tính và số cá thể dương tính. Tuy nhiên, giá trị của chúng thì lại phụ thuộc vào tổng số cá thể kiểm tra (population). Ví dụ: kiểm tra có kết quả: độ nhạy 99%, đặc trưng 99%. Giả sử số người kiểm tra là 2000 người, trong đó 1000 có bệnh và 1000 khỏe mạnh. Như vậy, ta phát hiện đúng 990 người dương tính đúng, 990 người âm tính đúng, và 10 âm tính sai, 10 dương tính sai. Cuối cùng, tỉ lệ dự đoán trúng là 99% cho cả kết quả dương tính và âm tính. Như vậy, hệ thống này được coi là khá đáng tin cậy. Giả sử số người kiểm tra là 2000 người, trong đó chỉ có 100 là thực sự bị bệnh. Giả sử ta có 99 dương tính đúng, 1 âm tính sai, 1881 âm tính đúng, và 19 dương tính sai. Trong số 19+99 người xét nghiệm dương tính, chỉ có 99 người thực sự có bệnh. Như vậy, tỉ lệ dự đoán trúng dương tính là 99/(99+19)= 84%, còn dự đoán trúng âm tính là 1881/(1881+1)= 99,9%. Nghĩa là, nếu bạn đi xét nghiệm được kết quả dương tính thì khả năng bạn bị bệnh là 84%, còn nếu kết quả là âm tính thì khả năng bạn bị bệnh chỉ là 1/1881, hay 0,05%.
Bùi Giáng (17 tháng 12 năm 1926 – 7 tháng 10 năm 1998), là nhà thơ, dịch giả và là nhà nghiên cứu văn học của Việt Nam. Các bút danh khác của ông là: Trung niên thi sĩ, Thi sĩ, Bùi Bàn Dúi, Bùi Văn Bốn, Vân Mồng... Ông nổi tiếng từ năm 1962 với tập thơ Mưa nguồn. Tiểu sử Bùi Giáng sinh ngày 17 tháng 12 năm 1926 tại làng Thanh Châu thuộc xã Vĩnh Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Cha ông là Bùi Thuyên, thuộc đời thứ 16 của dòng họ Bùi ở Quảng Nam. Do người vợ cả qua đời sớm nên ông lấy người vợ kế là bà Huỳnh Thị Kiền. Bùi Giáng là con đầu của Bùi Thuyên với Huỳnh Thị Kiền, nhưng là con thứ 5 nếu tính tất cả các anh em. Khi vào Sài Gòn, ông được gọi theo cách gọi miền Nam là Sáu Giáng. Năm 1933, ông bắt đầu đi học tại trường làng Thanh Châu. Năm 1936, ông học trường Bảo An (Điện Bàn) với thầy Lê Trí Viễn. Năm 1939, ông ra Huế học tư tại Trường trung học Thuận Hóa. Trong số thầy dạy ông có Cao Xuân Huy, Hoài Thanh, Đào Duy Anh. Tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, nhưng sau đó ông cũng kịp đậu bằng Thành chung. Năm 1949, ông tham gia kháng chiến chống Pháp, làm bộ đội Công binh. Năm 1950, ông thi đỗ tú tài đặc biệt do Liên khu V tổ chức, được cử tới Hà Tĩnh để tiếp tục học. Từ Quảng Nam phải đi bộ theo đường núi hơn một tháng rưỡi, nhưng khi đến nơi, thì ông quyết định bỏ học để quay ngược trở về quê, để đi chăn bò trên vùng rừng núi Trung Phước. Năm 1952, ông trở ra Huế thi tú tài 2 ban Văn chương. Thi đỗ, ông vào Sài Gòn ghi danh học Đại học Văn khoa. Tuy nhiên, theo T. Khuê thì sau khi nhìn danh sách các giáo sư giảng dạy lại, ông quyết định chấm dứt việc học và bắt đầu viết khảo luận, sáng tác, dịch thuật và đi dạy học tại các trường tư thục. Năm 1965, nhà ông bị cháy làm mất nhiều bản thảo của ông. Năm 1969, ông "bắt đầu điên rực rỡ" (chữ của Bùi Giáng). Sau đó, ông "lang thang du hành Lục tỉnh" (chữ của Bùi Giáng), trong đó có Long Xuyên, Châu Đốc. Năm 1971, ông trở lại sống ở Sài Gòn. Thi sĩ Bùi Giáng mất lúc 2 giờ chiều ngày 7 tháng 10 năm 1998, sau một cơn tai biến mạch máu tại bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh, tức Sài Gòn cũ) sau những năm tháng sống "điên rồ lừng lẫy chết đi sống lại vẻ vang" (chữ của Bùi Giáng). Ông được chôn cất tại nghĩa trang Gò Dưa, quận Thủ Đức. Tác phẩm Theo thống kê chưa đầy đủ, tác phẩm của Bùi Giáng có (tạm phân theo thể loại): Tập thơ Mưa nguồn (1962), 140 bài thơ Lá hoa cồn (1963), 46 bài thơ Màu hoa trên ngàn (1963) Ngàn thu rớt hột (1963) Bài ca quần đảo (1963), 33 bài thơ Sa mạc trường ca (1963) Sa mạc phát tiết (1969) Mưa nguồn hòa âm (1973), 40 bài thơ Mùi Hương Xuân Sắc (1987) Thơ Bùi Giáng (1994) Rong rêu (1995), 18 bài thơ Bèo mây bờ bến (1996), 12 bài thơ Đêm ngắm trăng (1997), 108 bài thơ Như sương (1998), 73 bài thơ Mười hai con mắt (2001), 38 bài thơ Thơ vô tận vui (2005) Mùa màng tháng tư (2007) Nhận định Nhận xét về Bà Huyện Thanh Quan (1957) Nhận xét về Lục Vân Tiên (1957) Nhận xét về Chinh phụ ngâm và Quan Âm Thị Kính. Nhận xét về truyện Kiều và truyện Phan Trần (1957) Giảng luận Giảng luận về Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu. Giảng luận về Chu Mạnh Trinh Giảng luận về Tôn Thọ Tường Giảng luận về Phan Văn Trị Tất cả đều được xuất bản năm 1957 – 1959. Triết học Tư tưởng hiện đại (1962) Martin Heidegger và tư tưởng hiện đại I và II (1963) Sao gọi là không có triết học Heidegger? (1963) Dialoque (viết chung, 1965) Tạp văn Các sách xuất bản năm 1969, có:. Đi vào cõi thơ Thi ca tư tưởng Sa mạc phát tiết Sương bình nguyên Trăng châu thổ Mùa xuân trong thi ca. Thúy Vân Các sách xuất bản năm 1970, có: Biển Đông xe cát Mùa thu trong thi ca. Các sách xuất bản năm 1971, có: Ngày tháng ngao du Đường đi trong rừng Lời cố quận Lễ hội tháng Ba Con đường ngã ba-Bước đi của tư tưởng… Sách dịch Các sách xuất bản năm 1966, có: Trăng Tỳ Hải Sương Tỳ Hải Cõi người ta Khung cửa hẹp Hoa ngõ hạnh Othello Các sách xuất bản năm 1967, có: Bạo chúa Caligula Ngộ nhận Kim kiếm điêu linh Các sách xuất bản năm 1968, có: Con đường phản kháng Mùa hè sa mạc Kẻ vô luân Các sách xuất bản năm 1969, có: Nhà sư vướng luỵ Ophélia Hamlet Hòa âm điền dã Các sách xuất bản năm 1973 và 1974, có: Hoàng Tử Bé (1973) Mùa xuân hương sắc (1974)... Âm nhạc Nhạc phẩm "Con mắt còn lại" (1992) của Trịnh Công Sơn lấy từ cảm hứng của bài thơ "Mắt buồn" trong tập thơ "Mưa nguồn". Nhạc phẩm "Mùa thu chết" (1965) của Phạm Duy lấy lời thơ của Bùi Giáng dịch "L'Adieu", nguyên tác của Guillaume Apollinaire. Hiện nay, nhiều tác phẩm của ông đã và đang được tái bản và xuất bản trong và ngoài nước. Tình cảm với Kim Cương Bùi Giáng có tình cảm với NSND Kim Cương khi bà mới 19 tuổi. Ông tỏ tình với bà nhưng không thành vì bà thấy ông có vẻ bất bình thường. Sau đó, Bùi Giáng vẫn giữ tình cảm với bà trong suốt cuộc đời ông. Cả đời Bùi Giáng chỉ nhớ mỗi số điện thoại nhà của Kim Cương, khi ông làm náo loạn trật tự, bị công an "hỏi thăm" cũng chỉ biết đọc lên số điện thoại này; lúc bị ngã xe vào cấp cứu bệnh viện, tỉnh lại cũng mang số điện thoại ra để trả lời bác sĩ. Đánh giá Trước và sau năm 1975, đã có nhiều bài viết về ông và sự nghiệp văn chương của ông. Ở đây chỉ trích giới thiệu thêm ý kiến của nhà nghiên cứu T. Khuê được in trong Từ điển văn học (bộ mới): Bùi Giáng viết rất nhiều, nhưng những gì còn lại chính là thơ. Thơ ông, ngay từ thuở đầu đã rong chơi, lãng mạn, tinh nghịch, nhẹ nhàng, hóm hỉnh, luôn là những lời vấn đáp lẩn thẩn về ý nghĩa cuộc đời, về lẽ sinh tồn, về những chuyện phù du, dâu bể, ẩn khuất khía cạnh dục tình khép mở của Hồ Xuân Hương...Từ Nguyễn Du, ông tạo nên một môtip bạc mệnh hiện đại, có màu sắc siêu thực qua tính cách tạo hình, có chất hoang mang của con người bất khả tri về mình, về người khác trong cuộc sinh tồn hiện hữu... Bùi Giáng đã tái dựng lục bát trong bối cảnh mới của thời đại hiện sinh. Nguồn thơ của ông phát tiết trong khoảng thời gian ngắn, chỉ hai năm 1962–1963 đã có tới 6 tập thơ…Chuyện hạ bút thành thơ của ông được xác định như là một hiện tượng độc đáo…Tuy nhiên bi kịch của Bùi Giáng là ông lập lại chính mình, ngay cả trong thơ, cho nên những hình ảnh đẹp, những tư tưởng tân kỳ, nhiều khi được dùng lại nhiều lần trở thành sáo và vô nghĩa...Nhưng dù sao chăng nữa, ông cũng đã tạo được một mẫu ngông thời đại, sáng tạo một kiểu say sưa, chán đời của thế kỷ 20, khác với Nguyễn Khuyến trong thế kỷ 19 hoặc Tản Đà ở đầu thế kỷ 20. Chú thích
Sỏi mật là một bệnh về đường tiêu hoá, do sự xuất hiện sỏi cholesterol và/hoặc sỏi sắc tố mật. Sỏi cholesterol do cholesterol kết tinh trong dịch mật, khi nồng độ cholesterol trong mật cao, nồng độ muối mật thấp, có sự ứ đọng dịch mật và một số nguyên nhân khác. Nguyên nhân: do tuổi tác, ăn nhiều thức ăn có hàm lượng cholesterol cao, nhiều chất béo động vật, do sinh đẻ nhiều (phụ nữ), biến chứng từ một số bệnh tiêu hoá như bệnh Crohn, cắt đoạn hồi tràng, do dùng nhiều một số dược phẩm clofibrate, estrogen... Sỏi cholesterol thường đơn độc, không cản tia X và có màu nhạt. Sỏi sắc tố mật chủ yếu là calci bilirubinate, có màu sậm, thường hình thành đám sỏi, cản tia X nhiều, hình thành khi bilirubine tăng, không liên hợp hoặc nhiễm vi trùng, nhiễm ký sinh trùng đường mật. Nguyên nhân: tuổi tác, ăn thiếu chất béo và protein, ứ đọng dịch mật, mật nhiễm trùng hoặc nhiễm ký sinh trùng, xơ gan, bệnh tán huyết, thiếu máu Địa Trung Hải, thiếu máu hồng cầu liềm. Phương pháp điều trị Chế độ ăn Người bị sỏi mật nên hạn chế ăn mỡ vì chất này ảnh hưởng đến chức năng gan, mật và dạ dày. Khi ăn nhiều mỡ, mật xuống ruột không đều, kích thích túi mật co bóp quá mạnh, một phần mật tham gia cùng cholesterol tạo sỏi. Bệnh sỏi mật gặp nhiều ở nữ hơn nam và có xu hướng tăng dần theo tuổi. Nguyên nhân gây ra sỏi mật là bệnh viêm túi mật mãn tính, ứ đọng mật và nhiễm trùng túi mật. Hiện tượng táo bón cũng tạo ra cơ hội cho vi trùng đường ruột phát triển, dẫn đến viêm tá tràng, túi mật và ống mật, do đó nó làm cho mật dễ lắng xuống thành sỏi. Sỏi mật có hai loại: Sỏi sắc tố mật: Loại này ít gặp. Sỏi cholesterol: Thường đi đôi với tình trạng cholesterol cao trong máu. Cholesterol dễ gây sỏi nếu nó có các chất béo khác kèm theo, thường gắn liền với tình trạng béo phì. Theo nghiên cứu của Đại học Kentucky (Mỹ), béo phì là một yếu tố nguy cơ quan trọng gây bệnh sỏi túi mật. Theo dõi trong 15 năm cho thấy, 3.200 trong tổng số 42.000 phụ nữ béo phải mổ sỏi mật. Người có vòng eo hơn 91,5 cm nguy cơ mổ lấy sỏi mật cao gấp đôi người có vòng eo dưới 66 cm. Ở Việt Nam, theo nghiên cứu của Bệnh viện Việt Đức, gần 42% bệnh nhân sỏi mật có béo phì. Bị sỏi mật thì ăn uống thế nào? Giảm mỡ: Cần hạn chế các thực phẩm cholesterol như phủ tạng động vật, trứng... Tăng đạm để tăng tạo tế bào gan đã bị tổn thương, chống thoái hóa mỡ tế bào gan. Giàu đường bột: Thức ăn này dễ tiêu, lại không ảnh hưởng đến mật. Nhiều chất xơ lại giúp tiêu hóa tốt tránh táo bón. Giàu vitamin C và nhóm B (để tăng chuyển hóa chất mỡ và đường bột). Dùng rau và hoa quả tươi rất tốt. Tỷ lệ giữa các chất dinh dưỡng đạm, mỡ, đường ở người trưởng thành bình thường là 1/0,75/5 còn ở người bị sỏi mật nên là 1/0,5/5. Thức ăn không nên dùng: Trà, cà phê, cacao, chocolate; thịt cá nhiều mỡ, dầu cọ, dầu dừa, phủ tạng động vật. Hạn chế ăn lòng đỏ trứng. Thức ăn nên dùng: Nước quả, hoa quả tươi các loại, rau tươi, bánh kẹo ít trứng bơ, các loại thịt cá nạc như nạc thăn lợn, thịt bò, cá quả, cá chép, các loại đậu đỗ như đậu tương, đậu xanh, đậu đen. Ngoài ra có một số thức ăn lợi mật như nghệ, lá chanh, có thể dùng được. Để kích thích túi mật co bóp nhẹ nhàng, có thể dùng một ít chất béo dễ tiêu như bơ rồi đến dầu thảo mộc sống, mỡ gà vịt. Đọc thêm Joseph Karam & Joel J. Roslyn. Cholelithiasis & chole-cystectomy. Maingots abdominal operations 1997 p1717-1736 Liu Ja Qi Wang Wenguang. The viscissitudes of cholelithiasis over 10 years in Quangxi, China (1981.1-1991.1). Asian Journal of Surgery vol 20 Nngày 2 tháng 4 năm 1997 Diehl AK. Epidemiology and natural history of gallstones disease Gastroenterology Clin North Am 20:1, 1991 Nakayama F. Soloway RD. Nakama T et al: Hepatolithiasis in East Asia: Retrospective study. Dig Dis Sci 31:21, 1986 Maki T, Matsushiro T, Suzuki N: Pathogenesis of the calcium bilirubinate stone. In Intrahepatic calculi. Newyork, Alan R Liss, 1984, p81
Chi Ngải (danh pháp khoa học: Artemisia) là một chi lớn, đa dạng của thực vật có hoa với khoảng 480 loài thuộc về họ Cúc (Asteraceae). Nó bao gồm các loại cây thân thảo hay cây bụi được biết đến nhờ mùi tinh dầu đặc trưng của nó. Chúng sinh trưởng trong các khu vực nhiệt đới và ôn đới của Bắc bán cầu, thông thường ưa thích các môi trường sinh sống khô hay bán khô. Các lá của chúng tương tự như lá dương xỉ thường có nhiều lông trắng nhỏ bao phủ. Nó chứa nhiều loài được nhiều người biết đến như ngải đắng (Artemisia absintha), ngải dấm (Artemisia tridentata), ngải cứu (Artemisia vulgaris), thanh hao hoa vàng (Artemisia annua). Các lá có mùi thơm của nhiều loài là các vị thuốc, đôi khi cũng được sử dụng để tạo hương vị, và một số loài là quan trọng. Mọi dạng ngải đều có vị rất đắng. Artemisia abrotanum, Artemesia pontica và ngải đắng (Artemisia absinthium) chứa thujon, được sử dụng để tạo hương vị cho loại thức uống chưng cất Absinthe. Mặc dù được sử dụng trong Absinthe, tinh dầu ngải tinh khiết lại là một chất độc thần kinh. Xem: Tai nạn cận kề tử vong do tinh dầu ngải. Một số loài ngải là các cây trồng. Tất cả các loài ngải có thể sống trên đất cát thoát nước tự do, không được bón phân và nhiều nắng. Các loài Artemisia bị ấu trùng của một số loài bướm thuộc bộ Lepidoptera ăn. Xem Danh sách các loài thuộc bộ Cánh vẩy ăn ngải. Phân loại Phân loại chi Artemisia hiện vẫn gặp nhiều khó khăn. Các phân chia chi Artemisia cho tới năm 2000 thành các phân chi hay tổ không được hỗ trợ bởi các dữ liệu phân tử, nhưng phần lớn các dữ liệu phân tử, ít nhất là cho tới năm 2006, là không đặc biệt đủ mạnh. Các nhóm đã nhận dạng sau đây không bao gồm tất cả các loài trong chi. Các phân chi Artemisia và Absinthium Các phân chi Artemisia và Absinthium đôi khi, nhưng không phải luôn luôn, được coi là một. Phân chi Artemisia (nguyên là Abrotanum) có đặc trưng là đầu hoa dị hình phối tử với các chiếc hoa bên ngoài là hoa cái và các chiếc hoa trung tâm là hoa lưỡng tính và sinh sản, đế hoa nhẵn nhụi. Absinthium, mặc dù đôi khi được sáp nhập với phân chi Artemisia, có đặc trưng là đầu hoa dị hình phối tử với các chiếc hoa bên ngoài là hoa cái và các chiếc hoa trung tâm là hoa lưỡng tính và sinh sản, đế hoa có lông. Nói chung, các phân chi đơn loài và không đơn ngành được đề xuất trước đây được hợp nhất vào phân chi Artemesia do chứng cứ phân tử. Chẳng hạn, năm 2011 sử dụng phân tích AND ribosome của chính mình cũng như xem xét lại các dữ liệu phân tử (như phân tích trình tự ITS) của các tác giả khác, S. Garcia et al. cho rằng điều hợp lý là đổi tên một vài loài của Sphaeromeria và Picrothamnus (từng được coi là các chi chị-em với Artemisia) thành Artemisia spp., cũng như trả một vài loài Sphaeromeria ngược trở lại chi Artemisia, nơi trước đây chúng được xếp vào. Một phần của điều này là do nghiên cứu của Watson et al. cho thấy 4 phân chi là không đơn ngành, ngoại trừ Dracunculus, sau khi phân tích và làm khớp ITS của ADN ribosome hạt nhân từ nhiều loài Seriphidium và Artemisia và các chi có liên quan như Arctanthemum và Dendranthema. Các tác giả kết luận rằng chỉ một mình hình thái học cụm hoa là không đủ tin cậy để phân hạng chi hay một số phân chi, do các tính chất trước đây dùng để phân ranh giới giữa chúng (như đồng hình phối tử, hình đĩa, cụm hoa không tia) dường như đã trải qua tiến hóa song song tới 7 lần. Picrothamnus desertorum, hiện nay được coi là Artemisia spinescens và Sphaeromeria spp. là một số ví dụ, cả hai đều là đặc hữu Bắc Mỹ. Phân chi Tridentatae Phân chi Tridentatae bao gồm 11-13 loài cây bụi thô, trong tiếng Anh gọi chung là "sagebrush", là bộ phận rất đáng chú ý trong quần thực vật miền tây Bắc Mỹ. Trong một số phân loại, trước đây chúng từng được coi là một tổ của phân chi Seriphidium hoặc phân chi trong chi Seriphidium, mặc dù các nghiên cứu gần đây đã đặt ra nghi vấn về việc gán dòng dõi này vào nhóm các loài Cựu Thế giới. Tridentatae lần đầu tiên được Rydberg coi như một tổ vào năm 1916, và cho tới McArthur et al. (1981) thì người ta mới nâng cấp nó thành phân chi tách biệt với Seriphidium. Lý do chính cho sự chia tách chúng là sự phân bố địa lý, cấu trúc thành phần hóa học và kiểu nhân đồ. Phần lớn tranh luận xung quanh Tridentatae là vấn đề thực vật địa lý học, vì thế môi trường sống và phân bố địa lý thường được trích dẫn khi tìm hiểu về sự tiến hóa của phân chi đặc hữu Bắc Mỹ này. Các chu kỳ biến đổi của các kiểu khí hậu ẩm và khô đã hỗ trợ cho “các chủng lưỡng bội và đa bội mà về mặt hình thái là tương tự nếu như không phải là không thể phân biệt được”,. Tự đa bội hóa của thực vật không phải là không thông thường, tuy nhiên Tridentatae thể hiện một lượng đáng kể các khác biệt nhiễm sắc thể ở cấp độ quần thể, chứ không phải là ở cấp độ đơn vị phân loại. Điều này góp phần gây ra khó khăn trong xác định phát sinh chủng loài của Tridentatae. Tính đồng nhất tương đối của phân chi này trong phạm vi các bội tính đã cho phép nó thường xuyên lai ghép và lai ngược, dẫn tới mức độ cao của sự biến động di truyền ở cấp độ quần thể chứ không phải ở cấp độ đơn vị phân loại. Chẳng hạn, một số bài báo gợi ý rằng để trở thành đơn ngành thì tổ Tridentatae nên loại bỏ Artemisia bigelovii và Artemisia palmeri, đồng thời gộp Artemisia pygmaea và Artemisia rigida. Các kết quả này được hỗ trợ bởi việc lập trình tự bao quát ADN lạp lục (cpDNA) và ADN ribosome hạt nhân (nrDNA) trệch khỏi các dữ liệu hình thái, giải phẫu và tập tính trước đó. Các dòng dõi truyền thống trong phạm vi Tridentatae được đề xuất trên cơ sở hình thái lá, sự ưa thích môi trường sống và khả năng mọc ra cây con từ lá trong số các đặc trưng hình thái và tập tính khác. Chẳng hạn, các loài thuộc dòng dõi Artemisia tridentata (loài điển hình của phân chi