text
stringlengths
0
512k
Flash có thể là: Bộ nhớ flash (Flash memory) Ổ USB Flash Phim flash (Flash animation), một dạng phim ngắn theo kỹ thuật của Adobe Flash Bóng đèn flash Đèn flash Xenon Adobe Flash Flash fiction Macromedia FlashPaper Flash (ca khúc), ca khúc của nhóm Queen hoặc của Stéphanie của Monaco Flashdance... What a Feeling, ca khúc của Irene Cara, ca khúc chính trong phim Flashdance (1983) Flash (phim) Flash (truyện tranh), truyện tranh siêu anh hùng Mỹ FlashGet, một phần mềm Flashback, một đoạn phim xen kẽ để đưa câu chuyện ngược thời gian trong điện ảnh Flashcard, loại thẻ mang thông tin (từ, số hoặc cả hai) Flash mob, một hiện tượng đám đông
Gió Mặt Trời là một luồng hạt điện tích giải phóng từ vùng thượng quyển của Mặt Trời. Khi gió này được phát ra từ những ngôi sao khác với Mặt Trời của chúng ta thì nó còn được gọi là gió sao. Gió Mặt Trời mang các hạt electron và proton ở năng lượng cao, khoảng 500 KeV, vì thế chúng có khả năng thoát ra khỏi lực hấp dẫn của các ngôi sao nhờ năng lượng nhiệt cao này. Nhiều hiện tượng có thể được giải thích bằng gió Mặt Trời, trong đó bao gồm: bão từ, khi dòng hạt mang điện này tác dụng lên các đường cảm ứng từ của Trái Đất; hiện tượng cực quang, được sinh ra khi các hạt trong gió Mặt Trời tương tác với từ trường của các hành tinh và tạo nên các màu sắc đặc trưng ở ban đêm trên bầu trời; lời giải thích tại sao đuôi của các sao chổi luôn luôn hướng ra ngoài Mặt Trời; cùng với sự hình thành của các ngôi sao ở khoảng cách xa. Lịch sử Năm 1916, nhà nghiên cứu người Na Uy Kristian Birkeland đã là người đầu tiên đưa ra dự đoán về gió Mặt Trời. Ông cho rằng "Theo cái nhìn của vật lý học, thì các luồng tia Mặt Trời không hoàn toàn chỉ là các hạt mang điện tích dương hoặc âm, mà nó chứa đồng thời cả hai điện tích này". Điều này có nghĩa là gió Mặt Trời mang đồng thời các ion âm và ion dương. Ba năm sau đó, năm 1919, Frederick Lindemann miêu tả rằng luồng điện tích là các hạt này phân cực, các proton và electron đều được phát ra từ Mặt Trời, hình thành nên gió này. Vào những năm 1930, bằng việc quan sát sự bùng nổ của các luồng hạt trong hiện tượng nhật thực, các nhà khoa học đã cho rằng nhiệt độ của cực quang Mặt Trời phải hàng triệu độ C. Một vài hướng nghiên cứu hứa hẹn đã được thực hiện, để xác định nhiệt độ cực lớn này. Vào giữa thập niên 1950, nhà toán học người Anh Sydney Chapman đã thu dò và tính toán được các đặc tính của một chất khí có nhiệt độ tương đương với nhiệt độ này và xác định nó là một luồng nhiệt siêu dẫn được lan truyền trong không gian, xa hơn quỹ đạo của Trái Đất. Cũng trong những năm này, một nhà khoa học người Đức có tên là Ludwig Biermann quan sát và lấy làm ngạc nhiên khi thấy các sao chổi, dù đi đến gần hoặc đi ra xa Mặt Trời, đều tạo ra những cái đuôi hướng ra bên ngoài Mặt Trời. Biermann đưa ra giả thuyết rằng do Mặt trời đã tạo ra một luồng hạt ổn định và đẩy đuôi của các sao chổi này ra bên ngoài. Eugene Parker hiểu ra rằng luồng nhiệt từ Mặt Trời trong mô hình của Chapman, và hiện tượng đuôi sao chổi luôn hướng ra bên ngoài Mặt Trời trong giả thuyết của Biermann cùng xuất phát từ một hiện tượng. Parker chỉ ra rằng mặc dù cực quang của Mặt Trời bị hút mạnh mẽ bởi lực hấp dẫn, nó vẫn là một luồng dẫn nhiệt tốt và ở nhiệt độ cao ngay cả khi cách xa với Mặt Trời. Do lực hấp dẫn giảm dần với khoảng cách, cực quang ở vùng khí quyển ngoài của Mặt Trời sẽ thoát vào trong không gian. Vì không đồng tình với quan điểm của Parker về việc cho rằng gió Mặt Trời có cường độ mạnh, nên 2 bài báo của ông gửi đến tạp chí Astrophysical Journal năm 1958 đã không được đăng. Tuy nhiên nó vẫn được Subrahmanyan Chandrasekhar, giải Nobel Vật lý năm 1983, lưu giữ lại. Tháng 1 năm 1959, lần đầu tiên các quan sát và tính toán về cường độ của gió Mặt Trời đã được vệ tinh nhân tạo Luna 1 của Liên Xô thu thập và thực hiện. Tuy nhiên, việc có tăng gia tốc của các luồng gió mạnh đã không được giải thích hoàn toàn bằng lý thuyết của Parker. Những năm cuối của thập niên 1990, máy đo phổ cực tím vòng (Ultraviolet Coronagraph Spectrometer - UVCS) trên tàu vũ trụ quan sát Mặt Trời (Solar and Heliospheric Observatory - SOHO) đã phát hiện thấy các vùng tăng gia tốc của gió Mặt Trời mạnh bắt nguồn từ các cực của Mặt Trời, và chỉ ra rằng gia tốc của gió lớn hơn so với các tính toán về dự giãn nở nhiệt động lực học đơn thuần. Mô hình của Parker dự đoán rằng gió Mặt Trời sẽ tạo ra các bước chuyển tiếp từ các dòng vượt âm (supersonic) tại độ cao vào khoảng 4 lần bán kính của Mặt Trời trên quyển sáng (photosphere). Tuy nhiên, điểm chuyển tiếp này nay đã hạ xuống thấp hơn nhiều, chỉ vào khoảng 1 bán kính Mặt Trời trên quyển sáng, điều này dẫn đến những cơ chế khác đã làm tăng gia tốc cho gió Mặt Trời. Đặc điểm Trong hệ Mặt Trời, các thành phần của gió Mặt Trời là tương đồng với các thành phần trong cực quang của Mặt Trời, ở đó có 73% là hiđrô ion hóa, 25% là heli ion hóa, phần còn lại là các ion tạp chất. Trong khi thành phần của một plasma có, 95% là các hiđrô ion bậc 1, 4% là heli ion bậc 2, và 0,5% là các ion phụ khác. Thành phần chính xác của gió Mặt Trời khó được tính toán, đó là do ảnh hưởng của hiện tượng dao động (fluctuation) diện rộng. Một mẫu thử đã được tàu Genesis mang về Trái Đất năm 2004 để được xét nghiệm, nhưng tàu này đã bị nổ khi vào trong tầng khí quyển của Trái Đất. Cũng có khả năng cho rằng mẫu thí nghiệm Mặt Trời này đã ảnh hưởng đến hoạt động của tàu. Khi đến gần Trái Đất, vận tốc của gió Mặt Trời biến đổi trong khoảng 200–889 km/s, vận tốc trung bình là vào khoảng 450 km/s. Xấp xỉ 1 × 109 kg/s vật chất của Mặt Trời bị mất qua sự giải phóng gió Mặt Trời, và có khoảng một phần năm trong số đó là do hiện tượng fussion, tương tương với khoẳng 4,5 Tg (hay 4,5 × 109 kg) khối lượng chuyển sang năng lượng mỗi giây. Khối lượng tiêu hao này tương tương với một đồi đá cao 125 m trên mặt đất, trên một giây, và với tốc độ này, thì Mặt trời sẽ ngừng hoạt động sau khi tiêu hao hết lượng vật chất của nó vào khoảng 1 × 1013 năm. Tuy nhiên, những hiểu biết của chúng ta về sự hình thành của các ngôi sao chỉ ra rằng gió Mặt Trời hiện tại đã mạnh hơn so với trong quá khứ xa, vào khoảng 1000 lần, điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lịch sử của các khí quyển các hành tinh, trong đó có khí quyển Sao Hỏa. Khi gió Mặt Trời trở thành một plasma, thì nó sẽ mang các đặc tính của một plasma hơn là một khí đơn giản. Ví dụ, nó dẫn điện rất tốt vì thế các đường sức từ từ Mặt Trời được mang theo cùng với gió này. Áp suất động của gió chi phối áp suất từ trong cả hệ Mặt Trời vì thế từ trường bị đẩy theo đường xoắn ốc Archimedes bằng việc kết hợp chuyển động hướng ngoại và quy của Mặt Trời. Phụ thuộc vào bán cầu và pha của chu kỳ Mặt Trời, các trường xoắn ốc từ trường sẽ đi vào hoặc đi ra, từ trường sẽ đi theo hình dạng xoắn ốc này trên các phần của cực bắc và cực nam của bán cầu, nhưng với chiều ngược lại. Hai vùng từ này được phân chia bởi một mặt phẳng điện helio (dòng điện được tạo ra trên một mặt cong). Mặt helio này có hình dạng gần giống với mẫu hoa soắn trên áo của diễn viên múa balê (ballet), và hình dạng của nó thay đổi theo chu kỳ của Mặt Trời, mỗi khi từ trường của Mặt Trời thay đổi, vào khoảng 11 năm Trái Đất. Gió mặt trời được thổi ra đến ranh giới hệ Mặt Trời rồi trộn lẫn với khí giữa các ngôi sao. Tàu vũ trụ Pioneer 10, phóng vào 1972, đi tới Mộc Tinh và Thổ Tinh và tàu Voyager 1 hiện ở cách Mặt Trời 70 đ.v.t.v đều ghi nhận gió mặt trời đang thổi qua chúng. Ảnh hưởng Gió Mặt Trời là nguyên nhân dẫn đến các trận bão từ, và nó có liên hệ trực tiếp đến hiện tượng cực quang của Trái Đất và trên các hành tinh khác. Khi gió Mặt Trời tới Trái Đất, nó có tốc độ khoảng từ 400 km/s đến 700 km/s. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến từ quyển của Trái Đất. Ở phía trước từ quyển, các dòng điện tạo ra lực ngăn chặn gió mặt trời và làm đổi hướng nó ở xung quanh vành đai bảo vệ. Hiện tượng tương tự cũng xảy ra với các hành tinh trong hệ Mặt Trời có từ quyển. Bão từ trên Trái Đất Bão từ, còn gọi là bão địa từ trên Trái Đất, là những thời kỳ mà kim la bàn dao động mạnh. Có 2 nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng bão từ. Nguyên nhân thứ nhất do dòng hạt mang điện phóng ra từ các vụ bùng nổ trên Mặt Trời, hay còn gọi là gió Mặt Trời tác dụng lên các đường cảm ứng từ của Trái Đất. Nguyên nhân thứ hai là thỉnh thoảng lại có sự kết nối từ trường của Trái Đất với từ trường của Mặt Trời. Đây là một hiện tượng hiếm khi xảy ra trong môi trường vũ trụ bao la, tuy nhiên, mỗi khi có sự kết nối từ trường này các hạt điện tích di chuyển dọc theo từ trường, có thể đi vào từ quyển dễ dàng, tổng hợp lên dòng điện và làm cho từ thông biến đổi theo thời gian. Trong những dịp này Mặt Trời phát ra một lượng chất cực quang khi các đường sức từ của Trái Đất và Mặt Trời được kết nối một cách trực tiếp. Các quá trình của bão từ có thể được miêu tả như sau: Các dòng hạt mang điện phóng ra từ Mặt Trời sinh ra một từ trường, có độ lớn vào khoảng 6,10-9 tesla. Từ trường này ép lên từ trường Trái Đất làm cho từ trường nơi bị ép tăng lên. Khi từ trường Trái Đất tăng lên, từ thông sẽ biến thiên và sinh ra một dòng điện cảm ứng chống lại sự tăng từ trường của Trái Đất (theo định luật Lenz). Dòng điện cảm ứng này có thể đạt cường độ hàng triệu ampere chuyển động vòng quanh Trái Đất và gây ra một từ trường rất lớn tác dụng lên từ trường Trái Đất. Hiện tượng này tiếp diễn làm cho từ trường Trái Đất liên tục biến thiên và kim la bàn dao động mạnh. Nếu hướng của từ trường trong tầng điện ly hướng về phía Bắc, giống như hướng của từ trường Trái Đất, bão địa từ sẽ lướt qua hành tinh của chúng ta. Ngược lại, nếu từ trường hướng về phía Nam, ngược với hướng từ trường bảo vệ của Trái Đất, các cơn bão địa từ mạnh sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới Trái Đất. Mặc dù khí quyển Trái Đất chặn được các dòng hạt năng lượng cao đến từ Mặt Trời này (gồm electron và proton), nhưng các hạt đó làm xáo trộn từ trường của hành tinh, cụ thể là quyển từ, có thể gây ra rối loạn trong liên lạc vô tuyến hay thậm chí gây mất điện. Các vụ phun trào khí và nhiễm điện từ Mặt Trời được xếp theo 3 cấp: C là yếu, M là trung bình, X là mạnh. Tùy theo cấp cao hay thấp mà ảnh hưởng của nó lên từ trường Trái Đất gây ra bão từ nhiều hay ít. Bão từ được xếp theo cấp từ G1 đến G5, G5 là cấp mạnh nhất. Theo nhiều nghiên cứu thì hiện nay các cơn bão từ xuất hiện nhiều hơn và mạnh hơn, điều này cho thấy rằng Mặt Trời đang ở vào thời kỳ hoạt động rất mạnh. Thời kỳ có bão từ là thời kỳ rất nguy hiểm cho người có bệnh tim mạch bởi vì từ trường ảnh hưởng rất mạnh đến hoạt động của các cơ quan trong hệ tuần hoàn của con người. Ngoài ra từ trường của Trái Đất cũng giúp cho một số loài động vật thực hiện một số chức năng sống của chúng như là chức năng định hướng do đó bão từ cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến sự sinh sống của các loài này. Cực quang Cực quang xuất hiện là do các hạt mang điện trong luồng vật chất từ Mặt Trời phóng tới hành tinh, khi các hạt này tiếp xúc với từ trường của hành tinh thì chúng bị đổi hướng do tác dụng của lực Lorentz. Lực này làm cho các hạt chuyển động theo quỹ đạo xoắn ốc dọc theo đường cảm ứng từ của hành tinh. Tại hai cực các đường cảm ứng từ hội tụ lại và làm cho các hạt mang điện theo đó đi sâu vào khí quyển của hành tinh. Khi đi sâu vào khí quyển các hạt mang điện va chạm với các phân tử, nguyên tử trong khí quyển hành tinh và kích thích các phân tử này phát sáng. Do thành phần khí quyển hành tinh chứa nhiều khí khác nhau, khi bị kích thích mỗi loại khí phát ra ánh sáng có bước sóng khác nhau, tức là nhiều màu sắc khác nhau do đó tạo ra nhiều dải sáng với nhiều màu sắc trên bầu trời ở hai cực. Màu cụ thể nào đó của cực quang phụ thuộc vào loại khí cụ thể của khí quyển và trạng thái tích điện của chúng cũng như năng lượng của các hạt đâm vào khí của khí quyển. Oxy nguyên tử chịu trách nhiệm cho hai màu chính là lục (bước sóng 557,7 nm) và đỏ (630,0 nm) ở các cao độ cao. Nitơ sinh ra màu lam (427,8 nm) (các ion) cũng như màu đỏ biến đổi nhanh từ ranh giới thấp của các cung cực quang đang hoạt động. Ảnh hưởng đến động vật Một trong những dấu hiện rõ ràng nhất của việc từ trường ảnh hướng đến động vật đã được quan sát, như là một khám phá quan trọng trong khoa học đó là vào mùa thu năm 1957, khi Hans Fromme, một nhà nghiên cứu tại viện động vật Frankfurt, Đức thấy rằng một số con chim cổ đỏ châu Âu mà ông đã giữ trong lồng chạy nhảy một cách không ngừng và dồn về phía Nam của chiếc lồng. Không có điều gì lạ thường ở đây: nó chỉ được xem như một sự cạnh tranh trong quá trình di cư của các con chim, như việc các con chim này thường bay về Tây Ban Nha để lánh động vậy. Điều ngạc nhiên là ở chỗ các con chim này được giữ ở trông lồng, nơi mà chúng không thể quan sát thấy được các vùng đất, hay các dòng đối lưu, không thể thấy Mặt Trời hay các ngôi sao, vậy sao chúng có thể định hướng được? Và Fromme đã nghĩ ngay đến việc, chính từ trường của Trái Đất đã tác động đến các con chim cổ đỏ này, giúp chúng định hướng được đâu là phía Nam, đâu là hướng Bắc. Một loạt các nghiên cứu sau đó được thực hiện bởi Fromme và một số nhà nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng động vật có khả năng nhận biết các thay đổi của từ trường. Động vật hay như những con chuột đồng, kỳ giông, chim sẻ, cá hồi, tôm hùm, và cả vi sinh vật nữa, đều có thể cảm nhận được từ trường. Câu hỏi đặt ra là làm sao chúng ta biết được các thực thể sống có khả này? Một phương pháp tiêu chuẩn để kiểm tra đó là ném một quả bóng từ đến con vật cần được thí nghiệm. Ví dụ, muốn thí nghiệm một con chuột chũi, một nhóm nghiên cứu từ trường tại Tel Aviv đã xây dựng một mê cung có khả năng thay đổi từ trường. Sau đó họ kiểm tra với 2 nhóm chuột khác nhau, một nhóm trong từ trường, và nhóm còn lại ở một pha lệch 180°Của từ trường đó, để xem liệu chúng có định hướng được ổ và khoang chứa thức ăn của chúng hay không. Kết quả, một nhóm chuột luôn xây dựng các ổ và khu lưu trữ ở phía nam của mê cung, nhóm chuột còn lại thì tạo các khoang ở phía bắc. Điều này chứng tỏ chuột chũi có khả năng định hướng nhờ từ trường, và chúng sử dụng nó giống như chúng ta sử dụng một chiếc la bàn. Một thí nghiệm khác được thực hiện, lúc này nhóm nghiên cứu lấy 24 con chuột chũi mù cho chúng chạy đua để đến một đầu mê cung phức tạp hơn. Kết quả, một nửa trong số chúng trở nên kinh nghiệm và về đích một cách nhanh chóng, nửa còn lại mò theo đường đã đi của nhóm trước để về đích. Điều này chứng tỏ khả năng cảm nhận từ trường của mỗi con chuột chũi cũng có sự khác nhau. Nghiên cứu Lý thuyết Mặt Trời tạo ra một dòng điện tích của các electron và proton vào khoảng 300 đến 400 km/s, được biết đến như là gió Mặt Trời. Thông thường, Mặt Trời cùng giải phóng ra lượng vật chất cực quang hay còn gọi là CME (coronal mass ejections) với năng lượng hoạt động lớn. Các CME này di chuyển với vận tốc lớn hơn vận tốc nền của gió Mặt Trời. Nếu như CME có vận tốc đủ lớn thì nó sẽ dẫn trước luồng gió này để hình thành nên các mũi sốc bình phong (shock front), gần giống với các luồng sóng trên Trái Đất, ở đó sự đứt quãng, rời rạc của vận tốc, mật độ, nhiệt độ và độ lớn từ trường của các cơn gió Mặt Trời sẽ được quan sát. Ảnh hưởng của các mũi sốc bình phong Mặt Trời này sẽ tác động đến từ trường của Trái Đất. Kết quả của các trận bão từ sẽ tác động rõ rệt đến hoạt động của cực quang trên toàn thế giới, nếu như sự phân bố của CME đủ lớn. Các CME lớn có khả năng tạo ra các cực quang khả kiến ở các vùng nhiệt đới của Trái Đất. Nghiên cứu về hiện tượng gió, cùng với các mũi bình phong Mặt Trời đã phát hiện ra nhiều kết quả bất ngờ. Trong nghiên cứu của tiến số Echer và Ganzalez qua việc quan sát 574 mẫu bình phong sóng Mặt Trời khác nhau, từ 1973 đến 2000. Trong thời gian đó, các nhà nghiên cứu đã cho rằng các bình phong sóng Mặt Trời sẽ hoạt động một cách tương tự và mang các đặc điểm giống nhau theo chu kỳ hàng tháng. Ví dụ, nếu một mũi bình phong được quan sát mỗi tháng thì tỉ lệ quan sát được của mũi này trong một tháng phải là 1/12 = 8,3%. Tuy nhiên kết quả quan sát đã không giống như vậy. Thay vào đó, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng trong tháng 7 khả năng quan sát của mũi diễn ra với hiệu suất 10,4%, và nhảy lên 13,9% trong tháng 11. Điều này chứng tỏ cần phải có một lý thuyết nào đó để giải thích cơ chế tăng khả năng xuất hiện của mũi bình phong ở tháng 7 và tháng 11 này. Qua việc phân tích các dữ liệu thu thập được ở từng giải đoạn trước, các nhà nghiên cứu đã phát hiện thấy tần số xuất hiện của mũi bình phong tăng chính là việc có các điều kiện thuận lợi để hình thành bình phong này hơn, như việc vận tốc gió Mặt Trời thấp hơn, mật độ cao hơn. Các tham số vận tốc và mật độ thu được từ số liệu năm 1965 có thể được biến đổi để thích hợp với các kết quả thực nghiệm sau đó, tuy nhiên, điều ngạc nhiên chính là việc nó dự đoán cường độ mũi bình phong xuất hiện ở tháng 7 lớn hơn tháng 11. Điều này chỉ ra rằng đã có một cơ chế nào đó tác động và ảnh hưởng đến sự xuất hiện, cũng như cường độ của gió Mặt Trời. Các mô hình lý thuyết mới cần được đề xuất, và kiểm chứng để giải thích cho các số liệu đã thu thập được. Thực nghiệm Gió Mặt Trời là một trong những hướng nghiên cứu chính trong vật lý Thái dương hệ. Song song với việc xây dựng các lý thuyết và đưa ra các dự đoán, việc xây dựng các dự án thăm dò, để thu thập dữ liệu cho lý thuyết đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Tàu thăm dò Ulysses Ulysses là tàu vũ trụ được thiết kế để phục vụ cho việc khám phá các vùng không gian chưa được biết đến trên cực bắc và cực nam của Mặt Trời. Ulysses là kết quả của sự hợp tác giữa Cơ quan Vũ trụ châu Âu (European Space Agency, ESA) và Cục Không gian và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA). ESA có nhiệm vụ thiết kế tàu vũ trụ cùng với tập huấn đội ngũ điều khiển tàu dưới mặt đất. NASA có nhiệt vụ phóng tàu, bằng tàu con thoi Discovery tháng 10 năm 1990, và chịu trách nhiệm thông tin cũng như thu thập dự liệu của toàn bộ phi vụ. Tàu thăm dò Ulysses bay tới Sao Mộc tháng 2 năm 1992, nhưng đó chỉ là một bước nghỉ chuyển tiếp trước khi đi vào quỹ đạo của Mặt Trời. Sứ mệnh của Ulysse là nghiên cứu từ trường của Mặt Trời, dòng plasma gió Mặt Trời và tia vũ trụ thoát ra từ Mặt Trời. Có tất cả 12 thiết bị được đặt trên tàu thăm dò Ulysses để giúp cho các nhà khoa học thu thập các dữ liệu cần thiết. Các hiện tượng nghiên cứu bởi tàu thăm dò Ulysses có ảnh hưởng mật thiết đến chu kỳ 11 năm của Mặt Trời. Sứ mệnh đầu tiên đã hoàn thành tháng 9 năm 1995, khi nó bay trên một nửa chu kỳ của Mặt Trời. Sứ mệnh thứ hai sẽ được thực hiện ở nửa chu kỳ còn lại. Khi đó nó sẽ nghiên cứu các tia sáng rực của Mặt Trời, cùng dòng vật chất cực quang. Tàu thăm dò SOHO Đôi lúc khi nghe radio, âm thanh bị ngắt quãng, có ai đã nghĩ rằng các hoạt động của Mặt Trời ảnh hưởng đến sự ngắt quãng này không? Các nhà khoa học đang tìm hiểu và nghiên cứu ảnh hưởng của các sự kiện diễn ra trên Mặt Trời với tác động của nó trên Trái Đất. SOHO (viết tắt cho Solar and Heliospheric Observatory) có nhiều hy vọng sẽ có câu trả lời cho câu hỏi trên. SOHO cũng là kết quả của sự hợp tác giữa Cơ quan Vũ trụ châu Âu và NASA. Dự án này được xây dựng từ năm 1995, với nhiệm vụ nghiên cứu ảnh hưởng của các đợt hoạt động mạnh của Mặt Trời. Sứ mệnh đầu tiên của nó đã hoàn thành năm 1997, tuy nhiên các nhà nghiên cứu vẫn mong đợi nhiều kết quả đến sau đó. Cũng với cùng 12 thiết bị, mỗi thiết bị có một nhiệm vũ khác nhau như nghiên cứu điện tích trong của Mặt Trời, và vùng ngoài khí quyển, cũng như nguồn gốc của gió Mặt Trời. Một trong những kết quả cần phải kể đến của tàu SOHO đó là việc phát hiện các trận lốc trên bề mặt của Mặt Trời, cũng như sao chổi Hale-Bopp, có bán kính hạt tâm lên đến 15–19 km, lớn hơn rất nhiều so với dự đoán ban đầu, từ 3–4 km.
David Livingstone (19 tháng 3 năm 1813 – 1 tháng 5 năm 1873) là bác sĩ y khoa và nhà truyền giáo tiên phong người Scotland thuộc Hội Truyền giáo Luân Đôn, cũng là nhà thám hiểm châu Phi. David Livingstone được kể tên trong số những anh hùng dân tộc được yêu thích nhất ở Anh dưới triều Victoria vào cuối thế kỷ 19. Ông là một nhân vật huyền thoại, cấu thành bởi những nhân tố: nhà truyền giáo và người tử đạo, người nổi tiếng có xuất thân bần hàn, nhà thám hiểm và khảo sát khoa học, nhà cải cách, người vận động chống chế độ nô lệ. Ông cũng là người châu Âu đầu tiên nhìn thấy thác Victoria. David Livingstone là nhân vật thứ 98 trong số 100 người Anh vĩ đại nhất thuộc mọi thời đại, theo một cuộc bầu chọn do BBC thực hiện trong năm 2002. Có lẽ Livingstone được nhớ đến nhiều nhất do câu hỏi của Henry Morton Stanley khi bất ngờ gặp Livingstone sau một cuộc tìm kiếm cam go, vì lúc ấy mọi người tin rằng Livingstone đã mất tích, "Bác sĩ Livingstone, tôi nghĩ thế?". Danh tiếng của Livingstone như là một nhà thám hiểm nung nấu khát vọng khám phá thượng nguồn sông Nile mà cao điểm là thời kỳ người châu Âu đẩy mạnh các cuộc thám hiểm và khám phá nhiều vùng đất mới, cùng lúc với những nỗ lực thâm nhập vào châu Phi. Bên cạnh đó, những chuyến đi truyền giáo, những lần mất tích, và cái chết của ông tại châu Phi; sự kiện ông được tôn vinh năm 1874 (sau khi chết) đã khơi động tinh thần truyền giáo và giúp hình thành các đề án truyền giáo quan trọng tại châu Phi. Thiếu thời David Livingstone sinh ngày 19 tháng 3 năm 1813 tại làng Blantyre, Scotland, trong một nhà tập thể cho thuê, cư dân ở đây là công nhân làm việc tại một nhà máy dệt bên bờ sông Clyde dưới chiếc cầu dẫn vào Bothwell. Livingstone là con thứ hai trong số bảy người con của Neil Livingstone (1788-1856) và vợ Agnes (nhũ danh Hunter; 1782-1865). Khi lên mười, cậu bé David và anh, John, phải làm công việc nối chỉ tại máy dệt mười hai giờ mỗi ngày. Cha của Livingstone là một tín hữu Cơ Đốc mộ đạo, và là giáo viên Trường Chúa Nhật. Làm nghề bán hàng lưu động, Neil thường mang theo mình các "truyền đạo đơn" để phân phát cho khách hàng. Ông đọc nhiều sách viết về các lĩnh vực như thần học, lữ hành, và công cuộc truyền giáo. Tất cả những điều này tác động đến con trai của ông, David say mê đọc sách, một sở thích khác của cậu là lang thang khắp nơi để khảo sát các loại động vật, cây cỏ, cũng như các loại hình địa chất nằm sâu trong các khu mỏ đá vôi quanh vùng. Trong khi Neil, do nỗi e sợ rằng các loại sách khoa học sẽ xói mòn niềm tin Cơ Đốc, cố ép cậu con trai chỉ đọc sách thần học, thì David, đặc biệt thích tìm hiểu về thiên nhiên và khoa học, lại muốn đào sâu về mối quan hệ giữa tôn giáo và khoa học. Năm 1832, khi đọc quyển Philosophy of a Future State của Thomas Dick, giáo viên khoa học, nhà thiên văn học nghiệp dư và mục sư, David tìm thấy những nguyên lý cần có giúp cậu nhận ra sự hòa hợp giữa đức tin và khoa học. Sau Kinh Thánh, đây là quyển sách có ảnh hưởng triết học lớn nhất đối với Livingstone. Những người khác có ảnh hưởng đáng kể trên cậu trai trẻ David Livingstone là Thomas Burke, nhà truyền bá phúc âm, và David Hogg, giáo viên Trường Chúa Nhật của cậu. Lúc mười chín tuổi, David và cha rời bỏ Giáo hội Scotland để gia nhập một nhà thờ Tự trị Giáo đoàn. Chịu tác động bởi nhiệt tâm dành cho công cuộc truyền giáo bùng phát trong cuộc phục hưng tôn giáo tại Mỹ, và sau khi đọc quyển Appeal to the Churches of Britain and America on behalf of China của Karl Gützlaff, David thuyết phục cha rằng theo học ngành y sẽ là một chọn lựa tốt cho cậu để chuẩn bị cho cuộc đời phụng sự lý tưởng tôn giáo. Những kinh nghiệm Livingstone có được từ khi còn là một cậu bé mười tuổi đến làm công tại nhà máy dệt trong suốt sáu năm kế tiếp - lúc đầu cậu được giao công việc nối chỉ, về sau là đánh sợi – chính việc làm đơn điệu buồn tẻ này đã cho cậu tính nhẫn nại, kiên trì và một trái tim nhân hậu biết cảm thông với giới lao động.. Học vấn Livingstone, cùng vài đứa trẻ khác cũng là con cái của các công nhân nhà máy dệt, đến học tại trường làng Blantyre. Đến trường không phải là dễ dàng gì đối với bọn trẻ bởi vì chúng phải làm việc mười bốn giờ mỗi ngày tại nhà máy, nhưng gia đình Livingstone luôn chú trọng đến học thức, muốn cậu tiến xa hơn. Sau quyết định cống hiến đời mình cho công cuộc truyền giáo đến Trung Hoa trong cương vị một bác sĩ y khoa, năm 1843, Livingstone bắt đầu dành dụm tiền để đến năm 1836 vào Đại học Anderson (nay là Đại học Strathclye). Ngôi trường được thành lập với mục tiêu phổ cập kiến thức khoa học và kỹ thuật vào cuộc sống thường nhật, cùng lúc cậu tham dự những buổi học Hi văn và thần học tại Đại học Glasgow. Cậu cũng đến nghe các buổi diễn thuyết thần học của Wardlaw, nhà lãnh đạo chiến dịch chống tệ nạn buôn bán nô lệ. Sau đó, Livingstone xin gia nhập Hội Truyền giáo Luân Đôn, được gởi đến một khóa huấn luyện dành cho các giáo sĩ, trong khi vẫn tiếp tục học y khoa. Tháng 9 năm 1839, bùng nổ Chiến tranh Nha phiến lần thứ nhất làm tiêu tan mọi hi vọng của Livingstone đến truyền giáo tại Trung Hoa, hội truyền giáo đề nghị ông đến Tây Ấn. Năm 1840, khi đang học y khoa tại Luân Đôn, Livingstone gặp nhà truyền giáo Robert Moffat vừa trở về từ Kuruman, một cơ sở truyền giáo tiền phương ở Nam Phi, phía bắc sông Orange. Bị thu hút bởi đề án của Moffat mở rộng khu vực truyền giáo lên phía bắc, và chịu thuyết phục bởi các luận cứ của T. F. Buxton cho rằng nạn buôn bán nô lệ sẽ hủy diệt mọi ảnh hưởng của mậu dịch chính thức và công cuộc truyền bá Cơ Đốc giáo; Livingstone bắt đầu quan tâm đến nam châu Phi. Chính nhận xét của Moffat cho rằng Livingstone là người thích hợp nhất để khám phá những đồng bằng rộng mênh mông ở phía bắc Bechuanaland, nơi ông đã thấy "những làn khói bay lên từ hàng ngàn ngôi làng, nhưng chưa có một nhà truyền giáo nào đặt chân đến đây" đã gây ấn tượng mạnh trên Livingstone. Truyền giáo ở Nam châu Phi Tháng 12 năm 1840, Livingstone đi tàu đến Kuruman, và đặt chân đến cơ sở truyền giáo của Moffat (nay thuộc Nam Phi) vào tháng 7 năm 1841. Đến nơi, Livingstone thất vọng khi thấy ngôi làng quá nhỏ và số tín hữu quá ít sau những nỗ lực kéo dài suốt 20 năm của Moffat. Chỉ có khoảng 40 người chịu lễ báp têm và một giáo đoàn khoảng 350 người. Livingstone tiến xa hơn về hướng bắc, một khu vực thường xuyên bị nhũng nhiễu bởi những thương nhân, thợ săn, và dân định cư Afrikaner. Năm 1844, khi đang thiết lập cơ sở truyền giáo mới tại Mabotswa cho sắc dân Kgatla, Livingstone bị sư tử tấn công, nếu không nhờ một giáo viên người Phi tên Mebalwe giải cứu, có lẽ ông đã bị mất mạng. Cả hai đều bị thương nặng. Một cánh tay của Livingstone bị liệt một phần, và ông phải chịu đau đớn do vết thương gây ra cho đến cuối đời. Tháng 12 năm 1843, Robert Moffat cùng gia đình đến Kuruman, sau đó là hôn lễ của Livingstone với Mary, trưởng nữ của Moffat, tổ chức vào ngày 2 tháng 2 năm 1845. Mary là người Scotland nhưng sống ở châu Phi từ khi mới lên bốn. Livingstone dời đến một cơ sở truyền giáo tiền phương tại Chonuane sống giữa bộ tộc Kwena của tù trưởng Sechele. Do hạn hán, năm 1847, ông theo bộ tộc Kwena di chuyển đến Kolobeng. Mary cùng đi với Livingstone trong một thời gian ngắn dù đang mang thai. Tháng 5 năm 1847, Mary sinh con gái đầu lòng Agnes, và mở một trường dạy trẻ, trong khi Livingstone phân tích ngữ văn tiếng Setswana mà ông đã thông thạo. Tù trưởng Sechele là người đầu tiên đến với đức tin Cơ Đốc. Livingstone luôn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự thông hiểu về tập quán và tín ngưỡng của người dân địa phương, cũng như khuyến khích người châu Phi tham gia tích cực vào việc truyền bá phúc âm, dù ông không gặt hái nhiều thành quả trong lĩnh vực này, mà thấy mình thích hợp hơn với việc đào tạo các nhà truyền giáo. Thám hiểm Nam và Trung châu Phi Trong giai đoạn từ năm 1852 – 1856, Livingstone, trong nỗ lực khám phá châu Phi, đã trở thành người châu Âu đầu tiên nhìn thấy thác Mosi-oa-Tunya ("khói đang gầm thét"), ông chọn cho nó một tên mới, Thác Victoria, theo tên của Nữ hoàng Victoria. Về sau ông viết, "Cảnh quan quá tuyệt vời đến nỗi các thiên sứ đang bay chắc cũng phải ngắm nhìn." Livingstone cũng là người phương Tây đầu tiên thực hiện cuộc hành trình băng ngang lục địa Phi châu, từ Luanda (nay là thủ đô của Angola) bên bờ Đại Tây Dương tới Quelimane cạnh Ấn Độ Dương gần cửa sông Zambezi trong những năm 1854-56. Mặc dù đã có nhiều đoàn thám hiểm đến từ châu Âu, nhất là những người Bồ Đào Nha, chưa có người Âu nào từng băng qua trung và nam châu Phi kể từ vĩ độ này bởi vì nỗi e sợ đối với bệnh sốt rét, bệnh lỵ, và bệnh trùng mũi khoan châu Phi (bệnh buồn ngủ) đang lan rộng trong vùng, điều này cũng khiến họ không thể sử dụng sức kéo của bò và ngựa cũng như gặp phải sự chống đối của những bộ tộc hùng mạnh như Lozi và Lunda của Mwata Kazembe. Tuy nhiên, Livingstone có những lợi thế của riêng mình, ông tổ chức những chuyến thám hiểm gọn nhẹ, lại có khả năng thuyết phục các tù trưởng rằng ông không phải là mối đe dọa đối với họ, không giống những đoàn thám hiểm khác có nhiều lính vũ trang hộ tống cùng hàng chục phu khuân vác, trông giống như những cuộc tấn công của quân đội hoặc những vụ bố ráp của những nhóm buôn nô lệ. Với một đoàn tùy tùng chỉ có vài người giúp việc và một ít người khuân vác, Livingstone và đoàn thám hiểm của ông trong suốt chuyến đi phải trao đổi với người bản địa để có những vật cần dùng, ông chỉ đem theo mình hai khẩu súng để tự vệ. Livingstone thường truyền bá thông điệp phúc âm nhưng không buộc người khác phải lắng nghe; ông hiểu tập quán của những tù trưởng và thương thảo để được phép băng qua lãnh thổ của họ, thường khi ông được đón tiếp tử tế và nhận được sự giúp đỡ từ họ, ngay cả từ Mwata Kazembe. Mục tiêu của những chuyến thám hiểm là mở các tuyến đường, cũng như khảo sát châu lục này. Những quan tâm khác của Livingstone là mở rộng giao thương và thiết lập các cơ sở truyền giáo tại Trung Phi. Phương châm của Livingstone, được ghi dưới chân bức tượng của ông đặt tại Thác Victoria, là "Cơ Đốc giáo, Giao thương, và Khai hóa". Lý do khiến Livingstone ủng hộ ba nguyên tắc trên là vì ông tin rằng chúng sẽ có thể thay thế nạn buôn bán nô lệ lúc ấy đang tràn lan ở châu Phi, cũng như cho người Phi phẩm giá khi tiếp xúc với người Âu. Hủy bỏ chế độ nô lệ ở châu Phi luôn là mục tiêu quan trọng trong cuộc đời Livingstone. Khi ấy ông tin rằng giải pháp giúp hoàn thành các mục tiêu trên là tổ chức cuộc hành trình thám hiểm dòng sông Zambezi để đi sâu vào nội địa. Livingstone trở về Anh Quốc để tìm kiếm hậu thuẫn cho ý tưởng này, và xuất bản một cuốn sách viết về những chuyến đi của ông, tác phẩm này đã mang đến cho ông thanh danh của nhà thám hiểm hàng đầu trong thời đại ông. Tin rằng mình nhận lãnh ơn gọi để thực hiện các chuyến thám hiểm chứ không phải để tham gia vào công cuộc truyền giáo, cùng lúc là những đáp ứng thuận lợi từ nước Anh đề nghị hỗ trợ cho các chuyến thám hiểm kế tiếp, là những nhân tố dẫn đến quyết định của Livingstone từ nhiệm khỏi Hội Truyền giáo Luân Đôn để tập trung vào mục tiêu khám phá châu Phi. Nhờ sự vận động của chủ tịch Hội Địa lý Hoàng gia, Livingstone được bổ nhiệm là Cố vấn của Nữ hoàng về Bờ biển phía Đông của châu Phi Thám hiểm Sông Zambezi Livingstone trở lại Phi châu trong cương vị người đứng đầu đề án "Thám hiểm sông Zambezi" được chính phủ Anh tài trợ nhằm khảo sát tài nguyên thiên nhiên trong vùng đông nam châu Phi. Khi vượt qua thác Cabora Bassa, Livingstone mới nhận ra rằng lưu thông trên Sông Zambezi là hoàn toàn bất khả. Một chuỗi thác lớn đã khiến cuộc hành trình của Livingstone thất bại ngay trong giai đoạn đầu. Cuộc thám hiểm sông Zambezi khởi sự từ tháng 3 năm 1858 và kéo dài đến giữa năm 1864. Các thành viên trong đoàn thám hiểm cho rằng Livingstone là một nhà lãnh đạo thiếu kinh nghiệm và gặp khó khăn trong kỹ năng điều hành một đề án quy mô lớn. Ông cũng bị chỉ trích là không chịu bàn bạc công khai, tự mãn, và thường rầu rĩ. Thomas Baines, một họa sĩ trong đoàn thám hiểm, bị sa thải vì những nghi ngờ về trộm cắp dù Baines bác bỏ cáo buộc này. Trước tiên, đoàn đến Hồ Malawi trên một chiếc xuồng bốn mái chèo, rồi tiến hành thám hiểm hồ. Đến năm 1862, đoàn quay lại bờ biển đợi chiếc tàu chạy bằng hơi nước được thiết kế đặc biệt để di chuyển trên hồ Malawi. Mary Livingstone đi trên thuyền này. Sau những thất bại của đoàn khi cố thăm dò Sông Ruvuma bởi vì bánh xe guồng của tàu hơi nước bị vướng vào những thi thể trôi sông – nạn nhân của bọn người buôn nô lệ; rồi thì các phụ tá của Livingstone hoặc qua đời hoặc rời bỏ đoàn. Ngày 29 tháng 4 năm 1863, Mary, vợ của Livingstone, qua đời vì bệnh sốt rét, nhưng Livingstone vẫn tiếp tục cuộc hành trình cho đến khi bị buộc phải quay về nước Anh vào năm 1864, khi chính phủ ra lệnh hủy bỏ cuộc thám hiểm bởi vì chi phí gia tăng, và vì không thể tìm ra một thủy lộ đi sâu vào nội địa. Chuyến thám hiểm sông Zambezi được miêu tả trên báo chí thời ấy như là một thất bại khiến Livingstone gặp nhiều khó khăn trong nỗ lực tìm kiếm hỗ trợ tài chính cho công cuộc khám phá châu Phi. Tuy vậy, các nhà khoa học từng làm việc dưới quyền Livingstone như John Kirk, Charles Meller, và Richard Thornton đã đóng góp những bộ sưu tập dữ liệu lớn về các lĩnh vực như thực vật, sinh thái, địa chất và dân tộc học cho các định chế khoa học tại Anh. Thượng nguồn sông Nile Trong khi những nhà thám hiểm như Richard Francis Burton, John Hanning Speke, và Samuel Baker cho rằng Hồ Albert hoặc Hồ Victoria là nguồn của sông Nile, Livingstone tin rằng thượng nguồn sông Nile nằm sâu ở phía Nam. Ông tập hợp một nhóm gồm những nô lệ được tự do, thổ dân quần đảo Comoros, mười hai người Sepoys, và hai phụ tá trung thành, Chuma và Susi, cùng đi với ông từ chuyến thám hiểm trước. Khởi hành từ cửa sông Ruvuma, nhưng những người trong đoàn dần dần từ bỏ Livingstone. Các thổ dân Comoros trở về từ Zanzibar báo cho giới thẩm quyền rằng Livingstone đã chết. Ngày 6 tháng 8, ông tới Hồ Malawi, hầu hết hành trang của ông, kể cả thuốc men, đều bị mất cắp. Livingstone băng qua khu đầm lầy tiến tới Hồ Tanganyika. Do sức khỏe suy giảm, ông nhắn tin về Zanzibar yêu cầu gởi vật dụng đến Uiji, rồi ông đi tiếp về hướng Tây. Do sức khỏe kém, ông bị buộc phải đi cùng những tay buôn nô lệ, ngày 8 tháng 10 năm 1867, Livingston đến Hồ Mweru, tiếp tục cuộc hành trình về phía Nam, ông trở thành người Âu đầu tiên nhìn thấy Hồ Bangweulu. Khi tìm thấy Sông Lualaba, ông nhầm tưởng đó là thượng lưu Sông Nile. Năm 1869, bệnh trở nặng khi Livingstone đang ở trong rừng. Những tay buôn nô lệ người Ả Rập cứu ông bằng cách cho ông thuốc và mang ông đến một trạm tiền phương của người Ả Rập. Tháng Ba năm 1869, với bệnh lao trong người, Livingstone đến Ujiji để tìm lại vật dụng bị đánh cắp. Lại mắc thêm bệnh tả và ung loét nhiệt đới ở chân, ông bị buộc phải nhờ những tay buôn nô lệ đưa ông đến Bambara, rồi bị kẹt lại tại đây vì mùa mưa. Ngày 15 tháng 7 năm 1871, khi đến thăm thị trấn Nyangwe bên bờ sông Lualaba, Livingstone chứng kiến vụ tàn sát 400 người Phi dưới tay bọn buôn nô lệ. Vụ này khiến ông kinh tởm đến nỗi gần như suy sụp không thể tiếp tục chuyến đi tìm kiếm thượng nguồn sông Nile. Hết mùa mưa, Livingstone đi tiếp quãng đường dài từ Nyangwe – ông bị bệnh nặng trong suốt chuyến đi – trở lại Ujiji, một khu định cư của người Ả Rập trên bờ đông hồ Tanganyika. Đó là ngày 23 tháng 10 năm 1871. Dù nhận định sai về sông Nile, Livingstone đã khám phá nhiều địa điểm như Hồ Ngami, Hồ Malawi, và Hồ Bangweulu, ngoài Thác Victoria đã kể ở trên. Ông thu thập nhiều chi tiết về hồ Tanganyika, hồ Mweru, và địa hình của nhiều dòng sông, đặc biệt ở vùng Zambezi thượng, cùng những khảo sát của ông đã giúp nhận diện những vùng đất rộng lớn trước đây còn để trống trên bản đồ. Stanley tìm gặp Livingstone Suốt sáu năm, Livingstone hoàn toàn mất liên lạc với thế giới bên ngoài, và mắc bệnh trong bốn năm cuối đời. Chỉ có một trong số 44 bức thư ông gởi đi từ Zanzibar đến tay người nhận - Horace Waller, một mục sư người Anh và là nhà hoạt động chống chế độ nô lệ, cũng là bạn thân của Livingstone - ông viết, "... Có lẽ tôi không thể sống để gặp lại anh..." Năm 1869, nhà báo người Mỹ Henry Morton Stanley được nhật báo New York Herald cử sang châu Phi tìm kiếm Livingstone. Ngày 10 tháng 11 năm 1871, Stanley đến thị trấn Ujiji bên bờ hồ Tanganyika và gặp Livingstone, thốt lên câu nói nổi tiếng, "Bác sĩ Livingstone, tôi đoán thế?", mặc dù có những nghi vấn về tính chính xác của sự kiện bởi vì sau này Stanley đã xé bỏ những trang viết về cuộc gặp gỡ trong nhật ký hành trình của ông. Ngay cả những gì Livingstone ghi lại về cuộc gặp cũng không có câu nói này. Tuy nhiên, câu nói ấy được đăng tải trên tờ New York Herald ra ngày 10 tháng 8 năm 1872, cả từ điển Encyclopædia Britannica và Oxford Dictionary of National Biography đều ghi lại câu nói ấy của Stanley. Sau khi thám hiểm vùng Lualaba nhưng không thấy sự kết nối nào với sông Nile, Livingstone quay trở lại Hồ Bangweulu và những bãi đầm lầy của nó để tìm kiếm những dòng sông chảy về hướng Bắc. Livingstone và Sechele Mặc dù được xem là “nhà truyền giáo vĩ đại nhất châu Phi”, Livingstone chỉ thuyết phục được một người bản địa duy nhất đến với đức tin Cơ Đốc: Sechele, tù trưởng bộ tộc Kwena ở Botswana. Sinh năm 1812, cha mất lúc mười tuổi, bộ tộc bị hai ông chú chia đôi, Sechele phải bỏ đi. Chín năm sau, Sechele quay về, lấy lại một nửa bộ tộc. Đó là thời điểm Sechele gặp Livingstone. Livingstone nổi tiếng khắp vùng về thái độ luôn tôn trọng người bản địa. Mặc dù được người dân các bộ tộc tiếp đón với sự tin cậy và lòng trung thành, Livingstone không hề cố ép họ chấp nhận Cơ Đốc giáo. Sau một thời gian do dự, Livingstone làm lễ báp têm cho Sechele. Là người hiếu học, Sechele đọc được các mẫu tự chỉ trong hai ngày, rồi học và sử dụng tiếng Anh như là ngôn ngữ thứ hai. Dù vậy, Sechele không thể từ bỏ tập tục đa thê của châu Phi, điều này gây thất vọng cho các giáo sĩ, cũng là một trong những nguyên nhân khiến Livingstone tin rằng ông nhận lãnh ơn gọi để thám hiểm châu Phi hơn là tập trung vào nỗ lực truyền giáo. Tuy nhiên, sau khi Livingstone rời khỏi bộ tộc Kwena, Sechele vẫn tiếp tục duy trì đức tin, hướng dẫn các giáo sĩ tiếp xúc với các bộ tộc lân cận để truyền bá phúc âm, ông thành công đến nỗi hầu như đã khiến toàn thể người Kwena trở thành tín hữu Cơ Đốc. Theo nhận xét của Neil Parson từ Đại học Botswana, Sechele "đã làm việc nhiều hơn bất kỳ nhà truyền giáo người Âu châu nào trong nỗ lực truyền bá Cơ Đốc giáo ở nam châu Phi thế kỷ 19." Từ trần Ngày 1 tháng 5 năm 1873, David Livingstone qua đời trong ngôi làng của Tù trưởng Chitambo ở Ilala đông nam Hồ Bangweulu (nay thuộc Zambia) được cho là do bệnh sốt rét và xuất huyết nội bởi bệnh lỵ. Ông trút hơi thở cuối cùng khi đang quỳ gối cầu nguyện bên cạnh giường. Ngay trong buổi sáng ông mất, hai phụ tá thân tín của ông – Susi và Chuma, quyết định mổ lấy tim, rồi mang thi thể của ông đến bờ biển để được chuyển về Anh bằng tàu thủy. Quả tim của Livingstone được chôn dưới gốc cây Mvula ngay nơi ông mất, nay là Đài Tưởng niệm Livingstone. Thi thể cùng với quyển nhật ký của Livingstone được Chuma và Susi mang vượt quãng đường dài đến cảng biển Bagamoyo, rồi được chở về nước Anh để an táng tại Điện Westminster, Luân Đôn. Livingstone và chế độ nô lệ Trong thư gởi chủ biên nhật báo New York Herald, Livingstone viết, "Nếu những gì tôi vạch trần về chế độ nô lệ ở Ujiji sẽ giúp trấn áp nạn buôn bán nô lệ tại bờ biển phía Đông, thì đối với tôi, điều đó còn quan trọng hơn việc khám phá thượng nguồn sông Nile." Livingstone cũng thuật lại những gì ông chứng kiến ở vùng đại hồ châu Phi mà ông đã đến vào giữa thế kỷ mười chín, "Chúng tôi đi ngang qua một phụ nữ bị bắn hoặc bị đâm xuyên qua thân thể đang nằm trên con lộ. [Những người đứng nhìn] nói rằng một người Ả Rập mới đến sáng nay đã làm điều đó trong cơn giận dữ bởi vì không thể bán người phụ nữ ấy theo giá ông ta muốn, và bởi vì bà ấy không thể lê bước đi tiếp". Thư tín, sách, và nhật ký của Livingstone đã khơi dậy sự ủng hộ từ công chúng dành cho chủ trương bãi bỏ chế độ nô lệ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, ông bị buộc phải dựa vào sự trợ giúp của những tay buôn nô lệ mà ông không muốn dính líu đến. Bởi vì thiếu kỹ năng lãnh đạo, Livingstone phải một mình tổ chức chuyến thám hiểm sau cùng với sự trợ giúp của những người giúp việc và phu khuân vác mà không có chuyên gia nào bên cạnh ông. Đã vậy, ông lại không thể đối xử tàn bạo theo cung cách của những tay thám hiểm còn non tay như Stanley thường áp dụng để kiểm soát đoàn tùy tùng và để bảo đảm hàng hóa vật dụng. Di sản Từ những chuyến thám hiểm đầu tiên, Livingstone đã để lộ rõ tính lập dị trong giao tiếp, ông không thể hợp tác tốt với những người phương Tây khác. Ông đối kháng với những giáo sĩ, những nhà thám hiểm, các phụ tá, và ngay cả em trai ông. Với tâm tính của một con người đơn độc ham thích đọc sách, lại không có duyên ăn nói trừ những lúc ông nổi cơn giận dữ theo cách của người Scotland. Livingstone không chịu nổi cách các giáo sĩ tiếp xúc với dân địa phương với “não trạng thực dân”. Khi lên tiếng chỉ trích thái độ kỳ thị chủng tộc, ông bị người Afrikaner (người da trắng định cư ở châu Phi) trục xuất, đốt cơ sở truyền giáo, và cướp súc vật của ông. Livingstone cũng gặp khó khăn với Hội Truyền giáo Luân Đôn bởi vì họ tin rằng những chuyến thám hiểm đã khiến Livingstone bỏ bê công việc truyền giáo. Tuy nhiên, suốt cuộc đời mình, Livingstone luôn hành xử trong tư cách của một nhà truyền giáo, không phải với "kiểu cách ngớ ngẩn của những giáo sĩ kè kè quyển Kinh Thánh trên tay" nhưng với niềm xác tín rằng ông "đang phụng sự Chúa Cơ Đốc khi bắn hạ một con trâu rừng để cứu mạng những người [trong đoàn thám hiểm], hoặc khi thực hiện những cuộc khảo sát địa dư, mặc dù một số người cho rằng như thế là chưa đủ hoặc là chẳng có gì dính líu đến công việc truyền giáo cả." Dù bị người da trắng ghét bỏ, Livingstone được dân địa phương yêu mến bởi vì thái độ cởi mở, thân tình, cùng sự sẵn sàng che chở, cũng như lòng khao khát hiểu biết của ông. Họ tin rằng ông có thể bảo vệ họ và cung cấp súng ống cho họ. Không giống với hầu hết người da trắng khác, Livingstone tỏ ra tôn trọng người địa phương khi ông tiếp xúc với họ, theo cung cách một địa chủ Scotland hội kiến với một tù trưởng châu Phi. Đến cuối thập niên 1860, uy tín của Livingstone ở châu Âu bị suy giảm do những thất bại của ông, và do chuyến thám hiểm sông Zambezi, lại thêm ý tưởng của ông về nguồn sông Nile không nhận được sự ủng hộ. Những chuyến thám hiểm của ông khó có thể coi như là những hình mẫu trong phương diện tổ chức và kỷ cương. Tuy nhiên, cuộc phiêu lưu của Stanley tìm kiếm Livingstone và những bài báo của tờ New York Herald đã phục hồi thanh danh cho Livingstone. Thêm vào đó là lòng trung thành của những phụ tá của Livingstone khi họ thực hiện một cuộc hành trình dài để đưa thi thể ông đến cảng biển đã khiến nhiều người kinh ngạc. Rồi cuốn nhật ký cuối cùng cho thấy tính kiên trì không gì khuất phục được của Livingstone khi ông phải đối diện với vô vàn gian khổ. Những khám phá của Livingstone đã giúp châu Âu hiểu biết nhiều hơn về châu Phi. Ông là tấm gương soi dẫn cho những người chống việc buôn bán nô lệ, cho những nhà thám hiểm, và cho những nhà truyền giáo. Ông mở cửa khu vực Trung Phi cho các nhà truyền giáo là những người đã khởi lập nền giáo dục và mạng lưới chăm sóc y tế cho người Phi châu. Dân địa phương cùng nhiều tù trưởng tôn trọng ông, tên tuổi của ông giúp phát triển mối quan hệ giữa người Anh và người bản địa. Năm mươi năm sau khi Livingstone từ trần, nền cai trị thuộc địa được thiết lập ở châu Phi cùng những khu định cư của người da trắng ngày càng lấn sâu hơn vào nội địa. Tuy nhiên, những gì Livingstone hình dung về "nền thuộc địa" khác với những gì chúng ta biết về chủ nghĩa thực dân. Theo Livingstone, đó chỉ là những khu định cư của các tín hữu người Âu mộ đạo muốn sống hòa đồng với mọi người để giúp đỡ họ xây dựng cuộc sống không có chế độ nô lệ. Livingstone là một phần trong phong trào Tin Lành ở Anh trong thế kỷ 19 đã làm thay đổi não trạng của đất nước từ định kiến cho rằng họ có quyền "thiên định" để cai trị "những chủng tộc thấp hèn hơn" sang tư duy đạo đức được ứng dụng trong chính sách ngoại giao đã góp phần kết thúc Đế quốc Anh. Gia đình Tận tụy cống hiến cho những lý tưởng cao cả và đạt được những thành tựu lớn, Livingstone lại có một hối tiếc lúc cuối đời là đã không dành đủ thời gian để gần gũi các con. Livingstone và Mary có sáu người con, họ lớn lên thiếu vắng người cha trong khi người mẹ sức khỏe kém rồi mắc bệnh sốt rét qua đời năm 1862. Các con của Livingstone gồm có: Robert, chết trong cuộc Nội chiến Mỹ; Agnes (sinh năm 1847), Thomas, Elizabeth (chết chỉ hai tháng sau khi ra đời), William Oswell (còn gọi là Zouga, tên của dòng sông nơi ông chào đời năm 1851), và Anna Mary (sinh năm 1858). Trong số họ có Agnes, William Oswell, và Anna Mary lập gia đình và có con. Livingstone trong văn hóa nghệ thuật Một xuất phẩm điện ảnh mang tên Stanley và Livingstone đã được trình chiếu, với Cedric Hardwicke trong vai Livingstone và Spencer Tracy trong vai Stanley, thuật lại những hoạt động của Livingstone tại châu Phi. "Dr. Livingstone, I Presume", một ca khúc trong album In Search of the Lost Chord của Moody Blues, phát hành năm 1968. Mountains of the Moon, một cuốn phim trình chiếu năm 1990, trong đó Bernard Hill thủ vai Livingstone. Tàng thư Tàng thư David Livingstone được lưu giữ ở Văn khố Đại học Glasgow. Ngày 11 tháng 11 năm 2011, lần đầu tiên quyển nhật ký thực địa năm 1871 của Livingstone, cùng những văn kiện khác của ông, được Đề án David Livingstone Spectral Imaging phát hành trên internet. Các văn kiện liên quan đến thời kỳ Livingstone khi ông hoạt động trong cương vị nhà truyền giáo thuộc Hội Truyền giáo Luân Đôn (trong đó có bản đồ Đông Nam châu Phi có ghi chú viết tay của Livingstone) được Văn khố Trường Nghiên cứu Đông phương và châu Phi lưu giữ. Tưởng niệm Phi châu Đài Tưởng niệm Livingstone ở Ilala, Zambia ghi dấu địa điểm Livingstone từ trần. Thành phố Livingstone gồm có một tượng đài đặt trước Viện Bảo tàng Livingstone và một pho tượng hoàn thành năm 2005. Viện Rhodes-Livingstone, một học viện nghiên cứu về nhân học đô thị, được thành lập trong hai thập niên 1940 và 1970 tại hai thành phố Livingstone và Lusaka, Zambia Đại học Sư phạm David Livingstone, Thành phố Livingstone, Zambia. Tượng David Livingstone ở Thác Victoria, Zimbabwe, khánh thành năm 1954 đặt tại bờ phía tây của con thác. Tượng David Livingstone khánh thành vào tháng 11 năm 2005 tại Thác Victoria phía Zambia. Một tấm biển được đặt tại Đảo Livingstone (tháng 11 năm 2005) ghi dấu địa điểm Livingstone lần đầu tiên nhìn thấy Thác Victoria. Sảnh Livingstone tại Đại học Makerere, Kampala, Uganda. Thị trấn Livingstonia, Malawi. Thành phố Blantyre, Malawi được đặt theo tên nơi Livingtone chào đời ở Scotland. Đại học Strathclyde, Scotland thành lập "Học bổng David Livingstone" dành cho sinh viên đang theo học tại Đại học Malawi. Chẩn y viện David Livingstone do Đại học Strathlyde thành lập tại Lilongwe, Malawi, thuộc Đề án Millienium. Núi Kipengere đông nam Tanzania gần Hồ Malawi còn gọi là Núi Livingstone. Thác Livingstone trên dòng sông Congo, do Stanley đặt tên. Cơ sở Truyền giáo Nội địa Livingstone thuộc giáo hội Baptist, nay thuộc Kinshasa, Zaire. Đài Tưởng niệm Livingstone–Stanley ở Mugere (nay là Burundi) đánh dấu địa điểm Livingstone và Stanley đến thăm trong chuyến thám hiểm Hồ Tanganyika, từng bị lẫn lộn là nơi họ gặp nhau lần đầu. Bệnh viện Scotland Livingstone ở Molepolole 50 km phía tây Gaborone, Botswana. Địa điểm tưởng niệm Livingstone ngay tại phế tích của Cơ sở Truyền giáo Kolobeng 40 km phía tây Gaborone, Botswana. Nhà Livingstone tại Stone Town, Zanzibar. Sultan Zanzibar, Sayyid Majid bin Said Al-Busaid, cung cấp nơi ở này cho Livingstone từ tháng 1 đến tháng 3 năm 1866 để chuẩn bị cho chuyến thám hiểm cuối cùng. Trường Tiểu học David Livingstone tại Salisbury, Zimbabwe. Trường Trung học cơ sở David Livingstone tại Ntabazinduna khoảng 40 km cách Bulawayo, Zimbabwe. Trường Trung học Phổ thông David Livingstone Senior tại Schauderville, Port Elizabeth, Nam Phi. Nhà Livingstone tại Harare, Zimbabwe, do Leonora Granger thiết kế. Nhà Livingstone thuộc Trường Nội trú Achimota, Ghana. Đường Livingstone, Dar es Salaam, Tanzania. New Zealand Đường Livingstone ở Westmere, Auckland Đường Livingstone, Flaxmere, Hastings Scotland Tượng Livingstone đặt trong Công viên Princes Street Gardens, Edinburgh, Scotland. Trung tâm David Livingstone ở Blantyre, Scotland, là một viện bảo tàng tôn vinh ông. Trường Tiểu học David Livingstone được thành lập tại thị trấn ông chào đời, Blantyre, Lanarkshire, Scotland. Nhà thờ Tưởng niệm David Livingstone thuộc Giáo hội Scotland ở Blantyre, Lanarkshire, Scotland. Tượng Livingstone đặt tại Quảng trường Cathedral, Glasgow. Tượng bán thân David Livingstone ở trong số những bức tượng của các nhân vật nổi tiếng người Scotland trong Khu Tưởng niệm William Wallace gần Stirling, Scotland. Đại học Strathclyde (tiền thân là Đại học Anderson) ở Glasgow thành lập Trung tâm Phát triển Bền vững Livingstone và Tòa tháp Livingstone, có một bức tượng của ông được đặt tại đây. Đại học Glasgow thành lập Giải Sinh lý học David Livingstone nhằm tôn vinh ông. Livingstone Place là tên một con phố trong khu dân cư Marchmont ở Edinburgh. Đường Livingstone ở Addiewell. Một tấm biển kỷ niệm một trăm năm ngày sinh của Livingstone được đặt tại Nhà thờ St James, nơi Livingstone đến sinh hoạt khi còn niên thiếu. Luân Đôn Tượng David Livingstone được đặt cao trên bức tường của Hội Địa lý Hoàng gia ở Kensington Gore, Luân Đôn, khánh thành trong năm 1953 Canada Một rặng núi ở phía nam Alberta được đặt theo tên Livingstone. Trường Tiểu học David Livingstone ở Vancouver. Trường Cộng đồng David Livingstone ở Winnipeg. Tượng Livingstone bán thân ở Halifax, Nova Scotia. Tượng Livingstone bán thân tại thành phố Borden, Ontario. Đại lộ Livingstone ở Barrie, Ontario. Hoa Kỳ Đại học Livingstone, Salisbury, North Carolina. Học viên Livingstone tại Salem, Oregon. Nam Mỹ Cơ sở Truyền giáo Chăm sóc Sức khỏe Livingstone ở Jardìn Amèrica, Misiones, Argentina. Tiền giấy Từ năm 1971 - 1998, hình Livingstone được in trên tiền giấy mệnh giá 10 bảng Anh do Ngân hàng Clydesdale phát hành. Ấn bản đầu có hình lá cọ bao quanh chân dung ông, mặt còn lại là ảnh minh họa người dân bộ tộc châu Phi. Ấn bản sau là chân dung Livingstone trên hình nền là bản đồ cuộc thám hiểm sông Zambezi, hình ảnh sông Zambezi, Thác Victoria, Hồ Nyasa, và thành phố Blantyre, Malawi. Mặt còn lại in hình thành phố sinh quán của Livingstone, Blantyre, Scotland. Sinh học Những mẩu sinh vật sau được đặt theo tên Livingtone để vinh danh ông: Loài cá Cichlid ở Hồ Malawi Nimbochromis livingstonii Linh dương châu Phi Taurotragus oryx livingstonii Dơi Livingstone, Pteropus livingstonii Chú thích
Liên đoàn bóng đá Pháp (FFF) () là cơ quan quản lý bóng đá ở Pháp. Liên đoàn cũng bao gồm các tỉnh hải ngoại (Guadeloupe, Guyane thuộc Pháp, Martinique, Mayotte và Réunion) và các lãnh thổ hải ngoại (New Caledonia, Polynésie thuộc Pháp, Wallis và Futuna, Saint Pierre và Miquelon và Saint Barthélemy-Saint-Martin) và cả ở Monaco. Liên đoàn được thành lập vào năm 1919 và có trụ sở tại thủ đô Paris. FFF là thành viên sáng lập của FIFA và chịu trách nhiệm giám sát tất cả các khía cạnh của bóng đá ở Pháp, cả chuyên nghiệp và nghiệp dư. Liên đoàn bóng đá Pháp là thành viên sáng lập của UEFA và gia nhập FIFA vào năm 1907 sau khi thay thế USFSA.
Giải bóng đá vô địch quốc gia Pháp (Ligue 1), còn được gọi là Ligue 1 Uber Eats vì lý do tài trợ, là một giải đấu chuyên nghiệp của Pháp dành cho các câu lạc bộ bóng đá nam. Đứng đầu hệ thống giải đấu bóng đá Pháp, đây là giải đấu bóng đá chính của quốc gia. Được quản lý bởi Ligue de Football Professionnel, Ligue 1 được tranh tài bởi 18 câu lạc bộ (tính đến mùa giải 2023–24) và hoạt động theo hệ thống thăng hạng và xuống hạng từ và đến Ligue 2. Mùa giải diễn ra từ tháng 8 đến tháng 5. Các câu lạc bộ thi đấu hai trận với mỗi đội khác ở giải đấu – một trận sân nhà và một trận sân khách – tổng cộng là 38 trận trong suốt mùa giải. Hầu hết các trận đấu được diễn ra vào Thứ Bảy và Chủ Nhật, với một số trận đấu được diễn ra vào các buổi tối ngày thường. Giải đấu thường xuyên bị tạm dừng vào cuối tuần trước Giáng sinh trong hai tuần trước khi trở lại vào tuần thứ hai của tháng 1. Tính đến năm 2021, Ligue 1 là một trong những giải đấu quốc gia hàng đầu, xếp thứ năm ở châu Âu, sau Premier League của Anh, La Liga của Tây Ban Nha, Serie A của Ý, và Bundesliga của Đức. Ligue 1 được khởi tranh lần đầu vào ngày 11 tháng 9 năm 1932 với tên gọi National trước khi chuyển sang tên gọi Division 1 sau một năm tồn tại. Giải tiếp tục hoạt động dưới tên gọi đó cho đến năm 2002, khi giải lấy tên hiện tại. Paris Saint-Germain là câu lạc bộ thành công nhất với 11 chức vô địch, trong khi Olympique Lyonnais là câu lạc bộ giành được nhiều danh hiệu liên tiếp nhất (7 danh hiệu từ năm 2002 đến 2008). AS Saint-Étienne là câu lạc bộ đầu tiên có 10 danh hiệu. Với sự hiện diện của 71 mùa giải ở Ligue 1, Olympique de Marseille giữ kỷ lục góp mặt ở hạng đấu cao nhất nhiều mùa nhất, trong khi Paris Saint-Germain giữ kỷ lục giải đấu với 47 mùa giải liên tiếp ở hạng đấu cao nhất (từ năm 1974 đến nay). FC Nantes là đội có chuỗi trận bất bại liên tiếp dài nhất (32 trận) và ít trận thua nhất (1 trận) trong một mùa giải, thành tích này diễn ra ở mùa giải 1994–95. Ngoài ra, Nantes còn giữ kỷ lục không thua trên sân nhà lâu nhất, với 92 trận từ tháng 5 năm 1976 đến tháng 4 năm 1981. Nhà vô địch hiện tại là Paris Saint-Germain, đội đã giành được danh hiệu kỷ lục thứ 11 ở mùa giải 2022–23. Câu lạc bộ có trụ sở nước ngoài AS Monaco đã vô địch giải đấu nhiều lần, sự hiện diện của đội bóng này khiến giải đấu này trở thành một giải đấu xuyên biên giới. Đén mùa giải 2023–24, số đội ở giải đấu sẽ giảm xuống còn 18; bốn đội ở Ligue 1 2022–23 sẽ xuống hạng đến Ligue 2 và chỉ có hai đội ở Ligue 2 được thăng hạng lên Ligue 1. Lịch sử Thành lập Tính chuyên nghiệp trong bóng đá Pháp đã không tồn tại cho đến tháng 7 năm 1930, khi Hội đồng Quốc gia của Liên đoàn bóng đá Pháp bỏ phiếu ủng hộ việc thông qua nó. Những người sáng lập giải đấu bóng đá chuyên nghiệp Pháp là Georges Bayrou, Emmanuel Gambardella và Gabriel Hanot; giải chính thức đi vào hoạt động với mùa giải đầu tiên là 1932 - 1933. Để tạo ra thành công một giải đấu bóng đá chuyên nghiệp trong nước, Liên đoàn đã giới hạn giải đấu ở 20 Câu lạc bộ. Để tham gia giải đấu, các CLB phải tuân theo ba tiêu chí quan trọng: CLB chắc chắn đã có những kết quả tích cực trong quá khứ. CLB phải có khả năng thu đủ doanh thu để cân bằng tài chính. CLB phải có khả năng chiêu mộ thành công ít nhất 8 cầu thủ chuyên nghiệp. Nhiều câu lạc bộ không đồng ý với các tiêu chí chủ quan, đáng chú ý nhất là Strasbourg FC, RC Roubaix, Amiens SC và Stade Français; trong khi những câu lạc bộ khác như Rennes do sợ phá sản, và Olympique Lillois do xung đột lợi ích, đã miễn cưỡng trở thành chuyên nghiệp. Chủ tịch của Olympique Lillois, Henri Jooris, cũng là chủ tịch của Ligue du Nord, lo ngại giải đấu của ông sẽ sụp đổ và đề xuất nó trở thành giải đấu thứ hai của giải đấu mới. Cuối cùng, nhiều CLB đã giành được vị thế chuyên nghiệp, mặc dù việc thuyết phục các câu lạc bộ ở nửa phía bắc của đất nước trở nên khó khăn hơn; Strasbourg, RC Roubaix và Amiens từ chối chấp nhận giải đấu mới, trong khi ngược lại Mulhouse, AC Roubaix, Metz và Fives chấp nhận giải đấu chuyên nghiệp. Ở miền nam nước Pháp, các câu lạc bộ như Olympique de Marseille, Hyères FC, SO Montpellier, SC Nîmes, Cannes, Antibes và Nice rất ủng hộ giải đấu mới và chấp nhận vị thế chuyên nghiệp của họ mà không tranh cãi. Tổ chức Mùa giải đầu tiên của giải đấu chuyên nghiệp, được gọi là National,được tổ chức vào năm 1932-1933. 20 thành viên khai mạc của National là: Antibes,CA Paris, Cannes, Club Français, AC Roubaix, Fives, Hyères FC, Olympique de Marseille, Metz, Mulhouse, Nice, SC Nîmes, Olympique Alès, Olympique Lillois, Racing Club de France, Red Star Olympique, Rennes, FC Sochaux, Sète,và SO Montpellier. 20 CLB được chia đều vào hai nhóm với ba câu lạc bộ cuối cùng của mỗi nhóm bị xuống hạng Division 2. Hai người chiến thắng của mỗi nhóm sau đó sẽ đối mặt với nhau trong một trận chung kết được tổ chức tại một địa điểm trung lập. Trận chung kết đầu tiên được tổ chức vào ngày 14/5/1933, đội đứng đầu của bảng A, Olympique Lillois gặp đội nhì bảng B là Cannes (đội đầu bảng B là Antibes bị Liên đoàn bóng đá Pháp nghi ngờ hối lộ nên đã bị truất quyền thi đấu). Sau đó Olympique Lillois đã lên ngôi vô địch với chiến thắng 4-3. Sau mùa giải đó, giải đấu quyết định giữ lại 14 câu lạc bộ và không thăng hạng bất kỳ đội nào từ giải hạng hai. Giải đấu cũng đồng ý đổi tên từ National thành Đơn giản là Division 1. Trong mùa giải 1934-1935, giải đấu đã tổ chức một hệ thống thăng hạng và xuống hạng hợp pháp, nâng tổng số câu lạc bộ ở giải hạng nhất lên con số 16 và duy trì đến mùa giải 1938-1939. Vì Thế chiến II, bóng đá đã bị đình chỉ bởi chính phủ Pháp và Ligue de Football Professionnel, mặc dù các câu lạc bộ thành viên của nó tiếp tục chơi trong các giải đấu khu vực. Trong "giải vô địch chiến tranh", như họ được gọi, tính chuyên nghiệp đã bị bãi bỏ bởi chế độ Vichy và các câu lạc bộ buộc phải tham gia vào các giải đấu khu vực, được chỉ định là Zone Sud và Zone Nord. Do không liên kết với hai giải đấu, LFP và FFF không công nhận chức vô địch mà các câu lạc bộ giành được và do đó mùa giải từ năm 1939-1945 là không tồn tại theo quan điểm của hai tổ chức. Sau khi kết thúc chiến tranh và giải phóng nước Pháp, bóng đá chuyên nghiệp trở lại Pháp. Giải hạng nhất đã tăng phân bổ các câu lạc bộ lên 18 đội. Đến mùa giải 1965-1966 khi con số được tăng lên 20. Năm 1964, quy tắc trung bình bàn thắng đã được thay thế bằng quy tắc hiệu số bàn thắng bại. Năm 2002, giải đấu đổi tên từ Division 1 thành Ligue 1 như hiện nay. Vào năm 2011, quỹ đầu tư Qatar Investment Authority (QSI) của ông chủ người Qatar là Nasser Al-Khelaïfi đã mua lại CLB Paris Saint-Germain, qua đó CLB này đã có một tiềm lực tài chính dồi dào, trở thành CLB bóng đá giàu có nhất thế giới cho đến năm 2021. Định dạng Thể thức giải đấu Câu lạc bộ Tài chính Màn trình diễn theo câu lạc bộ In đậm chỉ các câu lạc bộ chơi ở Ligue 1 2022–23. Ghi chú Các kỷ lục Ra sân nhiều nhất Ghi chú Ghi bàn nhiều nhất Ghi chú Truyền thông Giải thưởng Cúp Chiếc cúp Ligue 1 hiện tại, L'Hexagoal, được phát triển bởi Ligue de Football Professionnel và được thiết kế và tạo bởi Pablo Reinoso. Các danh hiệu đã được trao cho nhà vô địch của Pháp kể từ khi kết thúc mùa giải 2006–07, thay thế cho chiếc cúp Ligue 1 trước đó chỉ tồn tại được 5 năm. Cái tên Hexagoal bắt nguồn từ một cuộc thi chính thức do LFP và kênh truyền hình Pháp TF1 tạo ra để xác định tên cho chiếc cúp mới. Hơn 9.000 đề xuất đã được gửi đến và vào ngày 20 tháng 5 năm 2007, Liên đoàn bóng đá Pháp thành viên Frédéric Thiriez đã thông báo rằng, sau một cuộc bỏ phiếu trực tuyến, thuật ngữ Hexagoal đã nhận được một nửa số phiếu bầu. Câu lạc bộ đầu tiên nâng cao chiếc cúp mới là Olympique Lyonnais, đội đã giành được vinh dự này sau khi vô địch mùa giải 2007–08. Giải thưởng hàng tháng và hàng năm Ngoài danh hiệu của người chiến thắng và huy chương của người chiến thắng cá nhân mà các cầu thủ nhận được, Ligue 1 còn trao giải Cầu thủ của tháng hàng tháng. Tiếp theo mùa giải, Giải thưởng UNFP được tổ chức và các giải thưởng như Cầu thủ của năm, Huấn luyện viên của năm và Cầu thủ trẻ của năm từ cả Ligue 1 và Ligue 2 được đưa ra. Tên theo nhà tài trợ Ligue 1 Orange (2002–2008) Ligue 1 Conforama (2017–2020) Ligue 1 Uber Eats (2020–nay) Ghi chú
Cúp bóng đá Pháp (tiếng Pháp: Coupe de France) là giải bóng đá được tổ chức cho cả các đội bóng chuyên nghiệp và nghiệp dư ở Pháp. Các trận chung kết Tổng số lần đoạt cúp 14 - Paris Saint-Germain (1982, 1983, 1993, 1995, 1998, 2004, 2006, 2010, 2015, 2016, 2017, 2018, 2020, 2021) 10 - Olympique de Marseille (1924, 1926, 1927, 1935, 1938, 1943, 1969, 1972, 1976, 1989) 6 - Saint-Étienne (1962, 1968, 1970, 1974, 1975, 1977) 6 - Lille (1946, 1947, 1948, 1953, 1955, 2011) 5 - Red Star (1921, 1922, 1923, 1928, 1942), RC Paris (1936, 1939, 1940, 1945, 1949), AS Monaco (1960, 1963, 1980, 1985, 1991), Olympique Lyonnais (1964, 1967, 1973, 2008, 2012) 4 - AJ Auxerre (1994, 1996, 2003, 2005), Bordeaux (1941, 1986, 1987, 2013), Nantes (1979, 1999, 2000, 2022) 3 - Nice (1952, 1954, 1997), Strasbourg (1951, 1966, 2001), Rennes (1965, 1971, 2019) 2 - Club Athlétique S.G. (Paris) (1920, 1925), Sète (1930, 1934), Reims (1950, 1958), Sedan (1956, 1961), Reims (1950, 1958), Metz (1984, 1988), En Avant de Guingamp (2009, 2014) 1 - Olympique de Pantin (1918), CA Paris (1920), Sports Olympiques Montpelliérains (1929), Club Français (1931), Cannes (1932), Excelsior Roubaix (1933), Sochaux (1937), E.F. Nancy-Lorraine (1944), Le Havre (1959), Nancy (1978), SC Bastia (1981), Montpellier (1990), Lorient, (2002), Toulouse (2023)
Chó (Danh pháp khoa học: Canis lupus familiaris hoặc Canis familiaris; từ Hán Việt gọi là "cẩu" (狗), "khuyển" (犬) hoặc cầy, những chú chó con còn được gọi là "cún"), là một loài động vật thuộc chi Chó (Canis), tạo nên một phần tiến hóa của sói, đồng thời là loài động vật ăn thịt trên cạn có số lượng lớn nhất. Chó và sói xám thuộc nhóm chị em, giống như những loài sói hiện đại đều không có họ hàng gần đến những loài sói được thuần hóa đầu tiên, đồng nghĩa với tổ tiên gốc của chó đã bị tuyệt chủng. Chó cũng là loài động vật đầu tiên được con người thuần hóa và đã được chọn giống qua hàng thiên niên kỷ với nhiều hành vi, khả năng cảm nhận và đặc tính vật lý. Loài vật này được sử dụng để giữ nhà hoặc làm thú chơi. Răng của chúng dùng để giết mồi, nhai thịt và gặm thịt, thỉnh thoảng để cắn nhau. Chó là loài động vật được nuôi nhiều trên thế giới, có thể trông coi nhà, chăn cừu, dẫn đường, kéo xe, cũng là thực phẩm giàu đạm. Chó giúp con người rất nhiều việc như trông nhà cửa, săn bắt, và được xem như là loài vật trung thành, tình nghĩa nhất với con người. Ngày nay, nhu cầu nuôi chó cảnh đang được phát triển nên những giống chó nhỏ như Fox, Chihuahua hoặc chó thông minh như Collie được nhiều người chơi quan tâm đến. Nguồn gốc Tổ tiên của loài chó bao gồm cả cáo và chó sói là một loài động vật có vú gần giống như chồn sinh sống ở các hốc cây vào khoảng 40 triệu năm trước. Còn loài chó như chúng ta thấy ngày nay được tiến hóa từ một loài chó nhỏ, màu xám. Vào cuối kỳ Băng hà, cách đây khoảng 40.000 năm, chó sói và người chung sống với nhau thành nhóm săn mồi theo bầy. Chó sói và người thường tranh nhau con mồi, thậm chí còn giết nhau. Nhưng hẳn là chó sói đã bắt đầu tìm bới những mẩu thức ăn thừa do con người bỏ lại. Con người đã thuần hóa chó sói con và qua lai giống nhiều thế hệ, chó sói tiến hóa thành chó nhà ngày nay. Phân loại Năm 1758, nhà phân loại học Carl Linnaeus đã công bố trong cuốn Systema Naturae về việc phân loại loài, trong đó Canis (chi chó) là một từ tiếng Latin nghĩa là chó. Ông phân loại loài chó nuôi là Canis familiaris (Linnaeus, 1758) và trong trang kế tiếp về một loài riêng biệt, ông phân loại chó sói là Canis lupus (Linnaeus, 1758). Năm 1926, Ủy ban Quốc tế về Danh mục Động vật học (ICZN) đã đưa ra luận điểm 91 rằng loài chó nuôi Canis familiaris (Linnaeus, 1758) được đưa vào danh sách chính thức. Năm 1957, ICZN quy định trong luận điểm 451 rằng ''Canis dingo (Meyer, 1793) là tên sử dụng cho loài chó dingo và được đưa vào danh sách chính thức của loài này. Chó còn được con người lai tạo ra nhiều giống chó khác nhau, rất đa dạng. Giống chó lai là giống chó vốn được ghép bởi 2 loài chó bố, mẹ khác nhau (về màu sắc, hình dạng,...). Hai con bố, mẹ này sau khi giao phối sẽ tạo ra một giống chó mới mang thuộc tính của bố mẹ, tổ tiên. Năm 1999, một nghiên cứu về ADN mitochondria cho thấy rằng chó cưng có thể xuất phát từ sói xám. Trong quá trình phát triển, các giống chó như dingo và chó hát New Guinea đã xuất hiện khi các cộng đồng con người cách ly lẫn nhau hơn. Trong cuốn sách Mammal Species of the World, phiên bản thứ ba năm 2005, nhà động vật học W. Christopher Wozencraft liệt kê sói Canis lupus và các phân loài hoang dã, cũng đề xuất thêm hai phân loài khác, tạo thành nhóm chó cưng. Phân loài đầu tiên là familiaris, được Linnaeus đặt tên vào năm 1758, và phân loài thứ hai là dingo, được Meyer đặt tên vào năm 1793. Wozencraft cũng cho rằng hallstromi (chó hát New Guinea) là một tên khác của dingo. Ông dựa vào nghiên cứu về ADN mitochondria như một trong những căn cứ để đưa ra quyết định này. Có một số tranh cãi trong cộng đồng nhà động vật học về việc bao gồm cả familiaris và dingo trong nhóm "chó cưng". Một hội thảo diễn ra năm 2019, do Canid Specialist Group thuộc Ủy ban Công bằng Sinh vật Công bằng của IUCN tổ chức, xem dingo và chó hát New Guinea là chó hoang Canis familiaris, do đó không đánh giá chúng trong Danh sách đỏ IUCN các loài bị đe dọa. Tiến hóa Thuần hóa Một con chó được thuần hóa được tìm thấy ở Oberkassel, Bonn, Đức, được xem là hóa thạch chó cổ nhất đã được chấp nhận. Các chứng cứ về ngữ cảnh, đồng vị, di truyền và hình thái cho thấy con chó này không phải là một con sói địa phương. Nó đã chết cách đây 14.223 năm và được tìm thấy được chôn cùng với một người đàn ông và một người phụ nữ. Cả ba người được rắc phấn màu đỏ hematite và chôn dưới những khối bazan lớn, dày. Con chó đã mất vì mắc phải bệnh cảm cúm chó. Mặc dù đã có mô tả về hóa thạch của các con chó thời kỳ cổ từ cách đây 30.000 năm, nhưng việc phân biệt chúng là chó hay sói vẫn gây tranh cãi do sự đa dạng hình thái giữa các con sói trong thời kỳ Pleistocen muộn. Theo thông tin hiện có, chó được coi là loài động vật đầu tiên được thuần hóa trong thời kỳ của người săn bắn trước thời kỳ nông nghiệp. Dữ liệu di truyền cho thấy rằng tất cả các con chó cổ và hiện đại có nguồn gốc chung từ một quần thể sói cổ đã tuyệt chủng, khác với dòng họ sói hiện đại. Có một nhóm sói Pleistocen muộn được tìm thấy gần Thayngen ở Thụy Sĩ, được xếp vào một nhóm em gái của các di tích sói. Tổ tiên chung gần nhất của chó và sói được ước tính từ cách đây khoảng 32.100 năm. Điều này cho thấy rằng có thể có một con sói Pleistocen muộn tuyệt chủng đã là tổ tiên của chó, và sói hiện đại là họ hàng gần nhất của chó. Chó là một ví dụ điển hình về quá trình thuần hóa động vật thông qua mối quan hệ đồng hành với con người. Trong suốt nhiều năm, những câu hỏi xoay quanh việc chó được thuần hóa lần đầu ở đâu và khi nào đã gặp nhiều khó khăn cho các nhà khoa học. Tuy nhiên, dữ liệu di truyền cho thấy quá trình thuần hóa chó đã bắt đầu từ khoảng 25.000 năm trước đây, trong một hoặc nhiều quần thể sói tại châu Âu, vùng Bắc Cực cao hoặc Đông Á. Một nghiên cứu vào năm 2021 cũng chỉ ra rằng chó đã được thuần hóa ở Siberia cách đây khoảng 23.000 năm bởi người Siberia Bắc cổ đại, sau đó lan rộng từ phía đông sang châu Mỹ và từ phía tây qua châu Á. Các giống chó Chó là loài động vật có sự biến đổi lớn nhất trên Trái đất, với khoảng 450 giống chó được công nhận trên toàn cầu. Trải qua quá trình lựa chọn của con người, trong thời kỳ Victoria, đã phát triển các giống chó hiện đại, dẫn đến sự đa dạng về diện mạo. Hầu hết các giống chó đã được phát triển trong khoảng 200 năm qua từ một số nhóm nguồn gốc. Từ đó, chó đã trải qua sự thay đổi nhanh chóng về diện mạo và hình thành thành các giống chó hiện đại ngày nay nhờ vào sự lựa chọn nhân tạo của con người. Có sự biến đổi lớn về hình dạng hộp sọ, cơ thể và chiều dài cơ thể giữa các giống chó. Điều này tạo ra sự đa dạng diện mạo của chó vượt xa so với tất cả các loài động vật ăn thịt khác. Mỗi giống chó có những đặc điểm riêng về hình thái, bao gồm kích thước cơ thể, hình dạng hộp sọ, hình dạng đuôi, loại lông và màu sắc. Ngoài ra, chó còn có các đặc điểm hành vi đa dạng như bảo vệ, chăn dắt, săn bắn, lấy về và phát hiện mùi. Chúng cũng có những đặc điểm cá nhân khác nhau như hành vi xã hội, táo bạo và hung dữ, cho thấy sự đa dạng về chức năng và hành vi của chó. Với sự đa dạng diện mạo và chức năng, chó đã trở thành loài ăn thịt phổ biến nhất trên toàn thế giới. Chúng đã phân bố rộng khắp và trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của con người. Ví dụ điển hình về sự phân tán này là sự hiện diện của nhiều giống chó hiện đại thuộc dòng châu Âu trong thời kỳ Victoria. Đặc điểm Các giác quan như thị giác, thính giác và khứu giác phát triển mạnh: Chó có mắt to, tai dựng và mũi nhạy, nhờ đó chúng có thể theo dấu con mồi thành công, dù là săn đơn độc hay theo bầy. Tất cả các loài chó trừ chó bụi rậm Nam Mỹ đều có chân dài thích nghi với chạy nhanh khi săn đuổi mồi. Chó là loài "đi bằng đầu ngón chân" và có các bàn chân đặc trưng, năm ngón ở chân trước và bốn ngón ở chân sau. Đôi khi có trường hợp chó nhà có năm ngón ở chân sau (móng thứ năm gọi là móng huyền). Chó rừng có đuôi dài, lông dày, thường đồng màu và không có đốm sọc. Thời gian mang thai trung bình của chó kéo dài khoảng 60 đến 62 ngày, có thể sớm hơn hoặc kéo dài đến 65 ngày. Lúc mới ra đời, chó con không có răng nhưng chỉ sau 4 tuần tuổi đã có thể có 28 chiếc răng. Giống như tất cả các động vật có vú, sau khi con non được sinh ra con mẹ cho con non bú và chăm sóc con non vài tháng, với sự giúp đỡ của các thành viên khác trong gia đình, lúc này con mẹ sẽ trở nên hung dữ. Bộ hàm đầy đủ của loài thú này là 42 chiếc. Mắt chó có đến 3 mí: một mí trên, một mí dưới và mí thứ ba nằm ở giữa, hơi sâu vào phía trong, giúp bảo vệ mắt khỏi bụi bẩn. Chó phân biệt vật thể đầu tiên là dựa vào chuyển động sau đó đến ánh sáng và cuối cùng là hình dạng. Vì thế thị giác của chúng rất kém, chó có thể nhìn thấy màu lam, màu vàng, nhưng không phân biệt được đỏ và lục. Cụ thể thì bên trong mắt của chó có hai loại tế bào hình nón có thể cảm nhận màu sắc, trong khi ở người là ba. Bù lại, chúng có thể quan sát khá rõ trong đêm tối. Tai của chúng rất thính, chúng có thể nhận biết được 35.000 âm rung chỉ trong một giây. Khứu giác của chúng cũng rất thính như tai. Người ta có thể ngửi thấy mùi thức ăn ở đâu đó trong nhà bếp nhưng chó thì có thể phân biệt từng gia vị trong nồi, thậm chí những chú chó săn còn tìm ra những cây nấm con nằm sâu trong rừng, vì chúng có thể phân biệt gần 220 triệu mùi khác nhau. Với mỗi con chó, sống mũi và nếp nhăn trên mũi sẽ tạo ra những đường vân độc nhất - gọi là vân mũi, là thứ giúp nhận định danh tính của chúng. Não chó rất phát triển. Trí tuệ của loài chó có thể tương đương với một đứa trẻ 2 tuổi. Não bộ của chó có tiết ra oxytocin khi tương tác với con người và đồng loại. Điều này cũng giống như phản ứng của não người khi được ôm hoặc hôn. Có thể thấy vào mùa đông lạnh, thỉnh thoảng chó hay lấy đuôi che cái mũi ướt át, đấy là cách chúng giữ ấm cơ thể cho mình. Thân nhiệt của chó là 38°C. Chó có đến 2 lớp lông: lớp bên ngoài dễ thấy, còn lớp lót bên trong giúp cho chúng giữ ấm, khô ráo trong nhũng ngày mưa rét, thậm chí còn có nhiệm vụ "hạ nhiệt" trong những ngày oi bức. Về sức khỏe, người ta đã tính được rằng: chó 1 năm tuổi tương ứng với người 16 tuổi. Chó 2 tuổi tương ứng với người 24 tuổi, chó 3 năm tuổi - người 30, và sau đó cứ thêm một năm tuổi chó bằng 4 năm tuổi người. Một số thức ăn thông thường của con người và hộ gia đình có thể gây độc cho chó, như Sô-cô-la, hành và tỏi, nho và nho khô, mắc ca, xylitol cũng như nhiều loài thực vật và chất liệu có thể gây ngộ độc khác. Các dấu hiệu ngộ độc có thể là nôn mửa nhiều, ngất hoặc thậm chí tử vong. Trong văn hóa Trong văn hóa tâm linh của một số dân tộc, chó là con vật thân thiết gắn bó thủy chung với người chủ nói riêng và con người nói chung, những đặc tính của chó được tôn vinh, thậm chí có nơi chó được thờ cúng tại các đền thờ, miếu mạo. Theo một nhà dân tộc học người Nga, tục thờ chó khá phổ biến ở nhiều dân tộc trên thế giới, và có ở hầu khắp thần thoại các dân tộc ở Đông Nam Á lục địa. Ban đầu tục này xuất phát từ các dân tộc chăn nuôi gia súc khu vực Tây Nam Á, với vai trò canh giữ đàn gia súc. Sau đó có thể người Ấn–Âu từ thời đồng thau đã mang vào Đông Á truyền thống chăn nuôi cùng với tín ngưỡng thờ chó. Trong thần thoại vùng Địa Trung Hải và Cận Đông, hình tượng chó, kẻ canh giữ gia súc đã sớm chuyển thành kẻ canh giữ thế giới âm phủ. Văn hóa về chó trong nghệ thuật đã có niên đại hàng ngàn năm khi chó được vẽ tại tường trong các hang động. Việc miêu tả chó trở nên tinh vi hơn khi nhiều giống được phát triển và quan hệ giữa người và chó phát triển. Những cảnh đi săn phổ biến trong thời Trung Cổ và Phục Hưng. Chó được phác họa để biểu tượng cho sự dẫn dắt, bảo vệ, lòng trung thành, trung tín,, tin tưởng, quan tâm và yêu thương. Trong đời sống Thuật từ "chó nhà" (tiếng Anh: domestic dog) bao gồm cả chó nuôi và chó hoang. Từ chó trong tiếng Anh, "dog" xuất phát từ một từ tiếng Anh cổ docga, nghĩa là "một giống chó mạnh" (powerful dog breed). Thuật ngữ này cũng có thể bắt nguồn từ *dukkōn (một từ tiếng Proto-Germanic), viết trong tiếng Anh cổ là finger-docce ("finger-muscle"). Piotr Gąsiorowski từng gợi ý rằng từ tiếng Anh cổ docga thực chất xuất phát từ một tính từ tiếng Anh cổ chỉ màu sắc dox. Chó còn được dùng huấn luyện đặc biệt để hỗ trợ trong công việc của cảnh sát và quân đội (gọi là cảnh khuyển hay chó nghiệp vụ). Ngoài ra, trong Chiến tranh thế giới thứ hai, chó chống tăng còn được Quân đội Liên Xô để chống lại xe tăng Đức vào các năm 1941–1942. Chó nổi tiếng Con chó đầu tiên được đưa vào không gian là con Laika của Liên Xô trong chuyến bay năm 1957. Laika đã chết vì đau tim trong chuyến bay, xác của nó đã bị bốc cháy cùng con tàu khi rơi vào bầu khí quyển. Ở Philipines, một chú chó tên Kabang đã bị mất mõm vì cứu con gái và cháu gái của chủ. Nó trở nên nổi tiếng cũng nhờ hành động ''dũng cảm'' đó. Ngoài hai chú chó đã nói trên, chú chó Hachiko (1924 - 1935) của Nhật Bản cũng là một biểu tượng của sự trung thành trên toàn thế giới khi nó đứng ở sân ga đợi chủ đến 10 năm. Thịt chó Thịt chó là một món ăn thông thường tại một số nước châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam, nó vừa có tính cách bình dân lại vừa được xếp vào hàng đặc sản.Theo quan niệm ở một số địa phương Việt Nam thì thịt chó còn là món ăn giải xui. Tuy nhiên, tại nhiều quốc gia Tây phương và Hồi giáo, việc giết chó làm thịt và ăn thịt chó (và mèo) được coi là tàn bạo và bị cấm. Tại Việt Nam, chó dùng làm thịt thường là chó cỏ không phải là "chó cảnh", "chó Tây", vì theo đánh giá thì hai loại đó vừa đắt vừa không ngon. Thịt chó ngoài việc cung cấp thực phẩm còn có một giá trị y học nhất định theo quan niệm người Á Đông (trừ Nhật Bản). Thịt chó theo Trung y có vị mặn, tính ấm và có rất nhiều chất đạm. Theo công văn Cục Thú y ban hành vào ngày 23.1.2014, chỉ riêng tại Việt Nam, hàng năm ước tính có khoảng 5 triệu cá thể chó bị giết phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ thịt.
Autobahn là hệ thống đường cao tốc liên bang trên nước Đức, tên tiếng đức chính thức là Bundesautobahn dịch ra là đường cao tốc liên bang. Autobahn không có ngã tư chắn ngang, những đoạn chuyển hướng đều có cầu bắc ngang. Mỗi hướng chạy có ít nhất từ 2 đến 5 làn xe, cộng thêm 1 làn đậu khẩn cấp cho trường hợp xe bị hư. Giữa hai hướng chạy đều có giải phân cách tách ngang. Mỗi 2 km bên lề của làn đậu khẩn cấp đều có 1 cột điện thoại cấp cứu. Ngoài khu vực xung quanh thành phố, những đoạn Autobahn xuyên liên bang đều không bị hạn chế tốc độ. Đường cao tốc đầu tiên giữa Cologne và Bonn được khởi công từ 1929, hoàn thành vào 1932. Autobahn không có giới hạn về tốc độ trừ những đoạn đô thị, đường dưới tiêu chuẩn, dễ xảy ra tai nạn hoặc đang sửa chữa. Trong trường hợp thời tiết xấu, giới hạn tốc độ cũng được áp dụng. Ở những đoạn không giới hạn tốc độ, tốc độ giới hạn tư vấn là 130 km/h (81 mph) được áp dụng. Các bang có quyền đặt tốc độ giới hạn cho bất cứ đoạn autobahn nào họ quản lý. Năm 2008, bang nhỏ nhất nước Đức Bremen, áp dụng mức tốc độ giới hạn 120 km/h (75 mph) trên 11 km cuối của đoạn không giới hạn trong hy vọng các bang khác áp dụng mức tốc độ giới hạn. Tuy nhiên, không thể. Trong năm 2008, ước tính 52% mạng lưới Autobahn chỉ có tốc độ tư vấn, 15 % có tốc độ giới hạn tạm thời vì thời tiết và điều kiện đường, 32% có tốc độ giới hạn vĩnh viễn. Mạng lưới Autobahn của Đức có tổng chiều dài 12,845 kilometres (7,982 mi) năm 2012,[6] là một trong những mạng lưới dài và dày đặc nhất thế giới. Hê thống dài hơn có thể thấy ở Trung Quốc(97,355 km), Mỹ (75,932 km) Canada (38,000 km) và Tây Ban Nha (16,204 km).
Bộ Hòa thảo hay bộ Cỏ hoặc bộ Lúa (danh pháp khoa học: Poales) là một bộ thực vật một lá mầm trong số các thực vật có hoa phổ biến trên toàn thế giới. Bộ này bao gồm nhiều họ cỏ rất lớn (họ Poaceae) và các họ liên quan khác, và nó bao gồm phần lớn các loài thực vật thân thảo (thân cỏ), hiếm khi thấy ở dạng cây bụi, cây thân gỗ hay dây leo. Hoa của chúng thông thường nhỏ, kèm theo lá bắc, và sắp xếp thành cụm hoa (ngoại trừ chi Mayaca với các hoa đơn độc ở phần trên cùng của thân cây). Hoa của nhiều loài được thụ phấn nhờ gió; hạt thông thường chứa tinh bột. Với khoảng 20.000 loài, bộ Hòa thảo được coi là một trong những bộ đa dạng và phổ biến nhất trên Trái Đất. Tầm quan trọng sinh thái và kinh tế của nhiều loài vượt qua phần lớn các loài thực vật khác. Người ta cho rằng nguồn gốc của bộ Hòa thảo là ở Nam Mỹ cách đây khoảng 115 triệu năm trước (Bremer, 2000). Các hóa thạch đã biết sớm nhất, bao gồm cả phấn hoa và quả có niên đại vào cuối kỷ Phấn Trắng, khoảng 65-146 triệu năm trước (theo Bremer, 2000). Phân loại Theo định nghĩa của Angiosperm Phylogeny Group (APG hay nhóm nghiên cứu phát sinh loài thực vật hạt kín), bộ Hòa thảo chứa 17-18 họ với khoảng 997 chi và khoảng 18.325 loài. Các họ lớn nhất trong bộ này là họ Hòa thảo (Poaceae hay họ Lúa, họ Cỏ với khoảng 10.035 loài), Họ Cói (Cyperaceae với 4.350 loài), họ Dứa (Bromeliaceae với 1.400 loài) và họ Cỏ dùi trống (hay Cốc tinh thảo, Eriocaulaceae với 1.160 loài). Quan trọng nhất về mặt kinh tế là họ Hòa thảo, nó bao gồm các loại cây lương thực như lúa mạch, ngô, kê, lúa và lúa mì. Hệ thống APG II năm 2003 chấp nhận bộ này và đặt nó trong nhánh Thài lài (commelinids) của nhóm thực vật một lá mầm. Các họ dưới đây liệt kê theo hệ thống APG II năm 2003. Anarthriaceae Bromeliaceae - Họ Dứa Centrolepidaceae Cyperaceae - Họ Cói, lác Ecdeiocoleaceae Eriocaulaceae Flagellariaceae Hydatellaceae Joinvilleaceae Juncaceae - Họ Bấc Mayacaceae Poaceae - Họ Cỏ, lúa Rapateaceae Restionaceae Sparganiaceae Thurniaceae Typhaceae - Họ Hương bồ Xyridaceae Hệ thống APG năm 1998 cũng chấp nhận kiểu sắp xếp tương tự, mặc dù sử dụng thuật ngữ "commelinoids" và sử dụng định nghĩa gần như tương tự, ngoại trừ không có các họ Bromeliaceae, Mayacaceae và Rapateaceae, đồng thời thêm vào họ Prioniaceae (hiện nay là một phần của họ Thurniaceae) và tách phân họ Abolbodoideae ra khỏi họ Xyridaceae để lập thành họ Abolbodaceae không thuộc bộ nào, nhưng cùng nhánh Thài lài. Trong hệ thống Cronquist người ta không công nhận bộ có tên gọi Poales; hai họ là Poaceae (lúa) và Cyperaceae (cói) được đưa vào trong bộ Cói (Cyperales). Hệ thống phân loại APG đưa một số họ vào trong bộ Poales mà trong các hệ thống phân loại cũ đã được đưa vào trong các bộ riêng rẽ (chẳng hạn Bromeliales, Cyperales, Hydatellales, Juncales, Restionales và Typhales). Phát sinh chủng loài Cây phát sinh chủng loài của bộ Hòa thảo so với các bộ thực vật một lá mầm khác trong nhánh Thài lài lấy theo APG III. Cây phát sinh chủng loài trong nội bộ bộ Hòa thảo lấy theo APG III.
Trong toán học, ánh xạ (Tiếng Anh: mapping) là một khái niệm chỉ quan hệ hai ngôi giữa hai tập hợp liên kết mỗi phần tử của tập hợp đầu tiên (được gọi là tập nguồn) với đúng một phần tử của tập hợp thứ hai (được gọi là tập đích). Tập nguồn và tập đích không nhất thiết phải là tập số thực hay tập con của tập số thực mà hoàn toàn có thể là tập hợp của các vector, hàm giải tích, biến ngẫu nhiên, ... Nói cách khác, một ánh xạ biểu hiện một quy tắc hay thao tác biến đổi toán học nhất định từ một phần tử trên một không gian (tập hợp) sang đúng một phần tử (thường được gọi là tạo ảnh) trên không gian (tập hợp) thứ hai. Các ánh xạ có thể là toàn ánh, đơn ánh hoặc song ánh phụ thuộc vào tính chất của tạo ảnh trên tập hợp thứ hai, và có thể được thể hiện bởi các toán tử, ký hiệu toán học hoặc các phép toán từ sơ cấp tới cao cấp. Chẳng hạn, phép biến đổi Laplace là một ánh xạ từ tập chứa các hàm trên miền thời gian sang tập chứa các hàm trên miền tần số phức thông qua một phép biến đổi bằng tích phân. Hay một ma trận thường được sử dụng để thể hiện một ánh xạ tuyến tính giữa hai không gian Euclide. Khi hai tập hợp là hai tập số thực hoặc tập con của số thực, ánh xạ giữa hai tập này thường được gọi là hàm số. Điều đó có nghĩa là hàm số được coi như một trường hợp đặc biệt của ánh xạ. Định nghĩa toán học Một ánh xạ f từ một tập hợp X vào một tập hợp Y (ký hiệu ) là một quy tắc cho mỗi phần tử x X tương ứng với một phần tử xác định y Y, phần tử y được gọi là ảnh của phần tử x, ký hiệu , nghĩa là . Tập X được gọi là tập nguồn, tập Y được gọi là tập đích. Với mỗi , tập con của X gồm các phần tử, có ảnh qua ánh xạ f bằng y, được gọi là tạo ảnh của phần tử y qua f, ký hiệu là . Ta có. Với mỗi tập con , tập con của Y gồm các phần tử là ảnh của qua ánh xạ f được gọi là ảnh của tập A ký hiệu là f(A). Ta có. Với mỗi tập con , tập con của X gồm các phần tử x có ảnh được gọi là tạo ảnh của tập B ký hiệu là . Ta có. Trong tương quan với khái niệm quan hệ, ta cũng có thể định nghĩa: Một ánh xạ từ tập X vào tập Y là một quan hệ từ X vào Y thoả mãn điều kiện: mọi phần tử đều có quan hệ với một và chỉ một phần tử . Vài tính chất cơ bản Ảnh của một tập hợp rỗng là một tập hợp rỗng Ảnh của tập hợp con là tập hợp con của ảnh Ảnh của phần giao nằm trong giao của phần ảnh Ảnh của phần hợp là hợp của các phần ảnh Toàn ánh, đơn ánh và song ánh Toàn ánh là ánh xạ từ X vào Y trong đó ảnh của X là toàn bộ tập hợp Y. Khi đó người ta cũng gọi f là ánh xạ từ X lên Y hay Đơn ánh là ánh xạ khi các phần tử khác nhau của X cho các ảnh khác nhau trong Y. Đơn ánh còn được gọi là ánh xạ 1-1 vì tính chất này. hay Song ánh là ánh xạ vừa là đơn ánh, vừa là toàn ánh. Song ánh vừa là ánh xạ 1-1 và vừa là ánh xạ "onto" (từ X lên Y). Một số ánh xạ đặc biệt Ánh xạ không đổi (ánh xạ hằng): là ánh xạ từ X vào Y sao cho mọi phần tử x X đều cho ảnh tại một phần tử duy nhất Y. Ánh xạ đồng nhất: là ánh xạ từ X vào chính X sao cho với mọi phần tử x trong X, ta có f(x)=x. Ánh xạ nhúng: là ánh xạ f từ tập con vào Y cho f(x)= x với mọi (cũng được gọi là đơn ánh chính tắc). Khi đó ta ký hiệu f: X Y. Một quan niệm khác về ánh xạ nhúng là: nếu là đơn ánh, khi xem f chỉ là ánh xạ từ X vào tập con , f sẽ là song ánh. Lúc đó ta có tương ứng 1-1 giữa X với f(X) nên có thể thay thế các phần tử của tập con bằng các phần tử của tập X. Việc này được gọi là nhúng X vào Y bằng đơn ánh f. Các phép toán Ánh xạ hợp Cho hai ánh xạ và . Hợp của hai ánh xạ f, g, ký hiệu là là ánh xạ từ X vào Z, xác định bởi đẳng thức (cũng được gọi là tích ánh xạ của f và g). Một số tính chất của ánh xạ hợp Nếu là đơn ánh thì f là đơn ánh. Nếu là toàn ánh thì g là toàn ánh. Nếu là song ánh thì f và g đều là song ánh. Ánh xạ nghịch đảo Cho ánh xạ là song ánh. Nếu tồn tại ánh xạ sao cho thì g được gọi là nghịch đảo, hay ánh xạ ngược, của f, ký hiệu là . Ánh xạ f có nghịch đảo khi và chỉ khi f là song ánh. Ánh xạ thu hẹp Cho ánh xạ và một tập con . Ánh xạ thu hẹp của về là một ánh xạ từ vào , ký hiệu , xác định bởi đẳng thức . Ánh xạ thu hẹp là duy nhất. Ánh xạ mở rộng Cho ánh xạ và một tập hợp sao cho . Một ánh xạ mở rộng của tới là một ánh xạ từ vào sao cho . Nói chung, với mỗi ánh xạ đã cho, có nhiều ánh xạ mở rộng khả dĩ. Các khái niệm ánh xạ khác (dịch từ tiếng Anh) Ánh xạ xạ ảnh Canonical map Ánh xạ chính tắc Classifying map Ánh xạ phân loại Ánh xạ bảo giác: ánh xạ bảo toàn độ lớn của các góc, nghĩa là góc giữa các tiếp tuyến với hai đường cong bất kì (tại giao điểm của chúng) bằng góc giữa các tiếp tuyến với các ảnh của hai đường đó (tại giao điểm tương ứng). Một hàm song chỉnh hình là một ánh xạ bảo giác. Ánh xạ không đổi Ánh xạ tiếp lên Ánh xạ liên tục: Ánh xạ f từ x0 X lên Y sao cho với mỗi lân cận W của f(x0) đều tồn tại lân cận V của x0 trong X (V X) sao cho f(V) W được gọi là ánh xạ liên tục tại x0 lên Y Ánh xạ Y = f(X) được gọi là ánh xạ liên tục từ X vào Y nếu nó liên tục với mọi x X Ánh xạ đồng phôi: f:X→Y là ánh xạ song ánh, liên tục và ánh xạ ngược cũng liên tục. Khi đó X và Y được gọi là hai không gian, hai tập hợp đồng phôi hay tương đương tô pô Contour map Phương ánh các đường nằm ngang Contraction mapping ánh xạ co là ánh xạ của không gian mêtric vào chính nó, sao cho khoảng cách giữa hai điểm bất kì bị giảm đi qua ánh xạ đó. Người ta chứng minh rằng, nếu không gian mêtric là đủ thì mỗi ánh xạ co bao giờ cũng có một và chỉ một điểm bất động x, tức là F(x) = x Equivariant map Ánh xạ đẳng biến Evaluation map Ánh xạ định giá Excission map Ánh xạ cắt Fibre map Ánh xạ phân thớ, ánh xạ các không gian phân thớ Identification map Ánh xạ đồng nhất hoá Inclusion map Ánh xạ nhúng chìm Interior map Ánh xạ trong Involutory map Ánh xạ đối hợp Light map Ánh xạ chuẩn gián đoạn (khắp nơi có các điểm gián đoạn) Lowering map Ánh xạ hạ thấp Regular map Ánh xạ chính quy Simplicial map Ánh xạ đơn hình Tensor map Ánh xạ tenxơ Affine mapping Ánh xạ afin Analytic mapping Ánh xạ giải tích Bicontinuous mapping Ánh xạ song liên tục Chain mapping Ánh xạ chuỗi, ánh xạ dây chuyền Closed mapping Ánh xạ đóng: f:X→Y được gọi là ánh xạ đóng nếu với mọi tập A đóng X đều có f(A) là tập đóng trong Y Open mapping Ánh xạ mở: f:X→Y được gọi là ánh xạ mở nếu với mọi tập A mở X đều có f(A) là tập mở trong Y Diferentiable mapping Ánh xạ khả vi Epimorphic mapping Ánh xạ toàn hình Homomorphous mapping Ánh xạ đồng cấu Homotopic mapping Ánh xạ đồng luân Ánh xạ đẳng cự Isotonic mapping Ánh xạ bảo toàn thứ tự Ánh xạ tuyến tính Meromorphic mapping Ánh xạ phân hình Monomorphic mapping Ánh xạ đơn cấu Monotone mapping Ánh xạ đơn điệu Non-alternating mapping Ánh xạ không thay phiên Norm-preserving mapping Ánh xạ bảo toàn chuẩn One-to-one mapping Ánh xạ một-một, hai chiều, (song ánh) Perturbation mapping Ánh xạ lệch Preclosed mapping Ánh xạ tiền đóng Pseudoconformal mapping Ánh xạ giả bảo giác Quasi-conformal mapping Ánh xạ tựa bảo giác Quasi-open mapping Ánh xạ tựa mở Rational mapping Ánh xạ hữu tỷ Sense-preserving mapping Ánh xạ bảo toàn chiều Slit mapping Ánh xạ lên miền có lát cắt trong Starlike mapping Ánh xạ hình sao Symplectic mapping Ánh xạ đối ngẫu ximplectic Topological mapping Ánh xạ tô pô Univalent mapping Ánh xạ đơn diệp
Họ Hòa thảo hay họ Lúa hoặc họ Cỏ ("cỏ" thực thụ) là một họ thực vật một lá mầm (lớp Liliopsida), với danh pháp khoa học là Poaceae, còn được biết dưới danh pháp khác là Gramineae. Trong họ này có khoảng 668 chi và khoảng 10.035 loài cỏ. Người ta ước tính rằng các đồng cỏ chiếm khoảng 20% toàn bộ thảm thực vật trên Trái Đất. Họ này là họ thực vật quan trọng nhất đối với toàn bộ nền kinh tế của loài người, bao gồm cả các bãi cỏ và cỏ cho gia súc cũng như là nguồn lương thực chủ yếu (ngũ cốc) cho toàn thế giới, hay các loại tre, trúc được sử dụng rộng rãi ở châu Á trong xây dựng. Các loài thuộc họ Hòa thảo có các đặc điểm sau: Cây thân cỏ, sống lâu năm, ít khi 1 hay 2 năm, một số có dạng thân gỗ thứ sinh (tre, nứa v.v). thân khí sinh chia gióng (cọng) và mấu (đốt): gióng thường rỗng (trừ một số loài như nứa, kê, ngô có thân đặc), không phân nhánh (trừ tre) mà chỉ phân nhánh từ thân rễ hoặc từ gốc. Lá mọc cách (so le), xếp hai dãy theo thân (trên cùng một mặt phẳng), ít khi có dạng xoắn ốc, gân lá song song. Bẹ lá to, dài, hai mép của bẹ không dính liền nhau. Lá không có cuống (trừ tre), phiến lá hình dải hẹp. Giữa bẹ và phiến lá có lưỡi bẹ nhỏ hình bản mỏng hay hình dãy lông mi. nguồn gốc của lưỡi không rõ ràng, một số tác giả cho là do hai lá kèm dính nhau biến đổi thành. Vai trò sinh học của nó là cản bớt nước chảy vào thân non ở đốt. Gốc bẹ lá hơi phồng lên, mép ôm chặt lấy thân và che chở cho mô phân sinh đốt, nhờ đó mà mô này duy trì hoạt động được khá lâu. Hoa nhỏ, thụ phấn nhờ gió, tập trung thành cụm bông, cơ sở là các hoa nhỏ. Các hoa nhỏ này lại hợp thành những cụm bông phức tạp hơn như bông kép, chùm, chùy v.v nhưng không có các cánh hoa. Mỗi bông mang từ 1 - 10 hoa nhỏ. Ở gốc bông nhỏ thường có 2 mày (lá bắc) bông xếp đối nhau: còn ở gốc mỗi hoa có 2 mày hoa, mày hoa dưới ôm lấy mày hoa trên, nhỏ và mềm hơn, mày hoa dưới chỉ có 1 gân ở chính giữa, còn mày hoa trên có 2 gân bên. Ở nhiều loài, mày hoa dưới kéo dài ra thành chỉ ngón. Phía trong 2 mày hoa còn 2 mày cực nhỏ rất bé và mềm. Như vậy, thông thường mỗi hoa có 4 mày, nhưng trong thực tế số lượng này có khi không đầy đủ. Nhị thường là 3 (đôi khi 6), chỉ nhị dài bao phấn đính lưng, hai bao phấn khi chín thường xòe ra thành hình chữ X. Bầu trên có một ô, 1 noãn, 2 vòi nhụy ngắn và 2 đầu nhụy dài mang chùm lông quét, thường màu nâu hoặc tím. Quả là loại quả thóc (caryopsis). Cho đến thời gian gần đây, các loài cỏ được cho là đã tiến hóa vào khoảng 55 triệu năm trước, khi người ta căn cứ vào các mẫu hóa thạch đã có. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây về các loại thực vật hóa đá 65 triệu năm tuổi, bao gồm các tổ tiên của lúa và tre trong phân hóa đá của khủng long thời kỷ Phấn trắng (, ), đã đặt sự đa dạng của các loài cỏ về thời kỳ sớm hơn. Phát sinh chủng loài Cây phát sinh chủng loài của họ Hòa thảo so với các họ khác trong bộ Hòa thảo liệt kê dưới đây là lấy theo APG III. Cây phát sinh chủng loài trong nội bộ họ Hòa thảo như liệt kê dưới đây là lấy theo APG III. Trồng trọt và sử dụng Các loài cỏ được trồng để cung cấp lương thực cho loài người được gọi chung là ngũ cốc. Các loại ngũ cốc cung cấp phần lớn năng lượng để nuôi sống con người và có lẽ cũng là nguồn cung cấp chính về protein. Các loại ngũ cốc bao gồm lúa ở Nam và Đông Nam Á, ngô ở Trung và Nam Mỹ, lúa mì và lúa mạch ở châu Mỹ và khu vực miền bắc đại lục Á-Âu. Nhiều loại cỏ khác cũng được trồng để làm cỏ tươi và cỏ khô cho gia súc, cụ thể là cho trâu, bò và cừu. Một số loại "cỏ" được biết đến rộng rãi là: Kê Lúa Lúa mạch Lúa mạch đen Lúa mì Mía Ngô Tre, trúc
Nhị thập tứ hiếu (chữ Hán: 二十四孝) là một tác phẩm trong văn học Trung Hoa kể lại sự tích của 24 tấm gương hiếu thảo do Quách Cư Nghiệp (có sách ghi Quách Cư Kinh 郭居敬, bính âm: Guō Jūjìng) vào thời nhà Nguyên biên soạn. Ông nổi tiếng là một người con hiếu thảo, và sau khi cha mất ông đã xuất bản quyển này. Hầu hết các người con hiếu thảo là nam giới báo hiếu cho mẹ già. Các câu chuyện được kể lại xảy ra từ thời Thuấn Đế đến đời ông. 24 tấm gương Ngu Thuấn (虞舜): hiếu cảm động trời Lưu Hằng (刘恆, tức Hán Văn Đế): người con nếm thuốc Tăng Sâm (曾参): mẹ cắn ngón tay, tim con đau xót Mẫn Tổn (闵损): hiếu với mẹ kế Trọng Do (仲由): vác gạo nuôi cha mẹ Đổng Vĩnh (董永): bán thân chôn cha Đàm Tử (郯子): cho cha mẹ bú sữa hươu Giang Cách (江革): làm thuê nuôi mẹ Lục Tích (陆绩): giấu quýt cho mẹ Đường phu nhân: (唐夫人) cho mẹ chồng bú sữa Ngô Mãnh (吳猛): cho muỗi hút máu Vương Tường (王祥): nằm trên băng chờ cá chép Quách Cự (郭巨): chôn con cho mẹ Dương Hương (杨香): giết hổ cứu cha Châu Thọ Xương (朱寿昌): bỏ chức quan tìm mẹ Dữu Kiềm Lâu (庾黔娄): nếm phân lo âu Lão Lai tử (老莱子): đùa giỡn làm vui cha mẹ Thái Thuận (蔡顺): nhặt dâu cho mẹ Hoàng Hương (黄香): quạt gối ấm chăn Khương Thi (姜诗): suối chảy cá nhảy Vương Bầu (王裒): nghe sấm, khóc mộ Đinh Lan (丁兰): khắc gỗ thờ cha mẹ Mạnh Tông (孟宗): khóc đến khi măng mọc Hoàng Đình Kiên (黄庭坚): rửa sạch cái bô đi tiểu của mẹ
Coupe de la Ligue (), được biết đến bên ngoài Pháp là Cúp Liên đoàn bóng đá Pháp, là một giải đấu cúp loại trực tiếp ở bóng đá Pháp do Ligue de Football Professionnel tổ chức. Giải đấu được thành lập vào 1993 và không như Cúp bóng đá Pháp, giải chỉ dành cho các câu lạc bộ chuyên nghiệp ở Pháp thi đấu ở ba hạng đấu bóng đá hàng đầu của quốc gia, mặc dù giải hạng ba không phải toàn chuyên nghiệp. Đội bóng thành công nhất ở giải đấu là Paris Saint-Germain với 9 chức vô địch, bao gồm chức vô địch của lần tổ chức cuối cùng ở mùa giải 2019–20. LFP bầu quyết định hoãn giải đấu vô thời hạn để "giảm tải lịch thi đấu mùa giải". Các trận chung kết Thống kê
Sậy có thể là một trong các loài thực vật thuộc họ lúa, có bề ngoài khá giống nhau, thường mọc ở những vùng ven sông, bãi lầy; bao gồm: Cây sậy thông thường (danh pháp khoa học: Phragmites australis Cav.) - Đây là loài cây nguyên thủy được đặt tên là sậy. Xem thêm cây lau (Saccharum arundinaceum). Cây sậy núi (danh pháp khoa học: Arundo donax L.). Cây sậy Miến Điện (danh pháp khoa học: Neyraudia reynaudiana) Cây sậy gai (danh pháp khoa học: Sparganium eurycarpum) Cây đót, chít (danh pháp khoa học: Thysanolaena latifolia): có cụm hoa già được dùng làm chổi.
Bùi Tá Hán (chữ Hán: 裴佐漢; 1496-1568), là một danh tướng có công khôi phục nhà Hậu Lê (thời Lê Trung Hưng, 1533-1789) trong lịch sử Việt Nam. Hành trạng cuộc đời Các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định rõ thân thế của ông, chỉ biết Bùi Tá Hán là người Châu Hoan (nay là Nghệ An) và là cận thần của danh tướng Nguyễn Kim. Tháng 6 (âm lịch) năm 1527, Mạc Đăng Dung phế truất Lê Cung Hoàng, lập ra nhà Mạc. Trung thành với nhà Hậu Lê, Bùi Tá Hán theo ngọn cờ "phù Lê diệt Mạc" của Nguyễn Kim, lập được nhiều công tích. Sau khi nhà Hậu Lê được khôi phục (sử gọi là thời Lê Trung Hưng), năm 1545, dưới triều vua Lê Trang Tông, ông được phong làm Bắc quân đô đốc Phủ chưởng phủ sự, trấn nhậm ở Thừa tuyên Quảng Nam , rồi được ban tước Trấn quốc công (1546). Theo "Phủ tập Quảng Nam ký sự" của Mai thị, thì Bùi Tá Hán là người có công lấy lại đất Quảng Nam từ tay nhà Mạc. Sau đó, ông đã thực hiện một số chính sách an dân, khuyến khích sản xuất, ổn định đời sống của nhân dân ở vùng đất này. Ông mất năm 1568, không rõ nguyên nhân, như bia văn đã viết: Nhân mã bất tri hà xứ khứ Huyết y trường dữ thử bi lưu. Có nghĩa là: Người, ngựa chẳng biết đi về nơi nàoChỉ có áo bào thấm máu lưu lại lời bia. Sau khi mất, Bùi Tá Hán được truy tặng tước Thái bảo. Năm Minh Mạng thứ 13 (Nhâm Thìn, 1832), gia phong ông là Khuông quốc Tịnh biên Thọ phục thượng đẳng thần. Đến đời Tự Đức, các quan địa phương có dựng bia bên mộ ông, trên bia có khắc mấy chữ: "Cố Lê đô đốc Trần Quận Công chi mộ". Theo quan điểm của các sử gia nhà Nguyễn, Bùi Tá Hán đã được liệt vào "nhân vật xứ Quảng Ngãi" . Di tích Lăng mộ Bùi Tá Hán được xây dựng tại khu rừng (là nơi đã tìm thấy áo bào của ông) ở làng Thu Phổ, nên gọi là Rừng Lăng. Đền thờ ông được xây dựng trên đỉnh núi Phước ở làng Thu Phổ nên gọi là Núi Ông. Năm 1962, khi xây dựng Nhà máy Đường Thu Phổ, đền thờ ông được dời vào Rừng Lăng, nay thuộc phường Quảng Phú, thành phố Quảng Ngãi. Trong đền có bức tượng thờ ông và người hầu (thường gọi là Xích Y) với nhiều sắc phong của triều Tây Sơn và triều Nguyễn; nhiều thơ, liễn đối phúng điếu của các quan lại và các bậc túc nho trong tỉnh. Đền thờ Bùi Tá Hán đã được cấp bằng Di tích Lịch sử-Văn hóa cấp Quốc gia theo quyết định số 168 ngày 2 tháng 3 năm 1990. Ở nhiều nơi trong tỉnh và trong vùng cũng có một số di tích và miếu thờ liên quan đến Bùi Tá Hán. Chú thích
Điện báo Zimmermann là bức điện báo đã mã hóa được Arthur Zimmerman, Bộ trưởng ngoại giao Đức, gửi cho đại sứ Đức tại México là Heinrich von Eckardt ngày 18 tháng 1 năm 1917. Bức điện yêu cầu đại sứ Đức tiến hành việc thành lập quan hệ đồng minh giữa Đức và Mexico nhằm chống lại Hoa Kỳ và giúp Mexico lấy lại các vùng lãnh thổ đã bị mất trước đây tại New Mexico, Texas, và Arizona. Tuy nhiên, bức điện báo lại bị tình báo Anh đã thu được rồi giải mã bức điện báo này. Ngày 23 tháng 2, Bộ trưởng Ngoại giao Anh Arthur James Balfour đã gửi nội dung bức điện báo này cho đại sứ Hoa Kỳ tại Anh, người sẽ chuyển cho Tổng thống Hoa Kỳ Woodrow Wilson hai ngày sau đó. Một ngày sau khi nhận được thông tin quan trọng, Wilson đệ trình Quốc hội về việc trang bị vũ khí cho thương thuyền nhằm ngăn cản tàu ngầm Đức tấn công. Khi La Follette và một số nghị sĩ khác đe dọa cản trở việc chấp nhận, Wilson tiết lộ nội dung của bức điện báo Zimmerman. Và bức điện báo này là một trong những nguyên nhân thúc đẩy nhanh sự tham gia thực sự của Hoa Kỳ vào Chiến tranh thế giới thứ nhất.