này) có lá ba răng, sống trong các môi trường sống đặc biệt khô cằn và không thể mọc ra cây con từ rễ. Phương pháp tạo ranh giới này có vấn đề đối với các loài không giữ đầy đủ các đặc trưng của dòng dõi này. Môi trường sống khô và sự hiện diện của lớp bần liên chất gỗ là các đặc trưng để coi Tridentatae như một phân chi độc lập của chính nó, và có một vài chứng cứ phân tử ribosome của nhóm “lõi Tridentatae” của phân chi này. Năm 2011, Garcia et al. đề xuất mở rộng Tridentatae và tổ chức nó thành các tổ Tridentatae, Nebulosae và Filifoliae dựa theo nghiên cứu trước đó thiết lập các mối quan hệ thông qua ADN ribosome và hạt nhân. Các dạng quá độ là đặc biệt phổ biến trong các phân chi phân tỏa gần đây như Tridentatae, do các đảo ngược thường xuyên của chúng và tiến hóa hội tụ. Các xem xét tổng thể Artemisia sử dụng phân tích ITS hỗ trợ giả thuyết cho rằng Tridentatae có nguồn gốc độc lập từ Seriphidium Cựu Thế giới. Các phát hiện này được so sánh với hình thái học của đầu hoa, thách thức các giả định trước đây dựa theo các đặc trưng hoa. Để hiểu tốt hơn sự đa dạng hóa nhanh và sự phân tỏa tương đối so với Artemisia Cựu Thế giới, một nghiên cứu tỉ mỉ hơn về các loài Beringia hay Bắc cực có thể cung cấp các mối liên kết bị bỏ sót. Artemisia tridentata Artemisia cana Artemisia nova Artemisia rigida Artemisia arbuscula Artemisia longiloba Artemisia tripartita Artemisia pygmaea Artemisia rothrockii Tổ Tridentatae bao gồm các loài kể trên ngoại trừ Artemisia longiloba được coi là phân loài của A. arbuscula (A. arbuscula subsp. longiloba). Tổ Nebulae bao gồm A. californica, A. nesiotica và A. filifolia. Phân chi Seriphidium Các loài Cựu Thế giới mà các phân loại khác nhau đặt vào chi hay phân chi Seriphidium bao gồm khoảng 125 loài bản địa châu Âu và ôn đới châu Á, với sự đa dạng loài lớn nhất ở Trung Á. Một số phân loại, như của Flora of North America, loại bỏ bất kỳ loài Tân Thế giới nào ra khỏi Seriphidium. Các loài của phân chi này là thực vật thân thảo hoặc cây bụi nhỏ. Seriphidium được phân hạng về mặt hình thái bởi các đầu hoa đồng hình phối tử với tất cả các chiếc hoa đều là lưỡng tính và sinh sản cùng đế hoa nhẵn nhụi. Loài điển hình của phân chi này là A. maritima. Tridentatae nguyên ban đầu được phân hạng trong phạm vi Seriphidium là do các điểm tương đồng về hoa, cụm hoa và hình thái lá, cho tới khi có phân tích của McArthur et al. năm 1981, trong đó giải thích các điểm tương đồng này là do tiến hóa hội tụ. Seriphidium Cựu Thế giới, với 125 loài bản địa châu Âu và ôn đới châu Á, trước đây hiểu theo nghĩa rộng bao gồm cả Seriphidium Bắc Mỹ hay Seriphidium "Tân Thế giới" và Seriphidium Cựu Thế giới. Seriphidium Bắc Mỹ hiện nay được đặt trong Tridentatae do sự phân bố địa lý, tập tính phát triển, các điểm tương đồng về kiểu nhân đồ và hóa phân loại học (như sự hiện diện của một số terpenol nhất định). Phân chi Dracunculus Một nhóm được hỗ trợ tốt bởi các dữ liệu phân tử là phân chi Dracunculus. Nó bao gồm 80 loài được tìm thấy ở cả Bắc Mỹ và đại lục Á-Âu, trong đó được biết đến nhiều nhất có lẽ là A. dracunculus (thanh cao rồng, ngải thơm hay thanh hao lá hẹp). Dracunculus được chia tách bởi các đặc trưng hình thái như đầu hoa dị hình phối tử với các chiếc hoa cái ở bên ngoài và các chiếc hoa lưỡng tính ở trung tâm, nhưng với hoa cái vô sinh, đế hoa nhẵn nhụi. Dracunculus là phân chi được hỗ trợ mạnh nhất và dung giải tốt nhất của chi Artemisia, bao gồm loài điển hình của phân chi là A. dracunculus. Phân tích trình tự ADN lạp lục và ribosome năm 2011 hỗ trợ tính đơn ngành của phân chi này với 2 nhánh, một trong số này bao gồm một số loài đặc hữu Bắc Mỹ cũng như phần lớn các loài châu Âu và châu Á của phân chi này, trong khi nhánh còn lại chỉ bao gồm A. salsoloides và A. tanaitica, được tìm thấy ở Đông Âu và Siberia tới Tây Himalaya. Nghiên cứu này đặt Dracunculus như là một trong các phân chi phát sinh gần đây nhất của Artemisia, xếp A. salisoides nằm gần cơ sở hơn trên cây phát sinh chủng loài, với nhóm các loài đặc hữu Bắc Mỹ phát sinh ở đầu kia của sự chia tách từ tổ tiên chung với Dracunculus. Các chi đề xuất trước đây Mausolea, Neopallasia và Turaniphytum hiện nay được coi là nằm trong phân chi Dracunculus theo chứng cứ ADN ribosome và lạp lục, với các loài tiếp theo được dung giải như là các nhóm chị em với Dracunculus do các mối quan hệ thực vật hóa học. Gần đây, một số tác giả tách A. chinensis, A. australis, A. kauaiensis và A. mauiensis từ phân chi Dracunculus để tạo ra phân chi mới là Pacifica. Các loài Artemisia abrotanum L. -- Ngải chanh Artemisia absinthium L. -- Ngải Absinth, khổ hao Trung Á, ngải đắng. Artemisia adamsii Besser: Đông bắc ti liệt hao Artemisia afra: Ngải (đắng) châu Phi Artemisia alaskana Rydb. -- Ngải Alaska Artemisia alba Artemisia alcockii Pamp. Artemisia aleutica Hultén—Ngải Aleutia Artemisia amoena Poljakov Artemisia annua L. -- Thanh hao hoa vàng Artemisia araxina Takht. Artemisia arbuscula Nutt. -- Ngải đắng nhỏ, ngải đắng đen Artemisia arctica Less. -- Ngải đắng bắc Artemisia arctisibirica Korobkov Artemisia arenaria DC. Artemisia arenicola Krasch. ex Poljakov Artemisia argentea (Ngải Madeira?) Artemisia argyi H.Lév. & Vaniot Artemisia argyrophylla Ledeb. Artemisia armeniaca Lam. Artemisia aromatica A.Nelson = A. dracunculus ? Artemisia aschurbajewii C.G.Aro Artemisia australis Less. -- Ngải Oahu Artemisia austriaca Jacq. Artemisia avarica Minat. Artemisia badhysi Krasch. & Lincz. ex Poljakov Artemisia balchanorum Krasch. Artemisia baldshuanica Krasch. & Zaprjag. Artemisia bargusinensis Spreng. Artemisia bejdemaniae Leonova Artemisia biennis Willd. -- Ngải nhị niên Artemisia bigelovii Gray—Ngải Bigelov Artemisia borealis Pall. Artemisia borotalensis Poljakov Artemisia bottnica Lundstr. ex Kindb. Artemisia caespitosa Ledeb. Artemisia californica Less. -- Ngải đắng ven biển, ngải đắng California Artemisia camelorum Krasch. Artemisia campestris L. -- Ngải đắng thường, ngải Thái Bình Dương, ngải dấm đồng Artemisia cana Pursh—Ngải đắng bạc Artemisia canadensis: Ngải Canada Artemisia capillaris Thunb.: Nhân trần hao Artemisia carvifolia Bess.: Thanh hao Artemisia carruthii Wood ex Carruth. -- Ngải Carruth Artemisia caucasica Willd. Artemisia chamaemelifolia Vill. Artemisia cina O. Berg & C. F. Schmidt—Santonica, Levant Artemisia ciniformis Krasch. & Popov ex Poljakov Artemisia coarctata (???) Artemisia commutata Besser Artemisia compacta Fisch. ex DC. Artemisia cuspidata Krasch. Artemisia czukavinae Filatova Artemisia daghestanica Krasch. & Poretzky Artemisia demissa Krasch. Artemisia depauperata Krasch. Artemisia deserti Krasch. Artemisia desertorum Spreng. Artemisia diffusa Krasch. ex Poljakov Artemisia dimoana Popov Artemisia dolosa Krasch. Artemisia douglasiana Bess. -- Ngải Douglas Artemisia dracunculus L. -- Thanh hao lá hẹp Artemisia dubia Wall. Artemisia dubjanskyana Krasch. ex Poljakov Artemisia dumosa Poljakov Artemisia elongata Filatova & Ladygina Artemisia eremophila Krasch. & Butkov ex Poljakov Artemisia eriantha Ten. Artemisia feddei H.Lév. & Vaniot Artemisia fedtschenkoana Krasch. Artemisia ferganensis Krasch. ex Poljakov Artemisia filifolia Torr. -- Sand Sagebrush, Ngải đắng cát, ngải bạc Artemisia flava Jurtzev Artemisia franserioides Greene—ngải đắng dại Artemisia freyniana (Pamp.) Krasch. Artemisia frigida Willd. Artemisia fulvella Filatova & Ladygina Artemisia furcata Bieb. Artemisia galinae Ikonn. Artemisia glabella Kar. & Kir. Artemisia glacialis: Ngải Alpine Artemisia glanduligera Krasch. ex Poljakov Artemisia glauca Pall. ex Willd. Artemisia glaucina Krasch. ex Poljakov Artemisia globosa Krasch. Artemisia globularia Cham. ex Bess. -- Ngải tía Artemisia glomerata Ledeb. -- ngải khúc, ngải Alpine Thái Bình Dương Artemisia gmelinii Webb ex Stechmann—Ngải Gmelin Artemisia gnaphalodes Nutt. Artemisia gorjaevii Poljakov Artemisia gracilescens Krasch. & Iljin Artemisia gurganica (Krasch.) Filatova Artemisia gypsacea Krasch., Popov & Lincz. ex Poljakov Artemisia halodendron Turcz. ex Besser Artemisia halophila Krasch. Artemisia heptapotamica Poljakov Artemisia hippolyti Butkov Artemisia hololeuca M.Bieb. ex Besser Artemisia hulteniana Vorosch. Artemisia incana (L.) Druce Artemisia insulana Krasch. Artemisia insularis Kitam. Artemisia integrifolia L. Artemisia issykkulensis Poljakov Artemisia jacutica Drobow Artemisia japonica Thunb. Artemisia juncea Kar. & Kir. Artemisia karatavica Krasch. & Abolin ex Poljakov Artemisia karavajevii Leonova Artemisia kaschgarica Krasch. Artemisia kauaiensis (Skottsberg) Skottsberg—Ngải Kauai Artemisia keiskeana Miq. Artemisia kelleri Krasch. Artemisia kemrudica Krasch. Artemisia knorringiana Krasch. Artemisia kochiiformis Krasch. & Lincz. ex Poljakov Artemisia koidzumii Nakai Artemisia kopetdaghensis Krasch. ex Poljakov Artemisia korovinii Poljakov Artemisia korshinskyi Krasch. ex Poljakov Artemisia kruhsiana ‎ Bess. -- Ngải Krush Artemisia kulbadica Boiss. & Buhse Artemisia kuschakewiczii C.G.A.Winkl. Artemisia laciniata Willd. -- Ngải Siberi Artemisia laciniatiformis Kom. Artimisia lactiflora Artemisia lagocephala (Besser) DC. Artemisia lagopus Fisch. ex Besser Artemisia latifolia Ledeb. Artemisia ledebouriana Besser Artemisia lehmanniana Bunge Artemisia leontopodioides Fisch. ex Besser Artemisia lessingiana Besser Artemisia leucodes Schrenk Artemisia leucophylla (Turcz. ex Besser) Pamp. Artemisia leucotricha Krasch. ex Ladygina Artemisia lindleyana Bess. -- Ngải sông Columbia Artemisia lipskyi Poljakov Artemisia littoricola Kitam. Artemisia longifolia Nutt. -- Ngải lá dài Artemisia ludoviciana Nutt. -- Ngải xám, ngải trắng Artemisia macilenta (Maxim.) Krasch. Artemisia macrantha Ledeb. Artemisia macrobotrys Ledeb. -- Ngải Yukon Artemisia macrocephala Jacq. ex Besser Artemisia macrorhiza Turcz. Artemisia maracandica Bunge Artemisia maritima L. -- Ngải biển Artemisia marschalliana Spreng. Artemisia martjanovii Krasch. ex Poljakov Artemisia mauiensis (Gray) Skottsberg—Ngải Maui Artemisia maximovicziana Krasch. ex Poljakov Artemisia medioxima Krasch. ex Poljakov Artemisia messerschmidtiana Besser Artemisia michauxiana Bess. -- Ngải Michaux Artemisia mogoltavica Poljakov Artemisia mongolica (Besser) Fisch. ex Nakai Artemisia mongolorum Krasch. Artemisia montana (Nakai) Pamp. Artemisia mucronulata Poljakov Artemisia multisecta Leonova Artemisia namanganica Poljakov Artemisia nesiotica Raven—Ngải đảo Artemisia nigricans Filatova & Ladygina Artemisia norvegica Fries—Ngải Na Uy Artemisia nova A. Nels. -- Ngải đen Artemisia obscura Pamp. Artemisia obtusiloba Ledeb. Artemisia oelandica (Besser) Krasch. Artemisia olchonensis Leonova Artemisia oliveriana J.Gay ex Besser Artemisia opulenta Pamp. Artemisia packardiae J. Grimes & Ertter—Ngải Packard Artemisia pallasiana Fisch. ex Besser Artemisia palmeri Gray—Ngải San Diego Artemisia palustris L. Artemisia pannosa Krasch. Artemisia papposa Blake & Cronq. -- Ngải Owyhee Artemisia parryi Gray—Ngải Parry Artemisia pattersonii Gray—Ngải Patterson Artemisia pectinata Pall. Artemisia pedatifida Nutt. -- Ngải chân chim Artemisia pedemontana Balb. Artemisia persica Boiss. Artemisia pewzowii C.G.A.Winkl. Artemisia phaeolepis Krasch. Artemisia polysticha Poljakov Artemisia pontica L. -- Ngải La Mã, ngải biển Đen Artemisia porrecta Krasch. ex Poljakov Artemisia porteri Cronq. -- Ngải Porter Artemisia prasina Krasch. ex Poljak. Artemisia proceriformis Krasch. Artemisia prolixa Krasch. ex Poljak. Artemisia punctigera Krasch. ex Poljakov Artemisia purshiana Besser Artemisia pycnocephala (Less.) DC. Artemisia pycnorhiza Ledeb. Artemisia pygmaea Gray—Ngải lùn Pygmy Artemisia quinqueloba Trautv. Artemisia remotiloba Krasch. ex Poljakov Artemisia rhodantha Rupr. Artemisia rigida (Nutt.) Gray—Ngải Scabland Artemisia rothrockii Gray—Ngải Timberline Artemisia rubripes Nakai Artemisia rupestris L. -- Ngải đá Artemisia rutifolia Stephan ex Spreng. Artemisia saissanica (Krasch.) Filatova Artemisia saitoana Kitam. Artemisia salsoloides Willd. Artemisia samoiedorum Pamp. Artemisia santolina Schrenk Artemisia santolinifolia Turcz. ex Besser Artemisia santonica L. Artemisia saposhnikovii Krasch. ex Poljak. Artemisia schischkinii Krasch. Artemisia schmidtiana—Ngải sa tanh Artemisia schrenkiana Ledeb. Artemisia scoparia Waldst. & Kit. -- Ngải thân đỏ Artemisia scopiformis Ledeb. Artemisia scopulorum Gray—Ngải đắng Alpine, ngải lùn Artemisia scotina Nevski Artemisia senjavinensis Bess. -- Ngải Bắc Cực Artemisia selengensis Turcz. ex Besser Artemisia semiarida (Krasch. & Lavrenko) Filatova Artemisia senjavinensis Besser Artemisia sericea Weber ex Stechm. Artemisia serotina Bunge Artemisia serrata Nutt. -- Ngải răng cưa Artemisia spinescens (đồng nghĩa Picrothamnus desertorum): Ngải nụ Artemisia sieversiana Willd. Artemisia skorniakowii C.G.A.Winkl. Artemisia sogdiana Bunge Artemisia songarica Schrenk Artemisia spicigera K.Koch Artemisia splendens Willd. Artemisia stelleriana Bess. -- ngải bà già, ngải bờ biển Artemisia stenocephala Krasch. ex Poljak. Artemisia stenophylla Kitam. Artemisia stolonifera (Maxim.) Kom. Artemisia subarctica Krasch. Artemisia subchrysolepis Filatova Artemisia sublessingiana Krasch. ex Poljakov Artemisia subsalsa Filatova Artemisia subviscosa Turcz. ex Besser Artemisia succulenta Ledeb. Artemisia suksdorfii Piper—ngải bờ biển Artemisia sylvatica Maxim. Artemisia szowitziana (Besser) Grossh. Artemisia tanacetifolia L. Artemisia taurica Willd. Artemisia tenuisecta Nevski Artemisia terrae-albae Krasch. Artemisia tianschanica Krasch. ex Poljak. Artemisia tilesii Ledeb. -- Ngải Tilesius Artemisia tomentella Trautv. Artemisia tournefortiana Rchb. Artemisia transbaicalensis Leonova Artemisia transiliensis Poljakov Artemisia trautvetteriana Besser Artemisia tridentata Nutt. -- Ngải đắng lớn, ngải xanh, ngải đen Artemisia tridentata parsihii: ngải đắng lớn Artemisia tridentata spiciformis: ngải đắng lớn Artemisia tridentata tridentata: ngải đắng lớn Artemisia tridentata vasayana: ngải đắng lớn miền núi Artemisia tridentata wyomingensis: ngải đắng lớn Wyoming Artemisia tridentata xericensis: ngải đắng lớn Artemisia triniana Besser Artemisia tripartita Rydb. -- Ngải ba đỉnh Artemisia tripartita rupicola: Ngải ba đỉnh Wyoming Artemisia tripartita tripartita Artemisia turanica Krasch. Artemisia turcomanica Gand. Artemisia umbelliformis Lam. -- ngải Alp Artemisia unalaskensis Rydb. Artemisia vachanica Krasch. ex Poljak. Artemisia valida Krasch. ex Poljak. Artemisia verlotiorum Lamotte Artemisia villarsii Gren. & Godr. = A. eriantha Artemisia viridis Willd. Artemisia vulgaris L. -- ngải điệp, ngải cứu Artemisia vulgaris kamtschatica: ngải cứu Artemisia vulgaris vulgaris: ngải cứu. Artemisia vulgaris coarctata Artemisia vulgaris indica - ngải dại Artemisia vulgaris verlotorum Một số loài ngải đáng chú ý Ngải đắng hay ngải áp xanh (ngải Absinth) (Artemisia absinthium) được sử dụng để diệt trừ bọ chét và nhậy, cũng như trong sản xuất đồ uống (bia ngải, rượu vang ngải). Rượu khai vị vermouth (từ tiếng Đức Wermut - nghĩa là ngải đắng) là loại rượu vang được tạo hương vị bằng các loại cây tạo mùi vị, nhưng nguyên thủy là từ ngải đắng. Nó cũng được sử dụng trong y học như là thuốc bổ, thuốc dễ tiêu, thuốc hạ sốt và thuốc trừ giun. Nó có nguồn gốc ở khu vực châu Âu và Siberia nhưng hiện nay đã phổ biến ở cả Hoa Kỳ. Artemisia arborescens L. (Sheeba trong tiếng Ả Rập) là loại ngải cực đắng có nguồn gốc ở vùng Trung Đông được sử dụng trong chè, thông thường cùng với bạc hà. Nó có thể có một vài tính chất của loại chất gây ảo giác. Trong văn hóa "Đắng như ngải" là một thành ngữ khá phổ biến. Ngải (Apsinthos trong các văn bản tiếng Hy Lạp) là "tên gọi của ngôi sao" trong Sách Khải huyền (8:11) (kai to onoma tou asteros legetai ho Apsinthos) mà thánh John Evangelist đã viết ra như là đồ bỏ đi của các thiên thần và rơi xuống nước, làm cho nó đắng đến mức không thể uống. Ngoài sách Khải huyền, còn tới tám tham chiếu khác nữa trong Kinh Thánh có chỉ ra rằng ngải là loại cây cỏ phổ biến trong khu vực và vị đắng dễ sợ của nó đã được biết đến, như là một loại đồ có thể uống được dùng vì một vài lý do nào đó. Một số người cho rằng Chernobyl được dịch là "ngải" trong ý nghĩa đã nói trên đây của "Apsinthos", nó là "ngải Absinth". Tuy nhiên, dịch chính xác thì nó là ngải cứu, đôi khi được nói đến như là "ngải thường" (xem Chernobyl: Nguồn gốc tên gọi). Trong văn hóa Nga, một thực tế là các loài thuộc chi ngải được sử dụng khá phổ biến trong y học, và vị đắng của nó gắn liền với các hiệu ứng y học, đã làm cho ngải được coi là biểu tượng của "sự thật cay đắng" mà người bị lừa dối phải chấp nhận (thông thường là tự dối mình). Vị đắng của mọi phần trên cây ngải cũng được bà vú nuôi dùng để cai sữa bằng cách bôi vào vú, như được đề cập trong Romeo và Juliet Phần I, hồi 3: Bà vú nuôi:... Và cô ấy [Juliet] đã bú-Tôi không bao giờ quên điều đó- Tất cả các ngày trong cả năm, cho đến ngày: Tôi bôi ngải vào đầu vú,..... Shakespeare cũng có đề cập tới cây ngải trong Hamlet.