Hawaii (tiếng Hawaii: Hawaii) là tiểu bang Hoa Kỳ nằm hoàn toàn trên quần đảo Hawaii (ngày xưa được gọi quần đảo Sandwich bởi những người Châu Âu), nằm trong Thái Bình Dương cách lục địa khoảng 3.700 kilômét (2.300 dặm). Khi bang được gia nhập Liên bang ngày 21 tháng 8 năm 1959, Hawaii được trở thành tiểu bang thứ 50 của Hoa Kỳ. Tên của tiểu bang trong tiếng Hawaii có dấu okina (), cho nên tiếng Anh chuẩn của Hawaii (thổ ngữ Hawaii) cũng phải được viết với dấu này. Đây là tiểu bang có tỷ lệ cư dân gốc Á cao nhất tại Hoa Kỳ. Đây là nơi sinh của cựu tổng thống Barack Obama (tại Honolulu). Địa lý Hawaii là tiểu bang duy nhất của Hoa Kỳ có nước xung quanh. Vì không thuộc lục địa Hoa Kỳ, nó là một trong hai tiểu bang không giáp với tiểu bang khác (Alaska là tiểu bang còn lại). Nó cũng là cực Nam của Hoa Kỳ và là tiểu bang duy nhất nằm hoàn toàn trong miền nhiệt đới cũng như không thuộc về châu lục nào. Hawaii cũng là tiểu bang duy nhất đang tiếp tục được nâng lên bởi các dòng dung nham đang chảy, nhất là từ núi lửa Kīlauea. Quần đảo Hawaii bao gồm 19 đảo và 1 đảo san hô kéo dài 2.400 km (1.500 dặm). Các đảo chính là tám đảo cao nhất về phía đông nam của dãy đảo. Các đảo này, theo vị trí từ phía tây bắc tới phía đông nam, có những tên: Niihau, Kauai, Oahu, Molokai, Lānai, Kahoolawe, Maui, và đảo Hawaii. Các đảo Hawaii được tạo ra do núi lửa nổi lên từ đáy biển qua một lỗ thông được gọi là nhiệt điểm (hotspot) trong thuyết địa chất. Lý thuyết này xác nhận rằng trong khi mảng kiến tạo dưới phần lớn của Thái Bình Dương tiến về hướng tây bắc, các nhiệt điểm này đứng yên, từ từ tạo ra các núi lửa mới. Đây là lý do chỉ những núi lửa vào phần nam của Đảo Hawaii đang hoạt động. Núi lửa phun ở ngoài Đảo Hawaii lần cuối tại Haleakalā trên đảo Maui vào cuối thế kỷ 18. Núi lửa mọc lên gần đây nhất là Lōihi, dưới mặt biển cách bờ phía nam của đảo Hawaii. Bởi vì quần đảo Hawaii bị cô lập ở giữa Thái Bình Dương, và nhiều loại môi trường tồn tại ở các đảo cao nằm trong hay gần vùng nhiệt đới, cho nên tiểu bang này có đủ loại thứ loài thực vật và động vật đặc hữu. Những hoạt động của núi lửa và xói mòn sau đó tạo ra nhiều địa mạo đẹp hay. Thời tiết ở đây làm cho núi Waialeale thành nơi ẩm ướt thứ ba trên thế giới; mỗi năm mưa trung bình 11,7 m (460 inch). Các khu vực dưới quyền của Dịch vụ Vườn Quốc gia (NPS) bao gồm: Đường lịch sử Quốc gia Ala Kahakai trên đảo Hawaii Công viên Quốc gia Haleakala tại Kula Công viên Quốc gia các Núi lửa Hawaii tại Hilo Công viên lịch sử Quốc gia Kalaupapa tại Kalaupapa Công viên lịch sử Quốc gia Kaloko-Honokohau tại Kailua-Kona Công viên lịch sử Quốc gia Puuhonua O Honaunau tại Honaunau Khu tưởng niệm Quốc gia Puukohola Heiau tại Kawaihae Đài kỷ niệm USS Arizona tại Honolulu Các đảo chính Các thành phố quan trọng Những nơi đông người ở vị trí ngày nay do hoàng gia Hawaii mới đầu di chuyển từ đảo Hawaii tới Maui rồi tới Hawaii. Thành phố lớn nhất và thủ phủ của tiểu bang, Honolulu, là thành phố mà Quốc vương Kamehameha III lựa chọn thành kinh đô của quốc vương ngày xưa, do có cảng tự nhiên ở đấy, đó là cảng Honolulu ngày nay. Honolulu nằm ven bờ biển phía đông nam của đảo Oahu. Các thành phố đông người kia có: Hilo, Kāneohe, Kailua, Thành phố Pearl, Kahului, Kailua-Kona, và Līhue. Lịch sử Thời cổ Các nhà nhân chủng học cho rằng những người Polynesia của quần đảo Marquises và quần đảo Société bắt đầu tới quần đảo Hawaii vào khoảng 300 CN, sau đó dân Tahiti tới vào khoảng 1300 CN, họ xâm chiếm và giết hết mọi dân cư đầu tiên ở quần đảo. Những người Tahiti này giữ kỷ niệm của sự di trú bằng lời nói dùng chuyện phả hệ và truyện dân gian, như các chuyện Hawaiiloa và Paao. Họ chỉ có quan hệ với nhóm người Polynesia khác lâu vào đầu thời di trú, và Hawaii phát triển từ những làng nhỏ thành xã hội phức tạp gần một mình. Họ tự nhiên ngừng đi lại giữa Hawaii và vùng Nam Thái Bình Dương, không biết lý do vài thế kỷ trước khi người Âu Châu đến. Các thủ lĩnh địa phương, được gọi alii, cai trị làng của họ và chiến đấu để mở rộng thế lực và chống lại các làng khác. Chiến tranh xảy ra rất nhiều. Xã hội này hướng về cương vị lớn hơn và bắt đầu bao gồm cả hòn đảo. Các bản báo cáo mập mờ của những nhà thám hiểm Âu Châu cho biết rằng Hawaii đã được người Âu Châu thăm viêng từ lâu trước hạm trưởng người Anh James Cook năm 1778. Các sử gia ghi công ông Cook về sự khám phá này, tại vì ông là người đầu tiên vẽ bản đồ và xuất bản tọa độ của quần đảo Hawaii. Cook đặt tên là quần đảo Sandwich để thể hiện lòng tôn trọng của ông đối với một trong những nhà tài trợ cho chuyến đi là John Montagu, bá tước đời thứ tư Sandwich. Vương quốc Sau một loạt trận đánh kết thúc năm 1795 và đảo Kauai ly khai hòa bình năm 1810, quần đảo Hawaii được liên hiệp lần đầu tiên dưới quyền Vua Kamehameha Đại đế. Ông thành lập Nhà Kamehameha, triều đại mà cai trị vương quốc tới năm 1872. Một trong những sự kiện quan trọng nhất trong thời đó là việc cấm Giáo hội Công giáo Hawaii. Sự kiện đó dẫn đến Chỉ dụ Khoan dung (Edict of Toleration), lập nên tình trạng tự do tôn giáo ở quần đảo Hawaii. Cái chết của Vua Kamehameha V – ông chưa vợ, nhưng không chọn người nối ngôi – dẫn đến Vua Lunalilo được bầu. Sau ông qua đời, Nhà Kalākaua được quyền cai trị. Năm 1887, với lý do sự cai trị yếu kém, những thương gia Mỹ và Âu Châu mà đã tham gia vào chính phủ Hawaii gí súng vào đầu Vua Kalākaua và bắt ông phải ký tên vào Hiến pháp Lưỡi lê, nó không chỉ tước đoạt quyền lực của quốc vương mà cũng bãi bỏ quyền đi bầu của người châu Á và đặt điều kiện thu nhập và tài sản tối thiểu của các cử tri người Mỹ, Âu Châu, và thổ dân Hawaii, nói chung là nó khiến cho chỉ có những người Mỹ, Âu Châu, và thổ dân giàu có thể bỏ phiếu. Vua Kalākaua thống trị đến khi qua đời năm 1891. Chị của Kalākaua, Liliuokalani, nối ngôi và cai trị đến khi bị truất ngôi năm 1893. Các thương gia Mỹ và Âu Châu đảo chính do bà loan tin là sẽ bãi bỏ hiến pháp. Tuy bà chùn lại đến phút cuối cùng, nhưng các thành viên của cộng đồng ngoại quốc thành lập Ủy ban An toàn mà thực hiện đảo chính gần không đổ máu và thành lập chính phủ lâm thời. Ngày 30 tháng 5 năm 1894, hội nghị hiến pháp dự thảo hiến pháp mới cho Cộng hòa Hawaii. Cộng hòa tuyên bố chủ quyền ngày 4 tháng 7 năm 1894, cùng ngày với quốc khánh Hoa Kỳ. Sự lật đổ chế độ quân chủ là sự kiện quan trọng trong lịch sử Hawaii và vẫn còn gây ra tranh luận. Trong thời Vương quốc và chế độ cộng hòa sau đó, Lâu đài Iolani – nhà hoàng gia chính thức duy nhất tại Hoa Kỳ ngày nay – được sử dụng như trụ sở thủ phủ. Lãnh thổ Khi William McKinley thắng cử tổng thống Hoa Kỳ vào tháng 11 năm 1896, vấn đề sáp nhập Hawaii vào Hoa Kỳ được nổi lên lần nữa. Tổng thống tiền nhiệm, Grover Cleveland, là bạn của Nữ hoàng Liliuokalani. Ông phản đối việc phụ thuộc Hawaii vào Hoa Kỳ đến cuối nhiệm kỳ ông, nhưng rồi McKinley bị thuyết phục bởi những người theo chủ nghĩa bành trướng và những người muốn sáp nhập đến từ Hawaii. Ông tán thành cuộc gặp với một Ủy ban người ủng hộ việc sáp nhập đến từ Hawaii, có Lorrin Thurston, Francis Hatch, và William Kinney. Sau khi đàm phán với họ, vào tháng 6 năm 1897, ông McKinley ký hiệp ước sáp nhập với các đại biểu này của Cộng hòa Hawaii. Tổng thống sau đó gửi hiệp ước cho Quốc hội Hoa Kỳ để họ phê chuẩn. Vụ sáp nhập Hawaii vào Hoa Kỳ bị nhiều người phản đối. Hui Aloha Aina và Hui Kalaiaina tổ chức hai vận động kiến nghị, một vận động lấy gần 22.000 tên ký phản đối sáp nhập, trong khi vận động kia lấy vào khoảng 17.000 tên xin phục hồi chế độ quân chủ. Chỉ có kiến nghị 22.000 tên phản đối sáp nhập được gửi cho chính phủ Hoa Kỳ, trong khi 17.000 tên kia chưa được tìm lại. Hồi đó Lorrin Thurston chỉ trích kiến nghị được gửi do điều tra của ông chỉ ra nhiều gian lận. Dù những người đó phản đối ở quần đảo, Nghị quyết Newlands ("nghị quyết các đất mới") được thông qua Hạ Nghị viện ngày 15 tháng 6 năm 1898 với kết quả 209 người thuận và 91 người chống, và được thông qua Thượng Nghị viện ngày 6 tháng 7 năm 1898 với kết quả 42–21, sáp nhập Hawaii thành một lãnh thổ chính thức của Hoa Kỳ, mặc dù những đại biểu phản đối trong Quốc hội. Tuy một số người nghi ngờ sự hợp pháp của vụ sáp nhập này vì nghị quyết được thông qua thay vì hiệp ước, hai viện Quốc hội ủng hộ đạo luật này với đa số hai phần ba, trong khi một hiệp ước chỉ cần hai phần ba của Thượng Nghị viện thuận (Điều II, Đoạn 2, Hiến pháp Hoa Kỳ). Năm 1900, Hawaii được tự trị và giữ Lâu đài Iolani là trụ sở của thủ phủ lãnh thổ. Tuy có người thử dành cấp tiểu bang vài lần, Hawaii vẫn còn là lãnh thổ kéo dài 60 năm. Các người chủ đồn điền, như là nhóm được gọi Big Five, thấy cấp lãnh thổ rất tiện, để họ tiếp tục nhập khẩu nhân công rẻ từ ngoại quốc; chính phủ liên bang cấm nhập cư như vậy ở các tiểu bang kia. Quyền của các người chủ đồn điền cuối cùng bị vỡ do những người hoạt động chính trị mà cháu của nhân công nhập cư đầu tiên. Do họ được sinh tại lãnh thổ nước Mỹ, họ tự động là công dân Hoa Kỳ. Mong được quyền bầu cử đầy đủ, họ vận động cho cấp tiểu bang tại quần đảo Hawaii. Tiểu bang Tháng 3 năm 1959, hai viện Quốc hội thông qua Đạo luật Nhận, và Tổng thống Dwight D. Eisenhower tán thành nó. (Đạo luật này không kể đảo san hô Palmyra, ngày xưa là phần của Vương quốc và Lãnh thổ Hawaii, khi định nghĩa tiểu bang.) Ngày 27 tháng 6 năm đó, lãnh thổ này tổ chức cuộc trưng cầu dân ý để dân Hawaii biểu quyết về đạo luật đưa cấp tiểu bang. Hawaii chấp nhận nó với kết quả mỗi người chống có 17 người thuận. Ngày 21 tháng 8, các nhà thờ khắp thành phố Honolulu kêu chuông khi Hawaii được tuyên bố là tiểu bang thứ 50 của Liên bang. Sau khi giành được cấp tiểu bang, Hawaii vội trở thành tiểu bang hiện đại, ngành xây dựng và kinh tế mở mang rất nhanh. Đảng Cộng hòa Hawaii bị đuổi ra khỏi chính phủ trong cuộc bầu cử, đảng được ủng hộ rất mạnh bởi các người chủ đồn điền. Thay cho đảng này, Đảng Dân chủ Hawaii thống trị chính trị tiểu bang kéo dài 40 năm. Tiểu bang này cũng cố gắng xây lại văn hóa của thổ dân Hawaii. Hội nghị Hiến pháp Tiểu bang Hawaii năm 1978 dẫn đến thời kì mà có người gọi là "phục hưng Hawaii". Các đại biểu của tiểu bang tạo ra những chương trình mang lại ngôn ngữ và văn hóa của thổ dân Hawaii. Ngoài ra, họ cố gắng ủng hộ quyền lực thổ dân về vấn đề tiểu bang bằng cách thành lập Văn phòng Hawaii vụ (Office of Hawaiian Affairs). Nhân khẩu Dân số Năm 2005, dân số Hawaii ước tính là 1.275.194 người, tăng 13.070 người hay 1,0% so với năm trước và tăng 63.657 người hay 5,3% so với năm 2000. Số dân tăng tự nhiên là 48.111 người (96.028 sinh trừ 47.917 chết) và con số tăng do nhập cư là 16.956 người. Nhập cư từ bên ngoài Hoa Kỳ tới tiểu bang là 30.068 người trong khi có 13.112 người di cư tới các bang khác trong nước. Trung tâm dân cư của Hawaii nằm ở giữa hai đảo O’ahu và Moloka’i Hawaii trên thực tế có dân số trên 1,3 triệu người do có một số lượng lớn quân nhân cũng như khách du lịch. O’ahu là hòn đảo đông dân nhất và cũng có mật độ dân số cao nhất, tổng dân cư của đảo là khoảng gần 1 triệu người trên một diện tích 1546 km² (597 mi²). Tuổi thọ trung bình ở Hawaii năm 2000 là 79,8 năm (77,1 với nam và 82,5 với nữ), cao hơn bất kỳ tiểu bang nào tại Hoa Kỳ Thành phần dân tộc Theo điều tra của Cục thống kê Hoa Kỳ năm 2008, người Mỹ da trắng chiếm 27,1% dân số Hawaii, trong đó 24,8% là người da trắng nói tiếng Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha (Hispanic). Người da đen hay người Mỹ gốc Phi chiếm 2,4% dân số (trong đó 2,3% không phải là Hispanic). Người đa đỏ chiếm 0,2% (trong đó 0,1% không phải là Hispanic). Người Mỹ gốc Á chiếm 38,5% (trong đó 37,6% không phải là Hispanic). Người Mỹ gốc các đảo Thái Bình Dương chiếm 9% (trong đó 8,6% không phải là Hispanic). Các chủng tộc là 1,4% (trong đó 1,0% không phải là Hispanic). Người Mỹ đa chủng tộc chiếm 21,4% (trong đó 17,8% không phải là Hispanic). Người nói tiếng Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha (Hispanic) chiếm 8,7% Hawaii có tỷ lệ người Mỹ gốc Á cao nhất cả nước, trong đó có 175.000 người Mỹ gốc Philippines và 161.000 người Mỹ gốc Nhật. Ngoài ra còn có 53.000 người Mỹ gốc Hoa và 40.000 người Mỹ gốc Hàn. Người Hawaii bản địa có 77.000 người (chiếm 5,5%). Trên 110.000 nói tiếng Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha (Hispanic) coi Hawaii là quê hương của mình, trong đó người Mexico là 37.000, người Puerto Rico là 35.000. Ngoài ra, Hawaii cũng có tỷ lệ người đa chủng tộc cao nhất tại Hoa Kỳ, trong đó chủ yếu là người lai Âu-Á với gần 61.000 người . Năm sắc dân gốc Âu lớn nhất tại Hawaii là người gốc Đức, gốc Ireland, gốc Anh, gốc Bồ Đào Nha và gốc Ý. Xấp xỉ 82,2% dân cư Hawaii sinh ra tại Hoa Kỳ và 15% người sinh ra ở nước ngoài là từ châu Á. Hawaii là một trong hai tiểu bang mà người da trắng phi Hispanic không chiếm đa số, tiểu bang còn lại là New Mexico. Nguồn gốc Ba nhóm người ngoại quốc đầu tiên đến Hawaii là người Polynesia, người Âu và người Hoa, người Hoa đến trên những thuyền buôn từ năm 1789. Năm 1820, những nhà truyền giáo Hoa Kỳ đầu tiên đã tới truyền đạo Thiên Chúa và truyền bá văn minh phương Tây đến Hawaii. Họ đã thuyết phục các tù trưởng người Hawaii bản địa từ bỏ phong tục lấy người làm vật hiến tế. Một phần lớn dân số Hawaii hiện nay có tổ tiên châu Á (đặc biệt là người Philippines, người Nhật, người Hoa). Nhiều người là hậu duệ của những người nhập cư được đưa đến để làm việc trong các đồn điền trồng mía đường vào những năm 1850 và sau này. 153 người Nhật đầu tiên nhập cư vào Hawaii vào ngày 19 tháng 6 năm 1868. Họ là những người nhập cư không "hợp pháp" theo chính quyền Nhật Bản bởi thỏa thuận được ký giữa những người lái buôn và Mạc Phủ Tokugawa, sau đó bị thay thế bởi chế độ của Minh Trị Thiên Hoàng. Người nhập cư Nhật Bản được phê chuẩn đầu tiên đến vào ngày 9 tháng 2 năm 1885 sau khi có đơn thỉnh cầu của Vua Kalākaua với Nhật Hoàng Minh Trị khi ông đến thăm Nhật Bản năm 1881. Người gốc Việt Theo thống kê dân số Hoa Kỳ năm 2010 thì Hawaii có 9.779 người gốc Việt (0,7%). Nếu kể bất cứ ai mang ít nhiều dòng máu Việt thì có 13.266 người, chiếm 1% dân số tiểu bang, trong số đó 11.985 người tập trung trên đảo Oahu. Thứ nhì là đảo Maui có 641 người và thứ ba là đảo lớn Hawaii, có 496 người. Đảo Molokai chỉ có bốn người gốc Việt. Ngôn ngữ Tiếng Anh Theo thống kê năm 2000, 73,44% cư dân Hawaii từ 5 tuổi trở lên dùng tiếng Anh là ngôn ngữ duy nhất ở nhà. Đến năm 2008 theo thống kê của cuộc Điều tra Cộng đồng Hoa Kỳ thì con số này tăng lên thành 74,6%. Các ngôn ngữ thiểu số Tiếng Tây Ban Nha được 2,6% cư dân Hawaii sử dụng, 1,6% thuộc về những ngôn ngữ khác thuộc Ngữ hệ Ấn-Âu; 21% nói các ngôn ngữ châu Á và 0,% nói các ngôn ngữ khác tại nhà Sau tiếng Anh, ngôn ngữ phổ biến thứ hai là tiếng Tagalog (là ngôn ngữ chính thức tại Philippines) (5,37%), tiếng Nhật (4,96%) và tiếng Ilokano (ngôn ngữ mẹ đẻ của phần lớn người Mỹ gốc Philippines) (4,05%), tiếng Trung Quốc (1,92%), tiếng Hawaii (1,68%), tiếng Hàn (1,61%), tiếng Samoa (1,01%) Cách viết tên tiểu bang Có một bất đồng gây chia rẽ về mặt chính trị đã nảy sinh khi Hiến pháp của Tiểu Bang Hawaii đưa tiếng Hawaii là ngôn ngữ chính thức thứ hai của tiểu bang là: cách viết chính xác tên của tiểu bang. Trong Đạo luật Công cộng Hawaii, Chính phủ liên bang công nhận Hawaii là tên chính thức của tiểu bang. Các văn bản, tiêu đề chính thức của chính quyền đều sử dụng cách viết này và không có ký hiệu của âm tắc hầu hay nguyên âm dài. Tương phản, vài thực thể tư nhân như báo chí địa phương, sử dụng ký hiệu này Tiêu đề hiến pháp tiểu bang là "Hiến pháp của Tiểu bang Hawaii". Trong điều XV, mục 1 dùng "Bang Hawaii" và mục 5 chỉ rõ khẩu hiệu của tiểu bang là "Ua mau ke ea o ka aina i ka pono". Các dấu ‘okina và kahakō trong chính tả tiếng Hawaii không được sử dụng. Cuộc tranh luận tỏ ra ít được những người nói tiếng Anh bên ngoài Hawaii quan tâm. Tôn giáo Tôn giáo tại Hawaii, só liệu dựa theo năm 2000 như sau Ki-tô giáo: 351.000 (28,9%) Phật giáo: 110.000 (9%) Do Thái giáo: 10.000 (0,8%) Tôn giáo khác: 100.000 (10%) Không tham gia tổ chức tôn giáo": 650.000 (51,1%) Giáo phái lớn nhất về số lượng tín đồ là Giáo hội Công giáo với 240.813 năm 2000. "Tôn giáo khác" là các tôn giáo không phải là Kitô giáo, Phật giáo hay Do Thái giáo, gồm có tôn giáo Bahai, Khổng giáo, Đạo giáo, các tôn giáo truyền thống của Hawaii, Ấn Độ giáo, Hồi giáo, đạo Sikh, Thần đạo, Hỏa giáo và một số tôn giáo khác. "Không tham gia tổ chức tôn giáo" đề cập tới những người không thuộc về một giáo phái nào, nhóm này gồm những người theo thuyết bất khả tri, vô thần, chủ nghĩa nhân văn hay không tín ngưỡng. Kinh tế Lịch sử Hawaii có các ngành kinh tế chủ yếu: gỗ đàn hương (sandalwood), săn cá voi, sản xuất đường, dứa, quân đội, du lịch và giáo dục. Từ khi có quy chế tiểu bang năm 1959, du lịch đã trở thành ngành kinh tế lớn nhất, đống góp 24,3% Tổng sản phẩm Bang (GSP). Vào năm 1997, mặc dù vậy bang đang cố gắng đa dạng hóa nền kinh tế. Tổng thu nhập toàn tiểu bang năm 2003 là 47 tỷ đôla Mỹ, thu nhập bình quân đầu người là 30.441 đôla. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Hawaii là thực phẩm và quần áo. Các ngành công nghiệp này có vai trò không đáng kể trong kinh tế Hawaii, tuy nhiên, khoảng cách xa xôi đã ảnh hưởng đáng kể đến lợi thế cạnh tranh của tiểu bang. Các mặt hàng thực phẩm chính của tiểu bang gồm cà phê, quả hạch, dứa, thú nuôi và đường. Giá trị ngành nông nghiệp năm 2002 theo Sở Thống kê Nông nghiệp Hawaii là 370,9 triệu đô la Mỹ, sản xuất dứa là 100,6 triệu đô la và sản xuất đường là 64,3 triệu đô la. Hawaii có mức thuế khá cao. Năm 2003, cư dân Hawaii có mức thuế đầu người là 2.838 đô la Mỹ. Điều này một phần vì giáo dục, chăm sóc y tế và các dịch vụ xã hội đều được tiểu bang cung ứng, một điều không có ở các bang khác. Năm 2010, tỷ lệ triệu phú của tiểu bang cao thứ một trong cả nước. Hàng triệu du khách mang đến thu nhập cho tiểu bang khi trả thuế thông thường khi mua sắm cũng như thuế phòng khách sạn. Tuy nhiên các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng thuế của tiểu bang quá cao, góp phần làm cho giá cả cao hơn và môi trường kinh doanh không thuận lợi. Hawaii là một trong số ít các tiểu bang kiểm soát giá xăng dầu. Kể từ khi lợi nhuận của công ty dầu tại Hawaii được so sánh với Hoa Kỳ lục địa được khảo sát, luật trói buộc giá xăng dầu địa phương ngang bằng với lục địa. Vào tháng 1 năm 2010, tỷ lệ thất nghiệp toàn bang là 6,9%. Văn hóa Văn hóa bản địa Hawaii là của người Polynesia. Hawaii được coi là cực bắc của tam giác Polynesia ở phía nam và trung tâm Thái Bình Dương. Trong khi văn hóa bản địa Hawaii chỉ còn là vết tích trong xã hội Hawaii hiện đại, nhiều nghi lễ và phong tục truyền thống diễn ra khắp trên quần đảo. Một số thậm chí tác động trên toàn Hoa Kỳ như sự phổ biến của luau (bữa tiệc kiểu Hawaii) và vũ điệu hula. Hawaii có nhiều sự kiện mang tính văn hóa. Lễ hội Quốc vương Merrie là một cuộc cạnh tranh ngôi vị quán quân điệu nhảy Hula quốc tế . Bang cũng là nơi tổ chức Liên hoan Phim Quốc tế Hawaii, liên hoan phim hàng đầu của khu vực vành đai Thái Bình Dương. Y tế Năm 2009, 92% cư dân Hawaii có bảo hiểm y tế. Dưới tác dụng của các kế hoạch tiểu bang, các doanh nghiệp phải cung cấp bảo hiểm cho người lao động làm việc trên 20 tiếng mỗi tuần. Quy định này khiến cho lương của người lao động bị giảm xuống. Do được tiêm phòng bệnh nhiều, người Hawaii ít khi phải tới bệnh viện hơn các bang khác của Hoa Kỳ trong khi viện phí về căn bản là thấp hơn. Với thành tích này, những đề xuất về một hệ thống bảo hiểm y tế phổ quát tại nhiều nơi của Hoa Kỳ nhiều khi sử dụng Hawaii như một hình mẫu để đề nghị các kế hoạch chăm sóc sức khỏe liên bang cũng như tiểu bang. Tuy nhiên những người chỉ trích cho rằng sự thành công của Hawaii có phần đóng góp của khí hậu yên bình và tình trạng biệt lập nên có ít dịch bệnh, nền kinh tế Hawaii phụ thuộc vào du lịch và các doanh nghiệp cũng không hài lòng với việc chi trả bảo hiểm hiện nay tại tiểu bang Giáo dục Những người tốt nghiệp phổ thông ở Hawaii thường lập tức tham gia vào thị trường lao động, một số chuyển đến các trường đại học và cao đẳng tại Hoa Kỳ lục địa, phần còn lại theo học tại các cơ sở giáo dục bậc cao hơn tại Hawaii. Lớn nhất là hệ thống của Đại học Hawaii, bao gồm các cơ sở tại Manoa và 2 khu trường sở tại Hilo và Tây Oahu; ngoài ra còn có 7 đại học tại tiểu bang. Các đại học tư nhân bao gồm Brigham Young University–Hawaii, Chaminade University of Honolulu, Hawaii Pacific University, hay University of the Nations. Giao thông Một hệ thống xa lộ tiểu bang được xây dựng quanh các đảo chính. Chỉ có Oahu là có quốc lộ liên bang, và là khu vực duy nhất bên ngoài 48 tiểu bang liền kề nhau có ký hiệu của đường quốc lộ giữa các tiểu bang. Việc đi lại có thể chậm chạp vì các con đường thường quanh co và hẹp, còn đường ở các thành phố khá đông đúc. Mỗi đảo có một hệ thống xe bus công cộng riêng. Các chuyến bay thương mại phục vụ việc đi lại tới lục địa cũng như giữa các đảo với nhau. Hawaiian Airlines, Mokulele Airlines và go! Sử dụng các máy bay phản lực ở các sân bay lớn tại Honolulu, Lihue, Kahului, Kona và Hilo, trong khi Island Air và Pacific Wings dùng các máy bay nhỏ hơn. Các hãng hàng không này cũng cung cấp dịch vụ vận chuyển giữa các đảo. Norwegian Cruise Lines cung cấp dịch vụ du lịch bằng thuyền giữa các đảo. Hawaii Superferry có kế hoạch kết nối giữa Oahu và các đảo khác. Chú thích
Vũng Tàu là một thành phố thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, vùng Đông Nam Bộ, Việt Nam. Đây là trung tâm kinh tế, tài chính, văn hóa, du lịch, giao thông - vận tải và giáo dục và là một trong những trung tâm kinh tế của vùng Đông Nam Bộ. Sở hữu nhiều bãi biển đẹp và cơ sở hạ tầng được đầu tư hoàn chỉnh, Vũng Tàu là một địa điểm du lịch nổi tiếng tại miền Nam. Ngoài ra, thành phố còn là khu vực hậu cần của ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam. Từ ngày 2 tháng 5 năm 2012, tỉnh lỵ của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được chuyển đến thành phố Bà Rịa. Thành phố Vũng Tàu được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh đầu tiên của cả Nam Bộ. Lịch sử Thời phong kiến Lịch sử Vũng Tàu gắn liền với quá trình di dân của người Việt vào miền Nam. Con người đã sinh sống ở Vũng Tàu từ khoảng thế kỷ thứ I TCN. Trên đảo Long Sơn và sườn núi Bãi Dứa ở Vũng Tàu ngày nay, các nhà khảo cổ học đã khai quật được nhiều di chỉ mộ táng chứa di cốt người, xương răng động vật cùng nhiều đồ trang sức tuỳ táng có niên đại thuộc nền văn hóa Óc Eo-Phù Nam cổ đại. Từ thế kỷ 13, vùng đất này này được gọi là trấn Chân Bồ (chữ Hán: 真蒲). Năm 1295, sứ thần nhà Nguyên tên Chu Đạt Quan (, còn gọi là Châu Đạt Quan) theo sứ đoàn Trung Hoa đi thăm kinh đô Angkor của Chân Lạp (nay thuộc Campuchia) ngang qua vùng đất này. Lúc về ông đã kể lại trong cuốn Chân Lạp Phong Thổ Ký (chữ Hán: 真臘風土記) rằng:自溫州開洋,行丁未針。歷閩、廣海外諸州港口,過七洲洋,經交趾洋到占城。又自占城順風可半月到真蒲,乃其境也 Rời bến Ôn Châu ở Chiết Giang... đi ngang Giao Chỉ Dương và đến xứ Chiêm Thành. Ở đấy, nhờ thuận gió, trong vòng 15 ngày ta có thể đến Chân Bồ, đó là biên giới xứ Chân Lạp.Đầu thế kỷ 16, vùng đất nay là Vũng Tàu đã được nhiều nhà du hành châu Âu để chân tới trên con đường tìm kiếm thị trường cũng như khai thác các nguồn hàng mới ở châu Á. Thương nhân Bồ Đào Nha đã gọi vùng đất này là Oporto Cinco Chagas Verdareiras với ý nghĩa là “vịnh nằm giữa những núi Cinco Chagas”. Nơi đây có thể cung cấp nước ngọt, củi đốt và cả gỗ tốt để làm cột buồm cho những chuyến hải trình tiếp theo. Từ năm 1775, tàu thuyền của Bồ Đào Nha và Pháp ra vào vùng biển Vũng Tàu để buôn bán, trao đổi hàng hóa, và từ đấy người Pháp gọi Vũng Tàu với tên Cap Saint-Jacques (nghĩa là "Mũi đất của Thánh Giacôbê"). Từ các thế kỷ 16, 17, vì chiến tranh, nội loạn liên miên, người Việt từ các vùng Thuận-Quảng đã bỏ xứ phiêu bạt vào miền Nam sinh sống, trong đó có vùng Mô Xoài (Bà Rịa) và trấn Chân Bồ. Sau khi thống nhất nước nhà và lập ra triều Nguyễn, hoàng đế Gia Long đã cử ba đội quân đến đây xây dựng đồn lũy, chống hải tặc, trấn giữ cửa biển. Sau khi nạn cướp biển chấm dứt, vua Minh Mạng cho ba lớp lính trên giải ngũ và lập ra ba làng Thắng Nhất, Thắng Nhì, Thắng Tam. Ba làng này được gọi chung là Tam Thắng, sau đổi tên thành Phước Thắng thuộc phủ Phước Tuy. Trong bộ Phủ biên tạp lục (chữ Hán: 撫邊雜錄) năm 1776 của Lê Quý Đôn có nhắc đến bán đảo Vũng Tàu: "Đầu địa giới Gia Định là xứ Vũng Tàu, nơi hải đảo có dân cư." Tác phẩm Đại Nam nhất thống chí (chữ Hán: 大南一統志) thời nhà Nguyễn có ghi chép lại: "... trong có vũng lớn gọi là Vũng Tàu, ngày để che chở cho tàu thuyền đỗ nghỉ. Trên núi có suối nước ngọt, chân núi tụ họp dân chài, thật là chỗ cửa quan xung yếu." Pháp thuộc (1859–1945) Ngày 10 tháng 2 năm 1859 tức mồng 8 Tết Kỷ Mùi, quan quân nhà Nguyễn đã khai hỏa lần đầu tiên những khẩu súng thần công đặt ở pháo đài Phước Thắng, cao 30 m và cách bờ biển Bãi Trước gần 100 m, bắn vào đoàn chiến thuyền của liên quân Pháp-Tây Ban Nha do tướng Rigault de Genouilly chỉ huy trên đường vào xâm lược Nam Kỳ, Ở Nam Kỳ, cuộc kháng chiến chống Pháp bắt đầu. Nguyên soái Trần Đồng, tổng chỉ huy thủy quân của nhà Nguyễn, bị giết trong trận giao chiến này. Năm 1876 Vũng Tàu được xếp vào hạt tham biện Bà Rịa, nằm trong khu vực hành chánh (circonscription administrative) Sài Gòn, theo nghị định phân chia hành chính của thực dân Pháp. Ngày 1 tháng 5 năm 1895 Thống đốc Nam Kỳ ra nghị định tách thị xã Cap Saint Jacques ra khỏi tiểu khu Bà Rịa để lập thành phố tự trị (commune autonome) Cap Saint Jacques. Đứng đầu đô thị này là đốc lý (résident maire). Đến ngày 20 tháng 1 năm 1898, Cap Saint Jacques hợp nhất trở lại với tiểu khu Bà Rịa, đến năm 1899 lại tách ra thành hai đơn vị hành chính độc lập. Ngày 14 tháng 1 năm 1899 thành phố tự trị Cap Saint Jacques thành lập tổng Vũng Tàu gồm 7 xã. Trong khoảng thời gian từ 1895-1900, chính quyền bảo hộ Pháp đã xây dựng nhiều bến cảng, nhà máy nhiệt điện, đường dây điện tín và khách sạn cao cấp, biến Vũng Tàu thành thành phố cảng, du lịch, nghỉ mát lớn nhất của Nam Bộ và trung tâm đánh bắt hải sản lớn của vùng. Tòa thanh tra (l'Inspection) đặt tại đường Boulevard des Landes (nay là đường Quang Trung). Người Pháp cũng xây dựng Vũng Tàu thành tuyến phòng thủ quân sự quy mô kiên cố với 3 trận địa pháo cùng nhiều hầm, hào vững chắc nằm rải rác trên đỉnh và sườn Núi Lớn, Núi Nhỏ. Rải rác trong nội ô và ngoại ô Vũng Tàu là các doanh trại của lính Pháp tại Đông Dương. Dân số Vũng Tàu cũng tăng lên nhanh chóng, từ 5.690 người năm 1901, trong đó có gần 2.000 người di cư từ miền Bắc vào, sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt thủy hải sản. Đến thập niên 1930, dân số đạt 8.100 người và năm 1955 đã lên tới 29.390 người. Sau cuộc chính biến Cần vương không thành, người Pháp đã đưa vua Thành Thái về quản thúc ở đây từ năm 1907 đến 1916, trước khi bị đẩy đi đảo Réunion. Ngày 1 tháng 4 năm 1905 theo nghị định của Toàn quyền Đông Dương, Cap Saint Jacques không còn là thành phố tự trị và trở thành đại lý hành chính thuộc tỉnh Bà Rịa. Ngày 5-7-1928, Thống đốc Nam kỳ ra nghị định tách phần đất tổng Vũng Tàu gồm xã Sơn Long, ba xã Thắng Nhất, Thắng Nhì, Thắng Tam của Đại lý Cap Saint Jacques và quận Cần Giờ gồm các xã Cần Thạnh, Đồng Hòa, Thạnh An, Tân Thạnh, lập tỉnh Cap Saint Jacques. Đến năm 1935 tỉnh Cap Saint Jacques lại hạ cấp xuống thành thị xã (commune). Năm 1947 tái lập tỉnh với tên Vũng Tàu gồm cả quận Cần Giờ của tỉnh Gia Định nhập vào, nhưng đến năm 1952 lại giải thể tỉnh, hạ thành thị xã. Hiệp định Genève Sau khi Hiệp định Genève được ký kết, chính quyền Việt Nam Cộng Hoà đưa nhiều người Công giáo vào Vũng Tàu và lập 3 trung tâm định cư ở đây. Những người này xây làng lập ấp ở các khu vực Bến Đá, Rạch Dừa, Phước Thắng, Nam Bình, hình thành nên nhiều xứ đạo Công giáo toàn tòng. Với vị trí chiến lược ngay cửa biển sát đô thành Sài Gòn, chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã củng cố và phát triển Vũng Tàu thành tuyến phòng sự chiến lược. Sau khi tiếp quản các cơ sở quân sự của Pháp tại đây, Quân lực Việt Nam Cộng hòa và thiết lập nhiều cơ sở huấn luyện lớn như Trường Quân cảnh, Thiếu sinh quân và Quân Y Viện. Trong giai đoạn 1964 - 1972, quân đội Hoàng gia Úc đã huy động tổng cộng 61.000 quân Hải, Lục, Không quân đến phục vụ tại Vũng Tàu. Phi trường Vũng Tàu trở thành một sân bay quân sự quan trọng tại Nam phần. Với ưu đãi về tự nhiên, Vũng Tàu cũng trở thành một thành phố du lịch và nghỉ mát nổi tiếng của Nam phần khi đó. Ngoài nghề đánh bắt, chế biến hải sản và trồng trọt nương rẫy truyền thống, nhiều cơ sở hạ tầng được xây dựng, cửa hàng cửa hiệu, cơ sở dịch vụ, phục vụ cho việc ăn chơi, giải trí của các cố vấn Mỹ và các quan chức chính quyền Sài Gòn được khẩn trương hoàn thiện, khiến cho bộ mặt thành phố ngày một hoa lệ. Khu biệt thự Lam Sơn ở gần Bãi Trước và dãy quán bar ở đường Quang Trung, Trưng Trắc là các địa điểm giải trí quen thuộc của những người lính ngoại quốc trong thời kỳ này. Trong cuộc chỉnh lý năm 1964, tướng Nguyễn Khánh đã tổ chức một hội nghị cấp chính phủ ở Vũng Tàu để thông qua một sắc luật gọi là “Hiến chương Vũng Tàu” nhằm trao quyền lực cho ông suốt đời. Cho tới ngày 30 tháng 4 năm 1975, thành phố chỉ có 2 trường trung học Trung học Vũng Tàu, được thành lập năm 1954 và Trung học tư thục Thánh Giuse, và một bệnh viện công cộng (Bệnh viện Lê Lợi). Cư dân chủ yếu sinh sống ở khu vực trung tâm phía Nam bán đảo và dải bờ biển phía Tây dọc theo các làng Thắng Nhì, Thắng Nhứt cũ. Trong thời kỳ này, Vũng Tàu trải qua nhiều biến động hành chánh lớn, như chuyển thành quận thuộc tỉnh Phước Tuy (1956), rồi lại nâng lên thị xã trực thuộc trung ương mang tên gọi Đặc khu Vũng Tàu (năm 1964). Đứng đầu chính quyền thị xã là thị trưởng kiêm đặc khu trưởng. Các phân khu thuộc Vũng Tàu lúc đầu mang tên xã (1958), sau đó đổi thành khu phố (1965), rồi chuyển thành phường (năm 1972). Đứng đầu mỗi phường gồm có Hội đồng nhân dân (hội đồng phường) và Ủy ban hành chánh (đứng đầu là Chủ tịch kiêm ủy viên hộ tịch). Tính đến cuối tháng 4 năm 1975, thị xã Vũng Tàu có tổng cộng 6 phường: Vũng Tàu, Thắng Nhứt, Thắng Nhì, Thắng Tam, Phước Hải và Phước Thắng. Những ngày cuối tháng 4 năm 1975, Vũng Tàu là nơi di tản của tàn quân của Việt Nam Cộng Hòa từ các nơi đổ về. Trong hai ngày 28-29/4, các lực lượng thuộc Sư đoàn 3, Quân đội nhân dân Việt Nam đã tấn công đánh chiếm thị xã Vũng Tàu. Dù cầu Cỏ May đã bị đánh sập, các lực lượng của sư đoàn đã tổ chức nhiều đợt vượt sông qua phía Cửa Lấp. và giao tranh ác liệt với các lực lượng Quân lực VNCH đang cố thủ tại các cứ điểm cầu Cỏ May, ấp Phước Thành và khách sạn Palace. Cuộc chiến kết thúc lúc 13 giờ 30 trưa ngày 30 tháng 4, sau khi toán sĩ quan cố thủ tại khách sạn Palace ra hàng. Ngày thống nhất Sau ngày thống nhất đất nước, thị xã Vũng Tàu được chuyển thành thành phố Vũng Tàu trực thuộc Cộng hòa Miền Nam Việt Nam mới tiếp quản. Ủy ban Quân quản thành phố Vũng Tàu được thành lập ngày 1 tháng 5 năm 1975 do Phạm Văn Hy (Tư Hy), Bí thư Thành ủy làm Chủ tịch. Một năm sau đó, chính phủ thành lập tỉnh Đồng Nai trên cơ sở sáp nhập các tỉnh Phước Tuy, Long Khánh, Biên Hòa vào tháng 2 năm 1976, Vũng Tàu lại hạ cấp thành thị xã trực thuộc tỉnh này. Đứng đầu chính quyền là Ủy ban Nhân dân Cách mạng thị xã Vũng Tàu. Các chiến dịch cải tạo tư sản và cải cách công thương nghiệp đi kèm với chính sách kinh tế quan liêu, bao cấp trong những năm sau đó đã khiến cho nền kinh tế miền Nam nói chung và địa phương nói riêng lâm vào trì trệ. Vũng Tàu trở thành một điểm xuất phát lớn của nạn vượt biên trái phép. Đặc khu dầu khí Nhằm phục vụ ngành công nghiệp khai thác dầu khí non trẻ, năm 1979, Hội đồng chính phủ quyết định thành lập Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo trên cơ sở sáp nhập thị xã Vũng Tàu, xã Long Sơn thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Nai và huyện Côn Đảo thuộc tỉnh Hậu Giang. Đặc khu này được chia thành quận (Côn Đảo), 5 phường: Châu Thành, Thắng Nhất, Thắng Nhì, Thắng Tam, Phước Thắng và xã Long Sơn. Một khu hậu cần dịch vụ cảng biển phục vụ xuất nhập khẩu vật tư kỹ thuật và sản phẩm dầu khí được thiết lập ở khu đầm lầy dọc theo bờ vịnh Gành Rái. Thành phố cũng tiếp đón hơn 2.000 cán bộ, chuyên gia Liên Xô đến làm việc trong Liên doanh dầu khí Việt Xô (Vietsovpetro). Nhằm tạo điều kiện cho các chuyên gia an tâm công tác, năm 1985, chính quyền đặc khu và Tổng cục Dầu khí đã xây dựng một khu tập thể riêng dành cho những người này thường gọi là "khu 5 tầng". Hiện nay, khu chung cư này vẫn còn hơn 520 hộ với khoảng 1000 người Nga sinh sống và làm việc. Năm 1985, đặc khu khánh thành chợ Vũng Tàu mới trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa gần bến xe Vũng Tàu, với tổng diện tích 3.370m2 để thay thế chợ Vũng Tàu cũ ở đường Lý Thường Kiệt. Chợ tiếp nhận hầu hết các sạp hàng rau củ quả từ chợ cũ chuyển qua. Ngôi chợ cũ ở đường Lý Thường Kiệt vẫn còn được phép hoạt động kinh doanh các mặt hàng quần áo và trang sức đến năm 2000 mới gỡ bỏ. Năm 1986, giải thể 5 phường hiện hữu để thay bằng 11 phường mang tên số và đánh số (từ 1 đến 11). Thành phố Vũng Tàu Tháng 8 năm 1991, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được thành lập từ Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo và 3 huyện thuộc tỉnh Đồng Nai. Đồng thời, thành phố Vũng Tàu được thành lập trên cơ sở 11 phường và xã Long Sơn của đặc khu vừa giải thể và trở thành tỉnh lỵ của tỉnh này (đến năm 2012, tỉnh lỵ Bà Rịa - Vũng Tàu chuyển về thị xã Bà Rịa (nay là thành phố Bà Rịa)). Thành công từ công cuộc đổi mới nền kinh tế và nguồn lợi từ xuất khẩu thủy sản, dầu khí đem lại nguồn ngân sách lớn cho tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tạo chuyển biến tích cực để đẩy lùi khủng hoảng kinh tế-xã hội. Các ngành du lịch và sản xuất công nghiệp bắt đầu phát triển mạnh. Năm 1996, thành phố khánh thành khu công nghiệp Đông Xuyên. Những năm cuối thập niên 1990 và 2000, thành phố tiến hành công cuộc lột xác ngoạn mục với việc thi công cải tạo các tuyến đường nội ô, và mở rộng nhiều công trình trọng điểm như đường trục Lê Hồng Phong, xây dựng vòng xoay Ngã Năm và vòng xoay Đài Liệt sĩ. Đường 3 Tháng 2 (Quốc lộ 51C) cũng được xây dựng và khánh thành trong giai đoạn này, thay thế đường 30 tháng 4 (Quốc lộ 51A) để trở thành con đường trục chính dẫn vào Thành phố. Đến đầu năm 2005, 100% các tuyến đường và ngõ hẻm được trải nhựa và kiên cố hóa góp phần xây dựng bộ mặt đô thị văn minh, hiện đại. Ngày 16 tháng 9 năm 1999, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 186/1999/QĐ-TTg công nhận thành phố Vũng Tàu là đô thị loại II. Từ năm 2000 đến nay Thập niên 2000-2010 là giai đoạn bùng nổ xây dựng với sự ra đời của nhiều khu đô thị mới khang trang, hiện đại như Trung tâm Thương mại phường 7, khu đô thị mới Chí Linh, khu đô thị Đại An và nhiều công trình đẹp mắt khác như Bến tàu khách Cầu Đá, Cáp treo Hồ Mây Núi Lớn,... Việc khánh thành các cầu lớn như Cửa Lấp, Chà Và và Gò Găng đã phá thế độc đạo của Cầu Cỏ May, giúp việc lưu thông giữa thành phố Vũng Tàu đến các địa phương lân cận được nhanh chóng, dễ dàng hơn. Cũng trong thập niên này, thành phố đã thành lập thêm 5 phường mới, bao gồm: phường 12 (tách ra từ phường 11 vào năm 2002), Thắng Nhất (tách ra từ phường 9 vào năm 2003), Thắng Tam (tách ra từ phường 2 vào năm 2004), Nguyễn An Ninh (tách ra từ phường 8 vào năm 2004) và Rạch Dừa (tách ra từ phường 10 vào năm 2004) trên cơ sở tách ra từ các phường lân cận. Với nền kinh tế phát triển cao và ổn định, đời sống nhân dân được cải thiện và cơ sở hạ tầng khang trang, thành phố Vũng Tàu đã vinh dự được Thủ tướng chính phủ ký Quyết định 612/QĐ-TTg công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào ngày 23 tháng 4 năm 2013. Ngày 16 tháng 12 năm 2014, đổi tên phường 6 thành phường Thắng Nhì. Thành phố Vũng Tàu có 16 phường và 1 xã trực thuộc như hiện nay. Địa lý Vị trí địa lý Vũng Tàu bao gồm một phần lớn lãnh thổ nằm trên bán đảo cùng tên, cùng với đảo Long Sơn và đảo Gò Găng toạ lạc ở phía nam của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Thành phố nằm cách Thành phố Hồ Chí Minh 95 km về phía Đông Nam theo đường bộ và 80 km theo đường chim bay, và là cửa ngõ quan trọng của vùng Đông Nam Bộ ra biển. Địa giới hành chính: Phía đông giáp huyện Long Điền Phía tây giáp vịnh Gành Rái Phía nam, đông nam và tây nam giáp Biển Đông Phía bắc giáp thành phố Bà Rịa và thị xã Phú Mỹ. Nếu nhìn theo chiều Bắc-Nam, Vũng Tàu nằm ở khúc quanh đang đổi hướng từ Nam sang Tây của phần dưới chữ S (bản đồ Việt Nam) và nhô hẳn ra khỏi đất liền như một dải đất có chiều dài khoảng 14 km và chiều rộng khoảng 6 km. Thành phố Vũng Tàu có diện tích 141,1 km² và dân số 527.025 người (năm 2018). Theo thống kê thì tính đến tháng 9/2017 thành phố có 112.358 hộ với tổng số 673.540 nhân khẩu được quản lý thông qua hệ thống phần mềm quản lý nhân khẩu, hộ khẩu của Công an Thành phố. Nếu tính cả những người đang làm việc và sinh sống lâu năm nhưng không có hộ khẩu tại Vũng Tàu thì dân số thực tế lớn hơn rất nhiều. Hiện nay thành phố đang triển khai đầu tư xây dựng khu đô thị Chí Linh nằm trên đường Bình Giã. Địa hình & địa chất Thành phố Vũng Tàu nằm ở điểm gặp nhau của 3 đới đứt gãy kiến tạo: Đới sông Tiền, đới sông Sài Gòn và đới Hàm Tân-Vũng Tàu. Theo thống kê của Viện Vật lý và Địa cầu, cứ 50 năm khả năng xảy ra động đất ở khu vực này một đợt. Thành phố Vũng Tàu có thể chia làm 2 vùng đặc trưng: bán đảo Vũng Tàu và hải đảo ven bờ. Bán đảo Vũng Tàu dài và hẹp diện tích 82,86 km2, độ cao trung bình 3-4m so với mặt biển và 42 km bờ biển bao quanh. Địa hình của bán đảo chủ yếu gồm đồng bằng chiêm trũng với nhiều ao, hồ đầm nằm rải rác xen lẫn đất gò đồi khô hạn. Phần phía Tây Nam của bán đảo có hai dãy núi Lớn (Tương Kỳ) và Núi Nhỏ (Tao Phùng) án ngữ. Trên hai dãy núi có rừng cây hỗn hợp. Dọc bờ biển phía Đông có dải đồi cát cùng rừng dương chạy và dải bờ biển kéo dài hơn 8 km từ chân Núi Nhỏ đến Cửa Lấp. Phía bắc của bán đảo là vùng rừng ngập mặn tự nhiên với nhiều sông suối nước lợ. Trên núi Nhỏ có ngọn hải đăng cao 18 m, chiếu xa tới 30 hải lý và có tuổi đời trên 100 năm, được coi là ngọn hải đăng lâu đời nhất Việt Nam. Trên núi lớn có Hồ Mây là một hồ nước ngọt lớn và rừng nguyên sinh. Thành phố được bao bọc bởi biển, các cánh rừng nguyên sinh, các ngọn núi cao, ngoài ra còn có sông và nhiều hồ nước lớn giúp khí hậu nơi đây quanh năm mát mẻ ôn hòa, trong thành phố có rất nhiều cây xanh và hoa được trồng ở mọi nơi. Khí hậu Hành chính Phân cấp hành chính Thành phố Vũng Tàu có 17 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 16 phường: 1, 2, 3, 4, 5, 7, 8, 9, 10, 11, 12, Thắng Nhất, Thắng Nhì, Thắng Tam, Nguyễn An Ninh, Rạch Dừa và 1 xã: Long Sơn. Chính trị Cơ quan nhà nước ở Vũng Tàu được quy định bởi Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, bao gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Đảng Cộng sản Việt Nam Về phía Đảng ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Vũng Tàu (Thành ủy Vũng Tàu) là cơ quan lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam tại địa phương và chịu trách nhiệm thực thi đường lối của đảng và lãnh đạo chính quyền địa phương. Người đứng đầu cơ quan này là ông Trần Đình Khoa, Bí thư Thành ủy, nhậm chức từ năm 2015. Văn phòng Thành uỷ đặt tại số 45 Bacu, Phường 1. Hiện nay, thành phố đang triển khai dự án Trung tâm hành chính mới đặt tại Đường 2 Tháng 9, Phường 11 với quy mô khoảng 5,03 ha. Khi hoàn thành, các cơ quan trên sẽ chuyển về Trung tâm hành chính mới. Lập pháp Hội đồng nhân dân (HĐND) giữ vai trò hành pháp và giám sát Ủy ban nhân dân và các ngành chức năng ở địa phương. Các đại biểu hội đồng nhân dân được cử tri thành phố trực tiếp bầu lên theo nhiệm kỳ năm năm. Hội đồng nhân dân thành phố Vũng Tàu khóa 7 nhiệm kỳ 2021–2026 bao gồm 35 đại biểu được bầu tại kỳ Bầu cử Quốc hội Việt Nam khóa XV. Đứng đầu cơ quan này là bà Lê Thị Thanh Bình - Chủ tịch, và ông Nguyễn Việt Dũng - Phó chủ tịch. Hành pháp Ủy ban nhân dân (UBND) là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân và là cơ quan hành chính nhà nước do Hội đồng nhân dân bầu ra. Người đứng đầu UBND thành phố hiện nay là ông Hoàng Vũ Thảnh, Phó Bí thư thành uỷ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân. Ông được giao giữ chức Quyền chủ tịch vào tháng 10 năm 2020 sau khi ông Nguyễn Lập, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân được chấp thuận nghỉ hưu. Ngoài ra có 2 phó chủ tịch Ủy ban nhân dân là ông Vũ Hồng Thuấn và bà Nguyễn Thị Thu Hương. Văn phòng Hội đồng Nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố Vũng Tàu đặt tại số 89 đường Lý Thường Kiệt, Phường 1. Các phiên họp của Hội đồng nhân dân được tổ chức tại Hội trường Thành uỷ Vũng Tàu, số 76 Trương Công Định, Phường 3. Tư pháp Tòa án Nhân dân Thành phố Vũng Tàu là cơ quan tố tụng, xét xử của Nhà nước ở cấp địa phương. Trụ sở của tòa đặt tại số 989 Đường 2 Tháng 9, phường 11. Viện kiểm sát nhân dân thành phố Vũng Tàu là cơ quan thi hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp theo quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân. Viện có trụ sở tại 52 Trần Hưng Đạo, phường 1. Bầu cử Quốc hội Ở cấp Quốc hội, thành phố Vũng Tàu nằm trong đơn vị bầu cử số 1 cùng với các huyện Long Điền, Đất Đỏ và Côn Đảo với 3 đại biểu đại diện. Các đại biểu đương nhiệm trong nhiệm kỳ 2021-2026 là: Nguyễn Tâm Hùng Phạm Bình Minh Huỳnh Thị Phúc Tỉnh Ở cấp tỉnh, thành phố Vũng Tàu được chia thành 3 đơn vị bầu cử để chọn ra 15 đại biểu cho Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026. Đó là các đơn vị sau: Đơn vị bầu cử số 01 (bầu 05 đại biểu): gồm các Phường: 1, 2, 3, 4, 5, 7 và Thắng Tam. Đơn vị bầu cử số 02 (bầu 05 đại biểu): gồm các Phường: 8, 9, 10, Thắng Nhì, Rạch Dừa và Nguyễn An Ninh. Đơn vị bầu cử số 03 (bầu 05 đại biểu): gồm các Phường: 11, 12, Thắng Nhất và xã Long Sơn. Thành phố Ở cấp thành phố, thành phố Vũng Tàu được chia thành 7 đơn vị bầu cử với tổng cộng 35 đại biểu. Xã, phường Ở cấp xã, có tổng cộng 16 hội đồng nhân dân tại 15 phường và 1 xã trên địa bàn thành phố. Số đại biểu tổng cộng được bầu tại kỳ bầu cử năm 2021 là 392 người. Kinh tế Là thành phố lớn trong Vùng kinh tế trọng điểm Nam bộ, Vũng Tàu có nền kinh tế năng động với thế mạnh về dịch vụ dầu khí, cảng biển, đánh bắt thủy sản và du lịch. Nằm trên thềm bờ biển của một khu vực giàu dầu khí và khí đốt, Vũng Tàu là cứ địa của ngành dầu khí Việt Nam. Thành phố là nơi đặt trụ sở Xí nghiệp liên doanh Dầu khí Việt-Xô (Vietsovpetro), doanh nghiệp chủ lực khai thác, thăm dò và khai thác các sản phẩm dầu khí từ các giàn khoan từ mỏ ngoài khơi vào bờ. Bên cạnh đó là khu cảng dầu khí với nhiều cơ sở hậu cần cho xuất khẩu, vận tải và cung ứng thiết bị liên quan đến ngành này. Trên địa bàn thành phố hiện có 2 khu công nghiệp lớn là Khu công nghiệp Đông Xuyên (160 ha), Khu công nghiệp dầu khí Long Sơn (1.250 ha) hiện đang triển khai dự án nhà máy lọc dầu Long Sơn và tổ hợp hóa dầu miền Nam. Ngoài ra thành phố còn có hơn 10 cảng biển và cảng sông phục vụ ngành dầu khí, quốc phòng, đóng tàu và xuất nhập khẩu, hiện thành phố cũng đang triển khai dự án cảng trung chuyển Container quốc tế Sao Mai - Bến Đình. Ngày 24/2/2018, Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam (Long Sơn Petrochemicals - LSP) với tổng vốn đầu tư 5,4 tỷ USD đã tổ chức khởi công tại Long Sơn, Vũng Tàu. Đây là tổ hợp hoá dầu đầu tiên tại Việt Nam với công suất lên tới 1,6 triệu tấn/ năm, có khả năng thay thế các sản phẩm polyolefins đang phải nhập khẩu. Dự án cũng bao gồm các cơ sở hạ tầng khác bên cạnh tổ hợp sản xuất hoá dầu, khu cảng nước sâu. Dự án được kỳ vọng sẽ tạo ra khoảng 15.000-20.000 việc làm trong quá trình xây dựng, hơn 1.000 lao động có kỹ thuật cao khi đi vào vận hành thương mại.Dự án cũng ước tính sẽ góp 60 triệu USD/năm cho ngân sách quốc gia trong suốt 30 năm kể từ khi đi vào hoạt động. Với đường bờ biển dài và nhiều làng chài truyền thống nên nghề khai thác, chế biến thủy, hải sản từ lâu đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Vũng Tàu. Trên địa bàn thành phố có 6 cảng cá lớn, chủ yếu tập trung ở bờ vịnh Gành Rái cùng nhiều cơ sở tránh trú bão kiên cố, hiện đại. Khu vực quanh cửa các sông Cỏ May, Chà Và và quanh đảo Long Sơn đã phát triển thêm ngành nuôi trồng thủy sản, đặc biệt nuôi trên lồng bè, đem lại giá trị lớn về kinh tế và du lịch. Nghề thủ công sản xuất hàng mỹ nghệ của Vũng Tàu cũng phát triển. Những đồ trang sức được làm công phu từ các sản phẩm như vỏ ốc, đồi mồi... Là trung tâm kinh tế - văn hóa tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Vũng Tàu được nhiều người biết đến không chỉ với hình ảnh một thành phố biển tươi đẹp, quyến rũ, mà còn là một trong những địa phương làm tốt công tác xúc tiến đầu tư, thu hút các nguồn vốn trong và ngoài nước. Trong các năm 2005-2010, đã có thêm 51 dự án nước ngoài có vốn đầu tư đăng ký 6,806 tỷ USD và trong 3 năm 2007- 2009, có 11 dự án trong nước đã được cấp phép với vốn đăng ký 12.457 tỷ đồng. Từ nguồn ngân sách tỉnh tăng cường, cùng một phần ngân sách của nguồn vượt thu, thành phố đã từng bước hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng cơ sở. Nhiều công trình trọng điểm trong các lĩnh vực giao thông, cấp thoát nước, trường học, trạm y tế, trụ sở văn phòng làm việc và các công trình phúc lợi khác hoàn thành đã phát huy hiệu quả, thúc đẩy kinh tế - xã hội thành phố phát triển, cải thiện đời sống nhân dân. Trong 20 năm 1991-2011, với tốc độ tăng trưởng hàng năm bình quân là 18%/năm, TP. Vũng Tàu đã không ngừng vươn lên về mọi mặt để xứng đáng với vai trò là một đô thị tỉnh lỵ, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh. Phát triển kinh tế tại TP. Vũng Tàu trong những năm qua không chỉ đạt được sự tăng trưởng cao mà còn bảo đảm những yêu cầu của sự phát triển bền vững, theo đúng định hướng, cơ cấu phát triển kinh tế của địa phương. Tổng sản phẩm nội địa (không tính dầu khí) tăng bình quân hàng năm 22,6%. Thu nhập bình quân đầu người (không tính dầu khí) đạt 6.060 USD/người/năm. Doanh thu ngành dịch vụ năm 2011 là 9.000 tỷ đồng, gấp 170 lần so với năm 1992. Trong đó, doanh thu dịch vụ du lịch đến năm 2011 ước đạt 2.500 tỷ đồng, tăng gấp 100 lần so với năm 1992. Tổng thu ngân sách năm 2011 ước đạt 2.500 tỷ đồng, gấp 179 lần so với thời điểm mới thành lập thành phố. Đời sống nhân dân được nâng cao, không có hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,02%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng theo hướng dịch vụ - công nghiệp – chế biến trong đó dịch vụ – du lịch chiếm 71,01%; công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp: 14,01%; hải sản: 14,98%. Phấn đấu GDP bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 12.000 USD. Trong đó, chú trọng tăng vốn đầu tư cho ngành thương mại (tăng bình quân 29%/năm), doanh thu tăng bình quân 35%/năm. Trên địa bàn thành phố hiện có 2 Khu công nghiệp tập trung là: Khu Công nghiệp Đông Xuyên và Khu Công nghiệp Dầu khí Long Sơn. Ngoài ra, dự án Trung tâm hành chính TP. Vũng Tàu cũng đang được khẩn trương tiến hành để chào mừng 20 năm thành lập tỉnh và 20 năm thành lập TP. Vũng Tàu (1991 - 2011). Hiện nay, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án nhanh chóng triển khai việc thỏa thuận địa điểm xây dựng dự án, lập quy hoạch và thiết kế, giải phóng mặt bằng, tổ chức thi tuyển quy hoạch và thiết kế công trình, lập dự án đầu tư xây dựng, tổ chức đấu thầu. Việc xây dựng Khu trung tâm hành chính TP. Vũng Tàu mới tại phường 11 nhằm đáp ứng được quy mô một Trung tâm hành chính của đô thị loại I. Giáo dục Về mặt hành chính, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố quản lý các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Các trường đại học, cao đẳng và trung học phổ thông do Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý theo quy định của pháp luật. Hệ thống giáo dục mầm non và phổ thông phân bố đều trên các khu dân cư trong thành phố. Theo thống kê hiện tại, trên địa bàn thành phố Vũng Tàu có: 43 trường mầm non 25 trường tiểu học 17 trường trung học cơ sở 9 trường trung học phổ thông. (5 trường dân lập và tư thục, trong đó có 1 trường đào tạo hai bậc học (trường Lê Hồng Phong) và 1 trường đào tạo 3 bậc học (trường Nguyễn Thị Minh Khai)) 39 trung tâm ngoại ngữ do các doanh nghiệp tư nhân đầu tư. 1 trường đại học 3 trường cao đẳng 2 trường trung cấp Trong đó Trường Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu, một trường tư thục, đào tạo đa ngành, có 3 cơ sở đào tạo tại thành phố Vũng Tàu. Hệ cao đẳng có 3 trường trên địa bàn thành phố là Trường Cao đẳng Kỹ thuật - Công nghệ Bà Rịa – Vũng Tàu, Trường Cao đẳng Nghề Du lịch Vũng Tàu (thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) và Trường Cao đẳng Dầu khí (thuộc Tập đoàn dầu khí Việt Nam). Hệ Trung học chuyên nghiệp có 1 trường là: Trường Trung học Y tế Bà Rịa – Vũng Tàu. Trường Trung học Phổ thông Vũng Tàu, tiền thân là Trung học Vũng Tàu, được thành lập năm 1954 và là trường trung học đầu tiên của cả tỉnh. Y tế TP. Vũng Tàu có 1 bệnh viện, 2 trung tâm y tế và nhiều trạm y tế phường, xã Bệnh viện Vũng Tàu (Bệnh viện Lê Lợi cũ) Trung tâm y tế Vietsovpetro Trung tâm y tế thành phố Vũng Tàu. Nhân khẩu Tính đến năm 2019, dân số Vũng Tàu đạt 527.025 người. Mật độ dân số đạt 3.737 người/km2. Dân số Vũng Tàu qua các thời kỳ Văn hóa - du lịch Là vùng đất mới được thành lập trong quá trình Nam tiến của người Việt, đời sống văn hoá của Vũng Tàu là sự dung hòa từ nhiều yếu tố của các vùng miền hoà quyện cùng bản sắc miền biển rất riêng của địa phương. Lễ hội văn hóa Lễ hội nghinh Ông - Vũng Tàu - Tục thờ cá Ông Đây là lễ hội dân gian truyền thống của ngư dân Vũng Tàu và là dịp quan trọng nhất để ngư dân tri ân Cá Ông (cá voi), vị cứu tinh theo quan niệm của những người đánh cá và làm nghề biển nói chung. Lễ hội nghinh Ông được tổ chức vào ngày 16, 17, 18 tháng 8 âm lịch hàng năm tại Đình Thắng Tam, thành phố Vũng Tàu. Lễ hội đi kèm với diệu hành rước kiệu, hình tượng Cá Ông và biểu diễn nghệ thuật trên các tuyến đường trung tâm thành phố. Lễ hội Đình thần Thắng Tam Tổ chức 4 ngày, từ ngày 17 đến 20 tháng 2 âm lịch. Lễ hội Miếu Bà Ngũ Hành Tổ chức từ ngày 16 đến 18/10 âm lịch tại Miếu bà Ngũ Hành, nằm bên cạnh đình thần Thắng Tam, đường Hoàng Hoa Thám, phường Thắng Tam. Lễ hội bắn súng Thần Công Tổ chức vào những dịp khai hội đầu năm và các sự kiện lịch trọng đại của thành phố và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Địa điểm: di tích Bạch Dinh, số 10 đường Trần Phú. Đại lễ kính Đức Maria, mẹ Thiên Chúa. Được tổ chức tại Đền thánh Đức Mẹ Bãi Dâu vào ngày 1 tháng 1 dương lịch hàng năm nhằm mừng kính Đức Maria, mẹ Thiên Chúa bổn mạng của Giáo phận Bà Rịa do chính Đức Giám mục Giáo phận chủ sự cùng với các linh mục trong giáo phận với sự tham dự của hàng vạn tu sĩ nam nữ. Danh lam thắng cảnh - Du lịch Các địa điểm tham quan Các khu văn hóa, vui chơi, giải trí Bãi biển Vũng Tàu có những bãi biển lý tưởng để nghỉ mát mà thiên nhiên đã ban tặng như: Bãi Sau: Nằm phía Nam Vũng Tàu, còn có tên là Thùy Vân hay còn có tên là Thùy Dương, chạy dài gần 10 km. Đây là một trong những bãi biển đẹp của Việt Nam, bãi cát dài phẳng. Bãi Trước: Còn gọi là bãi Tầm Dương do có thể ngắm mặt trời lặn vào mỗi buổi chiều, Bãi Trước có những hàng dừa chạy dọc theo bờ biển và giống như một vịnh nhỏ ít sóng và có hình vòng cung khá đẹp; Bãi Dâu: Còn gọi là bãi Phương Thảo, dài 3 km, thơ mộng và tĩnh mịch; Bãi Dứa: Còn gọi là bãi Hương Phong, một bãi tắm nhỏ nhưng khá xinh xắn. Bãi Chí Linh: Kéo dài từ phường 10 đến phường 12 (sông Cỏ May), còn rất hoang sơ, bãi biển thoai thoải như bãi sau, yên ắng hơn bãi trước. Chùa Thích Ca Phật Đài Đây là một trong những ngôi chùa lớn nhất của Vũng Tàu tọa lạc trên đường Trần Phú. Cổng chùa được xây dựng công phu bằng xi măng cốt thép, trên bằng đá hoa khắc 4 chữ "Thích ca Phật đài", trong Chùa có Bảo Tháp, trong tháp có ngọc Xá Lợi của đức phật, tượng Phật tổ ngồi trên toà sen và nhiều di vật của đạo Phật và là một công trình kiến trúc độc đáo. Khi xây dựng bảo tháp người ta đã sử dụng các vật liệu được mang từ quê hương của đức phật. Tượng Chúa Kitô Tượng Chúa Kitô Vua trên đỉnh núi Nhỏ, được xây năm 1974 là một địa điểm tôn giáo, thuộc Giáo phận Bà Rịa do giáo xứ Vũng Tàu quản lý. Công trình bị gián đoạn một thời gian sau đó được sự ủy quyền của Đức Giám mục Xuân lộc, linh mục Phê rô Trần Văn Huyên chánh xứ Vũng Tàu cùng với bà con giáo dân khắp mọi nơi đã tham gia tái thiết công trình. Đến năm 1994 công trình hoàn thành và chính thức đón tiếp mọi du khách, đây cũng là một trong những địa điểm được du khách tham quan nhiều nhất. Tượng Chúa Kitô Vua ở Vũng Tàu (Việt Nam) cao 32 m, được coi là tượng Chúa cao nhất thế giới trong khi Tượng Chúa Kitô Cứu Thế (Rio de Janeiro) ở Brasil cao 30 m. Bạch Dinh Năm 1898, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã cho xây Bạch Dinh (Villa Blanche) trên nền pháo đài Phước Thắng từng khai hỏa bắn vào tàu chiến Pháp gần 40 năm trước. Bạch Dinh là một công trình kiến trúc Roman gồm 3 tầng, cao 19 m với lưng tựa vào Núi Lớn. Tại đây hiện còn lưu giữ 19 khẩu thần công. Ngày nay Bạch Dinh là nơi trưng bày các cổ vật gốm, sứ được trục vớt từ các tàu thuyền cổ của nước ngoài bị đắm ngoài khơi Vũng Tàu, Bạch dinh là địa điểm du lịch không thể thiếu trong hành trình tham quan thành phố biển Vũng Tàu. Núi Nhỏ, Núi Lớn Núi Nhỏ là một trong hai ngọn núi tại thành phố Vũng Tàu, nằm sát biển. Dưới chân núi là con đường ven biển Hạ Long được công nhận là con đường đẹp nhất Việt Nam với nhiều khách sạn, nhà hàng, quán cà phê. Trên núi có ngọn Hải đăng Vũng Tàu và Tượng Chúa Kitô Vua nổi tiếng. Núi Lớn là một trong hai ngọn núi đẹp của thành phố biển. Trên núi này có Bạch Dinh và Thích Ca Phật Đài, trên núi có khu du lịch Hồ Mây, có cáp treo đưa khách từ chân núi lên đỉnh núi. Xung quanh núi có con đường ven biển Trần Phú bao quanh dọc theo các bãi biển đẹp. Đang có dự án cáp treo nối hai ngọn núi này với nhau. Giao thông Đường bộ Quốc lộ 51 là tuyến quốc lộ chính nối thành phố Vũng Tàu với Bà Rịa, Biên Hòa và các địa phương lân cận. Con đường này bắt đầu từ giao lộ với Quốc lộ 1 tại Ngã tư Vũng Tàu, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, chạy theo hướng Nam, Đông Nam qua các huyện Long Thành, Thị xã Phú Mỹ, thành phố Bà Rịa. Tại Ngã ba Bà Rịa, nó chạy xuống phía Nam, Tây Nam đổ vào thành phố Vũng Tàu qua cầu Cỏ May. Tại địa phận phường 12, nó phân ra làm 3 hướng tuyến: Đường 30 tháng 4 (tuyến Quốc lộ 51A), đường 2 Tháng 9 (Quốc lộ 51B) và Đường 3 Tháng 2 (Quốc lộ 51C). Bến xe Vũng Tàu, tọa lạc trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Thắng Tam, là đầu mối vận tải hành khách liên tỉnh của thành phố. Hiện nay, 100% tuyến đường giao thông chính của TP. Vũng Tàu đã bê tông nhựa hóa. Trong đó, tuyến đường Hạ Long-Quang Trung-Trần Phú chạy dọc Bãi Trước được Bộ Giao thông Vận tải công nhận là "con đường đẹp nhất Việt Nam". Hơn 96% ngõ hẻm được xây sửa, nâng cấp khang trang bằng phương thức "nhà nước, nhân dân cùng làm". Ngay xã Long Sơn, hiện cũng không còn là xã đảo biệt lập, bởi hệ thống cầu đường khang trang không chỉ nối liền đảo với các khu dân cư, mà đã mở hướng phát triển cho vùng đảo đầy tiềm năng, hòa nhập vào dòng chảy phát triển chung. Các tuyến đường giao thông kết nối liên vùng với các đô thị khác cũng đang trong quá trình đầu tư và chuẩn bị đầu tư như mở rộng Quốc lộ 51 (Vũng Tàu - Biên Hòa) rộng 8 làn xe dài 90 km, hoàn thành năm 2012, xây mới tuyến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu kết nối với đường cao tốc Bắc Nam, dự án đường sắt cao tốc Vũng Tàu - Biên Hòa - Thành phố Hồ Chí Minh kết nối với hệ thống đường sắt quốc gia, xây dựng Sân bay Gò Găng trên đảo Gò Găng để di dời Sân bay Vũng Tàu... các dự án hạ tầng giao thông này khi hoàn thành sẽ thúc đẩy kinh tế thành phố phát triển nhanh hơn. Các tuyến đường chính trên địa bàn thành phố Hạ Long Quang Trung Thuỳ Vân Trần Phú Lê Lợi 3 Tháng 2 30 Tháng 4 Võ Nguyên Giáp Lê Hồng Phong Ba Cu Trương Công Định 2 Tháng 9 Nguyễn An Ninh Nguyễn Thái Học Hoàng Hoa Thám Các con đường bị đổi tên sau năm 1975 Đường Lê Văn Duyệt nay là đường Trần Phú Đường Võ Tánh nay là đường Hạ Long Đường Nguyễn Tri Phương nay là đường Lê Hồng Phong Đường Nguyễn Thái Học nay là đường Ba Cu Đại lộ Gia Long nay là đường Thống Nhất Đường Duy Tân nay là đường Lê Quý Đôn Đường Phạm Phú Quốc nay là đường Trần Nguyên Hãn Đường Khưu Văn Ba nay là đường Phùng Khắc Khoan Đường Phan Thanh Giản nay là đường Lý Tự Trọng Đường Thành Thái nay là đường Lê Ngọc Hân Đường Tạ Thu Thâu nay là đường Đồng Khởi Đường Triệu Ẩu nay là đường Bà Triệu Đường Cường Để nay là đường Phạm Ngũ Lão Đường Ngô Tùng Châu nay là đường Ngô Văn Huyên Đường Châu Văn Tiếp nay là đường Trần Đồng Đường nhỏ số 7 nay là đường Võ Thị Sáu Đường Trương Bá Hân nay là đường Nguyễn Văn Trỗi Đường Lương Văn Hào nay là đường Thắng Nhì Đường Quân sự số 4 nay là đường Bình Giã Đường Quân sự số 5 nay là đường Huyền Trân Công Chúa. Xe buýt Vũng Tàu hiện có 6 tuyến xe buýt công cộng, chủ yếu phục vụ khách đi liên huyện và liên tỉnh. Thành phố kết nghĩa Vũng Tàu đã ký kết văn bản kết nghĩa và hợp tác với các thành phố sau: Một đường phố ở Baku được đặt theo tên của Vũng Tàu, trong khi Vũng Tàu có một đường phố tên là Baku. Điều này kỷ niệm sự hợp tác khai thác dầu khí giữa Azerbaijan Liên Xô và các chuyên gia Việt Nam tại Vũng Tàu trong những năm 1980. Hình ảnh Chú thích
Melinda Gates (nhũ danh Melinda French, phu nhân của Bill Gates, bà sinh ngày 15 tháng 8 năm 1964) là nhân viên cũ của công ty Microsoft với chức danh người quản lý đơn vị sản phẩm của Microsoft Publisher, Microsoft Bob, Microsoft Encarta, và Expedia. Năm 1994, bà lấy Bill Gates, người sáng lập, chủ tịch và kiến trúc sư phần mềm đứng đầu Microsoft. Hai người có với nhau ba đứa con, Jennifer Katharine Gates (1996), Rory John Gates (1999) và Phoebe Adele Gates (2002). Melinda sinh ra và lớn lên tại Dallas, Texas, nơi bà được làm đại biểu học sinh đọc diễn văn từ biệt của lớp bà tại Học viện Ursuline của Dallas. Cô đậu bằng cử nhân khoa học máy tính và kinh tế tại trường đại học Duke năm 1986 và bằng cử nhân văn chương trường Duke năm 1987, và phục vụ như một thành viên của ban quản trị trường Duke từ 1996-2003. Hiện tại bà cũng dự Nhóm Bilderberg và giữ một ghế trong ủy ban The Washington Post. Cùng với chồng của mình, Melinda sáng lập ra Quỹ Bill & Melinda Gates, một tổ chức từ thiện đã đóng góp tới 24 tỷ USD cho cứu tế. Tháng 12 năm 2005, bà cùng với chồng và nghệ sĩ Bono được đề cử Nhân vật của năm do báo Time tổ chức. Theo tạp chí Forbes, bà là một trong mười người phụ nữ có quyền lực nhất thế giới. Năm 2013 bà cùng với chồng được Viện hàn lâm Khoa học quốc gia Hoa Kỳ trao tặng Huy chương Phúc lợi công cộng.
Đại giáo đoàn (megachurch) thường được định nghĩa là một nhà thờ lớn với số người đến tham dự các lễ thờ phượng mỗi tuần là hơn 2.000. Trên thế giới, những đại giáo đoàn được xem là tiêu biểu cho sự phát triển của cộng đồng Kháng Cách (Protestant), các đại giáo đoàn thường thách thức những vị trí và chức năng mà các giáo phái trong cộng đồng lâu nay vẫn đảm nhiệm như thi hành mục vụ và đào tạo chức sắc. Hầu hết các đại giáo đoàn đều có khuynh hướng Tin Lành (Evangelical) hoặc Ngũ Tuần (Pentecostal). Nhà thờ Yoido Full Gospel ở Seoul, Hàn Quốc (với 780.000 thành viên năm 2003), được xem là giáo đoàn lớn nhất trên thế giới. Trong số những đại giáo đoàn nổi bật khác có thể kể tên Nhà thờ Hillsong tại thành phố Sydney, Úc (có 15.000 người đến dự lễ thờ phượng mỗi chủ nhật), cùng với nhiều đại giáo đoàn khác ở Hoa Kỳ, dễ dàng tìm thấy trong những vùng ven ngoại ô (exurban) thuộc Vành đai Mặt trời (Sun Belt). Lịch sử Mặc dù đã xuất hiện nhiều nhà thờ lớn suốt trong dòng lịch sử hội thánh (nhà thờ Baptist Metropolitan Tabernacle của nhà thuyết giáo danh tiếng Charles Spurgeon ở Luân Đôn là một thí dụ, thu hút 5.000 người đến dự nhóm hằng tuần trong suốt nhiều năm, và nhà thờ Angelus Temple của nhà truyền thanh tôn giáo Aimee Semple McPherson tại Los Angeles với quy mô tương đương), sự phát triển mạnh mẽ của phong trào đại giáo đoàn, với số lượng lớn tín hữu tham dự các lễ thờ phượng đều đặn mỗi tuần, chỉ khởi phát từ thập niên 1950. Nối kết với giáo phái Trong lãnh thổ nước Mỹ, hơn một nửa con số các đại giáo đoàn đều hoạt động trên căn bản phi giáo phái; còn những đại giáo đoàn vẫn tiếp tục duy trì mối quan hệ với các giáo hội rộng lớn hơn thường là các đại giáo đoàn thuộc giáo phái Baptist Nam phương (Southern Baptist), con số này chiếm tỉ lệ một phần năm tổng số đại giáo đoàn tại Hoa Kỳ. Tỷ lệ này ở các đại giáo đoàn liên kết với giáo phái Ngũ Tuần Assemblies of God là xấp xỉ một phần mười. Một phần mười khác thuộc các giáo phái của người Mỹ gốc Phi. Ngay cả những đại giáo đoàn có mối quan hệ giáo phái thường đồng quan điểm với các đại giáo đoàn khác hơn là với các nhà thờ nhỏ hơn trong giáo phái của mình; họ cũng không thích bộc lộ mối quan hệ giáo phái cách công khai vì tin rằng với phương cách ấy họ có thể thu hút nhiều người hơn. Điều chỉnh theo quy mô mới Một đại giáo đoàn cần phải tự điều chỉnh cấu trúc tổ chức để có thể thích ứng với số lượng lớn tín hữu đến tham dự lễ thờ phượng cũng như những sinh hoạt khác của nhà thờ. Tại một số đại giáo đoàn, lễ thờ phượng ngày càng được tổ chức qui củ hơn, và ngày càng canh tân hơn. Với quy mô của mình, một đại giáo đoàn đòi hỏi những nguồn lực mà một nhà thờ bình thường không thể. Họ tuyển dụng những nhạc công chuyên nghiệp để trình tấu âm nhạc hiện đại thay vì những bài thánh ca truyền thống. Nhiều tín hữu thích cảm giác trở nên một trong số hàng trăm hoặc hàng ngàn người cùng hiện diện trong lễ thờ phượng. Nhiều người khác thích "xem lễ" hơn là tích cực tham gia vào buổi lễ, và toàn thể buổi lễ thường có vũ đạo được chuẩn bị đến từng chi tiết nhỏ. Lễ đường của các đại giáo đoàn được xây dựng theo những thiết kế có thể giúp mỗi người dự lễ đều có thể nghe và thấy mọi diễn tiến của buổi lễ. Không gian mở và thoáng giúp nới rộng tầm nhìn của người dự lễ, họ cũng được hỗ trợ bởi máy chiếu và các loại màn ảnh lớn; do trang bị dàn âm thanh kỹ thuật cao với công suất lớn, người nghe ít khi gặp những trở ngại về âm thanh. Nhiều nơi còn sử dụng loại ghế đơn như ở các nhà hát thay vì loại ghế dài thường thấy tại các nhà thờ theo truyền thống. Vì cần có không gian để xây dựng những bãi đậu xe rộng lớn, các đại giáo đoàn có khuynh hướng chọn địa điểm ở những vùng ven các thành phố lớn trên những dải đất rộng một mẫu Anh (4.000 m²) hoặc hơn. Xu hướng gần đây là các đại giáo đường thường xây dựng một hoặc vài điểm thờ phượng được "truyền hình" từ nhà thờ chính; như vậy bài giảng của quản nhiệm trưởng chỉ được gởi đến tín hữu qua phương tiện video. Mục vụ của những nhà thờ này cũng được điều chỉnh để thích ứng với quy mô của chúng. Phận sự giảng dạy được giao cho các ban ngành và được thực hiện trong các buổi nhóm nhỏ bên ngoài chương trình thờ phượng hằng tuần. Lễ thờ phượng này được chuẩn bị đặc biệt cho toàn thể giáo đoàn có đông người tham dự với nhiệt tâm. Về mặt quản trị, các đại giáo đoàn thường chỉ tổ chức một hội đồng thường niên để thông qua ngân quỹ và chuẩn thuận "ban quản trị"; trong một số trường hợp, quản nhiệm trưởng được giao thẩm quyền tuyệt đối trong mọi quyết định. Nhiều đại giáo đoàn được hình thành từ nỗ lực đơn độc của một quản nhiệm có "ân tứ", thường là một nhà thuyết giáo có khả năng kết hợp tài hùng biện với kỹ năng tổ chức, thu hút ngày càng nhiều tín hữu đến tham dự các lễ thờ phượng hằng tuần của mình. Một số nhà thờ áp dụng phương pháp Hệ thống tế bào (một mạng lưới gồm những nhóm tín hữu họp mặt tại nhà riêng của trưởng nhóm để thờ phượng và học Kinh Thánh) của David Yonggi Cho. Trong một vài trường hợp có ẩn tàng nhân tố sùng bái cá nhân, điều này thường dẫn đến sự phân hóa nội bộ và những trở ngại về tổ chức khi người sáng lập về hưu, qua đời hay bị mang tai tiếng. Một số giáo đoàn đã chứng tỏ khả năng vượt qua những khó khăn này (Nhà thờ Lakewood vẫn tiếp tục tồn tại sau cái chết của người sáng lập); nhưng cũng có những thất bại (khi Robert Tilton rời bỏ chức vụ vì những tai tiếng về tài chính, nhà thờ của ông - Word of Faith Family Church ở Dallas, tiểu bang Texas – sau đó phải đóng cửa). Thành phần Các đại giáo đoàn thu hút thế hệ baby boomer (s. từ năm 1945 – năm 1964), là những người ưa thích sự đầu tư và chuẩn bị chu đáo cho các buổi lễ tôn giáo, và những người chịu thuyết phục bởi quy mô tổ chức và phong cách sinh động của những đại giáo đoàn. Tại đây, một số người cảm thấy mình ẩn chìm trong đám đông khổng lồ, và điều đó làm họ thích thú. Số lượng lớn những người dự lễ không những không gây ra khó khăn mà còn trở thành lực hút của định chế đặc biệt này; hơn nữa, nhiều người khác cho rằng họ dễ cảm nhận sự hiện diện của Chúa Thánh Linh giữa khung cảnh hoành tráng của những đại giáo đoàn. Tuy nhiên, đối với nhiều tín hữu Cơ Đốc, sự hào nhoáng của các buổi lễ cùng với sự thiếu giao tiếp cá nhân trong khi thờ phượng tại các đại giáo đoàn đã làm cho họ cảm thấy bối rối, ngay cả ở những nơi vẫn áp dụng phương pháp Hệ thống Tế bào cho những nhóm ít người. Những Đại Giáo đoàn tiêu biểu Nhà thờ Cộng đồng Willow Creek Nhà thờ Cộng đồng Willow Creek (hoặc đơn giản là Nhà thờ Willow Creek) là một đại giáo đoàn Cơ Đốc Liên phái tại ngoại ô South Barrington thuộc thành phố Chicago, Illinois. Thành lập ngày 12 tháng 10 năm 1975 bởi Bill Hybels, hiện nay vẫn là Quản nhiệm trưởng của nhà thờ. Tại đây tổ chức ba lễ thờ phượng mỗi cuối tuần với số người tham dự lên đến khoảng 20.000, hiện nay là giáo đoàn lớn thứ hai tại Mỹ, chỉ đứng sau Nhà thờ Lakewood ở Houston, Texas, và được xem là giáo đoàn có nhiều ảnh hưởng nhất tại đất nước này theo một cuộc thăm dò các quản nhiệm trên toàn quốc. Lịch sử Được khởi xướng bởi Bill Hybels và Dave Holmbo từ những thành công của họ khi đang làm việc cho mục vụ thanh niên tại Nhà thờ South Park, và từ ước nguyện muốn thành lập một giáo đoàn để phát triển các phương pháp thích ứng cho việc dạy Kinh Thánh cũng như ứng dụng âm nhạc và kịch nghệ vào các chương trình thờ phượng. Ngày 12 tháng 10 năm 1975, tín hữu giáo đoàn nhóm lại lần đầu tiên tại một địa điểm thuê mướn của Nhà hát Willow Creek ở Palatine, Illinois. Năm 1977, nhà thờ mua được một khu đất rộng 90 mẫu Anh tại South Barrington để xây lễ đường. Lễ thờ phượng đầu tiên được tổ chức ở tòa nhà mới vào tháng 2 năm 1981. Từ đó, tòa nhà được nới rộng gấp đôi và khu đất được mở rộng đến 155 mẫu Anh. Hiện nay có gần 100 chương trình mục vụ được thiết kế để đáp ứng nhu cầu của các nhóm dân tộc và lứa tuổi khác nhau. Lễ đường Nhà thờ Willow Creek khánh thành năm 2005 với hơn 7.200 chỗ ngồi là thính đường lớn nhất Hoa Kỳ. Xác tín Nhà thờ Cộng đồng Willow Creek xác tín rằng sứ mạng của họ là "giúp mọi người chấp nhận đức tin Cơ Đốc để trở thành những môn đệ toàn tâm toàn ý của Chúa Giê-xu". Lập nền trên Kinh Thánh với xác tín rằng Kinh Thánh được soi dẫn bởi Thiên Chúa, là chân xác và là thẩm quyền tối hậu trên mọi vấn đề Kinh Thánh đề cập đến. Được soi dẫn bởi Kinh Thánh, giáo đoàn tin rằng: Chỉ có một Thiên Chúa, hiện hữu vĩnh cửu trong ba thân vị - Cha, Con, và Thánh Linh – mỗi thân vị đều sở hữu đầy đủ các thuộc tính thần thượng. Con người được Thiên Chúa dựng nên để tương giao với Ngài, nhưng do con người khước từ Thiên Chúa, họ cần phải nhận lãnh ân điển cứu rỗi qua sự hối cải và đức tin, hầu có thể phục hòa với Thiên Chúa. Chúa Giê-xu Cơ Đốc sống một đời vô tội trên đất và tự nguyện đền tội thay cho nhân loại bằng cái chết trên cây thập tự để cứu rỗi người tin nhận Ngài. Chúa Giê-xu sống lại từ kẻ chết và là đấng trung bảo giữa chúng ta và Thiên Chúa. Ngài sẽ trở lại để đoán xét thế gian. Chúa Thánh Linh cáo trách tội lỗi để đem tội nhân đến với Chúa Cơ Đốc và quyền năng của Ngài vận hành trong lòng tín hữu để tăng trưởng tâm linh và xứng hiệp phục vụ hội thánh. Sứ mạng của hội thánh là tôn vinh Thiên Chúa và phục vụ những người đang thiếu thốn. Đến ngày sau rốt, thân xác mọi người sẽ hồi sinh và sẽ chịu phán xét. Những ai được tha tội trong Chúa Cơ Đốc sẽ hưởng mối tương giao vĩnh hằng với Thiên Chúa. Tổ chức Với nhiều chương trình mục vụ dành cho các nhóm tuổi khác nhau, được đặt dưới sự hướng dẫn của bốn định chế lãnh đạo, nhà thờ Willow Creek thiết lập các "giáo đoàn khu vực" trong thành phố Chicago theo phương châm "Một nhà thờ. Nhiều Địa điểm". Mỗi giáo đoàn khu vực tự tổ chức lễ thờ phượng, nghiên cứu Kinh Thánh, cũng như các chương trình dành cho sinh viên và thiếu nhi. Nhà thờ cũng phát triển các chương trình mục vụ dành cho người vô gia cư và gái mại dâm tại khu vực trung tâm thành phố. Hiệp hội Willow Creek Năm 1992, Hiệp hội Willow Creek được thành lập nhằm kết nối các nhà thờ với mục tiêu "đến với những người chưa biết Chúa". Hiệp hội tổ chức các hội nghị huấn luyện và kỹ năng lãnh đạo cũng như phát triển các nguồn lực cho các nhà thờ thành viên. Hiện có hơn 11.000 nhà thờ thành viên đến từ 90 giáo phái và 45 quốc gia. Từ năm 1996, Hiệp hội Willow Creek tổ chức Hội nghị Lãnh đạo thường niên. Diễn giả tại các hội nghị này có: Tổng thống Bill Clinton, Karen Hughes (Cố vấn Đặc biệt cho Tổng thống George W. Bush), Tim Sanders của Yahoo, và Mục sư Rick Warren. Nhà thờ Cộng đồng Saddleback Valley Nhà thờ Cộng đồng Saddleback Valley (gọi tắt là Nhà thờ Saddleback) là giáo đoàn thuộc giáo phái Baptist Nam phương tọa lạc tại Lake Forest, phía nam Quận Cam (Orange County), tiểu bang California. Thành lập năm 1980 bởi quản nhiệm trưởng Rick Warren, nhà thờ thu hút khoảng 12.000 đến 15.000 người đến tham dự các lễ thờ phượng mỗi tuần. Đây là giáo đoàn lớn nhất California và được kể trong số những nhà thờ lớn nhất nước Mỹ. Lịch sử Theo tự thuật của Rick Warren, Nhà thờ Saddleback được khai sinh từ một "khải tượng" đến với ông lúc ấy còn làm một quản nhiệm Baptist mới 19 tuổi. Thời điểm quyết định cho Warren là vào tháng 11 năm 1973 khi cậu và một người bạn thân, Danny, bỏ giờ học tại Đại học Baptist California và lái xe 350 dặm (khoảng 563 km) đường đến San Francisco để nghe Tiến sĩ W. A. Criswell thuyết giảng tại khách sạn Jack Tar. Warren thuật lại: Hội Thánh Tin Lành Toàn Diện Yoido Hội Thánh Tin Lành Toàn Diện Yoido là một giáo đoàn Ngũ Tuần tọa lạc trên Đảo Yeouido tại Seoul, Hàn Quốc. Với số thuộc viên lên đến 800 000 người trong năm 2006, đây là giáo đoàn Cơ Đốc giáo lớn nhất thế giới. Được thành lập và lãnh đạo bởi David Yonggi Cho từ năm 1958, Nhà thờ Yoido được xem là một biểu trưng quốc tế của Cơ Đốc giáo tại Hàn Quốc. Lịch sử Thành lập bởi David Yonggi Cho và nhạc mẫu của ông, Choi Ja-shil, cả hai đều là mục sư thuộc giáo hội Assemblies of God (Hội chúng Đức Chúa Trời). Ngày 15 tháng 5 năm 1958, buổi nhóm thờ phượng đầu tiên của nhà thờ được tổ chức tại nhà riêng của Choi Ja-shil. Nếu không kể hai vị mục sư, chỉ có ba cô con gái của Choi Ja-shil (một trong số họ về sau kết hôn với David Yonggi Cho) và một phụ nữ lớn tuổi, do phải trú mưa, đến dự. Hai mục sư nỗ lực đến thăm viếng từng gia đình, cung cấp những trợ giúp nhân đạo và tâm linh cho người nghèo, và cầu nguyện cho người bệnh. Trong vòng vài tháng, số thành viên lên đến 50 người, và phòng khách của Choi Ja-shil trở nên quá chật nên lễ thờ phượng phải tổ chức trong một căn lều được dựng lên ở sân sau. Ngày 15 tháng 10 năm 1961, một lễ đường mới được khánh thành trên khu đất của nhà thờ ở Seodaemun. Đến năm 1964, số thuộc viên gia tăng đến ba ngàn người, và năm 1968 con số này là tám ngàn. Ngày 19 tháng 8 năm 1973 khánh thành ngôi nhà thờ mới được xây dựng trên Đảo Yoido giữa Sông Hàn. Đến năm 1977, số thuộc viên của nhà thờ lên đến năm mươi ngàn, tăng gấp đôi mỗi hai năm. Ngày 30 tháng 11 năm 1981, con số này là 200 000. Lúc ấy, Nhà thờ Yoido được tạp chí Los Angeles Times công nhận là giáo đoàn lớn nhất thế giới. Từ thập niên 1980, Nhà thờ Yoido quyết định thành lập các giáo đoàn vệ tinh trên khắp thành phố Seoul cùng các vùng lân cận. Mặc dù trong năm 1983 lễ đường được mở rộng đến 12 000 chỗ ngồi và phải tổ chức bảy lễ thờ phượng mỗi chủ nhật vẫn không đủ chỗ cho những người đến dự lễ. Năm 1992, khi số thuộc viên lên đến 700 000 người thì nhu cầu phát triển các giáo đoàn vệ tinh trở nên cấp bách. Ngày nay, mỗi chủ nhật Nhà thờ Yoido tổ chức 9 lễ thờ phượng trong 16 ngôn ngữ cho 800 000 người đến tham dự.
Vành đai Mặt trời (Sun Belt) là khu vực băng ngang miền Tây và Tây Nam nước Mỹ. Trong vài thập kỷ qua, khu vực Vành đai Mặt trời chứng kiến sự phát triển dựa trên công nghiệp thuộc vùng Tây Bắc và Trung Tây Hoa Kỳ. Arizona, California, Florida, Louisiana, Georgia, Nevada, New Mexico và Texas là các tiểu bang thường được xem là thuộc về Vành đai Mặt trời; các bang Nam Carolina, Mississippi, Arkansas và Alabama cũng được kể là thuộc vào khu vực này nếu dựa trên yếu tố khí hậu. Một số người xem Bắc Carolina là tiểu bang thuộc Vành đai Mặt trời bởi vì ở đây người ta cũng chứng kiến một sự tăng trưởng tương tự, mặc dù khí hậu ở đây "ảm đạm" hơn những nơi kể trên. Kể từ năm 1964, tất cả Tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ đều xuất thân từ các tiểu bang thuộc Vành đai Mặt trời (ngoại trừ Gerald Ford đến từ bang Michigan, nhưng Ford không trở thành tổng thống qua bầu cử mà được chỉ định kế nhiệm Nixon sau khi ông này từ chức). Danh sách này đến nay có bảy: Lyndon B. Johnson (1964) – Texas Richard M. Nixon (1968, 1972) – California Jimmy Carter (1976) – Georgia Ronald Reagan (1980, 1984) – California (nguyên quán Illinois) George H. W. Bush (1988) – Texas (nguyên quán Massachusetts) Bill Clinton (1992, 1996) – Arkansas George W. Bush (2000, 2005) – Texas (nguyên quán Connecticut) Thật lạ lùng khi biết rằng trước giai đoạn kể trên, chỉ có duy nhất một tổng thống xuất thân từ một bang thuộc Vành đai Mặt trời – Woodrow Wilson, đến từ bang Georgia - mặc dù còn có hai vị nữa, Andrew Johnson và James Polk, nếu tiểu bang Bắc Carolina cũng được tính vào khu vực này. Hơn nữa, Dwight D. Eisenhower có thể được xem là xuất thân từ một bang thuộc Vành đai Mặt trời vì ông chào đời tại tiểu bang Texas, nhưng gia đình ông đến ngụ cư ở tiểu bang Kansas khi ông mới hai tuổi, và sống ở đó cho đến khi theo học tại trường võ bị West Point. Đọc thêm Tổng thống Hoa Kỳ Đại Giáo đoàn
Minimax (còn gọi là minmax) là một phương pháp trong lý thuyết quyết định có mục đích là tối thiểu hóa (minimize) tổn thất vốn được dự tính có thể là "tối đa" (maximize). Có thể hiểu ngược lại là, nó nhằm tối đa hóa lợi ích vốn được dự tính là tối thiểu (maximin). Nó bắt nguồn từ trò chơi có tổng bằng không. Nó cũng được mở rộng cho nhiều trò chơi phức tạp hơn và giúp đưa ra các quyết định chung khi có sự hiện diện của sự không chắc chắn. Một phiên bản của giải thuật áp dụng cho các trò chơi như tic-tac-toe, khi mà mỗi người chơi có thể thắng, thua, hoặc hòa. Nếu người chơi A có thể thắng trong 1 nước đi, thì "nước đi tốt nhất" chính là nước đi để dẫn đến kết quả thắng đó. Nếu người B biết rằng có một nước đi mà dẫn đến tình huống người A có thể thắng ngay ở nước đi tiếp theo, trong khi nước đi khác thì sẽ dẫn đến tình huống mà người chơi A chỉ có thể, tốt nhất, là hòa thì nước đi tốt nhất của người B chính là nước đi sau. Ta sẽ nắm rõ, thế nào là một nước đi "tốt nhất". Giải thuật Minimax giúp tìm ra nước đi tốt nhất, bằng cách đi ngược từ cuối trò chơi trở về đầu. Tại mỗi bước, nó sẽ ước định rằng người A đang cố gắng tối đa hóa cơ hội thắng của A khi đến phiên anh ta, còn ở nước đi kế tiếp thì người chơi B cố gắng để tối thiểu hóa cơ hội thắng của người A (nghĩa là tối đa hóa cơ hội thắng của B). Tiêu chuẩn Minimax trong lý thuyết quyết định thống kê Trong lý thuyết quyết định thống kê cổ điển, ta có một đánh giá được dùng để đánh giá một tham số . Chúng ta cũng giả sử có một hàm rủi ro , thường được cho như là một tích phân của một hàm thua lỗ. Trong cấu trúc này, được gọi là minimax nếu như nó thỏa mãn . Một tiêu chuẩn khác trong lý thuyết quyết định là đánh giá Bayes với sự hiện diện của một phân bố cho trước . Một đánh giá là Bayes nếu như nó làm tối thiểu rủi ro trung bình . Giải thuật Minimax với các nước đi khác nhau Một thuật toán minimax là một thuật toán đệ quy cho việc lựa chọn bước đi kế tiếp trong một trò chơi có hai người chơi. Một giá trị được gán cho mỗi vị trí hay một trạng thái của trò chơi. Giá trị này được tính toán bằng một hàm tính giá trị vị trí và nó cho biết độ tốt nếu như một người chơi đạt được đến đó. Người chơi sau đó đi một bước làm tối đa giá trị tối thiểu của vị trí là kết quả từ tập hợp những bước đi có thể của đối thủ. Nếu đó là phiên A sẽ đi, A sẽ cho một giá trị cho mỗi bước đi hợp pháp của anh ta. Một phương pháp bố trí là gán cho một số vị trí thắng cho A như là +1 và cho B là −1. Điều này sẽ dẫn đến lý thuyết trò chơi tổ hợp được phát triển bởi John Horton Conway. Một cách khác là sử dụng một quy định rằng nếu như kết quả của một bước đi là một chiến thắng lập tức cho A nó được gán dương vô hạn và, nếu như là một chiến thắng lập tức cho B, âm vô hạn. Giá trị cho A của bất kì nước đi nào khác là giá trị minimum của các giá trị kết quả từ mỗi bước trả lời có thể của B. (A được gọi là người chơi là cực đại và B gọi là người chơi làm cực tiểu), do vậy được gọi là thuật toán minimax. Thuật toán trên sẽ gán một giá trị dương hay âm vô hạn cho mỗi vị trí bởi vì giá trị của mỗi vị trí sẽ là giá trị của một số vị trí thắng hay thua nào đó. Thông thường nhìn chung điều này chỉ có thể xảy ra tại điểm cuối của những trò chơi phức tạp như cờ vua hay cờ vây, bởi vì về mặt tính toán ta không có khả năng tính xa đến mức kết thúc trò chơi, trừ khi là trò chơi sắp kết thúc, và các vị trí không đi khác nhau được cho các giá trị hữu hạn như là các đánh giá về mức độ tin tưởng là chúng sẽ dẫn đến chiến thắng cho người này hay người khác. Điều này có thể được mở rộng nếu như chúng ta cung cấp một hàm đánh giá heuristic đưa ra các giá trị cho các vị trí trò chơi chưa phải là cuối cùng mà không xét tất cả mọi trường hợp theo sau một chuỗi đầy đủ. Chúng ta sau đó có thể giới hạn thuật toán minimax để chỉ xét một số nào đó các nước đi kế tiếp. Số này được gọi là "số bước kế tiếp", đo bằng "ply". Ví dụ, "Deep Blue" nhìn trước 12 ply. Thuật toán này có thể được nghĩ như là khám phá các node của một cây trò chơi. Số cắt xén hiệu quả của một cây là trung bình của số các con của mỗi nốt (i.e., trung bình của các nước đi hợp pháp trong một vị trí). Số lượng các nodes được khám phá thường là tăng theo hàm mũ với số lượng ply (nó sẽ nhỏ hơn hàm mũ nếu đánh giá các nước đi bắt buộc hay là các bước lặp lại). Số lượng các nodes cần khám phá cho việc phân tích một trò chơi do đó gần bằng số cắt xét nâng lên luỹ thừa số ply. Do vậy là không thể phân tích trò chơi ví dụ như cờ vua một cách hoàn toàn chỉ bằng thuật toán minimax. Sự trình diễn của thuật toán minimax ngây thơ có thể được cải tiến đáng kể, mà không ảnh hưởng đến kết quả, bằng cách sử dụng cắt xén alpha-beta. Các phương pháp cắt xén heuristic khác cũng có thể được sử dụng, nhưng không phải tất cả chúng bảo đảm sẽ cho kết quả giống nhau như là tìm kiếm không cắt xén. Định lý Minimax với các bước đi liên tiếp Trong ví dụ sau đây của một trò chơi tổng bằng 0, khi A và B đi các bước cùng một lúc, minh họa thuật toán minimax. Nếu như mỗi người chơi có 3 chọn lựa và ma trận lợi cho A là: và B có ma trận lợi như nhau nhưng ngược dấu (i.e. nếu các lựa chọn là A1 và B1 thì B trả 3 cho A) sau đó lựa chọn minimax đơn giản cho A là A2 bởi vì kết quả xấu nhất là sau khi phải trả 1, trong khi lựa chọn minimax đơn giản cho B là B2 bởi vì kết quả xấu nhất là sau đó không phải trả gì cả. Tuy vậy, lời giải này là không ổn định, bởi vì nếu B tin rằng A sẽ chọn A2 thì B sẽ chọn B1 để thắng 1; sau đó nếu A tin rằng B sẽ chọn B1 thì A sẽ chọn A1 để thắng 3; và sau đó B sẽ chọn B2; và cuối cùng cả hai người chơi sẽ nhận ra sự khó khăn của việc chọn lựa. Do đó một chiến lược ổn định hơn là cần thiết. Một số chọn lựa bị thống trị bởi những người khác và có thể bị loại bỏ: A sẽ không chọn A3 bởi vì hoặc A1 hay A2 sẽ sinh ra một kết quả tốt hơn, bất kể là B chọn gì; B sẽ không chọn B3 bởi vì B2 sẽ sinh ra kết quả tốt hơn, bất kể là A chọn cái gì. A có thể tránh việc phải trả số lượng dự định (expected payment) hơn 1/3 bằng cách chọn A1 với xác suất 1/6 và A2 với xác suất 5/6, bất kể là B đã chọn gì. B có thể tính chắc phần lợi dự định (expected gain) ít nhất 1/3 bằng cách sử dụng một chiến thuật ngẫu nhiên của việc chọn B1 với xác suất 1/3 và B2 với xác suất 2/3, bất kể là A chọn gì. Những chiến lược minimax hỗn hợp bây giờ là ổn định và không thể nào cải tiến nữa. John von Neumann chứng minh định lý Minimax vào năm 1928, phát biểu rằng những chiến lược như vậy luôn luôn tồn tại trong những trò chơi tổng bằng không cho hai người chơi và có thể tìm ra bằng cách giải một tập hợp các phương trình trong cùng một lúc. Minimax khi gặp sự không chắc chắn Lý thuyết minimax đã được mở rộng ra các quyết định khi mà không có người chơi khác, nhưng các hậu quả của các quyết định dựa trên những sự kiện không biết trước. Chẳng hạn, quyết định tương lai phát đạt của một mỏ khoáng chất kèm theo đuôi một giá phải trả nếu như không có khoáng sản ở nơi muốn thăm dò, nhưng sẽ đem lại mối lợi lớn nếu có. Một tiếp cận là đối xử việc này như một trò chơi chống với Tự nhiên, và sử dụng một suy nghĩa giống như là luật Murphy, theo một tiếp cận làm tối thiểu các tổn thất dự định cực đại (maximum expected loss), sử dụng các kỹ thuật giống như trong những trò chơi hai người với tổng bằng không. Thêm vào đó, các cây expectiminimax đã được phát triển, cho những trò chơi trong đó sự ngẫu nhiên (ví dụ, thảy xúc xắc) là một yếu tố. Minimax trong các trò chơi tổng-khác-không Nếu trò chơi có tổng khác không theo nghĩa các mối lợi giữa các người chơi, rõ ràng là các chiến lược không tối ưu có thể phát triển. Ví dụ trong song đề tù nhân, chiến lược minimax cho từng tù nhân là thú tội mặc dù họ sẽ có lợi hơn nếu cả hai đều chối bỏ tội của họ. Do vậy, trong các trò chơi tổng khác không chiến lược tốt nhất không phải là minimax mà là Tit for Tat.
Chuyện tình sau núi (tựa gốc tiếng Anh: Brokeback Mountain) là một bộ phim Mỹ của đạo diễn Lý An được trình chiếu vào cuối năm 2005. Phim này đoạt giải: Oscar 2006: Đạo diễn xuất sắc nhất, kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất, nhạc phim hay nhất. Quả cầu vàng 2006: Phim hay nhất (thể loại chính kịch), kịch bản xuất sắc nhất, bài hát chủ đề hay nhất. LHP Venice 2005: Giải Sư tử vàng Trong giải MTV Movie Awards, 2 diễn viên chính đạt giải "Nụ hôn đẹp nhất", diễn viên Jake Gyllenhaal được bình chọn là "Diễn viên chính xuất sắc". Phỏng theo một truyện ngắn của tác giả E. Annie Proulx (từng đoạt giải Pulitzer), Brokeback Mountain nói đến mối tình giữa hai chàng cao bồi ở miền Tây Hoa Kỳ vào những thập niên 1960, 1970, 1980. Bộ phim được dàn dựng cùng với nền nhạc của phim là tiếng đàn ghi-ta có âm hưởng lúc thì sâu lắng, lúc thì phóng khoáng và lãng mạn. Phân vai Heath Ledger trong vai Ennis del Mar Jake Gyllenhaal trong vai Jack Twist Randy Quaid trong vai Joe Aguirre Michelle Williams trong vai Alma Beers Anne Hathaway trong vai Lureen Newsome Linda Cardellini trong vai Cassie Anna Faris trong vai Lashawn Malone David Harbour trong vai Randall Malone Roberta Maxwell trong vai Mrs. Twist Peter McRobbie trong vai John Twist Kate Mara trong vai Alma del Mar Jr. Cốt truyện Tuy bối cảnh là Wyoming, phim này đã được quay tại Alberta, Canada. Brokeback Mountain kể lại câu chuyện của Ennis del Mar (diễn viên Heath Ledger) và Jack Twist (Jake Gyllenhaal). Hai người này có cùng hoàn cảnh: đều sống xa bố mẹ từ bé, không người thân thích khác và phải ra ngoài xã hội lao động để tự nuôi sống bản thân. Họ gặp nhau, tâm tình và thông cảm với những nỗi khổ, sự vất vả mà cả hai đang phải đương đầu. Tình yêu đã đến với họ vào năm 1963 trong lúc cả hai cùng nhận việc chăn cừu tại Wyoming. Trong khoảng thời gian này, chỉ có hai người cùng ăn uống, sinh hoạt tại đây, trải qua mùa đông lạnh, tuyết rơi, tách biệt với những người khác. Người này đã tìm thấy ở người kia sự cảm thông và là nơi bấu víu, là điểm tựa của mình. Khi mùa xuân đến, công việc chăn cừu của họ chấm dứt. Phần tiếp theo phim này kể lại quan hệ giữa hai người trong khoảng 20 năm từ khi họ gặp lại nhau. Sau khi hai người chia tay vì hoàn cảnh công việc, Ennis lập gia đình và có con với Alma Beers (Michelle Williams). Jack thì đến Texas và kết hôn với Lureen Newsome (Anne Hathaway). Bốn năm sau, Ennis nhận được một bưu thiếp từ Jack cho biết rằng Jack sẽ đến thăm Ennis. Hai người gặp mặt và kết nối lại mối quan hệ. Tuy xa nhau nhưng người này vẫn luôn nhớ về người kia. Jack muốn sống với Ennis, nhưng vì Ennis bị ám ảnh bởi một sự kiện lúc còn nhỏ khi một người bị nghi là đồng tính bị giết nên không chấp nhận lời mời của Jack. Hơn thế nữa, Ennis đã có gia đình, không thể bỏ nhà đi theo Jack được. Ennis dần dần tỏ ra thờ ơ với gia đình mình, và thích đi "câu cá" với Jack hơn là nuôi vợ con. Alma khám phá ra quan hệ giữa hai người và ly dị Ennis. Jack vui mừng vì tin tưởng rằng mình có thể sống chung với người yêu, nhưng Ennis phải ở lại Wyoming và làm việc để nuôi con. Jack buồn bã về lại Texas. Vì hai người không thể để ai khác khám phá ra mối quan hệ và còn vướng gia đình của mình, họ chỉ thỉnh thoảng gặp nhau trong các cuộc cắm trại trên núi. Thấm thoát 20 năm đã qua. Vào một ngày, cách hôm gặp nhau gần nhất là vài tháng, một tấm bưu thiếp Ennis gửi cho Jack bị gửi trả lại với dấu ấn "đã chết". Ennis gọi Lurleen, vợ Jack, và được cho biết rằng Jack đã bị tai nạn. Tuy nhiên Ennis luôn bị ám ảnh bởi ý nghĩ Jack bị giết vì đã bị phát hiện là người đồng tính. Lurleen cũng cho Ennis biết rằng Jack muốn tro mình được rải trên khắp núi Brokeback, và Lurleen gợi ý Ennis xin phép cha mẹ Jack để đem tro Jack đến đó. Lurleen nhấn mạnh rằng, trong những giây phút cuối đời, Jack chỉ nhắc đến người bạn thân thiết và nói là trong đời, Jack không bao giờ quên những giây phút trên ngọn núi Brokeback, cả mùi vị của loại rượu anh đã uống ở đó. Ennis khóc nức nở nhưng vẫn nén nỗi đau trong lòng và nói với Lurleen rằng, anh chính là người bạn đó của Jack. Ennis đến thăm cha mẹ Jack, nhưng cha Jack không đồng ý đưa tro của Jack cho Ennis và nói Jack sẽ phải được chôn trong nghĩa trang của dòng họ, tuy nhiên thấy được sự quan tâm và đau buồn của Ennis, mẹ của Jack đã cho phép Ennis lên phòng của Jack và mang về một món đồ khác. Trong phòng của Jack, Ennis tìm được hai chiếc áo trong tủ. Áo của Jack được phủ ra bên ngoài áo của Ennis. Hai chiếc áo này được treo lên trên cùng một móc, được lòng vào nhau rất tỉ mỉ, đó chính là áo mà họ đã mặc vào ngày cuối cùng họ ở trên núi Brokeback. Ngày cuối cùng đó, hai người đã đánh nhau và có máu hai người chảy ra thấm trên hai chiếc áo đó. Jack đã lấy áo của Ennis về nhà, trong khi Ennis lại tin rằng mình đã bỏ quên chiếc áo trên núi. Ở phần cuối phim là đoạn người con gái của Ennis đến mời bố dự đám cưới của mình, sau đó cô đã để quên chiếc áo choàng lại nơi ở của Ennis. Phim kết với cảnh Ennis mở buồng áo của mình ra, nhìn lại hai chiếc áo đã móc lại với nhau, áo của Ennis phủ ra ngoài áo của Jack, cùng với một bưu thiếp cảnh núi Brokeback. Ennis khóc và thì thầm 'Jack, tôi xin thề...', ngập ngừng rồi im lặng, anh chỉnh tấm bưu thiếp cho ngay ngắn rồi đóng cửa tủ lại và bước đi. Đoạn cuối của truyện đã không được đưa vào phim: kể từ sau ngày Jack mất, Ennis chỉ mong cho đến khi trời tối vì kể từ ngày ấy, trong những giấc mơ của mình, anh lại mơ về khung cảnh núi Brokeback và Jack đã ở đó chờ anh, cả hai lại được yêu nhau say đắm và ở đó không có bất kì một ai hay một định kiến xã hội nào có thể chia cắt họ được nữa ! Tác giả truyện: bà E.Annie Proulx có nói rằng cái kết của truyện do bà viết cho Brokeback Mountain là một cái kết mở và mọi người nên tự tạo lấy một cái kết của câu truyện cho riêng mình. Sản xuất ● Good machine ● SEVEN24 Films ● Focus Features ● Paramount pictures ● Bill Pohlad Chú thích
Chi Lúa (danh pháp khoa học: Oryza) là một chi của 15-20 loài thuộc họ Hòa thảo (Poaceae) và nằm trong phân họ Oryzoideae, có nguồn gốc ở các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới của châu Á và châu Phi. Chúng là các loài cây cao, ưa sống ở những vùng ẩm ướt, có thể cao từ 1–2 m. Chi này bao gồm cả những loài sống lâu năm và một năm. Một loài, lúa tẻ (O. sativa) đóng góp 20% số ngũ cốc trên thế giới, là cây lương thực có tầm quan trọng toàn cầu. Phân loài Oryza barthii Oryza glaberrima (Steud.) - Lúa châu Phi hạt đỏ Oryza glutinosa (Lour.) hay Oryza sativa var. glutinosa - Lúa nếpOryza latifoliaOryza longistaminataOryza punctataOryza rufipogon (Griff.) - Lúa gié hoangOryza sativa''(L.) - Lúa tẻ Hình ảnh Chú thích
Tam giác Bermuda, còn được biết đến Tam giác Quỷ, là một khu vực không cố định nằm ở hướng tây của phía Bắc Đại Tây Dương nơi mà một số khí cụ bay và tàu thuyền được cho là đã biến mất trong hoàn cảnh bí ẩn. Nhiều nguồn uy tín cho rằng không có sự bí ẩn ở đây. Khu vực của tam giác Bermuda là một trong những tuyến đường tấp nập nhất trên thế giới, với tàu thuyền thường xuyên đi qua nó mới đến tới các cảng của châu Mỹ, châu Âu và các hòn đảo thuộc Biển Caribe. Các tàu du lịch và máy bay thường xuyên đi ngang qua khu vực này, và máy bay cá nhân cũng thường hay bay ngang qua khu vực này. Văn hoá đại chúng cho rằng có một số sự biến mất là do bởi sức mạnh người ngoài hành tinh. Bằng chứng văn kiện chỉ ra đa số các sự kiện biến mất là không đúng sự thật, sự việc được báo cáo sai, hư cấu bởi các tác giả sau này. Vị trí địa lý Năm 1964, Vincent Gaddis viết trong báo pulp "Argosy" nói về biên giới của tam giác Bermuda, cho những điểm giao của nó là Miami; San Juan, Puerto Rico; và Bermuda. Sau đó nhiều tác giả đã không nhất thiết theo định nghĩa đó. Một số tác giả đưa ra biên giới và những điểm giao tam giác khác, với tổng số diện tích khoảng từ . "Dĩ nhiên, một số tác giả đưa ra diện tích của tam giác Bermuda xa đến mức tới bờ biển Irish." Vì thế, sự quyết định việc tại nạn nào xảy ra bên trong tam giác phụ thuộc vào việc tác giả nào đã báo cáo về chúng. Nguồn gốc Sự đề xuất sớm nhất của nhiều sự biến mất khác thường trong Bermuda xuất hiện vào ngày 17 tháng 9 năm 1950, tờ báo được xuất bản trong Miami Herald (Associated Press) bởi Edward Van Winkle Jones. Hai năm sau, Fate báo chí đã xuất bản "Sea Mystery at Our Back Door", một tờ báo ngắn bởi George Sand viết về sự biến mất một số máy bay và tàu thuyền, kể cả sự biến mất của chuyến bay 19, một nhóm năm máy bay thả ngư lôi Grumman TBM Avenger của Hải quân Hoa Kỳ trên một nhiệm vụ thực tập. Tờ báo của Sand là tờ báo đầu tiên định vị khu vực hình tam giác quen thuộc nơi xảy ra những sự việc biến mất. Một mình chuyến bay 19 được viết một lần nữa vào tháng 4 năm 1962 trong tờ báo American Legion. Trong đó, tác giả Allan W.Eckert viết rằng đội trưởng của chuyến bay đã nghe nói, "Chúng tôi đang đi vào vùng nước trắng, có gì đó không đúng. Chúng tôi không biết chúng tôi đang ở đâu, dòng nước màu xanh lá, không phải trắng." Ông ấy còn viết rằng ban điều tra thuộc chính quyền Navy tuyên bố rằng các máy bay "đã bay lên sao Hoả." Tờ báo của Sand là tờ báo đầu tiên đề xuất một yếu tố siêu nhiên cho sự việc chuyến bay 19. Tạp chí Argosy vào tháng 2 năm 1964, tờ báo "tam giác Bermuda chết người" của Vincent Gaddis đã tranh luận rằng chuyến bay 19 và một số sự kiện biến mất là một phần của một chuỗi các sự kiện lạ trong vùng. Năm tiếp theo, Gaddis đã phát triển tờ báo này thành một cuốn sách có tên là Invisible Horizons. Một số tác giả khác tạo ra những tác phẩm riêng của họ lấy ý tưởng từ Gaddis: John Wallace Spencer (Limbo of the Lost, 1969, repr. 1973); Charles Berlitz (The Bermuda Triangle, 1974); Richard Winer (The Devil's Triangle, 1974), và nhiều tác phẩm khác, tất cả đều có dàn ý giống nhau bao gồm những yếu tố siêu nhiên được viết bởi Eckert. Những lời chỉ trích Larry Kusche Larry Kusche, tác giả của The Bermuda Triangle Mystery: Solved (1975) đã tranh luận rằng một số tuyên bố của Gaddis và các tác giả sau là phóng đại, những điều không đáng tin, và không kiểm chứng được. Nghiên cứu của Kusche đã tiết lộ một số điều không chính xác và sự không nhất quán giữa những điều kể lại của Berlitz và những câu nói từ các nhân chứng, người trong cuộc và những người có liên quan đến những sự kiện biến mất. Kusche lưu ý những trường hợp thông tin có liên quan chưa được báo cáo, ví dụ như là sự biến mất của nhà tài phiệt sở hữu yacht du hành thế giới Donald Crowhurst, điều mà Berlitz cho là một điều bí ẩn, mặc dù có bằng chứng rõ ràng chứng minh điều ngược lại. Một ví dụ khác là sự kiện tàu vận chuyển quặng được kể lại bởi Berlitz được cho là đã mất tích không dấu vết trong ba ngày tại một cảng ở Đại Tây Dương trong khi thật ra nó bị mất tích được ba ngày tại một cảng biển trùng tên tại Thái Bình Dương. Kusche đã tranh luận rằng đa số các sự kiện nói lên sự bí ẩn của tam giác Quỷ thật ra xảy ra ngoài nó. Thường nghiên cứu của ông ấy rất đơn giản: ông ấy kiểm tra lại những bài báo cũ trong những ngày những sự kiện biến mất được báo cáo và tìm những báo cáo trong những sự kiện có liên quan đến thời tiết khác thường, những điều đó không bao giờ được nhắc đến trong những câu chuyện biến mất. Kusche đã kết luận rằng: Một số tàu thuyền và máy bay được báo cáo là đã mất tích trong khu vực nhiều hơn không đáng kể so với những phần khác của đại dương tính theo tỉ lệ. Trong một khu vực thường xuyên có nhiều xoáy thuận nhiệt đới, con số sự kiện biến mất là không quá nhiều và cũng không có bí ẩn nào cả. Hơn nữa, Berlitz và các tác giả khác thường không đề cập đến những cơn bão hoặc còn kể lại sự kiện biến mất đã xảy ra trong những điều kiện thời tiết yên tĩnh khi những bản tin thời tiết đưa ra thông tin trái ngược. Các con số đã được phóng đại lên bởi sự nghiên cứu cẩu thả. Ví dụ, một tàu thuyền được báo cáo là biến mất nhưng khi cuối cùng nó trở về thì lại không được báo cáo. Một số sự biến mất thật ra không bao giờ xảy ra. Một chiếc máy bay bị rơi xuống vào năm 1937 gần Bãi biển Daytona, Florida trước hàng trăm nhân chứng; nhưng khi kiểm tra các tờ báo địa phương thì không có sự kiện gì. Truyền thuyết của tam giác Bermuda là một bí ẩn được sản xuất, được tuyên truyền bởi những tác giả cố tình hoặc không biết sử dụng của những sự sai khái niệm, sự tự duy sai, và tin giật gân. Trong một cuộc nghiên cứu năm 2013, Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên xác định được 10 đất nước nguy hiểm nhất đối với tàu thuyền, nhưng tam giác Bermuda lại không nằm trong 10 vùng đất nước đó. Những lời chỉ trích khác Khi ti vi kênh 4 xuất hiện chương trình Tam giác quỷ (1992) được sản xuất bởi John Simmons của hãng phim Geofilms với tên những bộ phim Equinox, thị trường bảo hiểm đại dương Lloyd của London được hỏi nếu có một số lượng lớn khác thường những chiếc thuyền đã chìm trong khu vực tam giác Bermuda. Lloyd của London đã tuyên bố không có số lượng lớn những chiếc thuyền đã chìm trong khu vực này. Lloyd của London không tính mức giá bảo hiểm cao hơn khi đi qua khu vực này. Những tài liệu của Tuần duyên Hoa Kỳ xác nhận kết luận của Lloy của London là đúng. Thực ra, con số những việc biến mất là tương đối không đáng kể khi so sánh với số lượng những chiếc thuyền và máy bay đi ngang qua nó một cách thường xuyên. Hiệp hội Bảo vệ bờ biển nghi ngờ công khai về khu vực tam giác này, họ có tìm hiểu, thu thập và xuất bản nhiều tài liệu gây mâu thuẫn với nhiều sự kiện được viết bởi những tác giả của tam giác Bermuda. Trong một sự kiện liên quan đến việc nổ tung và chìm của tàu chở dầu SS V. A. Fogg đã xảy ra vào năm, Hiệp hội Bảo vệ bờ biển đã chụp ảnh đống đổ nát của chiếc tàu và thu hồi tàn tích của con tàu, Ngược lại với một tác giả viết về khu vực tam giác, tác giá đó viết rằng tất cả tàn tích của con tàu đã biến mất, với trường hợp ngoại lệ là người chỉ huy được tìm thấy ngồi trong cabin tại cái bàn của ông ấy, trên tay cầm chặt một ly café. Thêm nữa, V. A. Fogg chìm tại bờ biển thuộc Texas, không nơi nào gần ranh giới được công nhận là của khu vực tam giác. Tập Trường hợp của tam giác Bermuda được đánh giá cao trong chương trình TV NOVA/Horizon được phát sóng vào ngày 27 tháng 6 năm 1976, trong tập đó có lời tuyên bố rằng "Khi chúng ta trở lại từ những tài liệu gốc ban đầu và những người liên quan, những bí ẩn bốc hơi. Khoa học không có những câu trả lời về tam giác Bermuda bởi vì những câu hỏi đó đã không hợp lý ngay từ ban đầu... Những con thuyền và máy bay có cách vận hành trong khu vực tam giác cũng giống như cách chúng vận hành ở khắp mọi nơi khác trên thế giới." Những nhà nghiên cứu, chẳng hạn như Ernest Taves và Barry Singer, đã nói rằng những điều bí ẩn và siêu nhiên được nhiều người thích và có lợi nhuận. Điều này dẫn đến việc sản xuất một lượng lớn sản phẩm liên quan đến chủ đề bí ẩn dạng như tam giác Bermuda. Những nhà nghiên cứu đã có thể chỉ ra một số điều bất thường làm độc giả hiểu sai sự thật hoặc không chính xác, nhưng những nhà sản xuất vẫn tiếp tục quảng bá về sự bí ẩn của tam giác Bermuda. Theo đó, những nhà nghiên cứu chỉ trích rằng thị trường rất thiên vị những cuốn sách, những tập phim đặc biệt trên TV, và những phương tiện truyền thông khác nếu như chúng kể về sự bí ẩn của tam giác Bermuda, và không ủng hộ các tài liệu được nghiên cứu kỹ càng nếu các nghiên cứu này tung tin theo một lập trường đối lập. Các lý giải Những nhà nghiên cứu thừa nhận tam giác Bermuda như một hiện tượng có thật đã đưa ra một số cách lý giải. Các lý giải siêu nhiên Những tác giả của khu vực tam giác đã sử dụng một số những khái niệm siêu nhiên để giải thích những sự kiện. Một lý giải đổ lỗi cho phần công nghệ còn sót lại từ lục địa huyền thoại Atlantis bị biến mất. Đôi khi Atlantis được liên kết đến tảng đá chìm được biết đến với cái tên đường Bimini kế bên hòn đảo Bimini nằm trong Bahamas, nơi thuộc khu vực tam giác với một số định nghĩa. Những người tin theo nhà tâm linh Edgar Cayce cho rằng tiên đoán của ông về bằng chứng của Atlantis sẽ được tìm thấy vào năm 1968, là nói về sự khám phá ra con đường Bimini. Những tín đồ của Edgar Cayce miêu tả di tích Atlantis như một con đường, bức tường, hoặc điêu khắc khác, nhưng con đường Bimini có nguồn gốc tự nhiên. Những tác giả khác gắn những sự kiện biến mất bí ẩn cho UFO. Charles Berlitz, tác giả của những cuốn sách nói về hiện tượng siêu nhiên, đưa ra một số lý thuyết cho là sự biến mất trong khu vực tam giác là do hiện tượng siêu nhiên hoặc sức mạnh không thể giải thích rõ. Tôi có một giả thuyết có thể giải thích cho sự bí ẩn của khu vực tam giác này theo các lý giải siêu nhiên: Con người chúng ta không đơn độc trong vũ trụ bao la này, chỉ là khoa học chúng ta chưa đủ tân tiến để phát hiện ra các nền văn minh khác ngoài vũ trụ. Đối với các nền văn minh khác họ có sự tiến bộ về khoa học kỹ thuật hơn con người Trái đất chúng ta rất nhiều thế kỷ. Do vậy vùng Tam giác này có thể là khu vực mà các nền văn minh khác ngoài vũ trụ chiếm đóng để họ đang thăm dò hoặc khai thác sự sống trên Trái đất của chúng ta. Từ những câu chuyện được báo chí và các nhà giả thuyết đến các nhà khoa học thêu dệt, giải thích càng tạo thêm sự kỳ bí cho vùng Tam giác này. Tuy nhiên, để vén màn sự thật của vùng tam giác này không khó với trình độ khoa học công nghệ của con người trái đất chúng ta hiện nay hoàn toàn đủ khả năng để vén màn bí ẩn này. Ngoài ra, tôi còn một giả thuyết lý giải theo thuyết âm mưu nữa. Các bạn có thể đọc ở phần bên dưới. Các giải thích tự nhiên Độ biến thiên Vấn đề liên quan đến la bàn là một trong những vấn đề thường xuyên xảy ra nhất trong những sự kiện trong tam giác Bermuda. Trong khi một số người đã đưa ra lý thuyết rằng khu vực này có từ trường khác thường, nhưng chưa ai tìm thấy được bằng chứng cho sự khác thường ấy. La bàn có độ từ thiên tự nhiên liên quan tới Bắc cực và Nam cực, điều mà những nhà hàng hải đã biết trong nhiều thế kỷ. Trong la bàn, hướng Cực Bắc từ và Phía bắc thực giống nhau chỉ trong một số nơi trong thế giới - ví dụ vào năm 2000, trong Hoa Kỳ, chỉ những nơi trên tuyến đường chạy từ Wisconsin đến Vịnh Mexico có hướng Cực Bắc từ và Phía Bắc thực giống nhau. Nhưng công chúng có thể không có kiến thức chuyên môn, và nghĩ rằng có một bí ẩn gì đó về la bàn bị "biến thiên" trên một khu vực rộng lớn trong tam giác Bermuda. Trên thực tế sự biến thiên của la bàn là quá trình tự nhiên. Dòng Vịnh Dòng Vịnh là một trong những Hải lưu chính, chủ yếu được tạo ra bởi Luân chuyển nhiệt muối bắt đầu từ Vịnh Mexico và sau đó chảy qua Eo biển Florida rồi vào Bắc Đại Tây Dương. Về bản chất, nó là một con sông trong đại dương và giống như một con sông, nó có thể cuốn những vật nổi theo. Vận tốc bề mặt tối đa của nó là 2 m/s. Một chiếc máy bay nhỏ khi đang hạ cánh trên nước hoặc một chiếc thuyền có động cơ trục trặc có thể bị cuốn đi bởi dòng Vịnh từ vị trí được báo cáo. Những con sóng độc Sóng độc hay còn được gọi là sóng quái vật, sóng sát thủ thường cao khoảng 30m. Những con sóng này thường xuất hiện ở những vùng nước mở (không bị bao vây bởi núi, đất liền) một cách bất ngờ. Vấn đề là vẫn chưa có ai biết chính xác nguyên nhân làm xuất hiện những con sóng độc này. Nhiều nhà khoa học gần đây cho rằng chính những con sóng quái vật này là nguyên nhân khiến cho tàu thuyền đi qua đây và mất tích một cách bí ẩn. Sai lầm của con người Trong các cuộc điều tra của chính quyền về các tàu thuyền hoặc máy bay bị biến mất, lý giải được nêu ra nhiều nhất để giải thích cho sự mất tích là do sai lầm của con người. Sự cố chấp của doanh nhân Harvey Conover đã khiến ông mất đi chiếc du thuyền của ông, Revonoc, khi ông cho thuyền đi vào cơn bão phía nam của Florida vào ngày 1 tháng 1 năm 1958. Thời tiết xấu Xoáy thuận nhiệt đới là những cơn bão mạnh được hình thành ở vùng biển nhiệt đới và thường gây thiệt hại hàng ngàn người và gây tổn thất hàng tỷ đô la. Vụ đoàn tàu Tây Ban Nha được chỉ huy bởi Francisco de Bobadilla bị chìm vào năm 1502 là trường hợp đầu tiên được ghi nhận về một xoáy thuận nhiệt đới huỷ diệt. Những cơn bão này đã gây ra một số tai nạn trong quá khứ có liên quan đến khu vực tam giác Bermuda. Một cơn lốc xoáy mặt đất của khí lạnh mạnh mẽ bị nghi ngờ là nguyên nhân trong vụ chìm tàu Pride of Baltimore vào ngày 14 tháng 5 năm 1986. Thủy thủ của tàu bị chìm đã kể đến sự thay đổi đột ngột của gió và sự tăng vận tốc từ 32 km/h đến 97–145 km/h. Một chuyên gia vệ tinh nhân tạo của trung tâm bão quốc gia, James Lushine, cho biết "trong điều kiện thời tiết không ổn định lốc xoay trên mặt đất của khí lạnh từ trên cao đập xuống bề mặt đất như một quả bom, nổ tung ra xung quanh như một cơn gió mạnh khổng lồ của gió và nước." Một sự kiện tương tự đã xảy ra với con tàu Concordia trong năm 2010, kế bên bờ biển của Brazil. Các nhà khoa học hiện đang nghiên cứu liệu các đám mây "hình lục giác" có thể là nguồn gốc của những "bom không khí" có vận tốc 270 km/h. Methane hydrate Một lý giải cho những sự kiện mất tích là do sự hiện diện rộng lớn của các mỏ khí methane hydrate (một dạng khí tự nhiên) trên thềm lục địa. Những thí nghiệm của phòng nghiên cứu thực hiện ở Úc đã chứng minh rằng bong bóng có thể làm chìm một chiếc thuyền kiểu mô hình bởi nó làm giảm mật độ nước; Bất kỳ đống đổ nát nào nổi lên bề mặt nước đều bị phân tán nhanh chóng bởi dòng Vịnh. Có một giả thuyết rằng các vụ nổ methane thường xuyên (trước kia gọi là "núi lửa bùn" có thể tạo ra vùng nước bọt không còn khả năng cung cấp độ nổi cho những con tàu. Trong trường hợp đó, một khu vực như vậy hình thành xung quanh một con tàu có thể khiến nó chìm rất nhanh và không có cảnh báo. Những nghiên cứu xuất bản bới Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ miêu tả những mỏ hydrate lớn dưới đáy biển trên toàn thế giới, bao gồm rìa lục địa Blake Plateau, kế bên bờ biển phía đông nam Hoa Kỳ. Tuy nhiên theo Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, không có sự giải phóng khí hydrate lớn nào xảy ra ở khu vực tam giác Bermuda trong 15.000 năm qua.