Entente (tiếng Pháp, có nghĩa "đồng minh", "đồng ý") còn gọi là phe Hiệp ước hay phe Đồng minh đánh dấu bản hiệp ước được ký kết giữa Anh và Pháp vào ngày 8 tháng 4 năm 1904 với tên Entente cordiale (hay "Đồng minh hữu nghị") về các vấn đề thuộc địa. giữa Anh và Nga vào ngày 31 tháng 8 năm 1907 để mở rộng quyền lợi của họ. thông thường, Entente được hiểu là Triple entente (Tam quốc Đồng minh). Nhóm Triple entente này tạo ra đối trọng chính chống lại nhóm Liên minh Trung tâm (Central Powers) trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. (Trong Cách mạng tháng Mười ở Nga nhóm Đồng minh ba bên đã ủng hộ Bạch quân Nga). Vào năm 1920 một nhóm đồng minh nhỏ (Little Entente) giữa Tiệp Khắc, Nam Tư và România đã hình thành vì đòi hỏi của Pháp và Ba Lan. Vào năm 1934 ba nước cộng hòa vùng Baltic Estonia, Latvia và Litva đã ký một hiệp định bảo vệ lẫn nhau trong quân sự và đối ngoại, cũng được gọi là Đồng minh Baltic (Baltic Entente). Sự hình thành Vào năm 1890 Wilhelm II, người bước vào quyền lực lúc này ở Đức, đã lật lên bản hợp đồng bảo vệ lưng, cái đã được ký kết năm 1887 với Nga bởi Bismarck, và từ bỏ nó khi trở thành thủ tướng Đế quốc Đức. Vì sợ hãi trước một cuộc chiến khả thi với Đế quốc Đức, Nga đã bước vào nhóm liên minh quân sự với Pháp. Hiệp ước giữa Nga và Pháp được ký vào ngày 17 tháng 8 năm 1894. Trong khi đó, Anh và Pháp đã xích mích từ lâu trong những cuộc tranh cãi thuộc địa từ chủ nghĩa đế quốc (Pháp đòi hỏi một liên minh Đông-Tây, Anh quốc thì một liên minh Bắc-Nam). Họ thống nhất với nhau vào ngày 8 tháng 4 năm 1904 trên một sự phân chia ranh giới của khu vực quan tâm: Bắc Phi, Trung Phi, Tây Phi, Newfoundland, Xiêm và kênh Suez và đưa vào những tranh cãi của họ. Từ đó nhóm đồng minh giữa Pháp và Anh (hay Entente cordial) đã được hình thành. 1907 Anh và Nga đã tìm thấy sự cân bằng ở Viễn Đông (bao gồm Ba Tư, Tây Tạng và Afghanistan) và cùng ký một hiệp ước tham gia vào nhóm đồng minh vào ngày 31 tháng 8 năm 1907 tại Sankt-Peterburg. Từ các hiệp ước đó, một đồng minh ba bên (hay Triple entente) bao gồm Anh, Pháp và Nga đã hình thành. Những hiệp định cơ bản 1891 - 93: Nhóm Nga-Pháp 1904: Hiệp ước Anh-Pháp 1907: Hiệp ước Nga-Anh Đồng minh và với quyền lực liên minh của họ Đồng minh Đế quốc Pháp Đế quốc Anh Đế quốc Nga (cuối 1901 đến tháng 11 năm 1917) Ý(từ giữa 1915) Đế quốc Nhật Bản (tháng 8 năm 1914) Hoa Kỳ (1917) Các thế lực đồng minh Bỉ (bao gồm cả các thuộc địa của Bỉ) Vương quốc Montenegro Vương quốc Serbia Khối liên hiệp Anh Úc Ấn Độ Canada Newfoundland New Zealand Nam Phi Bồ Đào Nha (Tháng 3 1916) (bao gồm cả các thuộc địa của Bồ Đào Nha) Vương quốc Romania (Tháng 8 1916- Tháng 5 1918) Các quốc gia có tham gia hoạt động quân sự: Albania Brasil (Tháng 10 1917) Armenia (Tháng 5 1918) Tiệp Khắc - Quân đoàn Tiệp Khắc Phần Lan (Tháng 10 1918) Nepal Xiêm San Marino (Tháng 6 1915) Các quốc gia có tuyên chiến nhưng không tham gia hoạt động quân sự: (Tháng 4 1917) (Tháng 8 1917) (Tháng 5 1918) (Tháng 4 1917) (Tháng 12 1917) (Tháng 4 1918) (Tháng 8 1917) (Tháng 7 1918) (Tháng 7 1918) (Tháng 5 1918) (Tháng 12 1917) (Tháng 10 1917) Các nhà lãnh đạo và chỉ huy quân sự của Entente Đế quốc Nga Nikolai II — hoàng đế Nga (thoái vị ngày 15 tháng 3 1917) Công tước Nicholas Nikolaevich - Tổng tư lệnh quân đội (1 tháng 8 năm 1914 – 5 tháng 9 năm 1916) Alexander Samsonov - Chỉ huy trưởng tập đoàn quân số 2 tấn công vào Đông Phổ (1 tháng 8 năm 1914 – 29 tháng 8 năm 1914) Paul von Rennenkampf - Chỉ huy trưởng tập đoàn quân số 1 tấn công vào Đông Phổ (1 tháng 8 năm 1914 - Tháng 11 1914) Nikolai Ivanov - Chỉ huy trưởng phương diện quân Tây Nam (1 tháng 8 năm 1914 - Tháng 3 1916) Aleksei Brusilov - Chỉ huy trưởng phương diện quân Tây Nam, Tổng tư lệnh quân đội (Tháng 2 1917 - Tháng 8 1917) Lavr Georgievich Kornilov - Chỉ huy trưởng phương diện quân Tây Nam, Tổng tư lệnh quân đội (Tháng 8 1917) Pháp Raymond Poincaré - Tổng thống Pháp René Viviani - Thủ tướng Pháp (13 tháng 6 năm 1914 - 29 tháng 10 năm 1915) Aristide Briand - Thủ tướng Pháp (29 tháng 10 năm 1915 - 20 tháng 3 năm 1917) Alexandre Ribot - Thủ tướng Pháp (20 tháng 3 năm 1917 - 12 tháng 9 năm 1917) Paul Painlevé - Thủ tướng Pháp (12 tháng 9 năm 1917 - 16 tháng 11 năm 1917) Georges Clemenceau - Thủ tướng Pháp (từ 16 tháng 11 năm 1917) Joseph Joffre - Tổng tư lệnh quân đội Pháp (3 tháng 8 năm 1914 - 13 tháng 12 năm 1916) Robert Nivelle - Tổng tư lệnh quân đội Pháp (13 tháng 12 năm 1916 - Tháng 4 1917) Philippe Pétain - Tổng tư lệnh quân đội Pháp (Tháng 4 1917 - 26 tháng 3 năm 1918) Ferdinand Foch - Tổng tư lệnh quân đội Pháp, tổng tư lệnh các lực lượng Đồng minh (26 tháng 3 năm 1918 - 11 tháng 11 năm 1918) Vương quốc Anh George V - Vua Anh H. H. Asquith - Thủ tướng Anh (Cho đến 5 tháng 12 năm 1916) D. Lloyd George - Thủ tướng Anh (từ 7 tháng 12 năm 1916) Horatio Herbert Kitchener - Bộ trưởng chiến tranh (5 tháng 8 năm 1914 - 5 tháng 6 năm 1916) William Robertson - Tổng tư lệnh quân đội Hoàng gia Anh John French - Tổng tư lệnh lực lượng viễn chinh Anh (4 tháng 8- 15 tháng 12 năm 1915) Douglas Haig - Tổng tư lệnh lực lượng viễn chinh Anh (15 tháng 12 năm 1915 - 11 tháng 11 năm 1918) Jackie Fisher - Đô đốc hải quân hoàng gia Anh - (1914 - Tháng 5 1915) Henry Jackson - Đô đốc hải quân hoàng gia Anh - (Tháng 5 1915 - Tháng 11 1916) John Jellicoe - Đô đốc hải quân hoàng gia Anh (Tháng 11 1916 - Tháng 12 1917) Úc Billy Hughes - Thủ tướng Úc (1915 đến hết chiến tranh) John Monash - Tổng tư lệnh các lực lượng Úc tại mặt trận phía Tây Canada Robert Borden - Thủ tướng Canada (1914-1918) Julian Byng (Tháng 6 1916 - Tháng 6 1917) Tổng tư lệnh các lực lượng Canada Arthur Currie - Tổng tư lệnh các lực lượng viễn chinh Canada Ấn Độ John Nixon - chỉ huy trưởng lực lượng Ấn Độ tại Trung Đông Nam Phi Louis Botha - Thủ tướng Nam Phi Jan Smuts - Chỉ huy trưởng lực lượng Nam Phi tại Tây Nam Phi và Đông Phi Serbia Peter I - Vua Serbia Vojvoda Radomir Putnik - Tổng tư lệnh quân đội Serbia Vojvoda Petar Bojović - Tổng tư lệnh quân đội Serbia Vojvoda Stepa Stepanović Vojvoda Živojin Mišić Janko Vukotić Bỉ Albert I - Vua Bỉ (23 tháng 12 năm 1909 - 17 tháng 2 năm 1934) Tiệp Khắc Milan Rastislav Stefanik Italy Victor Emmanuel III - Vua Ý Luigi Cadorna - tổng tư lệnh quân đội Ý Armando Diaz - Tổng tư lệnh quân đội Ý Luigi, Duke of Abruzzi - Tổng tư lệnh hạm đội Adriatic (1914 - 1917) Romania Ferdinand I - Vua Romania Constantin Prezan - Tổng tham mưu trưởng quân đội Romania Alexandru Averescu Hoa Kỳ Woodrow Wilson - Tổng thống Hoa Kỳ/Tổng tư lệnh quân đội Hoa Kỳ Newton D. Baker - Bộ trưởng chiến tranh John J. Pershing - Tổng tư lệnh lực lượng viễn chinh Hoa Kỳ Đế quốc Nhật Bản Thiên hoàng Đại Chính - Thiên hoàng Nhật Bản Ōkuma Shigenobu - Thủ tướng Nhật Bản (16 tháng 4 năm 1914 - 9 tháng 10 năm 1916) Terauchi Masatake - Thủ tướng Nhật Bản (9 tháng 10 năm 1916 - 29 tháng 9 năm 1918)
Justus Dahinden (sinh ngày 5 tháng 18 năm 1925 tại Zürich, Thụy Sĩ) là một kiến trúc sư và tác giả viết về kiến trúc nổi tiếng người Thụy Sĩ. Tiểu sử Từ năm 1945 đến năm 1949, Dahinden học kiến trúc tại Học viện Kỹ thuật Liên bang Thụy Sĩ (tiếng Đức: Eidgenössische Technische Hochschule Zürich, ETHZ) và lấy bằng tiến sĩ về kiến trúc tại đây năm 1956. Ông mở văn phòng thiết kế riêng năm 1955 tại Zurich. Vào năm 1974, ông trở thành giáo sư Trường kiến trúc của Đại học Kỹ thuật Wien (tiếng Đức: Technische Universität Wien). Từ năm 1974 đến năm 1995, ông là hiệu trưởng Học viện Thiết kế Không gian và Nội thất ở Viên. Ông còn được bổ nhiệm làm giáo sư tại Viện Hàn lâm Kiến trúc Quốc tế (tiếng Anh: International Academy of Architects, IAA) tại Sofia, Bulgaria. Triết lý của ông dựa về bản chất tổng thể của kiến trúc là một dịch vụ đối với đời sống con người. Điều đó quan trọng cân bằng giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần của con người. Giải thưởng 1981 Grand Prix d'Architecture 1981, CEA Cercle d'Ètudes Architecturales, Paris 1981 INTERARCH 81, World Triennial of Architecture, Sofia, giải của thành phố Nates cho Habitat tại Iran 1983 INTERARCH 83, World Triennial of Architecture, Competition HUMA 2000, Sofia, Medal and Prize of the National Committee of Peace of Bulgaria for the Project "Stadthügel" ("Urban Mound") 1985 INTERARCH 85, World Triennial of Architecture, Sofia, Award for competition of projects and realizations, personal work 1989 INTERARCH 89, World Triennial of Architecture, Sofia, Award for the Biography "Justus Dahinden-Architektur-Architecture" 2003 Được đề cử cho giải thưởng Mies van der Rohe (Đồ án nhà thờ St. Franziskus và Bộ thiểu số tại Bratislava; cộng tác với STUDIO FOR) Các tác phẩm 1972 "Urban Structures for the Future" Pall Mall Press, New York 1974 "Akro-Polis. Frei-Zeit-Stadt / Leisure City" Karl Krämer Publ. Bern/Stuttgart, ISBN 378281018X 1988 "Justus Dahinden - Architektur - Architecture" Biography, Karl Krämer Publ. Stuttgart, ISBN 3782816013 1991 "M... anders /autrement /different. Migros-Zentrum Ostermundigen", Karl Krämer Publ. Stuttgart, ISBN 3782816080 2005 "Mensch und Raum / Men and Space", Karl Krämer Publ. Stuttgart, ISBN 3782816145
Đỗ Mười (2 tháng 2 năm 1917 – 1 tháng 10 năm 2018) tên khai sinh là Nguyễn Duy Cống, là một cựu chính trị gia Việt Nam. Ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 6/1939, trở thành Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thứ 3 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vào năm 1988 và Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam thứ 9 khi Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII kết thúc không lâu sau đó. Ông là nhà lãnh đạo cao nhất Việt Nam từ 1991-1997, và vẫn có ảnh hưởng đến chính trị Việt Nam sau khi nghỉ hưu năm 1997. Ông duy trì các chính sách điều hành đất nước của người tiền nhiệm Nguyễn Văn Linh, bao gồm cơ chế tập thể lãnh đạo và chương trình Đổi Mới. Ông được bầu giữ chức Tổng Bí thư liên tiếp hai nhiệm kỳ, nhưng lại quyết định về hưu ngay trước khi kết thúc nhiệm kỳ thứ hai trong Hội nghị Trung ương 4 của Ban chấp hành Trung ương khóa VIII vào năm 1997. Thay vào đó là ông làm Ủy viên Hội đồng Cố vấn Ban chấp hành Trung ương từ năm 1997 đến năm 2001. Mặc dù chính thức nghỉ hưu từ năm 1997, Đỗ Mười vẫn là nhân vật có ảnh hưởng trong nền chính trị Việt Nam và tạo ra những tác động đáng kể đến các quyết định của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam. Ông qua đời ngày 1 tháng 10 năm 2018 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, và được an táng tại quê nhà ở Thanh Trì, Hà Nội. Thân thế và buổi đầu sự nghiệp Đỗ Mười tên khai sinh là Nguyễn Duy Cống, sinh ngày 2 tháng 2 năm 1917 tại xã Đông Phù Liệt, tổng Nam Phù Liệt, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông nay là làng Đông Phù xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội, xuất thân trong một gia đình trung nông. Dòng họ Nguyễn Duy của ông Đỗ Mười là hậu duệ Định quốc công Nguyễn Bặc khai quốc công thần nhà Đinh. Bố ông tên là Nguyễn Duy Trinh, sinh được bảy người con (bốn trai, ba gái). Cùng gia tộc có ông Nguyễn Thọ Chân cùng hoạt động cách mạng vào đảng cùng ngày với Đỗ Mười. Năm 1936, ông tham gia Phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936 – 1939). Năm sau, ông tham gia Tổ chức Ái hữu thợ mỏ Hòn Gai tại Quảng Ninh. Năm 1938, ông về quê hoạt động, vào Công Hội, vận động phong trào ủng hộ Liên Xô. Tháng 6 năm 1939, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Năm 1941, ông bị chính quyền Pháp bắt giam và bị kết án 10 năm tù, giam tại Hỏa Lò. Ngày 9 tháng 3 năm 1945, nhân sự kiện Nhật đảo chính Pháp, Đỗ Mười vượt ngục, sau đó bắt liên lạc và tham gia Ban khởi nghĩa Tỉnh ủy Hà Đông phụ trách phong trào cách mạng huyện Ứng Hoà và Mỹ Đức. Trong Tổng khởi nghĩa tháng Tám, ông phụ trách khởi nghĩa tỉnh Hà Đông. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông được phân công lần lượt giữ các giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Hà Đông, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam, Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến tỉnh Nam Định và Khu ủy viên Khu 3. Trong khoảng thời gian từ 1948 đến 1949, ông giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình, và sau đó là Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình. Năm 1950, ông được bầu làm Phó Bí thư Liên khu ủy 3 kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính Liên khu 3, Chính ủy kiêm Tư lệnh Liên khu 3 (gồm các tỉnh: Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Hòa Bình, Hà Đông, Sơn Tây, Hải Dương, Hưng Yên, Kiến An, Hải Phòng, Thái Bình). Trong khoảng năm 1952 đến 1954, ông giữ chức Bí thư Khu ủy Tả ngạn kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính và Chính ủy Quân khu Tả ngạn, theo sắc lệnh số 111/SL được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 6 tháng 9 năm 1952 (gồm các tỉnh, thành: Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Kiến An, Hải Phòng). Sau Hiệp định Genève 1954 và chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp quản kiểm soát miền Bắc, năm 1955, Đỗ Mười được phân công giữ chức vụ Bí thư Thành ủy Hải Phòng kiêm Chủ tịch Ủy ban quân chính sau đó là Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Hải Phòng (từ tháng 8 năm 1955) theo sắc lệnh số 234/SL được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 5 tháng 8, làm Trưởng ban chỉ đạo tiếp quản khu 300 ngày (nơi Pháp tập kết 300 ngày tại Hải Phòng trước khi rút khỏi hoàn toàn miền bắc Việt Nam). Tháng 3 năm 1955, ông được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa II (1951–1960). Hoạt động trong Chính phủ Năm 1956, Đỗ Mười được điều động giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Công thương, kiêm Phó Trưởng ban Quản lý Thị trường Trung ương. Năm 1958, Bộ Công thương được tách ra thành Bộ phụ trách phần công tác thương nghiệp nội địa và Bộ phụ trách phần công tác ngoại thương. Ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng phụ trách công tác thương nghiệp nội địa, về sau chính thức gọi là Bộ Nội thương. Năm 1960, Đỗ Mười được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 3, đại biểu Quốc hội khoá II nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ năm 1961 đến 1969, ông giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Vật giá Nhà nước, Trưởng phái đoàn thanh tra của chính phủ. Năm 1964, ông tái đắc cử Đại biểu Quốc hội khóa 3. Năm 1969, Đỗ Mười được bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng, Chủ nhiệm Văn phòng kinh tế Phủ Thủ tướng theo sắc lệnh số 123-LTC được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 18 tháng 8 cùng năm. Năm 1971, ông được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa 4, Phó Thủ tướng Chủ nhiệm Uỷ ban kiến thiết cơ bản. Năm 1973, Đỗ Mười làm Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Xây dựng khi sáp nhập Ủy ban Kiến thiết cơ bản và Bộ Kiến trúc. Ông được phân công làm Trưởng Ban xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng chi viện tiền tuyến Trung ương (phụ trách xây dựng đường ống dẫn dầu bí mật chi viện từ Bắc vào Nam) và chống phong toả Cảng Hải Phòng, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình lớn nhất Đông Nam Á khi đó.Năm 1975, ông được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa 5. Năm 1976, Đỗ Mười được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Uỷ viên dự khuyết Bộ Chính trị khóa 4, vào Quốc hội khóa 6, tiếp tục giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 1976–1981. Năm 1977, Đỗ Mười làm Phó Thủ tướng kiêm nhiệm Trưởng ban Cải tạo Công thương nghiệp Xã hội chủ nghĩa, phụ trách vấn đề cải tạo công thương nghiệp theo lối xã hội chủ nghĩa tại miền nam Việt Nam. Năm 1981, ông làm Đại biểu Quốc hội khoá VII, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Việt Nam. Năm 1982, Đỗ Mười được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, Uỷ viên Bộ Chính trị khóa 5, tiếp tục giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Năm 1986, ông tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, Uỷ viên Bộ Chính trị và Thường trực Ban Bí thư khóa 6, là đại biểu Quốc hội khóa 8. Giai đoạn 1988-1991, ông là thủ tướng Chính phủ thứ 3 của Việt Nam thống nhất khi giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Ông cũng là Phó Chủ tịch Hội đồng quốc phòng trong suốt thời gian này. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (1988–1991) Ngày 22 tháng 6 năm 1988, ông được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thay ông Võ Văn Kiệt đang giữ quyền Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng sau khi ông Phạm Hùng qua đời. Thời gian ông nắm quyền là thời điểm tiến hành công cuộc Đổi mới, với trách nhiệm của 1 vị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Đỗ Mười đã hỗ trợ thực hiện chương trình cải cách. Vào tháng 4 năm 1987, nông dân ở miền Nam Việt Nam đã bắt đầu phản đối nông nghiệp tập thể, một số nông dân thậm chí đã chiếm đóng các văn phòng chính phủ. Phản ứng của các cơ quan chức năng đối với sự kiện này có khác nhau; Đỗ Mười cho rằng năng suất thấp trong nông nghiệp là vấn đề mang tính tổ chức và không mang tính hệ thống. Ông tuyên bố rằng năng suất đã bị ảnh hưởng bởi nguồn lực sẵn có, nhưng do nguồn lực thay đổi theo khu vực, giải pháp sẽ là quản lý phân cấp. Các hợp tác xã sẽ dựa vào quy hoạch chi tiết của địa phương, được kiểm tra thường xuyên, với sự quản lý và tổ chức tốt. Đỗ Mười tin rằng giải pháp này sẽ giải quyết các chi phí lãng phí cho nông nghiệp và việc phân bổ đất đai và sử dụng đất đai không phù hợp. Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá VIII tháng 8 năm 1991, Võ Văn Kiệt được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, sau khi ông chuẩn bị được bầu làm tổng bí thư. Tổng Bí thư (1991-1997) Nhiệm kỳ 1 (1991 – 1996) Đối nội Đỗ Mười được bầu làm Tổng Bí thư tại phiên họp lần thứ nhất của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII sau khi người tiền nhiệm là Nguyễn Văn Linh quyết định xin từ nhiệm do sức khỏe kém. Đỗ Mười trở thành nhà lãnh đạo trên thực tế của những chính trị gia bảo thủ; các quan chức Đảng, nhà tư tưởng và những người ủng hộ sự thống trị nền kinh tế của nhà nước đã ủng hộ ông. Trong khi đó, Võ Văn Kiệt, Thủ tướng, trở thành người đứng đầu phe cải cách, và Lê Đức Anh làm Chủ tịch nước, một đại diện cho phe quân sự. Sự phân chia quyền hành pháp dẫn đến việc cải tổ Hiến pháp năm 1992. Hiến pháp đã giảm quyền hạn của Tổng Bí thư và trong khi Hiến pháp coi Tổng Bí thư là lãnh đạo của Đảng, ông không có quyền hành pháp hoặc lập pháp trực tiếp. Tuy nhiên, Điều 4 nhấn mạnh vai trò của Đảng Cộng sản là "lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội", tạo cho Tổng Bí thư quyền điều chỉnh chính sách tổng thể. Hiến pháp năm 1992 đã dẫn đến sự biến mất dần của những nhân vật cứng rắn trong Đảng kiểu như Lê Duẩn. Theo lời của chính Đỗ Mười: "Trong việc lãnh đạo xây dựng bộ máy nhà nước và bổ nhiệm các quan chức nhà nước, Đảng đưa ra quan điểm, nguyên tắc và định hướng hướng dẫn liên quan đến việc tổ chức bộ máy nhà nước, [Đảng] xem xét và đưa ra những gợi ý về các điểm mà Nhà nước nêu ra, sau đó để Nhà nước ra quyết định." Tại Đại hội VII, phần lớn ghế của Bộ Chính trị đã thuộc về những người theo phe bảo thủ. Cùng với nhóm quân sự/an ninh mới nổi trong Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương Đảng, các nhà lãnh đạo mới của Đảng tập trung vào an ninh và tính ổn định hơn các lãnh đạo tiền nhiệm. Năm 1994, 4 thành viên mới được bổ nhiệm vào Bộ Chính trị, tất cả đều phản đối cải cách cấp tiến. Mặc dù được thực hiện một cách thận trọng, việc cải tạo kinh tế đã chứng minh sự thành công và tăng trưởng kinh tế cao giữa các Đại hội Đảng lần thứ VII và thứ VIII trung bình là 8%/năm. Tốc độ tăng trưởng này không thể duy trì bền vững trong thời gian dài nếu không gia tăng cải cách. Tuy nhiên, phe bảo thủ tin rằng điều này sẽ dẫn đến sự bất ổn và thậm chí có thể đe dọa sự cầm quyền của Đảng. Phe cải cách thì hỗ trợ thay đổi, tin rằng tăng trưởng nhanh hơn sẽ giúp tăng cường an ninh (và tính chính danh của Đảng Cộng sản). Tuy nhiên, với cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào cuối những năm 1990, tốc độ tăng trưởng giảm mạnh xuống còn 2%. Cuộc đấu tranh tư tưởng trong nội bộ Đảng xảy ra giữa Đại hội Đảng lần thứ VII và thứ VIII làm tê liệt sự lãnh đạo đất nước. Trong khi các nhà cải cách do Thủ tướng Võ Văn Kiệt lãnh đạo muốn đưa Việt Nam gia nhập nền kinh tế toàn cầu bằng các phương tiện tự do tân tiến – có nghĩa là tách biệt hoàn toàn với kinh tế kiểu Lenin – trong khi những người bảo thủ muốn nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa bị chi phối bởi các doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam, lấy nguyên mẫu từ thành công của mô hình Chaebol của Hàn Quốc. Cách tiếp cận nhằm đạt đồng thuận của Đảng đã nhanh chóng chấm dứt. Trong một bức thư năm 1995 gửi Bộ Chính trị, sau đó bị rò rỉ đến cánh báo chí, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã viết: "để huy động trí tuệ của tất cả mọi lực lượng trong Đảng, phải có dân chủ không thỏa hiệp". Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã phê phán phe bảo thủ, tuyên bố rằng kinh tế nhà nước phải thu hẹp lại để có không gian cho phát triển kinh tế tư nhân. Ông nói rằng Việt Nam phải từ bỏ quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa còn lại, ngăn chặn việc Đảng Cộng sản can thiệp vào các vấn đề của Chính phủ và phải đặt vấn đề quốc gia lên trên các vấn đề của Chính phủ. Đáp lại, những người bảo thủ đã cử Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Hà Phan đi các tỉnh khắp đất nước để chỉ trích Thủ tướng Võ Văn Kiệt rằng ông ta đã xa rời khỏi chủ nghĩa xã hội. Khi cuộc đấu tranh quyền lực tiếp tục, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thượng tướng Đào Đình Luyện bị mất chức vì ủng hộ cải cách và Nguyễn Hà Phan đã bị loại ra khỏi Bộ Chính trị và bị quản thúc tại gia vào tháng 4 năm 1996. Những người bảo thủ đã khởi xướng một chiến dịch do Đào Duy Tùng, Thường trực Bộ Chính trị Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản đứng đầu. Nhờ có sự ủng hộ trong Đảng, Đào Duy Tùng đã lấy được quyền kiểm soát chưa từng có đối với công tác sắp xếp nhân sự và dự thảo Báo cáo chính trị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, tuy nhiên, tại cuộc họp Hội nghị Trung ương lần thứ 10 của Ban chấp hành Trung ương khóa VII, ông bị buộc tội "hành vi phản dân chủ", lạm dụng quyền lực và không được tái đắc cử vào Bộ Chính trị khóa VIII, chỉ chiếm 10% số phiếu. Thất bại của Đào Duy Tùng, người được chọn kế nhiệm Đỗ Mười, đã dẫn đến một sự thỏa hiệp: Tổng Bí thư, Thủ tướng và Chủ tịch nước đã được tái đắc cử tại Đại hội VIII mà không có đa số phiếu vì cuộc đấu tranh quyền lực giữa phe cải cách và phe bảo thủ. Tuy nhiên, thay đổi đáng kể trong lãnh đạo Đảng đã xảy ra và lần đầu tiên trong nhiều năm, các nhân vật Trung ương bị mất ghế cho các nhân vật là các quan chức cấp tỉnh – chỉ có 8,9% các thành viên của Ban chấp hành Trung ương khóa mới đến từ bộ máy Trung ương, trong khi 67% các thành viên mới có xuất thân cấp tỉnh hoặc Chính phủ. Đối ngoại Tại Hội nghị lần thứ ba của Ban chấp hành Trung ương khóa VII (từ ngày 14 tới 18 tháng 7 năm 1992), Đỗ Mười tái khẳng định tầm quan trọng của chính sách đối ngoại của Đảng. Ông nhấn mạnh thêm "chính sách đối ngoại đóng một vai trò ngày càng quan trọng... Chúng ta nhận ra rằng trong thời đại hiện tại, không có quốc gia nào – bất kể mức độ phát triển cao thế nào – có thể đóng cửa [trước] thế giới. Với quốc gia có điểm khởi đầu rất nghèo nàn như Việt Nam, điều rất quan trọng là phải nỗ lực để tiếp cận được các nguồn lực bên ngoài". Trong khi tìm kiếm quan hệ với các nước phương Tây và tư bản, Đỗ Mười khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ tốt đẹp với "phong trào xã hội chủ nghĩa vì chủ quyền quốc gia, liên kết với Phong trào không liên kết và tất cả các lực lượng hòa bình và tiến bộ khác trên toàn thế giới." Ông bày tỏ về sự lo ngại của đảng rằng chính sách đối ngoại cởi mở sẽ làm suy yếu an ninh quốc gia: "Trong vài năm qua, các lực lượng thù địch đã không ngừng thực hiện các hành động phá hoại nước ta. Tuy nhiên, các mưu đồ và hành động tối tăm của chúng đều bị người dân ta vạch trần." Ý ông nói rằng trong khi Việt Nam sẽ tìm cách tăng cường sự hiện diện trên bình diện quốc tế, những mối quan hệ này sẽ không được phép thay đổi bản chất của chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam. Sau khi cuộc đảo chính tháng 8 thất bại tại Liên Xô và dẫn đến giải thể đất nước này, Đỗ Mười chính thức thừa nhận những thay đổi, nói với một nhóm cán bộ "Chủ nghĩa xã hội không còn tồn tại ở Liên Xô và các hoạt động của Đảng Cộng sản đã bị cấm.". Trong khi bày tỏ thái độ tiếc thương với việc Liên Xô bị giải thể, Việt Nam công nhận Cộng đồng các Quốc gia Độc lập ngày 27 tháng 12 năm 1991 và xây dựng quan hệ với các quốc gia này. Vào ngày 27 tháng 6, sau cuộc bầu cử đưa Đỗ Mười lên làm Tổng Bí thư, Giang Trạch Dân, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã dùng dịp này để chúc mừng Đỗ Mười và tuyên bố rằng ông hy vọng quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam sẽ được bình thường hóa, ở quy mô nhà nước cũng như quy mô đảng. Trong một loạt các cuộc họp vào tháng 7, mối quan hệ giữa hai nước tiếp tục được cải thiện và Lê Đức Anh được Đảng Cộng sản Trung Quốc mời sang thăm Trung Quốc. Bình thường hóa quan hệ xảy ra vào tháng 11 khi Đỗ Mười và Võ Văn Kiệt đến thăm Trung Quốc và tổ chức các cuộc thảo luận với Giang Trạch Dân và Thủ tướng Lý Bằng sau đó đã dẫn đến một hiệp nghị gồm 11 điểm. Các mối quan hệ tiếp tục được cải thiện vào năm 1992, khi một số cán bộ Đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc gặp nhau. Với sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở Đông Âu, Đặng Tiểu Bình, nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc, đã bắt đầu ủng hộ việc thành lập một liên minh xã hội chủ nghĩa mới gồm Trung Quốc, Cuba, Bắc Triều Tiên, Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ và Việt Nam. Một báo cáo lưu hành tại Trung Quốc vào tháng 8 năm 1991 đã hỗ trợ hình thành một liên bang xã hội chủ nghĩa quốc tế rời rạc của các nước xã hội chủ nghĩa còn lại. Đảng Cộng sản Việt Nam chia sẻ tình cảm của Đảng Cộng sản Trung Quốc và chuyển sang tăng cường quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa còn lại; quan hệ với Cuba đã được nhấn mạnh và Việt Nam đã ký một hiệp định kinh tế và thương mại với Bắc Triều Tiên vào năm 1991. Tính khả thi của một liên bang xã hội chủ nghĩa lỏng lẻo sẽ phụ thuộc vào các nước xã hội chủ nghĩa còn lại bỏ qua những khác biệt của họ và nhấn mạnh lợi ích chung; tuy nhiên, căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam vẫn còn gây nghi ngờ. Với sự tan rã của Liên Xô vào tháng 12 năm 1991, Trung Quốc đã từ bỏ ý tưởng này. Trong khi quan hệ giữa Việt Nam và Lào đã không còn ở mức "đặc biệt" sau khi Việt Nam rút quân, hai nước vẫn chia sẻ ý thức hệ. Đỗ Mười và Võ Văn Kiệt đã thực hiện các chuyến đi riêng rẽ đến Lào vào năm 1992. Đỗ Mười đã dẫn đầu phái đoàn đến viếng Kaysone Phomvihane, cố Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (LPRP). Tuy nhiên, tại Đại hội LPRP lần thứ 5, các nhà lãnh đạo Lào đã khẳng định Trung Quốc là đối tác nước ngoài quan trọng nhất của nước này. Vào tháng 2 năm 1992, Trung Quốc đã thông qua một đạo luật tuyên bố sở hữu toàn bộ Biển Đông. Khi vấn đề này được thảo luận tại Quốc hội Việt Nam, một cuộc tranh luận riêng tư, căng thẳng đã diễn ra. Trong khi một số người kêu gọi trừng phạt kinh tế hoặc thậm chí can thiệp quân sự, theo lời khuyên của Ban Đối ngoại Trung ương, một tuyên bố được thông qua như một cách phản ứng tốt nhất cho vấn đề này. Nguyễn Văn Linh đến thăm Trung Quốc để thảo luận về đạo luật mới, nhưng trong chuyến thăm, các quan chức Trung Quốc đã ký một thỏa thuận với Tập đoàn Năng lượng Crestone để thăm dò trên thềm lục địa của Việt Nam. Tại hội nghị lần thứ ba của Ban Chấp hành Trung ương khóa 7, những lời chỉ trích Trung Quốc rất dữ dội và Đỗ Mười đã cáo buộc Trung Quốc theo chủ nghĩa bá quyền. Năm 1995, Đỗ Mười dẫn đầu một phái đoàn sang Trung Quốc, gặp Giang Trạch Dân, Lý Bằng và những người khác. Nhiệm kỳ 2 (1996 – 1997) Đối nội Trước Đại hội Đảng lần thứ 8, sự bế tắc giữa phe bảo thủ và cải cách vẫn tiếp tục. Trong khi những tin đồn cho rằng Đại hội Đảng lần 8 sẽ bị trì hoãn, những người bảo thủ và các nhà cải cách đã có thể thỏa hiệp tại hội nghị thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương khóa 7. Ban Chấp hành Trung ương khóa 8 được Quốc hội bầu và 54% số thành viên được bầu là đương nhiệm. Trong số 19 thành viên, 9 người đã từ chức tại Đại hội Đảng lần thứ 8. Ban Bí thư đã bị bãi bỏ tại Đại hội này và được thay thế bởi Thường vụ Bộ Chính trị; Đỗ Mười là một trong năm thành viên của cơ quan mới này. Trong khi Thường vụ Bộ Chính trị ban đầu được hình thành để thay thế Bộ Chính trị là cơ quan ra quyết định cao nhất của đảng, sự phản đối từ phía Ban Chấp hành Trung ương cáo buộc Bộ Chính trị hành xử theo kiểu phản dân chủ đã khiến Thường vụ Bộ Chính trị có quyền hạn không khác mấy so với Ban Bí thư trước đây. Đại hội Đảng lần thứ 8 thất bại trong việc đáp ứng cuộc đấu tranh quyền lực tiếp diễn trong Ban Chấp hành Trung ương khóa 7. Sau này, Đỗ Mười nói với các phóng viên trong Quốc hội: "Tôi nghĩ chúng ta sẽ phải đẩy nhanh tiến độ phát triển. Phát triển chậm có nghĩa là đói, phải không nào? Nhưng đồng thời tôi muốn thấy hiệu quả và sự ổn định. Nếu chúng ta chạy quá nhanh và có vật cản trên đường thì có thể bị ngã." Đối ngoại Đỗ Mười đã tham dự Đại hội lần thứ sáu của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (tổ chức năm 1996). Từ chức, Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng (1997-2001) Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 4 họp ngày 26 tháng 12 năm 1997, Đỗ Mười quyết định từ nhiệm chức vụ Tổng Bí thư kiêm Bí thư Quân ủy Trung ương, thay thế ông là Lê Khả Phiêu. Theo Carlyle Thayer: "Hội nghị trung ương 4 đã kết thúc giai đoạn chuyển đổi lãnh đạo đã được tiến hành từ Đại hội Đảng lần thứ 8 năm 1996, nhưng không giải quyết được sự phân hóa bên trong Đảng giữa hai phe cải cách và bảo thủ." Đỗ Mười, cùng với Lê Đức Anh và Võ Văn Kiệt, được bổ nhiệm vào Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nơi ông ở lại cho đến khi giải thể ban này vào năm 2001. Sau khi từ chức, ông vẫn là một nhân vật có ảnh hưởng trong chính trị Việt Nam và tạo nên tác động đáng kể đối với các quyết định của Đảng Cộng sản. Qua đời Ông qua đời lúc 23 giờ 12 phút ngày 1 tháng 10 năm 2018 (tức ngày 22 tháng 8 năm Mậu Tuất) khi đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, chỉ chưa đầy 2 tuần sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang mất. Lễ viếng từ 7h ngày 6 đến 7h30 ngày 7 tháng 10 tại Nhà tang lễ Quốc gia, Hà Nội (nơi đặt linh cữu của ông) và tại Hội trường Thống Nhất theo nghi thức quốc tang. Lễ truy điệu từ 9h ngày 7 tháng 10, sáng cùng ngày linh cữu được đưa ra xe tang để đưa về quê nhà theo nguyện vọng của gia đình. Tại quê hương ông, lễ thăm viếng đã được diễn ra vào trưa cùng ngày tại quê nhà với sự có mặt của tất cả các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo đảng, nhà nước và gia quyến. Lúc 13h00 cùng ngày, linh cữu của Đỗ Mười được an táng tại quê hương Đông Mỹ, Thanh Trì, Hà Nội. Nơi ông an táng đã được đổ bê tông quây móng khang trang để phục vụ người dân gần xa đến viếng. Không lâu sau đó, khu nhà lưu niệm sẽ được xây tại đây. Phong cách lãnh đạo Dưới thời Đỗ Mười, ít nhất ba phiên họp toàn thể của Ban Chấp hành Trung ương được tổ chức mỗi năm. Ông đã đưa trật tự, thói quen và khả năng dự đoán vào hệ thống chính trị của đảng. Mỗi hội nghị tập trung vào các vấn đề chính và các cuộc thảo luận diễn ra trong môi trường chuyên sâu và quyết liệt. Dưới sự chỉ đạo của Đỗ Mười, Ban Chấp hành Trung ương tập trung vào các vấn đề quốc gia chứ không phải về đảng như dưới thời Nguyễn Văn Linh. Theo Louis Stern: "[Đỗ] Mười đã đưa vào phiên họp toàn thể một quá trình làm việc theo từng nhóm nhỏ trong việc chuẩn bị xem xét chính sách cụ thể, [từ đó] thu hút sự tham gia đóng góp ý kiến từ các chuyên gia kỹ thuật, 'những nhóm nhà khoa học' không xác định, 'giới trí thức trong và ngoài nước' (có thể đang ám chỉ các nhà đầu tư, doanh nhân và nhà kinh tế Việt Nam sinh sống tại hải ngoại), các cựu chiến binh, cũng như theo phân loại thông thường gồm cán bộ, đảng viên và đại diện Đảng ủy." Các nhóm này được trao quyền chuẩn bị và nhận báo cáo dành cho Ban Chấp hành Trung ương trước và tiến hành chuẩn bị các đề xuất hoặc nhận xét về các tài liệu cụ thể được đưa ra trong hội nghị. Trong suốt thời kỳ lãnh đạo của mình, Đỗ Mười đã cố gắng dẫn dắt các cuộc tranh luận của Ban Chấp hành Trung ương đến sự đồng thuận. Ông bỏ qua các vấn đề gây tranh cãi nhằm tránh sự chia rẽ trong Ban Chấp hành. Khi không đạt được đồng thuận, như trường hợp của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa 7 khi nó không đưa ra được một chỉ dẫn phù hợp theo hướng công tác tư tưởng, nhiệm vụ sửa đổi và cải thiện các quyết sách của Ban Chấp hành Trung ương sau đó được chuyển sang cho Bộ Chính trị khóa 7. Theo giáo sư Alexander Vuving của Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á – Thái Bình Dương Daniel K. Inouye, sự lãnh đạo của Đỗ Mười không có chiều sâu triết lý: có lúc uyển chuyển, thực tế nhưng nhiều lúc giáo điều, cứng nhắc mà không theo một quy luật nào. Ngược lại với Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười đã tìm kiếm nền tảng chung với Ban Chấp hành Trung ương hơn là tự vận động cho những quan điểm của riêng minh. Trong bài phát biểu và trong các cuộc tranh luận, Đỗ Mười ít gây tranh cãi và khi phát biểu, ông ủng hộ các nguyên tắc truyền thống của Đảng Cộng sản. Theo Louis Stern, "Không giống như Nguyễn Văn Linh, [Đỗ] Mười không tìm cách vạch ra các giải pháp thay thế độc đáo cho các vấn đề dai dẳng, đề xuất các cách tiếp cận độc đáo cho các vấn đề, hoặc lập ra một sự đồng thuận mới về các vấn đề quan trọng. Ít cứng rắn hơn người tiền nhiệm Nguyễn Văn Linh trong việc thúc giục người khác ủng hộ quan điểm của mình, [Đỗ] Mười thiên về khía cạnh bảo thủ hơn đối với một số vấn đề", chẳng hạn như đảm bảo sự thống trị của nhà nước đối với nền kinh tế và duy trì quyền kiểm soát đất nước một cách chặt chẽ của đảng. Quan điểm chính trị Đỗ Mười tin vào "tiến trình tiến hóa của cải cách chính trị" bắt đầu tại Đại hội toàn quốc lần thứ VI. Cải cách trong lĩnh vực kinh tế là vô cùng quan trọng, trong khi cải cách chính trị là thứ yếu. Tuy nhiên, ông tin rằng việc thực hiện cải cách kinh tế thường làm bộc lộ những điểm yếu trong hệ thống chính trị. Đỗ Mười không muốn biến đổi hệ thống chính trị, chỉ muốn cải thiện nó. Thay vào đó, những thay đổi đối với luật pháp và cơ chế điều hành nên căn cứ vào ý thức hệ của chủ nghĩa Marx – Lenin và Tư tưởng Hồ Chí Minh. Ông phản đối cái mà ông gọi là "những lý lẽ mị dân" kêu gọi chấm dứt "sự lãnh đạo độc tôn" của Đảng và "trả lại tất cả quyền lực cho người dân dưới cái cớ đổi mới dân chủ." Ông ủng hộ dân chủ hóa quá trình ra quyết định của Đảng, đồng thời rất tin tưởng sâu sắc vào nguyên tắc tập trung dân chủ. Đỗ Mười ủng hộ ý tưởng bán cổ phần ưu đãi trong doanh nghiệp nhà nước cho người lao động, phương án chia lợi nhuận, "và bán phần trăm doanh nghiệp nhà nước cho 'tổ chức và cá nhân bên ngoài' để tạo điều kiện cho người lao động trở thành chủ sở hữu thực sự của doanh nghiệp." Ông thường chỉ ra tầm quan trọng của công nghiệp hóa không chỉ là tư liệu sản xuất mà còn là một sự thay đổi kinh tế xã hội toàn diện. Ông cũng nhấn mạnh tính cần thiết phải "bắt kịp tiến bộ thế giới" bằng cách thúc đẩy các chiến lược kinh tế phát huy thế mạnh của Việt Nam. Ông tuyên bố rằng chương trình công nghiệp hóa sẽ được quản lý theo cơ chế thị trường, nhưng khu vực nhà nước sẽ hướng dẫn và kiểm soát quá trình thị trường hóa. Đỗ Mười, ủng hộ và không bao giờ phản đối tự do báo chí, tự do tư tưởng, nhưng ông sẵn sàng "tấn công" những người chống lại mục tiêu xã hội chủ nghĩa. Tại Đại hội Nhà văn lần thứ 4, Đỗ Mười tuyên bố một số tác phẩm văn học nhất định đã "bôi nhọ Đảng và lãnh đạo nhà nước và làm xói mòn niềm tin của nhân dân vào Đảng và nhà nước." Trong một cuộc họp báo vào năm 1992, ông nói rằng "thông tin phải được định hướng" và báo chí vẫn phải "là lực lượng chính trên mặt trận ý thức hệ và văn hóa." Ông tiếp tục chỉ trích các phương tiện truyền thông đã lợi dụng quyền tự do báo chí để chỉ trích Đảng Cộng sản và chủ nghĩa xã hội. Vào năm 1993, Đỗ Mười tuyên bố rằng báo chí đã bị "thương mại hóa" do các cải cách kinh tế. Di sản Dưới góc nhìn của bên ngoài, Đỗ Mười là một nhà lãnh đạo không được đánh giá cao, nhưng trong đảng, tầm vóc của ông rất lớn, ông được các quan chức trong Đảng tôn xưng là "Người cha già của nền chính trị Việt Nam" bởi giai đoạn ông nắm quyền là thời điểm vô cùng khó khăn đối với Đảng. Sau khi Liên Xô sụp đổ nhiều ý kiến trong và ngoài nước, thậm chí ngay trong chính nội bộ Đảng đã dấy lên hiềm nghi về tính ưu việt và sự lãnh đạo độc tôn của Đảng, phong trào này lan nhanh làm xói mòn lòng tin, và suy giảm sức chiến đấu của một bộ phận cán bộ Đảng viên thời bấy giờ, tác động mạnh mẽ đến sự sống còn của Đảng, trước tình cảnh cấp bách này, khi Chủ nghĩa xét lại đang lan rộng, Đỗ Mười đã đóng một vai trò không nhỏ trong việc ổn định trật tự, củng cố niềm tin và dần dẫn dắt Đảng vượt qua mọi khó khăn, tránh được một cuộc khủng hoảng chính trị theo hiệu ứng domino sau sự sụp đổ tan rã của Liên xô và khối Xã hội chủ nghĩa Đông Âu. Thế giới phương Tây có ít tác phẩm viết về ông, hoặc những đóng góp của ông. Một cách giải thích cho việc này là: nghiên cứu về các nhà lãnh đạo chính trị đã trở nên lỗi thời trong bộ môn khoa học chính trị. Những nguồn tin từ Việt Nam đã không nêu rõ sự tham gia của ông trong quá trình cải cách và các hoạt động trong đảng. Theo Sophie Quinn – Judge, nhà lãnh đạo Đỗ Mười "ghi dấu ấn bằng việc khẳng định lại tính ưu việt của Đảng Cộng sản và quá khứ anh hùng của nó. Đó là vào năm 1991, khi Tư tưởng Hồ Chí Minh – những học thuyết được trích xuất từ các tác phẩm của Hồ Chí Minh – trở thành một trong các ý thức hệ chính của quốc gia, cùng với chủ nghĩa Marx – Lenin. Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, cựu Vụ trưởng Nghiên cứu thuộc Ban Dân vận Trung ương cho rằng: "Một trong hai sự kiện nổi trội liên quan đến ông Đỗ Mười (cùng với việc dự Hội nghị Thành Đô) là chủ trương đánh tư sản hay còn gọi là cải tạo công thương nghiệp. Hệ lụy của việc cải tạo công thương nghiệp rất bi thảm, khốc liệt, để lại tai họa rất lớn cho dân tộc. Nhưng có vẻ là trong nhiều năm, ông Đỗ Mười tự hào về mình đã làm được việc kinh thiên động địa." Nhưng nhiều ý kiến khác lại cho rằng, đó là sự sai lầm của cả một tập thể lãnh đạo của cả một thời đại chứ không thể quy kết mọi hệ lụy của việc tiến hành cải tạo công thương nghiệp miền Nam sau 1975 là trách nhiệm của cá nhân ông Mười, xét trên bình diện khách quan Đỗ Mười chỉ là người chấp hành các chỉ thị, nghị quyết của tập thể lãnh đạo giao phó, tuy nhiên cũng không thể phủ nhận ông Mười với tư cách là Tư lệnh cải tạo Công Thương Nghiệp đã chỉ đạo thực hiện công cuộc cải cách rất quyến liệt và cứng rắn. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhìn nhận Đỗ Mười là một trong những người góp công lớn để Việt Nam vượt qua khủng hoảng kinh tế cuối những năm 1980, đồng thời ông cũng đồng tình với các quan điểm cho rằng chủ trương "cải tạo công thương" là của tập thể lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, và "không nên quy trách nhiệm cá nhân cho ông Đỗ Mười vì đó là sai lầm của một thời kỳ." Vũ Quang Minh, Đại sứ Việt Nam tại Campuchia nhận xét giai đoạn Đỗ Mười làm Tổng Bí thư là lúc Việt Nam có những dấu mốc lịch sử "có ý nghĩa chiến lược sống còn và những đột phá chưa từng có về đối ngoại." Gia đình Đỗ Mười có vợ là bà Tạ Thị Thanh (đã qua đời), bà quê ở xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Bà là người vợ thứ hai của ông được ông Nguyễn Văn Trân (1917–2018), nguyên Bí thư Xứ ủy Bắc kỳ làm mối, sau khi người vợ đầu của ông mất vào những năm ông hoạt động ở khu Tả ngạn sông Hồng. Theo báo chí và các phương tiện truyền thông chính thức của Việt Nam, Đỗ Mười và người vợ thứ của ông có hai người con, một trai một gái. Con trai ông tên là Nguyễn Duy Trung là người đã thay mặt gia quyến đọc lời cảm tạ trong lễ truy điệu của bố vào ngày 7 tháng 10 năm 2018. Danh hiệu Ông được Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam trao tặng Huân chương Sao vàng năm 1997, và Đảng trao tặng Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng, ngày 12 tháng 4 năm 2018. Ông được Chính phủ Nhật Bản truy tặng Huân chương Mặt trời mọc Đại thập tự, huân chương cao quý nhất của Nhật Bản, ngày 4 tháng 12 năm 2018. Vinh danh Hiện nay, tên của ông được đặt tên cho một tuyến đường ở Hà Nội, nối từ ngã tư Giải Phóng - Ngọc Hồi - Hoàng Liệt (cạnh phía sau bến xe Nước Ngầm và phía trước hồ Linh Đàm) đi qua công viên Yên Sở, ngã ba Tam Trinh, khu đô thị Gamuda Yên Sở đến đầu phía nam cầu Thanh Trì ở cạnh cuối đường Lĩnh Nam. Ngoài ra ở Hải Phòng cũng có một tuyến đường mang tên ông ở huyện Thủy Nguyên.