Họ Xoan (danh pháp khoa học: Meliaceae) còn gọi là họ Dái ngựa, là một họ thực vật có hoa với chủ yếu là cây thân gỗ và cây bụi (có một số ít là cây thân thảo) trong bộ Bồ hòn (Sapindales), được đặc trưng bởi các lá mọc so le, thông thường hình lông chim và không có lá kèm, và bởi hoa hình quả tụ, dường như lưỡng tính (nhưng thực tế phần lớn là đơn tính một cách khó hiểu) trong dạng hoa chùy, xim, cụm v.v. Phần lớn các loài là cây thường xanh, nhưng một số là sớm rụng, có thể là vào mùa khô hay trong mùa đông. Họ này có khoảng 50 chi và 550-620 loài, với sự phân bổ khắp miền nhiệt đới; một chi (Toona) phát triển tới tận vùng ôn đới phía bắc của Trung Quốc và về phía nam tới đông nam Úc, và một chi khác (Melia) gần như xa như thế về phía bắc. Đặc điểm Thân là cây gỗ to hay nhỏ, phần non của thân thường có lông hình sao. Lá mọc cách, thường kép hình lông chim 1 hay 2 lần ít khi lá đơn; phiến lá chét nguyên hay có khía răng, không có lá kèm. Cụm hoa: tán, chùm–xim, chùm ở nách lá ít khi ở ngọn. Hoa đều, lưỡng tính, đôi khi đơn tính, mẫu 4 hay mẫu 5. Bao hoa: 4–5 lá đài dính nhau, 4–5 cánh hoa rời đôi khi dính nhau và dính vào đáy của ống nhị. Bộ nhị có số nhị thay đổi từ 5–10 nhị, nhưng thường số nhị gấp đôi số cánh hoa. Chỉ nhị dính liền nhau thành một ống đính trên đế hoa, ống có thể đi từ đế hoa đến ngay dưới bao phấn hoặc chỉ nhị dính nhau khoảng chừng phân nửa phía dưới nhưng rời ở phần trên. Đầu ống chỉ nhị thường hay có những phụ bộ hình răng hay những thùy nhỏ dạng cánh hoa xen kẽ với bao phấn. Toona (Cedrela) có nhị rời. Đĩa mật rõ giữa bộ nhị và bộ nhụy, Aglaia không có đĩa mật. Bộ nhụy từ 3–5 lá noãn dính nhau thành bầu trên, 3–5 ô, mỗi ô có 1 hay nhiều noãn. Một vòi nhụy, đầu nhụy nguyên hay có thùy. Quả nang, mọng hay quả hạch. Hạt có cánh hay không, thường có áo hạt, có hay không có nội nhũ, mầm thẳng. Cơ cấu học: Không có túi tiết tiêu ly bào nhưng có tế bào tiết. Sử dụng Các loài khác nhau được sử dụng để lấy dầu thực vật, sản xuất xà phòng, thuốc trừ sâu cũng như lấy gỗ có giá trị (các loài gụ). Một số loài quan trọng về mặt kinh tế trong họ này là: Carapa procera (Nam Mỹ và châu Phi) Lát Hoa - Chukrasia tabularis A. Juss (Gỗ đẹp và bền) Lát Chun - Chukrasia Sp - Chua Khét (Gỗ đẹp và bền) Lát Mêhico - Mexico Cedrela odorata (Trung và Nam Mỹ; gỗ còn được biết đến như là gỗ tuyết tùng Tây Ban Nha), hay Yên dương xuân, hương hồng xuân Entandrophragma cylindricum (Vùng nhiệt đới châu Phi) Entandrophragma utile (Vùng nhiệt đới châu Phi) Gụ hồng châu Phi Guarea cedrata (Châu Phi) Gụ hồng châu Phi Guarea thompsonii (Châu Phi) Dái ngựa và các loài thuộc chi Swietenia (Nhiệt đới châu Mỹ) Xà cừ - Senegal Khaya senegalensis có nhiều tài liệu viết xà cừ là gụ Bờ Biển Ngà Khaya ivorensis (nhiệt đới châu Phi), hay Sọ khỉ, Gụ Xoan Chịu Hạn - Neem (Azadirachta indica - Ấn Độ) Xoan Ta Melia azedarach Linn (Queensland, Ấn Độ và miền nam Trung Quốc), Xoan nhà; Xoan lai, Xoan trắng; Sầu đông, Thầu đâu, Mạy riển (Tày), luyện, khổ luyện, Cây Đu Xoan Mộc - Toona sureni (Blume) Merr, Lát Khét Quả Nhỏ, Mã nhằm, Mã nhầu, Trương vân, Xương mộc, Dái ngựa Việt Nam, Dái ngựa Indonesia (Gỗ đẹp, Giá ngang Xoan Đào) Xoan Hôi - Toona sinensis, Hương Xuân, Tông Dù, Xu ấn sử, Mạy sao, Su ấn xủ, Cây thịt bò hành tây (Gỗ đẹp, Giá ngang Xoan Đào) Xoan Hồng - Toona ciliata, Suren, surian (tên thương mại quốc tế) Hồng Xuân, Tuyết tùng đỏ Úc, Toona australis (Úc) (Gỗ có màu Hồng ngà đẹp, Giá ngang Xoan Đào) Dái ngựa Philippine - Toona calantas Merr. & Rolfe – Kalantas Các chi Aglaia - Ngâu, Gội Anthocarapa Aphanamixis - Gội nước Astrotrichilia Azadirachta Cabralea Calodecarya Capuronianthus Carapa Cedrela Chisocheton Chukrasia - Lát (Hoa, Chun, Mehico) Cipadessa Dysoxylum Ekebergia Entandrophragma Guarea Heckeldora Humbertioturraea Khaya - Xà cừ Lansium Lepidotrichilia Lovoa Malleastrum Melia - Xoan (Xoan Chụi Hạn, Xoan Ta) Munronia Naregamia Neobeguea Owenia Pseudobersama Pseudocarapa Pseudocedrela Pterorhachis Reinwardtiodendron Ruagea Sandoricum Schmardaea Soymida Sphaerosacme Swietenia - Dái ngựa Synoum Toona - Hương xuân [Tông Dù], Lát khét quả nhỏ [Xoan Mộc], Hồng Xuân [Tuyết Tùng Đỏ] Trichilia Turraea Turraeanthus Vavaea Walsura Xylocarpus - Su
Margaret Hilda Thatcher, Nữ Nam tước Thatcher (nhũ danh: Margaret Hilda Roberts, 13 tháng 10 năm 1925 – 8 tháng 4 năm 2013), còn được mệnh danh là Người đàn bà thép (Iron Lady), là một chính khách người Anh, luật sư và nhà hóa học. Bà là lãnh tụ Đảng Bảo thủ Anh từ năm 1975 đến 1990, Thủ tướng Anh trong suốt thập niên 1980 (1979 - 1990), và là người phụ nữ đầu tiên giữ hai chức vụ đó. Nhiệm kỳ Thủ tướng của bà dài nhất trong lịch sử Anh kể từ năm 1827. Là một chính khách quan trọng trong lịch sử đương đại Anh, bà được nhiều người ngưỡng mộ cũng như bị nhiều người chống đối. Thatcher là Thủ tướng phục vụ lâu nhất kể từ William Gladstone, cũng là người có thời gian liên tục dài nhất nắm giữ cương vị Thủ tướng kể từ Lord Liverpool (đầu thế kỷ 19). Bà là phụ nữ đầu tiên từng đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng và là lãnh tụ một chính đảng quan trọng tại Anh, là một trong ba phụ nữ từng nắm giữ một trong bốn chức vụ then chốt của quốc gia (Thủ tướng, bộ trưởng tài chính, bộ trưởng nội vụ và bộ trưởng ngoại giao). Chắc chắn bà là một trong những chính trị gia quan trọng nhất trong lịch sử chính trị đương đại. Margaret Thatcher chiếm vị trí thứ 16 trong danh sách 100 người Anh vĩ đại nhất thuộc mọi thời đại, thực hiện bởi BBC năm 2002. Thiếu thời Margaret Hilda Roberts chào đời tại thị trấn Grantham ở Lincolnshire, miền đông Anh Quốc. Cha của bà, Alfred Roberts, làm chủ hai cửa hàng thực phẩm trong thị trấn, đồng thời hoạt động tích cực trong chính trường địa phương (ông là nghị viên hội đồng thị trấn), cũng là một truyền đạo tình nguyện của giáo hội Giám Lý. Roberts xuất thân từ một gia đình có khuynh hướng tự do nhưng hoạt động chính trị theo khuynh hướng độc lập. Ông mất chức nghị viên năm 1952 sau khi Đảng Lao động chiếm đa số trong hội đồng thị trấn Grantham năm 1950. Mẹ của Margaret là Beatrice Roberts nhũ danh Stephenson; Margaret có một chị gái tên Muriel. Hai chị em lớn lên trong căn hộ tầng trên của một trong hai cửa hàng. Thatcher được trưởng dưỡng trong nếp sống Giám Lý sùng tín và duy trì đức tin Cơ Đốc trong suốt cuộc đời của bà. Margaret luôn tỏ ra xuất sắc trong học vấn. Bà theo học tại trường nữ (Kesteven), năm 1944 học tại Somerville College thuộc Đại học Oxford chuyên ngành hóa. Năm 1947, Margaret đậu bằng Cử nhân, ba năm sau bà nhận học vị Thạc sĩ. Sau khi tốt nghiệp, bà đến Colchester ở Essex để nhận công việc nghiên cứu cho công ty BX Plastics. Sự nghiệp chính trị (1950 – 1970) Trong các cuộc bầu cử năm 1950 và 1951, Margaret Roberts ra tranh cử tại hạt bầu cử Darford thách thức một dân biểu đương nhiệm thuộc Đảng Lao động, cô là ứng cử viên trẻ nhất của Đảng Bảo thủ. Khi đang hoạt động cho Đảng Bảo thủ tại Kent, cô gặp Sir Dennis Thatcher và kết hôn với ông năm 1951. Denis là một doanh nhân giàu có đang điều hành một công ty của gia đình, rồi trở thành một giám đốc điều hành trong công nghiệp dầu mỏ. Dennis đồng ý tài trợ cho vợ theo học ngành luật. Năm 1953, Margaret bắt đầu hành nghề luật chuyên về luật thuế. Cũng trong năm ấy, hai người con sinh đôi của bà, Carol và Mark, chào đời. Sau vài lần thất bại, năm 1959 Thatcher đắc cử vào Viện Thứ dân (Hạ viện). Chỉ hai năm sau, tháng 10 năm 1961, Margaret chiếm một vị trí trên hàng ghế đầu của Quốc hội trong cương vị Thư ký đặc trách Quỹ Hưu trí và Bảo hiểm Quốc gia, Thatcher nắm giữ chức vụ này cho đến khi đảng Bảo thủ đánh mất quyền lực trong cuộc tuyển cử năm 1964. Khi Sir Alec Douglas-Home từ nhiệm, Thatcher ủng hộ Edward Heath trong cuộc bầu phiếu chọn lãnh tụ đảng, và được tưởng thưởng chức vụ phát ngôn nhân đảng Bảo thủ về Gia cư và Điền thổ. Trong cương vị này, Thatcher khôn khéo ủng hộ chủ trương bán nhà công cho người thuê mướn đang được tiến hành bởi người đồng viện, James Allason; động thái này khiến bà chiếm được cảm tình của cử tri trong các cuộc bầu cử kế tiếp. Nội các Heath Khi đảng Bảo thủ dưới quyền lãnh đạo của Edward Heath chiến thắng trong kỳ bầu cử năm 1970, Thatcher trở thành Bộ trưởng Giáo dục và Khoa học. Sau khi nhậm chức, vì bị áp lực phải cắt giảm ngân sách giáo dục, Thatcher phải dành ưu tiên cho mảng trí dục, và ra lệnh ngưng chương trình cung cấp sữa miễn phí cho học sinh lứa tuổi từ 7-15. Những tư liệu của nội các cho thấy, dù không đồng ý nhưng do trách nhiệm tập thể, bà phải làm theo ý của các bộ trưởng khác trong nội các. Quyết định này đã gây phẫn nộ trong công luận, và mang đến cho bà biệt danh "Margaret Thatcher, Milk Snatcher" (Margaret Thatcher, Kẻ cướp sữa). Bà viết trong nhật ký, "Tôi đã có một bài học đắt giá: Giơ đầu chịu báng mà chẳng được gì." Thatcher cũng đã bảo vệ Viện đại học Mở khỏi bị đóng cửa. Bộ trưởng Tài chính muốn đóng cửa học viện này như là một phần trong kế hoạch cắt giảm ngân sách, phần khác là vì ông xem nó là một thủ thuật chính trị của cựu Thủ tướng Harold Wilson. Song Thatcher tin rằng đây là một phương sách tương đối ít tốn kém để mở rộng giáo dục đại học; bà yêu cầu Viện đại học Mở mở rộng tuyển sinh cho người trưởng thành và học sinh đã bỏ học. Trong hồi ký, Thatcher kể rằng bà không ở trong số những người thân cận với Heath, vì vậy không có hoặc có rất ít ảnh hưởng trên các quyết định quan trọng của chính phủ bên ngoài khu vực thẩm quyền của bà. Sau thất bại của Đảng Bảo thủ vào tháng 1 năm 1974, Thatcher trở thành Bộ trưởng Môi trường của Nội các Đối lập (Shadow Environment Secretary). Lãnh tụ Khối Đối lập Thatcher tin rằng chính phủ Heath không có khả năng kiểm soát chính sách tiền tệ, tức là đã mất phương hướng hành động. Sau khi đảng thất bại trong cuộc bầu cử năm 1974, Thatcher vận động thay đổi cương lĩnh đảng, liên kết với Sir Keith Joseph để thách thức quyền lãnh đạo của Heath, với lời hứa cho một sự khởi đầu mới. Thatcher bất ngờ thắng Heath trong vòng bầu phiếu thứ nhất khiến Heath phải từ chức lãnh tụ đảng. Trong vòng bầu phiếu thứ hai, bà đánh bại người kế nhiệm Heath, William Whitelaw, với số phiếu 146-79 để trở thành lãnh tụ đảng Bảo thủ từ ngày 11 tháng 2 năm 1975 và bổ nhiệm Whitelaw làm phó cho bà. Heath tỏ ra cay đắng với Thatcher cho đến cuối đời vì cho rằng bà đã phản bội ông. Thatcher bổ nhiệm nhiều người ủng hộ Heath vào Nội các Đối lập (Shadow Cabinet), và khi thành lập chính phủ bà mở rộng nội các cho nhiều khuynh hướng khác nhau của đảng Bảo thủ, nhất là trong giai đoạn từ năm 1976-1979 khi Thatcher giành quyền lãnh đạo từ vị trí của một người ngoại cuộc và có rất ít cơ sở hậu thuẫn bên trong đảng. Bà hành động một cách cẩn trọng để hướng đảng Bảo thủ theo nền kinh tế tiền tệ (monetarism). Bà đảo ngược lập trường của Heath trước đây ủng hộ việc thành lập chính quyền ủy thác ở Scotland. Đảng Lao động gặp nhiều khó khăn khi xảy ra các cuộc tranh chấp công nghiệp, đình công, chỉ số thất nghiệp cao, và tình trạng tê liệt của các loại dịch vụ công trong "Mùa Đông Bất mãn" năm 1978-1979. Đảng Bảo thủ phổ biến nhiều biểu ngữ với nội dung "Đảng Lao động chẳng chịu làm gì cả" nhắm vào con số thất nghiệp tăng cao cũng như những quy định nghiêm nhặt trong thị trường lao động. Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 1 năm 1978, Thatcher đưa ra nhận xét, "người dân đang thực sự e ngại rằng đất nước này sẽ bị tràn ngập bởi những người đến từ một nền văn hóa khác". Chính phủ Lao động của James Callaghan sụp đổ sau biểu quyết bất tín nhiệm vào mùa xuân năm 1979. Trong cuộc tổng tuyển cử năm 1979, đảng Bảo thủ giành được thế đa số 144 ghế tại Viện Thứ dân, Margaret Thatcher trở thành phụ nữ đầu tiên đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng Vương quốc Anh. Khi bước chân vào Dinh Thủ tướng ở số 10 đường Downing, bà trích dẫn lời của Francis thành Assisi: Thủ tướng Anh (1979-1990) 1979 – 1983 Ngày 4 tháng 5 năm 1979, Thatcher trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của nước Anh với sự ủy nhiệm của cử tri nhằm đảo ngược tình trạng suy thoái kinh tế của đất nước cũng như thu nhỏ vai trò của nhà nước trong các chức trách về kinh tế. Bực dọc vì một quan điểm phổ biến trong bộ máy hành chính cho rằng bộ máy này chỉ góp phần làm suy giảm ảnh hưởng của nước Anh kể từ thời Đế chế Anh, Thatcher muốn Anh Quốc khẳng định vị trí lãnh đạo của mình trong các vấn đề quốc tế. Thatcher là hình ảnh biểu trưng cho các chính trị gia cánh hữu hoạt động năng nổ trong Đảng Bảo thủ, với chủ trương phát triển tính độc lập cá nhân và hạn chế sự can thiệp của chính quyền. Lập trường của Thatcher về kinh tế và chính trị tập chú vào việc giảm thiểu sự can thiệp của nhà nước, mở rộng thị trường tự do, và phát triển doanh nghiệp. Bà cam kết chấm dứt điều bà cho là sự can thiệp thái quá của chính phủ vào nền kinh tế, và sẽ hành động để tư hữu hóa các doanh nghiệp quốc doanh, và bán nhà công cho người thuê mướn. Triết lý sống của Thatcher có nhiều điểm tương đồng với Ronald Reagan, người đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ năm 1980 và, ở mức độ thấp hơn, với Brian Mulroney, người được bầu làm Thủ tướng Canada năm 1984. Đó là thời kỳ khuynh hướng bảo thủ có nhiều ảnh hưởng trong triết lý chính trị tại các quốc gia nói tiếng Anh. Suốt trong thời gian đảm trách chức vụ Thủ tướng, hiếm khi bà ngủ quá bốn tiếng mỗi đêm. Thatcher mở đầu chính sách kinh tế bằng cách nâng lãi suất nhằm kìm hãm mức gia tăng nguồn cung ứng tiền tệ, nhờ đó làm giảm mức lạm phát. Bà thích sử dụng các biện pháp đánh thuế gián tiếp trên thuế lợi tức, và nâng mức thuế giá trị gia tăng (VAT) lên đến 15%, gây khó khăn cho các doanh nghiệp – đặc biệt là khu vực sản xuất – chỉ số thất nghiệp vượt quá hai triệu, gấp đôi con số một triệu trong chính phủ Lao động tiền nhiệm. Tháng 1 năm 1982, lạm phát giảm khiến lãi suất giảm theo. Nhưng chỉ số thất nghiệp tiếp tục tăng cao, đến con số 3,6 triệu người. Năm 1983, sản lượng giảm 30% thấp hơn năm 1978. Thuật từ "Chủ thuyết Thatcher" được dùng không chỉ để nói đến chính sách mà còn các khái niệm đạo đức và phong cách cá nhân của bà như sự nghiêm ngặt trong các chuẩn mực đạo đức, tinh thần quốc gia, quan tâm đến quyền lợi cá thể, và quyết đoán khi theo đuổi các mục tiêu chính trị. Quần đảo Falkland Chính quyền quân sự đang cầm quyền tại Argentina muốn đảo ngược ảnh hưởng bất lợi của mình trong công luận do thiếu khả năng trong điều hành nền kinh tế của đất nước. Ngày 2 tháng 4 năm 1982, Argentina xâm chiếm Quần đảo Falkland. Từ thập niên 1980, Argentina tuyên bố chủ quyền trên quần đảo này. Trong vòng vài ngày, Thatcher ra lệnh gửi ngay một lực lượng đặc nhiệm của hải quân đến tái chiếm quần đảo. Ngày 14 tháng 6, Argentina tuyên bố đầu hàng. Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong tiếp vận, và con số thương vong về phía Anh lên đến 258 binh sĩ thiệt mạng, chiến dịch quân sự của lực lượng đặc nhiệm được xem là thành công, đồng thời kích hoạt làn sóng ái quốc cuồng nhiệt giúp gia tăng sự ủng hộ của công chúng dành cho Thatcher vào thời điểm uy tín của bà xuống đến mức thấp nhất trong suốt thời gian làm Thủ tướng. Tổng tuyển cử năm 1983 "Yếu tố Falkland", cùng với sự xuất hiện những dấu hiệu phục hồi kinh tế trong đầu năm 1983 làm uy tín của Thatcher tăng cao. Trong khi đó, Đảng Lao động bị phân hóa với những thách thức đến từ nhóm trung hữu. Liên minh Tự do-SPD, thành lập do một thỏa ước giữa Đảng Dân chủ Xã hội (SDP) và Đảng Tự do trở thành một thách thức mới. Kết quả bầu cử tháng 6 năm 1983: Đảng Bảo thủ 42,4%, Đảng Lao động 27,6% và Liên minh chiếm 25,4% số phiếu bầu. Mặc dù bị chia phiếu, và mất 1, 3% tổng số phiếu bầu nếu so với kết quả bầu cử của năm 1979, nhưng do Đảng Lao động còn thiệt hại nặng hơn (mất 9,3%), và do hệ thống bầu phiếu một đại diện cho mỗi đơn vị bầu cử, chiến thắng thuộc về Đảng Bảo thủ. Chiến thắng áp đảo này đem về cho Đảng Bảo thủ thế đa số ở Quốc hội với 144 ghế ở Viện Thứ dân. Năm 1983-1987 Mặc dù cam kết làm suy giảm quyền lực các nghiệp đoàn, không giống chính phủ Heath, Thatcher áp dụng chiến lược thay đổi tiệm tiến thay vì biện pháp ban hành các đạo luật. Một vài nghiệp đoàn bắt đầu tổ chức đình công nhằm bảo vệ quyền đại diện công nhân của họ, nhưng cuối cùng mọi nỗ lực của họ đều thất bại. Dần dà, các cải cách của Thatcher thành công trong nỗ lực giảm thiểu quyền lực và ảnh hưởng của các nghiệp đoàn hầu có thể ngăn cản sự tái bùng phát các cuộc đình công quy mô lớn. Những biện pháp cải cách này, theo lời của Thatcher, là để dân chủ hóa các nghiệp đoàn và giao trả quyền lực về cho các thành viên.Theo nhận xét của BBC, Thatcher "hoạch định hủy diệt quyền lực của các nghiệp đoàn trong gần một thế hệ." Sáng sớm ngày 12 tháng 10 năm 1984, một ngày trước sinh nhật thứ 59, Thatcher thoát khỏi một vụ đánh bom bởi Đạo quân Lâm thời Cộng hòa Ireland tại Grand Hotel ở Brighton, địa điểm tổ chức Đại hội Đảng Bảo thủ. Năm người bị thiệt mạng, trong đó có vợ của một trong những nhân vật lãnh đạo đảng, John Wakeham, và Dân biểu Sir Anthony Berry. Một thành viên nội các, Norman Tebbit, bị thương, và vợ ông, Margaret, bị bại liệt. Vụ đánh bom có thể gây thương tích cho Thatcher nếu bà bước vào phòng tắm sớm hơn. Ngay sau đó Thatcher tuyên bố hội nghị sẽ được khai mạc đúng giờ vào ngày mai, bà sẽ đọc diễn văn như đã định nhằm bày tỏ sự phản đối với những kẻ đánh bom. Quyết định này của Thatcher đã dấy lên sự ủng hộ rộng khắp trên chính trường. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Thatcher ủng hộ chính sách răn đe (deterrence) của Ronald Reagan nhắm vào Liên Xô. Chủ trương này đi ngược lại chính sách lắng dịu (détente) mà phương Tây vẫn theo đuổi suốt thập niên 1970, gây ra sự chia rẽ với những quốc gia tiếp tục gắn kết với đường lối ngoại giao theo hướng cố làm lắng dịu tình hình giữa hai khối. Quyết định của Thatcher cho phép quân đội Mỹ bố trí hỏa tiễn cruise tại các căn cứ của Anh làm dấy lên những cuộc tụ họp phản kháng. Dù vậy, Thatcher là nhà lãnh đạo phương Tây đầu tiên đáp ứng thuận lợi trước sự kiện nhà lãnh đạo Liên Xô có chủ trương cải cách, Mikhail Gorbachev, lên cầm quyền, mô tả Gorbachev như là "một người chúng ta có thể cùng làm việc" sau một lần hội kiến với nhà lãnh đạo Liên Xô năm 1984, ba tháng sau khi Gorbachev tiến đến đỉnh cao quyền lực. Động thái này kích hoạt một sự chuyển đổi trong thái độ của phương Tây trở lại chủ trương lắng dịu đối với Liên Xô. Tháng 11 năm năm 1988, Thatcher tuyên bố, "Không còn chiến trạnh lạnh nữa," chúng ta hiện có "một mối quan hệ rộng lớn hơn thời kỳ ấy." Có hai thành quả đáng kể trong chính sách ngoại giao trong nhiệm kỳ thứ hai của Thatcher: Năm 1984, Thatcher đến thăm Trung Quốc và ký với Đặng Tiểu Bình bản tuyên bố chung Trung-Anh ngày 26 tháng 9, theo đó Trung Quốc sẽ trao cho Hồng Kông quy chế "Vùng Hành chính Đặc biệt" theo những điều kiện gọi là Một Quốc gia, Hai Chế độ. Trung Quốc cam kết giữ nguyên trạng các thể chế kinh tế của Hồng Kông trong năm mươi năm kể từ ngày bàn giao lãnh thổ này vào ngày 1 tháng 6 năm 1997. Tháng 11 năm 1979, tại Hội đồng châu Âu Dublin, Thatcher cho rằng nước Anh đóng góp nhiều hơn nhận từ Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC). Câu nói trứ danh của bà tại hội nghị thượng đỉnh này là "Chúng tôi không xin Cộng đồng hay bất cứ ai khác. Chúng tôi chỉ đòi họ phải trả lại tiền cho chúng tôi". Đòi hỏi này được đáp ứng tại Hội nghị Thượng đỉnh Fontainbleau năm 1984. EEC đồng ý về mức cắt giảm hằng năm cho Anh Quốc lên đến 66% chênh lệch giữa mức đóng góp và nhận từ Liên minh châu Âu. 1987 – 1990 Tiếp tục giành thắng lợi trong kỳ tổng tuyển cử năm 1987, nhờ sự bùng nổ trong phát triển kinh tế và do chống lại chủ trương của đảng Lao động đối lập ủng hộ việc giải giới đơn phương, Margaret Thatcher trở thành Thủ tướng có thời gian tại chức dài nhất của Anh quốc kể từ Lord Liverpool (1812-1827), và là Thủ tướng đầu tiên chiến thắng trong ba kỳ bầu cử liên tiếp kể từ Lord Palmerston năm 1865. Hầu hết những nhật báo ở Anh ủng hộ bà – ngoại trừ The Daily Mirror, The Guardian và The Independent – đều được tưởng thưởng bằng những buổi họp tường trình ngắn thực hiện bởi thư ký báo chí của Thủ tướng Bernard Ingham. Tại Bruges, Bỉ, năm 1988, Thatcher đọc diễn văn chống lại những đề án của Cộng đồng Âu châu (EC) nhằm thiết lập cấu trúc liên bang và gia tăng quyền lực cho các cơ quan của cộng đồng. Dù ủng hộ Anh Quốc gia nhập cộng đồng, Thatcher tin rằng vai trò của EC nên được giới hạn trong chức trách bảo đảm sự tự do thương mại và cạnh tranh hiệu quả, cũng như tỏ ý lo ngại về các quy định của EC nhằm đảo ngược những thay đổi bà đã thực hiện ở nước Anh. "Chúng ta không thể thu hẹp lãnh thổ nước Anh chỉ để nhìn thấy nó được sắp xếp lại trong khuôn khổ của Âu châu, với một siêu quốc gia hành xử quyền cai trị từ Brussels". Bà đặc biệt quan ngại đến chủ trương sử dụng một loại tiền tệ chung cho cả Liên minh châu Âu. Bài diễn văn gây ra nhiều ý kiến phản bác từ các nhà lãnh đạo Âu châu và lần đầu tiên phô bày tình trạng phân hóa bên trong đảng Bảo thủ về các vấn đề Âu châu. Năm 1989, uy tín của Thatcher lại sút giảm khi nền kinh tế bị thiệt hại do lãi suất được nâng cao để kìm hãm sự bùng nổ không bền vững trong phát triển kinh tế. Bà qui trách nhiệm cho Bộ trưởng Tài chính, Nigel Lawson, người đã theo đuổi chính sách kinh tế trong mục tiêu chuẩn bị cho việc sử dụng tiền tệ chung; trong một cuộc phỏng vấn dành cho tạp chí Financial Times vào tháng 11 năm 1987, Thatcher nói rằng bà không được nghe báo cáo và cũng không ủng hộ chính sách này. Trong một buổi họp trước hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Âu châu vào tháng 6 năm 1989, Lawson và Bộ trưởng Ngoại giao Geoffrey Howe ép Thatcher nên chấp nhận hoàn cảnh để gia nhập Hệ thống Hối suất, chuẩn bị cho việc phát hành đồng tiền chung châu Âu. Cả hai bộ trưởng tuyên bố sẽ từ chức nếu yêu cầu của họ không được đáp ứng. Thatcher trả đũa bằng cách giáng chức Howe và quan tâm hơn đến những lời khuyên của cố vấn Sir Alan Walter về các vấn đề kinh tế. Tháng 10 năm 1989, Lawson từ chức. Một trong những hành động của cuối cùng của Thatcher trong cương vị Thủ tướng là gây áp lực lên Tổng thống Hoa Kỳ George H. W. Bush để gửi quân đến Trung Đông nhằm trục xuất quân đội của Saddam Hussein khỏi Kuwait với lời khuyên "đây không phải là lúc để chần chừ!". Thất sủng Vụ "ám sát chính trị" Thatcher, theo những nhân chứng như Alan Clark, là một trong những giai đoạn ly kỳ nhất trong lịch sử chính trị Anh Quốc. Ý tưởng cho rằng vị Thủ tướng lâu năm – bất khả chiến bại trong các cuộc thăm dò dư luận – bị loại khỏi quyền lực bởi một cuộc bỏ phiếu trong nội bộ đảng xem ra là điều không tưởng. Thế nhưng, đến năm 1990, bắt đầu xuất hiện những bất bình đối với chính sách của Thatcher về thuế vụ ở cấp địa phương, về những bất cập trong điều hành nền kinh tế (nhất là việc để lãi suất lên đến 15%, bào mòn sự ủng hộ dành cho bà trong giới doanh nhân), và sự phân hóa bên trong đảng Bảo thủ về lập trường hội nhập vào châu Âu làm cho đảng cầm quyền càng dễ bị tổn thương. Ngày 1 tháng 11 năm 1990, Sir Geoffrey Howe, một trong những đồng minh lâu đời và kiên trung nhất của Thatcher, từ chức phó Thủ tướng để phản kháng chính sách của bà về châu Âu. Trong bài diễn văn từ chức đọc trước Viện Thứ dân, Howe cho rằng đã đến lúc "những người khác cần xét lại thái độ của mình đối với vấn đề trung thành", là điều mà ông đã phải suy nghĩ từ lâu. Sau đó, một cựu thành viên nội các khác, Michael Heseltine, công khai thách thức quyền lãnh đạo đảng của Thatcher, thu hút sự ủng hộ đủ để vượt qua vòng bỏ phiếu đầu để tiến vào vòng hai. Lúc đầu, Thatcher cho biết bà sẽ đi tiếp vòng hai, nhưng sau đó lại quyết định rút lui khỏi cuộc đua sau khi hỏi ý kiến các đồng sự trong nội các. Ngày 22 tháng 11, trong bài diễn văn từ nhiệm, bà nói: Với sự ủng hộ của Thatcher, John Major giành được quyền lãnh đạo đảng. Thatcher rời khỏi Viện Thứ dân sau cuộc bầu cử năm 1992. Sau khi từ chức (1990-2013) Năm 1992, Margaret Thatcher trở thành thành viên Viện Quý tộc sau khi được ban tước quý tộc trọn đời (không có quyền thế tập), Nam tước Thatcher xứ Kesteven thuộc Hạt Lincolnshire. Bà đọc nhiều bài diễn văn tại Viện Quý tộc đả kích Hiệp ước Maastricht, miêu tả nó là "đã đi quá xa", tháng 6 năm 1993, bà nói với các nhà quý tộc "Tôi không bao giờ chịu ký một hiệp ước như thế". Bà ủng hộ việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về hiệp ước, cho rằng người dân nên có tiếng nói về vấn đề này mặc dù đã có đến ba chính đảng ủng hộ hiệp ước. Tháng 8 năm 1992, Thatcher kêu gọi NATO chặn đứng cuộc tấn công của người Serbia nhắm vào Gorazde và Sarajevo nhằm chấm dứt cuộc thanh trừng chủng tộc và bảo vệ quốc gia Bosnia. Bà tuyên bố rằng những gì đang xảy ra ở Bosnia là "một gợi nhớ đến những điều tồi tệ nhất của Đức Quốc xã". Bà cảnh báo có thể xảy ra một sự kiện tương tự như vụ Holocaust. Tháng 7 năm 1992, bà làm việc cho tập đoàn Philip Morris, nay là Nhóm Altria, trong cương vị "cố vấn địa-chính trị" với mức lương 250.000 USD mỗi năm, thêm vào đó là khoản đóng góp hằng năm 250.000 USD tập đoàn dành cho tổ chức của bà (Margaret Thatcher Foundation). Từ năm 1993 đến 2000, Thatcher nhận lời làm Viện trưởng Đại học William và Mary, Virginia, Hoa Kỳ. Đây là trường đại học được thành lập năm 1693 bởi vương quyền Anh. Bà cũng là Viện trưởng Đại học Buckingham, viện đại học tư duy nhất tại Anh. Bà rời bỏ chức vụ này năm 1998. Margaret Thatcher viết hai cuốn hồi ký, The Path to Power (Đường đến Quyền lực), và The Downing Street Years (Những năm làm Thủ tướng). Năm 1993, cuốn The Downing Street Years được đưa lên một chương trình truyền hình của đài BBC, bà miêu tả cuộc nổi dậy của nội các nhằm lật đổ bà là "một sự phản bội với nụ cười trên môi". Năm 2002, Thatcher cho ấn hành tác phẩm Statecraft: Strategies for a Changing World (Nghệ thuật Chính trị: Chiến lược cho một Thế giới đang Thay đổi), trình bày chi tiết những suy nghĩ của bà về các mối quan hệ quốc tế kể từ lúc bà từ chức năm 1990. Những chương bà viết về Liên minh Âu châu gây nhiều tranh cãi; bà kêu gọi tái đàm phán về quyền thành viên của Anh nhằm bảo vệ chủ quyền của đất nước, nếu thất bại, thì Anh Quốc nên rời bỏ tổ chức này mà gia nhập NAFTA. Ngày 26 tháng 6 năm 2003, Sir Dennis Thatcher qua đời. Tang lễ cử hành tại Bệnh viện Hoàng gia ở Chelsea vào ngày 3 tháng 7 với sự hiện diện của Thatcher cùng các con Mark và Carol. Thatcher nói về chồng, "Làm Thủ tướng là một công việc cô độc… Nhưng với Denis tôi không bao giờ cô đơn. Một người đàn ông tuyệt vời. Một người chồng tuyệt vời. Một người bạn tuyệt vời. Năm sau, ngày 11 tháng 6 năm 2004, Thatcher đến Hoa Kỳ để tham dự tang lễ của cựu Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan, một trong những người bạn thân nhất của bà, tại Đại Giáo đường Quốc gia (National Cathedral) ở Washington, D.C.. Thatcher đọc điếu văn qua một băng video do những khuyết tật bà mắc phải sau vài lần đột quỵ nhẹ. Tháng 12 năm 2004, người ta thuật lại rằng Thatcher đã gặp gỡ riêng với các nghị sĩ đảng Bảo thủ, cho biết bà chống lại kế hoạch của chính phủ Anh giới thiệu việc sử dụng thẻ căn cước công dân (identity card). Bà gọi nó là "ý tưởng của người Đức, hoàn toàn xa lạ với đất nước này". Ngày 13 tháng 10 năm 2005, Thatcher tổ chức sinh nhật thứ 80 tại khách sạn Mandarin Oriental ở Hyde Park, khách mời gồm có Nữ hoàng, Công tước xứ Edinburgh, và Tony Blair. Geoffrey Howe, nay là Lord Howe xứ Aberavon, nhận xét về sự nghiệp chính trị của Thatcher: "Chiến thắng thật sự của bà không chỉ là làm thay đổi một hoặc hai chính đảng, nhưng chính là Chủ thuyết Thatcher, để ngay cả khi đảng Lao động trở lại cầm quyền, chủ thuyết này vẫn được mọi người thừa nhận là không thể đảo ngược được". Bệnh tật và từ trần Thatcher bị bệnh suốt nhiều năm trước khi mất. Ngày 21 tháng 12 năm 2012, bà đã tiến hành phẫu thuật để loại bỏ một khối u từ bàng quang của mình . Bà qua đời ngày 8 tháng 4 năm 2013, sau một cơn đột quỵ. Lord Bell, người phát ngôn của Thatcher, xác nhận cái chết của bà vào lúc 12:52 PM (UTC) bằng thông cáo báo chí. Phản ứng của công luận Phát ngôn viên của điện Buckingham cho biết: "Nữ hoàng rất lấy làm tiếc khi nghe tin về cái chết của Baroness Thatcher. Nữ hoàng sẽ gửi điện chia buồn với gia đình." David Cameron, Thủ tướng Anh, cho biết: "Đây quả là một nỗi đau buồn sâu sắc mà tôi nhận được từ cái chết của bà Thatcher. Chúng ta đã mất đi một nhà lãnh đạo tuyệt vời, một Thủ tướng tuyệt vời và một người Anh vĩ đại." Ngược lại, tại nhiều nơi, tin bà qua đời đã khiến nhiều người công khai ăn mừng trên đường phố. Việc này diễn ra tại những nơi như Glasgow, Brixton, Liverpool, Bristol, Leeds, Belfast, Cardiff và nhiều nơi khác, mặc dù gặp chống đối từ chính quyền địa phương. Tác phẩm The Downing Street Years (Những năm làm Thủ tướng, 1993), tự truyện The Path to Power (Đường đến quyền lực, 1995), tự truyện Statecraft: Strategies for a Changing World (Nghệ thuật Chính trị: Chiến lược cho một thế giới đang thay đổi, 2003), chính luận
Song Seung-heon (sinh ngày 5 tháng 10 năm 1976) là một diễn viên và người mẫu Hàn Quốc. Sự nghiệp Song Seung-heon bắt đầu sự nghiệp người mẫu từ năm 1997, quảng cáo cho nhãn hiệu quần bò STORM. Những năm sau đó, Song Seung-heon nổi tiếng trên màn ảnh nhỏ với một loạt phim truyền hình. Năm 1999, anh bắt đầu được các đạo diễn điện ảnh để ý. Bộ phim đầu tiên của anh là Cánh hoa tình yêu (Calla), bên cạnh Kim Hee Sun. Năm 2000, tên tuổi của Song Seung-heon trở nên nổi tiếng không chỉ tại Hàn Quốc mà còn lan sang nhiều nước châu Á khác với bộ phim truyền hình ăn khách Trái tim mùa thu cùng với Song Hye Kyo và Won Bin. Sau bộ phim anh giành được nhiều hợp đồng phim và quảng cáo. Năm 2002, Song Seung-heon xuất hiện bên cạnh 3 người đẹp Trung Quốc-Hồng Kông, Thư Kì, Triệu Vi, Mạc Văn Úy trong Gác kiếm (So close). Diễn xuất của anh trong phim này không mấy ấn tượng, một phần cũng do vai của anh không có nhiều đất diễn. Năm 2003, anh tham gia phim Ice Rain nói về những vận động viên leo núi, cùng Kim Ha Nul và Lee Sung Jae. Bộ phim được quay tại Canada với nhiều cảnh núi tuyết hoành tráng và đẹp mắt. Anh cũng xuất hiện trong bộ phim truyền hình Hương Mùa Hè. Đây là bộ phim thứ 3 trong loạt phim "Tình yêu bốn mùa" của đài SBS Tháng 11 năm 2006, sau vụ tai tiếng trốn nghĩa vụ quân sự, Song Seung-heon vào quân ngũ trong 2 năm. Sau khi xuất ngũ, anh trở lại màn ảnh với vai chính Lee Dong Chul trong siêu phẩm Phía Đông vườn địa đàng sau 5 năm vắng bóng. Để vào vai diễn này, Song Seung-heon từ hình ảnh của một hoàng tử lãng mạn chuyển sang một hình tượng hoàn toàn mới, một Lee Dong Chul thông minh đầy mạnh mẽ, cá tính, có nội tâm rất phức tạp và mang một vẻ bụi bặm phong trần. Bộ phim thành công vang dội và mang về cho Song Seung-heon một giải Daesang (Giải thường lớn), danh hiệu quan trọng nhất trong các hạng mục giải thưởng của MBC Drama Award Phim đã tham gia Phim truyền hình Phim điện ảnh MV Album Giải thưởng và đề cử Chú thích
Bình Tân là một quận nội thành thuộc Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Quận Bình Tân được thành lập vào ngày 5 tháng 11 năm 2003 trên cơ sở tách 3 xã: Bình Hưng Hòa, Bình Trị Đông, Tân Tạo và thị trấn An Lạc thuộc huyện Bình Chánh theo Nghị định 130/2003/NĐ-CP của Chính phủ Việt Nam. Đây là quận đông dân nhất Thành phố Hồ Chí Minh và cũng là quận đông dân nhất trong số các quận thuộc các thành phố trực thuộc trung ương với dân số gần 800.000 dân, tương đương với một tỉnh. Địa lý Quận Bình Tân là một trong hai quận có diện tích lớn nhất Thành phố Hồ Chí Minh và cũng là quận đông dân nhất thành phố, có vị trí địa lý: Phía đông giáp quận Tân Phú và Quận 6 Phía tây giáp huyện Bình Chánh Phía nam giáp Quận 8 và huyện Bình Chánh Phía bắc giáp Quận 12 và huyện Hóc Môn. Quận có diện tích 52,02 km², dân số là 784.173 người, mật độ dân số đạt 15.074 người/km². Địa hình quận Bình Tân thấp dần theo hướng đông bắc tây nam, được chia làm hai vùng là vùng cao dạng địa hình bào mòn sinh tụ, cao độ từ 3 - 4m, độ dốc 0 – 4 m tập trung ở phường Bình Trị Đông, phường Bình Hưng Hoà. Vùng thấp dạng địa hình tích tụ bao gồm phường Tân Tạo và phường An Lạc. Hành chính Quận Bình Tân có 10 phường trực thuộc, bao gồm: An Lạc, An Lạc A, Bình Hưng Hòa, Bình Hưng Hòa A, Bình Hưng Hòa B, Bình Trị Đông, Bình Trị Đông A, Bình Trị Đông B, Tân Tạo và Tân Tạo A. Lịch sử Địa bàn tương ứng với quận Bình Tân ngày nay, xưa kia tương ứng với địa bàn các thôn An Lạc, Bình Hưng, Bình Hưng Đông (tổng Long Hưng), Tân Tạo, Bình Trị Đông (tổng Tân Phong), thuộc huyện Tân Long, phủ Tân Bình, trấn Phiên An, được ghi chép trong Gia Định thành thông chí. Trước năm 2003, vùng đất quận Bình Tân ngày nay là một phần huyện Bình Chánh. Huyện lỵ huyện Bình Chánh khi đó là thị trấn An Lạc. Ngày 5 tháng 11 năm 2003, Chính phủ ban hành Nghị định 130/2003/NĐ-CP. Theo đó: Thành lập quận Bình Tân trên cơ sở tách toàn bộ diện tích và dân số của thị trấn An Lạc và 3 xã: Bình Hưng Hòa, Bình Trị Đông và Tân Tạo của huyện Bình Chánh Chia thị trấn An Lạc thành 2 phường: An Lạc và An Lạc A Chia xã Bình Hưng Hòa thành 3 phường: Bình Hưng Hòa, Bình Hưng Hòa A và Bình Hưng Hòa B Chia xã Bình Trị Đông thành lập 3 phường: Bình Trị Đông, Bình Trị Đông A và Bình Trị Đông B Chia xã Tân Tạo thành 2 phường: Tân Tạo và Tân Tạo A. Sau khi thành lập, quận Bình Tân có 5.188,67 ha diện tích tự nhiên và 254.635 người, gồm 10 phường trực thuộc như hiện nay. Văn hóa & Xã hội Trên địa bàn quận Bình Tân có nhiều dân tộc khác nhau sinh sống, trong đó chủ yếu là dân tộc Kinh chiếm 91,27% so với tổng số dân, dân tộc Hoa chiếm 8,45%, còn lại là các dân tộc Khmer, Chăm, Tày, Thái, Mường, Nùng, người nước ngoài…. Tôn giáo có Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Tin Lành, Cao Đài, Hoà Hảo, Hồi giáo… trong đó Phật giáo chiếm 27,26% trong tổng số dân có theo đạo. Kinh tế Quận Bình Tân nằm ở cửa ngõ phía Tây của thành phố, có Quốc lộ 1 chạy ngang qua vành ngoài của thành phố. ngoài ra còn có tuyến đường Hồng Bàng và Hùng Vương đi các quận nội thành. Đồng thời Bến xe Miền Tây là bến xe chính đi các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Quận Bình Tân có tốc độ đô thi hoá diễn ra khá nhanh, hầu như các phường không còn đất nông nghiệp. Hiện nay nhiều mặt kinh tế xã hội của quận phát triển nhanh theo hướng đô thị. Trên địa bàn quận Bình Tân hiện có hai khu công nghiệp do Ban quản lý các khu công nghiệp thành phố quản lý là khu công nghiệp Tân Tạo và khu công nghiệp Vĩnh Lộc (Văn phòng BQL đặt tại phường Bình Hưng Hoà). Riêng khu công nghiệp giày da POUYUEN là khu công nghiệp 100% vốn nước ngoài chuyên sản xuất giày da, diện tích 58 ha. Bình Tân còn có Đường Tên Lửa là trục xương sống nối giữa Tỉnh lộ 10 với đường Kinh Dương Vương, giáp ranh các xã Tân Tạo, Bình Trị Đông và thị trấn An Lạc, huyện Bình Chánh cũ (nay là quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh). Hạ tầng Hiện nay trên địa bàn quận Bình Tân đã và đang hình thành một số khu siêu đô thị mới như khu đô thị Ehome 3, GoHome Dream Residence, khu đô thị Smile Home, khu đô thị Tên Lửa Residence, khu đô thị Welife City, khu đô thị Akari City, khu đô thị Aio City,... Đường phố Các đường đặt tên chữCác đường đặt tên số26/3An Dương VươngAn LạcAo ĐôiẤp Chiến LượcBà HomBến LộiBia Truyền ThốngBình Hưng HòaBình LongBình ThànhBình Trị ĐôngBờ KênhBùi Dương LịchBùi Hữu DiênBùi Tư ToànCầu KinhCây CámChiến LượcCống LởDương Bá CungDương Tự QuánĐất MớiĐình Nghi XuânĐình Tân KhaiĐoàn Phú TứĐỗ Năng TếGò MâyGò XoàiHồ Học LãmHồ Văn LongHòa BìnhHoàng HưngHoàng Văn HợpHương lộ 2Hương lộ 3Hương lộ 5Hương lộ 80Kênh 19/5Kênh Nước ĐenKhiếu Năng TĩnhKinh Dương VươngLâm HoànhLê Công PhépLê CơLê Đình CẩnLê Tấn BêLê Trọng TấnLê Văn QuớiLiên Khu 10Liên Khu 10-11Liên Khu 16-18Liên Khu 2-10Liên Khu 4-5Liên Khu 5-6Liên Khu 5-11-12Liên khu 8-9Lô TưMã LòMiếu Bình ĐôngMiếu Gò ĐôngMiếu Gò XoàiMương LệNgô Y LinhNguyễn Cửu PhúNguyễn HớiNguyễn Quý YêmNguyễn Thị TúNguyễn Thức ĐườngNguyễn Thức TựNguyễn Triệu LuậtNguyễn Trọng TríNguyễn Văn CựPhạm Đăng GiảngPhan AnhPhan Đình ThôngPhạm BànhPhùng Tá ChuQuốc lộ 1Sin CôSơn KỳTạ Mỹ DuậtTân Hòa ĐôngTân Kỳ Tân QuýTân TạoTập đoàn 6BTây LânTên LửaTỉnh lộ 10Trần Đại NghĩaTrần Thanh MạiTrần Văn GiàuTrương Phước PhanVĩnh LộcVõ Trần ChíVõ Văn KiệtVõ Văn VânVũ HữuVương Văn Huống Chú thích
là thủ đô trên thực tế và là một trong 47 tỉnh của Nhật Bản thuộc vùng Kanto, phía đông của đảo chính Honshu. Đây là nơi đặt Hoàng cung và các cơ quan đầu não của Chính phủ Nhật Bản. Không chỉ là một đô thị riêng lẻ, Tokyo ngày nay còn là trung tâm của Vùng thủ đô Tōkyō. Trung tâm hành chính của Tokyo đặt ở khu Shinjuku, khu đô thị lớn nhất là Setagaya. Vùng đô thị Tokyo là vùng đô thị đông dân nhất thế giới với dân số từ 35-39 triệu người (tùy theo cách định nghĩa) và là vùng đô thị có GDP cao nhất thế giới với GDP 1.479 tỷ đô la Mỹ theo sức mua tương đương vào năm 2008. Tokyo là một phần của khu vực Kantō ở phía đông nam của đảo chính Honshu của Nhật Bản, và bao gồm Quần đảo Izu và Quần đảo Ogasawara. Tokyo trước đây được đặt tên là Edo khi Shōgun Tokugawa Ieyasu biến thành phố thành trụ sở của mình vào năm 1603. Nó trở thành thủ đô sau khi thiên hoàng Minh Trị chuyển kinh đô của ông đến đây từ Kyoto vào năm 1868; lúc đó Edo được đổi tên thành Tokyo. Thủ đô Tokyo hiện nay được thành lập vào năm 1943 từ sự thay đổi hành chính của phủ Tokyo (東京府 Tōkyō-fu, "Đông Kinh phủ", không khác 2 phủ Osaka và Kyoto bây giờ), trong đó thành phố Tokyo (東京市 Tōkyō-shi, "Đông Kinh thị") cũ nằm ở phía đông của phủ (tương tự như thành phố Osaka và thành phố Kyoto hiện nay), được phân chia lại để chuyển thành 23 khu đặc biệt. Do vậy Tokyo của hiện tại không phải là thành phố như Hà Nội, Bắc Kinh hay Seoul. Trong tiếng Nhật, Tokyo được chính thức biết đến là đơn vị hành chính cấp 1 duy nhất của Nhật Bản được gọi là "đô" trong "đô đạo phủ huyện", tên đầy đủ là 東京都 (Tōkyō-to, "Đông Kinh đô"), thể hiện vai trò thủ đô của Nhật Bản và cai trị như một "quần thể đô thị", khác biệt và kết hợp các yếu tố của một thành phố và một quận, một nét đặc trưng của Tokyo. Trong tiếng Anh, Tokyo được gọi đầy đủ là "Tokyo Metropolis". Những cái tên như "thành phố Tokyo" hay "Tokyo City" là không chính xác cho Tokyo bây giờ, nó chỉ đúng với thành phố Tokyo cũ. Tokyo đứng đầu về Chỉ số sức mạnh kinh tế toàn cầu và thứ ba về Chỉ số thành phố toàn cầu. Năm 2014, Khảo sát Thành phố Toàn cầu của TripAdvisor đã xếp hạng Tokyo trong hạng mục "Trải nghiệm tổng thể tốt nhất" (thành phố này cũng đứng đầu trong các loại sau: "sự hữu ích của người dân địa phương", "Cuộc sống về đêm", "mua sắm", "giao thông công cộng địa phương" và "sự sạch sẽ của đường phố"). Theo năm 2015, Tokyo được xếp hạng là thành phố đắt đỏ thứ 11 đối với người nước ngoài, theo công ty tư vấn Mercer, và cũng là thành phố đắt đỏ thứ 11 trên thế giới theo khảo sát chi phí sinh hoạt của Tổ chức Tình báo Kinh tế. Năm 2015, Tokyo được tạp chí Monocle bình chọn là Thành phố đáng sống nhất thế giới. Tokyo được xếp hạng đầu tiên trong số sáu mươi thành phố trong Chỉ số Thành phố An toàn 2017. Các thành phố sinh viên tốt nhất của QS đã xếp hạng Tokyo là thành phố tốt thứ 3 trên thế giới để trở thành sinh viên đại học năm 2016 và thứ 2 năm 2018. Tokyo đã tổ chức nhiều sự kiện lớn như Đại hội Thể thao châu Á 1958, Thế vận hội Mùa hè 1964, Hội nghị G7 năm 1979, Hội nghị G7 năm 1986, Hội nghị G7 năm 1993, World Cup bóng bầu dục 2019, Thế vận hội Mùa hè 2020 và Paralympic Mùa hè 2020. Tokyo được Saskia Sassen cho là "trung tâm chỉ huy" của nền kinh tế thế giới, cùng với Luân Đôn và Thành phố New York. Được xem là một thành phố toàn cầu, theo xếp hạng do GaWC kiểm kê năm 2008. Tên gọi Tokyo từng được biết đến là Edo, có nghĩa là cửa sông. Edo được đổi tên thành Tokyo (東京 Tōkyō: 東 tō (Đông) + 京 kyō (Kinh)) khi nó trở thành kinh đô của vương triều thời Minh Trị vào năm 1868, phù hợp với truyền thống Đông Á bao gồm chữ 'kinh' (京) trong tên của thành phố thủ đô (như Kyoto (京都), Bắc Kinh (北京) và Nam Kinh (南京)). Trong tiếng Nhật, Tōkyō hay Toukyou ("Đông Kinh") có nghĩa là "Kinh đô ở phía đông". Trong suốt triều vua Minh Trị, thành phố được gọi là "Tōkei", do chữ "Kinh" - 京 có 2 cách đọc theo On'yomi (âm Hán-Nhật) là "kyou" - きょう và "kei" - けい (như tuyến tàu điện Keio viết là 京王線 (Kinh Vương tuyến) được gọi là Keio-sen). Một vài tài liệu chính thống bằng Tiếng Anh còn sót lại tới ngày nay vẫn sử dụng cách đọc "Tokei", tuy nhiên cách phiên âm này hiện không còn được dùng nữa. Cái tên Tokyo được đề xuất lần đầu tiên vào năm 1813 trong cuốn sách Kondō Hisaku (Kế hoạch bí mật về giao dịch), được viết bởi Satō Nobuhiro. Khi Ōkubo Toshimichi đề xuất đổi tên trong thời kỳ Duy tân Minh Trị, theo Oda Kanshi (織田完之) ông đã có ý tưởng từ cuốn sách đó. Lịch sử Thời Edo (trước năm 1869) Tokyo ban đầu là một làng chài nhỏ có tên là Edo, trước đây từng là một phần của tỉnh Musashi cũ. Edo lần đầu tiên được phát triển bởi gia tộc Edo, vào cuối thế kỷ thứ mười hai. Năm 1457, Ōta Dōkan xây dựng lâu đài Edo. Tầm quan trọng của Tokyo được nâng lên chủ yếu là do công của hai nhà lãnh đạo lỗi lạc: Tokugawa Ieyasu và. Vào năm 1603, sau khi thống nhất các sứ quân đánh lẫn nhau ở Nhật Bản, Shogun Tokugawa Ieyasu thiết lập Edo (bây giờ là Tokyo) như là căn cứ của ông. Kết quả là, thành phố phát triển nhanh chóng và trở thành một trong những thành phố lớn nhất trên thế giới với dân số trên 1 triệu người vào thế kỉ 18. Nó trở thành kinh đô trên thực tế của đất nước Nhật Bản mặc dù Thiên hoàng vẫn sống ở Kyoto, kinh đô Nhật Bản thời bấy giờ. (Xem Edo). Trong thời gian này, thành phố được hưởng một thời gian dài của hòa bình được gọi là thời kỳ Tokugawa yên bình. Việc không phải hứng chịu sự tàn phá do chiến tranh gây ra cho phép Edo cống hiến phần lớn các nguồn lực của mình để xây dựng lại thành phố sau những vụ cháy, trận động đất và những thảm họa thiên nhiên tàn phá khác. Tuy nhiên, thời gian kéo dài này đã kết thúc với sự xuất hiện của Thiếu tướng Matthew C. Perry vào năm 1853. Thiếu tướng Perry thương lượng việc mở các cảng Shimoda và Hakodate, dẫn đến sự gia tăng nhu cầu hàng hóa nước ngoài mới và sau đó sự gia tăng nghiêm trọng về lạm phát. Bất ổn xã hội gắn liền với sự trỗi dậy của những mức giá cao hơn và lên đến đỉnh điểm trong các cuộc nổi loạn và cuộc biểu tình lan rộng, đặc biệt là dưới hình thức "đập vỡ" của các cơ sở lúa gạo. Trong khi đó, những người ủng hộ Hoàng đế Minh Trị thừa hưởng sự gián đoạn rằng những cuộc biểu tình nổi loạn lan rộng này đã làm tăng thêm sức mạnh bằng cách lật đổ Shogun Tokugawa cuối cùng, Yoshinobu, vào năm 1867. Sau 265 năm, thời kỳ Tokugawa yên bình kết thúc. Từ 1869-1943 Sau 263 năm, chế độ Mạc phủ bị lật đổ và Minh Trị Thiên hoàng (Meiji) phục hồi Đế quyền. Ngày 3 tháng 9 năm 1868, Thiên hoàng Minh Trị ra chiếu dời đô và năm 1869, khi Minh Trị Thiên Hoàng vừa 17 tuổi đã cho dời đô từ Kyoto về Edo, và theo đó, thành phố được đặt tên lại là "Tokyo" (Đông Kinh). Tokyo trước đây vốn dĩ đã là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của Nhật Bản, bên cạnh đó, với việc là nơi ở của nhà vua, Tokyo đã trở thành kinh đô trên thực tế của đất nước, thành Edo trước đây trở thành Hoàng cung. Thành phố Tokyo được chính thức thành lập vào ngày 1 tháng 5 năm 1889 và tiếp tục là thủ đô cho đến khi nó trở thành một quận vào năm 1943 và sáp nhập vào "Khu đô thị mở rộng" của Tokyo. Tokyo, cũng như Osaka, đã được thiết kế từ thập niên 1900 như là thành phố đường sắt, nghĩa là thành phố xây xung quanh các nhà ga xe lửa lớn với một mật độ dân số cao, do đó các đường sắt nội thành có thể được xây với giá khá rẻ ở độ cao của mặt đường. Điều này khác với các thành phố trên thế giới khác như Los Angeles với mật độ dân thấp chủ yếu là cho xe hơi chạy, và mặc dù các đường cao tốc đã được xây dựng, các thiết kế cơ bản vẫn không thay đổi cho đến ngày hôm nay. Tokyo đã trải qua hai tai họa lớn và hồi phục một cách đáng kể từ hai sự kiện đó. Một là trận động đất lớn Kanto vào năm 1923, và tai họa kia là cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939 - 1945). Những oanh tạc năm 1945 cũng hủy diệt không kém hai quả bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki cộng lại. Nhiều khu vực trong thành phố bị san phẳng. 1943-nay Năm 1943, thành phố Tokyo sáp nhập với quận Tokyo để tạo thành "Tỉnh thủ đô" của Tokyo. Kể từ đó, Chính quyền thành phố Tokyo đóng vai trò là chính quyền tỉnh cho Tokyo, cũng như quản lý các phường đặc biệt của Tokyo, cho những gì trước đây là Thành phố Tokyo. Chiến tranh thế giới thứ hai đã phá hủy toàn bộ thành phố do các cuộc không kích của quân Đồng minh vào Nhật Bản và sử dụng bom gây cháy. Vụ đánh bom Tokyo năm 1944 và 1945 được ước tính đã giết chết từ 75.000 đến 200.000 dân thường và khiến hơn một nửa thành phố bị phá hủy. Đêm tàn khốc nhất của cuộc chiến diễn ra vào ngày 9 tháng 10 năm 1945, đêm của cuộc đột kích "Hội nghị Chiến dịch" của Mỹ, khi gần 700.000 quả bom gây cháy nổ ở nửa phía đông của thành phố, chủ yếu ở các phường dân cư đông đúc. Hai phần năm của thành phố đã bị thiêu rụi hoàn toàn, hơn 276.000 tòa nhà bị phá hủy, 100.000 dân thường thiệt mạng và 110.000 người khác bị thương. Từ năm 1940 đến năm 1945, dân số của thành phố thủ đô của Nhật Bản đã giảm từ 6.700.000 xuống dưới 2.800.000, với phần lớn những người mất nhà sống trong "những túp lều xiêu vẹo, tạm bợ". Sau chiến tranh, Tokyo được xây dựng lại hoàn toàn, và được trưng bày cho thế giới xem trong Thế vận hội Mùa hè 1964 tổ chức tại thành phố này. Tokyo trở thành thành phố lớn nhất trên thế giới vào năm 1965 (vượt qua khỏi New York). Thập niên 1970 đem lại những phát triển về chiều cao như Sunshine 60, một sân bay mới và gây tranh cãi (Sân bay quốc tế Narita) tại Narita (rất xa bên ngoài Tokyo), và một hệ thống dân số tăng lên khoảng 11 triệu người (trong khu vực metropolitan). Hệ thống tàu điện ngầm của Tokyo và các đường xe lửa đi lại trong thành phố trở thành bận rộn nhất trên thế giới bởi vì càng nhiều người di chuyển đến khu vực này. Vào thập niên 1980, giá địa ốc tăng vọt trong nền kinh tế bong bóng: nhiều người giàu lên nhanh chóng, nhưng bong bóng vỡ đầu thập niên 1990 và nhiều công ty, ngân hàng, và cá nhân bị vướng phải giá địa ốc suy giảm về giá trị. Sự suy thoái kinh tế theo sau đó, làm thập niên 1990 thành "thập niên bị mất" của Nhật, mà bây giờ nó đang hồi phục chậm chạp. Tokyo vẫn chứng kiến các phát triển đô thị mới trên những vùng đất ít sinh lợi hơn. Những công trình gần đây bao gồm Ebisu Garden Place, Tennozu Isle, Shiodome, Roppongi Hills, Shinagawa (bây giờ cũng là nhà ga Shinkansen), và nhà ga Tokyo (phía Marunouchi). Các tòa nhà quan trọng đã bị phá bỏ để dành chỗ cho những khu siêu thị hiện đại hơn như dãy đồi Omotesando. Các dự án đắp thêm đất ở Tokyo cũng đã diễn ra trong nhiều thế kỉ. Nổi bật nhất là khu vực Odaiba, bây giờ là một trung tâm mua bán và giải trí. Tokyo bị tàn phá bởi các trận động đất mạnh vào năm 1703, 1782, 1812, 1855 và đại thảm họa động đất 1923. Trận 1923, với ước tính cường độ vào khoảng 8.3, giết hại 142.000 người. Các dự án cải tạo đất ở Tokyo cũng đã diễn ra trong nhiều thế kỷ. Nổi bật nhất là khu vực Odaiba, hiện là trung tâm mua sắm và giải trí lớn. Cũng có nhiều dự án khác nhau được đề nghị để di chuyển các cơ quan chức năng của nhà nước từ Tokyo đến một thủ đô thứ hai ở một vùng khác của Nhật Bản, để làm giảm đi sự phát triển nhanh chóng ở Tokyo và vực dậy những vùng chậm phát triển về mặt kinh tế. Những dự án này còn nhiều tranh cãi trong Nhật Bản và chưa được thực hiện. Thảm họa động đất và sóng thần năm 2011 tàn phá phần lớn bờ biển đông bắc của Honshu đã có thể cảm nhận được ở Tokyo. Tuy nhiên, do cơ sở hạ tầng kháng động đất của Tokyo rất tốt, thiệt hại ở Tokyo là rất nhỏ so với các khu vực trực tiếp bị ảnh hưởng bởi sóng thần mặc dù hoạt động trong thành phố phần lớn đã bị dừng lại. Cuộc khủng hoảng hạt nhân gây ra bởi những cơn sóng thần cũng không khiến Tokyo bị thiệt hại gì đáng kể, bất chấp sự gia tăng đột ngột về mức độ bức xạ. Vào ngày 7 tháng 9 năm  2013 Tokyo dã được chọn làm chủ nhà của Olympic 2020. Tokyo sẽ là thành phố châu Á đầu tiên đăng cai Thế vận hội hai lần. Do sự tiến hóa trong phương pháp chữ Nhật được phiên âm ra Romaji, các văn bản cũ có thể nhắc đến thành phố như là "Tokio". Địa lý và hành chính Phần lục địa của Tokyo nằm ở phía tây bắc của vịnh Tokyo và ước tính có chiều dài 90 km từ đông tới tây và 25 km từ bắc tới nam. Tỉnh Chiba tiếp giáp phía đông, Yamanashi phía tây, Kanagawa phía nam và Saitama phía bắc. Phần nằm trong lục địa của Tokyo được phân chia thành những khu đặc biệt (chiếm phần phía đông) và vùng Tama chạy dọc về hướng tây. Ranh giới hành chính của vùng đại Tokyo còn bao gồm hai chuỗi hòn đảo thuộc Thái Bình Dương chạy thẳng về phía nam: Quần đảo Izu và quần đảo Ogasawara, kéo dài hơn 1000 km so với vùng đất liền Nhật Bản. Theo luật Nhật Bản, Tokyo được phân định là Đô(都-to). Cấu trúc hành chính ngang bằng với các tỉnh của Nhật Bản. Trong vùng Tokyo thì lại có nhiều cấu trúc hành chính nhỏ hơn, được gọi là thành phố. Bao gồm 23 khu đặc biệt (特別区-khu), đây là những khu tự trị, mỗi khu có một thị trưởng và một hội đồng riêng và có cấu trúc của một thành phố. Ngoài 23 khu đặc biệt này, Tokyo còn có 26 tiểu thành phố (市 -thị), 5 thị trấn (町-đinh) và 8 làng (村-thôn), mỗi phân khu hành chính đều có chính quyền địa phương riêng. Người đứng đầu chính quyền thủ đô Tokyo là một tỉnh trưởng được bầu công khai và hội đồng thành phố. Trụ sở của thành phố nằm ở khu Shibuya, đây là nơi điều hành toàn bộ Tokyo, bao gồm cả sông, ngòi, đầm, đảo, công viên quốc gia, thêm vào đó là cả những tuyến phố, những tòa nhà chọc trời và hệ thống tàu điện ngầm. 23 khu đặc biệt Khu đặc biệt (tokubetsu-ku) của Tokyo bao gồm một vùng từng hình thành nên thành phố Tokyo. Vào ngày 1 tháng 7 năm 1943, thành phố Tokyo được sáp nhập vào tỉnh Tokyo (東京府, Tōkyō-fu) và thành lập nên "tỉnh thủ đô". Sau vụ sáp nhập, không giống các khu thành phố khác ở Nhật Bản, những khu này không thuộc bất cứ một thành phố bao bọc lớn hơn nào. Mỗi khu là một đô thị tự trị với thị trưởng được bầu ra bởi chính khu đó và có hội đồng giống các thành phố khác ở Nhật. Điểm khác biệt của các khu này khác biệt so với các thành phố khác là mối quan hệ hành chính đặc biệt với chính quyền tỉnh. Vài chức năng đô thị nhất định, chẳng hạn như cung cấp nước, hệ thống cống rãnh, cứu hỏa được điều hành bởi chính quyền thủ đô Tokyo. Để trả cho những chi phí hành chính phát sinh, tỉnh thu thuế đô thị, thuế này sẽ thường được thu bởi thành phố. Hiện nay Tokyo có 23 khu đặc biệt gồm: Tây Tokyo Phía tây của những khu đặc biệt gồm có những thành phố, thôn, làng có cấu trúc hành chính giống những nơi khác ở Nhật. Dù đóng vai trò chủ yếu là những nơi sinh sống của người những người dân làm việc ở trung tâm Tokyo nhưng một vài nơi ở đây cũng có những cơ sở công nghiệp và thương mại địa phương. Những khu này thường được gọi là vùng Tama hay Tây Tokyo. Thành phố Có 26 thành phố nằm ở vùng phía tây Tokyo: Quận, thôn, làng Đoạn cực tây có quận Nishitama. Phần lớn vùng này là núi và điều kiện địa hình không phù hợp cho phát triển đô thị. Ngọn núi cao nhất ở Tokyo là núi Kumotori, cao 2,017m; những ngọn núi khác bao gồm Takasu (1737 m), Odake (1266 m), và Mitake (929 m). Hồ Okutama, gần sông Tama cạnh tỉnh Yamanashi, là hồ lớn nhất của Tokyo. Hinode Mizuho Okutama Hinohara Đảo Những hòn đảo ngoài khơi phía nam của vùng Kanto đều thuộc sự quản lý của Tokyo, mặc dù vị trí địa lý của chúng ở gần các tỉnh khác hơn là Kanagawa, Chiba hay Shizuoka. Vì khoảng cách rất xa của những hòn đảo này đối với trụ sở chính quyền Tokyo ở Shibuya (tới 1850 km) nên những văn phòng chính quyền địa phương quản lý những hòn đảo này. Quần đảo Izu là một nhóm các đảo núi lửa hình thành nên Công viên Quốc gia Fuji-Hakone-Izu. Những hòn đảo nằm gần Tokyo nhất theo thứ tự gồm: Izu Ōshima, Toshima, Niijima, Shikinejima, Kozushima, Miyakejima, Mikurajima, Hachijojima, và Aogashima. Izu Ōshima và Hachijojima là những thị trấn, những hòn đảo còn lại là thôn, trong đó Niijima và Shikinejima là một thôn. Quần đảo Ogasawara bao gồm, từ bắc tới nam, Chichi-jima, Nishinoshima, Haha-jima, Kita Iwo Jima, Iwo Jima, và Minami Iwo Jima. Ogasawara cũng quản lý hai đảo nhỏ ngoài khơi: Minami Torishima và Okino Torishima (cách Tokyo 1850 km), hai điểm cực đông và cực nam của lãnh thổ Nhật Bản. Yêu sách của Nhật Bản về một vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) xung quanh Okinotorishima đang bị Trung Quốc và Hàn Quốc tranh cãi vì họ coi Okinotorishima là những tảng đá không thể ở được, không thể triển khai EEZ. Hai chuỗi đảo và những hòn đảo ngoài khơi này không có người sinh sống lâu dài mà chỉ là nơi đồn trú của các sĩ quan thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Chỉ có hai đảo Chichi-jima và Haha-jima là có người địa phương sinh sống. Hai đảo này hình thành nên cả hai tiểu khu Ogasawara và thôn Ogasawara. Vườn quốc gia Có một vài công viên quốc gia thuộc Tokyo bao gồm: Vườn quốc gia Meiji no Mori Takao Quasi Vườn quốc gia Ogasawara Vườn Ueno Tính đến ngày 31 tháng 3 năm 2008, 36% tổng diện tích đất của tỉnh được chỉ định là Công viên tự nhiên (chỉ đứng sau tỉnh Shiga), cụ thể là vườn quốc gia Chichibu Tama Kai, vườn quốc gia Fuji-Hakone-Izu và vườn quốc gia Ogasawara (là Di sản thế giới của UNESCO); Công viên quốc gia Meiji no Mori Takao; và Akikawa Kyūryō, Hamura Kusabana Kyūryō, Sayama, Takao Jinba, Takiyama và Tama Kyūryō Công viên tự nhiên tỉnh. Một số bảo tàng được đặt tại Công viên Ueno: Bảo tàng Quốc gia Tokyo, Bảo tàng Khoa học và Tự nhiên Quốc gia, Bảo tàng Shitamachi và Bảo tàng Nghệ thuật Phương Tây, trong số những người khác. Ngoài ra còn có các tác phẩm nghệ thuật và tượng tại một số nơi trong công viên. Ngoài ra còn có một sở thú trong công viên, và công viên là một điểm đến phổ biến để ngắm hoa anh đào. Địa chấn Những dư chấn nhỏ Tokyo nằm gần ranh giới của ba mảng địa chất, làm cho nó trở thành một khu vực liên tục xảy ra những trận động đất chậm ảnh hưởng đến khu vực đô thị. Trớ trêu thay, những đợt dư chấn nhỏ ít khi xuất hiện trong nội ô Tokyo. Không có gì lạ ở khu vực tàu điện ngầm có hàng trăm trận động đất nhỏ này (cường độ 4-6) có thể cảm nhận được trong một năm, một điều mà cư dân địa phương thường không lo ngại nhưng có thể là nỗi lo lắng không chỉ đối với du khách nước ngoài mà cả người Nhật từ nơi khác mới đến thủ đô. Chúng hiếm khi gây ra nhiều thiệt hại vì chúng quá nhỏ hoặc quá xa do các trận động đất có xu hướng nhảy quanh khu vực. Đặc biệt là các khu vực ngoài khơi và ở mức độ lớn ít hơn Chiba và Ibaraki. Những trận động đất lớn Tokyo đã bị ảnh hưởng bởi các trận động đất lớn vào năm 1703, 1782, 1812, 1855, 1923 và bị tác động gián tiếp trong năm 2011, 2021. Trận động đất năm 1923, với độ lớn ước tính 8,3 độ Richter, đã giết chết 142.000 người, đó lần cuối cùng khu vực đô thị bị động đất "tấn công" trực tiếp. Trọng tâm động đất năm 2011 là hàng trăm km và không dẫn đến tử vong trực tiếp ở khu vực đô thị (tuy nhiên đã có 8 người chết gián tiếp). Dân số Tính đến tháng 10 năm 2012, ước tính có khoảng 13.506 triệu người sống tại Tokyo với 9.214 triệu người sống tại 23 khu đặc biệt. Vào ban ngày, dân số tăng thêm 2.5 triệu người, gồm những người đi làm và học sinh lưu chuyển từ các vùng lân cận vào trung tâm. Tác động này có thể thấy rõ nhất ở 3 khu trung tâm là Chiyoda, Chūō và Minato, những khu có dân số là 326,000 vào ban đêm và 2.4 triệu người vào ban ngày theo điều tra dân số năm 2005. Toàn bộ tỉnh Tokyo có 13,750,000 cư dân vào tháng 10 năm 2007 (8,653,000 trong 23 khu), với số tăng 3 triệu người vào ban ngày. Dân số Tokyo đang tiếp tục tăng do người dân đang có xu hướng quay trở lại sống tại các khu trung tâm khi giá đất ngày càng giảm nhẹ. Theo một thống kê trong quá khứ năm 1889 cho biết, Bộ Nội vụ ghi nhận 1.375.937 người ở thành phố Tokyo và tổng cộng 1.694.292 người ở Tokyo-fu. Trong cùng năm đó, tổng cộng 779 người nước ngoài được ghi nhận là cư trú tại Tokyo. Quốc tịch phổ biến nhất là người Anh (209 cư dân), tiếp theo là quốc tịch Hoa Kỳ (182) và quốc tịch triều đại nhà Thanh (137). Tính đến năm 2005, những người có quốc tịch nước ngoài sống tại Tokyo theo điều tra gồm: người Trung Quốc (123,661), người Hàn Quốc (106,697), người Bắc Triều Tiên (62,000), người Phillipin (31,077), người Mỹ (18,848), người Anh (7,696), người Brazil (5,300) và người Pháp (3,000). Khí hậu và địa chất Tokyo mang tính chất khí hậu cận nhiệt đới ẩm, khí hậu ôn đới gió mùa với 4 mùa rõ rệt: xuân, hạ, thu, đông. Mùa hè nóng ẩm và mùa đông khá rét với những đợt rét mạnh từ áp cao Siberia. Khu vực này, giống như phần lớn Nhật Bản, trải qua độ trễ theo mùa trong một tháng, với tháng ấm nhất là tháng 8, trung bình 26,4 °C (79,5 °F) và tháng mát nhất là tháng 1, trung bình 5,2 °C (41,4 °F). Nhiệt độ thấp kỷ lục là −9,2 °C (15,4 °F) vào ngày 13 tháng 1 năm 1876, trong khi mức cao kỷ lục là 39,5 °C (103,1 °F) vào ngày 20 tháng 7 năm 2004. Kỷ lục nhiệt độ thấp cao nhất là 30,3 °C (86,5 °F) vào ngày 12 tháng 8 năm 2013, khiến Tokyo trở thành một trong bảy địa điểm quan sát tại Nhật Bản có nhiệt độ thấp trên 30 °C (86,0 °F). Lượng mưa hàng năm trung bình gần 1.530 mm (60,2 in), với mùa hè ẩm ướt hơn và mùa đông khô hơn. Lượng tuyết tuy rơi lẻ tẻ nhưng vẫn thường xuyên diễn ra hàng năm. Tháng ẩm nhất kể từ khi các hồ sơ bắt đầu vào năm 1876 là tháng 10 năm 2004, với 780 milimét (30 in) mưa, bao gồm 270,5 mm (10,65 in) vào ngày 9 của tháng đó; trong bốn tháng cuối cùng được ghi nhận quan sát không có mưa là tháng 12 năm 1995. Lượng mưa hàng năm đã dao động từ 879,5 mm (34,63 in) năm 1984 đến 2,229,6 mm (87,78 in) vào năm 1938. Tokyo là một ví dụ điển hình cho loại khí hậu cận nhiệt, đô thị đảo, dân số đông góp một phần quan trọng đến khí hậu thành phố. Tokyo được xem là "một ví dụ thuyết phục cho mối quan hệ giữa sự tăng trưởng đô thị và khí hậu". Tokyo cũng thường có bão hàng năm, nhưng phần lớn là bão yếu. Khí hậu ngoài khơi của Tokyo thay đổi đáng kể so với thành phố. Khí hậu của Chichi-jima ở làng Ogasawara nằm trên ranh giới giữa khí hậu nhiệt đới savanna (phân loại Köppen Aw) và khí hậu cận nhiệt đới ẩm (phân loại Köppen Cfa). Nó nằm cách khu vực đại đô thị Tokyo khoảng 1.000 km về phía nam dẫn đến các điều kiện khí hậu khác nhau. Lãnh thổ cực đông của Tokyo, đảo Minamitorishima ở làng Ogasawara, nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới savanna (phân loại Köppen Aw). Các đảo Izu và Ogasawara của Tokyo bị ảnh hưởng bởi trung bình 5,4 cơn bão mỗi năm, so với 3,1 ở lục địa Kantō. Môi trường Tokyo đã ban hành một phương pháp để cắt giảm khí thải nhà kính. Thống đốc Shintaro Ishihara đã tạo ra hệ thống giới hạn khí thải đầu tiên của Nhật Bản, nhằm giảm tổng lượng phát thải khí nhà kính tới 25% vào năm 2020 từ mức 2000. Tokyo là một ví dụ về đảo nhiệt đô thị và hiện tượng này đặc biệt nghiêm trọng tại các khu đặc biệt của nó. Theo Chính quyền thành phố Tokyo, nhiệt độ trung bình hàng năm đã tăng khoảng 3 °C (5,4 °F) trong 100 năm qua. Tokyo đã được trích dẫn là một "ví dụ thuyết phục về mối quan hệ giữa tăng trưởng đô thị và khí hậu." Năm 2006, Tokyo đã ban hành "Dự án 10 năm cho Tokyo xanh" sẽ được hiện thực hóa vào năm 2016. Nó đặt mục tiêu tăng cây xanh ven đường ở Tokyo lên 1 triệu (từ 480.000) và thêm 1.000 ha không gian xanh 88 trong số đó sẽ là một công viên mới tên là "Umi no Mori" (rừng biển) sẽ nằm trên một hòn đảo khai hoang ở vịnh Tokyo, nơi từng là bãi rác. Từ năm 2007 đến 2010, 436 ha trong số 1.000 ha không gian xanh đã được quy hoạch đã được tạo ra và 220.000 cây được trồng với tổng số 700.000. Trong năm 2014, cây xanh bên đường ở Tokyo đã tăng lên 950.000 và thêm 300 ha không gian xanh đã được thêm vào. Kinh tế Không chỉ là trung tâm hành chính của Nhật Bản mà Tokyo còn là trung tâm kinh tế của thế giới. Là một trong 3 trung tâm kinh tế toàn cầu cùng với New York và Luân Đôn, theo điều tra của PricewaterhouseCoopers, khu đại đô thị Tokyo bao gồm cả Yokohama (38 triệu người) có tổng GDP theo sức mua tương đương là 2000 tỷ USD năm 2012, biến nó trở thành vùng đô thị có GDP lớn nhất toàn cầu. Tính đến năm 2008, có 47 công ty trong danh sách Global 500 có trụ sở đặt tại Tokyo, gấp đôi so với Paris. Tokyo là trung tâm tài chính quốc tế, là nơi đặt trụ sở chính của một vài ngân hàng đầu tư và công ty bảo hiểm lớn nhất thế giới, đóng vai trò đầu mối của Nhật về giao thông, công nghiệp xuất bản và phát thanh truyền hình. Trong phát triển mang tính tập trung của nền kinh tế Nhật Bản theo sau cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai, nhiều công ty lớn di chuyển tổng hành dinh của họ từ các thành phố như Osaka (thủ đô thương mại lịch sử của Nhật) đến Tokyo, trong cố gắng lợi dụng sự thâm nhập dễ dàng hơn vào hệ thống nhà nước. Xu hướng này đã bắt đầu chậm dần đi do sự bùng nổ dân số ở Tokyo và mức sống đắt đỏ ở đó. Tokyo được xếp hạng bởi Economist Intelligence Unit là thành phố đắt đỏ nhất trên thế giới (giá sinh hoạt cao nhất) trong 14 năm liền cho đến 2006. Chú ý rằng điều này chỉ đúng cho mức sống của một thương gia người phương Tây. Nhiều người Nhật vẫn sống được qua ngày một cách tiết kiệm ở Tokyo, do tỉ lệ tiết kiệm quốc gia cao. Tokyo nổi lên như một trung tâm tài chính quốc tế hàng đầu (IFC) vào những năm 1960 và được mô tả là một trong ba "trung tâm chỉ huy" cho nền kinh tế toàn cầu, cùng với 2 thành phố New York và London. Trong Chỉ số Trung tâm Tài chính Toàn cầu 2017, Tokyo được xếp hạng là trung tâm tài chính cạnh tranh thứ năm trên thế giới (bên cạnh các thành phố như London, Thành phố New York, San Francisco, Chicago, Sydney, Boston và Toronto trong top 10), và cạnh tranh thứ ba ở châu Á (sau Singapore và Hồng Kông). Thị trường tài chính Nhật Bản mở cửa chậm chạp vào năm 1984 và đẩy nhanh quá trình quốc tế hóa với "Vụ nổ lớn Nhật Bản" năm 1998. Bất chấp sự xuất hiện của Singapore và Hồng Kông như các trung tâm tài chính cạnh tranh, Tokyo IFC vẫn giữ được vị trí nổi bật ở châu Á. Thị trường chứng khoán Tokyo lớn thứ nhì trên thế giới tính theo trị giá thị trường của các cổ phiếu được niêm yết, với hơn 4.000 tỷ USD. Chỉ có Thị trường chứng khoán New York là lớn hơn. Tuy nhiên, tầm vóc của nó đã giảm đi đáng kể từ sau vụ bong bóng của thị trường địa ốc đạt cực đỉnh đầu những năm 1990, khi nó chiếm trên 60 phần trăm của toàn bộ trị giá chứng khoán trên thế giới. Tính đến năm 2003, theo Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản, Tokyo có 8,460 ha đất nông nghiệp, là tỉnh có tỉ lệ đất nông nghiệp thấp nhất cả nước. Đất nông nghiệp tập trung chủ yếu ở tây Tokyo. Những mặt hàng dễ thối hỏng như rau, hoa quả và hoa có thể dễ dàng chuyển tới những khu chợ ở phía đông tỉnh. Rau bina Nhật Bản và rau bina là những loại rau quan trọng nhất, đến năm 2000, Tokyo cung cấp 32.5% lượng rau bina Nhật Bản được bán tại các chợ trung tâm. Với 36% diện tích được bao phủ bởi rừng, Tokyo là nơi phát triển dày đặc của cây liễu sam và cây bách Nhật, đặc biệt là những vùng nhiều núi như Akiruno, Ōme, Okutama, Hachiōji, Hinode, and Hinohara. Với việc giảm giá gỗ nguyên liệu, tăng giá thành sản xuất cộng thêm việc phát triển rừng đã làm sụt giảm sản lượng gỗ ở Tokyo. Ngoài ra, phấn hoa, đặc biệt là từ cryptomeria, là một chất gây dị ứng chính cho các trung tâm dân số gần đó. Vịnh Tokyo đã từng là một nguồn cá chính. Hầu hết sản xuất cá của Tokyo đến từ các hòn đảo ngoài khơi, chẳng hạn như Izu Ōshima và Hachijōjima. Cá ngừ vằn, nori và aji là một trong những mặt hàng thủy sản chính. Du lịch ở Tokyo cũng là một đóng góp cho nền kinh tế. Năm 2006, 4,81 một triệu người nước ngoài và 420 triệu chuyến thăm Nhật Bản đến Tokyo đã được thực hiện; giá trị kinh tế của những chuyến thăm này lên tới 9,4 nghìn tỷ yên theo Chính quyền thành phố Tokyo. Nhiều khách du lịch đến thăm các trung tâm thành phố, cửa hàng và khu giải trí khác nhau trên khắp các khu phố của các phường đặc biệt của Tokyo; đặc biệt đối với học sinh trong các chuyến đi theo lớp, chuyến thăm Tháp Tokyo là một điều khó khăn. Các dịch vụ văn hóa bao gồm cả văn hóa pop Nhật Bản có mặt khắp nơi và các quận liên quan như Shibuya và Harajuku, các điểm tham quan văn hóa như trung tâm anime Studio Ghibli, cũng như các bảo tàng như Bảo tàng Quốc gia Tokyo, nơi lưu giữ 37% kho báu tác phẩm nghệ thuật quốc gia của đất nước (87/233). Chợ cá Tsukiji ở Tokyo là chợ bán buôn cá và hải sản lớn nhất thế giới, và cũng là một trong những chợ bán buôn thực phẩm lớn nhất dưới mọi hình thức. Chợ Tsukiji giữ vững truyền thống của người tiền nhiệm, chợ cá Nihonbashi, và phục vụ khoảng 50.000 người mua và người bán mỗi ngày. Các nhà bán lẻ, toàn bộ người bán, nhà đấu giá và công dân thường xuyên đi chợ, tạo ra một thế giới hỗn loạn có tổ chức duy nhất vẫn tiếp tục cung cấp cho thành phố và nguồn cung cấp thực phẩm sau hơn bốn thế kỷ. Nó đã chuyển sang Chợ Toyosu mới vào tháng 10 năm 2018. Giao thông Tokyo, với vai trò là trung tâm của vùng đại đô thị Tokyo, là trung tâm giao thông nội địa và quốc tế lớn nhất Nhật Bản với hệ thống giao thông đường sắt, đường bộ và đường không phát triển hiện đại. Giao thông công cộng trong Tokyo bao gồm chủ yếu là hệ thống xe lửa và tàu điện ngầm bao quát được quản lý bởi nhiều nhà điều hành . Xe buýt, xe lửa một ray và xe điện cũng đóng vai trò quan trọng trong việc lưu chuyển tại thành phố. Do hậu quả của chiến tranh thế giới thứ hai, máy bay Nhật Bản bị cấm bay qua Tokyo. Do đó, Nhật Bản đã xây dựng các sân bay bên ngoài Tokyo. Tại Ōta, một trong 23 khu đặc biệt của Tokyo, sân bay quốc tế Tokyo (Haneda) phục vụ những chuyến bay nội địa. Ngoài Tokyo, sân bay quốc tế Narita nằm ở tỉnh Chiba, là nơi đón khách quốc tế. Hãng hàng không Nhật Bản Japan Airlines, cũng như All Nippon Airways có một chi nhánh tại sân bay này. Nhiều đảo ở Tokyo cũng có sân bay như Hachijōjima (sân bay Hachijojima), Miyakejima (sân bay Miyakejima) và Izu Ōshima (sân bay Oshima) có những chuyến bay tới các sân bay ở Tokyo và quốc tế. Đường sắt là loại hình giao thông chủ yếu ở Tokyo, Tokyo có hệ thống đường sắt đô thị lớn nhất thế giới. Công ty đường sắt Đông Nhật Bản điều hành hệ thống đường sắt lớn nhất của Tokyo, bao gồm đường ray Yamanote chạy quanh khu trung tâm thương mại của Tokyo. Hai tổ chức khác điều hành hệ thống tàu điện ngầm gồm: công ty tư nhân Tokyo Metro và Cục giao thông đô thị Tokyo thuộc chính phủ. Những hãng vận tải tư nhân và nhà nước điều hành các tuyến xe buýt, bao gồm các dịch vụ địa phương, vùng và trong nước. Hệ thống đường cao tốc nối thủ đô tới các điểm khác trong vùng đại Tokyo, vùng Kantō và các đảo Kyūshū và Shikoku. Để xây dựng chúng nhanh chóng trước Thế vận hội Mùa hè 1964, hầu hết được xây dựng trên các con đường hiện có. Những phương tiện giao thông khác bao gồm taxi hoạt động tại các khu đặc biệt, thành phố và thôn. Những bến phà đường dài cũng phục vụ tại các đảo của Tokyo và chuyên chở hành khách và hàng hóa tới các cảng trong nước và quốc tế. Giáo dục Tokyo có nhiều trường đại học, cao đẳng và các trường dạy nghề. Nhiều trường đại học danh tiếng nhất của Nhật Bản nằm ở Tokyo, bao gồm Đại học Tokyo, Đại học Hitotsubashi, Đại học Công nghệ Tokyo, Đại học Waseda, Đại học Khoa học Tokyo và Đại học Keio. Một số trường đại học quốc gia lớn nhất ở Tokyo là: Đại học Hitotsubashi Đại học Meiji Viện nghiên cứu chính sách quốc gia Đại học Ochanomizu Đại học Tokyo Gakugei Đại học Công nghệ Tokyo Đại học Y và Nha khoa Tokyo Đại học Nông nghiệp và Công nghệ Tokyo Đại học Ngoại ngữ Tokyo Đại học Khoa học và Công nghệ biển Tokyo Đại học nghệ thuật Tokyo Đại học điện tử Đại học Tokyo Chỉ có một trường đại học công lập ngoài quốc gia: Đại học Thủ đô Tokyo. Ngoài ra còn có một vài trường đại học nổi tiếng với các lớp học bằng tiếng Anh và giảng dạy tiếng Nhật, bao gồm Trường Quản lý Đại học Globis, Đại học Christian Quốc tế, Đại học Sophia và Đại học Waseda. Tokyo cũng là trụ sở của Đại học Liên Hợp Quốc. Điều hành công khai các trường mẫu giáo, trường tiểu học (năm 1 đến 6) và trường tiểu học (7 đến 9) được điều hành bởi các phường địa phương hoặc văn phòng thành phố. Các trường trung học công lập ở Tokyo được điều hành bởi Hội đồng giáo dục của chính quyền thành phố Tokyo và được gọi là "Trường trung học thủ đô". Tokyo cũng có nhiều trường tư thục từ mẫu giáo đến trung học: Trường quốc tế Aoba Nhật Bản Trường Anh tại Tokyo Trường giao lưu quốc tế Jingumae Trường quốc tế K. Tokyo Trường quốc tế Tokyo Trường quốc tế Canada Trường quốc tế Tokyo West Trường quốc tế St. Mary's Trường quốc tế mới Văn hóa Tokyo có rất nhiều bảo tàng. Riêng tại công viên Ueno đã có 4 bảo tàng quốc gia gồm: Bảo tàng Quốc gia Tokyo, bảo tàng lớn nhất của Nhật Bản và chuyên về nghệ thuật truyền thống Nhật Bản; Bảo tàng Quốc gia nghệ thuật phương Tây; Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại Quốc gia Tokyo, với những bộ sưu tập về nghệ thuật Nhật Bản cũng như hơn 40,000 bộ phim của Nhật Bản và quốc tế. Ở vườn hoa Ueno cũng có Bảo tàng Khoa học Quốc gia và vườn thú công cộng. Các bảo tàng khác bao gồm: Bảo tàng Nghệ thuật Nezu tại Aoyama; Bảo tàng Edo-Tokyo tại Sumida dọc sông Sumida ở trung tâm Tokyo và thư viện nghị viện quốc gia, Cơ quan lưu trữ quốc gia và Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại Quốc gia, nằm gần hoàng cung. Tokyo có rất nhiều nhà hát cho nghệ thuật biểu diễn. Trong đó có những nhà hát tư nhân và nhà nước dành cho các loại hình nghệ thuật truyền thống của Nhật Bản như kịch Noh và Kabuki cũng như cho các thể loại kịch hiện đại. Các dàn nhạc giao hưởng và những nhóm nhạc biểu diễn âm nhạc phương Tây và âm nhạc truyền thống. Tokyo có rất nhiều nơi biểu diễn dành cho thể loại nhạc pop và rock với đủ các kích cỡ từ những câu lạc bộ nhỏ cho tới những khu lớn như Nippon Budokan. Có rất nhiều lễ hội diễn ra khắp Tokyo. Những lễ hội lớn phải kể đến Sannō tại đền Hie, Sanja tại đền Asakura và lễ hội Kanda tổ chức hai năm một lần. Thường niên, vào cuối ngày thứ bảy của tháng bảy, tại sông Sumida sẽ có màn biểu diễn pháo hoa thu hút hơn một triệu người xem. Vào mùa hoa anh đào nở vào tháng tư, rất nhiều người tụ tập tại công viên Ueno, công viên Inokashira và vườn quốc gia Shinjuku Gyoen để tổ chức picnic dưới bóng cây anh đào. Nhiều lễ hội khác nhau diễn ra trên khắp Tokyo. Các sự kiện chính bao gồm Sannou tại Đền Hie, Sanja tại Đền Asakusa và Lễ hội Kanda hai năm một lần. Cuối cùng có một cuộc diễu hành với phao được trang trí công phu và hàng ngàn người. Hàng năm vào thứ bảy cuối cùng của tháng 7, một màn pháo hoa khổng lồ trên sông Sumida thu hút hơn một triệu người xem. Một khi hoa anh đào nở vào mùa xuân, nhiều cư dân tụ tập tại Công viên Ueno, Công viên Inokashira và Vườn Quốc gia Shinjuku Gyoen để dã ngoại dưới những bông hoa. Harajuku, một địa điểm thuộc khu Shibuya, được biết đến trên toàn thế giới với phong cách, thời trang và cosplay của giới trẻ Nhật Bản. Ẩm thực ở Tokyo được quốc tế hoan nghênh. Vào tháng 11 năm 2007, Michelin đã phát hành hướng dẫn đầu tiên của họ về ẩm thực tuyệt vời ở Tokyo, trao tổng cộng 191 sao, hoặc gấp đôi so với đối thủ cạnh tranh gần nhất của Tokyo, Paris. Tính đến năm 2017, 227 nhà hàng ở Tokyo đã được trao (92 ở Paris). Mười hai cơ sở đã được trao tối đa ba sao (Paris có 10), 54 nhận hai sao và 161 kiếm được một sao. Thể thao Thể thao tại Tokyo rất đa dạng. Tokyo có hai đội bóng chày chuyên nghiệp là Yomiuri Giants (sân nhà là Tokyo Dome) và Yakult Swallows (sân nhà là sân vận động Meiji-Jingu). Hiệp hội Sumo Nhật Bản có trụ sở tại Tokyo đặt tại nhà thi đấu Ryōgoku Kokugikan, nơi có 3 giải Sumo chính thức được tổ chức thường niên (vào tháng giêng, tháng năm và tháng chín). Những câu lạc bộ bóng đá ở Tokyo bao gồm F.C. Tokyo và Tokyo Verdy, cả hai đều đang thi đấu ở J-League 1 và có chung sân nhà là sân vận động Ajinomoto tại Chōfu. Tokyo là thành phố đã tổ chức Thế vận hội Mùa hè 1964. Sân vận động quốc gia, được biết đến với tên là sân vận động Olympic Quốc gia (Tokyo) đã tổ chức một số sự kiện thể thao quốc tế, hiện nay nó đã được di chuyển sang nơi khác và xây mới. Là một thành phố có nhiều khu thi đấu thể thao đạt đẳng cấp quốc tế, Tokyo thường xuyên tổ chức những sự kiện thể thao trong nước và quốc tế như các giải tennis, bơi, marathon, thể thao biểu diễn kiểu Mỹ, judo, karate. Cung thể dục thể thao trung tâm Tokyo, nằm ở Sendagaya, Shibuya, là khu liên hợp thể thao lớn bao gồm nhiều bể bơi, phòng tập và một nhà thi đấu trong nhà. Tokyo cũng sẽ lần lần thứ hai tổ chức Thế vận hội Mùa hè 2020. Tokyo trong văn hóa đại chúng Với vai trò là một trung tâm dân số lớn nhất Nhật Bản và là nơi có trụ sở của những đài truyền hình lớn như NHK, Fuji TV. Tokyo thường xuyên được chọn làm bối cảnh cho những bộ phim Nhật Bản, show truyền hình, anime, manga. Trong thể loại kaiju (phim kinh dị), những thắng cảnh của Tokyo thường bị phá hủy bởi những con quái vật khổng lồ như Godzilla. Một vài đạo diễn Hollywood đã chọn Tokyo là nơi quay phim cũng như bối cảnh của bộ phim. Một vài ví dụ cho những bộ phim thời hậu chiến là Tokyo Joe, My Geisha, tập phim You Only Live Twice trong loạt phim về James Bond; nhiều bộ phim nổi tiếng khác bao gồm Kill Bill, The Fast and the Furious: Tokyo Driff và Lost in Translation. Tác giả Nhật Bản Haruki Murakami đã dựa trên một số tiểu thuyết của mình ở Tokyo (bao gồm cả Rừng Na Uy), và hai cuốn tiểu thuyết đầu tiên của David Mitchell, số 9dream và Ghostwrrite đặc trưng của thành phố. Họa sĩ đương đại người Anh Carl Randall đã dành 10 năm sống ở Tokyo với tư cách là một nghệ sĩ, tạo ra một tác phẩm mô tả các đường phố đông đúc và không gian công cộng của thành phố này. Khung cảnh Kiến trúc ở Tokyo đã được hình thành phần lớn bởi lịch sử của thành phố. Hai lần trong lịch sử thành phố đã bị phá hủy chỉ còn lại những đống đổ nát: đầu tiên trong trận động đất năm 1923 và sau đó là khi bị oanh tạc trong Thế Chiến II. Bởi vì điều này, cảnh quan đô thị Tokyo bao gồm chủ yếu là kiến trúc hiện đại và kiến trúc đương đại, và các tòa nhà cũ là rất khan hiếm. Tokyo có nhiều nổi tiếng hình thức kiến trúc hiện đại nổi tiếng bao gồmː Tokyo International Forum, Asahi Beer Hall, Mode Gakuen Cocoon Tower, NTT Docomo Yoyogi Building và Rainbow Bridge. Tokyo cũng có hai ngọn tháp đặc biệt: Tháp Tokyo, và mới đây là Tokyo Skytree, ngọn tháp cao nhất ở Nhật và trên thế giới, cũng là công trình kiến trúc cao thứ hai thế giới chỉ sau Burj Khalifa của Dubai. Tokyo cũng có nhiều công viên và các khu vườn. Có bốn công viên quốc gia ở Tokyo, bao gồm có Vườn quốc gia Fuji-Hakone-Izu. Thành phố kết nghĩa Tokyo có 12 thành phố và bang kết nghĩa: Chú thích
Họ Bồ hòn (danh pháp khoa học: Sapindaceae), là một họ thực vật trong bộ Bồ hòn (Sapindales). Họ này có khoảng 140-150 chi và 1.400-2.000 loài. Chúng là các loại cây thân gỗ, cây bụi, cây thân thảo và dây leo sinh sống trong vùng ôn đới và nhiệt đới trên toàn thế giới. Nhiều loài là các loại "cây tiết sữa", tức là chúng chứa nhựa cây giống sữa, và nhiều loài chứa các saponin có độ độc tính vừa phải (các ancaloit với tính chất nhờn như xà phòng) trong lá hoặc trong hạt. Lá của chúng mọc cách xoắn (trong các chi Acer, Aesculus và một số chi khác) hoặc mọc đối, mọc chụm ba; thông thường không có lá kèm, và chủ yếu là lá kép lông chim 1 lần hay nhiều lần, nhiều khi là lá kép chân vịt (Acer), kép chân vịt có phiến chét xẻ thùy sâu (Billia, Aesculus). Các hoa nhỏ đơn tính hay đơn tính vô sinh. Trong trường hợp này, hoa cái có các nhị hoa vô sinh. Hoa mọc thành cụm hình xim (ít khi là hoa đơn độc), thường kèm theo lá bắc. Các hoa cái chủ yếu ở gốc của cụm hoa còn hoa đực ở trên đỉnh cụm. Có 5 đài hoa (đôi khi 4), rời hoặc hợp. Số lượng cánh hoa là 5 (đôi khi là 4 hoặc không cánh), thường là rời, cũng có khi là hợp gốc. Thường có 8 nhị hoa, được phân bổ thành hai vòng, mỗi vòng 4 nhị, nhưng số lượng nhị cũng có thể là từ 4 đến 10 hoặc nhiều hơn. Các chỉ nhị thường có lông tơ. Quả là loại có cùi hoặc khô, nứt ra hoặc không; phôi nhờn hoặc có tinh bột, không có nội nhũ. Quả có thể là loại quả nang, quả hạch, quả hạt, quả mọng, quả nứt hay quả cánh. Các hạt có vỏ hạt. Phôi mầm uốn cong hay cuộn xoắn. Các chi chủ yếu ở vùng ôn đới trước đây nằm trong các họ riêng Aceraceae (các chi Acer, Dipteronia) và Hippocastanaceae (các chi Aesculus, Billia, Handeliodendron) đã được APG đưa vào trong họ Sapindaceae. Cả hai họ này đều là các nhóm cơ bản, mỗi họ này đều là đơn ngành, và chúng có thể coi như là các họ nhỏ riêng rẽ. Do phong cách của APG là ưa thích các họ lớn khi có khả năng nên sự lựa chọn ưa thích ở đây là định nghĩa rộng lớn hơn cho họ Sapindaceae. Một số nghiên cứu gần đây đã xác nhận việc gộp các chi này vào họ Sapindaceae. Sapindaceae bao gồm nhiều loài hoa quả nhiệt đới có giá trị kinh tế, bao gồm vải, guarana, nhãn, chôm chôm, mamoncillo và akee. Các loài quan trọng Tam phỏng hay Tầm phỏng (Cardiospermum halicacabum L.). Toàn cây dùng làm thuốc chữa cảm lạnh và cảm sốt, viêm thận phù thũng, viêm đường tiết niệu, đái tháo đường, ho gà, tê thấp; dùng ngoài trị đòn ngã tổn thương, viêm mủ da, eczema, ghẻ ngứa. Nhãn (Dimocarpus longan Lour. hay Euphoria longan (Lour.) Steud.). Áo hạt sấy khô gọi là long nhãn, dùng làm thuốc chữa trí nhớ suy giảm hay quên, thần kinh suy nhược, tâm thần mệt mỏi hồi hộp, hoảng hốt, gan tỳ hoạt động kém, huyết hư. Vải (Litchi chinensis Radlk.). Áo hạt dùng chữa khát nước, nấc cụt, đau dạ dày. Hạt dùng chữa đau dạ dày, đau ruột non, đau tinh hoàn. Rễ dùng trị đầy bụng, di tinh, đau họng. Lá dùng trị loét trong tai. Vỏ quả dùng trị lỵ, băng huyết và mẩn ngứa. Chôm chôm (Nephelium lappaceum L.). Quả xanh và vỏ quả dùng trị tiêu chảy, kiết lỵ, sốt rét. Rễ dùng làm thuốc hạ sốt. Phân loại Sapindaceae có quan hệ họ hàng gần với Rutaceae, và cả hai thường được đặt trong bộ Sapindales hay Rutales, phụ thuộc vào việc chúng có được tách riêng hay không và tên gọi nào được sử dụng để chỉ bộ này. Thành viên cơ sở nhất của họ này dường như là chi Xanthoceras. Một số tác giả duy trì một phần hay toàn bộ các thành viên của họ Hippocastanaceae và Aceraceae như là các họ độc lập, nhưng điều này gây ra tính cận ngành cho phần còn lại của họ Sapindaceae. Họ cũ Ptaeroxylaceae, hiện nay đặt trong Rutaceae, đôi khi từng được đặt trong họ Sapindaceae. Họ được chia thành 5 hoặc 6 phân họ, tùy theo cách xử lý. Một số chi quan trọng Acer - cây thích, cây túc, cây phong Aphania - anh đào Senegal Aesculus - cây mắt nai, kẹn hay dẻ ngựa Blighia - akee Cardiospermum - đảo địa linh Dimocarpus - nhãn Koelreuteria - cây loan hay cây đăng lung (cây lồng đèn) Litchi - vải Melicoccus - mamoncillo Nephelium - chôm chôm, kapulasan Paullinia - guarana (ca cao Brasil) và yoco Sapindus - bồ hòn Talisia - pitomba Ungnadia - cây mắt nai Mexico Các chi Lưu ý: Một vài chi trong danh sách này (ví dụ Negundo) được nhiều nhà thực vật học coi là từ đồng nghĩa của các chi khác Thư viện ảnh
Bộ Bồ hòn (danh pháp khoa học: Sapindales) là một bộ thực vật có hoa nằm trong phân nhóm Hoa hồng của nhánh thực vật hai lá mầm thật sự. Thuật ngữ Sapindales có nguyên từ là từ tiếng Ba Tư "Spand" (اسپند). Bộ này có các đặc điểm đáng chú ý như các hợp chất thứ cấp, tinh dầu, myricetin; có các tế bào/mô bài tiết; các thành phần của ống mạch với các lỗ châm kim đơn; gỗ hóa đá hay gỗ có chứa các hạt dioxide silic (SiO2) ở các họ chính, đặc biệt là Anacardiaceae và Burseraceae; các cuống lá để lại sẹo dễ thấy; các lá mọc vòng, lá kép lông chim lẻ, gập đôi; các chỉ nhị có khớp nối, (màng ngoài có khía), ít noãn/lá noãn. Theo APG, bộ này có 9 họ, 460 chi và khoảng 5.670 loài, chiếm khoảng 30% sự đa dạng của thực vật hai lá mầm thật sự. Phát sinh chủng loài Biểu đồ phát sinh chủng loài dưới đây lấy theo Wang và ctv. (2009), với tên gọi các bộ lấy từ website của Angiosperm Phylogeny.. Các nhánh với mức hỗ trợ tự khởi động thấp hơn 50% bị bỏ qua. Các nhánh khác có mức hỗ trợ 100% ngoại trừ những nơi có con số chỉ ra mức hỗ trợ cụ thể. Phân loại Trong các phân loại mới, như hệ thống APG II, người ta đưa vào đây các họ sau: Họ Anacardiaceae (họ đào lộn hột hay họ điều) Họ Biebersteiniaceae Họ Burseraceae (họ hương trầm, trám, râm) Họ Kirkiaceae Họ Meliaceae (họ xoan, gụ) Họ Nitrariaceae: Với 2 họ tùy chọn có thể nhập vào hoặc tách ra trong APG II, nhưng hệ thống APG III năm 2009 không cho phép tách ra. Peganaceae Tetradiclidaceae Họ Rutaceae (họ cam, chanh, cửu lý hương) Họ Sapindaceae (họ bồ hòn) Họ Simaroubaceae (họ thanh thất, xoan rừng, xú xuân) Trong hệ thống Cronquist cũ thì các họ nằm trong bộ này là: Anacardiaceae Burseraceae Meliaceae Rutaceae Sapindaceae Simaroubaceae Aceraceae: hiện nay là một phần của họ Sapindaceae. Akaniaceae: hiện nay đã chuyển sang bộ Brassicales. Bretschneideraceae: hiện nay là một phần của họ Akaniaceae trong bộ Brassicales Cneoraceae: hiện nay là một phần của họ Rutaceae. Hippocastanaceae: hiện nay là một phần của họ Sapindaceae. Julianiaceae: hiện nay là một phần của họ Anacardiaceae. Melianthaceae: chuyển sang bộ Geraniales. Staphyleaceae: hiện nay đã chuyển sang bộ Crossosomatales Zygophyllaceae: hiện nay một phần là các họ Kirkiaceae, Nitrariaceae; một phần chuyển sang bộ Zygophyllales Sự khác biệt so với hệ thống APG II là không lớn như thoạt nhìn, do các loài trong các họ Aceraceae và Hippocastanaceae vẫn nằm lại trong bộ này theo định nghĩa của APG II (cả hai đều là một bộ phận của họ Sapindaceae). Các loài hiện nay nằm trong họ Nitrariaceae thì trong hệ thống Cronquist cũng thuộc về bộ này (một phần của họ Zygophyllaceae), trong khi các loài hiện nay thuộc về họ Kirkiaceae cũng đã tồn tại trong hệ thống Cronquist như là một phần của họ Simaroubaceae. Ghi chú
Họ Cửu lý hương hay họ Vân hương, còn gọi là họ Cam hay họ Cam chanh hoặc họ Cam quýt (danh pháp khoa học: Rutaceae) là một họ thực vật trong bộ Bồ hòn (Sapindales). Các loài của họ này nói chung có hoa được chia thành 4 hay 5 phần, thông thường có mùi thơm rất mạnh. Chúng xuất hiện dưới dạng và kích thước từ cây thân thảo tới cây bụi và cây thân gỗ nhỏ. Quan trọng nhất về mặt kinh tế trong họ này là chi Citrus (chi Cam), trong đó bao gồm các loại cây ăn quả như cam, chanh, quất, quýt, bưởi và bưởi chùm. Từ đồng nghĩa Họ này còn được gọi dưới các tên khoa học sau đây: Amyridaceae Kunth (1824) Aurantiaceae Durande Boroniaceae J. Agardh Cneoraceae Vest (1818) Correaceae J. Agardh, về danh nghĩa là không hợp lệ. Cuspariaceae (DC.) Tratt. Dictamnaceae Vest Diosmaceae R. Br. Diplolaenaceae J. Agardh Flindersiaceae (Engl.) C. T. White cũ là Airy Shaw (1964) Fraxinellaceae Nees & Mart. Pilocarpaceae J. Agardh Ptaeroxylaceae J.-F.Leroy (1960) Pteleaceae Kunth Zanthoxylaceae Bercht. & J. Presl Các chi Họ này có khoảng 161 chi và 1600 loài Achuaria Gereau Acmadenia Bartl. & H.L.Wendl. Acradenia Kippist (bao gồm cả Luerssenidendron) Acronychia J.R.Forst. & G.Forst (bao gồm cả Bauerella, Pleiococca): Chi Bưởi bung hay Sơn du cam Adenandra Willd. Adiscanthus Ducke Aegle Correa: Mộc quất Aeglopsis Swingle Afraegle (Swingle) Engl. Afraurantium A.Chev. Agathosma Willd. (bao gồm cả Barosma) Almeidea A.St.-Hil. Amyris P.Browne Angostura Roem. & Schult. (bao gồm cả Cusparia) Apocaulon R.S.Cowan Araliopsis Engl. Asterolasia F.Muell. (bao gồm cả Pleurandropsis) Atalantia Correa: Tửu bính lặc Balfourodendron Corr.Mello ex Oliv. Balsamocitrus Stapf Boenninghausenia Rchb. ex Meisn.: Thạch tiêu thảo Boninia Planch. Boronella Baill. Boronia Sm. Bosistoa F.Muell (bao gồm cả Pagetia) Bottegoa Bouchardatia Baill. Bouzetia Montrouz. Brombya F.Muell. Burkillanthus Swingle Calodendrum Thunb. Casimiroa La Llave (bao gồm cả Sargentia): Hương nhục quả Chloroxylon DC: Sơn tiêu Ceylon Choisya Kunth (bao gồm cả Astrophyllum) Chorilaena Endl. Citropsis (Engl.) Swingle & M.Kellerm Citrus L. (bao gồm cả Pleurocitrus): Chi Cam chanh, gồm cam, chanh, quất, quýt Clausena Burm.f.: Hoàng bì Clymenia Swingle Cneoridium Hook.f. Cneorum L. (nguyên là họ Cneoraceae, bao gồm cả Neochamaelea) Coleonema Bartl. & H.L.Wendl. Comptonella Baker f. Coombea P.Royen Correa Andrews Crowea Sm. Cyanothamnus Lindl. Decagonocarpus Engl. Decatropis Hook.f. Decazyx Pittier & S.F.Blake Dendrosma Pancher & Sebert Dictamnus L.: Bạch tiên Dictyoloma A.Juss. Diosma L. Diphasia Pierre Diphasiopsis Mendonca Diplolaena R.Br. Drummondita Harv. Dutaillopsis T. Hartley Dutaillyea Baill. Echinocitrus Tanaka Empleuridium Sond. & Harv. Empleurum Aiton Eremocitrus Swingle Eriostemon Sm. Erythrochiton Nees & Mart. Esenbeckia Kunth Euchaetis Bartl. & H.L.Wendl. Euodia J.R.Forst. & G.Forst. (bao gồm cả Evodia, Zieridium): Ba chạc, chè đắng, chè cỏ, dầu dầu, ngô thù du Euxylophora Huber Evodiella Linden Fagaropsis Mildbr. ex Siebenl. (bao gồm cả Clausenopsis) Feroniella Swingle Flindersia RBr.: Cự bàn mộc Fortunella Swingle: Kim kết Galipea Aubl. Geijera Schott Geleznowia Turcz. Glycosmis Correa (bao gồm cả Thoreldora): Chi Cơm rượu hay Sơn tiểu quất Halfordia F.Muell. Haplophyllum A.Juss.: Vân hương thảo Harrisonia Helietta Tul. Hortia Vand. Ivodea Capuron Kodalyodendron Borhidi & Acuna Leptothyrsa Hook.f. Limnocitrus Swingle Limonia L. (bao gồm cả Feronia) Lubaria Pittier Lunasia Blanco (bao gồm cả Rabelaisia) Luvunga Buch.-Ham. ex Wight & Arn.: Tam diệp đằng quất Maclurodendron T.G.Hartley Macrostylis Bartl. & H.L.Wendl. Medicosma Hook.f. Megastigma Hook.f. Melicope J.R.Forst. & G.Forst (bao gồm cả Pelea): Mật thù du Merope M.Roem. Merrillia Swingle Metrodorea A.St.-Hil. Microcitrus Swingle Microcybe Turcz. Micromelum Blume: Tiểu vân mộc Monanthocitrus Tanaka Monnieria Loefl. (bao gồm cả Ertela, Moniera) Muiriantha C.A.Gardner Murraya L. (bao gồm cả Chalcas): Nguyệt quới, nguyệt quất, cửu lý hương, vương tùng (củ khỉ, nhâm hôi, cơm nguội) Myrtopsis Engl. Naringi Adans. (bao gồm cả Hesperethusa) Naudinia Planch. & Linden Nematolepis Turcz. Neobyrnesia J.A.Armstr. Neoschmidia T.G. Hartley Nycticalanthus Ducke Oricia Pierre Oriciopsis Engl. Orixa Thunb.: Xú thường sơn Oxanthera Montrouz. Pamburus Swingle Paramignya Wight: Đơn diệp đằng quất Peltostigma Walp. Pentaceras Hook.f. Phebalium Vent. Phellodendron Rupr.: Hoàng bách (hoàng bá) Philotheca Rudge Phyllosma Bolus Pilocarpus Vahl Pitavia Molina Platydesma H.Mann Pleiospermium (Engl.) Swingle Plethadenia Urb. Polyaster Hook.f. Poncirus Raf.: Cam ba lá, chỉ thực Pseudiosma DC. Psilopeganum Hemsl.: Sơn ma hoàng Ptaeroxylon Ptelea L.: Du quất Raputia Aubl. (bao gồm cả Myllanthus, Neoraputia, Raputiarana, Sigmatanthus) Rauia Nees & Mart. Raulinoa R.S.Cowan Ravenia Vell. (bao gồm cả Pomphidea) Raveniopsis Gleason Rhadinothamnus Paul G.Wilson Ruta L.: Cửu lý hương, vân hương Rutaneblina Steyerm. & Luteyn Sarcomelicope Engl. Severinia Ten. Sheilanthera I.Williams Skimmia Thunb.: Nhân vu Spathelia L. (bao gồm cả Diomma) Spiranthera A.St.-Hil. Stauranthus Liebm. Swinglea Merr.: Mộc quất Philippines Teclea Delile (bao gồm cả Comoroa) Tetractomia Hook.f. (bao gồm cả Terminthodia) Tetradium Lour.: Dầu dấu, tứ Thamnosma Torr. & Frem. (bao gồm cả Rutosma) Ticorea Aubl. Toddalia Juss.: Phi long chưởng huyết Toddaliopsis Engl. Tractocopevodia Raizada & V.Naray. Triphasia Lour. Urocarpus J.Drumm. ex Harv. Vepris Comm. ex A.Juss. (bao gồm cả Humblotiodendron, Tecleopsis) Wenzelia Merr. Zanthoxylum L. (bao gồm cả Fagara): Chi Xuyên tiêu, gồm sẻn, hoa tiêu, xuyên tiêu Zieria Sm Hình ảnh Chú thích
Họ Đào lộn hột hay còn gọi là họ Xoài (danh pháp khoa học: Anacardiaceae) là một họ thực vật có hoa có quả là loại quả hạch. Các loài trong họ này có cây gỗ, bụi hoặc dây leo thân gỗ; lá mọc cách, thường kép một lần lông chim; đặc trưng bởi cây có nhựa mủ. Hoa của cây trong họ nhỏ, đều, mẫu (3)5(7); bộ nhị xếp thành 2 vòng (diplostemon) hoặc 1 vòng (haplostemon), hiếm khi 2 vòng với các nhị vòng ngoài đối diện các cánh hoa (obdiplostemon); có triền ở trong hay ngoài nhị. Bộ nhụy thường gồm 3 lá noãn hợp quả tụ (hợp nguyên lá noãn), đôi khi lá noãn 1 hoặc 4-6, rời nhau. Quả của cây trong họ thường là dạng hạch hay quả mọng. Hạt có phôi cong. Một số loài tiết ra urushiol là một chất gây dị ứng. Chi điển hình là Anacardium (đào lộn hột). Các loài khác trong họ này còn có xoài, điều, sơn độc, sơn, hoa khói và hồ trăn. Hồ trăn đôi khi còn được đưa vào họ riêng là Pistaciaceae. Các chi Theo APG III, họ này chứa khoảng 80 chi với khoảng 882 loài, đôi khi được chia thành hai phân họ là Spondoideae (đồng nghĩa: Spondiadaceae) với khoảng 20 chi và 147 loài và Anacardioideae với khoảng 60 chi và 735 loài. Euleria Anacardioideae Actinocheita Amphipterygium (bao gồm cả Juliania) Anacardium: đào lộn hột Androtium Apterokarpos Astronium (bao gồm cả Myracrodruon) Baronia Blepharocarya Bonetiella Bouea (bao gồm cả Tropidopetalum) Buchanania (bao gồm cả Coniogeton) Campnosperma (bao gồm cả Cyrtospermum) Campylopetalum Cardenasiodendron Comocladia Cotinus: cây hoa khói Dobinea (bao gồm cả Podoon) Drimycarpus (bao gồm cả Comeurya) Euroschinus Faguetia Fegimanra Gluta (bao gồm cả Melanorrhoea, Stagmaria, Syndesmis) Haplorhus Heeria (bao gồm cả Anaphrenium) Holigarna Laurophyllus (bao gồm cả Botryceras) Lithraea (cách viết khác Lithrea) Loxopterigium (bao gồm cả Apterokarpos) Loxostylis Malosma Mangifera (bao gồm cả Phanrangia): xoài Mauria Melanochyla Metopium Micronychia Mosquitoxylum Nothopegia Ochoterenaea Orthopterygium Ozoroa Pachycormus (bao gồm cả Veatchia) Parishia Pentaspadon (bao gồm cả Microstemon, Nothoprotium) Pistacia: hồ trăn Protorhus Pseudosmodingium Rhodosphaera Rhus (bao gồm cả Duckera, Melanococca, Neostyphonia, Terminthia, Trujanoa): cây sơn, cây muối, cây sơn độc, thường xuân độc, sồi độc Schinopsis (bao gồm cả Quebrachia) Schinus (bao gồm cả Duvaua): tiêu Peru Searsia Semecarpus (bao gồm cả Melanocommia, Nothopegiopsis, Oncocarpus) Smodingium Sorindeia (bao gồm cả Sorindeiopsis) Swintonia (bao gồm cả Anauxanopetalum, Astropetalum) Thyrsodium Toxicodendron Trichoscypha (bao gồm cả Emiliomarcetia) Spondoideae Antrocaryon Choerospondias Cyrtocarpa (bao gồm cả Dasycarya) Dracontomelon Haematostaphis Harpephyllum Koordersiodendron Lannea (bao gồm cả Lanneoma, Odina, Scassellatia) Operculi Pegia (bao gồm cả Phlebochiton) Pleiogynium Poupartia Poupartiopsis Pseudospondias Sclerocarya Solenocarpus Spondias (bao gồm cả Allospondias, Skoliostigma): cóc Tapirira Phát sinh chủng loài Spondiadoideae-Spondiadeae và một vài chi thuộc Rhoeeae, bao gồm Pegia, Tapirira và Cyrtocarpa đã từng được phục hồi như là nhóm chị em với phần còn lại của họ này. Tuy nhiên, tình thế hiện tại là khá phức tạp. Trong một số phân tích thì Buchanania được hỗ trợ khá tốt như là nhóm chị em của phần còn lại của phân họ Anacardioideae, phù hợp cả về mặt thành phần hóa học và giải phẫu vỏ quả trong (nó không có vỏ quả trong phân tầng), số lượng lá noãn 4-6, và vị trí khác biệt của lá noãn có khả năng sinh sản, nhưng vị trí phát sinh chủng loài của nó lại không được ấn định trong các phân tích khác. Campnosperma, ban đầu được gộp trong chỉ một phân tích: việc lấy mẫu hạn chế, các mối quan hệ khác biệt với các quan hệ trong các nghiên cứu khác, không có giá trị hỗ trợ), có vỏ quả trong tương tự như của Buchanania và quả đôi khi là 2 ngăn; nhưng nó lại không được lập trình tự trong nghiên cứu của Pell (2004). Pell et al. (2011) gợi ý rằng Spondiadoideae là đa ngành, và Weeks et al. (2014) tìm thấy rằng Spondiadoideae là cận ngành, với Campnosperma nằm giữa hai phần; Buchanania là chị em với một trong hai phần này, và Pentaspadon là chị em với toàn thể cả họ - tuy nhiên, mức độ hỗ trợ là không mạnh. Trong phần còn lại của họ, có bốn nhánh chính, với [Dobinaea + Campylopetalum] là chị em với toàn bộ phần còn lại, với mức độ hỗ trợ khá tốt. Trong Anacardioideae cũ các đơn vị phân loại có kiểu phát tán nhờ gió không tạo thành một nhóm duy nhất. Về các mối quan hệ trong phạm vi chi Rhus sensu lato, mà từ đó chi gây dị ứng là Toxicodendron được tách ra, xem trong nghiên cứu của Andrés-Hernández et al. (2014).
Hồng hay hường trong tiếng Việt có thể có một trong các nghĩa sau, tùy theo ngữ cảnh: Đời sống - xã hội Màu hồng, tên một tông màu Tên, đệm, họ người: Hồng (họ người), hồng nhung, Nguyên Hồng Hồng quân trong hồng quân lão tổ, hồng quân Liên Xô, hồng quân Hồng vệ binh Hồng mông, hồng quang, hồng hoang, hồng xả, hồng ân, hồng danh. Hồng bàng có 2 nghĩa là tên quận và một giai đoạn lịch sử Hồng y trong Hồng y, Hồng y đoàn, Hồng y giáo chủ. Hồng di pháo Khoan hồng Hồng kỳ Hồng hào Hồng nhan Hồng Đức Hồng lâu mộng Hồng mao Hồng bào Hồng văn Hồng thủy Hồng Đăng Thực vật Hoa hồng, chỉ các loài hoa thuộc bộ Hoa hồng Các loài quả hồng, thuộc chi Diospyros Hồng sâm Hồng xiêm Động vật Một loài cá: cá hồng Một loài chim: hồng hạc, hồng hoàng Hồng cầu Địa lý Sông Hồng: Tên một dòng sông bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy qua Việt Nam và đổ ra biển Đông Hồng Lĩnh: tên một dãy núi như trong câu sông Lam núi Hồng Hồng Kông Hồng Dân Hồng Dũng Hồng Dương Hồng Cương Hồng Đồng
Trò chơi nhập vai trực tuyến nhiều người chơi () thường gọi là MMORPG là sự kết hợp giữa các trò chơi video nhập vai và các trò chơi trực tuyến nhiều người chơi, trong đó một số lượng rất lớn người chơi tương tác với nhau trong một thế giới ảo. Như trong tất cả các game nhập vai hoặc RPG, người chơi đảm nhận vai trò của một nhân vật (thường là trong thế giới giả tưởng hoặc thế giới khoa học viễn tưởng) và kiểm soát nhiều hành động của nhân vật đó. MMORPG được phân biệt với các game nhập vai trực tuyến nhiều người chơi hoặc một người chơi nhỏ bởi số lượng người chơi có thể tương tác với nhau và bởi thế giới bền bỉ của trò chơi (thường được lưu trữ bởi nhà phát hành trò chơi), tiếp tục tồn tại và phát triển trong khi người chơi ngoại tuyến và rời khỏi trò chơi. MMORPG được chơi trên toàn thế giới. Doanh thu toàn cầu cho MMORPG đã vượt quá nửa tỷ đô la trong năm 2005, và doanh thu tại các nước phương Tây đã vượt quá một tỷ đô la trong năm 2006. Năm 2008, chi tiêu cho đăng ký các tài khoản MMORPG của người dùng ở Bắc Mỹ và Châu Âu đã tăng lên 1,4 tỷ đô la. World of Warcraft, một MMORPG nổi tiếng, có hơn 10 triệu người đăng ký tính đến tháng 11 năm 2014. Tổng doanh thu của World of Warcraft là 1,04 tỷ đô la Mỹ trong năm 2014. Star Wars: The Old Republic phát hành năm 2011, trở thành 'MMO tăng trưởng nhanh nhất thế giới' sau khi đạt được hơn 1 triệu người đăng ký trong ba ngày đầu tiên kể từ khi ra mắt. Các tính năng cơ bản Hiện nay, các game MMORPG có nhiều tính năng nhưng tất cả gần như có chung các đặc điểm sau: Hệ thống nhiệm vụ (quests), quái vật (monsters) và tài sản ảo. Hệ thống chat, trao đổi buôn bán và lập nhóm, hội. Hệ thống quản lý, kiểm tra dựa vào các Game Master. Hệ thống chiến đấu kiểu RPG (Game nhập vai), chủ yếu dựa vào việc lên level, tăng các chỉ số sức mạnh. Hệ thống ép đồ, tiểu bang hội giao tranh, công thành chiến, chung sức diệt trùm, phân loại nghề nghiệp. Hệ thống đội (party) lập đội với người chơi để cùng đáng quái, chia sẻ kinh nghiệm
Palestine ( , hoặc ; tiếng Hebrew: פלשתינה Palestina) là một khu vực địa lý tại Tây Á, nằm giữa Địa Trung Hải và sông Jordan. Đôi khi nó được cho là bao gồm các lãnh thổ lân cận. Tên gọi này được các nhà văn Hy Lạp cổ đại sử dụng, và sau đó được sử dụng cho tỉnh Syria Palaestina của La Mã, tỉnh Palaestina Prima của Đông La Mã, và huyện Jund Filastin của Hồi giáo. Khu vực gồm hầu hết lãnh thổ của Vùng đất Israel, là Đất Thánh theo kinh thánh Do Thái. Theo lịch sử, nó được cho là phần phía nam của các định danh khu vực rộng hơn như Canaan, Syria, ash-Sham, và Levant. Khu vực Palestine nằm tại vị trí chiến lược, giữa Ai Cập, Đại Syria và bán đảo Ả Rập, là nơi khởi nguồn của Do Thái giáo và Cơ Đốc giáo. Khu vực có lịch sử lâu dài và náo động do là nơi giao thoa về tôn giáo, văn hoá, thương nghiệp và chính trị. Khu vực từng nằm dưới quyền kiểm soát của nhiều dân tộc, gồm có người Ai Cập cổ đại, Canaan, Israel cổ đại và Judea, Assyria, Babylon, Ba Tư, Hy Lạp cổ đại và Macedonia, Vương quốc Hasmoneus Do Thái, La Mã, Đông La Mã, các đế quốc Ả Rập (Rashidun, Umayyad, Abbasi và Fatimid), Thập tự quân, Ayyub, Mamluk, Mông Cổ, Ottoman, Anh, và người Israel, Jordan, Ai Cập và Palestine hiện đại. Ranh giới của khu vực biến đổi trong suốt lịch sử. Ngày nay, khu vực bao gồm Nhà nước Israel và các lãnh thổ Palestine do Nhà nước Palestine tuyên bố chủ quyền. Lịch sử Thời kỳ cổ đại Khu vực Palestine nằm trong số những nơi đầu tiên trên thế giới có con người cư trú, có các cộng đồng nông nghiệp và văn minh. Trong thời kỳ đồ đồng, các thành bang Canaan độc lập hình thành, và chịu ảnh hưởng từ các nền văn minh xung quanh là Ai Cập cổ đại, Lưỡng Hà, Phoenicia, Minos Crete, và Syria. Trong khoảng 1550–1400 TCN, các thành phố Canaan trở thành chư hầu của Tân Vương quốc Ai Cập, thế lực này nắm giữ quyền lực cho đến trận chiến Djahy (Canaan) vào năm 1178 TCN trong giai đoạn thời kỳ đồ đồng sụp đổ. Người Israel xuất hiện từ một quá trình chuyển biến xã hội sâu sắc diễn ra trong các cư dân tại vùng núi miền trung của Canaan khoảng năm 1200 TCN, không có dấu hiệu về xâm chiếm bạo lực hoặc thậm chí là xâm nhập hoà bình của một dân tộc xác định rõ ràng và đến từ nơi khác. Khu vực trở thành bộ phận của đế quốc Tân Assyria từ khoảng 740 TCN, đế quốc này bị Tân Babylon thay thế vào khoảng năm 627 TCN. Theo Kinh Thánh, một cuộc chiến với Ai Cập đạt đỉnh vào năm 586 TCN khi Jerusalem bị quốc vương Babylon là Nebuchadnezzar II tàn phá và các thủ lĩnh địa phương trong khu vực Judea bị đày đến Babylon. Năm 539 TCN, đế quốc Babylon bị thay thế bằng đế quốc Achaemenes. Theo Kinh Thánh và suy đoán từ trụ sét Cyrus, cư dân Judea bị lưu đày được phép trở về Jerusalem. Miền nam Palestine trở thành một tỉnh của đế quốc Achaemenes với tên gọi là Idumea, và bằng chứng từ mảnh đồ gốm gợi ý về một xã hội kiểu Nabatene, do người Idumea dường như liên kết với người Nabatene, hình thành tại miền nam Palestine trong thế kỷ 4 TCN và rằng vương quốc Ả Rập Qedar thâm nhập khắp khu vực trong suốt thời kỳ Ba Tư và Hy Lạp thống trị. Thời kỳ cổ điển Trong thập niên 330 TCN, quân vương người Macedonia là Alexandros Đại đế chinh phục khu vực, khu vực sau đó đổi chủ nhiều lần trong các cuộc chiến Diadochi rồi các cuộc chiến Syria. Cuối cùng khu vực rơi vào tay đế quốc Seleukos khoảng 219–200 TCN. Năm 116 TCN, một cuộc nội chiến tại Seleukos dẫn đến một số khu vực trở nên độc lập trong đó có Hasmoneus tại dãy núi Judae. Từ năm 110 TCN, người Hasmoneus bành trướng quyền lực của mình ra phần lớn Palestine, tạo nên một liên minh Judaea–Samaria–Idumaea–Ituraea–Galilee. Người Judaea (Do Thái) kiểm soát khu vực rộng lớn hơn khiến nó cũng được gọi là Judaea, một thuật ngữ trước đó chỉ đề cập tới khu vực nhỏ là dãy Judaea. Trong khoảng 73–63 TCN, Cộng hoà La Mã bành trướng ảnh hưởng đến khu vực trong Chiến tranh Mithridates lần thứ ba, chinh phục Judea vào năm 63 TCN, và tách vương quốc Hasmoneus cũ thành 5 huyện. Ba năm thánh chức của Giê-su, với đỉnh điểm là việc ông bị đóng đinh lên thánh giá, được ước tính diễn ra từ 28–30 CN, song một thiểu số học giả tranh luận về tính lịch sử của Giê-su. Năm 70 CN, Titus cướp phá Jerusalem, khiến người Do Thái và Cơ Đốc trong thành phân tán đến Yavne và Pella. Năm 132, Hadrian sáp nhập tỉnh Iudaea với Galilee và Paralia để tạo thành tỉnh mới Syria Palaestina, và Jerusalem đổi tên thành "Aelia Capitolina". Trong năm 259–272, khu vực nằm dưới quyền cai trị của Odaenathus với tư cách là quân chủ của Đế quốc Palmyra. Sau thắng lợi của hoàng đế Cơ Đốc giáo Constantinus trong nội chiến tứ đế, quá trình Cơ Đốc giáo hóa đế quốc La Mã bắt đầu, và năm 326 mẹ của Constantinus là Helena đến Jerusalem và bắt đầu cho xây các nhà thờ và đền. Palestine trở thành một trung tâm của Cơ Đốc giáo, thu hút nhiều tăng lữ và học giả tôn giáo. Khởi nghĩa của người Samaria trong giai đoạn này khiến họ gần tuyệt diệt. Năm 614, Palestine bị triều đại Sassanid Ba Tư sáp nhập, rồi về tay Đông La Mã vào năm 628. Trung Cổ Đế quốc Hồi giáo chinh phục vào năm 634. Năm 636, trận Yarmouk đánh dấu quyền bá chủ của người Hồi giáo đối với khu vực, khu vực được gọi là Jund Filastin thuộc tỉnh Bilâd al-Shâm (Đại Syria). Năm 661, Khalip Ali bị ám sát, Muawiyah I cai trị thế giới Hồi giáo sau khi đăng cơ tại Jerusalem. Thánh đường Vòm Đá hoàn thành vào năm 691 là công trình lớn đầu tiên thuộc kiến trúc Hồi giáo. Đa số cư dân tại khu vực là tín đồ Cơ Đốc giáo và tình trạng này duy trì cho đến khi Saladin tiến hành chinh phục nơi đây vào năm 1187. Cuộc chinh phục của người Hồi giáo tỏ ra ít có tác động đến tính liên tục về xã hội và hành chính trong vài thập niên. Từ 'Ả Rập' khi đó chủ yếu đề cập tới dân du mục Bedouin, dù cho khu định cư Ả Rập được chứng thực tồn tại trên cao nguyên Judea và gần Jerusalem vào thế kỷ 5, và một số bộ lạc đã cải sang Cơ Đốc giáo. Cư dân địa phương hoạt động nông nghiệp, điều được cho là hạ mình và bị gọi là Nabaț, ám chỉ dân làng nói tiếng Aramaic. Một ḥadīth, nhân danh một nô lệ Hồi giáo được giải phóng và định cư tại Palestine, lệnh cho người Ả Rập Hồi giáo không định cư tại các làng. Vương triều Umayyad thúc đẩy kinh tế khu vực hồi sinh mạnh mẽ, song bị vương triều Abbas thay thế vào năm 750. Ramla trở thành trung tâm hành chính trong các thế kỷ sau, trong khi Tiberias trở thành một trung tâm phát triển mạnh của giới học giả Hồi giáo. Từ năm 878, Palestine do Ai Cập cai trị dưới quyền các quân chủ bán tự trị trong gần một thế kỷ, bắt đầu từ cựu nô lệ người Thổ Ahmad ibn Tulun, cả người Do Thái và Cơ Đốc đều cầu nguyện khi ông mất và kết thúc với các quân chủ Ikhshid. Lòng tôn kính đối với Jerusalem gia tăng trong giai đoạn này, khi nhiều quân chủ Ai Cập chọn an táng tại đây. Tuy nhiên, giai đoạn sau có đặc điểm là ngược đãi tín đồ Cơ Đốc giáo do gia tăng đe doạ từ Đông La Mã. Vương triều Fatima chinh phục khu vực vào năm 970, đánh dấu bắt đầu giai đoạn chiến tranh liên tục giữa nhiều đối thủ, khiến Palestine bị tàn phá, đặc biệt là huỷ diệt cư dân Do Thái địa phương. Năm 1071-73, Palestine bị đế quốc Đại Seljuk Ba Tư chiếm lĩnh, Fatima tái chiếm khu vực vào năm 1098, rồi đến năm 1099 lại để mất khu vực vào tay Thập tự quân. Thập tự quân kiểm soát Jerusalem và hầu hết Palestine trong gần một thế kỷ, cho đến khi họ thất bại trước quân của Saladin vào năm 1187, sau đó hầu hết Palestine nằm dưới quyền kiểm soát của vương triều Ayyub. Một tiểu quốc Thập tự quân tàn dư tại các thành thị duyên hải phía bắc tồn tại trong một thế kỷ nữa, song dù có thêm bảy cuộc thập tự chinh nữa thì Thập tự quân cũng không còn là một thế lực đáng kể trong khu vực. Thập tự chinh thứ tư không tiếp cận Palestine mà trực tiếp làm suy thoái đế quốc Đông La Mã, làm giảm đột ngột ảnh hưởng của Cơ Đốc giáo khắp khu vực. Vương quốc Hồi giáo Mamluk được thành lập gián tiếp tại Ai Cập do kết quả từ Thập tự chinh thứ bảy. đế quốc Mông Cổ tiếp cận Palestine lần đầu tiên vào năm 1260, khởi đầu bằng cuộc tập kích dưới quyền tướng quân Cảnh giáo Khiếp Đích Bất Hoa, và đỉnh điểm là bị quân Mamluk đánh tan trong trận Ain Jalut. Thời kỳ Ottoman Năm 1486, xung đột bùng phát giữa Mamluk và Ottoman nhằm kiểm soát Tây Á, và người Ottoman chinh phục Palestine vào năm 1516. Từ giữa thế kỷ 16 đến thế kỷ 17, một liên minh gắn bó của ba triều đại địa phương là Ridwan xứ Gaza, Turabay xứ [al-Lajjun và Farrukh xứ Nablus cai quản Palestine nhân danh triều đình Ottoman. Trong thế kỷ 18, thị tộc Zaydani dưới quyền lãnh đạo của Zahir al-Umar cai trị các bộ phận lớn của Palestine với vị thế tự trị cho đến khi Ottoman đánh bại được họ tại thành trì Galilee vào năm 1775-76. Zahir biến đổi thành phố cảng Acre thành một thế lực khu vực lớn, một phần là nhờ ông độc quyền giao dịch bông sợi và dầu ôliu từ Palestine sang châu Âu. Ưu thế khu vực của Acre tăng thêm dưới thời người kế vị Zahir là Ahmad Pasha al-Jazzar, trong khi Damas bị thiệt hại. Năm 1830, ngay trước khi Muhammad Ali của Ai Cập xâm chiếm, triều đình Ottoman chuyển giao quyền kiểm soát các huyện Jerusalem và Nablus cho thống đốc Acre là Abdullah Pasha. Theo Silverburg, trên phương diện khu vực và văn hoá động thái này quan trọng vì tạo ra một Palestine Ả Rập tách khỏi Đại Syria (bilad al-Sham). Theo Pappe, đó là một nỗ lực nhằm củng cố mặt trận Syria trước cuộc xâm chiếm của Muhammad Ali. Hai năm sau, Muhammad Ali chinh phục Palestine, song quyền cai trị của Ai Cập bị thách thức vào năm 1834 do một cuộc khởi nghĩa quần chúng chống cưỡng bách tòng quân và các biện pháp khác được cho là xâm phạm nhân dân. Cuộc trấn áp tàn phá nhiều làng và đô thị lớn của Palestine. Năm 1840, Anh can thiệp và trao lại quyền kiểm soát Levant cho Ottoman để đổi lấy thêm các thoả ước. Sự kiện Aqil Agha mất đánh dấu thách thức địa phương cuối cùng đối với tập quyền trung ương Ottoman tại Palestine, và bắt đầu từ thập niên 1860, Palestine tăng tốc trong phát triển kinh tế-xã hội do được hợp nhất với mô hình tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đặc biệt là châu Âu. Những người hưởng lợi từ quá trình này là người Hồi giáo và Cơ Đốc giáo nói tiếng Ả Rập, họ nổi lên thành một tầng lớp mới trong giới tinh hoa Ả Rập. Đến cuối thế kỷ 19, diễn ra khởi đầu phong trào di dân phục quốc Do Thái và phục hưng ngôn ngữ-văn hoá Hebrew. Trong chiến tranh thế giới thứ nhất, Anh công khai ủng hộ phong trào này bằng Tuyên ngôn Balfour năm 1917. Anh uỷ trị và phân chia Người Anh bắt đầu tiến hành chiến dịch Sinai và Palestine trong năm 1915. Chiến tranh lan đến miền nam Palestine trong năm 1917, đến Gaza và Jerusalem vào cuối năm. Người Anh chiếm được Jerusalem trong tháng 12 năm 1917. Họ di chuyển đến thung lũng Jordan vào năm 1918 và một chiến dịch của Đồng Minh tại miền bắc Palestine dẫn đến thắng lợi tại Megiddo trong tháng 9. Người Anh chính thức được trao quyền uỷ trị khu vực vào năm 1922. Người Palestine phi Do Thái khởi nghĩa vào năm 1920, 1927 và 1936. Năm 1947, sau chiến tranh thế giới thứ hai và Holocaust, chính phủ Anh tuyên bố quyết định kết thúc uỷ trị, và Đại hội đồng Liên Hợp Quốc trong tháng 11 năm 1947 thông qua một nghị quyết đề xuất phân chia khu vực thành một nhà nước Ả Rập, một nhà nước Do Thái và chế độ quốc tế đặc biệt cho thành phố Jerusalem. Giới lãnh đạo Do Thái chấp thuận đề xuất, song Cao uỷ Ả Rập bác bỏ nó; một cuộc nội chiến bắt đầu ngay lập tức sau khi thông qua nghị quyết. Nhà nước Israel tuyên bố thành lập vào tháng 5 năm 1948. Sau năm 1948 Trong chiến tranh Ả Rập-Israel 1948, Israel chiếm lĩnh và sáp nhập thêm 26% lãnh thổ uỷ trị cũ, Jordan chiếm lĩnh khu vực Judea và Samaria, đổi tên thành "Bờ Tây", trong khi Ai Cập chiếm lĩnh Dải Gaza. Sau cuộc tản cư năm 1948, còn gọi là al-Nakba, 700.000 người Palestine từng đào tị hoặc bị đuổi khỏi quê hương của mình không được phép quay về sau hội nghị Lausanne 1949. Trong chiến tranh Sáu ngày vào tháng 6 năm 1967, Israel chiếm phần còn lại của Lãnh thổ uỷ trị Palestine cũ từ tay Jordan và Ai Cập, và bắt đầu chính sách lập các khu định cư Do Thái trên các lãnh thổ này. Từ năm 1987 đến năm 1993, diễn ra đại khởi nghĩa lần thứ nhất của người Palestine chống Israel, trong đó có tuyên ngôn Nhà nước Palestine vào năm 1988 và kết thúc với Hoà ước Oslo 1993 Oslo và thành lập Chính quyền Dân tộc Palestine. Năm 2000, đại khởi nghĩa lần thứ nhì bắt đầu, và Israel cho xây dựng một hàng rào phân cách. Năm 2005, Israel rút toàn bộ dân định cư và hiện diện quân sự khỏi Dải Gaza, song duy trì kiểm soát quân sự trên nhiều phương diện của lãnh thổ bao gồm biên giới, hàng không và bờ biển. Việc Israel duy trì chiếm đóng quân sự Dải Gaza, Bờ Tây và Đông Jerusalem là cuộc chiếm đóng quân sự lâu nhất trong lịch sử hiện đại. Trong tháng 11 năm 2012, vị thế của phái đoàn Palestine tại Liên Hợp Quốc được nâng cấp thành nhà nước quan sát viên phi thành viên với danh nghĩa Nhà nước Palestine. Ranh giới Cổ trung đại Ranh giới của Palestine thay đổi trong suót lịch sử. Thung lũng Đứt gãy Jordan (gồm wadi Arabah, biển Chết và sông Jordan) có thời gian tạo thành biên giới chính trị và hành chính, thậm chí là trong các đế quốc kiểm soát liên lãnh thổ. Tại thời điểm khác, chẳng hạn trong các giai đoạn nhất định thời Hasmoneus và Thập tự quân, cũng như thời kinh thánh, lãnh thổ hai bên bờ sông tạo thành bộ phận của một đơn vị hành chính. Trong thời kỳ đế quốc Ả Rập, bộ phận của miền nam Liban và các khu vực cao nguyên miền bắc của Palestine và Jordan được cai trị với tên gọi Jund al-Urdun, trong khi phần miền nam của Palestine và Jordan tạo thành bộ phận của Jund Dimashq- trong thế kỷ 9 gắn với đơn vị hành chính Jund Filastin. Ranh giới khu vực và tính chất dân tộc của cư dân của Palaestina được sử gia Hy Lạp thế kỷ 5 TCN Herodotus nói đến có thay đổi theo ngữ cảnh. Đôi khi, ông sử dụng nó để chỉ duyên hải phía bắc núi Carmel. Khi khác là để phân biệt người Syria tại Palestine với người Phoenicia, ông quy vùng đất của họ trải dài khắp duyên hải từ Phoenicia đến Ai Cập. Pliny mô tả một khu vực của Syria "từng gọi là Palaestina" trong số các khu vực tại miền đông Địa Trung Hải. Từ thời kỳ Đông La Mã, ranh giới Palaestina thuộc Đông La Mã là khu vực nằm giữa sông Jordan và Địa Trung Hải. Thời Ả Rập, Filastin (hay Jund Filastin) được sử dụng về hành chính để chỉ khu vực từng là Palaestina Secunda (gồm Judaea và Samaria) thuộc Đông La Mã, còn Palaestina Prima (gồm Galilee) được đổi tên thành Urdunn ("Jordan" hay Jund al-Urdunn). Thời hiện đại Các nguồn trong thế kỷ 19 nói đến Palestine với ý là khu vực kéo dài từ biển đến tuyến lữ hành, có thể là tuyến Hejaz-Damas về phía đông thung lũng Jordan. Cũng có nguồn cho là nó kéo dài từ biển đến hoang mạc. Trước khi Đồng Minh chiến thắng trong chiến tranh thế giới thứ nhất và phân chia đế quốc Ottoman, hầu hết khu vực miền bắc của Jordan ngày nay là bộ phận của tỉnh Damascus (Syria), còn phần phía nam của Jordan ngày nay là bộ phận của tỉnh Hejaz. Khu vực trở thành Lãnh thổ uỷ trị Palestine vào cuối thời Ottoman bị phân chia giữa tỉnh Beirut (Liban) và huyện Jerusalem.}} Tổ chức Phục quốc Do Thái đưa ra định nghĩa về ranh giới của Palestine trong một phát biểu trước Hội nghị hoà bình Paris năm 1919. Anh cai quản Lãnh thổ uỷ trị Palestine sau chiến tranh thế giới thứ nhất, họ cam kết lập một quê hương cho người Do Thái. Định nghĩa hiện đại về khu vực tuân theo ranh giới của thực tế này, vốn được người Anh điều chỉnh tại phía bắc và đông vào năm 1920-23 (bao gồm bị vong lục Ngoại Jordan) và Thoả thuận Paulet–Newcombe, và phía nam sau thoả thuận biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Ai Cập năm 1906. Sử dụng hiện tại Khu vực Palestine được dùng để định danh cho người Palestine và văn hoá Palestine, chúng đều được định nghĩa liên quan đến toàn bộ khu vực lịch sử, thường là trong biên giới Lãnh thổ uỷ trị Palestine. Điều khoản Dân tộc Palestine 1968 mô tả Palestine là "quê hương của người Palestine Ả Rập", với "biên giới có từ thời uỷ trị thuộc Anh". Tuy nhiên, kể từ Tuyên ngôn Độc lập Palestine 1988, thuật ngữ Nhà nước Palestine chỉ đề cập đến Bờ Tây và Dải Gaza. Sự không nhất quán này được Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas mô tả là một nhượng bộ: "... chúng tôi chấp thuận thành lập Nhà nước Palestine chỉ trên 22% lãnh thổ Palestine lịch sử - trên toàn bộ Lãnh thổ Palestine bị Israel chiếm cứ vào năm 1967." Thuật ngữ Palestine đôi khi cũng được sử dụng để chỉ bộ phận của các lãnh thổ Palestine hiện nằm dưới quyền cai quản hành chính của Chính quyền Dân tộc Palestine, một thực thể bán chính phủ cai quản bộ phận của Nhà nước Palestine theo các điều khoản trong Hiệp định Oslo. Nhân khẩu Nhân khẩu ban đầu Ước tính dân số Palestine thời cổ đại dựa theo hai phương pháp: thống kê và tác phẩm đương thời, và phương pháp khoa học dựa trên khai quật và các phương pháp thống kê xét đến số lượng khu định cư tại một thời điểm cụ thể, diện tích của mỗi khu định cư, yếu tố mật độ của mỗi khu định cư. Theo các nhà khảo cổ học Israel Magen Broshi và Yigal Shiloh, cư dân Palestine cổ đại không vượt quá một triệu. Đến năm 300, Cơ Đốc giáo phát triển đáng kể đến mức người Do Thái chỉ chiếm một phần tư dân số. Đến giữa thế kỷ đầu tiên người Ottoman cai trị, tức năm 1550, Bernard Lewis trong một nghiên cứu sổ sách của Ottoman thời kỳ đầu cai trị Palestine tường thuật: Tổng dân số vào khoảng ba trăm nghìn, từ một phần 5 đến một phần tư sống trong sáu thị trấn Jerusalem, Gaza, Safed, Nablus, Ramle, và Hebron. Những người gòn lại chủ yếu là nông dân và sống trong các làng với quy mô khác nhau. Cây lương thực chính của họ là lúa mì và lúa mạch, bổ sung với đậu, ô liu, rau quả. Trong và xung quanh các thị trấn có số lượng đáng kể vườn nho, cây ăn quả và rau. </blockquote> Theo Alexander Scholch, dân số Palestine vào năm 1850 là khoảng 350.000 người, 30% trong số đó sống tại 13 thị trấn; khoảng 85% là người Hồi giáo, 11% là người Cơ Đốc giáo và 4% là người Do Thái giáo. Theo số liệu thống kê của Ottoman do Justin McCarthy nghiên cứu, dân số Palestine vào đầu thế kỷ 19 là 350.000, năm 1860 đạt 411.000 và đến năm 1900 đạt khoảng 600.000 trong đó 94% là người Ả Rập. Năm 1914, Palestine có dân số đạt 657.000 người Ả Rập Hồi giáo, 81.000 người Ả Rập Cơ Đốc giáo, và 59.000 người Do Thái. McCarthy ước tính cư dân phi Do Thái tại Palestine là 452.789 vào năm 1882; 737.389 vào năm 1914; 725.507 vào năm 1922; 880.746 vào năm 1931; và 1.339.763 vào năm 1946. Năm 1920, báo cáo của Hội Quốc Liên mô tả 700.000 người sống tại Palestine như sau: Trong đó, 235.000 người sống trong các đô thị lớn, 465.000 trong các đô thị nhỏ và làng mạc. Bốn phần năm tổng dân số là người Hồi giáo. Một phần nhỏ trong số đó là người Ả Rập Bedouin; phần còn lại mặc dù nói tiếng Ả Rập và được gọi là người Ả Rập song phần lớn là hỗn chủng. Khoảng 77.000 cư dân là người Cơ Đốc giáo, đại đa số thuộc Giáo hội Chính thống, và nói tiếng Ả Rập. Số lượng người Do Thái là 76.000, hầu như toàn bộ đến Palestine trong 40 năm trước đó. Trước năm 1850, tại đây chỉ có một nhóm nhỏ người Do Thái. Theo cơ quan thống kê của Israel, tính đến năm 2015, tổng dân số Israel là 8,5 triệu, trong đó 75% là người Do Thái, 21% là người Ả Rập. Trong cộng đồng Do Thái, 76% sinh tại Israel; phần còn lại là những người nhập cư với 16% đến từ châu Âu, Liên Xô cũ và châu Mỹ, và 8% đến từ châu Á và châu Phi. Theo cơ quan thống kê của Palestine ước tính, vào năm 2015 dân số Bờ Tây là khoảng 2,9 triệu và dân số Dải Gaza là 1,8 triệu. Dân số Gaza dự tính tăng lên 2,1 triệu vào năm 2020, mật độ là 5.800 người/km². Cơ quan thống kê Israel và Palestine đều đưa cư dân Ả Rập tại Đông Jerusalem vào báo cáo của họ. Theo các ước tính này tổng dân số khu vực Palestine, gồm Israel và các lãnh thổ Palestine, là khoảng 12,8 triệu.
Nhà nước Ai Cập cổ đại là một trong những nhà nước ra đời sớm nhất ở lưu vực sông Nin (Nile) vùng đông bắc châu Phi. Nền văn minh Ai Cập cổ đại là một trong những nền văn minh cổ xưa nhất và rực rỡ nhất của nhân loại. Đặc điểm của kiến trúc Ai Cập là công trình có quy mô lớn, kích thước đồ sộ, nặng nề và thần bí. Trước khi nhắc đến sự phát triển của nghệ thuật kiến trúc Ai Cập cổ đại, phải nói đến sự khéo tay trong nghề làm đá của những người thợ giỏi trong xã hội Ai Cập cổ đại. Vật liệu đá trong xã hội Ai Cập có nhiều loại: đá vôi, đá sa thạch, đá đen, đá thạch anh, đá hoa cương, đá minh ngọc... Kinh nghiệm xây dựng thủy lợi trên hai bờ sông Nin giúp cho người dân Ai Cập phát minh ra máy nâng và vận chuyển, biết cách tổ chức lao động cho hàng vạn người một lúc. Mặt bằng, mặt đứng, mặt cắt của công trình kiến trúc được dùng với thước đo. Việc sử dụng dụng cụ như rìu, búa và thước thủy chuẩn cũng rất chuyên nghiệp. Kim tự tháp Người Ai Cập cổ đại có tục lệ ướp xác, tạo thành các "mummy" (xác ướp) và chôn chúng trong những ngôi mộ đồ sộ là Mastaba và Kim tự tháp. Mastaba là lăng mộ của tầng lớp quý tộc, là một khối xây bằng đá, có mặt cắt hình thang, mặt bằng hình chữ nhật. Trong Mastaba có ba phòng: sảnh, phòng tế lễ và phòng thờ (nơi đặt tượng người chết). Từ mặt trên của Mastaba người ta đào một giếng hình tròn hoặc hình vuông, sâu đến khoảng 30 m. Đáy giếng thông sang một hành lang rồi đến phòng mai táng (nơi để quan tài). Sau khi chôn người chết, giếng được lấp kín. Ở Ai Cập còn tìm thấy nhiều nơi có dấu vết của các khu vực có Masataba như khu lăng mộ vua chúa ở Memphis, xây dựng ở vương triều thứ ba, khoảng thế kỷ 18 trước Công nguyên. Loại hình kiến trúc này là nguồn gốc ban đầu của các Kim tự tháp. Một trong những Kim tự tháp lớn xuất hiện đầu tiên là Kim tự tháp Djoser. Nó có đáy hình chữ nhật, hai cạnh dài 126 m và 106 m, cao 60 m, có 6 bậc, các tầng thu nhỏ về phía trên. Công trình này do Imhotep chỉ đạo xây dựng. Ông là một vị quan đầu triều của nhà vua vương triều thứ 3, năm 2770 trước Công nguyên. Ngoài Kim tự tháp này còn có Kim tự tháp ở Meidum và ở Dashur là những loại có ba bậc cấp. Sau này, chúng được nghiên cứu và phát triển thành Kim tự tháp trơn, tiêu biểu nhất là quần thể Kim tự tháp ở Giza. Quần thể này bao gồm ba Kim tự tháp lớn, một con nhân sư Sphinx, 6 Kim tự tháp nhỏ, một số đền đài và 400 Mastaba. Ba Kim tự tháp trên là: Kim tự tháp Kheops (hay Kim tự tháp lớn tại Giza), Kim tự tháp Khephren và Kim tự tháp Mykerinos. Các Kim tự tháp này mang tên các nhà vua của Vương triều thứ 4; các kim tự tháp nhỏ hơn là của các hoàng hậu cùng thời. Vật liệu xây dựng tháp là đá vôi được khai thác tại chỗ, bên ngoài được phủ lớp đá vôi trắng nhẵn bóng, lấy từ các mỏ đá ở Tourah, trên hữu ngạng sông Nin, lớp phủ này ngày nay đã bị tróc mất. Đền thờ Những đền thờ Ai Cập cổ đại dùng để thờ thần Mặt Trời. Thờ thần Mặt Trời cũng chính là thờ vua. Đền thờ thường có một cái cửa lớn, đường bệ và phù hợp với tính chất của các nghi lễ tôn giáo. Phần quan trọng thứ hai của đền là khu vực nội bộ của đại điện. Đây là nơi vua tiếp nhận sự sùng bái của một số người nên không gian được tổ chức sao cho u uẩn, kín đáo, mang tính thần bí. Đôi khi, đền còn được bao quanh bởi bức tường thành, ở đây có trổ một cửa gọi là tiền tháp môn (propylon), sau đó là một con đường lát đá, rộng 34 m, dài khoảng 140 m, hai bên đặt những con Sphinx, tiếp đến là các tháp bia, tượng vua và tháp môn. Nhà ở Vào khoảng thế kỷ 17 TCN, nhiều loại hình nhà ở được thấy ở thành Telel Amarna. Có ba loại nhà chính sau: Nhà ở ba gian, vật liệu xây dựng là lau sậy và đất sét, mái bằng. Nhà cho quan lại, tường gạch cao, mở ba cửa quay ra phố. Loại lâu đài, dinh thự có ao cá, vườn cây phía trước, vật liệu dùng cột gỗ, tường gạch, dầm gỗ, mái bằng và trong nhà có trang trí tranh tường. Các cung điện của nhà vua có quy mô lớn, nhấn mạnh trục dọc, bên trong các phòng có nhiều cột, ngoài trục dọc còn có thể có trục phụ. Gỗ làm cung điện, Ai Cập không có mà được vận chuyển từ Syria tới. Các thức cột Các thức cột được mô phỏng theo hình tượng con người và các loài cây (chà là, sồi, bao báp,...). Các loại thức có: Thức hoa sen, tạo dựng lấy từ nguồn cảm hứng gồm một bó hoa sen, được buộc lại bởi 5 vòng dây, xen kẽ thêm những nụ nhỏ; Thức cây kê, xuất hiện từ thời Trung vương quốc V, mô hình cây Papyrus; Thức Hathor, xuất hiện từ thời Trung vương quốc, bốn phía đầu cột là mặt nữ Thần tình yêu Hathor, diện hình đa giác 6-8-16 mặt. Đầu cột là tấm đá vuông, trên đó là đá đầu cột, tiếp trên là tường đầu cột,...
Mauritius (phiên âm tiếng Việt: Mô-ri-xơ, , tiếng Pháp: République de Maurice), quốc hiệu chính thức là Cộng hòa Mauritius là một đảo quốc nằm ở hướng tây nam Ấn Độ Dương, cách đảo Madagascar khoảng 900 km về hướng đông. Thủ đô là Port Louis. Quốc gia này bao gồm các quần đảo Cargados Carajos, Rodrigues và quần đảo Agalega. Mauritius là một phần của quần đảo Mascarene. Đảo Réunion của Pháp 200 km (120 dặm) về phía tây nam và đảo của Rodrigues 570 km (350 dặm) phía đông bắc cũng thuộc Mascarene. Đảo Mauritius nổi tiếng vì là nơi duy nhất có dodo sinh sống. Lần đầu tiên được người châu Âu nhìn thấy vào khoảng năm 1600, loài dodo đã tuyệt chủng gần 80 năm sau đó. Lịch sử Đảo này đã được các thủy thủ người Ả Rập và các dân tộc Austronesia ghi chép vào thế kỷ X. Đầu thế kỷ XVI, người Bồ Đào Nha khám phá ra hòn đảo này; đảo này trở thành thuộc địa của người Hà Lan và được đặt theo tên bằng tiếng Latin của Thống đốc Mauritius van Nassau (1598). Từ năm 1715, người Pháp, dưới sự lãnh đạo của Thống đốc Mahe de Labourdonnais đã xây dựng đường sá và cảng đất trên đảo. Người nô lệ từ châu Phi và Madagascar được đem sang để khai khẩn các đồn điền mía. Năm 1810, người Anh vây hãm đảo này. Hiệp ước Paris năm 1814 chính thức thừa nhận quyền kiểm soát của Anh trên đảo này. Sự bãi bỏ chế độ nô lệ và việc khai khẩn các đồn điền mía cần đến lực lượng nhân công Ấn Độ nhập cư. Việc khai thông kênh đào Suez năm 1869 làm mất đi nhiều nguồn lợi của Mô-rítx, là một cảng quá cảnh cho tàu thuyền đi vòng qua mũi cực Nam Nam Phi để đến vùng Nam Á và Đông Á. Mô-rítx trở thành quốc gia độc lập và là thành viên của Khối Liên hiệp Anh năm 1968. Seewoosagur Ramgoolam trở thành Thủ tướng cho đến năm 1982. Anerood Jugnauth giành thắng lợi trong cuộc bầu cử lập pháp, giữ chức Thủ tướng cho đến năm 1995. Năm 1992, Mô-rítx là nước cộng hòa. Từ năm 1995, chức Thủ tướng thuộc về Navin Ramgoolam và A. Jugnauth trở lại cầm quyền năm 2000. Hiện nay, Mô-rítx là thành viên của Tổ chức Thống nhất châu Phi. Chính trị Chính trị của Mauritius diễn ra trong khuôn khổ của thể chế dân chủ cộng hòa, trong đó Tổng thống là người đứng đầu nhà nước và Thủ tướng là người đứng đầu chính phủ được hỗ trợ bởi một Hội đồng Bộ trưởng. Mô-rítx có một hệ thống đa đảng. Quyền hành pháp là của Chính phủ. Quyền lập pháp trong tay Chính phủ và Quốc hội. Quyền lực tuyệt đối được phân chia giữa hai vị trí: Tổng thống và Thủ tướng. Hiến pháp Mauritius được ban hành ngày 12 tháng 3 năm 1968, sửa đổi ngày 12 tháng 3 năm 1992. Đứng đầu Nhà nước là Tổng thống. Đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng. Tổng thống do Quốc hội bầu, nhiệm kì 5 năm; Thủ tướng do Tổng thống bổ nhiệm và có trách nhiệm trước Quốc hội. Quốc hội Mauritius gồm 66 thành viên, trong đó 62 thành viên được bầu theo phổ thông đầu phiếu, nhiệm kì 5 năm, 4 thành viên còn lại do Ban bầu cử chỉ định cho những đảng không thành công trong cuộc tranh cử nhằm cử ra đại diện cho các dân tộc ít người. Chế độ bầu cử ở Mauritius là chế độ phổ thông đầu phiếu. Công dân từ 18 tuổi trở lên được phép bầu cử. Đối ngoại Mauritius có mối quan hệ mạnh mẽ và thân thiện với nhiều nước châu Phi, châu Mỹ, châu Á, châu Âu và các nước Châu Đại Dương. Nước này là một thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới, Khối thịnh vượng chung Anh, Cộng đồng Pháp ngữ, Liên minh châu Phi, Cộng đồng Phát triển Nam Phi (SADC), Ủy ban Ấn Độ Dương, Thị trường chung Đông và Nam Phi và Hiệp hội hợp tác khu vực vành đai Ấn Độ Dương. Được coi là một phần của châu Phi về mặt địa lý, Mô-rítx có mối quan hệ thân thiện với các quốc gia châu Phi trong khu vực, đặc biệt là Nam Phi, bởi đến nay Nam Phi là đối tác thương mại lớn nhất ở châu Phi của Mauritius. Các nhà đầu tư Mauritian đang dần bước vào thị trường châu Phi, đặc biệt là Madagascar, Mozambique và Zimbabwe. Di sản chính trị của đất nước và sự phụ thuộc vào thị trường phương Tây đã dẫn đến gần quan hệ gần gũi với Liên minh châu Âu và các nước thành viên, đặc biệt là Anh và Pháp. Quan hệ với Trung Quốc và Ấn Độ là mạnh mẽ với lý do lịch sử và thương mại. Địa lý – Dân cư Mauritius nằm ở Đông Phi, cách Madagascar 900 km về phía Đông. Phía Bắc đảo quốc này là vùng đồng bằng gợn sóng, rồi cao dần về phía đồng bằng trung tâm trước khi đổ dốc về phía Nam và vùng ven biển phía Tây. Mauritius và các đảo phụ thuộc (Rodrigues, Agalega và Cagados Carajos) thuộc quần đảo Mascareignes. Khí hậu ở Mauritius là nhiệt đới, thay đổi do gió mậu dịch. Mùa đông (tháng 5–11) ẩm và khô, mùa hè (tháng 11–5) nóng và ẩm. Nhiệt độ trung bình là khoảng 20oC ở mực nước biển và trên 10oC trên cao nguyên. Dân cư chủ yếu là người lai giữa người bản địa và người Ấn Độ, người Pháp với tỉ lệ như sau: Người lai Ấn-Mauritius là 68% dân số, người bản địa Creole 27%, người lai Hoa-Mauritius là 3% và người lai Pháp-Mauritius chiếm 2%. Ngôn ngữ được công nhận chính thức là tiếng Anh, ngoài ra còn tiếng Creole, tiếng Pháp, tiếng Hindi. Kinh tế Mauritius hiện là nền kinh tế nông nghiệp - dịch vụ đang phát triển. Sản phẩm nông nghiệp truyền thống gồm chè và mía đường (mặt hàng xuất khẩu chủ yếu), các loại cây chế biến gia vị, thuốc lá. Trong thập niên 1980, kinh tế tăng trưởng mạnh nhờ việc thành lập các khu chế xuất thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Du lịch và ngân hàng phát triển mạnh. Từ năm 1990, sự tăng trưởng đã giảm do sự cạnh tranh của các nước có nguồn nhân công rẻ hơn. Mauritius có nền kinh tế thu nhập cao, theo Ngân hàng Thế giới vào năm 2019. Chỉ số thuận lợi kinh doanh năm 2019 của Ngân hàng Thế giới xếp Mauritius ở vị trí thứ 13 trên toàn thế giới trong số 190 nền kinh tế về mức độ thuận lợi trong kinh doanh. Theo Bộ Ngoại giao Mauritius, những thách thức của đất nước đã đặt ra nhiều vấn đề như tỉ lệ chảy máu chất xám cao, khan hiếm lao động tay nghề, dân số già, các công ty đại chúng và các cơ quan nhà nước hoạt động kém hiệu quả. Giáo dục – Y tế Nền giáo dục Mauritius rất được Nhà nước quan tâm trong thời gian gần đây. Giáo dục tiểu học và trung học miễn phí cho mọi trẻ em. Khoảng 100% số học sinh học xong tiểu học và 1/2 số đó học lên trung học. Ngoài hệ thống trường công lập còn có các trường tư. Trường Đại học Mauritius chú trọng đào tạo khoa học và kĩ thuật nông nghiệp. Nhiều thanh niên ra nước ngoài du học (Pháp, Anh, Ấn Độ …). Mô-rítx có hệ thống y tế công cộng tương đối tốt, cung cấp các dịch vụ chữa bệnh cơ bản miễn phí cho mọi công dân. Các dịch vụ cung cấp nước sạch, các phương tiện vệ sinh đầy đủ, tiêm chủng và chăm sóc thai sản … rất được quan tâm và mở rộng. Tôn giáo Mauritius là nước đa tôn giáo. Do thành phần dân tộc chủ yếu là người Ấn Độ do thực dân Anh đưa đến đây từ thời thuộc địa nên Ấn giáo tôn giáo chính của người Ấn đã trở thành tôn giáo chiếm tỉ lệ cao nhất ở Mauritaus với 48% dân số, ngoài ra còn có các tôn giáo khác như Công giáo Rôma 23.6%, Hồi giáo 16.6%, Tin Lành 8.6%, tôn giáo khác 2.5%, không xác định 0.3%, không tôn giáo 0.4%.
Ahn Jae-wook (tiếng Hàn: 안재욱; sinh ngày 12 tháng 9 năm 1971) là một diễn viên, ca sĩ và người soạn nhạc Hàn Quốc. Sự nghiệp Ahn Jae-wook đã dành phần lớn thời thơ ấu của mình ở quê nhà Donam-dong, Seoul trước khi tốt nghiệp trường Seoul Institute of the Arts, nơi Ahn theo học chuyên ngành sân khấu. Sau khi tốt nghiệp vào năm 1994, Ahn xuất hiện lần đầu diễn xuất của mình trong phim Song of a Blind Bird được dựa trên một câu chuyện có thật, tiếp theo là vai phụ trong một số phim từ năm 1995-1996 truyền hình như Hotel và Their Embrace. Trong năm 1997, Ahn và bạn diễn Choi Jin-sil đã trở thành ngôi sao nổi tiếng từ bộ phim thời trang Star in My Heart , đạt tỉ suất trên 49%. Không chỉ làm bùng lên các xu hướng trong kiểu tóc, thời trang và các sản phẩm đặc trưng trong phim, Ahn cũng đã trở thành một sao Làn sóng Hàn Quốc, mở rộng sự nổi tiếng của mình đến Trung Quốc, Nhật Bản và các nước Đông Nam Á. Star in My Heart đã bắt đầu sự nghiệp âm nhạc của Ahn. Forever được đặc trưng trong loạt kết thúc trong buổi biểu diễn của nhân vật Kang-min, bán được hơn 700.000 bản và đã trở thành ca khúc chủ đề của album đầu tay của mình. Anh tiếp tục sáng tác và hát trong những năm qua, tổ chức nhiều buổi hòa nhạc tại Nhật Bản và Trung Quốc và phát hành album Memories và Reds in Ahn Jae-wook . Năm 1998, anh đã đóng vai chính trong ba bộ phim là Rub Love với Lee Ji-eun, Tie a Yellow Ribbon với Kim Hye-soo và First Kiss với Choi Ji-woo đã không thành công lắm bất chấp sự nổi tiếng của mình vào thời điểm đó. Ahn cũng đóng vai chính trong Garden of Heaven với Lee Eun-ju vào năm 2003 và dự án phim Hàn Quốc-Nhật Bản Triangle trong năm 2009. Thay vào đó, Ahn tập trung trên màn ảnh nhỏ, xuất hiện trong hơn 10 bộ phim truyền hình từ cuối những năm 1990 và suốt những năm 2000. Trong số đó là Goodbye My Love với Kim Hee-sun, Oh Pil-seung và Bong Soon-young với Chae Rim và I Love You với Seo Ji-hye. Để kỷ niệm lần thứ 50 của kênh truyền hình MBC, Ahn tham gia phim Lights and Shadows trong năm 2011. Bộ phim có sắc màu rực rỡ, bối cảnh của phim được lấy từ năm 1960 đến năm 1980. Sau đó, Ahn đóng vai chính phim Rudolf năm 2012. Tháng 2 năm 2013, Ahn phải trải qua phẫu thuật não tại Mỹ bệnh xuất huyết dưới màng nhện. Sau khi nghỉ ngơi một năm, Ahn Jae-wook trở lại với sản phẩm âm nhạc Le Roi Soleil. Ahn mừng kỷ niệm 20 năm của mình trong làng giải trí bằng cách tổ chức một concert mang tên One Fine Day trong tháng 10 năm 2014. Cuộc sống cá nhân Ahn Jae-wook kết hôn với nữ diễn viên Choi Hyun-joo vào ngày 1 tháng 6 năm 2015. Hai người gặp nhau năm 2014 khi tham gia đóng phim tình nhân trong Rudolf. Phim đã tham gia Phim truyền hình 1994: 천국의 나그네 (MBC) 1994: Song of a Blind Bird (MBC) 1994-1997: Partner (MBC) 1995: 노래만들기 (MBC) 1995: Hotel (MBC) 1995: Love and War (MBC) 1996: Their Embrace (MBC) 1996: Salted Mackerel (MBC) 1997: Star in My Heart (MBC) 1997-1998: Revenge and Passion (MBC) 1998-1999: Sunflower (MBC) 1999: Goodbye My Love (MBC) 2000: Bad Friends (MBC) 2000-2001: Mothers and Sisters (MBC) 2003: Fairy and Swindler (SBS) 2004: Match Made in Heaven (MBC) 2004: Oh Feel Young (KBS) 2006: Mr. Goodbye (KBS2) 2008: I Love You (SBS) 2011-2012: Lights and Shadows (MBC) 2012: Faith (SBS - khách mời tập 1) 2016: Five Children (KBS) 2021: Mouse (TVN) Phim 1998: Rub Love 1998: Tie a Yellow Ribbon 1998: First Kiss 2003: Garden of Heaven 2009: Triangle Show 2015: SBS Healing Camp (2 Nov) Đĩa hát 1995: Baby 1996: 한평 반짜리 혁명 1997: Butterflies Are Free 1998: Guys and Dolls 2009: Jack the Ripper 2010: Jack the Ripper 2010: Rock of Ages 2011: Jack the Ripper 2012: Jack the Ripper 2012-2013: Rudolf 2014: Le Roi Soleil 2014-2015: Rudolf Chương trình Radio 2007-2008: Mr. Radio (KBS Cool FM) Đĩa nhạc Giải thưởng 1994 MBC Drama Awards: Nam diễn viên mới xuất sắc nhất 1996 Baeksang Arts Awards: Nam diễn viên truyền hình mới mới xuất sắc nhất (Love and War) 1996 MBC Drama Awards: Nam diễn viên xuất sắc nhất 1997 KBS Music Awards: Top 10 ca sĩ (Forever) 1997 KBS Music Awards: Ca sĩ mới xuất sắc nhất (Forever) 1997 MBC Drama Awards: Giải thưởng Best Couple với Choi Jin-sil (Star in My Heart) 1997 MBC Drama Awards: Popularity Award (Star in My Heart) 1998 Blue Dragon Film Awards: Nam diễn viên mới xuất sắc nhất (Tie a Yellow Ribbon) 2000 MBC Drama Awards: Top nam diễn viên xuất sắc nhất (Bad Friends, Mothers and Sisters) 2001 Ministry of Culture, Sports and Tourism: Giải thưởng nghệ sĩ trẻ hiện nay 2004 Grimae Awards: Nam diễn viên xuất sắc nhất (Oh Feel Young) 2004 KBS Drama Awards: Giải thưởng Best Couple với Park Sun-young (Oh Feel Young) 2004 KBS Drama Awards: Top nam diễn viên xuất sắc nhất (Oh Feel Young) 2007 KBS Entertainment Awards: Radio DJ xuất sắc nhất (Mr. Radio'') 2010 Seoul Art and Culture Awards: Giải thưởng ngôi sao thế giới
Bae Yong-joon (sinh ngày 29 tháng 8 năm 1972) hay Yon-sama (ヨン様) là nam diễn viên Hàn Quốc đã góp phần tạo nên làn sóng Hallyu kể từ phim truyền hình Bản tình ca mùa đông. Năm 2006 anh rút lui khỏi diễn xuất và thành lập công ty Keyeast. Tiểu sử Bae Yong-joon sinh tại Mapo-gu, Seoul và theo học trường mẫu giáo Il-Mun, trường tiểu học Myung-Il, trường cấp hai Baejae, trường trung học Hanyoung. Anh từng ghi danh vào khoa Nghệ thuật của Đại học Sungkyunkwan vào năm 2000 nhưng sau đó đã bỏ dở chương trình học. Đời tư Năm 2004, anh xác nhận đang hẹn hò với bạn gái cùng trường Đại học Sungkyunkwan là Lee Sa-kang nhưng chia tay không lâu sau đó. Từ tháng 12 năm 2013 đến tháng 2 năm 2015, Bae Yong-joon hẹn hò với Koo So-hee là con gái của Koo Ja-kyun, phó chủ tịch tập đoàn LS Industrial Systems. Bae Yong-joon và nữ diễn viên Park Soo-jin tuyên bố đính hôn vào tháng 5 năm 2015. Sau đó, cặp đôi đã tổ chức hôn lễ vào ngày 27 tháng 7 năm 2015 tại khách sạn Sheraton Grande Walkerhill Hotel. Đám cưới chỉ có sự tham dự của gia đình, bạn bè thân thiết và hạn chế sự có mặt của truyền thông. Sự nghiệp Phim đầu tiên anh tham gia là "Ppilku" vào năm 1994. Sau đóng vai chính trong Salut D'Amour, "Six steps to separation" vào cuối năm 1994 và 1995. Và bắt đầu được chú ý sau vai phụ trong phim "Sunny place of the young". Trong phim, anh vào vai người thừa kế của 1 tập đoàn mỹ phẩm và là bạn thân của nhân vật chính Lee Jong Won đóng. Qua vai diễn này, anh bắt đầu tạo nên ấn tượng về một hình ảnh "quý tộc". Vai diễn được trông đợi tiếp theo của anh là Chan woo trong Mối tình đầu. Nhân vật "Chan-woo" la 1 chàng trai trẻ, thông minh nhưng có quá khứ phức tạp, đã bỏ trường Luật để tham gia vào một băng xã hội đen nhằm trả thù cho gia đình mình. Sau năm 1999, Bae dự định rời xa nghiệp diễn viên để theo ngành nghiên cứu phim của Đại học Sungkyunkwan. Năm 2001, quay lại với màn ảnh nhỏ trong phim "Người quản lý khách sạn". Lần này, anh định nuôi tóc dài (theo như 1 bức ảnh của anh trên trang web fan lập ra). Bae trở nên nổi tiếng khắp thế giới qua vai diễn tiếp theo trong một bộ phim tâm lý: Bản tình ca mùa đông. Mặc dù đây là phim truyền hình chứ không phải phim điện ảnh nhưng tỷ suất người xem tại Nhật Bản đạt 20% trên toàn quốc. Điều này đưa đến cho cả Bae và diễn viên đóng cặp với anh Choi Ji Woo một cơ hội mở rộng tầm ảnh hưởng của mình từ Hàn Quốc sang Nhật Bản. Sau Bản tình ca mùa đông, những bộ phim truyền hình cũng như điện ảnh của Hàn Quốc cũng trở nên quen thuộc, được biết đến nhiều hơn ở Nhật Bản. Hình ảnh Kang Jun-sang của Bae trong Bản tình ca mùa đông gây được sự chú ý rất lớn trong Làn sóng Hàn Quốc. Bae giành được 1 địa vị vững chắc hơn tại Nhật Bản và Châu Á sau khi tham gia vai chính Jo Won trong phim "Untold Scandal" Danh sách phim Phim truyền hình 2011: Dream High (KBS) Winter sonata anime (DATV 2009) 2007: Thái vương tứ Thần ký (MBC) Hotelier (TV Asahi, 2007, ep1) 2002: Bản tình ca mùa đông (Winter Love Story, KBS) 2001: Người quản lý khách sạn (MBC) 1999: Thành thật với tình yêu (MBC) 1998: The Barefooted Youth (KBS) 1997: Mối tình đầu (KBS) 1996: Papa (KBS) 1995: A Sunny Place of The Young (KBS) 1995: Sea Breeze (PSB) 1995: Six Steps to Separation (KBS) 1994: Salut D'Amour (KBS) Phim điện ảnh 2005: April Snow 2003: Untold Scandal 1994: Pilku MV 2001 Goodbye My Love (Jo Sung Mo) 2002 Ditto and Sympathy 2 Giải thưởng 2007 MBC Drama Awards: Best Couple Award (Thái vương tứ Thần ký) 2007 MBC Drama Awards: Daesang (Grand Prize) 2004 40th Baeksang Arts Awards: Best New Actor Award (The Untold Scandal) 2003 24th Blue Dragon Awards: Popularity Award (The Untold Scandal) 2003 24th Blue Dragon Awards: Best New Actor Award (The Untold Scandal) 2002 KBS Drama Awards: Best Actor Award (Bản tình ca mùa đông) 2002 KBS Drama Awards: Popularity Award 2002 38th Baeksang Arts Awards: Popularity Award 1997 33rd Baeksang Arts Awards: Popularity Award 1996 KBS Drama Awards: Valuable Actor Award 1996 KBS Drama Awards: Popularity Award 1995 KBS Drama Awards: Photogenic Award 1995 KBS Drama Awards: Best New Actor Award Sách 2004: The Image: Volume 1 2005: 100 days of Bae Yong Joon 2007: BYJ family book 100 Days of Bae Yong Joon (Japan Version) 2005 Remembrances Photo Album - Korean Superstars' Images After Rain - Utsukushiki Korean Star no Sugao (Japan Version) Star Mondo Korean Star Photo Album (Japan Version) The Man - Korean Top Star Photo Album (Japan Version) 2009 [Book] A Journey in search of Korea Beauty
Jang Nara (sinh ngày 18 tháng 3 năm 1981) là một nữ diễn viên, ca sĩ và nhà từ thiện người Hàn Quốc. Cô còn tham gia nghệ thuật và sự nghiệp điện ảnh Hoa ngữ nên được biết với tên phiên âm tiếng Trung của cô (; Hán Việt: Trương Na Lạp). Tiểu sử Lúc nhỏ, Jang Nara dành phần lớn thời gian vào việc học tại quê nhà Seoul. Cha là ông Ju Ho-seong, diễn viên kịch nói thuộc đoàn kịch quốc gia, còn mẹ xuất thân từ học viện Nghệ thuật lớp đào tạo diễn xuất thứ 11. Anh trai Jang Sung Won cũng là diễn viên hoạt động trong các chương trình giải trí của đài MBC. Cha cô cũng là người trực tiếp quản lý và người tổ chức trong mọi hoạt động nghệ thuật của con gái. Trong một lần tham gia đóng vở kịch Những người khốn khổ cùng với cha của mình tại trường tiểu học đã khiến cô nuôi ước mơ trở thành diễn viên. Jang Nara bắt đầu tham gia làm người mẫu quảng cáo thương mại từ khi còn học trung học. Cô từng theo học trường Trung học nữ Yale (예일 여자 고등학교) và là bạn cùng lớp cựu hoa hậu Hàn Quốc 2005 Kim Joo-hee. Jang Nara theo học Khoa Kịch nghệ và Nghệ thuật, Đại học Chung Ang với chuyên ngành Diễn xuất từ tháng 3 năm 2000 và tốt nghiệp ngày 19 tháng 2 năm 2010, được trao tặng giải thưởng đặc biệt vì những đóng góp của cô đối với Đại học Chung Ang. Phát biểu tại lễ tốt nghiệp, cô chia sẻ: "Tôi cảm thấy rất hồi hộp bởi phải mất 10 năm tôi mới nhận được bằng đại học. Nếu tự chấm điểm, tôi sẽ cho mình điểm F". Sau khi vào học tại Đại học Chungang, Jang Nara mới thử sức với điện ảnh bằng cách tham gia bộ phim sitcom New Nonstop. Năm 2002, cô có vai chính đầu tiên trong sự nghiệp với phim Cô gái thông minh. Tác phẩm thành công vang dội với con số rating lên tới 42,6%, Jang Nara cùng bạn diễn Jang Hyuk được coi là cặp đôi đẹp nhất màn ảnh Hàn thời điểm đó. Trong giai đoạn 2002 – 2005, cô hoạt động trên nhiều lĩnh vực, từ diễn xuất, ca hát đến đóng quảng cáo. Jang Nara trở thành biểu tượng của showbiz Hàn thời bấy giờ. Danh tiếng của cô còn vươn sang các quốc gia khác trong khu vực châu Á. Jang Nara lọt vào mắt xanh của các nhà sản xuất phim Trung Quốc. Nữ diễn viên không bỏ lỡ cơ hội "tấn công" thị trường tỷ dân. Năm 2005, Jang Nara chuyển hướng sang phát triển ở Trung Quốc - đây được coi là dấu mốc quan trọng nhất trong sự nghiệp của cô. Tại đây, cô tiếp tục thành công với hàng loạt những bộ phim ăn khách như "Công chúa bướng bỉnh", "Xin chào Thượng Hải", "Thái y nghịch ngợm", "Kiệu hoa"... Jang Nara được săn đón nhiệt tình và sớm chiếm cảm tình của nhiều khán giả. Trong giai đoạn 2004 - 2008, Jang Nara được xem là ngôi sao gốc Hàn thành công nhất tại Trung Quốc với lượng fan cực kỳ hùng hậu. Vị thế của cô ở Đại Lục ngày càng lớn. Năm 2008, cô còn là nghệ sĩ duy nhất không phải người gốc Hoa góp giọng trong ca khúc chủ đề của Olympic Bắc Kinh - Bắc Kinh đón chào bạn cùng với dàn sao tên tuổi khác. Tại Việt Nam, Jang Nara được biết đến nhiều nhất qua bộ phim đầu tiên của cô tại Trung Quốc: "Công chúa bướng bỉnh" (vì điều này nên khá nhiều người nhầm tưởng cô là diễn viên Trung Hoa) và trước đó cô cũng được khán giả biết tới với ca khúc hit đình đám "Sweet Dream" của mình. Năm 2011, khi đã 30 tuổi, Jang Nara trở về quê hương đóng phim. Lúc này, hầu hết người hâm mộ đã dần lãng quên cô và bởi màn ảnh Hàn khi đó ngập tràn các bóng hồng xinh đẹp. "Baby Faced Beauty" là tác phẩm truyền hình đầu tiên của Jang Nara kể từ sau khi hồi hương. Tuy nhiên, phim không đạt hiệu ứng như mong đợi. Song, ít nhất Baby Faced Beauty cũng đã nhắc nhở khán giả nhớ về cái tên Jang Nara sau nhiều năm vắng bóng. Từ 2013 - 2017, nữ diễn viên ở lại hẳn quê nhà đóng phim và đều đặn góp mặt vào một đến hai bộ phim mỗi năm. Những bộ phim "School 2013", "Định mệnh anh yêu em (Fated to love you - 2014)", "I remember you", "One more Happy Ending", "Go Back Couple",... dù chưa thực sự gây tiếng vang lớn nhưng cũng đã dần lấy lại được hình ảnh của cô trong lòng khán giả. Đến cuối 2018, Jang Nara mới tạo dấu ấn khó phai với The Last Empress. Phim được đánh giá sở hữu nội dung hấp dẫn, kịch tính, dàn diễn viên diễn xuất chắc tay. Bên cạnh đó, vai diễn Oh Sunny cũng cho thấy hướng đi mới trong diễn xuất của Jang Nara. Cô bắt đầu chuyển sang kiểu vai nặng tâm lý, có chiều sâu, phức tạp và gai góc thay vì những vai diễn ngây thơ, hiền lành từ đầu đến cuối phim như trước kia. Điều này chứng minh phong độ diễn xuất không hề sụt giảm qua bao nhiêu năm cùng khả năng biến hóa linh hoạt của Jang Nara. Sau "The Last Empress", ngôi sao sinh năm 1981 tiếp tục khẳng định mình với tác phẩm lấy đề tài đấu đá chốn công sở, ngoại tình - VIP. Lần này, cô tiếp tục gắn bó với dạng nhân vật có tính cách mạnh mẽ, dứt khoát, tâm tư phức tạp. Lên sóng vào dịp cuối năm 2019, phim nhiều lần lập kỷ lục rating. Jang Nara cũng nhiều lần lọt top sao được quan tâm nhất tuần, tháng nhờ sức hút của VIP. Ngoài khả năng diễn xuất tuyệt vời và ổn định sau nhiều năm hoạt động, Jang Nara còn nổi tiếng với vẻ đẹp trẻ mãi không già của mình. Với khuôn mặt ngây thơ, trong sáng, làn da căng mịn đầy sức sống, đôi mắt trong veo dù đã bước sang tuổi 40 khiến nhiều người không khỏi kinh ngạc. Nhan sắc của cô vẫn khiến những cô gái trẻ cũng phải ghen tị. Truyền thông xứ Hàn thường gọi Jang Nara là "Mỹ nhân không tuổi" để nói về vẻ đẹp đặc biệt này của cô. Ngày 03/06/2022, trên trang Instagram cá nhân, Jang Nara thông báo chính thức kết hôn với bạn trai kém mình 6 tuổi sau 2 năm tìm hiểu và hẹn hò. Sự nghiệp âm nhạc Album phòng thu tiếng Hàn Album phòng thu Hoa ngữ Collaborative and compilation albums {| class="wikitable plainrowheaders" style="text-align:center;" ! scope="col" rowspan="2" | Title ! scope="col" rowspan="2" | Album details ! scope="col" colspan="1" style="width:5em;" | Peak chart positions ! scope="col" rowspan="2" | Sales |- !KOR |- ! scope="row" | History My Love | Released: May 4, 2002 | | |- ! scope="row" | Jang Nara and Friends | Released: April 17, 2003 | | |- ! scope="row" | Vol. 3: Cheer Up Coffee Boy Feat. Jang Na-ra | Released: March 30, 2015 Track 3: Fight For Your Love For Your Life | | |- ! scope="row" | Calling of the Heart - The Second Story Part 2 'Rest| Released: May 21, 2015 Label: FNC Entertainment Track 1: Jesus Loves Me | | |} Singles Danh sách phim Phim điện ảnh Phim truyền hình Âm nhạc Tháng 10 năm 2002, ca khúc chính trong phim Chuyện tình nàng hề là Sweet Dream''' ra đời nằm trong album cùng tên là album Vol.2, album thành công nhất trong sự nghiệp của Jang Nara và trở thành một trong những album bán chạy nhất ở Hàn Quốc giúp cô giành được nhiều giải thưởng trong đó có 2 giải thưởng Daesang, ''giải KBS Music Awards, MBC Singer Award, giải đĩa vàng của đài MBC, giải 10 ngôi sao xuất sắc nhất của đài SBS, giải MTV âm nhạc Hàn Quốc. Mọi lễ trao giải âm nhạc lớn nhất trong năm đều vang danh cô. Giải thưởng và đề cử Chú thích
Kim Sa Rang (sinh ngày 12 tháng 1 năm 1978) là một diễn viên Hàn Quốc. Cô đoạt được danh hiệu Hoa hậu Hàn Quốc năm 2000 ngay sau đó bắt đầu sự nghiệp diễn viên. Kim đoạt vương miện Hoa hậu Hàn Quốc ngày 28 tháng 5 năm 2000 tại Trung tâm Văn hóa Sejong, nơi đăng cai Hoa hậu Hoàn vũ 1980. Cô được đại diện xứ sở "Bình minh êm đềm" đi thi Hoa hậu Hoàn vũ 2001. Tại nơi thi, cô đã giành được giải Trang phục dân tộc đẹp nhất với bộ hàn phục tuyệt đẹp của mình. Phim 2017: Tiểu thư Sa rang vai Jang Sa Rang. 2017: Cung Huệ vương hậu / Trinh Hiển vương hậu. 2015: My love Eundong. 2010: Secret Garden 2003: Love is Impossible (남남북녀) 2002: Man is Born (남자 태어나다) Kịch 2005: A Love To Kill (이 죽일 놈의 사랑, KBS) 2003: 설날 특집 드라마 [천년의 꿈] 2003: Thousand Year's Love (천년지애/千年之愛, SBS) 2002: Love (정/情, SBS) 2001: Mina (KBS) 2001: What in the World (어쩌면 좋아) (MBC) 2001: 생방송 음악캠프 (MBC) 2000: 천사의 분노 (SBS) Thống kê Cao: 173 cm Nặng: 50 kg
Đồng minh là một từ Hán-Việt (同盟) có nghĩa là một nhóm với các thành viên cùng thề với nhau. Nó có thể chỉ đến: Đồng minh quân sự: một thỏa thuận giữa hai hoặc nhiều quốc gia Hiệp ước: nhóm ba quốc gia chống lại Lực lượng Trung tâm trong Chiến tranh thế giới thứ nhất Đồng Minh: nhóm chống lại Khối Trục trong Chiến tranh thế giới thứ hai
Ma cà rồng là cách gọi một sinh vật huyền huyễn được truyền tụng từ lâu trong ký ức dân gian, loài này được cho là tồn tại bằng cách uống máu từ các cá thể sống. Hình tượng phổ biến về ma cà rồng là những con ma cà rồng trong văn hóa châu Âu (Vampire) mà điển hình là bá tước Dracula trong tác phẩm văn học cùng tên. Danh xưng Ngay từ hậu kỳ trung đại, các sách Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn, Thoái thực ký văn của Trương Quốc Dụng và Hưng Hóa kỷ lược của Phạm Thận Duật đã chép về "một loài ma chuyên hút máu người xuất hiện ở vùng Hưng Hóa", thường được gọi là ma Cà Rồng (茄蠬鬼, Hán-Việt: Cà rồng quỷ), ma Cà Rằng (奇䗀鬼, "Kỳ lăng quỷ") hoặc ma Càn Sùng (乾崇鬼, "Can sùng quỷ"); những danh xưng này tuy khác nhau nhưng đều cố gắng ký âm kurung / gunung trong các ngôn ngữ Tai-Kadai. Tác giả Phạm Thận Duật còn nói, loài ma này "hễ là người Thái Đen thì hay có". Đặc điểm Mặc dù ma cà rồng được ghi nhận trong nhiều nền văn hóa khác nhau, nhưng cho đến khi một số tin đồn và hiện tượng khó giải thích về ma cà rồng xuất hiện vào châu Âu từ các khu vực mà truyền thuyết này vốn phổ biến, chẳng hạn như khu vực Balkan và Đông Âu, cho dù cứ mỗi địa phương đều có tên gọi khác nhau về nó chẳng hạn như vrykolakas tại Hy Lạp và strigoi tại România. Niềm tin đó đã tăng lên đến cuồng dại trong tâm trí đám đông và trong một số trường hợp xác chết đã thực sự đặt cược với những người bị cáo buộc là ma cà rồng. Những người mê tín vào ma cà rồng là những người đam mê thực hành việc uống máu người hoặc động vật. Người ta cũng thường nói rằng ma cà rồng chủ yếu hay cắn vào cổ nạn nhân, hút máu từ động mạch. Trong văn học dân gian nói chung, luôn có niềm tin vào một đối tượng có được sức mạnh siêu nhiên nhờ vào việc uống máu người. Lịch sử của những người mê tín ma cà rồng nói chung xuất phát từ tục ăn thịt người. Uống máu (và/hoặc ăn thịt) người khác đã được sử dụng như một thủ đoạn tâm lý nhằm khủng bố tinh thần kẻ thù và phản ánh nhiều sự cuồng tín. Trong nhiều thế kỷ đã có nhiều hiện tượng huyền bí và đáng sợ khiến người dân hoang mang, một dịch bệnh đã tràn lan và giết chết nhiều người. Người ta cho rằng là do tà thuật phù thủy gây ra, ma cà rồng đội mộ sống lại và lấy đi sự sống của người sống. Những cái xác chết kỳ lạ không phân huỷ hay thối rữa, móng tay, tóc, răng mọc dài ra như còn sống và có máu chảy ra từ mắt, mũi, miệng và đôi khi cả tai, nhìn như một người đang ngủ hay vừa mới chết cho dù đã bị chôn trong nhiều ngày nhiều tháng nhiều năm mà vẫn không có dấu hiệu phân hủy hay thối rữa mà vẫn hồng hào, đỏ tươi và bụng to như vừa mới ăn uống no nê được cho là đã biến thành ma cà rồng. Mắt trái mở và có vẻ cơ thể đã di chuyển. Lịch sử Cổ đại Những truyền thuyết về xác chết thèm khát máu thời xưa gần như giống nhau ở mọi nơi trên toàn cầu. Ma cà rồng tựa linh hồn gọi là Lilu được đề cập tới trong khoa nghiên cứu ma quỷ Babylon, và kẻ khát máu Akhkharu trong huyền thoại Sume thậm chỉ còn sớm hơn cả. Người ta nói những con quỷ cái đó đi lang thang hàng giờ trong bóng tối, săn tìm và giết những đứa trẻ mới sinh cũng như phụ nữ có mang. Một trong những con quỷ đó, tên là Lilitu, đã được làm phỏng theo ở khoa nghiên cứu ma quỷ Do Thái tựa như Lilith. Lilitu/Lilith thỉnh thoảng còn gọi là mẹ của muôn loài ma cà rồng. Xem chi tiết ở Lilith. Nữ thần Ai Cập Sekhmet trong một huyền thoại trở nên cuồng khát máu sau khi sát sinh một vài người và chỉ thỏa mãn sau khi uống rượu cồn màu máu. Trong tác phẩm Tây du ký của Ngô Thừa Ân, Bạch Cốt Tinh cũng hút máu người. Với bản lĩnh ấy, có thể xem cô như nữ hoàng ma cà rồng. Bạch Cốt Tinh sinh ra từ một bộ xương hấp thụ khí của càn khôn nhật nguyệt mà thành quái. Trong tác phẩm Odyssey của Homer, vong hồn mà Odyssey gặp trong chuyến đi qua địa ngục bị quyến rũ bởi máu tươi của cừu đực hiến tế, thực tế là Odyssey dùng lợi thế của mình để triệu tập vong hồn của Tiresias. Trong các huyền tích La Mã có nói đến strix, một con chim sống về ban đêm được nuôi bằng máu người tươi. Người Âu châu trung cổ lưu truyền những truyện rùng rợn về một giống ma hút máu có tên "Vampire". Nhiều truyện về ma cà rồng rất ghê rợn, như chuyện một người hung ác xứ Wales đã chết từ lâu, bỗng đêm đêm sống lại trở về gọi tên từng người quen và hút máu họ đến chết. Trung đại Vào các thế kỷ XVII và XVIII, cơn sốt hoảng sợ ma cà rồng lan khắp Tây Âu. Người ta bảo họ nhìn thấy người chết sống lại đi khắp nơi tấn công người sống. Các chính quyền đã cho khai quật các phần mộ để thiêu hủy xác. Từ đó thế giới ma cà rồng gây kinh hãi khắp Tây Âu và đi vào thơ ca và hội họa. Sau đó các tác phẩm này gây cảm hứng cho nhà văn Ireland Bram Stoker viết nên tiểu thuyết nổi tiếng Dracula. Ma cà rồng được cho là những xác chết bị linh hồn ma quỷ chiếm hữu, phù thủy hoặc những người tự tử, hoặc do bị cắn bởi một con ma cà rồng khác. Năm 1746, Dom Augustin Calmet cho biết thấy được những cuộc mục kích những người chết từ lâu bỗng đội mồ trở về, cắn xé, hút máu người thân của chúng. Bọn ma quỷ ghê tởm này đi lại, nói chuyện như người thường, xác của chúng chôn dưới đất nhiều năm vẫn nguyên vẹn không bị thối rữa, đỏ tươi và máu chảy ra từ miệng. Tất cả những người bị chúng hút máu đều chết. Đến thế kỷ XIX, truyện viết về ma cà rồng càng nhiều và trở thành một đề tài văn học. Nổi tiếng nhất là cuốn Dracula của Bram Stoker. Một đặc điểm nổi bật của ma cà rồng là rất thích máu, vào ban đêm thường xuất hiện dưới hình dạng của một con dơi hoặc một con sói hoặc là một đám mây màu đen bay đến cửa sổ gõ cửa và xin vào. Nếu nạn nhân trong cơn mơ không làm chủ được mình thì sẽ mở cửa và rồi cũng sẽ trở thành một ma cà rồng, đặc biệt những nạn nhân này luôn có mối liên quan mật thiết với ma cà rồng gốc, có nghĩa là có thể cảm nhận và xác định được ma cà rồng gốc ở đâu. Trong các cuốn sách, phim ảnh và tivi, ma cà rồng được thể hiện như là những sinh vật cực kỳ phức tạp. Theo truyền thuyết, mỗi ma cà rồng đều đã từng là một con người; sau khi bị con ma khác tấn công, chết đi rồi trỗi dậy từ nấm mồ để hóa thân thành con quỷ hút máu khủng khiếp. Từ khi thể xác được phục sinh - di hài sống của một người chết - ma cà rồng thường được xem như là bất tử. Chúng cũng có thể biến thành một người bình thường khỏe mạnh và khó mà bị phát hiện giữa những người sống. Ngoài ra sinh vật khủng khiếp này cũng có thể mang hình thù một con thú, thường là dơi hay chó sói hoặc thậm Chí sương mù, nhằm lặng lẽ tiếp cận nạn nhân. Chúng có thể chạy trên mặt nước. Tuy vậy, ma cà rồng vẫn có một số nhược điểm. Chúng có thể bị tiêu diệt bởi cái cọc xuyên tim hay bởi lửa; chúng sẽ chết nếu bị chém đầu và bị phơi ra dưới ánh sáng mặt trời (đây một điểm yếu của ma cà rồng được tạo ra bởi Văn học). Chúng rất sợ hình thập tự thánh giá, nước thánh, củ tỏi và cỏ roi ngựa. Ma cà rồng không có ảnh phản chiếu trong gương và đôi khi không có một cái bóng, (ma cà rồng không có xương) và có sức mạnh siêu nhân. Hình ảnh ma cà rồng được sáng tạo theo nhiều cách tùy vào sức tưởng tượng của con người. Chúng không thể vào nhà người khác nếu không được mời hoặc vào nhà thờ (có thể là đất thánh). Hiện đại Không có bằng chứng khoa học nào chứng tỏ ma cà rồng tồn tại, song tiến bộ y học đã chứng tỏ được hạnh kiểm quỷ dữ này. Một trong các bệnh lý ma cà rồng là chứng rối loạn chuyển hoá porphyrine (porphyria). Chứng bệnh cực hiếm này sinh ra do sự mất cân bằng trong sản sinh heme, một sắc tố giàu chất sắt trong máu. Người mắc chứng bệnh này rất sợ ánh sáng mặt trời, đau bụng nhiều và có thể bị mê sảng. Thời xưa người ta chữa trị bệnh này bằng cách cho bệnh nhân uống máu tươi để khắc phục tình trạng mất cân bằng trong cơ thể (mặc dù không có bằng chứng rõ ràng nào về điều này). Một số bệnh nhân loại này thường có miệng và răng màu đỏ do hoạt động sinh sắc tố heme không ổn định. Porphyria có tính di truyền nên xưa nay người ta thường tập trung những bệnh nhân này vào một số khu vực nhất định. Nguyên do thứ hai làm phát sinh "bệnh lý ma cà rồng" là chứng giữ nguyên thể (catalepsy), một sự kết hợp giữa chứng động kinh, tâm thần phân liệt và các bệnh khác tác động đến hệ thần kinh trung ương. Khi bệnh nhân lên cơn, toàn bộ cơ thể sẽ cứng đơ, nhịp tim và hơi thở suy yếu. Đôi khi người ngoài tưởng lầm bệnh nhân catalepsy đang lên cơn dữ dội là... một xác chết. Ngày nay, y học đã có hiểu biết và đầy đủ phương tiện để kiểm tra xem một người nào đó còn sống hay đã chết thật sự. Tuy nhiên, ngày xưa con người chỉ dựa vào hiện tượng bên ngoài để phán đoán sinh mệnh một người, chính vì thế mà bệnh nhân catalepsy thường hay bị chôn lầm có thể "sống lại". Giai đoạn bộc phát bệnh catalepsy có thể kéo dài nhiều giờ hoặc nhiều ngày - đủ thời gian để tiến hành một đám ma. Sau khi tỉnh lại trong phần mộ, nếu bệnh nhân còn mắc thêm chứng rối loạn tâm thần thì anh ta dễ bị coi là... ma cà rồng. Trong khi các hiện tượng này gây sợ hãi cho con người, căn nguyên của toàn bộ truyền thuyết và hiểu biết về ma cà rồng lại nằm ở tâm lý hơn là thể xác. Sự chết chóc là một trong các khía cạnh bí ẩn nhất của cuộc sống và mọi nền văn hóa cổ kim đều quan tâm đặc biệt đến hiện tượng. Một cách để luận giải về cái chết là nhân cách hóa nó - mang lại cho nó một dạng hữu hình, Thế nên, các con quỷ dữ Lamastu, Lilith và lũ ma cà rồng tương tự thời xa xưa là những cách giải thích đối với một điều bí ẩn kinh khủng, cái chết đột ngột của một trẻ nhỏ và bào thai trong tử cung. Con quỷ Strigoi và các thi thể phục hoạt khác chính là các tượng trưng cuối cùng của sự chết - chúng là di hài thật sự của những người đã chết. Ma cà rồng cũng là hiện thân mặt tối của con người. Bằng cách vạch rõ cái ác thông qua các hình ảnh siêu nhiên, con người có thể luận giải tốt hơn về chính các xu hướng ác của mình. Sự biểu hiện quá nhiều con quỷ giống ma cà rồng trong xuyên suốt lịch sử, cũng như sự ám ảnh không dứt của chúng ta đối với lũ hút máu này, chứng tỏ rằng đó là một phản ứng tổng thể đối với thân phận con người. Nó đơn giản là bản tính con người nhằm loại trừ những sợ hãi... Họ lý giải rằng, trong những năm đầu thế kỷ XVIII, người dân Đông Nam châu Âu luôn tin vào sự tồn tại của những người bị cho là "ma cà rồng". Khi gặp những dịch bệnh khó hiểu hay hiện tượng kì lạ, bất cứ ai cũng sẽ đổ lỗi cho ma quỷ. Tuy vậy, các nhà khoa học cũng đưa ra một lý giải khoa học về việc xác chết vẫn còn nguyên vẹn và hồng hào như sau: "Khi một xác chết phân hủy, nước trong các mô dần thay đổi. Lúc này, lớp bên ngoài của da tróc dần ra và các lớp bên trong bắt đầu hóa lỏng". Các lớp bên trong thường sẽ có một vẻ ngoài hồng hào hơn và có thể xuất hiện hiện tượng lên da mới. Trong lúc phân hủy, khí tích tụ trong một xác chết, gây ra nhiều điều lạ lùng. Áp lực từ các chất khí có thể gây ra hiện tượng máu chảy ra từ miệng, mắt, nhìn rất ghê rợn. Khi có dụng cụ đâm vào tử thi chứa nhiều khí phân hủy rất dễ phát ra những âm thanh ghê người. Nhưng tất cả các thi thể đều bị thiêu thành tro. Theo truyền thuyết, khắc tinh truyền kiếp của ma cà rồng chính là Người sói, hay nói cách khác thì đây là sinh vật huyền bí duy nhất có thể tiêu diệt ma cà rồng bởi độc tố từ phát cắn chí mạng của người sói khiến ma cà rồng không thể hồi phục vết thương được. Nhưng cuộc chiến giữa người sói và ma cà rồng thật ra được tạo từ văn học, và vào thời Trung Cổ, người ta cho rằng nếu lúc sống bạn là một người sói và sau khi chết đi bạn sẽ biến thành ma cà rồng. Ngoài ra ma cà rồng rất sợ tỏi, cỏ roi ngựa và cây thánh giá. Chúng có thể ngăn chặn bằng cách đâm cọc xuyên qua tim để giữ chúng không ra khỏi quan tài, chém đầu và hỏa thiêu là cách để tiêu diệt ma cà rồng vào thời ấy hoặc nhét gạch đá vào miệng của chúng.
Ăn thịt đồng loại là hành động ăn thịt các thành viên cùng loài với mình. Chuyện động vật ăn thịt đồng loại tương đối phổ biến trong tự nhiên, như ở chủng loài nhện, bò cạp, bọ ngựa, tôm hùm, mực, bạch tuộc, cá mập, cóc ếch,... Chuyện người ăn thịt người đã từng là tục lệ trong một số bộ lạc ở Trung Mỹ, Ai Cập... thời xưa và trong một vài trường hợp thời nay. Những dấu hiệu cho thấy thời tiền sử thì ăn thịt đồng loại đã xảy ra. Trong tự nhiên Ăn thịt đồng loại là hiện tượng phổ biến và là một phần trong chu kỳ sống. Nhện đỏ-đen cái, nhện đen quả phụ, một số loài bọ ngựa và bọ cạp ăn con đực trong lúc giao phối (mặc dù tần số xảy ra bị nói một cách phóng đại quá mức). Đối với các sinh vật khác, ăn thịt đồng loại ít liên quan đến giới tính hơn liên quan kích cỡ. Hiện tượng thường thấy trong thiên nhiên như bạch tuộc lớn săn các con nhỏ hơn, và tương tự với nhiều loài cóc, cá, kỳ nhông, cá sấu. Khi không gian sống và thức ăn suy giảm thì nòng nọc ếch nhái cóc cũng chuyển sang ăn thịt những con yếu hơn. Ăn thịt đồng loại có thể cực kỳ phát triển trong trường hợp bị giam cầm hay không chịu nổi tình trạng thiếu thức ăn. Đặc biệt, lợn nái nuôi có thể ăn thịt con mới sinh, mặc dù hành động đó chưa được quan sát thấy đối với lợn sống tự nhiên. Một trường hợp khác dẫn tới ăn thịt đồng loại là khi bị giam hãm, nhiều loài sống theo lãnh thổ rộng trong tự nhiên có thể có hành động ăn thịt đồng loại. Ví dụ, nhện đen hiếm khi ăn thịt đồng loại trong tự nhiên nhưng chúng làm điều đó rất phổ biến khi bị giam cầm. Người ta đã biết rằng thỏ, chuột và chuột đồng sẽ ăn thịt con non nếu tổ của nó bị thú săn mồi tấn công đe dọa nhiều lần. Con cái trưởng thành ở một số loài giết và đôi khi ăn thịt con non cùng loài nó nếu con non đó không có mối quan hệ huyết thống gần gũi - nhất là loài tinh tinh. Người ta tin rằng đó là cách để giảm phân chia thức ăn trong bầy và nhu cầu thức ăn sẽ đủ cho con cái của con vật ăn thịt đồng loại. Trong suốt thời gian NATO ném bom Liên bang Nam Tư vào năm 1999, một số lượng lớn động vật trong vườn thú Belgrade, trong đó có hổ và sói, bị thương và chúng ăn con mình. Prince, một con hổ Bengal, trong chiến tranh Ấn Độ thậm chí còn tự ăn thịt chính mình - tự gặm chân mà người trong vườn thú nói rằng đó là "sự phản đối" việc ném bom. Ở loài ong Các nhà khoa học cho rằng, loài ong ăn thịt lẫn nhau là vì mục đích đảm bảo sự ổn định trong một tổ ong. Với loài ong mật, ong bắp cày và kiến, ong chúa vẫn đẻ trứng kể cả khi trứng không được thụ tinh, những quả trứng này sẽ nở ra thành con đực. Điều này làm cho số lượng ong đực sẽ nhiều quá mức cần thiết. Và như vậy, vì ong đực không làm việc mà chỉ đi thụ tinh, sẽ có nhiều kẻ "ăn không ngồi rồi", hơn nữa số lượng ong đực nhiều sẽ có thể tăng số lượng ong thợ thông qua quá trình thụ tinh. Hơn nữa, vì ong chúa thường giao phối với nhiều ong đực khác nhau, nên hệ gene của đàn ong sẽ đa dạng đáng kể. Điều này không tốt đối với loài ong, bởi mỗi loài có một đặc điểm riêng, nếu xuất hiện một con ong lạ mặt thì nó có thể làm mất đồng nhất trong quá trình phân công lao động trong đàn ong. Trong lịch sử Việc ăn thịt người đã được chứng minh bằng tư liệu ở Ai Cập trong thời kỳ đói kém do nước sông Nin không lên trong tám năm (1064 đến 1072). Quân Thập tự chinh đã phân loại để ăn thịt người sau khi vây hãm thành công Ma'arrat al-Numan năm 1098. Ở châu Âu, trong Nạn đói 1315-1317, khi Dante đang sáng tác một tác phẩm lớn trong lịch sử văn học phương tây và thời kỳ Phục hưng vừa bắt đầu, có những báo cáo loan rộng khắp châu Âu về tục ăn thịt người. Tuy vậy, nhiều nhà lịch sử đã bác bỏ các báo cáo đó vì cho đó chỉ là tưởng tượng và mơ hồ. Những người còn sống sót sau khi con tàu Pháp Medusa chìm năm 1816 bị phân loại để ăn thịt sau bốn ngày lênh đênh trên một cái mảng. Sau khi tàu Whaleship Essex của Nantuket bị chìm do cá voi, ngày 20 tháng 11 năm 1820, những người còn sống, trên ba con tàu nhỏ, bị phân loại theo thỏa thuận, để bị ăn thịt nhằm cứu một vài người khác sống sót. Cuộc thám hiểm vùng cực thất bại của Sir John Franklin, một người đàn ông tên là Alferd Packer bị buộc tội là giết và ăn thịt bạn đồng hành của mình; 16 người sống sót sau Chuyến bay số 571 của Không quân Uruguay vào năm 1971 được cứu thoát sau 73 ngày sống sót do ăn thịt đồng loại. Tập tục Việc ăn thịt người ở nhiều bộ tộc mang tính chất sắc tộc trong quá khứ, nhưng thực sự là đã xuất hiện và trở thành tập quán xã hội. Một số người lý luận rằng tục ăn thịt người hầu như không tồn tại, trong khi những người khác cho rằng một vài di tích ở vùng Tây Nam Hoa Kỳ có thể cung cấp bằng chứng cho tục ăn thịt người. Các trường hợp riêng biệt tại các nước khác đã thấy là âm mưu trong đầu một số người, tội phạm và tin đồn không chính xác bởi những kẻ quá khích. Có bằng chứng gây tranh cãi về tục ăn thịt người loan rộng trong suốt thời gian đói kém ở Ukraina những năm 1930, trong cuộc bao vây Leningrad trong Chiến tranh thế giới thứ hai và trong suốt nội chiến Trung Quốc. Một ví dụ gần đây nằm trong những câu truyện do người tị nạn từ Triều Tiên tiết lộ về tục ăn người trong và sau thời kỳ đói kém năm 1995 đến 1997. Thường thì các lời đồn đại về tục ăn thịt người phổ biến hơn so với thực tế. Nữ hoàng Isabella (Tây Ban Nha) ra lệnh cho người Tây Ban Nha đi xâm chiếm Trung và Nam Mỹ không được nô lệ hóa các bộ tộc bản xứ mà họ chạm trán trừ khi các bộ tộc đó có tiến hành tục ăn thịt người. Như thế có nghĩa là tục ăn thịt người đã bị thổi phồng một cách quá mức và trong hầu hết các trường hợp là bịa đặt. Các bộ lạc tại Caribe đã nổi tiếng từ lâu với tục ăn thịt người, song trái lại, trên thực tế các nghiên cứu hiện đại không tìm thấy dấu vết nào của tập tục đó. Trong suốt những năm Anh mở rộng thuộc địa, chiếm hữu nô lệ được cho là bất hợp pháp trừ khi người liên quan đến trở nên quá suy đồi. Chứng cứ về ăn thịt người khủng khiếp và vì vậy nên các báo cáo về tục ăn thịt người trở nên lan rộng. Bộ lạc Korowai, vùng đông nam của tỉnh Papua của Indonesia, là một trong những bộ lạc cuối cùng trên thế giới còn tiến hành tục ăn thịt người. Trong nhiều cuộc chiến ở châu Phi, tục ăn thịt người được cho là xuất hiện khác phổ biến mặc dù trong thời kỳ chiến tranh nó không xuất hiện trừ các trường hợp riêng gồm có một vài phương thuốc dân tộc. Nhà sử học quân phiệt Nhật Kuwabara Jitsuzo viết về Trung Quốc cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, đã khẳng định văn minh Trung Hoa có một lịch sử ăn thịt người, có thể trích dẫn ra từ văn học. Gần đây hơn, nhà văn Trung Quốc Lỗ Tấn (Lu Xun) viết "Tôi là một người mang cái lý lịch ăn thịt người trong bốn ngàn năm... Mở lịch sử ra tra thử... chỉ thấy trên mỗi tờ viết nhân nghĩa, đạo đức mà nhìn thấy đến giữa những dòng chữ thì ra cả cuốn đều chép rặt có ba chữ Ăn thịt người". Tuy nhiên những chỉ trích này chỉ để đả kích truyền thống văn hóa và lịch sử Trung Quốc chứ không thể được xem là bằng chứng cho thấy tục ăn thịt người thật sự tồn tại trong xã hội Trung Quốc. Có tin đồn rằng tục ăn thịt người diễn ra trong thời kỳ thiếu đói lúc cuộc Cách mạng văn hóa tiến hành. Tuy vậy, không có bằng chứng thuyết phục bên ngoài nguồn tư liệu văn học rằng tục ăn thịt người được chấp nhận trong xã hội Trung Quốc cổ, cũng chẳng có các nghiên cứu dứt khoát nào đề xuất rằng ăn thịt người trở nên phổ biến suốt thế kỷ 20 ở Trung Quốc. Trớ trêu là có tài liệu đầy sức thuyết phục và bằng chứng pháp lý cho rằng quân Nhật thực hành ăn thịt cả đối phương lẫn quân mình trong Chiến tranh thế giới thứ hai khi cạn nguồn tiếp tế. Có tác giả đã phân tích tục ăn thịt người và các thức ăn cấm, tác giả cho rằng nó phổ biến khi con người sống theo các nhóm nhỏ, song biến mất khi sự quá độ lên xã hội có nhà nước, người Aztec là một ngoại lệ. Trong chiến tranh Ăn thịt người diễn ra trong những lính trong cuộc Cuộc thập tự chinh thứ nhất. Một vài lính thập tự đã sống nhờ vào xác chết kẻ thù sau khi chiếm một thị trấn Ả Rập tại Ma'arrat al-Numan. Nhiều khẳng định cho là những lính thập tự đã bắt đầu mất hết tính người, nhưng trên thực tế họ phải làm như vậy để sống sót được. Hành động trên lại tái diễn ở các trận đánh sau trong tháng 3 ở Jerusalem. Trong Loạn Hoàng Sào, các bên tham chiến như quân Đường và quân Đại Tề đều dùng thịt người làm quân lương. Một vài người cho rằng ăn thịt người diễn ra trong cuộc bao vây Leningrad. Một vài bộ lạc bản địa châu Mỹ tin rằng ăn một phần thịt kẻ thù có thể nhận được các kỹ năng đặc biệt từ kẻ thù đã chết (ví dụ ăn tim một kẻ thù dũng cảm giúp nhận thêm nhiều dũng khí). Ăn thịt kẻ thù cũng được ghi lại trong thơ Trung Hoa. Có tư liệu và bằng chứng pháp lý do nhiều người chứng kiến cung cấp về việc ăn thịt người trong lực lượng quân Nhật vào thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai. Khi thức ăn cạn kiệt, thậm chí lính Nhật giết và ăn thịt người khác khi không có dân thường phe đối phương. Trong các trường hợp khác, quân lính phe đối phương bị hành hình và sau đó bị xả thịt ra. Ăn thịt người được ít nhất một nhân chứng ghi nhận, đó là phóng viên Neil Davis trong chiến tranh tại Đông Nam Á trong những năm 1960 tới những năm 1970. Davis cho biết người Khmer có tập tục chia nhau ăn thịt kẻ thù sau khi tiến hành giết chết một cách hung bạo, nhất là phần gan. Ông ta, và nhiều người tị nạn nói rằng tục ăn thịt người được thực hiện không theo nghi lễ khi không tìm nổi thức ăn nữa. Điều này thường xuất hiện khi các thị trấn và làng mạc nằm dưới quyền kiểm soát của Khmer Đỏ, thức ăn được chia theo khẩu phần rất nghiêm ngặt, dẫn tới nạn chết đói lan rộng. Trớ trêu thay, mọi công dân bị bắt khi tham gia ăn thịt người liền bị xử tử ngay lập tức. Ăn thịt người đã từng được báo cáo trong nhiều cuộc xung đột gần đây ở châu Phi, gồm có Chiến tranh Congo lần thứ hai, và nội chiến tại Liberia và Sierra Leone. Tiêu biểu là khi đã tuyệt vọng, trong thời kỳ hòa bình thì ít hơn nhiều, chẳng hạn ở bộ lạc Pygmie tại Congo. Cũng có báo cáo rằng các thầy lang châu Phi thỉnh thoảng sử dụng các phần cơ thể trẻ con trong thành phần thuốc của họ. Trong nghệ thuật Một số tác phẩm nghệ thuật có miêu tả về việc ăn thịt đồng loại. Bộ phim kinh dị Hannibal, thực hiện bởi đạo diễn Ridley Scott trong năm 2001, đã có trình bày một cảnh tượng "người ăn não của chính mình". Phim này được dựng từ một tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Thomas Harris. Loạt phim kinh dị nổi tiếng Wrong Turn, thực hiện bởi đạo diễn Rob Schmidt trong năm 2003 đã thuật lại quá trình đi săn và ăn thịt người một cách man rợ của 3 anh em biến dị, khát máu và bị điên. Phim hiện có các phần: Wrong Turn (2003), Wrong Turn 2: Dead End (2007), Wrong Turn 3: Left For Dead (2009), Wrong Turn 4: Bloody Beginnings (2011), Wrong Turn 5: Bloodlines (2012), Wrong Turn 6: Last Resort'' (2014). The Green Inferno (Địa ngục xanh) Cannibal Holocaust Cannibal Ferox
Mặt trận Thống nhất Đấu tranh của các Sắc tộc bị Áp bức, hoặc FULRO (đọc là Phun-rô, tiếng Pháp: Front Uni de Lutte des Races Opprimées) là liên minh chính trị - quân sự của các sắc tộc Cao nguyên Trung phần, Chăm, Khmer tồn tại từ năm 1964 đến 1992. Tổ chức này chủ trương đấu tranh cho quyền tự quyết của các sắc tộc thiểu số, thực hiện chiến tranh du kích để ly khai vùng Tây Nguyên khỏi lãnh thổ Việt Nam. Phong trào BAJARAKA (1958) Ngày 1 tháng 5 năm 1958, một số trí thức người Thượng, đứng đầu là Y Bhăm Êñuôl người Ê Đê, thành lập BAJARAKA. Tổ chức này chủ trương đấu tranh bất bạo động yêu cầu chấm dứt mọi chính sách phân biệt đối xử đối với các sắc tộc thiểu số. BAJARAKA là chữ viết tắt tên bốn dân tộc chủ yếu tại Tây Nguyên: Bahnar, Jarai, Rade và Kaho. Ngày 25 tháng 7 năm 1958, BAJARAKA gửi thư đến tòa đại sứ Pháp, tòa đại sứ Hoa Kỳ và Liên Hợp Quốc tố cáo những hành vi phân biệt sắc tộc của chính quyền Việt Nam Cộng hoà và yêu cầu các cường quốc can thiệp để người Thượng được độc lập trong khối Liên hiệp Pháp hoặc độc lập dưới sự lãnh đạo của Hoa Kỳ. Trong tháng 8 và 9 năm 1958, BAJARAKA tổ chức nhiều cuộc biểu tình tại Kon Tum, Pleiku, Buôn Ma Thuột nhưng đều bị trấn áp, tất cả những lãnh tụ của phong trào bị bắt. Mặt trận Giải phóng Cao nguyên (1964) Từ năm 1956, trong chiến lược chống cộng của Hoa Kỳ, các cố vấn quân sự Mỹ vào tận các buôn làng trang bị vũ khí cho thanh niên Thượng thành lập các đội Dân sự Chiến đấu Thượng (Civilian Indigenous Defense Group, CIDG) và Lực lượng Đặc biệt. Năm 1963, sau cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm tất cả những lãnh tụ phong trào BAJARAKA đều được thả. Paul Nưr, phó chủ tịch phong trào BAJARAKA được bổ nhiệm vào chức vụ phó tỉnh trưởng tỉnh Kon Tum, Y Bhăm Ênuôl, chủ tịch phong trào BAJARAKA được bổ nhiệm vào chức vụ phó tỉnh trưởng tỉnh Đắc Lắc. Tháng 3 năm 1964, được sự ủng hộ của Mỹ, những người lãnh đạo phong trào BAJARAKA kết hợp với sắc tộc Thượng khác và người Chăm tại miền Trung thành lập Mặt trận Giải phóng Cao nguyên (tiếng Pháp: Front de Libération des Hauts Plateaux, FLHP). Tổ chức này chia làm hai phe: Phe chủ trương ôn hòa, do Y Bhăm Êñuôl đại diện. Phe chủ trương bạo động, do Y Dhơn Adrơng cầm đầu. Từ tháng 3 đến tháng 5 năm 1964, phe bạo động bị truy quét gắt gao phải chạy qua Campuchia lập căn cứ tại trại Rolland (Camp Le Rolland), tỉnh Mondolkiri cách biên giới Việt-Miên khoảng 15 km, tiếp tục tuyển mộ thanh niên Thượng tham gia FLHP chống chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Ngày 19 tháng 9 năm 1964, các toán biệt kích thuộc Lực lượng Đặc biệt và các đội Dân sự Chiến đấu Thượng nổi dậy đánh chiếm một số đồn ở Quảng Đức (Đắk Nông ngày nay) và Đắc Lắc giết chết 35 quân nhân người Việt, bắt sống quận trưởng quận Đức Lập; chiếm đài phát thanh Ban Mê Thuột kêu gọi thành lập một quốc gia độc lập. Ngày 20 tháng 9 năm 1964, Chuẩn tướng quân lực Việt Nam Cộng hòa là Nguyễn Phước Vĩnh Lộc, Tư lệnh Vùng II Chiến thuật phản ứng mãnh liệt. Ông cho Sư đoàn 23 Bộ binh cùng một số tiểu đoàn Biệt Động Quân và thiết giáp vây quanh đài phát thanh, và những đồn bị chiếm đóng. Khi phiến quân sắp bị tiêu diệt thì đột nhiên chuẩn tướng Vĩnh Lộc nhận được khuyến cáo của Beachner, tham tán thứ ba tòa đại sứ Mỹ trên cao nguyên là nên thương thuyết. Cuộc thương lượng giữa phiến quân và Tư lệnh Vùng II Chiến thuật, qua trung gian là đại diện tòa đại sứ Mỹ, đi đến những thỏa thuận sau: Y Bhăm Êñuôl được cử làm chủ tịch chính thức phong trào FLHP (tuy nhiên ngay chiều 20 tháng 9 năm 1964 Y Bham Ênuôl đào thoát sang Campuchia) Những chỉ huy phiến quân không bị truy tố và không bị truy đuổi khi rút quân qua Campuchia. Giai đoạn 1964 - 1975 Cơ cấu và tổ chức Ngày 20 tháng 9 năm 1964, tại Campuchia dưới sự chủ tọa của quốc vương Sihanouk, Mặt trận Thống nhất Đấu tranh của các Sắc tộc bị Áp bức được thành lập (tiếng Pháp: Front Uni de Lutte des Races Opprimées, FULRO). Tổ chức bao gồm: Mặt trận Giải phóng Cao nguyên (Front de Libération des Hauts Plateaux, FLHP) tức FULRO Thượng - do Y Bhăm Êñuôl chỉ huy, hoạt động chủ yếu tại Mondulkiri. Mặt trận Giải phóng Champa (Front de Libération du Champa, FLC) tức FULRO Chăm - do Les Kosem (một tướng nhảy dù người Khmer gốc Chăm) lãnh đạo, hoạt động chủ yếu tại Ninh Thuận. Mặt trận Giải phóng Campuchia Krom (Front de Libération du Kampuchea Krom, FLKK) tức FULRO Khmer Hạ - do Chau Dera làm đại diện, hoạt động chủ yếu tại đồng bằng sông Cửu Long. Mặt trận Giải phóng Campuchia Bắc (Front de Libération du Kampuchea Nord, FLKN) tức FULRO Khmer Thượng, hoạt động chủ yếu tại Hạ Lào. Hiệu kỳ FULRO hình chữ nhật gồm ba sọc màu xanh biển (tượng trưng cho biển cả), màu đỏ (biểu tượng của đấu tranh) và màu xanh lá cây (màu của rừng núi). Trên sọc màu đỏ có ba ngôi sao màu trắng tượng trưng cho ba thành phần chính của FULRO: Thượng, Chăm, Khmer. FULRO có ba cơ quan lãnh đạo: Hội đồng Tối cao do Chau Dera làm chủ tịch, Hội đồng Bảo trợ do Les Kosem làm chủ tịch, và Ủy ban Chấp hành Trung ương do Y Bhăm Êñuôl làm chủ tịch. Trong thực tế, Y Bhăm Êñuôl chỉ giữ vai trò biểu tượng phong trào, người trực tiếp lãnh đạo là Les Kosem. FULRO Thượng do Y Bhăm Êñuôl làm chủ tịch vẫn bị phân hóa thành hai nhóm: Nhóm dân sự ôn hòa do Y Bhăm Êñuôl lãnh đạo chủ trương vận động Hoa Kỳ làm áp lực với chính phủ Việt Nam Cộng hòa để FULRO Thượng được về Việt Nam hoạt động một cách chính thức. Nhóm quân sự quá khích do Y Dhơn Adrong lãnh đạo chủ trương dùng bạo lực để thành lập quốc gia độc lập. Hoạt động Ngày 29 tháng 7 năm 1965, nhóm quân sự quá khích đem 200 quân FULRO Thượng vượt biên giới tấn công và chiếm giữ đồn Buôn Briêng và khi rút lui dẫn theo 181 người Dân sự Chiến đấu Thượng. Ngày 15 tháng 10 năm 1964 một đại hội các sắc tộc Thượng được triệu tập tại Pleiku để chuẩn bị cho một chính sách đối với người Thượng tốt hơn. Ngày 2 tháng 8 năm 1965, một tuyên cáo chung về hợp tác Kinh-Thượng trong nỗ lực tìm kiếm một giải pháp hòa bình và chống cộng được ký kết. Ngày 15 tháng 9 năm 1965 buổi lễ nạp vũ khí của 500 FULRO Thượng được tổ chức tại Buôn Buor. Việc thương lượng hòa giải giữa chính quyền Việt Nam Cộng hòa và phe FULRO đang diễn ra suôn sẻ thì từ ngày 12 tháng 12 đến ngày 18 tháng 12 năm 1965, nhóm FULRO quá khích tấn công đồn Phú Thiện sát hại 32 người và làm bị thương 26 người; chiếm đồn Krong Pách, giết hết binh sĩ người Kinh; đột nhập tòa hành chánh và tiểu khu Quảng Đức, giết hết người Kinh, treo cờ FULRO. Trong khi Chuẩn tướng Vĩnh Lộc, Tư lệnh Vùng II Chiến thuật, đang chỉ huy quân đội tấn công vào những nơi bị chiếm, bắt tù binh, truy đuổi tàn quân FULRO thì đột nhiên nhận được khuyến cáo của tòa đại sứ Hoa Kỳ yêu cầu nương tay và để những nhân vật cầm đầu chạy sang Campuchia. Nhận được tin nổi loạn tại Việt Nam Y Bhăm Êñuôl cho chặn bắt những phần tử quá khích tại biên giới đem về Camp le Rolland xử tử. Khi sự việc xảy ra Les Kossem không dám chống lại quyền lãnh đạo FULRO Thượng của Y Bhăm Êñuôl nhưng lại cho cài những người Chăm thân tín vào những chức vụ cao cấp bên cạnh Y Bhăm Êñuôl để kiềm chế những quyết định thân thiện Việt Nam của ông. Sau những sự việc này Y Bhăm Êñuôl tiếp tục thương thuyết với chính quyền Việt Nam Cộng hoà. Ngày 20 tháng 9 năm 1966 Les Kosem đem quân bao vây Camp Le Rolland ép Y Bham Ênuôl nhường lãnh thổ của Mặt trận Giải phóng Cao Nguyên cho Mặt trận Giải phóng Champa (FLC). Nhưng âm mưu này bất thành vì Trung tá Y Em mang quân đến giải vây Camp Le Rolland. Ngày 12 tháng 2 năm 1966, Tòa án Quân sự Vùng II Chiến thuật xử những quân nhân Thượng phản loạn cấp thấp (4 án tử hình, 1 chung thân, nhiều án khổ sai). Ngày 2 tháng 6 năm 1967, Y Bhăm Êñuôl dẫn đầu một phái đoàn đến Buôn Ma Thuột thương nghị và yêu cầu chính quyền Việt Nam Cộng hoà nhanh chóng ban hành qui chế riêng cho người Thượng. Ngày 25 và 26 tháng 6 năm 1967 một đại hội các sắc tộc thiểu số trên toàn miền Nam Việt Nam được triệu tập để đúc kết các thỉnh nguyện chung của người thiểu số. Ngày 29 tháng 8 năm 1967 tại Ban Mê Thuột đại hội các sắc tộc được tổ chức dưới sự chủ tọa của Nguyễn Văn Thiệu, Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia (tương đương Tổng thống), và Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ, Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương (tương đương Thủ tướng). Ngày 11 tháng 12 năm 1968, cuộc thương lượng thượng đỉnh giữa FULRO và chính quyền Việt Nam Cộng hòa đi đến các thỏa thuận: Phong trào FULRO được quyền có một hiệu kỳ (không phải quốc kỳ), Bộ Sắc tộc được thành lập ngay do một người Thượng lãnh đạo, Một tỉnh trưởng hay phó tỉnh trưởng người Thượng sẽ được đề cử tại những tỉnh có đông người Thượng ở, Những lực lượng địa phương quân Thượng phải đặt dưới quyền chỉ huy của những sĩ quan Thượng, Lễ ký kết sẽ được cử hành tại Ban Mê Thuột đầu năm 1969, Phái đoàn Y Bhăm Êñuôl sẽ quay về Việt Nam luôn. Ngày 30 tháng 12 năm 1968 trước khi Quân lực Việt Nam Cộng hòa đem trực thăng sang Camp Le Rolland đón Y Bhăm Êñuôl và lực lượng FULRO Thượng về Ban Mê Thuột thì Les Kosem đã đem Quân đội Hoàng gia Campuchia bao vây Camp le Rolland bắt Y Bhăm Êñuôl đưa về Phnôm Pênh giam lỏng cho đến khi ông bị Khmer Đỏ hành quyết vào tháng 4 năm 1975. Ngày 1 tháng 2 năm 1969 hiệp ước cuối cùng được ký kết giữa ông Paul Nưr, đại diện Việt Nam Cộng hòa, và Y Dhê Adrong (thay vì Y Bhăm Êñuôl), đại diện FULRO dưới sự chủ tọa của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Tuy nhiên một số người trong các sắc tộc Thượng và Chăm vẫn chưa hài lòng, phong trào FULRO tiếp tục đấu tranh trong bóng tối. Giai đoạn 1975 - 1992 Hoạt động tại Việt Nam Sau khi Sài Gòn thất thủ, hàng ngàn quân FULRO do Y Ghơ̆k Niê Kriêng chỉ huy tiếp tục tiến hành chiến tranh du kích chống lại chính quyền Việt Nam, nhưng những lời hứa của người Mỹ về việc viện trợ cho họ không bao giờ trở thành hiện thực. Lợi dụng tình trạng hỗn độn trên Cao Nguyên giữa tháng 3-1975, FULRO cho thu nhặt vũ khí, quân trang và quân dụng do Quân lực Việt Nam Cộng hòa bỏ lại. Họ cũng nhân thời cơ này ra lệnh cho các đơn vị FULRO chiếm nhiều đồn bót dọc vùng biên giới, một số buôn làng tại Kon Tum, Pleiku, Đắk Lắk, Quảng Đức, Lâm Đồng và Ninh Thuận. Tại Phan Rang, giữa tháng 4-1975, lực lượng FULRO Chăm, với khoảng 2.000 tay súng, thành lập những đội du kích "bảo vệ thôn ấp", treo cờ FULRO khắp nơi. Khi Quân đội nhân dân Việt Nam tiến vào, FULRO Chăm nổ súng chống lại, nhưng bị đánh bại nhanh chóng, một số bị thiệt mạng, một số bị bắt và một số khác trốn lên cao nguyên Di Linh hợp cùng các nhóm FULRO Thượng tiếp tục tổ chức chiến đấu. FULRO quân khu I chặn đánh các đường tiếp tế từ đồng bằng lên Kontum. FULRO quân khu II tấn công các buôn làng quanh Pleiku và Cheo Reo, sát hại nhiều cán bộ cộng sản. FULRO quân khu III chiếm các quận Lạc Thiện, Buôn Hô, Krông Pách,... giết và làm bị thương hàng chục cán bộ và bộ đội, phục kích các đoàn xe quân sự và hành khách trên các quốc lộ 14 và 19. FULRO quân khu IV đánh phá các quận Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương, Di Linh, chặn xét xe đò trên các quốc lộ 15, 20 và 21. FULRO quân khu V, lôi kéo hàng ngàn thanh niên Chăm và Raglai vào bưng. Tháng 6-1975, chính quyền Việt Nam mở chiến dịch hành quân quy mô truy quét FULRO trên khắp Tây Nguyên, với chiến xa và trọng pháo yểm trợ, đánh vào những sào huyệt của FULRO tại Đắk Lắk, Lâm Đồng và Tuyên Đức, chiếm lại các quận huyện và buôn làng nằm trong tay FULRO. Nhiều cán bộ FULRO Thượng cao cấp lần lượt bị bắt (Y C̆hôñ Mlô Duôn Du, Y Bliêng Hmŏk, Y Nguê Buôn Dăp, Y Djao Niê, Nay Guh, Nay Fun, Nay Rong), bị giam trong các trại cải tạo tại Buôn Ma Thuột và Lâm Đồng. Hơn 2.000 tàn quân FULRO Dega chạy sang Campuchia lánh nạn và được Khmer Đỏ tiếp nhận. Họ được giúp đỡ và trang bị thêm để tiến qua Việt Nam đánh chiếm các làng ven biên tại Lâm Đồng, Sông Bé và Đắk Lắk. Những trận đánh tại vùng biên giới và dọc các quốc lộ trong những năm 1975 và 1976 rất dữ dội. Tại Đắk Lắk, cuối tháng 5-1976, một số lãnh tụ Thượng bị giam (Y Djao Niê, Nay Ful, Nay Rong, Nay Guh cùng nhiều người khác) vượt ngục và ám sát ban lãnh đạo FULRO Dega cũ gồm các ông Kpă Kơi, H Tlôñ Niê Kdăm (Bộ ngoại giao Fulro), Y Bách Êban, Y Dhê, Hmang Mbon và Y Grôñ Niê Kdăm... để giành quyền lãnh đạo. Tháng 7-1977, nhóm này thành lập một "chính phủ" mới, bộ chỉ huy đặt tại Lạc Dương, phía Bắc Đà Lạt. Y Djao (bí danh thiếu tướng Dam Păr Kwei) tự phong Thủ tướng và cử Ya Duk (người Cơ Ho) làm Đổng lý Văn phòng, Nay Guh Bộ trưởng Quốc phòng, Nay Rong (trung tá) Bộ trưởng Ngoại giao, Nay Ful Bộ trưởng Nội vụ (cả ba là người Djarai)... Tổ chức quân sự vẫn giữ y như cũ gồm năm quân khu, nhưng chỉ quân khu IV, do Paul Yưh (người Bahnar) làm tư lệnh, thực sự còn hoạt động. Vụ đảo chính này làm nhiều cán bộ FULRO nản chí, một số buông súng ra đầu hàng, một số khác bỏ về làng làm nương rẫy. Y Djao Niê cùng Huỳnh Ngọc Sắng lập nhiều chiến khu từ Đơn Dương (Drang), Tùng Nghĩa (Laba) đến Sông Pha (Krông Pha) và phối hợp với thiếu tá Phong (tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 302 Tuyên Đức cũ) tấn công các đồn bót và sự di chuyển của bộ đội Việt Nam trên cao nguyên Lâm Đồng. Từ năm 1977 đến năm 1978, lực lượng du kích này - do Krajang Hput, người K'Ho, chỉ huy - đã tổ chức nhiều cuộc đột kích, đốt phá nhiều trụ sở ủy ban nhân dân xã, huyện, bắn pháo vào các đồn bót, phục kích và bắt giữ những đoàn địa chất và lâm nghiệp, khủng bố những người làm nghề khai thác cây rừng, chặn xét xe đò, bắt cóc và ám sát cán bộ thu mua lương thực trong các xã ấp quanh thị xã Đà Lạt, các quận Đơn Dương và Lạc Dương. Những tranh chấp quyền lực giữa các lãnh tụ FULRO với nhau làm tổ chức Dega yếu hẳn đi. Y Djao Niê bị giết ngày 12-10-1978 tại Đức Trọng, Y Ghok Niê Krieng lên làm Thủ tướng ngày 22-1-1979, Ya Duck làm Phó thủ tướng thứ nhất đặc trách nội trị và ngoại giao kiêm phó chủ tịch thứ nhất FULRO Dega, Paul Yưh là Phó thủ tướng thứ hai đặc trách an ninh và quốc phòng; ban lãnh đạo phong trào đặt tại Đầm Ròn (Lâm Đồng). Trong thời gian cầm quyền, Khmer Đỏ cho người sang gặp Ya Duck, "Phó Thủ tướng thứ nhất phụ trách nội an và ngoại giao" của Fulro nói thẳng là cần sự hợp tác để chống chính quyền Việt Nam. Ya Duck sau đó đã sang Campuchia gặp Pol Pot và ông được cả cố vấn Trung Quốc tiếp. Pol Pot cũng như cố vấn Trung Quốc hứa sẽ giúp Fulro mọi mặt chứ không chỉ giúp đất đai làm căn cứ. Trả lời phỏng vấn nhà báo Nate Thayer, lãnh đạo FULRO cho biết khi họ bắt đầu các hoạt động quân sự chống lại nhà nước Việt Nam sau năm 1975, hàng ngũ của họ có chừng 10 ngàn người, tới 4 năm sau, Quân đội nhân dân Việt Nam đã tiêu diệt hoặc bắt tổng cộng khoảng 8 ngàn người trong số họ, khiến họ chỉ còn chừng 2000 người hoạt động tại Việt Nam. FULRO tiếp tục hoạt động tại các vùng hẻo lánh tại Tây Nguyên cuối những năm 1970, nhưng ngày càng suy yếu vì chia rẽ trong nội bộ, và bị kẹp giữa cuộc xung đột giữa Khmer Đỏ và Việt Nam. Hoạt động tại Campuchia Ngày 17 tháng 4 năm 1975, cuộc Nội chiến Campuchia kết thúc khi Khmer Đỏ chiếm được Phnôm Pênh. Y Bhăm Êñuôl, và khoảng 150 thành viên của lực lượng vũ trang FULRO vẫn còn ở lại thành phố bị bắt giữ rồi bị hành quyết bởi Khmer Đỏ tại sân vận động thành phố, cùng với nhiều giới chức chế độ cũ Campuchia. Lực lượng quân FULRO còn lại tại Việt Nam tuy nhiên không biết đến việc Y Bhăm đã bị giết. Năm 1980 khoảng 1.500 quân FULRO về lại Việt Nam hoạt động. Các toán du kích Thượng đột nhập vào các tỉnh Pleiku, Kontum, Đà Lạt và Đắk Lắk khủng bố, ám sát cán bộ xã ấp rồi rút về Campuchia. Năm 1981, quân FULRO tiếp tục các hoạt động du kích, phá hoại, lôi kéo dân Thượng nổi dậy và bắt theo nhiều thanh niên Thượng từ 15 tuổi trở lên vào rừng kháng chiến. Quân Việt Nam phản công dữ dội: năm 1984 có 358 FULRO Dega bị giết, 1.734 bị bắt, 600 vũ khí bị tịch thu. Từ 1985 đến 1990, quân Việt Nam tổ chức 63 cuộc hành quân trên Tây Nguyên, tiêu diệt 102 quân FULRO, bắt sống 167 người khác và vô hiệu hóa hơn 10.000 dân Thượng trong những buôn làng xa xôi, tất cả được dời về gần nơi thị tứ hay cạnh các trục lộ giao thông để dễ canh chừng. Chính quyền Khmer thân Việt Nam, trong những năm 1981-1983, cũng tổ chức nhiều cuộc hành quân tấn công vào sào huyệt của lực lượng Khmer Đỏ và FULRO tại tỉnh Mondolkiri nhưng bị thiệt hại nặng phải lùi về đồng bằng. Phải chờ đến năm 1986, với sự trợ lực của bộ đội Việt Nam, đại bản doanh FULRO Thượng tại Mondolkiri mới bị phá hủy, tàn quân FULRO tản mác khắp nơi. Sự gia tăng đột biến các hoạt động của FULRO trong những năm đầu của thập niên 1980 có lẽ là do được Trung Quốc hỗ trợ vật chất, vì họ muốn lợi dụng cuộc xung đột để làm suy yếu Việt Nam. Một số ước tính cho rằng có khoảng 7.000 quân FULRO hoạt động trong giai đoạn này, phần lớn tại tỉnh Mondulkiri, được tiếp tế vũ khí bởi Trung Quốc thông qua Khmer Đỏ. Tuy nhiên tới năm 1986 sự viện trợ này chấm dứt, và người phát ngôn Khmer Đỏ nói rằng dù người Thượng "rất, rất dũng cảm", họ không được "hỗ trợ từ bất kỳ ban lãnh đạo nào" và "không có tầm nhìn chính trị". Cùng với sự chấm dứt viện trợ, cuộc chiến tranh du kích gay go cuối cùng cũng dần tiêu hao lực lượng FULRO chỉ còn không quá vài trăm người. Dù rằng ban đầu họ được Khmer Đỏ tiếp tế - vì cùng chung kẻ thù là chính quyền Việt Nam và chính quyền Campuchia thân Việt Nam, các lãnh đạo FULRO chấm dứt quan hệ với lực lượng Khmer Đỏ năm 1992 và tiếp tục ẩn nấp tại tỉnh Mondolkiri cho tới khi lực lượng gìn giữ hòa bình UNTAC phát hiện ra họ. Do bị phân loại là lực lượng vũ trang không phải người bản xứ, họ đứng trước nguy cơ bị "hồi hương" về Việt Nam. Các toán FULRO cuối cùng hạ vũ khí năm 1992; 407 binh sĩ FULRO cuối cùng ra giao nộp vũ khí cho Lực lượng Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc (UNTAC) tại Campuchia. Nhiều người trong số đó được đi tị nạn chính trị tại Hoa Kỳ. Thậm chí đến giai đoạn cuối này, họ chỉ chịu hạ vũ khí khi được biết rằng Y Bhăm Êñuôl đã bị hành quyết vài năm trước đó. Hoạt động của FULRO xem như chấm dứt. Mặc dù các lãnh đạo FULRO tiếp tục tuyên bố họ sẽ trở về Việt Nam và tiếp tục cuộc đấu tranh, nhưng thực tế chỉ ra là họ không có người bảo trợ, và không nhận được ủng hộ từ cộng đồng quốc tế. Các tổ chức tiền thân
Alan Smith (sinh ngày 28 tháng 10 năm 1980) là một cầu thủ bóng đá người Anh. Đội bóng cuối cùng Alan Smith chơi bóng là Notts County. Tóm tắt cá nhân Tên đầy đủ: Alan Smith. Nickname: Smithy. Nơi sinh: Rothwell, thành phố Leed United. Gia đình: bố tên Paul và mẹ tên Lynne, anh trai Gavin. Vị trí: tiền đạo và tiền vệ trụ. Chiều cao: 1,79 m. Cân nặng: 69 kg. Ngôi trường đã học: Rothwell Victoria và Roddilian High. Đội bóng địa phương đã chơi: Rothwell Juniors. Môn thể thao yêu thích ngoài bóng đá: đua môtô. Thần tượng: David Batty. Đội bóng yêu thích: Manchester United F.C và Leeds United. Thần tượng bóng đá: gattuso. Màu yêu thích: xanh nước biển. Món ăn yêu thích:pasta và gà. Thức uống yêu thích: trà. Ca sĩ yêu thích: Eminem. Bộ phim yêu thích: Waterworld và Gladiator. Điểm du lịch yêu thích: Florida (đặc biệt là Orlando). Sự nghiệp cầu thủ Smith ký hợp đồng chuyên nghiệp đầu tiên với Leeds United ngày 1 tháng 10 năm 1997. Cũng năm đó, anh góp mặt trong thành phần thi đấu ở đội một (số áo 39 rồi 17) và ghi bàn thắng đầu tiên vào lưới Liverpool năm 1998. Năm 1999, Smith gia hạn hợp đồng với sân Elland Road và ở lại đây thêm một năm nữa. Và khi Leeds xuống hạng mùa bóng 2003-2004, Smith quyết định chuyển tới Manchester United (số áo 14) theo bản hợp đồng 5 năm, tổng trị giá hợp đồng 7 triệu bảng Anh, mức lương 3,4 triệu bảng/năm (ký ngày 27 tháng 5 năm 2004). Tại đây, anh đã có những đóng góp cho đội bóng từ vị trí tiền đạo và tiền vệ trụ, giành được sự tin tưởng của Sir Alex Ferguson cũng như sự hâm mộ của đông đảo cổ động viên. Smith bắt đầu sự nghiệp tại câu lạc bộ quê hương anh Leeds United. Anh đã định hướng làm tất cả những gì có thể để quyết tâm đạt được thành công trong cuộc đời cầu thủ. Smith ghi bàn thắng ngay trong trận ra mắt trước Liverpool ngay trên sân Anfield - lúc đó anh mới 18 tuổi. Một sự khởi đầu tuyệt vời cho sự nghiệp cầu thủ của Smith. Hai bàn thắng đầu tiên Smith ghi cho Manchester United là hai bàn thắng tuyệt đẹp và nó khởi đầu hứa hẹn cho sự nghiệp của Smith tại đội bóng chủ sân Old Trafford - Một pha dứt điểm mạnh mẽ trong trận tranh Community Shield trước Arsenal và một pha volley siêu đẳng trong trận đấu gặp Norwich tại Premiership - tất cả những điều đó giúp anh giành được niềm tin của các cổ động viên của "quỷ đỏ" và anh bắt đầu trở thành một thần tượng của họ bằng việc ghi được 10 bàn trong mùa bóng đầu tiên tại Old Trafford. Sự quyết tâm cao độ mà anh đã thể hiện đã khiến ngài Alex Ferguson ngưỡng mộ và coi anh như một Roy Keane mới, một Bryan Robson hay rất nhiều huyền thoại khác của sân Old Trafford. Ở năm cuối anh chơi cho đội chủ sân Old Trafford, Alex Ferguson đã sắp xếp anh chơi vị trí tiền vệ phòng ngự và anh có khả năng tắc bóng rất tốt nhưng ông không hài lòng và đã bán anh đi vào năm 2007. Ở cấp độ đội tuyển Smith có trận đấu ra mắt đội tuyển Anh vào ngày 25 tháng 10 năm 2001 trong trận thắng 4-0 trước Mexico. Bàn thắng đầu tiên của Smith cho đội tuyển Anh là trong trận hòa 1-1 trước đội tuyển Bồ Đào Nha vào tháng 9 năm 2002. Một số dấu ấn đáng nhớ Năm 1980: sinh ra tại Rothwell, Leeds ngày 28/10. Năm 1990: gia nhập đội trẻ Leeds United từ đội năng khiếu của trường khi mới 10 tuổi và được gọi vào đội U16 nước Anh. Năm 1997: ghi 2 bàn giúp Leeds United đánh bại Southampton tại giải trẻ nước Anh. Năm 1997: Ký hợp đồng chuyên nghiệp với Leeds United vào ngày 1/10. Năm 1998: Ghi bàn thắng ngay trong trận ra mắt Leeds United trên sân Anfield vào ngày 14/11. Năm 1999: Ký một hợp đồng 5 năm với Leeds United. Năm 1999: Ghi bàn đầu tiên cho đội U21 Anh trên sân Valley Parade trong trận gặp Đan Mạch vào ngày 8/10. Năm 2000: Mở đầu tại Premiership bằng 5 bàn thắng trong 4 trận đấu. Với phong độ ấn tượng đó Smith được gọi vào đội tuyển Anh tham dự trận đấu giao hữu với Pháp. Năm 2001: Có một mùa giải rất thành công với Leeds United tại UEFA Champion League, ghi những bàn thắng sống còn trong các trận đấu với Lazio và Anderlecht. Năm 2001: Ký một hợp đồng dài hạn 5 năm với Leeds United. Năm 2001: Chơi tròn 90 phút trong trận đấu ra mắt đội tuyển Anh gặp Mexico trên sân Pride vào ngày 25/10. Năm 2002: Nhận danh hiệu cầu thủ trẻ xuất sắc nhất trong năm của Leeds United. Năm 2002: Ghi bàn thắng đầu tiên cho đội tuyển Anh trong trận giao hữu với Bồ Đào Nha trên sân Villa Park vào ngày 7/9. Năm 2002: Chơi trận đấu ở giải đấu chính thức đầu tiên cho đội tuyển Anh trong trận gặp Macedonia trên sân vận động Saint Mary vào ngày 16/10, tuy nhiên trận đấu này Smith đã bị đuổi khỏi sân. Năm 2002: Ghi 4 bàn thắng và là hattrick đầu tiên cho Leeds United trong trận đấu tiếp Hapoel Tel Aviv trong khuôn khổ cúp UEFA vào ngày 14/11. Năm 2003: Ghi bàn thắng cho Leeds United ngay trong trận đấu khởi đầu mùa giải trước Newcastle trên sân nhà. Thống kê sự nghiệp Câu lạc bộ
Immanuel Kant (Việt hóa: Imanuen Cantơ; ; sinh ngày 22 tháng 4 năm 1724 – mất ngày 12 tháng 2 năm 1804) là một triết gia người Đức có ảnh hưởng lớn đến Kỷ nguyên Khai sáng. Ông được cho là một trong những nhà triết học có ảnh hưởng nhất từ trước đến nay. Trong học thuyết của mình về chủ nghĩa duy tâm siêu việt, ông cho rằng không gian, thời gian và nhân quả đơn thuần là những thứ cảm nhận được; "Những vật tự thể" có tồn tại, nhưng bản chất của chúng lại không thể biết được. Theo quan điểm của ông, tâm trí tạo hình và cấu tạo nên kinh nghiệm, trong đó toàn bộ kinh nghiệm của con người đều chia sẻ các đặc điểm cấu trúc nhất định. Một trong những tác phẩm nổi bật nhất của ông, Phê phán Lý tính Thuần túy (1781; tái bản lần 2 năm 1787), ông đề ra một giả thuyết tương đồng với Cách mạng Copernic trong đó nói rằng các sự vật trên thế giới có thể bị kích thích thông qua một tiên nghiệm ('trước đó'), và rằng do đó trực giác độc lập với thực tế khách quan. Kant tin rằng lý trí cũng là nguồn gốc của đạo đức, và mỹ học nổi lên từ một nhánh của phê phán không vụ lợi. Quan điểm của Kant tiếp tục ảnh hưởng lớn đến triết học hiện đại, đặc biệt là đối với các lĩnh vực như nhận thức luận, đạo đức, lý luận chính trị và mỹ học hậu hiện đại. Ông cố gắng giải thích mối quan hệ giữa lý trí và kinh nghiệm của con người và đã vượt ra khỏi những sai lầm của triết học và siêu hình học truyền thống. Ông muốn đặt ra dấu chấm hết cho những thứ mà ông coi là kỷ nguyên của những lý thuyết võ đoán và vô ích về kinh nghiệm của con người, đồng thời chống lại sự hoài nghi của các nhà tư tưởng như David Hume. Ông coi mình là người chỉ ra con đường cho những nhà tư tưởng theo chủ nghĩa duy lý và chủ nghĩa kinh nghiệm vượt ra khỏi những bế tắc, trong đó ông kết hợp cả hai phương pháp trong tư tưởng của mình. Cuộc đời Immanuel (tên trên giấy rửa tội là Emanuel) Kant là người con thứ tư của Johann Georg Kant (1683–1746), người chuyên nghề chế biến đai da, và bà Anna Regina (1697–1737), thuộc họ Reuter. Ông có tám anh chị em, nhưng chỉ bốn người đạt tuổi thành niên. Gia đình ông rất sùng đạo, với bà mẹ có một cái nhìn rất phóng khoáng về giáo dục. Ông nhập học tại trường trung học Friedrichskollegium năm 1732, được đào tạo tại đây và năm 1740 đã bắt đầu chương trình cao học tại Albertina, đại học tại Königsberg. Mặc dù đăng ký bộ môn Thần học nhưng Kant lại rất quan tâm đến Khoa học tự nhiên. Giáo sư bộ môn Luận lý học và Siêu hình học Martin Knutzen giúp ông làm quen với học thuyết của Leibniz và Newton. Năm 1746 Kant tạm đình chỉ chương trình học vì cha mất, và vì tác phẩm "Tư duy về sự cảm kích chân chính các lực có sức sống" (Gedanken von der wahren Schätzung der lebendigen Kräfte) không được vị thầy sùng tín của mình là Knutzen công nhận là luận án tốt nghiệp. Ông rời Königsberg và mưu sinh bằng cách dạy học tại gia, lần đầu tiên đến năm 1750 nơi Daniel Ernst Andersch, một nhà truyền đạo (thời gian hoạt động 1728–1771) tại Judtschen, thuộc Gumbinnen, một thuộc địa Thuỵ Sĩ bao gồm những di dân nói tiếng Pháp. Ông được liệt kê trong sổ sinh tử của giáo khu. Sau đó, đến khoảng năm 1753, ông làm thầy giáo tại gia trên trại điền của thiếu tá Bernhard Friedrich von Hülsen tại Groß-Arnsdorf thuộc thành phố Mohrungen. Chỗ làm việc thứ ba của ông nằm gần Königsberg, tại gia đình Keyserlingk ở lâu đài Waldburg-Capustigall. Gia đình này cũng giúp ông gia nhập giới quý tộc tại Königsberg. Năm 1754, Kant trở về Königsberg và tiếp tục chương trình đại học của mình (Knutzen lúc đó đã qua đời). Chỉ một năm sau đó, 1755, ông công bố tác phẩm quan trọng đầu tiên của mình với nhan đề Thông sử tự nhiên và Thiên thể luận (Allgemeine Naturgeschichte und Theorie des Himmels); cũng trong năm đó, ông được bổ nhiệm phó giáo sư tại Königsberg và bắt đầu dạy nhiều bộ môn. Ông dạy các môn như Luận lý, Siêu hình, Nhân loại, Triết học đạo đức, Thần học tự nhiên, Toán, Vật lý, Lực, Địa lý, Sư phạm, và Luật tự nhiên. Các giáo trình của ông rất được hâm mộ, và Johann Gottfried Herder, người đã tham dự giáo trình trong những năm 1762–1764 thuật lại như sau: Lần nộp đơn đầu tiên xin dạy Luận lý học (Logik) và Siêu hình học (Metaphysik) vào năm 1759 của ông bị khước từ. Ông từ chối lời mời dạy Thi ca năm 1762. Và cũng như thế, ông từ khước những cơ hội nhậm chức giáo sư tại Erlangen năm 1769 và tại Jena năm 1770, trước khi nhận lời mời dạy môn Luận lý học và Siêu hình học tại đại học Königsberg chính trong năm này, đại học tâm đắc nhất của ông. Ông cũng cương quyết từ chối lời mời dạy tại đại học Halle nổi danh với lương bổng cao hơn rất nhiều vào năm 1778, mặc dù bộ trưởng Bộ văn hoá giáo dục bấy giờ là Karl Abraham Freiherr von Zedlitz khẩn khoản thỉnh cầu. Kant là hiệu trưởng đại học Königsberg năm 1786 và 1788. Năm 1787, ông được cử vào Học viện khoa học Phổ (Preußische Akademie der Wissenschaften) tại Berlin. 15 năm cuối đời của ông được đánh dấu bởi sự xung đột với Bộ kiểm tra chế độ (Zensurbehörde) với người đứng đầu là vị bộ trưởng Bộ văn hoá giáo dục mới là Johann Christoph von Wöllner – người kế thừa von Zedlitz – được vua nước Phổ lúc bấy giờ là Friedrich Wilhelm II bổ nhiệm. Kant tiếp tục dạy đến năm 1796, nhưng nhận chỉ thị là không nên công bố các tác phẩm tôn giáo vì chúng hàm dung tư tưởng Thần giáo tự nhiên (deistisch), thuyết Socinus (Sozinianismus, không đồng ý với giáo lý Tam vị nhất thể) và như vậy, không phù hợp với Thánh kinh. Người bạn của ông, nhà phát hành của tờ nguyệt san Berlinischen Monatsschrift tại Berlin Johann Erich Biester, kiến nghị với nhà vua nhưng bị khước từ. Kant thường được miêu tả là một giáo sư cứng nhắc, ép mình vào một thời khoá hằng ngày, luôn tập trung vào công việc vì rất có tinh thần trách nhiệm. Kant là một người chơi bài khá giỏi thời sinh viên, ông thậm chí kiếm thêm tiền học bằng đánh billard. Ở những nơi thường hội họp viếng thăm, ông được xem là một người ga lăng, ăn mặc hợp thời trang và tạo ấn tượng của một người rất am tường sách vở và nhớ được vô số những mẩu truyện ngắn thú vị. Những mẩu truyện đó thường được ông kể một cách tỉnh khô, với một thái độ khôi hài thật sự trong những câu truyện được lặp lại. Johann Gottfried Herder được Kant khuyên là không nên ấp ủ sách vở nhiều quá. Còn Johann Georg Hamann thì lo ngại là Kant không làm việc đủ vì "bị lôi kéo bởi một xoáy lốc phân tán giao lưu" ("einen Strudel gesellschaftlicher Zerstreuungen fortgerißen"). Chỉ khi bước vào tuổi 40 và sau khi nhận thức được là phải gìn giữ sức lực, ông mới giữ thời gian biểu đều đặn: Sáng sớm thức dậy lúc 5:00 giờ và đi ngủ lúc 22:00. Ông thường mời bạn đến ăn trưa cùng và rất thích xã giao, nhưng lại tránh những chủ đề triết học. Ngoài ra, ông đi dạo mỗi ngày vào đúng 4 giờ chiều. Trong tác phẩm Về Lịch sử tôn giáo và Triết học tại Đức (Zur Geschichte der Religion und Philosophie in Deutschland), Heinrich Heine đã khôi hài gán cho Martin Lampe, người hầu lâu năm của Kant và cũng là một cựu chiến binh, một ảnh hưởng đến triết học của Kant: "Ông lão Lampe phải có một Thượng đế, vì nếu không thì con người đáng thương này không thể hạnh phúc được – lý tính thực tiễn nói như vậy. Và theo tôi, lý tính thực tiễn có thể đảm bảo sự tồn tại của Thượng đế qua cách đó. Vì luận cứ này mà Kant phân biệt giữa lý tính lý thuyết và lý tính thực tiễn. Và với lý tính thực tiễn này, như thể với một cây đũa thần, ông đã hồi sinh cái xác của Thần giáo tự nhiên mà lý tính lý thuyết đã hạ sát." (Der alte Lampe muss einen Gott haben, sonst kann der arme Mensch nicht glücklich sein – das sagt die praktische Vernunft – meinetwegen – so mag auch die praktische Vernunft die Existenz Gottes verbürgen. Infolge dieses Arguments unterscheidet Kant zwischen theoretischer und praktischer Vernunft, und mit dieser, wie mit einem Zauberstäbchen, belebt er wieder den Leichnam des Deismus, den die theoretische Vernunft getötet.) Kant sống gần như suốt đời tại Königsberg, một thành phố rộng mở. Ông qua đời năm 1804, thọ gần 80 tuổi. Mộ của ông nằm tại Đại giáo đường Königsberg. Bia tưởng niệm ông nằm phía ngoài của Đại giáo đường. Trước tác Trước khi trình luận án tiến sĩ năm 1755, Kant sinh kế bằng dạy học tại gia và viết những luận văn triết học tự nhiên đầu tiên, như bài "Tư duy về sự cảm kích chân chính các lực có sức sống" (Gedanken von der wahren Schätzung der lebendigen Kräfte ), công bố vào 1749, và Thông sử tự nhiên và Thiên thể luận (Allgemeine Naturgeschichte und Theorie des Himmels Immanuel Kant: AA I, 215–368) năm 1755, trong đó ông trình bày một lý thuyết về sự hình thành các hệ thống hành tinh theo các định luật Newton (Kant-Laplacesche Theorie der Planetenentstehung). Cũng trong năm đó, ông trình luận án tiến sĩ về lửa (De igne (Immanuel Kant: AA I, 1–181)) và trình luận văn hậu tiến sĩ (Habilitationsschrift), một bài luận về những nguyên tắc đầu tiên của tri thức siêu hình (Nova dilucidatio). Năm 1762, sau một vài tiểu luận, Kant công bố luận văn Luận cứ duy nhất khả hữu để thực chứng sự tồn tại của Thượng đế (Der einzige mögliche Beweisgrund zu einer Demonstration des Daseins Gottes) và trong đó, ông tìm cách chứng minh là tất cả những chứng minh sự tồn tại từ trước đến nay không đứng vững và phát triển một cách chứng minh sự tồn tại của Thượng đế mang tính chất bản thể học để cứu chữa những nhược điểm này. Những năm sau đó được đánh dấu bởi một ý thức ngày càng tăng trưởng về vấn đề phương pháp của Siêu hình học truyền thống, đặc biệt được thể hiện trong tiểu luận có thể nói là giải trí nhất của Kant, Những giấc mơ của người thấy thần linh, được diễn giảng bằng những giấc mơ của siêu hình học (Träume eines Geistersehers, erläutert durch Träume der Metaphysik) năm 1766, được hiểu như một tác phẩm phê phán Emanuel Swedenborg. Trong tác phẩm "De mundi sensibilis atque intelligibilis forma et principiis" (Về mô thức và các cơ sở của thế giới cảm tính và thế giới khả niệm), xuất hiện năm 1770, Kant lần đầu tiên phân biệt khắt khe giữa tri thức các hiện tượng (Phaenomena) qua cảm năng (sinnliche Erkenntnis) và tri thức vật thể (Erkenntnis der Dinge) như chúng tự thể (an sich) là, bằng giác tính (Verstand, "Noumena"). Không gian và thời gian được ông xem là những trực quan thuần tuý (reine Anschauungen) thuộc về chủ thể (Subjekt), là tất yếu để sắp xếp các hiện tượng theo trật tự. Và như vậy, hai điểm trọng yếu của triết học phê phán sau này được chuẩn bị mặc dù phương pháp của Kant ở đây vẫn còn mang tính chất giáo điều và ông còn cho rằng, tri thức các vật tự thể bằng giác tính là một việc khả thi. Trong thập niên theo sau, Kant phát triển triết học phê phán mà không công bố của một luận văn quan trọng nào ("những năm yên lặng"). Khi Kant cho ra tác phẩm Phê phán lý tính thuần tuý (Kritik der reinen Vernunft) năm 1781 thì triết học của ông đã trải qua một biến đổi trọng đại – câu hỏi "siêu hình học như thế nào mới có thể là một khoa học" phải được giải đáp trước khi các câu hỏi siêu hình học được xử lý. Luận văn phê phán này xử lý tri thức tiên nghiệm (a priori), có nghĩa là một tri thức khả hữu đi trước tất cả những kinh nghiệm cụ thể, trong ba phần. Trước hết là các dạng cảm năng tiên nghiệm (Sinnlichkeit a priori) - được xem ở đây là các trực quan thuần tuý (reine Anschauung) không gian và thời gian - đã đặt nền tảng cho toán học như một khoa học tiên nghiệm (apriorische Wissenschaft). Trong phần thứ hai, phần luận lý siêu nghiệm (transzendentale Logik), thì các khái niệm không tuỳ thuộc vào kinh nghiệm (erfahrungsunabhängige Begriffe), tức là các phạm trù (Kategorien), phải được áp dụng vào tất cả các đối tượng của kinh nghiệm một cách tất yếu. Qua việc áp dụng các phạm trù này thì một hệ thống xuất hiện với những nguyên tắc xác tín trên cơ sở tiên nghiệm, ví dụ như sự kết hợp nhân quả của tất cả các hiện tượng cảm năng, và qua đó, trình bày một lĩnh vực hợp lý của tri thức triết học. Các tri thức này phải là cơ sở của các ngành khoa học tự nhiên. Nhưng, với sự xác định các phạm trù này là những quy luật tất nhiên của sự kết hợp dành cho sự đồng nhất của các hiện tượng thì ta lại thấy rằng, những khái niệm này không thể được áp dụng cho các vật như chúng tự thể là (Noumena). Qua sự cố gắng (xuất hiện tất yếu trong lý tính con người) nhận thức được cái vô điều kiện (das Unbedingte) và sự cố gắng vượt qua tri thức cảm năng thì lý tính (Vernunft) sa lạc vào mâu thuẫn bởi vì không còn các tiêu chuẩn cho sự thật nào nữa ở đây. Các chứng minh siêu hình ví dụ như các chứng minh dành cho tính bất tử của linh hồn, tính vô biên của vũ trụ hoặc sự tồn tại của thượng đế là những gì không thể; những quan niệm của lý tính chỉ mang lợi ích trong vai trò khái niệm điều chỉnh và hướng dẫn tri thức kinh nghiệm. Bị thúc đẩy bởi sự tiếp thụ chậm cũng như hiểu lầm nặng nề bản thứ nhất của Phê phán lý tính thuần tuý, Kant công bố bài Prolegomena với mục đích dẫn nhập triết học phê phán một cách dễ hiểu. Luân lý của ông, chỉ được đề cập sơ qua trong những chương cuối của Phê phán lý tính thuần tuý, được ông phát huy trong tác phẩm Đặt cơ sở cho nhân luân siêu hình học vào năm 1785 (Grundlegung zur Metaphysik der Sitten), với lệnh thức tuyệt đối (kategorischer Imperativ) là nguyên lý của luân lý (Ethik), và quan niệm tự do, cái chưa được chứng minh trong phê phán thứ nhất dành cho lý tính lý thuyết, được biện hộ là điều kiện tiên quyết tất nhiên của lý tính thực tiễn. Kant cũng quay về những vấn đề triết học tự nhiên và năm 1786, ông cho ra luận văn Những cơ sở sơ khai siêu hình của Khoa học tự nhiên (Metaphysischen Anfangsgründe der Naturwissenschaft), đặt cơ sở cho vật lý Newton bằng nguyên lý phê phán, và như qua đó, đưa ra một ví dụ cụ thể cho việc áp dụng triết học siêu nghiệm. Sau khi chỉnh lý lại các thành phần của Phê phán lý tính thuần tuý cho lần ấn bản thứ hai vào năm 1787, ông cho ra tác phẩm Phê phán lý tính thực tiễn (Kritik der praktischen Vernunft), giải thích và phát triển phương pháp "lập cơ sở" (Grundlegung) đạo đức triết học và cuối cùng, vào năm 1793, ông công bố luận văn Phê phán năng lực phán đoán (Kritik der Urteilskraft). Trong lời nói đầu của tác phẩm, ông tuyên bố một cách hãnh diện là với luận văn này, công trình phê phán của ông đã được kết thúc và ông có thể "thẳng bước đến học thuyết" ("ungesäumt zum doktrinalen"), tức là phát triển một hệ thống Triết học siêu nghiệm (Transzendentalphilosophie). Nhưng trước khi thực sự phát triển thì ông còn cho ra tác phẩm Tôn giáo trong phạm vi lý tính đơn thuần (Die Religion innerhalb der Grenzen der bloßen Vernunft). Trong đó, ông nghiên cứu nội dung lý tính của tôn giáo, và giải thích cách tiếp cận của một tôn giáo lý tính mang tính chất đạo đức thực tiễn (Ansatz einer moralisch-praktischen Vernunftreligion) như nó đã được học thuyết giả định trong phê phán thứ hai và thứ ba phát triển. Năm 1797, phần thứ nhất của hệ thống, luận văn Nhân luân siêu hình học (Metaphysik der Sitten), ra đời. Nhưng công trình phát triển triết học tự nhiên của ông bị gián đoạn. Ngay trong thời gian viết Nhân luân siêu hình học, ông cũng đã khởi công soạn Chuyển biến từ những cơ sở sơ khai siêu hình đến vật lý (Übergang von den metaphysischen Anfangsgründen zur Physik) và theo đuổi nó cho đến khi qua đời năm 1804. Các bản thảo của Kant cho thấy rằng, ông vẫn còn khả năng và sẵn sàng biến chuyển triết học phê phán của mình. Xuất phát từ vấn đề biện hộ những phương châm nghiên cứu mang tính chất quy định đặc thù của Khoa học tự nhiên, Kant tự thấy phải khảo sát kĩ hơn vai trò của thân thể con người trong tri thức. Nhưng vấn đề của công trình nghiên cứu này ngày càng chuyển đến những tầng cấp trừu tượng hơn trong quá trình phác thảo nên Kant đã quay lại tầng cấp hệ thống tương ưng phê phán lý tính thuần tuý, tuy không hẳn tương ưng cách đặt vấn đề trong đó (và chúng cũng khó được nhận ra vì trạng thái của các bản viết tay). Kant phát triển một "học thuyết tự đề cử" (Selbstsetzungslehre), triển khai nó đến lý tính thực tiễn và kết thúc nó với những bản phác thảo cho một "hệ thống triết học siêu nghiệm" (System der Transzendentalphilosophie) được phác hoạch mới; nhưng ông không hoàn tất nó được nữa. Triết học Kant Với phong cách tiếp cận phê phán của mình (sapere aude – "hãy can đảm nhận biết"!), Kant được xem là nhà tư tưởng quan trọng nhất của thời đại Khai sáng (Zeitalter der Aufklärung). Thông thường, trong tiến trình triết học của ông, người ta phân biệt hai giai đoạn là giai đoạn tiền phê phán (vorkritische Phase) và giai đoạn phê phán (kritische Phase). Ngay trong những năm thập niên 60, người ta vẫn có thể xem ông là người chủ trương thuyết duy lý theo hệ thống của Leibniz và Wolff. Trong luận án tiến sĩ năm 1770 thì một sự gián đoạn rõ ràng đã xuất hiện. Song song với giác tính (Verstand) thì giờ đây, trực quan (Anschauung) cũng được xem là nguồn gốc của tri thức (Erkenntnisquelle). Luận án tiến sĩ cũng như lời mời dạy đại học dẫn đến "giai đoạn mặc nhiên" nổi tiếng mà trong đó, Kant triển khai Nhận thức luận (Erkenntnistheorie) của mình – được biết dưới tên Chủ nghĩa phê phán (Kritizismus) và vẫn được bàn luận đến ngày nay. Sau 11 năm cực lực ông mới công bố nó trong tác phẩm Phê phán lý tính thuần tuý, năm 1781. Sau khi đã giải minh vấn đề then chốt về những điều kiện của khả năng tri thức (Bedingungen der Möglichkeit der Erkenntnis) thì cuối cũng, với tuổi 60, ông đã hướng đến những chủ đề quan trọng hơn hết trong lĩnh vực triết học thực tiễn. Bốn nghi vấn của Kant Kant đề xuất bốn nghi vấn và tìm cách giải đáp chúng: "Tôi có thể biết được gì?" – Trong Nhận thức luận của ông "Tôi nên làm gì?" – Trong Luân lý học của ông "Tôi có thể hi vọng được gì?" – Trong Triết học tôn giáo của ông "Con người là gì?" – Trong Nhân loại học của ông Nhận thức luận "Tôi có thể biết được gì?". Là đại biểu của trường phái Duy lý của Leibniz, Kant được đánh thức khỏi "giấc ngủ giáo điều" qua việc nghiên cứu Hume. Ông thừa nhận lời chỉ trích chủ nghĩa duy lý của Hume về mặt phương pháp là đúng, có nghĩa là việc hướng dẫn nhận thức quay về giác tính thuần tuý (reiner Verstand) không có trực quan (sinnliche Anschauung) là một điều không thể đối với ông. Mặt khác, chủ nghĩa kinh nghiệm của David Hume lại dẫn đến lời xác nhận là nhận thức xác tín hoàn toàn không thể có, tức là dẫn đến chủ nghĩa hoài nghi. Kant lại không thừa nhận chủ nghĩa này, bởi vì tính hiển nhiên của một số phán đoán tiên nghiệm - đặc biệt là trong toán học (ví như xác tín tiên nghiệm [apriorische Gewissheit] của đẳng thức 7 + 5 = 12). Và như vậy, ông không những đặt câu hỏi tri thức (Erkenntnis) là gì, mà còn hỏi tiếp nữa là điều kiện tiên quyết cho một tri thức (tiên nghiệm) là gì - bởi vì tri thức tiên nghiệm là một cái gì đó khả hữu, như các kết quả toán học cho thấy. Dưới những điều kiện tiên quyết nào thì có thể đạt tri thức? Hoặc như chính Kant đã đề ra theo hệ thống: "Điều kiện cho khả năng tri thức là gì?" (Was sind die Bedingungen der Möglichkeit von Erkenntnis?) Trong thời gian sau thì Phê phán lý tính thuần tuý (PPLTTT) với nhận thức luận của Kant là một cuộc tranh luận một mặt với triết học duy lý, mặt khác với triết học kinh nghiệm của thế kỉ 18 - hai trường phái đối đầu nhau trước mắt Kant. Nhưng đồng thời, PPLTTT cũng là một tranh luận với Siêu hình học truyền thống về mặt khái niệm và mô hình giải thích thế giới siêu việt nhận thức của con người. Luận cứ phản đối chủ nghĩa giáo điều (Dogmatismus) của những người chủ trương duy lý (ví như Christian Wolff, Alexander Gottlieb Baumgarten) là, nếu không có trực quan cảm năng (sinnliche Anschauung) thì không thể có tri thức. Luận cứ phản đối chủ nghĩa kinh nghiệm là trực quan cảm năng vẫn ở trạng thái vô cấu trúc nếu giác tính (Verstand) không thêm vào những khái niệm và kết nối nó với nhận thức (Wahrnehmung) bằng phán đoán, kết luận – nghĩa là bằng những quy luật nhất định. Đối với Kant thì việc chưa giải thoát triết học siêu nghiệm ra khỏi tấm màn phỏng đoán (Spekulationen) là một sự nhục nhã cho triết học. Mục đích của ông là đi đến những sự trình bày có khoa học như trong toán học từ thời Thales hoặc như trong khoa học tự nhiên từ thời Galilei. Để được như vậy, Kant phải "gác tri thức qua một bên để có chỗ cho niềm tin" ("das Wissen aufheben, um zum Glauben Platz zu haben"), có nghĩa là vạch ra biên giới của tri thức để xác nhận được là trong những ý tưởng (Vorstellung hoặc Idee) nào thì không còn tri thức nào nữa vì nội dung của nó nằm ngoài tất cả những khả năng tri thức. Đối với Kant, tri thức được thực hiện trên phương diện ngôn ngữ bằng những phán đoán (Urteil. Đó là những lời trần thuật bao gồm một chủ từ và một vị ngữ). Trong các phán đoán này, các trực quan cảm năng kinh nghiệm (empirische Anschauungen der Sinnlichkeit) được phối hợp (Synthesis) với những ý tưởng của giác tính (Vorstellungen des Verstandes). Cảm năng (Sinnlichkeit) và giác tính (Verstand) là hai nguồn tri thức duy nhất, ngang hàng và hệ thuộc lẫn nhau. "Ý niệm không có nội dung là rỗng tuếch, trực quan không có khái niệm là mù quáng" (Gedanken ohne Inhalt sind leer, Anschauungen ohne Begriffe sind blind.) Như vậy thì làm sao có được những trực quan kinh nghiệm? Kant luận bàn về điểm này trong phần nói về Cảm năng học siêu nghiệm (transzendentale Ästhetik, có thể hiểu là "Bài học về cơ sở của sự cảm nhận"). Con người một mặt có một giác quan bên ngoài, mang cho chúng ta ý tưởng về không gian. Mặt khác con người có một giác quan nội tại mà với nó, con người tạo ra ý tưởng về thời gian. Không gian và thời gian là những điều kiện tiên quyết cho tri thức. Người ta không thể suy tưởng được những đối tượng không có không gian và thời gian. Đồng thời, các giác quan của con người lại có tính chất thụ nhận (rezeptiv), có nghĩa là chúng bị một thế giới không thể nắm bắt bằng khái niệm ở bên ngoài kích động (affiziert). Thế giới không thể nắm bắt này đồng nghĩa với vật tự thể, "dem Ding an sich selbst". Bây giờ đến cuộc cách mạng Copernicus nổi danh của Kant: Người ta không nhận thức được vật tự thể (Ding an sich), mà chỉ nhận thức được sự trình hiện (Erscheinung) của nó. Sự trình hiện này được nắn thành bởi con người trong vai một chủ thể, bởi giác tính. Không phải mặt trời xoay quanh Trái Đất mà ngược lại, Trái Đất xoay quanh mặt trời. Bằng ví dụ "thấy" ta có thể theo dõi được hiện tượng này. Theo ý tưởng thông thường về thế giới bên ngoài thì có những làn sóng ánh sáng, được tiếp nhận bằng cặp mắt – cặp mắt bị kích thích. Trong bộ não, trực quan cảm năng này được biến thành cái trình hiện cho người ta thấy. Thế giới bên ngoài như vậy đã là một ý tưởng chủ quan (subjektive Vorstellung). Kant gọi những trực quan kinh nghiệm này – được phối hợp từ những thành tố đơn chiếc và được chuyển biến trong não bộ – là sự cảm nhận (Empfindung). Không gian và thời gian, trong vai trò hình thái thuần tuý của trực quan cảm năng, được bổ sung vào các cảm nhận. Chúng là những hình thái thuần tuý của trực quan con người, không có giá trị cho những đối tượng tự thể (Gegenstände an sich). Như vậy có nghĩa là, tri thức luôn luôn tuỳ thuộc vào chủ thể. Hiện thực của con người là những trình hiện, tức là tất cả những gì có trong không gian và thời gian đối với con người. Trường hợp con người không tưởng tượng được những đối tượng không có không gian và thời gian được Kant giải thích là nằm ở sự hạn chế của con người, không nằm ở các đối tượng tự chúng nó. Không gian và thời gian có trong những vật tự thể hay không là một điều con người không thể biết được. Những cảm nhận không thôi cũng chưa dẫn đến các khái niệm (Begriff). Kant phát huy tư tưởng của mình trong phần nói về Luận lý siêu nghiệm (transzendentale Logik). Khái niệm bắt nguồn từ giác tính, được giác tính tạo một cách tự phát bằng lực tưởng tượng, theo quy luật. Nhưng để thực hiện được việc này thì phải có một nhận thức tự thể (Selbstbewusstsein) làm cơ sở của tất cả tư duy. Ý thức thuần tuý của trạng thái "tôi tư duy", được tách rời khỏi tất cả những trực quan cảm năng và được gọi là tự ý thức của tâm thức (Selbstzuschreibung des Mentalen) chính là điểm then chốt của Nhận thức luận của Kant. Nhận thức tự thể này là nguồn gốc của các khái niệm giác tính thuần tuý (Ursprung reiner Verstandesbegriffe), của các phạm trù (Kategorien). Số lượng (Quantität), Tính chất (Qualität), Quan hệ (Relation) và Dạng thái (Modalität) là bốn công năng của giác tính mà qua đó, các phạm trù được hình thành. Trên cơ sở các phạm trù, giác tính phối hợp các cảm nhận theo những sơ đồ (Schema) với sự hỗ trợ của lực phán đoán (Urteilskraft, nghĩa là khả năng dung nạp theo quy luật). Một sơ đồ là phương pháp chung của lực tưởng tượng để tạo một ảnh tượng cho một khái niệm. Ví dụ như "Tôi thấy ngoài đường một cái gì đó có bốn chân. Tôi nhận ra: Đó là một con Dackel (một loại chó nhỏ). Tôi biết: Dackel là một con chó, là một động vật có vú, là một con thú, là một động vật." Như vậy thì các sơ đồ là những khái niệm phổ cập (có thể có nhiều mức độ), có chức năng kết cấu (strukturierende Allgemeinbegriffe), không thể rút được từ trực quan kinh nghiệm, mà xuất phát từ giác tính, nhưng lại tương quan với cảm năng. Sau khi trình bày tri thức có thể được hình thành như thế nào thì câu hỏi cơ bản của Kant được đưa ra, rằng ta có thể đưa ra những câu xác định, lập cơ sở cho Siêu hình học hay không. Có thể có những lời trần thuật xuất phát từ tư duy giác tính thuần tuý làm tăng trưởng tri thức của con người? Kant đặt câu hỏi này như sau: Có thể đạt được tri thức tổng hợp tiên nghiệm? ("Sind synthetische Erkenntnisse a priori möglich?") Kant xác nhận điều này. Người ta có thể đạt được tri thức tổng hợp tiên nghiệm. Ví dụ như trong khái niệm quan hệ (Relation) thì các phạm trù thực thể (Substanz), nhân quả (Kausalität) và tương hỗ (Wechselwirkung) được thâu tóm lại. Qua ví dụ mẫu hình của nhân quả (Kausalität) ta có thể thấy được những điểm sau: Qua cảm năng giác quan, người ta nhận thức được hai hiện tượng xảy ra trước sau, nhưng không thể nhìn ra mối tương quan nguyên nhân (Ursache) và hậu quả (Wirkung) của chúng. Như vậy, tính nhân quả được người ta suy tưởng với tính chất phổ cập (Allgemeinheit) và tất nhiên (Notwendigkeit). Người ta hiểu nhân quả là nguyên lý căn bản của tự nhiên - sự việc này cũng có giá trị trong vật lý học hiện nay, mặc dù vật lý học cơ bản chỉ xử lý những vấn đề xác suất, và năng lượng - bởi vì người ta soi rọi ý tưởng của chính họ vào tự nhiên, như tự nhiên trình hiện trước họ. Tuy nhiên, quan điểm này được Kant hạn chế rõ ràng để đối đầu những nhà duy lý. Các phạm trù không có trực quan cảm năng đi theo chỉ là những hình thái thuần tuý, và như vậy, rỗng tuếch; có nghĩa là, để đạt hiệu quả của những phạm trù thì cảm nhận kinh nghiệm (empirische Empfindung) là một điều tất yếu. Đây là giới hạn của tri thức con người. Như vậy thì những lý thuyết siêu hình được hình thành như thế nào? Đây là một vấn đề của lý tính (Vernunft), là một thành phần của giác tính mà với nó, con người rút ra những kết luận từ những khái niệm (Begriff) và phán đoán (Urteil). Bản chất của lý tính là luôn tìm tri thức và cuối cùng, tìm cách nhận thức cái "vô điều kiện" (das Unbedingte), cái "tuyệt đối (das Absolute). Nhưng lúc này lý tính xa lìa tri thức lập cơ sở trên cảm năng và tiến đến khu vực phỏng đoán (Spekulation). Và tất nhiên là khi đó, nó cũng đề xuất ba quan niệm siêu nghiệm (transzendentale Ideen) là bất tử (Unsterblichkeit, hoặc linh hồn [Seele]), tự do (Freiheit, hoặc vũ trụ [Kosmos]) và vô tận (Unendlichkeit, hoặc Thượng đế [Gott]). Kant cho thấy trong phương pháp biện chứng, một khoa học về thế giới hiện tượng (Wissenschaft vom Schein), rằng sự tồn tại của những nguyên lý quy định này không thể được chứng minh mà cũng chẳng thể bị phản bác. Thế thì người ta có thể tin vào Thượng đế; nhiều người đã tìm cách chứng minh sự tồn tại của Thượng đế, nhưng các chứng minh này chung quy tất nhiên phải thất bại. Luân lý "Tôi nên làm gì?" – Mục đích của các khảo sát trong PPLTTT là lập một cơ sở cho triết học thực tiễn. Và như thế, với bước đầu trong tác phẩm Đặt cơ sở cho nhân luân siêu hình học (Grundlegung zur Metaphysik der Sitten) và sau đó là trình bày nhấn mạnh hơn trong Phê phán lý tính thực tiễn (Kritik der praktischen Vernunft), Kant nghiên cứu các điều kiện khả thi của các phát biểu về những điều mà con người ta nên làm (Bedingungen der Möglichkeit von Sollensaussagen). Tôn giáo, nhận thức thông thường (common sense) hoặc kinh nghiệm không thể giải đáp được vấn đề này mà chỉ có lý tính thuần tuý mới có thể. Luận thuyết của Kant về Luân lý (Sittlichkeit) bao gồm ba phần: cái thiện về mặt luân lý (das sittlich Gute), thừa nhận sự tự do của ý chí (Freiheit des Willens) và những phương châm khái quát của lệnh thức tuyệt đối (kategorischer Imperativ). Luân lý là điểm trọng yếu của lý tính, nó hướng đến hành động thực tiễn. Luân lý là một quan niệm có bản chất quy định vốn hiện hữu trong con người một cách tiên nghiệm (a priori). Con người là một động vật có khả năng lý giải (intelligibles Wesen). Có nghĩa là, với lý tính, con người có khả năng tư duy và phán quyết không phụ thuộc vào cảm năng và cũng không bị ảnh hưởng bởi bản năng. Tất cả những động vật được trang bị với lý tính – trong đó có loài người – không bị tha trị (heteronom), mà là tự chủ (autonom). "Ý chí là một khả năng chỉ chọn lựa cái được lý tính – không phụ thuộc vào khuynh hướng bản năng – xác nhận là thiện". Như vậy có nghĩa là sự phán quyết luân lý nằm ngay trong chủ thể. Kant cũng biết rất rõ rằng đòi hỏi luân lý là một lý tưởng mà không một ai có thể lúc nào cũng đạt được. Nhưng mặc dù vậy, Kant quan niệm là mỗi người đều mang một tiêu chuẩn luân lý trong mình và biết được rằng mình nên hành xử như thế nào để phù hợp luân lý. Ý chí độc lập (của lý tính) đòi hỏi hành động thiện về mặt luân lý. Lý tính trao cho con người trách nhiệm tuân thủ luân lý. Lệnh thức tuyệt đối (kategorischer Imperativ) của Kant cũng được phổ biến. Ghi dưới dạng quy luật thì nó cụ thể là: Chỉ nên hành xử theo phương châm mà qua đó, bạn có thể muốn phương châm đó trở thành một quy luật chung (Handle nur nach derjenigen Maxime, durch die du zugleich wollen kannst, dass sie ein allgemeines Gesetz werde) Và dưới dạng quy luật tự nhiên thì nó được viết như sau: Hãy hành động như thể nhờ ý chí của bạn mà phương châm hành động của bạn trở thành một quy luật của tự nhiên. (Handle so, als ob die Maxime deiner Handlung durch deinen Willen zu einem Naturgesetz werden sollte.) Trong lệnh thức tuyệt đối, Kant miêu tả nguyên tắc phổ cập mà con người có thể theo nó mà phán đoán giá trị đạo đức của hành động của chính mình. Để nhấn mạnh và làm sáng tỏ lệnh thức tuyệt đối, Kant diễn đạt nó dưới bốn dạng khác nhau trong cuốn Đặt cơ sở cho nhân luân siêu hình học (Grundlegung zur Metaphysik der Sitten). Praktische Grundsätze sind Sätze, welche eine allgemeine Bestimmung des Willens enthalten, die mehrere praktische Regeln unter sich hat. Sie sind subjektiv oder Maximen, wenn die Bedingung nur als für den Willen des Subjekts gültig von ihm angesehen wird; objektiv aber, oder praktische Gesetze, wenn jene als objektiv, d.i. für den Willen jedes vernünftigen Wesens gültig erkannt wird Nguyên tắc thực tiễn là những nguyên tắc bao gồm cách xác định ý chí một cách phổ quát, và cách xác định này cũng bao gồm nhiều quy luật thực tiễn. Chúng thuộc về phía chủ quan, hay là những phương châm, nếu điều kiện chỉ có giá trị cho ý chí của chủ thể được nó thừa nhận; nhưng lại là khách quan, hoặc là những quy luật thực tiễn, khi chúng được nhận thức là khách quan – nghĩa là có giá trị cho ý chí của mỗi người có khả năng tư duy. Khi áp dụng thực tiễn thì phương châm được tìm thấy phải kiên định và phù hợp với ý chí thực tế. Như vậy thì luân lý của Kant là một luân lý trách nhiệm (Pflichtethik), đối nghịch với luân lý phẩm đức (Tugendethik) được Aristotle chủ trương. Kiến giải cụ thể về luân lý được Kant viết trong tác phẩm Nhân luân siêu hình học (Metaphysik der Sitten). Nó được chia thành hai phần là Luật học (Rechtslehre) và Phẩm đức học (Tugendlehre). Các phát biểu khác của Kant về triết học thực tiễn còn được tìm thấy trong các giáo trình về Nhân loại học cũng như về Sư phạm của ông. Lịch sử, Khai sáng và Tôn giáo Câu hỏi thứ ba của Immanuel Kant, "Ta được hi vọng những gì?", được ông giải đáp trong PPLTTT một cách tiêu cực. Sau khi lý tính không thể chứng minh được sự tồn tại hay không tồn tại của bộ ba Thượng đế, tính bất tử của linh hồn và tự do, thì bây giờ câu hỏi về cái tuyệt đối là một câu hỏi về niềm tin. "Tôi đã phải gác tri thức qua một bên để có chỗ cho niềm tin" ("Ich musste das Wissen aufheben, um zum Glauben Platz zu bekommen"). Cũng tương tự trường hợp này, trong lịch sử, người ta không thể tìm thấy một ý đồ của thượng đế. Lịch sử là một phản ánh của con người - kẻ vốn có bản chất tự do. Chính vì tự do này mà người ta không thể nhận thấy tính quy luật hoặc sự tiến triển xa hơn hướng đến hạnh phúc hoặc toàn hảo, bởi vì tiến bộ không phải là điều kiện tiên quyết tất nhiên của hành vi. Thế nhưng, vẫn có một ý đồ trong tự nhiên, có nghĩa là lịch sử được một sợi chỉ xuyên suốt (tức là có mục đích). Lý tính tự phát triển trong sự cộng tồn của loài người. Vì sự cộng tồn, loài người đã tạo luật lệ trên cơ sở lý tính. Và luật lệ từng bước quy định trật tự xã hội. Cuối cùng, nó đã dẫn đến một hiến pháp công dân hoàn chỉnh, nó có giá trị ngay cả khi nảy sinh một tính quy tắc bề ngoài giữa các quốc gia. Từ "Lịch sử trong ý hướng công dân toàn cầu" ("Geschichte in weltbürgerlicher Absicht") này nảy sinh một trách nhiệm chính trị dành cho những nhà cầm quyền: Daß ich mit dieser Idee einer Weltgeschichte, die gewissermaßen einen Leitfaden a priori hat, die Bearbeitung der eigentlichen bloß empirisch abgefaßten Historie verdrängen wollte: wäre Mißdeutung meiner Absicht; es ist nur ein Gedanke von dem, was ein philosophischer Kopf (der übrigens sehr geschichtskundig sein müßte) noch aus einem anderen Standpunkte versuchen könnte. Überdem muß die sonst rühmliche Umständlichkeit, mit der man jetzt die Geschichte seiner Zeit abfaßt, doch einen jeden natürlicher Weise auf die Bedenklichkeit bringen: wie es unsere späten Nachkommen anfangen werden, die Last von Geschichte, die wir ihnen nach einigen Jahrhunderten hinterlassen möchten, zu fassen. Ohne Zweifel werden sie die der ältesten Zeit, von der ihnen die Urkunden längst erloschen sein dürften, nur aus dem Gesichtspunkte dessen, was sie interessiert, nämlich desjenigen, was Völker und Regierungen in weltbürgerlicher Absicht geleistet oder geschadet haben, schätzen. Hierauf aber Rücksicht zu nehmen, imgleichen auf die Ehrbegierde der Staatsoberhäupter so wohl, als ihrer Diener, um sie auf das einzige Mittel zu richten, das ihr rühmliches Andenken auf die spätere Zeit bringen kann: das kann noch überdem einen kleinen Bewegungsgrund zum Versuche einer solchen philosophischen Geschichte abgeben. "Cho rằng tôi muốn gạt qua một bên công trình biên tập lịch sử được ghi lại trên cơ sở kinh nghiệm đơn thuần với ý niệm của một lịch sử thế giới, xin tạm gọi là một lịch sử có một sợi dây tiên nghiệm xuyên suốt, là diễn giảng sai lạc ý của tôi; đây chỉ là mối tư duy về một sự việc mà một triết gia (thêm vào đó phải là sử gia rất giỏi) có thể thử nghiệm trên một lập trường khác. Hơn nữa, tính phức tạp trứ danh - có thể thấy được khi con người ghi chép lịch sử - bắt buộc mỗi người phải băn khoăn một cách rất tự nhiên: Hậu bối chúng ta sẽ đảm đương như thế nào gánh nặng lịch sử chúng ta muốn lưu lại cho họ sau một vài thế kỉ. Điều chắc chắn là họ chỉ quý trọng những gì của thời xa xưa mà đối với họ các di tích văn kiện đã bị huỷ hoại từ lâu, và họ chỉ quý trọng trên cơ sở những gì họ quan tâm, cụ thể là những gì các dân tộc và chính quyền đã thành đạt hoặc phá hoại trong ý hướng công dân toàn cầu. Nhưng lại lưu ý đến việc ấy, và đồng thời cũng chú tâm đến niềm hãnh diện của các nhà cầm quyền cũng như thứ dân của họ, để rồi xoay hướng nó về phương tiện duy nhất có thể giúp họ lưu danh hậu thế: Ngoài ra nó cũng có thể tạo một động cơ nhỏ để cố gắng ghi một lịch sử triết học như thế này" Cách nhìn sự vật như thế này cũng đã quyết định thái độ của Kant đối với Khai sáng, cái được ông xem là đích đến của con người. Thời đại Khai sáng ("Zeitalter der Aufklärung") gắn liền với tên của Kant, và đây là cách định nghĩa Khai sáng rất nổi tiếng của ông: "Aufklärung ist der Ausgang des Menschen aus seiner selbst verschuldeten Unmündigkeit. Unmündigkeit ist das Unvermögen, sich seines Verstandes ohne Anleitung eines anderen zu bedienen. Selbstverschuldet ist diese Unmündigkeit, wenn die Ursache derselben nicht am Mangel des Verstandes, sondern der Entschließung und des Mutes liegt, sich seiner ohne Leitung eines anderen zu bedienen. Sapere aude [wage es verständig zu sein]! Habe Mut, dich deines eigenen Verstandes zu bedienen! ist also der Wahlspruch der Aufklärung." (Beantwortung der Frage: Was ist Aufklärung? Berlinische Monatsschrift, 1784,2, S. 481–494). Khai sáng là bước ra khỏi tình trạng vị thành niên tự gây ra của con người. Tình trạng vị thành niên là sự không có khả năng vận dụng giác tính mà không cần sự chỉ đạo của người khác. Tình trạng vị thành niên này là tự gây ra, nếu nguyên nhân của chính nó không nằm ở chỗ thiếu giác tính mà nằm ở sự thiếu cương quyết và thiếu can đảm. Sapere aude! ["hãy can đảm nhận biết"], hãy can đảm tự dùng giác tính của mình! chính là phương châm của Khai sáng." Kant đã lạc quan cho rằng tư duy tự do – một lối tư duy phát triển mạnh mẽ dưới Triều đại vua Friedrich II Đại đế (1740 - 1786) (mặc dù phần lớn tương quan trực tiếp đến tôn giáo) – sẽ dần dần chuyển đổi cảm nhận của quần chúng, và thậm chí cuối cùng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến những quy tắc của chính quyền, khiến họ "đối xử với con người, vốn có bản chất hơn một cái máy, đúng theo nhân phẩm của anh ta." Ông cho rằng "thời đại Friedrich" đồng nghĩa với "thời đại Khai sáng", và quan điểm của ông quả là không sai khi ở châu Âu thời đó chẳng hề có vị vua nào tận tình với trào lưu Khai sáng như vị minh quân Friedrich II Đại Đế. Trong tiểu luận của ông vào năm 1784, Kant biện luận rằng một khi nhà vua giác ngộ triết học Khai sáng, những quyền tự do chính trị và nhân dân sẽ thay đổi lớn lao. Khi đó, quyền lực của vị minh quân sẽ là một thứ có giá trị, chứ không phải mối đe dọa đến đời sống của nhân dân. Kant là người ủng hộ mạnh mẽ cuộc Đại Cách mạng Pháp và đã giữ lập trường này mặc dù có thể bị tẩy chay sau khi vua Friedrich Wilhelm II lên kế vị. Tân vương Friedrich Wilhelm II không hề sáng suốt như người bác là vị minh quân Friedrich II Đại Đế, và chính nhà vua đã tham chiến trong liên quân chống Cách mạng Pháp. Mặc dù chế độ kiểm duyệt ngày càng khắt khe, hay có lẽ chính vì vậy mà Kant đã công bố những luận văn tôn giáo của mình vào thời này (Religionsschriften). Không thể chứng minh có Thượng đế. Nhưng không thể có những hành vi đạo đức tiền hậu nhất trí nếu không có niềm tin vào tự do, bất tử và Thượng đế. Thế nên, đạo đức là cái nguyên thủy và tôn giáo giải thích các trách nhiệm đạo đức như những lời răn dạy của Thượng đế. Như vậy thì tôn giáo tuân thủ những quy luật đạo đức đã có sẵn trước đó. Ngược lại, để tìm ra được những trách nhiệm chính, con người phải trích lọc cái đúng từ những giáo lý tôn giáo khác nhau. Kant phản đối triệt để việc tu tập tôn giáo với tất cả các nghi lễ của nó. Ông cho rằng như vậy chính là chế độ Giáo hoàng. Sau khi Kant công bố luận văn tôn giáo năm 1794, chính quyền quả thật đã lệnh cấm Kant viết những bài như thế. Kant khuất phục trong suốt Triều đại vua Friedrich Wilhelm II, nhưng sau khi nhà vua qua đời vào năm 1797, ông lại giữ lập trường này trong cuộc tranh cãi giữa các bộ môn. Cảm năng học và mục đích của tự nhiên Phê phán năng lực phán đoán của Kant thường được xem là tác phẩm chính thứ ba của ông. Trong luận văn được xuất bản năm 1790 này, ông tìm cách bổ sung hệ thống triết học của mình và tạo một mối quan hệ giữa lý tính lý thuyết – vốn lập cơ sở trên tri thức tự nhiên – và lý tính thực tiễn, thuần tuý dẫn đến sự chấp nhận tự do như một quan niệm và dẫn đến quy luật luân lý. Cảm giác say mê (Lust) và không say mê (Unlust) là phần tiếp nối giữa khả năng tri thức (Erkenntnisvermögen) và khả năng ham muốn (Begehrungsvermögen). Nguyên tắc tiếp nối là tính có mục đích. Tính này một mặt hiển hiện trong phán đoán cảm năng (ästhetisches Urteil) về cái đẹp và cái cao quý (phần I) và mặt khác trong phán đoán mục đích (teleologisches Urteil), một phán đoán xác định mối quan hệ giữa con người và tự nhiên (phần II). Trong cả hai trường hợp, lực phán đoán không giữ vai trò quyết định như trong lý tính lý thuyết, nơi một khái niệm nhất định nào đó được thâu tóm trong một khái niệm tổng quát, mà là phản chiếu (reflektierend), nghĩa là nơi cái tổng quát được thành lập từ cái đơn chiếc. Xác định tính cảm năng là một quá trình chủ quan mà trong đó, một đối tượng được lực phán đoán cho là đẹp hay không đẹp. Tiêu chuẩn cho những phán đoán ý vị (Geschmacksurteil) là chúng được thực hiện mà không bị ảnh hưởng bởi sở thích của người phán đoán, là chúng chủ quan, tức là không được tuỳ thuộc vào một khái niệm, là sự phán đoán đưa một giá trị chung và cuối cùng, sự phán đoán xảy ra một cách tất yếu. Như trong lĩnh vực luân lý, Kant tìm những tiêu chuẩn hình thức của một phán đoán (theo những điều kiện khả hữu) và loại việc xác nhận nội dung của cái đẹp. Đối nghịch với cái đẹp (das Schöne), cái cao thượng (das Erhabene) không bị ràng buộc vào đối tượng cũng như hình thái của nó. Cao thượng là cái được khả năng của tâm tư chứng minh là có thể tư duy, vượt qua mọi thước đo của các giác quan ("Erhaben ist, was auch nur denken zu können ein Vermögen des Gemüths beweiset, das jeden Maßstab der Sinne übertrifft"). Cả hai, cái đẹp cũng như cái cao thượng đều làm vừa ý, nhưng cái cao thượng không gây cảm giác đam mê, mà là cảm giác ngưỡng mộ và kính trọng. Theo Kant, cái cao thượng không thể có trong nghệ thuật: nó bất quá chỉ là sự mô phỏng không đạt của cái cao thượng trong thiên nhiên. "Cái đẹp là cái làm hài lòng trong sự phán đoán đơn thuần (như vậy là không qua cảm quan theo một khái niệm của giác tính). Từ đó ta có thể suy ra một cách tự nhiên rằng, nó phải làm hài lòng không qua tất cả những gì thuộc sở thích. Cao thượng là cái làm hài lòng trực tiếp qua sự kháng cự sở thích của các giác quan ("Schön ist das, was in bloßer Beurteilung [also nicht vermittelst der Empfindung des Sinnes nach einem Begriffe des Verstandes] gefällt. Hieraus folgt von selbst, dass es ohne alles Interesse gefallen müsse. Erhaben ist das, was durch seinen Widerstand gegen das Interesse der Sinne unmittelbar gefällt.") Trong lực phán đoán theo mục đích thì tính "có mục đích" trong tự nhiên được quán sát. Mục đích ở đây không phải là bản chất của vật thể mà được con người nghĩ ra và gán vào các đối tượng. Như sự tự do, nó là một quan niệm có tính chất quy định (regulative Idee). Mục đích tự nhiên khách quan của một đối tượng được lý tính suy nghĩ xuất phát từ mối quan hệ giữa các thành phần và tổng thể. Với một cơ chế thuần tuý, người ta không thể giải thích cấu trúc của một cây xanh và sự phối hợp của những quá trình trong tự nhiên. Đối nghịch cái đồng hồ thì một cây mang đặc điểm tự tái tạo. Người ta quan sát các mối quan hệ của những vật tự nhiên như chúng đi theo một mục đích nào. Nhưng người ta nên tránh việc giải thích tính có mục đích được cảm nhận bằng tôn giáo. "Nếu người ta vì khoa học tự nhiên đưa vào bối cảnh của nó khái niệm thượng đế để giải thích tính có mục đích của tự nhiên, và theo đó dùng tính có mục đích này để chứng minh có thượng đế thì không có nội dung nào trong cả hai ngành khoa học" ("Wenn man also für die Naturwissenschaft und in ihren Kontext den Begriff von Gott hereinbringt, um sich die Zweckmäßigkeit in der Natur erklärlich zu machen, und hernach diese Zweckmäßigkeit wiederum braucht, um zu beweisen, dass ein Gott sei: so ist in keiner von beiden Wissenschaften innerer Bestand." (Phê phán năng lực phán đoán §68)) Nhân phẩm để đạt hạnh phúc Kant bắt đầu chủ đề hạnh phúc với một sự khảo sát tường tận chủ nghĩa hạnh phúc (Eudaimonismus). Theo Kant, khái niệm "hạnh phúc" (= eudaimonia) lập cơ sở trên những kinh nghiệm không chắc thực cũng như những quan niệm có bản chất biến đổi. Vì bản chất thiếu khách quan của chúng nên ông kết luận rằng, một cuộc sống chuyên chú đến hạnh phúc bị ảnh hưởng bởi bản năng, nhu cầu, thói quen và sở thích. Và vì có nhiều quan niệm chủ quan về hạnh phúc con người nên theo ông, người ta không thể diễn sinh các quy luật khách quan từ đó ra được. Kant đặt "nhân phẩm để đạt hạnh phúc" ("Würdigkeit zum Glück") thay vào chỗ của hạnh phúc. Con người, như một "vật tự thể", chỉ có thể đạt được điều này khi ông ta thuận hành các quy luật đạo đức, nghĩa là tuân thủ lệnh thức tuyệt đối. Qua tư thái luân lý phát sinh từ đó mà con người có thể đạt được nhân phẩm để tiến đến hạnh phúc. Kant không xác định là hạnh phúc này như thế nào và con người sẽ tiếp nhận nó ở nơi nào. Theo Kant, người ta chỉ đạt được trạng thái tự mãn nguyện (Selbstzufriedenheit) trong cuộc sống thế gian và ông hiểu nó là sự hài lòng của con người với phong cách sống tự chủ, lấy nhân luân (Sitte) làm định hướng cho mình. Mặc dù Kant quan niệm là con người không thể đạt hạnh phúc cho riêng mình nhưng ông vẫn xem việc cổ động hạnh phúc của người khác là một trách nhiệm của loài người. Việc này có thể được thực hiện bằng việc giúp đỡ người khác và bằng những hành động vị tha trong mối tình bạn bè, chồng vợ và gia đình. Rất có thể là nhân phẩm để đạt hạnh phúc của Kant ở đây mang ý nghĩa là con người, qua hành động của chính mình, đã đạt nhân phẩm, xứng đáng nhận được hỗ trợ của những người khác trên con đường tiến đến hạnh phúc. Tự do Kant khảo sát các quan điểm của các triết gia Anh thời đại Khai sáng về tự do ý chí (Willensfreiheit). Ví dụ như Hume quả quyết rằng, con người cũng chịu ảnh hưởng của chuỗi nhân quả như thế giới tự nhiên. Giờ đây, Kant tìm cách hoá giải mâu thuẫn giữa trào lưu tư duy tương quan mật thiết với chuỗi nhân quả và tính tất yếu của tự do ý chí như một thẩm quyền đạo đức. Để thực hiện điều này, ông quan sát con người từ hai phương diện. Ở phương diện thứ nhất, ông xem con người như một "vật". Con người bị ảnh hưởng của các quy luật tự nhiên, và do đó chịu ảnh hưởng của quy luật nhân quả. Trong vai một "vật" này thì con người bị điều khiển bởi các thôi thúc nội tâm, bản năng, cảm giác và dục vọng. Nhưng theo Kant, con người như một động vật có lý tính cũng là một "vật tự thể" (Ding an sich) và như vậy, thuộc về cõi tự do (Reich der Freiheit). Qua đó, con người có thể kháng cự quy luật nhân quả và hướng đến những nguyên tắc đạo đức. Như vậy thì đối với ông, tự do không phải là tuỳ tiện (Willkür), mà là sự tự do tuân theo các quy tắc mà lý tính đã tự đề ra. Theo Kant, một ý chí tự do là một ý chí trong khuôn khổ những quy tắc luân lý. Kant cho rằng, sự tự do mà không hàm dung sự tự phục tòng này không phải là chân tự do. Do đó, những hành động ác về mặt đạo đức không dựa trên tự do ý chí, mà do quy luật nhân quả máy móc gây nên. Nhân phẩm cao quý của con người nằm ở chỗ anh ta kháng cự các bản năng và chính tự mình là nguyên nhân. Tiếp thụ và ảnh hưởng Sinh thời, Kant đã được xem là một triết gia xuất sắc, cho nên vào những năm 90 của thế kỉ 18 đã có một "chủ nghĩa Kant" (Kantianismus). Những người được xem là tiên phong quan trọng là Johann Schulz, Karl Leonhard Reinhold và Friedrich Schiller. Nhưng không lâu sau cũng có những bài viết phê bình. Ví dụ như Moses Mendelssohn gọi Kant là một người "nghiền nát" tất cả, hay là August Eberhard, người đã phát hành một tờ báo để phê bình Kant, và Kant cũng đã hồi đáp một cách minh xác trong một bài viết nhan đề "Về một sự phát hiện mà theo nó, toàn bộ phê phán lý tính thuần tuý mới được một cái cũ hơn làm cho thừa" (Über eine Entdeckung, nach der alle neue Kritik der reinen Vernunft durch eine ältere entbehrlich gemacht werden soll). Phê phán của Johann Georg Hamann và Johann Gottfried Herder lại có trọng lượng hơn. Hai người này cho rằng, Kant đã không chú ý đến việc xem ngôn ngữ như một nguồn gốc nhận thức nguyên thủy. Thêm vào đó, Herder còn cho thấy rằng, con người trong quá trình cảm nhận đã "sơ đồ hoá một cách siêu việt" ("metaschematisiert") và sự kiện này đã nói trước các nhận thức sau này của Tâm lý học hình thái (Gestaltpsychologie). Một phê phán quan trọng khác xuất phát từ Friedrich Heinrich Jacobi. Ông phê bình việc tách rời hai dòng nhận thức (Trennung der zwei Erkenntnisstämme) và bác bỏ "vật tự thể". Thời kì phân tích thứ hai xuất phát từ chủ nghĩa duy tâm (Idealismus) của Đức và bắt đầu với Fichte. Ông cũng không thừa nhận trực quan là nguồn gốc nhận thức và qua đó, bước đến chủ nghĩa duy tâm chủ quan (subjektiver Idealismus). Ông bình luận phản ứng phủ nhận của Kant một cách miệt thị. Tương tự như vậy, Schelling và Hegel muốn vượt qua và hoàn tất Kant bằng hệ thống tuyệt đối của họ. Với cái chết của Hegel, chủ nghĩa duy tâm chấm dứt một cách đột ngột nhưng không chấm dứt về mặt được phân tích tiếp thu. Tuy nhiên, Arthur Schopenhauer, Max Stirner và Friedrich Nietzsche là những ứng đáp dành cho Hegel – họ phản đối chủ nghĩa tuyệt đối của ông ta – nhưng cũng dành cho Kant, bởi vì họ tìm một con đường vượt khỏi nhận thức phũ phàng của tính chất hạn lượng của con người mà không nương tựa vào một Thượng đế khả đắc, thậm chí cũng chẳng có xác tín của tự do. Một con đường khác được Jakob Friedrich Fries, Johann Friedrich Herbart và Hermann von Helmholtz khai mở. Họ tiếp thụ Kant qua khía cạnh khoa học, đặc biệt là tâm lý học. Với Otto Liebmann, Tân chủ nghĩa Kant bắt đầu gây ảnh hưởng trong phần thứ hai của thế kỉ 19 và dẫn khởi một sự tranh luận kéo dài đến khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ. Các đại biểu chính của trường phái Marburg là Hermann Cohen và Paul Natorp với một phương pháp tiếp cận nặng tính khoa học cũng như Heinrich Rickert và Wilhelm Windelband trong trường phái Baden (Badischen Schule) với trọng tâm triết học giá trị (wertphilosophisch) và lịch sử. Điểm chung của tất cả các đại biểu này là sự phê phán cái "tiên nghiệm" (a priori), cái được họ hiểu là nhân tố siêu hình nơi Kant. Lập trường của họ có nhiều điểm giống chủ nghĩa duy tâm. Nhưng sự việc hoàn toàn khác với chủ nghĩa phê phán (Kritizismus) của Alois Riehl và môn đệ là Richard Hönigswald, người đã đi sát học thuyết của Kant và chỉ tiếp nối tư tưởng này bằng cách quan tâm đến những nhận thức của khoa học hiện đại. Bên cạnh đó, chủ nghĩa tư biện của Kant đã được giai cấp tư sản dùng để đối phó với giai cấp vô sản. Hans Vaihinger chọn một đường riêng với triết học "dường như" (Als Ob) của mình, cũng như những đại biểu trường phái Marburg trước đây là Nicolai Hartmann với bản thể học theo duy lý phê phán, Ernst Cassirer với triết học hình tượng biểu trưng và cũng chính Cassirer cho thấy rằng, những lý thuyết toán học và khoa học tự nhiên hiện đại như Thuyết tương đối có thể được dung hoà với chủ nghĩa phê phán. Không còn trường phái Immanuel Kant nào tồn tại trong thế kỉ 20. Tuy vậy, gần như triết học nào cũng là một cách phân tích hoặc một cuộc đối thoại với Kant, bắt đầu từ Charles S. Peirce qua Georg Simmel, Edmund Husserl, Karl Jaspers, Max Scheler, Martin Heidegger, Ernst Bloch cho đến Theodor Adorno và Karl Popper, cũng như trong triết học phân tích đến Quine với những bài Kant Lectures và Peter Frederick Strawson với một bài luận giải nổi tiếng về Phê phán lý tính thuần tuý. Chủ nghĩa cấu thành của trường phái Erlangen (Erlanger Konstruktivismus) theo sát học thuyết của Kant, cũng như giữ một vai trò điểm tựa nơi Karl-Otto Apel với cách tiếp cận chuyển hoá Triết học siêu nghiệm (Transformation der Transzendentalphilosophie) và nơi Carl Friedrich von Weizsäcker. Trong thời gian 1950 đến giờ, một nhóm triết gia lại tiếp nối học thuyết của Kant về mặt duy lý phê phán (kritische Rationalität), như Helmut Holzhey, Dieter Henrich, Gerold Prauss, Norbert Hinske, Herbert Schnädelbach, Rainer Brandt hoặc Otfried Höffe. Cũng có những đại biểu tại Hoa Kỳ như Paul Guyer và Henry E. Allison. Một điểm cần được nhấn mạnh ở đây là sự phục hưng luân lý trách nhiệm (deontologische Ethik), được hỗ trợ mạnh mẽ bởi thuyết công bằng của John Rawls. Kant cũng được phân tích nhiều trong lĩnh vực Mỹ học và Triết học tôn giáo. Ngay trong thời nay, Immanuel Kant cũng vẫn là triết gia được lý giải nhiều nhất. Điều này được thể hiện qua hơn 1000 luận văn chuyên đề và những tập tiểu luận được phát hành năm 2004, kỉ niệm 200 ngày qua đời của ông. 1100 người đã tham dự hội nghị "Kant und die Berliner Aufklärung" năm 2000 (Hội nghị quốc tế Kant lần thứ IX tại Berlin). Công trình Nghiên cứu Kant (Kant-Studien) được Hans Vaihinger thành lập năm 1896 với hơn 25 luận văn mỗi năm, sau được xem là diễn đàn của Học hội Kant (Kant-Gesellschaft) tại Halle/Saale, được thành lập năm 1904 kỉ niệm 100 năm ngày mất của ông. Có Viện nghiên cứu Kant (Kant-Forschungsstelle) tại đại học Mainz, một công trình tại Bonn nhằm công bố các tác phẩm của ông bằng những phương tiện điện toán cũng như Kho tư liệu Kant tại Marburg (Marburger Kant-Archiv). Cũng có một số triết gia Nhật Bản theo học thuyết của Immanuel Kant và họ cũng lập một Học hội Kant riêng. Tại thủ đô Tōkyō, trong đền Triết gia, người ta treo một bức tranh mang tên "Bốn người minh triết trên thế gian", trên đó thể hiện hình ảnh Đức Phật, Khổng Phu Tử, Sokrates và Kant. Tác phẩm (Lược trích) 1749: Gedanken von der wahren Schätzung der lebendigen Kräfte (Tư duy về sự cảm kích chân chính các lực có sức sống) 1755: Allgemeine Naturgeschichte und Theorie des Himmels (Thông sử tự nhiên và Thiên thể luận). 1755: Meditationum quarundam de igne succincta delineatio (Luận án tiến sĩ về lửa) 1755: Neue Erhellung der ersten Grundsätze metaphysischer Erkenntnisse (Luận văn hậu Tiến sĩ: Principiorum primorum cognitionis metaphysicae nova dilucidatio) 1756: Metaphysicae cum geometria iunctae usus in philosophia naturalis, cuius specimen I. continet monadologiam physicam (Luận án Tiến sĩ bằng tiếng Latinh, cũng được gọi tắt là "Physische Monadologie") 1762: Die falsche Spitzfindigkeit der vier syllogistischen Figuren erwiesen (Chứng minh sự tinh tế sai lầm của bốn dạng tam đoạn luận). 1763: Versuch, den Begriff der negativen Größen in der Weltweisheit einzuführen. 1763: Untersuchung über die Deutlichkeit der Grundsätze der natürlichen Theologie und Moral (Nghiên cứu về sự sáng sủa của các nguyên tắc của thần học tự nhiên và đạo đức). 1763: Der einzig mögliche Beweisgrund zu einer Demonstration des Daseins Gottes (Cơ sở chứng minh duy nhất khả hữu về sự tồn tại của thượng đế). 1764: Beobachtungen über das Gefühl des Schönen und Erhabenen (Quan sát cảm xúc cái đẹp và cái cao thượng). 1766: Träume eines Geistersehers, erläutert durch Träume der Metaphysik (Những giấc mơ của người thấy thần linh, được diễn giảng bằng những giấc mơ của siêu hình học.) 1770: Über die Form und die Prinzipien der sinnlichen und intelligiblen Welt (Luận án Tiến sĩ tiếng Latinh: De mundi sensibilis atque intelligibilis forma et principiis [Về mô thức và các cơ sở của thế giới cảm tính và thế giới khả niệm]) 1775: Über die verschiedenen Rassen der Menschen (Luận về những chủng tộc khác nhau của loài người) 1781: 1. Auflage der Kritik der reinen Vernunft (Phê phán lý tính thuần tuý, ấn bản đầu tiên) 1783: Prolegomena zu einer jeden künftigen Metaphysik, die als Wissenschaft wird auftreten können (Sơ luận về bất kì môn siêu hình học nào trong tương lai muốn có thể được xuất hiện như một khoa học) 1784: Idee zu einer allgemeinen Geschichte in weltbürgerlicher Absicht (Ý tưởng về một lịch sử khái quát hướng theo mục đích làm công dân thế giới) 1784: Beantwortung der Frage: Was ist Aufklärung (Trả lời câu hỏi: Khai sáng là gì) – Có thể xem được ở DigBib.Org và Wikisource 1785: Grundlegung zur Metaphysik der Sitten (Lập cơ sở cho nhân luân siêu hình học) 1786: Metaphysische Anfangsgründe der Naturwissenschaft (Các cơ sở siêu hình học đầu tiên của khoa học tự nhiên) 1786: Mutmaßlicher Anfang der Menschengeschichte (Phỏng đoán về lúc khởi đầu của lịch sử loài người) 1787: 2., stark erweiterte Auflage der Kritik der reinen Vernunft (Phê phán lý tính thuần tuý, ấn bản thứ 2) 1788: Kritik der praktischen Vernunft (Phê phán lý tính thực tiễn) 1790: Kritik der Urteilskraft (Phê phán năng lực phán đoán) 1793: Die Religion innerhalb der Grenzen der bloßen Vernunft (Tôn giáo trong phạm vi lý tính đơn thuần) 1793: Über den Gemeinspruch: Das mag in der Theorie richtig sein, taugt aber nicht für die Praxis (Về thành ngữ: Có thể đúng về lý thuyết nhưng vô dụng về thực hành) 1794: Das Ende aller Dinge (Religionsschrift) 1795: Zum ewigen Frieden (Hướng đến hoà bình vĩnh cửu) 1797: Die Metaphysik der Sitten (Nhân luân siêu hình học) 1798: Der Streit der Fakultäten (Sự tranh cãi giữa các phân khoa) 1798: Anthropologie in pragmatischer Hinsicht abgefasst (Nhân loại học dưới giác độ thực tiễn) 1800: Logik – Được đệ tử của Kant là Jäsche viết theo những giáo trình. Các tác phẩm của Kant được phát hành trong bản "Akademie Ausgabe" của Preußische Akademie der Wissenschaften, Berlin 1902ff (29 tập đến bây giờ) Hình tượng và đài kỉ niệm Tại thành phố Königsberg (nay có tên là Kaliningrad và thuộc lãnh thổ Nga) có một bức tượng Immanuel Kant được tạc năm 1864. Bức tượng bị mất năm 1945, được Christian Daniel Rauch đúc lại với sự khuyến khích và tài trợ của bà Marion Gräfin Dönhoff, và được đặt vào chỗ cũ năm 1992. Chú giải Chú thích Thư mục tham khảo Nhập môn Jean Grondin: Kant zur Einführung, Hamburg: Junius, 2004, 3. Auflage, ISBN 3-88506-363-8 Karl Jaspers: Kant. Leben, Werke, Wirkung. 2. Aufl. Piper München/Zürich 1983 Manfred Kühn: Kant. Eine Biographie. München 2003 Uwe Schultz: Immanuel Kant in Selbstzeugnissen und Bilddokumenten. Reinbek erw. Neuaufl. 2003 (ISBN 3-499-50659-9) Tổng quát Orlando Budelacci: Kants Friedensprogramm – das politische Denken im Kontext der praktischen Philosophie, Athena Verlag: Oberhausen 2003. Ernst Cassirer: Kants Leben und Lehre. 2. Aufl. Berlin 1921; Nachdruck Darmstadt 1994 Steffen Dietzsch: Immanuel Kant. Eine Biographie. Reclam, Leipzig 2003. ISBN 3-379-00806-0 Manfred Geier: Kants Welt. Reinbek 2005 (ISBN 3-499-61365-4) Volker Gerhardt: Immanuel Kant. Vernunft und Leben. Reclam Stuttgart 2002 (UB Nr. 18235) Arsenij Gulyga: Immanuel Kant. Suhrkamp Frankfurt/M. 2004 (ISBN 3-518-45568-0) Dietmar Heidemann, Kristina Engelhard (Hrsg.): Warum Kant heute?. de Gruyter 2003 Johannes Heinrichs, Das Geheimnis der Kategorien, Die Entschlüsselung von Kants zentralem Lehrstück, Berlin 2004; ISBN 3-929010-94-1 Otfried Höffe (Hrsg.): Kritik der praktischen Vernunft. 3. Aufl. München 1999 Otfried Höffe: Königliche Völker. Zu Kants kosmopolitischer Rechts- und Friedenstheorie. Suhrkamp Verlag Frankfurt a.M. 2001 Otfried Höffe: Immanuel Kant. 6. Aufl. Beck München 2004 Dieter Hüning und Burkhard Tuschling (Hrsg.): Recht, Staat und Völkerrecht bei Immanuel Kant. Marburger Tagung zu Kants „Metaphysischen Anfangsgründen der Rechtslehre". Duncker & Humblot, Berlin 1998 Walter Patt: „Kants Kritik der Praktischen Vernunft. Eine Einführung", 2. erweiterte Auflage, London: Turnshare 2005. ISBN 1-903343-78-X Günther Patzig: Wie sind synthetische Urteile a priori möglich? In: Josef Speck (Hrsg.): Grundprobleme der großen Philosophen. Philosophie der Neuzeit II. Göttingen 1976 Giovanni Sala: Kants „Kritik der Praktischen Vernunft", Darmstadt 2004. Arthur Schopenhauer: Die Welt als Wille und Vorstellung. Erster Band. Anhang. Kritik der Kantischen Philosophie. F. A. Brockhaus, Leipzig 1859 Roger Scruton: Kant Herder Freiburg 1999 (ISBN 3-451-04738-1) (Übersetzt von M. Laube – Orig. ersch. 1982) Dieter Sturma, Karl Ameriks (Hrsg.): Kants Ethik. Mentis Verlag Paderborn 2004 Karl Vorländer: Immanuel Kant, Der Mann und das Werk. 3. Aufl. Verlag Felix Meiner, Hamburg 1992. ISBN 3-7873-1084-3 (Erstauflage: 1911, Leipzig) Phương tiện hỗ trợ Christopher M. Clark, Iron kingdom: the rise and downfall of Prussia, 1600-1947, Harvard University Press, 2006. ISBN 0-674-02385-4. Rudolf Eisler: Kant Lexikon. Olms Hildesheim u. a. 1984 (ISBN 3-487-00744-4) Gerd Irrlitz: Kant-Handbuch. Leben und Werk. Stuttgart/Weimar 2002
Chữ viết tiếng Việt là những bộ chữ viết mà người Việt dùng để viết ngôn ngữ mẹ đẻ là tiếng Việt, từ quá khứ đến hiện tại. Có hai dạng văn tự chính được dùng để ghi chép tiếng Việt là chữ Nôm, và chữ Quốc ngữ viết bằng mẫu tự Latinh. Chữ Nôm là văn tự ngữ tố có khả năng biểu nghĩa, là bộ chữ phổ thông tại Việt Nam trước thế kỷ 20. Chữ Quốc ngữ là chữ Latinh tượng thanh, chỉ có thể biểu âm, bắt đầu được sử dụng chính thức trên thực tế tại Việt Nam từ đầu thế kỷ 20. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 tại Chương I Điều 5 Mục 3 quy định: "Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình.", và không quy định chữ viết quốc gia hoặc văn tự chính thức. Hiện tại ở Việt Nam và người Việt ở nước ngoài đều sử dụng chữ Quốc ngữ (chữ Latinh) là chính. Chữ Nôm tuy không còn phổ biến nhưng vẫn được giảng dạy ở bậc đại học chuyên ngành Hán-Nôm, được dùng trong các hoạt động liên quan tới văn hóa truyền thống như viết thư pháp, và vẫn là văn tự chính cho tiếng Việt của cộng đồng người Kinh bản địa ở Đông Hưng, Trung Quốc. Các dạng chữ viết của tiếng Việt Chữ Nôm Dù chữ Hán có khả năng biểu ý tốt, nhưng trong tiếng Việt không chỉ có từ Hán Việt mà còn có từ thuần Việt, vậy nên chỉ sử dụng những chữ Hán hiện có lúc bấy giờ cũng không thể nào đáp ứng đủ, và thậm chí được cho là bất lực trước đòi hỏi, yêu cầu của việc trực tiếp ghi chép hoặc diễn đạt lời ăn tiếng nói cùng tâm tư, suy nghĩ và tình cảm của người Việt. Vì vậy chữ Nôm ra đời để bù đắp vào chỗ mà chữ Hán chưa đáp ứng được. Chữ Nôm là một bộ chữ được xây dựng trên cơ sở áp dụng hệ chữ Hán để ghi chép các từ thuần Việt trong tiếng Việt. Quá trình hình thành chữ Nôm có thể chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn đầu, tạm gọi là giai đoạn "đồng hóa chữ Hán", tức là dùng chữ Hán để phiên âm các từ Việt thường là tên người, tên vật, tên đất, cây cỏ chim muông, đồ vật... xuất hiện lẻ tẻ trong văn bản Hán. Những từ tiếng Việt này, này xuất hiện vào thế kỷ đầu của Công Nguyên (đặc biệt rõ nét nhất vào thế kỷ thứ VI). Giai đoạn sau: Ở giai đoạn này, bên cạnh việc tiếp tục dùng chữ Hán để phiên âm từ tiếng Việt, đã xuất hiện những chữ Nôm tự tạo theo một số nguyên tắc nhất định. Loại chữ Nôm tự tạo này, sau phát triển theo hướng ghi âm, nhằm ghi chép ngày một sát hơn, đúng hơn với tiếng Việt. Từ thời Lý thế kỷ thứ XI đến đời Trần thế kỷ XIV thì hệ thống chữ Nôm mới thực sự hoàn chỉnh. Theo sử sách đến nay còn ghi lại được một số tác phẩm đã được viết bằng chữ Nôm như đời Trần có cuốn Thiền Tông Bản Hạnh. Đến thế kỷ XVIII - XIX chữ Nôm đã phát triển tới mức cao, át cả địa vị chữ Hán. Các tác phẩm như hịch Tây Sơn, Khoa thi hương dưới thời Quang Trung (1789) đã có bài thi làm bằng chữ Nôm. Truyện Kiều của Nguyễn Du, Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu cũng được viết bằng chữ Nôm là những ví dụ. Chữ Quốc ngữ (chữ Latinh tiếng Việt) Chữ Quốc ngữ là bộ chữ hiện dùng để ghi tiếng Việt dựa trên các bảng chữ cái Latinh của nhóm ngôn ngữ Rôman (chủ yếu là Tiếng Bồ Đào Nha).Việc chế tác chữ Latinh để biểu âm cho tiếng Việt là một công việc tập thể của nhiều linh mục dòng Tên người Châu Âu. Trong công việc này có sự hợp tác tích cực và hiệu quả của nhiều người Việt Nam, trước hết là các thầy giảng Việt Nam (giúp việc cho các linh mục người Âu). Alexandre De Rhodes đã có công lớn trong việc góp phần sửa sang và hoàn chỉnh bộ chữ Quốc Ngữ. Đặc biệt là ông đã dùng bộ chữ ấy để biên soạn và tổ chức in ấn lần đầu tiên cuốn Từ điển Việt – Bồ – La (trong đó có phần về ngữ pháp tiếng Việt) và cuốn Phép giảng tám ngày. Xét về góc độ ngôn ngữ thì cuốn diễn giảng vắn tắt về tiếng An Nam hay tiếng đàng ngoài (in chung trong từ điển) có thể được xem như công trình đầu tiên khảo cứu về ngữ pháp, còn cuốn Phép giảng tám ngày có thể được coi như tác phẩm văn xuôi đầu tiên viết bằng chữ Quốc Ngữ, sử dụng lời văn tiếng nói bình dân hàng ngày của người Việt Nam thế kỷ XVII. Tuy chữ Quốc ngữ của Alexandre De Rhodes năm 1651 trong cuốn Từ điển Việt – Bồ – La đã khá hoàn chỉnh, nhưng cũng phải chờ đến khi nó được xuất bản năm 1772, tức là 121 năm sau, với những cải cách quan trọng của Bá Đa Lộc (Pigneau de Behaine) thì chữ Quốc ngữ mới có diện mạo giống như hệ thống hiện nay. Sự kiện đánh dấu vị thế chữ Quốc ngữ là khi người Pháp hoàn thành xâm chiếm Nam Kỳ vào cuối thế kỷ XIX. Để khiến tiếng Việt đồng văn tự với tiếng Pháp, giúp phổ biến tiếng Pháp, văn hoá Pháp và dễ bề cai trị, chữ Quốc ngữ được chính quyền thuộc địa bảo hộ qua các nghị định được người Pháp ban ra với mục đich xóa bỏ chữ Hán, chữ Nôm và văn hoá truyền thống Á Đông ở Việt Nam. Ngày 22 tháng 2 năm 1869, Phó Đề đốc Marie Gustave Hector Ohier ký nghị định bắt buộc dùng chữ Quốc ngữ thay thế chữ Hán trong các công văn ở Nam Kỳ . Nghị định 82 do Thống đốc Nam Kỳ Lafont ký ngày 6/4/1878 cũng đề ra mốc hẹn trong 4 năm (tức năm 1882) thì phải chuyển hẳn sang chữ Quốc ngữ . Sang thế kỷ XX, Chính phủ Đông Pháp mở rộng chính sách dùng chữ Quốc ngữ, giao cho Nha Học chính giảng dạy ở Bắc Kỳ từ năm 1910. Việc cổ động cho học "chữ Quốc ngữ" ở Việt Nam gắn với các phong trào cải cách trong giai đoạn 1890–1910 như Hội Trí Tri, Phong trào Duy Tân, Đông Kinh Nghĩa Thục và ngành báo chí mới hình thành, đã thừa nhận và cổ vũ học "chữ Quốc ngữ", coi là phương tiện thuận lợi cho học hành nâng cao dân trí. Theo tư liệu trong "Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Hội Truyền bá Quốc ngữ (25/5/1938)" do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 25/5/2008, thì Hội ra đời ngày 25/5/1938, đến ngày 29/7/1938, Thống sứ Bắc Kỳ là người Pháp công nhận sự hợp pháp của Hội. Hội cho rằng đó là dấu mốc chắc chắn cho vị thế "chữ Quốc ngữ". Ngày nay do chữ Quốc ngữ là chữ ký tự Latinh, đồng văn tự với phần lớn ngôn ngữ trên thế giới, việc giao tiếp ngôn ngữ trên internet trở nên dễ dàng hơn so với các bộ chữ tượng hình như chữ Nôm và chữ Hán. Tuy nhiên chữ Quốc Ngữ có nhược điểm là vì thuộc dạng ký tự biểu âm, nên không có khả năng biểu nghĩa rõ ràng như chữ Hán và chữ Nôm, do vậy lại gây ra sự đồng âm khác nghĩa và hiểu sai nghĩa của từ vựng trong tiếng Việt (nếu các từ đứng độc lập, đặc biệt là tên người hay tên địa danh). Về mặt mĩ thuật, do mỗi chữ cái có chiều cao và chiều dày khác nhau, số chữ cái trong mỗi từ đơn là không giống nhau nên độ dài mỗi từ đơn là không cố định, do vậy chữ Quốc ngữ chỉ có thể viết ngang vì viết dọc sẽ bị lệch hàng. Nó gây khó khăn trong việc dóng từng hàng khi viết thơ (đặc biệt là thể loại lục bát hoặc song thất lục bát), hay khó đoán kích cỡ nội dung tổng thể (như viết tên người bị tràn ra ngoài lề và phải xuống dòng). Cùng với đó là việc không thể quy chuẩn cách viết các từ ngoại lai và tên riêng nước ngoài trong tiếng Việt là nên theo viết theo âm đọc như (tivi, in-tơ-nét, ma-két-tinh, Ma Rốc, Ả Rập Xê Út, Xô Viết).Hay theo từ gốc như (TV, internet, marketing, Maroc, Arab Saudi, Soviet). Mặc dù trước đây các từ ngoại lại hay được viết theo âm tiếng Việt như: ô tô thay cho auto bánh ga-tô thay cho bánh Gâteau Xô Viết thay cho Soviet thì gần đây các từ ngoại lai mới được sử dụng trong tiếng Việt đang theo  xu hướng chung là viết theo kiểu nguyên bản nhiều hơn như internet thay cho in-tơ-nét Arab Saudi thay cho Ả Rập Xê Út nhưng phần lớn các báo hay sách lại không viết thêm cách đọc theo âm tiếng Việt (dù chỉ cần một lần trong cặp ngoặc đơn cũng không có, do lượng lớn người Việt hiện nay cho rằng cách viết phiên âm Việt là "quê mùa"). Điều này dẫn đến vấn đề là khiến người Việt thường phát âm sai các từ ngoại lai do thường quen đọc theo âm của chữ Quốc ngữ thay vì tham khảo Bảng mẫu tự ngữ âm quốc tế. Ví dụ như từ "depot" (ga điều hành đường sắt), phát âm đúng là "đê-pâu" (Anh-Anh: ) hay "đi-pâu" (Anh-Mỹ: ), nhưng người Việt hay phát âm nhầm theo chữ Quốc ngữ là "đề-pót", một số người khác thì "đọc bừa" thành "đì-pót". Cũng như việc đọc tên người hay địa danh nước ngoài, vì tuỳ từng ngôn ngữ dùng chữ Latinh (tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Hà Lan,...) sẽ có cách phát âm là khác nhau dù ký tự giống nhau, và các hệ thống chuyển tự Latinh (pinyin, romaji, romaja) cũng chỉ biểu diễn cách đọc mang tính tương đối, nên người Việt cũng hay phát âm sai tên người nước ngoài . Ví dụ như: Tay vợt Andy Murray hay bị truyền thông Việt đọc phần họ là "Mu-ray", thực ra phát âm đúng phải là "Ma-ri" (). Câu lạc bộ bóng đá Tottenham thường bị đọc là "Tốt-ten-ham", thực ra phát âm đúng phải là "Tất-tơ-nơm" (). Các họ của người Hàn Quốc: họ Choi đọc đúng phải là "chuê", họ Lee đọc đúng phải là "i", những họ này thường đọc sai là "choi" và "ly" do romaja thường dùng cho các họ này viết là "Choi", "Lee". Khi mới sang Việt Nam, huấn luyện viên Park Hang-seo hay bị truyền thông Việt đọc tên là "Pắc Hang Xeo" như đọc chữ Quốc ngữ, và phải mất một thời gian sau tên ông mới được đọc lại là "Pắc Hang-so" hay "Pắc Hang-sơ" cho đúng với âm của tiếng Hàn. Sử dụng chữ Quốc ngữ cũng khiến cho tiếng Việt hiện nay chịu ảnh hưởng của việc "dịch và dùng trung gian" qua tiếng Anh, phổ biến nhất là tên người Nhật Bản hay bị đảo ngược theo thứ tự tên-họ như trong tiếng Anh (mặc dù tên người Nhật gốc thực tế cũng theo thứ tự là họ trước tên sau như tên người Việt), hay các bộ manga, light novel của Nhật Bản và các bài hát, bộ phim của Hàn Quốc thay vì đặt tên tiếng Việt dịch trực tiếp từ tiếng Nhật, tiếng Hàn thì lại gọi bằng tên tiếng Anh hoặc dùng tên tiếng Việt dịch trung gian qua bản tiếng Anh. Các dạng chữ đề xuất Từ 2 thế kỉ gần nhất đến nay đã và đang có rất nhiều ý tưởng chữ viết tiếng Việt đến từ các cá nhân và các nhóm hoạt động xã hội, tuy nhiên chưa có bộ chữ nào được công nhận chính thức. Dưới đây là một số ý tưởng nổi bật. Quốc Âm Tân Tự Quốc Âm Tân Tự (chữ Hán: ), nghĩa mặt chữ là "chữ quốc âm mới", là một đề xuất chữ viết tiếng Việt vào giữa thế kỷ 19. Tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiện còn lưu giữ hai bản viết tay cổ (mỗi bản có bốn tờ) của cùng một văn bản có tên là Quốc Âm Tân Tự (國音新字) viết về loại chữ này. Trong văn bản Quốc Âm Tân Tự không có thông tin cho biết ngày tháng năm cụ thể tác phẩm này được viết ra. Căn cứ vào việc trong lời tựa của tác phẩm chữ “華” (hoa) trong tên gọi “中華” (Trung Hoa) đã được tị huý bằng cách bỏ không viết nét cuối của chữ này (nét sổ) thì có thể đoán rằng văn bản này được viết dưới thời vua Thiệu Trị (Mẹ vua Thiệu Trị tên là “Hồ Thị Hoa” 胡氏華). Cuối lời tựa của văn bản có dòng chữ “五星聚斗南城居士阮子書” (Ngũ Tinh Tụ Đẩu Nam thành cư sĩ Nguyễn tử thư). Qua dòng chữ này có thể biết rằng tác giả của Quốc Âm Tân Tự là một cư sĩ mang họ Nguyễn (阮) ở thành Nam Định (南定) có biệt hiệu là Ngũ Tinh Tụ Đẩu (五星聚斗). Quốc Âm Tân Tự là loại chữ viết biểu âm chế tác từ các nét của chữ Hán và chữ Nôm (tương tự như Hiragana và Katakana của tiếng Nhật hay Chú âm Phù hiệu của tiếng Quan thoại Đài Loan) dựa theo âm đọc của tiếng Việt, có 22 “cán tự” 幹字 và 110 “chi tự” 枝字 ("cán" nghĩa là thân cây, "chi" nghĩa là cành cây). Cán tự được dùng để ghi phụ âm đầu, chi tự dùng để ghi vần. Mỗi cán tự đều được đặt tên bằng một từ mang vần “ông” có phụ âm đầu là phụ âm đầu mà cán tự đó biểu thị, ví dụ như cán tự biểu thị phụ âm “đ” được đặt tên là “đông” (tương tự như hiện nay người Việt gọi phụ âm "đ" là âm "đờ"). Quốc Âm Tân Tự không phân biệt “d” và “gi” như chữ Quốc ngữ (có thể do tác giả dưa theo giọng miền Bắc khi "d" và "gi" phát âm gần như giống nhau). Có một cán tự được dùng để ghi phụ âm đầu /ʔ/, cán tự này được đặt tên là “ông”. Tác giả của Quốc Âm Tân Tự đã dùng bốn nét bút là ngang (一), sổ (丨), chấm (丶), phẩy (丿) (nét phẩy còn có biến thể là “㇏”) để tạo nên các cán tự và chi tự. Không phải chữ đơn nào cũng có đủ bốn nét bút kể, có những chữ đơn chỉ có chứa hai hoặc ba nét bút nhưng dù một chữ đơn có bao nhiêu nét bút thì tổng số nét, không phân biệt loại nét bút, trong chữ đơn đó đều là bốn. Quốc Âm Tân Tự sử dụng cách phân chia thanh điệu truyền thống, thanh điệu được chia thành bốn loại là “bình” 平, “thướng” 上, “khứ” 去, “nhập” 入. Mỗi loại lại được chia ra thành hai bậc “âm” 陰 và “dương” 陽. Tổng cộng có tám thanh là: “Âm bình” 陰平: là thanh ngang theo cách gọi ngày nay. “Dương bình” 陽平: là thanh huyền theo cách gọi ngày nay. “Âm thướng” 陰上: là thanh hỏi theo cách gọi ngày nay. “Dương thướng” 陽上: là thanh ngã theo cách gọi ngày nay. “Âm khứ” 陰去: là thanh sắc ở các từ mà khi viết bằng chữ quốc ngữ không kết thúc bằng một trong bốn chữ “c”, “ch”, “p”, “t”. “Dương khứ” 陽去: là thanh nặng ở các từ mà khi viết bằng chữ quốc ngữ không kết thúc bằng một trong bốn chữ “c”, “ch”, “p”, “t”. “Âm nhập” 陰入: là thanh sắc ở các từ mà khi viết bằng chữ quốc ngữ kết thúc bằng một trong bốn chữ “c”, “ch”, “p”, “t”. “Dương nhập” 陽入: là thanh nặng ở các từ mà khi viết bằng chữ quốc ngữ kết thúc bằng một trong bốn chữ “c”, “ch”, “p”, “t”. Các thanh thuộc bậc âm được ghi bằng một dấu nhỏ hình nửa vòng tròn, các thanh thuộc bậc dương được ghi bằng một dấu nhỏ hình vòng tròn. Để biểu thị thanh bình, dấu thanh được đặt bên cạnh “chân trái” của chữ, với thanh thướng dấu thanh được đặt bên canh “vai trái” của chữ, với thanh khứ dấu thanh được đặt bên cạnh “vai phải” của chữ, với thanh nhập dấu thanh được đặt bên cạnh “chân phải” của chữ. Quốc Âm Tân Tự có thể viết dọc hoặc viết ngang như chữ Hán và chữ Nôm, và là một bộ chữ biểu âm do chính người Việt tạo ra (khi mà chữ Nôm là chữ biểu nghĩa do người Việt tạo ra, còn chữ Quốc ngữ là chữ biểu âm lại do người nước ngoài tạo ra). Đáng tiếc là khi Quốc Âm Tân Tự ra đời nó đã không có thời gian đủ dài để được hoàn chỉnh và phổ biến ra dân chúng như Kana ở Nhật Bản, bởi tình hình chính trị và xã hội của Việt Nam khi đó quá phức tạp do sự cai trị dần suy yếu của nhà Nguyễn và cuộc xâm lược của Pháp bắt đầu diễn ra. Quốc ngữ phiên âm tự Quốc ngữ phiên âm tự, Kí hiệu phát âm, Việt ngữ chú giải phiên âm tự hay Chữ chú âm tiếng Việt, một số nơi gọi tắt là chữ PA (Phonetic Annotation), là những tên gọi khác nhau của bộ chữ do một kỹ sư phần mềm người Đức gốc Việt sáng tạo vào khoảng năm 2013 và được những người dùng trong cộng đồng cải tiến, chỉnh sửa nhiều lần. Tên gọi của bộ chữ vẫn chưa được thống nhất. Bộ chữ được công bố và sử dụng trên trang web chunom.org. Giữa năm 2019, một người dùng trang web đã đề xuất một phiên bản mới của hệ thống này để nó phù hợp hơn khi được sử dụng như một bộ chữ viết. Phiên bản mới này vẫn còn được dùng đến hiện tại. Cũng giống như Quốc âm tân tự, Quốc ngữ phiên âm tự là loại chữ viết biểu âm chế tác từ các nét của chữ Hán và chữ Nôm. Tuy nhiên bộ chữ này chưa được phân vào loại nào theo phương thức kí âm. Nó không phải là một alphabet vì mỗi kí tự trong bảng không phải là một nguyên âm hay phụ âm, cũng không phải là một syllabary vì mỗi ký tự không phải là một âm tiết, và càng không phải là một abugida vì mỗi kí tự ghi phụ âm tự thân không có chứa một nguyên âm cố hữu. Nhìn chung, bộ chữ này có thể được chia thành: 23 phụ âm đầu: được ghi bằng các bộ nét hoặc bộ thủ chữ Hán có phụ âm đầu tương ứng trong cách đọc. Ví dụ: 巴 (ba) = b-, 工(công) = c-, k-; 廴 (dẫn) = d- (z-);... 22 nguyên âm (gồm 8 tổ hợp bán nguyên âm đầu + nguyên âm): được ghi bằng các nét sổ, móc...dựa trên mối liên hệ về ngữ âm học của từng nguyên âm. Bán nguyên âm đầu /w/ được kí hiệu bằng một nét gạch ngang phần đầu của nguyên âm tương ứng trong tổ hợp 2 bán nguyên âm cuối: フ=/w/ (tương dương "o" và "u") và レ=/j/ (tương dương "i" và "y") 8 phụ âm cuối: cũng ược ghi bằng các bộ nét hoặc bộ thủ chữ Hán được viết bớt nét hoặc chỉnh sửa hình dạng có phụ âm đầu tương ứng trong cách đọc. Ví dụ: 勹(bao)=-p, 亇(cá)=-c, 尔(nhĩ)=-nh... Việc chỉnh sửa hình dạng bộ nét chữ Hán là để không bị nhầm lẫn trong văn bản có dùng chung với chữ Hán. Bộ chữ này cũng sử dụng hệ thống các dấu phụ để ghi thanh điệu. Phiên bản cải tiến đã hạn chế bớt một số dấu phụ và thay vào đó tích hợp ghi thanh điệu vào phụ âm đầu. Để làm được điều này, người cải tiến đã sử dụng cách chia thanh điệu truyền thống. Cụ thể: tương ứng với hai bậc âm, dương của mỗi loại sẽ là hai loại phụ âm đầu: phụ âm đầu bậc dương và phụ âm đầu bậc âm. Các dấu phụ đảm nhận vai trò phân biệt các loại thanh có ở mỗi bậc. Các từ có thanh nhập (có phụ âm cuối nếu được ghi bằng chữ Latinh là “c”, “ch”, “p” hoặc “t”) có thể không cần ghi dấu phụ. Chữ này có hai cách viết: viết kiểu vuông và viết kiểu rời: Kiểu vuông là cách viết mà ở đó các ký tự hợp lại thành một chữ đơn lập, tương đương một từ đơn hay một tiếng của tiếng Việt, tức là bao gồm đầy đủ các âm tố là phụ âm đầu + nguyên âm + phụ âm cuối + thanh điệu trong một khối vuông. Cách viết này giống như các bộ thủ ghép lại thành chữ Hán Nôm truyền thống, hay các chamo ghép lại thành một từ đơn trong Hangul của tiếng Hàn. Khi viết kiểu vuông, tổ hợp phụ âm đầu + nguyên âm sẽ nằm ở trên, phụ âm cuối nếu có sẽ nằm ở dưới; bán nguyên âm cuối フ sẽ đổi thành ㄤ và レ đổi thành 衣 (ở một số phiên bản, nếu từ được viết không có phụ âm cuối thì vị trí phụ âm cuối trong kí tự sẽ là 云). Kiểu rời là cách viết được sử dụng từ khi bộ chữ còn là hệ thống kí hiệu phát âm: tổ hợp phụ âm đầu + nguyên âm sẽ được ghi trong một cặp, còn phụ âm cuối hoặc bán nguyên âm cuối sẽ viết rời, một từ nếu có phụ âm cuối hoặc bán nguyên âm cuối do vậy sẽ được diễn đạt bằng 2 kí tự (2 ô vuông). Những cách viết này tận dụng việc lắp ghép ký tự thành từ đơn trong không gian vuông cố định như các chữ Hán và chữ Nôm hay như Kana và Hangul, giúp nó vừa có thể viết dọc kiểu truyền thống vừa có thể viết ngang kiểu hiện đại, đồng thời có thể xếp thẳng đều và đẹp, tăng tính thẩm mỹ (điều mà chữ Quốc ngữ không thể làm được vì kích thước ký tự latinh và số lượng ký tự của mỗi từ đơn là khác nhau, nên nếu muốn viết dọc thì buộc phải xoay chữ, không thì sẽ lệch hàng dọc và xấu). Hiện nay chủ yếu dùng kiểu rời, do sự tiện lợi của nó trong việc thiết kế font chữ và khả năng dùng kết hợp với chữ Hán và chữ Nôm đóng vai trò là văn tự biểu ý để bổ nghĩa và tránh đồng âm khác nghĩa (giống như cách phối hợp của Kana và Kanji trong tiếng Nhật). Đối với việc dùng bộ chữ PA này để viết các từ ngoại lai trong tiếng Việt, nó cũng sẽ tập trung biểu âm tiếng Việt nhiều hơn so với chữ Quốc ngữ, do chữ Quốc ngữ cũng là chữ Latinh và xu hướng hiện nay là các từ ngoại lai và tên người nước ngoài trong tiếng Việt thay vì viết theo âm tiếng Việt thì thuờng được viết theo kiểu nguyên bản (tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Hà Lan,...) hay chuyển tự Latinh (pinyin, romaji, romaja,...) mà không kèm chú thích cách đọc, khiến người Việt thường đọc sai. Ví dụ đơn giản như từ video () - "vi-đi-ô" mà người Việt thường hay đọc sai là "vi-deo" ("vi-zeo") theo chữ Quốc ngữ, nếu viết theo chữ PA thì nó sẽ thường được viết bằng những ký tự thể hiện ba âm tiết đúng là "vi", "đi" và "ô" một cách thường xuyên và mọi người sẽ dễ đọc đúng hoặc gần đúng hơn. Đây là cách làm phổ biến mà các ngôn ngữ không sử dụng chữ Latinh như tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Thái,... thường dùng để viết và đọc từ ngoại lai và tên riêng nước ngoài: viết theo âm đọc của ngôn ngữ đang sử dụng hàng ngày thay vì viết dựa theo hệ thống chuyển tự Latinh. Đề xuất dạy chữ Hán trong trường phổ thông Những năm qua giới hàn lâm trong lĩnh vực Hán Nôm đã đưa ra ý tưởng về "dạy chữ Hán trong trường phổ thông Việt Nam" (dạy chữ Hán và chữ Nôm trong tiếng Việt, như trường học ở Hàn Quốc dạy Hanja và Nhật Bản dạy Kanji, tránh nhầm là dạy tiếng Trung tức là dạy ngoại ngữ). Nó thể hiện nhiều nhất ở Hội thảo "Vai trò của Hán Nôm trong văn hóa đương đại" tháng 8/2016 , và điển hình là bài viết của PGS. TS Đoàn Lê Giang từ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh . Ý tưởng về sự cần thiết này dựa trên 3 lý do: Hiện nay trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong sách báo,... thì tiếng Việt đang bị "dùng sai một cách khủng khiếp". Khoảng già nửa đến 80% từ vựng tiếng Việt là từ gốc Hán (tùy cách ước lượng), với lượng từ đồng âm khá cao, nhưng bị dùng sai tràn lan, ví dụ dùng "khiếm nhã" như là "trang nhã", "yếu điểm" là "điểm yếu",... Người Việt đang "vong bản ngay trên đất nước mình", thể hiện là hầu như không ai biết văn ngôn và chữ Nôm, không đọc được những gì tổ tiên đã viết trên các đình, chùa, bia, miếu,... Các nước Đông Á "không có nước nào dám đoạn tuyệt với chữ Hán", nhờ đó giữ vững được truyền thống và bản sắc văn hóa, đồng thời phát triển được khoa học kỹ thuật và kinh tế, như Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc,... và cho rằng "Thiếu chữ Hán làm nước ta nghèo nàn, lạc hậu". Tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong những năm Chiến tranh Đông Dương không dạy chữ Hán trong trường phổ thông (hệ 9 năm). Hiện nay chữ Hán và chữ Nôm được giảng dạy trong chuyên ngành Hán Nôm bậc đại học. Ngoài ra còn có một số hội hay tổ chức chuyên dạy chữ Hán và chữ Nôm trong tiếng Việt (tránh nhầm lẫn là dạy tiếng Trung) cho người có nhu cầu. Ghi chú
Arthur Charles Erickson (14 tháng 6 năm 1924 tại Vancouver, Canada – 20 tháng 5 năm 2009 tại Vancouver) là một kiến trúc sư Hiện đại nổi tiếng thế giới. Bê tông là vật liệu ưu thích trong các thiết kế của Arthur Erickson, ông từng phát biểu: "Bê tông là đá hoa cương của thế kỉ 20". Công trình Đại sứ quán Canada tại Mỹ của ông được xem là nguồn cảm hứng cho tác phẩm Toà nhà phía Đông, Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia Mỹ của kiến trúc sư I.M Pei. Năm 1973, ông được nhà nước Canada tặng Huân chương Canada (Order of Canada), bậc Sĩ quan (Officer) và năm 1981 được thăng bậc cao nhất của huân chương này (Companions of the Order of Canada). Năm 1986, ông được tặng thưởng Huy chương vàng AIA. Hiện nay ông đứng đầu hãng Thiết kế kiến trúc Arthur Erickson đặt trụ sở tại Vancouver, Canada và có văn phòng tại nhiều nơi trên thế giới. Một số công trình thiết kế Đại học Simon Fraser, Vancouver, Canada Bảo tàng Nhân chủng học, Đại học British Columbia, Vancouver, Canada Đại học Lethbridge, Alberta, Canada Gian triển lãm Canada tại triển lãm thế giới Expo 1965, Tokyo Sứ quán Canada ở Washington, D.C., Mỹ Toà án Robson Square, Vancouver, British Columbia Tòa thị chính, Fresno, California, Mỹ Trung tâm hội nghị San Diego, California, Mỹ Phòng hòa nhạc Roy Thomson, Toronto, Ontario, Canada Toà án Palm, Vancouver, Canada. Mở rộng khu nhà thí nghiệm, Khoa Sinh học, Đại học Stanford, Mỹ
Bài này viết về địnhlý Birkhoff cho đại số ma trận, các định lý khác xem Định lý Birkhoff (định hướng) Hình đa diện Birkhoff là một vấn đề được tìm ra năm 1946, tuy nhiên, kết quả đầu tiên của nó đã được tìm ra từ năm 1916 bởi Dénes König và sau đó được bổ sung bởi nhà toán học Mỹ John von Newmann vào năm 1953. Giống như định lý König, định lý này có thể được diễn dịch qua một dòng chảy mạng (network flow) trở thành một công thức cho lập trình tuyến tính (xem Lý thuyết đối ngẫu (lập trình tuyến tính)). Các khái niệm Ma trận ngẫu nhiên kép là ma trận mà các số hạng của nó là không âm và tổng số của các số hạng trên mỗi hàng hay mỗi cột đều bằng 1. Ma trận hoán vị là ma trận mà mỗi hàng hay mỗi cột của nó chỉ có duy nhất một số hạng có giá trị bằng 1, còn lại các số hạng khác đều bằng 0. Phát biểu vấn đề Mọi ma trận ngẫu nhiên kép đều là một tổ hợp lồi của các ma trận hoán vị
Thuật ngữ định lý Birkhoff có thể được dùng cho nhiều lãnh vực của toán học và vật lý học bao gồm: Định lý về ergodic do George David Birkhoff tìm ra liên hệ các trung bình giữa thời gian và không gian. Định lý HSP của Garrett Birkhoff về đặc điểm của các cấu trúc đại số; xem thêm Đa tạp (Đại số phổ dụng). Định lý biểu diễn về các mạng phân phối của Garrett Birkhoff thiết lập một song ánh giữa các poset hữu hạn và các mạng phân phối hữu hạn; xem Mạng phân phối. Định lý Birkhoff của thuyết tương đối, được chứng minh trong năm 1923 bởi George David Birkhoff và Rudolph Langer rằng giải pháp tổng quát đối xứng cầu của phương trình Einstein chân không là giải pháp Schwarzschild. Các bàn luận về định lý Birkhoff có thể tìm thấy trong bài Định lý Birkhoff (thuyết tương đối). Định lý birkhoff về điện từ học phát biểu rằng một giải pháp đối xứng cầu cho các phương trình Maxwell nguồn tự do là tĩnh. Bàn thảo của định lý này có thể tìm thấy trong Định lý Birkhoff (điện từ học).