Đến từ thành phố Colombus, tiểu bang Ohio, Gia tộc Bush trong thế kỷ 20 đã trở thành một gia tộc thành đạt trên chính trường Hoa Kỳ. Vào tháng 1 năm 2005, tạp chí The Economist miêu tả gia tộc này như là một trong những "vương triều" thành công nhất trong lịch sử nước Mỹ. Gia phả Sau đây là gia phả được cho là chính xác của gia tộc Bush: George Bush (1796-1859) một học giả chuyên ngành Kinh Thánh và là một người họ hàng xa. James Smith Bush (1825–1889) cha của Samuel P. Bush Samuel P. Bush (1863-1948), cố vấn thân cận của Tổng thống Herbert Hoover, chủ tịch Hiệp hội các nhà chế tạo toàn quốc và một nhà công nghiệp quan trọng của thành phố Columbus. Prescott Bush (1895-1972), con trai của Samuel P. Bush, thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đại diện cho tiểu bang Connecticut. Prescott Bush, Jr. (1922-2010), con trai đầu lòng của Prescott Bush, từng là Giám đốc Văn phòng thương mại Hoa Kỳ-Trung Hoa. Ông là anh trai của George H. W. Bush. George H. W. Bush (1924-2018), con trai thứ hai của Prescott Bush, tổng thống thứ 41 của Hoa Kỳ, Phó Tổng thống thứ 43 của Hoa Kỳ, thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đại diện cho tiểu bang Texas, đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc và là giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA). George W. Bush (sinh năm 1946), con trai đầu lòng của George H. W. Bush, tổng thống thứ 43 của Hoa Kỳ và là thống đốc thứ 46 của tiểu bang Texas. Barbara Pierce Bush và Jenna Bush Hager (sinh năm 1981), hai con gái của George W. Bush. Pauline Robinson Bush (1949-1953), con thứ hai và là con gái trưởng của George H.W. Bush, đã chết vì bệnh bạch cầu. Jeb Bush (sinh năm 1953), con trai thứ hai của George H.W. Bush, thống đốc thứ 43 của tiểu bang Florida. George P. Bush (sinh năm 1976), con trai của Jeb Bush và là cháu ruột của George W. Bush, theo học tại Đại học Rice. Được xem là một ứng cử viên triển vọng cho chức vụ Tổng thống Hoa Kỳ, mặc dù theo quy định của Hiến pháp Hoa Kỳ, đến năm 2012 cậu ấy mới đủ tuổi để ra tranh cử. Jeb Bush, Jr. Noelle Bush Neil Bush (sinh năm 1955), con trai thứ ba của George H. W. Bush, em trai của George W. Bush. Lauren Bush Lauren (sinh năm 1984), người mẫu cho thương hiệu thời trang Tommy Hilfiger. Pierce Bush Ashley Bush Marvin Bush (sinh năm 1956), một doanh nhân và là nhà đầu tư, con trai thứ tư của George H. W. Bush, em trai của George W. Bush. Marshall Bush, con gái của Marvin. Walker Bush, con trai của Marvin. Dorothy Bush (sinh năm 1959), con gái thứ hai của George H. W. Bush, em gái thứ hai của George W. Bush. Bà là con gái còn sống duy nhất của Tổng thống George H. W. Bush. Nancy Bush Ellis (sinh năm 1926), con thứ ba và là con gái duy nhất của Prescott Bush, em gái của George H. W. Bush. John Prescott Ellis (sinh năm 1948), con trai của Nancy Bush Ellis, em họ của George W. Bush, nhà tư vấn truyền thông, nhà tư vấn cho Voter News Service làm việc với kênh truyền hình FOX News suốt trong kỳ bầu cử tổng thống năm 2000, đài này đã từng tiết lộ rằng George W. Bush đắc cử tổng thống "quá sớm". Jonathan Bush (sinh năm 1931), con trai thứ tư của Prescott Bush, em trai của George H. W. Bush. Billy Bush (sinh năm 1971), con trai của Jonathan Bush, người hướng dẫn chương trình truyền hình Access Hollywood, em họ của Tổng thống George W. Bush. William H. T. Bush (sinh năm 1938), con trai thứ năm và là con út của Prescott Bush, em trai của George H. W. Bush. Tổ phụ Obadiah Newcomb Bush Obadiah Newcomb Bush (1797-1851) là cha của James Smith Bush (1825-1869), ông nội của Samuel Prescott Bush và Tổng thống George W. Bush. Theo tác phẩm Đức tin của George W. Bush: ".....(Obadiah Newcomb Bush) rời bỏ gia đình suốt trong cuộc chiến năm 1812, trở thành hiệu trưởng một trường học, bị mê hoặc bởi cơn sốt vàng nên tìm đến California trong đợt đổ xô tìm vàng năm 1849. Hai năm sau, ông cố trở về quê hương, tìm lại gia đình và đưa họ về miền tây. Nhưng ông chết giữa đường, được an táng trong lòng đại dương, để lại vợ và bảy người con bơ vơ tại Rochester, tiểu bang New York". Timothy Bush Jr. Timothy Bush Jr. (1761-1850) là cha của Obadiah Newcomb Bush. Timothy kết hôn với Lydia Newcomb, con gái của Daniel và Elizabeth May vào ngày 26 tháng 7 năm 1791 tại Penfield, New York (Lydia Newcomb sinh ngày 28 tháng 4 năm 1763 và chết ngày 14 tháng 9 năm 1835). Timothy Bush Timothy Bush (1735-1815 tại Springport, New York) là cha của Timothy Bush Jr. Timothy kết hôn với Deborah House, con gái của John House và Deborah Guild vào ngày 12 tháng 4 năm 1759 tại Hebron, tiểu bang Connecticut. (Deborah House sinh ngày 6 tháng 4 năm 1742 tại Lebanon, Connecticut và chết khoảng năm 1819 tại Springport, New York). Richard Bush Richard Bush (1696/1697-1732) là cha của Timothy Bush. Được cho là nhân vật lâu đời nhất còn biết đến trong gia tộc Bush tại Bắc Mỹ. Richard qua đời năm 1732 tại Bristol, Rhode Island. Ông kết hôn với Mary Fairbanks, con gái của Jeremiah Fairbanks và Mary Penfield. Mary Fairbanks sinh ngày 22 tháng 8 năm 1699 và qua đời ngày 7 tháng 5 năm 1743 tại Bristol, Rhode Island. Mối quan hệ với các gia tộc danh tiếng khác Anne Hutchinson Nhà hoạt động tôn giáo độc lập tại tiểu bang Massachusetts Anne Hutchinson là một trong các tổ phụ của gia tộc Bush. Gia tộc Pierce Franklin Pierce (1804-1869), Tổng thống thứ 14 Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ, có quan hệ họ hàng với Barbara Bush (nhũ danh Pierce), vợ của George H. W. Bush (tổng thống thứ 41) và mẹ của George W. Bush (tổng thống thứ 43). Gia tộc Kerry Edmund Reade (1563-1623) kết hôn với Elizabeth Cooke (sinh trước 1578-chết khoảng 1637). Họ có hai con gái: Margaret (1598-1672) và Elizabeth (1615-1672). Margaret là tổ phụ trực hệ của Goerge W. Bush trong khi Elizabeth là tổ phụ trực hệ của John Kerry, đối thủ của Bush trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2004. Như vậy, Bush và Kerry là anh em họ đời thứ tám. Đọc thêm George W. Bush Gia tộc Kennedy
Huân chương Chữ thập Victoria (tiếng Anh: Victoria Cross) là phần thưởng cao quý của Nữ hoàng Anh và Vương quốc Anh dành cho các cá nhân, đơn vị quân đội hoặc đơn vị phục vụ quân đội, và một số trường hợp ngoại lệ cho người không phải là quân nhân. Huân chương này được Nữ hoàng Victoria trao tặng lần đầu tiên vào ngày 29 tháng 1 năm 1856. Người được tặng Huân chương Chữ thập Victoria có quyền dùng ký hiệu VC, chữ viết tắt của Victoria Cross sau tên họ của mình. Mô tả Mặt trước của chữ thập có hình vương miện Anh, trên nó là một con sư tử đang canh gác, xung quanh là bốn đôi tam giác với các đỉnh hướng vào tâm huân chương. Phía dưới vương miện có dòng chữ, được viết uốn thành hình nửa đường tròn "FOR VALOUR" do chính nữ hoàng Victoria chọn, thay cho ý định ban đầu là "FOR BRAVERY". Phía sau huân chương có ghi tên, quân hàm, số và tên đơn vị của quân nhân và ngày được trao tặng. Sợi dây đeo của huân chương có màu rượu đỏ. Trước đó, dây đeo màu xanh nước biển đã được dùng cho quân nhân Hải quân Hoàng gia Anh, nhưng đã bị hủy bỏ sau khi Không quân Hoàng gia Anh thành lập. Việc trình bày của chiếc huân chương được phỏng theo huyền thoại cá nhân của chồng Nữ hoàng Victoria, Hoàng thân Albert, nhưng có nhiều khả năng là những người thợ đầu tiên đã tự nghĩ ra mẫu của huân chương này. Huân chương được các người thợ trang sức ở London làm bằng tay nên mỗi chiếc có một kiểu trình bày độc nhất. Lần ban thưởng gần nhất Vào 18 tháng 3 năm 2005, Johnson Gideon Beharry (Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Hoàng gia của Hoàng tử xứ Wales) đã được trao tặng huân chương này.
An Khê là một thị xã nằm ở phía đông của tỉnh Gia Lai, Việt Nam. Địa lý Thị xã An Khê nằm ở phía đông của tỉnh Gia Lai, có vị trí địa lý: Phía đông giáp huyện Tây Sơn và huyện Vĩnh Thạnh thuộc tỉnh Bình Định Phía tây và phía nam giáp huyện Đak Pơ Phía bắc giáp huyện Kbang. Đường đến An Khê tương đối thuận lợi, có quốc lộ 19 nối vùng duyên hải miền Trung với Tây Nguyên và đông bắc Campuchia; tỉnh lộ 669, 674 nối An Khê với các huyện phía đông của tỉnh... với các trục đường huyết mạch qua thị xã đã tạo cho An Khê có được vị thế để trở thành đô thị trung tâm, đầu mối giao lưu kinh tế - văn hóa xã hội của tỉnh. Thị xã An Khê nằm trên quốc lộ 19 từ Cảng Quy Nhơn (thành phố Quy Nhơn, Bình Định) đi thành phố Pleiku; cách Pleiku 90 km, cách Quy Nhơn 79 km, nằm giữa 2 ngọn đèo An Khê (giáp huyện Tây Sơn, Bình Định) và Mang Yang (giáp huyện Mang Yang, Gia Lai). Thị xã An Khê có diện tích 200,65 km², dân số là 67.711 người (tính đến năm 2021), mật độ dân số đạt 407 người/km². Thị xã An Khê nằm trên độ cao trung bình từ 400 - 500m: Điểm cao nhất: 840m (Đỉnh núi Ông Bình, phía đông xã Cửu An) Điểm thấp nhất: 410m (Cầu Suối Cái, phía nam phường Tây Sơn) Khí hậu An Khê nằm ở sườn phía đông của dãy Trường Sơn, trên bậc thềm chuyển tiếp giữa Cao nguyên và miền duyên hải Trung bộ, nên có khí hậu nhiệt đới gió mùa cao nguyên, chia hai mùa: mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 5 năm sau. Nhiệt độ trung bình năm 23°C, độ ẩm trung bình 81%, lượng mua trung bình năm từ 1.200mm - 1.750mm; tốc độ gió trung bình 3,5m/s, hướng gió chính là đông bắc - tây nam. Hành chính Thị xã An Khê có 11 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 6 phường: An Bình, An Phú, An Phước, An Tân, Ngô Mây, Tây Sơn và 5 xã: Cửu An, Song An, Thành An, Tú An, Xuân An. Lịch sử An Khê so với toàn bộ tỉnh Gia Lai và vùng Tây Nguyên thuộc lãnh thổ Đại Việt sớm nhất, dưới triều đại nhà Tây Sơn năm 1771. Vùng cao nguyên An Khê chính là vùng đất Tây Sơn thượng đạo, được Nguyễn Nhạc dùng làm căn cứ khởi nghĩa đầu tiên của phong trào Tây Sơn. An Khê vốn là thị trấn huyện lỵ huyện Tân An, tỉnh Kon Tum thời Pháp thuộc. Thời Việt Nam Cộng hòa, ban đầu là quận lỵ quận Tân An, tỉnh Pleiku. Ngày 13 tháng 3 năm 1959, An Khê trở thành quận lỵ quận An Túc (là quận Tân An cũ) và được nhập vào tỉnh Bình Định. Từ 1976 đến nay Thời kỳ 1976 - 1991, An Khê là huyện lỵ huyện An Khê, thuộc tỉnh Gia Lai - Kon Tum, sau đó thuộc tỉnh Gia Lai. Huyện An Khê ban đầu bao gồm 22 xã: Chơ Long, Cư An, Cửu An, Đắk Song, Đông, Hà Tam, K’rong, Lơ Ku, Nam, Nghĩa An, Phú An Cư, Sơ Pai, Sơn Lang, Song An, Sró, Tân An, Tú An, Ya Hội, Ya Ma, Yang Bắc, Yang Nam và Yang Trung. Ngày 2 tháng 3 năm 1979, Hội đồng chính phủ ban hành Quyết định 77-CP. Theo đó: Chia xã Phú An Cư thành thị trấn An Khê và xã Phú An Chia xã Yang Trung thành 2 xã: Yang Trung và An Trung. Ngày 17 tháng 8 năm 1981, Chia xã An Trung thành 2 xã: An Trung và Chư Krey. Ngày 29 tháng 10 năm 1983, chia xã Nam thành 3 xã: Kông Pla, Kông Lơng Khơng và Tơ Tung. Ngày 28 tháng 12 năm 1984, tách 9 xã: Sơn Lang, Sơ Pai, K'rong, Tơ Tung, Kông Lơng Khơng, Kong Pla, Đông, Nghĩa An và Lơ Ku để thành lập huyện Kbang. Huyện An Khê còn lại thị trấn An Khê và 17 xã: Cư An, Cửu An, Song An, Tân An, Hà Tam, Tú An, Phú An, Ya Hội, Yang Bắc, Yang Nam, Yang Trung, An Trung, Chư Krey, Chơ Long, Sró, Đắk Song, Ya Ma. Ngày 30 tháng 5 năm 1988, tách 8 xã: An Trung, Chư Long, Chư Krey, Đắk Song, Sró, Ya Ma, Yang Nam và Yang Trung để thành lập huyện Kông Chro. Huyện An Khê còn lại thị trấn An Khê và 9 xã: Cửu An, Hà Tam, Phú An, Song An, Tân An, Tú An, Ya Hội, Yang Bắc, An Cư. Ngày 12 tháng 8 năm 1991, tỉnh Gia Lai được tái lập, huyện An Khê thuộc tỉnh Gia Lai. Ngày 29 tháng 8 năm 1994, Chính phủ ban hành Nghị định số 25-CP. Theo đó: Chia xã Cư An thành 2 xã: Cư An và Thành An Chia xã Hà Tam thành 2 xã: Hà Tam và An Thành. Cuối năm 2002, huyện An Khê có 12 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm thị trấn An Khê và 11 xã: Tú An, Cửu An, Song An, Thành An, Phú An, Tân An, Cư An, Ya Hội, Yang Bắc, An Thành, Hà Tam. Ngày 9 tháng 12 năm 2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 155/2003/NĐ-CP. Theo đó: Thành lập thị xã An Khê trên cơ sở tách thị trấn An Khê và 4 xã: Cửu An, Song An, Thành An, Tú An thuộc huyện An Khê Thành lập 4 phường: An Bình, Tây Sơn, An Phú và An Tân trên cơ sở giải thể thị trấn An Khê Đổi tên phần còn lại của huyện An Khê thành huyện Đak Pơ. Sau khi thành lập, thị xã An Khê có 19.912,10 ha diện tích tự nhiên và 62.600 người với 8 đơn vị hành chính trực thuộc, 4 phường và 4 xã. Ngày 19 tháng 1 năm 2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 02/NĐ-CP. Theo đó: Thành lập xã Xuân An trên cơ sở điều chỉnh 2.793,00 ha diện tích tự nhiên và 3.504 nhân khẩu của xã Tú An Thành lập phường An Phước trên cơ sở điều chỉnh 1.879,22 ha diện tích tự nhiên và 2.970 nhân khẩu của xã Cửu An Thành lập phường Ngô Mây trên cơ sở điều chỉnh 1.004,10 ha diện tích tự nhiên và 4.750 nhân khẩu của xã Song An. Thị xã An Khê có 6 phường và 5 xã như hiện nay. Kinh tế - xã hội Xã Song An là một xã vùng ba có nền kinh tế phát triển sau 5 phường. Hoạt động kinh tế chủ yếu ở đây là nông nghiệp với các vùng chuyên canh cây mía và mì, ngô, chăn nuôi gia súc. An Khê - Tây Sơn Thượng Đạo là cái nôi của cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn “Thủ đô của Thủ đô”, (theo cách gọi của Giáo sư – Tiến sĩ Sử học Nguyễn Quang Ngọc), gắn liền với tên tuổi người anh hùng dân tộc Quang Trung – Nguyễn Huệ và triều đại Tây Sơn phát triển tiến bộ gần 250 năm trước. Trải qua hàng trăm năm nhưng những dấu ấn của cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn vẫn còn khá đậm nét trên vùng đất An Khê – Tây Sơn Thượng đạo với Quần thể 6  cụm và 18 di tích lịch sử - văn hóa như: An Khê Đình, An Khê Trường, Gò Chợ; Miếu Xà, Cây Ké, Cây Cầy; Hòn Bình, Hòn Nhược, Hòn Tào, Gò Kho, Xóm Ké …đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia năm 1991 và còn nhiều di tích có giá trị khác gắn với cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn. An Khê cũng là nơi định cư sớm nhất của người Việt trên vùng đất Tây Nguyên, nhờ vậy ở An Khê có rất nhiều thiết chế tín ngưỡng Đình, Miếu khá đông đặc (36 công trình tín ngưỡng có lịch sử hàng trăm năm và nhiều thiết chế được triều đình nhà Nguyễn ban Sắc phong từ thời vua Tự Đức đến thời Vua Bảo Đại) do người dân tự lập ra để thờ thần linh và những vị có công lớn trong vùng, theo ý niệm để thần linh phù hộ dân làng được mưa thuận gió hòa, xóm làng yên ổn và là nơi tụ họp của dân làng… Ngoài ra, An Khê còn có trên 19 công trình tôn giáo như Chùa, Tịnh xá, Nhà thờ, Tu viện,... hệ thống kiến trúc nhà cổ trên 100 năm tuổi, có ngôi chùa cổ An Bình có tuổi gần 300 năm. Việc các Nhà khảo cổ học khai quật và phát hiện các di chỉ sơ kỳ Đá Cũ ở Rộc Tưng, xã Xuân An và Gò Đá, phường An Bình thị xã An Khê có niên đại hơn 80 vạn đến 1 triệu năm trước khẳng định rằng An Khê là một trong những cái nôi của nhân loại, đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích khảo cổ cấp quốc gia năm 2020. Thị xã An Khê có hệ thống lễ hội phong phú mang tính đặc sắc riêng của vùng đất Tây Sơn Thượng đạo như: Lễ kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa; Lễ cúng Khai Sơn (mùng 10 tháng Giêng); Lễ cúng Quý Xuân (mùng 10 tháng 2 âm lịch); Lễ cúng Quý Thu (rằm tháng 8 âm lịch); Lễ kỷ niệm ngày mất Hoàng đế Quang Trung (28 tháng 7 âm lịch) và một số lễ hội truyền thống khác của đồng bào dân tộc Bahnar,... An Khê nằm giữa Gia Lai và Bình Định là cầu nối giữa Tây Nguyên với vùng duyên hải Nam trung Bộ Với quốc lộ 19, một trong những tuyến đường huyết mạch của tỉnh Gia Lai đang ngày càng được nâng cấp để trở thành những tuyến đường tốt nhất. Di tích khảo cổ Rộc Tưng - Gò Đá Di chỉ đồ đá cũ An Khê (thị xã An Khê) được phát hiện năm 2014, là hệ thống nhiều điểm di tích phân bố khắp thung lũng An Khê trong bán kính hơn 3 km quanh lòng hồ công trình thủy điện. Năm 2015, di tích Gò Đá (phường An Bình) được Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp với Viện Khảo cổ - Dân tộc học Novosibirsk (Viện Hàn lâm khoa học CHLB Nga) và Sở VH-TT-DL tỉnh Gia Lai khai quật lần đầu tiên diện tích 20m² ở vị trí cao khoảng 40m so với lòng sông Ba. Quá trình khai quật Gò Đá, các nhà khảo cổ học khảo sát phát hiện hơn 20 địa điểm đá cũ. Từ năm 2015 đến 2019, các nhà khảo cổ khai quật 4 vị trí gồm Rộc Tưng 1, Rộc Tưng 4, Rộc Tưng 7 và Gò Đá, thu hàng nghìn di vật đá gồm công cụ chặt, công cụ ghè một mặt, mảnh tước, hạch đá, thiên thạch... Hầu hết công cụ ở đây được làm bằng đá quartz; tiêu biểu là loại công cụ chặt làm từ các viên cuội to thô, những mũi nhọn lớn làm từ hạch đá quartz, nạo làm từ mảnh tước nhỏ. Mảnh tước được khai quật tại Rộc Tưng. Hiện bảo tàng Tây Sơn Thượng Đạo lưu giữ hơn 4.000 hiện vật, trưng bày trên 200 di vật. Thiên thạch được tìm thấy ở hố 2, Rộc Tưng 1. Quá trình khai quật ở địa tầng di vật, các nhà khoa học thu được hàng trăm mảnh tektitle (thiên thạch) - một di chỉ đồ đá cũ nổi tiếng trong ngành khảo cổ học Hạch đá (nguyên liệu để người nguyên thủy dùng để chế tác công cụ lao động) được tìm thấy ở di tích Rộc Tưng, đang trưng bày tại Bảo tàng Tây Sơn Thượng Đạo (thị xã An Khê). Kết quả khai quật phát hiện các sưu tập công cụ đá của người nguyên thủy niên đại khoảng 800.000 năm, trong đó có các công cụ rìu tay ghè hai mặt thuộc dạng rất quý hiếm ở khu vực Đông Nam Á và Đông Á. Những phát hiện Đá cũ đã đưa An Khê vào một trong 10 điểm có di tích Đá cũ của loài người giai đoạn người đứng thẳng. Việc này góp thêm tư liệu nghiên cứu lịch sử hình thành con người và văn hoá đầu tiên của nhân loại. Hàng nghìn "công cụ đá" của người nguyên thủy có niên đại khoảng 800.000 năm được trưng bày tại Bảo tàng Tây Sơn Thượng Đạo (thị xã An Khê). Phía sau là bức tranh mô phỏng 5 bước tiến hoá của loài người. Dấu tích người cổ tìm thấy tại di chỉ An Khê nằm ở giai đoạn người đứng thẳng (Homo erectus), tổ tiên trực tiếp của người hiện đại (Homo sapiens). Hệ thống di tích sơ kỳ Đá cũ An Khê đã được Hội đồng biên soạn Bộ lịch sử quốc gia đưa vào chính sử với giá trị là nơi xuất hiện người nguyên thủy sớm nhất ở Việt Nam. Di tích Rộc Tưng 4 được ví là "công xưởng" chế tác đồ đá, chứng tỏ vùng đất này từng là nơi cư trú của cộng đồng người giai đoạn đứng thẳng. Vị trí này được được phát hiện năm 2015 và khai quật 3 lần với hàng nghìn hiện vật đá (công cụ chặt, mũi nhọn, công cụ ghè hết một mặt, hạch đá, đá có vết gia công, mảnh tước) và mảnh thiên thạch. Ngày 29 tháng 12 năm 2022, thừa lệnh Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký quyết định công nhận Di tích quốc gia đặc biệt đối với di tích khảo cổ Rộc Tưng - Gò Đá ở thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) và bộ rìu tay ở di tích này được công nhận là Bảo vật Quốc gia. Vừa qua tỉnh Gia Lai đề xuất khai quật mở rộng thêm 16 địa điểm và thực hiện công trình nghiên cứu, bảo tồn di tích đá cũ An Khê để có câu trả lời thuyết phục về tổ tiên loài người. Hình ảnh
Luxembourg (phiên âm: Lúc-xăm-bua, Lúc-xem-bua hoặc Luých-xăm-bua), tên đầy đủ là Đại công quốc Luxembourg (tiếng Luxembourg: Groussherzogtum Lëtzebuerg; tiếng Pháp: Grand-Duché de Luxembourg; tiếng Đức: Großherzogtum Luxemburg),là một quốc gia nhỏ nằm trong lục địa ở Tây Âu, giáp với Bỉ, Pháp, và Đức. Quốc gia này có diện tích gần bằng tỉnh Bình Dương của Việt Nam. Luxembourg là một nước theo dân chủ đại nghị và quân chủ lập hiến, được cai trị bởi một đại công tước và là đại công quốc duy nhất còn tồn tại trên thế giới. Đất nước có một nền kinh tế phát triển cao, với GDP bình quân đầu người cao nhất trên thế giới (107.206 USD/người/năm). Luxembourg là thành viên sáng lập của Liên minh châu Âu, NATO, Liên hợp quốc, Benelux và Liên minh Tây Âu, phản ánh xu thế chính trị của việc hội nhập kinh tế, chính trị và quân sự. Thành phố Luxembourg, thủ đô và là thành phố lớn nhất, là nơi đặt trụ sở của một số cơ quan và đại diện của Liên minh châu Âu. Luxembourg nằm giữa biên giới văn hóa của châu Âu gốc Rôman và châu Âu gốc German, vay mượn phong tục tập quán từ những truyền thống rất khác nhau. Luxembourg là một nước với ba thứ tiếng; tiếng Pháp, tiếng Đức và tiếng Luxembourg là những ngôn ngữ chính thức. Mặc dù là một nước thế tục, phần đông người dân Luxembourg theo đạo Công giáo Rôma. Lịch sử Luxembourg là một phần lãnh thổ trong đế quốc của Charlemagne. Lịch sử được ghi lại của Luxembourg bắt đầu với việc chiếm được Lucilinburhuc (ngày nay là lâu đài Luxembourg) bởi Siegfried, Bá tước xứ Ardennes vào năm 963. Tên hiện nay của Luxembourg có nguồn gốc từ tên trước đây Lucilinburhuc. Xung quanh đồn này, một thị trấn dần dần phát triển, và trở thành trung tâm của một nước nhỏ nhưng quan trọng về mặt chiến lược. Năm 1214, lãnh thổ này được nâng lên thành Bá quốc Luxemburg, đến năm 1353 lại được nâng lên thành Công quốc. Vào năm 1437, Hoàng gia Luxembourg khủng hoảng về vấn đề thừa kế, bắt đầu bởi việc thiếu một người con trai nối ngôi, dẫn đến việc vùng đất này bị bán cho Philippe Tốt bụng của xứ Burgundy. Vào các thế kỉ theo sau đó, đồn Luxembourg được mở rộng liên tục và gia cố thêm bởi những chủ nhân kế tiếp nhau, nhà Bourbon, nhà Habsburg, nhà Hohenzollern và người Pháp, cùng với một số khác. Sau khi Napoléon thất bại vào năm 1815, Luxembourg bị tranh giành bởi Phổ và Hà Lan. Hội nghị Wien đã thành lập Luxembourg như là một Đại công quốc liên hiệp với Hà Lan. Luxembourg cũng là thành viên của Liên minh các quốc gia Đức, với một đồn Liên minh đóng bởi lính Phổ. Cách mạng Bỉ năm 1830–1839 đã làm lãnh thổ của Luxembourg bị giảm đi hơn một nửa, vì đa phần lãnh thổ nói tiếng Pháp thuộc phía tây được chuyển nhượng cho Bỉ. Nền độc lập của Luxembourg được khẳng định một lần nữa vào năm 1839 bởi Hiệp ước London thứ nhất. Cũng cùng năm đó, Luxembourg gia nhập Zollverein. Nền độc lập và sự trung lập của Luxembourg lại được khẳng định vào năm 1867 bởi Hiệp ước London thứ hai, sau cuộc khủng hoảng Luxembourg làm chiến tranh gần như nổ ra giữa Phổ và Pháp. Sau sự mâu thuẫn được kể trên, đồn của liên minh đã bị tháo dỡ. Vua Hà Lan vẫn là Người lãnh đạo nhà nước như là Đại công tước xứ Luxembourg, duy trì mối liên hệ dân tộc giữa hai nước cho đến năm 1890. Vào lúc William III, ngôi Công tước được truyền cho con gái ông là Wilhelmina, trong khi Luxembourg (vào thời điểm đó chỉ giới hạn cho người nối ngôi là nam bởi Hiệp định Gia đình Nassau) được truyền cho Adolph xứ Nassau-Weilburg. Luxembourg bị xâm lược và chiếm đóng bởi quân Đức trong Chiến tranh thế giới thứ nhất nhưng được phép giữ độc lập và cơ chế chính trị. Nó lại bị xâm lược và chiếm đóng trong Chiến tranh thế giới thứ hai vào năm 1940, và chính thức bị sáp nhập vào Đế chế thứ ba vào năm 1942. Trong suốt Chiến tranh thế giới thứ hai, Luxembourg đã bãi bỏ chính sách trung lập, khi nước này tham dự phe Đồng Minh đánh lại quân Đức. Chính phủ lưu vong của nước này đã trú tại London, thiết lập một nhóm quân tình nguyện nhỏ tham dự trận đánh Normandy. Nó trở thành một thành viên sáng lập Liên hợp quốc vào năm 1946, và khối NATO vào năm 1949. Vào năm 1957, Luxembourg trở thành một trong sáu nước thành lập Cộng đồng Than và Thép châu Âu (sau này là Liên minh châu Âu) vào năm 1999, tham dự khu vực sử đụng tiền euro. Năm 1964, Nữ Đại công tước Charlotte thoái vị và nhường ngôi cho con trai là Thái tử Jean. Năm 2000, con trai Đại công tước Jean là Henri lên kế vị. Vai trò lãnh đạo đời sống chính trị vẫn thuộc về đảng Xã hội Thiên chúa giáo, Jacques Santer giữ chức Thủ tướng từ năm 1984 đến 1995, rồi đến Claude Juncler trở thành người kế nhiệm từ năm 1995. Quốc hội Luxembourg phê chuẩn hiệp ước Maastricht chuẩn bị cho việc hội nhập kinh tế vào Liên hiệp châu Âu vào tháng 7 năm 1992. Tháng 10 năm 2000, Thái tử Henri tuyên thệ nhậm chức Đại công tước thay thế cha là Đại công tước Jean. Năm 2002, Luxembourg chính thức sử dụng đồng euro. Vào năm 2005, một trưng cầu dân ý về hiến pháp chung châu Âu đã được tổ chức ở Luxembourg. Kinh tế Kinh tế Luxembourg là nền kinh tế phát triển, lĩnh vực chủ yếu là ngân hàng và thép. Luxembourg có GDP bình quân đầu người cao nhất thế giới, đạt mức 125.923 USD/người (2021), GDP đạt 60.984 tỉ USD (đứng thứ 75 thế giới và đứng thứ 25 châu Âu). Trong những năm qua, Luxembourg luôn là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong EU. Các lĩnh vực thế mạnh là thương mại, dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, hoá chất cao su, nhựa, sản xuất thép, thực phẩm. Khu vực dịch vụ nói chung và dịch vụ tài chính ngân hàng nói riêng là động lực chính thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng (Tài chính – ngân hàng hiện đóng góp 28% GDP của Luxembourg). Cơ cấu GDP: nông nghiệp 1%, công nghiệp 14% và dịch vụ 85% (2007). Các bạn hàng chủ yếu của Luxembourg là Bỉ, Pháp, Đức, Italia, Hà Lan, Mỹ. Điều đáng chú ý là cán cân thương mại (hàng hoá) của Luxembourg thường xuyên thâm hụt, tuy nhiên cán cân thanh toán lại thặng dư, nhờ thu hút được nhiều luồng tài chính từ bên ngoài. Luxembourg hiện tham gia khu vực đồng euro. Ngành công nghiệp luyện kim và gang thép tập trung ở vùng Tây Nam. Ngành công nghiệp thực phẩm của Luxembourg bao gồm sữa, thịt chế biến, và rượu. Khu vực kinh tế thứ ba sử dụng 90% lực lượng lao động. Địa lý Luxembourg nằm ở Tây Âu giáp với Pháp, Đức, Bỉ. Vùng Osling ở phía Bắc thuộc cao nguyên Ardenne, địa hình lồi lõm, phần lớn là các khu rừng và đồng cỏ, điều kiện thiên nhiên ít ưu đãi hơn. Vùng Gutland ở phía Nam, đất màu mỡ, thích hợp cho việc phát triển nông nghiệp (ngũ cốc, cây ăn quả, hoa, nho và thuốc lá). Chính trị Luxembourg là một nước quân chủ lập hiến đa đảng, có vị quân chủ giữ vị trí nguyên thủ quốc gia với tước hiệu Đại công tước (Groussherzog, tương đương quốc vương) truyền vị theo cha truyền con nối. Theo đó Thủ tướng Luxembourg là người đứng đầu chính phủ. Quyền hành pháp được quy định theo hiến pháp năm 1868 (đã sửa đổi) được thực hiện bởi chính phủ, bởi Đại Công Tước và các Hội đồng Chính phủ (nội các), trong đó bao gồm một thủ tướng và nhiều bộ trưởng khác. Đại Công Tước có quyền giải tán quốc hội và bầu cử lại mới. Các thủ tướng và phó thủ tướng được bổ nhiệm bởi Đại Công Tước sau cuộc bầu cử công khai đến các Viện đại biểu; họ chịu trách nhiệm đối với Viện đại biểu. Quyền lập pháp được trao cho cả chính phủ và quốc hội. Cơ quan tư pháp độc lập với hành pháp và lập pháp. Cuối năm 2013, Xavier Bettel chiến thắng trong việc tranh cử thủ tướng đã khép lại 18 năm cầm quyền của ông Jean-Claude Juncker - lãnh tụ đảng Cơ đốc Xã hội bảo thủ, đảng nắm quyền gần như liên tục kể từ khi Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc. Để có thể giánh được thắng lợi, nhà lãnh đạo trẻ theo xu hướng tự do đã phải liên kết với hai đảng thế tục khác: Đảng Dân chủ và Đảng Xanh. Chính phủ hiện nay là một liên minh của ba đảng DP (Đảng Dân chủ), LSAP (Đảng Công nhân xã hội chủ nghĩa) và DG (Đảng Xanh). Các đảng phái chính trị chính: Đảng Dân chủ, đảng cánh hữu theo đường lối tự do. Đảng Xanh, chủ trương bảo vệ môi trường. Đảng Công nhân Xã hội chủ nghĩa Luxembourg, theo đường lối dân chủ xã hội. Đảng Cơ đốc Xã hội, đảng cánh hữu bảo thủ. Chính sách đối ngoại Mục tiêu chính sách đối ngoại của Luxembourg là "Phát huy vai trò trong EU, tham gia vào việc xây dựng một thế giới hoà bình, bảo vệ các giá trị cơ bản, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển. Là nước nhỏ có nền kinh tế mở nên lợi ích của Luxembourg gắn liền với lợi ích của EU. Do vậy, Luxembourg luôn ủng hộ tiến trình xây dựng Liên minh châu Âu, ủng hộ việc mở rộng EU sang Trung Âu và Đông Âu. Về chính sách hợp tác phát triển Tuy là nước nhỏ nhưng Luxembourg rất quan tâm đến hợp tác phát triển. Năm 1998, tổng giá trị ODA của Luxembourg đạt 4,1 tỷ franc Lux (117,5 triệu USD), tương đương 0,61% GNP và 2,25% ngân sách quốc gia; năm 1999 khoảng 4,5 tỷ franc Lux (129 triệu USD). Theo báo cáo ngày 23/4/2008 của Bộ trưởng Hợp tác Phát triển của Luxembourg trước Quốc hội về chính sách viện trợ phát triển của Luxembourg, từ năm 2000, Luxembourg là một trong 5 nước công nghiệp phát triển dành 0,7% thu nhập quốc dân cho viện trợ phát triển, năm 2007 con số này lên đến 0,9% và năm 2008 sẽ đạt 0.91%. Mục tiêu của chính sách hợp tác phát triển của Luxembourg là phục vụ công cuộc xoá đói giảm nghèo, đảm bảo cho sự phát triển bền vững tại các nước đang phát triển, trong đó con người được đặt ở vị trí trung tâm. Ưu tiên từ nay đến năm 2015 là phục vụ cho việc thực hiện cho mục tiêu của Thiên niên kỷ, nhất là những mục tiêu mang tính chất xã hội như y tế, giáo dục, đào tạo… Cho tới nay, viện trợ phát triển của Luxembourg chỉ ưu tiên dành cho 10 nước trong đó có 6 nước thuộc tiểu vùng sa mạc Sahara (Burkina Faso, Cabo Verde, Mali, Namibia, Niger và Sénégal), 2 nước châu Mỹ Latinh (Nicaragua và El Salvador), 2 nước châu Á (Lào và Việt Nam). Luxembourg cũng tiến hành chiến dịch thông tin đến người dân để họ hiểu và ủng hộ những nỗ lực của Chính phủ trong lĩnh vực hợp tác phát triển. Trong một cuộc thăm dò dư luận tiến hành đầu năm 2003, đại đa số người dân Luxembourg đều ủng hộ chính sách của Chính phủ. Dân tộc Người dân Luxembourg được gọi là Luxembourgers, dân nhập cư tăng lên trong thế kỷ XX do sự xuất hiện của những người nhập cư từ Bỉ, Pháp, Ý, Đức, và Bồ Đào Nha, với phần lớn đến từ sau này. Trong cuộc điều tra dân số năm 2001, đã có 58.657 người nhập cư có quốc tịch Bồ Đào Nha. Kể từ khi bắt đầu cuộc chiến tranh Nam Tư, Luxembourg đã tiếp nhận nhiều người nhập cư từ các nước Bosnia và Herzegovina, Montenegro và Serbia. Hàng năm, hơn 10.000 người nhập cư mới đến Luxembourg, chủ yếu là từ các quốc gia EU, và Đông Âu. Như năm 2000, đã có 162.000 người nhập cư tại Luxembourg, chiếm 37% tổng dân số. Có khoảng 5.000 người nhập cư bất hợp pháp, bao gồm người tị nạn. Thành phần dân tộc hiện nay gồm: người Luxembourg (tức người Celt), người Bồ Đào Nha, người Italia, người Montenegro, Albania, Kosovo. Giáo dục Nền giáo dục cơ bản toàn diện và đặc biệt chú trọng vấn đề ngôn ngữ đã giúp người dân Luxembourg trở nên tự tin và dễ dàng hòa nhập nền kinh tế quốc tế. Người dân ở đây có thể sử dụng ba thứ tiếng ngoài tiếng mẹ đẻ, gồm tiếng Đức, tiếng Pháp, và tiếng Anh. Và một điều không giống bất cứ nơi đâu trên thế giới là đất nước này chủ trương chỉ mở một trường đại học. Dĩ nhiên, Luxembourg cũng có trung tâm đào tạo nâng cao, các trường cao đẳng, dạy nghề về du lịch và khách sạn. Chương trình tiểu học 6 năm, trung học 7 năm. Học sinh tốt nghiệp có thể theo học chương trình cao hơn, tham gia vào các môn học như nhân văn, luật, kinh tế, y học... Nhiều sinh viên ra nước ngoài tu nghiệp. Luxembourg có rất nhiều trường kĩ thuật và hướng nghiệp. Ngôn ngữ Tiếng Luxembourg, tiếng Đức, tiếng Pháp là những ngôn ngữ chính thức. Tôn giáo Luxembourg là một quốc gia thế tục, nhưng nhà nước công nhận một số các tôn giáo chính thức. Điều này cho phép nhà nước có quyền trong việc quản lý tôn giáo và bổ nhiệm hàng giáo sĩ, thay vào đó nhà nước sẽ trả chi phí vận hành tôn giáo và tiền lương của các giáo sĩ. Hiện nay, các tôn giáo được công nhận đó là Công giáo Rôma, Do Thái giáo, Chính Thống giáo Hy Lạp, Anh giáo, Chính Thống giáo Nga, Giáo hội Luther, Tin Lành phái Mennonitism và Hồi giáo. Một ước tính của The World Factbook năm 2000 cho thấy là 87% dân số Luxembourgers là người Công giáo, trong đó có gia đình hoàng gia, còn lại 13% là người Hồi giáo, Tin Lành, Chính thống giáo, người Do Thái, và những người không tôn giáo. Theo một nghiên cứu Trung tâm nghiên cứu Pew năm 2010, 70,4% dân số là Kitô giáo, Hồi giáo là 2,3%, 26,8% tôn giáo khác và 0,5% không tôn giáo.
Quang học phi tuyến (NLO) là nhánh quang học mô tả hành vi của ánh sáng trong môi trường phi tuyến, nghĩa là môi trường trong đó mật độ phân cực P phản ứng phi tuyến tính với điện trường E của ánh sáng. Sự phi tuyến tính thường chỉ được quan sát ở cường độ ánh sáng rất cao (giá trị của điện trường nguyên tử, thường là 108 V/m), chẳng hạn như khi tia laser được phóng ra. Trên giới hạn Schwinger, chân không dự kiến sẽ trở thành phi tuyến. Trong quang học phi tuyến, nguyên tắc chồng chập không còn đúng nữa. Lịch sử Hiệu ứng quang học phi tuyến đầu tiên được dự đoán là sự hấp thụ hai photon, bởi Maria Goeppert Mayer với bằng tiến sĩ của bà năm 1931, nhưng nó vẫn là một sự tò mò về lý thuyết chưa được khám phá cho đến năm 1961 và sự quan sát gần như đồng thời về sự hấp thụ hai photon tại Bell Labs và khám phá thế hệ hài hòa thứ hai của Peter Franken et al. tại Đại học Michigan, cả hai ngay sau khi xây dựng máy laser đầu tiên của Theodore Maiman. Tuy nhiên, một số hiệu ứng phi tuyến đã được phát hiện trước khi phát triển laser. Cơ sở lý thuyết cho nhiều quá trình phi tuyến được mô tả lần đầu tiên trong chuyên khảo "Quang học phi tuyến" của Bloembergen. Các quá trình quang học phi tuyến Quang học phi tuyến giải thích đáp ứng phi tuyến của các thuộc tính như tần số, phân cực, pha hoặc đường đi của ánh sáng tới. Những tương tác phi tuyến này làm phát sinh một loạt các hiện tượng quang học: Quá trình trộn tần số Thế hệ sóng hài thứ hai (SHG), hoặc nhân đôi tần số, tạo ra ánh sáng với tần số nhân đôi (một nửa bước sóng), hai photon bị phá hủy, tạo ra một photon đơn lẻ ở hai lần tần số. Thế hệ sóng hài bậc ba (THG), tạo ra ánh sáng với tần số gấp ba (một phần ba bước sóng), ba photon bị phá hủy, tạo ra một photon duy nhất với tần số gấp ba lần. Thế hệ sóng hài cao (HHG), thế hệ ánh sáng có tần số lớn hơn nhiều so với ban đầu (thường lớn hơn 100 đến 1000 lần). Tạo tần số tổng (SFG), tạo ra ánh sáng với tần số là tổng của hai tần số khác (SHG là trường hợp đặc biệt của điều này). Tạo tần số khác biệt (DFG), tạo ra ánh sáng với tần số là sự khác biệt giữa hai tần số khác. Khuếch đại tham số quang (OPA), khuếch đại đầu vào tín hiệu với sự hiện diện của sóng bơm tần số cao hơn, đồng thời tạo ra sóng idler (có thể được coi là DFG). Dao động tham số quang (OPO), tạo ra tín hiệu và sóng idler sử dụng bộ khuếch đại tham số trong bộ cộng hưởng (không có đầu vào tín hiệu). Tạo tham số quang (OPG), giống như dao động tham số nhưng không có bộ cộng hưởng, thay vào đó sử dụng mức tăng rất cao. Thế hệ nửa hài hòa, trường hợp đặc biệt của OPO hoặc OPG khi tín hiệu và bộ làm việc suy giảm trong một tần số duy nhất, Chuyển đổi xuống tham số tự phát (SPDC), sự khuếch đại của dao động chân không trong chế độ khuếch đại thấp. Chỉnh lưu quang học (OR), tạo ra điện trường bán tĩnh. Tương tác vật chất ánh sáng phi tuyến với các electron và plasma tự do.