Kiến trúc cảnh quan là nghệ thuật, lập kế hoạch phát triển, thiết kế, quản lý, bảo tồn và phục chế lại cảnh quan của khu vực và địa điểm xây dựng của con người. Phạm vi hoạt động của kiến trúc cảnh quan liên quan đến thiết kế kiến trúc, thiết kế tổng mặt bằng, phát triển bất động sản, bảo tồn và phục chế môi trường, thiết kế đô thị, quy hoạch đô thị, thiết kế các công viên và các khu vực nghỉ ngơi giải trí và bảo tồn di sản. Người hoạt động trong lĩnh vực kiến trúc cảnh quan được gọi là kiến trúc sư cảnh quan. Lịch sử của kiến trúc cảnh quan Các hiệp hội tổ chức quốc tế về kiến trúc cảnh quan IFLA Hiệp hội Kiến trúc cảnh quan Quốc tế EFLA Hiệp hội Kiến trúc sư Kiến trúc cảnh quan châu Âu ELAN Mạng kiến trúc cảnh quan châu Âu ELASA Hiệp hội Sinh viên Kiến trúc cảnh quan châu Âu ECLAS Hiệp hội các Trường đào tạo Kiến trúc cảnh quan châu Âu IDAD Hiệp hội Kiến trúc sư Thiết kế khu Nghỉ và Du lịch Các tổ chức quốc gia Châu Mỹ CAAP Trung tâm Kiến trúc sư cảnh quan Argentina ABAP Hiệp hội Kiến trúc sư cảnh quan Brasil CSLA Hội Kiến trúc sư cảnh quan Canada (Canadian Society of Landscape Architects) OALA Hội Kiến trúc sư cảnh quan Ontario - Canada APAP Hiệp hội Kiến trúc sư cảnh quan Peru ASLA Hiệp hội Kiến trúc sư cảnh quan Mỹ CLARB Ủy ban đăng ký của Kiến trúc cảnh quan Mỹ và Canada Châu Âu ÖGLA Hiệp hội Kiến trúc sư cảnh quan Áo BVTL-ABAJP Hiệp hội Kiến trúc sư cảnh quan Bỉ MARK Hiệp hội Kiến trúc sư cảnh quan Phần Lan FFP Hiệp hội Kiến trúc sư cảnh quan Pháp BDLA Hiệp hội Kiến trúc sư cảnh quan Đức FILA Hiệp hội Kiến trúc sư cảnh quan Iceland ILI Học viện Kiến trúc cảnh quan Ireland AIAPP Hiệp hội Kiến trúc sư cảnh quan Ý NVTL Hiệp hội Kiến trúc sư cảnh quan Hà Lan APAP Hiệp hội Kiến trúc sư cảnh quan Bồ Đào Nha ALA Hiệp hội Kiến trúc sư cảnh quan Serbia và Montenegro BSLA Hiệp hội Kiến trúc sư cảnh quan Thụy Sĩ LI Landscape Institute Hiệp hội Kiến trúc sư cảnh quan Anh EFLA Quỹ Kiến trúc cảnh quan châu Âu Châu Á và châu Úc AILA Hiệp hội Kiến trúc sư cảnh quan Úc ISOLA Hiệp hội Liến trúc sư cảnh quan Ấn Độ KILA Hiệp hội Kiến trúc sư cảnh quan Hàn Quốc NZILA Hiệp hội Kiến trúc sư cảnh quan New Zealand SILA Hiệp hội Kiến trúc sư cảnh quan Singapore TALA Hiệp hội Kiến trúc sư cảnh quan Thái lan Châu Phi ILASA Hiệp hội Kiến trúc sư cảnh quan Nam Phi AAK Hiệp hội Kiến trúc sư cảnh quan Kenya
Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro (VSP; ) là liên doanh thăm dò và khai thác dầu khí giữa Việt Nam và Liên bang Nga, hiện hoạt động vận hành, khai thác trên thềm lục địa Việt Nam tại các mỏ dầu & khí: Mỏ Bạch Hổ, Mỏ Rồng, Cá Tầm, Thiên Ưng... Trụ sở chính của Vietsovpetro đặt tại số 105 đường Lê Lợi, phường Thắng Nhì, thành phố Vũng Tàu, Việt Nam. Theo bảng xếp hạng VNR500 (Top 500) năm 2021, Vietsovpetro là công ty lớn thứ 28 tại Việt Nam.. Lịch sử Liên doanh được thành lập từ ngày 19 tháng 11 năm 1981, có trụ sở tại Vũng Tàu. Nga (lúc đó còn là Liên Xô) và Việt Nam hiện có mỗi bên một nửa trong tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ đô la. Đại diện cho phía Việt Nam trong liên doanh là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam còn đại diện phía Nga là Liên đoàn Kinh tế đối ngoại Liên bang Nga (Zarubezhneft). Hiện nay đây là mảng hợp tác hiệu quả của hai nước, riêng ngân sách của Nga hàng năm nhận khoảng 500-700 triệu USD từ liên doanh, tổng doanh thu phía Nga đạt trên 4,5 tỷ USD. Khai thác tấn dầu đầu tiên: ngày 26 tháng 6 năm 1986. Hoạt động: đến 1992 đạt 10 triệu tấn, 20 triệu tấn vào năm 1993, 50 triệu tấn năm 1997, 100 triệu tấn năm 2001 và đến 4 tháng 12 năm 2005 đạt tổng sản lượng khai thác 150 triệu tấn dầu thô. Quy mô: Vietsovpetro đóng góp khoảng 80% lượng dầu thô xuất khẩu hàng năm từ Việt Nam. Chính phủ hai nước đã đồng ý cho liên doanh lập dự án mới về quy mô hoạt động sau khi hợp đồng liên doanh hết hạn vào 2010, bao gồm cả khả năng hoạt động tại một nước thứ ba. Vào ngày 10 tháng 12 năm 2010, VietsovPetro đã đồng ý tiếp tục hợp tác với Công ty Cổ phần Zarubezhneft của nhà nước Nga trong 20 năm cho đến năm 2030. Theo thỏa thuận mới, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Petrovietnam nắm 51% cổ phần trong liên doanh và công ty của Nga chiếm 49%. Hiện nay Tổng giám đốc là ông Vũ Mai Khanh. Khen thưởng Anh hùng Lao động 1997, 2001 Huân chương Hồ Chí Minh 2009 Huân chương Sao vàng 2010 Huân chương Độc lập hạng Nhất (2005), Nhì (1996), Ba (1993) Huân chương Quân công hạng III (2011, 2016) Huân chương Lao động hạng Nhất (1985, 1990), Nhì (2008), Ba (1996, 1997, 2007) Huy chương Chiến công hạng Nhất (1995), Ba (2001) Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất 2015
Thức cột Ionic là một trong ba thức cột cổ điển của hệ thống kiến trúc cổ điển, hai loại còn lại là thức cột Doric và thức cột Corinth. Ngoài ra còn hai loại nữa, ít được sử dụng hơn là thức cột Tuscan và một phiên bản phức tạp của thức cột Corinthian là thức cột tổng hợp, được các kiến trúc sư Ý thêm vào trong lý thuyết và thực hành. Thức cột Ionia xuất phát từ vùng Ionia (Ιωνία) từ giữa thế kỷ 6 trước Công nguyên; Ionia là vùng bao gồm bờ biển phía Tây Nam của Hy Lạp và các hòn đảo của vùng Tiểu Á, nơi mà người Hy Lạp định cư và thổ ngữ của người Ionia được sử dụng. Thức cột Ionic được bắt đầu sử dụng ở Hy Lạp từ thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên. Đền thờ thần Hera ở Samos (Σάμος), xây dựng từ năm 570 đến 560 trước Công nguyên do kiến trúc sư Rhoikos thực hiện, được coi là ngôi đền vĩ đại nhất trong số các đền sử dụng thức cột Ionic. Ngôi đền này tồn tại chỉ khoảng một thập kỷ trước khi bị đổ do một trận động đất.Một ngôi đền tồn tại lâu hơn có sử dụng thức cột Ionic là Đền thờ Artemis ở Ephesus, được xếp hạng một trong bảy kì quan thế giới cổ đại. Không giống thức cột Doric, thức cột Ionic đặt trên phần đế và có phần bệ đỡ cột (stylobate) nằm giữa thân cột và đế cột. Đầu cột Ionic có đặc điểm gồm hai vòng cuốn xoắn ốc (volute) được gắn trên đầu cột được trang trí gờ chỉ. Đầu cột được trang trí với các họa tiết khắc chìm. Khởi đầu, phần cuốn ốc này thường nằm trên một mặt phẳng, sau này được uốn cong ra ngoài ở các góc. Đặc điểm này làm cột Ionic trông mềm mại hơn cột Docric, người quan sát có thể quan sát được cả từ mặt đứng hoặc mặt bên của cột. Vào thế kỉ 16, một kiến trúc sư và nhà lý thuyết kiến trúc người Italia là Vincenzo Scamozzi đã thiết kế một phiên bản của thức cột Ionic với sự kết hợp của bốn vòng cuốn xoắn ốc trên đầu cột. Phiên bản của Scamozzi đã trở nên phổ biến hơn thức cột nguyên bản.
Chi Keo (danh pháp khoa học: Acacia) là một chi của một số loài cây thân bụi và thân gỗ có nguồn gốc tại đại lục cổ Gondwana, thuộc về phân họ Trinh nữ (Mimosoideae) thuộc họ Đậu (Fabaceae), lần đầu tiên được Linnaeus miêu tả năm 1773 tại châu Phi. Hiện nay, người ta biết khoảng 1.300 loài cây keo trên toàn thế giới, trong đó khoảng 950 loài có nguồn gốc ở Australia, và phần còn lại phổ biến trong các khu vực khô của vùng nhiệt đới và ôn đới ấm ở cả hai bán cầu, bao gồm châu Phi, miền nam châu Á, châu Mỹ. Tuy nhiên, chi Acacia dường như là không đơn ngành. Phát hiện này đã dẫn tới sự chia tách Acacia thành 5 chi mới, xem thêm bài Danh sách các loài cây keo. Loài sinh trưởng xa nhất về phía bắc của chi này là Acacia greggii (keo vuốt mèo), đạt tới 37°10' vĩ bắc ở miền nam Utah, Hoa Kỳ; loài sinh trưởng xa nhất về phía nam là Acacia dealbata (keo bạc), Acacia longifolia (keo bờ biển hay keo vàng Sydney), Acacia mearnsii (keo đen) và Acacia melanoxylon (keo gỗ đen), đạt tới 43°30' vĩ nam ở Tasmania, Australia, trong khi Acacia caven đạt tới vĩ độ tương tự như thế về phía nam, tại khu vực đông bắc tỉnh Chubut, Argentina. Trong tiếng Anh, các loài ở Australia gọi chung là wattle (cây keo Úc), còn các loài châu Phi và châu Mỹ gọi chung là acacia (cây keo). Đặc điểm Lá của các loài keo nói chung là loại lá hình lông chim phức. Tuy nhiên, ở một số loài đặc biệt ở Australia và các đảo trên Thái Bình Dương thì các lá chét bị triệt tiêu và các cuống lá có dạng phẳng và bẹt, hướng lên trên, có tác dụng giống như lá; chúng được gọi là cuống dạng lá. Hướng thẳng đứng của các cuống dạng lá bảo vệ cho các loài cây này không bị quá nóng do ánh sáng dữ dội của Mặt Trời, do chúng chắn ít ánh sáng hơn so với các lá cây nằm ngang. Một số loài (chẳng hạn Acacia glaucoptera) thiếu cả lá lẫn cuống dạng lá, nhưng có cành dạng lá, là một phần của thân cây đã biến đổi thành dạng tương tự như lá để có chức năng quang hợp. Các hoa nhỏ có 5 cánh hoa rất nhỏ, gần như ẩn kín trong các nhị hoa dài và được phân bổ trong các cụm hoa dày dặc dạng hình cầu hay hình trụ; chúng có màu vàng hay màu kem ở một số loài, một số loài khác thì màu hơi trắng hay thậm chí là tía (chẳng hạn Acacia purpureapetala) hoặc đỏ (trong loài được trồng gần đây Acacia leprosa). Các loài thường có gai, đặc biệt ở các loài sinh trưởng trong khu vực khô cằn. Chúng thường là các cành bị ngắn đi, cứng và sắc, hoặc đôi khi là lá kèm dạng lá biến hóa thành. Các ví dụ: Acacia armata là cây gai Kangaroo ở Australia, Acacia giraffae, là cây gai lạc đà ở châu Phi. Tại Trung Mỹ, Acacia sphaerocephala (cây gai bò) và Acacia spadicigera, các lá kèm tương tự như gai lớn thường rỗng và cung cấp nơi làm tổ cho các loài kiến, chúng ăn các chất được tiết ra trên cuống lá và các loại thức ăn kỳ dị ở chóp lá chét; ngược lại chúng bảo vệ cho cây chống lại các loài côn trùng ăn lá. Tại Australia, các loài keo bị ấu trùng của một số loài nhậy thuộc họ Hepialidae phá hoại, chẳng hạn các loài thuộc chi Aenetus như A. ligniveren. Chúng đào hang theo chiều ngang vòng quanh thân cây, sau đó theo chiều đứng xuống dưới. Các ấu trùng khác cùng thuộc bộ Lepidoptera cũng được ghi nhận là phá hoại Acacia, như bướm đuôi nâu, Endoclita malabaricus và nhậy củ cải. Các loài ấu trùng ăn lá của một số loài thuộc họ Bucculatricidae cũng phá hoại lá keo: chẳng hạn Bucculatrix agilis chỉ ăn lá của cây Acacia horrida hay Bucculatrix flexuosa chỉ ăn lá cây Acacia nilotica. Sử dụng Trong công nghiệp và y tế Một số loài keo khác nhau sản xuất ra chất gôm. Gôm Ả Rập thực thụ là sản phẩm của loài keo Senegal (Acacia senegal), là loài cây phổ biến ở vùng nhiệt đới khô cằn ở Tây Phi, từ Sénégal tới miền bắc Nigeria. Acacia arabica là cây "keo Ả Rập" ở Ấn Độ, nhưng chúng tạo ra gôm kém chất lượng hơn so với gôm Ả Rập thực thụ. Vỏ cây Acacia arabica được sử dụng ở Sindh để thuộc da. Trong y học Ayurveda, vỏ cây này được coi là phương thuốc có ích trong điều trị việc xuất tinh sớm. Vỏ các loài keo khác nhau rất giàu tanin và là một mặt hàng xuất khẩu quan trọng; các loài có giá trị lớn nhất trong việc này là Acacia pycnantha (keo vàng), Acacia decurrens (keo vỏ dà), Acacia dealbata (keo bạc) và Acacia mearnsii (keo đen). Loài keo đen được trồng ở Nam Phi. Quả của Acacia nilotica (gọi là "neb-neb" trong ngôn ngữ bản địa), một loài khác ở châu Phi cũng rất giàu tanin và cũng được những thợ thuộc da sử dụng. Một số loài cung cấp các loại gỗ có giá trị; chẳng hạn Acacia melanoxylon (keo gỗ đen) ở Australia, chúng là loài cây thân gỗ lớn; gỗ của chúng được dùng để làm đồ gỗ nội thất và có độ bóng cao; hay Acacia homalophylla (gỗ Myall, cũng ở Australia) tạo ra gỗ có mùi thơm, được sử dụng cho mục đích làm cảnh. Acacia formosa cung cấp loại gỗ có giá trị của Cuba gọi là "sabicu". Acacia seyal được coi là cây keo (shitta) đã xuất hiện trong Kinh Thánh và cung cấp gỗ shitta. Nó được sử dụng trong sản xuất hộp đựng pháp điển của người Do Thái. Là một biểu tượng tinh thần, nó còn là một trong những biểu tượng có quyền lực nhất trong hội Tam điểm, thể hiện linh hồn của Thượng đế và sự tinh khiết của tâm hồn. Acacia heterophylla từ đảo Réunion và Acacia koa (keo Hawaii) từ quần đảo Hawaii là các loài cây lấy gỗ có giá trị. Tại Việt Nam, các loài cây keo tai tượng (Acacia mangium) và keo lá tràm (Acacia auriculiformis) được trồng để làm nguyên liệu sản xuất giấy, cải tạo vườn rừng. Acacia farnesiana được sử dụng trong công nghiệp sản xuất nước hoa do nó có mùi thơm rất mạnh. Chất làm se trong y học, chất cao su (catechu), thu được từ một số loài, nhưng đặc biệt là ở Acacia catechu, bằng cách luộc gỗ và cho bay hơi dung dịch để thu được các chất chiết ra. Cây cảnh Một số loài được sử dụng như là các loại cây cảnh; phổ biến nhất có lẽ là Acacia dealbata (keo bạc) có các lá từ màu lục xám tới màu bạc và các hoa màu vàng sáng; nó đôi khi còn bị gọi sai thành "trinh nữ" (mimosa) tại một số khu vực có trồng, bởi sự nhầm lẫn với cây trinh nữ thực thụ thuộc chi Mimosa (chẳng hạn tại Đà Lạt, Việt Nam). Ẩm thực Hạt của một số loài keo được dùng làm thực phẩm và các một loạt các sản phẩm khác trong ẩm thực. Ví dụ, hạt của Acacia niopo được nướng và dùng như là thuốc hít tại Nam Mỹ. Tại Lào và Thái Lan, các loại rễ của Acacia pennata (gọi là cha-om) được sử dụng trong súp, cà ri, trứng ốp lết hay các món xào. Dược phẩm Nhiều loài trong chi Acacia chứa một số ancaloit có các tác động tới thần kinh như gây ảo giác, trong đó DMT và NMT là nổi bật và có ích nhất. Lá, thân và/hoặc rễ có thể ủ với một số thực vật chứa MAOI để thu được các tác dụng khi uống. Nó có thể coi là một dạng của Ayahuasca. Có thể liên quan đến tác dụng này, thần thoại Ai Cập đã gắn cây keo với các đặc trưng của cây của sự sống (xem thêm bài về Huyền thoại Osiris và Isis). Các ancaloit trong các loài khác nhau, từ TiHKAL (của Alexander Shulgin): Các loài Xem Danh sách các loài cây keo để có danh sách một phần của các loài cây thuộc chi này.
Cơ quan Tình báo Trung ương (tiếng Anh: Central Intelligence Agency; viết tắt: CIA) là một cơ quan tình báo quan trọng của Chính quyền Liên bang Hoa Kỳ, có nhiệm vụ thu thập, xử lí và phân tích các thông tin tình báo có ảnh hưởng tới an ninh quốc gia của Hoa Kỳ từ khắp nơi trên thế giới, chủ yếu là thông qua hoạt động tình báo của con người (human intelligence viết tắt là HUMINT). Là thành viên chính thuộc Cộng đồng tình báo Hoa Kỳ (IC), CIA có nhiệm vụ phải báo cáo thông tin cho Giám đốc Tình báo Quốc gia và cũng đồng thời cung cấp các thông tin tình báo quan trọng cho tổng thống và nội các của Hoa Kỳ. CIA có tổng hành dinh nằm ở Langley, Virginia, một vài dặm về phía Tây Thủ đô Washington, D.C. Nhân viên của cơ quan hoạt động từ các Đại sứ quán của Hoa Kỳ và nhiều địa điểm ở khắp thế giới. Không giống như FBI với nhiệm vụ đảm bảo an ninh trong phạm vi lãnh thổ Hoa Kỳ, CIA không có lực lượng thực thi pháp luật trong nước mà chủ yếu tập trung vào hoạt động thu thập thông tin tình báo ở nước ngoài và bị giới hạn việc thu thập thông tin tình báo bên trong nước. Trước đạo luật cải tổ hệ thống tình báo vào chống khủng bố của Quốc hội Hoa Kỳ năm 2004, Giám đốc CIA là người đứng đầu trong Cộng đồng tình báo Hoa Kỳ; ngày nay, CIA dưới quyền của Giám đốc Tình báo Quốc gia. Năm 2013, tờ Washington Post thông báo rằng CIA có phần chia đều trong Chương trình Tình báo Quốc gia (National Intelligence Program - NIP), một tổ chức phi quân sự và là một phần của Quỹ Cộng đồng Tình báo Hoa Kỳ đã tăng 28% trong năm 2013, vượt quá phần chia bởi NIP đến các Cơ quan Quân sự như Cơ quan Trinh sát Quốc gia (National Reconnaissance Office - NRO) và Cơ quan An ninh Quốc gia (National Security Agency - NSA). CIA đã tăng cường trong việc đóng vai trò chủ động, bao gồm các chiến dịch bán quân sự mật. Một trong số các bộ phận lớn nhất của Cơ quan, Trung tâm Thông tin Chiến dịch (Information Operations Center - IOC) đã chuyển mục tiêu từ chống khủng bố sang các Hoạt động Điện tử Chủ động. Mục đích CIA có ba hoạt động truyền thống chính thức: Thu thập thông tin về chính phủ của các nước ngoài, công ty và cá thể. Phân tích dữ liệu đó cùng với các Cơ quan thu thập tình báo khác của Hoa Kỳ với mục đích để cung cấp các đánh giá về Tình báo An ninh Quốc gia đến các quan chức cấp cao của Hoa Kỳ. Chịu sự chỉ đạo từ Tổng thống Hoa Kỳ, thực hiện giám sát các hoạt động mật và các hoạt động chiến thuật bởi nhân viên của chính Cơ quan, bởi binh sĩ của Quân đội Hoa Kỳ hoặc là các đối tác của Cơ quan. CIA có thể làm tăng sức ảnh hưởng của chính trị tại các nước qua các bộ phận chiến thuật, ví dụ như là Bộ phận Hoạt động Đặc biệt.Cơ quan Tình báo Trung ương, với tiền nhiệm là Cơ quan Công tác Chiến thuật (Office of Strategic Services - OSS), thành lập trong Đệ nhị Thế Chiến để phối hợp các Hoạt động Nội gián Mật chống lại phe Trục cho Lực lượng Vũ trang Hoa Kỳ. Đạo luật An ninh Quốc gia năm 1947 thiết lập ra CIA, với tư cách "Không phải là Cơ quan Cảnh sát hoặc Nhà nước, kể cả ở trong nước đến ngoài nước." Đã có các dư luận nhiều đáng kể về CIA liên quan đến an ninh và các thất bại chống lại các hoạt động nội gián, thất bại trong việc phân tích thông tin tình báo, các mối lo về quyền con người, các cuộc điều tra và công bố tài liệu, làm ảnh hưởng đến ý kiến của công chúng và các Cơ quan hành luật, buôn lậu ma túy và nói dối với Quốc hội Hoa Kỳ. Những ý kiến khác, như từ kẻ ly khai Cộng sản, Ion Mihai Pacepa, đã bảo vệ CIA khi nói "CIA cho đến nay là Tổ chức Tình báo tốt nhất thế giới," và tranh luận rằng các hoạt động của CIA nằm trong số các hoạt động được giám sát cẩn thận ở mức độ chưa từng thấy ở các Cơ quan Tình báo của thế giới. Dựa vào ngân sách của Cơ quan trong Năm tài chính 2013, CIA có năm ưu tiên: Chống khủng bố, ưu tiên hàng đầu, được xác định qua Cuộc chiến Với Khủng bố đang diễn ra. Ngăn sự phổ biến của vũ khí hủy diệt hàng loạt với mục tiêu khó nhất là Triều Tiên. Cảnh báo các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ về các sự kiện quan trọng quốc tế, với Pakistan được mô tả là "Mục tiêu bất kham." Phản gián, với Trung Quốc, Nga, Iran, Cuba và Israel được mô tả là các mục tiêu ưu tiên. Tình báo mạng. Biểu tượng Biểu tượng của CIA bao gồm 3 phần mang ý nghĩa tượng trưng: đầu chim đại bàng quay sang phải, ngôi sao 16 cánh và một cái khiên. Đại bàng là linh vật quốc gia, tượng trưng cho sức mạnh và sự tỉnh táo. Ngôi sao 16 cánh mang hàm ý CIA là tổ chức tìm kiếm thông tin tình báo từ khắp mọi nơi trên thế giới ngoài biên giới Hoa Kỳ và những thông tin đó được quy tụ về trụ sở đầu não để phân tích, kiểm tra và phân bố đến các nhà làm luật. Ngôi sao được đặt trên cái khiên, tượng trưng cho sự phòng thủ vững chắc. Tổ chức Kết cấu tổ chức Tổ chức của CIA thay đổi theo từng thời kỳ. Dưới đây là một số sơ đồ tổ chức ví dụ. Thành phần lãnh đạo (tính đến hết năm 2009) Giám đốc (Director of the Central Intelligence Agency - D/CIA): Leon E. Panetta Phó giám đốc (Deputy Director of the Central Intelligence Agency - DD/CIA): Stephen R. Kappes Phó giám đốc Phụ tá (Associate Deputy Director of the Central Intelligence Agency - ADD/CIA): Stephanie O'Sullivan Giám đốc Ban Hỗ trợ (Director for Support - D/S): khuyết Giám đốc Sở Mật vụ Quốc gia (Director of the National Clandestine Service - D/NCS): Michael Sulick. Giám đốc Ban Tình báo (Director of Intelligence - D/I): Michael J. Morell Giám đốc Ban Khoa học & Công nghệ (Director of Science & Technology - D/S&T): khuyết Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tình báo (Director of the Center for the Study of Intelligence - D/CSI): Carmen A. Medina Giám đốc Phòng Đối ngoại (Director of Public Affairs - D/PA): khuyết Tổng cố vấn (General Counsel - GC): khuyết Mối quan hệ với các cơ quan khác CIA có mối quan hệ mật thiết với các cơ quan tình báo MI6 (Anh), ASIS (Úc), CSIS (Canada), ... Đào tạo CIA thành lập cơ sở đào tạo đầu tiên, Office of Training and Education vào năm 1950. Sau khi chiến tranh Lạnh kết thúc, ngân sách đào tạo của CIA bị cắt giảm, việc này đã gây ảnh hưởng đến vấn đề nhân sự, buộc CIA phải giảm số nhân viên. Để giải quyết vấn đề nhân sự, giám đốc CIA George Tenet đã quyết định thành lập Đại học CIA vào năm 2002. Đại học CIA tổ chức từ 200 đến 300 khóa học mỗi năm, đào tạo cho cả những sĩ quan tình báo mới hoặc đã có kinh nghiệm cũng như những nhân viên trong các khâu khác của hoạt động tình báo. Việc tuyển các nhân viên người nước ngoài làm việc cho CIA là việc làm bình thường của một cơ quan tình báo. Một số người Việt khi được hỏi về vấn đề hoạt động gián điệp ở Việt Nam thì họ cho biết rất sẵn sàng. Ngân sách Hiện tại ngân sách của CIA vẫn được giữ kín. Tuy nhiên số tiền mà tổ chức này tiêu tốn hàng năm có thể lên tới nhiều tỷ đô la, một phần do quốc hội cung cấp, còn một phần là hoạt động kinh doanh và bán những thông tin tình báo của mình cho các cơ quan khác của nước Mỹ. Vào năm 1997, lần đầu tiên Chính phủ Mỹ công khai các số liệu tổng hợp với mọi hoạt động liên quan đến tình báo (trong đó CIA chỉ là một phần) với ngân sách khoảng 22,6 tỉ USD trong năm tài chính 1997. Ngân sách tình báo của những năm khác vẫn được giữ bí mật. Lịch sử CIA được thành lập vào ngày 26 tháng 7 năm 1947 theo Đạo luật An ninh Quốc gia năm 1947 do Quốc hội thông qua và Tổng thống Hoa Kỳ Harry S. Truman ký ban hành, có tiền thân là Cơ quan Tình báo chiến lược (OSS) thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai. Vụ tấn công của đế quốc Nhật Bản trong trận Trân Châu Cảng cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định thành lập CIA. Sau khi chiến tranh thế giới II kết thúc, chính phủ Hoa Kỳ cũng cảm thấy sự cần thiết của một cơ quan đủ khả năng để phối hợp sức mạnh của các cơ quan tình báo và quân đội. Kế thừa di sản của OSS Chiến thắng của lực lượng biệt kích hải quân Anh trong chiến tranh thế giới thứ II đã khiến cho tổng thống Franklin D. Roosevelt nghĩ đến việc thành lập một cơ quan tình báo theo mô hình của cơ quan tình báo hải ngoại Anh MI6. Việc này dẫn đến việc thành lập tổ chức OSS. Tổ chức OSS đã giải tán vào tháng 11 năm 1945 và các hoạt động được chuyển giao cho Bộ Ngoại giao và Bộ Chiến tranh. Do sự cần thiết của một hệ thống tình báo tập trung sau chiến tranh nên 11 tháng trước đó, vào năm 1944, William J. Donovan, người khai sinh OSS, đã đệ trình lên Tổng thống Franklin D. Roosevelt một bản kế hoạch thành lập một tổ chức tình báo chịu sự giám sát trực tiếp của Tổng thống. Mặc dù gặp phải sự phản đối từ phía Bộ ngoại giao và Cục Điều tra Liên bang nhưng Tổng thống Truman vẫn quyết định thành lập Khối Tình Báo Trung ương vào tháng 1 năm 1946. Sau đó theo Đạo Luật An Ninh Quốc gia năm 1947 (có hiệu lực từ ngày 18 tháng 9 năm 1947), Hội đồng An Ninh Quốc gia và Cơ quan Tình Báo Trung ương chính thức ra đời. Thiếu tướng hải quân Roscoe H. Hillenkoetter là người đầu tiên được bổ nhiệm vào chức Giám đốc Tình Báo Trung ương. Đạo luật về an ninh quốc gia Năm 1949, điều lệ 81-110 được thông qua, cho phép cơ quan này được quyền sử dụng các thủ tục về mật vụ, tài chính và hành chính và được miễn khỏi hầu hết những hạn chế trong việc sử dụng ngân quỹ liên bang. Sắc lệnh này cũng cho phép CIA không cần công bố các thông tin về tổ chức, nhiệm vụ, văn tự, tiền lương, số lượng nhân viên. Sắc lệnh này cũng bao gồm cả chương trình "PL-110" để lợi dụng những kẻ đào ngũ và một số cá nhân nước ngoài, đồng thời cung cấp tài chính họ. Năm 1949, cơ quan tình báo của Tây Đức Bundesnachrichtendienst dưới quyền lãnh đạo của Reinhard Gehlen, đã nằm trong sự điều khiển của CIA. Năm 1950, CIA thành lập Tập đoàn Pacific, một trong những tổ chức kinh doanh đầu tiên của CIA. Cũng trong thời gian đó, Giám đốc Hillenkoetter lần đầu tiên phê chuẩn chương trình điều khiển nhận thức (mind control) mang tên Dự án BLUEBIRD. Năm 1951, hệ thống truyền thanh Columbia (CBS) bắt tay hợp tác cùng CIA. Sau đó, Tổng thống Truman quyết định đổi tên Dự án BLUEBIRD thành Dự án ARTICHOKE. Trong những năm đầu mới đi vào hoạt động, CIA không chịu nhiều sự điều khiển từ các cơ quan khác của chính phủ. Tuy nhiên mọi chuyện đã thay đổi vào khoảng những năm 70, thời điểm xảy ra biến cố chính trị Watergate. Chiến tranh Triều Tiên Vào thời gian đầu Chiến tranh Triều Tiên, nhân viên CIA Hans Tofte tuyên bố rằng đã huấn luyện thành công hàng ngàn người trốn chạy từ Triều Tiên thành một lực lượng du kích với các kĩ năng xâm nhập, chiến tranh du kích, và cứu trợ các phi công. Năm 1952, CIA đã tung 1,500 điệp viên trong số này ra hoạt động. Đảo chính Iran 1953 Đảo chính Guatemala 1954 Syria Năm 1949, đại tá Adib Shishakli lên nắm quyền ở Syria trong một cuộc đảo chính được Syria hậu thuẫn. 4 năm sau, ông bị đảo chính bởi quân đội, các lực lượng Cộng sản và những người Ba'ath. CIA và MI6 bắt đầu tài trợ cho phe hữu thuộc quân đội nhưng việc này lại gặp khó khăn do hậu quả của vụ khủng hoảng kênh đào Suez. Một số quan chức, sĩ quan của Syria đã xuất hiện trên truyền hình và thừa nhận rằng họ đã nhận "những đồng tiền dơ bẩn và độc ác của Mỹ" để lật đổ chính quyền hợp hiến ở Syria. Sau đó các lực lượng quân đội của Syria đã bao vậy đại sứ quán Mỹ và muốn bắt một điệp viên CIA Rocky Stone, người trước đó đóng một vai trò nhỏ trong cuộc cách mạng ở Iran và hiện tại đang làm nhân viên ngoại giao ở Damascus. Stone trở thành nhân viên ngoại giao người Mỹ đầu tiên bị trục xuất khỏi một nước Arab. Việc này cũng đã làm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Syria và Ai Cập, giúp hình thành Cộng hòa Ả Rập Thống nhất và việc này bị cho là đã làm mất quyền lợi kinh tế của Mỹ trong thời điểm này. Indonesia Congo Sự kiện Vịnh Con Lợn Những hoạt động giai đoạn đầu chiến tranh lạnh 1953-1966 Việt Nam và chiến tranh Đông Dương Trong thời chiến tranh và cả hậu chiến, CIA đã hoạt động mạnh ở Việt Nam. Trong chiến tranh Đông Dương, Mỹ coi Việt Nam là địa bàn quan trọng trong chiến lược chính trị của họ nên bắt đầu các hoạt động can thiệp. Đúng 20 ngày sau khi Hiệp định Genève về Đông Dương được ký kết, đô đốc Mỹ Sabin đến Hà Nội, họp với phái đoàn quân sự Mỹ tại đây. Năm 1955, phái đoàn quân sự này của Mỹ do Edward Lansdale chỉ huy, nhân viên cao cấp của CIA và đã làm cố vấn cho Pháp tại Việt Nam từ 1953, đã thực hiện các hoạt động tuyên truyền chiến tranh tâm lý để kêu gọi dân chúng miền Bắc di cư vào Nam. Trong chiến tranh Việt Nam, chiến dịch Phượng hoàng với sự hậu thuẫn của CIA, đã được triển khai nhằm tróc rễ các cơ sở bí mật nằm vùng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Aldrich Ames Bài chi tiết: Aldrich Ames Từ năm 1985–1986, gần như toàn bộ điệp viên CIA hoạt động ở Đông Âu đều bị lộ danh tính. Chi tiết về việc điều tra nguyên nhân đều không rõ ràng cũng như việc điều tra cũng không có kết quả khả quan và việc này cũng bị chỉ trích bởi dư luận. Vào tháng 6 năm 1987, tướng Florentino Aspillaga Lombard, người đứng đầu hệ thống tình báo của Cuba đã đào tẩu đến Vienna và đến đại sứ quán Mỹ ở đây. Ông tiết lộ rằng tất cả điệp viên nằm trong biên chế của CIA ở Cuba đều là những điệp viên "hai mang", tức là đều làm việc cho CIA nhưng vẫn trung thành với chính phủ Castro. CIA sau đó cũng điều tra được rằng các thông tin tình báo tối mật về Liên Xô đều dựa trên những tin tình báo sai dựa trên cung cấp của những chuyên gia phân tích của CIA. Việc điều tra sau đó dẫn tới việc bắt giữ Aldrich Ames, một chuyên viên phân tích và phản gián của CIA nhưng làm gián điệp cho Liên Xô. Ngày 21 tháng 2 năm 1994, Ames bị FBI bắt giữ. Ames bị kết án tù chung thân không ân xá. Sự sụp đổ của Liên bang Xô-Viết Các đời Giám đốc CIA Trong văn hóa đại chúng Hình ảnh CIA được tái hiện rất nhiều trong các sách (của các tác giả người Mỹ lẫn ngoại quốc), phim ảnh của Hollywood, trò chơi điện tử và cả truyện tranh. Về phim ảnh Hollywood, đề tài về gián điệp nói chung cũng được khai thác rất nhiều, đặc biệt là hoạt động của các điệp viên CIA như một số loạt phim tiêu biểu sau: Loạt phim Jack Ryan: Dựa trên tiểu thuyết của nhà văn Tom Clancy về Jack Ryan, một chuyên gia phân tích của CIA, và sau này trở thành tổng thống. Loạt phim Jason Bourne: Dựa trên tiểu thuyết của nhà văn Robert Ludlum về một điệp viên chiến thuật của CIA chuyên thực hiện các nhiệm vụ ám sát cho CIA nhưng sau một vụ ám sát thất bại lại trở thành mục tiêu săn đuổi của CIA. Loạt phim Mission Impossible: Nhân vật chính của loạt phim là Ethan Hunt là một điệp viên của tổ chức IMF, một tổ chức ngoại vi của CIA chuyên thực hiện những nhiệm vụ gián điệp được xem là bất khả thi. Loạt phim RED
Chi Trám (danh pháp khoa học: Canarium) là một chi các loài cây thân gỗ trong họ Burseraceae, có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới châu Phi và Nam Á, từ miền nam Nigeria về phía đông tới Madagascar, Mauritius, Ấn Độ, miền nam Trung Quốc và Philipin. Chúng là các loại cây thường xanh thân gỗ lớn cao tới 40–50 m, với các lá mọc đối hình chân chim. Sử dụng Một số loài có quả ăn được, gọi là quả trám. C. indicum và C. ovatum thuộc về số các loài cây có hạt quan trọng nhất ở miền đông Indonesia và miền tây nam Thái Bình Dương cũng như ở Philipin. Các loài khác, quan trọng nhất là C. luzonicum, sản xuất ra nhựa gọi là dầu trám. Canarium odontophyllum là loài trám có quả ngon và bổ dưỡng có hương vị như quả lê tàu. Cùi thịt của nó ăn được sau khi ngâm vào nước ấm. Còn có thể làm món nham trám. Quả chứa protein, lipid và các cacbohyđrat, làm cho nó trở thành một loại quả có giá trị. Nó được đưa từ Borneo vào Queensland, Australia. Tên gọi Tên chi Canarium có nguồn gốc từ ngữ hệ Nam Á, người Nam bộ gọi trám là cà na, người Khmer gọi là kana, người Mã Lai gọi là kanari. Để vinh danh ngữ hệ Nam Á, chi Canarium cũng có thể gọi là chi cà na. Hai loài Canarium album và Canarium tramdenum (trám trắng và trám đen) là hai loài cây Nam Á, có một số điểm đặc biệt khác với những loài còn lại ở các chi tiết: lá, hoa và quả. Quả hai loài cây này rất giống hai loại quả ôliu (Olea europaea) của Nam Âu. Từ ngữ tiếng Anh bao hàm sự so sánh này: trám trắng được gọi là Chinese white olive (trám trắng Trung Quốc) và trám đen, Chinese black olive (trám đen Trung Quốc). Các loài Canarium album (hay C. tonkinense, Pimela alba) - Cà na, trám trắng Canarium bengalense - Trám Bengal, trám vuông Canarium decumanum Canarium denticulatum Canarium euphyllum Canarium harveyi Canarium hirsutumCanarium indicum (hay C. amboinense, C. commune, C. mehenbethene, C. moluccanum) - Hạnh JavaCanarium keriiCanarium littorale (hay C. rufum) - Trám hồngCanarium luzonicum (hay C. album, C. commune, C. oliganthum, C. polyanthum, C. triandrum, Pimela luzonica)- Trám dầuCanarium madagascarienseCanarium maniiCanarium mehenbetheneCanarium muelleriCanarium odontophyllumCanarium ovatum (hay C. pachyphyllum, C. melioides)Canarium paniculatumCanarium patentinerviumCanarium pilosumCanarium pimelaCanarium pseudosumatranumCanarium salomonenseCanarium schweinfurthii (hay C. chevalieri, C. velutinum) -Trám châu PhiCanarium soloCanarium strictumCanarium sumatranumCanarium sylvestreCanarium tramdenum (hay C. pimela, C. nigrum) - Trám đenCanarium vrieseanum Canarium vulgare (hay C. commune) Canarium zeylanicum Chú thích
Seoul (Hangul: 서울, ) hay Thú Nhĩ (chữ Hán: 首尔), tên gọi chính thức là Thành phố Đặc biệt Seoul (Hangul: 서울특별시, Romaja: Seoul Teukbyeol-si, Hanja: 서울特別市), là thủ đô kiêm đô thị lớn nhất của Hàn Quốc. Seoul nằm ở phía tây bắc sông Hán và là một thành phố toàn cầu. Thành phố cách biên giới với Bắc Triều Tiên 50 km về phía nam, là khu vực chính của vùng thủ đô Seoul, có dân số là 26 triệu người (2020). Thành phố trở thành thủ đô của chính thể Đệ Nhất Đại Hàn Dân Quốc sau khi chính phủ Hàn Quốc được thành lập vào năm 1948. Seoul ngày nay là một trong những thành phố lớn nhất thế giới theo dân số và kết nối số. Năm 2020, Seoul ghi nhận hơn 24,3 triệu phương tiện cơ giới được đăng ký, đây là nguyên nhân khiến cho tình trạng kẹt xe xảy ra thường xuyên. Trong những năm gần đây, chính quyền thành phố đã áp dụng nhiều biện pháp để làm sạch nước và không khí đang bị ô nhiễm, sự phục hồi của suối Cheonggyecheon là thành quả tiêu biểu của nhiều dự án làm đẹp đô thị lớn. Nguồn gốc tên gọi Thành phố được biết đến trong quá khứ bởi các tên gọi kế tiếp nhau như Wiryeseong (âm Hán Việt: Úy Lễ Thành; ; Bách Tế), Hanyang (Hán Dương; ) và Hanseong (Hán Thành; ; Cao Ly và Triều Tiên). Tên hiện nay lấy từ tên trong từ tiếng Triều Tiên cổ Seorabeol hay Seobeol, có nghĩa là "kinh thành", trước kia dùng cho Gyeongju (Khánh Châu), kinh đô của vương quốc Tân La xưa kia. Không giống như nhiều địa danh khác ở bán đảo Triều Tiên, "Seoul" là tên riêng thuần trong tiếng Triều Tiên, không phải là từ Hán-Triều nên chỉ có thể viết bằng Hangul và không có Hanja (chữ Hán) tương đương. Vào thời gian thập niên 40 đến thập niên 50 của thế kỷ 20, bản dịch tên (Sūwū, âm Hán Việt: Tô Ô), gần giống với phiên âm tiếng Anh của từ Seoul được sử dụng. Ngày 18 tháng 1 năm 2005, chính quyền Seoul sử dụng chữ Hán là "Thủ Nhĩ" (, được đọc từ phiên âm Thượng Hải "sew3 el2") vốn là dùng tiếng Quan Thoại của Trung Quốc phiên âm cho từ "Seoul", để làm tên chữ Hán thay thế tên gọi lịch sử nhưng không còn phổ biến là Hanseong (). Dù vậy, ngoại trừ dùng để phiên âm trong tiếng Trung ra thì từ "Thủ Nhĩ" (首爾) không có tính chất biểu nghĩa (vai trò mà người viết muốn người đọc hiểu khi viết chữ Hán), nên nó thường không được viết trong các văn bản tiếng Hàn hiện đại, như tên chính thức 서울특별시 Seoul Teukbyeol-si thường nếu viết có kèm Hanja thì cũng sẽ viết là 서울特別市 - Seoul đặc biệt thị, không viết là 首爾特別市 - Thủ Nhĩ đặc biệt thị (ba chữ Hán 特別市 - đặc biệt thị được viết vì nó biểu nghĩa "thành phố đặc biệt"). Tương tự như vậy thì "Thủ Nhĩ" (首爾) cũng không dùng trong các ngôn ngữ thuộc vùng văn hoá chữ Hán là tiếng Nhật (thường viết bằng katakana là ソウル - Souru) và tiếng Việt (vẫn thường đọc là "Xơ-un" và viết là "Seoul"), vì nó không mang tính biểu nghĩa. Lịch sử Sự định cư của con người ở vùng lưu vực sông Hán, nơi có Seoul ngày nay, bắt đầu vào năm 4000 TCN. Lịch sử của Seoul có thể quay về từ 18 TCN, khi đây là kinh đô Úy Lễ Thành của triều đại Bách Tế (thành lập năm 18 TCN) ở khu vực đông bắc Seoul. Có một số bức tường thành còn lại trong khu vực đó kể từ thời điểm này. Phong Nạp thổ thành, một bức tường bằng đất ở ngay bên ngoại ô Seoul, được cho là đã có mặt tại vị trí chính của Uý Lễ Thành. Khi 3 nước Tam Quốc tranh giành vùng chiến lược này, sự kiểm soát đã chuyển từ triều đình Bách Tế sang Cao Câu Ly vào thế kỷ thứ 5 và từ Cao Câu Ly đến Tân La vào thế kỷ thứ 6. Trong thế kỷ 11, sau khi đánh bại được Tân La Thống nhất, triều đình Cao Câu Ly xây dựng một cung điện mùa hè ở Hán Thành (Seoul ngày nay), được gọi là "Nam Kinh". Chỉ từ thời kỳ này, Seoul trở thành một khu vực đông dân cư hơn. Khi nhà Triều Tiên (còn gọi là Joseon) thay thế Cao Câu Ly, kinh đô được dời hẳn đến Hán Thành, và trở thành kinh đô của nhà Triều Tiên cho đến khi triều đại sụp đổ năm 1910. Cảnh Phúc Cung được xây dựng vào thế kỷ 14, là dinh thự của vương gia cho đến năm 1592. Cung điện lớn khác, Xương Đức Cung, được xây dựng năm 1405, phục vụ như là cung điện vương gia từ năm 1611 đến năm 1872. Sau khi nhà Triều Tiên đổi tên thành Đế quốc Đại Hàn năm 1897, Hán Thành cũng được đổi tên thành Seoul như ngày nay. Ban đầu, thành phố này hoàn toàn bị bao quanh bởi một bức tường đá tròn để bảo vệ người dân an toàn trước thú dữ, trộm cướp và các cuộc tấn công quân sự từ nội loạn và ngoại bang. Sau đó, thành phố đã phát triển vượt ra khỏi những bức tường và mặc dù chúng không còn tồn tại nữa (ngoại trừ núi Bugaksan (Hangul: 북악산 Hanja: 北岳山/ Bắc Nhạc Sơn), phía bắc khu vực trung tâm thành phố, các tường thành vẫn nằm gần khu trung tâm thành phố Seoul, bao gồm cả Sùng Lễ môn (thường được gọi là Nam Đại môn) và Hưng Nhân Chi môn (thường được gọi là Đông Đại môn). Trong triều đại Triều Tiên, các cửa được mở và đóng cửa mỗi ngày, cùng với tiếng chuông lớn ở Phổ Tín Các. Vào cuối thế kỷ 19, sau hàng trăm năm cô lập, Seoul đã mở cửa cho người nước ngoài và bắt đầu hiện đại hóa. Seoul đã trở thành thành phố đầu tiên ở Đông Á sử dụng điện trong cung điện hoàng gia, được xây dựng bởi Công ty chiếu sáng Edison và một thập kỷ sau đó, Seoul cũng đã xây dựng hoàn thiện các đèn đường điện. Phần lớn sự phát triển này của Seoul là do những hoạt động thương mại với nước ngoài như Pháp và Hoa Kỳ. Ví dụ: Công ty Điện của Seoul, Công ty Xe điện Đệ nhất của Seoul và Công ty Nước Nóng Nước Seoul đều là các doanh nghiệp liên doanh Mỹ gốc Hàn. Vào năm 1904, một người Mỹ tên là Angus Hamilton đã viếng thăm thành phố và nói, "Các đường phố ở Seoul rất thanh lịch, rộng rãi, sạch đẹp, gây ấn tượng và thoát nước tốt. Những làn đường hẹp và bẩn đã được cải tạo và mở rộng, Seoul đã vươn lên mạnh mẽ để trở thành một trong những thành phố phát triển nhanh nhất, hấp dẫn và sạch nhất ở phương Đông". Trong thời kỳ Triều Tiên thuộc Nhật, thành phố được mang tên tiếng Nhật là Keijō. Công nghệ của Nhật đã được nhập khẩu vào thành phố, các bức tường thành đã được gỡ bỏ, một số cửa thành bị phá hủy. Các con đường trở thành các công trình lát gạch và xây dựng theo phong cách phương Tây. Thành phố được giải phóng vào cuối Thế chiến thứ II. Năm 1945, thành phố được chính thức đặt lại tên cũ là Seoul, và được chỉ định là một thành phố đặc biệt của Hàn Quốc vào năm 1949. Trong chiến tranh Triều Tiên, Seoul được xem là chiến trường chính và nhiều lần bị tranh giành xâu xé giữa quân đội CHDCND Triều Tiên (còn gọi là Triều Tiên hoặc Bắc Triều Tiên) và Đại Hàn Dân Quốc (còn gọi là Hàn Quốc hoặc Nam Hàn), khiến thành phố gần như bị phá hủy hoàn toàn sau chiến tranh. Thủ đô Hàn Quốc phải tạm thời di dời đến Busan. Một ước tính về các thiệt hại to lớn cho thấy rằng sau chiến tranh, ít nhất 191.000 tòa nhà, 55.000 ngôi nhà, và 1.000 nhà máy bị tàn phá. Ngoài ra, một đợt người tị nạn đã vào Seoul trong lúc chiến tranh, làm dân số của thành phố và khu vực đô thị của nó tăng lên đến một ước tính khoảng 1,5 triệu vào năm 1955. Sau chiến tranh, Seoul bắt đầu tập trung vào việc tái thiết và hiện đại hóa. Khi nền kinh tế Hàn Quốc bắt đầu phát triển nhanh chóng từ những năm 1960, quá trình đô thị hóa cũng tăng tốc và công nhân bắt đầu chuyển tới Seoul và các thành phố lớn khác. Từ những năm 1970, quy mô của khu vực hành chính Seoul đã mở rộng đáng kể khi nó sáp nhập một số thị trấn và làng mạc từ một số quận hạt xung quanh. Những chính sách kinh tế năng nổ thập niên 1960 và thập niên 1970 đã giúp tái thiết thành phố rất nhanh. Seoul chính là đầu tàu tạo nên kỳ tích sông Hán kỳ diệu cho nền kinh tế Hàn Quốc. Theo dữ liệu điều tra dân số năm 2012, dân số của khu vực Seoul chiếm khoảng 20% tổng dân số Hàn Quốc, Seoul đã trở thành trung tâm kinh tế, chính trị và văn hóa của đất nước với một loạt các công ty, tập đoàn thuộc Fortune Global 500, bao gồm Samsung, SK Group, Hyundai, POSCO và LG,... đều đặt trụ sở chính tại đó. Seoul đã đăng cai Đại hội Thể thao châu Á 1986 và Thế vận hội Mùa hè 1988. Thành phố cũng là một trong những địa điểm thi đấu ở FIFA World Cup 2002. Nhiều cuộc chiến tranh quy mô lớn trong thế kỷ 20 đã khiến nhiều di tích lịch sử của Seoul bị phá hủy. Trong thập niên 1990, nhiều công trình lịch sử đã được phục dựng, bao gồm Cung Gyeongbok (Cảnh Phúc), cung điện chính của triều đại Triều Tiên. Địa lý Seoul nằm ở phía tây bắc Hàn Quốc, với diện tích đất đai ước tính khoảng 605,52 km² với bán kính khoảng 15 km, bị chia cắt thành hai nửa bắc và nam bởi sông Hán. Sông Hán đã đóng một vai trò quan trọng trong suốt chiều dài lịch sử Triều Tiên. Thời Tam Quốc ở Triều Tiên, ba quốc gia luôn cố gắng giành quyền kiểm soát vùng đất này, nơi mà có con sông được dùng làm trạm thông thương tới Trung Quốc (qua biển Hoàng Hải). Tuy nhiên con sông này hiện nay không còn được sử dụng với mục đích hàng hải nữa do cửa sông nằm trên biên giới giữa hai miền Triều Tiên và bị chắn không cho dân thường qua lại. Trong lịch sử, thành phố vào thời triều đại Triều Tiên được bao bọc bởi Bức tường pháo đài Seoul, trải dài giữa bốn ngọn núi chính ở trung tâm Seoul: Namsan, Naksan, Bukhansan và Inwangsan. Thành phố được bao quanh bởi 8 ngọn núi cũng như những vùng đất của đồng bằng sông Hán và khu vực phía tây. Do địa lý và chính sách phát triển kinh tế, Seoul là một thành phố rất đa trung tâm. Khu vực vốn từng là kinh đô cũ của triều đại Triều Tiên, và chủ yếu bao gồm Jongno-gu và Jung-gu, tạo thành trung tâm lịch sử và chính trị của thành phố. Tuy nhiên, ví dụ, trung tâm tài chính của thành phố được coi là phát triển mạnh ở Yeouido, trong khi trung tâm kinh tế của Seoul là Gangnam-gu. Khí hậu Theo phân loại khí hậu Köppen, Seoul chủ yếu có khí hậu ôn đới lục địa ẩm (Köppen: Dwa) và chỉ bao gồm một ít đặc điểm của khí hậu cận nhiệt đới ẩm, bất chấp việc Hàn Quốc bị bao quanh bởi ba mặt đều là biển. Vùng ngoại ô của Seoul thường ấm và mát hơn trung tâm Seoul vì hiệu ứng đảo nhiệt đô thị. Mùa hè bình thường có khí hậu nóng và ẩm do ảnh hưởng của gió mùa Đông Á, với mùa mưa kéo dài từ tháng 6 đến tháng 9. Tháng 8 là tháng nóng nhất trong năm, có nhiệt độ trung bình từ 23.4 °C đến 32.6 °C (74 °F đến 91 °F) và cũng có thể nóng hơn. Mùa đông có khí hậu rất lạnh nếu so sánh với các vùng ở cùng vĩ độ, với thời tiết thường dưới mức đóng băng, nhiệt độ trung bình tháng giêng từ -5.9 °C đến 1.5 °C (24.7 °F đến 31.4 °F), mùa đông thường khô hơn rất nhiều so với mùa hè dù bình thường trong một năm ở Seoul trung bình có khoảng 24.9 ngày là có tuyết. Đôi khi, nhiệt độ giảm đáng kể xuống dưới −10 °C (14 °F) và trong một số trường hợp thấp đến −15 °C (5 °F) trong khoảng thời gian giữa mùa đông của tháng 1 và tháng 2. Nhiệt độ dưới −20 °C (4 °F) cũng đã được ghi lại. Chất lượng không khí Ô nhiễm không khí là một vấn đề lớn ở Seoul. Theo Cơ sở dữ liệu ô nhiễm không khí xung quanh đô thị toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2016, nồng độ PM2.5 trung bình hàng năm trong năm 2014 là 24 microgam trên mét khối (1,0 × 10−5 gr / cu ft), cao hơn 2,4 lần so với được khuyến nghị bởi Nguyên tắc chất lượng không khí của WHO cho PM2.5 trung bình hàng năm. Chính quyền thành phố Seoul giám sát và chia sẻ công khai dữ liệu chất lượng không khí theo thời gian thực. Từ đầu những năm 1960, Bộ Môi trường đã thực hiện một loạt các chính sách và tiêu chuẩn gây ô nhiễm không khí để cải thiện và quản lý chất lượng không khí cho người dân. "Đạo luật đặc biệt về cải thiện chất lượng không khí ở khu vực thủ đô Seoul" đã được thông qua vào tháng 12 năm 2003. Kế hoạch cải thiện chất lượng không khí ở thành phố Seoul (2005-2014) đã tập trung vào việc cải thiện nồng độ PM10 và nitơ dioxide bằng cách giảm khí thải. Do đó, nồng độ PM10 trung bình hàng năm giảm từ 70,0 g / m3 năm 2001 xuống còn 44,4 μg / m3 năm 2011 và 46 g / m3 năm 2014. Tính đến năm 2014, nồng độ PM10 trung bình hàng năm vẫn ít nhất gấp đôi so với khuyến nghị của Nguyên tắc chất lượng không khí của WHO. Kế hoạch cải thiện chất lượng không khí của thành phố Seoul lần thứ 2 (20152020) đã bổ sung PM2.5 và Ozon vào danh sách các chất gây ô nhiễm được quản lý. Bão cát vàng, khí thải từ Seoul và nói chung từ phần còn lại của Hàn Quốc, cũng như khí thải từ Trung Quốc, tất cả đều góp phần vào chất lượng không khí của Seoul. Một quan hệ đối tác giữa các nhà nghiên cứu ở Hàn Quốc và Hoa Kỳ đang tiến hành một nghiên cứu thực địa chất lượng không khí quốc tế tại Hàn Quốc (KORUS-AQ) để xác định mỗi nguồn đóng góp bao nhiêu. Cảnh quan thành phố Trung tâm cũ của Seoul thời Vương triều Triều Tiên hiện nay là một nơi kinh doanh sầm uất, phần lớn những cung điện, văn phòng chính phủ, trụ sở các tập đoàn, khách sạn và chợ truyền thống đều nằm ở đây. Vùng nay bao phủ châu thổ suối Thanh Khê, với một dòng suối nhỏ chạy từ tây tới đông qua châu thổ trước khi đổ ra sông Hán. Trong nhiều năm, dòng suối này đã được tu bổ bằng xi măng và gần đây được khôi phục qua một dự án phục sinh đô thị. Về phía bắc của khu kinh doanh là ngọn núi Bukhan (Bắc Hán), về phía nam là ngọn núi Namsan (Nam Sơn) nhỏ hơn. Tiến sâu nữa về phía nam là vùng ngoại ô Yongsan-gu, Mapo-gu và sông Hán. Qua con sông Hán là vùng Gangnam-gu, Seocho-gu rất phát triển. Trung tâm Thương mại Thế giới Hàn Quốc nằm ở khu Gangnam, rất nhiều triển lãm và hội nghị được tổ chức tại đây. Tại khu Gangnam còn có COEX Mall, một trung tâm giải trí và mua sắm trong nhà lớn ở Seoul. Bamseom là một hòn đảo nằm giữa con sông Hán gần Yeouido và trụ sở của quốc hội cũng như các kênh truyền hình lớn và một vài tòa nhà hành chính. Sân vận động Olympic Seoul, công viên Olympic và Lotte World nằm ở Songpa-gu, bờ nam sông Hán. Phía nam vùng Gangnam là các ngọn núi Namhan (Nam Hán), Cheonggye và Gwanak. Các công trình đáng chú ý tại Seoul có thể kể đến Tòa nhà Tài chính Hàn Quốc, Tháp N Seoul, và Trung tâm thương mại thế giới Seoul, Tòa nhà 63 và sáu tòa cao ốc dân dụng Tower Palace. Những kế hoạch phát triển đô thị đã trở thành một khái niệm quan trọng khi Seoul được thiết kế để trở thành thủ đô vào cuối thế kỷ XIV. Cung điện của vương triều Triều Tiên hiện vẫn nằm ở Seoul, với cung chính, Gyeongbokgung (Cung Cảnh Phúc), hiện đang được khôi phục nguyên trạng. Ngày nay, ở Seoul có 8 đường xe điện ngầm trải dài hơn 250 km. Con đường đậm chất lịch sử nhất ở Seoul là đường Cái Chuông, trên con đường này người ta có thể thấy Bosingak (Phổ Tín Các), một ngôi đình có một chiếc chuông lớn. Chiếc chuông rung bốn lần trong ngày, vì vậy mà có thể kiểm soát được bốn cổng chính vào thành phố. Bây giờ thì chiếc chuông này chỉ còn được rung vào nửa đêm trong dịp năm mới, khi đó nó sẽ được rung 30 lần. Con đường ô tô quan trọng nhất của Seoul trước đây chạy dọc đường Cái Chuông, nhưng đến đầu thập niên 1970, nó đã bị thay bởi đường ray số 1 của hệ thống tàu điện ngầm. Một vài con đường nổi tiếng khác ở Seoul bao gồm Eulji-ro, Teheran-ro, Sejong-daero, Chungmu-ro, Yulgong-ro và Toegye-ro. Vùng thủ đô Seoul Các đơn vị hành chính Tính đến cuối tháng 5 năm 2022, Thành phố đặc biệt Seoul được cấu thành từ 25 quận (구 gu), 426 phường (동 dong). Có 11 quận phía nam sông Hán và 14 quận phía bắc sông Hán. Tính đến cuối tháng 4 năm 2020, dân số là 9,726,787. Quận đông dân nhất là Songpa-gu và quận ít dân nhất là Jung-gu. Nhân khẩu Seoul có mật độ dân số rất cao, gần gấp đôi New York và cao gấp 8 lần so với Roma. Khu vực đô thị của thành phố được xem là nơi có mật độ dân số cao nhất trong OECD ở châu Á vào năm 2012 và đứng thứ hai trên thế giới sau Paris. Tính đến năm 2015, dân số là 9,86 triệu, năm 2012 là 10,442,426. Tính đến cuối tháng 6 năm 2011, 10,29 triệu công dân Hàn Quốc đã sống trong thành phố. Con số này giảm 0,24% so với cuối năm 2010. Dân số của Seoul đã giảm từ đầu những năm 1990, nguyên nhân là do chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ và dân số quá đông. Hầu hết những người dân của Seoul là người Triều Tiên cùng với một số ít người Trung Quốc và Nhật Bản. Ngày nay, 200.000 người nước ngoài được ước tính đang sống tại Seoul, những người này bao gồm người từ Nam Á, Đông Nam Á, Trung Á, châu Phi, châu Âu, châu Đại Dương và châu Mỹ. Tỷ lệ phạm pháp ở Seoul là rất thấp. Dù một nửa dân số không theo đạo, hai đạo phổ biển ở Seoul là đạo Phật và đạo Cơ Đốc (mỗi đạo chiếm khoảng 25%). Những đạo khác bao gồm Shaman giáo và Nho giáo, tuy nhiên hai đạo sau được nhìn nhận như là triết lý phổ biển của xã hội hơn. Các tổ chức chính Seoul là thủ đô của Hàn Quốc, nơi tập trung các cơ quan quản lý của chính phủ như lập pháp, hành pháp và tư pháp. Tại Jongno-gu, có các cơ quan hành chính trung ương bao gồm Nhà Xanh và Khu phức hợp Chính phủ Seoul cũng như các cơ quan quốc gia quan trọng như Tòa án Hiến pháp. Ngoài ra, Quốc hội được đặt tại Yeouido và Tòa án Tối cao và các tổ hợp pháp lý khác được đặt tại Seocho-gu. Nhà Xanh - Nơi ở của Tổng thống Hàn Quốc (1 Cheongwa-daero, Jongno-gu, Seoul) Quốc hội Hàn Quốc - Cơ quan lập pháp của Hàn Quốc (1 Uisadang-daero, Yeongdeungpo-gu, Seoul) Tòa án Tối cao Hàn Quốc - Tòa án tối cao của Hàn Quốc (219 Seocho-daero, Seocho-gu, Seoul) Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc - Tòa án đặc biệt xét xử các tranh chấp liên quan đến Hiến pháp Hàn Quốc (15, Bukchon-ro, Jongno-gu, Seoul) Khu liên hợp Chính phủ Seoul - Cơ quan hành chính trung ương của Hàn Quốc (209 Sejong-daero, Jongno-gu, Seoul) Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc - Ngân hàng Trung ương của Hàn Quốc (39 Namdaemun-ro, Jung-gu, Seoul) Viện nghiên cứu vắc xin quốc tế - tổ chức quốc tế đầu tiên của Hàn Quốc nghiên cứu và phát triển vắc xin (tại Công viên Nghiên cứu Đại học Quốc gia Seoul, 1 Gwanak-ro, Gwanak-gu, Seoul) Kinh tế Tổng sản phẩm quốc nội khu vực (GRDP) của Seoul năm 2014 là 327.602 tỷ Won và tốc độ tăng trưởng thực tế là 2,2%. Với việc là nơi đặt trụ sở đầu não của những tập đoàn Tài phiệt lớn nhất thế giới như Samsung, LG, Hyundai, Lotte hay CJ, lĩnh vực dịch vụ tại Seoul đã phát triển nhanh chóng, đóng góp cho nền kinh tế quốc gia cũng như sự phát triển của đất nước. Nó tạo ra 22% GDP của Hàn Quốc và hơn 50% các tổ chức tài chính tập trung ở đó. Samsung - Công ty toàn cầu tập trung vào điện tử và hóa chất nặng (1320-10 Seocho-dong, Seocho-gu) LG - Công ty điện tử/hóa chất của Hàn Quốc thành lập năm 1947 (LG Twin Towers, Yeouido-dong, Yeongdeungpo-gu) Hyundai Motor Company - Nhà sản xuất ô tô lớn thứ 5 thế giới (231 Yangjae-dong, Seocho-gu) SK - Công ty lớn thứ 3 Hàn Quốc, tập trung vào năng lượng và viễn thông (99 Seorin-dong, Jongno-gu) Lotte - Công ty lớn thứ 5 trong giới kinh doanh Hàn Quốc, tập trung vào phân phối, hóa chất, thực phẩm và đồ uống,... (29 Sincheon-dong, Songpa-gu) Các sản phẩm xuất khẩu chính là hàng điện tử, ô tô và thiết bị máy móc. Sự phát triển kinh tế này cũng giúp tỉ lệ thất nghiệp chỉ giữ ở mức 3,4%. Vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài tại đây cũng rất cao, vào khoảng hơn 4 tỷ USD. Tuy nhiên, Hàn Quốc có thể bị đe dọa với một nền kinh tế đang tăng trưởng chậm và điều này có thể ảnh hưởng tới chính Hàn Quốc cũng như sự phát triển của đất nước này. Là một trong 4 con Rồng của châu Á, Hàn Quốc đã trải qua một giai đoạn phát triển vượt bậc vào những năm 90. Tuy nhiên, tài liệu của CIA đã chỉ ra rằng kinh tế Hàn Quốc đã có dấu hiệu của sự tăng trưởng ở mức vừa phải trong giai đoạn từ 2003 đến 2006 với tốc độ tăng trưởng bình quân 4-5%. Sự suy giảm về tiêu thụ hàng hóa của người tiêu dùng đã hạn chế tốc độ phát triển kinh tế của Hàn Quốc, tuy nhiên sự tiêu thụ cũng đã bắt đầu dần tăng trưởng trở lại. Nhìn chung, kinh tế của Hàn Quốc đã và đang chạy với tốc độ tốt và viễn cảnh của nó là rất khả quan. Sản xuất Các ngành công nghiệp sản xuất truyền thống, lao động thâm canh liên tục được thay thế bằng công nghệ thông tin, điện tử và lắp ráp các ngành công nghiệp; tuy nhiên, sản xuất thực phẩm và đồ uống cũng như công nghiệp in ấn và xuất bản vẫn nằm trong các ngành công nghiệp cốt lõi. Các nhà sản xuất lớn có trụ sở tại thành phố, bao gồm Samsung, LG, Hyundai, Kia và SK. Các công ty thực phẩm và đồ uống đáng chú ý bao gồm Jinro, có soju là loại đồ uống có cồn bán chạy nhất trên thế giới, đánh bại Smirnoff, nhà sản xuất bia hàng đầu, Hite (sáp nhập với Jinro) và Oriental Brewery. Thành phố cũng sở hữu những công ty cung cấp thực phẩm như Seoul Dairy Cooperative, Nongshim, Ottogi, CJ, Orion, Maeil Holdings, Namyang Dairy Products và Lotte. Tài chính Seoul tập trung nhiều trụ sở của các công ty đa quốc gia và ngân hàng, bao gồm 15 công ty trong danh sách Fortune Global 500 của tạp chí Forbes như Samsung, LG và Hyundai. Hầu hết các trụ sở ngân hàng và Sở giao dịch Hàn Quốc đều nằm ở Yeouido (đảo Yeoui), thường được gọi là Phố Wall của Hàn Quốc và đã từng là trung tâm tài chính của thành phố từ những năm 1980. Trung tâm tài chính quốc tế Seoul & SIFC MALL, tòa nhà Hanhwa 63, trụ sở chính của công ty bảo hiểm Hanhwa. Hanhwa là một trong ba công ty bảo hiểm lớn nhất Hàn Quốc, cùng với nhóm bảo hiểm nhân thọ của Samsung Life và Gangnam & Kyob. Thương mại Các khu mua sắm như Jongno, Namdaemunro, Chungmuro​​, Myeongdong, Euljiro và Cheonggyecheon là những khu vực ở trung tâm thành phố của Seoul, cũng như các chợ như Chợ Namdaemun, Chợ Dongdaemun và Chợ Jungbu, cũng như khu thương mại và cửa hàng giảm giá lớn. Vào những năm 1960, các siêu thị quy mô lớn, chuỗi cửa hàng và trung tâm mua sắm ngầm đã được xây dựng tại các khu vực trung tâm thành phố để hình thành các khu mua sắm mới. Các trung tâm mua sắm chuyên biệt bao gồm Trung tâm mua sắm quần áo Namdaemun, Chợ Dongdaemun Pyeonghwa, Chợ bán buôn nông sản và hải sản Garak-dong, Chợ thuỷ sản Noryangjin, Chợ thiết bị điện tử Yongsan và Chợ Gyeongdong cung cấp quần áo trên toàn quốc. Insa-dong là chợ nghệ thuật văn hóa của Seoul, nơi các tác phẩm nghệ thuật truyền thống và hiện đại của Hàn Quốc, như tranh vẽ, tác phẩm điêu khắc và thư pháp được bán. Chợ trời Hwanghak-dong và Chợ Cổ Janganpyeong cũng cung cấp các sản phẩm đồ cổ. Một số cửa hàng cho các nhà thiết kế địa phương đã mở tại Samcheong-dong, nơi có rất nhiều phòng trưng bày nghệ thuật nhỏ. Trong khi Itaewon đã phục vụ chủ yếu cho khách du lịch nước ngoài và lính Mỹ có trụ sở tại thành phố, người Hàn Quốc hiện nay bao gồm phần lớn du khách đến khu vực. Gangnam-gu là một trong những khu vực giàu có nhất ở Seoul và được ghi nhận cho các khu vực Apgujeong-dong và Cheongdam-dong thời thượng và cao cấp và trung tâm mua sắm COEX Mall. Times Square là một trong những trung tâm mua sắm lớn nhất của Seoul với CJ CGV - cụm rạp chiếu phim với màn hình dài hơn 35m (lớn nhất trên thế giới). Khu phức hợp Trung tâm Thương mại Thế giới Hàn Quốc, bao gồm trung tâm mua sắm COEX, trung tâm đại hội, 3 khách sạn Inter-continental, tháp kinh doanh (tháp Asem), khách sạn Residence, Casino và nhà ga sân bay thành phố được thành lập năm 1988 trong thời gian diễn ra Thế vận hội Mùa hè 1988 ở Seoul. Trung tâm thương mại thương mại thế giới thứ 2 đang có kế hoạch tổ hợp sân vận động Olympic Seoul như MICE HUB của thành phố Seoul. Tòa nhà văn phòng chính của Ex-Kepco đã được mua lại bởi tập đoàn Hyundai với hơn 10 tỷ USD để xây dựng tòa nhà Hyundai GBC & khách sạn 115 tầng cho đến năm 2021. Hiện tại tòa nhà 25 tầng cũ đang được phá dỡ. Khu tài chính Công nghệ Seoul được các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ cao trên thế giới mô tả là "Thành phố có tốc độ xử lý thông tin nhanh nhất trên thế giới", ngoài ra, thành phố này còn được xếp hạng đầu tiên về mức độ "sẵn sàng cho công nghệ mới" – theo báo cáo mới nhất về các "Thành phố cơ hội" của PwC. Seoul có cơ sở hạ tầng công nghệ tiên tiến, hiện đại. Seoul là một trong những thành phố hàng đầu thế giới về kết nối Internet – nơi có mức thâm nhập băng thông rộng cáp quang cao nhất thế giới và tốc độ internet trung bình toàn cầu cao nhất là 26,1 Mbit / s. Kể từ năm 2015, Seoul đã cung cấp truy cập Wi-Fi miễn phí trong không gian ngoài trời thông qua dự án trị giá 47,7 tỷ won (44 triệu USD) với truy cập Internet tại 10,430 công viên, đường phố và các địa điểm công cộng khác. Tốc độ Internet ở một số tòa nhà chung cư đạt tới 52,5 Gbit / giây với sự hỗ trợ của Nokia và mặc dù tiêu chuẩn trung bình bao gồm 100 dịch vụ / giây, các nhà cung cấp trên toàn quốc đang nhanh chóng triển khai các kết nối 1 Gbit / giây với mức tương đương 20 USD mỗi tháng. Ngoài ra, thành phố được phục vụ bởi đường sắt cao tốc KTX và hệ thống Tàu điện ngầm Seoul, nơi cung cấp 4G LTE, Wi-Fi và công nghệ truyền phát đa phương tiện kỹ thuật số (DMB) bên trong các toa tàu điện ngầm. 5G được giới thiệu thương mại vào tháng 3 năm 2019 tại Seoul. Giáo dục Các trường đại học Seoul là nơi tập trung phần lớn các trường đại học danh giá và lâu đời nhất Hàn Quốc, bao gồm: Đại học Quốc gia Seoul, Đại học Yonsei, Đại học Hàn Quốc, Đại học Sogang, Đại học Sungkyunkwan (Cơ sở Khoa học Xã hội và Nhân văn), Đại học Hanyang, Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc, Đại học Chung-Ang, Đại học Kyung Hee, Đại học Seoul, Đại học Nữ giới Ewha, Đại học Hongik, Đại học Konkuk, Đại học Dongguk, Đại học Kookmin và Đại học Soongsil,... Seoul xếp thứ 3 thế giới trong top 10 thành phố tốt nhất để du học năm 2022. Giáo dục trung học Giáo dục bắt buộc kéo dài từ lớp 1-9 (sáu năm tiểu học và 3 năm trung học cơ sở). Học sinh học sáu năm ở trường tiểu học, ba năm trung học cơ sở, và ba năm trung học. Các trường trung học thường yêu cầu học sinh mặc đồng phục. Có một kỳ thi để tốt nghiệp trung học và nhiều sinh viên tiến lên cấp đại học được yêu cầu tham dự Kỳ thi học lực vào đại học được tổ chức vào thứ Năm của tuần thứ ba của tháng 11 hàng năm. Mặc dù có một bài kiểm tra cho các học sinh tốt nghiệp trung học, được gọi là kỳ thi lấy bằng cấp trường, hầu hết người Hàn Quốc đều làm bài kiểm tra. Seoul là nơi có nhiều trường chuyên ngành, bao gồm ba trường trung học khoa học (Trường Trung học Khoa học Hansung, Trường Trung học Khoa học Sejong và Trường Trung học Khoa học Seoul), và sáu trường Trung học Ngoại ngữ (Trường Ngoại ngữ Daewon, Trường Ngoại ngữ Daeil, Ewha) Trường trung học ngoại ngữ của nữ sinh, trường trung học ngoại ngữ Hanyoung, trường trung học ngoại ngữ Myungduk và trường trung học ngoại ngữ Seoul). Văn phòng Giáo dục Thủ đô Seoul bao gồm 235 trường Trung học chuyên nghiệp, 80 trường dạy nghề, 377 trường trung học cơ sở và 33 trường giáo dục đặc biệt vào năm 2009. Kiến trúc Trái tim truyền thống của Seoul là kinh đô của triều đại Triều Tiên cũ, bây giờ là khu vực trung tâm thành phố, nơi có hầu hết các cung điện, văn phòng chính phủ, trụ sở công ty, khách sạn và chợ truyền thống. Cheonggyecheon, một dòng suối chảy từ tây sang đông qua thung lũng trước khi đổ vào sông Hán, đã được nhiều năm phủ kín bê tông, nhưng gần đây đã được khôi phục bởi một dự án hồi sinh đô thị vào năm 2005. Đường Jongno, có nghĩa là "Phố Chuông", là một đường phố chính và là một trong những con phố thương mại đầu tiên của thành phố, nơi người ta có thể tìm thấy Phổ Tín Các, một thấp chuông. Tiếng chuông báo hiệu những thời điểm khác nhau trong ngày và điều khiển bốn cổng chính đến thành phố. Phía bắc của trung tâm thành phố là núi Bukhan, và phía nam là Namsan nhỏ hơn. Xa hơn về phía nam là vùng ngoại ô cũ, Yongsan-gu và Mapo-gu. Bên kia sông Hán là những khu vực mới và giàu có hơn của Gangnam-gu, Seocho-gu và các khu vực lân cận. Kiến trúc lịch sử Seoul có nhiều địa danh lịch sử và văn hóa. Tại khu định cư thời tiền sử Amsa-dong, Gangdong-gu, những tàn tích từ thời kỳ đồ đá mới được khai quật và vô tình phát hiện bởi một trận lụt vào năm 1925. Quy hoạch đô thị và dân sự là một khái niệm quan trọng khi Seoul lần đầu tiên được thiết kế để phục vụ như một thủ đô vào cuối thế kỷ 14. Triều đại Joseon đã xây dựng "Ngũ Đại Cung" ở Seoul - Changdeokgung, Changgyeonggung, Deoksugung, Gyeongbokgung và Gyeonghuigung - tất cả đều nằm ở Jongno-gu và Jung-gu. Trong số đó, Xương Đức cung đã được thêm vào danh sách Di sản thế giới của UNESCO vào năm 1997 như là một "ví dụ nổi bật về kiến ​​trúc cung điện và thiết kế sân vườn vùng Viễn Đông". Cung điện chính, Cảnh Phúc cung, đã trải qua một dự án phục hồi quy mô lớn. Các cung điện được coi là kiến ​​trúc gương mẫu của thời kỳ Triều Tiên. Bên cạnh các cung điện, Vân Hiện cung được biết đến là nơi cư trú vương gia của Hưng Tuyên Đại Viện Quân, cha đẻ của hoàng đế Triều Tiên Cao Tông vào cuối triều đại Triều Tiên. Seoul đã được bao quanh bởi các bức tường được xây dựng để điều chỉnh lượng dân cư đến từ các khu vực khác và bảo vệ kinh thành trong trường hợp bị xâm lược. Phong Nạp thổ thành là một bức tường đất bằng phẳng được xây dựng ở rìa sông Hán, nơi được cho là địa điểm của Uý Lễ Thành. Mông Thôn thổ thành(Hangul: 몽촌 토성; Hanja: 蒙村土城) là một bức tường đất khác được xây dựng trong thời Bách Tế hiện đang nằm bên trong Công viên Olympic. Bức tường Pháo đài của Seoul được xây dựng sớm trong triều đại Triều Tiên để bảo vệ kinh thành. Sau nhiều thế kỷ của sự hủy diệt và xây dựng lại, khoảng ⅔ của bức tường vẫn còn, cũng như sáu trong tám cửa ban đầu. Các cổng này bao gồm Sùng Lễ môn và Hưng Nhân Chi Môn, thường được gọi là Nam đại môn và Đông đại môn (cổng Đông). Nam Đại môn là cánh cổng bằng gỗ lâu đời nhất cho đến một vụ tấn công bằng xà cừ năm 2008, và được mở lại sau khi được phục hồi hoàn toàn vào năm 2013. Nằm gần các cửa là các chợ truyền thống và trung tâm mua sắm lớn nhất, chợ Namdaemun và chợ Dongdaemun. Ngoài ra còn có nhiều tòa nhà được xây dựng theo phong cách quốc tế vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Cổng Độc lập được xây dựng vào năm 1897 để truyền cảm hứng cho một tinh thần độc lập. Ga Seoul được khai trương vào năm 1900 như ga Gyeongseong. Kiến trúc hiện đại Nhiều tòa nhà văn phòng và nhà ở cao tầng khác nhau, như Trung tâm Tài chính Gangnam, Samsung Tower Palace, Tháp Namsan Seoul và Tháp Lotte World, chiếm ưu thế trên đường chân trời của thành phố. Tòa nhà cao nhất là Lotte World Tower, đạt chiều cao 555m. Tòa tháp mở cửa cho công chúng vào tháng 4 năm 2017. Trung tâm thương mại thế giới Seoul, nằm ở Gangnam-gu, tổ chức nhiều triển lãm và hội nghị khác nhau. Cũng ở Gangnam-gu là trung tâm mua sắm COEX Mall, khu mua sắm và giải trí lớn trong nhà. Hạ lưu từ Gangnam-gu là Yeouido, một hòn đảo có Quốc hội, các hãng phát sóng lớn, và một số tòa nhà văn phòng lớn, cũng như Tòa nhà Tài chính Hàn Quốc và Nhà thờ Yoido Full Gospel. Sân vận động Olympic Seoul, công viên Olympic và Lotte World nằm ở Songpa-gu, phía nam sông Hán, phía thượng nguồn của Gangnam-gu. Ba điểm mốc hiện đại mới của Seoul là Dongdaemun Design Plaza & Park, được thiết kế bởi Zaha Hadid, Tòa thị chính Seoul hình sóng mới, bởi Yoo Kerl của iArc, và Lotte World Tower, tòa nhà cao thứ 5 trên thế giới được thiết kế bởi Kohn Pederson Fox. Năm 2010, Seoul được chỉ định là Thủ đô Thiết kế của thế giới trong năm. Văn hóa, du lịch và cơ sở vật chất Âm nhạc Thành phố là nơi quy tụ của các công ty giải trí hàng đầu ở Hàn Quốc cũng như châu Á, một số cái tên tiêu biểu có thể nhắc đến như: SM Entertainment, JYP Entertainment, YG Entertainment, Cube Entertainment, Big Hit Entertainment,... của những nhóm nhạc K-Pop và các ca sĩ đơn nổi tiếng nhất. Có một số bài hát viết về Seoul như: "서울의 달 Moon of Seoul" (Kim Gunmo), "Seoul Song" (Super Junior & Girls' Generation), "Fly To Seoul" (2PM, Girls' generation), "Seoul" (SNSD; Super Junior), "With Seoul" (BTS), "Seoul" (RM - BTS), "Seoul" (Lee Hyori),... Bảo tàng Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc (국립중앙박물관) Bảo tàng Dân tộc Quốc lập (국립민속박물관) Đài tưởng niệm chiến tranh (전쟁기념관) Seoul là nơi có 115 viện bảo tàng, bao gồm bốn bảo tàng quốc gia và chín bảo tàng thành phố chính thức. Trong số các bảo tàng quốc gia của thành phố, Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc là đại diện nhất của bảo tàng không chỉ ở Seoul mà là toàn Hàn Quốc. Từ khi thành lập vào năm 1945, bảo tàng đã xây dựng một bộ sưu tập 220.000 hiện vật. Vào tháng 10 năm 2005, bảo tàng đã chuyển đến một tòa nhà mới ở công viên Yongsan. Bảo tàng dân gian quốc gia nằm trên cơ sở cung điện Gyeongbokgung ở Jongno-gu và sử dụng bản sao của các vật thể lịch sử để minh họa lịch sử dân gian của người Triều Tiên. Bảo tàng Cung điện Quốc gia Hàn Quốc cũng nằm trong khuôn viên Cung điện Gyeongbokgung. Cuối cùng, chi nhánh Seoul của Bảo tàng nghệ thuật đương đại quốc gia (Hàn Quốc), có bảo tàng chính nằm ở Gwacheon, khai trương vào năm 2013, ở Sogyeok-dong. Làng Hanok Bukchon và Làng Namsangol Hanok là những khu dân cư cũ Hanok bao gồm các ngôi nhà truyền thống của Hàn Quốc, công viên và bảo tàng cho phép du khách trải nghiệm văn hóa truyền thống Hàn Quốc. Đài tưởng niệm chiến tranh, một trong chín bảo tàng thành phố ở Seoul, mang đến cho du khách một trải nghiệm giáo dục và cảm xúc về nhiều cuộc chiến tranh khác nhau mà Hàn Quốc tham gia, bao gồm cả các chủ đề về chiến tranh Triều Tiên. Nhà tù Seodaemun là một nhà tù cũ được xây dựng trong thời gian Nhật Bản chiếm đóng, và hiện đang được sử dụng như một bảo tàng lịch sử. Bảo tàng Nghệ thuật Seoul và Bảo tàng Nghệ thuật Ilmin đã bảo tồn sự xuất hiện của tòa nhà cũ độc đáo về mặt hình ảnh từ các tòa nhà cao tầng, hiện đại lân cận. Ban đầu được điều hành bởi Hội đồng thành phố Seoul và nằm kế bên Khánh Hi cung, cung điện vương gia Triều Tiên. Leeum, Bảo tàng Nghệ thuật Samsung, được coi là một trong những bảo tàng tư nhân lớn nhất Seoul. Đối với nhiều người yêu phim Hàn Quốc từ khắp nơi trên thế giới, Korean Film Archive đang điều hành Bảo tàng Điện ảnh Hàn Quốc và Cinematheque KOFA tại trung tâm chính của nó ở Digital Media City (DMC), Sangam-dong. Bảo tàng Đồ dùng Nhà bếp & Tteok và Bảo tàng Kimchi Field cung cấp thông tin về lịch sử ẩm thực Triều Tiên. Ngoại ô vùng đại đô thị: Sơn thành Namhan (남한 Nam Hán) Sơn thành Bukhan (북한 Bắc Hán) Công viên Namsan (남산 Nam Sơn) Doanh nghiệp Truyền hình Korea Broadcasting System (KBS) - Đài truyền hình công cộng được thành lập với sự đầu tư của chính quyền và địa phương (13 Yeouigongwon-ro, Yeongdeungpo-gu) Munhwa Broadcasting Corporation (MBC) - Một công ty phát sóng dưới hình thức công ty cổ phần được kiểm soát bởi một công ty đại chúng đặc biệt (267 Seongam-ro, Mapo-gu) SBS - Công ty phát thanh truyền hình tư nhân địa phương (161 Mokdongseo-ro, Yangcheon-gu) TV Chosun - Kênh chương trình toàn diện của Chosun Ilbo (40 Sejong-daero 21-gil, Jung-gu) Maeil Broadcasting (MBN) - Kênh truyền hình toàn diện của Maeil Business Daily (Maekyung Media Center, 1 Cheonggyecheon-ro, Jung-gu) JTBC - Joongang Ilbo Công ty phát sóng kênh chương trình toàn diện của JoongAng Group (48-6 Sangamsan-ro, Mapo-gu) Channel A - Dong-A Ilbo Công ty phát sóng kênh chương trình tổng hợp của Donga Group (Dong-A Media Center, 1 Cheonggyecheon-ro, Jung-gu) YTN - Công ty do chính phủ đầu tư chuyên về báo cáo (76 Sangamsan-ro, Mapo-gu) Yonhap News TV - Một công ty phát sóng tin tức được thành lập như một công ty con của Yonhap News, một hãng thông tấn quan trọng của quốc gia (25 Yulgok-ro 2-gil, Jongno-gu) Nhật báo kinh tế Hàn Quốc - Korea Economic Daily Economic Broadcasting Company Seoul Economy TV - Công ty phát thanh truyền hình kinh tế Seoul Maeil Business TV - Công ty Phát thanh Kinh tế Báo Kinh doanh Maeil Money Today Broadcasting - Công ty Phát thanh Kinh tế Money Today Edaily TV - Đài truyền hình kinh tế hàng ngày Tomato TV - Tin Tức Công Ty Truyền Thông Kinh Tế Tomato Pax Economy TV - Báo Kinh tế Châu Á Công ty Phát thanh Kinh tế Yonhap News Economy TV - Công ty truyền thông kinh tế được thành lập với tư cách là công ty con của Yonhap News, hãng thông tấn quan trọng quốc gia Yonhap News, và hãng thông tấn kinh tế quan trọng quốc gia Yonhap Infomax CJ E&M - Tập đoàn truyền hình cáp CJ skyTV - Đài truyền hình cáp KT Skylife Media S - Công ty truyền hình cáp SK Group Tcast - Công ty truyền hình cáp Tập đoàn Taekwang iHQ - Công Ty Truyền Hình Cáp KH Vatech TBS - Công ty phát thanh truyền hình hành chính địa phương trực thuộc Chính quyền thành phố Seoul (S-Plex Center, 31 Maebongsan-ro, Mapo-gu) Truyền hình Quốc hội - Công ty phát thanh truyền hình do các đảng chính trị và chính trị lãnh đạo Báo chí Trụ sở của các tờ báo tổng hợp lớn đều tập trung ở khu vực trung tâm thành phố Seoul. Chosun Ilbo, JoongAng Ilbo, Kyunghyang Shinmun, Seoul Shinmun và Maeil Economic Daily nằm ở Jung-gu, trong khi Donga Ilbo và Hankook Ilbo có trụ sở tại Jongno-gu, còn Hankyoreh đặt tại Mapo-gu. Seoul Shinmun - Được thành lập vào ngày 18 tháng 7 năm 1904. Đó là một tờ báo dựa trên Daehan Maeil Shinbo. (124 Sejong-daero, Jung-gu) Chosun Ilbo - Nhật báo lớn nhất Hàn Quốc với số lượng phát hành lớn nhất (61 Taepyeong-ro 1-ga, Jung-gu) Donga Ilbo - Nhật báo thành lập năm 1920 (139 Sejong-ro, Jongno-gu) Kyunghyang Shinmun Hankook Ilbo Nhật báo kinh tế Seoul The Korea Economic Daily JoongAng ilbo Maeil Economic Daily Hankyoreh Kukmin Ilbo Segye Ilbo là một tờ báo được thành lập vào ngày 1 tháng 2 năm 1989. (550-15 Gasan-dong, Geumcheon-gu) Munhwa Ilbo - Tờ báo buổi tối duy nhất. Tài chính Tập đoàn tài chính Woori Tập đoàn tài chính Shinhan Tập đoàn tài chính Hana Tập đoàn tài chính KB Đầu tư & Chứng khoán NH Chứng khoán đầu tư eBEST Chứng khoán Mirae Asset Tập đoàn tài chính Meritz Chứng khoán Kiwoom Doanh nghiệp lớn Tập đoàn Samsung Tập đoàn LG Tập đoàn SK Tập đoàn Huyndai Tập đoàn Lotte Doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối Cửa hàng bách hóa Hyundai Tập đoàn Shinsegae Di tích lịch sử Di tích Amsa-dong, Seoul (Địa điểm lịch sử số 267) - Đây là một địa điểm dân cư thời tiền sử. Hơn 100 khu định cư đã được khai quật, bao gồm đồ gốm hoa văn trơn, dao đá bán nguyệt và đồ gốm hoa văn hình chiếc lược. Pungnaptoseong (Địa điểm lịch sử số 11), Mongchontoseong (Địa điểm lịch sử số 297) - Đây là những phần còn lại của Toseong được cho là Wiryeseong thủ đô ban đầu của Bách Tế. Người ta cho rằng Pungnaptoseong là pháo đài phía bắc của Hanam Wiryeseong trong thời kỳ Bách Tế, và Mongchontoseong là vị trí nam của Hanam Wiryeseong. Lăng mộ ở Seokchon-dong, Bangi-dong, Seoul - Đây là những lăng mộ được làm bằng đá từ thời Hanseong Baekje. Tường thành Seoul - Đây là một pháo đài bắt đầu được xây dựng khi Seoul được chỉ định làm thủ đô dưới thời trị vì của vua Taejo của triều đại Joseon. Vào thời điểm đó, nó là một pháo đài bao quanh Hanyang và xung quanh các ngọn núi. Nhiều phần bị hư hại trong thời kỳ là thuộc địa Nhật Bản và hiện đại hóa, nhưng hiện nay nhiều phần đã được phục hồi. Gyeongbokgung, Changdeokgung, Changgyeonggung, Gyeonghuigung, Deoksugung - Đây là những cung điện của triều đại Joseon. Jongmyo - Đây là điện thờ hoàng gia của hoàng gia trong triều đại Joseon. Nó đã được chỉ định là Di sản Thế giới của UNESCO. Sajikdan - Đây là một bàn thờ, nơi hiến tế cho các vị thần của đất và các vị thần của ngũ cốc. Sungkyunkwan - Là một trường học quốc gia trong triều đại Joseon, nó là một cơ sở giáo dục đại học đào tạo các quan lại Nho học và các học giả Nho giáo. Pháo đài Bukhansanseong (Di tích lịch sử số 162) - Đây là pháo đài bảo vệ thủ đô Hanyang, một số nằm ở Goyang, ngoại ô Seoul và nằm trong Vườn quốc gia Bukhansan. Lăng mộ Hoàng gia Joseon - Seonjeongneung, Heoninneung, Jeongneung và Uireung nằm ở Seoul. Nó là một Di sản Thế giới được UNESCO công nhận. Lăng mộ của Yeonsangun nằm ở Seoul, nhưng kể từ khi Yeonsangun bị phế truất, nó được gọi là lăng mộ chứ không phải lăng mộ và không được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Dongmyo - Đây là ngôi đền thờ Gwan-woo, vị tướng nổi tiếng của triều đại Joseon. Hwangudan - Bàn thờ này được xây dựng bởi Hoàng đế Gojong khi ông tuyên bố Đế chế Triều Tiên. Jangchungdan - Đây là bàn thờ tưởng niệm các nạn nhân của Sự cố Eulmi và Sự cố Imo Gunran trong thời Đế chế Triều Tiên. Nhà tù Seodaemun - Đây là nhà tù do người Nhật xây dựng ở Seoul trong thời kỳ là thuộc địa của Nhật Bản. Nhiều nhà đấu tranh giành độc lập và dân chủ đã bị tra tấn và giam cầm tại đây. Cung điện Triều đại Triều Tiên đã xây dựng Ngũ cung ở Seoul. Hai trong số 5 cung điện được miêu tả trong bức Đông Cung Đồ. Gyeongbokgung - Cung điện hoàng gia của triều đại Joseon, được xây dựng vào năm thứ 4 của vua Taejo của triều đại Joseon. Jeonggung dưới thời trị vì của vua Sejong. Nó đã bị thiêu rụi trong Chiến tranh Imjin, nhưng được xây dựng lại vào năm thứ 2 của Vua Gojong (1865) bởi Heungseon Daewongun, cha của Vua Gojong. Changdeokgung - Cung điện hoàng gia của triều đại Joseon được xây dựng vào năm 1405 (năm thứ 5 của vua Taejong). Nó được chỉ định là Di sản Thế giới. Sảnh Myeongjeongjeon của Cung điện Changgyeonggung - Một trong những cung điện nơi các vị vua của triều đại Joseon sinh sống. Nó tiếp giáp với Cung điện Changdeokgung. Gyeonghuigung Heunghwamun - Một trong những cung điện của Joseon. Bên trong là Bảo tàng Lịch sử Seoul. Deoksugung (tiền cảnh) - Cung điện của triều đại Joseon và Đế quốc Đại Hàn. Đây là cung điện chính của Đế quốc Đại Hàn trong năm Gwangmu. Xe buýt tham quan thành phố Seoul vòng quanh các điểm du lịch trung tâm của Seoul bắt đầu từ Gwanghwamun. Điểm thăm quan Quảng trường Gwanghwamun Myeong-dong là một khu trung tâm mua sắm ở trung tâm thành phố Seoul. Chợ Namdaemun - chợ truyền thống tổng hợp tiêu biểu của Seoul. Samcheong-dong - Một con phố với những ngôi nhà hanok truyền thống, nhà hàng, quán cà phê và phòng trưng bày. Làng Hanok Namsan - Không gian nơi bạn có thể trải nghiệm văn hóa hanok. COEX (Trung tâm hội nghị) - Phòng triển lãm tổng hợp liền kề Trung tâm thương mại. Giao lộ ga Gangnam - Đây là khu vực trung tâm thành phố lớn nhất phía nam sông Hàn. Daehangno - Con phố văn hóa nghệ thuật, nơi hoạt động sôi nổi của các hoạt động biểu diễn nghệ thuật như âm nhạc, sân khấu. Có công viên Marronnier. Tòa nhà 63 - Một tòa nhà cao tầng ở Yeouido với đài quan sát và rạp chiếu phim. Tháp N Seoul - Nằm gần đỉnh núi Namsan, có một đài quan sát, nơi bạn có thể nhìn bao quát Seoul. Nó thuộc sở hữu của YTN. Insa-dong - con phố văn hóa truyền thống của Seoul. Nó nổi tiếng với các phòng trưng bày, cửa hàng đồ truyền thống và nhà hàng truyền thống. Itaewon - Con phố được người nước ngoài lui tới, nổi tiếng với các nhà hàng phục vụ nhiều món ăn nước ngoài. Lotte World là một công viên giải trí nằm ở Jamsil. Nó tiếp giáp với hồ Seokchon. Lotte World Tower - Nằm trong khuôn viên của Lotte World Mall bên cạnh Lotte World, nó tự hào có chiều cao thứ 5 trên thế giới là 555m. Lotte World Mall - Là trung tâm mua sắm và văn hóa lớn nhất ở Hàn Quốc, nó là một điểm thu hút tiêu biểu ở Seoul cùng với Lotte World Tower. Thành phố Truyền thông Kỹ thuật số (Digital Media City) - Đây là một khu kinh doanh liên quan đến truyền thông và giải trí nằm ở phía tây bắc của Seoul. Các công ty phát thanh truyền hình lớn dự kiến ​​sẽ chuyển đến, và có nhiều loại tòa nhà với thiết kế sáng tạo. Nó được gọi tắt là DMC (Digital Media City) và sẽ có tòa nhà chọc trời cao thứ hai thế giới sau Burj Khalifa với hơn 120 tầng. Quảng trường Thời đại (Times Square) - Khu phức hợp mua sắm lớn nhất Hàn Quốc, rộng 300.000 m2 (kích thước bằng 40 sân bóng đá). Rạp chiếu phim CGV ở Quảng trường Thời đại có màn hình lớn nhất thế giới. (15 Yeongjung-ro, Yeongdeungpo-gu) Làng Bukchon Hanok Seochon Jeongneung (Địa điểm lịch sử số 243) - Đây là lăng mộ của Hoàng hậu Sindeok, con kế của vua Taejo của triều đại Joseon. Dongdaemun Design Plaza - DDP là 'nguồn gốc công nghiệp thiết kế-sáng tạo' đầu tiên trên thế giới và là tòa nhà điển hình ba chiều lớn nhất thế giới được xây dựng cho 'cơ sở chuyển tiếp của ngành công nghiệp sáng tạo' sẽ dẫn dắt sự phát triển trong tương lai của Seoul. Đặc biệt, vườn hoa đèn LED nằm trên mái nhà nổi tiếng là điểm thu hút khách du lịch. Gần Đại học Hongik - Đây là một khu vực biểu tượng của văn hóa indie ở khu vực Seoul, và là một trong những khu vực trung tâm thành phố được nhiều người trẻ tuổi ghé thăm vì bầu không khí đặc biệt và nhiều câu lạc bộ và phòng hòa nhạc khác nhau. Sebitseom là một hòn đảo nhân tạo ở sông Hán. Cheonggyecheon Cheonggye Plaza Công viên Công viên sông Hán - Một công viên được tạo ra bằng cách chia lưu vực sông Hán thành một số công viên. Công viên Olympic Seoul - Được xây dựng cho Thế vận hội Mùa hè 1988, hiện được sử dụng làm công viên tổng hợp. Có các cơ sở thể thao như đạp xe, cử tạ, đấu kiếm, bơi lội, thể dục dụng cụ, quần vợt,... cũng như các cơ sở văn hóa khác nhau như Bảo tàng Nghệ thuật Soma. Mongchontoseong, một địa điểm của Bách Tế được khai quật trong quá trình xây dựng Công viên Olympic. Công viên Boramae - Nằm ở Dongjak-gu, công viên này có các cơ sở dành cho thanh thiếu niên. Bukseoul Dream Forest - Một công viên lớn ở Gangbuk-gu, nằm trên địa điểm của Dreamland cũ. Rừng công dân Yangjae - Đây là công viên công dân ở Seocho-gu. Children's Grand Park - Nằm ở Gwangjin-gu, công viên dành cho trẻ em này có công viên giải trí, sở thú, vườn bách thảo và trung tâm dành cho trẻ em. Công viên Yeouido - Đây là một công viên ở trung tâm Yeouido. Công viên World Cup - Đây là một công viên được xây dựng xung quanh Sân vận động World Cup Seoul. Seoullo 7017 - Công viên này mở cửa vào ngày 20 tháng 5 năm 2017 sau khi cải tạo Cầu vượt Ga Seoul thành một công viên như một phần của dự án tái tạo đô thị. Công viên hồ Tây Seoul - Khai trương vào ngày 26 tháng 10 năm 2009 với vai trò là nơi vui chơi cho công dân ở khu vực phía tây nam của Seoul, công viên này được tạo ra bằng cách tu sửa nhà máy lọc nước Shinwol (68-3 Sinwol-dong, Yangcheon-gu) Công viên Seonyudo - Công viên này nằm trên đảo giữa sông Hán. Có thể sử dụng cầu Yanghwa để đến đó. Nhà máy lọc nước ban đầu đã được cải tạo và mở cửa thành công viên vào tháng 4 năm 2002. Korea Yongsan Family Park - Công viên này được tạo ra bằng cách trả lại địa điểm của căn cứ quân sự Hoa Kỳ. Rừng Ttukseom Seoul - Đây là công viên nằm xung quanh Ttukseom. Công viên Văn hóa và Lịch sử Dongdaemun Công viên Marronnier - Công viên này nằm giữa Hyehwa-dong và Ihwa-dong. Công viên Tapgol - Được chỉ định là Di tích lịch sử số 354, Công viên Tapgol là công viên đô thị đầu tiên ở Hàn Quốc và là nơi diễn ra Phong trào Độc lập đầu tiên tháng Ba chống lại sự cai trị của thực dân Nhật Bản vào năm 1919. Cơ sở tôn giáo Nhà thờ Myeongdong - Đây là trụ sở của Nhà thờ Công giáo được xây dựng theo phong cách Gothic . Chùa Jogyesa - Đó là một ngôi chùa của Dòng Jogye của Phật giáo Hàn Quốc . Nhà thờ Anh giáo Hàn Quốc Nhà thờ Seoul - Đây là nhà thờ chính tòa của Anh giáo Hàn Quốc được xây dựng theo phong cách Romanesque. Nhà thờ Chính thống giáo St. Nicholas - Đây là nhà thờ lớn của Nhà thờ Chính thống giáo Hàn Quốc . Nhà thờ Jeongdong Jeil - nhà thờ Giám lý đầu tiên của Hàn Quốc. Nhà thờ Yoido Full Gospel - Một nhà thờ Tin lành của Hội đồng Thiên chúa tại Hàn Quốc, lớn nhất thế giới về số lượng tín đồ. Nhà thờ Hồi giáo Trung tâm Seoul - Nằm ở Hannam-dong, đây là nhà thờ Hồi giáo đầu tiên và duy nhất của Hàn Quốc . Nhà thờ Trung tâm Cheondogyo - Đây là trụ sở trung tâm của Cheondogyo, quốc giáo, nơi phong trào độc lập được tổ chức trong Phong trào ngày 1 tháng 3 . Các tổ chức y tế lớn Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul Bệnh viện Severance Đại học Yonsei: Đây là cơ sở y tế được thành lập vào năm 1885 bởi Tiến sĩ H. N. Allen, một bác sĩ truyền giáo người Mỹ với tên gọi Gwanghyewon, là cơ sở y tế hiện đại đầu tiên của Hàn Quốc. (Quy mô: 2062 giường) Trung tâm y tế Asan Đại học Công giáo Hàn Quốc Bệnh viện Seoul St. Mary Lễ hội Vào tháng 10 năm 2012, KBS Hall ở Seoul đã tổ chức các lễ hội âm nhạc quốc tế lớn - TV ABU đầu tiên và các Liên hoan Song ca trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên minh Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 49. Hi! Seoul Festival là một lễ hội văn hóa theo mùa được tổ chức bốn lần một năm vào mùa xuân, mùa hè, mùa thu và mùa đông ở Seoul, Hàn Quốc kể từ năm 2003. Dựa trên "Ngày công dân Seoul" được tổ chức vào mỗi tháng 10 kể từ năm 1994 để kỷ niệm 600 năm lịch sử của Seoul là thủ đô của đất nước. Lễ hội được sắp xếp dưới quyền Thủ đô Seoul. Tính đến năm 2012, Seoul đã tổ chức Ultra Music Festival Korea, một lễ hội âm nhạc khiêu vũ thường niên diễn ra vào cuối tuần thứ hai của tháng 6. Lễ hội nghệ thuật đường phố Seoul Lễ hội đèn lồng Seoul Lễ hội pháo hoa Quốc tế Seoul Lễ hội hoa xuân Yeouido sông Hán Seoul World DJ Festival (WDF) Thể thao Seoul đã từng tổ chức Đại hội Thể thao châu Á 1986, Thế vận hội Mùa hè 1988 và Paralympic Games 1988. Đây cũng là một trong những thành phố chủ nhà của FIFA World Cup 2002. Sân vận động World Cup Seoul là nơi tổ chức lễ khai mạc và trận đấu đầu tiên của giải đấu. Taekwondo là môn quốc võ của Hàn Quốc và Seoul chính là nơi đặt trụ sở của Quốc kỹ viện, hay còn được biết đến là Liên đoàn Taekwondo Thế giới. Thành phố có ba đội bóng chày trong Tổ chức Bóng chày Hàn Quốc là: Doosan Bears, LG Twins, Woori Heros, Samsung Lions. Hai đội bóng rổ trong giải bóng rổ Hàn Quốc: Seoul Samsung Thunders và Seoul SK Knights. Ngoài ra còn có một câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp tại Seoul là CLB FC Seoul, đội bóng tham dự giải K-League. Có hai đội bóng giải K3 League đặt tại Seoul là Seoul United và Eungpyeong Chung-goo FC. Bóng đá Bóng chày Bóng rổ Bóng chuyền Các cơ sở thể thao Khu liên hợp thể thao Seoul - Khu liên hợp sân vận động thể thao từng tổ chức Thế vận hội Mùa hè 1988. Nó thường được gọi là Khu liên hợp thể thao Jamsil. Sân vận động World Cup Seoul - Sân vận động đã tổ chức FIFA World Cup 2002 và đang được sử dụng làm sân nhà của FC Seoul, một đội bóng đá chuyên nghiệp thuộc K League 1. Làng vận động viên Taereung - Khai trương vào tháng 3 năm 1970, đây là trại huấn luyện chung cho các vận động viên ở Hàn Quốc. Hiện tại, chức năng chính đã được chuyển đến Làng vận động viên Jincheon. Gocheok Sky Dome - Khai trương vào năm 2015, đây là sân vận động mái vòm dành riêng cho các trận bóng chày và hiện đang được sử dụng làm sân nhà cho Kiwoom Heroes, đội tham gia KBO League. KRA Plaza - Cơ sở chuyển tiếp các cuộc đua ngựa do Hiệp hội Ngựa Hàn Quốc tổ chức và có tổng cộng 10 con đang hoạt động. Seoul Dynasty là một đội chơi Overwatch chuyên nghiệp. Hiện tại, Dongdaemun Design Plaza được sử dụng làm sân vận động sân nhà. Giao thông Ô tô và các phương tiện giao thông công cộng như tàu điện ngầm, xe buýt, taxi là những phương tiện di chuyển chính trong thành phố. Các tuyến trung chuyển chính bao gồm Ga Seoul trên Tuyến 1, Ga Yeongdeungpo, Ga Yongsan, Bến xe buýt tốc hành Seoul, Trung tâm thành phố, Bến xe buýt Dong Seoul, Bến xe buýt Seoul Nambu, Ga Toà thị chính trên Tuyến 1 và Tuyến 2, Ga Gangnam trên Tuyến 2, Ga Sindorim trên Tuyến 2 và Ga Sadang trên Tuyến 2 và Tuyến 4. Tính đến cuối năm 2007, số lượng phương tiện đã đăng ký là 2.933.286 và tỷ lệ chia sẻ phương tiện giao thông là 34,7% đối với tàu điện ngầm, 27,6% đối với xe buýt, 6,3% đối với taxi và 26,3% đối với ô tô cá nhân vào năm 2006. Từ năm 1966, quá trình tái phát triển rộng rãi của khu vực thủ đô đã dẫn đến các tòa nhà cao tầng và đường xá xuất hiện dày đặc. Việc bố trí lại phương tiện giao thông công cộng đã có tác động sâu sắc đến kết cấu đô thị của Seoul. Đường bộ Đường cao tốc Gyeongbu, Đường cao tốc Seohaean và Đường cao tốc Yongin-Seoul kết nối với phía nam, Đường cao tốc Sân bay Quốc tế Incheon và Đường cao tốc Gyeongin kết nối với Thành phố Incheon ở phía tây. Vùng ngoại ô của thành phố được bao quanh bởi Đường cao tốc vành đai 1 vùng thủ đô Seoul. Trong thành phố, các tuyến đường huyết mạch như Đường cao tốc Gangbyeon, Đường cao tốc Olympic, Đường cao tốc Naebu, Đường cao tốc đô thị Dongbu, Đường cao tốc phía Tây, Đường cao tốc phía Nam và Đường cao tốc phía Bắc đã được xây dựng dọc theo bờ sông. Đường cao tốc Gangbyeon nối Goyang-si và Paju-si, Đường cao tốc Olympic nối Incheon và Bucheon-si, Đường cao tốc đô thị Dongbu nối Seongnam-si và Uijeongbu-si, Đường cao tốc phía Tây nối Anyang-si và Gwangmyeong-si, và Đường cao tốc phía Bắc kết nối Guri-si. Các con đường chính ở Seoul bao gồm Teheran-ro, Sejong-daero, Jong-ro, Gangnam-daero và Siheung-daero. Xe buýt Hệ thống xe buýt của Seoul được điều hành bởi chính quyền Seoul Metropolitan (S.M.G.), với bốn cấu hình xe buýt chính phục vụ hầu hết các thành phố. Seoul có nhiều bến xe buýt liên tỉnh / tốc hành lớn. Các xe buýt này kết nối Seoul với các thành phố trên khắp Hàn Quốc. Bến xe buýt tốc hành Seoul, Trung tâm thành phố và Bến xe buýt Seoul Nambu ở Seocho-gu. Ngoài ra, Bến xe buýt Dong Seoul ở Gwangjin-gu và Ga Sangbong ở Jungnang-gu xử lý buôn bán chủ yếu từ các tỉnh Gangwon-do và Chungcheong. Taxi Tại Seoul, taxi bắt đầu hoạt động lần đầu tiên vào năm 1912, công ty taxi đầu tiên được thành lập vào năm 1919 và đồng hồ tính tiền được giới thiệu vào năm 1926. Sau giải phóng 15·8, taxi gọi xuất hiện vào năm 1970, taxi cỡ trung được giới thiệu như một giải pháp thay thế cho taxi gọi vào năm 1988. Ngoài ra, kể từ khi quyết định hồi sinh taxi nhỏ được đưa ra vào năm 2009, khoảng 70 taxi nhỏ đã hoạt động kể từ tháng 12 năm 2011. Tháng 10 năm 2015, taxi hạng sang bắt đầu hoạt động. Tính đến năm 2020, giá vé cơ bản cho taxi nhỏ ở Seoul là 2.100 won, taxi cỡ trung bình là 3.800 won, taxi hạng sang là 5.000 won và taxi hạng sang là 8.000 won. Đường sắt Seoul là trung tâm của tuyến đường sắt bán đảo Triều Tiên. Giao thông đường sắt giữa Seoul và các thành phố khác phát triển đồng đều. Các ga có sẵn được phân chia theo khu vực. Các chuyến tàu KTX của Tuyến Gyeongbu và Tuyến Gyeongjeon khởi hành từ Ga Seoul, Tuyến Honam, Tuyến Jeolla và Tuyến Janghang khởi hành từ Ga Yongsan, và các chuyến tàu của Tuyến Jungang, Tuyến Taebaek, Tuyến Yeongdong và Tuyến Gangneung khởi hành từ Ga Cheongnyangni. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng tàu ở các ga trung gian như ga Yeongdeungpo. Bạn cũng có thể đến Ga Seoul từ Sân bay Quốc tế Incheon bằng cách sử dụng Đường sắt Sân bay Quốc tế Incheon. Ngoài ra, trung tâm điều hành đường sắt cũng được đặt tại Seoul, nơi quản lý và chỉ huy tất cả các tuyến đường sắt trên toàn Hàn Quốc. Các Tuyến 2, 3 và 4 được mở như một phần của dự án tàu điện ngầm giai đoạn một, và các Tuyến 5, 6, 7 và 8 được xây dựng mới và bổ sung như một phần của dự án tàu điện ngầm giai đoạn hai. Kể từ đó, Tuyến 9 đã được xây dựng và tính đến năm 2011, 9 tuyến đang hoạt động, ngoại trừ các đoạn thuộc thẩm quyền của Tổng công ty Đường sắt Hàn Quốc. Nó kết nối trung tâm thành phố và các trung tâm phụ của Seoul và đặc biệt việc khai trương Tàu điện ngầm Seoul tuyến 2 đã có tác động đáng kể đến không gian của Seoul. Trong trường hợp của Tuyến 5, đây là tuyến đầu tiên đi ngầm toàn bộ và mở đường hầm dưới sông Hàn. Một số tuyến, bao gồm Tàu điện ngầm Seoul tuyến 1, kết nối các thành phố vệ tinh xung quanh Seoul bằng cách vận hành kết nối với hoặc kết nối trực tiếp với Tàu điện ngầm vùng thủ đô Seoul của Tổng công ty Đường sắt Hàn Quốc. Hàng không Các chuyến bay đường ngắn đến các nước Đông Á (Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc) và các chuyến bay nội địa chủ yếu sử dụng sân bay Quốc tế Gimpo. Còn các chuyến bay đường dài và trung bình sẽ sử dụng sân bay Quốc tế Incheon. Mất khoảng một giờ từ trung tâm thành phố Seoul đến Sân bay Quốc tế Incheon và có thể đi đến bằng Đường sắt Sân bay Quốc tế Incheon hoặc Đường cao tốc Sân bay Quốc tế Incheon. Sân bay quốc tế Incheon, cùng với Sân bay Quốc tế Hồng Kông và sân bay Changi, đã trở thành những trung tâm vận tải quan trọng ở châu Á. Trong một cuộc đồng điều tra của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế và Hội đồng Sân bay Quốc tế đã bầu chọn Incheon là sân bay tốt nhất thế giới. Skytrax chọn đây là một trong 5 sân bay tốt nhất thế giới năm 2006. Xe đạp Đi xe đạp ngày càng trở nên phổ biến ở Seoul và trong cả nước. Cả hai bờ sông Hán đều có đường đi xe đạp chạy khắp thành phố dọc theo con sông. Ngoài ra, Seoul đã giới thiệu vào năm 2015 một hệ thống chia sẻ xe đạp có tên là Ddareungi. Các thành phố kết nghĩa Một vài hình ảnh về Seoul
Phân họ Vang (danh pháp khoa học: Caesalpinioideae) là một tên gọi ở cấp độ phân họ, được đặt vào trong họ lớn là họ Đậu (Fabaceae = Leguminosae). Tên gọi của nó được tạo thành từ tên của chi Vang (Caesalpinia). Phân họ Caesalpinioideae chủ yếu là cây thân gỗ phân bổ trong vùng ẩm ướt của khu vực nhiệt đới. Hoa của chúng là loại đối xứng hai bên, nhưng hay biến đổi. Các nốt sần trên rễ của các loài trong phân họ này là rất hiếm, và ở những loài có các nốt sần thì chúng cũng có cấu trúc hết sức nguyên thủy. Sự miêu tả và tình trạng của phân họ này hiện đang có sự tranh cãi nhỏ. Mặc dù phân họ này như dã miêu tả ở trên được công nhận khá nhiều, nhưng vẫn có một số chi mà việc đưa chúng vào (phân họ này, hoặc trong một trên hai phân họ khác) vẫn chưa có sự thừa nhận chung. Trong một số hệ thống phân loại, ví dụ hệ thống Cronquist, phân họ này được công nhận như một họ, là họ Vang (Caesalpiniaceae). Các nghiên cứu hệ thống hóa gần đây, sử dụng các dữ liệu phân tử, đã chỉ ra rằng nhóm này là đa ngành khi xem xét trong mối quan hệ với hai phân họ Faboideae (Papilionoideae) và Mimosoideae. Việc chia tách đang được nghiên cứu. Phân loại Theo APG dẫn lại kết quả của LPWG (2017), phân họ này chứa khoảng 148 chi và 4.400 loài (khi gộp cả Mimosoideae, nhưng không bao gồm Cercideae với 12 chi/335 loài và Detarieae với 84 chi/760 loài). Cho tới gần đây phân họ này chia thành 4 tông là: Caesalpinieae, Cassieae, Cercideae và Detarieae. Tông Cercideae trong quá khứ đôi khi được đưa vào phân họ Faboideae (= Papilionoideae). Tông Caesalpinieae Acrocarpus Arapatiella Arcoa Balsamocarpon Batesia Burkea Bussea Caesalpinia - Vang (tô mộc) Campsiandra Cenostigma Cercidium Chidlowia Colvillea Conzattia Cordeauxia Delonix - Phượng vĩ Dimorphandra Diptychandra Erythrophleum - Lim xanh Gleditsia - Bồ kết Gymnocladus Haematoxylum Hoffmannseggia Jacqueshuberia Lemuropisum Lophocarpinia Melanoxylum Moldenhawera Mora Moullava Orphanodendron Pachyelasma Parkinsonia Peltophorum - Lim xẹt Poeppigia Pomaria Pterogyne Pterolobium Recordoxylon Schizolobium Sclerolobium Stachyothyrsus Stahlia Stenodrepanum Stuhlmannia Sympetalandra Tachigali Tetrapterocarpon Vouacapoua Zuccagnia Tông Cassieae Androcalymma Apuleia Brenierea Cassia - Muồng hoàng yến, muồng hoa đào, ô môi, muồng xiêm, thảo quyết minh v.v Ceratonia Chamaecrista Dialium Dicorynia Distemonanthus Duparquetia Eligmocarpus Kalappia Koompassia Labichea Martiodendron Mendoravia Petalostylis Senna - Muồng đen Storckiella Umtiza Zenia Chuyển đi Tông Cercideae = Phân họ Cercidoideae Adenolobus Barklya Bauhinia - Ban Brenierea Cercis Gigasiphon Griffonia Lysiphyllum Phanera (gồm cả Lasiobema) Piliostigma Schnella Tylosema Tông Detarieae = Phân họ Detarioideae Afzelia Amherstia Annea Anthonotha Aphanocalyx Augouardia Baikiaea Barnebydendron Berlinia Bikinia Brachycylix Brachystegia Brandzeia Brodriguesia Brownea Browneopsis Colophospermum Copaifera Crudia Cryptosepalum Cynometra Daniellia Detarium Dicymbe Didelotia Ecuadendron Elizabetha Endertia Englerodendron Eperua Eurypetalum Gabonius Gilbertiodendron (gồm cả Pellegriniodendron) Gilletiodendron Goniorrhachis Gossweilerodendron Guibourtia Hardwickia Heterostemon Humboldtia Hylodendron Hymenaea Hymenostegia Icuria Intsia Isoberlinia Isomacrolobium Julbernardia Kingiodendron Lebruniodendron Leonardoxa Leucostegane Librevillea Loesenera Lysidice Macrolobium Maniltoa Michelsonia Micklethwaitia Microberlinia Neoapaloxylon Neochevalierodendron Normandiodendron Oddoniodendron Oxystigma Paloue Paloveopsis Paramacrolobium Peltogyne Plagiosiphon Polystemonanthus Prioria Pseudomacrolobium Saraca - Vàng anh Schotia Scorodophloeus Sindora - Gụ mật, gụ lau Sindoropsis Stemonocoleus Talbotiella Tamarindus - Me Tessmannia Tetraberlinia Zenkerella
Canarium , còn được gọi là Ốc cà na, là một chi ốc biển thuộc họ Strombidae. chúng đều theo hình dạng đều thuộc chi mà danh pháp khoa học gọi canarium – để tả các loại giống quả trám với hai đầu nhọn Các loài Canarium betuleti (Kronenberg, 1991) Canarium erythrinum (Dillwyn, 1817) Canarium fusiforme (Sowerby, 1842) Canarium hellii (Kiener, 1843) Canarium klineorum (Abbott, 1960) Canarium labiatum (Röding, 1798) Canarium maculatum (Sowerby, 1842) Canarium microurceus Kira, 1959 Canarium mutabile (Swainson, 1821) Canarium ochroglottis (Abbott, 1960) Canarium olydium (Duclos, 1844) Canarium rugosum (Sowerby, 1825) Canarium scalariforme (Duclos, 1833) Canarium urceus (Linnaeus, 1758) Canarium wilsonorum (Abbott, 1967) Đồng nghĩa Canarium haemastoma (Sowerby, 1842): synonym of Canarium scalariforme (Duclos, 1833) Canarium otiolum Iredale, 1931: synonym of Canarium labiatum (Röding, 1798) Canarium ustulatum Schumacher, 1817: synonym of Canarium urceus urceus (Linnaeus, 1758) Chú thích
Hồng xiêm (danh pháp hai phần: Manilkara zapota), hay người miền Nam gọi là lồng mứt, xa pô chê, saboche, sapoche (gọi tắt là sabo, sapo, xa pô) (từ tiếng Pháp sapotier), là một loài cây thân gỗ, sống lâu năm và thường xanh có nguồn gốc ở miền Nam Mexico, Trung Mỹ và Caribbe. Đặc điểm Hồng xiêm có thể cao từ 2–10 m. Nó là loại cây có khả năng chống gió tốt và vỏ cây rất nhiều nhựa màu trắng, giống như gôm. Lá của chúng có màu xanh lục và bóng mặt. Lá mọc cách tập trung đầu cành, hình elip hay ôvan, dài 7–15 cm, với mép trơn. Hoa màu trắng, không dễ thấy, có hình dáng tương tự như quả chuông và có 6 tràng hoa hình thùy. Quả là loại quả mọng, hình cầu hoặc hình quả trứng hoặc hình thon dài, đường kính 4–8 cm và chứa từ 2–10 hạt. Vỏ có màu nâu-vàng nhạt. Bên trong là lớp cùi thịt có màu nâu ánh đỏ với kết cấu hạt mịn hơi giống với ruột quả lê. Hạt của nó có màu đen. Quả của nó chỉ nên ăn khi đã chín vì khi còn xanh nó chứa nhiều nhựa dính như latex. Để biết chắc chắn là nó đã chín người ta hay nắn vỏ xem còn cứng hay đã mềm vì màu vỏ gần như không thay đổi từ lúc mới tạo quả đến khi chín, một cách khác là người ta cạo thử một ít lớp vỏ nâu vàng, sẽ lộ ra lớp da, quả xanh, lớp da này có màu xanh lá cây, xanh đậm, khi quả già, lớp vỏ dần chuyển sang xanh lá mạ. Hương vị của nó tương tự như mùi đường đen. Cây hồng xiêm ra quả hai lần trong năm, tuy nhiên hoa có thể ra cả năm, ngoại trừ những vùng có nhiệt độ về mùa đông xuống thấp dưới 15–17 °C. Nó được đưa từ México vào Philippines trong thời gian người Tây Ban Nha chiếm đóng quốc gia này. Tại Việt Nam, nó là loài cây đưa vào từ Thái Lan, mà Thái Lan được biết đến với cái tên là nước Xiêm, ngoài ra do hình dáng giống như quả hồng (chi Diospyros) nên mới có tên gọi hồng xiêm. Ban đầu, hồng xiêm được đặt tên khoa học là Achras zapota, nhưng hiện nay tên gọi này được coi là đồng nghĩa của danh pháp Manilkara zapota. Tại Ấn Độ, nó được gọi là Chikoo hay Sapota, tại Philipin là tsiko, tại Indonesia là sawu, tại Malaysia là chikoo, tại Sri Lanka là sapodilla hay rata-mi, tại Thái Lan và Campuchia là lamoot, tại Venezuela là níspero.tại Tây Ấn là naseberry còn trong tiếng Anh là sapodilla.Trong tiếng Trung gọi là 人心果 (bính âm: Rén xīn guǒ, nhân tâm quả). Sử dụng Hồng xiêm được trồng để lấy quả ăn. Nhựa mủ, một dạng latex lấy từ vỏ cây cũng được dùng để làm chất cơ sở cho các loại kẹo cao su. Khi chín, quả có mùi thơm và dễ chịu. Một giống hồng xiêm ở miền bắc Việt Nam là: hồng xiêm Xuân Đỉnh, có nguồn gốc từ xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, Hà Nội; hồng xiêm Thanh Hà, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Một số hình ảnh về cây hồng xiêm Thư viện ảnh
Kính hiển vi lực nguyên tử hay kính hiển vi nguyên tử lực (tiếng Anh: Atomic force microscope, viết tắt là AFM) là một thiết bị quan sát cấu trúc vi mô bề mặt của vật rắn dựa trên nguyên tắc xác định lực tương tác nguyên tử giữa một đầu mũi dò nhọn với bề mặt của mẫu, có thể quan sát ở độ phân giải nanômét, được sáng chế bởi Gerd Binnig, Calvin Quate và Christoph Gerber vào năm 1986. AFM thuộc nhóm kính hiển vi quét đầu dò hoạt động trên nguyên tắc quét đầu dò trên bề mặt. Nguyên lý của AFM Bộ phận chính của AFM là một mũi nhọn được gắn trên một thanh rung (cantilever). Mũi nhọn thường được làm bằng Si hoặc SiN và kích thước của đầu mũi nhọn là một nguyên tử. Khi mũi nhọn quét gần bề mặt mẫu vật, sẽ xuất hiện lực Van der Waals giữa các nguyên tử tại bề mặt mẫu và nguyên tử tại đầu mũi nhọn (lực nguyên tử) làm rung thanh cantilever. Lực này phụ thuộc vào khoảng cách giữa đầu mũi dò và bề mặt của mẫu. Dao động của thanh rung do lực tương tác được ghi lại nhờ một tia laser chiếu qua bề mặt của thanh rung, dao động của thanh rung làm thay đổi góc lệch của tia lase và được detector ghi lại. Việc ghi lại lực tương tác trong quá trình thanh rung quét trên bề mặt sẽ cho hình ảnh cấu trúc bề mặt của mẫu vật. Trên thực tế, tùy vào chế độ và loại đầu dò mà có thể tạo ra các lực khác nhau và hình ảnh cấu trúc khác nhau. Ví dụ như lực Van der Waals cho hình ảnh hình thái học bề mặt, lực điện từ có thể cho cấu trúc điện từ (kính hiển vi lực từ), hay lực Casmir, lực liên kết hóa học, và dẫn đến việc có thể ghi lại nhiều thông tin khác nhau trên bề mặt mẫu. Các chế độ ghi ảnh AFM có thể hoạt động ở nhiều chế độ khác nhau, nhưng có thể chia thành các nhóm chế độ : Chế độ tĩnh (Contact mode), chế độ động (Non-contact mode) hoặc chế độ đánh dấu (Tapping mode) Chế độ tiếp xúc (chế độ tĩnh) Chế độ contact là chế độ mà khoảng cách giữa đầu mũi dò và bề mặt mẫu được giữ không đổi trong quá trình quét, và tín hiệu phản hồi từ tia laser sẽ là tín hiệu tĩnh. Ở khoảng cách này, lực hút sẽ trở nên mạnh và cantilever bị kéo lại rất gần bề mặt (gần như tiếp xúc). Tuy nhiên, bộ điều khiển phản hồi sẽ điều chỉnh để khoảng cách giữa mũi và bề mặt là không đổi trong suốt quá trình quét. Chế độ không tiếp xúc (chế độ động) Chế độ động (hay chế độ không tiếp xúc) là chế độ mà cantilever bị kích thích bởi ngoại lực, dao động với tần số gần với tần số dao động riêng của nó. Tần số, biên độ và pha của dao động sẽ bị ảnh hưởng bởi tương tác giữa mẫu và mũi dò, do đó sẽ có thêm nhiều thông tin về mẫu được biến điệu trong tín hiệu. Chế độ không tiếp xúc là kỹ thuật tạo ảnh độ phân giải cao đầu tiên được thực hiện trên AFM trong môi trường chân không cao. Tapping mode Tapping mode thực chất là một cải tiến của chế độ động không tiếp xúc. Trong chế độ này, cantilever được rung trực tiếp bằng bộ dao động áp điện gắn trên cantilever với biên độ lớn tới 100-200 nm, và tần số rất gần với tần số dao động riêng. Phân tích phổ AFM Vì AFM hoạt động dựa trên việc đo lực tác dụng nên nó có một chế độ phân tích phổ, gọi là phổ lực AFM (force spectrocopy), là phổ phân bố lực theo khoảng cách : lực Van der Waals, lực Casmir, lực liên kết nguyên tử... với thời gian hồi đáp nhanh cỡ ps (10−12 giây), độ chính xác tới pN (10−12 Newton) và độ phân giải về khoảng cách có thể tới 0,1 nm. Các phổ này có thể cung cấp nhiều thông tin về cấu trúc nguyên tử của bề mặt cũng như các liên kết hóa học . Lịch sử, ưu điểm và nhược điểm của AFM AFM lần đầu tiên được phát triển vào năm 1985 để khắc phục nhược điểm của STM chỉ có thể thực hiện được trên mẫu dẫn điện, bởi G. Binnig, C. F. Quate và Ch. Gerber , và đến năm 1987, T. Albrecht đã lần đầu tiên phát triển AFM đạt độ phân giải cấp độ nguyên tử , cũng trong năm đó MFM được phát triển từ AFM. Năm 1988, AFM chính thức được thương mại hóa bởi Park Scientific (Stanford, Mỹ). Ưu điểm của AFM AFM khắc phục nhược điểm của STM, có thể chụp ảnh bề mặt của tất cả các loại mẫu kể cả mẫu không dẫn điện. AFM không đòi hỏi môi trường chân không cao, có thể hoạt động ngay trong môi trường bình thường. AFM cũng có thể tiến hành các thao tác di chuyển và xây dựng ở cấp độ từng nguyên tử, một tính năng mạnh cho công nghệ nano. Đồng thời AFM cũng hoạt động mà không đòi hỏi sự phá hủy hay có dòng điện nên còn rất hữu ích cho các tiêu bản sinh học ,. Nhược điểm của AFM AFM quét ảnh trên một diện tích hẹp (tối đa đến 150 micromet). Tốc độ ghi ảnh chậm do hoạt động ở chế độ quét. Chất lượng ảnh bị ảnh hưởng bởi quá trình trễ của bộ quét áp điện. Đầu dò rung trên bề mặt nên kém an toàn, đồng thời đòi hỏi mẫu có bề mặt sạch và sự chống rung.