Dropa (cũng được biết đến với các tên Dropas, Drok-pa và Dzopa, Đỗ Lập Ba 杜立巴), mặc dù tính chính xác của thông tin vẫn còn đang tranh luận, là một loại người lùn giống sinh vật ngoài Trái Đất đã đáp xuống Trái Đất gần vùng biên giới Tây Tạng-Trung Quốc khoảng mười hai nghìn năm về trước. Nhiều người đã hoài nghi tính xác thực của các giả thuyết về nguồn gốc ngoài Trái Đất của tộc người này và họ cũng cho rằng có lẽ đã có nhiều lời đồn đại quá mức thực tế. Đa số mọi người chỉ trích sự kiện này chỉ có tính huyền hoặc. Khám phá Tề Phúc Thái (齊福泰, Chi Pu Tei), một giáo sư khảo cổ tại Đại học Bắc Kinh và các sinh viên đã có một chuyến khảo sát hàng loạt các hang động không có lối đi ở dãy Himalaya, một vùng hẻo lánh Bayan-Kara-Ula, ranh giới giữa Trung Quốc và Tây Tạng. Nhiều hang động được tạo một cách không tự nhiên có thể đã thuộc về một hệ thống hầm ngầm và kho dưới lòng đất. Những bức tường có nét vuông vắn như thể đã được cắt gọt từ núi bằng một nhiệt độ cao. Họ đã tìm được nhiều hàng mộ ngay ngắn với những bộ xương ngắn 130 cm chôn trong đó. Những bộ xương có đầu to khác thường, và cơ thể nhỏ bé, mỏng, yếu đuối. Một thành viên trong nhóm đề nghị rằng đó có thể là những loài khỉ núi chưa từng được biết tới. Giáo sư Tề Phúc Thái trả lời: "Đã có ai nghe được chuyện loài khỉ chôn nhau như thế?" Không có văn bia nào trong các ngôi mộ, thay vào đó là hàng trăm những đĩa đá rộng 30 cm("những đĩa đá Dropa") đã được tìm thấy, chúng lỗ rộng 20 mm ở trung tâm. Trên các bức tường có khắc hình Mặt Trời mọc, Mặt Trăng, các ngôi sao, mặt đất, núi và những đường nét đứt nối liền Trái Đất với bầu trời. Những đĩa đá và các bức vẽ trên hang đã được xác định là khoảng 12 000 năm tuổi. Những đĩa đá Dropa Mỗi đĩa đá đều có khắc lời tường trình với hai đường rãnh rất rõ từ bờ cho tới tâm đĩa. Những đĩa đá được niêm phong lại và lưu trữ tại Đại học Bắc Kinh trong 20 năm, suốt thời gian mà mọi cố gắng giải mã đều không thành công. Khi những đĩa đá được khảo sát tỉ mỉ bởi Tsum Um Nui tại Bắc Kinh năm 1958, ông ta kết luận rằng mỗi đường rãnh thực sự là một loạt chữ tượng hình bé xíu theo loại mẫu và nguồn gốc chưa từng biết tới. Hàng chữ tượng hình quá nhỏ, phải có một kính phóng đại để xem chúng. Nhiều chữ tượng hình đã bị hỏng vì bị ăn mòn mất. Khi Tsum giải mã các ký hiệu, chúng kể câu chuyện về một phi thuyền của người Dropa đã bị rơi và cuộc tàn sát những người sống sót còn lại bởi thổ dân tại địa phương này. Theo Tsum Um Nui, một trong những dòng chữ tượng hình có thể đọc là: "những người Dropa giáng trần từ những đám mây trên phi thuyền của họ. Lũ đàn ông, đàn bà và trẻ con sợ hãi trốn trong các hang động mười lần trước lúc bình minh. Cuối cùng họ cũng đã hiểu được ký hiệu ngôn ngữ của người Dropa, họ nhận ra rằng những vị khách mới đến với ý định hòa bình..." Một đoạn khác nói về "sự thương tiếc" của người Ham vì phi thuyền của sinh vật ngoài Trái Đất đã rơi xuống vào vùng núi hẻo lánh, khó tới được và không có cách nào để chế tạo một cái mới đưa những người Dropa quay về hành tinh của họ. Báo cáo của Tsum xuất hiện trên một tời báo khoa học năm 1962. Sau đó, ông ta bị nhạo báng tới mức phải chạy sang Nhật Bản, nơi ông ta qua đời. Học viện Tiền sử Bắc Kinh không bao giờ cho phép ông ta công bố và cũng không bao giờ nói về những khám phá của ông. "Tsum Um Nui" không phải là một cái tên Trung Quốc, nhiều người cho rằng Tsum có lẽ chưa bao giờ tồn tại thực sự. Tuy vậy Tsum Um Nui là một cái tên Nhật Bản đọc theo ngôn ngữ Trung Quốc. Ngoài ra, cũng không có chứng cớ nào là Tsum Um Nui thật sự hiện hữu. Những nghiên cứu Năm 1965, giáo sư Tề Phúc Thái và bốn cộng sự, cuối cùng đã được cho phép công bố giả thuyết của họ. Họ công bố chúng dưới tiêu đề "Những đường ký tự nói về phi thuyền không gian, theo như ghi chép trên các tấm đĩa, đã hạ cánh xuống Trái Đất 12.000 năm về trước". Sự ghi chép - trên 716 tấm đĩa được khám phá - kể một câu chuyện đáng kinh ngạc về một phi thuyền thử nghiệm phóng từ những cư dân trên một hành tinh khác. Sau khi hạ cánh xuống vùng núi Bayan-Kara-Ula, những dòng chữ viết này nói, với ý định hòa bình, những sinh vật ngoài Trái Đất đã bị thành viên bộ lạc Ham, cư dân ở các hang động xung quanh, săn tìm và giết. Có thể tìm thấy hàng nghìn bức ảnh đĩa đá Dropa trên khắp Trung Quốc, hầu hết ở các tỉnh phía đông nam. Nghiên cứu của Liên bang Nga Các nhà khoa học Nga đề nghị được xem các đĩa đá và nhiều trong số đó đã được gửi tới Moskva để kiểm tra. Chúng được cạo sạch các mảnh đá đã dính vào chúng để được đưa đi phân tích hóa học. Các nhà khoa học sửng sốt bởi những tấm đĩa chứa hàm lượng lớn cobalt và các chất liệu kim loại khác. Thêm vào đó, khi đặt chúng lên một mặt quay đặc biệt - theo Vyatcheslav Saizev, người miêu tả thí nghiệm trên tạp chí Sputnik - chúng rung lên một giai điệu kỳ lạ mặc dù cho một dòng điện đi qua chúng. Hay, như một nhà khoa học nói, "như thể chúng tạo nên một phần cuộn dây điện". Lúc đó, chúng thể hiện một dòng điện mạnh khác thường. "Nó có vẻ giống như những đĩa đá cứng, xoay tròn giống như một đĩa cứng chúng ta đang có hiện nay. Có lẽ nếu chúng tôi được đọc những tấm đĩa cổ cứng, chúng tôi có thể tìm được thêm câu trả lời". Các tấm ảnh của Wegerer Năm 1947, Ernst Wegerer, một kỹ sư người Australia đã chụp hai đĩa đá Dropa. Ông ta được hướng dẫn tham quan một vòng Bảo tàng Banpo ở Xian, khi ông ta trông thấy các tấm đĩa đá được trưng bày. Ông ta khẳng định là mình thấy một cái lỗ ở tâm mỗi chiếc đĩa và những chữ tượng hình trên các rãnh xoắn ốc. Wegerer hỏi người hướng dẫn Bảo tàng Banpo thêm thông tin dán trên các tủ bày. Người hướng dẫn không hề biết gì về lịch sử các đĩa đá, mặc dù cô ta có thể nói toàn bộ các di vật đất sét khác. Cô ta chỉ biết rằng các đĩa đá là những "đồ cúng" không mấy quan trọng. Wegerer được cho phép cầm một trong các tấm đĩa trên tay. Ông ta ước lượng chúng nặng khoảng 1 kg, và đường kính 30 cm. Các dòng chữ tượng hình không thể thấy được trong bức ảnh ông ta đã chụp, bởi vì chúng đã bị bở vụn một phần, và đèn camera chỉ chọn ra các chi tiết rõ như đường xoắn ốc. Một vài ngày sau, người hướng dẫn bị đuổi việc mà không biết tại sao. Cô ta và hai tấm đĩa đã biến mất, theo giáo sư Wang Zhijun, giám đốc Bảo tàng Banpo, tháng 3 năm 1994. Các chứng cứ khác Nhiều năm sau khi phát hiện tấm đĩa đầu tiên, các nhà khảo cổ và các nhà nhân chủng học đã biết thêm về vùng cách ly Bayan-Kara-Ula. Nhiều thông tin được làm sáng tỏ nhằm củng cố chứng cứ cho câu chuyện được ghi lại trên các tấm đĩa. Truyền thuyết vẫn còn lưu giữ được trong vùng có nói về một người đàn ông nhỏ bé, dễ sợ, mặt vàng "giáng trần từ các đám mây rất, rất lâu rồi". Người đàn ông này có cái đầu to, phình ra và cơ thể yếu ớt và xấu xí ghê gớm và bị mọi người lảng tránh. "Những người đàn ông với những con ngựa nước đại" đã săn được các tên người lùn xấu xí. Kỳ lạ thay, miêu tả về "những kẻ xâm lược" đang nói tới trùng khớp với những bộ xương được giáo sư Tề Phúc Thái khám phá trong các hang động. Các bộ lạc Ham và Dropa Một câu hỏi đặt ra một cách tự nhiên là các bộ lạc Ham (hay Kham) và Dropa sống ở đâu. Dropa xuất phát từ Dropka, một bộ lạ du mục sống chủ yếu ở Tây Tạng. Dropka có nghĩa đen là "người ở trong lều đen", có tên như vậy vì các túp lều của họ được làm từ lông đen của bò Tây Tạng. Người Dropa, cũng như người Ham, không cư ngụ ở trong hang, họ sống bình thường như người Tây Tạng. Báo cáo khác nói rằng có sự khác nhau giữa người Hán và Dropa trong vùng đó. Cả hai bộ lạc đều là người lùn sống ẩn dật ở trong hang. Chiều cao của người trưởng thành là 100 và 140 cm với mức trung bình là 125 cm, và nặng 17 tới 24 kg. Họ có da màu vàng và cơ thể mỏng manh với đầu to khác thường. Họ có ít lông trên cơ thể và có mắt to khác hẳn diện mạo người châu Á, nhưng có màu mắt xanh nhạt. Họ không phải người Trung Quốc và cũng không phải người Tây Tạng. Một báo cáo khác nói những người này cao trung bình 150 cm. Có thông tin đáng tin cậy rằng người lùn châu Á có tồn tại và tôn giáo/truyền thuyết của họ có nói rằng họ có nguồn gốc từ bầu trời. Nhiều tôn giáo cũng tin vào chủ đề đó, bao gồm Cơ Đốc giáo, đạo Do Thái và Hồi giáo. Các báo cáo Năm 1322: trong Các chuyến du hành của Sir John Mandeville có chú thích về Trung Quốc như sau: "con sông đó (sông Dalay) chảy qua vùng đất của những người lùn, những người có vóc dáng nhỏ, họ chỉ cao ba gang tay (70 cm), và họ tốt bụng, tử tế, cả đàn ông và đàn bà. Sau khi cưới nửa năm họ có con, và họ sống nhiều nhất chỉ sáu, bảy năm." Năm 1911: Một báo cáo nhắc lại sự kiện nhìn thấy sinh vật cực kỳ lùn ở Tây Tạng và xung quanh vùng Trung Á. Thế chiến thứ hai: một người Úc phục vụ quân đội Đồng Minh không ngừng nói rằng mình từng nhiều lần chạm trán một bộ lạc lùn tịt ở vùng trung tâm Trung Quốc, thậm chí cho đến khi qua đời. Năm 1947: Nhà khoa học người Anh Karyl Robin-Evans đi tới "vùng đất bí ẩn của người Dzopa". Ở Lhasa (Tây Tạng), ông ta đã gặp vị Dalai Lama thứ 14. Ông ta đã bị những người leo núi (sherpas) Himilaya sống ở vùng giáp ranh biên giới Nepal và Tây Tạng bỏ rơi vì họ sợ vùng đất Bain-Kara-Ula, một vùng đất mà những cư dân địa phương tránh xa bởi những con người kỳ lạ sống tại nơi đó. Sau nhiều cố gắng lớn, ông ta đã đến nơi. Ở đó ông ta tìm thấy vài trăm người lùn, cao trung bình 4 feet, sống trong một thung lũng hẻo lánh giữa các dãy núi. Robin-Evans chụp một bức ảnh người Dzopa. Ông ta đã ở đó trong nửa năm và học ngôn ngữ, lịch sử và các truyền thuyết của họ. Lurga-La, người lãnh đạo tôn giáo của họ, nói với Robin-Evans rằng nguồn gốc của họ từ một hành tinh trong chòm sao Sirius. Khoảng 20 000 năm trước và một lần nữa vào năm 1014 là hai nhiệm vụ mà người Dzopa được cử tới Trái Đất. Năm 1014, họ bị rơi vào trong vùng núi. Nhiều người trong số họ bị chết. Những người sống sót không thể rời khỏi Trái Đất. Câu chuyện này của Robin-Evans được xem như khoa học giả tưởng từ sách truyện Sungods in Exile, xuất bản năm 1978. Năm 1995: một tỉnh ở Tứ Xuyên, miền trung Trung Quốc, phía đông ranh giới vùng núi Baian-Kara-Ula, một làng người lùn được khám phá. 120 người, cao từ 65 đến 115 cm, sống kiểu sống thời Trung cổ. Họ không quen biết gì với mọi khoa học hiện đại. Các tài liệu của Trung Quốc không hề phủ nhận sự tồn tại của một "ngôi làng của những người lùn". Tuy thế ngôi làng không được mở cho người nước ngoài vào xem. Nó nằm phía đông, cách núi Bayan Kara Ula vài km. Bình luận Không có bằng chứng để lại đáng tin về sự thật những giả thuyết đó, hay có thể chứng minh rằng đã từng tồn tại trong quá khứ. Một số người đề xướng rằng đó là kết quả tình trạng chia rẽ cộng đồng sau cuộc cách mạng văn hóa Trung Quốc hay một bí ẩn bị che giấu ở Trung Quốc. Tuy vậy, câu chuyện này đã vượt ra ngoài Trung Quốc. Dưới đây là các bằng chứng chống lại sự kiện sinh vật ngoài Trái Đất/Dropa: 1. Khám phá: không thấy đề cập nào tới "Tsum Um Nui" (楚聞明 Sở Văn Minh), vì ông ta được cho là bị nhạo báng tới mức phải trốn khỏi Trung Quốc và qua đời tại Nhật Bản những năm 1960, điều này không thể là sự phủ nhận của cách mạng văn hóa-những người cộng sản che giấu giả thuyết. Cũng vậy, không có đề cập nào tới chuyến đi khảo sát vùng Bayan Kara Ula năm 1938. "Học viện Tiền sử Bắc Kinh" được cho là chưa từng bao giờ tồn tại. 2. Kết quả trước đây: câu chuyện xác thực đầu tiên được đề cập trong cuốn sách của Erich von Däniken: Chariots of the Gods. Đa số các cái tên và nguồn gốc xuất hiện không thể làm chứng được, và không có sự tồn tại của các học giả Liên Xô và Trung Quốc ngoài chuyện: Chu Pu Tei, Tsum Um Nui, Ernst Wegener, Vyatcheslav Saitzev, Sergei Lolladoff. 3. Kết quả sau này: Năm 1978, cuốn sách Sungods in Exile của David Agamon xuất hiện củng cố câu chuyện Dropa, nhưng Agamon đã tự nhận rằng cuốn sách chỉ mang tính chất khoa học viễn tưởng. Một vài trang web đăng hình của Robin-Evas và Dalai Lama. 4. Quá trình dịch thuật: tuyệt đối không có gì nói về ngôn ngữ chưa từng được biết tới được dịch thành công. Tất cả các thứ ngôn ngữ cổ xưa đã được phát hiện ra chỉ vì chúng tồn tại dưới dạng quen thuộc với các nhà khoa học. Thậm chí trong nhiều trường hợp, để dịch và hiểu các dạng ngôn ngữ cổ hơn và ký tự của họ thường mất hàng thập kỷ với nhiều nhóm thông thạo ngôn ngữ, và quá trình khám phá phải luôn gây nên tranh luận. Nhiều ký tự cổ gây khó khăn cho việc dịch thuật bởi vì chúng không giống với bất kỳ ngôn ngữ nào đã được biết tới. Trong trường hợp này, thậm chí là cực kỳ khó khăn để dịch thuật chính xác ngôn ngữ của sinh vật ngoài Trái Đất. Bởi vậy, không chắc một học giả Trung Quốc đơn đọc không có tài liệu lại có thể tự dịch một loại ký tự ngoài Trái Đất trong thời gian rỗi. 5. Những tấm đĩa: tất cả những gì tồn tại để có thể cho là những tấm đĩa của sinh vật ngoài Trái Đất chỉ là những bức ảnh chụp ở góc rộng. Những bức ảnh, đầu tiên không miêu tả khớp nhau: "các tấm đĩa 30 cm", các đĩa được chụp rất lớn. Thứ hai, các bức ảnh không cho thấy đường rãng sâu nào. Cuối cùng, hoàn toàn không có bức ảnh, miêu tả, phân tích hay bất kỳ bằng chứng nào nói về "dòng chữ ngoài Trái Đất" xuất hiện ở bất kỳ nơi đâu. 6. Bằng chứng: các đĩa đá được cho là lưu trữ trong nhiều bảo tàng ở Trung Quốc. Không có bảo tàng nào trong số đó có bất kỳ dấu vết nào của những tấm đĩa, cũng không tìm thấy cái nào được cho là đã gửi tới Liên bang Xô Viết để phân tích. 7. Bộ lạc Dropa: Trong khi các báo cáo nói về một bộ lạc lùn tịt, yếu đuối, thì trong thực tế những người Dropa là những người du cư sống ở hầu hết các khu vực nam cao nguyên Tây Tạng. Người Ham cũng là những cư dân của vùng Tây Tạng, và những truyền thuyết có lẽ đã trợ giúp lực lượng chiến đấu ở Tây Tạng: nhiều trong số các lính bảo vệ Dalai Lama trong suốt quá trình ông ta trốn khỏi sự xâm chiếm của Trung Quốc là người Ham Tây Tạng.