Lý Quang Diệu (tên gốc: Lee Kuan Yew; chữ Hán: 李光耀; bính âm: Lǐ Guāngyào, 16 tháng 9 năm 1923 – 23 tháng 3 năm 2015), là Thủ tướng đầu tiên của nước Cộng hòa Singapore, ông đảm nhiệm chức vụ này từ năm 1959 đến năm 1990. Ông được coi là Lãnh tụ của đất nước Singapore. Xuất thân Theo cuốn hồi ký của ông, Lý Quang Diệu là thế hệ thứ tư thuộc một gia đình người Khách Gia định cư tại Singapore. Ông cố Lý Mộc Văn (Lee Bok Boon – 李沐文) (sinh năm 1846), rời bỏ quê nhà huyện Đại Bộ, Mai Châu, tỉnh Quảng Đông để đến Singapore vào năm 1863. Ông lấy con gái của một ông chủ hiệu là Seow Huan Nio, và đã trở về Trung Quốc vào năm 1882, bỏ lại vợ và 3 đứa con. Lý Mộc Văn đã xây dựng một thái ấp nhỏ ở quê nhà và mất 2 năm sau đó. Ông của Lý Quang Diệu tên là Lý Vân Long (Lee Hoon Leong - 李雲龍), sinh tại Singapore năm 1871, lúc đó đang là thuộc địa Anh. Ông đã được hưởng nền giáo dục của Anh tại Học viện Raffles, và trở thành người chuyên bào chế thuốc không hợp pháp, sau đó chuyển sang làm người phụ trách tài chính trên tàu hơi nước được sở hữu bởi một chủ người Hoa, Oei Tiong Ham.. Lý Vân Long, ở tuổi 26 đã lấy Ko Liem Nio, lúc đó 16 tuổi tại Semarang, Java, thuộc Đông Ấn Hà Lan (nay là Indonesia). Đây là cuộc đám cưới được gia đình 2 bên sắp đặt theo phong tục truyền thống. Gia đình 2 bên đều thuộc tầng lớp trung lưu. Cả cô dâu và chú rể đều được hưởng nền giáo dục Anh quốc. Ông ngoại Lý Vân Long sở hữu bất động sản và việc mua bán cao su tại đường Orchard. Lý Vân Long cuối cùng trở thành giám đốc quản lý của công ty Heap Eng Moh Steamship. Ông Lý Vân Long có 2 người vợ, là việc bình thường vào thời đó, là cha của 5 người con gái và 2 người con trai. Con trai của ông là Lý Tiến Khôn (Lee Chin Koon - 李進坤) cũng đã được hưởng nền giáo dục Anh quốc sau đó đã lấy Thái Nhận Nương (Chua Jim Neo - 蔡認/认娘), là mẹ của ông Lý Quang Diệu. Lý Quang Diệu chào đời trong một nhà lều rộng và thoáng tại số 92 đường Kampong Java, Singapore. Ngay từ khi còn bé, văn hoá Anh đã có ảnh hưởng đậm nét trên Lý, một phần là do ông nội, Lý Vân Long, đã cho các con trai của mình hấp thụ nền giáo dục của Anh. Cũng chính ông nội đã cho cậu bé Lý tên Harry để thêm vào tên Quang Diệu mà người cha đặt cho con mình. Tài sản của ông Lý Vân Long bị tiêu tán do ảnh hưởng của cuộc Đại khủng hoảng, và do đó làm cho cha ông, Lý Tiến Khôn trở thành một chủ cửa hiệu nghèo. Ngày 30 tháng 9 năm 1950, Lý Quang Diệu kết hôn với Kha Ngọc Chi. Cả hai đều sử dụng tiếng Anh như là ngôn ngữ mẹ đẻ. Ông Diệu do không sõi tiếng Trung Quốc nên đã bắt đầu học tiếng Trung Quốc vào năm 1955 ở độ tuổi 32.. Ông Diệu lúc trưởng thành mới bắt đầu học tiếng Nhật và làm phiên dịch cho người Nhật trong khoảng thời gian Nhật Bản chiếm đóng Singapore.Họ có 2 con trai và 1 con gái. Vài thành viên trong gia tộc Lý đảm nhiệm những vị trí quan trọng trong xã hội Singapore, các con trai và con gái của ông hiện giữ các chức vụ cao cấp trong chính quyền hoặc liên quan đến chính quyền. Cậu con cả, Lý Hiển Long, cựu chuẩn tướng quân đội, từ năm 2004 là Bộ trưởng Tài chính và nay là Thủ tướng đương nhiệm. Lý Hiển Long cũng là Phó chủ tịch Ban quản trị Công ty Đầu tư Singapore (Lý Quang Diệu là chủ tịch). Hà Tinh, vợ của thủ tướng Lý Hiển Long, là giám đốc điều hành của Temasek Holdings. Con trai thứ của ông Lý – Lý Hiển Dương, cựu chuẩn tướng, hiện là chủ tịch và tổng giám đốc của Sing Tel, một tập đoàn truyền thông xuyên Á, cũng là công ty lớn nhất trong thị trường tư bản (liệt kê trên thị trường chứng khoán Singapore, SGX). 72% cổ phần của Sing Tel thuộc quyền sở hữu của công ty Temasek Holdings, một công ty đầu tư của chính phủ có cổ phần nắm quyền kiểm soát tại những công ty có liên hệ với chính phủ như Singapore Airlines và ngân hàng DBS. Con gái của ông Lý, Lý Vĩnh Linh, lãnh đạo Viện Khoa học Thần kinh Quốc gia, đến nay vẫn sống độc thân. Vợ của Lý Quang Diệu, bà Kha Ngọc Chi từng là thành viên của công ty luật nổi tiếng Lee & Lee. Các em trai của ông, Dennis, Freddy và Suan Yew đều là thành viên của công ty luật nói trên. Ông có một em gái tên Monica. Lý Quang Diệu luôn bác bỏ mọi cáo buộc về gia đình trị, cho rằng những vị trí đặc quyền mà các thành viên trong gia đình ông có được là nhờ những nỗ lực bản thân. Thiếu thời Lý Quang Diệu theo học tại trường tiểu học Telok Kurau, ông cũng mô tả thời học tiểu học thành tích học tập của ông không có gì nổi bật. Sau đó ông theo học Học viện Raffles, ông đã phải nỗ lực để theo kịp vì tại đây có tới 150 học viên đứng đầu toàn Singapore. Ông đã vào được top đầu và tham gia phong trào hướng đạo trong 3 năm. Ông cũng tham gia các hoạt động thể dục thể thao như tennis, cricket, hay tham gia các buổi thảo luận của học viện. Những năm đầu tại đại học Cambridge ông giành được nhiều học bổng và sau đó đã giành được tấm bằng hạng nhất của nhà trường và giành được học bổng John Anderson cho phép ông theo học đại học Raffles (hiện tại là Đại học quốc gia Singapore). Ông phải bỏ dở việc học khi Nhật Bản chiếm đóng Singapore suốt những năm 1942-1945 trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Trong thời kỳ chiếm đóng, ông vận hành hiệu quả những thương vụ chợ đen tiêu thụ một loại keo tapioca gọi là Stikfas. Bắt đầu học tiếng Hán và tiếng Nhật từ năm 1942, ông làm việc với người Nhật trong công việc của một người ghi chép những bức điện báo của phe Đồng Minh, cũng như biên tập bản tiếng Anh cho tờ Hodobu (報道部 – thuộc ban thông tin tuyên truyền của người Nhật) từ năm 1943 đến năm 1944. Sau chiến tranh, ông theo học luật tại Đại học Fitzwilliam, Đại học Cambridge tại Anh Quốc, và trong một thời gian ngắn, theo học tại Trường Kinh tế Luân Đôn. Năm 1949, Lý Quang Diệu trở về Singapore và hành nghề luật sư tại Laycock và Ong, một công ty luật của John Laycock, một nhà tiên phong trong các hoạt động đa chủng tộc, người cùng với A.P. Rajah và C.C. Tan, thành lập câu lạc bộ đa chủng đầu tiên tại Singapore, thâu nhận người châu Á. Sự nghiệp chính trị (1951 – 1959) Trong hồi ký của ông Diệu, ông có nhắc đến dự định trở về Singapore để làm việc và khi trở về ông đã làm cho công ty luật John Laycock, với mức lương 500$/tháng. Ông trở thành người tư vấn luật cho các hoạt động thương mại và các tổ chức liên đoàn sinh viên.. Trước thời kỳ Đảng Hành động Nhân dân Trải nghiệm đầu tiên của Lý Quang Diệu trên chính trường Singapore là vai trò một nhân viên vận động bầu cử cho ông chủ John Laycock dưới ngọn cờ của Đảng Tiến bộ (Progressive Party) thân Anh, trong cuộc bầu cử hội đồng lập pháp năm 1951. Song, Lý Quang Diệu dần dần nhận ra hậu vận đen tối của chính đảng này do thiếu sự ủng hộ của quần chúng, nhất là của giới lao động thuộc cộng đồng nói tiếng Hoa. Nhân tố này là đặc biệt quan trọng khi ủy ban Rendel, vào năm 1953, quyết định mở rộng quyền bầu cử cho tất cả người dân sinh tại địa phương, làm gia tăng đáng kể số cử tri người Hoa. Lý Quang Diệu tiến đến ngả rẽ chính trị của mình khi ông tham gia tư vấn pháp lý cho các nghiệp đoàn thương mại và sinh viên. Các nghiệp đoàn này cung cấp cho ông mối quan hệ với giới công nhân nói tiếng Hoa (về sau, đảng Hành động Nhân dân của ông sử dụng mối quan hệ lịch sử này như là một công cụ đàm phán trong các tranh chấp công nghiệp). Thành lập Đảng Hành động Nhân dân Ngày 21 tháng 11 năm 1954, Lý Quang Diệu cùng với một nhóm bạn hữu thuộc giai cấp trung lưu có học vấn Anh, những người mà ông miêu tả là "những tay tư sản nghiện bia", thành lập Đảng Hành động Nhân dân (PAP – 人民行动党) có khuynh hướng xã hội và liên minh với các nghiệp đoàn theo chủ nghĩa cộng sản. Một hội nghị sáng lập được tổ chức tại Victoria Memorial Hall, sảnh đường đầy cứng với 1.500 người ủng hộ và thành viên nghiệp đoàn. Lý Quang Diệu trở thành Tổng thư ký, chức vụ mà ông nắm giữ cho đến năm 1992, ngoại trừ một thời gian ngắn trong năm 1957. Tunku Abdul Rahman của Đảng UMNO và Tan Cheng Lock của MCA được mời làm quan khách nhằm tăng uy tín cho đảng vừa mới ra đời. Đối lập Lý Quang Diệu ra tranh cử và giành được chiếc ghế đại diện cho Tanjong Pagar trong cuộc tuyển cử năm 1955. Ông trở thành nhà lãnh đạo phe đối lập, chống lại chính phủ liên hiệp dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Lao động của David Saul Marshall. Ông cũng là một trong số hai đại diện của PAP đến tham dự những cuộc thương thảo về hiến pháp tổ chức tại Luân Đôn; cuộc thương thảo lần thứ nhất đặt dưới sự hướng dẫn của Marshall, lần thứ hai của Lâm Hữu Phúc. Chính trong giai đoạn này Lý Quang Diệu phải đấu tranh với các đối thủ cả trong lẫn ngoài đảng PAP. Thủ tướng, trước khi độc lập (1959 – 1965) Chính phủ tự trị (1959 – 1963) Trong cuộc bầu cử toàn quốc ngày 1 tháng 6 năm 1959, PAP giành được 43 trong tổng số 51 ghế trong hội đồng lập pháp. Singapore giành quyền tự trị trong mọi lĩnh vực của đất nước ngoại trừ quốc phòng và ngoại giao, Lý Quang Diệu trở thành thủ tướng đầu tiên của quốc gia này vào ngày 3 tháng 6 năm 1959, thay thế thủ tướng Lâm Hữu Phúc. Trước khi nhậm chức ông yêu cầu trả tự do cho Lâm Thanh Tường và Devan Nair, hai người này đã bị giam giữ bởi chính phủ Lâm Hữu Phúc. Sau khi giành được quyền tự trị từ tay người Anh, Singapore phải đối diện với nhiều vấn đề xã hội như giáo dục, nhà ở và tình trạng thất nghiệp. Lý Quang Diệu cho thành lập Ban phát triển gia cư để bắt đầu chương trình xây dựng chung cư hầu làm giảm nhẹ sự thiếu hụt nhà ở. Sáp nhập rồi tách khỏi Malaysia (1963 – 1965) Sau khi thủ tướng của Malaysia, Tunku Abdul Rahman, đưa ra đề nghị thành lập một liên bang bao gồm Mã Lai, Singapore, Sabah, Sarawak và Brunei vào năm 1961, Lý Quang Diệu khởi phát chiến dịch đòi sáp nhập với Malaysia với mục đích chấm dứt sự cai trị của người Anh. Sử dụng những kết quả thu được từ cuộc trưng cầu dân ý tổ chức ngày 1 tháng 9 năm 1962, theo đó có đến 70% lá phiếu ủng hộ đề nghị của mình, Lý Quang Diệu tuyên bố nhân dân đứng về phía ông. Suốt trong chiến dịch Coldstore, Lý Quang Diệu tìm cách loại bỏ những thành phần chống đối kế hoạch sáp nhập. Ngày 16 tháng 9 năm 1963, Singapore trở nên một phần của Liên bang Malaysia. Tuy nhiên, liên bang này không tồn tại được lâu. Chính quyền trung ương Malaysia, dưới sự lãnh đạo của Tổ chức Liên hiệp Dân tộc Mã Lai (UMNO), tỏ ra quan ngại về thành phần đa số của người Hoa ở Singapore cũng như những thách thức chính trị của PAP tại Malaysia. Lý Quang Diệu công khai chống lại chủ trương dân tộc cực đoan Mã Lai (bumiputra). Mối quan hệ giữa PAP và UMNO trở nên căng thẳng gay gắt. Một số người trong UMNO muốn bắt giữ ông. Bạo động chủng tộc bùng nổ sau đó gần Kallang Gasworks vào dịp sinh nhật tiên tri Mohamet (ngày 21 tháng 6 năm 1964), có 25 người thiệt mạng khi người Hoa và người Mã Lai tấn công lẫn nhau. Đến nay vẫn còn tranh cãi về nguyên nhân của cuộc bạo động này, có người cho rằng một người Hoa đã ném chai lọ vào đám đông người Mã Lai trong khi có người nghĩ ngược lại, cho rằng một người Mã Lai đã làm điều này. Thêm những vụ bạo động bùng nổ trong tháng 9 năm 1964, khi đám đông cướp phá xe hơi và các cửa hiệu, khiến cả Tunku Abdul Rahman và Lý Quang Diệu phải xuất hiện trước công chúng nhằm xoa dịu tình hình. Trong lúc này giá thực phẩm tăng cao do tắc nghẽn giao thông, làm cho tình hình càng xấu hơn. Không tìm ra phương cách giải quyết cuộc khủng hoảng, Tunku Abdul Rahman chọn lấy quyết định trục xuất Singapore ra khỏi Malaysia, "cắt đứt mọi quan hệ với chính quyền của một tiểu bang đã không đưa ra bất cứ biện pháp nào chứng tỏ lòng trung thành với chính quyền trung ương". Lý Quang Diệu cố gắng xoay xở để tìm ra một thỏa hiệp nhưng không thành công. Sau đó, do sự thuyết phục của Ngô Khánh Thụy (Goh Keng Swee), ông nhận ra rằng ly khai là điều không thể tránh khỏi. Ngày 7 tháng 8 năm 1965, Lý Quang Diệu ký thoả ước ly khai, trong đó có bàn về mối quan hệ sau ly khai với Malaysia hầu có thể tiếp tục duy trì sự hợp tác trong những lãnh vực như thương mại và quốc phòng. Đây là một đòn nặng đánh vào Lý Quang Diệu, vì ông tin rằng sự hợp nhất là yếu tố căn cốt cho sự tồn vong của Singapore. Trong cuộc họp báo được truyền hình trực tiếp, khóc oà trong xúc cảm, Lý Quang Diệu thông báo với dân chúng về quyết định ly khai: Cũng trong ngày ấy, 9 tháng 8 năm 1965, Quốc hội Malaysia biểu quyết thông qua nghị quyết cắt đứt quan hệ với tiểu bang Singapore, như vậy nước Cộng hoà Singapore được hình thành. Tân quốc không có tài nguyên thiên nhiên, không có nguồn nước và khả năng quốc phòng thì hết sức nhỏ bé. Nay Lý Quang Diệu phải đứng ra gánh vác trọng trách xây dựng đảo quốc mới vừa được khai sinh này. Thủ tướng, sau độc lập (1965 – 1990) Trong quyển hồi ký của mình, Lý Quang Diệu nói rằng ông không thể ngủ ngon và ngã bệnh sau ngày Singapore độc lập. Sau khi nghe Cao uỷ John Robb tường trình về hoàn cảnh của Lý Quang Diệu, Thủ tướng Anh Harold Wilson bày tỏ những quan ngại của mình và nhận được phúc đáp của Lý Quang Diệu: Lý Quang Diệu khởi sự tìm kiếm sự công nhận của quốc tế cho quốc gia Singapore độc lập. Ngày 21 tháng 9 năm 1965, Singapore gia nhập Liên Hợp Quốc, và ngày 8 tháng 8 năm 1967, gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Ngày 25 tháng 5 năm 1973, Lý Quang Diệu chính thức viếng thăm Indonesia, chỉ vài năm sau chính sách đối đầu (Konfrontasi) dưới chế độ của Sukarno. Quan hệ giữa Singapore và Indonesia có những bước cải thiện căn bản nhờ những cuộc viếng thăm qua lại sau đó giữa hai nước. Vì Singapore chưa bao giờ có một nền văn hoá chủ đạo để dân nhập cư có thể hoà nhập, cũng không có một ngôn ngữ chung, trong hai thập niên 1970 và 1980, cùng với các nỗ lực từ chính phủ và đảng cầm quyền, Lý Quang Diệu cố gắng kiến tạo một bản sắc chung cho Singapore. Lý Quang Diệu và chính quyền luôn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của chủ trương bao dung tôn giáo và hoà hợp chủng tộc, sẵn sàng sử dụng luật pháp để chống lại bất kỳ hiểm hoạ nào có thể kích hoạt bạo động tôn giáo và chủng tộc. Điển hình, Lý Quang Diệu đã cảnh cáo "việc truyền bá phúc âm cách thiếu nhạy cảm" khi đề cập đến những trường hợp các tín hữu Cơ Đốc chia sẻ đức tin của mình cho người Mã Lai (tuyệt đại đa số theo Hồi giáo). Năm 1974, chính phủ khuyến cáo Thánh Kinh Hội Singapore nên ngưng xuất bản các ấn phẩm tôn giáo bằng tiếng Mã Lai. Chính sách Trong cương vị lãnh đạo quốc gia suốt trong thời kỳ hậu độc lập, ông Lý có ba mối quan tâm chính: An ninh Quốc gia, Kinh tế và những vấn đề Xã hội. An ninh quốc gia Tính dễ bị tổn thương của Singapore luôn được cảm nhận sâu sắc khi xảy ra các mối đe doạ từ nhiều phía khác nhau, trong đó có Indonesia (với chính sách đối đầu), cũng như thành phần cực đoan trong đảng UMNO, những người này muốn đem Singapore trở về với Malaysia. Ngay khi Singapore được gia nhập Liên Hợp Quốc, Lý Quang Diệu vội vàng tìm kiếm sự công nhận của quốc tế dành cho nước Singapore độc lập. Theo gương Thuỵ Sĩ, ông tuyên bố chính sách trung lập và không liên kết. Cùng lúc, ông giao cho Ngô Khánh Thụy trọng trách xây dựng Lực lượng vũ trang Singapore và xin trợ giúp từ các quốc gia khác trong các lãnh vực tư vấn, huấn luyện và cung ứng quân dụng. Năm 1967, khi người Anh tỏ ý cắt giảm hoặc triệt thoái quân đội khỏi Singapore và Malaysia, Lý Quang Diệu và Goh đưa ra chương trình quân dịch National Service nhằm phát triển một lực lượng trừ bị quy mô có thể huy động trong một thời gian ngắn. Tháng 1 năm 1968, ông mua một ít xe tăng AMX-13 do Pháp chế tạo, đến năm 1972, tổng số xe tăng tân trang được mua là 72 chiếc. Sau này, Singapore thiết lập quan hệ quân sự với các quốc gia thành viên của ASEAN, với Hiệp ước Phòng thủ Ngũ Cường (Five-Powers Defense Agreement, FPDA) và các nước khác, giúp phục hồi nền an ninh quốc gia sau cuộc triệt thoái ngày 31 tháng 10 năm 1971 của quân đội Anh. Luật pháp Lý Quang Diệu không bao giờ tin tưởng vào một xã hội dân sự nhấn mạnh quá mức vào tự do cá nhân như các nước phương Tây. Trong cuốn Lý Quang Diệu - Bàn về Trung Quốc, Hoa Kỳ và thế giới, ông thấy nước Mỹ có nhiều điều hoàn toàn không thể chấp nhận được: súng ống, ma túy, tội phạm, bạo lực... tính không ổn định, ứng xử thiếu văn minh nơi công cộng, tóm lại là tình trạng sa sút của một xã hội dân sự. Ngày nào cũng có những hình ảnh bạo lực và khiêu dâm trên truyền hình thì cả xã hội sẽ bị phơi nhiễm và điều này sẽ hủy hoại cả một cộng đồng. Việc mở rộng quá mức các quyền cá nhân khiến con người ứng xử tùy tiện, bất chấp chuẩn mực chung và làm tổn hại đến xã hội có trật tự. Các quyền cá nhân được phương Tây coi trọng thái quá đã làm ảnh hưởng đến cả cộng đồng; và tội phạm thường xuyên thoát khỏi sự trừng phạt vì luật pháp bảo vệ quyền con người một cách thái quá. Để giữ vững kỷ cương xã hội, chính phủ Lý Quang Diệu đề ra các hình phạt rất nghiêm khắc, bao gồm cả trừng phạt thân thể dưới dạng đánh đòn hoặc phạt roi nơi công cộng, có thể áp dụng đối với các tội hình như hiếp dâm, gây rối loạn, phá hoại, và các vi phạm di trú nhất định. Tổ chức Ân xá Quốc tế cho rằng một số điều khoản pháp lý của Singapore xung đột với quyền được cho là vô tội cho đến khi bị chứng minh là có tội, và rằng Singapore "có thể có tỷ lệ hành quyết cao nhất trên thế giới so với dân số của quốc gia". Chính phủ Singapore luôn phản bác các tuyên bố của Tổ chức Ân xá Quốc tế. Kinh tế Tách rời khỏi Malaysia có nghĩa là mất luôn thị trường chung và thị trường nội địa. Khó khăn càng chồng chất khi quân đội Anh triệt thoái làm mất thêm 50.000 chỗ làm. Mặc dù người Anh ủng hộ những cam kết trước đó duy trì các căn cứ quân sự cho đến năm 1975, Lý Quang Diệu không muốn làm căng thẳng mối quan hệ với Luân Đôn. Ông tìm cách thuyết phục Harold Wilson cho phép chuyển đổi các cơ sở quân sự (như xưởng sửa chữa và đóng tàu của hải quân) cho các mục đích dân sự, thay vì phá huỷ chúng như theo luật của nước Anh. Với sự tư vấn của Tiến sĩ Albert Winsemius, Lý Quang Diệu dẫn đưa Singapore vào con đường công nghiệp hoá. Năm 1961, Ban Phát triển Kinh tế được thành lập với nhiệm vụ thu hút đầu tư nước ngoài, đưa ra những ưu đãi thuế hấp dẫn và xây dựng một lực lượng lao động lương thấp nhưng có kỷ luật lao động và tay nghề cao. Đồng thời chính phủ duy trì biện pháp kiểm soát chặt chẽ nền kinh tế, ban hành những quy định về phân phối đất đai, lao động và nguồn vốn. Tiến hành xây dựng hạ tầng cơ sở hiện đại như phi trường, hải cảng, đường sá và mạng lưới truyền thông. Ban Xúc tiến Du lịch cũng được thành lập để phát triển du lịch và tạo thêm việc làm. Trong vai trò lãnh đạo công cuộc xây dựng và phát triển nền kinh tế Singapore, Lý Quang Diệu nhận được sự hỗ trợ từ những bộ trưởng tài năng nhất, đặc biệt là Goh Keng Swee và Hon Sui sen. Họ cố xoay xở để hạ giảm tỷ lệ người thất nghiệp từ 14% trong năm 1965 xuống còn 4,5% vào năm 1973. Ấn định ngôn ngữ chính thức Lý Quang Diệu chọn tiếng Anh là ngôn ngữ công sở và ngôn ngữ chung cho các chủng tộc khác nhau, trong khi vẫn công nhận tiếng Mã Lai, tiếng Trung Quốc và tiếng Tamil là ngôn ngữ chính thức. Hầu hết trường học đều sử dụng tiếng Anh như là chuyển ngữ cho học tập, mặc dù tiếng mẹ đẻ vẫn được dạy trong trường học. Lý Quang Diệu khuyến khích người dân ngưng sử dụng các phương ngữ của tiếng Hoa, và phát triển Hán ngữ tiêu chuẩn như một ngôn ngữ thay thế, chiếm lấy vị trí "tiếng mẹ đẻ" với mục tiêu xây dựng một ngôn ngữ giao tiếp chung cho cộng đồng người Hoa. Năm 1979, Lý Quang Diệu chính thức phát động phong trào nói Hán ngữ tiêu chuẩn. Ông cho hủy bỏ tất cả chương trình truyền hình bằng tiếng địa phương, ngoại trừ các chương trình tin tức và nhạc kịch (phục vụ cho người lớn tuổi). Biện pháp này đã làm suy tàn các phương ngữ của tiếng Hoa; ngày nay người ta nhận ra rằng giới trẻ Singapore gốc Hoa không còn thông thạo khi sử dụng phương ngữ tiếng Hoa, vì vậy họ gặp nhiều khó khăn khi tiếp xúc với ông bà của họ là những người chỉ biết nói tiếng Hoa địa phương. Trong thập kỷ 1970, sinh viên tốt nghiệp từ Đại học Công nghệ Nanyang nói tiếng Hoa gặp trở ngại khi kiếm việc làm vì không thông thạo tiếng Anh, ngôn ngữ cần có tại chỗ làm, đặc biệt là trong khu vực công. Lý Quang Diệu phải sử dụng biện pháp triệt để bằng cách sáp nhập Đại học Nanyang vào Đại học Singapore để trở thành Đại học Quốc gia Singapore. Động thái này gây ảnh hưởng lớn trên các giáo sư nói tiếng Hoa vì họ buộc phải dạy bằng tiếng Anh. Những người có công xây dựng Đại học Nanyang cũng lên tiếng chống đối vì những tình cảm ràng buộc với trường này. Quy chế chính phủ Giống các quốc gia châu Á khác, Singapore cũng không miễn nhiễm đối với nạn tham nhũng. Lý Quang Diệu nhận thức rõ rằng tham nhũng là một trong những nguyên do dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền Trung Hoa Dân quốc tại Trung Hoa. Ông ban hành những luật lệ cần thiết dành cho Văn phòng Điều tra Tham nhũng (Corrupt Practices Investigation Bureau, CPIB) nhiều quyền hạn hơn để bắt giữ, lục soát, triệu tập nhân chứng, điều tra các tài khoản ngân hàng và các khoản hoàn trả thuế lợi tức của những cá nhân bị tình nghi cùng với gia đình của họ. Với sự ủng hộ của Lý Quang Diệu, CPIB được giao thẩm quyền tiến hành các cuộc điều tra đối với bất kỳ viên chức hoặc bộ trưởng nào. Trong thực tế, sau đó đã có vài bộ trưởng bị cáo buộc tham nhũng. Lý Quang Diệu tin rằng các bộ trưởng nên được trả lương cao để duy trì một chính quyền sạch và chân thật. Năm 1994, ông đề nghị nối kết mức lương của bộ trưởng, thẩm phán và viên chức công quyền cao cấp với mức lương của giới chuyên nghiệp hàng đầu trong khu vực tư, vì ông cho rằng như thế sẽ giúp tuyển mộ và duy trì nhiều tài năng phục vụ trong khu vực công. Năm 1983, Lý Quang Diệu gây ra nhiều tranh cãi gay gắt về hôn nhân khi ông lên tiếng khuyến khích nam giới Singapore kết hôn với phụ nữ thuộc thành phần học thức. Ông bày tỏ mối quan ngại khi hiện có nhiều phụ nữ đã tốt nghiệp đại học vẫn chưa lập gia đình. Một số nhóm dân cư, trong đó có những phụ nữ tốt nghiệp đại học, tỏ ra giận dữ vì quan điểm này. Dù vậy, một cơ quan môi giới hôn nhân, Social Development Unit, đã được thành lập nhằm tạo điều kiện giao tiếp cho những người tốt nghiệp đại học của cả hai giới. Ông cũng đưa ra những biện pháp khuyến khích các bà mẹ học thức có ba hoặc bốn con, đảo ngược chiến dịch kế hoạch hoá gia đình "chỉ nên có hai con" trong hai thập niên 1960 và 1970. Bang giao với Malaysia Singapore vốn là vùng lãnh thổ thuộc Malaysia, sau đó tách ra độc lập. Do vậy, thái độ giữa 2 nước trong thời kỳ đầu là rất xấu. Lý Quang Diệu mong muốn cải thiện quan hệ với Mahathir Mohamad ngay từ khi Mahathir bin Mohamad được bổ nhiệm vào chức vụ phó thủ tướng. Nhận biết rằng Mahathir đang ở vị trí chuẩn bị cho chức thủ tướng Malaysia, năm 1978 ông mời Mahathir (thông qua tổng thống Singapore lúc ấy là Devan Nair) đến thăm Singapore. Cuộc viếng thăm lần đầu và những lần sau đó giúp cải thiện mối quan hệ cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo cũng như mối bang giao giữa hai quốc gia. Mahathir yêu cầu Lý Quang Diệu cắt đứt quan hệ với các thủ lĩnh gốc Hoa thuộc đảng Hành động Dân chủ (tại Malaysia); đổi lại, Mahathir cam kết không can thiệp vào các vấn đề của người Singapore gốc Mã Lai. Tháng 12 năm 1981, Mahathir quyết định thay đổi múi giờ của bán đảo Mã Lai để tạo nên một múi giờ thống nhất cho toàn thể đất nước Malaysia, Lý Quang Diệu chấp nhận sự thay đổi này vì những lý do kinh tế và xã hội. Nhờ vậy, mối quan hệ giữa hai phía càng được cải thiện trong năm 1982. Tháng 1 năm 1984, Mahathir áp đặt thuế RM100 trên tất cả phương tiện vận chuyển từ Malaysia sang Singapore. Khi Musa Hitam cố phản đối chính sách này của Mahathir, thuế suất được tăng gấp đôi với mục đích ngăn cản việc sử dụng cảng biển của Singapore, vì vậy một sự đổ vỡ trong bang giao giữa hai nước trở nên rõ ràng. Tháng 6 năm 1988, Lý Quang Diệu và Mahathir tiến tới một thoả thuận chung tại Kuala Lumpur về việc xây dựng đập Linggui trên sông Johor. Năm 1989, Lý Quang Diệu tìm cách thăm dò lập trường của Mahathir khi muốn dời những trạm hải quan đường sắt từ Tanjong Pagar ở miền Nam Singapore đến Woodlands ở đoạn cuối Causeway, một phần do sự gia tăng nạn buôn lậu ma tuý vào Singapore. Điều này gây bất bình tại Malaysia, vì một vùng đất sẽ thuộc về Singapore khi đường sắt ngưng hoạt động. Mahathir giao cho Daim Zainuddin, khi ấy là bộ trưởng tài chính Malaysia, giải quyết vấn đề này. Sau nhiều tháng thương thảo, hai bên đạt được thỏa thuận cùng phát triển ba vùng đất ở Tanjong Pagar, Kranji và Woodlands. Malaysia được 60% vùng đất, trong khi phần của Singapore là 40%. Thoả ước được ký kết ngày 27 tháng 11 năm 1990, một ngày trước khi Lý Quang Diệu nghỉ hưu. Quan điểm về Việt Nam Trong thời kỳ lãnh đạo của Lý Quang Diệu, kinh tế Singapore được hưởng lợi từ việc cung cấp nhu yếu phẩm, nhiên liệu, vũ khí và phương tiện chiến tranh cho quân viễn chinh Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam. Riêng xăng dầu và nhiên liệu, mỗi tháng Singapore bán cho Mỹ lượng hàng trị giá 600 triệu đôla, thu nhập từ việc làm hậu cần cho quân đội Mỹ chính là nguồn lực ban đầu giúp Singapore xây dựng kinh tế đất nước.. Ông nhìn nhận vai trò của Hoa Kỳ trong cuộc Chiến tranh Việt Nam và tác động của nó tới chủ nghĩa cộng sản tại Đông Nam Á: Lý Quang Diệu tin vào lý thuyết rằng những lãnh đạo vĩ đại sẽ xoay vần lịch sử. Nhờ điều này, Singapore đã thành công trong khi Việt Nam Cộng hòa đã thất bại. Ông từng nói: "Sài Gòn có thể làm được những gì Singapore đã làm... Nếu nhìn vào Sài Gòn và Singapore vào năm 1954, ai đó có thể nói Singapore là thứ vứt đi, không phải Sài Gòn", nhưng rồi Singapore đã tự đứng vững trong khi Việt Nam Cộng hòa thì ngày một suy sụp và phải dựa vào Mỹ để tồn tại. Lý Quang Diệu cho rằng chính phủ Mỹ thời Eisenhower là nguyên nhân cho tình trạng sa lầy của Mỹ, bởi vì Eisenhower đã "cho phép Ngô Đình Diệm loại bỏ khỏi hệ thống chính trị tất cả các lựa chọn thay thế cho ông ta". Quan điểm của Lý Quang Diệu về cải cách của Việt Nam đã thay đổi đáng kể từ chỗ khá lạc quan vào đầu những năm 1990. Tới năm 2000, Lý Quang Diệu tin rằng thế hệ các nhà lãnh đạo lớn tuổi của Việt Nam không có khả năng phá vỡ tư duy xã hội chủ nghĩa một cách cơ bản. Lúc đầu họ đồng ý bắt tay vào chặng đường cải cách bởi vì họ thấy rằng đất nước đang chẳng đi đến đâu. Nhưng từ đó đến giờ họ vẫn chưa thể hiện được quyết tâm thật sự trong việc đại tu hệ thống, điều mà người ta đã chứng kiến ở các lãnh đạo Trung Quốc. Theo Lý Quang Diệu, các nhà lãnh đạo lão thành cách mạng (Old Guard leaders) khiến Việt Nam trì trệ, chỉ khi họ qua đời thì Việt Nam mới có thể tạo ra đột phá trong các nỗ lực hiện đại hóa của mình.Lý Quang Diệu viết về Đông Nam Á và Việt Nam Quan điểm về Trung Quốc Lý Quang Diệu cho rằng vụ dập tắt cuộc biểu tình ở Thiên An Môn của Trung Quốc là cần thiết để duy trì trật tự và luật pháp, nếu không đất nước rộng lớn này sẽ sớm tan vỡ thành nhiều mảnh bởi các lực lượng nổi dậy cát cứ ở các địa phương: "Tôi hiểu Đặng Tiểu Bình khi ông ấy nói, "nếu phải bắn, hãy bắn ngay"... Bởi vì nhiều khả năng Trung Quốc sẽ đại loạn trong 100 năm tới. Đặng hiểu, ông ấy thả lỏng dần dần. Không có Đặng, Trung Quốc đã vỡ tan."". Lý Quang Diệu cũng cho rằng thế kỉ 21 sẽ là thế kỷ của cuộc cạnh tranh giành ngôi vị siêu cường thế giới giữa Mỹ và Trung Quốc, và viễn cảnh thế giới sẽ bước vào một "kỷ nguyên Trung Quốc". Theo phỏng đoán của ông, cuộc chiến này sẽ chủ yếu diễn ra ở châu Á và Đông Nam Á là một trận địa chiến lược. Lý Quang Diệu nhận định Trung Quốc sẽ không muốn đối đầu với Mỹ cho đến khi nước này vượt qua hoặc ngang bằng với Mỹ trong lĩnh vực phát triển kinh tế và ứng dụng công nghệ: "Trung Quốc nhận ra rằng nếu tiếp tục "trỗi dậy hòa bình" và chỉ tranh giành vị trí số một về kinh tế và công nghệ thì họ không thể thua. Giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ trung thành với bí quyết của Đặng Tiểu Bình: "Ẩn mình chờ thời". Quan điểm về Hoa Kỳ Lý Quang Diệu không chia sẻ niềm tin của người Mỹ về nền dân chủ của họ. Ông cho rằng vị thế của Mỹ sẽ bị Trung Quốc thách thức. Bộ trưởng Cao cấp (1990 – 2004) Sau khi lãnh đạo đảng PAP giành được chiến thắng trong 7 cuộc bầu cử, ngày 28 tháng 11 năm 1990, Lý Quang Diệu quyết định về hưu và bàn giao chức vụ thủ tướng cho Ngô Tác Đống (Goh Chok Tong) con của Ngô Khánh Thụy. Ông là chính khách có quãng thời gian dài nhất phục vụ trong cương vị thủ tướng. Cuộc chuyển giao quyền lãnh đạo được chuẩn bị và tiến hành hết sức chu đáo. Chu trình tuyển chọn và đào tạo thế hệ lãnh đạo thứ hai khởi sự từ đầu thập niên 1970. Trong thập niên 1980, Goh và các nhà lãnh đạo trẻ tuổi khác bắt đầu đảm nhận các vị trí quan trọng trong nội các. Trước cuộc chuyển giao, tất cả các nhà lãnh đạo thế hệ thứ nhất ("những cựu binh") đều về hưu, kể cả Ngô Khánh Thụy (Goh Keng Swee), S. Rajaratnam và Đỗ Tiến Tài (Toh Chin Chye). Vì được chuẩn bị tốt, cuộc chuyển giao không gây ra bất cứ biến động nào, mặc dù đây là cuộc chuyển giao quyền lực lần đầu tiên kể từ khi Singapore độc lập. Khi Ngô Tác Đống đảm nhận vị trí lãnh đạo chính phủ, Lý Quang Diệu vẫn tiếp tục ở lại nội các trong cương vị bộ trưởng cao cấp và đưa ra những tư vấn. Trước công chúng, ông vẫn thường nhắc đến Ngô như là "thủ tướng của tôi" để bày tỏ sự tôn trọng dành cho thẩm quyền của Ngô. Tuy vậy, quan điểm của ông vẫn được lắng nghe trong công luận và trong các buổi họp nội các. Ông vẫn tiếp tục hành xử ảnh hưởng đặc biệt to lớn trên đảo quốc này và ông cũng sẵn lòng sử dụng ảnh hưởng ấy khi cần thiết. Như ông đã phát biểu trong ngày Quốc khánh năm 1988: Lý Quang Diệu cố tự kìm chế không can thiệp vào các biện pháp của chính phủ đối với các nước ASEAN, trong đó có Malaysia, vì không muốn dẫm chân người kế nhiệm Ngô Tác Đống. Dù vậy, ông vẫn giữ vai trò quan trọng trong các vấn đề kinh tế như thoả thuận với phó chủ tịch Lý Lam Thanh ngày 26 tháng 2 năm 1994 về việc chuyển đổi phần mềm hành chính công về quản trị và phát triển của Khu công nghiệp Tô Châu. Bộ trưởng Cố vấn (2004 – 2015) Ngày 12 tháng 8 năm 2004, Ngô Tác Đống rút lui để bàn giao chức vụ thủ tướng cho Lý Hiển Long, con trai đầu của Lý Quang Diệu. Goh trở thành bộ trưởng cao cấp và ông Lý đảm nhiệm một chức vụ mới được thành lập, Bộ trưởng Cố vấn (Minister Mentor). Mặc dù chống đối bài bạc trong "cảm xúc và trí tuệ", Lý Quang Diệu không hành động chống lại đề án của Lý Hiển Long cho phép thành lập casino trên lãnh thổ Singapore. Ông nói: "Có casino hay không là điều mà những nhà lãnh đạo mới phải quyết định". Gần đây, Lý Quang Diệu bày tỏ những quan ngại về ảnh hưởng đang suy giảm của tiếng Hoa phổ thông trong giới trẻ Singapore. Trong một bài diễn văn đọc trước quốc hội, ông nói: "Người Singapore cần phải học để thông thạo cả tiếng Anh và tiếng Hoa phổ thông". Sau đó, vào tháng 1 năm 2005, ông cho xúc tiến một chương trình truyền hình gọi là 华语 Cool!, trong nỗ lực thu hút giới trẻ đến với tiếng Hoa phổ thông. Ngày 12 tháng 6 năm 2005, trong một cuộc phỏng vấn thực hiện bởi Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), ông Lý nhấn mạnh đến nhu cầu liên tục đào tạo những nhân tài lãnh đạo đất nước, ông nói: Bệnh nặng và qua đời Từ đầu tháng 2 năm 2015, Lý Quang Diệu đã phải điều trị ở bệnh viện vì bị viêm phổi. Văn phòng thủ tướng của con trai cả ông nói ngày 17 tháng 3 là tình trạng đã xấu đi vì ông bị nhiễm trùng, ngày hôm sau lại càng trầm trọng trong đơn vị chăm sóc đặc biệt. Ông Lý Quang Diệu qua đời lúc 3 giờ 18 phút (giờ địa phương) ngày 23 tháng 3 năm 2015, khi đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Singapore, hưởng thọ 91 tuổi. Thông tin từ Văn phòng thủ tướng Lý Hiển Long nêu rõ, do tuổi cao và bị bệnh viêm phổi cấp tính nên ông qua đời. Giá trị châu Á và niềm tin Nho giáo Lý Quang Diệu là một trong số những người ủng hộ các giá trị châu Á, mặc dù cách giải thích của ông về các giá trị này thường gây tranh cãi. Trong thập kỷ 1980, ông tích cực cổ xuý các giá trị châu Á như Nho giáo, hoặc ở mức độ ít hơn, các đức hạnh của Phật giáo. Điều này được thể hiện trong những lần viếng thăm của ông đến các đền chùa Trung Hoa. Lý Quang Diệu luôn phát biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của đạo Nho đối với xã hội Singapore. Bản thân ông năm 1985 đã được bầu làm Chủ tịch Hội Khổng học thế giới. Trong một cuộc phỏng vấn với báo The Straits Times, ông nói rằng ông là người theo thuyết bất khả tri (agnostic). Trả lời phỏng vấn trên Foreign Affairs năm 1994, ông Lý Quang Diệu nói về tầm quan trọng của văn hóa và đạo đức truyền thống đối với sự phát triển của Đông Á, điều mà các nước phương Tây đã đánh mất:Tôi thấy có những điều không chấp nhận được trong xã hội Mỹ: súng ống, thuốc phiện, tội phạm bạo lực, người vô gia cư, các hành vi lố lăng ngoài đường, nói tóm lại là xã hội đổ vỡ. Sự mở rộng quyền tự do cá nhân thích hành động hay phá phách thế nào tuỳ ý gây ra tổn thất với trật tự xã hội. Ở phương Đông, mục đích chính luôn là trật tự xã hội ổn định để mọi người có thể có hưởng tự do của mình. Sự tự do này chỉ tồn tại trong xã hội ổn định chứ không phải ở đất nước của tranh cãi và vô chính phủ.Tại Singapore, nếu nước tiểu dương tính, anh ta phải đi cai nghiện ngay. Ở Mỹ anh làm vậy thì lại bị coi là xâm phạm quyền tự do cá nhân và bị kiện ngay tức khắc. Quyền cá nhân ở Mỹ được coi là bất khả xâm phạm. Nhưng chẳng ai quan tâm khi quân đội Mỹ bắt tổng thống của một nước khác rồi đưa đến Florida và ném ông ta vào tù. Tôi chẳng thể nào hiểu được. Con người cần những ý thức đạo đức nhất định về đúng và sai. Có những thứ là xấu xa. Anh đơn giản là xấu xa, dễ làm những việc xấu thì phải chặn anh không làm những việc xấu vậy. Người phương Tây từ bỏ những nền tảng đạo đức của xã hội, tin rằng mọi vấn đề có thể giải quyết bằng một chính phủ tốt – đây là điều mà phương Đông chúng tôi không bao giờ tin. Xã hội phương Đông tin rằng cá nhân tồn tại trong khuôn khổ gia đình. Anh ta không tách rời ra bối cảnh đó. Gia đình là một phần của gia đình rộng lớn hơn, rồi bạn bè rồi xã hội. Người lãnh đạo hay chính quyền không cố cung cấp cho cá nhân những gì mà gia đình có thể. Có câu thành ngữ của Trung Quốc khái quát vấn đề này: "tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ". Tu thân nghĩa là tự lo bản thân, tự rèn luyện, làm mọi việc để mình trở nên có ích; tề gia là lo lắng cho gia đình; trị quốc là lo lắng cho đất nước; bình thiên hạ là tất cả dưới bầu trời đều thái bình. Đó là quan niệm cơ bản của văn minh chúng tôi. Chính quyền lên rồi chính quyền xuống, nhưng quan điểm này vẫn duy trì. Chúng tôi bắt đầu bằng sự tự túc của bản thân. Mặt nữa, chúng tôi may mắn là chúng tôi có nền văn hoá tràn đầy niềm tin vào sự tiết kiệm, làm việc chăm chỉ, kính trọng cha mẹ, tôn kính gia đình, và trên hết, là tôn trọng trí thức và sự học. Lý Quang Diệu là người rất ghét sự ảnh hưởng từ văn hóa ngoại lai lên truyền thống văn hóa đất nước và đã đề ra những luật nghiêm khắc để hạn chế tình trạng này. Các cặp yêu nhau ở nơi công cộng nếu có những hành vi quá đà sẽ bị phạt vài tháng tù. Quan hệ tình dục đồng tính luyến ái bị cấm ở Singapore, vi phạm có thể bị phạt tới 2 năm tù. Con trai ông, Thủ tướng Lý Hiển Long, cũng đồng tình với quan điểm của cha khi xem đồng tính luyến ái là hành vi phạm pháp. Trong một bài phát biểu tại quốc hội, ông nói Singapore là một xã hội truyền thống, và ông muốn gìn giữ truyền thống đó. Di sản và hồi ức Qua 3 thập kỷ nắm quyền của Lý Quang Diệu, Singapore từ một quốc gia đang phát triển nay đứng trong hàng ngũ những quốc gia phát triển nhất thế giới. Mặc dù dân số ít ỏi, diện tích nhỏ và tài nguyên nghèo nàn, nhưng Singapore cũng có những lợi thế riêng của mình: những bến cảng khá tốt do Anh để lại, một lãnh thổ nhỏ giúp chính sách lan tỏa nhanh, và vị trí cảng biển trung tâm châu Á. Lý Quang Diệu thường nói rằng tài nguyên duy nhất của Singapore là người dân và tinh thần làm việc hăng say của họ. Ông nhận được sự kính trọng của nhiều người Singapore, đặc biệt là những người lớn tuổi, họ luôn nhớ đến khả năng lãnh đạo của ông trong thời kỳ độc lập và tách rời khỏi Malaysia. Lý Quang Diệu vẫn thường được xem là nhà kiến trúc cho sự phú cường của Singapore ngày nay, mặc dù vai trò này có sự đóng góp đáng kể của Phó Thủ tướng, Tiến sĩ Goh Keng Swee, nhân vật chịu trách nhiệm xây dựng và phát triển nền kinh tế Singapore. Phê phán Mặt khác, một số người trong và ngoài nước, cho rằng Lý Quang Diệu là người chủ trương dành đặc quyền lãnh đạo đất nước cho giới thượng lưu tinh hoa (elitism), hoặc có cả những cáo buộc ông là một nhà lãnh đạo chuyên quyền. Người ta thuật lại rằng có lần Lý Quang Diệu từng nói ông thích người khác sợ ông hơn là quý mến ông Trong thời gian lãnh đạo, Lý Quang Diệu cũng bị chỉ trích vì đã áp dụng những biện pháp cứng rắn nhằm đàn áp phe đối lập và quyền tự do ngôn luận., cấm biểu tình nơi công cộng mà không có giấy phép của cảnh sát, hạn chế các ấn phẩm và sử dụng các luật lệ về tội phỉ báng để đẩy những đối thủ chính trị của ông vào tình trạng phá sản. Về vấn đề này, năm 1999, Devan Nair, cựu tổng thống Singapore, người đã phải từ chức do mâu thuẫn với Lý Quang Diệu và phải sang sống tị nạn ở Canada, trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo The Globe and Mail ở Toronto đưa ra nhận xét rằng: chiến lược của Lý Quang Diệu là khởi kiện đối thủ của ông cho đến khi họ phá sản hay thân bại danh liệt, như vậy chẳng khác gì thủ tiêu các quyền chính trị. Nair cho rằng Lý Quang Diệu "ngày càng trở nên loại người tự cho mình biết đủ và biết đúng mọi sự", cũng như bị vây quanh bởi "những kẻ bù nhìn". Phản ứng với những nhận xét này, Lý Quang Diệu lại đâm đơn khởi kiện Nair tại một tòa án tại Canada và Nair đã kiện ngược lại. Trong một trường hợp, sau khi toà kháng án bác bỏ một phán quyết của toà dưới có lợi cho Lý Quang Diệu, chính phủ bèn hủy bỏ quyền kháng án. Suốt trong thời gian đảm nhiệm chức thủ tướng từ 1965 đến 1990, Lý Quang Diệu đã bỏ tù Tạ Thái Bảo (Chia Thye Poh), một cựu dân biểu quốc hội thuộc đảng đối lập Barisan Socialis, trong 22 năm mà không xét xử, chiếu theo Luật An ninh Nội chính, ông này chỉ được trả tự do vào năm 1989. Cũng vậy, để có thể dành quyền hạn tuyệt đối cho các thẩm phán, Lý Quang Diệu đã huỷ bỏ luật "Xét xử có bồi thẩm đoàn" tại tòa án. Vụ kiện phỉ báng Vào năm 2010, ông Diệu, cùng với con trai là Lý Hiển Long, và ông Goh Chok Tong, dọa sẽ đưa hãng The New York Times Company, mà làm chủ tờ báo International Herald Tribune ra tòa, vì một bài báo có tựa là 'All in the Family (tất cả trong gia đình)' được viết vào ngày 15 tháng 2 năm 2010 bởi Philip Bowring, một nhà báo tự do và trước đó là chủ bút tờ Far Eastern Economic Review. Báo International Herald Tribune xin lỗi vào tháng 3 là độc giả của bài báo này có thể 'phỏng đoán là Lý con không xứng đáng để đạt được chức vụ thủ tướng'. The New York Times Company và Bowring cũng đồng ý trả SG$60,000 cho Lý Hiển Long, SG$50,000 cho Diệu và SG$50,000 cho Goh (tổng cộng khoảng US$114,000 vào lúc đó), cộng thêm với tiền luật sư. Câu chuyện bắt nguồn từ một dàn xếp vào năm 1994 giữa 3 lãnh tụ đề cập tới nền chính trị kiểu cha truyền con nối tại các nước Đông Nam Á, bao gồm cả Singapore. Trong cuộc thỏa thuận, Bowring đồng ý là không có ý nói Lý Hiển Long đạt được chức vụ là do chủ trương gia đình trị của cha ông là Lý Quang Diệu. Phản ứng lại việc này, tổ chức bảo vệ thông tin báo chí Reporters Without Borders viết một lá thư công khai bảo Diệu và các viên chức cao cấp của chính phủ Singapore hãy ngưng ngay đơn tố tụng phỉ báng này đối với các ký giả. Hồi ký Lý Quang Diệu đã viết hai cuốn hồi ký dài hai tập: Câu chuyện Singapore, trình bày quan điểm của ông về lịch sử Singapore cho đến khi tách rời khỏi Malaysia năm 1965, và Từ thế giới thứ ba đến thế giới thứ nhất: Câu chuyện Singapore, thuật lại sự chuyển đổi của Singapore để trở thành; quốc gia thuộc thế giới thứ nhất. Chú thích
Hannes Meyer (18 tháng 11 năm 1889 – 19 tháng 7 năm 1954) là một kiến trúc sư Thụy Sĩ và là hiệu trưởng thứ hai của trường Bauhaus từ năm 1928 đến 1930. Trường Bauhaus được Walter Gropius thành lập ở Weimar năm 1919. Gropius đã chỉ định Meyer là chủ nhiệm khoa kiến trúc ngay khi khoa này được thành lập vào tháng 10 năm 1926. Trong triết lý cực đoan của mình, Meyer tin rằng kiến trúc mang nặng tính thủ công hơn là tính nghệ thuật. Theo ông, công trình kiến trúc phải có giá thành thấp và phải thiết kế để đáp ứng được như cầu của xã hội. Ông cũng là một người theo chủ nghĩa Marx. Ngay khi lên làm hiệu trưởng, Meyer đã cho công bố tuyên ngôn của mình gồm 3 điểm chính: Tất cả các môn học kiến trúc phải được dựa trên các bằng chứng khoa học. Phần chủ yếu ưu tiên phải được dựa vào công năng của công trình trong hầu hết các khía cạnh thực hành. Do vậy, bất kì một thiết kế nào cũng phải theo sao một nghiên cứu tỉ mỉ về sử dụng, từ đó bản hoạch định của công trình sẽ được phát triển dựa trên các chỉ dấu khoa học. Sự tối ưu hóa của tất cả các nhu cầu cần thiết có giá trị ưu tiên hơn bất kì một giá trị nghệ thuật nào. Tất cả các môn học kiến trúc phải được dựa trên các hoạt động thực hành kiến trúc. Meyer quan niệm tòa nhà đơn giản chỉ là một tổ chức không gian hợp nhất theo nhu cầu, không hề có bất kì một sáng tạo nghệ thuật nào. Có thể nói, tư tưởng về kiến trúc của Meyer dựa trên công thức thuần túy kỹ thuật: "Kiến trúc = Giá trị sử dựng × Giá trị kinh tế". Ông thắt chặt mối liên quan giữa ngành Kiến trúc và ngành Thiết kế công nghiệp, ép buộc các giáo sư như Herbert Bayer, Marcel Breuer và một số người khác phải từ chức. Thậm chí, ông có ý định đổi tên khoa Kiến trúc thành khoa Xây dựng. Trong thời kì làm hiệu trưởng ở Dessau, Meyer đã đem lại cho trường công trình quan trọng, đó là năm căn hộ ở thành phố Dessau và trụ sở của Trường thương mại Liên bang (ADGB) ở Bernau. Nhưng bên cạnh đó, Meyer lại tiến hành tuyên truyền chủ nghĩa Marx trong trường Bauhaus và cả ngoài xã hội; nói cách khác, ông chính trị hóa toàn trường Bauhaus. Ông công khai lên tiếng ủng hộ chủ nghĩa Cộng sản, và thành lập tổ chức sinh viên Cộng sản trong trường. Trường Bauhaus lúc đó thực sự như một tổ chức chính trị nguy hiểm, đối nghịch với đảng Công nhân Quốc xã cầm quyền. Đây là những hành động hết sức nguy hiểm trong tình hình chính trị lúc bấy giờ. Trong hoàn cảnh đó, để cứu trường Bauhaus, Gropius buộc phải đuổi việc Meyer và đưa Mies van der Rohe lên làm hiệu trưởng đời thứ ba. Để tránh không khí chính trị của nước Đức lúc đó, Hannes Meyer cùng 7 sinh viên khác quyết định sang Moskva, Liên Xô cư trú. Tại đây ông làm giáo sư tại trường Đại học Moskva và hoạt động trong lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch đô thị theo tư tưởng của Chủ nghĩa Xã hội không tưởng. Tuy nhiên đến năm 1936, Meyer lại bị trục xuất khỏi Liên Xô vì lý do chính trị. Ông quay về Geneva và ở đó trong ba năm, sau đó ông di cư tới México và làm hiệu trưởng của Học viện quy hoạch đô thị (Instituto del Urbanismo y Planification) từ năm 1942 đến năm 1949. Sau đó ông quay lại Crocifisso di Lugano, Thụy Sĩ và mất ở đây năm 1954.
Sverre Fehn (14 tháng 8 năm 1924 – 23 tháng 2 năm 2009) là một kiến trúc sư Na Uy. Tiểu sử Sverre Fehn sinh ngày 14 tháng 8 năm 1924 ở Kongsberg, Na Uy. Ông tốt nghiệp kiến trúc tại Đại học Kiến trúc Oslo năm 1949 và nhanh chóng trở thành kiến trúc sư đứng đầu của thế hệ cùng lứa. Trong giai đoạn 1953–1954, Fehn đến Paris và làm việc cho xưởng thiết kế của kiến trúc sư Jean Prouvé, trong thời gian này Fehn cũng thường xuyên lui đến xưởng thiết kế của Le Corbusier. Năm 1958, Fehn nổi tiếng toàn thế giới với công trình gian triển lãm Na Uy tại triển lãm thế giới ở Brussels, Bỉ. Trong những năm 1960, ông còn cho ra đời hai tác phẩm nổi tiếng khác: Gian triển lãm Na Uy tại Triển lãm nghệ thuật hai năm một lần ở Venezia (Biennale di Venezia) và Bảo tàng Hedmark tại Hamar, Na Uy. Năm 1971, Fehn được bổ nhiệm là giáo sư tại Trường Kiến trúc Oslo cho đến năm 1995. Ông cũng là giáo sư thỉnh giảng tại nhiều đại học khác như Đại học Yale, Đại học Kiến trúc London và Hiệp hội Nghệ thuật Cooper ở New York (the Cooper Union of New York). Hiện nay, ông là thành viên danh dự của Hiệp hội Kiến trúc sư Na Uy, Hiệp hội Kiến trúc sư Mỹ (AIA), Hiệp hội Kiến trúc sư Hoàng gia Anh (RIBA) và nhiều hiệp hội kiến trúc sư các nước khác. Ông nhận được giải thưởng Giải thưởng Vàng của Viện Hàn lâm Kiến trúc Pháp năm 1993. Năm 1997, sự nghiệp của ông lên đến đỉnh cao khi cùng nhận hai giải thưởng: giải thưởng Pritzker và giải thưởng Heinrich Tessenow.
Jørn Utzon (sinh ngày 9 tháng 4 năm 1918, mất ngày 29 tháng 11 năm 2008. tại Copenhagen, Đan Mạch) là một kiến trúc sư nổi tiếng toàn thế giới với công trình để đời: Nhà hát Opera Sydney. Năm 1957, ông bất ngờ thắng cuộc thi thiết kế Nhà hát Opera Sydney, Úc, bất kể đây là một cuộc thi kiến trúc quốc tế đầu tiên mà Utzon tham gia và phương án dự thi của ông không đạt những tiêu chuẩn mà ban tổ chức đề ra. Bản vẽ mà ông đệ trình không hơn gì một bản vẽ sơ phác. Thậm chí, người ta đã loại phương án dự thi của Utzon cho đến khi kiến trúc sư Eero Saarinen tìm thấy và thốt lên "Đây là cái mà chúng ta cần". Dần dần theo thời gian, Utzon thay đổi một vài ý tưởng trong bản thiết kế gốc của ông và phát triển về phương pháp xây dựng vỏ mái của hai phòng biểu diễn chính, thay thế ý tưởng nguyên gốc là vỏ sò hình elip với thiết kế mới dựa trên những mặt cắt phức tạp của hình cầu. Mặc dù Utzon đã có một thiết kế tuyệt vời cho phần nội thất của những phòng biểu diễn, nhưng ông lại không có khả năng thực hiện được phần này. Vào giữa năm 1965, chính phủ đảng Tự do của Robert Askin được bầu lên, Utzon nhanh chóng có xung đột với tân bộ trưởng bộ Lao động là Davis Hughes. Trong một nỗ lực quản lý việc leo thang giá cả của công trình, Heghes bắt đầu chất vấn tác giả Utzon về thiết kế, thời gian hoàn thành cũng như ước tính giá cả công trình. Cuối cùng Hughes quyết định ngừng trả tiền cho Utzon, người mà trước đó, vào tháng 2 năm 1966, bị ép nhận chức kiến trúc sư trưởng công trình. Ngay sau đó, Utzon rời Úc về nước và không bao giờ quay lại. Công trình này được hoàn thành vào năm 1973 và được Nữ hoàng Anh Elizabeth II cắt băng khánh thành. Về phần mình, Jorn Utzon chưa hề được tận mắt nhìn thấy công trình của mình từ đó đến nay. Năm 2000, ông đã tham gia vào việc thiết kế cải tạo lại công trình, đặc biệt là khu vực phòng lớn đón tiếp. Tháng 3 năm 2003, Utzon được trao tặng chức Tiến sĩ danh dự của Đại học Sydney cho công trình Nhà hát Opera Sydney. Con trai của Utzon đã đến nhận thay cho Jorn Utzon vì ông đã quá yếu để đến được Úc. Ông cũng được Huân chương của Úc (the Order of Australia) và chiếc Chìa khóa thành phố Sydney. Cũng trong năm 2003, Jorn Utzon được trao tặng giải thưởng Pritzker, giải thưởng cao nhất về kiến trúc trên thế giới. Jørn Utzon từ trần ngày 29 tháng 11 năm 2008, hưởng thọ 90 tuổi. Một số công trình thiết kế Dự án nhà ở Planetstaden, Lund, Thụy Điển, 1958 Dự án nhà ở Kingohusene, Helsingør, 1960 Nhà quốc hội Kuwait, 1972 Can Lis, Mallorca, Tây Ban Nha, 1972 Nhà thờ Bagsværd, Copenhagen, Đan Mạch, 1976 Cửa hàng đồ gia dụng Paustian, Copenhagen, 1987 Can Feliz, Mallorca, 1995 Giải thưởng và Vinh dự 1967 Huy chương C.F.Hansen 1973 Huy chương vàng của Viện kiến trúc sư Úc 1978 Huy chương vàng Hoàng gia Anh về Kiến trúc 1980 Giải Daylight and Building Component 1982 Huy chương Alvar Aalto 1987 Giải kiến trúc Nykredit 1992 Huy chương John Sulman 1992 Giải Wolf về Nghệ thuật 1998 Giải Sonning 2003 Giải thưởng kiến trúc Pritzker
liên_kết=https://vi.wikipedia.org/wiki/T%E1%BA%ADptin:Prokudin-Gorskii-21.jpg|nhỏ|Một zindan (một nhà tù truyền thống Trung Á) ở Nga, được Sergey Prokudin-Gorsky chụp, khoảng năm 1905 đến năm 1915. Nhà tù, hay trại giam/ cơ sở cải huấn / trung tâm giam giữ / trung tâm cải tạo, là một cơ sở mà ở đó các tù nhân bị giam nhốt cưỡng bức và bị từ chối các quyền tự do thuộc thẩm quyền của nhà nước. Nhà tù được sử dụng phổ biến nhất trong hệ thống tư pháp hình sự: những người bị buộc tội có thể bị bỏ tù cho đến khi họ xét xử; những người nhận tội hoặc bị kết tội tại phiên tòa có thể bị phạt tù trong một thời gian nhất định. Nói một cách đơn giản nhất, nhà tù cũng có thể được mô tả là một tòa nhà trong đó mọi người bị giam giữ một cách hợp pháp như một hình phạt cho tội ác mà họ đã gây ra. Nhà tù cũng có thể được sử dụng như một công cụ các chế độ độc tài dùng để đàn áp chính trị. Các đối thủ của họ có thể bị bỏ tù vì các tội ác chính trị, thường mà không cần xét xử hoặc theo thủ tục pháp lý khác; việc sử dụng này là bất hợp pháp theo hầu hết các hình thức luật quốc tế quản lý việc quản lý công bằng công bằng. Trong thời kỳ chiến tranh, tù nhân chiến tranh hoặc những người bị giam giữ có thể bị giam giữ trong các nhà tù quân sự hoặc trại tù binh chiến tranh, và một nhóm lớn dân thường có thể bị giam giữ trong các trại tạm giam Sơ lược Không chỉ dùng để giam giữ người phạm tội đã bị kết án mà nhà tù (tại Việt Nam là trại giam) còn được dùng để tạm giam những người bị tình nghi là phạm tội, phục vụ cho việc điều tra vụ án nếu như người đó không đủ điều kiện để được tại ngoại. Bị can trong vụ án hình sự trước khi có quyết định tống đạt về phiên tòa hay bị cáo trong quá trình đang bị xét xử đều ở trong tù hay trại giam. Tuy nhiên không nhất thiết bị can bị tạm giam trong nhà tù. Ở Việt Nam, trại giam là một tổ chức có quy mô nhỏ và đơn giản hơn nhà tù. Những tên gọi khác Nhà tù và trại giam là 2 từ được dùng chính thức, phổ biến trên thế giới. Ngoài ra còn có nhiều từ khác được dùng không chính thức để chỉ nhà tù như: nhà đá, nhà lao, ngục, xà lim, khám, chuồng cọp... Ở Việt Nam từ "trại giam" được dùng một cách chính thức, có giá trị pháp lý. Lịch sử hình thành Ra đời từ rất sớm, ngay khi nhà nước ra đời thì các nhà tù cũng được thiết lập cùng với lực lượng vũ trang, tòa án tạo nên hệ thống công cụ trấn áp của giai cấp thống trị đối với các giai cấp, tầng lớp bị trị trong xã hội. Thuở sơ khai, nhà tù chủ yếu được dùng để giam giữ những người chống đối lại giai cấp cầm quyền, tức là những kẻ có thể làm ảnh hưởng đến sự tồn tại của giai cấp đó. Về sau cùng với sự phát triển của xã hội, nhà tù còn được dùng để giam giữ tội phạm, tức những kẻ chống đối, gây hại cho cộng đồng xã hội. Và ở thời kỳ nào cũng vậy, ngoài chức năng pháp định của mình các nhà tù còn thực hiện những nhiệm vụ chính trị riêng của mình. Nhà tù cổ Thời cổ đại, để giam giữ những người chống đối hay các nô lệ thì giai cấp cầm quyền đã biết tới việc xây dựng các nhà tù, dù còn đơn giản, để giam giữ những kẻ chống đối, những tên nô lệ...Những nhà tù này thường xây dựng đơn giản nhưng rất kiên cố. Các tù nhân bị giam giữ giống như những con thú nuôi, trong các lồng, cũi... Nhà tù phong kiến Thời gian này, đã xuất hiện những nhà tù, thường gọi là 'ngục kiên cố hơn. Nhà tù phát xít Nhà tù phát xít mà nổi tiếng là các trại tập trung của phát xít Đức là nơi giam giữ những người dân mà không cần qua một phiên tòa xét xử nào cả. Những trại tập trung chủ yếu dùng để giam giữ những người Do Thái và những người Cộng sản. Nơi đây nổi tiếng vì sự hà khắc của nó, các tù nhân thường xuyên bị đánh đập, tra tấn, dùng làm vật thí nghiệm cho các nghiên cứu... Nhà tù hiện đại Cấu trúc Ngày nay nhà tù, nhất là ở những nước phát triển, được xây dựng rất quy củ. Một nhà tù thường bao gồm nhiều dãy nhà giam khác nhau, mỗi dãy lại được chia thành nhiều buồng riêng biệt có số hiệu và tên gọi riêng để phân biệt. Mỗi buồng giam có thể được chia nhỏ thành những ô, ngăn (xà lim), nơi thường giam giữ 1 hay 2 tù nhân. Bao quanh các dãy nhà là hệ thống hàng rào bảo vệ cùng chòi canh gác nhằm ngăn chặn bất cứ ý định vượt ngục nào của tù nhân, đồng thời ngăn chặn những ý định xâm nhập bất hợp pháp vào nhà tù. Ngoài những buồng giam, nhà tù còn có thể gồm một nhà thờ nhỏ (tại các quốc gia đa số dân cư theo tôn giáo), thư viện, phòng y tế hay thậm chí phòng tập thể hình giúp phạm nhân rèn luyện sức khỏe. Thông thường thì tại một số nhà tù đặc biệt còn có thêm những buồng biệt giam, đây là nơi giam giữ tạm thời những kẻ có tư tưởng chống phá mạnh, hay những tù nhân vi phạm kỷ luật. Khi bị giam giữ tại các buồng biệt giam này, tù nhân phải chịu một cuộc sống khó khăn hơn nhiều so với tại buồng giam thông thường. Họ gần như không được ra ngoài, tất cả mọi hoạt động đều phải tiến hành trong buồng giam chật hẹp. Cơ cấu tổ chức Đứng đầu nhà tù là một giám thị, giúp việc cho giám thị là các phó giám thị. Quản giáo (trước đây thường gọi là cai tù) là người trực tiếp quản lý, giáo dục phạm nhân. Nhân viên bảo vệ, lính gác phụ trách việc đảm bảo an ninh cho nhà tù. Ngoài ra còn có các nhân viên kỹ thuật, y tế, hậu cần... đảm bảo nhà tù vận hành tốt. Nhiệm vụ nhà tù Ở một số quốc gia nhà tù đơn thuần chỉ được dùng làm nơi giam giữ, quản lý, cách ly tù nhân khỏi đời sống xã hội. Ở một số quốc gia khác nhà tù còn có nhiệm vụ giáo dục, cải tạo tù nhân, giúp họ xóa đi những cái xấu, trở thành những công dân có ích cho xã hội. Ở Việt Nam, Trại giam còn là một "trường dạy nghề" giúp cho những công dân tương lai nhận thức được giá trị của sức lao động. Cơ quan quản lý Không có một hình mẫu quản lý nhà tù chung cho tất cả các nước trên thế giới, nhưng nhìn chung cơ quan chủ quản của nhà tù có thể chia làm 2 nhóm chính Nhà tù do Bộ phụ trách cơ quan công an, cảnh sát quản lý. Hình thức này có một số nước như: Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc... Nhà tù do Bộ Tư pháp quản lý. Gồm một số nước như: Hoa Kỳ, Anh... Nhà tù của các nước trên thế giới Anh Úc Đa số các nhà tù ở nước này được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ 19 bởi chính các phạm nhân. Sau đó khá lâu, đến thập niên 1990, chính phủ nước này mới lại cho xây dựng những nhà tù hiện đại hơn. Hoa Kỳ Xem Nhà tù Hoa Kỳ Danh sách các nhà tù trong lịch sử Nhà tù Alcatraz, San Francisco (không còn sử dụng) Andersonville National Historic Site, Andersonville, Georgia (không còn) Angola prison, gần New Orleans, Louisiana (trước 1901) Attica Correctional Facility, Attica, New York Nhà tù Auburn, Auburn, New York từ 1816 Nhà tù Bastille, Paris, Pháp (không còn) Château d'If, Marseille (không còn) Devil's Island, Guyane (không còn) Eastern State Penitentiary, Philadelphia, Pennsylvania (không còn) Nhà tù Fleet, London (không còn) Nhà tù Fremantle, Fremantle, Western Australia Hỏa Lò, Hà Nội (nay là di tích) Nhà tù Joliet, Joliet, Illinois (không còn) Kingston Penitentiary, Kingston, Ontario Canada Leavenworth, Kansas, website nhà tù liên bang và nhà tù quân đội, the United States Disciplinary Barracks. Nhà tù Lubyanka, Moskva Nga Nhà tù Prison, Belfast, Bắc Ireland Nhà tù Newgate, London Rikers Island, Thành phố New York (từ 1884) Robben Island, Cộng hòa Nam Phi (không còn) Sing Sing Correctional Facility, Ossining, New York, (từ 1828) Nhà tù Spandau, Tây Berlin Nhà tù Tháp Luân Đôn, London Bridewell Palace, London Nhật Bản Trung Quốc Việt Nam Tại Việt Nam hệ thống nhà tù, theo tên gọi chính thức là trại giam, thuộc sự quản lý của Cục Cảnh sát Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục và trường giáo dưỡng, Bộ Công an. Thống kê số lượng tù nhân Năm 2006 theo các nguồn tin công khai có khoảng 9 triệu người bị giam giữ trong các nhà tù trên toàn thế giới. Tuy vậy, trên thực tế con số này cao hơn nhiều. Độ chính xác của con số được công khai không cao do còn nhiều nhà tù bí mật, nhà tù của các chế độ độc tài được giữ kín. Hiện tại Hoa Kỳ đang là nước có số lượng tù nhân nhiều nhất trên thế giới, với hơn 2 triệu tù nhân tại thời điểm cuối năm 2002, trong khi đó cả Nga và Trung Quốc (nước có số dân gấp 4 lần Hoa Kỳ) mỗi nước chỉ có khoảng 1 triệu tù nhân. Tuy vậy xét về tỷ lệ phần trăm của số tù nhân trên dân số thì Rwanda là nước dẫn đầu, vào năm 2002 với hơn 100.000 tù nhân, trong khi dân số có khoảng 8.000.000 người, tức là cứ 100.000 người dân thì có 1.250 người ở trong tù. Hoa Kỳ đứng thứ hai với tỷ lệ 486 tù nhân trên 100.000 dân (theo số liệu của Bộ Tư pháp, là nước có tỷ lệ tù nhân cao nhất trong số các quốc gia phát triển), tiếp theo là New Zealand với 169. Vào năm 2003, Anh có khoảng 73.000 tù nhân và con số tương tự với các nước Pháp, Đức. Những nhà tù nổi tiếng Trên thế giới Nhà tù Guantanamo- nhà tù của Mỹ trên phần đất bị chiếm đóng của Cuba, là nơi giam giữ các tù nhân tình nghi là khủng bố Nhà tù Abu Ghraib- nhà tù của Iraq do Mỹ quản lý sau cuộc chiến Vùng Vịnh lần thứ 2, là nơi đã xảy ra bê bối hành hạ và làm nhục tù nhân của lính Mỹ. Việt Nam Một số nhà tù từ thời thuộc Pháp và Mỹ để lại, nay phần lớn là di tích lịch sử như: Nhà tù Côn Đảo Nhà tù Hỏa Lò Nhà tù Phú Quốc Nhà tù Sơn La Nhà tù Lao Bảo Nhà đày Buôn Ma Thuột Khám Lớn Cần Thơ Ngoài những nhà tù trên, do các chế độ trước để lại nay chỉ còn ý nghĩa là di tích, thì hiện tại nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đang duy trì một hệ thống trại giam. Chú thích Tổ chức biệt lập Hệ thống hình sự
Phim lẻ hay phim điện ảnh, là phim nhựa hay thường gọi là phim chiếu rạp trong ngành điện ảnh hay kỹ thuật số được làm để chiếu tại các rạp chiếu phim, nhằm phân biệt với các loại phim khác như video sử dụng băng hay đĩa và phim truyền hình thường có phí tổn thấp và đơn giản hơn. Thường phim điện ảnh là phim truyện, có một nội dung nhất quán và cốt truyện rõ ràng. Khác với phim tài liệu hay là phim chiếu nhiều kỳ như phim bộ. Làm phim điện ảnh bao giờ cũng cực hơn phim truyền hình. Phim nhựa là loại phim được làm từ các vật liệu cơ bản như polyme, gelatin, bromide bạc. Nó có độ nhạy sáng và mịn hạt rất cao nên hiệu quả tạo hình và thẩm mỹ rất cao. Kích thước phổ biến của phim nhựa là 8 mm, 16 mm, 35 mm và 70 mm. Ngày nay phim chiếu rạp chủ yếu sử dụng phim màu 35 mm. Trước đây, các nhà làm phim bao giờ cũng mơ ước làm phim nhựa để thỏa mãn khao khát nghệ thuật của mình bởi ưu thế hơn hẳn của phim nhựa so với phim video hay phim truyền hình chính ở hiệu năng tạo hình và thẩm mỹ cao của hai kênh nghe - nhìn khi phim được chiếu trên màn ảnh lớn ở rạp. Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ, các nhà làm phim sử dụng máy quay kỹ thuật số đã có thể mô phỏng lại màu phim nhựa trong giai đoạn hậu xử lý. Điều này không những giúp giảm thiểu các chi phí khi quay bằng phim nhựa như bảo quản phim và rửa phim, mà còn giúp nhà làm phim đạt được phong cách và thẩm mỹ như mong muốn.
Ismail Haniya (tiếng Ả Rập: إسماعيل هنية), sinh năm 1962, là Thủ tướng Palestine đương nhiệm, đồng thời là một trong những thủ lĩnh của Phong trào Kháng chiến Hồi giáo (được biết rộng rãi với tên gọi Hamas). Ismail Haniya sinh ra tại vùng đất của Palestine bị Israel chiếm đóng. Gia đình ông phải chuyển vào trại tị nạn Al-Shat ở dải Gaza. Năm 21 tuổi, ông vào học tại trường Đại học Hồi giáo, và gia nhập Khối sinh viên Hồi giáo (tổ chức tiền thân của Hamas). Năm 1987, sau khi tốt nghiệp đại học, ông bị chính quyền Israel bắt giam 2 lần vì tham gia phong trào Intifada chống lại sự chiếm đóng của Israel. Năm 1988, ông lại phải ngồi tù 6 tháng rồi năm sau (1989) tiếp tục nhận án tù 3 năm. Năm 1992, Israel trả tự do rồi trục xuất ông sang miền Nam Liban. Ismail Haniya trở lại Gaza tháng 12 năm 1993 với cương vị Hiệu trưởng trường Đại học Hồi giáo. Năm 1998, ông trở thành trợ lý của Sheikh Ahmed Ismail Yassin (lãnh tụ tinh thần của nhóm Hamas). Sau khi Sheikh Ahmed Ismail Yassin bị Israel ám sát năm 2003, Ismail Haniya trở thành nhà lãnh đạo tối cao của Hamas tại dải Gaza. Cuộc bầu cử lập pháp Palestine diễn ra ngày 25 tháng 1 năm 2006. Hamas giành chiến thắng và Ismail Haniyeh được chỉ định làm Thủ tướng ngày 16 tháng 2 năm 2006 và tuyên thệ nhậm chức ngày 29 tháng 3 năm 2006. Tuy nhiên, khi một chính phủ dưới sự lãnh đạo của Hamas được thành lập, Israel, Hoa Kỳ, Canada, và Liên minh châu Âu ngừng mọi khoản viện trợ cho Chính quyền Palestine, sau khi Hamas từ chối công nhận quyền tồn tại của Israel, từ chối từ bỏ bạo lực, và đồng ý với những thoả thuận trong quá khứ. Những ngước này coi Hamas như một tổ chức khủng bố. Tháng 12 năm 2006, Ismail Haniyeh, Thủ tướng Chính quyền Palestine tuyên bố rằng PA sẽ không bao giờ công nhận Israel: "Chúng tôi không bao giờ công nhận chính quyền chiếm đoạt Do Thái và sẽ tiếp tục phong trào kiểu jihad của chúng tôi cho tới khi giải phóng được Jerusalem." Trong một nỗ lực nhằm giải quyết thế bế tắc tài chính và ngoại giao, chính phủ Hamas cùng với Chủ tịch Fatah Mahmoud Abbas đã đồng ý thành lập một chính phủ thống nhất. Haniyeh từ chức ngày 15 tháng 2 năm 2007 như một phần của thoả thuận. Chính phủ thống nhất cuối cùng được hình thành ngày 18 tháng 3 năm 2007 dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Ismail Haniyeh và gồm các thành viên từ Hamas, Fatah và các Đảng cùng các chính trị gia độc lập khác. Sau khi Hamas chiếm Gaza ngày 14 tháng 6 năm 2007, Chủ tịch Chính quyền Palestine Abbas giải tán chính phủ vào ngày 15 tháng 6 năm 2007.
Bộ Măng tây hay bộ Thiên môn đông (danh pháp khoa học: Asparagales) là một bộ trong lớp thực vật một lá mầm bao gồm một số họ cây không thân gỗ. Trong các hệ thống phân loại cũ, các họ mà hiện nay đưa vào trong bộ Asparagales đã từng được đưa vào trong bộ Loa kèn (Liliales), và một số chi trong đó thậm chí còn được đưa vào trong họ Loa kèn (Liliaceae). Một số hệ thống phân loại còn tách một số họ được liệt kê dưới đây thành các bộ khác, bao gồm cả các bộ Orchidales (lan) và bộ Iridales (diên vĩ), trong khi các hệ thống khác, đặc biệt là hệ thống phân loại của APG lại đưa hai bộ Orchidales và Iridales vào trong bộ Asparagales. Bộ này được đặt tên theo chi Asparagus (măng tây, thiên môn đông). Phân loại APG III Hệ thống APG III năm 2009 công nhận các họ sau: Amaryllidaceae Asparagaceae Asteliaceae Blandfordiaceae Boryaceae Doryanthaceae Hypoxidaceae Iridaceae Ixioliriaceae Lanariaceae Orchidaceae Tecophilaeaceae Xanthorrhoeaceae (bao gồm Asphodelaceae) Xeronemataceae nghĩa là hai họ Alliaceae và Agapanthaceae nhập vào trong họ Amaryllidaceae và không còn có các họ tùy chọn tách ra từ hai họ Asparagaceae và Xanthorrhoeaceae nữa. APG II Hệ thống phân loại của Angiosperm Phylogeny Group được các nhà thực vật học sử dụng rộng rãi và đã được cập nhật thành APG II năm 2003 để thêm vào các nghiên cứu gần đây, đặc biệt là các nghiên cứu phân tích DNA. Sơ đồ năm 1998 xác định 29 họ trong bộ Asparagales. APG II hợp nhất một số họ và thừa nhận một hệ thống khác với ít số lượng họ nhưng họ lại lớn hơn, trong đó một số họ nhỏ có thể kết hợp lại thành các họ lớn hơn, dựa trên sự tương thích di truyền gần gũi hơn và vẫn tuân thủ 'hệ thống APG', cho rằng họ này chứa 16-24 họ với 1.122 chi và khoảng 26.070 loài. Ví dụ, theo hệ thống phân loại mới hơn này thì người ta có thể đưa chính xác cây hoa hiên hay cây kim châm (chi Hemerocallis) vào họ Hemerocallidaceae, hoặc vào họ Xanthorrhoeaceae. Phân loại của APG II về bộ Asparagales như sau: Alliaceae, có thể tách riêng hai họ: Agapanthaceae Amaryllidaceae Asparagaceae, có thể tách riêng thành bảy họ khác nữa: Agavaceae Aphyllanthaceae Hesperocallidaceae Hyacinthaceae Laxmanniaceae Ruscaceae Themidaceae Asteliaceae Blandfordiaceae Boryaceae Doryanthaceae Hypoxidaceae Iridaceae Ixioliriaceae Lanariaceae Orchidaceae Tecophilaeaceae Xanthorrhoeaceae Asphodelaceae Hemerocallidaceae Xeronemataceae APG 1998 Hệ thống APG năm 1998 cũng đặt bộ này trong nhánh thực vật một lá mầm nhưng sử dụng định nghĩa sau: Bộ Asparagales Họ Agapanthaceae Họ Agavaceae Họ Alliaceae Họ Amaryllidaceae Họ Anemarrhenaceae Họ Anthericaceae Họ Aphyllanthaceae Họ Asparagaceae Họ Asphodelaceae Họ Asteliaceae Họ Behniaceae Họ Blandfordiaceae Họ Boryaceae Họ Convallariaceae Họ Doryanthaceae Họ Hemerocallidaceae Họ Herreriaceae Họ Hyacinthaceae Họ Hypoxidaceae Họ Iridaceae Họ Ixioliriaceae Họ Lanariaceae Họ Laxmanniaceae Họ Orchidaceae Họ Tecophilaeaceae Họ Themidaceae Họ Xanthorrhoeaceae Họ Xeronemataceae Các hệ thống ba bộ Các hệ thống phân loại tách ba bộ Măng tây (Asparagales), bộ Phong lan (Orchidales) và bộ Diên vĩ (Iridales) nói chung được sắp xếp như sau: Bộ Asparagales, theo nghĩa hẹp (sensu stricto) Họ Agavaceae (họ thùa) Thùa Ngọc giá Họ Alliaceae (họ hành) Hành tăm Tỏi Hành Họ Amaryllidaceae (họ loa kèn đỏ) Họ Asparagaceae (họ măng tây) Họ Asphodelaceae (họ lan nhật quang) Lô hội Lan nhật quang Họ Hyacinthaceae (họ lan dạ hương) Hoa chuông lam Lan dạ hương Cetera Bộ Orchidales Họ Burmanniaceae Họ Corsiaceae Họ Geosiridaceae Họ Orchidaceae (lan) Bộ Iridales Họ Iridaceae (họ diên vĩ, lay ơn) Asparagales theo Kubitzki (1998) Agapanthaceae Agavaceae Alliaceae Amaryllidaceae Anemarrhenaceae Anthericaceae Aphyllanthaceae Asparagaceae Asphodelaceae Asteliaceae Behniaceae Blandfordiaceae Boryaceae Convallariaceae Doryanthaceae Dracaenaceae Eriospermaceae Hemerocallidaceae Herreriaceae Hostaceae Hyacinthaceae Hypoxidaceae Iridaceae Ixioliriaceae Johnsoniaceae Lanariaceae Lomandraceae Nolinaceae Orchidaceae Ruscaceae Tecophilaeaceae Themidaceae Xanthorrhoeaceae Trong các hệ thống khác Dahgren Hệ thống Dahlgren đặt bộ này trong siêu bộ Lilianae thuộc phân lớp Liliidae [= thực vật một lá mầm] của lớp Magnoliopsida [= thực vật hạt kín] và sử dụng định nghĩa sau: Bộ Asparagales Họ Agavaceae Họ Alliaceae Họ Amaryllidaceae Họ Anthericaceae Họ Aphyllanthaceae Họ Asparagaceae Họ Asphodelaceae Họ Asteliaceae Họ Blandfordiaceae Họ Calectasiaceae Họ Convallariaceae Họ Cyanastraceae Họ Dasypogonaceae Họ Doryanthaceae Họ Dracaenaceae Họ Eriospermaceae Họ Hemerocallidaceae Họ Herreriaceae Họ Hostaceae Họ Hyacinthaceae Họ Hypoxidaceae Họ Ixioliriaceae Họ Lanariaceae Họ Luzuriagaceae Họ Nolinaceae Họ Philesiaceae Họ Phormiaceae Họ Ruscaceae Họ Tecophilaeaceae Họ Xanthorrhoeaceae Cronquist Hệ thống Cronquist không công nhận bộ này, đặt nhiều chi trong bộ Liliales (phân lớp Liliidae của lớp Liliopsida [= thực vật một lá mầm]). Một số chi được đặt trong họ Liliaceae. Wettstein Hệ thống Wettstein, phiên bản cuối cùng năm 1935, cũng không công nhận bộ này và đặt nhiều chi trong bộ Liliiflorae thuộc lớp Monocotyledones. Phát sinh chủng loài Cây phát sinh chủng loài của bộ Măng tây so với các bộ thực vật một lá mầm khác lấy theo APG III. Cây phát sinh chủng loài trong nội bộ bộ Măng tây lấy theo APG III.
Khmer Đỏ (tiếng Campuchia: ខ្មែរក្រហម, ) là tên gọi dành cho thế lực và tổ chức chính trị cực tả cầm quyền tại Campuchia từ 1975 đến 1979 dưới sự lãnh đạo công khai của Đảng Cộng sản Campuchia (hay Đảng Cộng sản Khmer). Sau khi bị lật đổ và bị đánh bật khỏi phần lớn lãnh thổ Campuchia, thế lực này tiếp tục hoạt động và đấu tranh chống lại Cộng hòa Nhân dân Campuchia (sau này trở thành Nhà nước Campuchia) và Quân đội nhân dân Việt Nam dưới tên các tổ chức Đảng Campuchia Dân chủ và Quân đội Quốc dân Campuchia Dân chủ. Ban đầu Khmer Đỏ tuyên bố đi theo chủ nghĩa cộng sản thuộc nhánh chủ nghĩa Marx-Lenin, thế nhưng sau những mâu thuẫn nội bộ và việc thủ lĩnh đảng là Pol Pot tiêu diệt những đảng viên phản đối tư tưởng cực đoan của ông, Khmer Đỏ đã dần trở thành một tổ chức theo chủ nghĩa Sô vanh, tư tưởng Mao Trạch Đông và tư tưởng bài ngoại, Đài Tiếng nói Việt Nam thì cho rằng chủ nghĩa cộng sản chỉ còn là tấm bình phong để Pol Pot thực hiện các kế hoạch cực đoan của ông. Tới năm 1981, Khmer Đỏ chính thức tuyên bố họ không còn đi theo chủ nghĩa Marx-Lenin. Thời kỳ cầm quyền của Khmer Đỏ ở Campuchia chấm dứt khi Việt Nam cho đưa quân sang Campuchia lật đổ chính quyền Khmer đỏ của Pol Pot vào năm 1979 và lập nhà nước Cộng hòa Nhân dân Campuchia với Heng Samrin lên làm Chủ tịch. Chế độ Khmer Đỏ nay được biết đến vì đã giết chết khoảng 2 triệu người (từ một dân số 7,1 triệu) bằng các biện pháp tử hình bằng các dụng cụ thô sơ như cuốc, mai, xẻng, bỏ đói và lao động cưỡng bức. Nó được nhiều học giả xem là một trong những chế độ tàn bạo nhất trong thế kỷ 20 – thường được so sánh với chế độ của Adolf Hitler. Nếu tính theo tỷ lệ người bị giết so sánh với dân số, có thể nó là chế độ giết người nhiều nhất trong thế kỷ XX. Trong thời gian cầm quyền, chính quyền Khmer Đỏ đã được Trung Quốc hậu thuẫn vì muốn cô lập nước Việt Nam lúc đó đang được Liên Xô hậu thuẫn. Năm 1979, Khmer Đỏ bị quân đội Việt Nam lật đổ. Trong những năm sau đó, Khmer Đỏ cùng với ANS (một đảng bảo hoàng) và KPNLF (một đảng cánh hữu chống cộng) hợp lại thành một chính phủ gọi là "Liên minh chính phủ Kampuchea dân chủ" (CGDK), liên minh này tiếp tục tiến hành chiến tranh du kích chống lại chính quyền thân Việt Cộng hòa Nhân dân Campuchia của Hun Sen. Trong giai đoạn 1979 – 1988, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cùng với Mỹ và Thái Lan, vào thời kì mặn nồng nhất của quan hệ Trung – Mỹ, đã cung cấp vũ khí, thông tin tình báo và căn cứ để tiếp tế cũng như cung cấp nơi trú ẩn cho binh lính của Khmer Đỏ và sau đó là CGDK. Ben Kiernan tuyên bố rằng Hoa Kỳ đã hỗ trợ Khmer Đỏ để chống lại Việt Nam tuy nhiên theo Nat Thayer thì viện trợ của Hoa Kỳ chủ yếu chỉ dành cho 2 đảng KPNLF (còn gọi là Khmer Xanh) và ANS (còn gọi là Khmer Trắng), đây là hai đảng có tư tưởng bảo hoàng hoặc chống cộng cùng nằm trong liên minh CGDK với Khmer Đỏ. Hoa Kỳ, Trung Quốc, Tây Âu, và khối ASEAN đồng loạt phản đối hành động đưa quân vào Campuchia của Việt Nam, họ cho rằng đây là hành vi "xâm lược". Họ đòi Việt Nam rút quân và lực lượng Liên Hợp Quốc sẽ vào tiếp quản. Việt Nam đề nghị rút quân để đổi lại một thỏa thuận chính trị nhằm đảm bảo Khmer Đỏ sẽ không quay trở lại nắm quyền lực, nhưng Trung Quốc, ASEAN và Hoa Kỳ coi điều này là không thể chấp nhận được, họ cho rằng Việt Nam không được phép hưởng lợi từ cuộc "xâm lược" này. Theo BBC, Hoa Kỳ không muốn mang tiếng là giúp Pol Pot, nhưng họ đã thông qua Trung Quốc để làm điều đó, và Hoa Kỳ cũng giúp đỡ về ngoại giao bằng cách bỏ phiếu chấp thuận việc duy trì ghế của Kampuchea Dân chủ (của Pol Pot) ở Liên Hợp Quốc. Cố vấn An ninh Quốc gia Zbigniew Brzezinski rất tự hào về chiến lược khuyến khích Thái Lan hợp tác với Trung Quốc để giúp Khmer Đỏ tái xây dựng lực lượng . Cũng theo BBC, tới năm 1985, CIA đã ngầm viện trợ cho các nhóm du kích Campuchia thuộc liên minh CDGK lên tới 12 triệu USD mỗi năm để chống lại chính quyền thân Việt Nam của Hun Sen. Vào ngày 10 tháng 7 năm 1985, Hạ viện Hoa Kỳ đã chính thức thông qua một khoản viện trợ công khai về tài chính và quân sự trị giá 5 triệu USD dành cho "các nhóm kháng chiến phi cộng sản" ở Campuchia (tức KPNLF và ANS) để chống lại chính quyền Hun Sen, tuy nhiên có một quy định đi kèm là khoản viện trợ này không được phép đến tay Khmer Đỏ. Năm 1989, chính quyền Mỹ đã cảnh báo Thái Lan nếu họ bỏ rơi các nhóm du kích CGDK để hợp tác với chính phủ Hun Sen tại Campuchia. Tuy vậy, nhà bảo trợ chính cho Khmer Đỏ vẫn là Trung Quốc. Andrew Mertha, từng cho biết 90% viện trợ nước ngoài mà Khmer Đỏ nhận được đã đến từ Trung Quốc. Quan hệ giữa Việt Nam và khối ASEAN, đặc biệt là Thái Lan, trong thời kỳ này rất căng thẳng và trong nhiều trường hợp đứng bên bờ vực chiến tranh. Sau khi Việt Nam rút khỏi Campuchia vào năm 1991, quan hệ Việt Nam – ASEAN dần được cải thiện và bình thường hóa. Năm 1995, Việt Nam gia nhập ASEAN. Pol Pot chết ở Anlong Veng, Campuchia vì bệnh tim năm 1998 sau khi bị một thuộc cấp là Ta Mok hạ bệ vào năm 1997. Tháng 12 năm 1999, Ta Mok và các thủ lĩnh còn lại đầu hàng, Khmer Đỏ chấm dứt sự tồn tại. Đến năm 2006, chỉ có ba trong số các lãnh đạo Khmer Đỏ bị chính phủ Campuchia bắt giam kể từ khi bị lật đổ. Năm 2018, các lãnh đạo Khmer Đỏ còn sống đã bị tòa án quốc tế tuyên án tù chung thân vì phạm tội diệt chủng. Tên gọi Thuật ngữ "Khmer Đỏ", tiếng Pháp "Khmer Rouge", được nguyên thủ Campuchia Norodom Sihanouk đặt ra và sau này được những người nói tiếng Anh chấp nhận. Nó được dùng để chỉ một sự tiếp nối của các Đảng Cộng sản tại Campuchia, từ Đảng Nhân dân Cách mạng Khmer (KPRP) (1951 – 1963) phát triển lên thành Đảng Công nhân Campuchia (1963 – 1970) rồi thành Đảng Cộng sản Kampuchea (CPK) (1971 – 1981) và sau này thành lập nhà nước Kampuchea Dân chủ. Tổ chức này cũng được gọi là Đảng Cộng sản Khmer. Hình thành Lịch sử ban đầu Lịch sử phong trào cộng sản tại Campuchia có thể được chia thành 6 giai đoạn: Giai đoạn 1930 - 1945 với sự xuất hiện của Đảng Cộng sản Đông Dương (ICP) năm 1930, với các thành viên hầu hết là người Việt Nam, trước Thế Chiến II cho đến năm 1945 khi ba nước Đông Dương tuyên bố độc lập Giai đoạn 1945 - 1954 diễn ra cuộc chiến tranh 9 năm giành độc lập từ Pháp, khi một đảng cộng sản Campuchia riêng rẽ, Đảng Nhân dân Cách mạng Khmer (KPRP), được thành lập dưới sự ủng hộ của Việt Nam; Giai đoạn 1955 – 1962 đảng Nhân dân Cách mạng Khmer hoạt động bí mật và bị Sihanouk đàn áp Giai đoạn 1963 - 1975 bắt đầu từ Đại hội thứ hai của KPRP, lúc này đã được đổi tên thành Đảng Công nhân Kampuchea (WPK), năm 1963, khi Saloth Sar (Pol Pot sau năm 1976) và những lãnh đạo tương lai của Khmer Đỏ giành được quyền kiểm soát Đảng Công nhân Kampuchea. Sau đó, Khmer Đỏ bắt đầu nổi dậy năm 1967–1968 dẫn tới sự sụp đổ của chính phủ Lon Nol tháng 4 năm 1975. Thời điểm nắm chính quyền KPRP có tên Đảng Cộng sản Kampuchea (CPK); Giai đoạn 1975 - 1979 trong đó chế độ Kampuchea Dân chủ tồn tại từ tháng 4 năm 1975 đến tháng 1 năm 1979; Giai đoạn từ năm 1979 trở về sau được đánh dấu bằng Đại hội thứ ba của KPRP tháng 1 năm 1979, khi Hà Nội nắm được toàn bộ ảnh hưởng đối với Chính phủ Cộng hoà Nhân dân Campuchia và Đảng Nhân dân Cách mạng Khmer (KPRP) được những người cộng sản Campuchia thân Việt Nam tái lập. Năm 1930, Hồ Chí Minh thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam bằng cách hợp nhất ba phòng trào cộng sản nhỏ đã xuất hiện ở miền bắc, miền trung và miền nam Việt Nam cuối những năm 1920. Cái tên được thay đổi hầu như ngay lập tức thành Đảng Cộng sản Đông Dương, bề ngoài là gộp cả các phong trào cách mạng từ Campuchia và Lào. Hầu như không có ngoại lệ, hầu hết các thành viên ban đầu của đảng là người Việt Nam. Tới cuối Thế Chiến II khoảng mười người Campuchia đã gia nhập tổ chức, nhưng ảnh hưởng của họ lên phong trào cộng sản Đông Dương và trên sự phát triển của nó tại Campuchia hầu như không đáng kể. Các đơn vị Việt Minh thỉnh thoảng đột nhập vào các căn cứ ở Campuchia trong cuộc chiến tranh Đông Dương và liên kết với chính phủ cánh tả cầm quyền ở Thái Lan cho tới năm 1947, Việt Minh khuyến khích thành lập các đội vũ trang Khmer Issarak cánh tả. Ngày 17 tháng 4 năm 1950 (25 năm trước khi Khmer Đỏ chiếm Phnôm Pênh), đại hội toàn quốc đầu tiên của các nhóm Khmer Issarak được triệu tập, Mặt trận Issarak Thống nhất được thành lập. Lãnh đạo mặt trận là Sơn Ngọc Minh, và một phần ba giới lãnh đạo là thành viên của Đảng Cộng sản Đông Dương. Theo nhà sử học David P. Chandler, các nhóm Issarak cánh tả, được Việt Minh hỗ trợ, chiếm giữ một phần sáu lãnh thổ Campuchia năm 1952; trước Hội nghị Genève, họ kiểm soát tới một nửa đất nước. Năm 1951 Đảng Cộng sản Đông Dương được tổ chức lại thành ba tổ chức quốc gia — Đảng Lao động Việt Nam, Neo Lào Issara, và Đảng Nhân dân Cách mạng Khmer (KPRP). Theo một tài liệu được xuất bản sau việc tái tổ chức, Đảng Lao động Việt Nam sẽ tiếp tục "giám sát" các phong trào nhỏ hơn của Lào và Campuchia. Hầu hết lãnh đạo KPRP và đảng viên các cấp đều hoặc là người Khmer Krom, hoặc người Việt Nam sống tại Campuchia. Sự hấp dẫn của KPRP với người Khmer bản xứ dường như rất nhỏ. Theo phiên bản lịch sử đảng của Kampuchea Dân chủ, việc Việt Minh không thể đàm phán một vai trò chính trị cho KPRP tại Hội nghị Genève năm 1954 thể hiện một sự phản bội với phong trào của Campuchia, vốn vẫn đang kiểm soát những vùng rộng lớn ở thôn quê và có ít nhất 5,000 binh sĩ. Sau hội nghị, khoảng 1,000 thành viên của KPRP, gồm cả Sơn Ngọc Minh đã thực hiện một cuộc "di tản" vào miền Bắc Việt Nam, nơi họ tiếp tục lưu vong. Cuối năm 1954, những người vẫn còn ở lại Campuchia thành lập một đảng chính trị hợp pháp, Đảng Pracheachon, tham gia vào những cuộc bầu cử quốc hội năm 1955 và 1958. Trong cuộc bầu cử tháng 9 năm 1955, đảng giành 4% phiếu bầu nhưng không có được ghế trong nghị viện. Các thành viên của Pracheachon thường bị quấy nhiễu và bắt giữ bởi đảng của họ vẫn ở bên ngoài tổ chức chính trị của Sihanouk là Sangkum Reastr Niyum (Cộng đồng xã hội chủ nghĩa bình dân). Các cuộc tấn công của chính phủ khiến đảng không thể tham gia cuộc bầu cử năm 1962 và bắt đầu hoạt động bí mật. Sihanouk thường gọi những người dân theo cánh tả là Khmer Đỏ, một thuật ngữ đã trở thành biểu tượng của đảng và nhà nước do Pol Pot, Ieng Sary, Khieu Samphan, và các đồng chí của họ lãnh đạo. Giữa những năm 1950s, các phái của KPRP, "ủy ban đô thị" (do Tou Samouth lãnh đạo), và "ủy ban nông thôn" (do Sieu Heng lãnh đạo), xuất hiện. Theo những thuật ngữ chung nhất, những nhóm này đi theo những đường lối cách mạng khác nhau. Đường lối "đô thị" đang chiếm ưu thế, được Bắc Việt Nam hậu thuẫn, công nhận rằng Sihanouk, nhờ thành công trong việc giành độc lập từ nước Pháp, là một lãnh đạo nhà nước thật sự và tính trung lập cùng sự ngờ vực sâu sắc của ông với Mỹ khiến ông trở thành một công cụ quý báu của Hà Nội trong cuộc đấu tranh Giải phóng miền Nam Việt Nam. Những người lãnh đạo đường lối này hy vọng rằng vị hoàng thân có thể bị thuyết phục để rời bỏ cánh hữu và chấp nhận các chính sách cánh tả. Đường lối kia, được ủng hộ bởi hầu hết đảng viên ở nông thôn quen thuộc với những thực tế khó khăn ở thôn quê, ủng hộ một cuộc đấu tranh lập tức để lật đổ "phong kiến" Sihanouk. Năm 1959 Sieu Heng rời bỏ chính phủ và cung cấp cho các lực lượng an ninh số thông tin đủ để họ tiêu diệt tới 90% cơ sở đảng ở nông thôn. Dù các mạng lưới cộng sản ở Phnôm Pênh và tại các thị trấn khác dưới sự quản lý của Tou Samouth không bị thiệt hại nặng như vậy, tới năm 1960 chỉ còn vài trăm đảng viên cộng sản hoạt động ở nước này. Nhóm sinh viên Paris Trong thập niên 1950, các sinh viên Khmer ở Paris tổ chức phong trào cộng sản riêng của mình, và có ít, nếu có, quan hệ với đảng cộng sản đang bị đàn áp nặng nề ở quê hương. Từ phong trào này có những người nam giới và phụ nữ quay trở về quê nhà và nắm quyền lãnh đạo đảng trong thập niên 1960, lãnh đạo một cuộc nổi dậy hiệu quả chống Lon Nol từ năm 1968 tới năm 1975, và lập ra chế độ Campuchia Dân chủ. Pol Pot, người nổi lên vào ban lãnh đạo phong trào cộng sản hồi cuối thập niên 1960, sinh năm 1925 tại tỉnh Kampong Thom, đông bắc Phnôm Pênh. Ông theo học một trường cao đẳng kỹ thuật ở thủ đô và sau đó tới Paris năm 1949 để học điện tử radio (các nguồn khác nói rằng ông đã theo học một trường cho thợ in và thợ sắp chữ và cũng học kỹ thuật dân dụng). Được một nguồn tin miêu tả là một "nhà tổ chức kiên quyết, khá cần cù", ông đã không thành công trong việc có một bằng cấp, nhưng theo thầy tu dòng Tên, Cha François Ponchaud, ông ta có sở thích với văn học Pháp cổ điển và những tác phẩm của Karl Marx. Một thành viên khác của nhóm sinh viên Paris là Ieng Sary, một người Khmer gốc Trung Quốc sinh năm 1925 ở miền Nam Việt Nam. Ông ta theo học trường danh tiếng Lycée Sisowath tại Phnôm Pênh trước khi bắt đầu theo học thương mại và chính trị tại Institut d'Etudes Politiques de Paris (thường được biết đến với cái tên Sciences Po) ở Pháp. Khieu Samphan, được coi là "một trong những trí thức nổi bật nhất trong thế hệ của mình", sinh năm 1931 và chuyên về kinh tế và chính trị trong thời gian ở Paris. Ông lấy bằng tiến sĩ tại Pháp với luận văn "Sự phát triển kinh tế và công nghiệp của Campuchia". Về tài năng đối thủ của ông là Hou Yuon, sinh năm 1930, người được tả là "có sức mạnh thể chất và trí thông minh đáng kinh ngạc", học kinh tế và luật. Son Sen, sinh năm 1930, học về giáo dục và văn học; Hu Nim, sinh năm 1932, học luật. Những người này có lẽ là những lãnh đạo có trình độ giáo dục cao nhất trong lịch sử chủ nghĩa cộng sản tại châu Á. Hai người trong số họ, Khieu Samphan và Hou Yuon, có bằng tiến sĩ của Đại học Paris; Hu Nim có bằng của Đại học Phnôm Pênh năm 1965. Nhìn lại, dường như không có thành viên tài năng nào của giới tinh hoa, được gửi tới Pháp bằng học bổng chính phủ, có thể thực hiện cuộc cách mạng đẫm máu và triệt để nhất trong lịch sử châu Á. Hầu hết họ xuất thân từ các gia đình địa chủ và công chức. Pol Pot và Hou Yuon có thể có họ hàng với gia đình hoàng gia. Một người chị lớn của Pol Pot đã từng là một người thiếp trong triều đình Vua Monivong. Ba người này của nhóm Paris đã có một sự ràng buộc tồn tại sau nhiều năm chiến tranh cách mạng và đấu tranh trong nội bộ đảng, Pol Pot và Ieng Sary cưới Khieu Ponnary và Khieu Thirith (cũng được gọi là Ieng Thirith), được tuyên bố là họ hàng của Khieu Samphan. Hai người phụ nữ có giáo dục cao này cũng đóng một vai trò quan trọng trong chính quyền Kampuchea Dân chủ. Không khí trí thức sôi động của Paris đã là một trải nghiệm mạnh với những thanh niên Khmer trẻ vừa đến từ Phnôm Pênh hay các tỉnh. Một số quay theo Chủ nghĩa Marx – Lenin chính thống. Ở một số thời điểm trong giai đoạn 1949 tới 1951, Pol Pot và Ieng Sary đã gia nhập Đảng Cộng sản Pháp, phong trào chính thống và có kỷ luật nhất trong số các phong trào cộng sản Marx–Lenin ở Tây Âu. Năm 1951 hai người tới Đông Berlin để tham gia một festival thanh niên. Trải nghiệm này được coi là một điểm chuyển biến trong sự phát triển ý thức của họ. Cuộc gặp gỡ với những người Khmer đang chiến đấu với Việt Minh (và là những người sau này bị họ coi là quá phụ thuộc vào Việt Nam), họ trở nên tin rằng chỉ một tổ chức đảng có kỷ luật chặt chẽ và sẵn sàng cho cuộc đấu tranh vũ trang mới có thể thực hiện được cuộc cách mạng. Họ chuyển sang Hiệp hội Sinh viên Khmer (KSA) bao gồm khoảng 200 sinh viên Khmer ở Paris chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa quốc gia và những ý tưởng cánh tả. Bên trong KSA và những tổ chức hậu thân của nó là một tổ chức mật được gọi là Cercle Marxiste. Tổ chức gồm những tổ ba tới sáu người với hầu hết thành viên không biết gì về cơ cấu tổng thể của tổ chức. Năm 1952 Pol Pot, Hou Yuon, Ieng Sary, và những người cánh tả khác giành được danh tiếng sau khi gửi một lá thư ngỏ tới Sihanouk gọi ông là "kẻ bóp cổ một nền dân chủ mới ra đời". Một năm sau, chính quyền Pháp đóng cửa KSA. Tuy nhiên, năm 1956, Hou Yuon và Khieu Samphan đã giúp đỡ thành lập một nhóm mới, Liên đoàn Sinh viên Khmer. Bên trong, nhóm này vẫn do Cercle Marxiste lãnh đạo. Luận văn tiến sĩ do Hou Yuon và Khieu Samphan viết thể hiện những chủ đề căn bản sau này trở thành những hòn đá tảng của chính sách của chế độ Kampuchea Dân chủ. Vai trò trung tâm của người nông dân trong sự phát triển quốc gia được Hou Yuon tán thành trong luận văn năm 1955 của mình, Người Nông dân Campuchia và Viễn ảnh của họ trong Hiện đại hóa, đối lập với quan điểm thường thấy rằng đô thị hóa và công nghiệp hóa là những yếu tố cần thiết cho sự phát triển. Luận điểm chính trong luận văn năm 1959 của Khieu Samphan, Sự phát triển kinh tế và công nghiệp của Campuchia, là nước này phải trở nên tự lực và chấm dứt sự phụ thuộc kinh tế vào thế giới phát triển. Trong khuôn khổ chung, tác phẩm của Khieu phản ánh ảnh hưởng của một nhánh của trường phái "lý thuyết phụ thuộc" coi sự kém phát triển ở Thế giới thứ ba có nguyên nhân ở sự thống trị kinh tế của các quốc gia công nghiệp hóa. Con đường tới quyền lực và cai trị Đại hội thứ hai của KPRP Sau khi quay lại Campuchia năm 1953, Pol Pot lao mình vào những hoạt động của đảng. Ban đầu ông gia nhập các lực lượng liên minh với Việt Minh hoạt động tại các vùng nông thôn tỉnh Kampong Cham (Kompong Cham). Sau khi chiến tranh kết thúc ông chuyển tới Phnôm Pênh thuộc "ủy ban đô thị" của Tou Samouth nơi ông trở thành một đầu mối liên lạc quan trọng giữa các đảng bí mật cánh tả và phong trào cộng sản bí mật. Các đồng chí của ông, Ieng Sary và Hou Yuon, trở thành thầy giáo tại một trường trung học mới, trường Lycée Kambuboth, được Hou Yuon giúp thành lập. Khieu Samphan trở về từ Paris năm 1959, dạy ở khoa luật trường Đại học Phnôm Pênh, và lập ra một ấn bản cánh tả bằng tiếng Pháp, tờ L'Observateur. Tờ báo nhanh chóng có được danh tiếng trong giới hàn lâm ở Phnôm Pênh. Năm sau đó, chính phủ đóng cửa tờ báo và cảnh sát của Sihanouk công khai làm bẽ mặt Khieu bằng cách đánh đập, lột quần áo và chụp ảnh ông ở nơi công cộng – như Shawcross ghi chú, "không phải là kiểu làm nhục mà con người có thể tha thứ hay quên đi". Tuy nhiên việc này không ngăn cản Khieu ủng hộ việc hợp tác với Sihanouk nhằm tạo điều kiện cho một mặt trận thống nhất chống lại các hoạt động của Hoa Kỳ ở miền Nam Việt Nam. Như đã đề cập, Khieu Samphan, Hou Yuon, và Hu Nim bị buộc phải "làm việc trong hệ thống" bằng cách gia nhập Sangkum và bằng cách chấp nhận các chức vụ trong chính phủ của vị hoàng thân. Cuối tháng 9 năm 1960, 21 lãnh đạo của Đảng nhân dân cách mạng Khmer tổ chức một đại hội bí mật trong một căn phòng trống ở ga đường sắt Phnôm Pênh. Sự kiện then chốt vẫn bị che giấu bởi những nghị quyết của nó đã trở thành một chủ đề tranh cãi (và có thể được coi là sự viết lại lịch sử) giữa các phái Khmer ủng hộ và chống Việt Nam. Câu hỏi về sự hợp tác, hay chống đối, với Sihanouk được thảo luận kỹ. Tou Samouth, người ủng hộ một chính sách hợp tác, được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng được đổi tên lại thành Đảng Công nhân Kampuchea (WPK). Đồng minh của ông, Nuon Chea trở thành phó tổng Bí thư, tuy nhiên, Pol Pot, Keo Meas và Ieng Sary được chỉ định vào Bộ chính trị giữ các vị trí thứ ba, thứ tư và thứ năm trong đảng mới được đổi tên. Việc đổi tên rất quan trọng. Bằng việc tự xưng là đảng của những người công nhân, phong trào của Campuchia tự tuyên bố có vị thế tương tự như Đảng Lao động Việt Nam. Chế độ ủng hộ Việt Nam của Cộng hòa Nhân dân Kampuchea (PRK) ngụ ý trong những năm 1980 rằng cuộc gặp vào tháng 9 năm 1960 không mang ý nghĩa gì hơn một kỳ đại hội lần thứ hai của KPRP. Ngày 20 tháng 7 năm 1962, Tou Samouth bị ám sát. Tháng 2 năm 1963, tại đại hội lần thứ hai của Đảng công nhân Campuchia, Pol Pot được chọn kế vị Tou Samouth trở thành tổng Bí thư của đảng. Nuon Chea vẫn là phó tổng bí thư, đồng minh của Tou Samouth là Noun Suon và Keo Meas, bị loại khỏi Ủy ban Trung ương và bị thay thế bởi Son Sen và Vorn Vet. Từ đó về sau, Pol Pot và các đồng chí trung thành từ nhóm sinh viên tại Paris nắm quyền kiểm soát trung ương đảng, loại bỏ các cựu binh lớn tuổi như: Keo Meas, Keo Muni, Noun Suon... những người bị coi là quá ủng hộ Việt Nam. Tháng 7 năm 1963, Pol Pot và hầu hết ủy ban trung ương rời Phnôm Pênh để thành lập một căn cứ khởi nghĩa tại tỉnh Ratanakiri ở phía đông bắc. Pol Pot ngay trước đó đã được đưa vào một danh sách 34 nhân vật cánh tả được Sihanouk triệu hồi tham gia chính phủ và ký các tuyên bố nói rằng Sihanouk là lãnh đạo duy nhất có thể của đất nước. Pol Pot và Chou Chet là những người duy nhất trong danh sách bỏ trốn. Tất cả những người khác đồng ý hợp tác với chính phủ và sau đó bị cảnh sát canh giữ 24/24. Sihanouk và GRUNK Vùng Pol Pot và những người khác chuyển tới là nơi sinh sống của các bộ lạc thiểu số, Khmer Loeu, với hành động đối xử hung bạo (gồm cả việc tái định cư và cưỡng bức đồng hóa) từ chính phủ trung ương khiến họ tự nguyện tham gia vào cuộc chiến tranh du kích. Năm 1965, Pol Pot thực hiện một chuyến viếng thăm kéo dài nhiều tháng tới miền Bắc Việt Nam và Trung Quốc. Ông nhận được một số bài huấn luyện tại Trung Quốc, làm gia tăng ảnh hưởng của mình khi quay lại những vùng giải phóng của WPK. Dù có mối quan hệ hữu nghị giữa Norodom Sihanouk và người Trung Quốc, nước này vẫn giữ bí mật chuyến thăm của Pol Pot với Sihanouk. Tháng 9 năm 1966, đảng đổi tên thành Đảng Cộng sản Kampuchea (CPK). Việc đổi tên đảng được giữ bí mật cao. Những đảng viên cấp thấp của đảng và thậm chí cả người Việt Nam đều không được thông báo về điều này và các đảng viên cũng không biết cho tới nhiều năm sau. Giới lãnh đạo đảng tán thành việc đấu tranh vũ trang chống chính phủ, khi ấy dưới sự lãnh đạo của Sihanouk. Năm 1967, CPK đã có nhiều nỗ lực nổi dậy nhưng không có nhiều thành công. Năm 1968, các lực lượng Khmer tiến hành một cuộc nổi dậy trên khắp đất nước Campuchia (xem thêm Nội chiến Campuchia). Khmer Đỏ gồm 3 nhóm chính hoạt động độc lập và cạnh tranh với nhau: Nhóm Đông Bắc: gồm Pol Pot, Ieng Sary, Son Sen, Khieu Samphan do Pol Pot lãnh đạo có căn cứ địa ở vùng dân tộc thiểu số tại Đông Bắc Campuchia Nhóm Tây Nam: gồm Hu Nim, Hou Yuon, Phok Chay và Tin Op do Hu Nim lãnh đạo có căn cứ tại miền Nam và Tây Nam Campuchia trong vùng dãy núi Con Voi và dãy núi Đậu Khấu Nhóm miền Đông: gồm So Phim, Keo Muni, Chou Chet do So Phim lãnh đạo có căn cứ tại miền Đông ở các tỉnh đông dân giữa sông Mekong và biên giới Việt Nam Dù Bắc Việt Nam không được thông tin về quyết định này, các lực lượng của họ đã cung cấp nơi ẩn náu và vũ khí cho Khmer Đỏ sau khi cuộc nổi dậy diễn ra. Sự ủng hộ cuộc nổi dậy của người Việt Nam khiến quân đội Campuchia không thể đàn áp một cách hiệu quả. Trong hai năm tiếp sau, cuộc nổi dậy lớn mạnh bởi Sihanouk không có nhiều nỗ lực ngăn chặn. Khi đã trở nên mạnh hơn, cuối cùng đảng công khai tuyên bố mình là Đảng Cộng sản Kampuchea (CPK). Sức hấp dẫn chính trị của Khmer Đỏ gia tăng như một kết quả của tình hình được tạo ra sau khi Sihanouk bị lật đổ năm 1970. Thủ tướng Lon Nol, với sự ủng hộ của Quốc hội, hạ bệ Sihanouk. Sihanouk, lưu vong ở Bắc Kinh, tham gia liên minh với Khmer Đỏ thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc Campuchia đứng đầu là Sihanouk, và Các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng dân tộc Campuchia Khieu Samphan đứng đầu (ngày 23 tháng 3 năm 1970) và trở thành lãnh đạo danh nghĩa của chính phủ lưu vong đa số Khmer Đỏ (được gọi theo tên viết tắt tiếng Pháp là GRUNK) và được Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ủng hộ (Chính phủ Vương quốc Đoàn kết Dân tộc Campuchia). Phong trào giành được sức mạnh và sự ủng hộ ở những khu vực rừng núi phía Đông Bắc và đã có được vị thế vững chắc khi lãnh đạo Campuchia là Hoàng thân Sihanouk bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự năm 1970. Vị cựu hoàng thân sau đó quay sang tìm kiếm sự ủng hộ của Khmer Đỏ. Với mối đe dọa từ cuộc Nội chiến đang đến gần, Khmer Đỏ giành được sự ủng hộ bằng cách nhận lấy hình ảnh của một "đảng vì hòa bình". Danh tiếng của Sihanouk ở những vùng nông thôn Campuchia cho phép Khmer Đỏ mở rộng quyền lực và ảnh hưởng tới mức vào năm 1973 trên thực tế họ kiểm soát đa phần lãnh thổ Campuchia, dù chỉ với một phần nhỏ dân số. Nhiều người Campuchia đã giúp Khmer Đỏ chống lại chính phủ Lon Nol nghĩ rằng họ đang chiến đấu cho sự trở lại của Sihanouk. Mối quan hệ giữa những cuộc ném bom rải thảm vào Campuchia của Hoa Kỳ và sự lớn mạnh của Khmer Đỏ, trong việc thực hiện tuyển mộ binh lính và sự ủng hộ của dân chúng, là một vấn đề thu hút nhiều nhà sử học. Năm 1984 Craig Etcheson thuộc Trung tâm Tài liệu Campuchia cho rằng "không thể" quả quyết rằng Khmer Đỏ không thể chiến thắng nhưng sự can thiệp của Hoa Kỳ và những cuộc ném bom quả thực có giúp Khmer Đỏ tuyển một số binh sĩ, "dù sao họ cũng sẽ thắng". Một số nhà sử học nêu ra sự can thiệp và các chiến dịch ném bom của Hoa Kỳ (giai đoạn 1965–1973) là một yếu tố quan trọng dẫn tới sự gia tăng ủng hộ dành cho Khmer Đỏ trong tầng lớp nông dân Campuchia. Nhà sử học Ben Kiernan và Taylor Owen đã sử dụng một sự tổng hợp bản đồ vệ tinh chi tiết, được giải mật gần đây về phạm vi những hoạt động ném bom, và lời chứng của những người nông dân, để cho rằng đã có sự tương quan giữa những làng mạc bị ném bom và việc tuyển mộ những người nông dân của Khmer Đỏ. Trong cuộc nghiên cứu năm 1996 về cách thức Pol Pot nổi lên nắm quyền lực, Kiernan cho rằng sự can thiệp từ bên ngoài "có lẽ là yếu tố quan trọng duy nhất trong sự trỗi dậy của Khmer Đỏ". Mùa thu năm 2000, Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên từ thời Nixon tới Việt Nam. Trong một động thái mang tính nhân đạo, Clinton đã cho giải mật nhiều dữ liệu của Không quân Mỹ về tất cả những vụ ném bom từ năm 1964 tới năm 1975 tại Đông Dương. Điều này cho phép vẽ bản đồ các địa điểm bị ném bom, và xác định vị trí những nơi có thể còn sót lại bom mìn. Tới những năm 1970, lý tưởng của Khmer Đỏ là sự tổng hợp các ý tưởng của họ với các ý tưởng chống thực dân của PCF, mà các lãnh đạo của họ có được khi theo học tại các trường Đại học ở Pháp thập niên 1950. Tới năm 1975, với việc chính phủ Lon Nol không còn vũ khí, rõ ràng vấn đề chỉ còn là thời gian trước khi chính phủ này sụp đổ. Ngày 17 tháng 4 năm 1975, Khmer Đỏ chiếm Phnôm Pênh. Sự tham gia của Hoa Kỳ Năm 1973, ngay trước khi Pol Pot nắm quyền cai trị toàn bộ nước Campuchia, Chính phủ Khmer Cộng hòa, với sự hỗ trợ của Mỹ, "đã ném khoảng nửa triệu tấn bom xuống Campuchia." Nhiều người mất người thân và bạn bè đã gia nhập vào cuộc cách mạng của Khmer Đỏ. Tuy nhiên không lực của Hạm đội 7 Hoa Kỳ cho rằng việc ném bom đã ngăn chặn sự sụp đổ của Phnôm Pênh năm 1973 với việc tiêu diệt 16,000 trong số 25,500 chiến binh Khmer Đỏ đang bao vây thành phố. Sau này hóa ra con số "khoảng một nửa triệu tấn bom" là quá thấp. Khi tổng thống Bill Clinton giải mật dữ liệu của Không quân về toàn bộ các cuộc ném bom ở Đông Dương giai đoạn 1964 và 1975. Tính riêng tại Campuchia Nixon đã ra lệnh rằng, "Họ (Không lực Hoa Kỳ) phải đi tới đó và tôi muốn nói là thật sự vào đó... Tôi muốn tất cả những thứ gì có thể bay được phải đi vào đó và làm chúng khốn đốn. Không có giới hạn về khoảng cách và không có giới hạn về ngân sách. Rõ chưa?" Taylor Owen và Ben Kiernan thuộc Đại học Yale lưu ý rằng, "Trước đó, ước tính trong khoảng 50,000 tới 150,000 thường dân Campuchia thiệt mạng trong những vụ ném bom. Với tổng lượng bom tăng gấp năm lần, con số thương vong chắc chắn sẽ cao hơn." Hoa Kỳ ủng hộ những đảng phái đối lập có tư tưởng chống cộng ở Campuchia trong những nỗ lực lật đổ người Việt Nam và chế độ Cộng hòa Nhân dân Kampuchea được Việt Nam hậu thuẫn; nó là một phần trong thái độ chống Việt Nam và chống Liên Xô đang thắng thế thời điểm đó, đặc biệt ở lúc cao điểm cuộc Chia rẽ Trung – Xô, bởi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cũng ủng hộ Khmer Đỏ chống lại chính quyền Cộng hòa Nhân dân Kampuchea thân Việt Nam. Hoa Kỳ đã giúp các du kích Khmer Đỏ rút chạy vào Thái Lan sau khi quân Việt Nam tràn vào lãnh thổ Campuchia lật đổ chế độ Khmer Đỏ. Hoa Kỳ cùng Trung Quốc ủng hộ "Liên minh chính phủ Kampuchea dân chủ" (trong đó có Khmer Đỏ) tiến hành chiến tranh du kích chống lại chính phủ Hun Sen tại Campuchia và đồng minh Việt Nam của họ. Hoa Kỳ bị giằng xé giữa nỗi khiếp sợ sự tàn bạo của chính quyền Pol Pot và lo sợ về ảnh hưởng của Việt Nam nếu chính quyền Pol Pot sụp đổ. Một bức điện của Bộ Ngoại giao Mỹ gửi đến 6 đại sứ quán Mỹ tại châu Á vào ngày 11 tháng 10 năm 1978 có viết “Chúng tôi tin rằng một nước Campuchia phải tồn tại ngay cả khi chúng tôi tin rằng chế độ Pol Pot là chế độ vi phạm quyền con người tồi tệ nhất thế giới” và “Chúng tôi không thể ủng hộ chính quyền Pol Pot, nhưng một Campuchia độc lập phải tồn tại”. Cầm quyền Năm 1975, khi những người Cộng sản Việt Nam giành được chính quyền trên cả nước Việt Nam, thì Khmer Đỏ cũng giành được chính quyền tại Campuchia, xây dựng quốc gia Campuchia Dân chủ. Quân đội của nhà nước này được gọi là Quân đội Quốc gia Kampuchea Dân chủ. Ban lãnh đạo Khmer Đỏ hầu như không thay đổi từ thập niên 1960 tới giữa những năm 1990. Thành phần lãnh đạo hầu hết xuất thân từ những gia đình trung lưu và đã được giáo dục tại các trường Đại học Pháp. Ban thường vụ Ủy ban Trung ương của Khmer Đỏ trong giai đoạn cầm quyền gồm: Pol Pot (Saloth Sar) (chết năm 1998), "Anh cả", Tổng Bí thư Đảng cộng sản Campuchia (từ năm 1963-1981) kiêm Thủ tướng Campuchia Dân chủ (từ năm 1976-1979), lãnh đạo thực tế của phong trào. Pol Pot là một lãnh đạo chủ chốt của phong trào sau khi ông từ Pháp quay về Campuchia. Pol Pot đã trở thành một thành viên của Đảng Cộng sản Pháp (PCF). Từ tháng 4 năm 1975 khi Khmer Đỏ giành được chính quyền, ông đã đưa ra những ý tưởng của Khmer Đỏ như ra lệnh xua đuổi trí thức từ thành thị về nông thôn, đóng cửa trường học, xóa bỏ Phật giáo và tiền tệ nhằm cải cách nông nghiệp... Chỉ trong bốn năm cầm quyền chế độ của Pol Pot đã gây ra cái chết gần 1,7 triệu người Campuchia. Nuon Chea (Long Bunruot), "Anh hai", Chủ tịch Quốc hội, được xem là "cánh tay phải" của Pol Pot, là nhà tư tưởng thực hiện các chính sách diệt chủng cũng như ra lệnh bắt giữ và hành quyết các thành viên của Khmer Đỏ bị kết tội phản bội. Nuon Chea đầu hàng chính phủ Campuchia vào tháng 12 năm 1998, bị bắt và xét xử năm 2007, Nuon Chea chết năm 2019 khi đang thụ án chung thân. Ieng Sary (anh em đồng hao của Pol Pot), "Anh ba", Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng ngoại giao, Ieng Sary cũng là người phụ trách các chính sách đối ngoại của Khmer Đỏ, Ieng Sary đầu hàng chính phủ của Hun Sen vào năm 1996, bị bắt giữ năm 2007, chết năm 2013 Khieu Samphan, "Anh tư", Chủ tịch Kampuchea Dân chủ từ năm 1976 đến năm 1979. Đến năm 1982 Khieu Samphan trở thành lãnh đạo chính của tàn quân Khmer Đỏ sau khi Pol Pot nhường quyền lãnh đạo lại cho y, tháng 12 năm 1998 Khieu Samphan chính thức đầu hàng chính phủ, Khieu Samphan bị bắt năm 2007 với các cáo buộc phạm tội diệt chủng, tội ác chiến tranh và tội ác chống lại nhân loại. Ta Mok (Chhit Chhoeun) (chết 21 tháng 7 năm 2006), "Anh năm", biệt danh "Đồ tể", Phó chủ tịch Quốc hội, Bí thư khu Tây nam kiêm Tổng Tư lệnh Khmer Đỏ từ năm 1975, Ta Mok cũng là lãnh đạo cuối cùng của Khmer Đỏ đến năm 1999. Ta Mok là người phụ trách việc xua đuổi tri thức về nông thôn, cũng như ra lệnh thảm sát trong nhiều vụ thanh trừng nội bộ của Khmer Đỏ, Ta Mok bị bắt năm 1999, chết tại bệnh viện vào năm 2006 khi đang bị giam giữ chờ xét xử về tội diệt chủng. So Phim Bí danh So Vanna, "Anh sáu", Phó chủ tịch Quốc hội kiêm Bí thư quân khu Đông. So Phim được xem là một lãnh đạo cao cấp của Khmer Đỏ, có nhiều thời điểm ông được xếp vào hàng thứ ba trong trung ương Đảng Campuchia chỉ sau Pol Pot và Nuon Chea. Khác với nhiều thành viên cao cấp khác của Khmer Đỏ, So Phim là thành viên ôn hòa và là người có cảm tình với Việt Nam. Ông nhiều lần phản đối các chính sách chống Việt Nam của Pol Pot cũng như các vụ thanh trừng tại quân khu miền Đông. So Phim đồng thời cũng là cấp trên của Heng Samrin. Tháng 6 năm 1978 ông bị Pol Pot thanh trừng và bị kết tội phản bội vì "thân" với Việt Nam. So Phim đã tự sát sau khi bị quân lính khu Tây Nam của Ta Mok bao vây. Son Sen (xếp hàng thứ bảy trong trung ương Đảng ), Bộ trưởng Quốc phòng và là người phụ trách an ninh của Khmer Đỏ, Son Sen đồng thời là lãnh đạo của Kaing Guek Eav tức "đồng chí Duch" tại nhà tù S21. (Son Sen đã bị Pol Pot kết tội phản bội và ra lệnh tử hình cả nhà Son Sen vào năm 1997). Vorn Vet Còn có tên là So Thouk, Phó thủ tướng phụ trách kinh tế của Campuchia Dân Chủ từ năm 1976 đến năm 1978. Vorn Vet được biết như là nhân vật hàng đầu và là tay chân thân tính của Pol Pot trước và sau khi Khmer Đỏ giành được chính quyền. Tháng 11 năm 1978, Pol Pot đã ra lệnh thanh trừng và xử tử Vorn Vet tại nhà tù mật danh S21 với cáo buộc tội phản bội và là gián điệp CIA. Yun Yat Vợ của Son Sen Bộ trưởng giáo dục kiêm Bộ trưởng thông tin từ năm 1977 sau khi Hu Nim bị thanh trừng ( Yun Yat đã bị Pol Pot ra lệnh tử hình cùng với Son Sen vào năm 1997). Ke Pauk (chết năm 2002), "Anh mười ba", Bí thư quân khu Trung ương. Ieng Thirith Bộ trưởng phụ trách vấn đề xã hội, bị bắt năm 2007, vợ của Ieng Sary đồng thời cũng là em vợ của Pol Pot Thanh trừng nội bộ Sau khi cầm quyền, nội bộ Khmer Đỏ chia rẽ nghiêm trọng dẫn đến thanh trừng lẫn nhau. Nhóm Đông Bắc với nòng cốt là những sinh viên từ Paris trở về như Pol Pot, Ieng Sary, Son Sen, Khieu Samphan chủ trương xây dựng "xã hội cộng sản nông nghiệp thuần túy" theo kiểu Campuchia. Nhóm Tây Nam cũng do một số du học sinh từ Pháp về lãnh đạo bao gồm Hu Nim, Hou Yuon, Toch Phoum chủ trương tiến hành cách mạng văn hóa tại Campuchia mô phỏng theo Trung Quốc. Nhóm miền Đông bao gồm: So Phim, Keo Meas, Keo Muni là những Đảng viên kỳ cựu của đảng bộ Khmer thuộc Đảng Cộng sản Đông Dương muốn xây dựng xã hội chủ nghĩa theo mô hình Liên Xô và Việt Nam. Sau khi lên cầm quyền, nhóm Đông Bắc của Pol Pot đã tiêu diệt hầu hết ban lãnh đạo của nhóm Tây Nam. Tháng 6/1978, nhóm miền Đông cũng bị tiêu diệt sau những cuộc khởi nghĩa quân sự chống Pol Pot thất bại. Một số ít còn sống sót, trong đó có Heng Samrin thuộc nhóm miền Đông chạy sang Việt Nam sau này trở thành lãnh đạo của Cộng hòa Nhân dân Campuchia. Nhóm Pol Pot, Khieu Samphan cũng thể hiện tư tưởng chủ nghĩa dân tộc cực đoan qua việc nhấn mạnh đến sự vượt trội của người Khmer so với các tộc người khác. Từ rất sớm, Pol Pot đã nuôi tham vọng khôi phục lại đế chế Khmer khi xưa. Khmer Đỏ lúc này đã biến thành một dạng chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Nó duy trì vỏ bọc chủ nghĩa cộng sản để tận diệt những người cộng sản Campuchia, sử dụng ngôn ngữ cách mạng xã hội chủ nghĩa nhưng lại muốn phá hoại cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước khác. Trên thực tế, đến năm 1981 nhóm Khmer Đỏ đã chính thức tuyên bố từ bỏ chủ nghĩa cộng sản và tự đổi tên từ Đảng Cộng sản Campuchia thành Đảng Campuchia Dân chủ Kể từ lúc giành được chính quyền tại Campuchia vào tháng 4 năm 1975, Pol Pot bắt đầu tiến hành một cuộc thanh trừng nội bộ nhằm mục đích xóa đi sự "ảnh hưởng" của Việt Nam tại Campuchia, những người bị nghi là gián điệp nước ngoài hoặc bất cứ ai phản đối chính sách của Pol Pot ở trong hàng ngũ Khmer Đỏ. Tất cả đều bị bắt giữ và đưa đến nhà tù an ninh S21 tra tấn buộc họ phải thừa nhận là gián điệp của CIA, KGB hoặc Việt Nam trước khi bị đem hành quyết tại "Cánh đồng chết". Chỉ trong vòng hai năm từ năm 1976 đến năm 1978, đã có khoảng 200 cán bộ cao cấp của Khmer Đỏ bị bắt giam và bị xử tử tại nhà tù S21. Những cuộc thanh trừng nội bộ của Khmer Đỏ ngày càng tăng cao, số lượng thành viên của họ bị sát hại ngày càng nhiều. Tất cả đều bị cáo buộc tội phản bội hoặc là gián điệp nước ngoài. Cuộc thanh trừng nội bộ do Pol Pot, Nuon Chea và Son Sen tiến hành bắt đầu từ những thành viên cấp cao của Khmer Đỏ như: Hu Nim (Bộ trưởng thông tin), Hou Yuon (Bộ trưởng tài chính), Toch Phoun (Bộ trưởng công chính), Keo Meas (Bộ trưởng giao thông và vận tải), Chou Chet (bí thư khu Tây), So Phim (phó chủ tịch Quốc hội), Ney Sarran, tức "đồng chí Ya" (Bí thư khu Đông Bắc), Keo Muni (Bộ trưởng nông nghiệp), Moul Sambath (Bộ trưởng nội vụ). Ngay cả những thành viên trung thành và thân tín của Pol Pot như Koy Thuon (Bộ trưởng công nghệ kiêm bí thư khu Bắc) hay Vorn Vet (Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế) cũng bị Khmer Đỏ thanh trừng và sát hại tại nhà tù S21. Cải cách xã hội Khi Pol Pot giành được quyền lực họ tập trung vào ý tưởng thành lập một xã hội nông nghiệp thuần khiết. Pol Pot ảnh hưởng mạnh tới việc tuyên truyền chính sách này. Mọi người tin rằng ông ta bị ảnh hưởng bởi cách sống của các bộ tộc vùng rừng núi đông bắc. Ông đánh giá cao cách họ sống "không có Phật giáo, tiền bạc hay giáo dục" và quyết định rằng đây là một cách thức tốt để người dân Campuchia bắt đầu sống. Ông muốn các định chế xã hội phải bị xóa bỏ và thiết lập xã hội toàn nông nghiệp. Đây là cách để ông "[tạo ra] một xã hội Cộng sản hoàn toàn mà không lãng phí thời gian cho các bước trung gian" như Khmer Đỏ nói với Trung Quốc năm 1975. Trong suốt thời gian cầm quyền, Khmer Đỏ đã xây dựng xã hội theo mô hình "Công xã nhân dân" rập khuôn của Mao Trạch Đông ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, cùng với khẩu hiệu "thanh lọc dân tộc" thực hiện cuộc tàn sát gần 2 triệu người Campuchia, mà nhiều người cho là diệt chủng man rợ, hoặc thanh lọc dân tộc ấu trĩ tả khuynh. Khmer Đỏ tiến hành một cuộc cải cách xã hội triệt để ở Campuchia với mục tiêu tạo ra một xã hội cộng sản dựa trên nông nghiệp thuần túy. Khmer Đỏ bắt buộc khoảng 2 triệu người từ các thành phố về nông thôn để làm việc trên các cánh đồng. Họ không chỉ buộc người dân phải rời bỏ nhà cửa, mà sau đó còn tước bỏ của mọi người các quyền căn bản bằng cách kiểm soát hoạt động của người dân, cách ăn mặc, người được nói chuyện, và nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống. So với các đảng cộng sản khác đang nắm chính quyền thì đảng Cộng sản Campuchia khá non trẻ. Họ không có một quá trình phát triển lâu dài trước khi nắm chính quyền, không có những phân tích lý luận, thảo luận hay tranh luận với các khuynh hướng chính trị – tư tưởng khác tại Campuchia. Họ mau chóng nắm được chính quyền do Mỹ rút khỏi Đông Dương trong khi trình độ lý luận và kinh nghiệm chính trị của họ còn xa mới bằng trình độ của các đảng lớn khác khi giành được chính quyền. Tuy nhiên họ lại có tham vọng thực nghiệm những ý tưởng cải tạo xã hội đơn giản và cực đoan một cách quyết liệt và nhanh chóng bỏ qua mọi bước quá độ mà các đảng cộng sản khác trên thế giới đều từng trải qua khi cải cách xã hội. Khieu Samphan, người có bằng tiến sĩ kinh tế đồng thời là nhà tư tưởng của Khmer Đỏ, cho rằng cách mạng phải do giai cấp nông dân lãnh đạo. Ông có quan điểm tương tự với triết gia Jean-Jacques Rousseau rằng con người vốn là tốt, nhưng đã bị nền văn minh làm cho hư hỏng; xã hội công nghiệp càng văn minh thì con người càng hư hỏng. Vì vậy theo Khieu Samphan chỉ cần một hệ thống xã hội thật đơn giản với một nền kinh tế chủ yếu dựa trên nông nghiệp, tự cung tự cấp để duy trì sự “trong sạch và lành mạnh” của con người dưới sự lãnh đạo của một nhóm nhỏ trí thức ưu tú. Nhóm ưu tú sẽ làm công việc suy nghĩ thay cho tất cả, quần chúng chỉ làm công việc lao động. Những ý tưởng này được ban lãnh đạo Khmer Đỏ áp dụng vội vã mà không đem ra thảo luận công khai, rộng rãi trong toàn đảng. Khi nắm quyền lực, Khmer Đỏ đã tiến hành một chương trình quyết liệt gồm việc cách ly đất nước khỏi ảnh hưởng từ nước ngoài, đóng cửa trường học, bệnh viện và nhà máy, xóa bỏ ngân hàng, tài chính và tiền tệ, đặt ra ngoài vòng pháp luật mọi tôn giáo, tịch thu tất cả tài sản tư nhân và tái bố trí nhân dân từ các khu đô thị về các nông trang hợp tác xã nơi có tình trạng cưỡng bức lao động trên diện rộng. Mục tiêu của chính sách này nhằm biến người dân Campuchia trở thành "Người Cổ" thông qua lao động nông nghiệp. Những hành động này dẫn tới những cái chết hàng loạt vì hành quyết, làm việc quá sức, ốm yếu và đói khát. Những khẩu hiệu khác, ám chỉ tới Dân tộc Mới, là: "Giữ mày cũng không có lợi. Giết mày cũng chẳng thiệt gì". Triết lý của Khmer Đỏ đã phát triển cùng với thời gian. Khmer Đỏ đã nỗ lực biến Campuchia thành một xã hội thuần nhất bằng cách tản cư hoàn toàn dân cư thành thị và buộc họ ("Người Mới") vào các làng xã nông thôn. Toàn bộ dân số bị buộc phải trở thành những người nông dân trong các trại lao động. Tại Phnôm Pênh và các thành phố khác, Khmer Đỏ nói với dân chúng rằng họ sẽ chỉ bị chuyển đi "hai hay ba kilômét" ra ngoài thành phố và sẽ quay lại trong "hai hay ba ngày". Một số nhân chứng nói họ đã được ra lệnh di tản bởi "mối đe dọa từ những cuộc ném bom của Mỹ " và rằng họ không cần khóa cửa bởi Khmer Đỏ sẽ "chăm lo mọi thứ" cho tới khi họ quay lại. Đây không phải là những cuộc sơ tán dân thường đầu tiên của Khmer Đỏ. Những cuộc sơ tán tương tự mà dân chúng không được đem theo tài sản đã diễn ra ở mức độ nhỏ hơn ngay từ đầu thập niên 1970. Nghị quyết Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Campuchia ngày 15 tháng 10 năm 1975 nhận định: "Đường lối di dân của chúng ta là quan trọng nhất sau ngày 17-4-1975. Làm việc này, chúng ta thủ tiêu được mọi lực lượng chống đối, làm chủ đất nước 100%." Trong bốn năm cầm quyền, Khmer Đỏ đã bắt dân chúng làm việc quá sức trong tình trạng đói khát, cùng lúc họ hành quyết các nhóm dân chúng đã được lựa chọn, những người có khả năng gây hại cho nhà nước mới (gồm cả trí thức hay thậm chí những người có dấu hiệu có học thức, như đeo kính), và giết hại bất kỳ người nào vì những vi phạm nhỏ nhất. Nếu bị bắt, người có lỗi thường bị lẳng lặng dẫn vào một khu rừng hay cánh đồng và bị giết hại. Khmer Đỏ đã giết hại nhiều trí thức, cư dân thành thị, người dân tộc thiểu số, và nhiều đảng viên cũng như binh sĩ của chính họ, những người bị nghi ngờ là phản bội. Dân số Campuchia khoảng 7,100,000 người ở thời kỳ đầu cầm quyền của Khmer Đỏ. Trong mười năm sau đó, 3,300,000 người (gồm cả nam giới, phụ nữ, trẻ em và người nước ngoài) bị giết hại và tới cuối cuộc diệt chủng chỉ còn chưa tới 4 triệu người sống sót khỏi chế độ Khmer Đỏ. Khmer Đỏ muốn loại bỏ bất kỳ ai bị nghi ngờ "tham gia vào các hoạt động của thị trường tự do ". Những thợ chuyên nghiệp bị nghi ngờ liên thuộc tư bản và hầu hết mọi người có giáo dục, nhiều dân thành thị, và những người có quan hệ với các chính phủ nước ngoài. Khmer Đỏ cũng thanh trừng nội bộ dữ dội đối với những người cộng sản thân Liên Xô hoặc Việt Nam. Tiền tệ bị xóa bỏ, sách vở bị đốt, giáo viên, thương nhân, và hầu hết giới trí thức đất nước bị giết hại, để thực hiện chế độ cộng sản nông nghiệp, như Pol Pot mong muốn. Kế hoạch tái định cư dân chúng về vùng nông thôn khiến hầu như một nửa hoạt động kinh tế: thập chí cả các trường học, bệnh viện bị đóng cửa, cũng như toàn bộ ngân hàng, và các công ty công nghiệp và dịch vụ. Các ngân hàng bị cướp phá và toàn bộ tiền tệ cũng như hồ sơ bị đốt bỏ để loại bỏ bất kỳ yêu cầu nào với tiền tệ. Người Campuchia được yêu cầu sản xuất ra ba tấn gạo mỗi hécta; trước thời kỳ Khmer Đỏ, sản lượng trung bình chỉ một tấn mỗi hécta. Khmer Đỏ buộc mọi người làm việc liên tục 12 giờ, không được nghỉ hay ăn uống đầy đủ. Họ không tin vào thuốc men của phương Tây, thay vào đó chuộng loại thuốc truyền thống của nông dân; vì thế nhiều người đã chết. Sự hoàn toàn thiếu hiểu biết về nông nghiệp của các cư dân thành thị cũ khiến nạn đói trở nên không thể tránh khỏi. Những hành động như hái củ hay quả dại bị coi là "tư tưởng cá nhân" và bị kết tội chết. Mối quan hệ gia đình vốn được nhà nước thừa nhận cũng bị cấm đoán, và các thành viên gia đình có thể bị tội chết nếu liên lạc với nhau. Trong bất kỳ trường hợp nào, các thành viên gia đình thường bị đưa tới những địa điểm khác nhau trong nước với tất cả các dịch vụ thư tín và viễn thông đã bị xóa bỏ. Khmer Đỏ tin rằng các bậc cha mẹ đã bị hư hỏng với chủ nghĩa tư bản. Vì thế, trẻ em bị cách ly khỏi cha mẹ và được giáo huấn chủ nghĩa cộng sản cũng như được dạy các biện pháp tra tấn súc vật. Trẻ em là một "công cụ chuyên chính của đảng " và được giao quyền lãnh đạo việc tra tấn và hành quyết. Ngôn ngữ cũng bị chuyển đổi theo những hình thức khác. Khmer Đỏ phát minh ra những thuật ngữ mới. Mọi người được tuyên truyền để "tạo ra" (lot dam) một nhân vật cách mạng mới, là "những công cụ" (ឧបករណ៍; opokar) của cơ quan cầm quyền được gọi là "Angkar" (អង្គការ, "Tổ chức"), và việc lưu luyến với những thời kỳ tiền cách mạng (chheu satek arom, hay "ký ức bệnh hoạn") có thể dẫn tới việc bị hành quyết. Tương tự, những thuật ngữ nông thôn như Mae (ម៉ែ; mẹ) bị thay thế bằng những thuật ngữ như Mak (ម៉ាក់; mẹ). Tiếng Khmer có một hệ thống sử dụng phức tạp để định nghĩa vị thế và cấp bậc của người nói. Trong thời cai trị của Khmer Đỏ, việc sử dụng chúng bị bãi bỏ. Mọi người được khuyến khích gọi nhau là "bạn" hay "đồng chí" (មិត្ត; mitt), và tránh những dấu hiệu tôn trọng theo truyền thống như cúi mình hay khoanh tay chào, được gọi là samphea. Nhiều người Campuchia đã vượt biên vào Thái Lan xin tị nạn. Từ đây, họ bị chuyển vào các trại tị nạn như Sa Kaeo hay Khao-I-Dang, trại duy nhất cho phép tái định cư tại các quốc gia như Hoa Kỳ, Canada, và Úc. Trong một số trại tị nạn như tại Site 8, Phnom Chat hay Ta Prik cán bộ Khmer Đỏ kiểm soát việc phân phối lương thực và hạn chế hoạt động của các cơ quan viện trợ nước ngoài. Những tội ác chống lại loài người Hành động diệt chủng Chính phủ Khmer Đỏ đã bắt giữ, tra tấn và sau đó hành quyết bất kỳ ai bị nghi ngờ thuộc một trong nhiều tiêu chí bị nghi ngờ là "kẻ thù": Bất kỳ ai có quan hệ với chính phủ cũ hay các chính phủ nước ngoài. Người chuyên nghiệp và trí thức – trên thực tế tiêu chí này bao gồm hầu hết mọi người có giáo dục, hay thậm chí những người đeo kính (mà, theo chế độ, có nghĩa là họ có học). Chính Pol Pot là một người có trình độ giáo dục đại học (dù bỏ ngang) với lòng yêu mến văn học Pháp và cũng là một người nói thạo tiếng Pháp. Nhiều nghệ sĩ, gồm cả các nhạc sĩ, tác gia và nhà làm phim đã bị hành quyết. Một số người như Ros Sereysothea, Pan Ron và Sinn Sisamouth đã có được danh tiếng nhờ tài năng và đến ngày nay vẫn được người Khmer biết đến. Sắc tộc Việt Nam, sắc tộc Trung Quốc, sắc tộc Thái và các sắc tộc thiểu số khác ở Cao nguyên miền Đông, người Campuchia theo Cơ đốc giáo (hầu hết là Công giáo), tín đồ Hồi giáo (người Chăm) và các tu sỹ Phật giáo. Thánh đường Công giáo ở Phnôm Pênh bị phá hủy hoàn toàn. Khmer Đỏ buộc các tín đồ Hồi giáo phải ăn thịt lợn, thứ họ kiêng (ḥarām). Nhiều người từ chối thực hiện bị giết hại. (Một chính sách tương tự cũng được thực hiện ở Trung Quốc thời Mao Trạch Đông, nơi những tín đồ Hồi giáo bị buộc phải nuôi lợn). Giáo sĩ Công giáo và Hồi giáo bị hành quyết. Một trong những chỉ huy cũ của Khmer Đỏ, Comrade Duch, đã chuyển theo Công giáo vài năm sau khi chế độ này sụp đổ. "Những kẻ phá hoại kinh tế": nhiều người dân thành thị cũ (những người chưa chết vì đói khát) được cho là có tội vì thiếu khả năng làm nông nghiệp. Trong suốt những năm 1970, và đặc biệt sau nửa đầu năm 1975, đảng cũng rung chuyển bởi những cuộc đấu tranh phe nhóm. Đã có những âm mưu quân sự lật đổ Pol Pot. Những cuộc thanh trừng sau đó lên đến đỉnh điểm năm 1977 và 1978 khi hàng nghìn người, gồm cả một số lãnh đạo quan trọng của Đảng Cộng sản Kampuchea bị hành quyết. Ngày nay, các ví dụ về các phương pháp tra tấn được Khmer Đỏ sử dụng được trưng bày trong Bảo tàng diệt chủng Tuol Sleng. Bảo tàng được dựng trên nền đất cũ của một trường trung học bị biến thành trại tù do Khang Khek Ieu (Kaing Guek Eav) chỉ huy, thường được biết với cái tên "Đồng chí Duch". Khoảng 17,000 đã bị chuyển qua trung tâm này trước khi họ bị đưa tới những địa điểm (cũng được gọi là những cánh đồng chết), bên ngoài Phnôm Pênh như Choeung Ek nơi hầu hết bị hành quyết (chủ yếu bằng cuốc chim để tiết kiệm đạn) và bị chôn trong những ngôi mộ tập thể. Trong hàng nghìn người phải vào Trung tâm Tuol Sleng (còn được gọi là S-21), chỉ 12 người sống sót. Những người này được cho là đã còn sống bởi có kỹ năng, được những kẻ giam giữ coi là hữu ích. Những tòa nhà tại Tuol Sleng đã được giữ nguyên như khi Khmer Đỏ rút khỏi đây năm 1979. Nhiều phòng hiện treo những bức ảnh đen trắng của hàng nghìn người do Khmer Đỏ chụp. Số lượng người chết Con số chính xác những người chết vì những chính sách của Khmer Đỏ đã bị tranh cãi, bởi nguyên nhân của cái chết của họ. Việc tiếp cận nước này trong thời kỳ cầm quyền của Khmer Đỏ và thời kỳ Việt Nam có mặt rất hạn chế. Đầu những năm 1980, chế độ do người Việt Nam hậu thuẫn kế tục Khmer Đỏ đã tiến hành một cuộc điều tra dân số trên toàn quốc, với kết luận rằng hơn 4.8 triệu người đã chết, nhưng hầu hết các nhà sử học hiện đại coi con số trên là không chính xác. Những cuộc khảo sát hiện đại đã định vị được hàng nghìn ngôi mộ tập thể từ thời Khmer Đỏ trên khắp Campuchia. Nhiều cuộc điều tra ước tính con số người chết trong khoảng 740,000 tới 3,000,000, hầu hết trong khoảng 1.4 triệu tới 2.2 triệu, với khoảng một nửa chết vì bị hành quyết, và số còn lại vì đói khát và bệnh tật. Dự án Diệt chủng Campuchia của trường Yale được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ đưa ra các ước tính con số người chết xấp xỉ 1.7 triệu người, chiếm khoảng 21% dân số. R. J. Rummel, một phân tích lịch sử những vụ giết hại chính trị, đưa ra con số 2 triệu. Đối ngoại Sau khi nắm quyền, Khmer Đỏ xa lánh phương Tây. Khmer Đỏ cũng trục xuất đại sứ Liên Xô về nước vì Liên Xô trước đó đã không hỗ trợ nhiều cho họ, thậm chí Liên Xô từng cân nhắc một thỏa thuận hòa bình năm 1972 đối với Đông Dương sẽ giúp chế độ Lon Nol tiếp tục nắm chính quyền. Khmer Đỏ cũng bác bỏ đề nghị đàm phán xây dựng mối quan hệ đặc biệt từ phía Việt Nam do lo ngại nước này âm mưu áp đảo Campuchia và lôi kéo Campuchia vào một Liên bang Đông Dương. Khmer Đỏ tìm đến Trung Quốc để có được sự hậu thuẫn của nước này dù rằng Trung Quốc từng ủng hộ Hoàng thân Norodom Sihanouk chống lại Khmer Đỏ suốt những năm 1960 và không nhiệt tình ủng hộ họ chống Lon Nol. Trung Quốc đồng ý ủng hộ Khmer Đỏ, nhưng tuyên bố rằng chính phủ mới sẽ được dẫn dắt bởi Sihanouk. Trung Quốc cần một đồng minh tại Đông Nam Á để thay thế cho Việt Nam trong lúc quan hệ Việt Trung ngày càng xấu đi và đồng thời chống lại nguy cơ bá quyền của Việt Nam ở Đông Dương. Trung Quốc ủng hộ Campuchia do lo sợ Việt Nam sẽ bành trướng ở Đông Dương. Theo một điện tín từ Đại sứ quán Mỹ ở Malaysia gửi Bộ Ngoại giao Mỹ vào ngày 27 tháng 4 năm 1978, sau một cuộc họp với một thành viên của chính phủ Thụy Điển vừa đến thăm Trung Quốc, “[Ngoại trưởng Trung Quốc] Hoàng Hoa lưu ý rằng khi người Việt đã đánh bại Mỹ và thu được số lượng lớn vũ khí của Mỹ, họ đã trở nên ‘tự cao tự đại’ và họ đã ấp ủ từ lâu những kế hoạch cho một Liên bang Đông Dương”. Ngược lại Khmer Đỏ tuyên bố "kiên quyết và dứt khoát phản đối các thế lực bên ngoài có hành động can thiệp dưới mọi hình thức vào những vấn đề nội bộ của Campuchia". Đại sứ quán Trung Quốc ở Phnôm Pênh mở cửa trở lại. Khmer Đỏ nhận được viện trợ của Trung Quốc, đổi lại họ sẽ ủng hộ tư tưởng “Ba Thế giới” của Trung Quốc và hậu thuẫn Bắc Kinh chống lại Liên Xô. Tuy nhiên Khmer Đỏ luôn nghi ngờ Trung Quốc vì sợ nước này sẽ biến Campuchia thành vệ tinh của Trung Quốc. Mao Trạch Đông đã tỏ ra lo ngại về các chính sách cực đoan của Khmer Đỏ. Ông đã cảnh báo Pol Pot: “Anh không nên sao chép y hệt kinh nghiệm của Trung Quốc, mà hãy suy nghĩ theo hoàn cảnh riêng mình. Theo lời Marx, lý thuyết của ông ấy là một tôn chỉ dẫn đường cho hành động, nhưng không phải là một học thuyết.” Nhưng sau đó Mao khen ngợi Pol Pot: “chỉ một lần thực hiện mà ông đã đạt được điều mà tất cả chúng tôi đã thất bại.”. Chu Ân Lai cũng từng cảnh báo "Các anh phải hết sức cẩn thận, vì con đường đi lên chủ nghĩa cộng sản rất chông gai và nguy hiểm. Nếu các anh cố tình bỏ qua những phương cách khôn khéo và thận trọng, thì chắc chắn sẽ khiến nhân dân mình phải hứng chịu một tấm thảm kịch… Chủ nghĩa cộng sản phải như một món quà các anh dâng tặng người dân, món quà tự do và tự chủ toàn vẹn.". Tuy nhiên Khmer Đỏ đã bỏ qua mọi cảnh báo từ phía lãnh đạo Trung Quốc. Dù vậy Khmer Đỏ vẫn ủng hộ các chính sách ngoại giao của Trung Quốc. Sự viện trợ của Trung Quốc không đi kèm với những điều kiện chính trị. Noun Chea nói: “Trung Quốc đã hỗ trợ chúng tôi vũ khí,” chủ yếu tiếp tế các loại vũ khí hạng nhẹ, nhưng “không bao giờ bán vũ khí” cho Campuchia Dân chủ. Ông bổ sung: “Không hề có hỗ trợ nào trong lĩnh vực chính trị, Trung Quốc chỉ viện trợ đơn thuần về kỹ thuật” và “theo như tôi được biết, mọi viện trợ từ Trung Quốc, dù là về quân sự, hay quần áo nhu yếu phẩm” đều được cung cấp “mà không có bất kỳ điều kiện gì dưới mọi hình thức”. Lãnh đạo Khmer Đỏ chào đón viện trợ từ Trung Quốc nhưng vẫn lo ngại bị phụ thuộc. Tại một phiên họp tháng 6/1976, một quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản Campuchia đã phát biểu: “Nếu chúng ta không mạnh mẽ và không nhanh chóng phát triển nhảy vọt, những kẻ thù bên ngoài sẽ chỉ chực chờ nghiền nát chúng ta. Kẻ thù dù có ở dạng nào thì cũng đều muốn những nước nhỏ làm đầy tớ cho họ.”. Kế hoạch kinh tế 4 năm của Campuchia cho rằng Campuchia cần sự giúp đỡ của các nước đồng minh nhưng cũng ghi nhận "Trung Quốc có cung cấp viện trợ, nhưng cũng không nhiều nếu so với các nước khác. Đây là chính sách của Đảng ta. Nếu nước ta đi cầu khẩn các nước khác giúp đỡ, chắc chắn phần nào sẽ được đáp lại, nhưng làm vậy sẽ ảnh hưởng đến lập trường chính trị của chúng ta. Xin được viện trợ từ Liên Xô không dễ. Việt Nam vẫn đang phải quanh quẩn gần bên để xin xỏ Liên Xô. Chúng ta sẽ không theo chân họ. Nguyên nhân là bởi, nếu chúng ta xin họ giúp đỡ, dù ít hay nhiều, chắc chắn sẽ có những điều kiện chính trị kèm theo áp đặt lên nước ta.". Trong nạn đói năm 1977, Campuchia Dân chủ miễn cưỡng tiếp nhận viện trợ lương thực từ bên ngoài. Các quan chức Trung Quốc có lúc tức giận vì Khmer Đỏ từ chối nhận viện trợ và ý kiến cố vấn của họ. Trung Quốc tin rằng Khmer Đỏ đã thực thi chủ nghĩa quân bình và tự cường quá đà. Trung Quốc nhìn chung vẫn hành xử theo nguyên tắc không can thiệp. Họ không dám đe dọa cắt đứt viện trợ để gây sức ép lên ban lãnh đạo Khmer Đỏ khi những người này thực thi các chính sách tàn bạo làm Trung Quốc cảm thấy "choáng váng và tức giận". Ngay từ khi mới giành được chính quyền, Khmer Đỏ đã gây hấn với các nước láng giềng là Việt Nam và Thái Lan. Khmer Đỏ muốn lấy lại các lãnh thổ thuộc đế chế Angkor đã bị các quốc gia láng giềng như Thái Lan, Việt Nam chiếm. Hành động này bắt nguồn từ chủ nghĩa dân tộc được khơi dậy từ thời Pháp thuộc, từng được cả Sihanouk và Lon Nol ủng hộ. Sihanouk, Lon Nol và sau này là Pol Pot đều xem các nước lân cận là kẻ thù truyền kiếp vì đã tiêu diệt đế quốc Khmer, xâm chiếm đất đai của Campuchia. Các cuộc xung đột lẻ tẻ trên biên giới Thái Lan và Campuchia diễn ra do tranh chấp các vùng lãnh thổ nhỏ dọc biên giới tại các tỉnh Trat, Aranyaprathet-Poipet và Surin, bắt đầu từ tháng 4 năm 1975 và gia tăng mạnh trong tháng 11. Ngoài tranh chấp biên giới, cuộc xung đột còn có nguồn gốc do các lực lượng Khmer Serei chống Khmer Đỏ sử dụng lãnh thổ Thái làm căn cứ xuất phát để tấn công Khmer Đỏ. Đáp lại, Khmer Đỏ cũng hỗ trợ lực lượng cộng sản Thái Lan thiết lập "Angka Siam" chống đối chính quyền Thái, và huấn luyện lực lượng này từ các tỉnh Sisaket, Buriram và tỉnh Surin trên biên giới Thái. Trong năm 1976, dưới chính quyền bảo thủ của Thanin Kraivichien, được giới quân sự hỗ trợ, Thái Lan đã tính đến việc sử dụng quân đội tổng tấn công Khmer Đỏ để ngăn chặn các cuộc các cuộc đột kích qua biên giới ngày càng gia tăng. Xung đột biên giới từ tháng 11 năm 1976 còn trở nên tồi tệ hơn thời kỳ trước năm 1976. Chỉ kể từ tháng 1 tới tháng 8 năm 1977, quân Khmer Đỏ đã hơn 400 lần đột kích qua lãnh thổ Thái Lan, giết chóc, cướp phá và bắt cóc dân thường mang qua Campuchia. Cùng thời gian, Khmer Đỏ cũng bắt đầu xung đột với Lào. Tuy nhiên, khi chính quyền Thanin sụp đổ, Thái Lan bắt đầu tiến hành thương thuyết với Khmer Đỏ để giải quyết xung đột, nhằm cân bằng ảnh hưởng của Việt Nam mà Thái Lan cho rằng đang chiếm ưu thế trên bán đảo Đông Dương. tới tháng 10 năm 1977, ngoại trưởng Thái gặp ngoại trưởng Khmer Đỏ Ieng Sary tại trụ sở Liên Hợp Quốc tại New York, hai bên chấp thuận chấm dứt xung đột. Dù vậy, các cuộc chạm trán tại biên giới giữa Thái Lan và Khmer Đỏ tiếp tục tiếp diễn cho tới khi quân Việt Nam lật đổ Pol Pot đầu năm 1979 và thiết lập một chính quyền thân Việt Nam tại Campuchia. Quan hệ giữa Thái Lan và Khmer Đỏ chuyển từ thù địch thành đồng minh, và Thái Lan như vậy ngay từ đầu đã tham gia tích cực vào cuộc xung đột tại Campuchia. Từ 1975 – 1978, tin vào sự hậu thuẫn của chính quyền Trung Quốc và xem Việt Nam là một quốc gia chìm đắm trong các vấn đề kinh tế xã hội, ngại chiến tranh cũng như đánh giá quá cao khả năng tác chiến của binh lính Khmer Đỏ nên chính quyền Khmer Đỏ đã nhiều lần tấn công biên giới Tây Nam Việt Nam, tàn sát thường dân, đánh phá các cơ sở kinh tế và quân sự dọc biên giới với mục đích làm kiệt quệ đối phương. Trong giai đoạn 1975 đến giữa 1977, quân đội Việt Nam kém chủ động và đánh giá thấp ý chí của Khmer Đỏ định mở cuộc chiến xâm lược chống Việt Nam nên các lực lượng quân địa phương Việt Nam kém cảnh giác và ít chuẩn bị khiến việc điều động quân bị chậm. Ban lãnh đạo Khmer Đỏ tin rằng chiến tranh là lựa chọn duy nhất để đối phó "vấn đề Việt Nam" đồng thời giúp họ tìm ra "những người Khmer có đầu óc Việt Nam" và họ sẽ chiến thắng trong một cuộc chiến kéo dài với Việt Nam. Những hành động này, cùng với làn sóng di tản của người Campuchia chạy trốn chính quyền Khmer Đỏ đã làm quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia đổ vỡ hoàn toàn. Việt Nam xem vấn đề Campuchia là "quan trọng nhất" bao gồm không những là cuộc chiến tranh gây ra bởi chính thể Pol Pot – Ieng Sary có Trung Quốc đứng sau lưng, và những tội ác Khmer Đỏ gây ra với nhân dân Việt Nam mà còn là vấn đề "độc lập quốc gia và cách mạng Campuchia" mà Campuchia phải tự giải quyết. Việt Nam ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Xô Viết tháng 11/1978 nhằm bảo đảm cho Việt Nam khả năng lật đổ chính quyền Pol Pot ở Campuchia và ngăn không để Trung Quốc xâm lược Việt Nam đồng thời giúp Việt Nam phát triển kinh tế. Sợ rằng Việt Nam sẽ có phản ứng về mặt quân sự, Pol Pot phát lệnh tấn công phủ đầu Việt Nam. Tuy nhiên, dù được Trung Quốc hỗ trợ, quân Campuchia vẫn nhanh chóng bị quân đội chính quy Việt Nam đẩy lùi và nhanh chóng thất trận. Quân Việt Nam tràn qua biên giới phản công Campuchia (các nước phương Tây và Trung Quốc gọi hành động này là xâm lược) và đến mùng 7 tháng 1 năm 1979 thì chiếm được Phnôm Pênh. Việt Nam, sau đó, hỗ trợ những người Cộng sản Campuchia thân Việt Nam tái lập lại Đảng Nhân dân Cách mạng Khmer và sau khi đưa quân vào Campuchia đã thành lập chính quyền Cộng hòa Nhân dân Campuchia thay chính quyền Khmer Đỏ vào năm 1979. Bị lật đổ Sau bốn năm cầm quyền, chế độ Khmer Đỏ bị lật đổ năm 1979 sau cuộc Chiến tranh biên giới Tây Nam của Việt Nam và bị thay thế bởi những người Cộng sản ôn hòa hơn và ủng hộ Việt Nam. Khmer Đỏ tiếp tục tồn tại đến những năm 1990 như một phong trào kháng chiến hoạt động tại phía tây Campuchia từ các căn cứ ở Thái Lan. Năm 1996, sau một thỏa thuận hòa bình, lãnh đạo Pol Pot của họ chính thức giải tán tổ chức. Pol Pot qua đời ngày 15 tháng 4 năm 1998, chưa bao giờ bị đưa ra xét xử. Chế độ Khmer Đỏ chủ yếu bị nhớ tới với cái chết của ước tính 1.5 triệu người hay 1/5 tổng dân số đất nước (các con số ước tính từ 850,000 đến 2.5 triệu người), trong những vụ hành quyết tra tấn, đói khát và lao động cưỡng bức. Bởi một số lượng lớn người chết, và bởi các nhóm sắc tộc và tôn giáo nhỏ là mục tiêu, những cái chết trong thời gian Khmer Đỏ cầm quyền tại Campuchia thường được coi là một vụ diệt chủng như được định nghĩa theo Hội nghị Liên hiệp quốc năm 1948. Ngày 14 tháng 11 năm 1979, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ra nghị quyết "hối tiếc sâu sắc về sự can thiệp vũ trang của quân nước ngoài vào nội bộ Campuchia" và "kêu gọi rút ngay lập tức mọi lực lượng nước ngoài khỏi Campuchia, kêu gọi các nước kiềm chế không có hành động hay đe dọa gây hấn (aggression) và mọi hình thức can thiệp vào nội bộ các nước ở Đông Nam Á". Ngày 16 tháng 3 năm 1979, Hội đồng Bảo an bỏ phiếu về một nghị quyết do ASEAN bảo trợ, kêu gọi ngừng bắn trong toàn khu vực, rút quân đội nước ngoài, và giải quyết bằng hòa bình. Liên Xô buộc phải dùng quyền phủ quyết để bác bỏ nghị quyết này. Thời kỳ sau 1979 Tháng 12 năm 1978, quan hệ giữa Campuchia và Việt Nam đã trở nên hết sức căng thẳng do các hoạt động quân sự của Khmer Đỏ tại biên giới, cũng như do dòng người chạy tị nạn từ Campuchia. Cùng với Mặt trận thống nhất giải phóng dân tộc Kampuchea, gồm nhiều cựu thành viên Khmer Đỏ, quân đội nhân dân Việt Nam mở chiến dịch tấn công, đánh chiếm Phnôm Pênh ngày 7 tháng 1 năm 1979. Những cựu thành viên Khmer Đỏ này giúp đỡ Việt Nam, và được hỗ trợ từ Việt Nam, thành lập Cộng hòa Nhân dân Campuchia, mà Khmer Đỏ và Trung Quốc coi là chính phủ bù nhìn. Bị đánh bại, Khmer Đỏ rút về phía tây, và tiếp tục kiểm soát khu vực biên giới với Thái Lan trong thập kỷ kế tiếp. Các vùng này bao gồm Phnom Malai, vùng núi gần Pailin thuộc rặng Cardamom và Anlong Veng ở dãy núi Dângrêk. Các khu căn cứ này không có khả năng tự cung tự cấp, nên Khmer Đỏ tiến hành các hoạt động buôn lậu gỗ và đá quý, nhận hỗ trợ quân sự từ Trung Quốc thông qua quân đội Thái. Tổng cộng, theo cựu thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, trong khoảng thời gian một thập kỷ, Khmer Đỏ và các lực lượng đối lập ở Campuchia nhận được hỗ trợ từ khối ASEAN, Mỹ và Trung Quốc khoảng 1,3 tỷ dollar. Dù bị lật đổ, Khmer Đỏ tiếp tục giữ ghế tại Liên Hợp Quốc, đại diện bởi Thiounn Prasith, đồng chí cũ của Pol Pot và Ieng Sary từ thời sinh viên ở Paris, dưới tên "Campuchia Dân chủ". Tới năm 1982, Khmer Đỏ cùng với KPNLF (một đảng cánh hữu có tư tưởng chống cộng) và ANS (đảng bảo hoàng của Norodom Sihanouk) lập nên "Liên minh chính phủ Kampuchea Dân chủ" (CGDK), tiếp tục kháng chiến chống lại chính quyền thân Việt của Hun Sen cho tới 1993. Chính phủ Hoa Kỳ lúc này đang thực hiện "Học thuyết Reagan" với mục tiêu làm suy yếu và tiến tới tiêu diệt tầm ảnh hưởng của Liên Xô trên toàn thế giới, do đó Mỹ đã quyết định tài trợ cho liên minh CDGK nhằm lật đổ chính quyền Hun Sen (vốn thân Việt Nam và Liên Xô). Trung Quốc và các chính phủ phương Tây (đứng đầu là Hoa Kỳ) ủng hộ CGDK tại LHQ và bỏ phiếu ủng hộ chính phủ CDGK giữ ghế tại đây. Thụy Điển ngược lại thay đổi ý kiến và rút lui sự ủng hộ cho CDGK sau khi một số lớn công dân Thụy Điển viết thư cho chính phủ đòi thay đổi thái độ với chính phủ Pol Pot. Chiến thắng quân sự của Việt Nam có tác động mạnh mẽ trong khu vực; Trung Quốc mở cuộc tấn công vào biên giới phía bắc Việt Nam. Trung Quốc, Hoa Kỳ và các quốc gia ASEAN hỗ trợ việc thành lập chính phủ Campuchia lưu vong và các hoạt động quân sự Liên minh chính phủ Kampuchea Dân chủ bao gồm Khmer Đỏ, KPNLF và lực lượng bảo hoàng ANS. Khu vực phía đông và trung tâm Campuchia tiếp tục nằm dưới sự kiểm soát của Việt Nam và chính quyền Phnôm Pênh, trong khi vùng phía tây tiếp tục là bãi chiến trường trong suốt thập niên 1980, với hàng triệu quả mìn rải khắp nơi. Khmer Đỏ có lực lượng quân sự mạnh nhất trong liên minh ba phe chống đối gồm Khmer Đỏ và đội quân của Mặt trận Giải phóng Nhân dân Khmer (KPNLF) của Son Sann, và quân đội riêng của Hoàng thân Norodom Sihanouk (Armée Nationale Sihanoukiste, ANS). Liên minh này nhận được nhiều viện trợ quân sự từ Trung Quốc, Hoa Kỳ, Anh quốc, và tin tình báo từ quân đội Thái. Tuy vậy, theo Nate Thayer thì Hoa Kỳ và Anh Quốc chỉ viện trợ cho 2 đảng KPNLF và ANS (là hai đảng có tư tưởng chống cộng thuộc Liên minh CDGK) chứ không viện trợ cho Khmer Đỏ Anh đã cử lực lượng đặc biệt (SAS) sang Thái Lan giúp cho các nhóm du kích chống Phnôm Pênh dù không trực tiếp giúp quân của Pol Pot. Từ 1985 đến 1989, SAS (Special Air Service – đặc nhiệm Anh) đã mở hàng loạt trại huấn luyện cho đồng minh của Khmer Đỏ ở Thái Lan và lập ra một tiểu đoàn phá hoại (sabotage battalion) với 250 chuyên gia dùng chất nổ và phục kích. Các chuyên gia tình báo ở Singapore cũng giảng dạy các khóa học. SAS được lệnh chỉ huấn luyện cho quân lính của Sihanouk và cựu thủ tướng Son Sann nhưng Khmer Đỏ cũng "được hưởng lợi rất nhiều từ hoạt động của người Anh". Phía Trung Quốc tiếp tục viện trợ cho tàn quân Khmer Đỏ khoảng 100 triệu USD mỗi năm nhờ vậy Pol Pot có thể duy trì các căn cứ trên đất Thái Lan. Hoa Kỳ thời Ronald Reagan cũng tiếp tục ủng hộ Trung Quốc trong chính sách giúp Khmer Đỏ, và tiếp tục hỗ trợ Pol Pot thông qua Trung Quốc. Theo nhà báo Elizabeth Becker, Cố vấn An ninh Quốc gia Zbigniew Brzezinski rất tự hào về chiến lược khuyến khích Thái Lan hợp tác với Trung Quốc để giúp Khmer Đỏ tái xây dựng lực lượng. Tới năm 1981, Khmer Đỏ tuyên bố từ bỏ chủ nghĩa Cộng sản, và chuyển trọng tâm sang chủ nghĩa dân tộc và bài Việt Nam. Tuy nhiên, một số nhà phân tích nhận định rằng sự thay đổi này không mang lại chuyển biến đáng kể gì, vì theo như sử gia Kelvin Rowley, "Luận điệu của Khmer Đỏ luôn dựa vào chủ nghĩa dân tộc hơn là kêu gọi cách mạng". Dư luận Mỹ ngày càng thấy bất bình, năm 1981, trên tờ New York Times đã có thư ngỏ của giới vận động yêu cầu Tổng thống Ronald Reagan ngưng hỗ trợ chế độ Pol Pot: "Sự hỗ trợ về ngoại giao của Hoa Kỳ cho chế độ Pol Pot, mang tên 'Kampuchea Dân chủ', bên cạnh việc các nước khác bán vũ khí cho lực lượng du kích khủng bố (terrorist guerrilla forces) của Pol Pot, chỉ kéo dài sự đau khổ của Campuchia, và khiến việc phục hồi còn non yếu của nước này bị nguy hại, và gây nguy cơ chiến tranh lan rộng. Chúng tôi thấy bất bình rằng đã năm thứ ba liên tiếp, Hoa Kỳ bỏ phiếu duy trì Kampuchea Dân chủ của Pol Pot ở Liên Hợp Quốc." Tới năm 1985, tiền CIA viện trợ cho các nhóm du kích Campuchia gồm Khmer Đỏ lên tới 12 triệu USD mỗi năm. Ngày 10 tháng 7 năm 1985, Hạ viện Hoa Kỳ đã chính thức thông qua một khoản viện trợ công khai về tài chính và quân sự trị giá 5 triệu USD dành cho "các nhóm kháng chiến phi cộng sản" ở Campuchia (tức KPNLF và ANS) để chống lại chính quyền Hun Sen, trong đó Hạ viện Hoa Kỳ quy định rõ ràng rằng không được phép để cho Khmer Đỏ nhận được khoản viện trợ này. Nhưng nhà bảo trợ chính cho Khmer Đỏ vẫn là Trung Quốc. Andrew Mertha, tác giả cuốn "Brothers in Arms: China's Aid to the Khmer Rouge, 1975-1979" từng cho biết 90% viện trợ nước ngoài mà Khmer Đỏ nhận được đã đến từ Trung Quốc. Các khoản này gồm thực phẩm, vật liệu xây dựng tới xe tăng, máy bay, pháo. Ông Mertha, từ ĐH Cornell, tin rằng "nếu không có sự hỗ trợ của Trung Quốc, chế độ Khmer Đỏ không thể tồn tại được quá một tuần". Đặng Tiểu Bình tuyên bố năm 1984 "Tôi không hiểu vì sao có người muốn loại bỏ Pol Pot? Đúng là ông ta có phạm một số sai lầm trong quá khứ nhưng nay ông ta đang lãnh đạo cuộc chiến chống bọn xâm lược Việt Nam cơ mà.". Chính quyền Carter yêu cầu các tổ chức cứu trợ quốc tế không cấp viện cho Hà Nội và Phnôm Pênh. Dưới tác động của Mỹ và đồng minh, Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Á châu không viện trợ cho Campuchia dưới quyền Heng Samrin và Hun Sen. Viện trợ trái lại chỉ được chuyển cho người Campuchia sống ở vùng Khmer Đỏ kiểm soát. Năm 1985, Ngoại trưởng Mỹ George Schulz thăm Thái Lan và cảnh báo các nước ASEAN về chuyện soạn đề nghị hòa bình. Năm 1989, chính quyền Mỹ đã cảnh báo Thái Lan nếu họ bỏ rơi các nhóm du kích Campuchia để làm ăn với chính phủ mới tại Campuchia. Theo điều khoản McCollum, cơ quan cấp viện USAID cũng chuyển quân trang quân dụng không sát thương dư thừa cho các nhóm du kích đóng ở Thái Lan, đạt con số 13 triệu USD năm 1989. Khi Khmer Đỏ nắm quyền, các cố vấn Bắc Triều Tiên đã có mặt để giúp xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong thời gian tham gia chính phủ "kháng chiến", ông Sihanouk được một đội vệ sỹ Bắc Triều Tiên bảo vệ ngày đêm và ông liên tục đi Bình Nhưỡng nghỉ dưỡng. Hoàng thân Sihanouk coi "Kim Nhật Thành là người bạn chân thành nhất của tôi, luôn sẵn sàng giúp đỡ tôi. Ông còn hơn cả một người bạn. Ông là người anh em, và 'thân nhân duy nhất' thực thụ của tôi, sau khi mẹ tôi qua đời..." Liên Hợp Quốc ra nhiều nghị quyết về việc Việt Nam đóng quân tại Campuchia: Nghị quyết ngày 22/10/1980 tuyên bố "hối tiếc sâu sắc rằng can thiệp quân sự nước ngoài tiếp tục và quân nước ngoài chưa rút khỏi Campuchia, vì vậy nghiêm trọng đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế". Nghị quyết ngày 21/10/1981 "lên án (deploring) can thiệp quân sự nước ngoài tiếp tục và quân nước ngoài chưa rút khỏi Campuchia, vì thế gây ra thù nghịch tiếp tục ở đất nước và nghiêm trọng đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế". Nghị quyết ngày 14/10/1987 "lên án (deploring) can thiệp quân sự nước ngoài và chiếm đóng (occupation) tiếp tục và quân nước ngoài chưa rút khỏi Campuchia, vì thế gây ra thù nghịch tiếp tục ở đất nước và nghiêm trọng đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế". Nghị quyết ngày 3/11/1988 "lên án (deploring) can thiệp quân sự nước ngoài và chiếm đóng (occupation) tiếp tục và quân nước ngoài vẫn ở lại Campuchia, vì thế gây ra thù nghịch tiếp tục ở đất nước và nghiêm trọng đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế". Nghị quyết ngày 16/11/1989 "lên án (deploring) can thiệp quân sự nước ngoài và chiếm đóng (occupation) ở Campuchia, nguyên nhân của thù nghịch tiếp tục ở đất nước, nghiêm trọng đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế" và "khẳng định (affirms) rằng bất kỳ sự rút quân nước ngoài khỏi Campuchia mà không có Liên Hợp Quốc giám sát, kiểm soát và xác minh thì không phải là nằm trong khuôn khổ một giải pháp chính trị toàn diện". Mặc dù Pol Pot từ bỏ vị trí lãnh đạo Khmer Đỏ cho Khieu Samphan năm 1985, ông ta tiếp tục là động lực thúc đẩy phe nổi dậy, bằng những bài diễn thuyết cho người của Khmer Đỏ. Các nhà báo như Nate Thayer, người ở cùng Khmer Đỏ trong thời gian đó, nhận xét rằng, dù cộng đồng quốc tế gần như nhất loạt lên án sự cai trị tàn bạo của Khmer Đỏ, một số đáng kể dân Campuchia sống trong vùng Khmer Đỏ kiểm soát tỏ vẻ thực lòng ủng hộ Pol Pot. Dù Việt Nam đề nghị rút quân để đổi lại một thỏa thuận chính trị nhằm loại trừ việc Khmer Đỏ quay trở lại nắm quyền lực, chính phủ của phe chống đối cũng như ASEAN và Trung Quốc và Hoa Kỳ coi điều này là không thể chấp nhận được. Dù vậy năm 1985 Việt Nam tuyên bố sẽ hoàn tất việc rút quân vào năm 1990 và hoàn thành rút quân vào năm 1989, sau khi tạo điều kiện cho chính phủ Phnôm Pênh củng cố và tăng cường thực lực quân sự. Lúc cực điểm, Khmer Đỏ kiểm soát khoảng 20% lãnh thổ Campuchia, nhưng chỉ kiểm soát được khoảng 5% dân số, so với chính quyền Phnôm Pênh. Sau một thập kỷ xung đột bất phân thắng bại, chính phủ Phnôm Pênh thân Việt Nam và phe chống đối ký kết hiệp định năm 1991 nhằm tiến hành bầu cử và giải giáp. Tuy vậy tới năm 1992, Khmer Đỏ lại tiến hành các hoạt động quân sự trở lại, tẩy chay bầu cử, và tuyên bố không chấp nhận kết quả bầu cử. Tuy vậy thì cuộc Tổng tuyển cử tự do vẫn được tổ chức vào tháng 5 năm 1993. Đến tháng 9 năm 1993, Quốc hội và Chính phủ mới được thành lập với nòng cốt là 2 đảng FUNCIPEC và CPP. Quốc hội nhất trí lấy tên nước là Vương quốc Campuchia. Đứng đầu nhà nước là Quốc vương Norodom Sihanuk. Chính phủ Mỹ tuyên bố sẽ không ủng hộ hoặc viện trợ cho chính phủ mới tại Campuchia nếu như Khmer Đỏ có được vị trí trong bộ máy chính quyền. Ngoài ra, Mỹ cũng gây áp lực với Thái Lan để chính phủ nước này cắt đứt mọi quan hệ với Khmer Đỏ Khmer Đỏ giờ đánh lại chính phủ liên hiệp mới tại Campuchia, bao gồm những người cộng sản được Việt Nam hỗ trợ khi trước (lãnh đạo bởi Hun Sen) cũng như các đồng minh cũ của Khmer Đỏ gồm những lực lượng phi cộng sản và bảo hoàng (như hoàng thân Norodom Ranariddh). Sụp đổ Lực lượng Khmer Đỏ khi tháo chạy khỏi Phnôm Pênh tới biên giới Thái Lan còn khoảng hơn 20 ngàn quân. Được sự hỗ trợ từ Trung Quốc, khi mạnh nhất họ có trong tay tới khoảng 50 ngàn quân. Tuy nhiên cùng với việc các nhà bảo trợ giảm viện trợ và quá trình hòa giải tại Campuchia bắt đầu, hàng ngũ Khmer Đỏ bắt đầu suy yếu. Cuộc chiến tranh kéo dài cũng làm hàng ngũ Khmer Đỏ tiêu hao, "đại bộ phận" (có lẽ khoảng 80%) lực lượng Khmer Đỏ gồm quân tuyển mộ từ sau năm 1979. Ngay sau khi Việt Nam tiến hành rút quân, Khmer Đỏ tiến hành các chiến dịch phản công lớn, đánh chiếm Pailin, thành lập các căn cứ mới, tiến hành đột kích đánh phá tại các vùng do chính phủ kiểm soát, gây bất an và hoảng loạn trong khắp các tỉnh miền tây Campuchia, tới tận các tỉnh miền bắc như Kompong Thom và miền nam như Kampong Speu và Kampot. Tới năm 1990, Khmer Đỏ có hai căn cứ quan trọng là Anlong Veng và Pailin. Tuy nhiên họ không mở rộng quyền kiểm soát vào sâu trong nội địa được, và phần lớn dân cư Campuchia tiếp tục nằm trong các vùng do chính quyền kiểm soát. Khmer Đỏ kết luận họ không có nhiều cơ hội thu được ủng hộ từ phiếu bầu của dân chúng. Họ không muốn từ bỏ quyền lực tuyệt đối tại các vùng kiểm soát và giải giáp quân đội để đổi lại việc được chia sẻ quyền lực thông qua thỏa hiệp thành lập chính phủ liên hiệp và bầu cử tự do. Tuy nhiên việc này đã dẫn đến sự chia rẽ và bất mãn nghiêm trọng trong hàng ngũ Khmer Đỏ. Đa phần binh lính Khmer Đỏ là những lính tuyển mộ sau giai đoạn 1975 – 1979, những thành phần này ngày càng mệt mỏi vì chiến tranh, mà họ lại phải gánh vác phần tổn thất. Hàng ngũ lãnh đạo Khmer Đỏ phân rã, Son Sen và Ieng Sary bị đưa ra khỏi ban lãnh đạo, nay bao gồm chỉ có Pol Pot, Ta Mok và Khieu Samphan. Việc Khmer Đỏ từ chối tham gia quá trình thỏa hiệp chính trị cũng gây ra phản ứng bất lợi cho họ. Cộng đồng quốc tế dần ít quan tâm đến Campuchia, hỗ trợ bên ngoài cho Khmer Đỏ giảm dần rồi ngưng hẳn. Trung Quốc cũng bỏ rơi Khmer Đỏ, thay vào đó bắt đầu viện trợ kinh tế, rồi quân sự cho chính phủ liên hiệp Campuchia. Khmer Đỏ tiếp tục các hoạt động quân sự phá hoại, kích động hằn thù chống Việt Nam và tàn sát hàng trăm kiều dân Việt Nam, làm hàng ngàn người khác phải chạy tị nạn, gây ra cuộc khủng hoảng người tị nạn lớn nhất kể từ khi LHQ tiếp quản Campuchia. Năm 1994, chính phủ Campuchia mở chiến dịch quân sự lớn đánh vào căn cứ Pailin của Khmer Đỏ. Chiến dịch này khởi đầu thuận lợi, quân chính phủ lần lượt đánh chiếm Phnom Chhat, Anlong Veng và Pailin, nhưng Khmer Đỏ với lực lượng ít hơn nhiều nhanh chóng phản công và tái chiếm các khu vực bị chiếm, liên tiếp đánh bại quân chính phủ trong các cuộc giao chiến. Quân Khmer Đỏ truy kích quân chính phủ, uy hiếp tận Battambang. Quân Khmer Đỏ của Ieng Sary định chiếm thành phố này, nhưng không được, cũng như không giữ được các khu vực mà họ mới chiếm được. Quân chính phủ cũng mất hơn 20 xe tăng và xe bọc thép, cũng như khoảng 10 pháo vào tay Khmer Đỏ. Tương quan trên chiến trường không thay đổi khi chiến sự kết thúc. Tuy giành được thắng lợi quân sự, khủng hoảng trong nội bộ Khmer Đỏ không suy giảm. Mất đi viện trợ lương thực, hàng hóa, bị buộc phải tự cung tự cấp, phải rời các khu trại tị nạn vốn được quốc tế viện trợ thuốc men, thực phẩm, tinh thần dân chúng trong các khu vực Khmer Đỏ kiểm soát giảm sút. Việc giới lãnh đạo Khmer Đỏ kêu gọi tiếp tục chiến tranh không được các thành viên Khmer Đỏ cấp thấp ủng hộ. Quân Khmer Đỏ tiếp tục rã ngũ ra hàng chính phủ, khiến giới lãnh đạo Khmer Đỏ phải tiến hành các cuộc "thanh trừng" mới để ngăn chặn. Theo Youk Chhang, giám đốc Viện Dữ liệu Campuchia, có khoảng 3.000 người bị tàn sát và chôn trong các mộ tập thể tại Anlong Veng từ năm 1993 tới 1997. Các cuộc tàn sát này được tiến hành bởi các sĩ quan dưới quyền Ta Mok. Việc Khmer Đỏ tiến hành "tự cung tự cấp" dẫn đến việc hình thành một nhóm lãnh chúa mới tại các khu vực Khmer Đỏ kiểm soát, là các sĩ quan cấp cao của Khmer Đỏ kiểm soát khu vực này. Họ tiến hành các hoạt động buôn lậu gỗ, đá quý, hàng hóa để duy trì quân đội, nhưng đồng thời việc này cũng làm yếu đi sự kiểm soát từ ban lãnh đạo Khmer Đỏ, và những viên lãnh chúa này cũng dễ tìm kiếm thỏa hiệp với chính quyền mới ở Campuchia. Quân Khmer Đỏ bắt đầu đào ngũ hàng loạt năm 1996, khi khoảng một nửa trong số binh sĩ còn lại đào ngũ. Các chỉ huy Khmer Đỏ như Y Chhean và Sok Pheat theo Ieng Sary đào ngũ về phe chính phủ với điều kiện binh lính Khmer Đỏ sẽ được ân xá, còn các chỉ huy Khmer Đỏ tiếp tục được quản lý lãnh thổ cũ của mình. Son Sen đưa quân đến để trừng trị "bọn phản bội", nhưng lính Khmer Đỏ nổi loạn và nhanh chóng gia nhập phe đào ngũ. Khmer Đỏ như vậy mất khoảng 4.000 binh sĩ và tất cả các căn cứ ở phần biên giới phía nam, từ Samlaut cho tới Phnom Chhat. Tới cuối năm, Khmer Đỏ lần lượt mất tất cả các căn cứ nằm trong nội địa Campuchia. Năm 1997, hai phe nhóm chính trong chính phủ liên hiệp Campuchia xung đột, khiến Hoàng thân Norodom Ranariddh tìm kiếm ủng hộ từ một số thủ lĩnh Khmer Đỏ, trong khi vẫn từ chối thỏa hiệp với Pol Pot. Việc này dẫn đến cuộc xung đột phe phái đẫm máu trong giới lãnh đạo Khmer Đỏ, rốt cục khiến Pol Pot bị bắt giữ, bị xét xử và bị giam cầm bởi lực lượng Khmer Đỏ của Ta Mok. Pol Pot chết tháng 4 năm 1998. Khieu Samphan đầu hàng chính phủ tháng 12 cùng năm. Tới 29 tháng 12 năm 1998, các thủ lĩnh Khmer Đỏ còn lại xin lỗi vì cuộc diệt chủng trong những năm 1970. Tới năm 1999, hầu hết lực lượng Khmer Đỏ còn lại hạ vũ khí đầu hàng hoặc bị bắt. Tháng 12 năm 1999, Ta Mok và các thủ lĩnh còn lại đầu hàng, Khmer Đỏ trên thực tế chấm dứt sự tồn tại. Chú thích
Oscar hay OSCAR có thể có nghĩa là: Giải Oscar, giải thưởng điện ảnh của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Hoa Kỳ Oscar dos Santos Emboaba Júnior, cầu thủ bóng đá người Brasil Oscar, ký tự O trong Bảng chữ cái ngữ âm NATO Oscar (phim 2013), một bộ phim Mỹ sản xuất năm 2013 của đạo diễn Mike Mitchell OSCAR (gen), một loại gen trong cơ thể người
Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ X, được gọi chính thức là Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X, là đại hội lần thứ mười của Đảng Cộng sản Việt Nam, được tổ chức từ ngày 18 đến 25 tháng 4 năm 2006 tại Hà Nội. 1.176 đại biểu, đại diện cho 3,1 triệu đảng viên, đã tham dự lễ khai mạc. Chủ đề của Đại hội là: "Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển". Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 160 Ủy viên chính thức và 21 Ủy viên dự khuyết, với Bộ Chính trị gồm 14 thành viên. Diễn biến trước Đại hội Ngày 3 tháng 2 năm 2006, lãnh đạo Đảng Cộng sản đã phát động phong trào xin ý kiến nhân dân về Dự thảo Báo cáo của Đảng. Trong thời hạn một tháng Văn phòng Trung ương Đảng đã nhận trên 1.400 lá thư góp ý về đường lối đảng. Ngoài ra người dân cũng gửi ý kiến của mình (thư viết tay, thư điện tử) đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhiều báo chí Việt Nam đã mở các diễn đàn, đưa ý kiến của các trí thức về định hướng của Đảng. Những ý kiến đề nghị chỉnh sửa đáng chú ý nhất gồm có: việc đảng viên làm kinh tế tư nhân, địa vị của Đảng Cộng sản trong Điều 4 của Hiến pháp, và việc bầu ủy viên Trung ương dự khuyết. Vụ PMU 18 đã gây xôn xao dư luận tại Việt Nam. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết thư gửi Đảng Cộng sản yêu cầu chính thức đưa vụ PMU18 vào nghị trình họp của Đại hội Đảng. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đào Đình Bình xin từ chức, Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến bị bắt tạm giam. Cùng với hai quan chức này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Cao Ngọc Oánh đã rút tên ra khỏi danh sách dự đại hội vì có liên quan đến vụ này. Diễn biến trong đại hội Trừ lễ khai mạc và bế mạc, diễn biến trong đại hội không công khai cho báo chí. Lần đầu tiên, các đại biểu được quyền đề cử Tổng Bí thư. Các nhà quan sát dự đoán Thủ tướng Phan Văn Khải và Chủ tịch nước Trần Đức Lương sẽ về hưu. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương mới với 160 Ủy viên chính thức và 21 Ủy viên dự khuyết. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh được bầu lại nhiệm kỳ thứ hai. Bộ Chính trị mới gồm có 14 ủy viên và Ban Bí thư có 8 ủy viên. Quan điểm mới Đảng viên làm kinh tế tư nhân không giới hạn về quy mô - Việc Đại hội ra Nghị quyết cho phép Đảng viên của Đảng được làm kinh tế tư nhân, kể cả kinh tế tư bản tư nhân là bước tiến quan trọng trong nhận thức của Đảng Cộng sản Việt Nam sau 20 năm đổi mới, thể hiện bước đột phá trong thay đổi tư duy của Đảng Cộng sản Việt Nam. Danh sách Bộ Chính trị và Ban Bí thư Ban Chấp hành Trung ương khóa X Thành viên Ban Bí thư: Nông Đức Mạnh, Trương Tấn Sang, Nguyễn Văn Chi, Tô Huy Rứa, Hồ Đức Việt, Trương Vĩnh Trọng, Lê Văn Dũng, Tòng Thị Phóng, Ngô Văn Dụ, Hà Thị Khiết.
Vertu© (trong tiếng Pháp có nghĩa là đạo đức, đức hạnh, đức độ, tiết hạnh) là tên thương hiệu điện thoại di động được đánh giá là đắt và sang trọng trên thế giới hiện nay, do một bộ phận độc lập của Nokia tách riêng ra. Các điện thoại hiệu Vertu đều được sản xuất thủ công, và có giá từ 4.500 USD đến 60.000 USD. Tháng 6/2012, Nokia đã bán 90% cổ phần cho EQT. Phân loại Ascent Có vỏ da màu vàng, xanh dương, đỏ, đen, nâu nhạt, nâu; phiên bản đặc biệt màu hồng, phiên bản thể thao và phiên bản màu trắng. Vertu làm nổi bật sự tương phản giữa cảm nhận da thuộc khâu tay với hợp kim cao cấp, mang lại cho người dùng cảm giác của sự vững bền. Đặc biệt, bàn phím Vertu Ascent được sản xuất khá phức tạp. Hãng Vertu đã bơm hỗn hợp thép không gỉ ở nhiệt độ cao và ép vào một khuôn có kích thước lớn hơn. Khi nguội đi, phím sẽ co lại 14% để tạo ra thiết kế bàn phím có góc xiên. Sau đó từng phím được đặt trên hai vòng đệm bằng đồ trang sức, tạo ra tác động xoay độc đáo và bảo đảm đúng âm thanh vang lên khi nhấn phím. Ascent Motorsport: Vertu chỉ sản xuất 997 chiếc Ascent Motorsport. Mỗi điện thoại đều được khắc số sau lưng máy do vậy không cái nào giống nhau. Phiên bản thể thao Ascent Motorsport được làm bằng hợp kim Liquidmetal và nguyên liệu sản xuất xe hơi cao cấp như sợi carbon và da không thấm nước. Ascent Racetrack Legends hay còn gọi là Vertu "đường đua huyền thoại" được khắc hình các đường đua ôtô ở lưng máy đã có mặt trên thị trường với giá 3.650 bảng mỗi chiếc. Vertu "đường đua huyền thoại" gồm 6 mẫu, mỗi mẫu có 1.000 điện thoại khắc đường đua ôtô sau lưng máy. Lưng máy được bọc bằng một dải cao su mô phỏng lốp xe đua. Hai bên sườn máy được viền bằng da thuộc. Mỗi máy được dát loại sợi carbon do nhà sản xuất phụ tùng cho xe đua F1 và được tăng cường một lớp vải dệt chéo để kết hợp tính năng cơ học cao với vẻ ngoài đẹp. Hiện Vertu đã giới thiệu 2 mẫu Silverstone và Monza có khắc hình đường đua Silverstone của Anh với da thuộc màu xanh lá cây và đường đua Monza của Ý với da thuộc màu đỏ. Signature Có màu bạch kim, hoàng kim, yellow metal, ghi gương, thép, thép "Duo". Vertu Signature là một trong những dòng sản phẩm được giới doanh nhân Việt Nam đặc biệt yêu thích. Bắt nguồn cảm hứng từ những tiêu chuẩn chính xác của đồng hồ Grand Complication, Signature là một tác phẩm của tay nghề thủ công khéo léo. Mang phong cách thời trang từ những chất liệu quý hiếm như platin, vàng, kim cương và được lắp ráp hoàn toàn thủ công, Signature chắc chắn là một thiết bị cầm tay đẹp nhất từ trước đến nay. Mỗi thiết bị này bao gồm 388 thành phần cơ khí. Vertu Signature phức tạp đến nỗi gần như không thể chế tạo được. Những người thợ thủ công giàu kinh nghiệm đã mất đến 3 năm chỉ để học cách lắp ráp hoàn chỉnh một chiếc điện thoại và chỉ có vài người trên thế giới có thể làm được điều này. Chỉ riêng chiếc điện thoại Vertu Signature đã sở hữu 74 bằng sáng chế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Gần 100 cuộc kiểm nghiệm nghiêm ngặt bảo đảm từng thiết bị đều hoàn hảo trước khi ra khỏi nhà máy. Bề mặt của điện thoại Signature có miếng ngọc bích lớn nhất từng được sử dụng trên thế giới. Bằng cách sử dụng những vi mạch mỏng nhất trên thế giới, bàn phím của Signature là bộ phận rời phức tạp nhất. Tám kỹ sư phải mất tổng cộng 4 năm làm việc để hoàn thiện bàn phím này. Tương tự như cách thức những nhà sản xuất xe hơi tầm cỡ thế giới "cân chỉnh" tiếng động khi mở cửa xe để có được âm thanh nghe dễ chịu nhất, bàn phím đã được cân chỉnh để mang lại cảm nhận hoàn hảo. Sau khi xem xét hàng trăm loại bàn phím khác nhau, các nhà thiết kế Vertu đã đưa ra một loại phím bấm độc đáo đáp ứng độ nhấn của ngón tay đến một mức độ nhất định một cách đều đặn. Bàn phím được chiếu sáng từ bên cạnh với những thấu kính tí hon nằm phía dưới phím. Những thấu kính này được thiết kế kỹ lưỡng để tăng cường ánh sáng. ánh sáng này được truyền qua một lớp polymer có chất lượng quang học và một lớp mực màu bạc trong mờ. Từng phím trong số 18 phím trên bàn phím Signature đều được nâng đỡ bởi một vòng bi bằng ngọc ruby. Với những sáng tạo độc đáo cả về kiểu dáng, cấu tạo và chất liệu, Vertu Signature xứng đáng là người bạn đồng hành và là biểu tượng của giới doanh nhân thành đạt. Diamonds Có màu hoàng kim, màu bạch kim dát kim cương 18 carat toàn thân và dát nửa thân máy, vỏ platin nạm một viên kim cương. Aster: Vertu Aster P cũng được làm thủ công tại Anh giống như các mẫu điện thoại khác của Vertu. Mỗi thiết bị sẽ được "chế tác" bởi một thợ thủ công và chữ ký của người thợ này sẽ được khắc trên phần nắp khay SIM ở mặt lưng của máy. Aster P có khung bằng titan loại 5 và màn hình được bảo vệ bằng một lớp kính sapphire 133 cara. Có thể nói rằng titan cứng gấp đôi so với thép nhưng nhẹ hơn rất nhiều, trong khi sapphire về độ cứng thì chỉ kém kim cương. Constellation (Chòm sao) Tham khảo tại đây
Chi Hành (danh pháp khoa học: Allium) là chi thực vật có hoa một lá mầm gồm hành tây, tỏi, hành lá, hẹ tây, tỏi tây, hành tăm cùng hàng trăm loài cây dại khác. Tên chi Allium là một từ tiếng Latin nghĩa là "tỏi". Linnaeus mô tả chi Allium năm 1753. Vài nguồn nhắc đến từ αλεω (aleo, để tránh) trong tiếng Hy Lạp. Nhiều loài Allium đã được trồng từ thời xa xưa và khoảng một tá loài là cây trồng, và rau ăn quan trọng; một số lớn hơn là cây cảnh. Tranh giới loài của chi Allium không rõ ràng và việc phân loại chính xác còn chưa thống nhất. Ước tính số loài ít nhất là 260, và cao nhất là 979. Most authorities accept about 750 species. Loài điển hình là Allium sativum. Trong hệ thống phân loại APG III, Allium được đặt trong phân họ Allioideae (được đây là họ Alliaceae) của họ Amaryllidaceae. Trong vài hệ trống phân loại khác, Allium thuộc về Liliaceae. Allium là một trong năm mươi bảy chi thực vật có hoa với hơn 500 loài. Phân loại Phân chi Ba nhánh và mười lăm phân chi được thể hiện trong hệ thống phân loại của Friesen et al. (2006) và Li (2010). (số đoạn/số loài) Nhánh một Nectaroscordum (Lindl.) Asch. et Graebn điển hình: Allium siculum (1/3) Microscordum (Maxim.) N. Friesen điển hình: Allium monanthum (1/1) Amerallium Traub điển hình: Allium canadense (12/135) Nhánh hai Caloscordum (Herb.) R. M. Fritsch điển hình: Allium neriniflorum (1/3) Anguinum (G. Don ex Koch) N. Friesen điển hình: Allium victorialis (1/12) Porphyroprason (Ekberg) R. M. Fritsch điển hình: Allium oreophilum (1/1) Vvedenskya (Kamelin) R. M. Fritsch điển hình: Allium kujukense (1/1) Melanocrommyum (Webb et Berth.) Rouy điển hình: Allium nigrum (15/140) Nhánh ba Butomissa (Salisb.) N. Friesen điển hình: Allium ramosum (2/4) Cyathophora R. M. Fritsch điển hình: Allium cyathophorum (3/5) Rhizirideum (G. Don ex Koch) Wendelbo s.s điển hình: Allium senescens (5/37) Allium L. điển hình: Allium sativum (15/300) Reticulatobulbosa (Kamelin) N. Friesen điển hình: Allium lineare (5/80) Polyprason Radic điển hình: Allium moschatum (4/50) Cepa (Mill.) Radic ́ điển hình: Allium cepa (5/30) Một số loài Allium acuminatum - hành dại, hành hoa tím Allium altaicum (đồng nghĩa: A. ceratophyllum, A. fistulosum, A. microbulbum, A. sapidissimum): Hành Altai Allium altyncolicum Allium amethystinum Allium ampeloprasum Allium ampeloprasum ampeloprasum - tỏi voi Allium ampeloprasum kurrat - kurat, tỏi Ai Cập Allium ampeloprasum porrum - tỏi tây Allium anceps - hành hai lá Allium angulosum - tỏi chuột Allium atrorubens - tỏi đỏ Allium campanulatum Allium canadense - tỏi Canada Allium cepa - hành tây Allium cepiforme hay Allium ascalonicum - hành thơmAllium chinense — kiệu Allium neapolitanum - tỏi trắng Allium nevii - tỏi Nevius Allium nigrum - tỏi đen Allium oleraceum - tỏi đồng Allium oschaninii - hẹ tây, kiệu vỏ xám Allium ramosum - hẹ Allium sativum - tỏi Allium schoenoprasum - hành tăm Allium scorodoprasum Allium triquetrum - tỏi ba nhánh Allium tuberosum - hẹ bông Allium ursinum - tỏi gấu, tỏi hoang Allium vineale'' - tỏi hoang
Phân loại là khái niệm được sử dụng rất phổ biến trong các lĩnh vực hoạt động của xã hội loài người. Phân loại là sự phân chia sắp xếp các sự vật hiện tượng, khái niệm theo một trật tự nhất định ở những cấp độ nhất định dựa vào những dấu hiệu giống nhau và khác nhau giữa chúng để phân chia, sắp xếp các sự vật, hiện tượng trong tự nhiên, xã hội theo một trật tự nhất định tùy thuộc vào mục đích phân loại. Qua phân loại, loài người tổ chức được các sự vật, vật chất, hiện tượng, con người, động vật, thực vật,… thành các lớp. Lớp chính là một tập hợp các đơn vị, thành tố có chung một, hoặc một số đặc điểm, ví dụ sắt, đồng chì, kẽm có chung đặc đặc điểm là kim loại. Cơ sở để chia lớp là những đặc tính giống nhau của sự vật và hiện tượng. Dựa vào phương pháp đó, người ta có thể phân chia tiếp theo thành các lớp con hoặc phân lớp khác nhau của một trật tự đẳng cấp. Lịch sử Mục đích Giúp người đọc tra cứu tài liệu dễ dàng theo chuyên ngành và phân ngành. Giúp bài viết mới được quảng bá nhanh hơn khi được xếp vào thể loại chứa các bài liên quan. Các loại Phân loại Phân loại tự nhiên là dựa vào đặc điểm vốn có của sự vật và hiện tượng để phân loại. Phân loại nhân tạo là kiểu phân loại theo mục đích sử dụng của loài người. Phân loại khoa học là sự phân chia và sắp xếp các lĩnh vực tri thức theo một trật tự nhất định dựa trên những nguyên tắc nhất định. Phân loại tài liệu là quá trình phân tích tài liệu nhằm xây dựng nội dung chủ yếu và thể hiện nội dung bằng các kí hiệu của khung phân loại cụ thể Phân loại người dùng trên mạng xã hội: là sự phân chia, sắp xếp các người dùng mạng xã hội theo một trật tự nhất định theo một cách thức phân loại nào đó tùy thuộc vào mục đích phân loại. Khung phân loại Khung phân loại ám chỉ việc phân loại đã được thu gọn hoặc phản ánh vào một giản đồ, bảng (Scheme, Table) nhất định theo chủ ý của người phân loại. Khung phân loại tài liệu khác với khung phân loại đã dẫn ở chỗ, công việc phân loại gắn liền với giá trị vật phẩm trí tuệ của con người, đó là tài liệu. Tài liệu, sản phẩm thư viện, hoặc tài liệu lưu trữ vừa là kết quả hoạt động của con người, vừa là phương tiện không thể thiếu được cho các hoạt động đó. Các khung phân loại tài liệu đã có trong lịch sử từ khởi nguồn đến hiện đại thường được áp dụng phổ biến cho các thư viện hoặc tư liệu nghiên cứu tổng hợp. Trong công tác lưu trữ, các khung phân loại chuyên cho tài liệu lưu trữ không được xây dựng phổ biến, vì nguyên tắc nổi trội trong việc tổ chức, quản lý tài liệu lưu trữ là nguyên tắc xuất xứ. Theo nguyên tắc này, tài liệu lưu trữ được thu thập, quản lý theo các phông riêng biệt. Việc khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ cũng phần nhiều tra tìm trên các công cụ được xây dựng theo các phông lưu trữ với các mục lục hồ sơ. Khi có yêu cầu tra tìm tài liệu theo chuyên đề xuyên phông, thì Khung phân loại thông tin tài liệu lưu trữ có vai trò tích cực hơn và thay thế cho khung phân loại tài liệu. Nhưng một số nước, đặc biệt là các nước châu âu, đã xây dựng các khung phân loại tài liệu có cả chức năng phân loại thông tin trong đó. Riêng ở Việt Nam, Khung phân loại Paul Boudet cũng đã đáp ứng yêu cầu này. Một số khung phân loại trong lịch sửː Khung phân loại của Lê Quý Đôn (1726-1784) Khung phân loại của Phan Huy Chú (1872-1840) Khung phân loại Lưu Hướng (Trung Quốc) Khung phân loại Tuân Húc (Trung Quốc) Khung phân loại DDC Khung phân loại UDC Khung phân loại LCC (LC) Khung phân loại Paul Boudet Tính chất Đặc tính lớp là tập hợp các phần tử có chung một hoặc một số tính chất, đặc tính nhất định. Các đơn vị trong cùng một lớp thường tồn tại có chung mục đích và có mối quan hệ trong không gian như là toán học, thiên văn học, vật lý học, hóa học đều có đặc tính chung là ngành khoa học tự nhiên. Cơ sở phân chia lớp là dựa vào sự vật hiện tượng người ta phân chia thành những lớp, những điểm giống nhau và khác nhau của sự vật hiện tượng. Chia ra thành lớp mẹ và các lớp con. Trong đó các lớp được phân loại thành lớp khởi đầu và lớp phát sinh. Như là Khoa học tự nhiên là lớp mẹ gồm các lớp con khởi đầu là Toán học, Vật lý học, Sinh học,....Trong lớp con Toán học lại phát sinh thêm các lớp con nữa. Tính đẳng cấp trong phân loại là sự phân chia các lớp từ khái quát đến cụ thể, từ lớn đến nhỏ, từ chung đến riêng, thực chất là phân chia theo thứ tự bậc hoặc là phân chia theo đẳng cấp. Quan hệ đẳng cấp được phân chia theo nguyên tắc bao trùm và phụ thuộc. Ký hiệu phân loại Ký hiệu phân loại do các thư viện lập ra và quy ước để biểu đạt các khái niệm trong quá trình biên soạn các khung phân loại. Ký hiệu phân loại thể hiện các lớp trong hệ thống phân loại, đây là dạng ngôn ngữ tư liệu dùng để mô tả một tài liệu theo dấu hiệu của môn ngành tri thức và là ngôn ngữ kết hợp có cấu trúc theo thứ bậc bao gồm các từ, các cặp từ, các khái niệm được xây dựng từ trước được gắn với các ký hiệu để thể hiện nội dung chính của tài liệu. Các ký hiệu phân loại cần phải đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ, tiện lợi linh hoạt khi sử dụng, mang tính phổ biến, thuận tiện, phạm vi sử dụng rộng không bị gò bó về ngôn ngữ và văn tự. Tuy nhiên nhược điểm của ký hiệu phân loại đó là phân loại một vấn đề cụ thể bao nhiêu thì ký hiệu càng phải kéo dài bấy nhiêu. Ký hiệu phân loại bao gồmː Chữ số, chữ cái, các dấu quy ước. Ký hiệu đồng nhất Ký hiệu hỗn hợp Ký hiệu theo số thứ tự Ký hiệu đẳng cấp
Chuyển tự tiếng Nga sang ký tự Latinh là một việc cần thiết để viết ký âm các tên hay các địa danh dưới dạng tiếng Nga sang dạng phiên âm trong các ngôn ngữ dùng ký tự Latinh, ví dụ như tiếng Việt. Việc chuyển tự còn cần thiết cho thao tác văn bản tiếng Nga trên máy tính nhưng lại không có bàn phím (JCUKEN) hoặc chương trình xử lý văn bản chuyên biệt để nhập ký tự Cyrill. Trong trường hợp này, họ có thể sử dụng một công cụ (phần mềm) cho phép họ có thể nhập phiên âm Latinh trên bàn phím của họ (QWERTY) rồi tự động chuyển đổi văn bản sang các ký tự Cyrill (chẳng hạn như phần mềm VietKey). Các phương pháp chuyển tự tiếng Nga thông dụng Có một số phương pháp chuyển tự Latinh cho ký tự Cyrill của Nga, tuy nhiên, không có phương pháp nào chiếm ưu thế phổ biến. Trong thực tế, việc phiên âm thường được thực hiện mà không có bất kỳ tiêu chuẩn thống nhất nào. Phương pháp chuyển tự khoa học Phương pháp chuyển tự khoa học, còn có tên là International Scholarly System (hay "Hệ thống Chuyển tự Hàn lâm Quốc tế), là một hệ thống đã được dùng trong ngôn ngữ học từ thế kỷ XIX. Cách này sử dụng một dạng của bảng ký tự Latinh đã được mở rộng, dựa trên cơ bản bảng chữ cái tiếng Séc và hình thành nên cơ sở của hệ thống GOST và ISO. Phương pháp GOST GOST là chuyển tự của ГОСТ (, Gosudarstvennyy Standart, Tiêu chuẩn nhà nước), trong tiếng Nga. Đây là phương pháp được dùng tại Liên Xô trước đây và một phần tại Nga sau này. OST 8483 OST 8483 là tiêu chuẩn đầu tiên của Liên Xô về Latinh hóa tiếng Nga, được giới thiệu vào ngày 16 tháng 10 năm 1935. GOST 16876-71 (1973) Tiêu chuẩn này được phát triển bởi Cơ quan đo đạc và bản đồ quốc gia thuộc Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô. GOST 16876-71 được sử dụng trong hơn 30 năm và là hệ thống Latinh hóa duy nhất không sử dụng dấu phụ. Nó về sau được thay thế bằng GOST 7.79-2000. ST SEV 1362 (1978) Tiêu chuẩn này tương đương với GOST 16876-71 và được thông qua như một tiêu chuẩn chính thức của COMECON. GOST 7.79-2000 (2002) GOST 7.79-2000 là một tiêu chuẩn được phát triển trên cơ sở của tiêu chuẩn ISO 9:1995. Nó được sử dụng như là tiêu chuẩn chính thức của cả Nga và Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (CIS). GOST 52535.1-2006 (2006) GOST 52535.1-2006 là tiêu chuẩn được phát triển trên cơ sở của tiêu chuẩn ICAO, sử dụng trong giấy tờ, chứng thư du lịch, nhằm có thể đọc, nhận dạng ký tự bằng máy quét. Tiêu chuẩn này được sử dụng tại Nga trong một thời gian ngắn (2010-2013) và sau đó được thay thế bằng GOST R ISO/IEC 7501-1-2013, tuy không chứa phiên bản Latinh hóa, nhưng trực tiếp đề cập đến quá trình Latinh hóa ICAO. Biển báo đường bộ Tên trên các biển báo đường phố và đường bộ ở Liên Xô đã được Latinh hóa theo tiêu chuẩn GOST 10807-78 (bảng 17, 18), được sửa đổi bởi GOST R 52290-2004 mới hơn của Nga (bảng Г.4, Г.5). Các phiên bản Latinh hóa trong cả hai tiêu chuẩn thực tế là giống hệt nhau. Phương pháp ISO 9 Đây là phương pháp chyển tự của Tổ chức Tiêu chuẩn hoá Quốc tế (International Organization for Standardization, hay ISO). Phương pháp này dùng thêm các dấu để biểu diễn một ký tự Cyrill bằng một ký tự Latinh. Đây là phương pháp bảo tồn dạng gốc và, do đó, cho phép việc chuyển tự sang bất cứ ngôn ngữ nào dùng ký tự Latinh cũng như việc chuyển tự ngược lại tiếng Nga. ISO/R 9 ISO/R 9 được thành lập vào năm 1954 và được cập nhật vào năm 1968, là một tiêu chuẩn được thông qua phiên âm khoa học của ISO, bao gồm tiếng Nga và bảy ngôn ngữ Slav khác. ISO 9:1995 ISO 9:1995 là tiêu chuẩn chuyển ngữ hiện hành của ISO, được phát triển từ ISO/ R 9:1968. Đối với tiếng Nga, hai tiêu chuẩn này giống nhau ngoại trừ trong cách xử lý năm chữ cái hiện đại. ISO 9:1995 là hệ thống độc lập, không phụ thuộc ngôn ngữ đầu tiên của một ký tự cho một ký tự tương đương (bằng cách sử dụng dấu phụ) thể hiện trung thực bản gốc và cho phép phiên âm ngược cho văn bản Cyrill trong bất kỳ ngôn ngữ đương đại nào. Phương pháp của Liên Hợp Quốc Đây là một phương pháp chuyển tự do UNGEGN (United Nations Group of Experts on Geographical Names, Nhóm chuyên viên về Địa danh Liên Hợp Quốc) đề nghị vào năm 1987, phát triển từ phiên bản năm 1983 của GOST 16876-71, đề xuất cách ký âm Latinh cho các tên địa lý tiếng Nga. Tuy nhiên, phương pháp này ít phổ biến và chỉ có thể được tìm thấy trong một số ấn phẩm bản đồ quốc tế. Phương pháp ALA-LC ALA-LC là viết tắt của America Library Association - Library of Congress (Hiệp hội Thư viện Hoa Kỳ - Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ). Đây là phương pháp chuyển tự các tiếng dùng ký tự Cyrill sang ký tự Latinh của nhiều thư viện tại Bắc Mỹ. Phương pháp này bảo đảm sự chính xác sau khi chuyển tự nhưng cần thêm các dấu và, nhiều khi, dùng hai ký tự Latinh cho một ký tự Cyrill -- một điều ít khi được thực hành. Phương pháp Tiêu chuẩn Anh British Standard 2979:1958 là hệ thống phương pháp chuyển tự chính của Nhà xuất bản Đại học Oxford (Oxford University Press), và một biến thể đã được Thư viện Anh (British Library) sử dụng để phân loại các ấn phẩm có được đến năm 1975 (hệ thống Thư viện Quốc hội được sử dụng cho các vụ mua lại mới hơn). Phương pháp BGN/PCGN Hệ thống ký âm địa lý BGN/PCGN do Ủy ban Tên gọi địa lý Hoa Kỳ (United States Board on Geographic Names - BGN) và Ủy ban thường trực Tên gọi địa lý sử dụng chính thức của Anh (Permanent Committee on Geographical Names for British Official Use - PCGN) đặt ra để dùng trong các tài liệu địa lý thuộc khối Anglophones. Một phần của hệ thống này liên quan đến tiếng Nga đã được BGN thông qua vào năm 1944 và PCGN vào năm 1947. Nó tương đối trực quan để đọc và phát âm trong tiếng Anh vì không cần dùng thêm các ký tự đặc biệt nào ngoài 26 ký tự Latinh căn bản. Trong nhiều ấn phẩm, một hình thức đơn giản của hệ thống được sử dụng để hiển thị các phiên bản tiếng Anh của tên tiếng Nga, điển hình là chuyển đổi ë thành yo, đơn giản hóa các kết thúc -iy và -yy thành -y và bỏ qua các dấu nháy đơn cho ъ và ü. Phương pháp này không yêu cầu dấu phụ hoặc chữ cái đặc biệt, mặc dù ký tự xen kẽ (·) có thể được sử dụng để tránh sự mơ hồ. Tuy nhiên, việc không dùng ký tự xen kẽ (·) có thể gây ra các trường hợp nhầm lẫn. Phương pháp chuyển tự tên trên hộ chiếu Nga Trong các hộ chiếu quốc tế của Liên Xô trước đây, phiên âm tên được dựa trên các quy tắc của Pháp (nhưng không có dấu phụ), vì vậy tất cả các tên được phiên âm trong một hệ thống chuyển tự kiểu Pháp. Năm 1997, hộ chiếu mới của Nga ra đời. Một hệ thống chuyển tự theo kiểu Anh nhưng không có dấu phụ được Bộ Nội vụ Nga ban hành. Tuy nhiên, phương pháp này bị bỏ rơi vào năm 2010. Năm 2006, tiêu chuẩn GOST 52535.1-2006 được thông qua, trong đó xác định các yêu cầu và tiêu chuẩn kỹ thuật cho hộ chiếu quốc tế của Nga và giới thiệu hệ thống chuyển ngữ của riêng mình. Năm 2010, chính phủ Nga thông qua quyết định sử dụng GOST 52535.1-2006 trong các hộ chiếu được cấp sau năm 2010. Có một số khác biệt nhỏ giữa hệ thống mới và hệ thống cũ, tuy nhiên tiêu chuẩn này cũng bị bỏ rơi vào năm 2013. Năm 2013, chính phủ Nga quy định các tên trên hộ chiếu Nga sẽ được phiên âm theo phương pháp chuyển tự của hệ thống ICAO. Hệ thống này khác với hệ thống GOST 52535.1-2006 ở hai điểm: ц được phiên âm thành ts (giống như trong các hệ thống trước năm 2010), và ъ được phiên âm thành ie (bổ sung mới). Bảng chuyển tự Chú ý * ALA-LC: ъ không được chuyển tự khi tại cuối chữ. † BGN/PCGN: ye và yë được dùng để làm nhẹ (iotation) một phụ âm đầu, và sau một nguyên âm, như й, ъ hay ь.
Chuyển tự tiếng Hy Lạp sang ký tự Latinh là một việc cần thiết để viết các tên hay các địa danh dưới dạng tiếng Hy Lạp trong các ngôn ngữ dùng ký tự Latinh, như tiếng Việt. Sự cần thiết này được nhận thấy rõ nhất bởi các người dùng máy tính nhưng không có một bàn phím đặc biệt để gõ ký tự Hy Lạp. Bảng chuyển tự Bảng sau đây liệt kê 4 phương pháp chuyển tự cho tiếng Hy Lạp. Một phương pháp truyền thống, đã được dùng rất lâu, và Phương pháp chuyển tự khoa học (còn có tên là International Scholarly System) là hai phương pháp được dùng cho tiếng Hy Lạp cổ. Phương pháp BGN/PCGN (Board on Geographic Names của Hoa Kỳ và Permanent Committee on Geographical Names của Anh) và phương pháp của Liên Hợp Quốc là hai phương pháp được dùng cho tiếng Hy Lạp hiện đại. Chú ý: trước αι, ε, ει, η, ι, οι, υ, υι. giữa ν và ρ. dùng với spiritus asper. đôi khi được viết hai lần nếu đứng giữa hai nguyên âm (thí dụ, Larissa). trước β, γ, δ, ζ, λ, μ, ν, ρ và nguyên âm. trước θ, κ, ξ, π, σ, τ, φ, χ, ψ và tại cuối của chữ. tại đầu của chữ. tại giữa của chữ. khi dùng với một nguyên âm: viết h trước nguyên âm; khi dùng với ρ: viết thành rh. dưới một nguyên âm dài. ngoại trừ khi có dấu ¨ cho nguyên âm thứ hai. Các dấu phụ trong tiếng Hy Lạp Tiếng Hy Lạp, bắt đầu, là một tiếng đa thanh điệu (polytonic). Qua nhiều thời đại, hệ thống ghi thanh điệu đã được đơn giản hóa dần dần và làm cho các dấu phụ (diacritics) dành cho thanh điệu trở nên không cần thiết. Năm 1982, một phương pháp mới đã được chính thức áp dụng cho tiếng Hy Lạp hiện đại. Trong tất cả các dấu phụ dành cho thanh điệu, chỉ còn dấu ' (dùng để chỉ trọng âm trong một từ đa âm tiết) và dấu ¨ (viết trên nguyên âm thứ hai của hai nguyên âm đứng cạnh nhau để chỉ hai nguyên âm riêng biệt, thay vì một nguyên âm kép) còn được dùng. Cả hai dấu này được dùng trong phương pháp BGN/PCGN và phương pháp của Liên Hợp Quốc. Chỉ có một điểm ngoại lệ: trong các trường hợp αυ, ευ và ηυ dấu chỉ trọng âm được chuyển sang nguyên âm đầu (vì υ có thể được chuyển tự thành v hay f).
Bộ Lan hay bộ Phong lan (danh pháp khoa học: Orchidales) là một bộ thực vật một lá mầm mà trong các hệ thống phân loại cũ được coi là một bộ, nhưng trong phân loại mới nhất của APG thì nó chỉ được coi là một phần của bộ Măng tây (Asparagales). Tên gọi này là tương đối gần đây, do các hệ thống cũ hơn sử dụng danh pháp thực vật miêu tả cho bộ chứa các loài lan. Các hệ thống Bentham & Hooker cũng như Engler đưa các loài lan vào bộ Microspermae trong khi hệ thống Wettstein coi chúng như là bộ Gynandrae. Định nghĩa của bộ này thay đổi theo hệ thống phân loại được sử dụng. Mặc dù phần lớn của bộ này chỉ chứa các loài lan (thông thường chỉ trong một họ, nhưng đôi khi được tách ra thành nhiều họ, như trong hệ thống Dahlgren, xem dưới đây), và đôi khi các họ khác cũng được thêm vào. Vấn đề phân loại Trong một số phân loại cũ trước đây, nó được chia ra thành các họ sau: Thismiaceae: Hiện nay được coi là cùng một kiểu với họ Burmanniaceae và được đưa vào trong họ này. Họ này lại thuộc về bộ khác là bộ Củ nâu (Dioscoreales). Orchidaceae: Họ này được phân chia thành vài phân họ, và sau đó thành các tông, phân tông, và sau đó là các chi. Sáu phân họ sau được công nhận: Phân họ Apostasioideae: đơn ngành (Apostasia và Neuwiedia) Phân họ Cypripedioideae: đơn ngành (4 chi) Phân họ Epidendroideae: bao gồm gần như 80% các loài đơn ngành Phân họ Orchidoideae: được coi là đa ngành; phần lớn các loài lan (750 chi), có thể tách ra thêm thành một phân họ mới là phân họ Spiranthoideae Phân họ Vandoideae: đơn ngành Phân họ Vanniloideae: đôi khi được coi là một phân họ riêng rẽ nhưng từ quan điểm của các nghiên cứu phân tử thì nó gần như tương tự như hai phân họ Epidendroideae và Orchidoideae. Phân họ này là một nhánh lưỡng phân cơ sở của loại lan chỉ có một nhị. Takhtajan Bộ Orchidales Họ Orchidaceae Cronquist 1981 Bộ Orchidales Họ Burmanniaceae Họ Corsiaceae Họ Geosiridaceae Họ Orchidaceae Dahlgren Bộ Orchidales Họ Apostasiaceae Họ Cypripediaceae Họ Neuwiediaceae Họ Orchidaceae Thorne 1992 Bộ Orchidales Họ Orchidaceae APG Bộ này không được công nhận trong hệ thống APG II, người ta đưa nó vào bộ Asparagales.
Bộ Củ nâu (danh pháp khoa học: Dioscoreales) là một bộ thực vật một lá mầm, trước đây được gộp vào trong bộ Loa kèn (Liliales). Những loài được biết đến nhiều nhất ở Việt Nam có lẽ là củ nâu (Dioscorea cirrhosa), khoai mỡ (Dioscorea alata), củ mài (hay hoài sơn - Dioscorea persimilis) và củ từ (Dioscorea esculenta). Theo trang web của APG thì bộ này hiện tại chứa 5 họ, 21 chi và khoảng 1.037 loài. Phát sinh loài Nhóm thân cây của bộ Dioscoreales được xác định có niên đại khoảng 124 triệu năm trước (Ma), còn nhóm chỏm cây khoảng 123 Ma (Janssen & Bremer 2004). Các lá đài của Narthecium ossifragum có 3 vạch, nhưng của Dioscoreaceae lại chỉ có 1. Họ Nartheciaceae được đặt trong bộ Dioscoreales là khá phù hợp, mặc dù đôi khi độ hỗ trợ chỉ vừa phải (độ nỗ lực là 97%, lấy mẫu tốt của Nartheciaceae, nhưng chỉ có hai chi Dioscorea, Tacca và ba thành viên của bộ Pandanales.). Tuy nhiên, Davis và ctv. (2004) lại phát hiện thấy họ này có liên quan tới bộ Pandanales, mặc dù độ hỗ trợ là yếu (<70%) và chúng thiếu sự triệt tiêu 6 bp atpA của nhiều thành viên trong nhánh này. Các nghiên cứu gần đây của Merckx và ctv. (2006) hỗ trợ mạnh mẽ cho giả định rằng các thành viên kiểu dị dưỡng-nấm của bộ Dioscoreales không tạo thành một nhánh. Nghiên cứu của họ, sử dụng các gen ti thể và nhân với việc lấy mẫu rất tốt cho các đơn vị phân loại dị dưỡng-nấm này, nhưng không tạo ra một nhóm ngoài với bộ Dioscoreales, chỉ ra các mối quan hệ khác biệt về thực chất trong phạm vi bộ Dioscoreales khi so với cây phát sinh loài do Caddick và ctv. (2002) đưa ra. Tuy nhiên, như Merckx và ctv. (2006) lưu ý, các mối quan hệ do Caddick và ctv. (2002) phát hiện ra lại là chiếm ưu thế khi phân tích các dữ liệu từ lạp lục, và do họ Burmanniaceae nghĩa rộng (sensu lato) chủ yếu là dị dưỡng-nấm nên chúng có các chuỗi thể hạt phân kì nhiều hơn. Các đơn vị phân loại dị dưỡng-nấm này trên thực tế gây ra các vấn đề. Tuy nhiên, có thể khẳng định không còn nghi ngờ gì rằng chi Geomitra và họ Thismiaceae đã thoát ra khỏi từ một nhóm nào đó trong họ Burmanniaceae trong một số phân tích , trong khi theo các phân tích bộ gen ti thể thì các thành viên của họ Burmanniaceae nghĩa rộng lại ở trong hai bộ khác nhau (G. Petersen và ctv. 2006). Trong nghiên cứu về các mối quan hệ của bộ Burmanniales do Neyland (2002) tiến hành, phân họ Burmannioideae đã được hỗ trợ tốt, chi Thismia là nhóm chị-em, nhưng có độ hỗ trợ thấp hơn và Burmanniaceae không có liên kết gì với các nhóm khác trong bộ Dioscoreales. Ngoài ra, phân tích các chuỗi 26S rADN cho thấy họ Corsiaceae (bộ Liliales) là đa ngành; chi Arachnitis có thể là chị-em với chi Thismia. Một số gen, ít nhất có chỉ ra sự tiến hóa tăng tốc. Phân loại dưới đây lấy theo khuyến cáo của Merckx và ctv. (2006). Phân loại Hệ thống APG năm 1998 đặt bộ này trong nhánh thực vật một lá mầm và bao gồm các họ sau: Burmanniaceae: Họ Cỏ cào cào Dioscoreaceae: Họ Củ nâu Taccaceae: Họ Râu hùm Thismiaceae: Họ Tiết mi Trichopodaceae Theo hệ thống APG II năm 2003 thì bộ này cũng được đặt trong nhánh monocots và bao gồm 3 họ là: Burmanniaceae - cỏ cào cào Dioscoreaceae- củ nâu, củ từ, khoai mỡ Nartheciaceae: Họ Cỏ sao Trong hệ thống APG II họ Thismiaceae được đưa vào trong họ Burmanniaceae còn các họ Taccaceae và Trichopodaceae được đặt trong họ Dioscoreaceae, vì thế các thay đổi là không lớn và chỉ có các loài được đưa thêm vào bộ này là thuộc về họ Nartheciaceae. Tuy nhiên, trên website của APG, truy cập ngày 29-11-2007 thì người ta lại phục hồi lại 2 họ Taccaceae và Thismiaceae, còn Trichopodaceae vẫn đặt trong Dioscoreaceae. Hệ thống Cronquist năm 1981 không công nhận bộ này mà đặt phần lớn các loài trong bộ Liliales thuộc phân lớp Liliidae của lớp Liliopsida thuộc ngành Magnoliophyta [=thực vật hạt kín]. Hệ thống Dahlgren đặt bộ này trong siêu bộ Lilianae của phân lớp Liliidae [=thực vật một lá mầm] thuộc lớp Magnoliopsida và sử dụng định nghĩa sau: Bộ Dioscoreales Họ Dioscoreaceae Họ Petermanniaceae Họ Rhipogonaceae Họ Smilacaceae: Họ Khúc khắc Họ Stemonaceae: Họ Bách bộ Họ Taccaceae Họ Trichopodaceae Họ Trilliaceae Phát sinh chủng loài Cây phát sinh chủng loài của bộ Củ nâu so với các bộ thực vật một lá mầm khác lấy theo APG III. Cây phát sinh chủng loài trong nội bộ bộ Củ nâu lấy theo APG II. Hình ảnh Chú thích
Họ Củ nâu (danh pháp khoa học: Dioscoreaceae) là một họ thực vật một lá mầm. Các loài được biết đến nhiều nhất tại Việt Nam có lẽ là củ nâu (Dioscorea cirrhosa), khoai mỡ (Dioscorea alata), củ mài (hay hoài sơn: Dioscorea persimilis) và củ từ (Dioscorea esculenta). Hiện nay, người ta đã biết 750-785 loài trong 8-9 chi. Hệ thống APG năm 1998 và hệ thống APG II năm 2003 đều đặt họ này trong bộ Củ nâu (Dioscoreales) của nhánh monocots. Tuy nhiên, định nghĩa đã thay đổi trong hệ thống APG II, với hệ thống năm 2003 mở rộng ra để gộp cả các loài mà hệ thống năm 1998 đã coi là các họ riêng khác là Taccaceae và Trichopodaceae. Tuy nhiên, trên website của APG, truy cập ngày 29-11-2007 thì họ Taccaceae lại được tách ra. Các chi Dioscoreaceae nghĩa hẹp Dioscoreaceae nghĩa hẹp (sensu stricto): Khoảng 750 loài trong 5-6 chi. Dioscorea (gồm cả Borderea, Epipetrum, Helmia, Hyperocarpa, Nanarepenta, Oncus, Tamus, Testudinaria, Ubium): Các loài củ từ, củ nâu, củ mài, khoai mỡ. Rajania Stenomeris Taccaceae Taccaceae gồm khoảng 12-31 loài trong 1 chi, một số tài liệu, như IPNI, còn liệt kê thêm chi Schizocaspa. Tacca (gồm cả Schizocapsa): Các loài củ nưa (bạch tinh), hạ túc, râu hùm, củ nhược thự. Trichopodaceae Trichopodaceae có 2 loài đặc hữu (?) của Madagascar trong 1-2 chi. Trichopus (gồm cả Avetra, Trichopodium) Phát sinh chủng loài Cây phát sinh chủng loài dưới đây lấy theo APG II.
Thuật toán Láng giềng gần nhất là một trong những thuật toán đầu tiên được dùng để tìm lời giải cho bài toán người bán hàng, và thường cho kết quả chênh lệch trong phạm vi 20% so với đường đi tối ưu. Nó chạy nhanh hơn rất nhiều so với việc kiểm tra mọi tuyến đường và một số thuật toán khác. Các bước của thuật toán: Chọn một nút bất kỳ làm nút xuất phát và đây là nút hiện hành Đánh dấu nút hiện hành là đã được đi qua Tìm một nút chưa đi qua có khoảng cách đến nút hiện hành là ngắn nhất, đánh dấu nút này là nút hiện hành mới Nếu chưa đi qua tất cả các nút thì quay lại bước 2 Thứ tự mà các nút được đi qua chính là kết quả của thuật toán. Thuật toán láng giềng gần nhất dễ cài đặt và chạy nhanh, nhưng đôi khi nó có thể bỏ qua các tuyến đường ngắn hơn mà mắt thường dễ nhận ra. Kết quả của thuật toán này cần được kiểm tra trước khi sử dụng để phòng trường hợp một tuyến đường ngắn hơn bị bỏ qua. Trong trường hợp xấu nhất, thuật toán này có thể tính toán ra các tuyến đường dài gấp r lần tuyến đường tối ưu. Trong đó, r là một tỷ lệ tùy ý, nghĩa là, với mỗi hằng số r, tồn tại một bài toán người bán hàng sao cho độ dài của tuyến đường là kết quả của thuật toán láng giềng gần nhất lớn hơn hoặc bằng r lần độ dài tuyến đường tối ưu.
Chi Địa đinh hay còn gọi chi bồ công anh (danh pháp khoa học: Taraxacum) là chi thực vật có hoa thuộc họ Cúc (Asteraceae), có nguồn gốc từ các khu vực ôn đới của Bắc Bán cầu trong Cựu Thế giới. Giống như nhiều loài khác thuộc họ Cúc, các loài trong chi này có cụm hoa hay cụm hoa hình đầu (đúng ra là hoa hình giỏ (lam trạng hoa tự); là một cụm dày dặc của nhiều hoa nhỏ, thông thường gọi là các chiếc hoa (nghĩa là "các hoa nhỏ"). Nhiều loài trong chi Taraxacum tạo ra hạt giống vô tính bằng apomixis, nơi những hạt giống được tạo ra mà không thụ phấn, kết quả là cây con giống hệt về mặt di truyền với cây cây cha mẹ. Chi này dễ bị nhầm lẫn với Chi Hoàng nương và chi Leontodon. Tên gọi Tên Latin Taraxacum bắt nguồn từ các tác phẩm Ba Tư thời trung cổ về dược phẩm. Nhà khoa học Ba Tư Al-Razi khoảng năm 900 đã viết "tarashaquq giống như rau diếp xoăn". Nhà khoa học và triết gia người Ba Tư Ibn Sīnā khoảng năm 1000 đã viết một chương sách về Taraxacum. Gerard of Cremona, khi dịch tiếng Ả Rập sang tiếng Latin vào khoảng năm 1170, đánh vần là tarasacon. Tên tiếng Anh của loài này, dandelion là đọc trại ra từ tiếng Pháp dent de lion, có nghĩa là "răng sư tử", ý muốn nói đến những chiếc lá có dáng răng cưa. Trong tiếng Đức, loài này được gọi là Löwenzahn (nghĩa đen là "răng sư tử"), và tiếng Wales (dant-y-llew), tiếng Na Uy (løvetann) và Tây Ban Nha (diente de león) cũng đều có nghĩa là "răng sư tử". Dân gian Việt Nam còn gọi loài cây này là rau bồ cóc, cây diếp hoang, rau lưỡi cày hay rau mũi mác Loài Chi Taraxacum gồm hơn 2.000 loài được ghi nhận, trong đó hơn 500 loài được ghi nhận phổ biến. Một số loài đặc biệt: Taraxacum officinale, bồ công anh phổ thông Taraxacum albidum, bồ công anh Nhật trắng Taraxacum aphrogenes, Taraxacum brevicorniculatum, Taraxacum californicum, bồ công anh California Taraxacum centrasiaticum, bồ công anh Tân Cương Taraxacum ceratophorum, bồ công anh Bắc Taraxacum farinosum, bồ công anh Thổ Taraxacum holmboei, Taraxacum japonicum, bồ công anh Nhật Taraxacum kok-saghyz, bồ công anh Nga Taraxacum laevigatum, Taraxacum mirabile Taraxacum pankhurstianum Taraxacum platycarpum, bồ công anh Hàn Hình ảnh
Nam Sách là một huyện nằm ở phía bắc tỉnh Hải Dương, Việt Nam. Địa lý Huyện Nam Sách nằm ở phía bắc của tỉnh Hải Dương, có vị trí địa lý: Phía đông giáp thị xã Kinh Môn và huyện Kim Thành Phía tây giáp huyện Cẩm Giàng và huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh Phía nam giáp thành phố Hải Dương Phía bắc giáp thành phố Chí Linh. Tính đến ngày 1 tháng 4 năm 2019, dân số toàn huyện có 167.089 người, mật độ trung bình 1.533 người/km². Công dân thứ 90 triệu của Việt Nam là người Nam Sách, Hải Dương. Nguyễn Thị Thùy Dương sinh lúc 2h45 phút ngày 1 tháng 11 năm 2013, nặng 3,2 kg. Tính chất đất đai cũng như địa hình của huyện mang đặc tính địa hình của đất phù sa sông Thái Bình. Độ cao so với mực nước biển trung bình là 0,60 m. Đất ở Nam Sách được hình thành do sự bồi lắng phù sa của sông Thái Bình, sông Kinh Thày, sông Lai Vu,... Đất đai màu mỡ phù hợp với sự sinh trưởng phát triển của các cây nông nghiệp, đặc biệt là các cây vụ đông như hành, tỏi, các cây vụ đông,... Huyện Nam Sách về cơ bản cả bốn phía đều có sông bao bọc, gồm các sông Thái Bình, sông Kinh Thày, sông Lai Vu. Do vậy nguồn nước khá dồi dào, phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt dân cư. Tuy nhiên, đây cũng là một khó khăn cho huyện do giao thông không được thuận lợi và nguy cơ ngập lụt về mùa mưa. Lịch sử Tên gọi Nam Sách là huyện có lịch sử phát triển lâu đời, con người đến sinh cơ lập nghiệp khá sớm. Theo kết quả khảo cổ học gần đây nhất cho thấy ngay từ đầu Công nguyên, mảnh đất này đã có con người sinh sống. Tên Nam Sách có từ rất lâu rồi và có nhiều truyền thuyết về tên Nam Sách. Một trong những truyền thuyết liên quan đến vua Ngô Quyền. Phạm Chiêm là một hào trưởng ở vùng Trà Hương (Nam Sách Giang) giúp Ngô Quyền trong chiến thắng Bạch Đằng năm 938 và đã cưu mang con trai Ngô Quyền là Ngô Xương Ngập năm 944. Sau khi giành lại ngôi vua Ngô Xương Văn xưng vương lấy hiệu là Nam Tấn Vương và Ngô Xương Ngập lấy hiệu là Thiên Sách Vương, mỗi người lấy một từ của tên "Nam Sách" để tỏ lòng ghi nhớ về vùng đất này. Một truyền thuyết nữa là: trong lịch sử, vùng Nam Sách có rất nhiều vị đỗ đạt cao (trạng nguyên, tiến sỹ,...) nên cũng có nhiều ý kiến cho rằng: Nam Sách tức là "Sách của trời Nam". Đến đời nhà Lý cũng có tên là Nam Sách Giang. Nam Sách là nơi phát tích của hai dòng họ Việt Nam đó là dòng họ Phạm (Trà Hương) và họ Mạc (Long Động). Thời nhà Trần, Nam Sách là tên gọi của một xứ, bao gồm Chí Linh, Nam Sách, Thanh Hà và Tiên Lãng (Hải Phòng) ngày nay. Cuối thời nhà Trần, nó là tên gọi của một châu (Nam Sách châu) thuộc phủ Lạng Giang. Đầu thời kỳ Lê sơ, là tên gọi của một lộ, bao gồm Nam Sách thượng và Nam Sách hạ. Đến thời Lê Nhân Tông là tên gọi của một phủ. Đến năm 1466, Lê Thánh Tông chia cả nước thành 13 đạo thừa tuyên, Nam Sách là một trong số đó. Tháng 4 năm 1469, nó lại chỉ là tên gọi của một phủ, do đạo thừa tuyên Nam Sách đã đổi thành Hải Dương. Trong thành phần phủ Nam Sách khi đó có các huyện Thanh Lâm, Chí Linh, Thanh Hà và Tiên Minh (Tiên Lãng ngày nay). Thời Hậu Lê, trụ sở phủ Nam Sách đặt tại Vạn Tải (nay thuộc xã Hồng Phong). Tới năm Gia Long 7 (1806) chuyển về Tổng Xá (xã Thanh Quang ngày nay). Năm 1898, bỏ cấp phủ. Tên gọi huyện Nam Sách có lẽ có từ khi này. Lịch sử hành chính Từ năm 1947 đến năm 1955, huyện thuộc tỉnh Quảng Yên. Tháng 2 năm 1955, huyện được chuyển về tỉnh Hải Dương. Huyện Nam Sách khi đó gồm có 24 xã: Ái Quốc, An Bình, An Châu, An Lâm, An Sơn, Cộng Hòa, Đồng Lạc, Hiệp Cát, Hồng Phong, Hợp Tiến, Minh Tân, Nam Chính, Nam Đồng, Nam Hồng, Nam Hưng, Nam Tân, Nam Trung, Ngọc Châu, Phú Điền, Quốc Tuấn, Thái Tân, Thanh Lâm, Thanh Quang, Thượng Đạt. Ngày 14 tháng 8 năm 1969, xã Ngọc Châu được sáp nhập vào thị xã Hải Dương. Ngày 24 tháng 2 năm 1979, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định 70-CP. Theo đó, sáp nhập huyện Nam Sách với huyện Thanh Hà thành huyện Nam Thanh. Ngày 26 tháng 8 năm 1989, chuyển xã Thanh Lâm thành thị trấn Nam Sách. Ngày 17 tháng 2 năm 1997, Chính phủ ban hành Nghị định 11-CP. Theo đó, chia lại huyện Nam Thanh thành hai huyện Nam Sách và Thanh Hà. Ngày 19 tháng 3 năm 2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 30/2008/NĐ-CP. Theo đó, sáp nhập các xã Nam Đồng, Ái Quốc, An Châu, Thượng Đạt vào thành phố Hải Dương. Hành chính Huyện Nam Sách có 19 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm thị trấn Nam Sách (huyện lỵ) và 18 xã: An Bình, An Lâm, An Sơn, Cộng Hòa, Đồng Lạc, Hiệp Cát, Hồng Phong, Hợp Tiến, Minh Tân, Nam Chính, Nam Hồng, Nam Hưng, Nam Tân, Nam Trung, Phú Điền, Quốc Tuấn, Thái Tân, Thanh Quang. Kinh tế - xã hội Nông nghiệp Khuyến khích phát triển kinh tế hộ và kinh tế trang trại, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học, đưa giống cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất. Mở rộng diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản, với những con có giá trị kinh tế cao như tôm, cá rô phi đơn tính, cá chim trắng. Giai đoạn 2006 - 2010, phấn đấu đưa tốc độ phát triển của ngành nông nghiệp đạt 7,6 - 7,8% /năm; tổng thu trên 1 ha diện tích đất nông nghiệp vào năm 2010 đạt 53 triệu đồng/ha. Diện tích trên 800 ha nuôi trồng thủy sản, 1.038,5 ha sông ngòi tự nhiên và 500 ha đất bãi trũng cấy lúa được chuyển đổi sang đào ao lập vườn phát triển nuôi trồng thủy sản. Công nghiệp Trước kia Nam Sách có làng nghề gốm cực kỳ nổi tiếng là gốm Chu Đậu, từ năm 1995 bắt đầu phục hồi làng nghề gốm này. Huyện đã có khu công nghiệp Nam Sách được Chính phủ phê duyệt trên 63 ha, cụm công nghiệp An Đồng đã được tỉnh phê duyệt trên 35 ha. Khu Công nghiệp Cộng Hoà. Ngoài ra một số doanh nghiệp đã đầu tư vào thị trấn Nam Sách, xã Minh Tân; khả năng dành đất cho công nghiệp ở dọc đường 183, đường 17 của huyện còn lớn. Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, nhiều doanh nghiệp đã phát triển và trở thành các doanh nghiệp lớn trong nhiều lĩnh vực trọng yếu của đất nước như một số Công ty cổ phần được xây dựng, góp phần phát triển kinh tế địa phương ổn định quốc phòng và an ninh, giúp cho hàng ngàn thanh niên có việc làm... Giáo dục Hệ thống giáo dục huyện Nam Sách gồm các trường phổ thông trung học từ lớp 10->12. Ở mỗi xã đều có các trường phổ thông cơ sở từ lớp 6->9 và các trường tiểu học từ lớp 5 trở xuống. Có 3 trường THPT học chính quy là: Trường THPT Nam Sách, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi Trường THPT Nam Sách II. Giao thông Nam Sách nằm ở trung tâm của tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, có hệ thống giao thông tổng thể không phải là không thuận lợi, mặc dù có sông bao bọc gần như bốn phía: đường 37 nối Hà Nội, Hải Phòng với Quảng Ninh (qua cầu Bình), có đường sông dài gần 50 km. Đây là một huyện có đầy đủ các điều kiện về địa lý, giao thông, cơ sở hạ tầng để phục vụ cho việc phát triển các khu công nghiệp, kinh tế trang trại, mặt khác theo chủ trương phát triển tổng thể của Tỉnh đến năm 2015 thì việc xây dựng thêm Cầu nối liền Thành phố Hải Dương (chạy thẳng từ Thành phố Hải Dương xuyên qua đường vành đai các Thôn Trúc Khê, Nham Cáp, Nhân Lễ và La Xuyên nối thẳng với đường quốc lộ 37 để hình thành một tuyến lộ Hải Dương - Quảng Ninh). Đây chính là tiền đề để biến Nam Sách thành một trung tâm khu vực, điểm liên kết với các Tỉnh như Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh. Nhờ điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng, giao thông mà Nam Sách đang dần trở thành một huyện có lợi thế thu hút vốn đầu tư lớn nhất so với các huyện trong toàn Tỉnh. Ở đây có dự án đường cao tốc Nội Bài – Bắc Ninh – Hạ Long đi qua hiện đang được đầu tư. Du lịch Toàn huyện có nhiều di tích lịch sử đền, chùa, miếu, trong đó có 12 di tích được Nhà nước xếp hạng, mặt khác Nam Sách là một miền quê trù phú về phát triển cây vụ đông xuân, phát triển các làng nghề, phải kể đến 2 làng nghề là sấy rau quả ở Mạn Thạch Đê (xã Nam Trung) và làm hương (xã Quốc Tuấn). Đó là những tiềm năng để huyện có thể phát triển du lịch, văn hoá, thu hút khách tham quan, tìm hiểu lịch sử văn hoá dân tộc. Khu di tích lịch sử Chùa Trăm Gian mới được nhà nước cấp kinh phí tu bổ tôn tạo với mức kinh phí lên tới 13 tỷ đồng, vào năm 2009 toàn bộ khu di tích đã được sửa xong toàn bộ. Hiện khu di tích có đủ toàn bộ 100 gian như lúc đầu mới xây dựng. Danh nhân Phạm Chiêm (Phạm Lệnh Công) người đã cưu mang con trai Ngô Quyền (ông Tổ trung hưng nước Việt), có công xây dựng nhà Hậu Ngô Vương. Phạm Cự Lạng, cháu của Phạm Chiêm, người suy tôn Thập đạo tướng quân Lê Hoàn lên ngôi cửu ngũ. Mạc Đăng Dung, người mở đầu triều đại nhà Mạc. Ngô Hoán, một thành viên trong hội thơ Tao Đàn của Lê Thánh Tông. Pháp Loa-Ông tổ thứ 2 dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử Trong thời kỳ phong kiến Hải Dương có 12 vị đỗ đại khoa (Thủ khoa Đại Việt hay Trạng nguyên) thì riêng huyện Nam Sách có 6 vị là: Thủ khoa Minh kinh bác học Mạc Hiển Tích (1086), người Long Động, Nam Tân; Trạng nguyên Trần Quốc Lặc (1256) người Uông Hạ, Minh Tân; Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi (1304) người Long Động, Nam Tân; Trạng nguyên Trần Sùng Dĩnh (1487) người Đồng Khê, An Lâm; Trạng nguyên Vũ Dương (1493) người Mạn Nhuế, Thanh Lâm (nay thuộc thị trấn Nam Sách). Thám hoa Đặng Thì Thố (1559) người làng Thạc, An Châu (nay thuộc thành phố Hải Dương); Cụ tổ của Tổng đốc Hoàng Diệu người họ Mạc quê ở Nam Sách, di cư vào Quảng Nam sau một trận lụt lớn, đến Hoàng Diệu là đời thứ 7. Trong lịch sử hiện đại, người Nam Sách cũng có những đóng góp to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nam Sách có nhiều người được nhà nước Việt Nam tuyên dương là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân như: Vũ Ngọc Diệu, Đỗ Chu Bỉ, Nguyễn Nhật Chiêu, Đặng Đức Song, Mạc Thị Bưởi, Nguyễn Trung Goòng, Nguyễn Đức Sáu, Nguyễn Đăng Lành. Năm 1978, huyện Nam Sách được tuyên dương là anh hùng lực lượng vũ trang. Truyền thống Nam Sách đã từng là đại bản doanh của nhiều triều đại: Hai bà Trưng, nhà Tiền Lý, nhà Ngô, nhà Trần. Đây cũng là vùng đất của gốm Chu Đậu, chùa An Ninh (Chùa Trăm Gian xứ Đông) Tại Nam Sách còn là nơi mai táng ông nội cụ Vũ Hồn là cụ Vũ Tiên Oanh (tại Đống Dờm, thị trấn Nam Sách), thủy tổ của một dòng họ Vũ/Võ của Việt Nam và Thành hoàng của làng Mộ Trạch giàu truyền thống khoa bảng. Nơi đây còn là quê hương nhà thơ Trần Đăng Khoa, "vua chèo" Trần Đình Ngôn. Những sự kiện về Hồ Chí Minh với huyện Nam Sách Báo Nhân dân số ra ngày ngày 21 tháng 4 năm 1955, đăng bài thơ của Hồ Chí Minh lấy bút danh C.B với tiêu đề "Nữ anh hùng Mạc Thị Bưởi"(Nữ anh hùng lực lượng vũ trang trong kháng chiến chống thực dân Pháp - quê ở xã Nam Tân, huyện Nam Sách). Ngày 31 tháng 5 năm 1957 trên đường đi thăm Hải Phòng về Hà Nội, Hồ Chí Minh đã thăm xã Ái Quốc, nơi có phong trào nông dân sản xuất tốt. Ngày 14 tháng 12 năm 1964 Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 54-LTC tặng Huân chương Lao động hạng III cho cán bộ và nhân dân huyện Nam Sách đã có thành tích xuất sắc trong việc chấp hành chính sách lương thực của nhà nước. Ngày 15 tháng 2 năm 1965 Hồ Chí Minh về thăm xã Nam Chính, nơi có phong trào vệ sinh khá (3 công trình vệ sinh: nhà tắm, giếng khơi, hố xí hai ngăn). Hiện nay, tại Nam Chính đã xây dựng xong khu tưởng niệm Bác Hồ. Năm 2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã về đây phát động Phong trào Vệ sinh yêu nước. Làng nghề Tuy có ít các khu hay cụm công nghiệp nhưng Nam Sách là địa phương có nhiều làng nghề, nghề phụ. Các ngành nghề thủ công, nghề phụ đã đưa Nam Sách trở thành huyện khá của tỉnh Hải Dương. Các làng nghề, nghề phụ: Làng nghề làm hương Đông Thôn (Quốc Tuấn) Làng nghề làm hương An Xá (Quốc Tuấn) Nghề mộc, gỗ ở Ngô Đồng (Nam Hưng) Bún bánh Lang Khê (An Lâm) Sấy nông sản, hành tỏi Mạn Đê (Nam Trung) Nghề làm hương thôn Hoàng Xá (Nam Chính) Gốm Chu Đậu (nét đẹp xưa), xã Thái Tân Làng nghề làm hương Trực Trì (Quốc Tuấn) Vật liệu bãi Lấu Khê (Hiệp Cát) Trồng hoa Phù Liễn (Hồng Phong) Làng nghề làm hương Tống Xá (Thanh Quang) Gom cầy chó, nhận giết mổ An Xá (Quốc Tuấn) Nuôi trồng thủy sản, cá lồng Nam Tân Làng có nghề làm hương Tống Phố, Hà Liễu, Lương Gián...
Bổ đề Borel-Cantelli được phát biểu vào nửa đầu thế kỉ 20, được mang tên nhà toán học Pháp Emile Borel và nhà toán học Ý Francesco Palo Cantelli. Bổ đề này thường được dùng trong lý thuyết xác suất. Nó còn được gọi là tiêu chuẩn Borel cho luật không-một. Lý thuyết này đề cập tới dãy các biến cố. Trong một tương đối tổng quát hơn, nó cũng là một kết quả trong lý thuyết độ đo (measure theory). Phát biểu Cho (En) là một dãy các biến cố trong không gian xác suất, bổ đề Borel-Cantelli cho rằng: Nếu tổng các xác suất của En là hữu hạn thì xác suất để chúng xảy ra vô hạn là bằng không, nghĩa là Ở đây, limsup là ký hiệu của giới hạn trên. Lưu ý rằng không cần có giả thiết về sự độc lập (của các biến cố). Pr(X) là xác suất của biến cố X. Thí dụ Giả sử (Xn) là dãy các biến ngẫu nhiên, với Pr(Xn = 0) = 1/n2 cho mọi n. Thế thì tổng của Pr(Xn = 0) là hữu hạn (thật ra nó là π2/6 - xem Hàm Riemann zeta), thì bổ đề Borel-Cantelli kết luận rằng xác suất để Xn = 0 xảy ra một số nhiều vô hạn các n là bằng 0.
Tiếng Séc (čeština) là một trong những ngôn ngữ thuộc nhánh phía Tây của các ngôn ngữ Slav - cùng với tiếng Slovak, Ba Lan, Pomeran (đã bị mai một) và Serb Lugic. Tiếng Séc được nói bởi hầu hết người Séc sống tại Cộng hòa Séc và trên toàn thế giới (tất cả trên khoảng 12 triệu người). Tiếng Séc rất gần gũi với tiếng Slovak và, với một mức độ thấp hơn, với tiếng Ba Lan. Phần lớn những người Séc và Slovak có thể hiểu được nhau không mấy khó khăn bởi hai nước đã sống cùng nhau như Tiệp Khắc từ năm 1918 cho đến Cách mạng Nhung. Ngữ pháp Tiếng Séc có 7 cách và 3 thời (thời hiện tại, quá khứ và tương lai). Có số ít và số nhiều (ví dụ: zub/zuby, město/města). Danh từ (podstatné jméno), tính từ (přídavné jméno), đại từ (zájmeno) và số (číslovka) được chia theo 7 cách (xem dưới: 7 cách). Động từ được chia theo ngôi: số ít: já, ty, on, ona, ono (tôi, bạn, anh ấy, chị ấy, nó) số nhiều: my, vy, oni, ony, ona (chúng tôi, các bạn, chúng) Phó từ (příslovce), giới từ (předložka), liên từ (spojka), tiểu từ (částice) và thán từ (citoslovce) không đổi đuôi. 7 cách 1. Kdo ? Co? nominativ 2. (bez) Koho ? Čeho? genitiv 3. (ke) Komu ? (k) Čemu? dativ 4. (vidím) Koho ? Co? akuzativ 5. (oslovujeme, voláme) vokativ 6. O kom ? O čem? lokál 7. S kým ? S čím? instrumentál Chữ Tiếng Séc dùng ký tự Latinh cộng với các chữ có dấu sau: Tiếng Séc cũng có một chữ ghép: ch. Chữ ě và ů không bao giờ nằm ở đầu từ, vì chữ ě làm mềm (iotation) chữ cái đứng trước nó và chữ ů dùng để kéo dài chữ u khi đọc (đọc là [u:]). Nếu viết đầu từ, chữ ů được viết như ú (Những ngoại lệ - chữ ú cũng có thể nằm giữa từ: ví dụ - neúplný, zúčastnit se, vv. Trong những trường hợp này chữ ú thường nằm sau tiền tố - úplný x neúplný, účastnit se x zúčastnit se, vv.) Người Việt Nam nổi tiếng giỏi tiếng Séc Nguyễn Xuân Chuẩn (1942-2007), Tiến sĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, đồng tác giả của Từ điển Việt - Tiệp . Chú thích
Quần đảo Sandwich là tên gọi cũ của quần đảo Hawaii do thuyền trưởng James Cook đặt sau khi phát hiện ra quần đảo này vào ngày 18 tháng 1 năm 1778. Tên gọi này là để thể hiện lòng tôn trọng của ông đối với một trong những nhà tài trợ cho chuyến đi là John Montagu, bá tước đời thứ tư Sandwich, đồng thời khi đó đảm nhận chức vụ "First Lord of the Admiralty" (tương đương với chức danh Bộ trưởng bộ Hải quân thời kỳ đó) và là chỉ huy của Cook. Vào cuối thế kỷ 19, tên gọi này không còn được sử dụng nữa. Không nên nhầm lẫn quần đảo Sandwich với quần đảo Nam Sandwich, một lãnh thổ phụ thuộc của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland ở nam Đại Tây Dương và không có người sinh sống.
Charles Robert Darwin (; phiên âm tiếng Việt: Đác-uyn; sinh ngày 12 tháng 2 năm 1809 – mất ngày 19 tháng 4 năm 1882) là một nhà tự nhiên học, địa chất học và sinh học người Anh, nổi tiếng với những đóng góp lớn lao cho ngành sinh học tiến hoá. Ý tưởng cho rằng mọi loài sinh vật đều có nguồn gốc từ một tổ tiên chung của ông hiện được chấp nhận rộng rãi và được coi là một khái niệm khoa học cơ bản. Trong ấn phẩm cộng tác với học giả Alfred Russel Wallace, ông giới thiệu khái niệm chọn lọc tự nhiên của mình nhằm giải thích mô hình tiến hóa phân nhánh, cho rằng những cuộc đấu tranh sinh tồn trong tự nhiên tạo ra kết quả tương tự như quá trình chọn giống nhân tạo. Darwin được nhận định là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất trong lịch sử nhân loại, và sau khi qua đời, ông được vinh danh chôn cất tại nghĩa trang Tu viện Westminster. Darwin công bố thuyết tiến hóa của mình với nhiều bằng chứng thuyết phục trong tác phẩm Nguồn gốc các loài (On the Origin of Species) vào năm 1859. Kể từ những năm 1870, cộng đồng khoa học và phần lớn công chúng có học thức đã chấp nhận tiến hóa là sự thật. Song bấy giờ vẫn có nhiều lời giải thích cạnh tranh cho rằng chọn lọc tự nhiên chỉ đóng một vai trò rất nhỏ trong quá trình tiến hóa, và phải tới tận khi thuyết tiến hóa tổng hợp hiện đại ra đời giữa những năm 1930 đến những năm 1950, giới khoa học mới chấp thuận chọn lọc tự nhiên là cơ chế cơ bản của quá trình tiến hóa. Khám phá khoa học của Darwin được mệnh danh là chất keo thống nhất các ngành khoa học sự sống, đưa ra lời giải thích xác đáng cho sự đa dạng sinh học hiện hữu trên thế giới. Sự quan tâm của Darwin đến tự nhiên đã khiến ông bỏ bê việc học tập y khoa tại Đại học Edinburgh, dành thời gian trên lớp đi tìm hiểu những loài động vật biển có xương sống. Quãng thời gian nghiên cứu tại Đại học Cambridge (Christ's College) sau đó càng thúc đẩy niềm đam mê khoa học tự nhiên của Darwin. Những quan sát và giả thuyết của ông trong chuyến hải hành kéo dài 5 năm trên con tàu HMS Beagle đã giúp củng cố quan niệm của Charles Lyell về sự thay đổi địa chất đồng nhất, và việc xuất bản cuốn nhật ký đã khiến danh tiếng Darwin nổi như cồn. Băn khoăn trước sự phân bố địa lý của các loài động vật hoang dã và hóa thạch mà ông thu thập được trong chuyến đi, Darwin bắt đầu điều tra chi tiết về hiện tượng này và đúc kết lý thuyết chọn lọc tự nhiên vào năm 1838. Mặc dù ông đã thảo luận ý tưởng của mình với một số nhà tự nhiên học, ông vẫn cần thêm thời gian để nghiên cứu tỉ mỉ do công tác khảo sát địa chất của ông phải được ưu tiên. Darwin đang chắp bút hoàn thiện lý thuyết của mình vào năm 1858 thì hay tin Alfred Russel Wallace cũng đang viết một bài luận có ý tưởng tương tự, điều này khiến hai ông quyết định bắt tay đồng xuất bản toàn bộ lý thuyết. Công trình của Darwin xác lập rằng sự thế truyền tiến hóa kèm với sự biến đổi (modification) chính là lời giải thích cho sự đa dạng hóa trong tự nhiên. Năm 1871, ông xuất bản tác phẩm The Descent of Man, and Selection in Relation to Sex bàn luận về quá trình tiến hóa loài người và chọn lọc giới tính, rồi tiếp nối với cuốn The Expression of the Emotions in Man and Animals (1872). Nghiên cứu của ông về thực vật đã được xuất bản trong một loạt sách, với cuốn cuối cùng có tiêu đề The Formation of Vegetable Mould, through the Actions of Worms (1881), trong đó ông xem xét về loài giun đất và ảnh hưởng của chúng đối với môi trường thổ nhưỡng. Tiểu sử Tuổi thơ và giáo dục Charles Robert Darwin chào đời ngày 12 tháng 2 năm 1809 tại Shrewbury, Shropshire, Anh quốc. Darwin là con kế út trong gia đình khá giả có sáu người con. Ông nội của Darwin là một nhà bác học có những nghiên cứu rất sâu về động vật, thực vật, khoáng chất và đồng thời còn là nhà phát minh, nhà triết học, nhà thơ và bác sĩ, còn ông ngoại ông là một họa sĩ nổi tiếng với phong cách vẽ màu trên đồ gốm hết sức nổi tiếng và độc đáo. Cha ông là bác sĩ kiêm nhà tài chính tên Robert Darwin và mẹ ông tên là Susannah Wedgwood. Cả hai bên nội ngoại nhà ông đều là những người theo nhất vị luận, song họ Wedgwoods lúc đó cũng đang tiếp thu các giáo lý của Anh giáo. Robert Darwin là một người cha có tư tưởng phóng khoáng, ông cho con trai Charles được rửa tội vào tháng 11 năm 1809 tại Nhà thờ Thánh Chad, Shrewsbury, nhưng Charles và anh em ông lại được phép cùng mẹ tới nguyện đường chúa nhất vị. Cậu bé Charles 8 tuổi đã có sẵn khiếu cảm thụ tự nhiên và khiếu sưu tầm. Tháng 7 năm 1817, mẹ ông không may qua đời vì bệnh dạ dày. Từ tháng 9 năm 1818, ông cùng anh trai Erasmus học nội trú tại trường Anh giáo Shrewsbury. Mùa hè năm 1825, Darwin trở thành bác sĩ tập sự dưới trướng cha ông, giúp đỡ và chữa trị cho những bệnh nhân nghèo ở Shropshire. Vào tháng 10 cùng năm, ông và anh trai Erasmus nhập học Trường ĐH Y khoa Edingburgh, bấy giờ là ngôi trường y khoa hàng đầu tại Anh quốc. Ông bỏ bê việc học hành vì không hứng thú với những bài giảng trên lớp và mệt mỏi với bộ môn phẫu thuật. Ông học kỹ thuật nhồi xác động vật từ một nô lệ da đen được trả tự do tên là John Edmonstone, người đã từng đồng hành với Charles Waterton đi khám phá rừng mưa Nam Mỹ. Lên năm hai đại học, Darwin tham gia một diễn đàn của các sinh viên yêu thích lịch sử tự nhiên có tên là Hội Plinian. Những thành viên có quan điểm dân chủ cấp tiến và theo trường phái duy vật trong nhóm này thường thách thức và tranh luận với các sinh viên có quan điểm tôn giáo về khoa học. Darwin hỗ trợ Robert Edmond Grant với các nghiên cứu giải phẫu và vòng đời của động vật không xương sống thủy sinh ở Firth of Forth. Vào ngày 27 tháng 3 năm 1827 tại hội Plinian, ông công bố phát hiện bào tử đen tìm thấy trong vỏ hàu thực chất là trứng của một con đỉa bám cá đuối. Grant có lần tán tụng học thuyết của Jean-Baptiste Lamarck, những ý tưởng mà Darwin cũng đã có dịp đọc qua trên các tạp chí của ông nội mình Erasmus, điều đó khiến ông rất đỗi ngạc nhiên trước sự táo bạo của Grant. Darwin chán nản khóa học lịch sử tự nhiên của Robert Jameson, bao gồm tranh cãi giữa học thuyết Neptune và Pluton. Ông học cách phân loại thực vật, và hỗ trợ công tác sưu tập của Bảo tàng Đại học (nay là bảo tàng Quốc gia Scotland), một trong những bảo tàng lớn nhất ở châu Âu vào thời điểm đó. Cha ông khi hay tin con trai mình bỏ bê việc học thì tức tối lắm. Ông bắt Darwin chuyển tới Christ’s College, Cambridge học lấy bằng cử nhân nghệ thuật (Bachelor of Arts) với ý định cho con trai mình theo nghề mục xứ Anh giáo. Do Darwin không đỗ kì thi Tripos đầu vào, ông đành phải nhập học hệ thường vào tháng 1 năm 1828. Tuy vậy, Darwin vẫn chẳng chú tâm học hành mà ham mê cưỡi ngựa và bắn súng. Người anh họ thứ hai của Darwin là William Darwin Fox lúc bấy giờ cũng đang học tập tại Christ's College. Fox khoe bộ sưu tập bướm của mình cho Darwin xem, đây cũng là lần đầu tiên ông được tiếp xúc với ngành côn trùng học, và đây cũng chính là nguồn gốc thú sưu tập bọ cánh cứng của Darwin. Một số phát hiện của ông còn được công bố trong cuốn Illustrations of British entomology (1829–32) của James Francis Stephens. Thông qua Fox, Darwin trở thành môn đồ của giáo sư thực vật học John Stevens Henslow. Ông cũng được vinh dự gặp mặt các nhà tự nhiên học đầu ngành, những người coi khoa học là thần học tự nhiên tôn giáo, và ông còn được họ đặt biệt danh hóm hỉnh là "người dạo bước cùng Henslow". Khi kỳ thi gần tới, Darwin rất chăm chú ôn luyện và rất hứng khởi bởi ngôn từ và lối logic trong cuốn Evidences of Christianity (1795) của William Paley. Vào kỳ kiểm tra cuối cùng tháng 1 năm 1831, Darwin đã hoàn thành rất xuất sắc, đứng thứ 10 trong số 178 sĩ tử. Darwin phải ở lại Cambridge cho đến tháng 6 năm 1831. Trong thời gian đó, ông nghiên cứu tác phẩm Natural Theology or Evidences of the Existence and Attributes of the Deity của Paley (xuất bản lần đầu vào năm 1802), lập luận cho sự tồn tại của thiết kế thần thánh trong tự nhiên, cho rằng sự thích nghi chính là hành động của Chúa được thể hiện thông qua quy luật tự nhiên. Ông cũng đọc cuốn sách mới của John Herschel mang tên Preliminary Discourse on the Study of Natural Philosophy (1831), cho rằng mục đích tối thượng của triết học tự nhiên là thấu hiểu các quy luật thông qua suy luận quy nạp dựa trên quan sát, và cuốn Personal Narrative của Alexander von Humboldt, mô tả các chuyến du hành khoa học của ông giữa những năm 1799–1804. Được thôi thúc bởi "nhiệt huyết cháy bỏng" để cống hiến cho khoa học, Darwin lên kế hoạch du lãm Tenerife cùng với một số người bạn sau khi tốt nghiệp để nghiên cứu lịch sử tự nhiên vùng nhiệt đới. Ông dự khóa học địa chất của Adam Sedgwick, rồi được đi điền dã trong vòng hai tuần lập bản đồ địa tầng xứ Wales bắt đầu từ ngày 4 tháng 8. Đoàn khảo sát trên con tàu Beagle Sau khi từ biệt Sedgwick tại Wales, Darwin sum họp với bạn bè vài ngày tại Barmouth, rồi về nhà vào ngày 29 tháng 8 để nhận bức thư ngỏ của Henslow, mời ông đảm nhận vị trí nhà tự nhiên học trù bị trên con tàu HMS Beagle dưới quyền thuyền trưởng Robert FitzRoy, nhấn mạnh rằng chức vụ này chỉ dành cho một quý ông thực thụ chứ không dành cho "một tên sưu tập quèn". Bốn tuần nữa con thuyền sẽ ra khơi kèm theo sứ mệnh lập bản đồ đường bờ biển Nam Mỹ. Robert Darwin phản đối kế hoạch thám hiểm 2 năm của Darwin vì cho rằng nó chỉ tổ phí thời gian, nhưng ông bị thuyết phục bởi người anh vợ Josiah Wedgwood II nên sau đổi ý và chu cấp tiền nong cho con trai để tham gia đoàn thám hiểm. Sau nhiều đình hoãn, cuộc du hành chính thức bắt đầu vào ngày 27 tháng 12 năm 1831; chuyến đi mà rốt cuộc mất tận 5 năm ròng. Đúng theo chỉ đạo của FitzRoy, Darwin dành hầu hết thời gian ở trên cạn để xem xét địa chất và gây dựng bộ sưu tập lịch sử tự nhiên, trong khi đó, thủy thủ đoàn của tàu HMS Beagle đi khảo sát và vẽ bản đồ đường bờ biển. Ông ghi chép tỉ mỉ những quan sát và giả thuyết nảy ra trong cuộc thám hiểm. Ông tranh thủ thời gian tại các trạm dừng thuyền để gửi các mẫu vật về Cambridge, cùng thư từ và bản sao cuốn nhật ký cho gia đình ông đọc. Darwin đã có ít chuyên môn về địa chất, sưu tập bọ cánh cứng và giải phẫu sinh vật biển từ trước, song các lĩnh vực khác còn quá đỗi mới mẻ nên ông thường xuyên gửi mẫu vật về để chuyên gia thẩm định. Mặc dù bị say sóng, Darwin rất chịu khó ghi chép trên tàu. Hầu hết các ghi chú động vật học của ông đều bàn về động vật không xương sống ngoài biển, bao gồm đám plankton do ông bắt được bằng một cái lưới tự chế. Tại chặng nghỉ St Jago thuộc Cabo Verde, Darwin phát hiện một dải tầng màu trắng chứa vỏ sò trên vách núi. Thuyền trưởng FitzRoy trước đó đã đưa ông đọc tập một cuốn Principles of Geology (Các nguyên lý của địa chất) của Charles Lyell, trong đó có giới thiệu luận thuyết đồng nhất cho rằng địa hình trồi lên và chìm xuống sau một khoảng thời gian rất dài. Chính vì vậy, tư tưởng của Charles Lyell đã ảnh hưởng rất lớn tới Darwin, góp phần hình thành quan niệm về địa chất của ông. Khi dừng chân tại Brazil, Darwin bị hớp hồn trước quang cảnh rừng cây nhiệt đới, song lại hết sức ghê tởm tình cảnh nô dịch tại đây, khiến ông phải phàn nàn với Fitzroy. Đoàn khảo sát tiếp tục hướng tới Patagonia. Tại chặng Bahía Blanca, Darwin phát hiện nhiều mảnh xương hóa thạch của những loài hữu nhũ khổng lồ kèm với vỏ sò hiện đại trên vách đá gần Punta Alta, chứng tỏ một cuộc tuyệt chủng mới xảy ra gần đây mà không để lại một dấu vết biến đổi khí hậu hoặc thiên tai nào. Ông nhận dạng hóa thạch này thuộc về chi Megatherium nhờ hình thù của răng và hàm, rồi đoán rằng hóa thạch vảy xương giống giáp armadillo mà ông tìm được trước đó cũng chính thuộc về con vật này dựa trên miêu tả của Georges Cuvier. Số hóa thạch này được chuyển về Anh và nhận được sự quan tâm rất lớn của giới khoa học. Darwin ngao du cùng các cao bồi gaucho vào sâu trong đất liền để khảo sát địa chất và thu thập thêm hóa thạch. Qua đó, ông đã học thêm nhiều điều về tình hình xã hội, chính trị và nhân chủng của Nam Mỹ vào kỷ nguyên cách mạng của lục địa này. Trên hết, ông đã phát hiện được một dữ kiện sinh học khá thú vị: lãnh thổ của hai loài đà điểu Nam Mỹ tại đây có phần trùng lặp nhau. Về phía nam, ông quan sát hấy nhiều tầng đất chứa đá cuội và vỏ sò do địa hình bãi trồi phát lộ. Ông đọc tiếp tập hai cuốn sách của Lyell và tiếp thu quan niệm "trung tâm sáng tạo" các loài, song những khám phá kế tiếp của Darwin đã thách thức học thuyết của Lyell về tính liên tục mượt và sự tuyệt chủng của các loài. Ba người Fuegia đồng hành cùng đoàn (họ bị bắt đưa về Anh học tập cải tạo sau cuộc thám hiểm trước) trở về quê nhà để thực hiện sứ mệnh truyền giáo cho đồng bào bản xứ. Darwin nhận xét ba người họ đều rất thân thiện và văn minh. Nhưng khi tới Tierra del Fuego, ông miêu tả thổ dân vùng này "khốn khổ, thấp kém", thể hiện sự khác biệt như giữa thú thuần hóa và thú hoang dã. Tuy vậy, ông vẫn kiên định rằng tất cả nhân loại có cùng một tổ tiên duy nhất và tất cả chủng tộc đều có tiềm năng tiến lên văn minh. Không như những nhà khoa học đồng nghiệp, giờ đây ông cho rằng luôn tồn tại một cây cầu bắc qua khoảng vực thẳm chia cách phần người và phần vật. Một năm trôi qua, ba người Fuegia ấy chẳng còn mặn mà với thứ sứ mệnh do người da trắng cử họ đi làm nữa. Người đàn ông Fuegia với cái tên Anh ngữ là Jemmy Button trở về lối sống cũ, cưới một người vợ bản xứ và không hề muốn quay lại Anh. Tại Chile, Darwin đã chứng kiến trận động đất vào năm 1835 và phát hiện bằng chứng mặt đất đã trồi lên một ít, bao gồm những dải vẹm mắc cạn vượt mức thủy triều tột đỉnh. Ông đã trông thấy những vỏ sò trên dãy Andes, cùng nhiều cây hóa thạch đứng trơ trụi ở một bãi cát ven biển. Ông suy luận rằng khi mặt đất trồi lên, các hòn đảo sẽ chìm xuống, và khiến các rạn san hô xung quanh đảo kết lại thành đảo san hô vòng. Tại Quần đảo Galapagos mới hình thành, Darwin tìm kiếm bằng chứng để làm sáng tỏ quan điểm "trung tâm sáng tạo" của Lyell . Ông phát hiện ra các loài chim nhại có hình dạng giống các loài chim sống trên đất liền ở Chile, nhưng chúng lại có sự biến tướng ở từng đảo. Ông nghe nói rằng người dân vùng này chỉ cần căn cứ vào hình dáng mai rùa để biết chắc hòn đảo nơi con rùa đó phát tích, nhưng đáng tiếc thay ông không thu thập bất kỳ mẫu mai rùa nào. Đổ bộ tại Úc, ông bình rằng những con chuột túi và thú mỏ vịt tại đây có hình thù hết sức kỳ quái, cứ như thể hai đấng sáng thế khác nhau đã tạo ra chúng. Ông nhận xét thổ dân Úc rất "vui tính và hòa nhã", và ông cũng thông cảm trước sự suy giảm dân số của họ do tác động của di dân châu Âu. FitzRoy đã nghiên cứu sự hình thành đảo san hô tại Quần đảo Cocos (Keeling), và các kết quả đo đạc có vẻ ủng hộ giả thuyết của Darwin. FitzRoy chắp bút viết cuốn Narrative of the Beagle, chép về toàn bộ cuộc hành trình của đoàn, và sau khi tham khảo nhật trình của Darwin, ông đã đề xuất gộp hai bản lại làm một. Phần nhật ký của Darwin sau cùng được viết lại thành tập 3 riêng, ghi chép về địa chất và lịch sử tự nhiên. Tại Cape Town ở Nam Phi, Darwin và FitzRoy gặp mặt John Herschel, người gần đây đã viết thư cho Lyell ca ngợi thuyết đồng nhất luận của ông ta vì đã khơi mào cho các suy đoán táo bạo về "bí ẩn của những bí ẩn, sự thay thế các loài đã tuyệt chủng bởi những loài khác" như là "một thứ tự nhiên chống lại quá trình thần kỳ". Trên quãng đường hồi Anh, Darwin sắp xếp lại các ghi chép của mình và viết rằng, nếu những nghi ngờ ngày càng lớn của ông về chim nhại, rùa cạn và cáo Falkland là đúng, thì "những sự thật như vậy làm suy yếu sự ổn định của Các Loài" (nguyên văn: "such facts undermine the stability of Species"), rồi sau lại thận trọng hiệu đính thêm từ "would" trước "undermine”. Ông kể thêm rằng những sự thật như vậy "đối với tôi dường như đã làm sáng tỏ chút nào nguồn gốc của các loài". Những đoạn trích từ các bức thư gửi Henslow của Darwin đã được đọc trước các hội khoa học (Darwin lúc đó không được thông báo về điều này), rồi được in thành tập sách nhỏ để phát riêng cho các thành viên của Hiệp hội Triết học Cambridge, và được đăng lên các tạp chí học thuật, bao gồm tờ The Athenaeum. Darwin lần đầu hay tin này ở Cape Town, và tại Đảo Ascension, ông đọc được dòng nhận xét của Sedgwick về mình như sau: "[Darwin] sẽ trở thành một tên tuổi vĩ đại trong số các nhà Tự nhiên học của Châu Âu". Học thuyết tiến hóa Darwin ra đời Vào ngày 2 tháng 10 năm 1836, con tàu Beagle cập bến Falmouth, Cornwall. Darwin nhanh chóng bắt chuyến xe khách tới Shrewsbury để thăm gia đình. Sau đó, ông vội vã đến Cambridge để gặp Henslow, và được khuyên tìm tới các nhà tự nhiên học rảnh rỗi để giúp đỡ lập danh mục bộ sưu tập động vật và các mẫu thực vật. Cha của Darwin thu xếp các khoản đầu tư, tạo điều kiện cho con trai ông trở thành một nhà khoa học độc lập về mặt tài chính. Darwin lúc đó rất hào hứng tới lui các viện nghiên cứu ở London để tìm kiếm các chuyên gia có khả năng mô tả bộ sưu tập. Các nhà động vật học Anh quốc lúc bấy giờ rất bận rộn bởi Đế quốc Anh khuyến khích sự sưu tầm lịch sử tự nhiên, và nhiều mẫu vật có nhiều nguy cơ nằm phủ bụi trong các kho chứa. Charles Lyell háo hức đến gặp Darwin lần đầu vào ngày 29 tháng 10 và giới thiệu với Darwin nhà giải phẫu đầy triển vọng tên là Richard Owen, công tác tại Trường Cao đẳng Giải phẫu Hoàng gia (Royal College of Surgeons), nơi có trang thiết bị cần thiết để nghiên cứu xương hóa thạch. Owen xác định được một số loài động vật tuyệt chủng khác ngoài chi Megatherium, bao gồm: một bộ xương gần hoàn chỉnh của chi Scelidotherium, và một hộp sọ Gặm nhấm có kích thước tương đương sọ hà mã thuộc chi Toxodon có hình dạng giống một con capybara khổng lồ. Mảnh giáp trước đó mà Darwin tìm thấy thuộc về chi Glyptodon, một loài armidolo tiền sử khổng lồ, giống như những suy đoán ban đầu của Darwin. Những sinh vật đã tuyệt chủng này có mối quan hệ họ hàng gần gũi với những loài hiện còn sống ở Nam Mỹ. Darwin thuê trọ tại Cambridge vào giữa tháng 12 để sắp xếp các phân loại của chuyên gia, và biên tập nghiên cứu để xuất bản. FitzRoy theo lời của William Broderip khuyên Darwin tách ghi chép của ông thành một tập riêng của bộ sách Narrative, với nhan đề Journal and Remarks (cái tên nổi tiếng hơn là The Voyage of the Beagle). Bài báo khoa học đầu tiên của Darwin nêu ra bằng chứng lục địa Nam Mỹ đang dần trồi lên, và với sự đốc thúc nhiệt thành của Lyell, Darwin đã thuyết trình bài báo trước toàn thể Hiệp hội địa chất London vào ngày 4 tháng 1 năm 1837. Cùng hôm đó, ông trưng bày các mẫu động vật hữu nhũ và điểu cầm lên Hiệp hội Động vật học. Nhà điểu cầm học John Gould phát hiện ra rằng những con chim mà Darwin lầm tưởng là tập hợp những con quạ, chim yến hồng, chim mỏ to thực chất là 12 loài sẻ khác nhau. Vào ngày 17 tháng 2, Darwin được bầu cử làm thành viên Hội Địa lý, nơi mà Lyell đang nắm chức chủ tịch. Lyell trình bày những phát hiện của Owen về hóa thạch mà Darwin sưu tầm, và nhấn mạnh rằng sự liên tục địa lý của các loài đó củng cố thuyết đồng nhất luận. Đầu tháng 3, Darwin chuyển đến London để tiện công tác, gặp mặt các nhà khoa học và chuyên gia đồng nhiệp xã giao của ông Lyell. Tiêu biểu trong số đó là Charles Babbage, người có tư tưởng coi Chúa chính là đấng kiến tạo các quy luật. Darwin ở chung với người anh phóng khoáng Erasmus, một phần của vòng xã giao Whig này và là bạn thân của Harriet Martineau, một người ủng hộ chủ nghĩa Malthus ngọn nguồn của chính sách cải cách giai cấp bần dân của Đảng Whig lúc bấy giờ, chủ trương dừng các chương trình an sinh xã hội để trấn áp nạn quá tải dân số và nghèo đói kèm theo. Martineau là người theo nhất vị luận, bà hoan nghênh tư tưởng cấp tiến trong thuyết đột biến loài, được sự ủng hộ của Grant và nhiều bác sĩ phẫu thuật trẻ chịu ảnh hưởng của Étienne Geoffroy. Thuyết biến dị bị những người Anh giáo bảo thủ bấy giờ ghét cay ghét đắng, nhưng lại được các nhà khoa học uy tín công khai thảo luận. Họ cũng bắt đầu quan tâm đến bức thư của John Herschel tán dương hướng tiếp cận của Lyell, coi nó là hướng nghiên cứu để tìm ra căn nguyên của các giống loài mới. Gould gặp Darwin và trao đổi với ông rằng những con chim nhại Galápagos ở từng hòn đảo là những loài riêng biệt chứ không phải là biến thể, và con vật mà Darwin từng tưởng là "chim tiêu liêu" (wren) thực chất cũng là một loài chim sẻ. Darwin không gán thẻ địa lý cho các mẫu vật đem về nhà, nhưng nhờ các ghi chú của những thủy thủ khác, bao gồm FitzRoy, ông mới xác định được con chim nào thuộc về hòn đảo nào. Hai biến thể đà điểu Nam Mỹ mà ông thấy cũng thực chất là hai loài riêng biệt, và vào ngày 14 tháng 3, Darwin trình bày kiểu phân bố địa lý của chúng khi đi về phía nam. Vào giữa tháng 3 năm 1837, chỉ 6 tháng sau khi trở về Anh, Darwin chép lại suy đoán của ông trong cuốn Red Notebook về khả năng "một loài hoàn toàn có thể biến đổi thành loài khác" (nguyên văn: "one species does change into another") để giải thích kiểu phân bố địa lý các giống loài hiện còn sống và đã tuyệt chủng, ví dụ như sự phân bố của những con đà điểu Nam Mỹ và sự phân bố hóa thạch của những động vật có vú kỳ lạ tuyệt chủng như Macrauchenia. Vào khoảng giữa tháng 7, ông ghi chép vào sổ tay "B" những suy nghĩ về vòng đời và sự biến đổi qua các thế hệ — cố gắng lý giải những biến thể mà ông quan sát được ở rùa Galápagos, chim nhại và đà điểu. Ông phác thảo phả hệ phân nhánh thuộc một cây tiến hóa duy nhất, và bình chú "Thật vô lý khi nói rằng sinh vật này tiến bộ hơn sinh vật khác", vì lẽ đó mà ông đã bác bỏ học thuyết Lamarck về các nhánh sinh vật độc lập tiến hóa thành thứ cao cấp hơn. Làm việc quá sức, bệnh tật, và hôn nhân Trong khoảng thời gian xây dựng học thuyết về sự biến đổi, Darwin càng bị sa lầy vào nhiều công việc hơn. Ông vẫn tiếp tục hoàn thiện cuốn Journal, rồi biên tập và xuất bản các báo cáo của chuyên gia về bộ sưu tập. Nhờ sự giúp đỡ của Henslow, ông nhận được khoản 1.000 bảng Anh từ Kho bạc để tài trợ bộ sách Zoology of the Voyage of H.M.S. Beagle, một khoản tiền tương đương 115.000 bảng Anh năm 2021. Ông dàn trải kinh phí cho các cuốn sách dự kiến của mình về địa chất, và thường hứa suông hạn ngạch với nhà xuất bản. Đầu thời kỳ Victoria ở Anh, Darwin xúc tiến viết cuốn Journal, và vào tháng 8 năm 1837 tiến hành hiệu đính bản in thử. Sức khỏe của Darwin ngày một sa sút do áp lực công việc. Vào ngày 20 tháng 9, ông có triệu chứng "tim đập nhanh khó chịu", vì vậy các bác sĩ khuyên ông nên "bỏ hết công việc" và về vùng quê thư giãn trong vài tuần. Sau khi đến thăm Shrewsbury, ông sang chơi bên quê ngoại Wedgwood tại Maer Hall, Staffordshire, nhưng lại chẳng nghỉ ngơi được tí nào do họ hàng ông rất háo hức muốn ông kể chuyện về chuyến hành trình. Người em họ duyên dáng, thông minh và có học thức của ông tên là Emma Wedgwood, hơn Darwin 9 tháng tuổi, lúc đó đang chăm sóc người dì tàn phế của ông. Chú họ ngoại của Darwin tên là Josiah Wedgwood chỉ cho ông khu vực than xỉ bị phân hủy dưới lớp đất mùn và thủ phạm gây ra chuyện này rất có thể là bọn giun đất. Sau khi nghiên cứu thổ nhưỡng tại đây, "một lý thuyết mới và quan trọng" của Darwin về vai trò của giun trong sự hình thành đất đã ra đời, và vào ngày 1 tháng 11 năm 1837 ông trình bày khám phá này tại Hiệp hội Địa chất. Cuốn Journal cùng tập đầu tiên của cuốn Narrative được in ấn và sẵn sàng xuất bản vào cuối tháng 2 năm 1838, tuy FitzRoy vẫn đang làm việc chăm chỉ để hoàn thành đoạn đã được phân công cho ông. William Whewell thúc giục Darwin đảm nhận chức Bí thư của Hiệp hội Địa chất. Ban đầu ông từ chối ý ngỏ, nhưng sau cùng chấp thuận chức vụ vào tháng 3 năm 1838. Bất chấp cả đống công việc, Darwin vẫn có những tiến triển rất khả quan về thuyết biến dị, ông tận dụng mọi cơ hội để phỏng vấn các nhà tự nhiên học chuyên nghiệp và những người có kinh nghiệm chọn giống vật nuôi như nông dân và người nuôi bồ câu. Qua thời gian, nghiên cứu của ông bao gồm cả các dữ kiện từ những người thân và trẻ con, quản gia của gia đình, hàng xóm, những người khai hoang và những bằng hữu cũ. Trước đó ông cũng đã có nhiều suy đoán về loài người, và vào ngày 28 tháng 3 năm 1838, ông nhận thấy hành vi của con đười ươi ở sở thú có phần nào giống với hành vi của trẻ em. Vào tháng 6 ông phải nằm liệt giường nhiều ngày liên tục bởi vấn đề về dạ dày, đau đầu và nhức tim. Trong suốt quãng đời còn lại, ông thường xuyên bị đau dạ dày, nôn mửa, sôi bụng dữ dội, đánh trống ngực, run rẩy và nhiều triệu chứng khác, đặc biệt trong những lúc căng thẳng, chẳng hạn như tham gia các cuộc họp hoặc thăm xã giao. Nguyên nhân căn bệnh của Darwin tới nay vẫn chưa rõ, và những nỗ lực điều trị chỉ đạt được thành công hạn chế. Vào ngày 23 tháng 6, ông nghỉ ngơi và đi "khảo sát địa chất" ở Scotland. Ông đến thăm vùng Glen Roy đúng dịp thời tiết đẹp để chiêm ngưỡng những "con đường" song song cắt vào sườn đồi tại ba cao điểm. Ông thiển ý cho rằng đây là vết tích của những bãi biển đã trồi lên từ lâu song sau đó đính chính rằng chúng là bờ đường của một hồ tiền-băng. Bình phục hoàn toàn, ông quay trở lại Shrewsbury vào tháng 7. Tại đó ông viết vội những dòng suy tư lan man về hôn nhân, sự nghiệp và triển vọng trên hai tờ giấy nháp, một tờ kẻ hai cột "Kết hôn" và "Không kết hôn". Ông liệt kê những ưu điểm của "Kết hôn" là có "người đồng hành cả đời và người bạn thân khi về già... dù sao cũng hơn một chú cún", và những nhược điểm như "ít tiền hơn để mua sách" và "mất thời gian khủng khiếp". Sau khi quyết kết hôn, Darwin bàn bạc với cha rồi đến thăm em họ Emma vào ngày 29 tháng 7. Trái với lời khuyên của cha, ông không ngỏ ý mà chỉ nói với Emma về các ý tưởng biến dị của ông. Malthus và chọn lọc tự nhiên Trong thời gian ở London, Darwin đọc ấn bản thứ 6 của tác phẩm An Essay on the Principle of Population của Thomas Malthus, và vào ngày 28 tháng 12 năm 1838 ông ghi chú tóm gọn một luận điểm trong tác phẩm đó như sau "dân số, nếu ta phớt lờ nó, thì cứ mỗi 25 năm sẽ tăng gấp đôi, hoặc tăng lên gấp bội", tức sự phát triển dân số theo cấp số nhân vượt mức lương thực hiện có sẽ dẫn đến thứ gọi là thảm họa Malthus. Darwin so sánh quan điểm này với quan điểm "cuộc chiến giữa các loài" thực vật và sự cạnh tranh sinh tồn trong hoang dã của Augustin de Candolle, nhằm lý giải sự ổn định số lượng cá thể trong tự nhiên. Bởi lẽ các loài vật luôn sinh đẻ nhiều hơn số lượng tài nguyên sẵn có, các biến thể hữu ích sẽ giúp các sinh vật có nhiều khả năng sinh tồn hơn và đảm bảo sự truyền biến thể đó cho hậu duệ, còn những biến thể vô dụng sẽ bị loại bỏ. Ông chép rằng "mục đích chung cục của tất cả những cái nêm này, chắc hẳn là nhằm chắt lọc cấu trúc phù hợp, & thích nghi nó với những thay đổi", do đó "Ta có thể nói rằng tồn tại một lực giống như hàng trăm ngàn cái nêm đang ra sức chêm mọi loại cấu trúc thích nghi vào khoảng trống của cơ cấu tự nhiên (economy of nature), hoặc nói đúng hơn là tạo ra những khoảng trống bằng cách đẩy những cái yếu hơn ra ngoài." Điều này sẽ hình thành những giống loài mới. Trong cuốn Tự thuật, Darwin có viết như sau: Đến giữa tháng 12, Darwin nhận thấy sự tương đồng giữa kỹ thuật chọn nguồn giống của nông dân và thuyết biến thể tự nhiên theo may rủi của Malthus. Ông nhận xét rằng "mọi phần của cấu trúc mới đều thực dụng và hoàn hảo", và bình rằng sự so sánh này là "một phần tuyệt đẹp trong học thuyết của tôi". Ông đặt tên nó là chọn lọc tự nhiên, giống thứ mà ông gọi là "chọn lọc nhân tạo" được áp dụng trong kỹ thuật chọn giống. Vào ngày 11 tháng 11, ông quay lại Maer để cầu hôn Emma và được bà chấp thuận. Trong những bức thư trao đổi sau đó, bà rất trân trọng sự cởi mở của Darwin về những khác biệt giữa hai người họ, bà cũng thể hiện niềm tin mãnh liệt vào nhất ngôi luận và rằng những sự hoài nghi thành thật của ông sẽ chia cách họ hậu kiếp. Trong thời gian Darwin săn nhà ở London, sức khỏe của ông tiếp tục xấu đi, khiến cho bà Emma phải viết thư dặn dò ông nên nghỉ ngơi, ghi rằng "đừng ốm thêm nữa Charley yêu dấu của em cho đến khi em có thể ở bên cạnh để chăm sóc cho anh." Ông tìm được một ngôi nhà kiểu "Túp lều Macaw" (sở dĩ có cái tên này là do nội thất lòe loẹt của chúng) nằm trên Phố Gower, sau đó chuyển "bảo tàng" của mình đến vào dịp Giáng sinh. Vào ngày 24 tháng 1 năm 1839, Darwin được bầu làm Ủy viên của Hiệp hội Hoàng gia (FRS). Vào ngày 29 tháng 1, Darwin và Emma Wedgwood kết hôn tại Maer trong một buổi lễ Anh giáo phù hợp với những người theo nhất vị, rồi ngay sau đó bắt chuyến tàu lên London và chuyển vào ngôi nhà mới mua. Sách địa chất, hà biển, nghiên cứu tiến hóa Darwin giờ đây đã nắm trong tay khuôn mẫu lý thuyết chọn lọc tự nhiên để "dựa vào mà làm", và là "sở thích hàng đầu" của ông. Nghiên cứu của ông bao gồm việc nhân giống thực nghiệm có chọn lọc các loài thực vật và động vật, tìm ra bằng chứng cho thấy các loài không cố định rồi khảo sát nhiều ý tưởng chi tiết để hoàn thiện và chứng minh lý thuyết của ông. Bộ sách Narrative thai nghén của FitzRoy được xuất bản vào tháng 5 năm 1839. Tập 3 của bộ sách mang tên Journal and Remarks viết bởi Darwin nhận được nhiều phê bình tốt, và vào ngày 15 tháng 8, nó được xuất bản riêng lẻ. Đầu năm 1842, Darwin gửi ý tưởng của mình cho Charles Lyell xem xét, nhưng đồng nghiệp của Lyell lại "phủ nhận các quan sát về sự khởi đầu của các loài". Cuốn sách The Structure and Distribution of Coral Reefs của Darwin bàn về sự hình thành đảo san hô được xuất bản vào tháng 5 năm 1842 sau hơn ba năm trời làm việc, rồi ngay sau đó ông viết "bản phác thảo bút chì" đầu tiên về lý thuyết chọn lọc tự nhiên. Để thoát khỏi áp lực của London, gia đình ông chuyển về Down House ở vùng nông thôn vào tháng 9. Vào ngày 11 tháng 1 năm 1844, Darwin trao đổi lý thuyết của mình với nhà thực vật học Joseph Dalton Hooker và nói đùa rằng "điều này cứ như thể thú nhận một vụ giết người". Hooker hồi đáp "Theo thiển kiến ​​của tôi, có lẽ từng có hàng loạt sự xuất sinh (productions) ở nhiều điểm khác nhau, và các loài trải qua một sự thay đổi dần dần. Tôi sẽ rất mừng nếu được biết ý kiến của anh về sự thay đổi đó đã diễn ra thế nào, vì hiện tại chưa có ý kiến ​​nào về chủ đề này làm tôi hài lòng." Đến tháng 7, Darwin đã mở rộng "bản phác thảo" thành "Bài luận" dài 230 trang, sẽ tiếp tục được mở rộng với kết quả nghiên cứu nếu chẳng may ông qua đời. Vào tháng 11, một cuốn sách mới được xuất bản khuyết danh với tiêu đề Vestiges of the Natural History of Creation (tác giả thực là Robert Chambers) đã thu hút sự quan tâm đông đảo tới thuyết biến dị. Darwin khinh thường các nghiên cứu địa chất và động vật học nghiệp dư trong cuốn sách, nhưng cũng cẩn thận xem xét lại các lập luận của riêng mình. Cuốn sách này song vẫn bán chạy mặc dù bị các nhà khoa học bấy giờ bác bỏ. Darwin hoàn thành cuốn sách địa chất thứ ba của mình vào năm 1846. Vào thời điểm đó niềm đam mê các loài động vật không xương sống ở biển từ thời sinh viên cùng Grant lại trỗi dậy trong ông. Ông dành thời gian mổ xẻ và phân loại đống hà biển thu thập được trong chuyến đi, mê mẩn quan sát các cấu trúc tuyệt đẹp và suy nghĩ về sự tương đồng với các cấu trúc khác. Năm 1847, Hooker đọc "Bài luận" của Darwin và gửi nhiều phản hồi cần thiết, tuy trong bụng vẫn hoài nghi về sự phản đối của Darwin đối với tạo hóa. Năm 1849, Darwin đến spa ở Malvern của bác sĩ James Gully để thư giãn và nhận thấy phương pháp thủy trị liệu rất có hiệu quả. Vào năm 1851, bé gái của ông tên là Annie bị ốm, khiến ông lo sợ căn bệnh của mình mang tính di truyền, và đứa bé không qua khỏi sau một loạt các trận ốm. Trong 8 năm nghiên cứu hà biển (Cirripedia), ông khám phá khái niệm "tương đồng" (homologies), tức là mỗi loài sẽ có cơ quan biến đổi để phù hợp hơn với môi trường, và còn phát hiện ra rằng ở một số chi, những con đực nhỏ ký sinh trên các loài lưỡng tính, cho thấy một giai đoạn trung gian trong sự tiến hóa của giới tính. Năm 1853, phát hiện đó đã giúp ông có được Huân chương Hoàng gia của Hiệp hội Hoàng gia và khẳng định ông là một nhà sinh học danh tiếng. Năm 1854, ông tham gia Hiệp hội Linnean Luân Đôn, và được phép truy cập thư viện của tổ chức. Ông bắt đầu đánh giá lại lý thuyết giống loài của mình, và vào tháng 11, ông nhận ra rằng sự khác biệt về đặc tính của các thế hệ con cháu có thể được lý giải bởi sự thích nghi với "những nơi được đa dạng hóa trong cơ cấu tự nhiên". Xuất bản thuyết chọn lọc tự nhiên Vào đầu năm 1856, Darwin kiểm nghiệm xem liệu rằng trứng và hạt có thể sống sót sau khi vượt biển để phát tán giống loài đến các đảo ngoài khơi hay không. Hooker ngày càng nghi ngờ quan điểm truyền thống cho rằng các loài là cố định, nhưng người bạn trẻ Thomas Henry Huxley của họ vẫn kiên quyết chống lại sự biến đổi các loài. Lyell khá tò mò với những phát hiện của Darwin nhưng vẫn chưa nhận ra tầm vóc của chúng. Sau khi đọc bài báo của Alfred Russel Wallace mang tựa "Về luật quy định sự ra đời của các loài mới", Lyell nhận ra nhiều điểm tương đồng với suy nghĩ của Darwin nên thúc giục ông xuất bản ngay lý thuyết để chiếm quyền ưu tiên. Dù vậy Darwin không thấy bị đe dọa, vào ngày 14 tháng 5 năm 1856 ông chắp bút viết một bài báo ngắn. Việc tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi hóc búa từng khiến ông trăn trở nhiều lần, và ông quyết định mở rộng bài báo của mình thành một "cuốn sách lớn về các loài" có tựa đề là Natural Selection, bao gồm cả "ghi chú về loài người". Ông tiếp tục nghiên cứu, thu thập thông tin và mẫu vật từ các nhà tự nhiên học đang hoạt động trên toàn thế giới bao gồm cả Wallace lúc bấy giờ đang khảo sát Borneo. Vào giữa năm 1857, ông thêm mục "Lý thuyết áp dụng cho Các chủng tộc Loài người" nhưng không viết gì thêm ở dưới. Vào ngày 5 tháng 9 năm 1857, Darwin gửi cho nhà thực vật học người Mỹ Asa Gray một bản khung chi tiết về các ý tưởng của mình, bao gồm phần tóm tắt về Chọn lọc tự nhiên, lược bỏ hai phần nguồn gốc loài người và chọn lọc giới tính. Vào tháng 12, Darwin nhận được một lá thư từ Wallace hỏi rằng liệu cuốn sách có xét về nguồn gốc loài người hay không. Ông trả lời rằng nên tránh chủ đề đó do nó bị "bao vây bởi những định kiến", đồng thời khuyến khích giả thuyết của Wallace và nói thêm rằng "Tôi đi xa hơn ông rất nhiều." Mới viết được một phần cuốn sách thì vào ngày 18 tháng 6 năm 1858, ông nhận được bài báo của Wallace viết về chọn lọc tự nhiên. Sốc vì bị "đón đầu", Darwin gửi bài báo cho Lyell theo yêu cầu của Wallace, và mặc dù Wallace chưa cần nó được xuất bản ngay, Darwin sẽ gửi nó đến bất kỳ tạp chí nào theo mong muốn của Wallace. Làng ông lúc đó đang có đợt ban đỏ bùng phát nhưng do bận bịu với công việc, ông đành nhờ một người bạn chăm lo cho gia đình mình. Sau nhiều cuộc thảo luận nhưng không tìm ra cách nào để Wallace có mặt, Lyell và Hooker quyết định cùng công bố bài báo ''On the Tendency of Species to form Varieties; and on the Perpetuation of Varieties and Species by Natural Means of Selection tại Hiệp hội Linne vào ngày 1 tháng 7. Tối ngày 28 tháng 6, con trai cưng của Darwin mất vì bệnh ban đỏ sau gần một tuần mắc bệnh nặng, nhưng ông quá quẫn trí nên không về thăm con trai. Không mấy ai quan tâm đến thông báo về học thuyết này; vào tháng 5 năm 1859 Chủ tịch Hiệp hội Linne công bố rằng không có bất kỳ một khám phá cách mạng nào trong năm đó. Bài phê bình mà Darwin nhớ nhất là từ Giáo sư Samuel Haughton, ông khẳng định rằng "tất cả những gì mới trong số đó đều sai lầm, còn những gì đúng thì đã cũ rích rồi". Darwin vật lộn 13 tháng để viết bản tóm tắt "cuốn sách lớn" của mình vì bệnh tình, nhưng nhận được sự động viên từ những bằng hữu khoa học. Lyell thu xếp cho NXB John Murray xuất bản cuốn sách. On the Origin of Species (Nguồn gốc các loài) nổi tiếng một cách bất ngờ, với toàn bộ 1.250 bản sao được đăng ký vượt mức sau khi cuốn sách được mua bởi các nhà bán vào ngày 22 tháng 11 năm 1859. Trong tác phẩm này, Darwin đã đưa ra "một lập luận dài" bao gồm các quan sát, suy luận chi tiết và các phản biện đối với những phản biện đối với tác phẩm. Ông dẫn chứng về sự tương đồng giữa con người và các động vật có vú khác để lập luận một tổ tiên chung.[III] Sau khi vạch ra sự lựa chọn giới tính, ông dụng ý rằng nó là chìa khóa để giải thích sự khác biệt giữa các chủng tộc người.[IV] Ông tránh nói về nguồn gốc của loài người, nhưng hàm ý bằng câu văn sau: "Ánh sáng sẽ soi tỏ nguồn gốc của loài người và lịch sử của họ." (nguyên văn: Light will be thrown on the origin of man and his history) Lý thuyết của ông được trình bày trong phần mở đầu: Ở cuối cuốn sách, ông có viết câu sau: Từ "evolved" (dịch giả Trần Bá Tín chuyển ngữ là "tiến triển") ở cuối là biến thể duy nhất của từ "evolve" trong 5 ấn bản đầu của tác phẩm. Từ "evolutionism" (chủ nghĩa tiến hóa) hồi đó có ý nghĩa khác ngày nay, và được sử dụng phổ biến hơn trong ngành phôi thai học bấy giờ. Darwin lần đầu tiên sử dụng từ evolution trong cuốn The Descent of Man (1871), rồi sau thêm từ này vào ấn bản thứ 6 của The Origin of Species (1872). Phản ứng của công chúng đối với tác phẩm Cuốn sách đã thu hút sự quan tâm của quốc tế, vấp phải ít lùm xùm hơn so với cuốn Vestiges of the Natural History of Creation. Tuy bệnh tình ngăn cản Darwin tham gia các cuộc tranh luận công khai, ông vẫn hăng hái xem xét tỉ mỉ các phản ứng khoa học; viết bình luận về các bài báo, bài phê bình, bài trào phúng và biếm họa từ phía dư luận; và trao đổi về cuốn sách với các đồng nghiệp trên toàn cầu. Tác phẩm không thảo luận thẳng thắn về nguồn gốc loài người, song lại ngầm chỉ rất nhiều lần về tổ tiên động vật của loài người. Bài đánh giá đầu tiên đặt câu hỏi "Nếu một con khỉ đã trở thành một con người - con người sẽ không thể trở thành thứ gì?" rồi nói rằng điều này nên để cho các nhà thần học trả lời vì nó quá nguy hiểm đối với những độc giả bình thường. Trong bài phê bình ủng hộ Darwin của mình, Huxley đã thừa dịp này để đả kích Richard Owen, lãnh đạo của trường phái học thuật mà Huxley đang cố gắng lật đổ. Vào tháng 4, Owen viết bài đánh giá chỉ trích các cộng sự của Darwin và bác bỏ trịch thượng ý kiến ​​của Darwin khiến ông rất tức giận, thay vào đó Owen và nhiều học giả khác bắt đầu truyền bá tư tưởng tiến hóa siêu nhiên. Phản ứng từ phía Giáo hội Anh khá lẫn lộn. Các giảng viên Cambridge cũ của Darwin là Sedgwick và Henslow bác bỏ tư tưởng của ông, song các giáo sĩ Cơ Đốc tự do cho rằng chọn lọc tự nhiên chính là một công cụ do Chúa thiết kế, chẳng hạn như giáo sĩ Charles Kingsley coi thuyết của Darwin "cũng cao quý hệt như khái niệm Thần linh". Năm 1860, cuốn Essays and Reviews của 7 nhà thần học Anh giáo tự do được xuất bản khiến giáo hội bấy giờ chuyển hướng chú ý sang họ. Những ý tưởng trong cuốn sách, bao gồm phép chỉ trích lịch sử, bị chính quyền nhà thờ cáo buộc là dị giáo. Một trong những tác giả là nhà toán học Baden Powell lập luận rằng phép màu phá vỡ các định luật của Chúa, vì vậy niềm tin vào chúng là vô thần, và ca ngợi "bộ sách tuyệt vời của Ngài Darwin [ủng hộ] đại nguyên tắc về sức mạnh tự-chuyển-hóa của tự nhiên". Qua các cuộc thảo luận về mục đích luận với nhà thực vật học người Mỹ Asa Gray, Darwin càng trở nên đồng tình với tư tưởng tiến hóa hữu thần. Ông tán thành ý tưởng đến nỗi tự bỏ tiền ra xuất bản bài tiểu luận của Gray với tựa Natural Selection is not inconsistent with natural theology [Chọn lọc tự nhiên chẳng hề mâu thuẫn với mục đích luận tự nhiên]. Một trong những cuộc đối đầu nổi tiếng nhất liên quan đến tiến hóa phải kể đến đó là cuộc tranh luận Oxford năm 1860, diễn ra tại phiên họp của Hiệp hội vì sự tiến bộ Khoa học Anh quốc. Trong đó, Giám mục Oxford là Samuel Wilberforce, mặc dù không phản đối sự biến đổi các loài, đã phản biện lời giải thích của Darwin và nguồn gốc từ vượn của con người. Joseph Hooker lập luận bảo vệ Darwin và Thomas Huxley đã có lời phản bác huyền thoại không thể không nhắc tới rằng ông thà là hậu duệ của một con vượn hơn là một con người dùng sai tài năng của mình, câu nói mà về sau đã trở thành biểu tượng của thắng lợi khoa học trước tôn giáo. Tuy vậy, ngay cả những người bạn thân cận của Darwin là Gray, Hooker, Huxley và Lyell vẫn có lúc bày tỏ sự dè dặt đối với học thuyết, song họ vẫn nhiệt tình ủng hộ Darwin như bao người khác, đặc biệt là những nhà tự nhiên học trẻ tuổi. Grey và Lyell tìm kiếm sự hòa giải với đức tin, trong khi Huxley đại diện cho sự phân tách giữa tôn giáo và khoa học. Huxley vận động một cách ngoan cường chống lại uy quyền của giới tăng lữ trong giáo dục, nhằm lật đổ sự thống trị của chúng và các tay nghiệp dư quý tộc dưới trướng Owen rồi thay bằng một thế hệ các nhà khoa học chuyên nghiệp mới. Tuyên bố của Owen rằng giải phẫu não đã chứng tỏ thứ bậc sinh học của con người khác vượn đã bị Huxley chứng minh là sai lầm trong một cuộc tranh cãi dai dẳng, được Kingsley gọi là "Nan đề thùy hà mã". Học thuyết Darwin đã trở thành một phong trào bao gồm nhiều ý tưởng tiến hóa. Năm 1863, cuốn Geological Evidences of the Antiquity of Man của Lyell phổ biến khái niệm tiền sử song còn quá thận trọng đối với thuyết tiến hóa, khiến cho Darwin rất thất vọng. Vài tuần sau, Huxley cho ra mắt cuốn Evidence as to Man's Place in Nature biện giải con người về mặt giải phẫu chính là vượn, rồi tiếp đến cuốn The Naturalist on the River Amazons của Henry Walter Bates được xuất bản, cung cấp những bằng chứng thực nghiệm về chọn lọc tự nhiên. Descent of Man, chọn lọc giới tính, và thực vật học Bất chấp những cơn bệnh đến rồi đi không ngớt suốt hai mươi hai năm cuối đời, Darwin vẫn kiên trì làm việc. Sau khi xuất bản cuốn Nguồn gốc các loài trong vai trò là bản tóm tắt hệ thống học thuyết của mình, Darwin tiếp tục thí nghiệm, nghiên cứu và thảo "cuốn sách lớn" mà ông đã thai nghén bấy lâu. Với dự án này, ông dự định sẽ đề cập đến nguồn gốc của con người từ các loài động vật tổ tiên, bao gồm quá trình tiến hóa của xã hội và của năng lực tâm trí, cũng như lý giải vẻ đẹp hào nhoáng của sự sống hoang dã và bàn luôn về thực vật học. Năm 1861, thắc mắc của Darwin về sự thụ phấn hoa nhờ côn trùng đã dẫn ông đến với lĩnh vực nghiên cứu lan rừng mới lạ. Qua đời và tang lễ Di sản Vào thời điểm Darwin mất, hầu hết các nhà khoa học tán thành khái niệm tiến hóa như là sự thế truyền kèm với sự biến đổi, và Darwin bấy giờ được nhận định là nhà khoa học đại tài góp phần cách mạng hóa tư tưởng đó. Vào tháng 6 năm 1909, tuy vẫn ít người chấp nhận tư tưởng "chọn lọc tự nhiên là phương tiện chính nhưng không phải duy nhất của sự biến đổi", hơn 400 quan chức cùng các nhà khoa học toàn cầu sum họp tại Cambridge để kỷ niệm bách chu niên ngày sinh của Darwin và 50 năm ngày ra mắt tuyệt tác Nguồn gốc Các loài của ông. Khoảng đầu thế kỷ 20, một giai đoạn được gọi là "Sự che khuyết học thuyết Darwin" bắt đầu. Các nhà khoa học thời kỳ đó đề xuất những cơ chế tiến hóa mới, thường phủ nhận vai trò của chọn lọc tự nhiên, song đều sai lầm. Nhà thống kê người Anh Ronald Fisher đã thành công dung hòa di truyền học của Mendel với chọn lọc tự nhiên của Darwin khoảng giữa năm 1918 và năm 1930, thời điểm cuốn The Genetical Theory of Natural Selection của ông được xuất bản. Fisher đã biểu diễn cơ sở toán học của chọn lọc tự nhiên và chấm dứt các phản bác chống đối chọn lọc tự nhiên như một cơ chế cơ bản của quá trình tiến hóa. Do vậy, ông đã đặt nền móng cho ngành di truyền học quần thể và, cùng với J.B.S. Haldane và Sewall Wright, đặt những viên gạch đầu tiên của thuyết tiến hóa tổng hợp, học thuyết mà được coi là mô hình quy chiếu cho các nghiên cứu cải thiện và tranh luận khoa học đương đại. Tưởng niệm Con cái Nhà Darwin có mười người con: hai đứa con mất khi còn nhỏ, cái chết của bé Annie khi mới 10 tuổi có ảnh hưởng rất nặng nề đến hai vợ chồng. Darwin là một người cha tận tụy và đặc biệt quan tâm đến con cái. Bất cứ khi nào chúng đổ bệnh, ông lại lo sợ rằng đó là di truyền do hôn phối cận huyết giữa ông và người em gái họ Emma Wedgwood. Ông từng đề cập đến giao phối cận huyết trong các bài viết của mình, đối chiếu nó với những lợi thế của việc lai xa ở nhiều loài. Nỗi lo của Darwin tuy vậy tỏ ra hơi quá chừng, vì hầu hết con cháu của ông sau này đều sống tốt và theo nhiều ngành nghề khác nhau. Trong số những người con của Darwin thì George Darwin, Francis Darwin và Horace Darwin được vinh dự trở thành Nghiên cứu sinh của Hiệp hội Hoàng gia, lần lượt là nhà thiên văn học, nhà thực vật học và kỹ sư dân dụng. Cả ba người họ đều được phong tước hiệp sĩ. Một người con trai khác, Leonard Darwin, trở thành một quân nhân, chính trị gia, nhà kinh tế học, nhà ưu sinh và cố vấn cho nhà thống kê và nhà sinh học tiến hóa Ronald Fisher. Quan điểm Về tôn giáo Về xã hội loài người Các phong trào xã hội theo tư tưởng tiến hóa
Dân Trí là một tờ báo điện tử trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Từ ngày 14/7/2020). Theo thống kê của Google, đến nay, mỗi tháng có bình quân Dân trí có 900 triệu lượt đọc; mỗi ngày có bình quân trên 10 triệu lượt người truy cập vào báo Dân trí tiếng Việt và tiếng Anh, trong đó 20% người truy cập từ nước ngoài (con số mới đây của Google cho biết 173 nước trên thế giới có người truy cập đọc Dân trí và DTINews). Cũng theo thống kê của Google, địa chỉ của tờ báo này xếp thứ 9 trong Top 10 từ khóa có tốc độ "tăng trưởng tìm kiếm nhanh nhất toàn cầu". Đây cũng là từ khóa mang tên Việt Nam duy nhất trong bảng xếp hạng. Dân Trí có các mục về các vấn đề kinh tế, chính trị, thể thao, văn hóa và một Quỹ Nhân ái hoạt động với mục đích làm cầu nối cho những tấm lòng hảo tâm tới những hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt là Giải thưởng Nhân tài Đất Việt đã trở thành giải thưởng uy tín mang tầm vóc quốc gia và là bệ phóng vững chắc cho các tài năng Việt. Báo điện tử Dân trí ra mắt bạn đọc vào tháng 4/2005, từng kế thừa phần giao diện và bố cục nội dung của trang tin tổng hợp Tintucvietnam.com. Năm 2009, báo điện tử Dân trí lần đầu tiên thay đổi giao diện. Người có vai trò lớn nhất trong việc gây dựng và phát triển báo điện tử Dân trí là ông Phạm Huy Hoàn, nguyên Tổng Biên tập. Từ tháng 7/2020, báo điện tử Dân trí tách khỏi Hội Khuyến học Việt Nam và chuyển sang trực thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Tòa soạn của báo tọa lạc tại số 48 đường Giảng Võ, phường Kim Mã, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Ban Lãnh đạo Tổng Biên tập: Phạm Tuấn Anh Phó Tổng Biên tập: Nguyễn Xuân Toàn Giải thưởng Trong 7 năm, Dân trí đã nhận được 9 giải thưởng báo chí lớn và nhiều giải thưởng khác: * Năm 2012: Vượt qua hơn 1000 tác phẩm, bốn loạt bài của báo Dân trí đã lọt vào vòng chung khảo giải báo chí quốc gia lần VI, trong đó loạt bài "Nỗi gian truân khi làm sổ đỏ" của tác giả Vũ Văn Tiến đoạt giải B và "Câu chuyện từ vị "sứ thần" 10 tháng tuổi" giành giải C. * Năm 2010, 4 tác giả của Dân trí được trao Giải báo chí Quốc gia. Đó là Cấn Mạnh Cường - Phương Thảo đoạt Giải B (không có giải A) loạt bài về xây dựng khách sạn tại Công viên Thống nhất. Tác giả Hồng Hạnh với tác phẩm 23 khoản thu đầu năm học và tác giả Tuấn Hợp với loạt bài về Embé đánh giày chờ chết trên hè phố đoạt giải Khuyến khích. * Năm 2009: Năm 2009, tác giả Phạm Phúc Hưng với loạt bài về đại hồng thủy Hà Nội đoạt Giải Khuyến khích và Bùi Hoàng Tám được lọt vào vòng Chung khảo Giải thưởng Báo chí quốc gia Báo chí quốc gia với loạt bài về Giáo dục. Cùng năm 2009, tác phẩm Thủ tục để làm người còn sống - Quả bom thời hậu chiến còn được trao Giải A đề tài Lực lượng vũ trang và Chiến tranh cách mạng 5 năm (2004 - 2009) * Năm 2008: tác phẩm "Thủ tục làm người còn sống - Quả bom thời hậu chiến" của tác giả Bùi Hoàng Tám lọt vào vòng Chung khảo Giải thưởng Báo chí Quốc gia. * Năm 2019: Với tác phẩm báo chí mang tên "9X Việt điển trai phát hiện 8 loài vi khuẩn mới gây ấn tượng giới khoa học", phóng viên báo điện tử Dân trí Trịnh Thị Lệ Thu đã xuất sắc đạt giải ba Giải thưởng báo chí Khoa học và Công nghệ.