Hình học phi Euclid là bộ môn hình học dựa trên cơ sở phủ nhận ít nhất một trong số những tiên đề Euclid. Hình học phi Euclid được bắt đầu bằng những công trình nghiên cứu của Lobachevsky (được Lobachevsky gọi là hình học trừu tượng) và phát triển bởi Bolyai, Gauss, Riemann. Hình học phi Euclid là cơ sở toán học cho lý thuyết tương đối của Albert Einstein, thông qua việc đề cập đến độ cong hình học của không gian nhiều chiều. Sơ thảo về các hình học phi Euclid Cha đẻ của bộ môn này là Nikolai Ivanovich Lobachevsky Hình học Euclid Hình học Euclid dựa trên cơ sở công nhận, không cần chứng minh hệ thống các tiên đề sau: Qua hai điểm phân biệt, luôn vẽ được một đường thẳng Đường thẳng có thể kéo dài vô hạn Với một tâm bất kì và một bán kính bất kỳ, luôn vẽ được một cung tròn Mọi góc vuông đều bằng nhau Nếu hai đường thẳng phân biệt tạo thành với đường thẳng thứ ba một cặp góc trong cùng phía nhỏ hơn 180° thì chúng sẽ cắt nhau về phía đó Lưu ý, các tiên đề Euclid ngầm hiểu là áp dụng trong hình học phẳng. Hình học Lobachevsky Hình học Lobachevsky (còn gọi hình học hyperbol) do nhà toán học Nga Nikolai Ivanovich Lobachevsky khởi xướng, dựa trên cơ sở bác bỏ tiên đề về đường thẳng song song. Lobachevsky giả thiết rằng từ một điểm ngoài đường thẳng ta có thể vẽ được hơn một đường thẳng khác, nằm trên cùng mặt phẳng với đường thẳng gốc, mà không giao nhau với đường thẳng gốc (đường thẳng song song). Từ đó, ông lập luận tiếp rằng từ điểm đó, có thể xác định được vô số đường thẳng khác cũng song song với đường thẳng gốc, từ đó xây dựng nên một hệ thống lập luận hình học logic. Để xem xét hình học Lobachevsky ứng dụng vào lý thuyết không-thời gian cong, cần thiết phải xem lại khái niệm đường thẳng nối hai điểm. Trong lý thuyết tương đối rộng, trong cơ học lượng tử và trong vật lý thiên văn, người ta mặc nhiên thừa nhận đó là đường đi của tia sáng-sóng điện từ giữa hai điểm đó. Trong hình học Euclid, tổng các góc trong của một tam giác bằng 180°, nhưng trong hình học phi Euclid, tổng các góc đó không bằng 180°, và phụ thuộc vào kích thước của tam giác đó. Ngoài ra, trong hình học phi Euclid, đa giác có số cạnh nhỏ nhất không phải là tam giác mà là nhị giác Hình học elliptic
Bộ Luật Napoleon (tiếng Pháp: Code Napoléon; chính thức là Code civil des Français, gọi là (le) Code civil) là bộ dân luật Pháp ban hành năm 1804 trong thời Tam Đầu Chế Pháp. Bộ luật do ủy ban bốn luật gia kiệt xuất soạn thảo và có hiệu lực ngày 21 tháng 3 năm 1804, vì nhấn mạnh về tính rõ ràng, hữu dụng mà coi là bước quan trọng trong việc thay thế đống luật lệ phong kiến trước ở Pháp. Sử gia Robert Holtman nhận xét là một trong vài văn kiện ảnh hưởng toàn thế giới. Bộ Luật Napoleon không phải là luật điển đầu tiên ban hành ở một nước châu Âu có pháp chế đại lục: trước có Bộ Dân Luật Bavaria Maximilian (Bavaria, 1756), Bộ Phổ Luật Bang Phổ (Phổ, 1794) và Bộ Dân Luật Tây Galicia (Galicia, đương thời một phần của Áo, 1797). Tuy nhiên lại là bộ pháp điển hiện đại đầu tiên ban hành có phạm vi toàn Âu, ảnh hưởng luật của nhiều nước thành lập trong và sau các cuộc Chiến Tranh Napoleon, ngoài ra còn ảnh hưởng các nước đang phát triển ngoài châu Âu đang cố hiện đại hóa, phi phong kiến hóa bản thân bằng cải cách pháp lý, đặc biệt ở Mỹ Latin và Trung Đông. Lịch sử Các pháp loại của Bộ Luật Napoleon không dựa trên luật Pháp trước mà theo Văn Tập Dân Luật là sự thành văn hóa luật La Mã do Justinian làm, bên trong có phần Định Chế phân loại luật pháp thành luật về: Người Vật Hành động Bộ Luật Napoleon cũng y theo mà chia thành bốn phần: Người Tài sản Thu mua tài sản Tố tụng dân sự (chuyển sang luật riêng năm 1806). Các nỗ lực thành văn hóa trước Trước Bộ Dân Luật, Pháp không có một tập luật pháp, bấy giờ chủ yếu gồm phong tục tập quán địa phương, đôi khi gom góp thành "tập tục" (coutumes), đáng chú ý có bộ Tập Tục Paris; ngoài ra cũng có miễn trừ, đặc quyền và các ước quyền nhà vua hay các lãnh chúa phong kiến khác ban tặng. Trong Cách Mạng Pháp, mọi tàn dư phong kiến đều quét sạch. Cụ thể thì đối với dân luật, các luật lệ khác nhau áp dụng ở các nơi trong Pháp thay bằng bộ pháp điển duy nhất. Ngày 5 tháng 10 năm 1790, Đại Hội Chế Hiến biểu quyết thành văn hóa luật lệ Pháp, sau Hiến Pháp năm 1791 ấn định một bộ, và Quốc Hội nhất trí thông qua quyết nghị ngày 4 tháng 9 năm 1791 quy định "sẽ có bộ dân luật cho toàn quốc." Tuy nhiên Đại Hội Quốc Dân mới là cơ quan năm 1793 thành lập ủy ban đặc biệt do Jean-Jacques Régis de Cambacérès đứng đầu, phụ trách việc soạn thảo. Bản thảo năm 1793 (ông được cho kỳ hạn một tháng), 1794 và 1976, Đại Hội Quốc Dân và sau Cục Hành Chính đều phủ quyết cả, quan tâm nhiều hơn sự hỗn loạn từ các cuộc chiến, xung đột với các nước châu Âu khác. Bản đầu tiên có 719 điều và rất cách mạng, nhưng lại quá kỹ thuật và bị chỉ trích vì không đủ cấp tiến, triết học mà không được chấp nhận, bản thứ hai chỉ có 297 điều thì lại quá ngắn và chỉ đơn thuần là sổ tay đạo đức, bản thứ ba mở rộng thành 1,104 điều có đệ trình lên Cục Hành Chính là chính quyền bảo thủ, nhưng thậm chí còn không được bàn luận. Ủy ban khác thành lập năm 1799 đệ trình tháng 12 cùng năm bản thứ tư, một phần do Jean-Ignace Jacqueminot soạn (1754-1813) và gọi là loi Jacqueminot, xử lý gần như hoàn toàn về người và nhấn mạnh nhu cầu cải cách luật ly dị cách mạng, củng cố quyền lực cha mẹ và mở rộng tự do của người di chúc định đoạt phần miễn phí bất động sản; tất nhiên là phủ quyết. Cải cách Napoleon Napoleon tiến hành cải cách chế độ pháp luật Pháp theo các ý tưởng Cách Mạng Pháp, bởi các luật lệ hoàng gia, phong kiến cũ có vẻ khó hiểu và mâu thuẫn. Sau nhiều bản thảo bị từ chối của các ủy ban khác, có khởi đầu mới sau khi Napoleon lên nắm quyền năm 1799: ủy ban bốn luật gia kiệt xuất thành lập năm 1800, có Louis-Joseph Fauré và do Cambacérès chủ quản (bấy giờ là Quan Chấp Chính Thứ Hai), đôi khi do Napoleon là Thứ Nhất. Bộ Luật được hoàn thành năm 1801 sau khi Viện Chính Vụ thẩm nghị kĩ lưỡng, nhưng không ban hành cho đến ngày 21 tháng 3 năm 1804 là "Bộ Dân Luật Pháp" (Code civil des Français), nhưng đặt lại thành "Bộ Luật Napoleon" (Code Napoléon) từ năm 1807 đến 1815, và một lần nữa sau Đế Quốc Pháp Thứ Hai. Quá trình bắt nguồn cốt ở các phong tục tập quán, nhưng cũng phát huy từ Văn Tập Dân Luật thế kỷ thứ sáu của Justinian cùng Pháp Điển bên trong, là sự thành văn hóa luật La Mã. Nhưng Bộ Luật Napoleon khác nhiều về các điểm quan trọng: có tổng hợp mọi điều lệ trước, không chỉ mỗi luật pháp; không phải là bộ sưu tập đoạn trích sửa đổi mà là viết lại toàn diện; cấu trúc hợp lý hơn nhiều; không có nội dung tôn giáo và viết bằng bạch thoại. Sự phát triển Bộ Dân Luật là thay đổi cơ bản về tính chất của pháp chế đại lục, làm luật pháp rõ ràng dễ hiểu hơn, cũng bỏ qua xung đột giữa quyền lập pháp hoàng gia và thẩm phán đại diện quan điểm, đặc quyền của giai cấp xã hội nằm trong, đặc biệt trong những năm cuối cùng trước Cách Mạng, khiến các nhà cách mạng nhìn nhận thẩm phán làm luật một cách tiêu cực. Điều này phản ánh trong điều khoản cấm thẩm phán xử kiện bằng cách làm lệ phổ thông (Điều 5), vì thuộc quyền hạn lập pháp, không phải tư pháp. Theo lý thuyết thì không có án lệ pháp ở Pháp, tuy nhiên tòa án vẫn phải lấp khoảng trống trong luật lệ, quy định mà không thể không làm (Điều 4), hơn nữa bộ luật lẫn luật pháp cần giải thích tư pháp; vậy nên một bộ án lệ pháp hình thành. Luật lệ Pháp không có quy định noi theo tiền lệ (tiền lệ trói buộc), nhưng phán quyết của các tòa quan trọng trong thật tế tương đương với án lệ pháp (xem pháp lý bất biến). Nội dung Điều khoản sơ bộ của bộ luật ấn định các điều quan trọng nhất định về pháp trị: luật thi hành chỉ nếu ban hành hợp lệ và chính thức ban bố (bao gồm điều khoản cho ban bố trễ, sau khi cân nhắc phương tiên liên lạc đương thời), cấm chỉ luật bí mật; cấm luật có hiệu lực hồi tố, nghĩa là áp dụng với sự kiện xảy ra trước khi ban hành; cũng cấm thẩm phán từ chối xét xử lấy lý do không đủ luật mà khuyến khích giải thích luật đang có, nhưng lại cấm làm các phán quyết phổ thông có giá trị lập pháp (xem trên). Đối với gia đình thì Bộ Luật quy định đàn ông được bá quyền so với vợ và con cái, là tình trạng pháp lý phổ thông ở châu Âu đương thời. Napoleon cũng có trường hợp nghiêm trọng. Vợ có ít quyền hơn trẻ vị thành niên, và ly dị bằng đồng thuận bị bãi bỏ năm 1804. Các bộ luật khác trong thời Napoleon Bộ quân luật Bản thảo Bộ Quân Luật, Ủy Ban Đặc Biệt do Pierre Daru chủ quản dâng trình Napoleon tháng 6 năm 1805, nhưng bị để qua một bên và không bao giờ ban hành vì Chiến Tranh Liên Minh Thứ Ba. Bộ hình luật Năm 1791, Louis Michel le Peletier de Saint-Fargeau trình Quốc Hội Chế Hiến bộ hình luật, giải thích rằng cấm chỉ "các tội thật" chứ không phải "các tội nhảm nhí do mê tín dị đoan, phong kiến, chế độ thuế và chuyên chế hoàng gia tạo"; ông không liệt kê các tội "mê tín dị đoan tạo". Bộ hình luật mới không quy định về báng bổ, dị giáo, phạm thánh, yêu thuật, loạn luân hay yêu đồng tính nên không còn là tội nữa. Năm 1810 bộ luật hình mới ban hành trong thời Napoleon, như Bộ Hình Luật năm 1791 cũng không có điều khoản về tội tôn giáo, loạn luân hay yêu đồng tính. Luật dân tố Trong khi toàn bộ pháp chế đang cải cách, luật dân tố mới ban hành năm 1806 Bộ thương luật Bộ thương luật (code de commerce) ban hành năm 1807, trọng điểm là Quyển III, "Về các phương thức thu mua tài sản khác nhau", của Bộ Luật Napoleon, quy định về hợp đồng và mua bán. Luật hình tố Năm 1808, luật hình tố (code d'instruction criminelle) được ban bố. Hệ thống parlement trước Cách Mạng là nguyên nhân của nhiều sự lạm dụng, trong khi tòa hình thành lập trong thời kỳ Cách Mạng thì phức tạp và không hiệu quả, bị áp lực địa phương ảnh hưởng. Nguồn gốc của luật gây lên nhiều tranh luận, sau cùng trở thành cơ sở của "hệ thống tuân vấn" dùng ở Pháp và nhiều nước luật đại lục, tuy khác hẳn thời Bonaparte (đặc biệt với việc mở rộng quyền lợi bị cáo). Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền Dân Quyền của Cách Mạng ấn định bị cáo xem như vô tội đến khi bị tòa án định tội. Bonaparte lo ngại về bắt giam vô cớ hay tạm giam quá độ (cầm tù trước phiên tòa), nói rằng nên duy trì tự do cá nhân, đặc biệt khi vụ kiện đưa ra Tòa Án Đế Quốc: "những tòa pháp viện này có quyền lực mạnh, nên bị cấm lạm dụng tình huống chống công dân yếu mà không có mối liên quan." Tuy nhiên, tạm giam vẫn thường dùng đối với bị cáo nghi phạm trọng tội như giết người. Khả năng tạm giam lâu dài là một lý do Bộ Dân Luật bị chỉ trích vì trong thật tế thì suy định có tội, đặc biệt từ các nước thông luật. Nguyên nhân khác là việc kết hợp thẩm phán và công tố viên thành một chức vụ. Tuy nhiên, việc xét xử không có suy định có tội theo nguyên tắc: lời thề của phụ thẩm viên yêu cầu đoàn phụ thẩm không làm trái quyền lợi bị cáo và không làm ngơ việc biện hộ. Theo tiêu chuẩn hiện đại, thủ tục xét xử tư pháp trao quyền hành đáng kể cho nguyên cáo, tuy nhiên tư pháp đương thời ở các nước châu Âu thường nghiêng về áp bức. Ví dụ, chỉ đến năm 1836 thì tù nhân bị cáo buộc tội mới được quyền luật sư chính thức ở Anh. So với Luật Hình Tố Napoleon, bị cáo được có luật sư trước Tòa Án Sơ Thẩm (xét xử trọng tội), tòa án phải cung cấp nếu bị cáo không có (nếu không thì việc xét xử như không). Vấn đề Tòa Sơ Thẩm có nhiệm vụ xét xử trọng tội hoạt động cùng phụ thẩm đoàn hay không gây khá nhiều tranh cãi. Bonaparte tán thành phiên tòa phụ thẩm đoàn (hay tiểu đoàn), cuối cùng được sử dụng, nhưng phản đối phụ thẩm đoàn khởi tố ("đại đoàn" của các nước thông luật) mà giao trách nhiệm cho pháp đình hình sự của Tòa Thượng Thẩm. Vài tòa án đặc biệt được thành lập để xét xử tội phạm có thể dọa được phụ thẩm đoàn. Các bộ luật Pháp trong thế kỷ 21 Các bộ luật Pháp nay hơn 60 thường xuyên được sửa đổi và tư pháp giải thích lại. Vậy nên trong hơn một thế kỷ mọi bộ luật hiện hành đều ghi chép trong tái bản hàng năm do Dalloz xuất bản (Paris), gồm chú thích đầy đủ và có tham khảo các bộ luật khác, luật pháp liên quan, phán quyết tư pháp (ngay cả khi không công bố) và văn kiện quốc tế. "Tiểu (petit)" bản của Bộ Dân Luật gần tới 3,000 trang, in lẫn trên mạng. Tài liệu khác bao gồm các bài học thuật được thêm vào "chuyên (expert)" bản và "đại (méga)" bản còn lớn hơn, cả hai đều có bản in và đĩa CD. Giai đoạn này, có nói rằng Bộ Dân Luật đã trở thành "kho dữ liệu hơn là bộ pháp điển". Chỉ số bộ luật cùng các bản số hóa thôi khiến Ủy Ban Cao Cấp Thành Văn Hóa nhận định trong báo cáo hàng năm cho năm 2011: Sau một năm, Ủy Ban đề nghị không nên có thêm bộ luật nào nữa sau khi các dự án thành văn hóa hoàn tất; lý do khác là chính phủ trậm trễ trong việc công bố các cải cách mà Ủy Ban đã hoàn thành. Chính phủ phản ứng tích cực tháng 3 năm 2013, nhưng Ủy Ban phàn nàn không thấy tiến triển; cụ thể thì chính phủ bỏ kế hoạch làm một bộ luật công chức (code général de la fonction publique). Bộ luật ở các nước khác Tuy không phải là bộ dân luật đầu tiên và không đại diện cả đế quốc, Bộ Luật Napoleon có ảnh hưởng lớn nhất; ban hành ở nhiều nước bị Pháp chiếm đóng trong chuỗi Chiến tranh Napoleon mà làm thành cơ sở hệ thống tư luật của Ý, Hà Lan, Bỉ, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha (và các thuộc địa) và Ba Lan (1808-1946). Ở các vùng Đức phía tây sông Rhine (Palatinate và Tỉnh Rhine Phổ), cựu Công Quốc Berge và Đại Công Quốc Baden, Bộ Dân Luật áp dụng đến khi Bürgerliches Gesetzbuch (Thư Dân Luật) ban hành năm 1900 là bộ dân luật phổ thông đầu tiên cho toàn thể Đế Quốc Đức. Arvind và Stirton cho thấy có các yếu tố đóng vai trò quyết định trọng việc các tiểu bang Đức chấp nhận Bộ Luật, là mối quan tâm lãnh thổ, kiểm soát và ảnh hưởng của Napoleon, quyền thế của các cơ quan chính phủ trung ương, nền kinh tế và xã hội phong kiến, chuyên chế khai minh, chủ nghĩa bản thổ trong giới tinh anh trị lý cùng tư trào chống Pháp đại chúng. Một bộ dân pháp có ảnh hưởng Napoleon mạnh cũng ban hành ở Romania năm 1864, giữ hiệu lực cho tới tận năm 2011. Ai Cập cũng noi theo mà lập bộ luật làm một phần hệ thống tòa án hỗn hợp chế định sau khi Isma'il Pasha mất quyền, Bộ Luật Youssef Wahba Pasha phiên dịch sang tiếng A Rập từ tiếng Pháp giữa năm 1881 và 1883. Các bộ pháp điển khác tự nó có ảnh hưởng là của Thụy Sĩ, Đức và Áo, nhưng bên trong vẫn có thể thấy bộ Pháp chi phối do được coi là sự thành văn hóa luật pháp thành công đầu tiên. Vậy nên pháp chế đại lục của nhiều nước châu Âu, ngoại trừ Nga và các nước Scandinavia, có ảnh hưởng của Bộ Luật Napoleon ở mức độ khác nhau. Chế độ pháp luật của Anh Quốc cùng Ireland và Liên Quốc Anh bắt nguồn từ thông luật Anh thay vì luật La Mã, còn luật Scotland tuy đại lục nhưng lại bất thành văn, có tư tưởng pháp lý La Mã-Hà Lan ảnh hưởng mạnh, sau Luật Liên Hợp năm 1707 thì chịu luật Anh chi phối. Cụm từ "Bộ Luật Napoleon" cũng dùng để chỉ các bộ pháp điển nước khác chịu ảnh hưởng của Bộ Dân Luật, đặc biệt là Bộ Dân Luật Hạ Canada (năm 1994 thay bằng Bộ Dân Pháp Quebec), gốc chủ yếu ở Tập Tục Paris mà Anh tiếp tục áp dụng ở Canada sau Hòa Ước Paris năm 1763. Luật pháp của các nước Mỹ Latin cũng nhiều phần dựa trên Bộ Napoleon, như Bộ Dân Luật Chile và Bộ Dân Pháp Puero Rico. Pháp chế Hoa Kỳ đa phần theo thông luật Anh, nhưng tiểu bang Louisiana lại đặc biệt có Bộ Napoleon và truyền thống pháp luật Tây Ban Nha ảnh hưởng mạnh bộ dân luật. Tây Ban Nha và Pháp tranh chấp về tiểu bang trong hầu hết thế kỷ 18, sau cùng nhượng lại cho Pháp năm 1800, năm 1803 thì bán cho Hoa Kỳ. Tu Chính Án Thứ 10 Hiến Pháp Mỹ cho phép các tiểu bang quản chế pháp luật không giao cụ thể cho chính phủ liên bang, nên pháp chế giữ được nhiều yếu tố Pháp. Ví dụ, bài thi tư cách luật sư và tiêu chuẩn pháp định về việc hành nghề luật ở Louisiana khác xa các bang khác, là bang duy nhất áp dụng lệ kế thừa quản chế với tài sản của người chết, và vài luật lệ của bang xung đột với Bộ Thương Luật Thống Nhất thi hành ở 49 bang khác. Hư cấu "Bộ Luật Napoleon" có nhắc đến trong tiểu thuyết Maurice (1971) xuất bản sau cái chết của E.M. Forster, trỏ Pháp là cảng tỵ nạn cho đàn ông đồng tính, theo Maurice thì là "những thứ ghê gớm loại Oscar Wilde." Bộ Nã Pháp Luân, nhân vật Stanley Kowalski có nhắc đến trong vở kịch A Streetcar Named Desire của Tennessee Williams, là nỗ lực bảo đảm có thể hưởng lợi từ bất kỳ tài sản thừa kế nào mà vợ Stella có thể chia sẻ cùng người chị Blanche DuBois. "Không ai sở hữu đất giữa con đê và dòng sông, là của mọi người; đó là Bộ Luật Napoleon. Ngươi cho thuê từ nhân dân được Cục Quản Lý Cảng hay Ủy Ban Đê Điều đại diện; đó là Bộ Luật Thành phố.", Tubby Dubonnet giải thích (nói về New Orleans, LA) trong tiểu thuyết Lucky Man của Tony Dunbar (2013).
Chi Thài lài hay chi Trai (danh pháp khoa học: Commelina) là một chi thực vật một lá mầm, được gọi chung với tên gọi cây "thài lài" với chu kỳ sống rất ngắn của hoa của chúng. Cây thài lài châu Á (Commelina communis) là một loại cỏ dại phổ biến ở đông bắc Hoa Kỳ. Nó mọc rất nhanh và phát triển tốt trong môi trường của các khu vườn bị bỏ hoang. Thông thường người ta hay nhìn thấy nó mọc troing vườn cùng với cây dừa cạn (chi Vinca), có lẽ là do sự giống nhau ở bề ngoài của thân cây và lá của chúng làm cho chúng khó bị nhổ đi hơn. Đặc điểm Môi trường sinh sống ưa thích: Ưa nắng hoặc nơi có bóng râm ở mức độ vừa phải. Màu hoa: Lam nhạt đến tím ánh lam nhạt. Lá: thường xanh. Các loài cây này hấp dẫn ong, bướm và/hoặc chim. Nhu cầu về nước: Tưới nước đều đặn; nhưng không ưa thích môi trường quá ẩm ướt. Một số loài Chi này hiện biết có 170 loài. Một số loài cụ thể như sau: Commelina abliqua Commelina africana - Thài lài châu Phi Commelina auriculata Commelina benghalensis - Thài lài Benghal Commelina caroliniana Commelina communis - Thài lài châu Á Commelina condensata Commelina coelestis (syn. Commelina tuberosa) Commelina cyanea Commelina dianthifolia Commelina diffusa Commelina erecta (syn. Commelina elegans) Commelina forskaolii (syn. Commelina forskaolaei) Commelina gambiae Commelina hasskarlii Commelina hirtella Commelina kotschyi Commelina latifolia Commelina leiacarpa Commelina lukei Commelina maculata Commelina mascarenica Commelina nigritana Commelina nudiflora Commelina pallida Commelina paludosa Commelina rufipes Commelina sellowiana Commelina sphaerorrhizoma Commelina standleyi Commelina subalbescens Commelina suffruticosa Commelina texcocona Commelina tuberosa Commelina undulata Commelina virginica Hình ảnh Chú thích
Đak Pơ hay Đăk Pơ là một huyện nằm ở phía đông tỉnh Gia Lai, Việt Nam. Địa lý Huyện Đak Pơ nằm ở phía đông của tỉnh Gia Lai, có vị trí địa lý: Phía đông giáp thị xã An Khê và huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định Phía tây giáp huyện Mang Yang Phía nam giáp huyện Kông Chro Phía bắc giáp huyện Kbang. Huyện Đak Pơ có diện tích 502,62 km² và dân số năm 2021 là 41.160 người. Trung tâm hành chính của huyện là thị trấn Đak Pơ với diện tích 21 km² và dân số 5.194 người. Hành chính Huyện Đak Pơ có 8 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bảo gồm thị trấn Đak Pơ (huyện lỵ) và 7 xã: An Thành, Cư An, Hà Tam, Phú An, Tân An, Ya Hội, Yang Bắc. Lịch sử Đak Pơ là một trong những khu vực chịu tác hại của chất độc màu da cam trong chiến dịch rải chất độc hóa học của quân đội Hoa Kỳ mở đầu từ ngày 10 tháng 8 năm 1961. Trước năm 2003, huyện Đak Pơ là một phần huyện An Khê cũ. Ngày 9 tháng 12 năm 2003, huyện An Khê cũ chia tách thành thị xã An Khê và huyện Đak Pơ. Huyện Đak Pơ được thành lập trên cơ sở 7 xã còn lại của huyện An Khê là: An Thành, Cư An, Hà Tam, Phú An, Tân An, Ya Hội và Yang Bắc. Đồng thời, thành lập xã Đak Pơ trên cơ sở 1.963 ha diện tích tự nhiên và 3.092 nhân khẩu của xã An Thành. Khi mới thành lập, huyện có 8 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 8 xã: An Thành, Đak Pơ (trung tâm huyện lỵ), Cư An, Hà Tam, Phú An, Tân An, Ya Hội và Yang Bắc. Ngày 23 tháng 12 năm 2013, thành lập thị trấn Đak Pơ trên cơ sở toàn bộ 2.178,18 ha diện tích tự nhiên và 4.620 nhân khẩu của xã Đak Pơ. Từ đó, huyện Đăk Pơ có 1 thị trấn và 7 xã trực thuộc như hiện nay. Giao thông Huyện Đak Pơ có Quốc lộ 19 đi qua, là tuyến giao thông huyết mạch nối liền vùng duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, sang tận Campuchia. Đak Pơ là một phần của Tây Sơn thượng đạo, một trong những nơi vua Quang Trung rèn quân. Vua Quang Trung từng lấy một người vợ dân tộc thiểu số khi ông đóng quân ở đây. Đak Pơ cũng là quê hương của anh hùng Núp nổi tiếng. Nơi đây từng diễn ra một chiến thắng lớn trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp của bộ đội Việt Minh. Trung đoàn 96 tiêu diệt Binh đoàn 100. trong trận Đăk Pơ ngày 24 tháng 6 năm 1954 giải phóng toàn bộ huyện An Khê và vùng phía Đông thị xã Pleiku; phối hợp với quân Pathet Lào giải phóng nhiều vùng ở Xiêng Khoảng Hình ảnh Chú thích Quách Giao, Quách Tấn, Nhà Tây Sơn. Quy Nhơn: Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin tỉnh Nghĩa Bình, 1989.
Đô Lương là một huyện nằm ở trung tâm tỉnh Nghệ An, Việt Nam. Địa lý Huyện Đô Lương nằm ở trung tâm tỉnh Nghệ An, có vị trí địa lý: Phía bắc giáp huyện Tân Kỳ Phía nam giáp huyện Nam Đàn Phía đông giáp huyện Yên Thành và Nghi Lộc Phía tây giáp huyện Anh Sơn, Thanh Chương. Theo thống kê năm 2019, huyện có diện tích 350,433 km², dân số là 213.543 người, mật độ dân số đạt 609 người/km². Huyện Đô Lương có diện tích 350,433 km² dân số năm 2010 là 193.890 người. Có 4,86% dân số theo đạo Thiên Chúa. Hành chính Huyện Đô Lương có 33 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gồm thị trấn Đô Lương và 32 xã: Bắc Sơn, Bài Sơn, Bồi Sơn, Đà Sơn, Đại Sơn, Đặng Sơn, Đông Sơn, Giang Sơn Đông, Giang Sơn Tây, Hiến Sơn, Hòa Sơn, Hồng Sơn, Lạc Sơn, Lam Sơn, Lưu Sơn, Minh Sơn, Mỹ Sơn, Nam Sơn, Ngọc Sơn, Nhân Sơn, Quang Sơn, Tân Sơn, Thái Sơn, Thịnh Sơn, Thuận Sơn, Thượng Sơn, Tràng Sơn, Trù Sơn, Trung Sơn, Văn Sơn, Xuân Sơn, Yên Sơn. Chú thích
Tác tử phần mềm (tiếng Anh: software agent), gọi tắt là tác tử hay agent là một phần mềm (chương trình) máy tính tồn tại trong một môi trường nhất định, tự động hành động phản ứng lại sự thay đổi của môi trường nhằm đáp ứng mục tiêu đã được thiết kế trước. Nó có các tính chất sau: Tự động Bền bỉ Phản ứng tức thì Hướng mục tiêu Xã hội: thể hiện khả năng giao tiếp với tác tử khác hay với con người