Phương pháp chuyển tự Wylie là một phương pháp chuyển tự được dùng để biến các văn kiện đã được viết dưới dạng hoa văn của tiếng Tây Tạng sang dạng dùng các ký tự Latinh. Turrell Wylie là người đã hoàn thiện phương pháp này vào năm 1959, và từ đó phương pháp chuyển tự Wylie đã trở thành một chuẩn của các người nghiên cứu về văn học và ngôn ngữ Tây Tạng. Bảng chuyển tự
Một phương pháp chuyển tự tiếng Đức sang ký tự Latinh thông thường không cần thiết vì tiếng Đức cũng dùng bảng ký tự Latinh. Tuy nhiên, ngoài 26 ký tự Latinh căn bản, tiếng Đức còn dùng thêm các ký tự sau: ä, ö, ü (và các dạng viết hoa Ä, Ö, Ü) và ß. Với mã Unicode dùng bởi hầu hết máy tính hiện nay, các ký tự đặc biệt của tiếng Đức đều được gán một giá trị độc nhất và chính xác; tuy nhiên một phương pháp chuyển tự cho các ký tự đó vẫn cần thiết khi người viết không có một bàn phím đặc biệt. Ä, Ö và Ü Các ký tự ä, ö, ü, Ä, Ö và Ü thường được biết chung dưới tên Umlaut. Trong tiếng Đức, um- có nghĩa là "thay đổi" và Laut có nghĩa là "âm thanh". Khi không thể viết các Umlaut như dạng nguyên thủy của chúng, các ký tự ä, ö, ü, Ä, Ö và Ü thường được viết thành ae, oe, ue, Ae, Oe và Ue. Tuy nhiên, quy tắc trên cần được áp dụng với nhiều thận trọng, nhất là với các tên họ, ví dụ có những người có họ Müller và cũng có những người có họ Mueller. ß Ký ß có tên là Eszett hay scharfes s. Ký tự này không có dạng viết hoa vì trong tiếng Đức nó chỉ có thể xuất hiện tại cuối một từ. Khi chuyển tự, ß được viết thành ss. ſ Ký tự này thường được dùng trong cổ văn tiếng Đức, nhưng đã không còn được dùng kể từ thập niên 1940.
Gottfried Böhm (sinh ngày 23 tháng 1 năm 1920 - mất ngày 9 tháng 6 năm 2021) là một kiến trúc sư và là một nhà điêu khắc đương đại nổi tiếng của Đức nửa sau thế kỉ 20. Ông sinh ra tại Offenbach am Main, thuộc bang Hessen, trong một gia đình có truyền thống làm kiến trúc sư. Cha của ông, Dominikus Böhm, là một kiến trúc nổi tiếng đã xây dựng một số nhà thờ ở Đức. Ông nội của ông cũng là một kiến trúc sư. Böhm tốt nghiệp kiến trúc tại Đại học Kỹ thuật München (Technische Universität München, TUM) năm 1946. Sau đó ông theo học điêu khắc tại Cao đẳng nghệ thuật München (Akademie der Bildenden Künste München) gần đó. Năm 1947 Böhm làm việc cho cha mình cho đến khi ông này qua đời vào năm 1955. Sau đó Böhm nhận trách nhiệm quản lý hãng thiết kế. Trong thời gian này, ông còn cộng tác với "Hiệp hội Tái thiết" của thành phố Köln dưới quyền của Rudolph Schwarz. Năm 1951, Böhm sang Mỹ du lịch, tại đây ông đã gặp hai trong số những người đã truyền cảm hứng cho ông. Đó là hai kiến trúc sư nổi tiếng người Đức Ludwig Mies van der Rohe và Walter Gropius. Từ năm 1963 ông là giáo sư giảng dạy tại trường Đại học Kỹ thuật Aachen. Năm 1976 ông được bổ nhiệm làm thành viên Viện hàn lâm Đức về xây dựng đô thị và quy hoạch không gian tiểu bang. Trong thời gian sau đó, Böhm đã xây dựng rất nhiều công trình ở Đức, bao gồm các nhà thờ, viện bảo tàng, các trung tâm văn hóa, các nhà văn phòng, nhà ở và các căn hộ. Ông được xem như một người theo trường phái biểu hiện và cũng là một kiến trúc sư Hậu Bauhaus. Tuy nhiên, Böhm thích tự coi mình như kiến trúc sư, người làm "gạch nối" giữa quá khứ và tương lai, giữa ý tưởng và hiện thực, giữa công trình và đô thị bao quanh. Theo hướng đó, ông xem xét màu sắc, hình dáng và vật liệu của công trình trong mối quan hệ với bối cảnh xung quanh. Những công trình thời kì đầu của ông hầu hết là những khối bê tông mềm mại. Tuy nhiên đến gần đây, do sự phát triển của kĩ thuật, ông đã chuyển sang sử dụng các vật liệu hiện đại như kính, thép... trong công trình. Trong rất nhiều đồ án của mình, Böhm luôn thể hiện quan tâm đến mối quan hệ của bối cảnh đô thị, bộ lộ ý tưởng về "gạch nối" của mình. Từ năm 1967, Böhm đã nhận được rất nhiều cách giải thưởng kiến trúc lớn của Đức cũng như của thế giới. Trong số đó có giải thưởng Huy chương Vàng kiến trúc của Viện Hàn lâm Kiến trúc Pháp năm 1982, giải thưởng Fritz Schumacher cho kiến trúc ở Hamburg, và năm 1986 giải thưởng Pritzker. Đầu năm 2020 ông tròn 100 tuổi. Ông qua đời vào đêm ngày 9 tháng 6 năm 2021 tại nhà riêng ở Cologne, hưởng thọ 101 tuổi. Một số công trình thiết kế Nhà thờ ở Neviges, 1962 Ảnh Khu liên hợp tôn giáo gồm nhà thờ, thư viện và trung tâm thiếu niên, Köln, 1968 Ảnh Nhà văn phòng Zublin, Stuttgart, 1985 Ảnh Tòa thị chính ở Bensberg Tòa nhà làm việc của chính quyền thành phố, Rheinberg Cửa hàng ăn, Bad Kreuznach Trung tâm dân sự, Bergisch Gladbach Cửa hàng Peek+Cloppenburg, Berlin Ngân hàng Deutsche của Thành phố Luxembourg
Bộ Mộc lan (danh pháp khoa học: Magnoliales) là một bộ thực vật có hoa trong phân lớp Mộc lan. Các phân loại mới nhất đưa vào trong bộ này các họ sau: Họ Magnoliaceae (họ Mộc lan) Họ Myristicaceae (họ Nhục đậu khấu) Họ Degeneriaceae Họ Himantandraceae Họ Annonaceae (họ Na) Họ Eupomatiaceae Bộ Magnoliales là nhóm cơ sở, thông thường hay được đưa vào thực vật hai lá mầm nhưng dường như chúng có quan hệ họ hàng gần gũi với thực vật một lá mầm hơn là với phần lớn các bộ khác của thực vật hai lá mầm. Trong bộ này thì chi Mộc lan (Magnolia) là chi điển hình cho thực vật có hoa nói chung, vì thế một tên gọi khoa học hợp lệ của ngành thực vật có hoa là Magnoliophyta. Hệ thống APG Hệ thống APG (1998) và hệ thống APG II (2003) đặt bộ này trong nhánh magnoliids với định nghĩa như sau: Trong các hệ thống này, do APG công bố, bộ Magnoliales là nhóm cơ sở, loại ra khỏi eudicots. Các hệ thống sớm hơn Hệ thống Cronquist (1981) đặt bộ này trong phân lớp Magnoliidae của lớp Magnoliopsida (=thực vật hai lá mầm) và sử dụng định nghĩa sau: Bộ Magnoliales Họ Annonaceae Họ Degeneriaceae Họ Eupomatiaceae Họ Himantandraceae Họ Magnoliaceae Họ Myristicaceae Họ Austrobaileyaceae Họ Canellaceae Họ Lactoridaceae Họ Winteraceae Hệ thống Thorne (1992) đặt bộ này trong siêu bộ Magnolianae, phân lớp Magnoliidae (= thực vật hai lá mầm), trong lớp Magnoliopsida (= thực vật hạt kín) và sử dụng định nghĩa này (bao gồm cả thực vật đặt trong bộ Laurales và Piperales bởi các hệ thống khác): Bộ Magnoliales Họ Amborellaceae Họ Annonaceae Họ Aristolochiaceae Họ Austrobaileyaceae Họ Calycanthaceae Họ Canellaceae Họ Chloranthaceae Họ Degeneriaceae Họ Eupomatiaceae Họ Gomortegaceae Họ Hernandiaceae Họ Himantandraceae Họ Illiciaceae Họ Lactoridaceae Họ Lauraceae Họ Magnoliaceae Họ Monimiaceae Họ Myristicaceae Họ Piperaceae Họ Saururaceae Họ Schisandraceae Họ Trimeniaceae Họ Winteraceae Hệ thống Engler, trong phiên bản cập nhật năm 1964, đặt bộ này trong phân lớp Archychlamydeae trong lớp Dicotyledoneae (=thực vật hai lá mầm) và sử dụng định nghĩa này: Bộ Magnoliales Họ Amborellaceae Họ Annonaceae Họ Austrobaileyaceae Họ Calycanthaceae Họ Canellaceae Họ Cercidiphyllaceae Họ Degeneriaceae Họ Eupomatiaceae Họ Eupteleaceae Họ Gomortegaceae Họ Hernandiaceae Họ Himantandraceae Họ Illiciaceae Họ Lauraceae Họ Magnoliaceae Họ Monimiaceae Họ Myristicaceae Họ Schisandraceae Họ Trimeniaceae Họ Tetracentraceae Họ Trochodendraceae Họ Winteraceae Hệ thống Wettstein, phiên bản cuối cùng công bố năm 1935, không sử dụng tên gọi này mặc dù nó có bộ với định nghĩa tương tự với tên gọi Polycarpicae. Nó được đặt trong Dialypetalae trong phân lớp Choripetalae của lớp Dicotyledones. Ghi chú
Họ Mộc lan (danh pháp khoa học: Magnoliaceae) là một họ thực vật có hoa thuộc bộ Mộc lan (Magnoliales). Nó bao gồm 2 phân họ: Magnolioideae, trong đó Magnolia (mộc lan) là chi được biết đến nhiều nhất. Liriodendroidae, một phân họ đơn ngành, chứa chi Liriodendron (cây tulip/cây hoàng dương hoặc cây áo cộc). Không giống như phần lớn thực vật hạt kín mà các bộ phận của hoa của chúng sắp xếp thành vòng, các loài trong họ Magnoliaceae có nhị và nhụy hoa sắp xếp thành hình xoắn ốc trên đế hoa hình nón. Sự phân bổ như thế cũng được tìm thấy trong các thực vật cổ hóa thạch và người ta tin rằng nó là cơ sở hay nguyên thủy cho các loài thực vật hạt kín. Hoa của chúng cũng không có sự phân biệt rõ ràng giữa lá đài và cánh hoa như phần lớn các loài thực vật có hoa tiến hóa muộn hơn; bộ phận "hai mục đích" này xuất hiện ở cả hai vị trí được biết đến như là một phần của bao hoa. Họ này theo truyền thống được công nhận có khoảng 225 loài trong 7 chi, mặc dù một số hệ thống phân loại đưa toàn bộ phân họ Magnoioideae vào trong chi Magnolia. Họ này phổ biến ở miền đông Bắc Mỹ, México, Trung Mỹ, Tây Ấn, khu vực nhiệt đới Nam Mỹ, đông và nam Ấn Độ, Sri Lanka, Đông Dương, Malesia, Trung Quốc, Triều Tiên và Nhật Bản. Miêu tả Tính đơn ngành của họ Magnoliaceae được hỗ trợ bằng một số các đặc trưng hình thái chia sẻ chung giữa các chi gộp trong họ. Phần lớn có hoa lưỡng tính (ngoại trừ Kmeria và một số loài Magnolia đoạn Gynopodium) trên đế hoa đối xứng và thuôn dài. Lá đơn mọc so le, đôi khi xẻ thùy. Cụm hoa đơn độc, hoa sặc sỡ với các lá đài và cánh hoa không thể phân biệt. Các lá đài này nằm trong khoảng từ 6 tới nhiều; nhị hoa nhiều với các chỉ nhị ngắn, phân dị kém từ bao phấn. Lá noãn thường là nhiều, phân biệt nằm trên đế hoa thuôn dài. Quả là dạng quả hợp từ các quả đại thông thường bị áp ép gần khi chúng chín và mở dọc theo bề mặt xa trục. Hạt có vỏ dày cùi thịt và màu từ đỏ tới da cam (trừ Liriodendron). Hoa của Magnoliaceae thụ phấn nhờ bọ cánh cứng, ngoại trừ Liriodendron nhờ ong. Các lá noãn của hoa chi Magnolia đặc biệt dày để tránh tổn thương do bọ cánh cứng khi chúng đậu, bò và kiếm ăn trên đó. Hạt của Magnolioideae phát tán nhờ chim trong khi hạt của chi Liriodendron phát tán nhờ gió. Địa sinh học Do xuất hiện sớm nên sự phân bố địa lý của họ Magnoliaceae trở thành rời rạc hay phân mảng do kết quả của các sự kiện địa chất lớn như các thời kỳ băng hà, trôi dạt lục địa và kiến tạo sơn. Kiểu phân bố này đã cô lập một số loài trong khi giữ cho một số loài chỉ ở gần nhau. Các loài còn sinh tồn của Magnoliaceae phân bố rộng khắp trong vùng ôn đới và nhiệt đới châu Á, từ Himalaya tới Nhật Bản và đông nam qua Malaysia tới New Guinea. châu Á là nơi có khoảng 2/3 số loài trong họ Magnoliaceae, phần còn lại trải rộng khắp châu Mỹ với các loài ôn đới phân bố từ miền nam Hoa Kỳ và các loài nhiệt đới trải rộng từ Brasil tới Tây Ấn. Hệ thống học Do có rất nhiều sự tương tự hình thái trong họ, nên chưa có đồng thuận về số lượng chi trong họ. Sự phát triển của kỹ thuật tạo trình tự DNA vào cuối thế kỷ 20 đã có ảnh hưởng lớn tới nghiên cứu các mối quan hệ phát sinh loài trong họ. Việc sử dụng các chuỗi ndhF và cpDNA đã bác bỏ nhiều mối quan hệ phát sinh loài theo truyền thống được công nhận trong phạm vi họ Magnoliaceae. Chẳng hạn, nó chỉ ra rằng các chi Magnolia và Michelia là cận ngành khi 4 chi còn lại của phân họ Magnolioideae được tách ra. Trên thực tế, ngay cả các phân chi (Magnolia phân chi Magnolia, Magnolia phân chi Talauma) cũng bị phát hiện là cận ngành. Mặc dù phát sinh loài giải quyết trọn vẹn cho họ vẫn chua được xác định, nhưng các tiến bộ công nghệ này cho phép các nhà hệ thống học định nghĩa rộng các dòng dõi chính Phân loại Phân họ Magnolioideae Tông Magnolieae Kmeria: 5 loài (có thể gộp trong chi Magnolia nghĩa rộng) Magnolia (gồm cả Alcimandra, Aromadendron, Dugandiodendron, Manglietiastrum, Parakmeria, Talauma): Theo nghĩa hẹp có 128 loài. Nếu coi là chi theo nghĩa rộng sẽ chứa 218 loài. Manglietia: 29 loài (có thể gộp trong chi Magnolia nghĩa rộng) Pachylarnax: 2 loài (có thể gộp trong chi Magnolia nghĩa rộng) Tông Michelieae Elmerrillia: 4 loài (có thể gộp trong chi Magnolia nghĩa rộng) Michelia (gồm cả Paramichelia, Tsoongiodendron): 49 loài (có thể gộp trong chi Magnolia nghĩa rộng) Phân họ Liriodendroidae Liriodendron: 2 loài Tầm quan trọng kinh tế Về tổng thể, họ Magnoliaceae không phải họ có tầm quan trọng kinh tế đáng kể. Ngoại trừ có nhiều giống cây trồng làm cảnh, tầm quan trọng kinh tế của họ Magnoliaceae nói chung chỉ hạn chế trong việc sử dụng gỗ từ một vài loài cho gỗ và sử dụng vỏ cây cùng hoa từ một vài loài được cho là có dược tính. Họ Magnoliaceae có truyền thống văn hóa giàu có tại Trung Quốc với các chỉ dẫn về tính chất điều trị bệnh của chúng có từ hàng nghìn năm qua. Người Trung Quốc sử dụng vỏ của Magnolia officinalis (tên dược học là hậu phác), một loài mộc lan bản địa của các vùng núi tại Trung Quốc với lá to và hoa thơm màu trắng, trong điều trị chứng chuột rút, tổn thương phần bụng, nôn mửa, tiêu chảy và khó tiêu hóa. Một số loại hoa mộc lan nhất định, như chồi của mộc lan tím (Magnolia liliiflora), được dùng điều trị nhiễm trùng đường hô hấp kinh niên, nhiễm trùng xoang và sung huyết phổi. Gần đây, vỏ mộc lan được sử dụng trong y học thay thế tại phương Tây trong dạng các viên thuốc làm từ vỏ của M. officinalis, được tiếp thị như là thuốc trợ giúp cho điều trị giải sầu, dị ứng, hen suyễn và giảm cân. Các nghiên cứu sơ bộ cho thấy các chất tìm thấy trong vỏ mộc lan có thể có tính chất kháng khuẩn và nấm. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu ở quy mô lớn về các tính chất chữa trị bệnh của vỏ cây hay hoa mộc lan. Chú thích
Pyotr I (), có sách viết theo tiếng Anh là Peter I hay tiếng Pháp là Pierre I (sinh ngày: 10 tháng 6 năm 1672 tại Moskva – mất ngày: 8 tháng 2 năm 1725 tại Sankt-Peterburg) là Sa hoàng của nước Nga cũ và sau đó là Hoàng đế của Đế quốc Nga (từ năm 1721), đồng cai trị với vua anh Ivan V - một người yếu ớt và dễ bệnh tật - trước năm 1696. Ông được tôn là Pyotr Đại đế (hay Pierre Đại đế, Peter Đại đế, tiếng Nga: Пётр Великий, Pyotr Velikiy). Ông được xem là một trong những nhà cải cách kiệt xuất trong lịch sử Nga. Vua Pyotr Đại đế đã tiến hành cuộc cải tổ lớn lao tại nước Nga Sa hoàng. Trong những năm 1697 - 1698 ông đi vòng quanh Tây Âu, học được những điều mới lạ ở đó và truyền vào Nga. Dưới triều ông, nước Nga có nền kinh tế phát triển và thành lập thể chế nghị viện. Trong việc xây dựng đất nước, Pyotr thường tham vấn những cố vấn tài ba người nước ngoài. Nhờ vậy, dưới triều đại không lâu dài của ông (1696 – 1725), nước Nga trở thành một đế quốc hùng cường trên thế giới thời đó, Hải quân Nga được thành lập. Người Nga đã có đủ sức giành chiến thắng trước hai cựu thù vào thời đó là đế quốc Ottoman và Thụy Điển, nhằm tái chiếm các lãnh thổ đã mất và lấy đường thông ra biển. Năm 1703, ông hạ lệnh cho xây dựng thành phố Sankt-Peterburg. Chính tại đây, năm 1782 người ta đã hoàn thành việc xây cất tượng Pyotr I - tức tượng "Kị sĩ đồng". Sankt-Peterburg trở thành một "thành Venezia của phương Bắc", và trở thành kinh đô nước Nga vào năm 1712. Người ta đã ca ngợi ông như một vị "Đại đế Ross toàn nước Nga", hay "Cha của Tổ quốc". Thân thế Qua cuộc hôn nhân thứ nhất của mình, Nga hoàng Aleksei có hai hoàng tử và sáu công chúa. Trong số đó có Fyodor (Theodore) sau này lên làm vua ở tuổi 15 tuổi. Fyodor là con trai trưởng của Hoàng hậu quá cố Maria Ilyinichna Miloslavskaya, tức là anh cùng cha khác mẹ của Pyotr, lên ngôi vua. Hoàng tử Fyodor là một người yếu đuối, nhưng đã được Aleksei I phong làm Thái tử một năm trước khi ông vua này qua đời. Người con trai thứ của Aleksei I là Ivan (còn gọi là John) còn xấu số hơn cả hoàng tử Fyodor: Ivan gần như bị mù và câm, lại còn rất ốm yếu và mắc phải chứng co giật. Trong sáu người con gái của vợ cả Aleksei I, công chúa Sophia được nhiều người châu Âu biết đến hơn cả. Sophia là người có tài năng, sau này đã bất hòa với vua Pyotr Đại đế. Người vợ thứ hai của Aleksei I là con gái của boyar Narishkin. Bà đã sinh hạ hoàng tử Pyotr và công chúa Natalia. Năm 1672, Pyotr chào đời ngày 30 tháng 5 - tức ngày 10 tháng 6 theo lịch mới, lên bốn tuổi khi Nga hoàng Aleksei qua đời. Ông có tên đầy đủ là Pyotr Alekseyevich Romanov (Пётр Алексеевич Романов). Vua nhỏ mất quyền Nga hoàng Aleksei I giao việc dạy dỗ hoàng tử Pyotr cho một số gia sư, nổi bật hơn cả là Nikita Zotov, Patrick Gordon và Paul Menesius. Ngày 29 tháng 1 năm 1676, Nga hoàng Aleksei I qua đời, truyền ngôi vua cho Fyodor III. Trong suốt thời gian này, cuộc đời thơ ấu của hoàng thân Pyotr trải qua bình lặng, Artamon Matveev - bạn của Aleksei I - nắm phần lớn quyền hành trong triều đình. Nga hoàng Fyodor III qua đời năm 1682 sau sáu năm trị quốc, hưởng dương 20 tuổi. Do Fyodor III không có con, tranh cãi về việc ai là người thừa kế ngôi vua nảy sinh giữa hai gia tộc Naryshkin và Miloslavsky. Pyotr, lúc đó 10 tuổi cùng với người anh cùng cha khác mẹ là Ivan V, 17 tuổi là hai ứng viên của ngôi vua Nga. Do Ivan là một người yếu đuối, Hội đồng Boyar Duma của tầng lớp quý tộc Nga đã tôn Pyotr làm vua, mẹ ông là Natalia trở thành Thái hậu nhiếp chính. Theo truyền thống Nga, nhân dân Moskva đã được thông báo về việc phong vương cho Pyotr, và họ đồng ý. Ông được Tổng Giám mục và đa số lãnh chúa địa phương ủng hộ. Song Natalia lại là người hiền lành, lương thiện, thiếu tinh thần phấn đấu và trí tuệ cũng bình thường và vì thế bà không hợp với vị trí nhiếp chính. Vài tháng sau, người chị cùng cha khác mẹ của Pyotr, tức chị ruột của Ivan, Sophia Alekseyevna, đã sách động Cấm vệ quân Streltsy làm loạn. Trong cuộc nổi dậy của Cấm vệ quân Streltsy, một số người thân và bạn bè của Pyotr bị giết hại, trong số đó có Matveev. Bản thân Pyotr đã chứng kiến được một số vụ giết người trong cuộc bạo động này. Sau cuộc nổi dậy từ tháng 4 đến tháng 5 năm 1682 của quân Streltsy, công chúa Sophia, gia tộc Miloslavsky (phe cánh của Ivan), cùng đồng minh của họ đã cho Ivan và Pyotr trị vì bên nhau với danh nghĩa đồng Sa hoàng – Ivan là Sa hoàng có vị thế cao hơn - là Sa hoàng đệ nhất, còn Pyotr chỉ là Sa hoàng đệ nhị. Công chúa Sofia Alekseyevna được cử làm Phụ chính. Quyền lực trong triều đình thực sự nằm trong tay Sofia. Trưởng thành ở thôn dã Trong thời gian Sofia điều hành việc nước, Pyotr rời xa kinh đô Moskva, lớn lên nơi thôn dã. Khi Pyotr lên 14, ông và mẹ là Natalia đến cư ngụ ở Cung điện Preobrazhenskoe, trong ngôi làng cùng tên dọc bờ sông Yauza, cách Moskva khoảng 50 km. Những trò chơi tập đánh trận mà Pyotr ưa thích biến nơi này thành một doanh trại quân đội hoàn chỉnh. Tổng cộng có 800 thiếu nhi và trai trẻ, sống trong những khu doanh trại, tập luyện như quân đội, sử dụng ngôn ngữ của quân đội và lĩnh lương theo chế độ quân đội. Một trong những thiếu niên này là Aleksandr Danilovich Menshikov, sau này trở thành đại thần thân thiết nhất của Pyotr. Pyotr xem tất cả thiếu niên đồng trang lứa như là bạn của mình, từ nhóm nhỏ này ông gây dựng nên Lữ đoàn Preobrazhenskoe. Đây cũng là lữ đoàn đầu tiên của lực lượng Cảnh vệ Hoàng gia mà lữ đoàn trưởng luôn luôn là Nga hoàng, mãi cho đến khi chế độ Nga hoàng bị Cách mạng Tháng Hai lật đổ vào năm 1917. Không bao lâu, mọi doanh trại trong ngôi làng nhỏ bé Preobrazhenskoe đều chật lính, các doanh trại mới được xây dựng thêm ở ngôi làng Semyonovsky gần đó; với thời gian, đội quân này phát triển thành Lữ đoàn Semyonovsky, và là lữ đoàn thứ hai của lực lượng Cảnh vệ Hoàng gia. Mỗi lữ đoàn lúc sơ khai có 600 quân, được tổ chức thành bộ binh, kỵ binh và pháo binh giống như bên quân đội thực thụ. Lữ đoàn Cảnh vệ Hoàng gia cũng có hệ thống quân hàm, với sĩ quan trận địa, đội hậu cần, ban hành chính, ban quân lương, lính thổi kèn, lính đánh trống,… như bên quân đội. Trong thời gian này, một thương nhân già người Hà Lan tên là Franz Timmerman đã dạy cho Nga hoàng Pyotr số học, hình học, cách tính toán đạn đạo,… Đối với Pyotr, Timmerman vừa là chuyên gia tư vấn vừa là người bạn, và ông luôn giữ ông thầy bên mình để trả lời các câu hỏi liên tục tuôn ra từ vị Nga hoàng nhỏ tuổi. Chính Timmerman và Pyotr tìm thấy một chiếc thuyền mục nát kiểu Anh, được một người Hà Lan khác sửa chữa, và ông này chỉ dẫn Pyotr lái chiếc thuyền. Nga hoàng Pyotr gọi chiếc thuyền này là "Thủy tổ của Hải quân Nga", hiện được trưng bày ở Bảo tàng Hải quân Nga ở thành phố Saint-Peterburg. Sau đó, Nga hoàng Pyotr học đóng thuyền trên bờ hồ Pleschev, cách kinh đô Moskva gần 140 kilômét về phía đông bắc. Việc tình cờ tìm thấy chiếc thuyền và những bài học lái thuyền đầu tiên cùng với việc đóng những chiếc tàu khu trục nhỏ và thuyền buồm đầu tiên khởi đầu cho lòng đam mê biển và ước muốn học hỏi từ các nước Tây Âu của ông. Vào ngày 27 tháng 1 năm 1689, Pyotr lên 17 tuổi và nghe theo lời mẹ, cưới Evdokiya Fyodorovna Lopukhina - một cô gái xuất thân trong tầng lớp quý tộc, lúc đó lên 20. Họ có ba người con, trong số đó có Aleksei sống đến tuổi trưởng thành và Aleksandr qua đời 7 tháng sau khi ra đời. Tuy nhiên, mười năm sau, sau chuyến đi Tây Âu ông đã buộc Lopukhina trở thành một nữ tu sĩ và cuộc hôn nhân kết thúc. Giành lại quyền lực Sau bảy năm làm phụ chính bên cạnh vua em Ivan cũng yếu ớt như Fyodor, Sofia toan tính chuyện trừ diệt Pyotr và phế bỏ Ivan để chính thức làm nữ hoàng. Bấy giờ, Sophia đã bị mất uy tín sau thất bại trong hai cuộc chiến tranh vùng Krym. Nhờ sự ủng hộ của đông đảo quý tộc lúc đó, Pyotr I biết được ý định của Sofia. Ông còn được sự hỗ trợ đắc lực của 2 quân đoàn cấm vệ và các sĩ quan trong vệ đội hoàng gia, vì thế Pyotr không khó khăn bẻ gãy được ý định binh biến của Sofia. Cuộc khủng hoảng bùng nổ vào ngày 17 tháng 8 năm 1689 giữa hai phe của Sofia và Pyotr Đại đế. Kết quả là Sofia bị lật đổ, bị tước bỏ hoàn toàn quyền hành rồi sau này bị đưa vào nữ tu viện Novodevichy. Từ đó, dù trên danh nghĩa, Ivan và Pyotr tiếp tục trị vì bên nhau nhưng trên thực tế quyền hành hoàn toàn do Pyotr nắm. Trong 5 năm tiếp theo, Pyotr quay trở về Preobrazhenskoe và hồ Pleschev, vẫn sống theo lối sống thiếu niên thiếu quy củ, thiếu trách nhiệm, hoàn toàn dửng dưng với chính sự. Trước thời gian này, triều đình được điều hành bởi một nhóm nhỏ đã từng ủng hộ và dìu dắt ông trong cuộc đối đầu với Sofia và Thái hậu Nataliya Naryshkina. Năm 1694, khi Nataliya qua đời, Pyotr I trở thành một ông vua độc lập, dù ông vẫn đồng trị vì với ông vua bất lực Ivan V. Trong hai năm 1693 và 1694, Pyotr I đi đến Arkhangelsk để quan sát những hoạt động của một bến cảng, cách tập lái tàu biển, đặt mua chiếc tàu đầu tiên và đóng thêm tàu cho Hải quân Nga. Nhận thấy tầm quan trọng của nền hàng hải, ông càng quyết tâm học hỏi điều hay từ Tây Âu và chú tâm đến việc xây dựng cảng biển. Ngày 8 tháng 3 năm 1696, Nga hoàng Ivan V thình lình qua đời, khi mới 29 tuổi. Từ đó, Pyotr Đại đế là vị Nga hoàng duy nhất, là nhà cầm quyền tối cao độc nhất của đất nước Nga. Những hoạt động mở rộng lãnh thổ Chiến tranh Nga-Ottoman và mở cửa biển Azov Khi vua Pyotr Đại đế lên ngôi, nước Nga tuy có lãnh thổ rộng lớn nhưng không có đường thông ra biển Baltic hoặc biển Đen để thông thương với các nước Tây Âu có trình độ văn minh khá cao khi đó. Vì vậy, ông quyết định dùng chiến tranh để mở rộng lãnh thổ, lấy đường thông ra biển. Để tiến ra biển Đen, trước tiên người Nga phải lấy được pháo đài Azov, thông ra biển Azov. Khi đó biển Azov nằm trong tầm kiểm soát của Hãn quốc Krym, do sắc tộc Tatar cai trị dưới sự bảo trợ của đế quốc Ottoman. Tháng 1 năm 1695, ông mang 13 vạn quân tấn công Azov. Để đề phòng sự tấn công của Nga, Khan Selim I của hãn quốc Krym (1692 - 1699) đã cho xây nhiều đồn lũy tại sông Đông là con đường từ biển Azov chảy ra. Tình hình chiến sự ban đầu bất lợi cho ông vì khi đó Nga chưa có hải quân nên không thể cô lập được pháo đài Azov, ngược lại quân địch lại được hải quân tiếp viện nên chống quân Nga rất hiệu quả. Chính vì vậy, cuộc tấn công của Nga hoàng Pyotr bị thất bại. Hiểu được nguyên nhân thất bại, Pyotr ra sức xây dựng hải quân. Từ mùa thu năm 1695, xưởng đóng tàu khởi động. Đích thân ông tới công xưởng, cầm búa và vào làm việc với công nhân. Do sự thúc đẩy nhanh chóng, tháng 5 năm 1696, xưởng đã đóng xong 168 chiếc thuyền có buồm, 157 chiếc thuyền trang bị súng đại bác và 1300 chiếc thuyền vận tải chuyên chở binh lính và quân nhu. Ngay tháng 5 năm 1696, Pyotr Đại đế phát động tấn công Azov lần thứ 2. Cuối tháng, 10 vạn quân Nga kéo tới chân thành và công phá. Trên mặt biển, 100 thuyền Nga và 130 chiến hạm chi viện của Krym cũng đụng độ dữ dội. Kết quả thủy quân Nga đánh bại quân Krym. Viện binh Krym phải rút, pháo đài Azov bị cô lập. Quân Nga phong tỏa cửa sông Đông. Bị quân Nga tấn công cả trên bộ và từ biển, đến ngày 18 tháng 7, 9000 quân trong thành phải ra hàng. Lấy được Azov là Pyotr có bàn đạp tiến ra làm chủ biển Đen, nhưng tình hình sau đó lại thay đổi. Không lâu sau, người Thổ Ottoman ký hòa ước với đế quốc Áo - một kẻ thù truyền kiếp của họ. Vì thế Nga bị mất đi một đồng minh và sẽ phải một mình đương đầu với Ottoman. Pyotr nhận thấy mình chưa đủ thực lực để một mình đánh bại quốc gia này. Ông quyết định tạm thời buông mục tiêu tiến ra biển Đen và quay sang mục tiêu biển Baltic. Đại chiến Bắc Âu Sang một số nước Tây Âu (1697 - 1698) Năm 1697, vua Pyotr Đại đế - dưới cái tên "binh nhất Pyotr Mikhailovich" - dẫn một đoàn sứ thần hơn 650 người, mà sử gia gọi là Đại Phái bộ Sứ thần đến một số nước Tây Âu. Mục đích của chuyến đi là nhằm thành lập liên minh chống Ottoman, và còn để tìm nguồn nhân lực, mua vũ khí và trang thiết bị cho Hải quân Nga và "đi một ngày đàng, học một sàng khôn". Pyotr không đi với tư cách là Nga hoàng mà giấu tung tích, giả dạng là một nhân viên của các đại sứ. Qua chuyến đi này, "liên minh chống Thổ" mà ông mong muốn đã không được thành lập, do Pháp là một đồng minh truyền thống của đế quốc Ottoman, còn Áo thì mong muốn giữ hòa bình ở phía Đông trong khi họ thực hiện những cuộc chiến tranh ở phía Tây. Hơn nữa, lúc này nhiều nước châu Âu đang quan tâm đến vấn đề ai là người thừa kế vua Tây Ban Nha Carlos II không có con, chứ không phải là cuộc chiến với Nhà vua Thổ Nhĩ Kỳ. Dù "Đại Phái bộ Sứ thần" đã không thành công trong việc kêu gọi các vua chúa châu Âu thành lập một liên minh chống Ottoman, điều này không có nghĩa là họ dừng bước. Đến Hà Lan, Nga hoàng Pyotr I đã học hỏi được nhiều điều về đời sống của người Tây Âu. Ông đã học cách đóng tàu ở Zaandam (tại đây, căn nhà ông ở hiện nay là bảo tàng) và Amsterdam - nơi ông đã cùng với bạn bè ngày đêm lao động ròng rã, với thành quả là đóng được một tàu chiến sau hai tháng. Khi về nước, ông đã vận dụng kiến thức mà ông học được ở Hà Lan đã xây dựng Hải quân Nga Sa hoàng. Pyotr Đại đế và Thị trưởng Amsterdam Nicolaas Witsen đàm luận với nhau mỗi ngày, và ông hỏi làm thế nào có thể làm việc một cách yên tĩnh để học nghề đóng tàu, trong khi bị bao quanh bởi người tò mò lạ mặt nhìn tọc mạch, và Witsen có ngay một đề xuất. Trong vòng bốn tháng Nga hoàng đến làm việc tại xưởng đóng tàu lớn nhất thế giới, thuộc về Công ty Đông Ấn Hà Lan. Nga hoàng đã tham gia vào việc đóng một con tàu buôn Anh-Ấn đặc biệt dàng cho ông: "Tàu buôn Thánh Phêrô và Phaolô". Trong thời gian ở đây Nga hoàng đã gặp gỡ nhiều người thợ tài hoa, chẳng hạn như những người đã chế tạo các âu thuyền, xây dựng các pháo đài, các thợ đóng tàu và những thủy thủ, trong số đó có phó đô đốc Cornelis Cruys - sau này là người dưới quyền của Franz Lefort, cố vấn về các vấn đề hàng hải của Pyotr Đại đế. Bên cạnh đó, Pyotr cũng thăm Frederik Ruysch - người đã dạy ông cách nhổ răng và bắt những con bướm. Ông - một vị vua ham học hỏi và vận dụng cho việc dựng nước - cũng được đón chào bởi họa sĩ vẽ cảnh biển Ludolf Bakhuysen và nhà phát minh ống vòi rồng Jan van der Heyden. Vào ngày 16 tháng 1 năm 1698 Pyotr tổ chức buổi liên hoan chia tay và mời Johan Huydecoper van Maarsseveen đến dự tiệc. Trong buổi tiệc, Johan Huydecoper van Maarsseveen ngồi giữa Lefort và Nga hoàng, cùng cạn ly với họ. Tại Vương quốc Anh, ông đã gặp gỡ vua William III, thăm Greenwich và Oxford, được vẽ bởi ông Godfrey Kneller và chứng kiến một cuộc diễu hành của Hải quân Hoàng gia Anh tại Deptford. Ông đã được học về nghề hải quân tại Anh. Ông còn đến thành phố non trẻ Manchester để học về các xây dựng thành phố, mà sau này ông sẽ vận dụng để xây dựng Sankt Peterburg. Sau đó, Đại Phái bộ Sứ thần đã đến Leipzig, Dresden và Viên. Ông đã nói chuyện với vua Ba Lan August II và hoàng đế La Mã Thần thánh Leopold I. Đại Phái bộ Sứ thần đã không đến thành Venezia. Chuyến đi của Pyotr Đại đế đã bị rút ngắn vào năm 1698, khi ông phải trở về Nga đánh dẹp cuộc nổi dậy của Cấm vệ quân Streltsy. Tuy nhiên, trước khi nhà vua trở về từ Anh, quân đội Nga đã dập tắt cuộc nổi dậy một cách dễ dàng. Trong quân đội Nga hoàng, chỉ một binh sĩ thiệt mạng trong vụ nổi dậy này. Tuy thế nhưng Nga hoàng Pyotr đã xét xử phiến quân một cách tàn bạo: 1.200 phiến quân bị tra tấn và hành hình, và Pyotr đã hạ lệnh cho quân lính bêu thi hài của họ tại nơi công cộng để cảnh cáo những tên phản nghịch trong tương lai. Lực lượng Cấm vệ quân Streltsy bị giải tán, do họ nổi dậy để đưa công chúa Sophia lên làm vua nên Sophia bị bắt phải trở thành một nữ tu sĩ. Tác động của chuyến đi vô cùng rộng lớn. Ông trở về Nga với quyết tâm cải tổ đất nước theo đường hướng của Tây Âu. Theo ý nghĩa nào đó, ảnh hưởng đi theo vòng tròn: Tây Âu ảnh hưởng đến cá nhân Pyotr, ông ảnh hưởng mạnh mẽ đến nước Nga, và nước Nga, một khi đã hiện đại hóa và vươn lên, có tầm ảnh hưởng mới và mạnh hơn đến Tây Âu. Vì thế, đối với cả ba – Pyotr, nước Nga và Tây Âu – việc lập và gởi Đại Phái bộ Sứ thần là một thời điểm bước ngoặt. Chuẩn bị chiến tranh Ngày 9 tháng 8 năm 1700, Pyotr Đại đế tuyên bố chiến tranh với đế quốc Thụy Điển, giải thích mục tiêu là để chiếm lại hai tỉnh Ingria và Karelia. Hai tỉnh này, ở phía bắc và nam của sông Neva, cộng với hồ Ladoga và các pháo đài Nöteborg, Narva và Riga, lúc trước thuộc về Nga. Hòa ước Nga–Thụy Điển năm 1664 tái xác nhận các vùng đất này thuộc Thụy Điển. Tuy thế, trong ý nghĩ của Pyotr, đấy là những lãnh thổ của Nga mà ông muốn đoạt lại để mở đường thông thương ra biển. Chiến tranh kéo dài hơn 20 năm, với nhiều nước Bắc Âu can dự vào, nên sử gia gọi là Đại chiến Bắc Âu. Đây là cuộc chạm trán giữa Pyotr Đại đế và vua Thụy Điển Karl XII - hai vị vua trẻ tuổi. Thụy Điển là một đế quốc hùng mạnh ở Bắc Âu khi đó, có hải quân mạnh, đồng thời đã chiếm được Karelia và một vùng đất rộng lớn nằm dọc theo bờ biển Baltic, phong tỏa đường biển của Nga. Để chuẩn bị chiến tranh với Thụy Điển, ông ký Hiệp ước Liên minh phương Bắc với Ba Lan và Đan Mạch vào năm 1696. Đồng thời, để yên ổn phương nam, dốc toàn lực vào cuộc chiến phương Bắc, ông ký hòa ước với đế quốc Ottoman có hiệu lực trong 30 năm. Từ thất bại đầu tiên Sau khi tuyên chiến với đế quốc Thụy Điển, Pyotr I mở cuộc tấn công vào vùng đất chiến lược Narva. Quân Thụy Điển được trang bị và huấn luyện tốt, chỉ với 2 vạn người đã đánh bại quân Nga đông hơn gấp 8 lần và bắt được 16000 tù binh. Cũng như trong cuộc chiến với đế quốc Ottoman, thất bại đầu tiên không khiến Pyotr I nản lòng. Ông quyết tâm tìm cách phục thù. Ông ra lệnh trưng binh trên toàn quốc, nhanh chóng xây dựng được 50 quân đoàn mới; cho thống kê chuông thánh đường trên toàn quốc và trưng dụng 1/4 số chuông vào việc đúc đại bác. Ông tuyển lựa 2500 thanh niên vào trường huấn luyện pháo binh và công binh, mua 150000 khẩu súng trường từ nước ngoài để trang bị cho quân đội. Bản thân ông tự mình đi khắp đất nước để thị sát việc chuẩn bị và đôn đốc tái phát động cuộc chiến chống Thụy Điển. Mở cửa sông Neva Năm 1701, lợi dụng lúc quân chủ lực Thụy Điển đi đánh Ba Lan, vua Pyotr Đại đế tấn công vào các đồn lũy của Thụy Điển ở dọc bờ biển Baltic. Sau nhiều ngày tấn công, sang năm 1702, quân Nga chiếm được Nöteborg nằm trên cửa sông Neva. Ông đổi tên nơi này thành "Schlysselburg", nghĩa là "thành phố chìa khóa", với ngụ ý lấy thành phố này làm chìa khóa mở cửa con sông Neva ra biển lớn. Tiếp đó, quân đội Nga lại mở các cuộc tấn công vào vùng tam giác sông Neva. Nhằm bảo vệ cho cửa ra của sông Neva, Pyotr Đại đế huy động 20 vạn nông nô đến xây dựng đồn lũy trên hòn đảo gần đó. Sau này, ông cho xây dựng thành phố nằm sát ven biển là Sankt-Peterburg làm cửa ngõ đi ra các nước Tây Âu. Trong khi quân Thụy Điển đang sa lầy ở Ba Lan, quân Nga được rảnh tay đi đánh những lãnh thổ của Thụy Điển dọc bờ Biển Baltic. Pyotr Đại đế phái tướng Boris Petrovich Sheremetev kéo 286000 quân đến đánh xứ Livonia, được 7 vạn quân Thụy Điển bảo vệ dưới quyền chỉ huy của tướng Wolmar Anton von Schlippenbach. Tháng 1 năm 1702, Sheremetev có một chiến thắng quan trọng, đánh đuổi quân Thụy Điển ra khỏi doanh trại mùa đông, và còn gây 4 vạn thương vong cho phía Thụy Điển (phía Nga tuyên bố gây thương vong 1 vạn). Quan trọng hơn theo ý nghĩa tượng trưng, quân Nga bắt được 3500 tù binh Thụy Điển và giải họ về thành Moskva. Tinh thần của toàn quân Nga, đã xuống thấp từ chiến bại thê thảm tại Narva, từ đó bắt đầu lên. Mùa hè kế tiếp, tháng 7 năm 1702, Sheremetev lại tấn công Schlippenbach ở Livonia, và lần này 50 nghìn quân Thụy Điển bị đánh gần như tan tành: 25000 thương vong, 3000 bị bắt cùng với pháo và cờ xí. Bên Nga bị mất 8000 người. Sau trận này, quân cơ động của Schlippenbach không còn xuất hiện, và cả vùng Livonia xem như bỏ ngỏ ngoại trừ các căn cứ cố định Riga, Pärnu và Dorpat. Quân dưới quyền Sheremetev tự do tung hoành khắp nơi, đốt phá làng mạc và thị trấn của Thụy Điển. Trong lúc đó, Pyotr Đại đế cho đóng loại thuyền nhỏ trên hồ Ladoga, hồ lớn nhất châu Âu, để đánh đuổi hải quân Thụy Điển. Quân Nga áp dụng cùng chiến thuật trên hồ Peipus. Kế tiếp, Nga chiếm lấy pháo đài Thụy Điển ở Nöteborg, nơi ồ Ladoga chảy vào sông Neva, đổi tên của pháo đài thành Schlüsselburg, từ schlüssel trong tiếng Đức có nghĩa là "chìa khóa", cũng có ý nghĩa pháo đài là chìa khóa mở ra Biển Baltic. Sự thất thủ của Nöteborg/Schlüsselburg là thất bại nặng nề cho Thụy Điển vì họ đã mất đi bức tường chắn Nga tiến ra Neva và cả tỉnh Ingria. Mùa xuân năm sau, 1703, trong khi Karl XII vẫn còn ở Ba Lan, Pyotr Đại đế dứt khoát "không để mất thời giờ mà Thiên Chúa đã ban," tấn công trực diện để tạo dựng miền đất Nga trên bờ Biển Baltic, 21 vạn quân Nga đã nghiền nát gần 13 vạn quân Thụy Điển trong trận Grodno. Cuối cùng, Nga kiểm soát toàn chiều dài sông Neva, và Pyotr Đại đế cho xây dựng thành phố Sankt-Peterburg ở cửa sông Neva. Nhằm bảo vệ cho cửa ra của sông Neva, Pyotr Đại đế huy động 20 vạn nông nô đến xây dựng đồn lũy trên hòn đảo gần đó. Sau này, ông cho xây dựng thành phố nằm sát ven biển là Sankt-Peterburg làm cửa ngõ đi ra các nước Tây Âu. Năm 1704, Nga giành quyền kiểm soát hai thị trấn then chốt của Estonia là Dorpat và Narva. Việc này giúp củng cố chân đứng của Nga ở Ingria và ngăn chặn Thụy Điển tiến về Sankt-Peterburg từ phía tây. Chiến thắng Narva có tầm quan trọng về tâm lý cũng như chiến lược: không những che chắn cho Sankt-Peterburg ở mặt tây, mà còn chuộc lại nỗi nhục nhã bốn năm trước cũng chính ở Narva. Vào tháng 2 năm 1704, Karl XII truất phế August II của Ba Lan đã loại ra bên thứ hai trong số liên minh ba bên chống Thụy Điển. Bây giờ, bị đơn độc phải đối mặt với Karl, Pyotr Đại đế tăng cường nỗ lực để dàn hòa với Karl XII. Karl nhất quyết từ chối xem xét việc đàm phán với Nga. Trong giai đoạn Pyotr Đại đế đề xuất các điều kiện hòa bình và Karl bác bỏ các đề xuất này, có sự cách biệt giữa đôi bên không thể nào hòa giải được: Sankt-Peterburg. Pyotr có thể từ bỏ mọi thứ miễn là được giữ Sankt-Peterburg để có lối cho Nga thông ra biển. Karl không muốn từ bỏ thứ gì khi chưa đánh gục quân đội Nga. Vì thế, chiến tranh tiếp tục trên danh nghĩa Sankt-Peterburg – lúc này chỉ mới là một số ngôi nhà gỗ, một pháo đài xây bằng đất và một bến cảng thô sơ. Từ tháng 1 năm 1707, Pyotr Đại đế ra lệnh lập một vành đai tàn phá hầu tạo khó khăn cho quân Thụy Điển. Ở vùng tây Ba Lan nơi quân Thụy Điển sẽ đi qua trước khi vào Nga, kỵ binh đã nhận lệnh đi tàn phá: đốt cháy thị trấn Ba Lan, phá dỡ cầu, san thành bình địa làng mạc và thị trấn. Ngày 27 tháng 8 năm 1707, Karl XII kéo 48 vạn quân ra khỏi rời xứ Sachsen (Đức) để bắt đầu một cuộc phiêu lưu lớn lao nhất trong đời ông. Đầu năm 1708, quân tinh nhuệ Thụy Điển đặt chân lên bờ đông của sông Vistula. Pyotr ra lệnh tiếp tục tàn phá một vùng rộng lớn của chính đất Nga để Thụy Điển không thể thu hoạch được gì bất kể họ tiến quân theo hướng nào. Dọc mọi con đường dẫn từ doanh trại Thụy Điển hướng về bắc, đông hoặc tây, quân Nga tạo một vòng đai vườn không nhà trống dài gần 2000 kílômét từ Pskov cho đến Smolensk. Trong vành đai này, mọi nhà cửa, mọi mẩu thức ăn cho người hoặc ngựa phải bị đốt trụi ngay khi Karl tiến quân. Karl XII tự chỉ huy có 40 vạn quân. Cánh quân 8 vạn binh sĩ của Adam Ludwig Lewenhaupt đã được lệnh đến điểm hẹn với đại quân, còn cánh quân 9 vạn binh sĩ của Lybecker từ Phần Lan đã nhận lệnh di chuyển xuống Sankt-Peterburg. Nếu thành công, lực lượng này có thể chiếm Sankt-Peterburg, nếu không cũng có thể làm nghi binh để cầm chân một số quân của Pyotr. Lực lượng của Nga đông hơn nhiều. Tổng cộng trên đường vòng cung chặn hướng tiến của Thụy Điển, Pyotr Đại đế chỉ huy khoảng 575000 quân. Ngoài ra, Fyodor Matveyevich Apraksin chỉ huy 245000 quân trấn giữ Sankt-Peterburg, và tướng Bauer nắm 160 nghìn quân đóng ở Dorpat để ngăn chặn Lewenhaupt ở Riga. Các lực lượng này sẵn sàng đối phó với những động thái khác nhau của Thụy Điển. Một lực lượng khác gồm 120 nghìn quân dưới quyền Hoàng thân Mikhail Mikhailovich Golitsyn trấn đóng gần Kiev để đón đầu địch quân tiến về Ukraina. Nga có tổng cộng 1,1 triệu quân so với 57 vạn quân của Thụy Điển. Sự khác biệt này không có ý nghĩa nhiều ngoại trừ yếu tố là trong cuộc chiến dằng dai, bên Nga có thể thay thế dễ dàng số thương vong. Trong chuỗi tiến công của Thụy Điển, quân Nga luôn tạo một lá chắn giữa quân Thụy Điển và đường dẫn đến kinh thành Moskva. Các trận đánh nổi tiếng là trận Golovchin ngày 3 tháng 7 năm 1708, trận Molyatychy ngày 9 tháng 7 năm 1708, và trận Lesnaya ngày 28 tháng 9 năm 1708. Trong trận đánh tại Golovchin, vua Karl XII đánh tan tác quân Nga đông đảo hơn. Nhưng đây là trận thắng lừng lẫy cuối cùng của ông. Trong trận đánh tại Lesnaya, mỗi bên có khoảng 12 vạn quân giao chiến; Nga bị tổn thất khoảng một phần ba, nhưng Thụy Điển mất phân nửa. Sau này, Nga hoàng Pyotr gọi là trận Lesnaya "Bà Mẹ của Trận Poltava." Trận đánh lớn quyết định là trận Poltava ngày 28 tháng 6 năm 1709 giữa hai đoàn quân hùng hậu. Tổng cộng, lực lượng tinh nhuệ Thụy Điển tung ra để tấn công 42 vạn quân Nga chỉ có 19 vạn binh sĩ. Riêng trong cuộc giáp lá cà, 15 vạn bộ binh Thụy Điển mệt mỏi vì đói kém và bệnh tật, không có pháo, giao chiến với 24 vạn quân tinh nhuệ Nga có 700 khẩu pháo. Thụy Điển bị tổn thất 10 vạn quân, gồm 69010 tử trận và bị thương, 27600 bị bắt làm tù binh. Trong tổng số 42 vạn quân Nga, 13450 chết và 32900 bị thương. Số thương vong và kết quả đều đảo ngược tất cả các trận đánh trước đó giữa Thụy Điển và Nga. Với chiến bại này, những năm tháng huy hoàng của vua Karl XII chấm dứt. Với sự truy kích của quân Nga, ngày 1 tháng 7 Lewenhaupt mang 142880 người và 340 khẩu pháo ra đầu hàng mà không chống cự gì cả. Rồi quân Nga tiếp tục truy kích đường rút lui của vua Karl XII lúc ấy đang cố tẩu thoát qua Đế quốc Thổ Ottoman. Thêm một trận tàn sát, để rồi cuối cùng ông chỉ còn có 600 quân sĩ khi đi vào Ottoman xin ẩn náu. Mùa xuân năm 1710, nước Nga gặt hái thành quả của chiến thắng Poltava. Không còn bị quân Thụy Điển ngáng trở, quân tinh nhuệ Nga tung hoành khắp các tỉnh vùng Baltic của Thụy Điển. Trong khi Bá tước Boris Petrovich Sheremetev công hãm Riga, Đại tướng-Đô đốc Fyodor Matveyevich Apraksin công phá Vyborg ở miền bắc. Thị trấn này là một pháo đài quan trọng và là điểm tập kết cho quân Thụy Điển để đe dọa Sankt-Peterburg. Ngày 13 tháng 6 năm 1710, thị trấn Vyborg rơi vào tay Apraksin. Sau đó, việc càn quét và chiếm đóng cả Eo đất Karelian đã tạo nên một vùng đệm sâu 560 kilômét cho Sankt-Peterburg, có nghĩa là thành phố này không còn sợ bị Thụy Điển tấn công bất ngờ từ phía bắc. Kế tiếp, mọi thành trì của Thụy Điển dọc bờ nam của Biển Baltic đều đầu hàng trong mùa hè 1710. Ngày 10 tháng 7, thành phố Riga rộng lớn với hơn 1 triệu dân rơi vào tay Sheremetev sau cuộc công hãm kéo dài 8 tháng. Mặc dù Nga đã ký hiệp ước với Ba Lan quy định Livonia và Riga thuộc về Ba Lan, bây giờ Pyotr Đại đế cho rằng Nga đã đổ máu để chiếm lấy tỉnh và thành phố này trong giai đoạn August II không còn là vua của Ba Lan và đồng minh của Nga, vì vậy các lãnh thổ này phải thuộc về Nga. Ba tháng sau khi Riga thất thủ, Reval – thành quả cuối cùng của Poltava – cũng đầu hàng. Nga hoàng Pyotr I vui mừng tột độ: Năm 1710, vua Pyotr Đại đế đã chiếm được xứ Latvia thuộc đế quốc Thụy Điển. Ngày 16 tháng 8 cùng năm, ông ký kết bản tuyên ngôn công bố việc sáp nhập vùng Estonia vào nước Nga Sa hoàng. Bản tuyên ngôn này ghi nhận: Chiến tranh với Ottoman (1710 - 1711) Sau chiến bại tại Poltava, Karl XII chạy sang đế quốc Ottoman, và lôi kéo sultan Ahmed III vào cuộc chiến. Ngày 20 tháng 11 năm 1710 Ahmed III tuyên chiến với nước Nga Sa hoàng. Năm 1711, Pyotr Đại đế khởi xướng chiến dịch Pruth. Trong chiến dịch này, ông cùng với tướng Boris Sheremetev đem khoảng 300 nghìn quân xâm chiếm lãnh thổ nhà Ottoman ở Moldavia, với sự ủng hộ của Vương công xứ Moldavia. Ngày 9 tháng 4 năm 1711, Đại Vizia Ottoman là Baltaci Mehmet Pasha rời kinh đô để đem quân đến đánh quân Nga tại Prut. Quân Ottoman do Đại Vizia chỉ huy đánh bại quân Nga trong trận chiến quyết định tại Stănileşti, khoảng 80000 quân Nga đã tử trận. Ngày 21 tháng 7 năm 1711, hai bên ký kết Hiệp định Pruth: Nga phải nhượng lại pháo đài Azov cho đế quốc Ottoman và mất những pháo đài vùng Biển Đen mà Pyotr đã chiếm năm 1697. Thất bại của quân Nga trong cuộc chiến này có nhiều nguyên nhân. Pyotr đã từ bỏ chiến lược thận trọng thường thấy lúc trước đã được áp dụng thành công đối với Karl. Thay vào đó ông đã thủ vai trò của Karl mà hung hăng dẫn quân vào đế quốc Ottoman, dựa vào sự hỗ trợ và tiếp viện của xứ Moldavia - một đồng minh không đáng tin cậy. Ông đã nghe thông tin sai lạc về sức mạnh quân Ottoman, và đã tính toán sai lầm về tốc độ hành quân của họ. Tiến ra biển Baltic Tháng 7 năm 1714, giai đoạn hai của cuộc Đại chiến Bắc Âu tái diễn. Quân Nga và quân Thụy Điển gặp nhau ở eo biển Hanko. Hải quân Nga áp dụng cập mạn đánh sáp lá cà và giành thắng lợi lớn, thu được hơn 200 chiến thuyền của hạm đội hải quân Thụy Điển. Sau trận Hanko, Thụy Điển lâm vào thế yếu và buộc phải đàm phán với Nga tại quần đảo Aland năm 1718. Nhưng cuộc đàm phán diễn biến chậm chạp. Thụy Điển hy vọng Vương quốc Anh sẽ tham chiến giúp mình nhưng người Anh muốn duy trì cục diện cân bằng ở châu Âu nên chỉ đưa ra mặt trận một hạm đội nhỏ để kiềm chế sức tấn công của quân đội Nga. Trong khi đàm phán đang tiếp tục, vào đêm 30 tháng 11 năm 1718, vua Thụy Điển Karl XII tử trận khi đang dẫn quân công hãm pháo đài Frederiksten ở Na Uy. Không sợ hãi áp lực của hải quân Anh, vua Pyotr Đại đế mở cuộc tấn công lớn và giành thắng lợi vang dội trước Hải quân Thụy Điển năm 1720. Quân Thụy Điển bị thiệt hại nặng, phải mở lại hội đàm với Nga tại Nystad (Phần Lan). Cuối cùng Hòa ước Nystad giữa Nga và Thụy Điển được chính thức ký kết ngày 30 tháng 8 theo lịch cũ Julius (tức 10 tháng 9 năm 1721). Theo Hòa ước Thụy Điển cắt nhường cho đế quốc Nga vĩnh viễn các vùng Livonia, Ingria và Estonia, cùng với Karelia kéo dài đến Vyborg. Sau này, Pyotr hồi tưởng lại cuộc chiến kéo dài 21 năm với đế quốc Thụy Điển, ông nói: Tiến về phía nam và phía đông Ngay trong thời kỳ chiến tranh với Thụy Điển, Pyotr đã phái một đoàn khảo sát vùng Trung Á, thuyết phục Hãn quốc Khiva thần phục Nga và tìm hiểu con đường đến Ấn Độ. Về phía Siberia, ông phái 50 vạn quân chiếm một vùng đất rộng lớn tại thượng du sông Irtish và xâm chiếm dần dần vùng lãnh thổ Yarkanr sát biên giới Trung Quốc dưới thời nhà Thanh. Ông còn phái quân đánh sang đế quốc Mãn Thanh, tiến sâu tới Vạn Lý Trường Thành. Sau này, trước sự chống trả quyết liệt của quân Mãn Thanh, quân Nga mới rút lui. Nhân lý do các thương nhân Nga bị đánh và cướp ở vùng Samarkand, tháng 7 năm 1722, ông điều 80 nghìn quân và 420 hỏa pháo tấn công đế quốc Safavid của người Ba Tư. Quân đội Đế quốc Nga lần lượt đánh chiếm Baku, Sari, Resht và hủy diệt quân Safavid trọng trận Ganja. Năm 1723, vua nhà Safavid là Tahmasp II phải ký hòa ước với đế quốc Nga. Vua Safavid cắt Nienschanzt cho Nga và đổi lại Nga phải bảo vệ nhà Safavid trước những cuộc tấn công của đế quốc Ottoman. Ông muốn nhân cơ hội đó để tiến sang Tây Á và Ấn Độ, nhưng gặp phải sức kháng cự mạnh mẽ của người Thổ Ottoman nên tham vọng của ông không thực hiện được. Chính sách Thay đổi tập tục Sau chuyến đi học tập ở nước ngoài 18 tháng, trở về nước, vua Pyotr Đại đế đã thực hiện hàng loạt chính sách cải cách trong nước. Người Nga vốn có truyền thống để những bộ râu dài và đẹp, nhưng Pyotr I đã hạ lệnh cắt ngắn râu trong toàn quốc. Người dân muốn để râu dài phải nộp 30 rouble, lãnh chúa và quan lại muốn để râu phải nộp 60 rouble, riêng tầng lớp phú thương phải nộp 100 rouble. Ông cho làm một tấm bản đồng nhỏ như biên lai thu tiền để được để râu. Ngoại lệ duy nhất để râu không phải đóng thuế là hàng giáo phẩm của Giáo hội. Sau đó ông ban lệnh bỏ tục mặc áo thụng (kaftany) xùng xình của người Nga. Cách ăn mặc truyền thống của giới quý tộc Nga là: áo lót ngắn thêu hoa bên trong, ngoài mặc áo lụa màu sặc sỡ rồi khoác thêm áo dài, phía ngoài lại khoác thêm một chiếc áo dài hơn mà từ trên xuống dưới đều kết nhiều nút. Cách ăn mặc đó dù đẹp nhưng làm trở ngại mọi hoạt động. Vì vậy Pyotr ra lệnh cắt hết tay áo quá rộng. Ông ban bố cáo quy định: "dân cư Moskva và các thành thị khác, áo dài bên ngoài chỉ được đến đầu gối, còn áo lót bên trong phải ngắn hơn áo ngoài". Kinh tế Vua Pyotr Đại đế đã thông qua biện pháp cho vay ưu đãi để đẩy mạnh phát triển công nghiệp, bước đầu tạo nền tảng cho nền công nghiệp Nga. Khi ông qua đời, số nhà xưởng ở đế quốc Nga tăng từ 41 lên 440. Những ngành liên quan đến vũ khí như luyện kim, đóng tàu được đặc biệt nâng đỡ. Tại vùng Ural, người ta thành lập 60 xưởng luyện kim. Cuối triều vua Pyotr, vào năm 1725, sản lượng gang tăng từ 8000 fud năm 1700 lên 1.815.000 fud, không những thỏa mãn nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu. Thương mại Vua Pyotr Đại đế áp dụng chính sách bảo hộ quan thuế, đẩy mạnh xuất khẩu. Cán cân thương mại của đế quốc Nga khi đó luôn trong tình trạng xuất siêu. Để tạo điều kiện cho sự phát triển của thương mại trong nước, Nga hoàng Pyotr I còn huy động hàng trăm ngàn nông nô đi đào kênh và xây bến cảng. Quân sự Pyotr Đại đế cho tăng nguồn quân phí để phục vụ chiến tranh, cải cách chế độ quân dịch và các điều lệ quân sự, mua sắm những loại vũ khí tiên tiến ở nước ngoài. Đồng thời, ông khuyến khích các công xưởng trong nước phát triển chế tạo vũ khí mới, đóng tàu bè, đúc đại bác. Ông xây dựng một đội quân đầy đủ những các loại binh chủng như bộ binh, kỵ binh, pháo binh, công binh,… gồm những đội quân chính quy có trình độ tiên tiến; cộng thêm một hải đội lớn mạnh gồm 352 chiến hạm, mấy trăm loại thuyền tốc độ cao và 328.000 thủy quân. Văn hóa, khoa học giáo dục Nhằm xóa bỏ sự lạc hậu của nước Nga, Pyotr I chủ trương xây dựng hàng loạt trường học mới, dạy đủ các ngành khoa học: toán học, hàng hải, y học, xây dựng, đóng tàu, khai thác mỏ,… Ông còn phái du học sinh đến các nước Tây Âu để học hỏi, quy định tất cả con em quý tộc đều phải đi học và phải giỏi một ngoại ngữ, nếu không được như vậy sẽ bị tước đoạt quyền thừa kế. Thậm chí ông quy định học sinh nào không tốt nghiệp sẽ không cho phép kết hôn. Năm 1725, việc xây dựng cung điện Mùa hè Peterhof được hoàn tất. Cung điện Peterhof (tên tiếng Hà Lan của "cung đình của vua Pyotr") được khởi công xây dựng theo lệnh của Pyotr Đại đế vào năm 1714, tại thị trấn Peterhof thuộc quận Petrodvortsovy tại kinh đô Sankt-Peterburg. Cung điện được xây dựng bởi nhiều nhà kiến trúc nổi tiếng của châu Âu thời bấy giờ. Cung điện Peterhof được mệnh danh "Versailles của nước Nga". Pyotr Đại đế cho rằng đối tượng giáo dục không chỉ hạn chế trong giới quý tộc, ông cho phép con em dân thường cũng được đi học. Ông cho dịch hàng ngàn cuốn sách khoa học kỹ thuật và lịch sử các quốc gia khác. Ông còn cho xây dựng ở Moskva một y viện ngoại khoa có phòng mổ đầu tiên. Ở tất cả các thành phố đều có nhà thuốc. Pyotr I cho xây các bảo tàng, xưởng in, thư viện và kịch viện đầu tiên ở Nga. Năm 1703, tờ báo đầu tiên ở Nga được phát hành mang tên Vedomosti. Năm 1721, 80 nhà vẽ bản đồ nhận chỉ thị của hoàng đế đề vẽ tấm bản đồ nước Nga. Năm 1724, trước khi qua đời, ông vẫn dốc tâm xây dựng Viện Khoa học Nga. Bộ máy hành chính Pyotr I xóa bỏ Viện Duma quý tộc là cơ quan ngày càng bất mãn trước những cải cách của ông. Ông xóa bỏ bộ máy nhà nước cồng kềnh, trách nhiệm không rõ ràng, xây dựng chính quyền tối cao tập quyền, tự mình lập ra Viện Tham nghị gồm 9 thành viên do ông chỉ định và 9 hội đồng có tính chất quản lý toàn quốc, chịu trách nhiệm về các lĩnh vực khác nhau. Về mặt hành chính, ông chia đế quốc Nga thành 8 vùng và 50 tỉnh. Năm 1714, đích thân ông chủ sự soạn thảo và ban bố bản "Quy định đẳng cấp của quan chức", chia các chức quan văn võ làm 14 bậc. Ông dựa vào trình độ trí thức, tài năng, đóng góp của các quan mà quyết định thăng hay giáng cấp. Một trong những trường hợp điển hình của việc phát hiện và trọng dụng nhân tài của Pyotr chính là việc đưa một người thợ làm bánh Menshikov lên làm Tổng đốc thành phố Sankt-Peterburg và sau này Menshikov trở thành một trong những nhân vật có tiếng trong nước. Trong những năm cuối đời, Pyotr tiếp tục cải cách. Ngày 22 tháng 10 năm 1721, ít lâu sau khi Nga ký hòa ước với Thụy Điển, ông được tôn làm Hoàng đế toàn Nga. Một số người đề nghị ông xưng Hoàng đế của phương Đông, nhưng ông từ chối. Sau bài diễn văn của Tổng Giám mục xứ Pskov năm 1721, quan Chưởng ấn Gavrila Golovkin, đã thêm "Đại đế, Người cha của nước Nga, Hoàng đế toàn Nga" vào những tước hiệu của Pyotr I. Vua Ba Lan August II, vua Phổ Friedrich Wilhelm I và vua Thụy Điển Fredrik I đã công nhận Pyotr là một Hoàng đế, nhưng các vua châu Âu khác lại không công nhận. Địa vị của quý tộc cũ bị hạn chế, xuất hiện thêm một bộ phận quý tộc mới. Nga hoàng tỏ ra nghiêm khắc với tầng lớp quý tộc và đối xử công bằng giữa họ với dân thường. Có nhà quý tộc vì báo cáo sai danh sách tân binh với ông đã bị lọc ra đánh bằng roi trước công chúng. Trong quan hệ giữa triều đình và giáo hội, ông xóa bỏ chế độ đại giáo trưởng (Ober prokuror) và thay vào đó là Viện Tôn giáo Thần Thánh (Holy Synod), đưa tôn giáo vào sự khống chế của chế độ Nga hoàng. Qua đời Mùa đông năm 1724, Nga hoàng Pyotr I vốn rất mạnh khỏe bỗng nhiên ốm nằm liệt giường. Có nhiều nguyên nhân khiến sức khỏe của ông suy sút, nhưng nguyên nhân trực tiếp là 1 chiến hạm từ Kronshtadt trở về kinh đô Sankt-Peterburg bị mắc cạn ở vịnh Phần Lan, thủy thủ trên tàu nhảy xuống có thể bị lạnh chết. Khi đó ông không kể tới tính mạng của mình, cũng tự nhảy xuống nước để cứu nguy cho con tàu. Sau đó tàu được cứu, mọi người bình an trở về, còn Pyotr thì bị cảm lạnh. Một số nguyên nhân khác được nêu ra là do cuộc đời ông nhiều năm bôn ba chinh chiến, tiêu hao sức khỏe; ông lại là người hay uống rượu. Ngoài ra, còn hai sự kiện lúc tuổi cao tác động không tốt đến tâm lý ông. Thứ nhất là việc người con trai trưởng là Aleksei tham gia đảo chính và bị xử tử. Sự việc thứ hai là người vợ yêu của ông - Ekaterina bị tai tiếng ngoại tình với một viên hầu cận. Giữa tháng 1 năm 1725, bệnh tình của Pyotr Đại đế ngày càng xấu. Ông bị bí tiểu; dù một bác sĩ người Anh đã thông nước tiểu cho ông, rút ra gần 4 kg nước tiểu để giảm đau đớn cho hoàng đế, nhưng trình độ y học khi đó không cho phép chữa khỏi bệnh cho ông. Lúc 6 giờ sáng ngày 28 tháng 1 năm 1725, Pyotr Đại đế qua đời. Ông trị nước được 43 năm, hưởng thọ 53 tuổi. Ngày 8 tháng 3, lễ tang Nga hoàng được tổ chức tại giáo đường Peterburg. Những sự kiện đầu tiên của nước Nga dưới thời Pyotr I Rất nhiều sự kiện xảy ra và thành tựu đạt được lần đầu tiên dưới triều vua Pyotr Đại đế. Dưới đây là vài nét chính: Thuyền buồm không những có thể đi xuôi chiều gió, mà còn có thể đi ngược lại chiều gió. (Pyotr là người Nga đầu tiên lái loại thuyền này, trên sông Yauza, cách Moskva khoảng 45 km về phía Đông Bắc.) Căn cứ đầu tiên của Hải quân Nga (ở Taganrog, trên bờ Biển Azov, do Pyotr chọn địa điểm). Đô đốc người Nga đầu tiên (Fyodor Matveyevich Apraksin). Một hạm đội Nga vượt đại dương, khởi hành từ cảng của Nga và trở về cảng của Nga, do tướng lĩnh Hải quân Nga chỉ huy. Pyotr lái một tàu trong hạm đội này. Quy định quốc kỳ của Nga cho đến khi đế quốc Nga cáo chung vào năm 1917, rồi được phục hồi cho nước Nga hiện nay. Sau khi con tàu khu trục được đặt mua từ Hà Lan về đến Nga, Pyotr quyết định dựa trên cờ của Hà Lan – từ trên xuống dưới là ba màu đỏ, trắng và xanh – để tạo nên lá cờ của Hải quân Nga – từ trên xuống dưới là trắng, xanh và đỏ. Lá cờ này sau được sử dụng làm quốc kỳ. Sa hoàng học đóng tàu từ lễ đặt ki cho đến công đoạn cuối cùng, và được cấp chứng chỉ tốt nghiệp thợ đòng tàu chuyên môn. Huân chương đầu tiên: Huân chương Thánh Anđrê, là phần thưởng danh dự ở cấp cao nhất mà Sa hoàng ban tặng cùng với tước vị Hiệp sĩ, áp dụng cho đến khi chế độ quân chủ chuyên chế Nga sụp đổ sau Cách mạng Tháng Hai năm 1917. Áp dụng niên lịch theo Tây Âu. Cử hành lễ ở tất cả thánh đường nước Nga vào ngày đầu năm theo niên lịch mới. Thêm nữa, Pyotr Đại đế ra lệnh mọi người trang hoàng nhà cửa trong dịp này, và mọi công dân Moskva phải "biểu lộ niềm hạnh phúc bằng cách lớn tiếng chúc mừng lẫn nhau". Phụ nữ Hoàng gia được giải thoát khỏi chế độ biệt lập hà khắc trong cấm cung. Mọi quyết định về hôn nhân phải là tự nguyện, hai bên trai gái phải gặp nhau ít nhất sáu tuần trước khi kết hôn, mỗi bên có quyền tự do từ chối bên kia, và việc chú rể vung cây roi trong ngày cưới như là biểu trưng cho quyền hành phải được thay thế bằng nụ hôn thể hiện tình yêu. Hệ thống chữ cái mới để in sách Nga văn. Tàu chiến nước Nga, mang cờ hiệu của Sa hoàng, thực hiện một cuộc hải hành đơn độc và tự do trên vùng biển do sultan của đế quốc Ottoman kiểm soát. Thành phố Sankt-Peterburg được xây dựng từ bãi đầm lầy, trở thành kinh đô mới của nước Nga Sa hoàng. Trường Toán học và Hải hành (ở Moskva). Bãi bỏ tước hiệu boyar, thiết lập hệ thống tước hiệu giống như Tây Âu. Thành lập Thượng viện. Thành lập Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Thành lập bảng Cấp bậc của Đế quốc Nga, gồm thang cấp bậc cho ba ngành: quân đội, dân sự và tòa án, được sử dụng đến năm 1917. Bắt đầu đào Kênh Ladoga (được hơn 30 km khi Pyotr Đại đế qua đời, hoàn tất năm 1932). Kết hôn giữa công chúa Nga và người Tây Âu. Cho phép Sa hoàng đương quyền chỉ định người kế vị (nhưng Pyotr Đại đế không hành xử quyền này). Nhận định Là một trong những nhân vật kiệt xuất của lịch sử thế giới và được nhân dân Nga bình chọn là nhân vật lịch sử vĩ đại nhất của Nga (vượt cả Stalin và Lenin), ông đã có thành tựu lớn lao trong công cuộc hiện đại hóa đất nước ông. Ông đã đẩy mạnh một nước Nga lạc hậu, đi sau Tây Âu dường như hàng trăm năm, trong một thời gian ngắn vượt lên thành một trong năm đại đế quốc của châu Âu, được những nước châu Âu còn lại kiêng nể. Vì Pyotr Đại đế có tố chất đa dạng: sục sôi và gan lì, vừa bao dung vừa tàn nhẫn, vừa mềm mỏng vừa cố chấp, tình cảm ở mặt này nhưng cứng rắn ở mặt khác…, nhưng cuối cùng tạo nên khúc ngoặt cực kỳ quan trọng trong lịch sử nước Nga. Lịch sử đã dành cho vua Pyotr Đại đế nhiều lời khen ngợi. Có lẽ lời khen ngợi đi đầu là tầm nhìn chiến lược của ông, kế đến là nhận thức rồi quyết tâm. Những tầm nhìn, nhận thức và quyết tâm ấy thiếu vắng hầu như trong cả nước Nga thời bấy giờ. Chỉ một mình ông có tầm nhìn sâu rộng, nhận thức đúng đắn, rồi có quyết tâm sắt đá để đi đến đích. Chẳng hạn, trong khi bao triều đại trước đều không nhận ra là nước Nga bao la chỉ có một cảng biển thông ra bên ngoài thế giới trong sáu tháng mỗi năm, không có hải quân, và cả nước Nga mãn nguyện với đội thuyền đi theo dòng nước trên sông; chỉ riêng vua Pyotr Đại đế nhận ra đó là những khiếm khuyết vô cùng hệ trọng trong chiến lược xây dựng kinh tế và quân sự cho đất nước ông. Chính ông đã nhận thức được công dụng diệu kỳ của một chiếc thuyền buồm không những có thể đi xuôi chiều gió, mà còn có thể đi ngược lại chiều gió – điều mà loại thuyền bè Nga hồi ấy không thực hiện được. Quyết tâm xây dựng cảng biển và tạo dựng nên hải quân Nga khởi phát từ tầm nhìn và nhận thức như thế. Với bao hoài bão nung nấu nhằm hiện đại hóa nước Nga nằm kề bên Tây Âu lúc ấy đã tiến bộ khá xa, vua Pyotr Đại đế tự mình đóng một chiếc thuyền và học cách điều khiển nó, tổ chức riêng cho mình một đội quân và tập trận thường xuyên để cuối cùng chuyển thành đội quân tinh nhuệ hơn hẳn lực lượng nòng cốt của triều đình, tổ chức một phái bộ sứ thần đi Tây Âu để học hỏi và tuyển chọn nhân tài về giúp cho triều đình của mình, vào vai thợ mộc học nghề ở Hà Lan để tự tay đóng một tàu chiến bắt đầu từ những súc gỗ thô sơ cho đến khi hạ thủy. Và còn nhiều việc làm quyết đoán nữa, như ra lệnh tịch thu chuông nhà thờ để đúc đại bác phục vụ công cuộc chống ngoại xâm mặc cho giáo hội đầy quyền uy phản đối. Hoặc đòi hỏi các tầng lớp tăng lữ, quý tộc và thương nhân – có thế lực mạnh nhất thời bấy giờ – góp chi phí vào việc xây dựng hải quân; ai không làm sẽ bị tịch thu gia sản, ai kêu nài sẽ phải đóng góp thêm. Hoặc ra lệnh đàn ông Nga phải cắt râu cho gọn và tất cả người Nga phải chuyển trang phục truyền thống sang kiểu gọn nhẹ – mục đích sâu xa là để dân Nga tăng năng suất làm việc – mặc cho chống đối của giáo hội uy quyền và thói ù lì muốn duy trì cách sống lâu đời. Một công trình vĩ đại khác – khá điên rồ và mạo hiểm – là tiến hành xây dựng nên thành phố Sankt-Peterburg bề thế từ bãi đầm lầy ngay cả trong những năm tháng chiến tranh, ngay cả khi vùng đất mới được chiếm từ Thụy Điển, chưa có hòa ước để hợp thức hóa là thuộc Nga vĩnh viễn, có nghĩa là Thụy Điển có quyền chiếm lại bất cứ lúc nào. Quyết tâm ấy thể hiện qua chính sách là có thể nhượng bộ Thụy Điển bất cứ điều gì ngoại trừ trả lại Sankt-Peterburg, nhằm mở một đường giao thông hàng hải và căn cứ hải quân Nga. Quyết tâm này được lưu truyền mãi về sau, với kết quả là Sankt-Peterburg vẫn đứng vững trước các cuộc tấn công của vua Karl XII của Thụy Điển, cũng như của Hoàng đế Napoléon I của Pháp và Adolf Hitler của Đức Quốc xã sau này. Việc đánh giá Pyotr Đại đế có thể theo hai xu hướng. Một là cho rằng thành quả đều do cá nhân Pyotr: trong khi cả triều đình, cả giáo hội, cả các giới quý tộc và thương nhân – là những thế lực quan trọng thời bấy giờ ở Nga – không ai thiên về cải tổ và hiện đại hóa như ông (nhiều người còn chống đối, ngay cả người vợ đầu và con trai trưởng của ông). Riêng các cận thần và các cấp chỉ huy quân sự của ông chỉ thực thi sách lược của ông và nhận mệnh lệnh của ông mà thừa hành, nên sự đánh giá càng làm nổi bật cá nhân của Pyotr Đại đế trong việc biết trọng dụng nhân tài dù cho họ là người Nga hoặc người nước ngoài. Cũng nên ghi nhận là Pyotr Đại đế đã làm được nhiều việc nhờ ông có uy quyền tuyệt đối, có quyền ban hành luật theo ý muốn, ngay cả có quyền xử tử hình bất cứ ai đi ngược lại ý ông. Nếu trong một thể chế quân chủ lập hiến hoặc hệ thống dân chủ như thời nay, chỉ một cá nhân như Pyotr Đại đế hẳn sẽ không thể làm được gì nhiều trong bối cảnh xã hội nhân văn nước Nga trì trệ như thế. Bằng chứng là một số cải tổ hành chính của Pyotr Đại đế, tuy có cơ sở chính đáng nhưng đã không thành công vì thái độ ù lì của các cấp địa phương. Xu hướng thứ hai trong việc đánh giá Pyotr Đại đế thì cho rằng những thành tựu là do sở thích cá nhân từ thời niên thiếu, rồi vì bản thân là một Sa hoàng, muốn gì cũng được, nên có điều kiện từ đồ chơi đi lên trò chơi, và từ trò chơi biến ra hành động thực sự. Có nghĩa là những hành động không nằm trong chiến lược tổng thể nào để phát triển đất nước. Ý kiến khác là xem vai trò cá nhân của ông không phải là yếu tố quyết định, trong khi phê phán ông về chế độ độc đoán, hà khắc – đôi lúc tàn bạo – theo kiểu phong kiến. Và trong công cuộc cải tổ, ông đã làm mất đi một vài giá trị truyền thống của xã hội Nga. Rộng ra hơn, những tầng lớp thấp trong xã hội Nga, đặc biệt là nông dân, không được hưởng lợi trực tiếp từ thành quả của ông. Trái lại, họ còn khổ sở hơn vì phải trực tiếp hoặc gián tiếp chịu gánh nặng để xây dựng căn cứ hải quân, xây thành phố Sankt-Peterburg, chi phí cho cuộc chiến với Thụy Điển,… Chiều hướng đánh giá này cũng có cái lý của nó, tùy cảm quan của từng người. Chẳng hạn, có thể biện luận rằng một khi nước Nga đã trở nên hiện đại hóa thì dần dà đời sống nông dân Nga cũng được nâng cao hơn. Dù sao đi nữa, không ai có thể phủ nhận công lao của Pyotr Đại đế trong công cuộc xây dựng lực lượng quân sự và hiện đại hóa đất nước Nga, như là việc tạo dựng nên hải quân và đội thương thuyền hàng hải từ con số không: không tàu thuyền, không có công nghệ đóng tàu, không có ai biết lái tàu biển. Và còn nữa: từ "chuyện nhỏ" như thiết lập trường xóa mù chữ và dạy toán cấp cơ sở, trường kỹ thuật đào tạo thợ chuyên môn, xưởng in, cho đến việc cải tổ hành chính, hoàn thiện cơ sở pháp luật, xây dựng hệ thống đường sá, kênh đào vĩ đại, hoàn thiện thành phố Sankt-Peterburg, nâng cao vai trò người phụ nữ, lập nên Viện Hàn lâm Khoa học,… Qua đó tố chất của Pyotr Đại đế được hiện rõ: trong khi sở thích cá nhân của ông thời thơ ấu tập trung vào vài lĩnh vực như quân sự và hàng hải, khi đã là Sa hoàng độc tôn và có cơ hội đi ra nước ngoài, sự quan tâm học hỏi của ông lại trở nên bao quát. Ông đi viếng thăm đủ mọi nơi: nhà máy chế biến, xưởng cưa, nhà máy in, xưởng se sợi, nhà máy giấy, xưởng cơ khí, viện bảo tàng, vườn thực vật, phòng thí nghiệm,… Ông đến viếng và hỏi han các kiến trúc sư, nhà điêu khắc, kỹ sư, nhà thiên nhiên học, người phát minh kính hiển vi, giáo sư giải phẫu học,… Ông cũng học hỏi từ người hành nghề tầm thường nhất để biết cách vá quần áo của mình, đóng một đôi dép cho riêng mình, và còn tập tháo ráp đồng hồ. Khi thơ thẩn đi xem phố xá, chợ búa nước người, ông vẫn có thái độ nghiêm túc như khi đi gặp các nhà khoa học, không phải như một du khách nhàn nhã mà như du học sinh: muốn nghe, muốn thấy, muốn phân tích tại sao dân Nga quá nghèo và dân Tây Âu quá giàu. Và từ đó, du học sinh có tên giả là Pyotr Mikhailov đi đến những câu trả lời nằm ở ngoại thương, cảng biển, đội thương thuyền, ngay cả sự phóng khoáng về tôn giáo. Tức là, phân tích và kết luận của ông không phải là manh mún theo sở thích cá nhân, mà trở thành khá đồng bộ, tổng thể trong sách lược phát triển đất nước Nga. Một thế kỷ sau khi ông qua đời, sự ngưỡng mộ đối với vua Pyotr Đại đế trở thành gần như là lòng sùng bái, với vô số lời ca ngợi nồng nàn về ông xuất phát từ những nhà khoa học, văn nghệ sĩ,… kiệt xuất. Cùng với nữ hoàng Ekaterina II, ông là một trong hai nhà lãnh đạo được Thủ tướng Nga Vladimir Vladimirovich Putin đề cao nhất trong lịch sử Nga. Lẽ tự nhiên là có ý kiến khác biệt. Sau khi vua Pyotr Đại đế qua đời, người dân dấy lên niềm hy vọng là gánh nặng làm nghĩa vụ và đóng thuế sẽ giảm bớt. Trong thế kỷ 19, người có óc bảo thủ vấn vương với những giá trị truyền thống của nước Nga cũ chê trách Pyotr là người đầu tiên mở cánh cửa để đón tiếp ý tưởng và sáng kiến của phương Tây. Có người cho rằng, dưới thời Pyotr Đại đế, người Nga trở thành những công dân của thế giới nhưng theo vài phương diện không còn là công dân Nga nữa. Tranh luận trên quy mô lớn đã nổ ra giữa hai trường phái: một bên là bảo thủ lên án sự nhiễm bẩn và phá hủy của nền văn hóa cùng các định chế của nước Nga cũ; bên kia là "Tây hóa" vốn ngưỡng mộ và ca ngợi Pyotr Đại đế vì đã chế ngự quá khứ và thúc đẩy nước Nga đi lên con đường tiến bộ. Riêng vua Pyotr Đại đế thì có đầu óc thực tế và triết lý khi nghĩ người khác xem ông là như thế nào và sẽ nhớ về ông ra sao. Trong cuộc trò chuyện với một đại sứ nước ngoài, Pyotr hỏi nước ngoài nghĩ về ông ra sao. Vị đại sứ đáp: "Thưa Hoàng thượng, mọi người đều có đánh giá cao nhất về Ngài. Đặc biệt là cả thế giới ngạc nhiên về trí thông minh và thiên tài mà Ngài đã thể hiện trong việc điều hành những kế hoạch quy mô do Ngài khai sáng, và đã khiến cho tên tuổi vinh quang của Ngài lan xa ra mọi miền". Pyotr nói một cách nóng nảy: "Được rồi, được rồi, điều đó có thể đúng, nhưng quân vương nào cũng được người đối diện tâng bốc như thế. Mục tiêu của tôi không phải là muốn nhìn thấy mặt tốt, mà để biết người ta phán xét về tôi ra sao theo mặt trái của vấn đề. Tôi mong ông hãy nói cho tôi biết, dù nó là ra sao chăng nữa". Vị đại sứ gập người thấp xuống, nói: "Thưa Ngài, vì Ngài đã hạ lệnh, tôi sẽ nói cho Ngài biết mọi mặt xấu mà tôi đã nghe. Họ bảo rằng Ngài là một quân vương độc đoán và nghiêm khắc, đối xử với thần dân của mình một cách cứng rắn, người luôn sẵn sàng trừng phạt mà không có khả năng tha thứ cho lỗi lầm". Pyotr Đại đế mỉm cười và lắc đầu nói: Tranh cãi về Pyotr Đại đế và về những cải tổ của ông không bao giờ chấm dứt. Ông đã được thần tượng hóa mà cũng bị kết án, được phân tích hết lần này qua lần khác, và rồi vẫn là con người huyền bí. Một tố chất mà không ai có thể tranh cãi là năng lượng làm việc ngút ngàn của ông. Chính Pyotr Đại đế đã viết: "Không nên để mất một thời khắc nào, chúng ta phải trút ra hết năng lượng để làm việc". Ông có một sức mạnh của thiên nhiên, và có lẽ vì lý do này không thể có sự phán xét cuối cùng về ông. Điểm giống với Julius Caesar Trong lịch sử, nhiều nhân vật không chỉ có những điểm tương đồng nhau về ngoại hình mà còn về sự nghiệp nữa. Trong số những trường hợp này có Pyotr Đại đế và nhà độc tài La Mã Julius Caesar, họ có những điểm giống như sau: Trong lịch sử La Mã cổ đại, Julius Caesar là nhà lãnh đạo đầu tiên tự phong mình làm "hoàng đế". Còn trong lịch sử Nga, Pyotr là vị vua đầu tiên trở thành "hoàng đế". Vào năm 46 trước Công nguyên, Julius Caesar đã đề xướng cải tổ về lịch. Kết quả của cuộc cải tổ này là người La Mã xem ngày 1 tháng 1 là ngày đầu tiên của năm. Tương tự với Caesar, ngày 15 tháng 12 năm 1699 Pyotr Đại đế ban bố Thánh chỉ về việc thiết lập những loại lịch mới. Julius Caesar và Pyotr Đại đế đều là những ông vua quan tâm đến việc quân sự. Họ đã đặt ra Bộ Tham mưu cùng với những cơ quan có trách nhiệm với vấn đề đường sá, kỹ thuật,… Các câu nói nổi tiếng Gia quyến Pyotr Đại đế có hai người vợ và có với họ tổng cộng mười bốn người con nhưng chỉ ba trong số họ sống tới tuổi trưởng thành. Con trưởng của ông, Thái tử Aleksei bị tình nghi tham gia âm mưu lật đổ vua cha. Alexei đã thú tội trong quá trình tra khảo thực hiện bởi tòa án thế tục (không thuộc Nhà thờ), nơi trước đó ông đã bị luận tội và kết án để thi hành. Bản án chỉ được thực hiện khi có chữ ký xác nhận của Nga hoàng Pyotr, nhưng Aleksei đã chết trong tù trước khi Pyotr đưa ra quyết định của mình. Nguyên nhân dẫn đến cái chết của Aleksei nhiều khả năng nhất là do Thái tử này đã bị thương khi bị tra tấn. Sau đây là danh sách các con của Pyotr Đại đế: Chú thích
William Sydney Porter (11 tháng 9 năm 1862 – 5 tháng 6 năm 1910), được biết đến với bút danh O. Henry, là một nhà văn nổi tiếng người Mỹ. Truyện ngắn của O. Henry nổi tiếng là dí dỏm, dễ hiểu, giàu tình cảm và luôn có những cái kết bất ngờ một cách khéo léo. Tiểu sử O. Henry sinh dưới tên William Sydney Porter ngày 11 tháng 9 năm 1862 tại Greensboro, Bắc Carolina, Hoa Kỳ. Tên lót của ông là Sidney, nhưng sau đó được đổi thành Sydney vào năm 1898. Cha ông là Algernon Sidney Porter (1825–1888), mẹ là Mary Jane Virginia Swaim Porter (1833–1865). Họ cưới nhau vào ngày 20 tháng 4 năm 1858. Mẹ ông qua đời vì bệnh lao khi ông mới 3 tuổi. Sau đó, Porter và cha chuyển về sống với bà nội. Ngay từ khi còn bé, Porter đã tỏ ra rất ham đọc. Ông đọc mọi thứ mình có, từ các tác phẩm kinh điển cho tới tiểu thuyết rẻ tiền và ông theo học tại trường tư do người cô của mình, Evelina Maria Porter, làm hiệu trưởng cho đến năm 1876. Sau đó ông tiếp tục theo học ở trường trung học Lindsey Street dưới sự bảo trợ của cô mình tới năm 15 tuổi. Năm 1879, ông làm việc cho hiệu y dược của ông chú, và sau đó, năm 1881, khi 19 tuổi, ông lấy bằng dược sĩ. Tháng 3 năm 1882, khi bắt đầu có triệu chứng bệnh lao lây từ mẹ, ông được gửi đến sống trong một trang trại chăn nuôi ở Texas với hy vọng khí hậu nơi đồng nội giúp vượt qua cơn bệnh – tương tự như nhân vật chính trong truyện Hygeia at the Solito. Ít lâu sau, ông đã thử viết những truyện ngắn đầu tay và một số mẩu truyện vui cho các nhật báo miền Tây Nam Hoa Kỳ. Sau đó, ông làm tại một cơ quan địa chính và lần lượt qua nhiều công việc khác nhau: vẽ kỹ thuật và kiến trúc, thư ký, đầu bếp nhà hàng, làm nhân viên cho công ty địa ốc, xưởng in, v.v. Hầu như từ mỗi ngành nghề, O. Henry đều có thể góp nhặt tư liệu cho các truyện ông viết. Porter chuyển đến Austin năm 1884 và có một cuộc sống khá sôi nổi ở đây. Ông tham gia hát và cả diễn kịch. Thực ra, Porter là một ca sĩ và cả nhạc sĩ giỏi. Ông có thể chơi cả guitar và mandolin. Ông còn tham gia và nhóm hát "Hill city Quartet". Ở đây, Porter gặp và yêu Athol Estes, cô con gái 17 tuổi của một gia đình giàu có nhưng không được sự đồng ý của gia đình cô. Tới tháng 7 năm 1887, Porter và Athol bỏ trốn gia đình, và sau đó họ trở thành vợ chồng. Đứa con trai đầu tiên của họ chết ngay sau khi sinh (năm 1888). Sau đó, tháng 9 năm 1889, họ có con gái đầu lòng, tên là Margaret Worth Porter. Đến năm 1894, ông lập nên tờ tuần san hài hước The Rolling Stone và làm chủ bút. Tờ báo này không mấy thành công, trở nên chết yểu sau một năm. Ông cũng làm phóng viên cho báo khác và thỉnh thoảng đóng góp vẽ kí họa. Kế đến, ông làm nhân viên ngân hàng First National Bank ở thành phố Austin, Texas. Năm 1896, nhà nước mở cuộc điều tra vì tình nghi ông biển thủ tiền của ngân hàng. Trước đấy khá lâu, ông đã phản đối là không thể nào cân đối sổ sách kế toán của ngân hàng vì việc quản lý tại đây quá lỏng lẻo. Mặc dù cha vợ ông đã chi trả hộ khoản tiền thất thoát, Chính phủ liên bang vẫn muốn truy tố tội hình sự. Nếu ông chấp nhận ra hầu tòa, có lẽ ông đã được tha bổng vì số tiền liên quan chỉ nhỏ nhoi và có thể bào chữa là do lỗi lầm kế toán. Nhưng bạn bè ông khuyên ông nên trốn lánh. Ông nghe theo và bỏ đi đến nước Honduras ở Trung Mỹ – và có tư liệu cho vài truyện phiêu lưu lấy bối cảnh từ vùng đất này. Sáu tháng sau, nghe tin vợ mình đang đau nặng, ông trở về Mỹ. Nhà cầm quyền đợi đến khi vợ ông qua đời mới đem ông ra xét xử. Đến lúc này thì sự kiện bỏ trốn đi khỏi nước là yếu tố rất bất lợi cho ông. Tuy thế, ông bị kết mức án tù nhẹ nhất có thể được là 5 năm. Trong nhà tù ở thành phố Columbus, Ohio, ông làm dược tá cho bệnh viện nhà tù, có thời giờ sáng tác để gửi tiền cho con gái, và bắt đầu dùng bút hiệu O. Henry. Sau khi đã qua hơn 3 năm trong tù, nhờ tư cách tốt ông được trả tự do sớm vào năm 1901. Ông đến cư ngụ tại thành phố Pittsburgh, Pennsylvania. Năm sau, ông định cư tại Thành phố New York, cố giấu tung tích mình là tù phạm cũ. Từ lúc này, các truyện ngắn của ông bắt đầu xuất hiện đều đặn trên các báo hàng ngày và tạp chí. Mười tập truyện lần lượt được ra đời trong thời gian 1904-1910. Sau những năm tháng cùng quẫn, mặc dù đến lúc này đã trở nên nổi danh và có tiền nhuận bút khá, O. Henry vẫn không được hưởng hạnh phúc vào những năm cuối đời: cuộc hôn nhân thứ hai thiếu hạnh phúc, khó khăn về tài chính vì chi tiêu quá cao, lại thêm tái phát chứng lao phổi lây từ người mẹ và tật nghiện rượu nhiễm từ người cha. Ông qua đời một cách khổ sở tại Thành phố New York ngày 5 tháng 6 năm 1910 do bệnh lao cộng thêm chứng xơ gan. Thêm ba tập truyện được ấn hành sau khi ông mất. Năm 1919, Hội Nghệ thuật và Khoa học (Society of Arts and Sciences) thiết lập "Giải thưởng Tưởng niệm O. Henry" (O. Henry Memorial Awards), hàng năm trao cho những truyện ngắn xuất sắc. Tại Việt Nam đã có nhiều bản dịch một số truyện ngắn của O. Henry. Gần đây nhất là quyển "Người du ca cuối cùng" do Nhà xuất bản Văn Học xuất bản. Truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng đã được đưa vào chương trình văn học nhà trường (Ngữ văn 8). Tác phẩm Có lẽ nhờ cuộc đời phong phú của tác giả nên các truyện ngắn của O. Henry (tổng cộng gần 400 truyện cộng thêm vài bài thơ) cũng thể hiện các nét đa dạng của xã hội Mỹ đương thời. Người ta có thể tìm thấy những nhân vật làm các nghề mà chính tác giả đã trải qua, và còn nữa: chủ cửa hiệu, nhân viên bán hàng, ký giả, họa sĩ, bác sĩ, diễn viên sân khấu, thợ cắt tóc, cảnh sát, thanh tra, dân đi tìm vàng, cũng có những người vô nghề nghiệp vô gia cư, và kể cả kẻ tội phạm và tù nhân. Những bối cảnh trong các truyện ngắn cũng phong phú, với nhiều truyện lấy Thành phố New York - nơi O. Henry sống tám năm cuối đời ông - làm bối cảnh, cộng thêm những mẩu chuyện phiêu lưu trong vùng Trung và Tây-Nam nước Mỹ. Tất cả đều biểu hiện khung cảnh xã hội kinh tế nước Mỹ vào thời khoảng cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, lúc đường Thành phố New York còn được thắp sáng bằng đèn ga, người còn dùng xe ngựa để di chuyển, nhiều dân chăn bò (cowboy, hay "cao bồi") vẫn còn sống bờ sống bụi và xem pháp luật bằng nửa con mắt, dân đi tìm vàng tự lập nên những thị trấn mới rồi "tự cai tự quản", v.v. Điểm đặc sắc trong truyện ngắn của O. Henry là những tình tiết ngẫu nhiên, có lúc khắc nghiệt hoặc oái oăm hoặc mỉa mai, nhiều lúc khôi hài hoặc dở khóc dở cười, để rồi kết thúc trong bất ngờ làm người đọc hoặc thích thú nhưng không quá sướng thỏa, hoặc bâng khuâng nhưng không quá nặng nề. Những dư hương nhẹ nhàng như thế đọng trong tâm tư người đọc khá lâu. Có lẽ do vậy mà vài truyện của O. Henry đã được chuyển thể qua sân khấu, sau này là điện ảnh và truyền hình, kể cả sân khấu kịch ở Việt Nam. Riêng truyện A retrieved reform, rút tư liệu từ thời gian tác giả ngồi tù (có ý kiến cho là dựa trên chuyện có thật), được chuyển thành kịch sân khấu rất thành công. Nhiều người ngạc nhiên về tính đa dạng trong các truyện của O. Henry. Một ngày, khi ngồi với nhà văn trong một hiệu ăn, một người bạn ông đặt câu hỏi thay cho số đông người đọc: làm thế nào ông kết cấu được các tình tiết, ông tìm đâu ra những cốt truyện như thế? Nhà văn đáp: "Từ mọi nơi. Mọi thứ đều mang câu chuyện". Rồi cầm lấy tờ thực đơn trên bàn ăn, ông nói: "Có một câu chuyện trong bản thực đơn này." Đúng như thế: sau đấy ông viết nên truyện Springtime à la carte. Thời sinh tiền, O. Henry gửi các truyện của ông cậy đăng trên nhiều báo cuối tuần và tạp chí văn học. Các truyện này sau đó được in lại trong những tập truyện ghi dưới đây: Cabbages and Kings The Four Million Heart of the West The Trimmed Lamp The Gentle Grafter The Voice of the City Options Roads of Destiny Strictly Business Whirligigs Sixes and Sevens Rolling Stones Waifs and Strays Những truyện được ưa thích After twenty years (Sau hai mươi năm): Một trong những truyện lấy bối cảnh Thành phố New York (nơi O. Henry sống tám năm cuối đời ông) được ưa thích nhất. A chaparral prince (Hoàng tử đồng xanh): Chuyện phiêu lưu vùng Viễn Tây thời ấy, vừa hoang sơ, ngang tàng, mà cũng có khí phách anh hùng - pha trộn tai ương và phúc lành, lục lâm và hiệp sĩ. The church with an overshot-wheel (Ngôi giáo đường với cối xay nước): Có người nhận xét "giống như truyện cổ tích". Cốt truyện dễ thương, và là một trong số ít truyện của O. Henry thể hiện văn tài tả cảnh tuyệt vời. The furnished room (Căn phòng đủ tiện nghi): Truyện được những nhà phê bình nghiêm khắc xem là một trong những truyện nghiêm túc, có giá trị văn học nhất của O. Henry. Georgia's Ruling (Phán quyết của Georgia): Cả trăm năm trước, nước Mỹ rộng bao la vẫn có cơn "sốt đất" tạo ra nhiều vấn đề cho các sở địa chính, nhưng ở đây nằm trong bối cảnh khác: tình cha con mở rộng ra tình người. Ý tình thắm thiết nhưng ngôn từ cô đọng. The gift of the Magi (Món quà của các đạo sĩ): Một trong các truyện của O. Henry được người đọc phương Tây yêu thích nhất, cũng có thể được xem là một trong những truyện ngắn về Giáng Sinh hay nhất mọi thời đại. The green door (Cánh cửa màu lục): Có ý kiến cho rằng tác giả thiên về tư cách nhà hoạt động xã hội (social activist) qua truyện này. The last leaf (Chiếc lá cuối cùng) được O. Henry sáng tác năm 1907, là một truyện ngắn nổi tiếng được biết đến nhiều nhất, đã được đưa vào sách giáo khoa của nhiều nước để giới thiệu văn học nước ngoài. Truyện nói về cuộc sống khổ cực của những người họa sĩ nghèo ở Mĩ. Cuộc sống cơ cực đã khiến Johnsy tuyệt vọng với căn bệnh sưng phổi, nhưng nhờ có chiếc lá cuối cùng do cụ Behrman vẽ, Johnsy đã qua khỏi sự nguy kịch. A retrieved reformation (Một cuộc đổi đời): Truyện rút tư liệu từ thời gian O. Henry ngồi tù, có ý kiến cho là dựa trên chuyện có thật. The dream (Giấc mộng): Đây là truyện cuối cùng của O. Henry. Tạp chí văn chương Cosmopolitan Magazine đã đặt hàng tác giả viết truyện này, nhưng sau khi nhà văn qua đời (tháng 6 năm 1910), tập bản thảo đang dở được tìm thấy trên bàn làm việc đầy bụi bặm của nhà văn. Truyện ngắn đang dở được ra mắt trên tờ Cosmopolitan Magazine tháng 9 năm 1910. Bút danh Porter đưa ra khá nhiều lời giải thích khác nhau về nguồn gốc bút danh O.Henry của mình. Năm 1909, trong một cuộc phỏng vấn với tờ New York Times, ông kể rằng mình đã chọn cái tên O.Henry trong những ngày ở New Orleans. Khi đó ông muốn gửi đăng vài câu chuyện và muốn tìm một bút danh hay để ký tên. Sau đó, cùng với sự giúp đỡ của một người bạn, ông quyết định tìm bút danh cho mình bằng cách chọn một cái tên hợp thời của những người nổi tiếng trên một tờ báo. Ông kể "Chúng tôi tìm kiếm, và mắt tôi sáng lên khi lướt qua tên Henry. Đấy sẽ là họ của tôi - tôi nói - và tôi muốn tìm một cái tên thật ngắn gọn chứ không phải là một cái tên 3 âm tiết". Bạn ông đề nghị dùng chỉ một chữ cái đơn giản làm tên, Porter tán thành và nói "Tốt. O có vẻ là một chữ cái đơn giản, và ta sẽ chọn O." Có một tờ báo đã hỏi Porter chữ O có ẩn ý gì, và ông nói:"O là của Olivier, cái tên Pháp của Oliver". Và thực sự là đã có một vài truyện ông ký tên Olivier Henry. Nhà nghiên cứu Guy Davenport đưa ra một giải thích khác: "Bút danh đó có khi Ohenry bắt đầu viết truyện ở trong tù, được tạo nên từ hai từ Ohio và penitentiary (nghĩa là nhà giam)" Bạn có thể nhìn rõ hơn ở đây - chú ý phần in đậm Ohio penitentiary Chú thích
Họ Na (danh pháp khoa học: Annonaceae) còn được gọi là họ Mãng cầu, là một họ thực vật có hoa bao gồm các loại cây thân gỗ, cây bụi hay dây leo. Với khoảng 2.300 đến 2.500 loài trong 120 - 130 chi, đây là họ lớn nhất của bộ Mộc lan (Magnoliales). Chi điển hình của họ này là Annona (na, mãng cầu xiêm). Họ này sinh trưởng chủ yếu ở vùng nhiệt đới, và chỉ có một ít loài sinh sống ở vùng ôn đới. Khoảng 900 loài ở Trung và Nam Mỹ, 450 loài ở châu Phi, và các loài khác ở châu Á. Các loài thuộc họ Annonaceae có lá đơn, mọc so le (mọc cách), có cuống lá và mép lá nhẵn. Lá mọc thành hai hàng dọc theo thân cây. Vết sẹo nơi đính lá thường nhìn thấy rõ các mạch dẫn. Cành thường ở dạng zíc zắc. Chúng không có các lá bẹ. Hoa đối xứng xuyên tâm (hoa đều) và thường là lưỡng tính. Ở phần lớn các loài thì 3 đài hoa nối với nhau ở gốc hoa. Có 6 cánh hoa có màu nâu hay vàng, nhiều nhị hoa mọc thành hình xoắn ốc cũng như nhiều nhụy hoa, mỗi nhụy có bầu nhụy dạng một ngăn chứa một hoặc nhiều tiểu noãn. Hoa đôi khi mọc trực tiếp trên các cành lớn hoặc trên thân cây. Quả là nang, bế quả hay đa quả. Tiến hóa Các ước tính về niên đại của nhóm thân cây của họ Annonaceae dao động đáng kể: (110,4) - 106,3 - (102,0) triệu năm trước (ước tính mật độ hậu nghiệm cao nhất - HPD), (110.4) -101,7 - (99.4) Ma (ước tính mật độ hậu nghiệm cao nhất), (101,46) - 98,01- (94,91) Ma, 91-82 ± 4 Ma, hay tại một khoảng thời gian nào đó trong khoảng từ 84,7 tới 62,6 Ma (các ước tính khác nhau); xem thêm trong Pirie và Doyle (2012). Sự đa dạng hóa của nhóm chỏm cây có thể đã diễn ra khoảng 92-89 Ma hay khoảng 82-57 Ma. Sự rẽ nhánh trong phạm vi chi Anaxagorea có thể đã bắt đầu khoảng 44 Ma. Sự đa dạng hóa của phần còn lại của họ, nghĩa là phần không bao gồm Anaxagorea, có thể là trong kỷ đệ Tam, với các con số (76,6) - 68, 64,5 - (53,0) Ma cho sự phân chia giữa nhánh Ambavioid (nhánh chứa chi Ambavia và 8 chi khác) và phần còn do Erkens và ctv. (2009) đề xuất, hay trong khoảng 84,4 - 63,6 Ma. Bản thân nhóm chỏm cây của nhánh Ambavioid đã đa dạng hóa có lẽ khoảng (80,9) - 57,0 - (52,3) Ma hay (78) - 69,4 - (60,2) Ma. Chi Futabanthus, dựa trên các hoa hóa thạch từ cuối kỷ Phấn trắng (đầu tầng Cognac, khoảng 89 Ma) ở Nhật Bản, có lẽ cũng có thể gán vào nhánh này. J. A. Doyle và ctv. (2004) , Richardson và ctv. (2004), Couvreur và ctv. (2011a) và các tác giả khác thảo luận về địa sinh học lịch sử và sự đa dạng của họ này. Nút thân cây của các nhánh phân nhánh dài (LBC) và phân nhánh ngắn (SBC) có thể có niên đại tới 70-65 Ma còn nút chỏm cây tới 66,7-56,6 ± 2,3 Ma ([78,08-]67,33[-55,22] Ma - xem thêm Su & Saunders (2009); Couvreur và ctv. (2011a) để có các ước tính cho điều này và các khoảng thời gian phân kỳ các nhánh lớn khác). Trong bất kỳ trường hợp nào, phần lớn sự rẽ nhánh chủ yếu là sau sự chia tách của các đại lục và trong kỷ đệ Tam. Couvreur và ctv. (2011a) làm rõ sự tương phản trong các mô hình đa dạng hóa của nhánh phân cành dài và phân cành ngắn, với nhánh phân cành dài bắt đầu đa dạng khoảng 66 Ma còn nhánh phân cành ngắn thì muộn hơn nhiều, khoảng 33 Ma; nhánh đầu có sự đa dạng lớn hơn, gấp khoảng 2 lần nhánh thứ hai về số lượng loài, ngay cả khi điều khá nghịch lý là nhánh thứ hai có thể có tốc độ đa dạng hóa cao hơn - nếu như điều đó xảy ra (xem Couvreur và ctv. (2011a) để có các ước tính khác về niên đại của các nhánh này, một số trong đó không chỉ ra khoảng trống rõ ràng như vậy trong sự bắt đầu sự đa dạng hóa của chúng). Su và Saunders (2009) đưa ra các niên đại cho các chia tách bổ sung trong họ, tập trung vào Pseuduvaria. Chi lớn ở Tân thế giới là Guatteria đã trải qua sự đa dạng hóa lớn tại khu vực Amazon ở Nam Mỹ có lẽ khoảng 8,8-4,9 Ma, đã di chuyển tới Nam Mỹ từ Trung Mỹ, có lẽ là từ châu Phi thông qua châu Âu. Trồng và sử dụng Quả lớn, có nhiều thịt của một số loài là ăn được, bao gồm các loài của chi Annona (na, na Nam Mỹ, mãng cầu xiêm) hay chi Asimina (đu đủ Mỹ - không nhầm với quả đu đủ thật với danh pháp khoa học Carica papaya) hoặc chi Rollinia. Các chi khác với tên gọi thông thường: Artabotrys - dây công chúa hay dây móng rồng. Cananga - hoàng lan hay ngọc lan hoặc ylang ylang. Deeringothamnus - giả đu đủ Mỹ Guatteria - haya minga, haya blanca Oxandra - blacklancewood, haya Rollinia - na dại Stelechocarpus - kepel Bên cạnh đó, một số loài như hoàng lan (Cananga odorata) còn chứa tinh dầu thơm và được sử dụng trong sản xuất nước hoa hay đồ gia vị. Các loài cây thân gỗ còn dùng làm củi. Vỏ cây, lá và rễ của một số loài được sử dụng trong y học dân tộc. Bên cạnh đó, các nghiên cứu dược lý đã tìm thấy khả năng kháng nấm, kháng khuẩn và đặc biệt là khả năng sử dụng trong hóa học trị liệu của một số thành phần hóa học của lá và vỏ cây. Một số loài được trồng làm cây cảnh, đặc biệt là Polyalthia longifolia pendula. Phân loại Phân loại thành các phân họ và tông như dưới đây là lấy theo Xing Guo et al. (2017) Phân họ Anaxagoreoideae Anaxagorea (bao gồm cả Eburopetalum, Pleuripetalum, Rhopalocarpus): 25-30 loài. Phân họ Ambavioideae = Ambavoid: 9 chi, 57 loài Ambavia: 2 loài. Cananga (bao gồm cả Canangium, Fitzgeraldia): 2 loài. Cleistopholis: 4 loài. Cyathocalyx (bao gồm cả Soala): 8 loài. Drepananthus: 27 loài. Lettowianthus: 1 loài. Meiocarpidium: 1 loài. Mezzettia (bao gồm cả Lonchomera): 4 loài. Tetrameranthus: 7 loài Annonoideae = Nhánh phân nhánh dài (LBC): 1.515 loài. Tông Bocageeae (7 chi Tân thế giới): 61 loài. Bocagea: 2 loài. Cardiopetalum (bao gồm cả Stormia): 3 loài. Cymbopetalum: 27 loài. Froesiodendron: 3 loài. Hornschuchia (bao gồm cả Mosenodendron): 10 loài. Mkilua: 1 loài. Porcelia: 7 loài. Trigynaea (bao gồm cả Trigyneia): 8 loài. Tông Guatterieae Guatteria (bao gồm cả Aberemoa, Cananga Aubl, Guatteriella, Guatteriopsis, Heteropetalum): 177 loài. Tông Xylopieae: 269 loài. Artabotrys (bao gồm cả Ropalopetalum): 105 loài. Xylopia (bao gồm cả Coelocline, Habzelia, Parabotrys, Parartabotrys, Patonia, Pseudannona, Unona, Xylopiastrum, Xylopicron, Xylopicrum): 164 loài. Tông Duguetieae: 101 loài. Duckeanthus: 1 loài. Duguetia (bao gồm cả Alcmene, Geanthemum, Pachypodanthium): 95 loài. Fusaea: 3 loài. Letestudoxa: 3 loài. Pseudartabotrys: 1 loài. Tông Annoneae: 345 loài. Annona (bao gồm cả Guanabanus, Raimondia, Rollinia, Rolliniopsis): 170 loài na, mãng cầu. Anonidium: 5 loài. Asimina (bao gồm cả Asimia, Orchidocarpum, Pityothamnus, Deeringothamnus): 17 loài. Diclinanona: 3 loài. Disepalum (bao gồm cả Enicosanthellum): 9 loài. Goniothalamus (bao gồm cả Atrutegia, Beccariodendron, Richella): 134 loài. Neostenanthera (bao gồm cả Stenanthera, Boutiquea): 6 loài. Tông Monodoreae: 86 loài. Asteranthe (bao gồm cả Asteranthopsis): 3 loài. Hexalobus: 5 loài. Isolona: 20 loài. Mischogyne: 2 loài. Monocyclanthus: 1 loài. Monodora: 14 loài. Ophrypetalum: 1 loài. Sanrafaelia: 1 loài. Uvariastrum: 5 loài. Uvariodendron: 15 loài. Uvariopsis (bao gồm cả Dennettia, Tetrastemma, Thonnera): 19 loài. Tông Uvarieae: 474 loài. Afroguatteria: 3 loài. Cleistochlamys: 1 loài. Dasymaschalon: 27 loài. Desmos: 22 loài. Dielsiothamnus: 1 loài. Fissistigma (bao gồm cả Melodorum (Dunal) Hook. f. & Thomson): 59 loài. Friesodielsia (bao gồm cả Oxymitra): 38 loài. Melodorum: 11 loài. Mitrella (bao gồm cả Schnittspahnia): 8 loài. Monanthotaxis (bao gồm cả Atopostema, Clathrospermum, Enneastemon, Exellia, Gilbertiella và Friesodielsia): 94 loài. Pyramidanthe: 1 loài. Schefferomitra: 1 loài. Sphaerocoryne: 7 loài vú bò. Toussaintia: 4 loài. Uvaria (bao gồm cả Armenteria, Marenteria, Naruma, Pyragma, Uva, Uvariella, Waria, Anomianthus (nhị tuyến, dũ dẻ trâu), Balonga, Cyathostemma (bao gồm cả Tetrapetalum), Dasoclema, Ellipeia, Ellipeiopsis, Rauwenhoffia): 199 loài. Phân họ Malmeoideae = Nhánh phân nhánh ngắn (SBC): 783 loài. Papualthia ? Tông Piptostigmateae: 35 loài. Annickia (bao gồm cả Enantia): 8 loài. Greenwayodendron: 2 loài. Mwasumbia: 1 loài. Piptostigma: 13 loài. Brieya: 2 loài. Polyceratocarpus (bao gồm cả Alphonseopsis, Dielsina): 10 loài. Sirdavidia: 1 loài. Tông Malmeeae: 187 loài. Bocageopsis: 4 loài. Cremastosperma: 34 loài. Ephedranthus: 7 loài. Klarobelia: 13 loài. Malmea: 7 loài. Mosannona: 14 loài. Onychopetalum: 2 loài. Oxandra: 27-28 loài. Pseudephedranthus: 2 loài. Pseudomalmea: 4 loài. Pseudoxandra: 24 loài. Ruizodendron: 1 loài. Unonopsis: 48 loài. Tông Maasieae Maasia: 6 loài. Tông Fenerivieae Fenerivia: 10 loài. Tông Phoenicantheae Phoenicanthus: 2 loài. Tông Dendrokingstonieae Dendrokingstonia (bao gồm cả Kingstonia): 3 loài. Tông Monocarpieae Monocarpia: 4 loài. Tông Miliuseae: 556 loài. Alphonsea: 29 loài. Desmopsis: 14 loài. Huberantha: 27 loài. Marsypopetalum: 6 loài. Meiogyne (bao gồm cả Ancana, Ararocarpus, Chieniodendron, Guamia, Oncodostigma, Polyaulax, Fitzalania và một số loài Polyanthia từ Fiji): 26 loài. Miliusa (bao gồm cả Hyalostemma, Saccopetalum): 60 loài. Mitrephora (bao gồm cả Kinginda): 49 loài. Monoon (bao gồm cả Enicosanthum (gộp cả Griffithia, Griffithianthus, Henicosanthum, Marcuccia, Cleistopetalum) và Woodiellantha (gộp cả Woodiella)): 60 loài. Neo-uvaria: 7 loài. Orophea (bao gồm cả Mezzettiopsis): 57 loài. Phaeanthus: 8 loài. Platymitra (bao gồm cả Macania): 2 loài. Polyalthia (bao gồm cả Haplostichanthus, Sphaerothalamus): 86 loài. Popowia: 29 loài. Pseuduvaria (bao gồm cả Petalolophus, Craibella, Oreomitra): 54 loài. Sageraea: 9 loài. Sapranthus: 8 loài. Stelechocarpus: 1-3 loài (khi gộp cả chi Winitia). Stenanona (bao gồm cả Reedrollinsia): 16 loài. Tridimeris: 2 loài. Trivalvaria: 8 loài. Wangia: 2 loài. Winitia: 2 loài. Wuodendron: 1 loài. Phát sinh chủng loài Cây phát sinh chủng loài giản lược dưới đây vẽ theo Richardson và ctv (2004): Cây chi tiết đến cấp tông lấy theo Xing Guo et al. (2017) Chú thích
Họ Nhục đậu khấu (hay còn gọi là họ Máu chó, danh pháp khoa học: Myristicaceae) là một họ thực vật có hoa trong bộ Mộc lan (Magnoliales), bao gồm khoảng 20-21 chi và khoảng 475 loài, bao gồm các loại cây bụi và cây thân gỗ. Họ này phân bổ khắp vùng nhiệt đới. Một chi là chi Myristica, tức nhục đậu khấu, có giá trị thương mại như là một mặt hàng gia vị. Các chi Bicuiba: 1 loài, Brazil. Coelocaryon: 3-7 loài, nhiệt đới châu Phi Compsoneura: Khoảng 17 loài, châu Mỹ Endocomia: 4 loài, từ Hoa Nam tới New Guinea Gymnacranthera: Khoảng 7 loài, châu Á Haematodendron: 1 loài, Madagascar Horsfieldia: Khoảng 100 loài săng máu, châu Á Iryanthera: Khoảng 20 loài, châu Mỹ Knema: Khoảng 95 loài máu chó, như máu chó Bắc Bộ (Knema tonkinensis), châu Á. Myristica: Khoảng 175 loài nhục đậu khấu, châu Á Osteophloeum: 1 loài, Nam Mỹ Otoba (bao gồm cả Dialyanthera): Khoảng 8 loài, châu Mỹ Paramyristica: 1 loài, New Guinea Pycnanthus: 3-6 loài, nhiệt đới châu Phi Scyphocephalium (bao gồm cả Ochocoa): 3-4 loài, nhiệt đới châu Phi Virola: Khoảng 60 loài, Nam Mỹ Nhánh Mauloutchioid Brochoneura: 5 loài, Madagascar Staudtia: nhiệt đới châu Phi Cephalosphaera: 1 loài, Tanzania. Doyleanthus: 1 loài, Madagascar Maloutchia (bao gồm cả Maloutchia): Khoảng 10 loài, Madagascar Phát sinh chủng loài Các mối quan hệ trong phạm vi họ này vẫn chưa rõ ràng. Các đơn vị phân loại thuộc về châu Phi đại lục và Madagascar có thể tạo thành một nhánh, có lẽ có quan hệ chị em với Compsoneura (nhưng có lẽ là do hấp dẫn nhánh dài), về tổng thể, địa sinh học và các mối quan hệ có thể khái quát hóa như sau các đơn vị phân loại châu Á + các đơn vị phân loại châu Mỹ các đơn vị phân loại Madagascar và châu Phi đại lục. Trong phạm vi các thành viên thuộc nhánh châu Á/Malesia thì Knema và Myristica có thể là các đơn vị phân loại chị-em. Một số tác giả đề xuất rằng các nhị hoa rời (ở một số loài thì nhị hoa nhiều và dường như xếp thành vòng xoắn) và áo hạt nhỏ của Mauloutchia, dường như là các đặc trưng trạng thái tổ tiên (plesiomorph), thì trên thực tế có thể là các trạng thái phái sinh. Trong phân tích của Sauquet và ctv (2003) thì nhánh Mauloutchioid bao gồm các chi ở Madagascar (Malagasy) là Brochoneura, Doyleanthus và Mauloutchia) cùng chi đơn loài ở Tanzania là Cephalosphaera. Ngoài ra, chi đơn loài Staudtia, một chi phân bố rộng tại miền trung và miền tây vùng nhiệt đới châu Phi, là gắn với nhánh này, với vị trí là nhóm chị-em với nhánh chứa 4 chi Brochoneura, Mauloutchia, Cephalosphaera và Doyleanthus, trong đó Brochoneura và Mauloutchia là chị-em với nhau. Ngoài nhánh mauloutchioid, quan hệ giữa các chi còn lại lại thay đổi đáng kể trong các phân tích khác nhau và hiện tại chỉ được dung giải khá tệ. Hai chi Coelocaryon và Pycnanthus (cả hai đều sinh sống tại trung và tây khu vực nhiệt đới châu Phi) có quan hệ chị-em. Chi Otoba sinh sống ở châu Mỹ có thể có quan hệ chị-em với nhánh chứa 2 chi này, và chúng hợp thành một nhánh có quan hệ chị-em với nhánh mauloutchioid. Quan hệ chị-em giữa 2 chi sinh sống ở châu Á là Knema và Myristica được hỗ trợ bởi các dữ liệu phân tử, nhưng lại không khi xem xét bằng các dữ liệu hình thái hay dữ liệu kết hợp toàn phần, do sự xen vào của các chi bổ sung không lấy mẫu trong bộ dữ liệu phân tử. Hai chi Haematodendron (Madagascar) và Scyphocephalium (châu Phi) xen lẫn vào với các chi châu Mỹ và châu Á. Ghi chú